Ngày 13-05-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Lễ Thăng Thiên: Hãy nhìn lên trời khi chân bước trên đất.
Giuse Thẩm Nguyễn
10:30 13/05/2018
(Vatican News) Bốn mươi ngày sau khi sống lại, Chúa Giê-su đã lên trời, ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Mầu nhiệm của Lễ Thăng Thiên đã là trọng tâm bài huấn dụ của ĐGH Phanxicô trong buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng vào hôm nay, Chúa Nhật, 13 tháng Năm. Lễ Thăng Thiêng là lễ trọng đã được cử hành vào Chúa Nhật tại Ý và những vùng khác trên thế giới.

ĐGH nói rằng mừng lễ Thăng Thiên có hai yếu tố chính. “Một mặt, nó hướng chúng ta nhìn về trời, nơi Chúa Giê-su vinh hiển ngự bên hữu Thiên Chúa Cha. Mặt khác, nó nhắc nhở chúng ta việc khởi đầu sứ mạng của Giáo Hội.”

ĐGH nói rằng sứ mạng loan truyền Tin Mừng mà Chúa Giê-su trao cho Giáo Hội rõ ràng là không giới hạn. Việc này dường như là quá táo bạo, quá sức người, khi chúng ta nhìn vào một nhóm nhỏ các tông đồ mà Chúa Giê-su tin tưởng trao phó cho sứ mạng này. Nhưng điều này cũng giúp chúng ta nhận ra rằng Giáo Hội chỉ có thể chu toàn sứ mạng của mình với sức mạnh mà Thiên Chúa trao ban. Trong Phúc Âm, Chúa Giê-su nói với các tông đồ rằng “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các con, và các con sẽ nên chứng nhân cho Thày tại Giê-ru-sa-lem, trong tất cả xứ Giuđêa và Samria và cho đến tận cùng trái đất.” Sứ mạng này, bắt đầu từ các Tông Đồ, đã được truyền lại cho các vị kế nhiệm qua mọi thời đại và tiếp tục cho tới ngày nay. ĐGH nói rằng “Sứ mạng này đòi hỏi sự hợp tác của tất cả chúng ta.”

Lễ Thăng Thiên cũng nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta phải sẵn sàng gặp Chúa Giê-su và phục vụ Người và là nhân chứng của Người cho anh chị em đồng bào của chúng ta. Chúng ta phải tìm theo Chúa trong thời đại của chúng ta và mang “Lời cứu rỗi của Ngài đến tận cùng trái đất.” ĐGH nói rằng trong cuộc hành trình này, chúng ta gặp được “Chúa nơi những người anh chị em của chúng ta,” đặc biệt những người nghèo khổ nhất trong chúng ta. Từ khởi đầu của Giáo Hội, Chúa Kitô Phục Sinh đã kêu gọi các môn đệ đưa ra những dấu chỉ hy vọng rõ ràng và cụ thể đến với những người khác, và chúng ta cũng được kêu gọi làm như vậy hôm nay.

ĐGH kết thúc bài huấn dụ của ngài với lời cầu nguyện xin Đức Trinh Nữ Maria giúp chúng ta biết “ nâng tâm hồn lên” với Chúa Giê-su và đồng thời vững “ bước nơi dương thế” để can đảm loan báo Tin Mừng trong cuộc sống của chúng ta.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc khủng bố tại Nam Dương
Thanh Quảng sdb
18:35 13/05/2018
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho các nạn nhân của cuộc khủng bố tại Nam Dương (Indonesia)
Trong buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” (Regina Coeli) ngày Chúa Nhật 13/5/2018 tại quảng trường thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi tất cả hãy cầu nguyện cho các nạn nhân của các vụ khủng bố ở Indonesia, và kêu gọi hãy chấm dứt bạo lực.
Đức Thánh Cha Phanxicô đảm bảo với “những người thân yêu của các nạn nhân tại Indonesia,” đặc biệt các Kitô hữu ở thành phố Surabya, rằng ĐTC “đặc biệt gần gũi” với họ sau những cuộc tấn công chết người vào Chúa Nhật trước.
Ba nhà thờ ở thành phố lớn thứ hai của Indonesia đã bị đánh bom trong các cuộc tấn công dường như có kế hoạch, khiến ít nhất 11 người chết và hơn bốn mươi người khác bị thương. Đây là cuộc tấn công khốc liệt nhất tại Indonesia kể từ năm 2005.
Trong những nhận xét của ĐTC sau khi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng (Regina Coeli) hàng tuần tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha đảm bảo rằng ngài đã và đang cầu nguyện cho các nạn nhân và những người thân yêu của họ.
ĐTC nói: "Chúng ta hãy cùng nhau khẩn cầu Thiên Chúa của hòa bình, hãy dập tắt những hành động bạo lực này; và nhóm lên trong tâm lòng, trái tim của tất cả chúng ta ở mọi nơi tâm tình yêu thương hòa giải trong tình huynh đệ. ”
Cho đến nay, không có nhóm nào tuyên bố nhận trách nhiệm cho các cuộc tấn công này vào ngày Chúa Nhật tuần trước. Ngoài ba vụ nổ bom trên, chính quyền địa phương cho hay đã phá tan được những kế hoạch tấn công khác...
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo Dân Việt Nam giáo xứ Ottoway - Nam Úc Dâng Hoa Kính Đức Mẹ
Vietcatholic-Adelaide
06:45 13/05/2018

Tháng 5 lại đến, tháng dâng hoa kính Đức Mẹ lại về với những tín hữu Kitô Giáo khắp nơi trên thế giới. Trong niềm tin yêu kính mến và để tỏ lòng sùng kính Đức Mẹ, hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp Nam Úc đã tổ chức nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ sau thánh lễ cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp lúc 0 6 giờ 30 chiều thứ Sáu 11/5/2018 tại thánh đường Thánh Maximilian Kolbe, Ottoway, Nam Úc.
Một hình ảnh thật đẹp và cảm động khi thấy những ông bà cụ lớn tuổi đi bên con cháu, và các cháu nhỏ nắm tay cha mẹ cùng hân hoan bước vào thánh đường trong một buổi tối mùa đông lạnh lẽo. Đến tham dự thánh lễ và nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ tối hôm nay, không chỉ có tín hữu người Việt Nam mà còn có một số tín hữu thuộc các sắc tộc khác, như: Úc, Ba Lan, Ấn Độ, Philipines, Phi Châu..vv..
Gian cung thánh được trang trí trông đẹp hơn, với tượng Đức Mẹ La Vang bế Chúa Giêsu được đặt trên bệ cao, bên trái chính bàn thờ, hai bên tượng Mẹ La Vang là ngọn nến sáng, bên dưới chân Mẹ đầy những bông hoa đủ màu sắc đã làm tăng nét đẹp thánh thiện của Đức Mẹ với đôi mắt dịu hiền như đang âu yếm nhìn xuống đàn con đang hướng về bên Mẹ.
Trước thánh lễ, Ban Tổ Chức (BTC) đã nhắc lại ý lễ và đặc biệt cầu nguyện cho ĐTGM Leonard Anthony Faulkner, nguyên TGM Tổng giáo phận Adelaide mới qua đời chiều Chúa Nhật 6.5.2018 ở tuổi 92.
Thánh lễ bằng song ngữ Anh-Việt do Cha Marek, chánh xứ chủ sự. Mở đầu thánh lễ là bài ca nhập lễ “Hãy đến tung hô Chúa” được ca đoàn hát vang như lời mời gọi mọi người cùng đến nơi tôn nghiêm, chúc tụng tôn vinh danh Chúa. Sau bài Thánh thư, trích sách Tông Đồ Công Vụ và bài Tin Mừng theo thánh Gioan, Cha chủ tế đã chia sẻ ý nghĩa về những khó khăn, lo lắng, đau khổ mà các môn đệ của Chúa gặp phải khi đi rao giảng Tin Mừng cho mọi người, nhưng “Các con đừng sợ vì có Ta ở cùng và không ai ra tay làm hại các con” và “anh em xin Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh em, nhân danh Thầy.” Xin Chúa cho chúng ta có được đức tin mạnh mẽ để chấp nhận đau khổ, gian nan thì mới mong có được cuộc sống hạnh phúc vinh quang với Chúa.

