Ngày 06-06-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chứng từ đau thương của các linh mục và nữ tu Bosnia-Herzegovina
Đặng Tự Do
17:10 06/06/2015
Trong cuộc gặp gỡ với các nam nữ tu sĩ ở thủ đô Bosnia-Herzegovina, Sarajevo, Đức Thánh Cha Phanxicô xúc động trước các chứng từ đã bỏ bài diễn văn soạn sẵn của ngài sang một bên và ứng khẩu nói.

Cha Jozo Puškarić, dòng anh em hèn mọn, cho biết những thách đố mục vụ mà ngài phải chịu đã bắt đầu bi thảm vào năm 1992 khi cảnh sát Serbia vũ trang bắt ngài từ nhà xứ của mình và chở thẳng vào trại tập trung, nơi ngài bị giam giữ và đánh đập tơi bời và bị bỏ đói trong những điều kiện “vô nhân đạo”. Trong chứng tá của mình trước Đức Giáo Hoàng, ngài nói rằng có lần ngài đã muốn tự sát vì không chịu đựng nổi. Nếu như không có ơn phù trợ của Chúa và những người khác như một người phụ nữ Hồi giáo là người đã cho ngài ăn, ngài đã không sống sót đến nay. Tuy nhiên, cha Jozo nói rằng trong lòng cha đã không bao giờ nuôi dưỡng hận thù và đã tha thứ những kẻ bắt bớ ngài.

Cha Zvonimir Matijević nói với Đức Giáo Hoàng rằng ngài cũng bị bắt bởi những người lính vào năm 1992 trong khi chăm sóc mục vụ cho cộng đồng Công Giáo nhỏ bé của ngài chỉ có năm mươi người trong một khu vực đa số là Chính Thống Giáo không xa nơi đang diễn ra chiến tranh ác liệt với nước láng giềng Croatia. Ngài đã bị tra tấn đến gần chết. Tám linh mục Công Giáo khác và nhiều chị em nữa, những người quyết định không từ bỏ đoàn chiên của mình đã không được may mắn sống sót. Những trận đòn chí tử năm xưa giờ đây đã tiến triển sang nhiều hình thức bại liệt, như một thánh giá ngài sẽ mang hết cuộc đời. Tuy nhiên, ngài nói ngài cảm thấy hạnh phúc được là một linh mục của Giáo Hội Công Giáo và hết lòng tha thứ cho những ai làm hại ngài - với hy vọng họ sẽ hoán cải sang một con đường của lòng nhân hậu .

Nữ tu Ljubica Šekerija của dòng Các Nữ Tử của Lòng Từ Bi Chúa cho Đức Thánh Cha Phanxicô biết khi chị đang điều hành một nhà dành cho người cao tuổi và khuyết tật tại trung tâm Bosnia thì chiến tranh nổ ra. Năm 1993, những người nước ngoài có vũ trang từ các nước Ả Rập đã bắt cóc chị cùng với một linh mục địa phương đang bị ốm và ba nhân viên cứu trợ Caritas. Nhiều người không phải Kitô giáo sống trong thị trấn đã ùa ra hai bên đường để hoan nghênh các chiến binh Hồi Giáo Ả rập và chế giễu chị và những người bị bắt khi họ bị lùa lên một chiếc xe tải. Chị bị đánh đập dã man, bị đe dọa, bị kê súng vào đầu bắt chuyển sang đạo Hồi. Khi một chiến binh cầm một thanh kiếm dí vào chị, và bắt vị linh mục phải lấy chân dẫm lên chuỗi tràng hạt của chị, chị đã nài nỉ ngài đừng phỉ báng một vật thánh thiêng. Chị thà chết còn hơn. Chị cũng cho biết nhiều nam nữ tu sĩ Công Giáo đã bị giết hại trong chiến tranh.

Đức Thánh Cha đã ứng khẩu nói như sau:

Tôi đã chuẩn bị một bài giảng cho anh chị em, nhưng sau khi nghe chứng tá của các linh mục và nữ tu, tôi cảm thấy cần phải ứng khẩu nói chuyện với anh chị em. Các vị đã nói với chúng ta về kinh nghiệm của họ, những điều tốt và những điều xấu, vì vậy tôi sẽ trao lại bài giảng của tôi cho Đức Hồng Y Tổng Giám Mục. Đó là một bài giảng tốt! Các nhân chứng đã nói về mình. Đây là ký ức của anh chị em. Một dân tộc không có ký ức thì không có tương lai. Đây là ký ức của những người cha, người mẹ của anh chị em trong đức tin. Chỉ có ba người đã nói, nhưng đằng sau đó là cơ man những người khác đã phải đau khổ.

Anh chị em thân mến, đừng quên lịch sử của mình, không phải để giữ trong lòng mối thù hận, nhưng để kiến tạo hòa bình. Trong máu của anh chị em, trong ơn gọi của anh chị em có máu và ơn gọi của nhiều nam nữ tu sĩ, các linh mục và chủng sinh. Thánh Tông Đồ Phaolô, trong thư gửi tín hữu Do Thái nói rằng chúng ta không được quên những người đã đi trước chúng ta, những người đã truyền lại đức tin cho chúng ta. Những người này đã truyền lại đức tin cho anh chị em, và dạy anh chị em làm thế nào để sống Đức Tin. Thánh Tông Đồ Phaolô nói với chúng ta rằng đừng quên Chúa Giêsu Kitô, là vị tử đạo đầu tiên. Những vị này đã tiếp bước Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta cần phải khôi phục lại ký ức để kiến tạo hòa bình.

Một vài lời vang lên trong trái tim tôi: Một trong những lời này là “tha thứ”. Một người nam nữ đã tận hiến cuộc đời mình cho Chúa, nhưng không biết làm sao để tha thứ, thì có giá trị gì? Tha thứ cho một kẻ thù nói xấu mình, ganh ghét với mình, không phải là khó khăn. Nhưng tha thứ cho một người đã đá anh chị em và làm tổn thương anh chị em, đe dọa cuộc sống của anh chị em với một khẩu súng, là không dễ. Tuy nhiên, họ đã làm điều này, và họ xúi chúng ta nên đáp lại như thế. Có một cái gì khác vẫn ở lại trong tôi về 120 ngày trong trại tập trung. Đã bao nhiêu lần tinh thần của thế gian khiến chúng ta quên những người đã đi trước chúng ta với những đau khổ của họ? Những ngày trong trại tập trung được tính từng phút bởi vì mỗi phút, mỗi giờ, đều là một sự tra tấn: sống chung với nhau, bẩn thỉu, không có thức ăn hoặc nước uống, nóng và lạnh, và mọi thứ đều kéo dài rất lâu. Còn chúng ta lại là những người phàn nàn khi đau răng, hoặc vì chúng ta muốn có một TV trong phòng mình, hoặc vì muốn có nhiều tiện nghi, hoặc chúng ta bàn tán về bề trên vì thức ăn không ngon. Đừng quên các chứng tá của những người đi trước. Hãy nghĩ đến bao nhiêu đau khổ họ phải chịu. Các nữ tu, linh mục và giám mục với tinh thần thế gian là những bức tranh biếm hoạ chẳng có giá trị gì vì họ không nhớ đến các vị tử đạo. Họ không nhớ đến Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh, Đấng là vinh quang duy nhất của chúng ta.

Tôi nghĩ về những câu chuyện chúng ta đã được nghe, về người dân quân đã cho chị nữ tu một quả lê, và về người phụ nữ Hồi giáo hiện đang sống ở Mỹ, là người đã cho một linh mục ăn. Chúng ta đều là anh chị em, thậm chí cả những người tàn nhẫn. Tôi không biết người dân quân đã suy nghĩ những gì, nhưng có lẽ người ấy cảm nhận được Chúa Thánh Thần. Có lẽ ông ta nhớ đến mẹ mình khi ông ta tặng trái lê cho người nữ tu. Và người phụ nữ Hồi giáo đã vượt ra ngoài sự khác biệt tôn giáo vì cô tin vào Thiên Chúa. Hãy tìm kiếm Thiên Chúa của tất cả. Chúng ta đều có khả năng tìm kiếm những hạt giống của sự thiện, vì chúng ta tất cả là con cái của Thiên Chúa. Phúc cho anh chị em là những người rất gần gũi với những chứng nhân này. Xin đừng bao giờ quên họ. Cầu xin cho cuộc sống của chúng ta có thể vươn lên bất chấp những ký ức này. Tôi nghĩ về vị linh mục mà cha mẹ và chị em đã chết, ngài trơ trọi một mình nhưng ngài là hoa trái của tình yêu, tình yêu hôn nhân. Tôi nghĩ về những gì Đức Hồng Y Tổng Giám Mục nói: những gì xảy ra với khu vườn sự sống? Tại sao nó không phát triển? Hãy cầu nguyện cho các gia đình có thể phát triển mạnh với nhiều trẻ em và từ đó có thể có nhiều ơn gọi. Cuối cùng, tôi muốn nói với anh chị em rằng những gì chúng ta đã được nghe là một câu chuyện về sự tàn bạo. Hôm nay đây, chiến tranh xảy ra trên khắp thế giới, chúng ta thấy quá nhiều sự tàn ác. Hãy là người đối lập với sự tàn nhẫn: hãy dịu dàng, huynh đệ, tha thứ. Và vác thập giá của Chúa Giêsu Kitô. Đó là những gì Giáo Hội Mẹ Thánh mong muốn nơi chúng ta: những việc tử đạo nhỏ, những chứng tá nhỏ cho Thánh Giá Đức Kitô. Xin Thiên Chúa chúc lành cho anh chị em và hãy cầu nguyện cho tôi.

 
Đức Thánh Cha Phanxicô gặp gỡ chính quyền Bosni Erzegovine
G. Trần Đức Anh OP
19:15 06/06/2015
Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi chính quyền Bosni Erzegovine đối xử đồng đều với mọi công dân.

Ngài đưa ra lời kêu gọi trên đây trong cuộc gặp gỡ chính quyền Cộng hòa Bosni Erzegovine sáng ngày 6-6-2015 là sinh hoạt đầu tiên trong chuyến viếng thăm mục vụ của ngài tại nước này.

Vài nét về Bosni Erzegovine

Cộng hòa này chỉ rộng gần 51.200 cây số vuông với 3 triệu 830 ngàn dân cư, trong đó có 439 ngàn tín hữu Công Giáo, tương đương với 11.5% dân số toàn quốc, thuộc 4 giáo phận, với 304 giáo xứ. Về nhân sự mục vụ, Giáo Hội tại Bosni có 6 Giám Mục với sự cộng tác của 624 linh mục, trong số này 280 vị là linh mục giáo phận và 344 linh mục thuộc các dòng tu, 14 tu huynh và 537 nữ tu. Giáo Hội tại đây có 120 đại chủng sinh và 96 tiểu chủng sinh.

Số tín hữu Công Giáo tại Bosni giảm mất một nửa từ sau chiến tranh từ 1991 đến 1995: từ hơn 800 ngàn xuống còn 439 ngàn người như vừa nói. Cuộc chiến này cũng làm cho khoảng 1 ngàn thánh đường và cơ sở của Công Giáo bị phá hủy. Tình trạng xuất cư tiếp tục kéo dài.

Cộng hòa Bosni Erzegovine lâm vào tình trạng nội chiến, xung đột chủng tộc, từ 1991 đến 1996, làm cho 12 ngàn người chết trong đó có 400 trẻ em. Hồi đó, dân thành Sarajevo bị giảm mất một nửa, vì 335 ngàn người phải di tản đi nơi khác. Hiệp định ký kết tại Dayton Hoa kỳ chấm dứt cuộc chiến. Bosni Erzegovine bị chia thành 3 vùng khác nhau: người Bosniac theo Hồi giáo đông nhất với 40%, vùng thuộc người Serbi theo Chính Thống giáo, và vùng của người Công Giáo với đa số là dân Croát, với 11,5%. Tại vùng thuộc người Serbi, 94% trên tổng số 150 ngàn tín hữu Công Giáo di tản đi nơi khác. Một tổng thống đoàn gồm 3 vị đại diện cho 3 sắc tộc, thay phiên nhau đứng đầu đất nước, mỗi vị 8 tháng.

Đức Hồng Y Vinko Puljic, Tổng Giám Mục Sarajevo, thường than phiền về sự thiệt thòi mà các tín hữu Công Giáo phải chịu cho đến nay. Họ không được đối xử đồng đều và cho đến nay chính quyền vẫn chưa trả lại cho họ các tài sản đã bị Nhà nước cộng sản trước kia tịch thu.

Đón tiếp Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha từ Roma đến thủ đô Sarajevo lúc 9 giờ sáng sau chuyến bay hơn 1 tiếng từ Roma. Liền đó ngài đi chiếc xe bé nhỏ đến phủ Tổng thống và được Tổng thống đoàn đón tiếp, đứng đầu là Ông Mladan Ivanic, người Serbi. Sau cuộc hội kiến riêng với Tổng thống, Đức Thánh Cha gặp gỡ chính quyền dân sự, ngoại giao đoàn, các Giám Mục, các vị lãnh đạo tôn giáo khác của Bosni.

Trong lời chào mừng, Tổng thống Ivanic nói với Đức Thánh Cha rằng:

“Cuộc viếng thăm của Ngài tại Bosni Erzegovine được mọi người coi là một thời điểm mạnh mẽ nói lên tình thương, sự bao dung, khiêm tốn và cảm thông lẫn nhau, trong toàn thế giới Ngài được coi như một vị lãnh đạo tôn giáo gần gũi người dân thường, một vị lãnh đạo tôn giáo thăng tiến lòng bao dung với tha nhân và với những người khác biệt... Những sứ điệp hòa bình của Ngài thực sự khích lệ chúng tôi”.

Tổng thống Ivanic cũng cho biết Bosni Erzegovine là một trong những nước đầu tiên ở vùng Balcan ban hành luật tự do của các Giáo Hội và cộng đoàn tôn giáo, và cho đến nay đã ký hiệp định với Tòa Thánh cũng như Giáo Hội Chính thống Serbi ở Belgrade.. Chúng tôi xác tín mạnh mẽ rằng cuộc viếng thăm của Ngài là một khích lệ trên con đường đối thoại để tìm ra một giải pháp không những cho các vấn đề liên tôn, nhưng cả những vấn đề sống chung dân sự nữa”.

Diễn văn của Đức Thánh Cha

Lên tiếng sau diễn văn chào mừng của Tổng thống Ivanic, Đức Thánh Cha ca ngợi sự sống chung hòa hợp trong quá khứ giữa các chủng tộc và cộng đoàn tôn giáo khác nhau tại Sarajevo. Cả về mặt kiến trúc, tại đây người ta thấy các Hội đường Do thái, thánh đường Kitô và Đền thờ Hồi giáo chỉ cách nhau không bao xa, đến độ thành phố này được gọi là “Jerusalem của Âu châu”. Và thực vậy thành này là một ngã tư các nền văn hóa, dân nước và tôn giáo; và vai trò đó đòi phải luôn luôn kiến tạo những cây cầu mới, và chăm sóc, tu bổ những cây cầu hiện hữu, để đó một sự giao thông dễ dàng, vững chắc và văn minh.

Đức Thánh Cha khẳng định rằng:

“Chúng ta cần đả thông, khám phá những phong phú của nhau, đề cao giá trị của những gì liên kết chúng ta và coi những khác biệt như một cơ hội để tăng trưởng trong sự tôn trọng mọi người. Cần có một sự đối thoại kiên nhẫn và tín nhiệm nhau, làm sao để các gia đình và các cộng đoàn có thể thông truyền các giá trị văn hóa của mình và đón nhận điều tốt đến từ những kinh nghiệm của người khác.

“Như thế, cả những vết thương trầm trọng của quá khứ gần đây cũng có thể được hàn gắn và ta có thể nhìn về tương lai trong hy vọng, đương đầu với các vấn đề thường nhật với một tâm hồn không sợ hãi và oán hận.”

Đức Thánh Cha ghi nhận đã có những tiến bộ từ sau Hòa Ước ký kết tại Dayton năm 1995, nhưng ngài cũng nói rằng: “Điều quan trọng là không hài lòng với những gì đã thực hiện được, nhưng tìm cách thực hiện thêm những bước tiến để củng cố sự tín nhiệm và tạo ra những cơ hội làm gia tăng sự hiểu biết và quí chuộng nhau. Để tạo điều kiện dễ dàng cho hành trình ấy, điều quan trọng là sự gần gũi và cộng tác của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Liên hiệp Âu Châu và các tổ chức đang hiện diện và hoạt động trên lãnh thổ Bosni Erzegovine.”

Đức Thánh Cha cũng nhắc đến “một nghĩa vụ cao quí của các nhà chính trị là phục vụ các cộng đoàn của mình bằng cách bảo tồn trước tiên các quyền căn bản của con người, trong đó nổi bật là tự do tôn giáo. Như thế có thể kiến tạo một cách cụ thể một xã hội an bình và công chính hơn, khởi sự giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống thường nhật của dân chúng.”

“Nhưng để điều đó xảy ra, có một điều kiện không thể thiếu được, đó là phải có sự bình đẳng thực sự của mọi công dân trước mặt pháp luật và trong việc thi hành luật pháp, bất kỳ họ thuộc chủng tộc, tôn giáo và địa lý nào: như thế tất cả sẽ cảm thấy mình hoàn toàn tham gia vào đời sống công cộng, được hưởng các quyền lợi như nhau, và có thể tích cực đóng góp cho công ích”.

Sau cùng, Đức Thánh Cha cho biết Giáo Hội Công Giáo tham gia vào công cuộc tái thiết Bosni Erzegovine về vật chất cũng như tinh thần, chia sẻ vui mừng và lo âu, mong muốn làm chứng về sự gần gũi những ngừơi nghèo và túng thiếu, qua sự dấn thân thực sự.

Bài diễn văn của Đức Thánh Cha trong dịp này cũng như trong toàn cuộc viếng thăm đều bằng tiếng Ý và được phiên dịch trực tiếp cho những người hiện diện. Những bài trong dịp khác thì được dịch sau khi ngài đã nói từng đoạn.

Sau khi gặp gỡ chính quyền Bosni Erzegovine, và trước khi rời phủ Tổng Thống, Đức Thánh Cha còn thực hiện một cử chỉ đặc biệt là thả 7 con chim bồ câu hòa bình. Một gia đình chuyên nuôi chim câu du hành đã cung cấp các chim câu cho cử chỉ này.



 
70,000 tín hữu dự thánh lễ với Đức Thánh Cha tại Sarajevo
G. Trần Đức Anh OP
19:23 06/06/2015
70 ngàn tín hữu đã tham dự thánh lễ do Đức Thánh Cha Phanxicô cử hành tại thủ đô Sarajevo của Bosni Erzegovine sáng ngày 6-6-2015.

Thánh lễ này là sinh hoạt thứ 2 của ngài trong cuộc viếng thăm từ 9 giờ sáng đến 8 giờ tối thứ bẩy, 6-6-2015 tại Cộng hòa Bosni Erzegovine.

Sân vận động Kosevo, nơi Đức Thánh Cha cử hành thánh lễ là nơi đã diễn ra thế vận hội Olimpic mùa đông năm 1984. Đức Thánh Cha Gioan Phaolô 2 đã từng dâng thánh lễ tại đây trong cuộc viếng thăm của ngài hồi tháng 4 năm 1997.

Khi từ Phủ Tổng thống Bosni đến nơi, Đức Thánh Cha đã dành 20 phút tiến qua các lối đi ở thao trường để chào thăm 70 ngàn tín hữu chờ đợi tại đây. Họ đến từ các nơi ở Bosni Erzegovine nhưng còn từ các nước láng giềng, và cả những nước xa xăm như Trung Quốc và Ucraina.

Chủ đề được chọn cho thánh lễ là “Bình an cho các con!”. Đồng tế với Đức Thánh Cha có khoảng 30 Giám Mục, đứng đầu là Đức Hồng Y Puljic Tổng Giám Mục sở tại, Đức Hồng Y Josip Bozanic, Tổng Giám Mục giáo phận Zagreb, các Giám Mục đến từ Cộng hòa Croát, Macedonia, Serbia, ngoài ra có hơn 1 ngàn linh mục đồng tế. Phần thánh ca do một ca đoàn 1.700 ca viên đảm trách.

Vì đa số tín hữu hiện diện là người Croát nên thánh lễ được cử hành bằng tiếng này, nhưng Đức Thánh Cha đọc các lời nguyện bằng tiếng la tinh.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Bài giảng của ngài bằng tiếng Ý xen lẫn các đoạn dịch bằng tiếng Croát. Ngài khẳng định rằng hòa bình là một dự phóng của Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng dự phóng này luôn gặp sự chống đối từ phía con người và ma quỉ. Cả ngày nay, khát vọng hòa bình và sự dấn thân xây dựng hòa bình đụng độ với sự kiện trên thế giới có nhiều cuộc xung đột võ trang đang diễn ra. Đó là một thứ thế chiến thứ 3 diễn ra từng mảnh, và trong bối cảnh thông tin hoàn vũ, người ta nhận thấy có bầu không khí chiến tranh. Đức Thánh Cha tố giác rằng:

“Có những người muốn tạo ra bầu không khí chiến tranh ấy và cố tình nuôi dưỡng nó, đặc biệt những kẻ tìm kiếm sự đụng độ giữa các nền văn hóa và văn minh, và có cả những kẻ đầu cơ chiến tranh để bán võ khí. Nhưng chiến tranh có nghĩa là trẻ em, phụ nữ và người già ở trong các trại tị nạn; có nghĩa là bó buộc phải di tản; có nghĩa là nhà cửa, đường xá, công xưởng bị tàn phá; nhất là chiến tranh có nghĩa là bao nhiêu sinh mạng bị tàn hại. Anh chị em biết rõ điều đó, vì anh chị em đã cảm nghiệm nó tại đây: bao nhiêu đau khổ, tàn phá, đau nhiêu đau thương! Anh chị em thân mến, ngày nay một lần nữa từ thành phố này, tiếng kêu của dân Chúa và mọi người nam nữ thiện chí được gióng lên: không bao giờ chiến tranh nữa!

Đức Thánh Cha nhận xét rằng “giữa bầu không khí chiến tranh ấy, có một tia sáng mặt trời chiếu qua các đám mây, vang vọng lời Chúa Giêsu trong Phúc Âm: “Phúc cho những người xây dựng hòa bình” (Mt 5.9). Đó là lời kêu gọi rất thời sự, có giá trị đối với mọi thế hệ. Chúa không nói: “Phúc cho những người rao giảng hòa bình”: tất cả đều có khả năng công bố hòa bình, kể cả theo cách thức giả hình hoặc dối trá. Nhưng Chúa nói: “Phúc cho những người xây dựng hòa bình”, nghĩa là những người thực thi hòa bình. Kiến tạo hòa bình là một công việc thủ công, nó đòi phải có sự say mê, kiên nhẫn, kinh nghiệm, kiên trì. Phúc cho những người gieo vãi hòa bình bằng những hành động thường nhật, bằng những thái độ và cử chỉ phục vụ, huynh đệ, đối thoại, từ bi.. Những người ấy sẽ được gọi là con Thiên Chúa, vì Thiên Chúa gieo vãi hòa bình, luôn luôn và ở mọi nơi; khi thời gian viên mãn, Ngài đã gieo Con của Ngài trong trần thế, để chúng ta được an bình! Kiến tạo hòa bình là một công việc cần phải thực hiện mỗi ngày, từng bước một, không bao giờ mệt mỏi”.

Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Nhưng làm thế nào để kiến tạo hòa bình? Ngôn sứ Isaia đã nhắc nhở chúng ta một cách ngắn gọn: “Thực thi công lý sẽ mang lại hòa bình” (32,17). “Opus justitiae pax”, theo bản Kinh Thánh Phổ Thông (Vulgata), trở thành khẩu hiệu thời danh đã được Đức Giáo Hoàng Piô 12 đón nhận. Hòa bình là công trình của công lý. Ở đây cũng vậy, đó không phải là thứ công lý được công bố, lý thuyết hóa, kế hoạch hóa.. nhưng là thứ công lý thực hành, được sống thực. Và Tân Ước dạy chúng ta rằng sự thực thi trọn vẹn công lý chính là yêu tha nhân như chính mình. (Mt 22,39; Rm 13,9).

Đức Thánh Cha nói thêm rằng: “Khi chúng ta theo giới răn này, với ơn Chúa, thì bao nhiêu điều sẽ thay đổi! Vì chúng ta thay đổi chính mình! Những người, những dân tộc mà trước đây tôi coi như kẻ thù, trong thực tế họ có cùng khuôn mặt của tôi, cùng trái tim, cùng linh hồn như tôi. Chúng ta có cùng Cha trên trời. Khi ấy công lý đích thực chính là làm cho người ấy, cho dân tộc ấy, điều mà tôi muốn được làm cho tôi, cho dân tộc tôi (Xc Mt 7,12).

“Thánh Phaolô, trong bài đọc thứ hai chúng ta vừa nghe, đã chỉ cho chúng ta những thái độ cần thiết để thực thi hòa bình. Thánh nhân viết: “Anh chị em hãy mặc lấy những tâm tình dịu dàng, nhân lành, khiêm tốn, hiền từ, đại đảm, chịu đựng lẫn nhau và tha thứ cho nhau, nếu ai có điều than phiền về người khác. Như Chúa đã tha thứ cho anh chị em, anh chị em cũng hãy làm như vậy” (3,12-13).

Sau thánh lễ, Đức Thánh Cha đã về tòa Sứ Thần Tòa Thánh để dùng bữa trưa với 6 Giám Mục của 4 giáo phận tại Bosni và các vị thuộc đoàn tùy tùng.

Ban chiều ngài gặp các linh mục, tu sĩ, chủng sinh ở Nhà thờ chính tòa Sarajevo, rồi gặp các vị lãnh đạo tôn giáo tại Học viện quốc tế của dòng Phanxicô cách Nhà thờ chính tòa Sarajevo, sau cùng cuộc gặp gỡ giới trẻ Bosni tại Trung tâm giới trẻ “Gioan Phaolô 2” của giáo phận vào lúc 6 giờ rưỡi chiều. Sau đó, Đức Thánh Cha ra phi trường để đáp máy bay trở về Roma.

 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Những ngày Đại Hội "Thánh Thể VI” tại Đan viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas
Trần Trọng Long
16:05 06/06/2015


Hình ảnh Thứ Sáu, ngày 05-06-2015

Hình ảnh ngày Khai mạc, ngày 05-06-2015

NGÀY THÁNH THỂ VI tại Đan viện Biển Đức Thiên Tâm, Kerens, Texas đã được khai mạc với chủ đề “Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng” (Mác-cô 14:22). Chương trình Ngày Thánh Thể kéo dài từ Thứ Năm, ngày 4 đến Chúa Nhật, ngày 7 tháng 6 năm 2015 với nhiều hội thảo và giảng thuyết viên tên tuổi như: Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Mạnh Hiếu, Lm. Matthêu Nguyễn Khắc Hy, SS., Lm. Giuse Nguyễn Thiện Lãm, CSSp., Lm. Phêrô Nguyễn Cao Sâm, SVD.

Đến với Ngày Thánh Thể VI?

Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Kitô được thiết lập vào năm 1264 dưới thời Đức Giáo Hòang Urban IV và sau đó có thêm các thông lệ rước Kiệu Thánh Thể sau thánh lễ xung quanh nhà thờ hoặc trên các đường phố tại Châu Âu. Sau này, các Đức Giáo Hòang không những khuyến khích việc thực hành này mà còn ban những ân xá cho những ai tham gia các cuộc rước Kiệu Thánh Thể.

Công đồng Trentô (1545-1563) phê chuẩn việc rước Kiệu Thánh Thể vì đây là việc tập thể công khai tuyên xưng đức tin Công Giáo về sự hiện diện thật sự của Chúa Giê-su Kitô ẩn mình trong Bánh Thánh Thể.

Đặc biệt năm nay Đan Viện đón tiếp Tượng Thánh Du Đức Mẹ Fatima về với Ngày Thánh Thể. Thật là một vinh dự lớn lao cho Đan Viện cùng tòan thể cộng đồng dân Chúa tham dự ngày Thánh Thể đón chào và cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima. Cùng với Mẹ Maria, chúng ta đến với Chúa Giê-su Thánh Thể để dâng lời chúc tụng, cảm tạ và ngợi khen Thiên Chúa!

CHƯƠNG TRÌNH NGÀY THÁNH THỂ VI – 2015

THỨ NĂM (Ngày 4 tháng 6 năm 2015)
7:00 pm: Thánh Lễ Khai Mạc - Biệt Kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam
9:30 - 11:00 pm: Hội Thảo (1)
11:00 pm: Chầu Thánh Thể chung
12:00 - 7:00 am: Chầu Thánh Thể Cá Nhân

THỨ SÁU (Ngày 5 tháng 6 năm 2015)
7:30 am: Thánh Lễ Sáng - Biệt Kính Thánh Cả Giuse
10:00 am - 12:00 pm: Hội Thảo (2)
Hội Thảo Liên Minh Thánh Tâm và Chầu Thánh Thể
10:00 am - 11:00 am: Marian Conference (in Holy Relics Chapel) by Judy Studer
12:30 pm: Ăn Trưa
2:00 - 3:00 pm: Marian Conference- Listening and Prayer by Joan Alix
3:00 - 3:45 pm: Đọc Kinh Lòng Thương Xót Chúa
4:00 - 5:00 pm: Đi Đàng Thánh Giá
5:00 - 6:00 pm: Hội Thảo (3)
7:00 pm: Thánh Lễ Đại Trào - Biệt Kính Đức Mẹ Fatima
Rước Kiệu Đức Mẹ.
11:00 pm: Chầu Thánh Thể chung
12:00 - 7:00 am: Chầu Thánh Thể Cá Nhân

THỨ BẢY (Ngày 6 tháng 6 năm 2015)
7:30 am: Thánh Lễ Sáng - Biệt Kính Đức Trinh Nữ Maria
10:00 am - 12:00 pm: Hội Thảo (4)
10:00 am - 11:00 am: Marian Conference by Joan Alix
12:30 pm: Ăn Trưa
2:00 - 3:30 pm: Hội Thảo (5)
3:45 - 4:45 pm: Marian Conference by Judy Studer and Joan Alix
4:00 pm: Giờ Đền Tạ Mẫu Tâm
7:00 pm: Thánh Lễ Đại Trào - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu
Rước Kiệu Thánh Thể
10:00 - 12:00 pm: Văn Nghệ & Xổ Số
12:00 - 7:00 am: Chầu Thánh Thể Cá Nhân

Chúa Nhật (Ngày 7 tháng 6 năm 2015)
8:30 am: Thánh Lễ Bế Mạc - Lễ Mình và Máu Thánh Chúa Giêsu
 
Giáo xứ Lam Điền - Hà Nội : Rước kiệu Mình Thánh Chúa
giáo xứ Lam Điền
11:34 06/06/2015
Giáo xứ Lam Điền - Hà Nội: Rước kiệu Mình Thánh Chúa

Thứ Năm sau lễ Chúa Ba Ngôi, tức 60 ngày sau lễ Phục sinh, Giáo Hội cử hành lễ của Chúa, kính Mình Máu Thánh Chúa. Liền sau lễ là cuộc kiệu trọng thể Mình Thánh Chúa ra khỏi nhà thờ, đi trên các nẻo đường, vừa đi vừa hát bài: « Chúa nuôi dân bằng lúa mì tinh hảo, mật ong rừng, Người cho hưởng thỏa thuê » (Ca nhập lễ - lời của thánh Tôma Aquinô). Để loan truyền cho mọi người biết rằng: Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí tích Thánh Thể và Hy tế của Người là ơn cứu độ cho toàn thế giới. Lễ này có thừ thế kỷ thứ XIII do Đức Ubanô IV thiết lập ngày 11 tháng 8 năm 1264, nhằm nhắc lại việc cử hành đầy ý nghĩa trong Bữa Tiệc Ly của Chúa, giúp các tín hữu sống lại bầu khí trang nghiêm ấy, với lòng biết ơn Thiên Chúa Cha cách sâu xa, có lúc dừng lại trong thinh lặng trước mầu nhiệm Ðức Tin để chiêm ngắm sự cao cả của Bí Tích vô cùng cao quí với trọn con người và tình thương của Chúa Giêsu.

Xem Hình

Hòa chung nhịp đập cùng với toàn thể Hội Thánh, toàn thể giáo dân các họ giáo xứ Lam Điền, Tổng Giáo Phận Hà Nội đã cử hành Thánh lễ trọng kính Mình và Máu Thánh Chúa và rước Thánh Thể Chúa từ nhà thờ họ Ứng Hòa về nhà thờ xứ Lam Điền và dựng lại ở 3 trạm, làm giờ chầu thờ lạy Mình Thánh Chúa.

Khi kiệu Mình Thánh Chúa và đưa Chúa ra khỏi nhà thờ, là chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu ngự thật trong phép Mình Thánh, mang Chúa vào trong đời ta, với mong ước nhà ta là nhà của Chúa, đường đời ta là đường của Chúa, xin Chúa hiện diện hằng ngày trong đời sống chúng ta! Có Chúa Giêsu là Bánh ban sự sống, Bánh của các thiên thần, Bánh của của kẻ hành hương cùng đi, chúng ta sẽ không cô đơn.

Khi đặt Mình Thánh vào Mặt nhật, dưới dạng mặt trời, ngụ ý rằng Chúa Giêsu là « Mặt Trời »: Ngài là ánh sáng của lòng ta (đó là ý nghĩa của từ « mặt nhật »)

Bình khói hương thơm nghi ngút vừa đi vừa xông, tượng trưng cho lời nguyện cầu của chúng ta tỏa bay lên trước tòa Chúa.

Các em bé rắc hoa trên đường nhắc lại cuộc rước Chúa Giêsu vào Thành Thánh, và những lời tụng ca của các em rất làm Chúa hài lòng.

Qua cuộc rước kiệu, chúng ta thấy Chúa và chắc chắn Chúa thấy tất cả những khổ đau của những bệnh nhân; những nỗi cô đơn của những người trẻ và của những người già; những cám dỗ, những nỗi lo lắng trong cuộc sống của chúng ta. Cuộc rước kiệu này còn có ý nghĩa là xin Chúa chúc lành cho chúng ta và cho toàn thế giới.

Sau đây là một số hình ảnh

Giáo xứ Lam Điền
 
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa hạt Phú Thọ : Học sống yêu thương như trái tim Chúa Giêsu
Martin Lê Hoàng Vũ
11:57 06/06/2015
Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Chúa hạt Phú Thọ: Học sống yêu thương như trái tim Chúa Giêsu

Vào chiều thứ sáu ngày 05.06.2015, Các Xứ Đoàn thuộc Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Giáo hạt Phú Thọ đã về nhà thờ giáo xứ Thăng Long, mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu bổn mạng.

