Ngày 08-06-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
9/6: Thầy đến để kiện toàn lề luật - Suy Niệm của Lm Nguyễn Trọng Thiên, SVD – Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
00:41 08/06/2021

Video sẽ bắt đầu từ 6g30 tối ngày 08-June-2021 theo giờ Việt Nam


PHÚC ÂM: Mt 5, 17-19

“Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Các con đừng tưởng Thầy đến để huỷ bỏ lề luật hay các tiên tri: Thầy không đến để huỷ bỏ, nhưng để kiện toàn. Vì Thầy bảo thật các con: Cho dù trời đất có qua đi, thì một chấm, một phẩy trong bộ luật cũng không bỏ sót, cho đến khi mọi sự hoàn thành. Bởi vậy, ai huỷ bỏ một trong những điều luật nhỏ mọn nhất, và dạy người khác làm như vậy, sẽ kể là người nhỏ nhất trong Nước Trời; trái lại, ai giữ và dạy người ta giữ những điều đó, sẽ được kể là người cao cả trong Nước Trời”.

Đó là lời Chúa.
 
Trái Tim Chúa Giêsu - Lò Lửa Mến Hằng Cháy
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
09:16 08/06/2021
Trái Tim Chúa Giêsu - Lò Lửa Mến Hằng Cháy

SUY NIỆM LỄ TRÁI TIM CỰC THÁNH CHÚA GIÊSU

Tiếp liền sau lễ trọng kính Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Giáo hội cử hành Lễ trọng kính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, làm nổi bật tình yêu vô biên của Thiên Chúa dành cho con người từ cây Thánh Giá là trong Trái Tim Chúa Giêsu với sự hiện diện liên tục của Người nơi Bí tích Mình Thánh. Đó cũng là lý do sau lễ có Giờ Chầu Thánh Thể đặc biệt hướng về Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Nhân loại hôm nay đã, đang và còn sẽ hứng chịu nạn dịch Covid. Cả thể giới ngày càng mệt mỏi khi phải ứng phó với biến thể và sự lây lan của loại virus này. Nhiều bệnh nhân, y bác sĩ, người nhà bệnh nhân tuyệt vọng ngay trong bệnh viện bên cạnh những máy móc hiện đại tân kỳ. Mọi người bị ảnh hưởng bởi sự cô lập và giãn cách chưa có hồi kết.

Khủng khiếp hơn là những cuộc xung đột về sắc tộc, tôn giáo, chính trị ở các cấp độ quốc gia và trên thế giới, nhiều người phải bỏ nhà cửa, quê hương, mong thoát khỏi cảnh áp bức với hy vọng tìm đến một nơi đáng sống hơn.

Những phong nghịch lại với Tin Mừng đang gia tăng tại một số nơi. Người ta không ngừng tục hóa Giáo hội dưới hình thức. Thay vì nhắm đến sự canh tân tinh thần Tin Mừng, qua việc huấn giáo, truyền giáo, chăm sóc mục vụ, giải thích mầu nhiệm các bí tích, người ta nhắm đến các đề tài khác với hy vọng nhận được sự ủng hộ của dư luận quần chúng làm cho Giáo Hội đắng cay cực lòng. Đối mặt với tất cả những điều đó, chúng ta nhớ lại Lời Chúa Giêsu gọi mời : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng Ta, tôi sẽ cho nghỉ ngơi…” (Mt 11, 28-29)

Trong lúc khó khăn này, chúng ta, những người đã chịu Phép Rửa tội và Thêm sức, phải mạnh dạn đem yêu thương vào nơi oán thù theo gương Chúa Kitô đã yêu thương loài người qua bội, chú tâm vào biểu tượng của tình yêu từ bi của Chúa Kitô là Thánh Tâm Chúa Giêsu để chia sẻ tình yêu với đồng loại.

Trái tim là biểu tượng tự nhiên của tình yêu. Trái tim còn đập cho thấy mình còn sống. Thiên Chúa đã yêu con người bằng trái tim tình yêu : “Quả tim Ta thổn thức trong Ta … vì Ta là Thiên Chúa” (x. Hs 11, 1b, 3-4, 8c-9 ). Quả Tim ấy được cụ thể nơi Trái Tim Chúa Giêsu (x. Ep 3,8-12.14-19). Trái Tim ấy yêu con người bằng một tình yêu bền vững, đáng tin cậy, thủy chung trọn đời.

Trái Tim của Thiên Chúa luôn rung động vì thương loài người và đổ tràn tình thương xuống cho nhân loại. Trái Tim ấy không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, từ chối của con người. Vì yêu, Thiên Chúa đã muốn tên lính đâm thấu và mở cạnh sườn; máu cùng nước chảy ra (x. Ga 19, 34). Từ nguồn suối thẳm sâu của trái tim mình, Chúa Giêsu đã ban cho Giáo hội các bí tích để có thể trao ban hồng ân sự sống. Từ Trái Tim Chúa bị đâm thủng vì tội lỗi chúng ta, đã tuôn trào nguồn ơn cứu độ đời đời cho nhân loại. Trái Tim đó không đơn giản là trái tim bình thường mà là Tình Yêu của Thiên Chúa dành cho nhân loại. Trái Tim “yêu thương” dân : “Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Ca nhập lễ). Lời thánh Gioan Maria Vianey là bằng chứng : “Linh mục là hồng ân của Thánh Tâm Chúa ban cho loại người” (GLHTCG số 1589). Làm sao ta không cảm động nhớ lại rằng chính từ Trái Tim Chúa đã trực tiếp nảy sinh hồng ân linh mục. Hôm nay chúng ta đừng quên cầu cùng Thiên Chúa Ba Ngôi cho các linh mục nhân ngày thánh hóa, để Giáo hội có được những cái máng tốt như lòng Chúa mong ước, thông chuyển tình yêu của Thiên Chúa cho thế gian.

Trái tim Chúa Giêsu được miêu tả có vết thương và mão gai quấn quanh. Mão gai nhắc nhớ chúng ta về tình yêu đích thực, chung thủy, hoàn toàn tận hiến cho tha nhân, quên cả đau khổ của chính mình, ngụ ý nói, Tình yêu thực sự không thể tách rời khỏi mạo gai.

Trái Tim Chúa Giêsu có Thánh Giá biểu tượng chính của Đức tin Kitô giáo cắm ở trên, giúp chúng ta chiêm ngắm tình yêu hy sinh của Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình vì chúng ta khi bị treo trên Thánh Giá. Chúa Giêsu, một con người vô tội bị thế gian kết án, đã lấy yêu thương tha thứ đáp trả hận thù khi thưa cùng Chúa Cha rằng: “Lạy Cha xin tha thứ cho họ, vì họ không biết việc họ đã làm” (Lc 23. 24). Người cũng dạy chúng ta phải yêu như Chúa yêu và tha thứ cho nhau như Chúa đã tha thứ cho chúng ta.

