Ngày 23-05-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:44 23/05/2018
Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm – B

(Mt 28, 16 - 20)

Ngày hôm nay, Phụng vụ Giáo hội mừng kính trọng thể Một Thiên Chúa Duy Nhất có Ba Ngôi là Cha và Con và Thánh Thần.

1) Dấu Thánh Giá và Ba Ngôi

Để giúp chúng ta sống và cử hành lễ tình yêu này cho nên, trước khi suy niệm đoạn Tin Mừng(Mt 28,16-20), chúng ta cần nhắc lại rằng việc tuyên xưng niềm tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Chúa Thánh Thần, gắn liền với Dấu Thánh Giá. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI nói : “Việc thực hành đạo đức này “là dấu chỉ cơ bản của kinh nguyện Kitô Giáo : Dấu Thánh Giá trên hết là một sự kiện của Thiên Chúa : Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến với Chúa Kitô, Chúa Kitô mở đường cho chúng ta đến với Chúa Cha. Như thế, Thiên Chúa không còn là Thiên Chúa xa lạ nữa; Ngài có một tên, chúng ta có thể gọi Ngài, và Ngài gọi chúng ta”.

Với dấu Thánh Giá, chúng ta được chìm đắm trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nên bằng cách sai phái các môn đề của mình đi truyền giáo khắp thế gian, Chúa Kitô yêu cầu họ làm Phép Rửa “Nhân danh Cha và Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28,19).

Vì vậy, khi làm Dấu Thánh Giá, chúng ta được Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm trong danh của Ngài, được thâm nhập vào sự hiện hữu của và được ở trong cung lòng Thiên Chúa Ba Ngôi là Cha, Con và Thánh Thần. Chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng Tạo Dựng trời đất muôn vật hữu hình và vô hình. Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha, đã chịu khổ hình và mai táng, sống lại, lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa. Và chúng ta tuyên tín Đức Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa và là Đấng ban sự sống, Người bởi Cha và Con mà ra.

Bắt đầu một ngày mới bằng dấu Thánh Giá, dấu của tình yêu Ba Ngôi, chúng ta gia nhập vào đời sống tương giao của tình yêu Thiên Chúa Cha, Con và Chúa Thánh Thần.

2) Ba Ngôi theo Tin Mừng hôm nay

Bây giờ chúng ta hãy bình luận về văn bản Tin Mừng rất ngắn (Mt 28, 16-20) của Thánh Lễ Chúa Ba Ngôi. Ba Ngôi, Cha, Chúa Con và Thánh Thần có mối quan hệ chặt chẽ trong tình yêu, nhận biết và hiệp thông giữa với nhau. Những lời của Chúa Giêsu yêu cầu các môn đệ làm chứng tỏ mầu nhiệm sâu thẳm của Ba Ngôi. Chúng ta biết, Chúa là Cha, nguồn suối mọi ơn phúc, Chúa Con là Con của Chúa Cha trong tình yêu nhập thể cứu chuộc ta, và Chúa Thánh Thần là tình yêu Người của Cha và Con yêu con người bằng tình yêu thực sự.

Ba Ngôi thường bị coi là vô nghĩa đối với chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Nhưng trong thực tế, Ba Ngôi Cực Thánh này bao trùm toàn bộ đời sống chúng ta. Ba Ngôi ở trong chúng ta, chúng ta là "đền thờ" của Ba Ngôi, và Ba Ngôi sống trong chúng ta.

Khi sai các môn đệ của mình đi, Chúa Giêsu truyền họ làm phép rửa cho muôn dân “Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (Mt 28,19), chứng tỏ, chúng ta, những người kitô hữu đã chịu Phép Rửa nhân danh Ba Ngôi. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta tham dự vào sự sống thần linh, và trở thành con cái Thiên Chúa là Cha, anh em với nhau trong Chúa Kitô và đền thờ của Chúa Thánh Thần. Với Bí tích này, đời sống Kitô hữu của chúng ta bắt đầu được một lời kêu gọi nên thánh. Phép Rửa làm cho chúng ta thuộc về Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh, Đấng “ba lần Thánh” (x. Is 6,3) ; “Ý muốn của Thiên Chúa là anh em sống thánh thiện” (1Th 4,3)..

Hồng ân thánh mà chúng ta nhận được ngày chịu Phép Rửa tội đòi hỏi chúng ta phải trung thành với sứ vụ loan báo Tin Mừng, sứ vụ này ảnh hưởng đến tất cả những người đã chịu Phép Rửa tội. "Vì thế, mọi người đều thấy rõ ràng tất cả các Kitô hữu, bất cứ theo bậc sống hay địa vị nào, đều được kêu gọi tiến đến sự viên mãn của đời sống Kitô giáo và đến sự trọn lành của Ðức Ái " (Công Đồng Vaticanô II, LG, số 40).

Nếu Phép Rửa tội đưa chúng ta vào trong sự thánh thiện của Thiên Chúa, thì làm sao chúng ta có thể hài lòng với đời sống của một người kitô hữu bình thường và hời hợt được? Chúng ta được kêu gọi để nên thánh trong tình yêu, vì Phép Rửa dẫn chúng ta vào trong đời sống thân mật của tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Với lòng biết ơn sâu sắc vì sự quan phòng của Thiên Chúa, Đấng đã kêu gọi chúng ta chia sẻ đời sống tình yêu của Ngài, chúng ta thờ phượng và ngợi khen Chúa, bây giờ và mãi mãi. “Chúc tụng Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, vì Chúa đã tỏ lòng từ bi đối với chúng con” (Ca nhập lễ).

3) Ba Ngôi trong đời sống người Kitô hữu

Trước khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy, mỗi người chúng ta đều được ghi Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được thẩm vấn và đòi buộc tuyên xưng niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Liền sau đó sẽ được hỏi :

- Anh chị em có tin kính Thiên Chúa, là Cha Toàn Năng, Đấng Tạo Dựng nên trời đất không?

- Anh chị em có tin kính Đức Giêsu Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Đức Chúa Cha… ?

- Anh chị em có tin kính Đức Chúa Thánh Thần… ? Câu trả lời cho cả ba câu hỏi trên sẽ là, “Thưa có”.

Và cứ thế, hằng ngày, biết bao lần chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa Ba Ngôi, từ khi thức dậy cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm … chúng ta đọc kinh Vinh Danh, kinh Sáng Danh, kinh Tin Kính… nhất là chúng ta làm Dấu Thánh Giá nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi, cho thấy toàn thể thân xác cũng như linh hồn ta, tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi và Thiên Chúa Ba Ngôi bao trùm toàn bộ đời sống ta.

Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần…

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Nhân Danh Cha và Con và Thánh Thần

Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm – B

(Mt 28, 16 - 20)

Tiếp liền sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ Một Thiên Chúa trong Ba Ngôi, một trong những mầu nhiệm người tín hữu phải tin cho được rỗi linh hồn. Nhưng làm sao chúng ta có thể diễn tả hay thấu hiểu về Thiên Chúa Ba Ngôi này. Ai có thể giúp ta thấy được khuôn mặt thực của Thiên Chúa? Ai sẽ chỉ cho ta con đường để gặp gỡ Ngài? Tự sức trí khôn con người là không thể. Phải nại đến Đức Giêsu Kitô, Ngôi Lời nhập thể, qua Ngài mầu nhiệm Thiên Chúa được vén mở, nhờ Người mà chúng ta biết có Một Thiên Chúa duy nhất trong Ba Ngôi Vị là Cha, Con và Thánh Thần.

Thánh Augustinô viết : « Thiên Chúa là một mầu nhiệm mà con người không thể nào thấu hiểu được ».

Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vĩ đại, sâu thẳm, chúng ta không thể nào diễn tả được. Trí tuệ và miệng lưỡi con người không tài nào giải thích được những mối tương quan giữa Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần; tuy nhiên các giáo phụ đã tìm cách diễn tả nội dung chính yếu này và một trong những cách đó là Dấu Thánh Giá : Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Dấu tôn vinh, chúc tụng và nguyện cầu

Thường ngày, chúng ta làm Dấu Thánh Giá rất nhiều lần, khởi đầu ngày mới cho đến khi đi ngủ, bước vào nhà thờ cho đến lúc nhận lãnh phép lành, trước và sau khi ăn, khi đi ngang qua Thánh Giá, vườn thánh, trước cơn cám dỗ nguy hiểm …

Khi đặt tay lên trán chúng ta tôn vinh Chúa Cha toàn năng. Đưa tay xuống ngực chúng ta chúc tụng Chúa Con tình yêu. Đưa tay sang trái, phải vinh danh Chúa Thánh Thần, Nguồn ơn Thánh Thiêng hồng phúc của đời chúng ta. Mỗi lần làm Dấu Thánh chúng ta xin Chúa Ba Ngội ngự đến biến đổi tâm hồn chúng ta nên giống Ngài trong lời nói cũng như việc làm.

Như vậy, Dấu Thánh Giá bao trùm toàn thể xác và linh hồn; tất cả con người ta được thánh hiến nhân danh Một Chúa Ba Ngôi. Vì thế, Dấu Thánh Giá gói trọn lời tuyên xưng đức tin và nền tảng cầu nguyện của chúng ta.

Dấu kẻ có Đạo.

Đức Giêsu đến trần gian nhằm cứu chuộc chúng ta, Người đã chết trên Thánh Giá để trao ban sự sống cho chúng ta. Chính nhờ hy tế của Người trên Thánh Giá mà chúng ta, những người « kitô hữu », nghĩa là thuộc về Đức Kitô. Dấu Thánh Giá là dấu chỉ người kitô hữu. Chính nhờ dấu này mà chúng ta tuyên xưng niềm tin vào Đức Giêsu, Con Thiên Chúa làm người, đã đến thế gian để cứu chuộc chúng ta.

Trong năm Phụng vụ, có hai thời điểm giúp người kitô hữu ý thức về giá trị của Dấu Thánh Giá.

- Mùa Phục Sinh chỉ cho ra rằng chúng ta được cứu chuộc nhờ cây Thánh Giá.

- Lễ Chúa Ba Ngôi, giúp chúng ta tuyên xưng Một Chúa Ba Ngôi.

Dấu Thánh Giá là dấu của người chịu phép Rửa tội, người thuộc về Chúa. Khi chịu phép Rửa tội, chúng ta được « vẽ » và « ghi » dấu Thánh Giá. Dấu này bề ngoài không thể thấy được, nhưng in trong tâm hồn người kitô hữu. Đồng thời cũng là hành động Đức Tin, Đức Cậy và Đức Mến.

Hành động Đức Tin

Dấu Thánh Giá tóm lược Ba Mầu Nhiệm Cả trong Đạo Công Giáo.

1 – Chúng ta vẽ Dấu Thánh Giá trên mình, vì Chúa Giêsu đã mặc lấy thân xác người phàm đến để cứu chuộc ta. Đây là mầu nhiệm Nhập Thể.

2 – Dấu Thánh Giá nhắc lại rằng Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, đã chết trên Thánh Giá để cứu chuộc chúng ta. Đây là mầu nhiệm Cứu Chuộc. Thánh Giá là chiến thắng của Đức Giêsu trên sự dữ và ma quỉ. Chúng ta trở nên con cái Thiên Chúa nhờ hy tế của Chúa Giêsu trên Thánh.

3 – Dấu mà chúng ta vẽ trên mình kèm theo lời đọc : « Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần ». Chúng ta khẳng định mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi.

Hiểu như thế sẽ giúp chúng ta làm dấu Thánh giá nghiêm túc hơn.

Hành động của Đức Cậy.

Niềm hy vọng của chúng ta là về Trời như các thánh đã ái mộ những sự trên Trời. Chính vì Đức Giêsu đã đến trần gian để cứu độ chúng ta, nên chúng ta có thể về Trời. Khi vẽ trên mình Dấu Thánh Giá, chúng ta nhớ đến cái chết của Chúa Giêsu trên Thánh Giá để cứu chúng ta, Người đã mở cửa Trời cho chúng ta.

Vậy, chúng ta khẳng định với nhau rằng, cuộc sống lữ hành của chúng ta là đi về Trời nơi chúng ta hy vọng sẽ tới sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế.

Hành động Đức Mến.

Thánh Giá gốm hai thanh gỗ ngang và dọc. Thanh dọc trình bầy tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa, thanh ngang diễn tả tình yêu của chúng ta đối với « tha nhân ».

Cần phải ghi nhận rằng khi được đưa lên khỏi đất, thanh dọc của cây Thánh Giá đỡ lấy thanh ngang : ngụ ý nói rằng tình yêu của chúng ta đối với tha nhân được « nâng đỡ » bởi tình yêu Thiên Chúa.

Nếu thanh dọc của cây Thánh Giá thiếu (tình yêu Thiên Chúa), thanh ngang bị bỏ nằm trên đất, không thể đưa lên khỏi đất. Ý muốn nói, trong hành động của đức Ái : « yêu tha nhân là yêu chính Chúa ».

Nhưng nếu có thanh dọc mà không có thanh ngang, (yêu tha nhân), hỏi rằng có còn là cây Thánh Giá nữa hay không ?

Hai điều cần thiết : « là mến Chúa và yêu người ». Mỗi ngày chúng ta làm dấu trên mình nhiều lần : « Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần». Ước gì chúng ta cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, Thiên Chúa Tình Yêu trong cuộc đời ta, để chúng ta không ngừng kính mến Thiên Chúa và yêu thương tha nhân.

Xin dâng lời chúc tụng, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đến muôn thủa muôn đời. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Ba Ngôi Nhưng Là Một Thiên Chúa

Suy Niệm Lễ Chúa Ba Ngôi Năm –– B

(Mt 28, 16 - 20)

Hôm nay, chúng ta cử hành lễ Chúa Ba Ngôi, một mầu nhiệm vĩ đại, thẳm sâu và trung tâm đức tin Đạo Công Giáo, trong đó Ba Ngôi phát xuất từ nhau và trở về với nhau. Ba Ngôi Cha, Con, Thánh Thần, nhưng là Một Thiên Chúa, duy nhất trong sự hiệp thông và hiệp thông trong duy nhất, đồng thời, khác biệt nhưng cùng một bản thể và ngang hàng bằng nhau.

Đúng, Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm chúng ta không thể nào diễn tả được. Chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể cho ta biết được mầu nhiệm ấy khi Ngài tự mạc khải là Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Việc Nhập Thể của Con Thiên Chúa mạc khải rằng Thiên Chúa là Cha từ muôn thuở, và Chúa Con là Đấng đồng bản thể với Chúa Cha, nghĩa là, Chúa Con là Thiên Chúa duy nhất trong Chúa Cha và cùng với Chúa Cha. Sứ vụ của Chúa Thánh Thần, Đấng Chúa Cha sai đến nhân danh Chúa Con, và Chúa Con sai đến từ nơi Chúa Cha, mạc khải rằng Chúa Thánh Thần cùng với Chúa Cha và Chúa Con là một Thiên Chúa duy nhất. “Ngài được phụng thờ và tôn vinh cùng với Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con”. “Chúa Thánh Thần chủ yếu xuất phát từ Chúa Cha, mà từ đời đời Chúa Cha ban tặng cho Chúa Con, nên Chúa Thánh Thần xuất phát chung từ Hai Ngôi”. (GLHTCG số 261-262).

Theo thánh Grégoire de Nazianze (329 – 390) : Ba Ngôi có cùng một bản tính, nhưng khác biệt về ngôi vị : Ngôi Cha “bất thụ sinh”, Ngôi Con “nhiệm sinh”, Ngôi Thánh Thần “nhiệm xuất”. Thánh Thần, Đấng nhiệm xuất bởi Cha, thì không phải là một thụ tạo ; hơn nữa vì Ngài không được sinh ra, nên Ngài không phải là Con ; nhưng vì Ngài ở giữa Đấng bất thụ sinh Đấng nhiệm sinh, nên Ngài là Thiên Chúa ...

Theo Grégoire de Nysse (331 ? – 394) : Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa, vì đồng bản tính, nhưng khác biệt nhau vì Ngôi Hai bởi Cha mà ra và chỉ mình Người là Con Một, còn Ngôi Ba bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con mà có, nên gọi là Thánh Thần của Chúa Kitô. Chỗ khác ngài khẳng định Tam Vị Nhất Thể, Ngôi Cha là nguyên ủy và Hai Ngôi kia là do nguyên ủy, Ngôi Con mãi mãi là Con, còn Thánh Thần nhiệm xuất bởi Ngôi Cha qua Ngôi Con.

Theo thánh Augustinô (354 – 430 ): Ba Ngôi là một sự hằng hữu duy nhất, một quyền năng duy nhất : “Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần thuộc về một bản thể duy nhất và đồng nhất, là Thiên Chúa sáng tạo, là Ba Ngôi toàn năng” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, IV, xxi, 30). Do thuộc cùng một bản thể, Ba Ngôi ngang hàng với nhau đến nỗi “Chúa Cha không lớn hơn Chúa Con về thần tính, Chúa Cha và Chúa Con cùng với nhau cũng không lớn hơn Chúa Thánh Thần, từng Ngôi riêng biệt cũng không kém hơn chính Ba Ngôi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngội, VIII ). Là ba, nhưng không phải là ba Thiên Chúa, mà chỉ là một Thiên Chúa.

Chúa Cha là Thiên Chúa, Chúa Con là Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa. Tuy nhiên đó không phải là ba Thiên Chúa, nhưng chỉ có một Thiên Chúa duy nhất là chính Ba Ngôi (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, viii, 9).

Tương quan giữa Ba Ngôi phân biệt, nhưng không phân chia sự duy nhất. Chúa Cha luôn luôn là Cha và Chúa Con luôn luôn là Con. Nếu có lúc Chúa Con bắt đầu là Con thì một ngày nào đó sẽ thôi là Con. Nếu Chúa Cha có khởi đầu là Cha thì có lúc thôi là Cha. Chúa Cha chỉ được gọi là Cha do Ngài có một người Con, và Chúa Con chỉ được gọi là Con do Ngài có một người Cha. Vì vậy, cho dù có sự khác nhau giữa việc làm Cha và làm Con, bản thể lại không khác nhau, vì các Ngài không được gọi như thế xét về bản thể, nhưng là về tương quan và tương quan này không phải là một tùy thể vì nó không thay đổi” (x.Giáo lý về Chúa Ba Ngôi, V, v, 6).

Lễ Chúa Ba Ngôi là dịp tốt để người Kitô hữu ý thức được sự hiện diện của mầu nhiệm này trong đời sống chúng ta: từ ngày chịu Phép Rửa tội, chúng ta lãnh nhận nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi cho đến ngày chúng ta trước Mình Thánh Chúa, hiện tại hóa vinh quang của Chúa Cha qua Con của Ngài là Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần. Đó là dấu chỉ để các Kitô hữu sẽ nhận Dấu Thánh Giá, nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Đây là lệnh Chúa Giê su truyền cho các môn đệ như trong Tin Mừng hôm nay : “Các con hãy đi giảng dạy môn dân, làm phép rửa cho họ, nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần” (Mt 28, 19).

Nhiệm vụ của Chúa Giêsu Kitô, Chúa Con là mạc khải Chúa Cha, vì Người là hình ảnh hoàn hảo, và trao ban Chúa Thánh Thần, Đấng mà Người cũng đã mạc khải. Thật là sự an ủi tuyệt vời mà chúng ta có được Thiên Chúa Ba Ngôi, cao vời và không thể tiếp cận, đến với chúng ta, ở trong chúng ta và làm cho chúng ta đối thoại được với Ngài. Đây là “phẩm giá vô song của người Kitô hữu”, mà thánh Lêô cả Giáo hoàng đã nói nhiều lần : chúng ta có được nơi mình mầu nhiệm Thiên Chúa, và có chỗ ở trên Trời, nơi Chúa Giêsu Vị Cứu Chúa của chúng ta đang đợi những "công dân" Nước Trời (x. Pl 3,20 ), về cư ngụ nơi cung lòng của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Xin tạ ơn Ngài, lạy Chúa, xin tạ ơn Ngài là Một Chúa Ba Ngôi chân thật và chí tôn chí thánh. Chúa Cha là nguồn tình thương, Chúa Con là mạch ân sủng, Chúa Thánh Thần là suối ơn hiệp thông. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Thi ca suy niệm Lễ Chúa Ba Ngôi - tuần 8 sau Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
10:03 23/05/2018
LỄ CHÚA BA NGÔI. B
(Mt. 28: 16-20)
MẦU NHIỆM.


