Ngày 07-05-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 4 C Phục Sinh
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:04 07/05/2019
Chúa Nhật 4 PHỤC SINH. C
(Ga 10: 27-30)
CHÚA CHIÊN LÀNH.


Ta là mục tử tốt lành,
Dẫn chiên tới suối, trong xanh ngọt ngào.
Đồng tươi cỏ mọc non cao,
Bên dòng suối mát, tuôn trào ước mong.
No đầy chan chứa phỉ lòng,
Đàn chiên theo bước, vào trong cánh đồng.
Lắng tai nghe ngóng ngắm trông,
Mắt nhìn hướng tới, chủ ông dẫn về.
Thỏa tình no đủ ê chề,
Tuân theo ý chủ, mọi bề đẹp thay.
Đàn chiên mục tử hôm nay,
Giê-su chăm sóc, đôi tay chữa lành.
Con nào yếu bệnh hoành hành,
Dù chiên hung dữ, cũng dành trông nom.
Chiên nào mập béo gầy còm,
Yêu thương chữa trị, ngó dòm xót xa.
Không ai cướp khỏi tay Ta,
Cũng không hư mất, rời xa khỏi đàn.
Chúa Chiên đi trước dẫn đàng,
Quy về một mối, thiên đàng ngày sau.

Chúa Giêsu dùng hình ảnh người chăn chiên để diễn tả sự quan tâm và lòng yêu thương chăm sóc của Chúa đối với con dân của Ngài. Chúa Giêsu tự giới thiệu Ngài là Mục tử tốt lành. Mục tử yêu thương và chăm nom từng con chiên. Chúa Giêsu phán: Chiên Tôi, thì nghe tiếng Tôi, Tôi biết chúng và chúng theo Tôi. Chúa đặc biệt yêu thương những con chiên bệnh hoạn, ghẻ lở và xa lạc. Chúa qui tụ chúng thành đoàn chiên và chăm dẵm chúng. Ngài đi trước, chúng theo sau, dẫn chúng đến đồng cỏ xanh tươi.

Chúa Giêsu biết tên từng con chiên và những nhu cầu riêng của nó. Ở Phi Châu, có một bộ lạc, người ta không bao giờ đếm. Họ không biết tí gì về toán học. Có người hỏi người dân bản xứ: Nhà ông có bao nhiêu con chiên. Ông đáp: Tôi không biết. Vậy nếu lỡ mất một hay hai con, làm sao ông biết. Câu trả lời thật ý nghĩa. Ông nói: Không phải tôi mất một con số mà là mất một hình dáng, một bộ mặt. Mất một khuôn mặt dễ thương.

Mỗi người có một nét riêng tư. Trong Giáo Xứ hay Cộng đoàn, khi chúng ta thấy vắng bóng người nào, chúng ta không mất một hay hai người bỏ nhà thờ. Chúng ta mất chính khuôn mặt hiện diện hàng tuần nơi hàng ghế này. Là mục tử tốt lành, Chúa biết tính tình và sở thích của từng con chiên. Nếu một người mục tử tìm hiểu được nhu cầu cuộc sống của từng tâm hồn và sẵn sàng giúp đỡ. Người mục tử tốt lành dám xả thân mình vì đoàn chiên.

Người mục tử tốt là người dám tiến thân đi trước làm gương mẫu cho mọi người. Truyện kể: Một người mục tử dẫn bày chiên đến bờ suối, nhìn dòng nước chảy, tự nhiên cả bày sợ hãi. Người mục tử không làm sao thôi thúc chúng qua suối được. Cuối cùng, ông bế một con cừu non, cùng đi với nó xuống dòng nước và dẫn qua bờ bên kia. Khi cừu mẹ thấy con mình ra đi, nó quên cả sợ hãi và phóng theo. Thế là cả đàn cừu nối đuôi nhau theo sự hướng dẫn của người mục tử.

Chúa Giêsu chọn một hình ảnh tuyệt đẹp để diễn tả cộng đoàn dân Chúa. Hình ảnh người mục tử tốt lành đi trước, đàn chiên theo sau. Ơn gọi làm tông đồ nơi mỗi người như Đức Giáo Hoàng, các Giám mục, Linh mục, Tu sĩ Nam Nữ, các Gia trưởng, các Hiền mẫu, các Phụ huynh và các Thầy Cô là những người có trách nhiệm hướng dẫn, dậy dỗ, coi sóc và nuôi dưỡng đàn chiên. Chúng ta phải là những người mẫu mực, tốt lành và yêu thương con cái trong mọi hoàn cảnh dù xấu, dù tốt. Đó chính là hình ảnh người mục tử tốt lành.

THỨ HAI, TUẦN 4 PHỤC SINH
(Ga 10, 1-10).
CHUỒNG CHIÊN


Ai không qua cửa chuồng chiên,
Trèo vào lối khác, gây phiền giáo gian.
Họ là trộm cướp phá tan,
Chia bầy cắt nhóm, xa đàn chiên con.
Chủ chăn trung tín sắt son,
Bước qua cửa hẹp, sống còn bên nhau.
Đích thân chủ gọi tên mau,
Nghe theo tiếng ấy, theo sau từng đàn.
Chủ chiên đi trước theo làn,
Đàn chiên dõi bước, ngập tràn yêu thương.
Dù cho vạn mối đường trường,
Chiên nghe theo chủ, một phương tìm về.
Giê-su Chiên Chúa cận kề,
Chính Ngài là cửa, chẳng nề tấm thân.
Chúa thương nhân loại vô ngần,
Ai vào qua cửa, dự phần phúc vinh.

THỨ BA, TUẦN 4 PHỤC SINH
(Ga 10, 22-30).
NGÔI LỜI


Chúa đi bách bộ quanh đền,
Mùa đông Cung Hiến, ngay bên Đền Thờ.
Những người Do-thái lơ mơ,
Họ còn thắc mắc, nghi ngờ Ngôi Hai.
Không tin nhận Đấng Thiên Sai,
Chối từ tin kính, lòng chai trí hèn.
Thực hành nhân chứng muối men,
Nhân danh Đức Chúa, ngợi khen Vua Trời
Những ai nghe tiếng Ngôi Lời,
Như chiên trung tín, gọi mời theo Ta.
Ta ban sự sống hải hà,
Sẽ không hư mất, mưa sa phúc lành.
Không ai cướp được thánh danh,
Cha Ta là Đấng tốt lành vô song.
Thông ban phúc lộc trí lòng,
Cha Con là một, hợp trong Thánh Thần.

THỨ TƯ, TUẦN 4 PHỤC SINH
(Ga 12, 44-50).
SỰ SÁNG


Ta là sự sáng thế gian,
Ai tin sẽ được, ơn ban sáng ngời.
Cha Ta là Đấng cao vời,
Thông ban sự sống, cho người tin yêu.
Ai mà tuân giữ mọi điều,
Cha cho hưởng phúc, cao siêu cõi trời.
Ngôi Hai xuống thế làm người,
Không vì xét xử, người đời thế gian.
Nhưng là cứu độ thông ban,
Cứu nhân độ thế, phá tan tội tình.
Ai không chấp nhận cứu sinh,
Chối từ thánh ý, tự mình rời xa.
Ai mà khinh dể lời Ta,
Thiên thần xét xử, thanh tra sự đời.
Cha ban sự sống đời đời,
Cho người trung tín, rạng ngời thiên thu.

THỨ NĂM, TUẦN 4 PHỤC SINH
(Ga 13, 16-20).
ĐÓN NHẬN


Tiệc ly nhắn nhủ đôi lời,
Rửa chân môn đệ, kêu mời khiêm nhu.
Cùng nhau phục vụ đền bù.
Chủ nhân cao trọng, cho dù đổi thay.
Phúc cho đầy tớ thằng ngay,
Báo công ân đức, đắng cay phận người.
Thánh Kinh ứng nghiệm trong đời,
Một người trong số, nghe lời quỉ ma.
Giơ chân đạp gót vào Ta,
Cho dù ăn bánh, tâm tà xấu xa.
Ai nghe tin vững lời Ta,
Nghĩa là đón nhận, Chúa Cha sai Thầy.
Khuyên răn dạy bảo lời này,
Con là tôi tớ, hăng say phận mình.
Chu toàn ơn gọi thọ sinh,
Thực hành sứ mệnh, tâm linh rạng ngời.

THỨ SÁU, TUẦN 4 PHỤC SINH
(Ga 14, 1-6).
ĐƯỜNG THẬT


Con đừng xao xuyến trong lòng,
Tin vào Thiên Chúa, cầu mong phước lành.
Trên nơi thượng giới xanh trong,
Có nhiều chỗ ở, trong vòng tay Cha.
Thầy đi dọn chỗ thiên tòa,
Mai ngày trở lại, bao là hân hoan.
Đón về xum họp một đoàn,
Tín nam thiện nữ, thành toàn ước mong.
Tô-ma thưa Chúa thật lòng,
Chúng con không biết, theo dòng lối đi.
Giê-su đáp lại khó chi,
Thầy là sự sống, đường đi lối về.
Sống theo sự thật mọi bề,
Ơn trên phù giúp, cận kề bên Ta.
Những ai đến được với Cha,
Chu toàn thánh ý, vâng qua ý Thầy.

THỨ BẢY, TUẦN 4 PHỤC SINH
(Ga 14, 7-14).
DANH THẦY


Những ai xem thấy Thầy đây,
Cũng là nhìn biết, Cha Thầy ngay bên.
Các con đã biết từ trên,
Cha Thầy hiện diện, dựng nên đất trời.
Ông Phi-lip-phế chẳng rời,
Xin Thầy cho thấy, rạng ngời Chúa Cha.
Giê-su mạc khải rằng là,
Thấy Thầy là thấy, Chúa Cha vĩnh hằng.
Chính Thầy hiện hữu quyền năng,
Trong Cha từ thuở vinh thăng đời đời.
Hãy tin tuyệt đối Ngôi Lời,
Sẽ làm dấu lạ, cao vời biết bao.
Thầy về thiên giới trên cao,
Danh Thầy thực hiện, lớn lao trên đời.
Điều gì cầu khẩn ơn trời,
Thầy ban phúc lộc, mọi thời khấn xin.
 
Mục tử tốt lành với 3 chữ D
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
22:25 07/05/2019
Chúa Nhật 4 Phục Sinh

Chúa Giêsu khẳng định: “Tôi là Mục Tử Tốt Lành. Tôi biết chiên của tôi và chiên của Tôi biết Tôi. Mục Tử Tốt Lành hy sinh mạng sống cho đàn chiên”. Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành, là Đấng bảo vệ đoàn chiên, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống cho đàn chiên, là nền tảng, là mẫu mực cho mọi vị chủ chăn tương lai được Ngài trao quyền chăn dắt đoàn chiên, tiếp nối sứ mạng Mục Tử của Ngài.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:

- Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Ngài quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.
- Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.
- Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: "Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu" ( Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10,9.16 ).

Chúa Giêsu còn cho thấy tính tương phản của hai loại mục tử. Mục tử thật và mục tử giả. Mục tử thật luôn hết mình vì đàn chiên. Mục tử giả chỉ lo vun quén cho bản thân. Mục tử thật thì hy sinh cho đàn chiên. Mục tử giả chỉ đến để xén lông chiên. Mục tử thật luôn tìm kiếm nguồn nước và đồng cỏ xanh tươi cho đàn chiên no đầy. Mục tử giả chỉ tìm kiếm hạnh phúc cho chính bản thân mình, sống hưởng thụ, lười biếng và thiếu trách nhiệm đến sự sống còn của đàn chiên.

Đức Hồng Y Yvan Dias, Tổng trưởng Thánh bộ Phúc âm hóa các Dân tộc, đại diện Đức Thánh Cha đã chủ toạ bế mạc Năm Thánh 2010 tại Thánh địa Lavang.

Sau đại lễ, ĐHY Ivan Dias đã gặp gỡ các Giám Mục Việt Nam trong một tiếng đồng hồ để chia sẻ về tình hình cũng như gởi gắm sứ điệp. Về sứ điệp, ngài mời gọi tất cả Giám mục chia sẻ lại cho các linh mục, chủng sinh của mình về 3 chữ D rất cần thiết trong đời sống của người thuộc về Giáo Hội. 3 Chữ D là: Doctrine, Discipline, Dévotion.

1. Doctrine, về giáo thuyết. Mỗi Linh mục hôm nay được mời gọi nắm vững giáo lý Giáo Hội Công Giáo, giáo huấn Giáo hội, học thuyết xã hội của GHCG, bởi vì nếu không nắm vững những hướng đi trong đó, thì trong cách ứng xử một Linh mục ở tại giáo xứ nhiều khi có những cái chưa chuẩn mực và nếu như cả một Giáo hội mà lại không nắm vững về Doctrine này thì rất nguy hiểm, sẽ đưa Giáo hội đến chỗ không cứu vãn được. Tại sao Tòa Thánh phải lên tiếng về Giáo hội Trung Quốc? Câu trả lời cho biết vì yếu về giáo thuyết. Nếu hiểu Giáo hội không thể tự lực tự cường được thì người ta sẽ có chọn lựa khác. Chẳng phải nói đâu xa, trường hợp của GHVN ngày nay cũng cho thấy thấp thoáng nguy cơ. Hết rồi thời đối đầu, đã bước sang thời đối thoại. Nhưng đối thoại như thế nào để mình vẫn là GHCG, đó lại là cả một tuyến mở ra cho suy nghĩ và vì vậy quan trọng là nắm vững giáo thuyết để có những quyết định phù hợp.

2. Discipline, về kỷ luật. Đây là một vấn đề thường gây khủng khoảng cho các Giáo hội phương Tây. Vấn đề Linh mục lạm dụng tình dục là do việc không tuân thủ kỷ luật của Giáo hội, để đến khi bùng nổ ra thì không vớt vát được. Vài địa phận của Hoa Kỳ đã phải bán hết cơ sở của mình đi để trang trải cho việc xao lãng kỷ luật của một thời. Đây là một vấn đề đau lòng. Do đó, tuân thủ kỷ luật đời sống Linh mục là một cách để giúp Linh mục một đàng thánh hóa bản thân và đàng khác tránh tất cả những hậu quả tai hại. Thời mới bước chân vào Chủng viện, chắc chắn các chủng sinh đều thuộc lòng câu: Ai sống theo kỷ luật là sống theo ý Chúa, và sau này trên bước đường lớn hơn, Linh mục vẫn thường được nghe nhắc nhở: hãy giữ luật thì luật sẽ giữ cho mình, sẽ bảo vệ mình. Cho nên chữ Discipline mời gọi mỗi người trong hướng đi đời Linh mục cũng gắn bó với luật lệ của Giáo hội cách khít khao.

3. Dévotion, lòng đạo đức sốt sắng. Ở đây theo như lời chú giải của ĐHY Dias, thì nó gắn liền với những phong trào đạo đức, có một thời tưởng như bị bỏ rơi vì đi liền với lòng đạo đức bình dân của đại chúng. Thí dụ: tràng hạt Mân Côi, có một thời người ta rẻ rúng cho là loại kinh dành cho phụ nữ, người nhàn rỗi, người già… nhưng sau này người ta cảm nghiệm được sức mạnh của kinh Mân Côi, nhất là sức mạnh hoán cải, sức mạnh thánh thiêng giúp người ta tiến xa trên đường nên thánh. Những cái thuộc loại Dévotion thì thường gắn liền với những hình thức văn hóa. Ví dụ: hành hương coi như chuyện đi chơi, nhưng ở đó cũng là một thứ Dévotion mời gọi Linh mục không nên xem thường. Tất nhiên không thể loại trừ những hình thức Dévotion truyền thống tôn sùng Thánh Tâm, Chầu Thánh Thể, hay là những hình thức khác nhau dành cho các Thánh. Một Linh mục mà rẻ rúng những hình thức đạo đức bình dân thì coi chừng, tưởng là mình ở trên đỉnh cao trí thức, biết đâu lúc nào đó mình rớt xuống vực mà không hay. Lần hạt Mân Côi, đó là một lời kinh tháp tùng Linh mục trên mọi bước đường, trong mọi hoàn cảnh, đó là lời kinh còn lại duy nhất sau khi đã quên đi tất cả. Gắn bó với một sự đạo đức như thế cũng là một cách giúp cho đời Linh mục được vươn lên, được thăng tiến. (x. Huấn từ khai mạc Tình tâm Linh Mục Giáo Phận Phan Thiết, ngày 10.1.2011, ĐGM Giuse Vũ Duy Thống).
Chúa Nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu Linh mục và ơn gọi Tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Trong Sứ điệp ngày thế giới cầu nguyện cho các ơn gọi năm 2012, ĐTC Bênêđictô xác định: Lời Chúa, cầu nguyện và Thánh Thể là kho tàng quý giá giúp cho các ơn gọi hiểu vẻ đẹp của một cuộc sống hoàn toàn dâng hiến cho Nước Thiên Chúa.Ngài mời gọi mời gọi các mục tử : Khi kín múc ở nguồn mạch tình yêu Thiên Chúa trong đời sống cầu nguyện, cùng với việc năng lui tới với Lời Chúa và các Bí tích, cách riêng Bí tích Thánh Thể, mà ta có thể sống tình yêu đối với tha nhân trong đó ta học biết khám phá khuôn mặt của Chúa Kitô (x. Mt 25, 31-46).

Trở nên mục tử tốt lành nhờ biết trau dồi giáo thuyết Kinh Thánh (Doctrine), sốt sắng trong lời cầu nguyện gắn bó với Chúa Giêsu (Dévotion) và có tinh thần kỷ luật trong đời sống tu trì (Discipline).

Mục tử tốt lành là phải luôn sống kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần. Nhờ đó, vị mục tử tốt lành biết rõ đàn chiên,yêu thương đàn chiên và sẵn sàng hiến mạng vì đàn chiên. Từ đó, vị mục tử tốt lành biết nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao đặc biệt là cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Ơn gọi Linh mục Tu sĩ chính yếu là để “sống với Chúa, và để Ngài sai đi”(Mc 3, 14). Sống với Chúa, là lắng nghe tiếng Ngài trong từng giây phút sống, để nên một với Chúa trong gian nan và hạnh phúc. Để Ngài sai đi, là sẵn sàng đi theo con đường Ngài đã đi, thực thi sứ mạng Ngài trao bất chấp những gì xảy ra.

Giáo dân cần Linh mục như bệnh nhân cần bác sĩ, như học sinh cần thầy cô giáo, như một người bạn sẵn sàng cảm thông chia sẻ vui buồn trong đời sống và như người bạn đồng hành giúp đỡ trong cuộc hành trình tiến về đời sau.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục được trở nên những mục tử như Chúa Giêsu, vị Mục Tử Tốt Lành, biết yêu thương phục vụ đoàn chiên, hiểu biết tâm tư tình cảm của từng người, quan tâm chăm sóc từng con chiên và sẵn sàng hy sinh bản thân vì lợi ích của đàn chiên. Trong bài giảng Lễ Dầu năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã khuyên các linh mục : “Cha mời gọi các con điều này, các con hãy là những người chăn chiên có mùi của chiên. Người chăn chiên thì có mùi chiên, làm cho cái mùi ấy thành cái mùi thực, giống các người chăn chiên ở giữa đoàn chiên của các con. Mùi của chiên chỉ có được bằng cách sống các thực tại đời sống hàng ngày của họ, các bối rối khó khăn của họ, các niềm vui của họ, các gánh nặng và các hy vọng của họ”.

Hãy cầu nguyện cho các Linh mục có những đức tính tốt của những Mục Tử tốt Lành mà Thánh Kinh đã mô tả :

- Yêu thương, trìu mến chiên với tất cả tâm hồn: "Chúa tập trung cả đàn chiên dưới cánh tay: lũ chiên con, Người ấp ủ vào lòng, bầy chiên mẹ, cũng tận tình dẫn dắt" (Is 40, 11).
- Yêu quý từng con chiên, một con cũng như cả trăm con: "Ai có một trăm con chiên mà có một con đi lạc, lại không để chín mươi chín con kia trên núi mà đi tìm con chiên lạc sao ? Và nếu may mà tìm được, người ấy vui mừng vì con chiên đó, hơn là vì chín mươi chín con không bị lạc" (Mt 18, 12-13).
- Lo cho chiên, tạo những điều kiện tốt đẹp cho chiên: "Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong những đồng cỏ mầu mỡ" (Ed 34, 14).
- Làm cho chiên được sống no ấm, hạnh phúc: "Chúa chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì" (Tv 23,1); làm chiên luôn vững dạ vì được bảo vệ: "Dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm" (23, 4).
- Tinh thần trách nhiệm đối với đàn chiên rất cao: "Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng" (Ed 34,16).
- Cứu thoát, giải phóng đàn chiên: "Thiên Chúa sẽ cứu thoát dân Người, như mục tử cứu thoát đàn chiên" (Dc 9,16).

Lạy Chúa Giêsu, Mục Tử Tốt Lành, xin cho chúng con luôn theo gương vị thánh bổn mạng các Linh mục, đó là Cha sở Gioan Vianney “là mục tử mang nặng mùi con chiên của mình”, hôm nay ngày cầu nguyện cho các mục tử, xin giúp anh em linh mục chúng con luôn biết sống theo gương sáng mục tử của ngài. Amen.






