Ngày 10-06-2010
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nền Công Chính
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
00:00 10/06/2010
Chúa Nhật Thứ 11 Mùa Thường Niên - Năm C

Con người được nên công chính không phải nhờ đã làm những gì luật dạy nhưng nhờ lòng tin, tin vào tình yêu của Thiên Chúa. Chủ đề này đã được thánh Tông đồ dân ngoại triển khai với nhiều minh chứng hùng hồn đặc biệt trong hai thư gửi tín hữu Galata và Rôma. Được nên công chính hay được công chính hóa nghĩa là gì? Công chính hóa là quá trình một tội nhân được hòa giải với Thiên Chúa. Công chính hóa là thay đổi từ tình trạng con cái Ađam cũ (tình trạng tội lỗi) sang tình trạng làm con cái Thiên Chúa nhờ công trạng của Ađam mới (x.Dz 1524). Về mặt tiêu cực đó là tình trạng được thứ tha tội lỗi. Về mặt tích cực đó là tình trạng được giao hòa với Thiên Chúa, được làm con cái Thiên Chúa, được hưởng hạnh phúc vĩnh cửu Thiên Chúa ban tặng. (x.Tự Điển Công Giáo phổ thông – Công chính hóa – J.A.Hardon)

Tình trạng tội lỗi, bất xứng, bất toàn của con người: Giáo lý Công giáo truyền dạy rằng do bởi sự bất tuân của Ađam cũ, nhân loại bị đắm chìm trong tình trạng tội nhơ. Và con người dù lớn hay bé, dù chứ phận cao hay thấp, dù nam hay là nữ…đều có thể phạm tội, tội mọn cũng như tội nặng. Bài đọc thứ nhất trích sách Samuel và bài Tin Mừng thánh Luca được trích đọc trong Chúa Nhật XI TN C làm một minh họa.

Được Thiên Chúa ưu ái tuyển chọn, xức dầu phong vương làm vua, được Thiên Chúa yêu thương ban nhiều ân lộc, cụ thể là cả một đất nước, một vương triều với nhiều cung tần phi nữ, thế mà Đavít đã làm điều dữ đáng ghê tởm. Đavit không chỉ phạm tội ngoại tình mà còn âm mưu giết Uria để cướp lấy vợ của ông ta. Và đây, một phụ nữ không tên tuổi xuất hiện tại nhà người biệt phái đã mời Chúa Giêsu dùng bữa. Tin Mừng ghi chị “vốn là người tội lỗi trong thành”. Không biết chị đã phạm những tội gì, nhưng chắc chắn là tội công khai và gây gương mù gương xấu.

Một nam và một nữ, cả hai đều là tội nhân. Một chức cao quyền lớn và một nữ nhi vô danh bé phận, cả hai đều phạm tội và chắc hẳn tội không nhỏ. Trong câu chuyện người phụ nữ phạm tội bị bắt quả tang mà Tin Mừng thánh Gioan tường thuật có chi tiết khá hiện sinh về tình trạng tội lỗi của con người. Sau khi Chúa Giêsu ngẩng mặt lên và nói: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”, thì cả đám đông, đều rút lui cách trật tự, bắt đầu từ người lớn tuổi (x.Ga 8,1-11). Ngay thánh Tông đồ dân ngoại cũng đã từng thú nhận: “Sự thiện tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.”(Rm 8,19).

Ơn tha thứ là hồng ân vượt quá khả năng của con người. Tự sức mình, trong phận thụ tạo thấp hèn, con người không thể có khả năng giao hòa với Đấng Toàn năng. Ơn công chính hóa con người nhận lãnh là do Thiên Chúa đoái thương thi ân. Như thế cần khẳng định rằng Thiên Chúa là nguyên nhân tác thành, là điều kiện ắt có của ơn công chính hóa mà con người thụ hưởng. Sự đáp trả của con người trước tình thương của Thiên Chúa được xem như là điều kiện đủ mà thôi. Và điều kiện đủ ấy chính là niềm tin, tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Chúng ta cùng xem xét một vài hình thức biểu lộ lòng tin.

1.Khiêm nhu nhìn nhận tội lỗi của mình: Đavít đã khiêm nhu nói với Nathan: “Tôi đắc tội với Đức Chúa”(2Sm 12,13). Và tiên tri Nathan đã phán rằng Thiên Chúa đã bỏ qua tội lỗi cho Đavít. Chúa Kitô cũng đã từng kể câu chuyện hai người lên đền thờ cầu nguyện, một người biệt phái và một người thu thuế. Người biệt phái đứng thẳng tạ ơn Chúa và kể lể công trạng mình là không chỉ không trộm cắp, không ngoại tình, không xấu xa như người thu thuế đứng phía sau mà còn ăn chay một tuần hai lần, dâng cúng cho Chúa mười phần trăm thu nhập. Thế mà Chúa Kitô kết luận ông này ra về không được công chính hóa. Trong khi đó người thu thuế thì khiêm nhu đứng đằng xa, cúi mặt xuống đấm ngực thú nhận mình là kẻ tội lỗi và xin Chúa thương xót thì lại được nên công chính (x.Lc18,9-14). “Con đã xưng tội ra với Ngài, chẳng giấu Ngài lầm lỗi của con. Con tự nhủ: ‘Nào ta đi thú tội với Chúa,’ và chính Ngài đã tha thứ tội vạ cho con”(Tv 32) Những lời Thánh Vịnh trên đây chắn chắn là tâm tình của vua Đavít, một người vốn đầy tội lỗi thế mà đã được gọi là thánh vương, không phải vì công trạng gì của ngài mà chỉ nhờ ngài tin vào lòng lân tuất của Thiên Chúa.

2.Yêu mến Chúa nồng nàn: Yêu thương là một cách thế biểu lộ lòng tin cách tuyệt hảo. Yêu thương ai thì trao dâng cho người ấy những gì tốt nhất, quý giá nhất của mình. Chị phụ nữ đã dâng trao cho Chúa Giêsu những gì là quý giá nhất của chị. Trước hết đó là danh dự của chị, khi chị không ngại ngần đến chổ công khai để gặp Chúa Giêsu. Gặp Chúa rồi, chị tiếp tục dâng dòng nước mắt của mình, mái tóc của mình, đôi môi của mình và dầu thơm để nâng niu bàn chân của Chúa. Qua cử chỉ mến yêu ấy, Chúa Giêsu thấy được lòng tin của chị để rồi phán: “Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an”(Lc 7,50). Đâu có hơn gì Giuđa hay các anh em còn lại, Phêrô đã ba lần chối bỏ Thầy, thậm chí trước cả một đầy tớ gái. Thế nhưng Phêrô đã nhận được hồng ân thứ tha, ơn công chính hóa, nhờ cái tình dành cho Thầy mình, một cái tình đã được minh định rõ trên bờ hồ Tibêria sau khi Chúa phục sinh (x.Ga 21,15-19). Chính thánh nhân đã để lại cảm nghiệm của ngài cho chúng ta: “Tình yêu phủ lấp muôn vàn tội lỗi”(x.1P 4,8).

Là Kitô hữu, chúng ta vốn khát mong được làm con cái Thiên Chúa trong ân sủng hầu được hưởng gia nghiệp muôn đời là hạnh phúc vĩnh cửu. Đây là ân ban của Thiên Chúa. Không một ai có thể tự mình chiếm lấy hạnh phúc này. Chúng ta chỉ có thể đón hạnh phúc này bằng đức tin. Để biểu lộ niềm tin vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì chúng ta cần khiêm nhu nhìn nhận thân phận bất xứng, tội nhơ của mình và đồng thời yêu mến Thiên Chúa hết lòng. Một người đã chân thành nhìn nhận sự bất toàn, bất xứng và tội nhơ của mình thì chắc chắn sẽ có lòng khoan dung với lầm lỗi của tha nhân. Một người đã hết lòng mến yêu Thiên Chúa thì cũng sẽ sống hết lòng, hết tình với tha nhân, nhất là với những người bé mọn. Chính Chúa Kitô đã nhiều lần khẳng định sự thật này: “Anh em đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán!”(Mt 7,1). “Anh em hãy tha thứ, thì sẽ được Thiên Chúa thứ tha”(Lc 6,37). “Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy để thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thưở tạo thiên lập địa…vì các người đã biết yêu thương đồng loại, đặc biệt những người bé mọn, cho dù các ngươi không biết là đã làm cho chính Ta.”(x.Mt 25,31-46).
 
Tâm Sự Với Chúa Mỗi Ngày
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
03:07 10/06/2010
Thứ hai sau Chúa nhật 11 Thường niên

Mt 5,38-42

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là hoàng tử bình an, là ông vua thái bình. Chúa đã đến để mang lại cho chúng con ơn bình an. Chúa đã dạy chúng con cách thức để được bình an, đó là sự tha thứ và nhường nhịn lẫn nhau. Xin giúp chúng con biết học nơi Chúa luôn dịu hiền và khiêm nhường trong lòng. Xin giúp chúng con cũng biết trao ban lời bình an cho tha nhân thay vì những lời giận dỗi, chua cay.

Chúa ơi, nếu cuộc sống chúng con chỉ lấy oán báo oán thì oán sẽ chập chùng. Và hận thù sẽ nối tiếp hận thù phải không Chúa? Nếu cuộc sống chỉ quanh đi quẩn lại những hận thù, bỏ vạ, cáo gian, có lẽ đó là những ngày tháng bất hạnh và đau thương của kiếp sống con người!. Xin Chúa giúp chúng con biết tha thứ cho nhau thay vì nuôi dưỡng giận hờn. Xin giúp chúng con biết nghĩ tốt, nói tốt về nhau thay vì nghĩ xấu, nói xấu về nhau. Xin giúp chúng con luôn nhớ rằng: “bạo động chỉ gây thêm bạo động, chỉ có tình yêu mới mang lại tình yêu”.

Lạy Chúa là Đấng chậm bất bình và rất mực khoan nhân, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa luôn sống yêu thương và hoà thuận với mọi người. Amen

Thứ ba sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 5,43-48

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con khao khát được Chúa ngự đến tâm hồn. Chúng con cũng khao khao được trở nên giống Chúa trong yêu thương mọi người. Chúa cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Xin giúp chúng con cũng đối xử tốt với tất cả mọi người. Xin sửa dạy chúng con khỏi tính hẹp hòi, ích kỷ để chúng con sống quảng đại và luôn sẵn lòng giúp đỡ anh em.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin ban cho chúng con một tâm hồn quảng đại, một quả tim tràn đầy yêu thương, một cái nhìn khoan dung nhân hậu, để chúng con luôn biết cảm thông thay cho chấp nhất lẫn nhau; tha thứ thay cho kết án; yêu thương thay cho hận thù; đem niềm vui nâng đỡ thay cho thái độ hạ bệ và kết án anh em. Xin dạy chúng con biết xây dựng tình người, tình bằng hữu hơn là nóng giận phá đổ tình người. Xin giúp chúng con biết tìm kiếm an bình từ những nghĩa cử yêu thương, vị tha của chúng con.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết học nơi Chúa, luôn nói tốt, nghĩ tốt cho mọi người, ngay cả khi bị làm nhục, chúng con vẫn can đảm thưa lên cùng Chúa: “Lạy Chúa, xin tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”. Amen

Thứ Tư sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,1-6.16-18

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúa là sức sống, là thần lương nuôi dưỡng linh hồn chúng con. Chúng con tạ ơn Chúa đã ban cho chúng con ơn huệ cao quý là chính Mình Thánh Chúa trở nên lương thực nuôi dưỡng chúng con. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình khiêm hạ của Chúa để chúng con biết cúi xuống phục vụ tha nhân.

Nhưng Chúa ơi, xin tha thứ vì những lần chúng con sa vào cạm bẫy của lợi danh. Chúng con hay cậy mình khoe khoang khi làm được một việc gì đó cho anh em! Chúng con thường kiêu căng khi thành công và coi thường bạn bè khi các bạn yếu kém hơn mình. Chúng con thích phô diễn tài năng để được khen thưởng hơn là để phục vụ một cách khiêm nhu.

Lạy Chúa, Chúa là Đấng thấu suốt mọi sự. Xin ban cho chúng con sự can đảm để dũ bỏ những hình thức giả dối bên ngoài, và luôn sống chân thật trước mặt Chúa và chân thành khi giúp đỡ tha nhân. Amen

Thứ Năm sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,7-15

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Cầu nguyện là phương thế để chúng con tìm kiếm ý Chúa. Cầu nguyện giúp chúng con gần gũi với Chúa và sống trong tình yêu của Chúa. Xin giúp chúng con biết siêng năng kết hợp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, để chúng con được sống trong ân nghĩa của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy chúng con biết cách cầu nguyện theo ý Chúa. Chúa cũng dạy cho chúng con hiểu rõ và hiểu đúng mối liên hệ giữa chúng con với Chúa Cha và với nhau. Xin cho chúng con biết một lòng làm vinh danh Chúa qua việc thực thi giới luật yêu thuơng một cách nhiệt thành và quảng đại. Xin giúp chúng con biết mặc lấy tâm tình từ bi nhân hậu của Chúa để chúng con cũng biết sống ôn hoà và tha thứ cho nhau. Xin cho chúng con luôn biết vì Chúa để sống hy sinh cho nhau và đối xử tốt với nhau. Xin giúp chúng con tháo gỡ những bất hoà ghen ghét trong gia đình, trong giáo xứ đang làm mất hoà khí anh em con một Cha trên trời. Xin giúp chúng con đừng vì những ích kỷ cá nhân mà làm mất vẻ đẹp Hội Thánh bởi những hành vi thiếu bác ái, cảm thông, tha thứ của chúng con.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con mỗi lần cùng nhau đọc kinh lạy Cha, chúng con cũng biết làm cho Nước Chúa hiển trị bằng đời sống huynh đệ trong yêu thương và bác ái chân thành. Amen

Thứ sáu sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,19-23

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Qua bí tích Thánh Thể, Chúa ngự đến tâm hồn chúng con, xin Chúa cũng mang ơn thánh hoá thanh tẩy tâm hồn chúng con khỏi những bợn nhơ tội lỗi, và thanh thoát khỏi những đam mê mọn hèn. Xin giúp chúng con biết làm chủ tư tưởng, ước muốn, việc làm của chúng con luôn quy hướng về Chúa là cùng đích cuộc đời chúng con.

Lạy Chúa, ở đời người ta thường chạy theo danh lợi thú. Chúng con cũng quá lao nhọc đến lao tâm về danh vọng trần gian. Chúng con ưa tìm hư danh bằng những thành tích khen thưởng, bằng những bằng cấp, địa vị. Nhưng Chúa ơi, tất cả chỉ là phù hoa. “Một cơn gió thoảng cũng đủ làm nó biến đi”. Xin tha thứ cho những đam mê lầm lạc của chúng con. Xin giúp chúng con đừng vì đam mê danh vọng mà bỏ rơi tình Chúa. Đừng vị công danh mà xa rời tình anh em. Xin cho chúng con biết tìm kiếm Nước Thiên Chúa trước và luôn tin tưởng vào tình thương quan phòng của Chúa.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết bước đi theo đường lối thiện toàn để mai này chúng con không phải hổ thẹn về những yếu đuối sai lầm của mình. Amen

Thứ bảy sau Chúa nhật 11 thường niên

Mt 6,24-34

Lạy Chúa Giê-su Thánh Thể,

Chúng con xin chọn Chúa là gia nghiệp đời con. Vì chỉ nơi Chúa mà chúng con mới có sự sống đời đời. Xin Mình Thánh Chúa nâng đỡ những yếu đuối, nhẹ dạ nơi bản tính loài người chúng con. Xin giúp chúng con vượt thắng những cạm bãy của thế gian để hồn xác chúng con mãi mãi thuộc trọn về Chúa.

Nhưng Chúa ơi! Ở đời người ta cần công danh. Ở đời người ta chuộng sự giầu có. Chúng con cũng nhiều lần chạy theo những danh lợi thú trần gian. Chúng con đã để tâm tìm kiếm của phù hoa mà quên đi hạnh phúc thiên đàng. Chúng con tin Chúa nhưng lại chưa thờ Chúa trên hết mọi sự. Chúng con chưa thực sự phó thác đời mình cho Chúa. Chúng con còn lắm bon chen để tìm kiếm danh lợi thú trần gian. Chúng con thích tích góp của cải hơn là tích đức đời sau. Chúng con lao tâm khổ trí vì của ăn mau hư nát hơn là giá trị vĩnh cửu Nước Trời.

Lạy Chúa Giê-su mến yêu, xin giúp chúng con biết yêu mến Chúa hơn mọi sự trần gian. Xin loại trừ nơi chúng con những quyến luyến của đam mê tội lỗi, lầm lạc. Xin cho chúng con luôn được trung thành phụng sự Chúa hết cuộc đời. Amen

Lm Jos Tạ duy Tuyền
 
Không chỉ tóc và nước mắt
Hoàng Thị Thuỳ Trang, ICM.
09:53 10/06/2010
Tin mừng theo thánh Luca được mệnh danh là Tin mừng của lòng thương xót, riêng phụ nữ được đặc biệt ưu ái, đây cũng chính là điểm cách mạng mà Đức Giêsu đã tiên phong khởi xướng.

Đức Giêsu đến trần gian là để phục hồi phẩm giá con người nguyên thuỷ. Ở trong Thiên Chúa không có sự phân biệt giai cấp, cũng không có chuyện trọng nam khinh nữ, dù nam hay nữ cũng đều là hình ảnh Thiên Chúa, là thọ tạo Ngài yêu thương tác tạo. Phẩm giá nguyên tuyền thuở ban đầu do chính con người tự làm méo mó, sai lệch, gây ra biết bao thảm trạng đáng buồn cho thế giới. Khi nhân phẩm con người bị tước đoạt, kéo theo đủ loại bạo hành xáo trộn thế giới.

Đức Giêsu đã đến, phục hồi những gì đã mất, khơi lên nguồn hy vọng bị đánh cắp bởi chiến tranh, hận thù. Niềm hy vọng tưởng chừng cạn kiệt bởi tội ác. Thế giới này dù thế nào đi nữa vẫn thuộc về Thiên Chúa, vũ trụ này dẫu thế nào chăng nữa cũng nằm trong bàn tay quan phòng của Ngài. Thế lực sự ác dù cho có bành trướng đến đâu cũng không thể sánh bì với sức mạnh của lòng nhân hậu Thiên Chúa. Thế gian phá đổ, Ngài xây dựng. Thế gian loại bỏ, Ngài rộng tay cứu vớt. Thiên Chúa có thể làm được những điều trái ngược với tham vọng con người. Ngài có thể làm mọi điều mà chả ai dám nghĩ tới. Tất cả chỉ vì yêu. Sức mạnh luôn hệ tại ở tình yêu là vậy. Vật chất, tiền tài, của cải không thể đem hy vọng cho con người, chỉ có tình yêu, chỉ có tình yêu thương mới có thể làm cho con người vui sống, chỉ có tình yêu thương mới mang lại ơn cứu độ vĩnh cửu cho con người.

Nếu cứ để nhân loại xét xử, nếu cứ phó mặc cho nhân loại định liệu, có lẽ khó tìm thấy công lý và tình thương. Vì chưng, chẳng phải ai cũng tốt, ai cũng công minh. Khó lắm, thật khó mà tìm kiếm chân lý giữa cuộc đời này. Đừng quá kỳ vọng vào cuộc sống không thể hy vọng. Hơn hết, chỉ nên kỳ vọng vào Thiên Chúa, Đấng duy nhất giúp con người sống yêu thương, hạnh phúc.

Cứ nhìn lại hành động của những người biệt phái hôm nay thì biết, họ ném cái nhìn cay nghiệt nơi những người tội lỗi. Chẳng biết họ công chính hơn ai, chỉ biết họ đối xử với người có tội thua kém súc vật, mà quên đi chính mình cũng là kẻ có tội. Điều đáng sợ hơn cả, là não trạng ấy ngày càng hằn sâu vào tâm thức dân tộc, để rồi truyền tiếp thế hệ này sang thế hệ nọ, người nghèo của Thiên Chúa không ngừng bị gạt bỏ ra bên lề xã hội. Họ đã bị tước đoạt phẩm giá cách trắng trợn, tàn nhẫn mà đúng ra họ đáng phải được yêu thương, tôn trọng.

Có vậy mới thấy nhãn quan con người thật hạn hẹp, sự phán đoán hết sức nông nổi, tầm thường. Lòng người cạn quá so với kỳ công Thiên Chúa. Lòng Chúa rộng mà lòng người sao cứ chật, chém giết, sát hại lẫn nhau hoài khó tìm thấy nơi đâu an bình đích thật. Âu cũng vì ích kỉ mà con người đánh mất sự thánh thiện ban đầu. Sự thánh thiện ấy thật viên mãn, không khổ đau, không chết chóc.

Đức Giêsu Kytô, Đấng duy nhất mang lại hạnh phúc con người đánh mất, Vị thẩm phán duy nhất chí công chí tình, Đấng độc nhất hiểu thấu lòng dạ con người đã xuất hiện khơi nguồn sự sống. Nhân loại với mọi nguồn tri thức cho dẫu cao siêu, cũng chỉ là những mớ lý thuyết vô hồn, không những hiếm mang lại lợi ích cho con người mà đôi khi còn giết chết họ nếu như không được qui hướng về Thiên Chúa.

Đức Giêsu trân trọng đón nhận hành động người phụ nữ tội lỗi. Ngài đã tế nhị để chị khóc, để chị lấy tóc lau chân mình không phải cho bản thân được vinh tụng nhưng là để phục sinh chị. Chỉ những ai có đời sống nội tâm thật, mới có thể có cái nhìn tinh tế và sắc bén về những biến chuyển sâu kín. Biến chuyển ấy không lệ thuộc hành động ngoại tại nhưng được thánh hoá bằng ơn hoán cải bên trong. Con mắt phàm trần nhìn nông thấy cạn, người ta chỉ thấy những lời hô hào vinh tụng, những tràng pháo tay hào nhoáng chóng tàn, sao có thể thấy được thay đổi sâu sắc bên trong.

Chính bởi đọc được tâm lòng chị, Đức Giêsu đã kiên tâm chờ chị hoán cải hầu đón nhận tình thương yêu tha thứ. Con người hơn nhau cũng chỉ ở chỗ đó, người ta hơn nhau cũng chỉ ở việc có biết nhận ra ơn cứu độ của mình để mà kín múc nguồn thánh sủng. Thế giới ngày nay tồn tại đủ mọi tranh chấp địa vị, bạc tiền, chẳng mấy ai tranh cho được Nước Trời, chả mấy ai khao khát tìm cho gặp Thiên Chúa.

Lạ lùng thay kẻ bị từ khước, kẻ bị lên án, kẻ bị chê chối lại là người được yêu thương, kẻ chiến thắng lại nên người chiến bại, kẻ bị khinh miệt lại là người được tôn vinh. Cuộc sống là như vậy đó, nếu cứ chăm chút thực tại vật chất, người ta chỉ gặt hái được thất vọng và bất công.

Đức Giêsu không phủ nhận quá khứ người đàn bà tội lỗi, Ngài cũng chẳng vì nó mà từ khước phẩm giá chị, Ngài chỉ muốn tỏ cho thế giới hiểu rằng, tội lỗi không đánh đổ được tình yêu thương của Thiên Chúa. Chỉ có sự chai lỳ, cứng cỏi mới khiến kẻ cố chấp tự huỷ diệt mình. Thiên Chúa, Đức Vua yêu thương, an bình, Ngài không đến để phán xét kẻ có tội nhưng là dạy nhân loại biết bao dung, tha thứ cho nhau, vì nhau.

Lạy Chúa, chị Maria đã lấy nước mắt và tóc mà lau chân Ngài hòng mong cho được sức mạnh quyền năng của Ngài lau sạch mọi vết nhơ tội lỗi đời chị. Chị thật có phúc vì được yêu thương, tha thứ. Nhưng con còn hạnh phúc hơn vì được sống trên kinh nghiệm hoán cải của chị để mà tín thác tuyệt đối vào Ngài. Lòng tin năm xưa đã giúp chị toàn thắng, thì niềm tin năm nay của con cũng phải là sức mạnh giúp con kiên cường sống chứng nhân cho ơn cứu độ giữa lòng thế giới. Ngày nay chả mấy người nghĩ đến việc sống buông thả, bừa bãi là xúc phạm Thiên Chúa, nói gì đến việc thấy mình cần phải sấp mình, đấm ngực khóc lóc van xin tha thứ. Nhân loại dường như không còn biết xin thứ tội, chỉ biết xin cho được nhiều tiền của, quyền cao, chức trọng. Thế giới thấy cũng chả mấy ai quan tâm khinh miệt người có tội, người ta coi việc phạm tội như là tất yếu, đến mức chẳng cần phân biệt đúng sai. Xin giúp con ở giữa đời bề bộn, không chút đắn đo hơn thiệt, luôn là chứng nhân của lòng thương xót, tha thứ, yêu thương hết thảy mọi người, bất chấp chính mình, nại gì đến tóc và nước mắt đâu.
 
Dành cho Chúa một chỗ đứng trong tâm hồn
Linh Mục Inhaxiô Trần Ngà
12:54 10/06/2010
Chúa Nhật Thứ 11 Muà Thường Niên - Năm C - (Lc 7, 36-50)

Vì lòng tôn trọng Thiên Chúa, Mẹ Maria và Các Thánh, các tín hữu Việt Nam sẵn sàng dành cho Các Ngài (hay chân dung Các Ngài) những chỗ đứng cao trọng nhất.

Tại nhiều nơi người ta muốn đặt Tượng Chúa lên những bệ cao hoặc những vị trí cao và đẹp ở những nơi danh lam thắng cảnh.

Có nhiều gia chủ khi xây nhà đã dành cho (tượng) Chúa Giê-su, (tượng) Đức Mẹ đứng ở mặt tiền của tầng lầu cao nhất.

Nơi một số ngôi thánh đường mới xây, nhà thiết kế dành một chỗ đứng trên cao của tiền đình ngôi nhà thờ cho chân dung của Chúa Giê-su, Đức Mẹ hay các Thánh.

Trong mỗi gia đình công giáo, nhà nào cũng lập bàn thờ và đặt ảnh tượng Chúa ở vị trí quan trọng và xứng đáng nhất trong gia đình.

Thế nhưng, điều đáng buồn là lắm khi người ta quan tâm đặt (tượng ảnh) Chúa lên những nơi thật cao cho người ngoài trông thấy mà lại quên không đặt Chúa ngự trong tâm hồn mình, để ngày đêm có Chúa ở với mình, để lúc nào cũng có thể lắng nghe tiếng Chúa nhắc bảo, để có một đời sống gần gũi thân mật và tương hợp với Người. Đó mới thật sự là nơi ở mà Thiên Chúa hằng mong muốn.

* * *

Một nhân vật thuộc nhóm Pha-ri-sêu trong Tin Mừng hôm nay (ông Si-môn) mời Chúa Giê-su đến nhà dùng bữa, nhưng ông chỉ dừng lại ở đó mà thôi, không muốn Chúa hiện diện thân tình hơn nữa trong ngôi nhà của mình. Chính vì thế, ông ta đã tiếp đón Chúa Giê-su khá hững hờ.

