Ngày 14-05-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh lễ Chúa Nhật thứ Năm Mùa Phục sinh 15/5 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:07 14/05/2022

BÀI ĐỌC 1 Cv 14:21b-27

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Hồi ấy, sau khi đã loan Tin Mừng cho thành Đéc-bê và nhận khá nhiều người làm môn đệ, ông Phao-lô và ông Ba-na-na trở lại Lýt-ra, I-cô-ni-ô và An-ti-ô-khi-a. Hai ông củng cố tinh thần các môn đệ, và khuyên nhủ họ giữ vững đức tin. Hai ông nói: “Chúng ta phải chịu nhiều gian khổ mới được vào Nước Thiên Chúa.”

Trong mỗi Hội Thánh, hai ông chỉ định cho họ những kỳ mục, và sau khi ăn chay cầu nguyện, hai ông phó thác những người đó cho Chúa, Đấng họ đã tin.

Hai ông đi qua miền Pi-xi-đi-a mà đến miền Pam-phy-li-a, rao giảng lời Chúa tại Péc-ghê, rồi xuống Át-ta-li-a. Từ đó hai ông vượt biển về An-ti-ô-khi-a, là nơi trước đây các ông đã được giao phó cho ân sủng của Thiên Chúa để làm công việc vừa mới hoàn thành.

Khi tới nơi, hai ông tập họp Hội Thánh và kể lại tất cả những gì Thiên Chúa đã cùng làm với hai ông, và việc Người đã mở cửa cho các dân ngoại đón nhận đức tin.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Kh 21:1-5a

Bài trích sách Khải huyền của thánh Gio-an tông đồ.

Tôi là Gio-an, tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giê-ru-sa-lem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang. Rồi tôi nghe từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất.”

Đấng ngự trên ngai phán: “Này đây Ta đổi mới mọi sự.”

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới,

là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em. Alleluia.

TIN MỪNG Ga 13:31-33a,34-35

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Khi Giu-đa ra khỏi phòng tiệc ly, Đức Giê-su nói:

“Giờ đây, Con Người được tôn vinh, và Thiên Chúa cũng được tôn vinh nơi Người. Nếu Thiên Chúa được tôn vinh nơi Người, thì Thiên Chúa cũng sẽ tôn vinh Người nơi chính mình, và Thiên Chúa sắp tôn vinh Người.

Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở với anh em một ít lâu nữa thôi. Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau.”

Đó là Lời Chúa.
 
Hãy yêu như Chúa yêu
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
01:46 14/05/2022

HÃY YÊU NHƯ CHÚA YÊU
CHÚA NHẬT V MÙA PHỤC SINH NĂM C

Tuần rồi, chúng ta tuyên xưng Chúa Giêsu là mục tử nhân lành đã và vẫn chăn dắt đàn chiên của Chúa là chính chúng ta trong tình yêu. Nhưng mối tình ấy không đơn thuần là tình của những người yêu nhau (bạn bè, cha mẹ, vợ chồng, anh chị em… chẳng hạn) trao tặng nhau. Đó không đơn thuần là tình yêu trên phương diện con người.

Tình yêu của Chúa Kitô là khối tình vô giá, có một không hai. Đó là tình yêu của Đấng là Thiên Chúa chấp nhận hiến thân làm người, sống, chết, sống lại vì trần thế, nhằm dẫn đưa trần thế tham dự vào sự sống tràn đầy yêu thương và hạnh phúc vô cùng tận.

Đó là tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên Chúa đã làm người.

Ngoài Chúa Kitô, ta không thể có được, không thể bắt gặp, không thể tìm kiếm thứ tình yêu thiêng thánh ấy, dù ta có tìm kiếm trọn đời mình.

“Thiên Chúa làm người”, nói thì đơn giản, thực tế đó là cả một triết lý cao sâu, nhưng không thuộc về lý trí, lại vượt lên trên tất cả những gì mà lý trí có thể nắm bắt được.

Đó là chân lý tuyệt đối, chân lý thuộc về mầu nhiệm của đức tin, một mầu nhiệm lớn lao mà con người chỉ có thể sống với mầu nhiệm ấy bằng sự cảm nghiệm và lòng tin tưởng.

Vừa là triết lý nhưng không thuộc về lý trí, vừa là mầu nhiệm của đức tin, bởi ta không thể hiểu nổi, không thể tưởng tượng nổi vì sao lại có một tình yêu vĩ đại đến thế.

Tình yêu của Đấng quyền năng, cao trọng vô cùng, vượt trên tất cả mọi loài, mọi sự, còn hơn thế, là chủ tể mọi loài, mọi sự, lại có thể hạ mình để nên một trong những thụ tạo do chính mình dựng nên.

Nhưng điều mà loài người không một chút mảy may hiểu được, càng không bao giờ dám nghĩ tới, lại là sự thật. Thiên Chúa đã làm nên và đã trao ban sự thật rất đỗi kỳ diệu ấy để làm bằng chứng hùng hồn, chứng minh tình yêu quá sức lớn lao của Ngài.

Bởi vậy, nhìn vào tình yêu cuồn cuộn và mãnh liệt, không bờ bến của Thiên Chúa, ta hãy đặt bước chân của đời mình vào những bước yêu thương của Thiên Chúa để sống với nhau, sống cho nhau, hiến thân vì nhau.

Với kinh nghiệm về sức mạnh của tình yêu, chúng ta dám đi đến kết luận rằng, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khăn đó lớn đến đâu đi nữa, để chỉ thỏa mãn một điều kiện duy nhất: làm cho người mình yêu hạnh phúc.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu là như thế: Chúa chấp nhận trao hiến chính mình để mưu cầu hạnh phúc cho ta. Bởi khi sinh ra làm người trong thân phận một bé thơ, Chúa san sẻ đến cùng thân phận cùng cực, mong manh, yếu đuối của ta.

Suốt ba mươi năm sống thầm lặng trong gia đình Nazaret, bên cạnh Đức Maria, thánh Cả Giuse, Chúa Giêsu đồng hành cùng những người nghèo hèn, chấp nhận sống nghèo, sống vất vả.

Ba năm cuối cùng đi rao giảng Tin Mừng để loan báo ơn cứu độ, loan báo Nước trời cho trần gian. Chúa chấp nhận chết đau thương, ai oán vì lợi ích phần rỗi của tất cả chúng ta. Sự sống sau phục sinh của Chúa, không phải chỉ vì vinh quang của Chúa mà thôi, nhưng Chúa sống lại là để ta được sống đời đời cùng Chúa, bên Chúa.

Hôm nay, chính Chúa Giêsu, Thiên Chúa làm người ấy, trước khi từ giã các môn đệ đã nói những lời hết sức cảm động, những lời yêu thương tràn đầy, mang dáng dấp của một sự lưu luyến thẳm sâu: “Thầy đi dọn chỗ cho các con, rồi Thầy sẽ trở lại mang các con đi với Thầy, để Thầy ở đâu, các con cũng ở đó với Thầy”.

Những lời hết sức tâm tình, ấm áp một tình mến không gì sánh nổi ấy, cũng là lời đầy an ủi không chỉ riêng cho các tông đồ, nhưng còn cho mỗi môn đệ của Chúa hôm nay.

Lắng nghe lời trăn trối chất chứa nỗi lòng yêu thương và an ủi của Chúa Giêsu, ta chấp nhận cuộc sống của chính mình, dẫu còn đó nhiều long đong, khổ ải, để như Chúa Giêsu, khi đã đi qua cuộc đời này, ta được cùng Chúa đến nơi mà chính Chúa đã đến, đã dọn sẵn cho ta.
Hóa ra cũng giống như cả cuộc đời trần thế để hiến thân, để ban tặng, sau khi phục sinh, Chúa về trời, thì sự được tôn vinh trên trời ấy cũng lại quy về chúng ta.

Ra đi, nhưng không phải vĩnh biệt mà là chuẩn bị, là “dọn chỗ” để “Thầy ở đâu, các con cũng ở đó”.

Hạnh phúc quá đỗi, vinh dự quá đỗi cho loài người. Tưởng chừng bản thân mỗi người chỉ là mong manh, là nhỏ bé, là khó có thể hoàn thiện, lại được chính Thiên Chúa là Chúa của mình yêu thương cúi xuống để cứu chữa, để nâng đỡ, để phục vụ mình. Một tình yêu không thể tưởng tượng, chỉ có thể lặng đi mà chiêm ngưỡng, mà cảm nghiệm.

Cả cuộc đời Chúa Giêsu: sinh ra, lớn lên, đi rao giảng, chịu đóng đinh, chết, sống lại, lên trời, tất cả vì chúng ta, vì hạnh phúc vĩnh cửu của loài người.

Chỉ có một tình yêu lớn lao như tình yêu của Chúa Giêsu, tình yêu của Đấng mang trái tim Thiên Chúa đã làm người, mới có thể mạnh mẽ, mãnh liệt như thế, mới trở nên quá đỗi kỳ diệu và tuyệt vời như thế.

Chúng ta nói với nhau rằng, trong tình yêu, người ta có thể vượt thắng mọi khó khăn, dù khó khắn đó lớn đến đâu đi nữa, để làm cho người mình yêu hạnh phúc. Thì đây, Chúa Kitô là như thế. Tình yêu của Chúa Kitô là tình yêu vượt thắng, vượt lên trên mọi khó khăn, mọi thách đố để mang lại hạnh phúc cho ta, những kẻ được Ngài yêu mến vô cùng.

Hôm nay Chúa cũng đang mời gọi bạn và tôi yêu thương, hãy bắt chước Chúa mà sống đời sống yêu thương.

Không có mẫu số chung để bày tỏ về lòng yêu thương cho hết mọi người, mọi hoàn cảnh. Chúng ta hãy yêu. Tình yêu sẽ chỉ cho mình biết phải làm gì để bày tỏ lòng yêu thương và sống lòng yêu thương suốt đời mình.

Người ta kể rằng, Helen Keller là cô gái câm điếc người Mỹ, đã trở nên không còn xa lạ với thế giới. Vừa được 19 tháng, sau một cơn đau màng óc, cô gái bất hạnh trở thành mù lòa và câm điếc suốt đời. Thế giới âm thanh và màu sắc đã đóng chặt cánh cửa lại với cô.

Làm sao để có thể truyền đạt kiến thức cho một người vừa câm, vừa điếc, lại mù lòa? Helen Keller và cả cha mẹ cô đều chịu thua, hầu như cô và mọi người đã đầu hàng số phận.

Nhưng có một “thiên thần”, bằng tình yêu, sự hy sinh của bản thân đã “làm phép lạ” để giúp đỡ cô. Vị thiên thần có một cái tâm cao cả đó chính là cô giáo Anna Sullivan. Anna đã không bỏ cuộc chạy trốn khi đến với người học trò quá bất hạnh của mình.

Hy vọng duy nhất mà cô có thể truyền thông kiến thức và liên lạc với Helen Keller là tiếp xúc với đôi bàn tay của cô gái này.

Đúng là phép lạ cả thể. Chỉ với ngôn ngữ tiếp xúc trên đôi bàn tay, Helen Keller đã có thể học xong đại học, lấy bằng tiến sĩ, trở thành nhà văn nổi tiếng khắp thế giới.

Chính trong nỗi bất hạnh tưởng như tột cùng của mình, Helen Keller lại là người hạnh phúc. Bởi cô có được một người thầy đẹp quá, đáng yêu quý, đang trân trọng, đáng cho tất cả mọi người noi gương biết bao nhiêu.

Chỉ có tình yêu chân thực, người ta mới có thể mang lại hạnh phúc cho nhau.

Chúa Kitô, chính vì yêu, đã cúi xuống cho ta. Chúa sống lại để trả lại hạnh phúc đời đời do chính ta đã đánh mất trong tội.

Nay Chúa về cùng Cha để hạnh phúc của ta nên trọn, đúng như lời Chúa nói: “Thầy đi dọn chỗ cho các con…”.

Như Chúa Giêsu, ta cũng được mời gọi mang lại hạnh phúc cho anh chị em quanh mình.

Câu chuyện về cô giáo Anna Sullivan và người học trò bất hạnh Helen Keller của cô là một điển hình để bạn và tôi có thể lấy làm bằng chứng sống mà tìm ra đáp số củng cố lòng yêu thương nơi chính mình.
 
Một so sánh đáng kinh ngạc
Lm. Minh Anh
01:51 14/05/2022

MỘT SO SÁNH ĐÁNG KINH NGẠC
“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy!”.

Một ẩn sĩ nói, “Đừng bao giờ quên rằng, sự hào nhoáng không phải là sự vĩ đại; tiếng vỗ tay không phải là tiếng tăm! Một viên đá có thể lấp lánh, nhưng điều đó không làm cho nó trở thành một viên kim cương! Dù thắm thiết đến đâu, tình yêu con người vẫn không bao giờ có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Tình yêu con người không bao giờ có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa!”. Ấy thế, Tin Mừng ngày lễ kính thánh Matthia tông đồ lại tiết lộ một điều gần như ngược lại! Đắm chìm trong bầu khí yêu thương những ai thuộc về mình, Chúa Giêsu đã so sánh tình yêu Ngài dành cho họ với tình yêu bao la mà Chúa Cha dành cho Ngài, ‘một so sánh đáng kinh ngạc!’, “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến các con như vậy!”.

Trước khi cả thế giới này chào đời, Cha và Con đã đắm chìm trong tình yêu thương lẫn nhau vô bờ bến; Chúa Thánh Thần là mối dây liên kết tình yêu này. Sự mật thiết gắn kết và tự hiến của Thiên Chúa Ba Ngôi vượt trội bất kỳ gắn kết và tự hiến nào mà con người có thể nghĩ đến hay tưởng tượng ra. Vậy mà, Chúa Giêsu lại nói, Ngài yêu thương các môn đệ của Ngài theo cách tương tự; yêu họ như Chúa Cha yêu Ngài! Lắng nghe trực tiếp những gì Chúa Giêsu nói, hay lắng nghe gián tiếp khi đọc lại những lời này, hẳn các tông đồ, Matthia và cả chúng ta đều nhận ra rằng, tình yêu mà Đấng Cứu Rỗi dành cho mỗi người quả là bao la, sâu thẳm và thâm trầm! Ngài yêu chúng ta như Chúa Cha yêu Ngài, ‘một so sánh đáng kinh ngạc!’. Vậy, sự thật về tình yêu Chúa Kitô dành cho tôi, được chứng minh từ đỉnh cao thập giá của Ngài, có khiến tôi kinh ngạc và tìm cách đáp trả hào phóng hơn bao giờ hết trong đời sống thiêng liêng không?

“Các con là bạn hữu của Thầy!”. Hoàn cảnh và thời gian chung quanh việc Chúa Giêsu gọi ‘những người bạn’ của Ngài nhắc lại ‘tính xác thực’ của danh xưng này. Chỉ vài giờ nữa, Ngài sẽ bị bỏ rơi, bị phản bội, bởi những người mà ngay lúc này, Ngài ‘gọi là bạn!’. Ngài yêu họ đến mức nhìn xa hơn sự phản bội của họ; đến mức hướng đến một chiến thắng Ngài sắp giành cho họ! Với tình bạn đó, Chúa Giêsu cũng dành cho Matthia, cho cả bạn và tôi! Ngài mời chúng ta “Ở lại trong tình yêu của Ngài”. Tôi không được gọi để trở thành một khán giả, nhưng ‘được gọi để khám phá niềm vui’. Việc đi theo “Đấng bị đóng đinh” sẽ luôn luôn đòi hỏi nhiều khó khăn, nhưng tình bạn của Chúa Giêsu là một kho báu vượt xa sức nặng của bất cứ thập giá nào!

Tình yêu thương của Chúa Cha và Chúa Con, mà Chúa Giêsu đã ‘vô cớ’ mở rộng cho chúng ta với tư cách là ‘bạn’ của Ngài, sẽ sinh hoa trái trong tình bác ái; bác ái này là ‘lực từ’ cuốn hút nhiều người gia nhập hàng tín hữu ban đầu. Bài đọc thứ nhất hôm nay cho thấy sự yêu thương trân trọng đó. Để thế chỗ Giuđa, kẻ hư hỏng, Phêrô lên tiếng xin cộng đoàn chọn một người khác. Và sau khi cầu nguyện, họ bỏ thăm, Matthia được chọn; một điều rất phù hợp với tiên báo của Thánh Kinh; Thánh Vịnh đáp ca nhắc lại, “Chúa cho ông ngồi chung với hàng quyền quý!”.

