Ngày 21-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Tâm Chúa chan chứa yêu thương
Lm. Nguyễn Xuân Trường
01:49 21/06/2020

Trái tim phập phồng bơm máu đem sự sống. Trái tim lúc lắc những nhịp đập yêu thương. Vì thế, trái tim cực thánh Chúa Giêsu là hình ảnh sống động và chính xác nhất để diễn tả Thiên Chúa là cội nguồn tình yêu và sự sống. Thánh Tâm Chúa diễn tả tình yêu vô điều kiện, đem sự sống, và chung vai gánh nỗi đau.

1. Yêu vô điều kiện. Con người yêu nhau thường là có điều kiện, bởi vì một điều gì đó, đại loại như: Anh yêu em vì em xinh đẹp duyên dáng. Em yêu anh vì anh giàu có to cao… Còn Chúa yêu con người thì vô điều kiện, mặc dù con người tội lỗi, Chúa vẫn cứ yêu; Mặc dù con người bé mọn, Chúa vẫn cứ thương. Chúa yêu vô điều kiện, nên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu.

2. Yêu đem sự sống. Chúa yêu trao ban sự sống khi sáng tạo vũ trụ. Chúa yêu đến độ hiến ban mạng sống để nhân loại được hưởng ơn cứu độ và sự sống đời đời. Thế nên, nhân loại đánh mất tình yêu khi vì lợi ích kinh tế mà hủy diệt môi trường sống; vợ chồng đánh mất tình yêu khi nhân danh hạnh phúc bản thân mà loại bỏ sự sống của những thai nhi; nhà lãnh đạo đánh mất tình yêu khi vì quyền lợi mà hạn chế hay tước đoạt những quyền chính đáng làm phong phú sự sống con người.

3. Yêu gánh nỗi đau. Chúa yêu Chúa gánh lấy nỗi đau để nhân loại vơi bớt gánh nặng nề cực nhọc để được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Chúa yêu Chúa tự nguyện gánh tội trần gian để nhân loại thoát gánh khổ lụy. Thật vậy, khi yêu người ta đau nỗi đau của nhau, cùng chung vai gánh sức cho đời vơi bớt niềm đau. Thế nên, người ta cũng thường nói: trong gian nan hoạn nạn mới biết ai là bạn hiền. Yêu là cùng nhau chịu đau khổ chứ không phải là làm khổ nhau!

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin cho chúng con ở lại trong tình yêu Chúa, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa chan chứa yêu thương. Amen.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tường thuật chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Đức
Đặng Tự Do
05:51 21/06/2020
Chiều thứ Bẩy 20 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm phần mộ của gia đình và ngôi nhà cũ của ngài tại Pentling.

Giáo phận yêu cầu công chúng tôn trọng sự riêng tư của hai anh em trong suốt chuyến thăm. Cho nên, không có phóng viên nào được đến gần quay phim chụp hình.

Theo một tuyên bố ngày thứ Bẩy 20 tháng 6 từ Giáo Phận Regensburg, Đức Bênêđíctô đã đến thăm nơi ngài từng sống với tư cách là “Giáo sư Ratzinger” từ năm 1970 đến 1977.

Lần cuối cùng ngài nhìn thấy ngôi nhà này là trong chuyến tông du năm 2006 đến Bavaria. Pentling là một khu ngoại ô nằm ngay bên ngoài thành phố Regensburg.

Giáo phận cho biết Đức Bênêđíctô XVI sau đó đã đến thăm nghĩa trang Ziegetsdorf và dành thời gian cầu nguyện tại mộ phần của cha mẹ và chị gái.

Đức Bênêđíctô đã ở Regensburg kể từ ngày 18 tháng 6. Ngài bay từ Rôma đến thành phố này để gặp anh trai 96 tuổi của mình, là Đức Ông Georg Ratzinger, đang trong tình trạng sức khỏe yếu đi một cách nghiêm trọng.

Phụ thân của Đức Bênêđíctô qua đời năm 1959 và mẫu thân qua đời 4 năm sau đó, vào năm 1963. Chị gái Maria, không bao giờ kết hôn, đã quản lý gia đình cho đến khi bà qua đời năm 1991.

Tin tức về chuyến thăm của Đức Bênêđíctô XVI tại Đức đã được loan báo vào sáng ngày 18 tháng Sáu.

Ngay khi đến Regensburg vào khoảng trưa ngày thứ Năm, Đức Bênêđíctô đã đến gặp anh trai mình. Trái với các tin tức ban đầu về tình trạng nguy kịch của Đức Ông Georg Ratzinger, ngài đau yếu nhưng vẫn còn đủ sức để cùng đồng tế thánh lễ tại ngôi nhà ở Regensburg. Đức Bênêđíctô, sau đó, đã đến chủng viện giáo phận vào buổi chiều để nghỉ ngơi. Vào buổi tối, ngài trở lại để gặp anh trai mình.

Vào ngày thứ Sáu 19 tháng 6, hai anh em cùng nhau cử hành lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Giáo phận Regensburg cho biết thêm: Buổi sáng đầu tiên ở quê hương cũ, một bữa điểm tâm chính thống của người Bavaria đã chờ đợi Đức Giáo Hoàng danh dự trong chủng viện. Có cả bánh Pretzel là một loại bánh quy, mà Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đi cùng, rất hài lòng.

Giáo phận Regensburg nói thêm rằng sau Thánh lễ, bánh táo, một loại bánh ngọt phổ biến ở Bavaria và Áo, đã được dọn lên.

Người ta tin rằng đây là chuyến đi đầu tiên của Đức Bênêđíctô, bên ngoài nước Ý kể từ khi ngài thoái vị vào năm 2013.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ Thần Tòa Thánh ở Đức, đã gặp Đức Bênêđíctô tại Regensburg vào sáng Thứ Bảy. Vào sáng Chúa Nhật tại Nhà thờ Regensburg, Đức Tổng Giám Mục Eterović nói rằng thật vinh dự cho ngài được chào đón vị giáo hoàng đã nghỉ hưu ở Đức một lần nữa, ngay cả trong hoàn cảnh gia đình khó khăn này.

Đức Bênêđíctô sẽ bay trở về Rôma vào ngày thứ Hai 22 tháng Sáu. Chi tiết này cho thấy tình trạng Đức Ông Georg Ratzinger không đến nỗi bi đát.


Source:Catholic News Agency
 
Người Công Giáo có nên ủng hộ phong trào Black Lives Matter hay không?
Đặng Tự Do
05:56 21/06/2020
Các nhà lãnh đạo Công Giáo nói rằng Giáo hội có một vai trò quan trọng trong hoạt động cho công lý chủng tộc, nhưng việc phản đối bất công không mặc nhiên đồng thuận với các quan điểm của những tổ chức Black Lives Matter, nghĩa là Mạng Sống Người Da Đen Đáng Giá, gọi tắt là BLM.

Các cụm từ “BlackLivesMatter” bắt đầu xuất hiện trên các phương tiện truyền thông xã hội sau cái chết của Trayvon Martin vào năm 2012, và phong trào này bùng nổ lớn trong bối cảnh các cuộc biểu tình và bạo loạn ở Ferguson, Missouri vào năm 2014 sau vụ một viên chức cảnh sát giết chết một người đàn ông da đen trẻ tuổi, tên là Michael Brown.

BLM đã trở thành tiếng kêu tập hợp cho một phong trào xã hội rộng lớn. Nhưng cũng có những tổ chức cụ thể lấy tên “Black Lives Matter”. Lớn nhất và được tài trợ dồi dào nhất trong các nhóm Black Lives Matter là tổ chức Black Lives Matter Global Network Foundation, trong đó có một mạng lưới các chi nhánh địa phương trên khắp nước Mỹ và ở các nước khác, và điều hành trang web blacklivesmatter.com.

Black Lives Matter Global Network Foundation thúc đẩy hệ tư tưởng đồng tính và phản đối cơ cấu gia đình truyền thống.

Mục tiêu nền tảng của nhóm này được đăng trên trang trang web của họ là “hủy bỏ đặc quyền liên quan đến phái tính, ” và “ phá vỡ cấu trúc gia đình được hình thành ở phương Tây”.

Trang web nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi nuôi dưỡng một mạng lưới đồng tính luyến ái tích cực. Khi chúng tôi tập hợp lại với nhau, chúng tôi làm như vậy với mục đích giải phóng chính mình khỏi sự kềm kẹp trong lề lối tư duy lưỡng tính.”

