Ngày 17-05-2015
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Khủng hoảng nhân đạo tại Burundi theo sau vụ đảo chánh hụt
Đặng Tự Do
17:10 17/05/2015
Như chúng tôi đã đưa tin trước đây, Hội Đồng Giám Mục Burundi đã lên tiếng kêu gọi tổng thống nước này đừng sửa đổi hiến pháp để tranh cử thêm một nhiệm kỳ thứ ba. Lời cảnh báo của các Giám Mục đã trở thành hiện thực. Bạo loạn dữ dội đã xảy ra khiến hàng trăm ngàn người đã phải bỏ nước lánh nạn tại các quốc gia lân bang và phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Một cuộc đảo chính cũng đã diễn ra hôm thứ Tư 13 tháng 5 nhưng bất thành.
Tướng Godefroid Niyombare lãnh đạo một cuộc đảo chính nhưng bất thành
Rupert Colville, phát ngôn viên của OHCHR tức là Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc, trong tuyên bố đưa ra hôm thứ Sáu 15 tháng 5 cho biết:

"Chúng tôi đang rất quan tâm tới những diễn biến tại Burundi trong hai ngày qua, và chúng tôi kêu gọi các lực lượng vũ trang và các tổ chức phi chính phủ kiềm chế những hành động có thể gây nguy hiểm cho cuộc sống của người dân và để bảo đảm cho họ tráng khỏi những nguy hiểm của cuộc xung đột hiện nay. Có một nguy cơ rõ ràng rằng sự bất ổn có thể kéo dài hoặc trầm trọng hơn nếu có sự trả thù bạo lực để đáp lại những gì đã xảy ra trong hai ngày qua."

Ông nói thêm:

"Chúng tôi cũng rất lo ngại rằng sự bất ổn chính trị có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn vượt ra ngoài tầm kiểm soát"

Karin de Gruijl, phát ngôn viên của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc, UNHCR, cho biết thêm

"Đặc biệt, tại Tanzania, con số người tị nạn đã tăng lên rất mạnh trong vài ngày qua. Cơ quan di trú địa phương báo cáo rằng hơn 50,000 người Burundi đang sống màn trời chiếu đất trong những tình cảnh rất khó khăn và thiếu thốn tại Kangunga trên bờ hồ Tanganyika”.

Burundi ở Trung Phi về phía Đông của Cộng Hoà Dân Chủ Congo, có 10.3 triệu dân trong đó người Hutu chiếm 85% dân số và người Tutsi chiếm 14%. Tháng 10 năm 1993, vị tổng thống đầu tiên được bầu theo thể thức dân chủ đã bị ám sát sau khi cầm quyền được mới có 100 ngày. Biến cố này gây ra bạo động chém giết giữa hai sắc tộc Hutu và Tutsi trong một cuộc nội chiến kéo dài cho đến năm 2003 khi quốc tế can thiệp. Hai năm sau đó, tức là năm 2005, tổng thống Pierre Nukurunziza được bầu lên theo một thể thức tự do và dân chủ. Ông Pierre Nukurunziza tái đắc cử tổng thống vào năm 2010.

Theo hiến pháp hiện hành của Burundi, nhiệm kỳ của tổng thống là 5 năm và mỗi vị tổng thống chỉ được giữ tối đa là hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, tổng thống Pierre Nukurunziza đã muốn thay đổi hiến pháp để tranh cử thêm nhiệm kỳ thứ ba. Bạo động đã nổ ra ngày 26 tháng Tư khi cảnh sát đàn áp dã man những người biểu tình và bắn chết ít nhất 25 người. Hơn 105,000 người đã di tản khỏi đất nước.

Hôm thứ Tư tướng Godefroid Niyombare lãnh đạo một cuộc đảo chính nhưng bất thành. Đến ngày thứ Sáu, quân đội và cảnh sát trung thành với tổng thống Pierre Nukurunziza đã kiểm soát được tình hình. Tướng Godefroid Niyombare bỏ trốn nhưng 18 tướng lãnh và sĩ quan cao cấp quân đội và cảnh sát đã bị bắt.

Thông tấn xã Fides trong bản tin ngày 16 tháng 5 cho biết ít nhất 6 đài truyền thanh tại Burundi đã bị phe nổi dậy cũng như phe trung thành với tổng thống Pierre Nukurunziza làm im tiếng.

Người Công Giáo chiếm hơn 65% dân số trong tổng số 10.3 triệu dân.
 
Thánh lễ phong Hiển thánh cho bốn nữ tu tại Vatican
Jos. Nguyễn Huy Mai
13:17 17/05/2015
VATICAN. Lúc 10 giờ sáng Chúa Nhật hôm qua, 17.05.2015, Lễ Chúa Thăng Thiên, ĐTC Phanxicô đã chủ sự thánh lễ trọng thể tại Vatican để tôn phong 4 vị chân phước lên bậc hiển thánh: cả 4 vị đều là nữ tu. Hình của các vị được treo trên mặt tiền Đền thờ Thánh Phêrô. Đồng tế với ĐTC trong thánh lễ có 30 HY, 90 GM và rất đông các linh mục, trước sự hiện diện của khoảng vài chục ngàn tín hữu.

Sau kinh cầu xin ơn Chúa Thánh Thần, ĐHY Angelo Amato, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, tiến lên trước ĐTC và xin ngài ghi tên 4 vị chân phước vào sổ bộ các thánh theo lời thỉnh nguyện của toàn thể các tín hữu Kitô. Rồi ĐHY trình bày vắn tắt tiểu sử 4 vị chân phước.

Đầu tiên là chân phước Jeanne Emilie de Villeneuve, vi sáng lập dòng các nữ tu Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội ở thành Castres bên Pháp. Tiếp đến là nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas, sinh tại Giêrusalem, vị sáng lập Dòng các nữ tu Đa Minh Mân Côi. Thứ ba là nữ tu Mariam Baouardy, dòng Cát Minh ở Bethelehem, một nhà thần bí được mang 5 dấu thánh. Cuối cùng là nữ tu Maria Cristina Brando, người Italia, sáng lập dòng các nữ tu Hy lễ Đền Tạ Chúa Giêsu Thánh Thể.

** Sau lời thỉnh nguyện và giới thiệu của ĐHY Amato, ĐTC đã mời gọi mọi người dâng lên Thiên Chúa lời khẩn nguyện qua lời chuyển cầu của Mẹ Maria và các thánh, với kinh cầu các thánh. Tiếp đến ĐTC đã long trọng đọc công thức phong thánh cho bốn nữ tu chân phước.

ĐTC vừa dứt lời, cộng đoàn vỗ tay nồng nhiệt và ca đoàn cùng cộng đoàn ca bài Jubilate Deo, Hãy tung hô Chúa, hãy hát mừng Chúa.. Trong khi đó, thánh tích của 4 vị tân hiển thánh được rước lên cho ĐTC hôn kính trước khi đặt trên một giá nhỏ phía trước bàn thờ.

Trong bài giảng sau bài Phúc Âm, ĐTC diễn giải ý nghĩa lễ Chúa Thăng thiên và áp dụng vào trường hợp 4 vị tân hiển thánh, những người đã làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Ngài nói:

"Sách Công vụ tông đồ đã giới thiệu cho chúng ta Giáo Hội thời sơ khai trong thời điểm mà Giáo Hội đang tuyển chọn người được Thiên Chúa kêu gọi để thế chỗ của Giu-đa trong hàng ngũ các Tông đồ. Điều này không chỉ đơn thuần đề cập đến một công việc, nhưng là một thừa tác vụ. Và thực sự là, Mát-thia, người bắt trúng thăm, đã nhận lãnh một sứ mạng như thánh Phêrô minh định: “Vậy phải làm thế này [...] một trong những anh em đó phải cùng với chúng tôi làm chứng rằng Người đã Phục Sinh.” (Cv 1, 21-22). Cùng với những lời này, thánh Phêrô đã tóm lược ý nghĩa của việc thuộc về nhóm Mười Hai: đó là làm nhân chứng cho sự sống lại của Đức Giêsu. Lời tuyên bố “cùng với chúng tôi” giúp hiểu rằng sứ mạng loan báo Đức Giêsu đã Phục Sinh không phải là một nhiệm vụ mang tính cá nhân nhưng phải được thực thi trong đường lối mang tính tập thể, cùng với tông đồ đoàn và cùng với cộng đoàn."

ĐTC nói tiếp: “Hôm nay, chúng ta xây dựng nền tảng cho niềm tin của mình vào Thiên Chúa Phục Sinh thông qua chứng từ của các thánh tông đồ vốn đã đụng chạm đến chúng ta thông qua sứ mạng của Giáo Hội. Noi gương các tông đồ, mỗi môn đệ của Đức Ki tô được kêu gọi để trở nên nhân chứng cho sự Phục Sinh của Người, trước hết trong những môi trường nhân loại nơi mà sự lãng quên Thiên Chúa và sự bất lực của con người đang hoành hành mạnh mẽ.

ĐTC giải thích thêm: “Chỉ khi nhận thức được điều này, người ta mới thấy cần phải ở lại trong Đức Kitô Phục Sinh và trong tình yêu của Người, như lời thánh Gioan đã nhắc nhở chúng ta trong bài đọc thứ nhất: “Ai ở lại trong tình yêu thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy” (1 Ga 4, 16).

Áp dụng những điều trên đây vào bốn tân thánh nữ, ĐTC nói:

“Tình yêu này chiếu tỏa nơi chứng từ của nữ tu Giovanna Emilia de Villeneuve, người đã hiến dâng đời mình cho Thiên Chúa và những người nghèo, cho những người yếu đau, tù nhân, và cho những ai bị bóc lột và chị đã trở nên dấu chỉ cụ thể cho chính mình và cho mọi người về lòng tình yêu giàu lòng thương xót của Thiên Chúa. Tương quan với Đức Giêsu Phục Sinh là một “bầu khí” trong đó Kitô hữu sống và tìm thấy sức mạnh để duy trì lòng tin vào Tin Mừng, ngay cả trong những nghịch cảnh và bị hiểu lầm. “Hãy ở lại trong tình thương”: đây cũng là điều mà nữ tu Maria Cristina Brando cũng đã thực thi. Chị đã thủ đắc trọn vẹn một tình yêu nồng cháy dành cho Thiên Chúa khởi đi từ cầu nguyện, thông qua những cuộc gặp gỡ giữa con tim với con tim cùng với Đức Giêsu Phục Sinh, hiện diện trong Thánh Thể, chị đã lãnh nhận uy lực để chịu đựng những đau khổ và hiến dâng chính mình như tấm bánh bẻ ra cho nhiều người đang xa cách với Thiên Chúa và đang đói khát tình yêu chân thực.

