Ngày 04-06-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chúa Thánh Thần Hiện xuống
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
04:18 04/06/2019
Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, năm C
Ga 20,19-23

Lễ Ngũ Tuần là một lễ lớn của người Do Thái. Lễ này quy tụ mọi người Do Thái tản mác khắp mọi nơi về Giêrusalem để tham dự lễ long trọng này. Đây cũng là lễ khai sinh một Giáo Hội truyền giáo, một Giáo Hội được mời gọi ra chỗ sâu để thả lưới, một Giáo Hội đi ra khỏi vỏ ốc của mình, đi tới các vùng ngoại biên để loan báo Tin Mừng.

Theo lời Chúa Phục Sinh hứa với các môn đệ :” Thầy ra đi thì ích lợi hơn cho các con…Đấng phù trợ là Thánh Thần sẽ đến “. Do đó, Nhóm mười một, các người phụ nữ đạo đức và Mẹ Maria, đang tụ họp cầu nguyện trên một căn phòng trong thành. Chúa Phục Sinh hứa khi về trời, Cha Người sẽ sai Thánh Thần đến với họ. Qủa thực, trong ngày Lễ Ngũ Tuần, các môn đệ, những người phụ nữ và Mẹ Maria đã vô cùng sung sướng lãnh nhận Chúa Thánh Thần. Dù rằng Thánh Thần không hề có hình dáng để cho họ chiêm ngưỡng. Nhưng dân chúng đông đảo từ khắp nơi tuôn đến, họ thuộc mọi thành phần, mầu da, tiếng nói. Đây quả là một ngày hội tụ của muôn dân. Thánh Thần như hình lưỡi lửa bổ xuống trên đầu họ. Các môn đệ của Chúa lúc đó tự nhiên nói được mọi thứ ngôn ngữ của nhiều dân tộc khác nhau trên thế giới. Việc nói được các ngôn ngữ theo như Sách Công Vụ Tông Đồ 2,1-11 là một ơn. Ơn nói được các ngôn ngữ là ơn của Chúa Thánh Thần. Việc nói được tiếng mẹ đẻ của các dân tộc là một ơn cao trọng vì như thế Tin Mừng dễ thấm nhuần vào tâm hồn của những người dân bản địa. Thánh Thần giúp liên kết mọi người lại với nhau dù họ thuộc mầu da, tiếng nói, văn hóa, xã hội khác nhau. Thánh Thần cũng biến Hội Thánh trở thành Hội Thánh của mọi dân tộc. Xưa hình ảnh câu chuyện tháp Babel cho chúng ta nhận ra điều này : ” Khi con người sống chia rẽ,không hiểu ý nhau thì công việc có dự tính mấy cũng sẽ thất bại “. Người xưa thường nói :” Mưu sự tại Nhân, thành sự tại Thiên “ là thế ! Con người có kế hoạch, có mưu kế, nhưng nếu trời không giúp, không tán thành thì chẳng bao giờ việc làm của con người có thể thành công được.

Lễ Ngũ Tuần khai sinh Giáo Hội loan báo Tin Mừng. Nên, bản chất của Giáo Hội là truyền giáo. Mỗi người chúng ta cũng được mời gọi truyền giáo. Chúa Phục Sinh nói :” Như Cha đã sai THầy, Thầy cũng sai anh em “. Nói thế rồi, Chúa sống lại thổi hơi vào các Tông Đồ và bảo :” Các con hãy nhận lấy THánh THần “ ( Ga 20, 21-22 ). Chúa Giêsu đã sinh ra tại Châu Á các đây hơn 2019 năm rồi. Lục địa Á Châu là một lục địa mênh mông rộng lớn với nhiều ngôn gữ, nhiều tôn giáo khác nhau. Lục địa này làm sao có thể nhận ra Chúa Giêsu, tin và đi theo Ngài. Đây là một vấn nạn lớn đặt ra cho toàn thể Hội Thánh. Ngôn ngữ hiểu được là bước đầu giúp con người nhận ra Chúa và tin theo Người:” Chúng ta đều nghe họ dùng tiếng nói của chúng ta mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa “ ( Cv 2, 11 ). Vấn đề đặt ra vẫn là ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa ! Chúng ta phải hiểu nhuần nhuyền ngôn ngữ của Á Châu, hiểu được những văn hóa, tập quán, phong tục vv của họ, chúng ta mới có thể trình bầy mạc khải cao sâu về Thiên chúa cho họ. Công việc này là công việc của Chúa Thánh Thần với sự cộng tác mật thiết của mọi thành phần dân Chúa. Công Đồng Vaticanô II do thánh Giáo Hoàng Gioan 23 triệu tập, được mệnh danh là Công Đồng của Chúa Thánh Thần. Đây là một lễ Ngũ Tuần mới trong thời đại mới.

Mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, chúng ta ghi nhớ ba điều sau đây:

-Lễ Ngũ Tuần là lễ khai sinh Hội Thánh truyền giáo. Đây là lễ hiệp nhất mọi dân tộc, mọi mầu da, mọi tiếng nói. Chúa Thánh Thần nối kết mọi người lại với nhau trong tình yêu duy nhất vì Thiên Chúa là tình yêu.

-Lễ Ngũ Tuần vẫn luôn tiếp nối trong đời sống của Hội Thánh vì Chúa Thánh Thần là hơi thở, là sức sống của Hội Thánh.

-Lễ Ngũ Tuần mời gọi mọi Kitô hữu trên toàn thế giới hãy hướng về lục địa Á Châu vì nơi đây chính Chúa Giêsu đã sinh ra cách đây 2019 năm. Đây là một lục địa mênh mông rộng lớn với một dân số đông đảo, với ngôn ngữ, văn hóa, phong tục, tập quán và là một lục địa đa tôn giáo. Chúng ta hãy cầu nguyện và cầu nguyện không ngừng để Danh Chúa được tôn vinh và nhiều người được biết Chúa và tin Chúa nơi lục địa này.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến đổi mới chúng con để chúng con luôn sẵn sàng và mau mắn loan báo Tin Mừng cho nhiều người chưa biết Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao các Tông đồ lại nói được nhiều thứ tiếng ?
2.Lễ Ngũ Tuần là lễ gì ?
3.Để đón nhận Chúa Thánh Thần, các tông đồ, những người phụ nữ đạo đức, và Đức Mẹ đã làm gì ?
4.Chúa Giêsu sinh ra ở lục địa nào ?
5.Chúng ta có cần Chúa Thánh Thần không ?
 
Thi ca suy niệm Tuần Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
08:35 04/06/2019
LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG. C
(Ga 20: 19-23)
LỄ HIỆN XUỐNG.


Chiều ngày thứ nhất trong tuần,
Cửa nhà đóng kín, thấm nhuần đau thương.
Sợ lo bắt bớ vấn vương,
Họp nhau cầu nguyện, tựa nương xum vầy.
Giê-su hiện đến nơi đây,
Bình an chúc phúc, chính Thầy hiện ra.
Xem tay lủng lỗ rách da,
Cạnh sườn đâm thấu, thứ tha tội đời.
Vui mừng xem thấy Ngôi Lời,
Phục sinh cõi chết, rạng ngời thánh nhan.
An bình ân sủng trao ban,
Sai đi khắp chốn, vạn ngàn khó nguy.
Thánh Thần đón nhận phát huy,
Các con tha tội, thực thi chữa lành.
Thứ tha tẩy sạch lòng thành,
Các con cầm tội, nhân danh Chúa Trời.
Tội kia cầm lại trong đời,
Khấn lòng thương xót, một thời sửa sai.
Hạ thân, Chúa chết vì ai?
Gọi người tội lỗi, mở khai tâm hồn.

Chúa Giêsu hoàn tất sứ mệnh dưới thế. Ngài hứa ban Thánh Thần như nguồn sinh lực để khai mở một hướng mới trong Giáo hội. Chúa Thánh Thần là nguồn mạch an ủi và khôn ngoan. Ngài đã biến đổi các môn đệ từ những con người nhút nhát và sợ sệt trở nên những nhân chứng can đảm. Các môn đệ không còn sợ hãi, không sợ bắt bớ, tù đầy, không sợ đau khổ và không sợ chết nữa.

Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý và nguồn sự sống. Khi tạo dựng muôn loài, Thiên Chúa đã thổi hơi sự sống vào thân xác các loài thụ tạo và các thụ tạo bắt đầu có sự sống. Hơi thở là sự sống. Khi tắt thở là chết. Mọi muông thú và con người đều cần có hơi thở để sống còn. Hơi thở là sự sống mà chúng ta lãnh nhận từ Chúa Thánh Thần.

Truyện kể vui: Có một cha sở bị bệnh nặng phải có bình dưỡng khí để tiếp thở. Bà giúp việc khóc lóc than van và lo lắng cho ngài. Cha xin bà làm cho ngài một việc. Bà nói thưa cha việc gì cũng được, miễn sao cha khoẻ. Cha nói: xin bà bước ra, bà đang đạp lên ống dưỡng khí của tôi, tôi không thể thở được. Khí rất cần cho sự sống. Mỗi giây phút cuộc đời, chúng ta lãnh nhận hồng ân của Chúa, đó chính là ơn sự sống.

Chúa Giêsu hứa với các môn đệ rằng: Thần Chân Lý sẽ đến dạy chúng con tất cả sự thật. Thần Chân lý là nguồn sự khôn ngoan không bao giờ vơi cạn. Như lời Kinh Thánh đã viết, đã trải qua mấy ngàn năm, nhưng lời Chúa vẫn như mới và vẫn còn tác động mạnh mẽ nơi tâm hồn. Với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần, lời Chúa có thể áp dụng mọi nơi, mọi thời và không bao giờ trở nên cổ hủ. Mỗi lần đọc lời Chúa, chúng ta suy niệm và sẽ có những thúc đẩy và hướng dẫn mới.

Thánh Phaolô viết rằng: Chúng ta không thể nói “Lạy Chúa” nếu không bởi ơn Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần tiếp tục hoạt động trong lòng Giáo Hội, luôn đổi mới và canh tân qua mọi thời đại. Ơn Chúa Thánh Thần giúp Giáo Hội tìm ra con đường thích hợp để thích ứng với cuộc sống mà không bị đi trong lầm lạc.

Chúa Giêsu đã thổi hơi và phán bảo: Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội cho ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại. Các Tông đồ không làm việc gì mà không do Thánh Thần thúc đẩy họ. Chúng ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần như nguồn sinh lực và bình an. Mỗi lần Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ, Chúa đều chúc: Bình an cho các con. Lời chúc đó mang lại sự bình an đích thực trong tâm hồn. Trong thánh lễ linh mục chúc: Bình an của Chúa hằng ở cùng anh chị em và anh chị em đi bình an.

THỨ HAI, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
(2Cor 1, 1-7; Mt 5, 1-12).
CHÚC PHÚC


Xuất hành lên núi loan tin,
Giảng bài Tám Mối, con xin nghe Ngài.
Tám điều phúc thật triển khai,
Tinh thần nghèo khó, bên ngai Nước Trời.
Hiền lành, công chính ở đời,
Thiên đàng no thỏa, cõi trời phúc vinh.
Đau buồn, thương xót hết mình,
Ủi an yêu mến, sinh linh rạng ngời.
Thuận hòa thương cảm giữ lời,
Làm con Thiên Chúa, cao vời cõi thiên.
Chứng nhân bách hại trung kiên,
Dù đời ghen ghét, phúc thiên mong chờ.
Ghét Thầy, vu khống nào ngờ,
Nhiều điều gian ác, xấu dơ ghép thành.
Vui mừng phần thưởng phúc lành,
Nước Trời cao trọng, ghi danh muôn đời.

THỨ BA, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
(2Cor 1, 18-22; Mt 5, 13-17).
MUỐI ĐẤT


Các con muối đất ướp đời,
Giữ gìn chất mặn, giúp người trần gian.
Nên gương nhân đức tỏa lan,
Rạng ngời ánh sáng, tràn lan mọi thời.
Sống đời gương mẫu cao vời,
Góp phần hành đạo, gọi mời tin yêu.
Yêu người yêu Chúa thật nhiều,
Bỏ qua tha thứ, mọi điều xấu xa.
Trần đời cám dỗ quỉ ma,
Nguyện cầu tỉnh thức, khỏi sa gian tà.
Giữ lời trung tín thật thà,
Thực hành sống đạo, xây đà đức tin.
Muối men ánh sáng cầu xin,
Hào quang dọi chiếu, ngắm nhìn trời cao.
Bao la tình Chúa dạt dào,
Suối nguồn ân phúc, tuôn trào thánh ân.

THỨ TƯ, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
(2Cor 3, 4-11; Mt 5, 17-19).
KIỆN TOÀN


Kiện toàn lề luật Nước Trời,
Giê-su hoàn tất, mọi lời tiên tri.
Chúa không hủy bỏ điều gì,
Tinh thần giữ luật, khắc ghi trong hồn.
Thực hành lẽ đạo ôn tồn,
Nội tâm sâu kín, nên khôn sống đời.
Hoàn thành khoản luật từng lời,
Dù rằng một chấm, gọi mời thực thi.
Ai mà dậy dỗ điều chi,
Dù là nhỏ mọn, tinh vi cao vời.
Người nào hủy bỏ luật Người,
Cho dù luật nhỏ, xa vời cõi thiên.
Yêu thương giới luật trước tiên,
Chu toàn Đức Ái, nối liền tin yêu.
Giới răn Luật Chúa cao siêu,
Dẫn đường đưa bước, thiên triều phúc ân.

THỨ NĂM, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
(2Cor 3, 15-4, 1.3-6; Mt 5, 20-26).
HÒA GIẢI


Sống đời công chính nội tâm,
Nước Trời rộng mở, giáng lâm tiến vào.
Luật điều chớ đổ máu đào,
Giết người phạm tội, khơi mào ác nhân.
Chúa rằng nên sống khoan nhân,
Đừng vì phẫn nộ, nợ nần yêu thương.
Con người cuộc sống vô thường,
Không chê khùng ngốc, mở đường khinh khi.
Bất bình gây gỗ làm chi,
Hãy mau hòa giải, từ bi dịu dàng.
Dung hòa tâm trí bình an,
Tránh xa ngục tối, dẫn đàng khổ đau.
Hơn thua thắng thiệt qua mau,
Tâm an hồn lặng, cùng nhau giãi bày.
Cảm thông tha thứ vui lây,
Yêu thương kết nối, dựng xây tình người.

THỨ SÁU, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
(2Cor 4, 7-15; Mt 5, 27-32).
TRONG SẠCH


Ngoại tình phạm lỗi thất trung,
Điêu ngoa gian dối, tín trung chẳng còn.
Vợ chồng chung thủy sắt son,
Gia đinh êm ấm, cháu con xum vầy.
Giê-su Chúa dậy điều này,
Ước ao phạm tội, sa lầy trí tâm.
Ai nhìn người nữ tà dâm,
Ngoài tình tâm trí, âm thầm sướng vui.
Mắt con vấp phạm, thà đui.
Chỉ còn một mắt, an vui Nước Trời.
Nếu tay phạm tội cắt rời,
Một phần chi thể, mất đời phúc vinh.
Toàn thân hỏa ngục cực hình,
Hy sinh cắt bỏ, thiên linh vọng chờ.
Tinh yêu Thiên Chúa vô bờ,
Ban nguồn sinh phúc, hưởng nhờ thánh ân.

