Ngày 25-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật
Lm. Minh Anh
04:40 25/05/2022
CHƯA SẴN SÀNG ĐỂ CHẤP NHẬN MỘT THỰC TẾ, MỘT SỰ THẬT

“Thầy còn nhiều điều phải nói với các con; nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi!”.

Aiden Wilson Tozer nói, “Sự thật không được sử dụng sẽ trở nên vô dụng như một cơ bắp không được sử dụng. Một gram ứng dụng có giá trị bằng một kilogram trừu tượng! Trong cuộc sống, nhiều người ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật’ về cuộc đời, về Thiên Chúa và về con người. Kết quả, họ sống trên mây!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Dẫu không nói đến những người “sống trên mây”, nhưng thật thú vị, Lời Chúa hôm nay nói đến các tông đồ, những con người ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật!’. Chúa Giêsu cho biết, họ còn phải đợi “Thần Khí Sự Thật”. Nhưng sự thật đó là gì? Thực tế đó là gì?

Trước hết, đó là thập giá của Chúa Giêsu. Phải, các tông đồ chưa được chuẩn bị đủ để có thể chấp nhận thập giá của Thầy; vì chỉ một vài giờ ngắn ngủi sau khi Ngài nói những lời này, tất cả họ sẽ bỏ Thầy mà chạy! Thứ hai, thực tế đó còn là một mối quan hệ, phải chăng mối quan hệ của họ với Thầy mình còn quá hời hợt! Thứ ba, thực tế đó còn là một trạng thái tâm hồn; phải chăng trong họ, những vướng bận thế tục đang giăng mắc! Cũng thế, trong đời sống thiêng liêng của chúng ta, chúng ta thấy việc nên thánh, nên giống Chúa Giêsu, còn quá xa vời. Phải chăng, chúng ta ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật!’. Chúng ta có thể biện minh cho bản thân hoặc sự thờ ơ của mình bằng bất kỳ lời an ủi tâm lý nào; và có thể tự thuyết phục mình rằng, tôi không hoàn toàn tệ như vậy. Nhưng có lẽ tôi đã ‘diễn xuất’ một cách xuất sắc rằng, tôi làm mọi sự một cách chu tất; nhưng thực ra, với rất ít niềm tin và sự chân thành!

Kitô hữu được mời gọi sống trong sự thật, sự thật Thiên Chúa quá yêu thương tôi, Ngài cứu chuộc tôi; sự thật đó còn là tội lỗi của tôi, tôi phải đề phòng một tinh thần giả dối! Đừng quên, một điều giả dối nhỏ nhất trong cuộc sống vẫn có thể huỷ diệt toàn bộ hoạt động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta đang sống trong một thế giới mà sự thật được coi là ‘điều cấm kỵ’; nó cần được ‘đóng gói’ cho ‘hấp dẫn’ hơn! Tuy nhiên, không nỗ lực giả dối nào, cuối cùng, có thể thắng thế, cũng không một bóng tối nào có thể ngăn cản chùm tia sáng nhỏ nhất! Chúa Thánh Thần đang nói cho thế giới rằng, sự thật chỉ đến từ Chúa Kitô; chỉ Ngài mới có khả năng mang lại bình an và niềm vui thực sự cho con người, khi mọi ảo tưởng, ảo giác đều phải rơi rụng!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy một thực tế tương tự nơi những người “kính thần vô danh” thành Athêna. Họ thờ những vị thần mà họ không biết. Khi Phaolô nói cho họ sự thật, họ lại chế giễu và bỏ đi. Họ ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật’. Sự thật đó là Chúa Kitô, Đấng Chúa Cha sai đến; Đấng Cứu Độ thế giới, đã chết và sống lại để làm chứng cho sự thật. Sự thật đó là Thiên Chúa yêu thương thế gian, ai tin vào Con Ngài thì được cứu độ; sự thật đó là “Trời đất rạng ngời vinh quang Chúa” như lời Thánh Vịnh đáp ca tuyên xưng.

Anh Chị em,

“Thầy còn nhiều điều phải nói với các con; nhưng bây giờ, các con không có sức chịu nổi!”. Nếu chưa thực sự mở cửa trái tim cho quyền năng và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần, chúng ta không có sức hiểu nổi Chúa Giêsu; và có thể biết chắc rằng, chúng ta ‘chưa sẵn sàng để chấp nhận một thực tế, một sự thật’ về Ngài, cũng như về chính con người mình. Chúng ta không thể hiểu những gì Chúa muốn cho mình; và Ngài không thể biến đổi chúng ta một điều gì. Một suy nghĩ đáng sợ, là khi Chúa Thánh Thần chưa ‘hoàn toàn nhập vai’ một ai đó, người ấy sẽ bị bỏ lại trong bóng tối. Và, buồn hơn, người ấy thậm chí sẽ không nhận ra mình đang ở trong bóng tối! Lời Chúa mời gọi tôi tự hỏi, phải chăng, tôi đã làm bao việc chỉ để được khen ngợi? Tôi có đủ khả năng đứng vững với niềm tin khi đối mặt với sự hiểu lầm, chế giễu của thế gian?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đến! Vì chỉ có Chúa mới có thể hoán cải trái tim con, hầu con có thể sống trong sự thật, một điều cả Chúa, cả người luôn mong ước!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Hãy lắng nghe bằng con tim
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
04:45 25/05/2022
Hãy lắng nghe bằng con tim

Lễ Thăng Thiên

Lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo Hội chọn làm ngày Quốc tế Truyền thông. Ngày nay, các phương tiện truyền thông, các trang mạng xã hội phát triển rất nhanh. Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Chủ đề của Ngày Thế giới Truyền thông lần thứ 56 năm nay là “Hãy lắng nghe bằng con tim”.

Lễ Thăng Thiên kính nhớ việc Chúa Giêsu “lên trời”, được cử hành vào ngày thứ 40 sau Lễ Phục Sinh (x. Mc 16, 19-20; Cv 1,1-11).

Sự kiện Chúa Giêsu thăng thiên đánh dấu việc Người trở về “nơi” mà Người đã hiện hữu trước khi nhập thể (x. Ga 3,13). Lễ này nói lên việc nhân tính của Người tiến vào trong vinh quang của Thiên Chúa một cách vĩnh viễn (x. Ga 16,28; 17,5). Nó đánh dấu sự kết thúc sứ mệnh hữu hình của Chúa Giêsu ở trần gian và khởi đầu sứ mệnh của Giáo Hội. Vào chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã được tôn vinh, được siêu thăng và “ngự bên hữu Chúa Cha” trong thân xác vinh quang của Người rồi. Tuy nhiên, theo trình thuật của Thánh Luca, sau khi phục sinh, Chúa Giêsu còn hiện ra nhiều lần với các môn đệ trong khoảng thời gian 40 ngày. Đây là thời gian Chúa Giêsu dùng để khẳng định sự Phục Sinh của Người, củng cố niềm tin của các môn đệ, hoàn tất việc giảng dạy và sai các ông đi rao giảng Phúc Âm.Với biến cố thăng thiên, Chúa Giêsu không còn hiện diện trong thân xác hữu hình như trước kia, nhưng Người vẫn hiện diện với Giáo Hội cho đến ngày tận thế (x. Mt 28,20) theo phương cách mới - theo quyền năng của Chúa Thánh Thần, với tư cách là Chúa của vũ trụ (x. Pl 2,10-11). (x.Tiểu ban Từ vựng – UBGLĐT/HĐGMVN).

Chúa lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha. Theo Thánh Kinh, ngự bên hữu nghĩa là đồng hàng trong danh dự, phẩm vị và quyền năng. Chúa Giêsu lên trời sau khi hoàn tất công cuộc cứu độ. Người lấy lại vinh quang, uy quyền và danh dự của một Thiên Chúa đồng hàng với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Người lấy lại những sự ấy là vì đã tự nguyện trút bỏ nó khi vào trần gian để thực thi chương trình cứu độ. “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2,6-7).

Chúa lên trời vì Người đã từ trời xuống: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng từ trời xuống” (Ga 3,13). Mầu nhiệm Chúa lên trời minh chứng cho nguồn gốc thần linh của Đức Kitô. Người không phải là phàm nhân được tôn lên hàng thần thánh. Người chính là Thiên Chúa có từ đời đời và mọi sự, mọi loài nhờ Người mà được hiện hữu. “Lúc khởi đầu đã có Ngôi Lời. Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, và Ngôi Lời là Thiên Chúa...Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Người thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1,1-3).

Chúa lên trời với cung cách hiện diện mới, trao sứ vụ cho các Tông đồ và Giáo hội tiếp nối con đường hiệp hành “con đường Giêsu” để thực thi sứ mạng loan báo Tin mừng yêu thương.

1. Hiện diện mới

Chúa Giêsu đã tiên báo với các môn đệ: “Thầy đến cùng Chúa Cha”. Lời này được lập lại 7 lần trong khung cảnh tiệc ly (x.Ga 14, 12.28; 16, 5.10.28; 17,11.13), đến nỗi trong số các môn đệ tự hỏi lời nói đó có ý nghĩa gì (Ga 16,17). Đối với Chúa Giêsu, Người không đi đến một nơi nào khác, nhưng Người đến với một người, đó chính là Chúa Cha. Chúa Giêsu coi cuộc sống ở trần gian và những hoạt động của mình như một hành trình đi đến với Chúa Cha, như một cuộc về trời với Chúa Cha. Khi hiện ra với Maria Madalena, Chúa Phục Sinh nói: “Đừng giữ Thầy lại, vì Thầy chưa lên cùng Chúa Cha. Nhưng hãy đi gặp anh em Thầy và bảo họ: Thầy lên cùng Cha của Thầy, cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy, cũng là Thiên Chúa của anh em (Ga 20,17). Như thế, Gioan không kể về việc “lên cùng Chúa Cha” như một “nơi chốn”, Người không đến một nơi chốn (trời), nhưng đến với một người, đó chính là “Cha của Người và cũng là Chúa của anh em”.

Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt.Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới. Các lời nguyện và Kinh Tiền Tụng của lễ Thăng Thiên cũng chứa đựng ý nghĩa này: “Người lên trời không phải để lìa xa chúng con là những kẻ yếu đuối, nhưng vì là đầu và là Thủ Lãnh, nên Người đã đi trước, để chúng con là những chi thể của Người vững một niềm tin tưởng cũng sẽ được lên theo”.

Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.

Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người. Chúa Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23). Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này, Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5).

2. Trao Sứ Vụ

Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống, dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

3. Truyền thông và hiệp hành

Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông.Toàn thể dân Chúa khắp nơi đang tích cực thực hiện tiến trình của Thượng Hội Đồng Giám mục thế giới lần thứ 16 vào năm 2023, bắt đầu từ cấp giáo phận, với chủ đề: “Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành: hiệp thông – tham gia – sứ vụ”. Để có được lối sống hiệp hành như thế, cần làm ba việc như Đức Kitô phục sinh đã làm đối với hai môn đệ trên đường Emmaus (x. Lc 24, 13-35). Trong bài giảng khai mạc Thượng Hội Đồng (10/10/2021), Đức Thánh Cha Phanxicô đã chỉ rõ có 3 việc cần làm là: Gặp gỡ trực tiếp; Lắng nghe và Phân định. Chúa Giêsu đã lắng nghe bằng con tim, với thái độ bình tĩnh và kiên nhẫn. Chúng ta cần lắng nghe Chúa và lắng nghe nhau.

Trong sứ điệp Truyền thông năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh những điểm quan trọng: lắng nghe bằng con tim, lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt, và lắng nghe trong Giáo hội.

a. Lắng nghe là điều kiện giao tiếp tốt

Lắng nghe là bước đầu tiên không thể thiếu của đối thoại và giao tiếp tốt. Người ta không thể làm truyền thông nếu không lắng nghe trước và không thể trở thành một nhà báo tốt nếu không có khả năng lắng nghe. Hơn thế nữa, cần phải lắng nghe nhiều nguồn để có độ chính xác của thông tin muốn truyền tải. Và điều đặc biệt là phải lắng nghe kiên nhẫn, điều này không dễ, như Đức Hồng Y Agostino Casarli, một nhà ngoại giao lớn của Toà Thánh đã nói về “tử đạo của kiên nhẫn”. Đối với Đức Hồng Y, trong các cuộc đàm phán cần lắng nghe và được lắng nghe kiên nhẫn để đem lại lợi ích tốt nhất có thể trong điều kiện tự do bị giới hạn.

b. Lắng nghe trong Giáo hội

Đức Thánh Cha mời gọi trong Giáo hội, mọi người cần phải lắng nghe người khác và lắng nghe nhau, vì đây là món quà quý giá nhất mà các tín hữu có thể dành cho nhau. Và điều này phải được thể hiện cụ thể trong hoạt động mục vụ, như Thánh Tông đồ Giacôbê khuyên: “Mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói” (Gc 1,19). Dành thời gian để lắng nghe người khác là cử chỉ đầu tiên của bác ái.

Hướng đến tiến trình hiệp hành của toàn thể Giáo hội đang thực hiện, Đức Thánh Cha mời gọi: “Chúng ta hãy cầu nguyện để đây là một cơ hội tuyệt vời cho mọi người lắng nghe nhau. Thực tế, hiệp thông không phải là kết quả của các chiến lược và chương trình, nhưng được xây dựng trong sự lắng nghe nhau. Như trong một dàn hợp xướng, sự hiệp nhất không đòi hỏi phải giống nhau, đơn điệu nhưng là sự đa dạng của các giọng khác nhau. Mỗi người khi hát cần lắng nghe người khác để tạo nên sự hoà hợp tổng thể. Sự hoà hợp các giọng ca là ý tưởng của nhà soạn nhạc, nhưng hiện thực nó thì phụ thuộc vào mỗi giọng ca. Trong Giáo hội, Thánh Thần là nhà soạn nhạc.

Truyền giáo là truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1Ga1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông Công Giáo.Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông Công Giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.

Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích tín hữu vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng: “Ngay từ khi internet lần đầu tiên xuất hiện, Giáo hội luôn tìm cách thúc đẩy việc sử dụng nó để phục vụ cho sự gặp gỡ giữa mọi người và cho sự đoàn kết giữa tất cả mọi người” (Sứ điệp Truyền thông 2019).

Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông 53, Đức Thánh Cha Phanxicô ghi nhận tầm quan trọng và sự lan rộng của internet và các mạng xã hội trong đời sống con người ngày nay. Đó là nguồn kiến thức và những tương quan giữa con người với nhau. Tuy nhiên, cũng không thiếu những khía cạnh tiêu cực do các mạng xã hội. Đó là nơi dễ bị những tin tức giả mạo và xuyên tạc xâm nhập và lan tràn; các dữ kiện cá nhân nhiều khi bị lèo lái để mưu những lợi lộc về chính trị hoặc kinh tế, không tôn trọng nhân vị và các quyền của họ. Sứ điệp cũng cảnh giác chống lại sự tự cô lập qua các mạng xã hội, có hiện tượng những người trẻ trở thành “những ẩn sĩ xã hội”, trở nên hoàn toàn xa lạ với xã hội chung quanh.(x.vaticannews.va/vi).

Nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại này, Người sẽ dùng internet để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền thông đầu tiên, vĩ đại, đại tài vì sứ điệp của Người là Tin Mừng, là tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu có mạng lưới gồm các Tông đồ thông truyền Tin Mừng cho nhân loại. Qua các môn đệ,Tin Mừng được loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.Chúa Giêsu không có các phương tiện hiện đại, Người có các Tông đồ, các môn đệ, các thế hệ nối tiếp nhau như mạng lưới phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.

Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ lắng nghe nhau trong xây dựng yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay.

Cảm tạ Thiên Chúa đã ban những phương tiện truyền thông hiện đại. “Truyền thông, dù ở đâu và bằng cách nào, cũng mở ra những chân trời rộng lớn hơn cho nhiều người. Đây là quà tặng của Thiên Chúa kèm theo một trách nhiệm lớn lao”; “Internet có thể được sử dụng một cách khôn ngoan để xây dựng một xã hội lành mạnh và mở ra để sẻ chia” (Sứ điệpTruyền thông 50).

Ước mong mỗi người tín hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự lắng nghe bằng con tim và tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, để góp phần cổ võ nền văn hóa gặp gỡ và tích cực loan báo tin vui bình an yêu thương.
 
Chứng nhân bác ái - Phương thế truyền giáo hữu hiệu
Lm. Đan Vinh
04:54 25/05/2022

CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN C
Cv 1,1-11; Ep 1,17-23; Lc 24,46-53
CHỨNG NHÂN BÁC ÁI – PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỮU HIỆU

I. HỌC LỜI CHÚA

1.TIN MỪNG : Lc 24,46-53

(46) Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ và bảo : “Có lời Kinh thánh chép rằng : Đấng Ki-tô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại. (47) Và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. (48) Chính anh em là chứng nhân của những điều này”. (49) Và đây, chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa. Còn anh em, hãy ở lại trong thành, cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống. (50) Sau đó, Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a, rồi giơ tay chúc lành cho các ông. (51) Và đang khi chúc lành, thì Người rời khỏi các ông và được rước lên trời. (52) Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giê-ru-sa-lem, lòng đầy hoan hỷ, (53) và hằng ở trong Đền thờ mà chúc tụng Thiên Chúa.

2. Ý CHÍNH :

Tin mừng hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su sau khi phục sinh đã hiện ra với các môn đệ vào chiều ngày Thứ Nhất trong tuần, nhằm mục đích dạy các ông hiểu Người trải qua cuộc tử nạn và phục sinh đúng như lời Thánh kinh, và các ông có bổn phận làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe ấy. Người cũng hứa sẽ ban Thánh Thần đến giúp đỡ các ông. Sau đó, Đức Giê-su lên trời đang khi giơ tay chúc phúc cho các ông ở gần làng Bê-ta-ni-a. Rồi các ôing trở về Giê-ru-sa-lem cầu nguyện tại nhà Tiệc Ly để chuẩn bị đón nhận ơn Chúa Thánh Thần.