XEM HÌNH – SEE PHOTOS

XEM VIDEO

Thánh lễ được tiếp nối với những lời nguyện giáo dân cầu nguyện cho các vị chủ chăn, cho các mục tử, cho công việc truyền giáo, cầu cho mỗi người luôn biết trung thành với Chúa và cũng cầu xin cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp được suông sẻ, tốt đẹp theo Thánh ý Chúa.
Trong suốt thánh lễ ca đoàn và cộng đoàn cùng hát những bài thánh ca tiếng Việt quen thuộc, đặc biệt những bài thánh ca chúc tụng tôn vinh Đức Mẹ giúp cho buổi lễ thêm trang nghiêm và sốt sắng.
Trước khi ban phép lành cuối lễ, Cha chủ tế cùng cộng đoàn chứng kiến đoàn múa dâng hoa kính Đức Mẹ. Giờ đây tượng Đức Mẹ La Vang được cung nghinh ra chính giữa gian cung thánh. Đội múa tiến hoa do các thiếu nữ của cộng đoàn Việt Nam trong trang phục áo dài với 5 màu sắc rực rỡ: Trắng, Hồng, Vàng, Tím, Xanh tượng trưng cho 5 đức tính sáng ngời của Mẹ Maria. Cùng lúc với tiếng nhạc du dương, trầm bổng, qua những điệu múa nhịp nhàng, uyển chuyển, đoàn dâng hoa đã kính dâng lên Mẹ những bó hoa tươi thắm đủ màu sắc thật đẹp mắt, như muốn tỏ lòng kính mến Mẹ yêu dấu. Đoàn dâng hoa đã được cả nhà thờ vỗ tay tán thưởng.
Tiếp sau phần dâng hoa của các cô là phần dâng hoa của tất cả cộng đoàn, bắt đầu từ Cha chủ tế. Mỗi người nhận một bông hoa hồng từ BTC ở cuối nhà thờ, lần lượt tiến lên cung thánh dâng lên Mẹ với những lời nguyện cầu riêng tư cho mình và gia đình.
Trước khi kết thúc buổi lễ, BTC thông báo thánh lễ cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cho Cha Diệp lần tới lúc 6 giờ 30 chiều ngày 8.6.2018 và có Chầu Thánh Thể. BTC cũng thông báo tin vui và mời gọi mọi người tham dự thánh lễ thụ phong linh mục của thầy phó tế Giuse Lê Trung Hậu tại nhà thờ Chánh Tòa Saint Mark thuộc giáo phận Port Pirie vào lúc 11 giờ 00 sáng thứ Bảy ngày 26/5/2018 do Đức Giám Mục Greg O’Kelley SJ giám mục giáo phận Port Pirie chủ phong. BTC sẽ phụ trách phương tiện di chuyển đi và về cho những ai muốn đi tham dự.
Thánh lễ cầu nguyện cho tiến trình tuyên thánh cho Cha Diệp tháng Năm và nghi thức dâng hoa kính Đức Mẹ đã kết thúc vào lúc 7 giờ 45 tối cùng ngày. Mọi người vui vẻ chia tay ra về sau những giờ phút sốt sắng dâng lên Chúa và Mẹ Maria những tâm tình tin yêu sốt mến
 
Tin về Thánh lễ cung hiến Tượng Đức Mẹ La Vang tại Thánh địa Do Thái vào tháng 10, 2018
Lm John Trần Công Nghị
13:00 13/05/2018
TIN NAM CALI - Để đánh dấu 30 năm Phong 117 Thánh Tử Đạo Việt Nam, người Công Giáo Việt Nam sẽ tặng 2 món quà quí là Tượng Đức Mẹ La Vang Bia đá Phúc Thật Tám Mối cho Thánh Địa, quê hương của gia đình thánh gia: Chúa Giêsu, Mẹ Maria và thánh cả Giuse.

Theo chương trình của Ban tổ chức “Cùng Mẹ La Vang Hành Hương Đất Thánh” thì vào lúc 9 giờ sáng ngày 18 tháng 10 năm 2018, Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, chủ tịch Hội đồng Giám Mục Việt Nam và là Giám mục TGP Huế sẽ làm phép thánh hiến tượng Đức Mẹ La Vang được đặt trên đỉnh đồi thôn Abu Gosh trong khuôn viên nhà thờ Hòm Giao Ước Thánh thuộc Kyriat Yearim, ở Jerusalem, Do thái.

(Đọc thêm về tin: Tiến trình hình thành Bia đá Tám Mối Phúc thật tại núi Beatitudes)

Trong cả hai biến cố trọng đại này, sẽ có các giám mục, linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân thuộc các phái đoàn hành hương từ Việt Nam cũng như từ các quốc gia khác trên thế giới đến Đất Thánh, quây quần bên vị Chủ chăn Việt Nam, cùng đồng tế, hiệp dâng thánh lễ tạ ơn và tham dự tiệc mừng với Giáo hội địa phương gồm Đức Khâm Sứ Tòa Thánh tại Israel, các linh mục và các nữ tu quản thủ thánh đường Hòm Giao Ước Thánh và Nhà thờ Bát Phúc.

Đây là niềm mơ ước và hãnh diện của người Công Giáo Việt Nam vì từ đây Đức Mẹ La Vang sẽ hiện diện tại "nhà thờ Đức Bà của Hòm Bia Giao Ước Thánh", quê hương của Chúa Giêsu. Sự kiện này rất ý nghĩa vì trong kính cầu chúng ta đọc: "Đức Bà là Hòm Bia Thánh".

Cung hiến Tượng Đức Mẹ La Vang tại Đất Thánh

Tượng Đức Mẹ La Vang và Bàn thờ sẽ được dựng lên xây cất tại khung viên Thánh đường Hòm Giao Ước Thánh ở gần thành thánh Jerusalem. Là người Công Giáo, ai ai cũng biết rằng: 10 Điều Răn tức là 10 lề luật căn bản Thiên Chúa trao ban cho Moisen là giao ước giữa Thiên Chúa trước tiên với dân được tuyển chọn Israel và tiếp đến là cho tất cả mọi người tin vào Chúa Giêsu Kitô như lề luật căn bản cho niềm tin vào Thiên Chúa độc nhất, cho đời sống luân lý, đạo đức, và xã hội của loài người. Đức Mẹ La Vang từ đây cũng sẽ hiện diện với địa danh quan trọng Hòm Giao Ước Thánh trong Cựu Ước.

Tượng Đức Mẹ La Vang đang được thực hiện tại Việt Nam bằng loại đá cẩm thạch Yên Bái, loại đá cẩm thạch trắng mịn và tốt nhất tại Việt Nam. Tượng mới này cao 1.9 mét gồm cả bệ chân. Trong quá trình thực hiện, chúng tôi đã hội ý với Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh để được chỉ dẫn và Cha Thư ký Ủy Ban Giám Mục về Nghệ Thuật Thánh cho biết: “Tượng Đức Mẹ La Vang mới đã được chỉnh sửa cho có tính thần học hơn và bộc lộ tinh thần Việt hơn, tuy nhiên không thay đổi kiểu dáng như đang có”. Do đó, Tượng Đức Mẹ La Vang tại Do Thái sẽ theo mẫu mà Hội đồng GMVN đã đề ra những tiêu chuẩn.

Trong tiến trình thi công tạc tượng Đức Mẹ La Vang tại Việt Nam, Đức Cha Hoàng Đức Oanh đã vui lòng giám sát việc tạc tượng và theo dõi các diễn tiến để tượng Mẹ La Vang được hoàn thành theo đúng tiêu chuẩn mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã đề ra.

Cuối tháng 4 năm 2018, cha giáo Nguyễn Công Đoan, SJ., đã đến họp bàn với Sr. Valerie của nhà thờ Ark of Covenant về vị trí tượng Đức Mẹ La Vang đứng: Sr. Valerie đã đồng ý chỗ đặt tượng như chúng tôi đã phác họa trong hình theo dự án – nghĩa là sẽ không dùng block đá mới, mà dùng chính cột trụ bên dưới mặt bàn thờ hiện nay là đầu một cây cột của nhà thờ thời thế kỷ thứ V rất quý – Đức Mẹ La Vang đứng trực tiếp tại bàn đá trên đầu trụ thế kỷ V thật là ý nghĩa, vì nối kết Mẹ La Vang với di tích trực tiếp của nhà thờ Đức Mẹ Hòm Giao Ước cổ xưa. Các thợ xây khi dựng tượng sẽ phải rửa cho trắng đẹp hợp với màu đá của tuợng Mẹ La Vang.

Tại khung viên nhà thờ Hòm Giao Ước Thánh nơi dựng tượng Mẹ La Vang cũng sẽ xây dựng một Bàn Thờ và ghế ngồi cho các đoàn hành hương thăm viếng địa danh này muốn cử hành thánh lễ. Những công tác này hiện đang được Cha Nguyễn Công Đoan, SJ, hiện là giáo sư Học Viện Thánh Kinh Jerusalem thực hiện.

Tấm đá trắng hiện đang sử dụng làm mặt bàn thờ cũng là di tích của ngôi nhà thờ cổ, hiện ở gần chỗ tượng Đức Mẹ đứng nên sẽ di chuyển tới gần tượng Đức Mẹ và nâng cao thêm thành 0m75, dùng làm bàn thờ. Phía trước, chỗ mấy tảng đá dùng làm ghế ngồi, cũng có một khúc cột nhà thờ cũ, sẽ di chuyển tới giữa tượng Đức Mẹ và bàn thờ, dùng làm bàn để chén lễ, rượu, bánh... lúc khác cũng có thể chưng bông.

Ghế ngồi cho chủ tế và đồng tế: sửa đổi mặt tường hai bên tượng Đức Mẹ, nâng cao và đặt đá cẩm thạch của địa phương lên mặt làm ghế ngồi cho chủ tế và các vị đồng tế. Thêm một thanh inox phía sau lưng để bào đảm an toàn. Theo trong hình phác họa nơi đặt tượng Đức Mẹ La Vang là trong công viên Nhà thờ, ngay điểm cao nhất của Nhà thờ ở bờ khe vách núi nhìn về nhà thờ Ark of the Covenant.

Các phiến đá dùng làm chỗ ngồi hiện nay cũng là đá còn lại từ ngôi nhà thờ cổ, nên không di chuyển. Đặt thêm vài hàng ghế đá phía sau cho khách hành hương ngồi. Và chúng ta sẽ mua thêm một số ghế cất trong kho, khi đông người thì nhà Dòng sẽ khuân ra cho khách hành hương ngồi tham dự thánh lễ.

Bia khắc lịch sử Mẹ La Vang Bia khắc tên Ân Nhân sẽ là bờ tường sau lưng Đức Mẹ, 2 bia này có 2 mét bề dài mỗi bên để trống. Đồng tế không ngồi lên đó.