THỨ BẢY, TUẦN 10 THƯỜNG NIÊN
(2Cor 5, 14-21; Mt 5, 33-37).
LỜI THỀ


Lời thề đoan hứa tin nhau,
Bội thề phá hết, thương đau mất tình.
Chúa thương chỉ dậy tâm linh,
Đừng thể chi cả, thanh minh sống đời.
Đất trời ngai bệ cao vời,
Trên ngai Thiên Chúa, cõi trời linh thiêng.
Đền thờ Chúa ngự thiêng liêng,
Ngai vàng đất thánh, cõi riêng tôn thờ.
Đầu con quí giá vô bờ,
Thiên tài phú bẩm, ban sơ tạo hình.
Nhớ rằng sự thật hữu tình,
Có thì nói có, ánh minh chan hòa.
Không rằng không có, bỏ qua,
Nói thêm nói bớt, điêu ngoa làm gì.
Nói lời sự thật kiên trì,
An bình cứu độ, khắc ghi lòng người.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:32 04/06/2019
28. Nếu chị muốn trở thành thánh nữ thì không khó đâu, chỉ cần có Đức Chúa Giê-su ở trong ý hướng của chị là đủ rồi. (Thánh nữ Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")

-----------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:37 04/06/2019
33. TÍNH SỢ MÃN THẨU

Có người đầy tớ rất đói bụng, theo chủ nhân lên kinh thành thấy trong chợ có bán mãn thẩu, bèn giả bộ hét lớn và đi phía sau.

Chủ nhân kinh ngạc hỏi chuyện gì, đầy tớ nói:

- “Tui rất sợ mãn thẩu cho nên chóng mặt mà té”.

Sau khi về nhà, chủ nhân bèn nghĩ đến điều ác và muốn làm cho đầy tớ sợ mãn thẩu để cười chơi, bèn bỏ mười mấy cái bánh mãn thẩu trong phòng trống, sau đó đem tên đầy tớ bỏ vào trong phòng và đóng cửa lại.

Rất lâu sau đó, cũng không nghe tên đầy tớ lên tiếng, ông ta bèn nhè nhẹ mở cửa, vừa nhìn vào thì thấy mãn thẩu đã bị ăn hết một nửa, ông ta bèn đi vào và hỏi nguyên nhân.

Đầy tớ cười nói:

- “Không biết tại sao hôm nay lại đột nhiên không sợ mãn thẩu nữa ?”

Chủ nhân tức giận nói:

- “Mày còn cái gì phải sợ nữa ?”

Đầy tớ trả lời:

- “Không có, bây giờ chỉ còn sợ hai ly nước trà nữa mà thôi !”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 33:

Có những người lỡ phạm một tội trọng rồi thì cho rằng trên đời này không có gì phải đáng sợ nữa, thế là họ đi vào con đường tội lỗi dần dần xa cách Thiên Chúa.

Tội lỗi thì đáng sợ thật, nhưng cái đáng sợ hơn, đó là biết mình phạm tội mà vẫn cứ sống trong tội không chịu hối cải, đó chính là cái đáng sợ nhất của người Ki-tô hữu, biết mình phạm tội nhưng vẫn cứ sống trong tội mà không ăn năn hối cải cầu xin lòng thương xót của Thiên Chúa, thì đúng là cái đáng sợ nhất vậy.

Có nhiều người đã nhiều lần sợ tội nhưng họ vẫn cứ phạm tội, bởi vì họ quá chú trọng đến tội mà không nghĩ đến tình yêu của Thiên Chúa có thể biến đổi họ trở thành con người mới, nếu họ thật lòng hối cải ăn năn...

Cho nên xét cho cùng, cái đáng sợ nhất không phải là tội, nhưng chính là tâm hồn của chúng ta vắng bóng tình yêu của Thiên Chúa, đó là cái lo sợ nhất của chúng ta vậy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)

------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

https://nhantai.info
 
Tác động của Thánh Thần nơi các Tín hữu
Lm Đan Vinh
18:21 04/06/2019
Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống
Cv 2,1-11 ; 1 Cr 12,3b-7.12-13 ; Ga 20,19-23

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý CHÍNH: CHÚA PHỤC SINH TRAO BAN THẦN KHÍ

Chúa Ki-tô Phục Sinh đã hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c.19) và niềm vui (c.20). Sau đó Người sai các ông đi (c.21a), cũng như chính Người đã được Chúa Cha sai (c.21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ vụ, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (c.22). Từ đây các ông được hiệp thông quyền năng gây sự sống của Thánh Thần để tha tội hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin vào lời rao giảng của các ông (c.23).

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: +Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng thế, ngày thứ Nhất là ngày sau Sa-bát. Đây chính là ngày kỷ niệm Chúa Giê-su từ cõi chết sống lại. Từ đây, các Ki-tô hữu sẽ luôn họp nhau vào các ngày thứ nhất trong tuần và gọi là Chúa nhật nghĩa là “Ngày của Chúa”. +Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do nhà các môn đệ phải cửa đóng then cài, là vì tinh thần các ông đang hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt các ông như họ đã làm đối với Thầy Giê-su. + Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị không gian và thời gian giới hạn như khi Người còn sống. +“Bình an cho anh em!”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc ban bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). +Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh bị đóng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu nơi cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là thân xác đã từng trải qua cuộc khổ nạn trước đó.
- C 21-23: +Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ đi sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ vụ loan Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh được siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11) và được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người lại sai các môn đệ ra đi để làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và trở thành chứng nhân của Người (x. Cv 1,8). +Người thở hơi vào các ông +và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để trở thành một người sống động là ông A-dam (x. St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên con người mới, đầy ân sủng sự sống của Thánh Thần. Tuy nhiên ngay lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần ban, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần và dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Đến ngày lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được Chúa Phục Sinh ban đã phát huy tác động trên các ông (x. Cv 2,1-4). +Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ vụ của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và đã đặt trọn niềm tin nơi Người (x. Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội nhờ Thánh Thần.

4. CÂU HỎI:

1) Sau khi sống lại, tại sao Chúa Giê-su lại cho môn đệ xem tay và cạnh sườn ?
2) Người đã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào ?
3) Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các ông ?
4) Các ông chỉ thực sự được ơn Thánh Thần tác động khi nào ? Tại sao ?
5) Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội cầm buộc cho các ông qua câu nói nào?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG CHƯƠNG TRÌNH CỨU ĐỘ:

Một phóng viên đã đặt câu hỏi với một chuyên viên Kinh Thánh như sau: Nếu nhờ khoa học tiến bộ, người ta sáng chế ra được một máy quay phim ngược thời gian. Máy này có thể thu lại tất cả hình ảnh và lời giảng dạy của Chúa Giêsu cách đây hơn 2000 năm. Vậy bộ phim ấy có thể thay thế được bốn sách Tin Mừng không? Nhà chuyên viên trả lời: Không thể được, bởi vì đức tin không do mắt thấy tai nghe, nhưng là do Thánh Thần tác động qua lời rao giảng của Hội Thánh.
Thực vậy bọn biệt phái ngày xưa đã từng nhìn thấy Chúa, nghe lời Chúa giảng, chứng kiến những việc Chúa làm thế mà họ không những không tin mà còn thù ghét và cuối cùng đã đóng đinh Người vào thập giá. Còn các tông đồ mặc dù đã theo Chúa, nhưng cũng chỉ thực sự có đức tin và dám sống chết cho Ngài sau biến cố tử nạn và phục sinh nhờ ơn Thánh Thần tác động vào lễ Ngũ Tuần.

2) THÁNH THẦN GIÚP CÁC TÍN HỮU HIỂU RÕ Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG:

Một nhà văn Thụy Điển đã thuật lại một câu chuyện ngụ ngôn như sau:

Một hôm một nhà hiền triết kia đi lang thang trong rừng, miệng không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống? Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết hốt hoảng và chạy trốn khỏi khu rừng để không còn nghe tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn chưa được giải quyết.
Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Cũng vậy, Chính Chúa Thánh Thần luôn điều hành vũ trụ vạn vật nói chung và loài người nói riêng. Không có Chúa Thánh Thần thì mọi sự sẽ trở nên hỗn độn, mọi loài sẽ thành bất đồng, loài người sẽ chia rẽ nhau.

3) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG CUỘC ĐỜI MẸ TÊ-RÊ-SA CAN-QUÝT-TA.

Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng đang lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với sứ mệnh chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang bị bỏ rơi và hấp hối sắp chết trên các hè phố tại thành phố Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ vụ của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ vụ chuyên lo phục vụ những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào công việc đầu tiên là đi tìm mướn nhà để có nơi phục vụ họ, đang khi trong túi chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn!

Nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã hiện diện trên khắp thế giới. Qua đó cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội thánh.

4) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG MỘT CỘNG ĐOÀN GIÁO XỨ:

Tại một giáo xứ ở miền Si-ci-li-a, thuộc miền Nam nước Ý, có một tập tục khá ngộ nghĩnh và lý thú. Mỗi năm vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, sau bài Tin Mừng, cha xứ ra lệnh thả ra trong nhà thờ một con chim bồ câu tượng trưng cho Chúa Thánh Thần. Khi con chim câu nầy đậu xuống trên vai hay đầu ai thì người ấy không được tránh né hoặc đuổi đi, vì đó là dấu chỉ được Chúa Thánh Thần tác động và phải quyết tâm thực hiện một công tác cụ thể, to hoặc nhỏ tùy theo khả năng, để chứng tỏ đã làm theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần.

Lịch sử giáo xứ ấy có ghi lại một giai thoại như sau:

Một lần chim câu đã đậu xuống trên vai ông hiệu trưởng. Kết quả là ông đã quyết tâm thực hiện được một cuốn sách giáo khoa rất có giá trị dành cho học sinh.
Lần khác, chim câu đáp xuống trên đầu một vị công tước trong vùng, khiến ông mở lòng xây dựng một hệ thống dẫn nước phục vụ công cộng gọi là “hệ thống dẫn nước Chúa Thánh Thần”.
Có một linh mục trẻ được sai đến làm chính xứ thay thế cha xứ già về hưu. Dù không tán thành nhưng cũng chưa dứt khoát bỏ đi tập tục đã thành truyền thống kia. Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống đầu tiên ở xứ mới, vị linh mục trẻ vẫn cho giữ thông lệ thả chim câu, nhưng ra lệnh mở hết tất cả các cửa chính và cửa sổ với hy vọng là chú chim câu sẽ bay ra ngoài để tung cánh vào bầu trời cao rộng. Trớ trêu thay, sau khi bay lượn vài vòng từ đầu này đến đầu kia của nhà thờ, chim câu đã đáp xuống vai phải của cha xứ mới trong tiếng vỗ tay vang dội của giáo dân. Phải hứa làm gì cụ thể bây giờ đây? Sau khi suy nghĩ, cha xứ mới đã tuyên bố sẽ đầu tư mọi khả năng và thời giờ của mình để phục vụ giáo xứ. Và sau đó ngài đã giữ đúng lời đã hứa.

5) THÁNH THẦN LÀM CHÚNG TA NÊN MỘT VỚI THIÊN CHÚA:

Thánh Gioan Thánh Giá dùng một hình ảnh tuyệt vời để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống các tín hữu chúng ta là cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa.
Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được. Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.

3. THẢO LUẬN:

1) Phân biệt Thánh Thần và thiên thần giống và khác nhau thế nào ?
2) Ngày nay các tín hữu nhận được ơn Thánh Thần khi nào ?
3) Mỗi tín hữu chúng ta phải làm gì để được Thánh Thần tác động noi gương các Tông đồ trong lễ Ngũ Tuần ?

4. SUY NIỆM:

1) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TRONG CUỘC ĐỜI ĐỨC GIÊ-SU ?:

Về việc đầu thai của Đức Giê-su, Hội thánh đã tuyên xưng đức tin như sau: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Nghĩa là chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Đức Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn. Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin mừng, Người đã đến xin Gio-an làm phép rửa bằng nước tại sông Giođan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần như chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện 40 đêm ngày và chịu ma quỉ thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10). Rồi trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời bắt đầu từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Cũng nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã hớn hở vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21). Rồi sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần, Người đã hiện ra chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), tiếp tục sứ vụ của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ vụ ấy (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm buộc tội người ta nữa (x. Ga 20,23).

2) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO TRONG HỘI THÁNH ? :

Thời Hội thánh sơ khai, Thánh Thần đã tác động biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu thấu mọi điều Chúa đã dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng muốn thối lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui và hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã thâu nạp được nhiều người có lòng sám hối đến xin chịu phép Rửa nhân danh Đức Giê-su (x. Cv 2,41). Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà cộng đoàn tín hữu đầu tiên luôn sống hiệp thông, siêng năng tham dự lễ Bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ đó số tín hữu gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).

Ngày nay Chúa Thánh Thần tiếp tục giúp Hội thánh chu toàn sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su. Đặc biệt Thánh thần soi sáng cho các vị chủ chăn để có khả năng chu toàn ba sứ vụ do Đức Giê-su trao: Một là sứ vụ Ngôn sứ để công bố Tin mừng Nước Trời. Hai là sứ vụ Tư tế để thánh hóa các tín hữu bằng các phép bí tích do Chúa Giê-su thiết lập. Ba là sứ vụ Vương đế để chăn dắt và phục vụ đòan chiên Hội thánh. Do đó, khi Đức Giáo hòang triệu tập Công Đồng mà công bố điều gì về đức tin và luân lý thì sẽ được ơn bất khả ngộ không thể sai lầm, vì ngài luôn được Thánh Thần soi sáng, như Công đồng Giê-ru-sa-lem vào năm 49 đã ra quyết nghị với câu mở đầu khẳng định như sau: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định” (Cv 15,28).