Ít nhất một chi nhánh Black Lives Matter đã kết hợp các nghi thức tâm linh vào các cuộc biểu tình. Các nghi thức này được rút ra từ các tôn giáo thờ vật linh bằng cách kêu gọi những tổ tiên quá cố và chuốc rượu cho họ trong khi cầu nguyện. Các nhà lãnh đạo của Black Lives Matter ở Los Angeles khẳng định rằng những nỗ lực của họ vượt xa một phong trào bình đẳng chủng tộc, và là một “phong trào chú trọng về tinh thần.”

Các tổ chức khác cũng sử dụng cụm từ “Black Lives Matter” với các chương trình nghị sự và các mục tiêu khác nhau. Nhưng Black Lives Matter Global Network Foundation thường có mối tương quan trực tiếp với các nhóm BLM và các chi nhánh của nó thường tổ chức các cuộc biểu tình tại địa phương.

Thầy Phó Tế Harold Burke-Sivers, một phó tế Công Giáo da đen của Giáo phận Portland, Oregon, tác giả và đồng chủ trì chương trình phát thanh Morning Glory của EWTN cho biết nên có sự phân biệt giữa các tổ chức BLM và phong trào xã hội rộng lớn hơn.

“Tuần hành để phản đối tình trạng người da đen bị đối xử không công bằng là tốt.”

Tuy nhiên, các chính sách do các tổ chức BLM về gia đình và tính dục thực tế là “một chương trình nghị sự nữ quyền quá khích cải trang thành một phong trào BLM, ” ông nói.

“Không người Công Giáo nào có thể hỗ trợ các tổ chức BLM, ” ông nói thêm.

Burke-Sivers khuyến khích người Công Giáo hành động vì công lý chủng tộc, nhưng trước tiên hãy cầu nguyện.

“Hãy sống xứng đáng cuộc sống mà Thiên Chúa đã ban cho chúng ta trong các bí tích, và trở thành người đứng đầu và là các bàn tay, khuôn mặt và trái tim của Chúa Giêsu đầy Lòng Thương Xót trên thế giới, ” thầy Phó Tế nói.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha kêu gọi chăm sóc cho người tị nạn và cho trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.
Thanh Quảng sdb
06:01 21/06/2020
Đức Thánh Cha kêu gọi chăm sóc cho người tị nạn và cho trái đất, ngôi nhà chung của chúng ta.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho hay cơn đại dịch coronavirus giúp chúng ta ý thức hơn về nhu cầu bảo vệ người tị nạn và chăm sóc cho môi trường.

(Tin Vatican)

Phát biểu trước những người hành hương qui tụ ở Quảng trường Thánh Phêrô để đọc kinh “Truyền Tin”, Đức Thánh Cha mời gọi tất cả hãy nâng đỡ những người di tản nhân ngày Tỵ Nạn Thế giới được ghi nhớ vào Thứ Bảy vừa qua.

Đức Thánh Cha mời gọi tất cả chúng ta, hãy bênh vực và giúp đỡ những người tỵ nạn, vì hoàn cảnh nguy hiểm nên họ phải bỏ quê làng mà chạy trốn.

Nhìn vào thống kê cho thấy có gần 80 triệu người di cư trên khắp thế giới, một con số cao nhất chưa từng được ghi nhận.

Quan tâm đến môi trường

Đức Thánh Cha Phanxicô nói tiếp về một khía cạnh khác mà đại dịch đã khiến chúng ta phải lưu ý là mối quan hệ giữa con người và môi trường.

Việc cách ly đã giúp giảm bớt ô nhiễm và nạn kẹt xe, Đức Thánh Cha tiếp tục mời gọi tất cả hãy chú tâm vào các hoạt động và trách nhiệm chăm sóc cho ngôi nhà chung của chúng ta.

Các quốc gia trên thế giới đang dần dỡ bỏ các giới hạn cách ly khi cao điểm của cơn đại dịch và sự lây lan được khống chế. Việc nới lỏng đang vực dậy các nền kinh tế, nạn thất nghiệp và nghèo đói.

Đức Thánh Cha đánh giá cao trước nhiều sáng kiến nơi tha nhân khắp nơi trên toàn thế giới và ngài bày tỏ nỗi niềm hy vọng có thể nuôi dưỡng một nhận thức mưu ích chung cho công ích.

Kính nhớ Thánh Aactsius Gonzaga

Đức Thánh Cha kết thúc cuộc triều yết bằng cám ơn mọi người có mặt để cầu nguyện chung với ngài tại Quảng trường thánh Phêrô hôm nay. Các khách hành hương đến từ các nơi ở Ý và từ một số nước khác nữa.

ĐTC nói tại Argentina và Châu Mỹ, Chúa nhật hôm nay là Ngày Hiền Phụ, nên ĐTC cầu chúc cho tất cả những ai đang làm cha, vì đây "không phải là một công việc dễ dàng!"

Sau đó, ĐTC mời các bạn trẻ hướng về thánh Aactsius Gonzaga, một vị thánh trẻ, tha thiết yêu Chúa và yêu anh chị em của mình, ngài qua đời ở Rome vì chăm sóc cho các nạn nhân của cơn dịch hạch!

Thánh Aactsius Gonzaga là một linh mục Dòng Tên sống vào thế kỷ 16; chết ở tuổi 23, sau khi bị nhiễm bệnh vì chăm sóc cho các bệnh nhân của cơn dịch hạch ở Rome. Ngài được Đức Thánh Cha Benedict XVIII đặt làm người bảo trợ cho giới trẻ vào năm 1792, một danh xưng được đã Đức Thánh Cha Piô XI tái xác quyết lại vào năm 1926.
 
Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI trở lại Vatican vào ngày thứ Hai 22.6.2020
Lm. Nguyễn Tất Thắng OP
15:25 21/06/2020
Sau khi bàn thảo với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI 93 tuổi quyết định đi thãm bào huynh ngài là Đức ông Georg 96 tuổi đang bệnh nặng tại Regensburg nước Đức. Ngài đến Munich lúc 11.45 ngày 18.6. Đây là chuyến đi ngoài Italy kể từ khi ngài từ chức vào năm 2013. Ngày 11.2.2013, Giáo Hoàng Biển Đức XVI tuyên bố sẽ từ chức Giám mục Rôma và Chủ chăn Giáo Hội Công Giáo hoàn vũ, sẽ hiệu lực kể từ ngày 28 tháng 2 năm 2013. Theo thông cáo chính thức, Giáo Hoàng từ nhiệm với lý do tuổi cao và sức khỏe sa sút.

Trong thông báo ngày 18.6, ĐGM Georg Bätzing, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức đã chào đón Nguyên Giáo Hoàng Biện Đức với niềm vui lớn lao, nhận định rằng việc ngài trở lại quê hương vì hoàn cảnh đau buồn. “Nguyên Giáo Hoàng muốn gần gũi với bào huynh ngài là Đức ông Georg Ratzinger suy yếu sức khỏe. Có lẽ đây là lần cuối cùng hai anh em George và Joseph Ratzinger gặp nhau trên đời” “Từ đáy lòng của tôi, tôi ước mong Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI có thời gian tốt ở Đức và nghỉ ngơi cần thiết để chăm sóc bào huynh cách riêng. Tôi cầu nguyện cho thời gian ngài ở lại và hành trình của bào huynh ngài là Georg”

Ngày 20 tháng 6, hai vị đã cùng cử hành Thánh lễ. Sau đó, Nguyên Giáo Hoàng đã tiếp Khâm sứ Tòa thánh tại Đức. Ngài cũng đến thảm căn nhà ngài đã sống trong thời gian dậy học từ năm 1970 đến 1977 và dành thời gian cầu nguyện tại nghĩa trang Ziegetsdorf, nơi cha mẹ ngài được chôn táng.

Sau 4 ngày thăm bào huynh bệnh nặng, Nguyên Giáo Hoàng Biển Đức XVI sẽ trở lại Vatican vào thứ Hai 22.6.2020. Phòng Báo chí Tòa thánh đã xác nhận chuyến trở lại của ngài sau chuyến thăm 4 ngày với anh tại giường bệnh. Hôm nay là ngày cuối cùng tại quê hương của ngài, Biển Đức XVI dành thời gian với bào huynh.

