Ngày 22-05-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
''Thầy là đường, là sự thật và là sự sống''
LM Phêrô Hồng Phúc
08:56 22/05/2011
Khi Đức Giêsu tuyên bố “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), thì tất cả những điều quan trọng nhất của đời người được gói trọn trong lời nói đó. Người ta sống phải có mục đích. Công danh, sự nghiệp là mục đích để người ta nhắm tới. Thành công và ước vọng là đôi cánh nâng con người lên cao để tìm thấy ý nghĩa của cuộc đời. Những người mất phương hướng giống như máy bay đang bay bị mất phương hướng thì không biết đáp xuống đâu. Và như vậy, đường hướng để con người biết đạt tới mục đích của cuộc đời là vô cùng quan trọng. Sống thiếu định hướng, đời không có nghĩa lý gì. Vì vậy, khi xưng mình là Đường. Chúa Giêsu đã nói tới mục đích mà con người phải vươn tới. Hạnh phúc mà con người muốn có được thì Chúa chính là Đường.

Trong xã hội, người ta cũng đã hiểu lầm nhau, kết án nhau, chiến tranh, hận thù giết chóc, khủng bố... Tất cả cũng chỉ vì lòng tham và lừa gạt. Nếu có sự thật thì đã không hiểu lầm, đã không gian dối, đã không lừa gạt, không khủng bố và không còn chiến tranh. Sự thật là những gì mà con người cần phải trân trọng. Từ đó, sự thật giải thoát chúng ta khỏi những tăm tối, những con đường bát quái mà người ta đi vào không có đường ra. Như vậy, sự thật là điều mà ai cũng mong muốn. Để đạt tới sự thật thực không dễ, vì “nhân vô thập toàn”. Mỗi người nhìn chân lý ở mỗi góc độ khác nhau, và người nào cũng nghĩ mình nắm giữ sự thật nhưng tất cả thế giới cộng lại cũng chưa nắm giữ được sự thật, và vì thế, khi Chúa tuyên bố “Thầy là sự thật” thì đây chính là điều mà con người phải đạt tới trong Đức Giêsu Kitô.

Người ta ước mơ sống mãi ở đời này. Người ta đi tìm thuốc trường sinh bất tử. Như Tần Thủy Hoàng (259 – 210 TCN) của Trung Quốc, hay Alexander Đại đế (356 – 323 TCN) của Hy Lạp đã tốn biết bao nhiêu tiền của, trí tuệ và thời gian để đi tìm thuốc trường sinh, chỉ là những ước mơ hão huyền. Người ta ca tụng nhau: “Hoàng đế vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế”, chỉ là những sáo ngữ. Có ai là người sống mãi được không? Nhưng sự sống đích thật ở trong tay một Đấng giữ bản quyền. Đấng tối cao hôm nay tuyên bố: “Ta là sự sống”. Nếu Đức Giê su tuyên bố những từ ngữ ngắn gọn và đầy đủ này mà sai sự thật thì Tin Mừng 2000 năm của Chúa đã bị kết án. Không một vĩ nhân nào, không một tôn giáo, một nhà lập pháp nào dám tuyên bố mình là đường, mình là sự thật, mình là sự sống. Có thể có những người lãnh đạo tuyên bố mình là đường lối nhưng những tuyên bố đó chỉ đúng trong một vài thập kỷ, chỉ đúng trong những giai đoạn lịch sử, còn thì không thể phổ thông và mang tính vĩnh cửu. Đức Giê su là người duy nhất đã tuyên bố mà không bao giờ phải rút lời. Đường, sự thật và sự sống kết hợp lại với nhau chính là tôn giáo.

Tôn giáo phải có mục đích. Như người ta nói “Có thực mới vực được đạo” và đi đạo chính là để đạt tới cứu cánh là sự sống đời đời. Chúa Giê su tuyên bố “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” chính là điều mà chúng ta được mời gọi để đến với Chúa cho chúng ta được hạnh phúc. Vậy mà Philiphe còn thưa với Chúa Giêsu rằng: “Lạy Thầy, xin tỏ cho chúng con thấy Cha, và như thế là đủ cho chúng con”(Ga 14,8). Một lần nữa Chúa Giêsu tỏ cho chúng ta thấy một chân lý mạc khải tiếp theo: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha. Tại sao con lại nói 'Xin Thầy tỏ Cha cho chúng con? Con không tin rằng Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy sao?'”(Ga 14,9). Như vậy, khi nhìn nhận Đức Giê su Ki tô là Thiên Chúa làm người thì con người đã có thể hạnh phúc ngay từ trần gian này. Nhưng Nước Trời chỉ viên mãn trong vinh quang của Chúa Kitô Phục Sinh. Vì thế, sống ở đời này là tiền đề giúp cho chúng ta đạt tới hạnh phúc đích thật. Do đó, có nhìn nhận thấy Cha ở trong Đức Giêsu thì chúng ta mới nhận thấy Chúa Giêsu trong mỗi người Ki tô hữu, và chúng ta mới hiểu được lời Chúa dạy: “Điều gì các con làm cho một người bé nhỏ nhất trong các anh em của Ta đây là các con đã làm cho chính Ta”(Mt 25,40). Người Ki tô hữu cho dù là bé nhỏ biết bao nhiêu, thậm chí người đó sống lây lất, sống vất vưởng, sống chơi vơi và đức tin yếu kém, nhưng họ vẫn ghi ấn tín rửa tội. Dù có xuống hỏa ngục thì họ vẫn là người Kitô hữu xuống hỏa ngục. Do vậy, ấn tín của Chúa Kitô đã ghi dấu thiêng liêng trong mỗi người Kitô hữu. Chúng ta hãy nhìn thấy Chúa Ki tô trong mỗi người anh em, để yêu thương và phục vụ. Có như vậy, thì ngay từ hôm nay, chúng ta đã bắt đầu đi vào con đường của Chúa.

Khi Phaolo lùng bắt tất cả giáo dân ở thành Damas, đưa về Giêrusalem để trị tội vì đã theo Đạo Kitô, ông đã ngã ngựa dọc đường và có tiếng từ trời phán hỏi: “Sao-lô! Tại sao ngươi bắt bớ Ta?”(x. Cv 9,1-9). Tiếng đó không hỏi: “Tại sao ngươi bắt bớ dân Kitô hữu của Ta?”. Nhưng đã hỏi rõ ràng: “Tại sao ngươi bắt bớ Ta?”. Bắt bớ người Ki tô hữu là bắt bớ Chúa Kitô. Giết người Kitô hữu là giết Chúa Kitô. Và chúng ta cũng không phân biệt, rằng: chỉ những người Kitô hữu là những người mang Chúa Kitô. Mỗi một con người đã được Thiên Chúa tạo dựng. Bàn tay của Chúa, mười điều răn của Chúa ghi ấn tín trong cõi lòng của họ, trong trái tim của họ. Từ bé, họ đã biết ăn trộm là xấu; họ đã biết cãi lại cha mẹ là có tội; họ biết đánh nhau, chửi nhau là sai; họ biết những điều mà người ta nói tục, làm gian là có lỗi... Những điều đó, Thiên Chúa đã in trong tâm hồn của mọi con người. Và vì thế, không ai là người không có đạo. Ít nhất họ phải hiểu đạo làm người, là đạo tự nhiên mà Thiên Chúa đã ban cho họ. Chính vì vậy, Đức thánh cha Gioan Phaolo II đã không ngần ngại gọi rằng: “Các nền văn hóa của các dân tộc trên thế giới cũng có Chúa Thánh Thần. Nhưng Chúa Thánh Thần hoạt động trong các nền văn hóa của thế giới, các nền văn hóa này có đủ đạt được ơn cứu độ hay không, còn phải qui chiếu vào Đức Giêsu Kitô”. Chúng ta ngược trở lại điều Chúa tuyên bố, Chúa Giêsu Kitô là đường. Chính con đường ấy mới dẫn chúng ta đến với Cha, và như vậy, thấy Đức Kitô là chúng ta thấy Cha.

Ngày hôm nay, Chúa Ki tô vẫn hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, trong Lời Hằng Sống mà chúng ta được nghe hằng ngày, đọc hằng ngày, suy ngẫm hằng ngày và tên của Chúa Kitô được ghi dấu ấn trong những người Kitô hữu chịu phép rửa tội. Như vậy và mãi mãi, lời mời gọi của Chúa Giêsu Kitô vẫn trải dài theo mọi thời đại và gửi gắm đến tận tâm hồn mỗi người: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”. Đến với Thầy chúng ta sẽ tìm thấy sự thật. Sự thật giải thoát chúng ta khỏi những gian trá của thế gian và sẽ cho chúng ta sự sống. Sự sống đích thật là nhận biết Thiên Chúa chân thật, thánh thiện, trọn hảo ở trên trời.

Lạy Chúa Giêsu Kitô,
Xin cho chúng con hôm nay
ý thức sâu sắc hơn bao giờ hết:
Chúng con đến với Chúa
để chúng con đạt tới sự sống đời đời.
Xin cho chúng con biết nhìn nhận ra Chúa
đang hiện diện trong thế giới này
và qua những sự hiện diện của Chúa,
chúng con thấy Cha đang hiện diện
trong cuộc sống mỗi ngày của chúng con
để chúng con thốt lên:
“Lạy Cha chúng con ở trên trời.
Chúng con nguyện danh cha cả sáng.
Nước Cha trị đến.
Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời
Và trong cuộc đời mỗi người chúng con Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 22/05/2011
NHÁT TRỘM
N2T

Có một người rất nhát gan, nghe thấy tên trộm trèo tường nhảy vào trong nhà, thì vội vàng chạy vào trong phòng viết một một hàng chữ: “trong ngoài đều có”, và dán ngay nơi cửa nhà.
Một lúc sau, nghe tên trộm sục sạo trong nhà, anh ta vội vàng rúc trong phòng, lại viết thêm một hàng chữ :“đường này không thông”, và dán bên trong cửa nhà.
Lại qua một lúc sau, lại nghe tên trộm sục sạo đồ đạc trong nhà, thì anh ta vội vàng nhảy qua tường trốn trong hố xí.
Sau đó, nghe tiếng chân của tên trộm đi đến hố xí, anh ta vội vàng khóa cửa hố xí, giả giọng khàn giọng nói lớn: “Có người”.

Suy tư:
Chúa Giê-su nói với những người Do Thái: “Từ thời ông Gioan Tẩy Giả cho đến bây giờ, Nước Trời phải đương đầu với sức mạnh, ai mạnh sức thì chiếm được” (Mt 11, 12). Phải mạnh sức, tức là phải kiên cường, phải can đảm và khôn ngoan.
Thánh Gioan Tẩy Giả đã bằng lòng chọn cái chết để nói lên lòng kiên cường của mình, khi ngài răn đe vua Hê-rô-đê không được lấy vợ anh làm vợ của mình; thánh Phê-rô và các Tông Đồ khác đã can đảm nói với những người trong Thượng Hội Đồng và thượng tế rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cv 5, 29b) , và các ngài vẫn tiếp tục rao giảng về Chúa Giê-su chịu đóng đinh, chịu chết và đã sống lại, dù các ngài biết là sẽ bị bắt bớ đánh đòn và bị tù ngục vì danh Chúa Giê-su.
Nhát gan thì ai cũng có, đứng trước nguy hiểm chết người thì ai cũng sợ, đó là tâm lý chung của con người, nhưng Chúa Giê-su đã nói: Nước Trời cần phải dùng sức mạnh mới chiếm được. Mà sức mạnh đây không phải là sức mạnh của vũ lực, không phải là vũ khí tối tân, nhưng sức mạnh đây chính là lòng can đảm với sự trợ giúp của ơn Chúa.
Can đảm nói không với những cám dỗ, can đảm...bỏ chạy khi dịp tội đến, can đảm chịu những lời khiêu khích của bạn bè khi mình không nghe theo lời họ để phạm tội...
Chết phần xác thì ai cũng sợ nên tìm đủ mọi cách để được sống, nhưng mấy ai sợ chết phần linh hồn, để can đảm chống trả với những dịp tội làm chết linh hồn của mình ?
------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 22/05/2011
Chương 35:

NHÂN ĐỨC VÀ CÔNG NGHĨA
CỦA
THIÊN CHÚA


“Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương” (Mt 5, 7)

N2T

1. Rất nhiều người sợ hãi sự công nghĩa của Thiên Chúa, nhưng nó làm tôi vui vẻ, có nơi nương tựa. (Thánh nữ Terese of Lisieux)

 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Fukushima, chuyến viếng thăm tình thương
Sr. Maria Lê Lang, DC
08:52 22/05/2011
Ngay sau trận động đất ngày 11 tháng 3, chỉ sau mấy mươi phút, sóng thần đổ tràn vào vùng Đông Bắc Nhật Bản với chiều dài trên 500km, trãi dài trên các vùng của 3 giáo phận: Miyagi, Iwate, Fukushima (giáo phận Sendai), Chiba (giáo phận Tokyo), Ibaragi (Saitama)… Các vùng này được biết đến qua những thiệt hại thảm khốc. Riêng Fukushima ngoài sự thiệt hại bởi sóng thần nay được khắp nơi biết đến bởi vụ nổ và sự rò rĩ của lò nguyên tử hạt nhân số một.

Chỉ sau thảm hoạ vài ngày, đức cha Tani thuộc giáo phận Saitama đã nhanh chóng lên vùng Đông Bắc xem xét tinh hình. Sau khi hợp ý với đức giám mục Sendai, ngài khẩn cấp thành lập văn phòng Caritas Saitama, đồng thời ngài cũng lập ra trạm cứu tế nạn nhân do thiên tai tại nhà thờ Yumoto, Fukushima, cách lò hạt nhân chừng 40 km.

Tôi là nhân viên của văn phòng Open House, chuyên giúp cho những người tỵ nạn và di dân tại giáo phận. Sau động đất, đức cha Tani đã giao cho văn phòng tôi nhiệm vụ điều phối người thiện nguyện trên vùng có thiên tai. Có hai công việc để làm, đó là dọn dẹp các bãi rác và thăm hỏi, giúp đỡ các nhu cầu cần thiết cho nạn nhân,.

Những ngày khi bắt đầu có phóng xạ, đức cha đã kêu gọi các linh mục, tu sĩ và những người đã ổn định gia đình đi Fukushima để làm thiện nguyện. Sở dĩ không chọn những người trẻ vì ngài e rằng nếu nhiễm phóng xạ sẽ ảnh hưởng đến vấn đề sức khoẻ và vấn đề sinh sản của họ.

Tôi được chọn đi với một cha người Nhật cùng và 3 giáo dân khác. Chúng tôi đến các hội trường của các trường học, viện dưỡng lão.., nơi tạm trú của những người lánh nạn để thăm hỏi, lắng nghe và vấn an cho họ. Họ là những người đã mất hết từ của cải vật chất đến người thân.

Một chị khoảng ngũ tuần kể cho tôi nghe câu chuyện của gia đình chị. Nhà chị ở gần biển. Khi động đất chi đang đi bệnh viện. Sau chấn động lần thứ nhất, mười mấy phút sau sóng thần ập vào nhà chị. Người chồng và người con trai bị nước hất tung ra mỗi người mỗi hướng. Người chồng trôi ra biển vài ngày sau tìm thấy xác. Đứa con trai bị đánh bạt vào núi, bám được bụi cỏ mọc ven sườn đồi, anh thoát khỏi bàn tay tử thần, anh được cứu sống như một phép lạ.

Hai ông bà cụ sau khi được nghe loa báo động phải chạy vì sóng thần sắp đến. Hai người vội vã chạy thoát thân. Bà cụ chạy nhanh hơn ông một bước. Con nước đen ngòm chạm đến chân bà, bà gắng lấy hết sức còn lại để lao về phía trước. Nước đột ngột rút xuống, bà thoát chết nhưng người chồng của bà đang vật vã giữa biển nước dữ dằn, ông bị kéo trôi ra biển trước mắt bà.

Rất nhiều những mẫu chuyện họ kể tôi nghe như chuyện tiểu thuyết. Đã hơn hai tháng trôi qua mà người phụ nữ rất trẻ ngày ngày vẫn ra biển, đến các khu tạm cư tìm chồng. Cô hy vọng anh vẫn còn sống ở đâu đấy, cho dầu điều đó rất mong manh va hy hữu.

Một ông già cay đắng kể rằng ông cảm thấy xấu hổ và tủi nhục trước nhũng người bạn hữu của ông. Căn nhà của ông nó vẫn còn tồn tại, trong khi nguyên thôn xóm ông ở đã trở thành bình địa. Thà rằng nó không còn nữa để ông được chia xẻ, được cảm thông như nhiều người khác…Nhiều người trong số họ vẫn còn mang những cơn ác giấc mộng, họ thà sống ở các trung tâm tạm cư còn hơn là trở về trở về xóm thôn điêu tàn của họ..

Tôi rất thương cảm với họ. Tôi nhớ lại những ngày tôi lênh đênh trên biễn trên chiếc thuyền 3 lốc chứa 110 người. Thuyền nhỏ, đông người đến độ chúng tôi phải ngồi như xếp cá hộp. Đến ngày thứ 5 của chuyến vượt biên, trời chuyển mưa, gió đột ngột đổi hướng thổi mạnh, sóng nổi dậy làm lắc lư con thuyền nặng trĩu, mong manh của chúng tôi. Sóng đập vào khoang thuyền, chúng tôi bắt đầu ướt vì nước biển tràn vào, tình thế này chấc chẳng bao lâu nữa thuyền chúng tôi sẽ bị sóng nuốt chửng thôi !. Tôi bắt đầu cầu nguyện với Đức Mẹ, chưa bao giờ trong cuộc đời tôi tha thiết cầu khẩn đến như vậy !. Như một phép lạ, Mẹ đã nhậm lời tôi. Chiếc tàu Madonna, tàu chở hàng của Nhật đã vớt chúng tôi. Chúng tôi được đến Nhật an toàn sau một năm tạm cư tại Philippines.

Nói đến Đức Mẹ là nói đến sự che chở, là sự cầu bầu cùng Chúa để trao ban tình yêu và hồng ân cho những ai đang cần đến. Nhà thờ Yumoto, nơi chúng tôi tạm trú trong những ngày công tác. Ngôi nhà thờ cũ kỹ giáo dân chỉ còn mười mấy người. Cha sở đã vắng mặt mười mấy năm, giáo dân chẳng tới. Nhà nguyện được giao lại cho một giáo dân chăm sóc. Khu nhà xứ không ai ở trở thành nhà kho bụi bặm, hoang tàn. Động đất đã làm cho phía bên trong nhà nguyện thành bãi chiến trường, trần nhà đổ nát, tượng ảnh cũng theo nhau đỗ tan tành. Duy chỉ có tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội là vẫn đứng vững vàng trước cổng nhà thờ, Mẹ vẫn nụ cười bao dung, dang tay cứu độ.

Như có một phép lạ xảy ra tại ngôi nhà thờ này mà chúng tôi chứng kiến. Sau động đất, các ống dẫn nước bị bẻ cong dưới lòng đất nên nguyên một khu vực rộng lớn không nhà nào có nước. Chung quanh nhà thờ là khu du lịch với những khách sạn và quán trọ vì đây có nguồn suối nước nóng tự nhiên. Sau vài tuần, nhà máy nước cố gắng sửa chữa phục hồi nguồn nước nhưng vẫn không có hy vọng, nước chẳng chảy. Duy chỉ có vòi nước của nhà thờ là chảy đầu tiên và là nguồn chảy dồi dào. Dân chúng khắp nơi đổ về lấy nước. Từ đó người dân bản xứ mới biết đến cái nhà thờ với những thiện nguyện viên tốt bụng vì không những cho họ nước mà còn chở nước về đến tận nhà cho họ nữa. Tôi nghĩ chỉ có Chúa và Đức Mẹ mới làm cho con cái Người những việc lạ lùng đến thế.

Ngày 4 tháng 5, tôi và một số anh chi em nhà thờ Kawaguchi tổ chức nấu ăn và phân phát thực phẩm cho những anh chi em đang lánh nạn tại Fukushima. Đi cùng chúng tôi có các anh chị đại diện cho Tokyo, những anh chị vùng Kangawa Ken. Để có tiền đi, các bà mẹ đã phải đến nhà thờ ngày thứ bảy nấu thức ăn bán. Sau vài tháng họ đã có đủ tiền để cung cấp cho gần 400 người ăn với các món phở gà, chả giò, xôi đậu đỏ, và takoyaki (món bạch tuột nướng bột)

Chúng tôi phát cơm trưa cho trường tiểu học Ena và hội quán Chuo. Trong thời gian chờ đợi nấu bữa cơm chiều cho trường trung học Ena, chúng tôi được thầy phó tế Toàn hướng dẫn đi xem một vài nơi bị sóng thần tàn phá của thị xã Tomami.

Nếu trên ti vi các bạn cảm thấy thương cảm trước cảnh điêu tàn, đỗ vỡ bởi sức mạnh kinh hoàng của sóng thần, thì sự chứng kiến tận mắt sẽ làm cho cảm xúc đó dâng lên gấp bội. Những chiếc xe hơi nằm chồng chất hai, ba tầng, hay bị bẹp dí chẳng còn ra hình hài. Người ta nói những ngày đầu tiên đi thu dọn hiện trường, chuyện tìm thấy xác hay những bộ phận trên cơ thể đã bị tách rời là chuyện bình thường.

Tôi đến thăm một ngôi làng ven biển, nơi có chừng 400 hộ gia đình ở, nay được san phẳng còn trơ lại móng nhà. Lưa thưa vài cái nhà còn sót lại, chẳng còn nguyên vẹn. Có một căn nhà được sóng đưa đi đến “toạ lạc” trên một con lạch nhỏ, nơi đây ai đó đã đặt những bó hoa tưởng niệm những người quá cố.

Đoàn chúng tôi không ai bảo ai đứng trước bãi “ chiến trường “ đổ nát cầu nguyện. Chúng tôi lần hạt. Bầu khí tĩnh lặng. Ai đó đã không nén được tiếng khóc. Rồi chúng tôi hát, cầu nguyện cho những linh hồn đã qua đời trong thảm hoạ vừa qua.

Chấm dứt buổi phát thức ăn tối khoảng 8:00 tối. Trước khi ra về chúng tôi vào hội trường chào những anh chi em lánh nạn. Một chị nắm tay tôi cám ơn rối rít. Chị nói chị vô cùng cảm động vì người Việt Nam đă từ xa đến với những người thiếu may mắn nơi đây. Tấm chân tình này là sức mạnh cho chị và đồng bào của chị để tiếp tục hướng lên phía trước, bước đi để xây dựng lại. Một bà lão bật khóc vì cảm động vì sự có mặt của chúng tôi. Cả hội trường đứng lên, cám ơn và vỗ tay liên tục chào chúng tôi ra về.

Quãng đường dài trên 200 km, về đến nhà thờ 12:00 giờ đêm. Dẫu mệt nhưng chúng tôi vẫn ngồi thức với nhau. Hôm nay chúng tôi, những người tỵ nạn Việt Nam đã trả lại cho đời một chút ơn, dẫu chẳng thấm gì so với cái ơn mà chính phủ và nhân dân Nhật Bản đã cứu vớt trên biển và cưu mang chúng tôi cho đén bây giờ.

Em tôi chụp hình một cây mai trước biển. Nó chắc là của một ai đó đã trồng trước nhà mình. Mọi vật bị cuốn đi hết, riêng nó vẫn lẻ loi một mình. Thân nó mảnh mai lắm. Nó bị trầy trụa khắp người, bị quật nằm ngả ngiêng. Sóng rút đi, để lại trên mình nó lớp muối mặn chẳng dễ sống. Những cơn mưa đến, mang cho nó sự hồi sinh trở lại. Nó đã trổ những đoá hoa rất đẹp, mặc dù trên thân thể những vết xướt chưa lành lặn.

Phải chăng sự can trường trong thầm lặng của nó cũng giống như những con người mà tôi đã gặp nơi các khu tạm trú. Hôm nay, một lần nữa tôi muốn nói lên tiếng tri ân những người tôi đã gặp. Họ đã cho tôi một bài học về sự chấp nhận hoàn cảnh để phấn đấu và vươn lên.

Trên hết mọi sự tôi cảm tạ ơn Chúa vì không có gì nằm ngoài vòng yêu thương của Ngài.
 
Philippines: Chuyên gia ca ngợi Giáo hội chăm sóc người HIV/AIDS
Phạm Kim An
07:31 22/05/2011
Philippines: Chuyên gia ca ngợi Giáo hội chăm sóc người HIV/AIDS

Nhưng nói rằng lập trường chống bao cao su "cản trở" cuộc chiến chống sự lây lan của HIV

Tagaytay City – Ngày 20-5, một chuyên gia y tế ca ngợi Giáo Hội về cách thức Giáo hội giúp đỡ bệnh nhân HIV/AIDS, nhưng chỉ trích lập trường của Giáo hội về ngăn chặn sự lây lan của căn bệnh này.

Bác sĩ Ofelia Monzon, Chủ tịch sáng lập của Hội AIDS của Philippines, nói: “Giáo hội, đặc biệt là các nữ tu, đã hỗ trợ các bệnh nhân HIV/AIDS một cách đặc biệt”. Bà nói thêm rằng nhân viên Giáo hội đang là trợ giúp lớn trong tư vấn cho người nhiễm HIV. Tuy nhiên, phát biểu tại một hội thảo phương tiện truyền thông gọi là “Giảm dấu hiệu bệnh và phân biệt đối xử xung quanh HIV và AIDS”, bác sĩ Monzon nói rằng lập trường của Giáo Hội Công Giáo chống lại việc sử dụng bao cao su đã "cản trở" chiến dịch chống lại sự lây lan của virus HIV.

Bà nói: "Chúng tôi đã nói chuyện với các Giám mục về sử dụng bao cao su, nhưng dường như đã không có hiệu quả...Chúng tôi cần tôn trọng niềm tin của các tôn giáo khác nhau ... nhưng chúng tôi có bổn phận phải nói rằng bao cao su có thể làm giảm sự lây lan của HIV".

Mặc dầu vậy, Thứ trưởng y tế Philippines, bác sĩ Eric Tayag, nói rằng Giáo Hội vẫn có thể giúp đỡ trong cuộc chiến chống sự lây lan của virus.

Ông nói ông hy vọng con số này sẽ tăng đáng kể, trước khi nhiệm kỳ của Tổng thống Benigno Aquino kết thúc vào năm 2016.

Ông cũng đã cố gắng để làm giảm các kỳ vọng rằng dự luật sức khỏe sinh sản (RH), gây nhiều tranh cãi, sẽ kiểm soát được sự lây lan của HIV/AIDS.

Ông nói: “Những ai cho rằng dự luật sẽ làm chậm sự lây lan của HIV và AIDS là "không thực tế".

Ông nói thêm: “Cách tốt nhất để hạn chế sự lây lan của HIV là giáo dục người dân về virus này...Còn một mình dự luật không thể diệt trừ được vấn đề". (UCA News 20-5-2011)

Phạm Kim An
 
Hồng y Sarah: Việc từ thiện không là hoạt động phúc lợi, nhưng là chứng tá cho Chúa
Nguyễn Trọng Đa
07:33 22/05/2011
Hồng y Sarah: Việc từ thiện không là hoạt động phúc lợi, nhưng là chứng tá cho Chúa

Vatican – Việc từ thiện Kitô giáo không phải là công việc xã hội thông thường do người theo đạo thực hiện, theo vị giám đốc các hoạt động từ thiện của ĐTC nói với các lãnh đạo Caritas ngày 21-5. Đúng hơn, công tác từ thiện phải "làm chứng cho Thiên Chúa" mọi lúc.

Nhân viên Caritas phân phối hàng cứu trợ tại Cộng hòa Domicica

Hồng y Robert Sarah phát biểu với các chức sắc Caritas châu Âu tại một hội nghị ở Vatican: “Lẽ tất nhiên, việc từ thiện phải đáp ứng các nhu cầu trước mắt của người đang đau khổ. Nhưng nó không thể bỏ qua nguyên nhân sâu xa nhất của đau khổ con người, đó là sự vắng mặt của Thiên Chúa".

Ngài nói: “Do đó, thay vì trước tiên nó được định hướng cho xã hội, đặc trưng đầu tiên của việc từ thiện là làm chứng cho Thiên Chúa."

Đức Hồng y trích dẫn điều mà Ngài gọi là một tuyên bố "nổi bật" của Chân Phước Frederic Ozanam, vị sáng lập Hiệp Hội Bác ái Vinh Sơn trong thế kỷ 19.

"Chân phước Ozanam, với tổ chức nổi tiếng của Ngài về phục vụ người nghèo, nói rằng mục đích cơ bản của chúng tôi không là đi ra ngoài và giúp đỡ người nghèo. Đối với chúng tôi, đó chỉ là một phương tiện. Mục đích của chúng tôi là duy trì đức tin Công giáo trong chúng tôi, và cho phép sự phổ biến của nó cho người khác thông qua công cụ từ thiện".

Đức Hồng Y Sarah, chủ tịch Hội đồng giáo hoàng Đồng Tâm (Cor Unum), nói với các giám đốc và phó giám đốc của Caritas châu Âu, rằng việc từ thiện Công giáo quốc tế đã đạt đến “một thời điểm then chốt" trong lịch sử của mình, 60 năm sau khi công tác này được ĐTC Piô XII thành lập.

“ĐTC muốn đưa ra một dấu hiệu cụ thể và thiết thực của việc Giáo hội quan tâm đến vô số tình huống cầu cứu sự trợ giúp" sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Ngài đã tổ chức Caritas Quốc tế như một sứ vụ của Giáo Hội, để "làm cho hiện diện, thông qua hoạt động cụ thể của công tác từ thiện, lòng bác ái của chính Thiên Chúa".

Tuy nhiên, gần đây, các giám chức Vatican đã tìm thấy sự cần thiết phải tăng cường bản sắc Công giáo của Caritas, và gia tăng tập trung vào việc truyền giáo.

Sự bất đồng về đường hướng mới đã làm cho Tòa Thánh tìm kiếm người thay thế cho Tổng thư ký của Caritas Quốc tế, bà Lesley-Anne Knight, đầu năm nay. Tòa Thánh đánh giá cao nhiều thành tựu của bà Knight, nhưng đã tìm một “gương mặt mới” sau khi bà chỉ trích quan điểm của Tòa thánh về Caritas trên báo chí.

Trong bài diễn văn của mình, Đức Hồng Y Sarah mô tả thông điệp đầu tiên của ĐTC Biển Đức XVI "Deus Caritas Est" (Chúa là Tình yêu) về chủ đề tình yêu Kitô giáo, là "Hiến chương cho đường hướng của chúng tôi” trong những năm tới.

Diễn văn của Ngài trích dẫn nhiều câu từ thông điệp này về bác ái là gì và không là gì cho người Công giáo.

Hồng y Sarah đề cao một đoạn của ĐTC viết: “Đối với Giáo hội, từ thiện không phải là một loại hoạt động phúc lợi, vốn có thể để lại tốt như nhau cho người khác. Thật ra, từ thiện là "không thể tách rời" khỏi hai nhiệm vụ cơ bản của Giáo hội: "công bố Lời Chúa" và "cử hành các bí tích".

Đức Hồng Y Sarah nhắc đến nhiều tuyên bố của Giáo Hoàng, để làm nổi bật tầm nhìn của Giáo hội về công tác từ thiện.

Trước tiên, từ một diễn văn năm 2006 với Hội nghị Thế giới về từ thiện, là một lời nhắc nhở của ĐTC Biển Đức: “Trong tổ chức từ thiện, Chúa và Chúa Kitô không phải là lời xa lạ. Sức mạnh thật sự của Caritas phụ thuộc vào sức mạnh đức tin của tất cả các thành viên và cộng tác viên của Caritas”.

Hồng y Sarah cho biết rằng “sự tập chú lấy Chúa làm trung tâm” là lý do cho một loạt cuộc tĩnh tâm và ngày suy tư, mà Hội đồng Giáo hoàng Đồng Tâm đã tổ chức trong những năm gần đây. Ngài nhắc với các tham dự viên: “Caritas châu Âu là một thành phần của Caritas Quốc tế, và chúng tôi tin tưởng vào sự hợp tác của các bạn".

Hồng y cũng mời các giám đốc Caritas châu Âu suy niệm về một mối quan tâm, mà Ngài nói là "chắc chắn ở trung tâm của triều đại Giáo hoàng Biển Đức XVI", được diễn tả trong chuyến Giáo hoàng đi thăm Fatima, Bồ Đào Nha, hồi tháng 5-2010.

Trong dịp này, ĐTC nói: “Trong thời đại chúng ta, trong đó đức tin ở nhiều nơi có vẻ như một ánh sáng có nguy cơ bị tiêu tan vĩnh viễn, ưu tiên cao nhất là làm cho Thiên Chúa được nhìn thấy trên thế giới, và mở cho nhân loại một con đường đi đến với Chúa".

Ngài nói tiếp: "Và không đến với bất cứ 'thượng đế' nào, nhưng đến với Thiên Chúa, Đấng đã nói trên núi Sinai - Thiên Chúa mà chúng ta nhận biết khuôn mặt của Ngài trong tình yêu sinh ra cho đến tận cùng trong Chúa Giêsu Kitô, Đấng chịu đóng đinh và đã sống lại". (CNA / EWTN News 21-5-2011)

Nguyễn Trọng Đa
 
Thánh Bộ Đức Tin: một văn phòng nhỏ nhưng có quyền hành rộng lớn
Bùi Hữu Thư
08:03 22/05/2011
VATICAN (CNS) -- Như hai tài liệu mới đây cho thấy, Thánh Bộ Đức Tin kiểm xoát hầu hết những gì xuất phát từ Vatican.

Mặc dầu chỉ có ít hơn 50 nhân viên, kể cả các trật tự viên và tiếp viên, bất cứ những gì một văn phòng khác của Toà Thánh làm hay nói có liên quan đến đức tin và luân lý đều là một vấn đề được thánh bộ này quan tâm.

Là thừa kế của Văn Phòng Thẩm Tra của Tòa Thánh -- và được đặt trong một tòa nhà vẫn mang tên Cung Điện của Tòa Thánh -- thánh bộ này thường được coi gần như hoàn toàn có mục đích tìm kiếm các thần học gia lạc hướng và lên án những bài viết của họ.

Thánh bộ kiểm duyệt các cuốn sách do các hội đồng giám mục đệ trình, nhất là những sách giải thích về luân lý hay học thuyết và được sử dụng nhiều trong các trường thần học hay chủng viện.

Nhưng từ khi Đức Thánh Cha Benedict XVI được bầu lên năm 2005 và Hồng Y William J. Levada người Hoa Kỳ thay thế ngài làm bộ trưởng, văn phòng này mới chỉ công bố một lời phê bình các tài liệu: đáng chú ý là hai cuốn sách của một thần học gia giải phóng, linh mục Dòng Tên Jon Sobrino.

Càng ngày càng nhiều, các tuyên bố của thánh bộ có liên quan đến việc áp dụng giáo huấn luân lý Công Giáo cho các câu hỏi về sự khởi đầu và chấm dứt của đời sống con người. Kỹ thuật sinh học, an lạc tử và việc săn sóc người hấp hối đều là các chủ đề của các tài liệu mới đây.

Vào đầu tháng 5, Vatican phổ biến hai tài liệu do Hồng Y Levada ký, chứng tỏ thẩm quyền rộng lớn của thánh bộ.

Một chỉ thị được ban hành ngày 13 tháng 5 kêu gọi các giám mục và cha xứ đáp ứng quảng đại đối với những người Công Giáo muốn có Thánh Lễ được cử hành theo Sách Lễ Rôma 1962, thường được gọi là nghi thức Tridentinô.

Một bức thư luân lưu phổ biến ngày 15 tháng 5 chỉ thị cho tất cả các hội đồng giám mục trên thế giới chuẩn bị các hướng dẫn về việc đối phó những lên án về giáo sĩ lạm dụng tính dục và đảm bảo việc bảo vệ trẻ em.

Ngoài việc lạm dụng tính dục trẻ em, ban kỷ luật lo về "những tội trọng lớn nhất trong việc cử hành các phép bí tích," nhất là bí tích Thánh Thể và Hòa Giải; xem xét "các tội vi phạm đến đức tin -- lạc giáo, ly khai và phản giáo -- và cuối cùng, lượng giá các trường hợp cho là có phép lạ hiện ra, các thị kiến và các sứ điệp có một nguồn gốc siêu nhiên," theo như được mô tả trong phúc trình hàng năm, "Sinh Hoạt của Toà Thánh."

Chẳng hạn, uỷ ban quốc tế các giám mục và thần học gia được bổ nhiệm để nghiên cứu Phép Lạ Đức Mẹ hiện ra tại Medjugorje, đang làm việc dưới sự bảo trợ của thánh bộ đức tin. Ban kỷ luật cũng phối hợp "việc thâu nhận các mục sư không phải Công Giáo vào hàng ngũ linh mục và các vấn đề tương tự."

Hồng Y Levada và khoảng 50 người làm việc hàng ngày trong văn phòng của ngài không phải làm hết mọi việc. Thánh bộ còn có 15 hồng y và giám mục cũng như 28 thần học gia tham vấn cộng tác.

Đa số các tham vấn viên là giáo sự tại các Giáo Hoàng Học Viện tại Rôma và họ tụ tập tại thánh bộ mỗi tháng 3 lần để đóng góp ý kiến và chia xẻ những nghiên cứu của họ về các vấn đề thánh bộ cho là cấp bách nhất.