3. CHÚ THÍCH :

- C 46-48 : + Khi ấy Đức Giê-su hiện ra với các môn đệ : Về con số môn đệ được chứng kiến việc Chúa Giê-su lên trời thì Tin mừng Lu-ca không nêu rõ, đang khi Tin mừng Mát-thêu và Máccô nói là 11 ông (x Mt 28,16; Mc 16,15). Về nơi Chúa lên trời thì các tác giả không thống nhất: Lu-ca cho biết ở gần làng Bê-ta-ni-a (x Lc 24,50), Mátthêu xác định là xứ Ga-li-lê, tại quả núi đã được Người chỉ định trước (x. Mt 28,16). Sách Công vụ thì cho biết Đức Giê-su lên trời tại núi Ô-liu gần thành Giê-ru-sa-lem (x Cv 1,12) + Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giê-ru-sa-lem : Lu-ca luốn nhấn mạnh về tầm quan trọng của Giê-ru-sa-lem. + Chính anh em là chứng nhân của những điều này : Các Tông đồ được sai đi nói cho mọi người biết về Đức Giê-su, dựa theo những điều mắt thấy tai nghe, sau khi Người từ cõi chết sống lại (x. Ga 21,24; Cv 3,15).
- C 49-50 : + Chính Thầy sẽ gửi cho anh em điều Cha Thầy đã hứa : Đức Giê-su tiên báo điều Chúa Cha đã hứa là gửi Chúa Thánh Thần đến với các Tông đồ sau khi Người rời bỏ thế gian mà về cùng Chúa Cha (x Cv 1,8). + Cho đến khi nhận được quyền năng từ trời cao ban xuống : Quyền năng này chính là sức mạnh của Thánh Thần. Trong Tân ước, Chúa Thánh Thần và quyền năng luôn gắn liền với nhau. Chẳng hạn trong biến cố truyền tin, sứ thần đã nói với Trinh nữ Ma-ri-a : “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà” (Lc 1,35). Sau khi chiến thắng Xa-tan cám dỗ, Đức Giê-su đã trở về Ga-li-lê trong quyền năng Thánh Thần để bắt đầu sứ vụ (x. Lc 4,14-19). Giờ đây, Đức Giê-su lại sắp trao cho các Tông đồ quyền năng Thánh Thần sau cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Người. Từ đây, các ông đã cố gắng chu toàn sứ vụ làm chứng về mầu nhiệm Chúa Giê-su đã chết và sống lại (x. Cv 4,33). Các ông không dùng sức riêng làm các phép lạ, nhưng nhờ quyền năng Thiên Chúa và nhờ Danh Đức Giê-su Ki-tô (x Cv 3,16; 4,7-10). + Người dẫn các ông tới gần Bê-ta-ni-a : Với tư cách là Vua Mê-si-a, Đức Giê-su đã khải hoàn tiến vào thành Giê-ru-sa-lem từ làng Bê-ta-ni-a (x. Lc 19,28-29). Giờ đây với tư cách là Đấng Phục Sinh chiến thắng tử thần, Đức Giê-su cũng khải hòan về trời từ làng Bê-ta-ni-a này (x. Lc 24,50). + Rồi giơ tay chúc lành cho các ông : Thời Cựu ước, các Tổ phụ dân Ít-ra-en thường chúc lành cho con cháu trước khi nhắm mắt như: I-xa-ác chúc lành cho Gia-cóp (x. St 27,23-29); Gia-cóp chúc phúc cho 12 con trai (x. St 49,28); Mô-sê chúc phúc cho con cái Ít-ra-en (x. Đnl 33,1). Ở đây, trước khi về trời, Chúa Giê-su cũng chúc lành cho các Tông đồ. Ngày nay, vào cuối Thánh lễ, linh mục chủ tế cũng chúc lành cho các tín hữu trước khi giải tán họ.
- C 51-52 : Người rời khỏi các ông và được rước lên trời : Qua sự kiện lên trời này, tác giả Tin mừng Lu-ca cho thấy hai mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên luôn gắn bó mật thiết với nhau. Trong sách Công vụ (1,6-11), tác giả Lu-ca coi việc Thăng Thiên như kết thúc các lần Chúa hiện ra với các môn đệ, khởi đầu sứ vụ làm chứng cho Người tại Giê-ru-sa-lem cho đến tận cùng thế giới (x. Cv 1,8).

4. CÂU HỎI :

1) Chúa Giê-su đã lên trời tại nơi nào? Bao nhiêu môn đệ đã được chứng kiến Người lên trời?
2) Theo Tin mừng Lu-ca: Giê-ru-sa-lem có vai trò gì trong công cuộc cứu độ của Đức Giê-su?
3) Các Tông đồ phải làm gì để thi hành sứ vụ làm chứng nhân cho Đức Giê-su?
4) Đức Giê-su hứa ban quyền năng từ trên cao xuống trên các Tông đồ. Vậy các ông đã nhận được quyền năng ấy khi nào?
5) Tin mừng Lu-ca cho thấy hai mầu nhiệm Phục Sinh và Thăng Thiên có liên quan với nhau ra sao?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1.LỜI CHÚA : “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,47-48).

2.CÂU CHUYỆN :

1) CHỨNG NHÂN BÁC ÁI : PHƯƠNG THẾ TRUYỀN GIÁO HỨU HIỆU.

Một tân tòng gặp một anh bạn vô tín. Người vô tín này đã hỏi thăm về việc theo đạo của anh như sau :
- Nghe nói anh mới theo đạo Công Giáo phải không?
- Vâng, đúng hơn là tôi mới theo làm môn đệ Chúa Giê-su.
- Thế thì chắc anh đã phải biết rõ về ông Giê-su. Vậy hãy cho tôi biết ông Giê-su sinh ra ở đâu?
- Tôi đã học qua rồi, nhưng rất tiếc bây giờ tôi lại quên mất.
- Thế ông Giê-su sống ở trần gian bao nhiêu năm?
- Tôi không nhớ rõ lắm.
- Vậy anh có biết ông ta đã giảng bao nhiêu bài, làm bao nhiêu phép lạ, có bao nhiêu quyển sách đã viết về ông ta?...Nói chung, sự nghiệp của ông ta ra sao?
- Tôi cũng không rõ lắm.
- Như vậy là anh đã biết quá ít về ông Giê-su. Vậy sao anh lại theo đạo của ông ta?
- Anh đã nói đúng. Tôi rất xấu hổ vì mới biết qúa ít về Đức Giê-su. Thế nhưng, điều tôi biết rất rõ là thế này : ba năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ nần chồng chất. Gia đình lâm vào tình trạng bất hạnh. Vợ con đều buồn giận và không muốn nhìn mặt tôi. Tôi chán nản tuyệt vọng, thậm chí muốn đâm đầu vào xe lửa chết quách đi cho xong ! Nhưng một hôm tôi đã gặp được một người bạn Công Giáo. Anh này đã đưa tôi đến gặp một linh mục và tôi được vị này khuyên chừa bỏ các thói hư, được giới thiệu công ăn việc làm và được ghi tên theo học lớp giáo lý Công Giáo. Đến nay sau một năm tôi đã trả hết được nợ nần, đã chừa bỏ được tật say sỉn, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc. Mỗi chiều vợ con tôi đều vui vẻ chào đón tôi về nhà sau giờ tan sở. Sở dĩ tôi được hạnh phúc như ngày nay, tất cả đều bắt nguồn từ niềm tin vào Đức Giê-su. Và đó là những gì tôi biết rõ về Người !!!

2) CHU TOÀN SỨ MỆNH HOÀN TẤT TÁC PHẨM CỦA THẦY :

GIA-CO-MO PUC-CI-NI, một nhạc sư sáng tác người Ý, đã để lại cho đời một số những tác phẩm ca nhạc kịch (opera) rất nổi tiếng. Năm 1922, khi được 64 tuổi, nhạc sư Puc-ci-ni bị bệnh ung thư ác tính. Mặc dù bị cơn bệnh hành hạ đau đớn, nhưng ông vẫn quyết tâm hoàn tất vở ca kịch TU-RAN-DOT mà bây giờ nhiều người đánh giá là vở ca kịch hay nhất của ông. Ông đã làm việc ngày đêm không nghỉ. Nhiều người khuyên ông hãy nghỉ ngơi vì chắc ông sẽ khó lòng hoàn tất được vở ca kịch này. Khi cơn bệnh trở nên trầm trọng, Puc-ci-ni đã viết cho các học trò của ông như sau : ”Nếu thầy phải ra đi không kịp hoàn tất được vở ca kịch Tu-ran-dot, thầy muốn các trò tiếp tục công việc để hoàn thành tác phẩm ấy cho thầy”.
Năm 1924, Puc-ci-ni được đưa sang một bệnh viện tại nước Bỉ để chịu giải phẫu và hai ngày sau thì qua đời. Sau khi ông mất, các học trò của ông đã qui tụ lại, phân công mỗi người một phần tùy tài năng để hoàn tất vở ca kịch TU-RAN-DOT của thầy, và sau nhiều ngày vất vả, họ đã hoàn tất được vở ca kịch nổi tiếng này. Năm 1926, vở ca kịch TU-RAN-DOT lần đầu tiên được trình diễn tại nhà hát kịch ở Milan. Vở ca kịch đã được nhạc trưởng là môn sinh rất được Puc-ci-ni ưa thích điều khiển. Khi dàn hòa tấu trình diễn tới khúc nhạc mà Puc-ci-ni đã sáng tác dang dở, những giọt nước mắt đã rơi xuống trên khuôn mặt của người điều khiển. Ông đã ngưng dàn nhạc lại, buông cây đũa điều khiển xuống, quay ra phía khán giả nói lớn: ”Nhạc sư đã viết đến đây, rồi ông qua đời”. Cả nhà hát im lặng một hồi lâu không một tiếng động ! Sau đó, nhạc trưởng cầm cây đũa, quay ra khán giả, mỉm cười qua những giọt lệ và nói lớn : ”Nhưng các môn sinh của ông đã tiếp tục hoàn tất tác phẩm này”. Khi vở ca kịch kết thúc, cả nhà hát bùng lên những tràng pháo tay như sấm nổ vang trời. Mắt mọi người đều rơi lệ và từ đó về sau không ai có thể quên được giây phút đáng nhớ ấy (viết theo Sống Lời Chúa giữa dòng đời, tr 190).

Rao giảng Tin mừng là sứ vụ Đức Giê-su đã trăn trối lại cho các môn đệ Người, cho Giáo hội nói chung và cho mỗi tín hữu chúng ta nói riêng. Trước khi lìa xa môn đệ về trời, Chúa Giê-su đã để lại chúc thư cho Hội Thánh qua các Tông đồ như sau : ”Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất. Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy truyền cho anh em. Và đây Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20).

3) GIÁ TRỊ HOÁN CẢI CỦA LỜI CHÚA TRONG SÁCH THÁNH :

Tại một nước thuộc châu Phi, một nhà buôn Âu Châu khi đi vào một bộ lạc hoang dã, thấy một thổ dân đang đọc sách liền hỏi xem anh đang đọc sách gì? Anh đáp : “Đọc Kinh Thánh”. Nhà buôn cười cười nói: “Thứ đó, ở xứ tôi đã lỗi thời rồi! Không ai thèm đọc nó nữa !”. Người Phi Châu liền đáp : “Nếu ở đây mà Kinh Thánh cũng lỗi thời như ông nói, thì ông đã bị người trong bộ lạc chúng tôi ăn thịt rồi !”.

4) LÀM CHỨNG CHO CHÚA BẰNG LỜI NÓI :

Cách đây ít lâu, tờ “Lơ Fi-ga-rô” (Le Figaro) đã có đăng một bài báo phỏng vấn Tổng thống Nga Pu-tin, nội dung thuật lại việc ông Pu-tin đã tuyên xưng đức tin để làm chứng cho Chúa như sau: Phóng viên hỏi ông Pu-tin về chuyến đi Giê-ru-sa-lem của ông mới đây, nhiều người đã thấy ông đến cầu nguyện tại mồ Đức Giê-su và trên tay có cầm cây thánh giá. Vậy ông có cảm thấy mâu thuẫn giữa việc trước đây từng là cựu sĩ quan của tình báo KGB với việc ngày nay lại bày tỏ đức tin vào Chúa Giê-su hay không?” Tổng thống Pu-tin đã trả lời như sau : “Cuộc sống được tạo nên bằng những điều mâu thuẫn. Chỉ khi nào chết thì người ta mới hết mâu thuẫn... Mẹ tôi là một phụ nữ theo đạo. Mẹ tôi đã bí mật làm lễ rửa tội cho tôi tại nhà thờ. Vậy tại sao các ông lại ngạc nhiên khi thấy tôi cầm cây thánh giá mà cầu nguyện tại ngôi mộ của Chúa Giê-su? Tôi tự hào là một tín hữu Ki-tô... Niềm tin của tôi đã cho tôi thêm tinh thần và bình an trong tâm hồn”.

3. THẢO LUẬN :

Con người ngày nay thích nghe các chứng nhân hơn thầy dạy, thích nhìn thấy những gương sáng hơn nghe lời giảng suông, như Ba-banh (Babin) đã nói : “Người ta chỉ có thể tin vào Đức Giê-su, khi họ tin vào tình yêu của những kẻ đi loan báo Người”. Bạn có đồng ý với các nhận định nói trên hay không? Tại sao?

4. SUY NIỆM :

1) Cần xác tín về quê trời đời sau : Trước cuộc tử nạn, Đức Giê-su dã khích lệ các môn đệ như sau : ”Lòng anh em đừng xao xuyến. Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi. Vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại, và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,1-3). Thánh Phao-lô cũng khẳng định : ”Quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta” (Pl 3,20).
Trong thực tế, thánh Phao-lô đã nhận xét : “Có nhiều người sống thù nghịch với thập giá Ðức Ki-tô. Chung cuộc đời họ là hư vong, chúa tể của họ là cái bụng, và họ đặt vinh danh của họ trong những điều ô nhục; Họ chỉ ưa chuộng những cái trên cõi đời này” (Pl 3,17). Có nhiều tín hữu đã quá bám víu vào các thực tại trần gian là những cái nay còn mai mất, như : tiền tài, sắc đẹp, danh vọng, chức quyền… Thánh Phao-lô cũng khuyên mỗi người chúng ta hôm nay như sau : Còn chúng ta, quê hương chúng ta ở trên trời, và chúng ta nóng lòng mong đợi Đức Giê-su Ki-tô từ trời đến cứu chúng ta (Pl 3,20).

2) Điều kiện lên trời là sống đức Tin bằng thực thi đức Cậy đức Mến :
Để được vào Nước Trời do Đức Giê-su thiết lập, các tín hữu phải tin Thiên Chúa và tin vào Đấng Thiên Chúa sai đến là Giê-su Ki-tô. Tin bằng lời tuyên xưng đức tin mà thôi chưa đủ, nhưng còn phải thể hiện đức tin bằng hành động, là vâng phục thánh ý Thiên Chúa như Chúa Giê-su đã dạy : ”Không phải bất cứ ai thưa với Thầy : “Lạy Chúa ! Lạy Chúa !” là được vào Nước Trời cả đâu ! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy, là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7,21-23). Cụ thể muốn vào Nước Trời phải tuyên xưng đức tin bằng đức Cậy là sự chuyên cần cầu nguyện và thực thi đức Mến là quan tâm chia sẻ và khiêm nhường phục vụ Chúa đang hiện thân nơi tha nhân, đặc biệt những người nghèo hèn bệnh tật đau khổ...

3) Về sứ vụ loan báo Tin Mừng và làm chứng cho Chúa Giê-su hôm nay? :
- Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI đã nói : ”Mỗi ngưởi giáo dân, tự bản chất, là một chứng nhân”. Bởi vì khi lãnh nhận phép rửa tội và thêm sức, chúng ta đã được Đức Giê-su trao cho sứ vụ làm chứng cho Người. Ngày nay tuy chúng ta không xem thấy, không được gặp gỡ tiếp xúc trực tiếp với Chúa Giê-su như các Tông đồ hay như dân Do thái khi xưa, nhưng chúng ta nhờ đức tin, vẫn có thể suy niệm và thực hành Lời Chúa và nhận được ơn Thánh Thần để nên con người mới giống như Đức Giê-su. Cách thức làm chứng tốt nhất là bằng lối sống quên mình vị tha bác ái noi theo gương mẫu và lời dạy của Đức Giê-su với ơn trợ giúp của Chúa Thánh Thần.
- Cụ thể : người tín hữu phải làm cho tình yêu thương, sự khiêm nhường phục vụ của Chúa thấm nhập vào môi trường gia đình và xã hội. Một Ki-tô-hữu đích thực không thể làm ngơ, hoặc khoanh tay trước những vấn đề bức súc của xã hội như : sự bất công, nghèo đói, thất nghiệp, luân lý suy đồi, các tệ nạn tham ô, trộm cướp, mãi dâm, ma túy, dịch bệnh, ô nhiễm môi trường v.v... Lối sống đạo của các tín hữu hôm nay không phải chỉ dừng lại ở việc đọc kinh đi lễ để được lên thiên đàng, và không quan tâm đến nỗi đau của người bên cạnh. Giáo Hội kêu gọi mỗi tín hữu phải ý thức sứ vụ loan báo Tin Mừng bằng lời rao giảng kèm theo lối sống chứng nhân bác ái, tích cực góp phần xây dựng môi trường mình đang sống ngày một Xanh Sạch Đẹp, không còn cảnh bất công bóc lột và cần góp phần bài trừ các tệ nạn xã hội…

4) Phải loan báo Tin Mừng thế nào để giúp lương dân tin yêu Chúa? :
Nên nhớ rằng: Việc giúp một người lương từ bỏ đạo mình đang theo để gia nhập vào đạo Công Giáo không dễ chút nào. Nó đòi các tín hữu chúng ta phải đón nhận ơn Chúa Thánh Thần để áp dụng các phương pháp tích cực như sau :

a) Cần năng cầu nguyện cho việc truyền giáo như Đưc Giê-su dạy : “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt thì ít. Anh em hãy xin Chủ ruộng sai thêm thợ gặt đến”. Việc truyền giáo là công việc vượt quá tầm sức tự nhiên của loài người chúng ta nên cần được Thánh Thần giúp đỡ, như Chúa Giê-su đã nói : “Vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5), hoặc như lời sứ thần Gáp-ri-en thưa với Đức Ma-ri-a : “Vì không có gì mà Chúa không làm được” (Lc 1,37), và lời thánh Phao-lô : “Tôi trồng, A-pô-lô tưới, nhưng Chúa mới làm cho cây mọc lên” (1 Cr 3,6).

b) Cần tránh những lối hành đạo hình thức bề ngoài : như thi đua xây dựng nhà thờ to đẹp, tổ chức lễ hội hoành tráng … Nhưng cần chú trọng xây dựng một lối sống đạo dựa trên việc học sống Lời Chúa, thực thi bác ái cụ thể …

c) Cần tránh lối hành xử coi thường người lương : Khi có dịp tiếp xúc với ban hành giáo hay các mục tử thiếu lòng thương xót, người lương sẽ bất mãn và ghét đạo.

d) Việc truyền giáo phải cụ thể : Cần quan tâm cầu nguyện cho anh em lương dân, nhất là các thân nhân chưa biết Chúa như cha mẹ, chồng vợ, anh chị em ruột thịt, bạn bè … để xin Chúa giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa... Hãy trao tặng các sách báo Công Giáo để họ có dịp tìm hiểu về đạo như giáo lý Công Giáo, giải đáp thắc mắc về đức tin, truyện Kinh thánh Cựu Tân Ước, truyện các thánh… Quan tâm truyền bá rao giảng Tin Mừng trên truyền thông, các trang mạng xã hôi như You Tube, facebook…

e) Cần phải có cú “hích” cụ thể : Các việc tốt nói trên mới chỉ là tạo điều kiện giúp người lương hiểu biết và có thiện cảm với đạo. Cần phải có một “cú hích” thêm để họ quyết tâm vượt qua khó khăn trở ngại. Cũng nhờ có tình yêu của người Công Giáo mà một bạn trai hay bạn gái ngoại đạo sẽ vượt qua các rào cản tâm lý tinh thần nói trên. Nhờ tham dự khóa giáo lý dự tòng, giáo lý hôn phối, mà người lương có dịp tập sống theo Lời Chúa dạy, để đức Tin của họ ngày thêm vững mạnh.

g) Vai trò của các phép lạ : Ngày nay anh em lương dân cũng rất cần những “cú hích” là các ơn lành Chúa ban qua việc tôn sùng Lòng Chúa Thương Xót, xin khấn Đức Mẹ Lavang, Đức Mẹ Tà-pao, đền thánh Giu-se, thánh Mác-tin Po-rê, cha Trương bửu Diệp… Khi được ơn Chúa ban, họ sẽ dễ tin vào tình thương của Chúa hơn.

h) Để thực hành : Các tín hữu chúng ta hãy mời các người lương quen biết cùng đi nghe giảng các buổi tĩnh tâm, cùng tham dự các chuyến đi hành hương, cùng tham gia các công tác thăm viếng bác ái ở vùng sâu vùng xa, tại các trại khuyết tật, trại mồ côi, trại dưỡng lão… nhờ đó họ sẽ cảm nghiệm được tình thương của Chúa và sẵn lòng đón nhận đức tin vào Chúa hơn.

5. NGUYỆN CẦU :

LẠY CHÚA GIÊ-SU. Xin cho chúng con nhớ rằng : “Quê hương chúng con ở trên trời, nơi đó chúng con sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc” là chính Chúa. Xin giúp chúng con tích cực góp phần xây dựng xã hội chúng con đang sống ngày một an toàn sạch đẹp hơn, công bằng nhân ái hơn. Xin cho chúng con ý thức rằng: tuy sống giữa thế gian nhưng chúng con không thuộc về trần gian. Xin đừng để chúng con quá quyến luyến những của cải nay còn mai mất ở đời này, nhưng luôn biết phó thác cậy trông vào Chúa, và quảng đại chia sẻ cơm áo gạo tiền cho những người nghèo, bệnh tật và đau khổ... Hầu sau này chúng con cũng được về quê trời với Chúa.- AMEN.
 
An tâm vì Chúa Cha luôn gìn giữ
Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
08:29 25/05/2022
An tâm vì Chúa Cha luôn gìn giữ

Suy niệm Chúa Nhật VII Phục Sinh năm - C

(Ga 17, 20-26)

Khi đến giờ rời bỏ thế gian mà về cùng Đức Chúa Cha, Chúa Giêsu đã xin cùng Đức Chúa Cha cho các môn đệ. Trước hết, Chúa Giêsu cầu cho danh Chúa Cha, ca tụng Ngôi Cha và Ngôi Con (Ga 17, 1-5). Thứ đến là xin "Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha" (Ga 17, 1). Và sau cùng cầu xin cho các môn đệ.

Chúa Giêsu đã cầu xin cùng Đức Chúa Cha cho các môn đệ điều gì? Thưa, Người xin Chúa Cha liên kết họ nên một, thánh hiến họ, nhất là gìn giữ họ sống trong thế gian khỏi mọi sự dữ.

Xin cho chúng nên một

“Xin cho chúng nên một”. Chúa Giêsu hằng muốn các môn đệ và cả chúng ta, những người vào Chúa được hợp nhất cùng nhau, liên đới trong tình yêu, trong sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta thật yếu đuối và mong manh, rất dễ mỗi người mỗi ngả. Chúa Giêsu thấu hiểu điều đó, nên Người xin Chúa Cha gìn giữ chúng ta khỏi Ác Thần là tên chia rẽ, khỏi ‘tinh thần thế tục’ của thế gian vốn đang lôi kéo và mê hoặc con người. Bao lâu còn sống, chúng ta còn phải vật lộn, chiến đấu chống lại sức mạnh thế trần này, trước hết, trong chính bản thân mình. Tự sức chúng ta không thể chiến thắng. Để hiệp nhất như Chúa Giêsu muốn, chúng ta cậy dựa vào Chúa Giêsu và Thánh Thần Thiên Chúa, luôn sống trước mặt Chúa Cha.

Xin Cha thánh hiến họ

Vì Thiên Chúa là Cha chí thánh đối với Đức Giêsu (Ga 6, 11b), nên Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ, làm cho các ông nên thánh. Thiên Chúa là Đấng Thánh. Thánh thiện là thuộc tính của Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Cha là Đấng Ngàn Trùng Chí Thánh, Đấng Phù Trợ được gọi là Thánh Thần (Ga 14, 26), Chúa Con là Đấng Thánh của Thiên Chúa (Ga 6, 69).

Làm cho các môn đệ nên thánh là tách biệt họ ra khỏi thế gian, với lối suy nghĩ và hành động, với những giá trị riêng của nó. Thánh hóa môn đệ chính là làm cho họ không thuộc về thế gian nữa, để như Đức Giêsu, họ thuộc về Cha trọn vẹn (Ga 17, 16). Nhưng tách biệt khỏi thế gian lại không có nghĩa là cất họ khỏi đó (Ga 17, 15), và giữ họ an toàn trong tháp ngà bảo đảm. Đời người Kitô hữu chẳng an toàn, vì họ được sai vào thế gian (Ga 17, 18). Thế gian đầy bóng tối, dối trá, hận thù, chính là nơi họ phải đến, phải đằm mình vào, để biến đổi nó thành ánh sáng, sự thật, tình yêu.

Được thánh hóa, được tách khỏi thế gian, chính là để được sai vào đó. Vì họ “là muối của trái đất, là ánh sáng của thế gian” (Mt 5, 13). Nếu không được thánh hóa, không thuộc về Chúa, thì khi được sai vào, họ sẽ chẳng biến đổi được thế gian, và sẽ bị nó nuốt chửng. Để hoạt động trên thế gian và trong thế gian, mà không liên can đến thế gian, nghĩa là được miễn dịch khỏi thế gian, các môn đệ cần phải được hiến thánh (x. Ga 17-19).

Khi muốn bảo vệ các môn đệ khỏi Sự Dữ trong thế gian, Chúa Giêsu đã tự thánh hiến chính mình, Người nhấn mạnh đến tầm quan trọng là "viên mãn trong Thiên Chúa" khi "ở trong tình yêu".

Xin Cha gìn giữ chúng

Chúa Giêsu cầu nguyện rằng : “Xin hãy gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để họ được nên một như Ta” (Ga 17,11); “Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ” (Ga 17,15). Nghĩa là xin Chúa Cha gìn giữ các môn đệ cũng như những ai nhờ các ông mà tin vào Thiên Chúa, họ đang sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. Gìn giữ các môn đệ là việc Chúa Giêsu thường làm, Người đã không để ai trong họ phải hư mất, trừ ra con người hư hỏng là Giuđa.

“Xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ!” Chúa Giêsu ý thức hơn khi nào hết quyền lực có thật của quỷ dữ đang tác động trên các môn đệ còn sống ở trần gian. Chính vì thế Người khẩn khoản nài xin Chúa Cha gìn giữ họ khỏi Sự Dữ (Ga 17,15). “Khi còn ở với họ, Con đã gìn giữ họ… Con đã canh giữ họ…” (Ga 17,12). Những sói dữ bao giờ vẫn có, chúng khuấy phá đàn chiên. Mục tử Giêsu đã không để ai cướp được chiên khỏi tay mình, và trong cuộc chiến đấu này, Người đã dám hy sinh mạng sống (Ga 10, 11). Bây giờ Ngài xin Cha tiếp tục gìn giữ đoàn chiên của Chúa Cha mà Chúa Cha đã ban cho Người chăm sóc.

Chúa Giêsu đã chẳng nói với Phêrô : “Simon, Simon, kìa Satan đã xin được sàng các con như người ta sàng gạo. Nhưng Thầy đã cầu nguyện cho con, để con khỏi mất đức tin” (Lc 22, 31-32). Với kinh nghiệm bản thân, Phêrô cũng hình dung ra tình cảnh của các môn đệ khi Thầy ra đi sẽ như thế nào nên nhắn nhủ : “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự” (1Pr 5, 8).Ngày cả Phaolô, vị Tông Đồ sinh non như Ngài nhận cũng ý thức được sự vắng mặt của Thủ Lãnh đoàn chiên, nên ông viết thư cho các kỳ mục lãnh đạo Hội Thánh và nói : “Phần tôi, tôi biết rằng, sau khi tôi đi rồi, sẽ có những sói dữ đột nhập giữa anh em, chúng không dung tha đoàn chiên; và ngay giữa anh em, cũng sẽ có những kẻ ăn nói xảo trá nổi dậy để lôi kéo các môn đồ theo họ” (Cv 20, 29). Như Chúa Giêsu, Phaolô biết, đức tin của các tín hữu ngài sẽ bị thử thách và bách hại.

Sự dữ vốn đang có mặt và hoành hành trong thế giới, nơi con cái Chúa phải đương đầu. Chúa Giêsu dạy các môn đệ, và cả chúng ta cầu nguyện : “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ!”.

Lm. An-tôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 25/05/2022

6. Đức tin lớn, thì cái được cũng lớn.

(Thánh Bernardus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:35 25/05/2022
89. TỔNG ĐỐC MẤT MẶT

Thân vương nước Phổ Lỗ Sư là Hưởng Lợi muốn đến thăm Trung Quốc, du lịch đến Hồ Bắc, tổng đốc Hồ Quảng là Trương Chi Động mời ông ta tham quan diễn tập của quân đội.

Một đội binh sĩ đang thực tập chiến xạ kích, hiệu lịnh vừa vang lên thì đồng loạt bắn, tiếng ầm vang dội, giống như một khấu pháo bắn ra vậy.

Trương Chi Động dương dương đắc ý, ngoái đầu nhìn hai bên tả hữu, hỏi khách quý:

- “Trình độ diễn tập của quân đội chúng tôi so với quý quốc thì như thế nào?”

Hưởng Lợi đột nhiên chỉ một binh sĩ nói:

- “Súng của hắn ta sao không bắn?”

Họ Trương ra lệnh kiểm tra xem sao, quả nhiên súng của binh sĩ ấy không có đạn, Trương Chi Động rất là xấu hổ và ủ ê quá chừng.

(Tiếu lâm sử)

Suy tư 89:

Dương dương tự đắc là bày tỏ tâm trạng của người đang thỏa mãn, và cũng biểu lộ cái kiêu ngạo của mình ra bên ngoài.

Chúng ta thử tưởng tượng khuôn mặt của người dương dương tự đắc xem sao: mặt hếch lên trời, cặp mắt ngó ngang ngó dọc, hai tay nắm lại, cười nhếch môi và nói năng ra vẻ như đang dạy đời thiên hạ...

Người Ki-tô hữu có tự hào nhưng không tự đắc, tự hào theo kiểu của thánh Phao-lô tông đồ, như ngài nói: “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi” (2 Cr 11, 30), ngài tự hào về những yếu đuối của ngài, tức là dù yếu đuối thân xác, nhưng ngài vẫn mạnh mẽ trong việc rao giảng Tin Mừng cho dân ngoại; dù yếu đuối nhưng ngài vẫn cứ làm chứng niềm tin của mình vào Đức Chúa Giê-su với những roi vọt, tù đày...

Các thánh tử đạo đã tự hào về niềm tin của mình, còn chúng ta có tự hào về niềm tin của mình hay không, niềm tin mà có những lúc -vì sự vui thú của thế gian- mà chúng ta cảm thấy như một cục nợ lỡ mang trong lòng.

Dương dương tự đắc cái không phải là của mình thì mất mặt lắm, chẳng khác chi xây nhà trên cát, vớt trăng trong giếng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một niềm vui miên viễn trường tồn
Lm. Minh Anh
21:09 25/05/2022

MỘT NIỀM VUI MIÊN VIỄN TRƯỜNG TỒN
“Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui!”.

Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Niềm vui ‘không sống’ khi liên tục cười; không phải vậy! Niềm vui không phải là ‘vui’; cũng không phải vậy! Niềm vui Kitô là sự bình an, một bình an được nuôi bằng nhựa sống từ gốc rễ con cái Thiên Chúa; một bình an của con tim mà chỉ có Chúa mới có thể ban tặng. Đây là niềm vui đích thực của Kitô hữu, ‘một niềm vui miên viễn trường tồn!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu báo trước cho các môn đệ biết, họ sẽ phải buồn sầu; tuy nhiên thật an ủi, Ngài bảo đảm với họ, “Nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui!”. Đây là niềm vui bên trong của Chúa Thánh Thần, ‘một niềm vui miên viễn trường tồn!’. Tại sao?

‘Một niềm vui miên viễn trường tồn’ vì lẽ, nó được bảo đảm bởi chính Thiên Chúa! Đó là niềm vui của một người thuộc trọn về Chúa; phó thác tuyệt đối vào Ngài trong mọi hoàn cảnh. Một bảo đảm khác là, niềm vui này luôn được tìm kiếm và cầu xin; nó được tìm kiếm trong tất cả những gì Chúa muốn; và Chúa Thánh Thần sẵn sàng chỉ cho chúng ta cách thức tìm kiếm và bảo tồn nó! Chúa Giêsu là người đã sở hữu niềm vui này, vì Ngài thuộc trọn về Chúa Cha; của ăn Ngài là làm theo ý Cha; cũng như Ngài luôn luôn ngoan nguỳ với Chúa Thánh Thần!

Như Ngài, Chúa Giêsu muốn chúng ta thuộc trọn về Chúa Cha! Ngài không hứa, cuộc sống của chúng ta sẽ không có khó khăn và đau đớn; cũng không nói, mọi sự sẽ dễ dàng. Thay vào đó, Ngài đã nêu gương cho chúng ta! Ngài đã đau khổ, bị ngược đãi, và cuối cùng bị giết chết. Thế nhưng, quyền năng của Chúa Cha đã phục sinh Ngài, rước Ngài lên trời, ngự trong cung lòng Cha và biến tất cả những tang thương trước đó thành phương tiện cứu rỗi thế giới. Cũng thế, bước theo Chúa Giêsu, chúng ta phó mình hoàn toàn cho Chúa Cha; thực hành mọi điều Chúa Cha muốn. Nhờ đó, như Chúa Giêsu, đau buồn của chúng ta cũng có khả năng trở thành phương tiện ân sủng cho nhiều người. Và như thế, nếu phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống, thì với đức tin và niềm hy vọng, cuối cùng, không gì có thể khiến chúng ta thất vọng và mọi sự sẽ được sử dụng cho vinh hiển Chúa; và chắc chắn, niềm vui lớn lao sẽ ùa về!

Noi gương Chúa Giêsu, Phaolô đã đón nhận tất cả trong tin yêu phó thác. Bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy một Phaolô vui tươi giữa những thất bại và thành công. Gặp chống đối, Phaolô nói, “Từ nay trở đi, tôi sẽ đến với người ngoại!”. Còn về thành công? Phaolô đã rất thành công với sự trở lại của vợ chồng Aquila - Priscilla, những cộng sự viên tuyệt vời về sau; ngoài ra, còn có sự trở lại của gia đình Crispô, trưởng hội đường, và nhiều người Côrintô khác. Thánh Vịnh đáp ca thật ý nghĩa, “Chúa đã mặc khải ơn Người cứu độ trước mặt chư dân!”.

Anh Chị em,

“Các con sẽ buồn sầu; nhưng nỗi buồn của các con sẽ trở thành niềm vui!”. Suy gẫm lời này, chúng ta biết, Chúa Giêsu không chỉ nói những điều đó với các môn đệ, mà còn với chúng ta. Đừng khó chịu hoặc phải sốc khi cuộc sống chúng ta gặp những khó khăn; đừng tuyệt vọng khi đau khổ được đặt trước mặt bạn. Hãy phó thác mọi sự cho Chúa, để Ngài biến nó thành niềm vui như Ngài đã hứa! Niềm vui Kitô là hơi thở của chúng ta; lòng không vui, chúng ta không phải là Kitô hữu tốt. Niềm vui là cách chúng ta thể hiện chính mình và niềm tin của mình. Đây không phải là thứ bạn mua hoặc có thể ‘hô biến’ phù phép mà có. Không! Nó là hoa trái của Chúa Thánh Thần; điều làm con tim chúng ta nhảy mừng là Chúa Thánh Thần! Nó là ‘một niềm vui miên viễn trường tồn’. Bạn cứ sống cho thật thanh khiết, giữ lòng sạch tội, tâm hồn bạn luôn là cung thánh Chúa Thánh Thần ngự, thì không bao giờ bạn phải lo lắng niềm vui này bị đánh mất!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con đặt mọi hy vọng, hân hoan, đau buồn, khó khăn và phiền muộn của con vào tay Chúa. Xin biến chúng nên công cụ cho vinh quang Chúa và phần phúc cho các linh hồn!”, Amen

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Vụ xả súng ở Texas: Đức Thánh Cha lên án nạn buôn bán vũ khí bừa bãi
Thanh Quảng sdb
04:56 25/05/2022
Vụ xả súng ở Texas: Đức Thánh Cha lên án nạn buôn bán vũ khí bừa bãi

Đức Thánh Cha Phnxicô kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán vũ khí bừa bãi, ngay sau khi 19 trẻ em và hai giáo viên thiệt mạng trong vụ xả súng hàng loạt tại một trường tiểu học ở tiểu bang Texas, Hoa kỳ.

(Tin Vatican - Lydia O'Kane)

Thứ Ba ngày 25/5/2022, một tay súng 18 tuổi xông vào trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, một thị trấn cách thành phố San Antonio khoảng 130 km về phía tây, và xả xúng vào các em học sinh và 2 giáo viên.

Thủ phạm, là Salvador Ramos trước đó đã bắn chết bà nội của hắn trước khi xông tới nhà trường. Hắn đã bị hạ bởi các nhân viên công luật.

Bệnh viện Uvalde Memorial cho biết 15 em học sinh từ trường tiểu học Robb đã được điều trị trong phòng cấp cứu, một số được chuyển đến Bệnh viện của Thành phố San Antonio để cấp cứu.

Trường tiểu học có khoảng 500 học sinh, phần lớn là học sinh gốc Tây Ban Nha, tuổi từ 7 đến 10 tuổi.

Vụ xả súng hàng loạt này đã gây chấn động cho dân chúng ở Hoa Kỳ và nhiều nơi trên thế giới.

Trong một lời phát biểu trong buổi triều yết hôm thứ Tư hôm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ trái tim ngài tan nát trước sự thảm sát những sinh mạng vô tội của những trẻ em học sinh bé bỏng...

“Tôi cầu nguyện cho những em học sinh và những người lớn đã thiệt mạng, và cho gia đình của họ. Đã đến lúc phải nói lên tiếng với nạn buôn bán vũ khí bừa bãi. Tất cả chúng ta phải làm thế nào để những thảm kịch như vầy không bao giờ xảy ra nữa”.

Đức Hồng Y Cupich phát biểu: Chúng ta phải rơ lệ; nhưng sau đó chúng ta phải hành động!

Trong một tuyên bố về cuộc tàn sát, Đức Hồng Y Blase J. Cupich, Tổng Giám mục Chicago cho hay: “Chúng ta không biết liệu tay súng vụ trường Uvalde có lạm dụng việc ‘được phép hay không được phép mang súng, nhưng chúng ta biết nước Mỹ đang sở hữu súng ông. Số lượng về súng còn lớn hơn số dân".

“Xuyên qua vụ thảm sát mới nhất này, tôi tiếp tục quay trở lại với những câu hỏi: Chúng ta là ai, với tư cách là một quốc gia, nếu chúng ta không thể bảo vệ cho con em mình? Chúng ta yêu thích điều gì: súng ống để giết chóc hay tương lai con em chúng ta?”

Đức Hồng Y lưu ý rằng các vụ xả súng hàng loạt đã trở thành như cơm bữa hàng ngày ở Mỹ, trong tuần trước, cũng đã có hàng chục nạn nhân như vậy.

ĐHY nói: "Qua các cuộc khủng hoảng và thảm trạng, dân chúng dễ dàng để nói: Ở đất nước này, chúng ta Không thể cấm được súng ống! Đó là lời kết của một sự tuyệt vọng! Chúng ta phải ý thức mình là một dân tộc của hy vọng. Chúng ta phải nhóm lên niềm hy vọng cho thế hệ trẻ của chúng ta?"

ĐHY nói tiếp: “Chúng ta phải than khóc và trầm mình trong nỗi đau trước những sinh mạng bị cướp đi mới có vài tuổi đời… Nhưng sau đó Đức Hồng đã khẩn cấp kêu gọi: “Chúng ta phải hành động, ngay cả khi chúng ta đối diện với những gì tưởng chừng như tuyệt vọng không có lối thoát!"

ĐHY nêu ra các luật pháp về an toàn súng ống theo một nghiên cứu của Northwestern Medicine năm 2021 cho thấy Lệnh cấm vũ khí tại tiểu bang đã ngăn chặn được ít nhất 10 vụ xả súng hàng loạt trong 10 năm qua...

ĐHY tiếp tục: “Các nhà nghiên cứu cũng xác định rằng nếu lệnh cấm vẫn được duy trì trong những năm qua kể từ khi lệnh cấm đó hết hiệu lực, nó có thể ngăn chặn được 30 vụ xả súng hàng loạt khác khiến 339 người thiệt mạng và 1,139 người khác bị thương.

"Nhiều luật pháp đã không xuất phát từ núi Sinai. Quyền được mang súng ống sẽ không bao giờ quan trọng hơn tính mạng con người. Con cái chúng ta có quyền đói hỏi điều này, và các quan chức được bầu ra phải có nghĩa vụ đạo đức bảo vệ chúng."

Tổng thống Biden

Những cảm xúc đó đã được Tổng thống Joe Biden phát biểu từ Nhà Trắng, ông kêu gọi phải kiểm soát súng.

"Có bao nhiêu trẻ em đã chứng kiến cảnh chết chóc như trong chiến tranh… và ông nói "Các em sẽ sống với nỗi kinh hoàng đó trong suốt phần đời còn lại của các em."

Hội đồng Giám mục

Phản ứng về vụ xả súng, Đức Tổng Giám Mục Gustavo García-Siller của Hội đồng Giám mục Hoa kỳ (USCCB) cho biết: “Đã có quá nhiều vụ xả súng ở trường học, giết hại quá nhiều người vô tội. Đức tin Công Giáo của chúng ta mời gọi chúng ta cầu nguyện cho những người đã chết và băng bó vết thương cho những người khác, cầu nguyện cho cộng đồng ở Uvalde. Khi làm như vậy, mỗi người trong chúng ta cũng cần phải tìm kiếm những phương cách khác nhau để ngăn ngừa những thảm trạng bạo lực này và cộng tác với các quan chức được chúng ta bàu ra mà có các hành động. ”

Các nhà chức trách cho biết nghi phạm trong vụ giết người hôm thứ Ba vừa qua đã tự mình hành động! Thống đốc Texas, Ông Greg Abbott nói kẻ xả súng đã bị cảnh sát bắn gục, khi đối đầu với hắn tại trường học, hai sĩ quan đã bị trúng đạn, nhưng vết thương không đến nỗi nghiêm trọng.

Vụ xả súng hàng loạt mới nhất này diễn ra 10 ngày trước đây, khi một thanh niên 18 tuổi khác nổ súng tại một cửa hàng tạp hóa trong khu dân cư người da đen ở Buffalo, New York.

Nhưng vụ xả súng hôm thứ Ba này là vụ xả súng tồi tệ nhất tại một trường học Hoa Kỳ kể từ khi một tay súng giết chết 26 người, trong đó có 20 trẻ em, tại trường tiểu học Sandy Hook ở Connecticut vào tháng 12 năm 2012. Năm 2018, một cựu học sinh trường trung học Marjory Stoneman Douglas ở Parkland, Florida, cũng đã bắn chết 17 học sinh và một nhân viên của nhà trường…
 
Giáo hội phát triển ở Bắc Triều Tiên bất chấp sự đàn áp
Đặng Tự Do
05:12 25/05/2022


Đức Tổng Giám Mục Victorinus Doãn Công Hi (Yoon Kong-hi, 윤공희) một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Bắc Triều Tiên cộng sản đang phát triển, mặc dù những người Công Giáo sống thầm lặng và bị đàn áp. Trong một cuốn sách phỏng vấn có nhan đề “Câu chuyện về Giáo hội Bắc Triều Tiên”, được thực hiện vào năm ngoái, vị giám mục 98 tuổi sinh ra ở một vùng hiện thuộc Bắc Triều Tiên, đã đưa ra những bằng chứng về cách Giáo hội phát triển mạnh mẽ trong lãnh thổ này trước khi xảy ra sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên.

Đức Tổng Giám Mục kể lại những sứ mệnh bác ái của một Giáo Hội Công Giáo rất tích cực, nỗi sợ hãi của người Công Giáo khi quân cộng sản tấn công các nhà thờ năm 1949, tấm gương của các thánh tử đạo, và câu chuyện về chuyến di cư vào Nam của ngài. Theo một số thông tin, có thể cấu trúc của các chủng viện từ thời đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Source:Aleteia
 
Ở Đức, một bảng câu hỏi về việc bổ nhiệm các giám mục bị rò rỉ cho báo chí
Đặng Tự Do
05:13 25/05/2022


Bản câu hỏi được gửi bởi Sứ thần Tòa thánh tại Đức, là Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, nhằm xác định hồ sơ của các giám mục tương lai, đã bị rò rỉ cho báo chí. Tài liệu này cho thấy một sự tiến triển quan trọng so với phiên bản đã biết trước đó, ra đời từ năm 2001. Cần có thái độ “phù hợp và công bằng” đối với tội lỗi lạm dụng, cũng như hành vi tôn trọng đối với các nữ tu, để tránh bất kỳ “sự khó chịu hoặc tai tiếng”. “ Sự quan tâm đến tin tức quốc tế, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm mục vụ hoặc khả năng lãnh đạo cũng được khảo sát trong bảng câu hỏi. Đạo đức hôn nhân và tình dục, cũng như quan điểm của các linh mục ứng viên chức “giám mục” liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ, cũng là những tiêu chí được tính đến trong các bảng câu hỏi này.

Mặt khác, vấn đề tránh thai dường như là một chủ đề ít thiết yếu hơn trước: không giống như phiên bản năm 2001, bảng câu hỏi hiện tại không đặt câu hỏi về quan điểm của các giáo sĩ này đối với thông điệp “Humanae Vitae” của Đức Phaolô VI.


Source:Aleteia
 
Tín hữu Công Giáo Trung Quốc kêu gọi trả tự do cho vị Giám Mục bị bắt hơn 1 năm
Đặng Tự Do
05:13 25/05/2022


Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết các tín hữu Công Giáo Hà Nam đang kêu gọi bọn cầm quyền trả tự do cho Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) năm nay 64 tuổi.

Cảnh sát đã bắt giữ Đức Cha vào ngày 21 tháng 5 năm ngoái 2021. Kể từ đó, ngài đã bị giam giữ bất hợp pháp mà không bị buộc tội hoặc xét xử.

Không một linh mục nào được phép đến thăm ngài hoặc gọi cho ngài. Các tín hữu và gia đình đều không biết về nơi ở của ngài.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị bắt cùng với 10 linh mục và 10 chủng sinh. Khi bị tạm giữ, nhà chức trách đã thu giữ tài liệu, giấy tờ và sổ sách từ chủng viện, được tổ chức ở tầng trên của một xưởng sản xuất của giáo dân.

Một số máy tính cũng bị tịch thu, bao gồm cả máy tính của thủ quỹ giáo phận. Các chủng sinh được cho về nhà ba ngày sau khi bị giam giữ. Các linh mục cũng được trả tự do sau đó vài ngày.

Theo luật pháp Trung Quốc, không ai có thể bị biệt giam mà không bị buộc tội quá ba tháng. Đức Cha Trương đã bị giam giữ trong một năm tại một địa điểm không xác định.

Không giống như các trường hợp tương tự khác, vị Giám Mục thậm chí không được phép về nhà một ngày nào, như Tết Nguyên đán, chẳng hạn. Cảnh sát chỉ cho phép hai người thân gặp ngài chỉ trong vài phút trước sự chứng kiến của một sĩ quan công an.

Tuy nhiên, cộng đồng Công Giáo ở Tân Hương hy vọng sẽ sớm thấy giám mục của họ được trả tự do. Anh chị em giáo dân và giáo sĩ địa phương vô cùng quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của ông.

Thật không may, không ai lên tiếng bảo vệ các giám mục Trung Quốc. Vụ bách hại mới nhất liên quan đến Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, là những luôn ủng hộ tự do tôn giáo ở Trung Quốc và tự do cho Giáo hội thầm lặng.

Sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.
Source:Asia News
 
21 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở trường tiểu học ở Texas
Đặng Tự Do
17:25 25/05/2022


Một tay súng đã giết chết 19 học sinh tiểu học và hai giáo viên tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, cách San Antonio khoảng 90 km về phía tây, hôm thứ Ba.

Thống đốc Texas Grett Abbott cho biết ngày 24 tháng 5 kẻ xả súng, một thanh niên địa phương 18 tuổi, đã chết, được tường trình đã bị giết bởi cơ quan thực thi pháp luật. Ông xác định kẻ tấn công là Salvador Ramos, nói rằng anh ta được trang bị một khẩu súng ngắn, và có thể có cả một khẩu súng trường.

Thống đốc nói thêm, “Người ta tin rằng hai nhân viên thực thi pháp luật đã bị trúng đạn, nhưng không có thương tích nghiêm trọng.”

Một số học sinh và nhân viên đang được điều trị tại các bệnh viện gần đó.

Vụ việc được cho là vụ xả súng trường học tồi tệ nhất kể từ vụ tấn công năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, trong đó kẻ tấn công đã giết chết 26 người.

Đức Cha Michael Olson của Fort Worth đã tweet, “Chúng ta hãy cầu nguyện cho gia đình của những đứa trẻ bị giết hoặc bị thương bởi hành động xấu xa này và chúng ta hãy thực hiện các bước nghiêm túc về phía trước trong việc bảo vệ cuộc sống dễ bị tổn thương và đề cao công lý vì sự an toàn của con cái chúng ta.”

Diễn biến này xảy ra ngay sau các vụ xả súng ở Buffalo, New York và Laguna Woods, California vào cuối tuần qua.

10 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương khi một thanh niên mới 18 tuổi nổ súng tại một siêu thị ở Buffalo, New York. Cảnh sát cho biết kẻ xả súng, hiện đang bị giam giữ, đã bị buộc tội giết người mà các viên chức gọi là tội ác thù hận và là một trường hợp thực hiện chủ nghĩa cực đoan bạo lực với động cơ chủng tộc.

Một ngày sau đó, một người Trung Quốc đã nổ súng trong một nhà thờ tại Orange County khiến một người thiệt mạng.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Các giám mục Hoa Kỳ tham gia với những người khác trên khắp đất nước để cầu nguyện cho sự hỗ trợ và chữa lành của gia đình, bạn bè và cộng đồng của những người bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo lực này. Chúng tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người bị thương và đặc biệt cho những người đã mất mạng. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những người ở tuyến đầu, những người liều mạng đáp lại những lời kêu gọi giúp đỡ, và những người trong lĩnh vực y tế, những người giúp đỡ những người bị hại.

Các giám mục một lần nữa kêu gọi một cuộc đối thoại trung thực bắt nguồn từ Chúa Kitô để giải quyết tệ nạn phân biệt chủng tộc dai dẳng ở đất nước chúng ta. Giáo Hội Công Giáo đã là một tiếng nói nhất quán cho các quy định hợp lý và hiệu quả đối với vũ khí nguy hiểm, và USCCB tiếp tục vận động để chấm dứt bạo lực vì sự tôn trọng và phẩm giá của tất cả mọi người.

Chúng tôi cầu nguyện và hỗ trợ việc chữa lành các cộng đồng bị ảnh hưởng và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực và hòa bình của Chúa Kitô sẽ ngự trị trên tất cả những người bị ảnh hưởng.”
Source:Catholic News Agency
 
Vị Giáo Hoàng tiếp theo vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý
Đặng Tự Do
17:26 25/05/2022


Đức Hồng Y Matteo Zuppi, 66 tuổi, tổng giám mục Bologna, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, gọi tắt là CEI. CEI đã thông báo như trên vào ngày 24 tháng 5.

Sáng 24 tháng 5, các giám mục đã đưa ra ba ứng cử viên để Đức Giáo Hoàng lựa chọn, và Đức Thánh Cha đã nhanh chóng quyết định chọn Đức Hồng Y Zuppi, người đầu tiên trong danh sách.

Báo chí tại Ý xem đây là bước đầu tiên trong tiến trình đưa Đức Hồng Y Zuppi lên ngôi Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Matteo Zuppi sẽ thay thế Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, 80 tuổi, Tổng giám mục Perugia, đã giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục Ý từ năm 2017, vừa hết nhiệm kỳ 5 năm.

Matteo Zuppi là phát ngôn viên của một trong những hiệp hội có ảnh hưởng nhất của giáo dân trong Giáo hội: cộng đồng Thánh Egidio.

Thời trẻ, vào những năm 1970, ngài là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức này với chủ trương đối thoại liên tôn và hòa bình - một đặc điểm của hiệp hội - và nổi tiếng là một “linh mục đường phố”. Ngài đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm chức vụ linh mục chỉ vài tuần trước, vào ngày 9 tháng Năm.

Vào những năm 1990, Cha Matteo Zuppi đã mang lại cho cộng đồng Thánh Egidio tầm vóc quốc tế của mình bằng cách tham gia một cuộc hòa giải ở Mozambique, và sau đó đã đi khắp nơi trên thế giới nhân dịp “cầu nguyện cho hòa bình” và các cuộc hòa giải khác. Với những sứ mệnh này, ngài đã hoàn thiện khả năng thông thạo ngôn ngữ của mình và xây dựng một mạng lưới quan trọng trong và ngoài Giáo hội.

Năm 2012, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Rôma, và năm 2015 được Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình chọn làm người đứng đầu Tổng giáo phận Bologna.

Ngài rất tận tâm với các vấn đề xã hội và nhân đạo, là một trong những lý do tại sao ngài được Đức Giáo Hoàng tấn phong Hồng Y vào năm 2019, hiệu tòa là giáo xứ Thánh Egidio, ở Trastevere, nơi mọi thứ bắt đầu đối với ngài.
Source:Aleteia
 
Bài Giáo Lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: tuổi già và sự vỡ mộng theo sách Giảng viên
Vũ Văn An
19:21 25/05/2022
Theo tin Tòa Thánh, trong buổi yết kiến chung tại Quảng trường Nhà thờ Thánh Phêrô, thứ 4, ngày 25 tháng 5 năm 2022, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã tiếp tục loạt bài giáo lý của ngài về tuổi già, nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng "vỡ mộng" theo sách Giảng viên. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài, dựa vào bản tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Trong suy gẫm của chúng ta về tuổi già - chúng ta tiếp tục suy gẫm về tuổi già - hôm nay chúng ta bàn tới Sách Qoheleth, hay sách Giảng viên, một viên ngọc khác được nạm vào Kinh thánh. Đọc nó lần đầu, cuốn sách ngắn này gây ấn tượng mạnh và khiến người ta ngạc nhiên bởi điệp khúc nổi tiếng của nó: “Mọi sự đều là phù vân”, mọi sự đều là phù vân: điệp khúc cứ thế lặp đi lặp lại, mọi sự đều là phù vân, mọi sự đều là “sương mù”, mọi sự đều là “mây khói”, mọi sự đều là “trống rỗng”. Thật đáng ngạc nhiên khi thấy trong Kinh Thánh những biểu thức nghi vấn ý nghĩa của đời sống. Thực thế, việc Qoheleth liên tục dao động giữa ý nghĩa và vô nghĩa là trình bầy đầy oái oăm một nhận thức về cuộc sống tách rời khỏi niềm đam mê công lý, mà Sự phán xét của Thiên Chúa về nó là một bảo đảm. Và phần kết luận của Sách chỉ ra con đường thoát khỏi thử thách: “Hãy kính sợ Thiên Chúa và tuân giữ các điều răn của Người; vì đây là toàn thể bổn phận của con người ”(12:13). Đấy là lời khuyên để giải quyết vấn đề này.

Đối diện với một thực tại mà ở một số thời điểm nào đó, đối với chúng ta, dường như có thể tiếp nhận mọi mâu thuẫn, gán cho chúng cùng một số phận bất chấp mọi điều – một cách sẽ kết cục trong hư vô - con đường thờ ơ cũng có thể xuất hiện với chúng ta như một phương thuốc duy nhất cho sự vỡ mộng đầy đau đớn. Những câu hỏi như thế này nảy sinh trong chúng ta: Các cố gắng của chúng ta có thay đổi được thế giới chưa? Có ai có khả năng xác nhận sự khác biệt giữa người công chính và người bất chính chưa? Có vẻ như tất cả những điều này đều vô ích… Tại sao phải nỗ lực nhiều như vậy?

Có một loại trực giác tiêu cực có thể hiển hiện trong bất cứ mùa nào của cuộc đời, nhưng điều chắc chắn là tuổi già khiến cuộc gặp gỡ với sự thất vọng này gần như không thể tránh khỏi. Sự thất vọng đến với tuổi già. Và do đó, sự phản kháng của tuổi già đối với những tác động làm sa sút tinh thần của sự thất vọng này có tính quyết định: nếu những người cao niên, những người, vào thời điểm đó, đã chứng kiến mọi sự, vẫn giữ nguyên vẹn được niềm đam mê công lý của họ, thì sẽ có hy vọng cho tình yêu cả đức tin nữa. Và đối với thế giới đương thời, việc vượt qua cuộc khủng hoảng này, một cuộc khủng hoảng lành mạnh, đã trở nên chủ yếu. Tại sao? Vì một nền văn hóa có cao vọng đo lường mọi sự và thao túng mọi sự kết cục cũng sẽ tạo ra một sự hạ giá đối với ý nghĩa, đối với tình yêu, và đối với lòng tốt.

Sự hạ giá này làm mất đi ý chí hành động của chúng ta. Điều tự nhận là “chân lý” nào tự giới hạn vào việc quan sát thế giới, cũng sẽ thờ ơ đối với các điều mâu thuẫn và gán chúng cho dòng chảy của thời gian và số phận của hư vô, không hề có ơn cứu chuộc. Trong hình thức này - bị che đậy trong tính khoa học, nhưng thiếu tính nhậy cảm và thiếu tính đạo đức - hành trình hiện đại tìm kiếm sự thật đã bị cám dỗ bỏ rơi hoàn toàn niềm đam mê công lý. Nó không còn tin vào số phận của nó, lời hứa của nó, ơn cứu chuộc của nó.

Đối với nền văn hóa hiện đại của chúng ta, trong thực hành, muốn qui kết mọi sự vào nhận thức chính xác về sự vật, thì sự xuất hiện của lý lẽ khuyển nho mới này – một lý lẽ kết hợp giữa nhận thức và sự vô trách nhiệm - là một hậu quả khắc nghiệt. Thật vậy, nhận thức nào miễn trừ đạo đức cho chúng ta thoạt đầu có vẻ là nguồn của tự do, là nguồn của năng lực, nhưng nhanh chóng biến thành sự tê liệt của linh hồn.

Với sự oái oăm của mình, Sách Giảng viên đã vạch trần cơn cám dỗ chết người này về sự toàn năng của nhận thức - một “cơn mê sảng của trí tuệ toàn tri” – một toàn tri tạo ra sự bất lực cho ý chí. Các đan sĩ của truyền thống Kitô giáo cổ xưa nhất đã nhận diện chính xác căn bệnh của linh hồn này, họ đột nhiên phát hiện ra sự hư vô của một nhận thức không có đức tin và không có đạo đức, ảo tưởng của sự thật không có công lý. Họ gọi nó là “acedia” (vô cảm). Và đây là một cơn cám dỗ cho tất cả mọi người, ngay cả những người cao niên… Nhưng nó là [một cơn cám dỗ] cho tất cả mọi người. Nó không chỉ đơn giản là sự lười biếng; không, nó còn hơn thế nữa. Nó không chỉ đơn giản là trầm cảm. Không. Đúng hơn, acedia là sự đầu hàng trước nhận thức về thế giới mà không có bất cứ niềm đam mê nào đối với công lý và dấn thân cho nó.

Sự trống rỗng ý nghĩa và việc thiếu sức mạnh được mở ra bởi loại nhận thức này, vốn bác bỏ mọi trách nhiệm đạo đức và bất cứ tình cảm nào dành cho điều thiện thực sự, không phải là vô hại. Nó không chỉ lấy đi sức mạnh để ta ước muốn điều tốt: bằng phản ứng ngược lại, nó còn mở ra cánh cửa cho sự hung hãn của các sức mạnh xấu xa. Đây là những sức mạnh của lý trí đã trở nên điên loạn, trở nên khuyển nho bởi một ý thức hệ thái quá. Thực vậy, với tất cả sự tiến bộ của chúng ta, với tất cả sự thịnh vượng của chúng ta, chúng ta đã thực sự trở thành một “xã hội của sự mệt mỏi”. Anh chị em hãy nghĩ về nó: chúng ta là xã hội của sự mệt mỏi. Chúng ta được cho là đã tạo ra một nền phúc lợi rộng rãi và chúng ta chấp nhận một thị trường có chọn lọc một cách khoa học liên quan đến sức khỏe. Đáng lẽ chúng ta phải đặt ra một ngưỡng cửa hòa bình không ai có thể thể vượt qua được, thế mà chúng ta ngày càng chứng kiến nhiều cuộc chiến tàn nhẫn chống lại những người không có khả năng tự vệ. Khoa học tiến bộ, tất nhiên, và điều đó là điều tốt. Nhưng sự khôn ngoan của cuộc sống là một điều gì đó hoàn toàn khác, và nó dường như đang bị đình trệ.

Cuối cùng, lý do vô cảm và không có trách nhiệm này cũng lấy mất ý nghĩa và năng lực khỏi nhận thức sự thật. Không phải ngẫu nhiên mà thời đại của chúng ta là thời đại của tin tức giả mạo, mê tín tập thể và sự thật khoa học giả tạo. Quả là kỳ cục: trong nền văn hóa nhận thức này, biết đủ thứ, thậm chí cả độ chính xác của nhận thức, rất nhiều phép thuật phù thủy đã được loan truyền, mà là những trò phù thủy có văn hóa nhé. Đó là phép thuật phù thủy với một chút văn hóa nào đó nhưng lại dẫn anh chị em đến một cuộc sống mê tín dị đoan: một mặt, đến chỗ thúc đẩy trí khôn hiểu biết mọi sự từ tận gốc rễ của chúng; mặt khác, linh hồn cần một điều gì khác và đi theo con đường dị đoan, và kết cục là trò phù thủy. Từ sự khôn ngoan đầy hài hước của Qoheleth, tuổi già có thể học được nghệ thuật đưa ra ánh sáng sự lừa dối ẩn nấp trong cơn mê sảng về một sự thật của tâm trí không có tình cảm nào với công lý. Người cao niên giàu khôn ngoan và hài hước giúp đỡ rất nhiều cho người trẻ! Họ cứu người trẻ khỏi cơn cám dỗ chỉ muốn một nhận thức về thế giới ảm đạm và không có sự khôn ngoan của cuộc sống. Và những người già này cũng đưa những người trẻ trở lại với lời hứa của Chúa Giêsu: “Phúc cho ai đói khát công chính, vì họ sẽ được no nê” (Mt 5, 6). Họ sẽ là những người gieo niềm đói khát công lý nơi những người trẻ tuổi. Hãy can đảm lên, tất cả chúng ta, những người lớn tuổi! Hãy can đảm và tiến lên! Chúng ta có một sứ mệnh rất lớn trong thế giới. Nhưng, xin vui lòng, chúng ta không được tìm nơi ẩn náu trong một thứ chủ nghĩa duy tâm phần nào không cụ thể, không có thực, không gốc rễ này - chúng ta phải nói rõ ràng như thế - trong phép phù thủy của cuộc sống.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đọc Kỷ Yếu 75 Năm Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris 1947-2022
Phó tế Phạm Bá Nha
08:37 25/05/2022
Đọc Kỷ Yếu 75 Năm Gia Đình Giáo Xứ Việt Nam Paris 1947-2022

Nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập, vào ngày 22.5.2022, Giáo Xứ Việt Nam Paris phát hành tập Kỷ Yếu ‘75 Năm Gia Đình Gíao Xứ Việt Nam Paris, 1947-2022’, dầy 180 trang. Chúng tôi hân hạnh đọc tập Kỷ Yếu lịch sử qúi giá này, do cha Giám Đốc Gilbert Nguyễn Kim Sang làm chủ biên.

Mục đích

Như Cha Giám Đốc đã viết trong bài ‘Hồng Ân 75 năm’

1) Trong quá trình thành lập, những vị phụ trách và những bậc đàn anh, đàn chị, đã viết lên những trang sử vẻ vang của Giáo xứ trên mọi khía cạnh, từ cơ cấu tổ chức đến văn hóa giáo dục, từ đời sống thiêng liêng đến đời sống vật chất, để Giáo xứ trở thành một cộng đoàn huynh đệ mà mỗi người có thể đến và múc kín những “linh dược” giúp thăng tiến sự hài hòa nội tâm và tâm linh. Chắc hẳn khuôn mặt của các ngài vẫn lưu lại trong lòng mọi người với tâm tình yêu thương quí mến và biết ơn về những hy sinh cố gắng mà các ngài đã bỏ ra để xây dựng Giáo xứ trong suốt thời gian qua.

2) Là những người của thế hệ hôm nay, chúng ta có nhiệm vụ viết tiếp những trang sử của Giáo xứ. Bối cảnh xã hội có thay đổi, tâm tính của các thế hệ có đổi thay, nhưng niềm tin của chúng ta vào Chúa Kitô và tinh thần yêu thương đoàn kết vẫn không mai một. Giáo xứ vẫn là nơi mà Chúa Kitô ban phát muôn ngàn hồng ân qua các Bí tích được cử hành tại đây và cũng là nơi phát huy tinh thần của người môn đệ truyền giáo qua việc tham gia sinh hoạt các Hội đoàn để củng cố niềm tin và đức ái nơi mỗi người, và từ đó, ra đi làm chứng cho Chúa Kitô qua cuộc sống thường nhật nơi gia đình hay xã hội.

3) Mừng Kỷ niệm 75 năm thành lập Giáo xứ, chúng ta cùng dâng lên Thiên Chúa lời cảm tạ tri ân. Một cách kín đáo, bàn tay của Ngài đã hướng dẫn cộng đoàn Giáo xứ đến ngày hôm nay và chúng ta xin Ngài tiếp tục dẫn dắt và giúp chúng ta chu toàn nhiệm vụ mà Ngài đã trao phó cho Giáo xứ là làm vinh danh Ngài nơi môi trường xã hội Paris qua đời sống Đức Tin và sự dấn thân phục vụ, đồng hành với mọi người. Mượn lời Tv 137, chúng ta cùng thưa với Chúa :

“Lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương.

Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang.” (x. KY, tr. 7-8)

Ban Biên Tập

Ptvv Phêrô Phạm Bá Nha - Ptvv Giuse Giang Minh Đức -Ptvv Phêrô Cao Trọng Nghĩa- Gs Lê Đình Thông - Ns Trúc Tiên

Bìa, Trình bày và kỹ thuật

Ptvv Antôn Vũ Đình Khiêm – Ns Trúc Tiên – Ô. Lương Công Bình

Phần mở đầu

Phép Lành của Đức Thánh Cha Phanxicô

Kinh Tạ ơn (nhạc) - Thơ: Lê Đình Thông. Nhạc: Linh Diệu

Hồng Ân 75 năm - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang

Nội dung gồm hai phần

A.Những Năm Qua:

Về cơ cấu tổ chức GXVN Paris: 1947-2022

Với các bài:

Thánh Lễ Sai Đi - Lê Đình Thông

Đường Hướng Mới - Lm Gilbert Nguyễn Kim Sang

Đường Hướng Mục Vụ Giáo Xứ Việt Nam Paris (2017-2022) - Thérèse Trinh

Hướng tới một Hội Thánh hiệp hành - Phạm Bá Nha

Giáo Xứ Việt Nam Paris Biên Niên (1947-2022) - Phạm Bá Nha

Học đạo để phục vụ - Lê Đình Thông

Phó Tế Vĩnh Viễn - Ptvv Guise Giang Minh Đức

Khóa chuẩn bị hôn nhân - Lê Đình Thông

Nhóm gia đình trẻ - Giang Minh Đức & Tạ Thanh Minh Khánh

Nhóm Gia Đình Louis & Zélie – Tú &Huy

Việc hình thành và phát triển Hội Legio Mariae (1982 - ) - Joseph Trần Huynh

Lịch Sử Hình Thành và Linh Đạo Phong Trào Cursillo - Ngọc Cương

Hội Yểm Trợ Ơn Gọi Tận Hiến - Một Hội Viên

Hội các Bà Mẹ Công Giáo - Một Hội Viên

Báo Giáo Xứ Việt Nam Paris tờ báo cộng đoàn - Một Độc Giả

Mạng lưới Giáo Xứ Việt Nam Paris - Cao Trọng Nghĩa

Tiểu sử Cộng Đoàn Seine-Saint-Denis - Joseph Nguyễn Trung Ánh

Cộng Đoàn Marne-la-Vallée - Ban Đại Diện

Cộng Đoàn Villers-le-Bel –Nguyễn Thanh Sơn

Cộng Đoàn Ermont -– Nguyễn Minh Dương, Hồ Quang Khoa

Cộng Đoàn Cersy Pontoise - Ban Đại Diện

Cộng Đoàn Antony Nam Paris - Ban Đại Diện

Đoàn Kitô Vua GXVN Paris - Gioan Vũ Thành Nhân

Ca đoàn TNTT 1997-2022 - Bùi Văn Triển

Ca đoàn Lê Bảo Tịnh GXVN Paris - Nguyễn Anh Thơ

Ca đoàn Giáo Xứ Paris thành lập từ lúc nào - Ca đoàn Giáo Xứ Paris

Ca đoàn Trinh Vương - Nguyễn Trung Ánh, Du Hữu Tài

Triều Dâng rồi sẽ ra sao? - Phạm Trung Hiền

Thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris – Trần Anh Dũng

Hội Thân Hữu Taxi - Vũ Văn Tập

Nhóm Giới Trẻ Ephata - Ban Đại Diện

B.Hồng Ân Thiên Chúa :

Sinh hoạt văn hóa và thiêng liêng

Với các bài :

Hồng Ân Thiên Chúa - Một giáo dân

Mừng Ngân Khánh Linh Mục - Giáo Xứ Việt Nam

Te Deum Laudamus - Lê Đình Thông

Giáo Xứ Việt Nam Paris - Ngọc Kiều

Giữ gìn bản sắc văn hóa VN - Trúc Tiên

Đời con là một lời tạ từ - Marie Elisabeth Thanh Cầm

35 năm gieo trồng cây tốt sinh trái tốt - Một Phụ Huynh

Giáo Xứ Việt Nam Paris của tôi - Quang Đại

Cảm nghiệm gia đình - Marthe Ngọc Thanh

Đại Hội Tuyên Úy Đoàn VN tại Pháp Kỳ 44 - Phó Tế Phạm Bá Nha

Các Thánh tại Paris - Rosalie Nguyễn

Chứng Nhân Đức Tin Tử Đạo Giáo Lý Viên - Trinh Nguyên

Ngoài Kỷ Yếu này, GXVN Paris còn làm Bó Hoa Thiêng trong một tháng, từ 24.4 đến 15.5.2022 :Tham dự Thánh Lễ, Viếng Thánh Thể, Lần Chuỗi Mân Côi, Giúp đỡ người nghèo,Thăm viếng tha nhân.

Đặc biệt, cuối lễ 11g30, do ĐTGM Georges Pontier, Giám Quản Paris chủ lễ, cộng đoàn đọc Kinh dâng Giáo Xứ cho Đức Mẹ :

Lạy Mẹ rất mến yêu,

Cộng đoàn giáo xứ chúng con đến quì dưới chân Mẹ,

nhân dịp mừng kỷ niệm 75 năm thành lập Giáo xứ

Chúng con ngước mắt nhìn lên Mẹ,

sung sướng chiêm ngưỡng vẻ đẹp thánh thiện lạ lùng của

Mẹ.

Từ đời đời Thiên Chúa đã yêu thương Mẹ,

Đã sớm đưa Mẹ vào chương trình cứu chuộc loài người,

để Mẹ trở thành Mẹ Chúa Cứu Thế.

Khi Sứ thần truyền tin,

Mẹ đã mau mắn thưa “xin vâng”.

Mẹ luôn ghi nhớ và gẫm suy các mầu nhiệm của Chúa

trong lòng

Bằng lời cầu nguyện âm thầm,

Mẹ cộng tác mật thiết với Chúa trong việc rao giảng Phúc Âm.

Và khi đứng bên thập giá,

hiệp thông hoàn toàn với cuộc thương khó của Người,

Mẹ đã nhận lời trăn trối của Chúa,

để trở thành Mẹ của chúng con.

Lạy Mẹ chỉ bảo đàng lành, Mẹ mến yêu !

chúng con xin phó dâng Cộng đoàn Giáo xứ chúng con cho Mẹ.

Xin Mẹ săn sóc, ủi an, giúp đỡ,

để mọi thành phần dân Chúa

biết noi gương các Kitô hữu đầu tiên:

xây dựng Gia đình Giáo xứ

thành một cộng đoàn đức tin,

một cộng đoàn phụng tự,

một cộng đoàn bác ái,

để trở nên cộng đoàn loan báo Tin Mừng.

Xin Mẹ lôi kéo chúng con

vào tâm tình hiến dâng của Mẹ

để chúng con luôn sống hữu ích cho đời

làm vui lòng Mẹ và sáng danh Chúa

hầu được hưởng bình an và hạnh phúc ngay từ đời này

và đời sau được cùng Mẹ chiêm ngưỡng

vinh quang Ba Ngôi Cực Thánh. Amen

(Phỏng theo kinh của giáo phận Đà Lạt)

Pt. Phạm Bá Nha
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh vầng mây trên bầu trời
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
08:31 25/05/2022
Hình ảnh vầng mây trên bầu trời

Sau khi Chúa Giêsu Kitô sống lại từ cõi chết, Ngài còn ở lại trần gian 40 ngày nữa, và sau đó như Kinh thánh thuật lại biến cố ngoạn mục “ Chúa Giêsu Ktô được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa.”
(Sách Tông đồ công vụ 1,9).