***

Đức Cha Hoàng Đức Oanh mới đây đã đề nghị với chúng tôi là nên xin phép làm thêm Màn hình hướng dẫn hi-tech giống như khi khách du lịch thăm các bảo tàng viện thì có sẵn các màn hình cạnh đó để chỉ cần nhấn nút thì có thể nghe, đọc tiểu sử, và xem các videos bằng các thứ ngôn ngữ khác nhau: về lịch sử Mẹ La Vang, về Giáo hội Việt Nam, và những chi tiết hữu ích khác.

Để thực hiện được Màn hình hướng dẫn thứ nhất phải được phép của Nhà Dòng, sau đó phải tính đến việc thiết kế điện, máy điện toán, màn hình, thảo chương nhu liệu, dữ kiện… và nhất là chi phí tiền điện và internet mỗi tháng. Thêm vào đó còn trả tiền để các Sơ thuê người bảo trì, và ước tính chương trình dài hạn phải có số tiền bảo trì ít nhất cho 10-20 năm… Do vậy nếu đủ ngân quỹ sẽ thực hiện màn hình.

Tuy nhiên nếu làm được màn hình chỉ dẫn thì ta có thể cập nhật những tin tức về Giáo hội Việt Nam, hình ảnh và videos về các biến cố xẩy ra ở Việt Nam để giới thiệu cho những ai muốn tìm hiểu về Giáo hội và con người Việt Nam.

***

Như Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh đã nói với chúng tôi ngày 24/10/2017 như sau:

“Đây là một công trình lâu dài, cho nên phải làm thế nào cho vừa ý mọi tầng lớp, cần tham khảo rộng rãi để mọi người có ý kiến, và thậm chí là mọi người có thể đóng góp cách nọ cách kia, để cảm thấy rằng mình cũng có mặt trong biến cố này… Tôi cũng nghĩ rằng nếu như tổ chức được một chuyến hành hương lớn quy tụ được cả những người trong nước và những người Việt Nam ở khắp năm châu có mặt trong ngày này thì thật là tuyệt vời”.

Hiện nay chính chúng tôi những người trong ban tổ chức và các thân hữu đã đóng góp hoặc đã hứa tặng tổng cộng số tiền là $20.000 mỹ kim cho dự án này. Số tiền còn thiếu chúng tôi sẽ kêu gọi toàn thể linh mục tu sĩ và quí vị hảo tâm đóng góp trong một thư kêu gọi kế tiếp. Sẽ có Bảng tên Ân Nhân bằng đá cẩm thạch một đặt tại tượng Mẹ La Vang và một đặt tại Bia Bát Phúc.

***

Vài nét về Nhà thờ Hòm Giao Ước Thánh của Giao Ước bên Thánh Địa

Nhà thờ Đức Bà của Hòm Giao Ước (tiếng Anh gọi là Our Lady of the Ark of the Covenant Church và tiếng Pháp gọi là Notre-Dame-de-l'Arche-d'Alliance) ở Kyriath Yearim, trên đỉnh đồi ở điểm cao nhất của làng Abu Gosh, cao 756 mét so với mực nước biển - được bao quanh bởi rừng cây olives và rừng thông Jerusalem. Đây là nơi đáng kính viếng, phong cảnh đẹp, vườn rộng, nhìn về Jerusalem (cách 15 cây số, cũng là trên đường từ phi trường đến Jerusalem).

(Xin nhấn video dưới đây để xem phong cảnh Kyriat Yearim)

Từ xa có thể thấy Nhà thờ với tượng Mẹ Maria bồng Chúa hài đồng Giêsu trong vòng tay, được dựng trên đỉnh tháp cao. Các bức tường bên trong nhà thờ được sơn màu trắng và trang trí đơn giản, lòng Nhà thờ theo hình chữ thập, không gian tuyệt vời là nơi thường tổ chức các cuộc hòa nhạc quốc tế.

Nhà thờ Đức Bà của Hòm Giao Ước theo truyền thống Kitô giáo là nơi xưa kia Hòm Giao Ước của Thiên Chúa nghỉ tạm từ thời quân Philistines trả lại Hòm Giao Ước cho người Do thái (1 Samuel 6) cho tới khi vua David rước hòm về Jerusalem (2 Samuel 6). Nhà thờ chiếm vị trí của ngôi nhà của Avinadav, nơi Hòm Giao Ước đã hiện diện ở đó 20 năm cho đến khi Vua David mang Hòm này đến Jerusalem.

Có một nhà thờ ở đây trong thời kỳ Byzantine từ thế kỷ thứ 4 đến thế kỷ thứ 5 đã bị phá hủy trong thời gian người Ba Tư chiếm đóng vào năm 614.

Vào năm 1141, gần khu vực có làng Abu Ghosh, các Hiệp Sĩ Thánh Địa (Knights Hospitaller) đã thành lập một nhà thờ khác, cách Nhà thờ Đức Bà Hòm Giao Ước 400 m về phía đông.

Nhà thờ và tu viện Công Giáo hiện tại được xây dựng vào năm 1924 trên nền móng của nhà thờ Byzantine cổ đại có niên đại từ thế kỷ IV. Các nữ tu Dòng St. Joseph of the Apparition xây dựng thánh đường này để tôn vinh Đức Maria. Cũng vậy, bàn thờ và tượng Mẹ La Vang sẽ được dựng lên trên một trục cột đá lớn trong các cột đá và các tảng đá lớn ở một góc công viên thuộc di tích của nhà thờ cổ đại vào thế kỷ thứ IV nêu trên.

Dòng St. Joseph of the Apparition được thành lập tại Pháp, là Dòng Nữ Công Giáo đầu tiên đến Đất Thánh và đã có mặt tại đây gần 200 năm nay. Có 15 Tu viện ở khắp Israel. Các chị em làm việc trong các trường học, vườn nuôi trẻ và phòng khám bệnh trẻ em.

Làng Abu Ghosh

Ngôi làng được xây dựng trong thời đế quốc Ottoman bởi gia đình Abu Gosh, có con cháu chiếm phần lớn dân số địa phương. Thời Trung Cổ, họ kiểm soát tuyến đường hành hương từ Jaffa đến Jerusalem, và áp dụng phí qua đường cho tất cả những người hành hương, cho đến cuối thế kỷ 19. Dân số nơi đây gồm cả người Hồi giáo và Kitô hữu. Abu Ghosh được biết đến với mối quan hệ tốt đẹp với Nhà nước Israel và sự hiếu khách đối với người Do thái.

Vào thời điểm Thập Tự quân, người ta nghĩ rằng Abu Gosh là nơi Chúa Kitô Phục Sinh hiện ra với khách lữ hành đi Emmaus trong Tân Ước (Lu-ca 24). Cũng vào thời điểm này, Tu viện Đức Bà của Chúa Phục Sinh của các Cha Dòng Biển Đức đã được xây dựng lên.

Kiryat Ye’arim và Hòm Giao ước:

Địa điểm Nhà thờ Đức Bà của Hòm Giao Ước được dựa trên lịch sử Do Thái. Trong Kinh Thánh, ngôi làng này được gọi là Kiryat Ye'arim (Kiryat Yaarim). Hòm cư trú tại Shilo từ 300 tới 400 năm. Sau đó, Hòm đã quân Philistines chiếm đi trong trận chiến Ebenezer (1 Sam. 5: 1-11). Quân Philistines sau đó đã trả lại Hòm sau khi giữ trong bảy tháng (1 Sam. 5: 7, 8) vì những sự bất hạnh xẩy ra cho họ khi họ giữ lấy Hòm này (1 Sam. 5: 1-6). Người Philistines trả lại Hòm cho dân Beit Shemesh. Người dân Beit Shemesh gửi Hòm đến Kiryat Ye’arim tới nhà Avinadav. (1 Sa-mu-ên 6:21) Hòm Giao Ước vẫn nghỉ ở vị trí này trong khoảng 20 năm hoặc có thể là 50 năm (1 Sam 6; 2 Sam 6).

Vài nét về Hòm Giao Ước:

Hòm Giao Ước, còn được gọi là Hòm Chứng Ngôn (Ark of Testimony), là một chiếc rương bằng gỗ phủ vàng có nắp đậy được mô tả trong Sách Xuất hành có chứa Hai viên đá Mười Điều Răn. Theo nhiều bản văn khác nhau trong Kinh thánh Do Thái, hòm cũng chứa đựng cây gậy của Aaron và một nồi manna. Sách Hebrew 9: 4 mô tả: "Hòm giao ước được bao phủ trên tất cả các mặt bằng vàng, trong đó có chiếc nồi vàng giữ manna, và cây gậy của Aaron đầu nở hoa, và các bảng đá Giao Ước. "

Trong Cựu Ước có đoạn diễn tả rằng khoảng một năm sau khi người Do Thái xuất hành từ Ai Cập, Hòm được tạo ra theo khuôn mẫu mà Thiên Chúa đã truyền cho ông Mai-Sen khi dân Do Thái đóng trại tại chân núi Sinai. Hòm thiết vàng còn có các đòn dọc được khiêng trên vai các Tư tế Levites, Hòm được khiêng đi cách khoảng 2,000 cubits (khoảng 800 mét) trước đoàn người diễu hành hoặc trước quân đội hay những chiến binh Do thái.

Khi mang theo, Hòm luôn ẩn dưới tấm màn che lớn bằng da và vải màu xanh, luôn luôn được che giấu kín cẩn thận, ngay cả đối với các tư tế và người Lê-vi khiêng hòm. Thiên Chúa cho là đã nói chuyện với ông Mai-Sen "từ giữa hai thiên thần cherubim" trên màn che Hòm Giao Ước.