Một khía cạnh cần thiết của chứng tá để làm chứng cho Đức Giêsu Phục sinh là sự hiệp nhất giữa chúng ta, những môn đệ của Ngài, như biểu trưng của sự hiệp nhất giữa Thiên Chúa Cha và Đức Giêsu. Và vang vọng trong Tin Mừng hôm nay lời cầu nguyện của Đức Giêsu đêm hôm trước ngày Chịu Nạn: “Xin cho họ nên một như chúng ta” (Ga 17, 11). Từ tình yêu vĩnh cữu này giữa Chúa Cha và Người Con, tuôn trào trong chúng ta thông qua Chúa Thánh Thần (Rm 5,5), sứ mạng và sự thông hiệp huynh đệ của chúng ta có thể kín múc sức mạnh từ đó; từ tình yêu này sẽ luôn luôn tuôn trào một cách mới mẻ niềm vui bước theo Đức Ki tô trong lối nẻo của sự nghèo khó, sự trinh khiết và sự vâng phục của Ngài; và cũng chính tình yêu này kêu gọi ta nuôi dưỡng những lời nguyện chiêm niệm. Nữ tu Maria Baouardy đã trải nghiệm điều này với một phương thức tuyệt diệu, đó là mặc dù hèn mọn và mù chữ, chị đã biết đưa ra những lời khuyên và giải thích mang tính thần học trong sự mạch lạc tuyệt đối, vốn là hoa trái của cuộc đối thoại liên lỉ với Thánh Thần. Sự ngoan ngùy với Thần Khí đã làm cho chị trở nên khí cụ của sự gặp gỡ và sự thông hiệp cùng với thế giới Hồi Giáo. Và ngay cả nữ tu Maria Alfonsina Danil Ghattas cũng đã thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của tình yêu Thiên Chúa được tỏ lộ nơi các tông đồ, nhờ việc chị đã trở nên nhân chứng của sự ôn hòa và sự hiệp nhất. Chị mang lại cho chúng ta mẫu gương rạng ngời về tầm quan trọng của việc hợp nhất chính mình với những người khác, để sống sự phục vụ đối với tha nhân."

Để kết thúc bài giảng, ĐTC nói:

"Hãy ở lại trong Thiên Chúa và tình yêu của Ngài, để loan báo bằng lời nói và đời sống về sự sống lại của Đức Giêsu; để chứng tỏ cho sự hiệp nhất giữa chúng ta và sự bác ái với tất cả mọi người. Đây là điều mà bốn nữ tu được tuyên thánh hôm nay đã thực hiện. Gương sáng rạng ngời của các ngài chất vấn ngay cả đời sống Ki tô hữu của chúng ta. Khi trở về nhà, hãy mang trong mình niềm vui của cuộc gặp gỡ này cùng với Đức Giêsu Phục Sinh; hãy vun trồng trong con tim mình cam kết ở lại trong tình yêu của Thiên Chúa, hãy hiệp nhất với Ngài và giữa chúng ta với nhau, và hãy dõi theo bước chân của bốn nữ thánh này, những mẫu gương của sự thánh thiện mà Giáo Hội mời gọi chúng ta bắt chước.”

Thánh lễ tiến hành như thường lệ. Sau thánh lễ, ĐTC đã chủ sự buổi đọc Kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng. Số tín hữu tham dự tăng thêm hàng chục ngàn người. Trong dịp này ngài đã chào thăm các phái đoàn chính thức từ quốc gia, thành phố và giáo phận nguyên quán của các vị tân Hiển Thánh.
 
Đức Thánh Cha gặp gỡ nam nữ tu sĩ thuộc giáo phận Rôma trong khuôn khổ năm Đời Sống Thánh Hiến
Đặng Tự Do
16:10 17/05/2015
Trong tư cách Giám Mục Rôma, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có buổi tiếp kiến riêng dành cho các nam nữ tu sĩ của giáo phận theo chương trình của năm Đời Sống Thánh Hiến của giáo phận.

Cuộc tiếp kiến đã diễn ra vào sáng thứ Bẩy 16 tháng 5 tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục. Đức Thánh Cha đã ứng khẩu trả lời các câu hỏi khác nhau, từ những căng thẳng của đời sống đan tu đô thị đến các khía cạnh thực tế của sứ vụ linh mục.

Để đáp lại câu hỏi của một nữ tu về sự cân bằng tế nhị giữa sự ẩn dật và sự hiện diện “hữu hình” trong các tu viện, Đức Thánh Cha gọi đó là một “căng thẳng quan trọng, một sự căng thẳng sống động trong tâm hồn của anh chị em; đó là tiếng gọi của Thiên Chúa đối với cả cuộc sống ẩn dật và sự cần thiết phải là một dấu chỉ cụ thể”.

“Nhưng thưa Đức Thánh Cha, những tin tức có nên được nghe trong các tu viện không?”. Đức Thánh Cha nói: “Chắc chắn rồi. Anh chị em phải biết tin tức về những gì xảy ra trên thế giới, ví dụ như chiến tranh, dịch bệnh, bao nhiêu người đau khổ”.

Đức Thánh Cha giải thích thêm như sau: "Ơn gọi của anh chị em không phải là một người ẩn dật; nhưng là ra chiến trường, giống như Môisê với hai bàn tay giơ lên trong lời cầu nguyện trong khi dân tộc chiến đấu '.

Đáp lại một câu hỏi về sự giống nhau giữa tình yêu hôn nhân với tình yêu của đời sống thánh hiến, Đức Thánh Cha nói hai tình yêu ấy là một.

“Có một chiều kích của tình yêu phu phụ trong đời thánh hiến của một nữ tu... ngay cả đối với nam tu, vì Chúa Giêsu kết hôn với Giáo Hội”.

Đề cập đến chủ đề của đức vâng phục, Đức Thánh Cha nhắc lại lời của tông đồ Phaolô về Chúa Giêsu Kitô, Đấng “tự hạ mình, vâng lời cho đến chết, thậm chí chết trên cây thập tự.” Ngài nói “Mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô là một sự vâng phục sinh hoa trái, là mẫu guơng sự vâng phục trong đời sống thánh hiến; vâng phục là biểu tượng cho đường lối của Chúa Kitô.”

Để kết luận, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đề cập đến đời sống thánh hiến như một ân sủng Chúa đã ban trong tâm hồn những người sống đời thánh hiến và là một ân sủng cho thế giới.
 
Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho dân nước Burundi đang trải qua những thử thách nghiêm trọng
Đặng Tự Do
16:54 17/05/2015
Sau thánh lễ tuyên thánh cho 4 nữ Chân Phước tại quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, trong đó ngài đặc biệt kêu gọi các tín hữu cầu nguyện cho dân nước Burundi đang trong một thời kỳ khủng hoảng chính trị nghiêm trọng.

Hàng trăm ngàn người đã phải bỏ nước lánh nạn tại các quốc gia lân bang và phải sống trong những điều kiện tồi tệ. Một cuộc đảo chính đã diễn ra hôm thứ Tư 13 tháng 5 nhưng bất thành.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Vào cuối buổi lễ này, tôi muốn chào đón tất cả anh chị em là những người đã đến đây để tỏ lòng tôn kính các thánh mới, đặc biệt là các đoàn đại biểu chính thức của Palestine, Pháp, Ý, Israel và Jordan. Tôi chào đón với lòng yêu mến các Hồng Y, Giám mục, linh mục, cũng như cơ man những nữ tử thiêng liêng của bốn vị Thánh. Thông qua lời cầu bầu của các ngài, xin Chúa ban cho một động lực truyền giáo mới trên đất nước của các vị. Cầu xin cho các tín hữu Kitô trong những vùng đất này được cảm hứng từ gương sáng của các ngài về lòng thương xót, bác ái, và hòa giải, biết nhìn về tương lai với niềm hy vọng, trong hành trình đoàn kết và chung sống huynh đệ.

Tôi cũng gởi lời chào của tôi đến các gia đình, các giáo xứ, các hiệp hội và các trường học hiện diện hôm nay, đặc biệt là những em vừa được chịu phép thêm sức từ tổng giáo phận Genoa. Tôi nhớ đến cách riêng các tín hữu của Cộng hòa Tiệp, đang quây quần trong đền thờ Thánh Kopeček, gần Olomouc, để kính nhớ chuyến viếng thăm vào hai thập niên trước của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Hôm qua, tại Venice đã diễn ra lễ phong chân phước cho linh mục Luigi Caburlotto, là một mục tử, một nhà giáo dục, và là người sáng lập dòng Nữ Tử Thánh Giuse. Chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì gương sáng của vị mục tử này, là người đã có một một cuộc sống tinh thần và tông đồ thật cao cả, đã tận hiến cho phần rỗi các linh hồn.

Tôi muốn mời gọi tất cả anh chị em cầu nguyện cho những người dân thân yêu của nước Burundi đang trải qua một thời điểm tế nhị: Xin Chúa giúp đỡ tất cả mọi người chạy trốn bạo lực và xin cho mọi người biết hành động có trách nhiệm vì những điều tốt đẹp cho dân tộc.

Với tâm tình con thảo giờ đây chúng ta hãy hướng về Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Giáo Hội, Nữ Vương các Thánh, và mẫu gương của tất cả các Kitô hữu”
 
Thủ tướng Lục Xâm Bảo “kết hôn” đồng tính
Nguyễn Việt Nam
17:43 17/05/2015
Từ trái sang phải Bettel Xavier - Gauthier Bestenay
Thủ tướng Lục Xâm Bảo Bettel Xavier đã chính thức “kết hôn” đồng tính trong một buổi lễ diễn ra tại tòa thị chính của thủ đô Luxembourg vào tuần qua với đối tác đồng tính của ông, là ông Gauthier Bestenay.

Bettel đã trở thành thủ tướng vào tháng Mười Hai năm 2013. Ông là nhà lãnh đạo chính phủ châu Âu thứ 2 “kết hôn” đồng tính, sau bà Johanna Sigurdardottir, từng là thủ tướng Iceland vào năm 2010.

Các quan sát viên ủng hộ hôn nhân truyền thống giữa một người nam và một người nữ tỏ ra quan ngại đặc biệt trước diễn biến này vì Lục Xâm Bảo là quốc gia gần như toàn tòng với hơn 90% dân số là người Công Giáo. Hơn thế nữa, vào ngày 01 tháng 7 tới đây Bettel sẽ đến lượt làm chủ tịch Liên Hiệp Châu Âu.
 
Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran nói: Đối thoại với Hồi Giáo là vấn đề sinh tử vào lúc này
Nguyễn Việt Nam
19:02 17/05/2015
Trong tuần qua, Hội đồng Hội đồng Giám mục châu Âu đã mở một cuộc họp ba ngày tại Tu viện Thánh Maurice ở Thụy Sĩ về vấn đề người Hồi giáo tại châu Âu.

Sau khi nhắc đến cuộc bách hại kinh hoàng mà các Kitô hữu đã và đang phải gánh chịu tại Trung Đông, Đức Hồng Y Jean-Louis Tauran, chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Đối thoại Liên tôn, nói rằng “đối thoại với Hồi Giáo là vấn đề sinh tử hơn bao giờ hết. Thứ nhất, vì đại đa số người Hồi giáo không chấp nhận ra những đường lối man rợ. Thứ hai, là vì việc theo đuổi con đường đối thoại, thậm chí trong bối cảnh bị bách hại, trở thành một dấu chỉ của hy vọng.”

Ngài nói thêm rằng các cộng đồng Hồi giáo tại châu Âu phải “thẳng thắn nói về những kẻ cực đoan và khủng bố là những kẻ đang tìm kiếm tôn giáo như là sự biện minh cho những hành động tàn bạo của họ. Trong mọi trường hợp, câu hỏi phải tự đặt ra là: làm sao tôi có thể vưà là một người Hồi giáo vừa là một người châu Âu?"
 