Ở Palestine thời Chúa Giê-su, khi có khách đến nhà, theo phép lịch sự đòi hỏi, chủ nhà thường tiến hành ba việc sau đây: một là bày tỏ lòng quý trọng bằng cách dành cho khách một chiếc hôn bình an; hai là rửa chân cho khách khỏi bụi bặm đường xa; ba là đốt hương liệu cho hương thơm lan tỏa khắp nhà hoặc nhỏ vài giọt dầu hoa hồng lên đầu người khách quý.

Thế nhưng, chủ nhà hôm ấy đã chẳng thực hiện một việc nào như thế cho Chúa Giê-su. Hóa ra, có thể ông ta chỉ mời Chúa Giê-su đến nhà làm “long trọng viên” cho bữa tiệc của mình thêm phần sang trọng, chứ chẳng hề muốn dành cho Người một chỗ đứng trong tâm hồn, trong trái tim ông.

Trái với thái độ hờ hững của ông Si-môn, một thiếu phụ mang đầy tai tiếng trong vùng đã bất chấp dư luận bàn tán thị phi, tìm đến tận nhà ông Si-mon, nồng nhiệt đón tiếp Chúa Giê-su, không phải vào nhà mình, nhưng vào tâm hồn mình cách rất chân thành tha thiết.

Vừa thấy Chúa Giê-su, Chị quỳ sụp xuống chân Người và bỗng nhiên òa lên khóc nức nở. Khóc vì những lầm lỗi và những bóng đen quá khứ đã phủ ngập tâm hồn. Khóc vì hận mình đã không đủ sức hoàn lương và bước theo con đường cao đẹp mà Chúa Giê-su, Thần Tượng của Chị, đã mời gọi. Khóc vì bao người chung quanh đang ném những ánh mắt khinh miệt về phía con người đáng khinh của mình. Khóc vì gặp được Chúa Giê-su là Bậc Thầy cao quý, không hề khinh bỉ Chị như bao người khác nhưng đã nhìn Chị bằng ánh mắt tôn trọng và yêu thương.

Nước mắt dàn dụa đã làm ướt đẫm đôi chân Chúa Giê-su. Lấy gì mà lau bây giờ? Thôi, kệ, hãy xõa tóc xuống mà lau. Khi yêu thương, người ta bất cần dư luận. Bởi vì theo phong tục xứ Palestine thời đó, một phụ nữ xõa tóc giữa nơi công cộng là một lầm lỗi đáng chê cười.

Và rồi, với tất cả tấm lòng tôn trọng và yêu mến, Chị trút hết dầu thơm đắt giá chứa trong bình bạch ngọc sang quý lên đôi chân Chúa Giê-su, như trút cả tình yêu trong đáy tim mình cho Chúa và tha thiết hôn lên đôi chân ấy.

Thế là Chị cũng không ngờ là mình đã giữ đúng phép khi tiếp khách quý đến nhà: rửa chân cho khách, nhưng không phải bằng nước ao hồ như người ta thường làm mà là bằng những giọt nước mắt thương yêu; hôn chào và xức dầu thơm cho khách, nhưng không phải hôn lên má khách theo thông lệ, mà là hôn lên đôi chân Chúa với tấm lòng kính mến tri ân; và xức dầu thơm quý, nhưng không phải xức lên đầu mà là lên đôi chân phong trần của Chúa.

Rước Chúa vào tâm hồn, vào trái tim, vào cuộc sống của mình cần phải có cách thức khác biệt hơn rước vào nhà là như thế.

Hôm nay, Chúa Giê-su vẫn như người lữ hành thường đến gõ cửa nhà chúng ta mỗi ngày. Chúng ta đón tiếp Chúa vào nhà cách hững hờ miễn cưỡng như Ông Si-mon biệt phái hay thân tình mật thiết đón rước Chúa vào tận tâm hồn, vào trái tim, vào cuộc sống như người phụ nữ trên đây?

Chúng ta chỉ dành cho Chúa một chỗ đứng trên bàn thờ gia đình, nơi cung thánh ở thánh đường hay còn dành cho Chúa một chỗ đứng trong tâm hồn và cuộc sống?
 
Quyền Tha Tội
Lm Vũđình Tường
14:25 10/06/2010
Dân chúng tụ lại nghe Đức Kitô giảng dậy. Người ta kháo nhau về giáo lí của Người.

Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư Mc 1,22

Lời giảng của Ngài thu hút quần chúng vì:

Lời giảng dẫn vào đời sống nội tâm, nhận mình có tội, dẫn đến thống hối.

Lời giảng giúp người nghe biết tình thương Chúa bao la hơn tội lỗi.

Lời giảng dẫn đến sự sống mới trong Chúa.

Kinh ngạc

Đức Kitô còn làm cho người nghe kinh ngạc hơn nữa. Họ kháo với nhau. Ông ấy còn có cả quyền tha tội. Ông ta tha tội cho người phụ nữ đang khóc dưới chân ông.

‘Tội của chị đã được tha rồi’. Bấy giờ những người đồng bàn liền nghĩ bụng: ông này là ai mà lại tha được tội. Nhưng Đức Kitô nói với người phụ nữ. ‘Lòng tin của chị đã cứu chị. Chị hãy đi bình an’ Mc7,50

Quyền ân xá

Không ai có quyền tha tội, ngoại trừ một mình Thiên Chúa. Khi Thiên Chúa tha tội Ngài ban ơn bình an cho cả thể xác lẫn tâm hồn. Đức Kitô nói với người phụ nữ: Chị hãy đi bình an. Một mình Thiên Chúa có quyền ban bình an cho cả xác lẫn hồn.

Toà án xã hội cởi trói cho thân xác; không thể cởi trói cho tâm hồn. Toà án xã hội tuyên án, kẻ này có tội, kẻ kia vô tội. Án phạt khắt khe tùy miền. Cùng hành động, nước này phạt, nước kia tha. Philatô tự nhận có quyền tha hay phạt khi ông nói với Đức Kitô.

Ông không biết rằng tôi có quyền tha và cũng có quyền đóng đinh ông vào thập giá sao?

Đức Giêsu đáp lại

Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài Gn 19,10


Thiên Chúa trao trách nhiệm cho con người. Họ có trách nhiệm trong quyền hạn được trao. Cha mẹ với con cái; thầy với trò; chính quyền với dân. Quyền xét xử là ơn Trời ban. Vì thế việc xét xử phải thuận ý và theo luật Trời. Đó là luật yêu thương. Ơn Trời ban nên phải xử dụng đúng, xét xử công minh, chính đại. Nếu không là đắc tội với Trời. Xét xử trái luật yêu thương là phạm luật. Xử trái luật yêu thương là xử bất công. Philatô biết đồng môn vận động bản án bất công cho Đức Kitô. Biết mình kém thế. Lại sợ mất chức, quyền. Ông rửa tay tuyên bố

Ta vô can trong vụ đổ máu người công chính, vô tội. Mt 27,24

Việc xét xử phải chí công, vô tư. Luật pháp phải bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa. Luật pháp do phe nhóm qui định mong trục lợi. Bản án bất công, gây tang thương, đau khổ cho người khác chính kiến, khác quan điểm với phe nhóm. Hành động phi nhân trái phép công bằng.

Bản án thiếu bác ái, yêu thương, làm cho cả chánh án lẫn tội nhân bị lương tâm dằn vặt, cắn rứt ngày đêm. Chánh án bị lương tâm dày vò vì làm việc trái lương tâm, bất nhân. Tội nhân bị lương tâm cắn rứt vì tội trong nội tâm chưa được tha.

Khi Đức Kitô tuyên bố Ngài có quyền tha tội. Quyền này vượt khỏi giới hạn địa phương. Lời Ngài thứ tha mang lại sự sống cho cả thể xác lẫn tâm hồn. Lời Ngài tha thứ mang lại bình an nội tâm. Tạo sức sống mới. Mở ra một tương lai tươi sáng. Ban cho cái nhìn mới, đặt căn bản trên tình yêu và bác ái. Người phụ nữ vô danh khóc dưới chân Chúa cảm nghiệm được điều đó. Đời chị thay đổi. Nội tâm bình an. Chị tìm được cuộc sống mới. Chị tự nguyện dùng thuốc thơm xức chân Chúa, lấy tóc mình lau chân, vui lòng phục vụ thúc đẩy bởi lòng mến.

Cách tiếp đón

Có nhiều cách khác nhau đón tiếp Thiên Chúa vào trong tâm hồn con người. Phúc âm hôm nay liệt kê hai cách đón tiếp.

Cách thứ nhất là cách của chủ nhà, ông Simon.

Cách thứ hai là cách của người phụ nữ vô danh.

Cả hai cách Đức Kitô đều sẵn lòng đón nhận. Vấn đề xảy ra khi chủ nhà Simon so sánh, nghi ngờ về sự khôn ngoan của Thiên Chúa.

Nếu quả thật ông này là ngôn sứ thì hẳn phải biết người đàn bà đang đụng vào mình là ai, là thứ người nào. Một người tội lỗi c.40

Đến lúc đó Đức Kitô lên tiếng cho biết, Simon ông đã sai. Ông đón Chúa vào nhà nhưng giữ thái độ xa cách, phân biệt chủ tớ. Ông không cho nước để thanh tẩy. Không hôn chào cũng chẳng xức dầu. Chị phụ nữ vô danh đón Đức Kitô với tất cả tấm lòng. Ngoài chai dầu thơm, giọt nước mắt vui mừng thống hối và nụ hôn chào đón Chúa, Chị không còn gì tốt hơn để cho. Chị không dám ngồi chung bàn, coi như ngang hàng khách, nhưng âm thầm ngồi dưới nền đất để phục vụ. Thái độ khiêm nhường hiếm có kia đã không được nhận ra; trái lại còn bị hiểu lầm. Simon nhìn vẻ bề ngoài phán đoán nên ông đã sai lầm. Đức Kitô nhìn thấu suốt tâm hồn. Ngài dẫn chứng bằng cử chỉ hành động bên ngoài của chị để nói lên tấm lòng thành. Nhờ thành tâm, chân tình yêu mến và chị nhận được ơn tha thứ và ơn bình an. Tình yêu thể hiện qua đức tin của người phụ nữ. Tin là Đức Kitô có quyền tha tội. Tin Ngài có quyền tha tội là tin Ngài là Chúa vì chỉ một mình Chúa mới có quyền tha tội.
 
Chớ xét đoán anh em
Lm. Jude Siciliano OP
16:36 10/06/2010
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN -C-

2 Sm 12: 7-10, 13; Gl 2: 16, 19-21; Lc 7: 36-8,3

Trong bài đọc I hôm nay, chúng ta nên nhắc đến chuyện Na-than nói với vua Đa-Vít: Vua Đa-Vít đã ngoại tình với Bát Se-va và làm cho bà ấy mang thai. Để trừ khử chồng bà ấy, vua David đưa U-ri-gia ra trận để bị quân Am-mon giết (2S 11).

Ngôn sứ Na-than nói ngay trước mặt vua Đa-Vít, và dùng ngụ ngôn để vạch tội ông ta (2S 13:1-6). Trong bài đọc hôm nay, Na-than nhân danh Chúa nói với Đa-Vít về những điều Chúa đã làm cho ông “Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa.”. (như khuôn mẫu của những bài đọc trong những ngày chủ nhật. Đầu tiên là để chuẩn bị cho chúng ta để nghe bài phúc âm, nên dẫn đưa chúng ta đến những mẫu chuyện nói về sự chấp nhận tội lỗi của chúng ta và được ơn tha thứ). Phản ứng của Đa-Vít rất đơn sơ, Ông không chờ chỉ ra những chi tiết của tội lỗi mình, nhưng thành thật nhận tội: “Tôi đắc tội với ĐỨC CHÚA”. Và lời tha thứ của Đức Chúa đến ngay sau đó. Đức Chúa không làm khó khăn cho chúng ta để chờ xin được ơn tha thứ. Các bạn có để ý đến lúc bắt đầu thánh lễ hôm nay không?; Chúng ta bắt đầu tuyên xưng tội lỗi mình và xin ơn tha thứ.

Chỉ Thiên Chúa mới biết những gương xấu tội lỗi của Giáo hội sẽ xảy ra thế nào. Chúng ta đã biết những gương xấu của các bậc lãnh đạo đã tệ hại thế nào rồi. nếu có sự cố gắng che đậy, hay đổi các người đó đi chỗ khác cũng không giúp ích gì đâu. Có vài vị lãnh đạo trong giáo hội và một số giáo dân, các phương tiện truyền thông và cá hệ thống luật pháp, đã theo gương của Na-than là dùng sự thật trấn áp quyền uy. Một nạn nhân bị áp bức gần đây có nói giống như Na-than nói với vua Đa-Vít: “Tôi chỉ muốn họ chấp nhận tội lỗi và họ “xin lỗi ”.

Trong khi Na-than đối đáp ngay với Đa-Vít để buộc vua Đa-Vít chấp nhận tội lỗi mình, thì, trong phúc âm, lời Chúa Giêsu nói với Si-mon người Pha-ri-sêu như nước đổ lá môn. Chúa Giêsu muốn Simon hiểu là cả ông và người phụ nữ đều là kẻ có tội, và cần được ơn tha thứ. Từ khi bắt đầu câu chuyện, người Pha-ri-sêu đã có thái độ chống đối Chúa Giêsu. Khi Chúa vào nhà ông, ông ta cũng không đổ nước để rửa chân cho Chúa như tục lệ tiếp khách vào nhà. Simon có vẻ như muốn mời Chúa Giêsu vào nhà để thử thách Chúa Giêsu, và chính hành động của người phụ nữ làm cho các ông có dịp thấy được sự thử thách đó.

Na-than dùng ngụ ngôn để đối đáp với vua Đa-Vít, và giúp Đa-Vít mở mắt để nhận ơn tha thứ. Chúa Giêsu cũng dùng ngụ ngôn, hy vọng mở mắt người Pha-ri-sêu: ơn Thiên Chúa dồi dào sẵn sàng đổ xuống nếu có đức tin vào Chúa Giêsu. Chúng ta hãy cẩn thận nếu chúng ta muốn áp dụng câu chuyện phúc âm hôm nay vào vấn đề làm việc. Theo ánh sáng phúc âm hôm nay thì đề tài luân lý áp dụng vào việc làm như sau: “nếu tôi cố gắng thật nhiều để làm việc chứng tỏ lòng tôi thương yêu Chúa nhiều chừng nào thì tôi sẽ được ơn tha thứ nhiều chừng ấy”. Đó không phải là điều Chúa Giêsu muốn giải thích cho người Pha-ri-sêu. Không phải vì người phụ nữ tỏ vẻ thương yêu Chúa Giêsu nhiều mà người phụ nữ đó được ơn tha thứ đâu. Đó chỉ là một dấu chỉ mà thôi. Và chính người phụ nữ ấy cảm nhận đã được Thiên Chúa tha thứ nhiều cho chị ta rồi. Và hiểu được là những người nhiều tội lỗi cũng được ơn tha thứ. Người Pha-ri-sêu, giới người đạo đức nên ít tội, nhưng vẫn là người có tội, vì không hiểu gì về điều vua Đa-Vít và người phụ nữ kia lãnh nhận; đó là ơn tha thứ của Thiên Chúa một khi họ chấp nhận tội lỗi của họ.

Chúa Giêsu hỏi ông Simon “Ông thấy người phụ nữ này chứ?”. Trong phúc âm thánh Luca từ “thấy” không có ý nghĩa vật lý là trông thấy. Nó dùng để chỉ con mắt đức tin. Có người trông thấy Chúa Giêsu nhưng với con mắt đức tin của họ không thấy được ý nghĩa Chúa Giêsu trong đời sống của họ. Có người khác, như người phụ nữ kia, thấy được Chúa Giêsu là gì đối với họ và họ đã tin nhận Chúa Giêsu.

Ông Simon trông thấy người phụ nữ là một người đàn bà tội lỗi. Simon trông thấy chị ta đối đãi với Chúa Giêsu như với người khách, mặc dù đó là việc Simon phải làm, nhưng ông ta vẫn không thay đổi thái độ của mình đối với người phụ nữ đó. Trước mắt ông chị ta vẫn là người đàn bà tội lỗi. Còn Chúa Giêsu thấy được sự hoán cải nơi chị ta. Nên Ngài đã đã ban ơn tha thứ để thay đổi đời sống của chị ta.

Tôi nghĩ rằng, đôi khi xét đoán người khác (hay một tổ chức nào đó) dựa vào chút kinh nghiệm trong quá khứ. Chúng ta nghĩ rằng người đó sẽ hành động như thế nào do thái độ, hay hành vi của người ấy trong quá khứ. Thí dụ như khi chúng ta gán cho ai đó, hay nhóm nào đó trong giáo hội là “cấp tiến” hay “bảo thủ”, và chúng ta tiên đoán là học sẽ ứng phó với những tình huốn giả định như thế nào.

Câu chuyện trong phúc âm cũng gần giống như khi chúng ta đi thử mắt. Khi chúng ta phải đọc hàng chữ chiếu lên tường, đọc xong thì bác sĩ đổi kính và bảo phải đọc lại thì chúng ta mới nhận ra là trước kia chúng ta tưởng là chữ “P” nhưng thật sự là chữ “F”. Và như vậy giúp bác sĩ tìm đúng độ mắt kính chúng ta cần. Đó là điều Chúa Giêsu giúp chúng ta ngày hôm nay, Ngài giúp chúng ta nhìn lại người phụ nữ “tội lỗi”. Chúa Giêsu hỏi: “bạn thấy người phụ nữ này chứ?” Chúng ta lại nhìn lại một lần nữa. và với sự giúp đỡ của bài phúc âm, chúng ta thay đổi nhãn quan: chúng ta không những trông thấy người phụ nữ ấy rõ hơn, nhưng chúng ta còn trông thấy chúng ta trước mặt Thiên Chúa với cặp mắt chân thật hơn. Bài phúc âm giúp chúng ta đo mắt kính chính xác hơn, và bây giờ chúng ta thấy lòng từ bi của Thiên Chúa rõ ràng hơn.

Một lần nữa, chúng ta lại ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu. Chúng ta thấy: Chúa Giêsu chấp nhận một người ăn năn, và Chúa chỉ trích người Pha-ri-sêu tự coi mình là người đạo đức. những người sám hối và ngồi vào bàn tiệc với Chúa Giêsu được lòng tin là nhờ đức tin vào Chúa Giêsu mà họ được ơn tha thứ. Chúa Giêsu nói:tội lỗi của người phụ nữ đã được tha. Chúng ta cũng đã được ơn tha thứ như người phụ nữ, và bây giờ tình yêu thương của chúng ta đối với Chúa Giêsu được thể hiện qua việc phục vụ của chúng ta.

Tôi muốn cẩn thận không gọi “người phụ nữ tội lỗi” ấy là một gái điếm. Tại sao lại buộc tội ấy cho chị ta? Vì khi Chúa Giêsu gọi Phêrô thì ông ta tự xưng mình là “kẻ có tội”, chúng ta lại không buộc tội ấy cho Phêrô? Người phụ nữ ấy bị xem là người tội lỗi, có thể vì chị ta là nữ tỳ của một gia đình ngoại đạo, hay chị ta có liên hệ với một nghề mà các lãnh đạo tôn giáo cho là không trong sạch như việc chôn cất người chết. nếu chị ta bị bệnh hay bị tật nguyền thì người ta coi chị ấy là người bị Chúa phạt vì tội lỗi của chị ta. Chúng ta muốn tránh những thành kiến về những người phụ nữ gọi là “tội lỗi” trong Thánh Kinh.

Hôm nay chúng ta đến dự bàn tiệc với Chúa Giêsu, Ngài muốn chúng ta “nhìn thấy người phụ nữ” trong giáo hội chúng ta hiện nay. Các phụ nữ nơi bàn tiệc trong cộng đoàn Kitô Hữu có địa vị gì? Họ có tiếng nói trong cộng đoàn hay không? Có ai để ý đến tiếng nói của họ không? Có những phần việc nào mà họ không được làm hay không? Tại sao? Ai là những người được có trách nhiệm phục vụ? có những việc gì mà chỉ dành riêng cho một số người thôi? Tại sao? Bài phúc âm hôm nay có thể là kính mắt mới rõ ràng hơn để giúp chúng ta suy gẫm câu hỏi của Chúa Giêsu “Các con thấy người phụ nữ này chứ?”

Chuyển ngữ FX. Trọng Yên,OP
 
Yêu nhiều để được tha nhiều
Lm. Anmai, CSsR
16:46 10/06/2010
Chúa nhật Thứ11 Mùa Thường Niên - Năm C

2 Sm 12, 7-10.13; Gl 2, 16.19-21; Lc 7, 36 – 8,3

Đã là người, mang thân phận mỏng dòn và yếu đuối thì sẽ không thoát khỏi tội. Chuyện phạm tội là chuyện của con người yếu đuối nhưng quan trọng hơn chuyện yếu đuối đó chính là con người sẽ làm gì sau khi phạm tội. Con người sẽ ở lỳ trong tội hay đứng dậy để bước ra khỏi tội và sẽ làm gì sau khi bước ra vòng vây của tội lỗi.

Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng Thánh, ngàn trùng Chí Thánh mới có quyền tha tội và con người có can đảm, có tin để chạy đến với Chúa để đón nhận ơn tha tội đó hay không mới là chuyện quan trọng. Chẳng biết có phải là ngẫu nhiên hay không nhưng các bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay đã vẽ nên hình ảnh của một Thiên Chúa và là Thiên Chúa của tình yêu thật đẹp. Cũng vì yêu mà Thiên Chúa chấp nhận tất cả và tha thứ tất cả cho dù tội người ấy có đỏ thẫm tựa như son.

Một hình ảnh hết sức quen thuộc, một hình ảnh hết sức dễ thương và cũng hết sức gần gụi với những ai thường đọc Thánh Kinh, suy niệm Thánh Kinh đó chính là vua Thánh Đavít. Cuộc đời của Đavít ít nhiều gì ai ai cũng có thể biết rõ. Làm gì có thể gắn cho cái tên Đavít là Thánh nhưng cuối cùng Đavít lại được gọi bằng cái tên Vua Thánh thật dễ thương.

Lược lại cuộc đời của Đavít ta sẽ thấy. Chỉ với vài dòng vỏn vẹn trong sách Samuel quyển thứ hai mà chúng ta vừa nghe ấy chúng ta biết Đavít như thế nào. Đavít đã làm gì để ngôn sứ Nathan nói với vua Đavít: "Kẻ đó chính là ngài! Đức Chúa, Thiên Chúa của Israel, phán thế này: Chính Ta đã xức dầu phong ngươi làm vua cai trị Israel, chính Ta đã giải thoát ngươi khỏi tay vua Saun. Ta đã ban cho ngươi nhà của chúa thượng ngươi, và đã đặt các người vợ của chúa thượng ngươi vào vòng tay ngươi. Ta đã cho ngươi nhà Israel và Giuđa. Nếu bấy nhiêu mà còn quá ít, thì Ta sẽ ban thêm cho ngươi gấp mấy lần như thế nữa. Vậy tại sao ngươi lại khinh dể lời Đức Chúa mà làm điều dữ trái mắt Người? Ngươi đã dùng gươm đâm Urigia, người Khết; vợ y, ngươi đã cướp làm vợ ngươi; còn chính y, ngươi đã dùng gươm của con cái Ammon mà giết. Ấy vậy, gươm sẽ không bao giờ ngừng chém người nhà của ngươi, bởi vì ngươi đã khinh dể Ta và cướp vợ của Urigia, người Khết, làm vợ ngươi. Bấy giờ vua Đa-vít nói với ông Nathan: "Tôi đắc tội với Đức Chúa." Ông Nathan nói với vua Đavít: "Về phía Đức Chúa, Người đã bỏ qua tội của ngài; ngài sẽ không phải chết.

Chuyện ta biết rõ đó là vì lòng dục đã làm cho Đavít mù tối để rồi giết Urigia và chiếm đoạt vợ của Urigia. Sau khi làm cái tội tày đình ấy và được ngôn sứ Nathan nhắc nhở Đavít. Sau khi nghe lời nhắc của Nathan Đavít đã hoán cải, đã ăn chay và mặc áo nhậm để đền tội của mình. Đứng trước lòng khiêm hạ của Đavít, Thiên Chúa đã tha thứ tất cả những lầm lỗi của ông.

Cứ đọc và nghiền ngẫm lại các Thánh Vịnh trong Cựu Ước mà nhiều nhà chú giải cho là tác giả là của Vua Thánh Đavít chúng ta sẽ thấy tâm tình ăn năn thống hối của Đavít. Một trong những tâm tình sâu sắc của Đavít phải nói đến Thánh Vịnh 50:

Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con,

mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm.

Xin rửa con sạch hết lỗi lầm

tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy.

Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm.

Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa,

dám làm điều dữ trái mắt Ngài.

Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án,

liêm chính khi xét xử.

Ngài thấy cho: lúc chào đời con đã vương lầm lỗi,

đã mang tội khi mẹ mới hoài thai.

Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật,

dạy con thấu triệt lẽ khôn ngoan.

Xin dùng cành hương thảo

rảy nước thanh tẩy con, con sẽ được tinh tuyền;

xin rửa con cho sạch, con sẽ trắng hơn tuyết.

Xin cho con được nghe

tiếng reo mừng hoan hỷ,

để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng.

Xin ngoảnh mặt đừng nhìn bao tội lỗi

và xoá bỏ hết mọi lỗi lầm.

Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một

tấm lòng trong trắng,

đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ.

Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh,

đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài.

Lời tự tình xưa của Đavít phải chăng đó là lời tự tình của người phụ nữ “vốn là người tội lỗi trong thành” hôm nay trong Tin mừng theo Thánh Luca. Người phụ nữ này cũng phạm tội và đã bị người ta liệt vào hàng tội lỗi như Đavít xưa vậy. Dẫu bị người ta họi là tội lỗi nhưng chị đã không mặc cảm trước cái nhìn của công chúng, của mọi người để rồi chị tìm đủ mọi cách để đến với Chúa Giêsu. Cách diễn tả của chị hết sức dễ thương của chị đó là lấy bình bạch ngọc đựng dầu thơm và lấy nước mắt thống hối của chị rồi tưới lên chân Chúa và lau và lấy dầu thơm mà đổ lên.

Chúa Giêsu đã ghi nhận, Chúa Giêsu đã trân trọng tấm lòng của người phụ nữ tội lỗi và đã nói tâm tình của Ngài cho người chủ tiệc là ông Simon. Chúa Giêsu đã khẳng định: "Ông thấy người phụ nữ này chứ? Tôi vào nhà ông: nước lã, ông cũng không đổ lên chân tôi, còn chị ấy đã lấy nước mắt tưới ướt chân tôi, rồi lấy tóc mình mà lau. Ông đã chẳng hôn tôi một cái, còn chị ấy từ lúc vào đây, đã không ngừng hôn chân tôi. Dầu ô-liu, ông cũng không đổ lên đầu tôi, còn chị ấy thì lấy dầu thơm mà đổ lên chân tôi. Vì thế, tôi nói cho ông hay: tội của chị rất nhiều, nhưng đã được tha, bằng cớ là chị đã yêu mến nhiều. Còn ai được tha ít thì yêu mến ít."