Mỗi thứ tư, các hồng y và giám mục tại Rôma đều tụ họp quanh một bàn hội nghị để quyệt xét các vấn đề và lấy quyết định. Và mỗi thứ sáu, Hồng Y Levada đích thân gặp Đức Thánh Cha Benedict để thảo luận về những gì đang xẩy ra.

Các buổi họp hàng tuần này rất quan trọng vì tầm mức bao quát của thánh bộ. Vì hầu hết các văn phòng của giáo triều Rôma đều phải lo cho vài vần đề có tính cách học thuyết, ít ra cũng đôi khi.
 
Đức Thánh Cha nói về Thần học Linh đạo
Thiên Phong
08:27 22/05/2011
LTS - Dịp mừng 75 năm thành lập Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện TERESIANUM, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI hiệp tâm tình tạ ơn với Phân Khoa, và ngài nhắc lại giá trị của Thần Học Linh Đạo mà Phân Khoa này đảm nhận để phục vụ Giáo Hội, qua việc huấn luyện và đồng hành trong hành trình đời sống thiêng liêng. Sau đây là toàn văn huấn từ của Đức Thánh Cha tại buổi tiếp kiến ngày 19 tháng 5 năm 2011 vừa qua.

Tôi vui mừng được gặp chư hiền đệ và các con, và chung tâm tình tri ân Chúa nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Phân Khoa Thần Học Giáo Hoàng Học Viện TERESIANUM. Tôi mến chào Cha Saverio Cannistrà, Bề Trên Tổng Quyền dòng Cát Minh Cải Cách, cám ơn Cha rất nhiều về những lời tốt đẹp Cha vừa dành cho tôi. Xin chào mừng quí Cha của Nhà Trung Ương. Xin chào mừng Cha Giám Đốc Aniano Álvarez-Suárez, ban Giám Học và toàn Ban Giáo Sư của Teresianum. Xin chào mừng các sinh viên rất quí mến, gồm các tu sĩ Cát Minh Cải Cách, các nam nữ tu sĩ thuộc các dòng khác, các linh mục và chủng sinh.

Học viện Tersianum
Vậy là ba phần tư thế kỷ đã trôi qua, kể từ ngày 16 tháng 7 năm 1935, ngày Lễ kính Đức Trinh Nữ Núi Cát Minh, ngày mà Học Viện Quốc Tế của Dòng Cát Minh Cải Cách ở Rôma được thiết lập thành Phân Khoa Thần Học. Ngay từ buổi đầu ấy Phân Khoa đã nhắm đào sâu Thần Học Linh Đạo đặt nền trên Nhân Học. Và rồi, Học Viện Linh Đạo được thành lập, liên kết với chương trình cốt yếu của Phân Khoa Thần Học, và cùng mang chung tên gọi TERESIANUM.

Nhìn lại suốt giòng lịch sử của trường, chúng ta chúc tụng Chúa vì bao điều tuyệt vời Chúa đã làm cho trường, và cho bao thế hệ sinh viên theo học ở đây. Điều tuyệt vời trước hết, đó là một kinh nghiệm Giáo Hội độc đáo được hình thành nơi một cộng đoàn hàn lâm, được hậu thuẫn bởi tất cả sự phong phú của một gia đình thiêng liêng to lớn là Dòng Cát Minh Cải Cách. Chúng ta nhớ lại phong trào canh tân rộng khắp diễn ra trong Giáo Hội qua chứng tá của Thánh Têrêsa Giêsu và Thánh Gioan Thánh Giá. Phong trào này đã khơi dậy ngọn lửa nhiệt tâm với lý tưởng đời sống chiêm niệm mà vào thế kỷ 16, có thể nói, đã làm bừng cháy Châu Âu và toàn thế giới.

Các sinh viên thân mến, chính trên nền đặc sủng này mà các con làm công việc đào sâu nhân học và thần học, công việc thâm nhập vào mầu nhiệm Đức Kitô, với sự thông sáng của trái tim - nghĩa là với sự kết hợp giữa hiểu biết và yêu mến. Điều này giả thiết rằng Chúa Giêsu phải được đặt làm trọng tâm của tất cả, Ngài là trọng tâm của tình cảm và tư tưởng của các con. Thời giờ cầu nguyện của các con, việc học và hành của các con, tất cả đời sống các con... phải qui hướng về Chúa Giêsu. Ngài là Lời, là “quyển sách sống”, như Thánh Têrêsa Avila quả quyết: “Để học biết sự thật, tôi không có quyển sách nào khác ngoài Thiên Chúa” (Sách Đời Sống 26,5). Cha cầu chúc mỗi người trong các con có thể nói lên cùng với Thánh Phaolô: “Tôi coi tất cả mọi sự là thua thiệt, so với mối lợi tuyệt vời là được biết Ðức Kitô Giêsu, Chúa của tôi” (Pl 3,8).

Ở đây Cha muốn nhắc lại định nghĩa về hoán cải mà Thánh Têrêsa đưa ra từ kinh nghiệm nội tâm của ngài, như lần nọ ngài đã cảm nhận được trước Chúa Giêsu chịu đóng đinh. Thánh nữ viết: “Vừa khi nhìn Chúa trên Thánh Giá. .. tôi cảm nhận nỗi đau lớn đến nỗi tôi hiểu được mình đã vô ơn bạc nghĩa biết bao trước tình yêu của Chúa, đến mức trái tim tôi như vỡ ra. Tôi gục xuống dưới chân Chúa, khóc nức nở, và tôi cầu xin Chúa ban ơn để tôi đừng xúc phạm đến Ngài nữa.” (Tự Thuật 9,1). Trong cùng cảm nghiệm ấy, Thánh Têrêsa dường như cũng hỏi chúng ta: Làm sao có thể tiếp tục dửng dưng trước tình yêu lớn lao như thế? Làm sao có thể thờ ơ với Đấng đã yêu thương ta với lòng thương xót hải hà như thế? Tình yêu của Đấng Cứu Chuộc đáng cho chúng ta đáp trả bằng trọn lòng và trí, và tình yêu ấy cũng sẽ khơi động bên trong chúng ta một sự tương tác tuyệt vời, trong đó tình yêu và sự hiểu biết giúp làm tăng triển lẫn nhau. Trong việc học thần học, các con hãy luôn nhìn lại cái động lực sâu xa nhất thúc đẩy mình vào công việc này, đó cũng chính là cái động lực đã thúc đẩy Chúa Giêsu “yêu thương chúng ta và hiến mạng vì chúng ta” (x. 1Ga 3,16). Các con hãy ý thức rằng những năm đèn sách này là một ơn huệ quí báu được Chúa Quan Phòng ban cho; và ơn huệ này phải được đón nhận trong đức tin và được sống cách ân cần trân trọng, như cơ hội có một không hai để các con lớn lên trong ý thức về mầu nhiệm Chúa Kitô.

Trong bối cảnh hiện nay, rất cần nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghiên cứu đào sâu linh đạo Kitô giáo, khởi đi từ những giả định nhân học của nó. Việc học chuyên biệt về linh đạo là điều quan trọng, bởi vì nhờ đó các con được trang bị khả năng thích hợp để giảng dạy môn này; nhưng còn ơn ích lớn hơn nữa, đó là hành trang khôn ngoan mà các con nhận được để đảm nhận công việc linh hướng đầy tế nhị. Như trong suốt giòng lịch sử, Giáo Hội ngày nay vẫn tiếp tục thúc đẩy việc thực hành linh hướng, không chỉ đối với những ai ước muốn đi theo Chúa sát gót, mà đối với mọi Kitô hữu muốn sống một cách có trách nhiệm ơn gọi Phép Rửa của mình, nghĩa là muốn sống sự sống mới trong Chúa Kitô.

Thật vậy, mỗi người, cách nào đó, đều được Chúa không ngừng mời gọi đi theo Chúa sát gần hơn. Mỗi người đều cần được đồng hành cá nhân bởi một người hướng dẫn vững vàng trong giáo lý đức tin và giàu kinh nghiệm thuộc linh. Người hướng dẫn giúp người ta tránh những chủ quan dễ dãi, chia sẻ sự hiểu biết và kinh nghiệm sống của mình trên con đường theo Chúa Giêsu. Điều thiết yếu là thiết lập mối tương quan biệt vị giữa người hướng dẫn và người được hướng dẫn, mối tương quan như được ghi nhận giữa Chúa Giêsu và các môn đệ của Ngài – chính trong mối tương quan đặc biệt đó mà Ngài đã hướng dẫn các môn đệ theo chân Ngài để thi hành thánh ý Chúa Cha (x. Lc 22,42), tức theo chân Ngài trên con đường thập giá.

Các sinh viên thân mến, trong mức độ mà các con được gọi đảm nhận công việc linh hướng không thể thay thế được này, các con hãy trân trọng những gì mà các con học được trong những năm đèn sách hiện nay, để đồng hành với những người mà Chúa quan phòng sẽ ủy trao cho các con, giúp đỡ họ trong việc phân định các thần loại và trong khả năng hưởng ứng các tác động của Chúa Thánh Thần, nhằm hướng dẫn họ đạt tới sự viên mãn của ân sủng, “đạt tới mức viên mãn của Chúa Kitô” – như cách nói của Thánh Phaolô (Ep 4,13).

Các con thân mến, các con đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tại Rôma này, lòng và trí các con được khơi gợi để mở ra với chiều kích hoàn vũ của Giáo Hội, được thúc đẩy để đồng cảm với Giáo Hội (sentire cum Ecclesia), trong niềm hiệp thông sâu sắc với tâm tư của người kế vị Thánh Phêrô. Vì thế, Cha kêu mời các con hãy không ngừng lớn lên hơn và vững mạnh hơn trong niềm yêu mến và phục vụ Giáo Hội. Trong Mùa Phục Sinh này, chúng ta xin Chúa Phục Sinh ban cho chúng ta quà tặng Thánh Thần, và chúng ta dựa vào sự cầu bàu của Đức Trinh Nữ Maria. Mẹ đã hiện diện cùng với các Tông Đồ trong Căn Gác Thượng để cầu xin Đấng Phù Trợ, xin Mẹ cầu bàu cho các con được ơn khôn ngoan của trái tim và được dư tràn ơn Chúa để sẵn sàng cho tương lai đang chờ đợi các con. Cậy nhờ sự chuyển cầu của Mẹ Thiên Chúa, của Thánh Têrêsa Giêsu và Thánh Gioan Thánh Giá, Cha thân ái ban Phép Lành Tông Tòa cho cộng đoàn TERESIANUM và cho toàn thể Gia Đình Cát Minh.

BÊNÊĐICTÔ XVI

(Thiên Phong dịch từ bản gốc tiếng Ý, Từ trang http://www.teresianum.org của Pontificia Facoltà Teologia / Pontificio Istituto di Spiritualità Teresianum, 22.5.2011)
 
Đức Thánh Cha tiếp kiến 7 ngàn giáo sư và sinh viên Đại Học Công Giáo Thánh Tâm ở Italia
LM Trần Đức Anh OP
09:50 22/05/2011
VATICAN - Sáng 21-5-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã tiếp kiến 7 ngàn người thuộc ban giám đốc, giáo sư và sinh viên đại học Công Giáo Thánh Tâm ở Italia, nhân dịp kỷ niệm 90 năm thành lập Đại học này.

Đại học này do LM bác sĩ Agostino Gemelli, dòng Phanxicô, thành lập và hiện nay là đại học Công Giáo lớn nhất tại Italia, với nhà thương đại học nổi tiếng Gemelli.

Hiện diện trong buổi tiếp kiến, đặc biệt có ĐHY Dionigi Tettamanza, TGM giáo phận Milano.
Lên tiếng trong dịp này ĐTC cổ võ Đại Học Thánh Tâm góp phần thăng tiến một thuyết nhân bản đích thực, làm nổi bật liên hệ giữa đức tin và văn hóa.

ĐTC nhận xét rằng trong thời đại ngày nay có những biến chuyển lớn lao và mau lẹ, ảnh hưởng tới cả đời sống đại học. Nền văn hóa nhân bản dường như bị suy yếu dần dần, và người ta đặt nặng các môn gọi là “sản xuất” thuộc lãnh vực kỹ thuật và kinh tế; ngoài ra người ta có xu hướng thu hẹp chân trời của con người vào những gì có thể đo lường được, chiều kích tôn giáo bị liệt vào lãnh vực riêng tư và bị coi là một ý kiến mà thôi.

ĐTC tái khẳng định rằng “viễn tượng Kitô giáo không đối nghịch với kiến thức khoa học và những chinh phục của tài năng con người, trái lại, Kitô giáo coi đức tin như chân trời ý nghĩa, con đường dẫn đến chân lý trọn vẹn, là nhà hướng đạo dẫn tiến đến sự phát triển đích thực. Nếu không có sự hướng về chân lý, không có thái độ khiêm tốn và kiên trì tìm kiến thì mọi nền văn hóa sẽ tan rã và nơi vào thái độ duy tương đối, mất hút trong phù du.”

ĐTC cũng nhấn mạnh rằng “đức tin và văn hóa là hai điều cao cả gắn liền với nhau không thể tách rời. Khi sự liên kết này bị cắt đứt, thì nhân loại có xu hướng co cụm vào mình và khép mình trong chính khả năng sáng tạo. Vì thế, điều cần thiết là đại học có một sự say mê đối với kiến thức thần học, đây là điều có trong học trình của Đại học Công Giáo Thánh Tâm.”
ĐTC nói thêm rằng: “Kiến thức đức tin soi sáng cho sự tìm kiếm của con người, giải thích và nhân bản hóa sự tìm kiếm ấy, đưa nó vào những dự phóng làm điều thiện, giải thoát nó khỏi cám dỗ của tư tưởng tính toán, lạm dụng kiến thức và biến những phát minh khoa học thành những phương tiện quyền lực và biến con người thành nô lệ.”

Sau cùng, ĐTC cũng nhắc nhở rằng: “Chân trời linh hoạt các hoạt động tại đại học của anh chị em có thể và phải là sự say mê đối với con người. Chỉ khi phục vụ con người thì khoa học mới tiến hành như một sự vung trồng đích thực và bảo vệ vũ trụ (St 2,15). .. Đại học Công Giáo được kêu gọi trở thành nơi trong đó có hình thức tuyệt hảo về sự cởi mở đối với kiến thức, say mê chân lý, và quan tâm đối với lịch sử con người, vốn là đặc tính của linh đạo Kitô giáo. (SD 21-5-2011)
 
Đức Thánh Cha chủ sự kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng: 22-5-2011
LM Trần Đức Anh OP
09:52 22/05/2011
VATICAN - Trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trưa chúa nhật 22-5-2011, ĐTC Biển Đức 16 đã diễn giải lời Chúa Giêsu “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống”, và ngài cũng kêu gọi chấm dứt nạn bạo lực.

Hơn 30 ngàn tín hữu tụ tập tại Quảng trường thánh Phêrô, dưới trời nắng, để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng với ĐTC. Trong số các tín hữu ấy có hàng trăm em chịu phép thêm sức thuộc giáo phận Genova, bắc Italia, các em đội mũ đỏ nên rất dễ nhận diện.

Trong bài huấn dụ ngắn, ĐTC giải thích ý nghĩa bài Tin Mừng chúa nhật hôm qua nói về Chúa Giêsu là đường, là sự thật và là sự sống. Ngài nói:

“Anh chị em thân mến,

“Tin Mừng chúa nhật hôm nay, Chúa nhật thứ 5 Phục sinh, đề nghị 2 giới luật đức tin: tin nơi Thiên Chúa và tin nơi Chúa Giêsu. Thực vậy, Chúa nói với các môn đệ: “Các con hãy tin nơi Thiên Chúa và cũng hãy tin nơi Thầy” (Ga 14,1). Đây không phải là hai tác động tách biệt nhau, nhưng là một hành vi đức tin duy nhất, đầy lòng gắn bó với ơn cứu độ do Thiên Chúa thực hiện nhờ Con Duy Nhất của Ngài. Tân Ước đã chấm dứt sự vô hình của Chúa Cha. Thiên Chúa đã biểu lộ tôn nhan của Ngài, như câu trả lời của Chúa Giêsu cho tông đồ Philiphê: “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy” (Ga 14,9). Con Thiên Chúa, khi nhập thể, chịu chết và sống lại, đã giải thoát chúng ta khỏi sự nô lệ tội lỗi để ban cho chúng ta tự do của con cái Thiên Chúa và đã cho chúng ta biết tôn nhan Thiên Chúa Đấng là Tình Thương: Thiên Chúa là Đấng ta có thể thấy được, Ngài hữu hình trong Đức Kitô. Thánh Têrêsa Avila đã viết rằng “Chúng ta không được rời xa điều tạo nên chính sự thiện và phương dược của chúng ta, nghĩa là không được rời xa nhân tính chí thánh của Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (Castello interiore, 7,7: Opere Complete, Milano 1998, 1001). Vì thế, chỉ khi tin vào Chúa Kitô, kết hiệp với Người, thì các môn đệ, trong đó có cả chúng ta nữa, mới có thể tiếp tục hoạt động trường kỳ của Chúa trong lịch sử. Chúa nói: “Thật, Thầy bảo thật các con: Ai tin nơi Thầy, thì họ cũng sẽ làm được những công việc mà Thầy đang làm” (Ga 14,12).

ĐTC nhận xét rằng: “Niềm tin nơi Chúa Giêsu bao hàm việc theo Ngài hằng ngày, trong những hành vi đơn sơ họp thành ngày của chúng ta.” Chính Mầu nhiệm Thiên Chúa hoạt động một cách âm thầm. Chúa kiến tạo lịch sử của Ngài một cách từ từ trong lịch sự lớn của nhân loại. Ngài trở thành người, nhưng theo một thể thức có thể bị những người đồng thời và những thế lực của lịch sử làm ngơ không biết tới. Chúa chịu đau khổ và chịu chết, và trong tư cách là vị sống lại, Ngài muốn đến với nhân loại qua niềm tin của các môn đệ là những ngừơi mà Ngài tỏ mình cho. Chúa liên tục âm thầm gõ cửa tâm hồn chúng ta, và nếu chúng ta mở cho Ngài, thì dần dần Ngài sẽ làm cho chúng ta “thấy” được Ngài (Đức Giêsu thành Nazareth II, 2011, 306). Thánh Augustinô quả quyết rằng “Điều cần thiết là Chúa Giêsu nói: “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6), vì sau khi biết được con đường, ta còn phải biết mục đích nữa” (Tractatus in Ioh., 69, 2; CCL 36,500), và mục đích chính là Chúa Cha. Vì thế, đối với các tín hữu Kitô, đối với mỗi người chúng ta, con đường dẫn đến Chúa Cha chính là hãy để cho Chúa Giêsu hướng dẫn, cho lời chân lý của Ngài dẫn dắt, và đón nhận hồng ân sự sống. Chúng ta hãy coi lời mời của thánh Bonaventura như của chúng ta: “Vậy con hãy mở mắt, lắng tai tinh thần, mở môi miệng và làm cho tâm hồn sẵn sàng, để trong mọi loài thụ tạo, con có thể nhìn thấy, lắng nghe, chúc tụng, yêu mến, tôn kính, tôn vinh, và tôn thờ Thiên Chúa của con” (Itinerarium mentis in Deum, I, 15).

Và ĐTC kết luận rằng:

“Các bạn thân mến, sự dấn thân loan báo Chúa Giêsu Kitô, là đường, sự thật và là sự sống (Ga 14,6), là nghĩa vụ chính yếu của Giáo Hội. Chúng ta hãy khẩn cầu Đức Trinh Nữ Maria xin Mẹ luôn giúp đỡ các Mục Tử và những người trong các thừa tác vụ khác nhau, loan báo Tin Mừng cứu độ, để Lời Chúa được phổ biến và con số các môn đệ được gia tăng thêm (Cv 6,7)

Chào thăm và kêu gọi

Sau khi ban phép lành cho mọi người, ĐTC đã nhắc đến hai lễ phong chân phước và nói rằng:

“Tôi chia vui với Giáo Hội tại Bồ đào nha vì lễ phong chân phước cho Mẹ Maria Chiara Chúa Hài Đồng Giêsu, diễn ra hôm qua (21-5) tại Lisboa và với Giáo Hội tại Brazil, nơi mà chúa nhật hôm nay tại Salvador Bahia, có lễ phong chân phước cho nữ tu Dulce Lopes Pontes. Cả hai phụ nữ thánh hiến này, thuộc hai hội dòng đều được đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ Vô nhiễm. Chúc tụng Chúa và Mẹ Thánh của Ngài!

Trong lời chào thăm các tín hữu bằng các thứ tiếng khác nhau, ĐTC cũng đưa ra nhiều lời nhắn nhủ. Với các tín hữu nói tiếng Pháp, ĐTC nói: “Trong đà tiến mà lễ phong chân phước cho Đức Gioan Phaolô 2 mang lại cho Giáo Hội, tôi mời gọi anh chị em hãy đọc kinh Mân Côi suy niệm các mầu nhiệm sự sáng như Đức Chân Phước Giáo Hoàng đã mời gọi chúng ta. Khi bước theo những giai đoạn trong sứ vụ của Chúa Kitô cùng với Mẹ Maria, chúng ta có thể như Mẹ nhìn thấy Tình yêu của Chúa Cha hoạt động trong đời sống và hoạt động của Chúa Con. Ước gì như thế chúng ta có thể trở thành những ngừơi tôn thờ trong tinh thần và chân lý và là những chứng nhân!

Bằng tiếng Anh, ĐTC đặc biệt chào thăm các tham dự viên khóa huấn luyện lãnh đạo do Cộng đồng thánh Egidio ở Roma tổ chức, và ngài cầu nguyện cho họ trong nỗ lực loan báo Tin Mừng, phục vụ người nghèo và những người túng thiếu tại các nước nguyên quán.

ĐTC nhắc đến Hội nghị Đại kết về Hòa bình do Hội đồng đại kết các Giáo Hội Kitô tổ chức tại Kingston, thủ đô Jamaica trong những ngày này. Hội nghị này là cao điểm của một chương trình dài 10 năm nhắm bài trừ mọi hình thức bạo lực. ĐTC nói “Chúng ta hãy hiệp ý cầu nguyện cho ý hướng cao thượng này, và tái quyết tâm loại trừ bạo lực trong gia đình, trong xã hội và trong cộng đồng quốc tế. Các bạn thân mến, trong niềm vui của mùa Phục Sinh, ước gì chúng ta được Chúa Phục Sinh củng cố trong nỗ lực trung thành theo Ngài và chia sẻ cuộc sống của Chúa”.

Sau cùng, khi chào thăm các tín hữu nói tiếng Ý, ĐTC đặc biệt nhắc đến đông đảo các em chịu phép thêm sức thuộc tổng giáo phận Genova bắc Italia, do ĐHY Angelo Bagnasco, cũng là Chủ tịch HĐGM Italia hướng dẫn. Ngoài ra có một nhóm đông đảo các thành viên thuộc Phong trào bảo vệ sự sống. ĐTC nói: “Các bạn thân mến, tôi chúc mừng các bạn, đặc biệt vì các bạn dấn thân giúp đỡ các phụ nữ gặp khó khăn trong việc thai ngén, các cặp đính hôn và các đôi vợ chồng muốn sinh sản theo tinh thần trách nhiệm. Qua đó các bạn hoạt động cụ thể cho nền văn hóa sự sống. Tôi cầu xin Chúa, qua sự dấn thân đóng góp của các bạn, làm cho việc chấp nhận sự sống trở thành một động lực đoàn kết tại Italia và mọi nước khác trên thế giới. Tôi chúc lành cho các em được tổ chức Unitalsi hướng dẫn, các em đang khắc phục những khó khăn do bệnh tật gây ra và trở thành chứng nhân hòa bình. Tôi cũng khích lệ các bệnh nhân và những người thiện nguyện hiện diện nhân dịp tuần lễ toàn quốc Italia các bệnh nhân bị xơ cứng.
 
Vị Giáo Hoàng đầu tiên nói chuyện trực tiếp với Trạm Không Gian quốc tế
Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
18:48 22/05/2011
Vị Giáo Hoàng đầu tiên nói chuyện trực tiếp với Trạm Không Gian quốc tế ISS

Vatican - Vào trưa thứ bảy, 21.05.2011, lúc 13g11 - giờ Âu Châu, tại văn phòng làm việc của ĐGH, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI đã nói chuyện với Trạm Không Gian quốc tế ISS trong 20 phút. Cuộc thảo luận giữa trời và đất trong khoảng cách 300 cây số trên vũ trụ bao la. ĐGH Bênêđictô XVI là vị Giáo Hoàng đầu tiên nói chuyện trực tiếp với các phi hành gia đang lơ lửng du hành trên không gian.

Cuộc đàm đạo này thông qua phát sóng truyền hình trực tiếp của cơ quan không gian NASA chuyển từ không gian bên ngoài trái đất.

"Tôi rất hài lòng với cơ hội hiếm có này để nói chuyện với các Bạn", ĐGH Bênêđictô XVI bày tỏ tình cảm đặc biệt đối vơi các phi hành gia. Hiện tại trên trạm ISS có 12 phi hành gia gồm người Mỹ, Nga và Ý, trong đó có một phụ nữ. Họ trả lời: "Welcome aboard the International Space Station, your Holiness!" - "Hân hoan chào mừng Ngài đến với trạm không gian quốc tế, thưa Đức Thánh Cha!"

Cuộc trò chuyện thân mật và đượm tình hữu nghị nói về những vấn đề quan trọng của hành tinh "màu xanh" là trái đất. 12 phi hành gia như những người đang chơi vơi ở trên trời cao, nơi không có trọng lượng. Đức Giáo Hoàng có thể theo dõi nhóm phi hành gia trên màn ảnh truyền hình đang chen chúc với nhau trong một không gian nhỏ hẹp.

Dịp hiếm có này ĐGH thố lộ tâm tình: "Tôi rất tò mò muốn nghe kinh nghiệm và quan sát của các Bạn" từ trên không trung.

Ưu tư của ĐGH thường được Ngài đề cập trong các bài diễn văn là trách nhiệm của con người đối với môi trường trái đất, ĐGH hỏi các phi hành gia về quan điểm của họ từ trên cao nhìn thấy trái đất như thế nào? Có những dấu hiệu nghiêm trọng nào con người cần phải lư ý nhiều hơn?

"Các Bạn đang bay trên hành tinh của chúng ta từ rất xa, từ đó có cái nhìn rất bao quát về trái đất chúng ta. Các Bạn bay vòng quanh nhiều lần trong một ngày trên các lục địa và các quốc gia. Một việc rất rõ ràng là tất cả mọi người chúng ta cùng sống với nhau trên một hành tinh và thật vô lý gây ra chiến tranh".

"Con người đấu tranh cho nhiều điều, nhưng chủ yếu là tranh dành tài nguyên", ông Mark Kelly, chỉ huy phi thuyền con thoi Endeavour trả lời. "Chúng con cung cấp các công nghệ và kiến thức mà chúng con nghiên cứu trên trạm không gian, để phát triển và sử dụng năng lượng mặt trời, gần như một nguồn vô tận. Nếu các công nghệ này cũng được áp dụng nhiều hơn trên mặt đất, chúng con có thể làm giảm bớt bạo lực".

Trong 5 câu hỏi của mình, việc đầu tiên vị Giáo Hoàng 84 tuổi đã để ý hỏi thăm sức khỏe về phu nhân của ông Mark Kelly, nữ dân biểu Gabrielle Giffords, bà đã bị thương nghiêm trọng ở đầu vì những viên đạn vào tháng 01.2011 ở Arizona trong một cuộc khủng bố. Ông Kelly cảm động cám ơn cho lời thăm hỏi và cho biết sức khỏe của người vợ trở nên tốt hơn.

Trả lời cho câu hỏi "Liệu có xảy ra điều Bạn đặt vấn đề về sự chung sống của các quốc gia và các dân tộc trên trái đất?" Phi hành gia Mark Kelly thấy rõ rằng "Từ trên cao nhìn xuống không có biên giới" ngăn cách nhau.

Từ các phi hành gia, ĐGH muốn biết khi họ trở về trái đất thì thông điệp nào của họ quan trọng nhất cho những người trẻ tuổi? Một thành viên phi hành đoàn của "Endeavour", ông Mike Fincke nói rằng: "Trạm không gian ISS chỉ là một biểu tượng, một ví dụ về những gì con người có thể làm khi biết cùng nhau hợp tác trong tinh thần xây dựng."

Một điều thú vị là phi hành gia người Ý, ông Roberto Vittori đã mang theo tấm mề đai bằng bạc, đó là món quà ĐGH tặng ông Vittori. Tấm mề đai tạc bức tranh Thiên Chúa tạo dựng nên con người do danh tài Michelangelo vẽ trên vòm Nhà nguyện Sistine. Ông Vittori mang theo tấm mề đai này để bềnh bồng lướt qua các trạm không gian nhằm chứng minh cho một nơi không có trọng lượng. Khi trở lại trái đất thì các phi hành gia sẽ tặng lại ĐGH tấm mề đai đặc biệt này.

Câu hỏi của ĐGH: "Thám hiểm không gian là một cuộc phiêu lưu khoa học hấp dẫn. Nhưng tôi nghĩ, đó cũng là một cuộc phiêu lưu của tinh thần con người để suy tư về nguồn gốc vũ trụ và con người. Trong lúc nghiên cứu các Bạn có đọc một lời cầu nguyện với Đấng tạo hóa?"

Phi hành gia Robert Vittori trả lời: "Khi đêm về, được nhìn xuống trái đất: hành tinh của chúng ta, một hành tinh xanh tuyệt đẹp. Và con cầu nguyện: cầu nguyện cho con, cho các gia đình của chúng con và cho tương lai của chúng ta".

Nhân dịp này ĐGH chia sẻ tâm tình của một người con vừa mất mẹ, như trường hợp phi hành gia người Ý thứ hai, ông Paolo Nespoli: "Tôi biết được thân mẫu của anh mới qua đời vài ngày qua. Khi anh trở về trái đất thì không còn người mẹ yêu quý ra đón anh nữa. Trên trạm không gian anh cảm thấy cô đơn như thế nào?"

Ông Nespoli cảm động về lời thăm hỏi đầy tình người và biết rằng lời cầu nguyện của ĐGH đã truyền đến trạm không gian nằm ngoài trái đất. Giờ chia tay của người mẹ đã được những người thân ở trái đất lo lắng chu đáo và ông Nespoli được nối đường dây trực tiếp nói chuyện với mẹ mình trong những giờ phút cuối cùng. Đó là điều an ủi và các đồng nghiệp trên trạm ISS thật quan trọng đối với ông trong những giờ phút đau lòng khi mất mẹ. Tất cả xa cách nhưng lại rất gần gũi đối với ông Nespoli.

Trong cuộc đàm thoại giữa trời và đất tại văn phòng ĐGH có sự hiện diện của một cựu phi hành gia người Đức, ông Thomas Reiter. Ông đã bay vào vũ trụ vào năm 2006 với tư cách một người Âu Châu đầu tiên ở lâu dài trong trạm trạm không gian quốc tế ISS. Ông Enrico Saggese, giám đốc Cơ quan Không gian của Ý cũng có mặt tại văn phòng.

Thomas Reiter cho báo chí biết nhận định như sau: "Đây là một kinh nghiệm thành quả tuyệt vời trong một môi trường đặc biệt: Lần đầu tiên Đức Giáo Hoàng đã nói chuyện với các đồng nghiệp của tôi trong không gian. Đức Giáo Hoàng đã có những câu hỏi rất thú vị đạt đến các điểm trọng tâm của Trạm không gian. Một mặt thuộc về thăm dò các điều mới, mặt khác nhìn từ quan điểm khoa học vì lợi ích của nhân loại. Tôi thiết nghĩ rằng nó thực sự tuyệt vời mà sự đến với nhau quá tốt đẹp. "

Cuộc đàm thoại của ĐGH Bênêđictô XVI với Trạm Không Gian ISS đã được tổ chức bởi Cơ quan Vũ trụ Âu Châu và Cơ quan Không gian Ý. Về mặt kỹ thuật, cuộc gọi đã được hỗ trợ bởi Trung tâm Kiểm soát của Cơ quan Không gian NASA Hoa Kỳ tại Houston.

ĐGH Bênêđictô XVI, cụ già 84 tuổi cảm thấy rất vui trong cuộc trò chuyện với các phi hành gia, điển hình khi một phi hành gia vừa trả lời xong thì bay lượn bềnh bồng lên phía trên, rồi lúc ấy người bạn nắm chân anh ta lại thì ĐGH mỉm cười vui thích và Ngài luôn vẫy tay chào các phi hành gia.

Dịp nối dây nói đặc biệt từ dưới đất lên trời cao, ĐGH Bênêđictô XVI bày tỏ niềm cảm phục cho sự công hiến khoa học của các phi hành gia, điều này đòi hỏi một tinh thần dũng cảm và kỷ luật cao độ để hoàn thành nhiệm vụ trên không trung. Nghiên cứu khoa học trong không gian là một lý tưởng cao quý và các thành quả sẽ phục vụ tốt cho nhân loại. "Các Bạn đang đại diện cho chúng tôi đi tiên phong hàng đầu" để khám phá không gian và các cơ hội mới cho tương lai vượt quá những giới hạn bình thường.

ĐGH Bênêđictô XVI đã sử dụng tiếng Anh (cho 4 câu hỏi) và tiếng Ý để trò chuyện với 12 phi hành gia trên Trạm Không Gian quốc tế ISS.

Trong 20 phút đàm đạo từ dưới đất lên trời cao thì Trạm Không Gian ISS đã di chuyển trong vũ trụ được khoảng 8.000 cây số.

Phát ngôn viên Tòa Thánh, cha Federico Lombardi thuộc Dòng Tên cho biết ĐGH rất hài lòng về những câu trả lời của các phi hành gia.

Cuối cùng ĐGH nói lời tạm biệt và hai bên vẫy tay chào nhau: "Các Bạn phi hành gia thân mến, Tôi chân thành cảm ơn các Bạn cho cơ hội tuyệt vời này. Các Bạn đã giúp tôi và nhiều người khác cùng suy tư về những vấn đề quan trọng cho tương lai nhân loại. Tôi sẽ tiếp tục nhớ đến và cầu nguyện cho các Bạn. Tôi sẵn lòng ban Phép lành Tòa Thánh cho các Bạn."

Lm. Paul Phạm Văn Tuấn
 
Top Stories
Cardinal laments on retrograde steps in draft bill on religious activities
Philip Blair
18:25 22/05/2011
Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man
The Vietnamese government is proposing to introduce amendments to existing laws which will further restrict freedom of worship and all other church-related activities in the country.

Cardinal Jean Baptise Pham Minh Man, of the Archdiocese of Saigon said in a letter to the Vietnamese prime minister: “Overall, the fifth draft amendments for the Government Decree 22/2005 are a huge retrograde step compared to the original one, the Ordinance on Beliefs and Religions, and the Constitution."

The letter, published on VietCatholic News on May 20, was issued after the prelate had held a conference with representatives from all dioceses in the Ecclesiastical Province of Saigon on the draft bill.

Cardinal Man said: “Essentially, the proposed amendments of the decree reflect the desire of the government to re-establish the mechanism of Asking and Granting in religious activities. The Asking and Granting process turns the legitimate rights of citizens into privileges in the hands of government officials who would grant or withhold them to people through bureaucratic procedures.”

“The mechanism of Asking and Granting, hence, does not only eliminate the freedom rights of people, but also turns a ‘government of people by people and for people’ in to a ‘Master of the country’ who holds in his hands all the rights, and grants or withholds them to people at his random mood swings,” he warned.

Bishops in Vietnam have repeatedly voiced their concerns that religious freedom in Vietnam is still very far from reality due to a ‘jungle of law’ - full of ambiguities and contradictions - which are there to regulate, circumscribe, and hence control religious communities.

Article 70 of the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam provides that “the citizen shall enjoy freedom of belief and religion; he can follow any religion or follow none. All religions are equal before the law. The places of worship of all faiths and religions are protected by the law. No one can violate freedom of belief and of religion, nor can anyone misuse beliefs and religions to contravene the law, and State policies.”

The phrase ‘misuse of beliefs and religions’ is indeterminate and susceptible of many interpretations. In fact, ordinary religious functions, such as the Catholic engagement in social justice and advocacy for human rights, have had every chance to be regarded as a ‘misuse of beliefs and religions’ under the Article.

Fr Peter Hansen, lecturer on history of the Church in Asia at the Australian Catholic Theological College in Melbourne, said: “Certainly, the Article provides no criteria as to what is considered a ‘misuse’, nor does it state who is to be the arbiter of whether a particular activity falls within the definition. Arguably, it was the constitutional drafters’ intent that the determinative power rest with the Vietnamese state, with the Church itself having no role to play. This potentially grants to the state the effective capacity to circumscribe what constitutes legitimate religious activity, and axiomatically, to place outside the bounds of legitimacy whatever it finds displeasing."

Moreover, quasi-legislative provisions found in a series of ordinances, and decrees on Beliefs and Religions, typically the Government Decree 22/2005 promulgated on March 1, 2005, Government Decree 26/1999, issued on 19 April 1999 which is based on a directive of the Communist Party (No.37 CT/TW), circulated on 2 July 1998, have further ramifications for the practice of religion and citizens’ religious rights. Many of these provisions have drawn criticism as constituting a de facto impediment to true religious freedom.

Fundamentally, these quasi-legislative provisions state that all religions and religious denominations must seek the recognition of the central government in order to operate legally.

But, “the state only recognises the existence of religions not their legal status and their clergy’s legal rights. Religious clergy, therefore, are neither entitled to citizen’s rights as others nor able to legally represent their religion. Religious organisations are not entitled to a legal status as other social groups according to the Constitution and the law... Instead of being able to enjoy their legitimate rights, they have to beg for permission to held religious ceremonies, to preach their beliefs, to carry out formation and ordination,” lamented the Cardinal.

Indeed, the attached minute of the conference, signed by Fr. Joseph Maria Le Quoc Thanh, the president of the newly born Archdiocesan Justice and Peace Commission, showed the forum participants’ frustration that religious activities including liturgies, prayers services, sermons, catechetical teachings must be licensed annually or given specific permission per event whilst admission into monastic life must conform to the stipulations of the State Religious Affairs Committee. Retreats and ‘similar religious activities’ must be in accordance with government regulations; religious conferences must have state approval. The printing, publication, and the importation of publications, especially ‘religious cultural articles’, are regulated by the state.

Given its particular connection to the Vatican and the universal Catholic Church in general, the provisions regulating foreign religious involvement are of particular importance to the Vietnamese Catholic Church. Vietnam government requires that the bestowal of religious titles (bishop, cardinal, in particular) must have its approval, thus providing a de facto government veto over episcopal appointments. It has on many occasions in the past exercised that veto in rejecting candidates proposed by the Vatican.

The draft bill maintains that religious organisations’ international activities must comply with state policies and precepts, and such organisations must advise the Religious Affairs Committee of any instructions received from ‘foreign religious organisations’, and then comply with any instructions issued by the committee. Invitations to ‘foreign religious organisations and individuals’ must be approved by the Committee for Religious Affairs. Foreigners wishing to undertake religious activities in Vietnam must register with local People’s Committees, and any aid received from foreign religious organisations must be approved by the State Religious Affairs Committee.

The Ordinance on Beliefs and Religions promulgated on June 18, 2004 states that “legitimate properties of all faiths and religions are protected by the law”. However, “in reality, there has been no single legal document stipulating clearly how they are protected and how the ownership rights of religious communities are protected,” the prelate challenged. “That’s why a series of premises and land has been unjustly seized,” he added. Echoing the viewpoints of Vietnamese bishops in their statement on Sep. 25, 2008, the Cardinal stated that the land and property laws are out-dated and inconsistent, they ought to be revised. Vietnamese government needs to take the right to own private property into consideration as stated in the Universal Declaration of Human Rights: “Everyone has the right to own property alone as well as in association with others.” and “No one shall be arbitrarily deprived of his property.”

In brief, the fifth draft amendments for the Government Decree 22/2005, as criticised by Cardinal Jean Baptise Pham, whilst maintaining all harsh previous restrictions on religious freedom, requires more administrative procedures of ‘request for permission’.

The Cardinal concluded his letter by asserting that the Vietnamese Catholic community "earnestly want to see the construction of a legal system that is progressing for the advancement of the people, by the people in order for the country to develop with stability" He cautiously reminded Vietnam government that "By the same token, for the law to be respected, it requires one's courage to change their mind-set, to respect the objective truth, and change from the fundamentals of the rule of law, rather than just the regulations or the decrees".
 
Pope Benedict XVI blesses shuttle crew in 1st papal call to space
Marcia Dunn, AP
08:46 22/05/2011
CAPE CANAVERAL, Fla. -- Pope Benedict XVI had a direct line to the heavens Saturday, with NASA's help.

Speaking from the Vatican, the pontiff bestowed a historic blessing upon the 12 astronauts circling Earth during the first-ever papal call to space, wishing a swift recovery for the shuttle commander's wounded congresswoman wife and condolences for a station astronaut mourning his mother's death.

The "extraordinary" conversation, as Benedict described it, occurred after the Endeavour astronauts inspected a small gash in the shuttle's belly, to ensure their safe return to Earth after departing the International Space Station in just over a week. NASA later determined the damage posed no threat to the next-to-last flight in the 30-year shuttle program.

Seated at a table before a television set tuned to NASA's live broadcast from orbit, Benedict told the space travelers "you are our representatives spearheading humanity's exploration of new spaces and possibilities for our future." He said he admired their courage, discipline and commitment.

"It must be obvious to you how we all live together on one Earth and how absurd it is that we fight and kill each one," the pontiff said, reading from prepared remarks. "I know that Mark Kelly's wife was a victim of a serious attack, and I hope her health continues to improve."

Kelly, who is of Irish-Catholic descent, thanked the pope for his kind words. His wife, U.S. Rep. Gabrielle Giffords, had surgery to repair her skull Wednesday, four months after being shot in the head at a political event in Tucson, Ariz. She was nearly killed, yet she managed to attend her husband's launch last Monday.

Kelly told the pope that borders cannot be seen from space and noted down on Earth, people usually fight for resources. At the space station, solar power provides unlimited energy, "and if those technologies could be adapted more on Earth, we could possibly reduce some of that violence," he said.

Benedict asked about the future of the planet and the environmental risks it faces, and wanted to know what the astronauts' most important message would be for young people when they return home.

Space station astronaut Ronald Garan Jr. spoke of the paper-thin layer of atmosphere "that separates every living thing from the vacuum of space." And shuttle crewman Mike Fincke described how he and his colleagues "can look down and see our beautiful planet Earth that God has made."

"However, if we look up, we can see the rest of the universe, and the rest of the universe is out there for us to explore," Fincke said. "The International Space Station is just one symbol, one example, of what human beings can do when we work together constructively."

(Source: http://www.theeagle.com/faith_values/Pope-Benedict-XVI-blesses-shuttle-crew-in-1st-papal-call-to-space / For the video, go to http://1.usa.gov/kBeH5Q)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tu Đoàn Nhà Chúa Hải Ngoại có thêm Tân Phó Tế
Lê Hạnh
08:22 22/05/2011
Oregon – Ngày 21/5/2011, Đức Tổng Giám mục John G. Vlazny chủ sự Thánh Lễ truyền chức Phó Tế cho 9 thầy tại Nhà thờ Chính tòa Immaculate Conception ở Portland, Oregon. Có 40 cha cùng đồng tế và đông đảo bà con giáo dân cùng tham dự.

Xem hình ảnh

Thánh Lễ bắt đầu lúc 11 giờ. Nghi thức truyền chức Phó Tế diễn ra sau bài giảng của Đức Cha. Trong số các Tân Phó Tế, có thầy Peter Rạng Nguyễn là tu sĩ thuộc Tu Đoàn Nhà Chúa. Được biết, thầy Peter Rạng Nguyễn gia nhập Tu Đoàn Nhà Chúa từ năm 1970. Năm 1991, thầy vượt biên sang Philippine, rồi đến định cư tại Mỹ năm 2004 dưới sự bảo lãnh của Tu Đoàn Nhà Chúa hải ngoại.

Tu Đoàn Nhà Chúa được thành lập tại Việt Nam năm 1956. Lúc đầu Dòng có tên là “Tu Hội Nhà Chúa”. Những năm gần đây Dòng đổi tên thành “Tu Đoàn Nhà Chúa”. Sau năm 1975, một số linh mục và tu sĩ vượt biên ra hải ngoại, nhưng vẫn trung thành với đặc sủng của Dòng. Sau những ngày tháng bôn ba, họ đã qui tụ thành những cộng đoàn nhỏ và dần dần phát triển như một Phụ Tỉnh Dòng ở hải ngoại. Riêng ở Mỹ, Tu Đoàn có hai cơ sở chính: một cơ sở ở New Orleans – Louisiana và một cơ sở ở Portland - Oregon. Hiện nay số thành viên ngày càng gia tăng. Các ứng sinh gia nhập Tu Đoàn đều phải trải qua các giai đoạn đào tạo tiệm tiến: tìm hiểu, tập tu, khấn dòng, sau đó được gởi đi học triết và thần học ở các chủng viện. Sau khi được tiến chức linh mục, các cha chủ yếu làm mục vụ ở các giáo xứ và mục vụ gia đình. Sự hiện diện của Tu Đoàn Nhà Chúa đã góp phần làm phong phú thêm nếp sống tu trì trong Giáo Hội Hoa Kỳ.

Tu Đoàn Nhà Chúa hải ngoại hân hoan vui mừng có thêm Tân Phó Tế. Được biết, Tu Đoàn cũng sẽ tiến chức linh mục cho thầy Phó Tế Nhật Đặng tại Portland - Oregon vào ngày 4/6/2011.
 
Người Việt Úc Châu chào đón linh mục tị nạn đầu tiên được tấn phong Giám Mục
Đồng Văn Vượng
09:03 22/05/2011
Phần I: Phỏng vấn Lm Nhạc Sĩ Nguyễn Mộng Huỳnh, Lm. Phạm Quang Hồng. Lm. Nguyễn Minh Thuý và Lm. Chu Quang Minh




Phần II: Phỏng vấn Lm Nhạc Sĩ Văn Chi và anh Phạm Đức Tuấn


 
Thông Báo
Chúc mừng Tân Linh Mục
Hà Minh Thảo
09:04 22/05/2011
CHÚC MỪNG TÂN LINH MỤC

Chúa nhật ngày 22.05.2011 lúc 15 giờ 30, tại Nhà thờ Chánh tòa Thánh Cécile, Albi, Pháp quốc,
Đức cha Jean LEGREZ, Tổng Giám mục Giáo phận Albi đặt tay ban Bí tích Truyền chức Linh mục cho hai Phó Tế :

Đa minh NGUYỄN VĂN KHÁ
Phê rô NGUYỄN VĂN DIỆN


Chúng tôi hân hoan chúc mừng hai Cha và nguyện xin Thiên Chúa ban tràn đầy Hồng Aân để luôn là Linh mục noi gương Chúa Kitô.
Chúng tôi xin được góp vui với Gia đình hai Tân Linh mục.

Gia đình Hà Minh Thảo
Gia đình Lê Văn Hoàng
Gia đình Nguyễn Bữu Chánh
 
Văn Hóa
Thay tim
Lm Vũđình Tường
20:46 22/05/2011
Hồi còn đi học Bùi Công Luận thân hình nhỏ xíu gầy còm nên chúng bạn tặng cho hỗn danh là ‘cò con’. Cái tên cò con phát sinh vì Luận có cái cổ dài, thân hình mảnh khảnh. Khi đi đầu hơi chúi về phía trước như cổ cò. Hỗn danh thật xứng với cách đi đứng của người. Luận lúc đầu còn phản đối cái hỗn danh đó sau này anh em gọi riết tên Luận trở thành quá khứ.

Chiến tranh lan rộng, lớp học nhỏ dần, người phân tứ tán. Sau ngày gặp lại mới biết Luận gia nhập quân đội và vượt biên an toàn. Tình cờ gặp lại nhau khi tôi đến hớt tóc. Nghề không xứng với vóc dáng người thợ. Lúc này anh trở thành một người to lớn, vạm vỡ, cằm bạnh biến khuôn mặt tròn, bao quanh bởi râu quai nón. Cái kéo nhỏ xíu nằm trong bàn tay hộ pháp của ông thợ vừa to lớn vừa kềng càng. Đã thế tiếng cười vang lấn át cả tiếng xe chạy ngoài đường. Khi cắt tóc chỉ thấy bàn tay lanh lẹ di chuyển trên đầu mà không hề nhìn thấy kéo.

Gặp lại nhau nhưng không thể nào nhận ra nhau. Trong lúc đợi chờ, dù không muốn nghe cũng khó tránh được tiếng nói ồm ồm vang xa của người thợ hớt tóc. Tôi biết anh là người Cái Sắn, cũng mới đến Melbourne định cư. Anh ra nghề hớt tóc vì sau ngày mất nước, tù tội, nghi kị, ruồng bỏ anh tìm sống bằng nghề hớt tóc độ nhật.

Nghề mở lối

Cũng nhờ nghề mà anh khỏi bị nghi ngờ theo dõi vì suốt ngày lúc nào anh cũng đứng sau cái ghế, cắt tóc, nắm đầu thiên hạ. Nhờ nghề mà anh vừa kiếm sống nuôi gia đình, vừa nghe ngóng tin tức đó đây của người đến hớt tóc. Trong lúc ngồi chờ, gặp bạn quen kể điều nghe ngóng, hoặc chứng kiến cái dã man, tàn ác của kẻ lãnh đạo xã hội mới. Cũng nhờ nghề mà anh biết tin ai sắp vượt biên, đám nào tổ chức đáng tin cậy. Cái hay của người nghe là biết khi nào tin, khi nào ngờ và tin đến mức nào. Luận đã tin vào họ và đã thành công trong việc đưa gia đình vượt biển đến Úc châu định cư. Dù gốc lính nhưng không đi Mỹ hẳn phải có lí do nhưng tôi chưa kịp tìm hiểu.

Sau khi biết anh là người cùng quê. Đến phiên tôi vào ghế cũng lân la bắt chuyện hồi tưởng cho đỡ ghiền cái quá khứ tuổi xuân. Hồi đó người Việt còn ít, tin tức quê nhà còn hiếm hơn nên câu chuyện chỉ xoay quanh miền quê quen thuộc. Chỉ sau vài câu mào đầu, cảm tình hai chúng tôi nở rộ vì gặp lại người hàng xóm làng bên. Sang đến câu thứ sáu, thứ bảy là đến câu của ngày Chúa Nhật. Tôi gọi là câu ngày Chúa Nhật vì đây là ngày vui tuổi học trò. Sáng không phải đi học và không sợ thầy gọi tên trả bài trong lớp. Luận ngưng cắt tóc, đứng lưng quay vào gương nhìn thẳng mặt tôi cho rõ hơn. Anh lên tiếng chửi thề hỏi tên tôi. Tiếng chửi lanh lảnh khiến mấy người ngồi chờ nhướng mắt nhìn, tưởng tôi cắt tóc quịt, tiền không trả. Khi tôi xác định đúng tên, đúng lớp anh ngửa mặt lên trời cười ha hả. Anh quay ra cửa nhìn đám khách miệng liên tục nói đúng nó rồi, đúng nó rồi. Sau đó anh tuyên bố một câu làm nhiều người chán nản đứng dậy. Thôi các ông ra về đi, chiều ngay nghỉ hớt tóc. Ngày mai trở lại đi. Gặp được bạn cũ rồi, không cắt tóc nữa. Chiều nay nghỉ. Tưởng anh đùa với khách nào ngờ anh làm thiệt. Anh ra cửa quay bảng đóng cửa sau đó thu xếp đồ đạc về. Tôi phản đối, đầu mới cắt được phân nửa để vậy ra về sao được. Anh quyết liệt. Lên xe tôi lái về nhà ông có lái đâu mà lo. Tôi liếc nhìn qua gương, quả là khó coi. Đầu một bên tóc ngắn tủn, trắng bạch; bên kia dài lòng thòng, đen mướt, nhưng anh nhất quyết, không chịu cắt nữa. Biết sao bây giờ. Tôi tần ngần đứng dậy dời khỏi ghế. Biết tôi ái ngại, anh lên tiếng. Đừng lo cứ ngồi trong xe, tôi mua ít đồ ăn về nhà trong lúc bà xã nấu ăn mình hớt tóc, hớt xong là có cơm ăn liền. Tôi đành rời ghế lẽo đẽo theo.

Gặp lại

Sau một thời gian, tôi đổi đi xa không liên lạc được với Luận. Tin tức bị đứt từ đây. Rồi tình cờ lại gặp nhau tại Tây Úc. Anh đi Tây Úc sau khi bác sĩ cho biết anh cần phải thay tim mới có hy vọng sống. Thời gian chờ đợi thay tim ở Tây úc là thời gian ngắn nhất so với các nơi khác trong Úc châu vì thế gia đình quyết định dọn lên Tây Úc. Không ai có thể ngờ một người to lớn, lực lưỡng, trông khoẻ mạnh đến thế mà lại yếu tim. Bề ngoài không ai có thể đoán anh là người có bệnh vì anh vẫn đi lại bình thường, vẫn bước những bước dài chững chạc, vẫn phóng xe như bay trên xa lộ và vẫn cười vang như thuở nào.

Gặp lại nhau, lại tay bắt mặt mừng, lại nhớ chuyện xưa tích cũ. Lúc này Luận không làm gì nhưng chờ có người hiến tim để thay. Thực ra người hiến tim thì có nhưng thời hạn thì chưa.

Luận rất kiên nhẫn chờ đợi. Có lần anh ra phi trường đón tôi đến. Ngay hàng ghế trước anh cũng có một số bạn đón tôi tại phi trường. Máy bay đến trễ nên người này vui đùa với người kia quanh đề tài người vắng mặt. Luận nghe và biết rõ họ nói về bạn mình nhưng anh ngồi lặng yên nghe mà không hề góp chuyện. Vóc dáng to lớn, da ngăm đen, râu quai nón những người kia tưởng anh gốc Ấn độ nên tự nhiên phát ngôn mà không lo có người khác biết. Khi xuống máy bay tôi chào họ rồi đến bắt tay anh. Hai người nói tiếng Việt mọi người mới ngạc nhiên sao anh Ấn độ này nói tiếng Việt thạo thế. Cả bọn năm bảy người kia nín khe, không ai nói thêm lời nào. Lúc lên xe họ mới cho biết tại phi trường người này đua người kia kể chuyện về tôi. Tốt có, xấu có, sự thật cũng lắm mà phịa thêm cũng nhiều, cốt để được tràng cười thoải mái mà không ngụ ý bôi xấu. Luận ngồi im nghe, không hề đóng góp. Đến khi anh và tôi nói tiếng Việt họ mới té ngửa. Té ra anh Ấn độ kia là người Việt chính hiệu.

Thất hứa

Tôi dời Tây úc một thời gian sau thì Luận có tin vui. Anh được thay tim. Ca mổ kéo dài nhưng kết quả thành công rực rỡ. Luận hồi phục mau chóng và sớm xuất viện về nhà tịnh dưỡng. Nửa năm sau anh báo tin cho biết là anh sẽ hớt tóc trở lại để kiếm thêm nguồn tài chánh cho gia đình và đỡ cảm thấy nhàm chán vì không làm gì. Anh cho biết đã lấy lại phong độ xưa, da thịt hồng hào, nước da trắng hơn vì khí hậu mùa đông dường như thích hợp với cơ thể. Tôi chúc mừng anh và hứa khi nào đi Tây úc sẽ đến hớt tóc. Luận biết đây là lời nói đùa nhiều hơn nói thật vì không ai điên dại phải đi máy bay mất 5 giờ mới đến chỗ hớt tóc. Bông đùa vô hại cũng mang lại niềm vui, hy vọng tuy mong manh. Hơn năm sau cơ thể anh bắt đầu dở chứng, phản ứng. Lúc đầu cơ thể đón nhận trái tim xa lạ kia thành tim mình. Sau một năm nó phát giác nó bị lừa gạt nên chối bỏ trái tim mới. Bệnh này bác sĩ trị chưa dứt, bệnh kia xuất phát báo hiệu dữ nhiều hơn lành. Các bác sĩ chữa trị cho anh lúc đầu hy vọng nhiều bao nhiêu bây giờ chán nản bấy nhiêu. Họ biết là sự việc ngoài khả năng. Anh có thể đi bất cứ lúc nào, mặc dù bác sĩ chuyên về tim đã cố gắng hết sức nhưng vẫn bó tay, lắc đầu, chấp nhận thất bại.

Luận ra đi sau hơn môt năm thay tim. Anh mang lại nguồn vui và hy vọng cho gia đình. Nguồn vui đó quá ngắn so với thời gian chờ đợi. Nguồn vui chợt tắt theo tim anh. Nghe tin tôi cũng khựng lại không biết phản ứng ra sao. Mười năm sau hồi tưởng lại anh tôi viết câu chuyện này để tưởng nhớ anh. Cầu mong anh gặp lại Đấng tác tạo nên anh. Cái chết của anh để lại cho tôi những dòng suy tư mà tôi hân hạnh chia sẻ trong mùa Phục Sinh 2011 này trong tinh thần lời tiên tri Ezekien nói xưa để nhìn về trái tim tâm linh.

Ta sẽ ban tặng các ngươi một quả tim mới, sẽ đặt thần khí mới vào lòng các ngươi. Ta sẽ bỏ đi quả tim bằng đá khỏi thân mình các ngươi và sẽ ban tặng các ngươi một quả tim bằng thịt. Ezekien 36,26

Quả tim mới

Đức Kitô vì yêu nhân loại cũng ban cho chúng ta quả tim mới, quả tim bằng thịt, biết yêu thương. Để thay tim, người hiến tim chết đi, trái tim đó được cấp tốc lấy khỏi thân xác và thay cho người chờ thay tim. Để ban cho chúng ta quả tim mới, Đức Kitô cũng chết treo trên thập tự để ban cho chúng ta quả tim bằng thịt biết yêu thương, cảm mến. Phúc âm thuật lại người lính mổ tim Ngài bằng lưỡi đòng, đâm sâu cạnh sườn Đức Kitô. Tức thì máu và nước chảy ra. Có người trông thấy, làm chứng và chứng đó thực.

Trái tim Đức Kitô ban là trái tim mạnh khoẻ của người thanh niên mạnh khoẻ, không bệnh tật, ở tuổi ba mươi ba. Chúng ta vui mừng, đón nhận trái tim đó. Trái tim Đức Kitô ban cho chúng ta thích hợp với cơ thể mọi người. Bất cứ ai vui mừng đón nhận trái tim đó đều có sự sống dồi dào. Trái tim sinh hoạt mạnh khoẻ trong người đó. Anh bạn tôi được người hiến tim cho tim nhưng anh vẫn chết vì bệnh tim. Trái tim mới thay không thích hợp nên cơ thể anh từ chối. Trái tim Đức Kitô ban cho nhân loại là trái tim thánh, trái tim lành mạnh, thích hợp với mọi lứa tuổi, phái tính, màu da. Thế sao vẫn có người chết mặc dầu đã nhận trái tim thánh từ Đức Kitô? Trái tim thánh Chúa ban thích hợp với cơ thể mới. Trái tim thánh Chúa ban bị yếu liệt vì người nhận tim nuôi dưỡng tim bằng thực phẩm trần tục. Nuôi của thánh bằng thực phẩm trần tục làm thoái hoá của thánh. Bất cứ ai nuôi trái tim thánh bằng thực phẩm thế tục đều làm cho tim yếu liệt. Trái tim Chúa ban là trái tim trong sạch cần phải nuôi dưỡng bằng loại thực phẩm trong sạch. Thực phẩm trong sạch bao gồm công bằng, bác ái, tha thứ và đầy yêu thương. Trái tim thánh cần được canh tân qua các bí tích thánh, nuôi dưỡng bằng Mình và Máu Thánh Chúa. Thiếu phẩm chất thánh trái tim thánh sẽ đói lả, yếu liệt.

Thực phẩm xấu làm hại trái tim tốt. Tim tốt trở thành xấu vì loại độc dược của cuộc sống. Dùng hận thù nuôi trái tim thích tha thứ. Dùng ghét bỏ bao bọc trái tim đầy yêu thương. Dùng căm hờn đùm bọc trái tim đầy nhân ái. Nguyên nhân gây nên bệnh tim tâm linh phát sinh từ đó.

TiengChuong.org
 
Khiết trinh
Jos. Tú Nạc, NMS
08:18 22/05/2011
Lạy Mẹ!
Mối âu yếm khiết trinh của Mẹ đỗi vô ngần
Tâm tư vẹn tuyền trước tội lỗi cưu mang,
Ôi người nữ!
Trên tất cả mọi người nữ được tôn vinh
Trinh trắng hơn bọt biển giữa đại dương dậy sóng;
Trong sáng hơn vầng đông ló rạng lúc bình minh
Cùng những đóa hồng thắm thiết,
Và hơn cả vầng trăng vằng vặc
Trước lúc xế tàn bắt đầu trên bờ xanh trời biếc
Hình ảnh người nghiêng bóng đổ trần gian.
Ta cảm thấy ôi, vô cùng nhỏ bé,
Không miến thứ ta sấp mình quì gối nài van,
Vì trước một Quyền Năng không thế thấy,
Đã hòa quyện cùng tất cả giao hòa
Và phó thác trong Người
Của tình yêu Mẹ với tinh khôi thiếu nữ,
Của đất với trời, trần thế với thiên đàng!

(Tháng Hoa 2011)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Hoa Trắng
Diệp Hải Dung, Australia
22:00 22/05/2011
HOA TRẮNG
Ảnh của Diệp Hải Dung Australia,
Cài Hoa Trắng, ta tôn thờ Đức Mẹ
Thét Biển Đông rào rạt hát trùng dương
Ta xin mang tình thương Mẹ lên đường
Xây tươi đẹp cho sông dài biển rộng.
(Trích thơ của Mặc Giang)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền