Ngày 28-04-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 29/04: Bỏ Ngài con biết theo ai? – Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ.
Giáo Hội Năm Châu
03:08 28/04/2023

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan.

Khi ấy, có nhiều môn đệ của Chúa Giêsu nói rằng: "Lời này chói tai quá! Ai nghe được!" Tự biết rằng các môn đệ đang lẩm bẩm về chuyện ấy, Chúa Giêsu nói với họ: "Điều đó làm các ngươi khó chịu ư? Vậy nếu các ngươi thấy Con Người lên nơi đã ở trước thì sao? Chính thần trí mới làm cho sống, chứ xác thịt nào có ích gì? Nhưng lời Ta nói với các ngươi là thần trí và là sự sống. Nhưng trong các ngươi có một số không tin". Vì từ đầu Chúa Giêsu đã biết ai là những kẻ không tin, và kẻ nào sẽ nộp Người. Và Người nói: "Bởi đó, Ta bảo các ngươi rằng: Không ai có thể đến với Ta, nếu không được Cha Ta ban cho". Từ bấy giờ có nhiều môn đệ rút lui không còn theo Người nữa. Chúa Giêsu liền nói với nhóm Mười Hai rằng: "Cả các con, các con có muốn bỏ đi không?" Simon Phêrô thưa Người: "Lạy Thầy, chúng con sẽ đi theo ai? Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời. Phần chúng con, chúng con tin và chúng con biết rằng: Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa".

Đó là lời Chúa
 
Cửa Chúa chuồng chiên
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:09 28/04/2023

CỬA CHÚA CHUỒNG CHIÊN

Chúa Nhật tuần này được gọi là Chúa Nhật Chúa chiên lành. Chúa là mục tử nhân lành chăm lo cho đoàn chiên được sống và sống dồi dào. Phần chiên hãy nghe theo Chúa.

1. Chúa chăm lo. Đặc điểm của người mục tử là chăm lo cho đoàn chiên. Thế nên, Chúa là mục tử nhằm diễn tả một lối sống vì người khác, biết quan tâm chăm lo cho người khác. Sự chăm lo cho chiên được diễn tả qua hình ảnh: “Chúa là cửa cho chiên ra vào.” Chúa là cửa có ý nghĩa gì? Cửa mang 2 ý nghĩa: thứ nhất, cửa đóng lại để bảo vệ che chở đoàn chiên được an toàn khỏi bị nguy hiểm của thú dữ hay thời tiết gió mưa. Thứ hai, cửa mở ra để dẫn đoàn chiên đến sự sống nơi đồng cỏ xanh tươi và suối nước mát trong. Thế nên, khi Chúa bảo Ngài là cửa đoàn chiên thì Ngài cũng đồng thời công bố: “Ta đến để cho chiên được sống và sống dồi dào.”

2. Chiên nghe theo. Người mục tử cung cấp thức ăn, nhưng chiên lại có thể ăn hoặc không. Chúa cất tiếng gọi, dẫn dắt chúng ta, nhưng chúng ta lại có tự do chọn lựa nghe lời và đi theo Chúa hay không. Rất tiếc là thực tế xã hội hôm nay, nhiều người trẻ đã chọn lựa nghe theo những tiếng gọi khác không phải là tiếng gọi của Chúa. Mỗi ngày chúng ta dành bao nhiêu thời gian để nghe, để đọc Lời Chúa nơi Kinh Thánh?

Chúa Nhật Chúa chiên lành cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu. Trước hết, chúng ta cầu nguyện cho có nhiều người trẻ quảng đại dâng mình cho Chúa. Cầu nguyện cho có nhiều gia đình sống đạo tốt, là những vườn ươm mầm ơn gọi. Cầu nguyện cho nhiều tấm lòng quảng đại nâng đỡ trợ giúp ơn thiên triệu. Sau nữa, không chỉ người đi tu, mà tất cả mọi người được mời gọi noi gương sống lối sống của Chúa Giêsu mục tử nhân lành: biết quan tâm chăm lo cho người khác sống trọn vẹn toàn diện sự sống con người bao gồm cả thể xác, tâm hồn và tâm linh. Amen.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:13 28/04/2023

49. Người nhiệt tâm cung kính Đức Mẹ Ma-ri-a thì tuyệt đối không mất linh hồn.

(Thánh Ignatius de Loyola)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:16 28/04/2023
36. LÒNG TỐT CỦA TIỂU BỐI

Một mùa đông rất lạnh, Tiểu Bình và Tiểu Bối hai anh em mỗi người mang trên vai một bao lúa mạch đi đến nhà máy xay để đổi bột mì, chúng nó đi đến trong vườn hoa của ông chủ nhà máy, nhìn thấy mấy con chim màu vàng đói bơ phờ đang tìm thức ăn để ăn, nhưng ở trong tuyết lạnh, ngoài một đám tuyết trắng ra thì ở đó làm gí có thức ăn chứ? Tiểu Bối rất đồng cảm với mấy con chim này, nó mở bao ra, bốc một nắm lúa vãi cho chúng nó ăn.

Tiều Bình rất không vui khi em gái làm như thế, nó nói:

- “Em lại làm anh hùng rồi, đợi chút đổi bột mì bị thiếu về nhà không phải sẽ bị trừng phạt sao? Vậy mà không nghĩ tới.”

Tiểu Bối có chút không an tâm, nói:

- “Đúng rồi, có lẽ em không nên vội vàng như vậy, nhưng em tin lòng tốt của ba và mẹ sẽ không trách em, Thiên Chúa cũng sẽ báo đáp em. “

Sau khi hai anh em đổi bột mì ở nhà máy xong, thì phát hiện Tiểu Bối đổi bột mì cũng nhiều như Tiểu Bình, anh trai nghĩ đây là một kỳ tích. Thật ra ông chủ nhà máy đã nghe câu chuyện của hai anh em nói với nhau trong vườn của ông rồi, ông nói với hai anh em:

- “Các con có lòng tốt với mấy cho chim khiến bác rất cảm động, cho nên bác quyết định đổi cho các con nhiều một chút để đền đáp các con. Mặc dù là bác đem một ít bột mì bỏ vào trong bao của các con, nhưng các con vẫn nên tin tưởng là Thiên Chúa đã đặc biệt chúc lành cho các con.”

(Một trăm câu chuyện giáo dục)

Suy tư ngắn 36:

Đối vối bất cứ việc gì thì chúng ta cũng nên lấy lòng chân thành và bác ái để làm, có như thế việc làm của chúng ta mới có giá trị trước mặt Thiên Chúa.

Sự chân thành làm cho con người xúc động trước hoàn cảnh bất hạnh của tha nhân, và lòng bác ái làm cho con người nghĩ đến người khác nhiều hơn.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nói với và nói cho mình
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
15:42 28/04/2023

NÓI VỚI VÀ NÓI CHO MÌNH
LỄ CHÚA CHIÊN LÀNH 2023

Ngày lễ Chúa Chiên lành, ngày mà Hội Thánh cầu nguyện cho ơn gọi tận hiến, tôi muốn nhìn về ơn gọi của mình hơn là viết một bài dạy giáo dân.

Từ những kinh nghiệm qua nhiều năm sống ơn gọi linh mục, với vài đúc kết từ suy tư chưa đầy đủ của bản thân, tôi muốn nói với chính mình hơn là nói với và nói cho bất kỳ ai.

Bởi khi nói với chính mình, người linh mục mới có thể có giây phút nhìn mình, không chỉ nhìn mà còn nhìn rất thật về chính suy nghĩ, việc làm, sự thể hiện, cũng như tương quan mà trong đời một người làm linh mục luôn có...

Tôi luôn xác tín, đã làm người, mỗi ngày sống, là mỗi ngày đong đầy khó nhọc, mồ hôi, nước mắt, gánh nặng, lo toan, nhiều thứ phải đối đầu, phải chống chọi với thử thách, và nhiều gian nan khác…

Dù là linh mục, cũng như mọi anh chị em của mình, tất cả những điều nói trên không hề xa xôi. Ngược lại, có khi rất gần, có khi như đang phải đối mặt...

Vì thế, để có thể tự củng cố ơn gọi của mình trong sự trung thành tuyệt đối, người linh mục cần lợi dụng những dịp quan trọng như tĩnh tâm, kỷ niệm ngày chịu chức, khi tham dự lễ phong chức, tham dự lễ tạ ơn, hay lễ an táng anh em linh mục của mình... để hồi tâm thực sự bước vào cõi lòng của chính mình.

Ít khi nào ta thấy mình rõ ràng bằng những lúc được chìm vào thinh lặng. Vì thế, dịp mừng lễ Chúa Chiên lành cũng là một trong những dịp tốt để bản thân người linh mục tìm không gian tĩnh nhằm tự soi rọi chính mình.

Hãy khám phá mình để tìm ra mấu chốt gây nên đổ vỡ mà chỉnh đốn, mà biến đổi bản thân. Nếu phát hiện ra những gì tốt, những gì tích cực nơi bàn thân, hãy cố gắn vun bồi để ngày càng phát huy hơn.

Nếu chạm phải những phát hiện vẫn thường xảy ra trong đời như:

- Một chút ngậm ngùi nhớ về những tổn thương mà ai đó gây ra cho mình, hoặc mình gây ra cho người khác;
- Sự cay đắng cho thói đời mạnh được yếu thua; hay xót xa cho những ai là nạn nhân của bạo quyền, nạn nhân của kẻ nhân danh quyền lực, không phải để cứu người mà là để hại người…
- Một niềm yêu muốn gởi tặng những anh em vẫn luôn cùng ta chung xây lý tưởng ơn gọi, cùng ta quyết đi đến cùng trên con đường phụng sự Chúa, phục vụ tha nhân…
- Hay sự cảm thông lớn cho nhiều anh em linh mục của mình đang đối diện cùng khổ đau, đang phải chiến đấu từng ngày với nhiều thử thách, hay vì một lý do riêng tư nào đó của bản thân mà không còn thi hành công tác mục vụ;
- Một niềm da diết dành cho những ai đã từ giã cõi đời, nhất là những đấng sinh thành, người thân yêu, những đồng nghiệp, bạn bè… Đặc biệt, trong ơn gọi làm linh mục coi xứ, còn có biết bao nhiêu anh chị em tín hữu mà mình đã tiễn đưa, đã cử hành nghi thức để gởi gắm họ vào lòng Chúa xót thương.
- Một nỗi xót xa trước những cảnh đời vô định, không có ngày mai của biết bao nhiêu trẻ em, hay người trẻ bị bán đứng, bị rơi vào vòng lao lý, bị làm nhục, bị tổn thương tinh thần…
- Một dạ bâng khuâng dành cho những nơi mà bản thân đã đi qua, đã từng phục vụ, đã để lại dấu ấn, đã ghi vào trái tim vô vàn kỷ niệm…
- Một chút xót xa cho những gì mà mình đã từng suy nghĩ, đã từng ước mơ nhưng chưa làm được, chưa hoàn thành, chưa đạt đến đích; hay nuối tiếc vì đã bỏ qua cơ hội, đã không làm được gì tích cựa hơn, mạnh mẽ hơn…

Thì hãy đặt tất cả vào tay Chúa, nguyện xin dâng lên Chúa, phó thác cho Chúa. Chúa là Chúa của niềm bình an. Hiến dâng cho Chúa, tâm hồn sẽ bình an. Chúa là Nguồn ơn hiệp thông, phó thác cho Chúa để hiệp thông với Chúa bền và chặt hơn. Nhờ hiệp thông với Chúa, ta sống tình hiệp thông với con người hoàn bị hơn.

Tin vào Lời Chúa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng” (Mt 11, 28), người linh mục cần ngã mình, tín thác đời mình trong vòng tay yêu thương, từ ái của Chúa.

Chỉ có một thứ an bình mà thôi: An bình trong Chúa mới làm nên điều kỳ diệu: xóa hết mọi mặc cảm, mọi thương đau, mọi oán hờn, mọi rát buốt…, nhưng tăng niềm vui sống, tin yêu sống, hy sinh, và phục vụ…

Cảm tạ Chúa vì ơn an bình Chúa ban.

Cảm tạ Chúa vì tất cả. Làm sao chúng ta có thể kể hết ơn của Chúa. Chỉ xin hiến dâng một tâm hồn cảm tạ.

Xin cảm tạ Chúa. Cảm tạ Chúa vô cùng. Muôn đời cảm tạ Chúa.

Tình yêu của Chúa ngàn trùng, lòng đại lượng của Chúa muôn đời bền vững. Xin chân thành cảm tạ.

Hạnh phúc Chúa ban là hạnh phúc thật. Hạnh phúc Chúa ban là được hiệp thông với Chúa, là được chia sẻ sự sống bất diệt nơi lòng Chúa. Ước mong lòng cảm tạ của người trần thế có thể bay cao ngút ngàn và được Chúa thương đón nhận.

- Biết bao nhiêu lần lầm lỗi, Chúa đã tha thứ.
- Biết bao nhiêu lần sống không tròn chữ hiếu, Chúa chẳng nặng lời quở trách.
- Biết bao nhiêu lần, thay vì hiệp thông, lại gây chia rẽ, Chúa đã không kết tội.
- Biết bao nhiêu lần chểnh mãn trong lý tưởng ơn gọi, Chúa lại ban ơn nâng đỡ.
- Biết bao nhiêu lần, thay vì mang bình an, lại làm cớ cho sự dữ, sự xấu có cơ hội diễn ra, Chúa vẫn tiếp tục đón nhận.
- Biết bao nhiêu lần Chúa âm thầm gìn giữ, mà không cảm tạ Chúa, không lo sử dụng đầy đủ nhất, tốt nhất hồng ân của Chúa, nhưng Chúa vẫn không nản lòng, lại vui lòng chờ đón …

Không thể kể hết. Không thể đếm hết tình yêu của Chúa. Để đáp trả tình yêu nghìn trùng ấy, người linh mục hãy làm mới lại chính mình. Biết mình còn yếu chỗ nào, lo khắc phục. Đồng thời tìm cách phát huy những điều đã tốt.

Hãy có một quyết tâm sống với Chúa trong suốt đời ơn gọi của bản thân.

Phải tự tìm một quyết tâm, và cố gắng thi hành bằng được quyết tâm, để nói lên lòng biết ơn Chúa, để tự giáo dục và rèn luyện bản thân thường xuyên.

Quyết tâm trong ơn Chúa là cách tốt để giữ cho mình "CHẤT LINH MỤC", dù năm tháng có trôi xa, dù có lúc phải đối đầu cùng bão táp...

 
Một chọn lựa định hình mọi chọn lựa
Lm. Minh Anh
15:48 28/04/2023

MỘT CHỌN LỰA ĐỊNH HÌNH MỌI CHỌN LỰA
“Các con có muốn bỏ đi không?”.

Toạ lạc uy nghi trên đỉnh đồi cao nhất ở Toledo là Alcazar, một pháo đài có từ thế kỷ 16. Trong cuộc nội chiến của những năm 1930, lãnh đạo Quốc Dân Đảng nhận một cuộc điện thoại từ con trai, người đã bị bắt bởi nhóm Trung Thành. Nội dung: ‘Nếu không giao nộp Alcazar, họ sẽ giết con trai ông!’. Người cha cân nhắc, suy tính, và đã đưa ra ‘một chọn lựa định hình mọi chọn lựa’. Với trái tim trĩu nặng, ông nói với cậu, “Vậy thì con hãy chết như một người đàn ông!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Trước sự việc nhiều người bỏ đi, Chúa Giêsu hỏi các môn đệ, “Các con có muốn bỏ đi không?”, Lời Chúa hôm nay nói đến ‘một chọn lựa định hình mọi chọn lựa’: chọn đi theo Ngài!

Bài đọc thứ nhất tường thuật nỗi hân hoan của những con người chọn đi theo Chúa Giêsu khi họ thấy Phêrô đi đến đâu, phép lạ xảy ra đến đó. Ênêa bất toại được lành; Tabitha, người chết bước đi; Hội Thánh Giuđêa, Galilêa, Samaria, Lyđa, Sarôna và Gioppê vui mừng. Họ cảm nhận ơn Chúa như Thánh Vịnh đáp ca biểu lộ, “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ, vì mọi ơn lành Người đã ban cho?”. Thế nhưng, thử hỏi, họ đang chọn đi theo Chúa Giêsu hay đang bị mê hoặc bởi các phép lạ môn đệ Ngài làm? Có lẽ, họ đang phấn khích về các phép lạ nhiều hơn!

Tin Mừng hôm nay cho thấy một bối cảnh hoàn toàn ngược lại. Chúa Giêsu vừa nói với người Do Thái về Chúa Cha, về Bánh Hằng Sống, thịt máu Ngài. Họ phản ứng, “Lời gì mà chói tai quá! Ai nghe cho nổi!”. Họ không chấp nhận Ngài là Con Thiên Chúa; càng không chấp nhận Ngài là bánh ban sự sống, hiến mình cho họ làm của ăn! Hành động tin vào thần tính của Chúa Giêsu là tiên thiên, nền tảng, để họ có thể thực hiện hành vi đức tin tiếp theo, tin Ngài là ‘Bánh Từ Trời’. Vì thế, tin nhận Giêsu là Thiên Chúa là ‘một chọn lựa định hình mọi chọn lựa’. Không chấp nhận chân lý này, những mặc khải về sau sẽ trở nên khó khăn. Kết quả là họ bỏ đi!

Phần các môn đệ, “Các con có muốn bỏ đi không?”. Phêrô đáp, “Bỏ Thầy, chúng con biết đi với ai?”. Phêrô đã tin vào thần tính của Chúa Giêsu, “Chúng con tin nhận Thầy là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Niềm tin giúp Phêrô khẳng định mà không lần lữa, dẫu không hiểu hết. Cả khi con đường theo Thầy mù mịt và đau khổ như nó sẽ là, Phêrô vẫn không nghĩ ông sẽ chọn một hướng nào khác vốn có thể tốt hơn. Phêrô đã đưa ra ‘một chọn lựa định hình mọi chọn lựa!’.

Anh Chị em,

“Các con có muốn bỏ đi không?”. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng hỏi bạn và tôi như thế! Và Ngài đợi câu trả lời. Bản thân Ngài cũng đã có ‘một chọn lựa định hình mọi chọn lựa’. Dường như Ngài cũng đã nghe những lời này từ Chúa Cha, “Vậy thì con hãy chết như một người đàn ông!”; và còn hơn thế, “Hãy chết như một Đấng Cứu Độ!”. Ngài chọn thánh ý Cha và tuyệt đối đi trong đường lối Ngài; đường lối đó là yêu thương, hiến mình trên thập giá và trên các bàn thờ làm của ăn mỗi ngày. Chớ gì bạn và tôi cũng nghe được những lời của Chúa Cha, “Vậy thì con hãy sống và chết như những con trai, con gái của Ta!”. Muốn được vậy, hãy chọn Giêsu, chọn sống và theo đuổi các giá trị làm cho sống, sống một cuộc sống nên thánh. Chọn lựa ấy không chỉ xảy ra một lần nhưng lặp lại từng ngày, qua từng biến cố, từng công việc, trong từng giây phút.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, cho con biết chọn Chúa và chỉ làm theo những gì Chúa muốn mỗi ngày. Được như thế, nhất định, con sẽ nên thánh!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 4 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:25 28/04/2023
CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 10, 1-10.

“Tôi là cửa cho chiên ra vào.”


Bạn thân mến,

Chúa nhật hôm nay Giáo Hội chọn làm ngày “Chúa chiên lành”, tức là ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu, ngày hôm nay, bạn và tôi đều đặt trọng tâm vào vị mục tử nhân lành của mình là Đức Chúa Giê-su, và khi chúng ta đặt trọng tâm vào Ngài thì chúng ta cũng sẽ yêu mến các mục tử trên thế gian của chúng ta, đó chính là Đức Giáo Hoàng, các giám mục và các linh mục cũng như các phó tế, chính các ngài là những mục tử bằng xương bằng thịt của chúng ta ngay tại trần gian này.

Giáo Hội của Đức Chúa Giê-su như một ràn chiên, và chỉ có những mục tử được Ngài chọn bởi việc xức dầu tấn phong làm mục tử, tức là làm người phục vụ đoàn chiên Chúa ở trần gian này, mà cụ thể và rõ ràng nhất là cha sở và giám mục địa phận của chúng ta.

Có một lúc nào nó bạn thấy cha sở của bạn nổi giận la mắng giáo dân, bạn hãy bình tâm cầu nguyện cho ngài và tìm cách giúp ngài hoàn thành sứ mạng mục tử nhân lành của mình, bởi vì cha sở cũng là một con người với những bất toàn; có một lúc nào đó bạn nghe người ta phê bình các linh mục của Giáo Hội, bạn đừng vội vàng xét đoán các ngài, bởi vì sự xét đoán vội vàng thì luôn đem lại lợi nhuận cho ma quỷ và những người chống đối và ghét Giáo Hội của Chúa, nhưng bạn hãy cầu nguyện cho các ngài, bởi vì các ngài cũng là những con người tội lỗi và bất toàn...

Mục tử là những người chăn dắt đàn chiên, luôn luôn đi trước để hướng dẫn và sẵn sàng đương đầu với những ác thú rình mò cắn xé chiên của mình. Nhưng có một lúc nào đó bạn thấy vị mục tử của bạn chỉ biết sống hưởng thụ bởi sự cung cấp vật chất quá đầy đủ của đoàn chiên, hoặc bạn thấy những mục tử nơi Giáo Hội địa phương của mình quá bon chen lo lắng cho bản thân mà không màng đến chuyện săn sóc cho các linh hồn của giáo dân, thì bạn cần phải gia tăng lời cầu nguyện cho các các ngài nhiều hơn nữa, bởi vì Đức Chúa Giê-su không muốn các con chiên của mình thờ ơ trước những sai trái và khuyết điểm của mục tử của mình.

Bạn thân mến,

Chúa nhật ngày Chúa chiên lành hôm nay, bạn sẽ thấy Đức Chúa Giê-su rất yêu thương đoàn chiên của Ngài, mà đặc biệt là yêu thương bạn, bởi vì Ngài dạy cho chúng ta biết ai là mục tử chân chính, và ai là mục tử “dỏm” qua việc hy sinh mạng sống cho đoàn chiên của mình. Đó chính là tình yêu mà Đức Chúa Giê-su –vị mục tử nhân lành- đã thực hiện để các mục tử mà Ngài chọn biết noi gương ấy mà hết lòng vì đàn chiên của mình.

Bạn nhớ luôn cầu nguyện cho các mục tử của mình, nhất là cha sở và tất cả những ai vì yêu mến Giáo Hội mà tận hiến đời mình cho Chúa để cứu các linh hồn.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chúa Gọi Và Phá Vỡ Sự Điếc Lác
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
22:09 28/04/2023
Chúa Gọi Và Phá Vỡ Sự Điếc Lác

(Chúa Nhật 4 PS năm A 2023)

Cách đây đúng 59 năm, Chúa Nhật IV Phục Sinh ngày 11 tháng 4 năm 1964 – Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, chính thức được Đức thánh Giáo hoàng Phaolô VI thiết lập và cử hành Ngày “Quốc tế cầu nguyện cho ơn thiên triệu” đầu tiên trong lịch phụng vụ của Hội Thánh. Như vậy, Chúa Nhật IV Phục Sinh năm nay, 2023, là Ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi lần thứ 60 được cử hành trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo.

Trong dịp đặc biệt nầy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã gởi đến cho toàn thể dân Chúa một bức sứ điệp mang chủ đề ƠN GỌI: ÂN SỦNG VÀ SỨ VỤ cùng với những lời hiệu triệu mở đầu như sau: “Đây là lần thứ 60 chúng ta cử hành Ngày Thế giới Cầu nguyện cho Ơn gọi, được thánh Phaolô VI thiết lập vào năm 1964, trong Công đồng chung Vatican II. (…) Năm nay, tôi mời anh chị em suy tư và cầu nguyện theo chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ”. Ngày này là một cơ hội quý báu để chúng ta nhớ lại với sự ngạc nhiên rằng ơn gọi Chúa là ân sủng, hồng ân trọn vẹn, đồng thời là một sự dấn thân mang Tin Mừng đến cho người khác…”.

Ngoài nội dung mang tính “thời sự mục vụ” đó, chủ đề “Ơn gọi: Ân sủng và Sứ vụ” lại được rọi sáng và củng cố qua chính sứ điệp Lời Chúa được công bố trong ngày Chúa Nhật Chúa Chiên lành nầy.

Thật vậy, chỉ với tên gọi “Chúa Nhật Chúa Chiên Lành” mà thôi, chúng ta đã được Lời Chúa mời gọi tập chú vào chính ơn gọi và sứ vụ của Đức Kitô Mục tử, Đấng đã được Thiên Chúa Cha gọi mời thực hiện chương trình cứu độ và Ngài đã thi hành sứ vụ thiêng liêng và cao cả đó cách trọn hảo qua con đường thập giá, như khẳng định của Thánh Tông Đồ Phêrô trong Bài đọc 2: “… chính Người đã gánh vác tội lỗi chúng ta nơi thân xác Người trên cây khổ giá, để một khi đã chết cho tội lỗi, chúng ta sống cho sự công chính; nhờ vết thương của Người, anh em đã được chữa lành…”.