 
Chọn mà nghe
Lm Vũđình Tường
23:16 07/05/2019
Tuần trước Phúc Âm thuật lại, ba lần Phêrô công khai tuyên xưng ông mến Đức Kitô hết sức, hết linh hồn, hết trí khôn. Sau mỗi lần tuyên xưng như thế, Đức Kitô trao cho ông trọng trách, chăm sóc và bảo vệ đàn chiên Chúa. Tuần này Phúc âm chú trọng đến sự liên hệ mật thiết giữa chủ chiên và đàn chiên. 'Chiên ta thì nghe tiếng ta, ta biết chúng và chúng theo ta Gn 10,27. Chiên nghe được tiếng chủ gọi nói lên sự liên hệ mật thiết giữa chủ chiên và đàn chiên. Nghe và biết, diễn tả sự liên hệ thường xuyên, và tiếng gọi kia, không phải là tiếng ai xa lạ, mà là tiếng gọi quen thuộc. Tiếng quen thuộc chủ chiên kêu gọi, không phải gọi chơi, mà gọi với mục đích. Qua bí tích rửa tội, Kitô hữu đáp trả tiếng chủ chiên mời gọi, và chủ chiên còn tiếp tục mời gọi. Chúng ta cầu nguyện để luôn trung thành với lời đáp trả, ta lãnh nhận khi chịu phép rửa, và tiếp tục tuyên xưng đức tin mỗi khi chúng ta cùng nhau đọc kinh Tin Kính, tuyên xưng trung thành với đức tin Chúa ban.

Chương đầu sách Sáng Thế Kí tường thuật sau mỗi ngày sáng tạo, Thiên Chúa thấy mọi sự tốt đẹp. Điều này cho thấy những gì Chúa tạo dựng đều tốt đẹp (STK 1,10). Chúng ta chọn nghe tiếng Chúa bằng cách chọn những gì tốt đẹp, đáng yêu, đáng quí và hỗ trợ, bảo vệ cũng như ban sự sống. Chọn như thế là chọn sống theo í Chúa. Khi Lời Chúa bám rễ, ăn sâu vào trong tim ta, ta sẽ chọn điều tốt lành, tránh điều xấu, và ngay cả phấn đấu để sự xấu không thể ảnh hưởng đến quyết định liên quan đến cuộc sống của chính mình, và cuộc sống của anh em. Sóng cả và giòng nước xoáy có thể làm lung lay mỏ neo con thuyền. Giữ cho 'con thuyền' đức tin không bị trôi theo giòng nước, Kitô hữu cần lắng nghe và đáp trả tiếng kêu gọi của chủ chiên. Đức Kitô lắng nghe tiếng Chúa Cha và kết hợp với Chúa Cha. Tông đồ lắng nghe tiếng Đức Kitô và kết hợp mật thiết với Đức Kitô. Kitô hữu lắng nghe và kết hợp với Đức Kitô qua lắng nghe tiếng kêu gọi của các tông đồ, và những vị các ngài tuyển chọn và sai đi. Qua đó Kitô hữu kết hợp với Chúa Cha, bởi chính Đức Kitô trao quyền cho thánh Phêrô coi sóc Giáo Hội, do Ngài sáng lập nơi trần thế. Giáo Hội do chính Đức Kitô sáng lập, đặt căn bản trên đức tin của các tông đồ mà Đức Kitô là đá tảng. Ngày nay đáp trả theo tiếng kêu gọi của Giáo Hội chính là tự chọn thuộc vào thành phần thiểu số, nhất là khi tiếng gọi đó không được đám đông hưởng ứng, và thường bị truyền thông phê bình, phân tích tỉ mỉ, chỉ trích theo quan điểm của đa số. Chỉ những Kitô hữu thường xuyên lắng nghe tiếng chủ chiên mời gọi mới đủ can đảm chấp nhận, và đáp trả tiếng mời gọi trên. Đáp trả lời mời gọi trên là dấu chỉ người đó thuộc về Đức Kitô; lắng nghe các tiếng khác chính là từ chối, hoặc tự tách mình khỏi dân riêng Chúa. Tuỳ theo mức độ đáp trả mà người ta nhận ra bạn là người tin theo Đức Kitô đến mức nào? Tin theo Đức Kitô, Kitô hữu nhận được sự sống trường sinh, nhận ân sủng và tình thương Chúa, và bảo đảm nơi ở nơi Thiên quốc Gn 10,27. Đáp trả lại tiếng chủ chiên chính là từ chối lời mời gọi khác nơi xã hội. Tiếng Đức Kitô mời gọi không phải là tiếng nói thường, mà là lời mời gọi của Đức Kitô Phục Sinh, Đấng sống lại từ cõi chết, đánh tan thần chết và ban sự sống đó cho những ai bước theo con đường Ngài mời gọi Gn 11,25-26.

Sự sống trường sinh là quà tặng miễn phí cho những ai tuyên xưng Đức Kitô Phục Sinh. Người đó thuộc về Đức Kitô, nhận được ân sủng và bình an Phục Sinh. Sự sống trường sinh là hiện thực, và có được bởi không thế lực nào có thể thắng được tình yêu của Đức Kitô. Đức Kitô ban ơn trường sinh, và đồng thời cũng ban cho ta quyền tự do lựa chọn: Hoặc tin và bước đi theo Ngài, hoặc tin và bước theo í nguyện riêng mình. Kitô hữu đi theo Đức Kitô nhận được Thánh Thần Chúa, hướng dẫn chỉ đường. Đi theo í riêng, một mình, cô đơn, trên trường đời, bởi từ chối ơn lành Chúa ban.

TiengChuong.org

Discerning voice

Last Sunday, we heard Peter who for three times publicly confessed that he loved Jesus. After each confession, Jesus assigned Peter a task, to care for His sheep. This week, we hear about the relationship between the shepherd and the sheep: 'My sheep listen to my voice Jn 10,27'. Voice recognition is the sign of the strong bond between the Shepherd and his sheep. It means the sheep hear his voice calling, and recognize the identity of the Shepherd. Through the water of baptism, we are responding to the call to follow, and become God's children. God has called us and continues to do so. We pray to be faithful to the Baptismal call, the call that we profess every time we recite the Creed.

The creation accounts tell us that, at the end of each day, 'God saw that it was good, Gen. 1,10'. We discern God's voice by choosing what is good, supportive and promoting life. When God's word is anchored in our heart, we will avoid, or even better, combat anything that is bad or evil. Tidal waves or strong currents of life can sway a boat's anchor. To keep 'our boat' firm we constantly need to listen to the call. Jesus listens to the Father's voice, and is united with the Father. We too, are united with the Father when we listen to Jesus' voice. The apostles listened to Jesus' voice, we listen to Jesus' voice through them, because Jesus established the Church, and appointed Peter to be head of the Church. Today listening to the Church's voice means we belong to the minority, especially when that voice is unpopular to many, and is being scrutinized by the media. When we listen to God's voice, we are his true disciples, while listening to other voices, we are apart from God. Our Christian status depends on how strongly Jesus' voice is heard in our heart. Recognizing His voice means recognising Jesus, Who is our God. By following Jesus' way of life we receive eternal life. We receive Jesus' protection, enjoy His love, and have eternal life in God's kingdom (Jn. 10,27). Following the voice of the Good Shepherd, we say 'No' to other voices. Jesus' voice is not an ordinary voice, but it is the voice of the Risen Lord, who has defeated the power of darkness, and won salvation for us Jn 11,25-26. Salvation is a free gift when we profess Jesus as our Lord. We belong to Him, have His blessing and protection. Eternal life is real because no other power is able to take us away from God's love when we listen to God's voice. God gives us wisdom and grace to follow God's way, and at the same time, God also gives us a free will, that enables us to make choices. We are free to chose: God's way or our way. Choosing God's way we are united with God the Father "The Father and I are one" (10:30). Choosing our own way, we do it alone without God's blessing.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Diễn Văn của Đức Phanxicô tại Dinh Tổng Thống Bắc Macedonia
Vũ Văn An
04:34 07/05/2019


Ngày 7 tháng 5, 2019, lần đầu tiên trong lịch sử, một vị giáo hoàng đã tới thăm Bắc Macedonia, trước đây có tên là Cộng Hòa Macedonia.

Sau khi được Tổng Thống chào đón tại Phi Trường Skopje, với cử chỉ là lạ: được dâng bánh mì và ngài chia sẻ ổ bánh mì tại chỗ cho các vị thượng khách vây quanh, Đức Phanxicô đã tới dinh Tổng Thống và tại đây, ngài đã đọc bài diễn văn sau đây trước các nhà cầm quyền, ngoại giao đoàn và xã hội dân sự.

Anh chị em thân mến,

Tôi rất biết ơn Tổng thống vì những lời chào mừng tốt đẹp và lời mời ân cần đến thăm Bắc Macedonia mà ông, cùng với Thủ tướng, đã ngỏ cùng tôi.

Tôi cũng cảm ơn các đại diện của các cộng đồng tôn giáo khác có mặt giữa chúng ta. Tôi xin gửi lời chào nồng nhiệt đến cộng đồng Công Giáo, được đại diện ở đây bởi Đức Giám Mục giáo phận Skopje và Đức Giám Mục của Giáo Phận Đông Phương Đức Mẹ Lên Trời ở Strumica-Skopje, vốn là thành phần tích cực và không thể thiếu trong xã hội của anh chị em, chia sẻ trọn vẹn các niềm vui , các quan tâm và cuộc sống hàng ngày với nhân dân của anh chị em.

Đây là lần đầu tiên Người kế vị Tông đồ Phêrô đến Cộng hòa Bắc Macedonia. Tôi rất vui khi được làm điều này vào ngày kỷ niệm hai mươi lăm năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Tòa thánh, một điều xảy ra vài năm sau khi đất nước được độc lập vào tháng 9 năm 1991.
Vùng đất của anh chị em, một cây cầu giữa Đông và Tây và là điểm gặp gỡ của nhiều trào lưu văn hóa, vốn hiện thân cho nhiều dấu ấn đặc biệt của khu vực này. Với những chứng từ tao nhã về quá khứ Byzantine và Ottoman, các pháo đài trên núi cao và những bình phong ảnh tượng lộng lẫy của các nhà thờ cổ, vốn nói lên sự hiện diện của Kitô giáo có từ thời các tông đồ, Bắc Macedonia phản ánh mọi chiều sâu và sự phong phú của nền văn hóa hàng ngàn năm của nó. Nhưng xin cho phép tôi nói rằng những kho tàng văn hóa vĩ đại này tự chúng chỉ là sự phản ánh di sản quý giá hơn của anh chị em: bộ mặt đa sắc tộc và đa tôn giáo của nhân dân anh chị em, di sản của một lịch sử phong phú và thực sự phức tạp của các mối liên hệ được tạo ra trong suốt nhiều thế kỷ.

Sự tôi luyện các nền văn hóa và bản sắc dân tộc và tôn giáo này đã dẫn đến sự chung sống hòa bình và lâu dài, trong đó các bản sắc cá thể kia đã tìm được biểu thức và phát triển mà không bác bỏ, thống trị hoặc kỳ thị các bản sắc khác. Do đó, họ đã tạo ra một mạng lưới liên hệ và tương tác có thể dùng làm điển hình và điểm tham chiếu cho một cuộc sống cộng đồng thanh thản và huynh đệ được đánh dấu bởi sự đa dạng và tôn trọng lẫn nhau.

Những nét đặc thù này cũng rất có ý nghĩa đối với việc gia tăng hội nhập với các quốc gia Châu Âu. Tôi hy vọng rằng sự hội nhập này sẽ phát triển theo hướng có lợi cho toàn bộ khu vực Tây Balkan, với sự tôn trọng không ngừng đối với sự đa dạng và các quyền căn bản.

Thực thế, ở đây, các bản sắc tôn giáo khác nhau như Chính thống giáo, Công Giáo, Kitô giáo khác, Hồi giáo và Do Thái giáo, và các khác biệt về sắc tộc giữa người Macedonia, Albani, Serbs, Croats và những người có nguồn gốc khác, đã tạo ra một bức tranh ghép trong đó mọi mảnh đều thiết yếu đối với tính độc đáo và vẻ đẹp của toàn thể. Vẻ đẹp đó càng trở nên hiển nhiên hơn đến mức anh chị em đã thành công trong việc lưu truyền và cấy trồng nó trong trái tim của thế hệ sắp tới.

Mọi nỗ lực đưa ra để giúp các biểu hiện tôn giáo đa dạng và các nhóm sắc tộc khác nhau tìm được một cơ sở chung để hiểu và tôn trọng phẩm giá của mỗi con người, và do đó đảm bảo các quyền tự do căn bản, chắc chắn sẽ có kết quả. Thật vậy, các cố gắng đó sẽ được dùng như luống đất tốt để gieo hạt, rất cần thiết cho một tương lai hòa bình và thịnh vượng.

Tôi cũng xin ghi nhận các nỗ lực quảng đại của nước Cộng hòa của anh chị em - cả bởi các thẩm quyền Nhà nước và sự đóng góp có giá trị của các Cơ quan quốc tế khác nhau, Hội Hồng thập tự, Caritas và một số tổ chức phi chính phủ - trong việc chào đón và hỗ trợ cho số lớn các di dân và người tị nạn đến từ các quốc gia Trung Đông khác nhau. Trốn chạy chiến tranh hoặc các hoàn cảnh nghèo đói thảm khốc thường do sự bùng phát bạo lực nghiêm trọng gây ra trong các năm 2015 và 2016, họ đã vượt qua biên giới của anh chị em, phần lớn nhắm hướng bắc và tây Âu. Với anh chị em, họ tìm được một nơi tạm trú an toàn. Tình liên đới sẵn sàng dành cho những người có nhu cầu lớn như vậy - những người đã bỏ lại sau lưng rất nhiều người thân yêu của họ, ấy là chưa nói gì về nhà cửa, việc làm và quê hương của họ - quả đã đem lại vinh dự cho anh chị em. Nó nói lên một điều gì đó về linh hồn của dân tộc này, một linh hồn, sau khi đã trải qua nhiều thiếu thốn lớn lao, anh chị em đã nhận ra một con đường dẫn đến mọi phát triển đích thực trong tình liên đới và trong việc chia sẻ của cải. Tôi hy vọng rằng anh chị em sẽ trân trọng chuỗi liên đới phát xuất từ trường hợp khẩn trương đó, và do đó, hỗ trợ mọi nỗ lực thiện nguyện để đáp ứng nhiều hình thức gian khổ và nhu cầu khác nhau.

Tôi cũng muốn được bày tỏ lòng tôn kính rất đặc biệt với một trong những đồng bào sáng ngời của anh chị em, người, được tình yêu của Thiên Chúa đánh động, đã biến tình yêu người lân cận thành luật tối cao cho cuộc sống mình. Bà đã giành được sự ngưỡng mộ của cả thế giới và đi tiên phong một cách chuyên biệt và triệt để trong việc hiến đời mình để phục vụ những người bị bỏ rơi, bị loại bỏ và nghèo nhất trong những người nghèo. Đương nhiên, tôi muốn đề cập đến người phụ nữ mà ai cũng gọi là Mẹ Teresa thành Calcutta. Sinh năm 1910 tại vùng ngoại ô Skopje với cái tên Anjezë Gonxha Bojaxhiu, bà đã thực hiện hoạt động tông đồ khiêm tốn và hoàn toàn tự hiến ở Ấn Độ và, qua các Nữ Tu của mình, đã vươn tới các vùng ngoại vi về địa lý và hiện sinh đa dạng nhất. Tôi hài lòng khi không lâu nữa sẽ được dừng chân cầu nguyện tại Đài tưởng niệm dành riêng cho bà, được xây dựng trên địa điểm của Nhà thờ Thánh Tâm, nơi bà lãnh phép rửa.

Anh chị em có lý để tự hào về người phụ nữ tuyệt vời này. Tôi thúc giục anh chị em tiếp tục làm việc với tinh thần dấn thân, cống hiến và hy vọng, để các con trai và con gái của vùng đất này, theo gương bà, có thể nhận ra, đạt được và phát triển đầy đủ ơn gọi mà Thiên Chúa đã dự tính cho họ.

Thưa Tổng Thống,

Từ thời Bắc Macedonia giành được độc lập, Tòa Thánh đã theo sát các biện pháp mà đất nước này đã đưa ra nhằm thúc đẩy đối thoại và hiểu biết giữa các nhà cầm quyền dân sự và các tín phái tôn giáo.

Hôm nay, Thiên Chúa quan phòng cho tôi cơ hội đích thân chứng tỏ sự gần gũi này và đồng thời bày tỏ lòng biết ơn đối với chuyến viếng thăm hàng năm tới Vatican của một Phái đoàn chính thức của anh chị em nhân ngày lễ các thánh Cyril và Methodius. Tôi khuyến khích anh chị em kiên trì tự tin trên con đường anh chị em đã chọn, để biến đất nước của anh chị em thành ngọn hải đăng hòa bình, chấp nhận và hòa nhập hữu hiệu giữa các nền văn hóa, tôn giáo và các dân tộc. Dựa vào bản sắc liên hệ của họ và sinh lực của đời sống văn hóa và dân sự của họ, họ sẽ có thể xây dựng được một số phận chung bằng cách chào đón sự phong phú mà mỗi người có thể cung cấp.

Xin Chúa bảo vệ và chúc phúc cho Bắc Macedonia, giữ gìn nó trong sự hòa hợp, và ban cho nó sự thịnh vượng và niềm vui!
 
Đức Giáo Hoàng Phanxicô viếng Nhà Tưởng Niệm Mẹ Thánh Teresa ở Bắc Macedonia
Vũ Văn An
06:02 07/05/2019


Theo tin VaticanNews, trong cuộc tông du kéo dài một ngày của ngài đến Bắc Macedonia, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã dừng chân cầu nguyện tại Đền tưởng niệm Mẹ Teresa nơi ngài sinh ra ở Skopje.

Khi Mẹ Teresa sinh ra, thành phố Skopje là một phần của Kosovo Vilayet thuộc Đế quốc Ottoman. Ngày nay, nó là thủ đô của Bắc Macedonia. Năm 1963, một trận động đất đã phá hủy nhà thờ Thánh Tâm nơi bà được rửa tội. Nhưng năm 2009, một cấu trúc kiểu hướng về tương lai có tên là Nhà tưởng niệm Mẹ Teresa đã được dựng lên tại đây.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã đến thăm Nhà tưởng niệm ngay sau khi đến Bắc Macedonia vào sáng thứ Ba. Trước khi chào hỏi một số người nghèo được Dòng Truyền giáo Bác ái của Mẹ giúp đỡ, Đức Giáo Hoàng đã cầu nguyện trước thánh tích của vị Thánh trong nhà nguyện.

Lời cầu nguyện của Đức Giáo Hoàng

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã bắt đầu bằng cách cảm ơn Thiên Chúa vì đã ban cho chúng ta đời sống và đặc sủng của Mẹ Thánh Teresa: Ngài cầu nguyện “Chúa đã kêu gọi mẹ làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo”.

“Mẹ đã có thể làm nhiều điều tốt lành cho những người thiếu thốn nhất, vì mẹ thấy nơi mỗi người đàn ông và đàn bà khuôn mặt của Con Chúa”. Đức Giáo Hoàng Phanxicô nói rằng Mẹ Têrêxa “đã trở thành tiếng khóc đầy cầu nguyện của người nghèo và của tất cả những người đói khát công lý”.

Ở thành phố nơi mẹ sinh ra và nơi mẹ sống 18 năm đầu đời, Đức Giáo Hoàng đã hướng về Mẹ Thánh Teresa, ngài nói: “Tại đây, mẹ bắt đầu thấy và gặp những người gặp khó khăn, người nghèo và người bất lực.

“Tại đây mẹ đã được cha mẹ dạy yêu thương những người thiếu thốn nhất và giúp đỡ họ. Tại đây, trong sự im lặng của nhà thờ, mẹ đã nghe tiếng gọi của Chúa Giêsu đi theo Người làm một tu sĩ trong các xứ truyền giáo”.

Sự cầu bầu của Mẹ Teresa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô cầu nguyện “tại đây, tại nơi này, chúng con xin mẹ cầu bầu với Chúa Giêsu, để cả chúng con cũng được ơn biết cảnh giác và lưu ý đến tiếng khóc của người nghèo, người bị tước quyền, bệnh tật, bị ruồng bỏ và người bé nhỏ nhất trong các anh chị em của chúng con”.

Đức Giáo Hoàng tiếp tục bằng cách xin Chúa Giêsu ban cho chúng ta ơn “nhìn thấy Người trong đôi mắt của tất cả những ai tìm đến chúng con trong lúc họ thiếu thốn... ơn trở thành dấu chỉ tình yêu và hy vọng trong thời đại của chúng con, khi rất nhiều người lâm cảnh nghèo, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề và phải di cư”.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết luận bằng cách xin Mẹ Thánh Teresa “cầu nguyện cho thành phố này, cho dân tộc này, cho Giáo hội của nó và cho tất cả những ai muốn theo Chúa Kitô... Theo Người, Đấng không đến để được phục vụ mà đến để phục vụ”.

Sau đây là nguyên văn lời cầu nguyện của Đức Phanxicô tại Nhà Tưởng Niệm Mẹ Thánh Teresa:

Lạy Thiên Chúa, Cha của lòng thương xót và mọi sự tốt lành, chúng con cảm tạ Chúa đã ban cho chúng con đời sống và đặc sủng của Mẹ Thánh Teresa. Trong sự quan phòng vô biên của Chúa, Chúa đã kêu gọi mẹ làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa những người nghèo nhất trong những người nghèo ở Ấn Độ và khắp thế giới. Mẹ đã có thể làm nhiều điều tốt lành cho những người túng thiếu nhất, vì mẹ thấy nơi mỗi người đàn ông và đàn bà khuôn mặt của Con Chúa. Ngoan ngoãn vâng theo Thánh Thần của Chúa, mẹ đã trở thành tiếng khóc đầy cầu nguyện của người nghèo và của tất cả những người đói khát công lý. Tiếp nhận lời Chúa Giêsu thốt ra trên thập giá: “Ta khát” (Ga 19:28), Mẹ Teresa làm đã cơn khát của Chúa bị đóng đinh bằng cách thực hành công việc của tình yêu thương xót.