Trái Tim Chúa Giêsu có ngọn lửa bao quanh. Đây là những ngọn lửa vinh quang, lửa tình yêu bừng sáng. Ngọn lửa ấy những ước mong chiếu sáng thế gian tội lỗi và tối tăm, sưởi ấm thế giới lạnh lùng. Đó cũng là ngọn lửa nhiệt thành, chiếu rọi trên các Tông Đồ ngày Lễ Ngũ Tuần.

Ngón tay Chúa Giêsu chỉ vào Trái Tin Chúa, có ý mời gọi chúng ta : “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng" (Mt 11, 28-29).

Tay kia dang rộng ra như tha thiết chào đón mọi người, vẫy mời chúng ta hãy uốn lòng nên giống Trái Tim Chúa để làm như vậy đối với tha nhân. Trái Tim Chúa Giêsu quả là một biểu tượng mạnh mẽ của tình yêu Thiên Chúa chúng ta, những người được trao cho sứ mạng yêu thương trên mặt đất này. Hơn bao giờ hết, thế giới hôm nay ngạo mạn cứng đầu, vơi cạn tình yêu đang rất cần đến tình yêu kín múc từ Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu.

Lạy Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu, xin thương xót chúng con. Amen.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 08/06/2021

2. Lửa có thể luyện sắt thép, cám dỗ có thể luyện người lương thiện.

(sách Gương Chúa Giê-su)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 08/06/2021
69. CHỦ TỚ LUẬN VỀ THỜI TIẾT

Mùa đông, gió bắc thổi và tuyết rơi nhiều, có một phú ông mặc áo da lông cừu ngồi trong nhà, sát bên lò sưởi uống rượu.

Uống, uống, toàn thân ông ta phát nóng, trên trán chảy lấm tấm những giọt mồ hôi, bèn cất mũ cởi áo, nói:

- “Mùa đông năm nay quá nóng, thời tiết thất thường.”

Lúc ấy, người đầy tớ đang đứng ngoài cửa run lẩy bẩy, lên tiếng nói:

- “Ngài ở trong nhà nói mùa đông thời tiết thất thường, con đứng ngoài nhà gió lạnh thấu xương, nên cảm thấy mùa đông thời tiết rất bình thường ạ.”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 69:

Ông chủ vừa mặc áo ấm vừa uống rượu, lại còn ngồi bên lò sưởi thì mùa đông sẽ biến thành mùa hè, ông ta sống quá dư thừa nên trở thành vô tâm trước người đầy tớ đang lạnh co ro run lẩy bẩy đứng bên ngoài nhà…

Mùa đông thì phải lạnh, nếu mùa đông mà thấy nóng là thất thường, nhưng không phải thời tiết thất thường, mà là bản thân mình thất thường, cho nên cần phải xét lại chính mình.

Có những người vì cuộc sống quá đầy đủ nên thường hay dung túng cho bản thân: ăn thì quá no thừa mứa và lãng phí, khi bị bệnh thì nói thức ăn dở thời tiết xấu; uống thì uống thả dàn quên mất trời đất, khi say xỉn thì chê trách rượu có cồn đồ nhắm dở… Họ vô tâm không thấy những người nghèo đang không có gì ăn, bụng đói meo đi không nổi; họ cũng quên mất ngày phán xét Thiên Chúa sẽ hạch hỏi họ về những hạt cơm mà họ vung vãi trên đất vì dư thừa; họ cũng quên mất Thiên Chúa sẽ hỏi họ đã dùng tiền bạc vật chất để làm gì, khi mà Ngài ban cho họ để họ thay mặt Ngài giúp đỡ cho tha nhân…

Thời tiết thì không thất thường, chỉ có con người làm cho thời tiết thất thường vì những ích kỷ, kiêu ngạo, ghét ghen của mình mà thôi.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các Giám mục Úc xác định các vấn đề ưu tiên mà Hội đồng Toàn thể sẽ thảo luận
Thanh Quảng sdb
05:06 08/06/2021
Các Giám mục Úc xác định các vấn đề ưu tiên của Hội đồng Giám mục Úc



Tại Hội nghị Toàn thể vào tháng Năm, các Giám mục Úc đã thảo luận về ba vấn đề ưu tiên: Việc đào tạo; Dấn thân Truyền giáo; và Thăng tiến tinh thần tập thể.

(Tin Vatican)

Giáo Hội Công Giáo Úc đã xác quyết ba ưu tiên trên cũng là những ưu tiên mà Hội đồng Giám mục Công Giáo Úc theo đuổi: Việc đào tạo, Truyền giáo và Thăng tiến Tinh thần tập thể. Các ưu tiên này đã được bàn thảo từ ngày 6 đến ngày 13 tháng 5 trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Việc đào tạo, sứ mệnh, tính tập thể

Về việc đào tạo, các Giám mục nhấn mạnh đến “việc đào tạo dành cho tất cả những người đã được rửa tội và đây là chuỗi dài đào tạo cả đời. Nó giúp tăng trưởng đức tin, hình thành cách thức tông đồ, thăng tiến tâm linh, nâng cao hiểu biết, đào sâu kiến thức, thăng hoa đời sống đạo, xây dựng cộng đồng Giáo hội, thúc đẩy đồng trách nhiệm đối với sứ mệnh của Giáo hội và những hành trang cho người Công Giáo để phục vụ.” Vì lý do này, các Giám mục cho hay: “Việc đào tạo cần phải được chú trọng đặc biệt nhắm vào các ơn gọi và việc mục vụ cụ thể trong lòng Giáo hội.”

Ưu tiên cho những ai muốn sống đời truyền giáo, đây là ước nguyện bắt nguồn từ ước mơ của Đức Thánh Cha Phanxicô về một “niềm khát vọng truyền giáo có khả năng làm đổi mới mọi sự,” ĐTC đã viết trong Tông huấn “Tin Mừng Niềm Vui” Evangelium gaudium. Các Giám mục thừa nhận rằng việc Giáo hội “hướng nội và tự quy hướng về mình” thì quá dễ dàng... Nhưng “động lực truyền giáo”, “thúc đẩy các Giám mục phải trình bày và quảng bá những lời giảng dạy của Chúa Kitô một cách hữu ích và hấp dẫn.” Lưu ý với một sự thúc bách truyền giáo như vậy, liên quan đến việc “cung cấp cho xã hội một tầm nhìn mới về những gì có thể tiến đạt - một tầm nhìn tập trung vào Chúa Giêsu và cách sống mà Ngài đã nên ra cho chúng ta: hành động khiêm nhường, tìm kiếm công lý, loan truyền sự thật, cung cấp sự hòa giải và dấn thân phục vụ.”

Cuối cùng, để thúc đẩy tính tập thể, Hội nghị Toàn thể nhắc lại rằng “tất cả các Giám mục thuộc về Hội đồng Giám mục”. Vì vậy, dù chức vụ chính của các ngài là cai quản các Giáo phận riêng, nhưng các ngài còn “chia sẻ các trách nhiệm trên bình diện quốc gia”. Các Giám mục xác tín rằng trải nghiệm “về kết quả của việc họp nhau lại để cầu nguyện và tĩnh tâm, chia sẻ những suy tư và phân định các vấn đề quan trọng, cùng nhau nhìn tới Hội nghị Toàn thể sắp tới và hỗ trợ lẫn nhau đã nâng cao ý thức tập thể của các ngài và khẳng định giá trị, cho cá nhân các Giám mục và cho toàn thể Giáo hội Úc.” Do đó, Hội Nghị có ý định “nhấn mạnh đến tính tập thể của các Giám mục, không phải là mục đích tự thân, nhưng như là một phương tiện để thực hành thừa tác và phục vụ cho hiệu quả hơn trong đời sống và sứ mệnh của Giáo hội.”



Đại hội toàn thể


Tại Đại hội đồng toàn thể, các Giám mục đã gửi một sứ điệp đến Đức Thánh Cha Phanxicô, mở đầu bằng một suy tư về đại dịch Covid-19 ở Úc và thế giới. Sứ điệp nêu bật “những lý do mà Giáo hội Úc phải tạ ơn”, vì những tiến bộ đạt được đối trong Hội đồng Toàn thể lần thứ năm này, và kỷ niệm 200 năm nền giáo dục Công Giáo ở Úc.

Các ngài cũng vạch ra sự “tiến bộ trong các tiêu chuẩn nghề nghiệp và bảo vệ”, bao gồm việc thành lập một cơ quan bảo vệ mới và gửi bản “Nghị định thư của Ủy ban Hoàng gia, cung cấp một khuôn khổ cho các thực thể Công Giáo có cái nhìn nhất quán trước người trẻ hoặc những người bị lạm dụng tình dục.

Trong cuộc họp, các Giám mục đã xem xét các vấn đề chuẩn bị cho Hội đồng Toàn thể thứ năm của Giáo Hội Công Giáo Úc, đã bị trì hoãn vì đại dịch; bây giờ mới được lên kế hoạch nhóm họp vào tháng 10 năm 2021 và tháng 7 năm 2022. Sự kiện này đại diện cho cuộc họp quốc gia quan trọng nhất kể từ Hội đồng Toàn thể cuối cùng, được triệu tập vào năm 1937: cộng đồng Công Giáo Úc được kêu gọi thảo luận và suy xét về tương lai của các việc truyền bá Phúc âm hóa của Giáo hội, sứ mệnh truyền giáo, đặc biệt trước những thách thức của thời đại đương đại, bao gồm cả vấn đề bảo vệ trẻ em vị thành niên.

Các chủ đề khác được Hội nghị toàn thể Hội Đồng Giám Mục Úc (ACBC) xem xét bao gồm sự cần thiết phải có một cái nhìn mới về Bí tích Xám hối, đặc biệt trước quan điểm của các cuộc tấn công lập pháp tới Ấn tòa giải tội; Bộ giáo lý viên mới, được Đức Thánh Cha Phanxicô thiết lập vào ngày 10 tháng 5 với bộ giáo lý Motu proprio Antiquum; cũng như những cảnh giác, khi cần hoặc có thể, đối với các linh mục bị huyền chức, cũng như việc hỗ trợ tài chính cho họ. Các Giám mục cũng bàn về việc giáo dục của các trường Công Giáo, mà năm 2021 là kỷ niệm 200 năm phục vụ tại Úc; và việc đối thoại giữa các tôn giáo. Các Giám mục lưu ý rằng trong đại dịch, "nhiều nhà lãnh các đạo tôn giáo đã cùng làm việc chặt chẽ trong suốt đại dịch, bao gồm cả việc vận động đối xử công bằng với các nơi thờ tự khi các hạn chế được áp dụng đối với các cuộc tụ tập công cộng."

Các Giám mục Úc bày tỏ quan ngại nghiêm trọng trước việc xúc phạm tới các cơ sở Kitô giáo và văn hóa trong cuộc xung đột giữa người Armenia và Azerbaijan, các cuộc tấn công mà họ cho rằng “đáng bị cộng đồng quốc tế nên án mạnh mẽ nhất”.

Hội Đồng Giám Mục Úc (ACBC) cũng xuất bản một tuyên cáo về công bằng xã hội vào tháng 8, với tựa đề “Tiếng kêu của trái đất, tiếng kêu của người nghèo”. Về người bản xứ, các Giám mục yêu cầu chính phủ quốc gia này nên tổ chức trưng cầu dân ý càng sớm càng tốt để họ có tiếng nói trong Nghị viện nhằm đóng góp cho chính phủ về phương diện luật pháp, chính sách và các chương trình liên hệ.

Cuối cùng, các Giám mục châu phê yêu cầu của Phong trào Cursillo Công Giáo Úc, công nhận là một “hiệp hội tư của giáo dân”, đồng thời nhấn mạnh với họ là họ phải cam kết thực hiện “các tiêu chí quốc gia về việc bảo vệ trẻ em vị thành niên”.
 
Những vấn đề liên quan đến Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops
Đặng Tự Do
07:35 08/06/2021
Hôm Chúa Nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa 6 tháng 6, Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự gần gũi với tất cả người dân Canada bị tổn thương bởi phát hiện gây choáng váng về hài cốt của 215 trẻ em ở Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, là trường nội trú bản địa lớn nhất Canada.

Ngài nói:

“Tôi đau đớn theo dõi tin tức đến từ Canada về sự phát hiện gây kinh hoàng liên quan đến hài cốt của 215 trẻ em, là học sinh của Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops, ở tỉnh British Columbia. Tôi tham gia cùng các giám mục Canada và toàn thể Giáo Hội Công Giáo ở Canada bày tỏ sự gần gũi của tôi với người dân Canada, bị tổn thương bởi tin tức gây kinh hoàng này. Khám phá đáng buồn càng nâng cao nhận thức về những đau đớn và đau khổ trong quá khứ. Mong các nhà chức trách chính trị và tôn giáo của Canada tiếp tục cộng tác với quyết tâm làm sáng tỏ câu chuyện đáng buồn đó và khiêm tốn dấn thân vào con đường hòa giải và hàn gắn.

Những khoảnh khắc khó khăn này làm dấy lên một lời kêu gọi mạnh mẽ đối với tất cả chúng ta, hãy rời xa mô hình thuộc địa, cũng như thoát khỏi chế độ thực dân ý thức hệ ngày nay, và sánh bước bên nhau trong đối thoại, tôn trọng lẫn nhau và thừa nhận các quyền và các giá trị văn hóa của tất cả những đứa trẻ ở Canada.

