Ngày 27-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ở Lại Trong Chúa Giêsu
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
06:10 27/04/2021
CN 5 PS B

Ở Lại Trong Chúa Giêsu

Đức Thánh Cha Phanxicô suy niệm lễ Chúa nhật V Phục Sinh năm 2015 với chủ đề: “Các con hãy ở lại trong Thầy”. Ngài nói: đời sống Kitô hữu chính là: ở lại trong Chúa Giêsu. Chúa dùng hình ảnh cây nho: Thầy là cây nho các con là cành… Cành nào tách rời khỏi thân cây nho thì rốt cuộc sẽ chết, không sinh hoa trái. Ở lại trong Chúa Giêsu có nghĩa là tìm Chúa Giêsu, cầu nguyện, lãnh nhận các bí tích Thánh Thể và Hòa Giải. Ở lại trong Chúa Giêsu có nghĩa là làm điều Chúa Giêsu đã làm: làm điều thiện, giúp đỡ người khác, cầu xin Chúa Cha, săn sóc các bệnh nhân, giúp đỡ người nghèo, có niềm vui của Thánh Linh....

Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái”. Có tới 8 lần cụm từ “ở lại” được lặp lại trong đoạn Tin mừng chỉ có 8 câu này. "Ở lại" sẽ được sống, sinh hoa trái, muốn gì cứ xin và sẽ được, còn "không ở lại" sẽ bị quăng ra ngoài, khô héo nên bị làm củi đem đi đốt.

Cành nho phải "ở lại" trong cây nho mới sống và sinh hoa trái. Sự liên kết vững bền. Ý nghĩa của lối so sánh là kết hợp và sinh trái. Càng kết hợp chặt chẽ, càng sinh nhiều hoa trái. Chúa dạy chúng ta điều kiện căn bản là kết hợp với Chúa mới đem lại hoa quả thiêng liêng cho chính mình và cho người khác.Như vậy "ở lại" trong Chúa Giêsu là điều kiện sống còn đối với Kitô hữu.

Nếu chúng ta được ở trong Chúa Giêsu, được kết hợp với Ngài thì chúng ta sẽ lãnh được sức sống của Ngài. Chúa Giêsu ở trong Chúa Cha nên khi kết hợp với Ngài, chúng ta cũng được kết hợp với Thiên Chúa và kín múc được sự sống của Chúa Ba Ngôi.

Chỉ có một thân nho, nhưng nhiều cành nho. Thân nho và những cành nho đều cần đến nhau. Cây nho không thể mang lại hoa trái nếu không có những cành nho. Cành nho tự mình không thể đơm hoa kết trái được mà phải có nhựa sống từ thân cây thông chuyển cho.Tất cả các cành nho đều hút nhựa sống từ một thân nho duy nhất, nhưng kết quả lại không giống nhau: có cành không đơm hoa, có cành sinh ít, có cành sinh nhiều hoa trái. Cành nho luôn gắn với thân nho và liên kết với những cành khác. Cành nho nào không tiếp nhận nhựa sống sẽ cằn cỗi, khô héo. Nhựa sống từ gốc rễ lên thân cây rồi lưu chuyển cho mọi cành để cùng nhau sinh nhiều hoa trái. Cây Nho Giêsu có một loại nhựa đặc biệt là nhựa yêu thương và tuân phục thánh ý: “Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người”. Đó là nhựa sống luân chuyển trong thân của cây nho Giêsu: “Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy”. Tiếp nhận nhựa sống từ Chúa Cha, Chúa Giêsu truyền lại nhựa sống ấy cho những ai tin yêu Ngài và “giữ các điều răn của Ngài”.

Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, là suối nguồn ân sủng. Khi kết hiệp với Người, ân sủng tuôn đổ vào linh hồn, làm cho chúng ta được sống và sống sung mãn. Ân sủng thấm nhập nội tâm, uốn nắn tình cảm, củng cố ý chí, sinh ra những hoa trái thiêng liêng trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Nhờ kết hiệp mật thiết với Chúa, chúng ta được sống sự sống của Người, nói lời nói của Người, hành động theo gương của Người, phán đoán theo chuẩn mực của Người, nhìn con người và sự việc bằng cặp mắt của Người, yêu thương bằng trái tim của Người. Khi sự kết hiệp đã đến mức hoàn hảo, chính Người hành động qua chúng ta và vì thế những hoa trái sẽ vô cùng phong phú.

Bài đọc 1 kể chuyện thánh Phaolô trở lại trên đường Đamat. Từ con người phản nghịch trở thành con người của ơn thánh. Từ con người ghét đạo trở thành con người nhiệt thành rao giảng Tin Mừng. Phaolô đã đúc kết mối liên kết cuộc đời mình với Chúa Kitô trong một câu bất hủ: "Tôi sống, nhưng không phải tôi, mà là chính Đức Kitô sống trong tôi" (Gal 3, 20).

“Đức Kitô sống trong tôi” nên tôi mới sinh hoa trái yêu thương như lời Thánh Gioan trong bài đọc 2: “Ai tuân giữ giới răn của Thiên Chúa thì ở trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở trong kẻ ấy. Và giới răn của Thiên Chúa là tin vào Danh Đức Giêsu Kitô, Con của Ngài, và yêu thương nhau như Ngài đã truyền dạy”. Thánh Gioan còn căn dặn: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương thật sự bằng việc làm”. “Sinh hoa trái” là yêu thương một cách hữu hiệu, bằng việc làm có sức biến đổi môi trường chung quanh, đem niềm vui và hạnh phúc cho người khác.

Lúc ban đầu, khi các môn đệ mới theo Chúa, Thánh Gioan viết: “Các môn đệ đã đến xem chỗ Ngài ở và lưu lại với Ngài” (Ga 1,39). Sau những năm sống với Chúa, Thánh Gioan đổi cách dùng ngôn ngữ: “Các con hãy ở lại trong Thầy cũng như Thầy ở trong các con” (Ga 15, 17). Ở với là ở bên cạnh. Ở trong là trọn vẹn thuộc về người ấy. Khi Phêrô ở với Chúa là ở bên cạnh thôi nên vẫn còn hai bước chân khác nhau, hai ý nghĩ không chung đường và Phêrô đã có những bước chân sai, đi lạc lối. Còn ở trong là nên một trong nhau. Chính nhờ ở trong Chúa mà Phêrô đã trở nên con người mới, hoàn toàn thuộc về Chúa.

“Ở lại trong” và “gắn liền với” Chúa là điều kiện cần thiết để “sinh nhiều hoa trái”. Chúa Giêsu đã sống chân lý đó trong sự kết hiệp mật thiết với Thiên Chúa Cha, và Ngài đã cầu nguyện cho chúng ta được nên một với Ngài trong sự sống đó (Ga 17,21-22).Chúng ta kết hợp với Chúa qua đời sống cầu nguyện, Thánh Lễ và các Bí Tích. Chúng ta còn kết hợp với Chúa qua việc biểu lộ lòng trung tín như lời Thánh Phêrô: "Bỏ Thầy chúng con biết theo ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời" (Ga 6,68).

“Gắn liền với” hay “ở lại trong” Chúa Giêsu, chúng ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, chúng ta sẽ có một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy nội lực, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa. Mối liên kết này làm cho chúng ta có cùng bản tính với Chúa Giêsu, được nên một với Ngài: một sự sống, một tình yêu, một tinh thần, một ý chí và hành động. Khi được hỏi: “Tình yêu như thế nào?” Thánh Augustinô đã trả lời: “Tình yêu có đôi tay để giúp đỡ người khác. Tình yêu có đôi chân để mau mắn đến với những ai nghèo khó và cùng quẫn. Tình yêu có đôi mắt để nhìn thấy những nỗi khổ tâm và sự thiếu thốn. Tình yêu có đôi tai để lắng nghe những tiếng thở than và những lời ai oán của người khác. Hình dạng của tình yêu là như thế.”