Vì sao người phụ nữ đã được Chúa tha thứ thì mọi người đã rõ: vì chị yêu mến nhiều ! Vấn đề của chị không dừng lại ở lòng mến mà đi xa hơn một bước nữa đó là lòng tin. Lòng tin và lòng mến trong lòng chị đan quyện lại với nhau. Người mời tiệc cũng như những người được mời tiệc ngày hôm ấy thắc mắc “ông ấy lấy quyền gì để tha tội” thì chị, chị đã tin vào quyền năng của Chúa Giêsu. Chị đã tin, đã yêu, đã phó thác vào lòng bàn tay của Chúa Giêsu cuộc đời của chị. Chị đến với Chúa Giêsu để nhận được tình yêu của Chúa Giêsu, để nhận được ơn tha thứ từ Chúa Giêsu.

Vấn đề con người được nên công chính không phải là làm những gì luật dạy nhưng nhờ lòng tin như Thánh Phaolô vừa bộc bạch: “con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy. Quả thế, không phàm nhân nào sẽ được nên công chính vì làm những gì Luật dạy. Quả thế, tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Ki-tô vào thập giá”. Thánh Phalô một con người đã cảm nghiệm như thế nào về tình yêu của Thiên Chúa Ngài mới dám khẳng định như vậy. Nhờ niềm tin mà vua Thánh Đavit, người phụ nữ “vốn là người tội lỗi trong thành” cũng như chính bản thân của Thánh Phaolô đã được thứ tha, được trở về với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót cũng như được nên công chính. Hơn nữa, sau khi cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa dành cho mình thì Phaolô đã thốt lên: Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi”.

Không chỉ Phaolô thôi mà là cả vua Đavít, người phụ nữ tội lỗi và tất cả những ai đã hơn một lần phạm tội và đã cảm nhận được tình thương tha thứ cũng sẽ quay trở lại để sống tròn đầy tình thương tha thứ của Chúa.

Chúa là đấng từ bi thương xót, không chấp nhất mà chỉ có xót thương luôn giang rộng cánh tay để đón những con người yếu đuối, những con người tội lỗi. Chuyện quan trọng là con người có thống hối, có quay về để hưởng tình thương tha thứ đó hay không mà thôi.

Phạm tội không quan trọng bằng có biết đứng dậy để quay lưng lại với tội và trở về với Thiên Chúa hay không.

Những ai yêu mến nhiều sẽ được tha nhiều. Thiên Chúa vẫn chờ đợi những người trót phạm nhưng yêu nhiều để sẵn lòng tha thứ nhiều.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:36 10/06/2010
HÔI MÙI TANH ĐỒNG (hơi đồng)

N2T


Thời đông Hán Linh đế, triều đình hủ bại, phong khí mua quan bán chức rất thịnh hành, lại còn theo đẳng cấp mà đưa ra giá tiền khác nhau. Hồi ấy, Thôi Liệt đã là hạng cửu phẩm rồi, nhưng vẫn còn dựa hơi hoàng đế là người bảo trợ, bỏ ra năm trăm vạn để mua chức quan tư đồ. Bởi vì Thôi Liệt mua quan, nên tiếng tăm càng ngày càng xấu, nên ông ta cảm thấy bất an.

Một hôm, ông ta cố ý hỏi con trai là Thôi Quân:

- “Bố bây giờ địa vị rất cao, không biết người ta có bình luận gì về bố không ?”

Thôi Quân trả lời:

- “Lúc bố còn trẻ thì rất nổi tiếng, cũng làm quan đến chức cửu phẩm, cho nên người ta mới nói là bố không đủ tư cách đảm nhiệm tam công. Cái mà mọi người thất vọng, là nghi ngờ toàn thân của bố đều hôi tanh mùi đồng tiền”.

(Hậu Hán thư, Thôi Thực truyện)

Suy tư:

Mua quan bán chức thì thời đại nào cũng có, triều đình nào mà có mua quan bán chức thì triều đình đó không hợp ý trời và không được lòng dân, bởi vì khi những kẻ có tiền nhưng không có học hành mà làm quan lớn, thì chỉ làm khổ người dân; bởi vì khi những kẻ làm quan mà không qua thi cử để biết trình độ khả năng chuyên môn, thì chỉ làm nghèo đất nước mà thôi.

Tiền mua chức tước càng lớn thì bốc lột hối lộ càng cao, tiền mua quan chức càng nhiều thì vơ vét của dân càng nặng nề, bởi vì số tiền bỏ ra để mua chức tước quá nhiều, nay vơ vét tiền bạc của dân để bù lại, đó không phải là làm khổ dân hay sao ? Thôi Liệt mặc dù đã làm quan đến chức cửu phẩm, nhưng lòng tham vẫn còn, vì thế mà mất tất cả tiếng tốt, bởi vì toàn thân của ông ta toàn hôi tanh mùi đồng tiền hối lộ.

Người Ki-tô hữu khi làm quan thì ý thức rằng mình là đầy tớ của dân, vì dân mà thi hành công vụ, cho nên họ hết lòng vì bổn phận và chu toàn trách nhiệm của mình, do đó mà toàn thân họ luôn toát ra mùi bác ái yêu thương tha nhân.

Đó chính là niềm vui và vinh dự của họ vậy.

-----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:37 10/06/2010
N2T


25. Cuộc sống tại thế của con người cần phải gặp rất nhiều nguy hiểm.

(Thánh Gioan Thánh Giá)
 
Mỗi ngày một câu cách ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:39 10/06/2010
N2T


462. Muốn luôn yêu quý bản thân mình, thì mỗi ngày phải nghe lời nói của tâm hồn.

 
Cầu nguyện khi thất vọng
Trầm Thiên Thu
20:24 10/06/2010
Chắc hẳn ai cũng có những lúc ưu sầu, chán nản, lo lắng, thất vọng tưởng như mình đang ở tận cùng nỗi khổ. Kathryn J. Hermes, F.S.P, đưa ra 10 “kỹ thuật thiêng liêng” giúp chúng ta tìm ra tiếng nói của sự cầu nguyện trong những lúc đen tối nhất của cuộc đời.

Khi thất vọng, có thể bạn thấy rằng nỗi thất vọng biến đổi cách bạn nhìn Chúa và cách bạn tin Chúa nhìn mình. Khi bạn cầu nguyện, có thể bạn không thể ngồi im hoặc tập trung lâu. Mọi thứ có thể có vẻ như một khoảng lặng mênh mông, thậm chí quá vô ích. Có thể Thiên Chúa có vẻ như đang mỉa mai nỗ lực cầu nguyện của bạn. Có những người đã 3 năm, 5 năm, 10 năm chưa thực sự cầu nguyện, dù họ vẫn còn niềm tin và vẫn dành thời gian cầu nguyện, nhưng có thể chỉ là sự trống rỗng vì chỉ là thói quen và phản xạ. Trong bóng tối hãi hùng, nơi mà mọi sự giao tiếp đều lặng lẽ, họ cảm thấy cô đơn, chán nản, thất vọng, bực tức. Vậy họ có cầu nguyện không? Có.

Nếu tình trạng này xảy ra với bạn, hãy cố gắng áp dụng các cách cầu nguyện và cách thể hiện tình yêu chiêm niệm dưới đây:

1. Tìm nơi thanh vắng

Hãy nghe nhạc êm dịu, chỉ mở vừa đủ nghe. Hãy hít thở sâu vài phút và thư giãn. Hãy cảm nhận chiếc ghế bạn đang ngồi và phần đất bạn đang chạm chân. Hãy ngửi mùi vị quanh bạn. Hãy tưởng tượng Chúa Giêsu đang đến với bạn và đang tươi cười với bạn. Hãy tâm sự với Ngài về các cảm xúc của bạn lúc này (lo lắng, bất an, bồn chồn, rối trí, thất vọng,…), kể cả những cảm nhận của bạn về cuộc sống. Hãy cởi mở với Ngài, hãy cảm nhận Ngài ở rất gần bạn, hãy để tình yêu Ngài đến với bạn và cảm tạ Ngài về tặng vật yêu thương này.

2. Đi dạo

Có thể vừa đi dạo vừa nghe nhạc vui. Khi dạo bước, hãy chú ý bầu trời và cảm nhận về mùa với những gì đang xảy ra quanh bạn. Hãy hướng lòng lên Chúa Giêsu, ngay cả lúc đau khổ nhất. Có thể bạn dạo bước một mình nhưng có Ngài trong tâm hồn bạn. Hãy nói với Ngài về cảm giác của bạn. Hãy nhớ rằng Ngài luôn muốn bạn nói với Ngài về mọi thứ trong đời bạn, dù vui hay buồn, dù thất bại hay thành công.

3. Nhớ đến những người đang đau khổ

Hãy nhớ đến ai đó mà bạn biết họ đang đau khổ hoặc bệnh tật. Tập trung vài phút vào những gì mà người đó đang cảm thấy và những gì bạn muốn nói với họ. Hãy dâng họ cho Chúa Giêsu và xin Ngài chúc lành cho họ.

4. Bám vào Thánh giá

Hãy cầm Thánh giá trên tay, nhắm mắt lại và nghĩ đến Chúa chịu đau khổ. Hãy liên kết các đau khổ của bạn trong Ơn Cứu độ của Ngài.

5. Bám vào Lời Chúa

Nếu bạn cảm thấy thấp hèn, nhỏ mọn, hãy tìm nơi thanh vắng và đọc Kinh Thánh. Hãy tập trung đọc thánh vịnh 130 (Từ vực sâu con kêu lên Chúa, linh hồn con trông cậy Lời Ngài…). Hãy chú ý mức độ cảm xúc của bạn dù có thể bạn cảm thấy không thoải mái. Hãy biết rằng Thiên Chúa luôn yêu thương bạn qua những lúc cuộc đời bạn đen tối và sầu khổ nhất.

6. Mở lòng ra với Chúa

Khi bạn không thể tập trung vì đầu óc rối bời, hãy cố gắng ghi nhớ và cầu nguyện:: “Lạy Chúa, con yêu mến Chúa”. Hãy cố gắng mở lòng ra với Chúa.

7. Suy niệm về tiếng kêu của Chúa Giêsu

Mở nhạc nhẹ và suy đi nghĩ lại câu nói của Chúa Giêsu khi Ngài bị treo trên Thập giá: “Cha ơi! Sao Cha nỡ bỏ con?” (x. Mc 15:34). Đây là lời cầu nguyện của Chúa Giêsu đối với sự trống rỗng và sự ruồng bỏ.

8. Vào nhà thờ

Khi đi ngang nhà thờ, hãy dừng lại vài phút và kết hiệp với Chúa, Đấng luôn yêu thương bạn.

9. Lặp đi lặp lại Thánh danh Giêsu

If you can't get up, lie still and repeat the name of Jesus over, and over, and over. His love catches these words and he embraces you with love.

10. Dành thời gian tâm sự với Chúa

Hãy đến chầu Thánh Thể và dành thời gian để thổ lộ nỗi niềm trước sự hiện diện của Chúa.

Chuyển ngữ từ Beliefnet.com
 
Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:39 10/06/2010
LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU

Tin mừng: Lc 15, 3-7

“Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”.


Bạn thân mến,

Mỗi thứ sáu đầu tháng chúng ta có thói quen tốt lành là dâng thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su cách đặc biệt, đó chính là một bằng chứng cho biết rằng, chúng ta rất yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su, hôm nay, hiệp cùng Giáo Hội trên hoàn cầu long trọng mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su với hai ý nghĩa sau đây:

1. Thánh Tâm Chúa Giê-su là nơi chúng ta học tập yêu thương.

Trong suy nghĩ của người buôn bán, thì không ai dại gì làm tiệc đãi khách sau khi tìm lại con chiên lạc, bởi vì số tiền làm tiệc đãi khách nhiều hơn giá tiền một con chiên nhiều lần; cũng không ai ngu gì bỏ lại chín mươi chín con chiên để vượt bao nguy hiểm tìm con chiên lạc đàn, bởi như thế là không được khôn ngoan cho lắm…

Thiên Chúa không phải là người buôn bán, Ngài cũng không phải là người ngu, nhưng Ngài chính là Thiên Chúa tình yêu, Thiên Chúa tạo dựng. Ngài có thể bỏ mất một con người, một linh hồn để sáng tạo thêm nhiều người khác đẹp hơn và dễ thương hơn bạn và tôi nhiều, nhưng Ngài đã không làm thế vì Ngài là Thiên Chúa của tình yêu, tình yêu này được thể hiện qua việc Con Một của Ngài là Chúa Giê-su đã xuống thế làm người, chịu chết trên thánh giá để cứu chuộc nhân loại tỗi lỗi.

Qua dụ ngôn “con chiên lạc” này, Chúa Giê-su đã tỏ lộ trái tim yêu thương của Ngài ra cho chúng ta thấy rằng, Ngài sẵn sàng bỏ tất cả -ngay cả mạng sống của mình- để yêu thương và cứu chuộc chúng ta, nơi trái tim này ngập tràn lửa yêu mến nhân loại tội lỗi, nơi trái tim này không một ai có thể dửng dưng nguội lạnh, những tâm hồn khiêm tốn đều muốn đến ẩn núp trong trái tim của Ngài. Nơi trái tim yêu thương của Chúa Giê-su, chúng ta thấy được bài học yêu thương gía trị ngàn đời mà Ngài đã nêu gương cho chúng ta: chết cho người tội lỗi để họ được sống và sống đời đời.

Không ai có thể nói lời yêu thương chân thành được với tha nhân, nếu họ không được lửa yêu mến từ trái tim của Chúa Giê-su nung nấu tâm hồn họ, và cũng chẳng ai đành lòng ghét bỏ anh em chị em mình, khi mà lòng họ đầy tràn tình yêu của Chúa Giê-su.

2. Thánh Tâm Chúa Giê-su là nguồn mạch của sức mạnh, nâng đỡ và thánh hóa các linh mục.

Chúa Giê-su là linh mục đời đời, nơi Ngài sứ mạng cứu chuộc nhân loại đã hoàn tất nhưng chưa kết thúc, bởi vì sứ mạng này đang được Ngài trao phó cho Giáo hội qua các linh mục, với sự đặt tay của giám mục để các linh mục được trở nên Chúa Giê-su thứ hai, tiếp tục chương trình cứu độ của Ngài ở trần gian.

Không một linh mục nào mà không yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su, không một linh mục nào mà không kêu mời người ta yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su, cho nên chính các linh mục là mẫu gương của sự tôn sùng và yêu mến Thánh Tâm Chúa Giê-su nơi người tín hữu, mà Thiên Chúa đã giao phó cho các ngài coi sóc.

Thời nay có một số ít linh mục làm cho một số người –trong đó có cả giáo dân- không thích linh mục, có nhiều người nhìn các linh mục bằng ánh mắt hoài nghi và không mấy thiện cảm, vì có những linh mục đã không sống đúng với thiên chức mà họ đã lãnh nhận. Người ta đòi hỏi các linh mục hôm nay phải hoàn thiện như Thầy chí thánh là Chúa Giê-su, người ta muốn linh mục thật sự là Chúa Giê-su thứ hai, luôn là người phản ảnh lại khuôn mặt dịu dàng và tâm hồn nhân hậu của Chúa Giê-su… Sự đòi hỏi của họ là chính đáng giữa một xã hội tục hóa hôm nay, sự đòi hỏi các linh mục phải trở nên thánh thiện thúc bách các tín hữu phải lên tiếng, để không những cá nhân linh mục mà ngay cả cộng đoàn giáo xứ, cũng trở nên thánh thiện như ý Thiên Chúa muốn…

Thánh Tâm Chúa Giê-su là nguồn mạch sự thánh thiện của các linh mục, chính nơi Thánh Tâm này các linh mục học hỏi được thế nào là yêu mến, thế nào là phục vụ cho đến chết vì đàn chiên của mình như Chúa Giê-su đã làm…

Bạn thân mến,

Thánh Tâm Chúa Giê-su luôn mời gọi chúng ta hãy học với Ngài sự hiền lành và khiêm tốn trong lòng, bởi vì chỉ có những ai hiền lành và khiêm tốn mới thật sự là anh em chị em của mọi người, và tình yêu của Chúa Giê-su được thể hiện qua sự phục vụ và yêu mến tha nhân cách quảng đại của họ.

Trong dịp này, chúng ta cũng dâng gia đình và họ đạo của mình cho Thánh Tâm Chúa Giê-su, để Ngài luôn ngự trị và dùng lửa yêu mến của Ngài sưởi ấm tâm hồn nguội lạnh của chúng ta, để mỗi người trong chúng ta biết đem lửa yêu mến này ra đi sưởi ấm tha nhân…

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

-------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tội lỗi và ơn tha thư
Lm Giuse Đinh lập Liễm
21:37 10/06/2010
CHÚA NHẬT 11 THƯỜNG NIÊN C

+++

A. DẪN NHẬP

Sách Sáng thế cho chúng ta biết những con người đầu tiên đã sa ngã phạm tội, đã phản bội lại tình thương yêu của Thiên Chúa, nhưng dù thế nào đi nữa, Ngài vẫn thương yêu và tha thứ. Bài đọc 1 hôm nay nói lên lòng thương yêu tha thứ của Thiên Chúa đối với những người tội lỗi biết ăn năn thống hối. Vua Đavít đã phạm tội ngoại tình, lại còn âm mưu giết chồng để cướp vợ người ta nữa. Tưởng rằng mọi việc đã được ém nhẹm, nhưng khi được tiên tri Nathan nhắc nhở, vua đã sớm nhận ra tội mình, tỏ lòng thống hối ăn năn nên được Thiên Chúa tha thứ: ”Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết”(Sm 12,13).

Khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài càng làm sáng tỏ tình yêu tha thứ của Thiên Chúa qua các dụ ngôn: con chiên lạc, đồng tiền bị mất và đứa con hoang đàng. Đặc biệt trong bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu có một thái độ rất hiền từ và khoan dung đối với một phụ nữ được mệnh danh là người tội lỗi nổi tiếng trong thành. Chị ta biết lỗi của mình, ăn năn sám hối, muốn cải tà qui chính, đã có thái độ phục vụ Chúa cách đặc biệt, nên được Ngài chấp nhận và ban ơn tha thứ: ”Tội của chị đã được tha”.

Qua cách cư xử của Đức Giêsu, chúng ta đừng đánh giá người khác theo cái vỏ bề ngoài vì cái vỏ bề ngoài không nói lên cái thực chất bên trong. Ông Simon và những thực khách khác chỉ nhìn chị phụ nữ này theo cái vỏ bên ngoài: nàng là một người tội lỗi, một đống bùn nhơ phải bị loại bỏ. Còn Đức Giêsu có cái nhìn ngược lại, Ngài nhìn ra tấm lòng của chị, một tấm lòng thành thật, khiêm cung, yêu mến, muốn đổi mới cuộc đời của mình.

Nhìn vào cuộc đời của Đavít và người đàn bà tội lỗi, chắc chúng ta an tâm vì chúng ta đâu có phạm những tội tầy đình như vậy ! Nhưng sự an tâm ấy có thể đem lại cho chúng ta một nguy cơ, đó là chúng ta bị ru ngủ trong đời sống đạo đức mà khinh thường những tội nhỏ mọn, không biết đề phòng, có thể sa ngã vào những tội nặng nề mà không ngờ. Chính thánh Phaolô đã nói: ”Ai đang đứng, hãy ý tứ kẻo ngã”.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: 2Sm 12,7.11-13

Sách Samuel kể lại cho chúng ta câu chuyện vua Đavít đã phạm một tội rất nặng nề, nhưng đã được Thiên Chúa tha thứ. Trước tiên vua đã phạm tội ngoại tình với bà Betsabê vợ ông Uria, một tướng quân của nhà vua, tiếp theo vua còn tìm cách dùng tay quân giặc mà giết ông để chiếm lấy vợ của ông ấy.

Công việc tưởng đã được ém nhẹm nhưng Thiên Chúa sai tiên tri Nathan đến nhắc nhở cho vua về tội tầy đình ấy. Ý thức về tội lỗi của mình, nhà vua hết lòng ăn năn và được Thiên Chúa tha thứ vô điều kiện: ”Thiên Chúa đã bỏ qua tội của ngài, ngài sẽ không phải chết”.

+ Bài đọc 2: Gl 2,16.19-21

Về việc công chính hóa nhờ tin vào Đức Kitô đã được thư gửi tín hữu Rôma nói đến nhiều (x. Rm 3,21-25a.28). Ở đây, trong thư gửi tín hữu Galát thánh Phaolô muốn làm sáng tỏ tầm mức công chính hóa do cái chết của Đức Kitô trên thập giá đem lại.

Ta có thể nói đoạn thư này chứa đựng ý tưởng chính của toàn thể bức thư gửi tín hữu Galát: con người được nên chông chính (được cứu độ) nhờ đức tin chứ không phải nhờ tuân giữ Lề luật.

+ Bài Tin mừng: Lc 7,36-8,.

Bài Tin mừng hôm nay được chia thành hai phần:

a) Chuyện người đàn bà tội lỗi đến lau chân Chúa nhân bữa tiện tại nhà ông Simon.

Nàng là một người tội lỗi nổi tiếng trong thành, ai cũng biết. Nàng mạnh bạo tỏ lòng thống hối, đến quì dưới chân Đức Giêsu, khóc nức nở, lấy nước mắt rửa chân, lấy tóc mà lau và hôn chân Ngài., và không tiếc bình dầu thơm quí giá (khoảng 300 đồng, tương đương với 10 tháng lương) xức chân Ngài.

Thấy tâm tình thống hối chân thật và can đảm muốn thay đổi cuộc sống tội lỗi, Đức Giêsu đã tha tội cho chị. Câu nói của Đức Giêsu có thể dùng tóm lược chính xác câu chuyện đời nàng: ”Tội nàng nhiều, nhưng được tha hết vì nàng yêu mến nhiều”.

b) Phần sau là bản tóm lược những người đi theo Đức Giêsu trên bước đường đi rao giảng Tin mừng: Nhóm 12, và các phụ nữ, người bình dân lẫn người quyền quí. Càc bà đã theo giúp Ngài bằng công sức và của cải vất chất.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA

Tội của con đã được tha

I. THIÊN CHÚA GIẦU LÒNG THƯƠNG XÓT

Trong bài đọc 1 và bài Tin mừng hôm nay, chúng ta thấy rõ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với tội nhân. Ngài sẵn sàng tha thứ vô điều kiện cho những ai có lòng thống hối.

1. Thiên Chúa tha thứ cho Đavít

Bài đọc Cựu ước trích trong sách tiên tri Samuel hôm nay nhắc nhở lại trường hợp phạm tội của vua Đavít. Vua đã phạm tội một cách rất khéo léo, phạm tội mà hầu như không ai biết, cho nên mọi người vẫn coi vua như một người thánh thiện gương mẫu. Vua đã phạm tội ngoại tình. Vua đã ngoại tình với vợ của Uria, một tướng quân của triều đình, sau đó lại dùng âm mưu thâm độc để giết chết Uria hòng che giấu tội của mình. Tưởng thế là xong, không ngờ Thiên Chúa sai nhà tiên tri Nathan đến, kể cho vua nghe một câu chuyện về một người giầu có cướp con chiên của một người nghèo khó để tiếp đãi khách. Đavít nổi giận đòi trừng phạt kẻ bất lương ấy. Nhưng nhà tiên tri liền nói: ”Người bất lương ấy chính là vua” ! Đavít đã cúi đầu nhận tội lỗi, nhận lãnh việc đền tội. Thánh vịnh 50, MISERERE, ngàn đời vẫn còn vang lên tiếng nức nở của một tâm hồn thống hối ăn năn. Nhưng câu nói của tiên tri Nathan “Thiên Chúa tha tội cho vua” là một lời an ủi vô tận cho những người thống hối.

2. Đức Giêsu tha tội cho người đàn bà tội lỗi

Thường người biệt phái không ưa Đức Giêsu mà chỉ tìm cách gài bẫy để ám hại Ngài. Tuy thế, thánh Luca cho chúng ta biết cũng có một thứ biệt phái lễ độ hơn, vẫn có cảm tình với Ngài, họ dám mời Ngài đến nhà dùng bữa.

Hôm nay, thánh Luca thuật lại cho chúng ta việc ông Simon, một người biệt phái, mời Đức Giêsu đến dùng bữa tại nhà ông. Có thể ông mời nhà rabbi trẻ tuổi đến để có dịp quan sát hơn là vì hiếu khách, nhưng ông cũng tỏ ra có chút lễ độ. Theo phong tục của Phương Đông, khi nhà có tiệc tùng thì cửa thường bỏ ngỏ, kẻ ra người vào tấp nập. Một người đàn bà, ai cũng biết thuộc phường tội lỗi lẻn vào đứng đàng sau đám thực khách. Bà mang theo một bình bạch ngọc đựng thuốc thơm. Rồi quì xuống dưới chân Chúa, bà khóc nức nở, xức dầu thơm, hôn bàn chân ướt đẵm nước mắt và lấy tóc mà lau. Mọi người trố mắt nhìn cho là một việc quái gở, nhất là ông chủ nhà Simon… Nhưng Đức Giêsu coi như không để ý đến những người chung quanh mà chỉ nói với cô ta: ”Tội chị rất nhiều, nhưng đã được tha rồi, vì chị đã yêu mến nhiều”.

II. TẠI BỮA TIỆC NHÀ ÔNG SIMON BIỆT PHÁI

1. Cách tiếp đón và ăn tiệc của người Do thái

Theo tục lệ Do thái, khi khách đến nhà thì chủ nhà lấy nước rửa chân tay cho khách, hôn chào, xức dầu thơm trên đầu. Trong trường hợp này, ông Simon đón tiếp Đức Giêsu một cách sơ sài, không theo nghi thức đón khách đàng hoàng theo tục lệ.

Phòng tiệc của người Do thái không được xếp đặt từng bàn tiệc như chúng ta ngày nay, các thực khách nằm trên những di văng, chân thò ra ngoài. Từ ngữ Hy lạp được dùng ở đây (Katéklithé) thực ra có ý nghĩa là: ”Ngài nằm ở bàn ăn”. Vậy đây là một bữa tiệc mừng mà người ta nằm dài trên các di văng để dùng bữa, trong một khung cảnh tiện nghi. Các cửa phòng tiệc luôn rộng mở, người ta có thể ra vào tự do. Vì thế, người đàn bàn có thể xuất hiện và đứng ngay dưới chân Chúa đang thò ra ngoài.

2. Sự xuất hiện của người đàn bà tội lỗi

Ở Phương Đông có thói quen cho người ta ra vào tự do khi nhà có tiệc, vì thế mới có một người đàn bà xuất hiện đứng ngay dưới chân Đức Giêsu. Người ta đã biết người phụ nữ ấy. Trong thành phố, xem ra mọi người đã biết trường hợp của chị đó là một người đàn bà tội lỗi”.

a) Người đàn bà này là ai ?

Đoạn Tin mừng không nói người đàn bà này là ai. Bà chỉ được gọi là “người tội lỗi” (Lc 7,39) vậy thôi. Tại sao người biệt phái, những người khách khác, và cả chúng ta cũng mau xét đoán người đàn bà này dựa trên từ ngữ “người tội lỗi” ?

Một học giả Thánh Kinh, J. Jeremias, đã nói rằng chữ “người tội lỗi” ở đây không có nghĩa là “điếm”. Ông nói “người tội lỗi” cũng có thể gán cho những người hành nghề không mấy vinh quang chẳng hạn như thu thuế, chăn chiên, cưỡi lừa, người bán hàng rong, thợ da thuộc hay một người nào không thành thật, một người nói dối trong bất cứ loại buôn bán nào (Nguyễn văn Thái).

