Ngày 16-05-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật Thứ Sáu Mùa Phục sinh 17/5/2020 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
01:20 16/05/2020

Bài Ðọc I: Cv 8, 5-8. 14-17

"Các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Ðức Kitô cho họ. Dân chúng chú ý đến những lời Philipphê rao giảng, vì họ cũng nghe biết và xem thấy các phép lạ ngài làm. Quỷ ô uế đã ám nhiều người trong họ, lúc đó kêu lớn tiếng và xuất ra. Nhiều người bất toại và què quặt được chữa lành. Bởi đó cả thành được vui mừng khôn tả.

Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ngài cầu nguyện cho họ được nhận lãnh Thánh Thần: vì chưa có ai trong họ được nhận lãnh Thánh Thần, họ mới chỉ được chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ các ngài đặt tay trên họ, và họ nhận lãnh Thánh Thần.

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 65, 1-3a. 4-5. 6-7a. 16 và 20

Ðáp: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa!

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Toàn thể đất nước, hãy reo mừng Thiên Chúa! Hãy ca ngợi vinh quang danh Người; hãy kính dâng Người lời khen ngợi hiển vinh. Hãy thưa cùng Thiên Chúa: kinh ngạc thay sự nghiệp Chúa!

Xướng: Toàn thể đất nước thờ lạy và ca khen Ngài, ca khen danh thánh của Ngài. Hãy tới và nhìn coi sự nghiệp của Thiên Chúa, Người thi thố những chuyện kinh ngạc giữa con cái người ta!

Xướng: Người biến bể khơi thành nơi khô cạn, người ta đã đi bộ tiến qua sông, bởi đó ta hãy hân hoan trong Chúa! Với quyền năng, Người thống trị tới muôn đời.

Xướng: Phàm ai tôn sợ Chúa, hãy đến, hãy nghe tôi kể lại, Chúa đã làm cho linh hồn tôi những điều trọng đại biết bao. Chúc tụng Chúa là Ðấng không hất hủi lời tôi nguyện, và không rút lại lòng nhân hậu đối với tôi.

Bài Ðọc II: 1 Pr 3, 15-18

"Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phêrô Tông đồ.

Anh em thân mến, anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Ðức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em. Vì nếu Thiên Chúa muốn, thì thà làm việc thiện mà đau khổ còn hơn là làm điều gian ác. Vì Ðức Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Ðấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa; thật ra Người đã chết theo thể xác, nhưng đã nhờ Thần Linh mà sống lại.

Ðó là lời Chúa.

Alleluia: Ga 14, 23

Alleluia, alleluia! - Chúa phán: "Nếu ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy". - Alleluia.

Phúc Âm: Ga 14, 15-21

"Thầy sẽ xin Cha và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Nếu các con yêu mến Thầy, thì hãy giữ giới răn Thầy. Và Thầy sẽ xin Cha, và Người sẽ ban cho các con một Ðấng Phù Trợ khác, để Ngài ở với các con luôn mãi. Ngài là Thần Chân Lý mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết được Ngài; còn các con, các con biết Ngài, vì Ngài sẽ ở nơi các con và ở trong các con. Thầy sẽ không bỏ các con mồ côi: Thầy sẽ đến với các con. Một ít nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần các con, các con thấy Thầy vì Thầy sống và các con cũng sẽ sống. Trong ngày đó, các con sẽ hiểu biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, và các con ở trong Thầy, và Thầy ở trong các con. Ai nhận các luật Thầy truyền và giữ các luật đó, thì người ấy là kẻ mến Thầy. Và ai mến Thầy sẽ được Cha Thầy yêu mến, và Thầy sẽ yêu nó, và sẽ tỏ mình ra cho nó".

Ðó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:38 16/05/2020

25. Người tôi tớ trung thành của Thánh Giá thì nên học gương của Đức Chúa Giê-su trên Thánh Giá, và chỉ có thể có một nguyện vọng là đổ máu mình trên Thánh Giá làm hiến tế.

(Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:43 16/05/2020
21. SAU KHI MÈO ĂN CHAY

Có một con mèo ngẫu nhiên được chủ mang trên cổ nó một xâu chuỗi ngọc niệm phật, con chuột bự nhìn thấy thì vui mừng nói: “Mèo ăn chay rồi”, thế là đi đầu đàn dẫn đàn con lũ cháu đến cám ơn mèo.

Nhưng ai mà biết được, con mèo hét lên một tiếng bay vụt đến ăn một lúc mấy con chuột.

Con chuột bự cuống quýt thoát thân, le lưỡi nói:

- “Mẹ kiếp, nó ăn chay xong càng hung hăng dữ tợn, khiếp !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 21:

Có nhiều người mang chuỗi phật trên cổ nhưng vẫn cứ hung hãn chưởi bới người ta; có người mang thánh giá trên tai trên cổ và trên ngực nhưng vẫn cứ sống như người không có đạo, lại có người mang cái “mác” Ki-tô hữu nhưng cuộc sống của họ thì lại bày ra cái “mác” con cái của ma quỷ.

Con chuột là mồi ngon cho con mèo thì dù con mèo có mang một trăm xâu chuỗi phật thì nó vẫn là một con mèo ăn thịt chuột.

Người Ki-tô hữu là đối tượng cám dỗ mạnh nhất của ma quỷ và thế gian, cho nên ma quỷ dùng rất nhiều hình thức để cám dỗ họ, kể cả hình thức mà nhìn bề ngoài thì rất là “thánh thiện”, chẳng hạn như cám dỗ giáo dân vào làm trong ban đại diện giáo xứ để tác oai tác quái làm mất đoàn kết, hoặc là thích quyên góp tiền bạc để cho hội mồ côi này, hội khuyết tật nọ, không phải vì sáng danh Thiên Chúa mà là để lấy le cho oai...

Mang chuỗi phật trên cổ hay mang thánh giá hoặc tràng hạt Mân Côi trước ngực mà vẫn sống như người không có đạo, thì dù có ăn chay một tuần bảy ngày cũng chẳng ích lợi gì cho phần hồn cũng như phần xác, bởi vì “cái áo không làm nên thầy tu”, nhưng cuộc sống bác ái thánh thiện thì mới là nguyên nhân nên thánh vậy...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 6 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:47 16/05/2020
Chúa Nhật 6 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 14, 15-21.

“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác”.


Anh chị em thân mến,

Một hôm, có người hỏi bùn:

- “Anh dốc lòng với đất, im hơi lặng tiếng, bị người giày xéo, áo ngoài lại không màu sắc, anh không cảm thấy có chút buồn phiền nào sao?”

Bùn trả lời:

“Khôn ngoan chân chính là (che giấu) ở bên trong; tài hoa chân chính là ở chỗ trầm mặc; tôi để cỏ hoa cây cối sinh trưởng tràn trề, chất dinh dưỡng cung ứng cho chúng nó không thiếu, sinh mệnh của tôi thì vô cùng, sức mạnh còn chưa lộ ra rõ ràng hay sao?”
(1)

Đức Chúa Giê-su đã tự khiêm tự hạ, trở nên một tôi tớ hèn mọn là để cho chúng ta được trở nên con cái Cha trên trời, Ngài thay mặt chúng ta để gánh lấy tất cả tội lỗi của chúng ta, Ngài không oán trách, không giận hờn, không kêu ca than oán khi bị đóng đinh trên thập giá, nhưng luôn bày tỏ sự hiền lành và yêu thương của mình đối với nhân loại. Đức Chúa Cha đã trao thế gian trong tay Đức Chúa Giê-su không phải để Ngài lựa chọn người này tốt, người kia xấu để khen thưởng và trừng phạt, nhưng Ngài sẽ không để một người nào phải hư mất đời đời, Ngài đã dốc hết tâm tình yêu thương để yêu nhân loại tội lỗi, và làm cho nhân loại nhận ra tình yêu mà Cha đã dành cho họ.

Đất và bùn thì không khác gì nhau, nhưng bùn thì ở bên dưới đất đầy màu mỡ để làm cho những cây cối trên đất được xanh tươi tốt đẹp, không ai để ý tới bùn bên dưới đất nhưng nó lại là nguyên nhân sự xanh tươi của thảo mộc.

Cũng vậy, Đức Chúa Giê-su đã trở nên “bùn” khi xuống thế làm người, để cho “đất” là nhân loại được sống và sống dồi dào trong ân sủng của Đức Chúa Giê-su, đó chính là Mình và Máu Thánh của Ngài.

Anh chị em thân mến,

Tâm hồn chúng ta là “đất” đã được Đức Chúa Giê-su làm cho trở nên màu mỡ, nhưng trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta không trồng cây quả nhân đức là khiêm tốn và yêu thương trên mảnh đất của chúng ta, trái lại, có những lúc chúng ta đem những cây gai, cỏ dại là tội lỗi vun trồng trong tâm hồn của mình, làm cho những ân sủng mà Chúa đã ban cho chúng ta làm bị ngộp và chết đi bởi những dục vọng và tội lỗi của mình.

Đức Chúa Giê-su đã hứa cho những ai yêu mến và thực hành lời của Ngài thì sẽ không phải hư mất đời đời, đó là sự thật, nhưng chính mỗi người trong chúng ta tự mình nhổ trốc cây lành trên mảnh đất tâm hồn đã được Đức Chúa Giê-su cứu chuộc, và như thế chúng ta sẽ phải chết đời đời.

Việc làm cụ thể:

Đức Chúa Giê-su đã vì chúng ta mà trở nên “bùn” để cho đất được màu mỡ, chúng ta cũng trở nên “bùn” cho tha nhân được hạnh phúc khi chúng ta phục vụ mà không kêu ca than oán, không kiêu ngạo trách móc, nhưng hiền lành và khiêm tốn, vui tươi và hy sinh.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

(1) Trích trong “Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay”, bản dịch của Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu Mến Và Giữ Luật Chỉ Là Một
LM. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
08:27 16/05/2020
Có bao giờ chúng ta nghe hai bạn trẻ nam nữ, yêu nhau mà nói với nhau câu này chưa: “Nếu anh yêu em, anh hãy tuân giữ một số điều luật này nè... 1. đúng hẹn, 2. đi thẳng không ngó ai, 3. không lai rai vượt quá ranh giới, 4. không chơi thuốc lắc…”. Chắc là chưa, mặc dầu hai người vẫn làm như vậy khi thương nhau. Không nói nhưng vẫn làm.

Còn Chúa Giêsu thì nói và dạy rõ ràng: "Nếu anh em yêu mến Thầy thì phải giữ các giới răn của Thầy" (Ga 14,23). Lời dạy nghe ra không êm tai mấy, bởi vì tình yêu gợi cho ta cảm giác êm đềm, dịu ngọt, và tình yêu làm cho đời ta vui tươi thoải mái; trong khi đó giới răn, luật lệ lại gây cho ta một cảm giác gò bó, trói buộc và mất tự do. Vậy mà Chúa Giêsu lại ghép việc tuân giữ giới răn vào chuyện yêu thương như một điều kiện không thể thiếu. "Nếu anh em yêu mến Thầy thì phải giữ các giới răn của Thầy." Điều này xem ra không ổn. Nhưng,

1. Yêu và giữ Luật là một.

Tuy nhiên, nếu suy nghĩ kỹ ta lại thấy lời dạy của Chúa Giêsu lại hợp tình hợp lý và không có gì là không ổn cả. Có thể nói: yêu mến và việc tuân giữ các lề luật chỉ là một dòng chảy duy nhất và rất tự nhiên. Tuân giữ các điều luật chỉ là sự thể hiện ra bên ngoài tình yêu ở bên trong. Ví dụ:

- Vâng phục cha mẹ (giữ “luật” cha mẹ đề ra) là cách diễn tả rất tự nhiên của lòng hiếu thảo và yêu mến mà con cái dành cho cha mẹ. Yêu mến là vâng lời.

- Chấp nhận mưa nắng dãi dầu để kiếm cơm cho con cho cái. Chấp nhận gian khổ để chu toàn trách nhiệm trong gia đình… là một tỏ bày tình yêu của những bậc làm cha mẹ dành cho kẻ hậu sinh. Có gì là gò bó, mất tự do đâu. Yêu con là hy sinh, là chịu khổ.

- Rồi hai cô cậu đã lấy nhau, quyết “giữ luật” không ngoại tình, không phản bội… chỉ là một đòi hỏi đương nhiên của tình yêu vợ chồng.

- Và trở về với ví dụ đầu, ta thấy, nếu chàng trai kia yêu nàng con gái nọ, thì họ giữ hàng tá quy luật vẫn chẳng thấy gì là nặng nhọc cả. Đúng hẹn ư? Anh sẵn sàng. Để tránh kẹt xe, anh sẽ đi sớm.

Khi thương nhau thật sẽ rất đúng giờ. Đến giờ nàng phải về rồi, kẻo cổng đóng, mẹ mong, chàng thương nàng thật, thì “thả” nàng ra, dìu nàng về. “Em chỉ gặp được anh đến 9 giờ tối thôi nghe.” OK ngay. 9 giờ đúng, đụng ngõ nhà em.

Còn cái khoản luật ra đường không ngó ai, thì chàng nếu thương nàng thật sẽ trả lời thật hay: Không ngó đụng xe thì sao, nhưng em yên tâm, anh ngó ai anh cũng chỉ thấy mắt em trong người đó thôi. Hoặc mượn lời ca của Hoàng thi Thơ trong bài Khi tình yêu đến mà nói rằng: Ôi con mắt con mắt ta buồn cười, một người ta thấy thôi. Dù đông người, chỉ mình em anh thấy.

Rồi khi thực sự thương nhau, thì tôn trọng nhau và tôn trọng luật “ranh giới.” Tới đâu thì dừng lại. Đến đâu thì xì tốp. Chàng thì thường muốn vượt ranh. Nàng sợ chàng bỏ, nên gì cũng chiều. Nhưng coi chừng đó chỉ là đường một chiều : chiều lợi dụng chứ không phải đường hai chiều, chiều tình yêu. Yêu là có những luật của nó.