Lạy Mẹ Thánh Teresa, mẹ của người nghèo, chúng con xin mẹ cầu bầu và giúp đỡ đặc biệt, ngay tại đây, tại thành phố này nơi mẹ sinh ra, nơi mẹ có tổ ấm. Tại đây, Mẹ đã nhận được hồng phúc tái sinh trong các bí tích khai tâm Kitô giáo. Tại đây, mẹ đã nghe những lời lẽ đầu tiên của đức tin trong gia đình mẹ và trong cộng đồng tín hữu. Tại đây mẹ bắt đầu nhìn thấy và gặp người túng thiếu, người nghèo và người không nơi nương tựa. Tại đây mẹ được cha mẹ của mẹ dạy dỗ yêu thương những người túng thiếu nhất và giúp đỡ họ. Tại đây, trong sự im lặng của nhà thờ, mẹ đã nghe thấy tiếng gọi của Chúa Giêsu đi theo Người làm một tu sĩ tại các xứ truyền giáo.

Tại đây, tại nơi này, chúng con xin mẹ cầu bầu với Chúa Giêsu, để cả chúng con cũng được ơn biết cảnh giác và lưu ý đến tiếng khóc của người nghèo, người bị tước quyền, bệnh tật, bị ruồng bỏ và người bé nhỏ nhất trong các anh chị em của chúng con. Xin Người ban cho chúng con nhìn thấy Người trong đôi mắt của tất cả những ai tìm đến chúng con trong lúc họ thiếu thốn. Xin Người ban cho chúng con một trái tim có khả năng yêu mến Thiên Chúa hiện diện nơi mọi người nam nữ, một trái tim có khả năng nhận ra Người nơi những người đang kinh qua đau khổ và bất công. Xin Người ban cho chúng con ơn trở thành dấu chỉ tình yêu và hy vọng trong thời đại của chúng con, khi rất nhiều người lâm cảnh nghèo, bị bỏ rơi, bị gạt ra ngoài lề và phải di cư. Xin Người ban ơn để tình yêu của chúng con không chỉ ở trên môi miệng, mà phải hữu hiệu và chân thực, để chúng con làm chứng một cách khả tín cho Giáo Hội có nhiệm vụ công bố Tin Mừng cho người nghèo, trả tự do cho tù nhân, mang niềm vui cho người sầu khổ và ơn cứu rỗi cho mọi người.

Lạy Mẹ Thánh Têrêxa, xin mẹ cầu nguyện cho thành phố này, cho dân tộc này, cho Giáo hội của nó và cho tất cả những ai muốn theo chân Chúa Kitô, vị Mục tử nhân lành, làm môn đệ của Người, bằng cách thực hành các việc công lý, yêu thương, thương xót, hòa bình và phục vụ. Theo chân Người, Đấng đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến mạng sống mình cho nhiều người: Chúa Kitô, Chúa chúng ta. Amen.
 
Bài giảng của Đức Thánh Cha trong Thánh Lễ tại quảng trường Macedonia
J.B. Đặng Minh An dịch
08:44 07/05/2019
Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia.

Sau lễ nghi đón tiếp chính thức Đức Thánh Cha tại dinh tổng thống, và cuộc gặp gỡ giữa Đức Thánh Cha với chính quyền dân sự, và ngoại giao đoàn, lúc 10g20, Ðức Thánh Cha đã viếng đài kỷ niệm Mẹ Têrêsa Calcutta.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã cử hành thánh lễ tại Quảng trường Macedonia cho các tín hữu Công Giáo vào lúc 11g30

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:


“Ta là bánh trường sinh. Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Chúng ta vừa nghe Chúa nói những lời này.

Bài Tin Mừng thuật lại với chúng ta rằng một đám đông đã tụ tập quanh Chúa Giêsu. Họ vừa chứng kiến Chúa hóa bánh ra nhiều; đó là một trong những sự kiện vẫn còn khắc sâu trong tâm trí và trái tim của cộng đoàn các môn đệ đầu tiên. Đã có một bữa tiệc: một bữa tiệc thể hiện sự hào phóng và quan tâm siêu phàm của Chúa đối với con cái Ngài, là những người đã trở thành anh chị em với nhau trong việc chia sẻ những miếng bánh. Chúng ta hãy tưởng tượng một lúc về đám đông này. Một cái gì đó đã thay đổi. Đã có những khoảnh khắc, những người khát khao và lặng lẽ theo Chúa Giêsu để lắng nghe lời Ngài đã có thể chạm vào bằng tay họ và cảm nhận trong cơ thể họ phép lạ của một tình huynh đệ có khả năng thỏa mãn một cách siêu phàm.

Chúa đến để ban sự sống cho thế giới. Ngài luôn làm như vậy bất chấp sự hẹp hòi trong tính toán của chúng ta, sự tầm thường trong những kỳ vọng của chúng ta và sự hời hợt trong những suy nghĩ duy lý của chúng ta. Đường lối của Chúa là cách thế chất vấn quan điểm và sự chắc chắn của chúng ta, trong khi mời chúng ta di chuyển đến một chân trời mới cho phép chúng ta nhìn thực tế theo một cách khác. Ngài là Bánh hằng sống từ trời xuống, là Đấng phán cùng chúng ta: “Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ!”.

Tất cả những người trong đám đông này phát hiện ra rằng đói cơm bánh cũng có những tên khác: đó là đói Thiên Chúa, đói tình huynh đệ, đói sự gặp gỡ và một bữa tiệc chung.

Chúng ta đã quen với việc phải ăn bánh mì cũ là những thông tin sai lạc và cuối cùng là tù nhân của sự bất lương, chụp mũ và sự đê tiện. Chúng ta nghĩ rằng a dua theo số đông sẽ thỏa mãn cơn khát của chúng ta, nhưng cuối cùng chúng ta chỉ uống toàn sự thờ ơ và vô cảm. Chúng ta nuôi mình bằng những giấc mơ về sự huy hoàng và vĩ đại, và cuối cùng chỉ nếm được sự mất tập trung, tầm thường và cô độc. Chúng ta gầm gừ trên mạng, và mất đi hương vị của tình huynh đệ. Chúng ta tìm kiếm kết quả nhanh chóng và an toàn, chỉ để thấy mình bị choáng ngợp bởi sự thiếu kiên nhẫn và lo lắng. Là những tù nhân của một thực tại ảo, chúng ta đã đánh mất mùi vị và hương vị của thực tế thực sự.

Chúng ta đừng sợ nói rõ ràng: Lạy Chúa, chúng con đang đói. Lạy Chúa, chúng con đang đói bánh là lời Chúa, có thể mở tung sự tầm thường và sự cô độc của chúng con. Lạy Chúa, chúng con đang đói khát một kinh nghiệm về tình huynh đệ, trong đó sự thờ ơ, thiếu trung thực và đê tiện sẽ không lấp đầy bàn của chúng con hoặc chiếm chỗ nhất trong nhà của chúng con. Lạy Chúa, chúng con đang đói khát những cuộc gặp gỡ nơi lời Chúa có thể nâng cao hy vọng, đánh thức sự dịu dàng và cảm hóa trái tim bằng cách mở ra những con đường biến đổi và hoán cải.

Lạy Chúa, chúng con đói khát, như đám đông đó, sự nhân lên của lòng thương xót Chúa, có thể phá vỡ định kiến của chúng con và thông truyền lòng trắc ẩn của Cha cho mỗi người, đặc biệt là những người không được ai quan tâm: những người bị lãng quên hay coi thường. Chúng ta đừng ngại nói rõ ràng: Lạy Chúa, chúng con đói khát bánh, bánh của lời Chúa, bánh của tình huynh đệ.

Một lúc nữa đây, chúng ta sẽ tiến lên bàn thờ, để được dưỡng nuôi bởi Bánh Sự sống. Chúng ta làm như thế là vâng phục lệnh truyền của Chúa: “Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Tất cả những gì Chúa yêu cầu chúng ta là chúng ta hãy đến. Ngài mời chúng ta lên đường, tiếp tục di chuyển, tiến bước. Ngài thúc giục chúng ta đến gần Ngài và trở thành người chia sẻ trong cuộc sống và sứ mệnh của Người. “Hãy đến”, Chúa nói. Đối với Chúa, điều đó không có nghĩa đơn giản là di chuyển từ nơi này đến nơi khác. Thay vào đó, nó có nghĩa là để cho chúng ta bị cảm động và biến đổi bởi lời nói của Người, trong lựa chọn của chúng ta, cảm xúc và ưu tiên của chúng ta, trong khi bạo dạn áp dụng cách hành động và nói năng của chính Ngài. Vì đường lối Ngài là “ngôn ngữ của bánh nói lên sự dịu dàng, đồng hành, vào hào phóng cống hiến cho người khác” (Corpus Christi Bài giảng, Buenos Aires, 1995), ngôn ngữ của một tình yêu cụ thể và hữu hình, bởi vì nó là hàng ngày và thực tế.

Trong mỗi Thánh Lễ, Chúa bẻ ra và chia sẻ chính mình. Ngài mời gọi chúng ta bẻ ra và chia sẻ bản thân mình với Ngài, và là một phần của sự nhân lên kỳ diệu đó trong mong muốn tiếp cận và chạm vào, với sự dịu dàng và lòng trắc ẩn, mọi góc của thành phố này, đất nước này và vùng đất này.

Đói khát cơm bánh, đói khát tình huynh đệ, đói khát Thiên Chúa. Mẹ Teresa biết rõ tất cả những điều này như thế nào và mong muốn xây dựng cuộc sống của mình trên hai trụ cột là Chúa Giêsu nhập thể trong Bí tích Thánh Thể và Chúa Giêsu hoá thân trong những người nghèo! Tình yêu nhận được và tình yêu trao đi. Hai trụ cột không thể tách rời đã đánh dấu hành trình của mẹ và giữ cho mẹ tiến bước, cũng háo hức muốn làm dịu cơn đói khát của chính mẹ. Mẹ đã đến với Chúa đúng như mẹ đã đến với những ai bị khinh miệt, không được yêu thương, cô đơn và bị lãng quên. Khi xích lại gần anh chị em của mình, mẹ tìm thấy thiên nhan Chúa, vì mẹ biết rằng “tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân trở thành một: trong những người anh em rốt nhất chúng ta thấy Chúa Giêsu, và trong Chúa Giêsu, chúng ta thấy Thiên Chúa” (Deus Caritas Est, 15). Và chỉ duy tình yêu đó thôi đã có khả năng thỏa mãn cơn đói của mẹ.

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Chúa Phục sinh tiếp tục bước đi giữa chúng ta, giữa cuộc sống và kinh nghiệm hàng ngày của chúng ta. Ngài biết cái đói của chúng ta và tiếp tục nói với chúng ta rằng: “Ai đến với Ta, không hề phải đói; ai tin vào Ta, chẳng khát bao giờ!” (Ga 6:35). Chúng ta hãy khuyến khích nhau đứng dậy và trải nghiệm sự phong phú của tình yêu Người. Chúng ta hãy để cho Người thỏa mãn cơn đói khát của chúng ta: trong bí tích nơi bàn thánh và trong bí tích nơi anh chị em chúng ta.

Phát biểu của Đức Giáo Hoàng Phanxicô khi kết thúc Thánh lễ tại Skopje

Anh chị em thân mến,

Trước khi ban phép lành kết lễ, tôi cảm thấy bị ràng buộc phải bày tỏ lòng biết ơn của mình với tất cả anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Giám Mục Skopje vì những lời tốt đẹp của ngài và đặc biệt là vì những nỗ lực tuyệt vời để chuẩn bị cho ngày hôm nay. Cùng với ngài, tôi cảm ơn tất cả những người đã giúp đỡ cách này cách khác, các linh mục, tu sĩ và anh chị em giáo dân. Lời cám ơn sâu sắc xin được gửi đến tất cả mọi người!

Một lần nữa, tôi bày tỏ lòng biết ơn của mình đối với chính quyền dân sự của đất nước, các lực lượng trật tự và các tình nguyện viên. Chúa chắc chắn sẽ trả công cho các bạn vì Ngài biết rõ nhất. Về phần tôi, tôi nhớ đến các bạn trong những lời cầu nguyện của tôi và tôi yêu cầu các bạn, xin vui lòng cầu nguyện cho tôi.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn từ của Đức Thánh Cha Phanxicô với các linh mục, nam nữ tu sĩ, và các gia đình tại Nhà thờ Chính tòa Skopje
J.B. Đặng Minh An dịch
21:55 07/05/2019
Sáng thứ Ba, 7 tháng 5 năm 2019, Ðức Thánh Cha đã giã từ phi trường thủ đô Sofia lúc 8 giờ 20 để bay đến phi trường quốc tế Skopje của Cộng hòa Bắc Macedonia. Sau lễ nghi đón tiếp tại dinh tổng thống, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ chính quyền dân sự, cùng với ngoại giao đoàn.

Lúc 10g20, ngài đã viếng đài kỷ niệm Mẹ Têrêsa Calcutta trước khi cử hành thánh lễ tại Quảng trường Macedonia cho các tín hữu Công Giáo.

Ban chiều lúc 16g, Ðức Thánh Cha đã có cuộc gặp gỡ đại kết và liên tôn với giới trẻ tại Trung Tâm Mục Vụ, trước khi có cuộc gặp gỡ với các linh mục, các gia đình và nam nữ tu sĩ tại Nhà thờ Chính tòa Skopje vào lúc 17g.

Các linh mục và nam nữ tu sĩ tham dự cuộc gặp gỡ này đến từ hai cộng đoàn nghi lễ Latinh và nghi lễ Đông phương. Đối với linh mục trong nghi lễ Đông phương, luật độc thân linh mục không phải là bắt buộc. Cho nên, cuộc gặp gỡ này không chỉ bao gồm các linh mục và tu sĩ nam nữ, nhưng còn bao gồm cả gia đình của họ.

Trong cuộc gặp gỡ này, bên cạnh các chứng từ của các linh mục và nam nữ tu sĩ nghi lễ Latinh, đặc biệt có chứng từ của một linh mục thuộc nghi lễ Đông phương là Cha Goce và bà vợ ngài là Gabriella cùng với các con là Filip, Blagoj, Luca và Ivan.

Sau các chứng từ này là diễn từ của Đức Thánh Cha. Ngài nói:


Anh chị em thân mến,

Cảm ơn anh chị em đã cung cấp cho tôi cơ hội này để gặp anh chị em. Tôi đặc biệt biết ơn về khoảnh khắc này, trong đó tôi có thể thấy Giáo Hội thở hoàn toàn bằng cả hai lá phổi của mình, là nghi thức Latinh và nghi thức Đông phương, để tiếp nhận không khí luôn mới mẻ và được canh tân của Chúa Thánh Thần. Hai lá phổi là cần thiết và bổ sung, giúp chúng ta cảm nhận tốt hơn vẻ đẹp của Chúa (x. Tông huấn Niềm vui Phúc Âm, 116). Chúng ta hãy cảm tạ trước cơ hội để có thể thở sâu, như một thể duy nhất, và cảm nhận Chúa tốt lành với chúng ta dường bao.

Tôi cảm ơn anh chị em vì những chứng từ, mà bây giờ tôi muốn đề cập đến. Anh chị em đã nhắc đến một thực tế là anh chị em rất ít về số lượng và có nguy cơ chiều theo một não trạng phức hợp nhất định của tâm lý tự ti. Trong khi tôi đang lắng nghe anh chị em, tôi nghĩ về Maria, người đã lấy một cân dầu nguyên chất, xức lên bàn chân của Chúa Giêsu và sau đó lau khô bằng tóc mình. Vị Thánh Sử kết luận mô tả của ngài về cảnh này bằng cách nói: “Ngôi nhà tràn ngập mùi thơm của nước hoa” (Ga 12: 3). Mùi cam tùng đó đã có thể thấm vào mọi thứ, để lại ấn tượng không nhầm vào đâu được.

Không ít trường hợp, chúng ta cảm thấy cần phải “tính toán” và xem xét tình trạng mọi thứ. Chúng ta có thể bắt đầu bằng cách nhìn vào nhân số của chúng ta, chúng ta rất ít; các phương tiện có trong tay cũng không nhiều. Kế đó, chúng ta xem xét số lượng đông đảo các nhà dòng và những hoạt động tông đồ mà chúng ta phải hỗ trợ. Chúng ta có thể tiếp tục liệt kê tất cả những tình huống mà chúng ta trải nghiệm về sự bấp bênh của những tài nguyên mà chúng ta có nhằm thực hiện nhiệm vụ truyền giáo mà chúng ta đã được ủy thác. Bất cứ khi nào chúng ta làm điều này, dường như kết toán của chúng ta đều là “thâm thủng”.

Đúng thế, Chúa nói với chúng ta: ai trong anh em muốn xây một ngọn tháp, mà trước tiên lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra, đặt móng rồi mà không có khả năng làm xong (x Lc 14:28-29)

Nhưng “tính toán” mọi thứ có thể dẫn chúng ta vào sự cám dỗ đặt quá nhiều sự cậy trông vào chính mình, rơi trở lại vào khả năng riêng của chúng ta và những thiếu sót của chúng ta. Như thế, chúng ta cuối cùng cũng gần như các môn đệ trên đường Emmau, công bố lời rao giảng bằng đôi môi mình, trong khi trái tim của chúng ta bị chìm trong một sự im lặng được đánh dấu bởi một nỗi thất vọng tinh tế ngăn cản nó lắng nghe Đấng đang đi bên cạnh chúng ta và là nguồn mạch của vui mừng và hân hoan.

Anh chị em thân mến, “tính toán” mọi thứ luôn luôn là cần thiết, khi nó có thể giúp chúng ta hiểu và đến gần tất cả những người phải vật lộn hàng ngày để kiếm sống. Đó là những gia đình không phát triển, người già và những người bị bỏ rơi, người bệnh và những người phải nằm liệt giường, những người trẻ thất vọng và không có tương lai, và những người nghèo nhắc nhở cho chúng ta biết chúng ta thực sự là một Giáo Hội của những người ăn xin cần đến Lòng Thương Xót của Chúa. “Tính toán” mọi thứ là chính đáng, chỉ khi nó cho phép chúng ta một lần nữa trở thành huynh đệ với nhau và chú ý tới những người khác, thể hiện sự hiểu biết và quan tâm khi chúng ta đến gần với những nỗi thất vọng và những bất định cảm nhận bởi rất nhiều người trong anh chị em của chúng ta, là những người khao khát được xức dầu để có thể nâng họ lên và chữa lành hy vọng của họ.

“Tính toán” mọi thứ là chính đáng, nhưng chỉ để nói lên một cách mạnh mẽ hơn hết và cầu nguyện cùng người dân chúng ta: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” Tôi muốn lặp lại điều này cùng với anh chị em: “Lạy Chúa Giêsu, xin hãy đến!” [cộng đoàn cùng lặp lại lời cầu nguyện này với Đức Thánh Cha].

Tôi chỉ cần nói rằng vùng đất này đã có thể ban cho thế giới và cho Giáo Hội nơi Mẹ Teresa một dấu chỉ cụ thể như thế về cách thức một người nhỏ bé, được Chúa xức dầu, có thể thấm nhuần vào mọi thứ, một khi hương thơm của Tám Mối Phúc Thật được lan tỏa trên đôi chân nhân loại mệt mỏi của chúng ta. Có bao nhiêu người cảm thấy thoải mái bởi sự dịu dàng trong ánh mắt của mẹ, được an ủi bởi sự âu yếm của mẹ, được nâng đỡ bởi niềm hy vọng của mẹ và được nuôi dưỡng bởi sự can đảm trong đức tin của mẹ, là điều có thể khiến ngay cả những người bị lãng quên nhất ở giữa chúng ta nhận ra rằng họ không bị Chúa quên lãng! Lịch sử được viết bởi những người như thế, là những người không ngại hiến dâng cuộc sống của họ cho tình yêu: “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25:40). Chúng ta tìm thấy biết bao những khôn ngoan trong những lời sau của Thánh Têrêsa Benedicta Thánh Giá: “Chắc chắn rằng những bước ngoặt quyết định nhất trong lịch sử thế giới được đồng xác định đáng kể bởi các linh hồn mà chưa có cuốn sách lịch sử nào đã từng đề cập đến. Và chúng ta chỉ tìm thấy những linh hồn mà chúng ta mắc nợ họ vì những bước ngoặt quyết định trong cuộc sống cá nhân của chúng ta vào ngày khi tất cả những gì ẩn khuất được tiết lộ”(Vorgebenes Leben und Epiphanie: GW XI, 145).

Quá thường là chúng ta để bản thân mình nghĩ rằng mọi thứ có thể khác đi nếu chúng ta mạnh mẽ, đầy quyền thế và có ảnh hưởng. Bí quyết của sức mạnh, quyền thế, và ảnh hưởng của chúng ta, và thậm chí sự trẻ trung của chúng ta, xuất phát từ một nơi khác, chứ không phải từ thực tế là “các trương mục của chúng ta đều ổn thỏa”, chẳng lẽ đó không phải là sự thật sao? Tôi hỏi anh chị em điều này, bởi vì tôi có một ấn tượng sâu sắc trước chứng tá của Davor, khi anh ấy chia sẻ với chúng ta điều gì thực sự chạm đến trái tim mình. Anh chị em biết rõ điều này: điều đã cứu anh chị em khỏi não trạng chạy theo sự nghiệp cũng đang trở lại trong ơn gọi đầu tiên, tiếng gọi đầu tiên của anh chị em và quyết tâm lên đường tìm kiếm Chúa phục sinh nơi Ngài sẽ được tìm thấy. Anh chị em lên đường, bỏ lại phía sau các hình thức an ninh của mình, để bước đi trên các đường phố và quảng trường của phố phường. Ở đó, anh chị em cảm thấy rằng ơn gọi và cuộc sống của anh chị em đã được đổi mới. Khi cong lưng xuống trên cuộc sống hàng ngày của anh chị em mình để chia sẻ với họ và xức dầu cho họ bằng hương thơm của tinh thần, trái tim mục tử của anh chị em bắt đầu đập một lần nữa và với cường độ lớn hơn.

Anh chị em đã đến gần để xức dầu cho đôi chân mệt mỏi của Thầy, đôi chân mệt mỏi của những cá nhân cụ thể, nơi họ được tìm thấy, và Chúa đang đợi anh chị em, để xức dầu cho anh chị em một lần nữa trong ơn gọi của anh chị em. Điều này rất quan trọng. Để làm mới chính mình, chúng ta phải thường xuyên quay lại và gặp gỡ Chúa, hồi tưởng lại những ký ức về lời mời gọi đầu tiên của chúng ta. Tác giả của Thư gửi tín hữu Do Thái nói với các Kitô hữu rằng: “Hãy nhớ những ngày đầu tiên”. Hãy nhớ lại vẻ đẹp của cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu, Đấng đã kêu gọi chúng ta, và từ cuộc gặp gỡ đó, với con mắt của Chúa Giêsu, nhận được sức mạnh để tiến về phía trước. Đừng bao giờ mất ký ức của anh chị em về lời mời gọi đầu tiên! Hãy nhớ lại lời mời gọi đầu tiên như một “bí tích”. Những khó khăn của người hoạt động tông đồ thực sự có thể làm chúng ta kiệt sức, và chúng ta có thể mất nhiệt tình. Chúng ta cũng có thể mất khao khát cầu nguyện, được gặp gỡ Chúa. Nếu anh chị em thấy mình ở vị trí này, hãy dừng lại! Quay lại và gặp Chúa trong lời mời gọi đầu tiên của anh chị em. Ký ức này sẽ cứu anh chị em.

Quá thường biết chừng nào là chúng ta bỏ ra năng lượng và tài nguyên của mình trong các cuộc họp, những cuộc thảo luận và chương trình, nhằm bảo tồn các đường hướng, phương pháp và mục tiêu chẳng khiến cho một ai được phấn khởi và cũng chẳng thể mang đến một chút hương thơm Tin Mừng nào khả dĩ mang lại sự thoải mái và mở ra những con đường hy vọng, không những thế còn tước mất của chúng ta những cuộc gặp gỡ cá vị với tha nhân? Mẹ Têrêsa thật là chí lý khi nói rằng: “Mọi thứ vô dụng đều đè nặng lên tôi!” (A. Comastri, Mẹ Teresa, Una goccia di Acqua pulita, 39). Chúng ta hãy để lại đằng sau tất cả những gánh nặng ngăn cản chúng ta khỏi nhiệm vụ và ngăn anh chị em của chúng ta hít thở mùi thơm của lòng thương xót. Một cân cam tùng đã có thể thấm vào mọi thứ, để lại ấn tượng không nhầm vào đâu được.

Chúng ta đừng tước mất những gì là tốt nhất trong sứ vụ của chúng ta; cũng đừng bóp nghẹt nhịp đập của thần khí.

Cảm ơn, Cha Goce và Gabriella: anh chị em đã can đảm trong cuộc sống. Và cảm ơn các con của anh chị em là Filip, Blagoj, Luca và Ivan, vì đã chia sẻ với chúng ta niềm vui và mối quan tâm của anh chị em, cả trong sứ vụ và trong cuộc sống gia đình, cũng như là bí quyết về cách tiếp tục vượt qua những lúc khó khăn mà anh chị em phải chịu đựng. Sự kết hợp của hôn nhân, ân sủng của hôn nhân trong đời sống mục vụ đã giúp anh chị em bước đi cùng nhau trên con đường này, như một gia đình.

Chứng tá của anh chị em có “hương thơm Tin Mừng” của những cộng đoàn đầu tiên. Chúng ta hãy nhớ rằng “Tân Ước nói về ‘những giáo hội nhóm họp tại gia’ (x 1 Cor 16:19; Rom 16: 5; Col 4:15; Philem 2). Không gian sống của một mái gia đình có thể biến thành một giáo hội tại gia, một khung cảnh cho Bí tích Thánh Thể - anh chị em đã cử hành Bí tích Thánh Thể trong nhà của mình biết bao lần – trước sự hiện diện của Chúa Kitô ngự trên bàn ăn trong ngôi nhà. Chúng ta không bao giờ có thể quên hình ảnh được tìm thấy trong Sách Khải Huyền, nơi Chúa nói: ‘Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta’ (Kh 3:20). Đây là hình ảnh của một ngôi nhà đầy sự hiện diện của Thiên Chúa, cầu nguyện chung và muôn vàn ơn phúc”(Amoris Laetitia, 15). Bằng cách này, anh chị em đưa ra một chứng tá sống động về cách thế mà “đức tin không loại bỏ chúng ta ra khỏi thế giới, nhưng lôi kéo chúng ta sâu hơn vào trong thế giới” (thượng dẫn, 181). Thế giới có thể không như chúng ta muốn, cũng không phải là chính chúng ta “hoàn hảo” hay không tì vết. Nhưng chúng ta, được xức dầu mỗi ngày với niềm tin vào tình yêu vô điều kiện của Chúa dành cho chúng ta, bị cuốn hút vào sự bấp bênh của cuộc sống và của các gia đình. Một niềm tin dẫn dắt chúng ta, như Cha Goce đã nhắc nhở chúng ta một cách rõ ràng, là phải phát triển những khía cạnh nhất định và quan trọng của cuộc sống thường bị bỏ qua trong một xã hội bị xáo trộn bởi các mối quan hệ quay cuồng và hời hợt: đó là các khía cạnh của tình yêu dịu dàng, kiên nhẫn và lòng trắc ẩn đối với tha nhân. Và tôi muốn nhấn mạnh ở đây tầm quan trọng của sự dịu dàng trong sứ vụ linh mục cũng như trong chứng tá của đời tu. Có những nguy hiểm khi chúng ta không sống trong gia đình, khi không có nhu cầu vuốt ve con cái mình, như Cha Goce, vì trái tim chúng ta có thể trở nên hơi có tính cách của “người nam nữ độc thân”. Ngoài ra còn có sự nguy hiểm mà các lời khấn trinh khiết của các nữ tu và lời thề độc thân của các linh mục thực sự biến thành một lời thề của người “độc thân cố chấp”. Bao nhiêu tác hại đến từ một nữ tu hoặc một linh mục sống như thế! Do đó tôi nhấn mạnh tầm quan trọng của sự dịu dàng. Hôm nay tôi nhận được ân sủng quan sát các chị em tỏ ra dịu dàng: khi tôi đến đài tưởng niệm Mẹ Theresa, tôi thấy có các chị em nữ tu ở đó và quan sát thấy cách chăm sóc người nghèo với sự dịu dàng sâu sắc. Xin dịu dàng nhé. Đừng bao giờ to tiếng. Hãy là nước được làm phép, chứ đừng là giấm! Hãy luôn luôn với sự ngọt ngào đó của Tin Mừng để biết cách vuốt ve các linh hồn. Hãy nhớ lại một từ được đề cập bởi một tu huynh của chúng ta: anh ấy nói về sự nghiệp. Khi não trạng sự nghiệp bước vào chức vụ linh mục và đời tu, trái tim trở nên cứng rắn và cay đắng và nó mất đi sự dịu dàng. Linh mục hoặc nữ tu coi ơn gọi của mình như một sự nghiệp đã mất khả năng vuốt ve.

Tôi thích nghĩ về mỗi gia đình như một “biểu tượng của Thánh Gia Nagiarét. Cuộc sống hàng ngày của thánh gia chia sẻ [với các gia đình khác] gánh nặng và thậm chí là ác mộng, như khi các ngài gặp bạo lực không thể tưởng tượng được của Hêrôđê. Kinh nghiệm này, buồn thay, tiếp tục hành hạ các gia đình tị nạn, những người trong thời đại chúng ta cảm thấy bị từ chối và không nơi nương tựa”(Tông huấn Amoris Laetitia, 20). Qua đức tin được xây dựng từ những vất vả hàng ngày, họ có thể “biến một chuồng gia súc thành một ngôi nhà cho Chúa Giêsu, với những chiếc tã nghèo nàn và một sự phong phú của tình yêu” (Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, 286). Chúng ta rất cần vật chất, chúng là rất cần thiết, nhưng chúng không phải là điều quan trọng nhất. Vì lý do đó, chúng ta đừng bao giờ mất khả năng vuốt ve, đừng bao giờ mất đi sự dịu dàng của một thừa tác viên và sự hiền dịu của tu sĩ tận hiến.

Cám ơn anh chị em đã cho thấy thiên nhan quen thuộc của Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là vị Thiên Chúa không bao giờ ngừng làm chúng ta ngạc nhiên giữa những nồi và chảo! [chú thích của người dịch: Thánh Têrêsa thành Avila nói ‘Đừng nghĩ rằng nếu bạn có nhiều thời gian, bạn sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc cầu nguyện. Từ bỏ ý tưởng đó đi! Thiên Chúa ban cho chúng ta nhiều hơn trong một khoảnh khắc chứ không phải trong một khoảng thời gian dài, vì hành động của Ngài không được đo bằng thời gian. Hãy biết rằng ngay cả khi bạn đang ở trong bếp, Chúa chúng ta đang di chuyển giữa những nồi và chảo’].

Anh chị em thân mến, cảm ơn một lần nữa về cơ hội để Giáo Hội có thể hít thở sâu hơn bằng cả hai lá phổi. Chúng ta hãy xin Thánh Linh tiếp tục canh tân chúng ta trong sứ mệnh của mình, với sự tự tin khi biết rằng Ngài muốn thấm nhuần mọi thứ với sự hiện diện của Người.

Và ở đây, tôi cũng muốn cảm ơn - và bây giờ anh chị em sẽ bối rối - tôi muốn cảm ơn một trong những linh mục của anh chị em, một người cha của một gia đình, là người đã chấp nhận làm thông dịch viên [vỗ tay].

[Cộng đoàn hát kinh Lạc Cha]

[Phép lành của Đức Thánh Cha]


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Diễn Văn Của Đức Thánh Cha Tại Cuộc Gặp Gỡ Đại Kết Và Liên Tôn Với Giới Trẻ Ở Skopje, Bắc Macedonia
Vũ Văn An
23:45 07/05/2019


Các bạn thân mến,

Có được những cuộc gặp gỡ này luôn mang lại cho tôi niềm vui và hy vọng. Cảm ơn các các bạn đã làm cho điều này khả hữu và cung cấp cho tôi cơ hội này. Tôi rất biết ơn điệu vũ của các bạn - rất đẹp - và các câu hỏi của các bạn. Tôi biết rõ những câu hỏi này: tôi đã nhận được chúng và nghĩ về chúng, và vì vậy tôi đã chuẩn bị một số điểm để suy niệm với các bạn về những câu hỏi này.

Tôi sẽ bắt đầu với câu hỏi cuối cùng: dù sao, như Chúa đã nói, điều cuối cùng sẽ là điều đầu tiên! Liridona, sau khi bạn chia sẻ các niềm hy vọng của bạn với chúng tôi, bạn đã hỏi tôi: con có mơ mộng quá hay không? Một câu hỏi rất hay, và tôi muốn tất cả chúng ta cùng nhau trả lời. Các bạn nghĩ sao? Liridona có mơ mộng quá hay không?

Hãy để tôi nói với các bạn rằng người ta không bao giờ mơ mộng quá nhiều. Một trong những vấn đề lớn mà mọi người gặp phải ngày nay, trong đó, có rất nhiều người trẻ, là họ đã mất khả năng mơ mộng. Họ không mơ mộng, dù nhiều hay ít. Khi ai đó không mơ mộng, khi một người trẻ không mơ mộng, không gian trống rỗng đó sẽ tràn đầy những lời phàn nàn và cảm thức tuyệt vọng hay buồn bã. “Chúng ta hãy để điều đó cho những người tôn thờ ‘nữ thần than thở’... nàng vốn là một nữ thần giả: nàng khiến các bạn đi sai đường. Khi mọi sự dường như đứng yên và trì trệ, khi các vấn đề bản thân của chúng ta gây rắc rối cho chúng ta và các vấn đề xã hội không nhận được các giải đáp đúng đắn, thì bỏ cuộc đâu có xong” (Christus Vivit, 141). Liridona thân mến, các bạn thân yêu, đó là lý do tại sao người ta không bao giờ có thể, không bao giờ mơ mộng quá nhiều. Hãy thử nghĩ tới các giấc mơ vĩ đại nhất của các bạn, như giấc mơ của Liridona, các bạn có nhớ nó không? Để mang lại hy vọng cho một thế giới mệt mỏi, cùng với những người khác, cả Kitô hữu lẫn người Hồi giáo. Đây chắc chắn là một giấc mơ tốt đẹp. Bạn ấy không nghĩ về những điều nhỏ nhặt, “tà tà mặt đất”, nhưng bạn ấy đã mơ mộng rất lớn và các bạn, những người trẻ tuổi, các bạn nên mơ mộng những điều lớn lao.

Vài tháng trước, một người bạn của tôi, Ahmad Al-Tayyeb, Đại Giáo trưởng của Al-Azhar, và tôi đã có một giấc mơ giống như giấc mơ của các bạn, nó khiến chúng tôi muốn đưa ra một cam kết và đã ký một văn kiện nói rằng đức tin phải dẫn các tín hữu chúng ta xem những người khác như anh chị em của chúng ta. Như các anh chị em mà chúng ta cần phải hỗ trợ và yêu thương, chứ không để bản thân bị thao túng bởi những lợi ích nhỏ mọn. [1] Chúng tôi đã già và và không phải là tuổi để có những giấc mơ, còn các bạn, các bạn hãy vui lòng mơ mộng và mơ mộng thật lớn!

Điều trên khiến tôi nghĩ về những gì Bozanka nói với chúng ta. Bạn ấy nói rằng, khi còn trẻ, các bạn thích những cuộc phiêu lưu. Tôi rất vui về điều đó, vì đó là cách rất hay để làm người trẻ: trải nghiệm phiêu lưu, cuộc phiêu lưu tốt lành. Những người trẻ không sợ biến cuộc sống của họ thành một cuộc phiêu lưu tốt lành. Vì vậy, tôi xin hỏi các bạn: cuộc phiêu lưu nào đòi hỏi sự can đảm hơn giấc mơ mà Liridona đã chia sẻ với chúng ta, giấc mơ mang hy vọng lại cho một thế giới mệt mỏi? Thế giới của chúng ta đang mệt mỏi; thế giới của chúng ta đã trở nên cũ kỹ. Thế giới bị chia rẽ, và chúng ta có thể bị cám dỗ muốn giữ cho nó mãi chia rẽ, và chính chúng ta trở nên chia rẽ. Có những người lớn muốn chúng ta chia rẽ; các bạn hãy lưu ý điều đó. Tuy nhiên, chúng ta nghe những lời lẽ của Chúa mạnh mẽ xiết bao: Phúc cho những người kiến tạo hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con cái Thiên Chúa (Mt 5: 9)!” Điều gì có thể cho chúng ta phấn khởi bằng cam kết hàng ngày trở thành những người trung thành xây dựng các giấc mơ, thợ thủ công của hy vọng? Mơ mộng giúp chúng ta duy trì sống động xác tín rằng một thế giới khác là điều thực sự khả hữu, và chúng ta được kêu gọi tham gia, góp tay xây dựng thế giới đó qua việc làm, nỗ lực và hành động của chúng ta.

Ở đất nước này, các bạn có một truyền thống tạc đá rất tốt đẹp, từng được các nghệ nhân lành nghề cắt đá và chế tác nó thực hành. Chúng ta cần phải trở nên giống như những người thợ thủ công đó, trở thành chuyên gia tạc nên các giấc mơ của chính chúng ta. Chúng ta cần chế tác các giấc mơ của chúng ta. Một người tạc đá cầm một hòn đá trong tay và từ từ bắt đầu tạo khuôn và biến đổi nó một cách đầy tập trung và nỗ lực, và đặc biệt với mong muốn lớn lao được thấy hòn đá đó, hòn đá mà không ai nghĩ có giá trị chi, có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

“Những giấc mơ tốt nhất của chúng ta chỉ đạt được qua hy vọng, kiên nhẫn và cam kết, chứ không vội vã. Đồng thời, chúng ta không nên do dự, ngại nắm bắt cơ hội hoặc sợ phạm sai lầm. Không, đừng sợ sệt. Đúng hơn, chúng ta nên sợ phải cảm nhận sự tê liệt của người sống mà như đã chết, những người không có sự sống vì họ sợ mạo hiểm. Và người trẻ không mạo hiểm là những người đã chết. Một số người không muốn mạo hiểm vì họ không muốn kiên trì trong các cam kết của mình hay họ sợ phạm sai lầm. Ngay cả khi các bạn phạm sai lầm, các bạn vẫn luôn có thể đứng dậy và bắt đầu lại, vì không ai có quyền cướp đi hy vọng của các bạn” (xem Christus Vivit, 142). Đừng cho phép mình bị cướp mất hy vọng. Các bạn trẻ thân mến, đừng sợ trở thành các nghệ nhân của mơ mộng và hy vọng! Đồng ý chứ?

“Chắc chắn, là các chi thể của Giáo hội, chúng ta không nên đứng cách xa những người khác. Tất cả nên coi chúng ta là bạn bè và hàng xóm, giống như các tông đồ; như Kinh thánh nói, các ngài ‘được toàn dân thương mến” (Cv 2:47; xem 4: 21,33; 5:13).

Ấy thế nhưng, cùng một lúc, chúng ta cũng phải dám khác biệt, nhắm các lý tưởng khác với các lý tưởng của thế giới này, làm chứng cho vẻ đẹp của quảng đại, phục vụ, trong sạch, kiên trì, tha thứ, trung thành với ơn gọi bản thân của chúng ta, vẻ đẹp của cầu nguyện, theo đuổi công lý và ích chung, vẻ đẹp của tình yêu dành cho người nghèo và tình bạn xã hội” (sđd., 36).

Hãy nghĩ đến Mẹ Teresa: khi mẹ sống ở đây, mẹ không thể tưởng tượng được cuộc sống của mẹ sẽ kết thúc ở nơi đâu. Thế nhưng, mẹ vẫn tiếp tục mơ mộng và cố nhìn thấy khuôn mặt của người yêu vĩ đại của mình, là Chúa Giêsu, và khám phá ra khuôn mặt ấy nơi tất cả những người ở bên vệ đường. Mẹ mơ ước một cách lớn lao, và đây là lý do tại sao mẹ cũng đã yêu một cách lớn lao. Mẹ trồng đôi chân vững chắc ở đây, trên quê cha đất tổ của mẹ, nhưng mẹ không đứng yên. Mẹ muốn trở thành “một cây bút chì trong tay Thiên Chúa”. Đây là giấc mơ mẹ đã tạc nên. Mẹ dâng nó cho Thiên Chúa, mẹ tin vào điều đó, mẹ đau khổ vì điều đó và mẹ không bao giờ từ bỏ nó. Và Thiên Chúa bắt đầu viết những trang lịch sử mới và tuyệt vời bằng cây bút chì đó; một người phụ nữ từ lãnh thổ của các bạn, người đã mơ mộng, người đã viết những điều tuyệt vời. Chính Thiên Chúa đã viết chúng nhưng mẹ đã mơ mộng và cho phép mình được thiên Chúa hướng dẫn.

Như Mẹ Teresa, mỗi người trong các các bạn đều được kêu gọi làm việc bằng đôi tay của mình, nghiêm túc với cuộc sống và làm một điều gì đó đẹp đẽ từ cuộc sống ấy. Chúng ta đừng cho phép mình bị cướp đi các giấc mơ của mình (x. Christus Vivit, 17); Hãy canh chừng. Chúng ta đừng tự cướp mất sự mới mẻ mà Thiên Chúa muốn ban cho chúng ta. Các bạn sẽ gặp nhiều, rất nhiều vặn vẹo ngoắt ngoéo bất ngờ trong cuộc sống, nhưng điều quan trọng là phải đối đầu với chúng và tìm ra những cách sáng tạo để biến chúng thành cơ hội. Nhưng không bao giờ cô đơn! Không ai có thể chiến đấu một mình. Như Dragan và Marija đã nói với chúng ta: “sự hiệp thông của chúng ta cho chúng ta sức mạnh để đối đầu với các thách thức của xã hội ngày nay”.

Tiếp nhận những gì Dragan và Marija đã nói: “sự hiệp thông của chúng ta cho chúng ta sức mạnh để đối đầu với các thách thức của xã hội ngày nay”. Ở đây, ta thấy bí quyết tuyệt vời cho chúng ta thấy phải mơ mộng ra sao và biến cuộc sống của chúng ta thành một cuộc phiêu lưu tuyệt vời. Không ai có thể đối đầu với cuộc sống trong sự cô lập; không ai có thể sống cuộc sống đức tin hoặc thực hiện giấc mơ của mình một mình, không rời khỏi nhà, mà không trở thành một phần của cộng đồng, một mình trong trái tim hoặc ở trong nhà, bị bao vây và cô lập sau bốn bức tường. Chúng ta cần một cộng đồng nâng đỡ và trợ giúp chúng ta, trong đó chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau để tiếp tục nhìn về phía trước.