Câu chuyện kể ở đây là đặc biệt của thánh Luca. Không được lẫn câu truyện của thánh Luca kể đây với một việc xức dầu ở nhà ông Simon tật phong kể trong Matthêu 26,6-13; Marcô 14,3-9 và Gioan 12,1-8. Cũng không nên lẫn người tội lỗi này với bà Maria quê ở Bêtania, ông Simon mời Đức Giêsu đến dự tiệc.

b) Bà đã hành động như thế nào ?

Nghe biết Đức Giêsu, biết lòng nhân hậu của Ngài, bà nuối tiếc về đời sống quá khứ, cương quyết đến với Ngài để được tha thứ. Bà vào phòng tiệc, đến chỗ Chúa nằm, không thấy Chúa đuổi, bà phần vui mừng, phần đau đớn vì tội lỗi, nước mắt tuôn rơi trên chân Chúa, rồi lấy mái tóc dài của mình mà lau, hôn chân Chúa lìa lịa. Sau cùng bà đã đập bể một bình thuốc thơm quí giá đổ lên chân Chúa. Bà nghĩ không xứng đáng đổ trên đầu. Bà không cần nói câu nào, nhưng cử chỉ đã nói tất cả.

3. Cách đánh giá người khác

a) Cách đánh giá của ông Simon

Việc Đức Giêsu để cho người đàn bà tội lỗi hành động như thế làm cho ông Simon rất bất bình vì là điều chướng tai gai mắt. Ông khinh bỉ người đàn bà. Quả thật, theo luật pháp của Israel, người ta trở thành “ô uế” khi chạm vào người đàn bà tội lỗi, cũng như vào một xác chết hay một con heo. Thấy thái độ của Đức Giêsu đối với người đàn bà tội lỗi như thế, nên mới có dư luận giữa người biệt phái: Đức Giêsu không phải là một người của Thiên Chúa, không phải là một tiên tri,

Truyện: Bé cái lầm.

Có một câu chuyện được đăng trong tạp chí Reader’s Digest như sau: Một người bạn của tôi trên chuyến trở về Nam Phi sau một thời gian sống ở Au châu, đã phải chờ khá lâu ở phi trường Heathrow của Luân đôn. Sau khi mua một ly cà phê và một gói bánh qui, cô kéo lê hành lý lỉnh kỉnh tới một cái bàn trống để đọc báo và ăn bánh trong khi chờ đợi máy bay.

Khi đang đọc tờ báo buổi sáng, cô nhận ra có người đang sột soạt gì đó ở bàn mình. Hé nhìn từ phía sau tờ báo, cô sửng sốt thấy một anh chàng ăn mặc lịch sự đang với tay lấy bánh của cô rồi bỏ vào miệng. Không muốn làm ầm ĩ, cô chỉ nghiêng mình để lấy một cái cho mình. Hai phút sau, cô lại nghe tiếng sột soạt. Anh chàng kia lại lấy thêm bánh để ăn.

Cho đến lúc cả hai đã ăn đến cái bánh cuối cùng trong gói, cô đã tức giận hết cỡ nhưng vẫn không nói được câu nào. Rồi chàng trai bỗng bẻ cái bánh làm hai, đẩy một nửa về phía cô và ăn nửa còn lại, rồi bỏ đi.

Lát sau, khi loa phóng thanh gọi tên cô, và yêu cầu cô xuất trình vé, cô vẫn còn bừng bừng cơn giận. Các bạn hãy thử tưởng tượng sự xấu hổ của cô khi cô mở túi xách ra và khám phá ra rằng gói bánh của mình vẫn còn nằm nguyên trong đó. Thì ra từ nãy tới giờ cô đã ăn bánh của người ta. Chàng kia đã chia sẻ với cô đến miếng bánh cuối cùng. Thật là một con người tốt bụng.

Câu chuyện cho thấy cái nhìn của chúng ta về người khác không luôn luôn chính xác, thậm chí nhiều khi còn nhầm lẫn nữa. Vì thế đừng vội xét đoán, kết án. Và cũng phải sẵn sàng thay đổi cái nhìn của mình khi chúng không còn đúng với sự thật nữa. Quan trọng hơn nữa, nếu chúng ta muốn có những thay đổi lớn trong cuộc đời mình thì trước hết phải thay đổi cách nhìn về người khác. Hãy đeo cặp kính khác rồi mọi sự sẽ thay đổi theo ta.

Trong câu chuyện Phúc âm, người biệt phái nghĩ rằng ông là người công chính, xứng đáng ngồi cùng bàn với Đức Giêsu, còn người phụ nữ kia không xứng đáng đến trước mặt Ngài. Nhưng cuối cùng, Đức Giêsu đã vạch ra cho thấy người phụ nữ với lòng ăn năn thống hối, nhận mình là tội lỗi, lại xứng đáng ngồi bàn tiệc với Chúa hơn là người biệt phái tự coi mình là người công chính.

b) Cách đánh giá của Đức Giêsu

Người biệt phái nhìn người đàn bà tội lỗi như một thứ bùn nhơ. Còn Đức Giêsu thì lại có cái nhìn ngược lại. Chị ta không có quyền xuất hiện ở bữa tiệc ấy. Chị đã đến chỉ vì Đức Giêsu có mặt. Chị xuất hiện trước mặt Ngài với con người thật của chị và phục vụ Ngài với tất cả lòng yêu mến. Và mặc dù Ngài biết rõ người phụ nữ ấy thuộc hạng người nào, Ngài cũng vui lòng chấp nhận sự phục vụ của chị ta.

Thay vì xua đuổi chị, Đức Giêsu đã đón nhận chị một cách tử tế, dịu dàng và khoan dung. Ngài đã xúc động sâu xa bởi những việc chị đã làm. Ngài đã vạch trần các tội lỗi của chị. Chị đau đớn biết tội của mình, và hối hận về những tội ấy. Ngài bảo đảm chị đã được tha thứ. Không những thế, Ngài để cho chị hiểu rằng chị được yêu thương. Như thế chị có thể thực hiện một cuộc bắt đầu mới mẻ.

Truyện: Cái nhìn của Michelangelo.

Một ngày kia một người bạn đến thăm Michelangelo. Ông thấy nhà điêu khắc vĩ đại đang đục đẽo một tảng đá cẩm thạch lớn. Sân nhà phủ đầy những mảnh cẩm thạch vỡ và bụi bặm. Một cảnh tượng không lấy gì đẹp lắm.

“Chúa ơi, ông đang làm gì vậy “? Người bạn hỏi.

“Tôi đang thả thiên thần bị gam trong khối cẩm thạch này ra” Michelangelo đáp.

Người biệt phái Simon nhìn người phụ nữ chỉ thấy chị ta là tội nhân và mãi mãi là tội nhân. Đức Giêsu nhìn người phụ nữ và thấy chị ta là một người phụ nữ tội lỗi có khả năng trở thành một vị thánh. Nhờ sự gặp gỡ với Đức Giêsu, người phụ nữ bắt đầu sống một đời sống mới tốt đẹp hơn. Và chị có thể hành trình trên con đường ấy xa hơn những người đã đoán xét chị. Bằng việc tiếp xúc tử tế và tiếp nhận quà tặng của chị với lòng khoan dung, Đức Giêsu đã thổi luồng gió vào cánh buồm của chị (McCarthy).

Con người yếu đuối có nhiều lầm lỗi, đó là một điều hiển nhiên vì “Lầm lỗi là của con người và tha thứ là của Thiên Chúa” (A. Pope) và “Tha thứ thật sự là một hành động thần linh mà chúng ta chỉ học được nơi Thiên Chúa”(Madeleine Danielou).

Có một cuộc tranh luận là phải chăng người phụ nữ ấy được tha thứ vì yêu nhiều, hoặc chị yêu nhiều vì đã được tha ? Theo tôi, cả hai ý nghĩa ấy đều phù hợp với Luca, vì vậy ông nhấn mạnh đến sự tha thứ của Thiên Chúa trong Đức Kitô lẫn sự đáp lại bằng yêu mến mà sự tha thứ ấy gợi lên.

III. CON NGƯỜI CÓ THỂ CẢI THIỆN ĐƯỢC

1. Tội nhân tìm Thiên Chúa hay Thiên Chúa tìm tội nhân ?

a) Thiên Chúa đi tìm tội nhân

Trước tiên chúng ta phải khẳng định rằng Thiên Chúa đi tìm tội nhân. Một số dụ ngôn đã nói với chúng ta về điều đó. Dụ ngôn người chăn chiên bỏ 99 con ở lại để đi tìm con chiên lạc, khi tìm thấy chiên, ông vác lên vai đưa về. Dụ ngôn người đàn bà mất một đồng bạc đã đốt đèn tìm kiếm khắp nhà, khi tìm được bà mở tiệc ăn mừng. Dụ ngôn đứa con hoang đàng được người cha đón trở về trong sự tha thứ, còn mở tiệc ăn mừng vì con mình đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy.

b) Con người đi tìm Thiên Chúa

Trong trường hợp bài Tin mừng hôm nay, người phụ nữ tội lỗi đã đi tìm Chúa. Chị ta đã tự dẫn xác đến nộp mạng cho Đức Giêsu. Chị khóc lóc rồi tự lấy bình dầu thơm quí giá để xức và lau chân Đức Giêsu. Cử chỉ của chị làm cho Đức Giêsu được coi như là người mắc nợ năm trăm quan tiền, không có gì để trả, nên chủ nợ đã thương tình tha cho cả hai.

c) Như vậy ai đi tìm ai ?

Tội nhân đi tìm Thiên Chúa hay Thiên Chúa đi tìm tội nhân ? Dĩ nhiên Thiên Chúa đi tìm tội nhân trước, Ngài đã có sáng kiến trước, Ngài tạo mọi điều kiện thuận lợi và ban cho tội nhân đủ ơn trợ giúp để tìm đến với Chúa để lãnh được ơn tha thứ. Chúng ta phải luôn nhớ lời Đức Giêsu đã phán: ”Không có Thầy, các con không thể làm gì được”.

2. Cải tà qui chính là điều có thể

Con người tuy yếu đuối hay sa ngã nhưng cũng có khả năng đứng vững trước sự trợ giúp của Thiên Chúa, hoặc có sa ngã thì cũng có thể chỗi dậy được. Người ta thường nói: ”Nhân chi sơ tính bản thiện”, tự bản tính con người là tốt, nếu có sa ngã, nếu có hư hỏng thì cũng có thể sửa chữa được, miễn là phải cố gắng không ngừng… Cha Flor McCarthy đã đưa ra một câu chuyện để chứng minh cho điều đó.

Truyện: chiếc đèn cũ kỹ.

Một đêm nọ trong lúc bị cúp điện, một người đàn ông tìm được một cây đèn cũ đốt bằng mỡ từ trên tầng gác để đồ cũ. Tình trạng của đèn thật thảm hại, bóng đèn nứt và đen thui. Dù sao, ông cũng đốt đèn và nó tỏa ra một ánh sáng yếu ớt. Đã vậy, bấc đèn bốc khói tỏa ra một mùi khét lẹt. Thật là quá mức đối với một người thích mọi vật hoàn hảo như ông. “Cái đèn này thật vô dụng nên vứt nó đi”, ông nói với vợ ông. Nói xong ông tắt đèn dầu, lấy nến ra đốt.

Ba tuần sau, lại cúp điện. Lần này, vợ ông đem lại ánh sáng. Bà lấy ra một cái đèn dầu đẹp, đốt lên. Một ánh sáng mầu hồng tỏa ra làm cả nhà thích thú.

“Cái đèn này thật tuyệt” ! ông chồng nói: ”Bà mua nó ở đâu”?

“Đó là cái đèn mà ông muốn vứt đi đấy”, bà đáp.

Sau khi đến thật gần để xem xét, ông nói:”Chắc tốn khá nhiều tiền để tân trang nó như thế này” ?

“Thãt ra chẳng tốn gì mấy”, bà đáp. “Tôi chỉ mua một cái bấc mới và một cái bóng. Nhưng tôi phải bỏ nhiều thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Tôi đã nhận thấy dưới lớp bụi bẩn là một cái đèn đẹp. Và ông không thấy rằng tôi có lý sao ?

“Tôi hoàn toàn đồng ý với bà”, ông đáp.

Vứt bỏ một cái đèn dầu thì dễ hơn bỏ thời gian và công sức để lau chùi và đánh bóng nó. Với con người cũng thế, gán họ vào một loại người nào đó rồi xếp xó họ thì dễ dàng hơn việc đối xử họ như bạn bè và giúp đỡ họ vượt lên sự khốn cùng của họ. Hoán cải một người là một nhiệm vụ tế nhị và khó khăn. (Flor McCarthy, Phụng vụ Chúa nhật và lễ trọng, năm C, tr 454-455).

3. Phải có một cái nhìn đúng

Bài Tin mừng hôm nay mời gọi chúng ta phải có một cái nhìn đúng về người và về mình, nghĩa là chúng ta đừng xét đoán người khác dựa trên những tiêu chuẩn của luật lệ, phong tục, và lối sống của chúng ta (Gl 6,4; Rm 2,17-24). Người ta thường nói: ”Xanh vỏ đỏ lòng” (Tục ngữ). Câu tục ngữ có ý dạy chúng ta phải lưu ý trong việc đánh giá một người hay một sự việc. Nhiều khi bề ngoài là xấu nhưng tự bản chất là tốt. Nếu chỉ đánh giá theo cái vỏ bề ngoài thì sẽ sai lầm.

Trong bài Tin mừng, người biệt phái, cùng những người khách khác ở bàn tiệc, đã không thể nhìn vào người phụ nữ như Đức Giêsu đã nhìn. Những phong tục, luật lệ, thiên kiến và lối sống đã giới hạn họ. Họ đã xếp loại người phụ nữ này là người tội lỗi. Họ đã tự nghĩ rằng bản thân mình tốt hơn người phụ nữ này nhiều.

Nếu so sánh trường hợp tội lỗi của vua Đavít và người đàn bà tội lỗi với chúng ta, chắc chúng ta nói rằng mình an tâm. Chúng ta an tâm vì có bao giờ chúng ta phạm những tội nặng như họ đâu ? Có bao giờ chúng ta quá tệ đến nỗi ngoại tình, rồi giết chồng để đoạt vợ người ta ? Có bao giờ chúng ta tệ đến nỗi hành nghề mãi dâm và bị tai tiếng cả thành phố ? Những tội nặng nề như thế mà còn được tha thứ dễ dàng thì huống chi là tội của chúng ta. Vì thế chúng ta cảm thấy an tâm.

Nhưng hãy coi chừng ! Sự an tâm đó có thể đem lại nguy hại cho chúng ta. Tại sao ? Thưa chính vì mình an tâm mà đâm ra coi thường những tội của mình, không cho đó là tai hại bao nhiêu, cho nên khỏi ăn năn thống hối, không quyết tâm từ bỏ. Bài Tin mừng hôm nay làm cho chúng ta suy nghĩ: không phải đây chỉ là chuyện của người ta mà là câu chuyện của chính mình:

Nói người hãy nghĩ đến ta,

Nếu suy cho kỹ lại ra chính mình.

Truyện: Biểu diễn trồng táo.

Tại một xứ Hồi giáo, có một người đàn ông bị vua ra lệnh treo cổ vì đã ăn trộm thức ăn của người khác. Như thường lệ, trước khi bị xử, tội nhân được nhà vua cho phép xin một ân huệ. Kẻ tử tội bèn xin nhà vua:

- Tâu bệ hạ, xin cho thần được trồng một cây táo. Chỉ trong một đêm thôi, hạt giống sẽ nảy mầm, mọc thành cây và có trái ăn tức khắc. Đây là một bí quyết mà cha thần đã truyền lại cho thần. Thần tiếc là khi thần chết đi rồi, bí quyết này sẽ không được truyền lại cho hậu thế.

Nhà vua truyền chuẩn bị mọi sự để sáng hôm sau người tử tội sẽ biểu diễn trồng táo. Đến giờ hẹn, trước mặt vua và các quan văn võ, tên trộm đào một cái lỗ nhỏ và nói:

- Chỉ có người nào chưa hề ăn trộm của người khác mới trồng được hạt giống này. Vì tôi đã lỡ ăn trộm nên không thể trồng được.

Nhà vua vẫn chiều lòng tên ăn trộm, nên quay sang nhìn tể tướng. Sau một lúc do dự, vị tể tướng thưa:

- Tâu bệ hạ, thần nhớ lúc còn niên thiếu, thần cũng đã có lần lấy của người khác. Thần cảm thấy không đủ điều khiện để trồng hạt táo này.

Nhà vua đảo mắt nhìn quanh các quan văn võ đang có mặt. Ông nghĩ may ra quan thủ kho trong triều là người nổi tiếng trong sạch có thể đủ điều kiện. Nhưng quan thủ kho cũng lắc đầu từ chối và tuyên bố với mọi người rằng ông cũng đã có lần gian tham trong chuyện tiền bạc.

Không tìm được ai, nhà vua mới định cầm hạt táo đến bỏ vào lỗ. Nhưng ông cũng chợt nhớ ra lúc còn nhỏ ông đã có lần đánh cắp báu vật của vua cha.

Bấy giờ người tử tội mới chua xót lên tiếng:

- Tâu bệ hạ, các ngài là những người quyền thế cao trọng, không thiếu thốn điều gì. Vậy mà các ngài không thể trồng được hạt táo này, chỉ vì các ngài cũng đã có lần lấy của người khác. Còn hạ thần, một con người khốn khổ, chỉ lỡ lấy thức ăn của người khác ăn cho đỡ đói, thế mà các ngài lại kết án treo cổ hạ thần.

Nghe thế, nhà vua và cả triều thần như xốn xang trong lương tâm. Ông bèn ra lệnh phóng thích người ăn trộm

Câu chuyện này nhắc nhở cho chúng ta lời Chúa Giêsu: ”Tại sao con thấy cọng rác trong mắt anh chị em, còn cái xà trong mắt con thì lại không thấy” (Mt 7,3) ?
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
12 điều các Giám Mục học được từ những vụ khủng hoảng lạm dụng tính dục của một số nhỏ giáo sĩ
Paul Minh Nhật
00:47 10/06/2010
Các giám mục Hoa Kỳ đã học được rất nhiều bài học từ các vụ khủng hoảng lạm dụng tính dục của một số giáo sĩ.

Sau đây là mười hai điều quan trọng nhất mà đức giám mục Blase Cupic thành phố Rapid, nam Dakota, hiện là chủ tịch Ủy Ban bảo Vệ Trẻ Em và Thanh Niên của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã trình bày.

1- Sự thương tổn gây ra cho các nạn nhân sâu đậm hơn nhiều so với điều những người không phải nạn nhân tưởng tượng. Lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên sẽ nghiền nát họ một cách rõ ràng bởi vì nó đến từ một giai đoạn trong cuộc sống của họ khi họ bị tổn thương, họ sẽ trở nhạy cảm với sự nhiệt thành, hy vọng vào tương lai và sự háo hức cho những mối quan hệ đặt nền tảng trên sự tin tưởng và trung thành.

2- Mặc dù có sự tức giận chính đáng của các nạn nhân với Giáo Hội, các giám mục vẫn cần phải tìm đến với họ như là các mục tử. Gặp gỡ tiếp cận với các nạn nhân có thể là một thách thức cho tất cả những ai liên quan, nhưng họ cũng có thể có được những thời khắc của ân sủng và sự cảm thông.

3- Nguyên nhân của các vụ lạm dụng tính dục của một số nhỏ các giáo sĩ là rất phức tạp, và nó thì chỉ đơn giản là làm cho họ nghèo đi những câu trả lời dễ dàng. Có rất nhiều yếu tố đã được biện minh là "giải thích" cho những hành động mất đạo đức này của một số giáo sĩ, nhưng sự thật là lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên được phát hiện trong rất nhiều hoàn cảnh khác nhau, thủ phạm gây ra là các thành viên trong gia đình, những người lãnh đạo các tổ chức thanh niên, các bác sĩ, các giáo viên và những người khác nữa. "những câu trả lời dễ dàng" bị đánh giá thấp không đúng mức là mức độ rộng lớn của phạm vi vấn đề đang có trong xã hội của chúng ta.

4- Người Công Giáo đã bị tổn thương về sự thiếu sót đạo đức của một số nhỏ các linh mục, nhưng họ bị tổn thương và giận dữ hơn bởi các giám mục những người đã thất bại trong việc đặt các trẻ em lên hàng đầu. Mọi người mong đợi các nhà lãnh đạo tôn giáo hơn tất cả phải ngay lập tức và thẳng thắn trong việc đứng lên mạnh mẽ đối mặt với sự dữ, chẳng hạn như việc làm tác hại đến trẻ em và người trẻ gây ra bởi các vụ lạm dụng tính dục.

5- Việc tham khảo ý kiến của các giáo dân, đặc biệt là các bậc cha mẹ, là điều không thể thiếu trong một vấn đề mà có tác động một cách sâu đậm lên các gia đình. Khả năng của chúng ta đáp trả lại các vụ lạm dụng tính dục giới trẻ đã được ủng hộ bởi những chia sẻ sáng suốt với chúng ta của các bậc cha mẹ như là làm thế nào để làm việc đó có hiệu quả.

6- Các linh mục của chúng ta có một sự bền bỉ mà các thế hệ tương lai phải nhắc lại với sự khâm phục. Các linh mục đã giữ lời cam kết của mình với ơn gọi của mình mọi ngày trong đời họ, mặc dù bị thương tổn từ những hành động của những kẻ đã bôi nhọ thiên chức linh mục mà họ yêu mến. Sự bền đỗ của họ đã xây dựng một hồ chứa của thiện ý với mọi người và nó là một yếu tố chính lý giải tại sao trong suốt những vụ khủng hoảng bi thảm này mà phần lớn người Công Giáo trong đất nước Hoa Kỳ của chúng ta vẫn giữ trọn niềm tin của họ vào Giáo Hội.

7- Hội Thánh cần phải duy trì những nỗ lực về môi trường an toàn bắt buộc đã được phát triển. Kinh nghiệm cho thấy các học viện là không được hiệu quả trong việc bảo vệ trẻ em nếu những tiêu chuẩn là tự nguyện. Bất kì sự tái phạm nào đều gây nguy hại đến trẻ em trước hết, và cũng vậy sự tín nhiệm đã đạt được thông qua những nỗ lực loại bỏ những tác động của những tai họa này. Giáo xứ phải là nơi an toàn nhất cho một đứa trẻ sống.

8- Các giám mục cần phải chịu trách nhiệm lẫn nhau trong những nỗ lực để bảo vệ trẻ em và phải sẵn sàng tham gia một cách minh bạch,có những kiểm toán độc lập để minh chứng họ sẽ giữ lời hứa chúng ta đã làm. Điều gì diễn ra ở một nơi lại xảy ra với tất cả chúng ta?

9- Các giám mục cần chống lại những luận điệu phòng vệ của những học viện thường tái diễn trong giai đoạn khủng hoảng này. Phương sách về sự giải thích bí ẩn về các vụ tấn công và chấp nhận một cách tiếp cận "vòng tròn toa xe"(circle the wagons: tức là không trao đổi với ai không cùng nhòm để tránh những ý kiến hay niềm tin của họ) chỉ kéo dài vấn đề và không làm được gì để giải quyết vấn đề hay chữa lành những vết thương của các nạn nhân.

10- Tự lừa dối mình là một phần vốn có của những kẻ bạo hành bệnh hoạn gây đau đớn và bao gồm sự xuống dốc nhằm làm giảm bớt sự nghiêm trọng của hành vi và tác động họ trên từng cá nhân bị lạm dụng và trên toàn thể hội thánh nói chung.

Nhiều người thậm chí còn xoay xở để thuyết phục chính họ rằng họ đã quan tâm đến những trẻ em mà họ đã làm hại một cách chân thật. Điều này làm cho họ không thể đi đến việc hiểu thấu được những tội ác mà họ đã phạm. Các tuyên bố thường xuyên được làm bởi các thủ phạm trong quá khứ rằng họ đã thực sự hối lỗi và sẽ chấm dứt việc lạm dụng là không bao giờ lấy lại được giá trị thực một lần nữa.

11- Đức tin của mọi người chúng ta là đang mạnh mẽ và được duy trì giữ vững trong những lần của thử thách. Chúng ta nhận được từ họ mức hỗ trợ cảm xúc và tinh thần cái làm hạ thấp chúng ta. Niềm tín thác của họ vào Chúa không chỉ duy trì nơi họ nhưng còn cả cho chúng ta nữa.

12- Các giám mục phải hợp tác với chính quyền bằng cách tuân theo luật pháp dân sự đối với các báo cáo cáo buộc lạm dụng tính dục trẻ vị thành niên và hợp tác với họ để điều tra làm rõ. Tất cả các lãnh đạo của các cộng đồng tôn giáo hay thế tục cần phải làm việc với nhau để bảo vệ trẻ em và giới trẻ.

(Giám mục Blasé Cupic thành phố Rapid, nam Dakota, hiện là chủ tịch ủy ban bảo vệ trẻ em và giới trẻ của HỘi ĐỒng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ.)

Dịch từ www.americamagazine.org
 
Điều gì đang làm cho nhiều người Công Giáo trở về đến thế? (2)
Thiên Phong
06:15 10/06/2010
Bài của Andrea Kirk Assaf (Zenit), phỏng vấn Tom Peterson, người sáng lập phong trào vận động “Người Công Giáo, Hãy Về Nhà.”

Rôma, 05 tháng 5, 2010 – Khi Thiên Chúa chọn một phương pháp để đem những người Công Giáo xa rời lâu năm trở về với Giáo Hội, hẳn là Ngài cũng muốn nhân rộng thành quả đó đến các nước khác nữa. Điều đó dường như đang diễn ra với phong trào vận động do Tom Peterson khởi xướng. Chúng tôi đã đăng Phần I bài phỏng vấn Tom Peterson. Sau đây là Phần II.

>-Zenit: Chuyến đi Rôma này, anh bị vây bủa bởi vô số yêu cầu phỏng vấn, và đồng thời anh cũng được “nối mạng” với rất nhiều tổ chức truyền thông quốc tế trong Giáo Hội; đâu là kết quả cụ thể anh thu được từ chuyến đi? Anh có cảm thấy rằng giờ đây có lẽ công cuộc của anh phải đảm nhận thêm một vai trò mới, để trình bày cách đơn sơ nhưng đầy cảm kích khuôn mặt tích cực của Giáo Hội giữa tất cả những chuyện tiêu cực mà dư luận đang xôn xao?

-Peterson: Chúa Giêsu gọi Thánh Kinh là “tin mừng.” Trong hành trình đức tin của chúng ta, Chúa Cha từ ái, Chúa Giêsu, và Chúa Thánh Thần đã trao cho chúng ta Tin Mừng. Nhưng thế gian thì muốn nói với chúng ta một câu chuyện khác. Thần dữ muốn làm chúng ta nản chí; nó kéo chúng ta tập chú vào những cái tiêu cực. Nó không muốn chúng ta nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm, để chỉ lò mò trong bóng tối. Điều tôi học được trong chuyến đi này, đó là có rất nhiều tin mừng để chia sẻ. Và trong khi báo chí và các phương tiện truyền thông “đời,” các thế lực sự dữ trong thế giới này muốn chúng ta chúi mũi vào những con người không sống theo tinh thần của Đức Kitô, thì chúng ta trong tư cách là Thân Thể Đức Kitô, là những người đã chịu Phép Rửa trong Giáo Hội Công Giáo, phải chia sẻ tin mừng cho thế giới. Khi chúng ta làm thế, các phép lạ sẽ xảy ra, và lòng người sẽ thay đổi.