Chúng ta hãy phó thác cho Chúa linh hồn của tất cả những trẻ em đã qua đời trong khu nội trú trường học ở Canada và cầu nguyện cho các gia đình và cộng đồng bản địa Canada đang bị đau đớn. Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng.”

Mặc dù nói về nỗi buồn và sự đau khổ, nhưng Đức Giáo Hoàng đã tránh xin lỗi.

Ngôi trường này được mở cửa vào năm 1890 và được điều hành bởi cả những người Công Giáo lẫn chính phủ liên bang Canada. Chính phủ liên bang tiếp quản quyền quản lý vào năm 1969 và điều hành nó như một khu nhà nội trú cho học sinh theo học các trường học ban ngày. Nó đã bị đóng cửa vào năm 1978.

Kể từ khi việc phát hiện ra hài cốt được loan tin rộng rãi trên báo chí vào ngày 30 tháng 5, đã có những áp lực ngày càng tăng đối với Giáo Hội Công Giáo ở Canada, và cả ở Vatican, phải xin lỗi công khai và chính thức về những “tội ác” gây ra ở trường này và các trường nội trú khác trên khắp đất nước.

Gần 3/4 trong số 130 trường nội trú tại Canada do các phái bộ truyền giáo Công Giáo điều hành. Họ là những tổ chức Công Giáo được nhà nước tài trợ nhằm mục đích hòa nhập trẻ em bản địa vào xã hội Canada. Nhà nước đã thừa nhận rằng các hành vi lạm dụng tình dục và thể chất là một thực tế ở nhiều trung tâm này, nơi trẻ em bị đánh vì nói tiếng mẹ đẻ.

Thảm kịch về những đứa trẻ mất tích, những ngôi mộ không được đánh dấu và nghĩa trang bên cạnh các trường nội trú đã được ghi nhận bởi Ủy ban Hòa giải và Sự thật Quốc gia vào năm 2013. Ủy ban đã đưa ra một báo cáo cuối cùng đề xuất một số biện pháp, bao gồm cả một lời xin lỗi chính thức từ Tòa thánh.

Những thi hài được tìm thấy tại Trường Nội Trú dành cho người bản địa tại Kamloops đã được tìm thấy bằng cách sử dụng radar xuyên đất, nhưng đến nay, các thi hài này vẫn chưa được khai quật để xác định chính xác.

Cho nên, vẫn chưa biết những đứa trẻ này chết vì lý do gì, và vào thời kỳ Giáo Hội coi sóc ngôi trường này hay trong thời gian chính quyền Canada trực tiếp trông coi.

Hôm thứ Sáu, Thủ tướng Canada Justin Trudeau cho biết ông vô cùng thất vọng vì Vatican đã không đưa ra lời xin lỗi, đồng thời kêu gọi Giáo Hội phải có trách nhiệm: “Là một người Công Giáo, tôi vô cùng thất vọng về quan điểm mà Giáo Hội Công Giáo đã chọn vào lúc này và trong nhiều năm qua”.

“Khi tôi đến Vatican vài năm trước, tôi đã trực tiếp yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô tiến ra và xin lỗi, xin tha thứ, bồi thường, cung cấp những hồ sơ, và chúng tôi vẫn thấy sự kháng cự từ Giáo Hội, có thể từ Giáo Hội ở Canada”.

Trudeau nói rằng Giáo Hội “im lặng” và “không có bước tiến nào”.

“Nó không cho thấy sự lãnh đạo, thẳng thắn mà nói, được cho là cốt lõi của đức tin của chúng ta, về sự tha thứ, về trách nhiệm, về việc thừa nhận sự thật”, ông nói.

Nhiều giám mục đã lên tiếng và đưa ra các tuyên bố. Vào năm 2018, các giám mục Canada đã nói rằng Đức Giáo Hoàng không thể đích thân xin lỗi về những gì đã xảy ra ở các trường nội trú. Các giáo hội United, Tin lành Trưởng lão và Anh giáo đã xin lỗi về vai trò của họ trong vụ lạm dụng. Chính phủ Canada cũng đã xin lỗi và đề nghị bồi thường.

Trong số các giám mục đã xin lỗi trong những ngày gần đây có Đức Tổng Giám Mục của Vancouver, đã lên tiếng hôm thứ Tư, ba ngày sau khi việc phát hiện hài cốt được báo cáo.

“Tôi viết thư này để bày tỏ lời xin lỗi chân thành và lời chia buồn sâu sắc đến các gia đình và cộng đồng đã bị tàn phá bởi tin tức khủng khiếp này”, Đức Tổng Giám Mục Michael Miller đã viết trên Twitter. “Không nghi ngờ gì nữa, Giáo hội đã sai lầm khi thực hiện chính sách thực dân của chính phủ dẫn đến sự tàn phá đối với trẻ em, gia đình và cộng đồng”.

Đức Cha Thomas Dowd của Giáo phận Sault Ste. Marie đưa ra một tuyên bố nói rằng những cái chết được phát hiện là khủng khiếp, nhưng việc chôn lấp hoàn toàn là kinh khủng: “Thực tế về những cái chết ở trường nội trú đã đủ tồi tệ, nhưng thậm chí còn tệ hơn nữa là sự thiếu tôn trọng đối với những người đã chết. Thành thật mà nói, tại sao lại phải sử dụng đến radar xuyên đất để xác định vị trí của những đứa trẻ này? Người chết không có nghĩa là vô danh, hoặc bị lãng quên”.

Ngài cũng đưa ra lời xin lỗi chân thành tới tất cả người dân bản địa của Canada, và đặc biệt là giáo phận của ngài, “những người mà tôi đang khám phá nền văn hóa và di sản hiện nay”.

“Thành thật mà nói, tôi không chắc lời xin lỗi đó có giá trị gì hay không, vì tôi chỉ là một người đàn ông và mới đến chỗ này gần đây, nhưng dù thế nào tôi cũng cam kết sẽ học hỏi từ các bạn, lắng nghe các bạn và bước đi cùng các bạn”, Đức Cha Dowd viết.

Trong khi đó, Đức Tổng Giám Mục của Toronto đã lên tiếp trả lời các yêu cầu đòi Đức Giáo Hoàng phải xin lỗi.

Đức Hồng Y Thomas Collins của Toronto cho biết vào ngày 3 tháng 6 rằng: Điều này sẽ đòi hỏi “một số bước từ lãnh đạo chính phủ và giáo hội cũng như các cam kết quan trọng về hậu cần, tài chính và các cân nhắc khác”. Đức Hồng Y đã ban hành một tuyên bố bằng văn bản và trả lời cho “những câu hỏi thường gặp” về vấn đề Trường Nội Trú dành cho người bản địa do Giáo Hội điều hành.