Xem Hình

Vào khoảng hơn 17 giờ, các hội viên GĐPTTT Phú Thọ, ban chấp hành Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm Tổng giáo phận Sài gòn, Ban chấp hành GĐPTTT các giáo hạt lân cận, các khách mời đã hiện diện đông đủ để chầu Thánh Thể, đền tạ Thánh Tâm Chúa Giêsu.Cha chánh xứ Thăng Long chủ sự ban phép lành ThánhThể cho cộng đoàn.Sau đó, các hội viên đã cung nghinh Thánh Tâm Chúa Giêsu chung quanh nhà thờ.Các xứ đoàn Gia đình Phạt Tạ Thánh Tâm trong hạt Phú Thọ đi rước kiệu thật sốt sắng cùng với cờ đoàn của xứ mình.

Tiếp theo đó,Thánh lễ mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu do cha Giuse Phạm Bá Lãm, hạt trưởng Phú Thọ chủ tế, cùng đồng tế với ngài có quý cha: cha Alphongsô Hoàng Ngọc Bao linh hướng GĐPTTT hạt Phú Thọ chánh xứ Bắc Hà,cha Barnaba Trần Cương Quyết chánh xứ Thăng Long, cha Giuse Huỳnh Thanh Phương chánh xứ Phaolô và một cha thuộc giáo phận Cần Thơ.

Trong lời mở đầu thánh lễ, cha Hạt trưởng Phú Thọ chào mừng tất cả mọi hội viên Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm, cách riêng Xứ đoàn Thăng Long hôm nay mừng kỷ niệm 5 năm thành lập (2010-2015).Cha Hạt Trưởng nhấn mạnh đến ý nghĩa của ngày lễ như sau: Thánh Tâm Chúa Giêsu bị đâm thâu là hình ảnh rõ rệt nhất,là tiếng nói mạnh nhất của tình thương Thiên Chúa đối với chúng ta và là một bằng chứng không thể chối cãi được của tình thương lạ lùng ấy.

Bài Tin Mừng trong thánh lễ chiều nay do cha Alphongsô Hoàng Ngọc Bao công bố, là dụ ngôn một người bỏ 99 con chiên lại một chỗ, đi tìm 1 con chiên bị lạc.Cha chia sẻ với cộng đoàn về tình thương của Thiên Chúa,qua trái tim dịu hiền khiêm nhường của Chúa Giêsu luôn đồng cảm với con người.Trong Cựu ước,Thiên Chúa đã tự nhận mình là Mục tử chăm sóc đoàn chiên, dân Israel là dân được Thiên Chúa tuyển chọn. “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi”.Trong thời Tân ước, hình ảnh vị mục tử được rõ nét Chúa Đức Giêsu.Trái tim đó của Chúa Giêsu đã thổn thức trước cái chết của đứa con trai duy nhất của bà góa thành Nain.Trái tim đó bị rung lên trước những người bệnh tật, những người phong cùi, những người tội lỗi, những người bị quỷ ám…Chúa Giêsu là vị Mục tử đi tìm những con chiên lạc, bị hư mất do tội lỗi, Ngài ban ơn cứu độ cho mọi người. Ngài không tính toán so đo với chúng ta.Mừng lễ Thánh Tâm là nhắc nhớ về tình thương nhân hậu của Thiên Chúa và mời gọi ta phải học với Ngài, biết yêu thương hết mọi người.

Sau phần hiệp lễ, một vị đại diện Gia Đình Phạt Tạ Thánh Tâm có những tâm tình cám ơn quý cha đồng tế,ban chấp hành GĐPTTT Giáo phận và các giáo hạt lân cận đã đến tham dự thánh lễ và cầu nguyện cho các hội viên, cũng như GĐPT TT Phú Thọ được mỗi ngày phát triển.Đáp từ, cha Hạt Trưởng chia sẻ niềm vui với GĐPTTT Xứ đoàn Thăng Long mừng 10 năm thành lập, cha cũng cho biết một số thông tin thuyên chuyển quý cha trong giáo hạt Phú Thọ.Vì lễ Thánh Tâm là ngày cầu nguyện xin ơn thánh hóa các linh mục,nên cha kêu mời mọi người cầu nguyện thật nhiều cho quý cha, nhờ đó các ngài nhiều sức khỏe, ơn thánh luôn chu toàn nhiệm vụ Chúa giao phó.

Tạ ơn Chúa đã ban cho hội viên GĐPTTT hạt Phú Thọ một ngày lễ bổn mạng với muôn vàn hồng ân.Xin Thánh Tâm Chúa Giêsu dạy chúng con sống yêu thương phục vụ mọi người như Chúa đã yêu thương con trước.

Martin Lê Hoàng Vũ
 
Thánh Lễ Tạ Ơn và Khấn Dòng Tại Hội Dòng Mẹ Nhân Ái Giáo Phận Phú Cường
Tôma Đỗ Lộc Sơn
20:46 06/06/2015
Thánh Lễ Tạ Ơn và Khấn Dòng Tại Hội Dòng Mẹ Nhân Ái Giáo Phận Phú Cường

8 giờ sáng ngày 6/6/2015, tại Hội Dòng Mẹ Nhân Ái, đã có rất đông bà con thân tộc của các chị tuyên khấn, các cộng đoàn lân cận, đặc biệt có đông đảo bà con giáo xứ Sơn Lộc đã quy tụ về để tham dự Thánh lễ.

Xem Hình

Trước giờ lễ, Đức Cha Phêrô Trần Đình Tứ- nguyên Giám mục Giáo phận Phú Cường. Cha Tổng đại diện Micae Lê Văn Khâm, khoảng 30 cha trong và ngoài giáo phận cùng cộng đoàn tham dự nghi thức làm phép nhà sinh hoạt mới của hội dòng.

Mở đầu thánh lễ, ĐGM hát nhập lễ, sau đó kêu mời mọi người( khoảng 500 tu sĩ và anh chị em giáo dân) Tạ Ơn Chúa, vì hôm nay Chúa đã ban cho hội dòng một số dì khấn lần đầu và một số dì khấn trọn đời. Tận hiến cho Chúa là một hồng ân, hồng ân ấy không những mang lại lợi ích cho chính bản thân mà còn mang lại lợi ích cho Giáo Hội và xã hội. Chúng ta hãy cầu nguyện cho các ứng sinh luôn được trung thành với lời mình khấn xin.

Quý chị tuyên khấn lần đầu:

- Maria. Nguyễn Thị Duyên.

- Maria Trần Thị Hạnh.

- Maria Nguyễn Thị Loan.

- Maria Ngô Thị Lương.

Quý chị tuyên khấn trọn đời:

- Maria Phan Thị Bình An.

- Anna Nguyễ Thị Thanh Hồng.

- Maria Nguyễn Thị Liễu.

- Anna Nguyễn Thị Hồng Sương.

- Anna Nguyễn Thị Thiện.

Có 9 chị được giới thiệu trong Thánh lễ hôm nay.

Các nghi thức khấn lần đầu và khấn trọn đời đã diễn ra khoảng 60 phút, trong không khí mát mẻ vì bầu trời dịu mát và có nhiều gió.

Lạy Chúa, Chúa đã ban cho các Dì được Hồng Ân Tận Hiến để phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân, xin cho các dì luôn xứng đáng hưởng hồng ân ấy, và trung thành với lời khấn hứa hôm nay.

Cuối lễ, Dì tổng phụ trách có đôi lời cám ơn Đức Cha, Cha tổng đại diện, Quý cha, Quý tu sĩ nam nữ cùng toàn thể anh chị em giáo dân đã đến dâng lễ và cầu nguyên cùng chúng con.

Vị đại diện các ứng sinh cũng có đôi lời nói lên nièm vui mừng khi có con, em được Chúa chọn để phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân.

Sau phép lành cuối lễ, nét mặy mọi người hân hoan, vì mình đã được Chúa thương không những bây giơ và còn mãi mãi trong cuộc đời.

Tôma Đỗ Lộc Sơn
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Chẳng lẽ cứ luôn mãi là ''quân tốt thí'' trên bàn cờ thế giới?
Linh Tiến Khải
04:23 06/06/2015
Chẳng lẽ cứ luôn mãi là "quân tốt thí" trên bàn cờ thế giới?

Từ mấy tuần qua tin tức về tình hình tại Biển Đông xem ra dồn dập và nóng bỏng, lôi kéo sự chú ý của các phương tiện truyền thông quốc tế.

Hôm mùng 2 tháng 6 vừa qua nhật báo Shimbun của Nhật Bản có đăng bài bình luận bàn về tình hình Biển Đông, và đưa ra ra câu hỏi: liệu tổng thống Barack Obama có thực sự muốn cản ngăn hành động cướp biển phi pháp của nhà nước Bắc Kinh hay không, và nếu có thì tới mức độ nào. Trong các tháng qua toàn thế giới đều chứng kiến thái độ ngoan cố, lì lợm, vô liêm sỉ của Nhà nước cộng sản Trung Quốc, ngang nhiên ngồi xổm trên luật pháp quốc tế, và công khai ăn cướp biển đảo của các nước vùng Đông Nam Á. Nó cho thấy Nhà nước Bắc Kinh càng ngày càng cương quyết nhận vơ Biển Đông là của mình, và đặt chủ quyền trên Biển Đông, bằng cách gấp rút xây các căn cứ và sân bay quân sự trên các đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các đảo khác đã cướp được của Việt Nam, với sự đồng loã phản quốc bán nước của Nhà nước cộng sản Hà Nội. Với các hoạt động gấp rút ấy quân cướp Trung Cộng muốn đặt thế giới trước những sự kiện đã rồi. Nhưng việc xây 7 đảo nhân tạo trái phép ấy trên quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã gây ra làn sóng tranh luận trên chính trường Hoa Kỳ cũng như trong nội bộ quân đội nước này. Ngay từ năm ngoái Hải quân Mỹ đã kêu gọi chính quyền Washington nhanh chóng đưa máy bay và tầu chiến vào khu vực các đảo bị Bắc Kinh chiếm đoạt phi pháp.

Từ tháng 5 vừa qua quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu cho máy bay do thám và tàu chiến hiện đại thực hiện các vụ trinh sát, giữ gìn tự do hàng hải ở Biển Đông. Và trong các ngày từ 17 đến 21 tháng 5 vùa qua Bộ chỉ huy quân sự Mỹ ở Thái Bình Dương đã tổ chức một cuộc diễn tập tác chiến đổ bộ tại Hawaii với sự tham dự quan sát của các giới chức quân đội cao cấp của 20 quốc gia. Ngày 27 tháng 5 Tân chỉ huy Bộ Tư Lệnh Thái Bình Dương, đô đốc Harry Harris gọi các yêu sách của Trung Quốc là “lố bịch”. Phát biểu trong buổi lễ nhận chức ngày 27 tháng 5 đô đốc Harris nói: “Hoa Kỳ sẽ tái lập thế cân bằng ở Thái Bình Dương. Lực luợng kết hợp của chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đồng minh và bạn bè ở khu vực. Nếu được yêu cầu chúng tôi sẽ chiến đấu ngay buổi tối hôm nay để bảo vệ lợi ích của Hoa Kỳ tại khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hiện diện và phát biểu trong buổi lễ ông Ashton Carter, Bộ trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, nhắc lại lập trường của Mỹ là phản đối bất kỳ hành động quân sự nào của Trung Quốc trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ông nói: trước tiên chúng tôi muốn giải quyết các tranh chấp trong hòa bình và yêu cầu Trung Quốc ngưng ngay việc cải tạo đất ở Biển Đông dựa trên các yêu sách của họ. Thứ hai, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bay, di chuyển và khai triển hoạt động ở bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép, như đã từng làm trên toàn thế giới này. Cuối cùng, với các hành động của mình Trung Quốc đang đứng ngoài hai tiêu chuẩn quốc tế, đó là đe đọa an ninh khu vực Á châu Thái Bình Dương và vi phạm nguyên tắc “tiếp cận không cưỡng chế” mà các nước trong khu vực đang theo đuổi.”

