Ngày 19-05-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 20/05: Gắn bó với Chúa – Lm. Phêrô Nguyễn Văn Cao, SJ
Giáo Hội Năm Châu
02:39 19/05/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thật, Thầy bảo thật anh em: anh em mà xin Chúa Cha điều gì, thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy. Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy. Cứ xin đi, anh em sẽ được, để niềm vui của anh em nên trọn vẹn.

“Thầy đã dùng dụ ngôn mà nói những điều ấy với anh em. Sẽ đến giờ Thầy không còn dùng dụ ngôn mà nói với anh em nữa, nhưng Thầy sẽ nói rõ cho anh em về Chúa Cha, không còn úp mở. Ngày ấy, anh em sẽ nhân danh Thầy mà xin, và Thầy không nói với anh em là Thầy sẽ cầu xin Chúa Cha cho anh em. Thật vậy, chính Chúa Cha yêu mến anh em, vì anh em đã yêu mến Thầy, và tin rằng Thầy từ Thiên Chúa mà đến. Thầy từ Chúa Cha mà đến và Thầy đã đến thế gian. Nay Thầy lại bỏ thế gian mà đến cùng Chúa Cha.”rồi.”


Đó là lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:55 19/05/2023

67. Để hiểu rõ ràng về việc Đức Mẹ Ma-ri-a chịu tất cả đau khổ khi Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thánh giá, thì cần phải suy xét tình yêu của người mẹ này đối với người Con của Mẹ.

(Thánh Bernardinus)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:57 19/05/2023
54. NGỌC QUÝ

Một người lữ khách đi trong sa mạc thì bị lạc phương hướng, ông ta đã hai ngày rồi chưa ăn gì cả và cũng không uống nước, ông ta rất yếu và đi đến ngồi dưới một cây xương rồng, hy vọng uống được một giọt nước, nhưng tất cả đều khô queo hết rồi. Đột nhiên ông ta phát hiện một bên cây xương rồng có một cái túi nhỏ, tinh thần của ông ta rất phấn chấn:

- “Lạy Thiên Chúa, con tán tụng Ngài, trong cái túi này có thể có một vài hạt đậu hoặc trái cây khô, con được cứu rồi.”

Ông ta vội vàng mở cái túi ra, nhưng lại thất vọng ê chề:

- “Trời ạ, đây chỉ là mấy hạt ngọc quý mà thôi.”

Thật tội nghiệp cho người lữ khách khát sắp chết đến nơi, bên cạnh có rất nhiều hạt ngọc quý nhưng không thể dùng được, ông ta cầu xin Chúa giúp đỡ ông ta. Đột nhiên hình như ông ta nhìn thấy ở phía xa xa có một con lạc đà đi tới, ông ta không dám tin vào mắt mình nữa, nhưng khi con lạc đà từ từ đi tới, ông ta thấy rõ ràng trên lưng con lạc đà có một người da đen.

Người da đen ấy trước đây không lâu đã ngồi nghỉ ở đây, khi rời khỏi thì bỏ quên cái túi ngọc quý. Sau khi phát hiện thì vội vàng trở lại tìm kiếm, ông ta rất vui mừng khi người lữ hành trả lại túi ngọc quý, ngoài việc lập tức đưa cho ông ta nước và thức ăn thì lại còn mời ông ta ngồi trên lưng lạc đà cùng ông ta rời khỏi đó.

Người da đen nói:

- “Đây đúng là ý trời, tôi đánh mất túi ngọc quý, đó là một chuyện bất hạnh. Nhưng đối với anh mà nói thì ngọc quý là đại ân nhân đã cứu mạng của anh.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 54:

Luôn luôn tin tưởng vào Thiên Chúa, luôn luôn làm những việc phải nên làm để linh hồn dũng cảm và chính trực, để tâm địa khiêm cung và chân thực, thì bạn sẽ phát hiện thấy rằng Ngài yêu mến bạn như thế nào?

Ai tin tưởng vào Chúa sẽ không thất vọng, trong cơn đau khổ và tối tăm Ngài sẽ luôn giúp đỡ phù trì chúng ta, bởi vì Ngài luôn đồng hành với chúng ta trong cuộc sống.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Sống cuộc đời hướng trời cao rộng
Lm. Nguyễn Xuân Trường
14:27 19/05/2023

SỐNG CUỘC ĐỜI HƯỚNG TRỜI CAO RỘNG

Chúa Giêsu đã làm người và lên trời mở ra cho con người sống cuộc đời cao hơn rộng hơn: Đời người vượt qua chân trời trần thế để vươn tới trời cao. Đời người vượt qua bản thân để mở rộng ra với muôn dân.

1. Vươn cao. Chúa làm người rồi lên trời là tin mừng vĩ đại cho nhân loại: Chúa kéo loài người lên trời với Chúa. Chúa đã tạo dựng con người trong tư thế: Đầu đội trời, chân đạp đất. Với dáng đứng thẳng, con người luôn mong muốn, khao khát vươn cao, không chỉ là chiều cao của không gian như làm đường cao tốc, xây nhiều cao ốc, mà là đỉnh cao của trí tuệ, của yêu thương, của vinh quang, của cuộc sống chất lượng cao. Sống chất lượng cao là lối sống của những con người có tâm hồn cao cả, cao đẹp, cao quý, cao thượng. Khát vọng vươn cao ấy giúp con người trổi vượt muôn loài, và thoát khỏi chân trời nơi đất thấp để vươn tới trời cao đẹp.

2. Mở rộng. Càng lên cao thì tầm nhìn càng mở rộng, và lòng mình cũng mở rộng, bởi vì từ trên cao nhìn xuống thấy mọi sự dưới đất đều bé nhỏ, các ranh giới bị xóa nhòa. Trước khi về trời, Chúa đã trao lệnh truyền cho các môn đệ: “hãy đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ Chúa.” Như thế, Đạo Chúa không chỉ giới hạn cho 1 quốc gia, mà Đạo Chúa được mở ra cho toàn thế giới. Môn đệ Chúa không chỉ dành riêng cho một ít người được ưu tiên tuyển chọn, mà được mở rộng cho muôn dân. Đó là tin mừng cho muôn dân, nhưng cũng là bổn phận mở rộng Nước Chúa, là sứ vụ loan báo Tin Mừng của người môn đệ Chúa.

Chúa lên trời mà không rời xa, nhưng lại ở gần như lời Chúa khẳng định: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.” Thì ra trời chẳng phải đâu xa mà là Chúa ở ngay với chúng ta. Như bầu trời ôm trái đất, thì Chúa Trời cũng ôm ấp tất cả chúng ta. Hãy nhận ra vòng tay Chúa và vui hưởng tình Chúa yêu thương. Amen.
 
Một Gia Đình Thiên Linh
Lm. Minh Anh
14:29 19/05/2023

MỘT GIA ĐÌNH THIÊN LINH
“Chúa Cha yêu mến các con, bởi các con yêu mến và tin Thầy!”.

William Hershey Davis nói, “Danh tiếng là những gì người ta nói về bạn trước bia mộ bạn; tính cách là những gì thiên thần nói về bạn trước ngai vàng Thiên Chúa. Danh tiếng là những gì bạn có khi đến một cộng đồng; tính cách là những gì bạn có khi rời một cộng đồng. Nhưng ở đó, người ta đã biết một điều, bạn là con cái Thiên Chúa, bạn thuộc về ‘Một Gia Đình Thiên Linh!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Sẽ khá bất ngờ khi Lời Chúa hôm nay tiết lộ bạn và tôi là những con trai, con gái của Thiên Chúa; bạn và tôi thuộc về ‘Một Gia Đình Thiên Linh!’; Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần!

Bài đọc Công Vụ Tông Đồ cho thấy cách thức các tín hữu của Gia Đình Hội Thánh sơ khai nâng đỡ nhau! Apollô, một nhân vật rất ấn tượng với một kiến thức Thánh Kinh vững chắc; vậy mà anh cần vợ chồng Priscilla - Aquila hướng dẫn. Apollô có những quà tặng mà đôi bạn này không có; cũng như đôi bạn này sở hữu những điều mà Apollô không có. Để lớn lên trong đức tin, mỗi người ‘cho đi’ và ‘nhận lại’. Là thành viên của Gia Đình Hội Thánh, chúng ta có bổn phận hỗ trợ và bổ túc cho nhau, để cùng nhau chia sẻ một sứ vụ là mở rộng Vương Quốc. Nhờ đó, như lời Thánh Vịnh đáp ca, dân các nước có thể tuyên xưng, “Thiên Chúa là vua toàn cõi địa cầu!”.

Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu mở rộng cộng đồng đức tin đó lên một cấp độ cao hơn, với một trương độ có chiều kích phổ quát hơn. Đó là Gia Đình Thiên Chúa Ba Ngôi, nền tảng của mọi gia đình, mọi cộng đồng! Chúa Giêsu nói đến Chúa Cha bằng những ngôn từ đẹp đẽ nhất, “Chúa Cha yêu mến các con, bởi các con yêu mến và tin Thầy!”. Bạn và tôi được kết hiệp với Chúa Cha nhờ tình yêu và quyền năng của Chúa Thánh Thần; để từ đó, cung lòng mỗi người sẽ là nơi cư ngụ của Gia Đình Ba Ngôi Thiên Chúa và là đền thờ của Chúa Thánh Thần!

Đức Phanxicô nói, “Toàn bộ cuộc sống Kitô hữu xoay quanh mầu nhiệm Ba Ngôi! Vì vậy, hãy giữ cho cuộc sống mình ở một cung bậc và một ‘cung điệu tầm cao!’. Hãy nhớ, vì vinh quang Thiên Chúa mà chúng ta tồn tại, làm việc, chiến đấu, và chịu đựng. Như thế, ơn gọi của bạn là ‘được gọi để tham dự vào sự sống và tình yêu của gia đình Thiên Chúa’ rạng ngời vinh quang!”.

Anh Chị em,

“Được gọi để tham dự vào sự sống và tình yêu của gia đình Thiên Chúa” là ơn gọi của bạn và tôi! Nói đến “gia đình” là nói đến thông truyền sự sống; nói đến Thiên Chúa là nói đến một Đấng từ trên cao! Như thế, được làm con cái Chúa, chúng ta được nâng từ đất thấp lên trời cao; từ tội lỗi đến thánh thiện; từ tầm thường đến phi thường! Từ đó, mọi hành vi cử chỉ của chúng ta không chỉ là một ‘hành vi nhân linh’; nhưng còn là một ‘hành vi thiên linh’. Không chỉ thông truyền sự sống tự nhiên, chúng ta thông chuyển sự sống siêu nhiên. Trong Chúa Kitô, chúng ta là con trai con gái của Thiên Chúa, chúng ta thuộc về trời cao. Vì thế, từ đây, bạn đừng chỉ tìm “danh tiếng người ta nói về bạn”, nhưng hãy sống “tính cách mà các thiên thần sẽ nói về bạn trước ngai vàng Cha trên trời”. Đừng ngần ngại cũng đừng lần lữa đến với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần trong Chúa Giêsu, nơi chất ngất ân sủng và thương xót!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, cho con biết, con thuộc về ai và mục đích đời con là gì! Đừng để con sống tầm thường, một cuộc sống không xứng tầm với cung bậc và ‘cung điệu tầm cao’ của con cái Chúa!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lễ Đức Chúa Giê-su Thăng Thiên
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:11 19/05/2023
CHÚA NHẬT

LỄ CHÚA THĂNG THIÊN


Tin mừng: Mt 28, 16-20.

“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.”


Bạn thân mến,

Có lần nào bạn thấy người ta bàn giao quyền lực chưa? Chằng hạn như bàn giao chức vụ tổng thống, bàn giao chức vụ tư lệnh quân đội, hay là bàn giao những chức vụ khác của chính quyền? Khi bàn giao, thì người ta bàn giao cách trọng thể có quay phim, có chụp hình, có đọc diễn văn, có chúc mừng với những tràng pháo tay, và cuối cùng thì tiệc liên hoan ở nhà hàng lớn. Nhưng rồi những người được bàn giao chức vụ này chỉ làm được từ bốn năm hoặc tám năm rồi hết.

Nơi miền Ga-li-lê, trên một ngọn núi Đức Chúa Giê-su đã tuyên bố với các môn đệ của mình: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất.” (Mt 28, 18b) Cũng có nghĩa là Chúa Cha đã “bàn giao” quyền năng của Ngài cho Đức Chúa Giê-su, cuộc bàn giao không nghi lễ, không kèn không trống này đã thực hiện trên đồi Gôn-gô-tha, khi Đức Chúa Giê-su phó thác linh hồn trong tay Cha, bởi vì khi Ngài tắt thở là lập tức nhận lại sự sống muôn đời, và có thể nói, đó là lúc Chúa Cha trao quyền cai quản vũ trụ cho Chúa Con...

“Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” cũng có nghĩa là cả vũ trụ này là do Đức Chúa Giê-su, và vũ trụ này được tạo dựng là bởi vì Ngài và cho Ngài (Cl 1, 15-17) cho nên, là môn đệ của Đức Chúa Giê-su, chúng ta cũng nhận được mệnh lệnh đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, để họ cũng nhận biết Ngài và hưởng phúc Nước Trời mai sau.

Bạn thân mến,

Đức Chúa Giê-su lên trời trước là để dọn chỗ cho mỗi người trong chúng ta, chính vì hạnh phúc đời đời của chúng ta mà Ngài đã chết, đã sống lại và đã lên trời. Đó chính là đức tin của chúng ta.

- Khi bạn chịu sỉ nhục vì danh Đức Chúa Giê-su, thì bạn đang gởi vật liệu khiêm tốn lên trời, để các thiên thần xây nhà cho bạn.

- Khi bạn vui vẻ phục vụ tha nhân, thì bạn đang gởi vật liệu bác ái lên trời, để các thiên thần xây nhà cho bạn.

- Khi bạn vui vẻ hòa đồng với tha nhân trong niềm yêu mến Chúa, thì bạn đang gởi vật liệu yêu thương lên trời để các thiên thần xây nhà cho bạn.

- Khi bạn đắm mình trước Đức Chúa Giê-su ThánhThể, thì bạn đang gởi vật liệu đức tin lên thiên đàng...

Đó chính là mục tiêu mà chúng ta –khi còn sống ở đời này phải cố gắng thực hiện cho bằng được, đó chính là chúng ta thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa Giê-su rồi vậy: “Vậy anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ...”

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa về Trời còn chúng ta ra đi
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
22:44 19/05/2023

CHÚA VỀ TRỜI CÒN CHÚNG TA RA ĐI
LỄ CHÚA THĂNG THIÊN NĂM A

Ngay trước khi về trời, Chúa Phục Sinh trao gởi vừa là lời di chúc, vừa là lời hiệu triệu, vừa là mệnh lệnh, để Hội Thánh, tiếp nối sứ mạng của Ngài: "Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, giảng dạy họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho các con".

1. DANH DỰ.

Như vậy “Hãy đi” là lệnh truyền của Chúa. Ra đi là sứ mạng của từng Kitô hữu. Sứ mạng ra đi bắt nguồn từ lệnh truyền “hãy đi”. “Hãy đi” là ơn gọi Chúa trao. Ra đi là danh dự, một danh dự bao gồm nhiều lý do. Lý do nào cũng lớn:

• Được lãnh nhận chính ơn gọi Chúa trao.
• Được lãnh nhận sức mạnh của ơn Chúa để thực thi sứ mạng. Vì sứ mạng nào cũng đi liền với ơn ban phù hợp sứ mạng ấy.
• Được tham dự vào quyền làm ngôn sứ, quyền mục tử của Chúa Kitô.
• Được tiếp nối công trình, đồng thời thực thi chính công việc Chúa đã làm.
• Được hiến dâng đời mình như chính Chúa Kitô đã hiến dâng.
• Được tham dự vào thừa tác vụ cứu độ của Chúa Kitô.
• Được tham dự vào tình yêu của Chúa Kitô để trao ban tình yêu ấy.
• Được đáp trả bằng tình yêu muôn đời Chúa dành cho tôi trung của Chúa.
• Được nên “bạn hữu” của Chúa Kitô: “Thầy không gọi anh em là tôi tớ, vì tôi tớ không biết việc chủ làm. Thầy gọi anh em là bạn hữu, vì tất cả những gì Thầy nghe được nơi Cha của Thầy, Thầy đã cho anh em biết” (Ga 15, 15).
• Được lãnh nhận ơn cao vời, nguồn mạch sự sống và sức sống của đời Kitô hữu là chính Chúa Thánh Thần.

Tất cả mọi người, không phân biệt già trẻ, trai gái, sang hèn… đều được mời gọi “hãy đi”. Vì thế, Kitô hữu hãy ý thức trong từng nhịp sống, qua tất cả mọi sinh hoạt, mọi suy nghĩ, mọi hành động… là chu toàn sứ mạng ra đi, "Giảng dạy cho muôn dân tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền". Từ đó “làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy”.

Ra đi như thế, Kitô hữu là cánh tay nối dài của Chúa Kitô vươn tới mọi người, mọi môi trường, mọi hoàn cảnh sống, nhờ đó Chúa Kitô tiếp tục ở lại trong mọi người, giữa trần thế.

Đó là danh dự lớn lao của người Kitô hữu. Danh dự này chắp cánh cho ước mơ sống vĩnh cửu trong Nhà Cha, nơi Chúa Kitô đã dọn sẵn (Ga 14, 2-4) cho những ai trung thành hoàn thiện ơn gọi đời mình.

Trong sứ mạng ra đi thực hiện lệnh truyền của Chúa, có thể nói, các Kitô hữu thay mặt Chúa hiện diện giữa lòng đời với anh chị em và vì anh chị em.

Bởi thế, trên hết mọi sự, Kitô hữu hãy ý thức thật cao, thật sâu sứ mạng ra đi của mình. Nhưng chỉ có thể ý thức sứ mạng, họ rời ánh mắt tâm linh hướng về Chúa Kitô, chiêm niệm cuộc đời, hành vi, suy tư của Chúa Kitô…

2. BÀI HỌC "RỬA CHÂN".

Nơi Chúa Kitô, bài học cho sự ra đi được thể hiện qua hành vi cao đẹp của Chúa trong nhà tiệc ly. Đó là hành động RỬA CHÂN:

Ra đi là quỳ xuống “rửa chân” cho anh chị em. Nghĩa là phục vụ anh chị em đến quên mình như Chúa Kitô.

Ra đi là chấp nhận bỏ lại đàng sau mọi ổn định, an nhàn của cuộc sống.

Ra đi là chấp nhận đối diện với tình trạng chông chênh, bấp bênh, thiếu thốn, mất mát…

Ra đi là bỏ lại đàng sau mọi thứ vướng bận, cồng kềnh của sự đời, của vật chất, của những gì không thuộc về Thiên Chúa, để từ đây dám chấp nhận hiến thân và tín thác hoàn toàn cho Chúa.

Ra đi là loại trừ mọi tính toán riêng tư, ích kỷ có nguy cơ làm cản trở bước chân đời tông đồ.

Ra đi là can đảm bước ra khỏi những lề thói, những não trạng, những nếp nghĩ, nếp sống… cũ mòn, có nguy cơ kéo đời sống thiêng liêng của ta ì ạch, mệt mỏi, ương lười…

Ra đi là tước bỏ cách sống thụ động, tìm an nhàn, an phận, để bảo đảm sự nhanh nhẹn nhất cho bước chân lên đường. Bởi con đường mà người được sai đi không phải là con đường ngắn, nhưng là con đường kéo dài tận cuộc đời. Trên con đường cuộc đời của người được sai đi, không phải toàn gấm hoa, nhưng chắc chắn sẽ đong đầy gai góc và nước mắt. Vì thế mới phải tước bỏ nhiều để có thể bền chí trước mọi thực tế thương đau.

Ra đi là tự trút bỏ ý riêng để theo ý Chúa. Bởi chỉ có thể trút bỏ hoàn toàn ý riêng, đi tìm ý Chúa, ta mới hiểu được ý Chúa trên suốt hành trình ra đi của mình. Nếu không, ta cũng sẽ bị Chúa quở trách như đã từng quở trách tông đồ Phêrô: “Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh là của loài người, chứ không phải tư tưởng của Thiên Chúa” (Mt 16, 23).

Sứ mạng của người ra đi chỉ trở nên xứng đáng với ơn gọi của Đấng sai đi, khi sứ mạng đó luôn luôn được đặt trong tương quan và gắn bó mật thiết với chính Đấng sai đi.

Người sống sứ mạng ra đi chỉ trở nên xứng đáng với Đấng trao ban ơn gọi khi người ra đi chấp nhận dấn thân đến cùng, dấn thân đến hao mòn, đến quên mình, đến không còn gì cho mình, mà chỉ dành cho Đấng đã sai mình như tông đồ Phaolô đã từng thốt lên: “Tôi sống nhưng không phải là tôi, mà là Chúa Kitô sống trong tôi” (Gal 2, 20).
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Một người đàn ông lái ô tô với tốc độ nhanh lao vào Thành Vatican
Thanh Quảng sdb
01:55 19/05/2023
Một người đàn ông 40 tuổi bị bắt sau khi vượt các rào cản lái xe vào Vatican

Một người đàn ông lái ô tô với tốc độ nhanh lao vào Thành Vatican, vượt qua hai trạm kiểm soát của Vệ binh Thụy Sĩ và Hiến binh Vatican. Người đàn ông này đã bị bắt và đang bị giam giữ trong doanh trại hiến binh.

(Tin Vatican)

Tối thứ Năm (20/5/2023), một người đàn ông lái một chiếc ô tô muốn xông vào cửa chính Vatican nhưng không được, hắn đã tìm cách vào Sân Damasus của Cung điện Tông tòa, nơi hắn bị các hiến binh của Vatican bắt giữ.

Vụ việc xảy ra ở cổng Thánh đường Anna, trước 8 giờ tối.

Theo Văn phòng Báo chí Vatican, người đàn ông này đã bị Vệ binh Thụy Sĩ ngăn không cho vào Vatican, nên sau đó hắn rời khỏi cổng vào, và quay lại với tốc độ nhanh vượt qua hai trạm kiểm soát của Lực lượng Vệ binh Thụy Sĩ và của Lực lượng Hiến binh.

“Trong một nỗ lực để dừng chiếc xe – thông cáo báo chí Tòa thánh cho biết – thanh tra của Lực lượng Hiến binh, đang canh gác ở cổng, đã nổ súng về phía lốp trước của xe”.
Người đàn ông lái ô tô với tốc độ nhanh lao vào Thành Vatican

Dù bị trúng đạn, nhưng chiếc xe vẫn tiếp tục lao vào. Các hiến binh sau đó đã gióng lên những hồi còi báo động và chặn các lối vào phía sau Vương cung Thánh đường thánh Phêrô, các lối vào Vườn Vatican và sân Nhà Trọ thánh Marta, nơi có dinh thự của Đức Thánh Cha.

Tuyên cáo cho biết: Trong khi xe vào được sân nhà trọ thánh Damasus, "Người lái xe đã tự bước ra và tự để cho Quân đoàn hiến binh chặn lại và quản thúc".

Người đàn ông đó khoảng 40 tuổi, ngay lập tức được các bác sĩ của Tổng cục Y tế và An sinh của Nhà nước Vatican khám bệnh và bác sĩ phát hiện hắn đang trong “tình trạng khủng hoảng tâm lý trầm trọng”.

Hắn hiện đang bị giam giữ trong một phòng giam trong cơ sở mới của doanh trại hiến binh, dưới sự canh phòng của các cơ quan tư pháp.
 
Các nhà hoạt động Ý vận động cho Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Liên bang Nga ngừng ném bom dân thường ở Ukraine
Đặng Tự Do
17:15 19/05/2023


Việc yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra Lời kêu gọi long trọng gửi tới Tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin, yêu cầu đình chỉ việc ném bom dân thường “Ukraine đang bị vùi dập” là khẩn cấp và chính đáng, và chúng tôi làm điều đó theo cách nhỏ bé của mình - Đó sẽ là một hành động mang tính nhân văn cao cả, có thẩm quyền về mặt đạo đức và là mong muốn của trái tim đau buồn của Đức Giáo Hoàng. Một nhóm vận động ở Ý đã cho biết như trên với tờ Sismografo.

Trên thực tế, trong thông cáo của Tòa Thánh sau buổi tiếp kiến của Đức Phanxicô với Tổng thống Vlodymyr Zelenskiy vào Thứ Bảy tuần trước, chúng ta đọc: “Đức Giáo Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách về 'những cử chỉ nhân văn' đối với những người mong manh nhất, và những nạn nhân vô tội của cuộc xung đột”.

Nhóm vận động cho biết một cử chỉ như vậy là hết sức khẩn cấp và có thể là một tia hy vọng và ánh sáng cho tất cả mọi người, trước hết là cho người dân Ukraine, cũng như cho những yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chắc chắn điều đó nên được thực hiện sớm hơn nhưng một yêu cầu như vậy gửi tới Điện Cẩm Linh luôn có thể thực hiện được và không bao giờ là quá muộn.

Không ai muốn bảo Đức Giáo Hoàng phải làm gì, vì những người có học chắc chắn sẽ nói bằng những lý lẽ vô nghĩa rằng KHÔNG! Không nên làm như thế. Nhưng, đó là một yêu cầu không hơn không kém, một yêu cầu chính đáng của người Công Giáo đối với Giám mục Rôma. Đó cũng là một yêu cầu chính đáng về mặt đạo đức. Vào ngày 1 tháng 9 năm 2013, trong trường hợp xảy ra cuộc chiến khủng khiếp ở Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát động Ngày Cầu nguyện và Ăn chay cho Hòa bình, dành toàn bộ Kinh Truyền Tin cho hòa bình và cho sự đau khổ và thương tiếc những người yếu thế nhất.

Nhóm vận động kết luận rằng: “Ngày nay, một lời kêu gọi hoặc khuyến khích tương tự của Đức Thánh Cha dành cho người dân Ukraine có thể là một phần của “sứ mệnh” hòa bình đã được thảo luận trên chuyến bay trở về từ Budapest, được kết hợp với chiến dịch nhân đạo vĩ đại dường như nằm trong kế hoạch của Đức Thánh Cha.”


Source:Sismografo
 
Putin bổ nhiệm cựu Đại Diện tại Hội đồng Âu Châu làm tân đại sứ cạnh tại Vatican
Đặng Tự Do
17:17 19/05/2023


Ngày 16 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm Ivan Soltanovski, cựu đại diện tại Hội đồng Âu Châu, làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh, sau khi giải nhiệm Đại Sứ cạnh Tòa thánh và Dòng Malta, Alexander Avdeyev.

Soltanovski từng là đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Âu Châu từ năm 2015 đến 2022.

Tháng 3 năm ngoái, Mạc Tư Khoa đã thông báo cho Hội đồng Âu Châu về quyết định rút khỏi tổ chức này, là tổ chức mà Mạc Tư Khoa cáo buộc đã trở thành “một công cụ chính trị chống Nga”.

Avdeyev đã đứng đầu Đại sứ quán Nga cạnh Vatican và Dòng Malta kể từ năm 2013.

Việc bổ nhiệm này diễn ra bốn ngày sau chuyến thăm của tổng thống Ukraine, Volodimir Zelenskiy, tới Vatican, nơi ông đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng và Zelenski đã gặp nhau trong 40 phút tại Vatican, một cuộc gặp được mong đợi sau khi Đức Giáo Hoàng tiết lộ rằng một sứ mệnh hòa bình đang được tiến hành ở Ukraine, các chi tiết vẫn chưa được biết, mặc dù các trao đổi của họ chú trọng vào lĩnh vực nhân đạo, hơn là đàm phán chính trị.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Vatican giải thích rằng “Đức Thánh Cha đã bảo đảm lời cầu nguyện liên tục của mình cho Ukraine, được chứng kiến bằng nhiều lời kêu gọi công khai và liên tục cầu khẩn Chúa cho hòa bình, kể từ tháng 2 năm ngoái,” khi người Nga bắt đầu cuộc xâm lăng.

Đức Phanxicô “đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về 'những cử chỉ của nhân loại' đối với những người yếu ớt nhất, những nạn nhân vô tội của cuộc xung đột”, trong điều có thể được hiểu là yêu cầu Ukraine xem xét khả năng thử một giải pháp thương lượng, ngoài “Các Công thức Zelenskiy”, bị Mạc Tư Khoa bác bỏ, trong đó đưa ra 10 điểm cần thiết để bắt đầu đối thoại.

Nhưng Zelenskiy yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô lên án “tội ác của Nga ở Ukraine vì không thể có sự bình đẳng giữa nạn nhân và kẻ xâm lược” và nhấn mạnh rằng “hòa bình công bằng” là điều duy nhất có thể.


Source:infobae.com
 
Hoa Kỳ yêu cầu Ấn Độ kiểm tra 'các cuộc tấn công có chủ đích tiếp tục' vào các nhóm thiểu số
Đặng Tự Do
17:18 19/05/2023


Một tháng trước chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, cho biết Hoa Kỳ muốn Ấn Độ lên án bạo lực tôn giáo dai dẳng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo, trong đó liệt kê các cuộc tấn công chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo bao gồm người Hồi giáo và Kitô giáo tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Price đã nói về “tiềm năng to lớn” của Ấn Độ và cho biết ông “rất buồn” trước “các cuộc tấn công có chủ đích liên tục” nhằm vào các nhóm tôn giáo thiểu số của đất nước.

“Về những lo ngại này, chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích chính phủ lên án bạo lực và quy trách nhiệm cho những người tham gia vào những luận điệu phi nhân tính đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”.

Trong số những lo ngại mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu ý là “những lời kêu gọi công khai diệt chủng người Hồi giáo, treo cổ và những hình thái bạo lực do hận thù thúc đẩy khác, tấn công vào những nơi thờ phượng và phá hủy nhà cửa, và trong một số trường hợp không bị trừng phạt và thậm chí khoan dung cho những người đã tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số tôn giáo “.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hứa sẽ nói chuyện “trực tiếp” với các quan chức Ấn Độ và nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp xã hội dân sự của chúng tôi tại hiện trường và với các nhà báo dũng cảm đang làm việc hàng ngày để ghi lại một số vụ lạm dụng này.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao, dựa trên nghiên cứu trực tiếp cũng như lời khai của các nhóm vận động và truyền thông, đã chỉ ra những lo ngại về việc phá hủy nhà cửa chống lại người Hồi giáo và cảnh sát của người Hồi giáo nơi công cộng ở Gujarat, là bang quê hương của Modi.

Người Hồi giáo chiếm gần 14% trong tổng số 1,4 tỷ người của Ấn Độ trong khi người theo Ấn Giáo chiếm gần 80% dân số và các tín hữu Kitô chiếm 2%.

New Delhi từ lâu đã đẩy lùi những chỉ trích của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, đặc biệt là của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, gọi tắt là USCIRF, mà hồi đầu tháng này một lần nữa khuyến nghị Bộ Ngoại giao đưa Ấn Độ vào danh sách đen về hồ sơ của họ.

Trong báo cáo thường niên của mình, cơ quan này cho biết chính phủ Ấn Độ “ở cấp quốc gia, tiểu bang và địa phương đã thúc đẩy và thực thi các chính sách phân biệt đối xử tôn giáo” vào năm 2022. Những chính sách này bao gồm “luật cấm chuyển đổi tôn giáo, cấm các hôn nhân liên tôn, cấm đeo khăn trùm đầu và cấm mổ bò”.

USCIRF cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên chỉ định Ấn Độ là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo vì “những vi phạm có hệ thống, đang diễn ra rất nghiêm trọng” đối với tự do tôn giáo ở quốc gia có đa số người theo Ấn Giáo.

Cuối năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ liệt kê “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” nhưng gần như chắc chắn ông sẽ bỏ qua cho Ấn Độ, quốc gia mà Hoa Kỳ đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn trong nhiều thập kỷ, một phần như một bức tường thành chống lại Trung Quốc.


Source:Aljazeera
 
Tính Công Giáo, tính bổ sung và sự hiệp thông
Vũ Văn An
19:40 19/05/2023

Cha Jerry Pokorsky, đồng sáng lập cả CREDO lẫn Adoremus, hai tổ chức tham gia sâu sắc vào việc đổi mới phụng vụ đích thực, trên Catholic Culture, ngày 5 Tháng Tư, 2023, đã có bài viết khá dài nói về giáo huấn của Giáo hội về tính dục con người, và cách chúng gắn bó với giáo huấn của Giáo hội về các bí tích và bản chất của Giáo hội. Nguyên văn có thể xem tại đây https://www.catholicculture.org/commentary/catholicity-complementarity-and-communion/

Thiên Chúa bày tỏ những lời và việc làm cứu rỗi của Người qua Giáo Hội Công Giáo. Kinh Tin Kính Các Thánh Tông Đồ, Bảy Bí Tích, và Mười Điều Răn phát biểu những điều chắc chắn vững chắc của đức tin Công Giáo. Trong bối cảnh tín lý lành mạnh (dựa trên Kinh thánh, Thánh truyền và Huấn quyền), các nhà thần học được tự do suy đoán dưới con mắt quan tâm của Giáo hội. Việc nghiên cứu thần học—như việc Đức Maria suy gẫm về lời chào của Thiên sứ Gabrien—giúp chúng ta hiểu sâu hơn về sự mặc khải của Thiên Chúa.

Trước sự kích động đòi phong chức cho phụ nữ, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tái khẳng định Kinh Thánh và Thánh Truyền. Năm 1994, ngài tuyên bố: “Giáo hội không có thẩm quyền nào trong việc truyền chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo hội kiên quyết tuân giữ” (Ordinatio Sacerdotalis). Trong những năm gần đây, các vị giáo phẩm nổi tiếng của Công Giáo đã hồi sinh khả năng thụ phong cho phụ nữ, song song với việc thúc đẩy tính hợp pháp về mặt đạo đức của ý thức hệ LGBTQ.

Chúng ta hãy xem xét nền tảng của những dị giáo này, hậu quả và phương thuốc Công Giáo dựa trên thần học về “tình dục bí tích”.

Dị giáo Ngộ đạo

Dị giáo Ngộ đạo nằm dưới LGBTQ và các nghị trình phong chức cho phụ nữ. Dị giáo này có nhiều hình thức (đôi khi trái ngược nhau) và tràn vào đế quốc La Mã vào buổi sơ khai của Giáo hội. Về gốc rễ, những người theo thuyết Ngộ đạo phủ nhận sự tốt lành vốn có trong sự sáng tạo của Chúa, vũ trụ vật chất. Tinh thần—bao gồm cả tinh thần thuần khiết của Thiên Chúa—không tương thích với sự sáng tạo vật chất. Một phiên bản Ngộ đạo cho rằng “thần linh” siêu việt chống lại “thần ác độc” của thế giới vật chất. Một cách giải thích khác dạy rằng linh hồn con người bị “mắc kẹt” trong một cơ thể vật chất. Các biến thể hiện đại bao gồm quan điểm coi con người là “một bóng ma trong một cỗ máy” (mô tả của một triết gia về thuyết nhị nguyên tâm trí/cơ thể của Descartes).

Ma quỷ, trong sự ghen tị của mình, ghét sáng thế. Những người theo thuyết ngộ đạo coi cơ thể của họ như những phần phụ tùy chọn với những hành vi từ nghiêm khắc về mặt đạo đức đến lăng nhăng. Giáo phái tân ngộ đạo Albi thời Trung cổ cho rằng việc thụ thai là xấu xa vì nó giam cầm một linh hồn trong cơ thể con người. Phá thai “giải phóng” một linh hồn bị mắc kẹt để trở về vũ trụ. Ngoài ra, vì cơ thể là thấp kém hoặc xấu xa và tinh thần của chúng ta là tốt, chúng ta có thể sử dụng các phần phụ của cơ thể mình cho mọi hình thức trụy lạc tình dục.

Ngày nay, dị giáo Ngộ đạo đang phổ biến, đặc biệt là trong các vấn đề về tình dục của con người.

Tính Công Giáo, tính bổ sung và sự hiệp thông

Sự Nhập Thể giải cứu chúng ta khỏi tà giáo Ngộ đạo ma quỷ ngăn cách thân xác chúng ta với linh hồn chúng ta. Trong ngôi vị của Người, Chúa Giêsu giao hòa Thiên Chúa và con người. Thánh Gioan củng cố sự hiệp nhất giữa xác và hồn và sự tương thích trên trời với thực tại trần gian: “Và Ngôi Lời đã trở nên xác phàm, ở giữa chúng ta, đầy ân sủng và chân lý; chúng ta đã được chiêm ngưỡng vinh quang của Người, vinh quang của Con Một phát xuất từ Chúa Cha.” (Ga1:14) Thánh Đa Minh đã làm suy yếu niềm tin của phái Albi vào thuyết nhị nguyên của nó khi ngài cầu nguyện Kinh Mân Côi, sử dụng những lời chống lại tà giáo: “…và Chúa Giêsu, con lòng bà gồm phúc lạ.” Việc sốt sắng đọc Kinh Mân Côi là một vũ khí ghê gớm chống lại dị giáo Ngộ đạo.

Chúng ta là những tinh thần có thân xác, không phải “những bóng ma trong một cỗ máy”. Cơ thể của chúng ta phát biểu linh hồn của chúng ta. Sự tách biệt của thể xác và linh hồn khi chết là không tự nhiên và là hậu quả của tội lỗi. Thiên Chúa khôi phục sự trọn vẹn của bản chất được tạo dựng của chúng ta với sự hợp nhất của thể xác và linh hồn trong sự phục sinh của người chết lúc tận thế. Chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa qua “chất thể và mô thức” của các Bí Tích. Người Công Giáo không bôi nhọ sáng thế tốt đẹp của Thiên Chúa.

Cơ thể của chúng ta có một ý nghĩa cộng đoàn hay “phu thê” không thể thiếu. “Cộng đồng các ngôi vị” cố hữu trong mặc khải về việc tạo dựng con người: “Vậy Thiên Chúa đã tạo dựng con người theo hình ảnh của mình, theo hoạ ảnh của Thiên Chúa, Người đã tạo dựng nên con người có nam có nữ, Người đã tạo ra họ.” (St 1:27) “Con người” là một thuật ngữ thần học không thể thiếu bao gồm “nam và nữ” hiệp thông với nhau. Sự hiệp thông Công Giáo, phẩm giá bình đẳng và tính bổ sung trải dài toàn bộ nền văn hóa và xã hội. Giao ước tình yêu độc chiếm và trung thành của Ađam và Evà thay thế cho sự lăng nhăng của Ngộ đạo.

Bài thơ quen thuộc và dễ thương của John Donne phản ảnh sự nhạy cảm của Kitô hữu và bày tỏ niềm vui và nỗi buồn trong bản chất cộng đoàn của chúng ta:

Không ai là một hòn đảo,
Toàn bộ của chính nó,
Mỗi người là một mảnh của lục địa,
Một phần của điều chính.

Nếu một cục đất bị biển cuốn đi,
Châu Âu trở nên nhỏ hơn.
Cũng thế nếu một doi đất bị cuốn đi.
Cũng thế nếu một trang viên của người bạn của bạn
Hoặc của riêng bạn bị cuốn đi:

Cái chết của bất cứ người nào làm giảm bớt tôi,
Bởi vì tôi can dự vào nhân loại,
Và do đó, đừng bao giờ gửi đi để biết tiếng chuông báo hồn cho ai;
Nó báo hồn cho bạn
.



Tính bổ sung đồng tạo dựng

Đàn ông và đàn bà chia sẻ phẩm giá bình đẳng trong tư cách hình ảnh của Thiên Chúa, và nam tính và nữ tính của họ bổ sung cho nhau. Trong sách Sáng Thế, Evà thụ thai một đứa con: “Bây giờ Ađam ăn ở với Evà vợ mình, bà thụ thai và sinh ra Cain; bà nói rằng: 'Nhờ Chúa giúp đỡ, tôi đã sinh được một con người.'” (St. 4:1) Evà nhìn nhận con trẻ của bà như một món quà từ Thiên Chúa, và Ađam làm trung gian cho tình yêu của Thiên Chúa. Sự trung gian của ông có tính thiêng liêng (tình yêu của ông dành cho một người đàn bà là vợ của ông) và thể lý (cái ôm thể xác của ông trong tư cách một người đàn ông). Cái ôm phu thê mang tính bí tích: một dấu chỉ bên ngoài của tình yêu Thiên Chúa qua trung gian một người đàn ông.

Chúa Giêsu mở rộng ý nghĩa của tình phụ tử mà không phủ nhận các thuộc tính thể lý của nó. Người kết hợp vai trò làm cha thể lý của Ađam với vai trò làm cha thiêng liêng. “Đừng gọi ai là cha dưới đất, vì các con chỉ có một Cha ở trên trời”. (Mt 23:9) Tư cách làm cha của Ađam—về thể chất và tinh thần—tham gia vào tư cách làm Cha của Thiên Chúa. Một người đàn ông vi phạm Quyền làm Cha của Thiên Chúa thông qua hành vi vô đạo đức—lạm dụng tình dục hoặc vợ con của mình—sẽ từ bỏ quyền căn tính trong tư cách làm cha cho đến khi họ hoán cải.

Khi Evà nhìn nhận đứa trẻ như món quà của Thiên Chúa thông qua Ađam trong tư cách “người trung gian” của Thiên Chúa Cha, bà vui mừng nơi đứa con của mình nhưng không cho rằng mình có quyền sở hữu. Bà tích cực nhận được tình yêu của Thiên Chúa qua cái ôm hôn nhân của Ađam. Bà nhìn nhận con mình như một đứa con của Thiên Chúa và món quà của Người dành cho bà và Ađam. Khiêm nhường nhìn nhận vai trò trung gian của Ađam giúp ngăn cản việc coi con cái như vật sở hữu ích kỷ—hoặc thậm chí vứt bỏ chúng khi phá thai.

Evà không nói với con mình rằng: “Cơ thể của tôi, sự lựa chọn của tôi.” Bà không chiếm hữu con cái của mình và không loại trừ Ađam khỏi cuộc sống của chúng. Với Ađam là “người trung gian” hay trung gian tình yêu của Thiên Chúa, cha mẹ thừa nhận vai trò khiêm nhường của họ là người quản lý tốt các món quà của Thiên Chúa trong sự hiệp thông yêu thương. Trên hết, con cái của họ được sinh ra bởi Thiên Chúa và được định sẵn cho thiên đàng. Nam tính và nữ tính của cha mẹ cùng nhau phản ảnh tình yêu vĩnh cửu của Thiên Chúa dành cho con cái của Người.

Đặc điểm nam và nữ giao nhau ở một điểm. Tình yêu của người nữ cũng là trung gian của tình yêu Thiên Chúa. Nhưng sự trung gian của Evà khác hẳn với sự trung gian của Ađam trong vòng ôm hôn nhân. Ađam chủ động đón nhận tình yêu của Evà nhưng theo sự hòa hợp thánh thiện của cùng một vòng ôm hôn nhân. Evà, không phải Ađam, thụ thai một đứa trẻ. Ađam làm trung gian cho đời sống con người theo khuôn mẫu sáng tạo chuyên biệt của Thiên Chúa.

Người mẹ nuôi dưỡng đứa con của mình với những thuộc tính nữ tính rõ rệt, và một người cha cũng chăm sóc đứa trẻ bằng nam tính của mình. Nhưng cha không thể nuôi con như mẹ cho con bú. Chữ đầu tiên mà một đứa trẻ thường học được là “Mẹ”. Các nhà tâm lý học cho rằng giọng nói mặc định của GPS là giọng nữ vì trẻ sơ sinh lần đầu tiên nghe thấy giọng nói của mẹ. Evà nuôi dưỡng sự sống con người theo khuôn mẫu chuyên biệt của sự sáng tạo của Thiên Chúa. Thiên Chúa đã tạo ra chúng ta như những vật liệu hợp thể thân xác và linh hồn. Cơ thể của chúng ta phát biểu chúng ta là ai. Chúng ta thông truyền hành vi của chúng ta như những người nam và người nữ.



Sự hiệp nhất phu thê của mầu nhiệm Nhập Thể

Nhập thể khẳng định sự tương hợp hài hòa giữa Thiên Chúa và con người, bản chất con người và bản chất thần linh, thể xác và linh hồn, vật chất và tinh thần. Thánh Phaolô giúp khám phá mầu nhiệm về vai trò của nam giới với tư cách là cha và linh mục: “Vì chỉ có một Thiên Chúa, và có một Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, đó là Đức Giêsu Kitô làm người”. (1 Tm 2:5)

Chúa Giêsu là Chàng Rể Thần Linh: “Khách dự tiệc cưới có ăn chay khi chàng rể còn ở với họ không?” (Mc. 2:19) Trong tư cách đàn ông — trong tư cách nam giới—Người làm trung gian tình yêu của Thiên Chúa Cha cho Mẹ Giáo Hội một cách bí tích, hy sinh mạng sống của Người cho nàng dâu của Người. “Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu này, tình yêu của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình.” (Ga 15:13) Chúa Giêsu dùng ngôn ngữ hôn nhân trên Thập giá khi Người phó mạng sống của mình cho Giáo hội: “‘Thế là đã hoàn tất!’ Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí” (Ga. 19:30). Sự hoàn tất cứu chuộc của Người làm trung gian cho sự sống mới. Giáo Hội đơm hoa kết trái như người mẹ sinh ra những đứa con tinh thần nơi Người. Các con của Mẹ được rửa tội trở thành con Thiên Chúa để chuẩn bị lãnh nhận Bí Tích Thánh Thể.

Chúa Giêsu là Ađam Mới: “Vì như bởi một người mà có sự chết, thì cũng bởi một người mà có sự sống lại từ kẻ chết. Vì như trong Ađam mọi người đều chết, thì cũng vậy, trong Đấng Kitô mọi người sẽ được sống lại.” (1 Cr 15:21-22) Nam tính của Chúa Giêsu mang tính bí tích, là dấu hiệu bề ngoài của việc Người làm trung gian cho tình yêu của Đức Chúa Cha. Sự trung gian của Người về tình yêu sáng tạo của Thiên Chúa bày tỏ sự tổng hợp giữa thân thể Người (sự trung gian của Người trong tư cách Chàng rể Thần linh trên Thập giá) và linh hồn (“Như Cha đã yêu mến Thầy, Thầy cũng yêu thương các con”—Ga 15:9). Giáo hội là người bảo vệ—chứ không phải chủ sở hữu—của đức tin của con cái Thiên Chúa được Chúa Giêsu cứu chuộc.

Sự hiệp nhất phu thê của Giao ước mới và vĩnh cửu

Chúa Giêsu ra lệnh cho các Tông Đồ trong Bữa Tiệc Ly, “Hãy làm việc này để tưởng nhớ đến Thầy.” (Lc. 22:19) Thánh Truyền khẳng định rằng Chúa Giêsu ban cho các ngài phẩm giá và bổn phận cử hành Thánh Lễ trong Người như những người nam—nam giới. Các Tông đồ tham gia (giống như những người cha tham gia vào Thiên chức làm Cha) trong sự trung gian bí tích của Người. Họ không bao giờ thay thế hay chiếm chỗ của Chúa Giêsu trong tư cách Đấng Trung Gian Duy Nhất.

Mặc dù Thánh lễ đầu tiên vào Thứ Năm Tuần Thánh dự ứng Thập giá và Phục sinh, nhưng tính chất phu thê của nó được hoàn thành vào Lễ Hiện xuống và sự kết hợp dứt khoát của Đức Maria và các môn đệ vào Nhiệm thể của Chúa Kitô, Giáo hội. Giáo hội vui sướng nơi những đứa con do Chúa Giêsu làm trung gian thông qua các Tông đồ của Người, cũng như Evà vui sướng nơi những đứa con của mình như những món quà của Thiên Chúa qua trung gian của Ađam.

Đức Maria là Evà mới. Giống như Người Nữ Evà là “mẹ của mọi người sống” (St. 3:20), Người Nữ Maria là mẹ của tất cả những ai sống trong Chúa Kitô: “những người tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa và làm chứng cho Chúa Giêsu.” (Kh. 12:17) “Danh hiệu ‘Mẹ Giáo hội’ do đó phản ảnh niềm xác tín sâu sắc của các tín hữu Kitô giáo, những người nhìn thấy nơi Đức Maria không chỉ là mẹ của con người Chúa Kitô, mà còn của các tín hữu nữa”. (Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, Buổi tiếp kiến chung, ngày 17 tháng 9 năm 1997 )

Chúng ta cử hành thánh lễ với tính dục khiết tịnh của linh mục và giáo dân. Linh mục trong nam tính của mình (với cung thánh là lãnh địa thiêng liêng của mình, đặc biệt là trong Phụng vụ Thánh Thể) mang tính bí tích, một dấu hiệu bên ngoài của thực tại vô hình của ân sủng Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu - có thể tiếp cận được nhờ đức tin và các Chức thánh - linh mục làm trung gian của tình yêu Chúa Cha dành cho Giáo Hội của Người. Chúa Giêsu được sinh ra một lần nữa trong mỗi Thánh Lễ. Trong Thánh Thể, dưới hình bánh và rượu, Ngôi Lời đã trở nên xác phàm và ở giữa chúng ta, và Thiên Chúa và con người một lần nữa được giao hòa. Đức Maria là Mẹ Giáo Hội, và linh mục là trung gian trong Chúa Giêsu. Mẹ Maria đón nhận tình yêu của Thiên Chúa với tư cách là Mẹ qua trung gian của linh mục. Với tư cách là Đấng Trung gian của mọi ân sủng, Mẹ Maria ban phát các hồng ân của Chúa Cha cho con cái Mẹ qua bàn tay của linh mục khi Rước lễ.

Thiên Chúa thiêng liêng hóa tình yêu của Người—và tình yêu của chúng ta—trong các Bí tích mà không từ chối những thứ của thế gian. Người sử dụng “chất thể và mô thức” cho những cuộc gặp gỡ của Người với chúng ta: nước, dầu, việc đặt tay, bánh mì và rượu—được đi kèm và được bảo vệ bởi những lời mạnh mẽ làm thành sự. Giao ước hôn nhân—với lời đề nghị và sự chấp nhận cũng như sự trung thành độc hữu và sinh hoa trái của nó—tìm thấy sự hoàn thành trong lời đề nghị và sự chấp nhận Giao ước mới và vĩnh cửu. Tiếng “Amen” khi rước lễ chứng thực Giao ước của Thiên Chúa với dân Người và giao ước hôn nhân giữa vợ và chồng.

Những lời dạy và phép lạ của Chúa Giêsu là tự nhiên và phục hồi phẩm giá của chúng ta. Tội lỗi, đau khổ và sự chết vi phạm bản chất con người của chúng ta. Chúa Giêsu khước từ cám dỗ biến đá thành bánh của ma quỷ, nhưng Người thánh hiến bánh hằng ngày thành Bánh Hằng Sống. Người phục hồi sức khỏe, Người khiến kẻ chết sống lại, và Người tha thứ tội lỗi. Khi vâng lời Người, chúng ta lớn lên trong nhân tính của mình. Chúng ta yêu và trở nên đáng yêu hơn. Khi chúng ta khám phá ra các điều răn của Người và cố gắng sống theo các điều răn đó, thì sự đáp trả của lòng biết ơn tìm được biểu thức trong việc thờ phượng, trên hết là Bí tích Thánh Thể.

Thiên Chúa tạo dựng mỗi con người theo hình ảnh và họa ảnh của Người. Tất cả các quốc gia và dân tộc bao gồm Giáo Hội trong Nhiệm Thể Chúa Kitô. Nam tính và nữ tính là những dấu hiệu thể chất bên ngoài của sự bổ sung cho nhau của chúng ta. Chúng ta cần nhau. Không ai là một hòn đảo.

Các Ý thức hệ Ngộ đạo làm suy yếu Giáo hội, Thánh lễ và Nhập thể

Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” (DEI) làm nền tảng cho nghị trình của LGBTQ và việc thúc đẩy phong chức phụ nữ là một hình thức thay thế Ngộ đạo. Thành phần đa dạng nhấn mạnh sự khác biệt của chúng ta hơn là sự thống nhất (gia đình, bộ lạc, quốc gia hoặc tôn giáo). Thành phần công bằng là không thể đạt được vì sẽ luôn có sự khác biệt về cơ hội và khả năng thể chất và học thuật.

Trong các môn thể thao dành cho nữ giới, những người đàn ông giả làm phụ nữ giành chiến thắng trong nhiều biến cố vì khả năng thể thao của nam giới thường vượt trội so với nữ giới. Nhu cầu “hòa nhập” giả vờ không lưu ý đến sự phân biệt giai cấp giữa giới ưu tú văn hóa và người dân thường. Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” nhất thiết phủ nhận sự khác biệt về thể chất, trí tuệ và xã hội. Một kích thước phải phù hợp với tất cả mọi người, ít nhất là đối với những người bình thường. Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” có tính duy ưu tú và toàn trị. Ngược lại, sự thật về Ngôi Lời nhập thể giải phóng chúng ta.

Sự kích động thành công cho “hôn nhân đồng tính” (hoặc kết hợp) đòi hỏi sự phủ nhận Ngộ đạo về sự khác biệt về thể chất để phù hợp với khuôn mẫu đa dạng, công bằng và hòa nhập. Bằng cách bác bỏ ý nghĩa hôn nhân của cấu trúc thể chất của tình dục con người, ý thức hệ LGBTQ phủ nhận tầm quan trọng và tính bí tích của sự trung gian của nam giới. Không có người hòa giải, đàn ông và đàn bà trở nên tự chủ, và tình dục của đàn ông và đàn bà là vô nghĩa ngoại trừ các mục đích “đa dạng, công bằng và hòa nhập”. Không có trung gian, sứ mệnh của Chúa Giêsu trở nên hoàn toàn Thần linh hoặc thuần túy con người. Chức linh mục nơi Chúa Giêsu cũng tách rời khỏi chức Cha của Thiên Chúa. Sự nhầm lẫn bác bỏ tầm quan trọng của những món quà nam tính và nữ tính trong việc truyền đạt tình yêu của Thiên Chúa. Sự nhầm lẫn và cạnh tranh giữa các cá nhân “đa dạng” một cách vô vọng thay thế cho tính bổ xung của các giới tính.

Nhập thể, trong tư cách biến cố trung tâm của lịch sử loài người, vi phạm mọi thành phần của Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập”: Chúa Giêsu là duy nhất, Thiên Chúa và Con người trong một Ngôi vị. Người cứu chuộc những ai hưởng ứng lời cứu độ của Người. Người sử dụng hình ảnh và thực tại đám cưới để truyền đạt những lẽ thật cứu rỗi của Người. Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” yêu cầu rằng các đặc điểm thể chất của nam tính và nữ tính nhất thiết phải miễn trừ được hoặc có thể hoán đổi cho nhau được. Do đó, những người theo chủ nghĩa duy ưu tú của Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” trao cho trẻ em quyền được cắt bỏ bộ phận sinh dục nếu trẻ em kết luận rằng chúng là bé gái trong cơ thể bé trai (hoặc ngược lại). Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” phủ nhận sự sáng tạo của Thiên Chúa là tốt lành và bác bỏ việc Nhập thể và Cứu chuộc.

Việc theo đuổi Ngộ đạo đương thời “tính đa dạng, tính công bằng và hòa nhập” tự trị làm suy yếu tính bổ sung và tính thống nhất của con người được tạo ra theo hình ảnh Thần linh. Ý thức hệ này cắt đứt huyết mạch hòa giải dẫn tới đời sống nội tại của Thiên Chúa Ba Ngôi. Việc truyền chức cho phụ nữ - nơi phụ nữ tự nhận mình là linh mục - tách chức linh mục khỏi nam tính và tách nữ tính khỏi Giáo hội (với Đức Maria là Mẹ và Mẫu mực). Nhập thể không hòa giải Thiên Chúa và con người (“con người” là “nam và nữ” trong cộng đồng nhân vị). Ngôi Lời chiến thắng sự hiện hữu trong xác thịt, hoặc xác thịt chiến thắng Ngôi Lời: hoặc là một cuộc xâm lược của người ngoài hành tinh (chẳng hạn như các vị thần trong thần thoại Hy Lạp) hoặc sự ra đời của một nhà tiên tri đơn thuần là con người (Hồi giáo).

Tôn giáo theo Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” bác bỏ các cấu trúc và biểu hiện của con người và lịch sử của Truyền thống. Sứ mạng của Chúa Giêsu không mạch lạc và thường thiếu thực chất và các thực tại bí tích. Thánh lễ trở nên khó hiểu và có chức năng—thậm chí lộn xộn về mặt phụng vụ (những đổi mới vi phạm Giao ước là vô kể). Bộ máy quan liêu—được điều hành bởi các chính sách của ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập”—thay thế sự tập trung của Giáo hội vào đức tin, Phụng vụ Thánh, lịch sử Giáo hội, Truyền thống thiêng liêng và sự cứu rỗi. Sự Phục Sinh thể xác của Chúa Giêsu là một câu chuyện cổ tích. (Thật vậy, việc phủ nhận sự phục sinh thể xác của Chúa Giêsu đang quay trở lại sau những ngày điên cuồng tiếp theo Công đồng Vatican II.)

Tính đồng lõa Công Giáo

Suy tư thần học—tách rời khỏi Kinh thánh, Truyền thống và Huấn quyền—trở nên vô nghĩa khi nó chuyển sang các nghiên cứu nhân học và xã hội học mang tính cách mạng dựa trên “sự đa dạng, công bằng và hòa nhập”. Các tuyên bố về chính sách—ngạo mạn phủ nhận giáo huấn của Giáo hội—được cho là “bắt kịp” các nghiên cứu xã hội học hiện đại. Nhưng các ý thức hệ là những dị giáo lâu đời và chỉ mới “bắt kịp” gần đây với quan điểm của Descartes và Ngộ đạo cổ xưa về con người.

“Thật vậy, sẽ đến thời người ta không còn chịu nghe giáo lý lành mạnh, nhưng theo những dục vọng của mình mà kiếm hết thầy này đến thầy nọ, bởi ngứa tai muốn nghe”. (2 Tm 4:3-4)

Việc Phong chức cho phụ nữ

Không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều giám mục Công Giáo, vốn cổ vũ nghị trình của LGBTQ, cũng cổ vũ việc phong chức cho phụ nữ. Việc truyền chức cho phụ nữ cũng phủ nhận đặc điểm phu thê của Giao ước của Thiên Chúa và cắt xén đàn ông và đàn bà về phương diện tâm linh. Ham muốn thỏa mãn những nhu cầu ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” xấu xa của nền văn hóa phủ nhận các đặc điểm nam tính và nữ tính. Cuộc gặp gỡ giả định với Thiên Chúa không cần một người trung gian bắc cầu vĩnh cửu với thời gian, sự trung gian của Chúa Giêsu, hay ngay cả việc Nhập thể.

Việc phong chức xác định cả nam và nữ cho “thừa tác vụ toàn thời gian.” Các linh mục trải qua cuộc thiến tinh thần với việc từ chối tính bí tích của cơ thể họ trong tư cách trung gian của Thiên Chúa. Nam và nữ, nam tính và nữ tính, cha và mẹ, là những phân biệt không khác biệt. Chức làm cha chẳng đem lại điều gì cho chức linh mục. Đàn ông và đàn bà tự chủ. Sự mất phương hướng tính dục làm suy giảm vẻ huy hoàng của nữ tính vốn được Thiên Chúa thiết kế để đón nhận và nuôi dưỡng sự sống. Chúng ta nghe phụ nữ nói, "Tôi chỉ là một người mẹ." Theo giai thoại, một giám đốc điều hành doanh nghiệp gần đây đã phủ nhận phẩm giá của phụ nữ bằng những lời chào đón đúng đắn về mặt chính trị dành cho “đàn ông và những người mang thai”.

Các chương trình của Giáo hội làm lu mờ và thậm chí thay thế Thánh lễ và các Bí tích. Những đổi mới làm biến dạng chức linh mục bí tích và biến nó thành những hoạt động chức năng quan liêu. Các giáo xứ trở thành thương hiệu kinh doanh, và mục tử trở thành người quản lý kinh doanh hơn là linh mục của Thiên Chúa. Thánh lễ hàng ngày bị gián đoạn và trở thành như nhiều hoạt động xã hội khác trong Giáo hội. Giáo hoàng không còn cần đến sự ổn định của “Tòa Thánh Phêrô” vốn được xây dựng cố định trên tảng đá Kinh thánh và Truyền thống để kiềm chế những thái quá về tín lý. Giống như một mặt hàng tạp hóa, ngày hết hạn đối với giáo huấn của Giáo hội phụ thuộc vào nhu cầu thay đổi của ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập”.

Các quan chức nhà thờ trở thành những con sói háu đói và không thể củng cố đức tin hy sinh của người Công Giáo trong một nền văn hóa bị biến dạng về mặt đạo đức. Tội nhân không có nơi nào để tìm đến sự tha thứ và chữa lành. Phù hợp với ý thức hệ văn hóa của ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập”, hàng giáo phẩm làm lu mờ Giáo hội như một “dấu hiệu mâu thuẫn” với Chúa Giêsu. Sự biến đổi trong Đức Kitô trở nên vô nghĩa. Sự phân phối ân sủng của Thiên Chúa và công đức chúng ta kiếm được không thể thay đổi. Tính đa dạng, công bằng và hòa nhập làm cho việc cứu rỗi cho các linh hồn không đáng kể gì.

Việc chúng ta trở lại với hòa bình và hợp nhất của tính bổ sung Công Giáo

Một số bác sĩ đang xuất hiện, ngày càng lo lắng về việc cắt bỏ bộ phận sinh dục. Họ nên như vậy. Các ca phẫu thuật không chỉ gây ra các vấn đề về sinh lý mà còn gây ra những rối loạn tâm lý và cảm xúc nghiêm trọng. Một người đàn ông bị thiến hoặc một số đàn bà dị dạng phải sống một cuộc đời lừa dối. Liệu pháp hoóc-môn được cho là “chuyển đổi” tính dục của con người trong các hợp thể thân xác-linh hồn của chúng ta từ người này sang người khác là một huyền thoại độc hại. Các thủ tục y tế cắt xén các đặc điểm thể chất để phù hợp với một ý thức hệ là hủy hoại con người.

Việc truyền chức cho phụ nữ (thực tế là chức linh mục chuyển giới) cũng chịu chung số phận. Thuyết Ngộ đạo tước bỏ phẩm giá của đàn ông (với tư cách là người trung gian cho tình yêu của Thiên Chúa) và loại bỏ các thuộc tính nữ tính bổ sung của phụ nữ (trong tư cách người mẹ hoặc người mẹ tiềm năng nhận được và vui mừng trong tình yêu của Người). Ý thức hệ “đa dạng, công bằng và hòa nhập” dẫn đến sự bất mãn, xung đột bất tận và nỗi kinh hoàng.

Giao ước của Thiên Chúa —với “tính dục bí tích” trung thành và độc chiếm cũng như tính bổ sung của nó—thanh tẩy và phục hồi bản chất con người. Nam và nữ, Người đã tạo ra họ. Ađam và các người cha, Chúa Giêsu và các linh mục—làm trung gian cho tình yêu của Đức Chúa Cha. Evà và các bà mẹ, Giáo Hội và Đức Maria— yêu thương và nuôi dưỡng con cái của họ.

Vâng phục Chúa Giêsu, chúng ta lớn lên trong nhân tính của mình và khám phá ra ý nghĩa của nam tính và nữ tính của chúng ta. Chúng ta yêu và trở nên đáng yêu hơn. Sự đáp trả lòng biết ơn của chúng ta được thể hiện qua việc thờ phượng, nhất là trong Thánh Thể:

Việc Thiên Chúa tạo dựng con người—với tính bổ sung trung thành và độc chiếm của vợ chồng—bày tỏ trọn vẹn bản chất con người.

*Nam và nữ, Người đã tạo ra họ.
*Ađam và những người cha làm trung gian cho tình yêu của Chúa Cha.
* Evà và các bà mẹ yêu thương và nuôi dưỡng con cái của họ.

Sự Nhập Thể và Sự Cứu Chuộc xác nhận tính tương hợp của Thiên Chúa và con người, tinh thần và vật chất, nam và nữ.

*Và Ngôi Lời đã làm người phàm và ở giữa chúng ta.
*Chúa Giêsu làm trung gian tình yêu của Chúa Cha.
*Giáo hội và Mẹ Maria yêu thương và nuôi dưỡng con cái của họ.

Giao Ước Mới và Vĩnh Cửu cần “tính dục bí tích” để chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa.

*Tham dự vào Chúa Giêsu Đấng Trung Gian Duy Nhất, các linh mục làm trung gian cho tình yêu của Chúa Cha.
*Qua lời truyền phép của linh mục, Ngôi Lời một lần nữa trở nên xác phàm trong Bí Tích Thánh Thể.
*Giáo Hội và Mẹ Maria yêu thương và nuôi dưỡng con cái mình bằng việc Rước Lễ và các Bí Tích.

Khi chúng ta công nhận phẩm giá hôn nhân của nam và nữ như Thiên Chúa tạo dựng nên chúng ta, chúng ta tiến bước trên con đường Công Giáo thanh thản (chứ không phải “đa dạng”), bổ sung (thay vì “bình đẳng”) và hiệp thông (một “sự bao gồm” kết hôn với thiên đàng và trái đất).
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Họp mặt Vietcatholic -18/5/2023 tại Melbounre
Vietcatholic Melbourne
20:14 19/05/2023
Họp mặt Vietcatholic -18/5/2023 tại Melbounre

Bản tường trình do linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb phó Giám đốc tường trình và khoản đãi bữa tiệc họp mặc.
Coi hình ảnh
Viedo sinh hoạt do Khắc Thái phụ trách.

Nhóm Cộng tác viên Melbourne

Cha Quảng và một số anh chị em đã dấn thân vào lãnh vực Vietcatholic khoảng những năm 2010, khi anh An qua Melbourne để huấn luyện cho một số xướng ngôn viên, ký giả và editing… Ngay sau đó Vietcatholic Melbourne đã phụ trách mục Tin Giáo Hội Năm Châu. Chương trình này được thực hiện hàng tuần với 4 nhóm xướng ngôn viên, ký giả, kéo dài được 2 hay 3 năm kèm theo với nhiều mục Thánh ca… Nhưng sau này vì thời gian tính, và vì anh chị em bận rộn công ăn việc làm, nên chương trình tạm ngừng, vì các tang mạng thông tin cần được thực hiện hàng giờ, chứ không chỉ hàng ngày nên anh chị em chỉ thực hiện được những chương trình đặc biệt mà thôi.

Suy Niệm Lời Chúa

Bắt đầu từ lễ thánh Matthêu 21/9/2020, chương trình “Suy Niệm Lời Chúa” được hình thành, quy tụ 6 linh mục thực hiện chia sẻ Lời Chúa hắng ngày trong tuần, sau đó chương trình được trao cho anh Nguyễn Ngọc Trúc điều hợp, anh đã qui tụ được 12 linh mục phụ trách mỗi 2 tuần 1 lần; cho tới nay con số linh mục tu sĩ chia sẻ Lời Chúa hơn kém khoảng 20 linh mục, sơ và thầy mà anh đã mời gọi quí vị chia sẻ Lời Chúa từ Việt Nam, Úc châu và Hoa kỳ. Chương trình đươc chào đón nhiệt tình.

Thánh lễ Vietcatholic

Kế từ cha Đình, một linh mục Dòng Đaminh, tu học về Media tại Perth khởi xướng và sau một thời gian học xong, cha được gọi về Việt Nam thì quí linh mục Melbourne đã quảng đại dảm trách và mục thánh lễ đã được khởi sắc nhờ cả một đội ngũ:

- Quay phim

- Editing

- Ban Thánh Ca

- Giúp lễ

- Các linh mục tự nguyện dâng lễ

- Dâng lễ tại nhiều nhà thờ tại Melbourne

- Các thánh lễ đã được quí khán giả nhiệt liệt ủng hộ, số khán giả vào tham dự lễ khoảng 50,000 lượt và trong thời gian Covid, con số này có khi lên tới 300,000 lượt coi…

Lời Ca Nguyện cầu

Phát xuất từ chương trình GHNC, Chương trình đươc bắt đầu từ năm 2020 do Sr Thùy Linh và Cẩm Yến, Mai Hương thực hiện hàng tuần nhưng sau này vì quá bận rộn với công ăn việc làm mà dù đội ngũ viết bản thảo do Sr Thùy Linh, cha Quảng và anh Miện đã cố gắng, nhưng cũng gặp nhiều khó khăn về tác quyền bản nhạc, nên chương trình rút lại hàng tháng và do cha Quảng và Sr Thùy Linh viết bản thảo.

Chương trình được nhạc sĩ Thanh Dũng phối nhạc, anh Khắc Thái quay phim và editing và phần trình bầy gồm: Cẩm Yến, Mai Hương, Bích Hạnh, Sr Thùy Linh và Linh mục Thanh Quảng… Chương trình cũng được khán giả yêu mến khích lệ.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh công trình Hội Thánh Chúa ở trần gian
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:34 19/05/2023
Hình ảnh công trình Hội Thánh Chúa ở trần gian

Công trình của Thiên Chúa hiện diện khắp nơi trong vũ trụ từ khởi nguyên. Đó là công trình tạo dựng trời đất cùng sự sống mọi loài thụ tạo.

Công trình vũ trụ thiên nhiên, sự sống do Thiên Chúa sáng tạo có từ hằng trăm triệu ngàn năm rồi. Đó là ngôi nhà thiên nhiên Thiên Chúa tạo dựng, gìn giữ cùng luôn đổi mới cho sự sống các loài tạo vật do Ngài tạo dựng nên. Như sách Kinh Thánh sáng Thế ký viết thuật lại ( ST 1, 1-31).

Con người xưa nay luôn hằng có những suy tư, khảo cứu tìm hiểu về nguyên lý, về vị Kỹ Sư sáng tạo làm ra công trình này, về những biến chuyển, về sức năng động của công trình sáng tạo thiên nhiên này. Nhưng nó vẫn luôn là một bí ẩn nhiệm mầu, là những suy tư giả thuyết, nhất là về sự sống mọi loài, đối với tâm trí có giới hạn của con người.

“ Không có một nơi chốn địa điểm nào trong vũ trụ trời đất, nơi đó có ghế ngai tòa của Thiên Chúa. Thiên Chúa chính ngài là nơi chốn ở trên mọi nơi chốn. Nếu nhìn ra thế giới vũ trụ chung quanh, không thấy trời nơi đâu, nhưng khắp nơi có những dấu vết của Thiên Chúa nơi công trình phát triển xây dựng vật thể, nơi thực tại ăn khớp với lý trí suy luận. Và cũng vậy, nơi con người sinh sống, tìm nhận ra được những dấu vết của Thiên Chúa. Chúng ta nhìn thất thấy gánh nặng đau khổ, nhưng cũng cảm nhận nhìn nhận ra thấy tình yêu lòng nhân từ. Đó chính là nơi chốn địa điểm Thiên Chúa ngự trị.” ( Đức cố Giáo hoàng Benedictô 16.)

Một công trình khác của Thiên Chúa ở trần gian có tuổi đời hai ngàn năm nay. Công trình này so với công trình vũ trụ thiên nhiên còn qúa non trẻ. Nhưng với con người xưa nay trong dòng thời gian nó là lâu cùng dài rồi. Phải, là già cỗi, cổ cũ cũng nên. Nhưng nó lại vẫn đứng vững luôn còn đó, đang khi những thể chế đế quốc chính trị kinh tế, những tổ chức phong trào hội đoàn của con người tạo dựng nên, lại chỉ có giới hạn thời gian tuổi thọ, và sau cùng cũng thay đổi tan biến mai một!

Đó là Hội Thánh Chúa ở trần gian.

Vậy Hội Thánh Chúa chiếu tỏa hình ảnh như thế nào nơi trần gian trong công trình vũ trụ thiên nhiên?

Trong dòng đời sống xưa nay ở trần gian sự biến chuyển thay đổi, sự khủng hoảng thăng trầm lên xuống là điều thuộc về đời sống, thuộc về những sinh hoạt xã hội con người.

Hội Thánh do Chúa Giêsu Kitô thiết lập dựng nên với và cho con người nơi xã hội trần gian cũng không ra khỏi ngoài quy luật khủng hoảng thăng trầm đó.

Con đường đời sống của Hội Thánh Chúa Kitô ở trần gian từ hơn hai ngàn năm qua đã sống trải qua không biết bao nhiêu khủng hoảng chao đảo, không biết bao nhiêu những cạnh tranh chia rẽ bè phái bảo thủ cấp tiến, không biết bao nhiêu những cám dỗ thử thách, lên xuống…

Ngay từ lúc khởi đầu thành lập Hội Thánh, Chúa Giêsu Kitô đã tuyển chọn kêu gọi 12 Tông đồ làm cột trụ cho Hội Thánh từ miền bắc nước Do Thái. Phần đông các vị là những người sống nghề nông, nghề chài lưới đánh cá. Họ là những người không thuộc thành phần trí thức có học thức cao trong xã hội thời lúc đó. Họ là những người với những bất toàn khiếm khuyết tội lỗi, như Tông đồ Thánh Phero đã phản bội chối Chúa Giêsu, các Tông đồ bỏ chạy, khi thấy Chúa Giêsu, thầy mình bị bắt, bị đem đi đóng đinh vào thập giá, họ cũng có thời lúc chia rẽ cạnh tranh ganh tỵ với nhau…

Đó là những điều tiêu cực đen tối diễn xảy ra trong Hội Thánh, không phải chỉ từ bên ngoài ập vào tới, nhưng còn ngay từ trung tâm nội bộ Hội Thánh, luôn có cùng lặp đi lặp lại trong dòng thời gian lịch sử Hội Thánh xưa nay, như lúc này từ những chục năm qua đang diễn xảy ra trong nội bộ khắp các Hội Thánh địa phương trên thế giới về tình trạng lạm dụng quyền bính lấn át bắt nạt người dưới, về bè phái tách ra khỏi, hồ nghi xét lại Hội Thánh…

Những vầng mây đen tối đó, những làn gío bão, những cơn sóng thần đó làm con thuyền Hội Thánh bị mất giảm uy tín, bị vùi dập lên xuống tưởng chừng như chìm đắm biến mất giữa lòng đại dương xã hội thời đại!

Không, Hội Thánh Chúa, dù bị vùi dập, dù vướng vấp vào những giai đoạn khủng hoảng chao đảo, bị nghi ngờ hay bị vu khống chia rẽ bè phái, dù có tội lỗi, dù có bị cấm cách bắt bớ… nhưng không bị tan biến loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội trần gian trong công trình vũ trụ tạo dựng của Thiên Chúa cho con người, như suy nghĩ phỏng đoán của con người thời đại.

Trái lại Hội Thánh Chúa do Chúa thiết lập cho con người nơi trần gian, luôn được Chúa ban cho đủ sức sống thần linh, sức nhẫn nhục chịu đựng, nhất là sức mạnh tinh thần biết tỉnh ngộ ăn năn thống hối sửa mình đổi mới lại, trở về con đường nẻo chính với phúc âm của Chúa, Đấng là sự sống, là đường và là sự thật.

Đức tin vào Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu Kitô là trung tâm cốt lõi, là sức sống của Hội Thánh. Nhờ thế, Hội Thánh Chúa có sức mạnh vượt qua được những cơn khủng hoảng, những tiêu cực, để không bị chìm tan biến xóa sổ. Trái lại có sức đổi mới vươn lên.

Chúa Giesu Kitô, sau 33 năm sống trên trần gian, đã từ gĩa trần gian trở về trời. Dẫu vậy Ngài luôn hằng bên Hội Thánh của Ngài, như lời Ngài nhắn nhủ đoan hứa: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em. Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế.”( Mt 28,19-20).

Đó chính là sức sống thần linh nhiệm mầu cho Hội Thánh Chúa ở trần gian hôm qua, hôm nay và ngày mai.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Các Lữ Đoàn Ukraine đột phá ở Bakhmut. Zelenskiy: đã sẵn sàng. Ukraine được 3 tỷ từ trời rơi xuống
VietCatholic Media
03:16 19/05/2023


1. Các lữ đoàn Biệt Động Quân và Nhảy Dù Ukraine tuyên bố đột phá ở ngoại ô phía tây Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng thứ Sáu 19 tháng Năm, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết giao tranh ác liệt vẫn đang tiếp diễn trong và xung quanh thành phố Bakhmut miền đông Ukraine.

Một số đơn vị Ukraine cho biết họ đã đạt được nhiều tiến bộ ở vùng ngoại ô phía tây thành phố. Cụ thể, Lữ Đoàn Biệt Động Quân số 3 của Ukraine cho biết “các hành động tấn công” gần đây của họ đã giúp quân phòng thủ Ukraine chiếm được các vị trí vững chắc trước cuộc phản công dự kiến của Ukraine. Các nhà lãnh đạo lữ đoàn cho biết bước đột phá xảy ra ở một khu vực rộng khoảng 2000 mét và sâu 700 mét.

Trong 24 giờ của ngày thứ Năm, Lữ Đoàn Biệt Động Quân số 3 của Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 50 lính Dù Nga, làm bị thương 100 người khác và bắt sống 4 tù binh trong đó có một tiểu đoàn trưởng lính Dù. Lữ đoàn cho biết điều này đã cắt giảm đáng kể khả năng của đối phương trong khu vực.

Liên quan đến những diễn biến khác gần đây ở Bakhmut, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết các lực lượng Ukraine đã giành được những bước tiến ở một số khu vực xung quanh thành phố trong những ngày gần đây, bất chấp việc bị quân đội Nga tấn công dữ dội.

Các chiến binh Ukraine từ một đơn vị khác, Lữ đoàn Dù số 46, cho biết họ đang tập trung vào một lãnh thổ đầy hứa hẹn ở vùng nông thôn phía nam thành phố, cũng như các ngôi làng gần đường cao tốc chính chạy về phía tây bắc từ Bakhmut đến Sloviansk..

Người đứng đầu nhóm lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, hôm thứ Năm đã khiếu nại với Tổng Tham Mưu Trưởng Nga Valery Gerasimov và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu rằng các đơn vị quân đội Nga đã bất ngờ rút lui ở một khu vực phía bắc Bakhmut, khiến các chiến binh của ông ta lộ diện.

Tuy nhiên, Prigozhin cho biết các chiến binh của ông ta trong thành phố vẫn tiếp tục tấn công trên các đường phố và tòa nhà dọc theo rìa phía tây của Bakhmut.

2. Zelenskiy nói rằng các lữ đoàn tấn công đang chuẩn bị, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tổ chức một cuộc họp với các chỉ huy cấp cao hôm thứ Năm, sau đó ám chỉ rằng các lữ đoàn tấn công của quân đội ông đang chuẩn bị cho một cuộc tổng phản công nhưng không cung cấp thông tin cụ thể.

“Các lữ đoàn tấn công đang hoạt động tốt, chúng tôi đang chuẩn bị, nhưng không có thông tin chi tiết,” Zelenskiy nói.

Ukraine đã đạt được những thành tựu đáng kể dọc theo chiến tuyến của cuộc xung đột trong những ngày gần đây, làm dấy lên suy đoán rằng cuộc phản công rất được mong đợi của họ có thể đã được tiến hành.

Một quan chức cấp cao của Mỹ nói với CNN rằng “các hoạt động định hình” đã bắt đầu từ tuần trước, nhưng Ukraine vẫn chưa tuyên bố rõ ràng rằng cuộc phản công của họ đã chính thức bắt đầu.

Sau nhiều ngày các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn nặng nề của Nga vào Kyiv và các khu vực khác của Ukraine, Zelenskiy cho biết quân đội của ông sẽ ưu tiên củng cố hệ thống phòng không và kho hỏa tiễn, huấn luyện quân đội và mua thêm vũ khí tầm xa.

Zelenskiy cũng đưa ra các phát biểu kỷ niệm ngày Stalin trục xuất người Tatar khỏi Crimea vào năm 1944.

“Chúng tôi tôn vinh ký ức về tất cả các nạn nhân của việc trục xuất người Tatar ở Crimea,” nhà lãnh đạo Ukraine nói trong bài phát biểu hàng đêm. “Đó là một trong những tội ác nghiêm trọng nhất của thế kỷ 20 — toàn bộ quốc gia bị buộc phải rời khỏi quê hương và buộc phải sống ở một vùng đất xa lạ trong nhiều thập kỷ. Và khi mọi người trở về nhà, Nga lại một lần nữa mang cái ác đến nhà họ.”

3. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine phủ nhận tuyên bố của Nga đã đánh trúng các kho vũ khí và đạn dược của nước này

Mạc Tư Khoa tuyên bố hôm thứ Năm rằng họ đã tấn công các kho “vũ khí và thiết bị do nước ngoài sản xuất” trong các cuộc tấn công đêm thứ Tư vào Ukraine bằng hỏa tiễn “độ chính xác cao”.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết “Đêm qua, Lực lượng Vũ trang Liên bang Nga đã thực hiện các cuộc tấn công theo nhóm bằng vũ khí có độ chính xác cao tầm xa, trên biển và trên không nhằm vào các kho lớn vũ khí do nước ngoài sản xuất, vũ khí và thiết bị, cũng như dự trữ của đối phương. Mục tiêu đã đạt được. Tất cả các đối tượng được chỉ định đều bị đánh trúng”.

“Do hậu quả của các cuộc không kích, một lượng đáng kể vũ khí và đạn dược của Lực lượng vũ trang Ukraine đã bị phá hủy, và việc tiến quân dự trữ tới các khu vực chiến sự cũng bị ngăn chặn”.

Theo phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, “Từ 21:00 ngày 17 tháng 5 đến 05:30 ngày 18 tháng 5, quân xâm lược Nga đã tung ra nhiều đợt tấn công hỏa tiễn từ các hướng khác nhau. Tổng cộng 30 hỏa tiễn hành trình trên biển, trên không và trên đất liền đã được phóng. 22 hỏa tiễn hành trình Kh-101 và Kh-555 được bắn từ máy bay chiến lược: 2 chiếc Tu-160 và 8 chiếc Tu-95. Sáu hỏa tiễn hành trình Kalibr đã được bắn từ tàu chiến ở Hắc Hải. Ngoài ra, hai hỏa tiễn hành trình Iskander được phóng từ các hệ thống hỏa tiễn tác chiến-chiến thuật trên mặt đất,” Đại Tá Yurii Ihnat nói và nhấn mạnh rằng “Các lực lượng phòng không và Không quân phối hợp với các bộ phận khác của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã phá hủy 29 hỏa tiễn hành trình. Hỏa tiễn còn lại được tin đã đánh trúng một vị trí dân sự bên ngoài Thủ đô Kyiv.”

4. Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết Ukraine đã sử dụng thành công hỏa tiễn Storm Shadow do Anh cung cấp

Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn Storm Shadow do Vương quốc Anh cung cấp để chống lại lực lượng Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Vương Quốc Anh cho biết hôm thứ Năm.

“Tất cả những gì tôi có thể xác nhận là hỏa tiễn Storm Shadow đã được sử dụng thành công, đó là thông tin tôi nhận được từ người Ukraine, và tôi rất vui vì nó giúp họ bảo vệ đất nước của mình,” Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói với các phóng viên báo chí.

Các hỏa tiễn Storm Shadow, là vũ khí tầm xa nhất trong kho vũ khí của Ukraine, vừa mới được chuyển giao cho Kyiv trước một cuộc phản công được dự đoán trước nhằm vào quân đội Nga. Hỏa tiễn hành trình tầm xa này có khả năng tàng hình và tầm bắn hơn 250km, tương đương 155 dặm.

Các hỏa tiễn này có tầm tấn công sâu vào lãnh thổ do Nga kiểm soát ở miền đông Ukraine. Một quan chức phương Tây nói với CNN rằng Vương quốc Anh đã nhận được sự bảo đảm từ chính phủ Ukraine rằng những hỏa tiễn này sẽ chỉ được sử dụng trong lãnh thổ có chủ quyền của Ukraine chứ không phải bên trong Nga.

Ben Wallace gọi khoản đóng góp này của Vương Quốc Anh là “cơ hội tốt nhất để Ukraine tự bảo vệ mình trước sự tàn bạo liên tục của Nga.”

Chính quyền dân sự-quân sự do Nga dựng lên ở Cộng hòa Nhân Dân Luhansk và Cộng hòa Nhân Dân Donetsk tự xưng đã báo cáo về các vụ pháo kích của quân Ukraine vào các kho đạn pháo và hỏa tiễn trong gần một tuần qua. Những địa điểm này trước đây chưa bao giờ bị tấn công vì nằm ngoài tầm bắn của HIMARS.

Khi được hỏi về một cuộc phản công tiềm năng và nỗ lực của Ukraine nhằm chiếm lại Crimea từ Nga, ông Wallace nói rằng theo luật pháp quốc tế, Ukraine có “mọi quyền làm điều đó để tự vệ”.

“Đó là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ,” ông nói. “Giống như bạn hỏi tôi liệu Hoa Kỳ có chọn lấy lại các phần của Texas từ đối phương đã xâm chiếm nó hay không. Bạn sẽ cần hỏi ý kiến của bất kỳ ai khác từ nước ngoài về những gì bạn có thể và không thể lấy lại, đó là đất Ukraine, đó là lãnh thổ có chủ quyền của họ, nó đã bị xâm chiếm, họ đã mất hàng ngàn sinh mạng vì cuộc xâm lược đó và tôi nghĩ cuối cùng đó sẽ là quyết định của Ukraine.”

“Vương Quốc Anh sẽ không cản trở điều đó”, ông nói thêm.

Trong vài ngày qua, Nga đã tiếp tục tấn công Ukraine bằng hỏa tiễn, giết chết một thường dân và làm bị thương hai người khác ở Odesa chỉ sau một đêm. Tuy nhiên, Ukraine vẫn khẳng định rằng họ đã có thể hạ gục nhiều hỏa tiễn của Nga trước khi chúng đạt đến mục tiêu, đặc biệt là ở thủ đô Kyiv.

Sáng thứ Ba, Nga đã phát động điều mà Ukraine mô tả là một cuộc tấn công “đặc biệt” vào Kyiv mà tất cả hỏa tiễn đã bị lực lượng phòng không đánh chặn.

Trong khi trận chiến diễn ra ác liệt, đã có sự hoang mang về việc liệu cuộc phản công của Ukraine đã bắt đầu chưa - mặc dù đó có thể ý muốn của chính Ukraine trong việc che dấu kế hoạch tổng phản công của họ. Thiết bị do Hoa Kỳ và NATO cung cấp tiếp tục đổ vào nước này, và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace cho biết hôm thứ Năm rằng sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế đối với Ukraine ngày càng mạnh mẽ hơn.

5. Thống đốc Nga cáo buộc Ukraine tấn công xuyên biên giới khiến 2 dân thường thiệt mạng

Thống đốc vùng Belgorod của Nga nói rằng hai thường dân đã thiệt mạng do hỏa lực Ukraine ở một quận gần biên giới.

Vyacheslav Gladkov cho biết hai người đã thiệt mạng và một người phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch ở quận Shebekinsky.

Gladkov nói: “Lực lượng vũ trang Ukraine đã giết những thường dân này khi họ đang ở trong vườn rau để trồng khoai tây.

Một số thường dân Nga đã thiệt mạng hoặc bị thương ở các khu vực gần biên giới kể từ khi Nga xâm lược Ukraine vào năm ngoái.

Ông Gladkov cho biết vào ngày 10/5, một người đàn ông ở vùng Belgorod đã thiệt mạng sau khi bị thương ở đầu do bị Ukraine pháo kích.

Tại Ukraine, Oleh Syniehubov, người đứng đầu chính quyền quân sự khu vực Kharkiv, cho biết hôm thứ Năm rằng một người đã thiệt mạng tại làng Tsyrkuny do một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga. Ông cho biết thêm hai thường dân bị thương.

Ukraine cho biết các khu vực biên giới phía bắc của họ đang bị lực lượng Nga tấn công gần như hàng ngày, dẫn đến hàng chục thương vong trong những tháng gần đây.

6. Hoa Kỳ phát hiện ra lỗi kế toán, khiến Ukraine có thêm 3 tỷ đô la hỗ trợ cho viện trợ quân sự

Chính quyền Biden đã mắc lỗi kế toán khi đánh giá các giá trị hỗ trợ quân sự mà Hoa Kỳ đã dành cho Ukraine cho đến nay, điều này giải phóng thêm khoảng 3 tỷ đô la viện trợ, nhiều quan chức quốc hội và chính quyền nói với CNN.

Các quan chức quốc phòng giải thích rằng lỗi kế toán xảy ra là do khi Mỹ chuyển giao vũ khí cho Ukraine, họ đã sử dụng giá trị thay thế thay vì giá trị của vũ khí thực tế. Điều đó làm tăng chi phí của mỗi gói hàng - vì vũ khí mới đắt hơn vũ khí cũ - và dẫn đến giả định sai lầm rằng nhiều tiền tài trợ đã được sử dụng.

Lỗi này - đã được thông báo cho các nhà lập pháp và nhân viên quốc hội hôm thứ Năm - đã gây ra sự thất vọng từ các thành viên trong Ủy ban Đối ngoại và Dịch vụ Vũ trang của Hạ viện. Họ tin rằng sai lầm đã làm giảm số lượng hỗ trợ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine dẫn đến cuộc phản công.

“Việc phát hiện ra một lỗi kế toán trị giá ba tỷ đô la được phát hiện cách đây hai tháng và chỉ hôm nay mới được chia sẻ với Quốc hội là cực kỳ có vấn đề, ít nhất phải nói như thế. Những khoản tiền này có thể đã được sử dụng để cung cấp thêm nguồn cung cấp và vũ khí cho cuộc phản công sắp tới, thay vì phân bổ quỹ để duy trì trong phần còn lại của năm tài chính,” Michael McCaul, chủ tịch ủy ban Đối ngoại Hạ viện và Mike Rogers, chủ tịch Ủy ban Vũ trang Hạ viện. Ủy ban Dịch vụ, đã viết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

McCaul và Rogers nói rằng chính quyền nên “bù đắp khoảng thời gian quý giá đã mất này bằng cách sử dụng những khoản tiền này để cung cấp ngay cho Ukraine các hỏa tiễn DPICMS và ATACMS mà họ cần để thúc đẩy phản công và giành chiến thắng trong cuộc chiến.”

Kim Thúy xin mở ngoặc để giải thích DPICMS là loại hỏa tiễn không đối đất. Nó nổ ngay ở trên không, và khi nổ nó sẽ tạo ra một chùm những quả đạn nhỏ bao phủ một diện tích rộng hơn. ATACMS là loại hỏa tiễn có hướng dẫn tầm xa có thể lên đến 300km.

Ngũ Giác Đài trước đây cho biết chỉ còn hơn 2,3 tỷ đô la còn lại cho Cơ quan rút tiền của Tổng thống cho Ukraine. Giờ đây, do tiết lộ này, vẫn còn khoảng 5,3 tỷ đô la, nhiều hơn cả gói lớn nhất được cung cấp cho Ukraine.

Số tiền mới có thể sẽ giảm thiểu nhu cầu Quốc hội phải thông qua gói hỗ trợ bổ sung trước khi kết thúc năm tài chính vào tháng 9.

7. Cựu đại sứ Hoa Kỳ nhận định rằng Putin đã 'thất bại thảm hại' trong nỗ lực cứu vãn chiến tranh Ukraine

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Has 'Failed Miserably' to Try To Salvage Ukraine War—Ex-Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ Hoa Kỳ nhận định rằng Putin đã 'thất bại thảm hại' trong nỗ lực cứu vãn chiến tranh Ukraine.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

John Herbst, cựu đại sứ Mỹ tại Ukraine, nói với Newsweek rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã “thất bại thảm hại” trong cuộc chiến chống lại Ukraine.

Herbst, giám đốc cấp cao của Trung tâm Á-Âu của Hội đồng Đại Tây Dương, đã phản ánh về cuộc xâm lược toàn diện của Putin vào Ukraine được phát động gần 15 tháng trước và nói: “Putin đã có một năm rất tồi tệ”.

Điện Cẩm Linh đã tìm cách biến cuộc xâm lược của Nga thành một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chống lại Ukraine và là một trận chiến vì sự sống còn của Nga. Vào tháng 3, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu nói rằng một chiến lược trong chính sách đối ngoại được Putin thông qua gần đây xác định phương Tây là mối đe dọa đối với “sự hiện hữu” của Nga.

Herbst cho biết nhà lãnh đạo Nga đã cố gắng thuyết phục người dân Nga rằng chiến tranh đang tồn tại nhưng không mấy thành công.

“Putin đã thất bại thảm hại,” nhà cựu ngoại giao nói, chỉ ra cuộc thảo luận công khai về cuộc chiến từ các blogger quân sự Nga và các trang web thường đăng tải tuyên truyền của Cẩm Linh.

Herbst cho biết ông đã xem một bài đăng vào tuần trước nói rằng Nga sẽ thể hiện tốt hơn trong cuộc chiến nếu người dân thực sự tin rằng cuộc chiến là một cuộc chiến sống còn đối với đất nước.

“Thật thú vị, họ không tin vì đó là một ý tưởng phi lý. Đó là một cuộc chiến sống còn đối với Ukraine, đó là lý do tại sao họ đang chiến đấu dũng cảm. Đối với Nga, đó là lựa chọn chiến tranh của riêng Putin,” Herbst nói.

Chỉ vài tuần sau cuộc xâm lược toàn diện của Putin, vào tháng 3 năm 2022, Herbst nói với Newsweek rằng cuộc chiến là một “thảm họa không thể cứu vãn” đối với tổng thống Nga.

Cựu đại sứ cho biết hôm thứ Ba rằng “thất bại rõ ràng” của Putin ở Ukraine đang gây ra “căng thẳng đáng kể và ngày càng tăng” đối với chế độ của ông ta.

“Một năm trước, Putin đã thua trong trận chiến ở Kyiv và trận chiến ở Kharkiv. Nhưng các lực lượng của ông đã tập hợp lại và đang đạt được tiến bộ chậm nhưng đáng chú ý ở Donbas vào tháng 4, tháng 5 năm 2022.

“Vào tháng 6, Ukraine đã nhận được HIMARS từ chúng ta và đến tháng 8, họ bắt đầu phản công, chiếm lại hơn 50% đất đai mà Mạc Tư Khoa đã chiếm giữ kể từ cuộc xâm lược 2022”.

Giờ đây, Nga đang mất lãnh thổ ở Bakhmut, Herbst nói, đề cập đến các cuộc phản công từ Kyiv vào thành phố công nghiệp nhỏ nơi các lực lượng Nga và Ukraine đã đụng độ kể từ mùa hè năm ngoái.

“Không có cuộc phản công thực sự nào của Nga trong năm nay và Ukraine đang chuẩn bị cho một cuộc phản công khác. Mạc Tư Khoa thậm chí còn tệ hơn lúc đó. Một năm trước, các nhà phân tích đã đánh giá quá cao sức mạnh của Nga,” Herbst nói thêm.

Nhận xét của Herbst được đưa ra khi Bộ Tổng tham mưu các Lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết hơn 200.000 binh sĩ Nga đã bị “thanh lý” trong cuộc xung đột cho đến nay. Theo quân đội Ukraine, Mạc Tư Khoa đã mất 610 binh sĩ trong 24 giờ qua.

Nga không thường xuyên công bố số liệu thương vong. Vào Tháng Giêng, Mạc Tư Khoa cho biết chưa đến 6.000 binh sĩ của họ thiệt mạng, cùng với chưa đến 4.000 chiến binh bổ sung từ cái gọi là các nước cộng hòa nhân dân của Nga ở các khu vực Donetsk và Luhansk do Ukraine xâm lược. Con số thương vong chưa được Newsweek kiểm chứng độc lập.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga để xin bình luận.

8. Nga đã mất '200.000 binh sĩ' ở Ukraine như thế nào

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “How Russia Lost '200,000 Soldiers' in Ukraine”, nghĩa là “Nga đã mất '200.000 binh sĩ' ở Ukraine như thế nào.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Hơn 200.000 binh sĩ Nga đã bị “thanh lý” trong cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine do Tổng thống Vladimir Putin phát động gần 15 tháng trước, theo số liệu do quân đội Kyiv công bố.

Là một phần trong bản cập nhật hàng ngày về cuộc chiến, Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine đăng tải số liệu về thiệt hại về quân số và thiết bị của Nga, theo đó Mạc Tư Khoa đã mất 610 binh sĩ trong 24 giờ qua, theo số liệu thương vong hôm thứ Tư nâng tổng số lên 200.590.

Trong khi có các ước tính về con số thương vong khác nhau, và con số của Ukraine thường vượt xa con số của các đồng minh phương Tây, các nhà phân tích nói với Newsweek rằng tổn thất của Nga đang ngày càng ảnh hưởng đến khả năng chiến đấu hiệu quả của nước này. Một người cho biết những tân binh được đào tạo kém, nhiều người trong số họ đến từ các khu vực dân tộc không phải người Nga, thường bị coi là “bia đỡ đạn”.

Con số thiệt hại tiếp tục tăng trước một cuộc phản công được dự đoán trước từ Ukraine nhằm tái chiếm các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm, và trận chiến đẫm máu giành lấy thành phố công nghiệp Bakhmut ở miền đông Ukraine đang gia tăng với các cuộc phản công từ Kyiv.

Bản thân Nga hiếm khi công bố số liệu về tổn thất quân số, nhưng khi công bố thì ước tính của họ thấp hơn nhiều so với Ukraine. Vào tháng 9 năm 2022, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu cho biết 5.937 binh sĩ Nga đã thiệt mạng trong cuộc xung đột ở Ukraine kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Đây là lần thứ hai Nga công bố số liệu thương vong trong cuộc chiến.

Các ước tính từ các đồng minh phương Tây của Ukraine cũng có xu hướng bảo thủ hơn so với Ukraine, mặc dù cao hơn nhiều so với những ước tính do Nga đưa ra. Vào đầu tháng 5, Hội đồng An ninh Quốc gia Hoa Kỳ cho biết Nga đã phải chịu 100.000 thương vong, trong đó có 20.000 người chết, chỉ kể từ tháng 12. Điều này phù hợp với ước tính vào tháng 11 năm 2022 của Tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, về 100.000 thương vong trong tám tháng đầu tiên của cuộc xâm lược.

Một đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ bị rò rỉ vào tháng 4 cho thấy Nga đã chịu tổng số thương vong là 189.500 đến 223.000, bao gồm 35.500 đến 43.000 người chết và 154.000 cho đến 180.000 người bị thương.

Con số thương vong chưa được Newsweek kiểm chứng độc lập. Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận.

'Nga đã mất một thế hệ sĩ quan'

Pavel Luzin, một nhà phân tích chính trị người Nga và là học giả thỉnh giảng tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, nói với Newsweek: “Bất chấp mọi ước tính, thiệt hại là rất khủng khiếp.

Luzin nói rằng thương vong khổng lồ như vậy đã làm tổn hại đến “tính toàn vẹn trong tổ chức” của Lực lượng Vũ trang Nga. Nga không chỉ mất binh lính mà còn nhiều sĩ quan trên chiến trường Ukraine.

Luzin nói thêm: “Nga đã mất một thế hệ sĩ quan, đặc biệt nếu chúng ta nói về các sĩ quan cấp thấp nhất như trung úy và đại úy”. “Các đơn vị chuyên nghiệp nhất đã bị mất, và hầu hết trong số họ đã bị mất trong sáu tháng đầu tiên của cuộc chiến.”

Ban tiếng Nga của BBC đưa tin vào tháng 9 năm 2022, trích dẫn dữ liệu công khai, rằng Nga đã mất hơn 900 binh sĩ lực lượng đặc biệt, lính dù, thủy quân lục chiến và phi công trong hơn sáu tháng xâm lược Ukraine toàn diện của Putin.

Con số đó bao gồm 151 binh sĩ từ tình báo quân đội Nga, 337 Thủy Quân Lục Chiến, 245 binh sĩ từ lực lượng đặc biệt của Lực lượng Vệ binh Quốc gia và cảnh sát chống bạo động, 144 thành viên của các đơn vị lính dù tinh nhuệ, 20 thành viên của Cơ quan An ninh Liên bang, gọi tắt là FSB, và Dịch vụ Vệ binh Liên bang, gọi tắt là FSO, cũng như ít nhất 67 phi công chiến đấu.

lãnh đạo kém

Luzin cho biết, sự lãnh đạo kém cỏi ở Cẩm Linh là một phần nguyên nhân dẫn đến số người chết, đồng thời lưu ý rằng các chỉ huy quân sự Nga chỉ đóng một vai trò nhỏ trong quá trình lập kế hoạch cho cuộc chiến.

“Vai trò chính được đóng bởi các sĩ quan tình báo xung quanh Vladimir Putin, bởi những người của FSB, v.v. Họ tin rằng họ cần Lực lượng vũ trang của Nga chỉ để hỗ trợ hỏa lực. Họ tin rằng họ đã kiểm soát được tình hình ở Ukraine,” ông nói.

Nhưng thực tế hóa ra lại khác rất nhiều so với những gì Lực lượng Vũ trang Nga đang mong đợi, Luzin nói. “Các chỉ huy lãnh đạo quân sự đã không chuẩn bị cho việc này. Và đó là lý do tại sao họ mất rất nhiều quân tinh nhuệ.

“Có một nghịch lý là Nga không chuẩn bị cho chiến tranh về mặt quân sự, kỹ thuật, đào tạo con người, v.v. Nhưng đồng thời, Liên bang Nga không thể chuẩn bị tốt hơn so với đầu năm 2022.”

Quân đội được huấn luyện kém

Theo các nhà phân tích quân sự từ Đội tình báo xung đột, gọi tắt là CIT, Putin đã bắt lính cho cuộc chiến của mình phần lớn từ các nước cộng hòa của Nga, bao gồm Dagestan ở Kavkaz, Yakutia ở đông bắc Siberia, Buryatia gần biên giới Mông Cổ và Krasnoyarsk..

Mark Voyger, một thành viên cấp cao không thường trú tại Trung tâm Phân tích Chính sách Âu Châu, gọi tắt là CEPA, và là giáo sư tại Đại học Kyiv của Hoa Kỳ, nói với Newsweek rằng hầu hết thương vong của Nga có thể đến từ các khu vực này.

Voyger, cựu cố vấn đặc biệt về các vấn đề Nga và Á-Âu cho Tướng Ben Hodges khi ông còn là Tư lệnh Lục quân Mỹ ở Âu Châu, cho biết: “Ngoài các lực lượng tinh nhuệ được gửi đến máy xay thịt ngay từ đầu… hầu hết bia đỡ đạn đều đến từ các khu vực dân tộc thiểu số nghèo khó hoặc không thuộc Nga”.

Vladimir Budaev của Tổ chức Buryatia Tự do, một nhóm ủng hộ dân chủ có trụ sở tại Hoa Kỳ, trước đây đã nói với Newsweek rằng việc Nga tấn công rõ ràng vào các dân tộc thiểu số trong cuộc xung đột sẽ phản tác dụng với các nỗ lực chiến tranh của Putin.

Budaev giải thích rằng nhiều người ở những khu vực này đã được trao lệnh triệu tập ngay sau khi Putin tuyên bố huy động một phần vào tháng 9 năm 2022, mặc dù không đáp ứng các tiêu chí do các quan chức quốc phòng Nga đưa ra, chẳng hạn như phải có kinh nghiệm liên quan.

Voyger cũng chỉ ra một hoạt động tuyển dụng kéo dài hàng tháng của Yevgeny Prigozhin, người đứng đầu Tập đoàn Wagner—một đơn vị bán quân sự tham gia nhiều vào các cuộc chiến ở Bakhmut, cùng với các binh sĩ thông thường—để tuyển mộ “tù nhân và những kẻ không được ưa chuộng khác” cho cuộc chiến.

Prigozhin đang đề nghị giảm án cho các tù nhân nam và ưu đãi tiền mặt để đổi lấy sáu tháng thực hiện nghĩa vụ quân sự ở Ukraine.

Một cựu tù nhân người Nga 48 tuổi được Tập đoàn Wagner thuê nói với The Wall Street Journal rằng anh ta chỉ được huấn luyện trong ba tuần và hầu như không thể sống sót sau nhiệm vụ đầu tiên.

Trong khi đó, nhiều báo cáo xuất hiện về những người đàn ông không đủ điều kiện được gọi nhập ngũ. Vào tháng 10 năm 2022, một quan chức chính phủ Mạc Tư Khoa, người nhập ngũ theo lệnh động viên của Putin, mặc dù không có kinh nghiệm chiến đấu, đã bị giết ở Ukraine.

Một số người Nga nhập ngũ đã chết trước khi đến chiến trường, trong khi những người khác chết ngay sau khi được triển khai ở Ukraine.

Thiếu trang bị, đạn dược

Phát ngôn nhân Cẩm Linh Dmitry Peskov vào tháng 10 năm 2022 thừa nhận Nga thiếu trang thiết bị cho binh lính trong chiến tranh, đồng thời tuyên bố thành lập một hội đồng do Putin thành lập để giải quyết những vấn đề đó.

Alexander Štupun, phát ngôn nhân của Bộ Tổng tham mưu Lực lượng Vũ trang Ukraine, cho biết cùng tháng đó, quân đội của Putin đang phải vật lộn để có được thiết bị và áo giáp. Chỉ vài tuần trước đó, rõ ràng là Nga đã bắt đầu sử dụng các hệ thống dự trữ từ thời Liên Xô, chẳng hạn như xe tăng T-62, bệ phóng hỏa tiễn Grad, pháo tự hành 2S7 Pion và xe bọc thép chở quân MT-LB.

Gần đây hơn, Prigozhin đã tung ra những cuộc tấn công bằng lời nói gay gắt chống lại Shoigu và Tổng tham mưu trưởng Valery Gerasimov vì rõ ràng là thiếu đạn dược cho các chiến binh của ông ta trong trận chiến giành Bakhmut.

Mikhail Vinogradov, người sáng lập và chủ tịch của Tổ chức Chính trị St. Petersburg, cho biết việc Nga thiếu thiết bị trong chiến tranh có thể là do các lực lượng vũ trang Nga chưa chuẩn bị cho một cuộc xung đột quy mô lớn và kéo dài như vậy.

Bất chấp tổn thất ngày càng gia tăng trong quân đội Nga, Voyger nói với Newsweek rằng ông tin rằng Putin sẽ tiếp tục tiến hành các cuộc tấn công, mặc dù ở giai đoạn này, ông ta thiếu quân số để “áp đảo Ukraine”.

Còn thương vong của Ukraine thì sao?

Giống như Nga, Ukraine phần lớn tránh công bố số liệu thương vong cho lực lượng của mình. Tuy nhiên, con số thương vong của quân Ukraine cũng rất đáng kể, theo ước tính của tình báo phương Tây.

Bản đánh giá của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ bị rò rỉ vào tháng 4 ước tính rằng Ukraine đã phải chịu 124.500 đến 131.000 thương vong, bao gồm 15.500 đến 17.500 người chết và 109.000 đến 113.500 người bị thương.

Vào tháng 11 năm 2022, Tướng Milley nói rằng thương vong của hai bên vào thời điểm đó đều đã vượt quá 100.000 người, bên cạnh con số dân thường lên tới 40.000 người.
 
Số vụ hành quyết tăng 53% trong năm qua. Ý ra mắt con tem kỷ niệm triều đại ĐGH Bênêđíctô thứ 16
VietCatholic Media
05:52 19/05/2023


1. Tổ chức Ân xá Quốc tế cho hay: Số vụ hành quyết tăng 53% trong năm qua

Tổ chức Ân xá Quốc tế đã công bố một báo cáo cho biết tổng cộng 883 người đã bị xử tử tại 20 quốc gia vào năm 2022, đánh dấu mức tăng 53% so với năm 2021.

Các số liệu này chưa kể đến một số quốc gia được cho là thực hiện các vụ hành quyết nhưng không có số liệu vì dữ liệu về án tử hình được coi là bí mật liên quan đến an ninh quốc gia.

Nhóm nhân quyền cũng xác nhận rằng các vụ hành quyết đã được thực hiện ở Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Syria và Afghanistan, nhưng cho biết không có đủ thông tin về các số liệu đáng tin cậy.

Trong số các quốc gia có số liệu được biết đến, chỉ riêng Iran, Ả Rập Saudi và Ai Cập đã thực hiện 90% trong số 883 vụ hành quyết được biết đến.

Những con số này không bao gồm Trung Quốc, nơi được cho là xử tử hàng ngàn người mỗi năm.

Theo báo cáo của Tổ chức Ân xá Quốc tế, Iran và Ả-rập Xê-út chịu trách nhiệm chính về sự gia tăng mạnh các vụ hành quyết được biết đến trên toàn thế giới vào năm ngoái. Iran bị cáo buộc đã giết 576 người, tăng so với 314 người vào năm 2021. Trong số này, 279 người bị kết tội giết người, 255 tội liên quan đến ma túy, 21 tội hiếp dâm và 18 tội danh an ninh quốc gia là “phản quốc”.

Cuối cùng cũng có hai người đàn ông bị giam giữ do liên quan đến các cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra ở Cộng hòa Hồi giáo vào tháng 9.

Tại Ả Rập Xê Út, số vụ hành quyết đã tăng gấp ba lần từ 65 vụ vào năm 2021 lên 196 vụ vào năm 2022. Trong số này, 85 người đã bị giết sau khi bị kết tội phạm tội khủng bố và 57 người phạm tội ma túy.

Ở những nơi khác, tại Ai Cập, 24 người đã bị giết vào năm ngoái. Tuy nhiên, điều đó thể hiện mức giảm 71% so với năm 2021, khi 83 lệnh hành quyết được thực thi.

Tổ chức Ân xá cũng báo cáo 11 vụ hành quyết ở Iraq, 7 vụ ở Kuwait, 5 vụ ở Lãnh thổ Palestine, 4 vụ ở Yemen và một số lượng không xác định ở Syria. 18 người đã bị hành quyết ở Mỹ, tăng từ 11 người vào năm 2022 và 11 người bị xử tử ở Singapore, nơi các vụ hành quyết tội phạm ma túy được nối lại sau hai năm gián đoạn vì đại dịch Covid.

Vào năm 2018, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phê chuẩn một bản sửa đổi mới của đoạn số 2267 của Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, theo đó “đã xuất hiện một cách hiểu mới về tầm quan trọng của các biện pháp trừng phạt hình sự do nhà nước áp đặt”, do đó “không thể chấp nhận án tử hình”.

Văn bản mới sách giáo lý Công Giáo khoản 2267 cho biết như sau: Việc dùng đến hình phạt tử hình như một phần của thẩm quyền hợp pháp, sau một phiên tòa công bằng, từ lâu đã được coi là một phản ứng thích đáng đối với tính chất nghiêm trọng của một số tội phạm và được coi là một phương tiện chấp nhận được, cho dù là quá đáng, để bảo vệ thiện ích.

Tuy nhiên, ngày nay, có một nhận thức ngày càng tăng rằng nhân phẩm của người đó không bị mất ngay cả sau khi đương sự đã phạm các tội rất nghiêm trọng. Ngoài ra, đã xuất hiện một sự hiểu biết mới về ý nghĩa của hình phạt tử hình do nhà nước áp đặt. Cuối cùng, các hệ thống giam giữ hiệu quả hơn đã được phát triển, bảo đảm sự bảo vệ thích đáng các công dân nhưng, đồng thời, không cần phải dứt khoát tước mất khả năng chuộc lỗi của can phạm.

Do đó, Giáo Hội dạy, trong ánh sáng của Tin Mừng, rằng “án tử hình là không thể chấp nhận được vì nó là một cuộc tấn công vào tính bất khả xâm phạm và phẩm giá của người đó”, và Giáo Hội quyết tâm nỗ lực hoạt động để hủy bỏ án tử hình trên toàn thế giới”.

2. Con tem kỷ niệm triều đại Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 của Ý

Từ ngày 16 tháng 5 vừa qua, tại các bưu điện của Cộng hòa Ý, người ta có thể mua con tem kỷ niệm triều đại giáo hoàng của Đức Bênêđictô XVI.

Đức Thánh Cha trở lại Nhà Cha vào ngày 31 tháng 12 năm 2022. Một tháng sau đó, vào ngày 31 Tháng Giêng, Bưu điện Vatican đã phát hành một con tem kỷ niệm cuộc đời ngài với dòng chữ “Đức Giáo Hoàng danh dự 1927 - 2022”.

Tuy nhiên, nhiều người Ý không tán thành. Họ lý luận rằng sau khi một giám mục qua đời, khi người ta nhắc đến ngài, người ta sẽ không nói rằng ngài là giám mục nghỉ hưu mà sẽ nhắc đến ngài như là giám mục của giáo phận đó từ năm X đến năm Y.

Đối với Đức Giáo Hoàng danh dự cũng vậy. Thành ra, con tem của Cộng hòa Ý không gọi ngài là Đức Giáo Hoàng danh dự mà gọi là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 từ 2005 đến 2013. Trong dịp ra mắt con tem, bưu chính Ý giải thích rằng gọi như thế mới là chính xác.


Source:Sismografo

9. Các chính phủ Âu Châu bênh vực Đức Hồng Y Thượng phụ Sako của Iraq

Mười một quốc gia Âu Châu, cùng với Liên minh Âu Châu, đã đưa ra một tuyên cáo vào tối Chúa Nhật khẳng định sự ủng hộ của họ dành cho Đức Hồng Y Thượng phụ Louis Raphaël Sako của Iraq.

Đức Thượng phụ – người đứng đầu Giáo hội Chanđê của Iraq, và được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y vào năm 2018 – đang phải đối diện với những chỉ trích về những bình luận của ngài liên quan đến quyền đại diện chính trị cho thiểu số Công Giáo lâu đời ở Iraq.

Tuyên bố hôm Chúa Nhật bày tỏ “tình đoàn kết” của các chính phủ Âu Châu với Thượng phụ Sako, và nhấn mạnh tầm quan trọng của “những nỗ lực bảo vệ quyền tự do của các Kitô hữu trên mảnh đất mà họ đã sinh sống trong hai thiên niên kỷ”.

Vào tối Chúa Nhật, Đức Thượng phụ Sako đã tiếp một phái đoàn gồm các đại sứ và phó đại sứ của Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Anh và Liên minh Âu Châu.

Họ cùng nhau đưa ra một tuyên cáo ủng hộ Đức Thượng phụ, với sự chấp thuận của các đại sứ Đức, Ba Lan, Cộng hòa Tiệp, Rumani, Thụy Điển và Hung Gia Lợi.

Trong tuyên cáo, các đại sứ tại Iraq lưu ý rằng họ đã đến thăm Đức Hồng Y “để bày tỏ tình đoàn kết của họ trước các cuộc tấn công công khai gần đây chống lại cá nhân của Đức Hồng Y và mối quan tâm của họ đối với các Kitô hữu và các cộng đồng tôn giáo khác nhau ở Iraq”.

Tất cả ca ngợi “những nỗ lực của Đức Thượng phụ bảo vệ quyền của các Kitô hữu trên mảnh đất mà họ đã sinh sống trong hai thiên niên kỷ qua”.

Tuyên cáo tiếp tục kêu gọi các Kitô hữu của Iraq hãy hợp tác với nhau, vì “những phản biện hiện tại không giúp ích gì cho vai trò của họ trong xã hội Iraq”, và hy vọng những “vấn đề sẽ được khắc phục và sự hợp tác ngày càng lớn mạnh giữa các Giáo hội.”

Các vị đại sứ kết thúc lời tuyên cáo bằng cách tái khẳng định sự ủng hộ của họ đối với “sự hiểu biết và đối thoại hòa bình giữa các thành phần khác nhau của dân chúng Iraq” và “việc bảo tồn sự đa dạng của Đất nước, vốn là một trong những tài sản chính yếu của đất nước.”

Các cuộc tấn công vào Thượng phụ Sako bắt đầu sau khi ngài nhận xét về Phong trào Babylon, một đảng phái chính trị tuyên bố đại diện cho thiểu số Công Giáo ở Iraq.

Phong trào hiện chiếm bốn trong số năm ghế quốc hội mà hiến pháp Iraq bảo đảm dành cho Kitô hữu.

Tuy nhiên, Thượng phụ Sako, cùng với các nhân vật Công Giáo khác, cho rằng những tuyên cáo của họ về việc liên kết với Giáo hội Chanđê là không thật và họ không đại diện cho những người Công Giáo của đất nước. Các thành viên của Phong trào Babylon đã nhanh chóng đưa ra lên những lời chỉ trích đối với Thượng phụ Sako.

Không chỉ các chính phủ Âu Châu đứng ra bảo vệ Đức Thượng Phụ mà thôi, mà vào ngày 8 tháng 5, Thủ tướng của khu vực người Kurd ở Iraq cũng tuyên bố ủng hộ Đức Hồng Y, vị lãnh đạo Giáo hội Chanđê, nhấn mạnh sự cần thiết phải “cải thiện tình hình của những người theo đạo Công Giáo” ở nước này.
 
Ukraine thắng lớn, Putin đã biết thua Bakhmut. Mỹ bật đèn xanh F-16. Kissinger tâm phục Zelenskiy
VietCatholic Media
16:35 19/05/2023


1. Sáng sớm thứ Sáu, Nga lại mở các cuộc không kích lần thứ 10 trong tháng này, vào nhiều khu vực của Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 19 tháng Năm, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat cho biết cảnh báo không kích đã vang lên khắp Ukraine vào đầu ngày thứ Sáu, với một số khu vực sau đó báo cáo có tiếng nổ.

Các cảnh báo được mở rộng đến tất cả các khu vực của đất nước trong khoảng một giờ kể từ 2 giờ sáng theo giờ địa phương.

Trong cuộc tấn công lần thứ 10 trong tháng này và là lần thứ hai trong vòng chưa đầy 24 giờ qua, các lực lượng Nga đã phóng liên tiếp các đợt máy bay không người lái về phía thủ đô,

“Chiến thuật này của Điện Cẩm Linh là một nỗ lực nhằm áp đảo lực lượng phòng không của chúng ta và gây áp lực tâm lý lên dân thường. Họ sẽ không đạt được mong muốn đâu!” Đại Tá Yurii Ihnat nói.

“Tất cả các mục tiêu trên không hướng tới Kyiv đã bị tiêu diệt bởi lực lượng phòng không của chúng ta.”

Theo Đại Tá Yurii Ihnat, quân xâm lược đã tung ra 22 máy bay không người lái và 6 hỏa tiễn hành trình từ hướng Bắc và hướng Đông Nam. Lực lượng phòng không đã bắn hạ 16 máy bay không người lái và 3 hỏa tiễn hành trình Kalibr. Đã có thiệt hại ở một số khu vực Ukraine. Một phụ nữ 64 tuổi bị thương nặng.

Ông nhận định rằng: “Nhà nước khủng bố Nga đang cố gắng làm cạn kiệt lực lượng phòng không Ukraine và người dân Ukraine.”

2. Mỹ báo hiệu cho các đồng minh rằng sẽ không ngăn họ xuất khẩu máy bay phản lực F-16 sang Ukraine

Các nguồn tin quen thuộc với các cuộc thảo luận cho biết, chính quyền Biden trong những tuần gần đây đã báo hiệu cho các đồng minh Âu Châu rằng Mỹ sẽ cho phép họ xuất khẩu máy bay chiến đấu F-16 sang Ukraine. Động thái này diễn ra trong bối cảnh Tòa Bạch Ốc đang phải đối mặt với áp lực ngày càng tăng từ các thành viên Quốc hội và các đồng minh nhằm giúp Ukraine mua máy bay trong bối cảnh các cuộc không kích của Nga ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền không biết về bất kỳ yêu cầu chính thức nào của bất kỳ đồng minh nào về việc xuất khẩu F-16 và các quan chức Bộ Ngoại giao, những người thường được giao nhiệm vụ làm thủ tục giấy tờ để phê duyệt việc chuyển giao của bên thứ ba như vậy đã không được yêu cầu bắt tay vào làm việc.

Một số quốc gia Âu Châu có nguồn cung cấp máy bay phản lực do Mỹ sản xuất, trong đó có Hà Lan, nước đã báo hiệu sẵn sàng xuất khẩu một số loại máy bay này sang Ukraine. Nhưng Hoa Kỳ sẽ phải chấp thuận việc chuyển giao của bên thứ ba vì công nghệ nhạy cảm của Mỹ đối với máy bay phản lực.

Trong khi Mỹ vẫn miễn cưỡng gửi bất kỳ chiếc F-16 nào của mình đến Kyiv, các quan chức Mỹ nói với CNN rằng chính quyền sẵn sàng phê duyệt việc xuất khẩu máy bay phản lực sang Ukraine nếu đó là điều mà các đồng minh quyết định làm với nguồn tài nguyên của họ.

Các quan chức hàng đầu Ukraine đã leo thang chiến dịch vận động hành lang công khai để mua F-16 do Mỹ sản xuất trong những tháng gần đây, lập luận rằng họ cần chúng khẩn cấp để phòng thủ trước các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Nga.

Các quan chức cho biết: Vấn đề dự kiến sẽ là chủ đề tranh luận tại hội nghị thượng đỉnh NATO tiếp theo ở Vilnius, Lithuania vào tháng 7.

Một câu hỏi mở khác là các phi công Ukraine sẽ được thụ huấn lái những chiếc F-16 này ở đâu. Phát ngôn nhân của Thủ tướng Anh Rishi Sunak hồi đầu tuần cho biết Anh và Hà Lan đang tìm cách thành lập một “liên minh quốc tế” không chỉ để mua máy bay phản lực cho Ukraine mà còn đào tạo phi công Ukraine.

Vào tháng 3, Hoa Kỳ đã tiếp đón hai phi công Ukraine tại một căn cứ quân sự ở Tucson, Arizona, để đánh giá kỹ năng của họ bằng cách sử dụng thiết bị mô phỏng chuyến bay và đánh giá xem họ cần bao nhiêu thời gian để học lái các loại máy bay quân sự của Hoa Kỳ, bao gồm cả F-16. Nhưng Hoa Kỳ hiện không có kế hoạch mở rộng khóa đào tạo đó, một quan chức quốc phòng nói với CNN, mặc dù Quốc hội đã dành tiền trong ngân sách năm 2023.

3. Quân Nga tiếp tục bỏ rơi hàng loạt các thiết bị tại thành phố Bakhmut

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Sáu 19 tháng Năm, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết đối phương tiếp tục tập trung nỗ lực chính vào các hướng Lyman, Bakhmut, Avdiyivka và Maryinka – trong 24 giờ qua, 29 cuộc giao tranh đã diễn ra ở 4 khu vực đó. Những trận chiến khốc liệt nhất diễn ra tại Bakhmut và Marinka.

Theo Thứ trưởng Hanna Maliar, tại thành phố Bakhmut, quân Ukraine chiếm được các vị trí chiến lược ở hai bên sườn và bao vây quân Wagner từ phía Bắc thành phố. Giao tranh vẫn diễn ra ác liệt vì thất bại ở thành phố Bakhmut được coi là một sỉ nhục lớn đối với người Nga.

Trong 24 giờ qua, 660 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 4 xe tăng, 4 xe thiết giáp, 12 hệ thống pháo, 1 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 10 xe chuyển quân và nhiên liệu.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 19 Tháng Năm, khoảng 201.760 quân xâm lược Nga bị loại khỏi vòng chiến. Tổn thất của quân xâm lược còn bao gồm 3.777 xe tăng, 7.377 xe thiết giáp, 3.210 hệ thống pháo, 564 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 319 hệ thống phòng không, 308 máy bay chiến đấu, 294 máy bay trực thăng, 2.769 máy bay không người lái cấp tác chiến và chiến thuật, 1.011 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 6.083 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 419 đơn vị thiết bị chuyên dụng.

4. Trận chiến giành Bakhmut đang nghiêng về phía Ukraine — Và Nga biết điều đó

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Battle For Bakhmut Swinging in Ukraine's Favor—And Russia Knows It”, nghĩa là “Trận chiến giành Bakhmut đang nghiêng về phía Ukraine — Và Nga biết điều đó.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Nga đã thừa nhận rằng Ukraine đã giành lại được nhiều lãnh thổ trong trận chiến giành Bakhmut, nơi các lực lượng của Kyiv được cho là đang tiến vào hai bên sườn của thành phố trong khu vực Donetsk.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết hôm thứ Tư rằng lực lượng Dù của họ đã đạt được những tiến bộ nhỏ nhưng thừa nhận rằng Ukraine đang tiếp tục các cuộc phản công gần Bohdanivka, 3 dặm về phía tây bắc của thành phố, và Ivanivske, 4 dặm về phía tây.

Kênh phân tích quân sự phò Cẩm Linh Rybar kêu gọi các lực lượng Nga phản ứng trước các hành động của Ukraine. Điều này ám chỉ rằng các lực lượng của Mạc Tư Khoa đang mất thế chủ động ở khu vực Bakhmut.

“Các trận chiến ác liệt đang diễn ra ở hai bên sườn của Bakhmut, và cả hai bên đang đổ ngày càng nhiều lực lượng mới.”

“Thật không may, chúng ta đang ở thế phải chơi theo sự chỉ đạo của Lực lượng vũ trang Ukraine, kéo các đơn vị dày dạn kinh nghiệm nhất của lực lượng Nga vào 'cỗ máy xay thịt' Bakhmut”.

Tuy nhiên, người đứng đầu Tập đoàn lính đánh thuê Wagner, Yevgeny Prigozhin, đã bác bỏ những tuyên bố về việc Nga giành được các lãnh thổ của Ukraine và chỉ trích Bộ Quốc phòng Nga đã mô tả sai một cuộc rút lui hoảng loạn như là việc chiếm được các vị trí mới.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Đại Tá Serhiy Cherevatyi, phát ngôn viên của Bộ chỉ huy quân sự miền đông Ukraine, nói rằng quân đội Ukraine đã tiến tới 500 mét về hướng Bakhmut trong một ngày, “giải phóng thêm nhiều đất Ukraine”.

Đại Tá Cherevaty cho biết hôm thứ Tư rằng mặc dù không có lợi thế về thiết bị hoặc nhân sự, nhưng “chúng ta đang đánh bại họ. Ngoài việc tiến hành một chiến dịch phòng thủ thành công, chúng ta cũng đang tấn công vào hai bên sườn.”

Cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết, quân đội Ukraine đã nắm giữ một vùng đất rộng 7,7 dặm vuông vừa được giải phóng ở ngoại ô Bakhmut.

Maliar cũng báo cáo về những bước tiến của Ukraine trong khu vực, mặc dù cô ấy thừa nhận rằng quân đội Nga vẫn đang tấn công dữ dội bên trong thành phố Bakhmut.

Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, mặc dù các lực lượng của Ukraine đã tiến hành các cuộc phản công thành công xung quanh Bakhmut, nhưng các lực lượng Nga có thể đã tăng cường các nỗ lực tấn công của họ bên trong thành phố.

Tổ chức tư vấn cho biết hôm thứ Ba rằng điều này xảy ra “bất chấp nỗ lực được đánh giá rộng hơn nhằm sắp xếp lại thứ tự ưu tiên cho các hoạt động nhằm chuẩn bị cho các cuộc phản công tiềm năng của Ukraine.”

Nó diễn ra khi Ukraine cho biết lực lượng phòng không của họ đã bắn hạ thành công 29 hỏa tiễn của Nga, hai máy bay không người lái kamikaze và hai máy bay không người lái do thám trong cuộc tấn công kéo dài 8 giờ từ tối thứ Tư đến sáng thứ Năm.

Kyiv là mục tiêu chính của các cuộc tấn công, theo Andriy Nebytov, người đứng đầu cảnh sát khu vực Kyiv. Ông cho biết không có thiệt hại hoặc thương vong đáng kể.

5. Zelenskiy tham dự cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập ở Ả Rập Saudi và sẽ lên đường sang Nhật Bản tham dự hội nghị G7

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã tới dự cuộc họp của Liên đoàn Ả Rập ở Ả Rập Saudi theo lời mời của liên đoàn này.

Trong thời gian đầu sau khi Putin đưa quân xâm lược Ukraine, Liên đoàn Ả Rập cố giữ một lập trường trung lập đối với cuộc chiến. Tuy nhiên, các giao dịch giữa Nga và Iran đã làm dấy lên những lo ngại của các nước trong vùng. Iran cung cấp các máy bay không người lái Shaded cho Nga, và ngược lại Nga cung cấp cho Iran các thiết bị và chuyên môn để mở rộng chương trình hạt nhân, và các loại hỏa tiễn tầm xa.

Việc Liên đoàn Ả Rập mời Tổng thống Zelenskiy tới dự cuộc họp cho họ họ có lẽ đã chọn đứng hẳn về bên nào.

Zelenskiy sau đó sẽ tới cuộc họp G7 ở Hiroshima, Nhật Bản từ thành phố Jeddah của Ả Rập Saudi trên một chiếc máy bay của chính phủ Pháp.

“Những điều rất quan trọng sẽ được quyết định ở đó và do đó, sự hiện diện của tổng thống của chúng tôi là vô cùng cần thiết để bảo vệ lợi ích của chúng tôi,” Oleksiy Danilov, thư ký của Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, cho biết.

6. Kissinger kêu gọi NATO phớt lờ những lời đe dọa của Putin

Hôm 25 Tháng Năm năm ngoái 2022, Tổng thống Ukraine Volodymr Zelenskiy đã thực hiện một cuộc tấn công dồn dập nhằm vào cựu Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, người đã đề xuất một ngày trước đó rằng các cuộc đàm phán hòa bình nên nhằm tạo ra các biên giới dọc theo “đường giới tuyến” ở Donbas như nó đã tồn tại trước cuộc xâm lược của Nga. Henry Kissinger thường dùng các kiểu nói với cú pháp phức tạp. Nói một cách vắn tắt, ý ông ta là Ukraine phải nhượng bộ, phải nhường đất cho Nga để có hòa bình. Những người có chút hiểu biết về lịch sử Việt Nam cận đại đều hiểu rõ đề nghị này của Henry Kissinger đối với Ukraine, cũng là đề nghị nhằm bức tử miền Nam Việt Nam vào năm 1973.

Nhưng, một năm sau trước các chiến thắng dồn dập của quân Ukraine, Kissinger nói ông ta đã thay đổi ý kiến. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kissinger Tells NATO to Ignore Putin's Threats”, nghĩa là “Kissinger kêu gọi NATO phớt lờ những lời đe dọa của Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Henry Kissinger, cựu ngoại trưởng Mỹ và cố vấn an ninh quốc gia, cho biết trong một cuộc phỏng vấn được công bố hôm thứ Năm 18 Tháng Năm rằng NATO nên đưa Ukraine trở thành thành viên bất chấp những cảnh báo của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Kissinger nói với The Economist: “Vì sự an toàn của Âu Châu, tốt hơn hết là nên để Ukraine vào trong NATO”.

Putin đã nói rằng một trong những mục tiêu của ông khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine là ngăn chặn sự mở rộng của NATO trên biên giới của Nga. Mục tiêu đó đã phản tác dụng khi Phần Lan và Thụy Điển bị thúc đẩy bởi cuộc xâm lược Ukraine để xin gia nhập khối quân sự Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Putin đặc biệt phản đối việc Ukraine gia nhập NATO. Trong những tuần đầu của cuộc xâm lược vào năm 2022, Ukraine và Nga được cho là đã thảo luận về việc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cam kết không gia nhập NATO để đổi lấy một lệnh ngừng bắn, nhưng điều kiện đó đã bị hủy bỏ khi các cuộc đàm phán hòa bình bị đình trệ.

Putin cũng cho biết trong một cuộc họp báo ngay trước khi chiến tranh bắt đầu rằng Ukraine gia nhập NATO có thể làm tăng khả năng xảy ra xung đột Nga-NATO có thể biến thành cuộc chiến hạt nhân.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg từ lâu đã ủng hộ việc kết nạp Kyiv, mặc dù việc nước này gia nhập trong khi vẫn còn chiến tranh dường như là điều khó xảy ra. Tháng trước, ông còn đi xa hơn khi nói rằng “vị trí xứng đáng” của Ukraine là trong liên minh quân sự.

Kissinger nói với The Economist: “Theo quan điểm của tôi, những gì người Âu Châu đang nói là cực kỳ nguy hiểm. Bởi vì người Âu Châu đang nói: 'Chúng tôi không muốn họ gia nhập NATO, vì như thế là quá mạo hiểm. Và do đó, chúng tôi sẽ vũ trang cho họ và cung cấp cho họ những vũ khí tiên tiến nhất.' Làm sao điều đó có thể hoạt động được?”

Ông nói tiếp: “Chúng ta không nên kết thúc chiến tranh một cách sai lầm. Giả sử kết quả là mục tiêu trên có thể đạt được đi chăng nữa, thì đó sẽ là một nơi nào đó giống như hiện trạng trước ngày 24 tháng 2 năm 2022. Kết quả phải là một điều gì đó, trong đó Ukraine phải được Âu Châu bảo vệ chứ không thể tiếp tục là một quốc gia đơn độc lo cho bản thân”.

Newsweek đã liên hệ với Kissinger qua email để nhận xét.

Những bình luận của Kissinger cho tờ The Economist thể hiện một sự đảo ngược hướng đi so với một tuyên bố mà ông đưa ra năm ngoái.

Trong một cuộc thảo luận vào tháng 9 với Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, ông nói rằng ông “nghĩ rằng đó không phải là một chính sách khôn ngoan của Mỹ khi cố gắng đưa Ukraine vào NATO.”

Ông đã phần nào làm dịu lập trường đó khi phát biểu tại cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sĩ vào tháng Giêng.

Kissinger phát biểu tại diễn đàn: “Trước cuộc chiến này, tôi đã phản đối việc Ukraine trở thành một thành viên của NATO vì tôi sợ rằng điều đó sẽ bắt đầu chính xác quá trình mà chúng ta đã chứng kiến hiện nay. Tuy nhiên, ý tưởng về một Ukraine trung lập trong những điều kiện này không còn ý nghĩa nữa”.

Trong cuộc phỏng vấn với The Economist, nhà ngoại giao đã nghỉ hưu thừa nhận rằng ông đã thay đổi quyết định, nói rằng ông “đang ở một vị trí kỳ lạ khi mọi người nói, 'Ông ấy đã thay đổi quyết định, giờ ông ấy ủng hộ việc Ukraine trở thành thành viên đầy đủ của NATO.'“

Kissinger cũng đã thay đổi lập trường của mình đối với Ukraine và lãnh thổ của nước này. Khi phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới năm ngoái, ông nói Zelenskiy nên chấp nhận từ bỏ đất đai để đạt được thỏa thuận hòa bình ngay lập tức với Putin. Giờ đây, ông dường như cảm thấy Nga sẽ từ bỏ cuộc xung đột mà không có nhiều điều kiện khác hơn là có thể giữ lấy Crimea.

Vẫn còn hằn học với Tổng thống Zelenskiy, Kissinger nói: “Chúng ta hiện đã trang bị vũ khí cho Ukraine đến mức nước này sẽ trở thành quốc gia được trang bị vũ khí tốt nhất và có ban lãnh đạo ít kinh nghiệm chiến lược nhất ở Âu Châu. Nếu chiến tranh kết thúc theo cách nó có thể xảy ra, với việc Nga mất đi nhiều lợi ích của mình, nhưng vẫn giữ được Sevastopol, là thành phố lớn nhất của Crimea, thì chúng ta có thể có một nước Nga không hài lòng, nhưng cũng có một Ukraine bất mãn – nói cách khác, là sự cân bằng của sự bất mãn,” ông nói trong cuộc phỏng vấn Economist của mình.

Trong một tài liệu tham khảo khác về Crimea, nơi Putin xâm chiếm và sáp nhập vào năm 2014, Kissinger nói: “Tôi muốn Nga từ bỏ phần lớn những gì họ đã chinh phục vào năm 2014, và công việc của tôi không phải là đàm phán một thỏa thuận hòa bình.”

Về phần NATO, Kissinger cho biết Nga cũng sẽ được lợi nếu Ukraine gia nhập khối này.

“Nếu tôi nói chuyện với Putin, tôi sẽ nói với ông ấy rằng ông ấy cũng an toàn hơn khi ở trong NATO với Ukraine,” ông nói.

7. Phân tích: Cuộc họp G7 có thể có ý nghĩa gì đối với cuộc chiến ở Ukraine

Cuộc họp G7 năm nay tại Nhật Bản có ý nghĩa đặc biệt, không chỉ vì vị trí của nó.

Các nhà lãnh đạo của các nền dân chủ tiên tiến nhất thế giới đang họp tại Hiroshima, nơi xảy ra vụ tấn công hạt nhân đầu tiên trên thế giới – đó là một lời nhắc nhở phù hợp về những rủi ro của chiến tranh hạt nhân khi họ thảo luận về Nga và cuộc xung đột ở Ukraine.

Trong khi nhiều chủ đề sẽ được thảo luận - từ việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực đến mức nợ tối đa của chính quyền Hoa Kỳ cho các dịch vụ công quyền - cuộc chiến ở Ukraine có thể sẽ vẫn là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự.

Các lực lượng của Kyiv đã được củng cố đáng kể nhờ vũ khí được cung cấp bởi hầu hết các quốc gia tập trung tại Hiroshima - Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Ý, Canada và Nhật Bản.

Khi Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida – người đến từ Hiroshima – đến thăm Kyiv vào tháng 3, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã ca ngợi ông vì đã giữ cho G7 đoàn kết sau Ukraine.

“Thủ tướng Kishida tuyên bố rằng, với tư cách là Chủ tịch G7, Nhật Bản sẽ duy trì sự thống nhất của G7 trong việc áp đặt các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga và hỗ trợ Ukraine”, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo cho biết.

Sau một tuần mà Zelenskiy đã công du Ý, Đức, Pháp và Anh tiếp tục bảo đảm các cam kết viện trợ hơn nữa từ nhiều quốc gia trong số này, Nga không thể mong đợi bất kỳ sự rạn nứt nào trong sự thống nhất của G7 tại hội nghị thượng đỉnh.

8. Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh cho biết Mạc Tư Khoa đã đóng băng các tài khoản ngân hàng của Phần Lan để đáp trả “những hành động không thân thiện”.

Mạc Tư Khoa đã quyết định đóng băng các tài khoản ngân hàng của đại sứ quán và lãnh sự quán Phần Lan để đáp trả “những hành động không thân thiện” của nước này, phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói với các phóng viên hôm thứ Năm.

“Đây không phải là sáng kiến của phía Nga. Chúng tôi đang phản ứng với tình huống do chính quyền của một số quốc gia ở phương Tây tập thể tạo ra, thật không may, bao gồm cả Phần Lan. Chúng tôi luôn nói rằng chúng tôi không thể và sẽ không bỏ qua những hành động không thân thiện”, ông nói.

Các tài khoản ngân hàng của Đại sứ quán Phần Lan tại Mạc Tư Khoa và Tổng lãnh sự quán tại St. Petersburg đã bị chính phủ Nga đóng băng vào cuối tháng 4, Bộ Ngoại giao Phần Lan tại Helsinki nói với CNN hôm thứ Tư.

Trong một tuyên bố, Bộ nói thêm rằng họ đã “yêu cầu Nga bảo đảm các giao dịch thanh toán và tiền địa phương của các phái bộ ngoại giao Phần Lan”.

Phần Lan là một trong số các quốc gia Âu Châu đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với Nga, kể từ khi Mạc Tư Khoa tiến hành cuộc xâm lược Ukraine. Quốc gia Baltic, có chung hơn 1.000 km hoặc 621 dặm biên giới đất liền với Nga, cũng đã tìm cách củng cố khả năng phòng thủ của mình trước nước láng giềng bằng cách gia nhập NATO vào tháng Tư.

Sự đáp trả của Nga cho thấy nước này có thể sử dụng vũ khí kinh tế tương tự như phương Tây đã sử dụng. Nhưng không rõ liệu nó có kế hoạch thực hiện các hành động tương tự chống lại các quốc gia khác hay không hay liệu nó chỉ tấn công một mình Phần Lan mà thôi.

9. Nga cho biết gia hạn thỏa thuận ngũ cốc mới nhất sẽ là lần cuối cùng nếu phương Tây không dỡ bỏ lệnh trừng phạt

Sau khi đồng ý gia hạn sáng kiến ngũ cốc ở Hắc Hải một lần nữa trong tuần này, Nga lại đe dọa sẽ ngừng thỏa thuận nếu các cường quốc phương Tây không đáp ứng yêu cầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt.

Nga đã đồng ý gia hạn thỏa thuận thêm hai tháng, cho đến ngày 17 tháng 7. Điều này được coi là mấu chốt để giải quyết nạn đói trên thế giới.

Mạc Tư Khoa thường xuyên phàn nàn rằng trong khi thỏa thuận cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Hắc Hải, thì việc xuất khẩu của chính nước này lại bị cản trở bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây. Điện Cẩm Linh tuyên bố, một thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc để giúp tạo điều kiện thuận lợi cho các chuyến hàng của Nga đã không mang lại kết quả.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Năm sẽ không có cuộc đàm phán nào về việc mở rộng thỏa thuận hơn nữa trừ khi Nga nhận được sự nhượng bộ.

“Liên bang Nga nhắc nhở Mỹ, Anh và Liên Hiệp Âu Châu về sự cần thiết phải dỡ bỏ thực sự các biện pháp trừng phạt đơn phương đối với phân bón và thực phẩm của Nga; ngay cả việc quyên góp phân bón của Nga cho các nước nghèo nhất cũng tiếp tục bị chặn do các lệnh trừng phạt,” tuyên bố của bộ này viết.

Thỏa thuận ngũ cốc trở nên cần thiết ngay từ đầu sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine. Sau cuộc xâm lược toàn diện, Mạc Tư Khoa đã phong tỏa xuất khẩu từ các cảng Hắc Hải quan trọng của Ukraine, bao gồm Odesa, Chornomorsk và Pivdennyi.

Việc phong tỏa đã khiến hàng triệu tấn ngũ cốc của Ukraine không thể đến được các quốc gia phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, cho đến khi Liên Hiệp Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ giúp môi giới thỏa thuận.

Đại sứ Ukraine tại Thổ Nhĩ Kỳ Vasyl Bodnar cho biết:

“Những gì Nga đang cố gắng đính kèm hiện nay là các vấn đề liên quan đến đường ống dẫn khí a-mô-ni-ắc, các vấn đề liên quan đến việc dỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với các ngân hàng và tổ chức liên quan đến buôn bán ngũ cốc và phân bón. Vấn đề này vẫn đang được thảo luận,” ông nói và khẳng định thêm rằng “sáng kiến về ngũ cốc tồn tại tách biệt với các yêu cầu của Nga”.

10. Giá lúa mì toàn cầu giảm khi thỏa thuận ngũ cốc Hắc Hải được gia hạn thêm 2 tháng

Giá lúa mì toàn cầu giảm mạnh vào hôm thứ Năm sau khi Ukraine và Nga đồng ý gia hạn thỏa thuận cho phép xuất khẩu ngũ cốc từ các cảng của Ukraine ở Hắc Hải.

Lúa mì trên Chicago Board of Trade giảm 2% xuống cón 6,12 USD một giạ. Giá đã giảm 23% kể từ đầu năm và 57% kể từ khi đạt mức cao nhất mọi thời đại là 14,30 đô la một giạ vào tháng 3 năm ngoái khi Nga xâm lược Ukraine.

António Guterres, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, nói với các nhà báo hôm thứ Tư: “Những thỏa thuận này quan trọng đối với an ninh lương thực toàn cầu. “Các sản phẩm của Ukraine và Nga nuôi sống thế giới.”

Thỏa thuận ngũ cốc, được ký lần đầu vào tháng 7 năm 2022, đã hết hạn vào hôm thứ Năm, nhưng các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Ukraine cho biết hôm thứ Tư rằng nó sẽ được gia hạn thêm hai tháng nữa.

Nga trước đó đã đe dọa rút khỏi thỏa thuận này, phàn nàn về một thỏa thuận liên quan với Liên Hiệp Quốc nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển ngũ cốc và phân bón của Nga.

Tại sao sáng kiến này lại quan trọng? Thưa: Ukraine và Nga chiếm gần 1/3 lượng xuất khẩu lúa mì toàn cầu, theo Gro Intelligence, một công ty dữ liệu nông nghiệp. Họ cũng nằm trong số ba nhà xuất khẩu lúa mạch, ngô, dầu hạt cải và dầu hướng dương hàng đầu thế giới.

Sau cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Mạc Tư Khoa đã phong tỏa các chuyến hàng ngũ cốc quan trọng từ các cảng Hắc Hải của nước này. Điều đó có nghĩa là hàng triệu tấn ngũ cốc của khu vực đã không được chuyển đến nhiều quốc gia phụ thuộc vào các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine.

Trong những ngày sau cuộc xâm lược, giá lúa mì toàn cầu tăng chóng mặt, với việc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng có tới 47 triệu người có thể bị đẩy vào tình trạng “mất an ninh lương thực trầm trọng” vì chiến tranh.

Nhưng thỏa thuận ngũ cốc tháng 7 và các lần gia hạn của nó đã giúp “ổn định thị trường và giảm bớt biến động”, Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển, một cơ quan liên chính phủ, cho biết trong một thông cáo báo chí hôm thứ Tư, đã lưu ý rằng giá lương thực toàn cầu đã giảm 20% kể từ khi đạt đến mức cao nhất mọi thời đại vào tháng 3 năm 2022.

11. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Nhà nước Nga có khả năng cấm các quan chức cấp cao từ chức một cách hiệu quả trong khi 'Chiến dịch quân sự đặc biệt' vẫn tiếp tục.

Các biện pháp có thể áp dụng cho ít nhất các nhà lãnh đạo khu vực, các quan chức an ninh và các thành viên của Chính quyền Tổng thống đầy quyền lực.

Về mặt riêng tư, nhiều quan chức có thể rất hoài nghi về chiến tranh, cũng như thường xuyên gặp căng thẳng trong công việc trong bộ máy thời chiến rối loạn chức năng. Lệnh cấm có khả năng được thực thi với những gợi ý mạnh mẽ rằng những người từ chức sẽ phải đối mặt với cáo buộc hình sự.

Cùng với lo ngại về những lỗ hổng năng lực mà những người từ chức sẽ để lại, các nhà chức trách có thể cũng đang cố gắng ngăn chặn bất kỳ ấn tượng nào liên quan đến chủ nghĩa thất bại và thúc đẩy ý thức trách nhiệm tập thể đối với cuộc chiến.
 
Ý xin ĐTC ra lời kêu gọi Nga ngừng ném bom dân Ukraine. Hoa Kỳ lên tiếng về tự do tôn giáo ở Ấn Độ
VietCatholic Media
17:14 19/05/2023


1. Các nhà hoạt động Ý vận động cho Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô tới Liên bang Nga ngừng ném bom dân thường ở Ukraine.

Việc yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra Lời kêu gọi long trọng gửi tới Tổng thống Liên bang Nga, Vladimir Putin, yêu cầu đình chỉ việc ném bom dân thường “Ukraine đang bị vùi dập” là khẩn cấp và chính đáng, và chúng tôi làm điều đó theo cách nhỏ bé của mình - Đó sẽ là một hành động mang tính nhân văn cao cả, có thẩm quyền về mặt đạo đức và là mong muốn của trái tim đau buồn của Đức Giáo Hoàng. Một nhóm vận động ở Ý đã cho biết như trên với tờ Sismografo.

Trên thực tế, trong thông cáo của Tòa Thánh sau buổi tiếp kiến của Đức Phanxicô với Tổng thống Vlodymyr Zelenskiy vào Thứ Bảy tuần trước, chúng ta đọc: “Đức Giáo Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu cấp bách về 'những cử chỉ nhân văn' đối với những người mong manh nhất, và những nạn nhân vô tội của cuộc xung đột”.

Nhóm vận động cho biết một cử chỉ như vậy là hết sức khẩn cấp và có thể là một tia hy vọng và ánh sáng cho tất cả mọi người, trước hết là cho người dân Ukraine, cũng như cho những yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Chắc chắn điều đó nên được thực hiện sớm hơn nhưng một yêu cầu như vậy gửi tới Điện Cẩm Linh luôn có thể thực hiện được và không bao giờ là quá muộn.

Không ai muốn bảo Đức Giáo Hoàng phải làm gì, vì những người có học chắc chắn sẽ nói bằng những lý lẽ vô nghĩa rằng KHÔNG! Không nên làm như thế. Nhưng, đó là một yêu cầu không hơn không kém, một yêu cầu chính đáng của người Công Giáo đối với Giám mục Rôma. Đó cũng là một yêu cầu chính đáng về mặt đạo đức. Vào ngày 1 tháng 9 năm 2013, trong trường hợp xảy ra cuộc chiến khủng khiếp ở Syria, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phát động Ngày Cầu nguyện và Ăn chay cho Hòa bình, dành toàn bộ Kinh Truyền Tin cho hòa bình và cho sự đau khổ và thương tiếc những người yếu thế nhất.

Nhóm vận động kết luận rằng: “Ngày nay, một lời kêu gọi hoặc khuyến khích tương tự của Đức Thánh Cha dành cho người dân Ukraine có thể là một phần của “sứ mệnh” hòa bình đã được thảo luận trên chuyến bay trở về từ Budapest, được kết hợp với chiến dịch nhân đạo vĩ đại dường như nằm trong kế hoạch của Đức Thánh Cha.”


Source:Sismografo

2. Putin bổ nhiệm cựu Đại Diện tại Hội đồng Âu Châu làm tân đại sứ cạnh tại Vatican

Ngày 16 tháng 5 vừa qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã bổ nhiệm Ivan Soltanovski, cựu đại diện tại Hội đồng Âu Châu, làm tân đại sứ cạnh Tòa Thánh, sau khi giải nhiệm Đại Sứ cạnh Tòa thánh và Dòng Malta, Alexander Avdeyev.

Soltanovski từng là đại diện thường trực của Nga tại Hội đồng Âu Châu từ năm 2015 đến 2022.

Tháng 3 năm ngoái, Mạc Tư Khoa đã thông báo cho Hội đồng Âu Châu về quyết định rút khỏi tổ chức này, là tổ chức mà Mạc Tư Khoa cáo buộc đã trở thành “một công cụ chính trị chống Nga”.

Avdeyev đã đứng đầu Đại sứ quán Nga cạnh Vatican và Dòng Malta kể từ năm 2013.

Việc bổ nhiệm này diễn ra bốn ngày sau chuyến thăm của tổng thống Ukraine, Volodimir Zelenskiy, tới Vatican, nơi ông đã gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Đức Giáo Hoàng và Zelenski đã gặp nhau trong 40 phút tại Vatican, một cuộc gặp được mong đợi sau khi Đức Giáo Hoàng tiết lộ rằng một sứ mệnh hòa bình đang được tiến hành ở Ukraine, các chi tiết vẫn chưa được biết, mặc dù các trao đổi của họ chú trọng vào lĩnh vực nhân đạo, hơn là đàm phán chính trị.

Trong một tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp, Vatican giải thích rằng “Đức Thánh Cha đã bảo đảm lời cầu nguyện liên tục của mình cho Ukraine, được chứng kiến bằng nhiều lời kêu gọi công khai và liên tục cầu khẩn Chúa cho hòa bình, kể từ tháng 2 năm ngoái,” khi người Nga bắt đầu cuộc xâm lăng.

Đức Phanxicô “đặc biệt nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết về 'những cử chỉ của nhân loại' đối với những người yếu ớt nhất, những nạn nhân vô tội của cuộc xung đột”, trong điều có thể được hiểu là yêu cầu Ukraine xem xét khả năng thử một giải pháp thương lượng, ngoài “Các Công thức Zelenskiy”, bị Mạc Tư Khoa bác bỏ, trong đó đưa ra 10 điểm cần thiết để bắt đầu đối thoại.

Nhưng Zelenskiy yêu cầu Đức Thánh Cha Phanxicô lên án “tội ác của Nga ở Ukraine vì không thể có sự bình đẳng giữa nạn nhân và kẻ xâm lược” và nhấn mạnh rằng “hòa bình công bằng” là điều duy nhất có thể.


Source:infobae.com

3. Hoa Kỳ yêu cầu Ấn Độ kiểm tra 'các cuộc tấn công có chủ đích tiếp tục' vào các nhóm thiểu số

Một tháng trước chuyến thăm cấp nhà nước của Thủ tướng Narendra Modi, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, cho biết Hoa Kỳ muốn Ấn Độ lên án bạo lực tôn giáo dai dẳng.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Hai đã công bố báo cáo thường niên về tự do tôn giáo, trong đó liệt kê các cuộc tấn công chống lại các nhóm thiểu số tôn giáo bao gồm người Hồi giáo và Kitô giáo tại quốc gia đông dân nhất thế giới.

Ông Price đã nói về “tiềm năng to lớn” của Ấn Độ và cho biết ông “rất buồn” trước “các cuộc tấn công có chủ đích liên tục” nhằm vào các nhóm tôn giáo thiểu số của đất nước.

“Về những lo ngại này, chúng tôi đang tiếp tục khuyến khích chính phủ lên án bạo lực và quy trách nhiệm cho những người tham gia vào những luận điệu phi nhân tính đối với các nhóm thiểu số tôn giáo”.

Trong số những lo ngại mà Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ lưu ý là “những lời kêu gọi công khai diệt chủng người Hồi giáo, treo cổ và những hình thái bạo lực do hận thù thúc đẩy khác, tấn công vào những nơi thờ phượng và phá hủy nhà cửa, và trong một số trường hợp không bị trừng phạt và thậm chí khoan dung cho những người đã tham gia vào các cuộc tấn công nhằm vào các nhóm thiểu số tôn giáo “.

Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ hứa sẽ nói chuyện “trực tiếp” với các quan chức Ấn Độ và nói: “Chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các đồng nghiệp xã hội dân sự của chúng tôi tại hiện trường và với các nhà báo dũng cảm đang làm việc hàng ngày để ghi lại một số vụ lạm dụng này.”

Báo cáo của Bộ Ngoại giao, dựa trên nghiên cứu trực tiếp cũng như lời khai của các nhóm vận động và truyền thông, đã chỉ ra những lo ngại về việc phá hủy nhà cửa chống lại người Hồi giáo và cảnh sát của người Hồi giáo nơi công cộng ở Gujarat, là bang quê hương của Modi.

Người Hồi giáo chiếm gần 14% trong tổng số 1,4 tỷ người của Ấn Độ trong khi người theo Ấn Giáo chiếm gần 80% dân số và các tín hữu Kitô chiếm 2%.

New Delhi từ lâu đã đẩy lùi những chỉ trích của Hoa Kỳ về tự do tôn giáo, đặc biệt là của Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, gọi tắt là USCIRF, mà hồi đầu tháng này một lần nữa khuyến nghị Bộ Ngoại giao đưa Ấn Độ vào danh sách đen về hồ sơ của họ.

Trong báo cáo thường niên của mình, cơ quan này cho biết chính phủ Ấn Độ “ở cấp quốc gia, tiểu bang và địa phương đã thúc đẩy và thực thi các chính sách phân biệt đối xử tôn giáo” vào năm 2022. Những chính sách này bao gồm “luật cấm chuyển đổi tôn giáo, cấm các hôn nhân liên tôn, cấm đeo khăn trùm đầu và cấm mổ bò”.

USCIRF cho biết Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên chỉ định Ấn Độ là “quốc gia cần quan tâm đặc biệt” về tự do tôn giáo vì “những vi phạm có hệ thống, đang diễn ra rất nghiêm trọng” đối với tự do tôn giáo ở quốc gia có đa số người theo Ấn Giáo.

Cuối năm nay, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken sẽ liệt kê “các quốc gia cần quan tâm đặc biệt” nhưng gần như chắc chắn ông sẽ bỏ qua cho Ấn Độ, quốc gia mà Hoa Kỳ đã xây dựng mối quan hệ nồng ấm hơn trong nhiều thập kỷ, một phần như một bức tường thành chống lại Trung Quốc.


Source:Aljazeera