Xuất hiện trên đài truyền hình CBC vào hôm Chúa Nhật, Đức Hồng Y Collins gọi những nhận xét của thủ tướng Trudeau là “cực kỳ vô ích” và “không được thông tin”. Ngài nhấn mạnh rằng hồ sơ của trường hiện có tại Bảo tàng British Columbia.
Source:Crux
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô nghi vấn mục đích của các phương tiện truyền thông chính thức của Tòa Thánh?
Vũ Văn An
20:14 08/06/2021

Viết trên GetReligion ngày 3 tháng 6, Clemente Lisi cho rằng Đức Bênêđíctô XVI, năm 2012, là vị Giáo Hoàng đầu tiên khai mở thời đại truyền thông xã hội của Tòa Thánh, khi gửi Tweet đầu tiên “Các bạn thân mến, tôi vui mừng tiếp xúc với các bạn qua Twitter. Cám ơn các bạn đã đáp ứng một cách rộng lượng. Tôi thành tâm chúc lành cho tất cả các bạn”.

Tài khoản Twitter của Đức Giáo Hoàng bằng tiếng Anh - và các tài khoản liên quan bằng các ngôn ngữ khác nhau - vẫn tiếp tục cho đến ngày nay dưới thời Đức Phanxicô. Đối với nhà lãnh đạo của 1.3 tỷ người Công Giáo Rôma trên thế giới, đây vẫn là một cách để truyền giáo qua máy vi tính, nhất là trong thời kỳ đại dịch.

Điều đáng chú ý khi Đức Phanxicô – nhân chuyến viếng thăm Bộ Truyền thông vào ngày 24 tháng 5 để đánh dấu kỷ niệm 90 năm thành lập Đài phát thanh Vatican và kỷ niệm 160 năm tờ L'Osservatore Romano của Vatican - đã sử dụng dịp này để kêu gọi các phương tiện truyền thông nội bộ của Vatican luôn phải có tính có liên quan trong bối cảnh phương tiện truyền thông đầy thách thức.



Associated Press, trong bản tin của họ, đã lưu ý những điều sau đây:

Đức Phanxicô đã đoan hứa sẽ không sa thải bất cứ ai để bù đắp cuộc khủng hoảng kinh tế do COVID-19 và việc đóng cửa một trong những nguồn thu chính của Tòa thánh, các vé vào Bảo tàng Vatican giảm vì đại dịch, gây ra.

Nhưng trong một lời coi như cảnh cáo gửi tới các nhân viên truyền thông của Vatican, ngài đã đưa ra nhiều nhận xét ứng khẩu vào hôm thứ Hai bằng một nghi vấn rõ ràng.

Đức Phanxicô hỏi, “Có rất nhiều lý do để lo lắng về Đài Phát Thanh, về L’Osservatore, nhưng một lý do đụng tới trái tim tôi là: Có bao nhiêu người nghe Đài Phát Thanh? Có bao nhiêu người đọc L’Osservatore Romano?”.

Ngài nói rằng công việc của họ rất tốt, văn phòng của họ đẹp và có tổ chức, nhưng có một "nguy cơ" là công việc của họ không đến tai đến mắt những người nó giả thiết phải đến. Ngài cảnh cáo họ không nên trở thành con mồi của tính chức năng "gây chết người", trong đó họ thực hiện các động tác nhưng không thực sự đạt được bất cứ điều gì.

Khi đối phó với các phương tiện truyền thông do Vatican điều hành, các nhà báo cần đặt một số câu hỏi:

* Tại sao Đức Giáo Hoàng Phanxicô lại nghi vấn chính các phương tiện truyền thông của ngài?

* Giống như cựu Tổng thống Donald Trump, có phải Đức Phanxicô tin rằng mạng lưới xã hội là cách rẻ hơn và có sức lan tỏa rộng rãi hơn để truyền bá thông điệp của ngài?

* Đức Phanxicô có tin rằng báo chí chính dòng làm tốt công việc đưa tin về ngài hay không?

Những nhận xét của Đức Giáo Hoàng và những lời đe dọa sa thải của ngài, không khác gì những đại chủ nhân các phương tiện truyền thông đang điều hành các hãng thông tấn chính dòng. Mặc dù internet đã làm cho tin tức phổ biến khắp nơi nhiều hơn, nó cũng làm cho nó rẻ tiền hơn. Người ta không muốn trả tiền cho nó. Nó đã trở nên có óc đảng phái nhiều hơn. Hiện nó cũng đang được sản xuất với số lượng lớn hơn khi chu kỳ tin tức không bao giờ ngưng.

Tòa Thánh không quan tâm đến việc kiếm tiền, nhưng quả có tốn tiền để sản xuất nội dung cho báo chí, đài phát thanh và internet. Mặc dù Giáo Hội vẫn nhất thiết cần phải quảng bá thông điệp của mình, nhưng cách Giáo Hội thực hiện nó có thể cần phải thay đổi. Dù sao, ngay cả Tòa Thánh cũng có hóa đơn phải thanh toán.

Ngay trong số những người Công Giáo đang đọc báo này, có bao nhiêu người trong số các bạn đọc báo của Tòa Thánh? Đọc Cổng thông tin trực tuyến Vatican News của nó? Hoặc thậm chí nghe đài phát thanh của nó?

Lisi nhận rằng ông có đọc, nhưng rất hạn chế. Tại Hoa Kỳ, độc giả và khán giả may mắn có một hệ thống sinh thái truyền thông rất lớn, bao gồm một số lượng ngày càng tăng các ấn phẩm Công Giáo độc lập với nhiều thể loại khác nhau (xin xem bài gần đây trên The Pillar). Đó cũng chính là phương tiện truyền thông mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô đôi khi nặng lời chỉ trích nhân khi việc nói tới ly giáo xuất hiện trong các cuộc họp báo trên máy bay của ngài.

Các phương tiện truyền thông của Tòa Thánh đóng vai trò như nguồn chính cho các nhà báo đưa tin về Công Giáo và các quan sát viên Tòa Thánh. Nó giúp cung cấp đường lối chính thức của Đức Giáo Hoàng lúc các Hồng Y và giám mục đôi khi bất đồng hoặc giải thích những lời của Đức Giáo Hoàng một cách khác. Nó có thể cũng cung cấp sự rõ ràng, mặc dù đôi khi không.

Điều đáng chú ý là Đức Giáo Hoàng không nói về truyền thông xã hội, một điều chắc chắn đòi có người điều hành, nhưng việc điều hành này không quá tốn kém. Chỉ cần hỏi Trump về điều đó, ít nhất cho đến khi ông ấy bị Facebook và Twitter hủy tài khoản gần đây. Liệu Đức Giáo Hoàng có nên lo lắng về cùng một điều như thế hay không? Chắc chắn đây là một khả thể. Không giống như Trump, Đức Giáo Hoàng không tweet trên điện thoại của ngài cả ngày. Thay vào đó, văn phòng báo chí của Tòa Thánh, với sự chấp thuận của ngài, tuôn ra các dòng tweet cả ngày.

Tất nhiên, các kênh truyền thông xã hội của Đức Giáo Hoàng từng gặp rắc rối trước đây - như có lần ai đó liên kết vào tài khoản Instagram của ngài việc mình “thích” bức ảnh một người mẫu Brazil ăn mặc hở hang.

Các tài khoản truyền thông xã hội của Đức Giáo Hoàng vẫn rất phổ biến, nhưng các tài sản truyền thông khác của ngài thì sao? Không phổ biến lắm.

Một chút đào sâu và sử dụng một số phân tích, loại mà tất cả các tòa soạn sử dụng ngày nay, cho thấy một số vấn đề. Giống như sự thất bại của Trump về diễn đàn truyền thông, Đức Phanxicô chắc chắn sẽ cần đánh giá lại các cung ứng truyền thông của Tòa Thánh.

Thí dụ, theo Similarweb, một công ty phân tích lưu lượng truy cập web, ấn bản tiếng Anh của Vatican News (có thể tìm thấy tại www.vaticannews.va) xếp hạng 7,199 hoàn cầu tính đến tháng trước. Nó có 11.3 triệu lượt truy cập trong khoảng thời gian sáu tháng qua.

Để so sánh, The New York Times xếp thứ 126, theo cùng cơ quan đo lường, với 362.7 triệu lượt truy cập.

Hãy nhìn vào L’Osservatore Romano. Ấn bản tiếng Anh hàng tuần (có thể tìm thấy tại www.osservatoreromano.va/en.html) xếp hạng thứ 206,001 hoàn cầu với 228,800 lượt truy cập.

Những con số này xấu tốt lẫn lộn. Điều rõ ràng là Đức Giáo Hoàng có lý khi hỏi ai đọc nội dung của Tòa Thánh.

Câu hỏi chủ chốt: Ai là khán giả của các phương tiện truyền thông này? Vấn đề lớn hơn là Internet đã làm gián đoạn mô hình kinh doanh, ngay cả đối với một nơi như Tòa Thánh, và cần phải hình thành các ý niệm mới.

Trở lại năm 2010, L’Osservatore Romano được Slate mô tả “đầu tiên và quan trọng nhất, là một loại tờ báo cho những người ủng hộ (fanzine) Đức Giáo Hoàng”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đùa gọi nó là “báo đảng”. Năm 2007, tờ báo đã kinh qua một khởi động lại (reboot), bằng cách lồng vào các bài kiểm phim và nối kết Giáo Hội với văn hóa đại chúng. Tuy nhiên, đó là điều mà càng ngày càng ít người đọc – nhất là khi bạn xem ấn bản hàng ngày được xuất bản bằng tiếng Ý và chủ yếu được bán ở Rome.

Chức năng chính của tờ báo là cung cấp thông điệp của Đức Giáo Hoàng, cũng như của Tòa Thánh, về các vấn đề gần gũi như các vấn đề của Ý và xa hơn là các vấn đề liên quan đến vai trò của Giáo Hội trong các vụ việc hoàn cầu. Trọng điểm của tờ báo là gây ảnh hưởng những người khác vì không thể dựa vào tin tức chính dòng để đưa thông điệp đó ra bên ngoài. Tuy nền báo chí chính dòng cũng có xu hướng đưa tin thuận lợi cho Đức Giáo Hoàng Phanxicô, nhất là ở Tây phương, nhưng Tòa Thánh vẫn hoàn toàn nhận thức được rằng báo chí thế tục không thể đảm đương vai trò đó.

Nhiều người không coi Đức Giáo Hoàng như một tổng giám đốc điều hành, nhưng ngài quả là thế khi nói đến vấn đề tài chính của Tòa Thánh. Tòa thánh đang trải qua thời kỳ kinh tế khó khăn (do các tai tiềng liên tục của Ngân hàng Vatican), nhưng cánh tay vươn xa của các phương tiện truyền thông của họ có thể sẽ thấy nhiều thay đổi lớn trong tương lai. Đó là điều mà các nhà báo cần để mắt tới - và là điều khiến rất nhiều người trong ngành kinh doanh tin tức phải đối đầu với tình trạng sa thải và cắt giảm ngân sách trong thời đại internet.
 
Thông Báo
Thông tin mới nhất, rất ích lợi về COVID-19 từ Minesota 8 June, 2021
Vietnamese Social Service in Minnesota
16:35 08/06/2021
 
VietCatholic TV
Thành phố Orvieto và câu chuyện thật kỳ diệu đã dẫn đến ngày lễ Corpus Christi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:27 08/06/2021


Một trong những địa điểm yêu thích của tôi ở khắp Âu Châu, ngoài Rôma, là thành phố Orvieto trong miền Etruscan. Thị trấn nằm trong vùng Umbria tuyệt đẹp, giữa Florence và Rôma.

Lần đầu tiên tôi đến thăm thị trấn thời trung cổ này là vào năm 2002 và một lần nữa vào năm 2006. Orvieto là nơi đã diễn ra phép lạ thánh thể mà tôi muốn kể cho các bạn nghe ngày hôm nay - nhưng trước tiên, hãy để tôi kể cho bạn nghe một chút về thị trấn nhỏ đẹp như tranh vẽ này.

Orvieto nằm trên đỉnh một ngọn núi lửa, trên một gò cao nhìn ra đồng bằng; và nhóm chúng tôi đi tàu hỏa leo núi từ thung lũng bên dưới lên trên này. Chiếc tàu hỏa leo núi nguyên bản, đi vòng quanh theo sườn núi nhiều vòng để đạt đến cao độ một cách an toàn, đã được thay thế bởi một dây chuyền hiện đại hoàn toàn tự động đi thẳng một lèo từ dưới lên trên này. Không có tài xế nào trên cabin cả - chỉ có một nhân viên vận hành duy nhất quản lý hệ thống máy tính từ ga phía trên.

Lịch sử bị bao vây của thành phố.

Các công dân của Orvieto thời trung cổ nghĩ rằng họ được an toàn khi ở tuốt trên cao đó. Khi bị tấn công bởi các nhóm khác, họ có thể chống đỡ, ném các mũi tên hoặc lăn những tảng đá xuống đối phương. Tuy nhiên, điều họ không chuẩn bị là một cuộc bao vây kéo dài. Trên mảnh đất màu mỡ của mình, họ có thể trồng bắp và các loại cây trồng khác, thậm chí chăn nuôi gia súc và các đàn gà; nhưng họ buộc phải xuống thung lũng để lấy nước.