Tổ chức Ân xá Quốc tế tố cáo tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô tị nạn ở Libya.
Nguyễn Việt Nam
19:12 17/05/2015
Trong báo cáo đưa ra hôm 10 tháng 5, tổ chức Ân xá Quốc tế đã đưa ra một bản phúc trình tố cáo tình trạng thê thảm của các tín hữu Kitô tị nạn ở Libya.

Báo cáo cho biết:

“Tại Libya nơi chiến tranh tàn phá ác liệt, hàng ngàn người nước ngoài, bao gồm cả những người phải lánh nạn và người tị nạn, đã bị bắt cóc để đòi tiền chuộc, bị tra tấn và gánh chịu bạo lực tình dục của bọn buôn người, các tổ chức buôn lậu và các nhóm tội phạm có tổ chức đủ loại”
“Những người thuộc các nhóm tôn giáo thiểu số, đặc biệt là người di cư và tị nạn Kitô Giáo, bị bách hại nặng nề nhất và có nhiều nguy cơ bị lạm dụng nhất bởi các nhóm vũ trang tìm cách thực thi những giải thích chuyên biệt của họ về luật Hồi giáo.”
 
Đức Hồng Y Peter Turkson kêu gọi một sự thay đổi cơ bản về bảo vệ môi sinh
Nguyễn Việt Nam
19:26 17/05/2015
Đức Hồng Y Peter Turkson đã lên tiếng kêu gọi “một sự thay đổi cơ bản” trong thái độ và các chính sách công cộng nhằm bảo vệ môi sinh và giúp đỡ người nghèo. Ngài đã đưa ra lời kêu gọi trên trong một diễn văn hôm 14 tháng Năm tại Đại Hội Đồng Caritas quốc tế kỳ thứ 20.

Đức Hồng Y Turkson, Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình, nói rằng những phát triển kinh tế trong những năm gần đây đã nghiêng hẳn về những “mặt trái của nó với những giá phải trả không thể chấp nhận được.” Ngài chỉ trích sự tồn tại của nạn đói trong một thời đại sung túc, và sự kiện là có “một thế lực đặc quyền” đang kiểm soát hầu hết của cải trên thế giới.

Một thái độ lành mạnh đối với phát triển kinh tế nên bắt đầu với một sự công nhận rằng mọi loài thụ tạo là ân sủng của Thiên Chúa, và “đáp trả đúng đắn khi nhận được ân sủng tuyệt vời như thế phải là lòng biết ơn, tình yêu và sự tôn trọng.” Ngài giải thích rằng con đường này sẽ dẫn đến tình đoàn kết và một sự quản lý kinh tế trong đó kết hợp sự tăng trưởng có trách nhiệm với việc chăm sóc cho môi trường và mối quan tâm đối với người nghèo.

Đức Hồng Y Turkson nhấn mạnh rằng những thay đổi mà ngài thấy là cần thiết không thể đạt được thông qua các chính sách công cộng mà thôi. “Nếu không có sự hoán cải về luân lý và sự thay đổi của con tim thì các quy định, chính sách và các mục tiêu trên thế giới dù tốt đến đâu cũng chẳng có hiệu quả.”
 
Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ nói: Chỉ trong một giáo phận của Nigeria mà thôi đã có 5,000 người Công Giáo bị giết
Nguyễn Việt Nam
22:55 17/05/2015
Trước sự thờ ơ của thế giới, chỉ tại một giáo phận Nigeria mà thôi đã có hơn 5,000 người Công Giáo đã bị giết trong vòng một năm qua bởi bọn khủng bố Boko Haram.

Tại giáo phận Maiduguri, ở đông bắc Nigeria, ít nhất 100,000 người đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo để tránh bạo lực khủng bố, và hơn 350 nhà thờ bị phá hủy. Trong một số trường hợp, nhà thờ bị phá hủy được xây dựng lại, và lại bị phá hủy một lần nữa.

Trái với những tin tức lạc quan do nhiều cơ quan truyền thông đưa ra, tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ cho biết Boko Haram hiện kiểm soát hầu hết các lãnh thổ thuộc giáo phận Maiduguri. Trong số 40 cứ điểm truyền giáo của toàn giáo phận, 22 nơi nằm trong tay bọn khủng bố và phải đóng cửa. Giáo phận có 40 trường tiểu học thì có đến 32 trường nằm trong tay giặc. Có 5 tu viện thì 4 tu viện bị bọn Boko Haram chiếm đóng.

Giáo phận Maiduguri hiện nay có tới 7,000 góa phụ và 10,000 trẻ em mồ côi. Cha Gideon Obasogie, một phát ngôn viên của giáo phận, nói với tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ rằng "mọi người đang rất sợ hãi và những ai có trở về nhà mình thì đều thấy là chẳng còn gì sót lại."
 
Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Don Bosco Thăm Viếng Giáo Xứ Brunswick
Lm Anthony Nguyễn Hữu Quảng sdb
20:03 17/05/2015
Cha Bề Trên Tổng Quyền Dòng Don Bosco Thăm Viếng Giáo Xứ Brunswick: Hãy mở rộng tâm long cho Chúa Giêsu và cho mọi người

Sáng Chúa Nhật lễ Chúa Giêsu Lên Trời 17/5/2015, Cha bề trên Tổng quyền của Dòng Salesian Don Bosco là Angel Artime, trong ba ngày thăm viếng Úc Châu đã tới giáo xứ St Margaret Mary Brunswick để dâng lễ cho giáo xứ và các thành viên trong đại gia đình Salesian…

Xem Hình

Cơ sở Salesian Don Bosco ở Brunswick được thành lập từ năm 1939 gồm có một Trung tâm giải trí miễn phí cho giới trẻ với nhiều trò chơi, thể thao… và một cơ sở nội trú cho sinh viên chứa được 40 em và một cộng đoàn tu sĩ gồm 6 thành viên…
Trong số các sinh viên nội trú cũng có 6 em từ các trại tỵ nạn mà trong đó có hai em Việt Nam từ các trại cấm ở Tasmania và Queensland do chính phủ gửi về để các em học tiếng Anh và hòa nhập vào xã hội chính mạch trong một thời gian thử và trắc nghiệm để có thể cấp cư trú vĩnh viễn cho các em hay gửi trả các em về Việt Nam…

Vào năm 1982 nhà Dòng đã đảm nhận giáo xứ St Margaret Mary’s và từ năm 2007 khi Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng được gửi về làm cha xứ, ngoài cộng đoàn Úc, Ý thì cộng đoàn Việt Nam đã được thành lập… Cộng đoàn Việt Nam này đã mang lại nhiều sinh động và sức sống cho giáo xứ kế cận trung tâm thành phố Melbourne này với một trung tâm Thiên Ân do sơ Marguerite Nguyện phụ trách, các em Việt Nam tới học tiếng Việt mỗi ngày Chúa Nhật và được kèm Toán và Anh văn miễn phí vào các ngày thứ Bảy… Hoà nhập vào đời sống giáo xứ các em trẻ còn được sinh hoạt trong Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian do sơ Thùy Linh và Thày Đạt phụ trách… Ngoài ra giáo xứ còn có nhiều phong trào như Lòng Chúa Thương Xót, Hội Mân Côi, Legio Mariae, Cursillo, Thừa tác viên Thánh thể và đọc sách… Giáo xứ có ba ca đoàn: Ca đoàn trẻ Savio, ca đoàn Mân côi và đặc biệt ca đoàn Don Bosco nổi tiếng không chỉ phục vụ các thánh lễ Việt Nam mỗi Chúa Nhật mà còn hát lễ tiếng Anh cho các lễ quan trọng của giáo xứ…

Trong bài giảng Thánh lễ hôm nay, cha Bề trên cả mời gọi một cộng đoàn đa văn hóa với nhiều nguồn gốc khác nhau đến từ Âu Châu, còn có những nhóm từ Á châu như Việt Nam, Phi luật tân, Miến điện… Hoặc Nam mỹ châu… Ngài mời gọi mọi người hãy mở lòng cho Chúa Giêsu và cho mọi người…

Trong thánh lễ Đoàn Thanh Thiếu Niên Salesian với 30 em đã múa vũ khúc bài “Don Bosco Dream” (Giấc mơ Cha thánh Bosco) thật ấn tượng cho mọi người tham dự… Sau thánh lễ tất cả tham dự bữa ăn trưa… Đây cũng là dịp để nhiều người nhiều nhóm gặp gỡ cha bề trên cả…

Trong Hội trường một lần nữa Đoàn Thanh Thiếu niên Salesian đã trình diễn màn vũ “Mùa Xuân Mới” thật vui nhộn nhưng cũng trữ tình của những cặp trai gái xứ Việt…

Kết thúc buổi thăm viếng của cha Bề trên cả là cuộc gặp gỡ với các em trường Thiên Ân… Cha đã nhắn nhủ 160 em học sinh trường Việt ngữ Thiên Ân hãy sống ngoan và chăm chỉ học hành xây dựng một tương lai cho bản thân và quê hương đất nước Úc lẫn Việt Nam cội nguồn của mình…
 
Đức Giáo Hoàng danh dự phá vỡ sự im lặng với lời tựa trong cuốn sách mới của Đức Hồng Y Bertone
Nguyễn Việt Nam
20:10 17/05/2015
Công việc của một mục tử “không thể bị giới hạn trong Giáo Hội mà thôi”. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã viết như trên trong một lá thư được dùng làm lời tựa cuốn sách mới có tựa đề là “La Fede e il Bene Comune” của Đức Hồng Y Tarciso Bertone. Đây là một diễn biến hiếm hoi kể từ Đức Bênêđíctô thứ 16 thoái vị hôm 11 tháng 2 năm 2013.

Thư của Đức Giáo Hoàng danh dự gởi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone cũng được tóm tắt trong số ra ngày 10 tháng 5 của tờ Quan Sát Viên Rôma.

Trình bày một số suy tư về những công việc chung với Đức Hồng Y Bertone, nguyên là Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh trong triều Giáo Hoàng của ngài, Đức Bênêđíctô thứ 16 nói rằng hai vị đều hiểu rằng công việc của các ngài dành cho Giáo Hội “không thể bị giới hạn đơn thuần trong các hành vi quản trị cụ thể.” Công việc quan trọng hơn của các ngài, là “phục vụ, ngày hôm nay, một cách đúng đắn, Lời của Thiên Chúa: Logos”.

Ngài viết thêm:

“Việc chăm sóc mục vụ không chỉ giới hạn trong việc ban bố các phép Bí Tích và công bố Tin Mừng”. Giáo Hội phải chịu trách nhiệm không chỉ cho những ai xưng mình là người Công Giáo nhưng còn là đối với “thế giới trong tổng thể của nó.”

Đức Giáo Hoàng danh dự cho biết cuốn sách của Đức Hồng Y Bertone đưa ra “những ý tưởng đáng suy nghĩ cho cả những độc giả không phải là một thành viên của Giáo Hội.” Cuốn sách được phát hành bởi nhà xuất bản Vatican.

Kể từ khi thoái vị vào năm 2013, Đức Giáo Hoàng danh dự đã tránh đưa ra các tuyên bố công khai. Ngài là một tác giả rất sung mãn trước cuộc bầu cử Giáo Hoàng năm 2005, nhưng khi về hưu, ngài đã hầu như chấm dứt việc sáng tác.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đồng Công Giáo VN tại Canberra: ''Con có một tổ quốc''
Hồng Việt
09:26 17/05/2015
CĐCGVN Canberra ‘Con Có Một Tổ Quốc’. Hồng Việt

Những ngày cuối tháng Tư, hơn 200.000 người Việt sống lưu vong tại Úc hồi tưởng ngày Sài gòn thất thủ 40 năm trước (1975-2015), dẫn đến việc hàng triệu người liều mình bỏ nước ra đi tìm tự do. Và, trong đó có khoảng 3.500 người Việt đã chọn Canberra, một vùng đất hiền hòa và thơ mộng, làm quê hương. Trong đó, có Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam (CĐCGVN) với hơn 200 gia đình người Việt sống rải rác trên khắp lãnh thổ ACT (Australian Capital Territory).

Các thành viên trong cộng đoàn, có người đã có mặt tại đây rất sớm, khi làm việc tại tòa đại sứ VNCH tại Canberra, rồi biến cố 30 tháng Tư xảy ra, nên đành chấp nhận kiếp sống lưu đầy tại đây. Có gia đình mới chỉ đặt chân đến Canberra hơn một năm và vẫn còn đang sử dụng chiếu khán tạm thời.

Tháng Tư đen trôi qua, tháng Năm lại về, và CĐCGVN tại Canberra có những sinh hoạt đáng ghi nhớ như sau:

1. Trước lãnh sự quán Việt Nam tại Canberra 30-04-2015



2. Hành hương Galong – St Clement’s Redemptorist Monastery.

Đây là một ngôi làng nhỏ hiền hòa nằm giữa hai thị tứ Yass and Harden thuộc tiểu bang New South Wales, cách thủ đô Canberra 110Km, với dân số chỉ vỏn vẹn có 122 người. Galong nhỏ và hẻo lánh, nhưng rất đặc biệt vì có hang Đức Mẹ linh thiêng. Hàng năm CĐCGVN cùng với các cộng đoàn sắc tộc bạn như: Nam-hàn, Nam-dương, Nam-tư, Ý-đai-lợi, Phi-luật-tân, Ấn-độ và cả cộng đoàn chính mạch Úc cùng quy tụ về đây tham dự thánh lễ, rước kiệu Đức Mẹ và cầu nguyện từ 11 giờ sáng đến 3 giờ chiều. Trong thánh lễ, và cuộc rước kiệu Đức Mẹ, các lời kinh nguyện, có phần đọc bằng nhiều thứ tiếng, nghe rất lạ, tha thiết và thánh thiện, mà khách hành hương ai cũng cảm nhận được. Thời tiết tại Galong trong ngày hành hương năm nay rất đẹp, nắng ấm với bầu trời trong xanh như tô vẽ thêm cho bức họa đồng quê Galong vốn đã đẹp lại càng tươi thắm hơn! Sau khi rước kiệu đến đỉnh đồi, cha phụ trách hành hương tuyên bố bế mạc mà mọi người còn nán lại một thời gian nữa, rồi mới lưu luyến chia tay.

3. Học Giáo Lý & Sinh Hoạt TNTT hàng tuần

Có thể nói CĐCGVN Canberra là một trong những cộng đoàn nhỏ bé nhất tại Úc châu, nhưng hàng tuần vẫn có Thánh lễ tiếng Việt và các lớp Giáo Lý cho các em TNTN trong mọi độ tuổi. Ngoài ra, còn có lớp Xưng Tội và Rước Lễ lần đầu do Soeur Maria Katrina Phạm Thị Thụ, Dòng Trinh Vương, đang làm việc tại Tòa Khâm Sứ, hướng dẫn. Lớp Thêm Sức do chính Cha Tuyên Úy Phêrô Bùi Xuân Mỹ phụ trách. Đây là một ân huệ rất lớn cho các gia đình Công Giáo Việt Nam tại Canberra, các em may mắn được Cha và Sơ dạy dỗ trong nhiều năm và các lớp giáo lý được giảng dạy bằng song ngữ Anh-Việt, làm nền tảng sống đạo cho các thế hệ sinh ra và lớn lên tại xứ người , trong tinh thần bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ Việt.

4. Lớp Xưng Tội và Rước Lễ Lần Đầu

Chúa Nhật 10-05-2015, cũng là Ngày Nhớ Ơn Mẹ, trong cộng đoàn có bốn em được Xưng Tội và Rước Lễ Lần Đầu.

Nguyễn Ngọc Gia Hân , Nguyễn lyna, Mai Thanh Vincent, Đỗ Khánh Huyền Trang

5. Lớp Thêm Sức

Chúa Nhật 17 tháng Năm, trong số 60 em được Đức Tổng Giám Mục Christopher Prowse ban bí tích Thêm Sức tại nhà thờ Thánh Tôma Tông-đồ, có bốn em trong CĐCGVN, là các em: Mai Hồng Anna, Đỗ Khánh Huyền Trang, Đỗ Khánh Minh Hiền và Huỳnh Matthew. Nguyện xin Chúa Thánh Thần ban sức mạnh và gìn giữ các em.

6. Dâng Hoa kính Đức Mẹ

Đội Dâng Hoa-Nến-Hương gồm ba thế hệ, đại diện cho giới cao niên, trung niên và giới trẻ - sinh ra và lớn lên tại Úc nhưng đọc tiếng Việt rất chuẩn. Phải kể đến các chị trong Ban Giáo Lý chuẩn bị chu đáo và tập luyện rất công phu để có được buổi dâng hoa rất đẹp và thánh thiện, làm người tham dự xúc động và như lạc vào cõi thiên đường!

Đây là Lời nguyện khai mạc dâng Hoa được cháu Nguyễn Thảo Nhi, ông Trần Công Ngô, và cô Phạm Thị Ngọc Chi diễn đọc vào cuối thánh lễ Chúa Nhật 10-05-2015:

“Kính thưa Cha, quý Sơ và quý Cộng Đoàn. Hòa chung niềm vui với Giáo Hội trong tháng Hoa, và cùng với muôn vàn tâm hồn kính mến Mẹ Maria - là Mẹ của toàn thể Giáo Hội, và cũng là Mẹ của mỗi người chúng ta, chúng con xin kính mời Cha, quý Sơ và quý Cộng Đoàn, hiệp lòng hướng về Mẹ Maria để tôn vinh Mẹ, và để cầu nguyện cho mỗi người chúng ta, đặc biệt là cho những người mẹ trong ngày Hiền Mẫu hôm nay.

Lạy Mẹ Maria, tháng Năm tháng Hoa của Mẹ lại trở về, với tâm tình yêu mến, cảm tạ và tri ân, Cộng Đoàn chúng con xin dâng lên Mẹ những Chuỗi Mân Côi được đan kết bằng đôi tay, và lòng yêu mến của những người con nơi phương xa, đang hướng về Mẹ. Giờ đây, tâm hồn chúng con hân hoan reo vui lời chào: “Kính mừng Mẹ Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Mẹ, Mẹ có phúc lạ hơn mọi người nữ”. Lạy Mẹ Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết siêng năng lần hạt như lời Mẹ dạy, để lời kinh Mân Côi của chúng con trở nên những vòng hoa thiêng, tiến dâng lên Mẹ hiền và Đức Giêsu con lòng Mẹ.

Những ngọn Nến sáng lung linh trên đôi tay nhỏ bé, tượng trưng cho muôn vàn ánh sao tỏa sáng trên triều thiên vinh quang Thiên Chúa đã ban tặng cho Mẹ. Xin Mẹ soi sáng, dẫn dắt chúng con luôn kiên tâm đi theo đường ngay nẻo chính.

Hương trầm chúng con dâng, tựa như những áng mây bay về Thiên Quốc, nơi Mẹ đang được hưởng hạnh phúc, mà Thiên Chúa đã hứa ban cho những ai yêu mến Ngài. Lạy Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin Mẹ tỏa hương Thiên Đàng để xua đuổi những ô uế trong tâm hồn chúng con, và ướp cuộc đời chúng con trong hương thơm nhân đức của Mẹ.

Những cánh hoa thắm xinh chúng con dâng, như muôn lời ngợi khen, ca vang nhân đức cao vời của Mẹ: một đời tín trung như sắc vàng, hy sinh chịu đựng như màu tím buồn, khiết trinh như màu hoa trắng ngần, rực cháy tình yêu như màu đỏ thắm, và xanh ngát một màu tin yêu, hy vọng nơi Thiên Chúa. Xin Mẹ thêm sức và hướng dẫn chúng con luôn can đảm, kiên trì noi theo gương lành của Mẹ.

Mẹ ơi, đây những đóa hoa lòng đơn sơ, chân thành và đượm tình yêu mến. Gói trọn những hy sinh, bác ái, việc lành phúc đức và cả những thiếu sót, yếu đuối của chúng con. Chúng con xin dâng lên Mẹ. Xin Mẹ thương nhận, chúc lành và thánh hóa tâm hồn chúng con.

Tháng Năm tươi thắm muôn hoa,

Xanh vàng trắng đỏ, đậm đà sắc hương.

Lòng thành, tin cậy mến thương,

Trước nhan thánh Mẹ, khiêm nhường tiến dâng.”

Là người Công Giáo Việt Nam, dù trôi dạt nơi góc biển chân trời nào, chúng con mãi nhớ về quê hương, và luôn nguyện cầu cho dân tộc Việt Nam sớm thoát nạn cộng sản vô thần , để người dân thực sự được hưởng một nền dân chủ, tự do, công bình và nhân ái. Chúng con nhớ mãi lời nhắn nhủ của Đức Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận qua bài Con Có Một Tổ Quốc

Tiếng chuông ngân trầm,

Việt Nam nguyện cầu.

Tiếng chuông não nùng,

Việt Nam buồn thảm.

...

Con có một tổ quốc Việt Nam,

Quê hương yêu quí ngàn đời.

Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam, xin cho quê hương chúng con sớm thanh bình và không bị rơi vào thời kỳ bắc thuộc một lần nữa!

Hồng Việt – Canberra, 17-05-15
 
Thăm làng phong xã Ia Ake - Phú Thiện - Gia Lai
Huệ Minh
09:37 17/05/2015
Thăm làng phong xã Ia Ake - Phú Thiện - Gia Lai

Như cơn gió vô tình, chúng tôi được đặt chân đến xã Ia Ake. Ia Ake là một xã thuộc huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai, Việt Nam.

Giữa cơn mưa lất phất hẳn nhiên đường vào làng dân tộc sẽ là một điều cản trở. Thế nhưng lòng người vẫn vượt qua những khó khăn của thời tiết và thậm chí cả sự cản trở của con người để đến những nơi nghèo lại nghèo thêm do bệnh tật.

Xem Hình

Cha Giuse Trần Minh Chính phục vụ cho làng dân tộc Plei AThai cũng là cha phục vụ cho làng dân tộc phong mà chúng tôi đến dâng Lễ, thăm, chia sẻ. Cha cho biết đồng cảm với thân phận của những người nghèo và bị bỏ rơi đặc biệt là những người bị bệnh phong nên quý soeur dòng Thánh Phaolô đã hiện diện ở làng phong này.

Ngoài việc lo giúp đỡ về vật chất, mục vụ. .. các soeur đặc biệt chú tâm đến sức khỏe. Hàng tuần, sau Thánh Lễ Chúa Nhật, cộng đoàn ở làng phong này không phân biệt tôn giáo cùng quây quần bên các soeur để nhận những phần thuốc dành cho mình.

Hình ảnh thật dễ thương và cảm động in vào mắt chúng tôi là họ - những người dân tộc Jrai - được xem là người "ít văn hóa" nhưng họ nhường nhau để nhận thuốc, nhận sự chia sẻ của các soeur. Hẳn nhiên để được như thế này họ cũng cần được sự hướng dẫn, chỉ dạy và cố gắng của bản thân. ..

Tham dự Thánh Lễ, nhìn đâu đó hình ảnh của những bệnh nhân phong cũng như các trẻ nhỏ được mẹ bồng bế trên tay thật dễ thương. Giữa cuộc sống phát triển như thế này mà lại còn có những người nghèo như thế này thì quả thật là một điều đáng suy nghĩ. .. Không biết đến chừng nào họ được sống, họ được hưởng những gì gọi là xứng với nhân phẩm của một con người thật sự. Cái nghèo, cái đói, cái khổ cứ bám víu họ mãi như không chịu buông tha.

Một thoáng về với người nghèo, với người bệnh phong. .. chúng tôi lại cảm nhận mình được hạnh phúc rất nhiều so với họ. Nhìn những mảnh đời như thế lẽ nào lại than thân trách phận khi mình quá đầy đủ chăng ?

Tạ ơn Chúa ! Tất cả là hồng ân vì những ơn lành mà Chúa ban cho mỗi người chúng ta.

Huệ Minh
 
Truyền thông Phú Cường tham dự Đại Hội Truyền Thông lần Thứ 49 tại Xuân Lộc
Nguyễn Phượng – Lộc Sơn
09:50 17/05/2015
Truyền Thông Phú Cường Tham Dự Đại Hội Truyền Thông lần Thứ 49 tại Xuân Lộc

BAN MỤC VỤ TRUYỀN THÔNG XUÂN LỘC- MỸ THO- PHAN THIẾT- PHÚ CƯỜNG- SÀI GÒN TỔ CHỨC NGÀY THẾ GIỚI TRUYỀN THÔNG LẦN THỨ 49 tại Gíao phận Xuân Lộc ngày 16-5-2015

Các anh chị em Ban Truyền Thông giáo phận Phú Cường đã qui tụ về Nhà Chung giáo phận Phú Cường vào lúc 19g ngày 15-5-2015 cầu nguyện chung với nhau, theo Tin Mừng (CN VII PS, B) Lễ Thăng Thiên, với chủ đề: CÓ CHÚA CÙNG HOẠT ĐỘNG

Xem Hình

Xin Chúa Thánh Thần hiện diện nơi tâm hồn mỗi người, cùng hướng lòng lên Thiên Chúa là Đấng Tối Cao thống trị khắp địa cầu.

Rạng sáng ngày 16-5-2015 Ban Truyền Thông Gíao Phận Phú Cường đã có mặt tại Tòa Gíam Mục Gíao phận Xuân Lộc vào lúc 7g với tâm trạng phấn khởi trong bộ đồng phục mới, chào mừng ngày Lễ Chúa Thăng Thiên- bổn mạng giới Truyền Thông.

Lúc 7g30 trên sân Tòa Gíam Mục giáo phận Xuân Lộc rộn rã tiếng nói cười, những bước chân hối hả của các nhóm Truyền Thông giáo phận Xuân Lộc, Phan Thiết, Mỹ Tho, Phú Cường, Sài Gòn và chia thành 10 vòng tròn, mỗi vòng tròn có thành viên của cả 5 giáo phận. Mỗi nhóm có nhóm trưởng sinh hoạt giới thiệu tên từng thành viên: nghề nghiệp, giáo xứ, chuyên môn; cùng nhau sinh hoạt hát múa, chụp ảnh lưu niệm để mọi người có dịp làm quen với nhau trong những khoảnh khắc đáng nhớ, dưới không gian sinh động nhưng không kém phần thơ mộng của Tòa Gíam Mục, Đại Chủng viện giáo phận Xuân Lộc

Đến 8g30 Ban Mục vụ Truyền Thông tiếp đón khách mời vào Hội trường và ổn định chỗ ngồi. Tập hát múa bài ca chủ đề của ngày Truyền Thông Xă Hội lần thứ 49 " Sứ Mạng Chúa trao". Qua lời giới thiệu long trọng của MC, Đại hội diễn ra hoành tráng trong niềm hân hoan của mọi người

8g30 Đại hội chào đón các Đức Gíam mục, giới thiệu Tham dự viên và chương trình " Cung nghinh Lời Chúa" do cha Gioan Trần Ngọc Bảo- phó ban Truyền Thông giáo phận Xuân Lộc phụ trách

-Rước Lời Chúa( Cộng đoàn hát: Truyền Thông trong đêm)

-Công bố Lời Chúa

Cộng đoàn cầu nguyện khai mạc hát múa với cả tâm tình trong cử điệu "Tâm ca Truyền Thông" của Linh mục Giuse Vũ Hữu Hiền- Tổng thư ký Ủy Ban Mục Vụ Truyền Thông, trực thuộc Hội Đồng Gíam mục Việt Nam. Cả Đại hội tưng bừng chào đón Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh- Gíam mục giáo phận Xuân Lộc chủ sự tuyên bố khai mạc ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 49:"Truyền Thông trong gia đình, nơi dành riêng để gặp gỡ với quà tặng tình yêu" thật long trọng, không kém phần trang nghiêm. Gương mặt 650 thành viên tham dự vui tươi và thật sự xúc động với sứ mệnh cao cả mà Chúa trao cho mỗi người, chung chia sứ mạng Loan Báo Tin Mừng của Ngài khắp thế gian.

Vào lúc 9g30 báo cáo của quý cha Đặc trách Truyền Thông của các Gíao phận. Nhìn chung từng nơi đều có những điểm mạnh và mặt yếu riêng: mỗi giáo phận có chương trình hoạt động sôi nổi tùy theo vùng miền, và hoạt động chưa đều ở các Giáo hạt; những người có khả năng viết tốt rất hiếm hoi, nhưng nhờ ơn Chúa, Lĩnh vực Truyền Thông đang trên đà phát triển tốt.

Phần trao giải thưởng cuộc thi Ảnh "Nhịp Sống Đạo". Ban tổ chức cám ơn 35 tác giả đã tham dự, trình chiếu phần chấm giải, và kết quả ảnh bộ chỉ có giải ba và hai giải khuyến khích.

Ảnh đơn có giải nhất, nhì, ba và 5 giải khuyến khích do Sơ T. Sơn Nữ Duyên Sa công bố, và vinh dự được Đức Cha Đaminh trao giải cho các tác giả đạt giải.

Những Tiểu phẩm của các dòng Mến Thánh Gía Xuân Lộc" Đồng hành cùng Mẹ" với nội dung cuộc viếng thăm của Đức Mẹ với bà Êlisabét( Lc 1, 39-56) mở đầu Sứ Điệp Truyền Thông lần thứ 49 của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đức Cha Giuse Đinh Đắc Đạo- Gíam mục phụ tá GP Xuân Lộc huấn giảng: Truyền thông trong gia đình là sự thông truyền gặp gỡ, cổ võ khích lệ tình yêu lớn lên, nơi lời ru của bà, lời dạy của mẹ khi còn bé, và gương sáng của bậc sinh thành cho con cái đến lúc lớn khôn. Tình yêu diễn tả sự bao bọc của người mạnh đối với kẻ yếu, sự chuyển tải Lời cầu nguyện từ thế hệ này sang thế hệ khác; sống an bình trong những giới hạn và bất toàn của con người, được duy trì như một dòng suối chảy không ngừng. Những ví dụ của Đức Cha thật giản dị, gần gủi, cuốn hút cộng đoàn lắng nghe, dẫn dắt mọi người vào sứ điệp Thánh Cha Phanxicô cách ngoạn mục.

Cha Giuse Vũ Hữu Hiền đề ra Truyền Thông năm mới: Học lại cách nói chuyện với nhau, chia sẻ câu chuyện đời mình cách khôn ngoan kinh nghiệm sống đẹp, sống đạo, thông công đức tin qua các phương tiện đơn giản: điện thoại, vidéo clip và YouTube, vì "Trăm nghe không bằng mắt thấy"

Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu với vũ khúc hoành tráng trong tình yêu Ba ngôi Thiên Chúa trước khi biết con, Ta đã chọn con từ trong Lòng Mẹ cho cộng đoàn phút thư giản.

Giờ giải lao, mọi người tiếp xúc cá nhân trong bầu không khí vui tươi.

Thánh Lễ, là đỉnh cao của ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 49 do Đức Cha Đaminh chủ tế với 35 Linh mục đồng tế, trong tiếng kèn thổi vang hòa vào sự xúc động được hiệp dâng Thánh lễ với các bạn Truyền Thông của các Gíao phận đã qui tụ về đây. Hình ảnh "bay lên" của ngày Chúa Nhật Lễ Chúa Thăng Thiên làm các người Galilê đứng mãi trong đoạn Tin Mừng thánh Maccô, thực sự sống động trong tim mỗi người làm công tác Truyền Thông, đòi hỏi sự dấn thân và hết lòng phục vụ, với khả năng Chúa ban cho từng người, cũng như cách được Ngài mời gọi khác nhau trong sứ vụ Loan Báo Tin Mừng, dám ra khỏi con người của mình, cầu nguyện và tận tâm trong sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần.

Sau Thánh lễ, mọi người dùng cơm thân mật tại Hội trường, nhận quà và ra về. Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 49 khép lại vào lúc 1g30 trong tâm tình tạ ơn và biết ơn Thiên Chúa Ba Ngôi toàn năng đã qui tụ chúng con về đây được sống, được hiệp thông và chia sẻ vơi nhau trong ngày Truyền thống này. Xin cảm ơn Ban Tổ chức Mục Vụ Truyền Thông Liên giáo phận, cách riêng Gíao phận Xuân Lộc đã tạo điều kiện cho chúng con đến và mang trong tim sứ mạng dấn thân phục vụ như Chúa KiTô đã phục vụ hết mình. Thân chúc các bạn Truyền Thông luôn hăng say đi Loan Báo Tin Mừng cho danh Chúa cả sang.

Nguyễn Phượng – Lộc Sơn
 
Năm Giáo Phận tham dự Ngày Thế giới Truyền thông lần 49 tại TGM Xuân Lộc
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
13:09 17/05/2015
XUÂN LỘC - Ngày Thế Giới Truyền Thông lần thứ 49 năm nay với chủ đề: “Truyền thông trong gia đình, nơi dành riêng để gặp gỡ với quà tặng tình yêu” được tổ chức tại khuôn viên Tòa Giám mục Xuân Lộc vào sáng thứ Bảy ngày 16-05-2015. Đức Cha Đaminh Nguyễn Chu Trinh - Giám mục Giáo phận Xuân Lộc, Đức Cha Phụ tá Giuse Đinh Đức Đạo, Cha Giuse Vũ Hữu Hiền - Tổng Thư ký UBMVTT trực thuộc HĐGMVN, Quí Cha trưởng ban Truyền thông của 5 Giáo phận và quí Cha khách, cùng quí Tu sĩ nam nữ thuộc các Dòng tu và khoảng 650 các anh chị em đang làm công tác truyền thông của 5 Giáo phận: Xuân Lộc, Sài gòn, Phan Thiết, Phú Cường và Mỹ Tho cùng hội ngộ.

Hình ảnh

Lúc 7g30, các tham dự viên được chia thành 10 nhóm, tắt bắt mặt mừng, làm quen, giao lưu sinh hoạt và chụp hình lưu niệm. Sau đó mọi người tiến vào hội trường để khởi đầu ngày gặp gỡ.

Hai MC Văn Quýnh và Thảo Quyên dẫn chương trình thật chuyên nghiệp.

Hôm nay, chúng con qui tụ về đây, gồm các thành viên MVTT của 5 giáo phận, cùng gặp gỡ nhau, long trọng cử hành “Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 49” theo lời mời gọi của Giáo Hội. Thứ nhất là để cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho chúng con được ơn làm ngôn sứ bằng những phương tiện truyền thông hiện đại. Đây là dịp để chúng con cùng nhau học hỏi Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền Thông của Đức Giáo Hoàng, nhờ đó chúng con tìm ra phương cách hoạt động cho năm sau. Ngày cử hành Thế giới Truyền Thông còn là sự kiện để chúng con gặp gỡ, giao lưu và trao đổi kinh nghiệm giữa những người làm công việc truyền thông.Qua đó, chúng con động viên lẫn nhau, cùng chu toàn bổn phận truyền thông của chúng con theo gương mẫu truyền thông trọn hảo của Đức Kitô.Thực hiện công tác MVTT là việc thông chuyển cho mọi người niềm vui và bình an của Chúa Kitô Phục Sinh. Niềm vui và bình an đó chính là động lực thúc đẩy chúng con dấn thân mạnh mẽ trong sứ vụ loan báo Tin Mừng.

Mở đầu cho ngày hội ngộ là phần cung nghinh Lời Chúa do Cha GB Trần Ngọc Bảo, Phó Ban Truyền thông Gp Xuân Lộc chủ sự. Sau đó, cộng đoàn múa cầu nguyện với bài "Tâm Ca Truyền Thông".

Tiếp đến Đức Cha Đaminh chào thăm với đôi lời huấn từ và tuyên bố khai mạc. Ngài động viên, hãy cố gắng hơn nữa trong việc truyền thông tình yêu của Chúa cho mọi người. Cộng đoàn cùng múa bài "Sứ mạng Chúa trao" như là lời mời gọi các thành viên MVTT hãy đón nhận sứ vụ loan báo tình yêu của Chúa đặc biệt năm truyền thông trong gia đình.

Lần lượt quí Cha Trưởng ban MVTT của 5 giáo phận tường trình những thành quả truyền thông trong những năm qua. Sau đó Nữ tu Duyên Sa tổng kết cuộc thi cuộc thi ảnh "Nhịp Sống Đạo 2015". Kết quả trao giải dành riêng cho anh chị em MVTT, gồm hai thể loại ảnh đơn và bộ ảnh. Dù thời gian dự thi ngắn (45 ngày) song đã thu hút đáng kể người tham dự. Kết quả như sau:

- Thể loại ảnh Bộ chỉ có Giải Ba (Tác phẩm “lễ Lá tại nhà thờ Pleichet” của tác giả Gioan Baotixita Phạm quốc Hưng (Xuân Lộc) và 2 giải khuyến khích;

- Thể loại ảnh đơn, giải Nhất cho tác phẩm ‘Lắng đọng’ (tác giả Anna Nguyễn Thị Tình, Xuân Lộc); giải Nhì cho tác phẩm ‘khoảnh khắc’ (tác giả Giuse Maria Tam Thanh Tuấn (Sài Gòn); giải Ba cho tác phẩm ‘Đời con một chuỗi Mân côi” (tác giả Giuse Đoàn Văn Luyến (Xuân Lộc) và 5 gải khuyến khích.

Sứ điệp truyền thông của ĐTC Phanxicô được trình bày cách sáng tạo qua 3 phần. Tiểu phẩm “đồng hành cùng Mẹ” do Hội dòng MTG Xuân lộc trình bày, diễn tả sự cần thiết của nội dung sứ điệp. Đức Cha Giuse nói đến niềm vui được đón tiếp con cái của Chúa khắp nơi tề tựu về Xuân lộc, đây là quà tặng của Chúa Thánh Thần. Ngài phân tích sứ điệp. Đưa tin khác với truyền thông. Truyền thông luôn có hồn tình yêu. Truyền thông từ trong gia đình, đó là nơi gặp gỡ Thiên Chúa tình yêu và từ đó đi ra với tha nhân.Phần thứ ba là tiểu phẩm “Sức sống” do Hội dòng MTG Xuân lộc trình bày, diễn tả hoa trái tốt đẹp khi áp dụng sứ điệp.

Cha Giuse Vũ Hữu Hiền tóm kết những định hướng của Hội ngộ truyền thông (tháng 3.2015) vừa qua và nêu những áp dụng cụ thể cho công tác truyền thông sắp tới tại các giáo phận. Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Linh Mục, hát múa bài “Sứ mạng Chúa trao” và ‘Dấn Thân Truyền Thông”, khép lại phần giao lưu học hỏi.

Sau giờ giải lao, cộng đoàn bước vào Thánh Lễ mừng kính Chúa Giêsu Lên Trời. Đức Cha Đaminh chủ tế, cùng đồng tế có Quí Cha Quản hạt trong GpXuân Lộc, Quí Cha đặc trách truyền thông và Quí Cha khách. Cha Đaminh Ngô Công Sứ (Trưởng Ban TT Gp Xuân Lộc và trưởng ban Tổ Chức) giảng lễ.

Sau Thánh lễ, mọi người chia sẻ bữa cơm huynh đệ tại nhà cơm TGM Xuân lộc.

Ngày thế giới truyền thông lần thứ 49 được tổ chức liên giáo phận, một sáng kiến giúp nhiều thành viên đang làm mục vụ truyền thông có dịp gặp gỡ giao lưu. Những nụ cười thân thiện, những lời hỏi han trao gởi, những câu chuyện hàn huyên, những gì học hỏi được của ngày gặp gỡ hôm nay tiếp tục được chia sẻ cho nhau qua email qua facebook qua điện thoại… để niềm vui truyền thông tình yêu được lan tỏa đến mọi người.

Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Trong Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội lần thứ 49, Đức Thánh Cha Phanxicô viết: “Ngày nay các phương tiện truyền thông hiện đại, vốn là một phần thiết yếu của cuộc sống, cách riêng đối với những người trẻ”. Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống gọi những người làm truyền thông là những thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới vì họ luôn gắn bó với một phương tiện mới.Nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại này, Người sẽ dùng internet để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền thông đầu tiên, vĩ đại, đại tài vì sứ điệp của Người là Tin Mừng, là tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu có mạng lưới gồm các Tông đồ thông truyền Tin Mừng cho nhân loại. Qua các môn đệ,Tin Mừng được loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.Chúa Giêsu không có các phương tiện hiện đại, Người có các Tông đồ, các môn đệ, các thế hệ nối tiếp nhau như mạng lưới phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.

Các thành viên mục vụ truyền thông tại các giáo phận là mạng lưới thông truyền Tin Mừng. Xin cho mọi người biết sử dụng các phương tiện hiện đại với đức tin với lòng yêu mến, góp phần truyền thông Tin Mừng tình yêu của Thiên Chúa cho tha nhân.
 
Đồng hương Trà Kiệu Đà Nẵng về bên Mẹ
Gioan Lê Quang Vinh
11:56 17/05/2015
“Lạy Chúa, chúng con về từ bốn phương trời”. Lời ca vang lên giữa đại hội rộn ràng và thôi thúc. Từ mấy năm nay, cứ đến tháng Hoa của Mẹ, thì con cái Đức Mẹ Trà Kiệu xa quê là những người tín hữu sống ở Sàigòn và các tỉnh miền Nam, nô nức tụ họp để tạ ơn Chúa, mừng Mẹ Trà Kiệu, gặp gỡ vị chủ chăn của giáo phận, và cùng gặp gỡ nhau.

Năm nay đặc biệt hơn vì là năm kỷ niệm 130 năm Đức Mẹ hiện ra tại Trà Kiệu để cứu đoàn con khỏi các cuộc tấn công của quân Văn Thân bách Đạo (1885-2015).

Trong niềm vui tri ân và kính mừng Mẹ, con cái Mẹ từ nhiều nơi đã quy tụ về nhà thờ Bình Thuận, hạt Tân Sơn Nhì từ sáng, có người phải đi xa cả trăm cây số, trong số đó có những ông cụ rất cao niên.

Ngày họp mặt năm nay không có điều kiện để thực hiện vào ngày nghỉ Lễ 1/5 như mọi năm, mà phải dời đến thứ bảy 16/5, nên số người tham dự không đông đúc như Ban Tổ Chức mong đợi. Tuy nhiên, có một điều không thay đổi, là lòng nhiệt thành với quê hương và lòng yêu mến Mẹ của những con người gốc miền Trung chất phác.

Sau khi gặp gỡ thăm hỏi nhau như ngày Tết ở quê nhà, cộng đoàn tham dự vui mừng chào đón Đức Cha Giuse Châu Ngọc Tri, Giám Mục Chính Tòa Đà Nẵng. Cùng đến với ngày họp mặt di dân với Đức Cha, có Cha Tổng Đại Diện Phaolô Maria Trần Quốc Việt, Cha Gioan Nguyễn Văn Hoàng Quản xứ Trà Kiệu, Cha Gioan Baotixita Trần Ngọc Tuyến, Cha Gioan Baotixita Nguyễn Công Thủy, Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Phi, và Cha đặc trách di dân Đà nẵng tại miền Nam Phaolô Hồ Quang Phúc.

Cộng đoàn dân Chúa xa quê vui mừng quây quần chung quanh Đức Cha và các Cha trong giáo phận, vừa vui mừng thấy dường như mình như đang sống trong Giáo phận nhà, vừa cảm động vì sự quan tâm mục tử của các vị chủ chăn ở quê hương dành cho mình.

Đức Cha đã dành cho cộng đoàn gần hai giờ đồng hồ gặp gỡ thân tình. Ngài cởi mở và vui vẻ ban huấn từ, trò chuyện và trả lời những câu hỏi của con cái xa quê. Cộng đoàn nhớ lại 5 năm trước, trong thư mục tử số 4 năm 2010, Đức Cha Giuse viết: “Người mục tử có lúc đi trước, có khi đi sau, thậm chí có những hoàn cảnh phải đi giữa đàn chiên, tùy sự an nguy của đàn chiên đến từ đâu”

Điều ngạc nhiên là ba năm sau, trong Huấn Từ Về Tác Vụ Giám Mục tháng 9 năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô nói: Hiện diện mục vụ có nghĩa là đồng hành với dân Thiên Chúa: đó là đi trước để chỉ đường, chỉ lối; đi ở giữa để giúp dân tăng cường sự hiệp nhất; đi sau, hoặc là để không ai bị lọt lại đàng sau, nhưng nhất là để nghe ngóng học hỏi nơi dân Thiên Chúa hầu có thể tìm ra được những con đường mới mẻ.

Mỗi khi đón tiếp, gặp gỡ mục tử của mình, dân Chúa cảm nghiệm sống động Chúa Giêsu Mục Tử đang đồng hành với mình, và xét ở ý nghĩa này, việc họp mặt đồng hương thật sự thúc đẩy đời sống thiêng liêng của dân thánh. Hôm nay Đức Cha và các vị mục tử đang đi giữa đàn chiên để củng cố sự hiệp nhất và đời sống đức tin của họ.

Sau bữa tiệc agapè thân tình buổi trưa, cộng đoàn vui vẻ rộn ràng với những tiết mục văn nghệ do Cha Phêrô Nguyễn Ngọc Phi “dàn dựng”, chính ngài làm MC, biểu diễn từ ca nhạc đến ảo thuật,với sự cộng tác của các ca sĩ “cây nhà lá vườn” nhưng không kém chuyên nghiệp, làm cho cái nắng nóng oi nồng của trưa tháng Năm như dịu đi một chút.

Trong buổi họpmặt, cộng đoàn vui mừng đón tiếp Cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận Sàigòn và cha Tổng Thư Ký Ủy Ban Mục Vụ Di Dân Giuse Ðào Nguyên Vũ. Hai Cha lần lượt trình bày về Niềm Vui Sống Đạo và ý nghĩa di dân một cách sinh động, giúp cộng đoàn ý thức hơn về sứ mạng và cung cách sống Đạo của mình.

Trung tâm của ngày họp mặt là những nghi thức phụng vụ và đạo đức buổi chiều. Cha Tổng Đại Diện và Cha Đặc trách Di Dân phụ trách giờ chầu Thánh Thể và lần hạt chung, sau đó là phần cung nghinh Đức Mẹ long trọng, sốt sắng.

Buổi họp mặt kết thúc bằng Thánh Lễ đồng tế cầu nguyện cho người di dân và giáo xứ Bình Thuận do Đức Cha Giuse chủ sự. Các nghi thức có sự hiện diện đông đúc của cộng đoàn dân Chúa tại địa phương.

Chia tay nhau, con cái Mẹ hẹn gặp nhau năm tới. Trong lời cám ơn cuối Thánh Lễ, Cha đặc trách di dân Đà nẵng tại miền Nam Phaolô Hồ Quang Phúc bày tỏ lòng tri ân Đức Cha, Cha chánh xứ Bình thuận và quý Cha cùng toàn thể cộng đồng dân Chúa.

Xin Mẹ Trà Kiệu đưa tay nâng đỡ chúng con từng ngày như ngày xưa Mẹ đã che chở phù trì con cái Mẹ.
 
Thông Báo
Phân Ưu: Nhạc mẫu anh Vũ Văn An, Biên tập viên VietCatholic, qua đời
LM Trần Công Nghị
21:58 17/05/2015
PHÂN ƯU

Trong niềm tin vào Chúa Kitô phục sinh

chúng tôi nhận được tin:



Bà Quả Phụ Nguyễn Văn Chính

(nhũ danh Têrêxa Trần Thị Ý

Nhạc mẫu Ông Vũ Văn An thành phần Ban biên tập VietCatholic)


sinh năm 1922 tại Nam Định

về nhà Cha trên Trời ngày 16 tháng 5, năm 2015,

hưởng đại thọ 94 tuổi.

Thánh lễ an táng:

Ngày 19/5 tại Giáo Xứ Tân Chí Linh

và hỏa táng tại Nghĩa Trang Bình Hòa.

Vài nét về Bà cụ Têrêxa Trần Thị Ý

Năm 1922, sinh tại Nam Định

Năm 1943 lập gia đình với Ông Nguyễn Văn Chính, sinh hạ 8 người con, 2 trai, 6 gái.

Năm 1954, cùng chồng và gia đình di cư vào Nam Việt Nam.

Năm 1957, chuyển về giáo xứ Tân Chí Linh, Tổng Giáo Phận Sài Gòn, cho tới nay.

Ngày 16 tháng 5, năm 2015 về nhà Cha, hưởng đại thọ 94 tuổi, để lại 1 trai (trưởng nam đã qua đời), 6 gái, 28 cháu và 35 chắt nội ngoại.

Xin Chúa nhân lành đưa linh hồn Têrêsa vào nơi ánh sáng muôn đời

và xin ban sự bằng an và muôn ơn lành của Chúa cho gia đình

Thành kính phân ưu cùng gia đình anh chị Vũ Văn An và toàn gia quyến.

LM Trần Công Nghị và toàn Ban VietCatholic
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Mưa
Nguyễn Bá Khanh
20:59 17/05/2015
MƯA
Ảnh của Nguyễn Bá Khanh
Gió ơi gió thổi mưa bay
Giọt vui ta giữ, cho vay giọt buồn.
(nđc)
 
VietCatholic TV
Giáo Hội Năm Châu: 12/05 –18/05/2015: Tình cảnh người di dân và tị nạn
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
18:40 17/05/2015
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
1. Điều kiện kinh tế thê thảm đang thúc bách người dân Phi Châu liều chết đổ sang Âu Châu

Ngoài những nạn nhân của chiến tranh do khủng bố Hồi Giáo gây nên tại Trung Đông, nhiều người tỵ nạn, phần đông đến từ Phi Châu, là những người chạy trốn cuộc sống quá cơ cực tại quê nhà. Điều này phản ánh một tình trạng bất quân bình trong guồng máy kinh tế thế giới. Nhiều nước giàu lên rất nhanh và nhiều nước đang chịu cảnh bần cùng hóa thê thảm.

Salat Ahmed, một người Somali đang mưu tính chuyện bỏ nước ra đi liều mình vượt biên Địa Trung Hải nói:

“Cuộc sống ở châu Âu 100 phần trăm rất là được. Những người bạn của tôi đã đặt chân đến Châu Âu gọi về và nói mọi sự đều rất tốt ở đó và tôi tin họ. Và tôi đã thấy như thế trên truyền hình.”

Đề cập đến những nguy hiểm trong cuộc hành trình vượt Địa Trung Hải, anh nói:

“Tôi hiểu những nguy hiểm của cuộc hành trình đến châu Âu, nhưng bạn không thể sống một cuộc sống huy hoàng nếu bạn không thử. Tôi đã nghe nói về những người chết trong cuộc hành trình, nhưng đó là giá mà bạn phải trả cho một cuộc sống tốt đẹp.”

Noor Hussein, một giáo viên người Somali cũng đang tính đường vượt biển Địa Trung Hải cho biết:

“Tôi không phải là một người cô đơn. Bạn thấy đấy, tôi có cha và mẹ, tôi có anh chị em, tôi có người thân. Tôi phải giúp họ hết sức có thể, như những người khác. Nhưng mục tiêu chính là để thay đổi cuộc sống của tôi; đất nước này không sống nổi. Tôi phải đi nơi khác để thoát khỏi cái đất nước hắc ám này”.

2. Địa Trung Hải trở thành cửa ngõ chủ yếu dẫn vào châu Âu

Từ đầu năm 2014, đã xảy ra những thay đổi rất lớn về dân số tại châu Phi và Trung Đông với hàng triệu người phải chạy giặc Hồi Giáo bên cạnh một làn sóng những người chạy trốn nghèo đói.

Các chuyên gia nhận xét rằng Địa Trung Hải đã trở thành cửa ngõ vào châu Âu mà người di cư ưa chuộng.

Trong năm 2014, 283,000 người di cư bất hợp pháp đã bị bắt tại Liên minh châu Âu, sau khi họ liều chết cố gắng băng qua các đại dương với những chiếc thuyền chật chội và thường là ọp ẹp. Các quan chức Liên Hiệp Châu Âu ước tính hơn 220,000 trong số này đã đến châu Âu qua Địa Trung Hải.

Phần đông những người tị nạn Syria từ thủ đô Damascus của Syria và các vùng Trung Đông khác chạy đến thủ đô Tripoli của Lybia trước khi xuống thuyền với Địa Trung Hải đổ xô vào Lampedusa, Malta và Italia. Chỉ riêng từ đầu năm tới nay đã có hơn 1500 người bị thiệt mạng.

Nhiều người tị nạn Syria tìm cách băng qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ đến Istanbul từ đó tìm cách vào Hy Lạp hay Bảo Gia Lợi.

Những người tìm cách tránh các cuộc xung đột và tình trạng nghèo đói tại Bắc Phi và vùng Sa mạc Sahara tìm cách vượt biển vào Tây Ban Nha, Pháp và Italia cũng phải vượt Địa Trung Hải từ các cảng Ceuta và Mellila là những nơi họ thường phải gánh chịu tù đày và cả những trường hợp bị cướp bóc bằng bạo lực.

3. Một nhà báo Ái Nhĩ Lan tố cáo cuộc trưng cầu dân ý về kết hiệp đồng tính do thủ tướng Enda Kenny bày ra sẽ tạo ra những vết thương không hàn gắn được

Một nhà báo có uy tín tại Ái Nhĩ Lan đã cáo buộc Thủ tướng Enda Kenny đang tiến hành một chiến dịch “liều lĩnh và xuất phát từ những suy nghĩ dại dột” trong cuộc trưng cầu cho phép công nhận về mặt pháp lý những “kết hiệp đồng tính”.

Cuộc trưng cầu dân ý “có nguy cơ chia rẽ đất nước một cách không thể hàn gắn được” Bruce Arnold nhận định như trên trong một bức thư ngỏ gửi đến Kenny. Ông cho biết:

“Nếu trưng cầu dân ý được tiến hành, tôi thấy rằng điều này sẽ gây ra những tổn hại không thể sửa chữa được cho đời sống đạo đức ở đất nước này, cho cuộc sống gia đình và tương lai của các gia đình, và dẫn đến các phương pháp vô luân cho sự ra đời và phát triển của trẻ em.”

Arnold cáo buộc chính phủ của Kenny đang đẩy đất nước vào một cuộc trưng cầu trong khi không cho phép bất kỳ cuộc thảo luận nghiêm túc nào về câu hỏi: “Các bộ trưởng nước này thề sẽ bỏ phiếu thuận nhưng đồng thời lại từ chối nói rõ ra lý do tại sao họ bỏ phiếu thuận. Họ không trả lời bất kỳ câu hỏi đang được đặt cho họ. Phần lớn là vì họ không biết câu trả lời.”

Trong một bài báo khác chống lại cuộc trưng cầu dân ý này, nhà báo David Quinn nói rằng nếu hôn nhân đồng tính được cho phép, chính phủ có thể cắt đứt nguồn tài trợ cho các cơ quan tư vấn hôn nhân Công Giáo, vì các cơ quan này không bao gồm các cặp vợ chồng đồng tính. Ông Quinn cũng cho rằng mặc dù một dự luật đang được thảo luận để bảo đảm rằng cho dù hôn nhân đồng tính có được hợp pháp hóa đi chăng nữa các linh mục sẽ không bị buộc phải cử hành nghi thức “hôn phối” đồng giới, bảo đảm đó có thể bị hủy bỏ trong một sớm một chiều.

84.7% trong tổng số 4,832,800 người Ái Nhĩ Lan là người Công Giáo. Tuy nhiên, Giáo Hội tại quốc gia này đang trải qua nhiều thách đố cam go chủ yếu vì những tai tiếng lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ và khuynh hướng duy đời cực đoan do thủ tướng Enda Kenny lèo lái từ tháng Ba năm 2011 đến này.

Tuy là người Công Giáo, Enda Kenny theo đuổi một đường lối chống báng Giáo Hội rất cực đoan. Không phải chỉ chống Giáo Hội ở Ái Nhĩ Lan mà thôi. Enda Kenny chống Giáo Hội tới cấp hoàn vũ. Thật vậy, ngày 20 tháng 7 năm 2011, chỉ vài tháng sau khi nhậm chức, Enda Kenny tấn công Tòa Thánh trong một động thái chưa từng có từ hàng lãnh đạo cao cấp của quốc gia này. Kenny lên án mơ hồ nhưng rất nghiêm trọng rằng Giáo Hội đã cản trở việc điều tra các vụ lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Ái Nhĩ Lan và đe dọa rằng “các mối quan hệ lịch sử giữa Giáo Hội và nhà nước Ái Nhĩ Lan có thể không được như trước nữa”.

Năm ngày sau đó, Tòa Thánh đã triệu hồi sứ thần Tòa Thánh tại nước này là Đức Tổng Giám Mục Leanza về Vatican như một cử chỉ biểu lộ “sự kinh ngạc, và thất vọng trước những phản ứng thái quá” của Enda Kenny.

4. Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam: Khủng bố Hồi Giáo tìm cách phá vỡ các mối quan hệ thân thiện giữa Kitô hữu Syria và người Hồi giáo

Ngay tại thời điểm này, quân khủng bố Hồi Giáo IS đang mở một chiến dịch tạo ra căng thẳng giữa các cộng đồng tôn giáo tại Syria. Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam của Giáo Hội Công Giáo Nghi Lễ Melkite tại Syria cho tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ biết như trên. Ngài nói:

“Mục tiêu hiện nay của quân thánh chiến Hồi Giáo là gây hận thù giữa các Kitô hữu và người Hồi giáo”.

Đức Thượng Phụ cho biết các nhà lãnh đạo Giáo Hội Syria cố làm việc với các đối tác Hồi giáo ôn hòa để duy trì quan hệ hữu nghị bất chấp các chiến dịch gây bất hòa của quân thánh chiến.

Ngài cảnh báo:

“Chúng tôi đang có nguy cơ mất đi những mối quan hệ tốt đẹp này, nếu cuộc chiến này vẫn tiếp tục như hiện nay. Lúc đó, tình hình sẽ trở nên càng nguy hiểm hơn”

Cho đến khi cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2011, các Kitô hữu và người Hồi giáo sống với nhau rất thân thiện ở Syria, nhà lãnh đạo Công Giáo Melkite bùi ngùi nói. Nhưng sau nhiều năm đổ máu, các tín hữu Kitô có nguy cơ bị diệt vong. Theo Đức Thượng Phụ hơn 100 nhà thờ thuộc Giáo Hội ngài đã bị phá hủy; hàng trăm ngàn người Kitô hữu đã phải bỏ chạy vì sự an toàn của mình.

Ngỏ lời với các tín hữu Kitô tại Syria, Đức Thượng Phụ nói:

“Anh chị em Kitô hữu chúng ta có một ơn gọi ở đây. Chúng ta phải là động lực cho sự đa nguyên trong thế giới Ả Rập.”

5. Mỹ loan báo huấn luyện cho các nhóm phiến quân “ôn hòa” tại Syria, ý kiến của các nhà lãnh đạo Giáo Hội

Hôm thứ Năm 7 tháng Năm, Ashton Carter, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho biết Hoa Kỳ bắt đầu huấn luyện cho các nhóm phến quân “ôn hòa” tại Syria. Ông nói:

“Chúng tôi muốn công bố rằng ngày hôm nay chúng tôi đã bắt đầu huấn luyện chiến đấu cho một nhóm có kích thước đại đội thuộc lực lượng Tân Syria. Chương trình này là một phần quan trọng và phức tạp trong các nỗ lực chống quân khủng bố Hồi Giáo IS của chúng tôi.”

Ông nói thêm:

“Họ không được chúng tôi yêu cầu tấn công vào các lực lượng của Assad [tên tổng thống Syria] và đó cũng không phải là chủ ý trong chương trình của chúng tôi. Vì vậy, câu hỏi đặt ra nếu các lực lượng Assad tấn công họ thì chúng tôi có trách nhiệm bảo vệ họ hay không, thì tôi khẳng định là chúng tôi sẽ đánh trả. Nhưng họ không được huấn luyện nhằm vào mục đích đó. Họ đang được chuẩn bị để chiến đấu với quân khủng bố Hồi Giáo IS.”

Đức Thượng Phụ Gregory Laham Đệ Tam của Giáo Hội Công Giáo Nghi Lễ Melkite tại Syria bày tỏ sự dè dặt trước diễn biến mới này.

Ngài nhấn mạnh rằng “Các lãnh đạo phương Tây thật là sai lầm nếu nghĩ rằng đó họ có thể giúp các Kitô hữu bằng cách cung cấp vũ khí và các khóa huấn luyện cho các phe phái ở Syria. Giải pháp duy nhất là hòa bình.”

Không có một lằn ranh rõ rệt giữa quân nổi dậy “ôn hòa” và “quá khích” tại Syria. Các nhóm ở bên này có thể dễ dàng ngả theo bên kia và trong các điều kiện cụ thể của chiến trường, sự hợp tác giữa hai bên là điều vẫn thường xảy ra.

6. Giáo Hội tại Nigeria vừa bị khủng bố vừa bị cướp

Chiến tranh do bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra đã khiến cho hàng mấy trăm ngôi nhà thờ tại quốc gia này bị đốt phá thành tro bụi. Trong 56 giáo phận tại nước này, giáo phận Maiduguri được xem là nơi chịu thiệt hại nặng nề nhất trong cuộc chiến do quân khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra tại Nigeria. Chỉ riêng trong hai tháng 8 và 9 năm 2014, 185 nhà thờ đã bị đốt cháy và gần 200,000 tín hữu đã phải bỏ nhà cửa chạy giặc Hồi Giáo.

Cuộc chiến do bọn khủng bố Hồi Giáo Boko Haram gây ra còn đẩy đất nước vào tình trạng suy thoái kinh tế trầm trọng khiến nảy sinh nhiều tệ nạn nghiêm trọng khác trong đó có nạn bắt cóc đòi tiền chuộc mà một lần nữa Giáo Hội tại nước này lại là nạn nhân.

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc, trong bản tin đánh đi ngày 8 tháng Năm cho biết cha Innocent Umor, đã bị bắt cóc vào mờ sáng ngày 04 tháng 5 tại giáo xứ của ngài tại Ikanepo, thuộc giáo phận Idah, thuộc bang Kogi, ở miền nam Nigeria. Hai ngày sau khi bị bắt cóc ngài đã được trả tự do sau khi giáo phận trả tiền chuộc mạng cho ngài.

Cha Patrick Tor Alumuku, Giám đốc Văn phòng Truyền thông Xã hội của Tổng Giáo phận Abuja, đã cho Fides biết như trên và nói rằng vụ bắt cóc này một hành động tội phạm chứ không phải là một hành vi khủng bố.

7. Radio Vatican lên tiếng ca ngợi việc bổ nhiệm Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney vào Bộ Giáo Lý Đức Tin

Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher của Sydney, Úc Đại Lợi, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm vào Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin, không né tránh các vấn đề gây tranh cãi thần học. Radio Vatican đã lên tiếng ca ngợi quyết định bổ nhiệm này và đưa ra nhận định như trên về vị Tổng Giám Mục dòng Đa Minh, là người thay thế Đức Hồng Y George Pell cai quản tổng giáo phận Sydney.

Nói về các cuộc thảo luận tại Thượng Hội Đồng Giám Mục về hôn nhân và gia đình, Đức Tổng Giám Mục Fisher đã đưa ra một câu hỏi rất hùng hồn: “Chẳng lẽ toàn bộ ý tưởng về hôn nhân là một cái gì đó có thể tháo thứ đến vô hạn? Hay thực ra là có một ý nghĩa nội tại về hôn nhân, hay một cái gì đó về nhân chủng học con người và cách chúng liên quan với nhau một cách đúng đắn khiến chúng ta phải đặt ra một giới hạn về những gì chúng ta có thể đề cập đến khi nói về hôn nhân?”

Đức Tổng Giám Mục Fisher, có bằng tiến sĩ đạo đức sinh học tại Đại Học Oxford, cho biết những vấn nạn đầy thách đố về đạo đức trong lĩnh vực này phát sinh “hằng tháng, hằng năm”, và Giáo Hội phải được chuẩn bị sẵn sàng để đáp trả.

Đức Tổng Giám Mục Fisher đã được bổ nhiệm là một thành viên mới của Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin trong cùng một sắc lệnh với Đức Tổng Giám mục Ronald Minnerath của giáo phận Dijon, bên Pháp.

8. Israel tiến hành xây dựng nhà cho người định cư Do Thái ở Đông Jerusalem bất chấp phản đối của thế giới

Chính phủ Israel đã phê chuẩn việc khởi công xây dựng 900 ngôi nhà cho người định cư Do Thái ở Đông Jerusalem, trong một dự án gây ra căng thẳng giữa Israel và Palestine, và làm sâu rộng thêm mối bất hòa trong quan hệ vốn đã không mấy tốt đẹp giữa chính phủ Netanyahu và Hoa Kỳ.

Một kế hoạch xây dựng tổng cộng 1,600 ngôi nhà trong khu phố Ramat Shlomo, là vùng người định cư Do Thái giờ đây chiếm đa số, đã làm nổ ra một cuộc trao đổi ngoại giao căng thẳng nhất giữa Israel và Mỹ vào năm 2010.

Dự án đó đã bị đình trệ trong nhiều năm. Giờ đây, Do Thái cương quyết tiến hành dự án này. Phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ cho biết phía Mỹ đang "rất lo ngại."

"Xây dựng ở Đông Jerusalem là trái với cam kết và làm hại đến giải pháp hai nhà nước," phát ngôn viên bộ ngoại giao Mỹ nói.

9. Giáo Hội tại Giêrusalem chuẩn bị cho việc phong thánh hai người Palestine

Hôm Chúa Nhật 17 tháng Năm, tại Vatican, Đức Thánh Cha Phanxicô đã phong thánh cho hai nữ tu người Palestine là hai chị Marie Alphonsine Ghattas là người Giêrusalem và chị Mariam Bawardy là người Galilê. Cả hai chị đã sống vào thế kỷ thứ 19 trong lãnh thổ Palestine bị đế quốc Ottoman Thổ Nhĩ Kỳ cai trị.

Trong cuộc họp báo diễn ra tại Giêrusalem, Đức Giám Mục William Shomali, thuộc Tòa Thượng phụ Công Giáo Latinh Giêrusalem cho biết:

“Tôi tin rằng không chỉ các Kitô hữu, nhưng cả người Hồi giáo và Do Thái Giêrusalem cũng cảm thấy hạnh phúc vì hai người từ đất nước của chúng ta, từ vùng đất này, từ Thánh Địa này, đã đạt đến mức độ cao nhất của công chính nhân loại, của trí tuệ tâm linh và kinh nghiệm thần bí về Thiên Chúa.”

Ngài nhận xét thêm:

“Cả hai đều được gọi là Mary, Mariam, và điều này là ngoại thường vì tên Mary và Mariam là những tên phổ biến của người Do Thái, của các Kitô hữu và người Hồi giáo. Cầu xin cho cả hai vị có thể trở thành một cầu nối giữa tất cả chúng ta.”