Lm. Nguyễn Tất Thắng OP

 
Buổi tiếp kiến đầu tiên của Đức Thánh Cha sau đại dịch coronavirus kinh hoàng
Đặng Tự Do
17:25 21/06/2020

“Trong giai đoạn theo sau đại dịch coronavirus, mọi người nên nhớ rằng chúng ta được tạo ra để hiệp thông với người khác và với Thiên Chúa, ” Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lập trường trên hôm thứ Bảy 20 tháng 6, trong cuộc tiếp kiến đầu tiên sau đại dịch coronavirus.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Bây giờ hơn bao giờ hết, yêu sách tập trung mọi thứ vào bản thân chúng ta chỉ là ảo tưởng – việc biến chủ nghĩa cá nhân thành nguyên tắc chỉ đạo của xã hội đã được chứng minh chỉ là một ảo tưởng”.

Trong bài phát biểu trước các nhân viên y tế và cấp cứu từ miền bắc Italia - là phần của nước Ý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo rằng sau đại dịch, người ta sẽ dễ dàng rơi vào ảo ảnh này.

“Thật dễ dàng để nhanh chóng quên rằng chúng ta cần đến những người khác, cần đến ai đó chăm sóc chúng ta, ai đó mang lại cho chúng ta sự can đảm. Chúng ta sẽ sớm quên rằng tất cả chúng ta đều cần một người Cha chìa tay ra cho chúng ta.”

“Cầu nguyện với Chúa là Cha, cầu khẩn Ngài, không phải là ảo tưởng, nhưng ảo tưởng chính là chúng ta nghĩ rằng mình không cần phải làm như thế!”

“Cầu nguyện là linh hồn của niềm hy vọng, ” ngài nói thêm.

Theo Đức Thánh Cha, sau thảm kịch COVID-19, người Công Giáo phải nhìn về tương lai với cam kết xây dựng lại trên nền tảng của tình yêu.

“Như thế, chúng ta mới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này về mặt tinh thần và đạo đức mạnh mẽ hơn; và điều này phụ thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ có một mình mà còn có ân sủng của Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với nhóm bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, giáo sĩ, chính quyền dân sự và đại diện của các đơn vị quân đội đang phục vụ tại miền núi Bologna của Ý trong một buổi tiếp kiến tại Vatican.

Cũng có mặt trong cuộc họp là các linh mục và những người nam nữ tận hiến từ Bắc Ý, và đại diện của Bệnh viện Spallanzani tại Rôma, nơi các bệnh nhân COVID-19 vẫn đang được điều trị.

“Trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác đã là một dấu chỉ rõ ràng của tình nhân loại làm ấm lòng mọi người, ” Đức Thánh Cha nói.

Ngài cảm ơn họ vì nhiều hy sinh và cả sự hy sinh của gia đình họ trong suốt thời gian đại dịch.

Đức Phanxicô cũng lưu ý rằng vì công việc của họ, nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh hay thậm chí đã chết. Chúng ta nhớ đến họ trong lời cầu nguyện và với lòng biết ơn.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ đến các linh mục đã chết trong cuộc khủng hoảng kinh hoàng này và ca ngợi sự sáng tạo của các linh mục đã tìm mọi cách để gần gũi với cộng đồng đức tin của mình khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự không được phép.

“Sự nhiệt thành mục vụ và sự quan tâm sáng tạo của các linh mục đã giúp mọi người tiếp tục con đường đức tin và không phải cô đơn khi đối mặt với nỗi đau và sự sợ hãi, ” ngài nói.


Source:Catholic News Agency

 
Cả hai bố con chịu chức phó tế
Thanh Quảng sdb
18:39 21/06/2020
Cả hai bố con chịu chức phó tế
Cả hai bố con chịu chức phó tế

Cả hai bố con ông Stan Upah được thụ phong phó tế tại Nhà thờ thánh Patrick ở Tama, Iowa vào năm 2017; ông bố chịu chức phó tế vĩnh viễn, còn người con chịu chức phó tế trong tiến trình tới chức linh mục thừa tác.

Một năm sau, năm 2018, Thầy phó tế vĩnh viễn Stan Upah làm phó tế trong cả Thánh lễ truyền chức linh mục và thánh lễ mở tay cho Cha Andy Upah là con trai của ông, tại giáo xứ nguyên quán của họ.
Thầy phó tế vĩnh viễn Stan Upah làm phó tế trong cả Thánh lễ truyền chức linh mục và thánh lễ mở tay cho Cha Andy Upah là con trai

Cả hai đã đeo đuổi con đường ơn gọi phục vụ Giáo hội. Linh mục Upah, là cha xứ Nhà thờ Chúa giáng sinh ở Dubuque, Iowa chia sẻ trong cuộc sống, cha thường nghe người ta nói với ba của ngài rằng ông nên đi học làm một phó tế… và ba tôi đã âm thầm sửa soạn cho ơn gọi đó.

Thầy phó tế vĩnh viễn Stan Upah cũng chia sẻ tôi đã dấn thân vào việc học thần học, nhưng chưa bao giờ nói với con tôi ước muốn đó, vì tôi không muốn quyết định của tôi làm ảnh hưởng đến ơn gọi của con tôi.

Thật vậy, bố là một phó tế vĩnh viễn và con là một linh mục là một trường hợp của một cuộc hành trình tâm linh khá đặc biệt.

Được biết ở Hoa kỳ và nhiều nơi trên thế giới ngày nay, trong Giáo hội có nhiều phó tế vĩnh viễn vẫn sống cuộc sống gia đình, nhưng làm việc cho Giáo hội… Nhưng trường hợp cả hai bố con, bố là phó tế vĩnh viễn và con là linh mục thì tương đối hiếm có!
 
Một nữ tu bị sát tế cho Satan được tuyên dương tử đạo
Thanh Quảng sdb
20:10 21/06/2020
Một nữ tu bị sát tế cho Satan được tuyên dương tử đạo



Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên dương Nữ tu Mainetti bị giết trong nghi thức sát tế cho Satan như là một vị tử đạo.

Năm 2008, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã tán dương Sơ Mainetti, là một người đã "cống hiến đời sơ, hy sinh mạng sống mình để cầu nguyện cho những người giết hại sơ."

(CNA - Hannah Brockhaus)

Vatican: Đức Thánh Cha Phanxicô đã nhìn nhận vào hôm thứ Sáu (19/6/2020) rằng sơ Maria Laura Mainetti, người Ý đã bị ba thiếu nữ giết chết trong một nghi thức thờ Satan, là một vị tử đạo vì đức tin Công Giáo.

Sơ Mainetti thuộc dòng Mến Thánh Giá, 60 tuổi đã bị ba cô thiếu nữ đâm chết vào năm 2000 tại một công viên ở Chiavenna, Ý.

Những kẻ giết sơ Mainetti đã bị kết án tù.

Ba thiếu nữ này quen biết sơ vì được sơ dạy giáo lý. Họ mời sơ đến công viên bằng cách thuyết phục sơ rằng một trong ba người họ cần được tâm sự với sơ, vì cô ấy bị hãm hiếp, có thai và đang phân vân có nên phá thai không!

Ban đầu, ba cô ấy cho rằng vụ giết người này là "vì một trò chơi", nhưng sau đó, họ thú nhận là họ giết sơ để tế lễ cho ma quỷ.

Trong công viên, vào tối ngày 6 tháng 6 năm 2000, ba cô gái đã bắt sơ Mainetti quỳ gối và la hét chửi bới sơ, một cô khác cầm viên gạch đập sơ và một cô khác liên tục đập đầu sơ vào bức tường.

Rồi với con dao, họ thay phiên nhau đâm sơ Mainetti tất cả 19 lần. Theo báo chí Ý thì ba cô có ý định đâm sơ 18 nhát dao, sáu nhát mỗi lần, để hình thành con số sát tế là 666.

Trong suốt cuộc sát tế đó, sơ Mainetti không ngừng cầu xin Chúa tha thứ cho những hành động của ba cô.

Sơ Mainetti là bề trên của dòng Mến Thánh giá ở Chiavenna, chuyên giúp đỡ những thanh thiếu niên phạm pháp! Nhưng những cô thiếu nữ sát hại sơ Mainetti lại không phải những thiếu nữ có một tiền án phạm pháp nào cả.

Ba cô ấy thú nhận rằng lúc đầu, họ dự định giết cha xứ, nhưng thấy việc này khó thực hiện, nên họ mới nhắm tới việc giết sơ Mainetti! Theo các thám tử điều tra cho biết thì trong các cuốn sổ nhật ký của các cô chứa đầy những bài viết về Satan và họ đã cắt máu tuyên thệ vài tháng trước đó.

