Ngày 16-06-2016
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhận định
Lm Vũđình Tường
05:43 16/06/2016
Chúng ta biết rất nhiều về con người mình, khả năng và kiến thức cũng như việc làm của chính mình. Tuy nhiên chúng ta cũng muốn nghe những nhận định của người khác, thân hữu hay đồng nghiệp nhận định về công việc và đời sống mình. Điều này giúp chúng ta cảm thấy tự tin hơn khi những nhận định kia trùng hợp với những gì mình biết về mình. Trường hợp những nhận định kia khác biệt chúng giúp ta học hỏi để thăng tiến khả năng cá nhân.

Có một số vấn đề thân hữu hoặc đồng nghiệp thương hay nhắc tới đó là những vấn đề liên quan đến khả năng, cách xử thế và niềm tin. Khả năng liên quan đến trách nhiệm. Trách nhiệm đây bao gồm trách nhiệm của công việc, của gia đình và xã hội; cách xử thế giúp nhìn đến giá trị liên đới của cuộc sống và niềm tin ảnh hưởng đến cách suy nghĩ, quan niệm sống thể hiện qua các hành động hàng ngày.

Đức Kitô hỏi các môn đệ: Dân chúng nói Thầy là ai? Đức Kitô không chủ trương tìm hiểu về các phương diện liên quan đến khả năng và cách xử thế bởi đối với Đức Kitô hào quang trần thế, hào nhoáng trần gian Ngài không màng tới. Khi hỏi cho biết người ta nghĩ thế nào về Ngài, Đức Kitô muốn nhắm đến vấn đề tâm linh trong tâm hồn. Đức Kitô nhắm đến việc họ nhận biết thế nào về giáo huấn của Ngài và qua đó nhận biết Con Thiên Chúa bởi nhận thức đó liên quan đến niềm tin của họ. Câu trả lời của họ rất quan trọng bởi nó thể hiện cách họ đáp trả trong niềm tin. Nếu họ tin Ngài là một tiên tri họ sẽ đối xử với Ngài như là một tiên tri. Nếu họ tin Ngài là lãnh tụ giải thoát họ khỏi ách nô lệ ngoại bang họ sẽ đối xử như là một thần dân. Nếu họ tin Ngài là Con Thiên Chúa họ sẽ đối xử như là Con Thiên Chúa. Câu hỏi của Đức Kitô giúp chúng ta nhận biết điều thầm kín trong tâm hồn của ba nhóm người. Nhóm thứ nhất là đám đông; nhóm thứ hai là các môn đệ và nhóm thứ ba là chính Đức Kitô. Điều thầm kín của nhóm thứ nhất rất đa dạng. Có kẻ cho Đức Kitô là Gioan Tẩy Giả, kẻ khác lại bảo là tiên tri Eliah, kẻ khác lại nói là một tiên tri nào đó. Nhóm thứ hai là do thánh Phêrô đưa ra câu trả lời đắc í nhất khi đáp Ngài là Đức Kitô, Con Thiên Chúa. Đức Kitô đáp

Này anh Simon, con ông Giona, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời’ Mt 16,17

Phêrô nghe Đức Kitô rao giảng và nhờ việc rao giảng này Phêrô nhận biết Đức Kitô là Con Thiên Chúa. Như thế một cách nào đó Đức Kitô đã công khai mặc khải cho chúng ta biết Ngài là Con Thiên Chúa. Thánh Luca còn cho biết Đức Kitô mặc khải về cuộc khổ nạn sắp xảy ra khi Ngài nói

Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kì mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ trỗi dậy. Lk 9,22

Các môn để đã kinh hoàng khi nghe thấy những lời trên nhưng các ông không dám hỏi thêm. Đây là lần thứ nhất Đức Kitô cho các môn đệ biết những gì sẽ xảy ra với Ngài. Câu này cho biết ‘giờ’ của Ngài đến gần. Ngày nay chúng ta hiểu ‘giờ’ của Ngài chính là lúc Đức Kitô làm Sáng Danh Chúa Cha. Bởi qua cuộc tử nạn và Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô người ta nhận biết về Chúa Cha và chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

Lm Vũđình Tường
TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Buổi tiếp kiến chung thứ Tư 15/06/2016: Chúa Giêsu đi qua đâu ở đấy có sự giải thoát.
VietCatholic Network
02:04 16/06/2016
Khi cho người mù thành Giêricô được sáng mắt Chúa, Giêsu cũng khiến cho dân chúng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài.

ĐTC Phanxicô đã nói như trên với hơn 60.000 tín hữu và du khách hành huơng năm châu tham dự buổi tiếp kiến chung sáng thứ tư hôm qua.

Trong số hằng trăm đoàn hành hương cũng có 4 đoàn hành hương gồm các tín hữu Việt Nam: 3 đoàn đến từ Hoa Kỳ và một đoàn từ Đức.

Trong bài huấn dụ ĐTC đã giải thích ý nghĩa phép lạ Chúa Giêsu cho người mù thành Giêricô ăn mày bên vệ đường được sáng mắt (Lc 18,35-43). Ngài nói: Hôm nay chúng ta muốn lãnh nhận ý nghĩa của dấu chỉ này, bởi vì nó cũng trực tiếp đụng chạm tới chúng ta. Thánh sử Luca nói rằng người mù ấy ngồi bên vệ đường ăn xin (c. 35). Vào thời bấy giờ - nhưng cho tới các thời gian gần đây cũng thế - họ chỉ có thể sống nhờ của bố thí. ĐTC nói:

Gương mặt của người mù này đại diện cho biết bao nhiêu người , kể cả ngày nay nữa, bị sống bên lề vì một thiệt thòi thể lý hay thuộc loại khác. Họ bị tách rời khỏi đám đông, họ ngồi đó, trong khi người ta qua lại bận bịu công chuyện, trong tư tưởng và biết bao nhiêu chuyện. Đó là con đường có thể trở thành nơi gặp gỡ, nhưng đối với anh ta thì nó là con đường của sự cô đơn. Biết bao người đi qua… Nhưng anh ta cô đơn.

Thật là buồn hình ảnh của một ngưòi bị bạt bỏ ngoài lề, nhất là trong bối cảnh của thành phổ Giêricô, là ốc đảo phì nhiêu phong phú trong sa mạc. Chúng ta biết rằng chính tại Giêricô dân Israel đã tới sau cuộc xuất hành dài từ Ai Cập: thành phố đó trở thành cửa ngõ dẫn vào đất hứa. Chúng ta nhớ tới các lời ông Môshê nói trong dịp ấy. Ông nói: “Nếu giữa anh (em), trong một thành nào của anh (em), trên đất mà Giavê, Thiên Chúa của anh (em), ban cho anh (em), có một người anh em nghèo, thì anh (em) đừng có lòng chai dạ đá, cũng đừng bo bo giữ của không giúp người anh em nghèo túng. Vì trong đất của anh (em) sẽ không thiếu người nghèo, nên tôi truyền cho anh (em): hãy mở rộng tay giúp người anh em khốn khổ, nghèo khó của anh (em), trong miền đất của anh (em).” (Đnl 15,7.11).

Thật là trái nghịch giữa lời nhắn nhủ trên đây của Lề Luật Chúa và tình trạng được kể trong Tin Mừng: trong khi người mù kêu van Chúa Giêsu – anh ta đã có giọng tốt phải không ? – trong khi anh lớn tiếng khẩn nài Chúa Giêsu, thì dân chúng lại la mắng cho anh ta im đi, làm như thể anh ta không có quyền nói. Họ không cảm thương anh ta, trái lại còn cảm thấy khó chịu vì tiếng kêu của anh. Biết bao nhiêu lần khi trông thấy biết bao người trên đường – những người túng thiếu, đau yếu, không có gì ăn – chúng ta cảm thấy khó chịu. Biết bao lần khi chúng ta đứng trước bao người di cư tỵ nạn, chúng ta cảm thấy khó chịu. Đó là một cám dỗ: chúng ta tất cả đều có điều đó đúng không? Tất cả, kể cả tôi nữa, tất cả mọi người. Và chính vì vậy mà Lời Chúa dậy dỗ chúng ta. Sự dửng dưng và thù nghịch khiến cho họ mù và điếc, ngăn cản họ trông thấy các anh em khác và không cho phép họ nhận ra Chúa nơi các người ấy – dửng dưng và thù nghịch. Và khi sự dửng dưng và thù nghịch này trở thành sự hiếu chiến và cả nguyền rủa nữa – “Xin làm ơn đuổi tất cả họ đi đi” – “Hãy để họ ở một nơi khác” – sự tấn kích này là điều dân chúng đã làm đối với anh mù, khi anh kêu lên. “Này anh hãy cút đi, cút đi, đừng có nói, đừng có kêu!”

ĐTC nói tiếp trong bài huấn dụ: Chúng ta ghi nhận một đặc điểm hay khác. Thánh sử nói rằng một người nào đó trong đám đông giải thích cho anh mù biết lý do của đám đông người khi nói: “Có Đức Giêsu người Nagiarét đi qua” (c. 37). Biến cố Chúa Giêsu đi qua được diễn tả với cùng động từ trong sách Xuất Hành khi kể lại biến cố vượt qua của thiên thần tàn sát cứu dân Israel bên đất Ai Cập (x. Xh 12,23).

Đó là sự vượt qua của lễ phục sinh, việc khởi đầu của cuộc giải phóng: khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu rỗi. Như vậy đối với anh mù, nó như thể là việc loan báo sự vượt qua giải phóng của anh. Khi Chúa Giêsu đi qua, thì luôn luôn có sự giải thoát, luôn luôn có ơn cứu độ.

Không để cho mình sợ hãi anh mù kêu to lên nhiều lần hướng tới Chúa Giêsu, bằng cách nhận ra nơi Người Con vua Đavít, Đấng Cứu Thế được trông đợi, mà theo ngôn sứ Isaia, sẽ mở mắt cho người mù (x. Is 35,5). Khác với đám đông, anh mù này trông thấy với đôi mắt đức tin. Nhờ nó lời khẩn cầu của anh có một sự hữu hiệu quyền năng.

Thật thế, khi nghe thấy anh, “Chúa Giêsu dừng lại và truyền dẫn anh đến cho Ngài” (c. 40). Khi làm như thế, Chúa Giêsu cất anh mù khỏi vệ đường và đặt anh vào trung tâm sự chú ý của các môn đệ và của dân chúng. Cả chúng ta cũng hãy nghĩ, khi chúng ta ở trong các tình trạng xấu, kể cả các tình trạng tội lỗi, đã có Chúa Giêsu cầm tay chúng ta và cất chúng ta khỏi lề đường của ơn cứu độ. Như vậy Ngài thực hiện hai cuộc vượt qua. Thứ nhất: dân chúng đã loan báo một tin vui cho anh mù, nhưng không muốn liên lụy gì tới anh cả; Giờ đây Chúa Giêsu bắt buộc mọi người ý thức rằng việc loan báo tin vui tốt bao gồm việc đặt để vào giữa con đường người đã bị loại trừ. Thứ hai, đến lần anh, người mù đã không thấy nhưng đức tin của anh mở ra cho anh con đường của ơn cứu rỗi và anh ta ở giữa những người tuốn đến trên đường để trông thấy Chúa Giêsu. ĐTC giải thích:

Anh chị em thân mến việc đi qua của Chúa là một cuộc gặp gỡ của lòng thương xót hiệp nhất tất cả chung quanh Ngài để cho phép nhận ra ai cần sự trợ giúp và an ủi. Cả trong cuộc sống chúng ta Chúa Giêsu cũng đi qua: và khi Chúa Giêsu đi qua và tôi nhận ra điều đó, nó là một lời mời gọi tôi đến gần Ngài, để trở nên tốt lành hơn, là kitô hữu tốt hơn, theo Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu hướng tới anh mù và hỏi anh: “Anh muốn ta làm gì cho anh?” (c. 41). Các lời này của Chúa Giêsu gây ấn tượng: Con Thiên Chúa giờ đây đứng trước người mù như một đầy tớ khiêm hạ. Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Ngài, Chúa Giêsu, Thiên Chúa, nói: “Mà con muốn Ta làm gì cho con? Con muốn Ta phục vụ con như thế nào? Thiên Chúa trở thành tôi tớ của người tội lỗi. Và anh mù thưa với Chúa Giêsu, không bằng cách gọi Ngài là “Con vua Đavít”, mà bằng “Chúa”, là tước hiệu Giáo Hội áp dụng cho Chúa Giêsu phục sinh ngay từ đầu. Anh mù xin được thấy trở lại và ước mong của anh được chấp nhận. “Hãy được sáng mắt. Lòng tin của con đã cứu con” (c. 42). Anh đã cho thấy đức tin của anh, khi kêu cầu Chúa Giêsu và khi tuyệt đối muốn gặp Chúa, anh được ơn cứu độ. Nhờ đức tin giờ đây anh có thể trông thấy và nhất là anh ta cảm thấy mình được Chúa Giêsu yêu thương. Vì thế, trình thuật kết thúc bằng cách kể rằng anh mù bắt đầu đi theo Người và chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43): anh trở thành môn đệ bằng cách bước đi theo Chúa và bước vào làm thành phần cộng đoàn của Ngài. Từ người ăn mày trở thành môn đệ, đây cũng là con đường của chúng ta: chúng ta tất cả là những người ăn xin, tất cả. Chúng ta luôn cần đến ơn cứu độ. Và tất cả chúng ta, mọi ngày phải làm bước đi này: từ ăn mày trở thành môn đệ. Và đúng như thế, người mù bước đi theo Chúa và là thành phần của của cộng đoàn.

Người mà dân chúng muốn làm cho im đi, giờ đây lớn tiếng làm chứng cho cuộc gặp gỡ của anh với Chúa Giêsu thành Nagiarét , và toàn dân, khi trông thấy đã chúc tụng Thiên Chúa” (c. 43). Xảy ra một phép lạ thứ hai: điều đã xảy ra cho anh mù cũng khiến cho dân chúng sau cùng trông thấy. Cùng ánh sáng đó soi chiếu cho tất cả mọi người, và làm cho họ cùng chung lời chúc tụng. Như thế, Chúa Giêsu đổ lòng thương xót của Ngài xuống trên tất cả những người gặp gỡ Ngài: Ngài kêu mời họ, tụ tập họ, chữa lành họ và soi sáng cho họ, bằng cách tạo dựng một dân tộc mới cử hành các việc diệu kỳ của tình yêu thương xót của Ngài. Nhưng chúng ta cũng hãy để cho Chúa Giêsu mời gọi chúng ta và chúng ta hãy để cho Chúa Giêsu chữa lành, và chúng ta đi theo Chúa Giêsu bằng cách chúc tụng Thiên Chúa. Và ước gì được như vậy!

ĐTC đã chào các đoàn hành hương đến từ Anh quốc, Êcốt, Ai len, Malta, Thụy Điển, Siria, Israel, Zambia, Trung quốc, Philippes, Nhật Bản, Canada Hoà Kỳ, Đức, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nhà và các nước châu Mỹ Latinh.

Trong các nhóm Đức ĐTC chào đoàn hành hương giáo phận Trier do ĐGM sở tại hướng dẫn. Chào các nhóm hành hương Ý đến từ nhiều giáo phận khác nhau ĐTC cầu chúc Năm Thánh Lòng Thương Xót đem lại nhiều ơn lành hồn xác cho họ và cộng đoàn của họ.

Với người trẻ, các anh chị em đau yếu và các đôi tân hôn ĐTC xin Chúa Giêsu là Thầy hướng dẫn họ. Ngài khích lệ người đau yếu dâng mọi khổ đau cho Chúa để cộng tác vào ơn cứu độ của thế giới. Ngài nhắn nhủ các đôi tân hôn ý thức về sứ mệnh tình yêu không thể thay thế được mà họ đã cùng nhau lãnh nhận trong đời hôn nhân.

Buổi tiếp kiến đã kết thúc với Kinh Lậy Cha và phép lành toà thánh ĐTC ban cho mọi người.
 