Khi nhiều công dân của thị trấn chết vì mất nước sau cuộc bao vây kéo dài của người La Mã, người dân Orvieto đã hình thành ý tưởng về một cái giếng sâu. Sử dụng một loại cầu thang xoắn ốc, họ đào những cái giếng được gọi là Giếng Thánh Patrick. Cầu thang phải dài ít nhất 248 bậc thì mới có thể xuống đến mực nước. Các gia đình cũng có các giếng tự đào nhưng nhỏ hẹp hơn, họ có thể thả một cái xô xuống để lấy nước uống, nấu ăn và tắm giặt. Trong các bức tường của giếng sâu, người Orvieto đào các lỗ đóng vai trò như các tổ chim bồ câu, để khuyến khích chim bồ câu làm tổ trong đó. Vào giờ ăn tối, những người Orvieto táo bạo chỉ cần ra giếng thò tay vào tường, kéo một vài con chim bồ câu ra khỏi tổ là có thể thưởng thức món chim nướng.

Năm vị Giáo hoàng đã từng lánh nạn tại đây.

Orvieto, nằm ở vị trí an toàn và không quá xa Rome, là nơi ẩn náu của 5 vị giáo hoàng trong thế kỷ 13: Đó là các vị Giáo Hoàng Urbanô thứ Tư, Grêgôriô thứ 10, Martin thứ Tư, Nicholas thứ Tư và Bonifaciô thứ Tám. Ở Orvieto có một cung điện gọi là Palazzo Soliano, là cung điện của các giáo hoàng ở thành phố đó. Cung điện chứa nhiều bức bích họa được bảo quản rất tốt có niên đại từ năm 1290 và cả trước đó.

Một cuộc khủng hoảng của niềm tin, và một điều kỳ diệu.

Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tư đang cư trú tại Orvieto vào năm 1263 khi một linh mục người Đức, là Cha Phêrô thành Praha, gặp khủng hoảng về đức tin. Vị linh mục rất sùng đạo, nhưng ngài cảm thấy khó tin vào sự Hiện diện Thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể. Ngài đang trên đường đến Rôma và dừng lại ở thành phố Bolsena của Ý, nơi ngài cử hành thánh lễ tại mộ của Thánh Christina. Khi Cha Phêrô nói những lời truyền phép, máu bắt đầu thấm từ Mình Thánh đã truyền phép và nhỏ giọt trên tay, trên bàn thờ và trên khăn thánh.

Kinh hoàng, vị linh mục ngay lập tức đi đến thành phố Orvieto gần đó, nơi Đức Giáo Hoàng Urbanô thứ Tư lắng nghe câu chuyện của vị linh mục. Trước sự kinh ngạc của vị Giáo Hoàng, phép lạ đã tái diễn trước mắt ngài. Vì thế, Đức Giáo Hoàng đã yêu cầu mang Mình Thánh và khăn nhuộm máu đến nhà thờ chính tòa. Đức Giáo Hoàng Urbanô cùng một số vị Hồng Y và chức sắc Giáo hội đã chào đón các thánh tích và truyền cho trưng bày tại Nhà thờ chính tòa Orvieto. Chiếc khăn thánh bị nhuộm máu vẫn còn được trưng bày ở đó cho đến ngày nay, trong một bia ký bằng vàng trong Nhà nguyện Thánh Thể.

Thánh Ca Thánh Thể cho mọi Thời Đại.

Đức Giáo Hoàng Urbanô, bị ảnh hưởng sâu sắc bởi phép lạ này, đã ủy quyền cho Thánh Thomas Aquinas soạn các Sách Phụng Vụ thích hợp cho một Thánh lễ và một Giờ Kinh để tôn vinh Thánh Thể là Nhiệm thể Chúa Kitô. Những bài thánh ca mà Thánh Thomas đã viết bao gồm những bài thánh ca truyền thống vẫn được sử dụng rộng rãi trong các giờ Chầu như Pange Lingua Tantum Ergo, Panis Angelicus và O Salutaris Hostia.

Một năm sau phép lạ, vào tháng 8 năm 1264, Đức Giáo Hoàng Urbanô đã giới thiệu các công trình Phụng Vụ của Thánh Aquinas và ban hành một sắc chỉ giáo hoàng nhằm thiết lập ngày lễ Corpus Christi.
Source:National Catholic Register

 
Hội nghị Đại Kết Budapest - Hoa Kỳ âu lo về các vật thể lạ bay trên không
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:23 08/06/2021


1. Đức Hồng Y Kurt Koch sang Hung Gia Lợi để tham dự Hội nghị đại kết

Hôm thứ Ba 8 tháng 6, Đức Hồng Y Kurt Koch, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh hiệp nhất các tín hữu Kitô đã sang Hung Gia Lợi để tham dự Hội nghị đại kết, tổ chức tại Đan viện Biển Đức cổ kính Pannonhalma.

Tham dự hội nghị này, cũng có Đức Hồng Y Peter Erdoẽ, Tổng giám mục Budapest và nhiều giám mục Tin lành Hung Gia Lợi cùng với nhiều học giả khác.

Hội nghị đã được Đức tổng viện phụ Cirill Hortobagyi của Đan viện Pannonhalma khai mạc. Trong dịp này cũng có phần giới thiệu hai cuốn sách của Đức Hồng Y Kurt Koch mới được xuất bản bằng tiếng Hung Gia Lợi, trong những ngày qua.

Đức Hồng Y Kurt Koch, 71 tuổi, người Thụy Sĩ, sẽ lưu lại Hung Gia Lợi cho đến ngày 10 tháng 6 để tiếp xúc với các vị lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo và Tin lành, các đại học và các giới chức đại kết.

Ngày 12 tháng 9 năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến Hung Gia Lợi chủ sự thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể quốc tế lần thứ 52, tại Budapest.
Source:Vatican News

2. Tòa Bạch Ốc cho biết báo cáo về các vật thể lạ trên không chưa được hoàn thiện

Tòa Bạch Ốc đã từ chối bình luận về các báo cáo hôm thứ Sáu về một loạt các vụ nhìn thấy các vật thể bay không người lái bí ẩn, và nói rằng một báo cáo sắp công bố của chính phủ về chủ đề này vẫn chưa được hoàn thiện.

Tờ Washington Post hôm thứ Sáu đưa tin, báo cáo của chính phủ Hoa Kỳ không tìm thấy các bằng chứng về hoạt động ngoài trái đất nhưng không thể đưa ra lời giải thích dứt khoát về những vụ được chính phủ gọi là “hiện tượng máy bay không người lái”.