Anh Chị em,

“Tình yêu con người không bao giờ có thể sánh với tình yêu của Thiên Chúa!”. Làm sao có thể hiểu hết hay nói hết về một Đấng Siêu Việt và tình yêu không thể so sánh của Ngài? Vậy mà, để diễn tả tình yêu vô điều kiện của mình, Chúa Giêsu lấy lại tình yêu vĩ đại đó để diễn tả tình yêu Ngài dành cho chúng ta. Đúng là ‘một so sánh đáng kinh ngạc!’. Nguyên việc chọn cách so sánh này cũng đã nói lên tình yêu Chúa Giêsu dành cho chúng ta. Một điều gì đó sâu sắc và thâm trầm vượt quá trí tưởng tượng. Và đó không phải là những mỹ từ chót lưỡi đầu môi, nhưng là cả mạng sống và cái chết của Ngài. Còn hơn thế, Ngài gọi chúng ta là ‘bạn’ và tha thiết xin chúng ta ở lại trong tình yêu ấy như những chứng nhân yêu thương. Hạnh phúc thay nếu chúng ta cảm nghiệm được tình yêu và lòng thương xót của Ngài dành cho chính mình! Hãy sống tình bạn với Chúa Giêsu như người được yêu và đang yêu say đắm!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho cội rễ của tình yêu Chúa cắm sâu trong trái tim con, để không điều gì có thể trào tuôn từ nó, ngoại trừ yêu thương!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:14 14/05/2022

10. Những con cái trung thành lần chuỗi Mân Côi sẽ được thưởng vinh quanh cao cả trên thiên đàng.



Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:17 14/05/2022
78. Ý ĐỒ LẤY CÁI THUẬN LỢI

Tú tài nọ bắt được con ve sầu và bỏ trên cái khăn trùm đầu, sau đó tiếp tục đi thi. Sau khi vào trường thi thì con ve sầu đột nhiêu kêu to tiếng làm cho các thí sinh cười ầm lên, quan coi thi vội đi đến, hỏi cười chuyện gì.

Có người nói:

- “Cái khăn trùm đầu của tú tài nọ có âm thanh nên mới cười”.

Quan coi thi kêu tú tài nọ lên phía trước chuẩn bị giáo huấn nghiêm nghị, tú tài nọ luôn miệng kêu oan, nói:

- “Hôm nay trước khi vào trường thi, bố tôi bỏ con ve sầu vào trong cái khăn trùm đầu của tôi, con ve bò ra quấy rầy tôi chịu không nỗi, nhưng đây là do bố tôi làm, nên tôi không dám thả nó bay”.

Quan coi thi hỏi tú tài tại sao bố anh ta bỏ con ve sầu trên cái khăn trùm đầu? Tú tài trả lời:

- “Đây là ý đồ để đạt được cái may mắn thuận lợi đứng đầu bảng ạ”.

(Tiếu lâm quảng ký)

Suy tư 78:

Thời nay, có những học trò trước khi đi thi đại học thì kiêng ăn chuối vì sợ thi trượt, gọi là trượt vỏ chuối, nhưng lại thích ăn chè đậu (đỗ) để hy vọng thi đậu, mà là phải đậu đỏ mới linh nghiệm, vậy mà cũng có những cô cậu học trò thi trượt vỏ chuối mặc dù không ăn chuối; nhưng cũng có học trò không ăn đậu đỏ nhưng vẫn cứ có danh sách bảng vàng như ai. Bỏ con ve sầu trên đầu để được lợi là đứng đầu bảng (thi đậu), kiêng ăn chuối và phải ăn đậu đỏ trước khi đi thi thì cũng thế mà thôi, toàn là dị đoan cả.

Có một vài người Ki-tô hữu cũng “ăn đậu đỏ” trước khi cầu khấn, họ lấy tiền ra và thương lượng với lương tâm mình như thế này: dâng cúng cho ông thánh Giu-se một triệu đồng vì mình ít nhớ đến ngài; dâng cúng cho Đức Mẹ năm triệu đồng vì mình thường cầu nguyện xin ơn này ơn nọ với Mẹ; dâng cúng nhà thờ năm trăm ngàn đồng, vì ông cha sở cứ nhắc đóng góp hoài; xin lễ năm mươi ngàn đồng vì có nhiều người xin lễ quá, ông cha sở nhiều tiền lắm rồi…

Người ta nói “con tim có lý lẽ của con tim mà lý trí không hiểu được”, cũng như “người dâng cúng có lý lẽ của người dâng cúng, mà…đức tin không hiểu được”, ha ha ha…

Ai hiểu được thì lo mà sửa đổi cách dâng cúng lại, bằng không thì Thiên Chúa cũng so đo cho mà coi, có mà chết luôn đó.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:19 14/05/2022
CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 13, 31-33a; 34-35

“Thầy ban cho anh em một điều răn mới, là anh em hãy yêu thương nhau”.


Bạn thân mến,

Mệnh lệnh mới mà Đức Chúa Giê-su truyền cho chúng ta là: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Đây là mệnh lệnh mới trong một xã hội mà sống và làm việc theo luật “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng đối với chúng ta thì mệnh lệnh này không mới, bởi vì chúng ta đã thuộc nằm lòng mệnh lệnh này, nhưng nó rất mới cho cách suy nghĩ của chúng ta trong khi thi hành mệnh lệnh yêu thương này của Đức Chúa Giê-su.

Anh em hãy yêu thương nhau là một lệnh truyền của Đức Chúa Giê-su, bởi vì Ngài chính là tình yêu và chính Ngài biết rõ tình yêu sẽ mang lại gì cho chúng ta, nó mang lại sự bình an tâm hồn, phục vụ tha nhân và hòa bình thế giới.

“Anh em hãy yêu thương nhau”, mà tình yêu của Đức Chúa Giê-su chính là tình yêu chết cho người mình yêu, nghĩa là đặt người mình yêu lên trên tất cả cái tôi của mình để sống chết cho người mình yêu, Đức Chúa Giê-su đã yêu thương Chúa Cha và Ngài đã sống đã chết vì ý Cha trên trời; Ngài cũng đã hi sinh đã chết và đã sống lại vì yêu thương chúng ta. Tình yêu này mời gọi mỗi người trong chúng ta hãy tiếp nối để cho tha nhân được nhìn thấy Đức Chúa Ki-tô trong con người của chúng ta.

Trên đời này có người yêu mà không hy sinh cho người mình yêu, có người hy sinh nhưng không yêu cho nên gia đình chưa có hạnh phúc, thế gian vẫn còn những cảnh bất công xảy ra, vẫn còn chiến tranh hận thù, và con người ta thì chỉ biết yêu mình chứ không đành lòng chia sẻ với người khác.

Yêu thương nhau không có nghĩa là cùng nhau nhìn về một hướng, nhưng hãy nhìn về đối tượng của mình coi họ cần cái gì, họ thiếu cái gì để giúp đỡ khi có thể được, họ đang đau khổ hãy ủi an, họ đang thất vọng hãy đem lại cho họ hy vọng, họ đang chán sống hãy làm cho họ thấy đời thật vui tươi...

Bạn thân mến,

Lệnh truyền “Hãy yêu thương nhau” mà Đức Chúa Giê-su ban cho chúng ta không phải là lệnh truyền của ảo tưởng nhưng là của hiện thực, không phải là lệnh truyền được ban ra trong lúc ngẫu hứng, nhưng là trong bầu khí yêu thương tình cảm thầy trò tâm sự, cho nên lệnh truyền này có một sức mạnh đổi mới con người và thế giới.

Giáo xứ chúng ta được mọi người trong giáo phận biết đến bởi vì anh chị em làm việc với nhau có tình đoàn kết, mỗi người biết phát huy tinh thần và khả năng của mình để phục vụ Chúa trong giáo xứ. Những công việc làm của các anh chị em hội Legio đã khiến cho nhiều người thờ ơ với Giáo Hội nay trở về hợp nhất với chúng ta; việc làm của các thầy cô giáo lý viên đã khiến cho con em chúng ta có tinh thần mới trong việc học giáo lý; các thành viên trong ban đại diện rất đoàn kết và làm việc có phương pháp đem lại hiệu quả tốt đẹp cho giáo xứ...

Tất cả những thành quả trên đều bắt nguồn từ lệnh truyền “hãy yêu thương nhau” của Đức Chúa Giê-su Ki-tô, mà mỗi người trong chúng ta đang thực hành trong cuộc sống của mình...

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Trải nghiệm cuộc sống mới
Lm. Minh Anh
22:46 14/05/2022

TRẢI NGHIỆM CUỘC SỐNG MỚI
“Này đây, Ta đổi mới mọi sự!”.

Một doanh nhân kể về một nhà kho mà anh ta rao bán; đó là một toà nhà hoang phế cần sửa chữa. Ngày kia, một người đến mua; chủ nhà đau lòng nói, “Tôi sẽ cử một đội thợ để sửa chữa và dọn sạch rác”. Người mua nói, “Hãy quên việc sửa chữa! Khi mua nơi này, tôi sẽ xây dựng một thứ hoàn toàn khác. Tôi không muốn toà nhà; tôi muốn khu đất!”. So với sự đổi mới mà Thiên Chúa nghĩ đến, những nỗ lực cải thiện linh hồn của chính chúng ta cũng tầm thường như việc sửa chữa những gì đã hư hỏng. Một khi đã thuộc về Chúa, mọi sự sẽ đổi mới. Ngài làm mọi thứ trở nên mới mẻ. Tất cả những gì Ngài muốn là linh hồn và giấy phép xây dựng!

Kính thưa Anh Chị em,

“Tất cả những gì Ngài muốn là linh hồn và giấy phép xây dựng!”. Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay bất ngờ mời chúng ta xét xem, liệu Chúa Phục Sinh đã có giấy phép sử dụng mảnh đất linh hồn chúng ta? Nói cách khác, bạn đã ‘trải nghiệm cuộc sống mới’ trong Chúa Phục Sinh năm nay thế nào? Hay đơn giản nó chỉ lướt qua như lễ Phục Sinh của những năm trước!

Từ “mới” xuất hiện nhiều lần trong các bài đọc hôm nay. Công Vụ Tông Đồ nói đến những “môn đệ mới”, “Hội Thánh mới” mà Phaolô và Barnaba thiết lập; Khải Huyền nói đến “trời mới, đất mới”; “Này đây, Ta đổi mới mọi sự!”. Với bài Tin Mừng, Chúa Giêsu nói đến “một điều răn mới!”. Dĩ nhiên, nói đến “mới” thì phải có cái “cũ”. Theo Phaolô, “cũ” là những nếp nghĩ, lề luật, trật tự… mang tính tự nhiên, trần tục; những gì chưa được Chúa Phục Sinh chạm vào. “Mới” là ‘trải nghiệm cuộc sống mới’ trong Ngài; một điều gì đó có thể đến sớm hay muộn trong đời của một người. Với một vài vị thánh, trải nghiệm đó xảy ra, sau một thời gian dài buông thả; như Augustinô, Ignatiô Loyola hay như Charles de Foucauld, hôm nay được Đức Phanxicô tuyên phong hiển thánh! Với một số khác, nó đến tương đối sớm hơn; như Têrêxa Lisieux, như Carlo Acutis! Với hầu hết chúng ta, trải nghiệm này là một điều gì đó có thể xảy ra theo từng thời điểm; đó không phải là trải nghiệm xảy ra chỉ một lần, nhưng nhiều lần, ở các giai đoạn khác nhau; mỗi lần mỗi đưa chúng ta đến một mức độ hiểu biết hơn, sâu sắc hơn và cam kết hơn.

‘Trải nghiệm cuộc sống mới’ theo Thánh Kinh là trải nghiệm sự hoán cải, trải nghiệm sự trở về, tiếng Hy Lạp gọi là “metanoia”. Đó là thay đổi căn bản về tầm nhìn, về những ưu tiên trong cuộc sống; nó có nghĩa là mặc lấy những thái độ mới, giá trị mới, tiêu chuẩn mới về tương quan của tôi với Chúa, với người khác; và thực sự, với toàn bộ môi trường sống mà tôi đang dự phần.

Vậy, thông điệp mới mẻ Chúa Giêsu mang đến là gì? Tôi cần giữ kỹ Mười Điều Răn và sống đạo đức? Không hẳn thế! Tôi phải đi xưng tội hằng tuần? Không hẳn thế! Hoặc phải vận dụng hết sức để chỉ yêu mến Thiên Chúa? Đáng ngạc nhiên, cũng không! Điều mới mẻ Chúa Giêsu dạy chúng ta là yêu người khác; và hơn thế nữa, yêu họ như Ngài yêu chúng ta! Cựu Ước bảo, phải yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn… và yêu tha nhân như chính mình; Chúa Giêsu đã thêm ‘một yếu tố mới’ là yêu người khác theo cách mà Ngài đã yêu chúng ta, yêu cho đến chết trên thập giá; đó chính là ‘trải nghiệm cuộc sống mới’ theo cách của Ngài. Ngạc nhiên thay! Đây là cách yêu giống Chúa Giêsu nhất, cũng là lối dẫn đến ‘tình yêu vĩ đại nhất’ mà một người có thể thể hiện; đó là buông bỏ mạng sống vì người khác, với cả kẻ thù. Ngài đã trải nghiệm sâu sắc sự đau khổ mang tính cứu độ này; cứu độ tôi, cứu độ thế giới; vì yêu tôi, vì yêu thế giới!

Anh Chị em,

“Này đây, Ta đổi mới mọi sự!”. Lời hứa này nên hiện thực khi Thiên Chúa phục sinh Con của Ngài. Bước vào nấm mồ, Chúa Kitô mang theo những lở loét, thương tích, tàn dư sự ác của nhân loại. Ngài đã chôn vùi trong mồ tất cả những sự dữ ấy; nhờ đó, một mầm sống mới tái sinh. Khi trỗi dậy, Ngài đã thổi vào tâm hồn chúng ta Thần Khí mới, gieo vào linh hồn một mầm sống mới. Nhờ mầm sống ấy, Thiên Chúa ban ân sủng để chúng ta được biến đổi từ bên trong, ‘trải nghiệm cuộc sống mới’ ngay trong thực tại trần gian. Thế nhưng, Thiên Chúa luôn tôn trọng tự do con người, nên điều đó chỉ được thực hiện nếu chúng ta quảng đại trao cho Ngài ‘giấy phép xây dựng’. Chớ gì chúng ta không ngừng hoán cải, lấy Chúa Kitô làm chuẩn mực cho mọi suy nghĩ, thái độ, và hành vi; để qua chúng ta, mọi người nhận ra tình yêu hiến tế của Ngài!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, để có thể ‘trải nghiệm cuộc sống mới’, xin Thánh Thần Chúa trước hết, soi rọi cho con nhìn thấy những gì là cũ kỹ trong con; cho con sẵn sàng để Ngài thiêu đốt chúng!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Lòng thương xót của Đức Mẹ
Lm. Đỗ Xuân Quế O.P.
22:58 14/05/2022
Lòng thương xót của Đức Mẹ

Đức Mẹ thương xót loài người. Điều này nổi bật trong Tin Mừng tại tiệc cưới Ca-na (Ga 2,3), cuộc viếng thăm bà Ê-li-sa-bét Lc 1,39-45), lời trối trăng dưới chân thập giá (Ga 19,26), các lần can thiệp và hiện ra trong lịch sử.

Tin Mừng thuật lại một lần Đức Mẹ được mời đi dự tiệc cưới. Nửa vời, chủ tiệc hết rượu. Với cảm quan tinh tế của người phụ nữ, Đức Mẹ nhìn thấy tình trạng bế tắc của chủ tiệc. Người lên tiếng ngỏ lời cùng Con Mình, Sau đó, cơn bĩ cực của chủ tiệc được giải tỏa (Lc 2, 9-11).

Lần khác, Đức Mẹ vội vàng lên miền núi thăm người chị họ là bà Ê-li-sa-bét. Bà này đang có thai trong lúc tuổi già. Cùng với cảm quan tinh tế và nhạy bén của người phụ nữ, Đức Mẹ thấy bà Ê-li-sa-bét cần được viếng thăm và giúp đỡ. Người đã đến thăm và ở lại bên cạnh bà chị họ những ba tháng, Thăm gì mà thăm lâu vậy, nếu không phải vì lòng thương xót muốn giúp đỡ và ở lại với bà trong cơn “vượt cạn” của bà sắp tới (Lc 1, 56). Còn một điều nữa cũng phải nói là Đức Mẹ muốn chia sẻ nguồn ơn Người mới nhận được là làm Mẹ Đấng Cứu Thế; Người được đầy ơn phúc và được Thiên Chúa ở cùng, (Lc 1. 35)

Rồi dưới chân thập tự, Đức Mẹ được trao cho chức vụ làm Mẹ Hội Thánh. Điều này ẩn tàng trong lời Đức Giê-su trối ông Gio-an cho Đức Mẹ. Tại đây Đức Mẹ được Đức Giê-su kêu là Bà thay vì Mẹ. Điều này thoạt nghe thấy “sốc” không hiểu nổi. Tại sao con mà lại nói với mẹ một cách hững hờ và xa lạ như thế Nhưng không phải vậy. Qua tiếng Bà ở đây, Đức Giê-su muốn vượt ra ngoài khuôn khổ mẹ con thông thường mà vươn lên tình mẫu tử cao xa. Từ nay Đức Mẹ không còn chỉ là Mẹ của Đức Giê-su mà còn là Mẹ của một đoàn người đông đảo mai sau sẽ tin vào Người Con, mà tiêu biểu là tông đồ Gio-an, đại diện cho những người tin vào Đức Giê-su

Ngoài ba sự kiện tiêu biểu này ra còn biết bao nhiêu lần Đức Mẹ can thiệp và hiện ra trong lịch sử Hội Thánh. Xin chỉ nói đến một vài sự kiện lớn như lần Đức Mẹ can thiệp ở đầu thế kỷ XIII, để cứu Hội Thánh khỏi bè rối Albigeois ở miền Nam nước Pháp, cho Hải Quân Công Giáo đánh bại Hải Quân Thổ Nhĩ Kỳ ở thế Kỷ XVI tại vịnh Lépante, hiện ra ở La Vang thế kỷ XVIII để che chở giáo dân Việt Nam đang bị bách hại, ở Lộ Đức giữa thế kỷ XIX, ở Fatima đầu thế kỷ XX và nhiều nơi khác nữa

Cuối cùng là các nhà thờ, đền thánh dâng kính Đức Mẹ khắp nơi trên thế giới cùng với những tấm bảng tạ ơn gắn đầy trong nhiều nhà thờ.