Cành cần có cây để sống. Cây cũng cần có cành để sinh hoa trái. Chúng ta cần có Chúa để được sống dồi dào. Chúa cũng cần chúng ta để thi thố tình yêu của Ngài.Ở lại trong Chúa Giêsu là liên kết với Ngài qua đường luân chuyển "Cầu nguyện và các bí tích". Tất cả sức sống của Chúa Giêsu được chuyển thông từ nơi đường dẫn đó. Ở lại trong Chúa Giêsu là đón nhận sự sống từ Lời của Chúa và Bí Tích Thánh Thể. Ở lại trong Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận nhựa sống từ Thiên Chúa, từ đó chuyển nhựa sống ấy cho anh em trong tinh thần bác ái và phục vụ. Một sự sống liên kết từ thân nho với các cành nho. Một cộng đoàn Kitô hữu sống yêu thương, hiệp thông với nhau trong thân thể mầu nhiệm Chúa Giêsu Kitô.

Dụ ngôn “cây nho” là bài diễn từ về cuộc sống siêu nhiên. Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy luôn gắn bó mật thiết với Chúa. Nhờ ân sủng của Chúa, đời sống chúng ta sẽ trổ sinh nhiều hoa trái tốt lành. Hoa trái chính là yêu thương, chia sẻ, cảm thông, tấm lòng rộng mở, biết quan tâm đến người khác. Sống được như vậy, chúng ta mới xứng đáng là môn đệ của Đấng Phục Sinh, đồng thời cũng làm cho Chúa Cha ngày càng được vinh hiển, như lời dạy của Chúa Giêsu: “Đây là điều làm cho Cha Thầy được vinh hiển là các con sinh nhiều trái, và như thế, các con trở nên môn đệ của Thầy”.
 
Ngày 28/4: Đức Tin và Ánh Sáng - Suy Niệm của Lm Nguyễn Trọng Thiên, SVD – Kinh Thánh Giuse
Giáo Hội Năm Châu
06:25 27/04/2021


PHÚC ÂM: Ga 12, 44-50

“Ta là sự sáng đã đến thế gian”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào Ta thì không phải là tin vào Ta, nhưng là tin vào Đấng đã sai Ta. Và ai thấy Ta là thấy Đấng đã sai Ta. Ta là sự sáng đã đến thế gian, để bất cứ ai tin Ta, người ấy sẽ không ở trong sự tối tăm. Nếu ai nghe lời Ta mà không tuân giữ, thì không phải chính Ta xét xử người ấy, vì Ta đã đến không phải để xét xử thế gian, nhưng là để cứu độ thế gian. Ai khinh dể Ta, và không chấp nhận lời Ta, thì đã có người xét xử: lời Ta đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết. Bởi vì Ta đã không tự mình nói ra, nhưng Cha là Đấng sai Ta, chính Người đã ra lệnh cho Ta phải nói gì và phải công bố gì. Và Ta biết rằng lệnh của Người là sự sống đời đời. Những điều Ta nói, thì Ta nói theo như Cha đã dạy”.

Đó là lời Chúa.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:17 27/04/2021

13. Linh hồn ơi, ngươi phải nhiệt tình yêu mến và thiết tha kỳ vọng cuộc sống hạnh phúc trên trời của các thánh, trong cuộc sống này có hoạt động mà không có lao nhọc, có nghỉ ngơi mà không có mệt nhọc, có sự sống mà không có sự chết, có các thiên thần không ngừng ca ngợi Thiên Chúa.

(Thánh Augustine)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:20 27/04/2021
29. NGUYÊN DO ĂN PHÂN

Có người hỏi:

- “Tại sao chó có thể ăn xương?”

Có người khác trả lời:

- “Bởi vì trong bụng nó có thuốc tiêu hóa xương.”

Lại hỏi:

- “Tại sao nó thích ăn phân người?”

Trả lời:

- “Bởi vì trong bụng nó không hiểu rõ đạo lý nên thích ăn phân người?”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 29:

Có người dùng câu chuyện này để hỏi người khác:

Hỏi: Tại sao mấy ông quan thích ăn hối lộ tham nhũng?

Trả lời: Bởi vì trong bụng của họ nghĩ rằng mình có chức quyền, và có ô dù to tổ bố đỡ đầu rồi, nên dễ dàng ăn hối lộ, tham nhũng…

Hỏi: Tại sao họ thích ăn hối lộ, ăn tiền của người nghèo, nhũng nhiễu dân lành?

Trả lời: Bởi vì trong lòng họ không có đạo lý nên thích ăn hối lộ của người nghèo, làm nghèo đất nước và ức hiếp dân lành…

Đúng là khi trong bụng không có đạo lý, thì sẽ làm những chuyện trời không dung đất không tha và người ta thì rên xiết…

Thật tội nghiệp cho họ quá chừng chừng !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tác động tôn giáo quốc tế của COVID-19 Sau Một Năm Tròn: Các Câu Truyện và Dữ Kiện
Vũ Văn An
18:45 27/04/2021

Ngày 23 tháng 4, 2021, EWTN News in Depth cho phát sóng cuộc nói chuyện của họ với các luật sư, chuyên gia y tế, bệnh nhân COVID đã hồi phục và các giáo sĩ trên khắp Hoa Kỳ và Châu Âu về tác động của COVID-19 đối với Giáo hội sau tròn một năm. Các chuyên gia và phóng viên tham gia cùng người dẫn chương trình Montse Alvarado để cung cấp thông tin về những hậu quả tinh thần, thể chất và pháp lý của virus cũng như những hạn chế của nó ở Hoa Kỳ và Châu Âu.

Chương trình phát sóng ngày 23 tháng 4 này cũng bao gồm những câu chuyện cá nhân từ các bác sĩ và bệnh nhân trên tuyến đầu của COVID-19, bao gồm một thành viên của gia đình EWTN: phóng viên Erik Rosales.



Ai trở lại các hàng ghế nhà thờ

Những điểm chính từ Câu chuyện hàng đầu ngày 23 tháng 4:

Nới lỏng hơn: Bốn mươi tiểu bang của Hoa Kỳ đã ngừng hạn chế việc thờ phượng bên trong, tăng từ 20 tiểu bang một năm trước vào tháng 5 năm 2020.

Nhìn trở lui: Cảnh phim ảm đạm về Đức Giáo Hoàng Phanxicô một mình trong cơn mưa vào năm ngoái nhắc nhở người xem về việc Nhà thờ Thánh Phêrô ở Rôma đã bị đóng cửa đối với những người hành hương trong một thời gian.

Việc Tham dự Nhà thờ khắp thế giới: Ở Ái Nhĩ Lan, đi dự Thánh lễ tạm thời là một tội hình sự, theo báo cáo của Colm Flynn thuộc hệ thống EWTN - mặc dù ít nhất có một linh mục vẫn cử hành Thánh lễ. Hãy xem chương trình để biết những quốc gia châu Âu nào khác đang đặt ra những hạn chế nặng nề đối với việc thờ phượng bên trong và những quốc gia nào đã tìm ra những giải pháp thay thế an toàn cho sức khỏe.

Các nhà lãnh đạo Công Giáo và Do Thái trên khắp nước cũng thảo luận về việc các thực thể tôn giáo chống lại các chính sách phân biệt đối xử của chính phủ và gieo rắc nỗi sợ hãi dựa trên những lo ngại về an toàn sức khỏe.

Jason Adkins, giám đốc và tổng cố vấn của Hội đồng Công Giáo Minnesota, nói về việc hợp tác ra sao với tiểu bang để bảo đảm việc các cửa hàng bán rượu và sòng bạc không được ưu đãi hơn các nhà thờ.

Giáo sĩ Mitch Rocklin, chủ tịch của Liên minh tự do Tôn giáo của Do Thái Giáo, nói về việc cộng đồng Do Thái cũng đã cố gắng ra sao để giữ cho các trường học mở cửa. Ông nói, “Chúng ta có thể coi đây như một thứ tái ông thất mã... Chúng tôi đã nghe rất nhiều người có hậu cảnh đức tin khác nhau và đã làm việc cùng với họ".

Họ cũng trả lời câu hỏi, "Việc mở cửa trở lại các nhà thờ và trường học tôn giáo có làm tăng sự lây lan COVID-19 trong cộng đồng không?". Bạn đọc nên xem toàn bộ cuộc thảo luận để tìm hiểu điều này và và nhiều điều khác nữa.

Tối cao Pháp viện bảo vệ người thờ phượng

Các luật sư Mark Rienzi và Gabriela Gonzalez-Araiza phân tích các vụ kiện về việc hai tiểu bang New York và California giải quyết bất bình đẳng các hạn chế đặt ra đối với các nơi thờ phượng đã lên tới đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ.

Gabriela Gonzalez-Araiza (cựu thư ký Tòa Liên bang thứ Năm): “Tòa án nay đã tuyên bố rất rõ ràng rằng nếu có bất cứ hoạt động thế tục tương tự nào được đối xử ưu đãi hơn hoạt động tôn giáo, điều đó sẽ kích hoạt sự điều tra nghiêm ngặt, và đó là một rào cản rất khó để chính phủ vượt qua ”.

Mark Rienzi (chủ tịch của Quỹ Becket vì Tự do Tôn giáo): “Khi các tòa án bắt đầu nói với chính phủ, 'Lý do của qúy vị là gì để nghĩ rằng nhà thờ nguy hiểm hơn sòng bạc?' Hóa ra chính phủ không có bằng chứng. Vì vậy, việc chính các tòa án yêu cầu bằng chứng đã thực sự có tính đột phá ”.

Bạn đọc nên xem toàn bộ cuộc phỏng vấn:

"Thiên Chúa cho tôi ở đó vì một lý do"

Eric Rosales, phóng viên của chương trình Tin tức Hàng đêm của EWTN, nói rằng đôi khi anh có thể cảm nhận được Chúa Thánh Thần trong bệnh viện nơi anh chiến đấu với COVID-19. Anh cũng chia sẻ về mối liên kết anh đã tạo được với một bệnh nhân ở phía bên kia bức tường bệnh viện.

Bác sĩ Eustace Fernandes, chuyên gia về phổi và chăm sóc nguy kịch cho biết “thật không thể tin được” việc các bác sĩ đã thích nghi đến mức nào khi họ học hỏi thêm về virus và chia sẻ các điển hình về việc các phương pháp điều trị đã thay đổi ra sao. Bạn đọc có thể xem qua chương trình trên YouTube do EWNT cung cấp để biết quan điểm sâu sắc của bác sĩ Fernandes về việc những người ở tuyến đầu đã tiếp cận ra sao với những đau khổ mà họ phải đối diện hàng ngày.

Một trường hợp khác cần theo dõi: Tiền mặt COVID và Trường học Công Giáo.

Cũng trong chương trình tuần này, một nhóm các trường tôn giáo và trường cao đẳng độc lập đã đệ đơn kiện liên bang, vì cho rằng một tu chính hiến pháp của bang ở Nam Carolina đã kỳ thị người Công Giáo và người Mỹ gốc Phi.

Dưới đây là một chút lịch sử có thể hữu ích: Đạo luật đã có từ cuối những năm 1800, khi nhiều làn sóng lớn người thiểu số về chủng tộc và tôn giáo di cư đến Hoa Kỳ và làm dấy lên tình cảm chống người nhập cư. Việc chào đón không nồng nhiệt đã khiến nhiều tiểu bang phải ban hành các tu chính án để ngăn các trường phục vụ các nhóm thiểu số này nhận tài trợ công quỹ.

Nhưng tại sao lại là một vụ kiện liên bang nếu đây là một khiếu nại đối với Tiểu bang Carolina? “Những tu chính Blaine” gần giống hệt nhau vẫn còn trên sách vở của hàng chục tiểu bang - đó là lý do tại sao. Hậu quả đương thời của tu chính án ở Nam Carolina là các Trường Công Giáo phục vụ học sinh dưới mức nghèo khổ đang bị từ chối quỹ cứu trợ COVID. Tin vui là bạn có thể nghe trực tiếp một trong những vị hiệu trưởng các trường này và luật sư của bà trên chương trình “EWTN News in Depth”.

Được chữa lành qua lời cầu nguyện

Cuối cùng, bạn đọc đừng bỏ lỡ câu chuyện xây dựng đức tin của “EWTN News in Depth”, ngày 23 tháng 4:

Chủ tịch Viện “Our Sunday Visitor” nói rằng ông đã "Được trở lại cuộc sống nhờ cầu nguyện". Xin xem chương trình truyền hình ngày 24 tháng 4 để nghe Mark Irons của EWNT nói chuyện với Jason Shanks về việc tuần chín ngày kính thánh Jude, và việc nâng đỡ cùng lời cầu nguyện hoàn cầu đã giúp ông đánh bại coronavirus sau một trận chiến khó khăn ra sao.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Gia đình linh tông tâm tình cùng cha Trần Công Nghị
Đại diện Lm Giuse Nguyễn Khắc Hiếu
08:32 27/04/2021
Bố kính yêu đã khuất,

Bố đã mất mấy hôm rồi mà con vẫn ngỡ ngàng không muốn tin là sự thật, bên con đang ở cứ mưa suốt thôi, làm cho con chợt nhớ đến câu thơ của thi sĩ Nguyễn Du:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”...

Vâng, cảnh cũng buồn lây với chúng con vì từ nay chúng con sẽ không còn có Bố nữa Bố ơi! Trong cuộc lữ hành trần thế của Bố đã để lại trong lòng của nhiều người biết bao niềm thương yêu và mến phục. Chúng con cũng là một trong số những người đó. Giờ đây, anh chị em và các cháu họp nhau qua mạng để cùng nhau khóc thương và chia sẽ những kỷ niệm đẹp, yêu thương nhiều về Bố.

Bố đến với chúng con rất tự nhiên, nhẹ nhàng và thân ái chẳng có kế hoạch hay chương trình chi cả. Với những ngạc nhiên ấy đã làm cho chúng con thật cảm động và trân trọng, Bố luôn đồng hành với mỗi anh chị em chúng con trong những biến cố của cuộc đời. Có Bố chúng con thấy vững vàng, tự tin, yêu Chúa, yêu người và yêu đời hơn. Mặc dù rất bận rộn trong công việc, nhưng Bố cũng luôn dành nhiều thời gian để an ủi, nâng đỡ khi gia đình anh chị em chúng con có vấn đề chi trong cuộc sống. Lúc có dịp Bố con gặp nhau, Bố luôn thoải mái, hoà mình vui đùa với các cháu nên Bố là “Super Ông” của các cháu vì ông Nghị lại thích chụp hình và chụp rất nhiều cho các cháu nữa. Bố cũng đơn sơ và giản dị đến lạ thường, luôn dành cho chúng con những điều tốt đẹp và những thuận lợi nhất, còn phần Bố sao cũng đuợc...

Voi cách sống đơn giản và chân chất đó của Bố, làm cho chúng con yêu mến Bố nhiều hơn. Thỉnh thoảng Bố cũng hay nói đùa với bọn con... “các con của Bố Nghị là phải ngoan, phải đẹp và phải là người sống có tâm..,” chúng con nhìn nhau và trả lời rằng: “Vì Bố Nghị giỏi, nên làm con của Bố Nghị tụi con bị ‘stress’ quá luôn...” thế là mấy Bố con lại lăn ra cười với nhau. Thật là vui Bố ha!

Ngoài chuyện tình cảm Bố dành cho chúng con và gia đình. Trong trái tim Bố luôn hướng lòng về với Giáo hội Mẹ VIệt Nam. Chúng con còn nhớ khi có dịp về VN vào tháng 7 năm 1999, để giúp cài đặt hệ thống mạng để vào được website Vietcatholic cho nhiều Giáo xứ. Có hôm phải đi đến mấy xứ luôn. Vừa mệt, vừa nóng và vừa sợ công an đến hỏi thăm, Bố vẫn vui cười và nói: “mình hy sinh một chút, nhưng lợi ích cho Giáo hội rất nhiều đó con.”

Bố cũng muốn nhiều nơi đặt được tượng Đức Mẹ La Vang (ĐMLV). Chúng con cùng hưởng ứng lời kêu gọi của Bố và vừa qua nơi anh hai đang coi xứ bên Canada có nhận được một tượng ĐMLV bằng đá hoa cương do một gia đình ân nhân anh chị Phạm Sinh dâng tặng cho Giáo xứ Thánh Andrew nơi anh coi sóc, mặc dù là xứ Tây, nhưng giờ cũng có nhiều người bản xứ biết được ít nhiều về ĐMLV. Cám ơn Bố nhiều cho sự khuyến khích đó.

