Ngày 17-05-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 18/5: Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha – Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hương, ĐCV Vinh Thanh
Giáo Hội Năm Châu
01:56 17/05/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 17-May-2021 theo giờ Việt Nam

PHÚC ÂM: Ga 17, 1-11a

“Lạy Cha, xin hãy làm vinh hiển Con Cha”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời và nói: “Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha. Vì Cha đã ban cho Con quyền trên mọi huyết nhục, để con cũng ban sự sống đời đời cho mọi kẻ Cha đã giao phó cho Con. Sự sống đời đời chính là chúng nhận biết Cha là Thiên Chúa duy nhất chân thật, và Đấng Cha đã sai, là Giêsu Kitô. “Con đã làm vinh hiển Cha dưới đất, Con đã chu toàn công việc mà Cha đã giao phó cho Con. Giờ đây, lạy Cha, xin hãy làm cho Con được vinh hiển nơi Cha với sự vinh hiển mà Con đã có nơi Cha, trước khi có thế gian. Con đã tỏ danh Cha cho mọi kẻ Cha đã đưa khỏi thế gian mà ban cho Con. Chúng thuộc về Cha, và Cha đã ban chúng cho Con, và chúng đã tuân giữ lời Cha. Bây giờ chúng biết rằng những gì Cha ban cho Con, đều bởi Cha mà ra. Vì những lời Cha ban cho Con thì Con đã ban cho chúng và chúng đã lãnh nhận, và biết đích thực rằng Con bởi Cha mà ra, và chúng tin rằng Cha đã sai Con. “Con cầu xin cho chúng, Con không cầu xin cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho Con, bởi vì chúng là của Cha. Và mọi sự của Con là của Cha, và mọi sự của Cha cũng là của Con, và Con đã được vinh hiển nơi chúng. Con không còn ở thế gian nữa, nhưng chúng vẫn còn ở thế gian, phần Con, Con về cùng Cha”.

Đó là lời Chúa..
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:22 17/05/2021

32. Sống chính là cùng ở vớiĐức Chúa Giê-su, ở đâu có Ngài thì ở đó có cuộc sống, ở đó chính là thiên đàng.

(Thánh Jerome)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:27 17/05/2021
48. TỐN TIỀN MUA BÁNH

Có một phú ông rất bủn xỉn keo kiết, muốn mời thầy giáo đến dạy học cho con cháu, nhưng vừa không muốn cung cấp cơm ăn, tốt nhất là mời loại thầy giáo ăn cơm không có thịt rượu.

Có một thầy giáo nọ thường thích ăn cơm nhạt, mỗi ngày chỉ ăn ba bát cháo, có người biết vậy thì giới thiệu cho phú ông.

Phú ông trầm tư rất lâu rồi nói với thầy giáo:

- “Nấu cháo cũng là chuyện lãng phí, như thế này nhé, mỗi bữa cháo tốn hai xu tiền, chi bằng tôi đưa cho ông hai cái bánh để ăn. Giả như sức ăn của ông ít, thì có thể tiết kiệm được một xu tiền, như thế chẳng lẽ ông và tôi đều không có lợi sao?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 48:

Người có lòng dạ keo kiết bủn xỉn thì luôn tính đến chuyện bủn xỉn với tất cả mọi người, người có tâm địa tốt thì luôn tìm kiếm điều tốt để làm giúp ích cho tha nhân.

Giàu có không phải là tội, nhưng giàu có mà keo kiết với tha nhân, bủn xỉn với mình thì chắc chắn là lỗi đức bác ái, và phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa về việc keo kiết bủn xỉn của mình trong ngày phán xét…

Có một vài người Ki-tô hữu chỉ biết rằng Thiên Chúa là tình yêu mà quên mất rằng Ngài cũng là Đấng rất công bằng, Ngài yêu thương ban cho chúng ta thì Ngài cũng công bằng đòi ta trả lại cho Ngài qua việc phục vụ và giúp đỡ tha nhân, như Đức Chúa Giêsu đã nói: “Anh em hãy cho, thì sẽ được Thiên Chúa cho lại,. Người sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dần, đã lắc và đầy tràn, mà đổ vào vạt áo anh em. vì anh em cho bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy.”

Bởi vì yêu mến mà không có sự công bằng thì phương hại đến đức ái và trở thành thiên vị; keo kiết bủn xỉn là tảng đá lớn ngăn cách con người đi tới thiên đàng…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Một tình yêu bất khả chiến bại
Lm. Minh Anh
21:53 17/05/2021
MỘT TÌNH YÊU BẤT KHẢ CHIẾN BẠI

“Lạy Cha, giờ đã đến, xin hãy làm vinh hiển Con Cha, để Con Cha làm vinh hiển Cha”.

Nếu “Trong chiến tranh, không gì thay được chiến thắng!” với Thống Tướng Douglas MacArthur; thì với Chúa Giêsu, tình yêu đối với Chúa Cha và các linh hồn được trao phó cho Ngài, sẽ là ‘một tình yêu bất khả chiến bại’, dù Ngài phải tự hiến mạng sống trên thập giá vì tình yêu ấy.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay là một phần lời nguyện hiến tế Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, một lời cầu nguyện vốn chỉ có trong Tin Mừng Gioan. “Lời nguyện hiến tế” này được gọi là di sản và chóp đỉnh của mọi lời cầu nguyện; qua đó, ‘một tình yêu bất khả chiến bại’ rực sáng nơi con người Chúa Giêsu.

Biết rằng, ‘giờ cứu độ’ đã điểm, cùng lúc, cảm nhận tột cùng nỗi thống khổ vì tình yêu mà mình sắp trải qua, Chúa Giêsu không có một suy nghĩ nào khác ngoài việc để cho trái tim mình thuộc trọn về Cha. Cũng vì tình yêu duy nhất đó, Ngài đã chu toàn mọi việc dưới thế cho vinh quang Cha; và giờ đây, khi sắp đối diện với thập giá chung cục, Ngài cầu xin sức mạnh từ Chúa Cha. Ngài ý thức vinh quang thập giá là điều làm cho Chúa Cha được tôn vinh; qua đó, chính Ngài cũng được tôn vinh. Vì thế, Ngài nóng lòng và khắc khoải chờ đợi giờ phút vinh quang này.

Bên cạnh đó, tình yêu của Chúa Giêsu còn bao trùm tất cả những ai Chúa Cha đã trao phó cho Ngài, Ngài cầu nguyện cho các môn đệ, cho chúng ta, những kẻ còn ở trong thế gian. Và như thế, qua lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu để lại cho chúng ta một di sản lớn lao, một bảo đảm vững bền rằng, chúng ta luôn hiện diện trong trái tim Ngài, cũng như Chúa Cha luôn đầy ắp ở đó. Đồng thời, Ngài nói cho chúng ta rằng, cầu nguyện trước hết, là để Chúa Cha được tôn vinh; và chóp đỉnh của sự tôn vinh là việc tự hiến chính mình cho Cha và các linh hồn Cha muốn cứu độ, cho dù sự tự hiến đó sẽ là cái chết trên thập giá. Vì thế, cái chết của Chúa Giêsu là chiến thắng cuối cùng của tình yêu, là cách thức tôn vinh Chúa Cha tột đỉnh bằng sự vâng phục tuyệt đối; một tình yêu không giới hạn tự chứng tỏ, nó mạnh hơn tội lỗi và sự ác; và rồi, sự phục sinh sau thập giá sẽ chứng tỏ một lần nữa, tình yêu mạnh hơn sự chết; ‘một tình yêu bất khả chiến bại’ của Con Thiên Chúa.

Trong tác phẩm “Linh Thao”, thánh Ignatiô đưa ra một ‘nguyên tắc và nền tảng’ của cuộc sống, “Con người được tạo dựng để ca ngợi, tôn vinh và phụng sự Thiên Chúa; bằng cách này, con người cứu lấy linh hồn mình”. Đó cũng là những gì Chúa Giêsu đã sống, đã hiến mình cho vinh quang Chúa Cha, dẫu đó là cái chết; và Ngài đã nhận lại tất cả, Ngài cứu được mình, cứu các linh hồn, khi quyền năng Thiên Chúa không để Ngài hư nát trong mồ, nhưng tôn vinh Ngài bằng sự phục sinh vinh hiển.

Thật bất ngờ, bài đọc Công Vụ Tông Đồ hôm nay cho thấy ‘một Giêsu khác’ trong thánh Phaolô, một con người tôn vinh Thiên Chúa bằng cả cuộc sống của mình, nhờ đó vị tông đồ dân ngoại vĩ đại có thể kêu mời, “Chư quốc trần ai, hãy ca khen Thiên Chúa!” như lời Thánh Vịnh đáp ca bày tỏ. Với Phaolô, xem ra lời cầu nguyện của Chúa Giêsu thật hiệu nghiệm và trở nên mẫu mực. Vì vinh quang Thiên Chúa và các linh hồn, Phaolô cũng đã tự hiến chính mình như Chúa Giêsu đã tự hiến. Ngài nói, “Thánh Thần báo trước cho tôi rằng, xiềng xích và gian lao đang chờ tôi ở Giêrusalem. Nhưng tôi không sợ gì cả, không kể mạng sống tôi làm quý, miễn là tôi đi cho hết quãng đường đời và hoàn tất nhiệm vụ rao giảng Lời Chúa mà tôi đã lãnh nhận nơi Chúa Giêsu”. Tình yêu đối với Thiên Chúa và các linh hồn nơi Phaolô cũng là ‘một tình yêu bất khả chiến bại’.

Trong cuốn “Hội Chứng Satan”, Nigel Wright nhận định, “Thiên Chúa không phải là tác giả của điều ác, nhưng Ngài là tác giả của sự sáng tạo và rủi ro vốn có trong điều ác. Ý nghĩa thập giá của Đức Giêsu là tình yêu của Đấng chịu đau khổ vì tội lỗi nhân loại; nó vượt quá hiểu biết của con người, nó thuộc về Thiên Chúa; một Thiên Chúa tự hiến mình như một sáng tạo đầy rủi ro. Thế nhưng, qua đó, Ngài đập tan sự ác; và đó là chiến thắng của ‘một tình yêu bất khả chiến bại’”.

Anh Chị em,

Thập giá của Chúa Giêsu là một sáng tạo đầy rủi ro; nhưng qua thập giá, tình yêu của Ngài thể hiện cách tỏ tường hơn cả. Mỗi người chúng ta được Chúa Giêsu yêu mến, được nâng niu như quà tặng Ngài nhận từ Chúa Cha; Ngài mang lấy từng người chúng ta trong tim với tất cả tình yêu của một vị Thiên Chúa. Trên thập giá, tình yêu của Ngài lên đến cực điểm, ‘một tình yêu bất khả chiến bại’ tự hiến cho Cha, cũng là một tình yêu cứu độ đời đời dành cho các linh hồn. Ước gì tình yêu Giêsu và lửa Thánh Thần của Ngài cũng thiêu đốt trái tim chúng ta như đã thiêu đốt trái tim Ngài, trái tim Phaolô; nhờ đó, Chúa Cha cũng được tôn vinh, và các linh hồn được cứu rỗi.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin đừng để con một phút ngơi nghỉ, nhưng một luôn làm vinh danh Chúa và mưu ích cho các linh hồn. Để được vậy, xin Thánh Thần Chúa cũng đốt lên trong con ‘một tình yêu bất khả chiến bại’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Phải đọc thư của Bộ Giáo Lý Đức Tin ra sao về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai Hoa Kỳ
Vũ Văn An
00:15 17/05/2021

Như ai cũng biết: Hoa Kỳ hiện có một tổng thống Công Giáo “tự hào” cho rằng mình rất sùng đạo nhưng lại công khai ủng hộ phá thai hơn cả những vị tổng thống không Công Giáo, ngược hẳn tín lý chính thức của Giáo Hội. Những người như ông đang gây gương mù gương xấu cho nhiều đồng đạo khi “tỉnh bơ” lên rước lễ, dù đang trì chí mang tội nặng khách quan.Trước gương mù gương xấu tỏ tường này, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ dự tính, trong kỳ họp hàng năm vào tháng 6 tới, sẽ thảo luận viễn ảnh một tuyên bố nào đó về việc xứng đáng rước lễ của các nhân vật công cộng chủ trương phá thai và an tử.



Thư của Bộ Giáo lý Đức tin

Trước khi có cuộc thảo luận ấy và một tuyên bố như thế, Đức Tổng Giám Mục Gomez, Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, có viết thư thỉnh ý Thánh bộ Giáo lý Đức tin. Chúng tôi không được đọc nội dung lá thư của ngài. Nhưng thư trả lời của Thánh bộ Giáo lý Đức tin thì được phổ biến rộng rãi hiện nay. Chúng tôi xin chuyển sang Việt ngữ phần chính của lá thư như sau:

“Liên quan tới lá thư năm 2004 của Đức Hồng Y Ratzinger gửi cho Đức Hồng Y McCarrick, thánh bộ này tôn trọng qui định (stipulation) của Đức Hồng Y Ratzinger rằng 'các nguyên tắc này không có ý định cho công bố'. Lá thư được viết dưới hình thức thông đạt riêng tư ngỏ với các vị Giám Mục. Do đó, tuy các nguyên tắc này không được Hội Đồng công bố, chúng vẫn có thể giúp đỡ trong việc soạn thảo văn kiện của qúy Đức Cha. Nên ghi nhận rằng Thông tri Tín lý của Thánh Bộ, tựa là Về Một Số Câu Hỏi Liên Quan Đến Việc Tham Dự Của Người Công Giáo Vào Sinh Hoạt Chính Trị (2002) có trước việc thông đạt bản thân của Đức Hồng Y Ratzinger. Trong dịp viếng thăm mộ Hai Thánh Phêrô và Phêrô (ad limina) năm 2004, một việc được ngài nhắc đến trong lá thư của ngài, nhiều câu hỏi trong nhiều dịp khác nhau đã được nêu lên về việc rước lễ của các chính trị gia Công Giáo ủng hộ điều gọi là 'quyền lựa chọn' phá thai. Khi Thông tri Tín lý được thảo luận trong chuyến viếng thăm ad limina này, điều rõ ràng là có một sự thiếu nhất trí giữa các Giám Mục liên quan đến vấn đề rước lễ. Lúc ấy, việc khai triển một chính sách toàn quốc chưa được xem xét, và Đức Hồng Y Ratzinger cung ứng các nguyên tắc tổng quát về việc rước lễ cách xứng đáng nhằm giúp các vị bản quyền địa phương ở Hoa Kỳ trong việc xử lý với các chính thị gia phò lựa chọn sống trong phạm vi quyền tài phán của các ngài. Như thế, việc thông đạt của Đức Hồng Y Ratzinger chỉ nên được thảo luận trong bối cảnh Thông tri Tín lý có thẩm quyền, một Thông tri cung cấp giáo huấn của Huấn Quyền về nền tảng thần học cho bất cứ sáng kiến nào liên quan đến việc rước lễ cách xứng đáng.

“Khi vấn đề này tái xuất hiện trong kỳ viếng thăm ad limina năm 2019-2020 của các Giám Mục Hoa Kỳ, Thánh bộ này có ý kiến này là cuộc đối thoại giữa các Giám Mục nên tiến hành để duy trì sự hợp nhất của Hội Đồng Giám Mục khi đứng trước sự bất đồng về chủ đề gây tranh cãi này. Việc soạn thảo một chính sách toàn quốc chỉ đã được đề nghị trong các chuyến viếng thăm ad limina nếu việc này giúp các Giám Mục duy trì sự hợp nhất. Thánh bộ này ghi nhận rằng một chính sách như thế, xét vì bản chất có thể gây tranh cãi của nó, có thể có hậu qua ngược lại và trở thành nguồn bất hòa hơn là hợp nhất trong hàng Giám Mục và Giáo Hội rộng lớn hơn ở Hoa Kỳ. Do đó, trong chuyến viếng thăm ad limina, chúng tôi bày tỏ ý kiến này: việc khai triển hữu hiệu một chính sách trong lãnh vực này đòi có cuộc đối thoại trong hai giai đoạn: trước nhất giữa chính các Giám Mục, và sau đó giữa các Giám Mục với các chính trị gia phò lựa chọn sống trong quyền tài phán của các ngài.

