Ngày 28-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tâm tình tháng hoa mừng kính Đức mẹ Maria
LM. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
07:40 28/05/2011
Tâm tình tháng hoa mừng kính Đức mẹ Maria

Theo tập tục nếp sống đạo đức bình dân trong Giáo Hội Công giáo, người tín hữu Chúa Kitô dành tháng Năm hằng năm cho việc đạo đức kính Đức Mẹ Maria.

Có những nơi trong suốt tháng Năm tổ chức giờ thánh kính Đức Mẹ với nhiều hình thức cung cách khác nhau.

Có những nơi có những buổi rước kiệu, cung nghinh Đức Mẹ ngoài trời chung quanh khu thánh đường.

Có những nơi các em thiếu nhi dâng lời ca tiếng hát với điệu vũ múa hoa nến mừng kính Mẹ Chúa thiên đình. Cung cách văn hóa này thấm đượm không khí mầu sắc tươi vui sinh động của lòng sùng kính Đức Mẹ.

Xin chưng dọn những nhánh hoa tươi, cùng thắp lên những cây nến mừng kính Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đình.

1. Tháng hoa chúng con dâng nhánh hoa Hồng tươi thắm cùng thắp sáng cây nến lòng nhân ái nhớ đến Đức mẹ Maria xưa đã mở cánh cửa cung lòng cho Chúa Giêsu xuống thế làm người, khi đức mẹ chấp nhận vâng theo thánh ý Chúa.

Chúa Giêsu là hoa qủa phúc lộc cho mẹ, và cho hết mọi người chúng con.

Nhánh hoa Hồng và thắp Cây nến này lên, chúng con muốn nói lên lời chân thành tạ ơn Thiên Chúa đã tạo dựng nên thân xác, trí khôn tinh thần và hằng quan phòng nuôi sống con người chúng con trong suốt dọc đời sống trên trần gian.

2. Tháng hoa kính Đức Mẹ, chúng con mang nhánh hoa mầu cam, cùng thắp cây nến lòng lễ nghĩa trước tòa Đức Mẹ. Qua đó chúng con muốn nói lên cung cách Đức Mẹ xưa kia đã sống niềm tin đạo giáo giữ lễ nghĩa, kính thờ yêu mến Thiên Chúa.

Cuộc sống kính trọng gìn giữ lễ nghĩa của đức mẹ là gương mẫu cho chúng con sống với Chúa, với ông bà cha mẹ anh chị em, vợ chồng với nhau trong gia đình cùng với những người làm ơn cho chúng con trong đời sống.

Đời sống có lễ nghĩa là cuộc sống tràn đầy đạo đức tình người với nhau.

Mang nhánh hoa mầu cam và thắp sáng cây nến lòng lễ nghĩa chúng con muốn nói lên tâm tình biết ơn cầu nguyện cho Giáo Hội Chúa ở trần gian luôn đặt niềm tin tưởng vào Chúa, dù có phải trải qua những sóng gió thử thách gian nan.

3. Tháng hoa chúng con đem nhánh hoa mầu Trắng cùng thắp sáng cây nến lòng hiếu thảo vui mừng kính Đức Mẹ qua lời ca tiếng hát trầm bổng phát xuất từ tận đáy tâm hồn.

Đó cũng là tâm tình vui mừng với Thiên Chúa là Cha đời mình, mà Đức mẹ đã bày tỏ qua lời ca ngợi: Linh hồn tung hô Chúa. Thần trí tôi mừng vui trong Thiên Chúa, Đấng cứu chuộc tôi! Ước gì ánh sáng cây nến lòng hiếu thảo chiếu lan tỏa tới tâm hồn chúng con, biết sống lòng kính trọng với Thiên Chúa, và lòng biết ơn người sinh thành, cũng như người làm ơn cho chúng con!

Cùng với nhánh hoa mầu trắng và ngọn nến lòng hiếu thảo, chúng con nhớ đến với tâm tình cầu nguyện cho quê hương đất nước Việt Nam chúng con, được sống trong an bình và chúc lành của Trời cao.

4. Tháng hoa chúng con chào kính Mẹ Chúa vinh quang qua nhánh hoa mầu xanh lá cây cùng thắp sáng cây nến niềm hy vọng.

Mầu xanh lá cây và ánh sáng cây nến niềm hy vọng chiếu tỏa sức sống sáng tạo của trí khôn mà Thiên Chúa đã phú ban cho Mẹ. Phát xuất từ trí óc sáng tạo Mẹ đã tiên liệu việc Chúa làm: Đời nọ đến đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người (Lc 1,50).

Ôi, lời chan hòa tình tự sự hiểu biết và trí khôn ngoan đặt nơi cội nguồn đời sống!

Cùng với Mẹ trên trời, chúng con chúc tụng và cám ơn Thiên Chúa, Đấng đã phú ban cho con người kho tàng tài sản châu báu là trí khôn!

5. Tháng hoa chúng con ca ngợi Me bằng nhánh hoa mầu đỏ cùng với ánh sáng cây nến lòng yêu mến.

Xưa kia Mẹ âm thầm ghi nhớ mọi biến cố kỷ niệm xảy ra trong tâm hồn. Mẹ theo dõi cuộc tử nạn Chúa Giêsu trong mọi bước đường. Dưới chân thánh gía Mẹ đứng đó chứng kiến giờ phút sau cùng của Chúa Giêsu.

Tình yêu mến là nhân đức quí báu và cần thiết cho đời sống làm người với Chúa, giữa vợ chồng, giữa cha mẹ con cái, anh chị em, bạn bè với nhau trong gia đình và trong cộng đoàn xã hội. 6. Cùng với đóa hoa mầu tím tươi thắm, chúng con thắp cây nến lòng trung thành mừng kính Mẹ Chúa trời hiển vinh.

Đức Mẹ đã sống tình nghĩa con người đến thăm người bà con chị họ E-li-sa-bét. Mẹ đã bầu cử, cứu giúp đôi bạn trẻ ngày thành hôn, khi họ lâm cảnh khó khăn, vì giữa tiệc cạn hết rượu. Mẹ quan tâm tới đời sống gia đình trước hết.

Cung cách sống trung thành mang đến cho nhau trong cuộc sống niềm vui và sự an toàn, nhất là trong bước đường gặp nghi nan lo âu.

Xin Đức Mẹ cầu bầu cho các gia đình. Giúp họ củng cố lòng tín nghĩa với nhau, những khi “rượu tình yêu” trong đời sống hầu sắp cạn! 7. Cùng với cành bông mầu vàng của hoa hướng dương, chúng con thắp cây nến lòng dũng cảm chào kính Mẹ Chúa thiên đàng.

Mẹ đã can đảm chấp nhận cưu mang Chúa Giêsu như Thiên Chúa đã hoạch định và hạ sinh trẻ Giêsu giữa cánh đồng trong chuồng xúc vật. Mẹ cùng với Thánh Giuse chấp nhận cuộc sống tỵ nạn bên Ai-Cập và âm thầm sống tại làng quê Na-da-rét. Mẹ luôn ở bên cạnh các Tông đồ trong những giờ phút nguy hiểm u buồn lúc Chúa Giêsu chết. Và cùng với họ can đảm chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống.

Lòng dũng cảm là nhân đức cao thượng trong cuộc sống. Lòng dũng cảm hun đúc đào tạo nên những con người thánh, những con người anh hùng có đời sống đạo đức tình người.

Xin Đức Mẹ bầu cử cho con em bạn trẻ biết quí mến nếp sống không sợ ngại hy sinh và lòng chân thành hướng về ngày mai!

Tháng Hoa kính Đức Mẹ Maria, 29.05. 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Lời dặn dò tâm huyết
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:24 28/05/2011
LỜI DẶN DÒ TÂM HUYẾT

CN 6 PS A

Khi xa nhau, người ta thường quyến luyến, bịn rịn. Con cái phải xa nhà đi học đi làm, vợ chồng xa nhau vì công việc. Lời nhắn nhủ của cha mẹ thường là: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, cố gắng học hành, nổ lực làm việc để có một tương lai tốt đẹp, đừng làm mất mặt, chớ phụ lòng hy vọng của cha mẹ. Vợ chồng sẽ có những lời dặn dò tâm huyết: hãy trung thành và nhớ tới nhau luôn…

Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi đi thật xa, về cùng Chúa Cha,Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ. Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần, Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình, hết con tim của mình: "Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em" ( Ga 15, 12 ); "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“ ( Ga 14, 15 ); "Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy" ( Ga 14, 21 ).

1. "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy"

Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, thì ta sống trong tình trạng: "Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em". Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài " Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta" (Ga 15,10).

Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy". Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: "Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau" (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: "Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em". Như vậy, câu nói "nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy" có nghĩa là "nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau". Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: "Nếu ai nói : "Tôi yêu mến Thiên Chúa" mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy" (Ga 4,20).

2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”

Chúa Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: "Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau" (Ga 12,35). Tiêu chuẩn này dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ "hữu danh vô thực", giả hiệu mà thôi.

Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy, là yêu thương nhau.

Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói : "Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy. Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy".

Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép:"Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác.... Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ". Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Ngài quả là người yêu mến Chúa thật và đã đáng Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời.

Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Đấng bảo trợ tuyệt diệu
LM. Phêrô Nguyễn Hồng Phúc
18:02 28/05/2011
ĐẤNG BẢO TRỢ TUYỆT DIỆU

Một Đấng Bảo trợ khác mà Đức Giêsu nói tới là Thánh Thần Chân Lý (x. Ga 14, 16-17). Ngài từ Cha mà đến, cũng như Đức Giêsu, Ngài từ Cha mà đến trong thế gian. Nhưng trong cung cách phục vụ của Đức Giêsu là cung cách phục vụ của con người. Ngài đến với con người bằng xương bằng thịt, bằng ngôn ngữ của loài người để Ngài có thể dạy dỗ và sống giữa con người. Còn cung cách của Thánh Thần từ Cha mà đến là cung cách của Thiên Chúa hoạt động trong tâm hồn và biến đổi lòng người trong chốc lát.

Khi Đức Giêsu dạy các tông đồ: “Một ít thời gian nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy” (Ga 14,19). Đức Giêsu không nói về hai khoảng thời gian, mà Đức Giêsu muốn nói về hai sự kiện:

-Sự kiện thứ nhất là về cái chết của Đức Kitô trong mầu nhiệm tử nạn;

-Sự kiện thứ hai là về mầu nhiệm Phục Sinh vinh quang của Ngài.

Sự thay đổi là thay đổi trong thời gian của con người, còn Thiên Chúa lúc nào cũng là sự sống. Vì vậy, “thế gian không nhận biết”, phần chúng ta, những người có đức tin nhận biết điều đó. Qua việc đón nhận Thánh Thần Chân Lý bởi Cha mà đến cũng như việc đón Đức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa nhập thể làm người, đức tin dạy cho chúng ta nhận biết sự sống thần linh và sự sống của con người. Một cách nào đó, con người nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong Đức Giêsu Kitô và ngược lại, nhờ Đức Giêsu Kitô lại đến với Thiên Chúa Cha. Như vậy, Đấng từ Cha mà đến sẽ đưa con người đi vào trong sự sống thần linh. Sự sống này là sự sống đức tin. Sự sống này có thể làm cho lòng người chỉ trong chốc lát được biến đổi. Thế gian không thể nhận biết vì thế gian chỉ biết có vật chất. Thế gian chỉ biết có sự sống đời này. Còn đức tin nhận ra sự sống thần linh trong Thiên Chúa thì cũng sẽ đón nhận Thánh Thần Chân Lý được sai đến trong thế gian này. Các tông đồ vừa được đón nhận Đức Giêsu Kitô, vừa đón nhận Thánh Thần Chân Lý đến, hay nói một cách khác, trong Đức Giêsu Kitô các tông đồ được đón nhận cả hai. Đón nhận Đức Giêsu Kitô trong tư cách là con người vì Ngài là Thiên Chúa nhập thể.

Khi Đức Giêsu Kitô về cùng Cha và Ngài sẽ trở lại với các tông đồ (Ga 14, 18) thì sự trở lại đó không theo con đường của Giáng Sinh, con đường của Nhập thể nữa, mà đi theo cung cách của Thiên Chúa trong Chúa Thánh Thần. Vì thế, ở hai mầu nhiệm khác nhau trong hai thời điểm nhưng lại là một nơi con người của Đức Giêsu Kitô, các tông đồ được đón nhận Thánh Thần. Chúa Giêsu gọi Thánh Thần là Đấng Bảo trợ khác. Có nghĩa là Đấng Bảo trợ đã đến, và bây giờ, Đấng Bảo trợ lại đến. Đấng Bảo trợ khác, vì cung cách hoạt động của Thiên Chúa là hoạt động trong chiều sâu. Nên khi các tông đồ đi vào trong chiều sâu của tâm hồn mình, đi vào chiều sâu của lòng tin và lòng mến thì các ngài sẽ được đón Đấng Bảo trợ.

Hôm nay, Chúa Giêsu nói đến một Đấng bảo trợ đặc biệt hơn. Bởi vì Ngài sắp về cùng Cha. Ngài nói đến Thánh Thần Chân Lý sẽ dạy cho các tông đồ biết mọi sự thật. Bởi vì có những sự thật bấy giờ có nói thì các tông đồ vẫn chưa thể lĩnh hội. Ngài đã nói trước về cuộc khổ nạn và sống lại của Ngài, nhưng các tông đồ chưa đủ sức để đón nhận; Ngài đã nói về Thánh Thần Chân Lý sẽ đến, nhưng các tông đồ chưa đủ khái niệm để đón nhận. Và vì thế, còn nhiều điều Chúa Giêsu dạy các ông rằng: “Còn nhiều điều phải nói với các con, nhưng bây giờ, các con chưa lĩnh hội được” (Ga 16, 12). Cần phải có Thần Khí của Chúa đến tác động, khai quang và thánh hóa. Khi lòng tin, lòng mến của các tông đồ cảm nghiệm trong tâm hồn thì các ông mới thấy rõ được nhiều điều mà thế gian này không thể có được. Như vậy, người Kitô hữu hôm nay, nếu chỉ trực giác những gì là vật chất trong cuộc sống đời này thì họ chỉ thấy nước mắt và mồ hôi. Nhưng nếu đi sâu vào trong đời sống đức tin để những lời của Chúa và những giới luật yêu thương của Chúa thấm vào trong cuộc sống chiều sâu của mình, thì họ sẽ cảm nhận thấy Thánh Thần của Chúa hoạt động từ giữa gia đình, từ trong cuộc sống để trao cho họ những ơn lạ lùng mà họ sẽ nhìn bằng con mắt đức tin, để kiến tạo cho mình một hạnh phúc giữa những trăm nghìn đau khổ. Họ không chỉ nhìn thấy mồ hôi và nước mắt nhưng họ nhìn thấy nụ cười và niềm hy vọng, họ nhìn thấy tình yêu và sức sống mới.

Thánh Thần tình yêu của Chúa chỉ đến cho những ai biết đón nhận qua Đức Giêsu Kitô. Một Đức Kitô bị tảy chay, một Đức Kitô bị kết án là điên dại, một Đức Kitô bị coi là phạm thượng thì làm sao người ta có thể đó nhận Thánh Thần từ Cha mà đến. Vì vậy, các tông đồ phải trải qua mầu nhiệm tử nạn của Đức Kitô, phải đi vào trong chiều sâu hiến tế của Đức Kitô thì các ông mới học được bài học của lòng tin và bài học của sự chiến thắng. Như vậy, Thánh Thần – Đấng bảo trợ khác, không phải là một Thiên Chúa khác, nhưng Ngài đến trong một tư cách khác, từ cùng một Thiên Chúa mà đến. Nói cho dễ hiểu, từ nay Đức Giêsu Kitô về với Chúa Cha và Ngài sẽ tiếp tục đến trong thế gian này, trong Thánh Thần của Thiên Chúa để có thể đi thẳng vào lòng người, để có thể trao ban cho thế giới sự sống đích thật. Chúng ta gặp thấy sự sống ấy trong mầu nhiệm Thánh Thể; chúng ta gặp thấy sự sống ấy trong Lời Hằng Sống; nhưng chúng ta còn gặp thấy sự sống ấy trong sâu xa với toàn thể Hội Thánh được coi là thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô, mà thân mình mầu nhiệm ấy được sống bởi chính tình yêu của Thánh Thần là Đấng liên kết.

Đức tin và lòng mến cho chúng ta thấy khi chúng ta yêu thương và phục vụ, khi chúng ta hiến thân và sẵn sáng đáp lại những đòi hỏi từ trên cao thì chúng ta cảm thấy rất rõ Thánh Thần tình yêu đang hoạt động giữa Giáo Hội, giữa gia đình và trong từng tâm hồn của chúng ta. Bởi vậy, Đấng bảo trợ khác không đến một cách như là cách Đức Giêsu Kitô trải dài theo lịch sử và lớn lên trong địa dư hành chính phụ thuộc vào thời gian và chấp nhận những qui luật tự nhiên. Đấng bảo trợ khác sẽ đến trong cung cách của Thiên Chúa, không bị lệ thuộc bất cứ một qui luật nào và Ngài sẽ trao ban cho con người một sự sống mới. Sức sống ấy là một sức sống mà chỉ có những người tin mới thấy được.

Ngày hôm nay, Lời Đức Giêsu kêu gọi chúng ta qua các tông đồ: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần và Ngài sẽ dạy các con biết tất cả mọi sự” (Ga 14, 26).

Lạy Thánh Thần Tình Yêu của Thiên Chúa,
Xin Ngài hãy đến và đổi mới tâm hồn chúng con.
Lạy Thánh Thần Chân Lý từ Cha mà đến.
Trong Đức Giêsu Kitô,
chúng con nhận thấy
sức sống mới là sức sống thần linh.
Xin Thánh Thần tiếp tục liên kết toàn thể Giáo Hội
để chúng con được lớn lên
trong thân mình mầu nhiệm của Chúa Kitô,
được đón nhận sự sống Thần Linh,
sự sống mới của Chúa Kitô Phục Sinh
và đem chúng con vào hạnh phúc của Nước Trời.
Chỉ có trong Thánh Thần của Chúa,
chúng con mới cảm nghiệm thấy điều mà thế gian không thể có được
đó là sự sống thân mật trong Thiên Chúa Ba Ngôi
là Cha và Con, và Thánh Thần. Amen.

LM. Phêrô Hồng Phúc
 
''Còn bao nhiêu địa chỉ cần Chúa Thánh Thần''
LM. Giuse Trương Đình Hiền
19:13 28/05/2011
CHÚA NHẬT VI PHỤC SINH (2011)

"Còn bao nhiêu địa chỉ cần Chúa Thánh Thần"

Trên mọi nẽo đường trần thế của kiếp nhân sinh muôn nơi và muôn thuở, luôn thấp thoáng những bóng dáng của khổ đau, tăm tối, thất vọng, u buồn, bóng dáng của những hình thái “địa ngục trần gian”. Thật vậy, địa ngục chẳng cần ở đâu xa ; người ta có thể gặp thấy địa ngục ngay trên trần gian nầy trong những trại tập trung của Đức Quốc xã hồi đệ nhị thế chiến, hay nơi những trại lưu đày ở Siberi thời Lê Nin. Địa ngục có khi hiện diện ngay trong những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ là nơi mà con người đối đải với nhau chỉ là những thủ đoạn đê hèn của tranh giành quyền lực chính trị, của những mặc cả và âm mưu quái quỉ. Địa ngục cũng có thể hiện diện ngay trong những căn hộ hiền lành là nơi mà thay vì là mái ấm gia đình để nuôi lớn tình yêu, hạnh phúc, thủy chung…đã trở thành sào huyệt của phản bội, ngoại tình, phá thai, vô cảm…

Chẳng cần những cơn lũ chết người, những trận cuồng phong, sóng thần hay động đất kinh khiếp mới mang theo những địa ngục trần gian, mà chỉ cần một cái đầu ngông cuồng đồng bóng của một tên độc tài như Gaddafi cũng đã đẩy bao nhiêu người vào trong địa ngục của chiến tranh, bom đạn, đói nghèo, thương tật…

Đứng trước những “địa ngục trần gian” bủa vây giăng mắc khắp nơi trên thế giới hôm nay, là những người được tái sinh vào một Vương Quốc Nước Trời, những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống và trả lời làm sao về niềm tin của chính mình ?

Để trả lời cho vấn nạn trên, chúng ta thử đọc lại những trang sử của Giáo Hội thời sơ khai. Đã có một thời, từng đoàn Kitô hữu bị quẳng cho thú dữ xé thịt hay bị hành hình bằng mọi thứ hình khổ kinh khiếp khác nơi quảng trường địa ngục Côlôsêum. Thế nhưng, họ tiến ra pháp trường, họ đối diện với địa ngục mà họ vẫn hát ca với ánh mắt ngời sáng niềm tin yêu hy vọng, với nụ cười hân hoan thanh thản trên môi, như thể họ đang đi về thiên đàng. Dân Rôma ngạc nhiên, bạo chúa Nêrô ngỡ ngàng hét lên : Họ hát kìa – They are singing !

Làm sao họ có được niềm vui thanh thản như thế khi đang ở giữa hỏa ngục của khổ hình, đau đớn, tan nát xác thân ? Sức mạnh nào đã cho họ đứng vững trước một áp lực khủng khiếp như thế đè nặng trên chính cuộc sống ?

Đấng Bảo Trợ- Chúa Thánh Thần – Một sự hiện diện mới của Đức Kitô phục Sinh. Chắc chắn, nếu Chúa Kitô không đồng hành với họ, nếu Chúa Thánh Thần không ở trong họ thì Giáo Hội không bao giờ có những vị thánh Tử Đạo được kính nhớ.

Và Chúa Thánh Thần đã hoạt động như thế suốt 2000 năm nay và mãi cho đến ngày tận thế.

- Ngài hoạt động qua tình yêu chung thủy của tình nghĩa vợ chồng để nhờ đó đã giúp cho bao nhiêu tù nhân vẫn còn tồn tại sống sót trở về trong những địa ngục của những trại tù khắp nơi trên thế giới.

- Ngài hoạt động qua những người nam, người nữ sẵn sàng dấn thân vào những nơi rừng thiêng nước độc, bị đe dọa thường xuyên đến sự sống còn, đối diện thường ngày với bệnh tật, đói khát…để đem ánh sáng Tin Mừng, và niềm hy vọng cứu độ cho biết bao người ngồi trong bóng tối sự chết.