Theo tờ báo Tin Chiều (Corriere della Serra) thì ba cô này đã mãn án tù và được tự do – họ đã thay đổi tên và về sống ở các thành phố lớn của Ý.

Sơ Mainetti khi sinh ra được đặt tên là Teresina Elsa Mainetti, sinh trưởng ở Colico, Ý vào ngày 20 tháng 8 năm 1939. Cô là con út trong một gia đình mười người con; Mẹ sơ qua đời lúc sinh người con thứ 10. Sơ gia nhập Tu hội Nữ tu Mến Thánh giá vào năm 18 tuổi.

Sơ dành cả cuộc đời mình cho thanh thiếu niên và các gia đình ở các thành phố Vasto, Rome và Parma trước khi được đổi về Chiavenna vào năm 1984.

Sơ Mainetti nổi tiếng về các công tác xã hội và từ thiện, đặc biệt lo cho thanh thiếu niên và người nghèo.

Năm 2008, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã nhìn nhận sơ Mainetti, là một người "đã cống hiến trọn vẹn cuộc sống, bản thân cầu nguyện cho những người giết hại sơ."

Ngày 19 tháng 6 năm 2020, khi nhìn nhận các phép lạ của ba chân phước:

- Giám mục Mamerto Esquiú, người Argentina thuộc Dòng Phanxinh (1826-1883);

- Linh mục Phanxicô Mary Thập giá Jordan, người Đức, sáng lập Tu Hội Lòng thương Xót Chúa (1848-1918)

- Bác sĩ Jose Gregorio Hernandez Cisneros (1864-1919), người Venezuela, là môt giáo dân bác sĩ.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã công nhận trường hợp Sơ Mainetti bị sát tế như là một cuộc tử đạo vì đức tin…
 
Hội thảo Trực tuyến: Bảo vệ an toàn cho trẻ em trên mạng
Vũ Văn An
20:45 21/06/2020

Phần thứ hai trong 4 phần cuộc hội thảo trực tuyến về Bảo vệ An toàn Trẻ em do Cha Hans Zollner trình bầy hôm thứ Năm 18 tháng 6. Bài trình bầy của ngài tập chú vào việc “bảo vệ an toàn trên mạng thời cấm cửa”. Cha Zollner là Chủ tịch của Trung tâm Bảo vệ Trẻ em của Đại Học Gregorian (CCP) và cũng là thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Các Vị thành niên (PCPM). Như Quản trị viên Dự án của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Các Vị thành niên, Emer McCarthy, nói trong phần giới thiệu, Cha Zollner đã trở thành “khuôn mặt công cộng” của Giáo Hội trong chiến dịch bảo vệ an toàn cho trẻ em khỏi bị lạm dụng.



Các điểm tích cực và tiêu cực của liên mạng

Cha Zollner thừa nhận rằng liên mạng đã cải thiện cuộc sống ta rất nhiều. Nhưng nó cũng nêu lên nhiều câu hỏi liên quan đến “các khía cạnh thể lý, tính dục, tâm lý, giáo dục, tương quan và tâm linh của đời sống ta”. Các câu hỏi như liên mạng ảnh hưởng ra sao tới đích thân mỗi người, nó tác động thế nào tới các mối tương quan của chúng ta, và các nguy cơ khả hữu của nó vẫn thường nằm ở bình diện vô thức.
Cha Zollner giải thích rằng những người tìm cách lạm dụng trẻ em và những người dễ bị thương tổn sử dụng liên mạng vì nó dễ dàng “sản xuất, tiếp cận và chia sẻ các tư liệu lạm dụng tình dục hơn; dễ tìm được những người cùng vi phạm hơn; và ít có nguy cơ bị khám phá hơn”. Các hoạt động có hại cho trẻ em mang nhiều hình thức như gạ bẫm và gửi tin nhắn khác nhau, lạm dụng tình dục bằng phát hình trực tuyến, bắt nạn và đe doạ trực tuyến. Lạm dụng trẻ gái chiếm tới 90% việc khai thác tình dục vị thành niên. Cha Zollner cho biết: Những kẻ vi phạm thậm chí nhắm cả các trẻ em dưới 2 tuổi. Trẻ em giữa tuổi 11-13 thường được nhắm hơn cả, tiếp theo là các trẻ em giữa tuổi 7-10.

Hiệu quả của việc cấm cửa (lockdown)

Các kẻ vi phạm hết sức lợi dụng thời gian cấm cửa, kết quả làm gia tăng việc tiếp cận các tư liệu trong đó trẻ em bị khai thác về tình dục, cả về phương diện thể lý lẫn về phương diện kỹ thuật số. Một vài con số được Cha Zollner cung cấp là: trong tháng tư, tại Vương Quốc Thống Nhất có 9 triệu mưu toan tiếp cận các trang mạng lạm dụng tình dục trẻ em; tại Đan Mạch, các vụ tiếp cận như thế đã tăng gấp ba; tại Tây Ban Nha, tiếp cận các video tình dục trẻ em gia tăng 20%; ở Úc, trong khoảng 3 tuần lễ sau ngày 21 tháng Ba, có sự gia tăng 86% trong việc tiếp cận các hình ảnh lạm dụng; Turng Tâm Quốc Gia Các Trẻ Em Mất Tích và Bị Khai Thác ở Hoa Kỳ công bố 106% gia tăng về số lượng các báo cáo lạm dụng tình dục trẻ em trong tháng Ba.

Cha Zollner giải thích: Nhân tố trên cộng với sự kiện cha mẹ phải cân bằng việc làm, việc dạy con ở nhà và giữ cho gia đình sinh hoạt bình thường trong thời gian cấm cửa. Một hậu quả là con cái ít được giám sát đối với các thói quen trực tuyến của chúng. Thêm vào đó, tập chú của các cơ quan công và các định chế của chính phủ đã quay hết sang cuộc khủng hoảng Covid-19. Điều này có nghĩa việc bảo vệ trẻ em đã bị đẩy xuống hàng ưu tiên thứ yếu. Hệ thống nâng đỡ cho cả người lớn lẫn trẻ em bị ngưng trệ, khiến họ càng trở nên dễ bị thương tổn về xúc cảm, và có thể khiến những kẻ vi phạm gia tăng hoạt động tội ác.

Các biện pháp cần thiết

Cha Zollner cho rằng Cha mẹ có nhiều khí cụ để sử dụng nhằm giới hạn những gì con cái họ xem và làm trực tuyến. Các kiểm soát của cha mẹ bao gồm các ứng dụng (apps) và các loại phần mềm khác; lập giới hạn cho thời gian ở trực tuyến; giới hạn hoạt động trực tuyến ở một số căn phòng trong nhà; biết rõ các ứng dụng và trò chơi con cái thường sử dụng, coi chúng và chơi chúng để lượng giá tính thích ứng của chúng...

Cha Zollner nhấn mạnh: các trường cũng có vai trò để đóng. Nhân viên nhà trường có thể thông tri cho các học sinh về những người các em có thể tiếp xúc; lập ra các hoài mong rõ ràng liên quan đến tác phong trực tuyến; nên lập mô hình cho các tác phong trực tuyến lành mạnh; có thể huấn luyện chúng về các thủ tục thông báo và các dấu hiệu để dè chừng liên quan đến các học sinh của mình khi chúng tương tác trực tuyến với mình. Các nhân viên nhà trường cũng cần liên lạc với gia đình một cách rõ ràng và trực tiếp về những gì đang diễn ra.

Kỳ tới : Tiến sĩ Gabriel Dy-Liacco “Nạn nhân học và Mô hình An toàn Có Tương quan"
 
Phản ứng của Đức Tổng Giám Mục San Francisco về vụ giật sập tượng Thánh Junipero Serra
Đặng Tự Do
21:52 21/06/2020
Sau vụ giật sập một bức tượng Thánh Junipero Serra ở San Francisco, Đức Tổng Giám Mục thành phố này nói hôm thứ Bảy rằng các cuộc biểu tình chỉ trích sự bất công chủng tộc đã bị cướp mất hết chính nghĩa.

“Điều gì đang xảy ra với xã hội của chúng ta? Một phong trào quốc gia đổi mới để chữa lành ký ức và sửa chữa những bất công của nạn phân biệt chủng tộc và sự tàn bạo của cảnh sát ở nước ta đã bị một số người cướp mất chính nghĩa và lùa vào một phong trào bạo lực, cướp bóc và phá hoại, ” Đức Tổng Giám Mục Salvatore Cordileone nói trong một tuyên bố ngày 20 tháng Sáu.

Tuyên bố của Đức Tổng Giám Mục đã được đưa ra sau khi một bức tượng Thánh Junipero Serra bị phá hủy ở Công viên Golden Gate ở San Francisco, vào tối Thứ Sáu, cùng với các bức tượng của Francis Scott Key và Ulysses Grant.

“Việc lật nhào và làm biến dạng các bức tượng trong Công viên Golden Gate, bao gồm cả tượng Thánh Junipero Serra, đã trở thành ví dụ mới nhất, về sự thay đổi đó trong phong trào phản kháng, ” Đức Tổng Giám Mục nói thêm.

“Việc tưởng niệm các nhân vật lịch sử xứng đáng với một cuộc thảo luận trung thực và công bằng về cách thức và danh dự như thế nên được trao cho ai. Nhưng ở đây, không có cuộc thảo luận hợp lý như vậy; đó chỉ là luật rừng, trong một hiện tượng bạo loạn dường như đang được lặp lại trên toàn quốc.”

Đức Tổng Giám Mục Cordileone nhấn mạnh tầm quan trọng của những lời kêu gọi công lý chủng tộc và chấm dứt sự tàn bạo của cảnh sát, bắt đầu sau cái chết ngày 25 tháng 5 của George Floyd, một người đàn ông da đen bị giết bởi một cảnh sát viên ở tiểu bang Minneapolis, là người đã quỳ trên cổ Floyd.

“Tất cả những người làm việc vì công lý và bình đẳng đều hiệp nhất trong sự phẫn nộ của những người đã và đang tiếp tục bị áp bức, ” Đức Tổng Giám Mục nói.

“Đặc biệt là những môn đệ Chúa Giêsu Kitô. Các Kitô hữu được kêu gọi làm việc không mệt mỏi vì phẩm giá của tất cả mọi người, ” ngài nói thêm và lưu ý rằng Thánh Phanxicô Assisi, mà thành phố San Francisco này mang tên ngài, là một trong những nhân vật lịch sử tiêu biểu nhất cho hòa bình và thiện chí.”

“Trong suốt 800 năm qua, các linh mục, tu sĩ nam nữ Dòng Anh Em Hèn Mọn đều lấy cảm hứng từ gương sáng phục vụ, khó nghèo, đồng hoá mình với người nghèo và tìm mọi cách mang đến cho mọi người phẩm giá chính đáng là con cái của Chúa. Thánh Junipero Serra cũng không ngoại lệ.”

Đức Tổng Giám Mục đã ca ngợi vị thánh có lòng truyền giáo nhiệt thành: “Thánh Junipero Serra đã mang đến cho người dân bản địa điều tốt nhất mà ngài thủ đắc: kiến thức và tình yêu Chúa Giêsu Kitô, mà ngài và các anh em Phan sinh đã làm thông qua giáo dục, chăm sóc sức khỏe và đào tạo về kỹ thuật nông nghiệp.”

“Cơn giận dữ chống lại sự bất công có thể là một phản ứng lành mạnh khi sự phẫn nộ chính đáng này có thể thúc đẩy xã hội tiến lên. Nhưng như chính Chúa Kitô dạy, và Thánh Phanxicô đã làm gương, tình yêu, chứ không phải cơn thịnh nộ, là câu trả lời duy nhất, ” Đức Tổng Giám Mục kết luận.


Source:Catholic News Agency
 
Đức Hồng Y Pell sẽ công bố nhật ký trong tù của ngài
Vũ Văn An
22:04 21/06/2020



Theo Nicole Winfield của Associated Press (21-06-2020), Đức Hồng Y George Pell, người từng bị kết án nhưng sau đó đã được trắng án tội lạm dụng tình dục, sắp cho công bố nhật ký trong tù của ngài, đề cập đến đời sống trong nơi giam cầm, Giáo Hội Công Giáo, chính trị và thể thao.

Nhà xuất bản Công Giáo Ignatius Press cho Associated Press hay phần đầu của cuốn nhật ký 1, 000 trang sẽ được phát hành vào Mùa Xuân năm 2021.

Linh mục Giám đốc Ignatius Press là Cha Joseph Fessio nói rằng “Cho đến nay, tôi đã đọc nửa cuốn nhật ký, và đó là một cuốn sách tuyệt diệu”.

Cha Fessio gửi một lá thư qua danh sách địa chỉ e-mail của ngài để xin quyên tặng vì cha muốn dành cho Đức Hồng Y Pell một khoản tiền thích đáng ứng trước cho cuốn sách để giúp ngài trang trải án phí. Nhà xuất bản dự tính phát hành cuốn nhật ký thành 3 hay 4 tập và tin chắc cuốn nhật ký sẽ trở thành một “sách cổ điển về linh đạo”.

Đức Hồng Y Pell sống 13 tháng trong tù trước khi Tòa án Tối cao của Úc tha bổng ngài hồi tháng Tư về tội lạm dụng tình dục 2 ca viên trong Nhà thờ Chính tòa Melbourne lúc còn là Tổng Giám Mục của thành phố lớn thứ hai của Úc thập niên 1990.

Trong cuốn nhật ký, Đức Hồng Y Pell suy tư về mọi chuyện từ các cuộc đàm thoại của ngài với các luật sư về vụ án của ngài tới nền chính trị và thể thao và các cố gắng canh cải của ngài ở Vatican. Ngài không được phép cử hành Thánh Lễ trong nhà tù nhưng trong các Chúa Nhật được xem chương trình của một ca đoàn Anh Giáo. Ngài không ngại đánh giá “chung chung là tích cực, nhưng đôi khi khá phê phán” hai nhà diễn giảng Tin Lành Hoa Kỳ. Cha Fessio viết trong e-mail như thế.

Đức Hồng Y Pell luôn duy trì sự vô tội của ngài và gợi ý rằng vụ truy tố ngài có liên hệ với các cố gắng đánh phá tham nhũng của ngài ở Vatican, nơi ngài phục vụ trong tư cách bộ trưởng tài chánh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cho tới ngày ngài được nghỉ phép năm 2017 để đương đầu với vụ án.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Thạch Đà Sàigòn : Hồng ân Chúa Thánh Thần
Martino Lê Hoàng Vũ
07:56 21/06/2020
“Chúng ta phải sống xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu, theo những ơn huệ của Chúa Thánh Thần”.Đó là những lời chia sẻ của Đức Tổng GM Giuse Nguyễn Năng trong thánh lễ chiều nay tại Giáo xứ Thạch Đà.

Hôm nay thứ năm 18.6.2020, vào lúc 17g tại Giáo xứ Thạch Đà, hạt Xóm Mới, Đức Tổng GM Giuse Nguyễn Năng về thăm mục vụ giáo xứ và ban bí tích Thêm sức cho 151 em thiếu nhi. Khởi sự là cuộc rước đầu lễ, các em thiếu nhi sắp lãnh nhận bí tích và cộng đoàn bước vào thánh lễ trong niềm vui mừng hân hoan.Kế đó, linh mục chánh xứ trình bày sơ nét về giáo xứ Thạch Đà trước sự hiện diện của Đức Tổng Giám Mục.

Xem Hình

Thánh lễ tạ ơn do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Năng – TGP Sài Gòn chủ tế, cùng đồng tế với Đức Tổng GM có linh mục Gioan B. Vũ Mạnh Hùng, Hạt Trưởng Xóm Mới, kiêm chánh xứ Hà Đông, linh mục Gioan B. Nguyễn Xuân Đức chánh xứ Thạch Đà cùng 3 linh mục phó xứ, cộng đoàn tham dự thánh lễ ngồi chật kín cả trong và ngoài nhà thờ.

Phần chia sẻ Tin Mừng, Đức Tổng GM Giuse giải thích :Tai sao chúng ta lại cần đến ơn Chúa Thánh Thần? Trong thánh lễ này, chúng ta cầu xin ơn Chúa Thánh Thần xuống dồi dào trên chúng ta, thúc đẩy và biến đổi chúng ta. Như Năm xưa theo sách Công Vụ Tông Đồ, Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các tông đồ trong ngày Lễ Ngũ Tuần, xảy ra một trận “cuồng phong”, có trên 3000 người được rửa tội, điều đó diễn tả sức mạnh của Chúa Thánh Thần, các tông đồ không còn sợ hãi.Ngày nay, chúng ta cần đến Chúa Thánh Thần, Ngài là Đấng Bảo Trợ, soi sáng hướng dẫn chúng ta, giúp chúng ta hiểu những giáo huấn của Chúa Giêsu.Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần mà các tông đồ can đảm đi khắp mọi nơi trên thế giới rao giảng Tin Mừng, đi từ các nước phương đông đến các nước phương tây, sẵng sàng chịu đổ máu tử đạo làm chứng cho Chúa.Tất cả mọi hoạt động của Hội Thánh là nhờ ơn Chúa Thánh Thần.Chính Chúa Thánh Thần củng cố niềm tin cậy mến cho chúng ta và giúp chúng ta sống sao cho xứng đáng là môn đệ của Chúa Giêsu, luôn thực hành các lời dạy của Tin Mừng.Giáo xứ Thạch Đà từ trước tới nay rất tích cực và năng động với đời sống đức tin, hằng năm giáo xứ có trên 100 người dự tòng được rửa tội, các suất cơm miễn phí hằng tháng, giáo xứ phát gạo cho người nghèo, đó là giáo xứ chúng ta đang sống theo Chúa Thánh Thần.Hơn nữa, các thành viên trong giáo xứ chúng ta phải biết chia sẻ cho anh chị em Tin Mừng mình đã lãnh nhận, nhất là việc đó lại rất cần thiết với một giáo xứ có trên 10 ngàn giáo dân và nhiều anh chị em di dân.

Tiếp theo, một linh mục phó xứ và cũng là Linh mục Tuyên úy TNTT Giáo xứ giới thiệu các em sắp lãnh nhận Bí tích Thêm sức lên Đức Tổng GM, sau đó là Nghi Thức ban bí tích Thêm sức cho 76 em nam và 75 em nữ trong giáo xứ.

Thánh lễ được diễn tiến với phần Phụng Vụ Thánh Thể.Sau lời hiệp lễ, Ông Chủ tịch HĐMVGX có những tâm tình tri ân Đức Tổng GM.Đáp từ, Đức Tổng GM mời gọi nhắn nhủ cộng đoàn cầu nguyện cho ngài và các linh mục nhân tháng Thánh Tâm Chúa Giêsu và đặc biệt trong mùa phong chức linh mục năm nay giáo xứ có 1 vị tân linh mục, người con của giáo xứ.

Sau cùng, Đức Tổng Giám Mục và quý cha chụp hình kỷ niệm với các em lãnh nhận bí tích Thêm Sức và gia đình để lưu lại ngày hồng phúc của các em

Martino Lê Hoàng Vũ
 
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Trung Mỹ Tây Mừng Kính Lễ Thánh Tâm
Jos. Hoàng Mạnh Hùng
08:03 21/06/2020
Sau cơn mưa nhẹ chiều ngày 19-06-2020, lúc 17g15, Gia đình Phạt tạ Thánh Tâm (GĐPTTT) và giáo dân khu Thánh Tâm giáo xứ Trung Mỹ Tây đã long trọng kiệu rước tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu từ đài Đức Mẹ Nữ Vương Hòa Bình lên Thánh đường giáo xứ. Tại đây, Thánh lễ tạ ơn Thánh Tâm Chúa, cầu cho đoàn viên, giáo dân khu còn sống cũng như đã qua đời do cha Chánh xứ kiêm linh hướng Đaminh Nguyễn Trung Kiên chủ sự đã được cử hành với sự tham dự của quý Thầy, quý Soeur, HĐMV, đại diện BCH GĐPTTT giáo hạt Hóc Môn, xứ đoàn Tân Mỹ, Bùi Môn, ban điều hành các khu, các đoàn thế, giáo dân khu Thánh Tâm cùng cộng đoàn giáo xứ.

Xem Hình

Trong bài giảng lễ, cha chủ sự đã nêu bật được ý nghĩa ngày lễ. Mừng lễ Thánh Tâm hôm nay, Giáo hội muốn chúng ta chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa dành cho con người. Thiên Chúa đã yêu thương và cứu độ chúng ta ngay cả khi chúng ta còn ở trong tình trạng tội lỗi bất tín. Ngài đã yêu thương chúng ta không phải vì chúng ta tốt lành, cũng không phải vi ta tài giỏi hơn người này người kia hay vì chúng ta có nhiều công trạng. Ngài không đòi hỏi chúng ta tốt lành nhưng yêu thương ngay khi chúng ta còn là tội nhân. Yêu thương chúng ta chì vì Ngài là tình yêu, là tốt lành. Tình yêu của Ngài là vô điều kiện và vô vị lợi, hoàn toàn dành hạnh phúc cho người được yêu. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có được tình yêu cao cả như vậy.

Người ta thường gọi đạo Công Giáo là đạo của tình yêu và hễ tín hữu nào không thể hiện được nét yêu thương trong cuộc sống của mình thì người đó đang tự đánh mất căn tính của mình. Chúa đã yêu thương không xét xử với những ai lỗi phạm nên chúng ta cũng đừng tự phong thánh cho mình rồi xét đoán người khác. Trái tim Chúa đã bị đâm thâu, máu và nước đổ ra để cứu độ mọi người chúng ta. Kín múc nguồn máu và nước nơi Thánh Tâm Chúa tình yêu, từng con tim của chúng ta hãy để cho tình yêu của Chúa biến đổi từng ngày, biến đổi con tim khô cằn héo úa chất chứa những hận thù ghen tương ích kỷ nhỏ nhoi được trong sạch và biết yêu thương nhiều hơn. Xin Thánh tâm Chúa biến đổi trái tim của từng người để mỗi ngày sống chúng ta biết hòa nhập trái tim của mình vào trái tim tràn đầy tình yêu của Thiên Chúa.

Sau kinh Tin Kính là phần tuyên hứa của 09 đoàn viên mới. Các đoàn viên đã quỳ gồi trên cung Thánh giơ tay đọc lời tuyên hứa trước Bàn Thờ và cờ đoàn với sự chứng kiến của cha chủ sự cùng toàn thể cộng đoàn.

Cuối Thánh lễ, cha chủ sự cùng các vị khách đã chụp hình lưu niệm và tham dự tiệc mừng được tổ chức tại tầng hầm giáo xứ. Tạ ơn Thánh Tâm Chúa đã ban cho một buổi chiều thời tiết khá đẹp, thuận lợi cho việc tổ chức thành công tốt đẹp.

 
VietCatholic TV
Mới nhất: Tòa Thánh thêm 3 lời cầu trong Kinh Cầu Đức Bà Loretô, nơi ba vị Giáo Hoàng được phép lạ
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:28 21/06/2020
Theo tôn ý của Đức Thánh Cha Phanxicô, ba lời kêu cầu mới đã được thêm vào trong Kinh Cầu Đức Bà Loretô, để tôn kính Đức Trinh Nữ Maria: “Đức Mẹ hay thương xót, Đức Mẹ là lẽ cậy trông, và Đức Bà nâng đỡ người di cư”.

Trong một văn thư gửi tới các vị chủ tịch của các Hội Đồng Giám mục được chính thức công bố vào ngày 20 tháng 6 năm 2020, Bộ Phụng tự và kỷ luật bí tích, đã ghi nhận rằng cầu nguyện với Đức Trinh Nữ Maria là “con đường ưu việt và chắc chắn để gặp gỡ Chúa Kitô”.

Thư Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích

Từ Vatican, ngày 20 tháng 6 năm 2020

Lễ kính Trái tim vô nhiễm của Đức Trinh Nữ Maria

Trọng Kính Quý Đức Cha,

Trong cuộc hành hương về Thành thánh Giêrusalem trên trời, để được tận hưởng sự hiệp thông vĩnh viễn với Chúa Kitô, Hiền Thê và Cứu Chúa của mình, Giáo hội suốt dọc theo con đường của lịch sử hằng tín thác vào Mẹ là Đấng luôn tin vào Lời Chúa. Chúng ta học biết từ Tin Mừng rằng ngay từ đầu các môn đệ của Chúa Giêsu thực sự đã học để ca khen “Mẹ được chúc phúc giữa các người phụ nữ” và tin tưởng phó thác vào sự can thiệp của Mẹ. Chúng ta không thể đếm hết được các danh hiệu và lời kêu cầu do lòng đạo đức Kitô giáo, trong nhiều thế kỷ, đã dành riêng cho Đức Trinh Nữ Maria, là con đường ưu việt và chắc chắn để gặp gỡ Chúa Kitô. Ngay cả ngày nay, khi đang bị lao đao thử thách bởi biết bao điều nghi hoặc và sai lầm, con cái thảo hiếu càng chạy đến với Mẹ, với đầy lòng yêu mến cậy trông, đấy là điểm đặc biệt thân thương đối với Dân Chúa.

Để diễn đạt tâm tình ấy, Đức Thánh Cha Phanxicô, sau khi đón nhận những mong muốn đã được bày tỏ, đã quyết định ghi thêm vào danh sách Kinh Cầu của Đức Trinh Nữ Maria Vinh Hiển, được gọi là “Kinh Cầu Đức Bà Loretô”, ba lời lời kêu cầu sau đây: “Đức Mẹ hay thương xót, Đức Mẹ là lẽ cậy trông, và Đức Bà nâng đỡ người di cư”: “Mater misericordiae”, “Mater spericordia” “Solacium Migrantium”. Lời kêu cầu đầu tiên sẽ được thêm vào sau “Đức Mẹ Chúa Kitô”, lời kêu cầu thứ hai thêm vào sau “Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa”, lời kêu cầu thứ ba thêm vào sau “Đức Bà bầu chữa kẻ có tội”.

Trân trọng vui mừng được kính báo quyết đinh này tới Quý Đức Cha để được thông tri và áp dụng, và cũng nhân cơ hội này xin bày tỏ với Đức Cha tất cả lòng quý mến kính trọng của tôi.

Thành kính trong Chúa

Đức Hồng Y Robert Sarah

Tổng trưởng

Đức TGM Arthur Roche

Tổng Thư Ký

Tưởng cũng nên nhắc lại, Kinh Cầu Đức Bà mà chúng ta thường đọc, có tên gọi đầy đủ là Kinh Cầu Đức Bà Lorêtô vì xuất phát từ đền thánh Đức Mẹ này.

Đền thánh Đức Mẹ Loreto nằm cách Rôma 280 km về phía Đông Bắc. Tại đây có nhà thánh Loreto, theo truyền thống chính là ngôi nhà ở Nagiarét, nơi Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ. Ngôi nhà ấy đã được các Thiên Thần di chuyển từ Palestine về địa điểm mới này.

Trong nhiều thế kỷ, nhiều vị Giáo Hoàng đã công nhận tính xác thực của Nhà Thánh và các phép lạ được cho là nhờ lời cầu bầu của Đức Mẹ khi các tín hữu hành hương đến đây. Sự sùng kính của các vị Giáo Hội đối với Nhà Thánh được thể hiện qua vô số các ân xá được trao cho những người đến thăm Nhà Thánh. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XII là vị Giáo Hoàng đầu tiên ban các ân xá, sau đó đến Đức Giáo Hoàng Urbanô VI. Ngài đã ban ân xá cho các tín hữu hành hương đến đây vào ngày lễ mừng sinh nhật Đức Trinh Nữ Maria. Các Đức Giáo Hoàng Boniface IX và Martin V cũng ban nhiều ân xá. Một bảng liệt kê danh sách các vị Giáo Hoàng ban ân xá cho các tín hữu hành hương trong nhiều thế kỷ qua đã thể hiện xác tín của các ngài về tính xác thực của Nhà Thánh tại Đền Thờ Loreto. Ít nhất ba vị Giáo Hoàng đã được chữa khỏi một cách kỳ diệu mà y khoa không thể giải thích tại đền thờ Nhà thánh Loreto.

Kinh cầu Đức Bà mà chúng ta thường đọc còn được gọi là Kinh cầu Đức Bà Loreto vì đây là nơi xuất phát kinh cầu này vào năm 1558, và sau đó được Đức Giáo Hoàng Xittô Đệ Ngũ phê duyệt và truyền công bố trong toàn thể Giáo Hội vào năm 1587. Đó là một trong 5 kinh cầu được chính thức phê duyệt dùng trong toàn thể Giáo Hội.

Giờ đây, xin quý vị và anh chị em, cùng với chúng tôi đọc Kinh Cầu Đức Bà mới được sửa đổi để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ cách này cách khác vì trận dịch kinh hoàng này.

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Amen
Xin Chúa thương xót chúng con.
- Xin Chúa thương xót chúng con.
Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
- Xin Chúa Kitô thương xót chúng con.
Xin Chúa thương xót chúng con.
- Xin Chúa thương xót chúng con.
Chúa Kitô nghe cho chúng con.
- Chúa Kitô nhận lời chúng con.
Đức Chúa Cha ngự trên trời là Đức Chúa Trời thật.
- Thương Xót Chúng Con.
Đức Chúa Con chuộc tội cứu thế là Đức Chúa Trời thật.
- Thương Xót Chúng Con.
Đức Chúa Thánh Thần là Đức Chúa Trời thật.
- Thương Xót Chúng Con.
Ba Ngôi cũng là một Đức Chúa Trời.
- Thương Xót Chúng Con.

Rất Thánh Đức Bà Maria.
- Cầu cho Chúng Con.
Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời.
Rất Thánh Nữ Đồng Trinh trên hết các kẻ đồng trinh.
Đức Mẹ Chúa Kitô.
Đức Mẹ hay thương xót.
Đức Mẹ thông ơn Thiên Chúa.
Đức Mẹ là lẽ cậy trông.
Đức Mẹ cực thanh cực tịnh.
Đức Mẹ cực tinh cực sạch.
Đức Mẹ tuyền vẹn mọi đàng.
Đức Mẹ chẳng vướng bợn nhơ.
Đức Mẹ rất đáng yêu mến.
Đức Mẹ cực mầu cực nhiệm.
Đức Mẹ chỉ bảo đành lành.
Đức Mẹ sinh Chúa tạo thiên lập địa.
Đức Mẹ sinh Chúa Cứu Thế.
Đức Nữ cực khôn cực ngoan.
Đức Nữ rất đáng kính chuộng.
Đức Nữ rất đáng ngợi khen.
Đức Nữ có tài có phép.
Đức Nữ có lòng khoan nhân.
Đức Nữ trung tín thật thà.
Đức Bà là gương nhân đức.
Đức Bà là tòa đấng khôn ngoan.
Đức Bà làm cho chúng con vui mừng.
Đức Bà là Đấng trọng thiêng.
Đức Bà là Đấng đáng tôn trọng.
Đức Bà là Đấng sốt mến lạ lùng.
Đức Bà như hoa hường mầu nhiệm vậy.
Đức Bà như lầu đài Đavid vậy.
Đức Bà như tháp ngà báu vậy.
Đức Bà như đền vàng vậy.
Đức Bà như hòm bia Thiên Chúa vậy.
Đức Bà là cửa Thiên Đàng.
Đức Bà như sao mai sáng vậy.
Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn.
Đức Bà bào chữa kẻ có tội.
Đức Bà nâng đỡ người di cư.
Đức Bà yên ủi kẻ âu lo.
Đức Bà phù hộ các giáo hữu.
Nữ Vương các Thánh Thiên Thần.
Nữ Vương các Thánh Tổ Tông.
Nữ Vương các Thánh Tiên Tri.
Nữ Vương các Thánh Tông Đồ.
Nữ Vương các Thánh Tử Vì Đạo.
Nữ Vương các Thánh Hiển Tu.
Nữ Vương các Thánh Đồng Trinh.
Nữ Vương các Thánh Nam cùng các Thánh Nữ.
Nữ Vương chẳng hề mắc tội tổ tông.
Nữ Vương hồn xác lên trời.
Nữ Vương truyền phép Rất Thánh Mân Côi.
Nữ Vương ban sự Bình An.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
- Chúa tha tội chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
- Chúa nhậm lời chúng con.
Chúa Giêsu chuộc tội cứu thế.
- Chúa thương xót chúng con.
Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
- Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

LỜI NGUYỆN:

Chúng con lạy ơn Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, chúng con trông cậy Đức Bà là Chúa bầu chúng con. Xin cho chúng con biết lòng Đức Mẹ yêu dấu con mọn này còn ở dưới thế cách xa mặt Mẹ. Đức Chúa Giêsu xưa xuống thế gian, chẳng bỏ loài kẻ có tội, lại liều mình chịu nạn chịu chết vì hết cả và loài người ta. Đức Mẹ cũng một lòng theo con như vậy. Mẹ ôi, khoan thay, nhân thay, chớ trở mặt đi mà chẳng nhìn chúng con. Xin Đức Mẹ thương xem dạy dỗ yên ủi chúng con. Con cậy Mẹ có phép tắc nhiều trên hết Thiên Thần cùng trên hết các Thánh. Chúng con còn ở dưới thế nầy như kẻ đi biển cả vậy. Đức Mẹ là như ngôi sao chính ngự ở trời bên Bắc vậy. Xin Đức Mẹ dẫn đàng cho chúng con được theo, kẻo phải xiêu chìm sa hỏa ngục vô cùng. Chúng con trông Đức Mẹ cho chúng con ngày sau được vào cửa Thiên Đàng xem thấy mặt Đức Chúa Giêsu cùng mặt Đức Mẹ, được chịu muôn muôn sự phúc gồm hết mọi sự tốt lành chẳng hay hết chẳng hay cùng. Amen.
 
Tường thuật chuyến về thăm cố hương của Đức Bênêđíctô 16, tình trạng bào huynh của ngài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:23 21/06/2020

1. Tường thuật chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 tại Đức

Chiều thứ Bẩy 20 tháng Sáu, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đến thăm phần mộ của gia đình và ngôi nhà cũ của ngài tại Pentling.

Giáo phận yêu cầu công chúng tôn trọng sự riêng tư của hai anh em trong suốt chuyến thăm. Cho nên, không có phóng viên nào được đến gần quay phim chụp hình.

Theo một tuyên bố ngày thứ Bẩy 20 tháng 6 từ Giáo Phận Regensburg, Đức Bênêđíctô đã đến thăm nơi ngài từng sống với tư cách là “Giáo sư Ratzinger” từ năm 1970 đến 1977.

Lần cuối cùng ngài nhìn thấy ngôi nhà này là trong chuyến tông du năm 2006 đến Bavaria. Pentling là một khu ngoại ô nằm ngay bên ngoài thành phố Regensburg.

Giáo phận cho biết Đức Bênêđíctô XVI sau đó đã đến thăm nghĩa trang Ziegetsdorf và dành thời gian cầu nguyện tại mộ phần của cha mẹ và chị gái.

Đức Bênêđíctô đã ở Regensburg kể từ ngày 18 tháng 6. Ngài bay từ Rôma đến thành phố này để gặp anh trai 96 tuổi của mình, là Đức Ông Georg Ratzinger, đang trong tình trạng sức khỏe yếu đi một cách nghiêm trọng.

Phụ thân của Đức Bênêđíctô qua đời năm 1959 và mẫu thân qua đời 4 năm sau đó, vào năm 1963. Chị gái Maria, không bao giờ kết hôn, đã quản lý gia đình cho đến khi bà qua đời năm 1991.

Tin tức về chuyến thăm của Đức Bênêđíctô XVI tại Đức đã được loan báo vào sáng ngày 18 tháng Sáu.

Ngay khi đến Regensburg vào khoảng trưa ngày thứ Năm, Đức Bênêđíctô đã đến gặp anh trai mình. Trái với các tin tức ban đầu về tình trạng nguy kịch của Đức Ông Georg Ratzinger, ngài đau yếu nhưng vẫn còn đủ sức để cùng đồng tế thánh lễ tại ngôi nhà ở Regensburg. Đức Bênêđíctô, sau đó, đã đến chủng viện giáo phận vào buổi chiều để nghỉ ngơi. Vào buổi tối, ngài trở lại để gặp anh trai mình.

Vào ngày thứ Sáu 19 tháng 6, hai anh em cùng nhau cử hành lễ trọng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Giáo phận Regensburg cho biết thêm: Buổi sáng đầu tiên ở quê hương cũ, một bữa điểm tâm chính thống của người Bavaria đã chờ đợi Đức Giáo Hoàng danh dự trong chủng viện. Có cả bánh Pretzel là một loại bánh quy, mà Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, người đi cùng, rất hài lòng.

Giáo phận Regensburg nói thêm rằng sau Thánh lễ, bánh táo, một loại bánh ngọt phổ biến ở Bavaria và Áo, đã được dọn lên.

Người ta tin rằng đây là chuyến đi đầu tiên của Đức Bênêđíctô, bên ngoài nước Ý kể từ khi ngài thoái vị vào năm 2013.

Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterović, Sứ Thần Tòa Thánh ở Đức, đã gặp Đức Bênêđíctô tại Regensburg vào sáng Thứ Bảy. Vào sáng Chúa Nhật tại Nhà thờ Regensburg, Đức Tổng Giám Mục Eterović nói rằng thật vinh dự cho ngài được chào đón vị giáo hoàng đã nghỉ hưu ở Đức một lần nữa, ngay cả trong hoàn cảnh gia đình khó khăn này.

Đức Bênêđíctô sẽ bay trở về Rôma vào ngày thứ Hai 22 tháng Sáu. Chi tiết này cho thấy tình trạng Đức Ông Georg Ratzinger không đến nỗi bi đát.


Source:Catholic News Agency

2. Buổi tiếp kiến đầu tiên của Đức Thánh Cha sau đại dịch coronavirus kinh hoàng

“Trong giai đoạn theo sau đại dịch coronavirus, mọi người nên nhớ rằng chúng ta được tạo ra để hiệp thông với người khác và với Thiên Chúa, ” Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ lập trường trên hôm thứ Bảy 20 tháng 6, trong cuộc tiếp kiến đầu tiên sau đại dịch coronavirus.

Ngài nhấn mạnh rằng:

“Bây giờ hơn bao giờ hết, yêu sách tập trung mọi thứ vào bản thân chúng ta chỉ là ảo tưởng – việc biến chủ nghĩa cá nhân thành nguyên tắc chỉ đạo của xã hội đã được chứng minh chỉ là một ảo tưởng”.

Trong bài phát biểu trước các nhân viên y tế và cấp cứu từ miền bắc Italia - là phần của nước Ý bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi COVID-19 - Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã cảnh báo rằng sau đại dịch, người ta sẽ dễ dàng rơi vào ảo ảnh này.

“Thật dễ dàng để nhanh chóng quên rằng chúng ta cần đến những người khác, cần đến ai đó chăm sóc chúng ta, ai đó mang lại cho chúng ta sự can đảm. Chúng ta sẽ sớm quên rằng tất cả chúng ta đều cần một người Cha chìa tay ra cho chúng ta.”

“Cầu nguyện với Chúa là Cha, cầu khẩn Ngài, không phải là ảo tưởng, nhưng ảo tưởng chính là chúng ta nghĩ rằng mình không cần phải làm như thế!”

“Cầu nguyện là linh hồn của niềm hy vọng, ” ngài nói thêm.

Theo Đức Thánh Cha, sau thảm kịch COVID-19, người Công Giáo phải nhìn về tương lai với cam kết xây dựng lại trên nền tảng của tình yêu.

“Như thế, chúng ta mới có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng này về mặt tinh thần và đạo đức mạnh mẽ hơn; và điều này phụ thuộc vào lương tâm và trách nhiệm của mỗi người chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta không chỉ có một mình mà còn có ân sủng của Thiên Chúa.”

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói chuyện với nhóm bác sĩ, y tá, nhân viên y tế, giáo sĩ, chính quyền dân sự và đại diện của các đơn vị quân đội đang phục vụ tại miền núi Bologna của Ý trong một buổi tiếp kiến tại Vatican.

Cũng có mặt trong cuộc họp là các linh mục và những người nam nữ tận hiến từ Bắc Ý, và đại diện của Bệnh viện Spallanzani tại Rôma, nơi các bệnh nhân COVID-19 vẫn đang được điều trị.

“Trong tình trạng khẩn cấp vì đại dịch coronavirus kinh hoàng, các bác sĩ, y tá và các nhân viên y tế khác đã là một dấu chỉ rõ ràng của tình nhân loại làm ấm lòng mọi người, ” Đức Thánh Cha nói.

Ngài cảm ơn họ vì nhiều hy sinh và cả sự hy sinh của gia đình họ trong suốt thời gian đại dịch.

Đức Phanxicô cũng lưu ý rằng vì công việc của họ, nhiều nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh hay thậm chí đã chết. Chúng ta nhớ đến họ trong lời cầu nguyện và với lòng biết ơn.

Đức Thánh Cha cũng nhắc nhớ đến các linh mục đã chết trong cuộc khủng hoảng kinh hoàng này và ca ngợi sự sáng tạo của các linh mục đã tìm mọi cách để gần gũi với cộng đồng đức tin của mình khi các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự không được phép.

“Sự nhiệt thành mục vụ và sự quan tâm sáng tạo của các linh mục đã giúp mọi người tiếp tục con đường đức tin và không phải cô đơn khi đối mặt với nỗi đau và sự sợ hãi, ” ngài nói.


Source:Catholic News Agency