Là những người Kitô hữu, được thuộc về Chúa Kitô qua Nhiệm tích Thánh Tẩy, tất cả chúng ta đều được kêu gọi đến lãnh nhận cùng một ân ban Cứu độ, mà theo ngôn ngữ của Thánh Phaolô đó chính là ân ban “được làm nghĩa tử nhờ Đức Kitô”: “đã chọn chúng ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, chúng ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô” (Ep 1, 4-5).

Riêng đối với thế hệ Kitô hữu ban đầu, mà phần đông trong số đó là tín hữu Do thái, những người đã từng tham dự vào việc đồng thanh xử án Chúa Giêsu, thì việc đón nhận “ân ban nghĩa từ nhờ Đức Kitô” là một điều rất khó khăn; nói chi đến việc loan truyền ân ban nầy cho thế giới ! Chắc chắn, họ đã trải qua một cuộc hoán cải nội tâm sâu sắc, nhờ sức tác động của Chúa Thánh Thần mới có thể thực hiện điều kỳ diệu này, như sách Công vụ Tông Đồ đã thuật lại trong Bài đọc 1 hôm nay: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết chắc rằng: Thiên Chúa đã tôn Đức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Đấng Kitô”. Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sám hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em nhận lãnh ơn Thánh Thần…”.

Vì thế, theo giáo lý truyền thống của Hội Thánh, bất cứ ơn gọi nào trong dân Chúa, dù là giáo dân hay Giáo hoàng, dù là Giám mục, linh mục, tu sĩ, hay giáo lý viên, chức việc, ca viên…; du là mẹ, là cha trong gia đình, hay kỷ sư, bác sĩ ngoài xã hội… tất cả đều với, trong và vì tình yêu; như cách cảm nhận của thánh nữ Têrêsa Hài Đồng Giêsu về chính ơn gọi của mình: “Cuối cùng tôi đã tìm thấy ơn gọi của tôi: ơn gọi của tôi là tình yêu. Thật vậy, tôi đã tìm được vị trí của mình trong Giáo hội… Trong lòng Mẹ Giáo hội, tôi sẽ là tình yêu”.

Thế nhưng, trong ngày “Quốc tế ơn gọi” nầy, Giáo Hội không nói đến thứ “ơn gọi chung” trong đời sống làm con cái Chúa; mà là ơn gọi dấn thân cho đời sống “độc thân vì Nước Trời”; hay ơn thiên triệu linh mục và tu sĩ, những người được gọi mời làm chứng tá cách đặc biệt cho đời sống thuộc trọn về Chúa Giêsu và Hội Thánh, như cách cắt nghĩa của ĐGH Phanxicô trong Sứ điệp ngày Ơn gọi Thiên triệu năm nay (2023): “nơi chứng tá của những người nam nữ thánh hiến, những người hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa vì ích lợi của anh chị em mình như một dấu chỉ tiên báo về Nước Thiên Chúa; nơi các thừa tác được thụ phong – phó tế, linh mục và giám mục – được đặt để phục vụ việc rao giảng, cầu nguyện và cổ võ sự hiệp thông của Dân thánh Thiên Chúa…”.

Dĩ nhiên, ơn gọi càng cao cả thì sứ vụ càng nặng nề mà nếu chỉ cậy dựa vào năng lực và lòng đạo đức cá nhân sẽ không bao giờ đạt tới, như hình ảnh chàng trai giàu có “xịu mặt quay lưng” với lời mời gọi “bán hết của cải” của chính Đức Kitô: “Anh chỉ thiếu có một điều, là hãy đi bán những gì anh có mà cho người nghèo, anh sẽ được một kho tàng trên trời. Rồi hãy đến theo tôi.” Nghe lời đó, anh ta sa sầm nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. (Mc 10,17-22).

Vâng, thế giới muôn nơi muôn thuở luôn đầy dẫy những con người “sợ mất mát”, “sợ chẳng còn gì”… một khi dấn thân theo Chúa và chọn Chúa.; hay theo ngôn ngữ của Tin Mừng Thánh Gioan được công bố hôm nay, đó là dấn thân đi vào “cánh cửa chuồng chiên là chính Chúa Giêsu”: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Ta là cửa chuồng chiên. Tất cả những kẻ đã đến trước đều là trộm cướp, và chiên đã không nghe chúng. Ta là cửa, ai qua Ta mà vào, thì sẽ được cứu rỗi, người ấy sẽ ra vào và tìm thấy của nuôi thân. Kẻ trộm có đến thì chỉ đến để ăn trộm, để sát hại và phá huỷ. Còn Ta, Ta đến để cho chúng được sống và được sống dồi dào”.

Chúng ta đừng quên, khi buổi chiều thê lương trên đồi Sọ gần tắt nắng, khi những ồn ào của âm thanh sĩ nhục và cuồng nộ vẫn còn vang vọng lưng đồi, khi các người tử tội đang quằn quoại chiến đấu với tử thần trong những phút giây hiếm hoi sau hết... thì chỉ có một người, một người duy nhất đã chọn “cánh cửa chuồng chiên Giêsu”: “Ông Giêsu ơi ! Khi Ông vào Nước của ông, xin nhớ đến tôi” (Lc 23,32)...

Thế nhưng, Ngày Thứ Nhất trong tuần đã đổi thay tất cả. Con đường dẫn cô Maria Mađalêna về “Mộ trống” đã dần dần dẫn đưa Phêrô, Gioan, Tôma, hai môn đệ Emmau... đi tới cuộc gặp gỡ với Đấng Phục Sinh từ trong cõi chết; và rồi dẫn dắt bao la bạt ngàn nhân loại muôn tiếng nói, mọi màu da lũ lượt cùng nhau ngang qua “cánh cửa Giêsu” để tiến về miền đất Phục sinh, về quê hương hằng sống.

Mà cũng thật lạ lùng ! Nhút nhát, bốc đồng như Phêrô, đã từng khiếp nhược chối Thầy trước một con đàn bà đầy tớ. Thế mà, chỉ 50 ngày sau “Biến cố Phục Sinh”, một nghị lực thần linh đã chỗi dậy trong ông, đến độ, chỉ trong một “bài làm chứng” súc tích, vắn gọn, ông đã chinh phục được một lần một “mẽ cá với 3.000 người rửa tội”. (Cv 2, 41). Và rồi cũng chính với nghị lực thần linh ấy, “thay vì vâng phục loài người” để được an thân thoải mái, ông đã chọn “cánh cửa Giêsu” để phải một đời lao đao lận đận với cuộc bách hại dữ dội của Nêrô và cuối cùng chết thảm với hình khổ đóng đinh ngược đầu xuống đất.

Mà có phải chỉ mình Phêrô đâu ! Suốt hai ngàn năm nay đã có hàng hàng lớp những con người quyết chọn “cánh cửa Giêsu” cho dù phải trả giá, nhẹ nhất thì cũng bằng một cuộc đời “nghèo khó với hành trang Tám Mối phúc Thật”, và cao nhất là bằng chính mạng sống. Vâng, “ơn gọi” chính là một hồng ân, hồng ân nhiệm mầu để dành cho một sứ vụ cao cả mà người ta chỉ có thể cảm được, hiểu được bằng đức tin và tình yêu, như cách cảm nhận của thánh Giáo phụ Augustinô: “Chúa gọi con, Chúa kêu con và phá vỡ sự điếc lác của con; Chúa chiếu sáng, và ánh quang huy hoàng của Chúa phá tan sự mù quáng của con; Chúa tỏa hương thơm, và con thở hít, khao khát Chúa, niếm hưởng Chúa và con đói khát; Chúa chạm đến con, và con nồng cháy mong ước an bình của Chúa”.

Ngày xưa, chính Chúa Giêsu đã đích thân gọi các Tông đồ đến với Ngài và sai họ ra đi: Rồi Người lên núi và gọi đến với Người những kẻ Người muốn. Và các ông đến với Người. Người lập Nhóm Mười Hai, để các ông ở với Người và để Người sai các ông đi rao giảng. (Mc 3,13-14). Ngày nay, Giáo Hội cũng không thể làm khác. Để có các tông đồ, các Giám mục, linh mục, tu sĩ…, những tay “thợ gặt” phục vụ cho cánh đồng truyền giáo hôm nay, một lần nữa, Giáo Hội tha thiết cầu nguyện với Vị mục Tử nhân lành, như lời cầu cách đây 60 năm của Đức Phaolô VI trong ngày Thế giới cầu nguyện cho ơn gọi đầu tiên: “…Xin mở ra trước mắt họ (những người trẻ) những chân trời trên toàn thế giới… để, qua việc đáp lại lời kêu gọi của Chúa, họ nối dài sứ vụ của Chúa trên trái đất này, xây dựng Nhiệm thể Chúa là Giáo hội, và trở thành ‘muối đất’ và ‘ánh sáng thế gian’ (Mt 5, 13)”.

Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Thủ đô Budapest của Hungary sẵn sàng đón chào Đức Thánh Cha Phanxicô
Thanh Quảng sdb
00:26 28/04/2023
Thủ đô Budapest của Hungary sẵn sàng đón chào Đức Thánh Cha Phanxicô

Trong lúc Đức Thánh Cha Phanxicô chuẩn bị lên đường đi Hungary, thì phóng viên của Vatican tại Budapest cho hay bầu khí tươi vui của các tín hữu Hungary đang háo hức mong chờ Đức Thánh Cha trở lại đất nước của họ.

(Tin Vatican - Deborah Castellano Lubov)

Với khẩu hiệu “Chúa Kitô là tương lai của chúng ta”, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ đến vào ngày mai trong chuyến tông du ba ngày tới thủ đô của quốc gia Trung Âu, đánh dấu chuyến tông du lần thứ 41 của ngài ra nước ngoài.

Theo bước chân của vị tiền nhiệm là Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, người đã đến thăm Hungary hai lần, vào năm 1991 và 1996, sau sự sụp đổ của Bức tường Bá-linh.

Cũng vậy, đây không phải là lần đầu tiên Đức Thánh Cha Phanxicô đến lãnh thổ Hungary: ngài đã đến đây để cử hành Thánh lễ bế mạc Đại hội Thánh Thể Quốc tế vào năm 2021.

Nhưng lần này, Ngài đến thăm đất nước theo lời mời của chính quyền dân sự và Giáo hội, trong bối cảnh chiến tranh ở Ukraine vẫn xục xôi!

Đức Hồng Y Peter Erdo, Tổng Giám Mục của Esztergom-Budapest, chia sẻ rằng thời gian ngắn ngủi của Đức Giáo Hoàng đến đây vào năm 2021 là dành cho một sự kiện quốc tế: để dâng lễ cùng với những người hành hương, giám mục, linh mục và giáo dân đến từ 83 quốc gia. Tuy nhiên, lần này, Đức Phanxicô đến với Giáo hội địa phương Hungary, để mang lại cho chúng tôi niềm vinh dự và niềm vui to lớn.

Người phát ngôn của Quốc hội Hungary, đặc trách về Người thiểu số Ukraine nói rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là biểu tượng của đức tin và sự đoàn kết đối với người dân Hungary, đồng thời xác nhận rằng những lời kêu gọi của Ngài nâng đỡ những người Ukraine đang phải gánh chịu hậu quả chiến tranh kể từ khi bị Nga xâm lược.

Kể từ khi cuộc chiến bùng nổ ở Ukraine, gần 1 triệu người Ukraine đã lánh nạn qua Hungary, và Đức Hồng Y Tổng Giám mục Budapest cho hay Giáo hội cam kết chào đón giúp đỡ những người Ukraine đau khổ đến đây như thế nào.

Trên thực tế, Đức Thánh Cha sẽ gặp gỡ những người tị nạn và người nghèo, cũng như trẻ em khuyết tật trong chuyến viếng thăm này. Lịch trình của ngài cũng bao gồm việc cử hành Thánh lễ, cũng như các bài phát biểu trước chính quyền, tu sĩ và giới trẻ.

Cha Fabry Kornel, người tổ chức sự kiện giới trẻ, nói với chúng tôi rằng những người trẻ đặc biệt cần tiếng nói của Đức Thánh Cha Phanxicô để hướng dẫn họ trước những thách đố để trở thành một người trẻ trong thế giới ngày nay, và họ cần sự hướng dẫn chỉ lối của ngài: Điều cần thiết để trở nên một người Công Giáo tốt trong thế giới ngày nay, biết sống như Chúa Giêsu mời gọi chúng ta.

Sứ thần Tòa Thánh tại Hungary, Đức Tổng Giám Mục Michael Wallace Banach, nói với Đài Vatican rằng người Hungary quí mến sự tươi vui chân thành của Đức Thánh Cha Phanxicô, và nói Đức Thánh Cha đã giữ lời hứa với họ là trở lại với các tín hữu của quốc gia này trong một chuyến Tông du…
 
Đức Phanxicô đã tới Hung gia lợi bắt đầu chuyến viếng thăm 3 ngày
Vu Van An
06:00 28/04/2023

Theo tin Reuters, ngày 28 tháng 4 năm 2023, Đức Phanxicô đã đặt chân lên đất Hung gia lợi để khởi đầu chuyến viếng thăm 3 ngày nước này. Chuyến viếng thăm này là chuyến du hành đầu tiên sau khi ngài nhập viện vì chứng đau cuống phổi hồi tháng Ba.



Trông vui tươi, Đức Phanxicô chống gậy sau khi rời máy bay gặp gỡ đám đông và được các viên chức chính phủ chào đón và hai em bé trong quốc phục dâng tặng ngài bánh mì và muối.

Trước đó, theo VaticanNews, trên chuyến bay từ Rôma, ngài chào đón các nhà báo tháp tùng và trả lời một số câu hỏi của họ, trong đó, có các câu hỏi về sức khỏe của ngài, về vụ “Emmanuela Orlandi”, tức con gái một nhân viên của Vatican mất tích năm 1983, và về các lời tố cáo Đức Gioan Phaolô II. Về sức khỏe của ngài, ngài nói đùa “cỏ dại không bao giờ chết!”. Còn về lời tố cáo Đức Gioan Phaolô II bởi một thành viên của gia đình Orlandi, Đức Giáo Hoàng từng bác bỏ rồi, nay, ngài mô tả chúng là “vô nghĩa”.

Cũng theo Vatican News, máy bay của Đức Giáo Hoàng hạ cánh xuống phi trường Quốc tế Frerenc Liszt của Budapest lúc 11 giờ 54 phút giờ địa phương. Chào đón ngài là phó thủ tướng Zsolt Semjén. Sau khi được giới thiệu các phái đoàn liên hệ, ngài được chở tới Dinh Sándor ở Budapest, nơi ngài gặp Tổng thống Hung gia lợi Katalin Novák và Thủ tướng Viktor Orban, trước khi nói chhuyện với các nhà cầm quyền, đại diện xã hội dân sự, và thành viên ngoại giao đoàn tại Đan viện Cátminh xưa, nay được dùng làm dinh thủ tướng.



Theo Reuters, Đức Phanxicô thừa nhận nội dung chuyến viếng thăm sẽ chịu ảnh hưởng của các biến cố hiện thời, mặc dù mục đích chính là gặp gỡ người Công Giáo Hung gia lợi.

Reuters cũng cho hay, tối thứ Năm, Thủ tướng Orban viết trên Twitter: “Mong chờ chuyến viếng thăm của @Đức Giáo Hoàng. Trong những thời khắc bất ổn như thời chúng ta, điều chủ yếu là nhớ những gì giữ chúng ta lại với nhau, và đức tin là nền tảng trên đó xây dựng một tương lai ổn định”.

Orban 59, còn Đức Giáo Hoàng thì 86 tuổi, có những quan điểm khác nhau về di dân từ Trung Đông và Châu Phi tới Châu Âu, với Đức Phanxicô tin rằng các di dân chạy trốn cảnh nghèo nên được chào đón. Nhưng về Ukraine, Orban cho hay Hung gia lợi và Vatican là hai quốc gia Âu Châu duy nhất có thể được mô tả là “phò hòa bình”. Cả hai đã lên tiếng kêu gọi ngưng bắn và thương thuyết để chấm dứt chiến tranh. Hung gia lợi ủng hộ một Ukraine có chủ quyền nhưng vẫn duy trì liên hệ kinh tế mạnh mẽ với Nga và chính phủ Orban từ chối gửi vũ khí cho Ukraine. Trong khi Đức Phanxicô kêu gọi không buôn bán và giảm sản xuất vũ khí, dù có lúc, ngài cho hay việc gửi vũ khí cho Ukraine có thể được chấp nhận về phương diện đạođức nếu chhúng được dùng để tự vệ.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài muốn đến thăm Á Căn Đình vào năm 2024. Đức Tổng Giám Mục Gänswein phải rời căn hộ ở Vatican
Đặng Tự Do
17:10 28/04/2023


Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn đến thăm quê hương Á Căn Đình vào năm 2024.

“Tôi muốn trở về thăm quê hương vào năm tới,” Đức Thánh Cha được cho là đã nói như trên với nhà báo người Á Căn Đình Joaquín Morales Solá trong một buổi tiếp kiến riêng gần đây tại Vatican. Các bình luận đã được báo cáo trên nhật báo La Nacion của Á Căn Đình vào ngày 23 tháng Tư.

Kể từ khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Đức Phanxicô chưa bao giờ trở lại quê hương Á Căn Đình.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với La Nacion, ngài giải thích rằng chuyến đi đến Á Căn Đình đã được lên kế hoạch vào năm 2017 nhưng phải hủy bỏ vì cuộc bầu cử ở đó. Đức Giáo Hoàng không đi du lịch đến một quốc gia trong năm bầu cử để tránh có vẻ như đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

“Sau đó, những gì đã xảy ra là mọi thứ trở nên phức tạp theo một cách khác; có hai năm xảy ra đại dịch dẫn đến những chuyến đi phải thực hiện, thậm chí đến những nơi mà người ta nói Đức Giáo Hoàng không nên đến đó. Vì vậy, Á Căn Đình vẫn đang chờ đợi. Tôi muốn đi, tôi hy vọng được đi.”

Cuộc trò chuyện với Morales Solá, được công bố vào hôm Chúa nhật, đánh dấu lần đầu tiên Đức Thánh Cha đưa ra ngày khả dĩ cho chuyến tông du Á Căn Đình.

Theo Morales Solá, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tiết lộ rằng ngài đã yêu cầu Tổng giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, rời khỏi căn hộ ở Vatican của ngài trong vài tháng tới.

Đức Giáo Hoàng cũng cho biết ông đã trao cho tổng giám mục người Đức sự lựa chọn ở lại Ý hoặc trở về Đức, đồng thời lưu ý rằng các thư ký riêng khác của các vị giáo hoàng đã trở về cố hương của họ, chẳng hạn như thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị, Stanislaw Dziwisz.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài “vẫn nhớ” Đức Bênêđictô XVI, người luôn cho ngài “những lời khuyên tốt và là người giúp đỡ thường xuyên” trong các cuộc gặp gỡ thường xuyên của họ.

Sau khi lên tiếng vào ngày 16 tháng 4, Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, sau những cáo buộc từ Pietro Orlandi, anh trai của Emanuela Orlandi, một công dân Vatican đã mất tích năm 1983 khi mới 15 tuổi.

“Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị là một vị thánh trong cuộc sống và bây giờ cũng chính thức như vậy sau khi ngài qua đời. Không ai có thể thành thật nghi ngờ sự tốt lành của Đức Giáo Hoàng Wojtyla,” Đức Thánh Cha nói.


Source:Catholic News Agency
 
Nguyên văn bài diễn văn của Đức Phanxicô trước các nhà cầm quyền, các đại diện xã hội dân sự và các thành viên ngoại giao đoàn tại Budapest, Hung gia lợi
Vu Van An
18:43 28/04/2023


Như đã loan tin, Khi đến Budapest, ngày 28 tháng 4 năm 2023, điểm dừng chân đầu tiên của Đức Phanxicô là Cung điện Sándor, nơi ở chính thức của Tổng thống Hung gia lợi.

Sau cuộc gặp riêng với Tổng thống Katalin Novák, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gặp Viktor Orbán, Thủ tướng của đất nước. Ngài đã gặp riêng Tổng thống Cộng hòa Hung gia lợi trong 25 phút, và sau đó là Thủ tướng Hung gia lợi trong 20 phút.

Sau đó, ngài đã tới Đan viện Cát Minh cũ, nay là bản doanh của chính phủ Hung gia lợi để gặp gỡ các nhà cầm quyền, các đại diện xã hội dân sự và các thành viên của ngoại giao đoàn.

Nói chuyện với họ trong 20 phút, Đức Thánh Cha đã chia sẻ với họ ba suy nghĩ về thủ đô Budapest: đó là một thành phố của lịch sử, một thành phố của những cây cầu và một thành phố của các vị thánh.



Sau đây là nguyên văn bài diễn văn của ngài theo bản tiếng Anh do Tòa Thánh phổ biến:

Thưa bà Tổng thống Cộng hòa,

Thưa Thủ tướng,

Thưa các Thành viên Chính phủ và Ngoại giao đoàn,

Thưa các nhà chức trách và đại diện của xã hội dân sự,

Thưa quý bà qúy ông!


Tôi xin gửi lời chào thân ái nhất đến tất cả qúy vị và tôi cảm ơn Bà Tổng thống vì sự chào đón cũng như những lời tốt đẹp và sâu sắc của bà. Chính trị được sinh ra từ thành phố, vốn gọi làpolis, và mong muốn thực tế là sống với nhau trong sự thống nhất, bảo đảm các quyền lợi và tôn trọng các nghĩa vụ. Rất ít thành phố giúp chúng ta nhận ra điều này như Budapest, vì nó không chỉ là một đô thị cao quý và sống động, mà còn là nơi diễn ra những biến cố lịch sử trọng đại. Đã từng chứng kiến những biến cố quan trọng trong quá khứ, nó được kêu gọi đảm nhận vai trò lãnh đạo trong hiện tại và tương lai. Ở đây, như một trong những nhà thơ vĩ đại của qúy vị đã viết, “chúng ta được sông Danube dịu dàng ôm ấp, đó là quá khứ, hiện tại và tương lai của chúng ta” (A. JÓZSEF, The Danube). Giờ đây, tôi muốn chia sẻ với qúy vị một vài suy nghĩ, lấy điểm xuất phát của tôi là chính Budapest: một thành phố của lịch sử, một thành phố của những cây cầu và một thành phố của các vị thánh.

1. Một thành phố của lịch sử. Thủ đô này có nguồn gốc cổ xưa, bằng chứng là di tích của nó từ thời Celtic và La Mã. Tuy nhiên, sự huy hoàng của nó gắn liền với thời kỳ hiện đại, khi nó là thủ đô của Đế quốc Áo-Hung trong những thập niên hòa bình được gọi là belle époque [thời tươi đẹp], kéo dài từ những năm thành lập cho đến khi Chiến tranh thế giới thứ nhất bùng nổ. Ra đời trong thời bình, nó cũng đã trải nghiệm những cuộc xung đột tàn khốc: không những chỉ là những cuộc xâm lược trong quá khứ, mà trong thời gian gần đây, những hành động bạo lực và áp bức do chế độ độc tài Đức Quốc xã và Cộng sản gây ra. Làm sao chúng ta quên được biến cố năm 1956? Và trong Chiến tranh thế giới thứ hai, hàng chục nghìn cư dân của nó đã bị trục xuất, với phần còn lại là người gốc Do Thái bị nhốt trong khu biệt cư và là đối tượng của những vụ giết người hàng loạt. Tuy nhiên, những ngày đó cũng được đánh dấu bằng chủ nghĩa anh hùng của nhiều người “chính nghĩa” – tôi nghĩ về Sứ thần Angelo Rotta chẳng hạn – và sau đó là sự kiên cường và cam kết tuyệt vời được thể hiện trong công việc tái thiết. Kết quả là Budapest ngày nay là một trong những thành phố châu Âu có đông người Do Thái sinh sống nhất, là trái tim của một quốc gia thừa nhận giá trị của tự do và đã phải trả giá quá đắt cho các chế độ độc tài, ý thức được sứ mệnh bảo tồn kho báu dân chủ và ước mơ hòa bình của mình.