Ngày 28 tháng 10 năm 1958, Đức Hồng Y Angelo Giuseppe Rollcali lên ngôi giáo hoàng lấy tước hiệu Gioan 23. Một ông lão không tiếng tăm lên lãnh đạo Giáo hội, nhiều người nghĩ rằng sẽ chẳng có gì mới với một ông lão gần đất xa trời. Thế nhưng, ông lão này đã làm nên một kỳ diệu được coi là lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống lần thứ hai khi Ngài triệu tập công đồng Vaticano II để canh tân Giáo Hội. Thiên Chúa vẫn tiếp tục làm những việc kỳ diệu cho dân Người. Chúng ta hãy hân hoan bước đi trong niềm tín thác vào Chúa. Và với lòng cậy trông chúng ta cùng thưa lên cùng Chúa Thánh Thần: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến thánh hoá chúng con trong chân lý và tình thương”. Amen

3) THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG THẾ NÀO NƠI CÁC TÍN HỮU HÔM NAY ? :

Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ tác động nơi các tín hữu như sau.
+ Thánh Thần ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp các tín hữu nên tốt lành thánh thiện giống như Chúa Giê-su. Thánh Phao-lô đã kể ra bảy ơn Thánh Thần ban như sau : khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).
+ Thánh Thần sẽ ban sự sống của Thiên Chúa, biến các tín hữu nên trưởng thành về đức tin, thể hiện qua việc kết hiệp mật thiết với Chúa Giê-su và can đảm làm chứng cho Người (x Ga 6,63). Thực vậy, nhờ ơn Thánh Thần, các tín hữu chúng ta sẽ có thể hiểu biết đầy đủ về đức tin và thực hành theo lời Chúa Giê-su day, như Người đã hứa với các môn đệ: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).
+ Thánh Thần sẽ cho các tín hữu chúng ta tham phần vào ba sứ vụ cứu độ của Chúa Giê-su là ngôn sứ, tư tế và vương đế để rao giảng Tin Mừng, thánh hóa và phục vụ dân Chúa. Chúng ta sẽ được tham phần vào sứ vụ làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói việc làm và bằng lối sống bác ái quên mình, quảng đại chia sẻ cụ thể và khiêm nhường phục vụ tha nhân vô vụ lợi… nhờ những việc lành đó, anh em lương dân sẽ dễ dàng nhận biết, tin thờ Thiên Chúa như lời Đức Giê-su đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

4) CẦN CỘNG TÁC VỚI ƠN THÁNH THẦN:

Sở dĩ nhiều tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội và thêm sức, nhưng vẫn sống theo tính xác thịt là do họ mới chỉ chịu phép rửa bằng nước mà chưa được ơn tái sinh bời Thánh Thần. Điều chúng ta cần phải làm là tránh xúc phạn đến Thánh Thần và biết mở lòng để Ngài tác động thánh hóa:
+ Tránh tội xúc phạm đến Thánh Thần: Cần tránh thói kiêu ngạo cứng lòng tin như các kinh sư Do thái xưa (x Mc 3,30). Đó cũng là tội của ma quỷ muốn chống lại ơn cứu độ của Thiên Chúa như lời Đức Giê-su đã quở trách dân Do thái như sau: "Các ngươi lắng tai nghe mà chẳng hiểu, trố mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Vì lòng dân này đã ra chai đá, họ đã bịt tai nhắm mắt lại, kẻo mắt thấy được, tai nghe được, và lòng chúng hiểu được mà hối cải, và Ta lại chữa chúng cho lành" (Mt 13,14-15; Is 6,9-10). Do cố tình từ chối ơn cứu độ của Thiên Chúa ban qua Chúa Giê-su, nên họ đã xúc phạm đến Thánh Thần và sẽ không bao giờ được tha (x Mc 3,29).
+ Các hành động thuộc về xác thịt đối nghịch Thánh Thần và hoa trái của Thần Khí: Ngày nay khi chịu phép rửa tội, các tín hữu đã nhận được sự sống của Chúa Giê-su. Tuy nhiên chúng ta vẫn còn bị tội lỗi ngăn cản chúng ta đón nhận ơn Thánh Thần do các dục vọng, đam mê xác thịt, tham vọng cá nhân, tinh thần thế tục… Chúng giống như những con vi trùng len lỏi vào linh hồn làm mất dần sự sống thần linh trong chúng ta. Khi ấy, linh hồn chúng ta trở nên suy nhược, không còn sức chống trả các cơn cám dỗ của ma quỷ, không còn tha thiết làm các việc tốt lành. Thánh Phao-lô đã liệt kê 14 hành động xấu làm băng hoại con người chúng ta như sau: "Dâm bôn, ô uế, phóng đãng, thờ quấy, phù phép, hận thù, bất hoà, ghen tương, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, ganh tỵ, say sưa" (Gl 5,19-21). Mỗi người chúng ta cần phải xin ơn Thánh Thần, giúp chúng ta loại bỏ lối sống tội lỗi theo xác thịt, lối suy nghĩ ích kỷ tự mãn thuộc về thế gian, để có thể sống hy sinh quên mình, nhiệt thành dấn thân phục vụ Thiên Chúa và tha nhân. Thánh Phao-lô đã gọi những điều này là “hoa trái của Thần Khí” và được liệt kê như sau: "Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ" (Gl 5,22-23).
+ Mở lòng đón nhận ơn Thánh Thần: không ai có thể nắm bắt được Thần Khí, cũng không ai có thể mua chuộc được Thánh Thần. Tin Mừng Gio-an viết “Gió muốn thổi đâu thì thổi, ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu tới và thổi đi đâu” (Ga 3,8). Muốn nhận được ơn Thánh Thần, mỗi tín hữu chúng ta cần noi gương các Tông đồ khi xưa: tĩnh tâm cầu nguyện kết hiệp với Đức Ma-ri-a như sách Công Vụ ghi nhận: “Tất cả các ông đều đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14). Mỗi ngày hãy năng cầu xin Thánh Thần mau ngự đến thánh hóa chúng ta bằng lời cầu như sau: “Lạy Chúa Thánh Thần. Xin hãy ngự đến canh tân lòng trí chúng con”.
+ Xin được ơn đổi mới trong Chúa Thánh Thần: Từ khi đón nhận ơn Chúa Thánh Thần trong lễ Ngũ Tuần, các tông đồ đã được đổi mới: Trước đó các ông còn nhút nhát sợ hãi, thì nay đã nên mạnh dạn hăng hái. Trước kia các ông ít học, u mê vì không hiểu rõ Lời Chúa dạy, thì nay các ông đã được hiểu rõ ý nghĩa của Lời Chúa và nhiệt tình loan báo Tin Mừng cho tha nhân thuộc mọi thành phần, dân tộc với nhiều ngôn ngữ khác biệt… đang tề tựu tại Thủ đô Giê-ru-sa-lem. Trước kia lòng các ông còn chứa đầy thói ích kỷ tự ái cao, “tham lam, sân giận, mê si”, hay tranh giành địa vị cao thấp… thì nay các ông chỉ nghĩ đến việc rao giảng Tin Mừng Nước Thiên Chúa, sẵn sàng hy sinh cả mạng sống để làm chứng cho Chúa “tại Giê-ru-sa-lem, trong toàn cõi Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất”. Chính nhờ ơn Thánh Thần mà các ông đã được đổi mới để chỉ sống vì Chúa và cho Chúa mà thôi. Mỗi người chúng ta cũng hãy xin Chúa Thánh Thần canh tân lòng trí, để giúp chúng ta nên chứng nhân của Người, chu toàn sứ vụ mà Người đã trao cho Hội thánh trước khi lên trời: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi lo âu sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu của Thánh Thần trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ vụ được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ của Hội Thánh.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. - Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

 
Sứ Mạng Chứng Nhân
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
20:25 04/06/2019
Lễ Hiện Xuống

Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống, bài đọc 1 kể: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho… mà loan báo những kỳ công của Thiên Chúa” (Cv 2, 1-4).

Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy, tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất.” (Cv 1, 8).

Với sức mạnh của Thánh Thần, Thánh Phêrô và các Tông Đồ đã ra đi rao giảng Tin Mừng cho đến tận cùng trái đất. Trong mọi thời đại, bằng mọi ngôn ngữ, Giáo Hội khắp thế giới tiếp tục tuyên xưng những kỳ công Thiên Chúa và kêu gọi các dân tộc, các quốc gia tiến đến với đức tin, hy vọng và cuộc sống mới trong Đức Kitô.

1. Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần

Chúa Giêsu nói đến sứ vụ làm chứng của Chúa Thánh Thần: “Là Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha, Người sẽ làm chứng về Thầy. Cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em từng ở với Thầy ngay từ đầu” (Ga 15, 26-27). Làm chứng cho Chúa Giêsu chỉ có thể thực hiện trong quyền năng của Chúa Thánh Thần, chứ không thể chỉ bằng sức lực của con người.

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI nói rằng, Chúa Thánh Thần là Linh hồn của Giáo hội và nếu không có Chúa Thánh Thần, Giáo hội sẽ chỉ là một tổ chức nhân đạo (x. huấn từ trưa Chúa Nhật 31-5-2009). Sách Công vụ các Tông đồ đã minh chứng hùng hồn về điều ấy: Chúng tôi xin làm chứng cùng với Thánh Thần là… (Cv 5, 32); Thánh Thần và chúng tôi quyết định là…(Cv 15,28).

Thánh Phaolô, một tông đồ đầy kinh nghiệm về Thánh Thần đã sống và đã nói : “Tôi nói, tôi giảng mà chẳng có dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn, nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thần Khí và quyền năng Thiên Chúa” (1Cr 2,4); “Giờ đây, bị Thần Khí trói buộc, tôi về Giêrusalem, mà không biết những gì sẽ xảy ra cho tôi ở đó, trừ ra điều này, là tôi đến thành nào, thì Thánh Thần cũng khuyến cáo tôi rằng : xiềng xích và gian nan đang chờ đợi tôi.” (Cv 20,22-23).

Thời đại hôm nay, Giáo hội toàn cầu và mỗi Giáo hội địa phương phải đương đầu và đối phó với nhiều vấn nạn và thách thức gay go mà thế giới và thực tế cuộc sống gợi nên. Xử lý tình huống và chọn lựa một hướng đi phù hợp với tin mừng cứu độ của Đức Giêsu chẳng đơn giản chút nào. Dù rằng trong Giáo hội không thiếu những con người tầm cỡ, khôn ngoan, đạo đức và thức thời. Nhưng khởi động, diễn biến và kết thúc mọi vấn đề vẫn luôn là, và phải là tác động của Thánh Thần. Bằng không đó chỉ là sự ‘khôn ngoan đối đáp người ngoài’ theo lẽ tự nhiên của “một tổ chức nhân đạo”, chứ không phải của Giáo hội Chúa Kitô. Chính “Thần Khí mới làm cho sống, chứ xác thịt chẳng có ích gì” (Ga 6,63). Tuy dù Thánh Thần và Giáo hội có phải công bố hay lên tiếng những điều ngược với lỗ tai người đương thời, kể cả người tin hay không tin, nhưng cuối cùng vẫn chính là : “Thánh Thần và chúng tôi quyết định !”.

Làm chứng trong quyền năng Thánh Thần, tất cả đều được gợi hứng và thúc đẩy bởi giáo huấn của Hội Thánh và Tin Mừng của Chúa Giêsu.

2. Giáo hội tiếp nối sứ mạng Chúa Giêsu

Chúa Giêsu là Người Con có kinh nghiệm trọn vẹn về tình yêu của Chúa Cha, biết rõ ý muốn của Chúa Cha, biết rõ chương trình cứu độ của Chúa Cha. Ngài là chứng nhân trung thành của Chúa Cha, chỉ nói những điều Chúa Cha muốn, thi hành những điều Chúa Cha truyền dạy.

Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống. Chúa Thánh Thần tiếp nối sứ mạng chứng tá của Chúa Giêsu, cùng với Giáo hội và trong lòng Giáo hội.

Sứ mạng làm chứng của Giáo hội luôn luôn thể hiện cùng với và trong Chúa Thánh Thần. Giáo hội đã được Chúa Phục Sinh thổi hơi vào và trao ban Thánh Thần. Chúa Thánh Thần từ đó luôn ở với Giáo hội và trong Giáo hội. Giáo hội đã luôn nổ lực làm chứng cho Chúa Giêsu, trải dài suốt hai nghìn năm lịch sử, trải qua những thăng trầm những phong ba bão táp của trần thế.

3. Sứ mạng làm chứng của người kitô hữu:

Mỗi người Kitô hữu được sinh ra nhờ phép rửa ở trong lòng Giáo hội và được xức dầu thánh một cách đặc biệt trong Bí tích Thêm sức, được lãnh nhận Chúa Thánh Thần để thông phần sứ mạng làm chứng của Giáo hội.

Trong Bí tích Thêm Sức nhận lãnh, không những các ơn Chúa Thánh Thần, mà là chính Chúa Thánh Thần được ban cho chúng ta như một sức mạnh từ trên cao, như là “Thần lực của Thiên Chúa”. Đó là sức mạnh của Tình yêu mạnh hơn sự chết biểu lộ nơi Sự Sống lại của Chúa Giêsu, sức mạnh của Chân lý và Sự Thật. Đó là sức mạnh cuốn hút của cái Đẹp không phai tàn của Thiên Chúa, của cái Đẹp thần linh tiềm ẩn trong mọi cái đẹp đích thực.

Kitô hữu phải là con người biết lắng nghe, lắng nghe Thiên Chúa và lắng nghe con người để qua sự hỗ trợ của các phương tiện truyền thông, sứ điệp Tin mừng được lan xa. Các phương tiện truyền thông xã hội như sách báo, phim ảnh, thi ca, nghệ thuật, sân khấu, tuồng kịch, thánh nhạc, kiến trúc, hội họa, truyền thanh, truyền hình, internet…đều có tầm ảnh hưởng lớn đối với công cuộc truyền thông Tin Mừng trong thời đại hôm nay.

Giáo Hội luôn thao thức những vấn đề của thời đại mình đang sống. Chúa Thánh Thần là ngọn gió thổi các cánh buồm của Giáo Hội hướng đến đại dương của “nền văn hóa mới” này. Có Chúa Thánh Thần đồng hành và hướng dẫn, chúng ta trở nên những chứng nhân của Chúa Giêsu đem Tin Mừng đến khắp muôn nước muôn dân.

4. Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho Thiên Chúa Tuyệt Mỹ

Chúa là Chân Thiện Mỹ, nên sức mạnh của Chân Thiện Mỹ là “Thần Lực” của chính Chúa. Muốn làm chứng cho Chúa là Chân Thiện Mỹ, phải có Thần lực của Chúa. Nếu chúng ta có sức mạnh của Chúa để làm chứng cho Ngài, thì đó là làm chứng chứng cho Thiên Chúa là cội nguồn của Chân Thiện Mỹ.

Có thể diễn tả nét đặc trưng: các Giám mục, Linh mục là những chứng nhân cho chân lý; những người làm việc bác ái xã hội làm chứng cho sự thiện; Nhạc sĩ, Ca sĩ làm chứng cho cái đẹp.

Chiêm ngắm và diễn tả vẽ đẹp thần linh có tác dụng làm cho con người say mê. Những nghệ sĩ chân chính như các nhạc sĩ, ca sĩ, thi sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc, kiến trúc sư hay cả những biên đạo múa…đều là những người phục vụ cho cái đẹp, cũng là những chứng nhân rất cần thiết cho thế giới. Dĩ nhiên trong thế giới nghệ thuật, cũng như trong mọi lãnh vực khác của cuộc sống, vẫn có những phản chứng từ, có thể có tác dụng huỷ hoại tâm linh con người, như những thứ âm nhạc kích thích lòng tà dâm, những phim đồi truỵ, các thứ phim ảnh bạo lực…

Khi yêu những bông hoa, dòng suối, núi non, biển cả, chúng ta chìm vào trong thiên nhiên, ca hát ngợi khen Thiên Chúa cùng với các tiếng nói đa dạng của thiên nhiên, đó là làm chứng cho Thiên Chúa Đấng Tuyệt Mỹ.

Nhạc sĩ là chứng nhân cho vẻ đẹp thần linh. Nhạc sĩ viết thánh ca phụng vụ cùng chung mục đích với phụng vụ là tôn vinh Thiên Chúa và thánh hoá con người.
Thánh nhạc phải thánh thiện vì nó có nguồn gốc là thánh, kèm theo lời ca của phụng vụ thánh, kèm theo những tác động thánh của phụng vụ và vì đó là lời cầu nguyện của dân Chúa.Thánh nhạc được viết vì phụng vụ.Nhạc sĩ viết thánh ca để giúp người khác cầu nguyện. Lời của những bài thánh ca sử dụng chính thức trong phụng vụ luôn là lời cầu nguyện của Giáo hội. Như vậy người sáng tác thánh ca phải cầu nguyện mà sáng tác ra. Nếu như Linh mục cầu nguyện để soạn bài giảng thì Nhạc sĩ cầu nguyện để viết thánh ca. Một bài thánh ca hay được tạo ra bởi 2 lần cầu nguyện: người sáng tác cầu nguyện và người hát cầu nguyện, đựơc như vậy thì hát hay là cầu nguyện 2 lần.
Ca đoàn hát lễ cũng hát trong cung cách cầu nguyện. ĐGH Urbanô nói rằng: Nhạc là vì lễ chứ không phải lễ vì nhạc.Trong thông điệp “ Đấng Trung Gian”, ĐGH Piô XII đã viết “Ước gì tiếng hát toàn dân vang lên tới trời”. Giáo hội muốn giáo dân tham dự tích vào phụng vụ và thánh ca là lời cầu nguyện của dân Chúa.

“Hiến Chế Thánh Nhạc Trong Phụng Vụ” số 121, nói đến vai trò các nhạc sĩ Công Giáo. Ngoài kiến thức chuyên môn, Giáo hội đòi hỏi các nhạc sĩ những tiêu chuẩn cơ bản là nhạc sĩ phải có đời sống Kitô hữu đích thực thể hiện qua đức tin mạnh mẽ, đời sống đạo đức và tinh thần cầu nguyện. Nhạc sĩ sáng tác trong lúc cầu nguyện, không chỉ trong nhà thờ mà mọi nơi mọi lúc, nhạc sĩ chân chính có thể cầu nguyện để viết thánh ca.
ĐGH Piô X cũng dạy rằng: Thánh nhạc phải thánh, phải loại bỏ những gì là phàm tục không phải chỉ nơi bản chất thánh nhạc mà cả nơi người sáng tác và cách thể hiện.
Thánh nhạc đòi hỏi rất nhiều nơi các nhạc sĩ. Nhưng thực tế của cuộc sống với biết bao khó khăn. Phải bôn ba để nuôi sống gia đình, ít khi được quan tâm. Nhạc sĩ làm việc âm thầm vì Chúa vì Giáo hội. Đổi lại sự lao nhọc trong công việc, nhạc sĩ có nhiều niềm vui và hạnh phúc nơi các đứa con tinh thần của mình. Nhiều người đón nhận, nhiều Nhà thờ, nhiều cộng đoàn hát thánh ca của mình để tôn vinh Thiên Chúa, ca ngợi Đức Mẹ, các Thánh, đó là phần thưởng lớn lao cho nhạc sĩ sáng tác.

Nếu như cách loan báo Tin mừng Tình yêu hay nhất và hữu hiệu nhất của người Kitô hữu là loan báo bằng cuộc sống yêu thương và phục vụ thì Nhạc sĩ loan báo Tin mừng bằng những bài thánh ca đựơc viết khi cầu nguyện; dấn thân phục vụ trên con đường nghệ thuật cao quý. Nhạc sĩ làm chứng nhân cho cái đẹp thánh thiện nâng tâm hồn con người lên với Thiên Chúa Tuyệt Mỹ.

Ở đâu có Thần Khí là ở đó bừng lên niềm vui. Mùa xuân làm cho vạn vật bừng dậy màu xanh sự sống. Thần Khí làm cho mọi tâm hồn tràn đầy sức sống mới. Gioan Tẩy Giả "nhảy mừng trong lòng mẹ". Đức Maria hát lên bài ca Magnificat. Các Mục đồng hớn hở đi Bêlem. Các Tông Đồ trở nên những con người mới. Các Thánh Tử Đạo hiên ngang tiến ra pháp trường. Các Nhạc sĩ, Ca sĩ sống chứng nhân cho cái đẹp, loan báo Tin Mừng Phục Sinh trên mọi nẻo đường phục vụ.







 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhân dịp ngày mai khởi diễn vụ Đức Hồng Y Pell kháng án, cập nhật tin tức liên quan đến việc ngài bị kết án tù vì tội ấu dâm đã lâu năm
Vũ Văn An
01:38 04/06/2019
Ngày mai, theo thông báo, vụ xử kháng án của Đức Hồng Y Pell sẽ được trực tiếp truyền hình khắp thế giới, y như phiên kết án ngài. Thành công hay không, không ai biết được vì bầu khí hỗn loạn vẫn đang ngự trị trên dư luận đối với Đức Hồng Y.



Trong vụ kết án Đức Hồng Y, George Weigel (The Pell case: Developments down under) hoàn toàn đổ lỗi cho bồi thẩm đoàn, phần nào bào chữa cho chánh án Kidd, người lên án ngài hơn 6 năm tù. Weigel nói rằng trong các luận chứng kết án của ông, Chánh án Kidd chưa bao giờ nói rằng ông đồng ý với bồi thẩm đoàn, ông chỉ làm nhiệm vụ chánh án của ông thôi.

Weigel viết: “tuy thế, bồi thẩm đoàn, một bồi thẩm đoàn có thể đã làm ngơ các chỉ dẫn của quan tòa xử án về việc phải giải thích bằng chứng ra sao, đã đưa ra phán quyết đồng thanh kết tội”.

Và ông cho rằng việc lật ngược lại phán quyết của tòa dưới không dễ dàng vì các quan tòa lần này vẫn chịu cùng một sự điên loạn của công chúng và giới truyền thông như lần trước. Nhưng họ cũng biết danh tiếng của hệ thống pháp lý Úc tùy thuộc vụ kháng án này. Nên ông hy vọng họ sẽ có can đảm làm đúng trong khi tòa dưới nhát đảm làm sai.

Phần Đức Hồng Y Pell, Weigel cho hay: ngài chứng tỏ một sự trầm tĩnh đáng nể và một tinh thần lạc quan chỉ có thể có từ một lương tâm trong sáng... những ai vào tù với ý định làm người bạn của mình tươi vui lên cho hay chính họ được Đức Hồng Y làm cho tươi vui và được an ủi. Đây có thể là người theo gương Giám Mục John Fisher và Ngài Thomas More thời Henry VIII bách hại Giáo Hội tại Anh thế kỷ 16.

Weigel có nhắc đến sự tương đồng của vụ án Pell ở Úc và câu truyện được tờ Rolling Stone phổ biến về các cáo buộc lạm dụng ở Philadelphia.

Chứng từ vay mượn

Nhưng, chỉ mấy tuần sau khi Đức Hồng Y Pell bị kết án tù vì tội ấu dâm đã lâu năm, tạp chí văn học và bình luận thời sự Quadrant ở Sydney, một tạp chí có sự đóng góp của các nhân vật nổi tiếng của xã hội Úc, như Les Murray, Peter Ryan, Heinz Arndt, Sir Garfield Barwick, Frank Brennan, Ian Callinan, Hal Colebatch, Peter Coleman, Sir Zelman Cowen, Anthony Daniels, Joe Dolce, David Flint, Lord Harris of High Cross, Paul Hasluck, Dyson Heydon, Sidney Hook, A. D. Hope, Barry Humphries, Clive James, John Kerr, Michael Kirby, Frank Knopfelmacher, Peter Kocan, Christopher Koch, Sir Ninian Stephen, Tom Switzer, cũng như Bob Hawke, John Howard, Tony Abbott, Mark Latham và John Wheeldon, đã nói đến sự tương đồng ấy trong chi tiết qua một bài viết của tổng biên tập Keith Windschuttle tựa là “The Borrowed Testimony that Convicted George Pell” (chứng từ vay mượn đã kết tội George Pell).

Chứng từ vay mượn ấy trích của Sabrina Rubin Erdely, “The Catholic Church’s Secret Sex-Crime Files”, Rolling Stone, 15 September 2011, nội dung như sau:

“Billy” là một học sinh 10 tuổi tại trường St. Jerome năm 1998, và là một cậu bé giúp lễ giống như anh trai của mình trước đó. Một đứa trẻ ngọt ngào, dịu dàng với vẻ ngoài điển trai, Billy là người rất thân mật thoải mái và rất được ưa thích. Một buổi sáng, sau khi giúp lễ, Linh mục Charles Engelhardt bắt gặp Billy trong phòng áo nhà thờ nhấm nháp rượu vang còn sót lại. Tuy nhiên, thay vì nổi giận, vị linh mục rót thêm rượu cho Billy. Theo đại bồi thẩm đoàn, ông ta còn cho em xem một số tạp chí khiêu dâm, hỏi cậu bé xem những bức ảnh này khiến em cảm thấy như thế nào và liệu em có thích những hình ảnh của đàn ông hay đàn bà khỏa thân không. Ông ta nói với Billy rằng đã đến lúc trở thành một người đàn ông và họ sẽ sớm bắt đầu các “phiên” gặp gỡ của họ. Một tuần sau, Billy biết Engelhardt muốn nói gì. Sau thánh lễ, vị linh mục bị tố cáo là mơn trớn cậu bé, mút dương vật của cậu ta và ra lệnh cho Billy quỳ xuống và mút dương vật của ông ta - gọi cậu là “con trai” trong khi hướng dẫn cậu di chuyển đầu nhanh hơn hoặc chậm hơn - cho đến khi Engelhardt xuất tinh. Vị linh mục sau đó đã đề nghị một “phiên” khác, nhưng Billy đã từ chối và Engelhardt đành chịu vậy.

Windschuttle cho rằng giữa câu chuyện lạm dụng tình dục ở Philadelphia, Hoa Kỳ, và chứng cớ nêu ra bởi một người tố cáo duy nhất trong vụ xử ở tòa Victoria, Úc, nhằm kết tội Đức Hồng Y George Pell, không có sự khác biệt gì cho lắm.

Vụ ở Hoa Kỳ nói là diễn ra năm 1998 và người phạm tội là một linh mục Công Giáo chứ không phải một Tổng Giám Mục. Có hai cậu bé ở phòng áo lễ Melbourne sau thánh lễ, chứ không phải một như ở Philadelphia. Tuy nhiên, các chi tiết khác của lời tố cáo thì khá giống nhau.

Không bản ghi chứng từ của người vô danh tố cáo Đức Hồng Y Pell được công bố nhưng chính chứng từ thì được trình bầy tại tòa nhưng một phần diễn từ của Công Tố Viên được nhà báo của Đài ABC là Louise Milligan trích dẫn trong cuốn sách của cô tựa là Cardinal: The Rise and Fall of George Pell (2017, revised edn. 2019). Nó chứa đựng các chi tiết của việc lạm dụng tình dục mà người tự coi là nạn nhân – người mà Milligan gọi là “Cậu Bé” (the Kid) trong trích đoạn dưới đây từ cuốn sách, mô tả trước tòa.

Hồi tháng 12 năm 1996, khi ca đoàn từ Thánh lễ Chúa Nhật do Tổng Giám mục Pell chủ tế đang rời khỏi thánh đường, hai cậu bé của ca đoàn rời đoàn rước và đi về phía phòng áo lễ “để kiếm một số trò đùa tinh nghịch”. Họ tìm thấy một chút rượu lễ ở đó và bắt đầu nốc ừng ực. Milligan viết tiếp:

Nhưng không lâu sau đó các cậu bị lôi thôi vì hành động này. Cậu Bé sẽ nói với cảnh sát rằng chính Tổng Giám mục đã hỏi các cậu đang làm chi và cho rằng các cậu đang gặp rắc rối. Cậu nói Pell sau đó đến gần các cậu. Ông rút dương vật của mình ra... Ông đẩy [Cậu Ca Viên, tức cậu bé kia] sang một bên và bắt cậu cúi xuống trước mặt ông. Công tố viên Mark Gibson sau đó giải thích rằng Hồng Y Pell lúc ấy ở thế đứng... “Vì vậy, theo [Cậu Bé] Hồng Y Pell đã đặt một tay lên sau đầu [Cậu Ca Viên] còn bàn tay kia đặt ở khu vực bộ phận sinh dục của mình. [Cậu Bé] thấy đầu [Cậu Ca Viên] được hạ xuống phía bộ phận sinh dục của Hồng Y Pell. Tất cả điều này xảy ra không quá một hoặc hai phút. Hồng Y Pell sau đó chuyển sang [Cậu Bé]... Hồng Y Pell ở thế đứng và ông ta đẩy đầu [Cậu Bé] xuống một vị trí nơi [Cậu Bé] đang cúi hoặc quỳ. [Cậu Bé] sau đó được đẩy tới dương vật cương cứng của Hồng Y Pell đến nỗi Hồng Y Pell nằm trong miệng [Cậu Bé]. Hành động mút hoặc làm tình bằng miệng này kéo dài trong một thời gian ngắn được [Cậu Bé] ước tính là một vài phút. Các bạn sẽ được nghe kể rằng Hồng Y Pell sau đó dừng lại và bảo [Cậu Bé] cởi quần ra. [Cậu Bé] đứng thẳng lên. [Cậu Bé] kéo quần hoặc tụt quần xuống và cả quần lót của cậu nữa theo chỉ dẫn... Hồng Y Pell lúc đó bắt đầu rờ mó bộ phận sinh dục của [Cậu Bé]... Trong khi rờ mó bộ phận sinh dục của [Cậu Bé], Hồng Y bị tố cáo cũng rờ mó bộ phận sinh dục của chính ông”. Sau một vài phút, Tổng Giám mục đứng dậy. Các cậu bé trở về phòng mặc áo của họ.

Vụ Philadelphia đã được viết trong tạp chí Rolling Stone vào tháng 9 năm 2011, trước khi cảnh sát Victoria bắt đầu điều họ gọi là “cuộc hành quân rà lưới” (trawling operation), chống lại George Pell, hy vọng tìm được ai đó làm chứng chống lại ngài. Như thanh tra thám tử Paul Sheridan của Cảnh sát Victoria nói với phiên điều trần để xử Pell, họ bắt đầu hoạt động vào năm 2013 để xem liệu ngài có phạm tội nghiêm trọng nào mà chưa được tường trình hay không, nhưng người khiếu nại chỉ xuất hiện vào tháng 6 năm 2015. Nói cách khác, câu chuyện của Rolling Stone đã được lưu hành trong hai năm trước khi một phiên bản Úc được cung cấp cho cảnh sát.

Vì vậy, đâu là cái nhiên của sự kiện bằng chứng được đưa ra ở Úc không phải là một trình thuật chân thực về những gì đã xảy ra ở Melbourne mà là một bản sao của một câu chuyện đã được công bố trên báo chí và trực tuyến? Dưới đây là những điểm tương đồng giữa các cáo buộc ở Mỹ và ở Úc:

# Cả hai trường hợp lạm dụng tình dục xảy ra trong phòng áo lễ sau Thánh lễ Chúa Nhật.
# Trong cả hai trường hợp, các nạn nhân đã uống rượu họ tìm thấy trong phòng áo lễ.
# Cả hai cậu bé đều giúp việc cử hành Thánh lễ.
# Linh mục mơn trớn bộ phận sinh dục của cả hai cậu bé.
# Cả hai cậu bé đều buộc phải quỳ xuống trước linh mục.
# Cả hai cậu bé đã buộc thực hiện việc mút dương vật của linh mục
# Cả hai cậu bé được coi là nạn nhân là các nhân chứng duy nhất làm chứng cho công tố tại tòa án; lời lẽ của họ chống lại lời lẽ của các linh mục.

Sự khác biệt duy nhất giữa bằng chứng của Mỹ và bằng chứng của Úc là trình thuật về cuộc gặp gỡ lần thứ hai, mà các cậu bé cho biết đã diễn ra “một vài tháng sau đó” tại thành phố Philadelphia và “chừng một tháng sau đó” ở Melbourne. Trong phiên bản Mỹ, một linh mục khác can dự vào, dẫn cùng một cậu bé vào phòng áo lễ, bảo cậu cởi quần áo và sau đó mút dương vật cậu. Trong phiên bản Úc, Pell bị cáo buộc đã thấy cậu bé ở hành lang phía sau nhà thờ, buộc cậu phải dựa vào tường và mơn trớn bộ phận sinh dục của cậu.

Tuy nhiên, hai câu chuyện gần y hệt như nhau đến nỗi khả năng phiên bản Úc là bản gốc là hoàn toàn không hợp lý. Có quá nhiều điểm tương đồng trong hai câu chuyện đến nỗi chúng không thể được giải thích bằng sự trùng hợp. Kết luận không thể tránh được là:

“Cậu Bé” đã lặp lại một câu chuyện mà cậu đã tìm thấy trong một tạp chí - hoặc lặp lại một câu chuyện mà người nào khác đã tìm thấy cho cậu trên các phương tiện truyền thông - do đó, dẫn dịch câu truyện của cậu về những gì Pell đã làm từ chứng cớ đưa ra trong một phiên tòa ở Hoa Kỳ bốn năm trước đó. Nói tóm lại, lời khai đã kết án George Pell là một sự giả mạo. Điều này không có nghĩa người tố cáo đã cố tình tạo hoẹt ra nó. Cậu đã có thể tiến tới chỗ tự thuyết phục mình tin những biến cố này xảy ra thực, hoặc một nhà trị liệu nào đó có thể đã giúp cậu “phục hồi” trí nhớ. Nhưng bất kể các niềm tin của người tố cáo có chân thành đến đâu, điều đó vẫn không làm cho chúng thành sự thật, nhất là khi có quá nhiều bằng chứng khác chống lại chúng.

Có một chút nghi ngờ rằng nếu các thành viên của bồi thẩm đoàn trong vụ án Pell, đã được thông tri về các tương đồng đáng ngạc nhiên giữa hai phiên bản, một số người trong số họ hẳn đã có những câu hỏi nghiêm túc về tính chân thực của nhân chứng. Kết quả sẽ một là một bồi thẩm đoàn ngang ngửa thứ hai hoặc một phán quyết không có tội.

Vậy tại sao không có điều gì trong số này được công bố công khai tại Úc trước đây? Mặc dù tôi là một nguời duyệt tìm (browser) khá thấu đáo các phương tiện truyền thông Úc, tôi đã không được nghe chi tiết nào về câu chuyện của Mỹ cho đến khi một độc giả của Quadrant, là Richard Mullins, cảnh báo tôi về bài báo của tạp chí Rolling Stone. Tuy nhiên, bài báo đó đã không bị chôn vùi trong một văn khố nào đó bị lãng quên. Rolling Stone là một tạp chí của Mỹ dành cho văn hóa đại chúng, nhắm vào thiếu niên và những người trưởng thành trẻ tuổi. Nó đã xuất bản một phiên bản Úc từ năm 1970 cho đến khi đóng cửa vào tháng 1 năm 2018. Tại Hoa Kỳ, những lời cáo buộc được đưa ra bởi “Billy Doe” đã tạo được các hàng tít lớn khắp nước vào năm 2011. Dưới tên thật của anh ta là Daniel Gallagher, anh được nhận diện là một người tố cáo có lời khai đã dẫn hai linh mục Công Giáo và một giáo viên trường học vào nhà tù, cũng như Đức ông William Lynn, thư ký của Tổng giáo phận Philadelphia phụ trách các giáo sĩ. Việc bỏ tù nhà quản trị Công Giáo cấp cao này về tội che chở các giáo sĩ phạm tội dưới quyền được các tờ báo Mỹ xem là bằng chứng thối nát sa đọa lên đến đỉnh cao của phẩm trật Công Giáo. Cảnh sát và văn phòng chánh án quận, những người điều tra và khởi tố các vụ án xuất hiện như những anh hùng trên các phương tiện truyền thông tin tức chính thống của Mỹ.

Tuy nhiên, vào năm 2016, Newsweek đã dành một bài viết dài đến 5000 chữ của Ralph Cipriano cho vụ tai tiếng.

Bài báo trên một phần nhằm vạch trần chủ nghĩa dùng báo chí để tranh đấu của tác giả tạp chí Rolling Stone, Sabrina Rubin Erdely, sau câu chuyện cũng tai tiếng không kém của cô về một sinh viên Đại học Virginia, người đã tuyên bố vào năm 2014, cô bị bảy người đàn ông hãm hiếp kiểu bề hội đồng trong một bữa tiệc ở trường đại học. Câu chuyện “nam tính gây độc hại” đó đã nổi bật trên các hàng tít lớn báo chí và truyền hình trong nhiều tuần, cho đến khi trò đánh lừa của người tự cho là nạn nhân bị lộ tẩy. Sau đó, Rolling Stone bị một số thanh niên kiện về tội phỉ báng.

Cipriano của Newsweek cũng rất lưu ý đến việc tiết lộ nền chính trị địa phương đằng sau các vụ đụng độ pháp lý sau đó về diễn tiến tố tụng trong các vụ lạm dụng tình dục của giáo hội giữa thẩm quyền tư pháp tiểu bang Pennsylvania và chưởng lý quận Philadelphia. Các phiên tòa xét xử các giáo sĩ vẫn là các tin tức trên trang nhất ở tiểu bang trong ba năm vì nhiều kháng cáo các vụ án đã đảo ngược các bản án ban đầu, dẫn đến việc xử lại, đảo ngược các bản án và tranh chấp liên tiếp giữa tòa án và chính phủ.

Newsweek cũng cho biết họ có thông tin đáng tin cậy cho hay Tổng giáo phận Philadelphia đã trả cho Gallagher khoản bồi thường 5 triệu đô la. Đến thời điểm này, tư cách nhân chứng đáng tin cậy của Gallagher đã bị nghi ngờ. Tạp chí tìm thấy một loạt các bất nhất giữa bằng chứng anh ta đưa cho cảnh sát và lời khai cuối cùng của anh ta trước tòa. Anh ta là một kẻ buôn bán ma túy và kẻ trộm vặt nổi tiếng với cảnh sát và đã bị bắt sáu lần với tội danh loại này. Các luật sư bào chữa Công Giáo lập luận rằng Chưởng lý quận đã dành cho Gallagher “lối đối xử trải thảm đỏ” vì anh ta là một trong số ít người được coi là nạn nhân bị lạm dụng tình dục mà cáo buộc của họ còn nằm trong thời tiêu (statute of limittions) địa phương, có nghĩa là có thể nộp đơn kiện giáo hội.

Nói cách khác, rất khó có khả năng câu chuyện về “Billy Doe” không được những người ở Úc liên quan đến vụ truy tố George Pell biết đến. Cảnh sát ở Victoria, những người từng săn đuổi Pell, và tâm trí chắc chắn đã được định chỉnh sẵn đón nhận bất cứ điều gì có thể hỗ trợ cho việc truy tố ngài, hẳn đã ý thức rõ thành công mà các đối tác của họ ở Philadelphia đã hưởng được cả từ sự hỗ trợ của chưởng lý quận Seth Williams, người sau đó bị kết án năm năm tù về tội hối lộ không liên quan, và tường thuật rộng rãi của các phương tiện truyền thông. Điển hình Mỹ nói với những người ở Victoria rằng họ đang trên đường đua chiến thắng.

Còn truyền thông Úc thì sao? Họ đã đưa ra rất nhiều tường thuật về Ủy ban Hoàng gia điều tra các Đáp ứng Định chế đối với việc Lạm dụng Tình dục Trẻ em nhưng ít đề cập đến sự kiện này: các phát hiện và giải thích các biến cố ở Úc đang bước theo các vết mòn của các cuộc điều tra ở nước ngoài, như tôi đã trình bày trong chuyên mục của tôi trong số tháng Tư của Quadrant.

Vị anh thư hiện tại của các phương tiện truyền thông tin tức đang đeo đuổi câu chuyện này là Louise Milligan, người có cuốn sách bán chạy nhất là Cardinal, và các tường thuật đặc biệt của riêng cô về các chương trình truyền hình 7.30 Four Corners trên đài ABC. Ấn bản mới nhất của cuốn sách của cô liệt kê số lượng giải thưởng mà tác phẩm này đã giành được cho cô: Giải thưởng Sách Walkley, hai giải thưởng Quill từ Câu lạc bộ Báo chí Melbourne, Giải thưởng Phóng viên Luật của Sir Owen Dixon Chambers, giải thưởng Civic Choice của Giải Thưởng Văn Học Melbourne. Ấn bản mới cũng nhận được nhiều khen ngợi từ một loạt các nhà báo và tác giả cánh tả: Annabel Crabb, David Marr, David Armstrong, Peter Fitzsimons, Kate McClymont, Quentin Dempster, Michaela Bond, Derryn Hinch, Yvonne Rance, Gerard Windsor, cộng với lời tựa của tiểu thuyết gia / nhà sử học Tom Keneally, người nói rằng Pell nhận được những gì ông xứng đáng vì “ông là một người tân bảo thủ đáng chú ý”, người “đã hoài nghi sự thay đổi khí hậu”, và “chỉ nêu ra sự phản đối ngầm đối với chính sách tầm trú tàn bạo của chính phủ liên bang”.

Milligan có biết các tương đồng giữa bằng chứng của “Billy” và và “Cậu Bé” không? Không có gì trong cuốn sách của cô, hoặc bất cứ điều gì cô ấy đã viết mà tôi biết đến, cho thấy rằng cô ấy biết. Cô ấy dường như hoàn toàn tối mịt về dây nối kết Mỹ này. Vì vậy, theo như tôi thấy, cô ấy không thể bị buộc tội dẹp bỏ thông tri để làm cho vụ việc của mình trở nên hợp lý hơn.

Tuy nhiên, một nhà báo điều tra có thực chất sẽ không để ra ngoài việc xem xét chiều kích nước ngoài cho câu chuyện này. Vì vậy, điều mà Milligan có thể bị buộc tội nhiều nhất trong việc săn đuổi một tâm một trí con mồi của mình, là thiếu khả năng trong việc không điều tra các chiều kích trọn vẹn của câu chuyện trong nhiều tháng cô làm việc với nó. Điều này cuối cùng phải là nguồn bối rối cho những người đã tắm gội cô bằng các giải thưởng, và cho tất cả những người trong danh sách các nhà văn bợ đỡ các kỹ năng báo chí của cô trong những trang đầu của cuốn sách.

Tuy nhiên Cảnh sát Victoria ở một vị trí khác hẳn. Họ có mọi lý do để biết cả dây nối kết Mỹ lẫn giữ im lặng về nó, kẻo nó phá hỏng vụ án của họ. Luật sư Công Giáo Frank Brennan và Pell trong những giai đoạn đầu của bi kịch này đều cho rằng cảnh sát rò rỉ thông tin cho các phương tiện truyền thông. Nhà triết học và nhà thần học, Chris S. Friel, trong một cuộc khảo sát pháp lý đầy ấn tượng về vụ án trên trang mạng Academia của Anh, đã cho rằng cảnh sát dấn thân vào một chiến lược dài hạn để từ từ làm giảm uy tín công cộng của Pell và bện nó vào các tin tức quảng bá rầm rộ do Ủy ban Hoàng gia tạo ra. Friel rất sáng suốt trong những gì các bằng chứng có sẵn cho thấy tại thời điểm ấy, ông viết:

Có thể phản bác rằng chính ý tưởng cho rằng cảnh sát Victoria cố tình tạo ra một vụ đánh trống lảng chỉ là một lý thuyết âm mưu. Quả thật, đó chỉ là một giả thuyết, dựa trên bằng chứng hoàn cảnh và tôi sẽ không tranh biện rằng nó được chứng minh vượt quá sự nghi ngờ hợp lý. Nhưng nó không phù hợp với các sự kiện, và vì vậy cung cấp một lý do để nghi ngờ liệu người khiếu nại có nói sự thật vượt quá sự nghi ngờ hợp lý hay không... Còn về vấn đề “âm mưu”, chúng ta nhớ lại rằng chính Milligan gợi ý về một âm mưu: vì, theo Cậu Bé, Pell không phải là mối đe dọa duy nhất; một người đàn ông giấu tên và nguy hiểm nào đó đang tìm kiếm người cung cấp thông tin, và đó là lý do tại sao người này nài nỉ nhà báo rằng cô nên tiếp tục cuộc điều tra của cô.

Nếu Úc vẫn có bất cứ nhà báo điều tra có thực chất nào, thì đâu đó, phải có một người sẵn sàng theo dõi những tin dẫn vào tận bụng các hoạt động của cảnh sát Victoria để tìm hiểu điều gì đang thực sự xảy ra trong tất cả các thời gian này. Trong khi đó, George Pell vẫn ở trong tù cho đến khi ngài kháng cáo vào tháng 6, vì bị kết án một cách bất công và bị mất danh dự một cách bất công.
 
Tuyên bố của Tổng thống Hoa Kỳ nhân kỷ niệm 40 năm Đức Gioan Phaolô II trở về thăm Ba Lan
Đặng Tự Do
13:52 04/06/2019
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Hôm 2 tháng 6 năm 2019, Tòa Bạch Ốc đã công bố tuyên bố sau đây của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nhân kỷ niệm 40 năm lần đầu tiên Đức Gioan Phaolô II trở về thăm Ba Lan. Nguyên bản tiếng Anh của Tòa Bạch Ốc có thể xem tại đây: Presidential Message in Commemoration of the 40th Anniversary of Pope John Paul II’s First Pilgrimage to Poland. Dưới đây là bản dịch sang Việt Ngữ.

Vào ngày này, chúng ta kỷ niệm 40 năm Thánh lễ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II cử hành ngày 2 tháng 6 năm 1979, tại Warsaw, khai mạc chuyến thăm chín ngày tại Ba Lan đã thay đổi tiến trình lịch sử của nhân loại. Khi chúng ta nhớ lại cuộc đấu tranh lâu dài của người dân Ba Lan chống lại chủ nghĩa cộng sản, chúng ta công nhận rằng hàng bao nhiêu triệu người hiện đang được sống tự do là nhờ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II và cuộc sống phi thường của ngài như một môn đệ của Chúa Giêsu Kitô và một nhà vô địch đấu tranh cho phẩm giá con người và quyền tự do tôn giáo.

Trong bài giảng bốn mươi năm trước, Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã gửi một thông điệp hy vọng mạnh mẽ đến đông đảo dân chúng tập trung tại Warsaw, cũng như đến tất cả người dân Ba Lan và toàn thế giới. Lời nói của ngài thẳng thắn chống lại các thế lực đàn áp của chủ nghĩa cộng sản trên khắp Ba Lan và phần còn lại của Âu châu. Ngài đã truyền cảm hứng cho lòng can đảm trong con tim của hàng triệu người nam nữ để mưu tìm một cuộc sống tốt hơn, và tự do hơn.

Hôm nay, chúng ta kỷ niệm thời khắc lịch sử này và tái khẳng định cam kết của chúng ta phải bảo đảm sao cho tự do luôn chiếm ưu thế. Hoa Kỳ và các đồng minh của chúng ta đoàn kết chống lại xiềng xích của chủ nghĩa cộng sản. Chúng ta phải là một ngọn hải đăng của tự do và thịnh vượng trên toàn thế giới.

Melania hiệp với tôi tưởng nhớ Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã có những diễn từ sâu sắc khuấy động tâm hồn người dân Ba Lan và cuối cùng đã giúp phá bỏ Bức màn sắt của chủ nghĩa cộng sản ở Âu Châu. Xin cho chúng ta có thể tiếp tục được củng cố bởi những lời nói của ngài và lời mời gọi của ngài hướng đến lòng thương xót vô biên, sức mạnh và vinh quang Thiên Chúa.

Bối cảnh chuyến tông du Ba Lan của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II



Năm 1979 là kỷ niệm 900 năm ngày tử đạo của Thánh Stanislaus, và Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói rõ rằng ngài rất mong mỏi được trở về quê hương Ba Lan, lúc đó vẫn còn dưới sự cai trị của Cộng sản, để tham dự lễ hội tôn vinh người tiền nhiệm của ngài. Thánh Stanislaus đã từng là Tổng Giám mục Krakow.

Chính quyền Ba Lan đứng giữa một sự giằng co. Một mặt, Vatican và Đức Hồng Y WyszyÒski đang gây áp lực buộc họ cho phép Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đến thăm Ba Lan như một phần của lễ kỷ niệm. Mặt khác, Mạc Tư Khoa không muốn Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trở về cố hương như một người chiến thắng.

Một loạt các sai lầm ngớ ngẩn của bọn cầm quyền Ba Lan lúc bấy giờ đã tạo ra những lợi thế đặc biệt cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngài muốn có mặt ở Ba Lan vào ngày 8 tháng 5 năm 1979, là ngày lễ Thánh Stanislaus. Bọn cầm quyền khăng khăng không chịu vì thấy có quá nhiều mối liên hệ giữa hoàn cảnh tử đạo của Thánh Stanislaus, là người đứng lên chống lại nhà nước và chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng. Chúng nhất quyết chống lại sự xuất hiện của ngài vào tháng Năm và đề nghị chuyến tông du của ngài diễn ra vào tháng tiếp theo, là tháng Sáu 1979. Các nhà tổ chức cuộc tông du đã đồng ý. Cộng sản thấy mình đạt được “thắng lợi vĩ đại” nên nhượng bộ với ban tổ chức để chuyến thăm hai ngày tới hai thành phố trở thành chuyến thăm chín ngày tới sáu thành phố. Điều đó có nghĩa là Đức Giáo Hoàng sẽ ở Ba Lan để tham dự Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống, là ngày sinh nhật truyền thống của Giáo Hội, khi Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ và trao quyền cho các ngài giảng dạy nhân danh Chúa Kitô.

Sai lầm tiếp theo về phía bọn cầm quyền là đề nghị phát sóng chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng trên đài truyền hình quốc gia. Thâm ý của chúng là để giảm thiểu đám đông dân chúng tham dự các thánh lễ và các cuộc gặp gỡ vì nếu người ta có thể ở nhà xem truyền hình thì có lẽ người ta sẽ không ra đường. Đó là một tính toán sai lầm. Truyền hình trực tiếp chuyến tông du không có hiệu quả trong việc ngăn chặn đám đông, mà giờ đây, nhờ bọn cầm quyền, người già và người nội trợ đã có thể xem những gì họ sẽ không bao giờ có cơ hội nhìn thấy. Thực tế là truyền hình trực tiếp còn có tác dụng quảng cáo không công cho chuyến tông du khiến cho số người tham dự còn đông hơn nữa.

Ước tính có khoảng 13 triệu người đã được tận mắt nhìn thấy Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và ngài đã đem đến cho họ một hy vọng thật lớn lao. Lần đầu tiên, họ cảm thấy có một cơ hội thực sự có thể thay đổi cuộc sống của họ. Giữa những rừng người chào đón Đức Giáo Hoàng, đột nhiên người Công Giáo Ba Lan nhận ra họ mới chính là đa số, và vượt trội hơn hẳn so với những người cộng sản được cho là chiếm đa số và đang kiểm soát đất nước.


Source:The White House
 
Diễn biến lạ lùng - Hồng Y Tân Tây Lan khuyên các tín hữu Công Giáo từ nay đừng gọi các linh mục là “Cha”
Đặng Tự Do
19:10 04/06/2019
Cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục đang làm nảy sinh nhiều diễn biến hết sức đáng quan ngại. Trong số báo ra ngày 2 tháng Sáu, tờ Stuff của Tân Tây Lan tường thuật rằng trong thư mục vụ gởi cho các tín hữu Công Giáo ở tổng giáo phận Wellington, Đức Hồng Y John Dew đã khuyên các tín hữu Công Giáo từ nay đừng gọi các linh mục là “Cha”.

Tờ báo viết:

Đừng gọi tôi là “Cha”, hãy gọi tôi là John: nhà lãnh Công Giáo hàng đầu của Tân Tây Lan đã tuyên bố ngài không còn muốn được gọi bằng tước hiệu của mình; và ngài khuyến khích các linh mục khác cũng làm tương tự.

Đức Hồng Y John Dew, Tổng Giám mục Wellington, nói rằng việc bỏ đi danh xưng truyền thống “Cha” có thể là một cách để các linh mục đối phó với cuộc khủng hoảng lạm dụng tính dục trong Giáo Hội.

Ngài cho biết đã nhận được những phản hồi tích cực và tiêu cực kể từ khi nêu lên ý tưởng từ bỏ danh xưng đáng kính này trong một thư mục vụ.

Đức Hồng Y giải thích rằng ngài được truyền cảm hứng từ một bài báo của một linh mục người Pháp, là Cha Jean-Pierre Roche, trên tờ báo Công Giáo Le Croix International. Linh mục tác giả nói rằng ngài không còn muốn sử dụng tiêu đề này nữa, để giúp “chuyển hóa” một Giáo Hội “bị sốc và kinh hoàng” bởi những tiết lộ về sự lan rộng các lạm dụng tính dục.

Đức Hồng Y nhận xét thêm rằng việc gọi các linh mục bằng tên của các ngài thay vì dùng danh xưng “Cha” là một cách để đáp lại lời mời gọi của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, theo đó “nói không” với lạm dụng là “nói một tiếng không thật mạnh mẽ” với chủ nghĩa giáo sĩ trị.

“Đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm thay đổi toàn bộ thái độ của các giáo sĩ,” Đức Hồng Y Dew nói. “Tất cả những gì tôi đang cố gắng làm là khiến mọi người hiểu được chủ nghĩa giáo sĩ trị và những thái độ cần thiết nào phải thay đổi. Như vị linh mục người Pháp này nói, đó là một điều khá đơn giản, nhưng nó có thể giúp ích.”

Đức Hồng Y Dew nói rằng xã hội đã trở nên bình đẳng hơn, và hầu hết mọi người đều đã gọi ngài bằng tên, và rất nhiều linh mục khác có cùng kinh nghiệm như thế, nhưng ngài biết rằng một số người vẫn có thái độ cho rằng “tôi mới là người có quyền.”

Ý tưởng của Đức Hồng Y Dew có thể phải đối mặt với những chông gai. Giáo sư nghiên cứu tôn giáo của Đại học Massey, nay đã nghỉ hưu Peter Lineham, cho biết ông đã nói chuyện với một số linh mục về sự thay đổi này và các ngài coi đó là “một chuyện thật lạ lùng tại sao Hồng Y John Dew có thể đưa ra những điều không thể được như vậy.” Lineham cho biết Đức Hồng Y Dew được nhiều người coi là một nhà cải cách với thói quen hay bày tỏ ý kiến của mình.

Có ý kiến cho rằng các linh mục có thể che giấu hành vi phạm tội của họ trong nhiều năm vì địa vị cao trong các cộng đồng Công Giáo, đó là điều khiến các nạn nhân không lên tiếng. “Có thể Đức Hồng Y nhắm vào điều này – tư cách cao có được một cách tiềm tàng từ danh xưng ‘Cha’ mang lại cho các linh mục một sự miễn trừ đặc biệt,” Giáo sư Lineham nói. “Quá thường là các gia đình bảo vệ mọi người trong nội bộ của mình và tôi cho rằng Đức Hồng Y John Dew đang đề cập đến những điều đó.”


Source:Stuff - New Zealand
 
Bản tin trong ngày của tờ The Age về phiên xử phúc thẩm của Đức Hồng Y George Pell
Vũ Văn An
22:51 04/06/2019
Tờ The Age hôm nay bắt đầu tường thuật về vụ Đức Hồng Y George Pell kháng cáo bản án bất hợp lý của Tòa Sơ Thẩm Victoria từ lúc 8 giờ 11 phút sáng ngày 5 tháng 6, 2019. Nhận thấy bài tường thuật này đôi chút vô tư, không xa gần có những lời lẽ “xỏ lá” (innunendo) như một số báo chí khác, chúng tôi cho phổ biến bài báo:



8 giờ 11 sáng: Điều gì sẽ xảy ra hôm nay?

Chào buổi sáng. Hồng Y George Pell sẽ kháng cáo bản án của ông về việc lạm dụng tình dục hai cậu ca viên tại Nhà thờ Chính Tòa St Patrick vào những năm 1990.

Kháng cáo sẽ bắt đầu vào khoảng 9 giờ 30. Do bản chất lưu ý cao của vụ án, Tòa phúc thẩm sẽ xử trong một phòng xử án rộng hơn tại Tòa án Tối cao.

Năm ngoái, Pell bị kết tội lạm dụng tình dục hai cậu ca viên13 tuổi tại Nhà thờ Chính tòa St Patrick ở Đông Melbourne sau một Thánh Lễ Chúa Nhật hồi tháng 12 năm 1996. Ông cũng bị kết tội tấn công tình dục một trong hai cậu bé, một lần nữa trong Nhà thờ Chính tòa sau Thánh Lễ, đầu năm sau. Pell khi đó là Tổng Giám mục Melbourne.

Các bản án đã không được công khai cho đến tháng 2 năm nay do lệnh cấm đưa tin trên phương tiện truyền thông do Chánh án Peter Kidd áp đặt.

Vào tháng 3, Pell đã bị kết án sáu năm tù. Ông phải ở tù ba năm và tám tháng trước khi đủ điều kiện để được ân xá, trừ khi ông tranh đấu thành công vụ kết án mình.

8 giờ 12 sáng: Pell đang ở đâu?

Pell, 77 tuổi, đang thụ án được 3 tháng trong hạn tù 6 năm của ông.

Tuy nhiên, ông đã bị giam từ trước ngày được kêu án tức vào ngày 27 tháng 2.

Có tin là ông sẽ được đưa đến tòa trong một xe tải của nhà tù vào sáng nay, dù rất có thể ông sẽ không có mặt trong phiên xử.

8 giờ 13 sáng: Ai sẽ quyết định số phận Pell?

Phiên xử sẽ diễn ra trước 3 chánh án: Trưởng Chánh Án Tòa Án Tối Cao Anne Ferguson, chánh án Chris Maxwell, chủ tịch Tòa Phúc thẩm và chánh án Mark Weinberg.

8 giờ 13 sáng: Việc kháng cáo diễn ra trên cơ sở nào?

Có ba lý do được trích dẫn làm cơ sở cho việc kháng cáo của nhóm pháp lý Pell.

Đầu tiên, họ cho rằng Chánh án Peter Kidd nên cho phép bên bào chữa trình bầy một đoạn video dài 19 phút, theo họ sẽ cho thấy vị trí của người ta trong nhà thờ chính tòa tại thời điểm phạm tội. Công tố đã phản đối cho rằng bồi thẩm đoàn có thể coi video này như một dàn dựng chính xác.

Một cơ sở khác cho rằng có một "sự bất hợp lệ căn bản" bởi vì Pell không được hỏi để có câu trả lời (arraigned) - nói cách khác ông đã không được hỏi nhận tội hay không nhận tội – một cách trực tiếp trước bồi thẩm đoàn được chọn.

Một cơ sở nữa, được cho là nghiêm trọng nhất tức bồi thẩm đoàn đã đạt tới một "phán quyết vô lý".

Trong ngôn từ đầy đủ của luật sư, các cơ sở để kháng cáo là như sau:

1. Thẩm phán xét xử đã sai lầm khi ngăn cản bên bào chữa sử dụng việc trình bầy bằng hình ảnh di động để bênh vực luận điểm bất khả của họ trong diễn từ kết thúc.

2. Có một sự bất hợp lệ căn bản trong diễn trình xét xử vì bị cáo không được hỏi trước sự có mặt của bồi thẩm đoàn, như đòi hỏi của các điều 210 và 217 của Đạo luật Tố tụng Hình sự năm 2009.

3. Các lời kết án là không hợp lý và không thể được hỗ trợ liên quan đến bằng chứng bởi vì trên toàn bộ bằng chứng, bao gồm cả bằng chứng giải tội của hơn 20 nhân chứng, đã không có sự cởi mở để bồi thẩm đoàn được thỏa mãn quá sự nghi ngờ hợp lý vì chỉ dựa vào lời của một người khiếu nại duy nhất mà thôi.

8 giờ 13 sáng: Trực tiếp truyền hình

Tòa Phúc thẩm sẽ trực tiếp truyền hình phiên xử hôm nay. Đây là lần thứ hai tòa cho trực tiếp truyền hình một phiên xử thuộc loại này.
Máy quay phim chỉ tập chú vào 3 chánh án phúc thẩm. Không quay hình Pell.



8 giờ 22 sáng: Pell tới tòa án

George Pell đã tới Tòa Án Tối Cao. Người 77 tuổi đã tới trên một chiếc xe tải mầu trắng và được nhìn thấy đang bước vào bên trong.

8 giờ 34 sáng: Tội của Pell

Vào tháng 12 năm 1996, Pell đã tấn công hai cậu bé ca viên trong một căn phòng, được gọi là phòng áo của các linh mục, trong Nhà thờ Chính tòa St Patrick ở Đông Melbourne, sau Thánh lễ Chúa Nhật. Pell khi đó là Tổng Giám mục Melbourne.

Pell thấy các cậu bé trong phòng sau khi họ lẻn vào nhà thờ chính tòa từ một đám rước ở bên ngoài, và đang nốc rượu từ một chai rượu lễ.
Dù cánh cửa phòng mở và vẫn còn mặc áo lễ, Pell đã quấy rối tình dục một cậu bé. Ông chuyển qua cậu kia và liên tục tấn công tình dục cậu ta.

Cả hai cuộc tấn công diễn ra trong khi các cậu bé vật lộn và vùng vẫy. Các cậu bé đã khóc và sụt sùi. Có lúc Pell bảo các cậu bé im lặng.
Đầu năm 1997, một lần nữa bên trong nhà thờ chính tòa và sau Thánh lễ Chúa Nhật, Pell đẩy cậu bé thứ hai vào tường và bóp bộ phận sinh dục của cậu.

8 giờ 38 sáng: Các cơ sở để kháng cáo

Tòa án Tối cao đã công bố các đệ trình đầy đủ bằng văn bản của nhóm pháp lý của Pell, tiết lộ một cách chi tiết các cơ sở kháng cáo.

Đây là một số điểm chính trong bản đệ trình:

• Thời điểm của các cuộc cho là tấn công là điều không thể có.
• Pell không thể ở một mình trong phòng áo chỉ vài phút sau khi kết thúc Thánh Lễ.
• Không thể có việc Pell cởi y phục và ở một mình trong phòng áo của các linh mục sau Thánh Lễ.
• Không thể có việc hai cậu bé ca viên bị tấn công tình dục trong phòng áo của các linh mục sau Thánh Lễ bởi Pell mà không bị phát hiện.
• Không thể có việc người khiếu nại và cậu bé kia vắng mặt khỏi phòng hợp xướng mà không ai chú ý.
• Các hành vi tội phạm được quy cho Pell là không thể về phương diện thể lý.
• Những người khác có mặt trong những ngày này không thấy bất cứ điều gì phù hợp với trường hợp của Công Tố xảy ra.
• Các khiếu nại của người khiếu nại đã bất hợp lý đến nỗi một bồi thẩm đoàn hợp lý phải có một sự nghi ngờ hợp lý.

8 giờ 56 giờ sáng: Các đệ trình của công tố

Tòa án Tối cao cũng đã công bố bản đệ trình đầy đủ của công tố, những người đang chống lại kháng cáo của Pell.

Đây là hai điểm chính trong biện luận của công tố:

"Rõ ràng bồi thẩm đoàn đã thực sự bác bỏ các bác khước của đương đơn và phẫn nộ về các cáo buộc. Họ có quyền làm như vậy nếu họ chấp nhận bằng chứng của người khiếu nại vượt quá sự nghi ngờ hợp lý.

Bồi thẩm đoàn được quyền chấp nhận người khiếu nại như một nhân chứng đáng dựa vào và đáng tin cậy. Ông đã được đối chất một cách đầy kỹ năng trong hai ngày bởi một thành viên rất có kinh nghiệm của Luật sư cao cấp. Trong thời gian đó, bồi thẩm đoàn có cơ hội đặc biệt được quan sát người khiếu nại trong tư cách nhân chứng, và để thẩm định bằng chứng anh đưa ra, như đã được kiểm tra bằng một diễn trình đối chất chi tiết.

Các cáo buộc của người khiếu nại là không thể bất cái nhiên (improbable) khi tất cả các bằng chứng được xem xét cẩn thận. Bồi thẩm đoàn đã nhận được lợi ích của một hướng dẫn liên quan đến một ký ức trung thực nhưng sai lầm. Không có gì trong các phán quyết của bồi thẩm đoàn để đề nghị rằng họ không tuân theo hướng dẫn rõ ràng này của pháp luật".

9 giờ 02 sáng: “các phán quyết của bồi thẩm đoàn không thể đàn hặc được (unimpeachable)

Văn phòng Công tố, trong đệ trình của họ, viết rằng: “khi nhìn vào toàn bộ chứng cớ, sự chính trực trong các phán quyết của bồi thẩm đoàn không thể bị đàn hặc. Cơ sở này không nên bị bác bỏ”.

9 giờ 07 sáng: Chrissie Foster trong số những người ủng hộ nạn nhân có mặt tại tòa án

Linh mục dòng Tên Frank Brennan, người trước đây nói rằng ông "bị tan nát cõi lòng" bởi vụ kết án Pell, là một trong số những người có mặt ở bên ngoài tòa án sáng nay.

Người biện hộ cho các nạn nhân là Chrissie Foster, có hai con gái Emma và Katie bị linh mục Melbourne Kevin O'Donnell cưỡng hiếp vào những năm 1980, cũng có mặt tại tòa án và sẽ theo dõi phiên tòa phúc thẩm.

9 giờ 25 sáng: Tòa 15 đầy người

Sự xuất hiện trước tòa của Pell đã thu hút những người biểu tình, những người ủng hộ các nạn nhân và những người ủng hộ ông. Hôm nay cũng không khác.

Người biểu tình Joe Mitchell đã bay tới Melbourne cùng với cựu Chánh thanh tra thám tử của tiểu bang NSW Peter Fox từ Newcastle để tham dự phiên xử.

Peter Fox trước đây đã cho rằng ông bị buộc phải '' đứng qua một bên '' khỏi cuộc điều tra về những cáo buộc xung quanh hai linh mục ấu dâm. Tuy nhiên, một Ủy ban điều tra đặc biệt cho thấy không có bằng chứng nào hỗ trợ cho tuyên bố của Fox.

Phòng xử án nơi kháng cáo đang được cứu xét đã đầy người. Phiên xét xử sẽ được phát tuyến qua một phòng khác cho những người không tìm được chỗ ngồi trong tòa án.

9 giờ 34 sáng: Pell vào vành móng ngựa

Ba thẩm phán phúc thẩm đã vào tòa án để bắt đầu diễn trình tố tụng. Pell cũng đã vào vành móng ngựa, mặc cổ áo giáo sĩ của mình.
Các luật sư của vị Hồng Y sẽ nêu ra 13 lý do tại sao bồi thẩm đoàn nên có sự nghi ngờ hợp lý trước khi họ thấy người 77 tuổi này phạm tội tấn công tình dục hai cậu bé ca viên tại Nhà thờ chính tòa St Patrick vào những năm 1990.

Tòa án Tối cao đã công bố các bản đệ trình viết của các luật sư của Pell và công tố viên sáng nay trước khi vụ kháng cáo của ông chống các lời kết án về tội phạm tình dục trẻ em.

9 giờ 45 sáng: Đệ trình của bên bênh vực

Thông tin thêm của Adam Cooper về các bản đệ trình của bên bênh vực: Trong số các điểm viết của bên bênh vực là các đệ trình cho rằng Pell sẽ không bao giờ bị bỏ lại ở một mình bởi các viên chức nhà thờ bên trong nhà thờ chính tòa ở Đông Melbourne, và không thể có chuyện hai cậu bé bị tấn công tình dục trong giáo đường mà không bị phát hiện, không thể có chuyện các cậu bé vào lại nhà thờ từ bên ngoài mà không ai thấy, và chiếc áo lễ của Pell đã khiến cho những lời cáo buộc "không thể thực hiện được về phương diện thể lý”.

Các luật sư của Hồng Y nói rằng những cáo buộc của nạn nhân trong phiên tòa là "vô giá trị".

Các luật sư của Pell cho biết Tòa phúc thẩm có nghĩa vụ gạt bỏ phán quyết của bồi thẩm đoàn và tha bổng cho vị Hồng Y.

"Khi làm như vậy, tòa án đã chính đốn một vụ hoài thai công lý, trong đó, có khả thể đáng kể là một người vô tội đã bị kết án vì những tội phạm mà ông ta không phạm", bản đệ trình bào chữa nói như thế.

9 giờ 46 sáng: Các đệ trình của công tố

Các công tố viên cũng đã công bố các đệ trình bằng văn bản của họ. Họ lập luận rằng bồi thẩm đoàn đã chấp nhận bằng chứng mà nạn nhân đã cung cấp cho phiên xử và bác bỏ những lời bác khước của Pell.

“Bồi thẩm đoàn được quyền chấp nhận người khiếu nại như một nhân chứng đáng dựa vào và đáng tin cậy”. Các công tố viên viết trong các đệ trình của họ.

“Ông đã được đối chất một cách đầy kỹ năng trong hai ngày bởi một thành viên rất có kinh nghiệm của Luật sư cao cấp. Trong thời gian đó, bồi thẩm đoàn có cơ hội đặc biệt được quan sát người khiếu nại trong tư cách nhân chứng, và để thẩm định bằng chứng anh đưa ra, như đã được kiểm tra bằng một diễn trình đối chất chi tiết. Các cáo buộc của người khiếu nại là không thể bất cái nhiên (improbable) khi tất cả các bằng chứng được xem xét cẩn thận” . Bồi thẩm đoàn đã nhận được lợi ích của một hướng dẫn liên quan đến một ký ức trung thực nhưng sai lầm. Không có gì trong các phán quyết của bồi thẩm đoàn để đề nghị rằng họ không tuân theo hướng dẫn rõ ràng này của pháp luật".

Các công tố viên lập luận rằng khi nhìn vào “toàn bộ chứng cớ, sự chính trực trong các phán quyết của bồi thẩm đoàn không thể bị đàn hặc. Cơ sở này không nên bị bác bỏ”.

9 giờ 50 sáng: Điều gì có thể xảy ra tiếp theo

Tòa phúc thẩm đã dành hai ngày cho vụ kháng cáo nhưng có thể mất vài tuần trước khi công bố phán quyết của mình.

Nếu Tòa phúc thẩm thấy bồi thẩm đoàn đưa ra phán quyết vô lý trong việc thấy Pell có tội, bản án của ông sẽ bị hủy bỏ và ông sẽ được ra khỏi tù.

Nếu Tòa phúc thẩm bác bỏ kháng cáo về điểm phán quyết không hợp lý, họ vẫn có thể trả lại hồ sơ của Pell để xét xử lại nếu xét thấy hai điểm khác có giá trị: tức việc Chánh án Tòa án Hạt Peter Kidd sai lầm trong phán quyết không cho bồi thẩm đoàn xem cuốn video trong cuộc tranh luận kết thúc của bên bênh vực, và Pell không được hỏi để có câu trả lời – tức được hỏi nhận tội hay không nhận tội - trước mặt bồi thẩm đoàn.

Chủ tịch luật sư Victoria, Matt Collins, QC, một luật sư thường xuyên ra trước Tòa phúc thẩm, cho biết có khả năng vụ án có thể kết thúc ở Tòa án tối cao (High Court, tức của liên bang, chứ không phải của tiểu bang), nếu bên không thành công muốn thách thức phán quyết của Tòa phúc thẩm.

9 giờ 55 sáng: Hồng Y tỏ ra bình tĩnh khi thủ tục tố tụng bắt đầu

Nhà văn kỳ cựu Debbie Cuthbertson đang ở trong tòa án. Cô nói Pell trông tương đối khỏe mạnh, không yếu ớt, khi ông đến tòa án. Ông mặc cổ áo giáo sĩ, áo sơ mi đen và áo khoác đen. Với một quyển sổ ghi chú màu vàng và cây bút trước mặt, ông khoanh tay và tỏ ra bình tĩnh khi thủ tục tố tụng bắt đầu.

Phóng viên Rachel Eddie, người cũng đang ở trong tòa án, cho biết Chánh án Anne Ferguson cảnh báo một số người có thể thấy một số điều nhắc đến gây bối rối”.

10 giờ 02 sáng: Pell ghi chú khi luật sư bào chữa lên tiếng

Thông tin thêm của Rachel Eddie tại tòa án: Chánh án Ferguson cho biết các thẩm phán đã đọc các bản đệ trình từ cả hai bên, duyệt lại một “lượng bằng chứng đáng kể”, bao gồm các bản ghi âm, bản ghi chép, áo lễ và các tài liệu. Họ cũng đi thăm nhà thờ chính tòa.

Luật sư của Pell, Bret Walker, SC, đang trình bầy trường hợp bào chữa để lật ngược các cáo buộc. Ông Walker lập luận rằng “quả là điều làm phiền và nên làm phiền tòa án” khi công tố đã tranh biện về vụ lạm dụng đầu tiên xảy ra vào ngày 15 tháng 12 hoặc ngày 22 tháng 12 năm 1996. Các đệ trình đệ nạp cũng nói việc lạm dụng tại phòng áo ở nhà thờ chính tòa St Patrick có thể diễn ra ngày 3 tháng 11.

Ông xin lỗi vì “đã làm việc cực nhọc với điểm ấy”, nhưng lưu ý rằng Công tố dành hơn một tháng cho năm đến sáu phút lạm dụng đối với hai cậu bé 13 tuổi. Pell ghi chú trên cuốn sổ tay màu vàng của mình.

10,14 sáng: Kháng cáo được truyền hình trực tiếp

Tòa phúc thẩm hôm nay đang phát hình trực tiếp. Đây là lần thứ hai tòa án phát sóng phiên tòa trực tiếp thuộc loại này. Nó chỉ có thể được xem trên trang mạng của Tòa án Tối cao (Supreme court).

Đã có một số bình luận trên Twitter về việc chương trình này bị trục trặc nhưng dường như nó đang hoạt động tốt vào lúc này. Máy thu hình sẽ chỉ được tập trung vào ba thẩm phán Tòa phúc thẩm. Pell sẽ không bị quay hình.

10 giờ 17 sáng: Luật sư bào chữa: Thói quen sau thánh lễ đã cho Pell bằng chứng ngoại phạm

Chứng cớ ngoại phạm, alibi, là chứng cớ chứng tỏ rằng khi sự việc xảy ra thì mình ở nơi khác.

Phóng viên tòa án Adam Cooper nói rằng luật sư Bret Walker, SC, của Pell nói với tòa án cách tiếp cận "mới mẻ" mà Pell đã áp dụng ở buổi đầu trong nhiệm kỳ của mình trong tư cách Tổng Giám mục Melbourne, bằng cách gặp gỡ các giáo dân sau Thánh Lễ tại Nhà thờ St Patrick thực sự đã cho ông một chứng cứ ngoại phạm.

Walker nói rằng Pell không thể tấn công tình dục các các cậu bé trong phòng áo nếu ông gặp các giáo dân.

Ông bảo: “"Nếu ông ở cửa phía tây thì định luật vật lý có nghĩa việc vi phạm không thể xẩy ra theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa luận lý”.

Còn tiếp
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ bàng hoàng trước vụ công chức chính phủ thảm sát đồng liêu tại Virginia Beach
Đặng Tự Do
22:50 04/06/2019
Trong cuộc họp báo hôm Chúa Nhật, cảnh sát trưởng thành phố Virginia Beach là ông James Cervera cho biết vào lúc 16g08’ phút chiều ngày thứ Sáu, cảnh sát địa phương đã nhận được những lời cầu cứu từ tòa thị chính của thành phố Virginia Beach thuộc tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.

Hai phút sau họ đã có mặt tại cao ốc 3 tầng dùng làm văn phòng tòa thị chính trong khi cuộc thảm sát vẫn còn đang tiếp diễn.

Hung thủ là một công chức tên là DeWayne Craddock, 40 tuổi. Anh ta là một kỹ sư phụ trách các tiện nghi công cộng trong thành phố và đã làm việc tại tòa thị chính của thành phố Virginia Beach được 9 năm. Người ta chưa rõ động cơ thực sự của hành động này. Tuy nhiên, DeWayne Craddock được mọi người mô tả là một người ăn nói nhỏ nhẹ, ăn mặc rất tề chỉnh và hòa nhã với mọi người.

Sáng ngày thứ Sáu 30 tháng Năm, Craddock đột nhiên làm đơn xin được tự ý nghỉ việc. Khoảng 16g cùng ngày, khi mọi người đang chuẩn bị về nhà đón những ngày cuối tuần bên gia đình, y lặng lẽ rút súng bắn bừa bãi vào bất cứ ai y nhìn thấy. Y lần lượt đi hết 3 tầng lầu, thản nhiên bắn vào bạn đồng liêu khiến 12 người bị thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Cảnh sát đã mất nhiều thời gian mới khống chế được hung thủ vì hắn gắn một ống hãm thanh ở nòng súng gây khó khăn cho cảnh sát trong việc định vị hắn ta ở đâu.

Mãi đến 16g44’ cảnh sát mới bắt giữ được hắn. Lúc bị bắt, y vẫn còn sống và được cảnh sát cấp cứu nhưng đã chết trên đường đến nhà thương, nâng tổng số người thiệt mạng lên đến 13 người.

Đức Cha Frank J. Dewane, Giám mục giáo phận Venice, Florida, Chủ tịch Ủy ban Công lý và Phát triển Nhân văn của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố sau trước thảm kịch tại tòa thị chính thành phố Virginia Beach.

Vào chiều thứ Sáu vừa qua, một hành động bạo lực súng đạn khủng khiếp đã diễn ra tại tòa thị chính thành phố Virginia Beach, tiểu bang Virginia. Có những báo cáo cho thấy ít nhất mười hai trường hợp tử vong và nhiều trường hợp bị thương nghiêm trọng. Vụ nổ súng này nhắc nhở chúng ta một lần nữa rằng một cái gì đó đã bị phá vỡ một cách cơ bản trong xã hội và văn hóa của chúng ta khi nơi làm việc bình thường lại có thể trở thành bối cảnh xảy ra bạo lực và sự khinh miệt đối với mạng sống của con người. Là người Mỹ, chúng ta phải tự vấn sâu sắc lý do tại sao những vụ bạo lực súng đạn kinh hoàng này cứ tiếp tục diễn ra trong cộng đồng của chúng ta, ngõ hầu có thể tìm ra nguyên nhân của những tệ nạn đó. Hành động là cần thiết để cố gắng giảm thiểu nhịp độ của các hành vi gớm ghiếc này thông qua luật pháp và huấn luyện. Tôi kêu gọi người Công Giáo trên khắp đất nước cầu nguyện cho những người đã chết và những người bị thương, cũng như ơn chữa lành trong cộng đồng chúng ta.

Cầu xin Chúa Giêsu, Đấng chiến thắng cái chết mà chúng ta kỷ niệm trong Mùa Phục Sinh này, mang lại niềm an ủi và chữa lành vào thời điểm đau buồn sâu xa này.


Source:USCCB
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Biển Chiều Vàng
Lê Trị
21:54 04/06/2019
BIỂN CHIỀU VÀNG
Ảnh của Lê Trị

Hãy thưởng thức chiều tà
và chờ đón bình minh.

Life is all about enjoying every Sunset
and looking forward for the next Sunrise.
(Sandeep Shergill)
 
VietCatholic TV
Ngày vinh thắng: Đại lễ tuyên phong Chân Phước cho 7 Giám Mục Rumani bị cộng sản sát hại
Giáo Hội Năm Châu
16:58 04/06/2019
Hoạt động đầu tiên của Đức Thánh Cha Phanxicô trong ngày Chúa Nhật mùng 2 tháng Sáu, và cũng là ngày cuối cùng trong chuyến tông du Rumani là thánh lễ tại cánh đồng tự do của thành phố Blaj để tuyên phong Chân Phước cho 7 vị Giám Mục Rumani.

Lúc 9h sáng, Ðức Thánh Cha đã đáp máy bay đến phi trường Sibiu. Sau 40 phút bay, ngài đến nơi. Từ đây, Đức Thánh Cha dùng trực thăng bay đến thành phố Blaj.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong buổi tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, vào sáng thứ Ba 19 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chuẩn y và truyền công bố các sắc lệnh công nhận 7 Giám Mục Rumani bị cộng sản giết hại là các vị tử đạo.

Các Đức Giám Mục Valeriu Traian Frentiu, Vasile Aftenie, Ioan Suciu, Tito Livio Chinezu, Ioan Balan, Alexandru Rusu và Iuliu Hossu đã được nhìn nhận là bị giết vì lòng thù hận đức tin trong khoảng thời gian từ năm 1950 đến năm 1970 dưới sự cai trị của Nicolae Ceaușescu.

Tất cả các ngài đã bị bắt và bị giam giữ trong các nhà tù và các trại tập trung lao động cho đến chết, thường là do bị cô lập, cảm lạnh, đói khát, bệnh tật hoặc lao động chân tay nặng nhọc. Hầu hết các vị khi còn sống không bao giờ bị xét xử hoặc bị kết án; và khi chết bị vùi chôn trong các ngôi mộ không để lại dấu vết, không được an táng theo nghi lễ tôn giáo.

Một năm trước khi qua đời, Đức Cha Iuliu Hossu được nâng lên hàng là Hồng Y “in pectore” – không công khai danh tính. Sau khi trải qua nhiều năm bị cô lập, ngài qua đời trong một bệnh viện ở Bucharest năm 1970. Lời cuối cùng của ngài là: “Cuộc đấu tranh của tôi đã kết thúc, cuộc đấu tranh của bạn xin vẫn tiếp tục”.

Ngoài việc bị giam cầm và cô lập, Đức Cha Vasile Aftenie còn bị tra tấn tại Bộ Nội vụ cộng sản Rumani đến mức chết vì vết thương vào ngày 10 tháng 5 năm 1950.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong bài giảng thánh lễ Đức Thánh Cha nói: (Bản dịch của Vũ Văn An)

“Thưa thầy, ai đã phạm tội, người đàn ông này hay cha mẹ của anh ta khiến anh ta bị mù từ lúc mới sinh?” (xem Ga. 9:2). Câu hỏi của các môn đệ với Chúa Giêsu đã kích hoạt một loạt các hành động và biến cố sẽ đi kèm với toàn bộ trình thuật Tin Mừng và tiết lộ cho thấy điều thực sự đã làm mù trái tim con người.

Giống các môn đệ của Người, Chúa Giêsu nhìn thấy người đàn ông bị mù từ khi mới sinh ra. Người nhận ra anh ta và hoàn toàn chú ý đến anh ta. Sau khi nói rõ ràng rằng việc người đàn ông mù không phải là kết quả của tội lỗi, Người trộn lẫn bụi đất với nước bọt của Người và bôi nó lên đôi mắt của người đàn ông. “Rồi, Người nói với tôi đi rửa mắt trong giếng Siloam”. Sau khi rửa, người đàn ông mù từ khi mới sinh ra đã hồi phục thị lực. Điều đáng lưu ý là phép lạ được kể lại chỉ trong hai câu; mọi điều khác liên quan tới người mù đã hồi phục thị lực, nhưng với những lý luận theo sau việc anh được chữa lành. Dường như cuộc sống của anh ta là một chủ đề ít được ai quan tâm, ngoại trừ thỉnh thoảng bị tranh luận, khó chịu và tức giận. Rồi, đến những người Pharisiêu, những người cũng cật vấn cha mẹ của anh ta. Họ tra vấn danh tính của người đàn ông được chữa lành; rồi họ phủ nhận hành động của Thiên Chúa, với lý do là Thiên Chúa không làm việc trong ngày Sabát. Họ mới thực sự bị mù từ lúc mới sinh.

Toàn bộ khung cảnh và luận điểm cho thấy khó có thể hiểu các hành động và ưu tiên của Chúa Giêsu, Đấng có khả năng đặt vào trung tâm một con người vốn ở bên lề, nhất là khi người ta nghĩ rằng ngày “sabát” có giá trị hàng đầu chứ không phải tình yêu Thiên Chúa, Đấng tìm cách cứu vớt mọi người (x. 1 Tim 2: 4). Người mù phải sống không những với sự mù lòa của chính mình, mà còn với sự mù lòa của những người xung quanh. Chúng ta có các quyền lợi, nhãn hiệu, lý thuyết, những điều trừu tượng và ý thức hệ đặc biệt, chỉ ráng làm mù mọi thứ xung quanh chúng. Phương thức của Chúa khác hẳn: thay vì ẩn mình phía sau việc không hành động hoặc ý thức hệ trừu tượng, Người tìm những người có mặt mũi, thương tích và lịch sử. Người đi gặp gỡ họ và không để bị lừa bởi những ngôn từ không có khả năng dành ưu tiên cho những điều thực sự quan trọng và đặt nó ở trung tâm.

Các lãnh thổ này biết rõ con người phải chịu đau khổ như thế nào khi một ý thức hệ hay một chế độ nắm quyền, tự đặt mình thành quy tắc sống và đức tin của mọi người, làm giảm và thậm chí loại bỏ khả năng quyết định, tự do và không gian sáng tạo của họ (x. Laudato Si', 108). Anh chị em thân mến, anh chị em đã chịu đau khổ vì những ngôn từ và hành động dựa trên sự khinh miệt từng dẫn đến việc loại trừ và triệt hạ những ai không thể tự bảo vệ và làm câm các giọng nói bất đồng. Tôi nghĩ đến bảy Giám mục Công Giáo Hy Lạp mà tôi đã có niềm vui được phong chân phúc. Trước sự chống đối quyết liệt của chế độ, các ngài chứng tỏ một đức tin và tình yêu gương mẫu cho giáo dân của các ngài. Với lòng can đảm vĩ đại và sự dũng cảm nội tâm, các ngài đã thiết lập được niềm tín thác và tin tưởng vào Giáo hội yêu dấu của các ngài. Các mục tử, tử đạo vì đức tin này, đã tái chiếm hữu và truyền lại cho người Lỗmani, những điều mà chúng ta có thể tóm gọn trong hai từ ngữ: tự do và lòng thương xót.

Về tự do, tôi không thể không lưu ý rằng chúng ta đang cử hành Phụng vụ thánh này tại “Cánh đồng Tự do”. Nơi này, nơi đầy ý nghĩa, gợi lên sự hợp nhất của người ta, một sự hợp nhất tìm thấy trong tính đa dạng của các biểu thức tôn giáo của nó. Tất cả những điều này tạo thành di sản tinh thần làm phong phú và phân biệt nền văn hóa Lỗmani và bản sắc dân tộc. Các tân chân phúc từng chịu đau khổ và hiến mạng sống của các ngài để chống lại một ý thức hệ áp bức các quyền căn bản của con người nhân bản. Trong thời kỳ bi thảm đó, đời sống của cộng đồng Công Giáo bị thử thách bởi một chế độ độc tài và vô thần. Các Giám mục và Đức tin của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp và những người thuộc Giáo Hội Công Giáo theo nghi lễ Latinh đã bị bách hại và cầm tù.

Khía cạnh khác của di sản tinh thần của các tân chân phúc là lòng thương xót. Sự kiên trì của họ trong lòng trung thành tuyên tín với Chúa Kitô rất xứng đôi với việc sẵn lòng chịu tử đạo mà không tỏ một lời giận ghét đối với những kẻ bắt bớ họ và thực sự đáp lại những người này bằng một sự hiền lành tuyệt vời. Những lời mà Đức Giám Mục Iuliu Hossu nói trong thời gian bị giam cầm rất hùng hồn: “Thiên Chúa từng cảm thấy bóng tối của sự đau khổ này nên đã sẵn sàng tha thứ và cầu nguyện cho mọi người hoán cải”. Những lời này là biểu tượng của thái độ được các chân phúc này dùng, trong thời gian thử thách, để nâng đỡ giáo dân của các ngài trong việc tuyên xưng đức tin không thỏa hiệp hoặc trả đũa. Thái độ thương xót này đối với các lý hình là một sứ điệp tiên tri, vì ngày nay nó là một lời mời gọi mọi người chiến thắng hận thù bằng đức ái và tha thứ, bằng cách sống đức tin Kitô giáo một cách kiên định và can đảm.

Anh chị em thân mến, hôm nay cũng vậy, chúng ta chứng kiến sự xuất hiện của những ý thức hệ mới. Các hình thức thực dân ý thức hệ làm mất giá trị con người, sự sống, hôn nhân và gia đình (x. Amoris Laetitia, 40), những người trẻ tuổi và trẻ em, khiến họ không còn gốc rễ để từ đó có thể lớn lên (xem Christus Vivit, 78). Lúc đó, mọi điều trở nên không còn hệ trọng trừ khi nó phục vụ lợi ích trước mắt của chúng ta; người ta được dẫn dắt để lợi dụng người khác và coi họ như những đồ vật đơn thuần (x. Laudato Si’, 123-124). Những tiếng nói đó, bằng cách gieo rắc sợ hãi và chia rẽ, đang chôn vùi những điều tốt đẹp nhất của các lãnh thổ này. Về phần di sản, tôi nghĩ, chẳng hạn, đến Sắc chỉ Torda năm 1568, một sắc chỉ đã cấm mọi hình thức duy cực đoan và là một trong những sắc chỉ đầu tiên ở châu Âu nhằm cổ vũ hành động khoan dung tôn giáo.

Tôi muốn khuyến khích anh chị em đem Tin Mừng đến những người đương thời của chúng ta và tiếp tục, giống như các Chân phúc này, chống lại các tân ý thức hệ đang xuất hiện này. Ước mong anh chị em trở thành các nhân chứng của tự do và lòng thương xót, bằng cách để tình huynh đệ và đối thoại chiếm ưu thế đối với các chia rẽ, bằng cách củng cố tình huynh đệ máu mủ nảy sinh trong thời kỳ đau khổ, khi các Kitô hữu, trong lịch sử vốn chia rẽ, thấy mình gần gũi nhau hơn. Anh chị em rất thân mến, xin sự bảo vệ mẫu thân của Đức Trinh Nữ Maria và sự cầu bầu của các tân Chân phúc đồng hành cùng anh chị em trong hành trình của anh chị em.