Ngày 19-06-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:10 19/06/2012
CHỬI NGƯỜI ĐÁNH RẮM
N2T

Có rất nhiều người tập họp nhau lại nói chuyện phiếm, đột nhiên có người đánh rắm (địt) một cái, mọi người không biết ai là người đã đánh rắm, nhưng không hẹn mà ai cũng tập trung nhìn về một trong những người ở đó, thế là một người đều chửi mắng anh ta thậm tệ, nhưng thật ra không phải là anh ta đánh rắm, mà anh ta cũng không giải thích hay biện bác gì cả, mà chỉ ngồi đó cười cười mà thôi.
Mọi người hỏi anh ta:
- “Có gì mà cười hoài vậy hả ?”
Anh ta miễn cưỡng không cười nữa, nói:
- “Tôi à, tôi cười người đánh rắm ấy, hắn ta cũng hùa theo chửi mà tôi đấy !”

Suy tư:
A dua hoặc hùa theo đám đông để chống đối hoặc tán thành mà không biết phải trái đúng sai, thì đó là người không có lập trường, và cũng là người không có ý chí, những hạng người này chỉ có làm hại cho đất nước mà thôi.
Ma giáo thì thường lấy đám đông áp đảo số ít, dù số ít là đúng, nhưng khi áp đảo thắng số ít rồi thì chính ma giáo lại tự cắn nhau, đấu tố nhau. Con người ta khi vì cái lợi cái lộc cho mình mà thường hùa vào với nhau để chỉ trích để làm hại người khác bất kể đúng hay sai, đó gọi là đồng bệnh tương lân.
Giáo Hội là cộng đoàn những kẻ tin vào Đức Chúa Giê-su là Đấng Thiên Chúa làm người, đức tin này được thể hiện qua cuộc sống làm chứng nhân cho tình yêu của Thiên Chúa của người Ki-tô hữu trên khắp thế giới, chứng nhân này là cuộc sống tôn trọng phẩm giá của người khác, tôn trọng sự thật và sự công bình bác ái trong cuộc sống hôm nay, cho nên họ không thể hùa theo đám đông của sự dữ để lên án tha nhân là người anh chị em của mình.
Hùa theo tội ác để làm hại tha nhân thì có ngày sẽ bị ác giả ác báo, không những bị ở đời này mà còn đời sau nữa.
--------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://blog.yahoo.com/nhantai
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:11 19/06/2012
N2T

15. Tôi tự nguyện trở thành một con vật ti tiện nhất để phục tùng thánh ý của Thiên Chúa, chứ không muốn làm một thiên thần sốt mến mà làm theo ý mình.

(Chân phước Enrice Susung)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo hội học hiệp thông, 50 năm sau Vatican II
Vũ Văn An
00:36 19/06/2012

Từ ngày 6 tháng 6 tới ngày 9 tháng 6, năm 2012, một hội nghị chuyên đề về giáo hội học hiệp thông đã được tổ chức tại phân khoa thần học của Đại Học Giáo Hoàng Thánh Patrick, Maynooth, Ái Nhĩ Lan, để đánh dấu 50 năm ngày khai mạc Công Đồng Vatican II. Các học giả thuộc nhiều bộ môn (thánh kinh, thần học hệ thống, thần học luân lý, phụng vụ, nghiên cứu mục vụ, truyền giáo học và đại kết học) đã cùng nhau mổ xẻ vấn đề: trạng huống của giáo hội học hiệp thông trong mọi khía cạnh hiện nay ra sao? Hội nghị chuyên đề nhằm tiếp đón các tham dự viên ít nhất cũng đã hoàn tất trình độ cao học về thần học. Khoảng 400 người như thế đã tham dự hội nghị chuyên đề này.

Trong buổi khai mạc, Đức HY Marc Ouellet, chủ tịch Thánh Bộ Giám Mục đã đọc một bài diễn văn theo chủ đề của hội nghị: Giáo Hội Học Hiệp Thông, 50 Năm Sau Vatican II. Sau đây là nội dung bài diễn văn:


Nhập đề

Chân Phúc Gioan XXIII đặt ra hai mục tiêu chính cho Công Đồng Vatican II: cập nhật hóa việc trình bày giáo thuyết của Giáo Hội, và phát huy sự hợp nhất các Kitô hữu (1). Hai mục tiêu này nhằm đổi mới mối liên hệ của Giáo Hội với thế giới hiện đại và nhờ thế làm sống lại sứ mệnh phổ quát của mình.

Để đạt được hai mục tiêu trên, các nghị phụ của Công Đồng đã suy tư thấu đáo về giáo hội học, với hy vọng xác định được tốt hơn bản chất sâu xa của Giáo Hội, cơ cấu chủ yếu của Giáo Hội, và ý nghĩa của sứ mệnh Giáo Hội trong một thế giới càng ngày càng muốn thoát ly khỏi ảnh hưởng và truyền thống của Giáo Hội. Giáo hội học hiệp thông chính là thành quả của cuộc suy tư này, một thành quả được chín mùi qua việc từ từ tiếp nhận các bản văn của Công Đồng, với khá nhiều dị biệt đáng lưu ý. Các dị biệt này đem tới nhiều lối giải thích thần học hay mục vụ khác nhau, lối nhấn mạnh tới liên tục tính, lối nhấn mạnh tới gián đoạn tính đối với Thánh Truyền. Chính vì thế, người ta cần một hướng dẫn của huấn quyền về xu hướng giải thích. Do đó, năm 1985, Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới đã chính thức đưa ra phán quyết: “Giáo hội học hiệp thông là ý niệm trung tâm và nền tảng của mọi văn kiện Công Đồng” (2).

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã đóng góp lớn lao vào các suy tư trên. Ngài nhấn mạnh “Tại sao từ trước đến nay, việc thực thi Công Đồng tại nhiều nơi trong Giáo Hội lại khó khăn đến thế? Chẳng qua, điều đó tùy ở việc giải thích Công Đồng cách đúng đắn, hay nói theo kiểu nói ngày nay, tùy ở khoa giải thích nó một cách thích đáng, một khoa vốn là chìa khóa chính xác cho việc giải thích và áp dụng nó” (3). Muốn biết những điểm chủ yếu trong giáo hội học hiệp thông và lối giải thích nó, ta chỉ cần xem sét cuộc canh tân phụng vụ, tính hiệp đoàn giám mục, tính công đồng và tính đại kết.

Tuy nhiên, nền giáo hội học trên phong phú và hứa hẹn hơn một số cuộc tranh luận từng nói về nó. Trong khuôn khổ cuộc hội nghị chuyên đề này, thiển nghĩ nên sơ lược duyệt lại nền giáo hội học hiệp thông kể từ Công Đồng cho đến nay, sau đó là một số định mức để khai triển thêm nhằm kết thúc với ý nghĩa hoàn cầu của nền giáo hội học này đối với sứ mệnh của Giáo Hội trong thiên niên kỷ thứ ba.

I. Sơ lược duyệt lại nền giáo hội học hiệp thông từ Công Đồng Vatican II

A. Sự ra đời của nền giáo hội học hiệp thông

Năm 1982, Đức Hồng Y Ratzinger đã từng nói rằng “Xin đơn cử một số thành quả thần học quan trọng hơn: Công Đồng đã lồng giáo thuyết về quyền tối thượng, đang có nguy cơ trở thành cô lập, trở lại với Giáo Hội như một toàn bộ; nó tích nhập quan niệm quá tách biệt về phẩm trật vào mầu nhiệm duy nhất về Nhiệm Thể Chúa Kitô; nó phục hồi nền Thánh Mẫu Học quá tách biệt vào sự hợp nhất có trật tự của đức tin; nó đem lại cho lời Thánh Kinh giá trị đầy đủ của nó; nó làm cho phụng vụ một lần nữa trở thành linh động dễ hiểu hơn; ngoài ra, nó còn thực hiện một bước tiến đầy can đảm hướng tới việc hợp nhất các Kitô hữu” (4).

Tất cả các thành quả ấy, dù chưa được kể ra hết, đã minh hoạ việc ra đời của “nền giáo hội học hiệp thông” trước khi thuật ngữ này xuất hiện. Năm 1985, Thượng Hội Đồng đặc biệt đã xác nhận nền giáo hội học ấy như xu hướng nền tảng của Công Đồng.

1. Dân Chúa

Thoạt nhìn, nền giáo hội học hiệp thông khiến ta nghĩ tới chiều kích xã hội học của Giáo Hội, với các cơ cấu tham dự của nó dựa trên chức linh mục chung của mọi tín hữu và trên các đặc sủng mà Chúa Thánh Thần vốn thông ban để Giáo Hội có thể hoàn thành sứ mệnh phổ quát của mình. Chương hai Hiến Chế Ánh Sáng Muôn Dân (Lumen Gentium) nhắc đến chiều kích này qua thuật ngữ “Dân Chúa”.

Ta nghĩ tới các hội đồng mục vụ cấp giáo xứ, các hội đồng linh mục và hội đồng mục vụ cấp giáo phận, và sau cùng các hội đồng giám mục như các cơ cấu thường trực có đại diện tại Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới. Các cơ cấu tham dự đa dạng trong Dân Chúa này cho thấy rõ nguyên tắc căn bản của Kitô Giáo sau đây: “Người ta không có cách nào khác để trở thành Kitô hữu ngoài ở trong cộng đoàn mọi anh chị em của Chúa Giêsu Kitô” (5).

Một cách cụ thể, ta sẽ gặp nền giáo hội học hiệp thông trong các cơ cấu mới mẻ này, là các cơ cấu nhằm thực thi xu hướng của Công Đồng. Nhưng chiều kích hữu hình, chức năng và tham dự này của Giáo Hội không phải là tất cả, và cũng chẳng phải là chiều kích chủ yếu của nền giáo hội học hiệp thông. Người ta có thể tìm thấy khởi điểm của nền giáo hội học này trong đoạn đầu của Hiến Chế Lumen Gentium: “Trong Chúa Kitô, Giáo Hội như một bí tích hay như một dấu hiệu và một dụng cụ của sự kết hợp hết sức chặt chẽ với Thiên Chúa và của sự hợp nhất toàn thể nhân loại” (LM 1). Khởi điểm bí tích này sẽ đánh dấu toàn bộ việc khai triển của nền giáo hội học hiệp thông. Ta đừng nên quên rằng: để định nghĩa bản chất và sứ mệnh của Giáo Hội, chương đầu tiên của Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, đã nói trước nhất và đầu hết tới “mầu nhiệm” của Giáo Hội và do đó, tới chiều kích thần linh của nó, là chiều kích vốn phát sinh từ sứ mệnh của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần trong lịch sử: “Chúa Thánh Thần ngự trong Giáo Hội và trong tâm hồn các tín hữu, như ngự trong một đền thờ (xem 1Cor 3:16; 6:9)… Người vừa trang bị và điều hướng bằng các nguồn ơn có phẩm trật và đầy tính đặc sủng, vừa trang trí bằng các hoa trái phong phú (xem Eph. 4:11-12; 1Cor 12:4; Gl 5:22)… Như thế, Giáo hội vốn được coi như “một dân tộc trở nên một với sự nên một của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (LG 4).

Cái nhìn có tính Ba Ngôi này về mầu nhiệm Giáo Hội không có chi mới lạ cả. Nó vốn thuộc truyền thống vĩ đại, nhưng trong thời hiện đại, nó bị cách tiếp cận giáo hội học nặng tính pháp chế, tức cách tiếp cận coi Giáo Hội như một xã hội hoàn hảo (societas perfecta) phủ mờ. Tại Vatican II, nó được phục hồi dựa trên ý niệm mở rộng về “bí tích”, áp dụng vào Giáo Hội như một toàn bộ (6). Trực giác mạnh bạo này mời gọi ta biết nhìn các thực tại hữu hình của Giáo Hội như được tắm gội trong thực tại vô hình của hiệp thông Ba Ngôi. Ta sẽ trở lại điểm này một lần nữa.

2. Nền tảng bí tích

Trong một ít đoạn dựa vào linh hứng của Sách Thánh, Công Đồng đã làm nổi bật nền tảng bí tích của nền giáo hội học hiệp thông: phép rửa và phép Thánh Thể, là hai bí tích vốn sáp nhập ta vào Chúa Kitô: Nhờ phép Rửa, ta được tạo hình giống Chúa Kitô, “Vì trong cùng một Chúa Thánh Thần, tất cả chúng ta đều được thanh tẩy thành một thân thể duy nhất” (1Cor 12:13). Bằng cách thực sự dự phần vào thân thể Chúa Kitô khi bẻ bánh Thánh Thể, ta được hiệp thông với Người và với nhau. “Vì bánh chỉ là một, nên tuy nhiều, tất cả chúng ta, những người cùng chia sẻ một bánh, chỉ là một thân thể” (1Cor 10:17). Bằng cách đó, tất cả chúng ta trở nên chi thể trong Thân Thể Người, “còn ai tùy phận nấy mà thành chi thể cho nhau” (Rm 12:5) (LG 7).

Các học giả hiện đại khi chú giải 1Cor 10:16-17 đã làm nổi bật chiều hướng giáo hội của hiệp thông Thánh Thể (7). Theo Thánh Phaolô, hiệp thông thân mình Chúa Kitô trong Thánh Thể là xây dựng Giáo Hội như Thân Thể Người. Cử hành Thánh Thể hiện tại hóa mầu nhiệm Giao Ước, tức việc Chúa Kitô trao ban trọn thân thể Người cho Giáo Hội, hiền thê của Người, để thánh hóa và dưỡng nuôi Giáo Hội (Eph 5:27) và liên kết Giáo Hội vào sự phong phú của Người, để cứu rỗi thế gian (xem LG 7). Chiều hướng giáo hội này của Thánh Thể khởi đầu hết sức mạnh mẽ. Chẳng may, bước qua thiên niên kỷ thứ hai, nó rơi vào tình trạng duy cá nhân do ảnh hưởng của nền thần học mang nhiều tính biện chứng hơn, một nền thần học đã đánh mất ý nghĩa biểu tượng sâu sắc của các Giáo Phụ.

Henri de Lubac đã lần giở lại lịch sử biến đổi của nghĩa ngữ học từng đánh dấu diễn biến của nền thần học Thánh Thể và mối tương quan của nó với Giáo Hội. Thoạt đầu, corpus mysticum được dùng để chỉ thân xác Thánh Thể của Chúa Kitô trong tương quan gần gũi nhất với thân xác Giáo Hội được liên kết với Người. Qua thời Trung Cổ, lạc giáo Bérenger thúc đầy người ta tái khẳng định sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí Tích Thánh Thể; thuật ngữ corpus verum đã thế chỗ cho corpus mysticum, và thuật ngữ sau bị đẩy xuống hàng hiện diện thiêng liêng. Rồi nó được sử dụng để chỉ ý nghĩa hoàn toàn thiêng liêng của thân xác Giáo Hội, một thân xác đã mất hết nền tảng của ý niệm bí tích đầy duy thực và cụ thể.

Điều xẩy ra sau đó là sợi dây liên kết giữa Thánh Thể và Giáo Hội đã trở thành yếu ớt. Một lòng sùng kính Thánh Thể có tính duy cá nhân hơn đã được khai triển. Lòng sùng kính này chú tâm vào sự hiện diện thực sự, dù Thánh Tôma Aquinô chủ trương rằng “thực tại của bí tích [Thánh Thể] chính là sự hợp nhất của nhiệm thể” (8).

3. Giáo hội học Thánh Thể

Điều quan trọng cần nhấn mạnh ở đây là nền giáo hội học hiệp thông được Công Đồng cổ vũ đã lấy hứng từ nền giáo hội học Thánh Thể của người Chính Thống, nhất là của Afanassief, người được trưng dẫn trong bản văn. Như thế, nền giáo hội học của Công Đồng có một tầm ý nghĩa đại kết lớn lao. Bài phát biểu của Đức Cha John Zizioulas, TGM Pergamon, tại Thượng Hội Đồng giám mục thế giới ở Rôma năm 2005 về Phép Thánh Thể, đã chứng minh điều đó: “Nền giáo hội học hiệp thông do Vatican II cổ vũ và được nhiều thần học gia lỗi lạc Công Giáo thâm hậu hóa thêm sẽ chỉ có ý nghĩa nếu nó được dẫn khởi từ đời sống Thánh Thể của Giáo Hội. Thánh Thể không hẳn thuộc phạm vi beneesse (phúc thể) mà là phạm vi esse (hữu thể) của Giáo Hội. Trọn sự sống, ngôn từ và cơ cấu của Giáo Hội đều có tính Thánh Thể ngay trong yếu tính của nó” (9). Đức Hồng Y Walter Kasper hoàn toàn đồng ý và cho rằng “nền giáo hội học Thánh Thể đã trở thành một trong các nền móng quan trọng nhất của cuộc đối thoại đại kết giữa Giáo Hội Công Giáo và các Giáo Hội Chính Thống” (10).

B. Các giai đoạn phát triển của nền giáo hội học hiệp thông

1. Giáo hội tại gia

Song song với các nền móng do Công Đồng đặt ra cho nền giáo hội học Thánh Thể, ta có thể thêm chiều kích giáo hội tại gia nữa (ecclesia domestica). Chiều kích này có ý nói tới gia đình được xây dựng trên bí tích hôn nhân. Gia đình có “sứ mệnh làm tế bào đầu tiên và sinh tử của xã hội… Nó sẽ chu toàn được sứ mệnh này nếu chịu tỏ ra là cung thánh tại gia của Giáo Hội nhờ tình âu yếm hỗ tương của các phần tử và lời cầu nguyện họ cùng dâng lên Thiên Chúa, nếu cả gia đình cùng tự biến mình thành thành phần của sinh hoạt thờ phượng theo phụng vụ của Giáo Hội” (Apostolicam Actuositatem 11; cũng nên xem LG 11). Giáo hội tại gia này dựa trên “giao ước vợ chồng” được ký kết trong Chúa Kitô qua hôn nhân là định chế thiết lập ra “sự chia sẻ thân mật đời sống và tình yêu vợ chồng” (Gaudium et Spes 48§1).

Ý niệm giáo hội tại gia một lần nữa đã được tiếp nhận một cách có hệ thống trong tông huấn hậu thượng hội đồng Familiaris Consortio, một tông huấn cung cấp cho ta rất nhiều tư liệu dưới sự thúc đẩy của Đức Gioan Phaolô II, vị giáo hoàng của gia đình (11). Nếu đúng là bí tích rửa tội và bí tích Thánh Thể tạo nên Giáo Hội, nhiệm thể Chúa Kitô, thì bí tích hôn nhân đã đem tư cách giáo hội lại cho cuộc kết hợp phu phụ giữa một người đàn ông và một người đàn bà. Tư cách ấy được thừa nhận qua việc áp dụng thuật ngữ ecclesia domestica cho gia đình Kitô hữu. Vào chính lúc có cuộc khủng hoảng vô tiền khóang hậu về nhân học do việc người ta đánh mất cảm thức về hôn nhân và gia đình, Giáo Hội có thể và buộc phải cậy nhờ vào tài nguyên gia đình vốn xây dựng trên bí tích hôn nhân mới đương đầu được với các thách thức của các xã hội duy tục. Tiềm năng phúc âm hóa của thực tại bí tích này vẫn còn cần được khám phá và phát huy, ngõ hầu các cố gắng tân phúc âm hóa của Giáo Hội có thể trở thành thực tại (12).

2. Giáo Hội từ Thánh Thể

Việc công bố thông điệp Ecclesia de Eucharistia (Giáo Hội từ Thánh Thể) vào năm 2003 là một bước khai triển quan trọng đối với nền giáo hội học hiệp thông. Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II trám khoảng trống do Công Đồng để lại. Công Đồng quả có tuyên dương sự ưu việt của Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội, nhưng lại không xác định một cách có hệ thống mối tương quan của nó với Giáo Hội (13). Mối tương quan ấy nay được xác định theo nghĩa tương thuộc, trong đó, Giáo Hội tiếp nhận Thánh Thể như “hồng ân ưu hạng” (EE 11), một hồng ân tiền giả thiết có sự sáp nhập vào Chúa Kitô nhờ phép rửa nhưng nó cũng “tăng cường” sự sáp nhập này, vì nó là “sức mạnh hợp nhất của Nhiệm Thể Chúa Kitô” (EE 24). Chủ đề được lặp đi lặp lại của thông điệp này là Giáo Hội sống nhờ Thánh Thể. Nếu phải nói thêm rằng Giáo Hội “làm nên” Thánh Thể, thì Giáo Hội chỉ làm được như thế dựa vào một nguyên nhân sâu xa hơn là chính Thánh Thể; chính Thánh Thể “làm nên” Giáo Hội (14). Làm sống lại quan điểm có tính Thánh Kinh và Giáo Phụ như trên, thông điệp đã thâm hậu hóa chiều kích tông truyền và rút tỉa được nhiều điều quí giá từ biểu tượng hôn nhân của chiều kích này. Thông điệp làm điều đó trong ngữ cảnh một giáo hội học có tính Ba Ngôi và Thánh Mẫu, một giáo hội học vốn mở cho ta con đường bước vào một thế quân bình mới giữa ý thức và thực hành về Giáo Hội.

Ecclesia de Eucharistia cổ vũ các thái độ tâm linh và thực tiễn giúp ta sống sự tùy thuộc đầy hồng phúc của Giáo Hội vào Thánh Thể một cách sâu đậm hơn: “Thánh Thể… vừa là nguồn suối vừa là chóp đỉnh của mọi việc phúc âm hóa, vì mục tiêu của nó là hiệp thông nhân loại với Chúa Kitô và với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Người” (EE 22) (15). Thực vậy, khi được nuôi dưỡng bằng bí tích Thánh Thể, việc hiệp thông của giáo hội sẽ bao gồm trong chiều kích vô hình của nó “sự hiệp thông với Chúa Cha bằng cách đồng hóa với Chúa Con duy nhất của Người nhờ việc làm của Chúa Thánh Thần” (EE 34). Còn trong chiều kích hữu hình, nó cũng nội hàm “sự hiệp thông trong giáo huấn Tông Đồ, trong bí tích và trong phẩm trật của Giáo Hội” (EE 35). Sự can thiệp này của huấn quyền đã củng cố một cách đáng kể nền giáo hội học hiệp thông và phục hồi cam kết của Công Đồng đối với chính nghĩa đại kết bằng cách nhấn mạnh tới chứng tá của nhiều người Công Giáo trong lãnh vực này.

Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2005 về Thánh Thể đã rút tỉa được nhiều hệ quả đại kết từ mối liên hệ nền tảng giữa Thánh Thể và Giáo Hội. Chính tiêu đề của tông huấn hậu thượng hội đồng Sacramentum Caritatis (Bí Tích Tình Yêu) cũng đã chứa đựng cả một chương trình toàn bộ nhằm thể hiện căn tính của Giáo Hội trong tư cách Nhiệm Thể và Nàng Dâu của Chúa Kitô, cũng như phạm vi phổ quát của sứ mệnh Giáo Hội trong tư cách bí tích tình yêu. Dưới ánh sáng này, tông huấn đã đưa ra một minh xác quan trọng liên hệ tới mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù:

“Sự hợp nhất trong hiệp thông giáo hội được biểu lộ cách cụ thể nơi các cộng đồng Kitô Giáo và được canh tân trong lúc cử hành Thánh Thể, là cử hành vừa kết hợp vừa dị biệt hóa họ trong các giáo hội đặc thù, “trong đó và từ đó Giáo Hội Công Giáo duy nhất và độc nhất hiện hữu” (in quibus et ex quibus una et unica Ecclesia Catholica existit). Chính sự kiện một Thánh Thể duy nhất được cử hành tại mỗi giáo phận quanh vị giám mục của họ đã giúp ta thấy các giáo hội đặc thù này hiện tồn ra sao trong và nhờ Giáo Hội (phổ quát) (SC 15).

Thực vậy, tính duy nhất của Thân Xác Thánh Thể Chúa Kitô nội hàm tính duy nhất của Nhiệm Thể Người, tức Giáo Hội duy nhất và bất khả phân chia. Nguyên tắc đơn nhất này dẫn ta tới sự cởi mở của từng cộng đồng và của mọi giáo hội đặc thù đối với mọi giáo hội khác đang cử hành Thánh Thể trong Chúa. Tông huấn Sacramentum Caritatis viết thêm: “Thành thử, khi cử hành Thánh Thể, mỗi phần tử tín hữu thấy mình hiện diện trong Giáo Hội của mình, nghĩa là, trong Giáo Hội Chúa Kitô” (SC 15). Chủ trương này có ý nghĩa đại kết rất cao, vì nó nhìn nhận cả sự gần gũi của các Giáo Hội Chính Thống lẫn cơ sở để đối thoại với các cộng đồng giáo hội do Phong Trào Cải Cách phát sinh ra.

Cái thoáng nhìn nền giáo hội học hiệp thông trong 50 năm qua như trên chỉ có tính chấm phá. Tuy nhiên, nó cũng đã cho ta cảm giác là xu hướng nền tảng của Công Đồng Vatican II quả đã đạt được nhiều thành quả. Với Đức Bênêđíctô XVI, ta có thể quả quyết một cách rõ ràng rằng Công Đồng Vatican II và việc khai triền nền giáo hội học của nó quả là công trình đầy quan phòng của Chúa Thánh Thần trong thời đại ta. Nếu đúng là ta có thể phê phán một số các khai triển hậu công đồng từng để lại nhiều dấu ấn tiêu cực trên phụng vụ, trên gia đình, trên ơn kêu gọi, trên đời sống thánh hiến, thì ta phải thừa nhận rằng việc xuất hiện nền giáo hội học hiệp thông đã đem lại nhiều hoa trái phong phú trong các lãnh vực hiệp đoàn giám mục, tính hội đồng (sodality), việc tông đồ giáo dân, các phong trào đặc sủng và giáo hội, phong trao đại kết, và cuộc đối thoại của Giáo Hội với thế giới hiện đại.

Hiển nhiên, cuộc thảo luận thần học cần được tiếp diễn ngõ hầu minh giải được cách sâu xa hơn nền giáo hội học hiệp thông này. Ở đây, thiển nghĩ, ta nên xét đến ba chủ đề đáng lưu ý sau đây: mối liên hệ giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù, nền thần học khai tâm Kitô Giáo, và việc lồng nhập các hình thức sùng kính Thánh Thể hiện đại vào nền giáo hội học hiệp thông.

C. Các cuộc thảo luận thần học cần theo đuổi

1. Giáo Hội phổ quát và giáo hội đặc thù

Một vấn đề có tầm quan trọng lớn đối với cả phong trào đại kết lẫn việc truyền giáo là cung cách ta quan niệm mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù. Vấn đề này chiếm một chỗ đứng khá quan trọng tại Công Đồng Vatican II. Nó thoát thai từ cuộc thảo luận quanh tính bí tích của hàng giám mục, trong đó, mối tương quan giữa tính tối thượng Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục đã được minh xác. Trong ngữ cảnh này, Công Đồng quả quyết một cách rõ ràng rằng “Thực vậy, do nhiệm vụ của mình, là Ðại Diện Chúa Kitô và Chủ Chăn của toàn thể Giáo Hội, Ðức Giáo Hoàng Roma có một quyền bính trọn vẹn, tối cao, phổ quát trên Giáo Hội, và bao giờ Ngài cũng được tự do thi hành quyền bính ấy” (LG 22). Theo một số vị, quyền bính của giám mục đoàn được biểu lộ một cách hạn chế hơn; điều này có nghĩa: các giáo hội đặc thù, các hội đồng giám mục cũng như các công đồng (miền) ít có sáng kiến hơn.

Việc phát triển nhanh chóng của nền giáo hội học hiệp thông đã làm sống dậy cuộc thảo luận trên và hiện đang xoay quanh các vấn đề như bản chất sâu xa của Giáo Hội, sự hợp nhất trong đa dạng của Giáo Hội, sự hiện diện của Giáo Hội phổ quát tại các giáo hội đặc thù, và ý nghĩa cụ thể của tính hiệp đoàn giám mục. Để chống lại lối giải thích duy tương đối nền giáo hội học hiệp thông, Thánh Bộ GLĐT đã cho công bố Lá Thư Gửi Các Giám Mục của Giáo Hội Công Giáo về Một Số Khía Cạnh của Giáo Hội Hiểu Như Một Hiệp Thông (28 Tháng 5 Năm 1992). Lá Thư này đã phát sinh ra một số phê phán, trong đó có phê phán của Đức HY Walter Kasper. Ngài sợ rằng một quan điểm về Giáo Hội như thế có thể “trở thành tranh cãi hoàn toàn nếu Giáo Hội duy nhất, phổ quát được mặc nhiên đồng hóa với Giáo Hội Rôma, thực tế được đồng hóa với Đức Giáo Hoàng và Giáo Triều”. Theo Đức HY Kasper, điều ấy có thể không phải là một “trợ cụ để minh giải nền giáo hội học hiệp thông”, nhưng đúng hơn, là “phá bỏ nó, một thứ mưu toan nhằm phục hồi chính sách trung ương tập quyền của Rôma” (16).

Lời phê phán mạnh mẽ ấy khiến Đức HY Joseph Ratzinger phải lên tiếng. Đức HY Ratzinger bênh vực tính tối thượng hữu thể của Giáo Hội phổ quát đối với các giáo hội đặc thù, ngược với lối giải thích duy nghiệm của Đức HY Kasper, là người quả quyết tính liên thuộc của chúng. Một khi hiểu lầm được đánh tan, thì các dị biệt giữa hai tác giả này chỉ còn rất ít. Tuy nhiên, cuộc tranh luận đã có ích trong việc quân bình hóa nền giáo hội học Thánh Thể, vốn chịu ảnh hưởng của Chính Thống, với nền giáo hội học phép rửa, vốn có tính căn bản hơn của Thệ Phản. Cuộc tranh luận này cũng giúp ta hiểu tốt hơn bản chất sâu xa của Giáo Hội như một chủ thể độc nhất “tồn hữu” (subsists, LG 8) trong Giáo Hội Công Giáo. Nói một cách cụ thể, chủ thể ấy tồn hữu tại mỗi cộng đoàn địa phương do một vị giám mục hiệp thông với hiệp đoàn các vị thừa kế tông đồ và thủ lãnh của các vị, là đấng thừa kế Phêrô, cai quản. Ta không thể khẳng định sự tồn hữu này nơi các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác, nhưng ta được phép nhìn nhận các yếu tố tạo nên tính giáo hội trong các giáo hội và cộng đồng giáo hội ấy.

Giáo Hội độc nhất, phổ quát thực ra luôn đồng thời có một thực tại địa phương, nhập thể nơi những con người cụ thể… Do đó, trên bình diện đại kết, Đức Gioan Phaoloô II đã lên tiếng mời gọi các giáo hội và cộng đồng giáo hội khác cho ngài biết phải thực thi thừa tác vụ Phêrô ra sao để đáp ứng tốt hơn các hoài mong của họ (xem Ut Unum Sint, 95-96). Lời mời gọi đối thoại này khá quan trọng vì nó giả thiết một sự sẵn sàng muốn thích ứng việc thực thi tính tối thượng và tính hiệp đoàn theo các điều kiện mới của tình hiệp thông giáo hội cả đối nội lẫn đối ngoại (ad intra & ad extra).

Một phạm vi mềm dẻo khá lớn hiện đang khả hữu trong một số lãnh vực như phụng vụ, hàng giáo sĩ, tính công nghị, việc cử nhiệm và quản trị các vị giám mục v.v… nhưng tính thống nhất trong việc giảng dạy các vấn đề đức tin và luân lý thì đòi phải có một thẩm quyền tín lý để đưa ra các quyết định sau cùng, thẩm quyền này theo truyền thống vẫn là của Đức Giáo Hoàng.

Như thế, giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù không hề có chống đối nhưng đúng hơn là một nội tại tính hỗ tương vốn bắt nguồn từ tính tối thượng của Chúa Kitô đối với Giáo Hội. Không có một giáo hội đặc thù nào mà lại không trước hết và luôn luôn là Giáo Hội phổ quát đang chào đón con cái Thiên Chúa, những kẻ được Chúa Kitô ban cho Giáo Hội qua đức tin và các bí tích cử hành tại một nơi nhất định.

Giáo hội đặc thù được đánh giá đúng mức nếu ta chịu coi nó như một “phần chia ra” (a portion) của Giáo Hội phổ quát, chứ không hẳn một phần hay một miền địa dư. “Phần chia ra” có nghĩa là: Giáo Hội phổ quát hiện diện trong phần ấy và là nền tảng cho việc nó hiệp thông với các phần chia ra khác. Với nhau, chúng tạo ra một Giáo Hội đơn nhất. Sự hiện diện của Giáo Hội duy nhất trong mỗi phần được chia ra ấy hàm nghĩa mối tương quan hiệp thông giữa các giám mục. Đối với mỗi vị giám mục, điều này có nghĩa: các vị có thẩm quyền giám mục trọn vẹn trên phần được trao ban cho mình chăn dắt, và các vị phải bảo đảm sự hiệp thông của phần này đối với Giáo Hội phổ quát. Đức Giáo Hoàng mang nặng “nỗi lo âu đối với mọi giáo hội” (2Cor 11:28) trong tư cách Mục Tử Giáo Hội phổ quát, nhưng ngài chu toàn thừa tác vụ này trong tư cách người bảo vệ sự hợp nhất. Điều này muốn nói: ngài không thay thế thẩm quyền của các giám mục địa phương, nhưng củng cố thẩm quyền này từ bên trong. Trong tư cách giám mục Rôma, đấng chủ trì hiệp đoàn giám mục, mà chính ngài đứng đầu, ngài có thẩm quyền phổ quát trên mọi mục tử và tín hữu. Vai trò của ngài là canh chừng sự hợp nhất của toàn thể Giáo Hội, trước nhất bằng cách chăm sóc sự hiệp thông của các giám mục đối với ngài và sự hiệp thông giữa các vị với nhau. Về phần mình, các giám mục không phải là các đại diện (vicars) của Đức Giáo Hoàng. Vì cả các ngài cũng là các đại diện của Chúa Kitô, nhưng tùy thuộc vào người đứng đầu hiệp đoàn trong bất cứ điều gì liên quan tới tính hợp nhất về tín lý và luân lý của Giáo Hội phổ quát.

Nói tóm lại, mối tương quan giữa Giáo Hội phổ quát và các giáo hội đặc thù giả thiết phải có một nền giáo hội học Thánh Thể đặt căn bản trên nền giáo hội học rửa tội trước đó. Mối tương quan này hàm nghĩa sự hiệp thông giữa các giám mục với nhau và với đấng thừa kế Thánh Phêrô, một sự hiệp thông biết tôn trọng quyền tối thượng của Phêrô và tính hiệp đoàn giám mục. Kể từ Vatican II đến nay, nhiều tiến bộ đã thực hiện được, nhưng trên các bình diện thần học và thực tiễn, ta vẫn còn phải suy tư nhiều hơn nữa để biến việc hiệp thông giáo hội cũng như hiệp thông giám mục luôn trung thành hơn nữa với ơn gọi bí tích của Giáo Hội.
(Còn 1 kỳ)

Ghi chú
(1) Đức Gioan XXIII, diễn văn dịp long trong khai mạc Công Đồng Rất Thánh, 11 Tháng 10, 1962.
(2) Phúc Trình Cuối Cùng của Thượng Hội Đồng Đặc Biệt, Giáo Hội, Dùng Lời Chúa, Cử Hành Các Mầu Nhiệm Chúa Kitô Để Cứu Rỗi Thế Gian, 1985, II, C., 1. Xem thêm Rino Fisichella (ed.), Il Concilio Vaticano II: Recezione e attualità alla luce del Giubileo, (Milan: San Paolo, 2000); René Latourelle (chủ biên), Vatican II. Bilanet perspectives, vingt-cinqans après (1962-1987), (Montréal/Paris: Bellarmin/Cerf, 1988) [Vatican II: Assessment and Perspectives 25 Years Later (New York, Paulist Press, 1988-89)].
(3) Đức Bênêđíctô XVI, Diễn Văn đọc tại Giáo Triều Rôma dịp chúc mừng Giáng Sinh, 22 Tháng 12, 2005.
(4) Joseph Ratzinger, “Duyệt Lại Thời Kỳ Hậu Công Đồng: Các Thất Bại, Các Trách Vụ, Các Hy Vọng” Principles of Catholic Theology: Building Stones for a Fundamental Theology (San Francisco: Ignatius Press, 1987), 370.
(5) Vừa dẫn, 375.
(6) Semmelroth, O. Die Kircheals Ursakrament, Knecht, Frankfurt a.M.1955, 1963; Die Kircheals Sakrament des Heils. Trong Mysterium Salutis.Grundrissheilsgeschichtlicher Dogmatic, 4/1, pp. 309-356.
(7) Xem Xavier Léon-Dufour, “Nhiệm Thể Chúa Kitô và Thánh Thể Theo Thánh Phaolô” trong Le corps et le corps du Christ dans la première Épître aux Corinthiens (Congrès de l'ACFEB, Tarbes,1981) (Paris: Cerf, 1983), 225-55; Hervé Legrand, “Hiệp thông Thánh Thể và hiệp thông giáo hội. Đọc lại thư thứ nhất gửi tín hữu Côrintô”, Centro Pro Unione Bulletin 67 (Spring 2005), 21-32.
(8) Summa Theologica, III, 73, 3.
(9) John Zizioulas, tham luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục Tại Rôma, 11 Tháng 10, 2005, do Walter Kasper trích dẫn “Giáo Hội Học Thánh Thể: Từ Vatican II tới Tông Huấn Sacramentum Caritatis,” trong L’Eucharistie, don de Dieu pour la vie du monde. Actes du Symposium international de théologie (Ottawa: CECC, 2009), 196.
(10) Walter Kasper, đã dẫn, 198.
(11) Đức Gioan Phalô II, tông huấn Familiaris Consortio: The Role of the Christian Family in the Modern World (1981); tông thư Mulieris Dignitatem: On the Dignity and Vocation of Women (1988); Thư Gửi Các Gia Đình (1994).
(12) Xem Marc Ouellet, Mistero e Sacramento dell’amore. Teologia del matrimonio e della Famiglia per la nuova evangelizzazione (Siena, Cantagalli, 2007).
(13) Xem Giuseppe Colombo, Teologia sacramentaria (Milan: Glossa, 1997), 320-38.
(14) Sacramentum Caritatis đưa ra một minh giải bổ túc như sau : “Trong hành động qua lại hết sức kỳ diệu giữa Thánh Thể, tức chủ thể xây dựng nên Giáo Hội, và chính Giáo Hội, tức chủ thể “làm nên” Thánh Thể, nguyên nhân tính đệ nhất đẳng được phát biểu bằng công thức thứ nhất sau đây: sở dĩ Giáo Hội có khả năng cử hành và thờ lạy mầu nhiệm Chúa Kitô ngự trong Thánh Thể là vì chính Chúa Kitô đã hiến mình cho Giáo Hội trong hy lễ Thập Giá. Khả năng “tạo nên” Thánh Thể của Giáo Hội hoàn toàn có nguồn gốc trong việc Chúa Kitô tự hiến mình cho Giáo Hội” (SC 14; Xem Đức Gioan Phaolô II, Redemptor Hominis 20; Dominicae Cenae 4).
(15) Xem Marc Ouellet, “Ecclesia de Eucharistia,” Hội Nghị Thánh Thể Quốc Tế tại Guadalajara, 6 Tháng 10, 2004, tr.13. (www.eglisecatholiquedequebec.org/documents/pdf/congres_euch.pdf)
(16) Walter Kasper, “Zur Theologie und Praxis des bischöflichen Amtes” trong Auf neue Art Kirche Sein. Wirklichkeiten—Herausforderungen—Wandlungen (Munich: Bernward bei Don Bosco, 1999), 44. Muốn đọc các bài trong cuộc đối thoại do bản văn này của Kasper khởi xướng, xin xem
(a) Joseph Ratziner, “Giáo hội học của Hiến Chế Lumen Gentium,” La Documentation catholique 2223 (2 Tháng 4, 2000), 303-12;
(b) Walter Kasper, “Về Giáo Hội. Thân hữu trả lời Đức HY Ratzinger” America 184 (số ngày 23-30 Tháng 4, 2001), 8-14;
(c) Joseph Ratzinger, “Trả lời Walter Kasper: Giáo Hội Địa Phương và Giáo Hội Phổ Quát” America 185 (19 tháng 11, 2001), 7-11.
 
Đúc kết Đại Hội Thánh Thể Dublin
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
06:59 19/06/2012
DUBLIN, (Zenit.org) – « Tuyệt vời », « không thể tưởng nổi», « đậm nét thiêng liêng », « vượt lên trên sự mong đợi », « như trên đỉnh núi Tabor », đó là những lời thốt ra từ các thành viên tham dự Đại Hội Quốc Tế về Thánh Thể lần thứ 50 đã diễn ra từ ngày 10 đến 17 tháng Sáu 2012) tại Dublin, Ai Len.

Đại Hội đã được bế mạc bằng một thánh lễ được cửhành hôm Chúa Nhật, ngày 17 tháng Sáu tại sân vận động Croke Park của thành phốDublin với sự tham dự của hàng chục ngàn khách hành hương thuộc 120 quốc giatrên toàn thế giới.

Quan sát cảnh tượng này, mọi người đều nhận thấy cảm giác của khách hành hương trong sự hào hứng cứ dần dần tuốn đến sân vậnđộng khổng lồ với sức chứa 80 ngàn khán giả.

Mark Acoba, một sinh viên trẻ và là thành viêncủa hiệp hội « Youth for Christ », đã thổ lộ rằng đây là một tuần lễ« không thể tin được » và mình đặc biệt bị đánh động bởi chứng từ của một nam diễn viên múa người Phi Luật Tân về con đường hoán cải và khám phá đức tin.

Các cha Brian Dowd và Gerard Sauer dẫn đầu nhóm hành hương 71 người của giáo phận Brooklyn, Hoa Kỳ. Trên đường đến dự kỳ ĐạiHội, đoàn đã ghé thăm những địa danh khác của Ai Len như Galway, Blarney và đếnthánh Thánh Mẫu Knock. Một người trong nhóm có tên Peggy Pomeroy, đến từTappan, thuộc tiểu bang New-York, đã chia sẻ rằng mình rất cảm động đến rơi lệ khi nghe bài giảng hôm 16 thángSáu của Đức Tồng Giám mục Manila, đức cha Luis Antonio Tagle.

Đối với cha Roland Slobogin, thuộc bang Philadelphiacho biết Đại hội là một khoảng khắc «tuyệt vời» và « thực sự đậm nét tâmlinh ». Một cha khác tên Eugene M. Tully thì lượng giá rằng Đại Hội Thánh Thể lần này giúp mình nhìn thấy « một cộng đoàn vượt lên trên cả những gìtrong thị kiến ». « Đại Hội đã đi lên trên cả điều mà mắt thường cóthể nhìn thấy, đây là một dấu chỉ củacái gì đó rất sâu sắc và đượm nét thiêng liêng », vị linh mục nói tiếp.

Về phần mình, hai nữ tu người bản xứ BrigidCarthy và Mary Dooley, cũng là thành viên của nhóm cầu nguyện Mễ Du, tuy khôngđến tham dự đại hội được nhưng đã theo dõi toàn bộ trên truyền hình Công Giáo,và trên mạng lưới điện tử. « Sẽ là vô ích cho đời, nếu thiếu đi thánh lễbế mạc », sơ Mary khẳng định.

Cặp nữ song sinh Gemma và Triona King, thành viêngiáo dân thánh hiến người Ai Len, đã tham dự suốt kỳ Đại Hội. Gemma đã bìnhluận rằng đây là sự kiện « vượt lên trên cả những mong đợi của chúngta ». Nơi diễn ra Đại Hội tựa như một « ngôi làng Thánh Thể »,cô tiếp lời, và tình yêu thương, bác ái giữa các tham dự viên có thể sờ thấyđược ». Còn cô em Triona gọi Đại Hội là « Lễ Hội Đức tin ». Côbị đánh động bởi năng lực và niềm phấn khích của những người tham dự :« Tựa như trên đỉnh Tabor và chúng tôi không muốn xuống núi. Chúng tôimong muốn rằng điều đó không bao giờ dừng lại ».
 
Ấn Độ: Các vụ bạo lực đàn áp mới chống Kitô hữu tại Orissa
Bùi Hữu Thư
07:18 19/06/2012
Một mục sư bị đánh đập

ROME, thứ hai 18 tháng 6, 2012 (Le Monde vu de Rome) – Hãng thông tấn Vatican Fides lên án: Một mục sư Tin Lành và một cộng đồng thuộc một làng Kitô giáo - khoảng 12 gia đình - đã bị tấn công bạo tàn và bị thương ngày 15 tháng 6 bởi một nhóm có tổ chức khoảng 50 người theo Ấn giáo quá khích, tại Quận Balasore, thuộc Bang Orissa.

Người ta nhớ lại rằng năm 2008, Quận Kandhamal, cũng thuộc Bang Orissa, đã là điạ điểm có những vụ sát hại người Kitô giáo.

Theo Uỷ Ban Kitô Hữu Ấn Độ ( “Global Council of Indian Christians”, GCIC), một tổ chức đại kết, mục sư Baidhar, 50 tuổi, quản trị một cộng đồng cầu nguyện đã bị đánh đập không lý do bởi một nhóm người Ấn giáo có vũ trang, vào lúc có buổi họp mặt để cầu nguyện tại một tư gia người Kitô giáo trong làng Mitrapur Makhapada.

Mục sự này đã sống sót nhờ các tín hữu đã chở ngài đến một bệnh viện kế cận. Nhưng nguồn tin được loan báo cho hay ngài đã thoát chết lại gây ra một vụ bạo hành mới đối với các gia đình của làng này, bởi cùng một nhóm người, khiến cho khoảng 20 người bị thương nặng. Những người khác đã trốn thoát vào rừng, theo hãng thông tấn Fides.

Uỷ Ban Kitô Hữu Ấn Độ đã thuyết phục các nạn nhân kiện lên quận cảnh sát Nilgiri, quận trưởng đã cam đoan sẽ áp dụng những biện pháp cần thiết và tìm bắt các thủ phạm.

Trong Quận Puri Brahmagiri, cảnh sát đã khám phá vài ngày trước đó, một kho vũ khí chứa khoảng 50 lựu đạn, và các thùng chất nổ tại làng Gambhari.

Hãng thông tấn Fides xác nhận là, theo các nguồn tin, các thùng chất nổ đã được chuẩn bị sẵn sàng để khởi sự một đợt tấn công mới chống Kitô hữu tại Orissa.
 
Công bố tài liệu làm việc của Thượng Hội Đồng Giám Mục thế giới kỳ thứ 13
LM . Trần Đức Anh OP
09:50 19/06/2012
VATICAN. Sáng 19-6-2012, Đức TGM Nikola Eterovic, người Croát, Tổng thư ký Thượng HĐGM, đã mở cuộc họp báo tại Phòng báo chí Tòa Thánh để giới thiệu Tài liệu làm việc của Thượng HĐGM thế giới kỳ thứ 13 sẽ tiến hành tại Roma từ ngày 7 đến 28-10 năm nay về đề tài ”Tái truyền giảng Tin Mừng để thông truyền đức tin”.

Tài liệu làm việc dài lối 80 trang, được ấn hành bằng các thứ tiếng la tinh, Ý, Pháp, Anh, Đức, Tây Ban Nha, Bồ đào nha và Ba Lan. Văn kiện được dùng làm căn bản cho các cuộc thảo luận tại công nghị các GM thế giới.

Hiện diện tại cuộc họp báo cũng có Đức Ông Fortunato Frezza, Phó Tổng thư ký Thượng HĐGM.

Tài liệu Làm việc được soạn thảo dựa trên các bản trả lời từ các nơi trên thế giới gửi về, theo 71 câu hỏi gợi ý trình bày trong Tài liệu Đề cương, (Lineamenta) công bố hồi tháng 2 năm ngoái.

Đức TGM Eterovic người Croát nói: ”Dưới sự hướng dẫn của ĐTC Biển Đức 16 là chủ tịch của Thượng HĐGM, các đại diện hàng GM toàn thế giới, trong một bầu không khí cầu nguyện, đối thoại và hiệp thông huynh đệ, sẽ suy tư về việc thông truyền đức tin Kitô. Đây là một trong những thách đố lớn của Giáo Hội, được đào sâu trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng. Vì thế hai khía cạnh của đề tài Thượng HĐGM có liên hệ mật thiết với nhau và bổ túc cho nhau. Mục đích việc tái truyền giảng Tin Mừng là thông truyền đức tin Kitô. Nghĩa vụ cấp thiết thông truyền cho các thế hệ trẻ Tin Mừng của Chúa Kitô - không làm gián đoạn tiến trình thông truyền đức tin - được diễn ra trong lãnh vực tái truyền giảng Tin Mừng”.

Suy tư của Thượng HĐGM được phong phú hơn nữa nhờ liên hệ với Năm Đức Tin sẽ bắt đầu từ ngày 11-10 năm nay, trong lúc tiến hành Thượng HĐGM, theo quyết định của ĐTC qua Tông thư Tự Sắc ”Cánh cửa đức tin” (Porte fidei), nhân dịp kỷ niệm 50 năm khai mạc Công đồng chung Vatican 2 và kỷ niệm 20 năm công bố sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.

Tài liệu làm việc, là chương trình nghị sự của Thượng HĐGM, đánh dấu một giai đoạn quan trọng trong việc chuẩn bị công nghị. Đây là kết quả các bản trả lời tài liệu đề cương, một văn kiện suy tư về chủ đề của Thượng HĐGM được công bố ngày 2-2-2011. Tài liệu Đề cương đó đã được gửi tới 13 Công nghị các Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương tự quản, 114 HĐGM, 26 cơ quan trung ương Tòa Thánh và Hiệp hội các Bề trên tổng quyền dòng nam. Tất cả các cơ quan này đã gửi bản trả lời góp ý về Văn phòng Tổng thư ký Thượng. Văn phòng này cũng nhận được đóng góp của một số tổ chức và cá nhân tín hữu. Với sự trợ giúp của Hội đồng của Thượng HĐGM, Văn phòng Tổng thư ký cùng với một số chuyên gia đã soạn ra Tài liệu làm việc này. Đặc biệt cũng cần phải nói đến sự đóng góp của Hội đồng Tòa Thánh tái truyền giảng Tin Mừng.

Cấu trúc Tài Liệu Làm Việc

Trong Văn kiện này, ngoài lời tựa, nhập đề và kết luận Tài liệu được chia làm 4 chương lần lượt bàn về: Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa cho con người (I), Thời kỳ tái truyền giảng Tin Mừng (II), tiếp đến là ”Thông truyền đức tin” và chương sau cùng là ”Khơi dậy hoạt động mục vụ”.

- Trong phần nhập đề có trình bày về cơ cấu Tài liệu làm việc, giải thích ý nghĩa chủ đề Thượng HĐGM kỳ thứ 13, những điểm tham chiếu và những mong đợi từ phía các Giáo Hội địa phương, theo những bản trả lời được gửi về Roma.

Qua việc ấn định Năm Đức Tin, ĐTC Biển Đức 16 nhấn mạnh tầm quan trọng của Công đồng chung Vatican 2 đối với đời sống của Giáo Hội và công việc của Công nghị GM sắp tới. Vì thế, phần nhập đề cũng nêu bật tầm quan trọng của các Văn kiện Công đồng, được coi là điểm tham chiếu cho các GM Roma trong việc áp dụng các hướng đi và chỉ dẫn trong các thập niên sau đó, và rồi được cô đọng trong Sách giáo lý của Hội Thánh Công Giáo.

Tài liệu làm việc thường nhắc đến Tông huấn của Đức Phaolô 6 về việc truyền giảng Tin Mừng (Evangelii nuntiandi), những giáo huấn của Chân phước Gioan Phaolô 2, và đặc biệt là Thông Điệp ”Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc” (Redemptoris missio) và Tông thư ”Ngàn năm mới đang tới” (Novo millennio inneunte). Văn kiện cũng trích dẫn nhiều tuyên bố của ĐTC Biển Đức 16, nhất là Tông thư ”Cánh cửa đức tin” (Porta fidei) và nhấn mạnh đến sự giải thích việc cải tổ, canh tân trong sự liên tục, khi đọc và đón nhận Công đồng, về Công đồng thực sự trở thành ”Một sức mạnh lớn lao cho sự canh tân luôn luôn cần thiết của Giáo Hội” (N.14).

Qua các câu trả lời của hàng GM, người ta thấy có những mong đợi Thượng HĐGM này mang lại những nghị lực mới cho các cộng đoàn Kitô và cống hiến những câu trả lời cụ thể cho những vấn nạn về việc rao giảng Tin Mừng cho thế giới ngày nay. Người ta cảm thấy cần có những phương thế mới và những kiểu diễn tả mới để làm cho Lời Chúa dễ hiểu trong các môi trường sống của con người ngày nay. Thượng HĐGM phải là cơ hội để đối chiếu và chia sẻ cũng như phân tích và trình bày những mẫu gương hoạt động để giới thiệu cho nhau, với mục đích khích lệ các vị Mục Tử và các Giáo Hội địa phương. Các bản trả lời mong ước rằng công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng giúp tái khám niềm vui đức tin và giúp tìm lại niềm hăng say phấn khỏi trong việc thông truyền đức tin.

- Chương thứ I của Tài liệu làm việc mang tựa đề ”Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa cho con người”.

Đón nhận những đề nghị trong nhiều bản trả lời, Tài liệu làm việc tái khẳng định nòng cốt đức tin Kitô mà nhiều tín hữu không biết tới. Đồng thời Tài liệu trình bày Tin Mừng của Chúa Kitô cũng là Tin mừng cho con người thời nay.

Tài liệu tái khẳng định ơn gọi nền tảng của Giáo Hội là loan báo cho con người Tin Mừng đã nhận lãnh và đang sống. Đức tin Kitô trước tiên là cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô Giêsu trên bình diện cá nhân và cộng đoàn, là hoạt động của Chúa Thánh Linh, biến đổi cuộc sống của các tín hữu, làm cho họ được tham gia đời sống thần linh. ”Đối với Chúa Giêsu, việc rao giảng Tin Mừng nhắm mục đích đưa con người vào trong liên hệ mật thiết của Ngài với Chúa Cha và Chúa Thánh Linh” (N.22). Việc rao giảng Tin Mừng tự nhiên dẫn con người đến kinh nghiệm hoán cải, là giai đoạn không thể thiếu được trên con đường nên thánh. ”Giáo Hội loan báo và thông truyền đức tin, bắt chước hoạt động của chính Thiên Chúa, Đấng thông ban chính mình cho nhân loại bằng cách trao ban Con của Ngài, đổ tràn Thánh Linh trên con người để tái sinh họ như con cái Thiên Chúa” (N.36)

- Chương thứ hai của Tài Liệu Làm Việc bàn về thời kỳ tái truyền giảng Tin Mừng, cụ thể là những thách đố hiện nay được đề ra cho việc rao giảng Tin Mừng. Chương này cũng mô tả việc tái truyền giảng Tin Mừng.

Việc loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô, vẫn luôn giống nhau, nhưng ngày nay đang phải đương đầu với một số hoàn cảnh xã hội mới mẻ, gọi hỏi Giáo Hội và đòi Giáo Hội những câu trả lời thích hợp để nêu rõ lý do tại sao Giáo Hội hy vọng (Xc 1 Pr 3,15). Đây là những thách đố mới mẻ đối với công cuộc rao giảng Tin Mừng trong thế giới hiện nay, được mô tả qua những bối cảnh khác nhau.

Giáo Hội được kêu gọi phân định trong những bối cảnh ấy “để biến chúng thành những nơi loan báo Tin Mừng và cảm nghiệm về Giáo Hội” (N.51). Những bối cảnh ấy đã được trình bày trong Tài liệu đề cương, Lineamenta, nhưng câu trả lời của hàng GM đã góp phần làm cho chúng được diễn tả đầy đủ hơn. Đó là những bối cảnh khác nhau về văn hóa bị tục hóa, hiện tượng di dân, kinh tế, chính trị, nghiên cứu khoa học và kỹ thuật. Trong đời sống của các Giáo Hội địa phương, người ta cũng nói đến những bối cảnh về truyền thông và tôn giáo. Nhiều bản trả lời nêu bật tầm quan trọng của các phương tiện truyền thông, đặc biệt là nền văn hóa truyền thông và kỹ thuật số để phổ biến Tin Mừng. Về bối cảnh tôn giáo, người ta đào sâu cuộc đối thoại đại kết và liên tôn. Cảm tạ Chúa Quan phòng, vì có nhiều tiến bộ quan trọng trong cuộc đối thoại của Giáo Hội Công Giáo với các Giáo Hội và cộng đồng Kitô khác, nhưng người ta cũng nói đến những chướng ngại, kể cả trong thời gian gần đây trên con đường do Chúa Giêsu đề ra trong lời nguyện của Ngài ”Ước gì tất cả chúng được nên một” (Ga 17,21).. Về việc đối thoại liên tôn, Tài liệu nhấn mạnh tính chất thời sự của cuộc đối thoại với Hồi giáo và các tôn giáo lớn khác trên thế giới, nhắc đến những khía cạnh tích cực, nhưng không quên những khó khăn, nhất là tại những nước trong đó các tín hữu Kitô chỉ là thiểu số.

Thông điệp ”Sứ mạng Đấng Cứu Chuộc”, ở đoạn số 33, đã tìm cách nêu rõ đặc tính của việc tái truyền giảng Tin Mừng. Về vấn đề này, thông điệp phân biệt việc rao giảng Tin Mừng nói chung, như hoạt động trường kỳ của Giáo Hội mà thời nay phải được đổi mới và sinh động hơn; rồi thông điệp nhấn mạnh tầm quan trọng của việc việc giáo cho dân ngoại, nghĩa vụ rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô cho những ngừơi chưa nhận biết Ngài, và sau cùng Thông điệp nói về việc tái truyền giảng Tin Mừng cho những người đã được rửa tội, nhưng không được rao giảng Tin Mừng đầy đủ và cho những người xa lìa Giáo Hội, không thực hành đạo nữa. Sự phân biệt như thế được Tông Huấn Hậu Thượng HĐGM Phi châu Africae munus lấy lại. Việc phân biệt này cũng được nhắc đến trong Văn kiện đạo lý về một số khía cạnh của việc rao giảng Tin Mừng do Bộ giáo lý đức tin công bố ngày 3-12-2007. Cả Tài liệu làm việc này cũng lấy lại quan niệm về 3 lớp trong tiến trình duy nhất của việc truyền giảng Tin Mừng: 3 khía cạch quyện vào nhau và bổ túc cho nhau (Lời tựa NN.85-8).

Trong công trình tái truyền giảng Tin Mừng, người ta mong ước một sự canh tân mục vụ thông thường trong các Giáo Hội địa phương, đồng thời cầu mong có một sự nhạy cảm mới mẻ, đòi hỏi một tinh thần sáng tạo và táo bạo theo tinh thần Tin Mừng, đối với những người đã xa lìa Giáo Hội. Trong tiến trình này, một chỗ đứng đặc biệt được dành cho các giáo xứ, ”được coi là cánh cửa sâu rộng nhất dẫn vào đức tin Kitô và kinh nghiệm về Giáo Hội” (N.81). Giáo xứ phải trở thành trung tâm lan tỏa truyền giáo và chứng tá về kinh nghiệm Kitô, cả khả năng đón nhận những người có những nhu cầu về tinh thần và vật chất. Để thực hiện được điều này, mọi phần tử của Dân Chúa đều có trách nhiệm và nhất là các linh mục. Về vấn đề này, hầu hết các câu trả lời đều nói đến tình trạng thiếu ơn gọi linh mục và đời sống thánh thiên, và yêu cầu một nền mục vụ vững mạnh về ơn gọi.

- Chương thứ ba của Tài liệu làm việc bàn về việc thông truyền đức tin: Mục đích của công trình tái truyền giảng Tin Mừng là thông truyền đức tin. Giáo Hội thông truyền đức tin mà chính mình đang sống. Tất cả các tín hữu Kitô đều được kêu gọi góp phần vào công trình này.

- Chương thứ tư mang tựa đề: Khơi dậy hoạt động mục vụ: Việc thông truyền đức tin trong bối cảnh tái truyền giảng Tin Mừng tái đề nghị những phương thế đã chín mùi trong Truyền thống và đặc biệt là trong việc rao giảng đầu tiên, việc khai tâm Kitô giáo và giáo dục, tìm cách thích ứng chúng với những hoàn cảnh văn hóa và xã hội ngày nay.

- Trong Phần kết luận: Tài liệu làm việc khẳng định rằng việc tái truyền giảng Tin Mừng phải cổ võ một đà tiến tông đồ mới mẻ, thành quả của một Lễ Hiện Xuống mới, làm cho hoạt động truyền giảng Tin Mừng thông thường của Giáo Hội trở nên năng động hơn, có khả năng thu hút cả những người đã xa lìa Giáo Hội và mang lại một động lực mới cho việc truyền giáo cho dân ngoại.

Tài liệu tái đề cao tầm quan trọng của Thánh Linh đối với công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng. Việc truyền giáo đầu tiên đã khởi sự vào ngày Chúa Thánh Thần Hiện xuống. Các Tông đồ đã nhận Thánh Linh trong lúc hội họp cầu nguyện tại Nhà Tiệc Ly với Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Chúa Giêsu Kitô. Từ lúc đó, Mẹ Maria, Đấng đầy ơn phúc (Lc 1,28), hiện diện trên mọi nẻo đường truyền giáo, kể cả thời nay khi Giáo Hội cầu xin một lễ Hiện Xuống mới. Vì thế, Mẹ Thiên Chúa được kêu cầu với danh hiệu ”Ngôi Sao hướng dẫn công cuộc tái truyền giảng Tin Mừng”.

Tái truyền giảng Tin Mừng không có nghĩa là ”Tin Mừng mới” vì Chúa Giêsu vẫn là một, hôm qua, hôm nay và mãi mãi (Dt 13,8) (N.164). Theo lời Đức chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô 2, truyền giáo mới hay tái truyền giảng Tin Mừng có nghĩa là ”khơi dậy trong chúng ta đà tiến của thời kỳ đầu, để cho chúng ta được tràn ngập lòng nhiệt thành rao giảng của các tông đồ sau lễ Hiện Xuống” (Ngàn năm mới đang đến 40 in N.165). Tái truyền giảng Tin Mừng có nghĩa là ”nêu lý do tại sao chúng ta tin, thông truyền Lời Hy vọng cho thế giới đang khao khát ơn cứu độ” (N. 167). Trong hành trình ấy cần tái khởi hành từ Chúa Giêsu Kitô, Đấng mang lại hy vọng và ban an vui cho những người rao giảng Tin Mừng để, với lòng nhiệt thành, được đổi mới và không chút sợ hãi, họ loan báo cho toàn thế giới Chúa Giêsu Kitô, Tin Mừng của Thiên Chúa” để loài người tin” (N. 169)

Một vài ý tưởng nổi bật trong Tài Liệu làm việc:

Văn kiện phác họa một khung cảnh có phần ”đen tối” vì khủng hoảng đức tin tại các nước có truyền thống Kitô kỳ cựu, tuy cũng có những dấu hiệu khích lệ cho tương lai.

Trong số các vấn đề được tài liệu nói tới có cả hiện tượng bàn giấy thái quá của Giáo Hội tại một số nơi, hiện tượng tục hóa, cử hành các nghi lễ phụng vụ vì thói quen. Chúng cản trở việc rao giảng Tin Mừng. Văn kiện chào mừng sự triển nở của các nhóm canh tân trong Thánh Linh, khuyến khích sử dụng các phương tiện truyền thông mới.

- Sự bội giáo âm thầm: nhiều tín hữu Công Giáo không thực hành đạo nữa. Đó thực là một sự ”bội giáo thầm lặng” thực sự (n.69)

- Bệnh bàn giấy: Một sự bàn giấy hóa thái quá trong các cơ cấu của Giáo hội là điều đáng trách, các cơ cấu này bị coi như xa lạ với người thường và các mối quan tâm hiện sinh của họ (69)

- Các giáo lý viên: là những chứng nhân trực tiếp, những người rao giảng Tin Mừng không thể thay thế được, họ là lực lượng căn bản của các cộng đồng Kitô. Thượng HĐGM phải đặt câu hỏi xem có thể biến công việc của giáo lý viên thành một thừa tác vụ bền vững và được thiết lập trong Giáo hội hay không (108).

- Canh tân trong Thánh Linh: trong những thập niên gần đây có sự triển nở các nhóm và phong trào dành ưu tiên cho việc loan báo Tin Mừng. Đây thực là một hồng ân của Chúa Quan Phòng cho Giáo Hội (115)

- Giáo Hội học: Hơn một Giáo Hội địa phương xin Thượng Hội đồng GM kiểm chứng xem việc truyền giảng Tin Mừng ngày nay và việc huấn giáo không có kết quả, phải chăng trước tiên đó là một vấn đề Giáo hội học và tu đức? Người ta suy tư về khả năng của Giáo Hội thiết lập cơ cấu của mình thành một cộng đồng đích thực, trong tình huynh đệ thực sự, như một thân thể chứ không phải như một xí nghiệp (39)

- Các Giáo Hội bị bách hại: chứng tá đức tin, sự kiên trì, khả năng kháng cự, niềm hy vọng vững chắc, trực giác của họ về một số phương thức mục vụ là một hồng ân cần được chia sẻ với những cộng đoàn Kitô, tuy đã có những quá khứ vinh hiển, nhưng đang sống hiện tại với nhiều khó khăn và bị phân tán (75)

- Phụng vụ: nhiều người lấy làm tiếc vì các buổi cử hành phụng vụ hình thức và những lễ nghi lập đi lập lại hầu như vì thói quen, không có cảm nghiệm tinh thần sâu xa, làm cho người ta xa lìa thay vì thu hút họ (69)

- Gương mù: ngoài sự phản chứng của một số thành phần Giáo Hội (bất trung với ơn gọi, gương xấu, ít nhạy cảm đối với các vấn đề của con người ngày nay và thế giới hiện đại, không nên coi nhẹ mầu nhiệm sự ác (mysterium iniquitatis) (69)

- Những chướng ngại bên trong cản trở việc thông truyền đức tin hầu như giống nhau tại các nơi. Đó là những chướng ngại ở bên trong Giáo Hội, trong đời sống Kitô: một đức tin được sống riêng tư và thụ động; không cảm thấy nhu cầu giáo dục chính đức tin của mình; tách biệt đức tin khỏi cuộc sống (95)

- Những chướng ngại bên ngoài: trào lưu duy tiêu thụ và duy khoái lạc; chủ thuyết hư vô về văn hóa; thái độ khép kín đối với siêu việt làm cho người ta không còn khao khát ơn cứu độ (95)

- Các LM: Văn kiện tố giác tình trạng thiếu linh mục, vì thế số ít linh mục không thể đảm nhận một cách thanh thản và hữu hiệu việc điều hành sự biến đối cách thế hiện hữu của Giáo Hội (84)...

- Giáo Phái: Một số bản trả lời yêu cầu cảnh giác để các cộng đoàn Kitô không bị ảnh hưởng do các hình thức mới về kinh nghiệm tôn giáo, lẫn lộn lối rao giảng của Kitô giáo với cám dỗ bắt chước những nhóm giáo phái chiêu dụ tín đồ một cách gây hấn.

- Tục hóa: trong những năm gần đây, không cón những hình thức công khai của các diễn văn trực tiếp và mạnh mẽ chống lại Thiên Chúa, tôn giáo và Kitô giáo, tuy rằng trong một số trường hợp, những giọng điều bài Kitô, bài tôn giáo và bài giáo sĩ vẫn còn vang vọng gần đây (52)
 
Top Stories
Vinh, Vietnam: La police empêche la célébration d’une messe et frappent violemment des catholiques
Eglisesd’Asie
08:27 19/06/2012
Le 11 juin dernier, des représentants du pouvoir local, assistés d’hommes de main, ont grossièrement et brutalement empêché la célébration d’une eucharistie, dans une maison privée de la commune de Châu Binh, district de Quy Châu (province du Nghê An), sur le territoire du diocèse de Vinh. En outre, l’après-midi de la même journée, dans la même commune, des individus proches des autorités locales ont pénétré ...

... dans un autre domicile où ils ont passé à tabac et sérieusement blessé des catholiques qui avaient participé à cette messe. Une lettre, adressée dès le 16 juin par l’évêché de Vinh à diverses instances régionales, souligne que ces nouvelles brutalités policières viennent s’ajouter à celles déjà subies par d’autres communautés catholiques de la partie occidentale du Nghê An. Par cette lettre, l’évêché exige que toute la lumière soit faite sur les fautes commises et demande aux pouvoirs publics de mener une enquête afin de déterminer les responsabilités de chacun des acteurs de l’affaire.

Ce 11 juin, M. et Mme Nguyên Van Vi avaient invité la communauté catholique du doyenné de Phu Quy à venir inaugurer leur maison récemment construite. Une messe prévue à 7h00 du matin devait marquer le début de la fête. A l’heure dite, l’ensemble des prêtres du doyenné étaient présents ainsi que de très nombreux catholiques de la région. Mais à la même heure, d’autres personnalités, non prévues, étaient aussi sur place : des agents de la Sécurité publique de la commune et du district, des responsables de diverses associations officielles, dont le Front patriotique, la Ligue des femmes, etc. Les représentants des autorités déclarèrent d’abord que la messe n’avait pas été autorisée, puis multiplièrent les injonctions. Ils firent décrocher une banderole puis demandèrent de déplacer une statue de saint Antoine de Padoue. Malgré cela, l’assistance commença à prier tandis que les prêtres se préparaient à la célébration de l’eucharistie. Une coupure d’électricité survenue ensuite n’empêcha pas la célébration de se poursuivre. Mais bientôt une cinquantaine d’hommes inconnus s’introduisaient dans la maison, terrorisant l’assistance en photographiant et filmant les personnes présentes, et en jetant des œufs pourris sur l’autel. Les prêtres retirèrent alors leurs ornements liturgiques et après avoir demandé, en vain, aux autorités d’établir un procès-verbal des faits, ils quittèrent les lieux.

Pendant l’altercation, un couple de catholiques, M. et Mme Tran Van Luong, avaient vivement protesté contre le comportement des autorités. Dans l’après-midi, des jeunes appartenant à la famille d’un responsable local accompagnés d’autres personnes, pénétrèrent à leur domicile et les frappèrent férocement, ainsi que leur fils et plusieurs autres personnes ayant tenté d’intervenir. Au total, cinq personnes ont été blessées grièvement et conduites aux urgences de l’hôpital voisin.

La lettre de protestation envoyée par l’évêché de Vinh ne se contente pas de décrire les faits. Elle s’efforce de démontrer que le comportement des autorités vis-à-vis de la communauté catholique locale est en infraction avec les textes de loi sur la religion. Elle affirme en premier lieu que le nombre des catholiques de la commune de Châu Binh, où a eu lieu l’altercation, justifie la création d’une paroisse en ce lieu. En s’appuyant sur des dispositions législatives contenues dans l’Ordonnance sur la croyance et la religion de 2004, la lettre montre ensuite que M. et Mme Nguyên Van Vi avaient parfaitement le droit d’inviter chez eux des prêtres et des fidèles pour y prier et y faire célébrer la messe.

En conclusion, l’évêché de Vinh demande que les torts causés à la communauté catholique soient réparés, que les autorités régionales revoient leur politique à l’égard de la religion et que les catholiques de la commune de Châu Binh puissent fonder une paroisse le plus rapidement possible.

(Source: Eglisesd’Asie, 19 juin 2012 )
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Hành hương Hàn Quốc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
07:24 19/06/2012
Có nhiều công ty du lịch tổ chức những tour du lịch Hàn Quốc. Theo yêu cầu của chúng tôi, công ty du lịch Carnival Sài Gòn tổ chức chuyến hành hương đầu tiên đến các thánh địa của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc, từ ngày 10-15 tháng 6 năm 2012. Đoàn chúng tôi có 20 người, gồm 3 linh mục (tôi và Cha Dũng Giáo xứ Thánh Khang-Sài Gòn, Cha Luật Giáo xứ Lương Sơn- Phan Thiết), 1 Nữ tu (Sr Tươi Hà nội);15 giáo dân (Ông Khoa, Ông Tuyến, Anh Hào Gx Tân Mai - Xuân Lộc; Anh Thất, Chị Tuyền, Chị Đức Chị Đoàn Gx Tam Hà - Sài gòn; Anh Chính, Chị Hà, Chị Nga, Chị Lệ, Chị Ly, Chị Nhung, Chị Tươi, Bé Linh, Gx Thánh Khang), và Anh Quang, hướng dẫn viên của công ty Canival.

Xem hình ảnh

Từ Tân Sơn Nhất đến Sân bay quốc tế Incheon đúng 4 giờ bay. Xe công ty du lịch địa phương đón đoàn tại phi trường. Hướng dẫn viên Alex, một kitô hữu, từng du học bên Mỹ giúp chúng tôi hiểu biết nhiều về Đất nước và Giáo hội Hàn quốc. Một chuyến đi đầy dấu ấn và kỷ niệm. Mỗi điểm hành hương gợi lên bao cảm xúc và thán phục.

1. Một thoáng lịch sử cận đại

Năm 1945, chiến tranh thế giới lần thứ hai kết thúc. Đại Hàn kết thúc ách đô hộ của Nhật kéo dài 35 năm (1910- 1945).

Lúc ấy, các lực lượng Đồng Minh quyết định chia cắt Đại Hàn ra làm hai: miền Nam với sự giúp đỡ của Mỹ và miền Bắc với sự giúp đỡ của Liên Xô. Năm 1948, quân đội Liên Xô rút khỏi miền Bắc và năm sau, 1949, quân đội Mỹ cũng rút khỏi miền Nam.

Năm 1950, được sự ủng hộ của cả Liên Xô lẫn Trung Quốc, Bắc Hàn, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, phát động chiến tranh, tung quân qua biên giới Nam Hàn, gọi là để thống nhất đất nước. Sau khi Liên Hiệp Quốc thất bại trong nỗ lực hòa giải và ngăn chận chiến tranh, Tổng thống Truman quyết định đưa quân Mỹ và một số nước đồng minh sang giúp Nam Hàn trong cuộc chiến đối đầu với miền Bắc. Lúc ấy, Trung Quốc cũng quyết định can thiệp (với sự trợ giúp khí giới của Liên Xô).

Cuộc nội chiến Nam Bắc Hàn trở thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong đó có lúc (ví dụ riêng đợt phản công mùa xuân năm 1951), quân Trung Quốc nhảy vọt lên đến khoảng 700,000 người.

Đến giữa năm 1953, hai bên tuyên bố đình chiến. Cuộc chiến tranh kéo dài ba năm để lại thảm kịch nặng nhất là có ít nhất trên hai triệu thường dân, từ cả hai miền, bị giết chết, kể cả bị giết tập thể.

Sau chiến tranh, Đại Hàn lại bị chia làm hai, lấy vĩ tuyến 38 làm biên giới. Phía Nam được biết dưới tên chính thức là Đại Hàn Dân Quốc (thường được gọi tắt là Hàn Quốc); phía Bắc, Cộng Hòa Dân Chủ Nhân Dân Triều Tiên (thường được gọi tắt là Triều Tiên).

Ban đầu, cả Bắc và Nam Hàn đều gánh chịu một di sản giống nhau. Đó là ách đô hộ kéo dài 35 năm của đế quốc Nhật Bản, cuộc nội chiến kéo dài ba năm và số thương vong được xếp vào loại lớn nhất trong tất cả các cuộc chiến tranh trong nội bộ một quốc gia ở thế kỷ 20, sự nghi kỵ và thù hận không phải giữa hai miền Nam Bắc. Những di sản ấy thể hiện rõ trong tình hình chính trị, kinh tế và xã hội của cả hai miền ngay sau chiến tranh như nghèo khổ, lạc hậu và độc tài.

Nhưng 50 năm sau, khoảng cách giữa hai miền, Hàn Quốc và Triều Tiên, khác nhau vời vợi. Vào giữa thập niên 1950, cũng giống như Triều Tiên, Hàn Quốc nằm trong danh sách những quốc gia nghèo, tương tự vô số các quốc gia nghèo khác ở châu Á và châu Phi. Nhưng từ giữa thập niên 1960 thì họ nhảy vọt. Suốt cả mấy thập niên sau đó, họ được xem là một trong vài quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Giới nghiên cứu thường nêu lên một ví dụ về sự phát triển thần kỳ của Hàn Quốc: năm 1957, thu nhập trên đầu người của Hàn Quốc thấp hơn hẳn Ghana, một quốc gia thuộc Tây Phi; bốn mươi năm sau, vào năm 2008, thu nhập của họ cao gấp 17 lần Ghana! Hiện nay, Hàn Quốc nằm trong nhóm 20 quốc gia giàu mạnh nhất thế giới (G-20). Một số thương hiệu của Hàn Quốc trở nên quen thuộc trên phạm vi toàn cầu, hầu như đi đâu cũng gặp: Hyundai, Samsung, Daewoo và LG.(x. Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc).

2. Đôi nét về Giáo Hội Hàn Quốc.

Triều Tiên có lịch sử lâu dài với hơn 5 ngàn năm, chịu ảnh hưởng truyền thống Phật Giáo và Khổng Giáo. Kitô Giáo được du nhập vào Ðại Hàn khi Nhật xâm lăng quốc gia này vào năm 1592. Lúc ấy có một số người Ðại Hàn được rửa tội, có lẽ bởi các binh sĩ Công Giáo người Nhật. Việc truyền giáo rất khó khăn vì Ðại Hàn chủ trương bế quan tỏa cảng, ngoại trừ những hành trình đến Bắc Kinh để trả thuế.

Mãi đến đầu thế kỷ 18, Triều Tiên mới đón nhận ánh sáng Đức tin Công giáo và phát triển mạnh vào cuối thế kỷ 19. Các triều đại phong kiến đã có những cuộc bách hại Kitô Giáo trong nhiều năm và đã có trên 10 ngàn Kitô hữu hy sinh mạng sống để minh chứng Đức tin.

Năm 1925, Đức Giáo Hoàng Piô XI đã phong chân phước cho 79 vị tử đạo. Năm 1968, Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã phong chân phước cho 24 vị tử đạo. Ngày 14 tháng 10 năm 1984, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã phong thánh cho 103 vị tử đạo Hàn Quốc.

Trong suốt 50 năm qua có lẽ đã không có quốc gia nào trên thế giới có được sự phát triển liên tục trên mọi bình diện chính trị, kinh tế, xã hội và tôn giáo như Hàn Quốc.

Sự phát triển mạnh mẽ này cũng xảy ra đối với Kitô giáo nữa. Thật vậy, từ năm 1960 đến năm 2010, dân số Hàn Quốc từ 23 triệu đã tăng lên 48 triệu người. Lợi tức bình quân tính trên đầu người gia tăng từ 1.300 USD lên 19.500 USD hằng năm. Số Kitô hữu từ 2% tăng lên 30%, trong đó có khoảng 11% là tín hữu Công giáo, tức khoảng 5,4 triệu. Số linh mục từ 250 lên đến 5.000. Số tân linh mục hằng năm vào khoảng 130 đến 150 vị. Với 5.000 linh mục hiện nay, tính bình quân, mỗi vị coi sóc 1.100 tín hữu. Số tín hữu Công giáo gia tăng 3% mỗi năm. (Linh mục Piero Gheddo).

Đức Hồng y Nicholas Cheong Jin Suk, Tổng Giám mục thủ đô Seoul, cho biết trong 10 năm qua, số tín hữu Công giáo Hàn Quốc đã gia tăng từ 3 lên đến hơn 5 triệu. Như thế, Giáo Hội Hàn Quốc là Giáo Hội tiến triển mạnh nhất châu Á. Tại Hàn Quốc, quyền tự do tôn giáo được hoàn toàn tôn trọng.

Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến Nam Hàn năm 1984 để phong thánh cho 103 vị Tử Đạo. Trong đó có Thánh Anrê Kim Taegon, linh mục, Thánh Phaolô Chong Hasang, Chủng sinh, và 98 người Hàn Quốc cùng ba vị thừa sai người Pháp. Tất cả đều tử đạo trong khoảng từ năm 1839 và 1867. Trong số đó có các giám mục và linh mục, nhưng hầu hết là giáo dân với 47 phụ nữ, 45 đàn ông.

Trong bài giảng lễ phong thánh, ÐGH Gioan Phaolô II đã nói:"Giáo Hội Hàn Quốc thì độc đáo vì được thành lập hoàn toàn bởi giáo dân. Giáo Hội còn non yếu, thật trẻ trung nhưng thật vững mạnh trong đức tin, và đã đứng vững sau những đợt sóng bách hại mãnh liệt. Do đó, chỉ trong vòng một thế kỷ, Giáo Hội đã kiêu hãnh với 10,000 vị tử đạo. Cái chết của các vị tử đạo này trở thành men cho Giáo Hội và đưa đến sự triển nở huy hoàng của Giáo Hội Hàn Quốc ngày nay. Ngay cả bây giờ, tinh thần bất khuất ấy vẫn còn trợ giúp cho người tín hữu của Giáo Hội thầm lặng ở miền bắc bên kia vĩ tuyến".

Nét độc đáo của Giáo Hội Hàn Quốc đó là sự cộng tác tuyệt vời của giáo dân vào công cuộc rao giảng Tin Mừng. Khác với lịch sử của các Giáo Hội khác trên thế giới, Giáo Hội Nam Hàn là do chính các giáo dân thành lập. Vào thế kỷ XVIII, một vài triết gia người Hàn đã sang Bắc Kinh gặp được nhà truyền giáo nổi tiếng Lm Matthêô Ricci. Sau khi thụ huấn và chịu phép Rửa tội, họ về nước đem theo cuốn Thánh Kinh và họ dịch sang tiếng Hàn rồi rao giảng Tin Mừng và thành lập Giáo Hội Công Giáo. Trong các năm 1779-1836, khi các thừa sai đầu tiên người Pháp tới Đại Hàn, thì Kitô giáo đã được phổ biến trong nước, nhưng sau đó bị bách hại khốc liệt. Nhưng sự cộng tác của giáo dân thì vẫn tồn tại mạnh mẽ. Ngày nay tại Hàn Quốc, những ai muốn gia nhập Kitô giáo đều biết rằng mình phải có bổn phận dấn thân trong một hiệp hội hay phong trào nào đó hiện hữu trong các giáo xứ.

Từ thập niên 1980, trong 10 năm chuẩn bị lễ phong thánh cho các vị tử, Giáo Hội Công giáo Hàn Quốc đã phát động phong trào mỗi một tín hữu phải làm sao giúp cho một người khác theo đạo. Nhờ đó, số tín hữu đã gia tăng gấp đôi.

Hiện nay, Giáo Hội Hàn Quốc đang sống chương trình gọi là "Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi", nghĩa là vào năm 2020, số tín hữu Công giáo đạt tỷ lệ 20% tổng số dân Hàn Quốc, lý tưởng là gia tăng gấp đôi số tín hữu hiện nay để đạt con số 10 triệu người Công Giáo.

3. Những Đền thánh Công giáo, nơi thu hút khách hành hương

Đoàn hành hương chúng tôi có 4 ngày ở đất Hàn nên dành trọn mỗi ngày đến một Đền thánh để tìm hiểu học hỏi và dâng lễ.

a. Đền thánh Yongsu ở Khu tưởng niệm Linh mục Kim Dae-gun, Thánh Tử Đạo đầu tiên tại đảo Cheju.

Buổi sáng sớm, sau khi thưởng thức món mì chay Uđông, đoàn chúng tôi đi qua cây cầu dài 21km bắc qua biển. Người Hàn gọi là “vĩ đại cầu”. Hành trình hơn 80km đến làng AnSung linh thiêng. Đang là mùa xuân nên khí hậu mát mẻ, núi rừng ngát xanh, khung cảnh tuyệt đẹp. Núi xanh bao bọc trung tâm hành hương. Nơi đây có Nhà thờ và nhiều nhà nguyện nhỏ và nhiều dãy nhà khác ẩn khuất trong vườn cây xanh mát. Đây là nơi lý tưởng để tĩnh tâm, linh thao.

Một nữ giáo dân phụ trách khu vực đền thánh giới thiệu cho chúng tôi về miền đất thánh thiêng và Thánh Anrê Kim. Chị chào mừng đoàn hành hương tín hữu Công giáo Việt Nam. Vào năm1801, chính quyền phong kiến cấm đạo tuyệt đối. Sau 200 năm lịch sử, du khách đến xứ sở thanh bình này cảm nhận miền đất thiêng được khởi đi từ dòng máu tử đạo. Năm 1846 vị Lm đầu tiên của Hàn quốc là Thánh Anrê Kim bị chặt đầu nên người dân gọi ngọn núi thiêng này là núi chặt đầu.

Trước khi chết, thánh nhân có 3 câu nói nổi tiếng: tôi đem đức tin vào Hàn quốc và tôi luôn cầu nguyện cho đất nước bình an, tôi không bao giờ từ bỏ đức tin và tôi sẽ sống lại.

Anrê Kim Taegon là linh mục Ðại Hàn đầu tiên và là con của một người trở lại đạo. Cha của ngài, ông Ignatius Kim, được tử đạo trong thời cấm đạo năm 1839 và được phong thánh năm 1925. Sau khi được rửa tội vào lúc 15 tuổi, Anrê phải trải qua một hành trình dài 1,300 dặm để gia nhập chủng viện ở Macao. Sáu năm sau khi học hỏi những tinh hoa của Tin Mừng, ngài trở về quê hương qua ngã Mãn Châu. Cùng năm ấy ngài vượt qua eo biển Hoàng Sa đến Thượng Hải và được thụ phong linh mục. Trở về trên con thuyền nhỏ nên ngài lạc đường và sau nhiều ngày lênh đênh trên biển ngài lên bờ lần đầu tại đảo Cheju. Đảo Cheju là nơi du lịch chính của Hàn Quốc, và đã thu hút 7.578.000 du khách Hàn Quốc và nước ngoài trong năm 2010.Giáo phận Cheju, nơi có đảo Cheju, có 67.496 tín hữu Công giáo theo thống kê năm 2009. (UCA News 6-5-2011).

Đền thánh Yongsu, nơi tôn kính Thánh Tử Đạo Anrê Kim Taegon bình yên giữa núi rừng hùng vĩ. Thánh nhân đã cử hành Thánh lễ đầu tiên của mình ở Hàn Quốc tại đây. Chúng tôi hôn kính xương thánh và viếng mộ và của ngài. Mộ của thân mẫu thánh nhân cũng nằm trên ngọn đồi nhỏ phía sau.Chúng tôi dâng thánh lễ trong nhà nguyện nhỏ ấm cúng.Tạ ơn Chúa đã đưa chúng tôi đến nơi đây hành hương và cầu nguyện bên mộ phần thánh tử đạo.

Sau khi ăn trưa chúng tôi đi một hành trình dài 4 giờ xe đi về thành phố thủ phủ Kwangju, một trong 6 thánh phố lớn nhất của xứ sở Kim Chi.

Hệ thống giao thông xứ Hàn quá hiện đại như các nước Âu châu và Mỹ. Không thấy một xe honda nào trên quốc lộ. Không thấy một bóng dáng cảnh sát nào đứng đường.

Alex thuyết minh cho biết về lịch sử và văn hóa kinh tế xứ Hàn. Tổng thống Pắc Chung Hy trong 18 năm lãnh đạo (1961-1979) đã đưa đất nước phát triển. Từ một đất nước không có tài nguyên khoáng sản. Với ¾ diện tích đất đai là núi đồi. Đất đai chỉ sản xuất được 1 mùa, không có lương thực. Phía Bắc giáp Triều Tiên và ba phía kia giáp biển đầm lầy. Pac Chung Hy cùng nội các đã tìm ra đường lối phát triển đất nước. Công trình đầu tiên là mở tuyến đường Bắc Nam phát triển cơ sở hạ tầng. Xây dựng sân bay quốc tế Incheon và thành phố Seoul. Đưa học sinh sinh viên sang Mỹ du học nhièu nghành nghề, đặc biệt là nghành y học để các bác sĩ trở về chăm sóc sức khỏe tốt cho dân. Phát triển đất nước phải bắt đầu từ gia đình rồi đến xã hội. Mọi du học sinh khi thành đạt đều trở về giúp xây dựng quê hương.

Ngày nay ở Hàn quốc có 4 nghành kinh tế chủ lực. Đó là xây dựng, công nghệ điện tử, sản xuất xe hơi và đóng tàu biển. Người dân làm việc chăm chỉ cần cù và được trả lương xứng đáng với khả năng. Lương kỹ sư là 60.000usd/năm và tăng theo thời gian, sau 10 năm làm việc mức lương đạt 100.000usd/năm. Mức lương thấp nhất dành cho người lao động thủ công cũng rất cao 1500usd/tháng. Chế độ bảo hiểm và an sinh xã hội rất tốt nên không có người ăn xin, người bán vé số dạo.

b. Linh Địa Đức Mẹ Naju.

Từ sáng sớm chúng tôi đến thăm vùng đất thánh Naju. Một chị giáo dân từng du học Mỹ làm việc ở văn phòng truyền giáo của giáo phận hướng dẫn và giới thiệu rất tận tình.

Naju là một thị trấn nhỏ với khoảng 90 ngàn dân thuộc miền Tây Nam bán đảo Triều Tiên, cách Thủ đô Seoul chừng 320 Kilô mét về phía nam. Naju thuộc Giáo phận Kwangju. Bộ phim truyền thuyết Jumong được quay tại Naju.

Chúng tôi vào viếng Thánh đường Hoa Hồng. Nơi đây có Thánh tượng Đức Mẹ ban ơn lành chảy huyết lệ liên tiếp từ ngày 30 tháng 6 năm 1985, đã gây chấn động cho cả nước.

Thánh tượng này là sở hữu của gia đình ông bà Julia Kim (Tên bà là Hong Sun Yoon và tên ông là Man Box Julio Kim), một gia đình Công giáo công chức trong thành phố. Bà Julia chính là người được Đức Mẹ hiện ra để mời gọi mọi người cầu nguyện cho có sự an bình trên thế giới. Chúng tôi được xem phim tư liệu về thánh địa Naju. Sau đó đoàn chúng tôi tiếp tục hành trình lên núi thánh Đức Mẹ Naju. Giữa núi rừng bao la, ngước nhìn lên tượng Đức Mẹ ban ơn tâm hồn lữ khách được nâng lên trong cuộc gặp gỡ thân tình với Mẹ. Chúng tôi chọn một cây thánh giá gỗ và lần lượt chia nhau vác bắt đầu đi 14 chặng đàng thánh giá. Những giáo dân Bắc 54 thuộc lòng kinh nguyện, sốt sắng trong mỗi chặng thương khó của Chúa. Kết thúc đàng thánh giá nơi thánh tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng tôi đọc kinh và hát ca sốt mến dâng tất cả cho trái tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Ban chiều trở lại thánh đường Hoa Hồng, chúng tôi dâng lễ. Cha linh hướng và cộng đoàn Nữ tu cùng tham dự thánh lễ. Dù không hiểu tiếng Việt nhưng họ cùng hiệp thông trong lời cầu nguyện.

Sau thánh lễ, thật may mắn, bà Julia Kim từ bệnh viện đến thăm và nói chuyện với chúng tôi. Người phụ nữ đã bước vào tuổi 65, hơn 20 năm bị ung thư vẫn trẻ trung và thật phúc hậu. Trước khi nói chuyện bà tặng cho các linh mục chuỗi Mân Côi xin các linh mục đặt tay chúc lành, một cử chỉ thật khiêm tốn. Bà chào mừng đoàn Việt Nam từ một nơi rất xa đã đến hành hương nên dù đang điều trị tại bệnh viện bà vẫn cố gượng dậy để đến gặp gỡ. Bà cầu chúc mọi người sức khỏe và bình an trong ơn lành của Đức Mẹ. Bà nói về đức tin. Khi tin vào Chúa và Đức Mẹ chúng ta luôn có bình an. Nghe bà nói chuyện tôi nhận thấy bà có đức tin mạnh mẽ và đời sống cầu nguyện thân mật với Chúa với Đức Mẹ nên bà rất khiêm tốn và trọn niềm tín thác.

Julia sinh năm 1947 là con gái của một vị học giả cổ điển Trung hoa. Cụ thân sinh của Julia đã bị mất tích trong thời Nam Bắc phân tranh và cô em út cũng qua đời khi mới lên 2 tuổi. Julia sống với mẹ, một người mẹ can đảm và chuyên cần lam lũ nuôi con ăn học qua hết bậc trung học. Đến năm 25 tuổi (1972) cô kết hôn với Juliô, người con cả trong gia đình. Ông bà sinh được 4 cháu (Tên là Rosa, Tomas, Térèsa và Philip). Ông bà đã lãnh nhận được ơn đức tin và đã trở thành con Giáo Hội vào lễ Phục sinh 1981.

Sau lần trở lại, bà dành hết thì giờ vào việc phục vụ khách hàng (nơi cửa tiệm hớt tóc của bà), lo cơm nước cho chồng con và săn sóc gia đình.

Ông Lubino Park là khách hàng quen thuộc của bà. Ông bị chứng bệnh sưng phổi từ khi ông phục vụ các bệnh nhân trong bệnh viện Lao trị. Ông xin bà Julia cầu nguyện cho trước khi khám nghiệm giải phẫu. Vốn có tinh thần tông đồ, nên bà đã dâng một tuần bảy ngày với các việc hy sinh và kinh nguyện để cầu cho ông. Kết quả sau ba lần tái khám, bác sỹ cho hay ông đã khỏi bệnh cách lạ lùng. Để trả ơn bà Julia, ông xin tặng bà một món quà tôn giáo bày bán trong tiệm ảnh tượng của nhà thờ. Bà Julia chọn bức tượng Đức Mẹ ban ơn lành làm kỷ vật và cũng là để nhớ ơn Mẹ đã nhậm lời bà cầu nguyện.

Sau khi sinh cháu thứ tư, bà mắc một chứng bệnh ung thư. Trước cảnh tượng đau đớn năm chờ chết, bà đã nhiều lần ý "chấp nhận cái chết" với chồng con. Bà cũng cố gượng viết một chúc thư dành cho người sẽ làm vợ kế của chồng bà. Bà cũng được cha Sở xứ đạo Naju thường xuyên đến cho bà lãnh nhận Mình Thánh Chúa và khuyên nhủ ủi an trong khi chờ chết. Hôm ấy trong giấc ngủ mơ, bà thấy mình được Chúa chỉ dẫn đọc Thánh Kinh. Bà mở nhằm đoạn sách nói về người đàn bà loạn huyết lâu năm được Chúa chữa lành nhờ lòng tin. Sau giấc chiêm bao ấy, cũng nhờ lòng tin, bà được Chúa cho hoàn toàn bình phục, lại ban cho hết những gì bà khẩn cầu. Vì thế, nghĩ đến ơn Chúa ban, bà quyết định biến nhà mình thành nơi cư trú cho mọi kẻ nghèo hèn. Từ tháng 5, 1985 cơn bệnh của bà lại tái phát, nhưng Chúa vẫn cho bà đủ sức để làm việc phục vụ. Đức Mẹ đã tỏ cho Julia Kim biết về con đường thiêng liêng theo thánh Têrêsa thành Lisieur là cầu nguyện, sinh hoạt chung, chịu đựng hy sinh, làm việc đền tội dâng lên Thiên Chúa vì yêu mến và sống khiêm nhường hiệp ý với Mẹ thì rất có giá trị trong việc cứu rỗi các linh hồn.

Bà Julia kể: Sau khi đi thăm Kwangju, tôi đến Naju lúc 11g20 khuya ngày 30 tháng 6 năm 1985. Tôi đọc kinh Mân Côi xin cho kẻ có tội được ơn trở lại và cho những người đang đau khổ tại Kwangju. Đang khi đọc kinh, tôi ngạc nhiên thấy nước mắt chảy dài trên đôi mắt tượng Mẹ. Tôi hồ nghi không phải là nước mắt Mẹ nên tôi đánh thức chồng tôi đang ngủ gục, để nhìn cho rõ. Hai chúng tôi nhìn sát mắt Mẹ và chúng tôi xác định là nước mắt thật sự đã chảy ra từ khoé mắt Mẹ.

Sáng hôm sau tôi thức dậy từ 6 giờ và đi thẳng đến chân tượng Mẹ để quan sát lại. Tôi thấy những giọt nước Phép tôi vẩy lên tượng khi đêm đã khô sạch, nhưng vệt nước chảy từ khoé mắt Mẹ hôm qua, giờ vẫn còn chảy đều. Trước khi rời nhà đi làm, Juliô bảo tôi "đừng tiết lộ cho ai biết về hiện tượng lạ này" Anh lại bảo tôi "phải cầu nguyện sốt sáng hơn" nữa.

Vì thế, chẳng bao lâu sự kiện Đức Mẹ khóc tại Naju được loan đi khắp nơi và thiên hạ kéo đến đông nghẹt cả đường phố. Gia đình ông bà Juliô đã trở thành nơi cầu nguyện suốt đêm ngày.

Đức Tổng Giám Mục Gong Hee Victorius Yoon đã để tâm nghiên cứu và nghiệm xét những sự lạ xảy ra tại đây và đã công bố với các cha trong ngày tĩnh tâm của các Linh mục Giáo phận rằng: "Sự kiện Đức Mẹ khóc chảy nước mắt không thể chối được. Chúng tôi thường xuyên quan sát các sự kiện và diễn tiến của biến cố.... Và tôi cũng đang tiếp tục nghiên cứu các hậu quả...." (tháng 7 năm 1989).

Ngài cũng nói với cha Raymond Spies Chánh sở Xứ đạo Naju rằng: "Tôi hết sức tin tưởng vào hiện tượng Đức Mẹ chảy nước mắt tại Naju này. Tôi chấp nhận như là một sự có thật. Tôi chưa thấy nơi bà Julia nói điều gì trái với Tín lý của Giáo hội. Xin cha cho tôi biết rõ tình hình bằng cách cung cấp cho tôi cả những thông điệp, nhật ký của bà Julia, các hình ảnh và băng hình nữa".

Đức Tổng Giám Mục Ivan Dias, Khâm Sứ Toà Thánh tại Nam Triều Tiên cũng công khai bày tỏ: "Tôi xin phó dâng sứ mạng Khâm Sai của tôi qua lời cầu nguyện của cha Raymond Spies, bà Julia và cũng cậy nhờ vào những sự đau khổ bí nhiệm của bà chịu nữa" (Ngày 22 tháng 12, 1991).

Chia tay cha Linh hướng, các Nữ tu, các thiện nguyện viên và bà Julia Kim trong lưu luyến, chúng tôi về thánh phố Kwanju nghĩ ngơi.

c.Thánh địa Chonjinam

Từ Kwanju chúng tôi đi hơn 3 giờ xe là đến vùng thánh địa Chonjinam trên núi cao.

Đức Ông Byon Ki – Young tiếp đón chúng tôi rất niềm nở và tặng sách “History of the Foundation of the Korean Catholic Church” do ngài biên soạn.

Chon-jin-am, một nơi gặp gỡ giữa Nho giáo, Phật giáo và Công giáo, đã trở thành nơi khai sinh của Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc.

Vị Linh mục cai quản thánh địa chuyên đón đoàn hành hương đã đưa chúng tôi lên núi trước phần mộ của 5 linh mục đầu tiên và ngài giới thiệu đôi nét lịch sử hình thành Giáo hội Hàn quốc.

Chon-jin-am có 5 ngôi mộ của 5 linh mục tử đạo khai sinh Giáo Hội Công Giáo Hàn Quốc. Các ngài đi tìm chân lý và gặp gỡ nơi Tin Mừng Chúa Giêsu rồi về nước các ngài truyền bá Tin Mừng. Họ đã xây dựng Giáo Hội Hàn Quốc mà không có sự giúp đỡ của các nhà truyền giáo nước ngoài.

Hiện nay, tại Chon-jin-am, đã đặt nền móng xây dựng vương cung thánh đường. Dự kiến sẽ kéo dài trong thời gian dài. Vương cung được mô phỏng theo phong cách lấy cảm hứng từ các tôn giáo khác nhau của người dân Hàn Quốc: Nho giáo, Phật giáo và Kitô giáo.(Xin đọc thêm tư liệu lịch sử tại web: chonjinam.org).

Đoàn chúng tôi đọc kinh cầu nguyện và xuống núi dâng lễ kính Thánh Antôn Pađôva trong nhà nguyện nhỏ dưới chân núi.

Ban chiều chúng tôi về thành phố Seoul ghé vào cửa hàng sâm nổi tiếng Ginseng Outlet, tham quan và mua quà lưu niệm.

d. Bảo tàng lịch sử Giáo hội Hàn quốc và Thánh đường Juldusan

Seoul là thủ đô của Hàn Quốc, nằm bên Sông Hàn ở phía Tây Bắc Hàn Quốc. Thành phố cách biên giới với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên 50 km về phía Nam (Khu phi quân sự Triều Tiên). Với dân số hơn 10 triệu, Seoul là thành phố lớn nhất Hàn Quốc. Diện tích chỉ 605 km², đây là một trong những thành phố lớn có mật độ dân số cao nhất thế giới. Hệ thống giao thông quá hiện đại.

Seoul có một hệ thống tàu điện ngầm nối mỗi quận của thành phố và các khu vực xung quanh. Với lượng khánh hơn 8 triệu mỗi ngày, hệ thống tàu điện ngầm của Seoul được xếp vào một trong những hệ thống tàu điện ngầm bận rộn nhất trên thế giới. Tàu điện ngầm vùng đô thị Seoul có 12 tuyến phục vụ Seoul, Incheon, Gyeonggi, tây Gangwon, và bắc Chungnam.

Chúng tôi đến miền đất thánh thiêng giữa lòng thủ đô Seoul. Đó là bảo tàng lịch sử của Giáo hội Hàn quốc. Một vị trí rất đẹp từ trên đồi cao nhìn xuống sông Hàn thơ mộng. Hàn Quốc tự hào với hàng loạt bảo tàng quốc gia và rất nhiều những bảo tàng chuyên đề dành cho những đối tượng riêng biệt. Các bảo tàng quốc gia trưng bày những hiện vật vô giá xuyên suốt chiều dài lịch sử 5000 năm của Hàn Quốc.

Chúng tôi dâng thánh lễ khởi đầu ngày mới trên miền đất có nhiều vị tử đạo vào năm 1866.

Một thiện nguyện viên nói tiếng Anh lưu loát hướng dẫn và thuyết minh cho chúng tôi về lịch sử Giáo hội Hàn quốc, tham quan bảo tàng với nhiều chứng tích lịch sử Giáo hội bị bách hại và đặc biệt là tư liệu hình ảnh Đức Gioan Phaolô II đến thăm Hàn quốc 2 lần (dịp phong thánh năm 1984 và dịp Đại hội Thánh Thể năm 1993). Nơi đây có dãy nhà trưng bày cách sống động những nhà tù và các dụng cụ tra tấn các vị tử đạo. Sau đó chúng tôi vào Thánh đường Juldusan viếng Chúa. Nhiều giáo dân Hàn đang lần chuỗi và cầu nguyện.

Sau khi chụp hình lưu niệm, chúng tôi chia tay các thiện nguyện viên với lời cám ơn chân thành.

Chỉ còn một buổi chiều tại Seoul, chúng tôi thăm lâu đài Kinh Bắc Cung – Gyeongbok Place, nơi ở và làm việc của các triều đại phong kiến Triều Tiên. Cung điện Kyongbuk - Cung điện ánh sáng và hạnh phúc. Cung điện được xây dựng vào năm 1394 dưới đời vua Chosun (1392 - 1910), đời vua cuối cùng của Hàn Quốc. Đây được xem là một công trình nghệ thuật nổi tiếng có phong cách và kiến trúc độc đáo và đẹp nhất Seoul. Cung điện là một tổng thể kiến trúc đồ sộ với những hồ sen thơm ngát, những ngôi chùa đá cổ kính và đặc biệt là những cung điện nguy nga, tráng lệ.

Chúng tôi tham quan Bảo tàng Dân tộc Quốc gia là bảo tàng quốc gia duy nhất về văn hóa dân gian, trưng bày khoảng 4.000 hiện vật về đời sống văn hóa. Tham quan Bảo tàng Cung điện Quốc gia trưng bày 40.000 hiện vật tái hiện lại lịch sử và văn hóa của triều đại Joseon. Sau đó đi chợ Dongdaemun mua sắm đặc sản xứ Hàn. Ban tối được nhâm nhi rượu Soju với gà hâm sâm, thưởng thức nhiều món kim chi quốc hồn quốc túy đất nước này.

Hôm sau kết thúc chuyến hành hương, chúng tôi lên đường sớm kịp chuyến bay từ Incheon về Sài gòn.

4. Thay lời kết

Hàn Quốc có diện tích là 99,720 cây số vuông, dân số 48,754,657 (tháng 7, 2011), Thu nhập bình quân đầu người là 30,000 Mỹ kim (năm 2010), tổng sản lượng quốc nội (GDP) là $1.459 trillion (2010) (trillion là một ngàn tỉ); xếp hàng thứ 13 trên thế giới. (theo tài liệu của CIA World Factbook).

Hiện nay Giáo Hội Hàn Quốc đang đẩy mạnh chương trình học hỏi Lời Chúa để truyền giáo cho xã hội đang thay đổi nhanh chóng ngày nay. Hy vọng chương trình "Rao giảng Tin Mừng hai mươi hai mươi", sẽ gia tăng tín hữu lên 10 triệu vào năm 2020.

Vào ngày 9-9-2009, ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn đã trả lời những câu phỏng vấn của tập san Hahk Yoon (Công giáo Hàn quốc) về những trải nghiệm của ngài trong mối quan hệ với Thiên Chúa trước những biến cố xẩy ra trong cuộc đời, cũng như những nhận định, những ước mơ và những viễn ảnh nhắm tới.(x.VietCatholic 14 Sep 2009).

Những câu chuyện và những lời ĐHY muốn gởi đến thính giả Hàn Quốc đang lắng nghe ngài?

ĐHY Gioan Baotixita trả lời:

Tôi học từ người Hàn Quốc hai kinh nghiệm đẹp:

- Cả Nhật và Hàn Quốc đều phát triển mạnh về kinh tế, khoa học, kỹ thuật, nhân bản. Nhưng tôn giáo lại phát triển ở Hàn Quốc chứ không phải ở Nhật. Một nhà trí thức Hàn Quốc đã trả lời cho tôi lý do tại sao: Dân Hàn tin vào Thiên Chúa, tin rằng những gì họ có đều là quà tặng của Thiên Chúa.

- Khi tham quan hãng xe Hyundai, tôi hỏi người ở đó: Hãng Hyundai ra đời một thời gian lâu sau những hãng xe hơi của Mỹ, Pháp, Anh, Đức, Toyota…, làm sao nó có thể sống còn và phát triển? Họ trả lời: Dân Hàn quốc dùng xe Hàn quốc. Tôi nhận ra rằng chính lòng yêu nước của dân tộc Hàn đã làm cho họ phát triển về vật chất, trí thức và tâm linh. Và trong bối cảnh hoàn cầu hoá hôm nay, tôi hy vọng rằng tình yêu quê hương đất nước của các bạn, một ngày nào đó sẽ có thể thống nhất Nam Bắc Hàn thành một dân tộc, dân của Thiên Chúa, Cha chúng ta. Cầu chúc các bạn đạt được thắng lợi mới trong thách đố này.

Kim Ngọc 18.6.2012
 
Giáo xứ Bình Thuận quan tâm đến giáo dục học sinh
Nguyễn Ngọc
07:17 19/06/2012
Vào tối Chúa nhật XI thường niên, giáo xứ Bình Thuận đã có Thánh lễ đặc biệt cho các em thiếu nhi. Trước khi vào Thánh lễ, cha quản xứ Ant Đặng Hữu Nam đã cử hành nghi thức tuyên khấn và thay mặt cộng đoàn nhận lời khấn của 7 anh chị huynh trưởng, là đội ngũ nòng cốt và tiên phong trong đoàn Thiếu nhi Thánh Thể giáo xứ; đặc biệt vào cuối Thánh lễ cộng đoàn vui mừng và phấn khởi, khi cha long trọng trao phần thưởng cho các học sinh giáo xứ có kết quả học tập cao trong năm học. Đây được xem là một sự kiện mở đầu và tìm hiểu về phong trào học tập trong giáo xứ của cha trong bước đầu về nhận nhiệm sở.

Theo lịch sử giáo phận, giáo xứ Bình thuận được thành lập năm 1943. Mặc dù, đã vắng bóng vị chủ chăn hơn 30 năm nhưng việc học hành trong giáo xứ không bị trì trệ, mặt khác còn có những điểm khởi sắc đáng mừng. Có được điều này là nhờ công ơn của bậc đàn anh, đã có nhiệt huyết đưa phong trào học tập đi lên như gương của cha G.B Nguyễn Đình Thục, linh mục bản hương và biết bao anh chị sinh viên khác còn đang học tập khắp mọi miền Tổ quốc.

Cụ thể hơn trong năm học này, con em trong giáo xứ đã có thành tích về số lượng và chất lượng đáng khích lệ. Qua số liệu cha quản xứ Ant cho biết, có 105 em đạt thành tích cao trong học tập. Trong đó có nhiều em đạt giải cấp huyện, cấp tỉnh. Cụ thể, có 87 em đạt học sinh tiên tiến, 18 em đạt học sinh giỏi toàn diện, 3 em học sinh xuất sắc, trong đó có 3 em đạt học sinh cấp huyện trở lên. Đáng khen ngợi là em Nguyễn Thị Tuyết Nga, học sinh lớp 12 đạt giải 3 cấp tỉnh môn Văn. Những con số trên, biểu hiện được những cố gắng, chăm chỉ vươn lên trong phong trào thi đua học tập của con em trong giáo xứ.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu. Có lẽ ý thức quan trọng về giáo dục như vậy, cộng với tính ưa hoạt động nên Cha Ant Đặng Hữu Nam đã có sáng kiến, nhằm khuyến khích và cổ vũ phong trào học tập giáo xứ đi lên, giúp các em học sinh chủ tâm say mê học tập và bậc phụ huynh ý thức được quan trọng của con đường tri thức. Nhưng mục đích sâu xa và lâu dài là nâng cao dân trí cho xứ đạo.

Thiết nghĩ, một linh mục quản xứ ai cũng mong muốn giáo dân, luôn có những điều tốt đẹp nhất. Nên chăng, cách này hay cách khác trong đường hướng mục vụ cũng nên có những sáng kiến để thúc đẩy, đưa giáo xứ mình thăng tiến hơn về mọi mặt trong cuộc sống.
 
Giáo xứ Thanh Xuân, đêm văn nghệ “Ngày Hiền Phụ”
Hồng Hương
08:55 19/06/2012
Chúa Nhật ngày 17.6.2011, nhiều nơi trên thế giới hân hoan tổ chức mừng Ngày Của Cha (Father's Day). Tại Thanh Xuân, GP Phan Thiết, để bày tỏ lòng yêu thương và biết ơn các Vị Mục tử - Người Cha Chung và những người Cha trong gia đình, giáo xứ đã dâng Thánh Lễ sáng rất sốt sắng xin Chúa ban muôn ơn lành cho những người Cha còn sống hay đã khuất, và một đêm văn nghệ tuyệt vời kết hợp cả nội dung và hình thức thật ý nghĩa với sự tham gia tích cực của các giới.



Đêm nay, khuôn viên nhà thờ Thanh Xuân rực sáng trong ánh điện. Nụ cười rạng rỡ trên gương mặt từ cụ già đến em nhỏ. Trong tiếng vỗ tay vang dội, Đức Ông GB Lê Xuân Hoa, cha Chánh xứ Phêrô Nguyễn Viết Hiền, Cha Phó Phêrô Nguyễn Thanh Hải và quan khách tiến về ghế danh dự. Có thể nói, sự hiện diện của Đức Ông, người cha già kính yêu đã gắn bó với Thanh Xuân rất nhiều năm làm cho đêm hội hôm nay thật sự ấm nồng tình thân của đại gia đình giáo xứ.



Sau tiết mục khai mạc rực rỡ của khá đông diễn viên, Vị Đại Diện Hội Gia Trưởng Giáo Xứ Thanh Xuân, đơn vị đăng cai đêm văn nghệ, chào mừng quan khách và cộng đoàn hiện diện, sau đó ông đọc bài nguồn gốc “Ngày Hiền Phụ” và phát biểu lý do tổ chức đêm Văn Nghệ “Tôn Vinh Người Cha”.



Cha Chánh xứ chúc mừng đêm hội diễn Mừng Ngày Của Cha 2012 và tuyên bố khai mạc chương trình trình văn nghệ “Ngày Hiền Phụ”. Cùng với lời chúc mừng Đức ông, cha Phó và các vị Gia trưởng là lời nhắn nhủ với các con cháu rằng trong gia đình hãy hiếu kính và trân trọng Cha của mình ngay hôm nay, trong hiện tại này khi Người còn sống. Đừng để khi Người qua đời mới giật mình thảng thốt thì còn gì nữa đâu.



Sân khấu nổi bật hình ảnh Thánh Cả Giuse - Bổn mạng giới Gia trưởng, Vị Mục Tử - Người Cha Chung của giáo xứ và người Cha của gia đình cùng với câu ca dao “Công Cha như núi Thái Sơn”.



Hợp xướng Mục tử ca do ca đoàn Phụ huynh và ca đoàn xứ hợp ca mở đầu chương trình như lời tâm tình tri ân của đoàn con gởi đến Đức Ông, Cha Chánh xứ và Cha Phó. Trong trách vụ nặng nề là Người Cha Chung hướng dẫn cả đoàn con đông đảo về đời sống đức tin và đời sống xã hội, ở một góc nhìn, các ngài thực sự là những người cha đã phải hy sinh thật nhiều và không phút giây nào ngừng khẩn cầu cùng Chúa cho con cái mình. Đơn ca Huyền thoại Cha (Lm. Thanh Ngân) do Minh Tâm trình bày với những ca từ thật đẹp về công ơn của Cha vang lên trầm bổng giữa bầu khí hôm nay càng thấm đượm tâm hồn người nghe.



Vũ khúc Ca ngợi Thánh Giuse của các em Thiếu nhi với hình ảnh Cha Giuse bồng ẵm bé Giêsu là hình ảnh người cha biết chăm sóc cho con cái bằng tình yêu. Nhạc phẩm bất hủ Tình Cha của cố nhạc sĩ Y Vân do Trung Kiên và bé Minh Nguyên thể hiện rất ăn ý, những tràng pháo tay lớn từ khán giả để tưởng thưởng cho đôi song ca này.



Bạn Thế Huy, một người con của Thanh Xuân đi làm ăn ở xa hôm nay cũng trở về góp tiếng hát với chương trình qua hai ca khúc Nhớ Cha (Thanh Ngân) và Cha tôi (Ngọc Sơn). Sau những phút khá trầm lắng, sân khấu bừng lên với vũ khúc Papa (nhạc Pháp lời Việt) của các Bà Mẹ Công Giáo Thanh Xuân. Lời ca là những kỉ niệm đẹp về người cha sẽ là động lực nâng đỡ con cái trong cuộc mưu sinh hàng ngày.



Nhưng ấn tượng và sâu sắc nhất vẫn là câu trả lời cho tiết mục phỏng vấn của MC với Đức Ông Lê Xuân Hoa. Đức Ông cho biết, mình có nhiều bài thơ viết về Mẹ, nhưng rất ít thơ viết về cha là do thân phụ của mình mất sớm khi ngài còn nhỏ nên kỉ niệm về cha không nhiều. Nhắn nhủ với đoàn con Thanh Xuân, Đức Ông mong rằng sau khi sự rộn ràng và ánh đèn sân khấu của Ngày Hiền Phụ vui hôm nay tắt đi, những người con hãy biết thảo hiếu với cha của mình trong đời sống hằng ngày, bởi kính yêu người cha dưới đất cùng chính là yêu Cha Trên Trời. Đại diện ban tổ chức đã trao tặng Đức ông và hai cha vòng hoa tươi gói trọn tình con thảo.



Tình cảm của người con với cha trong cuộc sống còn được thể hiện sống động trên sân khấu hôm nay qua tiết mục song ca của Vi Na Tâm và Quốc Tuấn nhạc phẩm Cha yêudo Quốc Vượng sáng tác; Đơn ca Nghĩ về Cha của Nhất Huy do Hà Dung thể hiện; Vũ khúc Cầu cho Cha Mẹ 4 thật đáng yêu của Thiếu nhi; Tốp Ca của Ca đoàn Gia trưởng với nhậc phẩm Cao vời tình Cha; Khúc hát Cha yêu của Nguyễn Hoài Anh do Thế Trung biểu diễn. Đêm Hội diễn “Ngày Hiền Phụ” kết thúc với bản Hợp caNgười Cha nhân từ do Ca đoàn Xứ và Ca đoàn Phụ huynh đảm nhiệm. Mỗi tiết mục được trình bày với sự điêu luyện và nhịp nhàng cho khán giả thấy được người diễn đã nỗ lực luyện tập và đêm nay thể hiện với tất cả tâm hồn.



Khép lại một ngày vui dành cho người làm Cha với những lời cầu chúc và những nỗi niềm của đêm diễn đọng lại nơi mỗi người để cảm nhận nếu tình Mẹ ngọt ngào như “chuối ba hương, như xôi nếp một, như đường mía lau”, thì tình Cha vừa thâm trầm, lắng đọng vừa nghiêm khắc nhưng cũng rất dạt dào, dịu ngọt, mà nếu không có cái nhìn tinh tế và sâu sắc, thì không dễ gì cảm nhận và tận hưởng được. Tình yêu và sự hy sinh của người cha thường được ví von như núi Thái Sơn vời vợi, như cây cao bóng cả. Một tình yêu không vồn vã nhưng trầm lắng và rộng lớn bao la. Một tình yêu không diễn tả bằng lời, không biểu lộ bằng những cử chỉ trìu mến thân thương, đôi khi tỏ ra cương quyết nhưng lại là chỗ dựa vững chắc, là bóng râm che mát cho con cái vào đời.



Tình thương của Cha không ngôn từ hay bút mực nào tả xiết. Có chăng là sự cảm nhận tự đáy lòng của người làm con. Không chỉ có vậy, Ban tổ chức còn gởi gắm trong đó lời nhắn nhủ và đánh thức những đứa con còn thờ ơ và chưa biết trân quý Cha của mình. Ngày của Cha cũng được xem là dịp thuận tiện để những người làm cha nhìn lại vai trò và trách nhiệm của mình đối với con cái; đồng thời cũng là dịp để xã hội và những người làm con có cơ hội bày tỏ lòng tri ân những hiền phụ đã gánh vác trách nhiệm lớn lao trong “sự nghiệp trồng người”.



Đêm văn nghệ “Ngày Hiền Phụ” là món quà quý giá nhất mà tất cả những người Cha trong giáo xứ Thanh Xuân nhận được trong Ngày Của Cha năm nay. Và đây cũng là lần đầu tiên Thanh Xuân tổ chức Ngày Của Cha tiếp nối chương trình “Ngày Của Mẹ” năm 2011 và chuẩn bị cho “Ngày Thân Phụ Mẫu” trong năm tới.
 
Giáo hội Úc có thêm một phó tế vĩnh viễn thứ hai gốc Việt Nam
Hồng Việt
08:56 19/06/2012
Tiết trời mùa Đông tại Canberra khá lạnh, ban đêm hàn thử biểu thường chỉ ở mức dưới zero, cộng thêm những cơn mưa phùn dai dẳng làm cho người ta cảm thấy lạnh lẽo hơn. Tuy vậy, thánh lễ Chúa Nhật 17-06-2012 lại đông đủ, giáo dân khắp nơi trong Cộng đoàn Công giáo các Thánh Tử đạo Việt Nam thuộc Tổng Giáo phận Canberra-Goulburn tụ về nhà thờ Thánh Tôma Tông đồ, tại Kambah, để hân hoan mừng ngày Thầy Phó tế Xuân Đức (Don Nguyen) giảng lễ lần đầu tiên trong Cộng đoàn. Giây phút chờ đợi, và ngày vui đã đến.

Thánh lễ nhận chức phó tế vĩnh viễn của Thầy Phó tế Đức đã diễn ra rất long trọng tại nhà thờ Chính tòa Canberra vào thứ Sáu, 25-05-2012, do Giám mục phụ tá Patrick P Power chủ phong, với sự tham dự đông đủ các linh mục và phó tế thuộc Tổng Giáo phận Canberra-Goulburn. Mặc dầu lễ truyền chức được cử hành vào tối thứ Sáu, một buổi tối mưa tầm tã, thế mà số giáo dân đến tham dự rất đông.

Thừa tác vụ phó tế vĩnh viễn đã được minh định ngay từ thời giáo hội sơ khai và được tái phục hồi trong Công đồng Vatican II. Ba nhiệm vụ cốt yếu của phó tế vĩnh viễn là: phục vụ bàn thánh; rao truyền lời Chúa; và thực thi việc bác ái. Phó tế vĩnh viễn có thể làm các bí tích rửa tội, hôn phối, cử hành tang lễ, phụng vụ lời Chúa nhưng không được cử hành bí tích Thánh thể, Giải tội và Xức Dầu Thánh như thiên chức linh mục, phó tế cộng tác với linh mục, phục vụ cộng đoàn dân Chúa.

Đến nay Giáo hội Công giáo Úc có khoảng 49 phó tế vĩnh viễn, một con số rất khiêm tốn so với 13,462 phó tế vĩnh viễn tại Hoa kỳ. Thầy phó tế Đức vinh hạnh là người Úc gốc Việt đầu tiên được lãnh nhận chức phó tế tại Tổng Giáo phận Canberra-Goulburn, và là người gốc Việt thứ hai trên toàn nước Úc được lãnh nhận thánh chức này. Được biết phó tế vĩnh viễn gốc Việt đầu tiên là Thầy Phó tế Trần T. Kỳ, cũng là một cựu thuyền nhân, đến Úc vào năm 1979, sau một chuyến vượt biên hãi hùng, tàu hư máy, trôi dạt và lạc vào hoang đảo một thời gian rất dài, tổng số 37 người đào thoát, chỉ có 22 người sống sót, trong số những người kém may mắn đó, có cả con và em của Thầy Phó tế Kỳ!

Phó tế Nguyễn Xuân Đức thường được biết là Don Nguyen trong sở làm và cộng đoàn người Úc, sinh năm 1959, tại Sàigòn, khi cuộc chiến tại Việt Nam sắp đi vào thời kỳ khốc liệt. Chín năm sau, biến cố Mậu Thân 1968 xẩy ra cho người dân Miền Nam Việt Nam, và đã cướp đi người cha thân yêu và hai người em ruột trong gia đình. Ôi! Một mất mát quá lớn đã xẩy ra cho một cậu bé mới chín tuổi đời, và đấy cũng là nỗi tang thương cho rất nhiều gia đình trong biến cố kinh hoàng ấy!

Cậu bé Xuân Đức được nuôi dưỡng và thương yêu của người mẹ can đảm và dạt dào tình mẫu tử. Có thể ơn gọi đã nhen nhúm ngay từ thời thơ ấu của cậu. Càng lớn lên, thì cuộc chiến tại Việt Nam càng khốc liệt hơn. Năm 1973, là một thiếu niên, cậu Xuân Đức chính thức theo học tại dòng Lasan, Thủ Đức.

Khi biến cố 30-04-1975 xảy ra cho người dân Miền Nam Việt Nam, cũng giống như các cơ sở tôn giáo khác, nhà dòng Lasan bị tịch thu, các chuẩn sinh, tập sinh và sư huynh phải giải tán về nhà hay sống rải rác trong các Cộng đoàn và một số không ít bị tù đầy. Trong số ấy có cả vị thầy khả kính của Chuẩn sinh Xuân Đức, đó chính là Frère Michel Hồng, và nay là Linh mục Michael Phạm Quang Hồng, đang hướng dẫn đoàn chiên Việt tại Perth, Tây Úc.

Giấc mộng đi tu không thành, trở lại cuộc sống đời thường, cắp sách đến trường như bao nhiêu thanh niên khác. Thế rồi dưới mái sân trường, anh Xuân Đức đã gặp chị Nguyên Anh, hai người cùng vượt biên trên một chiếc tàu và đến Úc vào năm 1981. Sau hai năm lập nghiệp tai Sydney, họ thành hôn và sau đó sinh được hai người con: Angela, 25 tuổi và Vincent, 23 tuổi. Là một công chức thâm niên trong chính quyền Liên bang Úc, và vì nhu cầu công ăn việc làm, anh đã cùng gia đình di chuyển tới sinh sống tại thủ đô Canberra từ năm 2003 đến nay.

Trong thánh lễ nhận chức phó tế vĩnh viễn, hình ảnh gây xúc động nhất cho người tham dự, là khi người lãnh chức phó tế nằm sấp cúi mặt dưới bàn thờ, một cử chỉ khiêm cung, vâng phục và hoàn toàn phó thác vào Chúa Thánh Thần. Trong khi cộng đoàn đọc Kinh Cầu Các Thánh, thì chị Nguyên Anh, người bạn trăm năm của anh, cũng quỳ dưới chân anh. Dường như, chính chị cũng thưa: ‘Vâng, con chấp nhận’ Câu đáp chỉ vỏn vẹn có bốn chữ, nhưng hàm chứa một ý nghĩa cao đẹp. Vâng, từ đây chị chấp nhận hy sinh, gánh vác việc nhà nhiều hơn để anh chu toàn thánh chức và ơn gọi. Khi chính tay chị choàng Khăn và khoác Áo phó tế (Stole and Dalmatic) cho anh, là chị hoàn toàn chấp nhận: từ nay, anh là người trong gia đình, nhưng anh cũng là một thành viên trong cộng đoàn giáo sĩ nữa, chị sẽ hết lòng nâng đỡ và chia xẻ cùng anh. Phải có ơn gọi mãnh liệt, phải có ơn Chúa Thánh Thần, phải cầu nguyện liên lỉ lắm thì mới mạnh dạn dấn thân như vậy! Một cử chỉ tuyệt vời, một gương sáng cho những ai muốn tìm hiểu và đáp lại ơn gọi.

Mọi người tham dự hết sức xúc động khi Thầy phó tế Đức ngỏ lời tri ân trước khi thánh lễ kết thúc. Bằng một giọng Anh ngữ lưu loát, Thầy đã cảm tạ sự ưu ái, lời cầu nguyện của tất cả mọi người và gia đình, đặc biệt sự nâng đỡ và hướng dẫn của các Giám mục, Đức Ông và các Linh mục, trong suốt bốn năm Thần học đầy khó khăn và thử thách. Và nay, Thầy không chỉ là phó tế trong cộng đoàn Công giáo Việt Nam tại Canberra, mà còn là phó tế trong cộng đồng Công giáo chính mạch nữa. Cầu nguyện cho Thầy được tràn đầy ơn Chúa Thánh thần và dồi dào sức khỏe để phục vụ cộng đồng dân Chúa.
 
Bế giảng niên học và trao áo chùng thâm cho các đại chủng sinh
Giuse Nguyễn Hoài Huy
08:57 19/06/2012
PHAN THIẾT - Vào lúc 9h30 ngày 16. 6. 2012, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã đến chủ tế Thánh lễ Bế Giảng và trao áo Chùng Thâm tại Chủng Viện Thánh Nicôla Phan Thiết. Hơn 300 thân nhân của 13 Chủng Sinh được trao áo Chùng Thâm cùng đến tham dự Thánh lễ.

Sau 9 tháng học tập và rèn luyện ở Chủng Viện, giờ đây các Chủng Sinh đã bước vào những thời khắc cuối cùng của năm học, chuẩn bị trở về với gia đình và Giáo xứ để tiếp tục sống và thực hành tất cả những gì mình đã học được. Hôm nay, Chủng Viện Thánh Nicolas đã tổ chức Thánh lễ Bế Giảng để tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ơn lành Ngài đã ban xuống cho Chủng Viện, cách riêng cho Cha Giám Đốc và các Chủng Sinh, trong suốt niên học qua. Bên cạnh đó, vì nhu cầu mục vụ của Giáo Phận nhà, nên trong Thánh lễ này sẽ có 13 Chủng Sinh đủ điều kiện được trao áo Chùng Thâm để bắt đầu đi thực tập mục vụ ở các Giáo xứ.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí nghiêm trang và sốt sáng. Cùng đồng tế với Đức Giám Mục Giáo Phận có Cha Giám Đốc và Cha Linh Hướng của Chủng Viện Thánh Nicolas, Cha Hạt Trưởng Hạt Hàm Thuận Nam cùng 20 Linh mục trong Giáo Phận. Bên cạnh đó, còn có các Chủng Sinh của Chủng Viện Thánh Nicolas, Quý tu sĩ cùng đông đảo ân nhân, thân nhân của 13 Chủng Sinh được trao áo dòng.

Trong bài giảng, Đức Cha Giuse đã nhấn mạnh đến ba nỗi “lo” của các bậc làm cha mẹ đối với con cái, đó là: “lo toan cho đời sống đức tin, lo lắng cho đời sống xã hội và lo liệu cho hành trình tương lai…nếu ngày xưa Gia Đình Thánh đã rất lo lắng cho Chúa Giêsu trong câu chuyện “lạc mất con trong đền thờ”, thì ngày nay các bậc phụ huynh cũng từng ngày lo lắng cho con cái mình là các Chủng Sinh đây được đầy đủ về vật chất cũng như tinh thần.”. Ngài cũng gửi gắm đến các Chủng Sinh một “chìa khóa” trong suốt hành trình ơn gọi, đó chính là Trái tim vô nhiễm Đức Mẹ, để nhờ Mẹ và qua Mẹ mà tất cả Chủng Sinh kín múc nơi Chúa nguồn ân sủng dồi dào, bồi đắp cho “mảnh ruộng ơn gọi” của mỗi người luôn được tươi tốt và sinh nhiều hoa trái, vì “Trái tim của Mẹ Maria cũng luôn căng phồng tình yêu đối với nhân loại giống như lòng thương xót chảy tràn từ Thánh Tâm Chúa Giêsu vậy".

Trước phép lành cuối lễ, đại diện các Chủng Sinh gửi lời tri ân sâu sắc đến Đức Cha, Quý Cha trong Ban Giám Đốc và Ban Giáo Sư, Quý thầy giáo cùng Quý ân nhân đã quan tâm giúp đỡ cho Chủng Viện về vật chất cũng như tinh thần, để công tác đào tạo những Linh mục tương lai của Giáo Hội được thuận lợi hơn, đạt được nhiều thành quả hơn. Sau đó, Thầy Vinh Sơn Phạm Thái Hiệp đại diện 13 anh em được trao áo chùng thâm cũng gửi lời cám ơn chân thành nhất đến Đức Cha, Quý Cha và Quý khách. Thầy đã chia sẻ: “Như lời bài hát “ Chiếc áo chùng thâm” được Cha Giám đốc viết lời và Cha giáo Phaolo Hoàng Kim Tốt phổ nhạc. “Chiếc áo chùng thâm sẽ như áo giáp âm thầm đỡ nâng. Chiếc áo chùng thâm, sẽ như thánh giá thăng trầm dẫn đưa. Chiếc áo chùng thâm, sẽ như áo cưới sau lần đã trao. Đời con đã quyết hiến dâng, đã dâng dâng chỉ một lần mà thôi. Đời con dẫu có nắng mưa và cho dẫu lắm đớn đau vẫn mang cho dẫu bạc màu thời gian”. Lời ân cần của quí Cha giáo vẫn luôn âm vang trong chúng con rằng: “Chiếc áo dòng không làm nên thầy tu”, nhưng nó thật sự là chiếc áo giáp hữu hiệu giúp chúng con chiến đấu với những cám dỗ, những lôi kéo của danh vọng tiền tài. Mỗi khi thất vọng, chiếc áo dòng sẽ nhắc nhở chúng con luôn phải kiên cường.”. Chiếc áo dòng sẽ đánh dấu một bước tiến mới trong chặng đường ơn gọi của 13 Chủng Sinh, trưởng thành hơn nhưng kèm theo đó là ý thức trách nhiệm hơn.

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời Đức Mẹ cầu thay nguyện giúp, tuôn đổ đầy tràn ơn lành trên Đức Cha, Quý Cha, Quý ân nhân, thân nhân cùng tất cả Chủng Sinh, cách riêng cho 13 Chủng Sinh được trao áo chùng thâm để 13 anh em này sẽ chu toàn tốt mọi sứ vụ tại nơi được sai đến phục vụ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Muà Bầu cử Mỹ: Những vùng giới tuyến
Trần Mạnh Trác
02:32 19/06/2012
Đối với Obama, tháng Sáu là một cơn ác mộng: kế hoạch vận động thất bại mọi mặt, quĩ tranh cử giảm và viễn ảnh thắng cử tưởng chừng như chắc ăn nay bỗng xoay chiều như một con thuyền gẫy mái.


Nói đúng ra thì so với Romny, Obama vẫn còn nắm một số lá bài 'tay trên' nhưng những lá bài đáng giá đang bị cướp đi mau chóng. Ván cờ trở thành nghiêng ngửa khó phân biệt thắng thua.

Chỉ mới tháng 3 vừa qua, các cơ quan theo dõi bầu cử (USA Today, Washington Post, NY Times) cho thấy Obama đang nắm chắc một số 'Cử Tri Đoàn' là 187, và một ứng viên Cộng Hoà chỉ có 144 mà thôi.

Nếu cộng thêm số 'Cử Tri Đoàn' có nhiều kỳ vọng, thì Obama có thể đạt được 347 phiếu và ứng viên Cộng Hoà chỉ có 191.

Lấy tổng số 'Cử Tri Đoàn' trên toàn quốc là 538, thì hễ ai đạt được số phiếu 270 (269 +1) là thắng cử.

Vậy viễn ảnh lúc đó là Obama sẽ có dư 77 phiếu, và ứng viên Cộng Hoà sẽ thiếu 79 phiếu.



Ngày nay, con số 'ăn chắc' cuả Obama tăng lên 195 nhưng con số 'ăn chắc' cuả Romney cũng tăng gấp bội, tới 190 (Xin coi biểu đồ cuả kỳ sau)

Xin mở một dấu ngoặc ở đây để giải thích thêm về khái niệm 'Cử Tri Đoàn' trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Ở các nơi khác thì một tổng thống được đắc cử vì có đa số cử tri bầu cho. Tại Mỹ, mỗi Tiểu Bang sẽ cử ra đại biểu để thay mặt dân bầu tổng thống. Tuỳ theo dân số, một Tiểu Bang sẽ cử nhiều hay ít số đại biểu ấy, thí dụ California có đông dân nhất được chọn 55 đại biểu, còn Tiểu Bang ít dân như Wyoming thì chỉ có 3 đại biểu mà thôi.

California có khoảng 6 triệu cử tri, nếu Romney đạt được 3 triệu phiếu và Obama đạt được 3 triệu và 1 phiếu thì Obama sẽ lấy cả, nghiã là ông ta sẽ có tất cả 55 ghế 'cử tri đoàn'.

Mặt khác nếu Romney chiếm được 500 ngàn phiếu ở Wyoming trong khi Obama chỉ được 1 phiếu thì Romney sẽ có 3 ghế 'cử tri đoàn'.

Như vậy, sẽ có trường hợp một người thắng phiếu cử tri (popular vote) nhưng vẫn thất cử vì thua phiếu 'Cử Tri Đoàn'. Lấy giả thử ở hai Tiểu Bang California và Wyoming vừa rồi, Romney tuy có tới 3 triệu 500 ngàn phiếu nhưng vẫn thua Obama với 3 triệu 2 phiếu.

Chỉ có 2 Tiểu Bang không áp dụng qui luật 'người thắng lấy cả' là các Tiểu Bang Maine (4 Ctđ) và Nebraska (5 Ctđ). Maine đa số theo Dân Chủ, nhưng Romney vẫn tranh cử ráo riết vì hy vọng sẽ lấy đi 1 phiếu. Cũng vậy Nebraska phần đông theo Cộng Hoà, nhưng kỳ bầu cử vừa rồi, Obama đã lấy được 1 phiếu.

Bởi vì thực chất cuộc bầu cử tổng thống là ở cấp tiểu bang, cho nên người ta đã chia các tiểu bang ra làm 3 loại:

-Loại 'ăn chắc', tức là sẽ bầu cho một đảng Dân Chủ hay Cộng Hoà. Trên bản đồ, người ta thường sơn Xanh cho Dân CHủ và Đỏ cho Cộng Hoà.

-Loại 'thiên về', có đa số theo một đảng, nhưng đảng đó đang có vấn đề khó khăn (Leaning)

-Loại 'lưng chừng' thì khó đoán vì lực lượng đôi bên cân xứng (Tossup, Swing, Battleground)



Vì thế mà trong các cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, các ứng viên không bỏ phí thời giờ và tiền bạc để xuất hiện ở các tiểu bang 'ăn chắc' như California (DC) và Texas (CH). Họ dồn nỗ lực vào các tiểu bang 'lưng chừng' (battleground, swing state, tossup) và đả phá nhau mãnh liệt tại các tiểu bang 'thiên về'.

Càng gần ngày bầu cử, con số 'ăn chắc' càng tăng còn các con số 'thiên về' và 'lưng chừng' sẽ giảm đi thành một vùng giới tuyến nhỏ hẹp. Lúc đó cường độ vận động và tiền bạc đổ dồn vào vùng giới tuyến nhỏ bé đó thì rất mãnh liệt.

Lúc này, các cơ quan theo dõi bầu cử đều nghĩ rằng vùng giới tuyến bao gồm 9 tiểu bang là CO, FL, IA, NH, NV, OH, PA, VA và WI.

Kỳ tới: Những chiêu bài tranh cử.
 
Văn Hóa
Euro 2012: Ba lan - Czech: 0-1
Thanh-Sơn
09:04 19/06/2012
Chung quy cũng tại cái thằng tôi
Hai cuộc hôm nay qúa rõ rồi
Trái bóng Ba Lan công chẳng dứt
Khung thành Tiệp Khắc thủ liên hồi
"Thần công" sấm sét như trời giáng
"Thánh Thủ" phản đòn tựa thiên lôi
Kết cục bên công đành thất thủ
Đúng là thực dụng đã lên ngôi

Vài điểm đáng chú ý trận Ba Lan 0-1 CH Czech

CH Czech là đội bế tắc nhất tại VCK EURO 2012
Hôm nay CH Czech đã trở thành “bia tập bắn” của Ba Lan trong hiệp 1 và sự tỉnh táo của Czech là một trong những yếu tố quyết định để đội banh xứ pha lê phản đòn trong khoảng thời gian còn lại.
Đội banh đến từ xứ sở pha lê đang sở hữu thành tích đáng xấu hổ khi mãi đến phút 29 của trận đấu họ mới có được cú phản đòn và làm bàn chính xác đầu tiên. Điều này chẳng có gì làm ngạc nhiên nếu nhìn vào thế trận một chiều của Ba Lan đã tạo ra về phía khung thành của CH Czech trong hiệp đấu đầu tiên.

Petr Cech lấy lại hình ảnh sau sai lầm ngớ ngẩn trong trận đấu với Hy Lạp
Thủ thành số 1 của CH Czech đã thi đấu rất chắc chắn trong trận đấu với Ba Lan và anh phần nào lấy lại niềm tin của các fan CH Czech sau sai lầm ngớ ngẩn mắc phải trong trận đấu với Hy Lạp khi để vuột banh, tạo điều kiện cho đối phương ghi bàn.

Ba Lan thua vì không có một tiền đạo như Jiracek
Hàng công của Ba Lan rõ ràng vượt trội hơn hẳn CH Czech với đầy rẫy những gương mặt đang chinh chiến tại các đội bóng lớn châu Âu như Lewandowski, Błaszczykowski, Obraniak hay Polanski. Tuy nhiên, dàn sao khủng này lại quá nóng vội trong những tình huống dứt điểm cần đến sự tinh tế. Bàn thắng của Jiracek đã thể hiện tất cả những phẩm chất mà cầu thủ Ba Lan không có được. Jiracek đột nhập vào vòng cấm, bình tĩnh nhận bóng và dùng kỹ thuật loại bỏ 1 cầu thủ đối phương trước khi tung ra cú đá mang về bàn thắng khai thông bế tắc cho CH Czech, đồng thời là bàn thắng duy nhất của trận đấu

Thực dụng lên ngôi
CH Czech chuyển sang chơi thực dụng… là những điểm đáng chú ý nhất của trận đấu này.
Sự thực dụng xem ra vẫn là xu hướng chung tại VCK EURO 2012. Trước trận đấu với Ba Lan, HLV Franciszek Smuda khẳng định CH Czech sẽ theo mô hình của Italia chơi rình rập và yếu tố hiệu quả bao giờ cũng là tôn chỉ của đội bóng xứ pha lê. Tuyên bố của HLV Smuda đã thành hiện thực khi CH Czech chơi chẳng có gì nổi bật xuyên suốt thời gian trận đấu, nhưng đối thủ đã phải trả giá sau một giây phút lơi là. Ở một trận đấu diễn ra cùng giờ tại bảng A giữa Hy Lạp và Nga, nhà cựu vô địch năm 2004 cũng chơi rất là lép vế nhưng rốt cuộc lại giành vé vào tứ kết nhờ giây phút xuất thần của đội trưởng Karagounis. Thế mới nói, một đội banh chơi đẹp, sở hữu dàn cầu thủ số một mà chưa chắc đã thắng được những anh “Lầm ngầm nhưng đánh chết voi”. Như Hy Lạp và CH Czech cuối cùng hai anh lãnh 2 vé vào tham dụ tứ kết. Còn tấn công vũ bão,sấm sét như 2 anh Nga và Ba Lan hôm nay thì cuối cùng là xếp hành lý trở về nhà xem Hy Lạp và CH Czech tranh giài EURO 2012 tiếp.
 
Euro 2012: Nga - Hy lạp: 0-1
Thanh-Sơn
09:04 19/06/2012
Ỷ mạnh thua đau

Chú gấu không lồ đã ngã quay
Thần thoại Hy Lạp đổi vần xoay
Vênh vang ỷ mạnh khoe mình lớn
Biểu diễn xem thường kẻ dưới tay
Cứ ngỡ đùa chơi ta cũng thắng
Nào ngờ thất trận mới chua cay
Một lần ngã gục trăm lần nhớ
Ỷ mạnh cho nên mới thế này.

Ngày thi đấu cuối cùng của bảng A đã chính thức khép lại đầy bất ngờ đã xảy ra. Nga bị loại còn Hy lạp nhận vé đi vào tứ kết.

Nga bất ngờ bị loại dù đang đứng đầu bảng:

Sau 2 vòng đấu, Nga cho thấy họ là ứng cử viên số 1 cho việc giành ngôi đầu bảng A chung cuộc khi thể hiện một lối đá mạnh mẽ, sắc sảo và rất ấn tượng. Thắng CH Czech 4-1 ở ngày ra quân.
Hòa với Ba Lan ở loạt trận thứ 2, những điều đó càng khiến người ta tin việc Nga lấy ngôi đầu bảng A chung cuộc và giành vé vào tứ kết dễ như là lấy đồ trong túi. Thế nhưng chỉ vì xem thường Đôi Hy Lạp, mà cái giá phải trả quá đắt là 0-1. và tụt xuống vị trí thứ 3 trên Bảng Xếp Hạng.

Có lẽ nào Hy Lạp lại làm nên kỳ tích như giải EURO 2004?

EURO 2004, Hy Lạp bị đánh giá là đội lót đường, góp mặt cho vui, Hy Lạp đã bất ngờ lên ngôi vô địch. Cái dáng vẻ lầm lũi, cục mịch nhưng chắc chắn pha một chút tinh quái ngày nào lại được họ tái hiện ở kỳ EURO này. Hòa trận ra quân, thua trận kế tiếp, chẳng ai nghĩ với cái khởi đầu ấy, Hy Lạp lại có thể đi tiếp. Thế nhưng đội banh của Hy Lạp hôm nay đã làm nên điều thú vị bất ngờ khi thắng Nga ở trận đấu cuối cùng để leo lên vị trí số 2 chung cuộc. Hy Lạp có mặt ở tứ kết, đó chắc chắn là bất ngờ lớn đầu tiên của EURO 2012.

Karagounis đưa Hy Lạp vào tứ kết còn mình ngồi xem

Giorgos Karagounis đã trở thành người hùng của Hy Lạp khi đưa đội banh ở xứ sở của các vị thần vào vòng tứ kết EURO 2012 bằng cú đá vàng ở gần cuối hiệp 1. Đó là một pha chớp thời cơ tuyệt vời và cú làm bàn chính xác của tiền vệ đã 35 tuổi này. Thế nhưng niềm vui cho Karagounis và cho người hâm mộ anh đã không trọn vẹn bởi chiếc thẻ vàng ở hiệp 2 đã khiến cầu thủ này mất cơ hội đá trận tứ kết vì đã nhận 2 thẻ vàng. Mất tiền vệ đội trưởng đầy kinh nghiệm này, sức mạnh của Hy Lạp chắc chắn sẽ giảm đi rất nhiều.

Chuyện thần thoại Hy Lạp: Sự trêu ngươi nên tự chuốc lấy

Trong tiếng Anh, từ “trêu ngươi” – “tantalise” bắt nguồn từ một cái tên trong thần thoại Hy Lạp. Đó là Tantalus, một kẻ đầy lòng tham đã bất chấp đạo đức để lấy lòng những vị thần trên đỉnh Olympus. Rồi chính vị thần Zeus đã nhìn thấy những hành vi ấy, nên phạt gã suốt đời phải đứng trong một bể nước, dưới một cành cây đầy quả ngọt.

Cái bể nước sẽ tự vơi xuống khi Tantalus cúi xuống uống nước. Cái cành cây sẽ tự vươn lên khi hắn với lấy quả. Đó là nghĩa của từ “trêu ngươi”.

Hôm qua, sẽ rất dễ để nói rằng Hy Lạp trêu ngươi Nga. Nhưng thật ra, chính thực lực của Nga đã trêu ngươi họ. Trên không tới, thấp không thông. Họ tấn công chỉ để đe dọa tính mạng những chú chim bồ câu Warsaw. Họ phòng ngự chỉ để trao cơ hội cho Giorgos Karagounis trở thành người hùng, nên cuối cùng Nga đã ngả gục trước Hy lạp.


Chắc không phải ngẫu nhiên mà thần Zeus phạt Tantalus bằng sự trêu ngươi: hắn là một kẻ tham lam. Người ta có quyền tự hỏi tại sao Nga lại ra sức với lấy quả ngọt? Cứ tấn công quyết liệt, trong khi có thể chơi từ tốn và đi tiếp với một kết quả hòa. Đặc biệt là khi ai cũng hiểu phản công là sở trường của Hy Lạp.

Có phải họ quá bị cám dỗ bởi hình ảnh của một kẻ chinh phạt vĩ đại, họ quá tham lam với những lời tán tụng không?
Đêm qua, chính Nga mới là nhân vật của một câu chuyện thần thoại Hy Lạp, là hiện thân của ngụ ngôn – những kẻ bị trêu ngươi bởi sự kiêu ngạo, thiếu thiếu khiêm nhường của mình.

Còn Hy Lạp là kẻ đã đứng dậy bằng cách trung thành với con đường đã chọn khiêm nhường và nhẫn nại.


Câu chuyện này luôn có giá trị với mỗi con người của chúng ta.
Chúng ta hãy luôn nhớ lấy và cầu xin Chúa ban cho mỗi người chúng ta luôn biết khiêm nhường.

Đây cũng là điều răn thứ nhất của Hội thánh dạy ta: Thứ nhất: khiêm nhường chớ kiêu ngạo.