Cùng nhau mơ mộng là điều quan trọng xiết bao! Giống như các bạn đang làm ngày hôm nay: mọi người cùng nhau, ở đây tại một nơi, không có rào cản. Xin vui lòng, hãy cùng nhau mơ mộng, không tự mình; hãy mơ với người khác, đừng bao giờ chống lại người khác! Ước mơ với người khác và đừng bao giờ chống lại người khác! Tự các bạn, các bạn có nguy cơ nhìn thấy ảo ảnh, nhìn thấy những thứ không có ở đó. Các giấc mơ được cùng nhau xây dựng.

Mấy phút trước đây, chúng ta đã thấy hai trẻ em đang chơi ở đây. Các em muốn chơi, chơi cùng nhau. Các em đã không chơi trên máy tính của các em, các em muốn chơi thật! Chúng ta quan sát các em: các em hạnh phúc, hài lòng. Vì các em mơ được chơi cùng nhau, với nhau. Các bạn có thấy điều này không? Tuy nhiên, ở một lúc nào đó, một trong số các em nhận ra rằng em kia mạnh mẽ hơn, và thay vì mơ với em kia, bắt đầu mơ chống lại em kia, và cố gắng vượt qua em kia. Và thế là niềm vui đó thay đổi khi chúng ta thấy em yếu hơn dàn dụa nước mắt, ngồi trên sàn nhà. Các bạn thấy chúng ta dễ dàng chuyển từ việc mơ với người khác sang mơ chống lại người khác ra sao. Đừng bao giờ thống trị người khác! Hãy xây dựng cộng đồng với người khác: đây là niềm vui của việc tiến lên phía trước. Điều này rất quan trọng. Dragan và Marija đã nói với chúng ta điều này khó khăn như thế nào, khi mọi thứ âm mưu cô lập chúng ta và cướp mất cơ hội gặp gỡ nhau, cơ hội “mơ mộng với người khác”. Bây giờ ở tuổi tôi (và tôi không còn trẻ nữa!), các bạn có muốn biết tôi nghĩ đâu là bài học tốt nhất tôi đã từng học được không? Đó là cách nói chuyện “mặt đối mặt” với người ta. Chúng ta đã bước vào thời đại kỹ thuật số, nhưng thực ra chúng ta biết rất ít về thông đạt. Tất cả chúng ta đều “được nối kết”, nhưng chúng ta chưa thực sự “can dự” với nhau. Can dự đòi hỏi cuộc sống; Nó kêu gọi phải ở đó và chia sẻ những khoảng thời gian tốt đẹp và cả những khoảng thời gian không được tốt đẹp lắm. Trong Thượng hội đồng năm ngoái về người trẻ, chúng ta đã có được kinh nghiệm gặp mặt nhau trực tiếp, cả những người trẻ và những người không trẻ. Chúng ta đã có thể lắng nghe nhau, cùng nhau mơ mộng và nhìn về tương lai một cách đầy hy vọng và biết ơn. Đó là liều thuốc giải độc tốt nhất đối với thất vọng và thao túng, đối với quá nhiều tiếp xúc mà không thông đạt, đối với nền văn hóa phù du và đối với tất cả những nhà tiên tri giả chuyên công bố bất hạnh và hủy diệt. Thuốc giải độc đang lắng nghe, lắng nghe nhau. Và bây giờ, hãy để tôi nói với các bạn một điều mà tôi cảm thấy rất mạnh mẽ: các bạn hãy tự cho mình cơ hội để chia sẻ và thưởng thức một cuộc “mặt đối mặt” thật tốt với mọi người, nhưng đặc biệt là với ông bà của các bạn, với người già trong cộng đồng của các bạn. Có lẽ một số các bạn đã nghe tôi nói điều này, nhưng đối với tôi đó là liều thuốc giải độc cho những người sẽ nhốt các bạn trong hiện tại, áp đảo các bạn bằng các áp lực và đòi hỏi, tất cả nhân danh điều cho là hạnh phúc, như thể thế giới sắp chấm dứt và các bạn phải trải nghiệm mọi thứ ngay lập tức. Về lâu về dài, điều này tạo ra sự lo lắng, không hài lòng và cảm thức tuyệt vọng. Đối với một trái tim bị cám dỗ bởi lòng vô hy vọng, không có phương thuốc nào tốt hơn là lắng nghe kinh nghiệm của những người lớn tuổi.

Các các bạn thân mến, các bạn hãy dành thời gian với người già, lắng nghe những câu chuyện của các ngài, những câu chuyện đôi khi có vẻ không có thực nhưng thực ra lại chứa đầy những trải nghiệm phong phú, những biểu tượng hùng hồn và một túi khôn tiềm ẩn đang chờ đợi được khám phá và đánh giá cao. Những câu chuyện đó cần có thời gian để kể (x. Christus Vivit, 195). Các bạn đừng quên câu nói cũ rằng một người nhỏ bé có thể nhìn xa hơn bằng cách đứng trên vai một người khổng lồ. Bằng cách này, các bạn sẽ có được một tầm nhìn mới và rộng hơn. Các bạn hãy bước vào túi khôn của dân tộc các bạn, của cộng đồng các bạn, hãy bước vào không xấu hổ hay do dự, và các bạn sẽ khám phá ra một nguồn sáng tạo bất ngờ, một nguồn sẽ chứng tỏ hết sức thỏa đáng. Nó sẽ cho phép các bạn tri nhận được những đường đi ở nơi người khác chỉ nhìn thấy những rào cản, những khả thể ở nơi người khác chỉ nhìn thấy đe dọa, sự phục sinh ở nơi rất nhiều người chỉ công bố cái chết.

Các người trẻ tuổi thân mến, vì lý do này, tôi nói với các bạn hãy nói chuyện với ông bà và với những người lớn tuổi của các bạn. Họ là gốc rễ của các bạn, gốc rễ của lịch sử các bạn, gốc rễ của nhân dân các bạn, gốc rễ của gia đình các bạn. Các bạn nên giữ chặt lấy gốc rễ của các bạn để tiếp nhận nhựa cây sẽ làm cho cây lớn lên, đơm bông và kết trái, nhưng luôn luôn giữ chặt lấy gốc rễ của các bạn. tôi không nói các bạn nên đi sâu xuống đất với những gốc rễ đó: không, không phải vậy. Nhưng các bạn hãy lên đường và lắng nghe những gốc rễ này và tiếp nhận từ các ngài sức mạnh cần thiết để lớn lên, để tiến về phía trước. Nếu rễ bị chặt đi, cây đó sẽ chết. Nếu gốc rễ của các bạn trong tư cách một dân tộc trẻ trung bị cắt đứt, tức gốc rễ lịch sử của dân tộc các bạn, các bạn sẽ chết. Đúng, các bạn có thể vẫn sống, nhưng không mang trái: đất nước các bạn, dân tộc các bạn sẽ không thể sinh hoa trái vì các bạn đã tự loại chính mình khỏi gốc rễ của các bạn.

Hồi tôi còn bé, ở trường, chúng tôi được kể rằng khi người châu Âu đi khám phá Mỹ Châu, họ đã mang theo nhiều tấm kính màu. Những tấm kính này đã được trưng bầy cho người Da Đỏ, cho người dân bản địa và họ hết sức ngạc nhiên trước các tấm kính mầu này vì họ chưa từng thấy chúng trước đây. Và những người Da Đỏ này đã quên mất gốc rễ của họ và mua những tấm kính này bằng cách trao đổi vàng. Vì vậy, vàng đã bị cướp mất bởi kính màu. Kính là một sự mới lạ và người bản địa đã cho đi mọi thứ để có được sự mới lạ vô giá trị này.

Các bạn trẻ ạ, các bạn hãy cảnh giác, bởi vì ngày nay cũng có những người muốn chinh phục, những người muốn thực dân, sẵn sàng cung cấp cho các bạn những tấm kính màu: đó là chính sách thực dân ý thức hệ. Họ sẽ đến gặp các bạn và nói: “Không, các bạn phải là một dân tộc hiện đại hơn, tiến bộ hơn, hãy tiếp thu những điều này và đi theo một con đường mới, quên đi những điều cũ hơn: hãy tiến lên phía trước!” Các bạn phải làm gì? Hãy biện phân. Người này mang đến cho tôi điều gì, có phải là một điều tốt, một điều gì đó hài hòa với lịch sử của dân tộc tôi không? Hay nó chỉ là “những tấm kính màu”? Để các bạn không bị lừa, điều quan trọng là hãy nói chuyện với những người cao niên, hãy nói chuyện với những người sẽ truyền lại cho các bạn lịch sử của dân tộc các bạn, gốc rễ của dân tộc các bạn. Hãy nói chuyện với người cao niên, để lớn lên. Hãy nói chuyện với lịch sử của chúng ta để làm cho nó phát triển. Hãy nói chuyện với gốc rễ của chúng ta để sản xuất ra hoa trái.

Và bây giờ tôi phải kết thúc, vì chúng ta sắp hết giờ. Nhưng tôi muốn thú nhận điều này với các bạn: từ đầu cuộc gặp gỡ này với các bạn, tôi đã bị phân tâm bởi một điều. Lúc ấy, tôi đang nhìn người phụ nữ này ở đây trước mặt tôi; bà ấy đang mang thai. Bà ấy đang chờ đợi một đứa trẻ chào đời, và có lẽ một trong các bạn có thể nghĩ: “Người phụ nữ tội nghiệp, quả là một việc gian khổ, công việc của bà vĩ đại xiết bao!” Có ai trong các bạn nghĩ thế không? Không. Không ai nghĩ: “Bà ấy sẽ có những đêm mất ngủ vì đứa con khóc nhè của mình...” Không. Đứa trẻ đó là một hứa hẹn, hãy nhìn về phía trước! Người phụ nữ này đã chấp nhận rủi ro để đem một đứa trẻ sơ sinh vào đời, vì bà ấy nhìn về phía trước, bà ấy nhìn vào lịch sử. Vì bà ấy cảm nhận được sức mạnh của cội rễ từng giúp bà ấy mang lại sự sống, đất nước và dân tộc của bà.

Và chúng ta hãy kết luận bằng việc cùng nhau vỗ tay hoan nghênh mọi người trẻ, mọi người phụ nữ can đảm phát sinh lịch sử. Và cảm ơn người phiên dịch đã dịch thực sự giỏi!

LẠY CHÚA, CHÚA CÓ CẦN ĐÔI TAYCON KHÔNG? (Lời cầu nguyện của Mẹ Teresa)



Lạy Chúa, Chúa có cần đôi tay con không, để giúp đỡ người bệnh và người nghèo đang thiếu thốn hôm nay?

Lạy Chúa, hôm nay, con xin dâng lên Chúa đôi tay của con.

Lạy Chúa, Chúa có cần đôi chân của con không, để hôm nay dẫn con tới những người cần một người bạn?

Lạy Chúa, hôm nay, con xin dâng lên Chúa đôi chân của con.

Lạy Chúa, Chúa có cần tiếng nói của con không, để con có thể nói chuyện với tất cả những người cần một tiếng yêu thương?

Lạy Chúa, hôm nay, con xin dâng lên Chúa tiếng nói của con.

Lạy Chúa, Chúa có cần trái tim của con không, để con có thể yêu thương mọi người, không trừ ai?

Lạy Chúa, hôm nay, con dâng lên Chúa trái tim con.

[1] Văn kiện về Tình Huynh đệ Nhân bản, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long và Đức Cha Mark Edwards đến thăm Tuyên Úy Đoàn Úc Châu
Trần Văn Minh
06:17 07/05/2019
Melbourne, lúc 6 giờ chiều thứ ba, 7/5/2019. Sau một ngày họp thường niên của năm 2019. Tuyên Úy Đoàn đã kết thúc ngày họp thứ hai và đã cùng Legio thuộc Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam Thánh Vinh Sơn Liêm dâng hoa nhân tháng hoa và dâng lễ đồng tế cùng cộng đoàn.

Đức Cha Vincent Nguyên Văn Long và Đức Cha Mark Edwards đến thăm TUD
Xem Hình

Đoàn dâng tiến hoa trong đồng phục áo dài, đầu đội khăn đóng, đã nhịp nhàng theo lời ca tiếng nhạc xếp các đội hình, đã dâng nến trước tượng Đức Mẹ, sau đó mới dâng các bông hoa tươi thắm.

Thánh lễ do Đức Ông Nguyễn Minh Tâm thuộc Cộng đoàn Nam Úc chủ tế cùng quý Cha trong Tuyên Úy Đoàn về dự họp cùng đồng tế.

Theo với truyền thống của cộng đoàn, mỗi thứ ba đầu tháng, có giờ chầu Thánh Thể do Legio phụ trách.

Quý Cha thuộc Tuyên Úy Đoàn đã trở lại phòng họp và Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Giám mục Chánh Tòa Giáo Phận Parramatta với cương vị cố vấn của Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Liên Bang Úc, và Đức Cha Mark Edwards Giám Mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Melbourne, phụ trách khu vực Miền Tây TGP cũng đến thăm Tuyên Úy Đoàn.

Qua chào thăm và chúc cho cuộc họp của Tuyên Úy Đoàn Việt Nam Liên Bang Úc Châu đạt kết quả mong muốn để phục vụ dân Chúa. Hai Đức cha đã ở lại dùng cơm cùng qúy cha và ban mục vụ cộng đồng và Cộng đoàn Thánh Vinh Sơn Liêm trong tình thân thương, như một sự quan tâm rất nhiều đến Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam.
 
Đức TGM Marek Zalewski và quý Đức Cha Giáo phận thăm Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc.
Nữ tu Teresa Ngọc Lễ, O.P
08:51 07/05/2019
Sáng Chúa Nhật 5/5/2019, quý Thầy Cô, học sinh – sinh viên Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc đã rất hân hoan để chào đón Đức TGM Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô tại Việt Nam – cũng như Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, Giám mục Giáo phận, và Đức Cha Phụ tá Gioan Đỗ Văn Ngân đến thăm và gặp gỡ Cha Hiệu Trưởng, Ban Giám Hiệu, quý thầy cô và các em sinh viên của trường.

Dù là ngày Chúa Nhật, nhưng gần 1600 em học sinh Trung Học, sinh viên Cao Đẳng nội trú trong trường cũng đủ làm đầy kín Hội Trường với sự phấn khích, háo hức và vui tươi, bởi sự kiện này chỉ có một không hai trong khoảng thời gian các em theo học tại đây.

Xem Hình

Mặc cho thời gian gặp gỡ không nhiều, nhưng các em vẫn bày tỏ niềm vui tràn trào trong nghi thức chào đón Đức TGM và quý Đức Cha Giáo Phận. Sau những lời chào mừng, tiếng vỗ tay chào đón, Cha Hiệu Trưởng Giuse Nguyễn Văn Uy đã kính trình lên Đức TGM những nét lịch sử của Trường từ lúc phôi thai đề án xây dựng Trường của Ban BAXH - Caritas Giáo phận (2004), giai đoạn hoàn tất thủ tục pháp lý của Trường Trung Cấp Nghề Hòa Bình (2008), cho đến khi chính thức khai giảng khóa đầu tiên (10/2012) với 321 học sinh cho 6 ngành nghề. Trải qua chặng thời gian không nhiều, nhưng với ơn thánh của Chúa, từ năm 2012-2018 đã có 2.133 em của 05 khóa của hệ trung cấp liên tiếp ra trường. Và đặc biệt, tháng 7/ 2017, Trường Hòa Bình đã bước được thêm một bậc đáng kể, nâng lên thành Trường Cao Đẳng, với Chủ Tịch Hội Đồng Quản Trị của trường là Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám Mục Phụ Tá giáo phận.

Tiếp sau tường trình của Cha Hiệu Trưởng, Đức TGM Marek Zalewski đã bày tỏ niềm vui của Ngài khi được “có mặt tại nơi đây trong một bầu khí tốt đẹp, có đông đủ quý thầy cô, học sinh- sinh viên của Trường Công Giáo” và “thật hạnh phúc khi tôi có mặt nơi đây trong ngày Chúa Nhật, ngày chúng ta cử hành việc thờ phượng Thiên Chúa, Chúa chúng ta đã sống lại.” Trước bức tranh tổng thể của Trường, Đức TGM đã khen ngợi về ý nghĩa tuyệt đẹp của bức tranh ngài đang xem thấy nơi ngôi trường Công Giáo, với những màu sắc hiển thị từ bên ngoài trong đồng phục của học sinh của quý thầy cô. Đức TGM cũng không quên cám ơn quý Đức Cha Giáo phận đã mời ngài đến thăm ngôi trường Cao Đẳng Công Giáo đầu tiên tại Việt Nam, của Giáo phận Xuân Lộc trong trách nhiệm mục vụ của ngài. Với quý thầy cô và học sinh, sinh viên, Đức TGM đã giới thiệu vai trò và sứ vụ của ngài khi đại diện cho Đức Thánh Cha Phanxicô trong việc thi hành các chuyến thăm mục vụ tại Giáo Hội Việt Nam. Ngài cũng chuyển lời thăm hỏi đầy yêu thương của Đức Thánh Cha đến mọi tín hữu Công Giáo Việt Nam, cũng như cho thấy niềm mong ước đến thăm Việt Nam của Đức Thánh Cha. Đức TGM mong mỏi, mời gọi quý thầy cô, các sinh viên Công Giáo cầu nguyện cho Đức Thánh Cha, trong vai trò mục tử, chăm sóc Giáo Hội Chúa Giêsu đã trao, cũng như cầu nguyện luôn cho các giám mục, linh mục của Chúa.

Sau cùng, Đức TGM cầu chúc các sinh viên Trường Cao Đẳng Hòa Bình Xuân Lộc trong khi được học hỏi tại ngôi trường Công Giáo này, sẽ luôn cố gắng sống và chuyển trao vào trong xã hội, với người khác những giá trị Kitô giáo và giá trị nhân bản. Ngài cũng cám ơn Cha Hiệu Trưởng, Ban Giám Hiệu, Quý Cha, quý Soeur, quý giáo sư, quý thầy cô đang tích cực hoạt động, làm việc để truyền đạt lại cho thế hệ học sinh những giá trị quan trọng giúp cho xã hội và Giáo Hôi Việt Nam sẽ ngày càng được tươi sáng hơn.

Dù không có nhiều thời gian, nhưng Đức TGM vẫn rất mong muốn nghe được những suy tư từ các sinh viên học sinh. Với những thao thức được hỏi bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt như “Thưa Đức TGM, chúng con là những học sinh sinh viên đang học trong một Trường Cao Đẳng Công Giáo đầu tiên tại đất nước chúng con, Đức TGM nghĩ chúng con nên làm gì cho trường của chúng con và cho đất nước chúng con?” hoặc “Xin Đức TGM chia sẻ với chúng con một vài nét của Tông Huấn Christus Vivid -Chúa Kitô đang sống- phù hợp với người trẻ Công Giáo Việt Nam của chúng con?”, Đức TGM đã có lời khen ngợi vì câu hỏi hay trong suy nghĩ của sinh viên. Và Ngài đáp rằng “Các con hãy nhớ, cần đi theo giáo huấn, sống theo hướng dẫn của Giáo Hội, và tin cậy vào Giáo Hội”. Đặc biệt, Đức TGM thêm rằng, trong chuyến thăm mục vụ tại Giáo phận Xuân Lộc, ngài thấy toàn Giáo phận đang cố gắng sống, thể hiện lòng thương xót của Thiên Chúa trong từng môi trường sống của mỗi người.”Đây là điều rất quan trọng và chúng ta cần bắt chước lòng nhân từ của Thiên Chúa và áp dụng cách sống lòng thương xót của Thiên Chúa vào trong những mối quan hệ…trong từng cảnh sống.” Chia sẻ cảm nhận của sự khó khăn khi sống lòng thương xót, nhưng Đức TGM động viên “mặc dù rất khó để thực thi lòng thương xót, tha thứ cho nhau, nhưng nếu làm được, chúng ta sẽ trở thành những người Công Giáo tốt cho Giáo Hội Việt Nam và cho quê hương Việt Nam này.”

Trước khi kết thúc buổi thăm viếng, gặp gỡ đặc biệt của Đức TGM Marek Zalewski, đại diện Đức Thánh Cha Phanxicô, với Trường, Cha Hiệu Trưởng Giuse đã tri ân Đức TGM, quý Đức Cha Giáo phận. Và để lưu lại dấu ấn, Cha Hiệu Trưởng đã thay mặt toàn thể quý thầy cô, sinh viên học sinh của Trường kính tặng Đức TGM bức tranh logo của Trường, thành quả do sự sáng tạo của chính sinh viên nghề Trường thực hiện.

Trước khi chào tạm biệt, toàn trường đã có cơ hội đặc biệt để lưu lại tấm hình đẹp nhất với Đức TGM và quý Đức Cha Giáo Phận trong buổi sáng Chúa Nhật, những thời khắc thăm viếng và gặp gỡ rất đặc biệt này.

Tin và hình ảnh: Nt. Têrêsa Ngọc Lễ, O.P
 
Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Roma hành hương Đền Thánh Gabriel Đức Mẹ Sầu Bi
Đức ông Phạm Mạnh Cương
09:18 07/05/2019
ROMA - Ngày Hành Hương vừa qua của Liên Tu Sĩ chúng ta đã mang lại nhiều niềm vui và hồng phúc cho các tham dự viên. Rất nhiều anh chị em đã bày tỏ tâm tình tri ân và xúc động khi có được cơ hội gặp gỡ, cầu nguyện và chia sẻ đầy tình huynh đệ bên nhau. Thánh Lễ trọng thể, sốt sắng của chúng ta trước Mộ Thánh Gabriel đã là một lời tạ ơn tuyệt hảo nhất dâng lên Thiên Chúa cho tất cả mọi ơn lành của năm sinh hoạt 2018-2019 vừa qua. Buổi liên hoan trưa đầy ắp tiếng cười cũng đã để lại những ấn tượng khó phai trong lòng mọi người tham dự. Đức ông Phạm Mạnh Cương, Chủ tịch Liên Tu Sĩ Roma vừa cho biết như trên.