Năm nay qúy vị long trọng kỷ niệm ngày thành lập Budapest cách đây 150 năm, vào năm 1873, qua việc hợp nhất của ba thành phố Buda và Óbuda ở phía tây sông Danube và Pest ở bờ đối diện. Sự ra đời của thủ đô vĩ đại này ở trung tâm lục địa mời gọi chúng ta suy nghĩ về tiến trình thống nhất do Châu Âu thực hiện, trong đó Hungary đóng một vai trò quan trọng. Trong thời kỳ hậu chiến, Châu Âu, cùng với Liên Hiệp Quốc, hiện thân niềm hy vọng cao quý này là, bằng cách cùng nhau hợp tác vì sự gắn bó chặt chẽ hơn giữa các quốc gia, người ta có thể tránh được những xung đột khác nữa. Thật không may, đã không được như thế. Vì, trong thế giới mà chúng ta đang sống hiện nay, việc đam mê theo đuổi một nền chính trị cộng đồng và việc củng cố các mối liên hệ đa phương dường như chỉ còn là một ký ức buồn bã về một quá khứ xa xôi. Chúng ta dường như đang chứng kiến buổi hoàng hôn buồn bã của giấc mơ hợp xướng về hòa bình đó, khi những kẻ đơn ca trong chiến tranh giờ đây đã tiếp quản hợp xướng này. Càng ngày, nhiệt tình xây dựng một cộng đồng hòa bình và ổn định của các quốc gia dường như càng nguội lạnh dần, khi các vùng ảnh hưởng được vạch ra, sự khác biệt ngày càng rõ rệt, chủ nghĩa dân tộc đang gia tăng và các phán đoán và ngôn ngữ ngày càng khắc nghiệt hơn được sử dụng để đối đầu với các quốc gia khác. Ở bình diện quốc tế, thậm chí có vẻ như chính trị phục vụ nhiều hơn cho việc khơi dậy các cảm xúc hơn là giải quyết các vấn đề, khi sự trưởng thành đạt được sau nhiều khủng khiếp của chiến tranh nhường chỗ cho sự thụt lùi, hướng tới một loại hiếu chiến thiếu thời. Hòa bình sẽ không bao giờ xuất hiện từ việc theo đuổi các lợi ích chiến lược cá nhân, mà chỉ phát xuất từ các chính sách có khả năng nhìn thấy bức tranh lớn hơn, đến sự phát triển của mọi người: các chính sách quan tâm đến cá nhân, người nghèo và tương lai, chứ không phải chỉ đơn thuần là quyền lực, lợi nhuận và triển vọng hiện tại.

Vào thời điểm lịch sử này, châu Âu rất quan trọng, vì lịch sử của nó, nó đại diện cho ký ức của nhân loại; theo nghĩa này, nó được kêu gọi đảm nhận vai trò thích hợp của mình, là đoàn kết những người xa cách nhau, chào đón các dân tộc khác và từ chối việc coi bất cứ ai là kẻ thù vĩnh viễn. Do đó, điều quan trọng là phải phục hồi tinh thần châu Âu: sự phấn khích và tầm nhìn của những người sáng lập, họ là những chính khách biết nhìn xa hơn thời đại của họ, vượt ra ngoài biên giới quốc gia và nhu cầu trước mắt, và tạo ra các hình thức ngoại giao có khả năng theo đuổi sự thống nhất, chứ không phải làm trầm trọng thêm sự chia rẽ. Tôi nghĩ tới De Gasperi, người, trong một hội nghị bàn tròn với Schuman và Adenauer, đã phát biểu: “Chính vì lợi ích của chính nó, chứ không phải là một cách để chống lại những người khác, mà chúng ta nhìn thấy trước một châu Âu thống nhất… Chúng ta đang làm việc vì sự thống nhất, không phải vì sự chia rẽ” (Lên tiếng tại Hội nghị Bàn tròn Châu Âu, Rome, 13 tháng 10 năm 1953). Và một lần nữa, tới niềm tin của Schuman, người cho rằng: “Sự đóng góp mà một châu Âu có cấu trúc và sức sống có thể tạo ra cho nền văn minh là điều không thể thiếu để duy trì các mối liên hệ hòa bình”, vì – theo cách nói đáng nhớ của ông – “hòa bình thế giới không thể được bảo đảm ngoại trừ những nỗ lực sáng tạo, tương xứng trước những nguy hiểm đang đe dọa nó” (Tuyên bố Schuman, ngày 9 tháng 5 năm 1950). Vào thời điểm hiện tại, những mối nguy hiểm đó thực sự rất nhiều; nhưng tôi tự hỏi, khi nghĩ đến ít nhất Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá, đâu là những nỗ lực sáng tạo vì hòa bình?

2. Budapest là thành phố của những cây cầu. Nhìn từ trên cao, “hòn ngọc của Danube” biểu lộ sự độc đáo của nó trong những cây cầu nối liền nhiều phần của nó, phù hợp với hình dáng của dòng sông lớn. Sự hài hòa với môi trường tự nhiên này khiến tôi ghi nhận mối quan tâm đáng khen ngợi đối với hệ sinh thái của quốc gia này. Những nhịp cầu nối kết các thực tại đa dạng ấy cũng khiến chúng ta nghĩ đến tầm quan trọng của một tính thống nhất không y hệt như tính độc dạng. Ở Budapest, điều này được nhìn thấy qua sự đa dạng đáng chú ý của hơn 20 quận tạo nên thành phố. Cũng vậy, Châu Âu của 27 quốc gia, được xây dựng để tạo cầu nối giữa các quốc gia, đòi hỏi sự đóng góp của tất cả, đồng thời không làm giảm đi tính độc đáo của mỗi quốc gia. Như một trong những người sáng lập đã tuyên bố: “Châu Âu sẽ hiện hữu, nhưng không điều gì đã tạo nên vinh quang và hạnh phúc của mỗi quốc gia sẽ mất đi. Vì trong một xã hội lớn hơn, và một sự hòa hợp lớn hơn, các cá nhân sẽ có thể phát triển” (Lên tiếng, đã trích dẫn). Đây là sự hài hòa mà chúng ta cần: một tổng thể mà các bộ phận của nó không bị thuần nhất một cách nhạt nhẽo, nhưng được tích hợp hoàn toàn với những bản sắc riêng được bảo tồn. Về vấn đề này, Hiến pháp Hungary đã tuyên bố một cách đúng đắn: “Tự do cá nhân chỉ có thể hoàn thiện khi hợp tác với những người khác”, và một lần nữa, “Chúng tôi tin rằng văn hóa quốc gia của chúng tôi là một đóng góp phong phú cho sự đa dạng của sự thống nhất châu Âu”.

Tôi nghĩ về một châu Âu không làm con tin cho các bộ phận của mình, không trở thành con mồi của các hình thức chủ nghĩa dân túy tự quy chiếu cũng như không viện đến một thứ “chủ nghĩa siêu quốc gia” dễ thay đổi, nếu không muốn nói là nhạt nhẽo, làm mất đi tầm nhìn về cuộc sống của các dân tộc. Đây là con đường tai hại của những hình thức “thực dân hóa ý thức hệ” vốn hủy bỏ sự khác biệt, như trong trường hợp của cái gọi là lý thuyết giới tính, hoặc sẽ đặt trước thực tại cuộc sống những khái niệm giản lược về tự do, chẳng hạn bằng cách khoe khoang là tiến tới một “quyền phá thai” vô nghĩa, vốn luôn là một thất bại thảm hại. Sẽ tốt hơn biết bao nếu xây dựng một châu Âu lấy con người làm trung tâm và lấy các dân tộc làm trung tâm, với các chính sách hữu hiệu đối với sinh suất và gia đình như những chính sách được chăm chú theo đuổi ở quốc gia này – có những quốc gia ở châu Âu có độ tuổi trung bình là 46-48 –, một châu Âu có các quốc gia khác nhau sẽ tạo thành một gia đình duy nhất bảo vệ sự phát triển và tính độc đáo của mỗi thành viên. Cây cầu nổi tiếng nhất ở Budapest, cây cầu dây xích, giúp chúng ta hình dung ra kiểu châu Âu đó, vì nó bao gồm nhiều liên kết lớn và đa dạng tạo nên sự vững chắc và sức mạnh của chúng khi được nối với nhau. Về vấn đề này, đức tin Kitô giáo có thể là một nguồn lực, và Hung gia lợi có thể đóng vai trò là “người xây cầu” bằng cách dựa trên đặc tính đại kết chuyên biệt của mình. Ở đây, các tuyên tín khác nhau, mà tôi đã gặp cách đây một năm rưỡi, sống với nhau không xích mích, hợp tác một cách tôn trọng và xây dựng. Tôi vô cùng ưu ái nghĩ đến Tu viện Pannonhalma, một trong những tượng đài thiêng liêng vĩ đại của đất nước này, một nơi cầu nguyện và chính nó là nhịp cầu của tình huynh đệ.

3. Điều này dẫn tôi đến việc xem xét khía cạnh cuối cùng: Budapest như một thành phố của các vị thánh. Bà Tổng thống đã nói về Thánh Êlidabét. Điều này cũng được gợi ý bởi bức tranh mới được đặt trong hội trường này. Đương nhiên, chúng ta nghĩ đến Thánh Stêphanô, vị vua đầu tiên của Hung gia lợi, người đã sống vào thời mà các Kitô hữu ở Châu Âu hoàn toàn hiệp thông. Bức tượng của ngài, bên trong Lâu đài Buda, đứng sừng sững và che chở thành phố, trong khi Vương cung thánh đường dâng kính ngài ở trung tâm thủ đô, cùng với Vương cung thánh đường Esztergom, là công trình tôn giáo hùng vĩ nhất của đất nước. Lịch sử Hung gia lợi được đánh dấu bằng sự thánh thiện ngay từ đầu, không chỉ là sự thánh thiện của Nhà vua mà còn của cả gia đình ngài: vợ ông là Chân phước Gisela và con trai ông là Thánh Emeric. Sau này đã nhận được từ cha mình một số lời khuyên tạo thành một loại di chúc cho người Magyar. Hôm nay, họ hứa sẽ cho tôi một bản sao di chúc này. Tôi rất mong nhận được nó. Ở đó, chúng ta đọc được lời khuyên vẫn còn hợp thời: “Tôi khuyên mọi người không những chỉ tỏ lòng ưu ái với bà con họ hàng, với người quyền thế và giàu có, láng giềng và đồng hương của mình, mà còn với người nước ngoài và tất cả những ai đến với mình”. Thánh Stêphanô biểu lộ tinh thần Kitô giáo đích thực khi tuyên bố rằng, “thực hành yêu thương dẫn đến hạnh phúc tột đỉnh”. Ngài nói thêm: “Hãy dịu dàng, để không bao giờ chống lại công lý” (Admonitions, X). Bằng cách này, ngài đã kết hợp chặt chẽ sự thật và sự dịu dàng. Đây là một giáo huấn đức tin tuyệt vời: Các giá trị Kitô giáo không thể được đề xuất bằng sự cứng ngắc và khép kín, bởi vì chân lý của Chúa Kitô đòi hỏi sự hiền lành và dịu dàng, theo tinh thần của Các Mối Phúc Thật. Ở đây, chúng ta thấy nguồn gốc của tính hào hoa phong nhã bẩm sinh của người Hung gia lợi được phản ảnh trong một số cách diễn đạt lời nói hàng ngày, chẳng hạn như “jónak lenni jó” [thật tốt khi trở nên tốt] và “jobb adni mint kapni” [tốt hơn là nên cho hơn nhận].

Đây là một sự khẳng định không chỉ về giá trị của một bản sắc rõ ràng, mà còn về sự cần thiết của sự cởi mở đối với người khác. Hiến pháp ghi nhận điều này khi nêu rõ: “Chúng tôi tôn trọng tự do và văn hóa của các dân tộc khác, và sẽ cố gắng hợp tác với mọi quốc gia trên thế giới”. Nó cũng tuyên bố rằng “các dân tộc sống cùng chúng tôi tạo thành một phần của cộng đồng chính trị Hung gia lợi và là các bộ phận cấu thành Nhà nước”, đồng thời cam kết “thúc đẩy và bảo vệ… ngôn ngữ và văn hóa của các dân tộc sống ở Hung gia lợi”. Tinh thần này thực sự mang tính Tin Mừng, và trái ngược với một khuynh hướng nào đó, đôi khi được đề xuất nhân danh các truyền thống bản địa và thậm chí đức tin, để rút lui vào chính mình.

Bản văn Hiến pháp, bằng một cụm từ rõ ràng và ngắn gọn thấm nhuần tinh thần Kitô giáo, tiếp tục tuyên bố: “Chúng ta có nghĩa vụ chung là bảo vệ những người dễ bị tổn thương và người nghèo”. Chúng ta được nhắc nhở về lịch sử lâu đời của việc nên thánh ở Hung gia lợi, được làm chứng bởi nhiều nơi thờ phượng ở thủ đô này. Từ vị vua đầu tiên, người đặt nền móng cho cuộc sống cộng đồng, chúng ta chuyển sang một nàng công chúa, người đã nâng những bức tường của tòa nhà đó nên vững chắc và thuần khiết hơn. Danh tiếng của Thánh Êlidabét đã lan rộng khắp thế giới. Người con gái này của đất nước qúy vị đã chết ở tuổi hai mươi bốn sau khi từ bỏ tất cả tài sản của mình và phân phát mọi thứ cho người nghèo. Cuối cùng, bà cống hiến hết mình để chăm sóc người bệnh trong nhà tế bần mà bà đã xây dựng. Bà mãi là chứng nhân nổi bật của Tin Mừng.

Thưa các nhà chức trách, tôi bày tỏ lòng biết ơn vì việc cổ vũ các công việc từ thiện và giáo dục được truyền cảm hứng bởi các giá trị này, trong đó cộng đồng Công Giáo địa phương tích cực tham gia, cũng như sự hỗ trợ cụ thể của qúy vị đối với nhiều Kitô hữu trên toàn thế giới đang gặp khó khăn và nghịch cảnh, đặc biệt là ở Syria và Libăng. Sự hợp tác giữa Nhà nước và Giáo hội đã tỏ ra hữu hiệu, luôn tôn trọng nhu cầu phải cẩn thận phân biệt giữa các lĩnh vực riêng của nhau. Điều quan trọng là tất cả các Kitô hữu phải ghi nhớ điều này, lấy Tin Mừng làm điểm quy chiếu, tự do đón nhận các giáo huấn giải phóng của Chúa Giêsu mà không nhượng bộ một loại “chủ nghĩa hợp tác” với một nền chính trị quyền lực. Điều này đòi hỏi một ý thức lành mạnh về “tính thế tục” không suy thoái thành “chủ nghĩa thế tục” phổ biến vốn dị ứng với bất cứ khía cạnh nào của thể thánh thiêng, nhưng lại sẵn sàng hy sinh bản thân trước bàn thờ lợi nhuận. Những người tự xưng là Kitô hữu, cùng với các chứng nhân đức tin, được kêu gọi làm chứng và hợp lực với mọi người để vun trồng một chủ nghĩa nhân bản được gợi hứng bởi Tin Mừng và đi theo hai con đường cơ bản: thừa nhận mình là con cái yêu dấu của Chúa Cha và thương yêu nhau như anh em một nhà.

Về phương diện này, Thánh Stêphanô đã để lại cho con trai mình những lời nói phi thường về tình huynh đệ khi nói với cậu rằng những người đến với các ngôn ngữ và phong tục khác nhau sẽ “tô điểm cho đất nước”. Thật vậy, như ông đã viết, “một đất nước chỉ có một ngôn ngữ và phong tục thì yếu ớt và mong manh; vì lý do này, cha khuyên con hãy chào đón những người lạ với lòng nhân từ và tôn trọng họ, để họ thích ở với con hơn là ở nơi khác” (Admonitions, VI). Vấn đề chấp nhận và chào đón là một vấn đề nóng bỏng trong thời đại của chúng ta, và chắc chắn là phức tạp. Tuy nhiên, đối với những người là Kitô hữu, thái độ cơ bản của chúng ta không thể khác với thái độ mà thánh Stêphanô đã khuyên con trai mình, sau khi học được điều đó từ Chúa Giêsu, Đấng đã đồng hóa mình với khách lạ cần được tiếp đón (x. Mt 25:35). Khi chúng ta nghĩ về Chúa Kitô hiện diện trong rất nhiều anh chị em của chúng ta, những người đang chạy trốn trong tuyệt vọng khỏi các cuộc xung đột, nghèo đói và biến đổi khí hậu, chúng ta cảm thấy buộc phải đương đầu với vấn đề mà không được bào chữa và trì hoãn. Nó cần phải được cùng nhau đối đầu, trong tư cách một cộng đồng, nhất là bởi vì, trong tình hình hiện tại, sớm hay muộn, tất cả chúng ta sẽ cảm nhận được những tác động của nó. Như thế, trong tư cách Châu Âu, điều cấp bách là phải hành động để tạo ra các hành lang pháp lý và an toàn cũng như các quy trình đã được thiết lập để đáp ứng một thách thức mang tính thời đại không thể tránh khỏi và cần được thừa nhận, nhằm chuẩn bị cho một tương lai, nếu không được chia sẻ, sẽ không hiện hữu. Thách thức này đặc biệt đòi hỏi sự đáp ứng từ phía những ai là môn đệ của Chúa Giêsu và muốn noi gương các chứng nhân Tin Mừng. Không thể kể hết tất cả các người tuyên xưng đức tin vĩ đại của miền Pannonia Sacra [miền Pannonia Thánh Thiện](*), nhưng ở đây ít nhất tôi muốn đề cập đến Thánh Ladislas và Thánh Margaret, và nhắc lại một vài nhân vật chínhtrực của thế kỷ trước, chẳng hạn như Đức Hồng Y József Mindszenty, Chân phước Vilmos Apor và Chân phước Zoltán Meszlényi, giám mục và các vị tử đạo, và Chân phước László Battyány-Strattmann. Cùng với rất nhiều người chính trực thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau, họ là những người cha và người mẹ của đất nước qúy vị. Tôi mong muốn giao phó cho các ngài tương lai của quốc gia này, quốc gia rất thân yêu đối với trái tim tôi. Tôi cảm ơn quý vị đã kiên nhẫn lắng nghe những suy tư mà tôi chia sẻ với quý vị này, và tôi bảo đảm với quý vị sự gần gũi và lời cầu nguyện của tôi dành cho tất cả người dân Hung gia lợi, đặc biệt nghĩ đến những người sống ở nước ngoài và tất cả những người mà tôi đã gặp trong cuộc đời mình và những người đã rất tốt với tôi. Tôi nghĩ đến cộng đồng tôn giáo Hung gia lợi mà tôi đã hỗ trợ ở Buenos Aires. Isten, áldd meg a magyart [Chúa phù hộ cho người dân Hung gia lợi!]

___________________________________________________________

(*) Pannonia Sacra [miền Pannonia Thánh Thiện]: Pannonia là một quốc gia thời xưa và là một tỉnh của Đế quốc La Mã nằm ở phía nam và phiá tây Sông Danube gồm Áo, Hyng gia lợi, Slovenia và Croatia ngày nay (chú thích của người dịch)
 
Nguyên văn bài nói chuyện của Đức Phanxicô với các Giám Mục, linh mục, tu sĩ, chủng sinh Hung gia lợi
Vu Van An
22:31 28/04/2023

Vào buổi chiều ngày 28 tháng tư, 2023, Đức Phanxicô đã tới Nhà thờ đồng chính tòa Thánh Stêphanô (Budapest) để gặp gỡ các Giám Mục, linh mục, tu sĩ nam nữ và chủng sinh Hung gia lợi.

Nói chuyện thân tình với các vị, ngài tập chú vào tính trung tâm của việc Chúa Giêsu sống lại, Đấng “quả thật là tương lai của chúng ta”.

Sau đây là nguyên văn bài nói chuyện của ngài dựa vào bản tiếng Ý do Tòa Thánh cung cấp:



Anh em Giám mục thân mến,
Các linh mục và phó tế, những người tận hiến và các chủng sinh thân mến,
Anh chị em mục vụ thân mến,

Disértessek cho Jezus Krisztus! [Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô!]


Tôi rất vui được trở lại đây sau khi chia sẻ với anh chị em Đại hội Thánh Thể Quốc tế lần thứ 52. Đó là một thời gian ân sủng tuyệt vời và tôi chắc chắn rằng hoa trái thiêng liêng của nó đang ở với anh chị em. Tôi cảm ơn Đức Tổng Giám Mục Veres vì lời chào mừng mà ngài đã ngỏ với tôi và vì đã chấp nhận ước muốn của người Công Giáo Hung gia lợi với những lời sau đây: “Trong thế giới đang thay đổi này, chúng con muốn làm chứng rằng Chúa Kitô là tương lai của chúng con”. Chúa Kitô. Không phải “tương lai là Chúa Kitô”, không: Chúa Kitô là tương lai của chúng ta. Đừng thay đổi điều gì cả. Đây là một trong những nhu cầu quan trọng nhất đối với chúng ta: giải thích các thay đổi và biến đổi của thời đại chúng ta, bắng cách cố gắng đương đầu tốt hơn với những thách thức mục vụ. Với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô. Không có gì ngoài Chúa, không có gì xa cách Chúa.

Nhưng điều này có thể thực hiện được bằng cách coi Đức Kitô là tương lai của chúng ta: Người là “Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và sẽ đến, là Đấng toàn năng” (Kh 1:8), là khởi đầu và là cùng đích, là nền tảng và mục tiêu cuối cùng của lịch sử loài người. Bằng cách chiêm ngưỡng vinh quang của Người trong Mùa Phục Sinh này, của Đấng “đầu tiên và cuối cùng” (Kh 1:17), chúng ta có thể nhìn vào những cơn bão đôi khi tấn công thế giới của chúng ta, những thay đổi nhanh chóng và liên tục trong xã hội và đồng thời cuộc khủng hoảng đức tin ở phương Tây với một cái nhìn không cam chịu và không đánh mất tính trung tâm của Lễ Phục Sinh: Chúa Kitô phục sinh, trung tâm của lịch sử, là tương lai. Cuộc sống của chúng ta, mặc dù được đánh dấu bằng sự mong manh, được đặt vững chắc trong tay của Người. Nếu chúng ta quên điều này, cả chúng ta nữa, các mục tử và giáo dân, sẽ tìm kiếm các phương tiện và công cụ của con người để tự bảo vệ mình khỏi thế giới, tự giam mình trong các ốc đảo tôn giáo thoải mái và yên bình của chúng ta; hoặc ngược lại, chúng ta sẽ thích nghi với những chiều gió thay đổi của thế gian và lúc đó, Kitô giáo của chúng ta sẽ mất đi sức sống và chúng ta sẽ không còn là muối đất nữa. Hãy trở về với Chúa Kitô, Đấng là tương lai, để không rơi vào những chiều gió thay đổi của tính thế gian, vốn là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra cho Giáo hội: một Giáo hội trần tục.

Do đó, đây là hai cách giải thích - tôi muốn nói là hai cơn cám dỗ - mà chúng ta phải luôn đề phòng trong tư cách Giáo hội: một cách đọc thảm khốc về lịch sử hiện tại, vốn nuôi dưỡng chủ nghĩa thất bại của những người lặp đi lặp lại rằng tất cả đã mất, rằng không có hơn một lần, rằng chúng ta không biết mình sẽ kết thúc ở đâu. Thật tốt khi cha Sándor bày tỏ lòng biết ơn đối với Thiên Chúa, Đấng đã "giải thoát ngài khỏi chủ nghĩa thất bại"! Và ngài đã làm gì với cuộc đời mình, một nhà thờ chính tòa vĩ đại? Không, một nhà thờ cứu trợ nhỏ, ở thôn quê. Nhưng ngài đã làm được, ngài không để mình bị khuất phục. Cảm ơn ông bạn! Và sau đó là nguy cơ khác, tức đọc thời đại mình một cách ngây thơ, dựa nhiều hơn vào sự tiện lợi của chủ nghĩa duy phong tục tập quán và khiến chúng ta tin rằng cuối cùng mọi sự đều ổn thỏa, thế giới giờ đây đã thay đổi nên chúng ta phải thích nghi - mà không có sự biện phân; thật tệ. Ở đây, chống lại chủ nghĩa thất bại thảm hại chủ nghĩa duy phong tục tập quán thế gian, Tin Mừng cho chúng ta một cái nhìn mới, ban cho chúng ta ơn biện phân để bước vào thời đại của chúng ta với thái độ chào đón, nhưng cũng với tinh thần tiên tri. Vì vậy, với sự chào đón cởi mở theo tinh thần tiên tri. Tôi không thích sử dụng tính từ "tiên tri", nó được sử dụng quá nhiều. Danh từ: lời tiên tri. Chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng danh từ và chúng ta đang rất, rất thường xuyên chuyển sang tính từ. Không: lời tiên tri. Tinh thần, thái độ đón tiếp, cởi mở và với lời tiên tri trong trái tim.