- Ngài hoạt động qua những con người như linh mục Maximilien Kolbê sẵn sang hy sinh tính mạng để cứu sống một bạn tù, như mục sự Luther King chấp nhận hiểm nguy đến mất mạng để đòi quyền bình đẳng cho những người da đen, như Mẹ Têrêsa thành Calcuta để ủi an, xoa dịu, đỡ nâng bao nhiêu kẻ khố cùng và bị xã hội vất bên lề cuộc sống, như Đức Gioan Phao lô II… xóa tan sự sợ hải, thất vọng cho thế giới để nhân loại tiến bước tới tương lại trong niềm hy vọng xây dựng một nền văn minh và sự sống.

- Ngài hoạt động trong trái tim đầy nhiệt huyết của những người trẻ như Anrê Phú Yên, Fanxicô Xavie, Têrêsa Hài đồng Giêsu…để họ sẵng sàng “lấy tình yêu đáp trả tình yêu, đem mạng sống báo đền mạng sống”, hầu xây dựng một thế giới mới trên nền tảng của tình yêu Thiên Chúa.

Và đó cũng chính là câu trả lời của chúng ta, những người Kitô hữu, cho những người, như thánh Phêrô hôm nay nhắc đến, “chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta”.(BĐ 2)

Chúng ta tin và hy vọng rằng, Thiên Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta. Chúng ta tin rằng, đằng sau những cái giá của hy sinh và thập giá là Nước Trời, là hạnh phúc vĩnh cửu, là một Vương Quốc mà chỉ có những ánh mắt tâm linh sau một cuộc hành trình hoán cải trong khiêm hạ của người trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa mới kịp nhận ra. “Hôm nay nếu Ngài vào trong nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”.

Chúng ta tin vào lời Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay : "Thầy không để anh em mồ côi đâu... Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” .

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để soi sáng, giúp ta ngày càng hiểu rõ Đức Kitô và những lời dạy của Ngài hơn.

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để ban sức mạnh giúp chúng ta sống, sống một cách phi thường trong cuộc đời bình thường ; sống bình thản và lạc quan trong những lúc khó khăn ; sống quảng đại và yêu thương đang khi vác thập giá...

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để đổ tràn tình yêu Thiên Chúa vào lòng chúng ta biến cuộc sống chúng ta luôn là một màu hồng, cho dù khi thất bại, khi bị phụ bạc vô ơn, khi chịu đựng những tấn công của kẻ đố kị...

- Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để giúp chúng ta mỗi ngày “ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô” khi trung thành thực thi giới răn yêu thương là di chúc Ngài trối lại cho chúng ta : “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em gữ các điều răn của Thầy”.

Và như thế, nhiệm tích Rửa Tội, Thêm sức không chỉ khi được lãnh nhận một lần là đóng lại như một chuyện đã rồi, mà là một khai mở để tiếp nối con đường loan báo và làm chứng tá đức tin như tông đồ Philipphê, Phêrô, Gioan mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật : “hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần…Hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (BĐ 1)

Không phải chỉ tại Samaria mà hôm nay còn biết bao nhiêu địa chỉ đang cần lời cầu nguyện và đặt tay để Chúa Thánh Thần lại đến. Trong chính ý nghĩa đó, chúng ta cùng cầu xin :

Lạy Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống, thế giới hôm nay luôn bị đe dọa bởi bạo lực, khủng bố, chiến tranh ; mạng sống con người bị coi rẻ. Xin cho chúng con biết say mê sự sống, và gieo vãi sự sống khắp nơi. Ước gì Chua ban cho nhân loại một lễ Hiện Xuống mới để con người có thể hiểu nhau hơn và đón nhận nhau trong yêu thương. Amen”.
LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tòa Thánh và các nước kém phát triển nhất
Vũ Văn An
01:09 28/05/2011
Theo Liên Hiệp Quốc, nước kém phát triển nhất (tên viết tắt trong tiếng Anh là LDC=least developed country) là tên dành cho một quốc gia chứng tỏ có những định mức thấp nhất về phát triển kinh tế xã hội, với một chỉ số phát triển nhân bản thấp nhất so với các nước khác trên thế giới. Ý niệm này phát xuất trong thập niên 1960 và danh sách đầu tiên của các nước này được LHQ công bố trong nghị quyết số 2768 ngày 18 tháng 11 năm 1971. Có 3 tiêu chuẩn để xếp loại các quốc gia loại này: lợi tức thấp (3 năm bình quân lợi tức đầu người ít hơn 905 mỹ kim, sẽ thoát khỏi danh sách nếu vượt quá 1086 mỹ kim), yếu kém về tài nguyên nhân bản (dinh dưỡng, y tế, giáo dục và người lớn biết chữ) và dễ bị thương tổn về kinh tế (bất ổn về sản xuất nông nghiệp, về xuất cảng hàng hóa và dịch vụ…). Tính đến ngày 1/1/2011, có 48 quốc gia thuộc loại này, trong đó Châu Phi có 33 nước, Á Châu có 14 nước và Trung Mỹ có 1 nước. Việt Nam không có tên trong danh sách này, nhưng 2 láng giềng là Cămbốt và Lào đều có tên.

Đến nay, LHQ đã tổ chức 4 hội nghị về các nước kém phát triển nhất, mà hội nghị mới nhất diễn ra tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ từ ngày 9 tới ngày 13 tháng 5 vừa qua, với sự tham dự của Ban Ki-Mon, Tổng Thư Ký LHQ, gần 50 thủ tướng và quốc trưởng. Các tham dự viên hội nghị đặt mục tiêu giúp một nửa các nước kém phát triển nhất ra khỏi danh sách này vào năm 2022.

Chính tại hội nghị này, Đức TGM Silvano Tomasi, đại diện thường trực của Tòa Thánh bên cạnh các cơ quan LHQ tại Genève, đã đọc một tham luận giá trị, trong đó, ngài cho hay khuôn mẫu phát triển của các nước kém phát triển nhất (LDC) trong các năm qua tỏ ra không hữu hiệu vì kể từ đầu thập niên 2000, mức phát triển liên tục (7% hàng năm từ 2002 tới 2007) tại nhiều nước LDC đã không diễn dịch thành cải thiện hoàn cảnh cho nhân dân. Con số những người rất nghèo thực sự gia tăng: hơn 3 triệu người hàng năm từ 2002 tới 2007. Năm 2007, 59% dân tại các nước LDC ở Châu Phi sống với non 1.25 mỹ kim 1 ngày.

Hiện nay, mức tăng tại nhiều quốc gia loại này chủ yếu phát sinh từ việc khai thác và xuất cảng các tài nguyên thiên nhiên trong khi việc gia tăng tại các khu vực khác không mạnh hay không nhất quán. Đáng tiếc là mức tăng nói trên bị nhiều tranh cãi về phân phối lợi nhuận và ảnh hưởng tới cộng đồng địa phương, và chỉ tạo ra công ăn việc làm ở giai đoạn thăm dò và xây dựng dự án, nhưng những công việc này không có tính dài hạn… Tác động của hiện tượng nhân dụng hạn chế này được giới trẻ và những người lần đầu bước vào thị trường nhân dụng cảm nghiệm thấm thía hơn cả. Các nước thành công cho thấy họ chú trọng tới khả năng sản xuất như trồng trọt.

Tòa Thánh ủng hộ đề nghị của cơ quan phát triển LHQ (UNCTAD) nhằm đưa ra một phương thức toàn bộ cho các thách đố phát triển, nhấn mạnh tới cấu trúc quốc tế mới để phát triển, nhu cầu phải chuyên biệt xem sét việc quản lý các tình thế hậu tranh chấp, tái thiết các hạ tầng cơ sở và sản xuất nông nghiệp, đồng thời lưu tâm tới phương thức tiếp cận miền đối với các vấn đề đem ra xem sét. Tuy nhiên, Tòa Thánh tập chú vào 3 chủ đề sau đây:

a) Cần phát triển toàn bộ con người. Trong thông điệp “Đức ái trong chân lý”, Đức GH Bênêđíctô XVI đã duyệt lại giáo huấn nền tảng về phát triển đã được Đức GH Phaolô VI trình bày trong thông điệp “Về tiến bộ của các dân tộc” năm 1967: “không thể chỉ giới hạn phát triển vào gia tăng kinh tế mà thôi. Muốn chân chính, nó phải đầy đủ: toàn bộ, nghĩa là phải cổ vũ thiện ích của mọi người và toàn bộ con người (1). Điều quan trọng là phải nhớ giáo huấn quan trọng này về bản chất của phát triển và phục hồi sự thật trung tâm của nó khi suy tư các thách thức chuyên biệt mà các nước LDC trình bày tại hội nghị này.

Từ năm 1967, nhiều lý thuyết và phương thức phát triển đã được đề xuất và thử nghiệm, nhờ thế, người ta đã hiểu sâu sắc hơn các thách thức phức tạp và đang diễn biến mà chủ đề này nêu ra. Tuy nhiên, vẫn còn hàng triệu người chỉ được rất ít hay không được hưởng chút nào các thiện ích và phúc lợi do phát triển đem tới. Đức Thánh Cha đã trung thực đánh giá sự tiến bộ từ trước đến nay như sau “… tiến bộ, vẫn còn là một câu hỏi mở, càng chỉ bị cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh hiện nay làm cho sắc bén và khẩn trương hơn. Nếu một vài khu vực trên thế giới, vốn có một lịch sử nghèo đói, nay đang được thấy những thay đổi đáng kể về phát triển kinh tế và được chia sẻ sức sản xuất của thế giới, thì vẫn còn nhiều khu vực khác đang tiếp tục sống trong hoàn cảnh thiếu thốn tương tự như hoàn cảnh thời Đức Phaolô VI, và trong một số trường hợp, người ta còn có thể cho là suy thoái nữa” (2).

Đức TGM Tomasi trình bày tiếp: theo nhiều lượng giá khác kể cả phúc trình của UNCTAD nói trên, ta được biết rằng việc chủ yếu là phải đưa ra được một khuôn khổ toàn bộ và có tính bao hàm cho việc phát triển quốc tế, nếu muốn đạt được những kết quả lâu dài. Trong truyền thống Giáo Huấn Xã Hội Công Giáo, người ta đã nhận diện được nhiều trụ cột cho một khuôn khổ như thế: tôn trọng nhân phẩm; bảo vệ nhân quyền; săn sóc tạo dựng; tham gia vào cộng đồng, phụ đới và liên đới. Các trụ cột khác vốn được coi như cần thiết cho kế hoạch phát triển toàn bộ là: giáo dục, khai thác tài nguyên thiên nhiên, nông nghiệp, kỹ nghệ chế tạo, thương mại, dịch vụ tài chánh, hạ tầng cơ sở và kỹ thuật. Các trụ cột này phải được dùng như những chỉ dẫn cho các cố gắng của ta nhằm phát huy và duy trì phương thức phát triển vừa toàn bộ vừa có tính nhân bản chân chính (3).

b) Chủ đề thứ hai, theo Đức TGM Tomasi, là loại tăng trưởng cần thiết để “phát triển toàn bộ con người”. Chủ đề này nhấn mạnh rằng “việc phát triển các cá nhân và các dân tộc tùy thuộc một phần ở việc giải quyết các vấn đề có bản chất tâm linh. Việc phát triển phải bao gồm không những sự tăng trưởng vật chất mà cả sự tăng trưởng tâm linh nữa” (4). Việc sử dụng các cân thước định lượng và các tiêu chuẩn kinh tế để đo lường các thực tại như sản lượng sổi quốc nội, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán rất thường hay thất bại trong việc nắm bắt đầy đủ điều tạo nên tính nhân bản thực sự, không đánh giá được chiều kích siêu việt của con người và do đó không nắm được điều cần nắm để phát huy việc phát triển toàn bộ con người.

Chính vì thế, sự tăng trưởng nào muốn phát huy được “việc phát triển toàn bộ con người” đều phải bao gồm các trụ cột vừa nhắc ở trên. Sự tăng trưởng này được đánh giá theo mức độ nó cổ vũ sự phát triển lâu dài, sự phát triển cộng đồng, tạo ra công ăn việc làm xứng đáng, giảm mức nghèo đói của người ta, và bảo vệ môi sinh. Mô thức tăng trưởng nào bao gồm được các mục tiêu trên chắc chắn sẽ xây dựng được một chu kỳ kinh tế và thương mãi quốc nội có tính lâu bền, biết tôn trọng môi sinh và cổ vũ phát triển. Trong mô thức tăng trưởng này, nhất là tại các nước LDC, các yếu tố cần thiết là: một khu vực nông nghiệp sôi động, tạo công ăn việc làm ở nhiều khu vực khác nhau đủ để cung ứng cho lượng người lớn lao gia nhập thị trường nhân dụng. Trong 20 năm qua, tại các quốc gia kém mở mang nhất chẳng hạn, trị giá gia tăng nông nghiệp đối với công nhân lên chậm hơn 3 lần so với lợi tức tính theo đầu người. Đồng thời, việc tùy thuộc của các quốc gia này vào thực phẩm nhập cảng đã gia tăng đáng kể (tăng gấp 3 lần giữa các năm 2000 và 2008). Kết quả là: chính trong số 2.5 tỷ người lệ thuộc nông nghiệp để sống còn hàng ngày, người ta thấy có nhiều người bị thiếu dinh dưỡng và đói khát nhất.

Cho nên, bất cứ mô thức tăng trưởng nào muốn được chấp thuận, đều phải thừa nhận và củng cố vai trò trung tâm của nông nghiệp trong hoạt động kinh tế; nhờ thế, giảm thiểu được nạn thiếu dinh dưỡng ở các khu vực nông thôn và gia tăng được sản xuất tính theo đầu người để cải thiện việc độc lập về thực phẩm cho địa phương, cho miền hay cho quốc gia.

Các đầu tư để cải thiện sản xuất hết sức cần thiết trong các phạm vi hạt giống, huấn luyện, chia sẻ dụng cụ canh tác và các phương tiện tiếp thị. Các thay đổi về cơ cấu cũng cần có theo tính chuyên biệt của từng quốc gia. Thí dụ, ta phải đảm bảo an toàn quyền canh tác đất đai cho nông dân, nhất là những người canh tác nhỏ. Quyền sở hữu đất đai theo tập quán cần được xem sét lại. Quyền rõ ràng về đất đai sẽ đem lại cho nông dân cơ hội thế chấp đất đai của họ đổi lấy tín dụng theo mùa để mua các nhập lượng cần thiết. Thêm vào đó, mục tiêu của quyền đất đai hiện nay trở nên càng ngày càng quan trọng trước việc phát triển của hiện tượng cướp đất. Tại vùng Hạ Sahara của Châu Phi, 80% đất đai bị chiếm cứ bởi những người nghèo vốn không sở hữu một tấc đất.

Trong mọi khu vực của xã hội từ nông nghiệp qua chế tạo tới dịch vụ, ta đều phải nhớ rằng công việc xứng đáng “nói lên phẩm giá yếu tính của mọi người đàn ông và đàn bà trong bối cảnh xã hội đặc thù của họ: việc làm được tự do lựa chọn, hữu hiệu liên kết công nhân, cả đàn ông lẫn đàn bà, với việc phát triển cộng đồng của họ” (5). Việc làm không phải là một món hàng. Việc làm xứng đáng đem lại cho mọi người cơ hội sử dụng các tài năng của mình và trở nên sáng tạo; nó là động cơ của tăng trưởng lâu bền để phục vụ ích chung và do đó, phải là mục tiêu trung tâm của cấu trúc mới. Như thế, mục tiêu sau cùng phải là việc tạo ra một “việc làm giúp các gia đình thoả mãn được các nhu cầu của mình và giúp con cái họ được học hành, thay vì bị cưỡng bức phải lao động; một việc làm cho phép công nhân tự do tổ chức lấy mình, và làm cho tiếng nói của mình được lắng nghe; một việc làm chừa đủ chỗ để tái khám phá căn cội của mình trên bình diện bản thân, gia đình và tâm linh; một việc làm bảo đảm cho những ai hưu trí có được một tiêu chuẩn sống xứng đáng” (6).

c) Chủ đề thứ ba là vai trò của Nhà Nước phải phát huy “việc phát triển con người toàn diện”. Theo Đức TGM Tomasi, con số các định chế, các tác tố và tác nhân trong lãnh vực phát triển đã gia tăng theo cấp số nhân trong mấy năm qua. Các cam kết phát triển chính thức của các chính phủ cũng như của các cơ quan thiện nguyện hết sức có chất lượng trong khoảng thời gian này. Các cam kết này đang được tham gia và trong một số trường hợp còn bị qua mặt bởi sự hiện diện của các tác nhân như tập đoàn công ty (corporations), qũy tư nhân và các nhà đầu tư cá nhân. Đức TGM tin chắc rằng ta cần đến họ và phải dành chỗ để họ có thể mang vào nhiều tầm nhìn, nhiều mô thức hành động khác nhau và do đó, đóng góp độc đáo cho việc phát triển cần thiết tại các nước LDC.

Tuy nhiên, trong môi trường này, vai trò của nhà nước và của các thẩm quyền miền, quốc tế và hoàn cầu rất chủ yếu và cần được nâng đỡ và tôn trọng. Phối hợp với tầm nhìn Công Giáo về trách nhiệm của nhà nước phải đảm bảo trật tự công cộng và cổ vũ ích chung, các cơ phận này phải đóng một vai trò chủ yếu để điều hợp và điều hướng việc phát triển tại các nước LDC. Điều này có thể đặc biệt thách thức trong một bối cảnh hậu tranh chấp và đặc biệt là như thế trong hoàn cảnh một “nhà nước thất bại”.

Giáo huấn truyền thống Công Giáo, khi nói về trách nhiệm của chính phủ phải ban hành cái khung và các qui định pháp lý sao cho hoạt động tài chánh và thương mại phải hoàn thành được mục tiêu và chức năng xã hội một cách êm thắm, đã nhất quán khẳng định vai trò tích cực cho một chính phủ biết tự chế, nghĩa là một chính phủ không quá tự do hay quá duy tập thể (collectivist). Trong cuộc khủng hoảng tài chánh năm 2008, người ta thấy rõ điều này: thị trường không đương nhiên chứa trong mình nó các yếu tố cần thiết cho việc tự động điều chỉnh các sai lầm và đáng lẽ đã dẫn tới việc xụp đổ cả hệ thống tài chánh và kinh tế nếu các nhà nước không ra tay hành động. Việc cứu các ngân hàng, tuy là cần thiết, đã không ngăn được tác động đau đớn đối với dân chúng vì tựu trung, việc điều chỉnh các thất thường của thị trường đã tiến hành một cách bất lợi cho dân chúng, nên nhà nước có nhiệm vụ phải can thiệp bằng cách đánh phủ đầu để tránh cái đau đớn kia. Các thẩm quyền chính trị ở các bình diện địa phương, quốc gia và quốc tế cần phải điều hướng diễn trình hoàn cầu hóa kinh tế. Đây là cách đảm bảo rằng việc hoàn cầu hóa này không phá hoại nền tảng của dân chủ.

Dù nhìn nhận các lợi ích của tự do giao thương để cổ vũ phát triển và do đó, cổ vũ tính khẩn thiết phải lấp đầy khoảng trống đã ghi trong Vòng Phát Triển Doha, nhưng việc thực thi các cam kết cho các nước LDC được miễn môn bài (duty free), được tự do vào thị trường theo định mức (quota) cần được kèm theo bằng những biện pháp thích đáng để bảo vệ các nông dân khỏi chịu tính thất thường về giá cả vốn gây tác động mạnh đối với sự an toàn thực phẩm vì một số lý do: gía cao làm người nghèo không đủ tiền mua thực phẩm, còn giá tạm thời thấp trong lúc này không giúp nông dân có được tư liệu chính xác về việc gieo vãi sau mùa gặt cho vụ mùa năm sau. Để tránh được tính thất thường về giá cả hay ít nhất để làm tác động của nó suy giảm, các vụ thu hoạch lương thực tại địa phương cần được bảo vệ chống lại những thay đổi bất ngờ về giá cả quốc tế. Thí dụ, phải lập ra các kho dự trữ miền cho các lương thực thô (ngũ cốc, dầu, đường), việc này có hai điều lợi: có thể bán các kho này với giá phải chăng trong trường hợp lên cơn sốt và các kho này có thể đóng vai trò điều hoà chống lại tính thất thường của giá cả địa phương.
“Nhà nước phát triển” đóng vai trò độc đáo và chủ yếu trong việc phát triển của một quốc gia và cùng với các thẩm quyền miền và quốc tế khác, người ta mong chờ nó điều hợp các kế hoạch thích đáng và có tính cách xây dựng. Thêm vào các nhiệm vụ vừa kể, trách nhiệm động viên các tài nguyên trong nước được coi như yếu tố chủ chốt để cấp nguồn tài chánh vững ổn cho các ưu tiên của chính phủ và các nhu cầu phát triển, vốn được nhận diện là trọng yếu. Đây là một trách nhiệm tẻ nhạt và phức tạp, nhất là tại các nơi không có khuôn khổ hay hạ tầng cơ sở căn bản để phát huy một mục tiêu như thế. Song song với các tài nguyên khác như FDI (Foreign Direct Investment = Đầu Tư Trực Tiếp Của Ngoại Quốc), ODA (Official Development Assistance = Trợ Giúp Phát Triển Chính Thức) và những khoản do các công dân địa phương làm việc ở ngoại quốc gửi về, các tài nguyên trong nước này đóng một vai trò chủ yếu trong bất cứ kế hoạch phát triển nào. Như các kế hoạch sau đây:

Các tập đoàn công ty : Sự hiện diện của các tập đoàn công ty tư trong các cộng đồng, các xã hội và quốc gia tiếp tục gia tăng và đang tác động sâu xa nơi chúng đặt bản doanh. Ảnh hưởng của các tập đoàn này đối với việc phát triển, tùy theo kích cỡ và đồ án, tại các cộng đồng địa phương và cùng khắp các khu vực ngoài xã hội, có thể rất đáng kể, nên cần được nhà nước theo dõi và lượng giá. Người ta cũng mong các tập đoàn này chu toàn các bổn phận của họ như những công dân lập hội tốt bằng cách nhớ rằng theo Đức Thánh Cha, “việc quản trị thương trường không thể chỉ quan tâm tới lợi nhuận của các sở hữu chủ, nhưng còn phải nhận trách nhiệm đối với tất cả những ai từng đóng góp cho sinh hoạt của thương trường: các công nhân, các khách hàng, các nhà cung cấp vật liệu sản xuất, cộng đồng tham khảo” (7).

Tài chánh tư và phát triển: Sự hiện diện của các định chế và tác nhân tài chánh tư, như các qũy cổ phần tư không tính lời và phòng hờ (private equity and hedge funds), tại các nước và miền trên khắp thế giới, cũng đang tiếp tục gia tăng. Nhờ việc liên tục mở rộng và tổng hợp mọi khía cạnh của hệ thống tài chánh hoàn cầu, sự hiện diện của các định chế và tác nhân này đem lại một số những thách đố độc đáo cho các nước LDC. Điều quan trọng là sự hiện diện trên phải giúp các nước này ở vào một vị thế có lợi; đồng thời phải đảm bảo là các hoạt động của mình có đóng góp vào việc phát triển lâu dài.

Một lần nữa, Đức GH Bênêđíctô XVI nhắc nhở mọi tác nhân trong lãnh vực này, nhất là các nhà đầu tư tại các nước LDC, rằng: “Điều nên tránh là việc sử dụng có tính đầu cơ đối với các tài nguyên tài chánh khiến người ta bị cám dỗ chỉ muốn tìm cái lợi ngắn hạn, mà không xem sét gì tới tính sống còn dài hạn của cơ sở, lợi ích của nó đối với nền kinh tế thực chất cũng như quan tâm một cách xứng hợp và thích đáng tới việc đẩy mạnh các sáng kiến kinh tế xa hơn tại các quốc gia đang cần phát triển. Quả thực, việc xuất cảng đầu tư và kỹ năng có thể đem lợi lại cho dân chúng của nước tiếp nhận. Lao công và kiến thức kỹ thuật là một thiện ích phổ quát. Ấy thế nhưng, sẽ không đúng chút nào nếu xuất cảng những thứ đó chỉ để có được những điều kiện hơn người, hay tệ hơn nữa, để bóc lột, không thực sự đóng góp cho xã hội địa phương để giúp họ có được một hệ thống mạnh về sản xuất và xã hội, một thành tố chủ chốt cho sự phát triển ổn định” (8).
Trong phần kết luận, Đức TGM Tomasi cho hay: Các nước LDC đang tiếp tục đương đầu với nhiều thách đố to lớn trong việc tìm tài nguyên và con đường phát triển cho các công dân của họ. Vẫn chưa có một công thức dễ dãi nào dẫn tới thành công nhưng hứa hẹn của tình liên đới có thể làm nền cho cam kết đổi mới nơi những người đang vật lộn với thách thức này cả hàng mấy thập niên qua và là mốc hướng dẫn cho các tác nhân mới trong lãnh vực này. Có rất nhiều vai trò và trách nhiệm chủ yếu khác nhau cho việc thực thi thành công diễn trình phát triển tại các nước kém mở mang nhất.

Bởi thế, Đức Thánh Cha đã dự ứng một chương trình hành động mới cho các nước LDC trong thập niên sắp tới. Nay là thời điểm để ta diễn dịch thành hành động cụ thể các cam kết đã được đưa ra trong những ngày này. Phúc lợi trong tương lai của các nước LDC tùy thuộc phần lớn vào tinh thần tặng dữ nhưng không (gratuitousness) hiện đang lên động lực cho các cố gắng của ta. Làm việc với nhau trong phương thức phối hợp và hợp tác, các định chế và tác nhân thuộc mọi khu vực có thể và phải nâng đỡ các cố gắng của các nước LDC trong việc đạt được các mục tiêu của họ trong tư cách là thành viên của cùng một gia đình nhân loại duy nhất.

Ghi chú
[1] Paul VI, Thông Điệp Populorum Progressio, số. 14
[2] Benedict XVI, Thông Điệp Caritas in Veritate, số 33.
[3] Ibid., số 23.
[4] Ibid., n. 7
[5] Ibid., no. 63
[6] Ibid.,
[7] Ibid., no. 34
[8] Ibid., no 40
 
Đề nghị ngăn cấm cắt bì được coi là 'sai lạc,' là một tấn công đối với tôn giáo
Bùi Hữu Thư
04:08 28/05/2011
SAN FRANCISCO (CNS) -- Đức Tổng Giám Mục San Francisco, George H. Niederauer kêu gọi phản đối việc đề nghị ngăn cấm cắt bì đã được chấp nhận vào cuộc bầu phiếu ngày 8 tháng 11 tại thành phố San Francisco "là một đề nghị sai lạc" và "một vi phạm ngấm ngầm sự thánh thiêng của đức tin và gia đình".

Đức Tổng Giám Mục Niederauer đã có nhận xét như vậy trong một lá thư gửi nhật báo San Francisco Chronicle phát hành ngày 25 tháng 5. Ngài bầy tỏ việc yểm trợ một ý kiến do Rabbi Gil Leeds được đăng tải trong báo này ngày 20 tháng 5, ba ngày sau khi Uỷ Ban Bầu Phiếu của thành phố San Francisco đã lấy được 7.743 chữ ký cần thiết để đề xướng việc bỏ phiếu cho vấn đề bài trừ việc cắt bì.

Ủy Ban Giao Tế của Cộng Đồng Do Thái, một tổ chức trong vùng Bay Area, đang dẫn đầu việc chống đối và đã tổ chức một Ủy Ban về Quyền Lựa chọn của Phụ Huynh và Tự Do Tôn Giáo (Committee for Parental Choice and Religious Freedom).

Một tổ chức liên tôn gồm có Mục Sư Amos Brown, chủ tịch Chi Nhánh San Francisco của Hiệp Hội Quốc Gia cho Việc Thăng Tiến Người Da Mầu (National Association for the Advancement of Colored People), và linh mục Dòng Tên Stephen Privett, Viện trưởng Đại Học San Francisco, cũng chống đối đề nghị này vì vi phạm quyền tự do tôn giáo và quyền của phụ huynh.

Đề nghị này sẽ ngăn cấm việc cắt bì bất cứ thiếu niên nào dưới 18 tuổi ngoại trừ các trường hợp có vấn đề về y tế. Đề nghị này nói tín ngưỡng không được là một điều ngoại lệ về luật pháp và những người vi phạm có thể bị phạt tới $1.000 Mỹ Kim và bị tù tới 1 năm.
 
Những nạn nhân sống sót của cuồng phong tại Joplin bắt đầu phục hồi, quang cảnh giống như bãi chiến trường
Bùi Hữu Thư
04:11 28/05/2011
JOPLIN, Missouri. (CNS) -- Quang cảnh điêu tàn do trận cuồng phong có cường độ cỡ 5 đã tàn phá Joplin vào đêm ngày 22 tháng 5 có thể được mô tả như quang cảnh của ngày tận thế.

Trận cuồng phong quét trên một giải đất rộng ba phần tư dặm và dài sáu dặm, khiến cho 125 người chết và hàng trăm người khác hãy còn mất tích.

Hầu hết các căn nhà nằm trên lối đi của cuồng phong bị đổ nát hoàn toàn. Gió mạnh nhổ bật rễ cây và cuốn đi các xe hơi. Gió lật đổ vách tường gạch, bẻ cong sắt, làm đứt các giây điện, cắt cành cây và lột cả vỏ cây.

Trong một buổi họp báo ngày 25 tháng 5 dành cho các vị lãnh đạo các tôn giáo, thống đốc tiểu bang Missouri, ông Jeremiah Nixon, sau khi chứng kiến sự phá huỷ khủng khiếp của Trung Tâm Y Tế Miền St. John, đã mô tả đó như là một bãi chiến trường.

Nhà thờ Công Giáo St. Mary nằm ngay trong lối đi trực tiếp của cuồng phong. Cung thánh, trường tiểu học, nhà xứ, hội trường giáo xứ và tòa nhà Thánh Vincent de Paul -- là nhà thờ nguyên thủy được xây từ năm 1938 -- đã bị san thành bình điạ bởi trận bão.

Linh mục Justin Monaghan, cha xứ giáo xứ St. Mary nói: "Cảm xúc của đa số người dân ở đây hãy còn cháy bỏng khiến cho họ chưa bắt đầu phân định được biến cố khủng khiếp này."

Cha nói: "Tôi chỉ muốn nói với họ, 'Chúng tôi cầu nguyện cho quý vị và chúng tôi sẽ sát cánh với quý vị trong việc tái thiết, hàn gắn, chữa lành và canh tân giữa những đau khổ quý vị đang phải gánh chịu.'"

Cha Monaghan tìm được chỗ trú ẩn trong bồn tắm của nhà xứ chỉ vài giây trước khi cuồng phong kéo sập toàn thể ngôi nhà chung quanh ngài. Ngài bị chôn vùi nhiều giờ, nhưng giáo dân đã tìm được ngài an toàn và đào bới để kéo ngài ra khỏi các vật dụng đổ nát.

Giáo dân kiếm lại được Mình Thánh Chúa trong nhà tạm bị tan nát. Chỉ có thánh giá lớn bằng sắt tại cửa chính của nhà thờ là con đứng vững nguyên vẹn, và đứng sừng sững bên trên những đổ nát.
 
Bose: Giai đoạn 3 cuộc thảo luận giữa Công giáo và Anh giáo
Nguyễn Trọng Đa
08:18 28/05/2011
Bose: Giai đoạn 3 cuộc thảo luận giữa Công giáo và Anh giáo

ROMA – Các nhà thần học Công giáo và Anh giáo đã gặp gỡ nhau tại Bose, Ý, từ ngày 17 đến 27-5, để mở một trang mới của cuộc đối thoại giữa hai tôn giáo.

Sau giai đoạn thảo luận đầu tiên vào năm 1970 và giai đoạn thứ hai năm 1983, Ủy ban quốc tế Anh giáo-Công giáo (ARCIC), mở giai đoạn thứ ba của cuộc thảo luận, dưới sự đồng chủ tọa của của Đức Giám mục Bernard Longley, Tổng giáo phận Birmingham, Anh (Công giáo), và Đức Tổng Giám mục David Moxon của các giáo phận ở New Zealand (Anh giáo). Ủy ban gồm 18 thành viên: 10 cho phía Anh giáo và 8 cho phía Công giáo.

Giai đoạn 3 hội thảo của Ủy ban quốc tế Anh giáo-Công giáo (ARCIC III), trong đó qui tụ nhiều nguồn gốc văn hóa và các ngành thần học khác nhau, phản ánh ý muốn rõ ràng của ĐTC Biển Đức XVI và Đức Tổng Giám Mục Rowan Williams, tổng giáo phận Canterbury, tại cuộc họp của các Ngài ở Roma vào tháng 11-2009.

Các chủ đề được phát triển liên quan đến "Giáo hội như là sự hiệp thông địa phương và phổ quát" và "làm thế nào Giáo hội địa phương và phổ quát có thể tìm thấy được giảng dạy đạo đức công bằng trong sự hiệp thông".

Cuộc đối thoại chính thức giữa Giáo hội Công giáo và Cộng đồng Anh giáo đã được khởi xướng bởi ĐTC Phaolô VI và Đức Tổng Giám mục Michael Ramsey, tổng giáo phận Canterbury, vào năm 1966.

Trong một tuyên bố, cộng đoàn tu viện đại kết Bose nhắc lại rằng cuộc đối thoại cũng được hỗ trợ bởi Ủy ban quốc tế Anh giáo-Công giáo vì sự hiệp nhất và sứ vụ (IARCCUM), được thành lập năm 2001, "để diễn dịch qua các bước cụ thể mức độ hiệp thông tinh thần đạt được".

Cộng đoàn này, được thành lập và hướng dẫn bởi Enzo Bianchi từ năm 1965, cám ơn “Hội đồng Giáo hoàng về cổ vũ sự hiệp nhất các Kitô hữu, và Viện Hiệp nhất, Đức tin và Hiến chương Cộng đồng Anh giáo, đã chọn tu viện của mình ‘như một nơi thuận lợi cho cuộc đối thoại huynh đệ’". (Zenit 27-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Tây Ban Nha: 400.000 người đăng ký tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới
Phạm Kim An
08:19 28/05/2011
Tây Ban Nha: 400.000 người đăng ký tham dự Đại hội Giới trẻ Thế giới

Hồng Y Varela nói về ba tháng chuẩn bị còn lại

Madrid - Đức Hồng Y Antonio María Rouco Varela , tổng giáo phận Madrid, nơi sẽ diễn ra Đại hội Giới trẻ Thế giới vào tháng tám tới, nói rằng thanh niên có cả cuộc đời trước mắt họ, và Đại hội Giới trẻ Thế giới là cơ hội để họ đặt nền móng cho cuộc đời mình.

Ngày 27-5, Đức Hồng Y đã có bài nói chuyện nhan đề “Còn ba tháng nữa tới Đại hội Giới trẻ Thế giới”.

Cuộc gặp gỡ quốc tế này với ĐTC dự kiến diễn ra từ ngày 16 đến 21-8 tới.

Vị Hồng y 74 tuổi nói: “Thanh niên có cả cuộc đời trước mắt họ, và Đại hội Giới trẻ Thế giới là một cơ hội để họ đưa ánh sáng Chúa Kitô vào đời mình. Trong tâm hồn và trong ước muốn cho sự cam kết và tình liên đới, họ có thể khám phá nền tảng cuộc sống của mình".

Đức Hồng y nói rằng các thành quả của Đại hội Giới trẻ Thế giới là rõ ràng nhanh chóng trong ơn gọi linh mục, đời sống thánh hiến và hôn nhân. “Tuy nhiên, trên tất cả, về lâu về dài các thành quả ấy đóng góp cho xã hội thời nay".

Ngài nói thêm: “Đại hội Giới trẻ Thế giới là một sáng kiến cá nhân của ĐTC Gioan Phaolô II, người đã chọn đại hội giới trẻ năm 2000 cho một thế hệ mới của giới trẻ. Bây giờ, ĐTC Biển Đức XVI thực hiện di sản này. Chính ĐTC tập hợp và hấp dẫn thanh niên".

Đức Hồng Y Rouco Varela nói sự lựa chọn Tây Ban Nha làm địa điểm tổ chức Đại hội Giới trẻ Thế giới nói lên “sự đóng góp tinh thần của đất nước này cho lịch sử của Giáo Hội và văn hóa phương Tây. Điều này thể hiện trong di sản tinh thần của các thánh bổn mạng của Đại hội Giới trẻ Thế giới: Thánh Inhaxiô thành Loyola, Thánh Têrêsa thành Avila, Thánh Rosa thành Lima, Thánh Phanxicô Xavier".

Hồng y nói Đại hội giới trẻ này không chỉ là một sự kiện Giáo Hội, nhưng cũng là sự kiện cho “xã hội và thành phố đăng cai tổ chức nó”.

Khoảng 400.000 thanh niên thuộc 182 quốc gia đã đăng ký tham dự. (Zenit 27-5-2011)

Phạm Kim An
 
Giáo hội điều hành 117.000 trung tâm điều trị bệnh nhân AIDS trên thế giới
Phạm Kim An
08:21 28/05/2011
Giáo hội điều hành 117.000 trung tâm điều trị bệnh nhân AIDS trên thế giới

Vatican - Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, Chủ tịch Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Y tế, báo cáo rằng Giáo Hội Công Giáo hiện đang điều hành 117.000 trung tâm để chăm sóc cho bệnh nhân AIDS trên toàn thế giới.

Đức Tổng Giám Mục Zygmunt Zimowski, người Ba Lan, nói với nhật báo L'Osservatore Romano rằng trong 30 năm qua, hơn 60 triệu người đã nhiễm HIV, chủ yếu là ở châu Phi. Ngài phát biểu với nhật báo Vatican trước ngày diễn ra một hội nghị về điều trị và phòng chống HIV và AIDS.

Hội nghị này diễn ra trong ngày 27 và 28-5. Nó đã được tổ chức bởi Quĩ Người Samari Nhân hậu (Good Samaritan Foundation), được Chân phước ĐTC Gioan Phaolô II thành lập năm 2004 và giao cho Hội đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Y tế quản lý.

Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh chứng từ của "vô số nhân viên chăm sóc y tế và người tình nguyện, những người trong sự chăm sóc can đảm cho người bệnh...đã bị lây nhiễm bệnh”.

Ngài cũng đề cao công việc của Chân phước Mẹ Têrêsa thành Calcutta và cố Hồng Y John Joseph O'Connor ở New York, "là những người đã cổ vũ thành lập nhiều trung tâm chăm sóc y tế cho các nạn nhân AIDS", và "nhiều chương trình điều trị và hỗ trợ tại Mỹ và các nước nghèo khác”.

Tổng Giám mục nói rằng hội nghị nhằm trả lời cho các câu hỏi của "nhiều Giám mục liên hệ với Hội đồng chúng tôi để được sự giúp đỡ liên tục, với sự hỗ trợ vật chất, nhưng trên hết, với các thông tin về các tiến bộ mới nhất trong khoa học trong cuộc chiến chống lại căn bệnh này".

Mục tiêu của Hội nghị bao gồm việc cải thiện chăm sóc mục vụ và y tế cho các nạn nhân AIDS, và khuyến khích các nước phát triển hãy thể hiện tình đoàn kết với các nước nghèo, "vì quá nhiều người chết mà không tiếp cận được sự điều trị mà họ cần, nhất là thuốc kháng virus", hiện chỉ có sẵn ở các nước phát triển.

Trong năm 2008, chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Chăm sóc Y tế thời đó, Đức Hồng Y Javier Lozano Barragán, báo cáo rằng 27% của các tổ chức trên khắp thế giới chăm sóc bệnh nhân AIDS là của Công Giáo, 44% là của Chính phủ; 11% là của các tổ chức phi chính phủ, và 8% là của các tôn giáo khác. (CNA / EWTN News 27-5-2011)

Phạm Kim An
 
Trung Quốc: trang web Công Giáo bị chặn triệt để
Tiền Hô
10:15 28/05/2011
Trung Quốc: trang web Công Giáo bị chặn triệt để

Tại Trung Quốc, công cuộc truyền giáo thông qua internet (online) vẫn không tiến triển nhiều và thậm chí dường như dậm chân tại chỗ. Có lẽ, điều này không đáng ngạc nhiên trong một quốc gia mà việc truy cập internet bị hạn chế nghiêm trọng bởi Vạn Lý Hỏa Thành (Great Firewall) nổi tiếng.

Hầu hết cư dân mạng đều biết ít nhất một cách để "vượt tường", song nếu bạn là một quản trị viên cho bất kỳ trang web Công Giáo nào tại đại lục thì hoặc là trang web của bạn bị ngẫu nhiên chặn hoặc là bạn được mời lên "uống trà" với các quan chức an ninh.

Có hàng trăm website Công Giáo lớn nhỏ ở Trung Quốc nhưng hơn một nửa trong số đó không còn hoạt động, các trang web độc đáo với những bản tin cập nhật thường xuyên là rất ít.

Yixiu Qingfeng - quản trị viên một trang web Công Giáo tại Trung Quốc nói: "Ở giáo phận của chúng tôi, việc quản lý trang web không kèm theo bất kỳ quyền nào để truyền giáo trực tuyến, không có hướng đi rõ ràng cho sự phát triển trong tương lai, hoặc thiếu một nhà quản trị web chuyên nghiệp".

Có lần, một quản trị viên khác kể với tôi rằng, vị giám mục của anh ấy cho phép họ tiến hành một trang web nhưng ngài không bao giờ bảo trợ cho họ được và anh ấy cảm thấy bất lực. "Chúng tôi không có kinh phí và chúng tôi không biết ai có thể hướng dẫn chúng tôi cả. Trang web này thường bị dừng hoạt động nhưng chẳng có ai hồi đáp kịp thời" (27 Tháng Năm 2011, UCANews).

Tiền Hô
 
Bắc Hàn: công dân Hoa Kỳ bị bắt vì ''hoạt động truyền giáo'' được trả tự do
Tiền Hô
10:16 28/05/2011
Bắc Hàn: công dân Hoa Kỳ bị bắt vì "hoạt động truyền giáo" được trả tự do

Tin Seoul, 28 Tháng Năm 2011 (AsiaNews) - Bắc Hàn vừa trả tự do cho một công dân Hoa Kỳ gốc Hàn Quốc, ông bị bắt giữ cuối Tháng Mười năm ngoái với cáo buộc là có "các hoạt động truyền giáo". Nhà chức trách Bắc Hàn cho biết ông đã thú nhận "tội ác nghiêm trọng" của mình. Người ta tin là ông đã được thực hiện công việc truyền giáo tại nhà nước cộng sản này trong các chuyến đi kinh doanh.

Ông Eddie Jun Yong-su sống tại California, bị giam 6 tháng trong một nhà tù Bắc Hàn. Ông vừa rời thủ đô Bình Nhưỡng cùng với một phái đoàn Hoa Kỳ do phái viên Robert King dẫn đầu và hạ cánh tại Bắc Kinh. Ông Jun xuất hiện với tình trạng sức khỏe và tinh thần tốt, nhưng ông không bình luận điều gì trước khi rời khỏi Bình Nhưỡng. Sau khi phái đoàn hạ cánh xuống Bắc Kinh, ông đã được cách ly. Ông King nói với các phóng viên rằng ông Jun sẽ được đoàn tụ với gia đình "trong một hoặc hai ngày" tới.

Bắc Hàn nói rằng ông Jun được trả tự do vì lý do nhân đạo, theo yêu cầu lặp đi lặp lại từ các nhà chức trách Hoa Kỳ. Còn Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thì hoan nghênh động thái này và gọi là "một bước đi tích cực" nhưng bác bỏ tin đồn có một thỏa ước viện trợ để đổi lấy việc trả tự do này. Ông Robert King đã thị sát nhu cầu thực phẩm ở Bắc Hàn và cho biết không có hứa hẹn nối lại viện trợ cho họ.

Bắc Hàn có quan điểm chính thức rằng, mọi tổ chức hoạt động tôn giáo đều tiềm ẩn những thách thức cho gia đình họ Kim vốn đã trị vì quốc này trong nhiều thập kỷ. Trong 3 năm qua, đã có ít nhất 5 công dân Hoa Kỳ (hầu hết là người gốc Trung Quốc hoặc gốc Hàn Quốc) đã bị bắt và giam giữ dài hạn ở Bắc Hàn. Trong số các trường hợp này, có 2 nhà báo là Euna Lee và Laura Ling cùng một nhà truyền giáo là Robert Park.

Tiền Hô
 
Top Stories
Archbishop of Saigon calls on government to respect religious freedom
Asia-News
19:56 28/05/2011
Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man writes to the Prime Minister, denouncing a gradual deterioration in the rights of the faithful. Draft government legislation stipulates greater State control, acting in an arbitrary manner in granting of the practice of worship. The concern of the Vietnamese bishops.

Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man
Ho Chi Minh City (AsiaNews) - "“Overall, the fifth draft amendments for the Government Decree 22/2005 is a huge retrograde step compared to the original one, the Ordinance on Beliefs and Religions, and the Constitution,” remarked Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man of the Archdiocese of Saigon in a letter to the Vietnamese Prime Minister. The letter, published on VietCatholic News on May 20, was issued after the prelate had convened representatives of all dioceses in the Ecclesiastical Province of Saigon to a conference on the draft bill a week earlier.

“Essentially,” the prelate went on, “the proposed amendments of the decree reflect the desire of the government to re-establish the mechanism of Asking and Granting in religious activities. The Asking and Granting process turns the legitimate rights of citizens into privileges in the hands of government officials who would grant or withhold them to people through bureaucratic procedures.”

“The mechanism of Asking and Granting, hence, does not only eliminate the freedom rights of people, but also turns a ‘government of people by people and for people’ in to a ‘Master of the country’ who holds in his hands all the rights, and grants or withholds them to people at his random mood swings,” he warned.

Bishops in Vietnam have repeatedly voiced their concerns that the uncompromised nature of religious freedom in Vietnam is still very far from reality due to a ‘jungle of law’ full of ambiguities and contradictions which serves mainly for intents of regulating, circumscribing, and hence controlling religious communities.

Indeed, Article 70 of the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam provides that “the citizen shall enjoy freedom of belief and religion; he can follow any religion or follow none. All religions are equal before the law. The places of worship of all faiths and religions are protected by the law. No one can violate freedom of belief and of religion, nor can anyone misuse beliefs and religions to contravene the law, and State policies.”

The phrase ‘misuse of beliefs and religions’ is indeterminate and susceptible of many interpretations. In fact, ordinary religious functions, such as the Catholic engagement in social justice and advocacy for human rights, have had every chance to be regarded as a ‘misuse of beliefs and religions’ under the Article.

“Certainly, the Article provides no criteria as to what is considered a ‘misuse’, nor does it state who is to be the arbiter of whether a particular activity falls within the definition,” said Melbourne based Fr. Peter Hansen, “Arguably, it was the constitutional drafters’ intent that the determinative power rest with the Vietnamese state, with the Church itself having no role to play. This potentially grants to the state the effective capacity to circumscribe what constitutes legitimate religious activity, and axiomatically, to place outside the bounds of legitimacy whatever it finds displeasing,” the lecturer on history of the Church in Asia of Australian Catholic Theological College warned. Moreover, quasi-legislative provisions found in a series of ordinances, and decrees on Beliefs and Religions, typically the Government Decree 22/2005 promulgated on March 1, 2005, Government Decree 26/1999, issued on 19 April 1999 which is based on a directive of the Communist Party (No.37 CT/TW), circulated on 2 July 1998, have further ramifications for the practice of religion and citizens’ religious rights. Many of these provisions have drawn criticism as constituting a de facto impediment to true religious freedom.

Fundamentally, these quasi-legislative provisions state that all religions and religious denominations must seek the recognition of the central government in order to operate legally.

But, “the state only recognises the existence of religions not their legal status and their clergy’s legal rights. Religious clergy, therefore, are neither entitled to citizen’s rights as others nor able to legally represent their religion. Religious organisations are not entitled to a legal status as other social groups according to the Constitution and the law... Instead of being able to enjoy their legitimate rights, they have to beg for permissions to held religious ceremonies, to preach their beliefs, to carry out formation and ordination,” lamented the Cardinal.

Indeed, the attached minute of the conference, signed by Fr. Joseph Maria Le Quoc Thanh, the president of the newly born Archdiocesan Justice and Peace Commission, showed the forum participants’ frustration that religious activities including liturgies, prayers services, sermons, catechetical teachings must be licensed annually or given specific permission per event whilst admission into monastic life must conform to the stipulations of the State Religious Affairs Committee. Retreats and ‘similar religious activities’ must be in accordance with government regulations; religious conferences must have state approval. The printing, publication, and the importation of publications, especially ‘religious cultural articles’, are regulated by the state.

Given its particular connection to the Vatican and the universal Catholic Church in general, the provisions regulating foreign religious involvement are of particular importance to the Vietnamese Catholic Church. Vietnam government requires that the bestowal of religious titles (bishop, cardinal, in particular) must have its approval, thus providing a de facto government veto over episcopal appointments. It has on many occasions in the past exercised that veto in rejecting candidates proposed by the Vatican.

The draft bill maintains that religious organisations’ international activities must comply with state policies and precepts, and such organisations must advise the Religious Affairs Committee of any instructions received from ‘foreign religious organisations’, and then comply with any instructions issued by the committee. Invitations to ‘foreign religious organisations and individuals’ must be approved by the Committee for Religious Affairs. Foreigners wishing to undertake religious activities in Vietnam must register with local People’s Committees, and any aid received from foreign religious organisations must be approved by the State Religious Affairs Committee.

The Ordinance on Beliefs and Religions promulgated on June 18, 2004 states that “legitimate properties of all faiths and religions are protected by the law”. However, “in reality, there has been no single legal document stipulating clearly how they are protected and how the ownership rights of religious communities are protected,” the prelate challenged. “That’s why a series of premises and land has been unjustly seized,” he added. Echoing the viewpoints of Vietnamese bishops in their statement on Sep. 25, 2008, the Cardinal stated that the land and property laws are out-dated and inconsistent, they ought to be revised. Vietnamese government needs to take the right to own private property into consideration as stated in the Universal Declaration of Human Rights: “Everyone has the right to own property alone as well as in association with others.” and “No one shall be arbitrarily deprived of his property.”

In brief, the fifth draft amendments for the Government Decree 22/2005, as criticised by Cardinal Jean Baptise Pham, whilst maintaining all harsh previous restrictions on religious freedom, requires more administrative procedures of ‘request for permission’.

The Cardinal concluded his letter by asserting that the Vietnamese Catholic community "earnestly want to see the construction of a legal system that is progressing for the advancement of the people, by the people in order for the country to develop with stability" He cautiously reminded Vietnam government that "By the same token, for the law to be respected, it requires one's courage to change their mind-set, to respect the objective truth, and change from the fundamentals of the rule of law, rather than just the regulations or the decrees".
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tường Thuật buổi thi thuyết trình Viết Về Cha
Tạ Ân Phúc
07:50 28/05/2011
Tường Thuật buổi thi thuyết trình Viết Về Cha

Trong đời sống, nam giới thường được xem là phái mạnh trong mối tương quan nam nữ. Trong gia đình, người làm chồng, làm cha thường được xem là trụ cột, bảo bọc, chở che, lèo lái, định hướng để gia đình tồn tại và phát triển. Người cha thì mạnh mẽ, người mẹ thì mềm mỏng, dịu ngọt, nhưng không vì thế mà người cha không dành tình thương cho con cái, ngược lại tình thương đó cũng bao la vô cùng nhưng được thể hiện cách âm thầm, lặng lẽ và vô điều kiện.

Người cha là trụ cột gia đình và là người răn đe, giáo dục con cái nên đôi khi tình thương người cha không được bộc lộ rõ nét qua những lời nói, cử chỉ bên ngoài, chỉ khi con cái trưởng thành mới có thể hiểu và cảm nhận được tình thương đó. Đó không phải là điều ngẫu nhiên, khi mà hầu hết các thí sinh đã nói ra cảm nhận của mình như thế trong vòng thi thuyết trình cũng chính là vòng thi chung kết Viết Về Cha của cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ” diễn ra vào chiều thứ Bảy ngày 21/05/2011 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn.

So với cuộc thi Viết Về mẹ, chủ đề cuộc thi Viết Về Cha do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn tổ chức dù có thời gian nhận bài dài hơn, nhưng số bài dự thi nhận được lại khá khiêm tốn: 63 tác giả với 76 bài viết gồm 19 bài thơ, 51 bài văn và 6 bài PowerPoint/Video Clip.

Xem hình ảnh thi thuyết trình Viết Về Cha

Mở đầu cho buổi thi thuyết trình, Sr. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, người đặc trách Chương Trình Chuyên Đề giới thiệu đôi điều về cuộc thi: “Nếu tình yêu của người mẹ được thể hiện rõ ràng qua dòng sữa tinh khôi, qua lời ru ngọt ngào, qua vòng tay ấm áp, yêu thương thì tình thương của người cha dẫu rất mãnh liệt bền vững nhưng thường ẩn giấu những hy sinh thầm lặng để bao bọc chở che cho cuộc sống của gia đình và con cái… Cuộc thi viết và thuyết trình về cha là một trong những hoạt động của Chương Trình Chuyên Đề nhằm cổ võ cho tinh thần đạo hiếu, tạo cơ hội để người làm con bộc lộ lòng tri ân, hiếu thảo với các bậc sinh thành, đặc biệt đối với công ơn của người Cha”.

Sau lời cầu nguyện đầu giờ để cảm tạ Thiên Chúa và xin Chúa chúc lành cho buổi thi, anh chị Minh Khoa - Đông Quân, hai người dẫn chương trình đã giới thiệu thành phần Ban Giám Khảo:

- Anh Pio X Lê Hồng Bảo, Chủ biên chuyên san Vườn Ô Liu (đến từ Phan Rang, Ninh Thuận).

- Thầy Giuse Mai Thanh Hoài, Giám Đốc Trung Tâm Đào Tạo Nguồn Nhân Lực BizPower

- Nhà Thơ Pm Cao Huy Hoàng, Chủ nhiệm chuyên trang Đồng Xanh Thơ (đến từ TP. Phan Thiết)

- Nữ tu Maria Nguyễn Thị Ngọc Lan, FMM (Dòng Phan Sinh)

- Cha Nhạc sĩ Giuse Nguyễn Xuân Thảo, OFM

- Nt. Maria Nguyễn Thị Hồng Quế, OP

Nhiệt độ ban chiều thật oi bức, từ Ban Giám Khảo đến thí sinh và khán giả ai nấy đều thấm đẫm mồ hôi dù ban tổ chức đã phải tăng cường thêm những cây quạt lớn. Đến tham dự buổi thi có 17 thí sinh trình bày 19 tác phẩm gồm 3 thể loại Thơ, Văn và PowerPoint/Video Clip được xen kẽ nhau để cuộc thi thêm sinh động.

Mở đầu cuộc thi là tác phẩm “Cha Tôi” của tác giả Giuse Phạm Văn Ninh, bút hiệu Song Ninh. Em là người quê ở Quảng Ninh, hiện đang theo học trường Đại Học Tài Chính Marketing ở Sài Gòn. Em đã mượn giai điệu của nhạc sĩ Tường Văn để đưa lời thơ thành bài hát và trình bày bằng giọng ca trầm ấm, truyền cảm xúc của mình khá tốt đến với người nghe. Em cũng nói lên tâm tình của mình với cha: “Cha à, con còn nhớ những ngày còn nhỏ, những ngày mà mẹ bỏ cha con mình mà đi, cha đã tần tảo nuôi con để rồi giờ đây con đã trở thành một sinh viên năm ba của một trường đại học, con rất biết ơn cha”. Bài thơ cũng là thổn thức của một người con thiếu tình thương của mẹ, giờ phải đi học xa nơi phố thị bon chen nhớ thương người cha khổ cực ruộng đồng nơi quê nhà: “Nửa đêm giật mình thoáng nghe mưa về; thương cha nước mắt lại tràn mi”; “Mẹ đi từ mùa hoa cau rụng gốc; Con lớn lên trong nước mắt tủi buồn; Cha ngày ngày bán mặt vào ruộng đất; Mong đến ngày con cái trưởng thành hơn…”

Em Maria Hoàng Thị Hồng Lam, bút hiệu Hoàng Lam thể hiện bài văn “Nhớ Về Bố” bằng chất giọng đặc sệt Huế, em cho hay mẹ mất khi em vừa lên 6, bố phải làm hai vai trò cùng một lúc, 1 vai 2 gánh. Bố làm việc cách nhà 75 cây số từ 3 giờ 30 sáng đến gần 7 giờ tối mới về, tuy đi sớm như thế bố vẫn chuẩn bị mọi thứ cho con, thức ăn, quần áo, sách vở, với một mảnh giấy nhỏ đầu gường: “Con gái ngoan của Bố, ăn cơm rồi đi học, tối Bố về với con!”. Và bố cũng ra đi khi em tròn 20 tuổi, thấm thoát đã bốn năm trôi qua, nhưng trong tiềm thức của con, hình ảnh Bố vẫn nguyên vẹn, Bố đang sống và dõi theo từng bước con đi. Em đã làm cho những dòng lệ đã tuôn rơi trên đôi má của một số khán giả khi nói về hoàn cảnh của mình.

“Nhớ Về Cha” là bài PowerPoint trình bày những hình ảnh hoài niệm về cha của cô Maria Nguyễn Thị Bình. Là một giáo viên, vì thời cuộc ba phải chuyển sang làm phiên dịch và làm phụ thêm công việc đan nón gia công, cuộc sống khốn khó nên cái ăn, cái học của 10 người con đã chồng chất lên đôi vai cha. Tuy khổ cực, túng thiếu là thế nhưng cha cũng giúp những người hàng xóm với lời giải thích: “họ khổ hơn mình con à” và dạy con chính bằng đời sống: “sống thành người khó hơn thành tài”, hãy biết sống khiêm tốn, luôn cầu nguyện và cậy trông vào Thiên Chúa.

Bài thơ “Giàn mướp của Bố” của chị Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, bút hiệu Vũ Thủy, một người khiếm thị diễn tả nỗi nhớ về giàn mướp xưa kia của bố khi còn là cô bé 10 tuổi, mỗi sáng được ngắm nhìn những trái mướp đang lớn dần, thật là thú vị biết bao. Chị kể từ những giọt mồ hôi khó nhọc của bố mà anh em lớn lên thành người. Thuở ấy, nhà nghèo, mỗi sáng thứ hai, bố dậy thật sớm để đạp chiếc xe mini cọc cạch từ Trảng Bom, Đồng Nai lên Hàng Xanh, Sài Gòn đi làm công nhân, rồi chiều Thứ Bảy hàng tuần đạp xe về để làm rẫy. Bố bảo đạp xe đạp như thế để tiết kiệm tiền mua ít gạo cho con. Đó là ký ức tuổi thơ thật dễ thương, rất đẹp: “Một buổi sáng, trái mướp dài thon thả; Trả cho đời hương vị của cần lao; Bao công khó bố vun trồng chăm sóc; Em hái lấy những ngọt ngào trong trẻo”

Có những ký ức đẹp nhưng cũng có những ký ức cả đời không thể nào quên, em Võ Ngọc Bảo Châu, bút hiệu Thiều Châu, hiện làm nghề thợ may ở Đồng Nai thể hiện bài văn “Con gái Ba” để nói về ký ức đó. Khi vừa mới 5 tuổi, do ham chơi và tinh nghịch nên vào một buổi chiều đã nhảy xuống một chiếc ghe trên sông để chơi. Nhảy xuống thì dễ, nhưng khi nhảy lên thì gốc đa trơn trượt làm em rơi tõm xuống sông. May nhờ có cô bé gần đó thấy thế chạy về báo với ba em, khi ba đến nơi thì con chìm đã lâu. Nhờ cầu xin Chúa với lòng tin tưởng mà ba đã mò tìm và cứu sống con. Biến cố này không chỉ dừng lại là một kỷ niệm mà còn là động lực vươn lên theo em trong suốt đời sống của mình.

Mở đầu bằng khẳng định “Không ai có thể sánh ví Cha trên trời”, tác giả Video Clip “Danh ngôn về Cha”, em Trần Thị Gấm, bút hiệu Bạch Cẩm đã trình bày về những mô tả về công ơn dạy dỗ, nuôi nấng, chăm sóc con của cha: “Điều tuyệt vời là cha biết khi nào dành cho con đòn roi và khi nào nên dành cho con ngọt bùi, đó là cách cha dạy con về lòng can đảm, sự trung thực và biết sống có nghĩa tình”. Bài dự thi như là lời cầu nguyện cho cha mong cho cha sống thật khoẻ, thật lâu với gia đình của mình.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Huy Thục, bút hiệu Tả Lam viết bài thơ “Chiếc Bàn Đèn” để nói về người cha trong gia đình không được êm ấm: “Cha đốt đời mình trên ngọn lửa xanh/ với những làn khói mang hình hài quỷ dữ”. Giáo họ tác giả sinh sống là một làng quê xứ Nghệ giáp biên giới Nam Lào với 80% người nghiện ma túy, 60% người buôn bán ma túy, đó là xuất phát điểm để thầy chọn đời thánh hiến qua trải nghiệm sự đau đớn của cha anh, như là điểm nhấn của cuộc đời để nhận ra ơn Chúa: “Con nghĩ dại rằng mình có thể; Nướng cuộc đời trong Á phiện như cha ông; Bởi ai làm rồi ra người đó chịu; Thế hệ sau nối tiếp thế hệ sau; Nhưng rồi con choàng tỉnh, gạt cơn mê; Lấy đời tu làm giá đỡ cho Bàn đèn; Trong suy tư con tự mình thầm nhủ; Chiếc Bàn Đèn là Thánh Giá Chúa trao ban”.

“Chút hồi ức về tuổi thơ” là tựa đề mà cô sinh viên Trường Cao Đẳng Huế Trương Thị Kim Thanh đã gửi gắm vào bài văn của mình với những kỷ niệm thật hạnh phúc, sống mãi trong lòng khi cùng ba mình rong ruổi kiếm sống trên khắp thành phố Huế trong khi mẹ và em nương nhờ nhà ngoại ở miền quê do mái nhà tranh bị cháy rụi đang lúc ba thổi lửa nấu ăn trong bếp. Hai cha con sống rày đây mai đó, đâu cũng là nhà, ngã lưng đâu cũng là giường, dù làm ở đâu, nơi nào ba cũng đem theo con trên chiếc xe đạp cũ kỹ: “Mặc cho gió lạnh, đêm khuya, ba tôi luôn cố gắng ru tôi giấc ngủ bằng những câu chuyện... Ba tôi luôn tạo cho tôi niềm vui, được đầy đủ, vui chơi thoải mái để tôi bớt nhớ mẹ hơn và để ba tôi yên tâm làm việc”. Tác giả đã lên xe lửa từ thứ 3 để từ Huế vào Sài Gòn và đã tặng những chiếc nón lá Huế cho Ban Tổ Chức được mẹ đan từ lá của ba hái trong rừng.

“Ba ơi, Ba là tất cả” là Video Clip được thiết kế bằng những hình ảnh dễ thương, trang nhã của cô sinh viên Nguyễn Bảo Thư, Trường Đại học Sài Gòn. Ba và con gái có những điểm giống nhau, cùng sinh vào tháng Hai, cùng có thói quen thuận viết tay trái, nhưng ba khuyên con gái nên tập viết bằng hai tay, cùng nhóm máu B. Có 7 điều mà em tự hào về ba: 1. Mẹ là duy nhất, ba luôn yêu thương mẹ bằng tình yêu tuyệt vời; 2. Đặt gia đình là trên hết; 3. Không thể đếm được số quảng đường, số thời gian số lần, ba chở con đi học; 4. Ba nói không với thuốc lá và bia rượu; 5. Lễ Tết ba thường mua bánh kẹo và sữa cho cả nhà; 6. Ba tin tưởng để con lựa chọn theo đuổi ước mơ: Thành công - thất bại rồi thất bại nhưng ba vẫn luôn bên cạnh: động viên - khuyến khích - chỉ bảo. 7. Ba chưa bao giờ lạnh lùng, khó gần: luôn dành thời gian trao đổi, lắng nghe với chúng con.

Ba có những điều chưa hoàn hảo, tuổi ba ngày nhiều hơn ba càng làm việc nhiều hơn. Ba ít nói dần, thường ngồi suy nghĩ, sức khoẻ ba thường không tốt. Thỉnh thoảng con nghĩ rằng gia đình mình không giống như lúc con còn nhỏ vì những xào xáo, bất ổn trong gia đình nhưng con tin rằng mọi khó khăn sẽ qua đi để gia đình được bình yên. Em muợn một lời văn để thể hiện tình cảm dành cho ba: “Có một vài điều hiếm hoi trên đời là miễn phí, một trong số đó là tình yêu ba dành cho con. Ba là tài sản quý giá nhất mà Chúa đã gởi đến cuộc đời con”.

Anh Đa Minh Nguyễn Thanh Phương, hiện là trình dược viên viết bài thơ “Tấm lòng người Cha” do cảm nhận từ hoàn cảnh của người bạn, mẹ mất sớm vì một căn bệnh hiểm nghèo khi con vừa tròn 2 tháng tuổi, lên lớp 5 thì bị bại liệt, một mình ba nuôi con khôn lớn, ăn học thành tài: “Tấm lòng người cha, ôi cao ngất; Một đời gà trống với đời con; Lời ba dạy dỗ con ghi khắc; Là hoa tươi thắm đứng giữa đời”.

Linh mục Phaolô Trương Hoàng Phong của Giáo xứ Vị Tín, Thị xã Vị Thanh, TP. Cần Thơ thuộc Giáo phận Cần Thơ viết bài văn “Cha Tôi” để kể về người cha mắc bệnh câm điếc bẩm sinh. Dù cha bị bệnh nhưng tính tình cha rất bình thản, sống một cuộc đời hiền lành, có thế nói cha đã chấp nhận những gì Thiên Chúa trao ban. Do được học ở trường câm điếc Lái Thiêu nên cha đã dạy dỗ con nhiều điều qua chữ viết và cử điệu của đôi bàn tay. Tuy bị bệnh như thế nhưng cha có sức khoẻ khá tốt, làm việc tay chân giỏi, làm việc nặng nhọc như làm ruộng, chài lưới và làm rất nhiệt tình các công việc của họ đạo.

Sóng gió đã ập vào gia đình khi người mẹ bệnh nặng phải điều trị bằng hóa chất, phải chịu đau đớn vô cùng, thậm chí có lần phải nhờ linh mục xức dầu. Cha ra dấu là đừng đi bệnh viện nữa, vì đi nên mới rụng tóc và mệt mỏi như thế, tác giả không biết phải ra dấu thế nào để cha biết bệnh tình của mẹ, chỉ biết quay mặt đi để cố nén cảm xúc thương mẹ và thông cảm cho cha. Chúa thương cho mẹ khỏi bệnh sau một thời gian điều trị nhưng sau đó người em lại trở bệnh nặng để đến một ngày “Lá vàng còn ở trên cây, lá xanh rụng xuống trời hay chăng trời”. Người em ra đi khi mới 27 tuổi để lại 2 đứa con thơ, cha đã khóc rất nhiều và hiện dành tình thương cho hai đứa cháu như thương mẹ chúng: “Cha tôi là như thế đó, mặc dù ngài không nói được, nhưng nói với tôi bằng những cử điệu, bằng những việc làm, bằng tấm lòng, bằng cả con tim. Cha tôi bị bệnh phần xác nhưng rất khoẻ về tinh thần, dạt dào tình cảm, đầy ắp tình người. Cha tôi đã dành cả cuộc đời cho anh em chúng tôi. Cám ơn Chúa đã ban cho con một người cha như thế! Cám ơn cha đã yêu thương và chăm sóc cho anh em chúng con.”

Em Lucia Nguyễn Quỳnh Như, thí sinh nhỏ tuổi nhất trong buổi thi thuyết trình, dự thi với đoạn Video Clip “Bàn Tay của Bố”. Mở đầu bài thuyết trình, em thú nhận rằng làm Video Clip về bố thật khó vì giữa em và bố có những xung đột trong quan niệm sống, tuy không gay gắt nhưng không cùng quan điểm, bố dạy con chữ “NHẪN”, “Hãy biết cho đi mà không cần nhận lại”, trong khi con thì đề cao sự công bằng, bình đẳng nam nữ, bình đẳng giàu nghèo. Em đã mô tả bàn tay của bố đã dẫn dắt, nâng đỡ con trong từng bước đường đời: nâng niu khi con bé bỏng, đỡ con lúc tập đi, vui đùa cùng con, chăm sóc con khi con vấp ngã, bệnh tật, bàn tay bố mưu sinh, chung tay với mẹ trong công việc nhà. Và em vô tư lớn lên, hồn nhiên như cây cỏ mà không biết rằng bàn tay bố chay sạn hơn, thô ráp hơn. Em đã có ấn tượng về bàn tay của bố do công việc của bố là người thợ điện nên bàn tay chay sần theo năm tháng. Bàn tay ấy có những vết xước, những vết cắt, những vết thương bị nưng mủ, nhưng đó là bằng chứng hùng hồn nhất, sống động nhất cho tình yêu thầm lặng mà bố dành cho con cái, cho gia đình. Đôi khi tình yêu không phải là những lời nói hoa mỹ, ngon ngọt hay là những hành động, cử chỉ lãng mạng thể hiện tình yêu mà đôi khi là những hành động những điều bình thường diễn ra một cách lặng lẽ trong cuộc sống, không ai biết, không ai hay và cũng không cần ai tuyên dương, khen thưởng. Tình yêu mà bố dành cho con là như thế đó. Đó là một tình yêu không nói nên lời nhưng âm thầm che chở và bảo vệ cho gia đình qua những chặng đường của cuộc sống.

Bác Anna Nguyễn Thị Huỳnh, bút hiệu Huỳnh Nhi, là người lớn tuổi nhất trong buổi thi, diễn tả bài thơ “Tình Cha” để chia sẻ tình cảm của mình đối với cha thật xúc động, được lột tả qua khổ cuối của bài thơ: “Nặng nề khó nhọc cha mang; Để cho con được huy hoàng đời con; Đất trời như xẻ làm đôi; Cha đi vĩnh viễn cha thôi không về”.

Bác nói rằng cha là một người y tá nhân đức, luôn giúp đỡ những ai cần, những khi xóm làng gian khổ, nửa đêm có người đau cũng xách túi đi và những hành động đó đã dạy con về tình tương thân tương ái, cách sống làm người. Cha còn làm một việc âm thầm là khâu mấy trăm cuốn sách kinh của nhà thờ đến khi gần xong thì qua đời. “…Băng rừng, vượt biển, lên non; Đem về sự sống ngọt ngon ấm lòng; Nuôi con vun đắp cây trồng; Mầm xanh đứng vững theo dòng thời gian”-- “Lớn lên nguyện ước con ngoan; Đức tài ghi khắc toả ngàn tiếng thơm; Dù cho vắt kiệt sức hơn; Cha luôn bấm chịu thoả cơn sóng đời…”

“Nỗi lòng của Ba” là bài văn được anh Lê Đăng Khoa, một người đang học giáo lý dự tòng từ Giáo phận Cần Thơ trình bày. Anh cho hay, vì chiến tranh, ba đã rời xa gia đình ở Huế vào năm 1974, rồi lưu lạc về miền Tây sông nước và nơi đây trở thành quê hương thứ hai của ba khi ba gặp mẹ. Bên ngoại nghèo, nên tài sản ra riêng của ba mẹ là chiếc xuồng và lần lượt 3 đứa con ra đời. Chiếc xuồng trôi dạt về vùng đất phèn, nước mặn mang tên Hồng Dân, Bạc Liêu, và ba chọn nơi đây làm chốn mưu sinh, lập nghiệp. Nhưng cuộc sống luôn gặp sóng gió, bão lũ, lúc ấy một năm phải chuyển chỗ ở năm sáu lần do phải ở nhờ trên đất người ta, ba luôn là người dang rộng đôi tay để che chở gia đình. Ba đã làm tất cả để nuôi con cái học thành tài. Một mặt thể xác đã bị cuộc sống tra tấn dữ dội, mặt khác chính là sự trăn trở suốt 37 năm trường về nỗi niềm của người con xa xứ, ngóng trông về xứ Huế, nơi đó có ba mẹ và các em, không biết còn sống hay đã chết vì chiến tranh, bão lũ: “Đêm đón giao thừa xứ Hồng Dân; Chợt buồn nhớ Huế dạ bâng khuâng; Ba mươi năm lẻ chưa về được; Bạn lòng ơi hỡi biết cho chăng…”

Nhờ ơn Chúa, vào ngày 01 tháng 03 năm 2011, một người em gái tác giả làm hướng dẫn viên du lịch đã tìm ra nơi chôn nhau cắt rốn của ba ở Huế. Ba đã khóc thật nhiều khi tiếp xúc với cha và các em, nước mắt của đứa con bất hiếu khi hay tin mẫu thân đã qua đời... 37 năm lá rụng về cội, khi trùng phùng giọt nước mắt thay nụ cười để diễn tả niềm vui.

Tu sĩ Giuse Hoàng Đình Quang dự thi bài PowerPoint “Công Lao Của Cha” với 3 lý do: Thứ nhất là xin lỗi ba về hành động, lời nói, suy nghĩ mà con đã đáp những dạy dỗ của ba, ngay cả bằng đòn roi, trách mắng mà giờ con mới nhận ra đó là những tình cảm, những hy sinh, công lao mà ba đã dành cho con. Lý do thứ hai là muốn kêu gọi giới trẻ, những bạn trẻ đi bụi đời, bỏ nhà ra đi chỉ vì những lời dạy dỗ trách mắng của cha mẹ hãy nhận ra chính mình và nhận ra tình thương mà cha mẹ dành cho mình. Lý do thứ ba là để cảm ơn hai người bạn, một bạn nam mồ côi cha và một bạn nữ ba vừa mới qua đời gần một năm.

Em Matta Võ Ngọc Bảo Châu, bút hiệu Thiều Châu trở lại dự thi lần thứ hai bằng bài thơ “Tập Viết”. Bài thơ viết về kỷ niệm lần đầu tiên bước vào lớp 1, cũng là lần đầu tiên đi học. Do không đi học mẫu giáo nên những buổi đầu em rất ngỡ ngàng, sợ sệt, cứ mỗi lần tập viết các bạn ai cũng chăm chỉ viết bài chỉ một mình em cứ vô tư chơi. Cô giáo cầm tay tập viết thì không chịu, chỉ đòi tập viết với ba với suy nghĩ đơn sơ ba cầm tay viết sẽ đẹp hơn cô giáo. Ban ngày ba làm việc đồng án, đêm về ba tập hát cho ca đoàn tối lắm mới về nhưng con vẫn chờ ba cầm tay tập viết cho bằng được: “Ngày của ba miệt mài quay quắt; Việc cuốc cày đồng áng nương xanh; Mong giấc ngon đêm tối yên lành; Con kì kèo: Ba! Tập cho con viết!” - “Dẫu mệt nhoài vì nương vì rẫy; Nhưng bàn tay vẫn nắm bàn tay; Con mê say những dòng ngay ngắn; Trong tay ba đen đủi nắng trời”

Em Maria Nguyễn Nữ Thùy Dương dự thi bài văn “Bao La Tình Cha”, em cho hay từ lúc nhỏ, em luôn nghĩ ba là một người khó tính, nghiêm khắc, lạnh lùng nên ít có cơ hội gần ba. Bên cạnh đó do ba giáo dục bằng roi vọt nên nghĩ rằng ba không thương con và một ngày em đã bỏ nhà ra đi. Mới đầu chúng bạn còn tiếp rước, sau đó đành phải kiếm việc làm để tự thân, những việc làm được thì không đủ nuôi sống, còn công việc giúp đủ trang trải cuộc sống thì quá khả năng. Lúc thất vọng, chán nản cũng là lúc em cầu nguyện với Đức Mẹ Maria. Lòng yêu mến Mẹ đã được gieo vào lòng từ nhỏ, trên đường đi lễ từ nhà đến nhà thờ ba thường dạy con về lòng mến Đức Mẹ Maria, do nhớ lại kỷ niệm đó mà em có can đảm gọi điện thoại về nhà và ba đã rước em về trong sự im lặng. Hôm sau, trong lúc lau chùi bức tượng Đức Maria để tạ ơn, em phát hiện bức thư của ba cầu nguyện cùng Đức Mẹ: “Mẹ Maria ơi, con rất buồn vì đã không chu toàn trách nhiệm của một người cha, con đã không biết cách thể hiện tình yêu của con đến các con của con khiến chúng phải phiền lòng. Xin Mẹ soi sáng để con của con biết rằng: lòng con cũng đau lắm sau mỗi lần sửa phạt con cái! Giờ đây không biết con của con lang thang ngoài đường khôg biết có ai cho nó nương nhờ hay không… ”. Em đã khóc thật nhiều và chạy đi tìm ba, ôm chầm lấy ba và nói lời xin lỗi ba.

“Yêu Mẹ -Cha” của tác giả Trần Thị Gấm, bút hiệu Bạch Cẩm là bài thơ thể hiện tình yêu hồn nhiên, mộc mạc của một cô bé Tây Nguyên dành cho cha mẹ mình từ những gì gần gũi nhất trong cuộc sống: cây, hoa, trái rừng, con suối, mặt đất, bầu trời. Bài thơ đã được tác giả trình bày bằng bài hát mang âm hưởng Tây Nguyên: “Yêu mẹ như yêu cây; Cho hoa nở bốn mùa; Trái cây thơm ngọt mát; Yêu mẹ như yêu cây” - “Yêu cha như yêu suối; Róc rách chảy về nguồn; Con bốn mùa tắm mát; Yêu suối như yêu cha”.

“Cho con một lý do đi Ba” của em Maria Nguyễn Hoàng Phương Khanh, bút hiệu Bình Minh là một đề nghị buồn bã khi em phải sống trong hoàn cảnh ba đã hai lần dứt áo ra đi khỏi mái ấm gia đình. Theo em, nhắc đến cha, có lẽ trong tâm tưởng của nhiều người, cha là hình ảnh bóng cả che chở và là chỗ dựa vững chắc. Em cũng nhớ đến cha nhưng với một cảm xúc khác, em viết bài văn không phải để trách cứ ba mà chỉ mong gửi thông điệp đến những người đang và sắp làm cha: “Trước khi làm điều gì, xin hãy dừng lại một chút suy nghĩ để đừng gây đổ vỡ một mái ấm gia đình, để lại vết thương lòng ít ra là cho những đứa con…”

Ba mẹ chia tay khi vừa lên bốn, sau một thời gian ba trở về hàn gắn với mẹ nhưng đó là khởi đầu cho những xáo trộn mới của cuộc sống, vì lại có một ngày ba lại bỏ mẹ và con ra đi trong sự khóc than, đau đớn tận cùng của mẹ và khổ nhọc của con. Em đã phải thốt lên rằng: “Ba ơi, ba mong con ra đời mà, sao lại nỡ bỏ con mà đi như vậy, không lẽ mọi sự gầy dựng bấy lâu nay giờ chỉ được kết thúc bằng một chữ ký thôi sao? Nghe thì đơn giản đấy, nhưng thật xót xa dường nào”. Chông chênh, đau đớn và cả mất phương hướng là cảm xúc của những người ở lại. Vượt qua điều này quả không dễ dàng chút nào. Em đã lớn lên trong tình thương của mẹ để sống mạnh mẽ để có thể đón nhận hạnh phúc lẫn khổ đau một cách nhẹ nhàng nhất. Ba cũng có lúc ghé ngang hỏi thăm vài câu và dúi vào tay khoản tiền trợ cấp, nhưng em chạnh lòng mà nghĩ rằng: “Tiền thì cũng cần cho cuộc sống đấy, nhưng đối với tôi lúc này, tiền sao bạc quá! Lẽ ra, ba có thể cho con nhiều hơn thế nữa mà. Ôi! Con thuyền gia đình tôi ngày nào với người chèo, người lái, giờ thì mỗi nơi một mảnh. Ba ơi, có day dứt, hối tiếc điều gì không hả ba, dù chỉ là một chút? Nước mắt như đã cạn, thoáng nghĩ, một chút buồn, để rồi cũng xếp vào trong ký ức mà thôi”. Bằng niềm tin tín thác em đã kết thúc bài thuyết trình rằng: “Con thầm cảm ơn Chúa! Con tin vào Tình Yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, con tin Ngài sẽ không để cho con phải quỵ ngã”.

Sau phần trình bày của các thí sinh cuộc thi, trong khi chờ đợi chấm giải, anh Minh Khoa đã diễn những trò ảo thuật thú vị với những vòng tròn khép kín nhưng biến hoá tức thì khi thì xích đu, lúc thì chiếc mão vua, lúc lại là túi xách… Bên cạnh đó là những tờ giấy được viết các ước mơ, thoắt cái qua chiếc máy vạn năng trở thành hình Chúa Giêsu…

Các bài thi có số điểm suýt soát nhau nên Ban Giám Khái khó khăn trong việc phân định kết quả. Sau khi hội ý, Ban Giám Khảo quyết định trao 2 giải III cho 2 tác giả ở thể loại Văn có số điểm bằng nhau. BGK cũng quyết định không có giải III và chỉ có một giải khuyến khích ở thể loại PowerPoint/Video Clip, vì sự chênh lệch điểm giữa các tác giả ở thể loại này.

Kết quả vòng thi Chung Kết chủ đề về Cha như sau:

1. Thể loại Thơ:

- Giải Nhất: “Tình Cha” của tác giả Anna Nguyễn Thị Huỳnh, bút hiệu Huỳnh Nhi.

- Giải Nhì: “Cha Tôi” của tác giả Giuse Phạm Văn Ninh, bút hiệu Song Ninh.

- Giải Ba: “Chiếc Bàn Đèn” của tác giả Giuse Nguyễn Huy Thục, bút hiệu Tả Lam.

- Giải khuyến khích: “Tập Viết” của tác giả Matta Võ Ngọc Bảo Châu, bút hiệu Thiều Châu

- Giải khuyến khích: “Giàn Mướp của Bố” của tác giả Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, bút hiệu Vũ Thủy.

2. Thể loại Văn:

- Giải Nhất: “Cha Tôi” của tác giả Linh mục Phaolô Trương Hoàng Phong, Giáo phận Cần Thơ

- Giải Nhì: “Cho Con Một Lý Do Đi Ba!” của tác giả Maria Nguyễn Hoàng Phương Khanh, bút hiệu Bình Minh.

- Giải Ba: “Bao La Tình Cha” của tác giả Maria Nguyễn Nữ Thùy Dương

- Giải Ba: “Nỗi Lòng của Ba” của tác giả Lê Đăng Khoa

- Giải khuyến khích: “Nhớ Về Bố” của tác giả Maria Hoàng Thị Hồng Lam, bút hiệu Hoàng Lam

- Giải khuyến khích: “Chút Hồi Ức Về Tuổi Thơ” của tác giả Maria Trương Thị Kim Thanh

3. Thể loại Video Clip/PowerPoint:

- Giải Nhất: “Ba Ơi, Ba Là Tất Cả” của tác giả Maria Nguyễn Bảo Thư.

- Giải Nhì: “Bàn Tay của Bố” của tác giả Lucia Nguyễn Quỳnh Như.

- Giải khuyến khích: “Công Lao của Cha” của tác giả Thầy Giuse Hoàng Đình Quang.

Ngoài giải Nhất sẽ được trao giải trong “Ngày Của Cha”, các giải thưởng còn lại của cuộc thi đã được Ban Tổ Chức trân trọng trao ngay cuối buổi thi với những bó hoa, hiện kim và bằng chứng nhận. Buổi thi kết thúc khi trời vừa sụp tối nhưng cái nóng ban chiều vẫn còn chưa dịu, nhưng ai nấy học được nhiều điều từ những cảm xúc dành cho cha được các thí sinh diễn tả qua bài dự thi của mình.

Sàigòn, ngày 27 tháng Năm, 2011

Tạ Ân Phúc
 
Mến Thánh Giá Thanh Hóa thăm viếng người dân tộc
Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa
08:10 28/05/2011
THĂM VIẾNG VÀ CHIA SẺ TÌNH THƯƠNG VỚI NGƯỜI DÂN TỘC GIÁO XỨ PHONG Ý, CẨM PHONG, CẨM THUỶ, THANH HÓA

Ngày 27/05/2011, Các Nữ tu đại diện cho Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa đã lên đường đi thăm viếng bà con dân tộc thuộc Giáo xứ Phong Ý, cách thành phố Thanh Hóa 70 km.

Khi xe chúng tôi dừng lại tại Nhà xứ Phong Ý, ở đó 140 người từ các Dân tộc H’Mong, Mường, Thái của 5 Huyện: Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh, Bá Thước và Cẩm Thuỷ đã hiện diện, trong đó, người H’Mong chiếm đa số. Họ là những tân tòng sẽ được lãnh nhận Bí tích Rửa tội vào Chủ Nhật VI Phục Sinh năm nay. Từ vùng núi cao xa xôi hẻo lánh, cách nhà xứ gần 200 km, họ đã tạm bỏ nương rẫy trong khoảng 5 ngày, để tới Nhà xứ học thêm giáo lý và chuẩn bị cho ngày nhận ơn Thánh. Đây là dịp thuận tiện để Chị em Hội Dòng chúng tôi có thể tiếp xúc, chia sẻ tình thương với từng người, từng gia đình.

Xem hình ảnh MTG Thanh Hóa thăm viếng người dân tộc

Qua những phút chào hỏi, chúng tôi được nghe những bài hát bằng tiếng Hmông trong trang phục đủ sắc màu của các dân tộc. Sau lời phát biểu của Cha Quản xứ Giuse Phạm Văn Nhân, của đại diện Hội Dòng, và của ông Trùm giáo Họ Hmông, Hội Dòng chúng tôi đă thiết đãi một bữa cơm thanh đạm nhưng chan chứa tình người. Có lẽ những ngày sống ở Nhà Xứ Phong ý này là những ngày hạnh phúc và lý tưởng nhất của người dân tộc, vì thường ngày họ không đủ cơm ăn ... , do mất mùa do hạn hán. Nguồn thu nhập chính của họ là ngô, sắn; có một vài bản làng trồng lúa, nhưng đã thất thu do thời tiết khắc nghiệt.

Sau bữa ăn, mọi người nhận quà trong niềm vui khôn tả. Mỗi người được nhận 10kg gạo và 100.000 đ. Giá trị vật chất tuy không nhiều nhưng tinh thần sẻ chia, chan hòa làm ấm áp lòng người.

Niềm vui nối tiếp niềm vui. Họ hoan hỷ sẽ được gia nhập vào Giáo Hội, vừa được đón nhận tình thương sự quan tâm chia sẻ của Quý Ân nhân hải ngoại, của gia đình Giáo Phận, của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa và giáo xứ Phong Ý. Có lẽ người dân tộc là thành phần đặc biệt nhất trong Giáo Phận. Con người họ thật đơn sơ, tin tưởng, cậy trông phó thác vào Chúa và lòng tốt của mọi người. Niềm vui của họ đươc biểu lộ rõ trong nụ cười rạng rỡ, trong niềm luyến tiếc mong các soeurs ở lại mãi với họ.

Niềm tin- yêu-vui ấy của dân tộc H’mông sẽ luôn được thắp sắng nếu chúng ta sẵn sàng chia sẻ chút phần cơm từ cuộc sống của chúng ta. Ngoài những đóng góp theo khả năng của mình, chúng tôi luôn muốn làm trung gian chuyển tới đồng bào thiểu số-những anh em của ta trong đức tin và đức ái, món “quà tình thương” do lòng hảo tâm của Quý Vị.

Hội Dòng Mến Thánh Giá Thanh Hóa

10/626 Bà Triệu - Trường Thi

Thành Phố Thanh Hóa

ĐT: 037 3855 610
 
Lễ Khánh Thành “ Đền Tri Ân Đức Mẹ Trà Kiệu”
Duy Trà.
10:32 28/05/2011
Lễ Khánh Thành “ Đền Tri Ân Đức Mẹ Trà Kiệu”

Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu – Giáo phận Đà Nẵng.

Hôm nay là chiều thứ bảy cuối cùng của tháng hoa Mẹ, ngày 28-5-2011, lúc 17 giờ ,Giáo xứ Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu đã long trọng tổ chức lễ khánh thành “ Đền Tri Ân Đức Mẹ Trà Kiệu” , được xây dựng ngay tại ngôi nhà thờ “Thạnh Quang” củ, nằm trong khu vực Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu. ( TT.TMTK)

Xem hình lễ khánh thành

Trước năm 1975, vào thời kỳ chiến tranh ác liệt nhất, Linh mục F.X Nguyễn quang Sách ( nay là Giám mục hưu dưởng) cha sỡ giáo xứ Thạnh Quang, Bà Rén đã dẫn đưa giáo dân Thạnh Quang lên Trà Kiệu lánh nạn, và xin cha sỡ Trà Kiệu cho làm tạm một ngôi nhà nguyện tại khu vực Trung Tâm TMTK. để có nơi kinh lễ hằng ngày. Kể từ đó ngôi nhà nguyện này được giáo dân quen gọi là “ nhà thờ Thạnh Quang “.

Sau năm 1975, giáo dân Thạnh Quang không còn nữa, nên HTX Duy Sơn mượn làm cơ sỡ mành trúc trong một thời gian ngắn. Thời gian gần đây Chính quyền đã chính thức trao lại cho Giáo xứ xữ dụng. Để kịp thời xây dựng một số công trình phục vụ cho khách hành hương và ngày Đại Hội Đức Mẹ Trà Kiệu, 30-31/5. Giáo xứ đã cho tháo dỡ ngôi nhà nguyện Thạnh Quang, và bắt đầu xây tường rào, đổ đất tôn nền mỡ rộng khu vực hành lễ, và xây dựng Đền Đức Mẹ ngay tại khuôn viên nhà thờ Thạnh Quang củ, để Tri Ân Đức Mẹ Trà Kiệu, vì biết bao Hồng Ân mà Mẹ đã trao ban cho Giáo xứ, cho con cái Mẹ.

Như vậy hiện nay tại Trung Tâm TMTK có 3 Đền Mẹ. Căn cứ vào cao trình của mỗi Đền , chúng ta có thể gọi Đền Tri Ân khánh thành hôm nay là “Đền Hạ “vì ở dưới chân đồi; còn Đền Mẹ ở lưng chừng đồi là “ Đền Trung” và Đền ở trên đỉnh đồi là “ Đền Thượng”.

Lễ khánh thành Đền Mẹ chiều nay được Cha quản Xứ Trà Kiệu chủ sự với nghi thức dâng hương và làm phép Đền Mẹ ,kết hợp với buổi dâng hoa chiều thứ bảy của tháng hoa Mẹ . Sau đó dâng thánh lễ đồng tế tạ ơn.

Tâm tình tri ân được cộng đoàn cùng với ca đoàn cât cao lời tri ân Mẹ qua bài thánh ca “ Tri ân Mẹ” do cha quản xứ Đoàn quang Dân viết lời, và Mặc Thế Lưu văn Thiên vừa phổ nhạc. Bầu khí hân hoan vui mừng chiều nay , như chào đón , như mời gọi tất cả mọi người hảy chuẩn bị để bước vào Ngày Đại Hội 30-31/5 sắp tới.

Chúng tôi cũng cảm thấy dạt dào niềm tin yêu nơi Mẹ Trà Kiệu ,nên muốn được chia sẽ với anh chị em, những người không thể hiện hiện tại Trung Tâm Thánh Mẫu Trà Kiệu vào những ngày này, bằng cách cố gắng tường trình ngay tại chổ về diễn tiến trong hai ngày Đại Hội, để cùng hướng lòng về bên Mẹ Trà Kiệu, và thâm tín rằng : “ Đức Maria, một đời tận hiến cho tình yêu Thiên Chúa “

19h thứ bảy, ngày 28-5-2011 tại TT.TMTK.

Duy Trà.
 
Các tác phẩm Viết Về Cha đoạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”
Tạ Ân Phúc
19:26 28/05/2011
Các tác phẩm Viết Về Cha đoạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”

class=BORDER align=center>class=BORDER align=center>
Chiều thứ Bảy, ngày ngày 21/05/2011 tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sài Gòn đã diễn ra vòng thi thuyết trình cũng chính là vòng thi chung kết Viết Về Cha của cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”. Cuộc thi viết và thuyết trình về cha là một trong những hoạt động của Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn nhằm cổ võ cho tinh thần đạo hiếu, tạo cơ hội để người làm con bộc lộ lòng tri ân, hiếu thảo với các bậc sinh thành, đặc biệt đối với công ơn của người Cha. So với cuộc thi Viết Về mẹ, chủ đề cuộc thi Viết Về Cha dù có thời gian nhận bài dài hơn, nhưng số bài dự thi nhận được lại khá khiêm tốn: 63 tác giả với 76 bài viết gồm 19 bài thơ, 51 bài văn và 6 bài PowerPoint/Video Clip. Tại buổi thi thuyết trình có 17 thí sinh trình bày 19 tác phẩm thuộc 3 thể loại trên, các tác giả đoạt giải Nhất sẽ chia sẻ trong Ngày của Cha.
“Cây cao bóng cả” là chủ đề của Chương Trình Mừng Ngày của Cha năm 2011, do Chương Trình Chuyên Đề, Ban Mục Vụ Gia Đình TGP. Sài Gòn sẽ tổ chức vào ngày 12/06/2011, tại số 6 bis Tôn Đức Thắng, Quận 1, từ 14g30 đến 19g15, với sự chuẩn bị hết sức công phu, phong phú và đặc sắc cả về nội dung lẫn hình thức (Xin xem chi tiết tại đây)

Dưới đây là các tác phẩm Viết Về Cha đạt giải cuộc thi “Ơn Cha Nghĩa Mẹ”:

I. Thể loại Thơ:

1. Giải Nhất: “Tình Cha” của tác giả Anna Nguyễn Thị Huỳnh, bút hiệu Huỳnh Nhi.

TÌNH CHA

Cây cao bóng cả vươn chồi
Chắn che giông bão suốt đời cho con
---
Băng rừng, vượt biển, lên non
Đem về sự sống ngọt ngon ấm lòng
Nuôi con vun đắp cây trồng
Mầm xanh đứng vững theo dòng thời gian
---
Lớn lên nguyện ước con ngoan
Đức tài ghi khắc toả ngàn tiếng thơm
Dù cho vắt kiệt sức hơn
Cha luôn bấm chịu thoả cơn sóng đời
---
Cốt cho con được nên người
Và mong nhìn thấy nụ cười của con
Lời êm thấm dạy con khôn
Việc hay cha chỉ, gọt mòn mấu sai
---
Đường đời đầy dẫy chông gai
Nương theo chân bước, một mai giúp đời
Nhìn ngay làm thẳng hơn người
Hy sinh khó nhọc cao ngời Tình Cha.
---
Nặng nề khó nhọc cha mang
Để cho con được huy hoàng đời con
Đất trời như xẻ làm đôi
Cha đi vĩnh viễn cha thôi không về.


2. Giải Nhì: “Cha Tôi” của tác giả Giuse Phạm Văn Ninh, bút hiệu Song Ninh.

CHA TÔI

Đã qua rồi những ngày đông giá lạnh
Lầm lũi dáng ba trong đêm tối ảo mờ
Đôi bàn tay buốt nồng cơn gió Bấc
Hạt mưa phùn run rẩy giữa cơn mơ…
---
Tóc cha bạc từ mùa rơm thành khói
Nước sông quê loang đục đón lũ về
Cha trằn trọc từng đêm dài u tối
Xót quặn lòng tỉnh thức giữa cơn mê…
---
Mẹ đi từ mùa hoa cau rụng gốc
Con lớn lên trong nước mắt tủi buồn
Cha ngày ngày bán mặt vào ruộng đất
Mong đến ngày con cái trưởng thành hơn…
---
Sài Gòn ẩm ương giao mùa mưa rồi nắng
Bon chen thị thành chẳng chừa lối cho con
Đêm giật mình bùi ngùi nghe mưa ướt
Nghĩ thương cha nước mắt bỗng khóc dồn…


3. Giải Ba: “Chiếc Bàn Đèn” của tác giả Giuse Nguyễn Huy Thục, bút hiệu Tả Lam.

CHIẾC BÀN ĐÈN

Con chẳng có ấn tượng gì về Cha
ngoài Chiếc Bàn Đèn
Nó được thắp lên
mỗi ngày bảy lượt
Cha đốt đời mình trên ngọn lửa xanh
với những làn khói mang hình hài quỷ dữ
Ôi! Sao thế?
Một cuộc đời, tệ vậy, Cha ơi!
---
Con nghĩ dại rằng mình có thể
Nướng cuộc đời trong Á phiện như cha ông
Bởi ai làm rồi ra người đó chịu
Thế hệ sau nối tiếp thế hệ sau
---
Nhưng rồi con choàng tỉnh, gạt cơn mê
Lấy đời tu làm giá đỡ cho Bàn đèn
Trong suy tư con tự mình thầm nhủ
Chiếc Bàn Đèn là Thánh Giá Chúa trao ban


Viết tặng người Cha tội lỗi

4. Giải khuyến khích: “Tập Viết” của tác giả Matta Võ Ngọc Bảo Châu, bút hiệu Thiều Châu

TẬP VIẾT

Nhớ ngày xưa con vào lớp một
Bước ngỡ ngàng sợ lắm ba ơi!
Cô giáo hiền cầm tay con tập viết
Không ! Con chỉ chờ viết với ba thôi!
---
Ngày của ba miệt mài quay quắt
Việc cuốc cày đồng áng nương xanh
Mong giấc ngon đêm tối yên lành
Con kì kèo : Ba ! tập cho con viết!
---
Dẫu mệt nhoài vì nương vì rẫy
Nhưng bàn tay vẫn nắm bàn tay
Con mê say những dòng ngay ngắn
Trong tay ba đen đủi nắng trời
---
Dòng đầu tiên con tự viết thành lời
Là tỏ tình: “Con yêu ba lắm”
Những điểm mười trên giấy hồng tươi thắm
Con một nửa - còn một nửa công ba
---
Ngày tháng qua ký ức chẳng phai mờ
Tấm lòng ba trong vần thơ nét chữ
Vẫn biết rằng bên đời cô lữ
Thiếu một bàn tay uốn nắn gầy gò
---
Con chẳng sợ chi bóng dáng ba nhạt nhòa
Trang vở cuộc đời không ba nâng đỡ
Viết một mình lòng con luôn ghi nhớ
Ba sống hoài trong nét chữ con thơ


5. Giải khuyến khích: “Giàn Mướp của Bố” của tác giả Lucia Vũ Thị Thanh Thủy, bút hiệu Vũ Thủy.

GIÀN MƯỚP CỦA BỐ

Giàn mướp nhỏ ngang tầm em với
Lá loăn xoăn hoe nắng ngọt ngào
Đủ che nắng một khoảnh sân chập chõm
Bé nhảy dây chơi góc cuối vườn
Mướp vươn mình đùa vui trong nắng
Những nụ hoa xinh xắn bướm liệng bay
Hoa mướp vàng, bướm vàng bay lúng liếng
Góc vườn quê hớn hở lá reo vui. . .
---
Một buổi sáng, trái mướp dài thon thả
Trả cho đời hương vị của cần lao
Bao công khó bố vun trồng chăm sóc
Em hái lấy những ngọt ngào trong trẻo
Vị đồng quê thơm mát bát canh ngon
Trái mướp non trên giàn đung đưa khẽ
Lẽ ở đời em học sẽ không phai
Khi ăn quả nhớ kẻ dầm sương dãi nắng.


Nhớ về giàn mướp xưa kia của bố, mỗi sáng được ngắm nhìn những trái mướp đang lớn dần thật là thú vị biết bao.

II. Thể loại Văn:

1. Giải Nhất: “Cha Tôi” của tác giả Linh mục Phaolô Trương Hoàng Phong, Giáo phận Cần Thơ

CHA TÔI

“Công Cha như núi Thái Sơn
Nghĩa Mẹ như nước nguồn chảy ra
Một lòng thờ Mẹ kính Cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”.


Từ nhỏ, cha tôi đã bị bệnh. Cha không nói được và cũng không nghe được. Bệnh câm điếc đã vô tình theo cha suốt cả cuộc đời. Mọi người trong gia đình đều thương cha vì cha bệnh tật, lại là đứa con út, là người nhỏ nhất trong nhà. Khi lớn lên, ông bà nội cho cha đi học ở trường Câm Điếc Lái Thiêu. Sau biến cố năm 1975, cha phải trở về với gia đình. Tình cờ, cha gặp mẹ, và hai người đã nên duyên. Gia đình tôi có bốn anh em, một trai và ba gái. Điều lạ lùng là cả bốn anh em chúng tôi không ai mắc bệnh giống cha. Mặc dù cha tôi không nói được và không nghe được nhưng người đã dạy dỗ tôi rất nhiều điều trong cuộc sống.
Cha bị bệnh nhưng tính tình rất điềm tĩnh và bình thản. Rất ít khi tôi thấy cha khó chịu hay bực bội với con cái. Cha sống rất hiền lành. Ngôn ngữ của cha là những cử điệu của hai bàn tay. Cha biết viết. Chữ không đẹp nhưng dễ đọc. Khi người khác không hiểu hoặc khi đi xưng tội, cha thường viết vào giấy để chia sẻ nỗi lòng và nói lên những tâm tình thầm kín của riêng mình.
Chúa ban cho cha tôi có được sức khoẻ rất tốt, có nhiều khả năng. Người làm việc chân tay rất giỏi. Cha thường làm việc nhà, làm ruộng, và chài cá rất giỏi. Ngoài công việc nhà, cha còn tham gia những công tác của Họ Đạo. Cha làm việc rất nhiệt tình và có tinh thần trách nhiệm. Có lẽ vì quá vất vả nên bây giờ chân tay của cha đã chai cứng, nứt nẻ.
Rồi tôi phải đi học xa. Mỗi lần về thăm nhà, cha rất mừng. Người đến bên cạnh và ra dấu hiệu bằng tay để hỏi tôi được nghỉ học bao nhiêu ngày. Đến lúc trở lại trường, cha luôn ra hiệu cho mẹ lấy tiền cho tôi. Lần nào, cha cũng làm như thế. Có khi hai cha con chỉ nhìn nhau mà không biết nói gì, không biết tâm sự như thế nào, vì cha con tôi chỉ có thể hiểu ý nhau trong những chuyện đơn giản và thực tế mà thôi. Khi biết tôi muốn đi tu, cha rất ủng hộ. Ngày tôi được thụ phong linh mục, cha rất vui và hạnh phúc!
Bất ngờ, mẹ tôi bệnh nặng, phải vô hoá chất để điều trị. Thuốc làm mẹ rụng tóc và đau đớn. Về thăm mẹ, tôi thấy cha rất buồn và lo lắng. Các em kể lại: cha ra dấu là đừng đi bệnh viện nữa, vì đi nên mới rụng tóc và mệt mỏi như thế. Tự nhiên, lòng tôi đau nhói. Hai mắt cay xè. Tôi vội đi nơi khác để cố nén cảm xúc của mình. Lúc đó, tôi thương mẹ và thông cảm cho cha. Tôi phải nói như thế nào để cho cha hiểu được bệnh tình của mẹ đây? Sau một thời gian điều trị, Chúa thương cho mẹ tôi được bớt bệnh. Gia đình tôi rất vui. Nhưng không bao lâu, em gái tôi lại phát bệnh khá nặng, phải chạy chữa nhiều nơi, tốn nhiều tiền nhưng không thoát được thần chết. Em ra đi lúc còn rất trẻ, để lại cho chồng hai đứa con còn nhỏ dại. Khi đó gia đình tôi rất buồn, đặc biệt tôi thấy cha tôi khóc rất nhiều. Cha rất đau khổ vì mất đi đứa con gái thân yêu.
Cha tôi như thế đó! Người không nói được, không nghe được, nhưng tâm hồn lại dạt dào tình cảm. Cha thường biểu lộ tình thương bằng hành động, không cần lời nói. Cha luôn lo lắng cho gia đình, cho con cái. Cha bị bệnh phần xác nhưng tâm hồn rất mạnh khoẻ. Con tim của cha luôn chan hoà hơi ấm tình yêu.
“Cám ơn Chúa đã ban cho con một người cha như thế! Cám ơn cha đã yêu thương và chăm sóc cho anh em chúng con.” Thỉnh thoảng khi có dịp về thăm gia đình, tôi thấy cha gầy hơn và yếu hơn. Thấy cha già nên lòng tôi cũng ngậm ngùi, lo lắng. Nguyện xin Chúa thương ban cho cha được nhiều sức khoẻ và bình an trong cuộc sống!

2. Giải Nhì: “Cho Con Một Lý Do Đi Ba!” của tác giả Maria Nguyễn Hoàng Phương Khanh, bút hiệu Bình Minh.

CHO CON MỘT LÝ DO ĐI, BA!


Đã từ lâu lắm rồi, tôi không có ý niệm gì về hình ảnh người cha, tất cả đã được chôn chặt trong quá khứ. Chẳng muốn khơi gợi nhưng sao hôm nay bỗng dưng quá khứ chẳng mấy gì tốt đẹp ấy chợt ùa về trong tôi. Nhắc đến cha, có lẽ trong tâm tưởng của nhiều người, cha là hình ảnh của cây tùng, cây bách; yêu thương, che chở và là chỗ dựa vững chắc. Tôi cũng nhớ đến cha nhưng với một cảm xúc khác. Với vị thế là một người con, tôi viết lên những dòng này đây thật sự chẳng để trách cứ ba; chỉ mong được gửi gắm chút thông điệp đến những người đang và sẽ làm cha: “Trước khi làm điều gì, xin hãy dừng lại một chút suy nghĩ để đừng gây đổ vỡ một mái ấm gia đình, để lại vết thương lòng ít ra là cho những đứa con…”
Tuổi thơ tôi là những ký ức buồn, những kỷ niệm về cha khá mờ nhạt. Năm tôi lên bốn, ba mẹ tôi chia tay. Lúc đó tôi còn quá nhỏ, chưa đủ để hiểu chuyện gì đang xảy ra, tôi chỉ biết ba mẹ tôi không còn sống chung với nhau nữa. Tuy rất đau lòng nhưng dường như ba mẹ tôi chia tay nhau khá “nhẹ nhàng”, không giằng co, không day dứt, không níu kéo. Có thể nói là một cuộc chia tay trong hoà bình. Mẹ dẫn tôi về nhà ngoại. Ban đầu, mọi thứ còn mới mẻ, lạ lẫm. Sau vài tháng, tôi dần quen với môi trường mới nên tất cả cũng trở nên ổn định.
Những tưởng cuộc sống như thế êm đềm trôi, thì bất chợt một ngày ba tôi qua nhà ngoại dắt tôi về. Dù gì đi nữa thì cũng là tình nghĩa vợ chồng bấy lâu nay, cùng với mong muốn tốt đẹp cho tương lai của tôi, thế là gia đình tôi giảng hoà sau một thời gian đường ai nấy đi. Nhưng có lẽ đây là bước khởi đầu cho sự xáo trộn mới của cuộc sống.
Nếu câu chuyện kết thúc ở đây thì quả là một câu chuyện cổ tích với một kết thúc có hậu, tôi lại có ba và mái ấm gia đình lại được hàn gắn. Nhưng cuộc đời vốn dĩ không bằng phẳng và bình yên như thế. Hạnh phúc một lần nữa vuột khỏi tầm tay, đến rồi đi, có rồi không, dường như chỉ là một tuồng ảo hoá. Cho đến một ngày “lịch sử lặp lại”, sóng gió lại ập đến với gia đình tôi nhưng lần này nó nặng nề hơn rất nhiều, không hề “nhẹ nhàng” như trước bởi lẽ vết thương lòng của ngày xưa lại được khơi gợi. Mẹ tôi đã khóc rất nhiều, khóc hết nước mắt, chỉ mong sao ba tôi suy nghĩ lại để mọi chuyện đừng xảy ra như ngày xưa nữa, nhưng vô ích! Ba tôi đã ra đi, sự ra đi không chút luyến lưu, không chút bận lòng! Tôi biết lúc này đây, mẹ tôi đã chạm đến tận cùng của nỗi đau…
Tựa như một giấc chiêm bao, tự hỏi lòng điều gì đang xảy ra. Ba ơi, ba mong con ra đời mà, sao lại nỡ bỏ con mà đi như vậy? Hụt hẫng, trống rỗng! Không lẽ mọi sự gầy dựng bấy lâu nay giờ chỉ được kết thúc bằng một chữ ký thôi sao? Đơn giản đấy, nhưng cũng thật xót xa dường nào! Bao nhiêu câu hỏi trong tôi nhưng nào có câu trả lời. Khóc như chưa bao giờ được khóc, đêm nào nước mắt mẹ cũng tuôn trào, chờ mong tiếng xe của ba đi làm về nhưng vô vọng. Âm thanh thân thương này giờ chỉ còn đâu đó trong kỷ niệm, trong dĩ vãng xa xôi. Sự thật phũ phàng đằng sau những điều tưởng chừng như tốt đẹp bấy lâu nay, chỉ có người trong cuộc mới có thể hiểu thấu được nỗi đau quá lớn này! Có lẽ trong những mất mát của con người, mất người thân là nỗi đau lớn nhất. Chông chênh, đau đớn và cả mất phương hướng là cảm xúc của những người ở lại. Vượt qua điều này quả không dễ dàng chút nào. Đêm chập chờn, ngày thức giấc cố đối diện với thực tế, cố kiềm nén cảm xúc, nhưng mỗi khi ai nhắc đến ba thì mẹ tôi lại nghẹn ngào. Mặc dù không muốn thế nhưng sao nước mắt vẫn cứ rơi…
Nhưng rồi, thời gian vẫn là phương thuốc chữa lành vết thương lòng hữu hiệu nhất. Lâu dần, khái niệm về cha trở thành dĩ vãng để có ai đó nhắc đến, tôi cũng có thể bình thản với thực tại: Tôi không có cha! Bất kể trái tim có tan vỡ, cuộc sống cũng sẽ chẳng dừng lại và vẫn vô tình, quy luật cuộc sống là thế. Nuốt nước mắt vào trong, mẹ con tôi tiếp tục sống. Người ta thường nói: “Con không cha như nhà không nóc”. Quả thế, một mình mẹ tôi gánh cả trách nhiệm của một người cha. Tất cả mọi thứ do một tay mẹ quán xuyến với bao khó khăn chồng chất. Dần dần, cuộc sống cũng đi vào quỹ đạo vốn có của nó. Mẹ là người duy nhất thương yêu, dạy dỗ và đồng hành cùng tôi trong từng chặng đường mà tôi đi qua: Cấp hai, cấp ba cho đến giảng đường đại học… Mẹ cho tôi sự mạnh mẽ, phải sống thật kiên cường, kiên cường như loài cỏ dại để có thể đón nhận hạnh phúc lẫn khổ đau một cách nhẹ nhàng nhất.
Nhớ những lần ba tôi “ghé” qua dúi vào tay tôi khoản tiền trợ cấp, may mắn thì hỏi thăm vài câu qua loa rồi vụt đi. Tôi thoáng buồn và chạnh lòng! Tiền thì cũng cần cho cuộc sống đấy, nhưng đối với tôi lúc này, tiền sao bạc quá! Lẽ ra, ba có thể cho con nhiều hơn thế nữa mà. Ôi! Con thuyền gia đình tôi ngày nào với người chèo, người lái, giờ thì mỗi nơi một mảnh. Ba ơi, có day dứt, hối tiếc điều gì không hả ba, dù chỉ là một chút? Nước mắt như đã cạn, thoáng nghĩ, một chút buồn, để rồi cũng xếp vào trong ký ức mà thôi.
Một tương lai tươi sáng chỉ có thể đứng lên trên một quá khứ đã lãng quên. Cuộc sống thăng trầm với những thử thách, chông gai tưởng chừng như bế tắc không thể vượt qua; nhưng cuối cùng điều kỳ diệu cũng đã đến, mọi thứ cũng đâu vào đấy. Nếu không có những biến cố đó, không có sự mất mát đó làm sao trui rèn cho tôi nghị lực, sự mạnh mẽ, làm sao tôi có thể vượt lên chính mình?
Tôi thầm cảm tạ Chúa! Tôi tin vào Tình Yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, tôi tin Ngài sẽ không để tôi quỵ ngã.

3. Giải Ba: “Bao La Tình Cha” của tác giả Maria Nguyễn Nữ Thùy Dương

BAO LA TÌNH CHA


“Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ
Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha”


Câu nói này tôi đã được nghe nhiều nhưng tôi chỉ thật sự cảm nghiệm ý nghĩa của nó khi tôi rời xa mái ấm gia đình, xa ba mẹ, xa các em để bước vào một cuộc sống mới nơi thành thị xa lạ.
Nơi khung trời mới này cuộc sống với nhiều tranh chấp, bon chen khiến tôi thèm khát tình cảm gia đình, những mơ ước về một mái ấm có ba mẹ cứ ùa về trong tâm trí tôi. Tôi chợt nghĩ về ba tôi- người đã dạy cho tôi cách sống bao dung không bằng lời nói nhưng bằng hành động, và đặc biệt là bằng một niềm tin tuyệt đối vào Mẹ Maria.
Lúc nhỏ tôi luôn nghĩ ba là một người khó tính, nghiêm khắc, lạnh lùng. Chính vì lúc nào cũng suy nghĩ về ba mình như vậy nên tôi không bao giờ nói chuyện thân mật với ông. Tôi luôn coi việc ông vất vả lao nhọc lo cho chúng tôi là quy luật, là lẽ tất nhiên nên tôi không chút mảy may xúc động mỗi khi thấy ông bệnh nặng nhưng vẫn cố gắng ra ruộng, chứ nhất định không chịu nghỉ ngơi.
Tôi luôn trách ba tôi “khờ” mỗi khi thấy ông vất vả lo giấy tờ không công cho người ta, việc nhà không lo cứ lo việc thiên hạ! (mà thực ra ba tôi đâu có bỏ bê việc nhà). Những lúc nghe tôi trách móc ba tôi vẫn chỉ đáp lại bằng điệp khúc: “Sau này con sẽ hiểu, ba làm tất cả chỉ vì các con mà thôi!”
Ba tôi gia nhập quân đội từ khi còn rất trẻ, chiến tranh đã cướp đi của ba tôi một con mắt, và mỗi khi “trái gió trở trời” là ba tôi lại bị những cơn đau nhức do vết thương từ chiến tranh hành hạ.
Vì thương tật như vậy nên ba tôi được lãnh lương dành cho thương binh hằng tháng, thế nhưng mỗi khi lãnh lương, thay vì mua đồ bồi dưỡng cho mình ba dành tất cả để mua sắm cho chúng tôi, ông luôn nói: “Ba ăn gì cũng được chỉ cần nhìn các con vui là đủ rồi!” Không chỉ lo cho chúng tôi về thể xác, mỗi ngày ông đều “bắt” chúng tôi dự lễ Misa và quãng đường đi bộ từ nhà tôi đến nhà thờ là giờ “huấn đức” của ba tôi (hồi đó tôi thấy rất khó chịu và muốn bỏ ngoài tai những lời nhắc nhở đạo đức của ba tôi nhưng sau này nghĩ lại tôi thấy những lời dạy dỗ mà tôi cho là chói tai đó đã giúp ích cho tôi rất nhiều).
Ba tôi thương con là vậy, nhưng cách ông giáo dục chúng tôi cũng thật “kinh khủng”, tôi luôn bị ám ảnh về những roi đòn mà ông giáng xuống mỗi khi chúng tôi sai phạm, những lúc đó tôi quên sạch những điều tốt ông đã làm cho chúng tôi, tôi đã thầm ước tôi có một người cha hiền lành hơn, yêu thương chúng tôi nhiều hơn. Tôi cứ luôn nghĩ ba không hề thương chúng tôi - nếu thương thì đâu thể “ra tay” với chúng tôi mạnh như thế?!?
Có lẽ tôi sẽ không bao giờ thay đổi suy nghĩ ấy cho đến một ngày, ngày tôi bỏ nhà ra đi. Lang thang phiêu bạt hết nhà đứa bạn này đến đứa khác, vài ngày đầu bọn bạn còn tiếp rước, đến bốn năm hôm sau, đứa nào cũng tỏ ra khó chịu! Tôi biết vậy nên cố tìm việc làm để tự nuôi thân, nhưng tìm việc không đơn giản như tôi nghĩ, công việc tôi cảm thấy thích hợp thì lương không đủ sống; còn công việc mang lại cho tôi món tiền kha khá đủ trang trải thì tôi lại không đủ khả năng để làm. Thất vọng. Chán nản. Tôi nghĩ đến việc khấn xin Đức Mẹ cho tôi đủ can đảm trở về (lòng sùng kính Đức Mẹ đã được ba tôi gieo vào lòng chúng tôi từ bé tí nên dù hư hỏng, tôi cũng không quên Mẹ). Sau nhiều ngày suy nghĩ cầu nguyện, tôi liều gọi điện thoại về nhà, lòng hồi hộp khi giọng nói đầu dây bên kia cất lên! Nhận ra tiếng ba, tôi khẽ nói: “Con đây, Ba!” Tôi tưởng tượng ông sẽ cho tôi một “bài trường ca”, không ngờ ông chỉ đáp ngắn gọn: “Đọc địa chỉ nơi ở đi!” Trên đường chở tôi về, ông cũng không hề cất lên nửa lời. Sự im lặng của ông khiến tôi ngạc nhiên vô cùng!
Sáng hôm sau, để cám ơn Đức Mẹ , tôi xách nước lau lại bức tượng Mẹ, tình cờ tôi phát hiện một hộp thư được đặt dưới chân Đức Mẹ, tò mò tôi mở ra xem: Là nét chữ của ba! “Mẹ Maria ơi, con rất buồn vì đã không chu toàn trách nhiệm của một người cha, con đã không biết cách thể hiện tình yêu của con đến các con của con khiến chúng phải phiền lòng. Dù phải đánh đổi bất cứ điều gì cũng được, con chỉ xin Mẹ gìn giữ, đưa con của con trở về nhà bình yên. Xin Mẹ soi sáng để con của con biết rằng: lòng con cũng đau lắm sau mỗi lần sửa phạt con cái! Không biết những ngày con của con rời xa gia đình nó có được một chỗ nghỉ ngơi, có ai cho nó ăn uống hay phải lang thang như trẻ bụi đời. Càng nghĩ con càng thấy thương con của con và buồn cho cách giáo dục con cái của con. Mẹ ơi, Mẹ cứ trút hết những đau khổ mà con của con đang chịu lên người con… ” Tôi không thể đọc đến cuối vì nét chữ đã nhòe đi bởi những giọt nước mắt rơi tự do từ khóe mắt tôi. Thì ra tôi đã hiểu lầm ba! Gấp mẩu giấy lại đặt vào hộp thư (tôi gọi là hộp thư vì trong đó ba tôi viết rất nhiều), tôi chạy đi tìm ba. Hôm đó, không biết sức mạnh từ đâu mà tôi đã có thể chạy một đoạn đường dài từ nhà tôi tới ruộng lúa nơi ba đang làm. Tôi ôm chầm lấy ba và khóc, khóc thật nhiều! Trong tiếng nấc nghẹn, tôi nói với ba tôi: “Ba ơi, con sai rồi!” Ba vỗ nhẹ vào vai tôi, nhìn vào mắt ông, tôi thấy mắt ông ướt nhòe - lần đầu tiên tôi nhìn thấy ba tôi khóc! Khoảng thời gian sau đó là thời gian hạnh phúc nhất nhưng cũng ngắn ngủi nhất của tôi trong gia đình. Chỉ đúng một tháng sau ngày tôi “làm hòa” với ba tôi là tôi đã phải khăn gói lên Thành phố để bắt đầu tương lai mới, không còn cơ hội để ở bên chăm sóc ba nữa! Ngày tôi lên đường, ba với đôi mắt buồn, tiễn tôi lên đường kèm theo lời nhằn nhủ ngắn gọn: “Ráng sống cho xứng là một CON NGƯỜI và nhớ không quên ĐỨC MẸ nghen con!”
Giờ đây, giữa sóng gió cuộc đời tôi luôn nhớ về ba, nhớ những lời khuyên dạy của ba và đó chính là động lực để tôi vươn lên trong cuộc sống.
Cảm ơn Ba, cảm ơn vì cách sống của Ba, cảm ơn vì “Ba đã làm tất cả chỉ vì chúng con mà thôi!”

4. Giải Ba: “Nỗi Lòng của Ba” của tác giả Lê Đăng Khoa

NỖI LÒNG CỦA BA


Do chiến tranh nên Ba tôi phải rời xa gia đình ở Huế trôi dạt vào miền Tây sông nước sinh sống. Những năm sau giải phóng, miền Tây đìu hiu, xơ xác. Nơi đất khách quê người, một mình Ba đơn độc tìm kế sinh nhai. Ba tôi xin vào làm cho một chủ lò mía đường tại Vĩnh Long. Nhờ tính tình hiền lành, cần cù, siêng năng và thông minh nên Ba được ông chủ nhận làm con nuôi, dạy cho cách kết đường cát trắng và đứng quản lý lò đường.
Tại đây, Ba vừa làm vừa dạy chữ và dạy võ cho các con của gia đình này. Hồi ấy Ba là thần tượng của họ. Mọi người đều khen Ba là người toàn vẹn, văn võ song toàn. Có lẽ Vĩnh Long là quê hương thứ hai của Ba tôi, vì nơi đây, Ba gặp Mẹ! Hai người lấy nhau. Bên gia đình Mẹ tôi nghèo lắm, lại con đông. Tài sản ra riêng của Ba và Mẹ là một chiếc ghe nhỏ. Khó khăn ngày càng chồng chất khi ba chị em tôi lần lượt ra đời. Thời phát động kinh tế mới, Vĩnh Long không làm lò mía đường mà chuyển sang kinh doanh lương thực. Vốn là là thợ kết đường nên Ba tôi thất nghiệp. Gia đình tôi sống trên một chiếc ghe nhỏ lênh đênh như đám lục bình trên sông, không biết trôi dạt về đâu! Tha phương cầu thực vài năm, khi chúng tôi lớn lên cần phải đi học nên Ba tôi quyết định dời gia đình về huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu lập nghiệp. Hồng Dân của hai mươi năm về trước là một vùng đất hẻo lánh không người, nước mặn, đất phèn. Nơi đây, gia đình tôi được một người bác thương tình cho ở tạm một căn chòi nhỏ. Tội cho Ba lắm, một mình Ba phải làm để nuôi cả gia đình. Tôi còn nhớ như in, một đêm mưa rất to, căn chòi bị dột nát, Ba phải đứng căng tấm cao su che cho vợ và các con ngủ suốt đêm… Cuộc sống tuy vất vả, khó khăn, nghèo khổ nhưng gia đình tôi luôn đầy ấp tiếng cười và hạnh phúc! Ngày mà chị em tôi được đi học, gánh nặng ngày càng đè nặng lên đôi vai đã chai sạm vì năm tháng của Ba. Do sức khỏe có hạn nên Mẹ chỉ giúp Ba lo cơm nước và chăm sóc con hằng ngày. Trong tâm trí của chị em tôi, Ba luôn là một hiền phụ. Ba vừa làm kiếm tiền nuôi gia đình, vừa dạy chị em tôi học. Ba là người thầy đầu tiên dạy chị em tôi viết chữ. Để bù đắp lại công ơn Ba Mẹ, chúng tôi đều ngoan và học rất giỏi. Có những lúc gần như cả gia đình phải gục ngã, nhưng với ý chí và sự cần cù, chịu khó của một dân xứ Huế, Ba đã vực kéo gia đình đứng dậy. Một năm gia đình tôi phải di dời chỗ ở đến năm hoặc sáu lần. Do ở đậu, ở nhờ nên người ta muốn đuổi lúc nào cũng được. Rồi cộng thêm các lò mía đường nơi Ba đang làm chuyển sang kinh doanh xay xát lúa gạo nên Ba lại thất nghiệp. Lúc đó, chị em tôi định nghỉ học để nhẹ bớt gánh nặng nhưng Ba không chấp nhận. Ba nói: “Nhà mình tuy nghèo, nhưng các con thấy đó, do Ba học giỏi nên vẫn nuôi và cho các con đi học đến bây giờ. Vì thế, hãy xem Ba là tấm gương mà cố gắng học. Sau này các con sẽ có cuộc sống tốt hơn”.
Những năm chị em tôi học đại học phải sống xa nhà thì kinh tế gia đình tôi thức sự kiệt quệ. Ba và Mẹ phải ra chợ bán trái cây kiếm tiền mà gửi cho chúng tôi ăn học. Ba tôi giỏi lắm! Cả ngày ngồi ngoài chợ bán hàng, tối về Ba nhận dạy kèm môn Toán, Lý tại nhà. Sở dĩ như thế vì Ba không muốn quên kiến thức phổ thông và mong muốn kiếm thêm ít tiền để lo cho chúng tôi tốt hơn. Hằng ngày, Ba phải xâu từng chùm nhãn, chùm chôm chôm để bán. Công việc đó thường đòi hỏi sự tỉ mỉ của người phụ nữ nhưng Ba vẫn làm một cách chuyên nghiệp. Ba tôi là thế đó. Bất cứ công việc nào cũng làm được.
Nhưng có lẽ điều làm cho Ba tôi khổ tâm và nhiều đêm mất ngủ là nỗi lòng của một người con xa xứ, luôn ngóng trông về xứ Huế - nơi đó có Ba Mẹ và các em của mình. Không biết mọi người ra sao nữa, còn sống hay đã mất hết tất cả vì chiến tranh?!? Rất nhiều câu hỏi cứ luôn luôn hiện trong đầu, tra tấn Ba hằng ngày như thế. Tâm trạng đó cứ lớn dần lên theo năm tháng, nó như một cục bướu đeo mãi mãi theo Ba suốt cuộc đời. Các bạn biết đấy, dân xứ Huế rất nặng về tình cảm gia đình. Cứ mỗi đợt xuân về, đêm giao thừa là lúc Ba tôi nhớ quê hương da diết. Trong giây phút thiêng liêng này Ba luôn cầu nguyện cho gia đình ở Huế được bình an:
“Đêm đón giao thừa xứ Hồng Dân
Chợt buồn nhớ Huế dạ bâng khuâng
Ba mươi năm lẻ chưa về được
Bạn lòng ơi hỡi biết cho chăng…”

Vâng, ba mươi bảy năm, tin tức nơi quê hương gần như đã hết hy vọng! Không phải Ba không muốn tìm lại cội nguồn, bởi vì nhà nghèo quá, thêm việc nuôi chúng tôi ăn học nên không có tiền để tìm lại quê hương.
Ngày chị em tôi tốt nghiệp ra trường cũng là ngày Ba, Mẹ hạnh phúc nhất. Chúng tôi hẹn với lòng sẽ ra Huế tìm lại quê Nội thân yêu để làm món quà dâng tặng Ba. Đây cũng là nỗi lòng và nguyện vọng cuối đời của ba tôi.
Đúng ngày 01 tháng 03 năm 2011, có lẽ nhờ ơn Chúa, em gái tôi làm bên hướng dẫn viên du lịch đã tìm gặp gia đình của Ba tôi ngoài Huế. Tin tức mà ba mươi bảy năm Ba và gia đình luôn mong đợi. Nó như sét đánh, làm gia đình tôi hết sức ngỡ ngàng và bàng hoàng. Không kiềm chế được mình, Ba tôi đã bật khóc khi nói chuyện với các em ruột của mình qua điện thoại. Nước mắt của niềm vui, nước mắt của hy vọng, nước mắt của đứa con phải cách xa gia đình trong một khoảng thời gian dài tuyệt vọng, nước mắt của đứa con tội lỗi phải để cho song thân luôn ngóng chờ, nước mắt của đứa con bất hiếu khi hay tin mẫu thân đã qua đời... cứ tuôn trào, tuôn trào! Lần đầu tiên trong đời, tôi thấy Ba khóc và khóc nhiều như thế. Tôi thương Ba vô cùng!

5. Giải khuyến khích: “Nhớ Về Bố” của tác giả Maria Hoàng Thị Hồng Lam, bút hiệu Hoàng Lam

NHỚ VỀ BỐ


Thấm thoát đã bốn năm trôi, con vẫn chưa tin là Bố xa con. Bởi trong tiềm thức của con, hình ảnh Bố vẫn nguyên vẹn, Bố đang sống và dõi theo từng bước con đi. Vui với niềm vui của con và buồn với nỗi buồn của con. Con yêu Bố! Bố chính là người tuyệt vời nhất trên cõi đời này.
Mẹ mất khi con lên sáu. Thương đứa con thơ dại đã phải thiếu vắng tình mẫu tử, Bố đã bù đắp tình thương người Bố và Mẹ cho con. Con luôn tự hào về Bố. Là tổng giám đốc công ty, suốt ngày chỉ biết giấy tờ, sổ sách, máy móc… Thế nhưng, Mẹ mất, Bố đã phải “một vai hai gánh”, nhưng đã làm tốt hơn ai hết nhiệm vụ của mình mà vẫn hoàn thành nhiệm vụ ở công ty. Con đã được đón nhận từ Bố tất cả tình thương và sự chăm sóc tận tình. Bố đã rất nhạy cảm với những thay đổi trong con dù rất nhỏ. Một tiếng ho, Bố biết con đang mệt. Một giọt nước mắt, Bố biết con đang buồn. Bố săn sóc con trong từng bữa ăn và giấc ngủ. Không những thế, Bố như là vị thần linh chữa trị căn bệnh tinh thần mỗi lúc con bất an. Ngày đó, con chưa cảm nhận được Bố đau lòng thế nào khi phải chấp nhận mất đi nửa bên kia đời mình. Con đã hỏi Bố: “Mẹ đi đâu lâu thế? Mẹ không về, con không ăn và ngủ đâu!” Bố động viên con, bế con trên tay như đứa trẻ lên ba, không trả lời, không trách mắng… Bố chỉ nói: “Rồi Mẹ sẽ về với Con!”
Bốn anh em đang học. Các anh chị học xa nên ở trọ, con học gần nên ở nhà bới Bố. Bố thương chúng con lắm, đặc biệt là con! Ai cũng khen Bố là người cha tốt hiếm có. Tuy còn nhỏ, nhưng con cảm nhận được Bố hy sinh vì con nhiều lắm! Thế nhưng, Bố lại nói rằng chỉ mới được một phần thôi, Bố không thể bù đắp sự mất mát quá lớn của con. Bố làm việc cách nhà 75km, thế mà 3 giờ 30 Bố đã dậy chuẩn bị và gần 7 giờ tối Bố mới về. Lúc con thức dậy, mọi thứ đã đâu ra đấy: thức ăn, quần áo, sách vở, với một mảnh giấy nhỏ đầu gường: “Con gái ngoan của Bố, ăn cơm rồi đi học, tối Bố về với con!” Nhìn thấy Bố quá vất vả, nhiều người trong công ty khuyên Bố chuyển nhà đến gần công ty, nhưng Bố không đồng ý. Vì Bố không muốn xa căn nhà hạnh phúc của gia đình ta, và Bố còn phải thay Mẹ chăm sóc Ông Ngoại nữa. Thứ bảy và chủ nhật, Bố được nghỉ làm, nhưng Bố vẫn dậy sớm để dọn nhà và để có nhiều thời gian cho con, hai bố con đã đến thăm Ông và giúp Ông dọn nhà, ở lại ăn cơm để động viên Ông. Sau đó, câu quen thuộc mà hầu như tuần nào Bố cũng hỏi Con: “Con muốn đi đâu? Làm gì? Ăn gì?...” Con trả lời chỉ muốn ở bên Bố thôi, mắt Bố đỏ và ngân ngấn dòng lệ. Bố ôm con vào lòng và hôn con âu yếm. Dường như giọt nước mắt và nụ hôn của Bố, là khung trời tình thương bao phủ con, lòng con tràn ngập hạnh phúc. Con vui quá Bố ơi, phản ứng của con thật tự nhiên nhưng như có một sức mạnh vô hình nào thúc đẩy con, con ôm Bố chặt hơn và hôn mạnh lên gò má gầy của Bố.
Ngày tháng qua đi, Bố bận rộn với việc công. Con cũng gần như phủ kín thời gian bởi nhũng buổi học chính và ngoại khóa. Nhưng dù bận thế nào chăng nữa, Bố vẫn dành thời gian cho con, cho anh chị và làng xóm xung quanh. Vì ít có thời gian nên Bố đã nhờ cô giáo theo sát con hơn, những người xung quanh có thêm nhiệm vụ với con vì Bố nhờ. Với con, Bố mua sách tham khảo như: Những điều cần biết về tâm sinh lí, Kim chỉ nam cho học sinh… và động viên con đọc, Bố dành thời gian để tâm sự và lắng nghe con. Đáp lại những mong muốn của Bố, con đã cố gắng đọc sách và tập làm việc nhà. Bố ơi, hình ảnh Bố đang trong tim con, Bố chưa già mà tóc Bố bạc và sức khỏe giảm nhiều, bởi qua nhiều công việc Bố phải làm và nỗi lo Bố phải gánh. Hình như Bố sinh ra để làm việc và phục vụ chúng con. Từ khi Mẹ ngã bệnh đến khi Mẹ mất, ít khi con thấy Bố cười và có thời gian dành cho mình. Ngày Bố ốm, Bố không nằm mà vẫn đi làm, con thấy khuôn mặt Bố mệt mỏi, phờ phạc khác hẳn mọi ngày. Biết thế, nhưng con chưa làm gì để động viên, chăm sóc Bố. Bố không buồn con, mà vẫn một mực sống vì con, Bố đã cố gắng hết sức để con có được nụ cười và bằng bạn bè...
Ngày con đi học xa nhà, Bố đã chuẩn bị những thứ cần thiết và căn dặn con nhiều điều. Con nhớ mãi lời dặn: “Con ơi, nhớ giữ gìn sức khỏe, Bố sẽ rất nhớ con!” Lúc đó, con không dám nhìn thẳng vào mắt Bố. Ngày nào, Bố cũng gọi điện cho con, bởi trong Bố, con chưa đủ trưởng thành để Bố phó mặc tự con lo lấy. Cứ mỗi cuối tuần, tan học, con đã thấy Bố đến chờ con từ lúc nào để đón con về. Về đến nhà, Bố luôn nhắc nhở con vào chào Mẹ. Dường như từ món ăn cho đến câu chuyện, Bố cũng chuẩn bị để đem lại niềm vui cho con. Bố đã nuôi con lớn không chỉ bằng lương thực hằng ngày, mà bằng cả trái tim và sự hy sinh của Bố. Con cảm nhận được con là người hạnh phúc nhất trên đời vì con có Bố. Con đang tự tin để bước vào đời, sánh vai cùng bạn bè và chuẩn bị cho tương lai.
Thế nhưng, niềm hạnh phúc mà con tưởng chừng như sẽ không bao giờ mất ấy, lại không được bao nhiêu! Khi mà năm mới đến gõ cửa mọi nhà, mọi người vui vẻ với tiếng nói cười rộn ràng, thì với con lại là điều kinh hoàng, khủng khiếp vì Bố đã không thức dậy như thường lệ. Con lay mạnh người Bố, thét lên, nước mắt giàn giụa… Nhưng tất cả đều vô vọng, Bố không mở mắt, không nói gì nữa. Bố ơi! Bố đã vĩnh viễn xa con lúc nào trong đêm mà con không biết. Con không tin và không muốn tin sự thật phũ phàng này. Trái đất ngừng xoay, mọi thứ sụp đổ tan tành, tim con đau nhói, chân tay run rẩy, miệng không gọi Bố nữa… Tỉnh dậy, con không tin những gì đang xảy ra trước mắt, một lần nữa con lại “lực bất tòng tâm” khi phải xa người thân. Con lại phủ lên đầu mình chiếc khăn trắng của sự tang thương. Con sợ màu trắng này lắm, Bố ơi!
Giờ đây, con đang bước đi trên con đường mà con đã chọn, nhưng không có Bố! Con muốn gửi tới Bố lời cảm ơn từ tận đáy lòng con: “Bố ơi, con yêu và nhớ Bố nhiều lắm, dù không có Bố hiện diện hữu hình bên con, nhưng Con tin ở phương trời xa Bố vẫn đang nhìn và bên con. Con sẽ cố gắng sống tốt để là con của Bố. Không ai sinh ra không bởi một người Bố! Con muốn gửi tới những ai đang còn Bố: Hãy cố gắng những gì có thể, hãy thực lòng yêu và kính trọng Bố… Để không như con, giờ con muốn làm một điều cho Bố cũng không thể, dù con muốn một giây bên Bố cũng không còn nữa. Con khao khát lắm nhưng giờ không thể, Bố ơi!”
Con của Bố,

6. Giải khuyến khích: “Chút Hồi Ức Về Tuổi Thơ” của tác giả Maria Trương Thị Kim Thanh

CHÚT HỒI ỨC VỀ TUỔI THƠ


Tôi lớn lên với đất quê ruộng vườn nên kỷ niệm tuổi thơ gắn liền với đồng lúa ngô khoai. Mái nhà tranh vách tre nằm bên con đường làng, cạnh luỹ tre xanh, dưới chân núi, nơi có con sông Bồ lượn quanh, là hình ảnh tôi dán trên những trang đầu của cuốn album cuộc đời. Bởi thế, nó chìm sâu trong tâm khảm tôi.
Những hình ảnh đó gợi lên trong tâm hồn tôi về một cuộc sống yên bình, dân dã tại chốn quê nhà. Thế nhưng, tuổi thơ của tôi đã đi qua có biết bao kỷ niệm không thể nào quên! Có khi là những kỷ niệm êm đẹp nhưng cũng có thể là những tháng ngày gian khổ.
Tôi không tài nào quên được vào năm tôi lên 3 tuổi. Năm ấy, nhà tôi bị cháy trụi…
Vào một buổi trưa mùa hè, nắng nóng, ba tôi đang thổi lửa nấu ăn trong bếp bằng lá bạc hà khô, những cơn gió Lào thổi liên tục mang theo hơi nóng đã làm cho bếp lửa cháy lên rừng rực. Không cản được sức gió, như được tiếp thêm dầu, lửa cứ thế bốc cháy lên cao và như bắt gặp được một “vùng đất màu mỡ”, đám lửa trong bếp đã thiêu trụi mái nhà tranh của gia đình tôi. Cũng từ đó, ba mẹ tôi tạm thời chia cách nhau để lo kiếm sống, nuôi con. Ba tôi mang theo tôi vào thành phố Huế sống, còn em gái tôi theo mẹ ở lại quê nhà, sống ở nhờ nhà bà ngoại tôi.
Bây giờ, tôi ngẫm nghĩ lại những tháng ngày cùng với ba tôi bôn ba khắp vùng đất Cố Đô, tôi mới cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã được cùng với ba mình trải qua những ngày tháng vất vả gian khổ, mai đây mốt đó… Tối đâu cũng là nhà, ngả đâu cũng là giường.
Ba tôi xin được một việc làm tại nhà máy bia Huda Huế, ngày ngày đi làm ba tôi đều chở tôi ngồi sau chiếc xe đạp. Dù làm ở bất cứ nơi đâu, đi đến nơi nào, ba tôi đều đem tôi theo, như hình với bóng, chăm lo cho tôi từng li từng tí một như người mẹ thật thụ. Vì thế mà trong khoảng thời gian đó, tôi sống xa mẹ nhưng có lẽ ba tôi đã làm cho tôi vơi đi nỗi nhớ mẹ! Từ cái áo, cái quần tôi mặc, ba tôi đều chở tôi qua chợ Đông Ba để chọn lựa và mua. Rồi lo tắm rửa, giặc giũ cho tôi, ba tôi làm một cách kỹ lưỡng và thật chu đáo! Có thể nói trong khoảng thời gian đó, ba tôi dốc hết toàn tâm, toàn lực để lo làm việc và chăm sóc, yêu thương tôi rất nhiều.
Đặc biệt nhất, tôi không thể nào quên được những đêm phải cùng ba tôi ngủ ngoài đường phố, lúc thì đến hành lang nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Huế, có lúc lại ngủ trước cửa nhà thi đấu bên đường. Mặc cho gió lạnh, đêm khuya, ba tôi luôn cố gắng ru tôi giấc ngủ bằng những câu chuyện... Nhà ông bà nội tôi cũng ở Huế, nhưng tôi không hiểu tại sao ông bà tôi lại không đón nhận bố con tôi vào ở trong nhà, có thể vì lý do nào đó mà đến nay tôi vẫn không hiểu hết được. Mỗi đêm, ông bà nội tôi chỉ cho hai bố con tôi trải chiếu và treo mùng ngủ trước hiên nhà, đến sáng sớm lại phải thu dọn mùng màn để đi. Tôi nghĩ lúc đó mình còn nhỏ nên tôi sống quá hồn nhiên, vô tư không biết đến khó khăn là gì? Cũng không biết được ba tôi đã khổ đến chừng nào khi phải cảnh “gà trống nuôi con như vậy”. Ba tôi luôn tạo cho tôi niềm vui, được đầy đủ, vui chơi thoải mái để tôi bớt nhớ mẹ hơn và để ba tôi yên tâm làm việc.
Cuối cùng, ba tôi cũng xin được trọ trong nhà của người khác, gần chỗ làm việc, nhưng cũng không có phòng ở riêng, chỉ xin trọ qua ban đêm thôi. Cả ngày ba tôi đi làm, đem theo tôi, ăn ngủ cả ngày ở nhà máy. Tối đến thì về chỗ trọ, lại phải ngủ ngoài hành lang. Có đêm, trời mưa to, chỗ ngủ bị dột nước, hai bố con phải thức giấc kéo giường xê dịch lui tới để tránh chỗ ướt. Thời gian cứ thế trôi qua…
Khoảng ba tháng sau, mẹ tôi mang theo em gái tôi từ nhà quê lên thành phố để tìm hai cha con tôi và cùng trở lại quê nhà, làm lại một ngôi nhà mới thay ngôi nhà đã bị cháy và sống ở mảnh đất Sơn Quả đó cho đến hôm nay.
Thời gian trôi qua thật nhanh, tuổi thơ đã đi vào qua khứ của tôi nhưng đó là quãng thời gian mà tôi cảm thấy hạnh phúc nhất và sống mãi trong lòng tôi, khi tôi được cùng sát cánh bên ba mình trong cuộc sống. Tôi cũng cám ơn Chúa đã sắp đặt cho tôi cuộc sống như vậy, để tôi được lớn lên trong tình thương yêu của ba mình.

III. Thể loại Video Clip/PowerPoint:

1. Giải Nhất: “Ba Ơi, Ba Là Tất Cả” của tác giả Maria Nguyễn Bảo Thư.

2. Giải Nhì: “Bàn Tay của Bố” của tác giả Lucia Nguyễn Quỳnh Như.

3. Giải khuyến khích: “Công Lao của Cha” của tác giả Tu sĩ Giuse Hoàng Đình Quang.


 
Văn Hóa
Định sẵn
Lm Vũđình Tường
05:05 28/05/2011
Ba ra vườn chặt hai nhánh tre gai đặc, vừa tay cầm, to bằng chiếc đũa, thẳng tắp. Nước da tre vàng óng chứng tỏ nó dầy dạn sương gió. Cành tre đủ tuổi, không non quá, cũng không già quá. Như thế sức giẻo dai hẳn tuyệt vời. Đúng thế, để thử sức giẻo của nó Ba cầm nhánh tre giữa hai cánh tay rồi nhanh nhẹn bật cong lại. Nhánh tre cong tròn như cạp nón. Hai đầu gần sát nhau thế mà nó vẫn không gẫy. Ba hài lòng với chọn lựa của mình. Thực ra Ba đã ướm thử, ngắm nghía lâu lắm mới quyết định chặt hai nhánh tre. Muốn chắc ăn hơn Ba vung cánh tay vút mạnh vào không khí. Tiếng gió rít lên vun vút nghe rợn tóc gáy. Quất thử hai ba lần nữa. Lần nào tiếng nó cũng xé không khí tạo ra tiếng rít khô khan như thế. Ba gật gù tỏ ra vừa ý với hai roi tre vừa mới chặt. Tay trái cầm hai roi tre; tay phải cầm dao thủng thỉnh bước vào nhà, mặt trầm ngâm không nói gì nhưng nét tức giận hằn lên mặt. Thỉnh thoảng hai bên thái dương nhảy lên làm cho khuôn mặt thêm dữ dằn, cơn giận dường như lùng bùng, sôi sục trong đầu. Để hai roi tre nằm song song trên mặt bàn Ba cầm cái xe điếu rút một điếu thuốc. Bình thường Ba không hút thần tốc như thế nhưng hút từ từ để cho thuốc còn kịp cháy. Hôm nay Ba hút mạnh thọt lõ điếu. Hút xong điếu thuốc thì thuốc cũng cháy hết lọt tỏm khỏi lõ. Thái độ bất thường đó biểu lộ một tấm hồn bất thường, bực dọc tận đáy lòng. Bực bội đến độ làm gì cũng nóng giận. Nóng giận với cả điếu thuốc lào. Từ lúc nghe câu chuyện đến giờ Ba không làm được việc gì càng làm cho nỗi bực tăng thêm.

Nguyên nhân

Ba quyết định phải đánh thằng con trời đánh một trận cho nó nhớ đời. Vì nó làm nhục, bại hoại gia phong, làm cho Ba mất mặt với mọi người trong chòm xóm. Ba quyết tâm chắc nịch như thế sau khi nghe người hàng xóm nói thằng con trời đánh kia trốn học, lông bông ngoài chợ cùng với hai đứa nữa mà bà không biết con nhà ai. Nghe xong chuyện Ba hỏi lại.

- Chị có chắc là cháu không?

- Sao lại không. Nó chào tôi hẳn hòi mà.

- Nó còn dám chào chị à. Bỏ học đi chơi, gặp người quen mà còn chào hỏi thì thằng này hết thuốc chữa.

Chị thêm dầu.

- Con nít bây giờ ra khỏi nhà thì hết kiểm soát.

Ba gằn giọng.

- Hết hay còn thì chiều nay nó sẽ biết.

Người hàng xóm ra về. Cơn giận của Ba bùng lên đến tột đỉnh. Nuôi con ăn học. Tin tưởng nó. Nào ngờ nó trốn học đi chơi. Không đánh cho một trận nên thân thì còn chờ dịp nào nữa. Nghe chuyện chị Ba cũng buồn lắm, lúc đầu chị bạo miệng xúi chồng đánh con cho nó khỏi hư. Bây giờ chị hối hận vì nhìn thấy thái độ bực dọc của chồng. Nhìn cánh tay chắc nịch, liếc sang hai cái roi tre gai màu vàng nằm sẵn trên bàn, chị tưởng tượng ra những cái quất kia sẽ xé nát da đứa trẻ. Chị phân vân giữa lên tiếng ngăn cản chồng nhẹ tay một chút và im lặng để chồng dậy con. Không biết phải hành xử ra sao. Lời chị phụ nữ hàng xóm cho biết nó trốn học đi lêu lổng ngoài chợ là điều không thể bỏ qua. Hơn nữa còn lên tiếng chào chị thì không thể là nhìn lầm được. Đích hẳn là nó, không còn ai khác nào nữa. Nói sao bây giờ. Chị vừa lên tiếng, ậm ừ chọn lựa câu nói ngăn cản. Ba dường như đọc được ý nghĩ thầm kín kia lên tiếng.

- Tôi đã quyết tâm, không cần phải bao che cho nó.

Chị biết chiều nay con chị sẽ rất đau đớn. Chưa bao giờ chồng chị giận đến độ chính tay lựa hai cây roi tre gai như hôm nay. Những lần trước buồn bực với con Ba luôn bắt chúng ngồi nghe giảng giải, nhưng lần này coi bộ là hành động chứ không phải là giảng giải, cắt nghĩa hơn thiệt nữa.

Nhìn hai cây roi chị nghĩ đánh nát một cây, con cũng đủ tởn tới già, đàng này tới hai cây liệu nó có khỏi què quặt mang tật không đó. Chị mang ý nghĩ đó nói với chồng. Nhẹ nhẹ tay dậy bảo con cái, chứ mạnh tay con mang tật thì khốn.

Ba nói giọng bực dọc.

- Nó què thì nuôi báo cô còn hơn để họ đến nhà mắng vào mặt tao.

Biết có nói thêm cũng bằng thừa, chỉ thêm dầu vào lửa. Hai chữ mặt tao cho biết Ba không còn đủ bình tĩnh, lịch sự nữa. Im lặng đi thì hơn vì Ba đã quyết. Chị đành im lặng biến sau bức màn gió. Biết không thể cản được chồng đánh con nên chiều nay chị tìm cách lánh mặt để khỏi phải nghe tiếng thét, rên la đau đớn của con. Nếu ở nhà hẳn chị cùng khóc chung với nó. Chị không thể nào dằn lòng nhìn thấy con quằn quại vì roi đòn.

Vô trách nhiệm

Càng chờ cho con đi học về nỗi bực càng tăng và có lẽ những roi đòn quất xuống thân thể nó cũng quyết liệt hơn. Nhìn thái độ của Ba ai cũng có thể đoán ra là trong ông nóng như lòng núi lửa. Một khi núi lửa nhả khói phun ra nó sẽ nuốt trửng bao căn nhà quanh nó, đốt rụi rừng gần bên và thiêu khô vùng đất nó đi qua. Thằng con trời đánh chiều nay sẽ là nạn nhân của cơn nóng giận đó. Đánh cho hả giận, cho bớt nhục, bớt bực vì yêu, vì hy sinh bị lừa gạt.

Người phụ nữ hàng xóm đến méc Ba không hề quan tâm đến hậu quả của việc chị làm. Chị là người buôn điều trong xóm. Thấy điều gì chị phải tìm nói cho người khác ngay. Nếu để trong lòng chị không thể chịu được. Chị phải là người đầu tiên biết chuyện. Ai biết trước chị người đó có lỗi vì chị sẽ hằn học, bực bội với họ. Tại sao lại biết trước chị. Chị phải là người đầu tiên biết chuyện, sau đó ai biết cũng được nhưng chị phải là người đầu tiên. Có như thế chị mới hài lòng. Hôm nay thì chuyện chị biết làm hại đứa nhỏ. Nó trở thành nạn nhân mà chị không hề lưu tâm. Chị chỉ biết nói xong việc chị nhìn thấy. Hậu quả rao sao chị không cần biết tới. Đó không phải là việc của chị.

Nhìn đồng hồ, giờ tan học vừa tới Ba ra đứng tựa cửa mong thằng con về. Cơn bực nằm sẵn trong người tăng vọt lên vì hôm nay nó về trễ hơn mọi khi. Nhìn lại đồng hồ, đúng thế trễ gần mười phút rồi mà vẫn chưa thấy bóng dáng nó. Lời tố cáo của chị sáng nay càng xác tín hơn, không thể sai vào đâu được vì rõ ràng nó về trễ hơn ngày thường. Nếu tan học ra về ngay thì không thể trễ lâu như thế. Lêu lổng ngoài chợ còn biết giờ giấc gì. Không thể biện hộ, chối cãi. Cứ suy luận như thế nỗi bực dọc càng tăng, càng giận, càng tức hơn. Ba quanh ra quẩn vào đến lần thứ tư mới thấy thằng con trời đánh ló dạng. Nó về trễ đúng nửa tiếng. Trông thấy mặt con, cánh tay đã muốn vung lên nhưng Ba chưa vội còn tra hỏi vài câu cho có lệ rồi mới tính.

- Mày đi đâu giờ này mới về?

- Dạ con đi chơi với bạn nên về trễ.

- Đi với bạn từ sáng tới giờ phải không?

- Dạ không phải, tan học con mới đi.

Người con vừa trả lời vừa tháo cái cặp thảy xuống nền nhà.

- Mày thảy cái cặp vào mặt cha mày đấy à?

Thằng nhỏ đứng chết tại chỗ không hiểu cha nó sao hôm nay mặt đằng đằng sát khí như thế. Nó chưa kịp trả lời. Cha nó không cầm được cơn giận. Ba điên tiết giơ thẳng tay quất đứa nhỏ tới tấp. Tiếng rít của roi, tiếng thét của đứa nhỏ, tiếng rên đau đớn càng làm Ba hăng máu. Ba quất mạnh hơn, nhanh hơn, tới tấp hơn. Đứa nhỏ ngã gục trên nền nhà, toàn thân co quắp vì đau đớn. Chiếc roi tre vung lên, quất xuống tạo nên tiếng vun vút. Mỗi lần như thế thân thể thằng nhỏ lại có một vết lằn. Sau hàng chục lần vung tay như thế trán Ba vã mồ hôi, cánh tay mỏi, người run lên, mặt xám đen, gân cổ phập phồng chứng tỏ Ba bị cơn giận hành hạ đến nghẹt thở. Tức quá, giận quá làm con tim nhảy loạn xạ. Lúc Ba ngừng lại thì đứa nhỏ đã mềm đòn. Cơn giận điên khùng kia điều khiển con người Ba. Dẫu mệt Ba vẫn quát tháo cho đứa nhỏ nằm xuống giường. Đứa nhỏ hành động như đứa mất hồn. Nó gồng hết sức lấy hai tay đỡ thân và hai chân đẩy đẩy lết về phía giường. Chỉ từ cửa bò lết vào giường mà nó phải nhích mãi, nhích mãi mới tới. Thân hình nó vừa nằm gọn trên giường Ba chồm đến chấp cả hai cây roi lại quật tới tấp. Những roi đầu nó còn giẫy. Những roi sau nó nằm yên bất động.

Hả cơn giận Ba khệnh khạng như người say vịn thành giường xuống bếp. Thả người ngồi phịch trên chiếc ghế cũ, dính tro than. Ba ngồi gục đầu, hai tay bụm mặt trên chiếc ghế rít lên từng cơn đau đớn. Trên nhà đứa con nằm khóc, không dám nhúc nhích vì cơn đau hành hạ. Dưới bếp cha nó cũng khóc, cũng đau khổ không kém. Nơi đâu gần đó có lẽ bà mẹ cũng đứng ngồi không yên. Tưởng tượng ra những roi đòn của con và có lẽ cũng rướm nước mắt.

Một tuần sau thằng nhỏ không đi học được vì những roi đòn chỗ bầm tím, chỗ sưng vù. Nhà trường gởi giấy về báo cho phụ huynh biết sự vắng mặt không phép. Người vợ lén chồng lên trường xin phép cho thằng nhỏ nghỉ vì bệnh. Ông hiệu trưởng gặn hỏi mãi chị mới chịu khai thật nó bị ba đánh đòn vì tội trốn học. Thầy giám thị được mời lên với tập hồ sơ và thẻ hạnh kiểm của nó. Mẹ nó khai nó trốn học, có người làm chứng trông thấy. Thầy giám học với sổ sách trong tay cho biết nó là học trò ngoan, không hề trốn học. Thầy hiệu trưởng hai tay bụm đầu không biết tin ai. Tra hỏi kĩ lưỡng mới rõ ngày đó nhà trường cho phép học sinh, từng nhóm nhỏ ra chợ khảo giá hàng làm bài học môn kinh tế.

Chị vợ về nói với chồng nhà trường gởi lớp chúng nó ra chợ tìm tài liệu để làm bài cho môn học kinh tế. Chị hàng xóm thấy nó ngoài chợ, không biết ất giáp gì nghĩ là nó trốn học đi lang thang ngoài chợ về nhà méc ông bố. Ông bố nghe có người nói con mình trốn học nổi doá đánh con mà không cần thẩm vấn. Cuối cùng đứa nhỏ cũng không biết tại sao bố giận đánh con như đánh kẻ thù.

Tỉnh mộng

Cuối tuần đó Ba đi lễ nghe bài Phúc Âm Đức Kitô cho Lazarô sống lại từ cõi chết có câu:

Từ ngày đó, họ quyết định giết Đức Kitô Gn 11,53

Nghe câu này Ba đang mơ mơ, tỉnh hẳn người lại. Họ quyết định giết Đức Kitô. Như thế bản án dành cho Đức Kitô đã rõ, dù Ngài làm sai, làm đúng gì thì cũng phải chết bởi vì những nhà lãnh đạo đã quyết làm điều đó. Ba tỉnh người không phải vì tình yêu dành cho Đức Kitô mà chính là thái độ định sẵn của các lãnh tụ, những người cầm quyền bính trong tay. Ba thấy mình chính là một trong những người hành xử như họ khi đối xử với đứa con trong gia đình. Không cần biết, không tra vấn cẩn thận, chỉ hỏi qua loa ba chuyện cho có để rồi xả cơn giận xuống trên thân thể gầy còm của con. Ba đã quyết định từ lúc tìm dao đi chặt nhánh tre. Cố tìm cho được nhánh tre giẻo dai tạo thêm đau đớn, gây thêm nhức nhối cho người con. Mọi sự đã được quyết định trước. Người con có giải thích thế nào cũng bị ăn đòn. Càng cố giải thích càng ăn đòn nặng. Tốt hết là cắn răng chịu đau, chịu hàm oan.

Bây giờ Ba hiểu rõ con người có thể rất tàn nhẫn với người mình thương mến. Chính Ba đã hành động tàn ác với con ruột mình. Thương con đến độ đánh cho nó nhừ đòn. Hầu như quyết định hay bản án nào định trước đều có những hậu quả khó lường bởi bản án đó được hướng dẫn bởi lí trí mà gạt bỏ mọi tình cảm yêu thương sang một bên. Hành động theo lí trí thường cứng rắn. Thân xác con người nhẹ nhàng, mềm dẻo đụng phải lí trí cứng rắn, không sứt cũng mẻ.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org