Xem hình ảnh

Ban Chấp Hành Liên Tu Sĩ Roma “vui mừng ghi nhận sự đóng góp tích cực của rất nhiều anh chị em trong việc tổ chức Ngày Hành Hương vừa qua”. Thay mặt các tham dự viên, Ban Chấp Hành chân thành cám ơn tất cả các linh mục, tu sĩ nam nữ đã góp công sức tổ chức ngày Hành hương được tốt đẹp mọi bề.

Đức ông chia sẻ tiếp như sau: “Tấm lòng và công khó của anh chị em đã mang lại thành công tốt đẹp cho Ngày Hành Hương, thắt chặt thêm tình huynh đệ và tiếp lửa cho cuộc sống thiêng liêng của mọi người tham dự. Có thể nói, chúng ta đã cùng đánh dấu một bước tiến mới trong lịch sử của gia đình Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Roma.

Xin Thánh Gabriel Mẹ Sầu Bi tiếp tục cầu bầu cho gia đình Liên Tu Sĩ Việt Nam tại Roma, cách riêng những thành viên sẽ hoàn tất chương trình đào tạo ở Giáo Đô và chuẩn bị trở về phục vụ tại giáo hội địa phương. Nguyện chúc tất cả anh chị em một mùa hè bổ ích, thánh thiện và mãi thắm đượm tình thân.

Thân ái mến chào anh chị em trong Chúa Kitô”,

J.B. Phạm Mạnh Cương, Chủ tịch

Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ, OFMConv., Phó chủ tịch

Phaolô Nguyễn Thanh Tuấn, Thư ký
 
Cộng Đoàn Lòng Chúa Thương Xót TGP Huế Mừng Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót Tại Trung Tâm Hành Hương Đức Mẹ La Vang
Trương Trí
21:21 07/05/2019
Ngày 7 tháng 5 năm 2019, Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót Tổng Giáo phận Huế đã tổ chức Mừng kính trọng thể lễ Lòng Chúa Thương xót tại Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang do Đức Tổng Giám Mục Giuse Nguyễn Chí Linh, Chủ tịch HĐGM Việt Nam, Tổng Giám mục Tổng Giáo phận Huế chủ tế với chủ đề:

“CỘNG ĐOÀN LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT HÀNH HƯƠNG VỀ BÊN MẸ”

Phong trào Lòng Chúa Thương xót từ lâu nay đã phát triễn tại nhiều giáo xứ trong Tổng Giáo phận Huế, nhưng mãi cho đến hôm nay, sau khi Đức Tổng Giám Mục Giáo phận là một vị chủ chăn hết lòng sùng kính và tín thác vào Lòng Thương xót của Chúa, chính thức công nhận Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót là một Hội đoàn thuộc Công Giáo Tiến hành của Tổng Giáo phận Huế. Ngài đặt linh mục F.X. Nguyễn Văn Thương, một linh mục trẻ năng động và đầy nhiệt huyết vừa du học châu u trở về làm Linh Giám của Phong trào Lòng Chúa Thương xót.

Xem Hình

Để chuẩn bị cho ngày Đại lễ cũng là lần đầu tiên Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót chính thức ra mắt. Cha Linh giám đã chọn Trung tâm Hành hương Đức Mẹ La Vang để tổ chức với tâm tình tin yêu và tín thác vào Mẹ của Lòng Thương xót. Tuy là lần đầu tiên tổ chức Đại hội Lòng Chúa Thương xót của Giáo phận, theo số lượng đăng ký tham dự từ các Giáo xứ thuộc 5 Hạt của Giáo phận đã lên đến gần 1.700 người. Ngoài ra còn có đại diện Lòng Chúa Thương xót đến từ các Giáo phận: Sài Gòn, Phú Cường, Xuân Lộc, Hà Tĩnh và Bùi Chu.

Dưới tiết trời nắng như đổ lửa của đầu mùa Hạ của vùng đất khô cằn, một sự kiện bất ngờ mà Ban Tổ chức không lường được là số lượng người tham dự lên đến gần cả chục ngàn người. Rất may mắn đã có một số ân nhân từ Sài Gòn giúp tặng 5 ngàn chai nước tinh khiết và 5 ngàn trà không độ.

Chương trình Hành hương được bắt đầu với chuỗi Mân Côi dâng lên Mẹ tại Linh đài, sau mỗi chục kinh Mân Côi cộng đoàn cùng nhau cất lên lời ca tôn vinh Mẹ.

Cuộc Rước Kiệu Chúa Thương xót được khởi sự từ Linh đài tiến ra Quảng trường Mân Côi và quay về Nhà Nguyện Trung tâm Hành hương.

Trước khi rước Kiệu, Cha Linh giám F.X. Nguyễn Văn Thương long trọng làm phép cờ Đoàn và cờ Chúa Thương xót cùng với pho tượng Chúa Thương xót bằng thạch cao do đoàn Sài Gòn dâng tặng.

Đỉnh điểm của ngày Đại hội là Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương xót do Đức Tổng Giám Mục chủ sự, cùng đồng tế có 36 linh mục trong và ngoài Giáo phận.

Mở đầu Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục chủ tế nói lời chào mừng Cộng đoàn tham dự với một lòng sùng kính Lòng Chúa Thương xót. Có thể nói đây là lần đầu tiên Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót tổ chức một buổi Hành hương cấp Tổng Giáo phận. Tuy là lần đầu tiên, nhưng theo tổng hợp của Ban Điều hành thì đã có đến 1.600 người tham dự. Nhờ vào sự mời gọi của cha Linh giám Phong trào Lòng Chúa Thương xót Tổng Giáo phận Huế F.X. Nguyễn Văn Thương. Hy vọng rằng trong thời gian tới, Phong trào Lòng Chúa Thương xót Tổng Giáo phận sẽ lớn mạnh, sẽ là một Hội đoàn Công Giáo Tiến hành sẽ giúp ích trong việc Loan báo Tin mừng.

Ngài đặc biệt chào mừng đại diện Phong trào Lòng Chúa Thương xót đến từ các Giáo phận Sài Gòn, Phú Cường, Xuân Lộc, Hà Tĩnh và Bùi Chu.

Sau Thánh lễ, Cha Linh giám Lòng Chúa Thương xót F.X. Nguyễn Văn Thương thay mặt Cộng đoàn nói lời cảm tạ và tri ân Đức Tổng Giám Mục, quý Cha đồng tế.

Ngài nói: “Sự hiện diện của Đức Tổng hôm nay, làm cho chúng con nhớ lại hình ảnh của Chúa Giêsu Phục sinh đã hiện ra để đồng hành và củng cố niềm tin cho các Môn đệ. Chúng con cảm mến sự quan tâm và tình thương mà Đức Tổng dành cho Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót còn non trẻ”.

Ngài cũng cảm ơn các anh chị Lòng Chúa Thương xót đến từ các Giáo phận: Sài Gòn, Phú Cường, Xuân Lộc, Hà Tĩnh và Bùi Chu, không quản ngại đường sá xa xôi để đến với Mẹ La Vang trong dịp Đại lễ này, nói lên tình hiệp thông trong Giáo hội, nâng đỡ tinh thần cho Cộng đoàn Lòng Chúa Thương xót còn non trẻ.

Cảm ơn các anh chị ân nhân từ Sài Gòn đã giúp đỡ vật chất để tổ chức thành công Đại lễ. Xin cảm ơn Ca đoàn Lòng Chúa Thương xót Giáo phận Bùi Chu đã mang đến một Ca đoàn hùng hậu với một dàn âm thanh hiện đại để giúp cho Thánh lễ được thêm phần trang trọng.

Kết thúc Thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục ban Phép lành Toàn xá cho cộng đoàn hành hương.

Trương Trí
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Việc chuyển ngày lễ Nhớ buộc vào ngày khác là như thế nào?
Nguyễn Trọng Đa
08:47 07/05/2019
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Trong giáo xứ của chúng con, con nhận thấy rằng cha xứ chuyển lễ Nhớ buộc của một vị thánh sang một ngày khác (thường là ngày lễ thường gần nhất), bởi vì nó luôn trùng với lễ kỷ niệm cung hiến nhà thờ chính tòa của chúng con. Theo cách tương tự, ngài chuyển lễ Nhớ tùy chọn của một vị thánh sang một ngày lễ thường khác, vì lễ này trùng với lễ thánh bổn mạng của giáo xứ chúng con, vốn không còn có trong lịch chung Rôma nữa, kể từ sau cải cách phụng vụ của Công đồng chung Vatican II. Có luật phụng vụ nào đòi hỏi điều này không? Và có thực sự cần thiết không, thưa cha? - T. C., Manila, Philippines.


Đáp: Về chủ đề chung này, Tòa Thánh đã ban hành Thông báo vào năm 1997 về một số khía cạnh giải quyết như thế nào số lượng trùng hợp ngày càng tăng của các lễ trong năm phụng vụ. Trong một phần, thông báo nói như sau:

“1. Công đồng chung Vatican II đã tái khẳng định nguyên tắc rằng các lễ của các Thánh, mà trong đó các kỳ công của Chúa Kitô được liên tục công bố nơi các tôi tớ của Ngài, mặc dù là quan trọng, không nên trong bất kỳ trường hợp nào lấn lướt các lễ kỷ niệm các mầu nhiệm cứu độ, vốn diễn ra hàng tuần vào ngày Chúa Nhật và trong dòng năm phụng vụ. Do đó, nhận thức này xác định rằng việc cử hành lễ nhiều vị Thánh phải được để dành cho các giáo phận, quốc gia và các Dòng tu hội (Sacrosanctum Concilium, số 111). Nguyên tắc này, cùng với các nguyên tắc khác do Công đồng thiết lập, phục vụ cho việc phục hồi năm phụng vụ và Lịch chung của Nghi lễ Rôma.

“2. Quy chế tổng quát của Lịch phụng vụ và Niên lịch, cùng với Bảng các ngày phụng vụ (Tabula dierum liturgicorum), có mục đích áp dụng cụ thể tiêu chuẩn trên đây, cho cả Lịch chung và các lịch riêng. Hơn nữa, Huấn thị Lịch riêng (Calendaria particularia) của Thánh Bộ Phượng Tự, ngày 24-6-1970, giải thích một số cân nhắc bổ sung liên quan đến các lịch riêng.

“3. Kể từ khi các quy chế này được ban hành, hai yếu tố mới đã được giới thiệu. Một mặt, số lượng lớn các lễ tuyên chân phước và tuyên thánh, được cử hành trong các năm gần đây bởi Đức Thánh Cha, đôi khi đã dẫn đến một sự gia tăng đáng kể trong các lễ mừng được ghi trong các lịch riêng. Mặt khác, việc đưa thêm một số ngày lễ vào Lịch Chung, hoặc tăng cấp độ của ngày lễ đã có, đã làm giảm số lượng các ngày không mừng lễ các thánh.

“4. Thánh Bộ Phượng Tự và Kỷ Luật Bí Tích không cho là phù hợp, vào lúc này, để thay đổi các quy chế đang có hiệu lực; tuy nhiên, Thánh Bộ thấy là cần thiết để nhấn mạnh một số điểm của các quy chế và điều khoản này, mà việc tuân thủ có thể giúp tránh sự thay đổi đáng kể trong các lịch phụng vụ.

“5. Ngày thích hợp để đưa thêm lễ mừng vào một lịch riêng là cùng ngày mà lễ mừng diễn ra trong Lịch chung (Normae, số 56a; Calendaria particularia, số 23), ngay cả khi bậc lễ mừng phải được thay đổi.

“6. Một sự thực hành tốt đẹp, liên quan đến việc mừng các tước hiệu tôn sùng truyền thống của Chúa Giêsu Kitô và của Đức Trinh Nữ Maria, là nối kết chúng vào một trong các Lễ Kính hoặc Lễ trọng, vốn được tìm thấy trong Lịch chung. Trong trường hợp của Đức Mẹ, người ta thường liên kết lễ Kính với ngày 12-9, vốn là ngày lễ Thánh Danh Đức Maria trong Lịch Rôma. Đồng thời, trong cùng một tinh thần tái hòa nhập và làm sáng tỏ, người ta nên tránh việc tạo ra các tước hiệu mới hoặc các lễ Kính mới dành cho Chúa hoặc Đức Mẹ, giới hạn các ngày lễ đã có trong các sách phụng vụ, trừ khi chúng đáp ứng với tình cảm đạo đức rất phổ biến nơi các Kitô hữu, và chúng đã được kiểm tra trước và thận trọng dưới khía cạnh giáo lý.

“7. Trong trường hợp của một vị Thánh, trong khi không có lễ mừng trong Lịch chung, ngày thích hợp nhất cho lịch riêng sẽ là ngày ly trần (dies natalis, tức ngày sinh nhật trên trời) của vị thánh ấy. Tuy nhiên, nếu ngày này là không rõ, hoặc bị ngăn chặn bởi một Lễ trọng, Lễ Kính hoặc Lễ Nhớ buộc, vốn đã được ghi trong Lịch chung hoặc trong lịch riêng, thì lễ mới thường được ấn định vào một ngày thích hợp khác: đó có thể là ngày rửa tội, ngày truyền chức thánh, ngày phát hiện hoặc di chuyển thi hài của thánh nhân, hoặc đơn giản là ngày gần nhất không bị ngăn trở (Normae, số 56b, 56c). Tuy nhiên, tốt hơn là không nên chọn ngày tuyên thánh (xem bên dưới, số 39).

“8. Trong trường hợp mà một lễ Nhớ tùy chọn của lịch riêng bị cản trở vào ngày thích hợp nhất bởi một lễ Nhớ buộc khác, vốn đã có trong Lịch chung hoặc, thí dụ, trong lịch quốc gia, nên chọn một trong hai giải pháp sau đây (xem Lịch riêng, số23): trong một số trường hợp nhất định, có thể làm giảm bậc của lễ Nhớ buộc thành lễ Nhớ tùy chọn, điều này cho phép một sự tự do mục vụ phủ hợp để chọn một trong hai lễ mừng; hoặc có thể kết hợp, mặc dầu nên hiếm khi cử hành, hai lễ thành cùng một bậc.

“9. Các vị Chân Phước là rõ ràng không có trong Lịch chung, nhưng việc đưa các Ngài vào một lịch riêng thường tuân theo, nói chung, các nguyên tắc tương tự được nêu ra trên đây đối với một vị Thánh.

“10. Trong các năm gần đây, các Thánh Bộ của Tòa Thánh quan tâm đến Phụng vụ, theo yêu cầu chính đáng của các Giám mục giáo phận và vì lý do mục vụ, đã cấp phép một số việc chuyến ngày, bao gồm các lễ đã có trong Lịch chung. Tuy nhiên, bây giờ có vẻ thích hợp để đưa ra một số phản ánh ngắn gọn về vấn đề này.

“11. Tính toàn vẹn của Lịch chung phải được bảo tồn, như một sự diễn tả, trong số các điều khác, về sự thống nhất chủ yếu của Nghi lễ Rôma (x. Sacrosanctum Concilium, số 38). Trên thực tế, nguy cơ là rằng một thực hành quá rộng dẫn đến sự suy yếu của sự thống nhất và gắn kết nội bộ của Lịch chung và, ở các độ khác nhau, của mỗi lịch riêng quốc gia hoặc lịch bao trùm khu vực của nhiều giáo phận.

“12. Vì vậy, trong tương lai, Thánh Bộ dự định sẽ nhấn mạnh nhiều hơn về sự cần thiết phải duy trì các lễ mừng trong Lịch chung vào ngày được ấn định cho chúng, và không cho phép chuyển lễ kỷ niệm vào một ngày khác, ngoại trừ các lý do mục vụ đặc biệt, liên quan đến một số lượng đáng kể tín hữu. Điều tương tự cũng sẽ đúng với lịch quốc gia và lịch của các khu vực, khi chúng đi vào xung đột với lịch giáo phận.

“13. Trên thực tế, khi nào có vấn đề một lễ diễn ra ở một cấp có tính địa phương hơn đang bị cản trở, chúng ta thường sẽ tuân thủ nguyên tắc rằng nếu lễ bị cản trở là cao hơn lễ cản trở, nó sẽ được chuyển ngày.

“14. Đôi khi có trường hợp là việc chuyển lễ cản trở, do có việc rước kiệu hoặc các lễ truyền thống dân gian khác nơi người Công Giáo. Các trường hợp này đáng được xem xét đặc biệt. Tuy nhiên, khi các biểu hiện như vậy là dân gian hoặc mang tính dân tộc hơn là bản chất phụng vụ, chúng nên diễn ra độc lập với các chức năng phụng vụ, và do đó không cần chuyển ngày lễ. Tuy nhiên, vẫn còn các lễ Trọng và lễ Kình, mà ở đó có một truyền thống dân gian sâu xa và xa xưa, sẽ tạo thành một lý do đầy đủ cho việc chuyển ngày lễ cản trở (xem lịch riêng, số 23b).

“15. Hiếm khi lý do quan trọng cho việc chuyển ngày của một lễ là ý tưởng xem xét sự phối hợp với một lễ tương tự có trong lịch phụng vụ, hoặc lịch phổ biến của một cộng đồng Kitô giáo ngoài Công Giáo. Ngoại trừ các lý do thực sự đặc biệt, một động lực như vậy không nên được coi là đủ. Điều này là đúng, một cách đặc biệt, với Lịch chung, vốn là biểu hiện của sự hiệp thông tồn tại giữa các Giáo hội địa phương theo cùng một nghi lễ. Tuy nhiên, các cân nhắc này, thậm chí đáng khen ngợi, không được chiếm ưu thế trong mối quan hệ với các cộng đồng giáo hội, mà với họ không có hiệp thông trọn vẹn.

“17. Phù hợp với mong muốn của Công đồng chung, các quy chế nhấn mạnh rằng khoảng thời gian thường rơi vào Mùa Chay hoặc các ngày Bát Nhật Phục sinh, cũng như các ngày từ 17 đến 24-12, không được tổ chức lễ các Thánh. Tuy nhiên, các quy chế này có thể cho phép các ngoại lệ theo luật chung. Trước hết, về điểm này, một sự tự do nhất định được dành cho các lễ Kính riêng và lễ Nhớ riêng tùy chọn.

“18. Điều quan trọng cần lưu ý là các lễ được ghi lại trong lịch riêng được điều chỉnh chính xác bởi các quy chế hiện hành.

“19. Lịch của giáo phận bao gồm: Lễ của vị bổn mạng chính của giáo phận, Lễ cung hiến nhà thờ chính tòa, cũng như lễ Nhớ buộc của bất cứ vị bổn mạng thứ hai nào. Cũng bao gồm lễ của các Thánh và Chân Phước có một mối liên kết đặc biệt với giáo phận: thí dụ, nếu các vị sinh ra ở đó, phục vụ lâu dài cho Hội Thánh ở đó, hoặc qua đời ở đó, đặc biệt là nếu thi hài hoặc thánh tích chính của các vị được lưu giữ ở đó, hoặc thậm chí nếu các vị được tôn kính và được cầu nguyện nhiều ở đó (xem Normae, số 52a; Tabula số 8a, 8b, 11a; Lịch riêng, số 9). Việc yêu cầu, không thường xuyên, rằng vị thánh bổn mạng chính của giáo phận có thể có lễ với bậc lễ Trọng là không hoàn toàn hài hòa với các quy chế (xem Tabula, số 8a) và không thể chấp nhận được…

“22. Từ những điều trên, có thể suy luận rằng, trong trường hợp không có lý do mục vụ đặc biệt, thì không thích hợp để giới thiệu các lễ khác vào lịch riêng. Các trường hợp đặc biệt như vậy đòi hỏi sự phê chuẩn của Tòa Thánh.

“23. Các quy chế pháp lý là ít được phát triển hơn cho các lịch khác. Đó là một mặt các lịch liên giáo phận (khu vực, quốc gia) hoặc lịch giữa giáo phận (của các thành phố hoặc các địa điểm khác, của các nhà thờ đặc biệt), và mặt khác là các Dòng tu hội hoặc các Tinh Dỏng làm nên Dòng tu, hoặc các lịch chung cho các nhánh khác nhau của một Dòng tu duy nhất. Các gợi ý cơ bản được tìm thấy trong Bảng Ngày Phụng Vụ (Tabula dierum liturgicorum), và cả trong các Lịch riêng nữa (số 8, 10, 11).

“24. Một trong các điều chung nhất bị bỏ qua sự tồn tại của lịch riêng cho các giáo hội riêng lẻ, vốn bao gồm các lễ được nhìn nhận trong Tabula dierum liturgicorum. Ngoài Lễ trọng kỷ niệm cung hiến nhà thờ, và Lễ trọng bổn mạng, có thể có các lễ riêng với bậc lễ Kính”.

Bây giờ đến câu hỏi chính xác của bạn đọc, chúng tôi thấy ở trên rằng ưu tiên là dời lễ địa phương hơn là lễ chung. Tuy nhiên, điều này cũng sẽ phụ thuộc vào lễ đặc biệt. Lễ vị thánh bổn mạng của một giáo xứ là một lễ trọng trong nhà thờ ấy, và do đó được ưu tiên hơn các lễ Nhớ, lễ Kính, Chúa Nhật mùa thường niên và thậm chí một số lễ trọng khác.

Nếu điều này xảy ra hàng năm, thì sẽ được phép, nhưng không bắt buộc, chuyển một lễ Nhớ buộc vào ngày gần nhất. Điều này sẽ được đặc biệt khuyến khích, nếu vị thánh bị cản trở là một đối tượng của sự sùng kính lớn trong giáo xứ.

Lễ cung hiến của nhà thờ chính tòa giáo phận là một lễ trọng. Trong phần còn lại của giáo phận, nó sẽ phụ thuộc vào bất cứ quy chế phụng vụ nào xảy ra. Thí dụ, nếu tước hiệu của nhà thờ chính tòa cũng là vị thánh bổn mạng của giáo phận, thì đó có thể là một lễ Kính trong cả giáo phận và, theo các tiêu chuẩn mục vụ được đưa ra ở trên, một lễ Nhớ buộc cũng có thể được chuyển ngày.

Nếu lễ giáo phận là một lễ Nhớ buộc trong giáo phận, thì, theo các quy chế được đưa ra ở trên, lễ ở địa phương tốt nhất nên được chuyển ngày.

Nếu lễ cung hiến nhà thờ chinh tòa chỉ được cử hành phụng vụ trong nhà thờ chính tòa, thì không cần phải chuyển ngày nữa. (Zenit.org 7-5-2019)

Nguyễn Trọng Đa

https://zenit.org/articles/transferring-obligatory-memorials/
 
VietCatholic TV
Lời cầu chúc đầy ý nghĩa của Đức Thánh Cha dành cho các em rước lễ lần đầu
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:02 07/05/2019
Sáng thứ Hai, 6 tháng 5 năm 2019, tức là ngày thứ hai trong chuyến tông du của ngài, lúc 8g30 sáng, Ðức Thánh Cha đã đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn.

Lúc 9g30, ngài đã đáp máy bay đến Rakovsky, là thị trấn có 17 ngàn dân cư ở mạn đông nam thủ đô Sofia, là vùng có đông tín hữu Công Giáo nhất tại Bảo Gia Lợi.

Rakovsky thuộc về giáo phận Sofia e Plovdiv của Bảo Gia Lợi.

Năm 1601, Đức Giáo Hoàng Clêmentê Đệ Bát quyết định thành lập giáo phận Sardica bao gồm miền Sredek và thủ đô Sofia. Năm 1642, Đức Giáo Hoàng Urbanô Đệ Bát nâng giáo phận này lên hàng tổng giáo phận.

Đến năm 1758, vì số tín hữu sa sút nên, Đức Giáo Hoàng Clêmentê thứ 13 đổi lại thành miền Giám Quản Tông Tòa Sofia e Plovdiv. Đến ngày 3 tháng Ba năm 1979, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nâng lên hàng giáo phận như hiện nay.

Giáo phận Sofia e Plovdiv hiện được coi sóc bởi Đức Cha Gheorghi Ivanov Jovčev / ʒo:g-gɪ̈ va-nɔv ʒo:-vei/, năm nay 68 tuổi.

Thủ phủ của giáo phận Sofia e Plovdiv là Rakovsky. Toàn giáo phận có khoảng 33,000 tín hữu Công Giáo sinh hoạt trong 18 giáo xứ dưới sự chăm sóc mục vụ của 13 linh mục triều và 12 linh mục dòng. Bên cạnh đó, còn có 20 nữ tu và 14 nam tu sĩ không có chức linh mục.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Ðức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, và cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu.

Trong bài giảng thánh lễ, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi vui mừng chào đón các bé trai và bé gái, những em sẽ được rước lễ lần đầu và cha mẹ, họ hàng và bạn bè của các em. Với tất cả anh chị em, tôi xin gửi lời chào kính tuyệt đẹp vốn được trao đổi ở đất nước anh chị em vào thời điểm lễ Phục Sinh: “Chúa Kitô đã sống lại!” Lời chào này nói lên niềm vui của chúng ta như các Kitô hữu, như các môn đệ của Chúa Giêsu. Chúng ta vui mừng vì yêu chúng ta, Chúa Giêsu đã hiến mạng sống mình trên thập giá và tiêu diệt tội lỗi. Ngài đã sống lại và làm cho chúng ta trở thành con trai và con gái nuôi của Thiên Chúa Cha. Chúng ta vui mừng vì Người đang sống và hiện diện giữa chúng ta, hôm nay và mãi mãi.

Các bé trai và bé gái thân mến, chúng con đã đến đây từ mọi ngõ ngách của “Lãnh thổ Hoa hồng” này để tham dự một cuộc cử hành tuyệt vời. Cha chắc chắn chúng con sẽ không bao giờ quên được ngày này: cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng con với Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể. Một trong chúng con dám hỏi cha: làm thế nào chúng con có thể gặp được Chúa Giêsu? Người sống cách đây rất lâu, nhưng rồi Người đã chết và được mai táng trong mộ! Đúng vậy: Chúa Giêsu đã thực hiện một hành động yêu thương vô bờ để cứu loài người thuộc mọi thời đại. Người ở trong mộ ba ngày, nhưng chúng ta biết - các Tông đồ và nhiều nhân chứng khác từng thấy Người còn sống đã bảo đảm với chúng ta - rằng Thiên Chúa, Cha của Người và Cha của chúng ta, đã cho Người sống lại. Giờ đây, Chúa Giêsu đang sống và ở đây với chúng ta. Đó là lý do tại sao chúng ta có thể gặp gỡ Người hôm nay trong Bí tích Thánh Thể. Chúng ta không nhìn thấy Người bằng con mắt thể lý của mình, nhưng chúng ta nhìn thấy Người bằng con mắt đức tin.

Cha đang nhìn chúng con, mặc áo choàng trắng của chúng con. Thật là một dấu hiệu có ý nghĩa và đẹp đẽ. Chúng con đang mặc y phục dự một cuộc cử hành! Rước Lễ lần đầu, trước hết, là một cuộc cử hành. Chúng ta cử hành mừng Chúa Giêsu, Đấng muốn luôn được ở bên cạnh chúng ta. Người sẽ luôn ở bên chúng ta. Cuộc cử hành này sở dĩ có được cũng là nhờ cha mẹ và ông bà, gia đình và cộng đồng của chúng ta, những người đã giúp chúng ta lớn lên trong đức tin.

Chúng con đã đi một chặng đường dài để đến đây, đến Rakovski. Các linh mục và giáo lý viên của chúng con, những người đã đồng hành cùng chúng con trong việc chuẩn bị cho chúng con dự ngày này, cũng đã đồng hành cùng chúng con trên con đường hôm nay dẫn chúng con đến gặp Chúa Giêsu và đón nhận Người vào lòng chúng con.

Như chúng ta đã nghe trong bài Tin Mừng hôm nay (xem Ga 6: 1-15), một ngày nọ, Chúa Giêsu đã làm năm ổ bánh và hai con cá hóa nhiều một cách lạ lùng, thỏa mãn cơn đói của đám đông theo Người và lắng nghe Người. Chúng con có nhận thấy phép lạ đã bắt đầu ra sao không? Nó bắt đầu với một em bé đã dâng tất cả những gì em có: năm cái bánh và hai con cá (x. Ga 6: 9). Giống như em bé đó, chúng con cũng đã giúp cho một phép lạ diễn ra ngày hôm nay. Phép lạ qua đó tất cả những người lớn tuổi chúng tôi đã nhớ lại cuộc gặp gỡ đầu tiên của chúng tôi với Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể, và được tràn đầy lòng biết ơn vì ngày hôm đó.

Hôm nay chúng con đã làm cho chúng tôi sống lại niềm vui đó và cử hành mừng Chúa Giêsu, đang hiện diện trong Bánh Ban Sự Sống. Một số phép lạ chỉ có thể diễn ra nếu chúng ta có một trái tim giống như chúng con: một trái tim có khả năng chia sẻ, mơ mộng, cảm thấy biết ơn, tín thác và tôn trọng người khác. Việc chúng con rước lễ lần đầu chứng tỏ rằng chúng con muốn gần gũi hơn với Chúa Giêsu mỗi ngày, lớn lên trong tình bạn với Người và dẫn người khác đến chỗ chia sẻ niềm vui mà Người muốn chúng ta cảm nhận. Chúa cần chúng con, bởi vì Người muốn làm phép lạ mang niềm vui của Người đến cho nhiều bạn bè và các thành viên trong gia đình chúng con.

Các bé trai và bé gái thân mến, cha rất vui được chia sẻ khoảnh khắc tuyệt vời này với chúng con và giúp chúng con gặp được Chúa Giêsu. Đối với chúng con, đây là một ngày được cử hành trong tinh thần bằng hữu, hân hoan và huynh đệ. Một ngày hiệp thông giữa chúng con và với toàn thể Giáo hội, một ngày, nhất là trong Bí tích Thánh Thể, nói lên sự hiệp thông làm cho tất cả chúng ta thành anh chị em. Đây là thẻ căn cước của chúng ta: Thiên Chúa là Cha của chúng ta, Chúa Giêsu là anh của chúng ta, Giáo hội là gia đình của chúng ta. Tất cả chúng ta là anh chị em, và lề luật của chúng ta là tình yêu.

Cha yêu cầu chúng con luôn luôn cầu nguyện cùng một cách hào hứng và hân hoan mà chúng con cảm thấy ngày hôm nay. Chúng con hãy nhớ rằng đây là bí tích rước lễ lần đầu của chúng con, chứ không phải rước lễ lần cuối cùng của chúng con! Chúng con hãy nhớ rằng, Chúa Giêsu luôn ở đó, chờ đợi chúng con. Cha hy vọng rằng hôm nay sẽ là khởi đầu của nhiều lần Rước lễ, để trái tim chúng con luôn được mừng lễ, tràn đầy niềm vui và trên hết là lòng biết ơn như ngày hôm nay.

Sau lễ, vào lúc 13g, Đức Thánh Cha đã dùng bữa trưa với các Giám Mục Bảo Gia Lợi tại tu viện Thánh Tâm của các nữ tu dòng Phan Sinh.
 
Mưa rơi như dấu chỉ nhậm lời – Buổi cầu nguyện cho hòa bình tại Sofia
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
19:18 07/05/2019
Ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 8g30 sáng, ngài đã đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn. Sau đó, lúc 9g30, ngài đã đáp máy bay đến Rakovsky và đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, cũng như cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu. Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha đã gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky.

Lúc 17g15, Đức Thánh Cha đã đáp máy bay trở về thủ đô Sofia để tham dự buổi cầu nguyện cho hòa bình cùng với các vị lãnh đạo các cộng đoàn tôn giáo tại Bảo Gia Lợi ở Quảng trường Nezavisimost vào lúc 18g15.

Trong diễn từ theo sau những lời cầu nguyện cho hòa bình, Đức Thánh Cha nói:


Anh chị em thân mến,

Chúng ta đã cầu nguyện cho hòa bình bằng những lời được linh hứng từ Thánh Phanxicô thành Assisi, người rất yêu mến Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa và Cha của tất cả mọi người. Một tình yêu mà ngài thể hiện với cùng một niềm đam mê và sự tôn trọng sâu sắc đối với vẻ đẹp của thiên nhiên và của tất cả những người ngài gặp gỡ trên đường hành hương. Một tình yêu đã thay đổi cách nhìn của ngài và giúp ngài nhận ra rằng trong tất cả mọi người, có “một ánh sáng lóe lên từ xác tín cá nhân của chúng ta rằng, khi mọi thứ được nói và được thực hiện, chúng ta được yêu mến vô hạn” (Niềm vui Phúc Âm, 6).

Tình yêu đó cũng khiến Thánh Phanxicô trở thành một người kiến tạo hòa bình thực sự. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi theo bước chân của ngài bằng cách trở thành một người xây dựng hòa bình, một “nghệ nhân” của hòa bình. Hòa bình vừa là một ân sủng vừa là một nghĩa vụ; nó phải được cầu khẩn và nỗ lực làm việc, phải được cảm nhận như một phước lành và không ngừng tìm kiếm trong nỗ lực hàng ngày của chúng ta để xây dựng một nền văn hóa trong đó hòa bình được tôn trọng như một quyền cơ bản. Một nền hòa bình tích cực, được “khích lệ” chống lại tất cả những hình thức ích kỷ và thờ ơ khiến chúng ta đặt lợi ích nhỏ nhoi của một số ít trước phẩm giá bất khả xâm phạm của mỗi người.

Hòa bình đòi hỏi và yêu cầu chúng ta chấp nhận đối thoại như là con đường của chúng ta, sự hiểu biết lẫn nhau như là quy tắc ứng xử và sự hiểu biết hỗ tương là phương pháp và tiêu chuẩn của chúng ta (xem Tài liệu về tình huynh đệ của con người, Abu Dhabi, ngày 4 tháng 2 năm 2019). Bằng cách đó, chúng ta có thể tập trung vào những gì hợp nhất chúng ta, thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau trước những khác biệt của chúng ta và khuyến khích nhau nhìn về một tương lai tràn đầy cơ hội và phẩm giá, đặc biệt là cho các thế hệ tương lai.

Tối nay, chúng ta đã tập trung để cầu nguyện trước những chiếc đèn này do con cái chúng ta mang đến. Chúng tượng trưng cho ngọn lửa tình yêu bùng cháy trong chúng ta và điều đó có nghĩa là trở thành ngọn hải đăng của lòng thương xót, tình yêu và hòa bình ở mọi nơi chúng ta hiện diện. Đó là một ngọn hải đăng có thể chiếu ánh sáng lên toàn bộ thế giới của chúng ta. Với ngọn lửa tình yêu, chúng ta có thể làm tan chảy cơn lạnh băng giá của chiến tranh và xung đột. Buổi lễ cầu nguyện cho hòa bình của chúng ta diễn ra trên tàn tích của khu phố Serdika xưa, tại Sofia, trung tâm của Bảo Gia Lợi. Từ đây, chúng ta có thể thấy những nơi thờ phượng của các Giáo hội và các tôn giáo khác nhau: Thánh Nedelya của anh chị em Chính thống giáo, Thánh Giuse của chúng tôi những người Công Giáo, hội đường của các anh cả của chúng ta, những người Do Thái Giáo, đền thờ của anh chị em Hồi giáo và, gần gũi với chúng ta hơn nữa, là nhà thờ của Giáo Hội Armenia [Tông truyền].

Trong nhiều thế kỷ, người Bảo Gia Lợi ở thủ đô Sofia thuộc các nhóm văn hóa và tôn giáo khác nhau đã tập trung tại nơi này để họp và thảo luận. Cầu xin cho địa điểm biểu tượng này trở thành một chứng tá cho hòa bình. Đêm nay, tiếng nói của chúng ta hòa quyện với nhau trong việc giãi bày mong muốn hòa bình thiết tha của chúng ta. Hãy có hòa bình trên trái đất: trong gia đình, trong trái tim của chúng ta và trên hết là ở những nơi mà rất nhiều tiếng nói đã bị câm nín bởi chiến tranh, bị bóp nghẹt bởi sự thờ ơ và bị phớt lờ do sự đồng lõa mạnh mẽ của các nhóm lợi ích. Cầu xin cho tất cả mọi người biết làm việc cùng nhau để biến giấc mơ này thành hiện thực: các nhà lãnh đạo tôn giáo, chính trị và văn hóa. Xin cho mỗi người chúng ta, ở mọi nơi, trong mọi việc chúng ta làm, có thể nói: “Lạy Chúa, xin hãy biến con thành một khí cụ bình an của Chúa.”

Đó là một lời cầu xin cho giấc mơ của Thánh Giáo hoàng Gioan XXIII trở thành sự thật: giấc mơ về một trái đất nơi hòa bình không bao giờ vắng bóng. Chúng ta hãy chia sẻ khát vọng đó và, bằng chứng tá của cuộc sống, chúng ta hãy nói: Pacem in terris! Bình an dưới thế cho người Chúa thương.


Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Những lời khuyên vàng ngọc của Đức Thánh Cha cho người trẻ, các cặp vợ chồng, gia đình và cộng đoàn Bảo Gia Lợi
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
01:25 07/05/2019
Ngày thứ hai trong chuyến tông du của Đức Thánh Cha Phanxicô, lúc 8g30 sáng, ngài đã đến thăm một trại dành cho người di cư và tị nạn. Sau đó, lúc 9g30, ngài đã đáp máy bay đến Rakovsky và đã chủ sự thánh lễ tại Nhà Thờ Thánh Tâm vào lúc 11g15, cũng như cho hàng trăm trẻ em được rước lễ lần đầu. Buổi chiều, lúc 15g30, Ðức Thánh Cha đã gặp cộng đoàn Công Giáo tại Nhà Thờ Tổng Lãnh Thiên Thần Micae tại Rakovsky.

Trong diễn từ tại đây, Đức Thánh Cha đã đưa ra các lời khuyên cho các linh mục, các gia đình, các cặp vợ chồng, và các cộng đoàn. Ngài nói:


Anh chị em thân mến,

Chào anh chị em! Cảm ơn anh chị em đã chào đón nồng nhiệt và nhảy múa và đưa ra các chứng từ của anh chị em. Tôi được bảo cho biết là bản dịch có trên màn hình. Điều đó thật tốt.

Đức Giám Mục Iovcev yêu cầu tôi giúp anh chị em, những người đang tràn đầy niềm vui tại cuộc gặp gỡ dân Chúa với vô số khuôn mặt và đặc sủng, biết “nhìn với con mắt đức tin và tình yêu”. Nhưng trước tiên, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì đã giúp tôi nhìn rõ hơn và hiểu đầy đủ hơn một chút tại sao vùng đất này rất thân thương và quan trọng đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan XXIII. Ở đây, Chúa đã chuẩn bị những gì sẽ là một bước quan trọng trong hành trình giáo hội của chúng ta. Tại đây, ngài đã phát triển tình huynh đệ bền chặt với anh chị em Chính thống giáo của chúng ta, và điều này dẫn ngài đến với con đường thúc đẩy tình cảm huynh đệ được mong mỏi từ lâu, nhưng mong manh hơn bao giờ giữa các cá nhân và cộng đồng.

Để nhìn với con mắt đức tin. Tôi muốn nhắc lại một điều vị “Giáo Hoàng Gioan nhân từ” đã từng nói. Trái tim ngài rất hòa hợp với Chúa đến mức ngài có thể bộc lộ sự bất đồng của mình với những người đã không nhìn thấy gì khác xung quanh ngoài sự ác và gọi họ là “các tiên tri về ngày thế mạt”. Ngài xác tín về sự cần thiết phải tin tưởng vào ơn quan phòng của Thiên Chúa, Đấng luôn đồng hành với chúng ta và ngay cả trong nghịch cảnh vẫn có khả năng đưa ra những kế hoạch sâu sắc và không lường trước được của Người (Diễn từ Khai Mạc Công đồng Vatican II, 11 tháng 10 năm 1962).

dân Chúa học cách nhìn, tin tưởng, khám phá và để mình được hướng dẫn bởi quyền năng phục sinh. Tất nhiên, họ nhận ra rằng sẽ luôn có những lúc đau đớn và những tình huống bất công, nhưng họ không khoanh tay, co rúm lại vì sợ hãi hoặc thậm chí tệ hơn, tạo ra bầu không khí hoài nghi, khó chịu hoặc gây gián đoạn, vì điều này chỉ làm hại linh hồn, làm nhạt nhòa hy vọng và cản trở mọi giải pháp khả thi. Những người nam nữ của Thiên Chúa có can đảm để thực hiện bước đầu tiên - điều rất quan trọng là thực hiện bước đầu tiên - trong việc tìm ra những phương thế sáng tạo để làm chứng một cách trực tiếp rằng Tình yêu không chết, nhưng đã chiến thắng mọi trở ngại. Những người nam nữ của Chúa tham gia vào vì họ đã học được rằng, trong Chúa Giêsu, chính Thiên Chúa đã tham gia. Ngài tự đặt mình vào thế bị đe dọa để không ai cảm thấy cô đơn hay bị bỏ rơi. Và đây là vẻ đẹp của đức tin của chúng ta: Thiên Chúa tham gia bằng cách biến mình thành một người trong chúng ta.

Tôi muốn chia sẻ với anh chị em một kinh nghiệm tôi đã có một vài giờ trước đây. Sáng nay tôi đã đến thăm trại tị nạn Vrazhdebna và gặp những người đang xin tị nạn và những người tị nạn từ nhiều quốc gia khác nhau trên thế giới, những người đang tìm kiếm một nơi tốt hơn để sống hơn là nơi họ đã bỏ đi. Tôi cũng đã gặp các tình nguyện viên của Caritas [cộng đoàn vỗ tay hoan hô các tình nguyện viên Caritas mặc áo thun đỏ đang đứng lên]. Khi tôi đến đây và thấy các tình nguyện viên của Caritas, tôi đã hỏi họ là ai vì tôi nghĩ họ là lính cứu hỏa! Tất cả đều màu đỏ! Ở đó [tại Trung tâm Vrazhdebna] họ nói với tôi rằng cốt lõi của trung tâm tị nạn này là cuộc sống và công việc được phát sinh từ sự thừa nhận rằng mỗi người đều là con của Chúa, bất kể sắc tộc hay tôn giáo. Để yêu một người, không cần phải hỏi sơ yếu lý lịch của người đó; tình yêu đi trước, nó luôn luôn tiến lên, nó bước những bước đầu tiên. Tại sao? Vì tình yêu là nhưng không? Trong Trung tâm Caritas đó có nhiều Kitô hữu đã học cách nhìn bằng mắt của chính Chúa. Thiên Chúa không lo lắng về các nhãn hiệu, nhưng tìm kiếm và chờ đợi mỗi người với đôi mắt của một người Cha. Nhưng anh chị em có biết điều này không? Chúng ta phải cẩn thận! Chúng ta đã rơi vào nền văn hóa của những nhãn hiệu: “người này là như vậy, còn người kia thì thế này, còn con người này thì như thế.. .”. Đây không phải là những gì Chúa muốn. Họ đều là những con người, được tạo thành theo hình ảnh của Chúa. Không nhãn hiệu gì cả! Chúng ta hãy để chuyện phán xét lại cho Chúa; chúng ta chỉ nên trao ban tình yêu, cho mỗi người. Điều này cũng đúng với các tin đồn. Thật dễ dàng để tin đồn đến giữa chúng ta! “Ah, người này là như vậy, người đó làm như thế.. .”. Chúng ta luôn dán nhãn cho mọi người. Tôi không nói về anh chị em, bởi vì tôi biết không có tin đồn ở đây, nhưng hãy nghĩ về những nơi xảy ra tin đồn. Và điều đó có nghĩa là dán nhãn: dán nhãn người ta. Chúng ta phải chuyển từ văn hóa dán nhãn mọi thứ sang thực tế của việc phân định từng trường hợp. Nhìn bằng con mắt đức tin là một lời triệu tập đừng dành cả đời để dán nhãn, phân loại những người xứng đáng với tình yêu và những người không xứng đáng, nhưng cố gắng tạo ra những điều kiện mà mọi người đều có thể cảm thấy được yêu, đặc biệt là những người cảm thấy bị Chúa lãng quên bởi vì họ bị quên lãng bởi anh chị em của họ. Anh chị em ơi, những người yêu thương không lãng phí thời gian vào lòng tự thương hại, mà luôn cố gắng làm điều gì đó cụ thể. Trong Trung tâm đó, họ học cách nhìn nhận vấn đề, thừa nhận và đối mặt với chúng; họ để mình bị chất vấn và cố gắng phân biệt mọi việc bằng con mắt của Chúa. Như Đức Giáo Hoàng Gioan nói: “Tôi chưa bao giờ gặp một người bi quan mà còn làm được một điều gì tốt”. Người bi quan không bao giờ làm điều gì tốt. Những người bi quan phá hỏng mọi thứ. Khi tôi nghĩ về một người bi quan, tôi nghĩ về một chiếc bánh pie ngon. Người bi quan làm gì? Người ấy đổ giấm lên chiếc bánh, và làm hỏng mọi thứ. Những người bi quan phá hỏng mọi thứ. Trái lại, tình yêu luôn luôn mở ra! Đức Giáo Hoàng Gioan nói thật chí lý: “Tôi chưa bao giờ gặp một người bi quan mà còn làm được một điều gì tốt”. Chúa là người đầu tiên không bi quan. Ngài không ngừng cố gắng mở ra những con đường phục sinh cho tất cả chúng ta. Chúa là một người lạc quan vô phương cứu chữa! Ngài luôn tìm cách nghĩ tốt về chúng ta, để đưa chúng tiến lên, để đánh cuộc trên chúng ta. Thật tuyệt vời làm sao khi cộng đồng của chúng ta trở thành những nơi xây dựng hy vọng! Người lạc quan là một người nam nữ tạo ra hy vọng trong cộng đồng.

Mặt khác, để nhìn mọi thứ bằng con mắt của Chúa, chúng ta cần những người khác. Chúng ta cần họ dạy chúng ta nhìn và cảm nhận cách Chúa Giêsu nhìn và cảm nhận, để cho trái tim chúng ta cùng chung nhịp đập với cảm xúc của chính Ngài. Đây là lý do tại sao nó làm tôi hài lòng khi Mitko và Miroslava, cùng với cô con gái nhỏ Bilyana của họ nói với chúng ta rằng giáo xứ luôn là ngôi nhà thứ hai của họ, là nơi họ luôn tìm thấy sức mạnh để tiếp tục, giữa những lời cầu nguyện của cộng đồng và sự hỗ trợ của những người thân yêu. Một giáo xứ lạc quan, giúp mọi người tiến lên.

Giáo xứ, theo cách này, trở thành một ngôi nhà ở giữa các ngôi nhà. Giáo xứ xoay sở để làm cho Chúa hiện diện ở đó, nơi mọi gia đình, mọi người cố gắng kiếm được lương thực hàng ngày của họ. Ở đó, ở mỗi góc phố, có Chúa ở đó, Đấng không muốn cứu chúng ta bằng sắc lệnh, nhưng đã đến giữa chúng ta. Ngài muốn tham gia vào trung tâm của các gia đình chúng ta và nói với chúng ta, như Ngài đã nói với các môn đệ: “Bình an cho anh em!” Lời chào của Chúa thật tốt lành: “Bình an cho anh em!” Nơi có bão tố, nơi có bóng tối, nơi có nghi ngờ, nơi có lo âu, Chúa nói: “Bình an cho anh em!”. Và Ngài không chỉ nói điều đó thôi: Ngài còn mang bình an đến cho chúng ta.

Tôi hạnh phúc khi thấy anh chị em thích “lời khuyên” mà tôi chia sẻ với các cặp vợ chồng: “Không bao giờ đi ngủ trong tức giận, thậm chí dù chỉ một đêm”. Từ những gì tôi quan sát, tôi thấy nó có hiệu quả với anh chị em! Đó là một chút lời khuyên cũng có thể hữu ích cho tất cả các Kitô hữu. Tôi muốn nói với các cặp vợ chồng đừng nên tranh cãi, nhưng nếu họ cãi nhau, thì không sao, vì vượt qua chuyện đó cũng là bình thường. Bình thường thôi mà. Và đôi khi thậm chí tranh cãi khá gay gắt - đôi khi cả chén dĩa cũng bay - nhưng có thể vượt qua, miễn là ngày đó kết thúc trong hòa bình. Đừng bao giờ kết thúc một ngày trong chiến tranh. Tất cả các cặp vợ chồng: đừng bao giờ kết thúc một ngày mà vẫn còn hậm hực với nhau. Và anh chị em có biết tại sao không? Bởi vì “chiến tranh lạnh” vào ban ngày trở nên rất nguy hiểm sau đó. “Nhưng, thưa Cha, làm thế nào để chúng ta làm hòa? Con có thể học cách nói lời dàn hòa ở chỗ nào? Hãy làm như thế này [Đức Thánh Cha làm điệu bộ vuốt ve]: chỉ cần một cử chỉ như thế và hòa bình được tái lập. Chỉ cần một cử chỉ của tình yêu. Anh chị em hiểu không? Điều này là dành cho các cặp vợ chồng.

Đúng là, như anh chị em cũng đã nói, chúng ta trải qua nhiều thử thách khác nhau; đó là lý do tại sao chúng ta cần cảnh giác ngăn chặn không cho sự tức giận, oán giận hoặc cay đắng chiếm hữu trái tim của chúng ta. Chúng ta phải giúp đỡ lẫn nhau trong việc này, chăm sóc lẫn nhau, để ngọn lửa mà Thánh Linh đã thắp lên trong lòng chúng ta không bao giờ lụi tàn.

Anh chị em đánh giá cao, và rất biết ơn các linh mục và nữ tu chăm sóc cho anh chị em. Các ngài thật tốt lành! Một tràng pháo tay dành cho các ngài. Khi tôi lắng nghe anh chị em, tôi đã bị đánh động bởi một vị linh mục không nói về việc ngài đã thành công như thế nào trong những năm phục vụ, nhưng về tất cả những người mà Chúa đặt để trên con đường của ngài để giúp ngài trở thành một mục tử tốt của Chúa. Và anh chị em là những người này.

dân Chúa biết ơn các linh mục của mình và các linh mục nhận ra rằng các ngài đang học cách trở thành các tín hữu – hãy chú ý đến điều này: các ngài đang học cách trở thành các tín hữu - với sự giúp đỡ của người dân, gia đình họ, trong khi sống giữa họ. Khi một linh mục hoặc một người tận hiến, thậm chí là một giám mục như tôi, sống cách xa dân Chúa, trái tim người ấy trở nên băng giá và mất khả năng để tin như dân Chúa tin. Đây là lý do tại sao tôi thích câu nói: dân Chúa giúp đỡ những người thánh hiến - có thể là linh mục, giám mục hoặc các nữ tu - để trở thành các tín hữu. dân Chúa là một cộng đồng sống động, một cộng đồng hỗ trợ, đồng hành, hòa nhập và làm phong phú. Không bao giờ tách rời, nhưng hợp nhất, nơi mọi người học cách trở thành một dấu chỉ và phước lành của Thiên Chúa cho người khác. Một linh mục không có dân của mình sẽ mất đi bản sắc, và những người dân có thể trở nên rời rạc nếu không có các linh mục. Đó là sự hiệp nhất giữa linh mục, là người hỗ trợ và chiến đấu cho dân mình, và những người ủng hộ và chiến đấu cho linh mục của họ. Đây là một điều tuyệt vời! Mỗi người cống hiến cuộc đời của mình cho người khác. Không ai trong chúng ta có thể chỉ sống cho chính mình; chúng ta sống vì người khác Thánh Phaolô đã nói điều này trong một lá thư của ngài: “Không ai sống với chính mình”. “Nhưng mà thưa Cha, con biết có một người sống cho bản thân mình mà thôi”. Thế thì người đó có hạnh phúc không? Anh ta có khả năng trao ban cuộc sống của mình cho người khác không? Anh ta có thể mỉm cười không? Họ là những người ích kỷ. Dân tư tế có thể nói cùng với các linh mục của mình: “Đây là mình Thầy, hiến tế vì anh em”. Đây là dân Chúa hợp nhất với linh mục của họ. Đó là cách chúng ta học để trở thành một Giáo Hội, một gia đình và một cộng đồng chào đón, lắng nghe, đồng hành, quan tâm đến người khác, tỏ lộ dung nhan đích thật của mình, đó là khuôn mặt của một người mẹ. Giáo Hội là một người mẹ. Một Giáo Hội là mẹ - Giáo Hội Mẹ - trải nghiệm và biến vấn nạn của con cái thành vấn đề của chính mình, không đưa ra câu trả lời được làm sẵn. Không. Khi các bà mẹ phải phản ứng trước thực tế của con cái họ, họ nói những gì xuất hiện trong tâm trí họ lúc đó. Các bà mẹ không có câu trả lời làm sẵn: họ trả lời bằng trái tim, bằng tâm hồn của một người mẹ. Giáo Hội cũng vậy, Giáo Hội này được tạo thành từ tất cả chúng ta, người dân cùng với các linh mục, các giám mục, những người nam nữ tận hiến: tất cả đang tìm kiếm những con đường của cuộc sống bên nhau, những con đường hòa giải trong khi nỗ lực làm cho Nước Chúa trị đến. Một Giáo Hội, một gia đình và một cộng đồng đương đầu với những vấn đề rắc rối của cuộc sống, những vấn nạn thường rối tung lên như những quả bóng len rối; trước khi gỡ rối những vấn đề này, nó phải biến những vấn đề ấy thành những vấn đề của riêng mình, xắn tay vào, trong tình yêu mến. Một người mẹ cũng thực hiện điều này: khi bà nhìn thấy con trai hay con gái mình “rối tung lên” giữa tất cả các loại khó khăn, bà không lên án họ: bà xắn tay vào những khó khăn, đặt những nút thắt này trong tay của mình, biến những khó khăn ấy thành khó khăn của mình và giải quyết chúng. Giáo Hội của chúng ta, là một người mẹ, cũng làm như thế. Chúng ta phải nhìn Giáo Hội như thế. Giáo Hội là người mẹ chấp nhận chúng ta như chúng ta là, với những khó khăn, thậm chí cả với tội lỗi của chúng ta. Giáo Hội là một người mẹ, Giáo Hội luôn biết cách giải quyết mọi thứ. Thật tuyệt vời khi có một người mẹ như vậy phải không? Đừng bao giờ tách mình ra khỏi người mẹ ấy, đừng bao giờ rời khỏi Giáo Hội! Bởi vì nếu anh chị em ra đi, anh chị em sẽ mất ký ức về tình mẫu tử của Giáo Hội; anh chị em sẽ bắt đầu nghĩ xấu về Giáo Hội là mẹ của anh chị em, và anh chị em càng đi xa, hình ảnh người mẹ sẽ càng trở thành hình ảnh của một người mẹ kế độc ác. Nhưng cho dù người mẹ kế độc ác ở trong trái tim anh chị em; thì Giáo Hội vẫn là một người mẹ.

Một gia đình giữa các gia đình - đây là Giáo Hội – hãy mở ra để làm chứng trong thế giới ngày nay, như người nữ tu đã nói với chúng ta, hãy mở lòng ra đối với đức tin, hy vọng và tình yêu dành cho Chúa và cho những người mà Ngài yêu mến cách riêng. Đó là một ngôi nhà mở toang cửa. Giáo Hội là một ngôi nhà với những cánh cửa mở, vì Giáo Hội là một người mẹ. Một điều mà một linh mục vĩ đại đã viết ra thực sự gây ấn tượng đối với tôi. Ngài là một nhà thơ yêu mến Đức Mẹ rất nhiều. Ngài cũng là một linh mục và là một người tội lỗi, ngài biết mình là kẻ có tội, nhưng ngài đã đến với Đức Mẹ và khóc trước mặt Mẹ. Lần kia, ngài đã viết một bài thơ cầu xin sự tha thứ từ Đức Mẹ và quyết tâm không bao giờ tách mình ra khỏi Giáo Hội. Đây là những gì ngài đã viết: “Tối nay, Lạy Mẹ của con, lời hứa của con là chân thành. Nhưng, để cho chắc, xin đừng quên để lại chìa khóa ở bên ngoài cánh cửa”. Đức Maria và Giáo Hội không bao giờ đóng cửa từ bên trong! Nếu cửa đóng, chìa khóa luôn ở bên ngoài: anh chị em có thể mở nó. Và đây là hy vọng của chúng ta. Đó là hy vọng hòa giải. “Cha ơi, Cha nói rằng Giáo Hội và Đức Mẹ là một ngôi nhà với những cánh cửa mở tung, nhưng thưa Cha, trước những điều khủng khiếp mà con đã thực hiện trong cuộc sống của con thì đối với con những cánh cửa của Giáo Hội, và thậm chí cả cửa trái tim của Mẹ, đã khép kín rồi”. Anh chị em nói đúng: những cánh cửa đã đóng, nhưng cứ đến gần hơn, xem xét cẩn thận và anh chị em sẽ thấy rằng chìa khóa là ở bên ngoài. Chỉ cần mở và đi vào. Anh chị em không cần phải rung chuông. Hãy mở với chìa khóa ngay tại đó”. Và điều này đúng cho toàn bộ cuộc sống của chúng ta.

Theo nghĩa này, tôi có một “công việc” cho anh chị em. Anh chị em là những con cái, trong đức tin, của những chứng nhân vĩ đại đã làm chứng bằng cuộc sống của các ngài với tình yêu của Chúa ở những vùng đất này. Hai anh em Thánh Cyrilô và Methôđiô, những người thánh thiện với những giấc mơ vĩ đại, xác tín rằng cách nói chuyện chân thực nhất với Chúa là bằng ngôn ngữ của chính mình. Điều này khiến các ngài mạnh dạn quyết định dịch Kinh thánh, để không ai có thể thiếu Lời sự sống.

Là một ngôi nhà với những cánh cửa mở, theo bước chân của hai Thánh Cyrilô và Methôđiô, có nghĩa là ngày nay cũng vậy, chúng ta cần phải táo bạo và sáng tạo. Chúng ta phải hỏi làm thế nào chúng ta có thể dịch tình yêu mà Chúa dành cho chúng ta thành ngôn ngữ cụ thể và dễ hiểu cho thế hệ trẻ. Chúng ta phải mạnh dạn, và can đảm. Từ kinh nghiệm, chúng ta biết rằng “những người trẻ thường xuyên không tìm được trong các chương trình thường lệ của chúng ta một câu trả lời cho những mối quan tâm, các nhu cầu, các vấn nạn và các nan đề của họ” (Christus Vivit, 202). Và điều này đòi hỏi chúng ta những nỗ lực mới và giàu trí tưởng tượng trong việc tiếp cận mục vụ của chúng ta. Hãy tìm cách chạm đến trái tim của họ, để tìm hiểu về những kỳ vọng của họ và khuyến khích ước mơ của họ, như một gia đình cộng đồng hỗ trợ, đồng hành và hướng họ đến tương lai với hy vọng. Một cám dỗ lớn mà những người trẻ phải đối mặt là thiếu những gốc rễ, những gốc rễ sâu xa để hỗ trợ họ; kết quả là, họ cảm thấy bị bứng gốc và cô đơn. Những người trẻ của chúng ta, khi cảm thấy được kêu gọi thể hiện tất cả tiềm năng mà họ sở hữu, thường bỏ cuộc giữa chừng vì những chán nản hoặc thất vọng mà họ trải qua, vì họ không có nguồn gốc để dựa vào khi nhìn về tương lai (xem thượng dẫn. 179-186). Khi họ bị buộc phải rời bỏ nhà cửa, đất nước và gia đình họ, tình cảnh còn bi đát đến mức nào.

Tôi muốn nhấn mạnh những gì tôi nói về những người trẻ, những người thường xuyên mất gốc. Ngày nay, trên thế giới, có hai nhóm người phải chịu đựng rất nhiều: người trẻ và người già. Chúng ta phải giúp đỡ để cho họ gặp nhau. Người già là gốc rễ của xã hội chúng ta; chúng ta không thể xua đuổi họ khỏi cộng đồng của chúng ta; họ là ký ức sống động của đức tin chúng ta. Người trẻ cần gốc rễ, cần ký ức. Chúng ta phải bảo đảm rằng họ có thể giao tiếp với nhau, mà không sợ hãi. Có một lời tiên tri thập đẹp của tiên tri Giôen: “người già được báo mộng, thanh niên thấy thị kiến.” (3: 1). Khi người trẻ gặp gỡ người già và người già gặp gỡ người trẻ, người già bắt đầu sống lại, bắt đầu mơ trở lại, và người trẻ lấy hết can đảm từ người già; họ đi về phía trước và bắt đầu thực hiện những gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của họ, đó là “dành nhiều thời gian” cho tương lai. Chúng ta cần những người trẻ tuổi “trở nên quen thuộc” với tương lai, nhưng điều này chỉ có thể xảy ra nếu họ có gốc rễ của người già. Khi tôi đến giáo xứ này, có rất nhiều người già trên đường phố, nhiều đàn ông và phụ nữ lớn tuổi. Họ đang mỉm cười. Họ có kho báu bên trong họ. Và có nhiều anh chị em trẻ cũng chào hỏi và mỉm cười. Cầu xin cho họ có thể gặp nhau! Xin cho người già có thể trao cho những người trẻ khả năng để nói tiên tri này, nghĩa là, biết “dành nhiều thời gian” với tương lai. Đây là những đánh cuộc của ngày hôm nay. Và chúng ta đừng sợ hãi. Chúng ta hãy đương đầu với những thử thách mới, miễn là chúng ta nỗ lực để bảo đảm rằng người dân của chúng ta không bao giờ thiếu ánh sáng và niềm an ủi phát sinh từ tình huynh đệ với Chúa Giêsu, không thiếu một cộng đồng đức tin để hỗ trợ họ, và không thiếu những chân trời mới mẻ hơn bao giờ có thể mang lại cho họ ý nghĩa và mục tiêu trong cuộc sống (x. Niềm Vui Phúc Âm, 49). Xin cho chúng ta đừng bao giờ quên rằng những chương đẹp nhất trong cuộc đời của Giáo Hội đã được viết khi dân Chúa bắt đầu với sự sáng tạo để diễn dịch tình yêu của Thiên Chúa trong thời của họ, bằng những thử thách mà họ gặp phải dần. dân Chúa là một dân tộc hợp nhất với các cảm thức đức tin phù hợp với mình. Thật tốt khi biết rằng anh chị em có thể tin tưởng vào một lịch sử sống động tuyệt vời, nhưng thậm chí còn đẹp hơn nữa khi nhận ra rằng anh chị em đang được yêu cầu viết chương tiếp theo. Những trang này chưa được viết. Anh chị em phải viết những trang ấy. Tương lai nằm trong tay anh chị em; anh chị em phải viết cuốn sách của tương lai. Đừng bao giờ mệt mỏi trở thành một Giáo Hội tiếp tục sản sinh, giữa những mâu thuẫn, đau khổ và cả bao nhiêu những nghèo khổ, Giáo Hội là người mẹ liên tục sinh con, mang lại sự sống cho những đứa con trai và con gái mà vùng đất này cần đến ngày nay, vào đầu thế kỷ hai mươi mốt này. Hãy luôn luôn lắng nghe một tai với Tin Mừng, và tai kia với trái tim của dân tộc anh chị em.

Cảm ơn anh chị em, tôi vẫn chưa nói xong! Tôi vẫn còn đang hành hạ anh chị em thêm một chút nữa - cảm ơn anh chị em vì cuộc gặp gỡ rất thú vị này. Và, khi nghĩ về Thánh Giáo Hoàng Gioan, tôi muốn phép lành mà giờ đây tôi dành cho anh chị em sẽ trở thành một sự vuốt ve của Chúa cho mỗi người trong anh chị em. Thánh Giáo Hoàng Gioan đã ban phép lành này với mong muốn đó là một sự âu yếm của Chúa, đó là phép lành mà ngài đã ban dưới ánh trăng khi khai mạc Công đồng Vatican II.

Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện, chúng ta hãy cầu xin cùng Đức Mẹ, Đấng là hình ảnh của Giáo Hội. Hãy cầu nguyện bằng ngôn ngữ của anh chị em. [Anh chị em giáo dân đã đọc kinh Kính Mừng bằng tiếng Bảo Gia Lợi]


Source:Libreria Editrice Vaticana