Còn một hoài bão nữa mà Bố luôn nói với chúng con đó là làm sao thỉnh được hài cốt của cha Alexandre de Rhodes (15/3/1593 - 5/11/1660) là người có công lớn trong việc tạo tác chữ Quốc ngữ, hiện đang chôn cất tại Isfahan, Iran về VN hoặc một nơi thuận tiện đâu đó để cho đồng bào đến kính viếng và tri ân ngài. Chúng con cũng hy vọng trong một tương lai gần đây các đấng bậc Đạo và Đời sẽ thực hiện đuợc ước nguyện của Bố. Chúng con nghĩ sẽ có nhiều quý ân nhân, cộng sự viên, bạn hữu sẽ viết nhiều về Bố và cũng như sẽ tiếp tục những công việc Bố đang làm, nên Bố an tâm và an nghỉ hưởng phúc trên Thiên Đàng. Xin cầu cùng Chúa cho chúng con. Chúng con cũng xin mượn cuối vần thơ của cha Peter Hồng Phúc gởi cho Bố sáng nay để kính chào tạm biệt Bố.

“... Tạm biệt người cha, thương nhớ ngậm ngùi

Vietcatholic trọn đời gắn kết.

Cha chẳng còn về quê hương đất Việt,

Nhưng quê Thiên Đàng da diết đón Cha!

Các con cháu linh tông

1. Cha Giuse Nguyễn Khắc Hiếu, Canada

2. Tuyết Mai, chồng và các con, USA

3. Vợ chồng Bác sĩ Trần Khắc Quyên

Anh và các con, USA.

4. Dược sĩ Nguyễn Thanh Hà Vy, chồng

và các con, USA.
 
Lễ bổn mạng Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu San Jose
Thái Phạm
13:04 27/04/2021
 
Thông Báo
Chương trình các Thánh Lễ Tưởng Niệm và An Táng Cha Gioan Trần Công Nghị tại Orange County, California
VietCatholic Network
03:06 27/04/2021
Thánh Lễ Phát Tang và Cầu Nguyện cho Cha Gioan Trần Công Nghị.

vào lúc 12.00 trưa Thứ 5 ngày 29.4.2021

tại Nhà Thờ St Columban, 10801 Stanford Ave, Garden Grove, CA 92840. USA.

Chủ Tế: Cha Cậu Gioan Trần Bình Trọng và Giảng Thuyết.



Thánh Lễ Tưởng Nhớ và Cầu Nguyện cho Cha Gioan Trần Công Nghị

vào lúc 5.30 chiều Thứ 5 ngày 29.4.2021

tại Nhà Thờ St Columban, 10801 Stanford Ave, Garden Grove, CA 92840. USA.

Chủ Tế: Đức Cha Toma Nguyễn Thái Thành, Giám Mục Phụ Tá Giáo Phận Orange USA.

Giảng Thuyết: Cha Michael Mai Khải Hoàn



Thánh Lễ An Táng Cha Gioan Trần Công Nghị

vào lúc 10am Thứ 6 ngày 30.4.2021

tại Nhà Thờ Chính Tòa Chúa Kitô Giáo Phận Orange USA.

Chapman Ave, Garden Grove, CA 92840 USA.

Chủ Tế: Đức Tổng Giám Mục Jose H. Gomez, DD.

Tổng Giám Mục TGP Los Angeles, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ.

Giảng Thuyết: Cha Giuse Nguyễn Thanh Châu, Chủ Tịch Liên Đoàn CGVN Hoa Kỳ.



Nghi Thức Hạ Huyệt Cha Giám Đốc Gioan Trần Công Nghị

sẽ cử hành tại Nghĩa Trang Giáo Xứ Chính Tòa Chúa Kitô Giáo Phận Orange.

13280 Chapman Ave. Garden Grove CA 92840 USA.

Cha Cậu Gioan Trần Bình Trọng Chủ Sự.

REQUIESCANT IN PACE - REST IN PEACE.

 
Văn Hóa
Mục Tử Và Những Ngày Mây Đen Mù Mịt
Sơn Ca Linh
09:03 27/04/2021
Mục Tử Và “Những Ngày Mây Đen Mù Mịt”

(Chúa Nhật 4 PS năm B 2021 – Ngày ơn thiên triệu linh mục – Tu sĩ)

Nhớ những ngày xa xưa,
Ban ngày oằn mình dưới những “làn roi nô lệ”,
Ban đêm rã rời trong lo sợ, lạnh đói, tái tê…
Quê hương xa vời vợi, ai dẫn đưa về?
Biết bao giờ, có không... Ngày Cứu Độ?

“Ta đã thấy, đã nghe, dân Ta dập vùi nỗi khổ” (Xh 3,7)
Như một đàn chiên rách nát, bơ vơ…
Là mục tử của dân ta, nên không thể thờ ơ,
Sẽ tập họp, dẫn đưa, khỏi những “ngày mây đen mù mịt” (Ez 34, 11-12).

Rồi từ đó, Môsê, Giosuê…, người chăn chiên Đavít,
Có “Đất hứa”, có “dòng suối mát, có thảm cỏ xanh”,
Người mục tử gậy cầm tay canh chiên sống yên lành (Tv 22),
Lòng ấp ủ chiên con, chiên mẹ, tay ân cần dẫn dắt (Is 40,11).

Nhưng “thung lũng trần gian”,
chiên lại tan thương, lưu đày, tản mác…
Hết Ba tư, Hy Lạp, đến gót giày Rôma…
Đạo thì “gông cùm lề luật”
Vua chúa quan quyền thì “chước quỷ mưu ma”…,
Oằn lưng gánh chịu
lại một đám dân nghèo, một đàn chiên nhỏ !

Nhưng kìa ! Chân dung “Người Mục Tử”,
Chiên lạc vác trên vai, chiên thương tích chữa lành !
Đương đầu nanh sói chấp nhận hy sinh,
Để chiên sống và sống no đầy phong phú… (Ga 10,11-18)

Ôi Giêsu,
Người Mục Tử đã chọn đi con đường Thập Giá,
Để dẫn đoàn chiên,
qua sa mạc cuộc đời về “Đất Hứa Quê Cha”;
Bánh, Nước Thần Linh… tuôn chảy bao la,
“Mục Tử nhân lành”, hay, “Đường, Sự Thật, Sự Sống” !

Rồi từ đó…, qua bao “mùa biển động”,
Đường trần gian giăng mắc nẻo truân chuyên…
Đói khát, bơ vơ, lạc lối… những đàn chiên,
ngày thất thểu sa mạc châu Phi,
Đêm quờ quạng rừng Amazon Nam Mỹ…

Đàn chiên rã rượi, đàn chiên thương tích,
Dịch bệnh hoành hành, khỏi lửa chiến tranh…
Cần biết bao, những “mục tử nhân lành”,
Để phục vụ yêu thương, để đồng hành yên ủi…

Nên, xin Ngài hãy đến,
Hãy nối dài “bàn tay” qua muôn nghìn thế kỷ,
Hãy sai nhiều thợ gặt lên cánh đồng trần gian (Mt 9,38).
Để “thay mặt”, để “đổi lời”, để hồng ân cứu độ trao ban,
Để dẫn dắt đoàn chiên,
Khỏi những “ngày mây đen mù mịt”… !

Sơn Ca Linh (Tuần “Chúa Chiên Lành” 2021)

 
VietCatholic TV
Đau thương: Virút Tầu giết hàng chục linh mục Ấn chỉ trong mấy ngày. ĐTC tâm sự với các linh mục
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
06:30 27/04/2021
Đau thương: Virút Tầu giết hàng chục linh mục Ấn chỉ trong mấy ngày. ĐTC tâm sự với các linh mục

1. Giáo Hội tại Ấn Độ thiệt hại nặng: Virus Tầu độc địa giết 14 linh mục chỉ trong vòng 4 ngày

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết Giáo Hội Công Giáo tại Ấn với khoảng 30,000 linh mục triều và dòng, đã mất 20 linh mục từ đầu tháng Tư đến nay. Tuy nhiên, tình hình đặc biệt nghiêm trọng vì chỉ trong vòng 4 ngày, từ 20 đến 24 tháng Tư, đã có 14 linh mục chết vì virus Tầu và các biến thể của thứ virus độc địa này.