Tài liệu mới của Bộ Giáo Lý Đức Tin: Giáo Hội Tái Sinh (2)
Vũ Văn An
05:29 16/06/2016
II. Mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng trong Huấn Quyền gần đây

Công Đồng Vatican II

9. Dù chưa bao giờ có sự thiếu vắng các đặc sủng đa dạng trong suốt dòng thời gian của lịch sử Giáo Hội, tuy nhiên, chỉ trong các thời gần đây, mới có những suy nghĩ có hệ thống được khai triển về chúng. Và dù học lý về đặc sủng từng chiếm một khoảng không gian quan trọng trong Huấn Quyền của Đức Piô XII như đã được phát biểu trong Mystici Corporis (21), nhưng bước dứt khoát tiến tới chỗ hiểu biết thỏa đáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng chỉ được thực hiện với giáo huấn của Công Đồng Vatican II. Các đoạn liên hệ bàn đến thể tài này (22) cho thấy: trong đời sống Giáo Hội, cộng với Lời Thiên Chúa, được viết ra và lưu truyền, song song với các bí tích, và với thừa tác vụ phẩm trật thụ phong, còn có các hồng ân, các hồng ân đặc biệt hay đặc sủng, do Chúa Thánh Thần ban phát nơi các tín hữu thuộc mọi điều kiện. Đoạn văn điển hình nhất về phương diện này tìm thấy trong Lumen Gentium, số 4:
“Giáo Hội, mà Chúa Thánh Thần hướng dẫn trong mọi đường chân lý (xem Ga 16:13) và Người hợp nhất trong hiệp thông và các công trình thừa tác, Người vừa trang bị vừa dẫn dắt bằng các hồng ân phẩm trật và đặc sủng và trang điểm bằng hoa quả của Người (xem Ep 4:11-12,; 1Cr 12:4; Gl 5:22)” (23). Như thế, Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, khi trình bầy các hồng ân được ban phát qua Chúa Thánh Thần, bằng cách phân biệt giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng, đã làm nổi bật sự dị biệt trong hợp nhất của chúng. Các xác quyết trong Lumen Gentium số 12 liên quan tới các hiện tượng đặc sủng xem ra cũng có ý nghĩa trong bối cảnh Dân Chúa tham dự vào chức vụ tiên tri của Chúa Kitô. Ta nhận ra: Chúa Thánh Thần không tự giới hạn Người vào việc này mà thôi vì “không phải chỉ qua các bí tích và các thừa tác vụ của Giáo Hội mà Chúa Thánh Thần thánh hóa và dẫn dắt Dân Chúa và phong phú hóa Dân này bằng các nhân đức”, nhưng “Người còn phân phát các hồng ân đặc biệt nơi các tín hữu mọi bậc. Nhờ các hồng ân này, Người làm cho họ xứng đáng và sẵn sàng đảm nhiệm các trách vụ và chức vụ đa dạng góp phần vào việc canh tân và xây đắp Giáo Hội”.

Cuối cùng, tính đa dạng và quan phòng của chúng được diễn tả như sau: “Các đặc sủng này, bất chấp trổi vượt hơn hay đơn giản hơn và ban phát rộng rãi hơn, đều cần được lãnh nhận với lòng biết ơn và cảm thấy được an ủi vì chúng hoàn toàn thích hợp và hữu ích cho nhu cầu của Giáo Hội” (24). Các suy tư tương tự cũng được tìm thấy trong Sắc Lệnh của Công Đồng về Tông Đồ Giáo Dân (25). Văn kiện này quả quyết rằng “từ việc chấp nhận các đặc sủng này, gồm cả các đặc sủng có tính sơ đẳng hơn, mỗi tín hữu đều có quyền và bổn phận phải dùng chúng trong Giáo Hội và trong thế giới để gây ích cho con người và xây dựng Giáo Hội, trong tự do của Chúa Thánh Thần” (26). Do đó, các đặc sủng chân chính đã được coi như các hồng ân có tầm quan trọng tuyệt đối cần thiết đối với đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội. Sau cùng, giáo huấn của Công Đồng không ngừng thừa nhận vai trò chủ yếu của các mục tử trong việc biện phân các đặc sủng và việc thi hành chúng cách trật tự trong hiệp thông Giáo Hội (27).

Huấn Quyền sau Công Đồng

10. Trong thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, các can thiệp của Huấn Quyền về chủ đề này đã được nhân bội (28). Sinh khí mỗi ngày mỗi gia tăng nơi các phong trào mới, các hiệp hội giáo dân, và các cộng đồng Giáo Hội, cùng với như cầu chuyên biệt hóa vị trí của Đời Sống Thánh Hiến bên trong Giáo Hội đã góp phần vào việc nhân bội này (29). Đức Gioan Phaolô II, trong Huấn Quyền của ngài, đã nhấn mạnh cách riêng đến nguyên tắc đồng yếu tính (coessentiality) của các hồng ân này: “tôi thường có dịp nhấn mạnh rằng trong Giáo Hội, không hề có tranh chấp hay chống chọi giữa chiều kích định chế và chiều kích đặc sủng, mà các phong trào là một biểu thức quan trọng. Cả hai chiều kích này đều cùng một yếu tính với kết cấu thần linh của Giáo Hội do Chúa Giêsu thiết lập, vì cả hai cùng giúp làm cho mầu nhiệm Chúa Kitô và công trình cứu rỗi của Người hiện diện trên thế giới” (30). Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI, ngoài việc xác nhận tính đồng yếu tính của các hồng ân ra, còn thâm hậu hóa lời xác quyết của vị tiền nhiệm, khi nhắc nhớ rằng “trong Giáo Hội, các định chế có tính yếu tính cũng đều có tính đặc sủng và quả thực, các đặc sủng, cách này hay cách khác, đều phải được định chế hóa để có được sự gắn bó và liên tục. Do đó, cả hai chiều kích đều bắt nguồn từ cùng một Chúa Thánh Thần vì cùng một Nhiệm Thể Chúa Kitô, và cùng đồng tình làm cho mầu nhiệm và công trình cứu rỗi của Chúa Kitô hiện diện trên thế giới” (31). Như thế, các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng có liên hệ hỗ tương ngay từ nguồn gốc. Sau cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc ta nhớ tới “sự hòa hợp” mà Chúa Thánh Thần đã tạo ra giữa các hồng ân đa dạng và đã kêu gọi các hiệp hội đặc sủng cởi mở đối với việc truyền giáo, vâng lời cần thiết đối với các mục tử, và duy trì sự hiệp thông trong Giáo Hội (32), vì “chính trong cộng đồng, các hồng ân mà Chúa Cha dư tràn ban cho chúng ta mới nở rộ và phát triển; và chính giữa lòng cộng đồng, người ta học được cách nhận ra chúng như dấu chỉ tình yêu của Người dành cho mọi con cái của Người” (33). Do đó, để tóm tắt, ta có thể nhận ra sự đồng thuận trong Huấn Quyền gần đây đối với tính đồng yếu tính giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng. Sự chống đối giữa chúng, và cả việc đặt chúng bên cạnh nhau là triệu chứng của một sai lầm hay của việc hiểu không đủ về hành động của Chúa Thánh Thần trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội.

III. Nền tảng thần học của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và đặc sủng

Các chân trời Ba Ngôi và Kitô học của các hồng ân Chúa Thánh Thần

11. Muốn nắm được các lý do sâu xa của mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng, ta nên nhớ tới nền tảng thần học của chúng. Thực vậy, việc cần thiết phải vượt qua kiểu đặt các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng ở thế chống chọi nhau vô ích hay bên cạnh nhau nhưng ngoại tại nhau là một đòi hỏi của chính nhiệm cục cứu rỗi, một nhiệm cục luôn bao hàm mối tương quan nội tại giữa các sứ mệnh của Ngôi Lời và các sứ mệnh của Chúa Thánh Thần. Thực thế, mọi hồng ân của Chúa Cha đều hàm nghĩa phải quy chiếu vào các hành động hỗn hợp và dị biệt hóa của sứ mệnh Thiên Chúa: mọi hồng ân đều phát xuất từ Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Hồng ân Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội có liên quan chặt chẽ với sứ mệnh của Chúa Con, được dứt khoát chu toàn trong Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Chính Chúa Giêsu đã nối kết việc Người chu toàn sứ mệnh của Người với việc sai Chúa Thánh Thần xuống cộng đồng tín hữu (34). Qua việc sai xuống này, Chúa Thánh Thần không thể khai diễn một nhiệm cục nào khác hơn nhiệm cục Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể, chịu đónh đinh và sống lại (35). Quả thực, toàn bộ nhiệm cục bí tích của Giáo Hội đều là sự thể hiện thần khí của Nhập Thể: bởi thế, Chúa Thánh Thần đã được Thánh Truyền coi là linh hồn của Giáo Hội, Nhiệm Thể Chúa Kitô. Hành động của Thiên Chúa trong lịch sử luôn bao hàm mối tương quan giữa Chúa Con và Chúa Thánh Thần, những Đấng vốn được gọi là “hai bàn tay của Chúa Cha” theo kiểu nói khêu gợi của Thánh Irênê thành Lyon (36). Theo nghĩa này, mọi hồng ân của Chúa Thánh Thần không thể không ở trong mối tương quan với Ngôi Lời thành xác phàm (37).

Dây nối kết từ nguồn gốc giữa các hồng ân phẩm trật, được ban bố bằng ơn bí tích truyền chức, và các hồng ân đặc sủng, được Chúa Thánh Thần ban phát tự do, do đó, có các gốc rễ hết sức sâu xa trong mối tương quan giữa Ngôi Lời Thiên Chúa nhập thể và Chúa Thánh Thần, Đấng luôn là Thần Khí của Chúa Cha và của Chúa Con. Chính vì để tránh các viễn kiến thần học mập mờ vốn chủ trương một “Giáo Hội của Thần Khí”, phân biệt và tách biệt hẳn với Giáo Hội phẩm trật-định chế, ta cần phải nhắc lại điều này: hai sứ mệnh thần thánh bao hàm lẫn nhau trong mọi hồng ân được ban cho Giáo Hội cách tự do. Thực thế, sứ mệnh của Chúa Giêsu Kitô vốn bao hàm hành động của Chúa Thánh Thần ngay trong chính nó. Trong thông điệp của ngài về Chúa Thánh Thần, Dominum et Vivificantem, Đức Gioan Phaolô II đã cho thấy tầm quan trọng dứt khoát của hành động Chúa Thánh Thần trong sứ mệnh Chúa Con (38). Đức Bênêđíctô XVI thâm hậu hóa tầm nhìn thông xuốt này trong Tông Huấn Sacramentum Caritatis của ngài; ngài nhắc nhở rằng Đấng Phù Trợ, Đấng “vốn làm việc ngay trong Sáng Thế (xem St 1:2), đã hiện diện suốt trong đời sống của Ngôi Lời nhập thể”. Chúa Giêsu Kitô “được Trinh Nữ Maria thụ thai bởi quyền năng Chúa Thánh Thần (xem Mt 1:18; Lc 1:35); ở bờ sông Gióc Đăng, ngay từ ngày khởi đầu sứ mệnh công khai của Người, Chúa Giêsu đã thấy Chúa Thánh Thần hiện xuống trên Người dưới hình chim bồ câu (xem Mt 3:16 và những câu song hành); Người hành động, nói năng và hân hoan trong Chúa Thánh Thần (xem Lc 10:21), và Người có thể hiến dâng mình trong Chúa Thánh Thần (xem Dt 9:14). Trong điều gọi là “diễn văn từ biệt” được Thánh Gioan tường thuật, Chúa Giêsu đã rõ ràng liên kết việc hiến mạng sống Người trong Mầu Nhiệm Vượt Qua với hồng ân Chúa Thánh Thần ban cho những kẻ thuộc về Người (xem Ga 16:7). Khi đã sống lại, còn mang trên da thịt các dấu tích của cuộc thống khổ, Người đã có thể tuôn ban Chúa Thánh Thần trên họ (xem Ga 20:22), biến họ thành những người tham dự vào chính sứ mệnh riêng của Người (xem Ga 20:21). Rồi, Chúa Thánh Thần dạy các môn đệ mọi điều và giúp họ nhớ lại mọi điều Chúa Kitô đã nói (xem Ga 14:26), vì cũng như Thần Khí sự thật (xem Ga 15:26), Người có nhiệm vụ dẫn đưa các tông đồ vào mọi sự thật (xem Ga 16:13). Trong trình thuật Công Vụ, Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông Đồ đang tụ họp để cầu nguyện với Đức Maria vào Ngày Lễ Ngũ Tuần (xem 2:1-4) và thúc đẩy họ đảm nhận sứ mệnh công bố Tin Mừng cho mọi dân tộc (39).

Hành động của Chúa Thánh Thần trong các hồng ân phẩm trật và đặc sủng

12. Nhấn mạnh tới chân trời Ba Ngôi và Kitô học của các hồng ân Thiên Chúa cũng soi sáng mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng. Thực vậy, mối tương quan đối với các hành động cứu độ của Chúa Kitô, như việc thiết lập Phép Thánh Thể (xem Lc 22:19 tt; 1Cr 11:25), quyền tha tội (xem Ga 20:22tt), lệnh truyền cho các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng và làm phép rửa (Mc 16:15tt; Mt 28:18-20), đã xuất hiện đầu tiên trong các hồng ân phẩm trật vì chúng vốn thuộc bí tích Truyền Chức Thánh. Cũng hiển nhiên không kém là không một bí tích nào có thể được thông ban mà lại không có hành động của Chúa Thánh Thần (40). Mặt khác, các hồng ân đặc sủng, do Chúa Thánh Thần tự do ban phát, “Đấng muốn thổi đâu tùy ý Người” (Ga 3:8) và phân phát các hồng ân của Người “theo cách Người muốn” (1Cr 12:11), về phương diện khách quan đều có tương quan với sự sống mới trong Chúa Kitô, vì các Kitô hữu “về phần mình” (1Cr 12:27) đều là các chi thể của Nhiệm Thể Người. Do đó, việc thấu hiểu thích đáng các hồng ân đặc sủng chỉ có thể có nếu biết qui chiếu vào sự hiện diện của Chúa Kitô và việc phục vụ Người; như Đức Gioan Phaolô II từng quả quyết, “các đặc sủng đích thực không thể không hướng tới cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô trong các bí tích” (41). Do đó, các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng rõ ràng hợp nhất khi qui chiếu vào mối tương quan nội tại giữa Chúa Giêsu Kitô và Chúa Thánh Thần. Đấng Phù Trợ vừa là Đấng, qua các bí tích, phân phát một cách hữu hiệu ơn cứu rỗi do Chúa Kitô, Đấng đã chết và đã sống lại, đem tới, vừa là Đấng ban phát các đặc sủng.

Trong các phụng vụ Phục Sinh của Kitô Giáo, nhất là trong truyền thống Syria, vai trò của Chúa Thánh Thần, được mô tả bằng hình ảnh lưỡi lửa, góp phần làm cho kinh nghiệm này trở thành hiển nhiên tỏ tường. Thực thế, Thánh Ephrem, người Syria, nhà thần học và là thi sĩ vĩ đại, từng nói rằng “Lửa cảm thương hiện xuống / và mang lấy hình thức bánh ăn” (42), cho thấy không những hành động của Chúa Thánh Thần có liên hệ với việc biến đổi các hồng ân mà còn liên hệ với các tín hữu ăn bánh Thánh Thể nữa. Quan điểm Đông Phương, với sự hữu hiệu của ảnh tượng, giúp ta hiểu Chúa Kitô đã ban Chúa Thánh Thần cho ta cách nào khi lôi kéo ta tới gần Thánh Thể. Như thế, cũng một Chúa Thánh Thần, bằng các hành động của Người nơi các tín hữu, đã nuôi dưỡng họ bằng chính sự sống của Chúa Kitô, dẫn họ một lần nữa tới đời sống bí tích sâu sắc hơn, nhất là trong Phép Thánh Thể. Với cung cách này, hành động tự do của Chúa Thánh Thần trong lịch sử vươn tới các tín hữu bằng hồng ân cứu rỗi và cùng một lúc sinh động hóa họ để họ biết đáp ứng một cách tự do và trọn vẹn bằng việc cam kết đời họ.