Hoa Kỳ cũng tuyên bố rằng nếu Trung Cộng không dừng hoạt động xây đảo nhân tạo phi pháp, thì chính quyền Mỹ sẽ đưa tầu chiến vào khu vực 12 hải lý của các đảo đá, mà Trung Quốc chiếm đoạt trái phép.

Mới đây nhất ngày mùng 2 tháng 6 vừa qua trong buổi đón tiếp và trao đổi với các đại diện giới trẻ hoạt động xã hội Đông Nam Á thuộc tổ chức “Chương trình thân hữu các sáng kiến của giới trẻ lãnh đạo Đông Nam Á” tại tòa Bạch Ốc, tổng thống Barack Obama kêu gọi Nhà nước cộng sản Trung Quốc tôn trọng luật pháp quốc tế, và ngưng ngay các hành động “thúc cùi chỏ”, ăn hiếp các quốc gia láng giềng để bành trướng thế lực tại Biển Đông. Nếu Trung Quốc không từ bỏ kiểu hành động này, dùng sức mạnh của một nước lớn để tranh giành chủ quyền và dựa vào lực lượng hải quân thay vì pháp luật, thì nền kinh tế Á châu sẽ không còn thịnh vượng nữa.

Trước mắt, Hoa Kỳ đưa ra chiến lược “Cost Imposing” kết hợp các biện pháp ngoại giao, quân sự và tuyên truyền tạo dư luận quốc tế bằng cách liên tục công bố các hình ảnh Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo trái phép ở Biền Đông để buộc Trung Quốc phải trả giá mắc mỏ cho các tham vọng của mình. Đồng thời chính quyền Whasington cũng thắt chặt các mối quan hệ với các đồng minh châu Á Thái Bình Dương và các nước Đông Nam Á, gia tăng năng lực phòng vệ biển đảo, và mong Lực lượng phòng vệ Nhật Bản tham gia nhiệm vụ tuần tra ở Biển Đông.

Dọc dài lịch sử suốt 70 năm của mình Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chỉ biết xung phong làm “quân tốt thí” cho Liên Xô và Trung Cộng, hết hy sinh xương máu của nhân dân, rồi lại ký kết các công hàm bán nước cho Trung Quốc. Năm 1975 tập đoàn cộng sản Hà Nội đã rước 10 sư đoàn tầu cộng vào Bắc Việt để dồn quân tiến chiếm miền Nam. Sau đó vơ vét tất cả nhũng gì có thể vơ vét được để trả nợ cho Bắc Kinh. Giờ đây, bốn mươi năm sau khi đặt ách thống trị độc tài sắt máu trên cả nước, và để vuột mất bao nhiêu dịp may thoát ách nô lệ, chẳng lẽ đảng cộng sản Viêt Nam cứ luôn mãi ngu đần cúi đầu làm “quân tốt thí” trên bàn cờ thế giới hay sao?
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sống văn hóa Thánh Thể qua lời truyền phép hướng đến sứ vụ loan báo tin mừng
Lm. Đaminh Hương Quất
20:34 06/06/2015
SỐNG VĂN HÓA THÁNH THỂ QUA LỜI TRUYỀN PHÉP HƯỚNG ĐẾN SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG

Thay Lời nói đầu:

Giáo phận Xuân Lộc vừa có Tin Mừng: Vào lúc 17 giờ ngày 4 tháng Sáu vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô chính thức bổ nhiệm Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, nguyên Giám mục Phụ tá lên làm Giám mục Phó Giáo phận Xuân Lộc với hiệu Tòa Gadiaufala. Đức Cha Giuse một trong những Giám mục cuối cùng được Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm chỉ trước mấy tiếng khi ngài từ nhiệm ngai Tòa Phêrô (28.2.2013).

Niềm vui có Đức Cha Phó Giáo phận càng thêm ý nghĩa khi Giáo phận Xuân Lộc đang mừng Năm Thánh Giáo phận, mừng Kim khánh thành lập Giáo phận (1965-2015) sau năm năm chuẩn bị tích cực (chương trình Ngũ niên). Mừng Năm Thánh, gia đình Giáo phận đặt trọng tâm Gia đình và Giáo xứ Sống Mầu nhiệm Thánh Thể.

Đức Cha Giuse hiện là Chủ tịch UB Giáo dục Công Giáo trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đồng thời là Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc.

Tạ ơn Chúa, người viết được diễm phúc là một trong những môn sinh lớp đầu của Đức Cha Giuse dưới mái nhà Đại chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, nhất là được ngài hướng dẫn làm luận văn ra trường.

“Này là Mình Thầy (Hoc ets Corpus Meum)’ (Mc 14,22), khẩu hiệu Giám mục của Đức Cha Giuse làm cho người viết lại bầu khí sống trong Đại Gia đình Chủng viện. Bằng trái tim Mục tử, Ngài thường nhắc nhở Chủng sinh- những Linh mục tương lai lòng say mê Chúa Giêsu -sống thanh thoát- nhiệt tình với sứ vụ; điểm nổi bật trong đó sống gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu Thánh Thể. Ngài đã cho làm nhiều ‘Nhà tạm’ riêng để anh em Chủng sinh tiện lợi, dễ dàng đên với Chúa Giêsu Thánh Thể.

Trong tâm tình Tạ ơn Chúa, cám ơn Đức Cha Giáo Phận và Tân Giám mục phó, người viết mạn phép ‘suy tư’ về Sống Văn hoá Thánh Thể qua Lời Truyền phép hướng đến Truyền giáo.

Hẳn nhiên trong khả năng có hạn, người viết rất mong nhận được những góp ý xây dựng, chỉ dạy.

(Lưu ý: Bài viết dưới đây được viết lại từ một phần trong luận văn ra trường, đã được Bản tin Hiệp Thông của HĐGM.VN, số 38 đăng; Bài viết này thêm phần “một chút suy tư’ về Linh mục sống Văn hóa Thánh Thể, trước hết cho riêng mình)


“Sống văn hoá Thánh Thể qua lời Truyền phép’. Lời mà Giáo Hội vẫn hiện tại hoá hàng ngày trong mỗi Thánh lễ; Lời như dấu chỉ giúp hai môn đệ trên đường Emmaus đang thất vọng trước cái chết phũ phàng của Thầy Giêsu nhận ra Đấng Phục sinh, rồi quyết tâm trở về với cộng đoàn Giáo Hội, hiến trọn cả đời mình cho sứ vụ Rao giảng Tin Mừng (x.Lc 24, 30-32).

Lời Truyền phép: “Người cầm lấy bánh (1), Dâng lời Tạ ơn (2), rồi Bẻ ra (3), Trao cho các ông (4) và nói: Đây là Mình Thày”

Lời Truyền phép tuyệt vời trên là cả một kho tàng sống Văn hóa Thánh Thể sinh động. Bốn cử hành của lời Truyền phép gợi cho ta bốn chiều hướng sống Văn hoá Thánh Thể nên giống Thầy Giêsu.

1 “Cầm lấy bánh”- Xác định Bản ngã- nhân vị mình: Tôi là ai?

“Cầm lấy bánh”, hành động đầu tiên trong Hy tế Thánh Thể. Khi cầm lấy bánh, Chúa Giêsu, trong tâm trí Người đã minh xác Bánh và Rượu sẽ trở nên Thịt - Máu Người, nên Người mới nói: Đây là Mình Thày... đây là Máu Thầy.

Điều này gợi cho ta chiều kích sống Văn hoá Thánh Thể trước hết- xác định bản ngã: Tôi là ai?

Chúa Giêsu mẫu gương toàn hảo mọi đàng: khiêm nhường tột độ, vâng phục tuyệt đỉnh, tự hủy tận cùng nhưng đồng thời Người cũng hằng khẳng định rõ Ngôi Vị đích thực của mình: “các người nghe người xưa… còn Ta, Ta bảo…” (Mt 6,11-48); “ai nghe lời Ta và thi hành” (Mt, 7,21); “người chăn chiên tốt, chính là Ta” (Ga 10,14 ) … Điểm độc đáo, Chúa Giêsu dùng chủ từ tôi nhưng không dừng lại nơi mình mà hoàn toàn quy về Cha của Người, “Đạo lý tôi dạy không phải của tôi nhưng là của Đấng đã sai tôi” (Ga 7,16; x. 5, 30).

Người môn đệ theo Chúa Giêsu không phải giết đi cái tôi, xóa đi bản ngã độc đáo mình có, mà chính là tìm ra được ‘cái tôi’- cái bản ngã- cái con người thật của chính mình.

Chính Chúa Giêsu đòi hỏi điều ấy. Trên đường lên Giêrusalem chịu chết, Người hỏi các môn đệ: “Phần anh em, anh em nói Thày là ai?” (Mt 16,15). Từ “anh em” đặt các môn đệ ra khỏi đám đông, trực diện với chính mình để tự trả lời về căn tính Giêsu. Người muốn lời tuyên xưng Đức tin phát xuất từ chính cuộc sống mỗi người chứ không muốn chấp nhận thụ động từ một công thức .

Quả thế, theo Chúa các môn đệ cũng không đánh mất “cái tôi” đặc thù của mình: một Phêrô trực tính, nhiệt thành; một Gioan trầm tư, sâu lắng; một Giuđa gian manh chuyên lấy cắp công quỹ (Ga 12,6)… Không đánh mất, song người Môn đệ theo Chúa phải ý thức không ngừng thanh luyện ‘cái tôi’ để góp phần xây dựng Giáo Hội trong tinh hiệp nhất yêu thương. Không đánh mất chính mình nên Thân Thể Chúa Giêsu là Giáo Hội không ngừng lớn lên, đa dạng, phong phú.

Chúa yêu hết mọi người nhưng đồng thời ngài cũng yêu từng người, thấu rõ từng người. Xác định “tôi” là xác định chiều kích riêng tư, đặc thù, đầy sinh động trong tương quan tình yêu tôi với Chúa, là biết mình.

Theo Chúa mà không biết mình có thể đưa đến nguy cơ vong thân (!).

Không tìm được bản ngã- đánh mất mình, dù có “nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm phép lạ” kết cục Chúa vẫn không nhận ra, và bị nghiêm xét: “Ta không hề biết các người, xéo đi!...” (Mt 21, 21-23). Như thế “biết mình” giúp ta tránh lối sống giả tạo, đầu môi chóp lưỡi. Như thế biết mình có tương quan với biết Chúa . Đây là điều Thánh Giáo phụ Augustino từng khắc khoải: “Xin cho con biết Chúa xin cho con biết con”’

“Biết mình” là nhận ra căn tính mình, nhận ra tình yêu nhưng không của Chúa dành cho riêng mình. Căn tính của Kitô hữu là con Thiên Chúa, tất cả đều được kêu mời nên thánh, chung sứ vụ Cứu thế của Đức Giêsu. Giá trị đích thực của Kitô hữu hệ tại ở việc gắn bó mật thiết với Chúa Giêsu, nên giống Chúa Giêsu chứ không phải danh chức cơ cấu. Một Kitô hữu Giáo dân sống tốt, đạo đức có giá trị hơn nhiều một Linh mục sống bất trách, bê tha… Đối với Chúa Giêsu đồng xu bà góa nghèo lại có giá trị hơn cả bạc triệu dư thừa của người giầu (Lc 21, 1-4).

Trong Truyền giáo “biết mình - biết Chúa” được coi là hai yếu tố của Tu đức Truyền giáo . Xác định bản ngã - biết mình nhưng không dừng ở tôi mà là để vượt lên cái tôi. Theo Hồng Y Joseph Ratzinger, “chủ từ “tôi” quan trọng, vì nó đưa chúng ta vào vai trò Thiên sai năng động của Chúa Giêsu, đồng thời giúp chúng ta vượt lên chính mình để hướng tới hiệp nhất với Đấng đã tác tạo và là cùng đích của chúng ta” .