Khi dừng lại nghỉ ngơi, nhà tạm được dựng lên và Hòm Giao Ước Thánh được đặt dưới tấm màn che phủ, những cột dựng qua các thanh ngang ở giữa để giữ Hòm cao lên khỏi mặt đất.

Các Phái Đoàn Hành Hương sang khánh thành Tượng và Bia bên Do thái:

Hiện đã có các phái đoàn sau đây:

• Phái đoàn do Đức TGM Giuse chủ tịch Hội đồng giám mục Việt Nam sang Do thái chủ sự làm phép khánh thành.

• Phái đoàn các Linh mục, Tu sĩ và Nữ tu tại Hoa Kỳ do Đức ông Trịnh Minh Trí và Cha Nguyễn Xuân Hương hướng dẫn.

• Phái đoàn VietCatholic Hoa Kỳ do Cha Lê Quang Hiền, cha Trần Công Nghị và Cha Nguyễn Công Đoan hướng dẫn.

• Phái đoàn VietCatholic Úc châu do Cha Văn Chi hướng dẫn.

• Ngoài ra còn các Phái đoàn khác từ Việt Nam và các quốc gia khác sẽ được loan báo sau.

Lễ Khánh thành Tượng Mẹ La Vang và Kinh Tám Mối Phúc Thật tại Thánh Địa.

Để phối trí và tổ chức Nghi thức làm phép, Thánh Lễ Khánh Thành Tượng Mẹ La Vang và Bia Bát Phúc, tổ chức Tiệc Mừng cho các Phái đoàn đến tham dự biến cố trọng đại vào 2 ngày 18 và 19 tháng 10 năm 2018 tại Thánh Địa. Chúng tôi thành lập Ban Tổ Chức như sau:

Ban Cố Vấn:

Đức TGM Giuse Nguyễn Chí Linh, CT Hội Đồng GMVN

Đức ông Giuse Trịnh Minh Trí, Chủ tịch Liên Đoàn CGVN/HK

Ban Tổ Chức:

LM John Trần Công Nghị

LM Joseph Nguyễn Công Đoan, SJ

LM Paul Chu Văn Chi

LM Gioakim Lê Quang Hiền

LM Peter Nguyễn Xuân Quýnh

LM Giuse Nguyễn Xuân Hương

Sr. Têrêxa Quy

Anh Nguyễn Hóa

Chị Kim Dung

Anh Lưu Huy Phong.

Ghi chú: Những phái đoàn Hành Hương nào đến Do Thái trong dịp này muốn tham dự hai biến cố nêu trên xin vietcatholic@gmail.com cho chúng tôi biết để xếp chỗ và phối trí Tiệc Mừng sau Thánh Lễ.

LM. John Trần Công Nghị

VietCatholic, Mother’s Day 13/5/2018


 
Ngày Thánh Mẫu tại Sydney.
Diệp Hải Dung.
20:28 13/05/2018
Sáng Chúa Nhật 13/05/2018, Ngày Mother’s Day-Nhớ Ơn Mẹ, mặc dù thời tiết mưa và lạnh nhưng khoảng 3000 người trong Cộng Đồng và các tiểu bang khác kể cả những người không Công Giáo đã đến Trung Tâm Hành Hương Thánh Mẫu Bringelly Sydney tham dự mừng kính Ngày Thánh Mẫu với chủ đề Hoa Lòng Dâng Mẹ.

Sau bài trình tấu của Ban Tây Nhạc Cecilia, mọi người tập trung trước tượng Đài Đức Mẹ và dâng giờ đền tạ do Cha Paul Văn Chi điều hợp hướng dẫn. Cha Tuyên uý Trưởng Bùi Sơn Lâm dâng lời nguyện với tâm tình sôt sắng lên Mẹ La Vang, nguyện xin Mẹ chúc lành cho Cộng Đồng và Quê Hương Dân Tộc Việt Nam.

Xem Hình

Sau đó 3 hồi chiêng trống cổ truyền vang rền khởi hành cung nghinh kiệu Thánh Tượng Mẹ về Lễ đài. Cuộc cung nghinh rất trang nghiêm và long trọng với Thánh Giá nến cao, Cờ Hội Thánh, quốc kỳ Úc, và quốc kỳ Việt Nam dẫn đầu, theo sau với các hội đoàn, đoàn thể, phong trào trong Cộng Đồng. Mọi người đều dâng lên Mẹ chuỗi Mân Côi Mùa Mừng, để nguyện xin Mẹ ban ơn lành cho bản thân, cho gia đình, và Cộng Đồng.

Kiệu Thánh tượng Mẹ La Vang về an vị trước Lễ đài, các em Thánh Vũ Giáo Đoàn Georges Hall cùng với phụ huynh dâng lên Mẹ 5 sắc Hoa cuộc đời để chúc tụng tôn kính Hiền Mẫu La Vang và mừng ngày của Mẹ, đồng thời Cha Tuyên úy Trưởng Bùi Sơn Lâm ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người và Cha nói lên ý nghĩa ngày Đại Hội Thánh Mẫu tháng 5 mừng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa và đặc biệt cũng là ngày chúng ta Nhớ Ơn Mẹ, kính nhớ đến những người Mẹ trong Thánh lễ mừng kính Chúa Giêsu Lên Trời, và Cha cũng giới thiệu quý Cha Tuyên úy Paul Văn Chi, Cha Nguyễn Văn Tuyết, Cha Trần Văn Trợ, Cha Lê Hồng Mạnh và Cha Cố Nguyễn Thái Hoạch cùng hiệp dâng Thánh lễ

Trong bài giảng Thánh Lễ, Cha FX Nguyễn Văn Tuyết nói về người Mẹ nhân ngày Mother’s Day và chúng ta thấy tấm gương nơi Các Thánh. Các Ngài không trở nên Thánh một sớm một chiều, tất cả đều phải học hỏi và bước đi với Chúa từng bước một, và mỗi bước đi đó họ phải đối diện với nhiều cơ hội mới để trưởng thành trong yêu thương và phục vụ….

Trước khi kết thúc Thánh lễ. Anh Trần Anh Vũ Chủ tịch Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam TGP Sydney lên ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý Tu Sĩ, quý ông bà, anh chị em và chúc mừng ngày Mother’s Day đến với các người Mẹ trong Cộng Đồng. Ngày Thánh Mẫu hôm nay Cộng Đồng chúng con cảm tạ tri ân Mẹ Maria với những đóa hoa lòng dâng lên Mẹ, nguyên xin Mẹ che chở cho từng người chúng con được bình an trong tình yêu thương, xin Mẹ phù hộ cho quê hương Việt Nam chúng con. Anh cũng cám ơn Hội Đồng Mục Vụ, các Phong Trào, Ban Ngành, Đoàn Thể, quý anh chị trong Ca Đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta, các em trong ban Thánh Vũ và quý thiện nguyện viên đã tích cực đóng góp giúp cho buổi Lễ hôm nay được tốt đẹp. Sau cùng xin kính chúc các bà Mẹ một ngày Mother’s Day vui vẻ.

Thánh lễ kết thúc, mọi người cùng ở lại tham quan Trung Tâm và dùng điểm tâm nhẹ do Cộng Đồng khoản đãi.

Diệp Hải Dung
 
Giáo xứ Đức Mẹ La Vang Fresno, California rước kiệu Đức Mẹ La Vang
Magarita Nguyễn Phương Lan
21:27 13/05/2018
Chúa Nhật thứ 7 Phục Sinh ngày 13/5/2018 cũng là lễ Mother’s day, giáo xứ Đức Mẹ La Vang thành phố Fresno California rước kiệu Đức Mẹ La Vang và lần hạt tôn vinh Mẹ Maria.

Xem Hình

Lạy Mẹ Maria, với bao hồng phúc Mẹ đã trao ban cho Giáo Hội, cho Giáo Phận, cho Giáo Xứ nhỏ bé và cho mỗi người chúng con. Hôm nay chúng con quây quần bên Mẹ trong những giây phút của tháng Hoa kính Mẹ để dâng lên Mẹ lời tạ ơn chân thành phát xuất từ đáy lòng của từng người và của toàn thể Giáo xứ chúng con.

Lạy Mẹ! chúng con xin dâng cho Mẹ tất cả mọi phần tử trong Giáo xứ chúng con, Cha chánh xứ Giuse, Thầy phó tế Giuse và các hội đoàn Công Giáo tiến hành. Đặc biệt hôm nay cho các người mẹ còn sống hay đã qua đời. Xin dâng Mẹ quá khứ đã qua, hiện tại đang diễn ra và tương lai đang ở phía trứơc. Xin Mẹ tiếp tục đồng hành và trợ giúp chúng con.

Margarita Nguyễn Phương Lan.
 
Dâng hoa Ngày 13/5 Tại Trung Tâm Thánh Vinh Sơn Liêm Melbourne
Trần Văn Minh
02:49 13/05/2018
Melbourne, Chúa Nhật Chúa Thăng Thiên, Thánh lễ lúc 8:45 sáng Ngày 13/5/2018, Kỷ niệm Ngày Đức Mẹ hiện ra tại Fatima, cũng là Ngày Truyền Thông Thế giới, và đặc biệt hơn nữa là Ngày Hiền Mẫu. Cộng đoàn đã dâng lễ cầu nguyện cho những nhà làm truyền thông biết dùng phương tiện khoa học kỹ thuật hiện đại để loan báo tin mừng. Cầu cho các bà mẹ luôn an bình mạnh khỏe.

