Ngày 02-06-2017
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Thần giúp chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng
Lm Đan Vinh
02:11 02/06/2017
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

Thánh Thần giúp chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, Ngày Thứ Nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì Người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý CHÍNH:

Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ để ban bình an và niềm vui cho các ông, khi ấy đang mang tâm trạng hoang mang sợ hãi (19), chứng minh Người đã thực sự sống lại từ cõi chết (20). Cuối cùng người còn ra lệnh cho các ông tiếp tục sứ mệnh thừa sai của Người (21b). Để hỗ trợ cho các ông đủ khả năng chu toàn sứ mệnh “được sai đi”, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha thứ hay cầm giữ tội của người ta (22).

3. CHÚ THÍCH:

- C 19-20: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Ki-tô hiện đến trong lúc phòng vẫn đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em ! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này cho thấy có một sợi dây liên kết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23: + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Chúa Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả các tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sinh khí hay sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các Giám Mục, kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

4. CÂU HỎI:

1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì Ngày Thứ Bảy (Sabát) như đạo Do thái ?
2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly đang khi cửa đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có đặc tính gì ?
3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đến đã đem lại điều gì cho các môn đệ ?
4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông ?
5) Sứ mệnh tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất từ ai và khi nào ?
6) Tại sao Chúa Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ ?
7) Bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su có quyền tha tội và Người thiết lập bí tích Giải tội để trao quyền tha tội cho Hội Thánh khi nào ?

5. HỎI ĐÁP:

HỎI 1: Tin Mừng Gio-an thuật lại rằng: Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Ga 20,22), còn sách Công Vụ lại nói: Thánh Thần xuất hiện dưới dạng một tiếng động như tiếng gió mạnh và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống trên từng người vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-3). Như vậy thực ra Thánh Thần đã hiện xuống trên các Tông Đồ vào lễ Phục Sinh hay lễ Ngũ Tuần ? Thánh Thần đã tác động thế nào trên Cộng Đoàn đầu tiên ?
** ĐÁP:
Thực ra Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các Tông Đồ ngay từ “buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần”. Vì sau khi phục sinh, Người không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, nên đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh, nên Người đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay lúc đó rồi (x. Ga 7,39). Nhưng phải chờ tới ngày lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau Phục Sinh, Thánh Thần mới phát huy tác dụng, khi các ông đã chuẩn bị tâm hồn đầy đủ bằng việc nghe lời Chúa Phục Sinh dạy bảo Thánh Kinh và xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người; nhất là sau khi các ông “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14).
Sách Công Vụ đã thuật lại việc Thánh Thần tác động trên Cộng Đoàn đầu tiên như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

HỎI 2: Tại sao Thánh Thần lại tác động trên các Tông đồ đúng vào lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, tức 50 ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại ? Có liên hệ nào giữa hoạt động của Thánh Thần với ý nghĩa của lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái hay không?
** ĐÁP:
Tuy Đức Giê-su sau khi sống lại đã hiện ra vào chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần, trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do thái, nhưng phải đợi đến ngày thứ 50, trùng với lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần mới tác động trên các Tông Đồ vì những lý do như sau:
+ Thiết lập giao ước: Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần ban đầu là ngày lễ của nông dân, tạ ơn Đức Chúa về các hoa màu mùa màng (x. Xh 23,16). Về sau dân Do thái ăn mừng lễ này để kỷ niệm việc Đức Chúa ban Lề Luật và ký kết giao ước Xi-nai với họ. Thời Tân Ước vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã được Đức Giê-su ban cho các Tông Đồ vào chiều ngày phục sinh, giờ đây đã phát huy tác dụng trên các ông, như sách Công vụ thuật lại. Như vậy có thể nói: lễ Hiện Xuống chính là lễ Ngũ Tuần của Tân Ước.
+ Thành lập dân riêng mới: Cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký giao ước Xi-nai và ban Lề Luật vào lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau biến cố Vượt Qua, biến dân Ít-ra-en thành dân riêng của Người, thì đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã hiện xuống vào 50 ngày sau biến cố Phục Sinh, trùng với lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, để tác động, làm cho Hội Thánh trở thành dân riêng mới của Thiên Chúa.

HỎI 3: Qua các hình dạng được diễn tả trong sách Công Vụ như: “Từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp, và xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,2-4), tác giả Sách Thánh muốn diễn tả điều gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần ?
**ĐÁP:
+ Tiếng động như tiếng gió mạnh: Ám chỉ Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, giống như gió mà người ta không thể xem thấy, mà chỉ cảm nhận được hiệu quả của nó mà thôi (x. Ga 3,8). “Gió mạnh” tượng trưng cho sức mạnh của ân sủng và tình yêu của Thánh Thần. Sức mạnh ấy sẽ giúp các môn đệ làm được những việc lớn lao hơn Đức Giê-su, nghĩa là ban cho các ông khả năng loan báo Tin Mừng khắp thế gian cho mọi dân tộc, đang khi Đức Giê-su chỉ mới rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân Do thái tại xứ Pa-lét-tin.
+ Lưỡi lửa: Lưỡi là bộ phận dùng để nói. Lưỡi lửa ám chỉ lời nói của các Tông đồ sẽ có tác dụng như lửa: vừa tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi những tư tưởng sai lầm để nghe biết chân lý, vừa hun đúc tâm hồn người nghe để họ tin vào Lời Chúa.
+ Nói các thứ tiếng khác: Là ân huệ đầu tiên của Thánh Thần. Vậy các Tông đồ nói tếng lạ thế nào ? Chắc không phải là thứ tiếng lạ khác thường, vì khi nghe các Tông đồ nói thì “Người ta hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,6; 1 Cr 14,5). Ở đây, Lu-ca có ý nói rằng: Các Tông đồ được ơn ngôn ngữ, nghĩa là ơn diễn tả về Thiên Chúa cho người khác hiểu được, làm cho người ta trở nên hiệp nhất thay vì chia rẽ nhau như con cái lòai người thời kỳ xây tháp Ba-ben (x. St 11,1-9). Cuối cùng, ơn ngôn ngữ của các Tông đồ còn giúp Hội Thánh mang tính phổ quát nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Cv 2,9-11).

HỎI 4: Ngày nay, khi chịu phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, Thánh Thần sẽ ban những ơn gì cho các tín hữu ?
** ĐÁP:
Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ đến hoạt động trong các tín hữu chúng ta.
+ Thánh Thần sẽ thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, biến đổi chúng ta nên Ki-tô hữu trưởng thành về đức tin, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta hiểu biết đầy đủ về giáo lý của Chúa Giê-su, hầu giúp chúng ta giữ nghĩa cùng Chúa luôn và ngày càng nên hoàn thiện hơn, như lời Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).
+ Thánh Thần sẽ cho chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giê-su bằng ba việc: rao giảng (Ngôn sứ), thánh hóa (Tư tế), và cai quản dân Chúa (Vương đế). Chúng ta làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói, việc làm và bằng chính đời sống tốt lành của mình, nhờ đó sẽ giúp lương dân nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
+ Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta bằng việc ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh. Đó là các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23).

2. CÂU CHUYỆN:

1) NGƯỜI GIEO TRỒNG CẢ CÁNH RỪNG SỒI:

Vào thập niên 1930, có một thanh niên một mình đi thám hiểu dãy núi AN-PƠ (Alpes) nước Pháp. Anh ta đi ngang qua một dải đất đồi trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng không người lai vãng, lại vừa mấp mô xấu xí và không đáng để người ta quan tâm. Bỗng nhiên anh ta thấy một ông già đang khòm lưng làm việc, trên vai đeo một cái túi khá nặng chứa đầy hạt sồi. Tay ông cầm một khúc ống sắt dài khoảng 1m20. Ông đang dùng ống sắt ấy đâm sâu xuống mặt đất, làm thành những chiếc lỗ cách nhau khoảng 3 mét, Rồi ông thò tay vào túi hạt sồi lấy ra một nắm đặt vào mỗi lỗ một hạt. Khi anh thắc mắc thì ông giải thích như sau: “Nhà tôi ở trong vùng đất hoang vu này. Trước kia tôi cũng có gia đình. Nhưng vợ và 3 đứa con của tôi đã lần lượt bị chết do một dịch bệnh cách đây gần một năm. Sau khi vợ con chết hết, tôi buồn bã chán nản không thiết làm việc trồng tỉa như truớc, mà suốt ngày chỉ đi thơ thẩn khắp vùng này để giải khuây. Một hôm tôi đi ngang qua khu vực đồi trọc rộng bao la này và muốn làm một việc gì đó để đời mình có ý nghĩa. Tôi nảy ra ý định sẽ gieo hạt giống từ cây sồi trong vườn sau nhà, để phủ xanh khu vực đồi trọc này. Tuy biết mình đã lớn tuổi chẳng còn sống được bao năm và không có người thừa kế, nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc này với hy vọng sẽ để lại cho thế hệ mai sau một quả đồi đầy những cây sồi. Đến nay, sau một năm miệt mài gieo trồng, tôi ước tính đã gieo được cả trăm ngàn hạt sồi xuống đất. Chỉ cần một phần mười số hạt này mọc lên thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.
Hai mươi năm sau, anh thanh niên kia giờ đã trở thành một người trung niên. Một lần, khi đi ngang qua khu vực này. Ông ta sửng sốt khi thấy khu vực đồi trọc hoang vu trước đây hai chục năm giờ đã biến thành một khu rừng sồi rất đẹp, rộng hai dặm và dài khoảng năm dặm. Tại khu rừng sồi này có nhiều lòai chim làm tổ và chạy nhảy trên cành ca hát líu lo. Nhiều loài thú hoang như hươu nai cũng đang nhởn nhơn gặm cỏ. Hoa sồi nở rộ khắp nơi lan tỏa mùi thơm khắp vùng. Toàn cảnh khu vực giống như một địa đàng. Ông nhận định rằng: Sở dĩ có được thành quả tốt đẹp này là do bàn tay của ông lão tốt bụng hai mươi năm trước đã để lại.
Lễ Hiện Xuống cũng là một lời mời gọi các tín hữu chúng ta hành động để góp phần xây dựng và mở rộng Nước Chúa đi khắp hòan cầu. Tuy không có khả năng làm thay đổi thế giới, nhưng chúng ta vẫn có thể biến đổi được phần nào ngay tại môi trường sống của mình, giống như ông lão trong câu chuyện trên đã làm. Mỗi chúng ta đều đã được Chúa ban cho một túi hạt sồi ân sủng và một khúc ống sắt tài năng khi lãnh nhận phép Thêm Sức. Chỉ cần một chút can đảm của ông lão trồng sồi, cùng với ơn Thánh Thần hỗ trợ, chúng ta cũng có thể góp phần làm cho thế giới ngày một an ninh trật tự hơn, công bình nhân ái hơn và tốt đẹp thịnh vượng hơn.

2) THÁNH THẦN SẼ CHO BIẾT Ý NGHĨA CỦA CUỘC SỐNG:

Có một nhà hiền triết nọ khi đi lang thang trong rừng, đã không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết nghe các loài vật phát biểu tỏ vẻ hốt hoảng và chạy trốn ra khỏi khu rừng để khỏi phải nghe những tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ. Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán. Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ Chúa Giê-su đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Nhờ ơn Thánh Thần ban, chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải trên mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao. Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để mở ra một chân trời mới hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ có được một cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, và biết xử dụng chúng để xây dựng một cuộc sống mới.

3) THÁNH THẦN CHÍNH LÀ THẦN KHÍ BAN SỰ SỐNG:

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng. Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng như lần trước.
Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người đệ tử đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất ngờ, vị linh đạo đã túm lấy anh và cố dìm anh xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lại lên mặt nước. Bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh rằng: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không chút suy nghĩ, anh đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần không khí để thở”. Lúc bấy giờ vị linh đạo liền dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa giống như con cần có khí trời để thở phải không? Nếu con cảm thấy cần như thế, thì con sẽ lập tức gặp được Ngài. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

4) THÁNH THẦN SẼ MANG LẠI BÌNH AN THỰC SỰ CHO TÂM HỒN

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức mà ông phải chọn lấy một.
Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bay lơ lửng. Mọi người hiện diện đều đánh giá đây là bức tranh diễn tả sự an bình thật sự.
Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao nhưng không cây cối và lởm chởm đầy những tảng đá xám xịt. Bầu trời trên cao đang giận dữ đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp sáng lòe. Bên vách núi có một dòng thác đổ nước mưa xuống nổi bọt trắng xóa. Bức tranh xem ra chẳng chút bình an. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau dòng thác có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang giang rộng đôi cánh ủ ấp mấy chú chim con. Dù giữa dòng thác đang trút nước ầm ầm mà chim mẹ vẫn ấp ủ bảo về lũ con của mình. Điều này đã diễn tả sự an bình nội tâm thực sự.
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Vì sự bình an không chỉ là nơi không có tiếng ồn ào, không gặp khó khăn cực khổ. Bình an tâm hồn chính là : dù đang sống giữa phong ba bão táp, mà người ta vẫn an bình chu toàn bổn phận với tình yêu của mình.

5) ĐỔI MỚI PHƯƠNG CÁCH LOAN BÁO TIN MỪNG HÔM NAY:

Từ ngày 20.03.2014 đến nay, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhắc đến tên tuổi của một nữ tu: sơ CRIS-TI-NA SCUC-CI-A, 25 tuổi, thuộc Hội Dòng UR-SU-LINE THÁNH GIA, thành phố Mi-la-no nước Ý. Đơn giản chỉ vì sơ tham gia chương trình The voice of Italy của đài TV RAI 2 mùa giải năm nay và đã vượt qua được những vòng thi đầy hứng thú. Ở vòng giấu mặt, khi nghe sơ hát bài hit “No One” của Alicia Keys, cả 4 giám khảo (2 nam, 2 nữ) đều nhanh chóng quay mặt lại, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc từ chăm chú đến thích thú. Trên YouTube, màn trình diễn của sơ chỉ qua ba ngày đã đạt 13 triệu lượt xem. Tính đến nay, số lượt xem đã hơn 49 triệu. Alicia Keys, tác giả bài hát đã bày tỏ sự thán phục bằng chữ “beautiful”. Diễn viên nổi tiếng Whoopi Goldberg, vai chính trong phim “Sister Act” cũng ghi lời tán thưởng. Đặc biệt, Hồng Y Gian Franco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trên trang Twitter đã khích lệ bằng một câu Kinh Thánh: “Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để phục vụ người khác (1Pr 4,10)”.
Giải thích về việc tham gia cuộc thi, sơ Cris-ti-na cho biết: “Vì ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy mang tiếng nói của Chúa đến với mọi người”. Báo chí dựa vào đây để khẳng định tiếng hát của sơ là cách đem Chúa đến với mọi người trên thế giới hôm nay, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy dẫu là môi trường đời hay ngay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa. ĐGH Phanxicô đã kêu gọi công cuộc truyền giáo mới ngày nay rất cần đến nhiệt tình mới, phương pháp mới và ngôn ngữ mới. Hát chính là một trong những ngôn ngữ hiệu quả rất nên được khai thác và sử dụng khi thi hành sứ vụ truyền giáo. Kinh nghiệm, các chị em cũng biết đó: người ta thuộc lời bài hát hơn là nhớ lời bài giảng!
Sơ Cris-ti-na đã dùng đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho mình để sống chứng nhân cho Chúa như sơ đã phát biểu khi có người thắc mắc lý do nữ tu lại tham gia ca hát như sau: “Tôi có một món quà để trao tặng. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.

3. SUY NIỆM:

1) Quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần trong lịch sử Hội Thánh:

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo Hội vì Thánh Thần của Chúa Giê-su vẫn luôn ở cùng Giáo Hội. Thánh Thần là Thần Chân Lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo Hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Giáo Hội luôn được lớn mạnh là nhờ sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa luôn ở trong Giáo Hội. Thực vậy, chỉ với vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém học thức và nghị lực lại có thể loan báo Tin mừng của Chúa đi khắp thế gian. Tông đồ Phê-rô đã từng hèn nhát chối Chúa lại có thể can đảm làm chứng cho Chúa và đưa về cho Chúa tới 3 000 người chỉ sau một bài giảng đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội Chúa Ki-tô dù trải qua bao sóng gió, đàn áp tiêu diệt vẫn ngày một phát triển khắp thế gian. Thực đúng như Téc-tu-ni-a-nô đã nói: "Máu các thánh tử đạo sẽ làm phát sinh các tín hữu" ? Trong thế kỷ 20, một nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Têrêsa lại trở thành biểu tượng sáng giá cho sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa được cả thế giới ngưỡng mộ… Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.
Ngày nay, tuy Hội Thánh vẫn còn nhiều khuyết điểm và thậm chí còn có cả tội lỗi nữa nên có thể làm cho nhiều tín hữu cảm thấy thất vọng. Nhưng nếu chúng ta biết rằng Chúa Giê-su vẫn đang ở với Hội Thánh qua Thánh Thần của Người để sẵn sàng bảo vệ, và giúp đỡ Hội Thánh vượt qua những thử thách đen tối... thì chúng ta sẽ không nản lòng, nhưng hãy cầu xin Thánh Thần soi sáng và gia tăng nghi lực để Hội Thánh vượt qua những khó khăn và trung thành đi trên con đường Giê-su. Đó là con đường khiêm hạ nhỏ bé, sẵn sàng chịu thua thiệt để mang lại ơn cứu độ cho đời. Con đường Giê-su đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa lòng đời, để làm cho đời nên tốt hơn.

2) Thánh Thần thánh hóa các tín hữu nhờ sốt sắng lãnh nhận các phép bí tích:

Từ khi lãnh nhận phép Rửa Tội, nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Thánh Thần cũng được ban cho các tín hữu. Thánh Thần hiện diện khi các tín hữu họp nhau lắng nghe Lời Chúa. Thánh Thần cũng soi sáng, giúp chúng ta thực hành Lời Chúa giữa đời thường (x. Ga 14,17), giúp ta tuyên xưng “Đức Giê-su là Chúa” (x. 1 Cr 12,3) và gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Ba ơi!” (x. Rm 8,15), giúp chúng ta sống như con Thiên Chúa (x. Rm 8,1). Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta nên công chính, không còn sống theo xác thịt, nhưng sống cuộc đời mới tốt đẹp hơn (x. Rm 8,10-13), giúp ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô để cùng được hưởng vinh quang phục sinh với Người (x. Rm 8,17). Chính Thánh Thần làm cho Hội Thánh hiệp nhất qua việc ban nhiều ơn đặc sủng khác nhau để phục vụ lợi ích chung cộng đoàn (1 Cr 12,4-11). Nhất là được ơn nói tiếng khác và nói tiên tri (x. 1 Cr 14,5). Trong Hội Thánh, mỗi tín hữu là một bộ phận thuộc nhiều phẩm trật khác nhau (x.1 Cr 12,27-30). Ngày nay Thánh Thần hiện diện nơi các vị chủ chăn và cộng đoàn mỗi khi khi họp nhau cử hành bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Lễ, Thánh Thần soi sáng cho các tín hữu lắng nghe, hiểu biết và sống theo Lời Chúa, biến hóa bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa Giê-su sau lời truyền phép. Thánh Thần chính là linh hồn của Hội Thánh. Nếu không có Thánh Thần thì Hội Thánh cũng chỉ như một xác chết không hồn mà thôi.

3) Thánh Thần hiệp nhất các tín hữu nhờ ban ơn ngôn ngữ tình yêu:

- Câu chuyện về tháp Ba-bel trong Cựu ước: Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: “Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, để tránh bị Đức Chúa cho “Đại Hồng Thủy” tiêu diệt chúng ta”. Trước ý định kiêu căng ngông cuồng này, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và bỏ đi mỗi người một ngả. Chính tội lỗi nhất là tội kiêu ngạo là nguyên nhân gây sự chia rẽ giữa cộng đoàn.
- Trong lễ Hiện Xuống thời Tân Ước hôm nay, sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại tác động của Chúa Thánh Thần như sau: “Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đỗ trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong thời gian lễ Ngũ tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giê-ru-sa-lem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhên và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa”.
Đây chính là một cuộc họp mặt đông đảo kể từ thời tháp Babel, trong đó mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ ơn Thánh Thần được tượng trưng qua hình ảnh lưỡi lửa và việc các tông đồ nói bằng nhiều thứ tiếng do Thánh Thần ban để liên kết các dân tộc và giúp họ dễ dàng cảm thông và hiệp nhất với nhau. Nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không có tình yêu, sẽ khó hiểu biết cảm thông với nhau, và dễ dàng làm bùng nổ sự tranh cãi và sự hận thù chiến tranh với nhau.

4) Thánh Thần giúp sống yêu thương để làm chứng cho Chúa:

Cách đây 20 năm ở xứ Long Châu thuộc giáo phận Nam Ninh bên Trung Quốc, ban đầu chỉ mới có một gia đình ông trùm là tin Chúa. Nhưng nhờ gia đình ông động viên nhau nói về Chúa cho dân làng nhận biết Chúa. Kết quả đến nay hầu như cả làng đều đã tin theo Chúa. Hằng năm vào dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh đều có trên dưới 20 người xin chịu phép rửa tội.
Khi được hỏi: Nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông lại mang lại hiệu quả tốt đẹp như thế. Ông trùm trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới gặp rất nhiều khủng hoảng: Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng gia tăng. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn giữ được nề nếp trên thuận dưới hoà: vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, nhiều người lương trong làng đã nêu nhận xét về đạo Công Giáo như sau: “Công Giáo là đạo tốt, vì các tín hữu đã có thể bảo vệ giữ gìn được hạnh phúc cho gia đình mình. Nhờ gương sống đạo tốt đẹp của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng đã động viên nhau theo Chúa.

5) Phải làm gì để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa ? :

Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục tác động tuy âm thầm, nhưng không kém phần hiệu quả nơi Hội Thánh. Vậy chúng ta phải làm gì để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng ?
- Việc thứ nhất là hãy tạo cho mình một bầu khí thinh lặng nội tâm, tránh những lo toan về các nhu cầu như cơm áo gạo tiền. Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước còn những sự khác, Ngài sẽ ban cho chúng ta sau.
- Việc thứ hai là hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và năng tham dự lễ nghi Bẻ Bánh, noi gương hai môn đệ làng Em-mau xưa, đi loan báo Tin vui Phục Sinh.
- Việc thứ ba là chuyên tâm cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ trong đó có Mẹ Chúa Giê-su và các anh em bà con của Người. Nhờ đón nhận được ơn Thánh Thần, mỗi chúng ta sẽ được ơn biến đổi nên tốt hơn và chu toàn được sứ vụ làm chứng cho Chúa cho người chung quanh và cho mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc.

4. THẢO LUẬN:
1) Thánh Thần giống và khác với thiên thần thế nào ?
2) Ta phải làm gì để được Thánh Thần ngự đến đổi mới và giúp ta thi hành sứ vụ “được sai đi” giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa ?

5. NGUYỆN CẦU:
LẠY CHÚA THÁNH THẦN. Xin hãy đến như cơn gió mát thổi vào tâm hồn chúng con, thổi vào Hội Thánh, thổi vào thế giới hôm nay, để làm tươi mát dịu dàng và ban sự tự do thanh thoát. Xin hãy đến như dòng nước trong lành chảy vào cuộc đời chúng con, chảy vào Hội Thánh, chảy vào thế giới hôm nay, để tẩy sạch mọi tội lỗi nhớp nhơ, làm dịu đi những khô cằn, uốn lại những tấm lòng cứng cỏi, và làm phát sinh những mầm xanh sự sống mới. Xin hãy đến ban ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Hội Thánh, chiếu sáng thế giới hôm nay, để xua đi bóng đêm tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng con, đẩy lùi bóng tối của đam mê thấp hèn ra khỏi môi trường chúng con đang sống, làm cháy lên những ước mơ cao cả, và làm bừng sáng tình yêu khiêm nhường phục vụ.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON


 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống A. 4.6..2017
Lm Francis Lý văn Ca
02:36 02/06/2017
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,
Hiệp với Giáo Hội Hoàn Vũ, hôm nay, chúng ta long trọng mừng lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống: "Ngày Lễ Sinh Nhật của Giáo Hội".
Các bài đọc hôm nay - đặc biệt là Sách Tông Đồ Công Vụ - đã làm nổi bậc đặc tính hiệp nhất do Thánh Linh mang xuống. Thánh Linh Chúa nói qua thánh Phêrô mà làm cho nhiều người ngoại quốc đến từ các miền có ngôn ngữ khác nhau nhưng vẫn hiểu được.
Câu chuyện của Ngày Lễ Hiện Xuống trái ngược hẳn với câu chuyện tháp Babel. Lòng tự cao tự đại đã trở nên lộn xộn.
Chúng ta cầu xin với Chúa Giêsu Sống Lại: thổi vào tâm hồn chúng ta một luồng sinh khí mới, để chúng ta có tinh thần mới của Thánh Linh Thiên Chúa.
Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta cùng hiệp tiếng với ca đoàn bắt đầu thánh lễ với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:
Chúa Thánh Thần đã làm một việc cả thể: Thay đổi các tông đồ từ nhát đảm trở thành những nhà hùng biện đại tài, rao giảng Đức Kitô chịu đóng đinh, đã chết và sống lại. Tất cả mọi việc Thiên Chúa có thể can thiệp, điều khiển, sửa đổi theo chương trình quan phòng của Ngài.

TRƯỚC BÀI II:
Thánh Phaolô khuyên dân thành Rôma - cũng là lời khuyên chúng ta - hãy để Chúa Thánh Thần điều khiển, hướng dẫn mọi hành vi và ước muốn của chúng ta.

TRƯỚC BÀI PÂ:
Thánh Gioan thuật lại những lời tâm huyết của Đức Kitô trước khi giã từ các môn đệ để vào sự thương khó. Đây là điều đẹp lòng Chúa, qua tình yêu mến, Thiên Chúa đã sai Thánh Thần đến để nâng đỡ và hướng dẫn mọi việc chúng ta làm đều sáng danh Chúa.

Lời Nguyện Giáo Dân
Linh mục: Anh Chị Em thân mến, Chúng ta cầu xin Thiên Chúa Cha sai Thánh Thần đến để canh tân bộ mặt trái đất: 1. Xin Thánh Thần đến: ban cho Đức Thánh Cha Phanxicô, được đầy ơn của Ngài, để Ngài hướng dẫn con thuyền Giáo Hội đến bến bờ bình an. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

2. Xin Thánh Thần đến: ban cho Đức Tổng Giám Mục… hàng Giáo Phẩm… để Các Ngài đầy khôn ngoan chu toàn trách vụ những Đấng Chủ Chăn trong hoàn cảnh hiện nay. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

3. Với ơn Chúa Thánh Thần giúp sức: chúng ta sẽ canh tân cuộc sống cá nhân, gia đình và cộng đoàn mỗi ngày thêm vui tươi và đầy tràn tình huynh đệ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

4. Với ơn Thánh Linh thúc giục, xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết hăng say trong các công tác tông đồ. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con

5. Xin cho thân bằng quyến thuộc đã qua đời, những linh hồn mồ côi không còn ai để nguyện cầu. Chúng ta cầu xin Chúa.

Xin Chúa nhậm lời chúng con


Linh mục:
Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến, ban cho chúng con niềm tin vững mạnh để làm chứng nhân cho Chúa giữa xã hội và môi trường chúng con đang sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Amen.
 
“Lưỡi mang hình ngọn lửa,” hay “lửa mang dáng chiếc lưỡi” ?
Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
14:34 02/06/2017
Lễ Hiện Xuống.

“Lưỡi mang hình ngọn lửa,” hay “lửa mang dáng chiếc lưỡi” ?

1. Lưỡi lửa: nói nhiều thư tiếng

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều nằm lòng đoạn sách Công Vụ mô tả biến cố Chúa Thánh Thần hiện xuống như hình lưỡi lửa tản ra đậu trên đầu từng người môn đệ Chúa Kitô. Nhưng hỏi thêm một bước, hình lưỡi lửa đó, lưỡi là chính hay lửa là chính. Tức là ngọn lửa như hình cái lưỡi, hay là cái lưỡi có ngọn lửa, thì có lẽ chúng ta hơi bí. Nếu lửa là chính, thì nó diễn tả sự nung đốt trong lòng. Còn nếu lưỡi là chính, thì nó nói lên, chứ không im lặng. Lưỡi là nói chứ không là liếm. Lưỡi chó mới liếm. Lưỡi mà có lửa, nói càng hăng. Vậy lưỡi là chính hay lửa là chính. Ta sẽ trả lời dễ dàng nếu ta đọc nguyên bản tiếng Hi Lạp. Mà ta chẳng cần đọc. Bởi đọc cũng chẳng hiểu, ấy là chưa nói không đọc được, vì nó lằng ngoằn như con sâu, với alfa beta gamma épsilon đủ thứ. Các nhà chuyên môn đọc dùm ta: lưỡi là chính. Chúa Thánh Thần hiện xuống như hình những chiếc lưỡi có lửa, chứ không phải như ngọn lửa có hình dáng cái lưỡi, như chúng ta hay nói, ngọn lửa đã liếm (có lưỡi mới liếm được) đến mái nhà.

Vậy cái lưỡi nói nhiều thứ tiếng của Chúa Thánh Thần, thánh Phaolô gọi là ơn ngôn ngữ, có nghĩa gì. Hỏi cách khác: có đúng là được tràn Chúa Thánh Thần thì nói được nhiều thứ tiếng không? Câu trả lời ta nhường cho một tác giả Châu Phi thế kỉ 6, mà Giaó Hội cho đọc trong bài đọc 2 giờ Kinh Sách, áp lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống.

“Các môn đê khi tràn đầy Thánh Thần thì nói nhiều thứ tiếng khác nhau, tuỳ theo Thánh Thần ban cho” (Cv 2,4).

Tác giả Châu Phi thế kỉ 6 lý luận bằng một câu hỏi như sau: “Nếu có ai hỏi người nào trong chúng ta: ‘bạn đã lãnh nhận Thánh Thần, tại sao bạn không nói nhiều thứ tiếng?’ (biết có mỗi tiếng Việt, Chúa Thánh Thần ngự xuống, cũng chỉ mỗi một tiếng Việt mà nói) thì phải trả lời: ‘Tôi đang nói nhiều thứ tiếng đây’ vì tôi đang ở trong Thân Mình Đức Kitô là Hội Thánh.”

Một lập luận rất đạt. Tôi quảng diễn thêm. Khi ta lãnh Phép Rửa bằng nước và Thánh Thần, tràn đầy ơn của Người, là ta gia nhập vào Hội Thánh Công Giáo. Hội Thánh là Thân Mình Chúa Kitô. Hội Thánh có nhiều loại người, nên có nhiều ngôn ngữ. Người Mỹ nói tiếng Anh, người Pháp nói tiếng Tây, người Thượng Ban Mê nói tiếng Rađê. Vậy là gia nhập vào Hội Thánh là ta nói nhiều thứ tiếng. Không phải chỉ riêng ta nói, mà Hội Thánh nói. Mà Hội Thánh có nhiều loại người, nhiều dân tộc, nên nói được nhiều ngôn ngữ. Mấy ngàn ngôn ngữ như hiện nay.

Nói tượng hình hơn: Hội Thánh là Thân Thể Chúa. Mà Thân thể thì đâu chỉ toàn là mắt. Nếu vậy lấy chi mà nghe. Thân Thể cũng đâu chỉ là tay, lấy gì mà đá bóng. Vậy thân thể có nhiều chi thể khác nhau, cho nên có nhiều cách biểu lộ khác nhau, cũng giống như có nhiều ngôn ngữ. Có người nói bằng tay, có người nói bằng mắt, có người nói bằng nhíu mày, có người nói bằng vươn vai. Gia nhập vào Giáo Hội Công Giáo (tức phổ quát) là Thân Thể Đức Kitô, là ta nói nhiều thứ tiếng theo nghĩa đó.

2. Nhiều thứ tiếng, nhưng ai cũng hiểu được.

Nếu nhiều thứ tiếng mà chẳng ai hiểu ai, thì có khác gì vụ việc Babel ngày xưa. Ngày xưa, ở Babel, con cháu ông Nôe đang nói cùng một thứ tiếng, nghĩa là đang hiểu nhau và đoàn kết với nhau, bỗng dưng để cho tính kiêu ngạo xúi giục muốn xây một cái tháp cao hơn trời để tỏ ra mình cao hơn Thiên Chúa, nên đã bị phạt khiến họ nói nhiều thứ tiếng, người này không còn hiểu người kia nữa, và chia rẽ nhau. Chuyện tháp Babel ngụ ý rằng khi con người không quy tụ quanh Thiên Chúa thì sẽ chia rẽ nhau, không hiểu nhau và không thông cảm cho nhau.

Hôm lễ Ngũ tuần, Chúa Thánh Thần sửa lại sự hư hại đó: tất cả mọi người dù thuộc những dân tộc và các ngôn ngữ khác nhau nhưng đã hiểu nhau. Nhờ đâu? Nhờ chính Chúa Thánh Thần, nguồn tình yêu.

Tôi quảng giải thêm. Có một thứ ngôn ngữ mà ai ai cũng hiểu được: đó là ngôn ngữ của khổ đau và nhất là ngôn ngữ của tình yêu. Tuy hai thứ nhưng hai trong một. Two in One. Một người ngoại quốc, như Hàn Quốc, Pháp quốc, chắc chắn hiểu được ngôn ngữ đau khổ của người Tàu, người Việt ta. Nhăn mặt là biết ta đang đau, chứ đâu cần hiểu được tiếng Việt “đau” là gì mới biết được ta đau. Nhưng phải yêu thương mới hiểu được đau thương. Không có lòng thương yêu họ đau mà ta thấy trơ trơ, không hiểu. Ngôn ngữ tình yêu càng diệu kỳ hơn nữa trong lãnh vực tình yêu đôi lứa. Bất chấp màu da chủng tộc, quốc tịch. Bất chấp giàu bạc đống hay nghèo khố ôm, ai ai cũng hiểu được ngôn ngữ tình yêu.

Do đó, tuy nói nhiều thứ tiếng, nhưng ai cũng hiểu được, vì ta nói một ngôn ngữ là tình yêu thương. Chúa Thánh Thần là thần tình yêu làm cho mọi người nói tiếng khác nhau mà hiểu nhau được.

Chúa Thánh Thần hiệp nhất ta trong Hội Thánh khiến ta nói được nhiều ngôn ngữ.

Chúa Thánh Thần tình yêu, làm cho ta tuy nói nhiều ngôn ngữ nhưng lại hiểu được nhau, vì cùng nói một thứ tiếng: tình yêu.

3. Lưỡi lửa mà con người hôm nay cần

Vậy ngày nay người ta cần thứ ngôn ngữ nào, cần nói tiếng nào?

Nói là một sinh hoạt cần thiết trong cuộc sống chung: hằng ngày khi gặp người khác, chúng ta chào nhau, hỏi thăm nhau, trao đổi ý kiến với nhau, thảo luận, tranh luận v.v. Chính vì để phục vụ cho sinh hoạt cần thiết này mà khoa học kỹ thuật ngày nay đã phát minh ra máy khuếch âm, máy ghi âm, điện thoại v.v.

Nhưng nói với nhau là một chuyện, còn hiểu nhau là một chuyện khác. Hai chuyện này chưa hẳn luôn đi đôi với nhau. Nói với nhau thì nhiều nhưng hiểu nhau chắc không được bao nhiêu. Dịch một ngoại ngữ thì dễ hơn là hiểu được ý thật, lòng thật của người đang ở sát bên cạnh mình.

Có đặt mình trong bối cảnh như thế, chúng ta mới thấy được "lưỡi lửa" mà bài sách Công vụ hôm nay mô tả là cần thiết thế nào cho con người hôm nay. Ngày xưa, những người có mặt hôm lễ Ngũ tuần tuy nói nhiều ngôn ngữ khác nhau nhưng đều hiểu nhau. Đó là hiệu quả bởi "lưỡi lửa" của Chúa Thánh Thần Tinh Yêu. Lưỡi hình lửa là tiếng nói của tình yêu. Tiếng nói chân thật nhất là tiếng xuất phát từ cõi lòng.

Tiếng nói dễ hiểu nhất là tiếng của tình yêu. Xin đừng nói lời hận thù, chẳng ai hiểu được đâu dầu có gặp nhau liên tục. Israel và Palestine phái Hamas không hiểu nhau được, vì không dùng chung ngôn ngữ yêu thương.

Trong gia đình cha mẹ con cái vợ chồng hãy nói bằng một ngôn ngữ thôi: ngôn ngữ yêu thương, thì dù tính khí khác nhau, hoài bão khác nhau, sở thích khác xa nhau: người thích đá banh kẻ thèm sướt mướt phim tình cảm Hàn Quốc, thì vẫn hiểu nhau được.

Xin "lưỡi lửa" hiện xuống tràn đầy trong mỗi người chúng ta và trong cộng đoàn chúng ta, đặc biệt trong gia đình nhân năm chuẩn bị cho người trẻ bước vào gia đình này.

Gia đình hiệp nhất là gia đình nói được nhiều thứ tiếng.

Gia đình yêu thương là gia đình tuy nói nhiều thứ tiếng nhưng vẫn hiểu được nhau. Amen.

Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Anh Em Hãy Nhận Lấy Thánh Thần
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
20:48 02/06/2017
Anh Em Hãy Nhận Lấy Thánh Thần (Ga 20,22)

(Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Một trường phái triết học tuy không mới lắm nhưng vẫn mang tính thời sự, đó là “hiện tượng luận”.Theo cái nhìn này, xin được nêu lên một vài hiện tượng như sau: Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần năm xưa, khi hiện ra với các môn đệ tại nhà Tiệc ly mà không có ông Tôma ở đó, Chúa Giêsu đã thổi hơi trên các ngài và ban Thánh Thần. Hôm ấy các cánh cửa của căn phòng được đóng kín vì các vị sợ người Do Thái hãm hại. Một tuần sau, các vị cũng tề tựu ở đó, có Tôma ở cùng, thế mà các cửa vẫn đóng kín (x.Ga 20,26). Một hiện tượng khác: Các em thiếu niên 13-14 tuổi xét chung đang ngoan ngoãn, siêng năng tham dự Thánh Lễ, chuyên cần học giáo lý, sau khi được Giám Mục đặt tay ban Thánh Thần qua bí tích Thêm Sức, thì một số không ít lại trở chứng, ngang bướng, lười tham dự Thánh Lễ và hay bỏ học giáo lý…

Là Kitô hữu Công Giáo, chúng ta tin nhận tính “tại sự” (ex opere operato) theo thần học bí tích. Tuy nhiên tính “tại sự” ấy của bí tích không cấm chúng ta đặt vấn đề rằng cớ sao trong nhiều trường hợp như chiều ngày thứ nhất trong tuần của năm nào tại căn nhà Tiệc Ly, Thánh Thần đã được ban tặng mà hiệu quả dường như chưa thấy? Vấn nạn xem ra tuy khó có lời giải, nhưng dựa vào lời của Đấng Cứu Thế chiều hôm ấy, chúng ta có thể thấy được vấn đề. “Hãy nhận lấy Thánh Thần!” Chúa đã thổi hơi ban Thánh Thần, nhưng các Tông đồ phải biết đón nhận. Mặt trời đã mọc lên nhưng các cánh cửa căn nhà còn đóng kín thì căn nhà vẫn chìm trong bóng tối. Theo toán học thì ngoài điều kiện cần, phải có điều kiện đủ, thì kết quả mới xảy ra. Triết học gọi đó là nguyên nhân và cơ hội, còn thần học thì phân biệt nguyên nhân tác thành hay còn gọi là nguyên nhân đệ nhất và nguyên nhân đệ nhị. Anh em Phật tử lại dùng hai từ nhân và duyên.

Để hồng ân Thánh Thần mà chúng ta được trao ban, phát sinh hoa trái, thiết tưởng không thể thiếu thái độ sẵn sàng đón nhận, vì đây chính là duyên, là nguyên nhân đệ nhị, là cơ hội, là điều kiện đủ. Để sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần cách hiệu quả, không gì hơn, hãy nhớ lại những gì Chúa Kitô và các Tông đồ nói về Thánh Thần, đặc biệt qua vài Danh xưng của Người. Người là Thiên Chúa thật trong Ba Ngôi Thiên Chúa, là Thần Chân Lý, là Đấng An ủi, Đấng Bảo Trợ, là Nguyên lý của các đặc sủng… Qua các Danh xưng của Chúa Thánh Thần, chúng ta có thể thấy một vài điều kiện để có thể sẵn sàng đón nhận Người.

1.Sự khiêm nhu: Chúa Thánh Thần là Thần Chân lý. Người dẫn chúng ta đến sự thật, Người soi sáng cho chúng ta nhận thức sự vật hiện tượng, nhận thức chính bản thân ta và tha nhân, nhận biết Thiên Chúa và chương trình ý định của Người cách đúng đắn. Để tiếp cận với chân lý, trên hết và trước hết cần phải có sự khiêm nhu chân thành. Người khiêm nhu thì chân nhận mình còn mù mờ, thấy sự việc như trong sương, trong chiếc gương đồng (x.1Cor 13,12). Người khiêm nhu thì sẵn sàng biết lắng nghe và chân thành học hỏi. Người khiêm nhu còn can đảm nhìn nhận con người bất toàn và đầy thiếu sót lẫn sai lầm của chính mình. Thiếu nữ Maria, làng quê Nagiarét, nhờ biết khiêm nhu cách sâu thẳm, nên đã đón nhận ân sủng Thánh Thần cách đầy tràn (x. Lc 1,26-38). Trái lại, chính lòng kiêu căng đã làm cho nhiều biệt phái và luật sĩ khôn ngoan, thông thái năm xưa không thể tiếp nhận chân lý (x.Lc 10,21).

2.Sự tín thác vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa: Người biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa thì sẽ dễ dàng đón nhận Đấng Bảo trợ, đặc biệt trong những cơn gian nan thử thách. Các Thánh Tử đạo là những người làm chứng cho chúng ta về điều kiện này. Dù xuất thân bởi nhiều hoàn cảnh khác nhau, dù khác nhau về trình độ học vấn, dù khác nhau cả về mức độ đạo đức hay chức vị, danh phận…thì các ngài vẫn bình an trong cơn gian khổ, bách hại, vì luôn có Đấng Bảo trợ, Thần An ủi ở cùng. Sự bình an trong cơn gian nan, khốn khó là một trong những nét trỗi vượt của các thánh Tử đạo so với những anh hùng dân tộc. Cũng là chịu hy sinh cách anh dũng vì “chính đạo”, nhưng các anh hùng dân tộc thì phẩn uất, căm thù kẻ làm hại mình, còn các thánh Tử đạo thì hân hoan, an bình và còn cầu nguyện cho cả kẻ giết mình. Được như vậy là nhờ các ngài luôn tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa. Sự tín thác này được thể hiện bằng niềm tin rằng chính sự sống của mình là do Chúa ban tặng, tin nhận rằng Thiên Chúa không chỉ là Đấng quyền năng đã dựng nên mình từ hư vô mà còn là Người Cha nhân hậu chăm sóc mình đến từng sợi tóc (x.Mt 10,30; Lc 12,7), là Đấng trọn lành cho mưa rơi đều trên người lành lẫn kẻ dữ, cho mặt trời mọc lên soi sáng người công chính lẫn tội nhân (x.Mt 5,44-45).

3.Có tấm lòng vì ích chung: Một người có tấm lòng vì ích chung, cách riêng vì ích lợi của những người nghèo, những người cô thế, kém phận thì rất dễ sẵn sàng hiến thân theo khả năng và hoàn cảnh cách hết mình. Và họ sẽ nhận được nhiều đặc sủng như chữa bệnh, làm phép lạ, nói tiên tri, phân định thần khí…do Thánh Thần ban tặng (x.1Cor 12,7-11). Tấm lòng vì ích chung có thể nói là đối nghịch với tâm hồn ích kỷ, chỉ biết lợi ích riêng mình. Khi đã có tấm lòng vì ích chung thì ta sẽ dễ dàng xây dựng sự hiệp nhất trong sự tôn trọng cái khác biệt của tha nhân. Trái lại khi đã đặt cái tôi của mình lên trên hết, thì ta sẽ có nguy cơ tìm cách bắt kẻ khác phục vụ mình, làm theo ý riêng mình cách độc đoán, độc tài và có thể là độc ác nếu ta có chút quyền hay chút tài lực.

Gió muốn thổi đi đâu thì thổi (x.Ga 3,8). Không ai thấy gió nhưng người ta có thể nhận ra gió qua các hiệu ứng của nó như lá bay, cây lay…Xem quả thì biết cây (x.Mt 7,16-20). Mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, một lần nữa xin hãy kiểm định xem chúng ta đã trổ sinh những hoa trái nào. Giả như chúng ta chưa sinh hoa kết trái tốt lành là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa đón nhận hồng ân Thánh Thần mà Chúa Kitô đã ban tặng. Nếu chúng ta chưa sẵn sàng đón nhận hồng ân Thánh Thần thì cũng là dấu chứng tỏ rằng chúng ta chưa thật sự khiêm nhu, chưa biết tín thác vào tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa, chưa biết mưu cầu ích chung, nhất là ích lợi của của người nghèo, người kém phận…

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột.

 
Thánh Thần giúp chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng
Lm Đan Vinh
21:23 02/06/2017
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

Thánh Thần giúp chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng

I. Học Lời Chúa

1. Tin mừng : Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, Ngày Thứ Nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì Người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý chính:
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ để ban bình an và niềm vui cho các ông, khi ấy đang mang tâm trạng hoang mang sợ hãi (19), chứng minh Người đã thực sự sống lại từ cõi chết (20). Cuối cùng người còn ra lệnh cho các ông tiếp tục sứ mệnh thừa sai của Người (21b). Để hỗ trợ cho các ông đủ khả năng chu toàn sứ mệnh “được sai đi”, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha thứ hay cầm giữ tội của người ta (22).

3. Chú thích :
- C 19-20: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Ki-tô hiện đến trong lúc phòng vẫn đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em ! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này cho thấy có một sợi dây liên kết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23: + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Chúa Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả các tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sinh khí hay sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các Giám Mục, kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

4. Câu hỏi:

1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì Ngày Thứ Bảy (Sabát) như đạo Do thái ?
2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly đang khi cửa đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có đặc tính gì ?
3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đến đã đem lại điều gì cho các môn đệ ?
4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông ?
5) Sứ mệnh tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất từ ai và khi nào ?
6) Tại sao Chúa Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ ?
7) Bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su có quyền tha tội và Người thiết lập bí tích Giải tội để trao quyền tha tội cho Hội Thánh khi nào ?

5. Hỏi đáp:

HỎI 1: Tin Mừng Gio-an thuật lại rằng: Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Ga 20,22), còn sách Công Vụ lại nói: Thánh Thần xuất hiện dưới dạng một tiếng động như tiếng gió mạnh và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống trên từng người vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-3). Như vậy thực ra Thánh Thần đã hiện xuống trên các Tông Đồ vào lễ Phục Sinh hay lễ Ngũ Tuần ? Thánh Thần đã tác động thế nào trên Cộng Đoàn đầu tiên ?
** ĐÁP:
Thực ra Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các Tông Đồ ngay từ “buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần”. Vì sau khi phục sinh, Người không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, nên đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh, nên Người đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay lúc đó rồi (x. Ga 7,39). Nhưng phải chờ tới ngày lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau Phục Sinh, Thánh Thần mới phát huy tác dụng, khi các ông đã chuẩn bị tâm hồn đầy đủ bằng việc nghe lời Chúa Phục Sinh dạy bảo Thánh Kinh và xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người; nhất là sau khi các ông “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14).
Sách Công Vụ đã thuật lại việc Thánh Thần tác động trên Cộng Đoàn đầu tiên như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

HỎI 2: Tại sao Thánh Thần lại tác động trên các Tông đồ đúng vào lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, tức 50 ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại ? Có liên hệ nào giữa hoạt động của Thánh Thần với ý nghĩa của lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái hay không?
** ĐÁP:
Tuy Đức Giê-su sau khi sống lại đã hiện ra vào chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần, trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do thái, nhưng phải đợi đến ngày thứ 50, trùng với lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần mới tác động trên các Tông Đồ vì những lý do như sau:
+ Thiết lập giao ước: Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần ban đầu là ngày lễ của nông dân, tạ ơn Đức Chúa về các hoa màu mùa màng (x. Xh 23,16). Về sau dân Do thái ăn mừng lễ này để kỷ niệm việc Đức Chúa ban Lề Luật và ký kết giao ước Xi-nai với họ. Thời Tân Ước vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã được Đức Giê-su ban cho các Tông Đồ vào chiều ngày phục sinh, giờ đây đã phát huy tác dụng trên các ông, như sách Công vụ thuật lại. Như vậy có thể nói: lễ Hiện Xuống chính là lễ Ngũ Tuần của Tân Ước.
+ Thành lập dân riêng mới: Cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký giao ước Xi-nai và ban Lề Luật vào lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau biến cố Vượt Qua, biến dân Ít-ra-en thành dân riêng của Người, thì đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã hiện xuống vào 50 ngày sau biến cố Phục Sinh, trùng với lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, để tác động, làm cho Hội Thánh trở thành dân riêng mới của Thiên Chúa.

HỎI 3: Qua các hình dạng được diễn tả trong sách Công Vụ như: “Từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp, và xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,2-4), tác giả Sách Thánh muốn diễn tả điều gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần ?
**ĐÁP:
+ Tiếng động như tiếng gió mạnh: Ám chỉ Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, giống như gió mà người ta không thể xem thấy, mà chỉ cảm nhận được hiệu quả của nó mà thôi (x. Ga 3,8). “Gió mạnh” tượng trưng cho sức mạnh của ân sủng và tình yêu của Thánh Thần. Sức mạnh ấy sẽ giúp các môn đệ làm được những việc lớn lao hơn Đức Giê-su, nghĩa là ban cho các ông khả năng loan báo Tin Mừng khắp thế gian cho mọi dân tộc, đang khi Đức Giê-su chỉ mới rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân Do thái tại xứ Pa-lét-tin.
+ Lưỡi lửa: Lưỡi là bộ phận dùng để nói. Lưỡi lửa ám chỉ lời nói của các Tông đồ sẽ có tác dụng như lửa: vừa tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi những tư tưởng sai lầm để nghe biết chân lý, vừa hun đúc tâm hồn người nghe để họ tin vào Lời Chúa.
+ Nói các thứ tiếng khác: Là ân huệ đầu tiên của Thánh Thần. Vậy các Tông đồ nói tếng lạ thế nào ? Chắc không phải là thứ tiếng lạ khác thường, vì khi nghe các Tông đồ nói thì “Người ta hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,6; 1 Cr 14,5). Ở đây, Lu-ca có ý nói rằng: Các Tông đồ được ơn ngôn ngữ, nghĩa là ơn diễn tả về Thiên Chúa cho người khác hiểu được, làm cho người ta trở nên hiệp nhất thay vì chia rẽ nhau như con cái lòai người thời kỳ xây tháp Ba-ben (x. St 11,1-9). Cuối cùng, ơn ngôn ngữ của các Tông đồ còn giúp Hội Thánh mang tính phổ quát nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Cv 2,9-11).