Về phương diện này, tôi muốn dừng lại một cách ngắn gọn tại một hình ảnh đẹp được Chúa Giêsu sử dụng: đó là hình ảnh cây vả (x. Mc 13:28-29). Người cung cấp nó cho chúng ta trong khung cảnh Đền thờ Giêrusalem. Với những người ngưỡng mộ những viên đá đẹp của nó và do đó sống theo kiểu duy phong tục tập quán thế tục, đặt sự an toàn trong không gian linh thiêng và sự hùng vĩ trang trọng của nó, Chúa Giêsu nói rằng không có gì trên trái đất này nên được tuyệt đối hóa, vì mọi sự đều bấp bênh và không hòn đá nào nằm yên trên hòn đá nào – trong những ngày này chúng ta đọc sách Khải Huyền trong Kinh Thần vụ, nơi nó cho chúng ta thấy rằng sẽ không có hòn đá nào nằm yên trên hòn đá nào – nhưng đồng thời, Chúa không muốn dẫn đến sự nản lòng hay sợ hãi. Và đó là lý do tại sao Người nói thêm: khi mọi sự qua đi, khi các đền thờ của con người sụp đổ, khi những điều khủng khiếp xảy ra và khi có những cuộc bách hại dữ dội, thì “họ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với quyền năng và vinh quang cao cả” (c. 26). Và chính ở đây, Người mời chúng ta nhìn vào cây vả: “Hãy học dụ ngôn cây vả: khi cành trở nên mềm dịu và lá mọc ra, anh em biết mùa hè đang đến gần. Anh em cũng vậy: khi anh em thấy những điều ấy xảy ra, anh em hãy biết rằng Người đã gần đến, Người đã ở ngoài cửa” (c. 28-29). Do đó, chúng ta được mời gọi chào đón thời kỳ mà chúng ta đang sống như một cây sai quả, với những thay đổi và thách thức của nó, bởi vì chính nhờ tất cả những điều này - Tin Mừng nói - mà Chúa đến gần. Và trong khi chờ đợi, chúng ta được mời gọi để vun trồng mùa này vốn là mùa của chúng ta, đọc nó, gieo Tin Mừng ở đó, cắt tỉa những cành khô sự dữ, đơm hoa kết trái. Chúng ta được kêu gọi chào đón một cách tiên tri.

Chào đón bằng lời tiên tri: đây là vấn đề học cách nhận ra những dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa trong thực tại, ngay cả khi nó không xuất hiện một cách được đánh dấu minh nhiên bằng tinh thần Kitô giáo và đến gặp chúng ta với đặc điểm chất vấn hay tra hỏi. Và, đồng thời, đây là vấn đề giải thích mọi sự dưới ánh sáng của Tin Mừng chứ không theo thế gian - hãy cẩn thận! – nhưng như các tiền hô và nhân chứng của lời tiên tri Kitô giáo. Hãy coi chừng tiến trình tính thế gian. Rơi vào tính thế gian có lẽ là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với một cộng đồng Kitô hữu. Chúng ta thấy rằng ngay cả ở đất nước này, nơi mà truyền thống đức tin vẫn còn bám rễ sâu xa, người ta đang giúp phổ biến tính thế tục và tất cả những gì đi kèm với nó, thường có nguy cơ đe dọa sự toàn vẹn và vẻ đẹp của gia đình, phơi bày những người trẻ trước những khuôn mẫu của cuộc sống được đánh dấu bởi chủ nghĩa duy vật và chủ nghĩa khoái lạc, để phân cực cuộc tranh luận về các đánh cuộc và thách thức mới. Và sau đó, sự cám dỗ có thể là trở nên cứng ngắc, rút lui và tiếp nhận thái độ “bị đánh bại”. Nhưng những thực tại này có thể là cơ hội cho các Kitô hữu chúng ta, vì chúng kích thích đức tin và việc đào sâu một số chủ đề, chúng mời gọi chúng ta tự hỏi làm thế nào để những thách thức này có thể đi vào cuộc đối thoại với Tin Mừng, để tìm kiếm những phương cách, công cụ và ngôn ngữ mới. Theo nghĩa này, Đức Bênêđictô XVI khẳng định rằng các giai đoạn tục hóa khác nhau giúp ích cho Giáo hội vì “chúng góp phần một cách thiết yếu vào việc thanh tẩy và canh tân nội tâm của Giáo hội. Thực thế, các cuộc tục hóa […] đều có nghĩa là các cuộc giải phóng sâu xa Giáo hội khỏi các hình thức của tính thế gian” (Gặp gỡ những người Công Giáo dấn thân cho Giáo hội và cho xã hội, Freiburg im Breisgau, 25 tháng 9, 2011). Trước bất cứ hình thức thế tục hóa nào, đều có một thách thức và một lời mời gọi thanh tẩy Giáo hội khỏi mọi loại tính thế tục. Chúng ta hãy trở lại với điều này vốn là điều tồi tệ nhất: rơi vào thế gian là điều tồi tệ nhất có thể xảy ra với chúng ta. Đó là một thứ ngoại giáo ngọt ngào, đó là một ngoại giáo không lấy đi sự bình yên của anh chị em, tại sao? Tại sao nó lại tốt? Không, bởi vì anh chị em bị gây mê.

Việc dấn thân đối thoại với các tình huống ngày nay đòi hỏi cộng đồng Kitô hữu phải hiện diện và làm chứng, biết cách lắng nghe những vấn đề và thách thức mà không sợ hãi hay cứng ngắc. Và điều đó không hề dễ dàng trong hoàn cảnh hiện nay, bởi khó khăn cũng không thiếu ngay ở bên trong. Đặc biệt, tôi muốn nêu bật tình trạng làm việc quá sức của các linh mục. Thực thế, một mặt, nhu cầu của đời sống giáo xứ và mục vụ rất nhiều, nhưng mặt khác, ơn gọi đang giảm dần và linh mục thì ít, thường tuổi cao và có một số dấu hiệu mệt mỏi. Đây là một tình trạng chung đối với nhiều thực tại Âu Châu, mà đối với nó, điều quan trọng là tất cả mọi người - mục tử và giáo dân - cảm thấy đồng trách nhiệm: đặc biệt trong lời cầu nguyện, bởi vì câu trả lời đến từ Chúa chứ không phải từ thế gian, từ nhà tạm chứ không phải từ máy tính. Và rồi trong niềm đam mê đối với mục vụ ơn gọi, bằng cách tìm ra các phương tiện mang đến cho những người trẻ lòng nhiệt thành niềm đam mê theo Chúa Giêsu cả trong một cuộc thánh hiến đặc biệt.

Điều mà Sơ Krisztina nói với chúng ta thật tuyệt vời… Nhưng đó là một ơn gọi khó khăn! Bởi vì để trở thành một tu sĩ Đa Minh, đầu tiên sơ được một linh mục dòng Phanxicô giúp đỡ, sau đó là các tu sĩ Dòng Tên giúp đỡ các linh thao… và cuối cùng sơ trở thành một tu sĩ Đa Minh. Tốt! Sơ đã có một chuyến đi tuyệt vời! Những gì sơ nói với chúng ta về việc “tranh luận với Chúa Giêsu” về lý do tại sao Người gọi sơ—sơ muốn Người gọi các chị em chứ không phải sơ—thật hay; điều cần thiết là những người lắng nghe và giúp đỡ để thảo luận tốt với Chúa! Và, nói chung, cần phải tham gia vào một suy tư giáo hội - đồng nghị, thực hiện chung với nhau - để cập nhật đời sống mục vụ, mà không hài lòng với việc lặp lại quá khứ và không sợ cấu hình lại giáo xứ lãnh thổ, nhưng bằng cách dành ưu tiên cho việc truyền giảng Tin Mừng và bắt đầu cộng tác tích cực giữa các linh mục, giáo lý viên, nhân viên mục vụ, giáo viên. Anh chị đã đi trên con đường này rồi: đừng dừng lại. Hãy tìm những cách khả thi để cộng tác một cách vui vẻ vào chính nghĩa Tin Mừng và làm cho nhau cùng thăng tiến, mỗi người có đặc sủng riêng của mình, coi mục vụ như một lời loan báo, một lời loan báo giáo lý sơ truyền, nghĩa là, điều đánh động lương tâm. Theo nghĩa này, những gì Dorina nói với chúng ta về sự cần thiết phải đi tới người khác qua thuật chuyện, truyền thông, tiếp xúc cuộc sống hàng ngày quả thật đẹp. Và ở đây, tôi dừng lại một chút để nhấn mạnh công việc tốt đẹp của các giáo lý viên, thừa tác vụ xưa cũ này. Có những nơi trên thế giới – chẳng hạn như Châu Phi – nơi mà các giáo lý viên theo đuổi việc rao giảng Tin Mừng. Giáo lý viên là trụ cột của Giáo hội! Cảm ơn mọi điều anh chị em đã làm cho tôi. Và tôi cảm ơn các phó tế và các giáo lý viên, những người có vai trò quyết định trong việc truyền đạt đức tin cho các thế hệ trẻ, và tất cả những giáo viên và nhà đào tạo đang quảng đại tham gia vào lĩnh vực giáo dục: xin cảm ơn, cảm ơn rất nhiều!

Vì vậy, cho phép tôi nói với anh chị em rằng việc chăm sóc mục vụ tốt là điều có thể thực hiện được nếu chúng ta có thể sống tình yêu mà Chúa đã truyền cho chúng ta này và đó là quà tặng của Thần Khí Người. Nếu chúng ta trở nên xa cách hoặc chia rẽ, nếu chúng ta trở nên cứng ngắc trong các lập trường và trong các nhóm, thì chúng ta không sinh hoa kết trái; chúng ta hãy nghĩ về bản thân, các ý tưởng và các nền thần học của chúng ta. Thật buồn khi người ta chia rẽ thay vì chơi như một đội, anh chị em lại tham gia vào trò chơi của kẻ thù: chính ma quỷ là kẻ chia rẽ, và nó làm điều này như một nghệ sĩ, đó là nghề chuyên môn của hắn. Và chúng ta thấy các giám mục không liên lạc với nhau, các linh mục căng thẳng với giám mục, những người lớn tuổi xung đột với những người trẻ nhất, giáo phận với các tu sĩ, các linh mục với giáo dân, người Latinh với người Hy Lạp; có sự phân cực về các vấn đề liên quan đến đời sống của Giáo hội, cũng như về các khía cạnh chính trị và xã hội, ẩn núp trong các lập trường ý thức hệ. Anh chị em đừng để ý thức hệ xen vào! Đời sống đức tin, hành động đức tin không thể bị giản lược vào ý thức hệ: điều này thuộc về ma quỷ. Không, xin làm ơn: công việc mục vụ đầu tiên là làm chứng cho sự hiệp thông, bởi vì Thiên Chúa là sự hiệp thông và hiện diện ở nơi nào có tình bác ái huynh đệ. Chúng ta hãy vượt qua những chia rẽ của con người để cùng nhau làm việc trong vườn nho của Chúa! Chúng ta hãy đắm mình trong tinh thần Tin Mừng, chúng ta hãy cắm rễ trong kinh nguyện, nhất là trong việc tôn thờ và lắng nghe Lời Chúa, chúng ta hãy vun trồng việc đào tạo thường xuyên, tình huynh đệ, sự gần gũi và quan tâm đến người khác. Một kho tàng lớn đã được trao vào tay chúng ta, chúng ta đừng lãng phí nó bằng cách theo đuổi những thực tại thứ yếu trong tương quan vớiTin Mừng!

Và ở đây tôi mạn phép nói với anh chị em: hãy coi chừng chuyện ngồi lê đôi mách, chuyện ngồi lê đôi mách giữa các giám mục, giữa các linh mục, các nữ tu, giữa giáo dân… Chuyện ngồi lê đôi mách sẽ hủy hoại. Có vẻ như đây là một điều tuyệt vời, trò chuyện, ăn kẹo, thật tuyệt khi nói về người khác. Thường là như vậy. Anh chị em hãy cẩn thận, bởi vì đây là con đường dẫn đến sự hủy diệt. Nếu một người sống đời thánh hiến hay một giáo dân sống nghiêm túc không bao giờ nói xấu người khác, thì người đó là một vị thánh, một vị thánh. Hãy đi theo con đường này: không nói chuyện phiếm. “Nhưng thưa cha, khó lắm, vì đôi khi chúng ta trơn trượt: người này bình luận, người khác…”. Có một phương thuốc tốt cho việc nói nhảm: chẳng hạn như cầu nguyện; nhưng có một biện pháp tốt khác: giữ miệng lưỡi của anh chị em. Anh chị em biết chứ? Anh chị em giữ miệng lưỡi và không nói chuyện phiếm. Đồng ý chứ?

Và tôi muốn nói một điều khác với các linh mục, đó là hãy mang đến cho Dân thánh của Chúa khuôn mặt của Chúa Cha và tạo ra một tinh thần gia đình: chúng ta hãy cố gắng đừng cứng ngắc, nhưng hãy có những cái nhìn và cách tiếp cận đầy thương xót và cảm thương. Về khía cạnh này, tôi muốn nhấn mạnh một điều: Đâu là phong cách của Thiên Chúa? Phong cách đầu tiên của Thiên Chúa là thái độ gần gũi. Chính Người đã nói điều đó trong Đệ nhị luật: "Hãy nói cho Ta biết, dân tộc nào có các vị thần của họ ở gần họ như các ngươi có Ta ở gần các ngươi?". Thiên Chúa, thái độ của Thiên Chúa là sự gần gũi, với lòng cảm thương và dịu dàng. Gần gũi, cảm thương và dịu dàng: đây là phong cách của Thiên Chúa, chúng ta hãy theo phong cách này. Tôi có gần gũi với mọi người không, tôi có giúp đỡ mọi người không, tôi có cảm thương hay lên án mọi người không? Tôi có ngọt ngào, ngọt ngào không? Để có điều này, không được cứng ngắc, nhưng gần gũi, cảm thương và dịu dàng. Về khía cạnh này, tôi đã có ấn tượng trước những lời lẽ của Cha József, người đã nhắc nhở tôi về sự cống hiến và mục vụ của anh trai ngài, Chân phước János Brenner, người đã bị giết một cách dã man khi mới 26 tuổi. Biết bao nhiêu chứng nhân và người tuyên xưng đức tin mà dân tộc này từng có trong các chế độ toàn trị của thế kỷ trước! Anh chị em đã phải chịu đựng rất nhiều! Chân phước János đã trải qua quá nhiều đau đớn trên da thịt của chính ngài và thật dễ dàng để ngài ôm mối hận, rút lui, cứng ngắc. Thay vào đó, ngài là một người chăn chiên tốt lành. Điều này được đòi hỏi nơi tất cả chúng ta, đặc biệt là các linh mục: một cái nhìn thương xót, một trái tim nhân ái, luôn tha thứ, luôn tha thứ, giúp bắt đầu lại, đón nhận chứ không phán xét và không xua đuổi, khuyến khích và làm lành, không chỉ trích, phục vụ và không ngồi lê đôi mách.

Thái độ này đào tạo chúng ta biết chào đón, một sự chào đón mang tính tiên tri: nghĩa là thông truyền niềm an ủi của Chúa trong những hoàn cảnh đau khổ và nghèo khó của thế giới bằng cách gần gũi với các Kitô hữu bị bách hại, những người di cư tìm kiếm sự hiếu khách, những người thuộc các sắc tộc khác, với bất cứ ai có nhu cầu. Theo nghĩa này, anh chị em có những tấm gương thánh thiện tuyệt vời, như Thánh Martino. Cử chỉ chia sẻ tấm áo choàng với người nghèo của ngài không chỉ là một công việc bác ái: đó là hình ảnh để Giáo hội hướng tới, đó là điều mà Giáo hội Hung gia lợi có thể mang đến như một lời tiên tri cho trái tim châu Âu: lòng thương xót, sự gần gũi. Nhưng tôi vẫn muốn nhớ đến Thánh Stêphanô, người có thánh tích ở đây bên cạnh tôi: ngài, người đầu tiên phó thác quốc gia cho Mẹ Thiên Chúa, người là một nhà truyền giáo dũng cảm và là người sáng lập các tu viện và đan viện, tôi cũng biết ngài lắng nghe và nói chuyện với mọi người và quan tâm đến người nghèo: ngài đã giảm thuế cho họ và cải trang đi ăn xin để không bị nhận ra. Đó là Giáo hội mà chúng ta phải mơ ước: một Giáo hội có khả năng lắng nghe lẫn nhau, đối thoại, quan tâm đến những người yếu đuối nhất; một Giáo hội chào đón tất cả mọi người, một Giáo hội can đảm mang đến cho mỗi người lời tiên tri của Tin Mừng.

Anh chị em thân mến, Chúa Kitô là tương lai của chúng ta, bởi vì chính Người hướng dẫn lịch sử, Người là Chúa của lịch sử. Các vị tuyên xưng đức tin của anh chị em đã xác tín chắc chắn điều này: nhiều giám mục, linh mục, nam nữ tu sĩ đã tử đạo trong cuộc bách hại của những người vô thần; họ làm chứng cho đức tin sắt đá của người Hung gia lợi. Và không nói ngoa chút nào, tôi tin chắc rằng: anh chị em có một đức tin sắt đá, và chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì điều đó. Tôi muốn nhắc lại Đức Hồng Y Mindszenty, người đã tin vào sức mạnh của lời cầu nguyện, đến nỗi đến tận nay, gần như một câu nói phổ biến, nó vẫn được lặp lại ở đây: "Nếu có một triệu người Hung gia lợi cầu nguyện, tôi 'sẽ không sợ' tương lai'. Anh chị em hãy là những người chào đón, hãy là những người chào đón, hãy là chứng nhân cho lời tiên tri của Tin Mừng, nhưng trên hết hãy là những người nam nữ cầu nguyện, bởi vì lịch sử và tương lai tùy thuộc vào điều đó. Cảm ơn vì niềm tin và lòng trung thành của các anh chị em, vì tất cả điều tốt lành mà anh chị em là và làm. Và tôi không thể quên chứng tá dũng cảm và kiên nhẫn của các nữ tu Hung gia lợi thuộc Dòng Tên, những người mà tôi đã gặp ở Á Căn Đình sau khi họ rời Hung gia lợi vì bị đàn áp tôn giáo. Họ là những phụ nữ của chứng nhân, họ rất tốt lành! Với chứng từ của họ, họ đã làm cho tôi bao điều tốt lành. Tôi cầu nguyện cho anh chị em, để noi gương các chứng nhân đức tin vĩ đại của anh chị em, anh chị em sẽ không bao giờ bị sự mệt mỏi nội tâm chi phối, vốn dẫn chúng ta đến sự tầm thường, và cầu mong anh chị em tiến lên với niềm vui. Và tôi xin anh chị em tiếp tục cầu nguyện cho tôi.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Hình ảnh vườn hoa tháng Năm
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
07:55 28/04/2023
Hình ảnh vườn hoa tháng Năm

Trong thiên nhiên, thời tiết tháng Năm bên vùng trời u châu và phía bắc Mỹ châu mát dịu, thiên nhiên thức giấc sau mùa Đông gía lạnh khô cứng, các mầm chồi lộc non trồi chui ra khỏi thân cành cây ngày càng sinh động, bông hoa nhú nụ nở tươi thắm, cây cỏ mọc vươn lên khỏi mặt đất lướt mình trong nắng gío mùa xuân, các loài Chim chóc, Ong Bướm, Chuồn Chuồn bay chuyền lượn, kêu hót trong khắp không gian, các con thú vật trong thiên nhiên đan bện, đào bới hang đất làm nhà làm tổ ấm sinh con, rồi dẫn đàn con nhỏ chui ra khỏi hang tổ bay chạy nhảy, săn tìm mồi…

Một bức tranh thiên nhiên thật sinh động, sức sống tươi mới bùng vươn lên tô điểm cho khu vườn thiên nhiên nhiều mầu sắc rực rỡ.

Còn hình ảnh vườn hoa tháng năm trong nếp sống đức tin đạo giáo thì thế nào?

Niềm vui đời sống đức tin cũng hòa lẫn với thiên nhiên trời đất trong cung cách mừng kính Đức Mẹ Maria, mẹ Chúa thiên đình.

Mầu xanh cành lá cây cối trong thiên nhiên là hình ảnh của sức sống, của niềm hy vọng và cùng hướng chỉ về Đức Mẹ Maria, người được Thiên Chúa tuyển chọn làm mẹ sinh hạ Chúa Giêsu, con Thiên Chúa.

Cánh hoa bung nở vươn mình trong ánh nắng giữa không gian là hình ảnh tấm lòng mở rộng của Đức Mẹ Maria đón nhận ý định của Thiên Chúa để Chúa Giêsu xuống trần gian làm người.

Mầu sắc tươi thắm của bông hoa diễn tả vẻ vinh quang thần thiêng thánh đức của Chúa Giêsu, người con của Đức Mẹ Maria.

Không chỉ ngoài thiên nhiên cây cối bông hoa xanh tươi bung nở vào tháng Năm, nhưng còn trong ý nghĩa suy niệm cho cuộc sống con người nữa: mầu xanh niềm hy vọng và đời sống triển nở.

Tháng Năm cũng là Tháng biểu hiệu của tình yêu theo nếp sống văn hóa: tình yêu gia đình xã hội, tình yêu vợ chồng, mà người tín hữu Chúa Kitô hằng cầu xin Đức Mẹ Maria giúp đỡ phù hộ cho được bền vững trong sáng nguyên tuyền.

Tình yêu vợ chồng, tình yêu mẹ cha luôn phát triển xanh tươi như lá cành cây cối giữa hai người và nẩy sinh bông hoa tươi thắm kết qủa là con cái.

Tình yêu đó không phải là điều gì có đó để chấp nhận, hay quên lãng lơ là. Nhưng là kho tàng báu vật cao qúy nhất đời con người cần phải được hằng quan tâm trân trọng gìn giữ bằng mọi cách cho lành mạnh tươi đẹp.

Một trong những cách thế đó là đời sống cầu xin tâm linh đạo đức.

Xin hái những cành lá cây còn non xanh tươi, và cùng thắp sáng cây nến đức tin dâng kính mừng Mẹ Chúa thiên đình.

Xin Đức Mẹ phù hộ giúp đôi bạn trẻ nam nữ lòng vui mừng đón nhận cùng qúy trọng tình yêu vợ chồng của nhau. Tình yêu vợ chồng là ân đức thửa vườn Trời cao trao tặng đời sống con người.

Xin kết bó bông mầu đỏ nồng thắm và cùng thắp sáng cây nến lòng biết ơn dâng kính Mẹ Chúa thiên đình.

Xin Đức Mẹ phù hộ gìn giữ ông bà, cha mẹ chúng con. Các ngài là ân đức cây cao bóng rợp Trời cao ban tặng cho con cháu.

Xin thu lượm những cánh hoa mầu trắng tươi tốt như giọt sương ban mai, và cùng thắp sáng cây nến lòng yêu mến dâng kính mừng Mẹ Chúa thiên đình.

Xin Đức Mẹ phù hộ giúp các cha mẹ đón nhận con cái là ân đức hoa qủa Trời cao ban tặng cho gia đình, xã hội và Giáo hội.

Xin đan bện bó bông hoa mầu vàng cùng thắp sáng cây nến lòng cậy trông dâng kính Mẹ Chúa thiên đình.

Xin Đức Mẹ phù hộ gìn giữ con em bạn trẻ đang lứa tuổi phát triển được bằng an mạnh khoẻ về thân xác cũng như tinh thần tâm trí, học hành làm việc thành công. Họ là ân đức hạt giống trong sáng tạo nơi công trình thiên nhiên của Thiên Chúa

Xin đặt bó bông mầu xanh da trời như hình ảnh tiếng Gọi từ trời cao vọng xuống, và cùng thắp sáng cây nến lòng trung thành cho các bậc tu trì trong Hội Chúa ở trần gian, trước bàn tòa mẹ Chúa thiên đình.

Xin Đức Mẹ là nữ vương các người chọn đời sống tu trì giúp họ kiên trì vượt qua những khó khăn thử thách về đức tin vào Chúa, cũng như những cám dỗ trong đời sống.

Xin đặt vòng bông hoa mầu tím cùng thắp sáng cây nến Chúa Phục sinh dâng kính Mẹ Chúa thiên đình.

Xin Đức Mẹ phù hộ cho những người thân yêu ruột thịt trong các gia đình chúng con, những vị ân nhân, những bạn bè thân hữu, mà nay đã qua đời, được đón nhận ánh sáng sự sống lại như lòng họ tin tưởng mong chờ.

Họ là ân đức của Thiên Chúa, là tạo vật được tạo thành và cứu chuộc trong khu vườn sáng tạo của Thiên Chúa.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
Văn Hóa
Lá thư Canada 1/5/2023 Thông Điệp Bàn Tay Năm Ngón
Trà Lũ
21:51 28/04/2023
LTS: Sau 45 năm cầm bút, nhà văn Trà Lũ - Trần Trung Lương, nguyên giáo sư Đại Học Sư Phạm Sàigòn, công chức bô Văn Hoá Canada, là tác giả của hơn 20 tác phẩm văn hoá, cung cấp những kiến thức mới và bổ ích cho nhiều độc giả.Trong lá thư gửi VietCatholic, nhà văn Trà Lũ cho biết năm nay Ông mừng thọ 88 tuổi, sức khoẻ không còn như xưa, trí óc mất dần sự nhậy bén, nên qua mạng lưới Vietcatholic, Ông xin một lần chính thức cám ơn độc giả đã theo dõi những bài viết của ông, đồng thời xin tri ân ban biên tập Vietcatholic và LM. Paul Văn Chi đã ưu ái để Ông cộng tác với Vietcatholic trong 20 năm qua, dưới mục “Lá Thư Canada Hàng Tháng”

Nhân dịp này,toàn ban Biên Tập Vietcatholic, và Lm. Giám Đốc Paul Văn Chi xin kính chúc nhà văn Trà Lũ:


Bách Niên Giai Lão - Thân Tâm An Lạc.