Có câu nói rằng “khoảng cách dài nhất trên trần đời này là khoảng cách 45 cen-ti-mét từ bộ óc tới trái tim của người ta.” Khi tôi đến với khóa hội thảo này, tôi hơi bị ‘khớp” vì sự kiện này qui tụ những giáo sư khoa bảng thông thái từ khắp nơi trên thế giới đến đây đăng đàn. Còn tôi chỉ mang theo mình một sứ điệp rất đơn sơ, đó là “Chúa yêu bạn.” Và để chuyển trao sứ điệp ấy, có những cách thức đầy sáng tạo qua đó chúng ta có thể làm cho sứ điệp chạm đến công chúng. Chúng ta hãy bắt chước Đức Giêsu, Ngài đã ra khỏi Đền Thờ để đi đến với người ta những nơi mà họ có mặt. Họ ở đâu vậy? Họ đang xem truyền hình, họ đang lướt mạng Internet. Bằng các phương tiện truyền thông hiện đại, chúng ta có thể mang Phúc Âm hay Tin Mừng của Chúa Giêsu đến cho một thế giới đang cần niềm hy vọng và cần được chữa lành. Tra tay vào làm, chúng ta sẽ thấy hoa trái sinh sôi!

Tôi vẫn cứ ngạc nhiên thú vị hoài mỗi khi có người từ Tây Ban Nha, Đức và những nơi khác nữa trên thế giới liên lạc với tôi và bảo: “Này, chúng tôi muốn có các chương trình như thế trong cộng đồng của chúng tôi, anh có thể đưa chúng đến với chúng tôi được không?” Tôi vừa mừng vừa băn khoăn bởi vì người ta muốn xem các chương trình ấy trong ngôn ngữ mẹ đẻ của họ, bằng tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Pháp, Ý, vv. Và chúng tôi phải cố gắng để đáp ứng nhu cầu đó. Thực tế là chúng tôi không có nhiều nhân sự; khả năng cũng giới hạn. Nhưng Chúa sẽ liệu nếu Ngài muốn chúng tôi mở rộng công cuộc này. Và các kinh nghiệm rút được tại Mỹ sẽ là bài học quí báu để chúng tôi vận dụng vào các khung cảnh văn hóa khác. Để các chương trình thêm hiệu quả, chúng tôi sẽ ghi âm lời thuyết minh bằng ngôn ngữ địa phương, sẽ thay thế một số cảnh phim đặc thù tại nước Mỹ bằng những cảnh khác thích ứng hơn với mỗi quốc gia.

Chẳng hạn, các bạn ở Úc có thể muốn chúng tôi giới thiệu về Thánh Mary MacKillop, vị bổn mạng mới của họ, hoặc hình ảnh Đức Gioan Phaolô II đang ôm một chú kangaroo... Đó là những hình ảnh thân thương, gần gũi, có thể làm cho người Úc thốt lên: “Đây là gia đình Giáo Hội của mình!” Vâng, có những cảnh chúng tôi có thể thay đổi, để thông điệp được nồng nhiệt đón nhận ở các cộng đồng khác nhau.

-Zenit: Tương lai của cuộc vận động “Catholics, Come Home” sẽ như thế nào?

-Peterson: Chúng tôi vừa mới cập nhật trang web của mình hồi tháng 12, để làm cho nó năng động hơn và xác thực hơn. Chúng tôi đã sử dụng công nghệ web 2.0, giúp việc lướt web thoải mái hơn nhiều. Về nội dung, chúng tôi đưa vào thêm nhiều giáo huấn liên quan đến các vấn đề luân lý và xã hội rất sốt dẻo hiện nay mà người ta đang muốn tìm hiểu - chẳng hạn, các thông tin về vô sinh, các giáo huấn về ngừa thai, phá thai và về sự sống, giáo huấn về hôn nhân và gia đình, về sự tiêu hôn. Kết quả của sự cập nhật hồi tháng 12 này được thấy rõ ràng: lượng người truy cập tăng vọt, và trung bình người ta dành đến 6 phút hay nhiều hơn thế cho trang web, họ xem hơn bốn trang, nghĩa là so với tháng trước đó thì kết quả tăng gấp ba lần.

Công việc chúng tôi hiện đang làm, đó là áp dụng cùng một sách lược và công nghệ của catholicscomehome.org cho trang www.catolicosregresen.org, để các chương trình bằng tiếng Tây Ban Nha và các phương ngữ khác nhau của ngôn ngữ này được thích ứng hơn cho mỗi nước. Ví dụ, ở Mỹ, trong “Epic” chúng tôi đã cắt một số cảnh và đưa vào một cảnh về Thứ Tư lễ Tro và một cảnh về Đức Bà Guadalupe. Các chứng từ bằng tiếng Tây Ban Nha nói về việc Đức Mẹ không ngừng kêu gọi chúng ta trở về với Con của Mẹ. Chúng tôi sử dụng những cách nói gần gũi trong lời thuyết minh. Ví dụ, một anh bạn nói tiếng Tây Ban Nha kể chuyện rằng anh ấy là thành viên của một đội bóng chày chuyên nghiệp; đội bóng của anh làm việc vào ngày Chúa Nhật, và anh đã lấy đó làm lý do để không đi lễ.

Các “quảng cáo” của chúng tôi bằng tiếng Anh, Tây Ban Nha, Ba Lan được phát sóng ở Chicago – “Epic” bằng tiếng Ba Lan cũng được phát sóng trên Đài PolSat ở Chicago với sự động viên tích cực của Đức Hồng Y George, Tổng Giáo Phận Chicago. Chúng tôi biết rằng hàng triệu người ở Ba Lan đã xem các “quảng cáo” của “Catholics, Come Home” bằng tiếng Ba Lan trong suốt Mùa Vọng và dịp Lễ Giáng Sinh, vì tín hiệu PolSat được truyền tới Ba Lan qua vệ tinh. Một anh bạn Ba Lan ở giáo xứ chúng tôi vừa mới về thăm gia đình bên Ba Lan kể rằng anh ấy đã xem các “quảng cáo” này trên kênh truyền hình “đời” ở đó. Thì ra Chúa Thánh Thần đã ‘quốc tế hóa’ chúng tôi cả trước khi chúng tôi có ý định ấy! Đây là một thành quả ngoài dự kiến, đúng là do Chúa ban cho.

-Zenit: Anh đã học được gì khi đặt bước vào cuộc phiêu lưu thánh thiêng này?

-Peterson: Điều chính yếu tôi nhận ra, đó là một thế giới tuyệt đẹp ẩn giấu đang có đó, rất thực. Là người Công Giáo, chúng ta được trao ban các ân huệ Thánh Thần qua Bí Tích Phép Rửa và Bí Tích Thêm Sức, chúng ta còn lãnh nhận chính Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể nữa, nhưng rất thường chúng ta bị cuốn trôi bởi bao sự đời. Thiên Chúa có một mục đích và một chương trình cho cuộc đời chúng ta. Chúng ta có một chức năng độc đáo trong Thân Mình Đức Kitô. Khi chúng ta thưa “Vâng” với Chúa và thi hành thánh ý của Ngài qua đời sống bí tích, thì cái vảy sẽ rơi khỏi mắt ta, như điều đã xảy ra với Thánh Phaolô, và cái thế giới mới mẻ ẩn giấu kia tất sẽ hiện lộ. Đó là một thế giới tràn ngập bao sắc màu, có sự phiêu lưu, có niềm vui và an bình. Tôi đã nhận ra rõ ràng những gì mình bỏ nhỡ khi sống kiểu “người Công Giáo ngoài giờ” – giờ đây tôi hiểu tại sao người ta vui mừng đến thế. Chỉ cần chúng ta cất bước đến với Chúa, như người con đi hoang trở về, thì Chúa Cha từ ái sẽ chạy ào tới đón chúng ta, và phủ ngập chúng ta bằng các ân huệ của Ngài.

Vì thế, tôi khích lệ mọi người hãy thưa “Vâng” với Chúa, hãy bước tới với cuộc hòa giải tuyệt vời nơi Bí Tích Tha Tội, hãy bắt đầu đọc Thánh Kinh, và xin Chúa kéo mình đến gần Ngài hơn. Thiên Chúa sẽ nhận lời cầu nguyện của chúng ta, và bạn sẽ có một cuộc phiêu lưu, bạn sẽ có một mục đích và một tiếng gọi trong đời sống. Bạn sẽ khám phá một thế giới mới, đầy hy vọng và bình an trong Chúa Giêsu.

(dịch từ WHAT’S BRINGING SO MANY CATHOLICS HOME? của Andrea Kirk Assaf, đăng trong Zenit.org, 05.5.2010)
 
Một giám mục Argentina kêu gọi các ký giả phục vụ xã hội bằng 'sự thật'
Nguyễn Hoàng Thương
07:30 10/06/2010
Một giám mục Argentina kêu gọi các ký giả phục vụ xã hội bằng 'sự thật'

Buenos Aires, Argentina (CNA) – Đức Giám Mục Jorge Casaretto của San Isidro, Argentina nhắc nhở các ký giả và các nhà truyền thông trong tuần này rằng họ có "nghề nghiệp cao quý phục vụ xã hội bằng cách nói ra sự thật và xây dựng tình hiệp thông qua phương tiện truyền thông và tôn trọng tất cả mọi người".

Trong một bức thư gửi đến các ký giả hồi đầu tuần, Đức Giám Mục nhấn mạnh rằng sự phong phú của thông tin tồn tại trong thời đại ngày nay là một khẳng định quyền của công dân được thông tin và kêu gọi chúng ta phản ánh chất lượng của thông tin đó.

Ngài nhận xét: "Có vẻ như ngày nay nói về số lượng thông tin là cách nào đó nói trái ngược về chất lượng của nó. Thường những tin tức chúng tôi nhận được không phải nói về những gì đã xảy ra, nhưng là những phiên bản của những gì họ nói đã xảy ra. Thậm chí tệ hơn là tiên đoán những gì họ tin rằng có thể đã xảy ra được nói đến như là tin tức".

Đức Cha cảnh báo: "Không còn nghi ngờ gì nữa, tin tức được hiểu theo cách này tạo ra sự hỗn loạn, lo lắng và phân mảnh trong xã hội, chứ không phải đưa tin cho chúng tôi".

Đức Giám Mục Casaretto nói thêm rằng nghề báo là một thách đố to lớn phải được gánh vác bằng cách phục vụ bằng sự thật và tôn trọng, với "đối thoại là một phần hoạt động của tiến trình truyền đạt và đương đầu của ý niệm" để đạt được lợi ích chung.

Đức Giám Mục cũng khuyến khích giới truyền thông chuyên nghiệp đảm đương "cam kết cao quý này để phục vụ xã hội" theo cách thế hợp đạo đức, vì họ là "phần quan trọng và có giá trị của quá trình phát triển và tăng trưởng" của đất nước.
 
Lần đầu tiên công bố bức thư Đức Piô XII gửi Tổng Thống Roosevelt
Nguyễn Hoàng Thương
07:32 10/06/2010
Lần đầu tiên công bố bức thư Đức Piô XII gửi Tổng Thống Roosevelt

Rôma (ZENIT) - Một bức thư của Đức Giáo Hoàng Piô XII gửi cho Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt đã được Hội Hiệp sĩ Columbus phát hiện và công bố. Lá thư chưa hề được công bố trước đó đề ngày 30/08/1943 yêu cầu Tổng Thống "tha cho các cư dân vô tội và nhất là các nhà thờ và các tổ chức tôn giáo".

Bức thư được viết sau hàng loạt các vụ đánh bom vào Rôma của quân đồng minh, hai vụ xảy ra trong vòng sáu tuần trước khi có lời kêu gọi của Đức Giáo Hoàng.

Đức Piô XII đã nói với Tổng Thống Roosevelt rằng có quá nhiều người cho rằng Rôma "tự do theo chính sách mà mình lựa chọn" để phát huy lợi ích tốt nhất cho riêng mình.

Thay vào đó, ngài khẳng định "tin chắc rằng điều này đi xa sự thật. Khát vọng hòa bình [của Rôma] và không liên quan đến chiến tranh, là điều không thể nghi ngờ gì nữa, nhưng sự hiện diện của những lực lượng kinh khiếp chống phát động hoặc ngay cả tuyên bố chính thức về khát vọng đó, Rôma cho thấy bản thân mình ngăn cản và hoàn toàn không cần thiết các biện pháp bảo vệ mình".

Đức Giáo Hoàng cũng liên quan trực tiếp đến việc an ủi các nạn nhân của các vụ đánh bom. Sau khi cuộc tấn công ngày 19 tháng 7 năm 1943, ngài đã đi đến một trong những hiện trường – Quảng trường Thánh Lawrence - để động viên người dân trong khu vực.

Vai trò ngoại giao

Bức thư ngày 30 tháng 8 đã được trình bày trong cuộc triển lãm 90 năm hiện diện của Hội Hiệp sĩ Columbus ở Rôma. Triển lãm do Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, khai mạc hôm 09/06 cùng với Thị Trưởng Rôma và Hiệp sĩ Tối Cao của Hội Hiệp sĩ Columbus.

Sau khi được phát hiện ra trong văn khố của Hội Hiệp sĩ Columbus, bức thư đã được đăng trên trang nhất của tờ "Il Messaggero", cùng với một bài phân tích của Franca Giansoldati, một chuyên gia về Vatican của tờ báo ở Rôma này.

Giansoldati cho rằng không có gì phải ngạc nhiên khi bức thư được tìm thấy trong văn khố của Hội Hiệp sĩ Columbus, vốn đã hoạt động ở Ý từ năm 1920.

Giansoldati giải thích: "Trên phương diện ngoại giao, trụ sở chính ở Rôma của Hội Hiệp sĩ Columbus thực hiện vai trò quyết định trong suốt thời gian chiến tranh, lắp đầy khoảng trống quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Hoa Kỳ".

Bức thư được in trên trang 156 và 157 của chương trình triển lãm với tựa đề "Mọi người được chào đón, Mọi thứ đều miễn phí" - phương châm của các Hiệp sĩ khi họ đến Ý lần đầu tiên trong thời Đệ Nhất Thế Chiến.
 
Nhà cầm quyền đang đêm san bằng Nhà thờ Công Giáo duy nhất ở một thành phố của Trung Quốc
Nguyễn Hoàng Thương
07:33 10/06/2010
Nhà cầm quyền đang đêm san bằng Nhà thờ Công Giáo duy nhất ở một thành phố của Trung Quốc

Ordos (UCAN) - Nhà thờ Công Giáo duy nhất ở Ordos, Nội Mông Cổ, Trung Quốc đã bị triệt hạ suốt đêm thứ Hai, còn vị linh mục và lãnh đạo giáo dân bị công an bắt giam.

Vụ phá hủy được cho là tiến hành theo lệnh của tòa án. Hôm 09/06, giáo dân đã cắm trại gần đống đổ nát nhằm cố gắng ngăn chặn bất kỳ việc xây dựng mới nào tại hiện trường. Họ đã đến với Thánh lễ buổi sáng hôm 08/06 bằng một đống mảnh vụn nằm rải rác với các mảnh vỡ bàn thờ và thánh giá dài 5 mét.

Các nguồn tin của UCANews cho hay có khoảng 100 người đến để phá hủy Nhà thờ Dongsheng thuộc cộng đoàn Công Giáo công khai vào lúc nửa đêm hôm 07/06.

Vị mục tử địa phương, cha Gao En và vị lãnh đạo giáo dân Yang Yizhi đã bị đánh thức bởi tiếng ồn và cố gắng ngăn chặn vụ triệt phá nhưng đã bị còng tay bắt đi. Nguồn tin của UCAN cho hay họ đã được thả về giáo xứ sau khi bị giam giữ hơn 20 giờ tại đồn công an.

Các nguồn tin cũng cho biết trước đó nhà thờ đã nhận được một thông báo sẽ bị phá hủy. Hiện một hoặc hai xe công an vẫn còn chốt chặn gần hiện trường.

Đức Giám Mục vừa được tấn phong Paul Meng Qinglu của Hohhot đã cử hai linh mục đến Ordos để điều tra sự việc. Họ đang thương lượng với các quan chức địa phương về bồi thường.

Nhà thờ này rộng 150 mét vuông phục vụ cho cộng đoàn khoảng 1.000 người Công Giáo, đã được đăng ký hợp pháp vào tháng 05/2009. Tuy nhiên, gần đây chính quyền địa phương đã yêu cầu phá hủy nhà thờ để mở một con đường mới.

Các nhà lãnh đạo Giáo Hội đã nói chuyện với chính quyền nhiều lần nhưng bất thành. Một nguồn tin đặt vấn đề: "Làm sao mà chính quyền có thể đánh sập nhà thờ một cách bí mật vào lúc nửa đêm và làm ‘biến mất’ các vị lãnh đạo Giáo hội của chúng tôi trong khi nói về sự hòa hợp xã hội?"
 
Hơn 10.000 linh mục khắp thế giới về Roma tham dự ngày bế mạc Năm Linh Mục
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
09:55 10/06/2010
VATICAN - Thay mặt Bộ Giáo Sĩ, Tòa Thánh và Đức Thánh Cha, sáng hôm qua thứ Tư, 09/06/2010, Đức Cha Mauro Piacenza, Thư Ký Bộ Giáo Sĩ, đã đón tiếp hàng ngàn linh mục trên thế giới đổ về Roma để kết thúc Năm Linh Mục tại Latêranô.

Ngài lý giải rằng « số lượng khổng lồ các linh mục tấp nập tiến về Roma để tham dự bế mạc Năm Linh Mục đã buộc chúng tôi, trong niềm phấn khởi và trong tâm tình cảm tạ về sự quan phòng Thiên Chúa, nhân đôi những buổi cử hành vì lẽ không có một vương cung thánh đường nào tại đây có thể chứa nổi tầm ảnh hưởng của đông đảo vốn rất quan trọng của các linh mục ». Do đó các linh mục tham dự được phân chia làm hai khu vực giữa Latêranô và Thánh Phaolô ngoại thành.

Đức Cha Piacenza cũng nhắc đến buổi canh thức sẽ diễn ra vào tối thứ năm 10/06 và thánh lễ bế mạc Năm Linh Mục được cử hành vào buổi sáng thứ Sáu khi nói rằng: « Chúng ta cảm thấy hạnh phúc về món quà mà Chúa ban tặng cho chúng ta. Đó là khúc dạo đầu của sự tuôn trào chan chứa được làm mới lại bởi Chúa Thánh Linh mà chúng ta sẽ đón nhận trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha suốt quãng thời gian từ buổi vọng canh thức vào tối thứ năm tại Quảng Trường Thánh Phêrô, và sẽ được hoàn tất vào ngày thứ sáu, với sự công bố Thánh Gioan Vinanney là Bổn Mạng của tất cả chúng ta, các anh em linh mục ».

Vị Tổng Thư Ký Bộ Giáo Sĩ nhấn mạnh đến tính tuyển chọn được biểu lộ qua chức vụ tư tế: « Chúng ta là những người được Đức Kitô chọn và được ngài yêu thương với niềm trìu mến thật đặc biệt ».

Đức Cha Thư Ký quan sát thấy rằng tam nhật bế mạc Năm Linh Mục là dịp để làm mới lại đời sống nội tâm: « Trong những ngày này, chúng ta hãy khấn xin hồng ân canh tân tâm can. Đó chính là nguyên do của việc cử hành Năm Linh Mục. Hãy xin cùng Rất Thánh Trinh Nữ Maria để cho khát vọng canh tân và ước ao nên thánh không bao giờ tàn lụi; điều đó, thực tại duy nhất, mới là cội rễ đích thực của sứ mệnh ».

Vị Giám chức Tòa Thánh cũng nhắc nhớ rằng các Tông Đồ, chỉ có 12 vị, đã đánh dấu một bước ngoặt trong lịch sử: « Tất cả đã được bắt đầu từ hơn hai ngàn năm nay, với 12 ngư phủ vùng quê Galilê. Hoàn toàn bị lôi cuốn bởi Chúa và được dành riêng cho thánh ý của Người, họ đã đốt nóng thế gian và đã thay đổi cục diện dòng lịch sử ».

Sau cùng, Đức Cha Mauro Piacenza đã kết thúc diễn từ đón tiếp trong niềm hy vọng: « Chúng ta gồm hơn 10000 trên tổng số 400000 linh mục trên toàn thế giới đang có mặt tại Roma: nếu chúng ta là cái mà chúng ta cần phải trở nên, thì sứ mệnh truyền giáo không hề thiếu tính hiệu quả ! Nguyện xin Chúa nâng đỡ độ trì chúng ta và xin Đức Trinh Nữ Maria phụ hộ cho chúng ta ».
 
Hơn 30 năm chống lại chính quyền độc tài, TGM Dòng Don Bosco Rolon Silverio đã qua đời.
Ngọc Loan
11:50 10/06/2010
Asuncion- Paraguay: Đức Tổng Giám Mục Ismael Rolon Silverio, nguyên Tổng Giám Mục tại Asuncion, Paraguay và được nổi danh nhiều người biết đến và nhớ ơn, vì Ngài đã cầm đầu phong trào chống lại chính quyền độc tài quân phiệt của tướng Alfredo Stroessner trong suốt hơn 30 năm đã qua đời vào ngày 8 tháng 6, hưởng thọ 96 tuổi. Ngài là vị cao niên nhất trong hàng Giám Mục tại Paraguay

Đức Tổng Giám Mục Rolon sinh trưởng tại Căzapa vào ngày 24 tháng Giêng năm 1914, theo học tại trường “Manuel Amarila và năm 1926 gia nhập chủng viện Dòng Salesien Don Bosco tại Montevideo. Năm 1935 Ngài tốt nghiệp triết học tại Đại Học Gregorian tại Roma, rồi theo học thần học tại Học Viện Quốc Tế Salesian ở Cordoba, Argentina, và được thụ phong Linh Mục Dòng Don Bosco vào ngày 23 tháng 11 năm 1941

Năm 1943 Cha trở về cố hương Paraguay và giữ nhiều nhiệm vụ khác nhau trong học viện Salesien. Làm Giám Đốc Học Viện Monsenor Lasagna, Cha Xứ tại Giáo Xứ Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu tại Asuncion, và năm 1960 được bổ nhiệm làm vị Giám Chức đầu tiên tại Caacupe, 6 năm sau Ngài được vinh thăng giám mục trong cùng Giáo Phận. Ngài thành lập tu viện tại địa phương và bắt đầu làm việc với cư dân trong nước.

Năm 1970, được bổ nhiệm làm Tổng Giám Mục Asuncion, trong lúc mà tình hình liên hệ giữa Công Giáo và chính quyền rất khó khăn vì chính quyền quân phiệt của nhà độc tài Alfredo Stroessner, và thời điểm đó cũng là thời điểm hậu công đồng và thời kỳ liên hệ với Hội Động Giám Mục Hoa Kỳ tại Medellin và sau đó tại Puebla.

Tướng Alfredo Stroessner là vị tướng trẻ nhất tại Paraguay vào năm 1948, bố mẹ là người Đức di dân tới Paraguay. Alfredo Stroessner lật đổ chính quyền vào năm 1954 và cai trị cho tới năm 1989. Là một người chống cộng sản cho nên làm bạn được với Hoa Kỳ và đã ủng hộ cũng như sẳn sàng mang quân tham chiếm cùng với Hoa Kỳ trong chiến trường Việt Nam. Nhiệm kỳ cai trị Paraguay của ông được xếp hạng lâu nhất đứng thứ 11. Với chính sách độc tài tra tấn để trị dân, thế nhưng ông vẫn sợ và không đủ thế lực để điều khiển chính sách và lập trường của Công Giáo.

Năm 1972, Chủ Tịch Nội Vụ và Giám Đốc cảnh sát đã mang quân phá hủy Đại Học Công Giáo. Liền lập tức Đức Tổng Giám Mục Rolon Silvero đã ra vạ tuyệt thông tức khắc đến 2 người trên. Đức Tổng Giám Mục Silvero đã cử hành một Thánh Lễ trọng thể coi như là môt khởi điểm và dấu chỉ bắt đầu chống lại chính quyền Stroessner.

Khi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Paraguay vào năm 1988, sự hiện diện của Đức Thánh Cha đã là một bằng chứng hùng hồn và chỉ trong vòng một năm sau, chính quyền Alfredo Stroessner bị lật đổ vào năm 1989 bởi một người bạn rất thân cận là tướng Andre Rodriguez. Thật vậy con của trai của Stroessner đã thành hôn với người con gái của Rodriguez. Sau khi bị lật đổ Alfredo Stroessner phải sống lưu vong và qua đời tại Ba Tây vào ngày 16 tháng 8 năm 2006, thọ 93 tuổi.

Năm 2005, Đức Tổng Giám Mục Silvero được Quốc Hội tôn vinh là “Công Dân Ngoại Hạng” và Hội Đồng Thành Phố tại Asuncion cũng công bố Ngài là “người con yêu của Thành Phố Asuncion”. Cũng trong năm đó Chính Phủ Paraguay cũng trao Huân Chương cao quý nhất của quốc gia cho Ngài.

Đức Giám Mục Jorge Livieres Banks tại Encarnacion là vị đã từng làm việc bên cạnh Tổng Giám Mục Silvero với cương vị Giám Mục phụ tá trong 11 năm đã tóm tắt cuộc đời của Đức Tổng bằng những lời sau đây:

Trang mạng catholicscomehome
Tổng Thống Paraguay viếng thi hài


“ Tổng Giám Mục Rolon Silvero có một cuộc đời cực kỳ quan trọng, trước hết là đối với Dòng Salesien Don Bosco, rồi làm Giám Mục tại Caacupe và cuối cùng là Tổng Giám Mục tại Asuncion. Đã làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Paraquay và đã giữ cương vị hàng đầu trong Giáo Sĩ, đặc biệt nhất là trong những tình huống quan trọng và khó khăn. “

“Ngài đã sống qua những thay đổi lớn lao trong Giáo Hội như Công Đồng Vaticanô II. Thật không thể nào quên được cá tính điềm tĩnh và cứng răng, thái độ rõ ràng và can đảm của Tổng Giám Mục Asuncion. Không dễ để quên những lời nói và hành động trong những trường hợp khó khăn như thế. Ngài là người đứng đắn và là một người của đức tin”.

Bề Trên Cả Dòng Salesien, Cha Pascual Chavez đã gởi điện văn chia buồn tới Cha Qalter Jara, Bề Trên Tỉnh Dòng Salesien tại Paraguay và đã bày tỏ: “Ngài là mẫu gương của vị mục tử nhân lành đã yêu thương đến Giáo Hội và cư dân của Ngài và mang lại vinh dự cho Dòng. Điều chắc chắn là Tổng Giám Mục Rolon Silvero sẽ là mẫu gường và nguồn cảm hứng cho Giáo Hội và Quốc Gia Paraguay”

Thi hài của Tổng Giám Mục đã được quàn tại nhà thờ Chánh Toà Mẹ Vô Nhiễm và đã được Tổng Thống Paraguay, các chính khách và giáo dân đến viếng.

Lễ an táng được cử hành hôm thứ năm lúc 11 giờ với sự hiện diện của Tổng Giám Mục Eustaquio Cuquejo Verga thuộc Dòng Chúa Cứu Thế, Tổng Giám Mục tại Asuncion và Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Paraguay, các Giám Mục và Linh Mục Tu Sĩ trong nước và các chính khách đạo và đời.
 
Một nhà thờ Công giáo ở Trung Quốc bị chính quyền phá hủy trong đêm khuya.
Tiền Hô
13:03 10/06/2010
UCANews- Đêm khuya ngày Thứ Hai 7/6, nhà thờ Công giáo duy nhất ở Ordos (Nội Mông thuộc Trung Quốc) đã bị phá hủy, công an bắt giam các linh mục và chủ chăn giáo hội.

Việc phá hủy này được cho là thực hiện theo lệnh của tòa án. Giờ đây, các giáo dân đang lập các trại gần chỗ tàn tích để cố ngăn chặn bất kỳ việc xây dựng mới nào trên khu đất. Họ phải dự Thánh lễ buổi sáng ngày 8 tháng 6 với bàn thờ và thánh giá, giờ chỉ còn là một đống đổ nát vương vãi.

Các nguồn tin từ giáo hội địa phương nói với UCANews rằng, giữa khuya ngày 7 tháng 6, khoảng 100 người kéo đến đây phá hủy nhà thờ Đông Thắng (Dongsheng) thuộc cộng đồng Công giáo công khai ở Trung Quốc.

Cha sở địa phương Gao En và tuyên úy Yang Yizhi bị giật mình thức giấc bởi các tiếng ồn đập phá, các ngài cố gắng ngăn chặn nhưng đã bị còng tay bắt đi.

Cũng theo nguồn tin từ nhà thờ, các ngài được thả về giáo xứ sau khi bị giam giữ trong hơn 20 giờ đồng hồ tại đồn công an. Nhà thờ trước đó đã nhận được một thông báo phá dỡ. Đến ngày hôm nay, một hoặc hai xe công an vẫn còn đóng canh ở gần khu đất.

Đức Giám mục vừa được tấn phong của Giáo phận Hô Hòa Hạo Đặc (Hohhot) Paul Meng Qinglu đã phái hai linh mục đến Ordos để tìm hiểu sự việc, và các ngài đang đàm phán với các quan chức địa phương về việc bồi thường.

Nhà thờ này rộng 150 mét vuông, phục vụ một cộng đoàn khoảng 1.000 người Công giáo, đã được đăng ký tư cách pháp nhân từ tháng 5 năm 2009. Tuy nhiên, chính quyền địa phương gần đây lại yêu cầu phá dỡ nhà thờ để làm một con đường mới.

Các vị chủ chăn của Giáo Hội đã nhiều lần đàm phán với chính phủ nhưng không thành công.

Một nhân chứng cho biết, "Khi nói về sự hòa hợp trong xã hội, chủ chăn của Giáo hội đặt câu hỏi: làm thế nào mà chính phủ lại có thể phá hủy nhà thờ một cách lét lút ngay giữa đêm khuya và giờ đây nó thực đã biến mất?".

Dịch từ www.ucanews.com
 
Xướng Kinh Mân Côi Tiếp Sức trên toàn thế giới để cầu cho các Linh Mục
Dominic David Trần
15:08 10/06/2010
Xướng Kinh Mân Côi Tiếp Sức trên toàn thế giới để cầu cho các Linh Mục

NEW YORK, ngày10/06/2010, theo tin Thông Tấn Xã (Zenit.org).- bắt đầu từ tuần tới một cuộc Xướng Kinh Mân Côi Tiếp sức trên toàn thế giới sẽ hiệp nhất tất cả các tham dự viên trên toàn cầu lại để cầu nguyện cho các Linh Mục.

Biến cố này do Worldpriest (Tổ chức hỗ trợ Linh Mục Thế Giới) bảo trợ từ ngày 19 tháng Sáu sẽ khởi đầu Xướng Kinh Mân Côi tại Brisbane nước Úc sau đó sẽ được tiếp tục xướng Kinh (liên tục như chạy tiếp sức ) liền ngay tại các Đền Thánh Đức Mẹ Maria tại các quốc gia Nhật Bản, Phi Luật Tân, Tích Lan, Ấn Độ, Levant và Vùng Trung Đông, Nam Phi, Bosnia, Ý, Ba Lan, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Thụy Sĩ, Bỉ, Ái Nhĩ Lan, Wales, Anh quốc, Mễ Tây Cơ, Á Căn Đình, Canada và sau cùng tại Hoa Kỳ.

Các tín hữu được mời gọi tham gia bằng cách xướng nguyện mười Kinh (tức một ngắm) của chuỗi Kinh Mân Côi để hiệp ý cầu cho các Linh Mục tại một thơì điểm được sắp đặt trước và qua đó sẽ đánh dấu việc kết thúc Năm Linh Mục bằng Chuỗi Kinh Mân Côi

được xướng nguyện tiếp sức và liên tục 24 tiếng đồng hồ mỗi ngày trên khắp thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Michael Neary của Tổng giáo Phận Tuam, Aí Nhĩ Lan và là Giám chức Cố vấn cho Tổ chức Worldpriest khẳng định rằng "tiềm năng vĩ đại " của sự kiện Đọc Kinh Mân Côi Tiếp Sức Trên Toàn Thế Giới này sẽ " mang lại nhiều ơn ích thiêng liêng cho tất cả mọi người tham dự."

Tổ chức Worldpriest đã hoạch định Chương Trình Nguyện Kinh Mân Côi Tiếp Sức này như " một cơ hội cho chúng ta nâng tâm hồn lên với Chúa vì tất cả các Linh Mục Giáo Sĩ trong việc thực thi Thừa tác vụ Linh Mục; vì các Linh Mục Giáo Sĩ sẽ được chúc phúc thông qua việc Nguyện Kinh Mân Côi Tiếp Sức của chúng ta; vì trong hiệp thông cầu nguyện trên toàn thế giới cho các Linh Mục và Giáo Sĩ- các ngài sẽ có thể cảm nghiệm được sự tri ân và hỗ trợ của chúng ta; và sau hết các Linh Mục Giáo Sĩ sẽ bền đỗ trong hiệp nhất với Đức Chúa KiTô và Giáo Hội của Chúa, và chăm sóc dẵn dắt đoàn Chiên của Thiên Chúa đến đồng cỏ xanh tươi an lành trong Vương quốc của Thiên Chúa-Nước Trời."
 
Susan Boyle có thể sẽ hát trong Thánh Lễ Đại Trào của ĐGH tại Vương quốc Anh.
Dominic David Trần
15:11 10/06/2010
Vương quốc Anh: ngày 10/06/2010 theo tin Thông Tấn Xã CWN News, nữ ca sĩ Susan Boyle- người trở nên nổi tiếng trên thế giới thông qua cuộc thi khám phá các tài năng văn nghệ trong cuộc sống thực tế do Đài Truyền Hình Anh Quốc tổ chức vào năm 2009- có thể sẽ hát trình diễn trong một Thánh Lễ Đại Trào do Đức Thánh Cha Benedicto XVI chủ tế trong chuyến tông du của ngài đến Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Ái Nhĩ Lan vào

tháng Chín năm nay. Cũng theo lời một phát ngôn viên của Giáo Hội Công Giáo tại Tô Cách Lan (Scotland) thì; " các cuộc thảo luận đang tiến hành, nhưng chúng tôi ước vọng là Susan Boyle sẽ được tham gia trình diễn như là một phần trong Thánh Lễ Đại Triều do Đức Thánh Cha chủ tế tại công viên Bellahouston Park tại Glasgow.

Ngôi sao ca hát Boyle, một tín hữu Công Giáo, trong tháng Năm 2010 đã công khai tuyên bố rằng Boyle có lòng tôn kính sâu đậm đối với Thánh Linh Mục Pio của Pietrelcina (Padre Pio) mà chúng ta quen gọi là Cha Pio mang 5 dấu thánh.
 
Nhận định về những thách thức mà Hàng Giáo Sĩ thế giới sẽ phải đối diện.
Dominic David Trần
15:13 10/06/2010
Nhận định về những thách thức mà Hàng Giáo Sĩ thế giới sẽ phải đối diện.

Tòa Thánh Vatican ngày 09/06/2010/12:5PM theo tin Thông Tấn Xã CNA, nhân gần kề ngày kết thúc Năm Các Linh Mục- Đức Tổng Giám Mục Celso Morga, Thứ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ của Giáo Triều Rôma đã tuyên bố với Đài Truyền Thanh Vatican trong tuần này rằng một thách đố có tính chất căn bản đang chờ trước mặt các Giáo Sĩ Linh Mục và những gì đã được kỳ vọng ở nơi các Linh Mục Giáo Sĩ như là kết qủa trực tiếp của Năm Linh Mục chính là nhiệm vụ mang Đức Chúa KiTô đến với thế giới, " với tất cả tình thương yêu của Thiên Chúa, và với tất cả mọi điều Thiên Chúa muốn".

Đức TGM Morga đã phát biểu nhận định nói trên nhân diễn văn kết thúc Hội Nghị Linh Mục Giáo Sĩ do Học Viện Giáo Hoàng Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ Athenaeum ở Rôma để chuẩn bị cho " Đại Hội Quốc Tế Các Linh Mục " sẽ được tổ chức để kết thúc Năm Các Linh Mục.

Đức TGM Morga giải thích rằng " các Linh Mục Giáo Sĩ thực thi Thừa Tác Vụ Linh Mục- Thừa Tác Vụ ấy là Đức Chúa KiTô được loan truyền. Và Đức Chúa KiTô có những ước muốn đòi buộc, Đức Chúa KiTô có những mệnh lệnh và điều răn của Chúa. Đây là thách thức lớn nhất cho Linh Mục Giáo Sĩ ngày nay: mang tất cả Tình Yêu Thương và Ước muốn của Thiên Chúa đến cho mọi người."

Các Linh Mục và Giáo sĩ phải luôn luôn ở " trong tình hiệp nhất với Chúa", Đức Tổng Giám Mục Thứ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ tuyên bố tiếp; " Các Linh Mục Giáo Sĩ phải là người giữ lễ đạo. Và khi Linh Mục Giáo Sĩ giữ vững đạo lễ thì hậu qủa là họ phải trở nên ngoan đạo. Linh Mục Giáo Sĩ là Người Phục Vụ, là Nguời Tôi Tớ của Thiên Chúa. Cuộc đời của Linh Mục Giáo Sĩ không nằm trong tầm tay riêng của họ nữa nhưng sẽ thuộc về bàn tay quan phòng của Thiên Chúa và trong vòng tay của Hội Thánh chính là Hiền Thê của Thiên Chúa. Đức Tổng Giám Mục Morga nhấn mạnh rõ như vậy;

Đức Tổng Giám Mục Morga cũng tiên đoán rằng Đại Hội Quốc Tế Các Linh Mục sẽ diễn ra vào ngày 9 dến 11 tháng Sáu này tại Giáo đô Rôma sẽ trở thành "cuộc tập hợp các Linh Mục Giáo Sĩ lớn nhất trong lịch sử loài người" khi kỳ vọng rằng có hơn 14,000 Linh Mục Giáo Sĩ tham dự, số lượng Linh Mục tham dự lần này đã vượt gấp 3 lần số lượng Linh Mục Giáo Sĩ đã đến Năm Thánh Các Linh Mục trong Năm 2000.

Đức TGM Thứ Trưởng Thánh Bộ Giáo Sĩ giải thích thêm " Hiện nay đã có chừng 10,000 Linh Mục ghi danh với tổ chức Hành Hương Rôma ( Opera Romana Pellegrinaggi ). Ngoài ra còn có hơn 3,000 Linh Mục đã trình báo trực tiếp xin ghi danh tham dự với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh. Vì vậy, chúng ta kỳ vọng là sẽ có khoảng từ 13 đến 14 ngàn Linh Mục Giáo Sĩ tham dự. Trong Năm Đại Thánh 2000, đã có 5,000 Linh Mục Giáo Sĩ tập hợp về Giáo đô Rôma. Lần này, chúng ta sẽ mang lại gấp 2 hay 3 lần số lượng Linh Mục Giáo Sĩ tham dự."
 
Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ chủ sự thánh lễ ngày đầu tiên trong dịp bế mạc Năm Linh Mục
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:34 10/06/2010
VATICAN - Chức vụ tư tế của linh mục « về căn bản khác với chức vụ tư tế phổ quát của tín hữu », vì chưng chức vụ riêng biệt ấy làm cho các linh mục thành « những đầu và những mục tử của cộng đoàn các môn đệ », Đức Hồng Y Hummes giải thích.

Sáng hôm qua, thứ tư 09/06/2010, Đức Hồng Y Claudio Hummes, Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ đã chủ sự thánh lễ tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phaolô ngoài thành. Đây là thánh lễ đầu tiên của kỳ tam nhật kết thúc Năm Linh Mục mà chủ đề trong dịp này là: « Trung tín của Đức Kitô, trung tín của linh mục ».

Trong phần bài giảng, Vị đứng đầu Bộ Giáo Sĩ đặc biệt làm sáng tỏ sự khác biệt của chức tư tế thừa tác của các linh mục được lãnh nhận bí tích Truyền Chức Thánh với chức tư tế chung của những người được lãnh nhận bí tích Rửa Tội.

Trước hết, ngài nhấn mạnh đến « đặc tính được tuyển chọn bởi Thiên Chúa»: « Thực sự, linh mục là một người môn đệ của Đức Giêsu, được gắn kết với Ngài trong màu nhiệm của Lòng Thương Xót vô biên. Được yêu thương bằng một tình yêu tuyển chọn và ưu ái đặc biệt, linh mục được gọi để đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, Đấng đã chết và phục sinh, Đấng là Đầu và Mục tử của Dân Thiên Chúa, và được Ngài sai đi để thực thi sứ mệnh khắp mọi nơi trên toàn thế giới. Điều đó được thực hiện vào thời điểm truyền chức linh mục ».

Đức Hồng Y Hummes đề cập đến tính khác biệt của bí tích: « Qua việc Truyền Chức Thánh, chúng ta đã được đồng hình với Đức Kitô, Đầu và Mục Tử một cách bí tích (…) Qua đức tin và bí tích Rửa Tội, cùng với các môn đệ khác, những người nam nữ, chúng ta đã được tô điểm bởi chức tư tế phổ quát của các tín hữu, nhưng qua bí tích Truyền Chức Thánh, chúng ta đương nhiên lại được điểm trang bởi chức tư tế thừa tác, mà về căn bản hoàn toàn khác biệt với chức tư tế chung của các tín hữu, bởi vì bí tích Truyền Chức mang lại cho chúng ta nên những chiếc đầu và mục tử của cộng đoàn. Thánh Giáo Phụ Augustinô đã nói về điều này khi chia sẻ với cộng đoàn: « Với anh em, tôi là Kitô hữu, cho anh em tôi là giám mục ».

Ngoài ra, Đức Hồng Y Tổng Trưởng Bộ Giáo Sĩ cũng đã trích dẫn câu nói nổi tiếng của Cha Thánh Gioan Maria Vianney, Bổn Mạng của các linh mục: « Chức linh mục, đó là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu », và đồng thời giải thích rằng: « Đức Giêsu đã yêu thương nhân loại cho đến cùng. Chính vì lẽ đó, Ngài đã trở nên Vị Tư Tế Tối Thượng cho ơn cứu độ của chúng ta và đã gọi một số người nam trong số các người môn đệ để làm cho họ đồng hình với Ngài, Tư Tế duy nhất của Giao Ước Mới, ngõ hầu họ tiếp tục công trình tư tế của Ngài trong thế gian trải suốt dòng lịch sử ».
 
Di Hài thánh Têrêsa Hài Đồng thăm Nam Phi vào dịp Cúp Thế Giới 2010
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
15:39 10/06/2010
Roma, (zenit.org) - Lần đầu tiên, hài cốt thánh Têrêsa thành Lisieux sẽ đến Nam Phi vào đúng thời điểm diễn ra những trận bóng đá trong khuôn khổ tranh giải Cúp vàng Thế Giới 2010.

Trong một thông báo được truyền đi hôm thứ tư ngày 5 tháng Năm, HĐGM Nam Phi cho biết xương thánh sẽ lưu lại thành phố Johannesburg và vùng phụ cận từ ngày 27 tháng Sáu đến ngày 12 tháng Bảy.

Theo dự kiến, giải bóng đá quốc tế lần này sẽ được kéo dài trong vòng một tháng bắt đầu từ ngày 11 tháng Sáu cho đến ngày 11 tháng Bảy.

Các vị giám chức nước này cho hay nhiều bạn trẻ trong giáo xứ thánh Phanxicô Khó Khăn ở Yeovil, thuộc ngoại ô của Johannesburg đã nhận trách nhiệm đón rước đầu tiên, vì "họ thực sự được đánh động bởi con người và đức tin của thánh nữ, cũng như bị cuốn hút bởi linh đạo của vị thánh được mệnh danh là trẻ tuổi nhất qua các thời đại.

Được biết, bước khởi xướng trên là một trong số những hoạt động tiếp đón chuyến viếng thăm này do Giáo Hội tại Nam Phi quảng bá và tổ chức tại khu vực trong thời gian diễn ra giải vô địch thế giới.

Ca đoàn thiếu nhi giáo xứ thánh Phanxicô đang tập luyện ca khúc nguyên bản bằng Tiếng Anh mang tựa đề "Pass the Ball to life" (Hãy chuyền đường banh cho cuộc sống) để chào mừng hai sự kiện xảy ra trong cùng thời điểm tại đây.

Hài cốt thánh Têrêsa sẽ đến quốc gia này vào ngày 25 tháng Sáu và ở lại trong vòng sáu tuần lễ để đi đến các tỉnh trong khắp đất nước như di Limpopo, Gauteng, Free State, Mũi Đông và Mũi Tây.

Khách hành hương được mời gọi đi theo "cuộc hành trình của thánh Têrêsa Hài Đồng" khắp nơi trong nước.

Các giám mục hy vọng rằng sự kiện này "sẽ đánh động nhiều người, củng cố đức tin cho họ" và "sẽ là một thách đố cho mọi người" trong việc "bước theo đức tin và sống ơn gọi của mình" như thánh nữ Têrêsa Hài Đồng đã thực hành.
 
Tô Cách Lan: Thánh Lễ Đại Trào của ĐTC Benedicto XVI và khuyến khích mọi người tham dự.
Dominic David Trần
17:01 10/06/2010
Hàng Giám Mục Tô Cách Lan xác nhận chương trình nghị sự cho Thánh Lễ Đại Trào của Đức Thánh Cha Benedicto XVI và khuyến khích tất cả mọi người tham dự.

GLASGOW, Scotland ngày 10/06/2010 theo Thông Tấn Xã (Zenith.org) Hội Đồng Giám Mục Tô Cách Lan đã thông báo rằng Đức Thánh Cha Benedicto XVI sẽ dâng Thánh Lễ ngoài trời tại cùng chính địa điểm mà Đấng Đáng Kính Đức cố Giáo Hoàng Gioan Phaolồ đệ Nhị đã chủ sự trong một Thánh Lễ phụng vụ vào năm 1982.

Thánh Lễ Đại Trào lần này sẽ được tổ chức tại công viên Bellahouston Park của thành phố Glasgow vào ngày 16 tháng Chín sắp đến trong suốt chuyến tông du của Đức Thánh Cha tại Liên Hiệp Vương Quốc Anh và Ái Nhĩ Lan.

"Công viên này sẽ cung cấp một vị trí thật tuyệt vời để cho một sự kiện sẽ được coi như là rất hoành tráng; đấy chính là nơi chốn có dư âm vĩ đại của người Công Giáo Tô Cách Lan vang vọng lại. Rất nhiều người vẫn trìu mến nhớ lại những ngày rất tuyệt vời trong năm 1982 khi Đức Thánh Cha Gioan Phaolồ đệ Nhị cử hành Thánh Lễ tại công viên tuyệt vời ấy," bản tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Tô Cách Lan đã thông báo như vậy trong ngày thứ Tư 09/06/2010.

Hàng Giám Mục Tô Cách Lan đã gởi một điện văn đến tất cả các Giáo Xứ thuộc Tô Cách Lan để thông báo và nêu rõ rằng mỗi một Giáo Xứ sẽ được phân bổ một vị trí các chỗ ngồi tham dự Thánh Lễ Đại Trào trong công viên ấy.

"Chúng tôi kỳ vọng rằng hơn một nửa số giáo dân thường xuyên đi Lễ sẽ có thể đến để tham dự Đại Lễ này và chúng tôi cũng thúc giục mỗi một Giáo Xứ sẽ có đủ giáo dân tham dự đầy đủ vào các chỗ ngồi đã được phân bổ và chỉ định cho từng Giáo Xứ để bảo đảm rằng Cộng Đồng Công Giáo Tô Cách Lan được đại diện đầy đủ trong ngày Đại Lễ ấy." Bản tuyên bố nói thêm;

"Có rất nhiều cơ hội cho một số lượng lớn người tham dự xếp hàng đứng chờ dọc theo lộ trình mà đoàn xe đặc biệt chở Đức Thánh Cha Benedicto XVI sẽ đi qua Đô thị Edinburg vào ban sáng ngày cử hành Thánh Lễ."

Một buổi vũ hội hóa trang nhân ngày nhớ Thánh Ninian đang được hoạch định; bao gồm các cuộc diễn hành của các học sinh và các đội kèn túi (pipe bands) vừa đi vừa trình diễn ở phía trước đoàn xe đặc biệt chở Đức Thánh Cha Bernedicto XVI.

Hội Đồng giám Mục Tô Cách Lan cũng nêu rõ là về "việc bổ nhiệm Huân tước Chris Patten như là Phối Trí Viên của Chính phủ đặc trách về chuyến tông du của Đức Thánh Cha Benedicto XVI thăm viếng Tô Cách Lan" Hội Đồng Giám Mục vui mừng lòng chào đón "sự kiện là chính phủ đã bổ nhiệm một nhân vật chính trị cao cấp để liên lạc với Giáo Hội (ghi chú của người dịch: Huân tước Chris Patten chính là vị Toàn quyền cuối cùng của Vương Quốc Anh đã thực hiện lễ bàn giao trao trả Hồng Kông về cho Trung quốc.)

Các Đức Giám Mục Tô Cách Lan bày tỏ hy vọng " có thể thảo luận với Huân tước Chris Patten càng sớm càng tốt về những công tác chuẩn bị đã được Giáo Hội Công Giáo thực hiện tại Tô Cách Lan."
 
Đức Giáo Hoàng chủ sự buổi canh thức kết thúc năm Linh Mục
Ngọc Loan
20:55 10/06/2010
Vatican: Vào chiều thứ Năm trong buổi canh thức tại Quãng Trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã chủ sự buổi canh thức với sự hiện diện của khoảng 10,000 linh mục đến từ khắp nơi trên thế giới.

Trong dịp này Đức Thánh Cha đã bày tỏ lòng biết ơn của Giáo Hội đối với thừa tác vụ của các Ngài và khuyến khích các ngài hãy khước từ những ảnh hưởng thế tục.

Chuẩn bị kết thúc năm Linh Mục, Đức Thánh Cha nói sự thiếu xót nhân sự trong hàng giáo sĩ không thể nào biến hàng linh mục để chỉ trở thành một công việc “chuyên nghiệp tầm thường” và Đức Giáo Hoàng thêm rằng các linh mục ngày nay cần trở thành ngọn lửa cho tình yêu Đức Kitô.

Mặc dầu Đức Thánh Cha không nói trực tiếp đến những trường hợp linh mục lạm dụng tính dục nhưng Đức Thánh Cha đã ngụ ý tới những khủng hoảng khi Ngài bảo về sự độc thân chức linh mục. Đức Thánh Cha nói sự độc thân nơi linh mục đối với thế gìới là điều phẫn nộ, bởi vì nó tiên liệu trước đến đời sống vĩnh cửu với Thiên Chúa, một thực tại mà con người ngày nay đã chối bỏ.

Đức Thánh Cha nói tiếp vai trò của đức tin là nói lên “sự xúc phạm cả thể” này trong đời sống của chúng ta nơi vùng đất của Thiên Chúa, một nhiệm vụ trở thành khó khăn hơn vì “sự xúc phạm thứ hai trong chính sự không tương xứng và tội lỗi của chúng ta”. Đức Thánh Cha cầu xin Thiên Chúa hãy giải thoát giáo hội khỏi những tội lỗi như thế.

Buổi tối canh thức cũng có phần chứng nhân của các linh mục trên toàn thế giới, bao gồm Mỹ Châu La Tinh, Pháp và Hollywood- California. Khi chiếc xe Giáo Hoàng đến quãng trường, Ngài đã được vỗ tay chào mừng đi qua đám đông của hàng linh mục.

Trả lời cho 5 câu hỏi của các linh mục, Đức Giáo Hoàng bắt đầu bằng sự cảm kích của Ngài đối với công việc và lòng trắc ẩn của ngài cho những vấn đề đang đối diện với chức thừa tác vụ đang càng ngày gia tăng và mỏng manh.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI nói linh mục ngày nay không phải là để làm việc mọi sự, nhưng nên dùng năng lục của mình để nhắm vào những lãnh vự sau: trao ban Bí Tích Thánh Thể và các Bí Tích, giảng cho tốt, giúp đỡ người nghèo và người chịu đau khổ. Đức Thánh Cha cảnh giác hàng linh mục đừng quên đến đời sống thiêng liêng của mình, và nếu cảm thấy cần thiết thì “hãy khiêm nhường và sự can đảm để nghỉ ngơi”.

Phía trên chỗ Đức Giáo Hoàng ngồi, là một tấm phông lớn hình Thánh John Vianney, thánh quan thầy của các linh mục. Dịp này Đức Giáo Hoàng cũng công bố một năm Linh Mục nhắm vào thừa tác vụ linh mục cũng trùng vào dịp kỷ niệm lễ giỗ 150 năm của Thánh Vianney.

Nhiều cầu hỏi đã được đưa lên Đức Thánh Cha và nói rằng thế giới này thực sự không hiểu các linh mục và thừa tác vụ linh mục.

Một Linh Mục từ Slovaka đã nói lên sự quan trọng sống độc thân, nhưng bị xao động vì “nhiều người đã phẩm bình đến hồng ân này”.

Một Linh Mục Nhật Bản bày tỏ đến đời sống của Thánh Joan Vianney không trần tục, đặc biệt đến những thực hành cá nhân và thống hối trao ban Bí Tích của Thánh nhân.

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI trả lời về điểm này là một vấn đề khó khăn và đau thương trong Giáo Hội. Đức Thánh Cha cho đó là một “lý do ngạo mạn” để mong kiếm tìm sự chối bỏ Thiên Chúa cao cả.

Đức Giáo Hoàng nhắc đến Ngài đã nhìn thấy 3 thế hệ của các thần học gia đến rồi đi, bao gồm thời điểm như tư tưởng “khoa học” chiếm vị thế tay trên, nhưng ngày này “đã trở nên lỗi thời, và không giá trị, thực vậy nhiều tư tưởng xem ra trở thành lố bịch."

Trong một tuần qua, các linh mục đã đến từ 90 quốc gia trên thế giới, đã có mặt và có thể nhận diện các Ngài qua các nẻo đường tại Roma, tham dự các buổi phụng vụ, các hội nghị tại các Thánh Đường chính trong thành phố. Các Linh Mục đã dành hầu như trọn thời gian để cầu nguyện, lắng nghe và chia sẻ với nhau.
 