2 Dâng lời Tạ ơn- Hướng đến sống kết hiệp với Chúa trong tâm tình Tán tạ Hồng ân:

Tạ ơn không xa lạ với Dân Israel, nó giữ vai trò chính yếu trong Kinh Thánh. Đối với họ, Tạ ơn không hẳn chuyện quá khứ, cảm tạ những ân huệ Chúa đặc ban- những kỳ công Ngài thực hiện cho dân tộc mình mà còn hướng đến chiều kích tương lai, hy vọng thời Cánh chung khải hoàn. Bởi vậy, Tạ ơn hàm chữa việc Chúc tụng trong hân hoan một cách công khai, biểu lộ cụ thể qua hy vật .

Với Kitô giáo, Tạ ơn không chỉ giữ vai trò chính yếu mà còn thuộc về bản tính của Giao Ước mới . Hy tế Thập Giá chính là hy tế Tạ Ơn hoàn hoàn hảo nhất, đẹp lòng Thiên Chúa nhất. Qua Thánh Lễ, Giáo Hội theo lệnh truyền Chúa Giêsu tiếp tục hiện tại hóa Hy lễ Thập giá. Khi dâng lễ Tạ ơn, Giáo Hội đồng thời Tuyên xưng - Ca Tụng - Tôn Vinh - Chúc tụng trước nguồn Ân sủng dồi dào, vô tận do Thiên Chúa ban tặng trong Đức Kitô.

Được làm Con Người giống Hình ảnh Thiên Chúa đã là một Hồng ân khôn ví; được làm Con Chúa nhờ ơn Cứu độ của Chúa Giêsu khi nhận phép Thánh Tẩy đã làm cả đời ta, và cả đời đời tán tụng ân tình Chúa không đủ, thì việc ta gặp gian nan thử thách, đau khổ chỉ là chuyện nhỏ.

Hơn nữa, nhờ Chúa Giêsu Tử nạn – Phục sinh, chính trong đau khổ ấy lại là Hồng ân, là lúc ta đang nên giống Chúa Giêsu nhất, là lúc ta được vinh dự cộng tác vào công trình Cứu thế của Chúa. Các thánh luôn khao khát được đau khổ, thêm đau khổ vì Chúa Giêsu và vì phần rỗi các Linh hồn.

Trong cái nhìn Đức tin ấy, chỉ đời riêng thôi đã là cả chuỗi Hồng ân Chúa tặng ban- có thể nói, cuộc đời của chúng ta – những môn đệ theo Chúa Giêsu đi trên thảm Hồng ân.

Sống tâm tình Tạ ơn, chính là sống Tin Mừng, đang tích cực Rao giảng Tin Mừng Chúa Giêsu. Giữa cuộc đời được coi là “bể thảm” mà ta vẫn vui sống, tràn đầy hy vọng sẽ là một câu hỏi lớn trước một thế giới mà nền văn minh sự chết bao trùm. Người ta thắc mắc rồi nhờ ơn Chúa họ sẽ khám phá và tin nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô.

3 “Bẻ ra”- Hướng đi Đường hẹp, bỏ mình vác Thập giá:

Cử chỉ Chúa Giêsu “Bẻ bánh” diễn tả hành vi Tự hiến của Người nhờ đó ta được thông phần bàn tiệc Cứu độ. Thật thế, khi lập Phép Thánh Thể Chúa Giêsu đã hướng đến Hy tế đồi Canvê. “Đây là mình Thày, hiến thân vì anh em; Đây là Máu Thày, máu Giao ước mới đổ ra vì muôn dân” (Lc 22,19.21). Rõ ràng toàn tâm trí Chúa đang hướng đến Hy tế Thập giá, đầy ý thức và chủ động. Và Hy tế Thập giá để hoàn tất Phép Thánh Thể. Noi gương Chúa Giêsu, ngay từ đầu Giáo Hội coi tử đạo gắn liền với Thánh Thể- “chính vị tử đạo trở nên Thánh Thể” .

Sống Văn hóa Thánh Thể “bẻ bánh” là chấp nhận bỏ mình vác thập giá, đi vào đường hẹp- con đường đưa đến sự sống (Mt 16,24b; 7,14).

Nói cách khác ‘bẻ ra’ là sống tinh thần trách nhiệm, ngay cả những chuyện nhỏ. Chúa Giêsu nói: “Khi chút ít mà trung tín thì nhiều mới trung tín; khi chút ít mà bất lương thì nhiều cũng bất lương” (Lc 16,10). Biết làm chủ chính mình, không sống phóng túng, không bê tha rượi chè, cờ bạc… không làm nô lệ cho của cải danh vọng…; chấp nhận khép mình vào khuôn khổ, cũng là cách “bẻ ra”.

Không có đổ Máu thì không có Giao Ước mới, không có ơn Cứu độ (x.Dt 9,1-14). Vinh dự của tôi là Thập giá Đức Kitô. Theo Chúa không có hy sinh, không chịu cố gắng đời Kitô hữu sẽ nhạt nhẽo, vô vị, bế tắc và không cần phải đợi đến đời sau, ta đã thấy hoả ngục ngay tại đời này.

Đức Phanxicô trong huấn từ đầu tiên trên cương vị Giáo hoàng đã nói “Khi chúng ta đi mà không có Thánh Giá, khi chúng ta xây dựng mà không có Thánh Giá, và khi chúng ta tuyên xưng Đức Kitô mà không có Thánh Giá, chúng ta không phải là môn đệ của Chúa: chúng ta thuộc về thế gian”

3.4 “Trao cho các ông”- Sống tương quan phục vụ trong khiêm tốn, yêu thương

Bẻ ra- hy sinh chỉ có giá trị khi hướng đến phục vụ tha nhân, sống tương quan hiệp thông bác ái. Giáo Hội dạy: “Thiên Chúa đã muốn tất cả mọi người phải làm thành một gia đình và đối xử với nhau bằng tình huynh đệ” (GH 31).

Trong hiệp nhất Giáo Hội, Chúa Giêsu được coi là Đầu, Giáo Hội là Thân Thể Người, và mỗi chúng ta là những chi thể sống động trong gia đình Giáo Hội. Nét độc đáo nơi Chúa Giêsu là Đầu cũng chính là tôi tớ, đến để phục vụ, hiến mạng sống mình cho người khác (x.Mc 10,45).

Đặt trong bối cảnh Tiệc ly, Chúa Giêsu là Chúa, là Thầy mà đi rửa chân cho các môn đệ, tức một việc làm của tôi tớ thấp kém nhất (đầy tớ dân ngoại mới làm việc này, còn người ở Do Thái thì không). Chúa Giêsu không chỉ nêu tấm gương khiêm nhường phục vụ trong yêu thương mà còn cho thấy cách để “dự phần” với Chúa, và người Môn đệ chỉ khi sống được tâm tình này mới thực sự được thông phần với Người, mới thực sự là sứ giả Tin Mừng Đức Giêsu Kitô. Chính vì thế Người lệnh truyền: “Ta làm cho anh em thế nào, anh em cũng làm cho nhau như vậy” (Ga 13,15).

* Thay Lời kết: “Đây là mình Thầy” (Hoc est Corpus Meum)

Sau bốn động tác cử hành của Lời Truyền phép, Chúa Giêsu tuyên bố: “đây là Mình Thầy”.

“Này là Mình Thầy” - món quà Thần lương Chúa Giêsu trao cho Giáo Hội, cho từng Kitô hữu và Người mong muốn Giáo Hội và từng Kitô hữu tiếp tục đem tặng Hồng ân Cứu độ này cho người khác.

Sống Truyền giáo, món quà trao cho lương dân chính là Đức Giêsu, làm nổi bật Chúa Giêsu trong mọi các tương quan đời sống. Người ta chỉ trao cho người khác những gì mình có. Làm sao trao Chúa Giêsu cho người khác nếu ta không có Người trong mình, không gặp được Tin Mừng Phục sinh.

Bởi thế, sống Truyền giáo- sứ vụ thuộc về bản chất của Giáo Hội, của mỗi người Kitô hữu, ta cần cần sống mật thiết với Chúa Giêsu, năng viếng và đón nhận Thánh Thể. Điều này không nhất thiết đòi đi Lễ mỗi ngày. Thực tế, vì cuộc sống dù muốn cùng khó có thể đi Lễ ngày thường được, nhưng ta vẫn có thể rước Chúa - viếng Chúa cách thiêng liêng, mọi lúc, mọi nơi.

Phải chăng Lời chào cuối mỗi Thánh lễ “chúc anh chị em đi bình an” Giáo Hội muốn lặp lại lệnh truyền của Chúa Giêsu, như một nhắc nhớ cho Dân Chúa, nhất là Giáo dân ý thức căn tính Truyền giáo của mình, hãy đem Tin Mừng Cứu độ vào đời sống, cho lương dân. Đức Bênêddictô XVI viết: “Linh đạo Thánh Thể không chỉ là việc tham dự Thánh lễ và Tôn sùng Thánh Thể, linh đạo này bao trùm toàn bộ đời sống” . Và như thế, mỗi lần tham dự Thánh lễ Kitô hữu Giáo dân lại có dịp hun đúc tinh thần sống Truyền giáo.

Tóm lại, bốn cử hành trong Lời truyền phép nêu bật những nét đặc thù của một Linh đạo Thánh Thể, tự chất chúng có tương quan mật thiết, hỗ trợ nhau. Điểm nổi bật nhất của Linh đạo Thánh Thể: hướng đến Hy tế Thập giá, cách thức Chúa Giêsu thể hiện Tình yêu cho đến cùng (Ga 13,1). Bởi thế, sống Thánh Thể là sống năng động Đức ái Kitô giáo trong tương quan ba chiều: với Chúa- với mình và với tha nhân.

Có thể nói văn hóa Thánh Thể là con đường Hiền lành và Khiêm nhường, điều mà các môn đệ cần học và được chính Chúa Giêsu công bố cách minh nhiên: “hãy học với Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”, và chỉ khi Kitô hữu ‘tiêu hóa’ được lời dạy này mới khám phá Linh đạo Thánh Thể đúng là chốn “nghỉ ngơi cho tâm hồn”, mới tìm được “ách êm ái và gánh nhẹ nhành” (Mt 11,29).

Sự hiện diện Chúa Giêsu nơi Thánh Thể mang tính Bí tích, bởi thế rất cần Giáo Hội, mỗi Kitô hữu, cách riêng với Giáo dân thể hiện tính năng động, sức mãnh liệt của Bí tích Tình yêu ấy trong chính đời sống mình, ngay trong thực tại trần thế.

* Chút suy tư thêm:

LINH MỤC GIÁO PHẬN SỐNG VĂN HÓA THÁNH THỂ QUA LỜI TRUYỀN PHÉP

Sống Văn hoá Thánh Thể- con đường thuộc linh giúp nên thánh . Nơi Đức Kitô ta không ngừng khám phá nguồn linh đạo đa dạng- phong phú, phù hợp cho nhiều bậc sống, hướng mục vụ…, bởi đó việc tìm một hướng đi đặc thù để nên thánh, noi gương Chúa Giêsu là điều tối cần thiết cho mọi ơn gọi. Văn hoá Thánh hay Linh đạo Thánh Thể mặc dù bao trùm toàn bộ cuộc sống người Linh mục- cách riêng với Linh mục Giáo phận, nhưng vẫn được coi là mới mẻ, cần tiếp tục tục suy tư khai triển . Căn bản sống Văn hoá Thánh Thể này không chỉ dừng ở hiểu biết đức tin mà quan trọng hơn là sống được điều mình tin yêu trong hiệp thông yêu thương với Giáo Hội, người khác.