Lá thư Canada 1/5/2023: Thông Điệp Bàn Tay Năm Ngón

Canada đã vào xuân thật rồi. Cụm Hoa Xuyên Tuyết trước cửa đã nở tràn đầy. Cụm mai vàng cuối vườn đã nở hết cỡ và lá xanh mơn mởn bắt đầu phô ra. Vườn sau nhà tôi ăn thông với Công viên High Park nơi có nhiều mảng cây anh đào cũng đã nở hoa, và du khách từ khắp nơi đang ùn ùn về Toronto này để chiêm ngắm và chụp hình quay phim.

Tôi yêu Toronto mùa xuân này quá. Toronto được coi là đứng đầu danh sách 10 thành phố đẹp nhất Canada. Montreal đứng thứ hai nha. Tôi và gia đình có số trời cho được ở Toronto. Tôi nói có số là vì ban đầu, hồi tháng 6 năm 1975, tôi được chính phủ Canada xếp cho ở Montreal vì biết tiếng Pháp, nhưng gia đình tôi đã chỉ ở Montreal một năm rồi đi Toronto ngay. Tôi coi đây là cái số. Vì là số đỏ nên mới có duyên gặp hai danh nhân người Việt nổi tiếng, đó là nhà văn MC Nguyện Ngọc Ngạn và GS Học Giả Đỗ Khánh Hoan. Ông Ngạn ban đầu ở mãi miền tây BC. Ở mấy năm rồi ông bị Toronto lôi cuốn, và ông nổi danh từ miền đất này. Ông làm cho Thúy Nga bên Mỹ hơn 30 năm, đi đi về về như đi chợ, ấy thế mà dứt khoát ông không dọn sang Mỹ, bây giờ đã gần 80 năm cuộc đời mà vẫn chọn Toronto này làm quê hương. Ông quả là một đại danh nhân. Chỉ cần xem 2 băng Paris by Night 133 và 134 là thấy ngay cái thiên tài của ông. Băng 134 ở Thái Lan, trong băng cho thấy mấy ngàn người Việt ở khắp nơi trên thế giới đổ về thủ đô Bangkok để được nhìn thấy ông trực tiếp. Ai cũng tỏ ra quý mên, ái mộ, phục tài. Xưa nay chưa có MC nào tài giỏi và có duyên bằng ông. Ông đã tròm trèm 80.mà vẫn còn dỏm dáng và cuốn hút. Xin chúc Thúy Nga giữ được thiên tài họ Nguyễn này lâu hơn nữa

Và người thứ hai của đất Toronto này là danh nhân Đỗ Khánh Hoan. Ông từng du học Úc Châu và Mỹ Châu, là thày dạy danh nhân Nguyễn Ngọc Ngạn ở Chu Văn An khi xưa ở Saigon. Rồi từ Chu Văn An ông về dạy Đại Học Văn Khoa, rồi làm trưởng ban Anh Văn cho tới năm 1979. VC từ Hà Nội vào mà vẫn phải nể phục cái kho kiến thưc của ông. Năm 1979 ông mới bỏ nước ra đi, và Canada đã nhận ông vào Toronto. Dạy học chỉ là nghề tay trái, nghề tay phải của ông mới là chính, đó là dịch thuật. Theo tôi nhớ thì tác phẩm ‘Animal Farm’ của George Orwell, 1945 / Nông Trại Súc Vật’ ông dịch từ thập niên 1960 là tác phẩm đầu tiên. Thời đó, túi anh chị học sinh nào hầu như cũng có cuốn này, và đặc biệt nhất là cuốn ‘Thơ Tagore’, tác phẩm được tái bản 14 lần. Danh xưng giáo sư của ông dần dần được đổi sang ‘học giả’ vì ông thông thái quá. Ông đã dịch và dẫn giải rất nhiều đại tác phẩm quốc tế, như toàn bộ văn học Anh từ khởi thủy đến năm 1950, như những danh tác của châu Mỹ Latin, như chuyển ngữ trọn vẹn hai thi tập trường ca Illiad và Odyssey của Homer, toàn bộ ‘Đối Thoại’ của Platon, ‘Đạo Đức Luận’ của Aristote.

Và ngay đầu mùa xuân 2023 này, ông vừa dịch xong một thi tập tiếng Latin của Thi sĩ Virgile thế kỷ 1 trước công nguyên, thi tập dài hơn 10.000 câu thơ. Thi phẩm mang tên Latin AENEIS, tác giả lấy chữ Hy Lạp Aeneid đặt tên cho thi phẩm vì dựa vào hai thi phẩm của Homer. Dịch giả họ Đỗ vẫn giữ tên của nguyên tác. Tên tiếng Pháp là Énéide, tên tiếng Anh là Aeneid. Đây là tác phẩm thơ nhưng tác giả không dịch ra thơ vì sợ không diển tả hết ý nên ông chỉ chuyển sang văn xuôi. Tôi rất thích cái lập trường này. Thơ là tinh hoa của ngôn ngữ, hiểu được trọn vẹn ý câu thơ đã là khó mà lại dịch ra thơ nữa thì còn khó biết bao nhiêu. Đọc đến đây chắc độc giả muốn biết tác phẩm này nói về điều gì. Thưa, Aeneid là câu chuyện kể về người Anh hùng Aeneas và cuộc hành trình tìm ra vùng đất mới cho dân tộc Troy sau khi thành này bị sụp đổ. Đế quốc La Mã không còn nữa, tàn lụi từ lâu rồi. nhưng thi sĩ Virgile vẫn còn sống với đời, vượt không gian và thời gian. Dịch già họ Đỗ cho biết thi phẩm chào đời cách đây hai ngàn năm, thế mà bây giờ đọc ông còn thấy mới như hôm qua... Nể cụ học giả họ Đỗ quá. Mà chưa hết. Tuy đã dịch hơn 80 đại tac phẩm, sau cuốn này hình như cụ Đỗ còn tiếp tục cầm bút. Bản dịch đã được chuyển cho nhà in Học Viện Công Dân, ICEVN, ở Texas. Hy vọng chúng ta sớm được đọc tác phẩm danh tiếng này.

Tôi đem việc này ra trình làng An Lạc của tôi trong tuần qua, ai cũng gật gù thán phục. Dây là việc sách vở nên sẽ kể hầu các cụ về sau. Bữa nay họp làng có một việc quan trọng nhưng ai cũng muốn giữ kín đến phút chót. Phe các bà phụ trách nấu nướng. Bữa nay các bà nổi hứng làm món bánh phồng tôm, ôi miếng bánh dòn và thơm phức cuộn với các lá rau thơm chấm nước mắm chua cay ngọt ăn kèm với những sợi dưa chua cà rốt và cải trắng sao mà nó ngon làm vậy. Vừa ăn ngon vừa nói cười nghiêng ngả, sao mà nó sung sướng cách gì. Suốt bữa ăn, ngoài chuyện chữ nghĩa của MC Nguyễn Ngọc Ngạn và GS Dỗ Khánh Hoan, làng tôi đã cười nghiêng ngả khi nghe anh John nói về cái hay của tiếng Việt khi học ngôn ngữ mẹ đẻ của Chi Ba Biên Hòa. Anh John kể nhiều chuyện lắm, như chuyện những câu nói thường ngày của người Việt chúng ta:

-Tui muốn bịnh chắc phải đi khám bác sĩ, anh John bình luận: nào có ai muốn bịnh bao giờ, ta bị mắc bịnh chứ, và khi ta có bịnh thì đi gặp bác sĩ để ông khám bệnh cho ta chứ ta có đi khám bác sĩ đâu ! Ngoài ra bác sĩ sẽ cho ta uống thuốc trị nhức đầu chẳng hạn chứ làm gì có thuốc nhức đầu…

- Cô Tư đi sửa sắc đẹp, sắc đã đẹp rồi thì việc gì mà đi sửa!

- Về thiên nhiên, nước không có chân sao ta nói nước đứng, mây không có chân sao ta nói chân mây, gió không có miệng sao ta nói gió thổi, con kiến không có răng sao ta nói kiến cắn, con muỗi không có lửa sao ta nói muỗi đốt?

-Cô hàng bán thịt hỏi bà khách quen đi chơi xa mới về: Sao lâu quá bác không ăn thịt cháu?

Các cụ đã thấy anh John này có những nhận xét hay không, phải là người ngoại quốc mới nhìn ra. Mà chưa hết. Anh còn bảo đa số người VN mình khi nói tiếng Anh thường cho dấu huyền vào. Như order thì nói là o-đờ, bilingual thì nói là bai-linh gờ, busy thì nói là bí-gì, cable thì nói là kê-bồ, thắng cháu tên Michel thì được gọi là thằng Mai-cồ, New Orleans được nói là niu-óc-lần, Bob Dole bị gọi là thắng Bóp-đồ, Toronto được đọc là Tô-rốn-tồ, Melbourne là meo-bần, Sydney là sít-nì…

Cả làng đã phá ra cười vì không ngờ cái tai và cái miệng của phe ta kỳ quá !

Anh John định xin hết bài cười, nhưng chưa xong. Chị Ba vợ anh nhắc thêm: anh nói về chữ MẬT của tình yêu đi. Anh liền kể ngay: Tiếng VN đã đổ mật vào tìinh yêu của đôi lứa:

-Bắt đầu yêu là thời kỳ giữ bí mật

-Khi được đáp lại, lúc 2 người yêu nhau, là thời kỳ thân mật

-Lấy nhau xong là thời kỳ trăng mật

-Sống với nhau lam lũ cực khổ là thời kỳ giập mật…

Các cụ có thấy cái anh con rể VN gốc Canada này rí rỏm không? Cả làng An Lạc ai cũng bảo Chị Ba Biên Hòa lấy anh làm chồng là quá tốt quá đẹp.

Khi bàn tiệc vừa dọn xong ly chén thì đùng một cái từ nhà bếp vang lên tiếng vỗ tay reo hò và Chị Ba Biên Hòa bưng ra một đồng bánh sinh nhật lớn có 5 ngọn đèn cầy cháy sáng và trịnh trọng đặt ngay trước mặt Cụ Chánh. A, hôm nay là ngày sinh nhât đại thọ 95 của tiên chỉ làng. Cả làng vang lên bài hát Happy Birthday to You. Bài ca quốc tế này dân làng vừa hát vừa vỗ tay vừa reo hò. Mấy bà định xin cụ Chánh thổi nến và cắt bánh thì ông Từ Hòe giơ tay. Ông lên tiếng xin nói lời chúc mừng và lấy từ dưới ghế lên chai champagne Dom Pérignon và xin cụ Chánh cùng mở. Ôi vui làm sao. Nút chai nổ đùng kêu thật to và và bay lên tận trần nhà. Cụ Chánh cảm động quá, nói lời cám ơn mà không thành lời. Và dân làng vừa ăn bánh sinh nhật vừa uống xâm banh vừa nói cười ầm ĩ. Mãi mới xong tiệc mừng này.

Bữa tiệc này có thần các cụ ạ. Xong hết mọi sư mà dân làng vẫn chưa ai chịu về. Liền chuyển sang việc uống trà. Cả phe các nhà quân tử chúng tôi lẫn phe các bà vẫn còn thèm ở thêm chút nữa, nói và nghe thêm chút chuyện nữa. Ông bồ chữ ODP mới hỏi ông Từ Hòe món rượu xâm banh tên là gì mà nó ngon thế. Phe các bà đều gật gù về câu hỏi này. Ông Từ Hòe như được gãi đúng chỗ ngứa. Ông cười hà hà: Chuyện xâm banh thì phải có đầu có đuôi, nó dài như thế này:

… Giữa thế kỷ 19, phong trào tư tưởng lãng mạn chế ngự đời sống xã hội và văn học các nước Tây phương. Một hôm tổng cục bưu điện Paris nhận được một bức thư ghi địa chỉ như sau

: ‘ Kính gửi vị Đệ Nhất Thi Nhân của nước Pháp’, và chỉ có thế, không số nhà, không tên đường phố. Nhân viên bưu điện đã họp bàn rồi đồng ý chuyển bức thu ấy đến Thi SĨ Akfred de Musset vì ông mới xuất bản tập thơ ‘Đêm’ (‘Les Nuits’, 1838), chuyện nổi tiếng vi mối tình tay ba giữa nhà thơ với nữ thi sĩ George Sand và nhạc sĩ Chopin. Musset không dám nhận bức thư này bèn chuyển tới thi sĩ Lamartine là thi sĩ đang nổi tiếng vô địch của Trường phái lãng mạn. Lamartine cũng không dám nhận. Ông mang tay tới thi hào Victor Hugo, người vừa xuất bản tập thơ bất hủ ‘ La Légende des Siècles’ (Truyền Kỳ Thế Kỷ). Dĩ nhiên Hugo cũng không dám nhận. Chuyện này bèn lan ra báo chí. Và văn giới được mời tới họp mặt, cùng mở bức thư. Lá thư viết như thế này: ‘Thư này xin gửi tới nhà sản xuất Rượu Champagne danh tiếng nhất của nước Pháp vì không có thi sĩ nào làm được bài thơ hay. đẹp, cao quý và ngon hơn một chai Champagne’

Thế có nghĩa là một chai Champagne thì hay đẹp cao quý và ngon hơn một bài thơ !

Vậy Champagne là gì? Thưa, là một loại rượu vang có bọt, lấy tên miền Champagne, vùng tây bắc nước Pháp là nơi sản xuất ra rượu này. Ngày nay champagne trở thành tên chung gọi các rượu vang trắng hay hồng, giữ hơi trong chai, sủi bọt khi rót vào ly.

Người Ý sản xuất rượu một cách như thế thì gọi là Spumante

Người Yphanho cũng sản xuất rượu như thế thì gọi là Cava

Người Đức cũng sản xuât như thế thì gọi là Sekt

Người Hoa Kỳ cũng sản xuất y như thế, gọi là Champagne và ghép với tên địa danh sản xuất, như California Champagne, New York State Champagne…

Như vậy, rượu vang đã đẻ ra Champagne. Thế rượu vang có từ bao giờ? Thưa, từ lâu lắm, có từ thời Cựu Ước trong Thánh Kinh. Mãi tới thế kỷ 17 người ta mới thấy có dấu vết. Sách chép rằng tại Nhà Dòng Bénédictine trong thị trấn Sainte Menehould trung tâm tỉnh Champagne có Thày Dòng Dom Piere Pérignon nghĩ được phương pháp làm ra champagne mà ta dùng bây giờ. Thày Dom Pérignon là cha đẻ ra champagne. Ngày nay hãng rượu champagne nổi tiếng nhất nước Pháp là Moet Chandon đã lấy tên cha dòng đặt cho một loại rượu champagne thượng hạng gọi là Cuvée Dom Pérignon giá đắt gấp 5 gấp 10 loại champagne thường.

Tới đây thì sẽ có người đặt ra câu hỏi: tại sao các nhà dòng lại làm rượu? Thưa nó có gốc từ thời thượng cổ khi Đạo Cơ Đốc đi chinh phục Âu Châu, các linh mục cần rượu để làm lễ.

Cha Dom Pérignon còn có sáng kiến dùng nút chai bằng ruột cây liège mà ta quen gọi là cây điên điển, nó thấm rượu sẽ nở ra giữ kín cổ chai.

Ông Từ Hòe thấy cụ Chánh đã mệt, bèn xin Cụ mấy lời cuối. Cụ tỏ ra cảm động hết sức. Cụ nói như lời trối:

Lão không thể ngờ được rắng mình đã thọ hơn tổ tiên. Lão xin mượn lời Bà Crisda Rodrigue một cụ già từng là hoa khôi từng là một danh ca quốc tế, từng là nhà thiết kế và tác giả thờitrang, từng là tỷ phú… Bà Rodrigue đã ra đi. Trước khi nhắm mắt bà đã nói những lời này:

Hạnh phúc là được sống vui vẻ hạnh phúc mỗi ngày. Tôi có chiếc xe hơi đắt nhất thế giới nhưng bây giờ tôi phải đi xe lăn.Tủ áo của tôi có đủ hàng hiệu quần áo giày dép giá trị quốc tế, nhưng bây giờ cơ thể tôi được quấn quanh bằng tấm vải của bệnh viện. Tôi từng di chuyển từ khách sạn 5 sao này sang khách sạn 5 sao khác, nhưng bây giờ tôi chở kéo đi từ phòng khám bệnh này sang phòng khám bệnh khác. Tôi từng có 7 người thợ làm tóc, nhưng bây giờ trên đầu tôi không cón một

sợi. Tôi từng có chuyên cơ riêng muốn bay đi đâu lúc nào cũng được, bây giờ tôi phải cần tới 2 người để tới được bệnh viện…

Nói tới đây thì cụ Chánh mệt quá, nghỉ một chút rồi nói tiếp. Mỗi lần nhớ tới lời trối của bà Rodrigue trên đây thì lão cũng liền nhớ tới ngày lễ an táng Mẹ Teresa Calcutta 13-9-1997 qua đài TV. Người dẫn chương trình tang lễ hôm đó là một linh mục Canada tên Philippe Thibodeau ở Montreal. Linh mục này cho biết cách đó mấy năm ông đã sang Ấn Độ dể xin gặp mẹ Teresa. Ngài xin me mấy lời khuyên để đem về cho giáo dân. Me liền cầm tay linh mục và nói: Cả cuốn Thánh Kinh có thể tóm tắt trong 5 tiếng này; YOU DID IT TO ME, Mẹ nói từng tiếng và mỗi tiếng Mẹ chỉ vào một ngón tay của tôi. Thì ra bàn tay của tôi, của mỗi chúng ta là một thông điệp: Yêu tha nhân là yêu Chúa ! Yêu bằng việc làm chứ không phải chỉ nói yêu bằng miệng. Rồi Cụ Chánh xin hết ý. Lúc ra về, lời Cụ Chánh vừa nói làm tôi cảm động và nhớ ngay tới lời thơ Le Conte de l’Isle mà tôi đọc hàng ngày:

Tóc bạc, da nhăn nhúm

Xin vâng, không phàn nàn

Chỉ xin Trời giữ lại

Đôi mắt đừng khô khan

Trái tim đừng nguội lạnh.


TRÀ LŨ
 
VietCatholic TV
Công lý nhãn tiền: Số phận Tướng Đồ Tể. Moscow: Kyiv muốn lấy mạng Putin bằng drone. Clinton báo hại
VietCatholic Media
03:06 28/04/2023


1. Tướng Nga biệt danh “Đồ tể thành Mariupol” bị cách chức

Hôm 24 tháng 9, 2022, Bộ Quốc phòng Nga đưa tin Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được thăng chức Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, thay thế Tướng Dmitry Bulgakov, người đã giữ chức vụ này từ năm 2010.

“Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên bang Nga, chịu trách nhiệm về hậu cần của Các lực lượng vũ trang”, thông báo chính thức từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết.

Đáp lại, Bộ Quốc phòng Ukraine đã tố cáo việc đề bạt Mizintsev, gọi ông ta là “đồ tể” và đề cập đến những vai trò khét tiếng của ông ta trong các chiến dịch của Nga ở Syria và Mariupol. Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov nói:

“Vị tướng Nga được gọi là tên đồ tể sát hại người Syria và người dân Mariupol đã được thăng chức. Mikhail Mizintsev hiện là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga. Tên đồ tể sẽ xây một lò mổ mới. Hãy nhớ mặt tên tội phạm chiến tranh này, là kẻ sẽ bị kết án bởi tòa án quốc tế.”

Tuy nhiên, hôm nay các nguồn tin tại Nga cho rằng Thượng Tướng Mikhail Mizintsev mới bị Putin cách chức. Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Fires 'Butcher of Mariupol' Russian General, Mikhail Mizintsev”, nghĩa là “Putin sa thải Tướng Nga, Mikhail Mizintsev, 'Đồ tể Mariupol'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo một phóng viên chiến trường Nga, chỉ huy người Nga được mệnh danh là “Đồ tể của Mariupol” đã bị cách chức.

Thượng Tướng Mikhail Mizintsev đã khét tiếng về sự tàn bạo kinh hoàng trong cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine. Anh ta đặc biệt liên quan đến vụ bắn phá thành phố cảng phía nam Mariupol, mà Mạc Tư Khoa tuyên bố chủ quyền vào tháng 5 năm 2022.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin Mizintsev được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần vào cuối tháng 9 năm 2022. “Tên đồ tể sẽ xây một lò mổ mới,” Bộ Quốc phòng Ukraine đã bình luận như trên khi tin tức được đưa ra.

Ông hiện đã bị “sa thải” khỏi vị trí của mình, theo một bài đăng trên Telegram từ Alexander Sladkov, phóng viên của tờ báo nhà nước Izvestia.

“Mikhail Mizintsev đã có một số phận thú vị trong năm nay,” Sladkov viết hôm thứ Năm, mô tả người chỉ huy như một “người bạn” và tìm cách bào chữa rằng Mizintsev “không có liên quan trực tiếp đến việc xông vào thành phố” Mariupol.

Trong một bài đăng tiếp theo, Sladkov cho biết Alexei Kuzmenkov, được cho là phó chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga, sẽ thay thế Mizintsev trong vai trò Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách hậu cần.

Blogger quân sự người Nga, WarGonzo, cũng đăng trên Telegram về việc Mizintsev bị sa thải.

Trước khi đảm nhận vai trò ở Bộ Quốc phòng, Mizintsev là người đứng đầu Trung tâm Quản lý Quốc phòng kể từ tháng 12 năm 2014.

Vào ngày 31 tháng 3 năm 2022, anh ta bị chính phủ Anh trừng phạt vì những hành động “tàn bạo” ở Syria và Ukraine.

“Mizintsev là Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Chỉ huy Quốc phòng, nơi mọi hoạt động quân sự của Nga được lên kế hoạch và kiểm soát trên toàn thế giới,” chính phủ Anh cho biết vào thời điểm đó.

“Mizintsev được biết đến với việc sử dụng các chiến thuật tàn bạo, bao gồm pháo kích vào các trung tâm dân sự ở cả Aleppo trong năm 2015-2016 và bây giờ là ở Mariupol — nơi những hành động tàn bạo đang được thực hiện đối với người dân Ukraine.”

Mizintsev sinh năm 1962, theo hãng thông tấn Tass do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn, và tốt nghiệp Trường quân sự Kalinin Suvorov năm 1980.

Cho đến tháng 4 năm 2022, Mizintsev vẫn là một nhân vật ít được biết đến, người hầu như “không lộ diện” và bị giới hạn trong các vai trò “điều hành hiệu quả” trong quân đội Nga, The Washington Post đưa tin vào thời điểm đó. Trong những tháng đầu tiên của cuộc chiến toàn diện ở Ukraine, thành phố Mariupol, nơi Mizintsev có biệt danh là tên đồ tể, đã phải hứng chịu những đợt oanh tạc dữ dội và những cuộc tấn công chí mạng chẳng hạn như vào một nhà hát và một bệnh viện phụ sản ở thành phố hiện đã bị xâm lược.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để xin bình luận qua email.

2. Nga tiếp tục chịu nhiều thiệt hại trong khu vực Kherson, các cuộc giao tranh bùng phát tại 3 hướng

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều thứ Năm 27 tháng Tư, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lực lượng Phòng vệ Ukraine đã đẩy lùi 54 cuộc tấn công của quân xâm lược ở các hướng Bakhmut, Avdiivka và Marinka trong 24 giờ qua.

Quân đội Nga đã thực hiện 7 cuộc tấn công hỏa tiễn và 39 cuộc không kích, đồng thời khai hỏa bằng hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt 61 lần, cụ thể là nhằm vào các vị trí của lực lượng Ukraine và cơ sở hạ tầng quan trọng.

Ở hướng Bakhmut, quân đội Nga tiếp tục tiến hành các hành động tấn công. Các trận chiến khốc liệt đang diễn ra ở thành phố Bakhmut. Đối phương đã tiến hành các hành động tấn công tại Orikhovo,Vasylivka và Ivanivske nhưng đều không thành công.

Ở hướng Avdiivka, quân xâm lược Nga đã tiến hành các hành động tấn công thăm dò và bị nhanh chóng bẻ gẫy.

Trong ngày qua, Không quân Ukraine đã tiến hành 11 đợt không kích vào các cụm tập trung quân Nga đang trên đường di tản. Sáu máy bay không người lái của Nga đã bị bắn hạ. Ngoài ra, các đơn vị hỏa tiễn và pháo binh Ukraine đã đánh trúng 2 hệ thống hỏa tiễn phòng không của đối phương và 2 mục tiêu quân sự quan trọng.