HỎI 4: Ngày nay, khi chịu phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, Thánh Thần sẽ ban những ơn gì cho các tín hữu ?

** ĐÁP:
Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ đến hoạt động trong các tín hữu chúng ta.
+ Thánh Thần sẽ thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, biến đổi chúng ta nên Ki-tô hữu trưởng thành về đức tin, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta hiểu biết đầy đủ về giáo lý của Chúa Giê-su, hầu giúp chúng ta giữ nghĩa cùng Chúa luôn và ngày càng nên hoàn thiện hơn, như lời Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).
+ Thánh Thần sẽ cho chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giê-su bằng ba việc: rao giảng (Ngôn sứ), thánh hóa (Tư tế), và cai quản dân Chúa (Vương đế). Chúng ta làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói, việc làm và bằng chính đời sống tốt lành của mình, nhờ đó sẽ giúp lương dân nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
+ Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta bằng việc ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh. Đó là các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).

II. Sống Lời Chúa

1. Lời Chúa :
Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23).

2. Câu chuyện :

1) Người gieo trồng cả cánh rừng sồi:

Vào thập niên 1930, có một thanh niên một mình đi thám hiểu dãy núi AN-PƠ (Alpes) nước Pháp. Anh ta đi ngang qua một dải đất đồi trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng không người lai vãng, lại vừa mấp mô xấu xí và không đáng để người ta quan tâm. Bỗng nhiên anh ta thấy một ông già đang khòm lưng làm việc, trên vai đeo một cái túi khá nặng chứa đầy hạt sồi. Tay ông cầm một khúc ống sắt dài khoảng 1m20. Ông đang dùng ống sắt ấy đâm sâu xuống mặt đất, làm thành những chiếc lỗ cách nhau khoảng 3 mét, Rồi ông thò tay vào túi hạt sồi lấy ra một nắm đặt vào mỗi lỗ một hạt. Khi anh thắc mắc thì ông giải thích như sau: “Nhà tôi ở trong vùng đất hoang vu này. Trước kia tôi cũng có gia đình. Nhưng vợ và 3 đứa con của tôi đã lần lượt bị chết do một dịch bệnh cách đây gần một năm. Sau khi vợ con chết hết, tôi buồn bã chán nản không thiết làm việc trồng tỉa như truớc, mà suốt ngày chỉ đi thơ thẩn khắp vùng này để giải khuây. Một hôm tôi đi ngang qua khu vực đồi trọc rộng bao la này và muốn làm một việc gì đó để đời mình có ý nghĩa. Tôi nảy ra ý định sẽ gieo hạt giống từ cây sồi trong vườn sau nhà, để phủ xanh khu vực đồi trọc này. Tuy biết mình đã lớn tuổi chẳng còn sống được bao năm và không có người thừa kế, nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc này với hy vọng sẽ để lại cho thế hệ mai sau một quả đồi đầy những cây sồi. Đến nay, sau một năm miệt mài gieo trồng, tôi ước tính đã gieo được cả trăm ngàn hạt sồi xuống đất. Chỉ cần một phần mười số hạt này mọc lên thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.
Hai mươi năm sau, anh thanh niên kia giờ đã trở thành một người trung niên. Một lần, khi đi ngang qua khu vực này. Ông ta sửng sốt khi thấy khu vực đồi trọc hoang vu trước đây hai chục năm giờ đã biến thành một khu rừng sồi rất đẹp, rộng hai dặm và dài khoảng năm dặm. Tại khu rừng sồi này có nhiều lòai chim làm tổ và chạy nhảy trên cành ca hát líu lo. Nhiều loài thú hoang như hươu nai cũng đang nhởn nhơn gặm cỏ. Hoa sồi nở rộ khắp nơi lan tỏa mùi thơm khắp vùng. Toàn cảnh khu vực giống như một địa đàng. Ông nhận định rằng: Sở dĩ có được thành quả tốt đẹp này là do bàn tay của ông lão tốt bụng hai mươi năm trước đã để lại.
Lễ Hiện Xuống cũng là một lời mời gọi các tín hữu chúng ta hành động để góp phần xây dựng và mở rộng Nước Chúa đi khắp hòan cầu. Tuy không có khả năng làm thay đổi thế giới, nhưng chúng ta vẫn có thể biến đổi được phần nào ngay tại môi trường sống của mình, giống như ông lão trong câu chuyện trên đã làm. Mỗi chúng ta đều đã được Chúa ban cho một túi hạt sồi ân sủng và một khúc ống sắt tài năng khi lãnh nhận phép Thêm Sức. Chỉ cần một chút can đảm của ông lão trồng sồi, cùng với ơn Thánh Thần hỗ trợ, chúng ta cũng có thể góp phần làm cho thế giới ngày một an ninh trật tự hơn, công bình nhân ái hơn và tốt đẹp thịnh vượng hơn.

2) Thánh Thần sẽ cho biết ý nghĩa của cuộc sống:

Có một nhà hiền triết nọ khi đi lang thang trong rừng, đã không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.
Nhà hiền triết nghe các loài vật phát biểu tỏ vẻ hốt hoảng và chạy trốn ra khỏi khu rừng để khỏi phải nghe những tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ. Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán. Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ Chúa Giê-su đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Nhờ ơn Thánh Thần ban, chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải trên mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao. Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để mở ra một chân trời mới hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ có được một cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, và biết xử dụng chúng để xây dựng một cuộc sống mới.

3) Thánh Thần chính là Thân Khí ban sự sống :

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng. Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng như lần trước.
Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người đệ tử đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất ngờ, vị linh đạo đã túm lấy anh và cố dìm anh xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lại lên mặt nước. Bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh rằng: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không chút suy nghĩ, anh đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần không khí để thở”. Lúc bấy giờ vị linh đạo liền dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa giống như con cần có khí trời để thở phải không? Nếu con cảm thấy cần như thế, thì con sẽ lập tức gặp được Ngài. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

4) Thánh Thần sẽ mang lại bình an thực sự cho tâm hồn

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức mà ông phải chọn lấy một.
Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bay lơ lửng. Mọi người hiện diện đều đánh giá đây là bức tranh diễn tả sự an bình thật sự.
Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao nhưng không cây cối và lởm chởm đầy những tảng đá xám xịt. Bầu trời trên cao đang giận dữ đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp sáng lòe. Bên vách núi có một dòng thác đổ nước mưa xuống nổi bọt trắng xóa. Bức tranh xem ra chẳng chút bình an. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau dòng thác có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang giang rộng đôi cánh ủ ấp mấy chú chim con. Dù giữa dòng thác đang trút nước ầm ầm mà chim mẹ vẫn ấp ủ bảo về lũ con của mình. Điều này đã diễn tả sự an bình nội tâm thực sự.
Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Vì sự bình an không chỉ là nơi không có tiếng ồn ào, không gặp khó khăn cực khổ. Bình an tâm hồn chính là : dù đang sống giữa phong ba bão táp, mà người ta vẫn an bình chu toàn bổn phận với tình yêu của mình.

5) Đổi mới phương cách loan báo Tin mừng hôm nay:

Từ ngày 20.03.2014 đến nay, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhắc đến tên tuổi của một nữ tu: sơ CRIS-TI-NA SCUC-CI-A, 25 tuổi, thuộc Hội Dòng UR-SU-LINE THÁNH GIA, thành phố Mi-la-no nước Ý. Đơn giản chỉ vì sơ tham gia chương trình The voice of Italy của đài TV RAI 2 mùa giải năm nay và đã vượt qua được những vòng thi đầy hứng thú. Ở vòng giấu mặt, khi nghe sơ hát bài hit “No One” của Alicia Keys, cả 4 giám khảo (2 nam, 2 nữ) đều nhanh chóng quay mặt lại, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc từ chăm chú đến thích thú. Trên YouTube, màn trình diễn của sơ chỉ qua ba ngày đã đạt 13 triệu lượt xem. Tính đến nay, số lượt xem đã hơn 49 triệu. Alicia Keys, tác giả bài hát đã bày tỏ sự thán phục bằng chữ “beautiful”. Diễn viên nổi tiếng Whoopi Goldberg, vai chính trong phim “Sister Act” cũng ghi lời tán thưởng. Đặc biệt, Hồng Y Gian Franco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trên trang Twitter đã khích lệ bằng một câu Kinh Thánh: “Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để phục vụ người khác (1Pr 4,10)”.
Giải thích về việc tham gia cuộc thi, sơ Cris-ti-na cho biết: “Vì ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy mang tiếng nói của Chúa đến với mọi người”. Báo chí dựa vào đây để khẳng định tiếng hát của sơ là cách đem Chúa đến với mọi người trên thế giới hôm nay, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy dẫu là môi trường đời hay ngay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa. ĐGH Phanxicô đã kêu gọi công cuộc truyền giáo mới ngày nay rất cần đến nhiệt tình mới, phương pháp mới và ngôn ngữ mới. Hát chính là một trong những ngôn ngữ hiệu quả rất nên được khai thác và sử dụng khi thi hành sứ vụ truyền giáo. Kinh nghiệm, các chị em cũng biết đó: người ta thuộc lời bài hát hơn là nhớ lời bài giảng!
Sơ Cris-ti-na đã dùng đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho mình để sống chứng nhân cho Chúa như sơ đã phát biểu khi có người thắc mắc lý do nữ tu lại tham gia ca hát như sau: “Tôi có một món quà để trao tặng. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.

3. Suy niệm:

1) Quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần trong lịch sử Hội Thánh:

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo Hội vì Thánh Thần của Chúa Giê-su vẫn luôn ở cùng Giáo Hội. Thánh Thần là Thần Chân Lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo Hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Giáo Hội luôn được lớn mạnh là nhờ sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa luôn ở trong Giáo Hội. Thực vậy, chỉ với vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém học thức và nghị lực lại có thể loan báo Tin mừng của Chúa đi khắp thế gian. Tông đồ Phê-rô đã từng hèn nhát chối Chúa lại có thể can đảm làm chứng cho Chúa và đưa về cho Chúa tới 3 000 người chỉ sau một bài giảng đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội Chúa Ki-tô dù trải qua bao sóng gió, đàn áp tiêu diệt vẫn ngày một phát triển khắp thế gian. Thực đúng như Téc-tu-ni-a-nô đã nói: "Máu các thánh tử đạo sẽ làm phát sinh các tín hữu" ? Trong thế kỷ 20, một nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Têrêsa lại trở thành biểu tượng sáng giá cho sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa được cả thế giới ngưỡng mộ… Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.
Ngày nay, tuy Hội Thánh vẫn còn nhiều khuyết điểm và thậm chí còn có cả tội lỗi nữa nên có thể làm cho nhiều tín hữu cảm thấy thất vọng. Nhưng nếu chúng ta biết rằng Chúa Giê-su vẫn đang ở với Hội Thánh qua Thánh Thần của Người để sẵn sàng bảo vệ, và giúp đỡ Hội Thánh vượt qua những thử thách đen tối... thì chúng ta sẽ không nản lòng, nhưng hãy cầu xin Thánh Thần soi sáng và gia tăng nghi lực để Hội Thánh vượt qua những khó khăn và trung thành đi trên con đường Giê-su. Đó là con đường khiêm hạ nhỏ bé, sẵn sàng chịu thua thiệt để mang lại ơn cứu độ cho đời. Con đường Giê-su đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa lòng đời, để làm cho đời nên tốt hơn.

2) Thánh Thần thánh hóa các tín hữu nhờ sốt sắng lãnh nhận các Bí tích:

Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nhất là khi chịu Bí tích Thêm Sức, Thánh Thần cũng được ban cho các tín hữu. Thánh Thần hiện diện khi các tín hữu họp nhau lắng nghe Lời Chúa. Thánh Thần cũng soi sáng, giúp chúng ta thực hành Lời Chúa giữa đời thường (x. Ga 14,17), giúp ta tuyên xưng “Đức Giê-su là Chúa” (x. 1 Cr 12,3) và gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Ba ơi!” (x. Rm 8,15), giúp chúng ta sống như con Thiên Chúa (x. Rm 8,1). Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta nên công chính, không còn sống theo xác thịt, nhưng sống cuộc đời mới tốt đẹp hơn (x. Rm 8,10-13), giúp ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô để cùng được hưởng vinh quang phục sinh với Người (x. Rm 8,17). Chính Thánh Thần làm cho Hội Thánh hiệp nhất qua việc ban nhiều ơn đặc sủng khác nhau để phục vụ lợi ích chung cộng đoàn (1 Cr 12,4-11). Nhất là được ơn nói tiếng khác và nói tiên tri (x. 1 Cr 14,5). Trong Hội Thánh, mỗi tín hữu là một bộ phận thuộc nhiều phẩm trật khác nhau (x.1 Cr 12,27-30). Ngày nay Thánh Thần hiện diện nơi các vị chủ chăn và cộng đoàn mỗi khi khi họp nhau cử hành bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Lễ, Thánh Thần soi sáng cho các tín hữu lắng nghe, hiểu biết và sống theo Lời Chúa, biến hóa bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa Giê-su sau lời truyền phép. Thánh Thần chính là linh hồn của Hội Thánh. Nếu không có Thánh Thần thì Hội Thánh cũng chỉ như một xác chết không hồn mà thôi.

3) Thánh Thần hiệp nhất các tín hữu nhờ ban ơn ngôn ngữ tình yêu:

- Câu chuyện về tháp Ba-bel trong Cựu ước: Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: “Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, để tránh bị Đức Chúa cho “Đại Hồng Thủy” tiêu diệt chúng ta”. Trước ý định kiêu căng ngông cuồng này, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và bỏ đi mỗi người một ngả. Chính tội lỗi nhất là tội kiêu ngạo là nguyên nhân gây sự chia rẽ giữa cộng đoàn.
- Trong lễ Hiện Xuống thời Tân Ước hôm nay, sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại tác động của Chúa Thánh Thần như sau: “Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đỗ trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong thời gian lễ Ngũ tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giê-ru-sa-lem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhên và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa”.
Đây chính là một cuộc họp mặt đông đảo kể từ thời tháp Babel, trong đó mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ ơn Thánh Thần được tượng trưng qua hình ảnh lưỡi lửa và việc các tông đồ nói bằng nhiều thứ tiếng do Thánh Thần ban để liên kết các dân tộc và giúp họ dễ dàng cảm thông và hiệp nhất với nhau. Nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không có tình yêu, sẽ khó hiểu biết cảm thông với nhau, và dễ dàng làm bùng nổ sự tranh cãi và sự hận thù chiến tranh với nhau.

4) Thánh Thần giúp sống yêu thương để làm chứng cho Chúa:

Cách đây 20 năm ở xứ Long Châu thuộc giáo phận Nam Ninh bên Trung Quốc, ban đầu chỉ mới có một gia đình ông trùm là tin Chúa. Nhưng nhờ gia đình ông động viên nhau nói về Chúa cho dân làng nhận biết Chúa. Kết quả đến nay hầu như cả làng đều đã tin theo Chúa. Hằng năm vào dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh đều có trên dưới 20 người xin chịu phép rửa tội.
Khi được hỏi: Nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông lại mang lại hiệu quả tốt đẹp như thế. Ông trùm trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới gặp rất nhiều khủng hoảng: Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng gia tăng. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn giữ được nề nếp trên thuận dưới hoà: vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, nhiều người lương trong làng đã nêu nhận xét về đạo Công Giáo như sau: “Công Giáo là đạo tốt, vì các tín hữu đã có thể bảo vệ giữ gìn được hạnh phúc cho gia đình mình. Nhờ gương sống đạo tốt đẹp của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng đã động viên nhau theo Chúa.

5) Phải làm gì để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa ? :

Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục tác động tuy âm thầm, nhưng không kém phần hiệu quả nơi Hội Thánh. Vậy chúng ta phải làm gì để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng ?
- Việc thứ nhất là hãy tạo cho mình một bầu khí thinh lặng nội tâm, tránh những lo toan về các nhu cầu như cơm áo gạo tiền. Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước còn những sự khác, Ngài sẽ ban cho chúng ta sau.
- Việc thứ hai là hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và năng tham dự lễ nghi Bẻ Bánh, noi gương hai môn đệ làng Em-mau xưa, đi loan báo Tin vui Phục Sinh.
- Việc thứ ba là chuyên tâm cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ trong đó có Mẹ Chúa Giê-su và các anh em bà con của Người. Nhờ đón nhận được ơn Thánh Thần, mỗi chúng ta sẽ được ơn biến đổi nên tốt hơn và chu toàn được sứ vụ làm chứng cho Chúa cho người chung quanh và cho mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc.

4. Thảo luận:

1) Thánh Thần giống và khác với thiên thần thế nào ?
2) Ta phải làm gì để được Thánh Thần ngự đến đổi mới và giúp ta thi hành sứ vụ “được sai đi” giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa ?


5. Nguyện cầu:

Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin hãy đến như cơn gió mát thổi vào tâm hồn chúng con, thổi vào Hội Thánh, thổi vào thế giới hôm nay, để làm tươi mát dịu dàng và ban sự tự do thanh thoát.
Xin hãy đến như dòng nước trong lành chảy vào cuộc đời chúng con, chảy vào Hội Thánh, chảy vào thế giới hôm nay, để tẩy sạch mọi tội lỗi nhớp nhơ, làm dịu đi những khô cằn, uốn lại những tấm lòng cứng cỏi, và làm phát sinh những mầm xanh sự sống mới.
Xin hãy đến ban ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Hội Thánh, chiếu sáng thế giới hôm nay, để xua đi bóng đêm tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng con, đẩy lùi bóng tối của đam mê thấp hèn ra khỏi môi trường chúng con đang sống, làm cháy lên những ước mơ cao cả, và làm bừng sáng tình yêu khiêm nhường phục vụ.

X) Hiệp cùng Mẹ Maria.
Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.


 
Mầu nhiệm Tình yêu
Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
21:36 02/06/2017
Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi
Xh 34,4b-6,8-9 2Co 13,11-13 Ga 3, 16-18

Mầu nhiệm Tình yêu

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm tình yêu bởi vì qua dấu Thánh Giá, dấu chỉ Mầu nhiệm Ba Ngôi. Dấu Thánh Giá là biểu hiệu đức tin của người Công Giáo. Mỗi lần làm dấu Thánh Giá chúng ta ca ngợi, tung hô và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi :” Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần “.

Lúc còn nhỏ khi đi học Giáo lý, các thầy cô giáo lý viên thường ví dụ Chúa Ba Ngôi giống như một ngón tay có ba đốt. Tuy có ba đốt nhưng chỉ là một ngón tay hoặc có khi Chúa Ba Ngôi được ví như một trái trứng gà vv…có lòng đỏ lòng trắng và có vỏ nhưng chỉ là một cái trứng. Những ví dụ nhằm cho các trẻ em dễ nhớ nhưng thực tế chẳng thuyết phục gì. Càng lớn lên, càng được học Giáo lý và càng cầu nguyện, chúng ta hiểu được rằng muốn cảm nghiệm về Chúa Ba Ngôi, muốn biết được Chúa Ba Ngôi, chúng ta phải dựa vào mặc khải của Chúa Giêsu, đồng thời dựa vào Kinh Thánh để tìm hiểu, gặp Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thường gặp những bản văn qui chiếu về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nhiều nhất nơi Tin Mừng của Thánh Gioan. Phúc Âm của thánh Gioan thường cho hay Chúa Giêsu nói về Cha Ngài và cũng nói về Chúa Thánh Thân. Tuy nhiên bản văn nổi tiếng nhất vẫn là bản văn của Thánh Matthêu :” Vậy các con hãy đi khắp muôn dân, qui tụ họ thành môn đệ của Ta, hãy rửa tội cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần”. Bản văn sinh động lại nằm trong Tin Mừng của thánh Máccô, khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, lập tức Chúa Thánh Thần đậu xuống trên ngài dưới hình chim bồ câu và một tiếng nói từ trời vọng xuống :” Con là Con yêu dấu của Ta “ ( Mc 1, 11 ).Tiếng nói, Chúa Con và chim bồ câu tạo thành bức tranh sinh động nói về Chúa Ba Ngôi. Thánh Luca lại diễn tả thời Cựu Ước là thời của Chúa Cha.Thời rao giảng Tin Mừng là thời kỳ hay kỷ nguyên của Chúa Con và thời kỳ sau cùng khởi đầu bằng lễ Hiện Xuống là thời kỳ của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô cũng nói về Chúa Ba Ngôi trong các thư của Ngài. Lời chúc nổi tiếng của thánh Phaolô bàn về Chúa Ba Ngôi nằm trong thư 2 Co 13, 13 :” Nguyện xin ân sủng Đức Giêsu Kitô, tình yêu của Chúa Cha và ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần ở cùng tất cả anh chị em”.

Thực tế, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm đức tin . Chỉ có con mắt đức tin chúng ta mới nhận ra Chúa Ba Ngôi. Với trí con người không đời nào chúng ta có thể hiểu thấu được mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Thánh Augustinô đã cho chúng ta thấy rõ điều đó qua hình ảnh một em bé múc nước biển đổ vào lỗ đào trên bãi cát…

Vâng, tình yêu Thiên Chúa dành cho thế giới, cho nhân loại, cho con người quả quá tuyệt vời, cao sâu :” Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người để ai tin vào Con của Người sẽ không phải chết, nhưng được sống muôn đời “. Chúa không muốn bất cứ ai bị hư đi, nhưng muốn cứu vớt mọi người. Tình yêu của Người là tình yêu xả kỷ, tình yêu tự hiến :” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của Người hiến mạng sống vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ). Thiên Chúa yêu thương con người, mỗi người đều có một chỗ trong trái tim dịu hiền của Người.

Mừng lễ Chúa Ba Ngôi, chúng ta ca ngợi tình thương vô biên của Chúa vì tình thương của Người bao phủ trên cuộc đời mỗi người chúng ta. Thiên Chúa đã cho chúng ta được sinh ra làm người và làm con cái của Người. Thiên Chúa lại quan phòng chở che chúng ta bằng chính tình yêu nhưng không của Người, đồng thời cho chúng ta được tiến về đất hứa, tiến về Quê Trời nhờ Chúa Thánh Thần và ban cho chúng ta sự sống vĩnh cửu để cùng với Người chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa Cha.

Chúng ta ca ngợi, biết ơn Thiên Chúa Ba Ngôi và mỗi lần làm dấu Thánh Giá. Đọc Kinh Sáng Danh và kInh Tin Kính là chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi : Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.

Gợi ý để chia sẻ :

1.Ai tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa Ba Ngôi ?
2.Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm gì ?
3.Dấu hiệu của người Công Giáo do đâu ?
4.Chúa Thánh Thần là Đâng nào ?
 
Thánh Thần giúp chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng
Lm Đan Vinh
23:53 02/06/2017
Chúa Nhật Chúa Thánh Thần Hiện Xuống
Cv 2,1-11; 1 Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

Thánh Thần giúp chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng

I. Học Lời Chúa

1. Tin mừng : Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, Ngày Thứ Nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. (22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì Người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2. Ý chính:
Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện ra với các môn đệ để ban bình an và niềm vui cho các ông, khi ấy đang mang tâm trạng hoang mang sợ hãi (19), chứng minh Người đã thực sự sống lại từ cõi chết (20). Cuối cùng người còn ra lệnh cho các ông tiếp tục sứ mệnh thừa sai của Người (21b). Để hỗ trợ cho các ông đủ khả năng chu toàn sứ mệnh “được sai đi”, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông kèm theo quyền tha thứ hay cầm giữ tội của người ta (22).

3. Chú thích :
- C 19-20: + Ngày Thứ Nhất trong tuần: Ngày nay, Giáo Hội đã chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần để mừng mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và gọi là Chúa Nhật hay Ngày Của Chúa. Đây là ngày lễ nghỉ, thay thế Thứ Bảy (Sa-bát) của Do Thái Giáo. + Đức Giê-su đến: Đức Ki-tô hiện đến trong lúc phòng vẫn đóng kín. Điều này cho thấy thân xác phục sinh của Người có đặc tính thiêng liêng siêu việt, có khả năng hiện diện khắp nơi. + Bình an cho anh em ! Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa: Đức Ki-tô Phục Sinh đem lại sự bình an (x. Ga 20,19.21) và niềm vui (x Ga 20,20) cho các môn đệ (x Ga 14,27). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Đức Giê-su Phục Sinh cũng là Đấng đã bị đóng đinh chân tay vào thập giá (x. Ga 19,18), và bị lưỡi đòng đâm thâu cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này cho thấy có một sợi dây liên kết giữa hai mầu nhiệm Tử Nạn và Phục Sinh.
- C 21-23: + Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em: Tông đồ nghĩa là “được sai đi”. Sứ mạng này xuất phát từ Chúa Cha truyền cho Đức Giê-su, và giờ đây đến lượt Chúa Giê-su Phục Sinh lại truyền cho các môn đệ và tất cả các tín hữu. + Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”: Theo Kinh Thánh, hơi thở chính là sinh khí hay sự sống. Như xưa, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào con người A-đam và ban sự sống cho ông (x. St 2,7), thì nay, Đức Giê-su Phục Sinh cũng thổi Thần Khí cho các môn đệ. Rồi đến lượt các môn đệ lại sẽ ban sự sống thiêng liêng ấy cho các tín hữu. + “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”: Đức Giê-su được Gio-an Tẩy Giả giới thiệu là Con Chiên của Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (Ga 1,29). Khi làm phép lạ chữa lành một người bại liệt, Đức Giê-su đã cho thấy Người có quyền tha tội (x. Mt 9,6). Trong Tin Mừng hôm nay, Người thiết lập bí tích giải tội, ban quyền tha tội cho các Tông đồ bằng việc thông ban Thánh Thần cho các ông. Từ đây các Giám Mục, kế vị các Tông đồ sẽ tiếp tục thông quyền tha tội cho các linh mục là những cộng sự viên của các ngài.