Hơn lúc nào hết, trong Thánh lễ hàng ngày khi đọc lời Truyền phép, Linh mục cho thấy rõ hiệu quả của Bí tích Truyền chức: con người tầm thường thành hiện thân của Chúa Giêsu trong tư cách Là Đầu- Mục tử. Chính vì thế, và hơn ai hết Linh mục càng cần phải- buộc phải sống gắn bó Bí tích Thánh Thể.

Sống Văn hoá Thánh Thể qua lời Truyền phép cách thiết thân để người Linh mục ngày càng nên Hiện Thân của Chúa Giêsu hơn.

Nói cách khác sống Văn hoá Thánh Thể mở ra nhiều con đường năng động mới mẻ giúp Linh mục Giáo phận nên thánh trong mục vụ. Sống Thánh Thể là sống năng động Đức ái Mục tử trong tương quan ba chiều: Với Chúa- với mình và với Tha nhân. Đây là đường Hiến tế Thập giá- thể hiện Tình yêu đến cùng, và luôn là thách đố cho mọi người.

Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã để lại cho Giáo Hội, cho nhân loại ba Tặng ân tuyệt vời: Bí tích Thánh Thể – Chức Linh mục và Điều răn mới: Tình Yêu. Linh mục Giáo phận sống Linh đạo Thánh Thể là sống và làm triển nở ba đặc ân cao quý này, trong đó nòng cốt là Tình yêu. Sự hiện diện Chúa Giêsu nơi Thánh Thể mang tính Bí tích, bởi thế rất cần Giáo Hội, Linh mục Giáo phận thể hiện tính năng động, sức mãnh liệt của Bí tích Tình yêu trong đời sống mình, đặc biệt trong cử hành Thánh Lễ. Đức Kitô có sức hút kỳ lạ, Linh mục để Người hiện diện trong mình, thực sự trở nên Tông đồ của Thánh Thể, chắc chắn cuộc đời Linh mục, Thánh Lễ Linh mục dâng sẽ lôi kéo nhiều người đến với Chúa Giêsu Thánh Thể hơn, yêu mến Chúa Giêsu Thánh Thể hơn.

Lm. Đaminh Hương Quất

(GP. Xuân Lộc)

Tài liệu Tham Khảo:

1. Hiến chế Tín lý về Giáo Hội “Ánh sáng muôn dân” (Lumen Gentium. viết tắt: GH.

2. Sắc lệnh về họat động Truyền giáo của Giáo Hội “Đến với muôn dân” (Ad Gentes, vt. TG).

3. Sách Giáo lý của Hội thánh Công Giáo 1992, bản dịch do UB Giáo lý Đức Tin thuộc HĐGM.VN, nxb Tôn Giáo, 2010.

4. Điển Ngữ Thần Học Kinh Thánh, GHHV PIO X- Đà Lạt, 1974.

5. ĐTC Bênêđictô XVI, Tông huấn Bí tích Tình Thương, 22.01.2007

6.x. Joseph Ratzinger (ĐTC Bênêddictô XVI), Đức tin Kitô giáo hôm qua và hôm nay, Lm. Athanasio Nguyễn Quốc Lâm và Phạm Hồng Lãm chuyển ngữ, nxb Tôn Giáo (2009).

* Và một số bài viết trên Web.
 
Văn Hóa
Chia sẻ của một Linh Mục tuổi đã xế chiều
LM. Phêrô Nguyễn Thiên Cung
11:47 06/06/2015
CHIA SẺ CỦA MỘT LINH MỤC TUỔI ĐÃ XẾ CHIỀU…

Cách đây 15 năm, ngày 4 Tháng 5 năm 2000, tôi đã tổ chức Mừng Ngân Khánh Linh mục của mình. Và ngày 04-5-2015 vừa qua, tôi đã cùng với một linh mục bạn mừng chung, ông linh mục bạn thì mừng Ngân Khánh Linh mục, còn tôi thì mừng 40 năm Linh mục. Trong những dịp nầy, để chuẩn bị cho Ngày Lễ Kỷ Niệm, tôi đã dành ra một năm trước đó, để suy tư và nhìn lại con đường mình đã đi qua, để so sánh con người và cuộc đời linh mục của mình bây giờ và trước đó 25 năm, và 40 năm . Đó là những điều mà hôm nay tôi muốn chia sẻ với các anh em linh mục của mình, đặc biệt với hai Cha Giuse NGUYỄN VIỆT HUY, và Giuse NGUYỄN VĂN LỪNG, nhân dịp Lễ Ngân Khánh Linh mục của các ngài.

I- VỀ NHỮNG CÁI NHÌN :

Ngày vừa mới được thụ phong linh mục, đôi con mắt vẫn còn trong và sáng, người ta thường cho rằng cần phải có cái nhìn minh bạch, rạch ròi : trắng là trắng và đen là đen, tốt là tốt và xấu là xấu, đúng là đúng và sai là sai, thật là thật và giả là giả, địch là địch và ta là ta, hay là hay và dở là dở, nguyên tắc là nguyên tắc ! Ranh giới giữa hai bên có vẻ như khá rõ ràng, minh bạch, không thể nào chung đụng hay dung nạp nhau được ! Người ta có khuynh hướng coi trọng nguyên tắc, luật lệ và sự thật hơn cả tình yêu thương và lòng bác ái, vì thế, đôi khi có những cung cách giải quyết hết sức nghiệt ngã, xúc phạm đến giáo dân và tha nhân cách nghiêm trọng !

Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những đụng độ, những va chạm, những mất mát và nhất là với những thất bại trong công tác mục vụ, đôi con mắt có lẽ cũng đã bắt đầu mờ đục, cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, người ta mới khám phá ra rằng ranh giới giữa chúng không hẳn bao giờ cũng thế ! Hay, nói theo ngôn ngữ của Hermann HESSE, trong tác phẩm “Câu chuyện của dòng sông”, “ranh giới giữa hạnh phúc và khổ đau chỉ như một sợi tơ mành” ! Từ đó, có thể người ta sẽ tỏ ra bao dung hơn, dễ dàng tha thứ hơn, dễ dàng khiêm tốn hơn, trước Thiên Chúa và tha nhân; từ đó người ta cũng có thể nhận ra rằng điều tối thiết trong cuộc sống không hẳn là nguyên tắc, luật lệ hay sự thật mà là tình yêu, và lòng bác ái ! Nhưng, cũng có thể vì thế người ra sẽ dần mất đi cảm thức tội lỗi, dần có khuynh hướng tương đối hóa tất cả mọi sự, mọi vấn đề !

II- VỀ NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN :

Ngày vừa mới được thụ phong linh mục, với tâm hồn phơi phới rộng mở, ngây thơ, người ta cứ nghĩ mình có thể vòng tay bao trùm và yêu thương cả thế giới loài người, tất cả mọi người ai cũng có thể là bạn ! Người ta hăm hở mở rộng trái tim của mình ra với tất cả mọi người ! Người ta muốn giao du với tất cả mọi người, mọi thành phần xã hội, mọi giới ! Cách ngây thơ, có vẻ như người ta cứ tưởng ai cũng như mình ! Có vẻ như người ta có thể tâm sự, trang trải lòng mình với tất cả mọi người !

Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những đụng chạm âm ỉ hay có khi nẫy lửa, với những hiểu lầm và ngộ nhận, với những phản bội của những người vốn thân thiết với mình, của giáo dân, của các đồng nghiệp, thậm chí cũng có khi cả của chính bề trên của mình, trái tim người ta xem ra như teo tóp lại, và lúc bấy giờ người ta mới nhận ra rằng hình như thế giới bao quanh mình đang ngày càng thu hẹp lại, nhỏ bé hơn nhiều so với điều mình hằng nghĩ tưởng ! Bạn bè ngày càng ít đi, kẻ thì “về chầu Chúa”, người thì bận rộn với những lo toan của mình ! Giới trẻ thì tìm cách xa lánh ! Con cháu vì không còn nhờ vả được gì, nên cũng từ từ xa lánh, lãng quên ! Thế giới dần dần co cụm lại chỉ còn quanh quẩn với một số ít người ! Điều đó có thể giúp người ta nhận ra được những giới hạn của mình, của kiếp người, kể cả sự bất lực của mình để từ đó càng đặt niềm tin cậy phó thác hoàn toàn nơi Thiên Chúa và chỉ một mình Ngài mà thôi ! Nhưng cũng có thể tình trạng đó sẽ đẩy người ta vào thế giới khép kín chỉ với một vài “đối tượng” nào đó thôi và nếu đó là bóng dáng của những bà Evà, thì tình hình sẽ lại càng hết sức phức tạp ! Hoặc người ta cứ mãi sống trong tâm trạng thường xuyên bất mãn với tất cả mọi người, thậm chí kể cả với chính bản thân mình !

III- VỀ NHỮNG KHẢ NĂNG CỦA MÌNH :

Ngày mới được thụ phong linh mục, người ta tin rằng tự mình mình có thể “đội đá vá trời”, làm được tất cả mọi thứ, không cần ai ! Và rồi người ta hăng say ra đi, hồn tràn ngập hân hoan và niềm hy vọng, miệng hát ca ! Người ta hùng hục làm việc, bất kể ngày đêm, bất kể những can ngăn góp ý của những người từng trải, kinh nghiệm và khôn ngoan !

Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những thất bại ê chề trong cuộc đời linh mục và công tác mục vụ, với vô vàn vô số những điều lực bất tòng tâm, lúc bấy giờ, hoặc có thể người ta khám phá ra sự yếu đuối, mỏng dòn của con người, dù đó là linh mục, để nhận ra rằng mình chẳng là gì cả, và tất cả chỉ là những hồng ân của Chúa ban cho, từ đó, người ta sẽ có thể khiêm tốn hơn, và dễ dàng nhận ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời của mỗi người hơn ! Nhưng, cũng có thể vì thế, người ta sẽ đâm ra thất vọng, chán nản, đối với bản thân mình, đối với tha nhân và có lẽ kể cả đối với Thiên Chúa và Giáo Hội; và đây sẽ là một tình trạng hết sức nguy hiểm, có thể tạo cơ hội dẫn người ta đến cuộc sống buông xuôi, phóng túng, bất kể dư luận !

IV- VỀ SỨ MẠNG ĐÍCH THỰC CỦA NGƯỜI LINH MỤC :

Ngày mới được thụ phong linh mục, với ngọn cờ lý tưởng trong tay, người ta hăng hái lên đường như một dũng tướng, với biết bao mộng ước và với niềm hy vọng thầm kín cứu độ cả và thế giới !

Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, với những mất mát, với những kinh nghiệm về những mẻ lưới thâu đêm chẳng thu hoạch được gì, với những thất bại ê chề trong cuộc đời linh mục và trong công tác mục vụ, cả một đời linh mục chẳng biết có cứu độ được ai không, nhưng bản thân mình thì nhiều lần có nguy cơ “mất mạng”. Người ta đã bỏ ra biết bao công sức, vất vả, nhưng con người và thế giới có vẻ chẳng có gì tiến bộ hơn. Đứng trước cái mênh mông của Thế giới, người ta mới nhận ra được mình nhỏ bé và bất lực làm sao ! Lúc bấy giờ, hoặc có thể từ đó người ta mới nghiệm ra rằng vai trò và sứ mạng đích thực của người linh mục không phải là cứu độ thế giới, bởi vì đó là vai trò và sứ mạng duy nhất và phổ quát của Đức Giêsu-Kitô, Con và Ngôi Lời Thiên Chúa làm người, Đấng đã thực hiện một lần trong lịch sử là đủ (xem Dt 7, 26-28), - mà sứ mạng hàng đầu và chủ yếu của người linh mục là loan báo Tin Mừng Cứu độ của Đức Kitô và làm chứng về Ngài cho muôn dân : vai trò của người linh mục là gieo hạt giống, còn việc hạt giống đó có mọc lên không, lúc nào, nơi nào, và như thế nào đó là việc của Chúa (xem Dụ ngôn nơi Mc 4, 26-29)! Nhờ xác tín như vậy, người ta sẽ có thể khiêm tốn hơn trước mặt Chúa và tha nhân ! Nhưng, cũng có thể vì thế mà người ta sẽ lâm vào tình trạng thất vọng ê chề, hết còn muốn tin tưởng vào ai và vào cái gì, cứ để mặc đời mình như “bèo dạt mây trôi”, như con thuyền không lái, sống không mục đích, không lý tưởng !