Thứ trưởng Hanna Maliar nhấn mạnh rằng điều kiện thời tiết đã gây ra nhiều trở ngại cho quân Nga đang trên đường rút lui về hướng thành phố Melitopol. Các loại xe thiết giáp bánh xích có thể di chuyển được nhưng các loại bánh lốp thì rất là khó khăn.

Trong 24 giờ qua, 510 lính Nga đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 xe tăng, 16 xe thiết giáp, 10 hệ thống pháo, 3 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 1 hệ thống phòng không, và 13 xe chuyển quân.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 27 Tháng Tư, Nga đã thiệt mất khoảng 188.920 quân ở Ukraine. Tổng thiệt hại chiến đấu của quân xâm lược còn bao gồm 3.694 xe tăng, 7.178 xe thiết giáp, 2.887 hệ thống pháo, 542 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 293 hệ thống tác chiến phòng không, 308 máy bay, 294 trực thăng, 2.461 máy bay không người lái, 911 hỏa tiễn hành trình,18 tàu chiến, 5.805 xe chuyển quân và nhiên liệu và 352 đặc biệt đơn vị thiết bị.

3. Tổng Thư Ký Nato cho biết gần như tất cả các phương tiện chiến đấu đã hứa được giao cho Ukraine

Tổng thư ký liên minh quốc phòng xuyên Đại Tây Dương Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh của NATO đã chuyển giao gần như tất cả các phương tiện chiến đấu như đã hứa cho Ukraine.

“Hơn 98% phương tiện chiến đấu hứa hẹn với Ukraine đã được chuyển giao,” ông Stoltenberg cho biết tại một cuộc họp báo, đồng thời cho biết thêm rằng Kyiv “hiện có khả năng quân sự cần thiết để tái chiếm lãnh thổ”.

Ông cũng hoan nghênh cuộc điện đàm hôm thứ Tư giữa chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, là cuộc điện đàm đầu tiên của họ kể từ khi Nga xâm lược Ukraine, nhưng nói rằng điều đó “không thay đổi thực tế là Trung Quốc vẫn không lên án” cuộc xâm lược của Nga.

Sau những bình luận trước đó của Jens Stoltenberg của Nato rằng gần như tất cả các phương tiện chiến đấu như hứa hẹn đã được chuyển giao cho Ukraine, AFP có thông tin chi tiết về số lượng đã được gửi.

Trong một cuộc họp báo, ông Stoltenberg cho biết tổng số bao gồm 1.550 xe thiết giáp và 230 xe tăng. Điều này tương đương với chín lữ đoàn mới của Ukraine.

“Điều này sẽ đặt Ukraine vào một vị thế vững chắc để tiếp tục chiếm lại lãnh thổ bị xâm lược,” tổng thư ký nói.

Các thành viên NATO đã cung cấp hệ thống phòng không và pháo binh trong khi Ba Lan và Cộng hòa Slovakia cung cấp máy bay MiG-29 do Liên Xô chế tạo.

Huấn luyện cũng đã được trao cho hàng ngàn binh sĩ Ukraine.

Ông Stoltenberg nhấn mạnh đây là “sự hỗ trợ quân sự chưa từng có đối với Ukraine” nhưng cảnh báo rằng “chúng ta đừng bao giờ đánh giá thấp Nga”.

Mạc Tư Khoa đang huy động thêm lực lượng Lục Quân và “sẵn sàng gửi hàng nghìn binh sĩ bất chấp tỷ lệ thương vong rất cao”, ông nói, đồng thời cho biết thêm rằng các thành viên NATO cần “giữ vững lập trường”.

Ông Stoltenberg nói rằng một hội nghị thượng đỉnh của NATO vào tháng 7 tại Lithuania sẽ đặt ra các kế hoạch cho một “chương trình hỗ trợ kéo dài nhiều năm” cho Ukraine.

4. Các tướng hàng đầu của Hoa Kỳ và Ukraine nói chuyện qua điện thoại

Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Mark Milley, đã nói chuyện với chỉ huy quân sự cấp cao nhất của Ukraine, Valerii Zaluzhny, trong một cuộc điện đàm, chính phủ ở Kyiv cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

Cuộc gọi cũng bao gồm cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Jake Sullivan và người đứng đầu văn phòng tổng thống Ukraine, Andriy Yermak.

Yermak và Zaluzhny “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc các đối tác tiếp tục hỗ trợ tích cực cho quân đội Ukraine, bao gồm cả việc cung cấp vũ khí và đạn dược,” thông báo của phủ tổng thống Ukraine cho biết như trên.

5. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, được công bố vào chiều 27 Tháng Tư, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh cho biết như sau:

Hình ảnh cho thấy vào tháng 3 năm 2023, lực lượng Nga đã thiết lập các vị trí chiến đấu bằng bao cát trên mái của một số trong sáu tòa nhà chứa lò phản ứng tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia.

Nga đã kiểm soát nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia kể từ tháng 3 năm 2022. Tuy nhiên, đây là dấu hiệu đầu tiên cho thấy các tòa nhà lò phản ứng thực tế được tích hợp trong kế hoạch phòng thủ chiến thuật. Nga có thể đã xây dựng các vị trí này vì họ ngày càng lo ngại về triển vọng của một cuộc tấn công lớn của Ukraine.

Chuyển biến này rất có thể làm tăng khả năng thiệt hại cho các hệ thống an toàn của nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia nếu giao tranh diễn ra xung quanh nhà máy.

Tuy nhiên, thiệt hại thảm khốc trực tiếp đối với các lò phản ứng khó có thể xảy ra trong hầu hết các tình huống hợp lý liên quan đến vũ khí bộ binh vì các cấu trúc được tăng cường bảo vệ rất kỹ lưỡng.

6. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ yêu cầu giam giữ Binh Nhất Jack Teixeira vì nghi can vẫn có thể phát tán các tài liệu nếu được tại ngoại hầu tra

Nghi phạm rò rỉ tài liệu Ngũ Giác Đài vẫn có thể truy cập vào thông tin mật được cất giấu đâu đó, hồ sơ tòa án cho biết như trên.

Associated Press đưa tin rằng các công tố viên liên bang đang thúc giục một thẩm phán gia hạn việc giam giữ một vệ binh không quân Quốc gia Massachusetts bị cáo buộc làm rò rỉ các tài liệu quân sự tuyệt mật, với lập luận cho rằng anh ta có thể vẫn có thể truy cập vào thông tin quốc phòng bí mật, và từ đó tiếp tục phát tán.

Trong hồ sơ tòa án được đệ trình vào cuối ngày thứ Tư, các luật sư của Bộ Tư pháp cho biết việc phóng thích Jack Teixeira, 21 tuổi, trong khi anh ta đang chờ xét xử sẽ là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia Hoa Kỳ. Các nhà điều tra vẫn đang cố gắng xác định liệu anh ta còn giữ bất kỳ bản sao vật lý hoặc kỹ thuật số nào chứa thông tin mật hay không, đặc biệt là các hồ sơ chưa được công khai.

“Đơn giản là không có điều kiện hoặc sự kết hợp các điều kiện nào có thể bảo đảm bị cáo sẽ không tiết lộ thêm thông tin bổ sung mà anh ta biết hoặc sở hữu,” các công tố viên viết. “Thiệt hại mà Bị cáo đã gây ra cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ là vô cùng lớn. Thiệt hại mà bị cáo vẫn có khả năng gây ra là phi thường.”

Các tài liệu mà Teixeira bị cáo buộc rò rỉ cung cấp nhiều thông tin tuyệt mật về các đồng minh và đối phương, bao gồm cả các chi tiết liên quan đến hệ thống phòng không của Ukraine.

7. Ai đứng đằng sau những chiếc máy bay không người lái được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa? Truyền thông Nga cho rằng Ukraine muốn lấy mạng Putin bằng máy bay không người lái.

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Who's Behind the Drones Found Near Moscow?”, nghĩa là “Ai đứng đằng sau những chiếc máy bay không người lái được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa?” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Truyền thông nhà nước Nga trong những ngày gần đây đã đưa tin rằng ba máy bay không người lái bị bắn rơi đã được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa.

Các hãng tin do Điện Cẩm Linh hậu thuẫn nói rằng một trong những máy bay không người lái này là UJ-22 Airborne do Ukraine sản xuất, được cho là đã trang bị chất nổ khi nó được tìm thấy hôm Chúa Nhật trong một khu rừng cách Mạc Tư Khoa khoảng 19 dặm.

Một ngày sau, Tass đưa tin rằng các quan chức thực thi pháp luật cho biết họ đã tìm thấy thêm hai máy bay không người lái được trang bị camera gần Mạc Tư Khoa. Ba phát hiện bị cáo buộc về máy bay không người lái sau một báo cáo vào tháng trước từ chính quyền Nga về sự hiện diện của một máy bay không người lái cách Mạc Tư Khoa khoảng 9 dặm về phía đông bắc mà họ nghi ngờ đến từ Ukraine.

Ukraine đã không nhận trách nhiệm cho bất kỳ máy bay không người lái nào trong số này và sự hiện diện của máy bay không người lái gần thủ đô của Nga chưa được xác minh độc lập.

Tuy nhiên, những khám phá này được đưa ra khi người đứng đầu thành phố cảng Sevastopol ở Crimea do Mạc Tư Khoa bổ nhiệm đã nhiều lần đưa ra tuyên bố về các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine trong khu vực của ông. Đồng thời, đồn đoán về một cuộc phản công sắp tới của Ukraine tiếp tục gia tăng.

Tuy nhiên, thực tế là các báo cáo về máy bay không người lái chỉ đến từ các phương tiện truyền thông nhà nước Nga đã dẫn đến một số hoài nghi. Giáo sư khoa học chính trị William Reno của Đại học Northwestern nói với Newsweek rằng ông không “đặt nhiều giá trị vào các báo cáo này” vì thời điểm của các câu chuyện.

“Thật quá thuận tiện để tuyên bố rằng Ukraine đang tiến hành các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga vào đúng thời điểm mà tài liệu rò rỉ mới nhất của Bộ Quốc phòng Mỹ mô tả cách người Ukraine muốn tấn công sâu vào lãnh thổ Nga trong khi các quan chức Mỹ cố gắng thuyết phục họ đừng làm điều đó”. Reno nói.

Vụ rò rỉ mà Reno đề cập đã tung các tài liệu mật của chính phủ Hoa Kỳ lên các nền tảng mạng xã hội. Một số tài liệu tiết lộ rằng các quan chức Ukraine ủng hộ các cuộc tấn công bên trong lãnh thổ Nga.

Bất chấp yêu cầu từ Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, chính quyền Biden đã không cung cấp cho Ukraine hệ thống hỏa tiễn tầm xa hoặc máy bay chiến đấu tiên tiến. Một phần lý do đằng sau sự do dự này được cho là do lo ngại về sự leo thang chiến tranh nếu Ukraine sử dụng vũ khí này để tấn công các mục tiêu bên trong Nga.

Guy McCardle, chủ biên tờ Báo cáo Lực lượng Hoạt động Đặc biệt, hay SOFREP, nói với Newsweek rằng ông cũng nghi ngờ các báo cáo của phương tiện truyền thông Nga.

“Điều này có vẻ giống như tuyên truyền thuần túy điển hình của Nga. Nếu Ukraine tấn công Nga, họ sẽ không làm điều đó bằng cách phóng máy bay không người lái kỳ lạ ở đây và ở đó”, ông nói.

McCardle lưu ý rằng các máy bay không người lái “4 cánh quạt” nhỏ hơn được đề cập trong các câu chuyện có thể được mua trực tuyến hoặc tại các cửa hàng bán đồ sở thích.

Ông nói: “Nhìn thấy một chiếc máy bay không người lái quanh một thành phố lớn cũng giống như nói rằng bạn nhìn thấy một chiếc xe hơi trên đường cao tốc. Điều đó không có nghĩa là nó chứa đầy chất nổ và thực hiện sứ mệnh cho nổ tung Điện Cẩm Linh.”

Cho đến nay, các cuộc tấn công ở Nga mà các nhà quan sát bên ngoài tin rằng do Ukraine tiến hành đều nhằm vào “các mục tiêu quân sự có chủ ý”, Thiếu tá Lục quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu John Spencer nói với Newsweek.

“Sẽ là một bất lợi lớn cho người Ukraine nếu tấn công Mạc Tư Khoa và gây ảnh hưởng đến người dân Nga tham gia cuộc chiến ở Ukraine,” Spencer, chủ tịch Nghiên cứu Chiến tranh Đô thị tại Diễn đàn Chính sách Madison, cho biết.

Spencer thừa nhận rằng “đây là chiến tranh...thật khó để nói ai đứng đằng sau cái gì.” Nhưng ông nói rằng Ukraine có nhiều khả năng sẽ tấn công những thứ như trung tâm huấn luyện hoặc bất kỳ loại mục tiêu quân sự nào hơn là Điện Cẩm Linh.

“ Họ không tìm cách giết Putin, đó là điều chắc chắn.”

Một khả năng khác là các cá nhân hoặc nhóm ở Nga phản đối cuộc chiến ở Ukraine có thể đứng đằng sau các máy bay không người lái, Spencer nói.

Spencer không đơn độc trong quan điểm này. Mark Katz, giáo sư Trường Chính sách và Chính phủ Schar thuộc Đại học George Mason, cũng cho biết máy bay không người lái có thể đến từ Nga.

Katz nói với Newsweek: “Các phương tiện truyền thông Nga muốn công chúng Nga sợ hãi về máy bay không người lái của Ukraine cho dù những chiếc cụ thể này có thực sự đến từ Ukraine hay không. “Nhưng có một khả năng khác ngoài việc chúng là máy bay không người lái thực sự của Ukraine hoặc câu chuyện là sai sự thật: Máy bay không người lái có thể được vận hành bởi các nhóm đối lập nội bộ của Nga, những nhóm này có thể nhận hoặc không nhận được sự giúp đỡ từ Ukraine”.

Katz nói thêm rằng truyền thông nhà nước Nga đưa tin về máy bay không người lái có thể phản tác dụng với họ.

“Tôi nhận ra rằng có một mối nguy hiểm đối với Mạc Tư Khoa khi thổi phồng câu chuyện về máy bay không người lái, dù chúng có thật hay không: Tại một số thời điểm, câu hỏi sẽ được đặt ra là tại sao hệ thống phòng thủ của Nga lại để những thứ này hoạt động trên không phận của Nga, anh ấy nói.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

8. Kế hoạch bí mật của Nga đối với các quốc gia vùng Baltic bị rò rỉ ra ngoài

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Russia's Secret Plans for Baltic States Exposed”, nghĩa là “Kế hoạch bí mật của Nga đối với các quốc gia vùng Baltic bị lộ”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một cuộc điều tra đã tiết lộ rằng Điện Cẩm Linh đã vạch ra một loạt kế hoạch phác thảo cách thức họ có thể phát huy ảnh hưởng của mình ở các quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Lithuania trong những năm tới.

Các tài liệu bị rò rỉ từ chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mạc Tư Khoa đã được hãng tin Thụy Điển Expressen, Yahoo News và những hãng tin khác thu được.

Trước cuộc xâm lược Ukraine toàn diện của Putin, các quốc gia vùng Baltic đã cảnh báo trong nhiều năm về một cuộc chiến tranh có thể do Nga khơi mào.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov hồi Tháng Giêng đã gọi Ba Lan và ba quốc gia Baltic là thành viên của Liên Hiệp Âu Châu là “những đại diện có khuynh hướng cực đoan” của Âu Châu.

Các chiến lược được tạo ra bởi Ban Giám đốc Hợp tác xuyên biên giới của Chính quyền Tổng thống Nga, trước đó đã soạn thảo một tài liệu khác tiết lộ Điện Cẩm Linh đã lên kế hoạch sáp nhập Belarus thành một “Quốc gia Liên minh” với Nga vào năm 2030.

Theo Yahoo News, khoảng 300.000 người dân tộc Nga sống ở Estonia, chiếm khoảng 24% dân số. Khoảng 471.000 người dân tộc Nga sống ở Latvia, chiếm khoảng 25% dân số và Lithuania là nơi sinh sống của khoảng 140.000 người, chiếm 5% dân số.

Vấn đề then chốt đối với Điện Cẩm Linh là giảm sự hiện diện của liên minh quân sự NATO tại các nước thuộc Liên Xô cũ, đồng thời tăng cường ảnh hưởng và văn hóa Nga, theo cuộc điều tra chung của Expressen, Trung tâm hồ sơ có trụ sở tại London, Kyiv Independent, Süddeutsche Zeitung, Yahoo News, đài truyền hình Lithuania LRT và những cơ quan truyền thông khác.

Các tài liệu nêu rõ rằng các hiệp hội và tổ chức nên được thành lập để có thể ngấm ngầm thúc đẩy các câu chuyện thân Nga và truyền bá văn hóa Nga. Các tuyên truyền viên cáo buộc phân biệt đối xử với người nói tiếng Nga và sinh viên nói tiếng Nga nên được mời đến Nga. Trong khi đó, cần ngăn chặn việc phá hủy hoặc di dời các di tích thời Liên Xô trong Thế chiến II.

Một tài liệu nêu rõ rằng ở Estonia, các hợp đồng kinh doanh béo bở nên được cung cấp cho các doanh nhân.

“Làm việc với các doanh nhân Estonia để giải thích sự sẵn sàng của Liên bang Nga trong việc mở cửa thị trường Nga cho họ, với điều kiện là Tallinn thay đổi chính sách đối ngoại của mình để thân Mạc Tư Khoa hơn”.

Theo Expressen, một tài liệu chiến lược cho thấy Nga dự định sử dụng sự phụ thuộc của các quốc gia vùng Baltic vào lưới điện của mình làm đòn bẩy bằng cách chỉ ra nguy cơ Estonia, Latvia và Lithuania bị ngắt kết nối với lưới điện của Nga.

Các quốc gia vùng Baltic là một phần của BRELL, một mạng lưới điện do Mạc Tư Khoa kiểm soát. Tuy nhiên, các quốc gia đang chuẩn bị đồng bộ hóa hệ thống của họ với lục địa Âu Châu vào đầu năm 2026.

Một tài liệu về Lithuania tuyên bố rằng Nga sẽ tạo ra “các điều kiện theo đó giới lãnh đạo Lithuania sẽ buộc phải nhận ra những thiệt hại tiềm tàng đối với an ninh quốc gia của nước này từ việc xây dựng sự hiện diện quân sự của NATO trong khu vực”.

Tài liệu nêu rõ Lithuania nên bị ngăn chặn nhận các hệ thống phòng không có liên kết với NATO, trong khi “số lượng và phạm vi các hoạt động huấn luyện chiến đấu và tác chiến của NATO” tại nước này phải bị giảm bớt.

Darius Jauniškis, người đứng đầu cơ quan an ninh của Lithuania, nói với Expressen rằng Nga thường cố gắng sử dụng sức mạnh quân sự của mình để gây áp lực với các quốc gia khác.

Jauniškis nói: “Mục tiêu của Nga là thuyết phục cộng đồng quốc tế rằng họ sẵn sàng đối đầu quân sự, nếu yêu cầu của họ không được chú ý”.

Các kế hoạch của Điện Cẩm Linh ở Latvia đề cập đến việc “ngăn chặn NATO” và thành lập một trường học tại cơ sở giáo dục của Nga ở thủ đô Riga, “nơi sẽ trở thành trung tâm củng cố vị thế của ngôn ngữ, văn học và văn hóa Nga” vào năm 2025.

Nó nói rằng đến năm 2030, tiếng Nga sẽ phải được xem là ngôn ngữ nhà nước.

Yahoo News lưu ý rằng cả Estonia và Latvia gần đây đã áp dụng các cải cách ngôn ngữ mà cuối cùng sẽ dẫn đến việc cấm dạy tiếng Nga ở các trường mẫu giáo và trường học.

Vào tháng 2, cơ quan tình báo nước ngoài của Estonia cho biết họ tin rằng Nga có thể gây “áp lực quân sự đáng kể” đối với các quốc gia vùng Baltic. Cơ quan an ninh này đánh giá rằng Nga coi họ là “phần dễ bị tổn thương nhất của NATO.”

Cơ quan tình báo cho biết điều này “sẽ khiến họ trở thành tâm điểm của áp lực quân sự trong trường hợp xảy ra xung đột NATO-Nga”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để xin bình luận.

9. Cố vấn Zelenskiy đổ lỗi cho Mỹ gây ra 'cuộc chiến lớn' ở Âu Châu

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Zelensky Adviser Blames U.S. for Unleashing 'Major War' in Europe”, nghĩa là “Cố vấn Zelenskiy đổ lỗi cho Mỹ gây ra 'cuộc chiến lớn' ở Âu Châu.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cố vấn chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết Mỹ đã theo đuổi một chính sách hạt nhân “sai lầm” dẫn đến chiến tranh ở Âu Châu.

Mykhailo Podolyak cho biết Mỹ và các quốc gia phương Tây khác đã khuyến khích Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân khi Liên Xô cũ sụp đổ, đổi lại họ sẽ đưa ra các biện pháp bảo vệ. Điều này đã bị Nga diễn dịch sai lầm, dẫn đến xung đột.

Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Kyiv sở hữu một kho dự trữ vũ khí hạt nhân còn sót lại từ thời là thành viên của Liên Xô. Năm 1994, Ukraine đồng ý giao nộp tất cả những vũ khí hạt nhân này, mặc dù Kyiv có quyền kiểm soát không thể tranh cãi đối với các kho dự trữ của Liên Xô.

Washington, Mạc Tư Khoa và Kyiv đã ký cái được gọi là Tuyên bố ba bên vào năm 1994, với Bản ghi nhớ Budapest cùng năm hứa hẹn bảo đảm an ninh cho Ukraine để đổi lấy việc loại bỏ vũ khí hạt nhân khỏi nước này.

Luận điệu hạt nhân đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến Ukraine đang diễn ra, với việc Điện Cẩm Linh ám chỉ khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân khi các nước phương Tây cung cấp viện trợ cho Kyiv. Hôm thứ Ba, cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev cho biết khả năng nổ ra chiến tranh hạt nhân đang “tăng lên mỗi ngày”.

Hôm thứ Ba, theo đại sứ Ukraine tại Mỹ, Oksana Markarova, một nghị quyết mới của lưỡng đảng tại Hạ viện Hoa Kỳ đã được đưa ra để tái khẳng định lập trường của Hoa Kỳ rằng Ukraine nên được “khôi phục lại các đường biên giới năm 1991 được quốc tế công nhận”. Năm 1991 là năm đánh dấu sự tan rã chính thức của Liên bang Xô viết, và sự thành lập của một Ukraine độc lập bao gồm các vùng lãnh thổ hiện đã được sáp nhập của Crimea, Donbas, và các vùng phía nam Kherson và Zaporizhzhia.

Cô Markarova cho biết dự thảo nghị quyết nêu rõ rằng Hoa Kỳ “phải làm việc với các đồng minh và đối tác của mình” để bảo đảm Mạc Tư Khoa trả tiền bồi thường thiệt hại cho Ukraine, cũng như “sự hỗ trợ của cộng đồng thế giới trong việc khôi phục Ukraine.”

“Chúng ta không được lặp lại sai lầm của ngày 1 tháng 9 năm 1939,” Dân biểu Đảng Cộng hòa Joe Wilson của Nam Carolina nói với Yahoo News, đề cập đến thời điểm Đức Quốc xã xâm lược Ba Lan và đánh dấu sự khởi đầu của Thế chiến II ở Âu Châu.

Podolyak cho biết hôm thứ Tư: “Cần rất can đảm để công khai nhận ra những sai lầm trong quá khứ. Nghị quyết của Hạ viện là rõ ràng: Thật không may, Hoa Kỳ cùng với các nước phương Tây khác đã khuyến khích Ukraine từ bỏ vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí khác để bảo đảm an ninh và ổn định trong khu vực theo các biện pháp bảo vệ. Đây là một chính sách sai lầm đã bị kẻ xâm lược diễn dịch sai và dẫn đến một cuộc chiến tranh lớn ở Âu Châu.”

Trả lại lãnh thổ bị Nga xâm lược, tôn trọng luật pháp quốc tế, truy tố tội phạm chiến tranh và kết nạp Ukraine vào NATO là “cách duy nhất để bảo đảm an ninh ở Âu Châu hiện nay”, Podolyak nói. “Quan điểm này hoàn toàn rõ ràng và nhận được sự hỗ trợ hiệu quả của lưỡng đảng.”