Kỳ sau: IV Mối tương quan giữa các hồng ân phẩm trật và các hồng ân đặc sủng trong đời sống và sứ mệnh của Giáo Hội
_______________________________________________________________________________________________________
[1] Hiến chế tín lý Lumen Gentium, số 4.
[2] Thánh Gioan Chrysostom, Homilia de Pentecoste, II, 1: PG 50, 464.
[3] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium (24 tah1ng 11, 2013), 49: AAS 105 (2013), 1040.
[4] Xem đã dẫn, 20-24: AAS 105 (2013), 1028-1029.
[5] Xem đã dẫn, 14: AAS 105 (2013), 1025.
[6] Đã dẫn, 25: AAS 105 (2013), 1030.
[7] Sắc lệnh Apostolicam Actuositatem, 19.
[8] Đức Phanxicô, Tông Huấn Evangelii Gaudium, 14: AAS 105 (2013), 1026; Xem Đức Bênêđíctô XVI, Bài giảng trong Thánh Lễ khai mạc hội nghị toàn thể lần thứ năm hàng giám mục Mỹ Châu Latinh và vùng Caribbean tại “La Aparecida” (13 tháng 5 2007): AAS 99 (2007), 43.
[9] Đức Gioan Phaolô II, Diễn văn cho những người thuộc Các Phong Trào Giáo Hội và Các Cộng Đồng mới ngày vọng Lễ Hiện Xuống (30 tháng 5, 1998), 7: Insegnamenti 21/1 (1998), 1123.
[10] Đã dẫn, 6: Insegnamenti 21/1 (1998), 1122.
[11] Đã dẫn., 8: Insegnamenti 21/1 (1998), 1124.
[12] “Có những loại đặc sủng đặc thù (charismata) khác nhau” (Rm 12:6); “mỗi người chúng ta đều có đặc sủng riêng do Chúa ban, người thì đặc sủng này, người thì đặc sủng kia” (1 Cr 7:7).
[13] Trong tiếng Hy Lạp, hai từ (chárisma and cháris) có chung một gốc.
[14] Xem. Origen, De principiis, I, 3, 7: PG 11, 153: “điều được gọi là hồng ân Chúa Thánh Thần đã được chuyển giao qua công trình Chúa Con và được tạo ra bời công trình Chúa Cha”
[15] Thánh Basilêô thành Caesarea, Regulae fusius Tractae, 7, 2: PG 31, 933-934.
[16] “Ai nói tiếng lạ tự xây dựng chính mình, nhưng ai nói tiên tri thì xây dựng Giáo Hội” (1 Cr 14:4). Thánh Tông Đồ không bác bỏ ơn nói tiếng lạ (glossolalia), một đặc sủng cầu nguyện hữu ích cho mối tương quan bản thân với Thiên Chúa, và ngài thừa nhận nó là một đặc sủng chân chính, dù không trực tiếp có ích lợi cộng đồng: “tôi cảm tạ Thiên Chúa vì tôi đã nói tiếng lạ hơn bất cứ ai trong anh em, nhưng trong Giáo Hội, tôi chẳng thà nói năm chữ bằng đầu óc mình, để có thể huấn giáo cả người khác nữa, hơn là nói mười ngàn chữ tiếng lạ” (1 Cor 14:18-19).
[17] Xem 1 Cor 12:28: “Trong Hội Thánh, Thiên Chúa đã đặt một số người, thứ nhất là các Tông Đồ, thứ hai là các ngôn sứ, thứ ba là các thầy dạy, rồi đến những người được ơn làm phép lạ, được những đặc sủng để chữa bệnh, để giúp đỡ người khác, để quản trị, để nói các thứ tiếng lạ”
[18] Trong các tụ họp cộng đồng, việc có quá dư các biểu hiện đặc sủng có thể tạo ra khó khăn, tạo ra bầu khí tranh chấp, mất trật tự và hỗn độn. Những Kitô hữu ít hồng ân hơn có nguy cơ rơi vào mặc cảm tự ti (xem 1Cr 12:15-16); trong khi ấy, những người có nhiều đặc sủng dễ bị cám dỗ có những dáng bộ tự cao tự đại (xem 1 Cr 12:21).
[19] Nếu trong cộng đoàn, không tìm thấy ai có khả năng giải thích các từ ngữ lạ lùng của người nói tiếng lạ, thì Thánh Phaolô dạy những người nói tiếng lạ nên giữ im lặng. Nếu có người biết giải thích, Thánh Phaolô cho phép hai, hay nhiều nhất ba người nói tiếng lạ (xem 1Cr 14:27-28).
[20] Thánh Phaolô không chấp nhận ý niệm linh hứng tiên tri không kiềm chế; thay vào đó, ngài quả quyết rằng “Ngôn sứ thì làm chủ những cảm hứng tiên tri của mình, bởi vì Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa gây hỗn loạn, nhưng là Thiên Chúa tạo bình an” (1 Cr 14:32-33). Ngài quả quyết rằng “Nếu ai tưởng mình là ngôn sứ hoặc được Thần Khí linh hứng, thì hãy nhìn nhận rằng các điều tôi viết đây là mệnh lệnh của Chúa. Ai không nhận biết điều ấy, thì cũng không được Chúa biết đến” (1Cr 14:37-39). Tuy nhiên, ngài kết luận một cách tích cực khi mời gọi họ hãy khao khát ơn nói tiên tri và đừng ngăn cấm nói các tiếng lạ (xem 1 Cr 14:39).
[21] Đức Piô XII, Thông Điệp Mystici Corporis (29 tháng 6, 1943): AAS 35 (1943), 206-230.
[22] Xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4, 7, 11, 12, 25, 30, 50; Hiến Chế Tín Lý Dei Verbum, 8; Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 3, 4, 30; Sắc Lệnh Presbyterorum Ordinis 4, 9.
[23] Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 4.
[24] Đã dẫn, 12.
[25] Xem Sắc Lệnh Apostolicam Actuositatem, 3: “Ðể thể hiện việc tông đồ này, Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa dân Chúa qua tác vụ và các bí tích, cũng ban cho các tín hữu những ơn đặc biệt (xem 1Cr 12:7), ‘phân phát những ơn đó cho mọi người tùy ý Ngài’ (1Cr 12:11) để mỗi người tùy theo ơn đã nhận mà giúp đỡ nhau và chính họ trở nên như ‘những người quản lý trung tín giữ mọi thứ ơn của Thiên Chúa’ (1Pr 4:10) hầu xây dựng toàn thân trong đức ái (xem Ep 4:16)”
[26] Đã dẫn.
[27] Xem Hiến Chế Tín Lý Lumen Gentium, 12: “Những vị thủ lãnh trong Giáo Hội có thẩm quyền phán quyết về tính cách chân chính và sự sử dụng hợp lý các ơn lạ ấy; các ngài có nhiệm vụ đặc biệt phải khảo sát tất cả, không phải để dập tắt Thánh Thần, nhưng để giữ lại những điều thiện hảo (x. 1Th 5,12 và 19-21)”. Dù câu này nói cận kề tới việc biện phân các hồng ân ngoại thường, nhưng do loại suy, điều nói ở đây cũng áp dụng chung cho mọi đặc sủng.
[28] Thí dụ xem Đức Phaolô VI, Tông Huấn Evangelii nuntiandi (8 tháng 12, 1975), 58: AAS 68 (1976), 46-49; Thánh Bộ Các Viện Tu Dòng và Tu Triều – Thánh Bộ Giám Mục, Chỉ Thị Mutuae relationis (14 tháng 5, 1978), AAS 70 (1978), 473-506; Đức Gioan Phaolô II, Tông Huấn Christifideles Laici (30 tháng 12, 1988): AAS 81 (1989), 393-521; Tông Huấn Vita Consecrata (25 tháng 3, 1996): AAS 88 (1996), 377-486.
[29] Lời quả quyết của văn kiện liên bộ nói trên tức Mutuae relationes khá điển hình. Trong đoạn 34, văn kiện này nhấn mạnh: “Sẽ là một sai lầm nghiêm trọng khi biến hai thực tại: đời sống tu dòng và cơ cấu Giáo Hội, độc lập với nhau, hay đặt chúng đối nghịch nhau như thể chúng hiện tồn như hao thực thể xa lạ, một có tính đặc sủng, một có tính định chế. Cả hai yêu tố, tức các hồng ân thiêng liêng và cơ cấu Giáo Hội tạo nên một thực tại duy nhất, dcho dù phức tạp”.
[30] Đức Gioan Phaolô II, Sứ điệp gửi các tham dự viên Hội Nghị Thế Giới các Phong Trào Giáo Hội được Hội Đồng Giáo Hoàng về Giáo Dân cổ vũ (27 tháng 5, 1998), 5: Insegnamenti 21/1 (1998), 1065; Cũng nên xem Đã Dẫn, Các Phong Trào Giáo Hội tụ họp dự hội nghị chuyên đề quốc tế (2 tháng 3, 1987): Insegnamenti 10/1 (1987), 476-479.
[31] Đức Bênêđíctô XVI, Diễn văn trước các tham dự viên về hành hương được huynh đoàn Hiệp Thông và Giải Phóng cổ vũ (24 tháng 3, 2007): Insegnamenti 3/1 (2007), 558.
[32] “Hành trình với nhau trong Giáo Hội, dưới sự hướng dẫn của các mục tử Giáo Hội có đặc sủng và thừa tác vụ đặc biệt, là dấu chỉ hành động của Chúa Thánh Thần. Có một cảm thức về Giáo Hội là một điều nền tảng đối với mọi Kitô hữu, mọi cộng đồng và mọi phong trào”: Đức Phanxicô, Bài giảng trong Lễ Trọng Hiện Xuống (19 tháng 5, 2013): Insegnamenti 1 (2013), 208.
[33] Đức Phanxicô, Bài Giao Lý (1 tháng 10, 2014): L’Osservatore Romano (2 tháng 10, 2014), 8.
[34] Xem Ga 7:39; 14:26; 15:26; 20:22.
[35] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus Iesus (6 tháng 8, 2000), 9-12: AAS 92 (2000), 749-754.
[36] Thánh Irênê thành Lyon, Adversus haereses, IV, 7, 4: PG 7, 992-993; V, 1, 3: PG 7, 1123; V, 6, 1: PG 7, 1137; V, 28, 4: PG 7, 1200.
[37] Xem Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên Bố Dominus Iesus, 12: AAS 92 (2000), 752-754.
[38] Xem Đức Gioan Phaolô II, Thông Điệp Dominum et Vivificantem (18 tháng 5, 1986), 50: AAS 78 (1986), 896-870; Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo 727-730
[39] Đức Bênêđíctô XVI, Tông Huấn Sacramentum Caritatis (22 tháng 2, 2007), 12: AAS 99 (2007), 114.
[40] Xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, 1104-1107.
[41] Đức Gioan Phaolô II, Diễn Văn với những người thuộc các phong trào Giáo Hội và các cộng đồng mới ngày Vọng Lễ Hiện Xuống (30 tháng 5, 1998), 7: Insegnamenti 21/1 (1998) 1123.
[42] Thánh Ephrem người Syria, Các Thánh Ca về đức tin, 10, 12: CSCO 154, 50.
 
Hình ảnh các Hồng Y và Giám mục Hoa Kỳ dâng thánh lễ tại Christ Cathedral
Kingston Bùi
08:47 16/06/2016
NAM CALI - Các Đức Hồng Y và Giám Mục Hoa Kỳ gồm 200 vị đã có cuộc họp hằng năm vào hai ngày 14-15/6/2016 tại khách sạn Sharaton gần Disneyland Nam California. Sau cuộc họp vào chiều ngày 15/6 các ngài đã tới nhà thờ chính tòa Christ (nhà thờ kiếng cũ) của giáo phận Orange để dâng thánh lễ tạ ơn. Trong thánh lễ ĐHY Luis Antonio Tagle của Phi luật tân giảng thuyết.

Và sau thánh lễ các ngài dùng cơm chiều tại Culture Center thuộc nhà thờ chính tòa Christ Cathedral.

 
Phỏng vấn ĐHY Parolin về Hội nghị thượng đỉnh về nhân đạo tại Istanbul
Linh Tiến Khải
09:32 16/06/2016
Trong hai ngày 23-24 tháng 5 vừa qua Hội nghị thượng đình về nhân đạo lần đầu tiên, do Liên Hiệp Quốc triệu tập, đã diễn ra tại Istanbul bên Thổ Nhĩ Kỳ, với 5.200 tham dự viên, trong đó có 65 quốc trưởng. Có 177 quốc gia trên tổng số 192 nước thành viên Liên Hiệp Quốc gửi phái đoàn tham dự. Hội nghị đã do ông Ban Kii-Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, đề nghị hồi năm 2012, và sau 4 năm chuẩn bị đã thành hình. Phái đoàn Toà Thánh đã do ĐHY Pietro Parolin Quốc Vụ Khanh Toà Thánh làm trưởng đoàn.

Trong diễn văn chào mừng hội nghị tổng thống Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhắc tới các cố gắng của chính quyền Thổ trong việc tiếp đón người tỵ nạn Siri, cũng như cơ cấu trợ giúp và các dự án nâng đỡ do chính quyền Thổ đề ra để trợ giúp 3 triệu người Siri và Iraq. Ông nói: “Chúng ta biết là khổ đau không có chủng tộc, tiếng nói và tôn giáo. Và đây chính là tinh thần đã thúc đẩy chúng tôi mở rộng cửa quốc gia cho toàn nhân loại và bất cứ ai cần được trợ giúp, mà không có sự phân biệt nào.” Tổng thống Erdogan cũng than phiền rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã không nhận được sự ủng hộ và phần đóng góp cần thiết từ cộng đồng quốc tế liên quan tới cuộc khủng hoảng của người tỵ nạn. Ông cũng phê bình một số nước trốn tránh nhiệm vụ trợ giúp người di cư tỵ nạn. Thổ Nhĩ Kỳ đã phải bỏ ra 10 tỷ mỹ kim cho công cuộc cứu trợ này, trong khi cộng đồng quốc tế đã chỉ đóng góp có 450 triệu mỹ kim. Chính vì thế ông yêu cầu có một sự phân chia đồng đều hơn đối với gánh nặng này. Và tổng thống Erdogan kêu gọi các nước Âu châu tiếp nhận một phần lớn hơn trong số 3 triệu người tỵ nạn hiện đang sống trên đất Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức, hứa sẽ đóng góp nhiều hơn cho công tác này. Bà nói “Ngày nay không có một hệ thống quốc tế trợ giúp nhân đạo hữu hiệu, vì vậy nhiều ngưòi nhìn Hội nghị với sự chú ý lớn. Chúng ta phải thành công trong việc nhận diện và tiếp cận hữu hiệu hơn cho phép chúng ta có các tài nguyên cho nhiều cuộc khủng hoảng khác nhau.” Trên thế giới hiện nay có 125 triệu người xin trợ giúp, trong đó có 60 triệu người tỵ nạn.

Trong diễn văn khai mạc ông Ban Kii Moon, Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nhấn mạnh rằng “chúng ta ở đây để tưởng tượng ra một tương lai khác, không phải chỉ để giúp con người sống còn, nhưng cũng để cống hiến cho họ một cơ may có một cuộc sống xứng đáng hơn với nhân phẩm.”

ĐHY Parolin đã tuyên đọc sứ điệp ĐTC Phanxicô gửi hội nghị, trong đó ngài đã tố giác nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các xung đột trên thế giới, và kêu gọi canh tân nỗ lực bảo vệ phẩm giá và các quyền con người. ĐTC ghi nhận rằng ngày nay có nhiều quyền lợi đang ngăn cản việc giải quyết các cuộc xung đột và có nhiều chiến lược quân sự, kinh tế và chính trị địa lý đang làm cho cá nhân và các dân tộc phải tản cư. Và chúng áp đặt thần tiền và thần quyền lực trên cuộc sống của con người. Do đó các nỗ lực nhân đạo thường bị những lợi nhuận thương mại và ý thức hệ hạn chế. Điều cần thiết ngày nay là tái quyết tâm bảo vệ phẩm giá cũng như các nhân quyền, an ninh và những nhu cầu toàn diện của mỗi người trong cuộc sống thường nhật. Song song cũng cần bảo tồn quyền tự do, căn tính xã hội và văn hóa của các dân tộc. Điều này giúp tạo điều kiện cho sự cộng tác, đối thoại và nhất là hoà bình. Để được như thế cần cổ võ quyết tâm cá nhân và cộng đoàn, làm sao để mỗi gia đình đều có nhà ở, người di cư tỵ nạn được tiếp đón, mọi người đều có phẩm giá, mọi người bị thương tích đều được săn sóc, mọi trẻ em đều có tuổi thơ, mọi người trẻ đều có tương lai, và mọi người già được tôn trọng. ĐTC cầu mong hội nghị thượng đỉnh Istanbul là một cơ hội giúp nhìn nhận các hoạt động của những người đang phục vụ tha nhân, góp phần an ủi những khổ đau của các nạn nhân chiến tranh và thiên tai, các nguời di cư và tỵ nạn. Đây cũng là dịp ghi nhận nỗ lực của những nhân viên xã hội và những người lựa chọn can đảm bênh vực hoà bình, sự tôn trọng, chữa lành và tha thứ. Đó là cách thức cứu vớt các sinh mạng con người.

Phát biểu trong ngày đầu tiên ĐHY trưởng phái đoàn Toà Thánh, kêu gọi hàng lãnh đạo chính trị gia tăng việc phòng ngừa các xung đột trên thế giới. Vì chiến tranh là vô nhân đạo, do đó cần phòng ngừa và chấm dứt các cuộc xung đột võ trang và bạo lực giữa các dân tộc và các quốc gia. Muốn có hoà bình lâu dài, cần phải đầu tư vào việc phát triển an sinh toàn diện và nhổ bỏ các nguyên nhân gây ra xung đột, chứ không được dựa vào các giải pháp quân sự chỉ gây chết chóc và tàn phá thương đau cho con người.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới quý vị thính giả bài phỏng vấn ĐHY về Hội nghị thượng đỉnh nói trên.

Hỏi: Thưa ĐHY, hội nghị đã đề cập đến những vấn đề gì trong hai ngày sinh hoạt?

Đáp: Người ta đã nói tới hàng triệu người trốn chạy chiến tranh, bạo lực, tai ương thiên nhiên, các cuộc bách hại và các thay đổi khí hậu. Trên nền của hội nghị thượng đình về nhân đạo có cuộc chiến tại Siria đã khiến cho hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người phải di cư tỵ nạn. Tuy nhiên, có nguy cơ là cuộc họp thượng đỉnh hai ngày này tại Istanbul qua đi trong thinh lặng. Đó là nỗi sợ hãi của hàng trăm tổ chức chính quyền tham dự: lo sợ rằng các lời tuyên bố, các ý hướng của hàng lãnh đạo chính trị hiện diện không được thể hiện ra trong các hoạt động cụ thể.

Hỏi: ĐHY nghĩ gì về sáng kiến triệu tập hội nghị quốc tế nhân đạo này?

Đáp: Tư tưởng triệu tập hội nghị thượng đỉnh này chắc chắn là một tư tưởng tích cực, chính vì các mục đích được đề ra. Vì thế nó đáng được ủng hộ. Xem ra các công việc trong hai ngày hội họp này đáp ứng phần nào các chờ mong, nhất là trong nghĩa nó đưa ra câu trả lời cụ thể, chứ không chỉ hạn chế trong các lời tuyên bố suông, nhưng được cụ thể hóa trong các sáng kiến chính xác, nhằm trợ giúp những người đau khổ.

Tôi đã có ấn tượng mạnh, khi thấy nhiều bài phát biểu đã nêu bật tính cách cụ thể này. Dĩ nhiên điều này sẽ là thách đố. Hiện tại chúng ta không thể nói rằng sẽ có các câu trả lời. Có ý chí làm điều ấy, và chúng ta hy vọng là nó sẽ được thực hiện cụ thể chứng minh cho thấy sự hữu hiệu và giá trị của hội nghi.

Hỏi: Thưa ĐHY, hội nghị cũng nhắm phối hợp hoạt động của các chính quyền và các tổ chức khác nhau phi chính quyền hay của chính quyền. Có lẽ đây là phần khó khăn nhất, có đúng thế không?

Đáp: Chắc chắn đây là phần khó khăn nhất. Nhưng theo tôi thấy nhiều người có ý muốn và ý hướng này: đó là trông thấy một sự phối hợp để câu trả lời được hữu hiệu. Dĩ nhiên, nếu câu trả lời rất cô lập và phân tán từng mảnh, thì có nguy cơ không đạt tới các người đang gặp khó khăn và cần được trợ giúp. Vì thế sự kiện cùng nhau suy tư, có các định hướng được chia sẻ chắc chắn sẽ khiến cho câu trả lời được hữu hiệu hơn rất nhiều.

Hỏi: Đây đã là một hội nghị thượng đỉnh, trong đó có lẽ đã không thiếu chiều kích chính trị, như các diễn văn của vài thuyết trình viên cho thấy. Theo ĐHY điều này có gây thiệt hại cho ý nghĩa của cuộc gặp gỡ hay không?

Đáp: Điều quan trọng không phải là “vứt nó vào trong chính trị”, như thường nói, cả khi chính trị trong nghĩa rộng hơn của từ này, hiện diện một cách đương nhiên. Cũng cần thắng vượt các căng thẳng hay các khác biệt, và tìm hiệp nhất trong vài điều nền tảng. Tôi tin rằng điều này cũng là ý nghĩa và nhắc nhở của hội nghị thượng đỉnh, nghĩa là tính nhân bản, con người phải ở hàng đầu, vượt qua các lập trường chính trị. Theo tôi thấy hội nghị thượng đỉnh đã cố gắng làm điều này, cả khi, dĩ nhiên, cũng có ai đó đã lợi dụng micro để nhấn mạnh các lập trường của họ. Tuy nhiên, từ phía nhiều người đã có lời kêu gọi vượt quá các lập trường, các khác biệt, các chống đối chính trị để đưa ra một câu trả lời nhân bản và liên đới với các nhu cầu của những người nam nữ khổ đau.

Hỏi: Sứ điệp của ĐTC mà ĐHY đã tuyên đọc trong ngày đầu tiên của hội nghị đã có tiếng vang quan trọng. ĐTC đã có những lời lẽ rất là mạnh mẽ và đã đưa ra các chỉ dẫn chính xác, có đúng thế không thưa ĐHY?

Đáp: Vâng, đúng thế. Trước hết là học từ những người đau khổ. Tôi tin rằng đây là phần đánh động tôi nhất trong sứ điệp của ĐTC. Ngài đã nói: “Nếu quý vị muốn rằng Hội nghị thượng đỉnh thành công, hãy đứng về phía họ, hãy học từ họ và hãy phán đoán mọi điều từ quan điểm của họ và với sự nhậy cảm của họ”. Xem ra đây là điều nền tảng. Thế rồi, tính cách trung tâm của bản vị con người. Đây là một sứ điệp mà Toà Thánh và nhiều phái đoàn khác đã nhấn mạnh: con người phải là trung tâm, nhưng một con người trong cụ thể, trong biệt tính của nó. Như thế đó là con người đau khổ, con người đang có các nhu cầu: trẻ em, người già, bà mẹ vv…. Như vậy đây là các chỉ dẫn rất thiết thực, có thể tìm ra một áp dụng cụ thể và cả một áp dụng chính trị nữa.

Hỏi: Như vậy, ở đây trong hội nghị thượng đỉnh này, đâu là phần đóng góp của Toà Thánh và đâu sẽ là dấn thân mà Toà Thánh có ý thăng tiến trong tương lai thưa ĐHY?

Đáp: Phần đóng góp đã là sự ủng hộ đương nhiên qua sự hiện diện phong phú của phái đoàn Toà Thánh tham dự hội nghị thượng đỉnh. Chúng tôi đã muốn ủng hộ tất cả các khía cạnh tích cực mà Hội nghị thượng đỉnh này đã muốn diễn tả. Liên quan tới dấn thân chúng tôi đã trình bầy trên bình diện của ba cuộc hội thảo bàn tròn, mà chúng tôi đã tham dự. Cuộc hội thảo thứ nhất nhắm chấm dứt các cuộc xung đột qua việc phòng ngừa chiến tranh. Cuộc hội thảo thứ hai dành cho việc quan sát và tôn trọng các luật lệ quốc tế. Đây là điều nền tảng. Tôi thành thật tin rằng Hội nghị thượng đỉnh thành công trong việc thông chuyền tư tưởng quyền nhân đạo quốc tế phải được tôn trọng, và nó sẽ là một bước tiến lớn từ phiá tất cả rồi: từ phía các tác nhân chính quyền cũng như các tác nhân không chính quyền. Cuộc hội thảo thứ ba là giáo dục nền văn hoá hoà bình. Thế giới Công Giáo đang cống hiến các câu trả lời cụ thể cho tình trạng, cho các cấp thiết cứu trợ nhân đạo quốc tế. Rất nhiều lần các cơ cấu Công Giáo, nhất là các cơ cấu địa phương, là các tổ chức đầu tiên cứu trợ nhân đạo, rồi trong biết bao nhiêu lần tôi nghe nói chúng cũng là các cơ cấu duy nhất làm việc tại chỗ. Vì thế tôi cũng nhớ tới tất cả những người dấn thân và dấn thân với rất nhiều quyết tâm và lòng hăng say trong các công tác cứu trợ nhân đạo. Tôi hy vọng rằng hội nghị thượng đỉnh này, và cả sự hiện diện của Toà Thánh, có thể củng cố ý chí của họ tiếp tục hoạt động cho các người cần được trợ giúp trên thế giới.
 
Đức Thánh Cha tiếp tham dự viên Ngày Năm Thánh của dân xiệc
Lm Trần Đức Anh OP
09:38 16/06/2016
VATICAN. Sáng ngày 16-6-2016, ĐTC đã tiếp kiến hàng ngàn người thuộc các gánh xiệc, cũng như những người trình diễn văn nghệ lưu động, về Roma tham dự Ngày Năm Thánh dành cho họ.

Hiện diện tại Đại thính đường Phaolô 6 trong buổi tiếp kiến và đại diện mọi người chào mừng ĐTC có ĐHY Antonio Maria Viganò, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh mục vụ du lịch là người lưu động. Có một số đoàn xiếc từ các nước ngoài và đại diện các giới thuộc ngành này. Một số nghệ sĩ đã trình diễn các màn xiệc và có người dẫn một con beo nhỏ đến gần ĐTC.

Lên tiếng trong dịp này, ĐTC ca ngợi hoạt động của những người trình diễn văn nghệ lưu động, đặc biệt trong Năm Thánh Lòng Thương Xót, được mở rộng cho những người túng thiếu nhất, những người vô gia cư, các tù nhân, các trẻ em bụi đời và nghèo đó. Đó là lòng từ bi thương xót, gieo vãi vẻ đẹp và niềm vui trong một thế giới nhiều đi u tối và sầu thảm.

ĐTC cũng nhận xét rằng ”Ngành văn nghệ lưu động và bình dân là hình thức giải trí cổ kính nhất, vừa tầm tay mọi người, và hướng đến mọi người, nhỏ cũng như lớn, đặc biệt là cho các gia đình; phổ biến nền văn hóa gặp gỡ và xã hội tính trong việc giải trí. Môi trường làm việc của anh chị em có thể trở thành nơi tập họp và huynh đệ. Vì thế tôi khuyến khích anh chị em hãy luôn có tinh thần đón tiếp đối với những người bé nhỏ và túng thiếu; trao tặng những lời nói và cử chỉ an ủi cho những người co cụm vào mình, nhớ lại lời thánh Phaolô: ”Ai làm những công việc từ bi thương xót, thì hãy thi hành những việc ấy trong niềm vui tươi” (Rm 12,8).

ĐTC không quên nhắc nhở những người làm nghề giải trí lưu động quan tâm chăm sóc đời sống đức tin của mình, tuy rằng sự liên tục di chuyển như vậy làm cho họ khó hội nhập vào đời sống của một giáo xứ một cách ổn định. Ngài nói: ”Anh chị em hãy lợi dụng mọi cơ hội để lãnh nhận các bí tích, hãy thông truyền cho con cái tình yêu đối với Thiên Chúa và tha nhân. Tôi cũng kêu gọi các Giáo Hội địa phương và các giáo xứ quan tâm đến các nhu cầu của anh chị em và của tất cả những người lưu động” (SD 16-6-2016)
 
Đức Thánh Cha khuyến khích trợ giúp các Giáo Hội Đông Phương
Lm. Trần Đức Anh OP
15:08 16/06/2016
VATICAN. ĐTC cám ơn và khuyến khích các nỗ lực trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, để các Giáo Hội này có thể chiếu tỏa rạng ngời khuôn mặt của Chúa Kitô.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong buổi tiếp kiến sáng ngày 16-6-2016, dành cho 90 tham dự viên Hội nghị thường niên của tổ chức Roaco là liên minh các cơ quan bác ái trợ giúp các Giáo Hội Công Giáo Đông phương. Hội nghị này tiến hành dưới quyền chủ tọa của ĐHY Leonardo Sandri, Tổng trưởng Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương, và nhiều đại diện của các tổ chức bác ái và các vị sứ thần Tòa Thánh.

ĐTC đi từ sự kiện gần đây trong tiến trình tu bổ ở Bethlehem, trên trần một gian giữa của một đền thờ, người ta khám phá ra bức tranh khảm một thiên thần thứ 7, cùng với 6 thiên thần khác đang đi rước tiến về nơi Chúa sinh ra. Ngài nói:

”Sự kiện này làm cho chúng ta nghĩ rằng khuôn mặt của các cộng đoàn Giáo Hội cũng có thể bị che phủ vì những bụi bặm và những lớp vôi khác do những vấn đề khác nhau và tội lỗi. Trong chiều hướng đó, công việc của anh chị em phải luôn luôn được hướng dẫn do niềm xác tín rằng dưới những lớp bụi bặm và những gì che phủ về vật chất và luân lý, dưới những nước mắt và máu đổ do chiến tranh, bạo lực và bách hại gây ra, dưới những lớp phủ dường như không thể xuyên qua như thế, có một khuôn mặt sáng ngời như khuôn mặt thiên thần trong bức tranh khảm.”

ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Tất cả anh chị em, qua những dự án và hành động, đang cộng tác vào việc tu bổ ấy, để khuôn mặt của Giáo Hội phản chiếu rõ rệt ánh sáng của Chúa Kitô, Ngôi Lời nhập thể. Ngài là niềm an bình của chúng ta, và đang gõ cửa tâm hồn chúng ta ở Trung Đông, cũng như tại Ấn độ và Ucraina, quốc gia mà tôi đã muốn dành số tiền lạc quyên đặc biệt mới đây trong các nhà thờ ở Âu Châu hồi tháng tư vừa qua để cứu trợ.

Sau cùng, ĐTC đặc biệt nhắc đến sự hiện diện của Giáo Hội Siro Malabar và Siro Malankara ở ngoài bang Kerala bên Ấn Độ, một chủ đề được bàn tới trong khóa họp hiện nay của tổ chức Roaco. Ngài tái khẳng định lập trường và các chỉ thị của các vị Giáo Hoàng tiền nhiệm về quyền của các Giáo Hội này và các Giáo Hội Công Giáo la tinh, tránh tinh thần chia rẽ, và phải cổ võ tinh thần hiệp thông trong việc làm chứng tá về Chúa Giêsu Kitô Đấng Cứu Thế duy nhất.

Nhiều tín hữu Công Giáo đông phương thuộc hai Giáo Hội Syro Malabar và Syro Malankara ra ngoài lãnh thổ bang Kerala và sống rải rác tại các giáo phận Công Giáo la tinh. Từ đó thỉnh thoảng xảy ra những ”cọ xát” về thẩm quyền mục vụ giữa các GM la tinh và Đông phương. Các vị Giáo Hoàng trước đây đã đề ra các qui tắc cần thiết để việc mục vụ cho các tín hữu Đông phương được tiến hành hài hòa (SD 16-6-2016)
 
Top Stories
Corée du Sud: Un Institut catholique pour la paix à la frontière de la Corée du Nord
Eglises d'Asie
08:18 16/06/2016
16/06/2016 - « Il est de notre devoir d’évangéliser la Corée du Nord compte tenu de l’emplacement limitrophe de notre diocèse. Cet institut posera des fondations pour cultiver la paix en Asie du Nord-Est », a déclaré Mgr Peter Lee Ki-heon, évêque catholique d’Uijeongbu, lors de l’inauguration, le 1er juin dernier, de l’Institut pour la paix et la coopération en Asie du Nord-Est. L’institut aura pour vocation spécifique de « diffuser le message de paix de Jésus-Christ en Asie et dans le monde ».

L’inauguration de l’institut, à laquelle ont assisté quelque 200 personnes, dont plusieurs membres du Parlement ainsi que le député maire d’Uijeongbu, a débuté par une conférence de l’ancien ministre sud-coréen de l’Unification, Jung Se-hyun, sur le thème « Réalités et perspectives de paix en Asie du Nord-Est ». Puis le directeur de l’Institut, le P. Peter Kang Ju-seok, a expliqué « la mission spécifique de l’Eglise qui est d’annoncer la paix de Jésus-Christ, à travers le monde ».

La mission particulière de cet institut catholique diocésain sera donc d’étudier et de former aux méthodes de construction de la paix en Asie du Nord-Est, à la lumière de la doctrine sociale de l’Eglise catholique, tout en « actualisant le concept catholique de paix à la situation spécifique de la Corée », divisée depuis la guerre de 1950-1953. L’institut accueillera également des chercheurs bouddhistes, protestants ou d’autres religions, sur des sujets théologiques, politiques, philosophiques, économiques ou littéraires, liés à l’édification de la paix.

Incarner un désir de paix et de réunification

Si le diocèse catholique d’Uijeongbu se trouve géographiquement tout proche de la frontière avec la Corée du Nord, il se situe également au premier plan du travail de réconciliation entamé par l’Eglise catholique en Corée du Sud: formation de missionnaires au dialogue et aux échanges avec la Corée du Nord, accueil de réfugiés nord-coréens qui sont pris en charge matériellement par le Centre d’accueil pour la réconciliation nationale, créé en 1997, et qui les accompagne dans leur réinsertion sociale et professionnelle. En décembre 2015, une délégation de haut niveau de l’épiscopat sud-coréen en visite à Pyongyang avait obtenu de la Corée du Nord que des prêtres sud-coréens puissent venir dans la capitale nord-coréenne afin de célébrer la messe lors des fêtes de Noël, Pâques et du 15 août.

L’emplacement géographique de l’Institut catholique pour la paix ne doit rien au hasard: situé juste à côté de la cathédrale de « la repentance et de la réconciliation », où des artistes nord-coréens ont réalisé les mosaïques de l’édifice représentant le désir de réunification, ce nouvel institut vient incarner dans la ville même d’Uijeongbu le désir de paix et de réunification de bon nombre de Coréens, un contrepied modeste au contexte politique actuel très tendu entre les deux Corées.

Début 2016, après un quatrième essai nucléaire, Pyongyang a en effet procédé au lancement d’une fusée, interprété comme un essai de missile balistique. En réponse, la présidente sud-coréenne, Mme Park Geun-hye (fille du dictateur Park Chung-hee, au pouvoir de 1961 à 1979), a fait fermer le seul projet de coopération qui subsistait encore entre les deux pays, la zone de Kaesong, un parc industriel ouvert en 2004 où des entreprises du Sud employaient des Nord-Coréens. Selon Séoul, une partie de l’argent généré à Kaesong servait à financer les programmes nucléaire et balistique nord-coréens.

(Source: Eglises d'Asie, le 16 juin 2016)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Đồng Xuân, G.x Xuân Tình mừng lễ Thánh Antôn, 2016
Giuse Phương Long
09:20 16/06/2016
Giáo họ Đồng Xuân, G.x Xuân Tình mừng lễ Thánh Antôn, 2016

Mừng đại lễ năm nay, cộng đoàn giáo họ hân hoan hòa chung niềm vui, hiệp thông với anh chị em giáo dân trong và ngoài giao hạt Văn Hạnh về bên cha thánh Antôn để dâng lên Thiên Chúa lời ca ngợi, chúc tụng và cầu xin.

Xem Hình

Khi đón nhận những hồng ân nơi đây, gợi trong chúng ta nhìn lại gần 80 năm qua với bao thăng trầm lịch sử, giáo họ Đồng Xuân được hình thành và lớn lên trong sự quan phòng yêu thương của Thiên Chúa qua bàn tay của thánh cả Antôn, vị thánh hay làm phép lạ. Cũng trong lịch sử ấy, chúng ta nhận ra sự hiện diện của thánh An tôn nơi giáo họ Đồng Xuân, hay nơi khác ở giáo phận Vinh là dấu chỉ tình thương Thiên Chúa ban tặng. Đồng Xuân, nơi có một lịch sử tính, kết dệt truyền thống lâu dài bằng lòng mộ mến của các vị mục tử, những người giáo dân và lương dân đối với cha thánh Antôn suốt nhiều thập kỷ qua.

Thật thế, ngay từ ban sơ, Đồng Xuân nơi quy tụ của những con người từ miền quê Nghệ An, Hà Tĩnh đến lập nghiệp. Từ dấu ấn 1938 với hồng ân hiện diện của cha thánh Antôn, mãnh đất Đồng Xuân đã sớm được các vị mục tử trong giáo xứ và giáo hạt nhắm tới một điểm truyền giáo. Nơi hội tụ của những người giáo dân và lương dân tìm đến, tin tưởng và mộ mến cha thánh Antôn. Có thế nói, những thời điểm quan trọng, mang dấu ấn như thời cha Giuse Vương Đình Ái (1956-1958). Thánh lễ mừng kính thánh An tôn được tổ chức ba ngày thật trọng đại: rước từ nhà giáo xứ Xuân Tình về giáo họ, chầu Thánh Thể và cao điểm là đại lễ, đông đảo giáo dân trong giáo hạt và đồng bào lương dân Hà Tĩnh tề tựu về để tham dự. Các vị mục tử sau này cũng tiếp nối truyền thống đã luôn quan tâm để cử hành đại

lễ mừng kính thánh Antôn như: cha Định (1973-1976), cha Pêrô Lê Duy Lượng (1976-1979), cùng các cha quản nhiệm khác nhau theo từng thời kỳ.

Nay với sự quan tâm ưu ái của cha xứ Phêrô Thân Văn Hùng( 2015 – hiện tại), cùng hội đồng mục vụ giáo xứ, giáo họ, cũng như sự đóng góp của quý vị ân nhân, đã tiếp nối và làm tăng thêm lòng mộ mến cha thánh An tôn như các vị mụ tự tiền nhiềm và tiên nhân đã thực hiện.

Ngày 12.6

Đêm diễn nguyện với chủ đề: “Để Tình Yêu Thiên Chúa lớn Lên”. Như lời muốn nói, mông ước mỗi người theo gương cha thánh An tôn đã sống và chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa trong đời sống. Cuộc lữ hành đức tin của người Kitô hữu lắm lúc đau khổ, gian truân bởi giới hạn thận phận con người, thế nên làm tình yêu Thiên Chúa mai một trong chúng ta. Hòa chung tiếng hát, lời ca với tất cả tâm tình của giới trẻ các giáo họ, hội đoàn và các giáo xứ trong giáo hạt đã phần nào diễn tả được Tình yêu Thiên Chúa khắc ghi trong sâu thẳm con người. Dẫu biết rằng, con người tội lỗi, chúng ta vẫn có thể để tình yêu Chúa lớn lên là nương tựa vào lòng thương xót Ngài và dấn bước trên đường chứng nhân cho tình yêu Thiên Chúa giữa thế giới hôm nay.

Đêm diễn nguyện khép lại, nhưng những giấy phút linh thiêng về bên cha thánh An tôn. Lòng người như lắng động, thưởng thức những tiết mục của diễn nguyện như được hòa quyện trong đó với các ca viện, diễn viên và vũ đoàn bằng những cử điệu nhần nhuyễn, kết hợp giữa nghệ thuật và tâm tình cầu nguyện.

Ngày 13.6 Cao điểm đại lễ.

Trong hân hoan vui mừng, ngập tràn của hơn cả một vạn giáo dân trong giáo hạt tiến về lễ đài. Đúng lúc 7 h sáng, tiếng ca đoàn cất lên bài hát, như dục giã, kêu mời cộng đoàn đi vào không gian linh thánh, hiệp thông bước vào thánh lễ, để nhờ lời chuyển cầu cha thánh An tôn dâng lên Thiên Chúa lời cầu xin, cảm tả và chúc tụng.

Đặc biệt năm nay, với sự quan phòng của Thiên Chúa qua sự chuyển cầu của thánh cả Antôn, giáo họ Đồng Xuân được Đức Cha phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên cùng đông đảo quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ và quý quan khách về hiệp dâng thánh lễ, làm cho thánh lễ thêm phần long trọng và sốt mến. Trong phần nhập lễ Đức Cha Phêrô nhắn nhủ cộng đoàn hãy cậy trông vào Thiên Chúa bằng cách năng đến với thánh cả Antôn, vị thánh có lòng yêu mến Chúa và được ơn hay làm phép lạ.

Trong phần phụng vụ Lời Chúa, qua bài đọc một trích sách ngôn sứ Isaia, vị ngôn sứ đã cho biết sứ mạng đẹp đẽ của người sứ giả Tin Mừng: “Đẹp thay người loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ.” (Is 52, -10). Tiếp đến, bài đọc hai được trích từ thư thứ nhất của thánh Phao lô gởi cho tín hữu Côrintô: “... Lời rao giảng về thập giá là một sự điên rồ đối với những kẻ đang trên đà hư mất, nhưng đối với chúng ta những người được cứu độ, thì đó lại là sức mạnh bởi Thiên Chúa” (1Cr 1, 18-25). Bài giảng của Đức Cha được gợi hứng từ Tin Mừng theo thánh Matthêo, tập trung vào Lời Chúa Giêsu nhắn nhủ các môn đệ “. . Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sa thợ ra gặt lúa về. ..” (Mt 9,35-38).

Đặt trong bối cảnh phụng vụ của ngày đại lễ, Đức Cha Phêrô nhắn nhủ mọi người noi gương thánh cả Antôn, hãy mạnh dạn rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa và tuyên xưng đức tin bằng chính đời sống của mình. Noi gương thánh nhân, chúng ta thực hành năm điểm chính trong cuộc sống căn bản người Kitô hữu: Một là ở lại với Chúa - Hai là học hỏi lời Chúa - Ba là tin tưởng vào Chúa - Bốn là hiệp thông với Chúa - Năm là loan báo lời Chúa. Sau cùng ngài cũng dùng lời trong nghi thức truyền chức được đọc cho ứng viên mà nhắc nhở mọi người tham sự thánh lễ hôm nay rằng: “Hãy tin điều con đọc, hãy dạy điều con tin và thực hành điều con dạy”.

Với biết bao tâm tình sốt mến của hơn cả vạn người tham dự thánh lễ đang cảm nhận, “Lời ca tạ ơn” kết lễ như điệp khúc được ngân lên, thành ngàn trùng lời ca, dạt dào lòng cảm tạ Thiên Chúa nhân từ đã ban hồng ân cho nhân loại một vị thánh đầy lòng sốt mến, để ngài luôn bầu cử cho nhân thế ưu phiền, cách riêng những ai chạy đến cầu xin ngài. Lời ca tạ ơn cũng vang lên trong lòng mỗi ngươi giáo dân cũng như đồng bào lương dân, khi về bên cha thánh An tôn. Những giây phút linh thánh bên cha thánh Antôn Đồng Xuân lòng người như kín múc được sự bình an, tin tưởng và hy vọng cho cuộc hành trình đức tin, cũng như cuộc sống bình dị hằng ngày.

Giuse Phương Long và H.T
 
Hội dòng Mến Thánh Giá Huế mừng hông ân thánh hiến
Trương Trí
09:27 16/06/2016
HỘI DÒNG MẾN THÁNH GIÁ HUẾ MỪNG HỒNG ÂN THÁNH HIẾN

Đáp lại tiếng gọi của Thiên Chúa, trong sự trao hiến trọn vẹn toàn thân và lời cam kết trung thành, bước theo Chúa Giêsu nhờ ơn thánh hóa của Chúa Thánh Thần. Sẵn sàng lãnh nhận Thập giá Chúa Kitô, vì hình ảnh Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh là đối tượng duy nhất.Sáng ngày 15 tháng 6 năm 2016, Hội dòng Mến Thánh giá Huế hân hoan đón chào Đức Tổng Giám mục Phanxicô Xaviê Lễ Văn Hồng, Phó Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế dâng Thánh lễ tạ ơn và chủ sự Nghi thức khấn dòng, cùng đồng tế có chừng 100 Linh mục trong và ngoài Giáo phận.

Xem Hình

Nguyện đường Hội dòng Mến Thánh giá khá rộng rãi nhưng cũng chỉ đủ chỗ cho thân nhân của quí chị mừng hồng ân thánh hiến. Hầu hết cộng đoàn và khách mời đều tham dự Thánh lễ ở ngoài sân qua những màn ảnh rộng nhưng vẫn một lòng sốt sắng hiệp dâng lời tạ ơn Thiên Chúa cùng với các Tân Khấn sinh.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám mục thay mặt Giáo phận chúc mừng các khấn sinh đã hy sinh cuộc đời để hiến trọn thân mình cho Chúa, Ngài cũng nói lời cảm ơn gia đình các khấn sinh đã mạnh dạn đặt trọn niềm tin vào Hội dòng để dâng con cái mình cho Chúa.

Mở đầu Nghi thức khấn dòng, Đức Tổng Giám mục xướng kinh Veni Creator, cầu xin Chúa Thánh thần ban dồi dào ơn phúc cho toàn thể cộng đoàn tham dự, đặc biệt cho quí chị chuẩn bị tuyên khấn hôm nay.

Nghi thức Tiên khấn được chị Giám sư Tập viện xướng tên 14 khấn sinh, mỗi ứng sinh được xướng tên đáp lại: “Lạy Chúa, này con đây, Chúa đã gọi con” và tiến lên quì trước mặt Đức Tổng Giám mục cùng với Chị Têrêsa Trần Thị Tùy, Tổng Phụ trách Hội dòng.

Đức Tổng Giám mục với năng quyền của Mẹ Giáo Hội thẩm vấn các ứng sinh, sau đó Ngài dâng lời nguyện chúc. Ngài làm phép khăn lúp và trao cho các khấn sinh như dấu chỉ của sự phục tùng Chúa Ki tô và hiến thân phục vụ Hội Thánh.

Tiếp đó, Đức Tổng Giám mục trao Hiến chương và Nội qui Hội dòng để các Tân khấn sinh học hỏi và tuân giữ lề luật của Hội dòng.

Nghi thức Vĩnh khấn: các ứng sinh sau khi khấn lần đầu đã trãi qua thời gian dài trong học viện, khám phá Đức Ki tô qua học tập, qua cuộc sống và qua thực tập tông đồ. Hôm nay với ý chí tự nguyện, các ứng sinh dấn thân trọn vẹn cho Đức Giêsu chịu đóng đinh trong Hội dòng Mến Thánh giá Huế.

Đức Tổng Giám mục thẩm vấn và dâng lời nguyện chúc cho các tân khấn sinh. Các khấn sinh quì gối trước Đức Tổng Giám mục và chị Tổng Phụ trách hát lên bài ca hiến dâng: “Lạy Chúa, theo Lời Chúa xin nhận lấy con, và đừng để con phải thất vọng…”

Đức Tổng Giám mục làm phép nhẫn giao ước và Thánh giá rồi trao cho 16 tân khấn sinh. Các tân khấn sinh lần lượt được chị Tổng Phụ trách Têrêsa Trần Thị Tùy ôm hôn đón nhận và tự mình ký tên vào sổ Hội dòng.

Chị Tổng Phụ trách thay mặt Hội dòng tuyên bố các tân khấn sinh là thành viên chính thức của Hội dòng.

Tiếp theo là nghi thức lập lại lời tuyên khấn của 4 nữ tu mừng hồng ân Ngân khánh khấn dòng. Là những người đã trãi qua 25 năm theo Chúa Giêsu một cách trọn vẹn, đã được lãnh nhận bao hồng ân của Chúa trong cuộc đời.

Sau Thánh lễ, Chị Têrêsa Trần Thị Tùy, Bề trên Tổng Phụ trách thay mặt Hội dòng dâng lời cảm tạ Đức Tổng Giám mục và quí Cha đồng tế, quí Hội dòng và ân nhân xa gần đã đến hiệp dâng lời tạ ơn hôm nay. Đồng thời cũng nói lời tri ân quí phụ huynh và thân nhân của các khấn sinh với tấm lòng biết ơn sâu xa sự hy sinh của gia đình khi dâng người con ưu tú của mình cho Chúa qua Hội dòng Mến Thánh giá.

Trương Trí
 
Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp viếng thăm và trao quà hỗ trợ cho một số giáo xứ ven biển Hà Tĩnh và Quảng Bình
Lam Hồng
15:00 16/06/2016
Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp viếng thăm và trao quà hỗ trợ cho một số giáo xứ ven biển Hà Tĩnh và Quảng Bình

Xem Hình
Trong thời gian qua, với tình thương của người mục tử và nhờ tình liên đới, sẻ chia của nhiều tấm lòng hảo tâm của các ân nhân xa gần trước thảm cảnh đang xảy đến với nhiều xứ đạo vùng ven biển đang phải hứng chịu hậu quả trực tiếp từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển, Đức Cha Phaolô đã đến thăm hỏi, chia sẻ, động viên tinh thần và hỗ trợ một phần vật chất cho bà con giáo dân của nhiều xứ đạo trên ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Vào ngày 14.06.2016, Đức Cha Phaolô cùng với quý thầy, quý sơ đang phục vụ tại TGM đã đến thăm và trao quà cho bà con giáo dân của bốn giáo xứ là Cửa Sót, Đông Yên (Hà Tĩnh), Nhân Thọ và Đan Sa (Quảng Bình) là những xứ đạo đang phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ thảm họa ô nhiễm môi trường biển trong thời gian qua.

Cửa Sót, Đông Yên, Nhân Thọ và Đan Sa là những giáo xứ thuộc giáo phận Vinh, nằm trên dãi dọc bờ biển miền Trung. Cuộc sống của hàng chục ngàn người dân ở trong các xứ đạo đó xưa nay vốn chỉ trông chờ vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản biển. Biển chính là nơi cung cấp nguồn thu nhập kinh tế chủ yếu cho người dân, biển đã giúp họ ổn định cuộc sống, có cái ăn cái mặc và có điều kiện trang trải cuộc sống hàng ngày. Trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay, một người giáo dân ở giáo xứ Nhân Thọ (Quảng Bình) chia sẻ: “Bình thường các năm cứ đến thời gian này là vào mùa thu hoạch biển, nhưng hiện nay chúng con đang rơi vào tình cảnh thất nghiệp. Do không có thu nhập nên cuộc sống của chúng con đang phải đối diện với sự thiếu thốn về cái ăn cái mặc và những trang trải cho sinh hoạt hàng ngày. Cuộc sống của chúng con lúc này đang thật sự rơi vào bế tắc và khó khăn.”

Gặp gỡ bà con giáo dân vùng biển, Đức Cha Phaolô đã thăm hỏi, chia sẻ những khó khăn và động viên bà con giáo dân nơi đây ổn định tinh thần, sống tình bác ái và giúp đỡ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay. Đồng thời, ngài đã nhấn mạnh tinh thần liên đới, nghĩa vụ yêu thương đối với đồng bào, đồng loại và trách nhiệm đối với thiên nhiên. Ngài kêu gọi mọi người cùng chung tay để hành động vì một cộng đồng nhân bản hơn, một môi trường lành mạnh hơn, không chỉ cho cuộc sống hôm nay nhưng còn cho tương lai của giống nòi, của dân tộc.

Bên cạnh sự động viên chia sẻ về tinh thần, Đức Cha đã hỗ trợ mỗi gia đình 50kg gạo và 1 thùng sữa, với tổng số lượng hơn 22 tấn gạo (trị giá trên 250 triệu đồng) và 1.300 thùng sữa tươi (trị giá 197 triệu, do Công ty TNHH DV Hoa Hồng Đỏ gửi tặng) cho hơn 1.000 hộ gia đình của bốn giáo xứ.

Lam Hồng
 
Thầy Nguyễn Kim Sơn : Ơn gọi từ sân bay Tân Sơn Nhất
Tommy
15:17 16/06/2016
ƠN GỌI LINH MỤC TỪ SÂN BAY TÂN SƠN NHẤT

Xuất thân trong một gia đình nghèo gốc Bắc Năm Tư, sinh sống tại Xứ Nam Hưng, Hạt Hóc Môn, Tổng Giáo phận Saigòn, ngay từ tấm bé cậu Phao Lô Nguyễn Kim Sơn đã được giáo dục trong nôi đạo hạnh, rặc bản chất miền Bắc. Cũng từ nơi chôn nhau cắt rốn mà ông bà Cố đã chọn đặt cho cậu cái tên để nhớ về quê cha đất tổ Huyện Kim Sơn, Tỉnh Ninh Bình.

Sống đơn sơ hiền lành, chăm chỉ học tập, cậu Kim Sơn đã tốt nghiệp Đại học Sư Phạm Thành phố Saigòn chuyên ngành tiếng Anh và đi dạy. Thế nhưng nghề thầy giáo không đảm bảo bớt gánh năng kinh tế gia đình, thầy Kim Sơn đã thi tuyển vào làm nhân viên An Ninh Sân bay Tân Sơn Nhất. Sau bốn năm trời, thầy được chọn đi học tập tại Nga theo chương trình giữa Cục Hàng Không Nga và Việt Nam nhưng rồi chương trình thay đổi. Và Sân bay đưa hệ thống ống lồng vào hoạt động, thầy đã ứng tuyển và chuyển qua làm chuyên viên vận hành ống lồng của nhà ga Tân Sơn Nhất.

Trong suốt thời gian làm việc tại Sân bay Tân Sơn Nhất, mỗi ngày đi làm về gần 50 km, ấy thế mà anh Sơn vẫn tham gia học giáo lý viên và dạy giáo lý cho thiếu nhi xứ Nam Hưng và sinh hoạt giới trẻ trong giáo xứ và giáo hạt. Sự tích cực và nhiệt thành của anh giúp cho giới trẻ có sân chơi ấm tình người và tích cực tham dự thánh lễ, sinh hoạt giới trẻ.

Có lẽ bấy nhiêu cũng chưa đủ với anh giáo lý viên Sơn! Nên anh cứ thao thức mà không nhận ra. Bỗng dưng anh nghĩ đến chuyện gia đình! Mải mưu sinh và chăm chỉ với việc giáo lý viên mà anh như quên đi chuyện gia đình. Ở tuổi 36, anh tìm đến cha bề trên Dòng XiTô và tĩnh tâm. Cứ mỗi cuối tuần, anh lại về thẳng tu viện Xitô tịnh tâm. Rồi anh mạnh dạn quyết định theo tiếng gọi mới “đi tu”. Đây là quyết định mà chưa bao giờ anh có khái niệm. Nên anh cũng đắn đo, suy nghĩ nhiều. Lạ một điều, khi quyết định đi tu, anh lại ước nguyện phục vụ ở một nơi nào xa xôi. Anh đã đến gặp cha Augustino Nguyễn Viết Chung, lúc đó là bề trên tu viên Thánh Vicent De Paul. Sau 30 phút gặp gỡ, cha Chung từ chối với lý do khá tế nhị “anh này giỏi, nhưng anh nên đi bên triều thì hợp với anh”.

Anh lại bày tỏ ước nguyện với cha Stephano Huỳnh Trụ, chánh xứ Phanxico Xavie, một linh mục người Hoa, phục vụ cộng đồng người Hoa chợ Lớn. Cha hướng anh đi Canada nhưng ý Chúa, phái đoàn lại lỡ hẹn và cha Trụ đã gợi ý đi HongKong. Nghe 2 chữ HongKong, anh lúng túng trả lời dạ. Sự lung túng của anh là cha Trụ hỏi anh có điều gì muốn nói không? Anh nhẹ nhàng thưa con chỉ biết tiếng Phổ thông. Vì người HongKong nói tiếng Cantonese. Thực tế, lúc đó anh là giáo viên dạy tiếng Anh, anh còn biết tiếng Pháp, Nga và tiếng Mandarin. Đây có thể là dấu chỉ ơn gọi của anh vì trong 6 năm làm nhân viên An ninh Sân bay, lúc nào anh cũng có quyển sách tự học tiếng Hoa bên mình và cặm cụi tập viết từng chữ. Vì tiếng gọi mà anh qua Đài Loan tìm hiểu, tham gia các chương trình với giáo xứ Kaoshiung. Giáo dân thấy nhiệt huyết nới anh mà dành nhiều thời gian nói tiếng Hoa và sửa từng câu chữ, cách phát âm. Thật vui nhộn, giáo dân qua Việt Nam tham quan và anh có cơ hội thực tập tiếng Hoa. Chỉ với 3 tuần mà anh nói lưu loát.

Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen Ze-Kiun) đã chấp nhận đơn xin dự tu của anh Kim Sơn. Và tháng 7 năm 2008, anh rời Việt Nam sang HongKong học tiếng Quảng 2 năm. Năm 2009, anh vào chủng viện HongKong. Theo chương trình của chủng viện, thầy đăng ký học đúng đủ chương trình trong khi các thầy bạn thắc mắc sao không đăng ký học ít môn thôi cho đỡ vất vả? Thầy chỉ nghĩ, thôi chương trình của chủng viện, mình cố gắng học theo đúng chương trình để thấu hiểu kế hoạch đào tạo linh mục của Tổng giáo phận HongKong và cho xong sớm đỡ gánh nặng cho các cha.

Ngày 14/11/2015, Đức Hồng Y Gioan Thang Han (John Tong Hon) đã phong chức phó tế cho thầy Phao Lô Nguyễn Kim Sơn. Vì điều kiện gia đình xa xôi, thầy lặng lẽ đón nhận ơn Chúa như ý định tiền nhiệm và đón nhận những lời chúc mừng, chia vui của giáo dân HongKong như niềm vui bên Bà Cố, gia đình, bạn bè tại quê nhà Việt Nam.

Khi thầy chia sẽ quyết định đi tu với Ông Bà Cố, Bà Cố chỉ nói nhỏ nhẹ với thầy rằng: với điều kiện, hoàn cảnh gia đình mình thì đây là điều như hoang tưởng. Bởi ơn gọi linh mục cao quý mà gia đình mình lại không xứng đáng. Con hãy suy nghĩ cho cẩn thận. Thầy cũng chỉ gẫm suy trong lòng và tiến bước. Nhiều lần Bà Cố tham dự các thánh lễ phong chức linh mục mà Bà Cố chỉ dám thầm cầu xin cho cậu con trai sống khỏe mạnh, đầy ơn Chúa chứ chẳng dám cầu xin cho thầy được ơn bền đỗ, được làm tu sĩ hay linh mục. Bởi Bà Cố không dám ước mơ. Thậm chí mọi người trong gia đình vẫn giữ kín chuyện thầy gia nhập Đại chủng viện HongKong cho đến ngày hôm nay dù thầy đã lãnh tác vụ phó tế.

Vào ngày 20/08/2016, Đức Hồng Y Gioan Thang Han sẽ phong chức linh mục cho thầy Phao Lô Nguyễn Kim Sơn.

Niềm vui cho Tổng Giáo phận HongKong cũng là niềm vui cho những người Việt Nam sinh sống tại HongKong có được người anh em đồng hành trên con đường đức tin, người tôi tớ phục vụ và mục vụ. Đồng thời cũng là niềm vui hạnh cho Gia đình Bà Cố và các bạn bè thân hữu của thầy.

Chúng ta không quên hiệp ý với thầy trong ngày lãnh chức linh mục. Dù ở đâu chúng con cũng cầu nguyện cho cha, tân cử linh mục của Chúa Kitô, vị Thượng tế tối cao.
 
Thánh lễ nhận giáo phận Paramatta của Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Long
VietCatholic Network
19:53 16/06/2016
 
Tạ ơn vì hồng ân Linh Mục
Lm. Anthony Trung Thành
23:23 16/06/2016
TẠ ƠN VÌ HỒNG ÂN LINH MỤC

Vào ngày 6 tháng 7 năm 2007, Đức Hồng Y Sê-ông-Jin-Sắc(Cheong Jin-Suk) cai quản tổng Giáo Phận thủ đô Seoul của Nam Hàn đã truyền chức linh mục cho một người câm điếc sau 22 năm cố gắng học tập tu đức. Đó là Cha Benedict Park Min-seo, vị linh mục câm điếc đầu tiên tại Á Châu.

Khi cử hành thánh lễ mở tay, Cha Park Min-Seo nói bằng ngôn ngữ dấu hiệu của người câm điếc rằng: “Trước hết, tôi tạ ơn Thiên Chúa đã nhận tôi làm linh mục và cám ơn tất cả mọi người đã giúp đỡ tôi cách này hay cách khác để tôi có được ngày hôm nay. Là linh mục tàn tật đầu tiên, truyền thông đã chú ý tới tôi rất nhiều, ngay cả trước khi chịu chức, nhưng tôi không phải là tài tử màn bạc, tôi là một linh mục thường, xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi sống khiêm tốn và là một linh mục đích thực.” (Nguồn tin: VietcatholicNew, ngày 22 tháng 07 năm 2007).

Qua tâm tình của Cha Park Min-Seo trên đây và chắc chắn đó cũng là tâm tình của vị tân linh mục của chúng ta hôm nay, tôi xin được phép rút ra ba điểm và đó cũng là đề tài tôi muốn chia sẻ với anh chị em hôm nay: Điểm thứ nhất, tại sao chúng ta phải cám ơn mọi người? Điểm thứ hai, tại sao chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa? Điểm thứ ba, tại sao lại phải cầu nguyện cho các linh mục?

1. Tại sao lại phải cám ơn mọi người?

Con người sống là sống với, sống nhờ, không ai là một hòn đảo. Chúng ta không tự mình mà có, không tự mình mà nên người. Chúng ta không thể sống hạnh phúc mà không nhờ người khác. Những gì chúng ta có, những gì chúng ta hưởng dùng hôm nay phần lớn là do thừa hưởng của những người khác. Cuộc sống là một chuỗi những ân huệ nối tiếp nhau. Những ân huệ này đan xen với những ân huệ khác. Vì thế, cuộc sống chỉ có ý nghĩa và đáng sống khi chúng ta biết mình đang sống trong mạng lưới của ân huệ. Chính vì lý do đó, nên Cha Park Min-Seo nói: “Tôi cám ơn tất cả mọi người.”

Trong Phật giáo có bốn trọng ân mà người Phật tử thường được các sư tăng nhắc nhở, nhất là vào dịp lễ Vu Lan (rằm tháng 7 âm lịch): ơn cha mẹ, ơn tam bảo (Phật, Pháp, Tăng), ơn tổ quốc xã hội, và ơn thầy bạn.

Bốn trọng ân trên đây cũng rất hợp với tâm tình kitô giáo chúng ta. Đặc biệt là nhớ Ơn cha mẹ: vì, Cha mẹ là người sinh ra ta, nuôi dưỡng giáo dục ta nên người. Ca dao có câu: “Công cha như núi thái sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Rồi, Ơn tam bảo: là công ơn của những người đã đem lại cho ta đời sống tâm linh, làm cho đời sống tâm linh ta phát triển và trở nên phong phú. Ơn thầy bạn: Trong đời sống của ta, có những vị thầy đem lại cho ta đời sống tri thức, những người giáo dục ta nên người. Sau là bà con thân thuộc, bạn bè, những người quen biết, những người chúng ta chỉ gặp một lần trong đời hoặc không bao giờ chúng ta quen biết. Họ là ân nhân hoặc có thể là ân nhân của chúng ta cách này cách khác. Vì vậy, chúng ta có bổn phận phải biết ơn và tìm cách trả ơn cho những người làm ơn cho chúng ta.

Những suy tư của Đức Cha Bùi Tuần, trong tập sách nói với chính mình, giúp chúng ta hiểu hơn bổn phận phải thể hiện giá trị đạo đức nền tảng của lòng biết ơn như thế nào?

Ngài nói: “Bổn phận biết ơn phải tương xứng với các giá trị của ơn nhận được. Nếu chẳng thực hiện được tương xứng, thì ít ra cũng có được một mức tối thiểu nào, hoặc một lời cám ơn, hoặc một cử chỉ chứng tỏ mình hiểu biết.

Làm thế không phải vì người làm ơn cần nhưng chính vì người chịu ơn cần. Cần biết ơn để mình xứng đáng là người hơn, để mình xứng đáng phần nào với ơn nhận được, để mình xứng đáng có thể nhận lãnh thêm.

Nếu tôi tưởng tôi đã trả ơn đối với mọi người làm ơn cho tôi, thì tôi lầm lớn. Tiền bạc, đồ vật có thể trả, nhưng ân nghĩa và tình thương làm sao có thể trả đúng được. Những mồ hôi nước mắt và những tận tâm của bao người đã làm cho đời tôi đẹp là những gì thiêng liêng cao quí. Chưa chắc đã hiểu được giá trị của những ơn đó, chứ đừng nói gì đến trả cho đúng.”

Rồi Ngài kết luận: “Làm ơn có thể không đòi trả nghĩa, nhưng đã chịu ơn thì phải biết ơn. Cho đi để không mong nhận lại, nhưng đã nhận là phải có bổn phận phải đáp trả. Đáp trả trong biết ơn không có nghĩa một sự bồi hoàn đổi chác, nhưng là một sự bày tỏ điều mình nhận biết về giá trị vật chất và tinh thần của ơn nhận được.”

Nếu sống là lãnh nhận thì ta sẽ là người như thế nào nếu không hề biết nói lại tiếng “cám ơn”, hoặc chẳng bao giờ bày tỏ lòng biết ơn? Người ta gọi những kẻ không hề biết ơn là “đồ vô ơn” hay cổ nhân có dạy: “Thụ ân bất báo uổng vi nhân”(nghĩa là: nhận ơn mà không báo thì uổng công làm người). Vì vậy, biết ơn và thể hiện lòng biết ơn là nghĩa vụ hàng đầu trong cuộc sống, là vẻ đẹp cao quí nhất trong tâm hồn con người, là thể hiện cao độ nhất của nhân cách và biết ơn không bao giờ thừa, đến nỗi La Bruyère đã xác quyết mạnh mẽ rằng: “Trên đời không có thái qúa nào bằng biết ơn thái quá.” Hay như ngạn ngữ Anh có câu : “Cho người biết ơn là cho vay.”

Những tâm tình trên đây và những suy tư của Đức Cha Bùi Tuần có thể gợi lên cho chúng ta một tâm tình khác nền tảng hơn, đó là lòng tri ân đối với Thiên Chúa.

2. Tại sao phải tạ ơn Thiên Chúa ?

Thiên Chúa là Đấng ban ơn, chúng ta là người thụ ơn: Chúa đã dựng nên ta từ không mà có, ta được làm người, được làm con cái Ngài, được hưởng ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu, được Ngài chăm sóc mọi chuyện lớn nhỏ hằng ngày: hằng ngày ta có khí thở, có cơm ăn, áo mặc, có người chăm sóc dạy bảo…Tất cả đều là Thiên Chúa ban cho từng giây từng phút.

Và muôn vàn ơn khác nữa, nhưng trên hết và trước hết ngày hôm nay chúng ta phải nói tới đó ơn có linh mục trong Giáo Hội. Cha Park Min-Seo đã nói : “Tôi tạ ơn Thiên Chúa đã cho tôi làm linh mục.” Chắc chắn vị tân linh mục của chúng ta cũng đang mang trong mình tâm tình đó. Nhưng không phải chỉ các linh mục mới tạ ơn vì hồng ân linh mục mà tất cả mọi người đều phải tạ ơn Chúa vì hồng ân linh mục. Bởi vì, Chúa ban chức linh mục cho một số người vì lợi ích của tất cả chúng ta.

Thật vậy, Chúa ban chức linh mục cho một số người vì lợi ích của toàn thể nhân loại, đó là điều chúng ta phải tạ ơn Ngài. Thiên Chúa ban Linh mục làm trung gian giữa Ngài và loài người. Trước ngày chịu tử nạn, Chúa Giêsu đã lập chức linh mục và giao cho sứ mệnh tiếp tục công việc trung gian của mình cho đến ngày tận thế. Như câu ngạn ngữ người ta thường nói: Sacedos alter Christus = linh mục là Kitô thứ hai. Linh mục là người thay mặt, thay quyền Chúa Kitô như Người đã nói với các Tông đồ: “Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”(Ga 20, 21). Thánh Phaolô cũng quả quyết: “Chúng tôi làm đại sứ cho Chúa Kitô”(2Cr 5, 20). Linh mục là đại sứ, là đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Chúa, là Anten nối trời với đất và đất với trời. Linh mục là chiếc cầu kỳ diệu bắc từ đất lên trời, để Thiên Chúa đến với loài người và loài người lên cùng Thiên Chúa. Thư Dothái nói rất rõ: “Linh mục nào cũng là người được chọn trong số người phàm, và được đặt lên làm đại diện cho Người trong các mối tương quan với Thiên Chúa để dâng lễ phẩm cũng như lễ vật đền tội”(Dt 5,1).

Linh mục là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, điều đó được thể hiện rõ ràng nhất nơi các Bí tích: trong đạo Công Giáo còn gì cao trọng, thánh thiện bằng các Bí tích? Đó là máng chuyển thông ơn Thiên Chúa, là kho tàng bất tuyệt trên trời, là nguồn mạch sự sống siêu nhiên, là biển chứa công ơn cứu chuộc. Chúa đặt để trong tay linh mục, muốn ban phát cho ai, ở đâu, lúc nào tùy ý. Thánh Carolô Bôrômê đã thốt lên: “Thiên Chúa đã đặt vào tay tôi Con Một Ngài, là Đấng cũng bằng hữu, cũng cao sang như Ngài, thì còn gì Ngài chẳng trao ban cho tôi nữa ? Ngài đã đặt vào tay tôi các linh hồn là thứ Ngài quý nhất, Ngài yêu hơn chính mình và Ngài đã lấy bửu huyết mà chuộc lại. Ngài đã đặt vào tay tôi nước Thiên Đàng, để tôi có quyền mở đóng cho người ta...”

Thánh Gioan Viannay thì nói: “Nếu không có linh mục, thì sự thương khó và sự chết của Chúa không giúp gì cho ta.” Và Người đưa ra ví dụ : “Nếu trong rương có đầy vàng mà không có ai mở ra, nào có ích gì? cũng vậy, nếu không có linh mục, sẽ không có Bí tích Giải tội, không có Mình Thánh Chúa...ai là nguyên cớ để bánh trở nên Mình Thánh Chúa? Ai thanh tẩy tâm hồn ta? Ai dọn linh hồn người chết ra đi thanh thản...nếu không phải là linh mục.”

Vì những hồng ân trên, cho nên chúng ta phải Tạ ơn Thiên Chúa. Tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọng tình thương (x.Tv 107, 1).

3. Tại sao linh mục cần lời cầu nguyện ?

a. “Vì không có Thầy, các con không thể làm gì được.”(x. Ga 15,5)

Không có ơn Chúa vị linh mục không thể chu toàn được bổn phận và trách nhiệm mà mình đã thề hứa?

Trong nghi thức truyền chức, sau những câu chất vấn của Giám Mục: Vị tiến chức thưa: “CON MUỐN.”

Nhưng khi đến câu: - Con có muốn ngày càng liên kết mật thiết hơn với Đức Kitô thượng tế, Đấng đã tự hiến mình cho Chúa Cha làm lễ tinh tuyền vì chúng ta, và có muốn cùng với Người hiến thân cho Thiên Chúa để cứu độ loài người không?

Vị tiến chức lại thưa: “NHỜ ƠN CHÚA GIÚP CON MUỐN.”

Như vậy, vị tiến chức ý thức rằng “NHỜ ƠN CHÚA GIÚP” mình mới có thể chu toàn được nhiệm vụ Chúa và Giáo Hội trao phó. Cử chỉ tiến chức nằm phủ phục và cộng đoàn đọc kinh cầu các Thánh nói lên điều đó. Đó là hình ảnh tuyệt đẹp, gây xúc động trong ngày thụ phong linh mục nhất. Tiến chức nằm phủ phục dưới đất với cảm thức sâu xa về “cái bình sành dễ vỡ” nơi con người của mình. Thân phận con người với những giới hạn của bản thân luôn mỏng dòn, yếu đuối. Cần lời chuyển cầu của các Thánh và lời cầu nguyện của cộng đoàn dân Chúa, hay nói cách khác phải “nhờ ơn Chúa giúp” tiến chức mới dám đón nhận chức linh mục, đón nhận hồng ân cao cả mà Thiên Chúa trao ban.

b. Linh mục cần lời cầu nguyện để trở thành linh mục đích thực như lòng Chúa mong muốn, như Cha Park Min-Seo đã nói: “Xin mọi người cầu nguyện cho tôi để tôi sống khiêm tốn và là một linh mục đích thực.”

Vậy, linh mục đích thực là như thế nào?

Trên tường một phòng khách của Đại Chủng Viện Seuol, chúng ta có thể đọc thấy những dòng chữ sau đây:

“Mẫu linh mục lý tưởng mà người giáo dân mong muốn là: Một linh mục biết quan tâm đến những người yếu đuối và những kẻ bị xã hội bỏ rơi. Một linh mục không gắn chặt với của cải vật chất. Một linh mục khiêm nhường, hoà nhã trong lời nói và trong hành vi cử chỉ; không độc đoán; luôn trung thành với bề trên và biết sống tình huynh đệ với các anh em linh mục khác của mình. Một linh mục cử hành Phụng Vụ với cả tấm lòng mình – và dọn các bài giảng một cách chu đáo; không thiên vị và không phân biệt đối xử. Một linh mục quan tâm đến việc đào tạo các linh mục mới; không kiêu căng, cường quyền; luôn trung thành với chức linh mục của mình cho đến chết.”

Trong thánh lễ Năm Thánh cho các linh mục vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã vẽ ra chân dung của linh mục lý tưởng với 10 điểm sau đây: Linh mục hướng đến trái tim giáo dân; linh mục đi tìm chiên của mình; linh mục không sợ mình bị làm phiền; linh mục phải sẵn sàng bị chỉ trích; làm tất cả cho tất cả; linh mục biết đàn chiên của mình, trọn đàn chiên; linh mục hướng dẫn đến sự thánh thiện; người linh mục khiêm tốn; linh mục là nghệ nhân của hoà bình; linh mục vui vẻ trao đổi (Nguồn: phanxico.vn, ngày 9.06.2016).

Đó là mẫu linh mục mà giáo dân mong muốn và cũng là mẫu linh mục mà Chúa và Giáo Hội ước ao. Công đồng Vatican II trong Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục cũng nêu rõ:

Ngoài nhiệm vụ rao truyền Lời Chúa, dâng lễ, tham dự vào việc điều hành mục vụ của các Giám Mục, sự đoàn kết giữa các linh mục với nhau và giữa các linh mục và giáo dân…Các linh mục còn được gọi đến bậc sống trọn lành thiêng liêng. Các Ngài được mời gọi theo gương Chúa Giêsu, Đấng coi “của ăn của Người là làm theo Thánh ý Đấng đã sai Người và hoàn thành công việc của Ngài.” (x. Ga 4,34).

Công đồng còn trình bày những nhân đức chính và không khiếm khuyết nơi các linh mục như đức khiêm nhường, vâng lời, bác ái, giữ luật độc thân, khó nghèo trong tinh thần của cải vật chất và nhất là sự chọn đời sống khó nghèo thật.

Vì những đòi hỏi trên đây, mà các linh mục cũng là những con người với những yếu đuối của con người nên cần lời cầu nguyện của anh chị em để trở thành những linh mục đích thực như lòng Chúa mong muốn.

c. Rồi, Linh mục cần lời cầu nguyện của mọi người để có thể vượt qua những thử thách đau khổ trong đời sống: Chúa không hứa cuộc sống hạnh phúc đời này cho linh mục nhưng CHÚA HỨA “THẬP GIÁ” TRONG ĐỜI SỐNG LINH MỤC.

Chúa nói: “Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta”(x. Mt 16,24); “Thầy sai các con đi như đàn chiên đi giữa bầy sói”(x. Mt 10,16); “Môn đệ không trọng hơn Thầy”(x. Mt 10,24). Hiểu được điều đó, cho nên Mẹ Thánh Gioan Đông Boscô nói với Thánh nhân khi Ngài mới được truyền chức linh mục rằng: “Con ơi, mẹ nói với con: ngày con lên bàn thờ là ngày con bắt đầu đau khổ”.

Còn linh mục Nguyễn Tầm Thường nói về thiên chức linh mục như thế này: “Có nhiều hình ảnh nói về thiên chức linh mục nhưng nếu gọi Chúa là Đấng xóa tội trần gian thì hình ảnh ‘thùng rác’ cũng là hình ảnh có thể diễn tả chức linh mục của Chúa”. Tại sao vậy? Anh chị em cũng đã hiểu công dụng của thùng rác như thế nào rồi, là để đựng rác, và đem đổ đi. Cũng vậy, tội lỗi là rác rưởi, là những gì xấu xa, không ai dám nói ra...Thế mà nơi tòa giải tội, linh mục phải nghe tất cả, họ đến trút hết cho linh mục. Linh mục là một thùng rác.

Mạc Kim viết thay lời tựa cho cuốn sách “Linh mục người là ai” của tác giả Lã Mộng Thường rằng: “Linh mục không chỉ là vị thừa sai mà còn là một thừa sai của giới con chiên. Một ‘đầu sai thì đúng hơn…’ Mạc Kim nêu lên mấy dẫn chứng như là đi kẻ liệt, giải quyết các vụ việc bất hoà…Rồi tác giả viết tiếp: ‘…Có ai ngờ chuyện “nàng dâu mẹ chồng” chỉ xảy ra dưới mái gia đình người đời đã là một chuyện đầu đề…! Có điều ở nơi kia, giỏi lắm, nàng dâu chỉ có một mẹ chồng khó tính để phục dịch, hầu hạ; còn linh mục lại có hàng hà sa số ‘những bà mẹ chồng’ thuộc mọi lứa tuổi, đẳng cấp, và tính tình!”

Những gợi ý trên đây diễn tả phần nào những khó khăn, những đòi hỏi gắt gao, những mạo hiểm và những hy sinh vất vả của đời linh mục, người làm công tác Tông đồ. Trong tuồng thương khó vai khó đóng nhất là vai Chúa Giêsu, làm sao diễn được vẻ uy nghi thánh thiện của Ngài. Nhưng đó chỉ là chuyện kịch tuồng trong chốc lát. Còn linh mục đóng vai Chúa Giêsu trót đời trước mặt người ta. Chẳng những linh mục là người của Thiên Chúa: “Homo Dei”, nhưng còn là Thiên Chúa ở giữa trần gian: “Deus terrenus”. Chính vì vậy, linh mục cần lời cầu nguyện của cộng đoàn.

Về nơi đây, chúng ta cùng hiệp ý với Tân Linh mục trong tâm tình tri ân cám tạ: tạ ơn Thiên Chúa và cám ơn mọi người. Đồng thời, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện nhiều cho hàng linh mục đặc biệt là tân linh mục Marcô trở thành linh mục như lòng Chúa mong muốn. Amen.

Lm. Anthony Trung Thành

(Bài chia sẻ lễ tạ ơn tân Lm. Marcô Nguyễn Trung Lưu, tại Giáo xứ Cầm Trường, Gp Vinh, ngày 17 tháng 06 năm 2016)

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chiến lược thâm hiểm của Trung Quốc
Lữ Giang
10:10 16/06/2016
Nói về Biển Đông mà không nắm vững chiến lược và chiến thuật của Hoa Kỳ cũng như Trung Quốc, chỉ đọc các tin tức về các diễn biến đang diễn ra mỗi ngày, thường được thổi phòng để phục vụ cho các mục tiêu từng giai đoạn, rất khó biết được chính xác “Địch” và “Đồng Minh” đang làm gì và sẽ đưa Biển Đông đi tới đâu. Suy nghĩ và hành động theo cảm tính thường đưa tới chiến bại.

Gs. Alex Vuving
Chúng tôi đã viết nhiều bài nói về chiến lược của Mỹ ở Biển Đông dựa trên sự phân tích và phê phán của một số chuyên gia quốc tế, đó là xử dụng “chiến lược chiến tranh ủy nhiệm” (poxy war strategy) bằng cách gây áp lực và thúc đẩy các quốc gia trong khu vực hình thành một lực lượng đối phó với Trung Quốc, còn Mỹ chỉ đứng ngoài yểm trợ, bán vũ khí và xin gia tăng chi phí quốc phòng để sáng chế các vũ khí mới. Chiến lược này đã được áp dụng tại Trung Đông và đang thành công, nhưng nó đã thất bại khi thử đem áp dụng tại Đông Âu. Còn tại Biển Đông thì sao?

Chúng tôi cũng đã nghiên cứu, nói và viết nhiều lần về mục tiêu và chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông. Qua các cuộc nghiên cứu, chúng tôi nhận thấy rằng công trình nghiên cứu và phân tích của Giáo sư Alexander L. Vuving về vấn đề này rất hữu ích. Ông là Giáo sư trường Đại Học Tulane, dạy về các môn Quan hệ Quốc tế và đang tham gia vào Các cuộc Nghiên cứu về An ninh của Trung Tâm Á Châu Thái Bình Dương Daniel K. Inouye ở Honolulu, một viện nghiên cứu của Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ. Chúng tôi xin tổng kết những tài liệu chính của ông về Biển Đông để giúp độc giả thấy rõ hơn tham vọng của Trung Quốc ở Biển Đông, cách thức hành động của Trung Quốc để đạt mục tiêu họ muốn, Mỹ và các cường quốc đang đối phó như thế nào.

THỰC HIỆN “GIẤC MƠ TRUNG QUỐC”

Giáo sư Alexander L. Vuving cho rằng chiến lược lấn chiếm Biển Đông của Trung Quốc chỉ là một phần của một nỗ lực lớn hơn để đạt được “Giấc mơ Trung Quốc”, khôi phục lại vị trí mà Trung Quốc tự cho là chỗ đứng xứng đáng của họ, đó là ở trên đầu các quốc gia khác.

Chúng tôi xin nhắc lại, ngày 17.3.2013, tại Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 12, kỳ họp thứ nhất. Tập Cận Bình được bầu làm Chủ tịch Nước. Trong bài phát biểu ông đã đề cập đến cụm từ "Giấc mơ Trung Quốc ". Sau đó cụm từ này được sử dụng rộng rãi trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc. Tập Cận Bình mô tả rằng "Sự phục hưng vĩ đại của dân tộc Trung Hoa là giấc mơ lớn nhất của Trung Quốc". Ông cũng tuyên bố rằng những người trẻ tuổi nên "dám ước mơ, làm việc cần mẫn để thực hiện những ước mơ và đóng góp vào sự phục hồi của quốc gia".

Sau đó, Tập Cận Bình đưa ra quyết định tái cơ cấu, hiện đại hóa và tăng cường khả năng chiến đấu của quân đội Trung Quốc nhằm mục đích bắt kịp trình độ các cường quốc ở châu Âu và Mỹ, mở rộng phạm vi hoạt động của quân đội Trung Quốc ra bên ngoài lãnh thổ quốc gia.

Giáo sư Alexander L. Vuving cho rằng nếu các đối thủ của Trung Quốc không có đối sách bẻ gãy chiến lược này, Trung Quốc sẽ nổi lên như là chúa tể của Biển Đông, ít nhất là trong nhận thức của hầu hết các nước trong khu vực. Từ đây, sẽ chỉ còn vài bước để vươn tới vị trí bá quyền khu vực và toàn cầu. Theo ông, trong thực tế, huyết mạch của nền kinh tế châu Á chạy qua Biển Đông, và châu Á đã trở thành chấn tâm kinh tế thế giới, ai kiểm soát Biển Đông sẽ thống trị châu Á, và bất cứ ai thống trị châu Á sẽ thống trị thế giới.

CHIẾN LƯỢC LẮT LÉO CỦA TRUNG QUỐC

Alexander L. Vuving nói rằng Trung Quốc đang theo đuổi một chiến lược dựa trên những nguyên tắc rất khác với lối nghĩ thông thường. Triết lý đằng sau chiến lược này có thể được tìm thấy trong Binh pháp của Tôn Tử. Ý tưởng then chốt là làm sao để “không đánh mà vẫn thắng” (winning without fighting). Mục tiêu tổng thể là giành quyền kiểm soát Biển Đông nhưng không phải thông qua các trận đánh lớn mà qua các hoạt động từng bước thay đổi thực địa, tạo dựng một sân chơi có lợi cho mình, làm thay đổi về mặt tâm lý những tính toán chiến lược của các quốc gia khác. Lý luận cơ bản của chiến lược này là khéo léo tác động lên các cấu hình chiến lược của khu vực để làm thay đổi thực tế theo xu hướng có lợi cho sự thống trị của Trung Quốc.

Ngày 28.5.2013, tờ Daily Mail Trung Quốc xuất bản bài viết với tiêu đề “Trung Quốc tự hào chiến lược khôi phục các đảo, bãi đá ngầm bị Philippines chiếm đóng” dựa trên cuộc phỏng vấn truyền hình với Tướng Trương Triệu Trung của Quân Đội Nhân Dân Trung Quốc. Ông này cho biết Hải Quân đang vây hãm đảo Scarborough, đảo nằm trên Biển Đông và đang là tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines, như chiếc "cải bắp" với nhiều tàu chiến. Khi có tranh chấp lãnh hải, đầu tiên Trung Quốc đưa tàu cá đến khu vực, tiếp theo là tàu hải giám và cuối cùng là tàu chiến. Mỗi lúc thích hợp lại sử dụng một lớp, xiết chặt dần hơn để khẳng định yêu sách của Bắc Kinh. Chiến lược này được gọi là “chiến lược bóc lá bắp cải” hay “chiến lược tằm ăn dâu”.

Theo Xinhua, tính đến cuối năm 2013, hơn 50.000 tàu cá của Trung Quốc được trang bị hệ thống định vị vệ tinh Bắc Đẩu, giúp kết nối với lực lượng tuần duyên Trung Quốc mỗi khi có sự cố trên biển. Họ chỉ phải trả 10% giá trị thiết bị, còn lại chính quyền hỗ trợ. Các ngư dân ở đảo Hải Nam nói với Reuters rằng chính phủ khuyến khích họ đi đến các vùng có tranh chấp. Mỗi tàu có động cơ 500 mã lực được trả 320-480 USD mỗi ngày. Bình luận trên National Interest, tác giả Harry J. Kazianis cho rằng vũ khí lợi hại nhất của Bắc Kinh không phải là quân sự mà có thể là các tàu cá.

Các tàu đánh cá Trung Quốc
Theo Giáo sư Alexander L. Vuving, có ba yếu tố cần có để theo đuổi chiến lược bành trướng lắt léo của Trung Quốc. Yếu tố đầu tiên là tránh tối đa những trận đánh lớn. Yếu tố thứ hai là kiểm soát các vị trí chiến lược trong khu vực nếu những vị trí này còn chưa có ai chiếm hữu. Cần phải chiếm một cách âm thầm lén lút nếu có thể, và bằng một cuộc xung đột có giới hạn nếu cần thiết. Yếu tố thứ ba là phát triển những vị trí này thành các trạm kiểm soát mạnh, các trung tâm hậu cần vững chắc và các căn cứ triển khai sức mạnh quân sự một cách hiệu quả. Tất cả đến nhằm thiết lập uy thế và chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.

THÀNH QUẢ TRUNG QUỐC ĐẠT ĐƯỢC

Kể từ năm 2014, quần đảo Trường Sa đã trở thành một công trường xây dựng lớn độc nhất vô nhị. Hàng chục tàu của Trung Quốc đã làm việc suốt ngày đêm, cắt san hô và nạo vét cát đáy biển để biến những rạn đá chìm thành đảo nổi nhân tạo. Trong vòng chưa đầy một năm, Trung Quốc đã tạo ra hơn 10 km vuông đất mới trên 7 địa điểm khác nhau trên cả quần đảo mà tổng diện tích đất ban đầu chỉ có khoảng 4 km vuông. Bãi Chữ Thập, chìm ở thuỷ triều cao khi bị Trung Quốc chiếm đóng vào năm 1988, giờ đã là một hòn đảo rộng 2,74 km2 đủ lớn để chứa một đường băng dài 3.100 mét và một bến cảng rộng 63 ha. Tuy là đảo nhân tạo, Bãi Chữ Thập đã gấp gần 6 lần diện tích hòn đảo tự nhiên lớn nhất ở Trường Sa là đảo Ba Bình, nhưng nó vẫn nhỏ hơn hai hòn đảo nhân tạo khác. Vào tháng 6 năm 2015, Trung Quốc đã tạo được 4 km vuông đất tại Xu bi và và 5,6 km vuông đất tại Vành Khăn, và những con số này vẫn đang tiếp tục tăng trưởng.

Cảnh đảo Phú Lâm

Trung Quốc gần đây đã nâng cấp một đường băng dài 3.000 mét và một cảng nước sâu dài 1.000 mét. Đường băng này có khả năng đón nhận ít nhất 8 máy bay thế hệ thứ tư như máy bay chiến đấu SU-30MKK và máy bay ném bom JH-7, trong khi các bến cảng có thể tiếp nhận những tàu có trọng tải từ 5.000 tấn trở lên. Một đường băng và một cảng có kích cỡ tương tự đã được xây dựng tại Bãi Chữ Thập.

Cảnh đảo Phú Lâm
Trung Quốc có thể không tấn công những thực thể địa lý mà các quốc gia khác đang chiếm đóng nhưng họ sẽ tăng cường nỗ lực bí mật kiểm soát những thực thể địa lý chưa có người nhưng ở vào những vị trí chiến lược. Trung Quốc sẽ không chịu đưa tranh cãi ra toà, và vì là quốc gia mạnh nhất trong khu vực, Bắc Kinh có thể thi hành bất cứ điều gì mà họ tự cho là hợp pháp. Mục tiêu của Bắc Kinh dường như là muốn chiếm ưu thế trên không và trên biển vào những lúc mà không có sự can thiệp quân sự của Hoa Kỳ. Trung Quốc có thể sẽ không cản trở các tuyến thương mại trên không và trên biển ở Biển Đông, nhưng sẽ chẳng có gì đáng ngạc nhiên nếu như Trung Quốc sẽ thỉnh thoảng chặn một số tàu thuyền và máy bay, cả dân sự lẫn quân sự, của những quốc gia phản đối những nỗ lực bá quyền khu vực của họ.

RỒI BIỂN ĐÔNG SẼ ĐI VỀ ĐÂU?

Giáo sư Alexander L. Vuving đặt câu hỏi: Vậy kết cục của cuộc chơi xây dựng đảo này sẽ là gì? Và ông trả lời:

“Vai trò của các hòn đảo nhân tạo này trong thời kỳ chiến tranh và ở phương diện luật biển rất đáng hoài nghi. Những hòn đảo này quá nhỏ và quá cô lập để có thể chống đỡ các cuộc tấn công lớn, chúng có thể dễ dàng trở thành gánh nặng trong thời gian chiến tranh. Chỉ là đảo nhân tạo, những thực thể địa lý này sẽ không thể được hưởng một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Vậy tại sao Trung Quốc lại đầu tư những nguồn lực khổng lồ để tạo ra những hòn đảo này? Trung Quốc cần những đảo này làm gì?”

Khi vẽ đường chín đoạn, Trung Quốc muốn dựa vào học thuyết “vùng nước lịch sử” (historic water) để coi Biển Đông như ao nhà của Trung Quốc. Nhưng Luật Biển năm 1982 không công nhận “vùng nước lịch sử”, nên Trung Quốc quyết định dùng sức mạnh để áp đặt tham vọng của họ. Tuy nhiên, vì sức mạnh của Trung Quốc chỉ có giới hạn, Trung Quốc phải áp dụng “chiến lược tằm ăn dâu” để lấn chiếm dần. Nhưng các đảo nhân tạo do Trung Quốc xây dựng, như Giáo sư Alexander L. Vuving đã phân tích, có giá trị rất ít về phương diện quân sự cũng như kinh tế, và khi chiến tranh xảy ra, nó có thể bị thanh toán một cách dễ dàng.

Phải chăng khi nhận ra tham vọng và các yếu điểm về chiến lược của Trung Quốc, Hoa Kỳ đã tương kế tựu kế, tuyên bố “xoay trục” về Á Châu và “biểu dương khí thế” để khích thích Trung Quốc gia tăng việc thiết lập các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Biển Đông, rồi thổi phồng lên để xin gia tăng chi phí quốc phòng như tờ Washington Post đã tố cáo?

Báo cáo “Hiện đại hóa hải quân Trung Quốc: Ảnh hưởng đối với hải quân Mỹ” do Quốc hội Mỹ công bố cho biết số lượng tàu ngầm của Trung Quốc hiện nay dao động trong khoảng 66 đến 75 chiếc. Theo phân tích của Ủy ban Quân sự Hạ viện Mỹ, số lượng tàu ngầm của quân đội Trung Quốc có thể đạt con số 99 chiếc vào trước năm 2030.

Trong khi đó, lực lượng chống ngầm của Mỹ và đồng minh quá mạnh. Chỉ riêng Mỹ và Nhật Bản đã có gần 200 chiếc máy bay tuần tiễu chống ngầm P-3C Orion, P-1 Kawasaki và P-8A Poseidon. Số lượng máy bay này thừa sức giăng thiên la địa võng khắp Biển Đông và Biển Hoa Đông, phong tỏa lối ra vào Thái Bình Dương. Trung Quốc lại thiếu căn cứ tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo, chỉ có một căn cứ tàu ngầm chiến lược tại đảo Hải Nam. Các chuyên gia Mỹ nói rằng các lực lượng tàu ngầm Trung Quốc còn rất nhiều điểm yếu mà nếu khai thác triệt để thì việc tiêu diệt lực lượng này là không quá khó.

Nhìn qua các chiến lược và chiến thuật của Địch và Đồng Minh trên Biển Đông, chúng ta thấy rằng số phận của Biển Đông đã vượt ra ngoài tầm tay của các nước nhỏ trong vùng như Việt Nam, Philippines và Mã Lai. Do đó, phương thức tranh đấu để bảo vệ Biển Đông của người Việt đấu tranh hiện nay không có tác dụng nào đáng kể.

Ngày 16.6.2016
 
Văn Hóa
Mừng Hiền Phụ 2016
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:19 16/06/2016
HIỀN PHỤ 2016

CÔNG CHA
Công cha biển rộng non cao,
Trải qua gian khó, biết bao nhọc nhằn
Nắng trưa mảnh đất khô cằn
Thân gầy cuốc xới, in hằn vết nhăn.
Hoa mầu ruộng lúa cầm canh,
Cố công vun xới, đất lành trổ hoa.
Quê cha đất tổ hiền hòa,
Chung tay gầy dựng, xóm nhà đông vui.
Làng trên xóm dưới tới lui,
Giao thân kết nghĩa, nên xui họ hàng.
Con đàn cháu đống cùng làng,
Giúp nhau thăng tiến, an khang mọi bề.

ĐỜI CHA
Cha ơi, hai chữ dấu yêu,
Kết lời giao ước, cao siêu mối tình.
Duyên trao kết hợp thân mình,
Tuổi đời trai tráng, an bình phúc thay.
Lo toan cuộc sống hôm nay,
Bôn ba vất vả, nhiều ngày lắng lo.
Trọn bề gia đạo ấm no,
Lập thân gia thất, đắn đo sống còn.
Thời gian nước chảy đá mòn,
Cha già đáng kính, đàn con quây quần.
Chúc cha sức khỏe bát tuần,
Gia đình xum họp, hợp quần an vui.

LÒNG CHA
Mừng ngày Hiền Phụ phúc ban,
Vòng tay ấp ủ, muôn vàn yêu thương.
Bên cha từng bước tựa nương
Dìu qua muôn lối, dẫn đường con đi.
Có cha con khỏi lo chi,
Tình cha nhân ái, khắc ghi cõi lòng.
Cuộc đời phấn đấu long đong,
Thương con yêu dấu, cầu mong tháng ngày.
Yêu thương ấp ủ hôm nay,
Mai sau đỗ đạt, nở mày mẹ cha.
Tương lai hạnh phúc cả nhà,
Dấn thân nối dõi, tộc gia họ hàng.

ƠN CHA
Ân thiêng phúc đức tuôn tràn,
Tình yêu định mệnh, trao ban vào đời.
Nhiệm mầu sự sống cao vời,
Ơn trên Tạo Hóa, gọi mời cưu mang.
Làm người nhận biết ân ban,
Thiên tài phú bẩm, chứa chan ân tình.
Hồn thiêng thân xác kết tinh,
Cha con đồng dạng, đồng hình như nhau.
Cuộc đời kết nối trước sau,
Hậu sinh khả ái, hãy mau đáp lời.
Ơn cha phúc đức bao đời,
Tu thân tích đức, gọi mời dấn thân.

TÌNH CHA
Cha hiền trung nghĩa sắt son,
Yêu thương chớm nở, đưa con vào đời.
Tình cha núi thái cao vời,
Mở đường dẫn lối, gọi mời sống chung.
Tình yêu ân lộc bao dung,
Nêu gương công đức, anh hùng lập thân.
Ngày đêm sáng tối chuyên cần.
Thức khuya dậy sớm, vạn lần gắng công.
Dù cho mưa nắng gió giông,
Đường xa muôn nẻo, mắt trông hướng về.
Gia đình tổ ấm mọi bề,
Đoàn con yếu dấu, chẳng nề tấm thân.

YÊU CHA
Thức khuya dậy sớm lo toan,
Cửa nhà êm ấm, thành toàn rập khuôn.
Ơn cha cây cội nước nguồn,
Xuôi dòng nước chảy, suối tuôn dạt dào.
Bao la ân lộc gởi trao,
Bóng cây cổ thụ, biết bao ân tình.
Đàn con núp bóng an bình,
Dầu cho mưa nắng, gia đình sống vui.
Cuộc đời cay đắng ngọt bùi,
Bước đường ngang dọc, tiến lùi dấn thân.
Gian nan khổ ải thế trần,
Vai mang gánh nặng, vạn lần khó khăn.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ao Sen Vào Hạ
Đặng Đức Cương
18:21 16/06/2016
AO SEN VÀO HẠ
Ảnh của Đặng Đức Cương
Bỏ phố về đây vui ngắm sen
Quên ngày, đoạn tháng chốn bon chen
Buồn vui thế cuộc người quân tử
Cũng tựa sen thơm ngát chốn thiền.
(Trích thơ của Thanh Nguyễn)