V- VỀ CĂN TÍNH CAO CẢ CỦA CON NGƯỜI LINH MỤC :

Ngày mới được thụ phong linh mục, người ta ngây ngất ngắm nhìn mình và được giáo dân ngắm nhìn qua những bản thánh ca ca tụng chức linh mục mà phần lớn là của những tác giả chưa kinh qua năm tháng nào của cuộc đời linh mục ! Trong khi để có thể là Thiên Chúa thật của con người, Đức Giêsu-Kitô đã phải làm thật là con người trước đã, thì đối với một số người có vẻ như người ta vẫn cứ nghĩ rằng mình có thể làm một một linh mục thật mà không cần phải thật là con người trước đã ! Với tâm trạng đó, trong khi căn tính linh mục là điều mà người ta đang là và sẽ là hơn là điều mà người ta đã là, người ta dễ dàng có những cung cách hành xử, những lời ăn tiếng nói, hoặc những phản ứng trịch thượng, thiếu khiêm tốn với giáo dân và những người mà người ta tiếp cận, thậm chí có khi cả với những anh em linh mục đáng tuổi cha chú của mình !

Nhưng, sau 25 năm, đặc biệt sau 40 năm cuộc đời linh mục, mình mẩy đầy thương tích, có khi là những vết thương trí mạng, hậu quả của những cuộc chiến đấu gian khổ bảo vệ đức khó nghèo, đức tuân phục và nhất là đức độc thân khiết tịnh, cùng với những lần sa ngã, những thất bại ê chề trong cuộc đời linh mục và trong công tác mục vụ, với những đụng chạm có khi nẫy lửa với bề trên, với anh em linh mục và với giáo dân, với những mặt tiêu cực của Giáo Hội, với những hiểu lầm ngộ nhận từ nhiều phía, người ta có thể có hai phản ứng : a) hoặc từ đó, người ta có thể hiểu ra rằng sự cao cả của con người linh mục không phải đến từ mình hay từ Giáo Hội, mà là một ân huệ tình yêu hoàn toàn nhưng của Thiên Chúa đối với mình, dù mình hoàn toàn chẳng có công trạng gì hết cả, và ân huệ nầy được chuẩn bị từ vĩnh hằng trong Đức Kitô, Con và Ngôi Lời nơi Mầu nhiệm Thiên Chúa-Ba Ngôi (người ta được gọi và được chọn từ khi người ta chưa được sinh ra làm người !), điều đó sẽ giúp cho người linh mục suốt đời sống trong tâm tình tri ân cảm tạ Thiên Chúa và tất cả mọi người; b) hoặc cũng có thể từ đó, người ta đâm ra nghi ngờ về chính căn tính linh mục của mình ! Và một khi người ta đã đánh mất căn tính linh mục của mình, người ta rất dễ dàng trở thành ác quỉ trong tương quan với Thiên Chúa, với Giáo Hội và với mọi người !

Để kết thúc bài chia sẻ nầy, tôi xin mạo muội gửi đến quí bạn Bài thơ mà tôi đã viết cách đây 15 năm khi tôi mừng Ngân Khánh Linh mục của mình, mang tên “Người chiến binh khờ” :

NGƯỜI CHIẾN BINH KHỜ

Chúa ôi ! Trong cuộc đời linh mục
Có nhiều lúc, con thấy nản lòng !
Ngày lại ngày là khoảng trống không
Con vất vả thâu đêm : vô ích !
Mẻ lưới cất lên, toàn trầm tích
Vỏ sò, vỏ hến và san hô…
Bao nhọc nhằn đêm trắng hư vô !
Bao gắng sức, chỉ toàn thất bại !
Con gieo lúa, mọc lên cỏ dại !
Con trồng hoa, cỏ cú mọc lên !
Con yêu thương, người lại ghét ghen !
Con hòa giải, người gây chia rẽ !
Với biết bao mỹ từ đẹp đẽ
Con đã dùng rao báo Tin Mừng
Nhưng, con người vẫn cứ dững dưng…
Giữa cuộc sống xô bồ hưởng thụ,
Con như chiến binh khờ bám trụ,
Dẫu quân thù đã ở bên trong !
Suốt cuộc đời, như kẻ hát rong
Miệng hát ca, bên trong nguội lạnh !
Con đã tham gia bao trận đánh,
Người trở về được thưởng chiến công,
Như dã tràng xe cát Biển Đông,
Con trở về, hai bàn tay trắng !
Thế mà Chúa mãi hoài im lặng !
Cứ như là chẳng có chuyện chi !
Bỗng, con nghe tiếng Chúa thầm thì :
“Ừ ! Đời ngươi quả nhiều thua thiệt !
Duy có một điều ngươi không biết :
Đó là ngươi vẫn mãi yêu Ta.
Ngươi đâu hay, đó mới thật là
Chiến công Ta vẫn hằng mong mỏi…”


Vâng, nói cho cùng, TÌNH YÊU mới chính là chìa khóa để có thể hiểu được cách chính xác nhất căn tính của con người linh mục. Được yêu thương hơn những người khác, vì thế, linh mục phải là con người yêu thương Đức Giêsu-Kitô, Hội Thánh, Thân Mình của Ngài và tha nhân hơn những người khác (xem Ga 21, 15-18). Yêu thương như Đức Giêsu-Kitô yêu thương (xem Ga 13, 34; 15, 12). Vâng, là linh mục, đơn giản chỉ thế thôi !

LỜI KINH CỦA MỘT LINH MỤC DỰA TRÊN TÁM MỐI PHÚC THẬT

1- Một cuộc sống “khó nghèo” : Lạy Chúa Giêsu, xưa, Chúa đã có những mối quan hệ thân tình với cả những người giàu cũng như người nghèo, nhưng, trong những cung cách hành xử, trong những phán đoán của mình, Chúa vẫn luôn là con người hoàn toàn tự do, không nô lệ ai và điều gì cả, xin Chúa giúp chúng con đừng bao giờ loại trừ ai, người giàu có cũng như kẻ nghèo hèn, và cũng đừng bao giờ lệ thuộc vào ai cả, bởi vì kẻ nghèo cũng như người giàu đều cần ơn cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu-Kitô…

2- Một con người hiền lành : Lạy Chúa Giêsu, xưa, đôi khi Chúa có la mắng, nặng lời với ai đó, thì đối tượng hầu hết là những kẻ giàu sang, có quyền thế và những hạng trí thức ngoan cố, lươn lẹo, còn đối với những người bất hạnh, nghèo khổ, bệnh tật hầu như Chúa luôn tìm cách an ủi, vỗ về, khuyến khích, chứ không bao giờ la mắng họ; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con biết có những lời ăn tiếng nói, những cung cách ứng xử hiền lành đối với tất cả những người nghèo khổ bất hạnh, kể cả anh chị em lương dân, khi họ cần và đến với chúng con để được giúp đỡ…

3- Biết lo nỗi lo của Giáo Hội và của tha nhân : Lạy Chúa Giêsu, xưa, suốt cả cuộc đời của mình Chúa luôn canh cánh lo toan cho những công việc của Chúa Cha, và của nhân loại; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con đừng bao giờ nhìn, đánh giá các con người, các biến cố, các sự việc của Giáo Hội và của thế giới qua đôi con mắt trần tục, hạn hẹp, vụ lợi và vị kỷ của chúng con, mà qua đôi con mắt của Chúa và lăng kích chiều kích phổ quát của Hội Thánh Kitô…

4- Một cuộc đời có lý tưởng, có định hướng và có hoài bảo cao cả : Lạy Chúa Giêsu, xưa, trong suốt cuộc đời trần thế của mình không một giây phút nào Chúa lơ là đối với lý tưởng đời mình là “làm sao cho Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” và đó chính là điều làm nên căn tính (hay là chính danh, hay là sự công chính) là Con của Chúa; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con đừng chỉ quanh quẩn với những giá trị chóng qua của thế gian nầy (như sắm xe đời mới, IPhone mới, IPad mới, đồng hồ mới, quần áo mới, nhà cao cửa rộng, những chai rượu đắt tiền, ăn uống, nhậu nhẹt say sưa…), mà biết hướng về những vấn đề cao cả hơn như Chúa đã sống, vốn là những điều làm nên căn tính linh mục đích thực của Chúa và của anh em chúng con…

5- Một con người giàu lòng thương xót : Lạy Chúa Giêsu, xưa, Chúa luôn yêu thương và giàu lòng thương xót đối với tất cả mọi người, không phân biệt, nghèo cũng như giàu, giáo cũng như lương; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con phản ảnh được cách trung thực lòng thương xót của Chúa nơi những lời ăn tiếng nói, nơi những hành vi, cử chỉ, nơi những cung cách ứng xử đối với bất cứ những ai đến với chúng con hay mà chúng con có dịp tiếp xúc, bởi vì chỉ có tình yêu mà biểu hiện tuyệt vời nhất là lòng thương xót mới có sức cảm hóa được lòng người…

6- Một con người trong sáng như pha lê trước Nhan Thánh Chúa và trước mặt mọi người : Lạy Chúa Giêsu, xưa, trong suốt hiện sinh cuộc sống trần thế của mình, Chúa hằng luôn trang trải lòng mình trước Tôn Nhan Cha của mình, cũng như trước mặt con người; nay, xin cho anh em linh mục chúng con cũng có cuộc đời trong sáng như pha lê trong tương quan với Chúa, với Giáo Hội và với tất cả mọi người, để nhờ đó có thể phản ảnh được chính Chúa, và khi nhìn vào và qua anh em linh mục chúng con, mọi người có thể nhận ra được phần nào dung mạo tình yêu của Chúa…

7- Một con người tác tạo hòa bình và hiệp nhất : Lạy Chúa Giêsu, xưa, để tác tạo hòa bình và hiệp nhất, Chúa đã sống cách tốt đẹp những mối tương quan với Chúa Cha, Chúa Thánh Thần, với Hội Thánh Kitô, với mọi người, với thiên nhiên vạn vật và với chính bản thân mình; nay, xin Chúa ban cho anh em linh mục chúng con biết sống tốt những mối tương quan “Thiên-Địa-Nhân hòa” nầy, vì đó là nguồn cội của mọi thứ hòa bình và hiệp nhất đích thực…

8- Một người tôi trung của Thập Giá : Lạy Chúa Giêsu, xưa, dù có khi cũng ngại ngùng, sợ hãi, và muốn trốn tránh, tháo lui, dù có lần cũng bị cám dỗ chạy theo con đường tìm kiếm vinh quang dễ dãi và chóng qua của thế gian, nhưng Chúa vẫn luôn trung thành với Con đường Thập giá mà Chúa Cha đã an bài cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đời trần thế; nay, xin Chúa giúp anh em linh mục chúng con mãi mãi trung thành với con đường thập giá mà mình đã lựa chọn, bằng cách ngày lại ngày, dù thuận hay nghịch, vui hay buồn, vác lấy những thánh giá của cuộc sống hằng ngày, vì đó chính là con đường mang lại vinh quang và hạnh phúc đích thực… AMEN.

Linh mục Phêrô NGUYỄN THIÊN CUNG.