Đầu tháng này, cựu Tổng thống Bill Clinton cho biết ông cảm thấy “bản thân có lỗi” trong cuộc chiến Ukraine vì vai trò của ông trong việc thuyết phục Kyiv từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Clinton nói với đài truyền hình RTÉ của Ireland: “Tôi cảm thấy bản thân mình có lỗi vì tôi đã khiến người Ukraine đồng ý từ bỏ vũ khí hạt nhân. Không ai trong số họ tin rằng Nga sẽ thực hiện trò này nếu Ukraine vẫn còn vũ khí của họ,” ông nói thêm, đồng thời nói rằng lúc đó Ukraine đã “sợ phải từ bỏ các vũ khí ấy”.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và văn phòng tổng thống Ukraine để bình luận qua email.
 
Thủ tướng Shmyhal khẩn khoản mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine và cứu các trẻ em bị Putin bắt cóc đưa qua Nga
VietCatholic Media
05:09 28/04/2023


1. Thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, đã mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm Ukraine trong chuyến viếng thăm Vatican.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp thủ tướng Ukraine, Denys Shmyhal, tại Vatican vào lúc 9 sáng thứ Năm. Hai vị gặp nhau lần cuối tại Vatican vào tháng 3 năm 2021 trong bối cảnh đụng độ giữa Ukraine và Nga ở vùng Donbas. Shmyhal là thủ tướng Ukraine kể từ tháng 3 năm 2020.

Shmyhal nói với các phóng viên tại Hiệp hội báo chí nước ngoài ở Rôma vài giờ sau buổi tiếp kiến của Đức Thánh Cha: “Tôi đã đích thân mời Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine.”

Ông cho biết ông đã thảo luận với vị Giáo Hoàng 86 tuổi về kế hoạch hòa bình do Volodymyr Zelenskiy đề xuất nhằm chấm dứt cuộc chiến do cuộc xâm lược của Nga gây ra vào năm ngoái.

Thủ tướng cho biết điều này bao gồm “thảo luận chi tiết hơn về các bước khác nhau mà Vatican có thể thực hiện” để giúp Kyiv đạt được các mục tiêu của mình.

“Ví dụ, tôi đã yêu cầu sự tham gia, hỗ trợ từ Vatican, từ Đức Thánh Cha, để đưa những đứa trẻ trở về Ukraine, một số trẻ mồ côi, bị cưỡng bức đưa đi, chủ yếu là sang Nga.”

Theo Kyiv, hơn 19.000 trẻ em Ukraine đã bị trục xuất sang Nga kể từ cuộc xâm lược vào tháng 2 năm 2022, trong đó nhiều trẻ em được cho là đã bị đưa vào các cơ sở giáo dục và nhà nuôi dưỡng.

Nga phủ nhận các cáo buộc, thay vào đó nói rằng họ đã cứu trẻ em Ukraine khỏi nỗi kinh hoàng của chiến tranh.

Hôm 18 tháng 3, tòa án hình sự quốc tế đã công bố lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và Maria Alekseyevna Lvova-Belova, về cáo buộc tội ác chiến tranh bắt cóc trái phép trẻ em Ukraine.

Giáo hoàng đã nhiều lần kêu gọi hòa bình ở Ukraine, mặc dù những nỗ lực của Vatican làm trung gian hòa giải trong cuộc xung đột vẫn chưa mang lại kết quả nào.

Thủ tướng Shmyhal đã đến Rôma hôm thứ Tư để tham dự một hội nghị về cách thức các doanh nghiệp Ý có thể giúp tái thiết Ukraine. Ông cũng gặp thủ tướng Ý Giorgia Meloni.

Đức Phanxicô đã thẳng thắn ủng hộ Ukraine kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào quốc gia này vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Ngài thường nói về những người Ukraine “tử vì đạo” và cầu xin hòa bình giữa hai quốc gia. Vào tháng 3 năm 2022, ngài đã thánh hiến Ukraine và Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Đức Mẹ.

Đức Giáo Hoàng cũng bị chỉ trích vào đầu năm ngoái vì đã không trực tiếp chỉ đích danh Tổng thống Nga Vladimir Putin là kẻ xâm lược trong cuộc chiến.

Vào tháng 10 năm 2022, ngài trực tiếp kêu gọi Tổng thống Nga ngừng bắn ngay lập tức, cầu xin ông ta chấm dứt “vòng xoáy bạo lực và chết chóc” ở Ukraine.

Lời kêu gọi đánh dấu một sự phá vỡ thói quen chỉ trình bày các suy tư liên quan đến bài Tin Mừng trong ngày của Đức Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng ngài chọn dành toàn bộ suy nghĩ của mình cho Ukraine vì diễn biến của cuộc chiến “đã trở nên quá nghiêm trọng, tàn khốc và đe dọa đến mức gây ra mối lo ngại lớn”.

Đức Thánh Cha cũng cho thấy ngài sẵn sàng giúp đàm phán hòa bình giữa hai nước.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô đã có nhiều cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiyy.

2. Hội đồng Âu Châu nói rằng việc Nga bắt cóc trẻ em từ Ukraine là 'diệt chủng'

Tại một phiên họp hôm thứ Năm, Hội đồng nghị viện của Hội đồng Âu Châu đã bỏ phiếu rằng việc bắt giữ và bắt cóc trẻ em khỏi các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Nga ở Ukraine là “diệt chủng”.

Nghị quyết về “bắt cóc và cưỡng chế chuyển giao trẻ em Ukraine và các thường dân khác sang Liên bang Nga hoặc các vùng lãnh thổ Ukraine tạm thời xâm lược: đòi hỏi phải tạo điều kiện để họ trở về an toàn, ngăn chặn những tội ác này và trừng phạt thủ phạm” được thông qua với 87 phiếu thuận, nghĩa là đa số áp đảo. Chỉ có một đại diện bỏ phiếu chống và một người khác bỏ phiếu trắng.

Trong nghị quyết của mình, hội đồng kêu gọi “hành động ngay lập tức và khẩn cấp để ngăn chặn các hành vi chuyển giao và bắt cóc bất hợp pháp hiện đang được Liên bang Nga thực hiện đối với người dân Ukraine, và đặc biệt là chính sách và thực tiễn của nước này liên quan đến việc loại bỏ những đứa trẻ khỏi gia đình và ngôi nhà của chúng và sự hấp thụ sau đó của các trẻ em vào quốc tịch, bản sắc và văn hóa Nga.”

Nghị quyết nói thêm: “Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết của việc ghi lại và giám sát các trường hợp riêng lẻ, vừa để cho phép các cơ chế khắc phục nhanh chóng, vừa để thu thập bằng chứng về trách nhiệm giải trình nhằm đưa thủ phạm, ở mọi cấp độ trách nhiệm, ra trước công lý. “

Hội đồng kêu gọi chấm dứt hoạt động này “ngay lập tức và vô điều kiện”. Hội đồng cũng yêu cầu Nga cung cấp quyền truy cập vào các tổ chức phi chính phủ và tổ chức bác ái, cũng như thông tin về nơi những đứa trẻ hiện đang ở.

Tòa án hình sự quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin vào tháng 3 liên quan đến “bắt cóc bất hợp pháp” trẻ vị thành niên. Một lệnh truy nã tương tự cũng được ban hành đối với ủy viên quyền trẻ em của Nga Maria Alekseyevna Lvova-Belova, người được cho là có 18 người con nuôi, trong đó có một thiếu niên đến từ Mariupol.

Nghị quyết tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu chuyển trẻ em khỏi các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk bị xâm lược trước cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái. Trong một báo cáo hồi đầu tháng, chính phủ Ukraine cho biết họ đã thu thập được báo cáo của hơn 19.000 trẻ em bị bắt cóc.

3. Đức Hồng Y Thụy Điển cảnh báo các Giám Mục Đức về Tiến Trình Công Nghị

Đức Hồng Y Anders Arborelius, Giám mục Giáo phận Stockholm, Thụy Điển, cảnh giác Giáo Hội Công Giáo tại Đức về Tiến trình Công nghị và ngộ nhận về giá trị do Tiến Trình này đề ra.

Qua Tiến trình Công nghị, đa số các giám mục và Ủy ban Trung ương giáo dân Công Giáo Đức đã đề nghị cải tổ Giáo hội, về cơ cấu và đạo lý, trái ngược với truyền thống của Giáo hội, tuy có sự cảnh giác của Đức Thánh Cha và Tòa Thánh. Dầu vậy, những người chủ trương con đường này hy vọng những quyết định từ Con đường này sẽ nêu gương cho Giáo hội hoàn vũ.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo Die Tagesport ở Đức, Đức Hồng Y Arborelius, thuộc dòng Cát Minh nhặt phép (OCD) nhận định rằng: “Các tín hữu Công Giáo Đức sẽ thất vọng lớn khi thấy rằng những vấn đề của mình không giữ vai trò nào trong Giáo hội hoàn vũ”.

Đức Hồng Y lấy làm tiếc vì Giáo hội tại Đức đi theo con đường riêng với những nghị quyết được đề ra trong Tiến trình Công nghị. Đức Hồng Y nói: “Cho dù những nghị quyết đó là quan trọng đối với Đức, nhưng Giáo hội tại Đức chỉ là một phần bé nhỏ trong Giáo hội hoàn vũ. Dĩ nhiên, chúng ta sẽ đề cập tới những vấn đề có một cách này hay cách khác, nhưng quan điểm của Đức sẽ không quan trọng như người ta nghĩ tại Đức. Tiếng nói của Đức không quan trọng trong Giáo hội hoàn vũ.

Đức Hồng Y Arborelius cũng nhận xét rằng thật là điều đúng khi Tòa Thánh can thiệp chống lại những lối thực hành bất hợp pháp. Theo ngài, tiến trình đồng hành của Giáo hội hoàn vũ có thể làm cho các tín hữu Công Giáo ở Đức thất vọng. Ngài cũng tuyệt đối bác bỏ quan niệm, theo đó những quyết định của đa số trong hội nghị là tiếng nói của Chúa Thánh Linh. “Đó là quan niệm không hợp với Kinh thánh: Kinh thánh coi nhóm nhỏ các thánh là những người gìn giữ đức tin. Dân Israel lưu đày là một thiểu số rất nhỏ bé, nhưng họ đã bảo tồn truyền thống. Ngày nay cũng vậy, chỉ có một thiểu số các nước chúng ta còn là Kitô. Khi những liên lệ của chúng ta với thế giới và những cơ cấu xã hội trở nên quá gắn bó, chúng ta có nguy cơ chiều theo những quan niệm của thế gian. Nền dân chủ là tốt đối với thế giới nhưng trong Giáo hội thì khác. Có chân lý, tình thương, lòng thương xót và sự thánh thiện. Giải thích điều đó thật là quan trọng”.
 
Tờ Bild: 17kg bom để hại Putin, ai là tác giả? Hàng loạt căn cứ Nga ở Miền Nam Ukraine nổ long trời
VietCatholic Media
15:15 28/04/2023


1. Nga đã từ bỏ nỗ lực chiếm thêm lãnh thổ, quay sang cố gắng giữ các vùng đã chiếm được

Người đứng đầu cơ quan tình báo Ukraine tuyên bố Nga đã từ bỏ nỗ lực chiếm thêm lãnh thổ và đang tập trung vào việc giữ các vị trí phòng thủ trước cuộc phản công 'bước ngoặt' từ Kyiv.

Hôm thứ Năm, 27 Tháng Tư, người đứng đầu cơ quan tình báo quân sự ở Kyiv cho biết Nga gần như đã từ bỏ nỗ lực chiếm thêm lãnh thổ và hiện đang tập trung vào việc bảo vệ các vị trí của mình để chuẩn bị cho một cuộc phản công tàn bạo của Ukraine.

Thiếu Tướng Kyrylo Budanov, người đứng đầu Tổng cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine, cho biết các lực lượng của Vladimir Putin đang hướng gần như tất cả các hoạt động tấn công của họ vào việc cố gắng chiếm thành phố Bakhmut đang bị tranh chấp gay gắt.

Thiếu tướng Budanov, 37 tuổi, không tiết lộ chi tiết về kế hoạch chiến đấu của Ukraine, nhưng hứa rằng một cuộc phản công rất được mong đợi sẽ là một 'trận đánh mang tính bước ngoặt trong lịch sử Ukraine'.

Cuộc phỏng vấn xảy ra sau khi Yevgeny Prighozin, người đứng đầu nhóm lính đánh thuê đáng sợ Wagner gồm các chiến binh Nga, tuyên bố lực lượng của ông ta đã chiếm được Bakhumt vào đầu tháng này. Thực tế là thành phố vẫn chưa thất thủ và vẫn tiếp tục chứng kiến những trận giao tranh ác liệt.

Budanov đã chế nhạo Prighozin trong cuộc phỏng vấn mới nhất với RBC Ukraine, nói rằng người bạn thân của Putin không có gì để ăn mừng với những lợi ích ít ỏi và những tổn thất to lớn mà lực lượng Nga phải gánh chịu.

2. Các vụ nổ được báo cáo tại một số khu vực do Nga kiểm soát ở miền nam Ukraine

Các báo cáo chính thức và tài khoản nhân chứng trên mạng xã hội đã mô tả chi tiết các vụ nổ lớn ở các khu vực bị Nga tạm chiếm ở miền nam Ukraine hôm thứ Năm.

Các vụ nổ rất lớn đã xảy ra ở gần thị trấn Nova Kakhovka, địa điểm của một dự án thủy điện quan trọng trên sông Dnipro. Video cho thấy khói bốc lên rất cao.

CNN không thể xác nhận mục tiêu nào có thể đã bị tấn công, nhưng chính quyền quận Nova Kakhovka do Nga thành lập tuyên bố thị trấn không có điện do lực lượng vũ trang Ukraine pháo kích.

Đáp lại Nga pháo kích vào khu vực bờ tây sông Dnipro do Ukraine kiểm soát. Cơ quan quản lý quân sự khu vực Kherson cho biết, một cuộc pháo kích đã giết chết một phụ nữ và làm bị thương nặng người chồng của cô ở một ngôi làng gần đó.

Thị trưởng Melitopol, Ivan Fedorov, cho biết một tiếng nổ lớn đã được nghe thấy ở Melitopol. Thành phố do Nga xâm lược đã trở thành trung tâm của các lực lượng Nga cách xa tiền tuyến.

Theo Vladimir Rogov, một quan chức cấp cao trong chính quyền do Nga chỉ định ở Zaporizhzhia, một thiết bị nổ tự chế đã phát nổ gần lối vào của một tòa nhà chung cư. Ông cho biết tòa nhà bị hư hại nhẹ nhưng không có thương vong.

Melitopol thường xuyên bị tấn công bằng hỏa tiễn và pháo tầm xa, cũng như các thiết bị tự chế dường như do các nhóm du kích Ukraine thực hiện nhằm vào các quan chức trong chính quyền do Nga hậu thuẫn.

Ở những nơi khác, ở miền đông Ukraine: Bốn trẻ em ở thành phố Donetsk đã bị thương khi cố gắng di chuyển một thiết bị nổ mà chúng tìm thấy trên đường, các nhà chức trách do Nga chỉ định trong khu vực cho biết. Không có thêm thông tin nào về vụ việc.

3. Bộ trưởng quốc phòng nhận xét rằng kỳ vọng về cuộc phản công của Ukraine “quá nóng”

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov đã nói về những kỳ vọng của công chúng về một cuộc phản công chống lại các lực lượng Nga, trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin RBC Ukraine.

Khi được hỏi liệu “những kỳ vọng của công chúng về một cuộc phản công có phần nào quá nóng” hay không, ông nói: “Tôi đồng ý... Chắc chắn là họ đã quá nóng. Mọi người đều muốn một chiến thắng khác.”

Reznikov nói rằng những thành công của Ukraine ở khu vực Kharkiv và ở thành phố Kherson, có nghĩa là công chúng giờ đây tin rằng quân đội Ukraine có thể giành được chiến thắng. “Họ muốn có chiến thắng tiếp theo. Đó là điều bình thường khi kỳ vọng vào các thành công,” ông nói.

Ukraine đã nỗ lực che giấu sự khởi đầu của bất kỳ cuộc phản công nào, như Nick Paton Walsh của CNN đã viết vào đầu tuần này. Cấp phó của Reznikov, Thứ trưởng Hanna Maliar, trước đó đã nói rằng cuộc phản công sẽ không được công bố.

Sau đó trong cuộc phỏng vấn, Reznikov cho biết ưu tiên của Ukraine là củng cố hệ thống phòng không có từ thời Liên Xô: “Đất nước phải tồn tại, và vì mục đích này, phòng không là số một. Chúng ta có một hệ thống của Liên Xô sắp hết hỏa tiễn.”

“Đây không phải là một quãng đường chạy nước rút... Chúng ta đang chạy marathon. Tôi không thể nói chúng ta còn cách vạch đích bao nhiêu km nữa,” ông nói thêm

4. Phải chăng Ukraine đã tung máy bay không người lái lấy mạng Vladimir Putin?

Các cơ quan truyền thông Nga, Đức và Ukraine cũng như các nước khác đồng loạt loan tin Ukraine đã tung máy bay không người lái nhằm lấy mạng Vladimir Putin. Sự thật như thế nào? Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Did Ukraine Target Vladimir Putin in Drone Attack? What We Know”, nghĩa là “Có phải Ukraine đã tung máy bay không người lái nhằm lấy mạng Vladimir Putin không? Những gì chúng ta biết.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Túy Vân.

Một máy bay không người lái gần đây được tìm thấy gần Mạc Tư Khoa có thể liên quan đến âm mưu ám sát Tổng thống Nga Vladimir Putin, các phương tiện truyền thông đưa tin hôm thứ Năm, ngày 27 tháng Tư.

“17 kg chất nổ được dùng để giết Putin,” tiêu đề từ các phương tiện truyền thông Ukraine và Đức được trích dẫn rộng rãi trên mạng xã hội.

Trong suốt cuộc chiến Nga-Ukraine, đã có những báo cáo về việc tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là mục tiêu của các vụ ám sát của lực lượng Nga, theo xác nhận của Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Ukraine, Oleksiy Danilov. Cũng có báo cáo về những âm mưu ám sát Putin, mặc dù những điều này chưa được các quan chức ở Mạc Tư Khoa xác nhận và không thể kiểm chứng độc lập.

Có sự thật nào đằng sau những tuyên bố gần đây nhất này không? Nhóm nghiên cứu thông tin sai lệch của Newsweek đã đào sâu hơn vào câu chuyện.

Tuyên bố được trích dẫn rộng rãi rằng một máy bay không người lái của Ukraine đã được cử đi nhằm mục đích loại bỏ tổng thống Nga dường như xuất phát từ một câu chuyện tin tức duy nhất, được đăng bởi tờ báo Bild của Đức vào sáng thứ Tư.

Với tiêu đề “17 kg chất nổ được cho là để giết Putin,” câu chuyện bao gồm một số cảnh báo làm suy yếu câu chuyện này.

Các tác giả trích dẫn “nghiên cứu của BILD” làm cơ sở chính để kết luận rằng cơ quan mật vụ Ukraine đã cố gắng “giết” Putin.

“Theo đó, một máy bay không người lái UJ-22 đã cất cánh ở Ukraine vào chiều Chúa Nhật. Đây là máy bay không người lái tầm trung hiện đại nhất của Ukraine với tầm hoạt động lên tới 800 km. Mục tiêu của họ là một khu công nghiệp mới được xây dựng gần Mạc Tư Khoa—cách Ukraine 500 km!”.

Nhưng bản thân báo cáo của tờ Bild dường như dựa trên một tuyên bố từ một nguồn duy nhất: đó là một bài đăng trên Twitter của nhà báo Ukraine và người sáng lập Viện Ukraine cho Tương lai, Yuriy Romanenko, là người, mà theo tờ Bild nói, có “mối quan hệ chặt chẽ với Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine.” Bản thân Romanenko không cung cấp bằng chứng thuyết phục nào cho thấy mối liên hệ của anh ta với Cục Tình Báo hoặc thực sự là kiến thức nội bộ về bộ máy an ninh của Ukraine.

“Tuần trước, các sĩ quan tình báo của chúng ta đã nhận được thông tin về chuyến đi của Putin tới khu công nghiệp Rudnevo. Theo đó, máy bay không người lái kamikaze của chúng ta đã cất cánh, bay qua tất cả các hệ thống phòng không của Liên bang Nga và bị rơi cách khu công nghiệp không xa,” tờ Bild viết, trích dẫn một phần dòng tweet của Romanenko từ ngày 24 tháng 4.

Trong bài đăng, Romanenko nói rằng kế hoạch của Putin đến thăm khu công nghiệp đã được người trong điện Cẩm Linh Pavel Zarubin “gián tiếp xác nhận”, trích dẫn một bài đăng Telegram từ ngày 23 tháng 4. Nhưng bài đăng của Zarubin chỉ lưu ý rằng việc đến thăm “một trong những khu công nghiệp của Mạc Tư Khoa” là lịch trình trong tuần này của Putin, không nêu rõ tên, địa điểm hoặc thời gian Putin dự định đến thăm khu vực nói trên.

Ấn phẩm của Đức thừa nhận rằng bài đăng Telegram không chỉ định thời gian chính xác của chuyến thăm dự kiến, nhưng lưu ý rằng “những người qua đường đã công bố những bức ảnh từ khu công nghiệp Rudnevo vào chiều Chúa Nhật, cho thấy một bãi cỏ màu xám trước tòa nhà chính được phun sơn màu xanh lá cây.

Trong khi các phương tiện truyền thông Nga trong quá khứ đã đưa tin rằng chính quyền địa phương đang cố gắng làm cho các thành phố của Nga trông “có vẻ đàng hoàng” cho các chuyến thăm của tổng thống, thì bản thân điều đó không thể được coi là bằng chứng thuyết phục rằng việc sơn bãi cỏ được thực hiện vì chuyến thăm của Putin.

Bài báo tiếp tục nói rằng vụ tai nạn xảy ra gần làng Voroskogo, phía đông Mạc Tư Khoa, nhưng làm rõ rằng nó “cách Khu công nghiệp Rudnevo khoảng 20 kilômét về phía đông”—không phải là một cú đánh chính xác cho một âm mưu ám sát..

Các tuyên bố chính thức cũng dội một gáo nước lạnh vào những báo cáo này, với việc phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh đầu tiên phủ nhận rằng Putin có kế hoạch xuất hiện trước công chúng trong tuần tới, và sau đó trực tiếp giải quyết báo cáo của Bild, gọi đó là “một trò lừa bịp của báo lá cải”.

Đôi khi, những lời phủ nhận của Điện Cẩm Linh đã được chứng minh là sai, và thường là như thế, nhưng trong quá khứ đôi khi có thể kiểm chứng được.

Romanenko còn đi xa hơn khi cho rằng các chuyến đi chơi của Putin đã bị “hủy bỏ” chính xác là do cuộc tấn công bằng máy bay không người lái. Tuy nhiên, tuyên bố này chỉ mang tính suy đoán và anh ta không đưa ra bằng chứng nào chứng minh điều đó.

Tương tự như vậy, ngay cả khi Bild đã nói chuyện với các nguồn tin trong bộ máy an ninh Ukraine, bình luận của họ không nên được coi là có giá trị thực sự—nó có thể là một phần của cuộc chiến thông tin đang diễn ra xung quanh cuộc xung đột.

Như Newsweek đã đưa tin trước đó, ba máy bay không người lái bị bắn rơi đã được phát hiện trong vài ngày qua gần Mạc Tư Khoa, trong đó một chiếc được cho là có trang bị chất nổ. Những phát hiện này theo sau một báo cáo vào tháng trước rằng các nhà chức trách Nga đã phát hiện ra một máy bay không người lái khác mà họ nghi ngờ đến từ Ukraine, cách Mạc Tư Khoa khoảng 9 dặm về phía đông bắc.

Các quan chức ở Kyiv đã không nhận trách nhiệm về bất kỳ sự việc nào trong số này và thực tế là các báo cáo về máy bay không người lái chỉ đến từ truyền thông nhà nước Nga đã dẫn đến một số hoài nghi. Một số nhà bình luận đặt câu hỏi liệu có quá “thuận tiện” cho Mạc Tư Khoa hay không khi những báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh rò rỉ từ Ngũ Giác Đài, dường như mô tả kế hoạch tấn công của Ukraine vào bên trong nước Nga.

Nhưng bất kể ai đứng sau chuỗi các vụ bắn rơi máy bay không người lái được báo cáo hoặc mục tiêu của họ là gì, tuyên bố rằng họ đại diện cho một nỗ lực ám sát nhà lãnh đạo Nga là không có bằng chứng và dường như dựa vào một nguồn duy nhất không cung cấp bất kỳ bằng chứng nào về mục đích đó cũng như các kiến thức “nội bộ” về một hoạt động như vậy.

Newsweek đã liên hệ qua email tới Hvylya, nơi Romanenko là tổng biên tập, cũng như bộ quốc phòng Nga và Ukraine, để bình luận.

5. Quân đội Nga đang tăng cường phòng thủ xung quanh Mariupol, quan chức Ukraine nói

Một cố vấn của thị trưởng Mariupol đã báo cáo rằng quân đội Nga đang củng cố hệ thống phòng thủ xung quanh thành phố.