“Giai đoạn đối thoại đầu tiên nên diễn ra giữa các Giám Mục để các ngài có thể nhất trí như một Hội Đồng rằng ủng hộ luật lệ phò lựa chọn là không tương ứng với giáo huấn Công Giáo. Do đó, các Giám Mục nên thảo luận và nhất trí với giáo huấn trong Thông tri Tín lý nhắc ở trên; điều 3 Thông tri này quả quyết rằng “Các Kitô hữu được kêu gọi bác bỏ, như là gây hại cho sinh hoạt dân chủ, quan niệm đa nguyên phản ảnh chủ nghĩa duy tương đối luân lý và chấp nhận rằng nền dân chủ phải đặt căn bản trên nền tảng vững chắc của các nguyên tắc đạo đức không thể thương lượng, vốn nâng đỡ đời sống trong xã hội”. Các Giám Mục nên khẳng định như một Hội Đồng rằng 'những ai trực tiếp can dự vào các cơ quan lập pháp có nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng phải chống đối bất cứ luật lệ nào tấn công sự sống con người” (Thông tri Tín lý điều 4). Sau khi nhất trí đã đạt được, lúc đó, các Giám Mục sẽ chuyển qua việc thực thi giai đoạn hai trong đó, các vị bản quyền địa phương sẽ vươn tay ra và dấn thân đối thoại với các chính trị gia Công Giáo sống trong quyền tài phán của các ngài, các chính trị gia có chủ trương phò lựa chọn liên quan đến luật lệ phá thai, an tử, hoặc các điều xấu xa về luân lý khác, như một phương thế để hiểu bản chất các chủ trương của họ và việc họ thấu hiểu giáo huấn Công Giáo.

“Một khi hai giai đoạn đối thoại sâu rộng và thanh thản trên đã diễn ra, Hội Đồng sẽ đối diện với trách vụ khó khăn là biện phân cách tiến tới tốt nhất cho Giáo Hội ở Hoa Kỳ trong việc làm chứng cho trách nhiệm luân lý nặng nề của các viên chức công cộng Công Giáo phải bảo vệ sự sống con người ở mọi giai đoạn. Nếu lúc đó, có quyết định soạn thảo một chính sách toàn quốc về việc xứng đáng để được rước lễ, thì tuyên bố này cần phải phát biểu một đồng thuận thực sự của các Giám Mục về vấn đề này, trong khi tuân giữ điều kiện tiên quyết này: bất cứ dự khoản nào của Hội Đồng trong lãnh vực này đều phải tôn trọng quyền của các vị bản quyền cá thể trong các giáo phận của các ngài và đặc quyền của Tòa Thánh (xem Apostolos Suos, 22&24). Ngoài ra, Thánh Bộ có ý kiến này: bất cứ tuyên bố nào của Hội Đồng liên quan đến các nhà lãnh đạo chính trị Công Giáo cũng sẽ tốt nhất nếu được lên khuôn trong bối cảnh rộng lớn của việc xứng đáng rước lễ về phần mọi tín hữu, chứ không chỉ một loại người Công Giáo nào đó, phản ảnh nghĩa vụ của họ phải làm cho đời sống họ phù hợp với toàn bộ Tin Mừng của Chúa Giêsu Kitô khi họ chuẩn bị nhận lãnh bí tích (Thông tri Tín lý điều 4). Sẽ là việc hướng dẫn sai lầm khi một tuyên bố như thế cho người ta cảm tưởng này là: phá thai và an tử mà thôi mới tạo nên chất thể trầm trọng cho nền luân lý và giáo huấn xã hội Công Giáo buộc người ta phải có trình độ giải trình trọn vẹn về phía người Công Giáo.

“Mọi cố gắng phải được thực hiện để đối thoại với các Hội Đồng Giám Mục khác khi soạn thảo chính sách này ngõ hầu học hỏi lẫn nhau và duy trì sự hợp nhất trong Giáo Hội hoàn vũ”.

Phải đọc lá thư ra sao?

Thoạt mới đọc, ai cũng cho rằng lá thư của Thánh bộ Giáo lý Đức tin tỏ ý dè dặt đối với động thái sắp tới của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ. Lá thư nhắc nhở tông thư Apostolos Suos của Đức Gioan Phaolô II: một Hội Đồng Giám Mục chỉ có thể ban hành các tuyên bố tín lý nếu các thành viên “nhất trí” (unanimous) trong việc ủng hộ nó.

Về phương diện đó, ai cũng biết hiện có những quan điểm chống chọi nhau giữa một số Giám Mục Hoa Kỳ về vấn đề rước lễ của các chính trị gia phò phá thai. Bởi thế, lá thư lưu ý các vị Giám Mục Hoa Kỳ về “bản chất có thể gây tranh cãi” của cuộc thảo luận, thậm chí có thể “trở thành nguồn bất hòa thay vì hợp nhất trong hàng Giám Mục và Giáo Hội rộng lớn hơn ở Hoa Kỳ.

Lá thư cũng phần nào lặp lại quan điểm phê phán của phe cấp tiến Công Giáo đối với phong trào phò sinh Công Giáo nói chung, khi họ gọi những người này là những người Công Giáo chỉ biết tranh đấu cho một vấn đề mà quên nhiều vấn đề quan trọng khác. Thực vậy, lá thư khuyên các Giám Mục Hoa Kỳ không nên chấp thuận một chính sách cho thấy “các chất thể trầm trọng duy nhất trong nền luân lý và giáo huấn xã hội Công Giáo...” là phá thai và an tử. Mặc dù, Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ luôn cho rằng phá thai và an tử không phải là những vấn đề duy nhất trong việc đánh giá các chính trị gia. Hội Đồng luôn cho rằng quyền sống là vấn đề công cộng “nổi bật nhất” (preeminent) thời ta mà thôi. Vả lại, các vấn đề trầm trọng về luân lý khác, như kỳ thị chủng tộc và chiến tranh hạt nhân, đâu có chính trị gia Công Giáo nào đi ngược lại giáo huấn của Giáo Hội để mà lên tiếng “giáo dục”!

Lá thư cũng khuyên các Giám Mục Hoa Kỳ không nhằm riêng các chính trị gia mà nói chung đến việc rước lễ cách xứng đáng của mọi tín hữu. Lời khuyên này đúng là để gỡ ngòi nổ khỏi việc cất gương mù gương xấu của những kẻ lợi dụng Giáo Hội cho các mục tiêu dân túy tồi tệ của riêng họ, một thứ buôn thần bán thánh công khai. Mỗi Giáo Hội có đặc tính riêng, một hoàn cảnh riêng cần được giải quyết. Nói chung chung như thế thì cần gì đến một Hội Đồng Giám Mục! Chỉ cần bảo họ đọc Sách Giáo Lý Của Giáo Hội Công Giáo.

Không lạ gì, tờ The Pillar gọi lá thư của Thánh bộ giáo lý đức tin là cú đập chết (kibosh) kế hoạch của các Giám Mục Hoa Kỳ.
Cũng không lạ gì, Nancy Pelosi nồng nhiệt hoan nghinh lá thư. Thực vậy, theo CNA trong bản tin ngày 13 tháng 5, trả lời phỏng vấn của EWTN cùng ngày, Pelosi nói rằng về việc rước lễ của các chính trị gia phò phá thai, “tôi nghĩ tôi có thể dùng phán đoán riêng của tôi trong vấn đề này” và cho biết thêm bà ta “hài lòng với những gì Vatican đề xuất về vấn đề” rước lễ của các chính trị gia này, cho rằng tuyên bố của Vatican “trong căn bản muốn nói ‘đừng chia rẽ về vấn đề này’”.

Pelosi đọc đúng: “đừng chia rẽ” nhưng không “đừng chia rẽ” như bà nghĩ. Thánh bộ giáo lý đức tin mong muốn có sự nhất trí, nhưng là nhất trí về điều ngược với chủ trương của những người như Nancy Pelosi hay Joe Biden.

Thực vậy, The Pillar , khi đọc kỹ lá thư của Đức Hồng Y Ladaria gửi cho Đức Tổng Giám Mục chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, thấy rằng chính Thánh bộ giáo lý đức tin gợi ý Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ thảo luận vấn đề tính nhất quán Thánh Thể trên bình diện Hội Đồng, chứ không ngược lại. Chính Đức Hồng Y Ladaria khuyến khích Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đối thoại sâu rộng về chủ đề, và nhấn mạnh các ngài nên nhất trí tuyên bố “ở bình diện Hội Đồng” rằng “những người trực tiếp can dự vào các bộ phận lập pháp có nghĩa vụ nghiêm trọng và rõ ràng phải chống đối bất cứ luật lệ nào tấn công sự sống con người”.

The Pillar cũng cho rằng sẽ có những người phản đối lá thư của Đức Hồng Y Ladaria, nhưng trong số này sẽ không có những nhà bảo thủ như Đức Tổng Giám Mục Aquila, Đức Tổng Giám Mục Cordileone, hay Đức Cha Olmsted. Vì một lý do giản dị là lá thư này nhắc nhở các Giám Mục Hoa Kỳ rằng “các Kitô hữu được kêu gọi bác bỏ, như gây hại cho sinh hoạt dân chủ, quan niệm đa nguyên nhằm phản ảnh chủ nghĩa duy tương đối luân lý. Dân chủ phải đặt căn bản trên nền tảng chân thật và vững chắc của các nguyên tắc đạo đức không thể thương lượng gì được, các nguyên lý vốn nâng đỡ đời sống trong xã hội”.

Trong phiên họp sắp tới vào tháng 6, các vị Giám Mục nào xem ra muốn thương lượng các nguyên tắc không thể nào thương lượng được này khó dựa vào lá thư của Đức Hồng Y Ladaria để tìm hậu thuẫn.

Thành thử, theo Ed. Condon của The Pillar, lá thư của Đức Hồng Y Ladaria, thay vì là cú tát, thì thực ra là một bản đồ chỉ đường để các Giám Mục Hoa Kỳ đi theo con đường cứng rắn hơn.

Thay vì khuyên các Giám Mục từ bỏ dự án, lá thư đề nghị phương cách tiến hành cụ thể và hữu hiệu hai bước của dự án.

The Pillar cũng cho rằng Đức Hồng Y Ladaria không hề khuyên các Giám Mục Hoa Kỳ đừng pha mình vào chính trị. Ngược lại, trích dẫn chính Thông tri Tín lý của Thánh bộ, ngài khẳng định, như trên đã trích dẫn, “các Kitô hữu được kêu gọi bác bỏ, như gây hại cho sinh hoạt dân chủ, quan niệm đa nguyên nhằm phản ảnh chủ nghĩa duy tương đối luân lý. Dân chủ phải đặt căn bản trên nền tảng chân thật và vững chắc của các nguyên tắc đạo đức không thể thương lượng gì được, các nguyên lý vốn nâng đỡ đời sống trong xã hội”.
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha với phái đoàn Hướng đạo sinh Pháp Unitaires de France
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
01:01 17/05/2021

Sáng thứ Sáu 14 tháng 5 năm 2021 Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp phái đoàn Hướng đạo sinh Pháp Unitaires de France, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập. Ngài khuyến khích các hướng đạo sinh ước mơ và hành động, can đảm hướng về tương lai với niềm hy vọng.

Mở đầu, Đức Thánh Cha nói:

Chào các bạn,

Tôi rất vui được gặp bạn, các thành viên của Hướng đạo Unitaires de France, những người đang kỷ niệm 50 năm ngày thành lập, và tôi nhiệt liệt chào mừng các bạn đến với Rôma trong dịp này.

Tôi cảm ơn Ủy ban Mục vụ Chăm sóc Trẻ em và Thanh thiếu niên của Hội đồng Giám mục Pháp, cũng như các bạn chịu trách nhiệm về sáng kiến này đã công nhận những người hướng đạo trẻ là những tác nhân truyền bá Phúc âm và xây dựng xã hội. Tôi cũng cảm ơn các bạn vì những lời chúc tốt đẹp của các bạn. Très poétique, très poétique! Cela que vous avez dit sur Saint Joseph: très bon! Rất nên thơ, rất nên thơ! Các bạn nói về Thánh Giuse quá hay!

Trong xã hội, tất cả chúng ta thường thấy sự xuống cấp của các mối quan hệ giữa con người với nhau và thiếu những hình mẫu đáng tin cậy cho những người trẻ đang tìm kiếm sự hình thành. Tình hình này càng trở nên bấp bênh hơn nữa bởi cuộc khủng hoảng sức khỏe hiện tại, điều này đã làm giảm cơ hội gặp gỡ nhau để hàn gắn và tạo dựng những tình bạn mới. Trước những khó khăn đó, phong trào hướng đạo của các bạn là một dấu chỉ khích lệ cho các bạn trẻ, bởi nó mời gọi họ ước mơ và hành động, can đảm để nhìn về tương lai với hy vọng. Thật vậy, qua phương pháp sư phạm của anh chị em, những người luôn bảo vệ và đồng hành với những thanh thiếu niên, kiên nhẫn giúp họ khám phá và làm phát triển những tài năng đã được Chúa ban, các bạn cho thấy thế nào là “trải nghiệm những mối quan hệ thực sự của con người, chứ không chỉ là những mối quan hệ ảo, là điều mà mọi người đều rất cần, đặc biệt là ở độ tuổi mà bản lĩnh và nhân cách của một người đang được hình thành” (Thông điệp Urbi et Orbi /ơ bi ê o bi/, ngày 4 tháng 4 năm 2021). Và tôi đặc biệt biết ơn những cặp vợ chồng đã ủng hộ các bạn và những người làm chứng giữa các bạn về vẻ đẹp của hôn nhân.

Hướng đạo, với sự sẵn sàng của mình để phục vụ người lân cận, cũng được mời gọi để làm việc cho một Giáo Hội “vươn ra” ngoài nhiều hơn và cho một thế giới nhân bản hơn. Để đạt được mục đích này, các bạn có sứ mệnh cao cả là làm chứng ở bất cứ nơi đâu. Với đức tin và những dấn thân của mình, các bạn có thể nâng cao sự phong phú của các mối quan hệ giữa con người và biến chúng thành công ích giúp đổi mới xã hội. Vì vậy, tôi mong các bạn vừa là những người hướng đạo vừa là các tín hữu trung thành! Và các bạn sẽ làm như vậy bằng cách cố gắng nhất quán với những giá trị mà bạn mang theo, bằng cách có niềm tin chắc chắn dựa trên Phúc Âm, trong tinh thần cởi mở với người khác. Khi đó, hành động của bạn sẽ có lợi, theo nhiều cách khác nhau, cho xã hội mà bạn đang sống (xem Thông điệp Fratelli tutti, 203).

Nhờ mối quan hệ với thiên nhiên, các bạn loan truyền thông điệp rằng tôn trọng tha nhân và môi trường đi đôi với nhau và do đó “chúng ta không thể cho rằng có thể hàn gắn mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên và môi trường mà không hàn gắn tất cả các mối quan hệ cơ bản của con người” (Laudato si) (119).

Tôi mời gọi các bạn đừng nản lòng trước sự ích kỷ của thế gian, đừng thu mình vào chính mình, đừng là những người trẻ không năng động, không có lý tưởng và không có ước mơ. Đừng bao giờ quên sự thật rằng Chúa đang kêu gọi tất cả các bạn, đừng sợ hãi thực hiện việc rao giảng Tin Mừng mọi lúc mọi nơi, đặc biệt là trong giới trẻ, trong khu phố của các bạn, khi chơi thể thao, khi đi chơi với bạn bè, khi làm việc thiện nguyện và ở nơi làm việc. Luôn luôn và ở mọi nơi hãy chia sẻ niềm vui Tin Mừng! Chúa muốn các bạn trở thành môn đệ của Ngài và truyền đi ánh sáng và hy vọng, bởi vì Ngài trông cậy vào sự dạn dĩ, lòng can đảm và lòng nhiệt thành của bạn (xem Tông Huấn Hậu Thượng Hội Đồng Christus vivit, 177).

Các bạn thân mến, một lần nữa tôi khuyến khích các bạn nỗ lực biến Hướng đạo Công Giáo trở thành một phong trào gieo hy vọng và tái khám phá đời sống cộng đồng. Tôi cảm ơn Chúa vì chứng tá của các bạn trong suốt năm mươi năm qua trong việc phục vụ Giáo hội và anh chị em của các bạn, trên hết bằng những lời cầu nguyện của mình.

Tôi hy vọng rằng Năm Thánh này sẽ là cơ hội để mỗi người trong các bạn canh tân các cam kết của mình, phù hợp với di sản đã nhận được từ những người đi trước, để giúp các bạn trẻ trở thành những người tự do và có trách nhiệm, tôn trọng người khác và môi trường của họ.

Tôi giao phó Đội Hướng đạo Unitaires de France cho sự bảo vệ từ mẫu của Đức Trinh nữ Maria. Xin Mẹ hướng cái nhìn nhân từ của Mẹ lên mỗi người trong các bạn và dẫn dắt các bạn trở thành những môn đệ trung thành của Con Mẹ. Tôi chúc phúc cho tất cả các bạn, gia đình và những người các bạn đã đồng hành, cũng như những người ủng hộ tinh thần và vật chất cho các bạn. Và tôi xin các bạn đừng quên cầu nguyện cho tôi. Cảm ơn các bạn.
Source:Libreria Editrice Vaticana

 
Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô với cộng đoàn Miến Điện sáng Chúa Nhật 16 tháng 5, 2021
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
01:07 17/05/2021

Lúc 10g sáng Chúa Nhật 16 tháng 5, cùng với các tín hữu Công Giáo Miến Điện đang ở Roma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Chúa Thăng Thiên tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Biến cố này là cơ hội thức tỉnh thế giới về thảm trạng nhân dân Miến Điện đang trải qua, từ sau cuộc đảo chánh của quân đội tại nước này. Cha Maurice Moe Aung, thuộc dòng Thừa sai Ðức tin ở Rôma, đã đưa ra lập trường trên. Cha đã đến Rôma cách đây 30 năm để học triết và thần học trước khi trở về quê hương Miến Điện. Trong những năm gần đây, cha Maurice làm phó xứ Mẹ Thiên Ân ở Ponte Galeria gần Roma.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho đài Vatican, cha Maurice cho biết hiện nay có 700,000 tín hữu Công Giáo tại Miến Điện, tương đương với 5% dân số. Năm 1962, khi chính quyền quân sự nước này chạy theo chủ nghĩa xã hội, tất cả các cơ cấu của Giáo Hội Công Giáo bị quốc hữu hóa, các thừa sai nước ngoài bị trục xuất, và các linh mục bản xứ phải tự mình đảm trách công cuộc truyền giảng Tin mừng, với một ý thức trách nhiệm lớn. Mãi đến năm 2005 mới có một đại hội Công Giáo toàn quốc Miến Điện lần đầu tiên.

Cha nói: “Chúng tôi bị bách hại và trở nên nghèo. Chúng tôi không có tiếng nói... Cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha Phanxicô tại Miến Điện năm 2017 là ánh sáng cho đất nước, đó là một chứng tá đức tin, có ảnh hưởng lớn về mặt xã hội, nói lên sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với nhân dân Miến Điện. Cuộc viếng thăm đó cũng thực là một đại lễ về đối thoại liên tôn. Chỉ sau cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha, Công Giáo mới thực sự được quí chuộng tại đây.

Cha Maurice cũng cho biết những người Miến Điện tại Italia phần lớn là các sinh viên, có nhiều nữ tu người Miến Điện và cũng có những giáo dân làm việc tại Italia.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Trong những giờ cuối cùng của cuộc đời, Chúa Giêsu cầu nguyện. Trong những giây phút đau buồn đó, khi chuẩn bị từ giã các môn đệ và thế giới này, Chúa Giêsu cầu nguyện cho những người bạn của ngài. Dù mang trong lòng và vác lên mình Ngài mọi tội lỗi của thế gian, Chúa Giêsu vẫn tiếp tục yêu thương chúng ta và cầu nguyện cho chúng ta. Từ lời cầu nguyện của Người, chúng ta học cách đối mặt với những khoảnh khắc bi thảm và đau đớn trong cuộc sống của chính mình. Chúng ta hãy nghĩ về một từ đặc biệt mà Chúa Giêsu dùng trong lời cầu nguyện của Ngài với Chúa Cha: đó là từ “giữ gìn”. Anh chị em thân mến, trong những ngày này khi đất nước Miến Điện thân yêu của anh chị em đang trải qua bạo lực, xung đột và đàn áp, chúng ta hãy tự hỏi: chúng ta đang được kêu gọi để giữ gìn những điều gì?

Trước hết, chúng ta phải giữ đức tin. Chúng ta cần phải giữ vững niềm tin kẻo lại phải chịu đau buồn hoặc lao vào nỗi tuyệt vọng của những kẻ không còn lối thoát. Trong Tin Mừng, Thánh Gioan cho chúng ta biết rằng Chúa Giêsu, trước khi thốt ra lời cầu nguyện, “đã ngước mắt lên trời”.(Ga 17: 1). Trong những giờ phút cuối cùng của cuộc đời, Chúa Giêsu bị đè nặng bởi nỗi thống khổ trước viễn cảnh cuộc khổ nạn của Người, ý thức về đêm tối mà Người sắp phải chịu đựng, cảm thấy bị phản bội và bị bỏ rơi. Tuy nhiên, trong cùng một khoảnh khắc ấy, Người nhìn lên trời. Chúa Giêsu ngước mắt nhìn lên Chúa Cha. Ngài không cam chịu điều ác; Người không để mình bị đau buồn lấn át; Người không rút lui vào sự cay đắng của kẻ bại trận và thất vọng; thay vào đó, Người nhìn lên thiên đường. Đây cũng chính là lời khuyên mà Người đã dành cho các môn đệ: khi Giêrusalem bị quân đội xâm chiếm, và dân chúng đang chạy trốn trong nỗi sợ hãi và giữa sự tàn phá, Người bảo họ “hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì ơn cứu chuộc đang đến gần” (Lc. 21:28). Giữ vững đức tin là giữ cho cái nhìn của chúng ta hướng lên trời, dù ở đây trên trái đất này, những trận chiến vẫn đang diễn ra và máu những người vô tội vẫn tiếp tục đổ. Giữ vững đức tin là không chịu khuất phục trước luận lý của hận thù và báo oán, nhưng luôn chăm chú nhìn vào Thiên Chúa tình yêu, Đấng kêu gọi chúng ta trở thành anh chị em với nhau.

Cầu nguyện dẫn chúng ta đến sự tin cậy nơi Chúa ngay cả trong những lúc khó khăn. Nó giúp chúng ta hy vọng khi mọi thứ dường như vô vọng và nó tiếp sức cho chúng ta trong những cuộc đấu tranh hàng ngày. Cầu nguyện không phải là sự rút lui, trốn chạy khi đối mặt với các vấn đề. Thay vào đó, nó là vũ khí duy nhất mà chúng ta sử dụng để giữ cho tình yêu và hy vọng tồn tại giữa vũ khí của cái chết. Thật không dễ dàng để ngước nhìn khi chúng ta đang bị tổn thương, nhưng niềm tin giúp chúng ta chống lại sự cám dỗ để quay lại với chính mình. Chúng ta có thể muốn phản đối, kêu gào với Chúa trong nỗi đau của chúng ta. Chúng ta đừng sợ làm như vậy, vì đây cũng là lời cầu nguyện. Một người phụ nữ lớn tuổi từng nói với các cháu của mình: “Giận Chúa cũng có thể là một hình thức cầu nguyện”; sự khôn ngoan của người công chính và người đơn sơ, cho ta biết khi nào nên ngước mắt lên trong những lúc khó khăn… Đôi khi, đó là lời cầu nguyện mà Chúa nghe nhiều hơn những lời cầu nguyện khác, vì nó xuất phát từ một trái tim bị thương và Chúa luôn nghe tiếng kêu của con người và lau khô nước mắt của họ. Anh chị em thân mến, hãy cứ nhìn lên trời. Hãy giữ vững niềm tin!

Thứ hai, hãy gìn giữ sự hiệp nhất. Chúa Giêsu xin Chúa Cha gìn giữ sự hiệp nhất giữa các môn đệ, để họ “hoàn toàn nên một” (Ga 17:21), một gia đình, trong đó tình yêu và tình huynh đệ ngự trị. Ngài biết điều gì trong lòng các môn đệ; Ngài đã từng chứng kiến họ tranh luận về việc ai là người vĩ đại nhất, ai là người phải chịu trách nhiệm chính. Đây là một căn bệnh chết người: căn bệnh của sự chia rẽ. Chúng ta trải nghiệm điều đó trong tâm hồn mình, bởi vì chúng ta bị chia rẽ bên trong; chúng ta cảm nghiệm điều đó trong các gia đình và cộng đồng, giữa các dân tộc, ngay cả trong Giáo hội. Tội lỗi chống lại sự đoàn kết có rất nhiều: đố kỵ, ghen ghét, theo đuổi lợi ích cá nhân hơn là lợi ích chung, xu hướng phán xét người khác. Những xung đột nhỏ đó của chúng ta tìm thấy sự phản ánh trong những xung đột lớn, giống như cuộc xung đột mà đất nước của anh chị em đang trải qua trong những ngày này. Một khi các lợi ích đảng phái và khát vọng lợi nhuận và quyền lực lên nắm quyền, xung đột và chia rẽ chắc chắn sẽ nổ ra. Lời kêu gọi cuối cùng mà Chúa Giêsu đưa ra trước Lễ Vượt Qua của Ngài là lời kêu gọi hiệp nhất. Vì sự chia rẽ là của ma quỷ, nó là kẻ chia rẽ vĩ đại và kẻ nói dối vĩ đại, kẻ luôn tạo ra sự chia rẽ.

Chúng ta được mời gọi để giữ sự hiệp nhất, thực hiện nghiêm chỉnh lời khẩn cầu chân thành này của Chúa Giêsu với Chúa Cha: hoàn toàn nên một, trở thành một gia đình, tìm can đảm sống trong tình bạn, tình yêu và tình huynh đệ. Chúng ta có nhu cầu lớn lao nào, đặc biệt là ngày nay, về tình huynh đệ! Tôi biết rằng một số tình huống chính trị và xã hội lớn hơn chúng ta. Tuy nhiên, cam kết đối với hòa bình và tình huynh đệ luôn đến từ bên dưới: mỗi người, trong những việc nhỏ, có thể đóng vai trò của mình. Mỗi người trong số các bạn có thể cố gắng, trong những việc nhỏ nhặt, trở thành người xây dựng tình huynh đệ, người gieo mầm tình huynh đệ, người làm việc để xây dựng lại những gì đã đổ vỡ hơn là khơi dậy bạo lực. Chúng ta cũng được kêu gọi để làm điều này với tư cách là một Giáo hội; chúng ta hãy thúc đẩy đối thoại, tôn trọng người khác, quan tâm đến anh chị em của chúng ta, hiệp thông! Chúng ta không thể cho phép một lối suy nghĩ đảng phái xâm nhập vào Giáo hội, một lối suy nghĩ gây chia rẽ, đặt mỗi cá nhân lên vị trí đầu tiên, trong khi gạt những người khác sang một bên. Điều này rất hủy diệt: nó hủy hoại gia đình, Giáo hội, xã hội và tất cả mọi người trong chúng ta.

Cuối cùng, và thứ ba, chúng ta được kêu gọi để giữ gìn chân lý. Chúa Giêsu xin Chúa Cha thánh hiến các môn đệ trong chân lý vì họ sẽ được sai đi khắp thế giới để thi hành sứ vụ của Người. Giữ gìn chân lý không có nghĩa là bảo vệ các ý tưởng, trở thành người bảo vệ một hệ thống học thuyết và giáo điều, nhưng là gắn bó với Chúa Kitô và tận tụy với Tin Mừng của Người. Đối với Thánh Sử Gioan, chân lý là chính Chúa Kitô, là sự mặc khải về tình yêu của Chúa Cha. Chúa Giêsu cầu nguyện rằng các môn đồ của Ngài, mặc dù sống trong thế gian, sẽ không tuân theo các tiêu chuẩn của thế gian này. Họ không để mình bị các ngẫu tượng lôi kéo, nhưng giữ tình bạn với Người; họ không bẻ cong Phúc Âm theo lối suy nghĩ của con người và thế gian, nhưng bảo tồn thông điệp của Người một cách toàn vẹn. Giữ chân lý có nghĩa là trở thành một ngôn sứ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, nói cách khác là được thánh hiến cho Tin Mừng và làm chứng cho điều đó ngay cả khi điều đó có nghĩa là đi ngược lại với não trạng thời đại. Đôi khi, Kitô hữu chúng ta muốn thỏa hiệp, nhưng Tin Mừng yêu cầu chúng ta phải kiên định với chân lý và sự thật, hiến mạng sống của mình cho người khác. Giữa chiến tranh, bạo lực và hận thù, lòng trung thành với Tin Mừng và ý chí kiến tạo hòa bình đòi hỏi phải có sự dấn thân, thông qua các lựa chọn xã hội và chính trị, cho dù gặp nguy cơ đối với tính mạng của mình. Chỉ bằng cách này, mọi thứ mới có thể thay đổi. Chúa không thích những người thờ ơ. Ngài muốn chúng ta được thánh hiến trong chân lý và trong vẻ đẹp của Tin Mừng, để chúng ta có thể làm chứng cho niềm vui của nước Chúa ngay cả trong đêm tối của những đau buồn, ngay cả khi sự dữ dường như chiếm ưu thế.

Anh chị em thân mến, hôm nay tôi ước ao được đặt lên bàn thờ Chúa những đau khổ của dân Người và cùng anh chị em cầu nguyện xin Chúa hoán cải mọi tâm hồn thành những trái tim bình an. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu giúp chúng ta giữ vững đức tin, ngay cả trong những lúc khó khăn, để trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất và liều mạng vì chân lý của Tin Mừng. Xin đừng đánh mất hy vọng: ngay cả hôm nay, Chúa Giêsu đang cầu bầu trước mặt Chúa Cha, Người đứng trước mặt Chúa Cha trong lời cầu nguyện của mình. Trong lời cầu nguyện, Ngài chỉ cho Chúa Cha thấy những vết thương mà Ngài đã trả cho ơn cứu rỗi của chúng ta. Trong lời cầu nguyện này, Chúa Giêsu chuyển cầu cho tất cả chúng ta, cầu xin Cha gìn giữ chúng ta khỏi kẻ ác và giải thoát chúng ta khỏi quyền lực của ma quỷ.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tòa Thánh đã tìm được giải pháp cho vấn đề Giám Mục Hương Cảng: Tân Giám Mục Stêphanô Châu Thủ Nhân
Đặng Tự Do
12:06 17/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ) làm giám mục tiếp theo của Hương Cảng. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố quyết định này hôm thứ Hai 17 tháng 5.

Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân, 61 tuổi, đã là giám tỉnh của Tỉnh dòng Tên ở Trung Quốc kể từ năm 2018. Trong vai trò đó, ngài đã lãnh đạo dòng Tên ở Đài Loan, Hương Cảng, Ma Cao và Trung Quốc đại lục khi thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc được ký kết lần đầu tiên và trong bối cảnh Trung Quốc đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hương Cảng.

Tòa thánh đã thông báo việc bổ nhiệm Cha Châu Thủ Nhân vào hôm thứ Hai 17 tháng 5, hơn hai năm sau cái chết của Đức Cha Micae Dương Minh Chương.

Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân sinh tại Hương Cảng ngày 7 tháng 8 năm 1959. Ngài du học tại Hoa Kỳ, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tâm lý học tại Đại học Minnesota, trước khi gia nhập Dòng Tên ở Dublin, Ái Nhĩ Lan năm 25 tuổi.

Trong thời gian còn là một tập sinh, ngài lấy bằng triết học ở Ái Nhĩ Lan và sau đó trở về Hương Cảng vào năm 1988, nơi ngài được thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 7 năm 1994.

Ngài tiếp tục theo học tại Đại học Loyola ở Chicago, nơi ngài lấy bằng thạc sĩ về phát triển tổ chức vào năm 1995. Trong 5 năm tiếp theo, ngài làm việc với tư cách là linh hướng Đại Học, giám đốc ơn gọi và giáo viên môn luân lý học tại Trung Học Hoa Nhân (Wah Yan, 華仁) ở Cửu Long (Kowloon, 九龍)và Hương Cảng.

Năm 2000, ngài bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Harvard nghiên cứu về sự phát triển và tâm lý học. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục năm 2006.

Năm sau, ngài khấn trọn trong Dòng Tên và làm trợ lý giáo sư tại Đại học Hương Cảng từ 2008 đến 2015 và Cha Giáo Dòng Tên từ 2009 đến 2017. Ngài cũng từng là chủ tịch ủy ban giáo dục của Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc từ năm 2009 và Hội đồng Giáo dục Giáo phận Hương Cảng từ năm 2017.

Ngài bắt đầu đảm nhận vai trò Giám tỉnh Trung Quốc của Dòng Tên vào ngày 1 tháng Giêng năm 2018.

Hương Cảng là một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Người Hương Cảng trong lịch sử được hưởng quyền tự do thờ phượng và truyền đạo, trong khi ở Trung Quốc đại lục, ngược lại, có một lịch sử lâu dài về các cuộc đàn áp đối với các tín hữu Kitô.

Với việc thông qua “luật an ninh quốc gia” mới vào năm 2020, bọn cầm quyền Trung Quốc đã nắm thêm quyền lực để trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng, là điều mà chúng coi là thách thức trực tiếp đối với quyền lực của mình.

Luật An ninh Quốc gia của Hương Cảng có nhiều định nghĩa về khủng bố, xúi giục và cấu kết với nước ngoài. Theo luật này, một người bị kết án về các tội danh nói trên sẽ phải nhận mức án tối thiểu là 10 năm tù, có khả năng phải chịu án chung thân.

Vào ngày 16 tháng 4, chính quyền bù nhìn Hương Cảng đã kết án một số nhân vật Công Giáo ủng hộ dân chủ, bao gồm luật sư Martin Lee và ông trùm truyền thông Jimmy Lai, với mức án tù theo luật an ninh mới.

Theo truyền thông địa phương ở Hương Cảng, ngày được tấn phong giám mục của Cha Châu Thủ Nhân sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 12 năm 2021. Dòng Tên đã đưa ra một tuyên bố về việc bổ nhiệm Cha Giám tỉnh.

“Dòng Tên công nhận rằng cha Stêphanô đã được kêu gọi để phục vụ Giáo hội trong những thời điểm rất khó khăn này, và bảo đảm với ngài về lời cầu nguyện và sự cộng tác của chúng tôi. Cầu xin Chúa chúc lành cho ngài trong chức vụ mới này.”

Tháng Giêng năm ngoái, có tin Tòa Thánh đã chọn được Giám Mục Hương Cảng nhưng đã trì hoãn tuyên bố việc lựa chọn này trong bối cảnh lo ngại rằng hàng giáo sĩ và giáo dân địa phương sẽ rất là ngỡ ngàng. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết vị được chọn là Cha Phêrô Thái Huệ Văn (Choy Wai-man - 蔡蕙文), một người được xem là có cảm tình với chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

Giáo phận Hương Cảng đã trống tòa kể từ tháng Giêng năm 2019, khi Đức Cha Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming- cheung - 楊鳴章) qua đời đột ngột. Kể từ khi Đức Cha Chương qua đời, giáo phận đã tạm thời được coi sóc bởi Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon - 湯漢), 81 tuổi, là người tiền nhiệm của Đức Cha Chương, đã nghỉ hưu từ năm 2017.

Tòa Thánh dường như đã muốn bổ nhiệm Đức Cha Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing - 夏志誠), hiện là Giám Mục Phụ Tá, lên làm Giám Mục Chính Tòa Hương Cảng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này có lẽ đã vấp phải những chống đối gay gắt của phía Trung Quốc nên giải pháp hiện nay là Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, năm nay đã 81 tuổi, quay trở lại làm Giám Quản Tông Tòa của chính giáo phận mình đã từng làm Giám Mục Chính Tòa, một việc chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội.

Đức Cha Hạ Chí Thành đã bị loại vì ngài được xem là người có lập trường gần gũi với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun - 陳日君), và thường cùng với vị Hồng Y tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi tự do. Trong một bài giảng đầy nước mắt, hồi tháng Sáu, 2019, Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành, nói rằng ngài rất xúc động khi nhìn thấy những người trẻ trong những ngày qua khi ngài đi bộ từ trung tâm giáo phận đến nhà thờ.

“Họ chỉ muốn lên tiếng về quan ngại của mình. Họ đáng phải gánh chịu bạo lực như thế sao? Tôi không thể hiểu tại sao Hương Cảng đã trở thành như ngày hôm nay. Chúng ta chỉ muốn sống tự do. Chúng ta không đáng được hưởng tự do hay sao?”

Các quan chức cao cấp của Giáo hội tại Rôma, Hương Cảng và Hoa lục đã xác nhận độc lập với CNA rằng quyết định bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn làm giám mục tiếp theo của Hương Cảng đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng tại Rôma. Cha Thái Huệ Văn hiện là một trong bốn linh mục đại diện trong giáo phận Hương Cảng.

Việc bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn chưa được công bố vì việc bổ nhiệm này có thể được coi là một cái tát vào mặt những người tham gia các cuộc biểu tình chính trị đang diễn ra tại đây.

Các nguồn tin ở Hương Cảng và Rôma đã nói với CNA rằng chính Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đã khuyên không nên thông báo về việc bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn.

“Tình hình [ở Trung Quốc và Hương Cảng] rất tế nhị và không ai muốn làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Nó sẽ được thông báo [khi có thể] và tất cả chỉ có như thế,” một quan chức cao cấp ở Rôma nói với CNA.
Source:Catholic News Agency
 
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp video cho Tuần lễ Đời sống Thánh hiến lần thứ 50
Thanh Quảng sdb
18:00 17/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thông điệp video cho Tuần lễ Đời sống Thánh hiến lần thứ 50

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video nhân dịp kỷ niệm Tuần lễ Đời sống Thánh hiến Quốc gia lần thứ 50, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22 tháng Năm hàng năm.

(Tin Vatican)

Viện Thần học Claretian về Đời sống Thánh hiến (ITVC) ở Rôma và Viện Thần học Đời sống Tôn giáo ở Madrid (ITVR) kỷ niệm 50 năm phục vụ nhằm phát triển và cổ súy đời sống thánh hiến trong sứ mệnh Giáo hội trên khắp thế giới.

Hôm thứ Hai, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi một thông điệp video tới những tham dự viên Tuần lễ Đời Thánh hiến Quốc gia lần thứ 50, Ngài cám ơn Đức Hồng Y Aquilino Bocos, người đã không ngừng cổ súy và “liên nỉ gieo trồng phát huy sự hiểu biết và phát triển đời sống thánh hiến cho được sung mãn và sinh hoa trái.

Đức Thánh Cha lưu ý rằng chương trình cho các lễ kỷ niệm ở Madrid, diễn ra từ ngày 17 đến ngày 22 tháng 5, thu hút nhiều người giầu kinh nghiệm tham dự...

Đối thoại với thực tại

Trong sứ điệp của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết đời sống thánh hiến có nghĩa là “hiến mình hằng ngày” phải được hiểu trong “cuộc đối thoại với thực tế”.

ĐTC nói: “Khi đời sống thánh hiến mất đi chiều kích này, nó bắt đầu trở nên vô vọng.”

Lấy cảm hứng từ Thánh Teresa thành Avila, Đức Thánh Cha chia sẻ nữ thánh đã nhìn thấy thực tại này và nữ thánh đã đi bước trước trong việc cải cách.

Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục “sau này, trên bước đường cải tổ, đã có những lúc, người ta biến những cải cách thành thành đô!... Nhưng chúng ta phải ý thức rằng cải cách luôn là một cuộc hành trình, một cuộc hành trình tiếp cận với thực tại và tương lai dưới ánh sáng của một đặc sủng nền tảng”.

Đặc sủng nền tảng

Đức Thánh Cha cảnh báo rằng “khi một Hội Dòng tự cải tổ từ đặc sủng căn bản của mình sang một hệ tư tưởng mới, thì Hội Dòng đó sẽ làm mất đi cái bản sắc của Hội Dòng, làm mất đi những thành quả của Hội Dòng.”

ĐTC nói: “Để giữ cho đặc sủng nền tảng tồn tại có nghĩa là gìn giữ cho nó luôn sống động và phát triển, rộng mở ra trước những soi động của Chúa Thánh Linh, thúc đẩy soi dẫn chúng ta trong lịch sử của thời đại.”

ĐTC tiếp tục cho rằng cải tổ “được thực hiện với sự biện phân và cầu nguyện. Chúng ta không thể duy trì một đặc sủng nền tảng nếu không có lòng can đảm của việc tông đồ, nghĩa là không tiến tới, không biện phân và không cầu nguyện”.

Chúa Thánh Thần

Trong Tuần lễ Đời Thánh Hiến Quốc gia này, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh tới sự vui tươi khi cùng nhau ca hát và đàn ca, nhưng đó không phải là tất cả. ĐTC nhấn mạnh điều quan trọng là “đừng để bị cuốn hút trong những công thức, những ý thức hệ, những nỗi sợ hãi, những cuộc đối thoại của chính chúng ta,” mà phải để Chúa Thánh Thần hướng dẫn.

Kết thúc thông điệp video của mình, Đức Thánh Cha kêu gọi những người tham dự viên đừng sợ những giới hạn, biên giới hoặc những ngoại vi - vì ở đó, ĐTC nói có "Thánh Linh đang thúc giục bạn."
 
Văn Hóa
Ngọn Gió Dịu Êm, Mùa Đã Đến !
Sơn Ca Linh
09:41 17/05/2021
(Một chút cảm nghiệm về Chúa Thánh Linh qua Ca Tiếp Liên lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống)

Thế giới đang những ngày hè nóng bức,
những ngày đạn bom đỏ rực Trung Đông.
Dòng sông Hằng xác trôi dạt bờ sông,
Đại dịch, chiến tranh, hận thù, đói khát…

Thân phận người như mảnh thuyền trôi dạt,
những chiếc lá vàng phờ phạc buông rơi…
Mặc sóng xô, gió cuốn bạt phương trời,
Mạnh được yếu thua may nhờ rủi chịu…

Mẹ trái đất nay cõi còm già yếu,
Mang trên mình nặng trĩu vết thương đau.
Tháp Ba-ben dang dở mãi ngàn sau,
Cain, Abel tái diễn mãi chuyện nồi da xáo thịt…!

Sôđôma xưa hay bây giờ Đại dịch,
Tội lỗi mang mầm sự chết như nhau.
Gông cùm Miến Điện, hay nô lệ Pharaôn,
Đều là “hoa quả” của tên chung “xác thịt”…

Vâng, tội dẫn lối đưa đường sự chết,
Tội khiến con người đui, điếc, què, câm…
Tội đem trời lên cách đất xa xăm,
Tội khiến anh em ngàn trùng chia biệt…

Vì nếu “Chúa không trợ phù, không chi thanh khiết”,
Chúa không dọi sáng mãi miết tối tăm;
Chúa không tẩy sạch ô uế muôn năm,
Chúa không chữa lành mãi mang thương tích…

Nên hãy đến, Đấng Toàn Năng bất diệt,
Là Thánh Linh toàn bích, Chúa Ngôi Ba,
Từ trời cao xin toả sáng bao la,
Ánh quang minh tình yêu và chân lý.

Hồn đã mở, Khách Hiền Lương ngự trị,
Kẻ lầm than, đem vào nghỉ an vui;
Lệ tràn mi, xin yên ủi lau khô,
Chỗ lạnh lùng, mang lửa hồng sưởi ấm…

Mẹ trái đất muôn ân hồng thấm đẫm,
Gương mặt địa cầu tươi thắm canh tân;
Hoan hỉ dường bao “Bảy nguồn phúc Linh n”,
Một lần nữa, “xin Thánh Thần lại đến” !

Hỡi “Ngọn Gió dịu êm”, mùa đã đến,
Hỡi “Ngọn lửa linh thiêng” hẹn lên rồi !
Hỡi “Ngọn nước tinh trong” mau về thôi,
Bởi thế giới đang đợi chờ khao khát !

Sơn Ca Linh (Tuần mong đợi Thánh Linh 2021)
 
Blaise Pascal và việc bênh vực Kitô Giáo
Vũ Văn An
19:40 17/05/2021

Với những tiến bộ vượt bực hiện nay của khoa học và kỹ thuật, người ta có khuynh hướng coi tôn giáo như không còn liên quan đến cuộc sống con người nữa. Thậm chí, một số người còn coi tôn giáo như một thứ phản động, không hề yêu thương như vẫn rêu rao mà toàn một thứ ngôn từ kỳ thị, ghét bỏ, cần bị loại trừ khỏi quảng trường công cộng.

Họ đâu có ngờ một trong các cha đẻ của kỹ thuật tân thời mang đến cho họ những phát kiến tân kỳ làm cho họ có cảm tưởng như họ mới là chủ nhân thực sự của vũ trụ này chứ không phải một Thượng Đế xa xôi nào khác, cùng một lúc, là người hết lòng ca ngợi vị Thượng Đế xa xôi này và dùng hết trí thông minh thiên phú của Ông để chứng minh về Người. Đó chính là Blaise Pascal, người đầu tiên sáng chế ra máy tính, đặt để những bước đầu tiên cho máy vi tính sau này.



Vài nét tiểu sử

Về tiểu sử của Blaise Pascal, bạn đọc hẳn đã quen thuộc, nhất là phần nói về thiên tài toán học, hình học, vật lý và các sáng chế của ông liên quan đến máy tính, qua nhiều bài viết bằng tiếng Việt, nhất là mục viết về ông trên Từ điển mở Wikipedia tiếng Việt. Ở đây, chúng tôi chỉ xin trình bầy một số nét liên quan tới tư duy tôn giáo của thiên tài này.

Có thể nói, ông đã dùng thiên tài khoa học và toán học của mình để nói về “Thiên Chúa của Ápraham, của Ixaác và của Giacóp, chứ không phải của các triết gia”. Bà Périer tức Gilberte Pascal, chị ruột ông kể rằng sau nghiên cứu về chân không, lúc chưa tới 24 tuổi, Chúa quan phòng tạo cơ hội buộc ông phải đọc các trước tác đạo đức, nhờ thế ông hoàn toàn hiểu rằng Kitô giáo buộc ta chỉ sống cho một mình Thiên Chúa mà thôi. Và chân lý này hiển nhiên, cần thiết và hữu ích đối với ông đến nỗi đã kết thúc mọi nghiên cứu khác của ông.

Nhưng, theo Bà Périer, dù cương quyết không nghiên cứu gì khác ngoài tôn giáo, ông không bao giờ quan tâm đến “những vấn đề thần học kỳ dị” mà chỉ dùng hết tâm trí vào việc biết và thực hành sự toàn thiện của luân lý Kitô giáo, chuyên chăm suy niệm lề luật Thiên Chúa ngày đêm. Tuy nhiên, ông không làm ngơ trước những lạc giáo do những đầu óc tinh tế tạo ra để phỉnh lừa thiên hạ. Đó là trường hợp tại Rouen, nơi cha ông làm việc, có người giảng dậy “một thứ triết lý mới” lôi cuốn nhiều người hiếu kỳ. Đến nỗi chính ông cùng hai người bạn đến nghe. Ngỡ ngàng trước việc người này diễn dịch từ các nguyên lý triết học của mình nhiều hệ luận về đức tin mâu thuẫn với các phán quyết của Giáo Hội. Ông này cho rằng thân xác Chúa Giêsu không được kết thành bởi máu của Đức Trinh Nữ mà bởi một chất thể tạo dựng khác hẳn. Ông và hai người bạn trình việc cho Tổng Giám Mục Rouen và vị này đã ra lệnh bác bỏ các sai lạc của người này.

Từ đó, Blaise Pascal tiếp tục tìm cách làm vui lòng Thiên Chúa và tình yêu của ông trong việc tuyên xưng đức tin Kitô giáo nung đốt tâm hồn ông đến nỗi mọi người trong nhà cũng chịu ảnh hưởng. Gilberte cho rằng đến cha của bà cũng không “xấu hổ thụ huấn con trai, tiếp nhận một lối sống chính xác hơn qua việc liên tục thực hành các nhân đức cho đến chết... Và em gái bà, Jacqueline, “xúc động về các ngôn từ của em trai tôi đến nỗi đã từ bỏ mọi lợi thế cho đến lúc đó, những lợi thế em rất yêu mến, để hiến mình hoàn toàn cho Thiên Chúa”.

Gilberte sau đó nói đến tình trạng thường xuyên đau yếu của em trai đến nỗi không nuốt được chất lỏng nếu không nóng và uống từng giọt; mắc chứng đau đầu chịu không thấu, ruột nóng bừng bừng và nhiều chứng khác. Quả là một cực hình, khiến ai cũng ái ngại, nhưng ông không bao giờ than thở. Dù thuốc men có làm ông đỡ phần nào, nhưng sức khỏe ông không bao giờ hoàn toàn hồi phục, khiến các bác sĩ khuyên ông nên bỏ mọi sinh hoạt tâm trí, và nên tìm cách giải khuây.

Thoạt đầu, ông không chịu nghe lời khuyên ấy vì nó hàm chứa nguy hiểm. Nhưng cuối cùng, ông đã nghe theo và “bước vào thế gian”. Tuy nhiên, thế gian này, nhờ ơn Chúa, được “miễn trừ các thói hư”, một phần nhờ em gái Jacqueline, người mà trước đây vốn nhờ tác phong của anh trai mà đã hiến mình cho Thiên Chúa. Nay bà dùng sức mạnh và sự dịu dàng thuyết phục anh tuyệt đối “từ bỏ thế gian”, coi ơn cứu rỗi đáng yêu mến hơn bất cứ điều gì khác.

Lúc đó, 30 tuổi, Ông quyết định đổi chỗ ở và về sống ở nhà quê và đặt phương châm cho cuộc sống trên hai điều: từ bỏ mọi lạc thú và mọi tính phù phiếm. Chính để thực thi hai điều đó, ông đã không còn dựa vào việc phục dịch của người nào, mà tự làm lấy mọi việc; dọn giường lấy, dọn bữa ăn tại nhà bếp và tự đem về phòng... Mọi thì giờ khác được ông dành cho việc cầu nguyện và đọc sách thánh: ông lấy thế làm một điều vui thích khôn tả. Ông cho rằng Sách Thánh không phải là một khoa học của trí khôn, mà là một khoa học của cõi lòng, và chỉ có thể hiểu được bởi một tâm hồn ngay thẳng, trong khi tối tăm đối với những tâm hồn khác.

Ông chăm chỉ đọc Sách Thánh đến thuộc lòng. Người nào trích dẫn sai, ông sửa ngay và cho biết chỗ nào trong Sách Thánh. Ông cũng đọc các chú giải rất cẩn trọng. Vì, theo Gilberte, lòng tôn kính đối với đạo trong đó, ông vốn được dưỡng dục từ tấm bé, nay đã biến thành một tình yêu nồng nàn và mẫn cảm đối với mọi chân lý đức tin.

Chính tình yêu ấy đã thúc đẩy ông làm việc không ngừng nhằm triệt hạ tất cả những gì mâu thuẫn với các chân lý ấy. Đến đây, Gilberte thuật lại nguyên do dẫn đến tác phẩm để đời của ông là cuốn sau này người ta đặt tên cho là Pensées (Các Suy Tưởng).

Bà cho rằng Blaise Pascal có một tài hùng biện rất tự nhiên đem lại cho ông một khả năng tuyệt diệu nói lên những điều ông muốn; nhưng ông còn biết thêm vào đó những quy luật chưa ai nghĩ ra và được ông sử dụng một cách đầy lợi thế đến nỗi làm chủ được văn phong của mình, không những nói mọi điều ông muốn mà còn nói theo cách ông muốn nữa và ngôn từ của ông thực hiện được hiệu quả ông muốn. Và lối viết tự nhiên, ngây thơ, và cùng một lúc mạnh mẽ, rất của riêng và hết sức đặc thù, đến nỗi ngay khi thấy xuất hiện Các Lá Thư Gửi Người ở Tỉnh (Lettres au Provincial), người ta biết ngay là của ông, dù chính ông dấu tên, dấu luôn cả với người thân.

Cũng vào lúc ấy, Chúa đã chữa lành con gái của Gilberte khỏi chứng chẩy mủ mắt (fistule lacrymale), không những qua mắt mà còn qua cả mũi và miệng, nặng đến nỗi “các nhà giải phẫu cừ khôi nhất của Paris” đều coi là bất trị. Nhưng chỉ nhờ đụng đến “gai thánh” ở Tu Viện Port Royal mà được khỏi. Phép lạ này được chứng thực bởi các y sĩ nổi tiếng nhất và bởi các nhà phẫu thuật tài năng nhất của Pháp cũng như được long trọng nhìn nhận bởi thẩm quyền Giáo Hội.

Blaise Pascal xúc động trước ơn thánh này, ơn thánh mà ông coi chính ông được hưởng, vì không những đây là đứa cháu gái duy nhất của ông mà còn là con đỡ đầu của ông lúc chịu Phép Rửa. Vả lại sự an ủi của ông lên đến cực điểm khi thấy Thiên Chúa tỏ hiện quá rõ ràng trong một thời “đức tin xem ra đã tắt ngúm trong tâm hồn phần đông người ta. Niềm vui trước biến cố này lớn đến tràn ngập con người ông”.

Chính trong bối cảnh ấy “Thiên Chúa đã linh hứng cho ông vô vàn tư tưởng kỳ diệu về phép lạ. Các tư tưởng này, trong khi đem lại cho ông nhiều ánh sáng mới về tôn giáo, đã tăng bội tình yêu và lòng tôn trọng em vốn có đối với tôn giáo. Và chính dịp này đã làm xuất hiện ý nguyện ‘cực kỳ’ làm việc để bác bỏ các điều chủ yếu và các lý lẽ sai lầm nhất của những người vô thần. Em đã nghiên cứu họ rất kỹ, và đã dùng hết trí khôn để tìm tòi mọi phương thế thuyết phục họ. Em dành hết mình cho ý nguyện này. Năm cuối cùng công việc của mình, em dành tất cả để thu thập các tư tưởng đa dạng thuộc chủ đề này: nhưng Thiên Chúa, Đấng đã linh hứng kế sách này và mọi tư tưởng của em, đã không dẫn em đến chỗ hoàn thành, vì những lý do ta không được biết”.

Chính vì thế mà Gilberte Pascal đã không nhắc đến chính tựa đề của tác phẩm. Theo chú thích của bản in năm 1858 của Librairie De Firmin Didot Frères, Fils Et Cie, Imprimeurs De L'institut De France, thì đây chính là nguyên lai của cuốn sách mà các nhà xuất bản sẽ đặt tựa là Pensées. Chúng được viết không thứ tự trên những tờ giấy rời. Các thành viên của Tu Viện Port Royal đã thu thập chúng thành ấn bản đầu tiên không đầy đủ vào năm 1670. Sau đó, Cha Desmolets thuộc dòng Oratoire, đã thu thập thành một cuốn phụ gồm các tư tưởng bị bỏ sót. Cuối cùng, một ấn bản đầy đủ đã được công bố tại Paris năm 1687 với tiểu sử Pascal do người chị ruột là Bà Périer, nhũ danh Gilberte Pascal, viết. Nhưng chính tu viện trưởng Charles Bussut đã cho xuất bản vào năm 1779 cuốn Pensées đầy đủ như ta có ngày nay.

Gilberte tiếp tục cho hay: Tất cả những nhà trí thức hồi đó, bất luận có đức tin hay không, đều đánh giá cao các tư tưởng ông vừa phát kiến hoặc tìm tòi được. Điều này khiến Pascal lo âu, sợ rơi vào tính phù phiếm, nên ông đã hãm mình ép xác nghiêm ngặt hơn bằng cách làm dây lưng bằng sắt có gai nhọn cột ngay vào da thịt mình, cho đến lúc qua đời, dù sức khỏe ông ngày càng tệ đi.

Gilberte cho hay: ông hoạt động như trên trong 5 năm từ lúc 30 tuổi tới lúc 35 tuổi. Bốn năm sau đó là “một suy kiệt liên tục”, không hẳn một chứng bệnh mới cho bằng một sự nhân đôi thể tạng vẫn có từ hồi còn trẻ. Và đến lúc này, nó tấn công ông một cách vũ bão đến nỗi ông qụy luôn, không còn phút nào dành cho “tác phẩm lớn mà em tôi đã khởi đầu cho tôn giáo”. Không còn cho người đến thỉnh ý bất cứ ý kiến nào dù bằng miệng hay bằng chữ viết.

Ông đau răng đến mất ngủ. Chính trong lúc mất ngủ ấy ông bỗng khám phá ra các ý nghĩ về trò chơi roulette (cò quay). Nhưng vì ông đã nguyện không bàn đến những chuyện bị ông coi là phù phiếm nữa, nên ông không muốn viết ra. Tuy nhiên, theo lời khuyên của một người “đáng kính”, cuối cùng ông đã viết ra và công trình này đã được công bố.

Các chứng bệnh tiếp tục hành hạ ông. Nhưng ông chịu đựng chúng “một cách hết sức thanh thản và kiên nhẫn”, tin rằng Thiên Chúa muốn chuẩn bị cho ông như thế để xuất hiện trước nhan Người. Và ông tiếp tục sống nhiệm nhặt đến độ từ chối mọi khoái cảm kể cả trong lúc ăn uống. Câu ông vẫn thường nói là ăn vì dạ dầy đòi chứ không phải vì khoái khẩu.

Theo Gilberte, trong các nhân đức được ông thực hành, đức khó nghèo được ông lưu ý nhất, tin rằng đức khó nghèo là phương thế lớn lao để được ơn cứu rỗi. Ông bảo, thuê người làm nên thuê những người nghèo nhất, chứ không phải thuê những người khéo tay nhất. Ông năng làm việc bố thí, dù tài sản ông không là bao và các chi phí y tế của ông rất cao. Ông khuyên cả người chị tận hiến cho người nghèo, trong chừng mực không làm hại đến việc phục vụ gia đình. Vì đây là ơn gọi chung của mọi Kitô hữu, theo đó, Chúa Giêsu sẽ phán xét ta.

Phương châm ông là “cách được lòng Thiên Chúa hơn cả là phục vụ người nghèo một cách nghèo” (servir les pauvres pauvrement) nghĩa là mỗi người tùy khả năng của mình.

Gilberte nhắc đến “bức tranh em tôi vẽ về chính mình trên một tờ giấy tự tay viết như sau: 'tôi yêu đức khó nghèo, vì Chúa Giêsu Kitô đã từng yêu nó. Tôi yêu những của cải vì chúng mang lại phương thế để trợ giúp người nghèo. Tôi giữ lòng thủy chung với mọi người. Tôi không lấy điều xấu báo oán những người hại tôi, nhưng mong họ được điều kiện như tôi, trong đó, họ không nhận điều xấu hay điều tốt từ phần lớn người ta. Tôi cố gắng luôn chân thật, thành thật, và trung thành với mọi người, và tôi có một sự âu yếm trong lòng đối với những người kết hợp với tôi cách chặt chẽ, và bất kể ở một mình hay trước mặt người ta, trong mọi hành động của tôi, tôi đều thấy Thiên Chúa, Đấng sẽ phán xét chúng và là Đấng tôi đã tận hiến hoàn toàn. Đó là các tâm tư của tôi, và suốt đời tôi, tôi chúc tụng Đấng Cứu Chuộc đã đặt chúng trong tôi, và là Đấng từ một con người đầy rẫy yếu đuối, nghèo hèn, tư dục, kiêu căng, và tham vọng, đã biến thành một con người không bị vướng các nết xấu nhờ sức mạnh của ơn thánh mà mọi điều đều tùy thuộc, trong khi tôi chỉ có khốn cùng và kinh tởm'”.

Gilberte cho hay ông có lòng mộ mến Kinh Thần Vụ, nhất là các giờ nhỏ, vì chúng có thánh vịnh 118, trong đó, ông tìm thấy những điều kỳ diệu, khiến ông đọc lên thấy sung sướng. Khi đàm đạo với bạn bè về vẻ đẹp của thánh vịnh này, ông như người xuất thần.

Ông không bỏ qua các hình thức sùng kính bình dân. Gilberte cho hay mấy năm cuối đời, vì không còn làm việc được nữa, nên giải khuây duy nhất của ông là đi viếng các nhà thờ có trưng bầy các thánh tích hay có các cử hành trọng thể. Ông có cả cuốn sổ ghi ngày tháng và nơi chốn có các sùng kính đặc thù này.

Nhận định của Gilberte là “em làm những điều trên một cách rất sùng kính và rất đơn thành đến nỗi những người trông thấy đều phải ngạc nhiên: điều này đã khiến người ta có những nhận xét tốt đẹp như sau về một con người rất nhân đức và rất thông thái: ơn thánh của Thiên Chúa đã được tỏ lộ nơi các đầu óc vĩ đại qua các điều nhỏ mọn và nơi các đầu óc tầm thường qua các điều vĩ đại”.

Blaise Pascal yêu quí người nghèo đến độ ông muốn được chết ở nơi người nghèo. Chính vì thế, lúc sắp chết, ông muốn được chở tới Viện Incurables (những người không thể chữa trị được). Dĩ nhiên, các y sĩ không cho phép điều này.

Sau đây là mô tả của Gilberte về giờ phút cuối cùng cuộc đời thánh thiện của em trai mình: “Khoảng nửa đêm, em bị chứng co giật mạnh đến nỗi, khi nó qua đi, chúng tôi tưởng em đã chết, và chúng tôi có nỗi buồn cực kỳ này, cùng với bạn hữu của em, là thấy em chết mà không được chịu Bí Tích Cực Thánh, sau khi đã khẩn khoản rất nhiều lần. Nhưng Thiên Chúa, Đấng muốn tưởng thưởng một ước nguyện sốt sắng và chính đáng dường ấy, đã, như một phép lạ, ngưng cơn co giật kia, và trả lại hoàn toàn phán đoán của em, như lúc em còn sức khỏe hoàn hảo; đến nỗi, khi bước vào phòng em với Bí Tích Cực Thánh, cha xứ hô lên: Đây là Đấng con hằng khao khát. Những lời này đánh thức em dậy; và khi cha xứ đến gần để cho em Rước lễ, em đã nỗ lực, và một mình chỗi dậy, để đón nhận Mình Thánh với nhiều tôn kính hơn; và cha xứ, theo thông lệ, đã hỏi em về các mầu nhiệm chính của đức tin, em trả lời rõ ràng: Vâng, thưa cha, con hết lòng tin tất cả những điều đó. Sau đó, em đã tiếp nhận của ăn đàng thánh thiện và xức dầu sau cùng với những tâm tình âu yếm đến rơi nước mắt. Em trả lời tất cả mọi điều, cảm ơn cha xứ; và khi ngài ban phúc lành cho em bằng bình đựng Mình Thánh, em nói: xin Chúa đừng bao giờ bỏ rơi con! Đó giống như những lời cuối cùng của em; vì, sau khi tạ ơn, một lúc sau các cơn co giật của em lại tiếp tục, và không bao giờ rời em nữa, và không để lại cho em một giây phút tự do tâm trí nào: chúng kéo dài cho đến khi em qua đời, tức là hai mươi bốn giờ sau, ngày mười chín tháng tám một nghìn sáu trăm sáu mươi hai, lúc một giờ sáng, hưởng dương ba mươi chín năm hai tháng”.

Kỳ sau: Đêm lửa, trải nghiệm huyền nhiệm
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền:Sa Mạc Cây Khô
Nguyễn Trung Tây Lm.
14:47 17/05/2021
SA MẠC CÂY KHÔ
Ảnh của Nguyễn Trung Tây Lm. (SVD)

Cây khô sa mạc đợi thanh thản,
Giây phút mưa về lộc nhú xanh.
(Lm NTT)
 
VietCatholic TV
40 năm trước, khi bị bắn 4 viên đạn, Đức Gioan Phaolô II đã nói gì? Tiết lộ của Đức Hồng Y Dziwisz
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:15 17/05/2021


1. Giáo Hội Ba Lan cử hành các sự kiện nhân 40 năm vị Thánh Giáo Hoàng bị ám sát

Nhân dịp 40 năm Ðức Gioan Phaolô II bị ám sát, Giáo hội Ba lan cử hành các sự kiện để kỷ niệm biến cố này, trong đó có Thánh lễ tạ ơn tại đền thánh Ðức Mẹ Fatima ở Polanica Zdrój và “chuỗi Mân Côi hành trình” dọc 33 km, tượng trưng cho 33 năm trong cuộc đời của Chúa Giê-su.

Cách đây 40 năm, trong buổi tiếp kiến chung tại quảng trường thánh Phê-rô vào thứ Tư ngày 13 tháng 5 năm 1981, Ðức Gioan Phaolô II đã bị Mehmet Ali Agca, một kẻ khủng bố Thổ Nhĩ Kỳ thuộc tổ chức dân tộc chủ nghĩa “Những con sói xám” ám sát, vì những lý do vẫn chưa được làm rõ hoàn toàn.

Ðức Hồng Y Stanislaw Dziwisz, nguyên là thư ký riêng của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, cũng hiện diện tại quảng trường thánh Phê-rô khi xảy ra vụ nổ súng. Ngài chia sẻ rằng vụ ám sát “vẫn còn in đậm trước mắt ngài như thể nó mới xảy ra hôm qua” và “vẫn còn văng vẳng bên tai ngài, tiếng vang do hàng trăm con chim bồ câu vỗ cánh bay lên vì sợ hãi và tiếng kêu tuyệt vọng của hàng ngàn người” tham dự buổi tiếp kiến chung ngày hôm đó.

Ðức Hồng Y cũng nhấn mạnh rằng Ðức Gioan Phaolô II “không ngại tranh đấu với các hệ tư tưởng và hệ thống đã gây ra nhiều đau khổ cho con người và cho toàn thể các quốc gia” và rằng sự Quan phòng “đã cứu mạng sống của một vị Giáo hoàng vẫn cần thiết cho Giáo hội và thế giới vượt qua Biển Ðỏ của chủ nghĩa cộng sản và giành lại tự do và chủ quyền quốc gia.”

Nhân kỷ niệm 40 năm biến cố xảy ra, nhiều khoảnh khắc kỷ niệm được lên kế hoạch tại Ba Lan. Ðức tổng giám mục Stanislaw Gadecki, Chủ tịch Hội đồng giám mục Ba-lan, sẽ cử hành Thánh lễ trọng thể vào tối ngày 13 tháng 5 năm 2021 tại đền thánh Ðức Mẹ Fatima ở Polanica Zdrój. Vào cuối Thánh lễ, các tín hữu sẽ đọc kinh Mân Côi. Sau đó buổi đọc kinh sẽ được tiếp tục suốt đêm bởi những người tham gia sáng kiến “Chuỗi Mân Côi hành trình”.

Cha Zdzislaw Swiniarski, giám quản đền thánh Polanica Zdrój, người tổ chức sự kiện, cho biết, dọc theo hành trình dài 33 km (mỗi km tượng trưng một năm trong cuộc đời của Chúa Giê-su), những người hành hương sẽ dừng lại để cầu nguyện tại các nhà thờ ở Thung lũng Klodzko, “tạ ơn Chúa về mọi ân sủng đã nhận được và cầu xin Ðức Mẹ ban cho món quà quý giá nhất là đức tin.”
Source:SIR

2. Đức Hồng Y người Ba Lan nhớ lại cảm giác trước vụ ám sát Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II 40 năm trước

Một vị Hồng Y đã nhớ lại khoảnh khắc mà Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II bị bắn tại quảng trường Thánh Phêrô 40 năm trước.

Vị Giáo hoàng Ba Lan gục ngã trong vòng tay của Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, lúc bấy giờ là một Đức Ông khi ngài bị trúng 4 viên đạn vào ngày 13/5/1981.

“Bế Đức Thánh Cha đang trong tình trạng nguy tử vì bị chảy nhiều máu, tôi bị sốc; nhưng tôi biết chúng tôi phải thật bình tĩnh hành động để cứu mạng ngài”, Đức Hồng Y Dziwisz nhớ lại nhân kỷ niệm 40 năm vụ ám sát.

“ Thánh Gioan Phaolô II, mặc dù đau đớn, vẫn bình tĩnh, phó thác vào Thiên Chúa và Mẹ Maria, trên đường đến bệnh viện. Trước khi bất tỉnh, ngài nói với tôi rằng ngài tha thứ cho kẻ ám sát ngài”.

Giáo hoàng đang đứng trên xe Jeep chào đón đám đông khoảng 10,000 người khi kẻ ám sát Mehmet Ali Ağca bắn ngài ở cự ly gần bằng khẩu súng lục bán tự động 9mm Browning Hi-Power.

Bị chảy máu nhiều, Đức Gioan Phaolô II được đưa đến bệnh viện với hai viên đạn găm vào ruột dưới. Hai viên đạn còn lại găm vào ngón trỏ trái và cánh tay phải của ngài.

Đức Hồng Y Dziwisz, thư ký riêng lâu năm của Đức Giáo Hoàng, cho biết ngài tin rằng Đức Gioan Phaolô II đã bị ám sát vì thẳng thắn bảo vệ nhân quyền.

Ngài nói: “Vụ ám sát chống lại Đức Gioan Phaolô II là kết quả của việc ngài kiên định yêu cầu tôn trọng nhân quyền, đặc biệt là trong bối cảnh người dân bị nô dịch bởi chủ nghĩa toàn trị”,.

“Vào thời điểm đó, một vị Giáo Hoàng như vậy thật bất tiện đối với nhiều người”.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, tên khai sinh là Karol Wojtyła, đã sống sót sau cuộc chiếm đóng của Đức Quốc xã ở Ba Lan và giúp lãnh đạo cuộc kháng chiến của Giáo hội chống lại chế độ cộng sản áp bức sau đó.

“Bản thân ngài ấy đến từ Ba Lan, một đất nước từng trải qua sự tàn bạo của chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản trong thế kỷ 20. Ngài hoàn toàn hiểu rõ tác hại của bạo lực độc tài mà chính quyền sử dụng chống lại từng công dân và toàn thể xã hội”, vị Hồng Y 82 tuổi nói.

“Đây là lý do tại sao ngài kiên định đòi hỏi các quyền và phẩm giá của mỗi con người phải được tôn trọng. Ngài đã phải trả một cái giá đắt cho điều đó, nhưng vụ ám sát không làm gián đoạn nhiệm vụ của ngài”.

Vụ nổ súng diễn ra vào ngày 13 tháng 5, ngày lễ của Đức Mẹ Fatima và kỷ niệm lần đầu tiên Đức Trinh Nữ Maria hiện ra với ba trẻ chăn cừu tại Cova da Iria, Bồ Đào Nha vào năm 1917.

Đức Gioan-Phaolô II ghi công Đức Mẹ Fatima đã cứu mạng ngài, ngài nói rằng Đức Mẹ đã lái viên đạn đi theo một hướng khác.

Vào ngày kỷ niệm đầu tiên vụ ám sát này, Đức Gioan-Phaolô II đã hành hương đến Đền Thánh Đức Mẹ Fatima để tạ ơn Đức Mẹ đã cứu mạng ngài.
Source:Catholic News Agency

3. Đức Hồng Y Pell chủ sự cuộc rước Thánh Thể ở Rôma

Đức Hồng Y George Pell đã dẫn đầu một cuộc rước Thánh Thể vào hôm Thứ Năm 13 tháng 5 tại Đại Học Giáo Hoàng Angelicum ở Rôma.

Cựu tổng trưởng Kinh tế của Vatican đã dẫn đầu cuộc rước hàng năm vào ngày 13 tháng 5, lễ Đức Mẹ Fatima, tại học viện được biết với tên chính thức là Đại học Giáo hoàng St. Thomas Aquinas, nằm trên Đồi Quirinal của Rôma.

Đây là lần đầu tiên vị Hồng Y dẫn đầu một cuộc rước đã bị hủy bỏ vào năm ngoái do đại dịch coronavirus.

Phát biểu với EWTN News, Đức Hồng Y Pell cho biết: “Tôi rất vui được ở đây. Đó là một sáng kiến của sinh viên, được tổ chức bởi các sinh viên, một tấm gương tuyệt vời về niềm tin trong thực tiễn”.

Ngài nói tiếp: “Tôi nghĩ điều quan trọng sau COVID là trở lại với thói quen cầu nguyện và thờ phượng thường xuyên của Giáo Hội. Tôi không chắc về lâu dài rằng COVID sẽ thay đổi quá nhiều, nhưng nó có thể tạo ra một lý do khác để chúng ta có một chút chùng xuống, một chút thoải mái, trong cách tiếp cận với lời cầu nguyện và sự thờ phượng của mình, và chúng ta phải chiến đấu chống lại thứ tư duy này”.

Sự kiện bắt đầu với bài chia sẻ của vị Hồng Y người Úc 79 tuổi tại nhà thờ hai thánh Đôminicô và Xitô của Đại Học Angelicum, một trong những nhà thờ hiệu tòa tiêu biểu của Rôma dành cho các Hồng Y.

Nhà thờ này là nhà thờ hiệu tòa của vị Hồng Y người Bồ Đào Nha José Tolentino de Mendonça, nhà lưu trữ và thủ thư của Hội Thánh Rôma.

Angelicum là một cơ sở giáo dục thuộc dòng Đa Minh có lịch sử từ năm 1222, ngay sau khi Đức Giáo Hoàng Honoriô Đệ III chính thức phê chuẩn việc thành lập Dòng Thuyết giáo do linh mục người Tây Ban Nha Dominic de Guzmán thành lập.

Sau bài giảng của Đức Hồng Y George Pell là việc Chầu Mình Thánh Chúa. Mặt nhật được kiệu dưới tán một lọng che với các trụ sơn son thếp vàng, xuyên qua khuôn viên trường đại học, với hàng trăm người theo sau.

Đức Hồng Y Pell, nguyên tổng trưởng Bộ Kinh tế Tòa Thánh, đã đến Rôma vào ngày 30 tháng 9 năm 2020, trong chuyến thăm đầu tiên của ngài đến thành phố vĩnh cửu kể từ khi ngài trở về Úc vào năm 2017 để chứng minh mình mình vô tội trước các vu cáo lạm dụng.

Vị Hồng Y đã bị kết án oan uổng vào năm 2019 nhưng cuối cùng được tha bổng vào tháng 4 năm 2020 sau 404 ngày ngồi tù.

Ngài không thể cử hành Thánh lễ trong tù vì ngài không được phép dùng rượu. Ngài nói rằng sự thiếu thốn này đã nâng cao lòng quý trọng của ngài đối với Bí tích Thánh Thể.

Đức Hồng Y cho biết: “Tôi đã phải ngồi tù 13 tháng. Tôi đã không thể cử hành Thánh lễ và tham dự Thánh lễ. Tôi đã lắng nghe nhiều nhà thuyết giảng Tin lành, và tôi càng nhận thức rõ hơn về trọng tâm của việc cử hành phụng vụ. Đó là sự tái hiện hy tế của Chúa Kitô. Đó là một hành động tôn thờ rõ ràng. Nó liên quan đến toàn bộ con người của chúng ta. Nó cần niềm tin để được thực hành”.

“Đó là đỉnh cao của đời sống Công Giáo, và chúng ta phải học điều đó, đi sâu vào nó. Hầu hết chúng ta làm điều đó khi chúng ta trưởng thành. Nó đẹp đẽ, phong phú và hoàn toàn là trung tâm”.

Hồng Y sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày 8 tháng 6, mất quyền bỏ phiếu trong mật nghị tương lai.

Đức Hồng Y nói với EWTN News: “Điều thú vị đối với một người ở độ tuổi của tôi là được thấy sự nhiệt thành cầu nguyện thầm lặng và sự tôn thờ của rất nhiều người trẻ, những người trẻ tuổi, và tôi nghĩ đó là một khát khao siêu việt, nhưng cũng là việc tìm kiếm một chút yên tĩnh và bình yên bởi vì cuộc sống của họ rất, rất bị phân tâm, rất ồn ào”.
Source:Catholic News Agency

4. Huấn đức của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng trưa Chúa Nhật 16 tháng 5

Chúa Nhật 16 tháng 5, Giáo Hội mừng lễ Chúa Giêsu Lên Trời. Chủ đề của bài Phúc Âm trong ngày là lời cầu xin cho cộng đoàn dân Chúa được hiệp nhất.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời cầu nguyện rằng: “Lạy Cha chí thánh, xin gìn giữ trong danh Cha những kẻ Cha đã ban cho Con, để chúng được nên một như Ta. Khi Con còn ở với chúng, Con đã gìn giữ chúng trong Cha. Con đã gìn giữ những kẻ Cha đã giao phó cho Con, không một ai trong chúng bị mất, trừ ra con người hư vong, để lời Kinh Thánh được nên trọn. Bây giờ Con về cùng Cha, và Con nói những điều này khi Con còn dưới thế, để chúng được đầy sự vui mừng của Con trong lòng. Con đã ban lời Cha cho chúng, và thế gian đã ghét chúng, vì chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Con không xin Cha đem chúng ra khỏi thế gian, nhưng xin gìn giữ chúng cho khỏi sự dữ. Chúng không thuộc về thế gian, cũng như Con không thuộc về thế gian. Xin hãy thánh hoá chúng trong sự thật: lời Cha là chân lý. Cũng như Cha đã sai Con vào thế gian, thì Con cũng sai chúng vào thế gian. Và vì chúng, Con đã tự thánh hoá, để cả chúng cũng được thánh hoá trong chân lý”.



Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Hôm nay, ở Ý và các nước khác, chúng ta cử hành Lễ Thăng Thiên. Đoạn Tin Mừng trong ngày (Mc 16: 15-20), là phần kết của Tin Mừng theo thánh Máccô, trình bày cho chúng ta cuộc gặp gỡ cuối cùng của Chúa Phục sinh với các môn đệ trước khi Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Thông thường, như chúng ta biết, những cảnh chia tay thật là buồn. Chúng gây ra cảm giác hụt hẫng, bị bỏ rơi nơi những người ở lại. Tuy nhiên, điều này không xảy ra với các môn đệ. Dù xa cách với Chúa, các ngài không tỏ ra đau buồn, mà ngược lại, các ngài vui vẻ và sẵn sàng ra ngoài thế giới với tư cách là những nhà truyền giáo.

Tại sao các môn đệ không buồn? Tại sao chúng ta nên vui mừng khi thấy Chúa Giêsu lên trời? Thưa: Vì biến cố Thăng Thiên hoàn thành sứ mệnh của Chúa Giêsu ở giữa chúng ta. Thật vậy, nếu vì chúng ta mà Chúa Giêsu từ trời xuống thế, thì cũng là vì chúng ta mà Người lên trời. Sau khi đã ngự xuống giữa nhân loại chúng ta và cứu chuộc nhân loại của chúng ta - Con Thiên Chúa, xuống thế và làm người, mặc lấy bản tính nhân loại chúng ta và cứu chuộc chúng ta - bây giờ Ngài lên trời, mang xác thịt chúng ta với Ngài. Ngài là người đầu tiên vào thiên đàng, vì Chúa Giêsu là người, là người thật; Ngài là Thiên Chúa, Thiên Chúa thật sự; xác phàm của chúng ta ở trên trời và điều này mang lại cho chúng ta niềm vui. Giờ đây, bên hữu Chúa Cha ngự trị một thân thể con người, lần đầu tiên là thân thể của Chúa Giêsu, và trong mầu nhiệm này, mỗi người chúng ta chiêm ngưỡng đích điểm tương lai của chính mình. Đây hoàn toàn không phải là một sự từ bỏ; Chúa Giêsu ở lại mãi mãi với các môn đệ, nghĩa là ở lại với chúng ta. Ngài vẫn cầu nguyện, với tư cách là con người, Ngài cầu nguyện với Chúa Cha, và với tư cách là Thiên Chúa, Ngài cho Chúa Cha thấy những vết thương của Ngài, những vết thương mà nhờ đó Ngài đã cứu chuộc chúng ta. Lời cầu nguyện của Chúa Giêsu ở đó, với xác phàm của chúng ta: Ngài là một người trong chúng ta, là Thiên Chúa và là người, và Ngài đang cầu thay nguyện giúp cho chúng ta.

Và điều này phải mang lại cho chúng ta một sự tự tin, hay đúng hơn là một niềm vui, niềm vui lớn! Và lý do thứ hai để vui mừng là lời hứa của Chúa Giêsu. Ngài nói với chúng ta: “Thầy sẽ gửi Chúa Thánh Thần đến cho anh em”. Và cùng với lời hứa ban Chúa Thánh Linh, một lệnh truyền mới được ban cho chúng ta trong cuộc từ biệt của Người: “Hãy đi khắp thế gian và rao giảng Tin Mừng”. Và chính quyền năng của Chúa Thánh Thần dẫn chúng ta đến trong thế giới, để mang đến cho thế gian Tin Mừng. Như lời Chúa Giêsu đã hứa, chín ngày sau đó Chúa Thánh Thần sẽ đến trong Lễ Hiện Xuống. Chính Chúa Thánh Thần đã làm cho chúng ta có thể có được như ngày hôm nay. Một niềm vui lớn! Chúa Giêsu đã lên trời: con người đầu tiên trước mặt Chúa Cha.

Chúa Giêsu ra đi với những vết thương của Người, đó là cái giá cho ơn cứu rỗi của chúng ta, và Ngài cầu nguyện cho chúng ta. Và rồi Ngài gửi cho chúng ta Thánh Linh; Ngài hứa ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, để chúng ta ra đi truyền giáo. Đây là lý do của niềm vui ngày hôm nay; đây là lý do của niềm vui trong ngày Thăng Thiên này.

Thưa anh chị em, trong dịp Lễ Thăng Thiên này, trong khi chúng ta chiêm ngắm Thiên đàng, nơi Chúa Kitô đã lên trời ngự bên hữu Chúa Cha, chúng ta hãy cầu xin Mẹ Maria, Nữ Vương Thiên Đàng, giúp chúng ta trở thành những chứng nhân can đảm cho Chúa Phục Sinh trong thế giới, trong những tình huống cụ thể của cuộc sống.

Sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói tiếp:

Anh chị em và các bạn thân mến! Tôi đang theo dõi với sự quan tâm rất lớn về những gì đang xảy ra ở Thánh Địa. Trong những ngày này, các cuộc đụng độ vũ trang bạo lực giữa Dải Gaza và Israel đã chiếm ưu thế, có nguy cơ biến thành vòng xoáy chết chóc và hủy diệt. Nhiều người đã bị thương và nhiều người vô tội đã chết. Trong số đó có cả trẻ em, và điều này thật khủng khiếp và không thể chấp nhận được. Cái chết của họ là một dấu chỉ cho thấy nhiều người không muốn xây dựng tương lai, nhưng muốn phá hủy nó.

Hơn nữa, sự thù hận và bạo lực ngày càng gia tăng liên quan đến các thành phố khác nhau ở Israel là một vết thương nghiêm trọng cho tình huynh đệ và sự chung sống hòa bình giữa các công dân, sẽ khó chữa lành nếu chúng ta không mở lòng ra đối thoại ngay lập tức. Tôi tự hỏi: hận thù và báo thù sẽ dẫn đến đâu? Chúng ta có thực sự nghĩ rằng chúng ta có thể xây dựng hòa bình bằng cách phá hủy bên kia không? “Nhân danh Thiên Chúa, Đấng đã tạo ra tất cả mọi người bình đẳng về quyền lợi, nghĩa vụ và phẩm giá, và là Đấng đã kêu gọi họ sống với nhau như anh chị em” (xem Tài liệu về Tình huynh đệ nhân loại), tôi kêu gọi mọi người hãy bình tĩnh và, đối với những ai phải chịu trách nhiệm về việc đó, tôi kêu gọi hãy dẹp bỏ vũ khí và đi theo con đường hòa bình, dù cho phải nhờ đến sự giúp đỡ của Cộng đồng quốc tế.

Chúng ta hãy liên tục cầu nguyện để người Israel và người Palestine có thể tìm thấy con đường đối thoại và tha thứ, trở thành những người kiên nhẫn xây dựng hòa bình và công lý, mở ra từng bước cho một hy vọng chung, cho sự chung sống giữa các anh chị em với nhau.

Chúng ta hãy cầu nguyện cho các nạn nhân, đặc biệt là cho trẻ em; chúng ta hãy cầu nguyện cho hòa bình cùng với Nữ Vương Hòa Bình.

Kính mừng Maria đầy ơn phúc Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ.

Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời cầu cho chúng con là kẻ có tội khi này và trong giờ lâm tử, Amen.

Hôm nay “Tuần lễ Laudato Si” bắt đầu, nhằm giáo dục ngày càng nhiều người biết lắng nghe tiếng kêu của Trái đất và tiếng kêu của người nghèo. Tôi cảm ơn Bộ Dịch Vụ Phát Triển nhân bản toàn diện, Phong trào Khí hậu Công Giáo Toàn cầu, Caritas Quốc tế và nhiều tổ chức thành viên, và tôi mời mọi người tham gia.

Tôi chào mừng những người hành hương đến từ nhiều quốc gia khác nhau, những người hôm qua, tại Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô của Rôma, đã tham dự Lễ phong Chân phước cho Cha Phanxicô Maria Thánh Giá, đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Độ. Ngài là người loan báo Tin Mừng không mệt mỏi, sử dụng mọi phương tiện mà lòng bác ái của Chúa Kitô đã linh hứng trong ngài. Ước gì lòng nhiệt thành tông đồ của ngài là tấm gương và sự hướng dẫn cho những người trong Giáo hội, những người được mời gọi để mang lời và tình yêu của Chúa Giêsu vào mọi môi trường. Một tràng pháo tay cho vị tân Chân phước! Hình ảnh ngài đang ở phía trước đây.

Tôi thân ái chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma, từ Ý và từ các nước khác, đặc biệt là Nhóm AGESCI-Lupetti từ giáo xứ Thánh Grêgôriô Cả ở Rôma; và Chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Giáo phận Florence.

Chúc mọi người một ngày Chúa Nhật vui vẻ, đặc biệt các bạn trẻ trong phong trào Immacolata, những người rất tốt lành. Và xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng. Xin chào tạm biệt!
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đau lòng: Tượng Chúa bị phá hoại ở Rhode Island, Đức Tổng Giám Mục Machado than thở không còn chỗ chôn người chết
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:26 17/05/2021


1. Tượng Chúa Giêsu bị phá hoại tại Rhode Island

Một bức tượng của Chúa Giêsu đã bị phá hoại vào cuối tuần trước tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Thomas More ở Narragansett, Rhode Island.

“Nó giống như một cú đấm tệ hại”, Cha Marcel Taillon, cha sở nhà thờ Thánh Thomas More, nói với CNA. “ Mọi người đang bị sốc. Họ không thể hiểu tại sao ai đó lại làm như vậy”.

Theo lời kể của Cha Taillon và Cảnh sát Narragansett, hành động phá hoại được cho là xảy ra vào đêm mùng 8 rạng ngày mùng 9 tháng 5. Bàn tay của tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu đã bị đứt lìa. Cha Taillon cho biết ngài đã phát hiện ra bàn tay bị gãy khi đi bộ cầu nguyện vào chiều Chúa Nhật.

Cha Taillon nói với CNA rằng ngài muốn biết bí ẩn về hung thủ này. “Tôi chỉ hy vọng họ có thể ra gặp chúng tôi để có thể nói chuyện một cách trung thực và không cần phải dùng đến pháp luật”.

Giáo xứ dự định sẽ trùng tu bàn tay của bức tượng trong thời gian sắp tới.

Giáo dân Bob Martin nói với CNA rằng vụ phá hoại là “rất đáng buồn”.

“Nó đặc trưng chính xác cho những gì đang xảy ra trong thế giới này ngày nay: thiếu tôn trọng đối với các Kitô hữu và đạo Công Giáo”, Martin nói.

Vụ phá hoại bức tượng xảy ra một tuần sau khi một bức tượng Thánh Tâm Chúa Giêsu khác ở Waltham, Massachusetts - chỉ cách Narragansett hơn một giờ - bị phá hoại. Tay của cả hai bức tượng đều bị tấn công.

Các hành động phá hoại khác đã diễn ra tại các nhà thờ trên khắp đất nước trong những tháng gần đây.

Vào tháng 4, khuôn mặt của một bức tượng của Chúa Kitô tại Nhà thờ Đức Bà ở giáo phận Fargo bị sơn màu đen. Vào ngày 21 tháng 4, một người đàn ông đã dùng búa tạ làm hỏng bức tranh tường Đức Mẹ Guadalupe tại Nhà thờ Công Giáo Thánh Elisabeth ở Van Nuys, California. Vào ngày 13 tháng 3, vỉa hè bên ngoài Giáo xứ Thánh Giuse trên Đồi Capitol ở Washington DC đã bị phá hoại với những hình vẽ satan.

Vào đầu tháng Hai, ba bức tượng thiên thần tại Nhà thờ Thánh Piô X ở El Paso, Texas, đã bị lật đổ và đập vỡ nát.

Vào đầu tháng Giêng, một bức tượng của Thánh Têrêxa thành Lisieux đã bị phá hủy với một cây thánh giá lộn ngược, và bị vẽ bậy những từ ngữ “satan” và một ngôi sao năm cánh, tại giáo xứ Thánh Theresa của Chúa Hài đồng ở Abbeville, Louisiana.

Các nhà thờ Công Giáo và các bức tượng trên khắp Hoa Kỳ cũng là mục tiêu bị đốt phá hoặc phá hoại trong suốt năm 2020. Đôi khi, các nhà thờ bị hư hại trong bối cảnh bạo loạn và biểu tình hàng loạt, chẳng hạn như ở Kenosha, Wisconsin, trong khi các nhà thờ khác dường như trở thành mục tiêu của các hành động phá hoại ngẫu nhiên.
Source:Catholic News Agency

2. Đức Cha Peter Machado than thở chua chát: Chúng tôi không biết chôn cất người chết ở đâu

Đức Cha Peter Machado, Tổng giám mục giáo phận Bangalore, thuộc bang Karnataka, miền nam Ấn Ðộ, tuyên bố rằng: “Chúng tôi không biết chôn cất người chết ở đâu trong đại dịch này; các nghĩa trang Công Giáo đều hết chỗ, trong khi đó nhiều nơi hỏa táng được dựng lên đột xuất để đáp ứng nhu cầu cấp thiết.”

Ðợt dịch Covid-19 đang làm Ấn Ðộ ngã quỵ: trong vòng 24 giờ qua, có 350,000 ca nhiễm mới và số người chết vượt quá 4,205. Tổng cộng có hơn 250,000 chết tại Ấn từ đầu đại dịch.

Ðức Tổng Giám Mục Machado kể với đài Vatican rằng: “Mỗi ngày, tôi tìm một mảnh đất để không bỏ rơi những người chết của chúng tôi. Dầu sao hy vọng vẫn chưa bỏ rơi chúng tôi”.

Bangalore có tám triệu dân và là thành phố đông nhất trong bang Karnataka. Số tín hữu Công Giáo chết vì Covid-19 ngày càng gia tăng, và Tòa Tổng giám mục từ nhiều ngày nay đang tìm kiếm những thửa đất trống để có thể an táng các tín hữu một cách xứng đáng. Ðức Tổng giám mục nói: “Cả hôm nay, tôi cũng đi tìm một khu đất khá xa thành phố, gần một nhà thờ có một mảnh đất ít được dùng. Nhưng rất tiếc là dân địa phương không muốn thấy việc chôn cất người chết, vì họ sợ. Vì thế, tôi nói chuyện với một người thủ lãnh trong vùng để làm sao có thể đưa thi hài tới mà không bị thiên hạ chú ý quá. Bây giờ chúng tôi mới chỉ đào được 15 huyệt mộ, vì đất ở khu đó rất cứng”.

Trong địa phận Bangalore, Ðức Tổng giám mục Machado đã thành lập các toán đặc nhiệm, với công tác chôn cất tập thể. “Việc này đòi phải có lòng bác ái, hy sinh và từ bỏ. Những người này mặc bộ áo phòng vệ an toàn và chia thành nhóm nhỏ, chôn cất những người chết vì Covid-19 trong các khu vực khác nhau. Trong các toán có cũng có bốn linh mục làm phép các quan tài. Chúng tôi không thể cử hành lễ an táng, vì tại nhiều nghĩa trang không có chỗ để cử hành thánh lễ. Trong nhiều trường hợp, thánh lễ này được cử hành ở nhà thờ sau khi chôn cất”.

Ðức Tổng giám mục Machado cho biết: “Giống như nhiều nơi khác ở Ấn Ðộ, tại Bangalore cũng thiếu chỗ trong nhà thương, thiếu dưỡng khí và thuốc men. Cùng với các hệ phái Kitô khác, Giáo Hội Công Giáo dấn thân giúp đỡ dân chúng. Tại thành phố này, có bốn cơ sở y tế Công Giáo, và bốn của Tin lành. Chúng tôi cộng tác với nhau và chính phủ cũng rất hài lòng vì các hoạt động của chúng tôi. Tổng Giáo phận đã biến các trường học thành những Trung tâm Covid-19 để săn sóc các bệnh nhân bị nhẹ, và để chích vắc xin.”
Source:Vatican News

3. Phỏng vấn Tiến sĩ George Weigel về tình trạng nguy hiểm của Giáo Hội tại Đức

Giáo hội ở Đức được mời gọi là đi theo chân lý mạc khải chứ không phải là chạy theo tinh thần thế gian, Tiến sĩ George Weigel, người viết tiểu sử của Thánh Gioan Phaolô II và một học giả Công Giáo hàng đầu, đã đưa ra lập trường trên khi được hỏi ý kiến về cái gọi là “Tiến Trình Công Nghị” do Hội Đồng Giám Mục Đức và phong trào giáo dân ZDk tổ chức.

Nguyên bản tiếng Anh cuộc phỏng vấn Tiến sĩ George Weigel có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

CNA: Đức Cha Bätzing dường như muốn đang đi trên một lằn ranh cheo leo giữa việc tiếp tục trung thành với Rôma, trong khi không làm phật lòng những người đã công bố “cải cách”. Có một con đường trung dung như vậy không? Nếu vậy, phần đất trung dung đó trên thực tế trông như thế nào?

Tiến sĩ Weigel: Vấn đề không phải là “Rôma” đối kháng với “cải cách”. Vấn đề là sự trung thành với chân lý của Phúc âm so với sự trung thành với Zeitgeist, tức là “tinh thần của thời đại”. Nói cách khác, vấn đề nghiêm trọng trong ‘Tiến Trình Công Nghị’ ở Đức là liệu mặc khải của Thiên Chúa – về sự bất khả phân ly của hôn nhân, về tính cách xứng đáng để rước lễ, về trật tự đúng đắn của tình yêu con người chúng ta - là có thật hay không và có hiệu quả ràng buộc hay không bất kể thời gian, và bất kể mọi hoàn cảnh văn hóa. Đó cũng là vấn đề được đặt ra tại các Thượng Hội Đồng năm 2014, 2015 và 2018.

CNA: Đức Giám Mục Bätzing nói: “Tiến Trình Công Nghị đang nỗ lực, đặc biệt đối với chủ đề về các mối quan hệ tình cảm, ngõ hầu có thể thảo luận trong một bối cảnh rộng lớn trong đó cũng xem xét nhu cầu, khả năng và giới hạn của việc phát triển huấn quyền của Giáo hội. Các quan điểm được trình bày bởi Bộ Giáo lý Đức tin sẽ tìm thấy không gian trong các cuộc tranh luận này”. Các tuyên bố của CDF chỉ là “quan điểm” có thể bị tranh cãi, hay chúng là cơ sở để tranh luận?

Tiến sĩ Weigel: Khi CDF phát biểu một cách có thẩm quyền, như Bộ này đã làm về vấn đề liệu Giáo hội có thể “chúc lành” cho các mối quan hệ đồng giới hay không, Bộ không đưa ra một “quan điểm”, mà đang nói về chân lý của đức tin Công Giáo. Nếu Giám mục Bätzing và những người khác trong hàng giáo phẩm của Đức không chấp nhận những sự thật đó, thì họ nên thành thật nói ra như vậy. Nếu họ chấp nhận những sự thật đó, họ cũng nên có can đảm để nói như vậy.

CNA: Dựa trên văn bản làm việc, liệu đánh giá của Giám mục Bätzing có chính xác không khi ông nói: “Câu hỏi trung tâm là: làm thế nào chúng ta có thể nói về Chúa ngày nay và đi đến một đức tin sâu sắc hơn? Đức tin có thể phát triển và sâu sắc hơn nếu chúng ta được giải thoát khỏi những sợ hãi và khép kín tâm hồn, nếu chúng ta đặt ra những câu hỏi và tìm kiếm những cách thức mà Giáo hội ngày nay có thể trình bày cho con người”.

Tiến sĩ Weigel: “Câu hỏi trung tâm” là điều mà Chúa Giêsu đã nói rồi, đó là, và sẽ luôn là: “Khi Con Người trở lại, liệu Người có còn tìm thấy đức tin trên trái đất này không?” (Lc 18:8). Dĩ nhiên Giáo Hội phải luôn luôn nói chân lý Phúc Âm theo những cách thế mà người dân trong một thời đại và một nền văn hóa nhất định có thể hiểu được; đó là điều mà Thánh Phaolô đã cố gắng thực hiện tại Areopagus thành Athens trong chương 17 sách Tông đồ Công vụ, và đó là điều mà Công đồng Vatican II đã hướng dẫn Giáo hội ngày nay phải làm: đó là nói sự thật theo những cách mà sự thật có thể được lắng nghe. Khó khăn mà tôi và nhiều người khác gặp phải khi chúng tôi nghe Giám mục Bätzing, các đồng nghiệp giám mục cùng chí hướng với ông, và Ủy ban Trung ương của những người Công Giáo Đức, là chúng tôi không nghe thấy tiếng nói của Chúa, Phúc âm hay sự thật, mà chỉ toàn là tiếng của chủ nghĩa hậu hiện đại.

CNA: Tiến sĩ có phản đối khả năng có nữ phó tế không? Có thể tách phó tế khỏi các mức độ khác của chức lớn không? [các chức lớn – major orders – là chức Giám Mục, linh mục và phó tế – chú thích của người dịch]

Tiến sĩ Weigel: Nếu phó tế không phải là một phần trong bộ ba các thánh chức bao gồm giám mục, linh mục mục và phó tế, thì được, phụ nữ có thể là phó tế. Nhưng mà nếu phó tế không phải là một phần trong bộ ba các thánh chức, thì không ai thúc ép việc phong chức phó tế cho phụ nữ, bởi vì chiến dịch đó chẳng qua chỉ là một chiêu bài để tấn phong phụ nữ vào chức tư tế và cuối cùng, giám mục. Đó là một chiến dịch của chủ nghĩa giáo sĩ, vì có vẻ như người ta tưởng tượng rằng chỉ những người Công Giáo có Thánh Chức mới đáng giá. Công đồng Vatican II đã dứt khoát bác bỏ não trạng giáo hội học giáo sĩ đó.

Tuy nhiên, trên thực tế, tôi cho rằng giáo huấn chung cuộc của Giáo hội là chức phó tế được tạo ra trong chương 6 sách Tông đồ Công vụ là một phần của bộ ba Thánh Chức (triple-sacerdotium); do đó, Giáo Hội không có thẩm quyền phong chức phụ nữ cho chức phó tế, cũng như không có thẩm quyền phong chức linh mục hay giám mục cho phụ nữ. Điều đó đã được Đức Gioan Phaolô II giải quyết dứt khoát trong Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis.

CNA: Giám Mục Bätzing nói rằng: “Ở Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới đã diễn ra các cuộc thảo luận trong nhiều năm về cách thức Huấn Quyền có thể được phát triển hơn nữa với những lập luận lành mạnh - trên cơ sở các chân lý cơ bản của đức tin và đạo đức, các suy tư thần học tiến bộ, và trong một tinh thần cởi mở hơn đối với khoa học nhân văn và các tình huống cuộc sống của con người ngày nay”. Tiến sĩ có nghĩ đây là một nhận định chính xác về cách giáo lý Công Giáo phát triển một cách hữu cơ?

Tiến sĩ Weigel: “Những chân lý cơ bản của đức tin và luân lý” phán xét “sự tiến bộ của suy tư thần học” và “những kết quả mới nhất của khoa học nhân văn.” Chứ không phải những nhà thần học hoặc các nhà thực hành khoa học nhân văn phán xét các chân lý cơ bản đó. Nếu xảy ra như thế, thì kết quả là Đạo Tin lành Tự do, và tôi không thể hiểu tại sao lại có những người lại muốn đi theo con đường đáng buồn dẫn đến sự diệt vong của Giáo hội như vậy. Thánh John Henry Newman đã dạy Giáo hội rằng có bảy dấu hiệu cho thấy sự phát triển đích thực của tín lý. Có lẽ Tiểu luận của Newman về Sự phát triển của tín lý Kitô cần một ấn bản mới bằng tiếng Đức chăng?

CNA: Tiến sĩ tin rằng điều gì sẽ là những đóng góp của Tiến Trình Công Nghị ở Đức cho Giáo hội? Giáo hội ở Đức ảnh hưởng thế giới như thế nào? Điều này có những hệ quả nào đối với Giáo hội, cả ở quốc tế và ở Hoa Kỳ?

Tiến sĩ Weigel: Giáo hội Đức vô cùng hào phóng trong việc hỗ trợ công việc của Giáo Hội Công Giáo trên toàn thế giới, nhưng họ cần phải học hỏi kinh nghiệm của các Giáo hội địa phương sống động ở Phi Châu rằng Tin Mừng giải phóng chúng ta, chứ không hạn chế chúng ta. Nếu Tiến Trình Công Nghị của Đức tiếp tục đi theo con đường bội giáo, nó sẽ mang lại một bài học cho toàn thể Giáo hội thế giới về điều mà “tính đồng nghị” không phải là và không thể có: chân lý mặc khải và nội dung của kho tàng đức tin không thể được quyết định bằng một “sự đồng thuận” được hình thành bởi một bộ máy quan liêu giáo hội đã bị thao túng và thuần hóa bởi tinh thần thời đại. Và đó sẽ là một bài học quan trọng để xem xét tại Thượng Hội Đồng về “tính đồng nghị” vào năm 2022.
Source:Catholic News Agency
 
Tin vui: Tòa Thánh đã tìm được giải pháp cho vấn đề cam go: Bổ nhiệm Giám Mục Hương Cảng
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
22:07 17/05/2021
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bổ nhiệm Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ) làm giám mục tiếp theo của Hương Cảng. Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã công bố quyết định này hôm thứ Hai 17 tháng 5.

Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân, 61 tuổi, đã là giám tỉnh của Tỉnh dòng Tên ở Trung Quốc kể từ năm 2018. Trong vai trò đó, ngài đã lãnh đạo dòng Tên ở Đài Loan, Hương Cảng, Ma Cao và Trung Quốc đại lục khi thỏa thuận giữa Vatican-Trung Quốc được ký kết lần đầu tiên và trong bối cảnh Trung Quốc đàn áp phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hương Cảng.

Tòa thánh đã thông báo việc bổ nhiệm Cha Châu Thủ Nhân vào hôm thứ Hai 17 tháng 5, hơn hai năm sau cái chết của Đức Cha Micae Dương Minh Chương.

Cha Stêphanô Châu Thủ Nhân sinh tại Hương Cảng ngày 7 tháng 8 năm 1959. Ngài du học tại Hoa Kỳ, lấy bằng cử nhân và thạc sĩ tâm lý học tại Đại học Minnesota, trước khi gia nhập Dòng Tên ở Dublin, Ái Nhĩ Lan năm 25 tuổi.

Trong thời gian còn là một tập sinh, ngài lấy bằng triết học ở Ái Nhĩ Lan và sau đó trở về Hương Cảng vào năm 1988, nơi ngài được thụ phong linh mục vào ngày 16 tháng 7 năm 1994.

Ngài tiếp tục theo học tại Đại học Loyola ở Chicago, nơi ngài lấy bằng thạc sĩ về phát triển tổ chức vào năm 1995. Trong 5 năm tiếp theo, ngài làm việc với tư cách là linh hướng Đại Học, giám đốc ơn gọi và giáo viên môn luân lý học tại Trung Học Hoa Nhân (Wah Yan, 華仁) ở Cửu Long (Kowloon, 九龍)và Hương Cảng.

Năm 2000, ngài bắt đầu theo học chương trình tiến sĩ tại Đại học Harvard nghiên cứu về sự phát triển và tâm lý học. Ngài tốt nghiệp Tiến sĩ Giáo dục năm 2006.

Năm sau, ngài khấn trọn trong Dòng Tên và làm trợ lý giáo sư tại Đại học Hương Cảng từ 2008 đến 2015 và Cha Giáo Dòng Tên từ 2009 đến 2017. Ngài cũng từng là chủ tịch ủy ban giáo dục của Tỉnh Dòng Tên Trung Quốc từ năm 2009 và Hội đồng Giáo dục Giáo phận Hương Cảng từ năm 2017.

Ngài bắt đầu đảm nhận vai trò Giám tỉnh Trung Quốc của Dòng Tên vào ngày 1 tháng Giêng năm 2018.

Hương Cảng là một đặc khu hành chính của Trung Quốc. Người Hương Cảng trong lịch sử được hưởng quyền tự do thờ phượng và truyền đạo, trong khi ở Trung Quốc đại lục, ngược lại, có một lịch sử lâu dài về các cuộc đàn áp đối với các tín hữu Kitô.

Với việc thông qua “luật an ninh quốc gia” mới vào năm 2020, bọn cầm quyền Trung Quốc đã nắm thêm quyền lực để trấn áp các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng, là điều mà chúng coi là thách thức trực tiếp đối với quyền lực của mình.

Luật An ninh Quốc gia của Hương Cảng có nhiều định nghĩa về khủng bố, xúi giục và cấu kết với nước ngoài. Theo luật này, một người bị kết án về các tội danh nói trên sẽ phải nhận mức án tối thiểu là 10 năm tù, có khả năng phải chịu án chung thân.

Vào ngày 16 tháng 4, chính quyền bù nhìn Hương Cảng đã kết án một số nhân vật Công Giáo ủng hộ dân chủ, bao gồm luật sư Martin Lee và ông trùm truyền thông Jimmy Lai, với mức án tù theo luật an ninh mới.

Theo truyền thông địa phương ở Hương Cảng, ngày được tấn phong giám mục của Cha Châu Thủ Nhân sẽ bị hoãn lại cho đến tháng 12 năm 2021. Dòng Tên đã đưa ra một tuyên bố về việc bổ nhiệm Cha Giám tỉnh.

“Dòng Tên công nhận rằng cha Stêphanô đã được kêu gọi để phục vụ Giáo hội trong những thời điểm rất khó khăn này, và bảo đảm với ngài về lời cầu nguyện và sự cộng tác của chúng tôi. Cầu xin Chúa chúc lành cho ngài trong chức vụ mới này.”

Tháng Giêng năm ngoái, có tin Tòa Thánh đã chọn được Giám Mục Hương Cảng nhưng đã trì hoãn tuyên bố việc lựa chọn này trong bối cảnh lo ngại rằng hàng giáo sĩ và giáo dân địa phương sẽ rất là ngỡ ngàng. Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, cho biết vị được chọn là Cha Phêrô Thái Huệ Văn (Choy Wai-man - 蔡蕙文), một người được xem là có cảm tình với chính quyền Cộng sản Trung Quốc.

Giáo phận Hương Cảng đã trống tòa kể từ tháng Giêng năm 2019, khi Đức Cha Micae Dương Minh Chương (Yeung Ming- cheung - 楊鳴章) qua đời đột ngột. Kể từ khi Đức Cha Chương qua đời, giáo phận đã tạm thời được coi sóc bởi Đức Hồng Y Gioan Thang Hán (Tong Hon - 湯漢), 81 tuổi, là người tiền nhiệm của Đức Cha Chương, đã nghỉ hưu từ năm 2017.

Tòa Thánh dường như đã muốn bổ nhiệm Đức Cha Hạ Chí Thành (Ha Chi-shing - 夏志誠), hiện là Giám Mục Phụ Tá, lên làm Giám Mục Chính Tòa Hương Cảng. Tuy nhiên, việc bổ nhiệm này có lẽ đã vấp phải những chống đối gay gắt của phía Trung Quốc nên giải pháp hiện nay là Đức Hồng Y Gioan Thang Hán, năm nay đã 81 tuổi, quay trở lại làm Giám Quản Tông Tòa của chính giáo phận mình đã từng làm Giám Mục Chính Tòa, một việc chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội.

Đức Cha Hạ Chí Thành đã bị loại vì ngài được xem là người có lập trường gần gũi với Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân (Zen Ze-kiun - 陳日君), và thường cùng với vị Hồng Y tham gia tích cực vào các cuộc biểu tình đòi tự do. Trong một bài giảng đầy nước mắt, hồi tháng Sáu, 2019, Đức Cha Giuse Hạ Chí Thành, nói rằng ngài rất xúc động khi nhìn thấy những người trẻ trong những ngày qua khi ngài đi bộ từ trung tâm giáo phận đến nhà thờ.

“Họ chỉ muốn lên tiếng về quan ngại của mình. Họ đáng phải gánh chịu bạo lực như thế sao? Tôi không thể hiểu tại sao Hương Cảng đã trở thành như ngày hôm nay. Chúng ta chỉ muốn sống tự do. Chúng ta không đáng được hưởng tự do hay sao?”

Các quan chức cao cấp của Giáo hội tại Rôma, Hương Cảng và Hoa lục đã xác nhận độc lập với CNA rằng quyết định bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn làm giám mục tiếp theo của Hương Cảng đã nhận được sự chấp thuận cuối cùng tại Rôma. Cha Thái Huệ Văn hiện là một trong bốn linh mục đại diện trong giáo phận Hương Cảng.

Việc bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn chưa được công bố vì việc bổ nhiệm này có thể được coi là một cái tát vào mặt những người tham gia các cuộc biểu tình chính trị đang diễn ra tại đây.

Các nguồn tin ở Hương Cảng và Rôma đã nói với CNA rằng chính Đức Hồng Y Gioan Thang Hán đã khuyên không nên thông báo về việc bổ nhiệm Cha Thái Huệ Văn.

“Tình hình [ở Trung Quốc và Hương Cảng] rất tế nhị và không ai muốn làm mọi thứ trở nên khó khăn hơn. Nó sẽ được thông báo [khi có thể] và tất cả chỉ có như thế,” một quan chức cao cấp ở Rôma nói với CNA.
Source:Catholic News Agency