Ba Ngôi một Chúa nhiệm mầu,
Ai mà thấu hiểu, cao sâu tầng trời.
Ngước nhìn vũ trụ tuyệt vời,
Muôn ngàn tinh tú, bầu trời bao la.
Tôn thờ Thiên Chúa, Ngôi Cha,
Tạo nên muôn vật, hải hà trùng dương.
Ngôi Hai Con Một mở đường,
Yêu thương mạc khải, tinh tường trí khôn.
Loài người có xác có hồn,
Muôn loài thụ tạo, kính tôn Chúa Trời.
Giê-su giáng thế làm người,
Ban ơn cứu độ, cho người Chúa yêu.
Ai tin nhận lãnh thiên triều,
Chối từ, luận phạt, tự kiêu phí đời.
Nhân Danh Con Một cao vời,
Trung gian giao kết, mọi người với Cha.
Tình yêu phát xuất Ngôi Ba,
Thánh Thần Phù Trợ, ngợi ca muôn đời.
Ba Ngôi mầu nhiệm cao vời,
Phụng thờ kính mến, đời đời hát khen.

Mầu Nhiệm Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cao cả nhất trong đạo. Cao siêu nhưng gần gũi nhất vì ai trong chúng ta cũng có thể đọc và suy niệm. Mỗi ngày nhiều lần, chúng ta làm dấu thánh giá tuyên xưng mầu nhiệm một Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Đây là mầu nhiệm cội rễ trong đạo.

Chúng ta không thể hiểu tường tận về mầu nhiệm này nhưng chúng ta cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc sống của mỗi người chúng ta. Chúa Cha đã yêu thương sáng tạo chúng ta nên giống hình ảnh của Ngài. Chúa Con đã hạ mình giáng thế trở nên giống chúng ta để ban ơn cứu độ. Chúa Thánh Thần là ngọn lửa mến thôi thúc chúng ta liên kết với nhau trong tình yêu Chúa. Hiểu được tình yêu là hiểu được Thiên Chúa trong Ba Ngôi. Ba Ngôi được biểu hiện qua cây Thánh Giá. Từ Cha xuống Con ngang qua Chúa Thánh Thần trong mầu nhiệm của tình yêu.
Đây là hình ảnh tuyệt hảo của tình yêu.

Qua những cảnh vật và con người chung quanh, chúng ta có thể nhận ra và gặp gỡ được Thiên Chúa Ba Ngôi. Dấu vết Thiên Chúa hiện hữu khắp nơi trong muôn vật và nơi con nguời. Nếu đánh mất Chúa trong trái tim của chúng ta. Hãy đi tìm Chúa trong vũ trụ, chúng ta sẽ gặp Ngài. Thế giới chính là đền thờ của Thiên Chúa và trái tim con người là cung thánh của Ngài.

Ngày xưa khi Christopher Columbus, người đã khám phá ra Châu Mỹ vào cuối thế kỷ thứ 15. Ông có lòng sùng kính Chúa Ba Ngôi các đặc biệt. Trong chuyến du hành thứ ba. Columbus đã dâng kính danh hiệu Chúa Ba Ngôi phần đất ông đã khám phá đầu tiên. Vì thế, hòn đảo mà ông đặt chân xuống đầu tiên trong cuộc thám hiểm Tân thế giới, đến nay vẫn gọi là Trinidad (Chúa Ba Ngôi).

Trong cuộc đời, chúng ta có kinh nghiệm gần gũi với mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Khi chúng ta lãnh nhận bí tích Rửa Tội nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Trong tất cả các sinh hoạt trong đạo qua các Bí Tích đều có biểu hiện của Thánh Giá, đó chính là dấu chỉ tình yêu của Ba Ngôi.

Thánh Giá là gia sản của đạo. Trong Thánh Giá có tủi nhục, có khổ đau, có vinh quang và có tình yêu. Xin tình yêu của Chúa Ba Ngôi sưởi ấm tâm hồn chúng con để chúng con biết tôn thờ Chúa trong mọi nơi và mọi lúc.

Chúa Nhật 8 THƯỜNG NIÊN. B
(Mc 2, 18-22)
CHAY TỊNH


Ăn năn sám hối canh tân,
Hy sinh chay tịnh, tinh thần thảnh thơi.
Đua chen so sánh ở đời,
Được thua hơn thiệt, đôi lời chối chê.
Tinh thần sống đạo lỗi thề,
Quan tâm hình thức, làm hề thế gian.
Vài lời bênh đỡ khuyên can
Môn đồ của Chúa, chưa tàn tiệc vui.
Tân lang hiện diện tới lui,
Thi hành sứ mệnh, niềm vui chưa tròn.
Thầy trò liên kết sắt son,
Khi mà xa cách, héo hon đau buồn.
Ăn chay tưởng nhớ mãi luôn,
Ghi tâm đạo giáo, về nguồn thiện tâm.
Trung dung cũ mới âm thầm,
Canh tân đời sống, lỗi lầm tránh xa.

THỨ HAI, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
(Hc 17, 20-28; Mc 10, 17-27).
NHÂN LÀNH


Một người quỳ gối dâng lời,
Làm sao được sống đời đời Chúa ơi!
Một mình Thiên Chúa cao vời,
Nhân lành tuyệt đối, mọi người kính tin.
Con hằng thờ Chúa nguyện xin,
Chu toàn Thập Giới, con tin vào Ngài.
Ngoại tình, lường gạt lưới chài,
Giết người, trộm cắp, không sai điều nào.
Thảo cha kính mẹ thanh cao,
Trọn lành con muốn, điều nào cần hơn.
Chúa thương bạn trẻ van lơn,
Hãy về bán hết giang sơn ở đời.
Mang đi bố thí cho người,
Anh rầu nét mặt, không lời bỏ đi.
Người giầu giữ được thứ gì,
Thế gian của cải, mất đi phần hồn.

THỨ BA, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
(Hc 35, 1-15; Mc 10, 28-31).
GẤP TRĂM


Phê-rô thưa Chúa điều nầy,
Từ bỏ mọi sự, theo Thầy được chi?
Gấp trăm phần thưởng khắc ghi.
Bỏ nhà bỏ cửa, sự gì đã trao.
Bỏ cha bỏ mẹ máu đào,
Bỏ đi đồng ruộng, vườn cao thổ điền.
Vì Thầy buông bỏ túi tiền,
Phúc âm tin tưởng, cửa thiên cao vời.
Hy sinh chịu khổ trong đời,
Gia tài phúc lộc, rạng ngời phúc thiêng.
Theo Thầy ngưỡng vọng cõi thiên,
Trần đời trút bỏ, linh thiêng tìm về.
Chúa ban phần thưởng tư bề,
Cùng đường kiên vững, lời thề tín trung.
Nước Trời nhắm hướng tới cùng,
Vinh quang vĩnh cửu, thiên cung sáng ngời.

THỨ TƯ, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
(Hc 36, 1. 5-6. 13-19; Mc 10, 32-45).
PHỤC VỤ


Chúa lên Giê-rú-sa-lem,
Con Người bị nộp, rồi đem tử hình.
Tông đồ sợ hãi hết mình,
Theo Thầy bị khổ, liều mình bước chân.
Nhạo cười phỉ nhổ xác thân,
Đánh đòn giết chết, lột trần treo cây.
Giê-su mạc khải nay đây,
Nhục hình đang tới, bủa vây cõi đời.
Niềm tin hy vọng rạng ngời,
Ba ngày sống lại, lên trời hiển vinh.
Môn đồ không hiểu nghĩa tình,
Nài xin vinh dự, cung đình thế gian.
Gia-cô-bê lẫn Gio-an,
Ước ngồi bên hữu, cầu ban phúc lành.
Chúa rằng làm lớn cầu danh,
Khiêm nhường phục vụ, thực hành yêu thương.

THỨ NĂM, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
(Hc 42, 15-26; Mc 10, 46-52).
ĐƯỢC THẤY


Người mù nghe biết Giê-su,
Con vua Đa-vít, trong khu Hội Đường,
Lại gần lớn tiếng xin thương,
Cho con được thấy, tựa nương bên Ngài.
Nhiều người mắng mỏ chê bai,
Im đi lặng tiếng, Chúa sai gọi vào.
Vui mừng đứng dậy nôn nao,
Muốn chi anh nói, khát khao điều gì.
Lạy Thầy thương xót từ bi,
Mắt con xem thấy, xin đi theo Thầy.
Chúa thương chữa mắt anh nầy,
Đức tin mạnh mẽ, lòng đầy tin yêu.
Mắt anh thông sáng mọi điều,
Cả hồn lẫn xác, mỹ miều cả hai.
Nhận ra Thiên Chúa Ngôi Hai,
Quyền năng phép tắc, đóng vai người trần.

THỨ SÁU, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
(Hc 44, 1.9-13; Mc 11, 11-26).
NHÀ TA


Nhìn xem cây vả lá xanh,
Um tùm không trái, hữu danh vô thường.
Từ nay trụi qủa tơ vương,
Không ai ăn trái, vô phương sống bền.
Trên đường rảo bước vào Đền,
Chướng tai gai mắt, hai bên đổi tiền.
Bán buôn trao đổi gây phiền,
Ồn ào lớn tiếng, chợ phiên mỗi ngày.
Giê-su xô đổ nơi này,
Nơi nhà cầu nguyện, trải bày bán buôn.
Nên hang trộm cắp trầm buồn,
Đâu còn nơi thánh, để luôn phụng thờ.
Các nhà lãnh đạo đền thờ,
Mưu tìm giết Chúa, hững hờ tin vui.
Tránh đừng đụng chạm rút lui,
Chúa đi rao giảng, niềm vui mọi miền.

THỨ BẢY, TUẦN 8 THƯỜNG NIÊN
(Hc 51, 17-27; Mc 11, 27-33).
THÁCH THỨC


Tin mừng phân rẽ tình yêu,
Đối đầu Thượng Tế, nhiều điều khó khăn.
Nhóm phe Luật Sĩ băn khoăn,
Tập đoàn Kỳ Lão, cản ngăn rao truyền.
Giê-su Cứu Thế dủ khuyên,
Không nghe, không hiểu, cội nguyên là gì.
Hùa nhau bắt bẻ tinh vi,
Quyền nào Chúa đã dời đi chỗ này?
Bán buôn lợi nhuận có hay,
Đền Thờ cai quản, ai thay được nào?
Gio-an Phép Rửa ra sao?
Bởi người, bởi Chúa, trên cao, dưới trần?
Họ rằng không biết, sợ dân,
Chúa không đáp trả, bởi nhân, bởi Trời.
Chúa Con giáng thế xuống đời,
Quyền năng phép tắc, cao vời phúc ân.
 
Dẫn Nhập & Lời Nguyện Giáo Dân Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi B. 27.5.2018
Lm Francis Lý văn Ca
17:06 23/05/2018
Đầu Lễ: Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta đã chuẩn bị thánh lễ với những lời kinh nguyện diễn tả mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi mà Giáo Hội mừng kính hôm nay: Dấu thánh giá, kinh Chúa Thánh Thần...

Tất cả những kinh chúng ta đọc, những dấu thánh giá, những gì linh mục sẽ cử hành trong thánh lễ đều nói lên mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi: Ngôi Cha, Ngôi Con và Ngôi Thánh Thần.

Thánh lễ Giáo Hội mừng kính hôm nay, không phải để chúng ta học hỏi, hay tìm hiểu thêm về mầu nhiệm trọng đại nầy, vì đã nói là mầu nhiệm thì chắc chắn vượt trí hiểu của loài người, nhưng với đức tin, chúng ta tuyên xưng mầu nhiệm nầy.

Xin Thiên Chúa, ban muôn tình yêu để phong phú hóa lòng mến yêu Thiên Chúa nơi tâm hồn chúng ta. Đồng thời thể hiện tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi nơi tha nhân chúng ta gặp gỡ hằng ngày. Nếu được vậy, thế giới nhỏ bé chúng ta đang sống sẽ được tràn đầy tình thương của mầu nhiệm chúng ta cùng Giáo Hội mừng kính mỗi năm.

Với những tư tưởng chuẩn bị, giờ đây, chúng ta bắt đầu thánh lễ mừng kính Một Chúa Ba Ngôi với bài ca nhập lễ sau đây:

TRƯỚC BÀI I:

Môisen nhắc dân Dothái những biến cố từ cổ chí kim, thêm vào đó, việc Chúa cứu thoát họ khỏi những sự dữ. Ước chi trong cuộc sống, chúng ta nhận ra bàn tay của Thiên Chúa Ba Ngôi luôn dắt dìu chúng ta đi.

TRƯỚC BÀI II:

Tất cả chúng ta đều nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần và trở nên nghĩa tử. Chúng ta gọi Chúa là Cha. Chính Ngài đã ban cho chúng ta phúc làm con cái, qua sự nhập thể và nhập thế của Đức Kitô.

TRƯỚC BÀI TIN MỪNG:

Chúa Kitô trước khi về trời, đã truyền dạy các tông đồ đi rao giảng Tin Mừng cho khắp muôn dân và làm phép rửa cho họ. Mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi linh mục cử hành khi rửa tội cho tân tòng hay trẻ em.

Lời Nguyện Giáo Dân

Linh mục: Anh Chị Em thân mến,

Chúng ta suy nghĩ về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người: Thiên Chúa Cha đã yêu thế gian nên sai Con Một xuống thế làm người, Ngôi Thánh Thần hiện diện trong Giáo Hội và điều khiển Giáo Hội cách nhiệm mầu. Chúng ta cầu xin Thiên Chúa ban cho Giáo Hội những nhu cầu sau đây:

1. Chúng ta cầu nguyện cho những nhà truyền giáo, đã chọn nhưng quốc gia nghèo đói, kém mở mang, để đem Tin Mừng của Chúa đến những quốc gia nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.

2. Xin cho thế hệ chúng ta đang sống cũng tiếp tục xuất hiện những nhà truyền giáo cho chính thời đại hôm nay. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.



3. Xin cho các Cộng Đoàn dân Chúa, luôn biết sống yêu thương và hiệp nhất như Ba Ngôi Thiên Chúa trong tình tương thân tương ái. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.



4. Xin đốt lên trong chúng ta ngọn lửa yêu mến, để những ai gặp gỡ chúng ta trên đường đời, đều cảm thấy như gặp gỡ chính Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.



5. Chúng ta cầu nguyện cho những tín hữu của Chúa đã qua đời, đặc biệt những linh hồn mà chúng ta nhớ đến cách riêng trong tháng nầy. Chúng ta cùng nguyện xin.

Xin Chúa nhậm lời chúng con.



Linh mục:

Xin Chúa luôn hiện diện bên chúng con, biến chúng con thành đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Với ơn Chúa ban, chúng con sẽ trở nên những dụng cụ của Chúa dùng để loan truyền tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi cho thế giới nhỏ bé của chúng con đang sống. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Amen
 
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
21:19 23/05/2018
Lễ Thiên Chúa Ba Ngôi
Đnl 4,32-34. 39-40; Rm 14-17; Mt 28,16-20
Ba Ngôi, mầu nhiệm cả trong đạo

Sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta long trọng cử hành lễ Thiên Chúa Ba Ngôi rất thánh. Qua việc cử hành này giúp chúng ta nhận biết và tôn thờ một Thiên Chúa trong Ba Ngôi.
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm cả trong Đạo. Giáo lý Giáo Hội cho rằng đây là mầu nhiệm trung tâm của đức tin và của mọi sinh hoạt Kitô giáo; mầu nhiệm Ba Ngôi là nội dung căn bản nhất, quan trọng nhất của mạc khải Kitô giáo.
Tuy nhiên, mầu nhiệm này là mầu nhiệm cảo cả, khôn dò khôn thấu, vượt trên lý trí tự nhiên của chúng ta. Vì thế, con người chỉ có thể biết được Thiên Chúa Ba Ngôi nhờ mạc khải do Chúa Kitô mang đến cho con người. Nghĩa là nhờ việc Thiên Chúa tỏ mình ra, chính Thiên Chúa nói cho chúng ta biết về Người qua dòng lịch cứu độ và nhất là nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa mạc khải cho chúng ta biết.
Quả thế, mạc khải về Thiên Chúa Ba Ngôi đã có nguồn gốc từ Cựu Ước: Cựu Ước nói cho chúng ta biết Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành mọi sự trong vũ trụ này. Người là Cha của con người. Con người phải tôn thờ và yêu mến Người hết lòng hết sức hết linh hồn (Đnl 6,4-5). Tuy nhiên, đây là mặc khải về Thiên Chúa duy nhất. Nghĩa là chỉ có một Thiên Chúa thôi, không có hai, ba ngôi vị khác… Đó là niềm tin độc thần.
Phải đợi đến mạc khải của Đức Giêsu, chúng ta mới có sự hiểu biết đầu đủ về Mầu Nhiệm Thiên Chúa. Đức Giêsu mạc khải cho chúng ta biết: Thiên Chúa không chỉ là một và còn là ba. Thiên Chúa không phải là đơn độc một mình, nhưng là một cộng đoàn, một gia đình: trong đó Thiên Chúa đó có Ba Ngôi Vị phân biệt rõ ràng: Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần. Mỗi ngôi vị đều là Thiên Chúa. Mỗi ngôi vị đều ngang hàng với nhau về thần tính, cấp bậc, quyền năng, và vinh quang; mỗi ngôi vị đều có trọn vẹn sự sống thần linh trong mình dù chỉ có một nguồn sự sống thần linh duy nhất. Có ba Ngôi Vị nhưng không phải có ba Thiên Chúa mà chỉ có một Thiên Chúa mà thôi. Bởi vì cả ba Ngôi Vị hiệp nhất nên một với nhau trong bản tính duy nhất là Thiên Chúa. Ba Ngôi hiệp nhất và yêu thương nhau. Bởi vì, Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4,8).
Trong lịch sử cứu độ, Thiên Chúa Ba Ngôi tỏ mình ra cho chúng ta một các rõ ràng qua các vai trò và hoạt động của từng ngôi vị: Chúa Cha sáng tạo hay tạo dựng, Chúa Cha sai Chúa Con đến để cứu chuộc nhân loại và Chúa Thánh Thần nắm giữ vai trò thánh hóa và hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa.
Như thế, mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính yếu được giấu kín từ ngàn xưa, nay được mạc khải cho chúng ta qua Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta.
Mầu nhiệm này bí nhiệm, cao vời, nhưng rất gần gũi với đời sống của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Bởi vì, qua phép rửa nhân danh Cha, Con và Thánh Thần, chúng ta trở thành nghĩa tử của Chúa Cha (x. Rm 8,15), em của Chúa Con (x. Rm 8,29) và đền thờ của Thánh Thần (x. 1Cr 6,19), hợp thành Giáo Hội là “dân thánh được hiệp nhất nhờ sự hiệp nhất giữa Ba Ngôi” (Hiến chế GH 4).
Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là khuôn mẫu cho mỗi cộng đoàn và mỗi gia đình chúng ta. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Trong gia đình, cha mẹ, con cái yêu thương nhau thì càng hiệp nhất nên một với nhau. Tình yêu là dây liên kết mọi người nên một gia đình hạnh phúc ấm êm. Gia đình là nơi sống và diễn tả huyền nhiệm Ba Ngôi rõ nét nhất.
Sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là sống hiệp thông và chia sẻ, là ở lại trong tình yêu. Mỗi ngày người tín hữu chúng ta làm dấu Thánh giá nhiều lần trên người: “Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần.” Khi đặt tay trên trán, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trên” chúng ta, vượt lên trí khôn chúng ta; khi đặt tay trên ngực, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa ở “trong” lòng chúng ta, cư ngụ trong sâu thẳm tâm hồn; khi chúng ta đặt tay hai vai, chúng ta tuyên xưng Thiên Chúa gần gũi với chúng ta, Thiên Chúa ở “hai bên” chúng ta, Thiên Chúa ở nơi tha nhân mà ta phải hướng về. Như thế, dấu thánh giá diễn tả mầu nhiệm Ba Ngôi phải được tin và tuyên xưng từ trí đến lòng và qua những cánh tay bằng những hành động cụ thể của chúng ta.
Ước gì mỗi người cũng biết in dấu Chúa Ba Ngôi, sống hiệp thông chia sẻ trong cuộc sống hàng ngày của mình. Mỗi người kitô hữu chúng ta được mời gọi tôn thờ và yêu mến Thiên Chúa Ba Ngôi trên hết mọi sự, với tất cả trí khôn, trái tim và con người. Amen!
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc
Thanh Quảng sdb
14:03 23/05/2018
Đức Thánh Cha mời gọi cầu nguyện cho người Công Giáo ở Trung Quốc.



Trong buổi triều yết ngày thứ Tư hôm qua tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã xin mọi người cầu nguyện cho anh chị em Công Giáo tại Trung Quốc.

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả các Kitô hữu hiệp thông với những tín hữu Công Giáo ở Trung Quốc, cầu nguyện cho họ sống đức tin trong sự hiệp thông trọn vẹn với Tòa Thánh.

Phát biểu trong buổi triều yết chung tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng nhắc nhở mọi người rằng ngày thứ Năm 24/5, là Ngày Lễ của “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”, lễ này được mừng kính rất đặc biệt và long trọng tại linh địa Sheshan ở Thượng Hải..

ĐTC cũng nhắn nhủ rằng: 'không có Chúa Thánh Thần, chúng ta chẳng là gì

cả”. ĐTC nói: “Cùng với các môn đệ của Chúa tại Trung Quốc, Giáo Hội Toàn Cầu đang hướng về anh chị em và cầu nguyện cho anh chị em, để dù phải đối diện với nhiều khó khăn thử thách, anh chị em luôn tín thách vào bàn tay yêu thương quan phòng của Thiên Chúa”.

Đức Thánh Cha Phanxicô kết luận Đức Mẹ sẽ không bao giờ bỏ rơi anh chị em, Mẹ sẽ chở che anh chị em trong tình yêu hiền mẫu của Mẹ.
 
14 Linh mục Chile bị giáo phận Rancagua ngưng công tác mục vụ
Nguyễn Long Thao
18:58 23/05/2018
SANTIAGO –Tin của thông tấn xã Reuters cho biết giới Chức Giáo Hội Công Giáo ở thành phố Rancagua của Chile hôm thứ Ba đã đình chỉ công tác mục vụ của 14 linh mục đang bị điều tra về “hành vi không xứng hợp”, là lạm dụng tình dục gây tai tiếng cho cả Giáo Hội Chile

Việc đình chỉ mục vụ 14 Linh mục nói trên được công bố sau phiên họp của 68 linh mục của giáo phận Rancagua, gần thử đô Santiago.

Cha Gabriel Becerra,Tổng Đại Diện giáo phận Rancagua nói với phóng viên Reuters " Chúng tôi đã áp dụng biện phòng ngừa.”

Vào thứ Ba, giới chức Tòa Thánh Vatican cho biết Đức Giáo Hoàng Phanxicô sẽ gặp một nhóm nạn nhân thứ hai bị một số giáo sĩ Chile lạm dụng tình dục. Nhóm này gồm năm người được hai Linh Mục hướng dẫn sẽ gặp Đức Giáo Hoàng vào đầu tháng 6

Giáo phận Rancagua cho biết đã báo cáo các tin tức liên quan đến các Linh Mục lạm dụng tình dục đến văn phòng của công tố viên chính phủ Chile, đồng thời cũng gửi các thông tin này đến Tòa Thánh Vatican.

"Giáo phận đã đưa ra một tuyên cáo nói “Chúng tôi vô cùng lấy làm tiếc về bất kỳ hành động hay tình huống nào vi phạm đến giá trị và nguyên tắc của Giáo Hội Công Giáo và chúng tôi muốn bày tỏ tình đoàn kết với các nạn nhân”.

Tưởng cũng nên nhắc lại, đầu tháng Năm, Đức Giáo Hoàng gặp nhóm thứ nhất gồm ba người đàn ông là nạn nhân của một linh mục bị buộc tội lạm tình dục với thiếu nhi ở Santiago vào những năm 1970 và 1980.

Vì các vụ giáo sĩ Chilê lạm dụng tình dục mà mới đây các Giám Mục nước này đã đồng loạt đệ đơn xin từ chức lên Đức Giáo Hoàng

Nguyễn Long Thao
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại diện nhóm Bông Hồng Xanh thăm và chia sẻ tại giáo phận Thanh Hóa
Maria Vũ Loan
09:49 23/05/2018
Vào dịp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống năm 2018, đại diện Nhóm Bông Hồng Xanh đã đến thăm và chia sẻ trên địa bàn giáo phận Thanh Hóa. Chúng tôi xin phép được tường thuật chuyến đi theo thứ tự thời gian.

Cơ duyên của chuyến đi cũng khá vui; ban đầu chúng tôi muốn đãi tiệc người nghèo tại Sài Gòn, nhưng địa điểm được chọn lại bận rộn “tiệc mừng”, “tiệc qua lại” nên loay hoay mãi, chúng tôi mới quyết định khám phá Thanh Hóa, là tỉnh nghèo nhất trong mười tỉnh thành nghèo của Việt Nam tính đến năm 2017 (Thanh Hóa, Nghệ An, Sơn La, Quảng Nam, Sóc Trăng, Điện Biên, Hà Nam, Quảng Bình, Kon Tum và Bình Thuận) và mua vé máy bay ngay sau lễ Phục Sinh, nghĩa là khi giáo phận Thanh Hóa chưa có một biến cố lớn đầy vui mừng.

Xem Hình

Chiều ngày 18/5/2018, vừa đến sân bay Thọ Xuân được ít phút thì mây đen bao phủ bầu trời như sắp có dông, chúng tôi được cha giám đốc Caritas GP Thanh Hóa là linh mục Phaolo Nguyễn Văn Thường, cũng là chánh xứ Trinh Hà đến đón. Con đường dẫn vào thành phố Thanh Hóa rất rộng, hai bên đường có nét riêng với những cánh đồng xanh mướt, những ngôi nhà xây theo kiểu tùy tiện, cách thưa nhau không đều, tạo nên nét riêng của tỉnh này.

Trước khi về nơi tạm trú, cha cho chúng tôi đi dọc bãi biển Sầm Sơn khi trời đã tối, đi ngang qua dãy nhà hàng đèn điện sáng trưng. Tỉnh Thanh Hóa giáp biển dài đến 100 km và đây là một bãi biển được người dân miền Bắc ưa chuộng, đến tắm khá nhiều; chỉ tiếc rằng bãi biển “bị mua” gần hết (có cả tập đoàn FLC khai thác), người dân chài nhờ biểu tình mà còn lại được một góc để đậu thuyền, sau khi đi đánh cá về....Cha đãi chúng tôi bữa ăn tối ở ven biển nên có ốc Đinh, cá Sủi và con Ngao to khác thường. Trời đã tối hẳn, chúng tôi được về tạm trú tại Trung Tâm Hành Hương Các Thánh Tử Đạo của giáo phận, ngay cạnh giáo xứ của Cha. Chúng tôi vui và lạ lẫm với quang cảnh thanh bình của một làng quê vùng cực bắc trung bộ.

Sáng hôm sau là ngày thứ bảy, chúng tôi mới nhìn rõ nhà thờ và trung tâm hành hương. Giáo xứ Trinh Hà ở xã Hoàng Trung, huyện Hoằng Hóa tỉnh Thanh Hóa - cũng là Đền Thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh (vì quê hương thánh Tịnh là ở làng này). Giáo xứ có 400 giáo dân. Nhà thờ đẹp, sạch bóng từ bên trong lẫn bên ngoài. Cha xứ kể cho chúng tôi một truyền thuyết của vùng này: trước đây, các gia đình ở làng Trinh Hà theo đạo toàn tòng, nhưng có một ông quan trong vùng thờ ông tướng Triệu Quang Phục; và ông quan này bắt mọi người trong làng cũng phải thờ ông Triệu Quang Phục như ông ta. Gia đình nào không nghe theo thì đàn ông phải đi quân dịch và gia đình không được cấp đất để canh tác; cho nên các gia đình Công Giáo phải đứng trước một lựa chọn: nếu theo Chúa thì không có đất có gạo, mà theo quan thì không có Chúa. Những giáo dân chân chất của làng ngày xưa nảy ra một sáng kiến đó là chia đôi gia đình để vừa có Chúa, vừa có đất có gạo: Đó là đàn ông thì đi theo quan để được cấp đất, có gạo; còn đàn bà tiếp tục theo đạo để thờ phụng Chúa. Thế rồi cho đến giai đoạn khác, dù không phải đi quân dịch và nhiều gia đình cũng chẳng cần đất để làm ruộng nữa nhưng đàn ông vẫn không chịu đến nhà thờ mà chỉ có đàn bà theo đạo mà thôi. Thế nên vùng này có câu “Đạo chi như đạo Trinh Hà, đàn ông ăn thịt đàn bà ăn xôi”.

Đó là giai thoại trong quá khứ. Ngày nay, giáo xứ Trinh Hà tràn đầy sức sống mới với sự coi sóc của linh mục trẻ, cha Phaolo Thường du học ở Hoa Kỳ sáu năm, rồi làm cha phó phục vụ cộng đoàn người Việt ở Hoa Kỳ năm năm và mới đây, cha xin về phục vụ luôn tại quê nhà là giáo phận Thanh Hóa.

Còn Trung tâm hành hương Các Thánh Tử Đạo, đã được giáo phận chọn, trông như một quảng trường thu nhỏ với hàng rào kiên cố và nền gạch cứng cáp; có nhiều phòng để khách hành hương tạm trú, thuận tiện cho việc thiêng liêng.

Theo chương trình, cha và chúng tôi phải đi 30 cây số để thăm hỏi và chia sẻ cho người nghèo không có đất, sống trên ghe ở ven sông, chèo thuyền đi đây đó đánh cá để sinh sống. Có hai Sơ đang đi công tác do nhà dòng phân công, từ vùng xa đến, ghé vào thăm cha, cũng muốn tham gia công việc với chúng tôi, thế là đoàn có cả thảy năm người. Đường đến xóm thuyền chài quang cảnh thiên nhiên rất đẹp trong mắt chúng tôi. Cha Caritas cho biết toàn tỉnh Thanh Hóa hiện có 300 gia đình không có đất đai sống trên sông Chu, ở sông Mã cũng có khoảng 300 gia đình như thế, còn ở sông Cầu Chầy và những nhánh sông khác thì ít hơn. Caritas của giáo phận Thanh Hóa đang có kế hoạch giúp những gia đình này lên bờ, nhà nước đã cho được 62 phần đất, dự trù xây mỗi căn nhà là 100 triệu đồng (khoảng gần 5.000 Usd). Việc xây dựng đang được tiến hành (đang xây năm căn nhà) theo cách vừa làm vừa quyên góp tiền để xây tiếp. Mới đây, một xã của nhà nước đồng ý cho đất thêm 27 hộ nữa. Chúng tôi nghĩ thầm, để xây được 99 căn nhà tình thương cho dân thuyền chài, cần rất nhiều sự quan tâm của các tổ chức từ thiện trong nước và hải ngoại. Còn thực hiện cho tất cả các gia đình thuyền chài tại tỉnh Thanh Hóa thì....là việc của Chúa mà thôi!

Để ra ven sông, xe phải đi qua một cái chợ nhỏ mà sự nghèo nàn của dân cư đã thấp thoáng hiện lên ở nơi đây. Những cây luồng - một loại cây cùng họ với tre, để làm nhà – chất đầy lối ra sông trông lạ mắt. Nhưng để xuống ghe mà gặp gỡ dân chài thì chân và ống quần lấm bùn. Chỉ có một lần được bước lên ghe thăm gia đình đông con (mà các em từ nhỏ đến 15, 18 tuổi đều không biết chữ), còn các trường hợp khác thì chúng tôi chỉ ngồi trên ghe, với tay vào mà trao tặng phong bì. Mỗi ghe là một hoàn cảnh mà chỉ vì nghèo phải lênh đênh sông nước, con cái chẳng được học hành. Như bà cụ kia, con trai vừa chết được bốn mươi ngày thì cụ ông cũng về với Chúa, bây giờ bà chỉ sống với cô con gái khá xinh nhưng bệnh thần kinh trên chiếc ghe nhỏ. Người con dâu của cụ bà sống ở một chiếc ghe khác, từ khi chồng chết cũng ngơ ngơ, khờ khạo, nằm ở đầu ghe bên mấy cái nồi, ông trùm nói chị cũng biết dùng tiền nhưng tay chỉ hờ hững nhận phong bì. Nhìn chung, tất cả là những người đáng thương khi sống tù túng trong không gian quá hẹp và thiếu thốn của chiếc ghe. Hầu hết dân chài ở đây thuộc giáo xứ Đạt Giáo. Đặc biệt là trẻ con, chúng bị cột dây vào lưng để khỏi bị rơi xuống sông. Chúng tôi chụp lại hình ảnh đó mà không khỏi đau lòng. Được biết, ngày Tết, xóm chài ấy có các ghe về đậu bên sông khá đông, như để nghỉ ngơi, đánh dấu cho một chặng đường mới, mà chưa biết ngày mai ra sao.

Rời xóm chài ấy, cha mời chúng tôi thăm nhà thờ đá Phát Diệm bên tỉnh Ninh Bình, cách nơi chúng tôi tạm trú chỉ 60 km, nhưng chúng tôi từ chối và chỉ muốn đến nhà thờ Điền Thôn để thăm bệnh nhân và hỗ trợ phần tiền học hè cho mười em học sinh cấp 3.

Điền Thôn là một tân giáo xứ trong giáo phận Thanh Hóa, tọa lạc tại thôn Điền Trạch, xã Thọ Lâm, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Phần đông giáo dân là người dân tộc Mường, còn rất nhiều khó khăn, không chỉ về vật chất mà cả về đời sống đức tin. Giáo xứ có ba giáo họ là Cửa Trát, Điền Trạch và Đình Thôn (tên Điền Thôn có lẽ được ghép từ hai giáo họ) với hơn 1.200 giáo dân (năm 2016) và hiện nay cha Giuse Nguyễn Văn Hiệu là linh mục chánh xứ.

Chúng tôi gặp gỡ bệnh nhân tại nhà và trước sân nhà xứ. Cha xứ nói với chúng tôi: “Chẳng hiểu sao vùng này lại có nhiều người khuyết tật đến thế! Không bị cái này thì lại bị cái kia. Cả một thôn chỉ có 11 em học cấp 3, hôm nay có sáu em đến nhận, còn bốn em đi học, cô thông cảm...! ”. Nhìn cha xứ trắng đẹp như người Hàn Quốc, chúng tôi chỉ cười và gửi lại phần cho các em vắng mặt.Trước sân nhà xứ có gỗ ngổn ngang, hỏi ra mới biết cha mướn thợ đến làm bàn ghế. Một giáo xứ mới thành lập mà có cha xứ trẻ, năng nổ thì thật là “đỡ khổ” cho giáo dân, rất tốt cho việc xây dựng và phát triển giáo xứ.

Trên đường trở về Trinh Hà, chúng tôi được ghé qua Tòa Giám Mục một chút vì cha có việc riêng. Đứng chụp hình ở trong sân, lòng chúng tôi có một chút gì đó vui vui khi biết còn hơn một tháng nữa nơi đây sẽ hoa đèn rực rỡ để đón vị chủ chăn mới. Chúng tôi lại còn được đi ngang qua giáo xứ Sầm Sơn mà có nhà thờ đang xây, vì cha muốn thăm một gia đình bị nhiễm HIV. Gia đình này có người chồng bị HIV thời kỳ cuối, người vợ cũng bị nhiễm nhưng may mắn thay người con lại không bị lây. Từ khi người vợ biết mình bệnh, chị cộng tác công việc với Caritas giáo phận trong việc tuyên truyền để phòng chống nhiễm HIV. Thế mới biết, ai cũng có thể phục vụ trong hoàn cảnh của riêng mình.

Trên đường về, chúng tôi cười nắc nẻ vì câu chuyện của Sơ lớn tuổi kể. Sơ ở nhà dòng bên Mỹ, Sơ thường đi “lượm lon” (lon bia, nước ngọt) để bán lấy tiền cho người nghèo. Thấy Sơ “hay hay” chủ nhà hàng mời ăn, có khi lại còn cho tiền. Nhờ đi đó đi đây, Sơ quen nhiều và cũng kiếm cho người nghèo được khá nhiều gạo. Bây giờ, nhiều người gọi Sơ là “Sơ lượm lon”! Còn Sơ trẻ cũng “ngang dọc” đi từ Nam ra Bắc, từ vùng cao đến đồng bằng để tuyên truyền và chống nạn buôn người. Trộm nghĩ, chiếc xe ô tô chở cha, hai Sơ và chúng tôi, như một con thuyền nhỏ đang mang những người ôm khối tình thương mà “diện tích và khối lượng” chỉ có Chúa biết!

Còn nữa, chúng tôi tò mò hỏi vì sao cha đang ở Mỹ “ngon lành” thì xin về Việt Nam, nơi quê nhà khá tĩnh lặng và coi sóc giáo xứ ít người; cha trả lời rằng, khi ở Hoa kỳ, mỗi khi tan lễ, giáo dân trở về nhà thì cha đóng cửa nhà thờ rồi lặng lẽ lê bước chân vào phòng. Lâu ngày, tâm hồn cha bồn chồn nhớ quê hương và quyết định xin về Việt Nam.

Trước buổi tối áp lễ Chúa Thánh Thần, cha và chúng tôi được một gia đình trong xứ đãi tiệc. Ba mâm trên chiếu với tám món rất chân quê mà ngon, đáng nhớ nhất là món xôi nấu hạt sen và dừa nạo. Cha cho biết, làng này là quê hương thánh Phaolo Lê Bảo Tịnh nên hằng năm, vào ngày 6 tháng 4, giáo xứ mời cả làng, người “lương lẫn giáo” ăn cỗ chung ở nhà thờ. Có những gia đình không có đạo nhưng rất tự hào vì sống trong ngôi làng có thánh Tịnh “nổi tiếng”! Thật là vui, có dịp chúng tôi xin cha được đến dự tiệc này, để nghe giọng nói người Thanh Hóa, nửa miền bắc nửa miền trung, rất riêng!

Buổi tối thứ bảy, áp lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cha chúc mừng sinh nhật lần thứ 26 của Nhóm Bông Hồng Xanh chúng tôi. Chúng tôi cúi đầu xúc động. Bao lâu Chúa còn dùng chúng tôi như công cụ thì chúng tôi còn tung bước chân đi dù tuổi thời gian đang dần nặng trên đời người.

Kết thúc chuyến đi, lòng chúng tôi đầy niềm vui, không phải từ cảm giác “ban phát” mà vì được đi đó đây, chia sẻ niềm vui xuất phát từ Tin Mừng, trên quê hương đất nước Việt Nam.

Maria Vũ Loan
 
Một trường cao đẳng do Giáo Hội Công Giáo quản lý tên là Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được chính thức hoạt động tại tỉnh Đồng Nai.
RFA
12:39 23/05/2018
Một trường cao đẳng do Giáo Hội Công Giáo quản lý tên là Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc được chính thức hoạt động tại tỉnh Đồng Nai.

Đây là một trường cao đẳng đào tạo nhiều ngành nghề đầu tiên do một tôn giáo quản lý tại Việt Nam.

Trong thư trả lời cho đài RFA, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Hòa bình Xuân Lộc là Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy cho chúng tôi biết rằng việc cho phép trường cao đẳng Công Giáo đầu tiên hoạt động ở Việt Nam là một bước tiến trong sự đổi mới của đất nước Việt Nam, sau khi chủ trương xã hội hóa giáo dục được ra đời vào cuối năm 2016.

Tháng 11/2016 Bộ luật giáo dục mới trong đó có đưa ra chủ trương xã hội hóa giáo dục được Quốc hội Việt Nam thông qua. Xã hội hóa giáo dục tức là cho phép các tổ chức tư nhân được phép tham gia vào thành lập các cơ sở giáo dục.

Sự vui mừng

Việc Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân lộc do Giáo Hội Công Giáo quản lý được chính thức hoạt động là một tin vui cho nhiều giáo dân Công Giáo Việt Nam.

Nhà văn Nguyễn Viện, một giáo dân sống tại Sài Gòn cho chúng tôi biết:

“Đối với tôi là một cái tin rất lạ, một cái tin rất đáng mừng. Bởi vì đây là lần đầu tiên một trường Công Giáo mới chính thức được cho phép hoạt động. Trong cái chính sách gọi là xã hội hóa giáo dục, một trường tư nhân như vầy thì không phải là mới, nhưng với một trường Công Giáo thì phải nói rằng đó là một bước tiến rõ rệt trong chính sách của nhà nước, có thể tạm gọi là đột phá.”

Ông Nguyễn Viện nhấn mạnh khía cạnh trường tư thục Công Giáo, vì theo ông người ta vẫn nhìn chủ nghĩa Cộng sản và đạo Công Giáo là hai quan điểm rất xa nhau về con người, và về việc xây dựng một xã hội, do đó việc một trường Công Giáo hoạt động trong lòng một xã hội vẫn do Đảng Cộng sản cai trị là một điều rất đáng chú ý.

Một nhà giáo, đồng thời cũng là người Công Giáo là Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh cũng chia sẻ sự vui mừng đó:

Với sự xuất hiện của một trường Công Giáo này thì mình có thể nhìn ở một góc độ khác, là đã có sự xuất hiện của sự đa nguyên về tư tưởng.

-Nhà văn Nguyễn Viện.

“Tôi thấy là mừng, vì tôi tin rằng nếu Công Giáo làm giáo dục thì trước đến giờ, ở nhiều nơi, họ làm tốt. Tôi biết là giới Công Giáo cũng rất là muốn trở lại hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, và đã có nhiều sự vận động chính thức cũng như là không chính thức để được hoạt động.”

Việc vận động cho một cơ sở giáo dục của Giáo Hội Công Giáo đã trải qua thời gian rất lâu dài.

Trong bức thư của Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy gửi cho chúng tôi, ông kể rằng việc vận động thành lập một trung tâm dạy nghề đã bắt đầu từ năm 2004, với sự giúp đỡ của ông Phạm Thế Duyệt, lúc đó là Chủ tịch Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc, và từng là ủy viên Bộ chính trị của Đảng Cộng sản.

Giáo phận Xuân Lộc đã được phép thành lập trường dạy nghề 4 năm sau đó. Và năm 2017 các linh mục ở Xuân Lộc nhận được giấy phép nâng cấp trường trung cấp dạy nghề lên thành trường cao đẳng.

Vào năm 2014, Đức Tổng Giám Mục Giáo phận Sài Gòn, Phao Lô Bùi Văn Đọc cũng đã từng đề cập đến ý tưởng xây dựng một đại học Công Giáo đầu tiên tại Việt Nam. Cũng trong năm đó, Đức Cha Nguyễn Thái Hợp ở Giáo phận Vinh có nói với chúng tôi rằng vào đầu năm 2013, một số nhân vật cao cấp trong Chính phủ Việt Nam đã đồng ý cho việc thiết lập các cơ sở giáo dục của Công Giáo, nhưng không hiểu vì sao vẫn không được thực hiện.

Bà Vũ Thị Phương Anh nói rằng bà không biết tại sao lại như thế.

Cho đến nay, chỉ có Trường Cao đẳng Hòa Bình Xuân Lộc là cơ sở giáo dục cao đẳng và đại học đầu tiên do một tôn giáo quản lý được chính thức hoạt động.

Sự nghi ngại

Cũng có những sự nghi ngại đối với thiện chí của Đảng Cộng sản về việc cho phép tôn giáo hoạt động giáo dục:

Linh mục Phan Văn Lợi sống tại Huế nói với chúng tôi:

“Phải nói đây là một sự cố gắng của giáo phận Xuân lộc, để nâng đỡ cho học sinh nghèo. Đấy là một công việc bác ái rất có ý nghĩa. Nhưng điều đó cũng chưa nói lên rằng nhà nước này họ có một sự cởi mở phóng khoáng về vấn đề giáo dục.”

Một trong những điều tạo nên sự nghi ngại đó của Linh mục Phan Văn Lợi là việc bắt buộc dạy chủ nghĩa Mác Lê Nin trong các trường Việt Nam từ Trung cấp trở lên.

Linh mục Giuse Nguyễn Văn Uy xác nhận với chúng tôi rằng trong Bộ luật giáo dục hiện hành của Việt Nam, các môn giáo dục chính trị là bắt buộc trong năm học đầu tiên.

Đấy là một công việc bác ái rất có ý nghĩa. Nhưng điều đó cũng chưa nói lên rằng nhà nước này họ có một sự cởi mở phóng khoáng về vấn đề giáo dục.

-Linh mục Phan Văn Lợi.

Chủ nghĩa Mác Lê Nin là nền tảng tư tưởng duy nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chủ nghĩa này chủ trương vô thần, không tin vào các niềm tin tôn giáo, cho rằng tôn giáo là thuốc phiện của nhân dân, như ý kiến của một nhà triết học Đức vào các thể kỷ 18-19.

Việc bắt buộc dạy chủ nghĩa Mác Lê không những đối với các cơ sở giáo dục đa ngành bình thường mà còn cả đối với các trường hoàn toàn mang tính tôn giáo của các tôn giáo khác nhau.

Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh nói với chúng tôi:

“Bây giờ làm sao được, thông tin mà tôi trao đổi trực tiếp với một linh mục đang dạy cho học viện Đa Minh, đào tạo thần học cho chủng sinh, là vẫn phải mời những người của nhà nước đến dạy Mác Lê Nin.”

Trong chương trình của Học viện Phật giáo Việt Nam, nơi đào tạo các tăng sư, cũng có môn học về chủ nghĩa Mác Lê Nin.

Vào cuối năm 2016, người ta cũng đã từng bàn tán xôn xao về việc phải thi môn Mác Lê Nin để được học thạc sĩ về Phật giáo tại Học viện Phật giáo này.

Hòa thượng Thích Không Tánh trụ trì Chùa Liên Trì ở Sài Gòn nói rằng Học viện Phật giáo Việt Nam là một tổ chức tôn giáo trực thuộc nhà nước thì đương nhiên họ phải giảng dạy và thi tuyển môn Mác-Lênin.

Linh mục Phan Văn Lợi bình luận về việc bắt buộc này:

“Đây có thể nói là một chuyện thâm căn cố đế của những người đang quản lý đất nước. Họ dùng nó để làm gì? Họ dùng cái đó để nhồi sọ, để cho thấy rằng họ đang nắm được, có quyền trên đầu óc, tư tưởng của mọi người dân Việt Nam, các học sinh sinh viên, dù rằng họ biết rằng bây giờ học sinh sinh viên chẳng ai them học cái đó nữa, nhưng họ vẫn bắt buộc.”

Tuy nhiên nhà văn Nguyễn Viện lại có góc nhìn lạc quan hơn, sau khi theo dõi sự kiện Trường Cao đẳng Hòa bình Xuân Lộc của Giáo Hội Công Giáo được ra đời:

“Bên cạnh chủ nghĩa Mác Lê đó, thì tại Trường Cao đẳng Hòa bình Xuân lộc mà tôi có tìm hiểu, thì học sinh ở đây vẫn được giáo dục theo tin thần riêng của người Công Giáo. Cụ thể là họ phải học giáo lý vào những ngày cuối tuần, buổi sáng thì đi dự thánh lễ Mi Sa, buổi tối thì đọc kinh, chầu thánh thể. Như vậy thì cái tinh thần tôn giáo Công Giáo của trường vẫn được đề cao một cách tuyệt đối.”

Bình luận về chủ trương xã hội hóa giáo dục của nhà nước Việt Nam, cũng như việc tự do hóa nền kinh tế cách đây hơn 30 năm, nhà văn Nguyễn Viện nói:

“Ngay tính chất xã hội hóa cũng có một phần nào đó đa nguyên rồi, ít nhất là đa nguyên về mặt kinh tế, nhưng còn đa nguyên về tư tưởng thì chưa cho phép. Nhưng với sự xuất hiện của một trường Công Giáo này thì mình có thể nhìn ở một góc độ khác, là đã có sự xuất hiện của sự đa nguyên về tư tưởng.”

Đa nguyên có nghĩa là chấp nhận những ý kiến, những nguồn gốc khác nhau trong một xã hội.

Nhà văn Nguyễn Viện cho rằng sự đa nguyên về kinh tế, về giáo dục, và về chính trị nữa, là những điều cần phải làm cho tương lai của Việt Nam.
 
Tổng kết: Hội thảo về việc đào tạo Thần học cho các chủng sinh
Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương
13:23 23/05/2018
TỔNG KẾT: Hội thảo về việc đào tạo Thần học cho các chủng sinh
do Ủy ban Thần học thuộc FABC tổ chức

Hội thảo về việc đào tạo Thần học cho chủng sinh
Hội thảo về việc đào tạo Thần học cho chủng sinh - Các thành viên tham dự
Hội thảo về việc đào tạo Thần học cho các chủng sinhTrong bối cảnh Giáo hội tại Châu Á đang chịu tác động và ảnh hưởng bởi những yếu tố mới mẻ, Ủy ban Thần học thuộc Hội đồng Giám mục Châu Á đã tổ chức khóa hội thảo quốc tế từ ngày 08 đến ngày 10 tháng 5 năm 2018 tại Trung tâm Mục vụ Camillian, Bangkok, Thailand với chủ đề: “Thần học Châu Á trong việc đối thoại với Sắc lệnh Nguyên tắc Căn bản về Đào tạo Linh mục - Doing Asian Theology in Dialoque with the Ratio Fundamentalis Institutionis Sacerdotalis.”
Cuộc hội thảo này có sự hiện diện của Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, Chủ tịch Ủy ban Thần học Châu Á, 4 tổng giám mục, 7 giám mục, 43 linh mục và 2 nữ tu và 1 giáo dân. Hầu hết các tham dự viên đến từ các nước Châu Á. Ða số đến từ Ấn Ðộ, Indonesia, Philippines, Singapore, South Korea, Thailand, Malaysia, Taiwan, Hong Kong, Bangladesh và Việt Nam. Riêng những đại diện đến từ Việt Nam có Đức Cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng (Sài Gòn), cha Gioakim Nguyễn Thái Hòa (Nha Trang), cha Phêrô Nguyễn Văn Hương (Vinh), và cha Giuse Vũ Đình Lâm (Bùi Chu).
Mục đích của cuộc hội thảo là giúp các nhà đào tạo có cơ hội để suy tư, chia sẻ những kinh nghiệm và thách đố mà họ đang đối diện, nhằm tìm kiếm những giải đáp mới để xây dựng Giáo hội ở Châu Á trong khi cố gắng áp dụng Sắc lệnh mới về Những nguyên tắc đào tạo linh mục của Bộ Giáo sĩ. Theo định hướng đó, chương trình của hội nghị đã được khai triển dựa trên 6 đề tài thuyết trình:
Đề tài I: Định hướng chung của cuộc hội thảo (do Đức cha Thomas Dabre, India thuyết trình).
Văn kiện mới đây về những “Nguyên tắc Cơ bản Đào tạo Linh mục” nghiêm túc xem xét “việc dạy thần học” trong tiến trình đào tạo linh mục. Theo đó, đào tạo trí thức là 1 trong 4 chiều kích của việc đào tạo linh mục: Nhân bản, thiêng liêng, trí thức, mục vụ. Bốn chiều kích này phải hài hòa với nhau để tạo nên một tổng thể duy nhất, không được nhấn mạnh đến chiều kích này, mà quên đi chiều kích kia.
Chúa Giêsu là trung tâm điểm và là nguyên lý nền tảng của sự thống nhất của toàn bộ chương trình đào tạo. Vì vậy, việc dạy thần học là giúp các chủng sinh có một cái nhìn đầy đủ và thống nhất về những chân lý mạc khải trong Chúa Giêsu và kinh nghiệm đức tin của Giáo hội. Theo Ratio, giai đoạn thần học được gọi là “giai đoạn đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu.”
Một cách tiệm tiến, việc đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu là có những tâm tình và thái độ của Chúa Giêsu, đó là “người của lòng thương xót” (man of mercy), biết “chạnh lòng thương” trước những đau khổ con người; Thái độ nền tảng của Chúa Giêsu là “luôn tuân theo thánh ý Chúa Cha.” Linh mục phải là “người có khả năng phân định” (man of discernment), biết nhận ra ý Chúa để chọn lựa, quyết định và hành động theo ý Chúa. Việc học thần học giúp chủng sinh có được những tiêu chuẩn để nhận ra ý Chúa, giúp họ gắn bó với Chúa Giêsu là Đầu và phải gắn bó với Giáo hội là “Thân thể của Chúa Giêsu;” đặc biệt giúp họ yêu mến và thực hành lòng đạo đức bình dân vốn là nét nổi bật của người tín hữu Châu Á.
Hơn nữa, việc dạy thần học còn giúp mở ra, đón nhận “những mảnh chân lý” nơi các tôn giáo khác, cũng như “những vẻ đẹp tốt lành” nơi những nền văn hóa. Vì thế, việc học thần học giúp người linh mục sống và thi hành tác vụ mục tử trong bối cảnh Châu Á với ba cuộc đối thoại: với các tôn giáo, với các nền văn hóa và với người nghèo.
Thần học còn giúp chủng sinh nhận ra được giá trị cao đẹp nơi con người, giá trị của giới tính và tính dục để họ sống một cách tích cực “đời sống độc thân;” đồng thời cũng biết quan tâm “bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương” trước những lạm dụng tình dục.
Cuối cùng, trong tương quan đối với vũ trụ vào con người: (1) Thần học về sáng tạo giúp người linh mục yêu mến và bảo vệ trái đất, ngôi nhà chung của nhân loại. (2) Và để loan báo Chúa Giêsu cho con người hôm nay, thần học về truyền thông giúp người linh mục biết trân trọng và sử dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong đời sống tông đồ.
Đề tài II: Những báo cáo của ba vùng về việc huấn luyện thần học.
Đây là những báo cáo của ba vùng : Nam Á (Ấn Độ), Đông Nam Á (Indonesia) và Đông Á (Korea) về: (1) phương pháp, (2) những cố gắng và (3) những thách đố trong việc dạy thần học trong bối cảnh Châu Á. Có thể tổng kết trong 3 bước sau đây:
- Bài dạy (Lesson): các giáo sư phần lớn được đào tạo tại Phương Tây, cố gắng chuyển tại những kiến thức thần học chính thống của Giáo hội cho chủng sinh;
- Suy tư (Reflexion): các giáo sư giúp chủng sinh suy tư, liên kết các môn học (inter-disciplinary) thành hệ thống;
- Hành động (Action): các giáo sư còn hướng dẫn giúp chủng sinh liên kết được những kiến thức vào cuộc sống (trans-disciplinary) hỗ trợ 3 chiều kích khách trong đào tạo: trưởng thành nhân bản, đời sống thiêng liêng, hoạt động mục vụ.
Đề tài III: Viễn tượng và lối tiếp cận liên nghành cho việc dạy thần học ở Châu Á. Đề tài này do linh mục Daniel Frankin Pilario, CM., thuyết trình. Trước hết, theo ngài, lối tiếp cận liên nghành mang lại những lợi thế như giúp giải quyết một vấn đề riêng biệt trong phạm vi của nó; giúp đạt tới sự toàn vẹn để hình thành những quan niệm, phương pháp, tiến trình, công thức, từ ngữ, dữ liệu và đạt được nghiên cứu mang tính khoa học và giáo dục; đồng thời nó giúp biến đổi các chiều kích nhờ lối nhìn đa dạng.
Tiếp theo, ngài đề cập đến những nguyên tắc căn bản: 1) trước hết, văn hóa đối thoại là nét đặc trưng của các truyền thống, triết học và văn hóa ở Châu Á. Các nền văn hóa Châu Á và các tôn giáo có thể đối thoại với nhau. Kitô giáo đến với Châu Á như là một tôn giáo có khả năng đối thoại với thực tại này của Châu Á. Lối tiếp cận đối thoại mở ra sự đa nguyên và nhận biết về thực tại cách phong và và đầy đủ hơn.
Về vấn đề này, tài liệu FABC nói đến việc xây dựng nền thần học ở Châu Á với hai lĩnh vực: một đàng, đối thoại với các nền tôn giáo và triết học Châu Á; đàng khác, đối thoại với những phong trào xã hội. Thật vậy, để loan báo Tin mừng ở Châu Á hôm nay, chúng ta cần phải đối thoại với những truyền thống tôn giáo vĩ đại, đó là những người theo Ấn Giáo, Phật Giáo, Hồi Giáo, Khổng Giáo, Đạo Giáo... Kinh Thánh và những quan niệm triết học của họ trở thành những nguồn thần học cho suy tư thần học và cho sứ vụ của chúng ta. Ngoài ra, thần học phải đối thoại với những phong trào xã hội đấu tranh cho quyền con người, công bình và bình đẳng, về môi trường và giới tính... những phong trào xã hội này trở thành một đối tác đối thoại hiệu quả trong sư tư thần học Kitô giáo ở Châu Á.
Thế giới hôm nay đã thay đổi, chúng ta cần phải thay đổi lối tiếp cận, cách trình bày, phương pháp mới và ngôn ngữ mới để trình bày chân lý Đức Kitô cho người Châu Á hôm nay. Bởi thế, cần có những trợ giúp liên nghành như nhân học, tâm lý học, xã hội, kỷ thuật và những lãnh vực khoa học khác. Lối tiếp cận đa diện và đa chiều mới giúp chúng ta hiểu chân lý và vấn đề một cách đầy đủ và đúng đắn nhất.
Đề tài IV: Áp dụng phương pháp luận của FABC vào việc dạy thần học (do Cô Estela Padilla, Sơ. Rekha Chennattu, Cha Justin Chawkan SSS., và Cha Simon Wong SJ thuyết trình).
Trước hết, tài liệu FABC (số 108) đã đề nghị một phương pháp với 5 bước sau: (1) Cam kết phục vụ sự sống; (2) Phân tích tình hình xã hội; (3) Tầm quan trọng của đời sống nội tâm; (4) Đối thoại; (5) Tìm kiếm sự hài hòa trong lãnh vực thần học. Trong bối cảnh Á Châu, việc đối thoại cần lưu tâm đến ba đối tượng: Đối thoại với các tôn giáo, đối thoại với các nền văn hóa và đối thoại với người nghèo. Điều này có thể áp dụng trong các lĩnh vực cụ thể sau: Nghiên cứu Kinh Thánh, Đối thoại liên tôn và Giáo Hội học.
1. Việc nghiên cứu Kinh thánh
Việc áp dụng phương pháp FABC trong các nghiên cứu trong Kinh thánh đòi hỏi sự thích hợp của cái nhìn của FABC cho Giáo hội ở Á Châu, trong đó duy trì một cuộc đối thoại ba - đối thoại với người nghèo, với văn hóa và tôn giáo. Một vài nguyên tắc của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng cũng như các phương pháp và mối quan tâm của FABC như các chìa khóa diễn giải cho việc giải thích Kinh Thánh tại Á Châu. Sáu từ khoá giải thích sau đây như là bắt buộc đối với việc giải thích Kinh Thánh Á Châu: (1) Bắt nguồn từ truyền thống trong Kinh thánh. (2) Tính trung thực với văn bản Kinh thánh. (3) Cảm thức với thực tế Á Châu và tâm linh Á Châu. (4) Mức độ liên quan của độc giả Á Châu trong thế kỷ 21. (5) Biến đổi cá nhân. (6) Cam kết xã hội.
2. Về đối thoại liên tôn
Á Châu là một vùng đất đa tôn giáo và văn hóa lớn, nhưng luôn có cái nhìn khoan dung. Chính trong sự đa dạng này cũng là cơ hội rất dễ gây ra nhiều căng thẳng và xung đột trong bối cảnh đấu tranh vì quyền lực kinh tế và chính trị giữa các bên. Tuy nhiên, chúng ta vui mừng ghi nhận một ước vọng phát triển về hoà bình và tự do, công lý và cộng đồng giữa mọi người qua việc thúc đẩy sự phát triển toàn vẹn là đối thoại liên tôn giáo giữa một số quốc gia ở Á Châu.
“Đối thoại liên tôn giáo” trước tiên phải nhấn mạnh rằng, đối thoại là không phân biệt thứ bậc địa vị, định kiến, những thôi thúc ấn giấu bên trong hay những buộc tội kết án đôi bên. Đối thoại phải vượt lên trên những định kiến và những mục đích mỗi bên nhằm tạo ra. Đối thoại nguyên nghĩa không phải là nghiên cứu, tham khảo, kiểm tra, thuyết giáo, công bố hay học hỏi thông thường. Đối thoại cũng không chỉ là lắng nghe và quan sát nhưng còn là trao đổi, sửa đổi và điều chỉnh, trên hết nó nhắm hiểu biết lẫn nhau. Từ quan điểm này, đào tạo theo Ratio Nationalis phải bao hàm trong viễn cảnh của đối thoại liên tôn như là vấn đề có liên quan đến mỗi quốc gia, mỗi khu vực ở Á Châu. Để bốn chiều kích toàn vẹn trong đào tạo sinh hoa trái trong khu vực Á Châu, những suy tư sau đây cần được xem như là điểm nhấn trong Ratio Nationalis: chiều kích thiêng liêng, nhân bản, tri thức và mục vụ.
3. Giáo Hội học
Dùng các “dấu hiệu” và “biểu tượng” để diễn tả một thực tại vô hình (thiêng liêng): Thiên Chúa bày tỏ chính mình trong con người của Chúa Giêsu (Thiên Chúa và con người); Giáo Hội là thân thể của Chúa Kitô là Đầu. Giáo hội “là bí tích của ơn cứu độ”. Người Á Châu vốn có trực giác mạnh, thích dùng hình ảnh và biểu tưởng để diễn tả chân lý siêu hình.
Đề tài V: Xây dựng thần học Châu Á trong đối thoại với Ratio Fundamentalis
Đề tài này do Đức Giám Mục Gerry Alminaza, Chủ tịch Uỷ ban Giám mục về các Chủng viện ở Philipines trình bày. Trước hết, đức cha Gerry nói đến việc làm sao giúp dân Chúa biết quý trọng “quà tặng là ơn gọi linh mục” và cách thức đối thoại với Ratio mới trong bối cảnh một nền thần học của Châu Á.
Vì linh mục là một ân huệ cao trọng cho suốt đời linh mục nên việc đào tạo phải liên tục từ thời gian huấn luyện trong Chủng viện cho đến việc huấn luyện sau khi đã chịu chức linh mục. Huấn quyền nhấn mạnh đến việc huấn luyện trường kỳ trong ơn gọi linh mục của Giáo hội. Việc đào tạo không phải dừng lại sau khi chịu chức, nhưng phải tiếp tục trong suốt đời linh mục. Việc đào tạo phải duy nhất, toàn vẹn và gắn kết vào cộng đoàn đức tin cùng với một tinh thần truyền giáo để giúp họ trở thành vị mục tử nhân lành như Đức Kitô vị Mục tử nhân lành. Cộng đoàn đức tin ở đây bao gồm giám mục, linh mục và giáo dân làm việc đào tạo, người thụ huấn, gia đình, linh mục đoàn, giáo xứ, các cộng đoàn cơ bản và nhất là những người nghèo. Việc đào tạo phải tiệm tiến theo thời gian để dần khám phá ra quà tặng ơn gọi linh mục. Nhà đào tạo phải đồng hành sâu sát với người thụ huấn; giúp họ biện phân ơn gọi trong thời gian đào tạo tại Chủng viện triều hay dòng; và sau khi chịu chức thì sống tình huynh đệ trong linh mục đoàn. Hơn nữa, việc đào tạo phải hướng đến truyền giáo, nghĩa là đào tạo những nhà truyền giáo “có mùi của chiên,” nên những mục tử sẵn sàng và có khả năng chăm sóc và chữa lành các con chiên.
Đề tài VI: Những áp dụng thần học Châu Á cho việc huấn luyện toàn vẹn.
Đề tài này do Cha Claudio Bertuccio OMI, Sr. Maria Teresa Hu, và Cha Emmanuel Rozario thuyết trình.
Châu Á là cái nôi của nhiều tôn giáo và nền văn hoá lớn và số dân cư là những người nghèo, Giáo hội ở Châu Á thực hiện ba cuộc đối thoại: (1) đối thoại đối với các tôn giáo khác (đối thoại liên tôn); (2) đối thoại với các nền văn hoá (hội nhập văn hoá); (3) đối thoại với người nghèo. Vì thế, các linh mục tương lai cũng phải được đào tạo có khả năng để làm được ba cuộc đối thoại này.
Đối thoại với các tôn giáo: việc đào tạo phải giúp chủng sinh và linh mục việc đối thoại với người khác. Họ được huấn luyện để hiểu rõ các tôn giáo, tôn trọng những giá trị đạo đức và tu đức nơi các tôn giáo ngõ hầu đem ánh sáng Tin Mừng soi chiếu chúng.
Đối thoại với người nghèo: Châu Á là lục địa với đa số là người nghèo. Giáo hội vừa là Giáo hội nghèo, “cho” và “với” người nghèo. Chỉ như thế, Giáo hội mới là dấu hiệu đáng tin cậy cho những người mà Giáo hội được sai đến phục vụ. Vì thế, việc đào tạo giúp chủng sinh có khả năng sống nghèo và phục vụ người nghèo.
- Về nhân bản: người thụ huấn phải học sống một đời sống giản đơn thể hiện qua lối sống gần gũi với mọi người nơi họ được gửi đến. Phải tránh sở hữu nhà cửa, xe cộ, và quần áo xa hoa, đắt tiền để người nghèo cảm thấy họ được đón tiếp và dễ gần. Người thụ huấn phải tập biết sống không lệ thuộc vào của cải để dễ dàng sẻ chia cho người nghèo khi họ cần.
- Về tâm linh: phải giúp người thụ huấn đi theo sự “tự huỷ” của Đức Giêsu Kitô để nhận ra Đức Kitô trong những người nghèo, Đấng đã hiến mình để giải phóng người nghèo. Như thế, các chủng sinh và linh mục không phải là những nhân viên thuộc hội từ thiện hay là những công chức mà họ phải là những người có tâm hồn tràn đầy Thần Khí Chúa. Chính đức tin đơn sơ nơi người nghèo sẽ dạy cho các chủng sinh và linh mục biết tín thác vào sự quan phòng của Chúa, Đấng chẳng bao giờ bỏ rơi con cái Ngài.
- Về tri thức: Linh mục và chủng sinh không được xem mình có học vấn như là thuộc về một đẳng cấp cao trong xã hội cũng như là điều tự hào trước người nghèo. Họ phải biết dùng tri thức đó cho phục vụ người nghèo.
- Về mục vụ: đào tạo mục vụ cho chủng sinh và linh mục phải theo mẫu gương vị mục tử nhân lành là Đức Kitô để họ sẵn sàng đi ra vùng ngoại biên để gặp gỡ, chăm sóc và chữa lành cho người nghèo.
Những nhân vật VIP tham dự Đại hội
Một vài nhân vật VIP tham dự Đại hội

Đối thoại với văn hoá
Châu Á là cái nôi của nhiều nền văn hoá lớn và lâu đời. Hầu hết các nền văn hoá này đề cao sự hài hoà và liên đới với nhau trong gia đình và xã hội. Các chủng sinh phải được giúp lớn lên trong việc xây dựng sự tương quan hài hoà với mọi người kể cả những người không cùng tôn giáo. Cụ thể, linh mục tương lai phải biết để đối thoại với nhiều hình thức văn hoá mới nổi lên trong thời đại hôm nay như mạng xã hội, truyền thông, và công nghệ kỹ thuật số. Chúng có thể là phương tiện giúp cho việc dạy giáo lý, truyền giáo và chăm sóc mục vụ. Tuy nhiên, chúng cũng có thể là nguyên nhân gây ra hậu quả tiêu cực về tâm lý, luân lý và mục vụ (stress).
Sau cùng, bài trình bày cũng xác định việc xây dựng Chủng viện như là một gia đình, nơi đó người thụ huấn được lớn lên trong tình yêu và học biết về yêu thương hầu có thể là sứ giả của tình thương Chúa cho thế giới.

Ngoài những giờ thuyết trình, mỗi ngày hội nghị còn tổ chức những giờ thảo luận chung, chia sẻ nhóm, thánh lễ và gặp gỡ cá nhận để trao đổi những kinh nghiệm, hiểu biết, thông tin về việc huấn luyện và việc dạy thần học từ các vùng miền khác nhau. Qua đó, mỗi người làm giàu thêm kinh nghiệm và củng cố cho xác tín riêng. Nhìn thấy những đại diện đến từ các miền khác nhau của một lục địa mênh mông, đa sắc tộc, màu da, văn hóa và tôn giáo, nhưng lại hiệp nhất trong một đức tin, một Giáo hội và một sứ vụ truyền giáo, chúng tôi sống và cảm nghiệm tính duy nhất và phổ quát của Giáo hội Châu Á tại cuộc hội thảo này.

Ban Thư ký Nhóm Việt Nam
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giác thư về các giám mục Pháp thời Pháp bị chiếm đóng
Vũ Văn An
17:51 23/05/2018
Tạp chí Journal of Jesuit Studies, Bộ 5, Số 2, năm 2018 vừa cho đăng tải lần đầu tiên bản dịch Memorandum on French Bishops during the Occupation of France (1940-1944) của thần học gia Henri de Lubac, mà nguyên bản tiếng Pháp tựa là “La question des évêques sous l’occupation” thoạt đầu được đăng trên Revue des deux mondes hồi tháng Hai năm 1992.

Linh mục dòng Tên, Henri de Lubac (1896–1991), đã trở thành một trong các thần học gia lớn của Giáo Hội Công Giáo và ngài gây ảnh hưởng quan trọng đối với nhiều văn kiện của Công Đồng Vatican II (1962–65). Trước đó, có lúc, ngài bị cấm giảng dạy do một số tư tưởng của ngài (từ 1950 tới 1958) nhưng đã được sự tôn kính của Đức Gioan Phaolô II (cai trị từ 1978 tới 2005) qua việc nâng ngài lên hàng Hồng Y năm 1983. Ngài là một trong các sáng lập viên của Sources chrétiennes (Các Nguồn Kitô Giáo), chuyên đăng tải các ấn bản có phê bình của các giáo phụ và qua đó, đã phát huy ngành giáo phụ học như là một lãnh vực chính của thần học Kitô Giáo. De Lubac vốn tham gia kháng chiến chống Quốc Xã trong thời gian Pháp bị chiếm đóng và, như giác thư cho thấy, ngài cũng đã trở thành người mạnh mẽ phê bình giới lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo lúc ấy. De Lubac viết giác thư năm 1944 này, được đăng ở đây lần đầu tiên trong bản dịch tiếng Anh, cho người bạn của ngài là Jacques Maritain (1882–1973), người lúc đó, được cử làm Đại Sứ Pháp bên cạnh Tòa Thánh, nơi ông phục vụ cho tới năm 1948. De Lubac là thành viên tại tổng công nghị của Dòng Tên năm 1964, nơi, nghị quyết cấm các ứng viên của dòng dõi Do Thái không được gia nhập Dòng đã bị thu hồi.

Nhận thấy giác thư này có nhiều điều để đối chiếu với hiện tình hàng giám mục Việt Nam, những vị ít nhiều bị phê phán gay gắt trong nhiều năm qua, trong đó, không thiếu những phê phán thuộc loại từng được De Lubac sử dụng là “nghe được”, chúng tôi chuyển ngữ giác thư này, dựa trên bản tiếng Anh của Journal of Jesuit Studies và rất tiếc không có nguyên bản tiếng Pháp để đối chiếu.

Người viết những nhận định này không có ý định biến chúng thành một tường trình đầy đủ về điều ngày nay người ta quen gọi là “vấn đề các giám mục”; người này không có thì giờ và cũng không có ước muốn. Đây là một vấn đề vừa gai góc xét về quan điểm luật pháp vừa đau lòng đối với lương tâm Công Giáo. Người viết chỉ muốn vắn tắt nhắc đến một ít điểm và chỉ quyết định làm thế vì có lời yêu cầu của cấp cao, lời yêu cầu mà người này không thể bác bỏ, bất chấp các ước muốn của mình. Bên cạnh việc thiếu tài liệu sẵn có... ý định của người này không hẳn là ghi lại các sự kiện cho bằng trình bầy một tâm thái (state of mind) và những gì người này trích dẫn chỉ là để minh họa mà thôi. Ngoài ra, người này cũng sẽ ít nói nhân danh mình hơn là tường trình những điều mình nghe được từ các phạm vi công cộng hoặc tư riêng. Một số suy tư này bộc lộ sự âu lo bản thân mà người viết từng phải chịu và cố gắng sửa chữa bao nhiêu có thể. Trước khi chia sẻ thông tin trên những trang giấy hoàn toàn tư mật (confidential) này, người viết rất thường hay bênh vực, bao nhiêu có thể và vượt quá cả sự có thể, nhiều vị giám mục có tác phong làm người ta ngỡ ngàng, bất kể là đúng hay sai.

Dĩ nhiên, ai cũng hiểu khi nói đến “các giám mục”, tôi không nói một cách vơ đũa mọi vị trong số này, mà không dành ra một số ngoại lệ. Không hề có chuyện đó! Một đàng, ta không thể bỏ qua nhiều hành vi cá thể chứng tỏ các linh mục và các mục tử nằm trong số những người có thái độ làm người ta thất vọng. Tuy nhiên, thái độ của các ngài, như chúng ta sắp sửa cố gắng mô tả, xem ra đã bị tổng quát hóa đến nỗi ai cũng có thể tự cho phép nói đến một cách tập thể.

Để đem lại một trật tự nào đó cho những điều sau đây, trước hết, ta sẽ đưa ra các lời phê phán chính nhắm vào các giám mục Pháp, sau đó, chúng ta sẽ phân tích các nét chính của sự phiền muộn do thái độ của các ngài, trong bốn năm qua, đã gây ra hay làm xấu thêm nơi lương tâm tập thể.

Trong số các lời phê phán, chúng ta dự tính đưa ra chống lại các giám mục Pháp, có một số phát xuất từ sự hiểu lầm ít nhiều về sứ mệnh của Giáo Hội, cũng như một số lẫn lộn nào đó giữa các lãnh vực thiêng liêng, thế tục, và thậm chí chính trị. Không ích lợi gì khi tập chú vào chúng. Các lời phê phán nghiêm túc hơn có thể tóm lược trong năm cáo buộc sau đây:

1.Các giám mục của chúng ta thường không nắm được cảm thức mạnh mẽ về tính độc lập của Giáo Hội. Bản chất giám mục của các ngài không đem lại một vinh dự thánh thiêng mà người ta vốn kỳ vọng. Đây là lý do tại sao các ngài tự để cho mình dễ dàng bị nhà cầm quyền dân sự lèo lái ngay khi những người này gây áp lực, mặc dù đa số các ngài không phải là chính trị gia hay những người muốn leo thang xã hội nhưng đều là những giáo phẩm đạo đức và sốt sắng chân tình. Khi các ngài thấy người ta thích các ngài độc lập hơn, các ngài bèn nghĩ họ yêu cầu các ngài phải đối lập nhiều hơn, thành thử rất khó để các ngài tưởng nghĩ ra việc có thể có tư cách cao hơn (bất kể các kiểu nói đã trở thành nổi tiếng: “trung thành chứ không tùng phục). Thực ra, người ta chỉ muốn các ngài hành động như các giám mục nhiều hơn mà thôi. Sự thực là nhiều vị từ bỏ thẩm quyền thiêng liêng của mình, trên thực tế, từ lúc bắt đầu chế độ Vichy (một sự thực dựa vào con số các hành vi thiếu suy nghĩ của các ngài) và hết còn khả năng lấy lại sự độc lập của mình mà không tỏ ra là đã tham gia phe đối lập.

Chính sai lầm trên đã khiến nhiều vị giám mục trở nên cố thủ trước vấn đề quyền lực chính trị và “tính hợp pháp” của Vichy; như thể một khi vấn đề này được quyết định, thì mọi quyết định khác cũng sẽ được giải quyết khi nói đến chế độ Vichy; như thể chính phủ hợp pháp nhất và hoàn hảo nhất có thể có sẽ không để các trách nhiệm thiêng liêng của các nhà lãnh đạo Giáo Hội được nguyên vẹn. Nhiều hành vi nô dịch đã vì đó mà xuất hiện: một giám mục thuyên chuyển một trong các linh mục của ngài vì đã phạm tội đọc một tuyên bố (của các Hồng Y và tổng giám mục) cho một nhóm trong nhà thờ trái với ý muốn của ông quận trưởng; một vị khác cấm các giáo sĩ tới các giáo phận của chính họ mà không có các cuộc điều tra hay một loại thông báo nào trước đó vì lệnh lạc phi lý của quận; lại còn có vị chấp nhận mà không nói một lời việc để cho lính lê dương ngăn cản một linh mục dạy giáo lý cho một thanh niên Do Thái, người đã bắt đầu chuẩn bị chịu rửa tội trước khi chiến tranh diễn ra... Rất nhiều thư từ và lệnh lạc liên quan đến lúa mì, kim khí, cả vật dụng thờ phượng bị nhà cầm quyền dân sự moi móc. (Lúc này, chúng tôi sẽ không nhắc tới các tuyên bố nghiêm trọng hơn để đáp ứng ý muốn của lực lượng chiếm đóng). Do đó, mà xẩy ra cảnh mọi buổi chầu và nghi lễ không còn giá trị thiêng liêng và do đó, hậu quả thật thảm hại. Rất nhiều lần, các vị giám mục thấy mình bị triệu đến chứ không phải được mời đến và Giáo Hội bị buộc một cách lộ liễu phải che đậy cho chế độ. Các ngài không được tự do để tiếng nói của mình được nghe. Từ đó, nguyên tắc quái dị trong đó hành vi giám mục phải tùng phục việc kiểm duyệt của nhà nước đã được mọi người chấp nhận một cách vâng lời; một nguyên tắc được chấp nhận tốt đến nỗi nhiều giám mục tự kiểm duyệt mình trước, có thể nói như thế. Đàng khác, không một cố gắng nghiêm túc nào đã được đưa ra để phân phối ngay các tuyên bố yếu ớt của hội đồng Hồng Y và giám mục nếu đã bị kiểm duyệt đục bỏ. Tuyệt diệu biết bao nếu thái độ cứng rắn của Đức Ông Bruno de Solages, một con người của Giáo Hội tuy không phải là một giám mục, được chấp nhận ở khắp nơi (1). Đức Ông de Solages không để cho bản văn tín lý nào của ngài được công bố nếu đã bị kiểm duyệt đục bỏ.

2. Với một quan tâm hết mình, các nhà quản trị công bảo đảm nhiều nhu cầu của những người họ chịu trách nhiệm (thường là một gánh nặng khá lớn), trong khi nhiều vị giám mục không có cùng một mức tận tụy như thế đối với sứ mệnh tin mừng của các ngài. “Thân thể” của Giáo Hội (chữ “thân thể” không có ý định được hiểu theo ý nghĩa thần học) khiến các ngài bỏ bê linh hồn của nó. Theo chiều hướng này, các phương tiện nặng nề đã làm các ngài kiệt quệ và khiến các ngài quên cả kết quả cuối cùng. Các ngài rất nhạy cảm đối với bất cứ điều gì có thể cản trở hoặc ngược lại có lợi cho Giáo hội định chế, luôn sẵn sàng bảo vệ các lợi ích đang bị đe dọa, hoặc tiếp nhận ân huệ và trợ cấp mà tình trạng bấp bênh của trường học và công việc của chúng ta khiến chúng trở nên đáng thèm muốn.

Tuy nhiên, nhiều giám mục rõ ràng không thấy vai trò của các ngài vượt xa điều đó. Tận thâm tâm, các ngài không hiểu điều đó, khi các ngài được kêu gọi “cai trị Giáo Hội của Thiên Chúa”; các ngài được giả thiết là tiếng nói lương tâm và biện hộ cho Thiên Chúa của công lý. Do đó, có tai tiếng trong bốn năm qua, trong đó, Giáo hội thường xuyên có vẻ hài lòng, trong khi công lý bị vi phạm khắp mọi nơi, các lương tâm bị hành hạ, và chính Kitô giáo bị chà đạp. Dưới mắt mọi người, Giáo hội Pháp xem ra được hưởng lợi một cách bạo ngược từ một tình huống khiếp đảm. Lối giải thích này sai, nhưng không thể tránh được. Đặc biệt hơn, các ngân khoản dành cho các trường tôn giáo thông qua một diễn trình hạ nhục, cùng với tiếng tăm bên ngoài dành cho một số giáo phẩm nào đó (chuyến đi của Đức Hồng Y Gerlier đến Tây Ban Nha, vv) làm cho điểm then chốt của vấn đề bị lãng quên (2). Về chủ đề này, có người nói một cách cay đắng hơi quá, nhưng không phải là không có cơ sở: “Khi Giuđa nhận được ba mươi đồng bạc của hắn, hắn rất có thể dùng chúng cho các công việc bác ái, ví dụ, để mở trường chẳng hạn”.

Thái độ của Hàng Giám Mục Đức cao quý hơn nhiều. Họ không bao giờ nghĩ rằng việc tùng phục nhà nước có thể khiến các ngài khỏi lên tiếng về bất cứ chủ đề nào. Các ngài không bao giờ sử dụng giáo ước (concordat) và các lợi thế vật chất mà họ có (mặc dù có nhiều vi phạm) làm cớ để nhắm mắt làm ngơ đối với nhiều tín lý và hành vi trái với đức tin của các ngài hoặc trái với luật luân lý tự nhiên! Các ngài không bao giờ tin rằng các ngài có thể giữ im lặng mãi, vì tín hữu của các ngài không chịu đau khổ trực tiếp. Các ngài không coi các ngài chỉ như các nhà lãnh đạo và bảo vệ đức tin mà thôi, mà là những nhân chứng trong Thiên Chúa và trong lãnh vực công lý của Người.

Quá nhiều người Công Giáo có khuynh hướng tin rằng các vấn đề tôn giáo đang diễn ra tốt đẹp, khi bản thân họ không gặp rắc rối, khi phe của họ chiến thắng. Người Do Thái và “người cộng sản”, chẳng hạn, đang bị săn đuổi: đó không phải là một chiến thắng gấp đôi cho họ sao? Thật buồn khi nói rằng, thay vì nhắc họ nhớ tinh thần của Tin Mừng, thái độ của Hàng Giám Mục Pháp chỉ dùng để cố thủ các ngài trong lĩnh vực xác thịt (sensual); không phải là các ngài thực sự được khuyến khích bởi những gì không được nói đến. Chẳng hạn, sự thật là, trong phần lớn các khung cảnh "Công Giáo" và thậm chí trong một số nữ tu viện, Giáo hội dường như điếc đối với cả các lời kêu gọi bác ái thúc bách nhất và khẩn cấp nhất. Bằng chứng cho điều này thì vô kể.

Kỳ sau: 3. Nếu lương tâm Công Giáo không được hoàn toàn khai sáng, thì cũng là vì toàn bộ thân thể của Giáo Hội đang phải chịu đựng các sai sót nghiêm trọng xét về góc độ tín lý
 
Văn Hóa
Tản mạn đời tha hương: Giáo lý ''Một Chúa Ba Ngôi'' Nào ai hiểu thấu?
Lm. Joseph Nguyễn Văn Thư
12:16 23/05/2018

Nào ai hiểu thấu ?



Câu truyện cổ điển kể về thánh tiến sĩ Au-gu-ti-nô bao ngày tháng suy nghĩ tìm hiểu về mầu nhiệm hang đầu của đạo Chúa này, cũng như mong có chút ánh sáng để giảng dạy cho giáo hữu. Thế là một ngày kia, ngài đi dạo trên bờ biển, tiếp tục suy nghĩ lao lung về tín điều này, thì bỗng dưng thấy một bé trai cứ lấy miếng vỏ sò liên tục múc nước biển đổ vào một lỗ nhỏ trên cát, xem ra bực bội vì nước không ở lại làm đầy cái lỗ nhỏ như ý mình muốn…Thánh nhân dừng chân đối thoại rồi khuyên em bé chớ uổng công phí sức nữa. Nhưng bất ngờ nghe em đáp :”Cháu làm việc này còn không vô nghĩa bằng việc bác cứ đòi hiểu mầu nhiệm 1 Chúa 3 ngôi”. Rồi em biến đi mất. Vị tiến sĩ hiểu ngay rằng Chúa đã dùng em bé (1 thiên thần ?) tới dạy ngài bài học để đời…

Thánh kinh Cựu ước không hề nhắc tới mầu nhiệm cao cả này. Thời gian chưa thích hợp với dân Do Thái. Người Do Thái trong Giao Ước cũ chưa nhận biết Thiên Chúa có Ba Ngôi, vì niềm tin ‘độc thần giáo’ chưa tỏ lộ hết mầu nhiệm Thiên Chúa, và vì sợ lẫn lộn với đa thần giáo của dân ngoại. Người Do Thái cũng tin vào ‘thần khí’ Thiên Chúa, vào ‘lời Thiên Chúa’, nhưng chưa dám nghĩ rằng đó là những ngôi vị khác với Thiên Chúa, song chỉ được đồng hóa với Thiên Chúa. Chỉ những ai tin vào Đức Kitô mới tuyên xưng đức tin Ba Ngôi.

Nhưng rồi Chúa Ky Tô xuất hiện với thời Tân Ước, giáo lý này mới được ‘mạc khải’. Bắt đầu với câu truyện Chúa chịu phép rửa, ta thấy có Thánh Thần Ngôi Ba qua hình chim bồ câu, và tiếng phán của Chúa Cha (ngôi 1) “này là con ta yêu dấu, đẹp lòng ta mọi bề”.

Rồi qua nhiều dịp, Chúa Giê-su (ngôi 2 giáng trần) đã cho chúng ta gọi Cha Ngài cũng là Cha chúng ta ‘ở trên trời’. Cũng dặn chúng ta phải thi hành thánh ý Cha. Nhất là mở đầu nhiều lời cầu nguyện với câu “Lạy Cha…” Rồi hứa sẽ ban Thánh thần Ngôi 3 xuống cho các môn đệ sau khi về trời, sau khi cắt nghĩa Ngôi 3 là đấng bầu chữa, ủi an, thánh hóa…Nhưng cái điểm rõ nhất là khi sai các tông đồ đi giảng dạy và rửa tội muôn dân ‘nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần’.

Qua lệnh truyền ấy, Chúa Giêsu muốn xác quyết: Cha, Con và Thánh thần là một Thiên Chúa quyền phép và đầy yêu thương, Đấng ban đời sống siêu nhiên cho những ai tin và chịu phép rửa. Như thế, chúng ta thấy: Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa (vì có trước muôn đời như Cha), Thánh thần là Thiên Chúa (vì cũng vĩnh cữu như Cha, cùng bản tính như Cha). Cả Ba Ngôi cùng là Thiên Chúa, nhưng không phải là ba Thiên Chúa nhưng là MỘT THIÊN CHÚA BA NGÔI. Đây là mầu nhiệm cao cả nhất trong Đạo, ta không thể hình dung được, huống chi là hiểu.

Song các tín hữu đều tin thật điều này, vì chính Chúa Giêsu đã dạy ta như vậy.

Giáo Hội Công Giáo nói gì ?



Công đồng chung Nicea (năm 325) đã mạnh mẽ khẳng định giáo lý này phải là nền tảng của niềm tin Ky tô giáo. Các bản tín điều này được xác lập bởi hội thánh trong thế kỷ thứ 3 và thứ 4, hầu đối phó với các thuyết dị giáo liên quan đến giáo lý Ba Ngôi cũng như vị trí của Chúa Ky Tô trong Ba Ngôi. Tín điều Nicea, cấu trúc căn bản của giáo lý Ba Ngôi, dùng từ "homousia" (trong Hi văn nghĩa là có cùng một bản thể) để định nghĩa mối quan hệ giữa các ‘thành viên’ của Ba Ngôi…

Các Kitô hữu học biết về giáo lý Ba Ngôi khi chịu phép rửa tội. Cũng là bước khởi đầu để thấu hiểu tại sao giáo lý này quan trọng với Kitô hữu, ngay cả khi họ nhận ra rằng học biết về bản thể của Thiên Chúa là vượt quá sự hiểu biết của họ.. Ba Ngôi bình đẳng, đồng tồn tại vĩnh cửu, có cùng một bản thể, quyền năng, hành động và ý chí. Tuy nhiên, như đã được xác quyết, Thiên Chúa là đấng tự mình mà có, không do ai tạo thành, không có khởi đầu và không có kết thúc, Người là ‘alpha và omega’. Chúa Con được sinh ra từ Chúa Cha. Chúa Thánh Linh nhiệm xuất từ Chúa Cha và Chúa Con. Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể và một quyền năng như nhau, nên Ba Ngôi chỉ là một Thiên Chúa mà thôi.

Như thế, theo thuyết ‘bao hàm hỗ tương’, Ba ngôi vị ‘chứa đựng lẫn nhau’, hầu cho mỗi ngôi vị luôn luôn bao hàm và đồng thời cũng luôn luôn ‘được’ bao hàm. Lý trí con người không hiểu thấu được mầu nhiệm Ba Ngôi, tuy nhiên lý trí con người có thể dùng hình ảnh, để minh họa cho mầu nhiệm Ba Ngôi này. Ta hãy nhìn vào hình tam giác : hình tam giác có ba cạnh, mỗi cạnh riêng biệt nhau, nếu tách biệt từng cạnh ra thì không còn là hình tam giác nữa, nhưng nếu ráp ba cạnh lại thì lại được một hình tam giác, chỉ một tam giác mà thôi.

Đó là hình ảnh Ba Ngôi, ba ngôi riêng biệt nhưng lại ở trong nhau, vì chỉ có một Chúa mà thôi. Không thể tách rời riêng biệt độc lập từng ngôi, vì như vậy sẽ phá vỡ tính duy nhất (Một Chúa) – phá vỡ tam giác, nhưng Ba Ngôi lại không trộn lẫn vào nhau, mỗi ngôi (mỗi cạnh ở một vị trí, vai trò độc lập, nhưng lại thống nhất và liên kết, liên lạc với nhau tạo thành một thể thống nhất.)

Thiên Chúa có ba ngôi vị khác nhau là Cha, Con và Thánh Thần, nhưng ba ngôi không tách biệt nhau, mà lại hiện diện và hoạt động trong mọi lãnh vực, nhất là vào đời sống các Kitô hữu.

Kế hoạch cứu độ là công trình chung của Ba Ngôi Thiên Chúa; bởi vì bản tính Thiên Chúa là một, nên Ba Ngôi chỉ có cùng một hoạt động. Nhưng đồng thời sự duy nhất không được làm lu mờ căn tính riêng biệt của từng ngôi vị. Do đó, phải nói rằng tạo vật phát xuất từ Thiên Chúa, qua Đức Giêsu Kitô và nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần. Sứ mạng của Chúa Con và của Chúa Thánh Thần, sự hiện diện và hoạt động của hai Ngôi vị này trong kế hoạch cứu độ phải biểu lộ đặc tính độc nhất của từng ngôi vị .

Sau hết, cùng đích của toàn bộ kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa là cho các thụ tạo được thông dự vào cuộc sống của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Ta làm gì đây ?



Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi là nguồn gốc phát sinh muôn vật, trong đó loài người đặc biệt được dự phần vào sự sống thần linh của Người. Hơn nữa, Thiên Chúa (Ngôi Cha) đã dựng nên vũ trụ cho loài người có nơi ăn chốn ở, có phương tiện sinh sống. Thiên Chúa (Ngôi con) đã xuống thế, trả lại sự sống thần linh mà nguyên tổ đã đánh mất. Thiên Chúa (Ngôi Thánh Thần) tiếp tục tăng cường sức sống thần linh nơi các tín hữu.

Như thế, loài người phải hết lòng cảm tạ Thiên Chúa Ba Ngôi nhất là phải năng tưởng nhớ Chúa Ba ngôi trong lòng ta như đền thờ Người.

Ta phải tin cậy kính mến, thờ lạy và biết ơn, nhất là phải năng tưởng nhớ Chúa Ba Ngôi ngự trong lòng ta như đền thờ Người. Sống đạo là bước theo Chúa Kitô trong quyền năng trợ giúp của Chúa Thánh Thần để về với Chúa Cha; và chỉ những ai sống yêu thương mới nhận và tuyên xưng mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống hàng ngày. Làm dấu Thánh giá giúp ta biết sự hiện diện của Ba Ngôi Thiên Chúa.

Chúng ta có thể quan niệm mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như một gia đình : Gia Đình Thiên Chúa. Gia đình tuy có ba thành phần khác nhau, song luôn luôn hiệp nhất với nhau. Yếu tố nòng cốt để có sự hiệp nhất trong gia đình chính là tình yêu, và tình yêu làm nên hạnh phúc, mà bản chất của Thiên Chúa lại là Tình yêu. Chúng ta cũng thuộc về Gia Đình Thiên Chúa, khi sống yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương chúng ta. Thực vậy, sống yêu thương là sống ở trong Thiên Chúa; và đó là Nước Trời, vì “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8). Gia đình yêu thương là làm cho hạnh phúc ngắn hạn của trần gian này được biến đổi trở thành hạnh phúc vĩnh cửu trong Gia Đình Thiên Chúa.

Nếu Thiên Chúa Ba Ngôi mà chúng ta tôn thờ là nguồn mạch tình yêu, đã trao ban tình yêu qua chương trình cứu độ, và sẵn sàng đón nhận mọi người hiệp thông với Ngài, thì Ngài cũng đang mong chờ thái độ đáp trả của chúng ta, một thái độ biết đón nhận, trao hiến và hiệp thông tình yêu với Ngài và với anh em đồng loại.

Chúng ta cùng cầu xin Chúa Thánh Thần, Đấng là tình yêu hiệp thông, luôn hướng dẫn đời sống mỗi người chúng ta, mỗi gia đình chúng ta, giúp chúng ta biết lắng nghe và thực hành lời của Đức Giêsu, để cùng với việc can đảm tuyên xưng niềm tin của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi, như qua việc làm dấu Thánh Giá, cầu nguyện, tham dự Thánh lễ, chúng ta biết sống bác ái yêu thương trong gia đình, khu xóm, cộng đoàn của mình, để xứng đáng là những nghĩa tử của Chúa Cha, và luôn được sống hiệp thông trong tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Giêsu Kitô đã cho biết: "Ai yêu mến Thầy thì sống theo lời Thầy, Cha của Thầy sẽ thương yêu người ấy, và chúng ta sẽ đến ở trong người ấy" (Gioan 14, 23).

Lm Joseph Nguyễn Văn Thư
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Lan Tím
Joseph Ngọc Phạm
07:48 23/05/2018
LAN TÍM
Ảnh của Joseph Ngọc Phạm
Ngắm lan tím thắm trên cành
Nhớ về áo tím hiền lành ngày xưa.
(bt)
 
VietCatholic TV
Thế Giới Nhìn Từ Vatican 24/05/2018: Giáo Hội Việt Nam vừa mất cơ hội có tân Hồng Y năm nay
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:55 23/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Công nghị Tuyên Thánh ngày 19/5: Đức Giáo Hoàng Phaolô VI và Đức Tổng Giám Mục Romero được tuyên thánh ngày 14 tháng 10.

Lúc 10h sáng thứ Bẩy 19 tháng 5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ tọa Công nghị Tuyên Thánh cùng với các Hồng Y đang có mặt tại Rôma. Công nghị đã đồng thanh biểu quyết tuyên thánh cho 6 vị:

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục (Giovanni Battista Montini)

Đức Tổng Giám Mục Oscar Arnulfo Romero Galdámez, tử vì đạo.

Cha Francesco Spinelli, linh mục triều, đấng sáng lập dòng các Nữ Tu Chầu Thánh Thể;

Cha Vincenzo Romano, linh mục triều;

Chị Maria Katharina Kasper, nữ tu sáng lập dòng Nữ tì khó nghèo của Chúa Giêsu Kitô;

Chị Nazaria Ignacia của Thánh Teresa Hài Đồng Giêsu (nhũ danh: Nazaria Ignacia March Mesa), nữ tu sáng lập dòng các Thập Tự Quân Truyền Giáo của Giáo Hội.

Trong công nghị, Đức Thánh Cha đã truyền ghi tên các vị Chân Phước này vào sổ bộ các Thánh vào ngày 14 tháng 10, 2018.

Cũng trong ngày 14 tháng 10, trong thời gian Thượng Hội Đồng Giám Mục về Thanh Niên kéo dài từ 3 đến 28 tháng 10, sẽ diễn ra lễ Tuyên Thánh cho Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục và Đức Tổng Giám Mục Oscar Romero.

2. Tòa Thánh công bố lá thư thoái vị của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI

Mười ba năm trước khi qua đời, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết thư cho Niên Trưởng Hồng Y Đoàn nói rằng nếu ngài bị bệnh nặng hoặc có những lý do đó cản trở việc thực thi chức vụ của mình, thì Niên Trưởng Hồng Y Đoàn và các Hồng Y cao cấp khác ở Rôma phải chấp nhận việc từ chức của ngài.

Bình luận về bức thư này, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: “Chúng ta phải cảm tạ Chúa đã hướng dẫn và gìn giữ Giáo Hội, vì Ngài đã thương cho Đức Thánh Cha Phaolô VI tiếp tục sứ vụ cho đến ngày cuối cùng của đời mình trong tư cách một người cha, một mục tử, một người thầy, một người anh và một người bạn.”

Toàn văn lá thư của Đức Thánh Cha Phaolô VI và lời bình luận ngắn gọn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã được đưa vào một cuốn sách mới vừa được xuất bản Ý, đó là cuốn “Con thuyền của Thánh Phaolô”. Tác giả là Đức Ông Leonardo Sapienza, Nhiếp Chính của Phủ Giáo Hoàng. Bức thư và lời bình luận cũng được công bố hôm 15 tháng 5 trên tờ Quan Sát Viên Rôma.

Đã có những lời đồn đại từ lâu về lá thư thoái vị của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI, và vào năm 2017 Đức Hồng Y Giovanni Battista Re, Phó Niên Trưởng Hồng Y, đã xác nhận rằng Đức Giáo Hoàng Phaolô VI đã viết một lá thư như vậy. Nhưng lá thư đó không được công bố cho đến khi cuốn sách của Đức Ông Sapienza được xuất bản.

Bức thư của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI được viết vào ngày 2 tháng 5 năm 1965, và được gửi đến Niên Trưởng Hồng Y Đoàn, vào thời điểm đó là Đức Hồng Y Eugene Tisserant, người Pháp.

Đức Ông Sapienza cũng đã xuất bản một lá thư từ Đức Thánh Cha Phaolô VI gởi đến Đức Hồng Y Amleto Cicognani, người Ý, lúc đó là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, thông báo cho ngài về lá thư đó và cho phép ngài đọc lá thư này.

Chân Phước Phaolô VI nói rằng ngài đã viết lá thư này với một “nhận thức trách nhiệm trước mặt Chúa và với một trái tim đầy lòng tôn kính và bác ái, là điều liên kết chúng ta với Giáo Hội Công Giáo thánh thiện, và với nhận thức rõ rệt về sứ mệnh truyền giáo của chúng ta với thế giới.”

“Trong trường hợp bệnh tật, được tin rằng không thể chữa trị được hoặc cần một thời gian dài điều trị và cản trở tôi thực hiện đầy đủ các chức năng của chức vụ tông đồ của mình; hoặc trong trường hợp xảy ra bất cứ một trở ngại nghiêm trọng và kéo dài nào,” Chân Phước Phaolô VI viết rằng ngài xin được thoái vị “cả chức vụ giám mục của Rôma cũng như người đứng đầu của Giáo Hội Công Giáo thánh thiện”.

Trong lá thư, Đức Thánh Phaolô VI cũng chính thức trao thẩm quyền cho Niên Trưởng Hồng Y Đoàn cùng với, ít nhất, các Hồng Y lãnh đạo các cơ quan trong giáo triều Rôma, và vị Hồng Y Giám Quản Giáo phận Rôma “chấp nhận và hiệu lực hóa” việc thoái vị của ngài vì lợi ích của Giáo Hội.

Nhận xét về bức thư, Đức Thánh Cha Phanxicô nói thêm rằng lá thư nàykhiến ngài “kính phục” đối với “chứng tá khiêm nhường và tiên tri về tình yêu dành cho Chúa Kitô và Hội thánh” của Đức Thánh Cha Phaolô VI.

“Khi đối diện với nhiệm vụ to lớn được giao phó cho ngài, khi đối diện với những phản đối và một xã hội đang trải qua những thay đổi chóng mặt, Đức Phaolô VI đã không rút lui khỏi trách nhiệm của mình”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết. “Điều quan trọng đối với ngài là nhu cầu của Giáo Hội và thế giới. Và một giáo hoàng mắc bệnh nghiêm trọng không thể thực hiện chức vụ tông đồ với hiệu quả đầy đủ.”

Giáo Luật quy định một vị giáo hoàng có thể từ chức, nhưng sự từ chức ấy phải được chính ngài bầy tỏ một cách “tự do và đúng cách”. Đó là những điều kiện khó xác định được khi một vị giáo hoàng mất khả năng nhận định sáng suốt vì bệnh tật. Chính vì thế, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã viết trước lá thư này.

3. Câu chuyện Đức Tổng Giám Mục Fulton J. Sheen

Ngày 13 tháng 5 vừa qua, Giáo Hội cử hành ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52, trong dịp này một nhân vật được coi là huyền thoại về truyền thông của Công Giáo Hoa Kỳ lại được nhắc đến như một gương sáng cho các ký giả Công Giáo.

Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen sinh ngày 8 tháng 5 năm 1895 và qua đời vào ngày 9 tháng 12 năm 1979. Án tuyên thánh cho ngài đang được xúc tiến.

Một vài tháng trước khi ông qua đời, Đức Tổng Giám Mục Fulton Sheen đã được phỏng vấn trên truyền hình quốc gia. Một trong những câu hỏi ông được đặt ra với ngài là: “Đức Cha đã truyền cảm hứng cho hàng triệu người trên khắp thế giới. Vậy ai là người truyền cảm hứng cho Đức Cha? Có phải đó là một giáo hoàng không?”

Câu trả lời của Đức Tổng Giám Mục đã gây kinh ngạc cho nhiều người:

“Đó không phải là một giáo hoàng, Hồng Y, một giám mục khác, hay thậm chí là một linh mục hay nữ tu, mà là một cô gái Trung Quốc mười một tuổi.”

Ngài kể rằng khi những người cộng sản chiếm được Trung Quốc, họ đã giam cầm một thừa sai trong nhà xứ của mình sát bên ngôi nhà thờ. Một ngày kia, trong khi bị nhốt trong nhà mình, vị linh mục nhìn ra ngoài cửa sổ và kinh hoàng khi thấy lính tráng cộng sản rầm rập bước vào nhà thờ. Chúng tiến lên cung thánh, mở cửa nhà tạm và trong một hành động đầy hận thù, đã quăng chiếc chén thánh xuống làm vung vãi Mình Thánh Chúa trên sàn nhà. Giữa hoàn cảnh nguy ngập của tình hình đã từ lâu, bị cô lập tứ bề, nhà thờ không còn nhận được bánh lễ và rượu lễ nên vị linh mục biết chính xác có bao nhiêu bánh thánh còn trong chén: ba mươi hai chiếc.

Rồi thì chúng bỏ đi, không chú ý đến một cô gái nhỏ đang núp trong những hàng ghế trong nhà thờ, là người đã thấy mọi thứ. Đêm đó, cô trở lại, và lén lút vượt qua tên lính vẫn ngồi canh trước cửa nhà xứ. Cô bước vào nhà thờ, nơi cô đã làm một giờ thánh có lẽ để đền tạ cho sự khinh miệt Thánh Thể mà cô đã chứng kiến.

Sau giờ thánh của mình, cô lên cung thánh, và quỳ gối xuống, cô đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh bằng lưỡi mình vì vào thời điểm đó, Giáo Hội không cho phép người giáo dân chạm vào Hình Bánh bằng tay của họ.

Mỗi đêm, cô gái trở về nhà thờ để làm giờ thánh của mình và đón nhận Chúa Giêsu trong Hình Bánh trên lưỡi của mình cũng giống như cô đã làm đêm đầu tiên. Vào đêm thứ ba mươi hai, sau khi rước chiếc bánh cuối cùng, cô vô tình tạo ra tiếng động đánh thức tên lính canh đang ngủ gật trước nhà xứ của vị linh mục. Từ cửa sổ phòng ngủ của mình, vị linh mục chứng kiến một cảnh tượng quá đau đớn đang mở ra trước mắt ngài. Cô gái cố gắng chạy nhưng tên lính bắt kịp cô và đánh cô đến chết bằng báng súng.

Khi Đức Giám Mục Sheen nghe câu chuyện được chính vị thừa sai kể lại trong một Đại Hội Thánh Thể, ngài cảm động đến rơi lệ, và đã hứa với Chúa, ngài sẽ làm một giờ thánh trước Thánh Thể mỗi ngày trong suốt cuộc đời còn lại của mình .. Và không chỉ trung tín với lời hứa của mình, nhưng trong mọi cơ hội có thể có, ngài luôn truyền bá lòng tôn sùng Thánh Thể.

4. Đức Thánh Cha công bố danh sách 14 tân Hồng Y – Việt Nam mất cơ hội có tân Hồng Y lần này

Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 20 tháng 5, lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thông báo rằng ngài sẽ tấn phong 14 tân Hồng Y vào ngày 29 tháng 6, lễ hai thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ.

Đức Thánh Cha nói các vị tân Hồng Y đến từ 11 quốc gia, “thể hiện tính phổ quát của một Giáo Hội tiếp tục công bố Lòng Thương Xót của Thiên Chúa cho tất cả mọi người trên trái đất này.”

Trong danh sách các Tân Hồng Y có ba vị trên 80 tuổi “nổi bật vì sự phục vụ của các ngài dành cho Giáo Hội.”

Ngay tại thời điểm hiện nay, khi Đức Thánh Cha công bố quyết định này, Hồng Y Đoàn có 213 thành viên, trong đó có 115 vị dưới 80 tuổi và do đó hội đủ điều kiện bỏ phiếu trong một mật nghị bầu tân giáo hoàng.

Đức Hồng Y Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Tuyên Thánh, sẽ mừng sinh nhật lần thứ 80 của ngài vào ngày 8 tháng Sáu. Như thế, vào ngày 29 tháng 6, Hồng Y Đoàn dự kiến sẽ có 227 vị trong đó 125 vị là Hồng Y cử tri.

Sau ngày 29 tháng 6, số Hồng Y cử tri do Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong sẽ chiếm gần một nửa. Mười chín vị Hồng Y cử tri do Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tấn phong; và 47 vị do Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tấn phong.

Các tân Hồng Y đến từ: Iraq, Tây Ban Nha, Ý, Ba Lan, Pakistan, Bồ Đào Nha, Peru, Madagascar, Nhật Bản, Mexico và Bolivia.

Các Hồng Y mới, được liệt kê theo thứ tự được Đức Thánh Cha Phanxicô thông báo, là:

- Thượng phụ Chaldean Louis Raphael I Sako, 69 tuổi, người Iraq.

- Đức Tổng Giám Mục Luis F. Ladaria, 74 tuổi, người Tây Ban Nha, Tổng trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

- Đức Tổng Giám Mục Angelo De Donatis, 64 tuổi, người Ý, Giám quản Giáo phận Rome.

- Đức Tổng Giám Mục Giovanni Angelo Becciu, 69 tuổi, người Ý, Phụ Tá Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh.

- Đức Tổng Giám Mục Konrad Krajewski, 54 tuổi, người Ý, Quan Phát Chaẩn của Đức Giáo Hoàng.

- Đức Tổng Giám Mục Joseph Coutts của Karachi, 72 tuổi, người Pakistan,.

- Đức Giám Mục Antonio dos Santos Marto của giáo phận Leiria-Fatima, 71 tuổi, người Bồ Đào Nha.

- Đức Tổng Giám Mục Pedro Barreto của Huancayo, 74 tuổi, người Peru.

- Đức Tổng Giám Mục Desire Tsarahazana của Toamasina, 63 tuổi, người Madagascar.

- Đức Tổng Giám Mục Giuseppe Petrocchi của L’Aquila, Ý, 69 tuổi.

- Đức Tổng Giám Mục Thomas Aquinas Manyo Maeda ở Osaka, Nhật Bản, 69 tuổi.

- Đức Tổng Giám Mục Sergio Obeso Rivera, Tổng Giám Mục đã nghỉ hưu của Xalapa, Mexico, 86 tuổi.

- Đức Giám Mục Toribio Ticona Porco, vị giám mục về hưu của Corocoro, Bolivia, 81 tuổi.

- Cha Claretian Aquilino Bocos Merino, 80 tuổi, người Tây Ban Nha.

Trong 11 vị Hồng Y dưới tuổi 80 được tấn phong lần này có đến 3 vị thuộc Á Châu, nơi tỷ lệ gia tăng dân số Công Giáo từ 4 đến 5%. Trong tất cả các châu lục, Á Châu là lục địa mênh mông nhất. Với hơn 3.6 tỷ dân, Á châu là lục địa đông dân nhất toàn cầu. Tuy nhiên, đây lại chính là nơi có tỷ lệ người Công Giáo thấp nhất thế giới. Tỷ lệ người Công Giáo tại Á Châu chỉ có 3.3% so với 15.27% tại Phi Châu, 25.24% tại Đại Dương Châu, 37.85% tại Âu Châu, và 59.08% tại Mỹ Châu. Chính vì thế, các triều đại Giáo Hoàng gần đây đều rất chú ý đến Á Châu.

Vào ngày 1 tháng Tư vừa qua, Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn đã qua tuổi 80, Việt Nam không còn cử tri Hồng Y nào.

Đức Hồng Y Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Sàigòn vào ngày 1 tháng Ba năm 1998, và 5 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 21 tháng 10 năm 2003. Đức Hồng Y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn được bổ nhiệm Tổng Giám Mục Hà Nội vào ngày 13 tháng Năm năm 2010, và hơn 4 năm sau được tấn phong Hồng Y ngày 14 tháng Hai năm 2015. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc cũng đã coi sóc tổng giáo phận được 4 năm.

Với cái chết đột ngột của Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Giáo Hội tại Việt Nam có lẽ vừa mất đi một cơ hội để có vị Hồng Y thứ Bẩy trong năm nay.

Sau khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng vào tháng Ba năm 2013, từ năm 2014, mỗi năm Đức Thánh Cha đều tấn phong các tân Hồng Y. Công nghị tấn phong 14 vị lần này là Công Nghị tấn phong Hồng Y lần thứ 5. Trong 4 lần trước, Đức Thánh Cha đã tấn phong tổng cộng 61 vị Hồng Y từ 43 quốc gia, trong đó có 15 quốc gia chưa bao giờ có Hồng Y.

5. Phản ứng của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ về vụ thảm sát tại trường trung học Santa Fe

Một thiếu niên 17 tuổi trang bị một khẩu tiểu liên và một khẩu súng lục đã nổ súng tại một trường trung học ở tiểu bang Texas, Hoa Kỳ, giết chết ít nhất 10 người và làm bị thương 10 người khác.

Tay súng, được cảnh sát xác định là Dimitrios Pagourtzis, đã bị bắt giam vì tội giết người sau vụ tấn công vào sáng thứ Sáu tại trường trung học Santa Fe, ở phía đông nam Houston khoảng 50km.

Thống đốc Texas là ông Greg Abbott cho biết vụ nổ súng, diễn ra chỉ vài phút trước 8 giờ sáng thứ Sáu 18 tháng 5, là “một trong những cuộc tấn công ghê tởm nhất mà chúng tôi từng thấy trong lịch sử các trường học tại Texas”.

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo của Galveston-Houston, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ, đã đưa ra tuyên bố sau:

“Cộng đồng chúng ta và Giáo Hội tại địa phương hiệp thông trong biến cố vừa được thêm vào một danh sách ngày càng dài những người bị ảnh hưởng bởi cái ác do bạo lực súng đạn gây ra.

Tôi gởi những lời cầu nguyện chân thành của tôi, cùng với các giám mục anh em của tôi, đến tất cả những người đã chết, gia đình và bạn bè của họ, những người bị thương, và đến cộng đồng địa phương.

Đáng buồn thay, tôi lại phải một lần nữa chỉ ra sự rạn nứt rõ ràng trong văn hóa và xã hội của chúng ta, khi những đứa trẻ sáng nay cắp sách đến trường để học hỏi và các thầy cô đến đó để truyền cảm hứng cho họ sẽ không về nhà nữa.

Chúng ta là một quốc gia, ở đây và bây giờ, phải nói một tiếng dứt khoát: không còn những cái chết như thế nữa!

Chúa chúng ta là Chúa của sự sống. Xin Chúa hiện diện cùng chúng ta trong nỗi buồn này và chỉ cho chúng ta cách thức tôn vinh món quà quý giá của sự sống và cách thức sống trong hòa bình.”

6. Thư Đức Phanxicô gửi các giám mục Chí Lợi sau các cuộc gặp gỡ 3 ngày

Lúc 6 giờ 40 tối thứ Năm 17 tháng 5, cuộc gặp gỡ thứ tư và sau cùng của Đức Thánh Cha với 34 giám mục Chí Lợi đã kết thúc tại đại thính đường Phaolô Đệ Lục. Cuối thời gian suy tư, trao đổi và gặp gỡ huynh đệ này, Đức Phanxicô đã trao cho mỗi vị giám mục anh em của ngài lá thư sau đây bằng tiếng Tây Ban Nha:

Các hiền huynh thân mến trong hàng giám mục, tôi muốn cám ơn các hiền huynh đã nhận lời mời của tôi để, cùng nhau, chúng ta có thể thực hiện một cuộc biện phân thành thực về các biến cố nghiêm trọng đã gây hại cho sự hiệp thông giáo hội và làm suy yếu việc làm của Giáo Hội tại Chí Lợi trong mấy năm qua.

Dưới góc độ các biến cố đau lòng trên liên quan tới việc lạm dụng trẻ em, lạm dụng quyền lực và lạm dụng lương tâm, chíng ta đã trao đổi các quan điểm về tính nghiêm trọng của chúng cũng như các hậu quả bi đát chúng đã đem lại, đặc biệt đối với các nạn nhân.

Đức Thánh Cha viết tiếp:

Đối với mỗi nạn nhân, tôi hết lòng xin sự tha thứ, lời xin mà các hiền huynh vốn hợp nhất một lòng và với quyết tâm sửa chữa sự thiệt hại đã gây ra. Tôi cám ơn các hiền huynh vì sự hoàn toàn sẵn lòng mà mỗi hiền huynh đã chứng tỏ trong việc tham gia và hợp tác trong mọi thay đổi và quyết nghị mà chúng ta sẽ thực thi trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn để tái lập công lý và hiệp thông giáo hội.

Sau những ngày cầu nguyện và suy niệm này, tôi chỉ thị cho các hiền huynh tiếp tục xây dựng một Giáo Hội tiên tri biết đặt vào tâm điểm điều quan trọng nhất này là: phục vụ Chúa nơi người đói ăn, nơi tù nhân, nơi di dân, nơi người bị lạm dụng.

Xin các hiền huynh đừng quên cầu nguyện cho tôi. Xin Chúa Giêsu chúc lành cho các hiền huynh và xin Đức Trinh Nữ Maria chăm sóc các hiền huynh.

7. Tất cả các Giám Mục Chí Lợi từ chức

Vào lúc bế mạc cuộc họp 3 ngày với Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tất cả các Giám Mục Chí Lợi đều yêu cầu các nạn nhân của vụ tai tiếng lạm dụng tính dục ở quốc gia này tha thứ và đệ đơn từ chức lên Đức Giáo Hoàng.

Trong một tuyên bố ngày 18 tháng 5, các Giám Mục đã cảm ơn Đức Giáo Hoàng Phanxicô về “sự lắng nghe hiền phụ và sự sửa sai trong tình huynh đệ” và cầu xin sự tha thứ cho những nỗi đau gây ra cho các nạn nhân, cho Đức Giáo Hoàng, dân Chúa và quốc gia vì “những thiếu sót và sai lầm nghiêm trọng” của các ngài.

Bản tuyên bố đã được đọc cho giới báo chí nghe bằng tiếng Tây Ban Nha bởi Đức Giám Mục Juan Ignacio González của San Bernardo, một thành viên của ủy ban quốc gia Chí Lợi về bảo vệ trẻ vị thành niên; và sau đó bằng tiếng Ý bởi Đức Giám Mục Fernando Ramos, Giám Mục Phụ Tá Santiago và là thư ký của Hội Đồng Giám Mục Chí Lợi.

Trong bản tuyên bố, các Giám Mục cũng cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Charles Scicluna người Malta và Đức Ông Jordi Bertomeu, người Tây Ban Nha, về cuộc điều tra sâu rộng liên quan đến cuộc khủng hoảng mà hai vị đã thực hiện hồi đầu năm nay.

Các Giám Mục cũng cảm ơn các nạn nhân vì “sự bền đỗ và lòng can đảm của họ, bất chấp những khó khăn rất lớn về phương diện cá nhân, tinh thần, xã hội và gia đình mà họ phải đối mặt,” nhiều lần giữa sự hiểu lầm và tấn công từ chính cộng đồng giáo hội của họ.

Các Giám Mục cũng cầu mong sự giúp đỡ của các nạn nhân để Giáo Hội tại Chí Lợi vượt qua tình trạng khó khăn hiện nay và nói rằng vào cuối phiên họp sau cùng với Đức Thánh Cha vào ngày 17 tháng Năm, mỗi Giám Mục đang tại chức đã trình lên Đức Thánh Cha thư từ chức của các ngài và chờ quyết định của Đức Thánh Cha.

Trong cuộc gặp gỡ giới báo chí, Đức Cha González cho biết bây giờ các Giám Mục sẽ trở lại giáo phận của các ngài và sẽ tiếp tục công việc như thường lệ cho đến khi nhận được chỉ thị của Đức Giáo Hoàng. Ngài sẽ bác bỏ việc từ chức này, hay chấp nhận ngay lập tức, hoặc giải quyết đơn này khi có thể bổ nhiệm được một Giám Mục khác.

Trong cuộc họp từ ngày 15 đến 17 tháng 5 giữa Đức Thánh Cha và các Giám Mục Chí Lợi, có 32 vị là Giám Mục đương chức và 2 vị đã về hưu. Các ngài đã được chính Đức Thánh Cha Phanxicô triệu tập vào tháng trước sau cuộc điều tra của Đức Tổng Giám Mục Scicluna và Đức Ông Bertomeu về tai tiếng lạm dụng tính dục tại Chí Lợi, dẫn đến một báo cáo dài 2,300 trang.

8. Tình cảnh khốn cùng của 7000 người thiểu số Kachin tại Myanmar trên đường trốn chạy

Theo Thông tấn xã Fides từ Yangon, hơn 7,000 người Công Giáo thuộc dân tộc thiểu số Kachin, ở miền bắc Miến Điện, đã bị buộc phải bỏ nhà cửa trốn chạy vì sự leo thang bạo lực giữa quân đội Miến Điện và các phiến quân độc lập Kachin. Đức Giám Mục Francis Daw Tang, đứng đầu giáo phận Myitkyina, ở bang Kachin xác nhận với Thông tấn xã Fides như trên.

Ngài giải thích: “Vào đầu tháng Tư, quân đội Miến Điện đã bắt đầu tấn công khu vực biên giới với Trung Quốc. Nhiều làng bị tấn công và dân chúng bắt đầu di tản. Nhiều người đã bị kẹt trong rừng ba tuần nay, không có thức ăn và không được đi đâu cả, vì họ bị tình nghi là những người cộng tác với đám quân nổi loạn”.

Đức Cha cho biết tiếp “Những người tị nạn đã đến giáo xứ Tanghpre. Hiện tại đã có 243 gia đình đến được giáo xứ, tổng cộng khoảng 1200 người. Số 600 người khác đã đến Palana, tại nhà thờ Thánh Gioan Tẩy Giả, và nhiều người khác chia thành các nhóm nhỏ đã đến trú ẩn trong một số các nhà thờ khác”.

Ngài nói thêm rằng “Caritas Miến Điện đang trợ giúp những người này! Hôm qua, một số khoảng 400 người đã tới được thủ phủ Kachin, là Myitkyina, nơi đã có hơn 4000 người tị nạn khác.”

Theo nhà phân tích chính trị Stella Naw, những gì đang xảy ra ở phía bắc Miến Điện “là một cuộc chiến mà người dân vô tội trở thành nạn nhân của quân đội Miến Điện, trong khi cộng đồng quốc tế làm lơ tình trạng khốn cùng này”, và mặc kệ những khủng hoảng đangxảy ra với người Hồi giáo Rohingya.

Bà Yanghee Lee, đặc sứ Liên Hiệp Quốc về nhân quyền đã kêu gọi hãy chấm dứt ngay cuộc chiến này. Bà nói: “Những gì chúng ta đang chứng kiến là không thể chấp nhận được: thường dân vô tội bị giết và bị thương và hàng trăm gia đình đang trốn chạy để tránh cái chết”!

9. Luật trợ tử của tiểu bang California bị một thẩm phán Tòa Thượng Thẩm lật ngược

Một phán quyết được một thẩm phán California công bố hôm 15 tháng 5 đã đảo ngược luật của tiểu bang cho phép trợ tự. Diễn biến này rất đáng khích lệ vì nó “là một luật tồi tệ”, Ned Dolejsi, giám đốc điều hành của Diễn Đàn Công Giáo California nói.

Dolejsi nói trong một tuyên bố đưa ra hôm 16 tháng 5 cho biết: “Ai cũng biết rõ lập trường chống lại luật trợ tử của chúng tôi, nhưng luật này cũng bị phản đối bởi một liên minh rộng lớn các bác sĩ, y tá, những người cao niên và cộng đồng những người khuyết tật, là những người đã chiến đấu chống lại luật này vì nhiều lý do.”

Thẩm Phán Daniel Ottolia của Tòa Thượng Thẩm Quận Riverside phán quyết rằng các nhà Lập Pháp California đã vi phạm luật hiện hành khi thông qua Đạo Luật Lựa Chọn Cuộc Sống Cuối Đời trong một phiên nhóm đặc biệt dành riêng cho việc chăm sóc sức khỏe. Luật 2015, có hiệu lực vào tháng 6 năm 2016, theo đó các bác sĩ được quyền kê toa thuốc trợ tử cho bất kỳ bệnh nhân nào khi có hai bác sĩ xác nhận rằng bệnh nhân không thể sống lâu hơn sáu tháng nữa.

Phản ứng trước diễn biến này Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ cho biết: “Chúng tôi chào mừng diễn biến luật trợ tử của California giờ đây bị lật ngược lại. Trợ tử không phải là chăm sóc sức khỏe. Chúng tôi cầu nguyện rằng phán quyết đáng khích lệ này sẽ không bị lật lại và các nhà lập pháp sẽ suy nghĩ lại sai lầm thảm khốc này, từ chối việc trợ tử và bảo vệ tất cả bệnh nhân.”

10. Vị Hồng Y cổ vũ mạnh mẽ cho Phụng Vụ Latinh qua đời ở tuổi

Đức Hồng Y Darío Castrillón Hoyos, nhà vô địch cổ vũ mạnh mẽ cho Phụng Vụ Latinh, đã qua đời ở Rome, hưởng thọ 88 tuổi.

Đức Hồng Y người Colombia đã từng là chủ tịch của ủy ban giáo hoàng Ecclesia Dei khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 công bố Tự Sắc “Summorum Pontificum”, cho phép cử hành rộng rãi Phụng Vụ Latinh cũ.

Ngày mùng 7-7-2007 Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã công bố thư gửi các Giám Mục Công Giáo toàn thế giới để giới thiệu Tự Sắc “Summorum Pontificum” về việc dùng phụng vụ Latinh trước khi có cuộc cải tổ năm 1970.

Ngài cho biết đây là kết qủa các suy tư, tham khảo và cầu nguyện lâu dài. Ngài trả lời cho hai nỗi lo lắng: thứ nhất là nỗi lo sợ cho rằng việc dùng lễ nghi phụng vụ cũ tiếng Latinh gây thiệt hại cho quyền bính của Công Đồng Chung Vatican II và các quyết định của Công Đồng, trong đó có quyết định liên quan tới việc cải tổ phụng vụ; và thứ hai là nỗi lo sợ cho rằng việc dùng Sách Lễ cũ tiếng Latinh năm 1962 có thể tạo ra các hỗn loạn và chia rẽ trong các cộng đoàn giáo xứ.

Sau Tự Sắc này, Đức Hồng Y trở thành người ủng hộ nhiệt tình cho Thánh lễ Latinh. Ngài thậm chí còn tuyên bố rằng Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI muốn mọi giáo xứ đều có Thánh Lễ Latinh, chứ không chỉ những nơi có nhu cầu.

“Tất cả các giáo xứ. Chứ không phải là nhiều giáo xứ - tất cả các giáo xứ, bởi vì đây là ân sủng của Thiên Chúa,” Ngài nói như trên với Catholic Herald vào năm 2008. “Đức Giáo Hoàng đem lại sự phong phú này, và điều quan trọng là các thế hệ mới phải biết quá khứ của Giáo Hội. Hình thức thờ phượng này rất cao quý, quá đẹp – đó là cách thức thể hiện đức tin của chúng ta sâu sắc nhất về mặt thần học”

Ngài đã trở thành vị Hồng Y đầu tiên trong 40 năm cử hành Phụng Vụ Latinh tại Nhà thờ Westminster.

Đức Hồng Y Castrillón Hoyos sinh năm 1929. Ngài được thụ phong linh mục năm 1952 và được tấn phong giám mục năm 1971. Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng ngài lên hàng Hồng Y vào năm 1998 và bổ nhiệm ngài vào chức vụ Tổng trưởng Bộ Giáo Sĩ. Sau đó, ngài là Chủ tịch Ủy ban Giáo hoàng Ecclesia Dei từ năm 2000 đến 2009.

11. Đức Thánh Cha đã gặp gỡ phái đoàn Phật giáo Thái Lan

Hôm thứ Tư 16/5, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đón tiếp một cách đặc biệt phái đoàn Phật giáo từ Thái Lan trong Đại thính đường Phaolô VI tại Vatican. Ngài nói:

“Tôi hân hoan và nồng nhiệt đón chào và cảm ơn món quà quý giá là cuốn sách thiêng liêng mà quí thiền sư chùa Wat Pho đã dịch ra ngôn ngữ thời nay. Đó là một dấu hiệu hữu hình cho tâm tình huynh đệ của quí vị và tình thân hữu mà chúng tôi luôn dành cho quí vị. Tôi liên tưởng tới cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha Phaolô VI và Hòa Thượng Somdej Phra Wanaratana tại Vatican xưa kia mà tấm hình chụp được tìm thấy ở cửa ra vào của đại thính đường này; và tại Hội đồng Giáo Hoàng về Đối thoại Liên tôn, mà quí vị ghé thăm trong những ngày này.”

Ước muốn chân thành của tôi là Phật giáo và Công Giáo sẽ ngày càng gần gũi nhau hơn, nâng cao hiểu biết về nhau, tôn trọng truyền thống tâm linh của nhau hầu cung cấp cho thế giới những chứng tích giá trị về công lý, hòa bình và bảo vệ phẩm giá con người.

Với lòng biết ơn về cuộc gặp gỡ này, tôi chân thành gửi tới quí vị phép lành thiêng liêng của niềm vui và hòa bình.”

12. George Weigel: Cộng sản sẽ tàn, đừng xun xoe nịnh bợ để rồi tàn theo nó

Tiến sĩ George Weigel

Các cuộc đàm phán giữa Tòa Thánh và Bắc Kinh đã khựng lại vào thời điểm này khiến nhiều người có thể thở phào nhẹ nhõm. Người ta chưa rõ lý do cho sự khựng lại này nhưng theo Catholic Herald có thể có một cái gì đó liên quan đến tình trạng của Đài Loan. Bất kể điều gì đang diễn ra đằng sau hậu trường, tất cả những người Công Giáo chúng ta nên có sự cảm thông rất lớn đối với những người Đài Loan dũng cảm - những người đề cao dân chủ và thực hành một sự khoan dung tôn giáo, và những người đã sống trong căng thẳng với sự hiếu chiến của Trung Quốc gần bảy mươi năm qua. Chúng ta nên cầu nguyện rằng Đài Loan không bị vất bỏ với hy vọng giành được ưu ái của Bắc Kinh.

Trong bài The Holy See, China, and Evangelization (Tòa Thánh, Trung Quốc, và Phúc Âm Hóa), đăng trên First Thing, George Weigel, người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, đã một lần nữa nhắc nhở chúng ta về những hệ quả về mặt tôn giáo, và thực tiễn trong một thỏa thuận với Trung Quốc. George Weigel viết:

Chế độ cộng sản ở Trung Quốc tự bản chất là không ổn định, dù cho những gì xuất hiện trên bề mặt có vẻ là một mô hình phát triển thành công. Cộng sản Trung Quốc sẽ không cai trị Trung Quốc muôn đời. Và khi một Trung Quốc hậu cộng sản cuối cùng được mở ra với thế giới, Trung Quốc sẽ trở thành một cánh đồng truyền giáo mênh mông lớn nhất kể từ khi người châu Âu đặt chân đến bán cầu này vào thế kỷ thứ mười sáu. Một khi Vatican nhượng bộ và để cho đảng cộng sản Trung Quốc nắm giữ những vai trò quan trọng trong đời sống nội bộ của Giáo hội, đạo Công Giáo trở nên đồng nhất với một chế độ cộng sản thối nát, thì sẽ có những bất lợi nghiêm trọng về truyền giáo ở Trung Quốc trong tương lai.

13. Ðức Giáo hoàng Phanxicô sẽ thăm trung tâm chăm sóc người vô gia cư ở Ái Nhĩ Lan.

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thăm Ái Nhĩ Lan nhân Ðại hội gia đình thế giới được tổ chức tại Dublin. Theo chương trình chính thức, ngài sẽ viếng thăm Ðại hội gia đình tại công viên Croke vào thứ Bảy 25 tháng 08 năm 2018; và vào ngày Chúa Nhật 26 tháng 8 năm 2018, ngài sẽ cử hành Thánh lễ tại công viên Phoenix của Dublin.

Bên cạnh đó, Đức Thánh Cha cũng sẽ thăm trung tâm chăm sóc người vô gia cư của dòng Capuchin ở Dublin.

Cuộc viếng thăm của Ðức Giáo hoàng tại trung tâm này sẽ diễn ra vào trưa thứ Bảy, 25 tháng 08 năm 2018, không lâu sau khi ngài đến Ái Nhĩ Lan.

Tu huynh Kevin Crowley, 82 tuổi, thuộc dòng Capuchin, từ hơn 40 năm nay đã chăm sóc cho những người nghèo và người vô gia cư tại đây đã cám ơn Ðức Tổng Giám mục Diarmuid Martin về việc sắp xếp cuộc viếng thăm của Ðức Giáo hoàng

Mỗi ngày trung tâm Capuchin cung cấp khoảng 1,000 bữa ăn nóng và mỗi tuần phân phát khoảng 1,400 đến 2,000 gói thực phẩm. Mỗi năm trung tâm cần khoảng 3 triệu euro để hoạt động. Trung tâm cũng phân phát quần áo cũng như các dịch vụ y tế và xã hội nhờ các chuyên viên dành thời gian của họ để giúp đỡ mà không nhận lương.

14. Đức Giáo Hoàng đấu giá chiếc Lamborghini lấy tiền giúp tái định cư các Kitô hữu Iraq

“Chúng tôi rất biết ơn Đức Thánh Cha Phanxicô vì cử chỉ hiền phụ này. Đức Giáo Hoàng là người cha của toàn thể Giáo Hội và nghĩ đến tất cả mọi người, đặc biệt là những người đang đau khổ như chúng tôi.”

Đức Thượng Phụ Công Giáo Chanđê thành Babylon, là Đức Hồng Y Louis Raphaël Sako, đã nói như trên khi hay tin chiếc Lamborghini Huracan độc nhất vô nhị trên thế giới - mà nhà sản xuất xe đã trao cho Đức Giáo Hoàng vào mùa thu năm ngoái - đã được bán đấu giá vào hôm 12 tháng 5, 2018 với số tiền lên đến 840,000 đô la.

Theo mong muốn của Đức Giáo Hoàng, số tiền trên đang được sử dụng cho các mục đích bác ái, trong đó phần lớn số tiền được trao cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ để hỗ trợ các dự án giúp xây dựng lại các làng Kitô giáo trên vùng đồng bằng Nineveh ở Iraq.

Tính đến ngày 7 tháng 5 năm 2018, số gia đình đã trở về vùng đồng bằng Nineveh là 8,768 gia đình, tức là hơn 45% trong số 19,452 gia đình bị buộc phải bỏ chạy khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS tấn công vào khu vực này hồi tháng 6 năm 2014.

“Chúng tôi sẽ có thể làm nhiều hơn nữa với món quà của Đức Giáo Hoàng. Tôi cảm tạ Đức Thánh Cha bằng cả trái tim mình, nhưng đồng thời xin tất cả những ai có thể hãy giúp hỗ trợ các Kitô hữu trên vùng đồng bằng Nineveh”, Đức Hồng Y Louis Sako nói thêm.

Kể từ khi bọn khủng bố Hồi Giáo IS bắt đầu tấn công vào miền bắc Iraq, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã quyên góp 44 triệu đô la cho các dự án viện trợ khẩn cấp và nhân đạo tại Iraq.

15. Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle kêu gọi cầu nguyện và ăn chay trước nạn tin giả tại Phi Luật Tân

Đức Hồng Y Louis Antonio Tagle, Tổng Giám mục Manila, đã kêu gọi cầu nguyện và ăn chay vì Phi Luật Tân đang phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng của sự thật” do những tin giả và các nguồn tin bị chính trị đảng phái chi phối gây ra.

Đức Hồng Y đã kêu gọi như trên trong một lá thư được Tổng Giáo Phận Manila gửi đến các ký giả vào hôm thứ Năm, 17 tháng Năm, và được ký bởi Đức Hồng Y Tagle vào ngày Chúa Nhật, 13 tháng Năm, ngày Truyền Thông Thế Giới.

Trong thư gửi các linh mục, nam nữ tu sĩ của Tổng Giáo Phận Manila, Đức Hồng Y Tagle yêu cầu các vị cử hành 12 ngày cầu nguyện và ăn chay từ ngày 20 tháng Năm, Chúa Nhật Lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống, cho đến ngày 31 tháng Năm, Lễ Đức Mẹ Thăm Viếng Bà Thánh Elizabeth.

Trong thời gian này, các nhà thờ trong tổng giáo phận Manila sẽ rung chuông nhà thờ vào lúc 3 giờ chiều để tưởng nhớ đến cái chết của Chúa, cầu xin các ơn của Chúa Thánh Thần, và đọc kinh kính Lòng Thương Xót.

Anh chị em giáo dân và hàng giáo sĩ được khích lệ ăn chay hoặc làm một việc “bác ái cụ thể hay một hành động phục vụ”.

Ngài khích lệ việc cử hành long trọng ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống là lễ “chân lý và tình yêu”, bao gồm các chương trình học hỏi về thiện ích chung.

Đức Hồng Y Tagle nhấn mạnh rằng “Chúng ta cần xin Chúa tha thứ vì những tội lỗi xúc phạm đến chân lý và mở lòng mình ra với các tác động của Thánh Linh là Thần Chân Lý.”

“Qua việc ăn chay hãm mình, chúng ta chuyển hướng trọng tâm các hành động của mình từ thái độ vị kỷ hướng đến các thiện ích cộng đồng.”

Ngài nhận xét rằng:

“Cuộc khủng hoảng sự thật đã gieo những hạt giống nghi kỵ, oán giận và chia rẽ. Chính trị đảng phái đã gây ra những thiệt hại cho thiện ích chung của quốc gia”
 
TV Thời Sự Giáo Hội và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Năm 24/5/2018: Chung tay góp sức xây tượng đài Đức Mẹ La Vang và Bia Bát Phúc bên Do Thái
VietCatholic Network
21:42 23/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây

Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Tiếp Kiến Chung với Đức Thánh Cha, Thứ Tư ngày 23 tháng 5.

2- Đức Thánh Cha nói: Giáo Hội có đặc tính của người phụ nữ và người mẹ như Mẹ Maria.

3- 3 sự quan tâm của Đức Thánh Cha về Giáo Hội tại Italia.

4- Tòa Thánh công bố lá thư thoái vị của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI.

5- Hội Nghị Liên Tôn “Pháp và Ngôn” tại Vatican.

6- Tân đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam.

7- Đức TGM Philip Wilson của Úc Đại Lợi bị 2 năm tù vì một Linh mục dưới quyền xâm phạm tình dục trẻ em.

8- Chung tay góp sức xây tượng đài Đức Mẹ La Vang và Bia Bát Phúc bên Do Thái.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Ave Maria.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết