Ngày 24-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 25/05: Chúa Thánh Thần là Linh Hồn của Giáo Hội – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
02:51 24/05/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em. Nhưng bây giờ, anh em không có sức chịu nổi. Khi nào Thần Khí sự thật đến, Người sẽ dẫn anh em tới sự thật toàn vẹn. Người sẽ không tự mình nói điều gì, nhưng tất cả những gì Người nghe, Người sẽ nói lại, và loan báo cho anh em biết những điều sẽ xảy đến. Người sẽ tôn vinh Thầy, vì Người sẽ lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em. Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế, Thầy đã nói: Người lấy những gì là của Thầy mà loan báo cho anh em.”

Đó là lời Chúa
 
Niềm vui từ Chúa Kitô vinh hiển
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
06:18 24/05/2022

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH
LỄ CHÚA LÊN TRỜI
NIỀM VUI TỪ CHÚA KITÔ VINH HIỂN
Cv 1,1-11; Dt 9,24-28.10,19-23; Lc 24,46-53

Thông thường, khi có ai ra đi, chúng ta thường cảm thấy buồn và thương nhớ. Bởi vì ra đi là chết đi trong lòng một ít như người Pháp nói: “Partir, c’est mourir un peu.” Tuy nhiên, việc Đức Giêsu chia tay các môn đệ và về cùng Chúa Cha lại là biến cố của niềm vui. Các Tông Đồ trở về cõi thế. Chia tay đôi ngã, tuy ngậm ngùi nhưng lòng vẫn chan chứa niềm vui.

1- Niềm hy vọng lớn lao

Chúa Giêsu lên trời là phần thưởng và là vinh quang mà Thiên Chúa Cha ban cho Người, sau khi Đức Giêsu hoàn tất sứ vụ cứu độ được Chúa Cha giao phó. Người đã nhập thể làm người, chịu đau khổ, chết và phục sinh; hôm nay, Người lên trời vinh hiển. Nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần, Thiên Chúa Cha đã siêu thăng Người và đặt Người ngự bên hữu Chúa Cha. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh (x. Ep 1,17-23). Khi ở bên hữu Thiên Chúa, Đức Giêsu hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha (x. Dt 7, 25).

Biến cố Chúa lên trời mở ra cho chúng ta niềm hy vọng về phần thưởng Nước Trời mà Người đã hứa. Theo lời thánh Lêô Cả: Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, “vinh quang của Đầu” đã trở thành “niềm hy vọng cho thân xác” (x. Bài giảng lễ Thăng Thiên). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, “Người là Đầu và là Trưởng Tử giữa đàn em đông đúc” (Rm 8,29).

Nước Trời là quê hương đích thực của mỗi người chúng ta. Đức Giêsu khai mở cho chúng ta về một tương lai mới, đó là hạnh phúc thiên đàng. Sống trên trần gian, chúng ta luôn phải hướng về quê thật, nơi đó có hạnh phúc đích thực.

2- Chúa Giêsu lên trời, Thánh Thần hiện xuống

Nếu Chúa Giêsu không về cùng Chúa Cha, thì Thánh Thần sẽ không được ban. Như Chúa đã nói: “Thầy đi thì ích lợi cho các con, vì nếu Thầy không đi, thì Đấng Phù Trợ sẽ không đến với các con, nhưng nếu Thầy ra đi, Thầy sẽ sai Người đến với các con” (Ga 16,7).

Quả thế, sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Cha sai Chúa Thánh Thần xuống trên các Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần chính là Đấng Bảo Trợ mới của Giáo Hội. Người hiện diện và hoạt động trong Giáo Hội. Người ban sức mạnh và biến đổi Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần, các Tông Đồ từ những người thất vọng, nhát đảm, sợ sệt, trở thành những người rất can đảm và hăng say rao giảng Tin Mừng. Chúa Thánh Thần là Đấng ban sự sống và là nguồn của mọi ân sủng. Nhờ Thánh Thần, chúng ta mới có thể làm con cái Chúa.

Như thế, Chúa Thánh Thần chính là quà tặng của Đấng Phục Sinh, được ban cho chúng ta khi Người về trời. Đó là niềm vui lớn lao cho chúng ta.

3- Với sứ vụ truyền giáo

Đấng Phục Sinh ủy thác sứ vụ truyền giáo cho Giáo Hội khi nói: “Phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân,” (Lc 13,47) hay “chính anh em là chứng nhân về những điều này” (Lc 24,48).

Vì thế, khi Đức Giêsu lên trời thì cũng là lúc các Tông Đồ phải xuống núi, phải lên đường để thi hành sứ vụ của mình. Các Tông Đồ đã ra đi và hăng say rao giảng Tin Mừng Phục Sinh cho mọi người, mọi dân tộc. Nhờ đó, Đạo Chúa được lan tỏa khắp thế giới.

Ngày hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục mời gọi mỗi người chúng ta cộng tác vào sứ vụ cao cả này: Chính chúng ta là những chứng nhân của sự thật và giá trị Tin Mừng.

Kitô giáo dạy chúng ta rằng trong khi hướng về thiên quốc, người Kitô hữu có bổn phận phải xây dựng xã hội trần thế này nên nhân bản, đạo đức và đẹp đẽ hơn. Bởi thế, người Công Giáo tốt là người tuân giữ luật lệ giao thông, trật tự công cộng và thiện ích cộng đồng tốt hơn những người khác.

Người Công Giáo tốt phải là người đi đầu trong việc giữ gìn vệ sinh nơi công cộng, làng xóm, xứ đạo và gia đình của mình.

Người Công Giáo tốt phải là người đi đầu trong việc bảo vệ môi trường an toàn, và không sản xuất những thực phẩm bẩn và có độc tố để kiếm tiền bằng mọi giá.

Đó là bổn phận của người Kitô hữu khi sống trong xã hội. Bằng những chứng tá về đời sống, chúng ta tham gia để xây dựng xã hội này công bình hơn, an toàn hơn và văn minh hơn. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:29 24/05/2022

5. Công hiệu của năng lực cầu nguyện là đến từ đức ái, nhưng năng lực để cầu nguyện cho được hiệu quả, vẫn là do đức tin và đức cậy của mình.

(Thánh Thomas de Aquino)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:33 24/05/2022
88. “CẢI CÁCH” GIÁO DỤC

Trường đại học Quảng Đông khai giảng không lâu, Diêu Đạo hỏi người tham dự là Đức Thọ có cần sửa đổi điều lệ gì không, Đức Thọ nghiêm túc nói:

- “Có rất nhiều chỗ nên cải cách, ví dụ như môn toán học, tương lai các học sinh này làm quan, thì tự mình có thể là người quản lý tiền nong mà không cần có kế toán, thì có thể bỏ đi. Môn thể thao, chúng ta đều là văn nhân nên có thể không cần phải học tập, thì cũng có thể miễn học. Môn địa lý là bài học của thầy coi phong thủy, hà cớ gì phải bắt người đọc sách (học trò) đi học bài học của thầy coi phong thủy chứ?”

Diêu Đạo nghe xong thì chỉ biết vâng vâng dạ dạ, người trên giảng đường dưới giảng đường đều nghe, không thể không cười thầm.

(Tân tiếu sử)

Suy tư 88:

Cải cách giáo dục là để cho các môn học phù hợp với trình độ học sinh cách khoa học hơn, nhưng vẫn bảo đảm tính chính xác của nó, chứ không phải cải cách là bỏ đi, không dạy không học nữa.

Có một vài người Ki-tô hữu muốn Giáo Hội cải cách về lễ nghi, cởi mở về luân lý và kỷ luật, chẳng hạn như họ đòi cải cách cho linh mục lập gia đình và nữ tu làm linh mục, họ viện lý do đó không phải là điều mà Chúa Giê-su dạy, chỉ là Giáo Hội dạy, và rút cuộc là họ đã nhảy ra khỏi con thuyền của Giáo Hội để ngụp lặn trong biển cả bao la đầy cá mập đang chờ họ, và rồi họ chìm ngủm mất tiêu không ai biết.

Con cái nào cũng có quyền đòi hỏi bố mẹ chăm sóc cho mình, nhưng không phải vì thế mà cha mẹ không ngăn chận khi con mình ăn kẹo có độc, khi con mình đua đòi chúng bạn đến hư người...

Cải cách không có nghĩa là nhảy ra khỏi thuyền hay bỏ nhà đi bụi; cải cách cũng không có nghĩa là bỏ đi không dùng, nhưng chắt lọc tinh hoa để hiệu quả lớn hơn mà thôi.

Đức Chúa Thánh Thần là Đấng cải cách tuyệt vời nhất, ai muốn cải cách mà không có Đức Chúa Thánh Thần thì là phá hoại, mà Đức Chúa Thánh Thần chính là khiêm tốn và vâng phục.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Văn Hóa
Léo Bloy viết về Cảnh nghèo tiếp theo
Vũ Văn An
20:22 24/05/2022

[Cái chết của bé Lazare.]

“Pax huic domini et omnibus environmentantibus in ea… (Bình an cho ngôi nhà này và cho tất cả những ai ở trong đó…) Lạy Chúa, Chúa sẽ dùng cây hương thảo tắm gội cho con và con sẽ được sạch; Chúa sẽ làm sạch con và con sẽ trắng hơn tuyết… Xin lắng nghe chúng con, Lạy Chúa là Cha chúng con, Đấng Toàn năng, Thiên Chúa Hằng hữu, và hạ cố, từ Thiên đàng của Người, sai thánh thiên thần của Người xuống để sưởi ấm trong lòng ngài, bảo vệ, thăm và bênh vực những người sống trong nhà này. Nhờ Chúa Kitô, Chúa chúng con.”



Đêm tiếp theo lời chúc phúc trên thật yên bình, nhưng đêm sau đó— lạy Chúa Giêsu Đấng có tinh thần bổn phận nhất, Đấng đã trỗi dậy từ cõi chết và ngôi mộ, thật là một đêm kinh hoàng!

Một tiếng kêu không phải của con người, tiếng kêu như cóc nhái của một linh hồn bị ma quỷ hành hạ, làm người phụ nữ nghèo ngồi thẳng dậy, hai mắt mở to, răng run cầm cập, tứ chi như rụng rời rời rạc vì run rẩy, và trái tim nàng đập mạnh, như tiếng chuông báo động địa ngục, trước hai bên của cơ thể từng mang một đứa con của Thiên Chúa. Nàng vội vàng chạy đến nôi của con trai mình. Đứa trẻ thơ ngây vẫn nằm ngủ, và những tia nắng nhạt của ánh sáng ban đêm cho thấy nó xanh xao đến nỗi ngay lập tức nàng quan sát để biết chắc nó còn thở hay không.

Rồi, nàng bị đánh động khi nhận ra rằng một tuần này, nó đã ngủ quá nhiều, nó ngủ gần như liên tục và bàn chân luôn lạnh lẽo. Kìm nén những giọt nước mắt đang trào ra, nàng nhẹ nhàng nâng nó lên trong vòng tay và đưa nó đến gần đống lửa.

Lúc này có thể là lúc mấy giờ? Nàng không bao giờ phát hiện ra. Sự im lặng bao la bao trùm lên mọi sự, một trong những thứ im lặng có thể làm cho người ta nghe thấy tiếng chuyển động mơ hồ của những dòng máu tí hon lưu chuyển trong các động mạch … Đứa trẻ rên rỉ. Mẹ nó cố gắng bắt nó uống một cách vô ích, nó bắt đầu vật lộn, dường như đột nhiên hoàn toàn bị phân tâm, giơ đôi cánh tay nho nhỏ xinh xinh của mình lên Đấng Vô hình, như những người mạnh khỏe quen làm khi hấp hối, và bắt đầu tiếng nấc hấp hối.

Clotilde, áp đảo bởi nỗi kinh hoàng, nhưng vẫn chưa nhận ra rằng đây là lúc kết thúc, đặt đầu của người đau khổ thân yêu của nàng lên vai, ở vị trí mà hơn một lần từng xoa dịu nó, và đi đi lại lại một lúc lâu trong nước mắt, cầu xin sự hộ giúp của Các Trinh Nữ Tử Đạo từng bị hổ dữ và cá sấu ăn thịt để mua vui cho đám quần chúng.

Nàng hết sức mong muốn có sự hiện diện của chồng mình, nhưng không dám lớn tiếng, và cầu thang rất khó leo trong bóng tối, đặc biệt là với một gánh nặng như vậy trên vai! Cuối cùng, tạo vật nhỏ bé rơi từ cổ xuống ngực nàng, nàng hiểu ngay.

“Leopold! con chúng ta sắp chết!” nàng kêu lên bằng một giọng sợ hãi. Sau này, Leopold nói rằng tiếng kêu lớn này đã ập đến với chàng trong giấc ngủ như một khối đá hoa cương đâm vào người thợ lặn dưới đáy vực sâu đầy đá. Chạy như bay xuống cầu thang như một viên đạn, chàng chỉ đủ thời gian để tiếp nhận cái rùng mình cuối cùng của sự sống chớm nở đó, cái liếc mắt không nhìn cuối cùng của đôi mắt quyến rũ mà màu xanh trong veo đã bắt đầu nứt nẻ, phủ men bằng một lớp màng trắng đục dập tắt chúng….

Đối mặt với cái chết của một đứa trẻ nhỏ, Nghệ thuật và Thi ca thực sự giống như nỗi khốn cùng sâu xa nhất. Một ít người mơ mộng, những người dường như chính họ cũng lớn lao như mọi khốn khổ tột cùng của thế giới, đã làm những gì họ có thể làm. Nhưng những lời than thở của các bà mẹ và thậm chí hơn thế nữa, sự trào dâng thầm lặng trong lòng các ông bố có sức mạnh khác xa so với ngôn từ hay màu sắc, đến nỗi nỗi sầu khổ của con người thuộc về thế giới vô hình.

Không hẳn sự đụng chạm của cái chết mang lại cho con người sự đau khổ như vậy, vì hình phạt này đã được thánh hóa bởi Đấng tự xưng là Sự sống. Trọn niềm vui đã qua, một niềm vui đang nhô lên và gầm gừ như một con hổ, đang tự xổ lồng như một cơn bão. Chính xác hơn, đó là ký ức tuyệt vời và đau buồn về việc được nhìn thấy Thiên Chúa, vì lạy Chúa, mọi dân tộc đều thờ ngẫu thần, như Ngài vẫn thường nghe nói! Những hình ảnh buồn rầu của Ngài chỉ có thể tôn kính những gì họ nghĩ họ nhìn thấy, bao lâu họ nhìn thấy Ngài, và con cái họ đối với họ là Thiên đường của Vui thú.

Tuy nhiên, không có nỗi buồn nào khác hơn nỗi buồn được kể trong Sách của Ngài. In capito Libri scriptum est de me (ở đầu Cuốn sách chép về Ta). Hãy tìm kiếm như chúng ta sẽ tìm, không một nỗi buồn đơn nhất nào chúng ta sẽ tìm thấy bên ngoài vòng lửa của Thanh gươm xoay đủ chiều canh giữ Khu vườn đã đánh mất. Mọi khốn khổ của thể xác hay linh hồn đều là một tệ nạn đày ải, và lòng trắc ẩn tàn khốc ban tặng cho những chiếc quan tài nhỏ bé chắc chắn là điều thuyết phục nhất gợi nhớ lại Sự đày ải nổi tiếng mà vì nó loài người, bị tước mất sự trong trắng, đã không bao giờ có thể tự an ủi mình.

Họ đã tự tay mặc quần áo cho nó để nằm vào chiếc nôi tối hậu được Ngôi Lời Thiên Chúa nhẹ nhàng đu đưa giữa các chòm sao. Rồi họ ngồi đối diện nhau chờ bình minh tới. Trong hai hoặc ba giờ, họ đã trải nghiệm sự tắt dần hữu ích các suy nghĩ và cảm giác, vốn là giai đoạn đầu tiên của bất cứ nỗi buồn vô bờ bến nào.

Một chữ duy nhất được thốt ra, chữ phúc lành, từ môi của người mẹ phát ra và Leopold hiểu rất rõ. Phụng vụ cho biết: “Chính những người đã không làm bẩn quần áo của họ… Những người này đi theo Con Chiên không tì vết bất cứ nơi nào Người đi tới.” Các Kitô hữu có niềm an ủi khi biết rằng trên hết có những người nhỏ bé trong Nước Trời, và tiếng nói của các Anh Hài đã chết “làm cho trái đất vang dội…” Tuy nhiên, kể từ nay bất cứ họ có thể đã phải chịu đau khổ bao nhiêu, họ có thể đã phải mò mẫm tìm kiếm linh hồn của họ bao nhiêu dọc theo những con đường tồi tệ nhất ở bên dưới thiên đường, tuy nhiên họ biết chắc rằng một điều gì đó của chính họ đang tỏa sáng trong một vinh quang diễm phúc vượt quá mọi thế giới.

Máu Người Nghèo

[Tiền.] Máu Người Nghèo là tiền. Mọi người đã sống nhờ nó và chết vì nó cả hàng thế kỷ nay. Nó tóm tắt một cách hùng hồn tất cả mọi đau khổ. Nó là Vinh quang, nó là Quyền lực. Nó là Công lý và Bất công. Nó là Tra tấn và Vui thú. Nó phải được ghê tởm và được tôn thờ, biểu tượng chói lọi và tuôn chẩy của Chúa Kitô, Đấng Cứu Thế, In quo omnia constant (trong Người mọi vật đứng vững).

Máu của người giầu là một thứ mủ hôi hám, chảy ra từ những vết loét của Cain.

Người giàu là người nghèo đã thất bại, một gã đầu đường xó chợ có mùi thấp hèn mà các ngôi sao đều sợ hãi.

Mạc khải dạy chúng ta rằng chỉ có một mình Thiên Chúa là người nghèo và Con Một của Người là người ăn mày duy nhất. Máu của Người là máu của Người Nghèo nhờ đó loài người được “mua với giá đắt”. Máu quý giá của Người, có màu đỏ và tinh khiết vô hạn, có thể trả giá cho mọi thứ!

Vì vậy, điều hoàn toàn cần thiết là tiền phải đại diện cho nó: tiền mà người ta cho đi, người ta cho vay, người ta bán, người ta kiếm được hoặc đánh cắp; tiền giết chết và ban sự sống như Ngôi Lời, tiền được thờ phượng, tiền thánh thể mà người ta uốngăn. Là tiền lương du hành của việc tò mò lưu động và của ăn đàng khi chết. Mọi khía cạnh của tiền bạc là một khía cạnh của Con Thiên Chúa đổ Máu nhờ đó Người lãnh lấy mọi sự cho chính Người.

[Thập giá của sự khốn cùng.]—

Về một lãnh thổ tối đen và bao phủ bằng sương mù chết chóc: một lãnh thổ khốn cùng và đen tối, nơi bóng tối sự chết, và không trật tự nhưng chỉ có kinh hoàng vĩnh viễn ngự trị.- Gióp

Cảnh nghèo tụ tập người ta, cảnh khốn cùng cô lập họ, vì cảnh nghèo là của Chúa Giêsu, cảnh khốn cùng là của Chúa Thánh Thần. Cảnh nghèo là điều tương đối, thiếu điều dư thừa. Cảnh khốn cùng là điều tuyệt đối, thiếu điều cần thiết. Cảnh nghèo bị đóng đinh, cảnh khốn cùng là chính thánh giá. Chúa Giêsu vác Thánh giá, chính là cảnh nghèo vác cảnh khốn cùng. Chúa Giêsu trên Thánh giá, chính là cảnh nghèo rỉ máu trên cảnh khốn cùng.

Những người trong số những người giàu không bị trầm luân, theo nghĩa chặt chẽ, có thể hiểu được cảnh nghèo, vì bản thân họ vốn nghèo, một cách nào đó; nhưng họ vẫn không thể hiểu được cảnh khốn cùng. Có lẽ, họ có khả năng bố thí, nhưng họ không có khả năng tự làm mình trần truồng, họ có thể xúc động, trước âm thanh âm nhạc tuyệt đẹp, trước các đau khổ của Chúa Giêsu, nhưng Thập giá của Người, thực tại của Thập giá Người, làm họ kinh hoàng.

Họ muốn nó hoàn toàn bằng vàng, tắm trong ánh sáng, đắt tiền và nhẹ nhàng; dễ chịu thấy nó lủng lẳng trên cổ họng xinh đẹp của một người phụ nữ.

Các linh mục thời thượng tránh xa khỏi họ chiếc giường tình yêu của Chúa Giêsu Kitô, thập giá của cùng khổ, vô cùng đau thương, dựng ở giữa nơi chôn cất dành cho phạm nhân, giữa cứt đái và hôi thối, Thập giá đích thực, thập giá của sự từ bỏ tuyệt đối, thập giá của sự từ bỏ và bác bỏ vĩnh viễn tất cả của những người, bất luận họ là ai, những người không muốn bất cứ điều gì trong số này; thập giá của việc ăn chay gây mệt mỏi, của việc hy sinh hoàn toàn các giác quan, của việc thương tiếc bất cứ điều gì có thể an ủi; thập giá của cây cọc, của dầu sôi, của chì nóng chảy, ném đá, chết đuối, lọc da sống, phanh thây, bị chặt thành từng mảnh, bị thú dữ ăn thịt, thập giá của tất cả các cực hình do những đứa con hoang của ác quỷ sáng chế…. Thập giá đê tiện và đen đúa, giữa sa mạc sợ hãi bao la như thế giới; không còn sáng láng như trong các bức tranh của trẻ em, nhưng choáng ngợp dưới bầu trời đen tối tia chớp cũng không làm sáng lên, Thập giá đáng sợ bị bỏ rơi của Con Thiên Chúa, Thập giá của Nghèo cùng cực và Khốn cùng!

Ước chi những người giàu đáng nguyền rủa này bằng lòng với việc không muốn chút gì của cây Thập giá!

Nhưng họ lập luận rằng nó không được dành cho họ, tự hào về tiền bạc của họ, vốn là Máu quý giá nhất của Chúa Kitô, để đặt vào nơi của họ một đoàn dân nghèo mà họ đã hút máu và đưa vào chỗ tuyệt vọng! Và họ dám nói về bác ái, thốt ra chữ Bác ái, vốn là chính Thánh Danh của Ngôi Ba chí thánh! Một việc đánh đĩ lời nói đủ để làm cho Ác quỷ phát sợ!

Thiên Chúa đã bao dung tất cả những điều ấy cho đến tận đêm nay, rất có thể là “Đêm vĩ đại” như những nhãi ranh của Vô Chính Phủ thường nói. Tuy nhiên, vẫn còn ánh sáng ban ngày. Bây giờ chỉ là ba giờ, giờ Hiến tế của Người Nghèo. Các nô lệ trong hầm mỏ và nhà máy vẫn đang làm việc. Hàng triệu cánh tay đang lao công vất vả trên toàn trái đất để tạo vui hưởng cho một số ít người, và hàng triệu linh hồn này bị vùi dập bởi nỗi thống khổ của lao động, tiếp tục không biết rằng có một Thiên Chúa ban phước cho những kẻ đè bẹp họ: Thiên Chúa của sự phóng đãng và thời trang, Đấng có “ách thật ngọt ngào và gánh thật nhẹ nhàng” cho những kẻ áp bức.

[Sự Phẫn nộ của Thiên Chúa.]

Sự phẫn nộ của Thiên Chúa không tìm được nơi ẩn thân.

Nó là một cô gái có mái tóc cực kỳ rối bời, đói khát và mọi cánh cửa đều đóng chặt đối với nó, một người con gái thực sự của sa mạc không ai biết đến. Những con sư tử mà giữa chúng, nó được sinh ra đã chết, đã bị giết vì sự phản bội của chúng, bởi nạn đói và sâu bọ. Nó đã chắp tay trước mọi ngưỡng cửa, cầu xin được đưa vào, nhưng nó không tìm được ai thương hại cho sự Phẫn nộ của Thiên Chúa.

Tuy thế, nó vẫn xinh đẹp, nhưng không quyến rũ được ai và không biết mệt mỏi, nó vẫn gây ra nỗi sợ hãi đến mức đất phải rung chuyển khi nó đi ngang qua. Sự Phẫn nộ của Thiên Chúa ăn mặc rách rưới và hầu như không có gì để che giấu sự khỏa thân của nó. Đôi mắt nó là những hố sâu và miệng nó không còn thốt ra được lời nào. Bất cứ khi nào gặp một linh mục, nó trở nên nhợt nhạt hơn và im lặng hơn, vì các linh mục lên án nó, nhận thấy nó không chải chuốt, thiếu điều độ và ít bác ái: Nó biết rất rõ ràng rằng từ nay trở đi mọi sự đều vô ích. Thỉnh thoảng nó ôm những đứa trẻ nhỏ vào vòng tay của mình, dâng chúng cho thế giới, nhưng thế giới đã ném những đứa trẻ vô tội đó vào đống phân, nói với nó: “ngươi quá tự do không thể làm vừa lòng ta! Ta có luật lệ, hiến binh, người đưa trát đòi, chủ nhà! Ngươi sẽ phải lấy giấy phép hành nghề mãi dâm và trả tiền thuê nhà khi đến hạn. "

Sự Phẫn nộ của Thiên Chúa trả lời, “Ngày của tôi đã đến gần và tôi sẽ trả tiền thuê nhà của tôi đúng hẹn.”

[Mong muốn của Người nghèo.] Điều một ngày nào đó phải có một bản cáo trạng hết sức khủng khiếp đối với người giàu là sự Mong muốn của người nghèo. Đây là một nhà triệu phú, người, ngoài các nhu cầu của anh ta, bám lấy hoặc chi tiêu trong một phút điều mà trong năm mươi hay sáu mươi năm vốn là đối tượng cho những lời cầu nguyện tuyệt vọng của một người nghèo. Chỉ riêng ở Pháp đã có hàng trăm nghìn người như vậy - chưa kể hàng triệu người trong số họ thiếu thốn. Tất cả những ai sở hữu quá và trên những điều không thể thiếu đối với đời sống vật chất và tinh thần của mình đều là triệu phú, và do đó là kẻ mắc nợ đối với những người không sở hữu gì.

Không ai có quyền có dư thừa ngoại trừ Con Thiên Chúa Nhập Thể. Người đã được đặc ân trên tất cả những gì có thể nói hoặc tưởng tượng, đến độ đặc ân của Người chỉ có thể được biết qua mạc khải. Nữ tiên tri nổi tiếng Agreda cho biết: “Số lượng roi quất mà Đấng Cứu Rỗi nhận được, từ chân đến đầu là 5,115 roi”! Một số người còn thiết lập con số cao hơn. Thời ấy hình phạt roi khủng khiếp của Rôma, như đã được thực hiện ở Giuđêa, không được quá 39 —quadragenas una minus (ít hơn 40). Đó là mong muốn quá đáng của Vua người nghèo, sự thừa thãi của Người! Chúng ta không biết gì về số lần Chúa Kitô bị vả vào mặt và bị đấm và khạc nhổ, nhưng chúng ta có thể cho rằng nó cũng giống như thế.

Điều mà con người khao khát là chính con người, và mong muốn của Thiên Chúa Làm Người đương nhiên là đem lại sự đền tội cho tất cả mọi người, bất kể giá của phép lạ có thể là bao nhiêu. Theo quan điểm này, mong muốn của người giàu ít nhất phải là những gì cần thiết cho anh ta từ những đau khổ của người nghèo, và mong muốn của người nghèo phải là những gì cần cho anh ta từ những an ủi tràn đầy đang đè nặng lên người giàu.

Liệu có một linh mục nào dám rao giảng về bản văn này: "Vae vobis divitibus quia habetis consolationem vestram!" (Khốn cho các ngươi, hỡi những người giàu có, các ngươi đã được niềm an ủi của các ngươi rồi!) Bản văn này quá nghiêm trọng, quá Tin Mừng, quá không bác ái chút nào. Người giàu không mong người nghèo có được niềm an ủi hay thú vui.

Ý tưởng về một người nghèo nào đó có thể mua cho mình thuốc lá hoặc uống một tách cà phê là điều họ chịu không được. Họ đúng, tuy không biết điều đó, vì người nghèo đang đau khổ thay cho họ. Nhưng họ giữ niềm an ủi cho riêng mình, niềm an ủi làm thất kinh của họ, và họ sẽ phải chịu loại thống khổ nào khi, với từng mẩu giàu có giết người của họ đòi được chuộc bằng những cuộc đền tội khôn tả, họ sẽ thấy cả hàng núi hành khổ đang tiến về phía họ!

Consolationem vestram — niềm an ủi của các ngươi. Quả là một phiền muộn đảo ngược được ngụ ý trong cụm từ khó xóa nhòa này, và ở mặt trước, quả là một mong muốn! Mong muốn một ít cơm bánh, một chút rượu ngon làm vui lòng người, mong muốn có hoa và không khí đồng ruộng, vì tất cả những điều này Thiên Chúa đã tạo ra cho loài người, không phân biệt; mong muốn ít nhất được nghỉ ngơi sau khi lao nhọc, khi tiếng chuông báo kinh sai thiên thần buổi tối. “Các con tôi, vợ tôi sắp chết, bị kết án bởi hàng ngàn những người anh em có thể cứu họ chỉ bằng cách cho họ những mảnh vụn vẫn dành cho những con chó của họ ăn. Chính tôi cũng đang ở cuối đường xoay xở của mình, và cũng có thể không sở hữu một linh hồn quý giá, một linh hồn vinh quang mà các tầng trời sẽ không bỏ qua, nhưng lòng tham của đứa con đầu lòng của Ma quỷ đã làm cho mù, điếc và câm.

Nhưng họ vẫn chưa thể giết được mong muốn đang hành hạ tôi!”…

[Ly nước.] Con người đứng gần Thiên Chúa đến nỗi chữ nghèo là một biểu thức nói lên sự dịu dàng. Khi trái tim của người ta đang bừng bừng lòng trắc ẩn hoặc yêu thương, khi người ta khó có thể cầm được nước mắt, đó là chữ xuất hiện trên đôi môi.

Ladarô không chỉ là biểu tượng của Tin Mừng về Người ăn mày được Thiên Chúa yêu thương, ngược với Người giàu tham lam và ưa khoái nhục bị Người nguyền rủa. Ông là nguyên mẫu của người ăn xin đó. Ladarô này là con của chính Thiên Chúa, ông chính là Chúa Giêsu Kitô “trong lòng Ápraham”, nơi ông “được các Thiên thần đưa lên.” Ông nằm ở cửa thế giới, người đầy những vết lở loét. Ông rất muốn lấp đầy bụng bằng những mảnh vụn rơi từ bàn ăn nơi người giàu có đó đang chè chén say sưa với của cải của mình, nhưng không ai cho anh ta dù chỉ một mảnh vụn. Anh vẫn còn may mắn khi không bị những con chó ăn thịt.

Bạn có thể nghĩ rằng người giàu và người nghèo này không thể cách xa nhau hơn. Nhưng cái chết đã đến với cả hai, nó chia cắt họ một cách rất khác, khi nó tách thân xác khỏi linh hồn, và “sự Hỗn mang” vĩ đại tiến vào, nó và vực thẳm mầu nhiệm và không thể bắc cầu qua không ai có thể tưởng tượng được— chính cái chết, mãi mãi không thể hiểu nổi. Giờ đây, người giàu có đang ở giữa những cực hình kinh hoàng từng được báo trước một cách trái ngược bởi những khoái cảm trên bàn ăn của ông ta, đã khẩn khoản nài xin người ăn mày vinh quang, thậm chí không dám xin ông ta cho trọn khối nước lạnh chứa trong “chén” Tin Mừng, nhưng chỉ là một giọt nước lạnh trên đầu ngón tay để làm mát lưỡi mình, và ông ta trông cậy ở sự cầu bầu của Ápraham để có được nó. Ông ta quả đã không chọn một người trung gian tệ hơn. Ápraham nhắc đến chướng ngại vật là vực thẳm. “Và vực thẳm đó chính là sự từ chối của chính ngươi. Ladarô từng xin ngươi y như thế khi ngươi vui hưởng trong khi nó đau khổ. Niềm an ủi không mủi lòng của ngươi đã trở thành niềm an ủi của nó, và không thể làm gì hơn được nữa. "

Chén nước của Tin Mừng! Nó đã được biến thành một lẽ thường tình, như rất nhiều những Câu Nói khác. Đó là chiếc ly tràn đầy những giọt nước mắt cảm thương, lời khiêm nhường từ một trái tim run rẩy vì yêu thương và chỉ có thể cho đi điều đó, cử chỉ của đứa trẻ nhỏ, kẻ được mẹ nâng lên trên đám đông ghê tởm trên đường đi tới máy chém, gửi một nụ hôn tới nữ hoàng nghèo đang đi đến cái chết của mình.

Ôi! bất cứ điều gì từ bất cứ ai, ngay từ một con thú, khi người ta tràn ngập buồn sầu! Những người khốn cùng biết rõ rằng không có gì quý hơn.

“Ta cần sự trợ giúp mạnh mẽ và điều con cho lại rất yếu ớt, nhưng ta biết rằng đó là tất cả những gì con có thể làm, dù rất ít ỏi, con hãy dâng cho ta chiếc ly kim cương đó là trái tim của con. ‘Con sẽ được phần thưởng của con', Thầy chí thánh đã nói như thế, và tôi nói với bạn rằng tôi sẽ say xỉn với thứ nước này suốt Đời sống vĩnh cửu. Một ly nước có giá cao ngất ngưởng, đến nỗi nếu được người có thể làm tốt hơn đưa cho thì nó vẫn có một giá trị không thể tính toán được.

“Bạn muốn làm tôi trở thành một hoàng tử, vào tuần tới, và tôi thừa nhận ý tưởng này làm tôi thích thú. Một chiếc vương miện sẽ phù hợp với tôi hoàn toàn; nhưng trong khi chờ đợi, há bạn không thể cho tôi một mảnh năm mươi xu, một mảnh, ngay lúc này, sẽ đáp ứng mọi mong muốn của tôi sao? Ở đằng kia, trên quầy đó là một chai rượu mà tôi phải phân cách bởi vực thẳm bao la của Dụ ngôn. Bạn sẽ tốn ít hơn ly nước đó, ít hơn giọt nước trên ngón tay Ladarô, người đã phải đau khổ suốt đời để có quyền từ chối nó. Nhưng bạn không cho tôi giọt nước đó, sự mong muốn nó làm trầm trọng thêm các cực hình ngày xưa của tôi, vì bụng bạn được nhồi nhét, vì bạn không biết đói và khát, và ở đây, thưa ngài, chúng ta ở hai bên của Hỗn mang!”

Hệ thống xưởng đổ mồ hôi [sweatshop]! Thật khó tin những chữ ô nhục này lại có thể được viết ngay cả bằng tiếng Anh. Vâng, ngay cả bằng tiếng Anh, điều đó thật không thể tin được.
Nhưng là mồ hôi nào? Trời đất, sau chữ này, không thể nào không nghĩ tới Diệtsimani, không nghĩ đến việc Môsê, người muốn toàn bộ Ai Cập trào máu để hình dung trước các cơn đau đớn dữ dằn lúc chết của Con Thiên Chúa. Có phải Người, Đấng đã gánh lấy tất cả những nỗi buồn có thể tưởng tượng được và tất cả những nỗi buồn không thể tưởng tượng được, lúc đó đã đổ mồ hôi máu theo kiểu này hay không? Mồ hôi máu như một hệ thống! Mồ hôi máu của Chúa Giêsu dự định trở thành đối tác thầm lặng của các nạn đói và thảm sát! … Có thể nghĩ rằng con người đã phát điên vì đã nghiêng người qua bờ vực này…

Điều khó hiểu nhất trên thế giới là sự kiên nhẫn của người nghèo, dấu ấn đen tối và lạ lùng của Sự kiên nhẫn nơi Thiên Chúa đang ngự trong các cung điện sáng láng của Người. Khi sự đau khổ đã đi quá xa, hình như điều này đơn giản đủ để người ta đánh vỡ sọ hay moi ruột con thú hoang. Những điều như vậy đã xảy ra. Thật vậy, chúng thường xuyên xảy ra trong lịch sử. Nhưng những cuộc nổi dậy đó luôn là những phong trào gây rối loạn và diễn ra trong thời gian ngắn. Ngay lập tức, sau cuộc tấn công dữ dội của họ, Mồ hôi máu của Chúa Giêsu lại âm thầm bắt đầu nhỏ xuống trong đêm, dưới những cây ô liu thầm lặng trong Vườn, với các môn đệ mê ngủ. Người phải tiếp tục với nỗi Hấp hối này thay cho rất nhiều con người không ai chống đỡ, đàn ông, đàn bà và nhất là trẻ em!

Vì đây là nỗi kinh hoàng của mọi kinh hoàng: lao động trẻ em, sự khốn cùng tột độ của những đứa trẻ nhỏ bị bóc lột bởi một ngành sản xuất tạo ra giàu có. Và điều này diễn ra ở mọi quốc gia. Chúa Giêsu từng nói: "Hãy để chúng đến với tôi." Người giàu nói: “Gửi chúng đến nhà máy, đến xưởng làm, đến những nơi tăm tối và chết chóc nhất trong tất cả các địa ngục của chúng ta. Các cố gắng của những cánh tay yếu ớt của chúng sẽ đem thêm một điều gì đó cho sự giàu có của chúng ta.”

Người ta thấy những đứa trẻ tội nghiệp như vậy, những đứa trẻ có thể bị đánh gục bằng một hơi thở, đã phải làm việc hơn ba mươi giờ một tuần, và những người lao động này, hỡi Thiên Chúa hay báo thù! lên tới con số hàng trăm nghìn. Để không ai có thể nói tôn giáo bị lãng quên, các xưởng đổ mồ hôi dành cho các cô gái nhỏ, vượt quá phạm vi hiểu biết của Dante, thường được quản lý bởi các nữ tu, các trinh nữ thánh hiến, khô như cây nho của Quỷ và là những người biết mọi cách hữu hiệu để có kết quả…. Người đàn bà trẻ của thế giới có lẽ cũng không biết — như Dante không biết —trang phục và đồ lót mịn màng của nàng đã làm tốn phí những gì. Tại sao ai đó phải nói cho nàng biết về sự kiệt sức chết người, cơn đói khát không bao giờ được thỏa mãn của những cô gái nhỏ khốn cùng, tất cả đều quá vui mừng khi tự giết mình cho vẻ đẹp của nàng? Tiếng kêu vù vù có lẽ sẽ đảm nhiệm việc làm cho con thú xinh đẹp này hiểu được vị đắng đót của những giọt nước mắt phải nuốt ngược vào trong và sự co rút vĩnh viễn của những trái tim bé bỏng ấy? Nhưng bởi vì những điều không là gì cả này lớn hơn nàng vô tận và bởi vì sau tất cả những điều này sẽ có công lý, người ta có thể chắc chắn rằng nàng sẽ không luôn không biết về chúng. Và khi nàng phát hiện ra!… Thánh sử Luca đã nghe Mồ hôi máu của Chúa Giêsu Kitô rơi xuống đất, từng giọt một. Tiếng động này quá nhẹ, không đủ đánh thức các môn đệ đang ngủ, hẳn đã được các chòm sao xa nhất nghe thấy và đã đặc biệt thay đổi hành trình lang thang của chúng. Chúng ta phải nghĩ gì về âm thanh, nhẹ nhàng và ít được lắng nghe hơn, của vô số bước chân những trẻ em tội nghiệp đi làm nhiệm vụ đau buồn và khốn khổ của chúng do những kẻ đáng nguyền rủa đòi hỏi, nhưng tất cả đều không hề hay biết và những người khác cũng không hề hay biết, là các em đang tiến về phía người anh trai của các em trong Vườn Hấp Hối, người kêu gọi các em và chờ đợi các em trong vòng tay đẫm máu của Người? Sinite pueros venire ad ơi. Talium est enim regnum Dei (Hãy để các trẻ nhỏ đến ới Thầy. Sinite pueros venire ad me. Talium est enim regnum Dei (Vì nước Thiên Chúa là như thế).

[Người phối ngẫu của Con Thiên Chúa.] Nếu ở trong hoang địa, ai nói một cách âu yếm về cảnh nghèo ắt có thể khiến đông đảo quần chúng lắng nghe, cũng như Hơi thở của Chúa, Đấng đã ban sự sống lại cho bộ xương cằn cỗi và bụi bặm của Êdêkien.

Vì Cảnh Nghèo chẳng kém gì Người Phối ngẫu của Con Thiên Chúa, và khi đám cưới vàng của nàng diễn ra, những người đi chân đất và đói rách cơ cực sẽ chạy đến từ tận cùng trái đất để chứng kiến.

Bà biết điều này, hỡi Nữ hoàng Do Thái, Mẹ của Thiên Chúa Nghèo Nhất, người mà những tên tư sản ở Bêlem không tiếp đón, và là người đã sinh hạ, trên đống rơm của động vật, đứa con đáng yêu của ngài.

Vì vậy, con xin trao cho ngài cuốn sách này được viết bởi một người nghèo để vinh danh Cảnh Nghèo. Nếu vị đắng có trong nó, ngài sẽ hòa quyện vào đó Vị Ngọt của ngài, và nếu có giận dữ, ngài sẽ giảm bớt nó bằng Nỗi Buồn của ngài. Nhưng đừng quên điều đó, con là người cùng thời với Sự xuất hiện Núi Nước mắt của ngài. Rồi, con được đặt dưới Bàn chân của ngài. Bởi dấu hiệu này, Sự Phẫn nộ của ngài và Bẩy Lưỡi Đòng của ngài thuộc về con. Những sợi dây chuyền bằng đồng nhìn thấy trên Vai của ngài mà ngài đã để lại cho con khi ngài ra đi, và trong sáu mươi ba năm nay con đã kéo chúng đi khắp thế gian. Chính tiếng ồn của chúng quấy nhiễu những kẻ hèn nhát và những kẻ mê ngủ. Nếu còn có thể, xin biến chúng thành tiếng sét sẽ một lần và mãi mãi đánh thức họ Ăn Năn hoặc chịu Khủng Bố — Hỡi Sao Mai của những người nghèo, những người “sẽ cười vào Ngày Sau Hết!”

Lễ Truyền tin, 25 tháng 3 năm 1909
 
VietCatholic TV
Trận Lyman: Nga đông hơn 20 lần, Không quân Ukraine gây bất ngờ phút chót. Nga mất 30 thiết giáp
VietCatholic Media
03:23 24/05/2022


1. Không quân Ukraine xuất kích trước cuộc tấn công dữ dội của quân Nga tại Lyman và Izium

Cả Nga và Ukraine đều hạn chế sử dụng các máy bay chiến đấu vì ngày nay các loại hỏa tiễn phòng không rất lợi hại. Tuy nhiên, hôm 23 tháng 5, các máy bay của Không quân Ukraine đã phải xuất kích trước cuộc tấn công dữ dội của quân Nga tại Lyman và Izium. Trong diễn văn hàng đêm với quốc dân đồng bào, Ông Zelenskiy thừa nhận quân số của Nga gấp 20 lần quân phòng thủ Ukraine.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine,

Trong báo cáo sáng 24 tháng 5, đúng 3 tháng sau khi Nga mở cuộc xâm lược vào Ukraine, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết, trong ngày 23 tháng 5, máy bay cường kích của Không quân Ukraine và các đơn vị phòng không của bộ binh Ukraine đã phá hủy một hỏa tiễn hành trình, 6 máy bay không người lái và 30 xe thiết giáp cùng với một lực lượng đông đảo nhân lực của đối phương.

“Vào ngày 23 tháng 5, trên các hướng Lyman và Izium, máy bay cường kích của Lực lượng Không quân đã được huy động để chặn đứng các cuộc tấn công, phá hủy tới 30 thiết giáp, cùng với một lực lượng lớn nhân lực của đối phương,” tuyên bố cho biết.

Đặc biệt một máy bay chiến đấu của Lực lượng Không quân đã phá hủy một hỏa tiễn hành trình và Bộ binh đã tấn công sáu máy bay không người lái, trong đó có năm chiếc Orlan-10 và một chiếc Granat.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng những tuần tới, cuộc chiến sẽ rất khó khăn, vì quân xâm lược Nga đang cố gắng mở rộng các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng.

Ông nói: “Quân xâm lược Nga đang rất cố gắng để chứng tỏ rằng chúng không từ bỏ các khu vực bị chiếm đóng ở khu vực Kharkiv, khu vực Kherson, lãnh thổ bị chiếm đóng ở khu vực Zaporizhzhia và Donbas. Chúng đang tấn công ở một số khu vực. Dự trữ đang được tích lũy ở một số nơi. Ở một số nơi khác, chúng đang cố gắng củng cố vị trí của mình. Những tuần tới của cuộc chiến sẽ khó khăn. Và chúng ta phải nhận thức được điều đó”, Ông Zelenskiy nói.

Đồng thời, ông nhấn mạnh rằng người Ukraine không có lựa chọn nào khác ngoài chiến đấu, “chiến đấu và giành chiến thắng, giải phóng đất đai và người dân của chúng ta bởi vì quân xâm lược muốn lấy đi của chúng ta không chỉ một thứ gì đó, mà tất cả mọi thứ chúng ta có, bao gồm cả quyền được sống của người Ukraine. “

“Tuy nhiên, để giành chiến thắng, mỗi người trong chúng ta đều phải nỗ lực vì điều đó, kể cả những người ở hậu phương. Hãy giúp quân đội. Hãy bảo vệ các nhu cầu của nhà nước chúng ta trên tất cả các nền tảng quốc tế mà bạn có quyền truy cập, trong giao tiếp với các nhà báo nước ngoài, thậm chí chỉ với bạn bè và người quen của bạn ở nước ngoài”.

2. Lực lượng liên quân Ukraine đẩy lùi 16 đợt tấn công của quân Nga, phá hủy 8 xe tăng

Lực lượng Liên quân Ukraine đã phá hủy 8 xe tăng Nga và hơn 20 phương tiện của đối phương ở các khu vực Donetsk và Luhansk vào ngày 23/5.

Trên toàn bộ tuyến phòng thủ, quân đội Nga đang sử dụng máy bay chiến đấu, nhiều bệ phóng hỏa tiễn, pháo nòng dài cỡ lớn, xe tăng, súng cối của nhiều hệ thống khác nhau, tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn và bom vào cơ sở hạ tầng dân sự và các khu dân cư yên bình.

Đặc biệt, quân Nga đã bắn vào 38 khu định cư ở vùng Donetsk và Luhansk, phá hủy và làm hư hại 53 ngôi nhà, một xí nghiệp nông nghiệp, một trường mẫu giáo, một chi nhánh ngân hàng, một hiệu thuốc và một tòa nhà của cảnh sát quốc gia.

Ít nhất 7 dân thường thiệt mạng và 6 người khác bị thương trong vụ pháo kích.

Các đơn vị phòng không của Ukraine đã bắn hạ một máy bay không người lái Granat của Nga và 6 máy bay không người lái Orlan-10 ở.

3. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: “Chiến lược tổng thể” của Putin về Ukraine là “mò mẫm”

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin cho biết hôm thứ Hai rằng “chiến lược tổng thể” của Tổng thống Nga Vladimir Putin liên quan đến Ukraine là “mò mẫm”.

Khi được hỏi liệu Putin có ý định kéo dài cuộc chiến bằng cách vũ khí hóa những thứ như thực phẩm, năng lượng và nhập cư hay không, Austin cho biết thế giới đã thấy nhà lãnh đạo Nga “sử dụng một số đòn bẩy khác nhau ngay từ đầu”.

Austin lưu ý rằng khi bắt đầu cuộc chiến, Putin “đã hình dung ra việc sử dụng lực lượng, tốc độ và sức mạnh áp đảo để nhanh chóng chiếm lấy Kyiv và thay thế chính phủ, nhưng điều đó đã thất bại và lực lượng của họ bị đẩy lùi”.

“Và vì vậy, chúng ta đã thấy họ thực sự tiến hành mọi thứ rất chậm và không thành công trên chiến trường, và bạn có thể mong đợi rằng ông ta sẽ cố làm cho được, ông ta sẽ tìm cách sử dụng đòn bẩy quyền lực khác hoặc các công cụ quyền lực khác, chắc chắn ông ta sẽ làm điều đó, nhưng về chiến lược tổng thể của ông ta là gì thì chính ông ta vẫn chưa rõ.”

4. Mỹ có thể đưa quân vào Ukraine. Quyết định chung cuộc là do tổng thống Biden

Hoa Kỳ và NATO đã cố gắng tránh né một cuộc xung đột trực tiếp với Nga. Họ rất thận trọng trong các quyết định vì lo sợ những phản ứng quyết liệt của Putin có thể dẫn đến việc chiến tranh lan rộng ra khỏi biên giới Ukraine. Tuy nhiên, trước các thất bại liên tiếp của Nga trước quân Ukraine, những e dè ban đầu xem ra đang dần tan biến.

Các nỗ lực lên kế hoạch đưa quân đội Mỹ trở lại Ukraine với bất kỳ khả năng nào - như để bảo vệ đại sứ quán Mỹ mới mở lại gần đây ở Kyiv - đang “được tiến hành, nhưng dưới một mức độ tương đối thấp”, Tham mưu trưởng liên quân, Tướng Mark Milley cho biết trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài vào thứ Hai sau khi kết thúc cuộc họp Nhóm Liên lạc Ukraine lần thứ hai.

Những kế hoạch đó “chưa được Bộ trưởng Quốc phòng hoặc tôi nói sàng lọc các phương thức hành động và những gì cần thiết,” Milley nói thêm.

Milley nói: “Cuối cùng, bất kỳ sự tái nhập nào của lực lượng Mỹ vào Ukraine sẽ cần đến quyết định của tổng thống.”

“Chúng tôi vẫn chưa đạt đến quyết định nào, chúng tôi vẫn đang phát triển các nghiên cứu hành động và chưa có quy trình nào được trình bày cho Bộ trưởng,” ông nói thêm.

5. Tổng thống Biden nói trong hội nghị Tứ Cường: “Chúng ta đang trải qua những giờ khắc đen tối trong lịch sử chung”

Tổng thống Joe Biden đã phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Tứ Cường vào hôm thứ Ba tại Tokyo, đề cập đến tầm quan trọng của liên minh trong bối cảnh Nga xâm lược Ukraine.

“Chúng ta đang trải một thời khắc đen tối trong lịch sử chung,” Biden nói khi ngồi đối mặt với các nhà lãnh đạo của Ấn Độ, Úc và Nhật Bản.

“Cuộc chiến tàn bạo và vô cớ của Nga chống lại Ukraine đã gây ra một thảm họa nhân đạo. Và những thường dân vô tội đã bị giết trên đường phố và hàng triệu người tị nạn phải di tản trong nước cũng như phải lưu vong. Và đây không chỉ là vấn đề của Âu Châu, mà còn là vấn đề toàn cầu”.

Ông Biden cảnh báo rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đang “cố gắng dập tắt một nền văn hóa”, đồng thời chỉ ra việc Nga tấn công vào các trường học, nhà thờ và bảo tàng Ukraine.

Ông nói, Mỹ sẽ tiếp tục công việc của mình với các đối tác để “dẫn đầu một phản ứng toàn cầu”.

Tổng thống Biden nhấn mạnh rằng Cuộc xâm lược của Nga “chỉ nâng cao tầm quan trọng” của các mục tiêu và giá trị được chia sẻ của Tứ Cường.

“Các nguyên tắc cơ bản về trật tự quốc tế, toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, luật pháp quốc tế, nhân quyền phải luôn được bảo vệ, bất kể chúng bị vi phạm ở đâu. Vì vậy, Tứ Cường còn rất nhiều việc phải làm ở phía trước chúng ta”

Các bình luận được đưa ra khi Tòa Bạch Ốc cho biết Biden dự định sẽ nói chuyện trong hội nghị thượng đỉnh với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi – là người đã chống lại áp lực trừng phạt Nga của Mỹ. Ông Joe Biden đã đề cập đến việc tăng cường quan hệ Mỹ-Ấn, một gợi ý mà ông hy vọng sẽ giúp Ấn Độ bớt phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất.

Biden nhắc lại niềm tin của mình rằng thế giới đang ở một “thời điểm chuyển đổi” và câu hỏi liệu các nền dân chủ có thể thắng thế các chế độ chuyên quyền hay không.

Ông khen ngợi “khả năng lãnh đạo phi thường” của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida khi ông cảm ơn người chủ nhà.

Ông Biden cũng hoan nghênh và chúc mừng Thủ tướng Australia Anthony Albanese – là người đã tuyên thệ nhậm chức vào tuần này.

“Chúng tôi đánh giá rất cao cam kết của bạn ở đây ngay sau khi nhậm chức,” Biden nói.

6. Tổng thống Ukraine chỉ muốn gặp trực tiếp Putin trong thương thuyết hòa bình

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nói rằng ông chỉ tham dự một cuộc họp về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine nếu có sự tham dự của Putin, bởi vì chỉ mình ông ta mới có thể đưa ra mọi quyết định ở Nga.

Người đứng đầu nhà nước Ukraine đã nói điều này trong cuộc trò chuyện trực tuyến tại Nhà Ukraine ở Davos dưới dạng câu hỏi và câu trả lời.

“Không có quyết định nào được đưa ra nếu không có Putin. Và chúng ta phải nhận thức rõ ràng về điều này… Và nếu chúng ta đang nói về một quyết định cụ thể để kết thúc chiến tranh, thì quyết định này sẽ không thể được đưa ra nếu không có ông ta chúng sẽ không thực hiện được nếu không có cuộc gặp với Tổng thống Nga. Vì vậy, về nguyên tắc, tôi không chấp nhận bất kỳ cuộc gặp nào với bất kỳ ai từ Liên bang Nga, ngoại trừ tổng thống Liên bang Nga. Và chỉ có một vấn đề trên bàn là vấn đề kết thúc chiến tranh. Đó là vấn đề duy nhất có thể bàn cãi. Ngoài ra không có gì khác để nói.”

7. Ukraine tái chiếm được thị trấn Toshkivka

Lực lượng vũ trang Ukraine đã đánh đuổi quân đội Nga ra khỏi thị trấn Toshkivka ở vùng Luhansk và củng cố các vị trí của họ.

Serhii Haidai, người đứng đầu Cục quản lý quân sự khu vực Luhansk, cho biết như trên.

Ông nói: “Tại Toshkivka, Lực lượng vũ trang Ukraine đã đánh bật quân Nga và củng cố vị trí của họ.

Nga đã tung vào vùng Donbas 25 tiểu đoàn chiến thuật, tương đương khoảng 12.500 quân, để tấn công vào khu vực Luhansk, với trung tâm là thành phố Sievierodonetsk bị phá hủy bởi máy bay và tất cả vũ khí hiện có.

Vùng Luhansk liên tục chịu hỏa lực của quân đội Nga. Nhiều ngôi nhà, cơ sở hạ tầng, cơ sở giáo dục và bệnh viện trong khu vực đã bị phá hủy. Theo Haidai, cho đến gần đây vẫn còn hơn 40.000 thường dân trong khu vực từ chối di tản.
 
Tiến sĩ George Weigel: Hoang đường Dobbs và sự xuyên tạc thông tin của Nga trong cuộc chiến Ukraine
VietCatholic Media
04:37 24/05/2022


1. Tình bạn giữa một Giáo hoàng thần học và một nhà toán học vô thần

Piergiorgio Odifreddi là một nhà toán học vô thần. Từ năm 2013 đến 2018, ông đã gặp Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 năm lần và họ cũng đã trao đổi nhiều lá thư. Hôm 20 tháng 5, ông đã xuất bản một tuyển tập các cuộc phỏng vấn mà ông đã có với Đức Hồng Y Ratzinger trước đây, mà ông đã đặt tựa đề là “In Cammino alla ricerca della verità” (Trên đường tìm kiếm sự thật).

Cuốn sách này xuất bản sau bức thư ngỏ đầu tiên “Kính gửi Đức Giáo Hoàng, tôi viết thư cho ngài” và bức thư thứ hai “Kính gửi Giáo hoàng thần học, nhà toán học vô thần thân mến.”

Cuốn sách được trình bày như một cuộc đối thoại giữa khoa học và đức tin, trong đó, mặc dù từ các lập trường khác nhau, nhưng mục tiêu chung của việc tìm kiếm chân lý vẫn xuất hiện. Với khung tường thuật trước hết là các chuyến thăm và sau đó là các bức thư, cuốn sách cho người đọc thấy nhiều yếu tố của cả hai tính cách, với sự hiện diện mạnh mẽ hơn từ ngòi bút của Odifreddi.

Điều đáng ngạc nhiên là con số đông các nhân vật được trích dẫn: từ Dostoyevsky đến Hildegard, từ Bingen đến Küng hoặc từ Guardini đến Sartre…


Source:Aleteia

2. Ủy ban công lý hòa bình Thánh địa cho rằng việc Israel chiếm đất Palestine là nguyên nhân bạo lực

Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh ở Jerusalem tố giác rằng chính sự chiếm đóng của Israel đối với lãnh thổ Palestine là nguyên nhân chính làm cho bạo lực tại Thánh địa tiếp tục kéo dài, tình trạng này từ 50 năm rồi”.

Trong văn kiện công bố hôm 18 tháng Năm vừa qua, như một suy tư về cái vòng bạo lực kéo dài tại Thánh địa, Ủy ban này đã trình bày những biến cố xáo trộn và bạo lực gần đây tại Israel và Palestine, kiểm điểm những nguyên nhân gần đây và những nguyên nhân đã có từ lâu nuôi dưỡng từ nhiều thập niên qua đau khổ, chết chóc nơi các dân tộc tại Thánh địa. Văn kiện cho biết tìm hiểu về nguyên nhân chính là khởi đầu của tiến trình tìm cách ra khỏi cái vòng chết chóc hiện nay.

Suy tư của Ủy ban Công lý và Hòa bình ở Jerusalem đi từ vụ giết nữ ký giả Shereen Abu Aqleh tại thành Jenin, hôm 11 tháng Năm vừa qua, do quân đội Israel: “một người con thuộc cộng đoàn Kitô của chúng ta”, được toàn vùng biết đến, như ký giả của đài truyền hình Al-Jazeera. Cả vụ cảnh sát Israel tấn công đoàn xe tang với quan tài của ký giả Shereen rước tới nhà thờ, những sự việc này làm cho chúng ta ngỡ ngàng.

Ủy ban nhận xét những bạo lực trong tang lễ chỉ là vụ mới nhất, là sự đau thương của một cái vòng bạo lực từ thời gian gần đây, làm cho Thánh địa đẫm máu, với những vụ giết người và tấn công, mà báo chí thường không nói tới.

Nguyên trong hai tháng gần đây, bốn mươi lăm người Palestine và mười sáu người Israel và hai công nhân di dân bị giết trong cái vòng bạo lực đó. Một thảm họa âm thầm xảy ra, nhất là tại Palestine, nhưng cũng có liên hệ tới cả lãnh thổ của Israel, tại đây có 15 người Israel, bị người Palestine giết chết trong các cuộc tấn công.

Văn kiện của Ủy ban Công lý và Hòa bình Công Giáo Latinh ở Jerusalem tái khẳng định rằng: “cuộc xung đột giữa người Israel và Arập sẽ còn tiếp tục bao lâu chưa có công lý, bình đẳng và hòa bình tại Thánh địa, không có sự dấn thân chân thành nào để chấm dứt xung đột, sự chết vẫn tiếp tục chiến thắng. Bao lâu chế độ chiếm đóng bằng quân sự tiếp tục áp đặt cho những người sống tại khu vực đông Jerusalem, miền Cisjordani và dải Gaza, bao lâu còn chế độ kỳ thị kéo dài trong nước Israel, thì cái vòng bạo lực sẽ không chấm dứt”.

3. Tiến sĩ George Weigel: Cơn Cuồng Loạn Dobbs Và Sự Xuyên tạc Thông Tin Của Nga. Putin, Kirill, Biden, Nancy, Jennings đều là những kẻ phản bội Tin Mừng.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ông vừa có bài viết đăng trên tờ First Things có nhan đề “Dobbs Hysteria And Russian Disinformation”, nghĩa là “Cơn Cuồng Loạn Dobbs Và Sự Xuyên tạc Thông Tin Của Nga”, trong đó ông khẳng định Putin, Kirill, Biden, Nancy, Jennings đều là những kẻ phản bội Tin Mừng.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Có những điểm tương đồng đáng chú ý giữa chiến dịch thông tin sai lệch của Nga tiếp tục làm ô nhiễm không gian truyền thông toàn cầu trong tháng thứ ba của cuộc chiến Ukraine và chuỗi dài những diễn từ điên loạn của các chính trị gia Mỹ ủng hộ việc phá thai sau khi dự thảo phán quyết của Tòa án Tối cao trong vụ Dobbs bị rò rỉ. Trong cả hai trường hợp, những người đã thất bại trong một cuộc tranh luận – và cả những kẻ không có lập luận nào để bắt đầu – đã và đang quay sang sử dụng cách tạo ra một thực tại giả bằng những tuyên bố ấm ớ mà về mặt chức năng không khác gì những lời nói dối.

Đóng góp của Tổng thống Joe Biden cho thực tại giả là tuyên bố cho rằng phán quyết Roe kiện Wade (là cái phán quyết đã hình thành nên luật phá thai cấp tiến nhất trên thế giới) “nói lên điều mà tất cả các tôn giáo chính thống về cơ bản đã kết luận trong lịch sử, rằng khi nào bắt đầu sự tồn tại của một cuộc sống con người luôn là một câu hỏi.” Bị chôn vùi trong cú pháp hỗn độn đó là lời khẳng định ác độc rằng câu hỏi về thời điểm cuộc sống con người bắt đầu là tôn giáo, chứ không phải là một thực tại khách quan. Không phải như thế; chưa bao giờ là như thế; và sẽ không bao giờ là như thế. Sự sống của con người bắt đầu từ lúc thụ thai là một sự thật khoa học, từng được biết đến trong môn sinh học đối với các học sinh năm thứ hai trung học.

Có sự song song đáng ngại giữa khẳng định vô lý của Tổng thống Biden cho rằng không có câu trả lời dứt khoát về thời điểm cuộc sống bắt đầu, và tuyên bố vô lý không kém của Tổng thống Vladimir Putin cho rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự hay một quốc gia có chủ quyền, mà là một phần không thể tách rời của “thế giới Nga” và phải được khôi phục về vị trí thích hợp của nó trong cái “thế giới” đó? Cả hai tuyên bố đều nói lên một thực tại giả nhằm thay thế cho thực tại thật.

Sau đó, có câu thần chú do chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi và những người khác nêu ra, rằng phán quyết Roe kiện Wade cho phép phá thai theo yêu cầu là điều cần thiết để “chăm sóc sức khỏe sinh sản”. Sự thối nát của ngôn ngữ ở đây là đáng kinh ngạc - và nó song song với việc Putin khăng khăng rằng cuộc xâm lược Ukraine của ông ta là một “cuộc hành quân đặc biệt”, không phải là một hành động chiến tranh.

Trong một bài bình luận năm 1946, có nhan đề “Chính trị và ngôn ngữ tiếng Anh”, George Orwell lập luận rằng ngôn ngữ “xấu xí và không chính xác” trong chính trị “được thiết kế để làm cho những lời nói dối nghe có vẻ trung thực và đáng kính trọng, đồng thời mang một làn gió nhẹ nhàng đến cho thái độ kiên quyết.” Đây là những gì Pelosi và Putin làm khi họ từ chối gọi mọi thứ bằng đúng danh xưng của chúng, khi họ triển khai các cách viết tắt để che giấu thực tế của một thứ gì đó tàn bạo và đáng ghê tởm, và khi làm như vậy, họ đánh lừa công chúng mà họ tự xưng là các nhà lãnh đạo. Nhiều người Mỹ thực sự kinh hoàng trước mức độ ủng hộ của người dân Nga đối với hành động gây hấn giết người của Putin, một phần là kết quả của việc người dân Nga bị nhồi nhét bởi những lời dối trá thường xuyên từ các phương tiện truyền thông do nhà nước kiểm soát. Chẳng phải chế độ tuyên truyền giả dối gây chết người đó không tương tự như việc coi phá thai là “chăm sóc sức khỏe sinh sản”, là cần thiết để “trao quyền cho phụ nữ” sao?

Tổng thống Biden và chủ tịch Hạ Viện Pelosi đã vượt qua làn khói tuyên truyền của Putin và nói sự thật về Nga và Ukraine. Nhưng họ không thể và sẽ không thấy rằng họ đang triển khai chiến thuật của Putin để ủng hộ phán quyết Roe kiện Wade trong cố gắng không thể chống đỡ nổi về mặt hiến pháp của họ. Họ cũng sẽ không cho chúng ta biết việc bảo vệ phá thai theo yêu cầu đã trở nên tồi tệ, thậm chí khốn nạn như thế nào.

Việc bóp méo những điều của Thiên Chúa vì mục đích chính trị là một chiến thuật khác trong việc tạo ra một thực tại giả.

Vào ngày 3 tháng 5, chủ tịch Nghị viện của Giáo hội Anh Giáo tại Hoa Kỳ, là bà mục sư Gay Clark Jennings, đã chỉ trích nỗ lực của những người phò sinh trong việc “thực hiện việc kiểm soát thần quyền” đối với những người khác và tuyên bố rằng, “Là những người theo Anh Giáo, chúng tôi có một nghĩa vụ cụ thể chống lại những Kitô hữu đang tìm cách phá hủy nền dân chủ đa văn hóa của chúng ta và coi Hoa Kỳ như một thần tượng của Kitô giáo độc ác và xuyên tạc mà họ chủ trương.” Do đó, bà kết luận, “chúng ta phải làm cho Kitô hữu của chúng ta làm chứng cho phẩm giá của mỗi con người bằng cách khăng khăng rằng chúng ta ủng hộ quyền được chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn và hợp pháp vì đức tin của chúng ta vào một Thiên Chúa nhân từ đòi hỏi chúng ta phải làm như vậy”.

Câu hỏi với bà mục sư Jennings là “Thiên Chúa từ bi” của chúng ta không có gì để nói về hàng chục triệu người vô tội bị giết trong tử cung bằng cách “chăm sóc sức khỏe sinh sản an toàn và hợp pháp” hay sao?

Lời hiệu triệu ngày 3 tháng 5 của bà mục sư Jennings kêu gọi hành thành các rào cản để ủng hộ việc phá thai sẽ khiến các tín hữu Kitô chính thống cảm thấy thật kỳ quái, thậm chí là dị giáo. Nhưng nó có gì khác biệt so với bài giảng được giảng cùng ngày trong Nhà thờ Tổng Lãnh Thiên Thần của Điện Cẩm Linh không? Tại đó, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và Toàn Nga 'tuyên bố rằng “Nga chưa bao giờ tấn công bất kỳ ai. Thật là đáng kinh ngạc khi một quốc gia vĩ đại và hùng mạnh không bao giờ tấn công bất cứ ai — nó chỉ bảo vệ biên giới của mình. Chúa ban cho chúng ta điều đó... cho đất nước của chúng ta tiếp tục được như thế này — mạnh mẽ và đầy sức mạnh, đồng thời được Chúa yêu thương.”

Jennings và Kirill phản bội phúc âm bằng cách chấp nhận hai hình thức của văn hóa cái chết. Không một xã hội nhân đạo nào có thể được xây dựng trên nền tảng chết người đó.
Source:First Things
 
Putin bẽ bàng: Nhà ngoại giao NGA tại LHQ tố cáo Putin. Đan Mạch giúp Ukraine chống hạm đội Hắc Hải
VietCatholic Media
15:43 24/05/2022


1. Quân Nga mở cuộc tấn công dữ dội trong Khu vực Luhansk

Tại Khu vực Luhansk, quân đội Nga đã tập trung nỗ lực vào chiến dịch tấn công nhằm bao vây các khu định cư tại Lysychansk và Sievierodonetsk.

Ông Serhiy Haidai, Thống Đốc vùng Luhansk đã cho biết như trên.

“Về tình hình ở tiền tuyến, địch tập trung toàn lực cho hoạt động tấn công bao vây Lysychansk và Sievierodonetsk. Giờ đây, với sự hỗ trợ của pháo binh, họ đang tiến hành các hoạt động tấn công theo hướng Toshkivka và Ustynivka, gần Lysychansk.”

Theo lời của ông, các cuộc pháo kích của Nga rất mạnh. Đôi khi không thể ghi lại tất cả các thiệt hại về thời gian, vì rất khó để tiếp cận các khu vực bị ảnh hưởng.

“Đặc biệt, chúng tôi nhận được thông tin địch pháo kích vào các trường học trong vùng. Tin này chúng tôi nhận được trễ mất hai ngày. Đây là trường nội trú dành cho trẻ em ở Hirske, nơi cung cấp một môi trường giáo dục tiên tiến. ‘Thế giới Nga’ đã làm mọi thứ có thể để lấy đi điều này. Ngoài ra, chúng tôi liên tục nhận được báo cáo về tình trạng nhà ở bị hư hại ở Popasna và Rubizhne.”

Theo Ông Haidai, nhà máy hóa chất AZOT đã liên tục hứng chịu làn đạn của kẻ thù trong ngày qua.

Tại Lysychansk, người ta quan sát thấy khói dày đặc bốc ra từ một nhà máy lọc dầu nằm gần đường cao tốc Lysychansk-Bakhmut bị quân đội Nga bắn phá. Các nhà máy lọc dầu trong khu vực thường xuyên bị trúng đạn của đối phương

Trong khi đó, hơn 10 ngôi nhà dân ở Sievierodonetsk và Lysychansk bị hư hại, và một người bị thương.

Haidai lưu ý rằng, trong ngày qua, quân trú phòng Ukraine đã đẩy lùi 16 đợt tấn công của đối phương, phá hủy 8 xe tăng Nga, 22 xe chiến đấu bọc thép và một xe cơ giới. Các đơn vị phòng không Ukraine đã bắn rơi một máy bay không người lái Granat của đối phương và 6 UAV Orlan-10.

2. Nga triển khai các dàn hỏa tiễn Iskander sát biên giới Ukraine

Trong toan tính hỗ trợ cho các cuộc tấn công ở vùng Donbas, Nga đã triển khai lại các khẩu đội tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander tại vùng Brest của Belarus, cách biên giới quốc gia Ukraine 50 km.

Điều này được nêu trong báo cáo mới nhất của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Ukraine tính đến 10 giờ sáng ngày 24 tháng 5 năm 2022.

Cần lưu ý rằng mối đe dọa về các cuộc tấn công bằng tên lửa và không kích vào các đối tượng Ukraine được phóng từ lãnh thổ của Cộng hòa Belarus đang ngày càng gia tăng.

Nga đã tấn công mạnh mẽ dọc theo toàn bộ tuyến phòng thủ và thậm chí vào sâu trong tuyến phòng thủ của quân đội Ukraine tại các khu vực giao tranh Donetsk, Slobozhansky và Nam Buh. Cường độ tấn công của quân Nga được ghi nhận là lớn nhất trong khu vực Donetsk, cụ thể là gần Lysychansk và Sievierodonetsk.

Các không ảnh cũng cho thấy Nga đang triển khai các khẩu đội tên lửa đạn đạo tầm ngắn Iskander tại Belgorod, một thành phố của Nga, nằm đối diện với Kharkiv.

3. Một nhà ngoại giao Nga tuyên bố từ chức để phản đối cuộc chiến “đẫm máu, vô nghĩa” “do Putin phát động chống lại Ukraine”.

Boris Bondarev, làm việc tại phái bộ Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva, nói với BBC rằng ông biết quyết định lên tiếng của mình có thể đồng nghĩa với việc Điện Cẩm Linh hiện coi ông là kẻ phản bội.

Nhưng ông vẫn giữ vững tuyên bố của mình, trong đó mô tả cuộc chiến là “tội ác chống lại người dân Ukraine” và “người dân Nga”.

Đến nay Mạc Tư Khoa chưa đưa ra bình luận nào.

Nga đã thẳng tay đàn áp những ai chỉ trích hoặc nghi ngờ các tường thuật chính thức xung quanh cuộc chiến, vốn chỉ được coi là “một cuộc hành quân đặc biệt”.

Trong bức thư được đăng trên mạng xã hội và chia sẻ với các nhà ngoại giao đồng nghiệp, ông Bondarev giải thích rằng ông đã chọn kết thúc sự nghiệp 20 năm phục vụ của mình vì ông không thể “tiếp tục tham gia vào cuộc chiến đẫm máu, vô nghĩa và hoàn toàn không cần thiết này”.

“Những người nuôi dưỡng cuộc chiến này chỉ muốn một điều duy nhất là nắm quyền mãi mãi”

“Để đạt được điều đó, họ sẵn sàng hy sinh nhiều mạng sống. Hàng nghìn người Nga và Ukraine đã chết chỉ vì điều này.”

Bức thư cũng tấn công cả Ngoại trưởng Nga cáo buộc Bộ Ngoại giao Nga quan tâm đến “sự dối trá và thù hận” hơn là ngoại giao.

Nhà ngoại giao Boris Bondarev đã không kiềm chế khi chỉ trích Tổng thống Putin, Ngoại trưởng Lavrov và cuộc tấn công của Nga ở Ukraine.

“Chiến tranh xâm lược là tội ác nghiêm trọng nhất khốn nạn, dối trá và hận thù…”

Thật hiếm khi nghe những lời như vậy từ một quan chức Nga. Trong ba tháng kể từ khi Vladimir Putin khởi động cái mà ông ta vẫn gọi là “cuộc hành quân đặc biệt” của mình ở Ukraine, là điều mà hầu hết mọi người thế giới đều gọi đích danh là chiến tranh của Nga, có rất ít dấu hiệu cho thấy bất đồng công khai trong các thể chế nhà nước của Nga.

Lúng túng cho các nhà chức trách Nga? Chắc chắn rồi. Họ muốn làm rõ rằng bộ máy nhà nước ở đây hoàn toàn đứng sau quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Putin.

Nói với BBC, ông Bondarev cho biết ông “không thấy giải pháp nào khác” ngoài việc từ chức: “Thành thật mà nói, tôi không nghĩ rằng việc từ chức của tôi sẽ thay đổi nhiều, nhưng tôi nghĩ nó có thể là một viên gạch nhỏ vào bức tường lớn hơn mà cuối cùng sẽ được xây dựng. Tôi cũng mong là như vậy.”

Ông Bondarev tiết lộ rằng cuộc xâm lược ban đầu đã được các đồng nghiệp trong Bộ Ngoại Giao Nga đáp lại với “niềm hạnh phúc, vui sướng, hưng phấn” vì thực tế là Nga đã “thực hiện một số bước triệt để”.

Ông nói với BBC: “Bây giờ họ ít hài lòng hơn với điều đó, bởi vì chúng tôi đang đối mặt với một số vấn đề, trước hết là với nền kinh tế,” ông nói với BBC. “Nhưng tôi không thấy rằng nhiều người trong số họ sẽ hối cải và thay đổi quan điểm của mình”.

“Họ có thể trở nên kém hào hứng hơn một chút, ít hung hăng hơn một chút. Nhưng không hối cải.”

Ngược lại, ông Bondarev cho biết trong bức thư ngỏ của mình rằng ông “chưa bao giờ xấu hổ về đất nước của mình” như vào ngày 24 tháng 2, là ngày cuộc xâm lược bắt đầu.

Không rõ liệu ông có phải là nhà ngoại giao đầu tiên từ chức hay không, vì chưa có ai khác lên tiếng công khai.

Ông Bondarev không ảo tưởng rằng giờ đây Mạc Tư Khoa sẽ coi ông ta là kẻ phản bội, nhưng lưu ý rằng ông ta không “làm bất cứ điều gì bất hợp pháp”.

“Tôi vừa từ chức và nói ra suy nghĩ của mình,” anh nói. “Nhưng tôi nghĩ tất nhiên tôi phải quan tâm đến sự an toàn của mình.”

https://www.bbc.com/news/world-europe-61555390

4. Phó thủ tướng Đức: Liên Hiệp Âu Châu có thể đạt được thỏa thuận về các lệnh trừng phạt Nga

Phó Thủ tướng Đức kiêm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Robert Habeck đã phát biểu tại một phiên hội thảo trong cuộc họp thường niên lần thứ 51 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, vào ngày 23 tháng 5.

Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Kinh tế Đức nói với CNN rằng suy thoái không phải là không thể tránh khỏi.

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Robert Habeck nhấn mạnh rằng “Không phải tất cả mọi thứ đều là không thể tránh khỏi, chúng ta là con người và có thể thay đổi tiến trình lịch sử”.

Ông cũng nói chuyện về cuộc chiến ở Ukraine và những nỗ lực của Âu Châu nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Khi được hỏi liệu Liên minh Âu Châu có thể đạt được thỏa thuận về vòng trừng phạt tiếp theo, bao gồm lệnh cấm vận dầu mỏ hay không, ông nói rằng ông tin tưởng có thể đạt được một thỏa thuận và có thể được thực hiện trong vòng vài ngày tới.

“Tôi mong đợi tất cả mọi người - cũng như Hung Gia Lợi - rằng họ làm việc để tìm ra giải pháp và không nói rằng 'Được rồi, chúng tôi có một ngoại lệ và sau đó chúng tôi sẽ lùi lại và xây dựng quan hệ đối tác với Putin'“

Habeck cũng thảo luận về sự phụ thuộc của Đức vào khí đốt của Nga, và nói rằng ngành công nghiệp của Đức sẽ sụp đổ nếu không có năng lượng của Nga. Khi được hỏi liệu Đức có trả tiền khí đốt của Nga bằng đồng rúp hay không, Habeck nói rằng các công ty Đức sẽ trả tiền khí đốt bằng đồng euro, nếu sau đó Nga quyết định đổi số euro đó thành đồng rúp, thì đó là một biện pháp “giữ thể diện” cho Putin.

Ông khẳng định rằng bất kỳ động thái nào như vậy đã được Ủy ban Liên Hiệp Âu Châu chấp thuận và không vi phạm các lệnh trừng phạt.

Tưởng cũng nên nhắc lại: Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 3 cho biết các quốc gia “không thân thiện” sẽ phải trả bằng đồng rúp, thay vì euro hoặc đô la được nêu trong hợp đồng. Người mua có thể thực hiện thanh toán bằng đồng euro hoặc đô la vào một tài khoản tại ngân hàng Gazprombank của Nga, sau đó sẽ chuyển tiền thành rúp và chuyển chúng sang tài khoản thứ hai để thanh toán cho Nga.

Nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria đã bị cắt, sau khi họ từ chối thanh toán bằng đồng rúp. Các công ty khí đốt lớn khác của Âu Châu đã nói với CNN rằng họ đang tìm cách thanh toán cho khí đốt của Nga, đồng thời không vi phạm các lệnh trừng phạt của EU.

5. Tướng Mỹ cho biết quân đội Mỹ đóng tại khu vực hoạt động của Âu Châu tăng 30% so với trước chiến tranh Ukraine

Hiện có khoảng 102.000 lính Mỹ đóng tại khu vực hoạt động của Âu Châu, con số này tăng 30% so với số lượng lính Mỹ đóng tại khu vực hoạt động của Âu Châu trước khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu, Tướng Mark Milley, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Mỹ cho biết như trên trong một cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài sau khi kết thúc cuộc họp Nhóm Liên lạc Ukraine lần thứ hai vào thứ Hai.

“Quân đội Hoa Kỳ có khoảng 78.000 trong EUCOM, Lục quân, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Lực lượng Vũ trụ. Trong vài tháng ngắn ngủi, chúng tôi đã củng cố điều đó hơn 30%. Cụ thể, sáng nay, chúng tôi có thông tin đại khái là 102.000 lính Mỹ trong khu vực hoạt động của EUCOM ở nhiều quốc gia,” Tướng Milley nói.

EUCOM là một trong 11 vùng chiến thuật của Hoa Kỳ, có trụ sở tại Stutgart, bao gồm 51 quốc gia và lãnh thổ ở Âu Châu.

Tướng Milley cho biết thêm, Mỹ đã tăng cường sự hiện diện của quân đội trên bộ, trên biển và trên không kể từ khi cuộc chiến ở Ukraine bắt đầu.

“Trên biển, chúng tôi có hơn 15.000 thủy thủ ở Địa Trung Hải và vùng Baltics, hiện diện trên 24 tầu chiến nổi và tàu ngầm, tăng từ sáu chiến hạm nổi so với hồi mùa thu,” Milley nói. “Trên không, chúng tôi hiện có 12 phi đội máy bay chiến đấu và hai lữ đoàn Dù, và trên mặt đất chúng tôi có hai quân đoàn, hai sư đoàn và sáu Lữ đoàn tác chiến, cùng với nhiều loại đơn vị khác.”

Hoa Kỳ dự kiến sẽ giữ 100.000 quân đồn trú ở Âu Châu trong tương lai gần.

6. Các nước Liên Hiệp Âu Châu giúp Ukraine khả năng đối phó với hạm đội Hắc Hải của Nga

Đan Mạch đã đồng ý cung cấp cho Ukraine một bệ phóng Harpoon và cả các hỏa tiễn để “giúp Ukraine bảo vệ bờ biển của mình”, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết khi kết thúc cuộc họp Nhóm liên lạc Ukraine lần thứ hai do Austin chủ trì hôm thứ Hai. Cuộc họp nhóm liên lạc thứ hai được tổ chức trực tuyến.

Cộng hòa Tiệp cũng đồng ý gửi những “hỗ trợ đáng kể” cho Ukraine bao gồm các máy bay trực thăng tấn công, các loại xe tăng và các hệ thống hỏa tiễn”, Austin cho biết tại một cuộc họp báo khi kết thúc cuộc họp.

Austin cho biết tổng thể, 20 quốc gia “đã công bố các gói hỗ trợ an ninh mới”, bao gồm “tài trợ đạn pháo cực kỳ cần thiết, hệ thống phòng thủ bờ biển, xe tăng và các phương tiện bọc thép khác”.

Austin nói thêm: “Những người khác đưa ra các cam kết mới về đào tạo các lực lượng của Ukraine và duy trì các hệ thống quân sự của họ.

Tổng số 47 quốc gia đã tham gia cuộc họp thứ hai của nhóm liên lạc, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley cho biết.

Bộ trưởng Austin sẽ đích thân chủ trì cuộc họp thứ ba của Nhóm liên lạc Ukraine tại Brussels vào ngày 15 tháng 6, Austin cho biết khi kết thúc cuộc họp ảo thứ hai của nhóm liên lạc hôm thứ Hai.

“Tôi sẽ triệu tập Nhóm liên lạc cho cuộc họp thứ ba của chúng ta vào tháng tới và sẽ trực tiếp tập hợp lần này, vào ngày 15 tháng 6, bên lề cuộc họp của các Bộ trưởng Quốc phòng NATO ở Brussels,” Austin nói. “Tất nhiên, đây sẽ không phải là một sự kiện của NATO, nhưng chúng tôi muốn duy trì, theo kịp tiến độ của các cuộc họp này và tôi muốn sử dụng chuyến đi đến Âu Châu để bảo đảm rằng chúng ta đang tiếp tục trên đà phát triển của mình”.

7. Người tị nạn Ukraine ở Đức có thể đổi tiền Ukraine sang đồng Euro

Từ hôm thứ Ba 24 tháng 5, người tị nạn Ukraine ở Đức sẽ có thể đổi tiền Ukraine gọi là đồng hryvnia sang đồng euro với một tỷ giá hối đoái có lợi, theo thỏa thuận của Bộ tài chính Đức, Ngân hàng Liên bang Đức, ngành ngân hàng Đức và Ngân hàng Quốc gia Ukraine.

“Người tị nạn có thể đổi tổng số tiền lên tới 10.000 hryvnia thành euro tại các ngân hàng tiết kiệm và các ngân hàng khác của Đức tham gia vào sáng kiến này,” Bộ Tài chính Đức cho biết hôm thứ Hai trong một thông cáo báo chí”.

“Việc đổi sang euro sẽ được thực hiện theo tỷ giá hối đoái được công bố trên trang web của Bundesbank. Việc trao đổi được ghi lại trong một ứng dụng trực tuyến do Ngân hàng Trung ương Âu Châu cung cấp để bảo đảm rằng số tiền trao đổi tối đa của từng cá nhân không bị vượt quá. Trong quá trình này, danh tính của từng người tị nạn trong độ tuổi hợp pháp muốn tham gia trao đổi sẽ được ghi lại và xác minh. Các tài liệu được chấp nhận là những tài liệu được sử dụng để mở tài khoản cơ bản của những người tị nạn từ vùng chiến sự Ukraine. Các yêu cầu về bảo vệ dữ liệu sẽ được tôn trọng”

Đức sẽ bù đắp cho các khoản lỗ do tỷ giá hối đoái này gây ra.
 
Đức Giám Mục Nicaragua tuyệt thực phản đối sự quấy rối liên tục của mật vụ chế độ
VietCatholic Media
17:11 24/05/2022


1. Tu sĩ không có chức linh mục có thể làm Bề trên trong dòng giáo sĩ

Theo quyết định của Đức Thánh Cha Phanxicô, kể từ ngày 18 tháng Năm năm 2022 tu sĩ không phải là linh mục có thể làm bề trên trong dòng giáo sĩ và tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh.

Trên đây là nội dung phúc chiếu của Đức Thánh Cha, trong buổi tiếp kiến ngày 11 tháng Hai năm nay dành cho Đức Hồng Y Tổng trưởng và Đức Tổng Giám Mục Tổng thư ký Bộ các Dòng tu và ban cho Bộ này năng quyền cho phép, theo sự phân định và từng trường hợp, cho các thành viên không phải là giáo sĩ được làm Bề trên cấp cao của một dòng giáo sĩ và tu đoàn tông đồ giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh, và chuẩn chước khoản số 588 triệt 2 của Bộ giáo luật và luật riêng của mỗi dòng hoặc tu đoàn tông đồ, giữ nguyên khoản luật số 134, triệt 1, theo đó các Bề trên không phải là giáo sĩ như thế không phải là “Vị Bản Quyền”.

Khoản luật số 588 triệt 2 được Đức Thánh Cha chuẩn chước nói rằng: “Tu hội giáo sĩ là tu hội được các giáo sĩ lãnh đạo, do mục đích hoặc do ý định của vị sáng lập hoặc do một truyền thống chính đáng, đảm nhận việc thi hành chức thánh và được quyền bính Giáo Hội công nhận như vậy.”

Đi vào cụ thể hơn, thành viên không phải là giáo sĩ của một dòng giáo sĩ thuộc quyền Tòa Thánh, có thể được Bề trên Tổng quyền, với sự đồng ý của Hội đồng Tổng cố vấn, bổ nhiệm làm Bề trên cộng đoàn địa phương.

Thành viên không phải là giáo sĩ có thể được bổ nhiệm làm Bề trên cấp cao, sau khi được phép trên giấy tờ của Bộ các Dòng tu, theo lời thỉnh cầu của Bề trên Tổng quyền với sự đồng ý của Hội đồng Tổng cố vấn.

Cũng vậy, thành viên như thế có thể được bầu làm Bề trên Tổng quyền hoặc Bề trên cấp cao theo thể thức được luật riêng của mỗi dòng, sau khi được phép trên giấy tờ của Bộ các Dòng tu. Đối với hai trường hợp vừa nói liền trên đây, Bộ các Dòng tu dành quyền thẩm định từng trường hợp và những lý do mà Bề trên Tổng quyền hoặc Tổng tu nghị của dòng nêu lên.

Đức Thánh Cha truyền công bố Phúc chiếu này trên báo Quan sát viên Roma và sau đó, đăng trên công báo của Tòa Thánh, và có giá trị từ ngày 18 tháng Năm năm 2022.

2. Tòa Thánh sẽ cứu xét vấn đề Đức Thánh Cha có thể thăm Ukraine hay không

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, cho biết sau cuộc viếng thăm làm việc của Ngoại trưởng Tòa Thánh, Đức Tổng Giám Mục Paul Gallagher, tại Ukraine trong những ngày này, Tòa Thánh sẽ cứu xét vấn đề Đức Thánh Cha Phanxicô có thể viếng thăm Ukraine được không.

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Tòa Thánh tuyên bố như trên, bên lề cuộc gặp gỡ tại Đại học Công Giáo ở Roma, hôm 18 tháng Năm vừa qua. Trả lời câu hỏi của ký giả xem Đức Giáo Hoàng có chương trình thăm Ukraine hay không, Đức Hồng Y nói:

“Bây giờ có Đức Tổng Giám Mục Gallagher đang ở Ukraine. Sau chuyến đi này, chúng tôi sẽ xem điều gì nên làm. Từ phía Đức Thánh Cha, ngài không có ý định đến Ukraine, nhưng vấn đề sẽ được cứu xét dưới ánh sáng sứ vụ của Đức Tổng Giám Mục Gallagher. Điểm chính yếu là phải có sự sẵn sàng của hai phía, nước Nga và Ukraine, chấp nhận sự trung gian của Tòa Thánh. Vatican không thể áp đặt nhưng chỉ có thể tình nguyện, như vẫn thường được lập lại, Tòa Thánh luôn sẵn sàng. Chỉ khi có sự sẵn sàng của hai bên thì mới có thể khởi sự một sáng kiến cụ thể”.

3. Giám mục Nicaragua tuyệt thực để phản đối sự quấy rối của cảnh sát

Sau khi tuyên bố rằng ngài đã bị cảnh sát “bắt bớ” và “quấy rối” vào thứ Năm, một giám mục ở Nicaragua đang tuyệt thực “vô thời hạn” cho đến khi chính quyền bảo đảm với ngài, thông qua hội đồng giám mục, rằng cả ngài và gia đình ngài đều được an toàn.

“Hôm nay tôi đã bị cảnh sát Sandinista bắt bớ suốt cả ngày, từ sáng cho đến tận đêm khuya và mọi lúc, trong mọi hoạt động của tôi trong ngày,” Đức Cha Rolando Álvarez của giáo phận Matagalpa và là giám quản tông tòa của giáo phận Estelí cho biết như trên.

Vị Giám Quản Tông Tòa nói rằng khi ngài cố gắng tìm ra từ các đặc vụ lý do tại sao họ theo dõi ngài và yêu cầu họ liên lạc với Cảnh sát trưởng Francisco Díaz, các cảnh sát đã bước vào ngôi nhà nơi ngài đang ở cùng gia đình.

“Họ xâm nhập vào vòng riêng tư của gia đình tôi, họ đến nhà riêng của tôi, của bố mẹ tôi, gây nguy hiểm cho sự an toàn của gia đình tôi,” Đức Cha nói. Để đối phó, ngài đã đến Managua xin tá túc, nơi ngài được chào đón tại giáo xứ Santo Cristo de Esquipulas ở Las Colinas.

Đức Cha Álvarez là một trong những người chỉ trích mạnh mẽ nhất chế độ của Tổng thống Daniel Ortega và vợ của ông ta, là bà Phó Tổng thống Rosario Murillo, là người năm ngoái đã bỏ tù hàng chục nhà lãnh đạo chính trị và xã hội sau khi họ lên tiếng phản đối chính phủ hoặc tuyên bố ý định tranh cử tổng thống. Họ bị bắt cùng với hàng trăm nhà bất đồng chính kiến đã bị bỏ tù vào năm 2018, sau một loạt các cuộc biểu tình trong nước.

“Tôi bắt đầu tuyệt thực vô thời hạn cho đến khi Cảnh sát Quốc gia, thông qua chủ tịch hoặc phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Nicaragua, cho tôi biết rằng họ sẽ tôn trọng gia đình và sự riêng tư của tôi,” Đức Cha nói.

Đức Cha Álvarez mời các tín hữu của cả hai giáo phận ăn chay và cầu nguyện trước Mình Thánh Chúa cho sự an toàn của ngài và gia đình. Cảnh sát nói với ngài rằng họ đang theo dõi ngài “vì sự an toàn của chính ngài”, mà ngài nói, trên video phát trực tiếp, rằng “mọi người đều biết rằng, ở Nicaragua, những người khiến chúng tôi cảm thấy không an toàn với cuộc đàn áp này chính là cảnh sát.”

Đức Giám Mục đã khuyến cáo các tín hữu “hãy chầu Thánh Thể, cầu nguyện, ca hát, ngợi khen Chúa và chay tịnh khi nào anh chị em thấy thuận tiện. Ngoài ra, tôi sẽ cầu nguyện và tôi sẽ làm lễ trừ tà từ đây”.

Thứ Tư tuần trước, Cha Uriel Vallejos, linh mục quản xứ của nhà thờ Divina Misericordia ở Matagalpa, nói rằng các nhân viên cảnh sát đã bao vây ngài khi ngài vừa bước ra khỏi Tòa Sứ Thần Tòa Thánh ở Managua.

Tương tự, Cha Harving Padilla, của Nhà thờ San Juan Bautista ở khu Masaya, đã bị quấy rối bởi cảnh sát và dân quân, những người đã đe dọa bắt giữ ngài và buộc ngài phải chịu trách nhiệm về cái chết của cảnh sát Gabriel Vado Ruíz, là người đã bị giết tại một cuộc biểu tình vào năm 2018.

Đầu tháng này, đại biểu của hai ủy ban của Quốc hội đã thảo luận về “các tôn giáo và các tổ chức nhân quyền có liên quan đến cuộc phiêu lưu đảo chính”.

Sau “các cuộc thảo luận” này, chính phủ Ortega bày tỏ ý định bỏ tù các linh mục vì cáo buộc các ngài là “phản quốc”. Các nhà lãnh đạo chế độ trong quá khứ đã gọi hàng giáo phẩm Công Giáo là những kẻ khủng bố, những kẻ tổ chức đảo chính và những kẻ đẻ ra ma quỷ.
Source:Crux