Thiết tưởng về lòng thương xót của Đức Mẹ, khỏi cần nói nhiều, như thánh Bê-na-đô viết : "Về Đức Mẹ thì không bao giờ đủ". (De Maria numquam satis). Là người Công Giáo, không mấy ai không biết và có lần cảm nghiệm được điều đó. Để kết luận, xin mượn lời trong Tông Huấn Misericordiae vultus :

“Được tuyển chọn làm Mẹ của Con Thiên Chúa, Đức Maria ngay từ đầu đã được chuẩn bị bởi Tình Yêu của Chúa Cha, để trở nên Hòm Bia Giao Ước giữa Thiên Chúa và con người. Mẹ bảo toàn lòng thương xót của Thiên Chúa nơi trái tim Mẹ, trong mối tương quan mật thiết với Thánh Tử Giêsu. Bài ca Ngợi khen của Mẹ trước ngưỡng cửa nhà bà Elisabeth hướng về Lòng Thương Xót trải dài “từ đời nọ tới đời kia” (Lc 1,50).

Chúng ta cũng đã có mặt trong những lời mang tính ngôn sứ này của Đức Trinh Nữ Maria. Điều này sẽ trở thành niềm an ủi và sức mạnh phù trợ, khi chúng ta bước qua Cửa Thánh để lãnh nhận ơn phúc từ lòng thương xót của Thiên Chúa.

Dưới chân Thập giá, cùng với Thánh Gio-an, người môn đệ của tình yêu, Đức Maria là nhân chứng của những lời tha thứ thốt ra từ miệng Chúa Giê-su. Việc Chúa tha thứ cho những kẻ đã đóng đinh Người, cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa đi xa tới mức nào. Đức Ma-ri-a làm chứng rằng, lòng thương xót của Con Thiên Chúa thì vô bến bờ, và được trao ban cho tất cả mọi người không trừ ai. Chúng ta cùng dâng lên Mẹ lời kinh Salve Regina, một lời kinh cổ xưa nhưng vẫn luôn mới: xin Mẹ không ngừng ghé mắt thương xem chúng ta, và cho chúng ta được ngắm nhìn Dung Mạo của Lòng Thương Xót, là Chúa Giê-su, Con của Mẹ.” (Misericordiae vultus, Bản đich : Trung Tâm Học Vấn Đa Minh Gò Vấp, số 24)

An-rê Đỗ Xuân Quế O.P.

--
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Ngoại trưởng Vatican nói Ukraine có quyền tự vệ, và nhận vũ khí nước ngoài
Đặng Tự Do
00:07 14/05/2022
Đức Tổng Giám Mục Ngoại trưởng Vatican nói rằng Ukraine có quyền tự bảo vệ mình trước sự xâm lược của Nga, do đó hoàn toàn phù hợp để thế giới gửi vũ khí cho nước này.

Đức Tổng Giám Mục Paul Richard Gallagher nói với đài truyền hình nhà nước RAI của Ý rằng việc giao vũ khí như vậy “phải tương xứng”.

“Chúng ta không muốn một lần nữa tham gia vào một cuộc chạy đua vũ trang. Nhưng cuộc chiến này nguy hiểm hơn so với các cuộc chiến khác từng xảy ra trước đây, bởi vì nó có khía cạnh hạt nhân”, vị tổng giám mục sinh tại Liverpool, người đảm nhận vai trò Bộ Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh cho biết như trên.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher nhấn mạnh “Theo nghĩa này, đúng, Ukraine có quyền tự bảo vệ mình, và họ cần được giúp đỡ để làm như vậy,”.

Đức Cha Gallagher sẽ có mặt tại Kyiv bắt đầu từ thứ Tư và vào ngày thứ Sáu, ngài dự kiến sẽ gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba. Chuyến đi ban đầu được lên kế hoạch trong vài tuần trước, nhưng đã bị hoãn lại sau khi ngài nhiễm COVID-19.

Đức Cha Gallagher đã được hỏi về quan điểm của Đức Giáo Hoàng Phanxicô đối với NATO, liên minh quân sự xuyên Đại Tây Dương, sau khi Đức Giáo Hoàng nói rằng liên minh này đang “sủa” trước cửa nước Nga. Vị giám mục trả lời rằng Đức Phanxicô “rất nhạy cảm” với bất kỳ hành động nào có thể “gây nguy hiểm cho các mục tiêu chính là đối thoại và hòa bình.”

“Tôi nghĩ ngài nhận ra giá trị của một hệ thống an ninh đối với thế giới, đối với Âu Châu, nhưng nó phải tương xứng,” Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói. “Và sau đó Đức Giáo Hoàng rất lo lắng, rất chú ý, để ngăn chặn thế giới lần nữa bước vào một thế giới đang chạy đua vũ trang. Nó phải tương xứng, và để lại khả năng đối thoại và thảo luận, để mang lại hòa bình cho quốc gia tử vì đạo này”.

Nói về Hoa Kỳ và Trung Quốc và vai trò của họ trong cuộc chiến này, Đức Cha Gallagher nói rằng “tất cả chúng ta đều có trách nhiệm đạo đức để hoàn thành vai trò của chính mình tại thời điểm này”.

Ngài nói: “Đúng là các thể chế đã bị suy yếu do cuộc chiến này và không có khả năng nhanh chóng tạo ra hòa bình. Tuy nhiên, chúng ta không được từ bỏ các cấu trúc an ninh và đa phương, nhưng phải củng cố chúng. Rõ ràng, các quốc gia lớn, chẳng hạn như Hoa Kỳ, Trung Quốc và các quốc gia thuộc Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc có một vai trò rất, rất quan trọng và họ phải hiểu được mức độ cấp bách mà chúng ta phải đối mặt”.

Qua cụm từ “vai trò quan trọng”, ngài không chỉ muốn nói đến vũ khí: “Tôi tin rằng lời nói có tầm quan trọng hàng đầu, đặc biệt là trong ngoại giao và đối thoại.” Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng, ngôn từ có thể và đã được công cụ hóa, dẫn đến việc mọi người không tin tưởng vào các tuyên bố. Tuy nhiên, ngài tin rằng sự chân thành vẫn cần thiết, “đặc biệt là khi, với lời nói của mình, chúng ta có thể khiến cuộc sống của mọi người gặp rủi ro.”

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng thừa nhận rằng có một chiều hướng tôn giáo trong cuộc xung đột này, trong đó “căng thẳng” giữa Thượng Phụ Kirill của Chính thống giáo Nga ở Mạc Tư Khoa và Thượng phụ Đại kết Bartholomew, gia tăng sau khi cuộc xâm lược bắt đầu.

“Thật không may, phải thừa nhận rằng trong Chính thống giáo có một bản sắc dân tộc mạnh mẽ, đó là các Giáo Hội nhà nước,” ngài nói. “Do đó, Giáo hội Chính thống Nga rất khó đưa ra quyết định chỉ trích hoặc phản đối chính phủ. Nhưng như Đức Giáo Hoàng nói, chúng ta phải vượt qua những quan điểm này để trở thành những người thúc đẩy hòa bình thực sự”.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher cũng giải thích lời cảnh báo gần đây của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc Kirill trở thành “cậu bé giúp lễ cho Putin,” trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Ý Corriere della Sera. Đức Tổng Giám Mục cho biết Đức Giáo Hoàng đã cảnh báo đây là điều có thể xảy ra với bất kỳ giám mục nào.

Ngài nói, các mối quan hệ đại kết với Chính thống giáo, đặc biệt là Mạc Tư Khoa và Istanbul, là những ưu tiên đối với vị Giáo hoàng Á Căn Đình, và mặc dù cuộc gặp giữa Đức Thánh Cha Phanxicô và Kirill đã được dự trù vào giữa tháng 6 sẽ không diễn ra, cuộc đối thoại vẫn sẽ tiếp tục.

Đức Tổng Giám Mục Gallagher gọi quyết định hoãn cuộc họp của Đức Giáo Hoàng là “khôn ngoan”, bởi vì “Đức Thánh Cha nhận thức được rằng các bước đi của ngài và của Tòa thánh phải là một đóng góp tích cực, không làm cho mọi thứ tồi tệ hơn mà là nuôi dưỡng các cách thức hòa bình.”

Ngài nói: “Tòa Thánh có một ơn gọi đối thoại. Chúng tôi tìm cách không can dự vào việc ủng hộ bên này hay bên kia, nhưng chúng tôi tìm kiếm không gian đối thoại giữa tất cả mọi người để tìm ra giải pháp cho cuộc xung đột khủng khiếp này.”

Khi được hỏi về tầm quan trọng của những cử chỉ như cuộc gặp gỡ của Đức Phanxicô với vợ của hai binh sĩ Ukraine bị mắc kẹt trong một nhà máy thép ở Mariupol, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói rằng “những cử chỉ như vậy là chưa đủ, nhưng chúng rất quan trọng”.

“Tốt hơn là làm tất cả những gì bạn có thể, ngay cả khi bạn không thể thay đổi thực tế,” ngài nói. “Nhưng Đức Giáo Hoàng, người là bậc thầy của các cử chỉ” đã đưa ra một thông điệp rõ ràng về sự ủng hộ đối với hàng triệu người đã chạy trốn khỏi Ukraine, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em bị ảnh hưởng bởi chiến tranh.

“Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài khóc khi nghĩ đến những tình huống này, và điều này là đúng; ngài có một sự nhạy cảm sâu sắc”, Đức Tổng Giám Mục Gallagher nói. “Cần phải thông báo những hoàn cảnh đau khổ này cho toàn thế giới.”
Source:Crux
 
Thánh Titus Brandsma có thể trở thành một vị thánh bảo trợ mới của ngành báo chí
Đặng Tự Do
05:08 14/05/2022


Hơn 60 nhà báo đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phong Titus Brandsma trở thành vị thánh bảo trợ chính thức của ngành báo chí.

Một bức thư ngỏ được công bố vào ngày 10 tháng 5 nói rằng thế giới “khẩn cấp đòi hỏi một người cầu bầu thánh thiện” như Brandsma, một linh mục và nhà báo dòng Carmêlô, “trong thời đại thông tin sai lệch và phân cực này.”

Brandsma, người sẽ được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo vào ngày 15 tháng 5, đã chết trong trại tập trung Dachau vào năm 1942 sau khi ngài kiên quyết phản đối việc bắt buộc đăng các tuyên truyền của Đức Quốc xã trên các tờ báo Công Giáo.

“Chúng tôi, những nhà báo Công Giáo, nhận ra nơi Chân Phước Titus Brandsma một đồng nghiệp chuyên nghiệp và là một người đồng đạo nổi bật. Một người đã chia sẻ sứ mệnh sâu xa hơn của nền báo chí trong thời hiện đại: đó là tìm kiếm sự thật và sự xác minh, thúc đẩy hòa bình và đối thoại giữa mọi người”, bản kiến nghị viết.

Bức thư kiến nghị được đồng viết bởi ba nhà báo từ Hà Lan, nơi Brandsma được sinh ra, và một nhà báo từ Bỉ. Nó đã được đồng ký tên bởi hơn 60 thông tín viên của Vatican.

“Titus Brandsma có rất nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng Công Giáo ở các Quốc gia trong vùng Bắc Âu, các tác phẩm báo chí của ngài nổi bật trong số tất cả các hoạt động khác. Ngài là tổng biên tập của một tờ báo, đã cống hiến hết mình cho việc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa tờ nhật báo Công Giáo ở Hà Lan, đồng thời nỗ lực để có điều kiện làm việc tốt hơn và thiết lập các khóa đào tạo nghiệp vụ cho các nhà báo,” bức thư viết.

“Cha Brandsma đã thực hiện công việc của mình trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã đang trỗi dậy ở Âu Châu. Bằng lời nói và hành động, ngài phản đối ngôn ngữ hận thù và chia rẽ đang trở nên phổ biến vào thời điểm đó. Theo quan điểm của ngài, những gì chúng ta hiện nay mô tả là 'tin giả' không được dung thứ trên báo chí Công Giáo; ngài đã biện hộ thành công cho lệnh cấm của các giám mục đối với việc in các bài tuyên truyền về Quốc Xã trên các tờ báo Công Giáo “.

Bức thư thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo đã có một vị thánh bảo trợ của các nhà báo: Thánh Phanxicô Đệ Salê.

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố giám mục Geneva là vị thánh bảo trợ của các nhà báo và nhà văn vào năm 1923. Vị thánh ở thế kỷ 16 đã sử dụng các ân sủng của mình như một nhà văn để viết cuốn sách kinh điển về lòng mộ đạo, có nhan đề “Giới thiệu về Đời sống sùng đạo,” cũng như các lá thư, bài giảng, và các tài liệu đề cập đến các tranh cãi và thuyết Calvin.

Bức thư lập luận rằng vị thánh người Pháp “chắc chắn là một vị thánh của đức tin và có công lao to lớn, nhưng ông không phải là một nhà báo theo nghĩa hiện đại của từ này.”

“Titus Brandsma đã từng là nhà báo. Và như chúng tôi đã nói, ngài đã hy sinh cuộc đời mình vì nghề báo chí. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này khiến ngài đặc biệt thích hợp với sự bảo trợ này.”

Brandsma từng là cố vấn tinh thần cho nhân viên của hơn 30 tờ báo Công Giáo ở Hà Lan. Ngài cũng viết tiểu sử về Thánh Têrêxa Avila của Dòng Cát Minh, soạn các bài suy niệm về Đàng Thánh Giá, và viết thư.

Trong suốt những năm 1930, Brandsma đã chứng kiến sự kinh hoàng khi Adolf Hitler tăng cường sự kìm kẹp của mình với các nước láng giềng của Đức. Vị Chân Phước sắp được tuyên thánh chỉ trích gay gắt các chính sách của Đức Quốc xã trong các bài báo và bài giảng. Ngài nói: “Phong trào Đức Quốc xã là một sự dối trá đen đủi. Đó là ngoại giáo.”

Khi các tờ báo Hà Lan được yêu cầu phải chấp nhận quảng cáo và phải đăng các thông cáo báo chí từ các lãnh tụ Đức Quốc xã, Đức Tổng Giám Mục của Utrecht đã yêu cầu cha Brandsma nói với các biên tập viên Công Giáo của đất nước rằng họ nên từ chối lệnh này.

Brandsma đã tìm cách đến thăm 14 biên tập viên trước khi ngài bị bắt vào ngày 19 tháng Giêng năm 1942, tại một tu viện ở Boxmeer. Khi Gestapo chuẩn bị đưa ngài đi, ngài quỳ gối trước vị bề trên và nhận lời chúc phúc của ngài.

Một sĩ quan, Đại úy Paul Hardegen, sau đó đã yêu cầu Brandsma trình bày bằng văn bản lý do tại sao đồng hương của anh ta khinh miệt đảng Quốc xã Hà Lan.

“Người Hà Lan,” vị giáo sĩ viết, “đã hy sinh rất nhiều vì tình yêu dành cho Chúa và có một đức tin vững chắc vào Chúa bất cứ khi nào họ phải chứng minh niềm tin tôn giáo của mình… Nếu cần thiết, chúng tôi, những người Hà Lan, sẽ hiến cuộc sống của chúng tôi cho tôn giáo của mình.”

Cha Brandsma và 10 ứng viên tuyên thánh khác, bao gồm Charles de Foucauld và 4 phụ nữ, sẽ được tuyên thánh trong thánh lễ phong thánh đầu tiên tại Vatican sau hơn hai năm rưỡi.

Trước khi ngài được tuyên thánh, Đại sứ quán Hà Lan tại Tòa thánh đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về Cha Brandsma và tự do báo chí.

Đại sứ Caroline Weijers nói với Vatican News rằng một trong những chủ đề mà bà mong đợi sẽ được đề cập tại hội nghị chuyên đề là “thế giới cần những nhà báo can đảm như Cha Titus Brandsma để tạo ra sự khác biệt cho nhân loại và nhân quyền cho tất cả mọi người”.
Source:Catholic News Agency
 
Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân: Một bước ngoặt trong mối quan hệ giữa Giáo Hội Công Giáo và Trung Quốc
J.B. Đặng Minh An dịch
16:55 14/05/2022

Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân tiếp tục gây ra các phản ứng từ nhiều phía. I. Media của Ý có bài nhận định nhan đề “L’arresto del cardinale Zen è una sfida per il Vaticano”, nghĩa là “Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân là một thách đố đối với Vatican”. Bản dịch sang tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Vụ bắt giữ vị Hồng Y ủng hộ dân chủ đặt ra nhiều câu hỏi về chiến lược cải thiện quan hệ với Trung Quốc của Giáo Hội Công Giáo.

Bị bắt và sau đó được tại ngoại vào ngày 11 tháng 5 năm 2022, Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, giám mục hiệu tòa của Hương Cảng, xuất hiện hơn bao giờ hết như là hiện thân của sự phản kháng của Hương Cảng trước sự bóp nghẹt ngày càng chặt chẽ của Bắc Kinh. Bản cáo trạng nhắm vào ngài bởi cơ quan tư pháp địa phương về tội “thông đồng với một thế lực nước ngoài” đang gây ra “mối quan ngại lớn” từ phía Vatican, nơi đã gặp nhiều khó khăn trong mối quan hệ hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa trong những năm gần đây.

Đức Hồng Y Quân bị buộc tội cùng với bốn thành viên khác trong hội đồng quản trị của “Quỹ cứu trợ nhân đạo 612”, một hiệp hội ban đầu nhằm tài trợ cho những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng. “Các cá nhân bị nghi ngờ có âm mưu và cấu kết với nước ngoài hoặc lực lượng nước ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia - một hành động có tính chất nghiêm trọng”, Văn phòng Ủy viên, cơ quan đại diện Bộ Ngoại giao Bắc Kinh tại Hương Cảng, cho biết trong một tuyên bố.

Phản hồi chính thức của Giáo hội

Tuyên bố của Tòa Thánh, được đưa ra vài giờ sau khi thông báo về việc bắt giữ Hồng Y Quân, cho biết Tòa Thánh đang theo dõi vụ việc “rất chặt chẽ” nhưng không bình luận gì thêm. Giáo phận Hương Cảng, do Giám mục Dòng Tên 62 tuổi Stêphanô Châu Thủ Nhân (Chow Sau-yan, 周守仁 ), đứng đầu kể từ tháng 12 năm 2020, đã mất hơn 20 giờ để đưa ra một tuyên bố chính thức, là một dấu hiệu cho thấy tính chất tế nhị của vụ việc. Giáo phận cho biết họ “vô cùng lo ngại” và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý “sự việc” theo cách “tôn trọng luật pháp” và duy trì tự do tôn giáo “theo Luật Cơ bản”.

Khung pháp lý của Đặc khu hành chính Hương Cảng so với “Đại lục”, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, là trung tâm của cuộc đấu tranh quyền lực căng thẳng giữa những người ủng hộ cho dân chủ và ngoại lệ Hương Cảng, bao gồm cả Đức Hồng Y Quân, và những người mà kể từ năm 2014 đã chủ trương gắn bó dần dần với đại lục.

Một bước quan trọng trong cuộc đối đầu này là việc nhà cầm quyền Hương Cảng thông qua luật an ninh quốc gia vào ngày 30 tháng 6 năm 2020. Đạo luật này, do Bắc Kinh áp đặt, đã mở ra cánh cửa cho một cuộc đàn áp các phong trào ủng hộ dân chủ, một xu hướng từ đó đến nay. Vụ bắt giữ Đức Hồng Y Quân chỉ là vụ bắt giữ mới nhất trong một danh sách dài các vụ bỏ tù, trong đó nổi tiếng nhất là vụ bắt giữ Ông Jimmy Lai, chủ của tờ báo chống Bắc Kinh Apple Daily (bị chính quyền đóng cửa vào năm 2021) và là người hỗ trợ tài chính lớn cho giáo phận Hương Cảng và Đức Hồng Y Quân.

Trong trường hợp bắt giữ này, cũng như nhiều lần trong những năm gần đây, một số nhà hoạt động Hương Cảng đã chỉ ra sự rụt rè rõ ràng của Giáo Hội Công Giáo khi đối phó với Bắc Kinh về vấn đề Hương Cảng. Cần lưu ý một sự thật oái oăm là người đứng đầu chính quyền Hương Cảng hiện nay, Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam Cheng Yuet-ngor, 林鄭月娥) và người kế nhiệm bà ta là ông Lý Gia Siêu (John Lee, 李家超), người được bầu vào ngày 8 tháng 5 mà không có ứng viên đối thủ, đều là người Công Giáo.

Phê bình Tòa Thánh

Tòa Thánh đã bị chỉ trích vì chính sách “Ostpolitik” kể từ khi bắt đầu triều đại giáo hoàng của Đức Phanxicô. Chính sách này được thể hiện cụ thể bởi Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, một tín đồ của Hồng Y Casaroli. Sự hợp tác này của Vatican với Trung Quốc Cộng sản - hoạt động trên cơ sở tương tự như những gì đã được thông qua trong những năm gần đây với Việt Nam – bị Đức Hồng Y Quân cho là làm suy yếu sự ủng hộ của Tòa Thánh đối với các đối thủ của Bắc Kinh, đặc biệt là Đài Loan và Hương Cảng, và cả đối với những người thuộc “Giáo hội thầm lặng”, một Giáo Hội tử đạo và có tính lịch sử của Giáo Hội Công Giáo chống lại Giáo hội yêu nước, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Việc ký kết vào năm 2018 các thỏa thuận mục vụ - với các điều khoản vẫn còn bí mật cho đến ngày nay - giữa đại đế Tập Cận Bình và Tòa Thánh về việc bổ nhiệm các giám mục đã kích động sự giận dữ của vị giám mục cấp cao Hương Cảng, người từng lên án sự hợp tác này là “phản bội” và “thỏa hiệp.” Ngài liên tục công kích Đức Hồng Y Parolin trên báo chí, thậm chí cáo buộc Hồng Y Parolin là “nói dối không chớp mắt”. Tuy nhiên, Đức Hồng Y Quân đã cố gắng không thành công trong việc trình bày lý lẽ của mình với Đức Giáo Hoàng.

Hương Cảng và Tòa Thánh

Hương Cảng đóng một vai trò quan trọng đối với Tòa Thánh, nơi đã thiết lập “cơ sở” ngoại giao của mình ở đó để thảo luận kín đáo với Bắc Kinh. Điều đáng chú ý là thông qua chiếc ăng-ten kín đáo này, tin tặc Trung Quốc đã thành công trong việc thực hiện một cuộc tấn công mạng vào hệ thống nội bộ của Vatican trong mùa hè năm 2020, một sự thật đã được một nhà ngoại giao Vatican xác nhận với I.MEDIA.

Việc bắt giữ Đức Hồng Y Quân đặt ra một vấn đề lớn đối với Tòa Thánh. Tòa Thánh có nghĩa vụ phải bảo vệ quyền lợi của vị giáo phẩm cấp cao, một thành viên của Hồng Y Đoàn. Hơn nữa, Đức Hồng Y Quân có nhiều người ủng hộ ở Hoa Kỳ, nơi vấn đề tự do tôn giáo là một trong những trục lịch sử giữa các đảng viên Dân chủ và Cộng hòa nhằm phản đối sự trỗi dậy của đối thủ Trung Quốc. Mối quan hệ của ngài với Hoa Kỳ đã được những người ủng hộ chế độ cộng sản chỉ ra như một bằng chứng cho cáo buộc “cấu kết với thế lực nước ngoài”.

Đồng thời, Tòa Thánh lại không muốn mất đi một số tiến bộ đã đạt được trong bốn năm qua - đã cho phép bổ nhiệm 13 giám mục, chỉ sáu trong số 13 vị này được bổ nhiệm sau khi thỏa thuận giữa Vatican và Trung Quốc được ký kết. Điều này càng quan trọng hơn vì thỏa thuận phải được hai bên gia hạn vào tháng 10 tới, và Tòa Thánh đã thông báo rằng các ngài muốn ký một thỏa thuận “dứt khoát”.

Không giống như tình hình ở Ukraine?

Được I.MEDIA liên hệ, hai nhà ngoại giao của Tòa Thánh đã so sánh tình hình ở Trung Quốc với tình hình mà Tòa Thánh ở Ukraine phải đối mặt, khi Tòa Thánh bị mắc kẹt giữa những người Công Giáo Ukraine và mong muốn tăng cường quan hệ với Chính thống giáo Nga. Đức Hồng Y Quân dường như cũng có mối liên hệ này: Trong những tuần gần đây, ngài đã đăng nhiều bài báo về tin tức Ukraine, trong đó đặt câu hỏi về chính sách không lên án Nga của Tòa Thánh.

Phản ứng về vụ bắt giữ Đức Hồng Y Giuse Trần Nhật Quân, nhà nghiên cứu người Ý Francesco Cisci cho rằng đó là một sai lầm lớn của Bắc Kinh: “Có lẽ không phải là điều khôn ngoan nhất khi bắt một người đàn ông 90 tuổi, người, bất kể tình trạng của người ấy thế nào đi chăng nữa, cũng không thể quá nguy hiểm và thực sự chỉ trở nên nguy hiểm sau vụ bắt giữ này.” Theo quan điểm của ông, chính phủ Trung Quốc đang liều lĩnh làm căng thẳng thêm tình hình ở Hương Cảng sau vụ bắt giữ, nhằm đặt Tòa Thánh - thực thể duy nhất có thể kiên trì đối thoại trong mọi hoàn cảnh - vào một vị trí nhượng bộ khi nối lại các cuộc đàm phán.

Một dấu hiệu, xảy ra vài giờ sau vụ bắt giữ, có thể hỗ trợ phân tích này: chính quyền Hương Cảng khăng khăng rằng việc bắt giữ Hồng Y Quân “hoàn toàn không liên quan đến nghề nghiệp hoặc nguồn gốc tôn giáo của những người bị bắt.”

Khi rời đồn cảnh sát Sài Loan(Chai Wan, 柴灣) của Hương Cảng vào cuối ngày 11 tháng 4, Đức Hồng Y Quân không nói một lời nào trước đám đông nhà báo. Giờ đây, những lời của ngài, tại Công Nghị Tấn Phong Hồng Y năm 2006, thúc giục đổ “máu đào để phát triển đức tin Kitô” có thể có tác động thực sự trong những tuần tới, vượt xa cả Vịnh Hương Cảng.
Source:Aleteia
 
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Canada vào tháng Bảy
Thanh Quảng sdb
21:43 14/05/2022
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Canada vào tháng Bảy

Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Canada vào các ngày ngày 24 - 30 tháng 7, và sẽ viếng thăm các thành phố Edmonton, Québec và Iqaluit.

(Tin Vatican)

Văn phòng Báo chí Tòa Thánh hôm thứ Sáu (13/5/2022) thông báo Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ tông du Canada từ ngày 24 - 30 tháng 7, sau khi chấp nhận lời mời từ các cơ quan dân sự và Giáo hội, cũng như cộng đồng bản địa. Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng các thành phố Edmonton, Québec và Iqaluit.

Thông báo của Văn phòng Báo chí cho biết chi tiết về chuyến tông du này sẽ được cung cấp trong những tuần tới.

Gặp gỡ các phái đoàn của người dân bản địa Canada

Trước thông báo mới này, trong những tuần gần đây, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có một loạt những cuộc gặp gỡ với một số phái đoàn của các dân tộc bản địa Canada tại Vatican.

Đức Thánh Cha đã gặp các phái đoàn của Métis và Inuit vào ngày 28 tháng 3 và phái đoàn của các sắc dân khác vào ngày 31 tháng 3. Sau đó, ngài đã tiếp cả ba phái đoàn, cùng với đại diện của Hội đồng Giám mục Canada (CCCB) vào ngày 1 tháng Tư vừa qua.

Một tuần lịch sử gặp gỡ với Người bản xứ Canada

Các cuộc gặp gỡ đã cung cấp cho Đức Thánh Cha cơ hội để “lắng nghe và chia sẻ những câu chuyện đau thương với những người sống,” hầu hàn gắn những vết thương và đau khổ mà những người dân bản địa phải đối diện cho đến ngày nay, đặc biệt sau khi tin tức được phơi bầy vào năm ngoái về việc phát hiện những ngôi mộ tập thể ở một trường học dành cho người bản địa ở Kamloops, với hàng trăm xác của học sinh.

Khám phá này nói lên một quá khứ thương đau, vào những năm 1880 đến những thập kỷ cuối của thế kỷ 20, chứng kiến các cơ sở do chính phủ tài trợ cho các tổ chức Công Giáo điều hành việc giáo dục và đào tạo thanh thiếu niên bản địa.

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự đau buồn và xấu hổ “vì vai trò mà một số người Công Giáo, đặc biệt là những người có trách nhiệm về giáo dục, đã mắc phải trong sự kiện này, đã gây thương tích cho những người bản địa, qua những hành vi ngược đãi mà họ phải chịu, trước sự thiếu tôn trọng dành cho cho bản sắc, văn hóa và thậm chí cả các giá trị tinh thần của những người bản địa.”

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha chia sẻ ngài đã được thấu hiểu hoàn cảnh qua những những chứng từ của họ và ngài rất vui mừng được gặp lại họ khi ngài đến thăm quê hương của họ, nơi gia đình của họ đang sinh sống.

Các giám mục Canada hoan nghênh chuyến tông du của Đức Thánh Cha

Trong một tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Raymond Poisson, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Canada thay mặt cho các giám mục của đất nước hoan nghênh về chuyến tông du của Đức Thánh Cha.

Đức Tổng Giám Mục Poisson nói: “Chúng tôi vô cùng biết ơn Đức Thánh Cha đã chấp nhận lời mời của chúng tôi đến đây để giúp hàn gắn và hòa giải với các dân tộc bản địa của vùng đất này. Chúng tôi cầu nguyện cho sức khỏe của Đức Thánh Cha, trong khi chúng tôi lên những kế hoạch cho chuyến tông du lịch sử này."

Các thành phố Edmonton, Iqaluit và Quebec

Liên quan đến ba thành phố mà Đức Thánh Cha sẽ thăm viếng, tuyên bố lưu ý rằng Edmonton là nơi có số lượng Người bản địa lớn thứ hai trong các thành phố đô thị của Canada và khoảng 25 trường dành cho các sắc dân tập trung ở thành phố Alberta ở Canada.

Về phần mình, Iqualuit là nơi sinh sống của gần 8.000 người và có dân Inuit cao nhất (3.900 người) trong tất cả các thành phố của Canada.

Thành phố Quebec là quê hương của thánh nữ Anne-de-Beaupré, một trong những địa điểm hành hương lâu đời nhất và nổi tiếng nhất ở Bắc Mỹ, nơi thu hút Người bản địa và những người khách từ khắp Canada và khắp nơi trên thế giới đến thăm hàng năm.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Chủ Tế Thánh lễ đồng tế tại Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, Melbourne.
Trần Văn Minh
15:12 14/05/2022
Với chủ đề: Hướng vể Đại Hội Thánh Mẫu La Vang IV, Năm 2023. Cùng Mẹ Tạ Ơn. Nhân dịp Tháng Hoa, và kỷ niệm 105 năm, Đức Mẹ hiện ra tại Fatima. Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận (CĐCGVNTGP) Melbourne đã tổ chức một thánh lễ quy tụ tất cả 17 cộng đoàn trong cộng đồng về Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang 225 Hutton Road, Keysborough Victoria để cùng dâng lễ tạ ơn.
Xem hình

Buổi lễ bắt đầu lúc 1 giờ trưa Ngày Thứ Bảy 14/5/22, với chương trình như sau:
- 1:00PM tập trung trước tiền đường TT TM Lavang tham dự hoạt cảnh diễn nguyện “Bí mật Fatima 3” Do Hội Legio diễn nguyện,
và cuộc Dâng Hoa của cộng đồng trước khi rước và cung nghinh tượng Mẹ vào Thánh đường
- 2:30PM Thánh Lễ đại trào do Đức cha Vincent Nguyễn Văn Long chủ tế.
- 4:00PM bài thuyết giảng của Lm Antôn Nguyễn Thế Nhân (Dòng Thánh Thể) và Hội thảo
Chương trình của Ngày Hướng về Đại Hội Lavang IV sẽ được kết thúc lúc 5:15PM.

Trời Melbourne với thời tiết không được tốt, mưa ngay từ sáng sớm, nhưng đoàn con thảo đã từ khắp 17 cộng đoàn trên những chiếc xe nhà, hay những chuyến xe Bus của những cộng đoàn ở xa vẫn lũ lượt đổ về trung tâm, và chỉ trước giờ khai mạc mấy phút, cơn mưa như ngừng hẳn như một phép lạ.

Linh mục Anthony Nguyễn Hữu Quảng, trưởng ban điều hợp được cô MC Phượng Chi giới thiệu lên chào mừng Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Giám mục Giáo Phận Parramatta, Sydney và quý cha tuyên úy, quý cha Việt Nam trong Tổng giáo phận Melbourne đã về hiệp dâng thánh lễ tạ ơn cùng cộng đồng.

Mở đầu là buổi diễn nguyện của Legio Comitium Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam qua nhạc khúc “Kìa Bà nào” rất nổi tiếng của Legio, bài hát ca tụng và tôn vinh vị nữ tướng Maria, có từ hơn 60 năm trước rất hào hùng được cất vang cùng với phần diễn của các đội viên Legio đã được mọi người cùng hát theo và nhiệt liệt tán thưởng.

Kế tiếp là Đội Dâng hoa của Cộng đoàn Công Giáo Thánh Toma Thiện. Có các em thiếu nhi mặc đồng phục trắng tung hoa. Đội dâng hoa mặc áo dài đồng phục mầu xanh, đầu đội khăn đóng rất đẹp, đã tiến dâng hoa lên kiệu Đức Mẹ. Sau phần tiến hoa, đội trống gốc Sâm Bồ, Giáo phận Hải Phòng đã khai trống chào trước kiệu Đức Mẹ và đi theo đoàn rước sau Thánh giá nến cao, đoàn rước cờ Hội Thánh, cờ Úc và Việt Nam Cộng Hòa, cờ 17 cộng đoàn trong cộng đồng cùng với các hội đoàn trong cộng đồng về tham dự. Đoàn rước được Đức Cha, quý cha, các hội đoàn đi theo kiệu Đức Mẹ La Vang sau khi Đức Cha xông hương kiệu.

Sau khi tượng Đức Mẹ được rước một vòng chung quanh khuôn viên nhà thờ của Trung Tâm Thánh Mẫu La Vang, và cung nghinh kiệu lên an vị ở nơi trang trọng bên phải bàn thờ. Đoàn dâng hoa tiến lên đặt những bó hoa mầu đỏ vào trái tim trước bàn thánh, và trước kiệu Đức Mẹ. Liên Ca đoàn cất vang bài ca nhập lễ, với nhiều công sức, quý ca trưởng và ca viên đã bỏ công tập luyện nên các anh chị đã thể hiện các bài thánh ca thật tuyệt vời.

Thánh lễ đồng tế với 10 linh mục và hai phó tế do Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long chủ tế, cùng quý tu sỹ nam nữ và đông đảo giáo dân từ khắp nơi về với mái nhà chung của Mẹ để thể hiện tấm lòng tạ ơn. Ban Truyền Thông của Trung tâm đã làm việc rất tích cực trong nhiệm vụ loan truyền buổi lễ đến mọi người.

Trong bài chia sẻ, xin tóm tắt mấy ý. Đức Cha Vincent đã nhắc đến nguồn gốc của Người Việt Nam Công Giáo tại Melbourne nói riêng và trên toàn thế giới nói chung, chúng ta là những người tỵ nạn, tha hương, chúng ta đã cố gắng xây dựng và đã thành công về nhiều mặt, Ngôi nhà chung cũng là một trong những niềm tự hào của chúng ta.

Đức Cha cũng dùng đến lời kinh Manificat để chia sẻ về tấm gương sáng ngời của Đức Mẹ, một người được Thiên Chúa tuyển chọn, một người Mẹ nhân loại rất đỗi khiêm nhường.

Cuối lễ, sau lời cảm ơn của ông GB. Trần Ngọc Cẩn trưởng ban điều hợp CĐCGVN. TGP Melbourne gửi đến Đức Cha, quý cha, quý tu sỹ nam nữ và toàn thể giáo dân trong cộng đồng, đã cùng về “Ngôi Nhà Chung” để dâng lên Mẹ lời tạ ơn, xin Mẹ chuyển cầu cùng Chúa cho chúng ta sau 3 năm đại dịch, chúng ta lại được họp mặt nhau để dâng lời tán tụng và ngợi khen Chúa và buổi lễ ta ơn hôm nay cũng là bước khởi đầu chuẩn bị cho Đại Hội Thánh Mẫu La Vang kỳ IV vào Năm 2023 sắp tới.

Sau ít phút giải lao, cộng đồng lại vào trong nhà thờ để nghe Cha Nguyễn Thế Nhân Dòng Thánh Thể thuyết giảng về đề tài: Cùng Mẹ Tạ Ơn. Và buổi lễ tạ ơn đã kết thúc khi trời chiều cuối mùa Thu Melbourne đã tối, kết thúc một ngày sớm hơn. Mọi người lại chia tay nhau ra về trong niềm vui, ân sủng của buổi lễ Cùng Mẹ Tạ Ơn. Cảm ơn Ban tổ chức CĐCGVNTGP Melbourne đã cùng các cộng đoàn tổ chức buổi lễ thật tốt đẹp.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin mừng Luca 15
Vũ Văn An
20:31 14/05/2022

Bài Tin Mừng Luca 8:16-18: dụ ngôn cây đèn

16“Chẳng có ai đốt đèn, rồi lấy hũ che đi hoặc đặt dưới gầm giường, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. 17Vì chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện, chẳng có gì che giấu mà người ta lại không biết và không bị đưa ra ánh sáng. 18Vậy hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Vì ai đã có, thì được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất.”

Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm Phiên dịch Các Giờ Kinh Phụng Vụ



Chú thích

Chẳng có ai đốt đèn. Luca bỏ cụm từ dẫn nhập trong Máccô “Người nói với các ông” và thay đổi lối trình bầy thiếu trang nhã của Máccô, bỏ đặt câu nói thành câu hỏi (Mc 4:21: Chẳng lẽ mang đèn tới để đặt dưới cái thùng hay dưới gầm giường?).

Rồi lấy hũ che đi. Luca cũng dùng chữ “hũ” (skeuos) thay vì “thùng hay đấu” (modion) như trong Mc 4:21 có lẽ hay hơn vì theo Cha Fitzmyer, “skeuos” nghĩa rộng hơn “modion”, nó có thể chỉ bất cứ dụng cụ nào, hoặc hũ hoặc lọ; đặt nó vào “skeuos” có lẽ là cách dễ dập tắt nó.

Để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng. Đoạn song hành trong Máccô và Mátthêu không có câu này. Có thể vì Luca nghĩ đến căn nhà có hành lang, một kiểu nhà không có mấy tại Palestine nhưng rất thông thường trong thế giới La Hy hồi đó.

Chẳng có gì bí ẩn mà lại không trở nên hiển hiện. Câu này được nối với câu trước bằng chữ “vì”. Tuy nhiên, Luca đơn giản hóa câu khá vụng về của Máccô “để được” bằng chữ “mà”. Câu nói này nối với câu trước một cách lỏng lẻo bởi việc liên kết 3 nhóm tương phản: ánh sáng/bóng tối, bí ẩn/hiển hiện, che dấu/biết.

Hãy để ý tới cách thức anh em nghe. Trong khi Máccô viết: “Hãy để ý tới điều anh em nghe” (Mc 4:24) thì Luca nhấn mạnh đến “cách thức anh em nghe” điều mà Luca đã đề cập ở 8:12, 15.

Ai đã có, thì được cho thêm. Tự nó, câu này phản ảnh sự khôn ngoan thực tiễn về của cải. Tuy nhiên, trong đồng văn của Luca, nó không liên hệ gì tới tiền bạc hay của cải vật chất. Nó liên hệ tới câu nói trước, ai nghe lời một cách hữu ích sẽ được lợi nhiều hơn; ai nghe một cách hững hờ sẽ mất ngay cả điều xem ra họ đã có.

Cái họ tưởng là có. Luca dùng kiểu nói này làm phức tạp cho việc hiểu câu nói. Máccô chỉ đơn giản nói là: “ngay cái đang có”. Ý của Luca muốn nhấn mạnh tới giá trị biểu kiến của sở hữu chứ không phải sự sở hữu biểu kiến chúng.

Nhận định

Cha Fitzmyer cho rằng dụ ngôn cây đèn tiếp tục dụ ngôn người gieo hạt giống. Nhưng thoạt mới đọc, người ta thấy hai dụ ngôn này dường như là hai dụ ngôn biệt lập, không ăn uống gì với nhau cả. Chính Cha Fitzmyer cũng cho rằng các câu 8:16-18 là một loạt ba lời nói của Chúa Giêsu, phần lớn thuộc ba nguồn độc lập lẫn nhau, được nối kết với nhau. Tuy nhiên, ở đây, Luca, theo gương Máccô, đã gắn những lời nói này vào việc giải thích dụ ngôn người gieo hạt giống. Có điều, ngài bỏ hai dụ ngôn trong Máccô, tức dụ ngôn hạt lúa âm thầm mọc lên (4:26-29) và dụ ngôn hạt mù-tạt (4:30-32) và câu kết luận (4:33-34), người ta thắc mắc tại sao ngài lại giữ dụ ngôn cây đèn. Việc ngài giữ lại dụ ngôn này cho thấy rõ không những ngài lệ thuộc Máccô ở điểm này mà cả quan tâm của ngài muốn liên hệ các lời nói này gần gũi với phần này của Tin Mừng của ngài. Vì không những ngài bỏ cụm từ dẫn nhập thông thường của Máccô “Người nói với các ông” nhưng ngài còn nối chúng với câu 8:15 bằng liên từ de [δὲ=bởi chưng] (1) và du nhập liên từ gar [γὰρ=vì] ở câu 8:18b để nối kết tư liệu gần gũi với nhau hơn. Để bảo đảm có sự nhất quán chặt chẽ hơn, Luca đã bỏ 2 câu nói trong Máccô: 4:23 (ai có tai thì hãy nghe) và 4:24b (Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em).

Ba câu nói Luca dùng ở đây cũng xuất hiện ở nơi khác trong Tin Mừng của ngài tuy dưới hình thức hơi khác: câu 16 có song hành ở 11: 33 (Chẳng có ai đốt đèn lên rồi đặt vào chỗ khuất hoặc dưới cái thùng, nhưng đặt trên đế, để những ai đi vào thì nhìn thấy ánh sáng); câu 17 là một hình thức của câu 12:2 (Không có gì che giấu mà sẽ không bị lộ ra, không có gì bí mật mà người ta sẽ không biết); và câu 18b-c là một hình thức của câu 19:26 (Tôi nói cho các anh hay : phàm ai đã có, thì sẽ được cho thêm; còn ai không có, thì ngay cái nó đang có cũng sẽ bị lấy đi). Các câu trong tình tiết này là lấy theo Máccô trong khi các câu kia là lấy của nguồn “Q”.

Câu đầu tiên nói tới việc đừng che dấu chiếc đèn đã đốt. Câu thứ hai nói về việc các điều bí ẩn trở thành hiển hiện và câu thứ ba nói về việc người đã có thì được cho thêm. Thoạt nhìn, chúng có vẻ như đương nhiên. Nhưng theo Cha Fitzmyer, chúng phải được hiểu trong đồng văn Luca nghĩa là việc Chúa Giêsu rao giảng về Nước Thiên Chúa, vốn đã bắt đầu với câu 8:4.

Trong đoạn trước, Luca từng tương phản các người nghe cách “vui vẻ” (câu 13) với những người nghe “với tấm lòng cao thượng và quảng đại”, và với lòng “kiên trì”(câu 15). Bây giờ, ở câu 18a, ngài viết “hãy để ý tới cách thức anh em nghe” quả đã tiếp nối những lời trên. Ngài bỏ dụ ngôn hạt lúa mọc âm thầm có lẽ là vì nó gây trở ngại cho việc nhấn mạnh ngài đặt vào cách lắng nghe lời Thiên Chúa.

Các câu nói, vì thế, dùng để nêu bật cách người ta nên lắng nghe Lời Thiên Chúa. Câu 16 nhấn mạnh tới việc ta không nên đốt đèn rồi dấu nó đi, mà phải đặt nó trên đế để nó chiếu sáng căn phòng. Và câu 17, liên kết chặt chẽ với câu 16, giải thích rằng điều bí ẩn sẽ hiển hiện; kết quả của bí ẩn là một ngày kia sẽ trở thành hiển hiện. Việc tỏ hiện này được nối với lý do tại sao người ta đốt đèn và đặt nó lên đế... Việc đốt đèn này dĩ nhiên mô tả tác phong của môn đệ Chúa Kitô: lối lắng nghe lời Thiên Chúa của họ phải mang lại hoa trái... Các hồng ân ban cho người môn đệ biết các điều bí ẩn về Nước Trời được Thiên Chúa dự liệu loan truyền cho mọi người.

Một tác giả khác (http://www.thespiritualdumbbell.com/blog/luke/the-parable-of-the-lamp-luke-816-18/), cho hay cả dụ ngôn này lẫn dụ ngôn người gieo hạt giống đều nói về Lời Chúa. Dụ ngôn này muốn nói tới việc ta phải làm gì với Lời Chúa ấy khi đã nhận được nó. Nó cần được chia sẻ và càng chia sẻ ta càng nhận được nhiều thông sáng hơn về Nước Thiên Chúa.

Đó cũng là nhận định của một tác giả khác (https://reformedbaptistblog.com/2014/04/25/parable-of-the-lamp-luke-816-18-teaching-outline/) khi cho rằng dù Chúa giải thích riêng cho các môn đệ ý nghĩa của dụ ngôn, nhưng các môn đệ không nên giữ cho riêng mình việc giải thích này. Trái lại trong tư cách ánh sáng thế gian, họ phải thông đạt cho người khác. Như Người đã dạy ở câu 15: “nắm giữ và nhờ kiên trì mà sinh hoa kết quả”. Hai việc tuân giữ và chia sẻ Lời Chúa phải đi song song với nhau, y như việc đốt đèn rồi để trên đế. Ta cũng nên nhớ lại trong Mátthêu 10:27, khi Chúa Giêsu sai các môn đệ ra đi rao giảng, Người nói với các ông: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng”.

Về câu 18, tác giả này lưu ý tới lý do Chúa Giêsu nêu ra để khuyên ta nên chú ý tới cách lắng nghe lời Thiên Chúa. Lý do tích cực: “ai đã có, thì được cho thêm”. Ở đây Chúa Giêsu có ý nói đến những người “ai có tai thì hãy nghe” ở câu 8 và những người lắng nghe “với tấm lòng cao thượng và quảng đại” ở câu 15, họ sẽ nhận được nhiều chân lý hơn nữa. Như thế, những người thực sự sở hữu chân lý trong tâm hồn, dù ít ỏi bao nhiêu, cũng hãy tin rằng họ sẽ được ban cho thêm.

Lý do tiêu cực: “còn ai không có, thì ngay cái họ tưởng là có, cũng sẽ bị lấy mất”. Ở đây, chắc chắn Chúa Giêsu nghĩ đến ba loại đất xấu trong dụ ngôn người gieo hạt giống. Trong mỗi trường hợp này, những người đại diện cho các loại đất khác nhau dường như có được Lời Chúa chỉ để sau đó bị lấy đi mất. Họ không phải là những người biết lắng nghe lời Thiên Chúa, thiếu hăng say đối với lời Thiên Chúa thành thử không sinh hoa trái...
_________________________________________________________________________
(1) Các bản dịch tiếng Việt kể cả bản dịch của Nhóm PVCGK không lưu ý tới liên từ này.
 
VietCatholic TV
Tổn thất nặng, Nga bỏ chạy khỏi Kharviv, nổ 2 cầu để tránh truy kích. Mỹ đề nghị đình chiến tức khắc
VietCatholic Media
03:00 14/05/2022


1. Tổng thống Zelenskiy nói Ukraine đã chiếm lại hơn 1.000 khu định cư từ lực lượng Nga

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Ukraine trong ngày thứ Sáu 13 tháng 5, Ukraine đã chiếm lại sáu khu định cư từ lực lượng Nga,, và tổng cộng 1.015 khu kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột vào tháng Hai.

' Chúng tôi tiếp tục khôi phục các vùng lãnh thổ đã bị chiếm đóng của Ukraine. Tính đến hôm nay, 1.015 khu định cư đã được giải tỏa, cộng thêm sáu khu trong 24 giờ qua '', ông nói trong bài phát biểu hàng đêm của mình.

Ông cho biết: “Chúng tôi trả lại điện, cấp nước, thông tin liên lạc, giao thông, và các dịch vụ xã hội ở đó.

Ông cũng tuyên bố rằng quân Nga xuống tinh thần đã bỏ chạy khỏi khu vực Kharkiv. Tuy nhiên, Ông Zelenskiy cho biết thêm quân Nga đã phá hủy hai cây cầu chiến lược để tránh bị quân Ukraine truy đuổi.

Trong một bản cập nhật ngắn vào cuối ngày thứ Sáu, các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đang tập trung vào việc bảo đảm việc rút quân khỏi khu vực Kharkiv.

Những đội quân này đã phải chịu áp lực ngày càng lớn từ các cuộc phản công của Ukraine dọc theo một mặt trận rộng ở phía tây sát các tuyến tiếp tế của họ.

Bộ Tổng tham mưu Các lực lượng vũ trang Ukraine cho biết đã có thêm nhiều đợt pháo kích vào lãnh thổ Ukraine do người Nga cố gắng đạt được tiến bộ về hướng Sloviansk, một mục tiêu quan trọng. Ngôi làng Nova Dmytrivka đã bị cháy như đã từng xảy ra từ cuối tháng Tư.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cũng nói rằng đã có các cuộc không kích xung quanh Dolyna, về phía bắc cách Sloviansk 20 km, và tại Adamivka gần đó. Các cuộc không kích vào khu vực này hồi đầu tuần đã làm hư hại hai nhà thờ.

Tại khu vực Luhansk, một cuộc tấn công của Nga vào thị trấn Zolote đã bị đẩy lùi. Nhiều cuộc pháo kích xuyên biên giới đã được báo cáo xa khu vực xảy ra xung đột hiện tại ở khu vực đông bắc Sumy cũng như một cuộc không kích nhắm vào một ngôi làng trong vùng.

2. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ gọi cho Bộ trưởng Quốc phòng Nga yêu cầu đình chiến ngay tức khắc

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có một cuộc điện đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu vào hôm thứ Sáu, trong đó ông kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Ukraine. Thiếu tướng John Kirby, phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, đã cho biết như trên,

Trong cuộc gọi, Austin cũng “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các đường dây liên lạc”. Đây là lần đầu tiên Austin nói chuyện với Shoigu kể từ ngày 18 tháng 2, sáu ngày trước khi Nga xâm lược Ukraine.

Thời báo New York đưa tin rằng cuộc gọi đến “theo sáng kiến của phía Mỹ”.

Tướng Kirby cho biết đây là lần đầu tiên phía Nga chấp thuận đối thoại với Hoa Kỳ qua đường dây nói. Ông nói: “Điều gì đã thúc đẩy họ thay đổi suy nghĩ, và cởi mở với đối thoại, tôi không nghĩ rằng chúng tôi biết chắc chắn. Cuộc trò chuyện kéo dài một giờ là rất chuyên nghiệp”

Tướng Kirby nói thêm rằng không có vấn đề nào được vượt qua.

“Bản thân cuộc gọi không giải quyết cụ thể bất kỳ vấn đề cấp bách nào hoặc dẫn đến sự thay đổi trực tiếp trong những gì người Nga đang làm hoặc đang nói”. Tuy nhiên, Tướng Kirby cho biết Austin hy vọng cuộc gọi sẽ “đóng vai trò là bàn đạp cho các cuộc trò chuyện trong tương lai”.

Trong cuộc họp báo, Tướng Kirby cũng thúc giục Thượng Viện Hoa Kỳ thông qua gói tài trợ lên đến 40 tỷ USD. Lời kêu gọi được đưa ra sau khi thượng nghị sĩ Mỹ Rand Paul nêu lên những quan ngại của ông, và có ý ngăn chặn việc thông qua dự luật viện trợ trị giá 40 tỷ USD cho Ukraine vào hôm thứ Năm. Dự luật sẽ được bàn bạc thêm vào thứ Hai tuần sau.

Tướng Kirby cho biết nếu Quốc hội không thông qua khoản viện trợ trị giá 40 tỷ USD vào ngày 19/5, thì điều đó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến “khả năng Hoa Kỳ cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine”

“Ngày 19 tháng 5 là ngày mà chúng tôi thực sự bắt đầu không có khả năng gửi những thứ mới vào Ukraine nếu không có tài trợ. Đến ngày 19 tháng 5, điều đó sẽ bắt đầu ảnh hưởng đến khả năng cung cấp viện trợ không bị gián đoạn của chúng tôi.”

Thượng nghị sĩ Rand Paul muốn giám sát nhiều hơn về cách các khoản tiền sẽ được chi tiêu trước khi đồng ý dự luật có thể lên sàn Thượng viện để bỏ phiếu. Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer đã bắt đầu các bước thủ tục để vượt qua sự phản đối của Paul, nhưng dự luật chỉ có thể được thông qua sớm nhất là vào tuần tới.

3. Sự hỗ trợ của Phần Lan đối với NATO là kết quả của “sự thay đổi rất mạnh mẽ” trong môi trường an ninh

Klaus Korhonen, Đại sứ Phần Lan tại NATO nói với CNN hôm thứ Năm rằng sự ủng hộ của Phần Lan đối với việc gia nhập NATO là kết quả của “sự thay đổi rất mạnh mẽ trong môi trường an ninh của chúng ta” sau khi Nga xâm lược Ukraine.

Hiện tại, không có “các mối đe dọa quân sự trực tiếp chống lại Phần Lan” từ phía Nga, Korhonen nói, đồng thời cho biết thêm rằng họ không thấy bất kỳ “hoạt động bất thường nào”.

Nhưng quốc gia này thực sự đã nhận ra những “chiến dịch quấy rối mạng” hoặc các chiến dịch “thông tin sai lệch” của Nga, điều này “không có gì mới” đối với họ, ông nói thêm.

Phần Lan có chung đường biên giới dài 800 dặm với Nga và việc gia nhập liên minh có nghĩa là Nga sẽ có chung đường biên giới với một quốc gia chính thức liên kết với Hoa Kỳ.

Khi được hỏi quốc gia Bắc Âu này có gì để cung cấp cho NATO nếu họ gia nhập, Korhonen nói rằng họ có một “nền quốc phòng mạnh mẽ” và rằng nếu là thành viên của liên minh, sự bảo vệ “sẽ thậm chí còn hiệu quả hơn.”

Ông nói: “Chúng tôi có một nền quốc phòng vững chắc, chúng tôi có một đội quân bảo vệ biên phòng rất có năng lực, và tôi nghĩ rằng hiện tại chúng tôi đang tỉnh táo, vì vậy tôi nghĩ rằng biên giới rất an toàn”.

Korhonen nhấn mạnh thêm rằng rằng mặc dù răn đe hạt nhân “luôn là một phần trong các câu chuyện liên quan đến chính sách an ninh của Nga vào thời điểm này”, chúng tôi hiện không thấy có “bất kỳ tình huống hạt nhân nào”.

Ông nói: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân hoặc đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ mở ra một chương hoàn toàn mới trong bối cảnh an ninh toàn cầu”.

4. Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan cho biết chính phủ dự kiến đề nghị gia nhập NATO vào Chúa Nhật

Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto nói với các phóng viên trong một cuộc họp báo tại Helsinki rằng chính phủ Phần Lan đang có kế hoạch ban hành sách trắng thứ hai về đề xuất nước này gia nhập NATO.

Đề xuất sau đó sẽ được đưa ra bỏ phiếu tại quốc hội với một cuộc họp toàn thể dự kiến vào sáng thứ Hai.

Haavisto lưu ý rằng điều quan trọng là “phải trải qua một cuộc tranh luận thích hợp ở quốc hội”

Ngoại trưởng Phần Lan nói rằng cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine đã “thay đổi rất nhiều cục diện an ninh ở Âu Châu,” nói thêm rằng nó cũng thay đổi quan điểm của công chúng về tư cách thành viên NATO.

Ông nói: “Lần đầu tiên đa số người Phần Lan ủng hộ việc trở thành thành viên NATO”.

Haavisto nói với các phóng viên rằng nước này đang liên hệ chặt chẽ với Bộ Ngoại giao Thụy Điển vì Thụy Điển cũng đang cân nhắc việc gia nhập NATO. Ông nói thêm rằng ông đang đàm phán với các đối tác Âu Châu và Vương quốc Anh để bảo đảm an ninh cho các quốc gia nộp đơn.

5. Pháp cho biết họ hoàn toàn ủng hộ “sự lựa chọn có chủ quyền” của Phần Lan trong việc gia nhập NATO

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói với tổng thống Phần Lan Sauli Niinistö hôm thứ Năm rằng Pháp “hoàn toàn ủng hộ” nỗ lực gia nhập NATO của Phần Lan.

“Tổng thống Cộng hòa Pháp đã nói với Tổng thống Phần Lan rằng Pháp hoàn toàn ủng hộ lựa chọn có chủ quyền của Phần Lan để nhanh chóng gia nhập NATO,” Điện Elysee cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, hôm thứ Năm, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng hoan nghênh việc Phần Lan tham gia liên minh và nói rằng Berlin “ủng hộ hoàn toàn”, sau khi tổng thống và thủ tướng Phần Lan tuyên bố ủng hộ việc gia nhập NATO, di chuyển quốc gia Bắc Âu - có chung đường biên giới 800 dặm với Nga - tiến thêm một bước tới vị trí thành viên của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu.

Hôm thứ Tư, Niinistö nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin nên “nhìn vào gương” nếu Phần Lan quyết định gia nhập NATO để tăng cường an ninh cho chính mình.

Khi phát biểu cùng với Thủ tướng Anh Boris Johnson tại Helsinki, nhà lãnh đạo Phần Lan nói rằng nếu Phần Lan gia nhập NATO, đó sẽ là kết quả của hành động của chính Putin.

6. Nga cắt nguồn cung cấp điện cho Phần Lan từ thứ Bảy

Nga sẽ tạm ngừng cung cấp điện cho Phần Lan từ 1 giờ sáng ngày thứ Bảy, nhà cung cấp RAO Nordic cho biết, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về nỗ lực gia nhập Nato của Helsinki. RAO Nordic, một công ty con của công ty năng lượng Inter RAO, là công ty năng lượng độc quyền của Nga được chính quyền Nga tài trợ, cho biết trong một tuyên bố rằng họ “buộc phải tạm ngừng xuất khẩu điện” sang Phần lan, bắt đầu từ ngày 14/5.

Công ty này cho biết: “Tình huống này là đặc biệt, và xảy ra lần đầu tiên trong hơn 20 năm lịch sử giao dịch của chúng tôi.”

Công ty lưới điện của Phần Lan, Fingrid, cho biết hoạt động buôn bán điện nhập khẩu từ Nga sẽ bị đình chỉ “trong thời điểm hiện tại” do khó khăn trong việc nhập khẩu điện.

Tuy nhiên, công ty Fingrid nói thêm: “Không có mối đe dọa nào đối với sự đầy đủ điện ở Phần Lan.” Công ty nói rằng điện từ Nga chỉ chiếm khoảng 10% tổng tiêu thụ điện của Phần Lan, nói thêm:

Việc nhập khẩu bị thiếu có thể được thay thế trên thị trường điện bằng cách nhập khẩu nhiều điện hơn từ Thụy Điển, và một phần cũng do lượng sản xuất gia tăng trong nước.

Các nhà lãnh đạo Phần Lan hôm thứ Sáu tuyên bố nước này phải nộp đơn gia nhập liên minh Nato “ngay lập tức”. Đáp lại, Điện Cẩm Linh cho biết Nga “chắc chắn” coi tư cách thành viên Phần Lan là một mối đe dọa,, và Bộ Ngoại giao Nga cho biết Mạc Tư Khoa sẽ “buộc phải thực hiện các bước có đi có lại, quân sự-kỹ thuật, và các biện pháp khác”.
 
Lithuania, xứ sở Công Giáo anh hùng. Thánh Titus Brandsma vị thánh bảo trợ mới của ngành báo chí
VietCatholic Media
05:06 14/05/2022


1. Quốc hội Lithuania đã bỏ phiếu nhất trí mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là “tội ác diệt chủng”

Quốc hội Lithuania đã bỏ phiếu nhất trí mô tả các hành động của Nga ở Ukraine là “diệt chủng” và “khủng bố”, đồng thời kêu gọi một tòa án quốc tế truy tố các tội phạm chiến tranh của quân Nga tại Ukraine.

Theo Reuters, các tội ác chiến tranh của các lực lượng Nga bao gồm cố ý giết thường dân, cưỡng hiếp hàng loạt, bắt cóc công dân Ukraine đưa sang Nga và phá hủy cơ sở hạ tầng kinh tế và các địa điểm văn hóa.

Kiến nghị của quốc hội Lithuania, được đồng tài trợ bởi thủ tướng Ingrida Šimonytė, cho biết:

Liên bang Nga, quốc gia có lực lượng quân sự đã chọn các mục tiêu dân sự để ném bom một cách cố ý và có hệ thống, là một quốc gia ủng hộ và gây ra nạn khủng bố.

Diễn biến này xảy ra sau một cuộc bỏ phiếu nhất trí tương tự của các nhà lập pháp Canada vào tháng trước gọi các cuộc tấn công của Nga ở Ukraine là một “tội ác diệt chủng”.

Người đứng đầu Phái bộ Giám sát Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc tại Ukraine cho biết hàng nghìn dân thường đã thiệt mạng ở Ukraine trong cuộc chiến kéo dài hơn hai tháng, con số thiệt mạng chính thức của Liên Hiệp Quốc là 3.381 người.

“Nhìn chung, cho đến nay, chúng tôi đã xác minh được 7.061 thương vong dân sự, với 3.381 người thiệt mạng và 3.680 người bị thương trên khắp đất nước kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công vũ trang của Liên bang Nga. Các số liệu thực tế cao hơn và chúng tôi đang làm việc để chứng thực từng sự việc “, Matilda Bogner nói trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Ba.

2. Titus Brandsma có thể trở thành một vị thánh bảo trợ mới của ngành báo chí

Hơn 60 nhà báo đã thỉnh cầu Đức Thánh Cha Phanxicô phong Titus Brandsma trở thành vị thánh bảo trợ chính thức của ngành báo chí.

Một bức thư ngỏ được công bố vào ngày 10 tháng 5 nói rằng thế giới “khẩn cấp đòi hỏi một người cầu bầu thánh thiện” như Brandsma, một linh mục và nhà báo dòng Carmêlô, “trong thời đại thông tin sai lệch và phân cực này.”

Brandsma, người sẽ được phong thánh trong Giáo Hội Công Giáo vào ngày 15 tháng 5, đã chết trong trại tập trung Dachau vào năm 1942 sau khi ngài kiên quyết phản đối việc bắt buộc đăng các tuyên truyền của Đức Quốc xã trên các tờ báo Công Giáo.

“Chúng tôi, những nhà báo Công Giáo, nhận ra nơi Chân Phước Titus Brandsma một đồng nghiệp chuyên nghiệp và là một người đồng đạo nổi bật. Một người đã chia sẻ sứ mệnh sâu xa hơn của nền báo chí trong thời hiện đại: đó là tìm kiếm sự thật và sự xác minh, thúc đẩy hòa bình và đối thoại giữa mọi người”, bản kiến nghị viết.

Bức thư kiến nghị được đồng viết bởi ba nhà báo từ Hà Lan, nơi Brandsma được sinh ra, và một nhà báo từ Bỉ. Nó đã được đồng ký tên bởi hơn 60 thông tín viên của Vatican.

“Titus Brandsma có rất nhiều ý nghĩa đối với cộng đồng Công Giáo ở các Quốc gia trong vùng Bắc Âu, các tác phẩm báo chí của ngài nổi bật trong số tất cả các hoạt động khác. Ngài là tổng biên tập của một tờ báo, đã cống hiến hết mình cho việc hiện đại hóa và chuyên nghiệp hóa tờ nhật báo Công Giáo ở Hà Lan, đồng thời nỗ lực để có điều kiện làm việc tốt hơn và thiết lập các khóa đào tạo nghiệp vụ cho các nhà báo,” bức thư viết.

“Cha Brandsma đã thực hiện công việc của mình trong bối cảnh chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa Quốc xã đang trỗi dậy ở Âu Châu. Bằng lời nói và hành động, ngài phản đối ngôn ngữ hận thù và chia rẽ đang trở nên phổ biến vào thời điểm đó. Theo quan điểm của ngài, những gì chúng ta hiện nay mô tả là 'tin giả' không được dung thứ trên báo chí Công Giáo; ngài đã biện hộ thành công cho lệnh cấm của các giám mục đối với việc in các bài tuyên truyền về Quốc Xã trên các tờ báo Công Giáo “.

Bức thư thừa nhận rằng Giáo Hội Công Giáo đã có một vị thánh bảo trợ của các nhà báo: Thánh Phanxicô Đệ Salê.

Đức Giáo Hoàng Piô XI đã tuyên bố giám mục Geneva là vị thánh bảo trợ của các nhà báo và nhà văn vào năm 1923. Vị thánh ở thế kỷ 16 đã sử dụng các ân sủng của mình như một nhà văn để viết cuốn sách kinh điển về lòng mộ đạo, có nhan đề “Giới thiệu về Đời sống sùng đạo,” cũng như các lá thư, bài giảng, và các tài liệu đề cập đến các tranh cãi và thuyết Calvin.

Bức thư lập luận rằng vị thánh người Pháp “chắc chắn là một vị thánh của đức tin và có công lao to lớn, nhưng ông không phải là một nhà báo theo nghĩa hiện đại của từ này.”

“Titus Brandsma đã từng là nhà báo. Và như chúng tôi đã nói, ngài đã hy sinh cuộc đời mình vì nghề báo chí. Theo quan điểm của chúng tôi, điều này khiến ngài đặc biệt thích hợp với sự bảo trợ này.”

Brandsma từng là cố vấn tinh thần cho nhân viên của hơn 30 tờ báo Công Giáo ở Hà Lan. Ngài cũng viết tiểu sử về Thánh Têrêxa Avila của Dòng Cát Minh, soạn các bài suy niệm về Đàng Thánh Giá, và viết thư.

Trong suốt những năm 1930, Brandsma đã chứng kiến sự kinh hoàng khi Adolf Hitler tăng cường sự kìm kẹp của mình với các nước láng giềng của Đức. Vị Chân Phước sắp được tuyên thánh chỉ trích gay gắt các chính sách của Đức Quốc xã trong các bài báo và bài giảng. Ngài nói: “Phong trào Đức Quốc xã là một sự dối trá đen đủi. Đó là ngoại giáo.”

Khi các tờ báo Hà Lan được yêu cầu phải chấp nhận quảng cáo và phải đăng các thông cáo báo chí từ các lãnh tụ Đức Quốc xã, Đức Tổng Giám Mục của Utrecht đã yêu cầu cha Brandsma nói với các biên tập viên Công Giáo của đất nước rằng họ nên từ chối lệnh này.

Brandsma đã tìm cách đến thăm 14 biên tập viên trước khi ngài bị bắt vào ngày 19 tháng Giêng năm 1942, tại một tu viện ở Boxmeer. Khi Gestapo chuẩn bị đưa ngài đi, ngài quỳ gối trước vị bề trên và nhận lời chúc phúc của ngài.

Một sĩ quan, Đại úy Paul Hardegen, sau đó đã yêu cầu Brandsma trình bày bằng văn bản lý do tại sao đồng hương của anh ta khinh miệt đảng Quốc xã Hà Lan.

“Người Hà Lan,” vị giáo sĩ viết, “đã hy sinh rất nhiều vì tình yêu dành cho Chúa và có một đức tin vững chắc vào Chúa bất cứ khi nào họ phải chứng minh niềm tin tôn giáo của mình… Nếu cần thiết, chúng tôi, những người Hà Lan, sẽ hiến cuộc sống của chúng tôi cho tôn giáo của mình.”

Cha Brandsma và 10 ứng viên tuyên thánh khác, bao gồm Charles de Foucauld và 4 phụ nữ, sẽ được tuyên thánh trong thánh lễ phong thánh đầu tiên tại Vatican sau hơn hai năm rưỡi.

Trước khi ngài được tuyên thánh, Đại sứ quán Hà Lan tại Tòa thánh đã tổ chức một hội nghị chuyên đề về Cha Brandsma và tự do báo chí.

Đại sứ Caroline Weijers nói với Vatican News rằng một trong những chủ đề mà bà mong đợi sẽ được đề cập tại hội nghị chuyên đề là “thế giới cần những nhà báo can đảm như Cha Titus Brandsma để tạo ra sự khác biệt cho nhân loại và nhân quyền cho tất cả mọi người”.
Source:Catholic News Agency

3. Anh, Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ đã công khai đổ lỗi cho Nga về một cuộc tấn công mạng lớn

Anh, Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ đã công khai đổ lỗi cho Nga về một cuộc tấn công mạng lớn nhằm vào một mạng internet vệ tinh một giờ trước khi Tổng thống Nga, Vladimir Putin, ra lệnh cho quân đội của mình xâm lược Ukraine.

Hội đồng Liên minh Âu Châu cho biết, cuộc tấn công kỹ thuật số vào mạng KA-SAT của Viasat vào cuối tháng Hai đã khiến hàng nghìn modem bị gián đoạn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc xâm lược đất nước của Putin.

Tuyên bố cho biết thêm: “Cuộc tấn công mạng đã có ‘tác động đáng kể’ và gây ra ‘sự gián đoạn liên lạc đối với một số cơ quan công quyền, doanh nghiệp và người dùng ở Ukraine, cũng như ảnh hưởng đến một số quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu’”

Cuộc tấn công mạng không thể chấp nhận được này là một ví dụ khác cho thấy Nga tiếp tục có những hành vi vô trách nhiệm trong không gian mạng, và cũng là một phần trong cuộc xâm lược bất hợp pháp và phi lý của Nga vào Ukraine.

Trung tâm an ninh mạng quốc gia của Anh đã đánh giá rằng tình báo quân sự Nga gần như chắc chắn có liên quan đến vụ tấn công ngày 13 tháng Giêng vào các trang web của chính phủ Ukraine, cũng như vụ tấn công tiếp theo ảnh hưởng đến Viasat vào ngày 24 tháng 2.

Ngoại trưởng Anh, Liz Truss, cho biết Nga sẽ phải đối mặt với “hậu quả nghiêm trọng” vì “hành vi xấu xa và gây hấn vô cớ” trên đất liền, trên biển và không gian mạng, đồng thời nói thêm:

“Đây là bằng chứng rõ ràng và gây sốc về một cuộc tấn công có chủ ý và ác ý của Nga nhằm vào Ukraine, gây hậu quả đáng kể đối với người dân và doanh nghiệp ở Ukraine cũng như trên toàn Âu Châu.”

Nga thường xuyên phủ nhận họ thực hiện các hoạt động tấn công mạng.

4. Sứ điệp Đức Thánh Cha nhân Ngày các Ông Bà và người cao niên lần thứ Hai

Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi những người cao niên vượt thắng quan niệm xã hội coi người già là “đồ phế thải” và hãy sống tuổi già trong tinh thần tích cực, xác tín đó là một phúc lành của Chúa.

Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong sứ điệp công bố sáng ngày 10 tháng Năm năm 2022, để chuẩn bị cho Ngày Thế giới lần thứ II các Ông Bà và người cao niên, sẽ được cử hành vào Chúa nhật 24 tháng Bảy tới đây, với chủ đề: “Trong tuổi già, họ còn mang lại hoa trái” (Tv 92,15), một câu trích từ thánh vịnh 92.

Đức Thánh Cha nhận xét rằng: “Thánh vịnh này, ghi dấu sự hiện diện của Chúa trong các giai đoạn của cuộc sống, mời gọi chúng ta tiếp tục hy vọng: khi tuổi già đến và mái tóc bạc, Chúa sẽ còn ban cho chúng ta sự sống và sẽ không để sự ác đè bẹp. Khi tín thác nơi Chúa, chúng ta sẽ tìm được sức mạnh để gia tăng chúc tụng Chúa (vv.14-20) và chúng ta sẽ khám phá thấy rằng trở nên già nua không phải chỉ là sự suy thoái tự nhiên của cơ thể hoặc trải qua thời gian không thể tránh được, nhưng là hồng ân trường thọ. Tuổi già không phải là một bản án, nhưng là một phúc lành!”

“Vì vậy, chúng ta phải chăm sóc bản thân và học cách sống tuổi già tích cực, cả về phương diện tâm linh, vun trồng đời sống nội tâm qua việc chăm chỉ đọc Lời Chúa, cầu nguyện hằng ngày, năng lãnh nhận các bí tích và tham gia phụng vụ. Và cùng với tương quan với Chúa, có tương quan với tha nhân: nhất là gia đình, các con, cháu, cống hiến cho họ tình yêu thương đầy ân cần của chúng ta; cũng như đối với những người nghèo khổ, trở nên những người gần gũi với họ bằng cách giúp đỡ cụ thể và bằng lời cầu nguyện. Tất cả những điều đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình không phải chỉ là những khách bàng quan trong kịch trường thế giới, không phải chỉ “đứng ở cửa sổ” mà nhìn.”

Đức Thánh Cha xác tín rằng: “Tuổi già không phải là một thời gian vô ích, trong đó chúng ta rút lui, rút mái chèo lên thuyền, nhưng là một thời kỳ còn sinh hoa trái: có một sứ mạng mới đang chờ đợi và mời gọi chúng ta hướng nhìn về tương lai. Sự nhạy cảm đặc biệt của người già chúng ta đối với sự quan tâm, những ý tưởng và tình cảm làm cho chúng ta nhân bản hơn, phải tái trở thành một ơn gọi của bao nhiêu người. Và đó là một sự chọn lựa yêu thương của người già đối với các thế hệ trẻ” (Bài giáo lý về tuổi già, 16-3-2022). Hỡi những ông bà và người cao niên quí mến, đó là đóng góp của chúng ta cho ‘cuộc cách mạng dịu dàng’, một cuộc cách mạng tâm linh và không võ khí, mà tôi mời gọi anh chị em trở thành những nhân vật chính”.

Trong phần kế tiếp của sứ điệp, Đức Thánh Cha gợi ý một số lãnh vực mà người già có thể dấn thân giúp đỡ như:

Đứng những cuộc khủng hoảng hiện nay, như đại dịch, chiến tranh tại Ukraine và những thứ “dịch” khác, “chúng ta có trách nhiệm lớn dạy cho những người nam nữ thời nay nhìn tha nhân với cùng cái nhìn cảm thông và dịu dàng, như khi chúng ta nói với các cháu của chúng ta... Ngày nay, chúng ta có thể dạy về cách sống an bình và quan tâm đến những người yếu nhất”.

Cần giúp thế giới ý thức rằng “chúng ta không thể tự cứu thoát một mình. Hạnh phúc là chiếc bánh ta cùng ăn. Chúng ta hãy làm chứng điều đó cho những người nuôi ảo tưởng tìm được sự thành đạt bản thân và thành công bằng con đường đối nghịch”.
 
Putin tê tái: Trận Bạch Đằng Giang trên đất Ukraine, ít nhất một tiểu đoàn chiến thuật của Nga ra đi
VietCatholic Media
15:52 14/05/2022


1. Trận Bạch Đằng Giang trên đất Ukraine, ít nhất một tiểu đoàn chiến thuật của Nga tử trận

Bản tin tình báo của Bộ Quốc Phòng Anh cho biết về trận Bạch Đằng Giang trên đất Ukraine như sau:

Trước hết, trong tính toán chiến thuật, Bộ Quốc Phòng Anh nhận định rằng, Nga đang đầu tư nỗ lực đáng kể vào khu vực lân cận Izium và Severodonetsk trong cố gắng đạt được bước đột phá về hướng Sloviansk và Kramatorsk. Mục tiêu chính trên trục này là bao vây các lực lượng Ukraine trong khu vực Hoạt động của Lực lượng Liên hợp, cô lập họ khỏi sự hỗ trợ hoặc tăng cường của các đơn vị ở phía tây đất nước.

Tuy nhiên, tính toán này đã không thành công. Các lực lượng Ukraine đã ngăn chặn thành công một nỗ lực vượt sông của Nga ở Donbas. Các hình ảnh cho thấy trong quá trình vượt sông Siverskyi Donets ở phía tây Severodonetsk, Nga đã mất các thành phần thiết giáp cơ động đáng kể ít nhất là một tiểu đoàn chiến thuật cũng như các thiết bị bắc cầu phao đã được triển khai.

Bộ Quốc Phòng Anh nhận định về sai lầm chiến thuật này của Nga như sau:

Thực hiện các cuộc vượt sông trong môi trường đang có chiến sự là một hoạt động có tính rủi ro cao, và nói lên áp lực mà các chỉ huy Nga đang phải chịu để đạt được tiến bộ trong các hoạt động của họ ở miền đông Ukraine.

Ông Serhiy Haidai, thống đốc vùng Luhansk, nói với CNN, rằng hình ảnh vệ tinh và lời khai trực tiếp đã cung cấp bức tranh đầy đủ hơn về những nỗ lực vô cùng thảm khốc, và liều lĩnh của các lực lượng Nga để vượt sông Siverskyi Donets ở miền đông Ukraine trong tuần qua.

Video mới và phân tích hình ảnh vệ tinh và máy bay không người lái cho thấy người Nga có thể đã mất tới 70 xe thiết giáp và các thiết bị khác khi cố gắng vượt sông vào đầu tuần này. Mục tiêu của họ là cố gắng bao vây các tuyến phòng thủ của Ukraine trong khu vực Luhansk, nhưng đã thất bại một cách ngoạn mục.

Theo Ông Serhiy Haidai, Lữ đoàn Dù số 80 của Ukraine cho biết họ đã “phá hủy các cầu phao và cản trở 9 nỗ lực vượt sông”.

“Ít nhất 73 xe thiết giáp đã bị phá hủy, bao gồm cả xe tăng T-72” và nhiều loại xe chiến đấu bộ binh.

Việc kiểm đếm này được hỗ trợ bởi phân tích video bằng máy bay không người lái cho thấy xe cộ của Nga nằm rải rác dọc theo một con đường ở phía bắc sông, cũng như các xe tăng nửa chìm nửa nổi trên mặt sông.

Rõ ràng là người Ukraine trước đó đã tìm ra nơi mà người Nga có thể cố gắng hạ các cầu phao và đã quan sát cách tiếp cận của các đơn vị Nga. Việc trinh sát các điểm có thể băng qua đã bắt đầu ít nhất hai ngày trước nỗ lực vượt sông của Nga.

Sông Siverskyi Donets chảy xiết và người Nga dường như cần đến các tàu kéo có động cơ để cố gắng hoàn thành cây cầu. Tiếng ồn là một manh mối nữa cho các đơn vị Ukraine rằng một nỗ lực vượt sông đang được tiến hành.

Theo lời kể của mình, Lữ đoàn dù 80 cho biết họ đã phục kích ở cả hai bên bờ sông. Khi quân Nga đã qua được một phần, họ đã gọi lữ đoàn pháo binh số 17 bắn tới tấp làm sập cầu phao. Cảnh hỗn loạn diễn ra khi binh lính Nga chìm dần trong dòng sông Siverskyi Donets chảy xiết. Những xe đã thoát qua được bên kia sông, ở phía bắc làng Bilohorivka, làm mồi cho quân Dù đang chờ sẵn. Không có tiếp ứng những chiếc xe này bỏ chạy, nhưng một số lớn đã cháy thành tro.

Những xe chưa vượt sông đã lùi lại khi thấy cầu phao bị sập. Tuy nhiên, pháo binh Ukraine tiếp tục bắn tới tấp.

“Giao tranh ác liệt và nặng nề kéo dài khoảng hai ngày,” lữ đoàn 80 cho biết trên trang Facebook của mình. “Lính Dù đã tiêu diệt cả một tiểu đoàn chiến thuật quân xâm lược!”

Bên cạnh số xe thiết giáp, CNN cho biết có ít nhất 30 xe chiến đấu bộ binh trong số đống đổ nát tại vị trí cầu phao, chưa kể những gì có thể đã chìm dưới dòng sông chảy xiết.

Nhận định về trận chiến này, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, Oleksii Reznikov nói: “Chúng ta đang bước vào một giai đoạn dài mới của cuộc chiến”

Mick Ryan, một cựu Thiếu tướng trong lực lượng vũ trang Úc Đại Lợi, người nghiên cứu về cuộc xung đột Ukraine, nhận định rằng: “Người Nga rõ ràng có ý định đầu tư vào trục này và ném rất nhiều sức mạnh chiến đấu vào đó.”

“Thành ra, đây có lẽ là một bước lùi lớn hơn đối với người Nga so với những gì một số người đã suy đoán,” Ryan nói trong một bài đăng trên tài khoản Twitter.

“Nó có thể khiến không chỉ một tiểu đoàn mà cả một Lữ đoàn mất đi một phần lớn sức chiến đấu.”

“Điều quan trọng là, người Nga đã mất đi các thiết bị xây cầu khan hiếm và có thể cả các kỹ sư công binh. Những nguồn này không rẻ và không có sẵn với số lượng lớn. Và những thứ này đang được yêu cầu cao trong một cuộc tấn công. “

Việc quân Nga không có khả năng tiến quân từ phía bắc qua con sông đã làm chậm lại cuộc tấn công của họ ở Luhansk, nơi hiện tại phụ thuộc vào quân đội di chuyển từ phía đông sang.

2. Hoa Kỳ nhận định Ukraine đã thắng trận Kharkiv

Viện Nghiên cứu Chiến tranh của Hoa Kỳ nhận định các lực lượng Ukraine đã thắng trận Kharkiv, và đây xem ra là bước tiến nhanh nhất của họ kể từ khi quân đội Nga rút khỏi Kyiv và phía đông bắc hơn một tháng trước.

Trong một bước lùi rõ ràng khác đối với mục tiêu chiến tranh của Vladimir Putin, các nhà phân tích cho biết hôm thứ Bảy rằng các đơn vị Nga đã không cố gắng giữ vững phòng tuyến của họ để chống lại các cuộc phản công của quân đội Ukraine xung quanh thành phố.

Kharkiv, thành phố lớn thứ hai của Ukraine và chỉ cách biên giới Nga 50 km, đã bị quân Nga bắn phá kể từ khi cuộc chiến bắt đầu vào tháng Hai.

Nhưng trong đánh giá mới nhất của mình về cuộc xung đột, Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết rằng người Nga đang rút lui và buộc các lực lượng ủy nhiệm hoặc lính đánh thuê che chắn cho quân Nga đang bỏ chạy về phía biên giới.

Viện cho biết: “Ukraine đã thắng trận Kharkiv. Các lực lượng Ukraine đã ngăn không cho quân đội Nga bao vây, chưa nói đến việc chiếm giữ Kharkiv, và sau đó trục xuất họ ra khỏi thành phố, giống như những gì họ đã làm đối với các lực lượng Nga đang cố gắng chiếm Kyiv.”

Các đơn vị của Nga “nhìn chung không cố gắng bám trụ để chống lại các cuộc phản công của lực lượng Ukraine trong nhiều ngày qua, với một vài trường hợp ngoại lệ”.

“Các báo cáo từ các quan chức phương Tây và một đoạn video từ một sĩ quan của Cộng hòa Nhân dân Donetsk cho thấy rằng Mạc Tư Khoa đang tập trung vào việc tiến hành một cuộc rút quân có trật tự và ưu tiên đưa người Nga trở về nhà trước khi cho phép các lực lượng ủy nhiệm vào Nga.”

3. Các nhà chức trách quân sự Ukraine đưa thi hài lính Nga về nước

Hôm thứ Sáu, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết các nhà chức trách quân sự Ukraine địa phương đã chất xác các binh sĩ Nga lên các toa tàu lạnh, để trao trả các thi thể cho Nga theo đúng luật pháp quốc tế. Các nhà chức trách đã bốc các thi thể sau các cuộc giao tranh ở vùng Kyiv, và Chernihiv. Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine nhấn mạnh rằng:

“Theo các quy tắc của luật nhân đạo quốc tế, và Ukraine đang tuân thủ nghiêm ngặt các quy tắc đó, sau khi giai đoạn tích cực của cuộc xung đột kết thúc, các bên phải trao trả các thu hài quân nhân của một quốc gia khác, Ukraine sẵn sàng trao trả các thi thể cho kẻ xâm lược”.

Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine cho biết có một số đoàn tàu tủ lạnh đóng tại các khu vực khác nhau trên khắp Ukraine, nơi thi thể của các binh sĩ Nga đang được lưu giữ.

Vài trăm thi thể đang được cất giữ tại một cơ sở ở ngoại ô Kyiv do Reuters quay được. Quân Nga thường không tìm cách lấy xác của đồng đội tử trận.

4. Hoa Kỳ cáo buộc Nga sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để tung tin giả

Hoa Kỳ đã cáo buộc Nga sử dụng Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc để đưa ra thông tin sai lệch, và các thuyết âm mưu về vũ khí sinh học ở Ukraine, nhằm đánh lạc hướng cuộc xâm lược của họ vào đất nước.

Phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên Hiệp Quốc gọi những tuyên bố của Nga cáo buộc Hoa Kỳ tham gia vào một chương trình vũ khí sinh học là “hoàn toàn sai sự thật, và lố bịch”.

Ông cảnh báo hội đồng hôm thứ Sáu rằng các hành động của Mạc Tư Khoa theo mô hình buộc tội người khác về những vi phạm mà họ đã gây ra hoặc có ý định gây ra, đồng thời nói thêm rằng họ cần được theo dõi chặt chẽ “khả năng xảy ra một cuộc tấn công hóa học hoặc sinh học của lực lượng Nga”.

Hoa Kỳ nhắc lại trước hội đồng rằng vào ngày 11 tháng 3, và ngày 18 tháng 3, Nga đã đưa ra các cáo buộc tương tự,, và Liên Hiệp Quốc đã khẳng định không biết về bất kỳ chương trình vũ khí sinh học nào ở Ukraine.

Đại sứ Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia của Nga trước đó đã nói trong cuộc họp rằng ông đã kêu gọi một cuộc họp hội đồng vì chính phủ của ông tiếp tục nhận được “ bằng chứng tài liệu rất đáng lo ngại “ rằng bộ quốc phòng Hoa Kỳ trực tiếp tham gia thực hiện “các dự án sinh học nguy hiểm trông giống như một chương trình quân sự sinh học bí mật “ở Ukraine.

5. Vợ cũ, và vợ bé của Putin bị Vương quốc Anh trừng phạt

Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Vương quốc Anh đã ban hành lệnh trừng phạt đối với hàng chục thành viên trong gia đình, và nội bộ của Vladimir Putin, bao gồm cả người vợ bé của ông, cho rằng tổng thống Nga chính thức chỉ sở hữu tài sản khiêm tốn, đây là những người giúp ông ta có lối sống xa hoa.

Thông báo của Bộ Ngoại Giao Anh có nghĩa là những người này sẽ bị đóng băng tài sản, và cấm không được vào Anh. Trong số những người bị trừng phạt có Lyudmila Ocheretnaya, vợ cũ của Putin; Alina Kabaeva, vợ bé của Tổng thống Nga;, và Anna Zatseplina, bà ngoại của Kabaeva.

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao cho biết tài sản chính thức của Putin chỉ bằng một căn hộ nhỏ ở St Petersburg, và hai chiếc xe hơi thời Liên Xô, bất chấp khối tài sản cá nhân khổng lồ rất rõ ràng của ông ta, bao gồm một chiếc du thuyền, và dinh thự của Putin rộng lớn trên bờ Biển Đen.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào cái mà tuyên bố gọi là “ví tiền” của những người thân, và cộng sự. Tuyên bố cho biết: “Putin dựa vào mạng lưới gia đình, bạn bè thời thơ ấu, và những người ưu tú được chọn lọc, những người đã được hưởng lợi từ sự cai trị của ông,, và sau khi ăn lộc của triều đình, họ quay sang ủng hộ chính sách của ông ta. Phần thưởng của họ là ảnh hưởng đối với các vấn đề của nhà nước Nga vượt xa các vị trí chính thức của họ.”

Những người có tên trong các lệnh trừng phạt mới nhất bao gồm 7 thành viên trong gia đình, và 5 người được liệt vào danh sách các nhà tài phiệt ăn lộc của Putin.

6. Gần 100 trẻ em thiệt mạng ở Ukraine chỉ trong tháng 4 và con số thực tế có thể cao hơn, UNICEF cho biết

UNICEF đã xác minh rằng gần 100 trẻ em đã thiệt mạng ở Ukraine chỉ trong tháng Tư, nhưng nhấn mạnh rằng con số thực tế có thể cao hơn đáng kể, và cuộc xung đột đang tạo ra một cuộc khủng hoảng bảo vệ trẻ em, một quan chức hàng đầu của UNICEF nói với Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hôm thứ Năm.

“Chỉ trong tháng vừa qua, Liên Hiệp Quốc đã xác minh rằng gần 100 trẻ em đã thiệt mạng và chúng tôi tin rằng con số thực tế cao hơn đáng kể”, Giám đốc điều hành UNICEF Catherine M. Russell cho biết.

Trong bài phát biểu của mình tại Cuộc họp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về việc duy trì hòa bình và an ninh ở Ukraine, Catherine nói, “Thêm nhiều trẻ em bị thương và phải đối mặt với những vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, hàng triệu người khác đã phải di tản” và nói thêm, “Cuộc chiến ở Ukraine, giống như tất cả các cuộc chiến tranh khác, là một cuộc khủng hoảng bảo vệ trẻ em và quyền trẻ em “.

Catherine cũng nói rằng “giáo dục cũng đang bị tấn công” và “trường học tiếp tục được sử dụng cho mục đích quân sự.”

“Tính đến tuần trước, ít nhất 15 trong số 89 trường học do UNICEF hỗ trợ ở miền đông Ukraine đã bị hư hại hoặc phá hủy kể từ khi chiến tranh bắt đầu.” cô nói và nhấn mạnh rằng, “Hàng trăm trường học trên khắp đất nước được báo cáo là đã bị tấn công bởi pháo hạng nặng, các cuộc không kích và các loại vũ khí nổ khác trong các khu vực đông dân cư.”
 
Quốc Hội Ý điều tra các đài truyền hình bị cáo buộc nhận tiền của Putin
VietCatholic Media
15:56 14/05/2022


1. Bạo lực mới: Văn phòng Quyền sống ở Oregon bốc cháy

Văn phòng của Quyền được sống Oregon ở Keizer, Oregon, đã bị đốt cháy vào đêm Chúa Nhật, tổ chức này thông báo hôm thứ Hai.

“Vào tối ngày Chúa Nhật, 8 tháng Năm, các văn phòng của Quyền được sống ở Oregon đã bị tấn công. Một cá nhân đã sử dụng các thiết bị gây cháy, một trong số đó đã phát nổ và khiến tòa nhà bốc cháy “, Oregon Right to Life cho biết trong một tuyên bố đăng trên trang web của mình.

“Văn phòng lúc đó không có ai trực, và không ai bị hại. Sở cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đã phản ứng nhanh chóng, giảm thiểu thiệt hại cho tòa nhà. Các cơ quan đang tích cực điều tra vụ việc “.

Ngọn lửa nhỏ và gây ra thiệt hại tối thiểu, cảnh sát cho biết. Tờ Oregonian cho biết vụ cháy được báo cáo ngay trước 10:40 tối

Tưởng cũng nên nhắc lại: Trong một diễn biến đáng kinh ngạc, tổ chức tin tức Politico vào tối thứ Hai đã công bố bản thảo bị rò rỉ về quyết định của Tòa án Tối cao được mong đợi rất nhiều trong vụ phá thai ở Mississippi, Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson.

Bản dự thảo dài 98 trang, được viết bởi thẩm phán bảo thủ Samuel A. Alito Jr., là một tài liệu đáng chú ý vì nó tiết lộ rằng đa số năm thẩm phán sẵn sàng lật ngược hai quyết định mang tính bước ngoặt đã định hình luật phá thai và chính trị quốc gia trong nhiều thập kỷ. Đó là phán quyết Roe kiện Wade, hợp pháp hóa việc phá thai trên toàn quốc vào năm 1973, và Planned Parenthood kiện Casey, nhằm khẳng định phán quyết Roe vào năm 1992.

Sau vụ rò rĩ này, hàng loạt các nhà thờ Công Giáo đã bị tấn công.
Source:Catholic News Agency

2. Liên Hiệp Quốc cho biết: Hơn 8 triệu người phải di dời ở Ukraine

Cơ quan di cư của Liên Hiệp Quốc cho biết hơn 8 triệu người đã phải di tản trong nội bộ Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng Hai.

Các số liệu, được công bố trong một báo cáo của Tổ chức Di cư Quốc tế, gọi tắt là IOM, cho thấy sự tăng 24% so với số liệu về lượng người di cư trong nước đầu tiên được công bố vào ngày 16 tháng 3.

Báo cáo cho biết, gần một nửa trong số những người này đang cân nhắc việc hồi hương do cuộc khủng hoảng nhân đạo ở nước này. Hơn 2,7 triệu người đã trở về nhà.

Cuộc khảo sát nhấn mạnh hỗ trợ tài chính là nhu cầu quá lớn của những người đã phải di dời nội bộ ở Ukraine. Hai phần ba số người xác định hỗ trợ tiền mặt là một trong những nhu cầu của họ, so với 49% vào đầu cuộc chiến. Hơn 70% cho biết họ sẽ sử dụng khoản hỗ trợ tiền mặt đó để mua thực phẩm hoặc thuốc men.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết Nga sẽ không tham gia một phiên họp đặc biệt của hội đồng nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Ukraine.

Liên Hiệp Quốc thông báo rằng họ sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt để xem xét “tình hình nhân quyền đang xấu đi ở Ukraine do sự xâm lược của Nga”.

Hơn 50 quốc gia, bao gồm Anh, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đã ủng hộ yêu cầu của Kyiv và yêu cầu một cuộc họp bất thường của cơ quan nhân quyền cao nhất của Liên Hiệp Quốc.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova, cho biết phái đoàn Nga “sẽ không hợp pháp hóa sự hiện diện của mình cho cuộc trình diễn chính trị mới này được tổ chức dưới chiêu bài của một phiên họp bất thường”.

Trong một tuyên bố, Zakharova nói:

“Thật không may, những lập luận và giải thích của chúng tôi về mục tiêu thực sự của cuộc hành quân đặc biệt này và tình hình thực tế trên mặt đất đã hoàn toàn bị phớt lờ.”

Bà nói rằng “hiển nhiên” rằng các lập luận của Nga “sẽ không được lắng nghe lần này” trong các “biện pháp chống Nga” mới nhất của phương Tây.

3. Tình báo Ukraine cho biết ngũ cốc bị đánh cắp bởi người Nga đã được bán ở Địa Trung Hải

Cơ quan tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, gọi tắt là SSU, cho biết, ngũ cốc bị quân đội Nga đánh cắp ở các khu vực bị chiếm đóng đã được gửi ra nước ngoài.

SSU tuyên bố rằng “một phần đáng kể của ngũ cốc bị đánh cắp từ Ukraine nằm trên các tàu chở hàng khô dưới cờ Nga ở Địa Trung Hải.”

“Điểm đến khả dĩ nhất là Syria. Ngũ cốc có thể được buôn lậu từ đó sang các nước khác ở Trung Đông.”

SSU cũng cho biết người Nga “tiếp tục xuất khẩu thực phẩm bị đánh cắp ở Ukraine sang lãnh thổ của Liên bang Nga và Crimea bị chiếm đóng.”

Tại một trong những khu vực sản xuất ngũ cốc chính - xung quanh Polohy ở vùng Zaporizhzhia – ngũ cốc và hạt hướng dương đang được đóng gói chuẩn bị để vận chuyển đến Nga.

SSU tuyên bố một loạt xe tải của Nga đã rời khỏi thị trấn Enerhodar, cũng thuộc vùng Zaporizhzhia, dưới sự bảo vệ của quân đội Nga. Điểm đến cuối cùng của đoàn xe là Crimea.

Ngũ cốc cũng bị đánh cắp ở vùng Kharkiv, và 1.500 tấn ngũ cốc đã được đưa từ làng Mala Lepetykha ở vùng Kherson đến Crimea.

Tuần trước, Bộ Quốc phòng cho biết gần nửa triệu tấn ngũ cốc Ukraine đã bị đánh cắp.

4. Ủy ban quốc hội Ý điều tra về việc các phương tiện truyền thông Ý nhận tiền của Putin

Một ủy ban quốc hội Ý đã bắt đầu cuộc điều tra về việc phát tán thông tin sai lệch, trong bối cảnh có các nghi ngờ rằng một số nhà bình luận Nga được mời diễn thuyết trên các chương trình truyền hình.

Cuộc điều tra của Copasir, một ủy ban quốc hội về an ninh của Ý, được tiến hành sau khi có những phản đối kịch liệt về cuộc phỏng vấn gần đây với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trên kênh Rete 4, một kênh do Mediaset thuộc sở hữu tư nhân điều hành.

Enrico Borghi, một thành viên của Copasir và là chính trị gia của đảng Dân chủ trung tả, xác nhận một cuộc điều tra đang được tiến hành nhưng ông không xác nhận cũng không phủ nhận một báo cáo trên tờ Repubblica hôm thứ Hai rằng ít nhất ba vị khách Nga được mời phát biểu trên kênh truyền hình Ý đã điện Cẩm Linh sai đến.

Cuộc phỏng vấn của Ngoại trưởng Lavrov vào ngày 1/5 đã gây ra một cuộc tranh cãi ngoại giao với Israel sau khi Lavrov tuyên bố rằng Adolf Hitler “có dòng máu Do Thái”. Cuộc phỏng vấn trùng với sự xuất hiện của nhà báo ủng hộ Điện Cẩm Linh nổi tiếng, Vladimir Solovyev, trên kênh đối thủ, La7.

Borghi nói: “Thực tế là cả hai đều được phỏng vấn trong cùng một đêm, qua mạng tư nhân, thực sự khá ấn tượng. Nhưng cuộc điều tra này không phải là nhằm kiểm duyệt hay hạn chế quyền tự do báo chí, mà là nhằm tấn công cuộc chiến hỗn hợp tung ra thông tin sai lệch, can thiệp, sản xuất tin tức giả và gây ảnh hưởng, vốn là những chủ đề khách quan của các hoạt động của Nga chống lại NATO, và đặc biệt là chống lại Ý.. Thật không may, những yếu tố này đã gia tăng sau cuộc xâm lược Ukraine.”

Ủy ban sẽ nghe điều trần của Carlo Fuortes, Giám đốc điều hành của đài truyền hình quốc doanh, Rai, vào ngày 12 tháng 5, tiếp theo là Giacomo Lasorella, chủ tịch cơ quan giám sát truyền thông, Agcom, vào ngày 17 tháng 5.

Borghi nói thêm: “Nhiệm vụ của chúng tôi là giám sát dịch vụ thông tin và an ninh của đất nước, trong bối cảnh của cuộc xâm lược Ukraine.”

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, Rai và các kênh truyền hình khác đã thường xuyên tổ chức các cuộc tranh luận về chiến tranh với sự hiện diện của các nhà báo Nga, làm dấy lên sự chia rẽ giữa một bên là những người Ý lên án các phương tiện truyền thông đã nhường không gian cho “những kẻ tuyên truyền” Nga; và bên kia là những người ủng hộ việc phát sóng ý kiến của những người ở cả hai bên của cuộc xung đột.
Source:The Guardian