Vầng mây bao phủ ngăn cách tầm nhìn các Tông đồ lúc Chúa Giêsu Kitô trở về trời diễn tả hình ảnh gì?

Trên bầu trời có những vầng đám mây bay kéo lượn thành đường dài ngắn rộng khác nhau ngang dọc khắp nền trời nhẹ nhàng cùng không gây phát ra tiếng động nào. Có khi đám vầng mây trong sáng chiếu tỏa vẻ đẹp trong mát thanh bình, huyền ảo thoi vị. Nhưng có những khi nhuốm mầu xám đen chiếu tỏa sự đe doạ cơn mưa giông bão sắp xảy đến. Vầng đám mây bay lượn lơ lửng bên sườn, trên đỉnh núi cao tạo nên vẻ huyền bí nhiệm mầu.

Các nhà khoa học về khí tượng nhìn khảo sát diễn tiến vầng đám mây trên bầu trời đánh gía tiên đoán khí hậu mưa gío sẽ kéo xảy đến trên mặt đất.

Các nhà khoa học môn Kinh thánh nhìn khảo sát vầng mây trên bầu trời theo ý nghĩa thần học.

Theo lịch sử Kinh Thánh cựu ước ghi viết thuật lại vầng đám mây, đôi khi là vầng đám mây đặc biệt nhất định, đóng vai trò mối liên hệ tương quan giữa Thiên Chúa và con người.

Sau tận lụt đại hồng thủy, Thiên Chúa chúc lành cho gia đình Ông Noah và thiết lập giao ước trật tự mới.

“Ta gác cây cung của ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây.” ( Sáng thế ký 9,13-14).

Trong cuộc xuất hành của dân Israel trở về quê hương Do Thái từ nước Ai Cập, vầng cột mây là hình ảnh dấu hiệu của Gia Vê Thiên Chúa luôn hiện diện dẫn đường cho họ đi băng qua sa mạc thung lũng vùng núi non hiểm trở ban ngày lẫn ban đêm. (Sách Xuất Hành 13,21).

Và đôi khi vầng đám mây cũng được diễn tả hiểu là hình ảnh dấu chỉ của Giave Thiên Chúa, hay vầng đám mây kéo bao phủ lều có Hòm Bia giao ước. Khi dân Do Thái đạt mục tiêu đi về tới quê hương đất nước Thiên Chúa hứa ban cho, vầng cột mây dẫn đường biến mất.

Ngày khánh thành đền thờ Jerusalem kính thờ Giave Thiên Chúa, thời vua Salomon xây dựng thành công, vầng tầng mây kéo xuống bao phủ đền thờ thánh địa, như dấu chỉ Thiên Chúa ngự xuống căn nhà của Ngài.

Trong kinh thánh Tân ước, vầng tầng mây được nói đến ít hơn trong Kinh thánh Cựu ước.

Vầng tầng mây tuy thế cũng được diễn tả hiểu về Thiên Chúa, sự xuất hiện của Thiên Chúa, sự hiện diện gần gũi của Ngài.

Vầng tầng mây diễn tả trình bày quang cảnh cho bầu trời tỏ hiện rõ nét. Khi Chúa Giêsu Kitô nhận lãnh làn nước phép rửa ở bờ sông Jordan, tầng trời mở ra và Thánh Thần Thiên Chúa xuất hiện dưới dạng con chim bồ câu trên Chúa Giêsu Kitô.

Vầng mây được trình bày diễn tả là luồng ánh sáng chiếu tỏa như trong nơi phúc âm của Thánh Mattheo 17,5, Marcô 9,6 và Luca 9,34, tường thuật về biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi Tabor. Vầng mây là dấu hiệu sự hiện của Thiên Chúa.

Cũng vậy, biến cố Chúa Giêsu Kitô trơ về trời có vầng đám mây xuất hiện quấn quyện đưa Chúa Giêsu lên trời cao và che khuất tầm nhìn các Tông đồ đang ngước mắt nhìn lên trời cao theo dõi. ( Tông đồ công vụ 1,9).

Quang cảnh này diễn tả, nơi nào vầng mây xuất hiện, nơi đó có Thiên Chúa vĩnh cửu hiện diện và cũng là nơi Chúa Giêsu Kitô sau quãng đời 33 năm trên trần gian trở về với Thiên Chúa hằng hữu.

Và trong tương lai ngày mai Chúa Giêsu Kitô cũng sẽ quay trở lại trong vầng đám mây trời, như Chúa Giêsu đã trả lời khẳng định”

“Chính ngài nói đó. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay các ông sẽ thấy con người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự gía mây trời mà đến.” ( Mt 26,64).

Nghệ thuật thời xa xưa hiểu tầng vầng mây trên nền trời là dấu chỉ sự hiện diện sức mạnh của Thiên Chúa.

Vầng mây chiếu tỏa ánh sáng trong biến cố Chúa Giêsu về trời, như trong Kinh Thánh thuật lại, loan truyền hình ảnh sứ điệp niềm hy vọng an ủi, như Chúa Giêsu Kitô đã nói với Tông đồ: Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Tình báo Bộ Quốc Phòng Ukraine tiết lộ vụ mưu sát Putin. Tiệp gởi gấp máy bay trực thăng cho Ukraine
VietCatholic Media
03:03 25/05/2022


1. Tình báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết Putin đã từng bị ám sát

Tin tức nổi bật nhất trong 24 giờ qua trên các phương tiện truyền thông thế giới là tin cho biết Putin đã từng bị ám sát.

Bản tin của Sky News Australia cho biết như sau: “Theo lãnh đạo cơ quan tình báo Ukraine, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thoát chết trong một mưu toan đảo chính hồi đầu năm nay.”

“Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, thiếu tướng Kyrylo Budanov, nói với trang web trực tuyến Ukrayinska Pravda rằng Tổng thống Nga đã bị tấn công ngay sau khi quốc gia của ông xâm lược nước láng giềng.”

“Ông nói tiếp rằng nhà lãnh đạo Nga đã bị tấn công bởi các đại biểu từ vùng Caucasus, nằm giữa Hắc Hải và Biển Caspi.”

“Đây là thông tin không công khai. Nỗ lực này hoàn toàn không thành công, nhưng nó thực sự đã diễn ra… khoảng hai tháng trước,” ông Budanov nói.

Các nguồn tin khác cho biết trong cuộc họp, các đại biểu từ vùng Caucasus đã đồng loạt xông đến Putin và bóp cổ ông ta. Tuy nhiên, chi tiết này không được kiểm chứng. Putin thường ngồi ở những chiếc bàn dài thoòng khi gặp gỡ những người khác. Không rõ biến cố này có liên quan đến thực hành này của ông ta hay không, hay đó chỉ là cách để Putin tránh bị nhiễm coronavirus.

Tờ New York Post cho biết một số các chi tiết liên quan đến việc Putin đề phòng bị ám sát như sau.

Vệ sĩ với cặp chống đạn và súng lục công suất lớn, người thế thân trông giống như thật và người thử thức ăn là một số cách Tổng thống Nga Vladimir dùng bảo vệ mình khỏi những người muốn ám sát và những người âm mưu đảo chính.

Các mối đe dọa tiềm tàng chống lại Putin, 69 tuổi, đã trở thành tâm điểm đáng chú ý khi Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Lindsey Graham của Đảng Cộng Hòa đơn vị South Carolina kêu gọi “ai đó ở Nga hãy đưa gã này ra ngoài” vì đã ra lệnh tiến hành cuộc xâm lược chết người vào Ukraine.

Nhưng Putin, một cựu điệp viên KGB, người đã nắm quyền kể từ năm 2000, dường như bị ám ảnh bởi cả an ninh và sức khỏe của mình - bảo vệ bản thân khỏi những kẻ ám sát và tránh COVID-19 bằng mọi giá, như đã xảy ra trong quãng thời gian mà ông ta đã biến mất để tránh nhiễm vi rút.

Những bức ảnh gần đây cho thấy ông ta gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới và thậm chí là các cố vấn của chính mình ở hai đầu đối diện của những chiếc bàn cực ký dài để duy trì khoảng cách giữa họ ít nhất 6m và ông ta cũng đã mặc một bộ đồ hazmat - hoàn chỉnh với mặt nạ phòng độc - trước khi đến thăm một bệnh viện ở Mạc Tư Khoa đang điều trị bệnh nhân coronavirus vào tháng 4 năm 2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thường được vây quanh bởi những “lính ngự lâm” của ông, những người chuyên bảo vệ an ninh.

Theo tờ Economist, các vệ sĩ của Putin - những người tự gọi mình là “Người lính ngự lâm” của ông - bao gồm một đơn vị đặc biệt trong Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga, hay còn gọi là FSO, có nguồn gốc từ năm 1881, khi Sa hoàng Alexander III bao quanh mình với các vệ sĩ sau vụ ám sát cha ông bằng một vụ ném bom mang tính cách mạng

Phần lớn những gì được tiết lộ về Dịch vụ An ninh Tổng thống đến từ trang web “Beyond Russia”, được điều hành bởi TV-Novosti, một hoạt động do nhà nước tài trợ. Đây cũng là cơ quan giám sát mạng lưới tuyên truyền RT.

Trang web cho biết các vệ sĩ của Putin được tuyển chọn kỹ lưỡng về các phẩm chất bao gồm “tâm lý hoạt động”, sức chịu đựng thể chất và khả năng chịu lạnh và không đổ mồ hôi khi nóng.

Họ được cho là được trang bị những chiếc cặp đặc biệt đóng vai trò như lá chắn bảo vệ ông Putin và mang theo súng lục SR-1 Vektor 9 mm do Nga sản xuất với đạn xuyên áo giáp.

Trước khi ông Putin lên đường, các đội tiền trạm sẽ tìm hiểu điểm đến của ông trước thời hạn nhiều tháng, kiểm tra xem công chúng có thể sẽ phản ứng như thế nào và thậm chí nếu khu vực đó có thể bị ảnh hưởng bởi thời tiết xấu hoặc thiên tai hay không.

Bất cứ nơi nào anh ta ở lại đều bị kiểm tra, các thiết bị gây nhiễu được lắp đặt để ngăn bom nổ từ xa và các kỹ thuật viên tiến hành giám sát điện tử đối với điện thoại di động và các thiết bị khác trong khu vực.

Trên đường, ông Putin lái xe giữa một đoàn xe bọc thép dày đặc chở các nhân viên đặc nhiệm của quân đội được trang bị AK-47, súng phóng lựu chống tăng và hỏa tiễn phòng không cầm tay.

Và khi anh ta bước ra nơi công cộng, bốn vòng an ninh vây quanh anh ta, bắt đầu với vệ sĩ riêng của anh ta, những người khác ẩn giữa đám đông, và các tay súng bắn tỉa núp trên các mái nhà xung quanh.

Cơ quan Bảo vệ Liên bang của Nga được đồn đại là thỉnh thoảng sử dụng một người thế thân cho Tổng thống Vladimir Putin.

Vào năm 2018, một băng ghi hình cjo thấy vệ sĩ đã can thiệp khi võ sĩ hỗn hợp nổi tiếng Conor McGregor quàng tay qua vai Putin khi họ chụp ảnh tại giải vô địch Túc Cầu Thế Giới ở Mạc Tư Khoa.

Một đoạn video được đăng trên YouTube cho thấy người đàn ông bước nhanh vào ngăn cản McGregor bằng ánh mắt nhìn chằm chằm và ra hiệu anh ta dừng lại, khiến võ sĩ này nhanh chóng bỏ cánh tay của mình và ngượng ngùng khoanh hai tay lại. FSO được cho là có thẩm quyền trên phạm vi rộng để thực hiện các hoạt động và điều tra của mình, bao gồm cả việc tiến hành nghe trộm điện tử, mở thư, lục soát nhà, thu giữ phương tiện và bắt giữ và thẩm vấn các nghi phạm.

Các vệ sĩ của Putin được cho là bị thay thế khi bước sang tuổi 35, nhưng họ có thể được khen thưởng bằng các chức vụ mới đầy quyền lực như thống đốc khu vực, bộ trưởng liên bang, chỉ huy cơ quan đặc biệt và các chức vụ trong phủ tổng thống.

Một tiết lộ năm 2018 của tờ báo Novaya Gazeta độc lập của Nga và Tổ chức Báo cáo Tội phạm Có Tổ chức và Tham nhũng cũng tiết lộ cách một nhà máy gia cầm khổng lồ từ thời Liên Xô bên ngoài Mạc Tư Khoa đã bị chiếm đoạt và đất đai có giá trị của nó đã được chia cho các sĩ quan cấp cao trong FSO và nhân viên An ninh Phủ Tổng thống.

Trong số những người hưởng lợi từ vụ lừa đảo này có 3 cựu vệ sĩ của Putin, những người được ghi nhận đã sát cánh bên ông trong chuyến công du chính thức tới Helsinki, Phần Lan, vào năm 1999.

Vào năm 2016, Russia Beyond ghi nhận những tin đồn lâu nay rằng FSO đôi khi sử dụng một “người thế thân của tổng thống” để bảo đảm an toàn cho Putin.

Putin sau đó thừa nhận rằng ông đã được đề nghị sử dụng người thế thân khi ông thực hiện một số chuyến đi đến Chechnya trong lúc Nga đang chiến đấu với quân ly khai ở đó vào đầu những năm 2000, nhưng ông tuyên bố trong một cuộc phỏng vấn năm 2020 rằng đã “từ chối những người thế thân này” mỗi khi chủ đề này xuất hiện.

Theo người sáng lập “Club des Chefs des Chefs”, một tổ chức ẩm thực có các thành viên nấu ăn cho các nguyên thủ và quốc vương trên khắp thế giới, Putin cũng có người thử mỗi bữa ăn để bảo đảm ông không bị đầu độc,.

Gilles Bragard nói với The Telegraph vào năm 2012: “những người thử các món ăn vẫn tồn tại nhưng chỉ ở Điện Cẩm Linh, nơi bác sĩ kiểm tra mọi món ăn cùng với đầu bếp”.

2. Cộng hòa Tiệp cung cấp cho Ukraine trực thăng tấn công

Cộng hòa Tiệp đã cung cấp cho Ukraine một số máy bay trực thăng tấn công và cùng với Slovakia, hiện đang sửa chữa hàng chục xe bọc thép, bảo đảm chúng sẽ hoạt động trở lại sau khi được khôi phục.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin đã cho biết như trên và cảm ơn sự đóng góp của chính phủ Tiệp.

Cụ thể, phía Ukraine đã nhận được các máy bay trực thăng tấn công Mi-24 do Liên Xô sản xuất, đã được gửi đến Ukraine trong bối cảnh nỗ lực chung để giành lại không phận.

Ngoài ra, Cộng hòa Tiệp và Slovakia đã nhận được một số lô xe bọc thép từ Ukraine để khôi phục chúng trước khi chúng có thể được sử dụng trong chiến đấu trở lại.

Những bước đi này đánh dấu sự gia tăng đáng kể trong sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine trong nỗ lực đẩy lùi sự xâm lược của Nga.

Vào tháng 4, Cộng hòa Tiệp trở thành quốc gia NATO đầu tiên báo cáo việc chuyển giao xe tăng cho Ukraine. Đây là lần đầu tiên NATO công bố việc cung cấp máy bay trực thăng tấn công cho Lực lượng vũ trang Ukraine

3. Lực lượng Nga đã bí mật đưa ra khỏi chiến hạm Moskva của hạm đội Hắc Hải bị đánh chìm những thi thể và tài liệu mật còn lại.

Vadym Skibitskyi, phát ngôn nhân của Cục tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết Nga đã tiến hành một chiến dịch đặc biệt đối với tàu tuần dương bị đánh chìm trong ít nhất hai tuần. Năm đến bảy tàu chiến của Nga đã tham gia.

Skibitsky nói: “Họ thu hồi các thi thể, loại bỏ tất cả các thiết bị đã được phân loại và làm sạch chiếc tàu tuần dương này - họ lấy đi những gì được cho là không thể rơi vào tay của một nước khác,” Skibitsky cho biết như trên và nói thêm rằng đây là một hoạt động bí mật của quân đội Nga, và các cơ quan chức năng không bao giờ thông báo công khai điều đó.

Phát ngôn nhân cũng xác nhận với các phương tiện truyền thông rằng chiếc tàu tuần dương bị chìm khi nó đang được kéo đến cảng Sevastopol của Ukraine tạm thời bị chiếm đóng vào năm 2014.

Như chúng tôi đã đưa tin, ngày 14/4, tàu tuần dương hỏa tiễn Moskva, kỳ hạm của Hạm đội Hắc Hải Nga, đã bị chìm. Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tuyên bố rằng con tàu đã bị trúng hai hỏa tiễn Neptune do Ukraine sản xuất. Nga bác bỏ thông tin này nhưng Ngũ Giác Đài sau đó đã xác nhận báo cáo do phía Ukraine cung cấp.

4. Người Nga phóng hỏa tiễn tấn công Zaporizhia

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine trong báo cáo sáng ngày Thứ Tư 25 tháng 5 cho biết:

“Sáng nay, ngày 25 tháng 5, lúc 05:13 sáng, quân đội Nga đã phóng bốn hỏa tiễn hành trình vào Zaporizhia. Một trong số bốn hỏa tiễn này đã bị phòng không của chúng tôi bắn hạ”

“Khu vực bị ảnh hưởng hiện đang được kiểm tra và các dịch vụ ứng phó đang làm việc tại hiện trường.”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết các lực lượng Nga có ý định bắt lính đối với nam giới tại vùng Kherson tạm thời bị chiếm đóng.

“Chính quyền chiếm đóng và quân đội Nga đang cố gắng buộc người dân địa phương hợp tác hoặc chấp nhận việc chiếm đóng. Theo dữ liệu hiện có, họ có ý định điều động người Ukraine từ các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng của khu vực Kherson tham gia cuộc chiến chống Ukraine”

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Công ước Geneva và được coi là tội phạm chiến tranh, lưu ý rằng quân xâm lược Nga đã thực hiện hành vi này kể từ khi chiếm đóng các vùng Donetsk và Luhansk.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng cho biết 180 lính Nga và 19 đơn vị thiết bị quân sự ở miền đông Ukraine đã bị loại khỏi vòng chiến trong ngày thứ Ba 24 tháng 5.

“Lực lượng phòng thủ Ukraine tiếp tục kìm chân kẻ xâm lược trong khu vực kiểm soát của Cụm tác chiến phía Đông. Ngày 24 tháng 5 năm 2022, quân đội phát xít Nga mở ba đợt tấn công. Pháo binh Ukraine đã gây thiệt hại hỏa lực cho các binh lính và đơn vị thiết bị của đối phương. Kết quả là, quân đội Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 180 lính Nga, 2 xe tăng, 5 xe chiến đấu bộ binh, 3 thiết giáp, 3 hệ thống pháo, 3 hệ thống súng cối và 3 máy bay không người lái.”

Đặc biệt, Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine đã phá hủy một máy bay Su-25 Grach của Nga ở Vùng Zaporizhzhia.
 
Giám Mục TQ bất khuất, không gia nhập quốc doanh bị bắt hơn một năm vẫn biền biệt
VietCatholic Media
05:09 25/05/2022


1. Giáo hội phát triển ở Bắc Triều Tiên bất chấp sự đàn áp

Đức Tổng Giám Mục Victorinus Doãn Công Hi (Yoon Kong-hi, 윤공희) một trong những giáo sĩ nổi tiếng nhất của Hàn Quốc, cho biết Giáo Hội Công Giáo ở Bắc Triều Tiên cộng sản đang phát triển, mặc dù những người Công Giáo sống thầm lặng và bị đàn áp. Trong một cuốn sách phỏng vấn có nhan đề “Câu chuyện về Giáo hội Bắc Triều Tiên”, được thực hiện vào năm ngoái, vị giám mục 98 tuổi sinh ra ở một vùng hiện thuộc Bắc Triều Tiên, đã đưa ra những bằng chứng về cách Giáo hội phát triển mạnh mẽ trong lãnh thổ này trước khi xảy ra sự chia cắt của bán đảo Triều Tiên.

Đức Tổng Giám Mục kể lại những sứ mệnh bác ái của một Giáo Hội Công Giáo rất tích cực, nỗi sợ hãi của người Công Giáo khi quân cộng sản tấn công các nhà thờ năm 1949, tấm gương của các thánh tử đạo, và câu chuyện về chuyến di cư vào Nam của ngài. Theo một số thông tin, có thể cấu trúc của các chủng viện từ thời đó vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
Source:Aleteia

2. Ở Đức, một bảng câu hỏi về việc bổ nhiệm các giám mục bị rò rỉ cho báo chí

Bản câu hỏi được gửi bởi Sứ thần Tòa thánh tại Đức, là Đức Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, nhằm xác định hồ sơ của các giám mục tương lai, đã bị rò rỉ cho báo chí. Tài liệu này cho thấy một sự tiến triển quan trọng so với phiên bản đã biết trước đó, ra đời từ năm 2001. Cần có thái độ “phù hợp và công bằng” đối với tội lỗi lạm dụng, cũng như hành vi tôn trọng đối với các nữ tu, để tránh bất kỳ “sự khó chịu hoặc tai tiếng”. “ Sự quan tâm đến tin tức quốc tế, trình độ học vấn, tình trạng sức khỏe, kinh nghiệm mục vụ hoặc khả năng lãnh đạo cũng được khảo sát trong bảng câu hỏi. Đạo đức hôn nhân và tình dục, cũng như quan điểm của các linh mục ứng viên chức “giám mục” liên quan đến việc phong chức cho phụ nữ, cũng là những tiêu chí được tính đến trong các bảng câu hỏi này.

Mặt khác, vấn đề tránh thai dường như là một chủ đề ít thiết yếu hơn trước: không giống như phiên bản năm 2001, bảng câu hỏi hiện tại không đặt câu hỏi về quan điểm của các giáo sĩ này đối với thông điệp “Humanae Vitae” của Đức Phaolô VI.


Source:Aleteia

3. Đức Thánh Cha nhắn nhủ các linh mục Rumani gần gũi với dân chúng

Trong buổi tiếp kiến các linh mục sinh viên Giáo hoàng Học viện Rumani ở Roma, sáng ngày 19 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắn nhủ các linh mục hãy gần gũi dân chúng, chứ đừng trở thành những người “làm việc trong phòng thí nghiệm thần học”.

Buổi tiếp kiến diễn ra nhân dịp kỷ niệm 85 năm thành lập học viện này giữa thời bách hại của chế độ cộng sản tại Rumani. Hiện diện tại buổi tiếp kiến, cũng có các Bề trên tại Bộ các Giáo Hội Công Giáo Đông phương.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng cách đây hai năm, “trong thánh lễ tại Cánh đồng Tự do ở thành phố Blaj bên Rumani, tôi đã khuyến khích mọi thành phần dân Chúa tại nước này hãy chống lại những ý thức hệ mới đang tìm cách áp đặt và làm cho các dân tộc bị mất gốc, nhiều khi một cách tinh vi, đưa họ ra khỏi truyền thống tôn giáo và văn hóa của họ. Trong thánh lễ, tôi đã tôn phong bảy giám mục tử đạo Rumani lên bậc chân phước, và trình bày các vị như mẫu gương cho toàn dân Rumani. Anh em sống tại Roma này, tại thành phố đã gìn giữ chứng tá của thánh Phêrô, Phaolô và nhiều vị tử đạo khác, anh em có thể tái khám phá những căn cội của anh em, qua việc học hành và suy niệm. Đó là cơ hội quí giá để có thể suy tư về vấn đề các căn cội được hình thành như thế nào”.

Đức Thánh Cha nhắc lại rằng, “trong thời Thế chiến thứ hai, khi Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương ở Rumani không còn giám mục hoạt động nữa, vì tất cả đã bị giết hoặc bị cầm tù, Đức Cha Ioan Ploscaru, Giám mục giáo phận Lugoj, bị cầm tù mười lăm năm, đã viết trong nhật ký: “Các linh mục và giám mục của Giáo Hội Công Giáo nghi lễ Đông phương đã coi thời kỳ này như thời kỳ quí giá nhất trong cuộc sống của họ. Đó là ơn được dâng lên Thiên Chúa những đau khổ và chứng tá đức tin của mình, dù phải hy sinh tính mạng”.

Và Đức Thánh Cha cảnh giác các linh mục sinh viên Rumani rằng: “Trong thực tế, có một tiến trình nguy hiểm: với thời gian, người ta ngày càng qui trọng tâm vào mình, thuộc về mình, và đánh mất sự năng động của cội rễ. Khi ấy người ta sẽ chú tâm vào những khía cạnh cơ chế, bề ngoài, lo bảo vệ phe nhóm của mình, và vô tình đánh mất hương vị của hồng ân”, như thể người ta chỉ dừng lại nhìn thân, cành, lá, cây mà quên rằng tất cả những thứ đó được các gốc rễ nâng đỡ. Nhưng chỉ khi nào cội rễ được tưới gội hẳn hoi, thì thân cây mới tiếp tục tăng trưởng dồi dào. Điều này xảy ra khi người ta ổn định và bị virus trần tục tinh thần tấn công. Từ đó họ lao vào cuộc sống tầm thường, tự cho mình là chuẩn mực, tìm cách thăng quan tiến chức, kiếm tìm những thỏa mãn cá nhân và những thú vui, ham muốn quyền hành, tiền bạc, danh vọng, sống an nhàn. Làm như thế là muốn tăng trưởng mà không có gốc rễ”.

Đức Thánh Cha không quên nhắn nhủ các linh mục về sự thông truyền đức tin, đừng dùng những ngôn từ phức tạp, nhưng diễn tả chân lý đức tin trong ngôn ngữ đơn sơ của người dân, như Chúa Giêsu đã dạy chúng ta”.

4. Tín hữu Công Giáo Trung Quốc kêu gọi trả tự do cho vị Giám Mục bị bắt hơn 1 năm

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết các tín hữu Công Giáo Hà Nam đang kêu gọi bọn cầm quyền trả tự do cho Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ (Zhang Weizhu, 张伟柱) năm nay 64 tuổi.

Cảnh sát đã bắt giữ Đức Cha vào ngày 21 tháng 5 năm ngoái 2021. Kể từ đó, ngài đã bị giam giữ bất hợp pháp mà không bị buộc tội hoặc xét xử.

Không một linh mục nào được phép đến thăm ngài hoặc gọi cho ngài. Các tín hữu và gia đình đều không biết về nơi ở của ngài.

Đức Cha Giuse Trương Vĩ Trụ bị bắt cùng với 10 linh mục và 10 chủng sinh. Khi bị tạm giữ, nhà chức trách đã thu giữ tài liệu, giấy tờ và sổ sách từ chủng viện, được tổ chức ở tầng trên của một xưởng sản xuất của giáo dân.

Một số máy tính cũng bị tịch thu, bao gồm cả máy tính của thủ quỹ giáo phận. Các chủng sinh được cho về nhà ba ngày sau khi bị giam giữ. Các linh mục cũng được trả tự do sau đó vài ngày.

Theo luật pháp Trung Quốc, không ai có thể bị biệt giam mà không bị buộc tội quá ba tháng. Đức Cha Trương đã bị giam giữ trong một năm tại một địa điểm không xác định.

Không giống như các trường hợp tương tự khác, vị Giám Mục thậm chí không được phép về nhà một ngày nào, như Tết Nguyên đán, chẳng hạn. Cảnh sát chỉ cho phép hai người thân gặp ngài chỉ trong vài phút trước sự chứng kiến của một sĩ quan công an.

Tuy nhiên, cộng đồng Công Giáo ở Tân Hương hy vọng sẽ sớm thấy giám mục của họ được trả tự do. Anh chị em giáo dân và giáo sĩ địa phương vô cùng quan tâm đến sức khỏe thể chất và tinh thần của ông.

Thật không may, không ai lên tiếng bảo vệ các giám mục Trung Quốc. Vụ bách hại mới nhất liên quan đến Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, là những luôn ủng hộ tự do tôn giáo ở Trung Quốc và tự do cho Giáo hội thầm lặng.

Sau thỏa thuận giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, đã có sự gia tăng các cuộc đàn áp, đặc biệt là đối với các cộng đồng thầm lặng: có các giám mục bị quản thúc tại gia, chẳng hạn như Đức Cha Giả Chí Quốc (Jia Zhiguo, 贾志国); có các giám mục đã bị cắt nước, điện và khí đốt, chẳng hạn như Đức Cha Quách Tích Tiến (Guo Xijin, 郭锡进); có cả một Giám Mục phải ngủ đầu đường xó chợ, theo đúng nghĩa đen của từ này, vì bọn cầm quyền cộng sản cấm không cho các tín hữu chứa chấp ngài. Đó là trường hợp của Đức Cha Thiệu Chúc Mẫn (Shao Zhumin, 邵竹民); và có cả các giám mục phải chịu học tập cải tạo để “tẩy não”, như trường hợp Đức Cha Trương Vĩ Trụ mà chúng tôi vừa nêu.
Source:Asia News
 
Âu lo: Trục Nga - Tầu đưa máy bay khiêu khích Nhật Bản. Thủ tướng Slovakia: Ukraine phải thắng Nga
VietCatholic Media
17:21 25/05/2022


1. Quân Nga đông gấp 20 lần, lực lượng Ukraine đành phải rút khỏi thị trấn tranh chấp Svitlodarsk

Pavlo Kyrylenko, người chỉ huy quân sự khu vực Donetsk, cho biết các lực lượng Nga đã chiếm thị trấn tranh chấp Svitlodarsk ở khu vực phía đông Donbas và các lực lượng Ukraine đã rút lui.

Kyrylenko nói: “Khoảng 10.000 dân thường vẫn còn ở Svitlodarsk bị chiếm đóng. Không quá 30% dân số rời khỏi thành phố. Quân đội Nga đã tiến vào Svitlodarsk thuộc vùng Donetsk. Cờ Nga đã được treo ở đó.”

Theo Kyrylenko, Svitlodarsk đã bị bao vây ba mặt, và thành phố không bị pháo kích dữ dội nên phần lớn dân thường không muốn di tản.

“Đây không phải là một cuộc rút lui của Các Lực lượng Vũ trang Ukraine, mà là một cuộc tập hợp lại,” ông nói. “Đây là quyết định đúng đắn và hợp lý trong tình huống này để cứu mạng sống của quân đội và tái phối trí.”

Các kênh truyền hình Nga đã chiếu hình ảnh lá cờ Nga được treo trên tòa nhà hành chính thành phố ở Svitlodarsk như một chiến thắng vinh quang.

Kyrylenko cũng mô tả tình hình là “rất khó khăn” ở Lyman, một thành phố xa hơn về phía bắc trong vùng Donetsk.

“Hiện thành phố đang liên tục bị tấn công. Quân Nga đã xâm nhập vào lãnh thổ của cộng đồng Lyman nhưng bị đánh bật ra. Mục tiêu chính của họ là lấy cộng đồng Lyman làm trung tâm. Cửa sông hiện đã được kiểm soát một phần, họ tiến vào, rồi bị đuổi ra ngoài, pháo hạng nặng tiến vào, và xe tăng tiến vào vùng ngoại ô thành phố để pháo kích và chiếm toàn bộ trung tâm cũng như toàn bộ cộng đồng Lyman. Tình hình bây giờ là một trong những căng thẳng nhất trên toàn bộ tiền tuyến, cùng với Avdiivka.”

Trong khi đó, quân đội Nga đang tiến quân ở miền đông Ukraine và tấn công các thành phố quan trọng, đặc biệt là thành phố công nghiệp Severodonetsk, AFP đưa tin.

'Họ chỉ đơn giản là muốn xóa Sievierodonetsk khỏi mặt đất', Serhiy Haidai, thống đốc khu vực phía đông Lugansk, cho biết Sievierodonetsk đang bị tấn công bởi các cuộc không kích, hỏa tiễn, pháo và súng cối trong nỗ lực kiểm soát tỉnh này và tiến sâu hơn vào Ukraine.

“Tình hình rất khó khăn và không may là nó chỉ ngày càng trở nên tồi tệ hơn,” Haidai nói, mô tả điều mà anh gọi là “một cuộc tấn công toàn diện theo mọi hướng”

“Quân đội Nga đã quyết định tiêu diệt hoàn toàn Sievierodonetsk. Họ chỉ đơn giản là xóa Sievierodonetsk khỏi mặt đất,” ông nói.

Haidai cho biết hàng nghìn quân đã được cử đến để đánh chiếm khu vực Luhansk, đồng thời cho biết thêm rằng cuộc bắn phá vào Sievierodonetsk quá dữ dội nên đã quá muộn để 15.000 thường dân của nó rời đi.

Tại Mạc Tư Khoa, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rõ rằng Nga đang sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài.

Trong một diễn biến khác lực lượng bảo vệ lãnh thổ của Kharkiv đã tiêu diệt một khẩu đội súng cối của đối phương bằng các hệ thống súng cối bị bắt giữ.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết:

“Đơn vị súng cối của lữ đoàn biệt lập của lực lượng bảo vệ lãnh thổ Kharkiv đã tiêu diệt một khẩu đội súng cối của đối phương. Những người bảo vệ của chúng tôi ngay lập tức đưa chiến lợi phẩm vào phục vụ chiến tranh.”

Phối hợp với các đơn vị trinh sát đường không của Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 92 mang tên Ivan Sirko, lực lượng phòng thủ lãnh thổ Ukraine cũng đã tiêu diệt một xe tăng của đối phương.

2. Ngoại trưởng Ba Lan nói: Nga sẽ vẫn là mối đe dọa hòa bình ở Âu Châu ngay cả sau khi ngừng bắn

Nga sẽ vẫn là mối đe dọa đối với hòa bình ở Âu Châu ngay cả sau khi ngừng bắn ở Ukraine, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Zbigniew Rau cho biết như trên.

“Việc Nga thay đổi ngay sau khi thỏa thuận ngừng bắn là điều quá mơ mộng. Nó sẽ vẫn là một mối nguy hiểm cho hòa bình ở Âu Châu,” Rau nói trong cuộc họp báo chung với Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock.

Rau cho biết ông lo sợ về một cuộc xâm lược của Nga vào Ba Lan, cũng như “nguy cơ xảy ra một cuộc xâm lược vũ trang vào các quốc gia ở sườn phía đông NATO.”

Ba Lan và Đức phải cố gắng để Nga “chịu một thất bại chiến lược và các lực lượng chiếm đóng của họ phải rời khỏi Ukraine trong các biên giới được luật pháp quốc tế công nhận”.

Về phần mình, Ngoại trưởng Baerbock nói rõ rằng khu vực Donetsk phải thuộc về Ukraine “Ukraine là một quốc gia có chủ quyền trong biên giới của mình và điều này đúng cho hiện tại, điều này đúng kể từ năm 2014 và điều này đúng cho tương lai.”

3. Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản tố cáo máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga cùng bay vòng quanh Nhật Bản

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Nobuo Kishi nói với các phóng viên rằng các máy bay ném bom của Trung Quốc và Nga đã cùng bay vòng quanh Nhật Bản, đồng thời cho biết thêm rằng Lực lượng Phòng vệ trên không của nước này đã phải điều máy bay chiến đấu của mình và tiến hành giám sát.

Kishi nói với các phóng viên rằng “các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc và Nga trong cuộc họp Tứ Cường nhằm thể hiện một cuộc biểu dương chống lại đất nước của chúng tôi, là nước chủ nhà, và mang tính khiêu khích nhiều hơn so với trước đây.”

Bốn nhà lãnh đạo của “Tứ Cường” bao gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc - đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tiếp tại Tokyo.

“Trong khi cộng đồng quốc tế đang phản ứng trước hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine, thì việc Trung Quốc có hành động như vậy cùng với Nga là không thể chấp nhận được”, Kishi nói thêm, “đó là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy môi trường an ninh xung quanh đất nước chúng tôi đang ngày càng trở nên nghiêm trọng, và chúng tôi rất quan tâm. “

Ông Kishi cũng cho biết Nhật Bản đã chuyển những quan ngại của mình tới cả Trung Quốc và Nga thông qua các kênh ngoại giao, đồng thời kêu gọi Trung Quốc một lần nữa đóng vai trò có trách nhiệm trong việc duy trì hòa bình và an ninh của cộng đồng quốc tế.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc xác nhận rằng lực lượng không quân của Trung Quốc và Nga đã tiến hành các cuộc tuần tra chiến lược chung trên không phận Biển Nhật Bản, Biển Hoa Đông và Tây Thái Bình Dương.

Bộ Quốc phòng cho biết thêm, cuộc tuần tra chung là một phần trong kế hoạch hợp tác quân sự hàng năm giữa hai nước.

Trước đó, vào hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mạc Tư Khoa phải chấm dứt bất kỳ sự phụ thuộc nào vào phương Tây và thay vào đó nước này đang tăng cường quan hệ với Trung Quốc sau cuộc chiến ở Ukraine.

4. Cách duy nhất để ngăn chiến tranh ở Ukraine leo thang thành chiến tranh thế giới là giúp Ukraine giành chiến thắng

Chánh Văn Phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak đã có bài nói chuyện trực tuyến trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos.

Ông cho biết: “Ukraine không có bất kỳ tranh chấp lãnh thổ nào với Nga. Nga chỉ đơn giản là chiếm đóng và cố gắng sát nhập các vùng lãnh thổ của Ukraine. Không hợp pháp. Chắc chắn rồi. Hơn ai hết, chúng tôi cố gắng cho một cuộc đối thoại cân bằng và hợp lý. Tuy nhiên, văn hóa chính trị của Nga không tạo ra một cuộc đối thoại bình đẳng. Cơ sở của nó là bạo lực. Ngôn ngữ của nó là vũ lực. Hơn bất cứ ai trên thế giới, chúng tôi tìm kiếm hòa bình. Nhưng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của chúng tôi không thể bị thỏa hiệp,” Yermak nói.

Theo lời của ông, hàng chục nghìn người đã chết trong cuộc chiến này và hàng triệu người khác đã phải trốn thoát. Tuy nhiên, bất chấp tất cả những tội ác mà binh lính Nga đã gây ra ở Bucha, Mariupol, Chernihiv và hàng chục địa điểm khác, phía Ukraine vẫn tiếp tục nghe thấy những lời kêu gọi Ukraine hãy đầu hàng vì hòa bình ở Âu Châu.

“Một số đối tác của chúng tôi vẫn đang đề nghị chúng tôi nhượng bộ kẻ xâm lược để có hòa bình. Các cuộc đàm phán về cái gọi là tranh chấp lãnh thổ được đề xuất. Làm sao người ta có thể tin được khi Nga lộ rõ ý định hủy diệt Ukraine? Làm sao người ta có thể hy vọng vào điều đó trong khi các nhà lãnh đạo dư luận Nga đang kêu gọi hủy diệt những người Ukraine chúng tôi? Làm sao người ta có thể mong đợi điều đó, với vô số lời chứng về các hành động diệt chủng người Ukraine do quân đội Nga gây ra? Vì vậy, mục tiêu trước mắt của Ukraine là ngăn chặn sự xâm lược tàn bạo của Nga và bảo đảm việc rút quân hoàn toàn khỏi vùng đất của chúng tôi”, ông Yermak nhấn mạnh.

Theo Yermak, hiện nay Ukraine, Âu Châu và thế giới đang phải đối phó với các ý thức hệ và những thực tiễn rất giống với các chế độ độc tài tồi tệ nhất trong thế kỷ trước. Lịch sử dạy chúng ta rằng nghị hòa với kẻ xâm lược là vô ích, vì chúng luôn lấy sự ôn hòa làm điểm yếu và đòi hỏi nhiều hơn trong mỗi lần nhượng bộ tiếp theo.

“Vì vậy, chỉ có một cách để ngăn chặn cuộc chiến ở Ukraine leo thang thành một cuộc chiến tranh cấp châu lục và thậm chí là thế giới: đó là hãy giúp Ukraine giành chiến thắng. Bây giờ, bạn không cần phải tiến hành cuộc chiến này. Chỉ cần giúp chúng tôi làm điều đó. Nếu không, bạn sẽ phải làm. Bạn sẽ phải gửi quân của mình đến các trận chiến. Giúp đỡ Ukraine là một cách để giải quyết mâu thuẫn giữa chính sách giá trị và chính sách thực tế. Đây là một cách để gửi một tín hiệu rõ ràng đến những kẻ đang manh nha xâm lược: hành động của họ sẽ bị trừng phạt.”

5. Thủ tướng Slovakia nhận định: Ukraine phải thắng

Thủ tướng Slovakia đã đưa ra cảnh báo rõ ràng về tương lai của đất nước ông nếu Nga đánh bại Ukraine trong một hội thảo tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hôm thứ Tư.

Thủ tướng Eduard Heger nói với các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu và các doanh nghiệp khác: “Nếu Ukraine thất bại, Slovakia là người tiếp theo”.

“Ukraine phải giành chiến thắng,” ông nói.

Heger tiếp tục chỉ trích các thành viên của Liên minh Âu Châu phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng của Nga. Ông kêu gọi các nhà lãnh đạo “ngừng thỏa hiệp” các nguyên tắc của họ khi giao dịch với Nga.

Ông nói: “Về cơ bản, chúng ta đã đánh đổi các giá trị cao cả của mình để lấy khí đốt và dầu giá rẻ quá lâu. Thỏa hiệp với Putin đã gây ra chiến tranh ở Ukraine. Một cuộc chiến tranh gây hấn, mọi người đang chết dần chết mòn “.

Người Ukraine đang “đổ máu của chính họ vì các giá trị của chúng ta, đến mức chúng ta không phải đổ máu như thế,” Heger nói.

Heger yêu cầu khối làm việc với Ukraine và các nước Tây Balkan để đưa ra “các quy tắc tiêu chuẩn hóa để họ có thể gia nhập Liên Hiệp Âu Châu”.

Trong những năm gần đây, Ukraine đã thắt chặt quan hệ kinh tế và chính trị với Liên Hiệp Âu Châu và Kyiv bày tỏ mong muốn được gia nhập. Các quốc gia ở phía tây Balkan cũng đã tìm cách gia nhập trong vài năm.

Việc gia nhập khối thường mất vài năm, vì các quốc gia phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt về tư cách thành viên trước khi tham gia vào các cuộc đàm phán.

Một số nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu hiện tại đã bác bỏ ý kiến cho rằng tư cách thành viên của khối có thể được chấp nhận nhanh chóng do cuộc xâm lược.

“Không có gì gọi là đẩy nhanh việc gia nhập, một thứ như vậy không tồn tại,” Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói hồi tháng 3.

6. Lithuania tuyên bố sẽ gửi nhiều viện trợ quân sự hơn cho Ukraine

Lithuania sẽ chuyển một lô hàng viện trợ mới cho Ukraine “để hỗ trợ thêm cho hoạt động phòng thủ của nước này chống lại Nga”, Bộ Quốc phòng Lithuania cho biết hôm thứ Tư.

Arvydas Anusauskas cho biết Lithuania sẽ gửi 20 xe bọc thép M113, 10 xe tải quân sự và 10 xe SUV cho các hoạt động rà phá bom mìn.

Ông nói: “Sự hỗ trợ của chúng tôi là rất quan trọng đối với chiến thắng và bảo vệ chủ quyền của Ukraine,” ông nói thêm rằng “Lithuania đã cung cấp sự hỗ trợ đầu tiên trước khi chiến tranh bắt đầu và hiện chúng tôi đang không ngừng suy nghĩ về sự hỗ trợ hiệu quả bổ sung quan trọng đối với Ukraine trong tương lai.”

Lithuania là nước ủng hộ mạnh mẽ Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2, trở thành quốc gia Liên minh Âu Châu đầu tiên ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga. Đầu tháng này, Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania Gabrielius Landsbergis cho biết chế độ Nga phải được xóa bỏ để ngăn chặn “tình trạng gây chiến”.

7. Nga gọi kế hoạch hòa bình của Ý cho Ukraine là một 'điều viễn vông'

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, gọi một kế hoạch hòa bình của Ý cho Ukraine là một “điều hoang tưởng”

Tuần trước, Bộ trưởng Ngoại giao Ý, Luigi Di Maio, đã đưa ra những nét khái quát về kế hoạch và cho biết ông đã thảo luận về kế hoạch này với Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, António Guterres, trong chuyến thăm tới New York.

Kế hoạch sẽ có sự tham gia của các nhóm quốc tế như Liên Hiệp Quốc, Liên Hiệp Âu Châu và Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu để đóng vai trò hỗ trợ tổ chức các cuộc ngừng bắn được địa phương hóa lúc đầu, ông Di Maio nói trong một cuộc họp báo ở Ý hôm thứ Sáu tuần trước.

Bà Zakharova cho biết trong cuộc họp báo tại Bộ Ngoại Giao Nga rằng: Bạn không thể một tay cung cấp vũ khí cho Ukraine và tay kia đưa ra kế hoạch giải quyết tình hình một cách hòa bình.

Hôm thứ Ba, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết Mạc Tư Khoa vẫn chưa nhìn thấy kế hoạch hòa bình của Ý nhưng họ hy vọng sẽ nhận được kế hoạch này thông qua các kênh ngoại giao.

Bà Zakaharova nói thêm: “Nếu họ hy vọng rằng Liên bang Nga sẽ thực hiện bất kỳ kế hoạch nào của phương Tây, thì họ đã không hiểu bao nhiêu”.
 
Đại tang cho Hoa Kỳ: 19 mái đầu xanh ra đi vì bạo lực. ĐGH tiếp theo vừa được bầu chủ tịch HĐGM Ý
VietCatholic Media
17:24 25/05/2022


1. 21 người thiệt mạng trong vụ xả súng ở trường tiểu học ở Texas

Một tay súng đã giết chết 19 học sinh tiểu học và hai giáo viên tại trường tiểu học Robb ở Uvalde, Texas, cách San Antonio khoảng 90 km về phía tây, hôm thứ Ba.

Thống đốc Texas Grett Abbott cho biết ngày 24 tháng 5 kẻ xả súng, một thanh niên địa phương 18 tuổi, đã chết, được tường trình đã bị giết bởi cơ quan thực thi pháp luật. Ông xác định kẻ tấn công là Salvador Ramos, nói rằng anh ta được trang bị một khẩu súng ngắn, và có thể có cả một khẩu súng trường.

Thống đốc nói thêm, “Người ta tin rằng hai nhân viên thực thi pháp luật đã bị trúng đạn, nhưng không có thương tích nghiêm trọng.”

Một số học sinh và nhân viên đang được điều trị tại các bệnh viện gần đó.

Vụ việc được cho là vụ xả súng trường học tồi tệ nhất kể từ vụ tấn công năm 2012 tại trường tiểu học Sandy Hook ở Newtown, Connecticut, trong đó kẻ tấn công đã giết chết 26 người.

Đức Cha Michael Olson của Fort Worth đã tweet, “Chúng ta hãy cầu nguyện cho gia đình của những đứa trẻ bị giết hoặc bị thương bởi hành động xấu xa này và chúng ta hãy thực hiện các bước nghiêm túc về phía trước trong việc bảo vệ cuộc sống dễ bị tổn thương và đề cao công lý vì sự an toàn của con cái chúng ta.”

Diễn biến này xảy ra ngay sau các vụ xả súng ở Buffalo, New York và Laguna Woods, California vào cuối tuần qua.

10 người thiệt mạng và 3 người khác bị thương khi một thanh niên mới 18 tuổi nổ súng tại một siêu thị ở Buffalo, New York. Cảnh sát cho biết kẻ xả súng, hiện đang bị giam giữ, đã bị buộc tội giết người mà các viên chức gọi là tội ác thù hận và là một trường hợp thực hiện chủ nghĩa cực đoan bạo lực với động cơ chủng tộc.

Một ngày sau đó, một người Trung Quốc đã nổ súng trong một nhà thờ tại Orange County khiến một người thiệt mạng.

Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, đã đưa ra tuyên bố sau đây:

“Các giám mục Hoa Kỳ tham gia với những người khác trên khắp đất nước để cầu nguyện cho sự hỗ trợ và chữa lành của gia đình, bạn bè và cộng đồng của những người bị ảnh hưởng bởi những vụ bạo lực này. Chúng tôi cầu nguyện đặc biệt cho những người bị thương và đặc biệt cho những người đã mất mạng. Chúng tôi cũng cầu nguyện cho những người ở tuyến đầu, những người liều mạng đáp lại những lời kêu gọi giúp đỡ, và những người trong lĩnh vực y tế, những người giúp đỡ những người bị hại.

Các giám mục một lần nữa kêu gọi một cuộc đối thoại trung thực bắt nguồn từ Chúa Kitô để giải quyết tệ nạn phân biệt chủng tộc dai dẳng ở đất nước chúng ta. Giáo Hội Công Giáo đã là một tiếng nói nhất quán cho các quy định hợp lý và hiệu quả đối với vũ khí nguy hiểm, và USCCB tiếp tục vận động để chấm dứt bạo lực vì sự tôn trọng và phẩm giá của tất cả mọi người.

Chúng tôi cầu nguyện và hỗ trợ việc chữa lành các cộng đồng bị ảnh hưởng và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực và hòa bình của Chúa Kitô sẽ ngự trị trên tất cả những người bị ảnh hưởng.”


Source:Catholic News Agency

2. Đức Thánh Cha khai mạc khóa họp Hội đồng Giám mục Ý

Chiều ngày 23 tháng Năm vừa qua, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khai mạc khóa họp thường niên thứ 76 của Hội đồng Giám mục Ý, với cuộc gặp gỡ dài hai tiếng đồng hồ, tại Đại thính đường Phaolô VI ở nội thành Vatican.

220 giám mục Ý nhóm họp tới ngày thứ Sáu 27 tháng Năm tới đây, về chủ đề: “Lắng nghe những trình thuật của dân Chúa. Sự phân định đầu tiên: đâu là những ưu tiên đang nổi lên cho hành trình công nghị?”. Nơi diễn ra khóa họp là khách sạn Hilton gần phi trường Fiumicino.

Một điểm chính trong khóa họp là làm danh sách ba ứng viên để Đức Thánh Cha chọn và bổ nhiệm làm tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, kế nhiệm Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, Tổng giám mục giáo phận Perugia, 80 tuổi, về hưu sau năm năm làm chủ tịch.

Trước đây, với tư cách là Giáo chủ nước Ý, Đức Thánh Cha trực tiếp bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý và vị Tổng thư ký. Nhưng với Đức Thánh Cha Phanxicô, ngài muốn các giám mục tự chọn Chủ tịch Hội đồng Giám mục như tại các nước khác. Nhưng các giám mục Ý xin Đức Thánh Cha duy trì tập tục và sau cùng, có một giải pháp dung hòa là các giám mục đề ra danh sách ba ứng viên.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây dành cho báo “Người đưa tin chiều” (Corriere della sera) ở Ý, Đức Thánh Cha cho biết ngài muốn có một vị Chủ tịch mới của Hội đồng Giám mục Ý là “Hồng Y, trẻ trung và có khả năng thi hành ý tưởng của ngài về Giáo hội đang tiến hành và cải tổ”.

Trong phiên họp sáng ngày 24 tháng Năm, các giám mục đã bỏ phiếu chọn ba ứng viên, và Đức Hồng Y Matteo Maria Zuppi, 66 tuổi, Tổng giám mục giáo phận Bologna, bắc Ý, đã được nhiều phiếu nhất, đứng đầu danh sách ba ứng viên, và Đức Thánh Cha bổ nhiệm Đức Hồng Y Zuppi làm tân Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý.

Đức Hồng Y Zuppi sinh trưởng tại Roma, từng cộng tác nhiều với Cộng đồng thánh Egidio ở Roma và làm Giám Mục Phụ Tá giáo phận Roma, trước khi được Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm Tổng giám mục giáo phận Bologna, hồi năm 2015.

Thứ Sáu 27 tháng Năm tới đây, sẽ có cuộc họp báo kết thúc đại hội.

Mặt khác, theo báo chí, trong cuộc gặp gỡ các giám mục Ý, Đức Thánh Cha cũng cho biết ngài không muốn chịu phẫu thuật để giải quyết vấn đề đầu gối bị đau. Ngài nói rõ như vậy và kể với các giám mục rằng lần chót, khi chịu phẫu thuật ruột già, ngài đã bị những hậu quả rắc rối sau khi bị gây mê, vì thế bây giờ ngài không muốn bị đưa vào phòng mổ nữa. Đức Thánh Cha hy vọng những cơn đau ở đầu gối và hông có thể được giải quyết với việc chích nhiều vào đầu gối và cố gắng tuân hành những lời khuyên của các bác sĩ chỉnh hình, dùng xe lăn để di chuyển.

Một số ngày, người ta thấy Đức Thánh Cha dùng cây gậy có ba chân để làm cho bước đi được ổn định hơn.

3. Vị Giáo Hoàng tiếp theo vừa được bổ nhiệm làm chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Ý

Đức Hồng Y Matteo Zuppi, 66 tuổi, tổng giám mục Bologna, đã được Đức Giáo Hoàng Phanxicô bổ nhiệm làm chủ tịch Hội đồng Giám mục Ý, gọi tắt là CEI. CEI đã thông báo như trên vào ngày 24 tháng 5.

Sáng 24 tháng 5, các giám mục đã đưa ra ba ứng cử viên để Đức Giáo Hoàng lựa chọn, và Đức Thánh Cha đã nhanh chóng quyết định chọn Đức Hồng Y Zuppi, người đầu tiên trong danh sách.

Báo chí tại Ý xem đây là bước đầu tiên trong tiến trình đưa Đức Hồng Y Zuppi lên ngôi Giáo Hoàng.

Đức Hồng Y Matteo Zuppi sẽ thay thế Đức Hồng Y Gualtiero Bassetti, 80 tuổi, Tổng giám mục Perugia, đã giữ chức chủ tịch hội đồng giám mục Ý từ năm 2017, vừa hết nhiệm kỳ 5 năm.

Matteo Zuppi là phát ngôn viên của một trong những hiệp hội có ảnh hưởng nhất của giáo dân trong Giáo hội: cộng đồng Thánh Egidio.

Thời trẻ, vào những năm 1970, ngài là một trong những thành viên đầu tiên của tổ chức này với chủ trương đối thoại liên tôn và hòa bình - một đặc điểm của hiệp hội - và nổi tiếng là một “linh mục đường phố”. Ngài đã tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm chức vụ linh mục chỉ vài tuần trước, vào ngày 9 tháng Năm.

Vào những năm 1990, Cha Matteo Zuppi đã mang lại cho cộng đồng Thánh Egidio tầm vóc quốc tế của mình bằng cách tham gia một cuộc hòa giải ở Mozambique, và sau đó đã đi khắp nơi trên thế giới nhân dịp “cầu nguyện cho hòa bình” và các cuộc hòa giải khác. Với những sứ mệnh này, ngài đã hoàn thiện khả năng thông thạo ngôn ngữ của mình và xây dựng một mạng lưới quan trọng trong và ngoài Giáo hội.

Năm 2012, ngài được bổ nhiệm làm Giám Mục Phụ Tá của Rôma, và năm 2015 được Đức Giáo Hoàng Á Căn Đình chọn làm người đứng đầu Tổng giáo phận Bologna.

Ngài rất tận tâm với các vấn đề xã hội và nhân đạo, là một trong những lý do tại sao ngài được Đức Giáo Hoàng tấn phong Hồng Y vào năm 2019, hiệu tòa là giáo xứ Thánh Egidio, ở Trastevere, nơi mọi thứ bắt đầu đối với ngài.
Source:Aleteia