Tử vong vì coronavirus tại Ấn Độ đã lên đến 195,116 người, trong số 17,306,300 trường hợp nhiễm coronavirus. Chỉ trong một ngày duy nhất, hôm 24 tháng Tư, đã có 354,531 trường hợp nhiễm bệnh và xu hướng này tiếp tục tăng từ hôm 7 tháng Ba cho đến nay mà không có cách nào kềm chế lại được. Để thấy mức độ lây nhiễm ở Ấn Độ kinh hoàng như thế nào, ta hãy xem qua các con số sau: Tại Mỹ trong ngày 24 tháng Tư, chỉ có 34,288 trường hợp nhiễm bệnh mới, nghĩa là chưa bằng 10% so với Ấn Độ. Brazil là nước bị chỉ trích nặng nhất vì thái độ quyết liệt không muốn áp dụng các hạn chế di chuyển của tổng thống Jair Bolsonaro cũng chỉ có 32,572 trường hợp nhiễm bệnh mới trong 24 giờ của ngày 24 tháng Tư.

Tính đến thời điểm công bố báo cáo của Asia News, vị trẻ nhất và là linh mục mới nhất qua đời vì coronavirus là cha Lijo Thomas, 38 tuổi, thuộc Tổng giáo phận Nagpur. Ngài qua đời chiều ngày 23 Tháng Tư tại nhà thương Chúa Kitô, ở thành phố Chandrapur thuộc bang Maharashtra, ở miền tây Ấn Độ.

Ban sáng cùng ngày, cha Christudas, 58 tuổi, thuộc giáo phận Dumka ở bang Jharkhand ở miền đông bắc Ấn, đã từ trần. Cùng ngày 23 Tháng Tư, ba linh mục dòng Tên thuộc tỉnh dòng Madurai, Bombay, Karnataka cũng trở thành nạn nhân của Covid-19.

Trong 10 ngày qua, Ấn Độ lâm vào tình trạng nguy kịch vì đại dịch, ngày nào cũng có hơn 300,000 người bị lây nhiễm, và hơn 2,000 người chết. Hệ thống y tế của Ấn Độ sụp đổ vì số ca nhiễm quá nhiều, các bệnh nhân thiếu dưỡng khí trong các nhà thương. Bang Maharashtra, nơi có thành phố Mumbai, bị dịch nặng nhất. Hôm 22 Tháng Tư vừa qua, chỉ riêng tại bang này đã có khoảng 67,000 người bị nhiễm coronavirus trong một ngày.

Xin anh chị em thêm lời cầu nguyện cho Ấn Độ và cho Giáo Hội tại đất nước này, vốn đã chịu nhiều đau thương vì các đợt bách hại thường xuyên.
Source:Matters India

2. Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi lễ phong chức linh mục cho 9 thầy phó tế tại Đền Thờ Thánh Phêrô.

Lúc 9 giờ sáng Chúa nhật 25 Tháng Tư, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Phục sinh, cũng gọi là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, và đồng thời là Ngày Thế giới cầu cho ơn thiên triệu, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự thánh lễ tại Đền thờ thánh Phêrô để truyền chức cho chín linh mục. Các vị tuy thuộc các quốc tịch khác nhau, nhưng sẽ phục vụ tại giáo phận Rôma.

Trong số các tiến chức, có 5 thầy được đào tạo tại Đại chủng viện Rôma, hai tại Chủng viện Mẹ Đấng Cứu Chuộc của Con đường Tân Dự Tòng, một tại Chủng viện Đức Mẹ Tình Yêu Thiên Chúa và một tiến chức gia nhập giáo phận Rôma. Tổng cộng có sáu người Ý, 3 vị còn lại thuộc ba quốc tịch: Rumani, Colombia và Brazil. Thầy trẻ nhất 26 tuổi và người lớn nhất 43 tuổi.

Từ đầu đại dịch hồi tháng Ba năm ngoái, Đức Thánh Cha đã nhiều lần cử hành thánh lễ và các lễ nghi tại Bàn thờ Ngai tòa. Tuy nhiên, sáng Chúa Nhật vừa qua, lần đầu tiên ngài tái cử hành tại bàn thờ tuyên xưng Đức tin, tức là bàn thờ chính trên mộ thánh Phêrô, với một cộng đoàn đông đảo gần 3,000 người.

Mở đầu bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, những người con, người em này của chúng ta đã được kêu gọi lãnh nhận chức tư tế. Chúng ta hãy cẩn thận xem xét thừa tác vụ trong Hội Thánh mà họ sẽ được nâng lên.

Anh chị em thân mến, như anh chị em đã biết, Chúa Giêsu là thầy cả thượng phẩm duy nhất của Tân Ước; nhưng trong Người, tất cả dân thánh của Thiên Chúa đều được lập thành dân tư tế. Trong số tất cả các môn đệ của mình, Chúa Giêsu muốn đặc biệt chọn một số người, để bằng cách công khai thực thi chức vụ tư tế trong Giáo Hội nhân danh Ngài vì thiện ích của tất cả mọi người, họ sẽ tiếp tục sứ mệnh của Người trong tư cách là các thầy dậy, tư tế và mục tử.

Sau khi suy tư chín chắn, giờ đây chúng ta sắp nâng những anh em này lên hàng tư tế, để khi phục vụ Chúa Kitô, như các thầy dậy, tư tế và mục tử, họ hợp tác xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô, tức là Hội thánh, là dân Chúa và là đền thánh của Chúa Thánh Thần.

Còn các các con, những người con yêu dấu, sắp được nâng lên hàng tư tế, hãy cẩn trọng nhớ rằng qua việc thực thi thừa tác vụ thánh chức, các con sẽ tham gia vào sứ mệnh của Chúa Kitô, là vị Thầy duy nhất. Các con sẽ là những người chăn dắt đàn chiên như Người, đây là điều Người muốn nơi các con, những mục tử của Hội Thánh, những người chăn dắt dân tộc thánh thiện của Thiên Chúa. Mục tử phải đi với dân Chúa: đôi khi ở phía trước đàn chiên, đôi khi ở giữa hoặc phía sau, nhưng luôn ở đó, với dân Chúa.

Có một thời - theo ngôn ngữ vào thời đó - người ta nói về “sự nghiệp trong giáo hội”, với một ý nghĩa khác xa ngày nay. Đây không phải là một “sự nghiệp”, nhưng đó là một sự phục vụ, một sự phục vụ như Chúa đã làm cho dân Ngài. Và sự phục vụ này của Thiên Chúa dành cho dân Ngài để lại những “dấu vết”, và một phong cách, mà các con phải tuân theo. Phong cách đó là sự gần gũi, từ bi và dịu dàng. Đây là phong cách của Chúa. Gần gũi, từ bi, dịu dàng.

Linh mục phải có bốn sự gần gũi. Trước hết là gần gũi Thiên Chúa trong kinh nguyện, trong các bí tích, trong thánh lễ. Hãy thân thưa với Chúa, hãy cận kề bên Chúa. Trong toàn bộ câu chuyện về Chúa Kitô, Thiên Chúa luôn ở gần chúng ta qua Con của Ngài. Chúa cũng gần gũi chúng ta, mỗi người chúng ta, trên đường đời của chúng ta. Cả trong những lúc tối tăm của tội lỗi, Chúa luôn ở đó, gần gũi với chúng ta. Các con hãy gần gũi dân Chúa. Nhưng trước tiên là gần gũi Thiên Chúa qua kinh nguyện. Một linh mục không cầu nguyện thì dần dần ngọn lửa Thánh Linh trong tâm hồn sẽ bị dập tắt.

Thứ hai, các con cũng phải gần gũi với các Giám mục, và trong trường hợp này các con là các “Phó Giám mục”. Hãy gần gũi với các ngài, bởi vì khi quây quần quanh vị Giám Mục của mình, các con sẽ có sự hiệp nhất. Ý cha muốn nói là các con không phải là tôi tớ - vì các con chỉ là tôi tớ cho Chúa – nhưng các con hãy là những người cộng tác với các Giám mục. Khi đề cập đến sự gần gũi, cha nhớ có lần, cách đây rất lâu, một linh mục đã gặp chuyện chẳng may - có thể nói là ngài đã “lỡ lời”. Điều đầu tiên cha nghĩ đến và khuyên vị linh mục này là gọi cho Đức Giám Mục. Ngay cả trong những thời điểm tồi tệ, vị linh mục ấy nên gọi cho vị Giám Mục để ngài gần gũi với mình. Hãy gần gũi với Chúa trong lời cầu nguyện, và gần gũi với Giám mục. Có người nói: “Nhưng tôi không thích vị Giám Mục này”. “Nhưng Giám Mục là cha của bạn”. “Nhưng vị Giám mục này đối xử với tôi rất tệ”. “Hãy khiêm tốn, hãy đến với Đức Giám Mục”.

Thứ ba, các con hãy gần gũi với nhau. Và cha đề nghị các con một giải pháp để thực hiện ngay từ ngày hôm nay: đừng bao giờ nói xấu một linh mục nào trong các con. Nếu các con có điều gì đó không hài lòng với người khác, hãy hành xử như các chính nhân quân tử, hãy đến và nói thẳng với anh ta. “Nhưng đây là một điều rất tồi tệ… Tôi không biết anh ấy sẽ phản ứng thế nào…”. Hãy đến với Giám Mục, là người sẽ giúp bạn. Nhưng đừng bao giờ, đừng bao giờ buôn chuyện. Đừng nói nhiều. Đừng sa đà vào những câu chuyện phiếm. Sự đoàn kết giữa các con: trong linh mục đoàn, trong các ủy ban, trong công việc. Hãy gần gũi giữa các con với nhau và với Giám mục.

Và thứ tư: đối với cha, sau Chúa, sự gần gũi quan trọng nhất là với các tín hữu dân thánh của Chúa. Không ai trong số các các con học để trở thành một linh mục. Các con đã nghiên cứu các khoa học giáo hội, như Giáo hội yêu cầu các con thực hiện. Nhưng các con đã được chọn, từ dân Chúa. Chúa phán với Đavít: “Ta đã chọn ngươi từ đàn chiên”. Đừng quên nơi các con xuất thân: gia đình, dân tộc của mình... Đừng đánh mất ý thức các con là con của dân Chúa. Thánh Phaolô nói với Timôthêô: “Hãy nhớ mẹ anh, bà anh”. Hãy nhớ các con từ đâu đến, đó là từ dân Chúa. Tác giả của Thư gửi người Do Thái nói: “Hãy nhớ những người đã giới thiệu đức tin cho bạn”. Hãy là linh mục của nhân dân, chứ đừng là giáo sĩ của nhà nước!

Bốn sự gần gũi của linh mục: gần gũi với Thiên Chúa, gần gũi với Giám mục, gần gũi giữa các con, gần gũi với dân Chúa. Phong cách gần gũi vốn là phong cách của Chúa. Phong cách của Thiên Chúa cũng là phong cách của lòng trắc ẩn và sự dịu dàng. Đừng đóng cửa trái tim mình trước những vấn đề. Và các con sẽ thấy được rất nhiều điều! Khi mọi người đến để nói với các con về vấn đề của họ và xin được đồng hành. Các con đừng tiếc thời gian lắng nghe và an ủi. Lòng trắc ẩn dẫn các con đến sự tha thứ, đến lòng thương xót. Các con hãy thương xót, hãy tha thứ. Vì Chúa tha thứ mọi thứ, Ngài không bao giờ mệt mỏi khi tha thứ. Chính chúng ta mới là người mệt mỏi cầu xin sự tha thứ. Hãy gần gũi và có lòng trắc ẩn. Hãy có lòng nhân ái dịu dàng, với sự dịu dàng của những người trong một mái gia đình, sự dịu dàng của anh em với nhau, sự dịu dàng của một người cha. Sự dịu dàng đó khiến các con cảm thấy rằng các con đang ở trong nhà của Thiên Chúa

Cha cầu chúc các con có được phong cách này, là phong cách của Chúa.

Cha đã đề cập với các con những điều liên quan đến thừa tác vụ linh mục, nhưng cha cũng muốn đề cập ở đây những điều khác nữa cùng dân Chúa. Hãy tránh xa sự phù phiếm, hãy tránh xa niềm kiêu hãnh về tiền bạc. Ma quỷ xâm nhập “từ các túi tiền”. Hãy nghĩ đến điều này. Hãy nghèo đi, vì dân Chúa là những người nghèo. Hãy là người nghèo để biết thương người nghèo. Đừng trở thành người theo đuổi danh vọng, đừng trở thành công chức. Khi một linh mục hành động như một doanh nhân, làm chủ giáo xứ, hay cộng đoàn nơi họ ở, thì linh mục ấy đánh mất đi sự gần gũi với dân chúng, đánh mất đi sự thanh bần, là điều làm cho linh mục giống Chúa Kitô khó nghèo, chịu đóng đanh. Cuối cùng linh mục ấy trở thành thương gia, linh mục thương gia, chứ không phải là người phục vụ. Cha đã nghe một câu chuyện khiến cha rất xúc động. Một linh mục rất thông minh, rất thực tế, rất có năng lực, nắm trong tay nhiều quyền hành, nhưng một ngày nọ, lòng dạ ông chai cứng vì chức vụ đó, ông thấy một nhân viên của mình, một người lớn tuổi, mắc lỗi, đã mắng mỏ người nhân viên này, và sa thải ông ta. Và người nhân viên cao tuổi đó đã chết vì chuyện này. Linh mục ấy đã được thụ phong chức tư tế, nhưng cuối cùng lại trở thành một thương nhân tàn nhẫn. Hãy luôn luôn nhớ đến hình ảnh này, các con đừng quên câu chuyện này.

Các mục tử gần gũi với Thiên Chúa, với Giám mục, với anh em, và với dân Chúa. Mục tử là người phục vụ, là người chăn chiên, không phải doanh nhân. Hãy tránh xa tiền bạc.

Hãy nhớ rằng con đường của bốn sự gần gũi này là con đường đẹp, con đường của các mục tử chân chính, là những người được Chúa Giêsu an ủi, bởi vì Ngài là Mục tử nhân lành. Và hãy tìm niềm an ủi nơi Chúa Giêsu, hãy tìm niềm an ủi nơi Đức Mẹ - đừng quên Mẹ - hãy luôn tìm niềm an ủi ở đó, để được ủi an từ đó.

Và hãy vác những thánh giá - sẽ có những thánh giá trong cuộc đời chúng ta. Nhưng trong tay Chúa Giêsu và Đức Mẹ, chúng ta không đừng sợ. Nếu các con ở gần Chúa, Đức Giám Mục, giữa các anh em và dân Chúa, nếu các con có phong cách của Chúa - gần gũi, từ bi và dịu dàng – thì đừng sợ, mọi việc sẽ ổn thỏa.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Nhiệm mầu: Bị mù, bị gù, và bị cha mẹ bỏ rơi bên hông đền thờ, nay được ĐTC công nhận hiển thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:31 27/04/2021


1. Lời kêu gọi bảo vệ sự sống mới được đưa ra của các Giám mục Hàn Quốc

Hai năm sau phán quyết của Tòa án Hiến pháp Hàn Quốc về việc vô hiệu hóa việc phá thai, Ủy ban các giám mục phò sinh đã đưa ra một tuyên bố “kêu gọi mạnh mẽ việc bảo vệ những đứa trẻ chưa sinh”.

Các ngài nói thêm rằng “hàng triệu thai nhi, hàng năm, bị phá thai đe dọa mà không có bất kỳ biện pháp bảo vệ nào”.

Các giám mục lưu ý rằng việc hợp pháp hoá cái gọi là tự nguyện ngừng mang thai có nghĩa là “công khai công nhận hành vi giết người này” và góp phần truyền bá “xu hướng xem thường mạng sống”.

Các ngài nhấn mạnh một cách mạnh mẽ rằng “sự sống là thiêng liêng” và do đó “cần được tôn trọng và bảo vệ từ lúc thụ thai, nhân danh phẩm giá con người”.

Khẳng định lại quan điểm của Giáo hội ủng hộ việc bảo vệ sự sống ở mọi giai đoạn, các giáo xứ Công Giáo ở Hàn Quốc sẽ sớm cử hành Thánh lễ cho sự sống và gia đình, trong khi tháng Năm sẽ là “Tháng của gia đình”, trong đó sứ mệnh ưu tiên sẽ là “tạo ra một nền văn hóa coi trọng cuộc sống và phẩm giá con người”.

Sự can thiệp mới này của các giám mục diễn ra sau khi các ngài phản đối mạnh mẽ việc hợp pháp hóa phá thai vào tháng 8 năm 2020. Vào ngày 20 tháng 8 năm ngoái, một phái đoàn Công Giáo do Đức Hồng Y, Đức Hồng Y Anrê Liêm Chu Chính (Andrew Yeom Soo-jung), Tổng giám mục Hán Thành, dẫn đầu, đã gặp Tổng thống Văn Tại Dần (Moon Jae-in) để bày tỏ quan ngại của các ngài về việc hợp pháp hóa tệ nạn này.

Trong một bức thư ngỏ gửi cho vị Nguyên thủ quốc gia, các giám mục đã yêu cầu rằng một phụ nữ có ý định phá thai trước hết phải được tư vấn tâm lý, thể chất và tinh thần về hậu quả của một hành động như vậy, trước khi đưa ra quyết định của mình.

Cuộc tranh luận về phá thai ở Hàn Quốc bắt đầu vào ngày 11 tháng 4 năm 2019, khi Tòa án Hiến pháp ra phán quyết theo đó việc hình sự hóa hành vi phá thai, có từ năm 1953, là bất hợp pháp và yêu cầu chính phủ chấm dứt lệnh cấm này vào năm 2020.

Vào tháng 10 năm ngoái, Quốc hội đã công bố một dự luật cấm phá thai đến tuần thứ 14 của thai kỳ và cho phép phá thai từ tuần thứ 14 đến tuần thứ 24 trong các trường hợp hiếp dâm.

Vào tháng Giêng năm 2021, chính phủ đã thông qua các biện pháp lập pháp cần thiết để tuyên bố việc hình sự hóa phá thai là vi hiến và bãi bỏ đạo luật năm 1953.
Source:Vatican News

2. Đức Thánh Cha Phanxicô tuyên bố một nữ giáo dân dòng Ba Đa Minh bị mù ở thế kỷ 14 là một vị thánh

Hôm thứ Bẩy 24 Tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tuyên bố một phụ nữ người Ý bị mù sống ở thế kỷ 14 là một vị thánh bằng cách sử dụng một quá trình gọi là tuyên thánh tương đương.

Phòng Báo Chí Tòa Thánh ngày 24 tháng 4 cho biết trong một cuộc tiếp kiến dành cho Đức Hồng Y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Tuyên thánh, Đức Thánh Cha đã nâng lên một bậc việc tôn sùng phụng vụ Chân phước Margaret of Castello trong toàn thể Giáo hội.

Nữ Chân phước giờ đây sẽ được ghi trong sổ bộ các thánh qua một thủ tục gọi là tuyên thánh tương đương, trong đó các yêu cầu đối với một phép lạ do lời chuyển cầu của ứng viên được miễn.

Margaret thành Castello bị mù bẩm sinh và cột sống bị cong nặng vào năm 1287 tại Metola, miền trung nước Ý ngày nay. Cha mẹ của cô đã bỏ rơi cô vào năm 1303 tại một ngôi đền ở Città di Castello, nơi họ đã đưa cô đến với hy vọng có thể chữa khỏi bệnh. Người dân địa phương ở thị trấn này phát hiện ra cô và đã bắt đầu chăm sóc cô.

Cô tiếp xúc với Dòng Đa Minh mới được thành lập và được nhận vào Dòng Ba. Dù vẫn là một nữ giáo dân, cô được cho phép mặc tu phục, và cô đã mặc suốt phần còn lại của cuộc đời mình.

Để cảm ơn những người hàng xóm đã nuôi dưỡng cô, cô đã mở một ngôi trường nhỏ, nơi cô dạy trẻ em những bài Thánh Vịnh mà cô đã học thuộc lòng, và hướng dẫn chúng trong đức tin Công Giáo.

Margaret mất năm 1320 ở tuổi 33 và được chôn cất bên trong nhà thờ, nơi lăng mộ của cô nhanh chóng gắn liền với những điều kỳ diệu.

Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục đã tuyên phong Chân phước cho Margaret theo thể thức tuyên chân phước tương đương vào năm 1609.

Các ứng viên được tuyên thánh tương đương phải đáp ứng ba tiêu chuẩn. Các vị phải là được các tín hữu sùng kính từ lâu, có một danh tiếng vững chắc và lâu dài về các nhân đức, và nhiều điều kỳ diệu đã xảy ra được cho là nhờ lời cầu bầu của các vị.

Trong khi có rất ít các cuộc tuyên thánh tương đương trong thế kỷ 20, Đức Bênêđíctô XVI đã tuyên bố Chân Phước Hildegard thành Bingen là một vị thánh thông qua thủ tục này vào năm 2012.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã sử dụng quy trình này tương đối thường xuyên. Các vị thánh được tuyên thánh tương đương kể từ khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng bao gồm Angela thành Foligno và Peter Faber vào năm 2013, José de Anchieta, Marie của mầu nhiệm Nhập thể, François de Laval thành Montmorency vào năm 2014, và Bácthôlômêô thành Braga vào năm 2019.

Hôm thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng cũng đã ủy quyền cho Bộ Phong thánh ban hành sắc lệnh công nhận những đức tính anh hùng của triệu phú người Á Căn Đình Enrique Shaw.

Shaw sinh ra ở Paris, bên Pháp vào năm 1921 và di cư đến Á Căn Đình, nơi ông là một doanh nhân liêm chính xuất sắc. Ông thành lập Hiệp hội các nhà điều hành kinh doanh Kitô Giáo vào năm 1952 và tìm cách áp dụng giáo huấn xã hội Công Giáo tại nơi làm việc. Ông mất ở Buenos Aires, Á Căn Đình, năm 1962.

Chính Đức Thánh Cha Phanxicô đã giám sát giai đoạn giáo phận trong án tuyên thánh cho Enrique Shaw trong khi ngài đang giữ chức vụ tổng giám mục thủ đô Á Căn Đình.

Đức Giáo Hoàng đã ca ngợi Shaw trong một cuộc phỏng vấn năm 2015 với đài truyền hình Mexico Televisa.

Ngài nói: “Enrique Shaw rất giàu có, nhưng rất thánh thiện. Một người thánh thiện vẫn có thể có tiền. Thiên Chúa ban của cải cho anh ta để anh ta có thể quản lý tốt, và người đàn ông này đã quản lý rất tốt”.

Đức Giáo Hoàng nói thêm rằng Shaw đã sử dụng sự giàu có của mình “không phải để chăm chút cho gia đình, nhưng là để thúc đẩy sự phát triển của những người cần giúp đỡ”.

Với sắc lệnh này từ nay Enrique Shaw được gọi là “Bậc Đáng kính”.

Nhân đức anh hùng là một trong những yêu cầu để được phong chân phước trong Giáo Hội Công Giáo. Bên cạnh đó, cần phải có một phép lạ đã được xác minh là do ứng viên cầu bầu.

Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã truyền công bố một sắc lệnh hôm thứ Bảy công nhận các cuộc tử đạo của 12 thành viên Dòng Chúa Cứu Thế bị giết trong Nội chiến Tây Ban Nha.

Ngài chính thức thừa nhận rằng Vincenzo Nicasio Renuncio Toribio và 11 người bạn đã bị giết vì hận thù đức tin ở thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào năm 1936.

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng đã thông qua các sắc lệnh công nhận các nhân đức anh hùng của bốn ứng cử viên khác:

• Đức Hồng Y Pietro Marcellino Corradini (1658-1743), giám mục giáo phận Frascati, người Ý, đấng sáng lập Dòng Nữ Tu Thánh Gia.

• Emanuele Stablum (1895-1950), một bác sĩ người Ý thuộc Giáo đoàn Các Con trai Vô nhiễm Nguyên tội (CFIC)

• María de los Desamparados Portilla Crespo (1925-1996), một nữ giáo dân Tây Ban Nha và là mẹ của 11 người con. Được biết đến với cái tên Amparo Portilla Crespo, cô nổi tiếng vì sự chăm sóc của mình đối với người nghèo và bệnh tật, và sự thanh thản giúp cô chấp nhận bệnh tật sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

• Anfrosina Berardi (1920-1933), một cô gái người Ý được biết đến với lòng sùng kính Đức Mẹ Đồng Trinh, qua đời ở tuổi 12 do biến chứng sau khi bị viêm ruột thừa.
Source:Catholic News Agency

3. Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Nhân cái chết của thần học gia Hans Küng, ông có viết một bài nhan đề “Hans Küng and the Perils of Fame”, nghĩa là “Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng”, đăng trên tờ First Things ngày 21 Tháng Tư, 2021.

Tưởng cũng nên nhắc lại là trong một diễn biến gây sôi nổi vào năm 2010, Tiến sĩ George Weigel đã viết một bức thư ngỏ gửi cho Cha Küng vạch ra các sai lầm nghiêm trọng của linh mục thần học gia này.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây:

Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Hans Küng and the Perils of Fame

by George Weigel

Hans Küng và những nguy cơ của sự nổi tiếng


Năm 1977, khi mới gia nhập đội Baltimore Orioles, Eddie Murray, huyền thoại bóng chày tương lai, đã nhận được một lời khuyên từ cựu cầu thủ Lee May. May nói với chàng trai 21 tuổi: “Nếu bạn có tài năng, danh tiếng không thể giúp bạn, nhưng khả năng rất cao là danh tiếng sẽ hủy hoại bạn”. Murray nghe theo lời khuyên của nhà hiền triết May và tránh xa ánh đèn sân khấu. Cha Hans Küng, nhà văn Công Giáo Thụy Sĩ có hấp lực truyền thông mạnh mẽ, đã qua đời ở tuổi 93 vào ngày 6 tháng 4, đã hành xử ngược lại. Do đó có một câu chuyện buồn.

Cha Hans Küng chắc chắn có tài năng. Luận án tiến sĩ của ngài về Karl Barth, là thần học gia Thệ Phản được cho là vĩ đại nhất trong các nhà thần học Tin lành thế kỷ 20, đã trở thành cuốn sách tiên phong trong thần học đại kết. Tiểu đoạn “The Council: Reform and Reunion”, nghĩa là “Công đồng: Cải tổ và Tái hiệp nhất” đã giúp định hình cuộc thảo luận tại phiên họp quan trọng đầu tiên của Vatican II. Cha Küng cũng khả năng nhận ra và đề bạt người có tài; ngài đã đích thân dàn xếp việc bổ nhiệm Giáo Sư Joseph Ratzinger [sau này là Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 – chú thích của người dịch] vào một ghế chủ nhiệm trong khoa thần học danh tiếng tại Đại học Tübingen.

Tuy nhiên, bất kể những thần thoại chung quanh vị linh mục này, Cha Hans Küng hầu như không có chút ảnh hưởng nào đối với các tài liệu lớn của Công đồng Vatican II. Trong những năm công đồng, ngài đã dành nhiều thời gian ở Rôma cho báo chí thế giới và cho các cuộc tụ họp hàng trăm người trong đó ngài trình bày các diễn từ và tranh luận công khai hơn là tham gia vào một công việc khó khăn hơn là phát triển các văn bản của Công đồng Vatican II. Ngược lại, Thần Học Gia Ratzinger đã có những đóng góp cực kỳ quan trọng cho một số tài liệu công đồng. Thần Học Gia người Bỉ Gérard Philips cũng vậy, dù chỉ nhận được cùng lắm là 0.0001% sự chú ý mà giới truyền thông dành cho Cha Küng, đã có ảnh hưởng lớn trong việc phát triển những gì Công đồng thực sự đã dạy đến nỗi một thần học gia quan trọng khác tại Vatican II, người Pháp tên là Yves Congar của dòng Đa Minh, đã nói đùa rằng “Vatican II” nên được đổi tên thành “Louvain I”, là tên trường đại học của Cha Philips.

Trong suốt Công đồng Vatican II, và những năm sau đó, Cha Hans Küng đã phát minh và sau đó khai thác một kiểu nhân cách mới: nhà thần học Công Giáo bất đồng chính kiến như một ngôi sao truyền thông quốc tế. Đẹp trai, ăn nói hùng biện và là người phát ngôn đáng tin cậy cho trào lưu cấp tiến đương đại, Cha Küng là một trong những trí thức Công Giáo đầu tiên nhận ra rằng báo chí thế giới không thể cưỡng lại câu chuyện người-cắn-chó, trong đó một nhà tư tưởng Công Giáo lại đi thách thức giáo lý của Giáo hội mình. —Và làm như vậy theo những phương cách nhằm cổ vũ cho những thành kiến văn hóa cấp tiến. Vì vậy, người đàn ông từng viết một cuốn sách thực sự táo bạo (Biện minh: Học thuyết của Karl Barth và Suy tư Công Giáo) đã trở thành một nhân vật truyền thông hơn là một nhà thần học Công Giáo nghiêm túc. Và với cuốn sách “Infallible? Inquiry”, nghĩa là “Ơn bất khả ngộ à? Một cuộc điều tra”, năm 1971, Cha Küng tuyên bố mình bất đồng chính kiến với một tín điều đã được xác định của đức tin tông đồ.

Ông có một số ảnh hưởng trong giới tinh hoa ở Davos, và ta phải hy vọng rằng người đàn ông không bao giờ rời chức tư tế này đã có một số tác động tâm linh nhất định trong thế giới siêu trần tục đó. Nhưng, theo thiển ý của tôi, đóng góp nghiêm chỉnh nhất của Hans Küng cho thần học sau cuốn sách của ông về Barth xảy ra rất bất ngờ trong kỳ nghỉ dài hạn tại trường Đại Học. Vì sắp rời trường Đại Học trong một năm, Cha Küng đã đề nghị Cha Joseph Ratzinger tiếp tục một trong các khóa học tại Tübingen của ngài — và các bài giảng của Cha Ratzinger trong khóa học đó đã trở thành cuốn sách bán chạy cấp quốc tế, đó là cuốn “Nhập môn Kitô Giáo”.

Cha Hans Küng tỏ ra minh bạch một cách đáng khâm phục về lập trường của mình: Cha ấy không tin là đúng, cũng như sẽ không dạy đó là chân lý, những gì Giáo Hội Công Giáo đã dạy là đúng. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi, vào ngày 15 tháng 12 năm 1979, Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã đồng ý với Cha Küng, khi tuyên bố rằng ngài “không thể được coi là một nhà thần học Công Giáo”, và rút lại thẩm quyền giảng dạy với tư cách là “Giáo sư Thần học Công Giáo”. Hội Đồng Giám Mục Đức đồng ý với quyết định của CDF, điều này phản ánh niềm xác tín mấu chốt của Công Giáo rằng, nhờ sự ngự trị của Chúa Thánh Thần, Giáo hội tuân theo một chân lý mà Giáo Hội có thể trình bày một cách có thẩm quyền, ngay cả khi sự hiểu biết về chân lý đó vẫn đang phát triển. (Rõ ràng là mọi thứ đã thay đổi trong hàng ngũ các giám mục Đức)

Những thập kỷ cuối cùng trong cuộc đời của Cha Hans Küng được đánh dấu bằng những cuộc tấn công cay đắng đối với Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II và Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI - mặc dù Đức Bênêđíctô, luôn là một Kitô hữu hiền lành, đã mời đồng nghiệp cũ ở Tübingen đến chia sẻ trong một buổi chiều với ngài tại Castel Gandolfo, ngay sau khi ngài được bầu vào ngôi Giáo Hoàng. Ở một số thời điểm nhất định, như tôi đã lưu ý trong một bức thư ngỏ năm 2010 gửi cho Cha Küng, những cuộc luận chiến chống giáo hoàng đó đã đi vào bãi rác phế thải độc hại của sự hèn hạ, đặc biệt là vì Cha Küng không thể giải phóng bản thân khỏi những điều ngu ngốc cấp tiến về mọi thứ, từ phá thai đến AIDS, cho đến quan hệ Công Giáo - Hồi Giáo liên quan đến nghiên cứu tế bào gốc — đó là một kỷ lục đáng tiếc cho một người đàn ông thông minh.

Lời cảnh báo của Lee May dành cho Eddie Murray rất rõ ràng: Sự nổi tiếng rất nguy hiểm. Đó là lý do tại sao, khi nhại lại cách thức trường phái Sitwells nhận xét về Frank Raymond, ta có thể nói rằng Hans Küng thuộc về lịch sử công chúng hơn là lịch sử thần học. Requiescat in pace (Chúc yên nghỉ).
Source:First Things