4. Câu hỏi:

1) Tại sao ngày nay Hội Thánh chọn Ngày Thứ Nhất trong tuần làm ngày Chúa Nhật thay vì Ngày Thứ Bảy (Sabát) như đạo Do thái ?
2) Việc Đức Giê-su Phục Sinh đến giữa các môn đệ tại nhà Tiệc ly đang khi cửa đóng kín cho thấy thân xác của Người sau khi sống lại có đặc tính gì ?
3) Qua lời chào chúc, Chúa Phục Sinh đến đã đem lại điều gì cho các môn đệ ?
4) Qua việc cho môn đệ xem tay và cạnh sườn, Chúa Phục Sinh muốn nói gì với các ông ?
5) Sứ mệnh tông đồ thừa sai của Hội Thánh phát xuất từ ai và khi nào ?
6) Tại sao Chúa Giê-su lại thổi hơi ban Thần Khí cho các môn đệ ?
7) Bằng chứng nào cho thấy Chúa Giê-su có quyền tha tội và Người thiết lập bí tích Giải tội để trao quyền tha tội cho Hội Thánh khi nào ?

5. Hỏi đáp:

HỎI 1: Tin Mừng Gio-an thuật lại rằng: Chúa Giê-su Phục Sinh đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các môn đệ vào buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần (x. Ga 20,22), còn sách Công Vụ lại nói: Thánh Thần xuất hiện dưới dạng một tiếng động như tiếng gió mạnh và những hình lưỡi giống như lưỡi lửa đậu xuống trên từng người vào lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-3). Như vậy thực ra Thánh Thần đã hiện xuống trên các Tông Đồ vào lễ Phục Sinh hay lễ Ngũ Tuần ? Thánh Thần đã tác động thế nào trên Cộng Đoàn đầu tiên ?

** ĐÁP:
Thực ra Chúa Giê-su đã ban Thánh Thần cho các Tông Đồ ngay từ “buổi chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần”. Vì sau khi phục sinh, Người không còn bị lệ thuộc vào thời gian và không gian nữa, nên đã về trời ngự bên hữu Chúa Cha và được Chúa Cha tôn vinh, nên Người đã ban Thánh Thần cho các môn đệ ngay lúc đó rồi (x. Ga 7,39). Nhưng phải chờ tới ngày lễ Ngũ Tuần, tức là 50 ngày sau Phục Sinh, Thánh Thần mới phát huy tác dụng, khi các ông đã chuẩn bị tâm hồn đầy đủ bằng việc nghe lời Chúa Phục Sinh dạy bảo Thánh Kinh và xác tín vào mầu nhiệm Phục Sinh của Người; nhất là sau khi các ông “đồng tâm nhất trí, chuyên cần cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ, với bà Ma-ri-a thân mẫu Đức Giê-su, và với anh em của Đức Giê-su” (Cv 1,14).
Sách Công Vụ đã thuật lại việc Thánh Thần tác động trên Cộng Đoàn đầu tiên như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy Ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

HỎI 2: Tại sao Thánh Thần lại tác động trên các Tông đồ đúng vào lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, tức 50 ngày sau khi Chúa Giê-su sống lại ? Có liên hệ nào giữa hoạt động của Thánh Thần với ý nghĩa của lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái hay không?

** ĐÁP:
Tuy Đức Giê-su sau khi sống lại đã hiện ra vào chiều Ngày Thứ Nhất trong tuần, trùng với lễ Vượt Qua của đạo Do thái, nhưng phải đợi đến ngày thứ 50, trùng với lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần mới tác động trên các Tông Đồ vì những lý do như sau:
+ Thiết lập giao ước: Trong Cựu Ước, Lễ Ngũ Tuần ban đầu là ngày lễ của nông dân, tạ ơn Đức Chúa về các hoa màu mùa màng (x. Xh 23,16). Về sau dân Do thái ăn mừng lễ này để kỷ niệm việc Đức Chúa ban Lề Luật và ký kết giao ước Xi-nai với họ. Thời Tân Ước vào lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần đã được Đức Giê-su ban cho các Tông Đồ vào chiều ngày phục sinh, giờ đây đã phát huy tác dụng trên các ông, như sách Công vụ thuật lại. Như vậy có thể nói: lễ Hiện Xuống chính là lễ Ngũ Tuần của Tân Ước.
+ Thành lập dân riêng mới: Cũng như trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã ký giao ước Xi-nai và ban Lề Luật vào lễ Ngũ Tuần, tức 50 ngày sau biến cố Vượt Qua, biến dân Ít-ra-en thành dân riêng của Người, thì đến thời Tân Ước, Thánh Thần đã hiện xuống vào 50 ngày sau biến cố Phục Sinh, trùng với lễ Ngũ Tuần của đạo Do thái, để tác động, làm cho Hội Thánh trở thành dân riêng mới của Thiên Chúa.

HỎI 3: Qua các hình dạng được diễn tả trong sách Công Vụ như: “Từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà nơi họ đang tụ họp, và xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần. Họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,2-4), tác giả Sách Thánh muốn diễn tả điều gì về hoạt động của Chúa Thánh Thần ?

**ĐÁP:
+ Tiếng động như tiếng gió mạnh: Ám chỉ Thánh Thần là Đấng thiêng liêng vô hình, giống như gió mà người ta không thể xem thấy, mà chỉ cảm nhận được hiệu quả của nó mà thôi (x. Ga 3,8). “Gió mạnh” tượng trưng cho sức mạnh của ân sủng và tình yêu của Thánh Thần. Sức mạnh ấy sẽ giúp các môn đệ làm được những việc lớn lao hơn Đức Giê-su, nghĩa là ban cho các ông khả năng loan báo Tin Mừng khắp thế gian cho mọi dân tộc, đang khi Đức Giê-su chỉ mới rao giảng Tin Mừng Nước Trời cho dân Do thái tại xứ Pa-lét-tin.
+ Lưỡi lửa: Lưỡi là bộ phận dùng để nói. Lưỡi lửa ám chỉ lời nói của các Tông đồ sẽ có tác dụng như lửa: vừa tẩy sạch tâm trí người nghe khỏi những tư tưởng sai lầm để nghe biết chân lý, vừa hun đúc tâm hồn người nghe để họ tin vào Lời Chúa.
+ Nói các thứ tiếng khác: Là ân huệ đầu tiên của Thánh Thần. Vậy các Tông đồ nói tếng lạ thế nào ? Chắc không phải là thứ tiếng lạ khác thường, vì khi nghe các Tông đồ nói thì “Người ta hiểu được bằng tiếng mẹ đẻ của mình” (Cv 2,6; 1 Cr 14,5). Ở đây, Lu-ca có ý nói rằng: Các Tông đồ được ơn ngôn ngữ, nghĩa là ơn diễn tả về Thiên Chúa cho người khác hiểu được, làm cho người ta trở nên hiệp nhất thay vì chia rẽ nhau như con cái lòai người thời kỳ xây tháp Ba-ben (x. St 11,1-9). Cuối cùng, ơn ngôn ngữ của các Tông đồ còn giúp Hội Thánh mang tính phổ quát nghĩa là rao giảng Tin Mừng cho mọi dân tộc (x. Cv 2,9-11).

HỎI 4: Ngày nay, khi chịu phép Rửa Tội và phép Thêm Sức, Thánh Thần sẽ ban những ơn gì cho các tín hữu ?

** ĐÁP:
Khi lãnh nhận phép Rửa Tội, và nhất là khi chịu phép Thêm Sức, Chúa Thánh Thần sẽ đến hoạt động trong các tín hữu chúng ta.
+ Thánh Thần sẽ thông ban dồi dào sự sống của Thiên Chúa cho chúng ta, biến đổi chúng ta nên Ki-tô hữu trưởng thành về đức tin, mạnh dạn tuyên xưng đức tin và kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cho chúng ta hiểu biết đầy đủ về giáo lý của Chúa Giê-su, hầu giúp chúng ta giữ nghĩa cùng Chúa luôn và ngày càng nên hoàn thiện hơn, như lời Người đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14,25).
+ Thánh Thần sẽ cho chúng ta được tham dự vào sứ mệnh của Chúa Giê-su bằng ba việc: rao giảng (Ngôn sứ), thánh hóa (Tư tế), và cai quản dân Chúa (Vương đế). Chúng ta làm chứng cho Chúa Ki-tô bằng lời nói, việc làm và bằng chính đời sống tốt lành của mình, nhờ đó sẽ giúp lương dân nhận biết và yêu mến Thiên Chúa.
+ Thánh Thần sẽ hoạt động trong chúng ta bằng việc ban 7 ơn để soi sáng, hướng dẫn và giúp chúng ta nên thánh. Đó là các ơn: khôn ngoan, hiểu biết, thông minh, biết lo liệu, sức mạnh, đạo đức và kính sợ Thiên Chúa (x. 1 Cr 12,8-11).

II. Sống Lời Chúa

1. Lời Chúa :
Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,21-23).

2. Câu chuyện :

1) Người gieo trồng cả cánh rừng sồi:

Vào thập niên 1930, có một thanh niên một mình đi thám hiểu dãy núi AN-PƠ (Alpes) nước Pháp. Anh ta đi ngang qua một dải đất đồi trọc rộng mênh mông. Dải đất này vừa hoang vắng không người lai vãng, lại vừa mấp mô xấu xí và không đáng để người ta quan tâm. Bỗng nhiên anh ta thấy một ông già đang khòm lưng làm việc, trên vai đeo một cái túi khá nặng chứa đầy hạt sồi. Tay ông cầm một khúc ống sắt dài khoảng 1m20. Ông đang dùng ống sắt ấy đâm sâu xuống mặt đất, làm thành những chiếc lỗ cách nhau khoảng 3 mét, Rồi ông thò tay vào túi hạt sồi lấy ra một nắm đặt vào mỗi lỗ một hạt. Khi anh thắc mắc thì ông giải thích như sau: “Nhà tôi ở trong vùng đất hoang vu này. Trước kia tôi cũng có gia đình. Nhưng vợ và 3 đứa con của tôi đã lần lượt bị chết do một dịch bệnh cách đây gần một năm. Sau khi vợ con chết hết, tôi buồn bã chán nản không thiết làm việc trồng tỉa như truớc, mà suốt ngày chỉ đi thơ thẩn khắp vùng này để giải khuây. Một hôm tôi đi ngang qua khu vực đồi trọc rộng bao la này và muốn làm một việc gì đó để đời mình có ý nghĩa. Tôi nảy ra ý định sẽ gieo hạt giống từ cây sồi trong vườn sau nhà, để phủ xanh khu vực đồi trọc này. Tuy biết mình đã lớn tuổi chẳng còn sống được bao năm và không có người thừa kế, nhưng tôi vẫn cố gắng làm việc này với hy vọng sẽ để lại cho thế hệ mai sau một quả đồi đầy những cây sồi. Đến nay, sau một năm miệt mài gieo trồng, tôi ước tính đã gieo được cả trăm ngàn hạt sồi xuống đất. Chỉ cần một phần mười số hạt này mọc lên thôi, thì tôi cũng đã mãn nguyện lắm rồi”.

Hai mươi năm sau, anh thanh niên kia giờ đã trở thành một người trung niên. Một lần, khi đi ngang qua khu vực này. Ông ta sửng sốt khi thấy khu vực đồi trọc hoang vu trước đây hai chục năm giờ đã biến thành một khu rừng sồi rất đẹp, rộng hai dặm và dài khoảng năm dặm. Tại khu rừng sồi này có nhiều lòai chim làm tổ và chạy nhảy trên cành ca hát líu lo. Nhiều loài thú hoang như hươu nai cũng đang nhởn nhơn gặm cỏ. Hoa sồi nở rộ khắp nơi lan tỏa mùi thơm khắp vùng. Toàn cảnh khu vực giống như một địa đàng. Ông nhận định rằng: Sở dĩ có được thành quả tốt đẹp này là do bàn tay của ông lão tốt bụng hai mươi năm trước đã để lại.
Lễ Hiện Xuống cũng là một lời mời gọi các tín hữu chúng ta hành động để góp phần xây dựng và mở rộng Nước Chúa đi khắp hòan cầu. Tuy không có khả năng làm thay đổi thế giới, nhưng chúng ta vẫn có thể biến đổi được phần nào ngay tại môi trường sống của mình, giống như ông lão trong câu chuyện trên đã làm. Mỗi chúng ta đều đã được Chúa ban cho một túi hạt sồi ân sủng và một khúc ống sắt tài năng khi lãnh nhận phép Thêm Sức. Chỉ cần một chút can đảm của ông lão trồng sồi, cùng với ơn Thánh Thần hỗ trợ, chúng ta cũng có thể góp phần làm cho thế giới ngày một an ninh trật tự hơn, công bình nhân ái hơn và tốt đẹp thịnh vượng hơn.

2) Thánh Thần sẽ cho biết ý nghĩa của cuộc sống:

Có một nhà hiền triết nọ khi đi lang thang trong rừng, đã không ngừng lặp lại câu hỏi: Đâu là ý nghĩa của cuộc sống?
Bỗng một con họa mi bay đến và nói: Ý nghĩa cuộc sống ư? Chỉ là tiếng hót véo von. Rồi nó bay đi nhưng vẫn còn vương lại những âm thanh dễ mến. Nghe vậy, chú chuột chù phản đối: Đời là một cuộc chiến đấu không ngừng với bóng tối. Thế nhưng chị bướm lại lắc đầu không chịu: Cuộc sống chỉ là hưởng thụ và vui thú. Bấy giờ bác ong mật phát biểu: Cuộc sống không chỉ là vui thú, mà còn là lao động, lao động nhiều hơn vui chơi. Cô phượng hoàng thì vỗ cánh và nói: Chẳng ai có lý hết, đời sống chính là tự do, được tung bay trên khắp khoảng trời xanh. Cụ tùng bách thì lắc đầu và bảo: Đời sống là một cố gắng để vươn cao. Nhưng cô hồng nhung lại quả quyết: Cuộc đời chỉ là những tháng ngày trau chuốt cho vẻ đẹp được thêm duyên dáng. Còn chàng mây lang thang lại thở dài: Đời sống chỉ là những lần chia ly, khổ đau, cay đắng và nước mắt. Còn bà sóng thần thì bảo: Đời là một sự đổi thay không ngừng.

Nhà hiền triết nghe các loài vật phát biểu tỏ vẻ hốt hoảng và chạy trốn ra khỏi khu rừng để khỏi phải nghe những tiếng nói của muôn loài trước một vấn nạn vẫn chưa được giải quyết ngã ngũ. Còn chúng ta thì sao? Rất có thể chúng ta cũng đã băn khoăn như nhà hiền triết, để rồi cảm thấy như bế tắc, không tìm ra đáp số cho bài toán. Thế nhưng với biến cố Hiện xuống, các môn đệ Chúa Giê-su đã nhìn rõ vấn đề, đã thấu suốt được những chân lý mà Chúa Giêsu đã truyền dạy. Nhờ ơn Thánh Thần ban, chúng ta cũng sẽ nếm thử được niềm an bình mừng vui, bởi vì chúng ta xác tín rằng: quê hương chúng ta không phải trên mặt đất này, nhưng là ở chốn trời cao. Cuộc sống tạm bợ phù du này sẽ kết thúc để mở ra một chân trời mới hạnh phúc, kéo dài tới vĩnh cửu. Nhờ đức tin, chúng ta sẽ có được một cái nhìn mới và biết đánh giá đúng mức những thực tại trần gian, và biết xử dụng chúng để xây dựng một cuộc sống mới.

3) Thánh Thần chính là Thân Khí ban sự sống :

Trong kho tàng văn chương Ấn giáo có ghi lại câu chuyện như sau: Có một đệ tử đến thưa với vị linh đạo của mình: “Thưa thầy, con muốn gặp Chúa”. Vị linh đạo chỉ đáp trả bằng một cái mỉm cười thinh lặng. Ngày hôm sau, người môn sinh trở lại và bày tỏ cũng một ước muốn. Vị linh đạo vẫn mỉm cười tiếp tục giữ sự im lặng như lần trước.

Một ngày đẹp trời nọ, ông đưa người đệ tử đến một dòng sông. Thầy trò cùng trầm mình xuống nước. Chờ cho người đệ tử cảm thấy hoàn toàn thoải mái trong dòng nước mát, bất ngờ, vị linh đạo đã túm lấy anh và cố dìm anh xuống nước một hồi lâu. Người thanh niên cố gắng vùng vẫy đế trồi lại lên mặt nước. Bấy giờ vị linh đạo mới hỏi anh rằng: “Khi bị dìm xuống nước như thế, con cảm thấy cần điều gì nhất?”. Không chút suy nghĩ, anh đệ tử đáp: “Thưa thầy, con cần không khí để thở”. Lúc bấy giờ vị linh đạo liền dẫn giải: “Con cảm thấy cần gặp Chúa giống như con cần có khí trời để thở phải không? Nếu con cảm thấy cần như thế, thì con sẽ lập tức gặp được Ngài. Ngược lại, nếu con không hề cảm thấy cần như thế thì cho dù con có vận dụng tất cả tài trí và cố gắng, con cũng sẽ không bao giờ gặp được Ngài”.

4) Thánh Thần sẽ mang lại bình an thực sự cho tâm hồn

Một vị vua treo giải thưởng cho nghệ sĩ nào vẽ được một bức tranh đẹp nhất về sự bình an. Nhiều họa sĩ đã cố công. Nhà vua ngắm tất cả các bức tranh nhưng chỉ thích có hai bức mà ông phải chọn lấy một.

Bức tranh thứ nhất vẽ cảnh một hồ nước yên ả. Mặt hồ là tấm gương tuyệt mỹ vì có những ngọn núi cao chót vót bao quanh. Bên trên là bầu trời xanh với những đám mây trắng bay lơ lửng. Mọi người hiện diện đều đánh giá đây là bức tranh diễn tả sự an bình thật sự.

Bức tranh thứ hai cũng có những ngọn núi cao nhưng không cây cối và lởm chởm đầy những tảng đá xám xịt. Bầu trời trên cao đang giận dữ đổ mưa lớn kèm theo sấm chớp sáng lòe. Bên vách núi có một dòng thác đổ nước mưa xuống nổi bọt trắng xóa. Bức tranh xem ra chẳng chút bình an. Nhưng khi đến gần quan sát kỹ, nhà vua nhìn thấy phía sau dòng thác có một bụi cây nhỏ mọc lên từ khe nứt một tảng đá. Trong bụi cây một con chim mẹ đang giang rộng đôi cánh ủ ấp mấy chú chim con. Dù giữa dòng thác đang trút nước ầm ầm mà chim mẹ vẫn ấp ủ bảo về lũ con của mình. Điều này đã diễn tả sự an bình nội tâm thực sự.

Nhà vua công bố: “Ta chấm bức tranh này! Vì sự bình an không chỉ là nơi không có tiếng ồn ào, không gặp khó khăn cực khổ. Bình an tâm hồn chính là : dù đang sống giữa phong ba bão táp, mà người ta vẫn an bình chu toàn bổn phận với tình yêu của mình.

5) Đổi mới phương cách loan báo Tin mừng hôm nay:

Từ ngày 20.03.2014 đến nay, các phương tiện truyền thông đã nhiều lần nhắc đến tên tuổi của một nữ tu: sơ CRIS-TI-NA SCUC-CI-A, 25 tuổi, thuộc Hội Dòng UR-SU-LINE THÁNH GIA, thành phố Mi-la-no nước Ý. Đơn giản chỉ vì sơ tham gia chương trình The voice of Italy của đài TV RAI 2 mùa giải năm nay và đã vượt qua được những vòng thi đầy hứng thú. Ở vòng giấu mặt, khi nghe sơ hát bài hit “No One” của Alicia Keys, cả 4 giám khảo (2 nam, 2 nữ) đều nhanh chóng quay mặt lại, tròn xoe đôi mắt kinh ngạc từ chăm chú đến thích thú. Trên YouTube, màn trình diễn của sơ chỉ qua ba ngày đã đạt 13 triệu lượt xem. Tính đến nay, số lượt xem đã hơn 49 triệu. Alicia Keys, tác giả bài hát đã bày tỏ sự thán phục bằng chữ “beautiful”. Diễn viên nổi tiếng Whoopi Goldberg, vai chính trong phim “Sister Act” cũng ghi lời tán thưởng. Đặc biệt, Hồng Y Gian Franco Ravasi, chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh về Văn Hóa, trên trang Twitter đã khích lệ bằng một câu Kinh Thánh: “Mỗi người hãy dùng ơn Chúa ban để phục vụ người khác (1Pr 4,10)”.

Giải thích về việc tham gia cuộc thi, sơ Cris-ti-na cho biết: “Vì ĐGH Phanxicô kêu gọi hãy mang tiếng nói của Chúa đến với mọi người”. Báo chí dựa vào đây để khẳng định tiếng hát của sơ là cách đem Chúa đến với mọi người trên thế giới hôm nay, nhất là các bạn trẻ vốn gần gũi với ngôn ngữ âm nhạc, đồng thời cũng cho thấy dẫu là môi trường đời hay ngay cả những bài hát đời, nếu trình bày với hết tâm hồn, cũng có thể quy hướng người ta về nguồn chân thiện mỹ là chính Thiên Chúa. ĐGH Phanxicô đã kêu gọi công cuộc truyền giáo mới ngày nay rất cần đến nhiệt tình mới, phương pháp mới và ngôn ngữ mới. Hát chính là một trong những ngôn ngữ hiệu quả rất nên được khai thác và sử dụng khi thi hành sứ vụ truyền giáo. Kinh nghiệm, các chị em cũng biết đó: người ta thuộc lời bài hát hơn là nhớ lời bài giảng!
Sơ Cris-ti-na đã dùng đặc sủng Chúa Thánh Thần ban cho mình để sống chứng nhân cho Chúa như sơ đã phát biểu khi có người thắc mắc lý do nữ tu lại tham gia ca hát như sau: “Tôi có một món quà để trao tặng. Tôi đến đây để loan báo Tin Mừng”.

3. Suy niệm:

1) Quyền năng và sức mạnh của Thánh Thần trong lịch sử Hội Thánh:

Hôm nay lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là dịp nhắc nhở mỗi người chúng ta hãy tin vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Hãy hân hoan bước đi trong lòng Giáo Hội vì Thánh Thần của Chúa Giê-su vẫn luôn ở cùng Giáo Hội. Thánh Thần là Thần Chân Lý sẽ bảo vệ đức tin và hướng dẫn Giáo Hội đi trong chân lý vẹn tuyền. Giáo Hội luôn được lớn mạnh là nhờ sức sống thần linh của Ngôi Ba Thiên Chúa luôn ở trong Giáo Hội. Thực vậy, chỉ với vỏn vẹn 12 tông đồ yếu kém học thức và nghị lực lại có thể loan báo Tin mừng của Chúa đi khắp thế gian. Tông đồ Phê-rô đã từng hèn nhát chối Chúa lại có thể can đảm làm chứng cho Chúa và đưa về cho Chúa tới 3 000 người chỉ sau một bài giảng đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem. Giáo Hội Chúa Ki-tô dù trải qua bao sóng gió, đàn áp tiêu diệt vẫn ngày một phát triển khắp thế gian. Thực đúng như Téc-tu-ni-a-nô đã nói: "Máu các thánh tử đạo sẽ làm phát sinh các tín hữu" ? Trong thế kỷ 20, một nữ tu nhỏ bé thành Calcutta là Mẹ Têrêsa lại trở thành biểu tượng sáng giá cho sứ vụ làm chứng nhân cho Chúa được cả thế giới ngưỡng mộ… Tất cả những điều kỳ diệu đó đều là hồng ân của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần có thể biến các tông đồ nhút nhát thành can trường. Chúa Thánh Thần có thể ban ơn khôn ngoan cho những con người yếu hèn để họ có thể làm việc của Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần cũng có thể biến đổi kẻ từng bách hại đạo thành Chúa thành một tông đồ nhiệt thành ra đi mở mang Nước Chúa.

Ngày nay, tuy Hội Thánh vẫn còn nhiều khuyết điểm và thậm chí còn có cả tội lỗi nữa nên có thể làm cho nhiều tín hữu cảm thấy thất vọng. Nhưng nếu chúng ta biết rằng Chúa Giê-su vẫn đang ở với Hội Thánh qua Thánh Thần của Người để sẵn sàng bảo vệ, và giúp đỡ Hội Thánh vượt qua những thử thách đen tối... thì chúng ta sẽ không nản lòng, nhưng hãy cầu xin Thánh Thần soi sáng và gia tăng nghi lực để Hội Thánh vượt qua những khó khăn và trung thành đi trên con đường Giê-su. Đó là con đường khiêm hạ nhỏ bé, sẵn sàng chịu thua thiệt để mang lại ơn cứu độ cho đời. Con đường Giê-su đến để phục vụ chứ không tìm vinh quang cho mình. Con đường đó Chúa muốn mỗi người chúng ta hãy trở nên như muối men giữa lòng đời, để làm cho đời nên tốt hơn.

2) Thánh Thần thánh hóa các tín hữu nhờ sốt sắng lãnh nhận các Bí tích:

Từ khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, nhất là khi chịu Bí tích Thêm Sức, Thánh Thần cũng được ban cho các tín hữu. Thánh Thần hiện diện khi các tín hữu họp nhau lắng nghe Lời Chúa. Thánh Thần cũng soi sáng, giúp chúng ta thực hành Lời Chúa giữa đời thường (x. Ga 14,17), giúp ta tuyên xưng “Đức Giê-su là Chúa” (x. 1 Cr 12,3) và gọi Thiên Chúa là “Áp-ba! Ba ơi!” (x. Rm 8,15), giúp chúng ta sống như con Thiên Chúa (x. Rm 8,1). Thánh Thần sẽ làm cho chúng ta nên công chính, không còn sống theo xác thịt, nhưng sống cuộc đời mới tốt đẹp hơn (x. Rm 8,10-13), giúp ta cùng chịu đau khổ với Đức Ki-tô để cùng được hưởng vinh quang phục sinh với Người (x. Rm 8,17). Chính Thánh Thần làm cho Hội Thánh hiệp nhất qua việc ban nhiều ơn đặc sủng khác nhau để phục vụ lợi ích chung cộng đoàn (1 Cr 12,4-11). Nhất là được ơn nói tiếng khác và nói tiên tri (x. 1 Cr 14,5). Trong Hội Thánh, mỗi tín hữu là một bộ phận thuộc nhiều phẩm trật khác nhau (x.1 Cr 12,27-30). Ngày nay Thánh Thần hiện diện nơi các vị chủ chăn và cộng đoàn mỗi khi khi họp nhau cử hành bí tích Thánh Thể. Trong Thánh Lễ, Thánh Thần soi sáng cho các tín hữu lắng nghe, hiểu biết và sống theo Lời Chúa, biến hóa bánh rượu trở thành Mình Máu Chúa Giê-su sau lời truyền phép. Thánh Thần chính là linh hồn của Hội Thánh. Nếu không có Thánh Thần thì Hội Thánh cũng chỉ như một xác chết không hồn mà thôi.

3) Thánh Thần hiệp nhất các tín hữu nhờ ban ơn ngôn ngữ tình yêu:

- Câu chuyện về tháp Ba-bel trong Cựu ước: Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: “Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, để tránh bị Đức Chúa cho “Đại Hồng Thủy” tiêu diệt chúng ta”. Trước ý định kiêu căng ngông cuồng này, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và bỏ đi mỗi người một ngả. Chính tội lỗi nhất là tội kiêu ngạo là nguyên nhân gây sự chia rẽ giữa cộng đoàn.

- Trong lễ Hiện Xuống thời Tân Ước hôm nay, sách Công vụ Tông đồ đã thuật lại tác động của Chúa Thánh Thần như sau: “Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đỗ trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau. Trong thời gian lễ Ngũ tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giê-ru-sa-lem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhên và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa”.

Đây chính là một cuộc họp mặt đông đảo kể từ thời tháp Babel, trong đó mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau nhờ tác động của Chúa Thánh Thần. Nhờ ơn Thánh Thần được tượng trưng qua hình ảnh lưỡi lửa và việc các tông đồ nói bằng nhiều thứ tiếng do Thánh Thần ban để liên kết các dân tộc và giúp họ dễ dàng cảm thông và hiệp nhất với nhau. Nếu không có Chúa Thánh Thần, chúng ta sẽ không có tình yêu, sẽ khó hiểu biết cảm thông với nhau, và dễ dàng làm bùng nổ sự tranh cãi và sự hận thù chiến tranh với nhau.

4) Thánh Thần giúp sống yêu thương để làm chứng cho Chúa:

Cách đây 20 năm ở xứ Long Châu thuộc giáo phận Nam Ninh bên Trung Quốc, ban đầu chỉ mới có một gia đình ông trùm là tin Chúa. Nhưng nhờ gia đình ông động viên nhau nói về Chúa cho dân làng nhận biết Chúa. Kết quả đến nay hầu như cả làng đều đã tin theo Chúa. Hằng năm vào dịp lễ Phục Sinh và Giáng Sinh đều có trên dưới 20 người xin chịu phép rửa tội.

Khi được hỏi: Nhờ bí quyết nào mà việc truyền giáo của ông lại mang lại hiệu quả tốt đẹp như thế. Ông trùm trả lời: “Nhờ đời sống gia đình”. Bên Trung quốc, đời sống gia đình trong thời đại mới gặp rất nhiều khủng hoảng: Vợ chồng bất hoà với nhau. Con cái không vâng lời cha mẹ, có khi còn hành hung cả cha mẹ. Số gia đình tan vỡ ngày càng gia tăng. Trong khi đó gia đình ông trùm vẫn giữ được nề nếp trên thuận dưới hoà: vợ chồng thương yêu kính trọng nhau, con cái vâng lời cha mẹ, anh chị em quan tâm đùm bọc lẫn nhau. Thấy thế, nhiều người lương trong làng đã nêu nhận xét về đạo Công Giáo như sau: “Công Giáo là đạo tốt, vì các tín hữu đã có thể bảo vệ giữ gìn được hạnh phúc cho gia đình mình. Nhờ gương sống đạo tốt đẹp của gia đình ông trùm mà mọi người trong làng đã động viên nhau theo Chúa.

5) Phải làm gì để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa ? :

Ngày nay Chúa Thánh Thần vẫn đang tiếp tục tác động tuy âm thầm, nhưng không kém phần hiệu quả nơi Hội Thánh. Vậy chúng ta phải làm gì để chu toàn sứ vụ loan báo Tin Mừng ?
- Việc thứ nhất là hãy tạo cho mình một bầu khí thinh lặng nội tâm, tránh những lo toan về các nhu cầu như cơm áo gạo tiền. Hãy lo tìm Nước Thiên Chúa trước còn những sự khác, Ngài sẽ ban cho chúng ta sau.
- Việc thứ hai là hiệp cùng Mẹ Ma-ri-a lắng nghe lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và năng tham dự lễ nghi Bẻ Bánh, noi gương hai môn đệ làng Em-mau xưa, đi loan báo Tin vui Phục Sinh.
- Việc thứ ba là chuyên tâm cầu nguyện cùng với mấy người phụ nữ trong đó có Mẹ Chúa Giê-su và các anh em bà con của Người. Nhờ đón nhận được ơn Thánh Thần, mỗi chúng ta sẽ được ơn biến đổi nên tốt hơn và chu toàn được sứ vụ làm chứng cho Chúa cho người chung quanh và cho mọi người chúng ta có dịp tiếp xúc.

4. Thảo luận:

1) Thánh Thần giống và khác với thiên thần thế nào ?
2) Ta phải làm gì để được Thánh Thần ngự đến đổi mới và giúp ta thi hành sứ vụ “được sai đi” giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa ?


5. Nguyện cầu:

Lạy Chúa Thánh Thần,
Xin hãy đến như cơn gió mát thổi vào tâm hồn chúng con, thổi vào Hội Thánh, thổi vào thế giới hôm nay, để làm tươi mát dịu dàng và ban sự tự do thanh thoát.
Xin hãy đến như dòng nước trong lành chảy vào cuộc đời chúng con, chảy vào Hội Thánh, chảy vào thế giới hôm nay, để tẩy sạch mọi tội lỗi nhớp nhơ, làm dịu đi những khô cằn, uốn lại những tấm lòng cứng cỏi, và làm phát sinh những mầm xanh sự sống mới.
Xin hãy đến ban ngọn lửa hồng chiếu sáng đời con, chiếu sáng Hội Thánh, chiếu sáng thế giới hôm nay, để xua đi bóng đêm tội lỗi ra khỏi tâm hồn chúng con, đẩy lùi bóng tối của đam mê thấp hèn ra khỏi môi trường chúng con đang sống, làm cháy lên những ước mơ cao cả, và làm bừng sáng tình yêu khiêm nhường phục vụ.
X) Hiệp cùng Mẹ Maria.
Đ) Xin Chúa nhậm lời chúng con.


 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phản ứng Công Giáo đối với việc Tổng Thống Trump rút chân ra khỏi hiệp định Paris về khí hậu
Vũ Văn An
01:18 02/06/2017
Mới tuần trước, Tổng Thống Trump thưa với Đức Giáo Hoàng Phanxicô rằng ông sẽ đọc thông điệp Laudato Si’ về môi trường và thay đổi khí hậu của ngài. Nhưng căn cứ vào các biến cố ngày 1 tháng Sáu hôm qua, rõ ràng một là ông chưa đọc thông điệp này, hai là ông không đồng ý với những gì Đức Phanxicô viết trong đó.

Quả thế, ngày 1 tháng 6, tại Vườn Hồng, Ông Trump đã tuyên bố rằng Hiệp Chúng Quốc sẽ rút chân ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris, một hiệp định mà hầu như mọi quốc gia trên quả địa cầu này đều đã tham gia để giảm thiểu các hậu quả của việc thay đổi khí hậu. Như thế, Hoa Kỳ cùng với Syria và Nicaraguay là ba nước duy nhất không cam kết đối với các giới hạn tự nguyện ghi trong hiệp định.

Khắp Hoa Kỳ và thế giới, các nhà lãnh đạo Công Giáo nhanh chóng lên tiếng tỏ ý lo ngại. Sau đây, theo tạp chí America, là một số lo ngại này:

Các giám mục Hoa Kỳ

Đức Cha Oscar Cant của Las Cruces, chủ tịch Ủy Ban Công Lý và Hòa Bình Quốc Tế của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã ra một tuyên bố như sau: “Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cùng với Đức Giáo Hoàng Phanxicô và toàn thể Giáo Hội Công Giáo, vốn nhất quán đề cao hiệp định Paris như bộ máy quốc tế quan trọng để cổ vũ việc quản lý môi trường và khuyến khích giảm thiểu việc thay đổi khí hậu. Quyết định của Tổng Thống không tôn trọng sự cam kết của Hiệp Chúng Quốc đối với hiệp định Paris là điều gây bối rối sâu xa.

“Thánh Kinh khẳng định giá trị của việc săn sóc tạo thế và săn sóc lẫn nhau trong tình liên đới. Hiệp định Paris là một thỏa thuận quốc tế nhằm cổ vũ các giá trị này. Quyết định của Tổng Thống Trump sẽ có hại cho nhân dân Hiệp Chúng Quốc và thế giới, nhất là những người nghèo nhất, những cộng đồng dễ bị thương tổn hơn cả. Các tác động của việc thay đổi khí hậu đã được cảm nghiệm qua việc dâng cao mực nước biển, những vụ tan băng đá, nhiều cơn bão tăng tốc, và nhiều vụ hạn hán thường xuyên hơn.Tôi chỉ có thể hy vọng rằng: Tổng Thống sẽ đề xuất các phương cách cụ thể nhằm giải quyết việc thay đổi khí hậu hoàn cầu và cổ vũ việc quản lý môi trường”.

Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học và Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Các Khoa Học Xã Hội

Sáng ngày 1 tháng Sáu, nhật báo Ý la Repubblica cho đăng cuộc phỏng vấn Đức Cha Marcelo Sánchez Sorondo thuộc Giáo Hoàng Hàn Lâm Viện Khoa Học. Ngài gọi hành động của Tổng Thống Trump là một “thảm họa” và là một “cái vả vào mặt” Vatican. Trả lời một câu hỏi về mối liên hệ của Giáo Hội với khoa học, Đức Cha Sorondo nhận định rằng chủ trương coi thế giới không thể nào tiếp tục sống được nếu không dựa vào cácbon và dầu hỏa cũng “giống như nói rằng trái đất không tròn vậy”. Ngài cũng cho rằng việc rút chân ra này là kết quả của việc dựa vào các sắc lệnh tổng thống để chống lại việc thay đổi khí hậu.

Cơ quan Viện Trợ Công Giáo

Bill O’Keefe, phó chủ tịch phụ trách việc cổ vũ và liên hệ với chính phủ của Cơ Quan Viện Trợ Công Giáo, nhận định rằng “Là một cơ quan nhân đạo quốc tế, chúng tôi chạm trán với các thực tại của việc thay đổi khí hậu mỗi ngày và thấy rõ tác động tàn hại đối với sinh mạng con người được chúng tôi phục vụ. Con người trên khắp thế giới, đặc biệt những người góp phần ít nhất vào việc hâm nóng hoàn cầu, sẽ ra tệ hơn do quyết định hôm nay”.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải lắng nghe tiếng kêu của người nghèo. Rút chân ra khỏi (Hiệp Định) Paris và cắt giảm ngoại viện là một cú đấm kép đối với hàng triệu người khắp thế giới. Không có sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, dù hết sức bất toàn, các vấn đề sẽ ung thối, người người sẽ đau khổ, và cuối cùng, chúng ta sẽ cảm thấy các hậu quả bất ổn, buộc phải di dân, và tranh chấp”.

Mạng Lưới Hành Động Phan Sinh

Theo một tuyên bố được phổ biến hôm nay của Mạng Lưới Hành Động Phan Sinh, lời công bố của Tổng Thống Trump rút chân Hiệp Chúng Quốc ra khỏi Hiệp Định Khí Hậu Paris năm 2015 là một quyết định “có những hậu quả gây thảm họa cho trái đất và mọi sinh vật”.
Tổng Giám Đốc Mạng Lưới này, Patrick Carolan, nói rằng “Các vấn đề như nghèo đói và di dân có liên hệ với cuộc khủng hoảng khí hậu. Khi không có nước, mùa màng sẽ thất thu và người ta lâm cảnh nghèo. Cảnh nghèo cùng khắp và cảnh hiếm hoi tài nguyên dẫn tới việc di dân ồ ạt. Khi các quốc gia to lớn như Hiệp Chúng Quốc bác bỏ sự có thực của cuộc khủng hoảng khí hậu và rút chân ra khỏi các cam kết đòi chúng ta phải có trách nhiệm góp phần vào việc hạn chế sự gia tăng nhiệt độ khắp hoàn cầu, thì quả chúng ta đang quay lưng đối với người nghèo và người kém thế, môt việc trực tiếp đi ngược lại các giá trị Phan Sinh và Kitô Giáo của chúng tôi”.

Khoa Thần Học Đại Học Notre Dame

J. Matthew Ashley, Giáo Sư Thần Học và Chủ Tịch Phân Khoa Thần Học của Đại Học Notre Dame, hôm qua đã điện thư (e-mailed) một lời tuyên bố dự ứng cho quyết định hôm nay: “Đáp ứng một cách năng nổ và có tính tác động đối với việc thay đổi khí hậu là một nguyên tắc cốt lõi trong thông điệp Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, không những vì tác động tàn hại của nó đối với các hệ sinh thái tự nhiên, mà còn vì nó gây nên các đau khổ bất tương xứng cho người nghèo, là những người không có tài nguyên tài chánh để tránh được hay giảm thiểu được các hậu quả của nó”.

“Quyết định này, do đó, không những là một việc từ chối quyền lãnh đạo đối với một vấn đề Hiệp Chúng Quốc lâu nay vẫn lãnh đạo, mà còn là một cuộc kình chống trực tiếp với tín lý Công Giáo, như đã được trình bầy trong thông điệp”.

Phong Trào Khí Hậu Hoàn Cầu Công Giáo

Tomás Insua, Tổng Giám Đốc Phong Trào Khí Hậu Hoàn Cầu Công Giáo, vừa đưa ra lời tuyên bố sau đây: “Việc Ông Trump rút chân ra khỏi Hiệp Định Paris là một hành động lạc hậu và vô luân. Người Công Giáo buồn và giận khi Ông Trump không lắng nghe Đức Giáo Hoàng Phanxicô sau cuộc hội kiến tuần rồi. Tuy nhiên, thế giới vẫn sẽ tiếp tục tăng tốc hành động về khí hậu, bất chấp chủ trương thụt lùi của Bạch Ốc”.

“Là những người có đức tin, chúng ta sẽ tiếp tục hành động bên trong Giáo Hội, và thúc giục các nhà lãnh đạo do dân bầu ở Hiệp Chúng Quốc và khắp nơi trên thế giới thực hiện các thay đổi cần thiết để giữ cho việc hâm nóng hoàn cầu ở mức 1.5 độ bách phân. Quyết định của Ông Trump chỉ làm vững thêm quyết tâm của chúng ta nhất định vận động gia đình hòan cầu gồm 1 tỷ 200 triệu người Công Giáo giảm việc thải khí, làm áp lực để xã hội thay đổi, và phổ biến sứ điệp Laudato Si’ của Đức Giáo Hoàng nhằm bảo vệ căn nhà chung của chúng ta”.

“Chúng ta sẽ mãi lấy hứng từ đức tin, từ Đức Giáo Hoàng Phanxicô, và từ Laudato Si’ trong việc làm của ta, ghi nhớ mãi câu này trong thông diệp: ‘Dù trật tự thế giới hiện nay chứng tỏ bất lực trong việc đảm nhận các trách nhiệm của nó, các cá nhân và nhóm ở địa phương có thể tạo nên sự khác biệc có thực chất’ (Laudato Si 179)”.

Thay Đổi Khí Hậu Công Giáo

Các nhà lãnh đạo của 11 tổ chức Công Giáo đã ký một lá thư bày tỏ “sự thất vọng sâu xa” đối với quyết định của Tổng Thống Trump nhằm rút chân Hiệp Chúng Quốc ra khỏi Hiệp Định Paris và ngưng việc đóng góp của nó vào Qũy Khí Hậu Xanh của LHQ nhằm giúp các nước nghèo hơn đương đầu với việc thay đổi khí hậu. Lá thư này, do Giao Ước Khí Hậu Công Giáo đứng ra tổ chức, tiếp theo tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ ra ngày hôm nay thúc giục Tổng Thống Trump “tôn trọng Hiệp Định Paris” và việc các giám mục ủng hộ Quỹ Khí Hậu Xanh.

Lá thư bắt đầu bằng việc mô tả việc thay đổi khí hậu đã gây hại như thế nào đối với gia đình nhân loại, nhất là người nghèo và người bị hắt hủi. Sau đó, lá thư nhấn mạnh rằng từ Sứ Điệp Ngày Hòa Bình Thế Giới năm 1990 của Thánh Gioan Phaolô II trở đi, Giáo Hội Công Giáo luôn nhìn nhận việc thay đổi khí hậu là một vấn đề luân lý để ấn định ra các cam kết chủ chốt cho Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo.
Ngoài ra, lá thư còn nhận định rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô, Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, 15,000 người CG Hoa Kỳ, đa số người Hoa Kỳ thuộc mọi tiểu bang, và hàng trăm doanh nghiệp Hoa Kỳ, kể cả các công ty dầu khí lớn, đã ủng hộ hiệp định về thay đổi khí hậu. Rồi lá thư khẩn khoản yêu cầu Tổng Thống Trump xem xét lại quyết định rút chân Hiệp Chúng Quốc ra khỏi Hiệp Định Paris và ngưng các đóng góp của Hoa Kỳ vào Qũy Khí Hậu Xanh của ông.

Các người ký thự vào lá thư này gồm có các đại diện của Giao Ước Khí Hậu Công Giáo, Các Cơ Quan Bác Ái Hiệp Chúng Quốc Mỹ Châu, Hiệp Hội Y Tế Công Giáo và Hội Đồng Lãnh Đạo các Nữ Tu và nhiều tổ chức Công Giáo khác.

Dân Biểu Paul Ryan

Tuy nhiên, không phải mọi người Công Giáo nổi tiếng đều phê phán quyết định của Tổng Thống Trump. Chủ Tịch Hạ Viện, Paul Ryan (R-WI) đưa ra lời tuyên bố sau đây về quyết định này:

“Hiệp Định Khí Hậu Paris đơn giản chỉ là một thương lượng không công bằng (raw deal) đối với Hoa Kỳ. Ký bởi Tổng Thống Obama không có sự chuẩn nhận của Thượng Viện, nó có thể nâng cao giá năng lượng, đánh mạnh nhất các người Hoa Kỳ lương trung bình và lương thấp. Để có thể mở trói cho sức mạnh của nền kinh tề Hoa Kỳ, chính phủ chúng ta phải khuyến khích việc sản xuất ra năng lượng Hoa Kỳ, tôi ca ngợi Tổng Thống Trump đã chu toàn cam kết của ông với nhân dân Hoa Kỳ và rút chân ra khỏi vụ thương lượng tồi tệ này”.

Tòa Thánh và việc thay đổi khí hậu

Ký giả Inés San Martín của tờ Crux, khi tường trình về cuộc phỏng vấn Đức Cha Sorondo, cho biết tại sao ngài nói đây là một cái vả vào mặt Vatican: ngài không biết trong cuộc yết kiến Đức Phanxicô, Ông Trump đã nói gì với Đức Giáo Hoàng, nhưng rõ ràng khi gặp Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh, ông có nói chuyện với Đức Hồng Y về thay đổi khí hậu.

Theo Đức Cha, Tổng Thống Hoa Kỳ, từ lâu, vốn nói tới việc rút khỏi Hiệp Định khí hậu, vì việc này do “nhóm vận động dầu hỏa ở hành lang” xúi bẩy. Đây là một điều phi lý, chỉ vì nhu cầu làm tiền.

Ngài không tha Ông Obama, cho rằng “dù sao cũng phải nói rằng điều bất hạnh là Obama một phần có lỗi đối với tình huống này” vì đã giải quyết nó bằng một sắc lệnh tổng thống, nên đã bị một tổng thống khác lật ngược lại. Không ai giải quyết vấn đề một cách rốt ráo và dài hạn.

Ký giả Martín cũng cho hay: không phải ai trong kỹ nghệ dầu hỏa cũng ủng hộ việc rút chân ra này. Tổng Giám Đốc của Exxon Mobil là Daren W. Woods, mới đây có viết rằng ở lại Hiệp Định là điều khôn ngoan.

Một nhóm các công ty vĩ đại mới đây đăng trên các tờ New York Times, New York Post và The Wall Street Journal trọn một trang quảng cao nhận định rằng “Nhờ mở rộng thị trường vào các kỹ thuật sạch có tính canh tân, Hiệp Định này sẽ sản sinh ra công ăn việc làm và sự phát triển kinh tế. Các công ty Hoa Kỳ đang ở vị trí tốt để dẫn đầu các thị trường này”.

Cũng nên biết Hiệp Định Paris là hiệp định nổi tiếng được hầu hết các quốc gia (195 nước) trên hế giới ký chấp thuận hồi tháng 12 năm 2015. Mục đích là cắt giảm phân nửa việc thải khí cácbon để tránh việc gia tăng nhiệt độ khí hậu khoảng 2 độ bách phân hay 3.6 độ Fahrenheit.

Đó là mức mà các cuộc nghiên cứu khoa học cho là thế giới sẽ bị khóa kín trong các hậu quả thảm hại, trong đó có việc dâng cao mực nước biển, hạn hán và lụt lội nghiêm trọng, thiếu hụt lương thực và nước uống cùng khắp, và rất nhiều trận bão phá hoại hơn nữa.
Hiệp định này một phần có tính trói buộc, một phần có tính tự nguyện, và có hiệu lực vào năm 2020.

Ngay trước khi Hiệp Định được ký kết, Vatican đã là người dẫn đầu về các quan tâm đối với môi trường. Đức Giáo Hoàng Hưu Trí Bênêđíctô XVI, “vị giáo hoàng xanh” khởi thủy, từng cho đặt các tấm thu sức nóng của mặt trời để sản xuất đủ năng lượng cho tiểu quốc của ngài và từ ngày từ nhiệm, vẫn dùng chiếc xe chạy bằng điện.

Các biện pháp trên càng được tăng cường dưới triều giáo hoàng của Đức Phanxicô. Vị giáo hoàng này công khai ủng hộ Hiệp Định Khí Hậu Paris, nên đã lo liệu để thông điệp Laudato Si’ về môi trường của ngài được công bố trước hội nghị khí hậu Paris, đủ thì giờ ảnh hưởng tới kết quả của nó.

Và như mọi người biết, khi tiếp Tổng Thống Trump tại Vatican, ngài tặng ông bản sao thông điệp này. Tuy nhiên, điều đáng tiếc là thông cáo báo chí của Tòa Thánh về cuộc tiếp kiến này đã không nhắc gì tới việc thay đổi khí hậu.
 
Nước Nga trở lại: Tổng thống tham dự lễ thánh hiến đại đền thờ kính nhớ các vị tử đạo bị giết thời cộng sản
Đặng Tự Do
18:17 02/06/2017
Trong một sự kiện mà cách đây mấy thập niên nằm mơ người ta cũng không tưởng tượng ra được, sáng ngày 31 tháng 5, tại thủ đô Mạc Tư Khoa, Đức Thượng Phụ Kirill của Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa đã thánh hiến một đại đền thờ nhằm vinh danh sự phục sinh của Chúa Kitô và để kính nhớ các vị tử đạo bị giết dưới thời sô viết.

Nhà thờ, được khánh thành đúng vào dịp tưởng niệm 100 năm biến cố Bolshevik, nằm trên nền của Tu viện Sretensky ở Mạc Tư Khoa. Chế độ tàn bạo của Joseph Stalin đã phá hủy hầu hết các nhà thờ được xây trên nền của tu viện có từ thế kỷ thứ 14 này.

Trong số các quan khách có tổng thống Nga Vladimir Putin, thủ tướng Nga Dmitry Medvedev và hầu hết các thành viên trong Hội Đồng Bộ Trưởng Nga.

Đặc biệt, lần đầu tiên có sự tham dự của các giám mục thuộc Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga. Năm 1927, dưới áp lực của Joseph Stalin, Chính Thống Giáo Nga tuyên bố trung thành với chế độ cộng sản. Các tín hữu Chính Thống Giáo Nga phản ứng lại bằng cách ly khai khỏi Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa và thành lập Giáo Hội Chính thống Nga bên ngoài nước Nga. Các nỗ lực hiệp nhất hai Giáo Hội đang được thực hiện.

Một sự kiện khác xảy ra chỉ một tuần trước biến cố 100 năm Đức Mẹ Fatima là việc tổng thống Nga đã cùng với Đức Thượng Phụ Chính Thống Giáo Mạc Tư Khoa tham dự lễ thánh hiến một cây thánh giá được đặt tại địa điểm nơi một thành viên hoàng gia Nga đã bị cộng sản ám sát.

Hoàng tử Sergey Alexandrovich, con thứ năm của Hoàng hậu Nicholas II, đã bị cộng sản ám sát vào năm 1905. Hoàng gia Nga lúc đó đã cho dựng một cây thánh giá để tưởng nhớ ông.

Sau cuộc cách mạng Bolshevik, đích thân Vladimir Lenin đến tận nơi trực tiếp giám sát việc phá hủy cây thánh giá này.

Trong diễn từ của ngài, được trực tiếp truyền hình, Đức Thượng Phụ Kirill lên án “sự khinh miệt mạng sống con người” và “sự sẵn sàng đưa mạng sống con người lên một bàn thờ đẫm máu của cuộc nổi dậy chính trị Bolshevik”.

Tổng thống Vladimir Putin nói: “Tội phạm này của cộng sản là khúc dạo đầu của các sự kiện bi thảm, gây bất đồng trong xã hội, tạo ra các xung đột dân sự bi đát, mà nước Nga đã phải đối mặt. Đó là những tổn thất nặng nề nhất, là một thảm hoạ quốc gia thực sự, là mối đe dọa cho sự sống còn của dân tộc Nga”.
 
Tờ Quan Sát Viên Rôma khẳng định các tín hữu Kitô Ai Cập bị thảm sát tại Minya là các vị tử đạo
Đặng Tự Do
20:09 02/06/2017
28 tín hữu Kitô Ai Cập bị thiệt mạng hôm 26 tháng 5 là các vị tử đạo. Trích thuật báo cáo của những người sống sót, tờ Quan Sát Viên Rôma cho biết bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã “cho” các nạn nhân một cơ hội sống sót bằng cách tuyên bố chuyển sang Hồi giáo. Nhưng họ từ chối, nên bọn khủng bố đã bắn chết họ.

Như chúng tôi đã loan tin bọn khủng bố Hồi Giáo IS đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công vào một xe buýt chở các tín hữu Coptic đi hành hương tại tu viện Thánh Samuel cách thủ đô Cairo 220 km về phía nam. Vụ tấn công đã xảy ra vào sáng thứ Sáu 26 tháng 5 khiến 28 Kitô hữu bị thiệt mạng và 22 người khác bị thương.

Ai Cập đã chứng kiến một làn sóng các cuộc tấn công vào các Kitô hữu. Trong ngày lễ lá đẫm máu 9 tháng Tư vừa qua, hai vụ nổ bom đã xảy ra giết chết 45 người chết và làm 125 người khác bị thương. Trước đó, một cuộc tấn công tại nhà thờ Thánh Máccô vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái tại một nhà thờ tại Cairo đã làm 25 người thiệt mạng và 78 người khác bị thương.

Tháng trước Đức Thánh Cha Phanxicô đã viếng thăm Ai Cập để chứng tỏ sự ủng hộ của ngài đối với các Kitô hữu tại Ai Cập. Trong chuyến đi này, Phanxicô đã vinh danh và cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ đánh bom.

Sau chuyến viếng thăm của Đức Thánh Cha, bọn khủng bố Hồi Giáo IS ở Ai Cập đã thề sẽ leo thang các cuộc tấn công chống lại Kitô hữu. Chúng ra các thông báo kêu gọi người Hồi giáo tránh xa các cuộc tụ tập của các tín hữu Kitô và các đại sứ quán phương Tây.

Các tín hữu Kitô Ai Cập, là cộng đồng Kitô hữu lớn nhất Trung Đông. Trong những thập kỷ qua, họ đã là mục tiêu tấn công của các phần tử cực đoan Hồi giáo.
 
Top Stories
Corée du Sud: Quel rôle pour le pape François dans la réconciliation coréenne ?
Eglises d'Asie
09:05 02/06/2017
Cambodge: Les évêques du Cambodge et du Vietnam affirment leur volonté de servir ensemble les catholiques du Cambodge
Dimanche dernier, 28 mai 2017, la paroisse Sainte-Marie à Phnom Penh était en fête : pour l’inauguration d’un bâtiment paroissial de trois étages, destiné à servir d’école maternelle et à abriter différentes activités liées à la pastorale des jeunes, pas moins de quatre évêques, dont deux présidents de conférences épiscopales, avaient fait le déplacement. La présence de ces évêques, venus notamment du Vietnam, souligne l’accent porté sur la communion et l’unité des communautés cambodgiennes et vietnamiennes voulues par les responsables de l’Eglise catholique du Cambodge, une Eglise petite par le nombre mais forte d’une jeunesse et d’un dynamisme certains.

La paroisse Sainte-Marie à Tu Taing, un quartier du sud-est de Phnom Penh, fait partie du vaste « secteur pastoral sud » du vicariat apostolique de Phnom Penh. Comme partout dans l’Eglise au Cambodge, les infrastructures y sont récentes, reconstruites après les ravages de la période des Khmers rouges (1975-1979) et l’occupation vietnamienne (1979-1989). L’église Sainte-Marie, modeste par la taille, a ainsi été construite en 2001 seulement. A l’image des quelque 23 000 catholiques du Cambodge (1), les trois cents paroissiens de Tu Taing sont aux trois quarts originaires du Vietnam, qu’ils soient présents depuis plusieurs générations au Cambodge ou installés de façon plus récente. Souvent, leurs enfants ne sont pas scolarisés dans les écoles publiques parce qu’ils ne parlent pas le khmer ou parce qu’ils n’ont pas de papiers. Pour les responsables de l’Eglise du Cambodge, désireux de faire grandir une Eglise proche et bienveillante pour ces familles pauvres et rejetées, c’est là un souci dont ils ont fait une de leurs priorités pastorales.

Scolariser des enfants vietnamiens dans le système scolaire khmer

Dimanche 28 mai, le curé du lieu, le P. Damien Fahrner, 35 ans, prêtre des Missions Etrangères de Paris envoyé au Cambodge en 2011, était donc entouré de plusieurs évêques : son évêque, Mgr Olivier Schmitthaeusler, vicaire apostolique de Phnom Penh et président de la Conférence épiscopale Laos-Cambodge (CELAC), mais aussi Mgr Joseph Nguyên Chi Linh, archevêque de Hué et président de la Conférence épiscopale du Vietnam, ainsi que Mgr Joseph Vu Van Thiên, évêque du diocèse vietnamien de Haiphong. Mgr Leopoldo Girelli, nonce à Singapour et « représentant non résident du Saint-Siège au Vietnam », était également présent.

La présence des deux évêques vietnamiens et de Mgr Girelli à la cérémonie de bénédiction du nouveau bâtiment paroissial s’explique par le fait qu’outre le vicariat de Phnom Penh et la communauté paroissiale, les bienfaiteurs qui ont rendu possible cette construction sont les diocèses de Haiphong et de Thanh Hoa. Mais, pour les évêques, le lien entre les deux Eglises du Cambodge et du Vietnam va au-delà du seul soutien financier.

Dans son homélie, Mgr Olivier Schmitthaeusler a insisté sur « la communion et l’unité de l’Eglise » pour que les communautés cambodgiennes et vietnamiennes puissent « être signe visible du Royaume qui vient en vivant dans l’harmonie et l’accueil des différences ». Il a aussi souligné l’importance pour les communautés d’origine vietnamienne au Cambodge d’envoyer leurs enfants à l’école, pour pouvoir bien prendre leur place dans la société cambodgienne et avoir une vie digne. Trop de parents y compris catholiques envoient leurs enfants travailler à l’âge où ils devraient aller à l’école, a-t-il souligné. C’est pourquoi l’Eglise du Cambodge fait un effort considérable pour ouvrir des écoles quasi gratuites pour ces familles. Mgr Olivier Schmitthaeusler a appelé le président de la Conférence épiscopale du Vietnam, Mgr Nguyên Chi Linh, à joindre sa voix à la sienne pour plaider en faveur d’un changement de mentalité.

Mgr Nguyên Chi Linh s’est exprimé à la fin de la messe et a félicité l’Eglise au Cambodge des efforts qu’elle produit. Il a aussi souligné les relations de fraternité qui existent dans la foi entre l’Eglise au Cambodge et l’Eglise au Vietnam, lien qui se retrouve en particulier dans la présence de missionnaires et d’évêques des Missions Etrangères de Paris, qui ont été très actifs dans la fondation de nombreux diocèses du Vietnam et qui le sont aujourd’hui au Cambodge (2). (eda/ra)

(1) Dans un pays de 15,9 millions d’habitants, la communauté catholique ne représente aujourd’hui que 0,2 % de la population. Si la présence catholique dans le pays est relativement ancienne (elle date de l’arrivée du dominicain portugais Gaspard Da Crux, au XVIe siècle), l’Eglise a été presque totalement anéantie par le régime Khmer rouge (1975-1979), lequel fut suivi par dix années d’occupation vietnamienne (1979-1989). De 65 000 fidèles en 1970, on n’en recensait plus que 5 000 en 1990. Le bouddhisme theravada est particulièrement bien implanté dans le pays : religion d’Etat depuis 1989, il constitue la religion de 96 % de la population.
(2) L’Eglise au Cambodge compte trois diocèses, dont deux ont été confiés à des prêtres MEP : Mgr Olivier Schmitthaeusler, pour le vicariat apostolique de Phnom Penh, et Mgr Antonysamy Susairaj, pour la préfecture apostolique de Kompong Cham. La préfecture apostolique de Battambang est dirigée par Mgr Enrique Figaredo, un jésuite espagnol.


(Source: Eglises d'Asie, le 2 juin 2017)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tu Hội Bác Ái Phú Dòng, Nơi Tĩnh Tâm Lý Tưởng
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:54 02/06/2017
Tôi vừa giúp các Nữ Tu Dòng Đaminh Tam Hiệp tuần tĩnh tâm tại Foyer de Charite Phú Dòng, Phú cường, Định quán, Đồng nai.

Hình ảnh

Tháng Năm là tháng Hoa và cũng là khởi đầu mùa hè. Riêng đối với các Nữ Tu thì đây là tháng của hồng ân. Xếp lại những công việc mục vụ, về bên nhau, sát kề bên Chúa, từ đó múc lấy nguồn sức sống sau một năm miệt mài dấn thân phục vụ tại các cộng đoàn sứ vụ.

Năm nay kỷ niệm 100 năm Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ phong hiển thánh cho hai chân phước thiếu nhi Phanxicô và Giacinta vào ngày 13 tháng 5 tại Fatima, cho nên chủ đề của kỳ tĩnh tâm là “Hành trình ơn gọi theo gương Mẹ Fatima”.

Tĩnh tâm nhằm giúp mỗi người đi vào chiều sâu nội tâm để lắng nghe tiếng Chúa, hầu nhận ra thực trạng của đời mình. Từ đó, ngưới Tu sĩ biết lấy Lời Chúa chiếu soi, thanh luyện tâm hồn và kín múc sức mạnh từ nơi Chúa để biến đổi đời sống trong ơn gọi và trong sứ vụ của đời thánh hiến sao cho phù hợp thánh ý Chúa.

Để biết được con người thực của mình và nghe được tiếng Chúa nói với lòng mình, điều kiện tiên quyết là phải biết đi vào thinh lặng.Thinh lặng bề ngoài để kiến tạo thinh lặng nội tâm. Hai yếu tố tâm linh quyết định để kỳ tĩnh tâm đem lại kết quả, làm mới cuộc đời là lắng nghe và sẵn sàng vâng phục. Hai yếu tố này lại cần có hai yếu tố khác chuẩn bị là thinh lặng và tự do nội tâm, thanh thoát với tất cả những gì không phải là Chúa. Không gian của Cộng đoàn Bác ái Phú Dòng thật rộng thoáng, thanh vắng, êm đềm, thật thích hợp cho những ngày cấm phòng.

Tĩnh tâm là sinh hoạt thường xuyên của Giáo Hội dành cho tín hữu, có thời gian nghỉ ngơi, khôi phục, củng cố đời sống tâm linh và định hướng cho cuộc sống. Đối với các Tu sĩ, tĩnh tâm trở thành một chương trình sống bắt buộc được ghi vào khoản lề luật Dòng. Tôn chỉ Hội Dòng Đaminh là “Chia sẻ cho tha nhân những gì mình đã chiêm niệm”. Mỗi Tu sĩ xác quyết: Cầu nguyện là yếu tố làm nên đời tu, là sự sống còn của đời tu. Những ngày tĩnh tâm là “lên núi” với Chúa để rồi mỗi Tu sĩ “xuống núi” với thật nhiều niềm vui và quyết tâm.

Một tuần lễ sống ở đây đã cho tôi rất nhiều cảm nghiệm và niềm vui làm khỏe mạnh tâm hồn trong bầu khí tĩnh lặng, nghiêm trang và thánh thiện của đời sống tu sĩ.

Cộng Đoàn Bác Ái Phú Dòng là một trong ba Foyers De Charite tại Việt Nam (Bình Triệu, Cao Thái). Từ Dầu Giây theo quốc lộ 20 đi 16km là đến Trung tâm hành hương Đức Mẹ Núi Cúi, thêm 1km rồi rẽ phải vào 300m là đến nơi.

Cộng Đoàn Bác Ái là một Hiệp hội giáo dân, được thành lập tại Pháp từ năm 1936 và được Hội Đồng Giáo Hoàng đặc trách giáo dân chính thức công nhận ngày 8.12.1999. Đến năm 2017, trên thế giới có 80 Cộng Đoàn Bác Ái hoạt động trong 45 quốc gia. Mỗi cộng đoàn luôn có một Linh mục mệnh danh là Linh phụ hiện diện sống với các thành viên và tiếp đón mọi người đến tĩnh tâm, học hỏi Lời Chúa, giáo lý và các giáo huấn của Giáo Hội. Hoạt động của các Cộng Đoàn Bác Ái “là truyền giáo bằng việc cầu nguyện và tiếp đón mọi người đến tĩnh tâm: nửa ngày, một ngày, năm ngày, tuần lễ, để họ có điều kiện và cơ hội gặp Chúa, tin yêu Chúa, hiểu biết kế hoạch yêu thương cứu độ của Chúa và làm tông đồ trong môi trường sống của mỗi người”.

Khuôn viên nơi này được bao quanh bởi tường cao kín cổng. Đây vốn là quả đồi nên Nhà thờ (cung hiến năm 2012) nằm ở vị trí trung tâm trên cao, tầng trên làm nhà nguyện cử hành các bí tích, tầng dưới là hội trường sinh hoạt học hành. Phía trước Nhà thờ, hai cây si già rợp bóng mát. Khu vực cộng đoàn tách biệt gồm nguyện đường nhỏ và những nhà ở nhà sinh hoạt của cha linh phụ Antôn Trần văn Bài và các tu sĩ nam nữ.

Thuộc vùng Dốc Mơ - Gia Kiệm nên đất đai màu mỡ, cây cối xanh tươi. Bên trái có khu vườn tĩnh lặng rợp bóng cây, nhiều lối đi và ghế đá để ngồi chiêm niệm. Phía sau và bên phải là dãy nhà tĩnh tâm dành riêng cho các linh mục tu sĩ và các hội đoàn từ khắp nơi đến cấm phòng. Ngôi nhà này khánh thành năm 2011, bao gồm hai dãy tương đối khang trang, rộng và thoáng mát. Có 53 phòng (phòng đôi, có thể đáp ứng được hơn 100 người cùng lúc), riêng 2 phòng sát bên phòng thánh dành cho quý cha hướng dẫn tĩnh tâm.

Hơn 2 mẫu đất làm công viên tĩnh dưỡng toàn là cây cao tỏa bóng mát và những thảm cỏ xanh mướt giữa vườn cây ăn trái đang mùa ra hoa thơm ngát. Lối đi chính giữa Nhà thờ và nhà tĩnh tâm rực rỡ hoa lá đủ màu sắc tươi mát. Từ cổng vào, có đài Đức Mẹ, nước chảy róc rách nhiều cá bơi lội tung tang, dẫn đến các lối đi nhỏ rẽ vào các căn chòi rợp bóng mát tĩnh lặng thích hợp để họp nhóm chia sẻ hay một mình cầu nguyện.

Không gian thật thoáng đãng và bình yên. Không khí trong lành hòa trong thiên nhiên.Chiều và tối thỉnh thoảng có những cơn mưa rã rích, tắm gội vườn tược cây cỏ. Sáng sớm, tiếng chim hót rộn vang, những tia nắng sớm xuyên qua cành lá rọi xuống lối đi, tiếng chuông đầu ngày mới ngân nga, những bóng dáng của các Tu sĩ trong áo dòng trắng thấp thoáng thầm lặng đi đến nhà nguyện cầu kinh dâng lễ. Một ngày mới thật nhẹ nhàng, bình an và thanh thản.

Trong suốt ngày sống, từ sáng sớm đến khi đêm về, tiếng chuông thỉnh thoảng ngân lên, các Tu sĩ tĩnh tâm đều đặn đến nhà thờ. Cử hành Phụng Vụ thờ phượng Thiên Chúa, bao gồm giờ kinh Phụng Vụ, Kinh Sáng, Thánh Lễ, Kinh Chiều, Chầu Thánh Thể, Kinh Tối.

Ngoài các giờ Phụng Vụ thờ phượng, các Tu sĩ còn có giờ nghe giảng, suy ngẫm xét mình, lần chuỗi Mân Côi, đọc sách thiêng liêng. Có thể nói toàn thời gian một ngày sống, Tu sĩ dành cho việc cầu nguyện và thờ phượng Chúa.

Sứ mạng của Tu sĩ là cầu nguyện cho mọi người, cho Hội Thánh, cho toàn thế giới. Sự tĩnh lặng làm cho các Tu sĩ ý thức về cuộc chiến trường kỳ giữa những sức mạnh của sự thiện và sự dữ mà họ nhận thấy ngay trong lòng mình, họ sẽ nhạy cảm với mọi nỗi khốn khổ mà nhân loại đang phải gánh chịu và đưa vào lời cầu nguyện. Những giờ Kinh Nguyện, các Tu sĩ hát với cung điệu du dương trầm bổng hòa trong tiếng pianô thanh thoát, nghe êm ái làm sao, kinh nhạc như đôi cánh nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Những ngày sống nơi đây, tôi cũng nhận thấy có sự hài hòa giữa con người với thiên nhiên, giữa con người với Thiên Chúa. Môi trường sống thể chất và tâm linh thật trong lành. Từ cha linh phụ đến các tu sĩ nam nữ đều tận tụy phục vụ tĩnh tâm. Các ngài sống đặc sủng là một gia đình Thiên Chúa theo kiểu mẫu: các Kitô hữu đầu tiên, Gia đình Nazareth, Ba Ngôi Thiên Chúa. Nơi đây như một đan viện, nơi lý tưởng để tổ chức các ngày tĩnh tâm.

Cuộc sống tu trì chiêm niệm của các Tu sĩ là đi tìm kiếm sự hiệp nhất với Thiên Chúa. Tất cả sự trọn lành hệ tại đức mến, yếu tố làm tăng trưởng lòng mến là khiêm nhường. Gặp gỡ trò chuyện, tôi thấy các Tu sĩ thật hiền lành và khiêm nhường. Đời sống phục vụ là một dấu hiệu về Nước Thiên Chúa. Đời sống của các Tu sĩ như phác hoạ ra trước mắt người đời cảnh sống trong Nước Thiên Chúa, ở đó vang lên những lời ngợi khen, một nếp sống bình an thánh thiện, không bị giằng co toan tính sự đời. Ai đến đây cũng nhìn thấy cảnh sống và hít thở bầu không khí an bình thanh thoát.

Thật ngưỡng mộ đời sống chiêm niệm có lịch sử lâu đời và những giá trị huyền bí thanh cao, bất biến, một sự sống luôn trẻ trung, trào tràn và lưu chuyển trong lòng mẹ Giáo Hội. Đời dâng hiến đi liền với chiều kích chiêm niệm của nếp sống tu trì. Các Tu sĩ làm chứng về mối tương quan giữa sự từ bỏ và niềm vui, giữa hy sinh và sự triển nở con tim, giữa kỷ luật và tự do thiêng liêng. Các vị Giáo Hoàng gần đây, từ thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đến Đức Bênêđíctô XVI và đương kim Giáo Hoàng Phanxicô đều luôn đề cao, cổ xuý và ca ngợi đời sống Thánh Hiến Đan Tu là kho tàng quý báu và là sức sống của Giáo Hội. Thánh Gioan Phaolô II khẳng định:“Các Hội Dòng hoàn toàn chuyên lo chiêm niệm, là một niềm vinh dự và là nguồn mạch muôn vàn ơn thiêng cho Giáo Hội. Bằng chính đời sống và sứ mệnh của mình, những thành viên của các Hội Dòng này, noi gương Chúa Kitô cầu nguyện trên núi; các vị chứng tỏ quyền tối thượng của Thiên Chúa trên dòng lịch sử và tham dự trước vinh quang mai hậu. Trong cô tịch và thinh lặng, bằng việc lắng nghe Lời Chúa, phụng thờ Thiên Chúa, khổ chế bản thân, đọc kinh cầu nguyện, hãm mình và chia sẻ tình huynh đệ, các vị quy hướng trọn vẹn đời sống và mọi sinh hoạt của mình về sự chiêm ngắm Thiên Chúa. Như vậy, các vị cung hiến cho cộng đoàn Giáo Hội chứng tá duy nhất về tình yêu của Giáo Hội dành cho Chúa của mình, cũng như góp phần vào việc làm tăng trưởng Dân Chúa, bằng một việc tông đồ âm thầm mà phong phú” (Tông huấn “Đời sống thánh hiến” – Vita consecrate, số 8).

Thánh Gioan Phaolô II đã viết một huấn thị dành cho các Tu sĩ với tên gọi “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô”, có thể tóm kết trong ba chữ S.

Say mê Đức Kitô. Mỗi Kitô hữu tự bản chất thuộc về Đức Kitô nhờ Phép Rửa, cách riêng các Tu sĩ còn thuộc về Đức Kitô cách đặc biệt hơn nhờ Lời Khấn Dòng. Từ đó, Tu sĩ say mê Đức Kitô trong ý nghĩ, trong việc làm, trong tình cảm, để rồi uốn nắn và điều chỉnh mọi bước đi trong đời sống của mình. Tu sĩ là người say mê Đức Kitô.

Sống hiệp thông. Hiệp thông trước hết là với Chúa theo chiều cao. Hiệp thông theo chiều ngang đối với Bề trên với anh em. Sống hiệp thông với Chúa cách tròn đầy thì mới mong có được hiệp thông đối với anh chị em chung quanh mình trong nhiệm vụ một cách có hiệu quả.

Sẵn sàng lên đường. Chữ Sẵn sàng lên đường hợp với chữ Sứ vụ. Tu sĩ ở đây hôm nay, nhưng Nhà Dòng cần mình đến chỗ khác thì sẵn sàng, không phải quyến luyến nữa.

Say mê Đức Kitô nhằm cho đời sống tâm linh, sống hiệp thông nhằm đến tình huynh đệ và nhờ đó sẵn sàng lên đường cho sứ vụ.

Nhờ năng “Xuất Phát Lại Từ Đức Kitô” qua mỗi kỳ tĩnh tâm, người Tu sĩ được bồi bổ tâm linh để luôn say mê Đức Kitô, sống hiệp thông và nhiệt thành trong sứ vụ. “Đời sống tâm linh phải được đặt lên hàng đầu trong chương trình của mọi gia đình tận hiến, ngõ hầu mọi tu hội và mọi cộng đoàn trở thành những trường học về linh đạo Phúc Âm chân chính… Chính phẩm chất thiêng liêng của đời thánh hiến mới lay chuyển được những con người thời đại này đang khao khát những giá trị tuyệt đối và trở thành một lời chứng hấp dẫn” (Tông huấn “Đời sống thánh hiến” – Vita consecrate, số 93).

Tạ ơn Chúa đã cho con cùng các Tu sĩ sống những ngày an bình trong cộng đoàn bác ái này. Nhịp sống nơi bình yên thanh thoát đã giúp chúng con gặp được nét tươi trẻ an vui trong cuộc sống tận hiến cho Chúa. Amen.
 
Thăm họ đạo Long Hà và giáo điểm Kinh Tư, tỉnh Bạc Liêu
Tiểu Hổ
09:53 02/06/2017
Chuyến đi nghĩa tình-

Nét đẹp đôi chân lặn lội …!!

Ngày 1/6 quốc tế thiếu nhi, tôi lặn lội theo một nhóm các anh chị thăm viếng họ đạo Long Hà và Giáo điểm Kinh Tư thuộc huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu vùng sâu, xa của giáo hạt Bạc Liêu giáo phận Cần Thơ. Nơi đây tôi có cơ may gặp gỡ một vị “mục tử nặng mùi chiên” và một đàn chiên ngơ ngác trong cái nghèo, không chỉ nghèo đời sống vật chất mà nghèo cả ánh sáng văn minh, họ đang sống trong khát khao thèm thuồng nguồn dinh dưỡng tinh thần.

Xem Hình

Ngóng chờ đến gần 2 giờ sáng, để rồi bước lên chiếc xe chỉ có một người quen và còn lại là những con người chưa từng một lần gặp gỡ, cảm giác như mình sắp lặn, lội những bước đi nhạt nhẽo, lạc loài, bởi vì bóng đêm dày đặc bao trùm khuôn mặt tất cả mọi người đang tranh thủ giấc ngủ sâu để ngày mai vội vã với sứ vụ đã được trao ban, ấy thế mà trong lòng vẫn nao nao một ngày mai bình minh sẽ lên để tỏ rõ.

Xe dừng tại trung tâm hành hương Tắc Sậy để đoàn kính viếng Cha Diệp cũng như tham dự thánh lễ. Wow! Lúc này tôi mới vỡ lẽ ra không phải là một mà tới hai xe, họ đã liên đới với nhau trong một chuyến viếng thăm. Họ là ai? Tôi bắt đầu cảm thấy tò mò và tin rằng mình sẽ khám phá ra trong suốt chuyến đồng hành cùng họ. Thánh lễ kết thúc đoàn tập trung trước nhà thờ Tắc Sậy để lưu lại chút kỷ niệm qua mấy bức hình chớp nhoáng rồi lại chóng vánh lên đường cho kịp đến với giáo xứ Long Hà và giáo họ Kinh Tư vì nơi ấy có nhiều ánh mắt và con tim trẻ thơ đang ngóng chờ.

Ra đi, đụng chạm, sờ mó để cảm nhận. Thật vậy, có đụng chạm vào nhau mới thấy cái ấm áp của nghĩa tình, có lặn lội kiếm tìm mới thấy còn nhiều điều ẩn khuất quí giá đến vô ngần. Xe vừa dừng tại quốc lộ, tôi đã quan sát thấy hàng loạt chiếc Hon Da đang trong tư thế sẵn sàng để chuyển trên 7 ngàn quyển tập và một đoàn gần 60 người vào tận nhà thờ vì xe lớn không vào được con đường nhỏ hẹp. Tranh thủ chụp mấy tấm hình cảnh mọi người khuân hàng xuống xong, tôi và một em nữa gửi xác cho một anh tài xe máy mà không quên đọc kinh ăn năn tội phó linh hồn trước. Thở phào nhẹ nhõm khi yên vị trên đất nhà thờ. Lạy Chúa con còn sống!

Tập vở và một số đồ dùng học tập, cũng như một ít bánh gạo là phần quà tết thiếu nhi mà các anh, chị, chú, bác, cô dì của thơm của thảo lặn lội gói ghém cả tấm chân tình chở nặng trên 2 chuyến xe mang đến để biểu hiện và cột chặt sợi dây lòng thương xót của Chúa san sẻ cho người anh em. Không trống, chiên, không cần thủ tục lễ nghĩa, cũng như tên tuổi được sướng lên, mục đích gì, vì tai mắt, miệng lưỡi, lòng dạ, thế gian lắm khi chẳng mang lại lợi ích gì cho công cuộc dấn thân, sứ vụ của người ra đi phục vụ mà lắm khi bị ngăn chặn một cách phi lý kém tình.

Các em tề tựu đông đủ trước khuôn viên nhà xứ, các phụ huynh đứng xa bên hiên nhà thờ kiên nhẫn nhìn về hướng các em chờ đợi. Người Mục Tử, một anh chàng non non người, chân đi dép tổ ong mà tôi cứ tưởng cũng là tài xe, lẩn khuất trong nhóm người đi đón đoàn ngoài quốc lộ mà một thầy tay bắt mặt mừng gọi là “Cha” đã làm tôi trợn mắt. Oh! Thì ra là Cha! Ngài đang rất nhỏ nhẹ với đoàn chiên nhí của mình xếp chúng lại theo từng cấp học một cách ôn hòa giữa cái nắng hừng hực mặn mùi muối trên môi, mà các em chẳng hề kêu la. Thấy thế tôi gợi ý, chuyển các em về phía vạc cây cho mát. Ngài lại tươi cười vừa di dời các em nhỏ và nói “ Thực ra các con tôi, nắng nó sợ không dám ăn” Nhìn những sinh linh bé nhỏ được bọc trên mình lớp da đen nhẻm vì nắng muối của vùng nước mặn sâu xa, lòng tôi chùng xuống. Chắc có lẽ Cha nói đúng! Vì các em cố chịu đựng có than phiền trách móc gì đâu, niềm vui vì đóng tập to đùng phía trên đang ập xuống bao trùm lên cái nắng gay gắt, nên mọi khó khăn teo nhỏ lại giúp hạnh phúc của sự kiên nhẫn chờ đợi nở phình ra bồng bềnh trong lòng.

Tôi thấy một nhóm các anh chị vào cuộc nhanh chóng trao những phần quà đến tay các em như trao gửi cả tấm chân tình và lòng mong ước tin tưởng các em sẽ cố gắng vươn lên học tập tốt không phải cho bản thân mình mà còn vì để đáp trả những yêu thương đa sắc thái, đa tôn giáo, đậm tình thân đã lặn lội mang đến hôm nay. Tôi nói thế vì tôi mới khám phá ra đoàn người đến đây không chỉ là người Công Giáo, họ là các tôn giáo khác nhưng cùng có chung tấm lòng, cùng nuôi chung một mối tình thương xót, cùng hướng về phía trước với mong ước làm gì đó đẹp nhất cho đời và hạnh phúc cho người kém may mắn hơn họ để đáp trả quà tặng ơn ban vì họ có được nhiều. Tôi lặng nhìn các bạn trẻ thành đạt là những nhà tạo mẫu tóc đã dấn thân về đây hì hục làm việc tận lực vì để cho các em nhỏ tận hưởng nét đẹp mềm mại của bàn tay làm nên những mái đầu sạch đẹp, sành điệu thời trang. Các em tâm sự trước khi đi tưởng khâu của mình bị ế, ai dè xuống đây tắt mũi tối mặt, đói rã rời vì các thượng đế nhỏ xếp hàng chờ được cắt tóc. Vui quá trời vui, vì đã làm được điều ý nghĩa! Cắt tóc fan hâm mộ đứng xem như xem hội vui ơi là vui!

Tôi đứng yên một góc lặng nhìn, ghi tạc cái khoảnh khắc này, khắc sâu những ánh mắt ngây thơ của đứa bé được quà, và cũng nhặt nhạnh cả niềm hạnh phúc đang bừng lên trên nếp nhăn trên trán của những cụ bà, người mẹ, ông bố vì gánh lo nhẹ đi khi có ai đó đang nhấc bổng lên. Có ông bố tâm sự:

- Được quà như vậy các em sướng lắm, vì có nhiều gia đình chỉ mong có gạo ăn qua ngày còn khó, huống hồ chi việc học. Mà các em ở đây hiếu học lắm vì chỉ có học mới thoát cảnh đói nghèo.

Sâu trong ánh mắt người cha động lại lời biết ơn. Tận cõi lòng người bà niềm hạnh phúc khi kệ nệ đóng tập vở giúp đứa cháu. Niềm vui đang lan tỏa nơi đây trên nét mặt của các gia trưởng đang chung phần thu dọn mảnh đất trồng những cây con, mầm xanh của họ đạo, cũng như hoa lá cho Giáo Hội.

Xong phần phát tập là mọi người chia nhau lặn lội sâu vào giữa lòng giáo xứ đến với những gia đình cần được ủi an sẻ chia. Tôi lưỡng lự vì tham lam muốn được tận mắt nhìn hết mọi nơi, rồi cuối cùng tôi quyết định đi cùng một chị theo phật giáo lặn lội đến một gia đình được cho là gần nhất. Vừa được một quãng đường, như có sức mạnh đang ghì tôi lại, đẩy ngược tôi về và tôi đã đổi hướng bỏ chị lại bên đường quay trở lại để rồi tôi được đưa đến một nơi và đi chung để nghe câu chuyện của “ Mục Tử và đàn chiên” Để rồi được quăng mình vào giữa những lầy lội sình bùn mà nhận ra cái giá trị nhân cách sáng ngời của những con người dù họ kém may mắn.

-Chuyện một Thầy giáo tên Phong con cô nhi được Đức Cha Hoan giáo phận Phan Thiết nuôi và rồi đời đưa sóng đẩy trôi dạt về tới nơi này làm thầy giáo tiểu học 27 năm. Đến năm 54 tuổi bị tai biến và được khuyên tạm thời nghỉ dạy với những lời hứa hẹn sẽ được lương hưu khi đến tuổi. Nhưng rồi sau 7 năm mọi sự đã hoàn tất mà không được nhận ngay cả bảo hiểm xã hội, không biết kêu đến ai, vì bị người ta nói hồ sơ mất hết, hai vợ chồng lúp xúp trong túp lều rách rưới. Làng xóm thì chê cười cho cái tội theo đạo Chúa, giờ đau khổ vậy mà chúa có thấy đâu, gia đình ở xa tít ngoằn ngoèo cách nhà thờ rất xa qua phà, đường đi trắc trở muốn đi được lễ phải tốn 100 ngàn tiền xe ôm. Vậy mà hai vợ chồng tuần nào cũng đi lễ, mặc dù người đời nhạo báng cười chê, hai vợ chồng vẫn bám chúa, vợ là đạo theo. Chạnh lòng thương, Ngài Mục Tử nặng mùi chiên, lại xin xỏ ân nhân cất cho căn nhà lành lặn. Cha nói cũng không biết giúp làm sao nữa, thì thôi quà chúa trao ban thì nhận, mỗi tuần Cha cho tiền xe đi lễ, mà thương cái hai ông bà không bỏ lễ tuần nào, có con cá con tôm túm tụm mang biếu Cha, la hoài để ở nhà mà ăn mà không nghe. Tấm lòng của họ biết sao giờ?!

Cả đoàn lắng nghe câu chuyện của Thầy, như đang đụng chạm vào vết nhức nhối của ngành giáo dục mà cả xã hội phải oằn lên vì đau. Biết sao giờ?! Cưu mang gia đình này để làm sáng danh chúa, và bây giờ xóm làng không khinh miệt họ nữa mà quay lại xì xầm, thấy người đạo chúa người ta thương nhau chưa? Không máu mủ ruột rà mà họ đùm bọc, thấy ông cha tốt chưa, chạy ngược chạy xuôi lo xây nhà, vậy chứ thử hỏi hai ông bà già bệnh tật vậy không làm được thì sao. Ông cha phải tự quăng mình vào cái chốn khó khăn này.

Trên đoạn đường dài ngoằn đầy ổ gà, rồi lặn lội đẩy xe khi sình lầy, mọi người được cái phúc sờ tay đụng chạm vào Đức Ki-tô đau khổ giữa đời và hét lên sung sướng “ Lạy Ngài con đã tin” như Toma đã từng.

Tuy trời đã quá trưa bụng cồn cào vì đói, khát và mệt, nhưng những bước chân cứ hăng hái lên đường không muốn từ bỏ. Con đường dẫn đến nhà nguyện trải dài những tâm tình. Từ xa khoảng đất trống hiện ra, rồi lẩn khuất sâu bên trong là căn nhà nguyện mái lá lụp xụp. Nhà chúa đó! Mấy người ở thành phố không và chưa bao giờ nhìn thấy chuyện lạ có thật này nên cứ xích xoa đau rát, con tim cứ tràn trào niềm xót thương, còn cụ bà trông nom cái nhà chúa này thì mặt thanh thản lòng nhẹ nhàng kể chuyện như chuyện thường ngày của làng quê tôi, cái cười thắm duyên quê trên cái mặt móm mém già, chào mời ca trà đá và mấy cái bánh chuối chiên cho đỡ đói lòng của thơm của thảo làng quê, phải ông cha báo trước thì còn lo mua nước, đằng này đang yên đang lành ập đến không có trở tay kịp, đâu có gì mời khách. Ai cũng cầm lòng không đặng vì cái chất nhà quê đậm đặc nghĩa tình.

Điện thoại nhiều người rung lên ầm ầm vì phía nhà bếp và mọi người ở nhà rung lên bần bật vì đói đã gần 1 giờ trưa, chờ hoài mà người mãi chưa về, ai cũng thấm mệt mà lòng vẫn cảm thấy vui, tiếng lòng vẫn rung lên nhịp lòng chúa xót thương. Nấn ná nơi nhà nguyện NaZaret mát mẻ này hầu như không ai muốn rời. Cuối cùng mọi người đề nghị thôi đọc ít kính cầu xin Thánh Giuse – Người thợ mộc tài ba hãy trở thành thợ hồ xây ngôi nhà này cho chúa, chứ biết sao giờ?

Tranh thủ chút ít thời gian ngồi xuống bên người “ Mục tử nặng mùi chiên” Một chị theo đạo phật hỏi: - Xin lỗi ông cha năm nay bao nhiêu tuổi mà còn trẻ mà giỏi quá vậy? Tôi nghe chị hỏi mà buồn cười, vì nó na ná câu chuyện đường dài mà Cha đã kể cho tôi:

-Ở đây đa phần người ta sống bằng nghề làm muối, 33kg thì được 11 ngàn mà khó bán lắm, năm nay đỡ hơn 33kg thì được 22- 23 ngàn. Tôi chưa kịp thắc mắc tại sao lại tính 33kg thì Người nói tiếp, ở đây đất đai sau năm năm được chia lại, hình thức hợp tác xã, người trên 18 tuổi thì được bao nhiêu tùy vào số người tăng, mà người đẻ chứ đất đâu có đẻ. Con người ở đây cần cù chất phát, họ chỉ mong có gạo ăn hàng ngày là tốt rồi không cần thức ăn, vì rau, cá thì tự kiếm được còn gạo thì khó kiếm. Em cứ lâu lâu xin được thì giúp không kể lương giáo, mà ở đây người ta không biết nhà thờ là gì, nhu cầu thiết yếu về đời sống không có, huống hồ chi những hoạt động tinh thần. Người ta tưởng ông Cha thì cái gì cũng biết, cái gì cũng giải quyết được, chuyện gì cũng đi hỏi ông cha, có viên thuốc không biết uống bệnh gì chạy lại cha, con đau, nhà sập không có tiền chạy lại. Ông cha ơi cứu con tui, người lương giáo kêu ông cha và xưng Tui, mình thấy thương thì cưu mang họ. Quà chúa trao, em còn trẻ thì làm thôi, lắm lúc quăng mình vào giữa họ cũng phải dẹp bớt đi cái tôi của mình. Mà được cái an ủi họ có tình nghĩa, mình thương họ, họ thương mình, có cái gì cũng sẻ miếng mang cho Cha, có quài chuối chính cũng chia cha một nải, con cá con tép mang cho cha, tình nghĩa họ níu kéo chân mình, buộc mình phải lặn lội đến với họ. Hồi sáng phát tập vậy chứ, gần 70% là lương giáo.Nhà giáo bên Kinh Tư, mảnh đất phía trước em vừa bơm đất lên xong chỉ có vậy thôi mà hết mấy trăm triệu, không còn tiền, cái nhà chúa sắp sập, em không quen biết ai nhiều cứ cầu xin chúa. Mà hay lắm bên nhà giáo đó có mấy gia đình là Công Giáo thôi, còn lại là người lương giáo họ đi lễ hàng tuần, đa phần con nít và các cụ ông cụ bà, đọc sách thánh, ca đoàn hát lễ, toàn là người lương giáo, như nhu cầu về đời sống tinh thần, vì ở đây khô cằn ai cũng nhìn thấy đấy. Một mình chạy qua chạy lại lắm lúc trời mưa bão, đi làm lễ về khuya đường tối sợ lắm, ý là như có con quỷ nó ngồi sau lưng mình hả gì mà sấm chớp, gió cứ đập ầm ầm… Nghe những lời chia sẻ chân tình của Người, tôi cũng thấy quả là ý Chúa nhiệm mầu, đáng lý ra tôi đi theo nhóm kia thì tôi đâu biết được nhiều chuyện hay ho như thế? Thấy như có lỗi với chị Thi nhưng khi gặp lại chi kêu may quá, cưng bỏ chị lại, chị lại được gặp mấy người họ nghèo khổ quá, đi mua một số gạo cho họ luôn, gạo mà không có ăn nữa, làm mướn mà không có việc, thấy thương quá trút túi giúp luôn. Quả là ý Chúa nhiệm mầu, Ngài sắp đặt để tôi bỏ chị lại cho chị giúp người khác.

Bữa cơm trưa thắm đượm nghĩa tình, vịt nấu chao, rau muốn đồng được hái từ ao nhà thờ, mà ai cũng thấy ngon, cũng thấy mình như là thượng khách đang chung hưởng bữa tiệc thiên đàng. Thật là trân quí tấm lòng của mọi người, họ thương mảnh đất gì mà mặn quá mà đậm tình người. Tôi thấy chị kia dúi dụi lại cái bao thư chia sớt với cha tiền gạo cho bữa ăn, chúng con chỉ uống cạn nghĩa tình thôi, còn gạo thì nhường lại cho mọi người.

Vô tình bị tiết lộ, tôi sẽ là người viết bài. Cha cứ dặn tới dặn lui, chị đừng viết cái gì quá nhé, ở đây xưa nay em vẫn âm thầm làm không ai biết đâu, đừng viết nhiều quá … Dặn quài...! có ai viết gì cho Cha đâu, con chỉ muốn làm sáng danh Chúa thôi. Chỉ mong nhà Chúa được nhiều người biết đến thôi, còn Cha thì con biết rồi, ngay khi xuống tới đây con còn nhầm Cha là Anh xe ôm, người Cha nặng mùi chiên!

Tiễn chúng tôi ra xe, Cha cũng ra đến, mọi người lên xe vẫy tay chào, đậm nghĩa tình. Tôi biết có một số tấm lòng còn vấn vương với mảnh đất và con người nơi này, có người thì mang theo cả mái lá nhà nguyện rách te tua, còn tôi chỉ kịp ghi lại dòng địa chỉ. Giuse Nguyễn Văn Kiên giáo xứ Long Hà + giáo họ Kinh Tư, huyện Đông Hà, tỉnh Bạc Liêu. Và lời cầu xin cho có nhiều người chung tay xây lại căn nhà nguyện cho người lương giáo ấm cúng khi đến thờ lạy Chúa.

Tiểu Hổ.
 
Các Giám Mục của Cam-bốt và Việt Nam khẳng định mong muốn cùng nhau phục vụ người Công giáo Cam-bốt
Đồng Nhân
10:09 02/06/2017
Chúa Nhật tuần trước, ngày 28 Tháng 5 năm 2017, giáo xứ St. Mary tại Phnom Penh đã mừng lễ khánh thành tòa nhà giáo xứ ba tầng, được thiết lập dùng cho trường mẫu giáo và sinh hoạt động khác nhau liên quan đến mục vụ giới trẻ. Có 4 giám mục hiện diện, trong đó có hai vị là Chủ tịch hội đồng giám mục. Sự hiện diện của các giám mục, đặc biệt là các giám mục đến từ Việt Nam, cho biết các vị lãnh đạo này muốn nhấn mạnh đến sự hiệp thông và hiệp nhất của cộng đồng Cam-bốt và Việt Nam. Giáo Hội Công Giáo Cam-bốt tuy là Giáo Hội nhỏ bé về con số nhưng mạnh mẽ, trẻ trung và rất năng động.

Giáo xứ Thánh Mary ở Tu Taing, một khu dân cư phía đông nam của thủ đô Phnom Penh, là một phần của "khu vực mục vụ phía nam" rộng lớn của đại diện tông tòa của Phnom Penh. Như có thể thấy ở khắp mọi nơi trong Giáo Hội Cam-bốt, các cơ sở hạ tầng là mới được xây dựng gần đây, được tái thiết sau sự tàn phá của thời kỳ Khmer Đỏ (1975-1979) và sau sự chiếm đóng của Việt Nam (1979-1989).

Nhà thờ Thánh Mary, một thánh đường nhỏ bé, mới được xây dựng vào năm 2001. Cũng giống như số 23.000 người Công Giáo của Giáo Hội Cam-bốt, giáo xứ ở Tu Taing này có 300 người Công Giáo mà 3/4 là người gốc Việt Nam, có thể họ đã có sinh sống ở Cam-bốt qua nhiều thế hệ hay là mới lập nghiệp ở đây trong thời gian gần đây. Thường thì trẻ em không theo học trong các trường công vì họ không nói được tiếng Khmer hoặc vì họ không có giấy tờ. Đối với các nhà lãnh đạo Giáo Hội Cam-bốt, các ngài mong muốn phát triển một Giáo Hội gần gũi với dân chúng và muốn chăm sóc cho các gia đình nghèo và bị từ chối, đây là một mối quan tâm ưu tiên trong mục vụ của các ngài.

Giáo dục trẻ em Việt Nam trong hệ thống trường Khmer

Chúa Nhật Tháng Năm 28, vị linh mục giáo xứ, Cha Damien Fahrner, 35 tuổi, người Pháp thuộc Hội Thừa Sai Paris, ngài được gửi đến Cam-bốt vào năm 2011. Hôm nay ngài được bao quanh bởi nhiều giám mục: ĐC Olivier Schmitthaeusler của giáo phận mình, đại diện tông tòa Phnom Penh và là Chủ tịch Hội đồng Giám Mục Lào-Cam-bốt (CELAC), ĐC Giuse Nguyễn Chí Linh, tổng giám mục Huế và là chủ tịch của Hội Đồng giám Mục Việt Nam và Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, giám mục giáo phận Hải Phòng, Việt Nam; ĐC Leopoldo Girelli, Sứ thần tại Singapore và là "đại diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam".

Sự hiện diện của cả hai giám mục Việt Nam và Đức Cha Girelli làm phép tòa nhà giáo xứ mới được ghi nhận: thực tế là ngòai giáo phận Phnom Penh và cộng đồng giáo xứ, còn có các nhà hảo tâm giúp xây dựng tòa nhà này là các giáo phận Hải Phòng và Thanh Hóa. Nhưng đối với các giám mục, mối liên hệ giữa hai Giáo Hội Cam-bốt và Việt Nam vượt xa sự hỗ trợ tài chính đơn thuần.

Trong bài giảng, Đức Cha Olivier Schmitthaeusler nhấn mạnh "sự hiệp thông và hiệp nhất của Giáo Hội" để các cộng đồng Cam-bốt và Việt Nam có thể là "dấu chỉ hữu hình của Vương Quốc sắp tới bằng cách sống trong sự hòa hợp và chấp nhận sự khác biệt ". Ngài cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của cộng đồng dân tộc gốc Việt Nam tại Cam-bốt cần gửi con em mình đến trường hầu mong chúng có thể có chỗ đứng trong xã hội Cam-bốt và có một cuộc sống xứng nhân phẩm. Quá nhiều phụ huynh trong đó có người Công Giáo gửi con cái của họ đi làm việc ở lứa tuổi mà đáng lễ chúng phải cắp sách đến trường. Đây là lý do tại sao Giáo Hội Cam-bốt đã nỗ lực đáng kể để mở trường gần như miễn phí cho các gia đình này. Đức Cha Olivier Schmitthaeusler mời gọi Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, Đức Cha Nguyễn Chí Linh, tham gia với mình để ủng hộ cho một sự thay đổi tâm trạng về vấn đề này đối với người gốc Việt Nam.

Đức Cha Nguyên Chí Linh đã phát biểu vào cuối Thánh Lễ và khen Giáo Hội Cam-bốt trong các nỗ lực của Giáo Hội đã tạo ra. Ngài cũng nhấn mạnh mối quan hệ huynh đệ giữa đức tin Giáo Hội tại Cam-bốt và Giáo Hội tại Việt Nam, mối liên kết được tìm thấy đặc biệt là sự có mặt của các nhà truyền giáo và các giám mục thuộc Hội Thừa Sai Paris, là rất tích cực trong việc thành lập nhiều giáo phận ở Việt Nam và cũng như hiện nay ở Cam-bốt (2).

(1) Trong một đất nước có 15,9 triệu người, cộng đồng Công Giáo tại chỉ chiếm 0,2% dân số. Mặc dù sự hiện diện Công Giáo gốc người Việt Nam ở Cambốt là tương đối đã lâu (có từ thời người Bồ Đào Nha Dominica Gaspar da Crux, vào thế kỷ XVI), nhưng Giáo Hội tại đây đã gần như hoàn toàn bị phá hủy bởi chế độ Khmer Đỏ (1975-1979), và sau 15 năm Việt Nam chiếm đóng (1979-1989). Từ 65.000 người Công Giáo vào năm 1970, ngưng chỉ còn 5.000 người sót lại vào năm 1990. Phật giáo Tiểu thừa được đặc biệt được thành lập và trở thành quốc giáo vào năm 1989, Phật giáo tại Cambốt là tôn giáo của 96% dân số.

(2) Giáo Hội tại Cam-bốt có ba giáo phận, hai trong số đó đã được giao phó cho các linh mục Thừa sai Paris: ĐC Olivier Schmitthaeusler làm đại diện tông tòa Phnom Penh, và ĐC Antonysamy Susairaj là Tông tòa Kompong Cham. Tông tòa Battambang được ĐC Enrique Figaredo, một linh mục dòng Tên người Tây Ban Nha coi sóc.

(Source: Eglises d'Asie, le 2 juin 2017)
 
Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum : Thánh Lễ Thánh Hiến Và Tạ Ơn
Người Giồng Trôm
10:00 02/06/2017
Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum : Thánh Lễ Thánh Hiến Và Tạ Ơn

Đường về Cái Nhum thường ngày vốn dĩ đã hẹp nay lại hẹp hơn bởi lẽ dòng người từ Cầu Hàm Luông và phà Đình Khao cứ đổ về tâm điểm của Thánh Lễ Thánh Hiến và Tạ ơn Sáng nay tại nguyện đường Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum. Dẫu đường chật nhưng lòng không chật vì mọi người đều đến với tâm điểm của tình yêu và thánh hiến.

Xem Hình

Những màu áo thân thương của các hội dòng bạn như Mến Thánh Giá Phan Thiết, Vinh Sơn, Phaolô ... và gần nhất là Cái Mơn dắt díu nhau vào nhà dòng và nhà thờ để chuẩn bị cho Thánh Lễ thánh hiến và tạ ơn. Cạnh đó, chúng tôi cũng thấy được quý Thầy đến từ Chủng Sinh Vĩnh Long là chuyện hiển nhiên nhưng còn thấy cả quý Thầy đến từ Đại Chủng Viện Sài Gòn ... người thân thì có người đến từ Đà Lạt xa xôi ... Nhìn như vậy, để thấy tình Chúa – tình người vẫn tỏa lan và lan rất sâu rất đậm nơi cuộc đời của những người tận hiến và những người có cách liên hệ này liên hệ khác với người tận hiến đời mình cho Chúa.

Dẫu rằng người từ nhiều nơi, nhiều vùng khác nhau nhưng gặp nhau nói nói cười cười và trao cho nhau những câu chuyện thân tình. Giản đơn là những ngày này là cơ hội để những người thân quen, những gia đình có con thánh hiến, những linh mục có mối liên hệ này liên hệ kia với người mừng Lễ hôm nay. Và rồi, những câu chuyện, những lời hỏi thăm đậm chất miền Tây sông nước khép lại để mọi người cùng bước vào Thánh Lễ.

9 giờ 00, từ phía nhà dòng, đoàn kèn dẫn đầu đoàn rước với tiếng kèn thật hoành tráng. Kế đó là Thánh Giá nến cao và quý Dì có dịp mừng kỷ niệm Kim Khánh, Ngọc Khánh cũng như tuyên lời khấn đầu và vĩnh khấn. Thánh Lễ Thánh Hiến và Tạ ơn hơn nay được chủ sự bởi Đức Giám Mục Phêrô Huỳnh Văn Hai – Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long. Cùng đồng tế với Đức Cha trong Thánh Lễ này có Đức Ông Barnabê – Tổng Đại Diện, Viện Phụ Trần Như Hảo, quý Cha Hạt trưởng, Quý Cha Sở và phó các họ đạo trong và ngoài giáo phận Vĩnh Long nữa.

Cộng đoàn cùng hân hoan hướng về cuối nhà thờ đón đoàn đồng tế với lời ca thánh thót : “Bao hân hoan cảm mến tiếng về nhà Cha. Dâng lên khúc ca hòa tạ ơn Cha. Con xin dâng trọn đời chính của Lễ dâng về Thiên Chúa, Ngàn đời cảm tạ tình Cha ...”

Mở đầu Thánh Lễ, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho quý chị em khấn lần đầu, khấn trọn và kỷ niệm Ngọc Khánh, Kim Khánh hôm nay : “chúng ta cùng nhau cầu xin Chúa ban ơn cho những chị em này can đảm dấn thân theo tiếng Chúa gọi và tuân giữ những gì theo yêu cầu mà Hội Dòng Mến Thánh Giá yêu cầu ... chúng ta xin Chúa chúc lành cho các chị em và chúc lành cho mỗi người chúng ta ...”

Trong bài chia sẻ, Đức Cha gợi lên cho cộng đoàn về ơn gọi qua ơn của Samuel. Đức Cha mời gọi con người khi nghe tiếng Chúa gọi và lời đáp trả của con người. Đức Cha gợi lên qua 3 phần : nghe tiếng Chúa gọi – cân nhắc tiếng Chúa gọi – đáp trả tiếng Chúa gọi ...

Sau bài chia sẻ là nghi thức tuyên lời khấn lần đầu của 8 chị em được Dì Giám Tập xướng tên và Dì Tổng phụ Trách Maria Trần Thị Trung giới thiệu với Đức Cha.

Bernadette Trần Thị Tuyết Anh

Maria Trương Thị Trang

Maria Trần Thị Thảo Nhi

Matt Trần Xuân Lon

Anna Nguyễn Thị Bích Diễm

Maria Lê Thị Yến Phương

Lucia Trần Vũ Thanh Thanh Tâm

Nghi thức tuyên khấn lần đầu khép lại nhường cho nghi thức vĩnh khấn. Hôm nay, Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum hân hoan đón nhận quý dì :

Maria Nguyễn Thị Thắm

Anna Nguyện Thị Thu Nguyệt

Maria Trịnh Thúy Loan

Maria Trần Thị Bích Liễu

Anê Lê Thị Bé Chân

Maria Phan Thị Cẩm Nhung

Matta Đinh Thị Thanh Hiếu

Maria Lê Thị Ngọc Thủy

Maria Lê Thị Hồng Nhung

Têrêsa Nguyễn Thụy Bích Duyên

làm thành viên gia đình Hội Dòng. Sau kinh cầu các Thánh, lời nguyện, lời khấn, Thánh Giá, nhẫn ... Dì Tổng Phụ Trách cùng chị Phó thay mặt nhà dòng tuyên bố lời vĩnh khấn của các chị hôm nay.

Và, giây phút linh thiêng của 50, 60 năm về trước được quý chị mừng Kim Khánh :

Maria Lê Thị Nâu, Matta Nguyễn Đại Hiệp

Và Ngọc Khánh : Maria Nguyễn Thị Thế cất lên.

Cả cộng đoàn cùng lắng đọng để nghe lời khấn lại của quý chị. Trải qua 80, 90 năm tuổi đời nhưng quý chị vẫn trung kiên trong đời sống thánh hiến và còn sống đến giây phút này là quà tặng, là ân ban của Thiên Chúa.

Thánh Lễ thánh hiến và tạ ơn tiếp tục như thường lệ.

Trước khi nhận lời chào về bình an, Dì Maria Trần Thị Trung – Tổng Phụ Trách Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum – ngỏ tâm tình cảm ơn Đức Cha Phêrô, Đức Ông Barnabê, Đức Viện Phụ, quý Cha trong và ngoài giáo phận, quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ ... cộng đoàn dân Chúa, ban kèn, ban giúp lễ, ban âm thanh ... và tất cả mọi người.

Bài tán tụng hồng ân được cả cộng đoàn cất lên như muốn nói lời tri ân Thiên Chúa. Sau bài Tạ Lễ, quý nữ tu có dịp mừng Lễ hôm nay ghi lại những tấm hình kỷ niệm với Đức Cha, Đức Ông, Viện Phụ và quý Cha.

Tất cả mọi việc linh thiêng đạo đức đã hoàn tất, cộng đoàn cùng ghé vào Nhà Hội của Hội Dòng dùng bữa cơm đạm bạc đầy tình yêu thương.

Nguyện xin Chúa, qua lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse, Mẹ Maria, Đấng Sáng Lập cho quý Dì mừng Lễ hôm nay và cho Hội Dòng Mến Thánh Giá Cái Nhum ngày càng phát triển không chỉ về nhân sự nhưng về lòng đạo đức và thánh thiện như lòng Chúa mong muốn.
 
GP Ban Mê Thuột : Lễ truyền chức 11 tân Linh Mục
Vũ Đình Bình
21:22 02/06/2017
THÁNH LỄ TRUYỀN CHỨC LINH MỤC – GIÁO PHẬN BAN MÊ THUỘT – Ngày 02.6.2017

Giáo phận Ban Mê Thuột là một giáo phận truyền giáo rộng lớn, bao gồm tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông và 1 phần tỉnh Bình Phước, được thành lập từ ngày 22/6/1967, theo Sắc chỉ “Qui Dei Benignitate” của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

Ngày đầu sơ khai, Giáo phận Ban Mê Thuột chỉ có 55 linh mục và 56.719 giáo dân. Đức Giám Mục tiên khởi Phêrô Nguyễn Huy Mai đã rất mực chú trọng đến việc đào tạo các linh mục. Ngày lễ Truyền Tin năm 1968, Ngài thành lập Chủng viện Lê Bảo Tịnh, trao bài sai cho Cha Augustinô Nguyễn Văn Tra làm Giám đốc. Ngày 08/09/1968, Chủng viện khai giảng khoá đầu tiên gồm 60 chủng sinh. Cho tới năm 1975, chủng viện đã có 7 lớp, số chủng sinh lên tới hơn 200 người.

Xem Hình

Sau biến cố 75, Chủng viện Lê Bảo Tịnh bị giải tán hoàn toàn, việc đào tạo linh mục gặp muôn vàn khó khăn. Tuy nhiên, các Đức Giám Mục kế vị vẫn âm thầm nuôi dưỡng Ơn Gọi. Và niềm vui đã đến vào ngày lễ kính Thánh Phanxicô Xaviê 3/12/1993, bốn đại chủng sinh đầu tiên của Chủng viện Lê Bảo Tịnh đã được thụ phong linh mục tại nhà thờ Chính Tòa Ban Mê Thuột, qua sự “đặt tay” của Đức Cha Giuse Trịnh Chính Trực. Niềm vui ấy nhân lên hơn nữa khi cùng năm đó, ở hải ngoại có thêm 3 đại chủng sinh Lê Bảo Tịnh cũng được lãnh nhận thánh chức.

Từ đó đến nay, Giáo phận đã trải qua hành trình dài 50 năm dưới sự quan phòng của Chúa. Theo Niêm giám 2016 (Chương 35, trang 701-722), Giáo phận Ban Mê Thuột hiện có 8 giáo hạt, 100 giáo xứ, 364.951 tín hữu, 169 linh mục. Và, hôm nay, trong bầu khí chuẩn bị mừng 50 năm kim khánh Giáo phận, 11 thầy phó tế được truyền chức Linh mục:

1. Giuse Nguyễn Huy Hoàng

2. Giuse Nguyễn Trung Luật

3. Vinh Sơn Phạm Hữu Mạnh

4. Phaolô Cao Đình Quang

5. Giuse Bùi Đình Sâm

6. Giuse Đậu Quang Trung

7. Giuse Trần Vũ Thiên Uy

8. Antôn Lê Công Văn

9. GB. Hoàng Nguyên Vũ

10. Gioan Y Xuất Luca

11. Antôn Trần Nhân Tâm.

Thánh lễ truyền chức Linh mục tổ chức vào lúc 8 giờ ngày 02.6.2017, tại lễ đài trước Núi đá Đức Mẹ trong khuôn viên Nhà thờ Chính tòa Ban Mê Thuột, do Đức Cha Vinh Sơn Nguyễn Văn Bản, Giám mục Giáo phận, chủ tế. Đồng tế với ngài, có Cha Stêphanô Nguyễn Văn Đậu, Linh mục Tổng Đại diện; Đức Ông Đaminh Hà Duy Khâm; Quý Cha Ban Giám đốc Đại Chủng viện Sao Biển – Nha Trang; Đại Chủng viện Giuse Saigon; Đại Chủng viện Thánh Giá ở Rôma; Quý Cha trong và ngoài giáo phận. Cộng đoàn dân Chúa về hiệp thông tham dự rất đông, gồm Quý tu sĩ nam nữ, Quý ông bà cố, gia đình thân tộc, Quý ân nhân, bạn hữu... của các tân chức và các tín hữu gần xa.

Sau phần công bố Tin Mừng, Linh mục chưởng ấn, Cha FX. Nguyễn Kim Long đã xướng danh 11 tiến chức xin được nhận lãnh chức linh mục, các tiến chức lần lượt tiến lên lễ đài. Cha Tổng Đại Diện nói lời thỉnh cầu và Đức Giám Mục tuyên bố đồng thuận... Cả cộng đoàn tạ ơn Thiên Chúa và vỗ tay nồng nhiệt, hòa với tiếng kèn hùng tráng, vang dội.

Trong bài huấn từ, Đức Cha Vinh Sơn chia sẻ về đoạn Phúc Âm hôm nay (Ga 17, 1-19): Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ, “những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con”… “Con không xin Cha cất họ khỏi thế gian, nhưng xin Cha gìn giữ họ khỏi ác thần”. Qua đó, Đức Cha Vinh Sơn mong muốn các tiến chức, những người chọn Chúa làm gia nghiệp, được Chúa thánh hiến, tuyển chọn và được sai đi làm vườn nho của Ngài, hãy đón nhận Lời Chúa và đem đi phân phát cho mọi người. Đức Cha khuyên dạy các tiến chức biết cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa và yêu mến đoàn chiên được trao phó, nhờ đó lời rao giảng mới mang lại sức mạnh của Chúa đến cho mọi người. (Mời nghe Bài huấn từ)

Sau phần thẩm vấn, các ứng viên tuyên hứa trước Đức Giám Mục và cộng đoàn dân Chúa. Các tiến chức phủ phục trước trên cung thánh, cộng đoàn hát Kinh cầu Các Thánh cầu nguyện cho các tiến chức. Sau Kinh cầu Các Thánh và lời nguyện phong chức, Đức Cha Vinh Sơn đặt tay trên từng tiến chức, trao ban tác vụ linh mục. Lần lượt, tất cả các linh mục hiện diện đặt tay trên từng tiến chức nói lên sự hiệp thông đón nhận các anh em vào linh mục đoàn.

Sau khi Đức Cha Vinh Sơn làm phép lễ phục, 11 tân chức được chính Ông (Bà) Cố trao cho lễ phục linh mục; các Cha nghĩa phụ chia sẻ niềm vui qua việc mặc lễ phục linh mục cho các tân chức. Đây là cử chỉ thể hiện tình cảm dành cho những người con yêu thương của mình, hôm nay đã được Thiên Chúa tuyển chọn.

Đức Giám Mục xức dầu thánh hiến, trao chén thánh và đĩa thánh cho các tân chức. Nghi thức truyền chức kết thúc sau lời chúc bình an của Đức Giám Mục Giáo phận, Cha Tổng đại diện, Đức Ông Đa Minh và linh mục đoàn.

Thánh lễ tiếp nối qua phần phụng vụ Thánh Thể. Sau lời nguyện hiệp lễ, các tân chức nói lên tâm tình tri ân Đức cố Giám mục Phêrô Nguyễn Huy Mai, hai Đức cố Giám mục Giuse, Đức Cha Vinh Sơn, Đức Ông, Quý Cha, Quý tu sĩ nam nữ, Cha Mẹ, Quý vị ân nhân xa gần, Quý khách và cộng đoàn dân Chúa. (Mời nghe Lời cảm tạ)

Sau Thánh lễ, Tân linh mục chụp hình lưu niệm với Đức Giám Mục và gia đình thân tộc.

Xin Chúa thêm ơn trợ sức cho các tân chức để các ngài đủ sức đương đầu với những cám dỗ, vì sự bất toàn, yếu đuối do thân phận con người, để mãi mãi tín trung với ơn gọi của Chúa, vững bước trên con đường Hiến Tế vì phần rỗi các linh hồn, sống xứng đáng là chứng nhân Chúa Kitô trong suốt hành trình nơi dương thế.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
21:29 02/06/2017
Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần

Kinh Tin kính, một kinh căn bản, người Công Giáo đọc hằng tuần vào ngày Chúa Nhật có lời tuyên tín xưng tụng: „Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.“

Nhưng Đức Chúa Thánh Thần là ai, và đóng vai trò gì trong đời sống đức tin của chúng ta?

Đức Chúa Thánh Thần không phải là Thiên Thần. Vì Thiên Thần là sứ gỉa của Thiên Chúa được sai đến trần gian, như Thiên Thần Gabriel, Tổng lãnh ThiênThần Michael, Thiên Thần bản mệnh…

Đức Chúa Thánh Thần cũng không phải là một vị thần nào, như thần Jupiter, Thần Zeus, Thần Mặt trời….do lòng tin tưởng cùng văn hóa con người dựng nên lập ra.

Và Đức Chúa Thánh Thần cũng không có hình hài một con người như Chúa Giêsu, như các Thánh.

Đức Chúa Thánh Thần là một nhân vật trong ba ngôi Thiên Chúa: Thiên Chúa Cha, ngôi thứ nhất, Chúa Giêsu Kitô, ngôi thứ hai, và Đức Chúa Thánh Thần, ngôi thứ ba.

Trước khi công trình thiên nhiên được tạo dựng, Đức Chúa Thánh Thần đã hiện diện: „ Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất.2 Đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm, và Đức Chúa Thánh Thần, thần khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước.“ ( St 1,1)

Thánh Gioan Tiền hô đã nói về Đức Chúa Thánh Thần: „ Tôi làm phép rửa cho anh em bằng nước, nhưng có Đấng mạnh thế hơn tôi đang đến.Người sẽ làm phép rửa cho anh em trong Đức Chúa Thánh Thần và lửa. ( Lc 3, 16).

Chúa Giêsu đã sai các Thánh Tông đồ ra đi với sứ mạng:“ Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. (Mt, 28, 19).

Không tỏ hiện ra như khung hình hài rõ rệt cho cảm quan mắt thường. Nhưng Đức Thánh Thần được trình bày diễn tả như hình một con chim bồ câu:“ Khi Đức Giêsu chịu phép rửa xong, vừa ở dưới nước lên, thì các tần trời mở ra, Người thấy Đức Chúa Thánh Thần (Thần Khí Thiên Chúa) đáp xống như chim bồ câu ngự trên người.“ ( Mt 3,16).

Vì thế xưa nay Đức Chúa Thánh Thần được vẽ trình bày dưới dạng hình con chim bồ câu.

Nhưng hình ảnh về Đức Chúa Thánh Thần còn khác hơn nữa.

Sách Công vụ các Tông đồ tường thuật Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống từ trời cao qua hai hình ảnh biểu tượng rất ấn tượng cùng dũng mạnh: làn gío bão và ngọn lửa.

Thánh sử Luca viết bài tường thuật này đã lấy hình ảnh về Thiên Chúa ở trên núi Sinai như trong sách Xuất hành ( 19,16-19) và sách Đệ nhị luật ( 4,10-12.26) đã thuật lại về gío và lửa.

Trong thế giới cổ ngày xưa, người ta cho gío bão như dấu chỉ sức mạnh thần thánh, đến đè bẹp con người và khiến họ sợ hãi kinh khiếp.

Thánh Luca nơi sách Tông đồ công vụ diễn tả Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống: „ Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng giói thổi mạnh ùa vào đầy cả nhà.“ ( CV 2, 2).

Mọi người chỉ nghe tiếng gío thổi, không thấy được gío. Nhưng họ cảm nhận được làn không khí vui tươi dễ thở, một sức sống bừng lên trong thân thể nơi làn da thớ thịt.

Không khí mang đến sức sống cho thân thể đó cũng chính là Đức Chúa Thánh Thần cho đời sống tinh thần.

Khi không khí bị ô nhiễm sẽ gây độc hại nguy hiểm cho môi trường sinh sống và đời sống các sinh vật sống trong đó bị ngột ngạt khó thờ. Cũng vậy không khí nơi tâm hồn trái tim và đời sống tinh thần một khi bị ô nhiễm, sẽ làm cho sức sống tinh thần bị suy giảm yếu đi và trở nên bị độc hại chết dần mòn.

Tiếng động của làn gío thổi mạnh ùa vào nhà nơi Đức mẹ Mraia, các Môn đệ và mọi người đang hiện diện ngày Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống khiến mọi người bừng tỉnh phấn khởi. Về khía cạnh sinh vật làn khí tươi mát nhắc nhở nhớ đến giá trị được hít thở làn không khí trong lành cho cả buồng phổi lẫn cho tâm hồn trái tim. Làn khí tinh thần, làn khí mang lại sự chữa lành cho tinh thần. Đó là làn khí tình yêu thương của Thiên Chúa.

Bài tường thuật nói đến hình ảnh thứ hai về Đức Chúa Thánh Thần: Lửa.

Prometheus trong thần thoại Hy Lạp được trình bày là một vị thần mang lửa, năng lượng sức sống cho con người, đối chiếu với Thiên Chúa, Đấng là nguồn sức sống cho trần gian.

Với thần thoại Prometheus, con người muốn chối bỏ con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa. Nhưng mình là mình. Và qua đó muốn độc lập, tự do là người lớn trưởng thành.

Quan niệm này đưa đến hậu qủa sai lạc trong tương quan với Thiên Chúa, Đấng tạo dựng nên vũ trụ và con người. Như người con hoang đàng muốn một đời sống độc lập như mình muốn, nên bỏ nhà cha mình ra đi sống tự do phóng túng hoang đãng. Anh ta không thực hiện được giấc mơ, không có được năng lượng lửa sức sống như nghĩ tưởng. Nhưng đã đánh mất hết cả chính đời sống cùng nhân phẩm của mình.

Trong dòng lịch sử nhân loại, nếu lửa rơi vào tay những người có tham vọng quyền lực, sẽ có thể trở nên nguy hiểm to lớn cho nhân loại. Thế giới đã sống trải qua những hậu qủa của lửa chiến tranh, năng lượng hạt nhân nguyên tử phá hủy tàn khốc sự sống ở Nagasaki, Hirosima. Nên luôn hằng có những cảnh giác báo động, cấm ngăn nhắc nhở không được dùng năng lượng lửa của vũ khí hạt nhân gây ra chiến tranh phá hủy môi trường và sự sống.

Chúa Giêsu đã mang đến trần gian Đức Chúa Thánh Thần, Đấng là lửa tình yêu. Ngài không phải là lửa năng lượng hạt nhân. Nhưng là sức sống của Thiên Chúa cho con người.

„ Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi;

lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi.

Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới,

là chúng được dựng nên,

và Ngài đổi mới mặt đất này.“ (Tv 104,29-30).

Lễ Đức Chúa Thánh Thần hiện xuống 2017

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Giáo xứ của tôi.
Thiên Hương
20:51 02/06/2017
GIÁO XỨ CỦA TÔI

Giáo Xứ của tôi là Giáo Hội thu nhỏ của tôi. Tôi yêu Giáo Xứ của tôi, vì, cũng như Giáo Hội thế giới to lớn, Giáo Hội thu nhỏ này có một sức sống là tình yêu, bác ái và một văn hóa là sự sống, sự thật, sự đẹp và sự thiện. Giáo Xứ của tôi gồm những người có nguồn gốc Việt Nam, yêu quê hương, vàng da văn hóa Việt Nam và yêu Giáo Hội, đỏ máu đức tin Công Giáo.

Là người Việt Nam Công Giáo. Vì là Việt Nam, bám sâu vào văn hóa Việt Nam, nên dù ở ngoại quốc cũng biết nói, đọc và viết tiếng việt, nặng tình huynh đệ giống nòi rồng tiên, tha thiết với quê hương, có chí bảo vệ sự độc lập và an toàn lãnh thổ quốc gia, góp sức xây dựng, làm đẹp và phát triển đất nước, có tâm tính khoáng đạt siêu thoát, ưa cương thường hiếu thảo. Vì là Công Giáo, được đào luyện trong khung nhân bản, tin cậy mến, nên khắng khít với Giáo Hội, trung thành với đức tin, yêu thương đồng bào, đồng đạo, sẵn sàng tham dự các hoạt động mục vụ, tông đồ.

Giáo Xứ của tôi là một Giáo Hội loài người, có đam mê, tranh dành, ghen tị, thiển cận, có độ lượng, thứ tha ; Có dấn thân, tích cực, hy sinh, khiêm nhường, hiền lành, có dửng dưng, lãnh đạm, nóng nảy, giận hờn, ganh ghét.

Khác nhau về tâm tính, về gia phong văn hóa, về giáo dục, nghề nghiệp, về địa vị, hiểu biết, kinh nghiệm, sản nghiệp, nhưng đều cùng có chung một nguồn gốc rồng tiên, một hướng đi nhân nghĩa, một bước tiến về tình yêu bác ái, cùng có chung một đích tới : yêu Thiên Chúa, yêu người đồng loại.

Tôi yêu Giáo Hội của tôi, tôi yêu Giáo Xứ của tôi, vì nó là của tôi và tôi là của nó, với những tốt, đẹp và thật của nó, cũng như với những xấu xí, bất toàn của nó.

Qua nó, tôi liên kết với cha ông, tiền nhân của tôi, với những người cùng lứa tuổi tôi và với những thế hệ con cháu của tôi, tôi thông cảm với Giáo Hội hoàn vũ, tôi kết hợp với các Thánh Tử Đạo tiền nhân, với Chúa Cha tạo dựng đất trời, Chúa Con cứu chuộc tử đạo, Chúa Thánh Thần an ủi, soi sáng.

Cùng với nó, tôi gặp gỡ các anh em, bạn bè, đồng hành, đồng chí, tôi chấp nhận và tiếp xúc với mọi người như họ là, cả với những người mà tự nhiên tôi không thích họ, cả với những người mà tự nhiên họ không ưa tôi.

Chúng tôi gặp gỡ nhau, trong các lễ hội chung đạo đời, qua các lễ giỗ tư sinh tử, cưới hỏi và liên đới với nhau trong các ngành nghề, cộng tác, xây dựng với nhau và cùng nhau trong những công việc, hoạt động chung của giáo xứ.

Tôi góp sức sống của tôi với và cho Giáo Xứ của tôi, theo sức của tôi, cùng với các giáo hữu khác. Với hết tâm hồn và sức lực Chúa ban, tôi góp phần xây dựng giáo xứ của tôi, như một giáo hữu. Kết quả Chúa ban thế nào, trong Chúa và với Chúa, tôi luôn vui và an bình tiếp nhận thế ấy. Và tâm hồn hân hoan ca bài « Hồng ân Thiên Chúa bao la, muôn đời tôi sẽ ngợi ca ơn Ngài ».

Paris, Hai ngày Thân Hữu Giáo Xứ, 03-04/06/2017

đợi lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống 04.06.2017

Thiên Hương