Xem hình

Trong lời chúc bình an, Linh mục quản nhiệm đã kêu gọi các em đến nơi có mẹ ngồi để ôm hôn, chúc mừng ngày mẹ, và xin mẹ tha thứ cho những điều làm mẹ buồn. Và chúc mẹ có một ngày thật vui.

Sau Thánh lễ sáng Chúa Nhật, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm có các sinh hoạt thật đặc biệt nhân tháng hoa, để tỏ lòng kính Đức Mẹ Fatima. Xứ đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể đã cùng dâng hoa lên Ngai tòa Đức Mẹ. Đoàn dâng hoa gồm đủ mọi ngành từ khăn hồng, khăn xanh, khăn tím, khăn vàng và khăn đỏ.

Các anh lớn dâng nến và các em nhỏ dâng hoa. Ca đoàn Belem hát vang bài: Ngàn hoa con dâng lên Nữ Vương, làm nhạc nền cho các em nhịp nhàng từ các hàng ghế tiến ra các lối đi chính nhận hoa và dâng lên Đức Mẹ.

Sau khi đoàn dâng hoa kết thúc, anh Niên trưởng Thiếu nhi Thánh Thể Xứ đoàn Vinh Sơn Liêm đọc lời chúc mừng các bà Mẹ và xin Cha chủ tế làm phép những bông hoa để sau đó các em mang đến các hàng ghế để tặng hoa các bà mẹ. Đoàn Thiếu Nhi còn có những món quà nho nhỏ gửi đến các bà mẹ trong dịp này.

Kỷ niệm Ngày Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên tại Fatima. Hội Mân Côi có giờ lần chuỗi đặc biệt lúc 2:20 chiều Chúa Nhật và tổ chức dâng hoa. Linh mục quản nhiệm đã cùng mọi người suy niệm. Sau mỗi chục kinh Mân Côi, có bốn người đại diện cho các đoàn thể trong cộng đoàn, dâng nến và hoa lên Ngai Tòa Đức Mẹ được đặt trang trọng bện cạnh bàn thánh.

Kết thúc bằng một buổi lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót thường lệ mỗi chiều Chúa Nhật và được đông đảo giáo dân về cùng nhau lần chuỗi Mân Côi, dâng hoa và lần chuỗi Lòng Chúa Thương Xót.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bài Giáo Lý 5 của ĐTC Phanxicô về Bí Tich Rửa Tội: Bí Tích Rửa Tội: Việc Tái Sinh
Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ
09:51 13/05/2018
Bí Tích Rửa Tội: Việc Tái Sinh

Nếu cha mẹ chúng ta đã ban cho chúng ta sự sống trần thế, thì Hội Thánh đã tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời trong Bí Tích Rửa Tội”.

Dưới đây là bản dịch bài giáo lý thứ năm của ĐTC Phanxicô về Bí Tích Rửa Tội, được ban hành ngày 9 tháng 5, 2018 tại Quảng trường Thánh Phêrô. Phần đầu của bản dịch này là bài tóm tắt bằng Tiếng Anh được đọc trước bài giáo lý của Đức Thánh Cha bằng Tiếng Ý.

Anh chị em thân mến: Tiếp tục loạt bài giáo lý của chúng ta về Bí Tích Rửa Tội, bây giờ chúng ta chuyển sang hành động chính của nghi thức rửa tội. Qua việc đổ nước và khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta được “dìm” vào mầu nhiệm cái chết của Đức Kitô và sống lại trong đời sống mới. Vì vậy, được tái sinh, chúng ta trở nên một thụ tạo mới, đi từ sự hư hỏng của tội lỗi qua sự sống đời đời. Trong Đức Kitô, và nhờ sự tuôn đổ Thánh Thần, chúng ta trở thành dưỡng tử của Chúa Cha, với Hội Thánh là mẹ thiêng liêng của mình. Mối liên hệ này là một mối liên hệ dứt khoát và in trên linh hồn một ấn tín không thể xóa bỏ được. Từ nay trở đi, là chi thể của thân thể Đức Kitô, chúng ta cam kết xa lánh tội lỗi và làm cho cuộc đời mình càng ngày càng nên đồng hình đồng dạng với Người hơn bao giờ hết. Sau việc tái sinh của mình trong nước rửa tội, chúng ta được xức bằng dầu thánh như dấu chỉ của việc chia sẻ vai trò của Đức Kitô như tư tế, ngôn sứ và vương giả của mình. Như phần tử của dân tư tế, chúng ta được mời gọi dâng hiến cuộc sống hàng ngày của mình như một hy lễ đẹp lòng Ngài. Như dân vương giả và ngôn sứ, chúng ta được mời gọi công bố vương quyền của Đức Kitô bằng việc làm chứng cho đức tin và đức ái của mình, và cam kết theo gương Người trong việc yêu thương phục vụ anh chị em mình.

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/en/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180509_udienza-generale.html


* * *

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Bài giáo lý về Bí Tích Rửa Tội đưa đến việc hôm nay chúng ta nói về sự thanh tẩy thánh được đi kèm với lời khẩn cầu Thiên Chúa Ba Ngôi, là nghi thức trung tâm thực sự của “việc rửa tội” - là dìm – vào Mầu Nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô (x. Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, 1239). Ý nghĩa của cử chỉ này như Thánh Phaolô nhắc nhở các tín hữu Rôma, trước hết bằng câu hỏi, “Anh em không biết rằng, tất cả chúng ta đã chịu Phép Rửa trong Ðức Giêsu Kitô, nghĩa là chúng ta chịu Phép Rửa trong cái chết của Người sao?” Và sau đó trả lời: “Nhờ Phép Rửa […] chúng ta đã cùng được mai táng với Người trong cái chết của Người] để cũng như Ðức Kitô đã sống lại từ cõi chết [...] thế nào, thì chúng ta cũng sống một đời sống mới như vậy”. (Rom 6:4). Phép Rửa mở ra cho chúng ta cửa vào một đời sống phục sinh, chứ không phải vào một đời sống thế tục. Một đời sống theo Chúa Giêsu.

Giếng rửa tội là nơi Lễ Vượt Qua được cử hành cùng với Đức Kitô! Con người cũ được mai táng cùng với các đam mê gian dối của nó (x. Eph 4:22), để một thụ tạo mới có thể được tái sinh; thực ra, những cái cũ đã qua đi và những cái mới đã được sinh ra (x. 2 Cor 5:17). Trong “các bài giáo lý” được gán cho Thánh Cyrillô thành Giêrusalem, những người mới được rửa tội gì được giải thích về điều gì đã xảy ra với họ trong nước Rửa Tội. Và lời giải thích này của Thánh Cyrillô thật hay: “Cùng trong một lúc, anh chị em chết đi và sinh ra, cùng làn sóng cứu rỗi trở thành nấm mồ và mẹ cho anh chị em” (s. 20, Mystagogica 2, 4-6: PG 33, 1079-1082). Sự tái sinh của con người mới đòi hỏi rằng con người bị hư hỏng bởi tội lỗi phải thành tro bụi. Các hình ảnh của nấm mồ và của lòng mẹ trong liên hệ với giếng rửa tội thực ra rất sâu sắc để diễn tả điều trọng đại qua các cử chỉ đơn giản của Bí Tích Rửa Tội. Tôi muốn trích dẫn một câu được khắc tại Nhà Nguyện Rửa Tội cổ ở Đền Thờ Lateranô, khi đọc theo tiếng Latinh, thì cụm từ này được gán cho Đức Giáo Hoàng Sixtô III: “Mẹ Hội Thánh sinh ra cách trinh khiết bởi nước con cái được thụ thai bởi hơi thở của Thiên Chúa. Hỡi những người đã được tái sinh từ giếng này, hãy hy vọng vào Nước Trời” [“Virgineo fetu genitrix Ecclesia natos / quos spirante Deo concipit amne parit. / Caelorum regnum sperate hoc fonte renati”]. Tuyệt đẹp: Hội Thánh sinh ra chúng ta, Hội Thánh là bụng mẹ, là mẹ của chúng ta qua Bí Tích Rửa Tội.

Nếu cha mẹ chúng ta đã ban cho chúng ta sự sống trần thế, thì Hội Thánh đã tái sinh chúng ta vào sự sống đời đời trong Bí Tích Rửa Tội. Chúng ta đã trở nên con cái trong Chúa Giêsu, Con Ngài (x. Rom 8:15, Gal 4:5-7). Trên mỗi người chúng ta, được tái sinh bởi nước và Thánh Thần, Cha Trên Trời cũng làm vang lên với tình yêu vô hạn tiếng nói của Ngài: “Con là con yêu dấu của Cha” (x. Mt 3:17). Tiếng nói phụ tử này, tai không thể cảm thấy được, nhưng trái tim của những người tin có thể nghe thấy được, đồng hành với chúng ta suốt đời, mà không bao giờ bỏ chúng ta. Trong suốt cuộc đời chúng ta, Chúa Cha nói với chúng ta: “Con là con trai yêu dấu của Cha, con là con gái yêu dấu của Cha”. Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất nhiều, như một người Cha, và Ngài không để chúng ta một mình. Điều này là từ giây phút Rửa Tội. Được tái sinh như con cái Thiên Chúa, chúng ta mãi mãi là con cái Thiên Chúa! Thực ra, Bí Tích Rửa Tội không được lặp lại, bởi vì nó in một ấn tín thiêng liêng không thể xóa được: “Không một tội lỗi nào xóa được ấn tín này, mặc dù tội lỗi ngăn cản bí tích Rửa Tội mang lại những hiệu quả của ơn cứu độ” (GLHTCG, 1272). Ấn tín của Bí Tích Rửa Tội không bao giờ bị mất! “Thưa Cha, nhưng nếu một người trở thành một tên cướp, một trong những tên khét tiếng nhất, giết người, bất công, ấn tín này có biến mất không?” Không. Vì dù thật nhục nhã cho người con của Thiên Chúa là kẻ làm những điều ấy, nhưng ấn tín không biến mất. Và kẻ ấy vẫn tiếp tục là con Thiên Chúa, kẻ ấy chống lại Thiên Chúa nhưng Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình. Anh chị em có hiểu điều cuối cùng này không? Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình. Tất cả chúng ta có thể cùng nhau lặp lại không? “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình”. Hãy nói lớn hơn nữa, hoặc tôi điếc tai hoặc tôi không hiểu [họ lặp lại lớn hơn]: “Thiên Chúa không bao giờ chối bỏ con cái mình”. Đó, tốt lắm.

Được sát nhập vào Đức Kitô nhờ Phép Rửa, cho nên những người đã được rửa tội trở nên đồng hình đồng dạng với Người, “trưởng tử của nhiều anh em” (Rom 8:29). Qua hành động của Chúa Thánh Thần, Bí Tích Rửa Tội thanh tẩy, thánh hóa, công chính hoá, để hình thành, trong Đức Kitô, nhiều người thành một thân thể (x. 1 Cor 6:11; 12:13). Điều này được diễn tả bắng việc xức dầu thánh, “là một dấu chỉ của chức tư tế vương giả của những người đã được rửa tội và sự gia nhập cộng đồng dân Chúa của họ” (Nghi Thức Rửa Tội Trẻ Em, Dẫn Nhập, 18, 3). Do đó, vị linh mục xức dầu thánh trên đầu mỗi người được rửa tội, sau khi công bố những lời này để giải thích ý nghĩa của nó: “Chính Người [Thiên Chúa] xức dầu cứu độ cho (các) con để sau khi nhập đoàn với dân Người, (các) con mãi mãi làm chi thể của Ðức Kitô là tư tế, tiên tri và vương đế đến cõi sống đời đời” (ibid., 71).

Anh chị em thân mến, ơn gọi của Kitô hữu là tất cả những điều này: sống kết hợp với Đức Kitô trong Hội Thánh thánh thiện, tham dự vào cùng một sự hiến thân để thực thi cùng một sứ vụ, trên thế gian này, sinh hoa quả tồn tại muôn đời. Thực ra, được một Thánh Thần duy nhất sinh động hoá, toàn thể Dân Thiên Chúa tham gia vào các chức năng của Chúa Giêsu Kitô, “Tư Tế, Vương Giả và Ngôn Sứ”, và lãnh các trách nhiệm của sứ vụ và tác vụ đến từ các chức năng này (x. GLHTCG, 783-786). Tham gia vào chức tư tế vương giả và ngôn sứ của Đức Kitô có nghĩa gì? Nó có nghĩa là biến mình thành một của lễ đẹp lòng Thiên Chúa (x. Rom 12:1), làm chứng cho Người qua một đời sống đức tin và đức ái (x. Lumen Gentium, 12), và tự ý phục vụ tha nhân, theo gương của Chúa Giêsu (x. Mt 20:25-28; Ga 13:13-17). Cám ơn.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

Nguồn: http://w2.vatican.va/content/francesco/it/audiences/2018/documents/papa-francesco_20180509_udienza-generale.html.
 
Văn Hóa
Chúa Về Trời
Đinh Văn Tiến Hùng
09:54 13/05/2018
“Ngài được cất lên ngay trước mặt các ông và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa . Và lúc ấy các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, thì bỗng có người đàn ông mặc áo trắng đứng bên và nói : Hỡi các ngưới Galilê sao còn đứng nhìn trời ? Đức Giêsu Đấng vừa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Ngài lên trời” (Cv.1 : 9- 11)

*’Ngài lên tận ngai vàng vĩnh cửu,
Cõi thiên đình bên hữu Chúa Cha,
Uy phong ngự chốn thiên tòa,
Quyền năng Thánh Phụ trao qua tay Ngài.’

-Theo Thày lên núi Ô-liu,
Mây giăng đỉnh núi hắt hiu gợi buồn,
Môn đệ khắc khoải tâm hồn,
Nghe sầu ly biệt bồn chồn biết bao !
Thiên Tử Thần Thánh đón chào,
Kiệu mây nhè nhẹ nâng vào không trung,
Hào quang tỏa sáng uy hùng,
Mây bao quanh núi chập chùng trôi đi,
Lâng lâng khúc nhạc diệu kỳ,
Vang vang hiệu lệnh thiên đình mở ra,
Đất trời bừng tỉnh giao hòa,
Đón mừng Thánh Tử hoan ca khải hoàn,
Tinh cầu vạn vật rộn ràng,
Màn đêm tan biến, huy hoàng vầng đông,
Ánh hồng lan tỏa mông lung,
Bừng lên sức sống muôn lòng ngất ngây.

-Như Thày đã hứa rồi đây,
Thánh Thần sẽ đổ tràn đầy hồng ân,
Giáo Hội Thiên Chúa thế trần,
Niềm tin sức mạnh vững tâm tuyệt vời,
Môn đệ đi khắp nơi nơi,
Tin Mừng rao giảng lòng người say mê,
Thần Khí trùm phủ bốn bề,
Nhận biết chân lý tìm về đường ngay.
Tà quyền tội ác tràn đầy,
Vô thần ác quỉ đến ngày tận vong.
Từ đây muôn nước chờ mong,
Vinh quang Thiên quốc, hòa đồng thế gian.

-Thân hèn cuộc sống tham lam,
Tiền tài danh vọng con hằng đêm mê,
Xin chúa hãy đem con về,
Để chỉ khao khát nơi quê Nước Trời.
Bụi trần bao phủ khắp nơi,
Cho con hoán cải cuộc đời đẹp tươi.
Chúa Giê-su đã về trời,
Dọn cho ta chỗ trên nơi Vĩnh Hằng.

*‘Tiến dâng Vua Cả Nước Trời,
Cùng Đấng Thánh Phụ ngàn lời chúc vinh,
Thánh Thần đồng trị uy linh,
Muôn ngàn Thiên Sứ đồng thanh hát mừng’

ĐINH VĂN TIẾN HÙNG

(*) Trich Thánh Thi Phụng vụ
 
Câu chuyện truyền giáo : Hòa Lan – Mùa Phục Sinh Và Tháng Của Mẹ
Lm Antôn Trần Xuân Sang, SVD
20:45 13/05/2018
Những ngày cuối tháng 4 năm nay thế giới rất quan tâm của cuộc gặp thượng đỉnh Liên Triều (Nam Bắc Triều Tiên), của hai đất nước anh em bị chia cắt từ thời chiến tranh lạnh, nhưng miền Nam thì giàu có, thịnh vượng trong khi miền Bắc theo ý thức hệ Mác-Mao lại nghèo khó, đói kém và luôn lấy chiêu bài vũ khí hạt nhân để hù dọa thế giới. Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ lần này, hai bên đã cố gắng dùng những cử chỉ, lời lẽ hòa nhã nhất, tôn trọng nhất để sớm đi đến những hòa ước, những thỏa hiệp để giảm bớt những căng thẳng nhằm đem lại hòa bình cho bán đảo Triều Tiên nói riêng và trên thế giới. Hy vọng đó là những cam kết thực lòng của những lãnh đạo vì dân.

Những ngày cuối tháng 4 cũng là những ngày khó quên của dân tộc Việt Nam thân yêu dù 43 năm cuộc chiến đã trôi qua. Một chính trị gia cộng sản đã từng nói ngày 30 tháng 4 là ngày có hàng triệu người vui (người cộng sản trong nước ăn mừng chiến thắng), nhưng cũng có hàng triệu người buồn (những người bỏ xứ ra đi vì bị giam cầm, tù tội). Trong số những người ra đi tìm bến bờ tự do ấy, có rất nhiều người phải bỏ mạng dưới lòng biển. Chúng tôi được dịp tâm sự với một số bậc cha chú đang sinh sống ở Mỹ cũng như ở Âu châu lứa tuổi U70 thì nhiều người trong số họ tâm sự rằng cuộc vượt biển để tìm tự do thật sự đau thương vì phải chứng kiến biết bao nguy hiểm, chết chóc, và nếu bây giờ có cho họ hàng đống vàng họ cũng sẽ không bao giờ muốn lặp lại chuyện ấy. Công bằng mà nói đất nước đã thống nhất 2 miền Nam-Bắc, nhưng lòng dân Việt Nam chưa thực sự thống nhất bởi biết bao điều chưa thể nói ra hết được. Biết bao giờ những người tự cho là bên thắng cuộc biết nhìn nhận những sai lầm họ đã gây nên và nói lên một lời xin lỗi để người Việt trên khắp thế giới có một tiếng nói chung và những người Việt ở hải ngoại có thể sẵn sàng đóng góp công sức mình xây dựng quê hương ngày thêm giàu mạnh sánh vai cùng bạn bè quốc tế? Biết bao giờ những người lãnh đạo trong nước dám nhìn thẳng vào sự thật, dám vì dân vì nước dù chỉ một lần biết lằng nghe tiếng nói phản biện, chấp nhận những khác biệt để cùng chung sống hòa bình sau những đau thương mất mát vì chiến tranh để nói cho thế giới biết rằng chúng tôi là dân tộc Việt Nam đoàn kết, yêu thương và sẵn sàng tha thứ.

Những ngày vừa qua chúng ta được biết trên mạng xã hội trong nước, nhất là Facebook, đang ‘dậy sóng’ về một phong trào gọi là ‘Hội Thánh Đức Chúa Trời Mẹ’. Kể cũng lạ là truyền thông chính thống trong nước lại tỏ ra nhanh nhẹn vào cuộc và muốn đánh úp ngay nhóm này mà họ cho là tà giáo. Chúng ta chưa biết thực hư thế nào khi chỉ nghe thông tin một chiều vì mỗi người đều có quyền tự do lựa chọn theo tôn giáo hoặc là không theo. Nhưng ít ai đọc được ẩn ý phía sau là từ nay có thể cụm từ Hội Thánh hay Đức Chúa Trời thuộc bất kỳ tôn giáo nào sẽ bị hiểu một cách méo mó là tà giáo để những người vô thần ngang nhiên xúc phạm. Còn những người có đức tin vững vàng thì dù ai nói ngã nói nghiêng vẫn luôn trung thành và xác tín với niềm tin mình đã lựa chọn.

Trong tâm thế của một tu sĩ truyền giáo, chúng tôi đã từng có chút ít kinh nghiệm trong lĩnh vực mục vụ, nhất là mục vụ với người di dân quốc tế ở châu Mỹ Latin nơi chúng tôi đã từng làm việc trong lứa tuổi đẹp nhất của đời linh mục, cũng như hiện nay ở xứ sở hoa tu-líp xinh đẹp Hòa Lan. Thực tình mà nói nếu các mục tử ở đây theo cách làm việc và áp dụng qui tắc giống các giáo xứ toàn tòng như ở Việt Nam để thi hành mục vụ với người Việt hải ngoại ở đây hay những người di dân đến từ các quốc gia Nam Mỹ hay Á châu thì có lẽ chúng ta sẽ thất bại ê chề vì cách sống của người dân ở đây khác xa một trời một vực với các xứ đạo của người Việt ở quê nhà.

Chúng tôi đã từng chứng kiến cảnh nhiều bậc cha mẹ người Việt ở Âu châu này tiến thoái lưỡng nan và tâm trạng buồn khôn xiếc khi những người con thân yêu của họ thành hôn với người dân bản xứ hay với người nước ngoài khác tôn giáo mà không hề có phép chuẩn. Họ buồn rời rợi vì chính những người con thân yêu của họ tự động tổ chức đám cưới và cha mẹ, họ hàng thân thuộc cũng chỉ là những vị khách mời đến dự lễ thành hôn ở một nhà thờ Tin Lành hay một hội trường nào đó mà ai cũng ngỡ ngàng không biết có nên tham dự hay không vì sợ bị phạt vạ. Ở Việt Nam thì con cái sợ cha mẹ buồn với làng xóm, sợ cha xứ ra vạ tuyệt thông và xóm đạo xa lánh chúng; còn ở đây nhiều bậc cha mẹ sợ con cái giận rồi chúng có thể ruồng bỏ cha mẹ. Cuộc đời không như là mơ dù sống ở những quốc gia dư thừa về vật chất nhưng đời sống tâm linh theo đúng nghĩa của nó thật là tỉ lệ nghịch.

Cách đây một tuần ngày chúng tôi có tham dự thánh lễ nhận sứ vụ tuyên úy cho người Việt thuộc liên giáo phận ở Đức của một linh mục lớp học trò cùng Dòng. Trong thánh lễ, dĩ nhiên có Đức Giám Mục giáo phận, cha bề trên giám tỉnh, các linh mục đồng tế và cộng đồng Công Giáo Việt Nam thuộc hai giáo phận nói trên tham dự. Chúng tôi cũng quan sát có sự hiện diện của chính quyền dân sự, và trước khi kết thúc thánh lễ, họ cũng lên chúc mừng và đón nhận vị tuyên úy mới này vào địa phương của họ dù linh mục Việt Nam này vừa mới chuyển từ Thụy Sĩ về Đức được đúng một tuần. Trong khi ở Việt Nam thì cái gì cũng phải xin phép, thuyên chuyển một linh mục này đến một giáo xứ khác hay đến một giáo phận
khác thì gặp biết bao khó khăn với chính quyền. Thế kỷ XXI rồi mà người ta vẫn muốn hành xử theo kiểu rừng rú. Qua đó chúng tôi cũng muốn nói lên rằng quyền tự do ở đây, nhất là tự do tôn giáo phải được hiểu là sự tôn trọng từ hai phía. Bên giáo quyền được phép thuyên chuyển người của họ sau khi đã điều nghiên kỹ lưỡng về tư cách đạo đức và sự vâng phục, còn bên chính quyền đương nhiên cũng điều tra về tính hợp pháp về quyền cư trú chứ không được quyền can thiệp nội bộ để cùng thăng tiến con người trong lĩnh vực tôn giáo.

Những ngày vừa qua chúng tôi nhận được tin từ linh mục quản nhiệm ở Hòa Lan về sự ra đi của một số anh chị em giáo dân Việt Nam ở đây dù tuổi đời còn rất trẻ. Chúng tôi cũng được mời dâng thánh lễ cầu hồn tại tư gia cũng như lễ an táng tại giáo xứ cho những anh chị em này mà trong lòng luôn tự hỏi sao cuộc sống con người mỏng dòn và mong manh thế! Vẫn biết rằng con người sinh ra từ bụi tro và một ngày nào đó sẽ trở về tro bụi mà lòng cứ ngậm ngùi, tiếc nuối cho kiếp làm người. Một anh em linh mục cùng Dòng người Togo mới đến Hòa Lan được 6 năm, nhưng vừa mới phát hiện bị ung thư giai đoạn cuối vào đầu tháng 2 vừa qua và mới trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng thứ Năm ngày 10 tháng 5 vừa qua khi tuổi đời mới tròn 38 với 6 năm linh mục. Nhìn người anh em ngày chúng tôi mới chuyển đến Hòa Lan rất to cao, khỏe mạnh trên 100kg mà trước mấy ngày qua đời chúng tôi có viếng thăm chỉ còn thấy da bọc xương với đôi mắt đượm buồn vì biết mình sắp ra đi. Vẫn biết rằng cuộc sống này chỉ làm tạm bợ nhưng khi chính mình tận mắt chứng kiến và cử hành nghi thức an táng cho những ruột thịt và thân hữu của mình khi họ nằm xuống thì trong lòng luôn cảm thấy quặn đau cho kiếp người, nhất là những người ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, bại lại phía sau bao hy vọng, ước mơ và tương lai. Xin Chúa đón nhận linh hồn người anh em chúng con là linh mục Jean Pierre vừa mới qua đời sớm được hưởng hạnh phúc trong Vương quốc vĩnh cửu của Người.

Lần đầu tiên sau hơn 10 tháng ở Hòa Lan, chúng tôi được thăm một vườn hoa nổi tiếng ở Keukenhof- cách thủ đô Amsterdam của Hòa Lan không xa với một gia đình thân quen ở đây. Keukenhof còn được mệnh danh là Vườn Hoa Âu Châu có diện tích khoảng 32 mẫu tây với hàng chục triệu hoa Tu-líp thuộc hơn 100 chủng loại khác nhau cộng với những loài hoa khác như hoa Lan, hoa Thủy Tiên, hoa Anh Đào… muôn màu muôn vẻ được mở cửa từ cuối tháng 3 và kết thúc vào giữa tháng 5 để đón du khách. Dù chúng tôi không có khiếu thẫm mỹ và thưởng thức những vẻ đẹp của các loài hoa, chúng tôi vẫn cảm thấy những gì Thiên Chúa ban tặng cho con người qua những cánh hoa này thật hùng vĩ và phản chiếu vẻ đẹp của tạo hóa. Hòa Lan cũng là một quốc gia đón nhận tất cả những người di dân từ khắp các châu lục nên dịp này chúng tôi cũng thấy khách du lịch ghé thăm đến từ nhiều sắc dân, chủng tộc và văn hóa khác nhau. Ai ai cũng trầm trồ vì cách bố trí và khung cảnh du lịch được tổ chức rất lịch sự, thoáng mát, văn minh, và nhất là tiết trời vào những dịp này lại đúng vào mùa Xuân âm áp nên điểm tô thêm phần sắc thái tự nhiên.

Hôm nay ngày 13 tháng 5 là ngày cách đây đúng 101 năm Đức Mẹ hiện ra lần đầu tiên với 3 trẻ nhỏ tại Fatima nước Bồ Đào Nha để nói cho thế giới qua miệng 3 trẻ nhỏ là hãy biết ăn năng sám hối, siêng năng lần hạt Mân Côi và tôn sùng trái tim Mẹ để Mẹ cầu bầu cùng Chúa con Mẹ cứu thế giới khỏi những hình phạt nặng nề do con người xúc phạm đến Người. Cũng chính hôm nay các cộng đồng Công Giáo Việt Nam ở Âu châu cùng tề tựu tại Thánh Địa Banneux bên Bỉ quốc để kỷ niệm 85 năm ngày Mẹ hiện ra nơi đây và cũng là ngày mà nhiều quốc gia Âu châu và Hoa Kỳ mừng ngày Hiền Mẫu-Mother’s Day. Dù thời tiết u ám nhưng số người hành hương khoảng 7 ngàn người đến từ Đức, Hòa Lan, Bỉ, Pháp, Anh và các quốc gia lân cận. Sáng kiến này đã thực hiện gần 10 năm qua cho những người con đất Việt xa quê quây quần bên người Mẹ Thiên quốc nhằm khích lệ nhau sống trung thành với đức tin Công Giáo và cũng mong muốn cho thế hệ con cháu sinh ra và lớn lên trên đất khách những truyền thống, lịch sử và văn hóa tốt đẹp của cha ông đã lưu truyền cho hậu thế là mến Chúa và yêu người. Nhìn thấy các Bà, các Mẹ, các Chị các cháu thiếu nhi tham dự thánh lễ sốt sắng với những bộ áo dài truyền thống nhiều màu sắc dù đang sống ở Âu châu thật hãnh diện biết bao. Gần 20 linh mục đang đồng hành với các hội đoàn Công Giáo Việt Nam tại các quốc gia Âu châu đồng tế trong thánh lễ và các nghi thức khác trong ngày hội ngộ hành hương cũng nói lên sự hiệp thông và đồng hành với những người con đất Việt xa xứ. Xin chúc mừng tất cả những người Mẹ, người Bà đã hi sinh cả đời mình cho con cháu. Cùng hiệp thông với những ai mất Mẹ, trong đó có chúng tôi để cầu nguyện cho các ngài. Xin Mẹ Maria ban ơn phù hộ cho quê hương Việt Nam chúng con và ban ơn cho các Bà Mẹ luôn biết yêu thương và dạy dỗ con cái mình biết một lòng cậy trông tín thác vào Chúa. Nhìn thấy những người con đất Việt xa xứ qui tụ bên người Mẹ Hiền Maria để mừng lễ Mẹ và cũng mừng các vị thánh tử đạo Việt Nam trong dịp Năm Thánh mà trong lòng cảm thấy rất vui. Karl Marx, ông tổ của những người vô thần đã nói: ‘Tôn giáo là liều thuốc phiện của nhân dân’. Nếu giờ đây ông còn sống sẽ phải ngẫm nghĩ lại về những điều mình từng phê phán vì nếu thiếu vắng tôn giáo con người sẽ trở nên thờ ơ, lãnh đạm và chỉ biết chiến tranh, xâu xé lẫn nhau. Chính những tôn giáo chân chính luôn giúp người ta hướng thiện và làm nhiều điều tốt lành cho xã hội, cho thế giới trong khi những người vô thần chỉ biết gây chia rẽ, hận thù và làm những điều trái nghịch với luân thường đạo lý.

Hôm nay giáo hội cũng mừng lễ Chúa Lên Trời sau khi Ngài sống lại và hiện ra với các môn đệ nhằm củng cố đức tin của họ. Chúa về trời là sự bảo đảm cho niềm hy vọng vào hạnh phúc mai sau của chúng ta vì chúng ta chắc chắn rằng quê hương đích thực của chúng ta ở trên trời, nơi mà chúng ta không còn chứng kiến những khổ đau, thất vọng và chết chóc vì chính Chúa là nguồn cậy trông của chúng ta. Nhưng để được về trời với Chúa chúng ta phải chiến đấu mỗi ngày qua những cố gắng, hi sinh. Năm nay Giáo Hội Việt Nam chúng ta cử hành Năm Thánh kỷ niệm 30 năm ngày Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tôn phong 117 Vị Thánh Tử Đạo tại Việt Nam. Các ngài là những vị tiền bối của chúng ta đã hiên ngang tuyên xưng đức tin giữa trăm chiều thử thách và các ngài đã được hưởng vinh phúc với Chúa ở rên trời sau khi hoàn thành sứ mạng ở cõi thế. Xin cho mỗi người chúng ta khi hướng lòng về trời cũng biết chu toàn sứ vụ trần thế trong niềm hân hoan. Amen.

Hòa Lan- Chúa Nhật 13 tháng 05 năm 2018-Lễ Chúa Thăng Thiên và Ngày Hiền Mẫu

Lm. Antôn Trần Xuân Sang, SVD.
 
VietCatholic TV
Yên lặng – Nghệ thuật gặp gỡ Chúa - Hồng Y Robert Sarah
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:43 13/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây
Đức Hồng Y Robert Sarah của Guinea, tổng trưởng Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, đã có một bài thuyết trình về vai trò của sự yên lặng trong đời sống tu đức.

Bài thuyết trình của ngài đã được trình bày tại nhà thờ chính tòa của tổng giáo phận Toronto Canada. Bài giảng của ngài trước đó đã được dự trù diễn ra tại nhà thờ Thánh Basil trong khuôn viên của trường Đại Học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae, nhưng các vé miễn phí, ghi danh trực tuyến đã nhanh chóng hết chỗ nên ban tổ chức đã dời ra nhà thờ chính tòa của Toronto. Dù vậy, cũng không đáp ứng được nhu cầu đông đảo anh chị em giáo dân muốn đến dự. Chính vì thế, trường Đại Học Tổng Lãnh Thiên Thần Micae đã thực hiện một video, tóm lược các ý chính của Đức Hồng Y và của Giáo sư David Mulroney, hiệu phó trường Đại học, nguyên là đại sứ Canada tại Bắc Kinh từ năm 2009 đến năm 2012.

Xin mời quý vị và anh chị em theo dõi video này qua lời dịch của Kim Thúy.

Tôi nghĩ điều rất quan trọng là chúng ta phải khám phá ra sự im lặng nghĩa là gì. Im lặng không chỉ không nói. Im lặng sâu sắc hơn nhiều bởi vì tiếng ồn lớn nhất là từ ngay bên trong bản thân chúng ta.

Thưa quý vị, các sinh viên thân mến của tôi.

Các bạn thân mến, tôi rất vui được chào đón các bạn đến với buổi nói chuyện buổi tối hôm nay của một vị khách rất đặc biệt.

Ngay cả trong các nhà thờ của chúng ta, cũng có quá nhiều tiếng ồn. Cho nên, đó không phải là nơi chúng ta có thể gặp Thượng Đế một cách thầm lặng.

Sự im lặng làm cho ta giống với Thiên Chúa hơn bởi vì Thiên Chúa, như tôi nói luôn im lặng.

Ngài nói trong im lặng. Chúng ta gặp Ngài trong im lặng và nếu chúng ta ở lại trong Thiên Chúa, chúng ta sẽ trở nên im lặng.

Điều làm cho những nhận thức của Đức Hồng Y sắc bén, xác thực và có giá trị là vì chúng được định hình không chỉ vì ngài phải đối mặt với sự thờ ơ, hoài nghi và chế nhạo là những điều mà các tín hữu chúng ta cũng thường gặp phải trong xã hội thế tục, mà còn vì ngài đã phải chịu sự chống báng kinh hoàng đầy đe dọa trong thời tuổi trẻ bởi một chế độ độc tài Mác-xít ở quê hương Guinea của ngài.

Tôi nghĩ tại sao các nước phương Tây ngày nay không có các tín hữu, càng ngày càng ít tín hữu hơn, là bởi vì họ luôn nói rằng họ không biết đến sự im lặng; với khuôn mặt cúi xuống.

Im lặng thực sự là thời điểm mà ta xây dựng bản thân mình như một con người gắn bó với Thiên Chúa.

Và khi không có Thiên Chúa, khi không có sự im lặng, chúng ta lạc lối.

Chúng ta đang làm gì ở đây ?

Nói cách khác, cuộc sống của chúng ta là để làm gì?

Chúng ta được mời gọi trở thành loại người nào?

Xã hội phương Tây dường như đã lầm lạc bởi vì khi chúng ta bị tách khỏi Thiên Chúa, chúng ta lầm đường lạc lối.

Nó giống như một cái cây không có rễ.

Nó giống như một con sông không có những con suối đổ vào.

Thiên Chúa là nguồn nước của chúng ta nếu chúng ta tách khỏi Thiên Chúa, chúng ta lạc mất, chúng ta khô héo mất.
 
TV Thời Sự Giáo Hội Và Thế Giới Ngày Nay, Thứ Hai 14/5/2018: Kinh Lạy Nữ Vương với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 13 tháng 5
VietCatholic Network
20:42 13/05/2018
Máy yếu hay Internet chậm xin nhấn vào nút Play bên dưới đây


Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô. VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria. Kính thưa quý vị và anh chị em, chương trình Truyền Hình của chúng tôi hôm nay gồm có các tin chính như sau:

1- Kinh Lạy Nữ Vương với Đức Thánh Cha, Chúa Nhật ngày 13 tháng 5.

2- Đức Thánh Cha viếng thăm 2 Cộng đoàn Ý: Nomadelfia và Loppiano.

3- Đức Thánh Cha Phanxicô gặp Giáo Trưởng Giáo Hội Chính Thống Giáo thuộc Công Hòa Czech và Slovakia.

4- Đức Thánh Cha gửi video Thông điệp đến cho Đại hội đang họp bàn về “những hình thức nô lệ ngày nay”.

5- Giáo Hội cử hành lần đầu tiên trên toàn thế giới lễ nhớ Đức Maria là Mẹ Giáo Hội vào ngày 21 tháng 5.

6- Giáo Hội kỷ niệm Ngày Truyền Thông Thế Giới lần thứ 52.

7- Một bước lớn tiến tới hợp nhất Kitô Giáo: 69% người Chính Thống Nga chấp nhận “Filioque”.

8- Đức Hồng Y Charles Maung Bo nói về cuộc hội thoại giữa Đức Thánh Cha và các Giám Mục Miến Điện nhân chuyến viếng thăm Ad Limina.

9- Giới thiệu Thánh Ca: Mẹ Là Bóng Mát.

Xin mời quý vị theo dõi phần tin chi tiết