Cựu Lãnh đạo Đa số Thượng viện Harry Reid cho biết ông rất vui vì đã “lên tiếng cảnh giác” về các vật thể bay không xác định trong thời gian làm việc tại Quốc hội.

Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia và Bộ trưởng Quốc phòng dự kiến sẽ công bố một báo cáo vào cuối tháng này về việc nhìn thấy UFO.

Một điều khoản lưỡng đảng trong gói kích thích coronavirus được cựu Tổng thống Donald Trump ký thành luật vào năm ngoái đã yêu cầu phải có báo cáo này.

Reid, 81 tuổi, đã nghỉ hưu vào năm 2017, chịu trách nhiệm về một trong những cuộc điều tra đầu tiên về UFO vào năm 2007.

“Tôi rất vui vì tôi đã cảnh báo,” Reid nói với tờ Las Vegas Review-Journal. “Tôi nghĩ họ sẽ còn khá mơ hồ với những gì tìm thấy. Hiện chúng tôi không có đủ thông tin để đưa ra kết luận”.


Source:Newsmax

3. Cải tổ giáo luật của Đức Phanxicô ngăn cản mưu toan phong chức phụ nữ của Giáo Hội Đức

Theo phân tích của Ed. Condon trên The Pillar ngày 2 tháng 6, trong Quyển VI Bộ Giáo luật vừa được Đức Phanxicô ký ban hành, có một tội phạm mới, được phác thảo một cách minh nhiên hơn về mưu toan phong chức cho phụ nữ. Đây là một điều rõ ràng nhắm vào Giáo Hội Đức.

Điều 1379 mới dự liệu rằng “cả người mưu toan phong chức thánh cho một phụ nữ lẫn người phụ nữ mưu toan lãnh nhận chức thánh, đều bị vạ tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh” và người mưu toan phong chức cho một phụ nữ “có thể bị phạt loại trừ khỏi bậc giáo sĩ”.

Dù đây không phải là một sự đổi mới trong luật lệ, nhưng nó làm minh nhiên những gì trước đây chỉ được ngụ ý bằng một điều luật khái quát hơn nhiều, và không chừa một lỗ hổng tiềm tàng nào về ngôn ngữ có thể bị tranh luận bởi một người nào đó đang mưu toan phong chức cho một phụ nữ ở bất cứ cấp nào.

Trong Tiến Trình Công Nghị hiện được các giám mục Đức hợp tác với Ủy ban Trung ương Công Giáo Đức theo đuổi, những người tham gia và các nhóm làm việc đã nhiều lần kêu gọi thay đổi giáo huấn và thực hành của Giáo hội hoàn vũ.

Trong số các thay đổi được kêu gọi thường xuyên nhất là việc chúc phúc cho các cặp đồng tính trong nhà thờ, và việc truyền chức cho phụ nữ, trước tiên là lãnh chức phó tế và cuối cùng lãnh chức linh mục.

Đầu năm nay, Bộ Giáo lý Đức tin của Vatican đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về việc chúc phúc cho các mối liên hệ đồng tính, xác nhận rằng Giáo Hội không có quyền chúc lành cho tội lỗi. Đáp lại, hôm 10 tháng 5, các giáo sĩ khắp nước Đức đã tổ chức một ngày “chúc phúc” cho hàng trăm cặp đồng tính, công khai thách thức Rôma.

Một số người ở Rôma lo ngại rằng sau khi kết thúc Tiến Trình Công Nghị Đức, một hoặc nhiều giám mục có thể mưu toan thực hiện một thủ đoạn tương tự bằng cách cố gắng phong một phụ nữ làm phó tế bất chấp ý kiến của Rôma. Động thái này đã bị luật mới sửa đổi cảnh cáo.

Ngoài Tiến Trình Công Nghị Đức, cuộc tranh luận về khả thể phong phụ nữ làm phó tế đã xuất hiện nhiều lần trong thập niên qua. Năm 2016, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã thành lập một ủy ban tại Bộ Giáo lý Đức tin để khảo sát vai trò lịch sử của “các nữ phó tế” trong Giáo hội sơ khai. Mặc dù ủy ban đó không phát hiện được điều gì để kết luận, nhưng chính Đức Phanxicô nhận định rằng vai trò lịch sử ấy, nếu có, không giống với việc truyền chức có tính bí tích, nhưng, trong nhiều trường hợp, gần hơn với vai trò của một nữ đan viện trưởng.

Vấn đề lại xuất hiện một lần nữa trong Thượng hội đồng về vùng Amazon, với tài liệu cuối cùng của Thượng hội đồng yêu cầu xem xét lại vấn đề, là điều mà Đức Giáo Hoàng đã đồng ý.

Trong khi đó, Giáo hội đã nhiều lần tuyên bố rằng việc truyền chức linh mục cho nam giới mà thôi là một chức năng của thiên luật, và nằm ngoài quyền hạn thay đổi hoặc loại bỏ của Giáo hội.

Một số nhà thần học và giám mục đã lập luận rằng, vì các phó tế không có năng quyền thừa tác vụ bí tích ngoài năng quyền chung của mọi tín hữu, nên việc truyền chức phó tế cho phụ nữ sẽ không trực tiếp thách thức giáo huấn này.

Tuy nhiên, các nhà thần học khác, những người vốn chấp nhận giáo huấn đã ổn định của Giáo hội, nhấn mạnh rằng chỉ có một bí tích truyền chức thánh trong Giáo hội, chung cho phó tế, linh mục và giám mục, với mỗi cấp giáo sĩ lãnh nhận sự trọn vẹn hơn của chức thánh. Họ lập luận rằng giáo huấn của Giáo hội loại trừ phụ nữ khỏi việc truyền chức bí tích, áp dụng cho cả ba cấp vì bản chất yếu tính của bí tích không thể bị phân chia.

Bản văn mới nêu rõ, “Cả người mưu toan phong chức thánh cho một phụ nữ lẫn người phụ nữ mưu toan lãnh nhận chức thánh, đều bị tuyệt thông tiền kết dành riêng cho Tòa Thánh giải quyết”.

Việc sử dụng thuật ngữ “mưu toan” nhấn mạnh rằng chính hành động, tức việc phong chức, không cần được hoàn tất, chỉ là mưu toan, vì nó sẽ không bao giờ thành sự. Cũng cần lưu ý là việc sử dụng thuật ngữ “một chức thánh” bao gồm tất cả ba cấp của chức thánh, kể cả chức phó tế.

Nếu một giáo sĩ Đức mưu toan tấn phong một phụ nữ làm phó tế bất chấp Rôma, như nhiều người đã làm trong nghi thức chúc phúc hàng loạt các cặp đồng tính, họ sẽ tự động bị vạ tuyệt thông.
Source:Pillar