Ngày 19-06-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu: Hãy Viết Thành Câu Chuyện Tình Yêu
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
08:37 19/06/2020
Người Âu Châu, mỗi mùa Giáng Sinh và Thương Khó, thường kể cho nhau hoặc hát những khúc hát mang chủ đề “loài chim ngực đỏ” (The Robin Redbreast) để diễn tả tình yêu dành cho Chúa Giêsu của một loài chim bé nhỏ.

Nếu là dịp Giáng Sinh, thì huyền thoại “chim ngực đỏ” sẽ là: Chú chim nghe tiếng Mẹ Maria kêu gọi các con bò lừa mang hơi ấm cho Chúa Hài Đồng trong hang đá lạnh tại Bê-lem, nhưng tất cả đều ngủ yên… Chỉ có một con chim còn thức; đã dùng đôi cánh cố quạt cho bếp lửa đỏ hồng, và dùng chiếc mỏ xinh mang về những cành củi khô…; và bếp lửa đã bừng lên, thiêu cháy cả chiếc ngực chú chim thành ngọn lửa đỏ rực…Đức Mẹ cám cảnh…; và từ đó loài chim mang chiếc ngực đỏ thiên thu.

Nếu là dịp Thương Khó, thì huyền thoại sẽ kể rằng: vào chiều thứ Sáu khổ nạn, có đàn chim thiên di bay ngang bầu trời Giêrusalem và nhận ra có một người tử tội Giêsu bị đóng đinh trên đồi Sọ. Xót thương người tử tội công chính, một chú chim đã cố bay vào nhổ một cây gai, như một chút sẻ chia và làm dịu bớt phần nao nỗi đau cho Chúa. Chẳng may, một cành gai nhọn đâm thủng ngực chim, máu hồng nhuộm đỏ….Cám cảnh, Chúa trên trời ghi mãi “dấu đỏ tình yêu” trên loài chim hiếu thảo nầy…[1]

Dẫu biết đó chỉ là “huyền thoại”, nhưng câu chuyện “loài chim ngực đỏ” vẫn rất hấp dẫn và giúp nhiều người Kitô hữu, nhất là các em thiếu nhi, hiểu được thế nào là “tình yêu dâng hiến, hy sinh…cả đến mạng sống”; nhất là “Tình Yêu phát xuất từ Thánh Tâm của Chúa Giêsu”, Thánh Tâm đã từng “bị đâm thâu để nước và máu chảy ra”, như dấu chỉ của một tình yêu dâng hiến, cho không, biếu tặng… cả đến mạng sống mình.

Nhưng nói đến “Thánh Tâm”, không chỉ là nhớ lại một “câu chuyện”, hát một khúc ca, cho dù câu chuyện hay khúc ca đó có đẹp và hay đến tuyệt vời; mà cốt lõi chính là cảm nhận, tin và sống sứ điệp tình yêu mà Phụng Vụ Thánh Tâm muốn chuyển tải.

Và sau đây xin được tóm tắt đôi điều về “sứ điệp của đại lễ Thánh Tâm” theo những gợi ý của Lời Chúa vừa được công bố:

Ngay từ Bài đọc 1, trích đoạn sách Đệ Nhị Luật nhắm thẳng đến tình yêu Thiên Chúa dành cho cộng đoàn Dân cũ là Ít-ra-en. “nhưng vì Chúa đã yêu thương các ngươi và giữ lời đã thề hứa với tổ phụ các ngươi rằng: Người dùng tay mạnh mẽ mà dẫn đưa và cứu chuộc các ngươi khỏi cảnh nô lệ, khỏi tay Pharaon vua Ai-cập.”. (Đnl 7, 6…).

Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Dân của Người, trước hết, đó là một “tình yêu cứu chuộc”, ‘tình yêu giải thoát”. Nó hoàn toàn khác với thứ “tình yêu chiếm hữu”, “tình yêu trói buộc” vẫn thường có nơi những mối tình ích kỷ, mang chiều kích hưởng thụ, nhục dục, tìm sự thoả mãn cho riêng mình. Chính “tình yêu cứu độ và giải thoát” lại hướng đến một cộng đoàn, một “Dân”. Vâng, “Thiên Chúa muốn thánh hoá và cứu độ con người không như những cá nhân riêng rẽ không chút liên đới với nhau, nhưng Ngài muốn làm cho họ thành một dân tộc để họ nhận biết Ngài trong chân lý và phụng sự Ngài trong thánh thiện…” (LG 9).

Chúng ta thuộc về Giáo Hội, thuộc về một cộng đoàn (gia đình, giáo xứ, giáo phận…) đó là một hồng ân lớn lao của tình yêu. Người ta bảo “gần chùa kêu Bụt bằng anh”. Có lẽ thái độ nầy phần nào phản ảnh chính đức tin của nhiều người, nhiều cộng đoàn chúng ta. Chúng ta sống đạo quá lâu, giữ đạo hằng ngày, nên không còn cảm nhận được cái hồng ân cao quý lớn lao là được làm con Chúa, là được ở trong lòng Giáo Hội. Cũng vậy, có biết bao nhiêu người con, bao nhiêu người vợ, người chồng…đánh mất cái “cảm thức đức tin” (sensus fidei) về hồng ân thánh thiện của gia đình, của ơn gọi “tình yêu đôi lứa”. Khi “tình yêu cứu độ và giải thoát” chắp cánh bay xa, thì mọi thứ tình khác được xây dựng trên những giá trị hời hợt của vật dục, ích kỷ, tiền tài…sẽ sớm mang lại đổ vỡ, thất bại…

Sứ điệp Thánh Tâm phải chăng đốc thúc mỗi người chúng ta tìm lại cái “tình yêu cứu chuộc và giải thoát của Chúa”, tình yêu cao quý vô bờ mà Chúa dành cho chúng ta qua ơn gọi thuộc về gia đình, thuộc về Giáo Hội, thuộc về một cộng đoàn.

Và Lời Chúa trong sách Đệ nhị Luật lại nói tiếp: “Các ngươi sẽ biết rằng Chúa là Thiên Chúa các ngươi, chính Người là Thiên Chúa hùng mạnh, trung thành giữ lời giao ước và lòng thương xót với những kẻ yêu mến Người, và những kẻ tuân giữ lề luật Người cho đến muôn thế hệ. …”

Trung thành trong tình yêu đó chính là bản chất của Thiên Chúa. Nhưng ai là kẻ xứng đáng nhận được sự trung thành yêu thương ấy lại là câu chuyện của chúng ta, những người mà ngôn ngữ Đệ Nhị Luật gọi là “Những kẻ yêu mến, tuân giữ lề luật Chúa”; hay như cách cảm nhận của Thánh Gioan Tông Đồ mà ta vừa nghe trong Bài đọc 2: “Thiên Chúa là tình yêu. Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy; … Ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa vì Thiên Chúa là tình yêu”.

Đúng vậy, tình yêu không được đo lường bằng kích thước của lý trí, của sự hiểu biết; không ai có thể tự hào rằng: tôi thông minh, hiểu hết mọi chuyện, cho nên tôi cũng yêu mến Chúa, tin Chúa cách trọn hảo. Chính Đức Kitô, trong Tin Mừng vừa được công bố, đã xác quyết: “Lạy Cha là Chúa trời đất, Con xưng tụng Cha, vì Cha đã giấu không cho những người hiền triết và khôn ngoan biết những điều ấy, mà lại mạc khải cho những kẻ bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì ý Cha muốn như vậy. Mọi sự đã được Cha Ta trao phó cho Ta. Và không ai biết Con, trừ ra Cha. Và cũng không ai biết Cha, trừ ra Con và kẻ mà Con muốn mạc khải cho”.

Vâng, điều mạc khải lớn lao, chân lý thâm sâu về Thiên Chúa chính là “Tình Yêu”; và người ta chỉ có thể hiểu biết được “mối tình” nầy qua chính Người Con Một, Đấng đã đến từ cung lòng Thiên Chúa và cắt nghĩa huyền nhiệm tình yêu của Thiên Chúa qua chính chính cuộc Nhập Thể, nhất là, qua chính cuộc Tử Nạn-Phục Sinh của Ngài.

Vâng, chính Đức Giêsu-Kitô, khi chấp nhận vâng phục thánh ý Chúa Cha “nầy con xin đến”, đã tự hiến tặng chính cuộc sống mình thành quà tặng tuyệt hảo của tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, một quà tặng được thực hiện bằng chính cái chết trên thập giá, bằng trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu để dốc hết nước và máu làm nên sự sống cứu độ cho con người, đến độ, chính Ngài, trong một mặc khải tư từ thế kỷ 17, đã “minh hoạ bằng hình ảnh Trái Tim bốc lửa cùng với vòng gai quấn quanh, đã kêu mời thánh nữ Magarita Maria Alacoch, đền tạ Thánh Tâm Người: “Nầy đây trái tim đã yêu dấu loài người quá bội….”.

Quả thật từ đó, Thánh Tâm Chúa Giêsu chính là “biểu tượng”, là sự “cắt nghĩa” rõ nét và chân xác mối tình của Thiên Chúa dành cho con người và là chuẩn mực để con người hiểu và sống trọn vẹn ý nghĩa của hai chữ “Tình Yêu”.

Thế nhưng, hình như với cuộc sống bon chen xô bồ, vội vã mang tính công nghiệp của thời đại hôm nay, cái xã hội đặt nền trên những giá trị phàm tục: tham vọng, tham danh, tranh giành, ích kỷ, Tình yêu không còn được “nạm bạc, dát vàng” đặt trên bệ thờ mà đã bị ném xuống bùn đen không hề thương tiếc. Cho nên người ta đã không ngần ngại hát lên: “Tình yêu đến em không mong đợi gì, tình yêu đi em không hề hối tiếc…”[2]

Vâng, người ta không mong đợi, người ta không hề hối tiếc vì quả thật người ta không hiểu được giá trị đích thật của tình yêu và cũng không có tình yêu chân thật, không biết yêu đúng nghĩa; hoặc nghi ngờ hay phỉ báng tình yêu sau những vết thương lòng sâu hoắm mà “tình yêu theo kiểu con người” đã hằn sâu trong cõi lòng, trong cuộc sống…

Lời Chúa trong đại lễ Thánh Tâm hôm nay gọi mời chúng ta, nhất là những ai “lao đao vác nặng vì những gánh đau thương trong đời”, đến “học lại” trong mái trường tình yêu của chính Đức Kitô: “Tất cả hãy đến cùng Ta, hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi. Hãy mang lấy ách của Ta và hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, và tâm hồn các ngươi sẽ gặp được bình an. Vì ách của Ta thì êm ái và gánh của Ta thì nhẹ nhàng”.

Quả thật, niềm tin đã dạy chúng ta rằng: chỉ có một con đường duy nhất, một tình yêu duy nhất có sức mạnh giải thoát và cứu độ loài người đó chính là tình yêu của Đức Kitô. Thế mà hiện nay, và ngay bây giời Đức Kitô đang sống, như lời khẳng quyết của Đức Giáo Hoàng Phanxicô dành cho các bạn trẻ: “Chúa Kitô đang sống! Người là niềm hy vọng của chúng ta, và là tuổi trẻ đẹp nhất của thế giới nầy…Người ở trong con, Người ở với con và không bao giờ bỏ rơi con. Dù con có xa Người, Đấng Phục Sinh vẫn ở bên con. Người kêu gọi và chờ đợi con bắt đầu lại. Khi con cảm thấy mình già đi vì buồn sầu, thù hận, vì lo sợ, nghi ngờ hay thất bại, Người vẫn luôn ở đó để ban lại cho con sức mạnh và hy vọng.”[3]

Vâng, thế giới nầy sẽ đẹp biết bao khi mỗi một cuộc đời đều là một câu chuyện về một “tình yêu lớn khi dám hy sinh vì bạn hữu” (Ga 15, 13), như câu chuyện huyền thoại về “loài chim ngực đỏ” mà người ta thường kể cho nhau nghe cứ mỗi mùa Giáng Sinh hoặc Thương khó trở về.

Trương Đình Hiền

[1] Xem: The Legend Of Robin Redbreast. Nguồn: https://www.birdspot.co.uk/articles/the-legend-of-robin-redbreast; hoặc: Song of the Swallaw- A good Friday Legend. Nguồn: https://pirottablog.wordpress.com/2013/03/28/song-of-the-swallow-a-good-friday-legend/

[2] Trích từ 1 ca khúc của nhạc sĩ Quốc An: “Hát với Dòng sông”, một thời là bài ca hit của giới trẻ qua giọng ca của ca sĩ Mỹ Tâm.

[3] ĐGH PHANXICÔ, Tông huấn Đức Kitô đang sống (Christus Vivit), bản Việt Ngữ: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, nxb. Tôn giáo 2019, số 1-2, tr. 5.
 
Hãy can đảm giữ vững niềm hy vọng
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
14:42 19/06/2020

Chúa Nhật 12 Thường Niên Năm A

Bài Tin Mừng hôm nay có đến ba lần Chúa khuyên "đừng sợ":

- Đừng sợ người ta (Mt 10, 26).
- Đừng sợ kẻ giết thân xác mà không giết được linh hồn (Mt 10, 28).
- Đừng sợ, anh em thật quý giá... (Mt 10, 31).

Giả thiết của thái độ không biết sợ là một tinh thần thép, một tâm hồn quật cường không chút suy suyễn, không chút nao núng, không chút e dè trước bất cứ tấn công nào dù đe dọa nhất, nguy hiểm nhất, thậm chí ảnh hưởng trên toàn bộ đời sống, ảnh hưởng trực tiếp trên chính sự sống của mình.

Dù biết trước chính mình sẽ bị bắt, bị áp bức, bị sỉ nhục, bị đánh đập dã man, bị vác thập giá, bị đội mão gai, cuối cùng bị đóng đinh trên thập giá cho đến chết, Chúa Giêsu vẫn can đảm đi đến cùng con đường tử nạn, chỉ một lòng vâng phục thánh ý Thiên Chúa để mang ơn cứu độ cho trần gian.

Đặc biệt, trước khi lịm tắt, Chúa thấy gì xung quanh thập giá? Đó là những con người đằng đằng sát khí, những kẻ chiến thắng vì đã loại trừ Giêsu, những khuôn mặt người nhưng trái tim hoàn toàn vô cảm, vô cảm đến tàn độc, những thái độ hả hê cho thấy lòng chất chứa đầy sự ác, sự dữ. Họ đã giết Giêsu rồi mà vẫn chưa buông tha, vẫn còn mở miệng thốt lên lời sỉ vả, thách thức: "Nó xuống khỏi thập giá đi". Ngay cả môn đệ thân thiết cũng bỏ chạy...

Nhưng chính giây phút tưởng như tuyệt vọng đó, Chúa Giêsu kêu lên "Lạy Cha, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm” và “Lạy Cha, con phó thác sự sống con trong tay Cha".

Đó là tiếng kêu của hy vọng, cậy trông, phó thác, dù đang bị vây bọc bởi đau đớn, tuyệt vọng.

Chỉ có tin tưởng mãnh liệt vào sự chiến thắng tối hậu của tình yêu mới làm cho người ta dám tha thứ cho những kẻ giết chết mình.

Chỉ có tình yêu mãnh liệt cùng lúc tin tưởng mãnh liệt vào Thiên Chúa, Đấng ban tặng sức mạnh mới có thể phó thác trọn vẹn nơi Thiên Chúa trong giờ phút kinh hoàng.

Đau khổ, bị bách hại, sự chết, phải hy sinh thân mình..., toàn là những thứ gây bất an, làm nát tan thân xác, thậm chí khủng bố và đày đọa tinh thần, ai mà không sợ.

Chúa Giêsu, dù vẫn một lòng tuân phục thánh ý Chúa Cha, cũng từng cầu xin cho khỏi uống chén đắng.

Nhưng Chúa vẫn nêu gương cho chúng ta về tình yêu dành cho Thiên Chúa. Chính trong tình yêu, Người dám đi đến cùng của thập giá cứu độ.

Cũng vậy, để sống lời mời gọi "đừng sợ" của Chúa Giêsu, chúng ta cần bước theo Chúa, mang lấy chính tình yêu của Chúa dành cho Chúa Cha, nhờ đó, ta dám đặt hy vọng, sự cậy trông và niềm phó thác của mình vào Thiên Chúa, để chính hy vọng, cậy trông, sự phó thác trở thành sức mạnh giúp ta vượt lên trên tất cả sợ hãi mà sống chết cho Thiên Chúa, cho đức tin, quyết không xa lìa Chúa, không vương vấn tội lỗi, không tìm an thân mà quên lề luật Chúa.

Chính vì thế, đến muôn đời, thập giá của Chúa Kitô trở thành nguồn hy vọng của chúng ta trong mọi hoàn cảnh của đời sống, giúp ta mạnh mẽ mà tuyên xưng lòng tin của mình, nhằm chiến thắng sợ hãi.

Và lịch sử Hội Thánh chứng minh, trùng trùng lớp lớp thế hệ tử đạo, bất chấp sợ hãi, nhìn lên thập giá của Chúa Kitô để múc lấy nguồn hy vọng.

Chính các ngài thay cho đám đông hò la lên án trên đồi Tử nạn hôm ấy, đã, đang và sẽ hát lên đến ngàn đời: “Vinh quang của ta là thập giá Đức Kitô, nơi Ngài, ơn cứu độ của ta, sức sống của ta, phục sinh của ta”.

Tự hào là Kitô hữu, thừa kế kho tàng đức tin của mọi thế hệ tử đạo, bạn và tôi phải sống đức tin trung kiên như lời Chúa dạy: "Anh em đừng sợ".

Cái "đừng sợ" của chúng ta hôm nay là ý thức đức tin từ những việc làm hết sức nhỏ nhặt hằng ngày.

Ví dụ làm dấu thánh giá trang nghiêm. Thử đặt một vấn đề thật nhỏ: mỗi khi vào tiệm ăn, mình có dám tuyên xưng đức tin bằng dấu thánh giá trước khi bưng tô phở hay dĩa cơm không? Từ việc xem ra nhỏ nhặt, lại là hành động tuyên xưng đức tin quí giá!

Sao có những việc lớn lao ta làm được, còn những việc nhỏ bé như thế lại không thể? Bao hàm trong cái không thể đó, là sự sợ hãi: sợ người khác thấy, sợ người khác biết mình có đạo, sợ bị chê cười… Những cái sợ không đáng sợ lại là thực tế của người Công Giáo hôm nay.

Ngày xưa tuyên xưng đức tin như thế, các thánh Tử Đạo đã trả bằng giá máu, nhưng các ngài vẫn kiên tâm, không sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn. Ngày nay mạng sống không dễ bị tước đoạt, ta lại không giữ nổi những điều căn bản nhất mà cha ông đã làm?

Ví dụ về dấu Thánh giá chỉ là đại diện cho biết bao nhiêu lời nói, việc làm, suy tư, hình thức biểu lộ đức tin của từng người Công Giáo hôm nay.

Chọn đức tin làm lẽ sống và chọn Chúa Kitô làm gia nghiệp đời mình. Đó là chọn lựa quan trọng và cần thiết. Giữa bao nhiêu cạm bẫy và cám dỗ trong đời, ta sẽ dễ mất phương hướng, nghi nan, chao đảo, có khi còn mất cả đức tin, nếu mình không có một chọn lựa dứt khoát đứng về phía đức tin chẳng những để bảo vệ mình khỏi ngã nhào mà còn đứng vững trong đức tin của mình.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:45 19/06/2020

5. Khi tâm hồn con người nhẫn nhục chịu đau khổ thì vượt qua sự tìm kiếm an lạc.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:52 19/06/2020
52. MÊ TÍN PHONG THỦY

Có người rất mê tín coi phong thủy, làm việc gì hoặc làm hay không làm thì đều đến nhờ ông thầy phong thủy coi giùm.

Một hôm, ông ta ngồi dưới bức tường, đột niên có tiếng “ầm” lên một tiếng, bức tường trên đầu ngã xuống, ông ta bị kẹt trong đống đất cứng nên vội vàng cất tiếng cầu cứu.

Người trong nhà nói:

- “Đừng vội, tạm thời kiên nhẫn chút xíu, đợi tôi đi hỏi ông phong thủy xem ngày hôm nay có thể động thổ được không đã? ”

(Tiếu lâm)

Suy tư 52:

Coi phong thủy là một trong những việc mê tín của người không nhận biết Thiên Chúa, hay nói cách khác, của người tin vào ma quỷ bụt thần.

Có những người Ki-tô hữu tin dị đoan “bạo” hơn cả những người không phải là người Ki-tô hữu, họ làm đám cưới cho con cũng coi ngày tháng, làm nhà cho con cũng coi ngày giờ phong thủy, họ cũng tin rằng xây nhà hướng này hướng nọ mới ăn nên làm ra mặc dù họ hằng ngày vẫn đi dâng thánh lễ. Càng giàu có thì càng đua đòi, càng tin dị đoan, càng xa cách Thiên Chúa, đó là hiện tượng xảy ra trong xã hội này, bởi vì nơi họ, Thiên Chúa chỉ là ông thần để họ cầu khẩn khi túng thiếu sa cơ thất thế mà thôi.

Người đi coi phong thủy là người dị đoan, dù họ là người nào chăng nữa thì cũng là người chối bỏ Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng đất trời, cho nên những người Ki-tô hữu đi coi phong thủy, coi bói đều là những người phủ nhận Thiên Chúa là Cha trên trời của họ và bái lạy ma quỷ, bái lạy ông thầy phong thủy làm cha của mình, tội này lớn hơn tất cả mọi thứ tội..

Tội nghiệp thay cho người chối bỏ Thiên Chúa là Cha của mình, để đi tin vào những lời nói nhăng nói cuội của người phàm trần như mình.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 12 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:53 19/06/2020
CHỦA NHẬT 12 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng : Mt 10, 26-33

“Sau khi gọi mười hai môn đệ, Đức Giê-su đã sai các ông đi truyền giáo”.


Anh chị em thân mến,

Trong cuộc sống, có rất nhiều lần chúng ta tuyên bố là sẽ lấy vợ trong năm nay, sẽ làm ăn lớn trong năm nay, sẽ mua xe hơi đời mới trong năm nay, sẽ xây nhà lầu cao tầng trong năm nay.v.v…nhưng có lẽ rất ít người Ki-tô hữu tuyên bố tôi sẽ làm sang danh Thiên Chúa trong cuộc sống của tôi –ít nữa là tuyên bố trong lòng.

Đức Chúa Giê-su đã hứa, lời hứa này có giá trị cho những người tin vào Ngài: “Phàm ai tuyên bố nhận Thầy trước mặt thiên hạ, thì Thầy cũng sẽ tuyên bố nhận người ấy trước mặt Cha Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 26, 32). Bất cứ lúc nào và ở nơi đâu chúng ta đều có thể tuyên bố nhận Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa của chúng ta, nhưng đặc biệt có ba nơi sau đây là quan trọng cho việc tuyên bố ấy:

1. Trong gia đình.

Người ta dễ dàng nhận ra mình là người Ki-tô hữu khi trong gia đình chúng ta bày biện một bàn thờ trang trọng ngay giữa phòng khách, đây là một lời tuyên xưng gia đình mình là người có đạo, là con cái của Thiên Chúa, là thuộc về Chúa.

Nhưng làm một bàn thờ trang trọng thôi thì chưa đủ, bởi vì có một vài gia đình công giáo làm bàn thờ trong gia đình đẹp và rất đắt tiền, bày biện rất hợp với ý Giáo Hội, nhưng trong gia đình thì vợ chồng bất hòa, con cái hư thân mất nết, làm cho người khác nhìn vào nhà thì biết là nhà đạo Chúa, nhưng cuộc sống của gia đình thì là đệ tử của ma quỷ.

Bởi thế, gia đình là nơi mà chúng ta tuyên bố Đức Chúa Giê-su là vua và là Chúa của chúng ta, Ngài luôn ở trong nhà chúng ta, do đó, gia đình là nơi đầu tiên mà chúng ta tuyên xưng danh thánh của Đức Chúa Giê-su.

2. Nơi bản thân.

Bản thân của mỗi người Kitô hữu có một giá trị tuyệt vời mà Thiên Chúa đã ban cho, giá trị này được nhân lên vạn lần khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội trở nên con cái của Thiên Chúa, tức là chúng ta có bổn phận tuyên xưng Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa, và là Đấng giải thoát chúng ta khỏi ách nô lệ cho tôi lỗi và quỷ ma.

Nơi bản thân này của chúng ta, Chúa Thánh Thần đã làm cho tâm hồn trở nên đền thờ sống động của Thiên Chúa Ba Ngôi, và hiệu quả của ơn thánh ấy mời gọi chúng ta -bản thân mỗi người- phải làm chứng nhân cho Thiên Chúa bằng cuộc sống bác ái và phục vụ của mình.

Dù mang thân phận gì chăng nữa thì chúng ta cũng vẫn phải luôn nghĩ rằng tôi là người Ki-tô hữu, phải sống bác ái và yêu thương tha nhân, đó chính là lời tuyên bố có sức thu hút mọi người cách đặc biệt, và nếu cần thì lấy máu của mình ra để lời tuyên bố ấy có thế lực lớn trước mặt mọi người...

3. Trong cộng đoàn.

Cộng đoàn, đoàn thể, tập thể là nơi mà nhất cử nhất động của mọi người thường dễ thấy nhất, và cũng nơi đây, người Ki-tô hữu luôn có bổn phận tuyên bố danh thánh của Đức Chúa Giê-su cho mọi người biết qua lời nói và việc làm của họ.

Tuyên bố nhận Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là cứu chúa của mình trong một tập thể, là một sự gan dạ tuyệt vời nhất của chúng ta, khi mà có rất nhiều người vì miếng cơm manh áo, vì danh dự cá nhân và vì vinh quang hão huyền mà chối bỏ, không tuyên nhận Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa và là Đấng cứu chuộc thế gian, và có khi họ làm cho những người trong tập thể, cộng đoàn ấy hiểu lầm về niềm tin vào Đức Chúa Giê-su của người Ki-tô hữu.

Anh chị em thân mến,

Lời của Đức Chúa Giê-su vẫn còn đó: ai tuyên xưng Ngài trước mặt bàn dân thiên hạ, thì Ngài sẽ tuyên xưng họ trước mặt Cha của Ngài trên trời, đó là một sự công bằng rất “đời thường” mà Đức Chúa Giê-su đòi hỏi những người theo Ngài cần phải có.

Đừng sợ những người chỉ có thể giết thân xác mà không giết được linh hồn, đừng sợ mất công ăn việc làm mà không dám tuyên bố nhận Đức Chúa Giê-su là Thiên Chúa của mình, cũng đừng sợ mất chút quyền hành vinh dự chóng qua mà chối bỏ đức tin của mình trong cuộc sống, bởi vì tất cả mọi sự ở trần gian này, đều sẽ có một ngày sẽ kết thúc...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/samac.tw

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bên nhau để phục vụ - Người di cư và thông điệp Ngày di cư của Đức Giáo Hoàng.
Thanh Quảng sdb
05:35 19/06/2020
Bên nhau để phục vụ - Người di cư và thông điệp Ngày di cư của Đức Giáo Hoàng.

Trước ngày di cư và tị nạn thế giới lần thứ 106 sẽ được tổ chức vào ngày 27 tháng 9; Tijan, một người di cư đã chia sẻ về cách thức và tâm tình các sơ ở Sierra Leone cứu sống anh và hàng ngàn người di tản như thế nào.

(Tin Vatican)

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dành riêng một thông điệp của mình cho Ngày di cư và tị nạn thế giới năm nay với chủ đề: “Bị cưỡng ép như Chúa Giêsu, nên họ đành phải trốn chạy!”.

Ngày thế giới tỵ nạn sẽ được kỷ niệm vào Chủ nhật 27 tháng 9 năm 2020 tới đây.

Đối diện với những nỗi sợ và định kiến – mà định kiến thì rất nhiều - khiến chúng ta phải giữ kẽ với người khác và nó thường cản ngăn chúng ta đến với Chúa Giêsu và phục vụ Ngài với tình yêu.

Lẳng lặng trốn chạy khỏi nhà

Thánh bộ Tòa thánh lo cho người tỵ nạn và di cư mới phát hành một cuốn video vào thứ năm vừa qua 18/6/2020) với tựa đề: “Bên nhau để phục vụ”.

Trong cuốn video đó, một người đàn ông tên Tijan đã chia sẻ kinh nghiệm trốn chạy khỏi cuộc chiến ở Sierra Leone.

Ông ta nói: Hồi tưởng lại năm 1996, tôi phải trốn khỏi ngôi làng của tôi, khi cuộc chiến bùng nổ! lúc đó tôi mới có 6 tuổi. Quân giải phóng đã ập vào làng của chúng tôi là Namasadu - Sierra Leone - vào khoảng 4 giờ sáng. Chị gái, mẹ và tôi thì đang ở nhà, còn bố tôi thì đang ở một nông trại của gia đình...

Tijan còn nhớ quân kháng chiến đã bắt anh tôi là Omar và biến anh ta thành một người lính vị thành niên...

Tijan kể tiếp, mẹ của ông phải đưa ông đến một Trung tâm gần đó, để tạm trú với các trẻ em khác cùng tôn giáo. Sau đó, mẹ trở về để đón em gái đến... Nhưng bà đã không bao giờ trở lại!...

Luôn sẵn sàng giúp đỡ

Các sơ ở Trung tâm không nói được tiếng địa phương của chúng tôi, nên chúng tôi hiểu các sơ rất ít. Dù vậy chúng tôi biết rằng các sơ giúp chúng tôi. Nhưng nỗi sợ luôn rình rập quanh chúng tôi! Chúng tôi sợ các sơ, vì các sơ là người da trắng.

Tijan chia sẻ dù các sơ cố gắng giúp đỡ, khuyến khích và trấn an các trẻ em chúng tôi.

Tijan nói: Những ai đến Trung tâm đều nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ và tình thương mến. Vì khi chạy trốn khỏi gia đình, bạn không có nơi nào để nương tựa. Tại Trung tâm lúc nào cũng có đồ ăn thức uống, và một chiếc giường cho bạn. Ngoài ra ở đó còn có nhiều trẻ em khác.

Tijan cho hay các sơ đã cứu sống và cưu mang chúng tôi! Không chỉ mình tôi mà còn hàng ngàn trẻ em khác chạy đến đó vì không còn cha, còn mẹ.
 
Ngày thánh hóa các linh mục: Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu mời cầu nguyện
LM Stêphanô Bùi Thượng Lưu
13:51 19/06/2020
Ngày thánh hóa các linh mục: Đức Giáo Hoàng Phanxicô kêu mời cầu nguyện: "Xin cho các linh mục luôn luôn là những thừa tác viên của niềm vui Tin Mừng"

Đức Giáo Hoàng Phanxicô mời gọi dâng lời cầu nguyện đặc biệt dành cho các linh mục, trong ngày mừng lễ Thánh Tâm Chúa, mà Giáo hội Latinh cử hành vào ngày 19 tháng 6 năm 2020, và cũng trùng với Ngày cầu nguyện thế giới cho việc thánh hóa giáo sĩ hàng năm – thể theo một sáng kiến do Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị đề xướng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết trong một dòng Tweet: "Tôi mời gọi bạn cầu nguyện cho các linh mục, để qua lời cầu nguyện của bạn, Chúa sẽ củng cố ơn gọi của các ngài, nâng đỡ các ngài trong chức vụ của mình, và để các ngài luôn luôn là các thừa tác viên của Niềm vui Tin Mừng cho tất cả mọi dân nước. "

Trong bức thư nhân dịp thành lập ngày này (Vào Thứ năm Tuần Thánh, ngày 25 tháng 3 năm 1995), Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô đệ nhị hy vọng rằng Đức Trinh Nữ Maria "trên hết sẽ đặt vào trái tim chúng ta một khát vọng mạnh mẽ về sự thánh thiện".

Ngài viết thêm: "Việc truyền giáo mới cần có những nhà truyền giáo mới, những linh mục cam kết sống theo chức tư tế của họ như một con đường thánh thiện. Thứ Năm tuần thánh, đưa chúng ta trở về nguồn gốc của chức tư tế, cũng nhắc nhở chúng ta về nghĩa vụ phải ra công gắng sức trên con đường thánh thiện, để trở thành "thừa tác viên thánh thiện" cho những người đàn ông và phụ nữ được giao phó cho công việc mục vụ của chúng ta. "

Đức Giáo Hoàng Ba Lan đã viết tiếp: "Chính trong chiều hướng này, thật là một cơ hội đặc biệt thuận lợi khi chấp nhận đề nghị của Thánh Bộ Giáo sĩ để cử hành trong mỗi giáo phận một 'Ngày thánh hóa các linh mục', vào ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, hoặc vào một ngày khác đáp ứng đúng theo các đòi hỏi và các thông lệ mục vụ của mỗi địa phương. Tôi tán thành đề nghị này, hy vọng rằng Ngày này sẽ giúp các linh mục sống càng ngày càng khăng khít và mật thiết hơn với Trái Tim của Vị Mục tử nhân
 
Tình trạnh bách hại người Công Giáo gia tăng tại Bosnia và Herzegovina
Đặng Tự Do
16:30 19/06/2020

Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu - đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.

Bosnia-Herzegovina ngày nay được chia thành ba nhóm dân tộc: Bosnia, Serb và Croats. Mặc dù trên giấy tờ họ được xem là bình đẳng, nhưng trong thực tế sự thất vọng được nhân lên bội phần vì đại dịch coronavirus kinh hoàng đang thúc đẩy các lực lượng ly tâm nguy hiểm: Người Bosnia Hồi giáo đang ngày càng hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo; đa số người Serb theo Chính Thống Giáo thì hướng về Nga, trong khi người Công Giáo, là nhóm nhỏ nhất đang nghiêng về Liên Hiệp Âu Châu. Một cuộc xung đột nội bộ đang gia tăng có nguy cơ ảnh hưởng tai hại đến tương lai của đất nước và làm phức tạp thêm việc gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna, đã báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia. Khoảng 10, 000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.

Đức Hồng Y cho biết trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.

Đức Hồng Y cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết:

“Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.”


Source:Aid To The Church In Need

 
Không tin cũng xảy ra: Trung Quốc hô hào chính sách gia đình mới: Một vợ hai chồng
Đặng Tự Do
16:33 19/06/2020

Ký giả Trần Nhất Lâm (Yilin Chen, 陈一林) của tờ Tài Tân (Caixin, 财新) cho biết một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc trước một đề xuất thay đổi luật hôn nhân gia đình của một giáo sư Đại Học. Toàn văn bài báo viết như sau:

Huỳnh Hựu Quang (Yew-Kwang Ng, 黄有光) giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán (Fudan, 复旦) đã đề xuất một giải pháp để chống lại các vấn nạn nhân khẩu học phát sinh từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Trong chuyên mục “Làm thế nào để sống hạnh phúc hơn” trên NetEase Finance, ông lập luận rằng Trung Quốc nên hợp thức hóa thực trạng phụ nữ có nhiều chồng, lý tưởng là có hai người chồng.

Chính sách một con, có hiệu lực trên khắp các vùng rộng lớn của Trung Quốc từ năm 1980, đã được nới lỏng vào năm 2016. Kết hợp với sở thích truyền thống là có con trai, chính sách này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng vì một số gia đình đã quyết định phá thai ngay cả bằng các phương thức bất hợp pháp khi biết thai nhi là gái. Theo Quang sự mất cân bằng giới tính hiện tại là 117 bé trai so với 100 bé gái dựa trên các báo cáo về sinh sản của Trung Quốc, mặc dù một số người cho rằng tỷ lệ này có lẽ chỉ là 105 so với 100. Quang cho rằng nhiều người đàn ông muốn kết hôn đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm vợ. Điều này có nghĩa là nhu cầu về thể chất và tâm lý của những người đàn ông này không được đáp ứng, và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

Quang đề xuất giải pháp cho vấn đề này là “chiến lược một vợ hai người chồng”. Quang viết: “Định nghĩa truyền thống về hôn nhân bao gồm hai người, một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, ngày nay một số quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, vì thế chúng ta cũng có thể từ bỏ định nghĩa này và cho phép một người phụ nữ có nhiều chồng.”

Ông ta lập luận rằng giải pháp này chỉ phản ảnh một thực tại là những người phụ nữ có hai người chồng vẫn có khả năng mang lại hạnh phúc cho cả hai người chồng và hoàn thành chu đáo công việc nhà. Ông Quang nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tìm được vợ cho lực lượng đông đảo những người đàn ông độc thân trong xã hội Trung Quốc sẽ vượt trội hơn so với các tác hại không đáng kể và ngắn hạn mà những người phụ nữ muốn có nhiều chồng phải chịu.

Bài viết của Huỳnh Hựu Quang đã bị lên án rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội sau khi bài viết của y được đăng rộng rãi trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phương tiện truyền thông chính mạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc Quang coi phụ nữ chỉ là các thứ hàng hóa và máy móc.

Khi được yêu cầu bình luận về câu chuyện này, một ký giả tại Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh của giáo phận Hương Cảng nói với chúng tôi rằng trong các vùng nông thôn Trung Quốc tình trạng một người phụ nữ phải làm vợ cho nhiều người trong cùng một dòng tộc không phải là hiếm. Tuy nhiên, hầu chắc cuộc tranh luận này là một một mưu toan đánh lạc hướng dư luận tại Hoa Lục. Bất mãn của dân chúng đối với cách thức cộng sản đối phó với đại dịch coronavirus càng ngày càng cao vì con số thương vong và tình trạng kinh tế bi đát. Huỳnh Hựu Quang, 78 tuổi, đang đóng vai một con dê tế thần.


Source:Caixin
 
Dù gặp đại dịch, cuộc hội thảo về việc bảo vệ trẻ em vẫn tiến hành
Vũ Văn An
18:55 19/06/2020

Theo Nữ tu Bernadette Mary Reis, FSP, của Vatican News, bất chấp các hạn chế do Covid-19 gây ra, một số tổ chức vẫn tiến hành một loạt các buổi hội thảo trực tuyến (webinars) nhằm nâng cao ý thức về nhu cầu bảo vệ trẻ em, người trẻ và những người trưởng thành dễ bị thương tổn.



Loạt hội thảo này là sáng kiến của Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả (UISG), với sự cộng tác của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên (PCPM), Trung tâm Bảo vệ Trẻ em của Đại Học Gregorian và Telefono Azzurro ở Ý.

Buổi hội thảo trực tuyến đầu tiên diễn ra hôm Thứ Hai, 8 tháng 6 năm 2020. Chủ đề là “Bảo vệ Trẻ em, Giới trẻ và các Người Trưởng thành Dễ Bị Thương tổn và nhu cầu phải có một nền thần học nhất quán về tuổi thơ” do Nữ Tu Nuala Kenny thuộc Dòng Nữ Tu Bác Ái Halifax trình bầy.

Theo Emer McCarthy, Quản trị viên Dự án của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên, tính đến ngày 5 tháng 6, đã có 400 người “từ Guatemala tới Burkina Faso, tới Sri Lanka” đăng ký tham dự buổi hội thảo trực tuyến đầu tiên. Hai ngày sau, việc đăng ký đóng cửa vì có đến 330 người nữa đăng ký. Song song với khả thể có người đích thân tham dự, cả Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả lẫn Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên đều sẽ trực tiếp phát hình biến cố này cho tất cả những ai không đăng ký được.

Nói với Vatican News, Emer giải thích rằng loạt hội thảo trực tuyến này là thành quả của sự hợp tác liên tục với Liên hiệp Quốc tế Các Bề trên Cả và các đối tác nam giới của họ. Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên chủ yếu tập chú vào việc hướng các cố gắng của mình vào việc bảo vệ an toàn cho trẻ em. Nhiều trẻ em được hưởng lợi ích từ thừa tác vụ của các nam nữ tu sĩ trong các trường học, trung tâm săn sóc trẻ em, bệnh viện và các cơ cấu khác khắp trên thế giới. Emer xác nhận rằng “Các nam nữ tu sĩ thực sự đứng ở tuyến đầu trong việc săn sóc trẻ em và những người dễ bị thương tổn trong Giáo Hội”. Sự hợp tác đang diễn tiến thì bị ngưng lại cách đột ngột vì đại dịch Covid-19. Loạt hội thảo trực tuyến được hoạch định như một giải đáp đối với mối quan tâm của các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên muốn “giữ cho ý thức bảo vệ luôn sống động trong thời gian đại dịch, vì có nhiều rủi ro gia tăng” cho trẻ em và người dễ bị thương tổn do các hạn chế gián cách xã hội gây ra.

Chủ đề của cuộc hội thảo trực tuyến đầu tiên nói đến “nhu cầu phải có một nền thần học nhất quán về tuổi thơ”. Emer nói rằng đây là đề tài rất quan trọng. Nó là kết luận của mọi giai tầng Giáo Hội: các giáo lý viên, các Giám Mục địa phương cũng như chủ tịch các Hội Đồng Giám Mục. Dù các nhà thần học cá thể đã bắt đầu nghiên cứu và viết nhiều bài về chủ đề này, nhưng vẫn chưa có “một bản văn nòng cốt”. Bà cho rằng “chúng ta thực sự cần có một nền thần học nhất quán làm cơ sở cho lý do tại sao bạn cần phải bảo vệ an toàn cho trẻ em, tại sao chúng ta, trong tư cách Giáo Hội, tại sao chúng ta trong tư cách Kitô hữu và Công Giáo, được mời gọi đặt trẻ em ở giữa chúng ta như Chúa Giêsu đã làm”. Một trong các sứ điệp của Nữ Tu Nuala Kenny, theo bà, là sứ điệp phản văn hóa đương thịnh của Chúa Giêsu qua việc Người “đặt trẻ em lên phía trước và ở trung tâm”.

Được hỏi đã có tiến bộ nào kể từ Hội Nghị tháng Hai năm 2019 về việc Bảo vệ Các Vị Thành niên ở Vatican, và còn cần làm những gì, Emer trưng dẫn Toán Đặc Nhiệm thành lập hồi tháng 2 năm 2020 và luật lệ thiết lập bằng tự sắc Vos estis lux mundi. Còn về chuyện tương lai, Emer trích dẫn lời một trong các thành viên của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên. Ông vốn là cha của 5 đứa con và là một nhà tâm lý học, ông bảo “chúng ta không bao giờ nên tự mãn. Việc bảo vệ an toàn và ý thức về nó không phải là điều bạn làm với chiếc đầu của bạn. Bạn phải làm nó với trái tim của bạn. Bạn phải chấp nhận rằng đây là một điều vốn là thành phần cấu tạo nên sứ mệnh của chúng ta”.

Bà giải thích bảo vệ an toàn “đòi hoán cải, một điều chỉ có thể xẩy ra khi người ta bị thách thức với việc thiếu bảo vệ an toàn”. Điều này đòi phải lắng nghe “những ai phải chịu các hậu quả khủng khiếp” của việc các thành viên hàng giáo sĩ lạm dụng tình dục. Các câu truyện của họ biểu lộ “việc thiếu bảo vệ an toàn” kia và, do đó, xác định ra điều cần phải làm để bảo vệ an toàn cho người khác. Lắng nghe họ là một trong các mệnh lệnh hàng đầu của Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên. Qua Ủy Ban Giáo Hoàng Bảo vệ Vị Thành niên, tiếng nói của họ đã thấu tới những bình diện cao hơn trong giới lãnh đạo Giáo Hội. Emer nhắc lại “Chúng ta không bao giờ được tự mãn. Chúng ta có thể thực hiện tiến bộ bằng luật lệ, bằng qui tắc, bằng cơ cấu. Nhưng cho đến lúc những người đang thực sự làm việc với trẻ em và người dễ bị thương tổn trong Giáo Hội hiểu được các hệ quả thực tiễn của việc thế nào mới là ý thức được việc bảo vệ an toàn, thì chúng ta chưa có thể nói là chúng ta đã giải quyết được vấn đề”.

Kỳ sau: Bài thuyết trình của Nữ Tu Nuala Kenny: Nền Thần học Về Tuổi thơ, Xử sự với Trẻ em như Chúa Giêsu đã Xử sự
 
Năm vị thánh của thời đại mới
Thanh Quảng sdb
20:08 19/06/2020
Năm vị thánh của thời đại mới

Trong buổi tiếp kiến Đức Hồng Y Becciu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã châu phê các Sắc lệnh nâng 4 chân phước, đại diện cho các châu lục Nam Mỹ và Châu Âu, nêu cao sự phục vụ của các ngài dành cho người nghèo, cho muôn dân và cho giới trẻ.

(Tin Vatican - Robin Gomes)

Đức Thánh Cha Phanxicô hôm thứ Sáu vừa qua đã châu phê cho 3 người nam và 2 nữ, tiến một bước gần hơn đến việc phong thánh. Đức Thánh Cha đã tiếp kiến Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Thánh bộ phong thánh và châu phê 5 sắc lệnh xin phong thánh. Các ứng viên đến từ Argentina, Đức, Venezuela, Ý và Mexico.

Các sắc lệnh liên quan đến 3 phép lạ, một sự tử vì đạo và một văn kiện về các nhân đức anh hùng.

Các phép lạ

Với các sắc lệnh nhìn nhận 3 phép lạ thông qua sự can thiệp của 3 ứng viên sau đây được công nhận:

- Chân phước Mamerto Esquiú, thuộc Dòng Phanxinh, Giám mục Córdoba (Argentina). Ngài sinh ngày 11 tháng 5 năm 1826 tại San Josè de Piedra Blanca (Argentina) và mất ngày 10 tháng 1 năm 1883 tại La Posta de El Suncho (Argentina).

- Chân phước Franziskus Maria Thánh giá (tên sinh ra là Johann Baptist Jordan), linh mục và người sáng lập Dòng Chúa Cứu thế (Salvatorians) và Dòng các sơ của Chúa Cứu Chuộc. Ngài sinh ra ngày 16 tháng 6 năm 1848 tại Gurtweil, Waldshut-Tiengen (Đức) và qua đời vào ngày 08 tháng 9 năm 1918 tại Teaker, Fribourg (Thụy Sĩ).

- Chân phước Jose Gregorio Hernández Cisneros, một giáo dân, sinh ngày 26 tháng 10 năm 1864 tại Isnotú (Venezuela) và qua đời vào ngày 29 tháng 6 năm 1919, tại Venezuela (Venezuela).

Cuộc Tử đạo

Một sắc lệnh khác công nhận sự tử đạo của Tôi tớ Chúa Maria Laura Mainetti (tên khai sinh là Teresina Elsa). Một nữ tu của Dòng Mến Thánh giá Thánh Anrê, sơ sinh ra ở Colico (Ý) vào ngày 20 tháng 8 năm 1939 và chết ở Chiavenna (Ý), vì sự thù hận Đức tin vào ngày 6 tháng 6 năm 2000.

Các ứng cử viên có phép lạ và tử đạo đã được công nhận để được tôn phong chân phước, đó là một bước tiến gần tới hiển thánh. Một phép lạ khác cần thiết để được tôn phong lên hiển thánh.

Đức tính anh hùng

Một sắc lệnh khác công nhận những đức tính anh hùng của Đầy tớ Chúa Maria của Chúa Jesus Elizondo García (tên khai sinh là Speranza).

Là Bề trên cả của Tu hội Truyền giáo Giáo lý cho Người nghèo, sơ được sinh ngày 26 tháng 8 năm 1908 tại Durango (Mexico) và qua đời tại Monterrey (Mexico) vào ngày 8 tháng 12 năm 1966. Với sắc lệnh này, sơ được nâng lên tước hiệu Đầy Tớ Chúa. Bước kế tiếp là Chân phước thì cần có phép lạ.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Bổn Mạng Phong Trào Cursillo TGP Sydney Trong Mùa Đại Dịch Coronavirus 2020.
Diệp Hải Dung
08:31 19/06/2020
Hình ảnh Thánh lễ mừng kính Thánh Phaolô Bổn Mạng của Phong Trào Cursillo TGP Sydney tại hội trường nhà thờ Saint Luke Revesby Sydney tối Thứ Sáu 19/06/2020 và kỷ niệm mừng 45 năm Linh mục của Cha Linh hướng Phong Trào Paul Văn Chi. Vì còn đại dịch nên số người được tham dự rất giới hạn tối đa 50 người và phải có khoảng cách an toàn.

Xem Hình

Diệp Hải Dung
 
Thánh lễ Truyền Chức Linh Mục tại Giáo Phận Đà Nẵng năm 2020
Tôma Trương Văn Ân
10:18 19/06/2020
Giáo phận Đà Nẵng chọn Lễ Thánh Tâm Chúa 19 / 6 làm Bổn mạng. Đây là dịp mọi thành phần Dân Chúa trong Giáo phận qui tụ về với Đức Giám Mục trong một Đức tin, Một Thiên Chúa, một thân thể mầu nhiệm Đức Ki-tô là Giáo Hội.

Xem hình

Dịp mừng Lễ Thánh Tâm Chúa năm nay 19 / 6 / 2020, Tại Nhà thờ Chính Tòa Giáo phận Đà Nẵng, Đức Cha Giuse Đặng Đức Ngân, Giám mục Giáo phận đã mời gọi cộng đoàn tôn vinh và cảm nhận tình yêu Thiên Chúa nơi Thánh tâm Chúa Giê-su Ki-tô, cầu nguyện cho Giáo Hội, hiệp nhất, sống đức tin và loan báo Tin Mừng. Đức Cha cũng mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các Linh mục trở nên những Mục tử như lòng Chúa mong ước và cách đặc biệt, Đức Giám Mục đã trao tác vụ Linh mục cho 04 Thầy Phó tế:

+ Thầy Giuse NGUYỄN ĐÌNH THIÊN, thuộc Giáo xứ Thanh Đức.

+ Thầy Tôma PHẠM PHÚ CƯỜNG, thuộc Giáo xứ Gia Phước.

+ Thầy Gioan Baotixita NGUYỄN TRẦN VŨ ĐỨC, thuộc Giáo xứ Thanh Đức.

+ Thầy Giuse NGUYỄN THANH TÙNG, thuộc Giáo xứ Trà Kiệu

Cha Giuse Hồ Thứ, Giám đốc Đại Chủng Viện Xuân Bích – Huế; Cha Bonaventura Mai Thái, Tổng Đại Diện Giáo phận Đà Nẵng và hơn 110 Linh mục cùng đồng tế với Đức Giám Mục.

Đức Giám Mục đã huấn dụ cộng đoàn về ba chức năng: Giảng dạy, Tư tế và phục vụ cộng đoàn của Linh mục. Đồng thời Đức Giám Mục cũng nhắn nhủ riêng với các Tiến chức về những điều kiện cần có để hoàn thành tốt nhiệm vụ Linh mục.: nhiệm vụ Giảng huấn; chia sẻ Lời Chúa; dạy Giáo lý; có đời sống mẫu mực; Nhiệm vụ Thánh hóa trong Đức Ki-tô, giúp hoàn thành lễ tế thiêng liêng của các tín hữu, hiệp cùng lễ tế của Đức Ki-tô. Linh mục còn quy tụ vào Dân Thiên Chúa những người lãnh nhận Bí Tích khai tâm Ki-tô Giáo, ban phép xá giải và xức dầu Thánh nâng đỡ các bệnh nhân. Khi suy gẫm Luật Chúa, Linh mục hãy chú tâm TIN ĐIỀU CÁC CON ĐỌC, DẠY ĐIỀU CÁC CON TIN VÀ THI HÀNH ĐIỀU CÁC CON DẠY.

Từng tiến chức đã tiến lên quỳ trước mặt Đức Giám Mục, đặt đôi bàn tay vào lòng bàn tay Đức Giám Mục hứa vâng phục và kính trọng Giáo Hội.

Đức Giám Mục đã đọc Lời Nguyện Phong Chức, trao phẩm phục, xức dầu Thánh vào lòng bàn tay các Tân Linh mục và trao Chén Thánh có Bánh rượu. đồng thời Đức Giám Mục và các Linh mục trao hôn bình an như là ý nghĩa từ nay các Linh mục cùng chung một Thừa tác vụ.

Trước khi kết thúc Thánh lễ, một Tân Linh mục đã Đại diện các Tân Chúc đã cám ơn Đức Giám Mục Giáo phận, cám ơn Đức Cha Giuse – Giám mục Lạng Sơn Cao Bằng – nguyên Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. cám ơn Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện, Quý Cha Giáo tại Chủng viện. cám ơn Cha Tổng Đại diện, Quý Cha Nghĩa phụ, Quý Cha đồng tế. Các tân Chức cũng không quên cám ơn Cha mẹ, ông bà và họ hàng đã nâng đỡ hướng dẫn để có được ngày hôm nay. Các Tân Linh mục cũng cám ơn Cha Quản xứ, Phó xứ và các ban ngành của Giáo xứ Chính Tòa. Ban Truyền thông Giáo phận, ca đoàn Giáo xứ Trà Kiệu đã lo phụng vụ Thánh nhạc. các Tân Chức đã cám ơn tất cả những người bằng nhiều cách khác nhau giúp đỡ, cộng tác cho Thánh lễ được diễn ra tốt đẹp.

Trong dịp này Đức Giám Mục Giáo phận đã công bố thành lập hiệp hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Nẵng, với sự cộng tác giúp đỡ của Hội Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn (MTG QN), để tiến tới việc thành lập hội dòng Mến Thánh Giá Đà Nẵng. Đức Cha đã giới thiệu sự hiện diện của các chị: Chị Maria Võ Thị Tuyết – Tổng Phụ trách Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn và các Chị em trong Ban Tư vấn của Hội Dòng. Đức Cha cũng giới thiệu với Cộng đoàn 3 chị của Dòng MTG Qui Nhơn sẽ đồng hành với Giáo phận trong việc đào tạo, huấn luyện, tuyển chọn các ứng sinh, tuyển chọn Thanh tuyển cho Dòng Mến Thánh Giá Đà Nẵng. Đó là Chị Matta Nguyễn Thị Trung - Tổng cố vấn Dòng MTG Qui Nhơn; Chị Catarina Thái Thị Hay và Chị Anna Lưu Thị Thùy Trang. Cơ sở đầu tiên đặt tại Đền Thánh An-rê Phú Yên Phước Kiều. Đức Giám Mục Giáo phận Đà Nẵng đã cám ơn Đức Giám Mục Giáo phận Qui Nhơn, cám ơn Chị Tổng Phụ Trách Dòng Mến Thánh Giá Qui Nhơn đã đồng ý và giúp đỡ cho việc thành lập Hội Dòng Mến Thánh Giá Đà Nẵng

Đức Giám Mục Giáo phận đã tặng hoa cho các tân Chức và chúc mừng Giáo phận trong ngày mừng Bổn mạng, chúc mừng Ông Bà Cố ( bố mẹ của các tân chức). Đức Cha có lời chúc tốt đẹp từ Thiên Chúa đến với Quý Cha và tất cả mọi người. Đức Cha đã ban Phép Lành cho các Tân Linh mục, và Phép lành trọng thể cho Cộng đoàn đã kết thúc Thánh lễ Kính Thánh Tâm Chúa Giê-su, Bổn mạng Giáo phận và Truyền Chức Linh mục.

Tôma Trương Văn Ân
 
TGM Giáo phận Vinh: Thông báo về việc thuyên chuyển và bổ nhiệm linh mục, tháng 6-2020
Lm. Fx. Nguyễn Hồng Ân
14:51 19/06/2020
TGM Giáo phận Vinh: Thông báo về việc thuyên chuyển và bổ nhiệm linh mục, tháng 6-2020

GIÁO PHẬN VINH
VĂN PHÒNG TÒA GIÁM MỤC
Xã Đoài, Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Điện thoại: 0365 415 615
Email: vptgmvinh@gmail.com
Số: 1320/TB-TGM


Xã Đoài, ngày 17 tháng 6 năm 2020

THÔNG BÁO: V/v: Thuyên chuyển và bổ nhiệm linh mục, tháng 6/2020

Kính thưa quý Cha cùng cộng đoàn Dân Chúa Giáo phận Vinh,

Để đáp ứng nhu cầu mục vụ và vì lợi ích thiêng của các Kitô hữu, Đức Giám Mục Giáo phận Vinh quyết định thuyên chuyển và bổ nhiệm các linh mục trong Giáo phận có tên dưới đây:

  • Linh mục Giêrađô NGUYỄN NAM VIỆT: Trưởng Ban Truyền thông Giáo phận Vinh, nay được bổ nhiệm kiêm Chánh Văn phòng Tòa Giám mục, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Phanxicô Xaviê NGUYỄN HỒNG ÂN: Nguyên Chánh Văn phòng Tòa Giám mục, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Kẻ Gai, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn NGUYỄN VĂN HÙNG: Nguyên quản xứ Kẻ Gai, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Xuân An, phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Phêrô ĐINH BẠT SONG; Nguyên quản xứ Xuân An, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Song Ngọc, xã Quỳnh Ngọc, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Gioan Baotixita NGUYỄN ĐÌNH THỤC: Nguyên quản xứ Song Ngọc, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Lộc Mỹ, xã Nghi Quang, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse TRƯƠNG VĂN TRƯỜNG: Nguyên quản xứ Lộc Mỹ, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Xuân Phong, xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse NGUYỄN ANH TUẤN: Nguyên quản xứ Xuân Phong, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn TRẦN ĐÌNH VĂN: Nguyên quản xứ Vĩnh Hòa, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Hội Nguyên, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Gioan Baotixita NGÔ NĂNG: Nguyên quản xứ Hội Nguyên, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Yên Lĩnh, xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse NGUYỄN ĐỨC NHÂN: Nguyên quản xứ Yên Lĩnh, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Mẫu Lâm, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Phêrô NGUYỄN VĂN HÀ: Nguyên quản xứ Mẫu Lâm, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Đồng Kén, xã Tây Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse LÊ VĂN ĐƯƠNG: Nguyên quản xứ Đồng Kén, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Mành Sơn, xã Tiến Thủy, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giacôbê NGUYỄN QUANG LÀNH: Nguyên quản xứ Mành Sơn, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Đồng Sơn, xã Hưng Yên Nam, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse TRẦN NAM THẮNG: Nguyên quản xứ Đồng Sơn, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Xuân Mỹ, xã Nghi Đồng, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Luca NGUYỄN NGỌC NAM: Nguyên quản xứ Xuân Mỹ, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Đạo Đồng, xã Quang Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn TRƯƠNG VĂN KHẨN: Nguyên quản xứ Đạo Đồng, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Nghi Lộc, xã Diễn Hạnh, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse NGUYỄN VĂN CHÍNH: Nguyên quản xứ Nghi Lộc, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Cẩm Sơn, xã Đại Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn HOÀNG SỸ PHÚC: Nguyên quản xứ Cẩm Sơn, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Sơn Trang, xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Giuse NGUYỄN XUÂN VINH: Nguyên quản xứ Sơn Trang, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Mỹ Khánh, xã Khánh Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn ĐẶNG HỮU NAM: Nguyên quản xứ Mỹ Khánh, nay được tạm nghỉ mục vụ giáo xứ.
  • Linh mục Giuse NGUYỄN CÔNG BẮC: Nguyên quản xứ kiêm quản hạt Cầu Rầm, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Cẩm Trường, xã Quỳnh Yên, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Phanxicô Xaviê PHAN ĐÌNH GIÁO: Nguyên quản xứ Cẩm Trường, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Mỹ Yên, xã Nghi Phương, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Phanxicô Xaviê NGUYỄN VĂN LƯỢNG: Nguyên quản xứ Mỹ Yên, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Kẻ Dừa kiêm quản hạt Kẻ Dừa, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn TRẦN VĂN CÔNG: Nguyên quản xứ kiêm quản hạt Kẻ Dừa, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Thuận Nghĩa kiêm quản hạt Thuận Nghĩa, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Antôn NGUYỄN VĂN ĐÍNH: Nguyên quản xứ kiêm quản hạt Thuận Nghĩa, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm cha xứ giáo xứ Đông Tháp kiêm quản hạt Đông Tháp, xã Diễn Hồng, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Đaminh PHẠM XUÂN KẾ: Nguyên quản xứ kiêm quản hạt Đông Tháp, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Cầu Rầm kiêm quản hạt Cầu Rầm, phường Cửa Nam, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Tôma Aquinô HOÀNG TRỌNG HIẾU, O.P: Nguyên quản xứ Bố Sơn, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha quản nhiệm giáo họ Khoa Trường và Tân Hương, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Micae TRẦN VĂN DÂNG: Nguyên giáo sư nội trú Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Bố Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Phêrô NGUYỄN NGỌC GIAO: Nguyên quản xứ Trang Nứa, nay được thuyên chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Tân Lộc kiêm quản hạt Cửa Lò, phường Nghi Tân, thị xã Cửa Lò, tỉnh Nghệ An.
  • Linh mục Gioan Baotixita HOÀNG VĂN TỰ: Nguyên quản xứ Hòa Mỹ, giáo phận Hà Tĩnh, nay được thuyển chuyển và bổ nhiệm làm Cha xứ giáo xứ Trang Nứa, xã Hưng Yên Bắc, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An.


Với tình huynh đệ và hiệp thông, kính xin quý Cha và quý ông bà anh chị em cầu nguyện cho các Cha được thuyên chuyển và bổ nhiệm đợt này thêm sức khỏe, nhiều niềm vui và nhiệt huyết tông đồ, để các Cha hoàn thành tốt sứ vụ được trao phó tại nhiệm sở mới.

Hiệp nhất và bình an trong Chúa Kitô,

TM. VĂN PHÒNG TÒA GIÁM MỤC
Lm. Fx. Nguyễn Hồng Ân
 
Thông Báo
Ban Giám Đốc, các nghệ sĩ, ký giả, xướng ngôn viên phân ưu với Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
11:10 19/06/2020


CÁO PHÓ


Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Ông Phêrô Nguyễn Văn Tuệ

Sinh ngày 6 tháng Ba, 1930

Tại Trung Lai, Việt Yên, Bắc Giang, Việt Nam

Là thân phụ của ca sĩ, xướng ngôn viên Kim Thúy

đã được Chúa gọi về lúc 5:57 sáng ngày 19 tháng 6 năm 2020

tại Los Angeles, California, USA

Hưởng thọ 90 tuổi

Xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót đón nhận

linh hồn ông Phêrô vào hưởng ánh sáng ngàn thu

và xin Người lau khô nước mắt cho tang quyến.



J.B. Đặng Minh An

Phó Giám Đốc VietCatholic
 
Phân ưu: Thân phụ Ca sĩ Kim Thúy qua đời tại Los Angeles
VietCatholic Network
11:50 19/06/2020
PHÂN ƯU
Trong sự tin yêu và cậy trông vào lòng nhân từ của Thiên Chúa
Thành kính phân ưu cùng gia đình ca sĩ Kim Thúy (cộng tác viên VietCatholic)
đã mất đi người Cha thân yêu nhất là:
Ông Cố Phêrô Nguyễn Văn Tuệ
Sinh ngày 6 tháng 3 năm 1930 tại Trung Lai, Việt Yên, Bắc Giang, Việt Nam.
được Chúa gọi về lúc 5:57 sáng ngày 19 tháng 6 năm 2020
tại Los Angeles, California, USA
Hưởng thọ 90 tuổi.

(Chương trình trình tang lễ sẽ được thông báo sau)

Chúng con cậy vì danh Chúa nhân từ, cho linh hồn Phêrô được lên chốn nghỉ ngơi,
hằng xem thấy mặt đức Chúa Trời sáng láng vui vẻ vô cùng Amen.

LM Trần Công Nghị và Toàn thể Ban Giám Đốc,
các Cộng tác viên và độc giả VietCatholic thành kính phân ưu
và cầu nguyện cho Linh hồn ông Cố Phêrô được hưởng phúc Thiên đàng.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chú Chim Sẻ/Little Bird
Robert Helfman
21:44 19/06/2020
CHÚ CHIM SẺ/LITTLE BIRD
Ảnh của Robert Helfman

Không môi son chẳng áo vàng
Đơn sơ chim sẻ dịu dàng vườn sau.
(bt)
 
VietCatholic TV
Đức Bênêđíctô thứ 16 bay gấp về Đức, bào huynh sắp qua đời, xin cầu nguyện cho ngài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
03:46 19/06/2020

Cuộc trở về Đức của Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđictô XVI thật thầm lặng và được giữ kín, cho đến khi phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Matteo Bruni thông báo. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đáp máy bay xuống phi trường Müchen lúc 11g45 sáng ngày thứ năm, 18.6.2020. Tại sân bay Đức cha Rudolf Voderholzer của giáo phận Regensburg chào đón đơn giản và đưa Ngài đến thành phố Regensburg. Lý do chính yếu trở về Đức là thăm viếng người anh ruột trong những giây phút cuối cuộc đời, Đức Ông Georg Ratzinger, 96 tuổi đang hấp hối trên giường bệnh. Chuyến thăm thật ngạc nhiên cho mọi người, tuy nhiên ẩn dấu một sự chia tay vĩnh biệt một người thân duy nhất trong gia đình còn sót lại. Gia đình giòng họ Ratzinger chỉ còn hai anh em này: một người 96 tuổi, người khác 93 tuổi.

Cho đến chiều 18 tháng 6 tin tức và hình ảnh về Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã được đưa nhanh trên hàng chục tờ báo hàng đầu ở Đức. Đây là lần đầu tiên trở về cố hương của Ngài từ khi từ chức ngôi vị giáo hoàng vào năm 2013. Đoàn tháp cùng của Ngài gồm có thư ký riêng, TGM Georg Gänswein, một bác sĩ, một y tá, một vệ sĩ Thụy Sĩ và một nữ tu. TGM Georg Gänswein cho biết Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI yếu về thể chất, nhưng tinh thần rất minh mẫn. Tại phi trường Ngài được ngồi trên chiếc xe lăn và được xe cứu thương Malteser Dienst dành chuyên chở cho người già đưa về đại chủng viện Regensburg, nơi Ngài sẽ tạm trú và gần căn nhà Đức Ông Georg Ratzinger đang sống.

“Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã đưa ra quyết định trở về Đức thăm anh trai của mình tại Regensburg ngay sau khi tham khảo thêm ý kiến với Đức Giáo Hoàng Phanxicô”, phát ngôn viên báo chí của giáo phận Regensburg, ông Clemens Neck cho biết. Ông nói thêm rằng thời gian ở lại Đức của Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI còn phụ thuộc vào sức khỏe anh trai của Ngài. “Rõ ràng Đức Ông Georg bị bệnh nặng.”

Lần cuối cùng thăm lại Đức vào năm 2011 khi Ngài còn giữ ngôi vị Giáo Hoàng. Ngài luôn giữ mối quan hệ rất mật thiết với anh trai 96 tuổi Georg. Trong nhiều năm qua Đức Ông Georg luôn qua Vatican thăm em trai của mình hằng năm. Hai anh em rất thân thiết yêu thương nhau. Cùng nhau, hai thày Georg và Joseph Ratzinger đã được Đức Hồng Y Michael Faulhaber tấn phong linh mục ngày 29 tháng 6 năm 1951 tại Nhà thờ chính tòa Freising miền Bavaria. Cuộc gặp gỡ hôm nay ở Regensburg là “mong muốn từ trong trái tim của hai anh em Ratzinger” và nên giữ kín. “Đây có thể là lần cuối cùng hai anh em, Georg và Joseph Ratzinger còn nhìn thấy mình ở trong thế giới này”, ông Clemens Neck chia sẻ trong sự buồn bã. Vì thế một vài tờ báo đã cho chạy tựa đề “chuyến trở về khá bi thảm”.

Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã vui mừng khi bước ra khỏi nhà của anh trai mình sau cuộc viếng thăm, ông Neck cho biết. Cuộc gặp mặt đã kéo dài 20 đến 30 phút. Ông Neck không biết hai anh em đã gặp nhau cách đây bao lâu rồi. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã phải mừng sinh nhật lần thứ 93 vào giữa tháng 4 không có mặt anh trai Georg vì đại dịch Corona.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Matteo Bruni cho biết đây là lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI rời khỏi nước Ý kể từ khi Ngài từ chức vào năm 2013. Điều này đã đáp ứng “nguyện vọng trong lòng” của Ngài là được về thăm cố hương nước Đức.

Chủ tịch Hội đồng Giám mục Đức, Đức cha Georg Bätzing cho biết: “Chúng tôi hài lòng về Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI, một thành viên của Hội đồng Giám mục Đức đã trở về nhà, mặc dù dịp đi này rất buồn.” Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI muốn gần gũi với anh trai mình, sức khỏe đang xấu dần đi. Đó là lý do tại sao giáo phận Regensburg yêu cầu công chúng vui lòng giữ khoảng cách “cho cuộc gặp gỡ cá nhân sâu sắc trong không gian riêng tư” của hai anh em Ratzinger.
 
Ban Giám Đốc, các nghệ sĩ, ký giả, xướng ngôn viên phân ưu với Ca Sĩ Kim Thúy
VietCatholic Network
11:16 19/06/2020
Trong niềm tin vào Chúa Ki-tô Phục Sinh,

VietCatholic trân trọng thông báo cùng quý Đức Cha, quý cha, quý tu sĩ và anh chị em

Ông Phêrô Nguyễn Văn Tuệ

Sinh ngày 6 tháng Ba, 1930

Tại Trung Lai, Việt Yên, Bắc Giang, Việt Nam

Là thân phụ của ca sĩ, xướng ngôn viên Kim Thúy

đã được Chúa gọi về lúc 5:57 sáng ngày 19 tháng 6 năm 2020

tại Los Angeles, California, USA

Hưởng thọ 90 tuổi

Xin Thiên Chúa là Cha đầy lòng thương xót đón nhận

linh hồn ông Phêrô vào hưởng ánh sáng ngàn thu

và xin Người lau khô nước mắt cho tang quyến.
 
Kinh hoàng: Phong hóa đồi bại, Trung Quốc hô hào chính sách gia đình một vợ hai chồng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
17:16 19/06/2020


2. Không tin cũng xảy ra: Trung Quốc hô hào chính sách gia đình mới: Một vợ hai chồng

Ký giả Trần Nhất Lâm (Yilin Chen, 陈一林) của tờ Tài Tân (Caixin, 财新) cho biết một cuộc tranh luận sôi nổi đang diễn ra trong xã hội Trung Quốc trước một đề xuất thay đổi luật hôn nhân gia đình của một giáo sư Đại Học. Toàn văn bài báo viết như sau:

Huỳnh Hựu Quang (Yew-Kwang Ng, 黄有光) giáo sư kinh tế tại Đại học Phúc Đán (Fudan, 复旦) đã đề xuất một giải pháp để chống lại các vấn nạn nhân khẩu học phát sinh từ chính sách một con kéo dài hàng thập kỷ của Trung Quốc. Trong chuyên mục “Làm thế nào để sống hạnh phúc hơn” trên NetEase Finance, ông lập luận rằng Trung Quốc nên hợp thức hóa thực trạng phụ nữ có nhiều chồng, lý tưởng là có hai người chồng.

Chính sách một con, có hiệu lực trên khắp các vùng rộng lớn của Trung Quốc từ năm 1980, đã được nới lỏng vào năm 2016. Kết hợp với sở thích truyền thống là có con trai, chính sách này đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính nghiêm trọng vì một số gia đình đã quyết định phá thai ngay cả bằng các phương thức bất hợp pháp khi biết thai nhi là gái. Theo Quang sự mất cân bằng giới tính hiện tại là 117 bé trai so với 100 bé gái dựa trên các báo cáo về sinh sản của Trung Quốc, mặc dù một số người cho rằng tỷ lệ này có lẽ chỉ là 105 so với 100. Quang cho rằng nhiều người đàn ông muốn kết hôn đang gặp khó khăn rất lớn trong việc tìm vợ. Điều này có nghĩa là nhu cầu về thể chất và tâm lý của những người đàn ông này không được đáp ứng, và tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn trong tương lai.

Quang đề xuất giải pháp cho vấn đề này là “chiến lược một vợ hai người chồng”. Quang viết: “Định nghĩa truyền thống về hôn nhân bao gồm hai người, một người nam và một người nữ. Tuy nhiên, ngày nay một số quốc gia trên thế giới đã hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới, vì thế chúng ta cũng có thể từ bỏ định nghĩa này và cho phép một người phụ nữ có nhiều chồng.”

Ông ta lập luận rằng giải pháp này chỉ phản ảnh một thực tại là những người phụ nữ có hai người chồng vẫn có khả năng mang lại hạnh phúc cho cả hai người chồng và hoàn thành chu đáo công việc nhà. Ông Quang nhấn mạnh rằng lợi ích của việc tìm được vợ cho lực lượng đông đảo những người đàn ông độc thân trong xã hội Trung Quốc sẽ vượt trội hơn so với các tác hại không đáng kể và ngắn hạn mà những người phụ nữ muốn có nhiều chồng phải chịu.

Bài viết của Huỳnh Hựu Quang đã bị lên án rộng rãi trên các phương tiện truyền thông xã hội sau khi bài viết của y được đăng rộng rãi trên tờ Hoàn Cầu Thời Báo, một phương tiện truyền thông chính mạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhiều người cáo buộc Quang coi phụ nữ chỉ là các thứ hàng hóa và máy móc.

Khi được yêu cầu bình luận về câu chuyện này, một ký giả tại Trung Tâm Nghiên Cứu Thánh Linh của giáo phận Hương Cảng nói với chúng tôi rằng trong các vùng nông thôn Trung Quốc tình trạng một người phụ nữ phải làm vợ cho nhiều người trong cùng một dòng tộc không phải là hiếm. Tuy nhiên, hầu chắc cuộc tranh luận này là một một mưu toan đánh lạc hướng dư luận tại Hoa Lục. Bất mãn của dân chúng đối với cách thức cộng sản đối phó với đại dịch coronavirus càng ngày càng cao vì con số thương vong và tình trạng kinh tế bi đát. Huỳnh Hựu Quang, 78 tuổi, đang đóng vai một con dê tế thần.


Source:Caixin

2. Tình trạnh bách hại người Công Giáo gia tăng tại Bosnia và Herzegovina

Bosnia và Herzegovina đã từ lâu không được nhắc đến trên báo chí. Chính thức, cuộc nội chiến tàn bạo ở Nam Tư cũ đã kết thúc với Hiệp định Dayton năm 1995. Tuy nhiên, những vết thương của chiến tranh vẫn còn tiếp tục rỉ máu - đặc biệt là trong sự phân biệt đối xử đối với người Công Giáo. Khi cuộc xung đột đang diễn ra, ít nhất nửa triệu người Công Giáo đã bị xua đuổi khỏi quốc gia này.

Bosnia-Herzegovina ngày nay được chia thành ba nhóm dân tộc: Bosnia, Serb và Croats. Mặc dù trên giấy tờ họ được xem là bình đẳng, nhưng trong thực tế sự thất vọng được nhân lên bội phần vì đại dịch coronavirus kinh hoàng đang thúc đẩy các lực lượng ly tâm nguy hiểm: Người Bosnia Hồi giáo đang ngày càng hướng về Thổ Nhĩ Kỳ và thế giới Hồi giáo; đa số người Serb theo Chính Thống Giáo thì hướng về Nga, trong khi người Công Giáo, là nhóm nhỏ nhất đang nghiêng về Liên Hiệp Âu Châu. Một cuộc xung đột nội bộ đang gia tăng có nguy cơ ảnh hưởng tai hại đến tương lai của đất nước và làm phức tạp thêm việc gia nhập vào Liên Hiệp Âu Châu.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, là tổng giám mục Vrhbosna, đã báo động về số phận của người Công Giáo trong nước, phần lớn là người Croatia. Khoảng 10, 000 người Công Giáo đang phải di tản ra nước ngoài mỗi năm.

Đức Hồng Y cho biết trong chiến tranh và ngay sau đó, hầu hết người Công Giáo bị trục xuất khỏi nhà cửa của họ và có rất nhiều những vụ phá hoại và cướp bóc đã xảy ra. Sau chiến tranh, họ không nhận được sự hỗ trợ về mặt chính trị hay tài chính để quay trở lại. Các điều khoản của hiệp định Dayton đã không được thực hiện trong thực tế, và những người phải chịu đựng nhiều nhất là những người Công Giáo Croatia thiểu số. Họ gặp nhiều khó khăn để bảo vệ các quyền cơ bản của mình. Hiện nay tình trạng mất an ninh ngày càng đáng báo động, một số người Công Giáo Croatia đã phải rời khỏi đất nước vì lý do này. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ.

Đức Hồng Y cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết:

“Giáo hội ở Bosnia và Herzegovina đang cố gắng hoạt động như thể mọi thứ đều bình thường; chúng tôi đang cố gắng mang lại cảm giác tự tin và hy vọng cho tương lai. Điều này đang được thực hiện thông qua công việc mục vụ và bác ái của chúng tôi và cũng thông qua hệ thống trường học của chúng tôi. Chúng ta phải là muối đất trong tình huống bi thảm này và tiếp tục đứng thẳng lên trong các vấn đề về nhân quyền.”


Source:Aid To The Church In Need
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Tình Yêu Thiên Chúa - Trình bày: Ca Sĩ Như Ý
VietCatholic
07:36 19/06/2020