“Quân xâm lược Nga tiếp tục đào sâu và xây dựng hệ thống phòng thủ xung quanh Mariupol,” Petro Andriushchenko cho biết như trên.

“Bây giờ họ đang lấy gỗ để xây dựng thuyền độc mộc. Hôm qua, lần đầu tiên các xe tải quân sự đã đi với số lượng lớn đến quận Mangush và một phần theo hướng Berdiansk. Chúng chứa đầy gỗ để xây dựng công sự.”

Số lượng công sự đang tăng lên theo mọi hướng,” ông nói thêm.

Andriushchenko cũng tuyên bố rằng, trong tuần này, quân đội do Nga hậu thuẫn đã “bắt đầu tái định cư trong những ngôi nhà trống ở các ngôi làng phía bắc Mariupol” để bảo vệ nó.

Mariupol, một thành phố cảng trên Biển Azov, nằm ở vùng Donetsk của Ukraine và nằm dưới sự kiểm soát trực tiếp của Nga kể từ tháng 5 năm 2022.

6. Thống đốc tỉnh phía đông bắc Ukraine cho biết Nga đã phá hủy một cây cầu ở Chernihiv.

Viacheslav Chaus nói với một đài truyền hình rằng pháo kích của Nga đã phá hủy đường băng qua sông Sudost. Cây cầu kết nối các làng Muravyi và Gremyach gần Novgorod-Siversky.

Serhii Serhienko, người đứng đầu chính quyền quân sự quận Novgorod-Siversky cho biết: “Trong vài tuần, những cây cầu bắc qua sông của cộng đồng Novgorod-Siversk đã bị pháo kích. Điều này khiến việc cung cấp dịch vụ cho người dân theo hình thức bình thường là không thể: chẳng hạn như cung cấp thực phẩm và những thứ khác. Và nó hạn chế sự di chuyển đến các cơ quan tự trị trung ương.”

7. Cuộc gọi của Tập Cận Bình - Zelenskiy có thể đã được thúc đẩy bởi những bình luận phi ngoại giao của đại sứ

Cuộc điện đàm được chờ đợi từ lâu giữa Tập Cận Bình và Volodymyr Zelenskiy đã được hoan nghênh một cách thận trọng, nhưng các nhà phân tích về Trung Quốc cho rằng thời điểm cho thấy đây có thể là một phần trong hành động giảm thiểu thiệt hại sau những bình luận gây tranh cãi của đại sứ Trung Quốc tại Pháp.

Đại sứ Lư Sa Diệp (Lu Shaye, 卢沙叶), là một trong những nhà ngoại giao “diều hâu” của Trung Quốc có một lịch sử dài các phát biểu gay gắt, đã gây ra sự phẫn nộ khắp Âu Châu. Tuần này, ông ta đã gây ra tranh cãi khi phủ nhận chủ quyền của các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, nói rằng họ “không có tư cách thực tế”. Các bình luận đã bị lên án gay gắt, với việc một số quốc gia Âu Châu triệu tập các Đại Sứ Trung Quốc để quở trách, và các chính trị gia cho rằng điều đó chứng tỏ Trung Quốc không đáng tin cậy với tư cách là một bên trung lập trong cuộc chiến Ukraine.

Bắc Kinh, luôn coi Nga là đồng minh lớn thân cận nhất của mình, đã tìm cách thể hiện mình là người trung lập và là một nhà hòa giải tiềm năng và đã có những dấu hiệu cho thấy ông Tập không hài lòng với các hành động của Nga, nhưng trên thực tế, Trung Quốc phần lớn ủng hộ lập trường của Nga.

Trang Gia Y Ân (Chong Ja Ian, 庄嘉伊恩), một phó giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định rằng: “Vào thời điểm đã có mối lo ngại đáng kể về tham vọng của Nga và sự ủng hộ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa dành cho họ, những bình luận của Lư Sa Diệp dường như cho thấy rằng Bắc Kinh sẵn sàng tiếp tục, thậm chí có thể mở rộng, sự ủng hộ của họ đối với chình sách gây hấn của Nga,”

8. Bộ Ngoại Giao Nga nói nước này hy vọng tránh sử dụng vũ khí hạt nhân nhưng 'không nên thử thách sự kiên nhẫn'

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga không định đi theo con đường leo thang hạt nhân trong cuộc đối đầu với phương Tây về vấn đề Ukraine nhưng những nước khác cũng không nên thử thách sự kiên nhẫn của Nga.

Bình luận của bà được đưa ra sau một loạt cảnh báo của các quan chức cấp cao của Nga, bao gồm cả Tổng thống Vladimir Putin, rằng sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Ukraine đang làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột hạt nhân thảm khốc.

“Chúng tôi sẽ làm mọi cách để ngăn chặn sự phát triển của các sự kiện theo kịch bản tồi tệ nhất, nhưng không phải với cái giá là xâm phạm lợi ích sống còn của chúng tôi”, bà Zakharova nói trong một cuộc họp báo thường kỳ.

“Tôi không khuyên bất kỳ ai nghi ngờ quyết tâm của chúng tôi và thử nghiệm nó trong thực tế”.

Nga đã chỉ trích mạnh mẽ việc cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và việc mở rộng liên minh quân sự NATO đến gần biên giới nước này. Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài với Nga, tháng này đã trở thành thành viên thứ 31 của Nato, trong khi bản thân Ukraine cũng mong muốn gia nhập, dù vấp phải sự phản đối của một số quốc gia.

Bà Zakharova nói: “Mỹ tiếp tục cố tình xâm phạm các lợi ích cơ bản của chúng tôi, cố tình tạo ra rủi ro và gây nguy hiểm trong cuộc đối đầu với Nga…”.

Cựu tổng thống Nga Dmitry Medvedev, một đồng minh thân cận của Putin, hồi đầu tuần này nói rằng thế giới “rất có thể đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh thế giới mới”.

9. Người đứng đầu NATO hoan nghênh cuộc gọi của Tập Cận Bình - Zelenskiy, nhưng lưu ý rằng Trung Quốc vẫn chưa lên án cuộc xâm lược của Nga

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm cho biết ông hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy diễn ra hôm thứ Tư, nhưng lưu ý rằng Bắc Kinh vẫn chưa lên án cuộc xâm lược của Nga.

“Tôi hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Tổng thống Zelenskiy và Chủ tịch Tập. Tôi nghĩ điều quan trọng trong cuộc gọi này là Trung Quốc hiểu rõ hơn về quan điểm của Ukraine. Tuy nhiên, điều này không thay đổi thực tế rằng Trung Quốc đã không thể lên án cuộc chiến bất hợp pháp của Nga, cuộc xâm lược bất hợp pháp vào Ukraine,” ông Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo ở Luxembourg.

Ông nói thêm rằng, “Các đồng minh NATO đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với kế hoạch hòa bình của Tổng thống Zelenskiy, tất nhiên bao gồm cả sự tôn trọng hoàn toàn đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.”

Tập Cận Bình và Zelenskiy đã nói chuyện qua điện thoại vào thứ Tư, trong cuộc trò chuyện đầu tiên được biết đến của họ kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine.

Zelenskiy, người từ lâu đã bày tỏ mong muốn được nói chuyện với ông Tập, cho biết ông đã có “một cuộc điện đàm dài và ý nghĩa” với nhà lãnh đạo Trung Quốc kéo dài một giờ. “Chúng tôi đã thảo luận đầy đủ các vấn đề thời sự của quan hệ song phương. Ông Zelenskiy cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi đặc biệt chú ý đến các cách thức hợp tác có thể để thiết lập một nền hòa bình công bằng và bền vững cho Ukraine”.

Zelenskiy nói: “Không thể có hòa bình nếu phải trả giá bằng những thỏa hiệp về lãnh thổ.

Trong một tuyên bố, Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh dẫn lời ông Tập nói với ông Zelenskiy rằng “sự tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là cơ sở chính trị của quan hệ Trung Quốc-Ukraine.” Ông Tập cũng nhắc lại quan điểm của Bắc Kinh rằng “lập trường cốt lõi” của Trung Quốc trong cuộc xung đột Ukraine là “thúc đẩy hòa bình và đàm phán”.

10. Binh Nhất Jack Teixeira có cả một kho vũ khí trong phòng ngủ

Binh Nhất Jack Teixeira thuộc Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Hoa Kỳ bị buộc tội tiết lộ bí mật quân sự và cất giữ một kho vũ khí trong phòng ngủ của anh ta, đã ra hầu tòa để điều trần về việc tạm giam hôm 27 Tháng Tư.

Các công tố viên liên bang yêu cầu tiếp tục tạm giam với lập luận cho rằng Texeira, người đã bị bắt vào ngày 13 tháng 4 tại Massachusetts và bị buộc tội vi phạm Đạo luật Gián điệp, nên tiếp tục bị giam giữ vì rủi ro an ninh quốc gia quá cao.

Người đàn ông 21 tuổi này bị cáo buộc đã làm rò rỉ các tài liệu mật, bao gồm một số tài liệu liên quan đến việc chuyển quân trong cuộc xung đột Nga-Ukraine, cho các game thủ trên ứng dụng nhắn tin Discord.

Anh ta để một tủ đầy súng cách giường ngủ của mình hai bước chân, chứa súng ngắn, và súng trường kể cả các tiểu liên tự động. Các đặc vụ FBI cũng tìm thấy một mặt nạ phòng độc, đạn dược và thứ có vẻ như là ống giảm thanh trong ngăn kéo bàn của anh ta.

“Bị cáo chắc chắn gây nguy hiểm cho Hoa Kỳ nói chung dựa trên khả năng gây nguy hiểm đặc biệt nghiêm trọng cho an ninh quốc gia Hoa Kỳ,” một kiến nghị do văn phòng luật sư Hoa Kỳ Rachael Rollins đệ trình cho biết.

“Cũng có bằng chứng cho thấy bị cáo cũng có thể gây nguy hiểm về thể chất cho cộng đồng.”

11. Hội đồng Âu Châu nói rằng việc Nga bắt cóc trẻ em từ Ukraine là 'diệt chủng'

Tại một phiên họp hôm thứ Năm, Hội đồng nghị viện của Hội đồng Âu Châu đã bỏ phiếu rằng việc bắt giữ và bắt cóc trẻ em khỏi các vùng lãnh thổ bị xâm lược của Nga ở Ukraine là “diệt chủng”.

Nghị quyết về “bắt cóc và cưỡng chế chuyển giao trẻ em Ukraine và các thường dân khác sang Liên bang Nga hoặc các vùng lãnh thổ Ukraine tạm thời xâm lược: đòi hỏi phải tạo điều kiện để họ trở về an toàn, ngăn chặn những tội ác này và trừng phạt thủ phạm” được thông qua với 87 phiếu thuận, nghĩa là đa số áp đảo. Chỉ có một đại diện bỏ phiếu chống và một người khác bỏ phiếu trắng.

Trong nghị quyết của mình, hội đồng kêu gọi “hành động ngay lập tức và khẩn cấp để ngăn chặn các hành vi chuyển giao và bắt cóc bất hợp pháp hiện đang được Liên bang Nga thực hiện đối với người dân Ukraine, và đặc biệt là chính sách và thực tiễn của nước này liên quan đến việc loại bỏ những đứa trẻ khỏi gia đình và ngôi nhà của chúng và sự hấp thụ sau đó của các trẻ em vào quốc tịch, bản sắc và văn hóa Nga.”

Nghị quyết nói thêm: “Hội nghị nhấn mạnh sự cần thiết của việc ghi lại và giám sát các trường hợp riêng lẻ, vừa để cho phép các cơ chế khắc phục nhanh chóng, vừa để thu thập bằng chứng về trách nhiệm giải trình nhằm đưa thủ phạm, ở mọi cấp độ trách nhiệm, ra trước công lý. “

Hội đồng kêu gọi chấm dứt hoạt động này “ngay lập tức và vô điều kiện”. Hội đồng cũng yêu cầu Nga cung cấp quyền truy cập vào các tổ chức phi chính phủ và tổ chức bác ái, cũng như thông tin về nơi những đứa trẻ hiện đang ở.

Tòa án hình sự quốc tế đã ban hành lệnh bắt giữ Vladimir Putin vào tháng 3 liên quan đến “bắt cóc bất hợp pháp” trẻ vị thành niên. Một lệnh truy nã tương tự cũng được ban hành đối với ủy viên quyền trẻ em của Nga Maria Alekseyevna Lvova-Belova, người được cho là có 18 người con nuôi, trong đó có một thiếu niên đến từ Mariupol.

Nghị quyết tuyên bố rằng Nga đã bắt đầu chuyển trẻ em khỏi các vùng lãnh thổ Donetsk và Luhansk bị xâm lược trước cuộc xâm lược vào ngày 24 tháng 2 năm ngoái. Trong một báo cáo hồi đầu tháng, chính phủ Ukraine cho biết họ đã thu thập được báo cáo của hơn 19.000 trẻ em bị bắt cóc.

12. Cựu chiến binh Hoa Kỳ bị buộc tội phát tán tài liệu bị rò rỉ đang làm việc với người Nga

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “U.S. Veteran Accused of Spreading Leaked Documents Is Working With Russians”, nghĩa là “Cựu chiến binh Hoa Kỳ bị buộc tội phát tán tài liệu bị rò rỉ đang làm việc với người Nga.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một cựu viên chức Hải quân Hoa Kỳ, người điều hành một mạng truyền thông xã hội thân Cẩm Linh có tên là Donbass Devushka, cho biết những người Nga bản địa làm việc cho công ty của cô.

Sarah Bils, người gốc New Jersey và là cựu chiến binh Hải quân đã đứng đằng sau Donbass Devushka. Cô ta đã chia sẻ chi tiết về việc có nhân viên người Nga trong một cuộc phỏng vấn với hãng truyền thông nhà nước Nga RT được công bố hôm thứ Năm.

Các phương tiện truyền thông đưa tin trong tháng này rằng các tài khoản Donbass Devushka chịu trách nhiệm phát tán các tài liệu mật bị rò rỉ có liên quan đến cuộc chiến của Nga ở Ukraine. Ít nhất bốn tài liệu tình báo mật của Hoa Kỳ đã được chia sẻ bởi mạng Donbass Devushka, mạng này đăng tài liệu trên YouTube, Twitter, Telegram và Rumble.

Bils cũng được xác định là người đứng đầu Donbass Devushka trong các báo cáo đó, nhưng cô ấy nói với The Wall Street Journal rằng một quản trị viên khác đứng sau các tài liệu được đăng.

Tờ Wall Street Journal viết rằng không có bằng chứng nào cho thấy Bils đã đánh cắp bất kỳ thông tin mật nào và không có bằng chứng nào cho thấy bất kỳ ai liên quan đến Donbass Devushka có liên quan đến vụ trộm hoặc đăng ban đầu các bí mật của chính phủ.

Sau khi những câu chuyện ban đầu xuất hiện về việc Donbass Devushka bị cáo buộc tham gia vào các tài liệu được lan truyền trực tuyến, tài khoản Telegram của mạng đã viết rằng các tài liệu đã ngay lập tức bị xóa khi biết rằng chúng có khả năng bị rò rỉ từ tình báo Hoa Kỳ.

Bils, một kỹ thuật viên điện tử hàng không hạng 2 cho đến cuối năm 2022, nói với RT rằng nhóm 15 thành viên Donbass Devushka của cô đã đến với nhau “chủ yếu thông qua thế giới mạng xã hội năng động”.

Khi RT hỏi liệu có công dân Nga nào làm việc cho Donbass Devushka hay không, Bils lúc đầu nói rằng cô ấy muốn thận trọng vì sự an toàn của các thành viên trong nhóm của mình vì một “chiến dịch săn lùng thông tin gần đây”. Sau đó cô ta khẳng định là có.

“Mặc dù tôi thận trọng về việc tiết lộ thông tin cụ thể về thành phần nhóm của chúng tôi, nhưng tôi có thể nói rằng chúng tôi có người Nga bản địa trong hàng ngũ của mình, cũng như nhiều tiếng nói khác nhau từ khắp nơi trên thế giới,” cô ta nói.

Bils từ chối tiết lộ liệu cô ấy hoặc bất kỳ thành viên nào trong nhóm của cô ấy đã đến thăm vùng Donbas của Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc chiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Tuy nhiên, cô ấy cho biết “các thành viên cộng đồng” đã đến thăm khu vực này và “chứng kiến các sự kiện ở đó trực tiếp.

Trước khi The Wall Street Journal đăng một câu chuyện dài về Donbass Devushka vào ngày 16 tháng 4, danh tính của Bils đã được tiết lộ bởi một nhóm các nhà phân tích tình báo và các nhà hoạt động được gọi là Tổ chức Fella Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là NAFO.

Khi được Newsweek liên hệ về một câu chuyện trước đây về Donbass Devushka, một thành viên của NAFO, người đã làm việc trong báo cáo về Bils cho biết họ “tin tưởng Bộ Tư pháp Hoa Kỳ sẽ điều tra kỹ lưỡng và sẵn sàng hỗ trợ nếu cần.”

Khi được Newsweek liên hệ, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ từ chối bình luận.
 
Đức Thánh Cha muốn về cố hương vào năm tới. Đức Tổng Giám Mục Gänswein phải rời căn hộ ở Vatican. Chi phí WYD Bồ Đào Nha
VietCatholic Media
17:08 28/04/2023


1. Đức Cha Trưởng ban tổ chức WYD bênh vực chi phí cho Ngày Quốc tế Giới trẻ

Đức Cha Americo Aguiar, Giám Mục Phụ Tá Lisbon, Trưởng ban tổ chức Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 37 tại Lisbon, Bồ Đào Nha, bênh vực những chi phí hàng triệu Euro cho biến cố quan trọng này.

Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài phát thanh Công Giáo Domradio ở Koeln bên Đức, truyền đi hôm Chúa nhật 23 tháng Tư vừa qua, Đức Cha Aguiar cho biết ngài hiểu những tiếng nói phê bình về những chi phí đó và nói rằng: “Chúng ta cũng phải nhìn những chi phí đó là một sự đầu tư... Những người trẻ trên thế giới đã chịu đau khổ vì những hạn chế do các biện pháp bảo vệ phòng chống Coronavirus, nay chúng ta muốn cống hiến cho họ cơ hội du hành và đích thân cảm nghiệm các cuộc gặp gỡ với những người khác. Nhưng điều đó không tự nhiên mà có”.

Đức Cha Aguiar nói thêm: “Tôi tin rằng kết toán chi thu cho Ngày Quốc tế Giới trẻ, sau cùng sẽ tích cực. Những du khách đến Lisbon cũng sẽ chi tiêu cho nhà trọ, lương thực và di chuyển”.

Trong những tháng vừa qua, đã có những tranh luận khá sôi nổi ở Bồ Đào Nha về những chi phí cho Ngày Quốc tế Giới trẻ, đứng trước tình trạng kinh tế khó khăn hiện nay. Đặc biệt, phí tổn tổ chức khu vực lễ đài, nơi Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành thánh lễ bế mạc và buổi canh thức, phí tốn khoảng năm triệu Euro. Sau những phê bình mạnh mẽ, ngân sách được giảm bớt đáng kể.

Ngày Quốc tế Giới trẻ thứ 37 sẽ tiến hành từ ngày 01 đến ngày 06 tháng Tám năm nay, với sự hiện diện của Đức Thánh Cha. Số người ghi danh đã lên tới 550.000 bạn trẻ từ các nơi trên thế giới, một mức độ chưa từng có từ trước đến nay”.

2. Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng ngài muốn đến thăm Á Căn Đình vào năm 2024. Đức Tổng Giám Mục Gänswein phải rời căn hộ ở Vatican

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài muốn đến thăm quê hương Á Căn Đình vào năm 2024.

“Tôi muốn trở về thăm quê hương vào năm tới,” Đức Thánh Cha được cho là đã nói như trên với nhà báo người Á Căn Đình Joaquín Morales Solá trong một buổi tiếp kiến riêng gần đây tại Vatican. Các bình luận đã được báo cáo trên nhật báo La Nacion của Á Căn Đình vào ngày 23 tháng Tư.

Kể từ khi được bầu làm giáo hoàng năm 2013, Đức Phanxicô chưa bao giờ trở lại quê hương Á Căn Đình.

Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 3 với La Nacion, ngài giải thích rằng chuyến đi đến Á Căn Đình đã được lên kế hoạch vào năm 2017 nhưng phải hủy bỏ vì cuộc bầu cử ở đó. Đức Giáo Hoàng không đi du lịch đến một quốc gia trong năm bầu cử để tránh có vẻ như đang cố gắng gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử.

“Sau đó, những gì đã xảy ra là mọi thứ trở nên phức tạp theo một cách khác; có hai năm xảy ra đại dịch dẫn đến những chuyến đi phải thực hiện, thậm chí đến những nơi mà người ta nói Đức Giáo Hoàng không nên đến đó. Vì vậy, Á Căn Đình vẫn đang chờ đợi. Tôi muốn đi, tôi hy vọng được đi.”

Cuộc trò chuyện với Morales Solá, được công bố vào hôm Chúa nhật, đánh dấu lần đầu tiên Đức Thánh Cha đưa ra ngày khả dĩ cho chuyến tông du Á Căn Đình.

Theo Morales Solá, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tiết lộ rằng ngài đã yêu cầu Tổng giám mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI, rời khỏi căn hộ ở Vatican của ngài trong vài tháng tới.

Đức Giáo Hoàng cũng cho biết ông đã trao cho tổng giám mục người Đức sự lựa chọn ở lại Ý hoặc trở về Đức, đồng thời lưu ý rằng các thư ký riêng khác của các vị giáo hoàng đã trở về cố hương của họ, chẳng hạn như thư ký riêng của Thánh Gioan Phaolô Đệ Nhị, Stanislaw Dziwisz.

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài “vẫn nhớ” Đức Bênêđictô XVI, người luôn cho ngài “những lời khuyên tốt và là người giúp đỡ thường xuyên” trong các cuộc gặp gỡ thường xuyên của họ.

Sau khi lên tiếng vào ngày 16 tháng 4, Đức Thánh Cha đã nhắc lại sự ủng hộ của mình đối với Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị, sau những cáo buộc từ Pietro Orlandi, anh trai của Emanuela Orlandi, một công dân Vatican đã mất tích năm 1983 khi mới 15 tuổi.

“Đức Gioan Phaolô Đệ Nhị là một vị thánh trong cuộc sống và bây giờ cũng chính thức như vậy sau khi ngài qua đời. Không ai có thể thành thật nghi ngờ sự tốt lành của Đức Giáo Hoàng Wojtyla,” Đức Thánh Cha nói.


Source:Catholic News Agency

3. Một triều đại thánh thiện

Từ ngày 28 đến 30 tháng 4, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ thực hiện chuyến tông du đến Hung Gia Lợi. Tờ Aleteia, nghĩa là Chân Lý Tỏ Tường, có bài viết nhan đề “The great saints who built Hungary : Meet a ‘holy dynasty’ of martyrs, kings, princesses, and bishops -- Hungary's great national saints,” nghĩa là “Các vị thánh vĩ đại đã xây dựng Hung Gia Lợi: Gặp gỡ một ‘vương triều thánh thiện’ gồm các vị tử đạo, các vị vua, các công chúa và giám mục -- những vị thánh quốc gia vĩ đại của Hung Gia Lợi.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ phần thứ tư nói về triều đại thánh thiện của Hung Gia Lợi qua phần trình bày của Túy Vân.

Thánh Ladislaus, một hiệp sĩ ngoan đạo

Ladislaus Đệ Nhất là vua của Hung Gia Lợi từ năm 1077 đến năm 1095. Để củng cố vương quốc và mở rộng biên giới, ngài là một hình mẫu của tinh thần hiệp sĩ và áp đặt luật pháp nghiêm khắc chống lại mọi hành vi phạm tội chống lại đức tin Kitô. Chúng ta mắc nợ ngài việc thành lập Giáo phận Zagreb ở Croatia ngày nay, mà ngài đã chinh phục. Rất được người dân của mình đánh giá cao, ngài đã chết trong hương thơm thánh thiện. Người Hung Gia Lợi để tang ba năm.

Đấng đáng kính Irênê của Hung Gia Lợi: Hoàng hậu Chính Thống Giáo

Vì lý do chính trị, cô gái trẻ Piroska, con gái của Vua Ladislaus, đã kết hôn khi còn rất trẻ với John Đệ Nhị Comnenus, con trai của Hoàng đế Byzantine Alexis. Bị buộc phải chuyển sang Chính thống giáo, cô được đổi tên thành Irênê. Cô trở thành hoàng hậu sau khi chồng lên ngôi, nhưng không tham gia chính trị. Rất ngoan đạo, giống như chồng, bà đã thành lập nhiều tu viện. Bà là mẹ của tám người con và qua đời năm 1134. Bà được Chính thống giáo công nhận là một vị thánh và được người Công Giáo tôn kính.