Ngày nay chính tại Mỹ có phong trào mang tên “True Love Waits,” Tình yêu chân thật thì biết chờ đợi. Số là một mục sư Baptist bị shock (sửng sờ) khi 2 em gái 16 tuổi cảm thấy xấu hổ vì mình đã đôi tám rồi mà vẫn còn trắng trinh. Thay vì hãnh diện thì lại mắc cỡ ! Mục sư này lập nên phong trào cổ võ việc giữ gìn kiêng cữ cho tới ngày thành hôn. Phong trào lớn mạnh ngoài mong đợi, nhưng mục sư không ngạc nhiên, bởi mục sư nói : rất nhiều bạn trẻ muốn như thế. Và khi họ muốn như thế và làm như vậy là họ đang ở trong thành phần đa số chứ không phải thiểu số đâu. Hãy hãnh diện vì mình trong sạch : proud to be pure.

Người Việt-Nam chúng ta có tâm trạng thuận lợi hơn để giữ điều đó. Cái đáng giá ngàn vàng đó đáng giá thật chứ không phải xưa rồi Diễm ơi đâu ! Các bạn gái đã có lần nào nghe lập luận này chưa, nó cũng rất thường xảy ra : Cô dễ dãi với tôi thì chắc gì cô không dễ dàng với người khác. Cô chiều tôi chắc gì cô không “chiều” người khác…

Tình yêu chân thật là có luật lệ của nó. Vì thế yêu nhau và giữ luật lệ của tình yêu không có gì là mâu thuẫn, chỉ là một thôi. Yêu bên trong, diễn tả ra bên ngoài bằng những luật lệ của nó. Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lề luật của Thầy.

Có nhiều chàng con trai yêu nàng con gái nào đó thì sẵn sàng giữ luật “cấm hút thuốc” cách rất triệt để dễ dàng. “Trước đây tôi hút thuốc dữ lắm, nhưng khi quen bà ấy, bà ấy không muốn, tôi bỏ ngay !” Yêu là tuân giữ lề luật. Ai yêu mến Thầy thì tuân giữ lề luật của Thầy.

2. Yêu giúp dễ giữ Luật. Đề tài của bài giảng hôm nay là tình yêu và lề luật không hề mâu thuẫn, nhưng chỉ là một dòng chảy của con suối tình yêu. Và chính tình yêu chân chính này giúp sức, tăng lực cho mình giữ luật.

Cuốn phim có tựa đề: "Đời Vẫn Đẹp" do Roberto đạo diễn và thủ diễn đã xứng dáng được giải Oscar năm 2000. Cuốn phim diễn lại câu chuyện của một người Do Thái cùng với vợ và đứa con trai nhỏ đã bị Đức Quốc Xã đưa vào trại tập trung. Nhờ tài khôi hài và tình yêu thương, ông đã giữ vững tinh thần cho mình và cho đứa con còn nhỏ cho tới khi quân đội Đồng Minh đến giải thoát.

Nhân vật chính là một bác sĩ chuyên gia tâm lý. Trong những năm lưu tù, ông khám phá được một chân lý quan trọng cho cuộc sống của con người. Chân lý đó là trong những hoàn cảnh nghiệt ngã đau thương nhất của con người, con người vẫn có thể tồn lại, nếu họ có niềm tin và tình yêu.

Bác sĩ đã quan sát những phản ứng khác nhau nơi các bạn tù của ông: Có những người trước khi vào tù được mọi người trọng vọng ngưỡng mộ, thế nhưng bỗng chốc lộ nguyên hình là những kẻ hèn hạ có thể bán đứng anh em vì một chút lợi lộc cỏn con : như một mẩu bánh, một ngụm nước. Một số khác thoạt tiên thể hiện bản lĩnh của những nhà lãnh đạo, thế nhưng liền sau đó tuyệt vọng và ngã gục chỉ trong vài ngày bị bỏ đói. Trái lại, cũng không thiếu những người ít được kẻ khác chú ý đến, lại âm thầm vượt qua, chịu đựng cho đến cùng và còn sống.

Trong kinh nghiệm bản thân, bác sĩ cho biết chính tình yêu đối với vợ ông đã giúp cho ông tiếp tục tìm thấy ý nghĩa và lẽ sống trong tận đáy hoả ngục của các trại tập trung đó. Mặc dù không biết vợ mình bị giam giữ ở đâu, còn sống hay đã chết rồi, nhưng tình yêu đối với vợ đã giúp người bác sĩ này vượt qua tất cả. Ông đã chia sẻ cảm nghiệm đó như sau:

Không có gì có thể tách tôi ra khỏi tình yêu, khỏi những ý nghĩ và hình ảnh người vợ yêu dấu của tôi. Cho dẫu người ta có báo tin rằng vợ tôi đã chết thì tôi sẽ không bao giờ ngưng chiêm ngắm hình ảnh của nàng, hay ngưng thôi không chuyện vãn với nàng nữa. Khi tôi cảm nghiệm được hình ảnh của vợ tôi vẫn luôn ở bên cạnh tôi, thì chính tình yêu đối với vợ đã mang lại hy vọng và sức mạnh giúp cho tôi chịu đựng mọi nghịch cảnh và tồn lại cho đến ngày được giải cứu khỏi trại tập trung.

Văn hào St Exupéry của Pháp, trong cuốn “Chuyến bay đêm” (vol de nuit) thuật lại một phi công bay trong bóng tối tại sa mạc, và máy bay rơi xuống bãi cát. Cát êm, không chết. Chỉ bị thương. Phi công bò đi tìm đường về làng xóm. Nhưng trong sa mạc nào biết hướng bò. Mệt lả, đói khát, anh muốn buông xuôi, chết cho rồi. Nhưng anh chợt nghĩ: Nếu ở nhà vợ con tôi, người thân tôi đang chờ đợi giây phút tôi trở về, thì tôi là thằng hèn nếu tôi không cố trỗi dậy và cất bước. Chính tình yêu thúc đẩy ta đi còn mạnh hơn là đồ ăn thức uống, viên tăng lực, loon “bò húc” bò cụng !

Thánh Phaolô diễn tả thật đẹp chính tình yêu chứ không gì khác làm cho chúng ta gắn bó với Đấng ta yêu mến : Rm 8:35-39

Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Đúng thế, tôi tin chắc rằng : cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta.

“Yêu thì giữ luật” và “yêu giúp giữ luật” đó là 2 điểm ta rút ra qua bài Tin Mừng hôm nay vậy.

Lm. Anphong Nguyễn Công Minh, ofm
 
Câu Trả Lời Đẹp Nhất Cho Thế Giới Hôm Nay
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
16:00 16/05/2020
Chúa Nhật VI Phục Sinh (Năm A 2020)

Cùng với các anh chị em tân tòng trên khắp thế giới, chúng ta vừa trải qua những tuần lễ “nhiệm huấn” để đào sâu những chuyên đề giáo lý liên quan đến mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, một mầu nhiệm trọng đại mà Dân Chúa, đặc biệt, các anh chị em Tân Tòng, vừa cử hành long trọng cách đây 6 tuần lễ dịp Đại lễ Phục Sinh.

Chúng ta có thể tóm tắt các chủ đề nhiệm huấn đó như sau:

- Cuộc tái sinh vào đời sống mới nhờ nhiệm tích Thánh Tẩy để trở thành công dân Nước Trời.

- Sự sống Thần linh được ban tặng và nuôi dưỡng nhờ bí tích Thánh Thể để liên kết mật thiết với Đức Kitô; và chính nhờ Người và qua Người mà chúng ta nhận biết Chúa Cha, tin tưởng vào Ngài và đến được với Ngài.

- Mối giây hiệp thông và tình bác ái huynh đệ, phục vụ trong một đàn chiên, một “Thân nho Giáo Hội” dưới quyền một Mục Tử nhân hiền là Đức Kitô Phục sinh đang hiện diện và đang sống.

Trong tuần Phục Sinh cuối cùng nầy, trước khi cử hành đại lễ Thăng Thiên và Hiện Xuống, sứ điệp Lời Chúa hôm nay tiếp tục “nhiệm huấn” chúng ta với chủ đề bí tích Thêm Sức và vai trò tác động của Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, để chúng ta trở nên những chứng nhân loan báo Tin Mừng Phục Sinh và ơn cứu độ cho thế giới.

Nếu đặt “sứ điệp về Đấng Bảo Trợ” nầy trong bối cảnh Tin Mừng Thánh Gioan, thì chúng ta nhận ra một dấu chỉ rất rõ, đó là: Trước khi hoàn tất những ngày ở trần gian, Đức Kitô chuẩn bị cho các Tông Đồ, cũng như cho Hội Thánh ngàn sau, giữ mối tương quan với Ngài qua một “sự hiện diện mới” là Chúa Thánh Thần mà Ngài đặt tên là Đấng Bảo Trợ.

Thật vậy, đời sống của Hội Thánh hôm nay, hay nội dung cốt lõi của sự thực hành đức tin của mỗi người chúng ta chính là sự hoạt động của Chúa Thánh Thần; Ngài hướng dẫn, đốt nóng, tác động và qui tụ chúng ta trong Đấng Phục Sinh để thực thi Lời Chúa, nhất là thực hành Giới luật yêu thương của Ngài.

Để hiểu rõ vai trò cần thiết của Chúa Thánh Thần, của Đấng Bảo Trợ mà Tin Mừng hôm nay nhắm tới, thiết tưởng, chúng ta thử cùng hướng tầm nhìn về bối cảnh thế giới hôm qua cũng như hôm nay.

Trên mọi nẻo đường trần thế của kiếp nhân sinh muôn nơi và muôn thuở, luôn thấp thoáng những bóng dáng của khổ đau, tăm tối, thất vọng, u buồn; bóng dáng của những hình thái “địa ngục trần gian”. Thật vậy, địa ngục chẳng cần ở đâu xa; người ta có thể gặp thấy nó ngay trên trần gian nầy nơi các nhà tù trên khắp thế giới (nhất là trong những trại tập trung của Đức Quốc xã hồi đệ nhị thế chiến, hay nơi những trại lưu đày ở Siberi thời Lê Nin). Địa ngục có khi hiện diện ngay trong những tòa lâu đài nguy nga tráng lệ là nơi mà con người đối đãi với nhau chỉ là những thủ đoạn đê hèn của tranh giành quyền lực chính trị, của những mặc cả và âm mưu quái quỉ. Địa ngục cũng có thể hiện diện ngay trong những căn hộ hiền lành là nơi mà thay vì là mái ấm gia đình để nuôi lớn tình yêu, hạnh phúc, thủy chung…đã trở thành sào huyệt của phản bội, ngoại tình, phá thai, vô cảm…

Chẳng cần những cơn lũ chết người, những trận cuồng phong, sóng thần hay động đất kinh khiếp mới mang theo những địa ngục trần gian, mà chỉ cần những cái đầu ngông cuồng đồng bóng của những tay độc tài khát máu như Mao Trạch Đông, Hitler, Pônpốt … cũng đủ để đẩy bao nhiêu người vào trong địa ngục của chiến tranh, bom đạn, chết chóc, đói nghèo, thương tật…

Trong những ngày đại dịch Covid Vũ Hán dâng cao tới đĩnh điểm, nhiều thành phố, nhiều trung tâm, nhiều con đường, thậm chí nhiều nhà thờ…trên khắp thế giới cũng mang “dáng đứng” của “địa ngục trần gian”, khi ở những nơi đó sự sống gần như vắng bóng để nhường chỗ cho những cỗ quan tài chứa xác những nạn nhân của con virus Corona rất bé nhỏ nhưng kinh khiếp !

Đứng trước những “địa ngục trần gian” như thế, chúng ta, những người mang danh Kitô hữu, chúng ta sống và trả lời làm sao về niềm tin của chính mình?

Trước hết, chúng ta thử trở về với “câu trả lời” của các Kitô hữu buổi đầu khai sinh Giáo Hội.

Đã có một thời, từng đoàn Kitô hữu bị ném cho thú dữ xé xác hay bị hành hình bằng mọi thứ hình khổ kinh khiếp khác nơi quảng trường địa ngục Côlôsêum. Đứng trước cơn bách hại tàn khốc của bạo chúa Nerô ngày xưa, Thánh Phêrô đã khuyên dạy các tín hữu thời ấy những lời mà chúng ta vừa nghe lại nơi Bài đọc 2 hôm nay như thế nầy: “anh em hãy tôn thờ Chúa Kitô trong lòng anh em, hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời thoả mãn cho mọi kẻ hỏi lý do của niềm hy vọng nơi anh em, nhưng phải làm cách hiền từ, kính cẩn, hãy có lương tâm ngay chính, để những kẻ lăng mạ đời sống đạo đức của anh em trong Đức Kitô, phải hổ thẹn về điều họ gièm pha anh em…”.

Và đây là câu trả lời của thế hệ Kitô hữu ban đầu đó: họ tiến ra pháp trường, đối diện với địa ngục mà họ vẫn hát ca với ánh mắt ngời sáng niềm tin yêu hy vọng, với nụ cười hân hoan thanh thản trên môi, như thể họ đang đi về thiên đàng. Dân Rôma ngạc nhiên, bạo chúa Nêrô ngỡ ngàng hét lên: Họ hát kìa – They are singing !

Làm sao họ có được niềm vui thanh thản như thế khi đang ở giữa hỏa ngục của khổ hình, đau đớn, tan nát xác thân? Sức mạnh nào đã cho họ đứng vững trước một áp lực khủng khiếp như thế đè nặng trên chính cuộc sống?

Thưa, đó chính là Đấng Bảo Trợ- Chúa Thánh Thần – Một hiện diện mới của Đức Kitô phục Sinh. Chắc chắn, nếu Chúa Kitô Phục Sinh không đồng hành với họ, nếu Chúa Thánh Thần không ở trong họ thì Giáo Hội không bao giờ có những vị thánh Tử Đạo được kính nhớ.

Và đó cũng chính là câu trả lời của chúng ta, những người Kitô hữu, cho những người “chất vấn về niềm hy vọng của chúng ta” (BĐ 2) trong thế giới đầy lo âu, biến động hôm nay.

Vâng, chúng ta tin và hy vọng rằng, Thiên Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta. Chúng ta tin rằng, đằng sau những cái giá của hy sinh và thập giá là Nước Trời, là hạnh phúc vĩnh cửu, là một Vương Quốc mà chỉ có những ai mang đôi mắt tâm linh đầy khiêm hạ hoán cải của người trộm bị đóng đinh bên hữu Chúa mới kịp nhận ra. “Hôm nay nếu Ngài vào trong nước của Ngài, xin nhớ đến tôi”. Chúng ta tin vào lời Đức Giêsu nói với chúng ta hôm nay: "Thầy không để anh em mồ côi đâu... Thầy sẽ xin Chúa Cha và Ngài sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi”. Vâng, Đấng Bảo Trợ ở với chúng ta để giúp chúng ta mỗi ngày “ở lại trong tình yêu của Chúa Kitô” khi trung thành thực thi giới răn yêu thương là di chúc Ngài trối lại cho chúng ta: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em giữ các điều răn của Thầy”.

Và như thế, nhiệm tích Rửa Tội, Thêm Sức không chỉ được lãnh nhận một lần rồi đóng lại như một chuyện đã rồi, mà là một khai mở để tiếp nối con đường loan báo và làm chứng tá đức tin như phó tế Philipphê, hai Tông Đồ Phêrô, Gioan mà sách Công Vụ Tông Đồ hôm nay tường thuật: “Trong những ngày ấy, Philipphê đi xuống một thành thuộc sứ Samaria, rao giảng Đức Kitô cho họ….Khi các tông đồ ở Giêrusalem nghe tin Samaria đón nhận lời Thiên Chúa, liền gởi Phêrô và Gioan đến với họ….hai ông cầu nguyện cho họ, để họ nhận được Thánh Thần…Hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (BĐ 1). Ơn Thánh Thần mà các Kitô hữu ban đầu đã nhận lãnh đó để giúp họ viết lên những câu trả lời tuyệt đẹp cho thế giới, cho con người của thời đại họ, cũng chính là ơn Chúa Thánh Thần của mỗi người chúng ta hôm nay tiếp tục nhận lãnh qua hồng ân của bí tích Rửa Tội, Thêm Sức, Thánh Thể và bao nhiêu cơ hội khác để viết câu trả lời cho nhân loại hôm nay…

Nhờ tình yêu mà Chúa Thánh Thần đổ tràn vào lòng chúng ta biến cuộc sống chúng ta luôn giữ được gam màu hồng của tin yêu, gam màu xanh của hy vọng, giữa muôn vạn gam màu tối của gian truân và thử thách, của thất bại đắng cay, của vô ơn bội nghĩa, của đố kỵ bất công...Chính Đức Kitô đã biến “nỗi ô nhục thập giá thành phương thế cứu rỗi con người”; và hôm nay, Thánh Thần cũng sẽ làm cho phương cách ấy của Đức Kitô được tái diễn nơi thập giá cuộc đời của các Kitô hữu, để, như chứng từ bất diệt ngày nào của Thánh Phanxicô khó khăn: “Đem yêu thương vào nơi oán thù, đem thứ tha vào nơi lăng nhục, đem an hòa vào nơi tranh chấp, đem chân lý vào chốn lỗi lầm. …”. Và khi có được ngọn lửa Thánh Thần rực sáng trong tim, thì mỗi người Kitô hữu sẽ đủ can đảm và nghị lực, tình yêu và lòng quảng đại để: “Tìm an ủi người hơn được người ủi an, tìm hiểu biết người hơn được người hiểu biết, tìm yêu mến người hơn được người mến yêu...”

Phải chăng đó chính là những “câu trả lời hay nhất và chính xác nhất về niềm hy vọng của chúng ta”, nếu chúng ta bị chất vấn về niềm tin, về hy vọng của mình; mà dù không có ai chất vấn đi nữa, thì cuộc sống đức tin của người Kitô hữu phải luôn là một “thuyết minh sinh động” về Tin Mừng của Đức Kitô, về những “hoa trái của Chúa Thánh Thần”, như hàng hàng lớp những bài thuyết minh tuyệt vời trong suốt 2000 năm lịch sử của Hội Thánh từ các thế hệ đầu tiên như Phêrô, Gacôbê, Philipphê, Phaolô...cho đến những bài thuyết minh của thời đại hôm nay như Đức thánh GH Gioan-Phaolô II, Mẹ Têrêsa Calcutta, Vị Tôi Tớ Chúa Hồng Y F.X. Nguyễn Văn Thuận....Chúng ta hãy cầu nguyện cho nhau được đứng chung trong hàng ngũ của những người đó để viết tiếp câu trả lời về niềm hy vọng Kitô hữu, tiếp tục lời chứng sống động về tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô và trong Chúa Thánh Thần. Amen.

Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thánh lễ tại Santa Marta thứ Bẩy 16 tháng 5: Đức Thánh Cha cảnh báo về tinh thần thế gian
Đặng Tự Do
01:19 16/05/2020
Lúc 7 sáng thứ Bẩy 16 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang phục vụ trong công việc chôn cất những người đã chết vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chịu trách nhiệm trong việc chôn cất những người quá cố trong đại dịch này. Đó là một trong những công việc của lòng thương xót khi chôn xác kẻ chết và tất nhiên đó không phải là một điều dễ chịu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ vì cũng như các nhân viên y tế họ cũng đang phải liều mạng trước nguy cơ nhiễm trùng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.”

Phúc Âm: Ga 15, 18-21

“Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về thế gian, về lòng căm thù của thế gian đối với Người và các môn đệ Người. Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian nhưng xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi tinh thần thế gian.

Đâu là tinh thần thế gian muốn phá hủy và làm băng hoại Giáo hội? Thưa: đó là sự đề xuất một lối sống tách biệt với Tin Mừng. Tinh thần thế gian là thứ văn hóa phù hoa, chuộng vẻ bề ngoài, trang điểm để che đậy, nó có những giá trị hời hợt, một nền văn hóa không biết trung tín là gì bởi vì nó thay đổi theo hoàn cảnh, như một con tắc kè hoa, nó thương lượng mọi thứ.

Chúa Giêsu nhấn mạnh trong lời cầu nguyện của Người rằng Chúa Cha bảo vệ chúng ta khỏi thế gian, khỏi một nền văn hóa sử dụng và vứt bỏ theo sự tiện lợi. Tiếc thay, đó lại là cách sống của nhiều người tự xưng mình là các Kitô hữu nhưng sống rất trần tục. Những lo lắng liên quan đến thế gian nhấn chìm đức tin của họ.

Cha de Lubac nói rằng tinh thần thế gian là điều tồi tệ nhất trong các tệ nạn của Giáo hội khi nó trở thành một cách sống tâm linh của các tín hữu Kitô. Tinh thần thế gian giết chết linh hồn chúng ta vì nó ghét đức tin. Đáng buồn là tinh thần thế gian đi vào mọi nơi, ngay cả trong Giáo hội, dưới các dạng thức che đậy.

Tinh thần thế gian không chấp nhận được tai tiếng của thập tự giá, vì liều thuốc giải duy nhất chống lại tinh thần thế gian là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chiến thắng chống lại thế gian là đức tin vào Chúa Giêsu. Và đức tin ấy không có nghĩa là cuồng tín, không có nghĩa là không nói chuyện với người khác.

Để kết luận, Đức Thánh Cha xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra tinh thần thế gian và những tiêu chí của Tin Mừng để chúng ta không bị lừa dối. Nếu thế gian ghét chúng ta, hãy nhớ rằng nó đã ghét Chúa Giêsu trước. Nhưng chúng ta hãy vững dạ cậy trông vì Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng ta khỏi rơi vào tinh thần thế gian.


Source:Vatican News
 
Thảm trạng cuộc đời – Chết trong Chúa
Thanh Quảng sdb
06:39 16/05/2020
Thảm trạng cuộc đời – Chết trong Chúa

Đứng trước nhiều cái chết kinh hoàng của cơn đại dịch hiện nay, con số nhiễm đã lên quá 4 triệu rưỡi và con số tử vong hơn 300 ngàn, tại nhiều nơi!

Những hình ảnh người nhiễm bệnh bị cách ly không được gặp gỡ người thân và rồi chết trong cô quạnh một mình, không một lời từ biệt tăn trối…

Nhiều hình ảnh cho thấy để giải quyết số người chết quá nhiều, người đã tận dụng tối đa các lò thiêu mà không giải quyết được, đành phải cho xe ủi đất, đào các hố chôn tập thể…

Và rồi ngay cả trước cái chết bình thường của người thân của chúng ta, nhưng vì hoàn cảnh, chúng ta không thể hiện diện vì không gian trắc trở, vì lệnh đóng cửa biên giới và các chuyến vận hành du lịch đều bị hủy hoãn vô thời hạn…

Hoặc trong hoàn cảnh quy luật giới hạn các cuộc tu họp đông người dưới bất cứ hình thức hay lý do nào, chẳng hạn đám cưới hay ma chay số người tham dự bị giới hạn… Làm sao không đau lòng cho những người con, người cháu, chắt hay thân bằng quyến thuộc không thể tham dự các nghi lễ mừng vui trong đám cưới; đặc biệt tiễn đưa người thân trong các tang lễ…

Trước những hoàn cảnh bi thương hiện nay, chúng tôi xin gửi tới quí vị bài viết “Không ai chết mà bị lãng quên trong Chúa Kitô” của linh mục Federico Lombardi, hầu tìm ra một lối vươn lên, một đường tiến tới và một sự an bình cho cuộc sống...

Chết trong Chúa…

Bài viết thứ tư với nhan đề: “Không ai chết mà bị lãng quên trong Chúa Kitô” trong loạt bài “Cuộc sống siêu vượt trên cơn đại dịch” của cha Federico Lombardi.

Một trong những gia sản tinh thần quí báu của thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II để lại là Ngài làm hồi sinh và sống lại những mẫu gương của các anh hùng tử đạo trong thế kỷ 20 này.

Chắc chắn khi cầu nguyện với Chúa, chúng ta nhớ đến số phận của vô số các nạn nhân, cả nam lẫn nữ thuộc mọi chủng tộc, thời gian và không gian đã hiến mạng sống qua nhiều thảm trạng cuộc đời như bỏ mình trên rừng sâu hay trong biển cả bao la, qua các cuộc giao tranh, hay trong lúc thanh bình. Nhiều người đã chết trong cô đơn, chết vì bạo lực hoặc vì một thảm họa nào đó...

Có những tiếng kêu than đau đớn thét lên trong cõi thinh lặng từ đất mẹ ở khắp mọi nơi trên thế giới mà những người có tai tinh tế sẽ nghe và nhận ra hàng triệu, thậm chí hàng tỷ người đã bị lãng quên - tiếng khóc than của bao người bị lãng quên! Nhân danh họ và với họ, chúng ta muốn cất lên tiếng kêu cầu lòng thương xót bao la của Chúa.

Hình ảnh những cỗ quan tài xếp đầy trong các nhà thờ ở Bologna, Ý hay những ngôi mộ tập thể gần New York, Hoa kỳ làm chúng ta suy nghĩ… có rất nhiều người, đặc biệt những người già, đã chết trong sự cô đơn, cô độc trong những tháng qua, đã chạm tới tâm lòng chúng ta một các sâu sắc. Không chỉ trên phương diện cảm tính tự nhiên thương cảm như của những người thân trong gia đình, đã mất những người thân; mà còn trong mầu nhiệm hiệp thông thân mình huyền nhiệm của Chúa Kitô với tha nhân nữa…

Tất cả những thực trạng trên giúp chúng ta, một lần nữa hiểu và trân quí những liên đới gần gũi quý giá và tình cảm chân thành trong những lúc ốm đau, trong tuổi già và bệnh hoạn... Nhưng nó cũng giúp chúng ta nhận chân ra được một thực tại, đó là đứng trước cái chết của chính mình hay của bất luận ai thì chiều kích cô đơn cô độc luôn có đó... Vào cuối đời, giữa lúc cô đơn, thì sự gần gũi của những người thân là điều vô cùng quan yếu!

Làm thế nào chúng ta có thể chuẩn bị giây phút đó, cho chính chúng ta hay cho người thân yêu của chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể thoát khỏi nỗi thống khổ nếu bị rơi vào thảm trạng này?

May mắn thay, chỉ vài tuần trước đây, chúng ta mới cử hành lễ Phục sinh của Chúa Giêsu. Chắc chắn, chúng ta có thể sống mầu nhiệm phục sinh đó hằng ngày bằng cách kết hợp một cách bí tích và thiêng liêng với Chúa Giêsu qua việc rước lễ thiêng liêng; đó là sống mầu nhiệm Thứ Sáu Tuần Thánh và Thứ Bảy tuần Thánh một cách đặc biệt. Cái chết ê chề nhuốc khổ của Chúa Giêsu nói lên cái cảm nghiệm của một con người bị bội phản, bị Thiên Chúa bỏ rơi, như chúng ta thấy lời Thánh vịnh mà Chúa Giêsu đã kêu lên từ cây Thánh Giá “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con!” Rồi những phút giây thân xác đó được chôn vùi cách vội vã trong huyệt mộ! Chúa Giêsu đã xuống xuống ngục tổ tông cho thấy Ngài đã sống trọn kiếp người, liên đới với anh chị em đồng loại qua cái chết. Chúa như nhắn gửi chúng ta một điều là ‘không ai chết, bất kể ở đâu và lúc nào, trong cảnh trạng nào đi nữa như trong cơn đại dịch, sẽ không bị lãng quên. Chúa Giêsu thực sự đã chết, giống như họ, và Ngài chết với họ…

Nhưng sau cái chết, Chúa được mai táng và phục sinh, thì cái chết không còn như trước nữa như thánh Phaolô đã kêu lên: "Hỡi tử thần, nọc độc của ngươi ở đâu?". Chúa Giêsu đã chiến thắng tử thần, Chúa cho thế gian biết: Tình yêu của Thiên Chúa thì mạnh mẽ hơn sự chết. Và điều này đã thắng vượt mọi nỗi cô đơn cô độc. Cho nên trước cái chết, chúng ta hãy tín thác và trao phó mọi sự vào vòng tay yêu thương của Cha chúng ta.

Vài ngày trước đây, một trong các Thánh lễ tại nguyện đường thánh Marta, Đức Phanxicô đã suy niệm về cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với ông Nicodemô và Đức Thánh Cha mời gọi mọi người hãy nhìn lên Đấng bị đóng đinh, chính Ngài là trung tâm của đức tin và của đời sống Kitô hữu chúng ta.

Những ai đã từng nhìn thấy hình ảnh Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đứng ôm cây gậy Thánh giá trong Vương cung thánh đường vài ngày trước khi Ngài qua đời, hay trong các cuộc đi đàng Thánh giá tại hí trường Colosseum, hay trong các nghi thức suy tôn Thánh giá vào các ngày Thứ Sáu Tuần Thánh thì không thể quên được các hình ảnh đó. Không có cách nào chuẩn bị cho mình sống chết tốt đẹp hơn là nhìn vào Đấng bị đóng đinh, Người chết vì chúng ta và cho chúng ta. Với trọn vẹn trái tim, chúng ta hãy phó thác mọi sự trong vòng tay nhân ái của Thiên Chúa. Vì vậy, dù sống hay chết, với Chúa Giêsu chúng ta không còn lo sợ, vì chúng ta được tháp nhập vào mầu nhiệm tình yêu và lòng thương xót của Chúa... Có thế chúng ta mới cảm nghiệm được như thánh Phanxicô, không còn run sợ trước cái chết, mà còn coi cái chết như người em gái rất thân thương của cuộc đời mình.

Trong cơn đại dịch coronavirus hay bất luận cảnh trạng nào, sự chết có đến với chúng ta, chúng ta đừng quên rằng, nhờ Chúa Giêsu mà sự chết không phải là phán quyết cuối cùng... Mọi sự trong cuộc sống chúng ta, ngay cả giây phút biệt ly tang tóc và cái chết ê chề đi nữa… Tất cả sẽ không bị quên lãng và không bị rơi vào hư vô, nhưng tất cả đều nằm trong vòng tay từ ái của Thiên Chúa, Cha chúng ta.
 
Ủy Ban Thần Học Quốc Tế: Tính hỗ tương giữa Đức Tin Và Các Bí Tích, 9
Vũ Văn An
23:01 16/05/2020
3. TÍNH HỖ TƯƠNG GIỮA ĐỨC TIN VÀ CÁC BÍ TÍCH TRONG KHAI TÂM KITÔ GIÁO

80. [Dẫn nhập]. Sau khi đã thấy tính hỗ tương thiết yếu giữa đức tin và các bí tích trên bình diện kép đôi tổng quát, tức từ nhiệm cục bí tích và từ đức tin và các bí tích, chúng ta chuyển sang xem xét ảnh hưởng của chúng đối với các bí tích khai tâm Kitô giáo. Như thế, ở đây có ý nói đến việc áp dụng các ý niệm và quan điểm đã nhận được để làm cho chúng sinh hoa trái trong mỗi bí tích của ba bí tích khai tâm. Mỗi bí tích có tính chuyên biệt riêng của nó mà ta cần phải tôn trọng. Tuy nhiên, để hệ thống hóa việc bàn đến vấn đề chính, chúng ta sẽ tiến hành theo năm bước được kết nối với nhau, với các ngoại lệ được thích nghi cho từng bí tích. Các bước này là: (1) nền tảng chính trong Kinh thánh; (2) mối tương quan qua lại giữa bí tích nói đến và đức tin cần cho việc cử hành nó; (3) các vấn đề phát sinh ngày nay xung quanh mối tương quan này; (4) việc soi sáng bắt đầu từ những khoảnh khắc nổi bật và được chọn của Truyền thống; và, dưới ánh sáng của suy tư trước đó về vị trí của đức tin trong việc cử hành bí tích, (5) đề nghị thần học về việc chăm sóc mục vụ đối với đức tin cần thiết cho việc cử hành mỗi bí tích. Vì sự khác biệt trong phép rửa tội người lớn và trẻ em, sơ đồ này cũng được thích ứng cho từng trường hợp. Chúng ta bắt đầu từ phép rửa tội người lớn và kết thúc với việc bàn tới các yếu tố chuyên biệt của phép rửa tội trẻ em. Chúng ta giả thiết phải có một nền thần học đầy đủ hơn về mỗi bí tích. Ở đây, chúng ta chỉ đơn giản thu thập một số yếu tố chủ yếu để trình bầy chi tiết một trả lời có ý nghĩa đối với vấn đề tính hỗ tương giữa đức tin và mỗi bí tích khai tâm.

3.1. Tính hỗ tương giữa Đức tin và Bí tích Rửa tội

a) Nền tảng Kinh Thánh

81. Sau bài thuyết giảng sơ truyền vĩ đại vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các thính giả đã “đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác : ‘Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?’ Ông Phêrô đáp : ‘Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần’... Những ai đã đón nhận lời ông, đều chịu phép rửa” (Cv 2: 37-38, 41). Sự hoán cải, đáp ứng của con người đối với việc công bố Tin Mừng, dường như không thể tách rời khỏi nghi thức phép rửa, vốn được liên kết với một số khía cạnh căn bản của đời sống Kitô hữu. Nhờ bí tích rửa tội, người tín hữu tham gia vào mầu nhiệm vượt qua của Chúa Kitô (x. Rm 6: 1-11), được Đức Kitô dự ứng trong phép rửa của chính Người và được thể hiện trong cuộc khổ nạn và phục sinh của Người (x. Mc 10: 38; Lc 12:50); người tín hữu được mặc lấy Chúa Kitô, được đồng hình đồng dạng với Người, trở nên ở trong Chúa Kitô và với Chúa Kitô. Do đó, chúng ta trở thành con nuôi và tạo vật mới. Thánh Tông đồ Phaolô cũng hiểu rằng với bí tích rửa tội:

Kitô hữu đã được trao phó cho một nền “giáo huấn tiêu chuẩn” (týpos didachés), giáo huấn mà giờ đây, họ tuân theo tận đáy lòng (x. Rm 6:17). Trong bí tích rửa tội, chúng ta lãnh nhận cả một giáo huấn để tuyên xưng và một lối sống chuyên biệt đòi phải dấn thân trọn con người và đưa chúng ta vào con đường dẫn đến sự tốt lành. Những ai được rửa tội đều được đặt vào một bối cảnh mới, được trao phó cho một môi trường mới, một cách hành động mới và sẻ chia, trong Giáo hội [86].

Người ta cũng được tháp nhập vào Giáo hội, thân thể của Chúa Kitô (x. 1Cr 1: 11-16; 12:13). Nhờ bí tích rửa tội, người ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần từng được hứa ban (Cv 1: 5), ơn tha thứ tội lỗi (Cl 2: 12-13), ơn công chính hóa. Nhờ cách này, tạo vật mới được rửa tội, tạo vật mới, nhờ việc sinh thành mới này (Ga 3: 3, 5) thuộc về Chúa Kitô và Giáo hội, có khả năng sống cuộc sống Kitô hữu, làm chứng cho nó bằng một cuộc sống mới.

b) Đức tin và Bí tích Rửa tội người lớn

82. Bí tích Rửa tội là bí tích của đức tin tuyệt vời. Mc 16:16 vốn liên kết đức tin và bí tích rửa tội: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ”. Ngoài ra, lệnh truyền rửa tội dùng để kết thúc Tin Mừng Mátthêu (28:19) chứa một công thức rửa tội, trong đó Giáo hội đã nhìn thấy việc tổng hợp đức tin Ba Ngôi của mình. Mặt khác, nghi thức rửa tội phản ảnh rõ ràng tầm quan trọng của đức tin. Trong nghi thức hiện hành về việc chấp nhận cho vào thời kỳ dự tòng, các dự tòng xin Giáo Hội ban cho “đức tin” mang lại “sự sống đời đời” [87]. Trong Giáo hội cổ xưa, nghi thức dìm xuống nước ba lần được đi kèm với các câu trả lời cho các câu hỏi tuyên tín [ 88]. Ngày nay, các từ bỏ và việc tuyên xưng đức tin là một phần cấu tạo ra nghi thức. Chính việc cử hành nghi thức, với các tra vấn kỹ lưỡng, nêu bật bản chất đối thoại của biến cố: tuyên bố công khai đức tin của các dự tòng, trước đó đã được thử thách trong thời kỳ dự tòng qua nhiều giai đoạn khác nhau, và việc lãnh nhận phép rửa do một thừa tác viên của giáo hội ban cho. Chính các tra vấn cẩn thận đã chu toàn chức năng bảo đảm việc gắn bó với đức tin của giáo hội về phía người được rửa tội, vượt quá các minh chứng trước đó về kiến thức tín lý, tuân thủ nền luân lý và thực hành cầu nguyện trong thời kỳ dự tòng. Vì là một hồng ân của Thiên Chúa, không ai có thể tự ban một bí tích cho chính mình. Đức tin được lãnh nhận nhờ việc giảng dạy và lắng nghe Lời Chúa thế nào, thì các bí tích cũng là một phần của luận lý học này của việc lãnh nhận hồng ân Thiên Chúa.

83. Kitô hữu được đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô như thế tiếp tục cuộc hành hương của họ trong đức tin, lãnh nhận Chúa Thánh Thần, vào các dịp khác, trong việc cử hành các bí tích và các á bí tích khác. Hai loại suy sau đây soi sáng thực tại này. Việc Thiên Chúa thổi “hơi thở sự sống” vào Ađam (St 2: 7). Quan trọng hơn cả, toàn bộ thừa tác vụ công khai của Chúa Giêsu được đánh dấu bằng việc lãnh nhận Chúa Thánh Thần do Chúa Cha sai đến. Người được xức dầu trong phép rửa của Người bằng Chính Chúa Thánh Thần (Mc 1:10 và các câu tương tự), và chính Chúa Thánh Thần đã dẫn Người vào sa mạc (Mc 1: 12 và các câu tương tự), tại hội đường Nadarét, Người công bố Người được xức dầu bằng Chúa Thánh Thần (Lc 4: 16-21); và nhờ Chúa Thánh Thần, Người đã xua đuổi ma quỷ (Mt 12:28), và Người đã thở Chúa Thánh Thần ra trên thập tự giá (Mt 27:50; Lc 23:46). Nói chung, ta có thể mô tả toàn bộ sứ mệnh của Người như một phép rửa, qui chiếu vào lễ Phục sinh (x. Lc 12:50). Theo cách này, ta hiểu đời sống của Kitô hữu là sự khai mở từ từ sự sống vốn là hồng ân ban đầu của Chúa Thánh Thần ban cho trong phép rửa, cho đến lúc kết thúc sự sống ấy, được trao lại cho Chúa Cha, như Chúa Giêsu.

c) Đề xuất mục vụ: Đức tin dành cho Bí tích Rửa tội người lớn

84. Với phép rửa tội, bí tích của sự sống mới trong Chúa Kitô [89] và sự sinh ra mới, người ta bắt đầu một cuộc hành trình, trở nên một thành phần của Giáo hội và bước vào nhiệm cục bí tích. Trong Giáo hội cổ xưa, sự thay đổi cuộc sống này được phát biểu cách hữu hình và bằng thể xác, với việc người chịu rửa tội quay lưng khỏi phía Tây, nơi họ nhìn lúc hứa từ bỏ, để quay về phía Đông, trong lúc tuyên xưng đức tin. Luôn luôn có lời yêu cầu phải chuẩn bị trong suốt thời kỳ dự tòng hoặc trong các hình thức giáo huấn khác, nhưng cũng đã có một ý thức tốt về bản chất ban đầu của đức tin rửa tội. Vì lý do này, diễn trình dự tòng trước đó phải được tuân giữ một cách nghiêm túc và chuyên chăm, với các dự tòng tuyên bố một cách có trách nhiệm, việc gắn bó của họ với đức tin Ba Ngôi đã lãnh nhận và mong muốn tiếp tục tiến triển trong sự hiểu biết về nó và trong sự gắn kết cuộc sống mình với nó, nhờ vào hồng ân ơn thánh rửa tội. Bí tích Rửa tội, vì là cánh cửa gia nhập, nên đức tin cần thiết để lãnh nhận bí tích này không cần phải hoàn hảo, nhưng có tính khởi đầu và mong muốn được tăng trưởng.

85. Thời kỳ dự tòng được hiểu như một phần của việc khai tâm ra sao, thì phép rửa cũng không hệ ở một nghi thức tự khép kín vào chính nó như thế, nhưng do tính năng động bên trong của nó, nó đòi hỏi một minh chứng bằng cuộc sống như một người đã được rửa tội. Mà sự hiểu biết về đức tin cũng không khép kín, bất chấp sự như nhau giữa đức tin được cử hành trong nghi thức và đức tin được tin tưởng [90]. Điều này tương ứng với giáo lý sau khi rửa tội, theo nghĩa như một giai đoạn giáo huấn thêm chuyên biệt dành cho bí tích. Việc thực hành của Giáo hội cổ xưa phản ảnh xác tín rằng việc hiểu biết thực sự về “mysteria” (các mầu nhiệm) diễn ra sau khi lãnh nhận chúng [91]. Dù sao, không ai cho rằng việc hiểu biết tự nó diễn ra, nhưng các tân tòng được dẫn nhập vào các bí tích thông qua nền giáo lý khai tâm mầu nhiệm (mystagogical catechesis).

86. [Soi sáng từ Thánh truyền]. Thánh Cyrilô thành Giêrusalem liên tục nói đến việc hoán cải tâm hồn và cảnh báo: “Nếu ý định của bạn vẫn sai... thì bạn sẽ nhận được nước, nhưng không nhận được Chúa Thánh Thần” [92]. Việc này không minh nhiên đòi phải có sức mạnh đức tin theo nghĩa một sức mạnh phi thường có khả năng di chuyển núi non, nhưng gắn bó tin theo lời công bố của giáo hội: “Bạn cần đức tin, một đức tin tùy thuộc vào bạn, đức tin vào Thiên Chúa, để bạn có thể lãnh nhận đức tin mà Thiên Chúa thông ban và làm những việc siêu phàm” 93]. Đức tin có thể và phải lớn lên; việc sẵn lòng làm như vậy thuộc về chính quyết định chịu rửa tội [94].

87. Bắt đầu từ khúc rẽ Constantinô, khi thời kỳ dự tòng cổ điển, với sự nghiêm túc và các giai đoạn khác nhau của nó, dần dần biến đi, Giáo hội thích nghi với hoàn cảnh mới: xã hội chủ yếu trở thành Kitô hữu. Trong tình hình này, việc xã hội hóa nói chung bao gồm một việc xã hội hóa về tôn giáo nào đó, ít nhất phải tương đối lớn hơn ở thời kỳ trước đó. Tuy nhiên, điều tiếp tục cần cho đức tin là một nhân vật thuộc giáo hội (cha mẹ đỡ đầu); và giáo huấn tối thiểu trước đó, giúp cho việc gắn bó bản thân đối với đức tin có trách nhiệm và có ý thức. Trường hợp Indies dạy ta nhiều điều. Bất chấp sự kiện có những khuynh hướng khác nhau và trong nền thần học lúc đó, ơn cứu rỗi được liên kết chặt chẽ với bí tích rửa tội, cuối cùng người ta đã đạt tới ý kiến cho rằng tốt nhất nên bảo toàn phẩm giá của người bản xứ và bản chất đối thoại của các bí tích [95]. Theo các đường nét này, Cha Dòng Đaminh, Francisco de Vitoria, cùng với các nhà thần học khác, đã viết một báo cáo về vấn đề phải chuẩn bị đầy đủ cho các Kitô hữu của lục địa mới, giữa lúc thiếu hụt nhiều linh mục, những vị vốn có gánh nặng dạy giáo lý:

Họ không được rửa tội trước khi được dạy dỗ đầy đủ không những về đức tin, mà còn về các phong hóa Kitô giáo nữa, ít nhất trong chừng mực cần thiết cho ơn cứu rỗi. Họ không được rửa tội trước khi có khả năng hiểu những gì họ nhận lãnh hoặc trước khi họ đáp trả và tuyên xưng trong bí tích rửa tội cùng muốn sống và kiên trì trong đức tin và Kitô giáo [96].

88. [Đề xuất mục vụ]. Giáo hội luôn mong muốn cử hành phép rửa tội. Điều này hàm ngụ niềm vui thấy các tín hữu mới lãnh nhận ơn công chính hóa, được tháp nhập vào Chúa Kitô, thừa nhận Người là Cứu Chúa của họ, lên khuôn cuộc sống của họ theo Chúa Kitô, trở nên một thành phần của Giáo hội, làm chứng cho cuộc sống mới trong Chúa Thánh Thần, mà nhờ Người, họ đã được ban ơn thánh và được soi sáng. Tuy nhiên, nếu tuyệt đối thiếu vắng đức tin bản thân, nghi thức bí tích mất đi ý nghĩa của nó. Mặc dù tính thành hiệu (validity) dựa trên việc thực hiện bí tích của thừa tác viên với ý hướng thích đáng (xem § § 65-70), nhưng nếu người được rửa tội không có tối thiểu một chút đức tin, tính hỗ tương chủ yếu giữa đức tin và các bí tích dần dần mất đi. Không có đức tin tin rằng các dấu hiệu hữu hình (sacramentum tantum) thông truyền ơn thánh vô hình (thí dụ, dìm vào nước như một sự quá độ từ cái chết sang sự sống), những dấu hiệu này không thông truyền thực tại vô hình được biểu thị (res sacramenti): là tha thứ tội lỗi, ơn công chính hóa, việc tái sinh trong Chúa Kitô nhờ Chúa Thánh Thần, bước vào cuộc sống con thảo. Trong trường hợp này, bí tích rửa tội trở thành một quy ước xã hội đơn thuần hoặc bị thấm nhiễm các yếu tố ngoại giáo.

89. Mức tối thiểu đức tin trên xem ra không thể thiếu đối với những người lãnh nhận bí tích để họ tiến gần tới ý định hiện thực hóa điều Giáo hội tin. Một số yếu tố thuộc về mức tối thiểu đức tin này có thể được suy diễn từ chính tính năng động của việc cử hành bí tích [97]: đức tin Ba Ngôi, với lời cầu khẩn Ba Thiên Chúa ngự xuống trên người tân tòng; niềm xác tín được tái sinh trong Chúa Kitô, được biểu tượng bằng việc dìm mình trong nước, như nước sự sống [98]; việc sinh ra đời sống mới, được biểu thị bằng việc mặc áo trắng; niềm tin tưởng nhận được ánh sáng của Chúa Kitô và mong muốn làm chứng cho nó, được biểu tượng trong việc tiếp nhận ánh sáng từ ngọn nến phục sinh.

90. Do đó, cần có lòng trung thành với tín lý của Giáo hội, đức ái và khôn ngoan mục vụ, cùng với óc sáng tạo trong việc chào đón và cung cấp các hành trình dự tòng. Không bảo vệ đầy đủ bản chất và ý nghĩa bí tích, vì sợ những yêu cầu tối thiểu, là mặc nhiên gây hại lớn hơn cho tính bí tích của đức tin và của Giáo hội. Gây bất lợi cho tính toàn vẹn và gắn bó của chính đức tin mà nó có ý định bảo vệ. Chắc chắn, đức tin của người lãnh nhận không phải là nguyên nhân của ơn thánh đang hoạt động trong bí tích, nhưng nó là một phần của việc chuẩn bị thỏa đáng cần thiết cho tính hữu hiệu (fruitfulness) của bí tích, để nó có thể có hiệu quả. Không có bất cứ thứ đức tin nào, dường như rất khó để quả quyết rằng mức tối thiểu không thể thiếu kia được duy trì trong lúc chuẩn bị, một việc vốn bao gồm, ít nhất, việc không gây bất cứ trở ngại nào [99]. Theo nghĩa này, không có đức tin tối thiểu, hồng ân của Thiên Chúa, một hồng ân vốn làm cho người được rửa tội trở thành “Bí tích” sống động của Chúa Kitô, như một lá thư của Chúa Kitô (x. 2Cr 3: 3), không thành công trong việc tạo ra hoa trái vốn là của riêng Người. Mặt khác, người tuyên xưng Chúa Kitô là Chúa và Cứu Chúa của mình sẽ không ngần ngại liên kết mình một cách mật thiết nhất có thể, một cách bí tích, với hạt nhân trung tâm của mầu nhiệm cứu độ của Chúa Kitô: là sự Phục sinh.

Kỳ sau: d) Đức tin và phép rửa tội trẻ em
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Mừng bổn mạng giáo họ Vinh Sơn
Văn Minh
09:18 16/05/2020
“Thánh Vinh Sơn hay làm phép lạ, và rao giảng Tin Mừng của Chúa đến cho muôn người không biết mệt mỏi trong suốt cuộc đời của mình”

Đó là lời chia sẻ của Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, trong Thánh lễ mừng kính Thánh Vinh Sơn - bổn mạng của giáo họ Vinh Sơn, giáo xứ Vĩnh Hòa, diễn ra lúc 17g30 thứ Sáu ngày 15.05.2020, tại nhà thờ đá Vĩnh Hòa.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, SCJ Dòng linh mục Thánh Tâm Chúa Giêsu - chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Gioakim Lê Hậu Hán, cùng đông đảo cộng đoàn Dân Chúa trong giáo xứ Vĩnh Hòa.

Trước Thánh lễ, lúc 17g, đại diện quý chức trong Ban Điều hành (BĐH) giáo họ Vinh Sơn cùng bà con giáo dân trong giáo họ có mặt tại nhà ông cố Phanxicô Xaviê Đoàn Văn Mỹ để cùng nhau nguyện kinh, cầu nguyện. Sau đó, vị đại diện BĐH đọc tiểu sử Thánh Vinh Sơn và mời gọi cộng đoàn cùng nhau suy gẫm về nhân đức của ngài, hướng cộng đoàn chuẩn bị tâm hồn hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng.

Sau giờ nguyện kinh, vào lúc 17g15, các Linh mục cùng cộng đoàn trong giáo họ Vinh Sơn long trọng kiệu tượng Thánh Vinh Sơn từ nhà ông cố Phanxicô Xaviê tiến vào ngôi thánh đường để hiệp dâng Thánh lễ.

Kế đó, các Linh mục cùng cộng đoàn đứng trước tượng Thánh Vinh Sơn trước tiền sảnh nhà thờ cùng nhau đọc một Kinh Lạy Cha, ba Kinh Kính Mừng, một Kinh Sáng Danh, và kinh Kính Thánh Vinh Sơn hiệp lời cầu nguyện cho giáo xứ luôn được bình an.

Đầu lễ, Lm Gioakim thay mặt cộng đoàn ngỏ lời chúc mừng Lm Vinh Sơn Nguyễn Văn Bạt, giáo họ Vinh Sơn, cùng quý ông nhận Thánh Vinh Sơn làm quan thầy được tràn đầy hồng ân và noi gương thánh nhân trở nên những chứng nhân của Tin Mừng giữa cuộc sống hôm nay.

Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim chia sẻ: Trong những ngày qua, bên nước Pháp, nước Ý, và Tây Ban Nha, các Giám mục và Linh mục đã tổ chức kiệu Mình Thánh Chúa Giêsu và tượng Đức Mẹ đi xung quanh thành phố để xin ơn ban cho cơn dịch bệnh Covid-19 mau được chấm dứt. Hôm nay, giáo họ Vinh Sơn đã cùng nhau tổ chức kiệu tượng Thánh Vinh Sơn cũng mang một ý nghĩa rất thiêng liêng.

Lm Gioakim diễn giảng: “Thánh Vinh Sơn hay làm phép lạ, và rao giảng Tin Mừng của Chúa đến cho muôn người không biết mệt mỏi trong suốt cuộc đời của mình”. Nhờ đó, ngài đã đưa bao linh hồn lầm đường lạc lối trở về với Chúa. Trong một lần, thánh nhân ra ngoài đi chợ mua thực phẩm về cho nhà Dòng, trên đường đi ngài nhìn thấy một người thợ hồ rơi từ trên lầu cao xuống đất, Thánh Vinh Sơn nhìn thấy và nói “hãy đứngng lại”, và lập tức người đó đứng lại và treo lơ lửng trên không. Sau đó, ngài chợt nhớ ra mình vừa làm phép lạ, và ngài nói với người đó là cứ chờ ở đó để ngài còn phải về nhà Dòng xin phép cha bề trên của mình.”

Mừng lễ hôm nay, ước mong mỗi người chúng ta hãy học hỏi nơi Thánh Vinh Sơn, biết sống khiêm nhường và thờ phượng Chúa một cách sốt sắng trong suốt cuộc đời của mình.

Sau phần hiệp lễ, ông Đaminh Nguyễn Văn Phúc, thay mặt giáo họ lên cảm ơn các Lm, quý chức trong HĐMVGX, cùng mọi thành phần Dân Chúa đã đến hiệp dâng Thánh lễ được sốt sắng. Nhân dịp này, vị đại diện cũng giới thiệu đôi nét về giáo họ Vinh Sơn:

Giáo họ hiện có 158 nóc gia, 226 gia đình Công Giáo với 1250 nhân khẩu. Trong đó, có Linh mục Vinh Sơn Trương Đức Vinh, nữ tu Maria Lê Thị Xuân Hương, nữ tu Maria Nguyễn Thị Vóc, thầy Phanxicô Xaviê Đoàn Hữu Hòa, đang theo học tại ĐCV Sài Gòn. Giáo họ luôn sống trong tình thần đoàn kết và yêu thương. Bên cạnh đó, giáo họ chia thành hai nhóm duy trì đọc kinh tối liên gia đình vào lúc 18g30, do BĐH giáo họ phụ trách. Sau cùng, vị đại diện dâng lên Lm chánh xứ và Lm chủ tế bó hoa thiêng liêng của giáo họ gồm: Viếng Chúa 341 lần, tham dự Thánh lễ 1867 lần, rước lễ 1128 lần, lần chuỗi kinh Mân Côi 4407 lần, và làm việc bác ái 262 lần.

Đáp lời, Lm chánh xứ thay mặt cộng đoàn phụng vụ một lần nữa cảm ơn và chúc mừng Lm Vinh Sơn chủ tế, giáo họ Vinh Sơn, cùng quý ông bằng một tràng pháo tay giòn giã của cộng đoàn. Qua đây, ngài cũng mời gọi các bạn trẻ hãy hy sinh thời gian ra tham gia phục vụ cho giáo họ và nối tiếp sứ vụ mà các bậc tiền nhân đã và đang làm để cùng nhau đưa giáo họ ngày một phát triển hơn nữa.

Thánh lễ khép lại lúc 18g30. Trước khi ra về, các Lm cùng quý vị đại diện chụp chung tấm hình kỷ niệm ngay trước thềm cung thánh.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Những Khó Khăn Của Cuộc Chiến Phò Sinh - Phần 2
Dominic Truong
20:25 16/05/2020
Những Khó Khăn Của Cuộc Chiến Phò Sinh - Phần 2

Phải chăng thời đại ngày nay sự ác đang thống trị cả thế giới này?

Ý tưởng và việc thành lập ủy ban nhân quyền quốc tế của các chính giới thời tiên khởi, đúng là phát xuất từ thiện tâm để mà đề xướng, tổ phụ của nước Mỹ hai thế kỷ rưỡi trước đã đưa vào tuyên ngôn độc lập và hiến pháp Hoa kỳ những quyền căn bản của con người. Nhưng mãi đến ngày 10 tháng 10 năm 1948 ủy ban nhân quyền quốc tế mới được thành lập,(1) để phát huy những quyền của con người.

Nhưng cũng chính Hoa kỳ năm 1973 lại đề xướng quyền phá thai như là một quyền hợp pháp bởi tu chính hiến pháp Roe v. Wade, cũng mãi tới 2018 ủy ban quốc tế về nhân quyền khẳng định việc phá thai là nhân quyền hay nữ quyền. Để rồi từ nay có thể đưa đến thế giới tận vong vì không còn người kế thừa.

Nhìn lại chính sách một con của Trung cộng phát động năm 1980, với mục đích hãm đà tăng dân số mà chính quyền thời đó thấy đà tăng dân số vùn vụt, cho đến năm 2013. Cần tới 33 năm sau chính quyền Trung cộng mới bắt đầu thấy chính sách 1 con có cơ nguy nan cho đất nước Trung quốc và chính thức khai tử chính chính sách này vào năm 2015. Hậu quả trước mắt là trung cộng sẽ thiếu thành phần lao động trẻ trong xã hội khi phải gánh vác số đông người già không còn sức lao động. Theo tục lệ trung hoa, người dân thích con trai để nối dỗi tông đường nên tương lai có thể dẫn đến tình trạng mẫu hệ "Gái trăm chồng", chưa ai biết được? Còn vô số những hậu quả khác chưa được đề cập đến có thể dẫn đến một Trung quốc suy vong vì hạn chế sinh sản và phá thai.

Nhìn qua xã hội phương tây, với chủ trương hạn chế sinh sản và phá thai của người dân đã biến Châu u thành những quốc gia già cỗi, không còn cái cảnh huy hoàng của thủa hùng cường đi chiếm các nước thuộc địa. Đó cũng là viễn cảnh của Bắc Mỹ mai này, Canada và Hoa kỳ sẽ mất cái thủa vàng son bây giờ như châu âu ngày nay. Đây cũng là một vấn đề đau đầu cho các nhà lãnh đạo Nhật Bản khi giới trẻ ngày nay không còn hứng thú chuyện lập gia đình. Trong khi số phá thai lên tới khoảng 80% cả người lập gia đình lẫn không lập gia đình.

Nhìn sang Châu Phi, các quốc gia nghèo đói nhất thế giới hiện nay, người ta đang dưa vào tình trạng sức khỏe của phụ nữ và đề xướng chấp nhận phá thai như giải pháp cứu những người phụ nữ sống trong hoàn cảnh y tế nghèo nàn khi so sánh với xã hội phương tây được hưởng những an toàn về y tế. Các quỹ từ thiện đang hô hào giúp đỡ Châu Phi vì tinh thần nhân đạo nhưng chẳng ai biết hay để ý vì sao các nước ở Châu Phi vẫn còn nghèo đói. Phải chăng các tài phiệt và các quốc gia giầu có trên thế giới đã và đang bóc lột Châu Phi đến tận cùng xương tủy của họ, thử vaccin, thị trường thuốc ngừa phá thai, nhưng bề ngoài vẫn được tiếng nhân nghĩa?

Ai đã kêu gọi hạn chế sinh sản và ủng hộ phá thai? Nếu không hạn chế sinh sản và ủng hộ phá thai thì nhà bào chế thuốc này bán cho ai? Ai là người đầu tư vào ngành dược phẩm bào chế thuốc ngừa thai và phá thai? Ngành này đã đi đêm (lobby) với chính giới như thế nào để chính quyền các nước chấp nhận phá thai là hợp pháp? Lợi nhuận một năm của các công ty bào chế thuốc này là bao nhiêu? Họ đã chi bao nhiêu cho các chính giới ủng hộ phá thai ra ứng cử?

Một góc nhìn khác là các y sĩ và bác sĩ chuyên về phá thai kiếm được bao nhiêu tiền trong lãnh vực này? Bác sĩ phẫu thuật và bác sĩ tâm lý liên kết như thế nào trong phong trào kêu gọi và bảo vệ phá thai là hợp pháp ở các nước tự do?

Trả lời được cho các câu hỏi trên bạn sẽ hiểu vì sao phá thai là hợp pháp và tại sao người ta gọi đó là nhân quyền hay nữ quyền. Phải chăng lợi nhuận khổng lồ của ngành này đã làm cho các tài phiệt hay nhóm lợi ích không cần biết đến đạo lý của Đất Trời và không còn nhận ra tiếng nói của lương tri?

Những người phò sinh cần phải làm gì để kêu gọi đừng phá thai? Có thể chung tay để bóc trần sự thật về các nguồn kinh phí cho phá thai và tìm cho ra ai đứng đằng sau những viện bào chế thuốc này? Và liệu có giải pháp nào hay hơn nữa để kêu gọi người dân đừng phá thai? Các cơ sở tôn giáo nào sẽ nhận những thai nhi này sau khi sinh ra nếu người mẹ không muốn giữ con?... Con đường phía trước của những người phò sinh còn nhiều chông gai lắm? Trong niềm tin riêng của mỗi người phò sinh, xin liên lỷ cầu nguyện với Thượng đế phò trợ cho công việc của chúng ta.

Phải chờ đến bao giờ cả thế giới mới ý thức được hạn chế sinh sản và ủng hộ phá thai sẽ mang hậu quả không lường trước cho tương lai thế giới và thế hệ con cháu của chúng ta mai sau?

Dominic Truong

P/S nguồn tham khảo

https://en.wikipedia.org/wiki/Universal_Declaration_of_Human_Rights

pro-life nurse

https://pregnancyhelpnews.com/thank-god-for-pro-life-health-care-professionals-one-nurse-s-kindness-saved-a-mama-and-her-baby-from-abortion

https://news.wbfo.org/post/religious-objectors-v-birth-control-back-supreme-court

https://www.campaignlifecoalition.com/harm-to-women

https://www.arcc-cdac.ca/postionpapers/60-History-Abortion-Canada.pdf

https://www.google.com/search?client=firefox-b-d&q=birth+control+pills

https://www.campaignlifecoalition.com/abortion/

https://time.com/4019385/pope-francis-is-right-about-abortion/

https://www.catholicregister.org/item/31466-march-for-life-continues-online
 
Những Khó Khăn Của Cuộc Chiến Phò Sinh - Phần 3
Dominic Truong
20:29 16/05/2020
Những Khó Khăn Của Cuộc Chiến Phò Sinh - Phần 3

Phải chờ đến bao giờ cả thế giới mới ý thức được hạn chế sinh sản và ủng hộ phá thai sẽ mang hậu quả không lường trước cho tương lai thế giới và thế hệ con cháu của chúng ta mai sau?

Đại dịch cúm tàu chợt đến từ Vũ hán và lây lan toàn thế giới. Con người hoảng sợ vì mình có thể chết vì bị lây bịnh và chạy tới cầu xin Thượng đế. Lời cầu cho thế giới nhưng thực sự cho chính mình, lời kêu gọi sám hối nhưng là kêu gọi mỗi người chúng ta phải sám hối. Sám hối điều gì đây?

Nhìn vào tôn giáo: Các tôn giáo có những phản ứng khác nhau về cách ứng xử như cầu nguyện online hay vẫn đến nhà thờ, đền thờ để cầu nguyện. Nhưng có chung lời kêu gọi tín hữu của mình cầu nguyện cho đại dịch như cầu nguyện cho các nạn nhân, cho giới y tế đang trên tuyến đầu chống dịch, cho các nhà khoa học tìm ra thuốc chữa trị hay vaccine phòng ngừa mai này hay chung tay trong những công việc từ thiện, bác ái, hỉ xả với những người đang khốn đốn, thiếu ăn vì dịch bệnh....

Đứng trước các thiên tai, thảm họa như động đất, sóng thần, lũ lụt, cháy rừng hay cháy nhà thờ Paris và các trận chiến tranh...cả thế giới vỡ òa trong xót xa nhưng chuyện gì xảy ra coi như đã xong, thiệt hại vật chất hay tổn thất nhân mạng dù lớn tới đâu được quyết định trong khoảnh khắc ấy thôi, để rồi vài tuần, vài tháng hay vài năm sau người ta quên bẵng đi chẳng còn mấy ai nhắc tới.

Đứng trước đại dịch, con người sống trong đại dịch ấy thường cũng có tâm trạng vỡ òa hoảng hốt trước nhiều người chết vì dịch, nhưng rất thường kéo theo một tâm trạng sợ hãi nhiều hơn đó là vần đề "sống hay chết" của những người thân và chính yếu là sự "sống hay chết" của bản thân họ. Những người không có niềm tin vào thượng đế thường hay lo lắng cho bản thân của họ nhiều hơn. Những người có niềm tin vào tôn giáo nhưng chưa có niềm tin vững chắc, cũng dễ thường sợ hãi như người không có niềm tin. Những người có niềm vững tin vào bàn tay của Thượng Đế thường ít màng đến cái chết của họ và rất thường lo lắng đến mạng sống của người khác nhất là những người nhiễm bịnh nhiều hơn. Vì sổ thiên tào hay ngày giờ Thượng đế, Thiên Chúa đã định bạn phải ra đi thì chẳng phải đại dịch bạn cũng phải ra đi.

Nhìn vào xả hội, các chính quyền các quốc gia cũng có những phản ứng khác nhau trong cách phòng chống dịch. Thế nhưng trong các chính giới trên thế giới, tôi thấy một chính giới của Hoa Kỳ lại có cách chống dịch bằng lời cầu nguyện. một lời cầu nguyện thay mặt cho dân Mỹ xin tạ tội với Trời vì lập pháp và tư pháp của Hoa kỳ đã sai lầm về vấn đề phá thai, đồng tính và từ chối Thiên Chúa trong Giáo dục học đường. và có thể hiểu là trong cuộc sống đời thường nữa.

Tất nhiên những chính giới phò phá thai hay những nhóm thích phá thai sẽ không đồng ý với lời xin Thượng Đế tha thứ của chính khách Hoa Kỳ này một cách công khai hay âm thầm và con số âm thầm này chắc đang nguyền rủa ông hay tính toán những cách thế để duy trì phá thai là hợp pháp. (2). Ngay cả những người phò sinh, chống phá thai có mấy ai để ý đến lời tạ tội này. Vì sao?

Đại dịch cúm tàu đang cho thế giới thấy bộ mặt thật của ĐCSTQ, mà nhiều người đang luận bàn về mổ ghép nội tạng từ phái pháp luân công là tội ác chống lại loài người. Không biết bao giờ việc bức tử thai nhi mới được người người quan tâm và kết án đó cũng là tội ác chống lại loài người.

Nếu đại dịch này chưa lột mặt được những "Nhạc Bất Quần" trong thế giới tự do và những Ma Vương xứ tư bản đang điều khiển những việc giết thai nhi thì có lẽ thế giới lại sẽ có một cơn đại dịch khác tàn khốc hơn để con người nhận thức được việc bức tử thai nhi là đại tội với Trời và Nhân Loại.

Con người ngày nay không loại trừ một số kẻ tu hành đang phán đoán mọi điều đựa trên vật chất, dựa trên tài sản mình có. Không ai phủ nhận được phát triển kinh tế mang đến nhiều lợi ích cho con người và nhân loại, nhưng nếu vì vật chất mà quên đi đạo của Trời, đạo làm người, thì con người sẽ chẳng còn gì sau những thiên tai, thảm họa và đại dịch....có thể trả giá bằng ngay cả mạng sống của mình.

Những nhóm hay liên hội phò sinh làm sao thức tỉnh con người cùng thời của mình nhận ra một trong những lẽ đạo làm người là chớ phá thai hay nói khác đi phá thai là tội ác. Tôi cho rằng con người không có quyền giết các thai nhi vì bất cứ lý do gì trừ việc phải chọn lựa để cứu người mẹ, nếu không cả hai mẹ con đều chết.

Thế giới ơi, có nghe tiếng uất nghẹn của các thai nhi bị bức tử không?

Dominic Truong

P/S Nguồn tham khảo

https://www.heritage.org/life/commentary/pro-life-nations-reject-uns-cultural-colonialism-abortion-population-control

https://www.harpersbazaar.com/culture/features/a10033320/pro-life-abortion/

https://news.gallup.com/poll/244709/pro-choice-pro-life-2018-demographic-tables.aspx

https://news.usc.edu/168381/religious-groups-coronavirus-pandemic-religion-passover-easter/

(2) https://www.dailykos.com/stories/2019/11/11/1898752/-Crazy-Stupid-Republican-of-the-Day-Randy-Weber-2019-Update

(3) https://www.heritage.org/life/commentary/pro-life-nations-reject-uns-cultural-colonialism-abortion-population-control
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bên Nhau Trên Đỉnh Bao La
Dominic Đức Nguyễn
21:47 16/05/2020
BÊN NHAU TRÊN ĐỈNH BAO LA

Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Bên nhau trên đỉnh bao la

Thề non gửi gió thanh cao tình mình

(bt)
 
VietCatholic TV
Thảm cảnh kinh sợ tại Brazil: Quan tài làm không kịp trước số người thiệt mạng vì virus Tầu độc địa
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:43 16/05/2020


1. Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đề nghị gọi Thánh Gioan Phaolô II là “The Great”

Trong một bức thư gởi cho Hội Đồng Giám Mục Ba Lan nhân sinh nhật thứ 100 của vị Thánh Giáo Hoàng Ba Lan, sẽ được mừng vào ngày thứ Hai 18 tháng Năm, Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 đã đưa ra đề nghị gọi vị Thánh Giáo Hoàng là “The Great”. Như thế, nói theo tiếng Việt, ta sẽ gọi ngài là Thánh Gioan Phaolô II Cả, như ta gọi Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô Cả, và Thánh Giáo Hoàng Lêô Cả.

Sau khi phân tích các thành công của hai vị Giáo Hoàng Cả, Đức Bênêđíctô 16 viết:

“Trong cuộc thảo luận về hình dạng tương lai của Châu Âu và nước Đức vào tháng 2 năm 1945, người ta nói rằng cần phải lưu ý đến ý kiến của Đức Giáo Hoàng. Stalin liền hỏi: Giáo hoàng thì có được bao nhiêu sư đoàn? Đúng thế, Đức Giáo Hoàng không có sư đoàn nào. Tuy nhiên, sức mạnh của đức tin lại hóa ra là một lực lượng cuối cùng đã giật sập được hệ thống quyền lực của Liên Sô vào năm 1989 và tạo ra một khởi đầu mới cho nhân loại. Không thể chối cãi rằng đức tin của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là một yếu tố thiết yếu trong sự sụp đổ của các thế lực. Và vì vậy, sự vĩ đại xuất hiện nơi Thánh Giáo Hoàng Lêô thứ Nhất và Thánh Giáo Hoàng Grêgôriô thứ nhất chắc chắn cũng được nhìn thấy ở đây.

Chúng ta hãy mở ngỏ cho câu hỏi liệu tính ngữ ‘The Great’ - [‘Cả’] - sẽ thịnh hành hay không. Đúng là sức mạnh và lòng nhân lành của Thiên Chúa đã trở nên hữu hình đối với tất cả chúng ta nơi Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong một thời gian khi Giáo hội một lần nữa phải chịu sự áp bức của cái ác, đối với chúng ta ngài là một dấu chỉ của niềm hy vọng và sự tự tin.

Thánh Gioan Phaolô II, xin cầu cho chúng con!”


Source:Catholic News Agency

2. Tình hình tổng quát trên thế giới

Tính đến thứ Bẩy 16 tháng Năm, tử vong toàn thế giới đã lên đến 307,493 người, trong số 4,609,315 trường hợp nhiễm coronavirus. Như thế, trong 24 giờ qua đã có 5,317‬ người chết và thêm 93,334‬ người nhiễm coronavirus.

Cho đến nay, Hoa Kỳ vẫn dẫn đầu các trường hợp nhiễm bệnh với 1,480,419 trường hợp nhiễm coronavirus, trong đó có 88,298 trường hợp tử vong. Trong một diễn biến cho thấy quan hệ ngày càng căng thẳng với Bắc Kinh, tổng thống Donald Trump cho biết ông đang suy tính đến khả năng đoạn giao với Trung Quốc.

Tại Bắc Kinh, trong 3 ngày liên tiếp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc là Triệu Ly Kiên (Zhao Lijian- 赵丽坚) vẫn kiên trì nhắc đi nhắc lại cái gọi là “sách trắng” của Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, trong đó có 15 điều quan trọng như Trung Quốc cũng chỉ là nạn nhân của COVID-19 như các nước khác; quân đội Hoa Kỳ là thủ phạm gây ra đại dịch; Trung Quốc là quốc gia được Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, công nhận là hàng đầu thế giới trong việc chống đại dịch coronavirus kinh hoàng này; và thế giới phải biết ơn Trung Quốc.

Tây Ban Nha đứng thứ hai với 274,367 trường hợp nhiễm coronavirus, và 27,459 người thiệt mạng. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là một phút mặc niệm của các nhân viên y tế tại bệnh viện La Paz ở Madrid để tưởng nhớ đến các nhân viên y tế đã mất mạng trong đại dịch COVID-19. Tây Ban Nha là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch toàn cầu kể từ khi dịch bệnh bắt đầu ở Trung Quốc vào cuối năm ngoái. Có bao nhiêu nhân viên y tế đã chết tại Tây Ban Nha là điều không ai biết vì chính quyền của Thủ tướng cánh tả Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội không thực hiện các thống kê về những cái chết anh hùng này.

Nga đang đứng thứ ba với 262,843 trường hợp nhiễm coronavirus, và 2,418 người thiệt mạng. Hôm thứ Sáu, Bộ Ngoại Giao Nga đã lên tiếng phê bình hai tờ báo tại Hoa Kỳ là tờ New York Times và tờ Fianancial Review vì cáo báo cáo trên hai tờ báo này cho rằng con số người nhiễm bệnh tại Nga thực sự cao hơn con số được báo cáo.

Hôm thứ Hai 11 tháng Năm, tổng thống Nga Vladimir Putin đã yêu cầu hàng triệu công nhân trở lại các nhà máy và các công trình trên khắp nước Nga, tuyên bố chấm dứt sáu tuần cô lập hoàn toàn mặc dù tỷ lệ lây nhiễm vẫn ở mức cao nhất - đặc biệt là ở Mạc Tư Khoa.

Hai tờ báo tại Hoa Kỳ cho rằng dỡ bỏ lệnh cô lập sớm như thế là sai lầm và chính quyền của tổng thống Putin đã cố ý hạ thấp con số thương vong vì coronavirus để buộc người dân đi làm trở lại.

Tuy nhiên, vào hôm thứ Năm, ông Putin đã tuyên bố một cách khẳng định với chính phủ rằng cuộc sống đang “nối lại nhịp sống bình thường, quen thuộc của nó” và thúc giục họ tập trung vào các ưu tiên không phải là coronavirus.

Anh quốc đang đứng thứ tư với 236,711 trường hợp nhiễm coronavirus, và 33,998 người thiệt mạng. Bất kể con số thương vong vẫn còn cao, ngày 10 tháng Năm, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã yêu cầu những ai không thể làm việc từ nhà hãy trở lại làm việc. Ngày 11 tháng Năm chính phủ đã công bố kế hoạch mở cửa trở lại các hoạt động bình thường. Giáo Hội tại Anh và xứ Wales bày tỏ sự không hài lòng vì kế hoạch của chính phủ không đề cập đến việc mở cửa trở lại các thánh đường.

3. Tình hình tại Italia và tại Tòa Thánh

Ý đang đứng thứ năm với 223,885 trường hợp nhiễm coronavirus, và 31,610 người thiệt mạng. Các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự sẽ được mở cửa trở lại vào ngày thứ Hai 18 tháng Năm. Phòng Báo Chí Tòa Thánh cho biết sáng ngày thứ Năm các đại diện của 4 đền thờ chính ở Rôma, là đền thờ thánh Phêrô, đền thờ Đức Bà Cả, đền thờ thánh Gioan Latêranô và đền thờ thánh Phaolô ngoại thành – đã tham dự cuộc họp do Phủ Quốc vụ khanh Tòa Thánh tổ chức nhằm thảo luận về các biện pháp cần thiết khi mở cửa lại bốn đại đền thờ này.

Các vị đại diện đã thảo luận về các biện pháp cần áp dụng trong giai đoạn 2 của quá trình cách ly của Ý, khi các nhà thờ được phép mở cửa lại cho tín hữu tham dự Thánh lễ từ ngày 18 tháng Năm, với những hạn chế nghiêm nhặt.

Các nhà thờ ở Ý được yêu cầu giới hạn số người tham dự bằng cách bảo đảm khoảng cách một mét và những người tham dự phải đeo khẩu trang. Các nhà thờ phải được làm sạch và khử trùng giữa các Thánh lễ.

Ông Matteo Bruni, giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh nói rằng các đại diện của 4 đền thờ đã nói về “những biện pháp cần thiết phù hợp nhất để đảm bảo sự an toàn của tín hữu”, bao gồm việc đo thân nhiệt của những người muốn tham dự các cử hành phụng vụ, ít nhất là trong các Thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ buộc khác.

Chia sẻ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, ông Bruni nói rằng mỗi đền thờ sẽ áp dụng các biện pháp phản ánh “đặc điểm cụ thể” của nó. “Đặc biệt đối với đền thờ thánh Phêrô, hiến binh Vatican sẽ đưa ra các hạn chế khi vào đền thờ, trong sự phối hợp chặt chẽ với Thanh tra an ninh công cộng, và sẽ tạo điều kiện cho việc vào đền thờ an toàn, với sự hỗ trợ của các tình nguyện viên của Hội Hiệp sĩ Malta.

4. Brazil: Quan tài làm không kịp, dự đoán 11 triệu người chết vì coronavirus

Brazil, hay còn gọi là Ba Tây, đang đứng thứ sáu với 212,198 trường hợp nhiễm coronavirus, và 14,455 người thiệt mạng. Trong một diễn biến khá bi quan, hôm thứ Sáu 15 tháng Năm, Bộ trưởng Bộ Y tế Brazil, ông Thomas Teich, đã đệ đơn từ chức và đã tổ chức một cuộc họp báo sau đó.

Ông Teich, là người bị tổng thống Bolsonaro chỉ trích là quá nhút nhát trong nỗ lực mở cửa lại nền kinh tế chỉ mới giữ chức vụ này chưa được một tháng. Trong cuộc họp báo lần cuối cùng, ông Teich tiên báo ít nhất có 11 triệu người sẽ phải chết vì coronavirus tại quốc gia này trong vài tháng tới. Giải thích lý do từ chức, ông Teich nói tại các thành phố lớn như Manaus và Belém tình hình bi quan đến mức quan tài làm không kịp và trong những ngày này những người thiệt mạng chỉ được an táng sơ sài trong các ngôi mộ tập thể, ngay cả quan tài cũng không có. Trong bối cảnh kinh hoàng như thế, ông bất mãn với chính sách của tổng thống Bolsonaro là người đang tiếp tục thúc bách giảm bớt các hạn chế nhằm mở lại nền kinh tế.

Dân chúng Brazil cũng tỏ ra đồng tình với tổng thống trong việc mở lại nền kinh tế qua các cuộc biểu tình phản kháng lệnh cách ly xã hội.

Ông Teich nói trong hoàn cảnh như thế, ông không thể làm gì hơn là từ chức. Giải thích về con số bi quan 11 triệu người sẽ chết vì coronavirus, ông Teich cho biết tại Rio de Janeiro và Sao Paulo, nơi tập trung các khu ổ chuột của Brazil, căn bệnh đã đẩy các bệnh viện công lên hết sức chứa, người Brazil trong vùng đập vào xoong nồi từ cửa sổ của họ để phản đối sau khi có các báo cáo nói rằng đa số những người chết trong những ngày này đã phải chết ngay trên xe cứu thương. Các xe cứu thương chở các bệnh nhân chạy hết từ bệnh viện này sang bệnh viện khác vì không có giường cho bệnh nhân. Cuối cùng, họ chết ngay trên xe cứu thương.

Nguồn tin từ Giáo Hội Brazil cho biết, tháng Hai vừa qua, khi dịch bệnh đã bùng phát kinh hoàng tại nhiều nơi trên thế giới, một số lễ hội chủ yếu do giới đồng tính tổ chức vẫn tu hút một số đông người tham dự như những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây. Hậu quả của những lễ hội này là một con số đông đảo những người phải vào bệnh viện làm sụp đổ hệ thống y tế vốn đã rất yếu ớt của quốc gia này.

Một nguồn tin chính phủ nói với thông tấn xã Reuters rằng các thành viên trong nội các Brazil đang đề nghị tổng thống cử phó bộ trưởng y tế Eduardo Pazuello, nguyên là một tướng lãnh quân đội, trở thành bộ trưởng y tế mới.

5. Tình hình tại Đức và Bỉ

Đức đang đứng thứ tám với 175,490 trường hợp nhiễm coronavirus, và 7,971 người thiệt mạng.

Sau hai tháng đóng cửa vì dịch COVID-19, các nhà thờ tại Đức đã được tái tục các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự theo một hình thức mới: anh chị em tín hữu được khích lệ đeo các khẩu trang y tế như một cử chỉ bác ái đối với người khác, các chất khử trùng tay được cung cấp tại lối ra vào và chỉ một số ít giáo dân đã ghi danh trước mới có thể tham dự các Thánh lễ.

Bỉ đang đứng thứ 15 với 54,644 trường hợp nhiễm coronavirus, và 8,959 người thiệt mạng.

Bia của các linh mục tu sĩ Dòng Trap là một trong những loại bia hiếm nhất trên thế giới, và cuối cùng các tu sĩ tại tu viện Thánh Xitô ở Bỉ đã có thể tái sản xuất. Giống như phần còn lại của thế giới, các vị đã phải nghỉ ngơi một chút trong vài tháng qua.

Tuy nhiên, công việc của các ngài không giống như trước.

Thầy Godfried nói với Reuters rằng:

“Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng tôi làm việc theo lịch hẹn để chúng tôi có thể kiểm soát dòng người đến đây. Cũng có những dấu hiệu yêu cầu mọi người ở trong xe của họ và đừng lang thang xung quanh. Ngoài ra, chúng tôi đã bật đèn đỏ để chỉ có một hoặc hai người thực hiện giao dịch và họ có thể giữ đủ khoảng cách. Ngoài ra còn có những miếng kính được cài đặt và thuốc khử trùng được đặt ở khắp mọi nơi.”

“Tất nhiên, tình trạng hiện tại không mấy khả quan, chúng tôi chỉ có thể bán trên thị trường Bỉ vì biên giới đã đóng cửa. Bia này thường được ưa chuộng trên thị trường quốc tế nhưng những khách hàng nước ngoài không được phép đến đây trong một thời gian nữa.”

Thầy Godfried nói rằng mặc dù việc mở cửa trở lại có những giới hạn nhất định, nhà dòng đã thấy nhu cầu bùng nổ rất lớn.

Hơn 5,000 người đã tạo tài khoản mới với nhà dòng chỉ trong vài ngày qua.

6. Tình hình tại Syria

Cuối cùng, chúng tôi xin được gởi đến quý vị và anh chị em một vài hình ảnh về các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự tại Syria.

Đất nước tang thương vì cuộc nội chiến điêu tàn kéo dài từ tháng Ba năm 2011 đến nay đã may mắn có số người nhiễm coronavirus rất thấp. Đến nay chỉ có 50 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận và 3 người thiệt mạng vì virus Tầu độc địa này.

Trong bối cảnh đó, các cử hành phụng vụ có công chúng tham dự đã được tái tục vào Chúa Nhật tuần qua.

7. Thánh lễ tại Santa Marta thứ Bẩy 16 tháng 5

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 16 tháng Năm, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ, ngài cầu nguyện cách riêng cho những ai đang phục vụ trong công việc chôn cất những người đã chết vì đại dịch coronavirus kinh hoàng này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha nói:

Hôm nay chúng ta hãy cầu nguyện cho những người chịu trách nhiệm trong việc chôn cất những người quá cố trong đại dịch này. Đó là một trong những công việc của lòng thương xót khi chôn xác kẻ chết và tất nhiên đó không phải là một điều dễ chịu. Chúng ta hãy cầu nguyện cho họ vì cũng như các nhân viên y tế họ cũng đang phải liều mạng trước nguy cơ nhiễm trùng.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đã trình bày các suy tư của ngài về bài Tin Mừng trong ngày, trong đó Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước.”

Phúc Âm: Ga 15, 18-21

“Các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Nếu thế gian ghét các con, các con hãy biết rằng họ đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian, thế gian sẽ yêu những gì thuộc về nó, nhưng các con không thuộc về thế gian, vì chính Thầy đã chọn các con khỏi thế gian, nên thế gian ghét các con. Các con hãy nhớ lại lời Thầy đã nói với các con: Tôi tớ không trọng hơn chủ. Nếu họ đã bắt Thầy, thì họ cũng sẽ bắt bớ các con; nếu họ tuân giữ lời Thầy, thì họ cũng tuân giữ lời các con. Tại vì danh Thầy mà họ sẽ làm cho các con tất cả những điều đó, bởi vì họ không biết Ðấng đã sai Thầy”.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu đã nhiều lần nói về thế gian, về lòng căm thù của thế gian đối với Người và các môn đệ Người. Chúa Giêsu đã không xin Chúa Cha đưa các môn đệ ra khỏi thế gian nhưng xin Chúa Cha bảo vệ các môn đệ khỏi tinh thần thế gian.

Đâu là tinh thần thế gian muốn phá hủy và làm băng hoại Giáo hội? Thưa: đó là sự đề xuất một lối sống tách biệt với Tin Mừng. Tinh thần thế gian là thứ văn hóa phù hoa, chuộng vẻ bề ngoài, trang điểm để che đậy, nó có những giá trị hời hợt, một nền văn hóa không biết trung tín là gì bởi vì nó thay đổi theo hoàn cảnh, như một con tắc kè hoa, nó thương lượng mọi thứ.

Chúa Giêsu nhấn mạnh trong lời cầu nguyện của Người rằng Chúa Cha bảo vệ chúng ta khỏi thế gian, khỏi một nền văn hóa sử dụng và vứt bỏ theo sự tiện lợi. Tiếc thay, đó lại là cách sống của nhiều người tự xưng mình là các Kitô hữu nhưng sống rất trần tục. Những lo lắng liên quan đến thế gian nhấn chìm đức tin của họ.

Cha de Lubac nói rằng tinh thần thế gian là điều tồi tệ nhất trong các tệ nạn của Giáo hội khi nó trở thành một cách sống tâm linh của các tín hữu Kitô. Tinh thần thế gian giết chết linh hồn chúng ta vì nó ghét đức tin. Đáng buồn là tinh thần thế gian đi vào mọi nơi, ngay cả trong Giáo hội, dưới các dạng thức che đậy.

Tinh thần thế gian không chấp nhận được tai tiếng của thập tự giá, vì liều thuốc giải duy nhất chống lại tinh thần thế gian là Chúa Kitô, Đấng đã chết và sống lại vì chúng ta. Chiến thắng chống lại thế gian là đức tin vào Chúa Giêsu. Và đức tin ấy không có nghĩa là cuồng tín, không có nghĩa là không nói chuyện với người khác.

Để kết luận, Đức Thánh Cha xin Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta ân sủng để nhận ra tinh thần thế gian và những tiêu chí của Tin Mừng để chúng ta không bị lừa dối. Nếu thế gian ghét chúng ta, hãy nhớ rằng nó đã ghét Chúa Giêsu trước. Nhưng chúng ta hãy vững dạ cậy trông vì Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cùng Chúa Cha cho chúng ta khỏi rơi vào tinh thần thế gian.


Source:Vatican News
 
Đức Hồng Y Hương Cảng cảnh báo: Nếu tình hình Trung Quốc không thay đổi, tương lai thế giới sẽ u ám
Giáo Hội Năm Châu
16:04 16/05/2020


Nếu tình hình tại Trung Quốc hiện nay không thay đổi, đảng cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục nắm quyền, nước ta có nguy cơ mất độc lập tự chủ và trở thành một tỉnh của Tầu.

Nếu nhân đại dịch coronavirus kinh hoàng này Trung Quốc ngoi lên địa vị bá chủ thế giới, nguy cơ trở về thời kỳ 1,000 năm nô lệ giặc Tầu của chúng ta trở thành một điều đương nhiên.

Các chính khách cánh tả tại Tây Âu đang nồng nhiệt ca ngợi vai trò bá chủ thế giới của Trung Quốc. Cả cái Tổ Chức Y Tế Thế Giới, gọi tắt là WHO, cũng nồng nhiệt ủng hộ bọn cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng liệu Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa?

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi nhận định sau trên UCANews của Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, một người Trung Hoa.


Trước những gương xấu của chủ nhân, người dân Trung Quốc đã đánh mất những đức tính truyền thống của họ

Một đại dịch mang chiều kích cánh chung tiếp tục gây ra sự mất mát khôn lường về sinh mạng và các nguồn lực kinh tế. Chúng ta chưa thấy sự kết thúc của đại dịch đó, nhưng chúng ta có thể và phải nắm bắt một số sự thật rõ ràng và phân tích mối quan hệ nhân quả của chúng. Chỉ khi làm như vậy, chúng ta mới có thể chuẩn bị cho việc xây dựng lại xã hội và đem lại sự bảo vệ mới cho tương lai nhân loại.

Thực tế là: một đại dịch bắt đầu ở Trung Quốc và nó lan nhanh trên toàn thế giới.

Phân tích: phải có một cái gì đó liên hệ tới toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa là một thực tế, và việc di chuyển tăng lên của một số lượng khổng lồ những con người đã giải thích sự lây lan nhanh chóng của đại dịch, một phần nào đó. Nhưng tiến bộ hiện đại trong truyền thông lẽ ra đã có thể đưa ra một sự báo động kịp thời và kềm hãm sự lây lan đó. Rõ ràng là có gì đó đã sai lầm.

Chúng ta hãy nhớ rằng toàn cầu hóa là một hiện tượng hai mặt: nó có thể tốt, nó có thể xấu, nó phụ thuộc vào cách chúng ta quản lý nó.

Đức Giáo Hoàng Gioan Phao-lô II đã từng phân biệt một sự “toàn cầu hóa đoàn kết” với một sự “toàn cầu hóa gạt sang bên lề”. Một cái được điều hành bởi những người quan tâm đến lợi ích thực sự của tất cả mọi người, cái kia được điều khiển bởi lợi ích ích kỷ của các cá nhân và các nhóm.

Đó cũng là cơ hội để ghi nhớ những gì đã được Đức Giáo Hoàng Phao-lô VI nói: Tiến bộ thực sự là khi mọi người cùng tiến bộ và toàn bộ con người tiến bộ. Với những tiền đề đó, chúng ta hãy đi kiểm tra thực tế hiện nay, đặc biệt thực tế có liên quan đến Trung Quốc.

Nhiều người hoan nghênh sự xuất hiện của toàn cầu hóa: với việc thế giới trở thành một “ngôi làng”, một “gia đình lớn”, một sự hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sẽ làm cho thế giới tốt đẹp hơn, những người giàu và mạnh có thể giúp đỡ người nghèo và người yếu. Nhưng, than ôi, kết quả thực tế rất đáng thất vọng. Tại sao tất cả những cuộc biểu tình thường là đẫm máu được tổ chức tại các địa điểm các cuộc họp của Tổ chức Thương mại Thế giới? Câu trả lời là: người nghèo của các nước nghèo không cảm thấy họ nhận được sự giúp đỡ nào từ nền kinh tế toàn cầu hóa này của thế giới.

Những người đang vận hành toàn cầu hóa kinh tế là những người giàu và mạnh của thế giới: Ngân hàng Thế giới, Quỹ Tiền tệ Quốc tế, v.v... Họ có ý giúp đỡ các nước nghèo, nhưng rất thường khi họ kết thúc bằng cách giúp đỡ chính phủ của các nước nghèo, những người giàu và mạnh ở những nước đó, chứ không phải những người dân nghèo, vì những người dân nghèo của các nước nghèo chưa được mời tham gia tích cực vào quá trình này.

Các nhà quản lý toàn cầu hóa lập kế hoạch cho nền kinh tế thế giới nhưng hiếm khi xét đến hoàn cảnh và nhu cầu thực tế của địa phương. Chính quyền địa phương và các nhà điều hành khác, giàu có và quyền lực, có lẽ quan tâm nhiều hơn đến việc đưa tiền vào túi riêng của họ hơn là giúp đỡ những người dân nghèo của đất nước họ.

Trung Quốc bước vào thế giới

Tại thời điểm khi tất cả những điều này đang trở nên rõ ràng, Trung Quốc bước vào sân khấu thế giới, xưa là một quốc gia nghèo bây giờ giàu có và mạnh mẽ, là hình mẫu và lãnh đạo của các quốc gia châu Á và châu Phi. Trung Quốc mang đến cho họ niềm hy vọng về một xã hội ngay chính hơn, công bằng hơn, thịnh vượng hơn.

Có nhiều điều để thảo luận về một nhận thức như vậy. Trung Quốc đã thực sự trở nên giàu có và mạnh mẽ chưa? Chúng ta phải phân biệt giữa người dân và quốc gia. Trung Quốc trở nên giàu có và mạnh mẽ bởi vì người dân của họ chăm chỉ và học hỏi nhanh. Là quốc gia đông dân nhất, Trung Quốc trở thành nhà cung cấp lao động khổng lồ trên thế giới, có khả năng sản xuất khổng lồ và mang tiền vào kho bạc của quốc gia.

Nhưng còn người dân thì sao? Trong một chế độ toàn trị, người dân đóng góp vào sự giàu có của quốc gia, nhưng họ không có được sự chia sẻ công bằng về sự thịnh vượng của nó. Ở Trung Quốc, người dân là nô lệ dưới đảng cộng sản Trung Quốc. Nô lệ không được phép có nhân phẩm xa xỉ. Dưới sự thống trị và trước gương xấu của chủ nhân, người dân Trung Quốc đã mất đi những đức tính truyền thống. Trong một thế giới đấu tranh để sinh tồn, họ tìm cách nói dối và bạo lực, giống như chủ nhân của họ. Trung Quốc trở thành mối đe dọa cho thế giới.

Thế giới hẳn đã có cơ hội nhận thức được tất cả những điều này, nhưng họ có thể chưa bao giờ nghe nói về nhiệm vụ “đầu tư đạo đức” và “tiêu dùng đạo đức” cho đến khi họ nhận ra rằng họ là đồng phạm trong việc nuôi dưỡng một con quái vật nguy hiểm.

Đặng Tiểu Bình, người khởi xướng chủ nghĩa tư bản nhà nước của Trung Quốc, đã từng nói rằng để quốc gia trở nên giàu có, bạn phải cho phép ai đó làm giàu trước. Nhưng ai có thể là những người đầu tiên trở nên giàu có và trong bao lâu? Rõ ràng là những người nắm quyền lực, các nhà lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc, và một khi họ trở nên giàu có, họ sẽ mạnh hơn và họ có thể duy trì như vậy mãi mãi.

Bây giờ, để đảng cộng sản Trung Quốc chuyển từ việc là những nhà tư bản bóc lột đồng hương của họ sang trở thành những tên đế quốc bóc lột các quốc gia khác, chỉ còn một bước nữa.

Theo dự án “ Một Vành đai, Một Con đường”, nghĩa là Con đường Tơ lụa hiện đại, Tập Cận Bình tự giới thiệu mình với nhiều quốc gia châu Á và châu Phi như một vị cứu tinh, là người có thể giải thoát họ khỏi cảnh nghèo đói mà những tên thực dân đã để lại.

“Chúng tôi cho bạn mượn tiền, đặc biệt là để xây dựng cơ sở hạ tầng, là nền tảng của tiến bộ”. Những người cộng sản “cho vay tiền”, họ không bao giờ làm “quà”.

“Chúng tôi cung cấp cho bạn kiến thức chuyên môn và chúng tôi cử người lao động đi làm việc”. Rõ ràng là bạn phải trả tiền cho tất cả những điều này. Điều đó có nghĩa là tiền đã vay quay trở lại Trung Quốc.

Khi họ không thể trả lại tiền, họ được yêu cầu thanh toán bằng các quyền lợi và các ưu tiên độc quyền, hoặc thậm chí bằng việc nhượng bộ lãnh thổ và các cảng trong 99 năm. Những tên thực dân mới tồi tệ hơn những tên thực dân cũ!

Một đại dịch bùng nổ, một thảm họa thế giới. Đó là một sự thức tỉnh cho mọi người. Đã đến lúc chúng ta cần có một cái nhìn nghiêm túc về hành trình trong lịch sử của nhân loại chúng ta. Chúng ta có thể tự hào về tiến bộ khoa học của mình, tự hào về nhiều cơ hội tiêu thụ nhiều hơn không? Bỗng nhiên chúng ta mất tất cả và thấy mình bất lực.

Bây giờ chúng ta nhận ra tầm quan trọng của sự thật, của quyền được thông tin của chúng ta và quyền tự do ngôn luận. Tiếp xúc gần hơn với cái chết, chúng ta được khuyến khích theo đuổi các giá trị nhân bàn và Tin Mừng với quyết tâm cao hơn.

Chúng ta phát hiện ra rằng những anh hùng thực sự không phải là những người chúng ta từng ngưỡng mộ trên màn hình mà là những người hy sinh chính mình để phục vụ những người bệnh, những người chăm sóc để giữ cho môi trường của chúng ta sạch sẽ và có lợi cho sức khỏe.

Cuối cùng, chúng ta đánh giá cao đức tin của chúng ta dạy chúng ta rằng chúng ta là con cái của Chúa, là anh chị em trong gia đình nhân loại. Lạy Chúa, xin tạ ơn Chúa vì bài học rút ra từ đại dịch này.


Source:UCAN