ĐTC thảo luận với Thủ tướng Tây Ban Nha về khủng hoảng kinh tế và việc bảo vệ bào thai
Paul Minh Nhật
21:14 10/06/2010
VATICAN - Vào sáng ngày 9/6/2010 Đức Giáo Hoàng Benedict đã tiếp thủ tướng Tây Ban Nha tại Vatican. Hai nhà lãnh đạo đã thảo luận với nhau về vai trò của đạo đức trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay tại Châu Âu cũng như sự cần thiết phải bảo vệ thai nhi sau khi chính phủ nước này gần đây đã thông qua đạo luật làm suy yếu luật hạn chế phá thai.

Đức Thánh Cha Benedict XVI đã gặp ông Jose Luis Rodriguez Zapatero, thủ tướng Tây Ban Nha, tại Vatican sáng nay. Theo một tuyên bố từ Vatican: Chủ đề thảo luận trong suốt buổi gặp gỡ đi từ "những quan điểm về Châu Âu" cho đến "cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính hiện nay và vai trò của luân lý đạo đức"

Sự tham chiếu cũng được thực hiện tại một số nước Trung Mỹ và vùng Caribbean cũng như trong các trường hợp khác, đặc biệt là tại vùng Trung Đông.

Trong cấp quan hệ ngoại giao, thủ tướng và đức Giáo Hoàng đã đề cập đến "những vấn đề quan tâm của Giáo Hội Tây Ban Nha hiện nay"

Những vấn đề này bao gồm "bài thuyết trình hợp lý về một đạo luật về tự do tôn giáo, sự thánh thiêng của sự sống từ lúc thụ thai, và tầm quan trọng của giáo dục"

Trong tháng ba năm nay, Chính quyền Đảng Xã Hội, đứng đầu bởi thủ tướng Zapatero, đã thông qua một đạo luật suy yếu luật hạn chế phá thai tại Tây Ban Nha. Luật mới cho phép các trẻ nữ trên 16 tuổi vẫn được sử dụng các thủ tục phá thai cho tới tuần thứ 14 của thai kỳ, và trong một số trường hợp có thể lên tới tuần thứ 22.Luật mới thiết lập có hiệu lực từ ngày 5 tháng 7.

Cuối cùng, chuyến viếng thăm sắp tới của Đức Giáo Hoàng tới Santiago và Barcelona, và ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm tới sẽ được tổ chức tại Madrid cũng đã được đề cập đến.

Vatican thông báo rằng Đức Giáo Hoàng "công nhận rằng chính phủ Tây Ban Nha đã thể hiện sự sẵn sàng tuyệt vời để cộng tác trong việc chuẩn bị và thực hiện các sự kiện này."
 
Khoa học sẽ chiến thắng tôn giáo bởi vì nó có kết quả ?
Trần Mạnh Trác
22:23 10/06/2010
Trong cuộc phỏng vấn với Dianne Sawyer của ABC News được phát sóng ngày thứ Hai vừa qua, nhà vật lý nổi tiếng Stephen Hawking đã cố gắng xác định Thiên Chúa trong một cách mà ông, là một nhà khoa học, có thể cảm thấy thoải mái: "Những gì có thể định nghĩa Thiên Chúa là những suy nghĩ về Thiên Chúa như là hiện thân của các định luật của tự nhiên. Tuy nhiên, đây không phải là điều mà hầu hết mọi người đã nghĩ về Thiên Chúa, "ông nói.

Ông bày tỏ thất vọng về các suy nghĩ cuả con người về thần thánh.

"Họ đã tạo ra một nhân vật mà con người có thể có một quan hệ cá nhân. Nhưng khi so sánh kích thước rộng lớn của vũ trụ với đời sống con người là một tình cờ không quan trọng, thì dường như sự quan hệ đó không thể có được", ông nói.

Trước những vấn nạn rằng có nhiều điều lạ đã xảy ra (mà khoa học không giải thích nổi). Vậy thì có thể hy vọng rằng khoa học và tôn giáo, bằng cách nào đó, có thể gặp nhau ở một điểm, có thể đồng ý về một thoả ước?

Hawking trả lời: "Có một sự khác biệt cơ bản giữa tôn giáo và khoa học, tôn giáo dựa trên quyền bính, khoa học dựa trên quan sát và lý trí. Khoa học sẽ chiến thắng bởi vì nó có kết quả."

Được biết Stephen Hawking là một nhà khoa học nổi tiếng với nhiều tác phẩm giải thích về Hố Đen (Black Holes), lược sử về thời gian, lý thuyết về bức xạ v.v. Ông cũng là một thành viên cuả Giáo Hoàng học viện khoa học.

Tuy quan điểm cuả Hawking nhận biết có Thiên Chuá là một điểm tích cực, nhưng những nhận xét về đời sống con người là không quan trọng và tôn giáo là phản lý trí là những quan điểm sai lầm và nguy hiểm.

Chủ tích Liên Đoàn Công Giáo Bill Donohue là người đầu tiên lên tiếng phản biện: “Thật là vô lý khi một người nào đó có thể chê bai vai trò then chốt cuả con người trong vũ trụ, con người là một kỳ quan. Còn định nghiã tôn giáo là sự vắng mặt của lý trí thì cũng là ngớ ngẩn không kém. Mặc dù có một số tôn giáo quả là phi lý, nhưng có những tôn giáo khác, chẳng hạn như Công giáo, đã từ lâu dành một vị trí đặc biệt cho lý trí.

"Giáo Hội Công Giáo đã tạo ra những trường đại học đầu tiên, và Giáo hội Công giáo đã đóng một vai trò trung tâm trong cuộc Cách mạng khoa học; đó là hai đóng góp lịch sử giúp làm nên sự nghiệp của ông Hawking.

"Lý do là trong gần hai thiên niên kỷ, các bậc thầy cuả Giáo Hội đã đề cao việc theo đuổi chân lý. Đó cũng là lý do tại sao Hawking lầm tưởng có một cuộc xung đột: trong biên niên sử của Giáo Hội Công Giáo, không có xung đột cố hữu giữa khoa học và tôn giáo. Khá ngược lại: theo lý luận cuả Công Giáo, khoa học và tôn giáo là hai tài sản bổ sung. Vậy thì, sẽ không có lợi lộc gì khi đưa ra luận điệu có một chiến thắng của khoa học trên tôn giáo.

"Đức Giáo hoàng Benedict XVI dạy tại Regensburg năm 2006 rằng Tôn giáo mà không có lý trí thì sẽ dẫn đến cuồng tín, đó là điều mà Hawking dường như hiểu được. Nhưng những gì ông ta không nhận ra được là cái hệ luận của nó: khoa học mà không có đức tin cũng dẫn đến thảm họa diệt chủng như trong các chế độ Đức Quốc Xã, Cộng Sản Liên Xô, Trung Quốc và Campuchia. "

Tông thư của ĐGH John Paul II đã quy định mối quan hệ hợp lý giữa Đức tin và lý trí, "Đức tin và lý trí là hai cánh mà con người dùng để bay lên đến sự thật, và Thiên Chúa đã đặt trong trái tim con người sự mong muốn nhận biết về sự thật bên ngoài, về chính mình để mà nhờ nhận biết và yêu mến Chúa, con người có thể đạt đến sự thật sung mãn về bản thân mình. " (Fides et Ratio, Đức tin và lý trí)

Việc Hawkings xem con người là không quan trọng là một điều đáng buồn. lỗi của ông liên quan đến những định kiến sai lầm về Giáo Hội đối với đức tin, khoa học và lý trí. Đây chỉ là một trong nhiều ví dụ của những lập luận dựa trên những thông tin sai lạc để chống lại Giáo hội Công giáo trong một nền văn hóa ngày càng thù địch. Một ví dụ của loại thông tin sai lạc là sự lặp đi lặp lại rằng Giáo hội Công giáo phản đối "Nghiên cứu tế bào gốc." Thực ra, Giáo hội phản đối việc giết người trong tiến tình nghiên cứu tế bào gốc, chẳng hạn như thực hiện nghiên cứu trên phôi thai mà luôn luôn kết quả là tiêu huỷ đời sống của cái thai. Là vô đạo đức khi tiêu hủy cuộc sống một người vô tội, ngay cả khi có thể sử dụng các bộ phận của người bị giết để phát triển một tiềm năng chữa bệnh cho người khác. Cứu cánh không bao giờ có thể biện minh cho phương tiện.

Giáo hội nhiệt tình hỗ trợ việc nghiên cứu tế bào gốc từ người lớn và từ các tế bào ở cuống nhau của thai nhi và chống loại nghiên cứu tế bào gốc gây huỷ hoại các bào thai vô tội. Những loại nghiên cứu tế bào gốc từ người lớn và nhau đả cho thấy nhiều hứa hẹn khoa học to lớn. Một phát ngôn viên của Vatican gần đây đã lên tiếng ca ngợi mạnh mẽ các nghiên cứu đang được tiến hành tại University Of Maryland School Of Medecine sử dụng tế bào gốc người lớn.

Giáo hội Công giáo khẳng định rằng con người thực sự là quan trọng trong vũ trụ. Năm 2008, Bộ Giáo lý Đức tin đã ban hành một huấn thị về Nhân phẩm "của con người." bắt đầu với lời "Nhân phẩm của một người phải được ghi nhận trong mỗi con người từ lúc thụ thai cho đến cái chết tự nhiên. Nguyên tắc cơ bản này bảo vệ sự sống và phải là trung tâm của mọi phản ánh đạo đức về nghiên cứu sinh học, đang càng ngày càng có tầm quan trọng lớn hơn trong thế giới ngày nay".

Huấn thị cũng "hỗ trợ và khuyến khích các quan điểm văn hóa coi khoa học là một dịch vụ vô giá cho những điều tốt đẹp không thể thiếu của cuộc sống và phẩm giá của con người. Giáo hội đặt hy vọng vào khoa học và mong muốn rằng nhiều Kitô hữu sẽ dấn thân cho sự tiến bộ của sinh học và sẽ làm nhân chứng đức tin của họ trong lĩnh vực này. Giáo hội hy vọng rằng các kết quả nghiên cứu đó cũng có thể giúp cho các khu vực đang bị ảnh hưởng vì nghèo đói và bệnh tật, để cho những người cần giúp đỡ nhất sẽ nhận được nhiều hỗ trợ nhân đạo ".

Sau việc phát hành huấn thị, báo chí đã có nhiều tường thuật liên quan. Một vài tờ báo đã mô tả chính xác ý nghĩa của văn bản. Một vài tờ báo khác đã dùng hý họa để chế diễu Giáo hội Công giáo giống như những gì Hawkings đã nói với Sawyer trong cuộc phỏng vấn ABC. Cho nên một lần nữa những người Công giáo cần phải ôn lại những giảng dạy từ huấn thị này. Huấn thi được viết không chỉ cho người Công giáo, nhưng cho các Kitô hữu khác và cho mọi người có đức tin, nó gửi đến cho "tất cả những ai tìm kiếm sự thật". Nó trình bày sự thật dưới "ánh sáng của lý trí và đức tin và đặt ra một hướng đi rõ rệt cho con người và ơn gọi của mình".

Giáo Hội không ngăn cản tiến bộ trong sinh học. Tuy nhiên, con người không bao giờ là một "nó" - mà là một "tôi" - một số một- Con người không bao giờ nên được xử lý như là một vật. "Cơ thể của một người, từ giai đoạn đầu tiên của sự tồn tại, đã không bao giờ chỉ là một nhóm các tế bào. Cơ thể con người, với sự sinh ra cuả mỗi đứa trẻ, dần dần phát triển theo một chương trình đã được xác định theo một khuôn khổ cá biệt của nó, "

Khuôn thước để đánh giá sinh học cũng được biểu lộ trong Luật tự nhiên; các quyền sống cơ bản và phẩm giá của con người. Quyền này là quyền tự nhiên cho tất cả mọi người chứ không đơn giản chỉ là một niềm tin tôn giáo. Như lời trình bày cuả Đức Giáo hoàng Benedict XVI tại Liên Hiệp Quốc vào tháng Tư năm 2008:

"Nhân quyền, đặc biệt là quyền sống của mỗi người" được dựa trên những quy luật tự nhiên ghi trên trái tim con người và hiện diện trong mọi nền văn hóa và mọi nền văn minh. Loại bỏ các quyền cuả con người trên các lãnh vực này có nghĩa là hạn chế phạm vi của các lãnh vực ấy và đầu hàng trước một chủ thuyết tương đối, mà theo đó thì ý nghĩa và việc giải thích các quyền có thể thay đổi hoặc bị từ chối nhân danh sự khác biệt cuả văn hóa, chính trị, xã hội và thậm chí cả triển vọng tôn giáo. Những quan điểm dù có đa dạng thế nào thì cũng không được phép che khuất một thực tế rằng nhân quyền không chỉ là một quyền phổ quát mà thôi, nhưng chính con người phải là đối tượng của các quyền đó "
 
Top Stories
Vietnam: La condition ouvrière au Vietnam en période d’inflation
Eglises d'Asie
06:09 10/06/2010
Eglises d’Asie, 10 juin 2010 – Malgré un taux de croissance économique relativement important et une nouvelle politique tendant à aligner le salaire minimum sur les prix réels, les conditions de vie de la classe ouvrière au Vietnam restent extrêmement difficiles, principalement à cause d’une rémunération très peu élevée, même si on la compare à celle des ouvriers de pays voisins comme la Chine populaire. Telles sont les conclusions d’une analyse présentée par Radio Free Asia (RFA) sur le sujet (1). La même analyse fait également remarquer que beaucoup de chefs d’entreprise imposent à leur personnel des conditions de travail très strictes dont les conséquences se font sentir jusque dans leur vie familiale.

Depuis plus d’une dizaine d’années, les grèves se succèdent dans certains secteurs. A diverses époques, elles ont même été très nombreuses et ont éclaté sur l’ensemble du territoire vietnamien. Cependant, elles touchent plus particulièrement les entreprises privées à capitaux étrangers. Tout récemment, environ 2 000 ouvriers de Sambu Vina, une entreprise à capitaux 100 % coréens, située à Hoc Mon (Hô Chi Minh-Ville), ont lancé une grève qui, le 9 juin 2010, en était à son deuxième jour. La presse officielle a annoncé que, pour le seul mois d’avril dernier, sur le territoire national, il y avait eu douze grèves ouvrières, dont celle de l’entreprise coréenne Carimax Saigon, établie à Cu Chi et spécialisée dans la confection de valises, sacs et autres objets. Peu de temps auparavant, à Tra Vinh, 10 000 ouvriers d’une entreprise taïwanaise avait également cessé le travail.

Selon les déclarations des grévistes, la principale raison de ce mécontentement ouvrier est le niveau extrêmement bas d’un salaire qui, aujourd’hui, ne suffit pas à garantir la subsistance des familles. Par leur grève, les ouvriers revendiquent également une attitude des responsables patronaux plus respectueuses de leurs employés, une amélioration des repas servis dans la cantine de l’entreprise, une diminution des rythmes de travail, etc.

Avec l’accélération de l’urbanisation et l’industrialisation de l’agriculture, des dizaines de milliers de paysans ont quitté leur terre et sont venus dans les villes y chercher de quoi faire vivre leur famille. Mais le salaire reçu est extrêmement bas en rapport avec le coût de la vie. Interrogé par un journaliste de RFA, une directrice du personnel d’une entreprise coréenne de la zone industrielle du Dong Nai (qui a voulu rester anonyme) a déclaré que le salaire minimum mensuel versé par son entreprise était de 1 300 000 dongs (ce qui correspond à 57,35 euros), somme vite épuisée par les frais de loyer, d’électricité, d’eau, de gaz, etc. La même personne a ajouté aussi que son entreprise fournissait une petite aide supplémentaire à ses employés pour le logement, l’essence, ou en cas de maladie ou d’accident. Ces aides ont pour but d’inciter les ouvriers les plus compétents et les plus expérimentés à ne pas quitter leur place pour une autre mieux payée. Mais, d’une façon générale, l’entreprise coréenne ne mène pas une véritable politique sociale à l’égard de son personnel, à cause des conditions économiques difficiles du pays, a indiqué la responsable.

Ngoc Yên, une jeune employée comptable marié à un ouvrier mécanicien de bon niveau, a confié aux journalistes de Radio Free Asia les difficultés matérielles de son couple. « Le réajustement des salaires décidé par le gouvernement, a-t-elle fait remarquer, ne change pratiquement rien à la situation ! » L’inflation entraîne une hausse continue des prix et le réajustement des salaires est loin d’y faire face. Autrefois, 100 000 dôngs permettaient de mettre de la viande et du poisson dans la corbeille de la ménagère. Avec la même somme, aujourd’hui, on ne peut plus se procurer que des légumes et quelques épices. Les récentes hausses de salaires n’ont guère amélioré le niveau de vie des ouvriers. La jeune employée ajoute que pour payer les frais scolaires de ses enfants, elle a été obligée d’avoir recours à ses parents qui ont dû reprendre un nouvel emploi. On peut d’ailleurs constater que les plaintes d’ouvriers et d’employés concernant le faible niveau de leurs salaires remplissent à longueur de colonnes la presse officielle.

Les difficultés financières ne sont pas les seules à soulever les protestations du monde ouvrier vietnamien. Les conditions de travail et en particulier l’attitude arrogante et irrespectueuse adoptée par certains responsables à l’égard du personnel dans des entreprises à capitaux étrangers déclenchent assez régulièrement des mouvements de mécontentement et parfois des arrêts de travail. Une des raisons de cet état de choses est certainement la différence de culture entre les responsables étrangers et les ouvriers vietnamiens. Mais la raison principale est peut-être davantage le flou existant dans les articles du Code du travail sur le sujet.

(1) Emission en vietnamien de Radio Free Asia: http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Life-of-workers-in-some-private-enterprises-QNhu-06092010145934.html

(Source: Eglises d'Asie, 10 juin 2010)
 
Chine: Mongolie intérieure: les autorités détruisent une église catholique pour faire place à une route
Eglises d'Asie
09:49 10/06/2010
Eglises d’Asie, 10 juin 2010 – Dans la nuit du 7 au 8 juin, la seule église catholique de Dongsheng, un district du plateau des Ordos, en Mongolie intérieure, a été totalement détruite par les autorités locales tandis que le curé ainsi que son assistant laïc étaient emmenés par la police. Selon l’agence Ucanews (1), la paroisse avait reçu récemment un avis de démolition de son église, afin de laisser place à une nouvelle route.

Dongsheng, qui est sous la juridiction de la ville-préfecture d’Ordos, est un lieu de passage obligé vers le Mausolée de Gengis Khan, qui draine de nombreux visiteurs. Ces dernières années, la Chine mène un programme de développement rapide de son réseau routier, en particulier dans les régions autonomes. Situées aux confins de son territoire, celles-ci sont le principal objectif du ministère des Transports qui vise d’ici 2020 la construction de 32 000 km d’autoroutes « rurales » destinées à désenclaver les régions isolées et d’accès difficile, tout en développant leur potentiel économique. La Région autonome de Mongolie intérieure, qui a détrôné en 2009 la province de Shanxi en tant que premier producteur de charbon en Chine, est devenue un vaste chantier routier.

D’une surface de 150 m², l’église de Dongsheng dessert environ un millier de catholiques. Elle avait été officiellement enregistrée auprès de l’administration en mai 2009. Un an plus tard, recevant l’avis de démolition de leur église, les représentants de la communauté catholique avaient tenté, à de nombreuses reprises mais en vain, de parlementer avec les autorités locales. Le lundi 7 juin, selon des sources ecclésiastiques, une centaine de personnes sont arrivées vers minuit sur les lieux pour démolir l’église.

Cette nuit-là, le P. Gai En, ordonné en 2005 et aujourd’hui curé de la paroisse de Dongsheng, a été réveillé par le bruit et s’est immédiatement rendu sur les lieux avec son assistant laïc, Yang Yizhi. Alors qu’ils tentaient d’empêcher la destruction de l’église, ils ont été menottés et emmenés par les forces de l’ordre. Ils n’ont pu retourner dans la paroisse qu’après une détention de plus de 20 heures au poste de police.

Le 8 juin au matin, les fidèles venus assistés à la messe se sont trouvés devant un amas de décombres, dont les restes de l’autel et de la croix de 5 mètres de haut de leur église. Le jour suivant, la communauté catholique, décidée à résister, montait un campement de fortune près des ruines pour tenter d’empêcher le début des travaux sur le site de leur ancienne église, sous la surveillance des cars de police qui, depuis les faits, stationnent non loin de là.

Dès qu’il a appris la nouvelle Mgr Paul Meng Qinglu, fraîchement ordonné évêque de Hohhot (2), a envoyé deux prêtres enquêter en Ordos sur l’incident. Actuellement, ils seraient en négociations avec les autorités locales pour le versement d’indemnités.

« Comment le gouvernement peut-il démolir une église, secrètement, en pleine nuit, et emmener nos responsables, alors qu’il parle de construire l’harmonie sociale ? », s’est indigné un paroissien auprès de l’agence Ucanews.

(1) Ucanews, 9 juin 2010.

(2) Mgr Paul Meng Qinglu, reconnu par le Vatican comme par les autorités chinoises, a été ordonné évêque de Hohhot en avril 2010. Voir EDA 528

(Source: Eglises d'Asie, 10 juin 2010)
 
Chine: Selon l’agence Chine Nouvelle, l’unique paroisse catholique du Tibet est un exemple de cohabitation réussie entre les religions
Eglises d'Asie
09:51 10/06/2010
Eglises d’Asie, 10 juin 2010 – Sous le titre « Une église catholique au Tibet », l’agence de presse de la République populaire de Chine, Xinhua (Chine Nouvelle), a diffusé, le 31 mai dernier, une dépêche à propos de l’unique paroisse catholique installée dans la Région autonome du Tibet. A en croire le journaliste qui cite le responsable de cette communauté catholique, les conflits entre catholiques et bouddhistes tibétains, qui autrefois ont pu être violents, « appartiennent au passé ».

Le journaliste commence sa dépêche en décrivant comment une catholique de 62 ans, baptisée dans son jeune âge, se rend chaque jour, « qu’il pleuve ou qu’il vente », à l’église. Prénommée Lucie – un « nom occidental » qui lui a été donné par le prêtre lors de son baptême, apprend-on –, elle lit la Bible en tibétain et présente des hada, ces longues pièces de soie offertes par les Tibétains, à la statue de la Vierge Marie qui se trouve dans l’église.

Il poursuit en décrivant cette église comme étant perchée en haut d’une colline, surplombant une vallée du fleuve Jinsha, nom que prend le Yangzi Jiang sur son cours supérieur (en réalité, l’église surplombe le Lancang Jiang, soit le Mékong). Le village attaché à l’église est celui de Yanjing (en chinois) ou Yerkalo (en tibétain), situé à près de 3 000 m d’altitude, à l’extrême est de la Région autonome du Tibet. Il précise ensuite que c’est un « missionnaire français », Félix Biet, qui l’a bâtie en 1865. « Le Père Félix, né en 1838, avait été ordonné prêtre en janvier 1864. Il arriva au Tibet deux mois plus tard. Il fut également ordonné évêque et mourut en 1901 » (1).

La dépêche se poursuit en expliquant qu’après la construction de l’église, les heurts entre les catholiques et les fidèles des lamaseries voisines furent fréquents. Ils « atteignirent un pic dans les années 1940 lorsque des lamas armés s’emparèrent de l’église » (2). Et, toujours selon le journaliste, les catholiques ne purent récupérer leur lieu de culte qu’en 1951 lorsqu’ils en firent la demande auprès du « Comité de libération populaire du Qamdo » (information invérifiable étant donné la fermeture du pays après l’invasion du Tibet par l’Armée populaire de libération entre 1950 et 1951). Citant alors un site officiel d’information sur le Tibet, China Tibet News, le journaliste écrit: « Le retour de l’église [aux catholiques] marqua la fin des heurts entre les catholiques locaux et les bouddhistes tibétains. »

Les décennies suivantes sont parcourues à grandes enjambées. On apprend ainsi que, durant la Révolution culturelle (1966-1976), l’édifice est transformé en école. Puis qu’il est restauré à la fin des années 1980 pour un coût de 102 000 yuans (12 500 euros), dont 95 000 financés par les autorités chinoises. (La dépêche ne dit rien de la destruction de l’église par un tremblement de terre en 1999 et de sa reconstruction, avec une aide étrangère, en 2004.)

Le journaliste fait ensuite intervenir un certain « Père Laurent », dont on peut penser qu’il s’agit du P. Laurent (ou Laurence) Lu Rendi. Ordonné prêtre en 1996, le P. Lu Rendi a effectivement servi comme curé de Yerkalo durant plusieurs années, avant de s’éloigner de cette région et de la prêtrise. Dans la dépêche de Xinhua, le P. Laurent témoigne du fait que, sur un millier d’habitants, la communauté compte plus de 500 catholiques. « L’église a enrichi la culture locale et coexiste avec les monastères tibétains », commente-t-il, ajoutant: « Nombreux sont les villageois qui amènent leurs bébés pour qu’ils soient baptisés. Les baptêmes sont administrés durant huit jours consécutifs. Les bébés reçoivent des noms religieux comme Paul et Anne. Ces noms seront leurs noms durant toute leur vie. Une fois décédées, ces personnes seront enterrées. »

Pour conclure, le journaliste présente « Maria », qui prend soin au jour le jour de l’édifice religieux. Son mari, Zhaxi Wangdui, est un bouddhiste tibétain « fervent ». « Tous deux sont pieux, explique Maria, et chacun respecte les croyances de l’autre. ‘Après tout, nous partageons la même culture et le même style de vie.’ Lors du Nouvel An tibétain, qui tombe habituellement en mars, Maria se joint à son mari et aux villageois pour le célébrer. » Le P. Laurent est à nouveau cité: « Après toutes ces années de coexistence, les couples du village dont l’un et l’autre conjoint n’appartiennent pas à la même religion peuvent rester fidèles à leur foi religieuse quand ils se marient et leurs enfants peuvent choisir, quand ils grandissent, leur propre religion. » Le journaliste explique encore qu’à Noël, le P. Laurent accueille des catholiques venus des provinces voisines et que des bouddhistes des lamaseries avoisinantes sont invités. « ‘Les conflits religieux entre les catholiques et les bouddhistes appartiennent au passé’, affirme le P. Laurent. »

Ce n’est pas la première fois que l’agence Xinhua s’intéresse à la paroisse de Yerkalo. En octobre 2006, Chine Nouvelle avait diffusé une dépêche quasiment semblable à celle publiée ce 31 mai (3). Déjà, la conclusion du président du comité villageois était que « les conflits religieux entre catholiques et bouddhistes apparte[naient] au passé ». Il semble que la nouvelle dépêche de Xinhua a été diffusée en anglais seulement, et non sur son fil principal en chinois, ce qui pourrait signifier que son contenu est avant tout destiné à un lectorat étranger.

(1) Mgr Félix Biet, des Missions Etrangères de Paris, fut ordonné prêtre le 10 janvier 1864 et partit pour le Tibet le 15 mars suivant. Arrivé à Bonga, au Tibet, en mars 1865, il y fut attaqué par des lamas en octobre de la même année et dut se retirer à Yerkalo, où, avec le P. Auguste Desgodins, il fonda ce qui deviendra une chrétienté fort vivante. C’est en juillet 1878 qu’il fut nommé vicaire apostolique du Tibet. En 1887, les chrétientés de Batang (Bathang), Yaregong et Yerkalo ayant été dévastées par les lamas et leurs affidés, il entreprit pour obtenir justice de longues et difficiles négociations, pendant la durée desquelles, en 1892, il tomba gravement malade et vint en France, où il mourut en septembre 1901. (source: Archives des Missions Etrangères de Paris)

(2) Le Bienheureux Maurice Tornay, chanoine du Grand Saint Bernard – congrégation suisse qui, en 1932, prit la suite des Missions Etrangères de Paris dans cette région de montagnes –, est mort martyr à la frontière du Tibet et de la Chine en 1949. Il a été béatifié le 16 mai 1993 à Rome par le pape Jean Paul II.

A l’origine, au XIXème siècle, la communauté catholique de Yanjing (ou Yerkalo en tibétain) était rattachée au vicariat apostolique de Dajianlu (Tatsienlu), qui se composait du Tibet, de Dajianlu, dans la province du Sichuan, et de Weixi, dans la province du Yunnan. Plus tard, Tatsienlu a pris le nom de Kangding, diocèse situé au Sichuan. En 1932, à la suite d’une rectification de frontières, Yerkalo est passé sous administration tibétaine.

(3) Voir EDA 449. A propos de la paroisse catholique de Yerkalo, voir aussi EDA 166, 248, 269, 347, 433

(Source: Eglises d'Asie, 10 juin 2010)
 
World needs converted priests, not ecclesial engineers, Cardinal Meisner states
Catholic News Agency
22:14 10/06/2010
Vatican City, Jun 10, 2010 / 07:35 pm (CNA).- The Archbishop of Cologne, Cardinal Joaquim Meisner, addressed priests from around the world gathered at the Basilica of St. Paul Outside the Walls in Rome on Wednesday, telling them that nothing is more important for a priest than conversion of heart because only this will enable them to fulfill their mission to bring Christ to others.

Speaking to some 4,000 priests, the German cardinal said that making “corrections” to ecclesial structures is not sufficient to evangelize priests, but rather a “change of heart” must occur because “the greatest obstacle to the transmission of Christ is sin.”

Sin, the cardinal said, “prevents the presence of Christ in our lives. Therefore, in our mission, nothing is more important than conversion.”

Cardinal Meisner underscored the importance of priests dedicating time to Confession—both to administer it and to receive it—and said one of the “most tragic losses the Church has suffered in the second half of the 20th century” is the loss “of the Holy Spirit in the sacrament of Reconciliation.”

“When the faithful ask me: ‘How can we help our priests?’ I always respond: ‘Go to Confession,’” the cardinal said, underscoring that “when the priest is no longer a confessor, he becomes a religious worker.”

Cardinal Meisner said simply changing the structures of the Church “in order to put on a more attractive show” is not the answer. “What we need is a change of heart, a change in my heart. Only a converted Paul could change the world, not an engineer of ecclesial structures.”

“A priest who never kneels on the other side of the screen suffers permanent damage in his soul and mission,” the cardinal continued. “Here we see one of the main causes” of the multiple crises facing the priesthood in the last 50 years,” he stated. “When the priest abandons the confessional, he enters into a grave identity crisis.” “Why does a sacrament that evokes so much joy in heaven and on earth bring about such antipathy?” he asked. “Only with the humility of a child, like the saints, can we accept with the joy the difference between our indignity and the magnificence of God.”

Priests who receive the sacrament of Reconciliation frequently demonstrate their spiritual maturity, the cardinal taught. “Because it is in the Sacrament of Penance that I encounter the merciful Father who has the most precious of gifts.”

“To be on both sides of the screen in the confessional allows us, through our witness, to help our people experience Christ. In order to truly forgive, we need much love. The only forgiveness that we can really give is that which we have received from God,” he added.

The International Meeting of Priests is being promoted by the Congregation for the Clergy with the theme, “Faithfulness to Christ, Faithfulness of the Priest.” All the priests of the world have been invited to the event that will conclude the Year of Priests, convened by Pope Benedict XVI to mark the 150th anniversary of St. Jean Marie Vianney.

(Source: http://www.catholicnewsagency.com/news/world-needs-converted-priests-not-ecclesial-engineers-cardinal-meisner-states/)
 
Pope answers priests' questions on prayer, celibacy and new vocations
Catholic News Agency
22:16 10/06/2010
Vatican City, Jun 10, 2010 / 05:51 pm (CNA/EWTN News).- Priests from around the world gathered at a prayer vigil in St. Peter's Square on Thursday with Pope Benedict, who responded to questions addressed by priests from every continent. The Pope spoke on the importance of prayer and the Eucharist in the life of priests, defended the role of celibacy and emphasized the need to trust that God will bless the Church with new vocations.

The Holy Father recalled the importance of each priest having a personal relationship with Jesus Christ before he can go out and fulfill his calling.

He emphasized the importance of prayer, which he called the “profession of the priest,” pointing to the example of Christ, who is shown in the Gospels taking time to rest during his priestly ministry. If a priest neglects the care of his own soul, Benedict XVI said, he will never be able to love others properly.

Encouraging priests to take the time they need to nourish their own soul through prayer, the Holy Father offered words of encouragement, saying, “The Lord will help us make the right decisions if we are prayerfully attuned to him.”

Priests and the Eucharist

The Pontiff pointed to Mother Teresa as an example of “a love that abandons itself” in order to reach out to the forsaken. He recalled how she would always place a tabernacle at the center of each new community, thus keeping the Eucharist as the center of community life.

Priests must live out the Eucharist, said the Holy Father, reminding those present that “the Eucharist is not a closure to the rest of the world,” but rather, is open to the world's needs.

Priests in the Modern World

The Pope encouraged theologians to “be brave” in the midst of a world that excludes the Gospel.

Drawing on a distinction made by St. Bonaventure, he warned against a “theology of arrogance” that makes God a mere object rather than a subject speaking to us. Instead, the Pope said, priests must engage in a “theology stimulated by love” that seeks to dialogue with Love and come to a better knowledge of the Beloved.

He called on priests to have the “courage to go beyond positivism” and be “humble enough not to follow fads,” but instead to “live by the great faith of the Church at all times.”

“The true majority in the Church are the saints,” he said. “We must draw nourishment from them.”

The Pope explained that the faithful must “have faith in the life of the Church” while at the same time exercising critical thought. Emphasizing fidelity to the Church, he added that “the Catechism is the criterion by which we can judge whether a given theology is acceptable or not.”

Priestly Celibacy

One question directed to the Pontiff asked about “the true meaning and depth of ecclesiastical celibacy.”

The Pope began by emphasizing that the foundation of the priesthood is the celebration of the Eucharist. “Christ is drawing us into himself, allowing us to speak for him and with him,” he said. “He is at all times the only real priest, yet he is very present to the world today because he draws us into himself.”

Priestly celibacy must be understood in light of this unity with Christ, he continued. “We are going forth towards the life of Resurrection,” he said, a life in which “we will be beyond marriage.”

Therefore, he explained, “Celibacy is simply an anticipation, a foretaste, made possible by the grace of the Lord, that pulls us towards the risen world and helps us transcend ourselves.” In a world where people think only about the present and forget the future and eternity, priestly celibacy is a living witness and reminder of that reality to the world, the Pope remarked.

The Holy Father went on to discuss the ways in which priestly celibacy differs from the “increasingly fashionable” trend of simply “not getting married.” While the avoidance of marriage is based on a selfish rejection of commitment, celibacy means “saying that final yes,” he stated. “It is an act of trust, an act of fidelity.” In this way, “celibacy confirms the yes of marriage.”

The world does not understand this, the Holy Father observed, because in a world where there is no room for God, “celibacy is a scandal.” The Pope encouraged priests to let “the scandal of our faith” shine forth in their lives.

Encouraging Priestly Vocations

Asked what priests can do to help “generate new vocations,” the Pope warned against the temptation to transform the priestly vocation into a mere job in order to attract larger numbers to the priesthood.

He recalled the Scripture story of how King Saul had been awaiting the necessary sacrifice before a battle, but when Samuel did not arrive, he tried to perform the sacrifice himself. Because Saul was not a priest, he had taken on a role that was not rightfully his.

In the same way, said the Pontiff, we must remember that a vocation is a calling that comes from God, not from our own doing. “We must avoid taking things into our own hands,” he said. Rather, we should “pray insistently for vocations” and wait with trust and humility for the Lord to answer our prayers.

Pope Benedict called upon priests to live out their priesthood “in a way that is persuasive” so that young people may see an example of the vocation lived fully. He also encouraged priests to speak to young men and help them find environments where they will be surrounded by faith and can be open to their calling.

Concluding the question-and-answer session, the Holy Father reminded those present to stay faithful to the Lord, maintaining the hope that “God will help us".

(Source: http://www.catholicnewsagency.com/news/pope-answers-priests-questions-on-prayer-celibacy-and-new-vocations/)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Linh mục giáo phận Lạng Sơn tham dự chương trình bế mạc Năm Linh Mục tại Rôma
Giuse Trần Ngọc Huấn (tổng hợp)
00:08 10/06/2010
Chiều tối ngày 8 tháng 6 năm 2010, Cha Giuse Nguyễn Ngọc Thể (Đại diện giáo phận), Cha Phêrô Đỗ Văn Tín (Quản hạt Lạng Sơn, chính xứ Thất Khê) và Cha Phaolô Nguyễn Văn Thảo (Quản lý Tòa Giám mục, chính xứ Đồng Đăng) đã đại diện các linh mục của giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng để lên đường tới Rôma tham dự cuộc Hội ngộ quốc tế linh mục kết thúc Năm Linh Mục, diễn ra từ ngày 9-11/06 với chủ đề: "Sự trung tín của Chúa Kitô, sự trung tín của linh mục".

Đây là một hoạt động cao điểm trong dịp kết thúc năm Thánh Linh Mục do Đức Thánh Cha Benedict XVI khởi xướng. Ba linh mục đại diện cho linh mục đoàn giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng sẽ tham dự các chương trình của ngày hội ngộ, cùng với khoảng 15.000 tham dự viên, gồm các Hồng y, Tổng Giám mục, Giám mục và linh mục, phó tế, đến từ 97 quốc gia trên thế giới. Đây là một cuộc tụ họp linh mục Công giáo có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.

Theo Vietcatholic: “Cuộc tụ họp lớn lao này cũng giống như các lần gặp gỡ trước đây từ năm 1996 đến 2004 được tổ chức tại Fatima (Bồ Đào Nha); tại Yamoussoukro (Côte d'Ivoire), tại Guadalupe (Mễ Tây Cơ), tại Nazareth, Bethléem và Giêrusalem (Đất Thánh), tại Rôma (nhân dịp Năm Thánh 2000) và cuối cùng là tại Malta”.

Kênh thông tin Xuân Bích Việt Nam cũng đã đăng tải chi tiết các hoạt động của cuộc hội ngộ này như sau: Ngày đầu tiên sẽ được đặt dưới dấu ấn của sự hoán cải và của sứ mạng, và Đức Hồng y Joachim Meisner, Tổng Giám mục Cologne (Đức), sẽ đề nghị bài suy niệm ở Vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại Thành, sẽ được truyền lại trực tiếp ở Vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô. Sau bài suy niệm này sẽ có Chầu Thánh Thể. Các thánh lễ ở Vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại Thành và ở Vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô sẽ được Đức Hồng y Cláudio Hummes, OFM, chủ tịch Bộ Giáo Sĩ, và Đức cha Mauro Piacenza, thư ký của Bộ, chủ tế.

Ngày thứ hai sẽ được đặt dưới dấu chỉ Thánh Thần và sự hiệp thông: "Nhà tiệc ly, cầu xin Chúa Thánh Thần cùng với Đức Maria, trong sự hiệp thông huynh đệ". Đức Hồng y Marc Ouellet, PSS, Tổng Giám mục Québec (Canada) sẽ có bài suy niệm và thánh lễ sẽ được đức Hồng y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chủ tế ở Vương cung thánh đường thánh Phaolô Ngoại Thành và Đức cha Robert Sarah, thư ký của Bộ Phúc âm hóa các dân tộc, chủ tế ở Vương cung thánh đường thánh Gioan Latêranô. Vào chiều thứ Năm ngày 10/6, đêm canh thức cầu nguyện sẽ diễn ra ở quảng trường thánh Phêrô. Sau những chứng từ của các linh mục, sẽ được truyền hình từ Ars, Nhà tiệc ly ở Giêrusalem, một ngoại ô nghèo của Buenos Aires và Hollywood, sẽ có cuộc đối thoại với Đức Thánh Cha và kết thúc bằng Chầu Thánh Thể.

Ngày cuối cùng, thứ Sáu, lúc 10 giờ sáng, lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, thánh lễ bế mạc Năm Linh Mục sẽ do Đức Thánh Cha chủ tế tại quảng trường thánh Phêrô. Sẽ có việc canh tân lời hứa linh mục và công bố thánh Gioan Maria Vianê làm bổn mạng của các linh mục trên thế giới.

Theo Vietcatholic: Cuộc tụ họp quốc tế các linh mục, được tổ chức cho tất cả mọi tu sĩ nam nữ, các phó tế vĩnh viễn và các giáo dân đang hoạt động trợ giúp cho các linh mục tại trung tâm của các cộng đoàn giáo xứ của họ, ngoài ra cũng là cơ hội để tất cả mọi tín hữu tham dự vào hai nghi thức có sự hiện diện của Đức Thánh Cha, tại quảng trương Thánh Phêrô, đêm canh thức cầu nguyện ngày 10, và Thánh Lễ ngày 11.

Với việc hòa mình vào những ngày hội ngộ Linh mục của giáo hội Công giáo hoàn vũ, các linh mục giáo phận Lạng Sơn – Cao Bằng chắc chắn sẽ lĩnh hội được nhiều kinh nghiệm đạo đức và nhiệt tâm tông đồ, nhờ đó, có thể phục vụ đắc lực hơn cho công cuộc truyền giáo và tái truyền giáo nơi giáo phận nhỏ bé miền sơn cước Việt Nam.

Chúng tôi sẽ liên tục cập nhật thông tin về sự kiện này.
 
Thánh lễ Tạ ơn của 3 anh em Linh mục thuộc giáo xứ An Vân, Huế
Trương Trí
06:23 10/06/2010
HUẾ - Sáng hôm nay, ngày 10.6.2010, toàn thể giáo dân giáo xứ An Vân từ khắp nơi quy tụ về nơi ngôi thánh đường cổ kính đơn sơ nhưng thắm đượm tình yêu thương và đoàn kết, hân hoan chào đón các vị khách quý đạo đời cùng nhau hiệp dâng thánh lễ tạ ơn của 3 anh em ruột là linh mục thuộc Tổng giáo phận Huế:

Hình ảnh thánh lễ

-Linh mục Phêrô Lê Văn Ngọc: sinh năm 1920, chịu chức linh mục năm 1948.
-Linh mục F.X. Lê Văn Cao: sinh năm 1930, chịu chức linh mục năm 1962.
-Linh mục G.B. Lê Văn Nghiêm: sinh năm 1940, chịu chức linh mục năm 1976.

Niềm vinh dự lớn lao nhất đối với 3 cha, đó là thánh lễ đồng tế long trọng do Đức Tổng Giám mục giáo phận Huế chủ sự, cùng với Đức Giám mục phụ tá và trên 80 linh mục trong và ngoài giáo phận tiến vào nhà thờ với tiếng hát ngợi khen tôn vinh Chúa: Con là linh mục đời đời theo dòng Menkisêđê, cùng hiệp dâng thánh lễ có đông đủ đại diện các hội dòng nam nữ và rất đông bà con giáo dân. Trước khi dâng thánh lễ, các con cháu dòng họ Lê đã xin phép được dâng lên 3 cha áo lễ mới.

Mở đầu thánh lễ, Đức Tổng Giám mục thay mặt giáo phận tạ ơn Thiên Chúa và Mẹ LaVang, cảm ơn gia đình và 3 cha đã phó dâng cuộc đời cho Chúa để phục vụ tha nhân. Với tuổi thọ 240 năm, trong đó có 144 năm làm linh mục, một hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã dành cho 3 cha. Cha Lê Văn Ngọc là anh cả mặc dù đã 90 tuổi với 62 năm linh mục nay đã nghỉ hưu, nhưng cha vẫn xin được về ở bên Mẹ LaVang để chăm lo phần rỗi linh hồn và ban bí tích hòa giải cho khách hành hương. Cha Lê văn Cao với 80 tuổi đời và 48 năm linh mục, nay nghỉ hưu tại nhà chung nhưng cha vẫn thường xuyên đi giúp mục vụ những khi cần thiết. Cha Lê Văn Nghiêm đã 70 tuổi nhưng vẫn hăng say phục vụ, là niềm an ủi cho những người nghèo khổ bất kể lương giáo, dù ai đang âu sầu đau khổ nhưng gặp cha đều được cha ban cho nụ cười tươi vui.

Sau thánh lễ, đại diện giáo xứ An Vân ngõ lời tri ân Đức Tổng Giám mục, Đức Giám mục phụ tá, quý cha cùng tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa đã vui lòng tề tựu trong ngôi nhà thờ bé nhỏ nhưng đầy thân thương để cùng tạ ơn Thiên Chúa đã tuôn đổ biết bao ơn lành cho giáo xứ cũng như cho 3 cha mừng lễ hôm nay. Đồng thời xin phép được tặng 3 cha vòng hoa tươi thắm thể lòng quý mến và tràn ngập tình yêu thương của giáo xứ đối với 3 cha.

Cha F.X. Lê Văn Cao thay mặt 3 anh em cảm tạ hai Đức cha và quý cha, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn. Đồng thời bày tỏ ý nguyện của thánh lễ long trọng hôm nay: đó là 3 cha cùng đại gia đình gia tộc họ Lê tri ân và cầu nguyện cho các tiền nhân ông bà cha mẹ. Cảm ơn giáo xứ An Vân đã hân hoan hưởng ứng và tạo điều kiện giúp đở cho 3 cha tổ chức thánh lễ tạ ơn này.

Không phải gia đình nào cũng có được hồng phúc cùng lúc có 3 vị linh mục như các ngài. Mà đó là những trái ngọt do sự nuôi dưỡng của những gốc cây xanh tốt và sum suê. Ân lộc được phát sinh từ cụ cố Giacôbê Lê Khuê bị khắc hai chữ “ Tả đạo “ trên má, bị chết rũ tù trong nhà ngục Lạng Sơn. Con của cụ là linh mục G.B. Lê Huấn chết tử đạo thời Văn thân tại Dương lộc, ông nội của 3 cha là cụ Micae Lê Tuân có 2 người con làm linh mục, đó là cha Phêrô Lê Văn Đức và cha Anrê Lê Văn Kiệm. Song thân của 3 cha muốn dâng hết cho Chúa, nhưng nói như cha Cao: ” Chúa chỉ nhận 3 anh em mà thôi “. Phúc lộc đó Thiên Chúa vẫn tuôn đổ dồi dào xuống cho dòng họ Lê của 3 cha, hiện nay đến đời con cháu của 3 cha có cha Bênêđictô Lê Quang Viên đang là quản lý Nhà chung Tổng giáo phận và em ruột là thầy phó tế Lê Văn Thắng sẽ chịu chức vào ngày 19.6 này; cha Antôn Lê Anh Quốc quản xứ Đông lâm và em ruột là thầy Lê Anh Khoa hiện đang tu học tại Đại chủng viện Xuân bích Huế.

Tất cả là hồng ân cao quý mà Thiên Chúa đã ưu ái ban cho dòng họ Lê thuộc giáo xứ An Vân, và cũng chính là nguyên nhân để 3 cha tổ chức mừng lễ tạ ơn và tri ân cầu nguyện cho các tiền nhân ông bà cha mẹ hôm nay.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tha Thứ
Trầm Thiên Thu
20:31 10/06/2010
Tha thứ

Nhân vô thập toàn. Không ai lại không có lỗi. Vì vậy, sự tha thứ luôn cần thiết, mọi nơi và mọi lúc.

Càng tha thứ càng giảm bớt sự thù hận. Sự tha thứ không chỉ tốt cho tinh thần mà còn tốt cho thể lý – ngăn ngừa bệnh. Giáo sư tâm lý học Everett Worthington, thuộc ĐH Virginia Commonwealth (Mỹ), nói rằng sự tha thứ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Những người có “máu cừu địch” dễ bị béo phì và kháng insulin – các yếu tố gây bệnh tiểu đường và bệnh tim. Các nghiên cứu của Viện Sức khỏe cộng đồng tại California cho thấy rằng mức thù hận cao gây nguy cơ tử vong gấp đôi so với các nguyên nhân khác.

Đức Kitô dạy: “Khi dâng lễ vật, nếu sực nhớ có chuyện bất hòa với anh em thì hãy để lễ vật đó, về làm hòa với anh em trước, rồi trở lại dâng lễ vật sau” (Mt 5, 23). Không chỉ tha thứ 7 lần mà Ngài còn dạy phải tha thứ 70 lần 7. Sự tha thứ có hệ lụy với lòng nhân từ.

Ngoài lợi ích về tinh thần, sự tha thứ còn lợi ích về thể lý. Nhất cử lưỡng tiện. Tâm lý gia Worthington nói: “Sự tha thứ có thể làm giảm nguy cơ bị các chứng rối loạn liên quan stress như hệ miễn nhiễm hoạt động sai chức năng, rối loạn tự miễn nhiễm và ung thư”. Ông đưa ra 5 bí quyết tha thứ sau đây:

+ Nhường nhịn: Luôn tích cực nhường nhịn, vì “một câu nhịn, chín câu lành”, để tránh lăng nhục người khác hoặc trở thành nạn nhân. Nhường nhịn không có nghĩa là thua kém hoặc yếu thế!

+ Cảm thông: Tự đặt mình vào vị trí của người khác để dễ cảm thông và khách quan nhìn nhận vấn đề. Nếu không cảm thông thì không thể tha thứ.

+ Vị tha: Bạn rất hạnh phúc khi được tha thứ, vậy hãy trao tặng món quà tha thứ cho người khác. Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn người khác làm cho mình!

+ Cân nhắc: Điều này giúp bạn không quá lố, suy nghĩ và cân nhắc để xử lý tốt nhất trong mọi tình huống.

+ Kiềm chế: Luôn biết kiềm chế “cái tôi”. Sự im lặng có vẻ “lạnh lùng” nhưng lại có thể giúp bạn tránh tức giận và sợ hãi. Nhờ vậy mà bạn mặc nhiên tha thứ.
 
Thông Báo
Cáo phó: Nữ tu Anna Hoàng Thị Chín qua đời tại Gò Vấp
MTG Gò Vấp
08:03 10/06/2010
 
Văn Hóa
Con chiên lạc
Ngô xuân Tịnh
17:18 10/06/2010
Lc,15-1-10

Các người thu thuế và người

Theo đường tội lỗi nghe Người bảo ban

Người cùng với họ đồng bàn

Pharisiêu luật sĩ phàn nàn trách chê

Ông nầy thật chẳng ra gì

Thu thuế tội lỗi rủ rê nhậu hoài

Dụ ngôn Người giảng bên tai

Nêu lên sứ vụ mà Người thực thi

Người chăn chiên phải làm gì

Khi con chiên đã lạc đi khỏi đàn?

Chín mươi chín con bỏ lại ràn

Một con bị lạc gian nan kiếm tìm

Được rồi mừng ngập con tim

Vác con chiên lạc ràn chiên đưa về

Về nhà hàng xóm vội khoe

Con chiên bị lạc trở về với tôi

Cùng tôi chia sẻ niềm vui

Cũng làm như thế nước Trời mừng vui

Tội nhân thống hối một người

Còn hơn chín mươi chín nơi trọn lành

Không cần thống hối ăn năn

Một người phụ nữ mười đồng trong tay

Một lúc bất cẩn rủi thay

Một đồng đánh mất loay hoay suốt ngày

Quét tìm chỗ nọ chỗ nầy

Đốt đèn soi hết góc nầy góc kia

Được rồi bè bạn mời qua

Chung vui đồng bạc nay đà tìm ra

Thiên thần thiên quốc hoan ca

Cũng như Thiên Chúa rất là mừng vui

Một người tội lỗi đổi đời

Ăn năn thống hối nước Trời hồi quy
 
Mẹ tìm gặp Chúa
Ngô xuân Tịnh
17:22 10/06/2010
Lc 2, 41-50

Cứ hằng năm ông bà trẩy tới

Cùng mọi người về với Gia-liêm

Kinh đô thành thánh êm đềm

Vượt Qua đại lễ linh thiêng ăn mừng

Vừa mười hai Chúa từng nầy tuổi

Cả gia đình cùng với bà con

Hân hoan phấn khởi tâm hồn

Tuôn về thành thánh cho tròn ước mơ

Từ đền thờ mẹ cha về lại

Nơi quê nhà đi với người thân

Giê-su ở lại Gia-liêm

Ông bà không biết việc làm của con

Mẹ và cha vẫn còn tin tưởng

Con đang về với đám hành hương

Sau khi qua một ngày đường

Tìm con giữa đám thập phương ồn ào

Tim khắc khoải nôn nao tìm kiếm

Giữa bà con thân thuộc dọc đường

Nhưng con yêu dấu thân thương

Không nhìn thấy mặt, đi đường nào đây?

Sau ba ngày gian lao tìm kiếm

Mừng thấy con hiện diện đây rồi

Trong ngôi đền thánh cậu ngồi

Nghe thầy giảng dạy tìm lời hỏi han

Hết mọi người ngỡ ngàng kinh ngạc

Trẻ Giê-su đĩnh đạc thông minh

Những lời đối đáp thánh kinh

Thực tình sâu sắc khó tin tuổi nầy

Thấy được con mặt mày sửng sốt

Cha mẹ Người đột ngột hỏi qua:

" Cực lòng lo lắng mẹ cha

Sao con làm thế suốt ba ngày ròng?"

Nhưng Người đáp như không kể tới

Bao khổ đau chạm tới ông bà:

" Tìm con vất vả chi mà

Phận con là phải ở nhà Cha con"

Nhưng ông bà vẫn còn chưa hiểu

Những lời con phát biểu vừa qua

Mừng vui tất cả về nhà

Lời con vừa nói giữ và gẫm suy

Hết mọi khi nầy em bắt chước

Mất Chúa thì tìm ngưo.c tìm xuôi

Luôn luôn giữ Chúa trong người

Sống trong ân sủng một đời tín trung
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Trăng Xưa
Nguyễn Ngọc Danh
10:20 10/06/2010

TRĂNG XƯA



Ảnh của Nguyễn Ngọc Danh

Em mãi muôn đời phải là trăng ?

Ta thân tro bụi rãi sông Hằng

Thây trôi về mãi miền Do Thái

Đất Thánh nhuận giòng nước Jordan

(Nguyễn Ngọc Danh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Chim Xanh
Đỗ Thạo
22:19 10/06/2010

CHIM XANH



Ảnh của Đỗ Thạo

Kiếp sau làm chim xanh

tháp chuông gieo thánh thót

môi em còn hơi nóng

lời kinh hót lao xao.

(Trích thơ của Bụt Sĩ Lưu Văn Vịnh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền