Ngày 25-04-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Tôma chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:56 25/04/2011
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH, năm A

( CHÚA NHẬT LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA )

Ga 20, 19 – 31

Có một điều xem ra rất kỳ diệu, ngộ nghĩnh, khó chịu một chút, nhưng cũng lại thật dễ thương nơi con người của thánh Tôma tông đồ. Bởi vì, các môn đệ đồng môn, các người phụ nữ loan tin rằng: ” Chúa đã sống lại rồi “. Tôma vẫn cứng đầu muốn kiểm chứng những lời bạn bè, đám đông đang ồn ào kháo láo và loan truyền về Thầy Giêsu đã sống lại có thật hay không, có đúng hay không và những điều các tông đồ khác nói chúng tôi đã thấy, chúng tôi đã gặp Chúa Phục Sinh đúng như thế nào ?

Trước thái độ của Tôma, Chúa đã nói: ” Phúc cho những ai không thấy mà tin “. Do đó, đức tin đòi khiêm nhường. Chỉ có sự khiêm hạ thẩm sâu, lòng tín thác tuyệt vời nơi Thiên Chúa, người ta mới dễ dàng chấp nhận. Thánh Gioan đã thấy mồ trống, các băng vải, khăn liệm, Ngài đã tin. Thánh Gioan đã tin Chúa sống lại như lời chúa nói trước và Kinh Thánh đã dạy. Maria Mácđala và maria khác tuy chưa thấy rõ nhưng các bà đã nhận ra dấu chỉ Chúa sống lại, nhất là khi Chúa gọi tên Maria, bà đã thưa “ Rabboni “ ( lạy Thầy ). Tôma một cách nào đó muốn nhõng nhẽo với Chúa Phục Sinh, nên Ngài cứ khăng khăng phải gặp được Chúa sống lại và ngón tay của mình phải xỏ vào lỗ đinh nơi tay, nơi chân Chúa và bàn tay của mình phải thọc vào cạnh sườn Chúa thì Ngài mới tin. Thái độ của Toma hoàn toàn khác với những người Pharisêu và những người khác. Chúa khiển trách Toma cách dịu dàng, chỉ bảo. Toma không cố chấp để rồi chối từ tin, nhưng là để thấy rõ hơn và rồi tin mãnh liệt hơn.

Đức tin là tiếng kêu. Nó phát xuất từ cõi sâu thẳm của trái tim, của cõi lòng con người. Tôma đòi điều kiện nhưng khi đứng trước mặt Chúa Phục Sinh, Toma sợ run, đó chính là nét dễ thương của Tôma và Tôma kêu lên: “ Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con “. Tin Mừng cho chúng ta thấy khi Chúa hỏi các môn đệ nghĩ sao về Chúa ? Phêrô đã thưa: “ Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống “. Chúa đã lập tức nói với Phêrô: ” Phêrô, con có phúc, vì không phải xác thịt hay máu huyết tỏ cho con biết điều đó, nhưng là Cha Ta ở trên trời “. Chúa xác định đó là tiếng nói của đức tin. Các môn đệ khi thấy đám đông bỏ đi vì Chúa Giêsu nói tới Bánh trường sinh, các Ngài vẫn một mực thưa với Chúa qua tiếng của Phêrô: “ Chúng con sẽ theo ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời “. Mácta cũng một lần tuyên xưng nơi Chúa: ” Con tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian “.

Đức tin là tiếng phát xuất từ đáy lòng và rồi con người nhận biết Chúa và nhất quyết sống niềm tin ấy qua đời sống hằng ngày. Người Kitô chỉ có thể sống niềm tin ấy khi họ thể hiện đức tin qua những việc làm cụ thể hằng ngày. Tình thương, đức bác ái và những cử chỉ tốt đẹp sẽ là những ánh lửa thắp sáng niềm tin, minh chứng cho bộ mặt đầy yêu thương của Chúa Kitô.

Như một vận động viên cầm ngọn đuốc Olympic chuyền qua tay vận động này tới vận động viên khác cho tới lúc anh châm ngọn đuốc sáng vào nơi để lửa Olympic chính thức đốt cháy suốt thời gian tranh tài...Đức tin phục sinh của mỗi Kitô hữu cũng phải được chuyền đi như ngọn đuốc Olympic...

Chúa Nhật II Phục Sinh được Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II chọn là Chúa Nhật kính nhớ lòng thương xót của Chúa. Chúa luôn yêu thương nhân loại, yêu thương mỗi người, Ngài đã đổ máu của mình trên Thập giá để cứu độ con người. Ngài đã nói: “ Không tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu “ ( Ga 15, 13 ) “ Khi nào Ta bị treo lên cao, Ta sẽ kéo mọi người đến cùng Ta “. Tình thương của Chúa được thể hiện trọn hảo nơi chính cái chết tự nguyện của Chúa trên Thập giá. Nữ tu Faustina đã được Chúa hiện ra và mạc khải: “ Lòng Thương xót của Chúa “.

Cử hành thánh lễ Chúa nhật II Phục Sinh, chúng con luôn tín thác nơi Chúa và luôn tin tưởng vào lòng thương xót của Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban thêm đức tin cho chúng con để chúng con luôn một lòng tin tưởng vào Chúa. Amen.

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ:

1.Tôma có phải là người kém tin không ?

2.Tại sao Tôma lại đòi kiểm chứng những lời các tông đồ nói đã thấy Chúa Phục Sinh?

3.Đức tin tại sao lại cần việc làm ?

4.Đức tin là gì ?

5.Chúa nhật II Phục Sinh còn gọi là Chúa nhật gì ?
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:28 25/04/2011
TRANH CHỖ NGỒI

N2T


Một anh mù, một anh lùn và một anh gù đang tranh nhau chỗ ngồi khi đi ăn tiệc, không ai nhường ai, sau đó thì ước định, hể ai nói ra một câu mà không thể chấp nhận được thì ngồi vị trí thứ nhất.

Anh mù nói: “Trong mắt tôi không có người, thì nên để tôi ngồi mới phải”.

Anh lùn nói: “Tôi không bằng người cao, nên để tôi ngồi”.

Anh gù nói: “Không nên tranh nhau, nghĩ tới nghĩ lui các anh đều là hạng con cháu, tự nhiên vị trí thứ nhất là của tôi”.

Suy tư:

Con người ta thường thích chỉ huy lãnh đạo người khác hơn là người khác chỉ huy mình, do đó mà có những người trình độ không đầy lá mít, viết chính tả sai bét như học sinh lớp ba trường làng, khi được chút địa vị thì tự bôi son trét phấn cho mình là học trường này trường nọ ở nước ngoài, để chỉ huy người khác.

Người mù vì mặc cảm không thấy, nên đòi giành chỗ thứ nhất; người lùn vì mặc cảm thấp cổ bé họng nên cũng muốn ngồi địa vị thứ nhất; người gù lại càng mặc cảm thua thiệt hơn, nên đương nhiên là muốn ngồi ở vị trí hàng đầu. Cả ba người là tượng trương cho xã hội con người, bởi vì trong xã hội ai cũng muốn tranh giành quyền lực địa vị để ngồi trên đầu trên cổ người khác, do đó mà xã hội thường sinh ra hận thù, chiến tranh, ghen ghét, kiêu ngạo, giết người, trộm cắp.v.v...

Tập thể, cộng đoàn nào mà có những người bị mù con mắt tâm hồn (mù), có suy nghĩ thấp hèn (lùn), thích luồn cúi (gù) nịnh bợ chỉ huy, thì khốn nạn cho những cộng đoàn tập thể ấy, bởi vì như Chúa Giê-su đã nói mù không thể dẫn dắt người mù, cả hai chắc chắn sẽ rơi xuống hố vì không thấy đường…

Ai hiểu thì chắc là không thích lãnh đạo người khác, bởi vì càng cao danh vọng càng nhiều gian nan.

--------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:25 25/04/2011
N2T

41. Thánh Gioan Tẩy Giả trở nên thánh ngay từ trong lòng mẹ, không có tội gì, vậy mà vẫn ăn chay hãm mình trong hoang địa. Tội nhân thấp hèn chẳng lẽ không làm việc đền tội hay sao ?

(Thánh nữ Catherine)
 
Chúa Giêsu phục sinh đem lại bình an
Lm Giacôbê Tạ Chúc
22:20 25/04/2011
Lời chào cao hơn mâm cổ, những lần hiện ra với các môn đệ, sau khi sống lại, Đức Giêsu luôn mở đầu bằng câu chào: “Bình an cho anh em”(Ga 20, 19).

Theo quyển đại từ điển tiếng việt thì chữ: “bình an”, có nghĩa là: “Yên ổn, không gặp trắc trở, nguy hiểm”. Gặp Đức Giêsu, các môn đệ hoàn toàn thanh thản tâm hồn và thư thái thể xác. Họ vui mừng khôn xiết, giữa biết bao cơn khủng hỏang tinh thần, biến động thân xác. Giờ đây các Ngài bừng tỉnh và đứng dậy. Một cuộc sống bình an đó là giấc mơ chung của mọi người, ai lại ưa sống mà gặp tòan là những chuyện bất an, bất ổn. Đức Giêsu mang đến bình an cho con người, nhưng lần giở lại Tin mừng, chúng ta sẽ bắt gặp sự bình an mà Đức Giêsu đem lại có cái gì đó khác hẳn với sự bình an mà thế gian đang có: “Anh em đừng tưởng Thầy đến để ban hòa bình cho trái đất sao? Thầy bảo cho anh em biết: không phải thế đâu, nhưng là đem sự chia rẽ”(Lc12, 51). Nghĩa là một khi chấp nhận làm người môn đệ của Chúa, thì phải trải qua những khó khăn, thách thức, những nghịch lý vô vàn trong cuộc đời: “ Hãy coi chừng người đời. Họ sẽ nộp anh em cho các hội đồng, và sẽ đánh đập anh em trong các hội đường của họ. Và anh em sẽ bị điệu ra trước mặt vua chúa quan quyền vì Thầy để làm chứng cho họ và các dân ngọai được biết.”(Mt10,17-18). Quả thực như vậy, sau khi Đức Giêsu về Trời, các Tông đồ với sự soi sáng của Chúa Thánh Linh đã mở tung hết các cửa, loan báo Tin mừng Phục sinh cho muôn dân. Ba thế kỷ đầu, là thời kỳ bách hại khốc liệt mà các hòang đế và những người không có cảm tình với các Tông đồ và các Kitô Hữu giáng xuống trên cuộc đời của họ. Những cơn bách hại liên tiếp xảy ra, các tông đồ lần lượt lấy mạng sống mình làm chứng cho Tin mừng Phục sinh . Có lẽ hơn ai hết, những người theo Đức Kitô mới thấm thía hai chữ “bình an” của Chúa Giêsu Phục sinh tặng ban cho họ.

Sự sống lại của Chúa Giêsu là quà tặng hòa bình cho nhân lọai, Ngài đến đem hạnh phúc cho con người, hạnh phúc mà Chúa trao ban là Nước Trời, mà Nước Trời chỉ dành cho ai có tâm hồn đơn sơ và thật thà, biết sống xả thân vì anh em đồng lọai.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Các trường học được đặt tên Đức Giáo Hoàng đánh dấu việc phong chân phước bằng các thánh lễ và chương trình đặc biệt
Bùi Hữu Thư
05:07 25/04/2011
Tiểu Bang WASHINGTON (CNS) -- Trường Trung Học Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tại Lacey, Tiểu Bang Washington, sẽ cử hành một buổi cầu nguyện vào ngày 1 tháng 5, là ngày phong chân phước cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, và trình chiếu cuốn phim về cuộc đời của ngài và ý nghĩa của đời sống ngài đối với trường trung học này.

Trên khắp nước Mỹ, tại Lecanto, Tiểu Bang Florida, một trường tiểu học mang tên ngài cũng dự trù trình chiếu các phim về "lịch sử cuộc đời và câu chuyện về cá nhân ngài" và cử hành một thánh lễ tưởng niệm, the lời bà hiệu trưởng Lou Whitaker.

Bà nói trong một cuộc phỏng vấn bằng điện thoại vói hãng thông tấn Catholic News Service: "Ngài thực là một nhà lãnh đạo hấp dẫn. Có lẽ ngài sẽ chắc chắn nổi danh là một người có nhiều ảnh hưởng nhất trong lịch sử cận đại."

Hiện thời có 32 trường tiểu học và trung học tại Hoa Kỳ được đặt tên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Một trường thứ 33 -- một trường tiểu học vùng -- sẽ đường mở vào mùa thu năm nay tại Tổng Giáo phận Detroit, Tiểu Bang Michigan.

Trong số các cơ sở khác tại Hoa Kỳ được đặt tên Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II là Đại Học John Paul the Great Catholic tại San Diego; Viện Nghiên Cứu về Hôn Nhân và Gia Đình tại Đại Học Công Giáo Hoa Kỳ (The Catholic University of America) tại Hoa Thịnh Đốn.

Trung tâm này đang được rao bán, và chỉ mở cửa theo hẹn, cũng đã dự trù nhiều chương trình để đánh dấu việc phong chân phước.

Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ cử hành Thánh Lễ phong chân phước tại quảng trường Thánh Phêrô. Người ta phỏng đoán có từ 300.000 tới 1 triệu rưởi người tham dự nghi thức phụng vụ này.

Tại Louisville, tiều bang Kentucky, Tổng Giám Mục Joseph E. Kurtz sẽ cử hành Thánh Lễ vào cùng ngày tại Học Viện Gioan Phaolô II như bên Rôma, Theo lời bà viện trường Lynn Wilt.

Thánh lễ đặc biệt sẽ có ca đoàn tổng hợp từ ba trường. Nhưng học viện này đã tưởng niệm cuộc đời của cố Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong mấy tuần qua trước ngày phong chân phước, và bà Witt nói với phóng viên CNS: "chúng tôi sẽ tiếp tục làm như vậy một thời gian sau này nữa. Chúng tôi cũng đang thực hiện các cuốn video về Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II."
 
Chân phước Gioan-Phaolô II: Những giai thoại lý thú
Lê Đình Thông
08:13 25/04/2011
CHÂN PHƯỚC GIOAN-PHAOLÔ II :

I - NHỮNG GIAI THOẠI LÝ THÚ

Theo tập tục nước Pháp, người ta tặng nhau những nhánh huệ chuông (muguet) vào ngày 1 tháng 5. Những bông hoa trắng nhỏ hình quả chuông nhắc nhở chuông thánh đường Phục Sinh. Xưa kia, chuông thánh đường xóm làng ngân nga mỗi ngày, nhắc nhở giáo dân dự thánh lễ, chỉ trừ thứ năm và thứ sáu tuần thánh. Vào lễ Phục sinh, chuông thánh đường lại ngân vang, mừng Chúa Kitô sống lại.

Chủ nhật 1/5 năm nay nhằm đại lễ phong chân phước Đức Gioan-Phaolô II. Nhân dịp này, chúng tôi viết một loạt bài về ngài, bắt đầu bằng một số giai thoại. ‘‘Anecdote’’ (giai thoại) do chữ hy lạp εχδοτος có nghĩa là chưa từng nghe nói (inédit). Trong tiếng Việt, ‘‘giai thoại’’ (佳 話) là câu chuyện đẹp. Góp nhặt cả hai ý nghĩa, sau đây là những câu chuyện đẹp chưa từng nghe nói về Đức Gioan-Phaolô II.

1 - Nhân một chuyến thánh du ở Giêrusalem, một người Do Thái đưa cho ngài một ‘‘bảo vật’’, nói rằng đó là viên gạch căn nhà của tổ phụ Abraham. Đức Gioan-Phaolô II bèn nói : Ta thiết nghĩ Abraham sống trong lều ?

2 - Bề trên Tổng quyền một dòng nữ mới thành lập đến dự thánh lễ do Đức Gioan-Phaolô II cử hành. Ngài ngạc nhiên vì vị bề trên còn quá trẻ. Vị nữ tu hóm hỉnh trả lời : ‘‘Vì con là thế hệ Gioan-Phaolô II’’. Ngài liền nói : ‘‘Ờ nhỉ, thế hê Gioan-Phaolô II sinh mãi năm 1920 !’’

3 - Nhân bữa ăn trưa, Đức Gioan-Phaolô hỏi Đức Cha Gérard Daucourt : ‘‘Trong giáo phận của con có vấn đề gì nghiêm trọng không ?’’. ‘‘Thưa Đức Thánh Cha, con có một vấn đề nan giải không biết phải giải quyết ra sao ?’’. ‘‘Vấn đề gì vậy con ?’’ ‘‘Đó là vấn đề hối cải của vị giám mục’’. ‘‘Giáo phận Roma cũng vậy mà’’ (Theo giáo luật, Đức Giáo hoàng là giám mục Rôma).

4 - Một hôm có chú giúp lễ hỏi ngài : ‘‘Tại sao Đức Thánh Cha lại đi một vòng quanh thế giới ?’’. ‘‘Con có biết rằng Chúa Kitô đã phán : Anh em hãy đi rao giảng cho muôn dân ?’’ .

5 - Tháng 1-1998, trên chuyến bay trực chỉ Cuba, các phóng viên hỏi ngài : ‘‘Sức khỏe ngài có khả quan không ?’’. ‘‘Mỗi khi muốn biết sức khỏe ra sao, ta chỉ cần đọc báo’’.

6 - Nhân gặp các nữ tu ở Rôma, ngài nói rằng : ‘‘Ta thiết nghĩ các sœurs tuy trầm tĩnh nhưng cũng rất là ồn ào, khiến ta chẳng biết nói sao '’.

7 - Trong chuyến bay trên Ấn Độ Dương, trong khi Đức Gioan-Phaolô II đang đọc kinh chiều, ĐHY Quốc Vụ Khanh thưa với ngài rằng : ‘‘Thưa Đức Thánh Cha, con vừa nhận được tin tối khẩn từ đài phát thanh Vatican’’. ‘‘Có thật là tối khẩn không ?’’. ‘‘Dạ, rất là khẩn cấp’’. ‘‘Thế tin này có quan trọng không ?’’. ‘‘Thưa Đức Thánh Cha, tin này rất quan trọng’’. ‘‘Được, nếu vậy ta tiếp tục cầu nguyện. Phải cầu nguyện trước đã, bất kể là tin tức tối khẩn’’.

8 - Năm 1967, Đức TGM giáo phận Cracovie (Ba Lan) được tấn phong hồng y. Đức TGM Wojtyla đi cùng với cha Tadeusz Pieronek sang Rôma. Hai vị đi xe hơi đến Vatican. Đức TGM Wojtyla mặc phẩm phục hồng y, chợt nhận ra còn thiếu đôi tất đỏ. Ngài vào một cửa hàng chuyên bán tu phục, không kiếm ra. Sau đó cha Pieronek kiếm thêm hai cửa hàng nữa. Hai vị ở cạnh nhà linh mục Deskur. Vị nữ tu ra mở cửa tu viện, nói còn đôi tất cuối cùng. Sau lễ nhận mũ hồng y ở Nguyện đường Sixtine, Đức tân HY Wojtyla quay lại nói với cha Pieronek : ‘‘Cũng không đến nỗi nào. Ngoài ta còn hai vị hồng y khác không có tất đỏ !'’’.

9 - ĐHY Karol Wojtyla thích miền núi. Vào các ngày nghỉ lễ, ngài thường đi bách bộ trên những lối đi hẻo lánh. Tại miền núi Rusinowa Polana có bà lão tên là Kobylarczyk. Bà thường mời trà cho những người leo núi ghé thăm. Một hôm, ĐHY Wojtyla ghé nhà bà lão. Không biết người khách leo núi là hồng y, bà than phiền : ‘‘Ai cũng muốn uống trà mà không ai chịu mang cho tôi nước giếng’’. ĐHY Karol ra ngoài vườn, kéo hai xô nước giếng. Ngày 16-10-1978, có người nói với Kobylarczyk : ‘‘Cụ có biết đã mời trà cho vị sau này trở nên giáo hoàng không?’’. Cụ đáp : ‘‘ Biết thế tôi đã không lấy nước giếng của ngài đề pha trà. Như vậy là tôi có hai xô nước phép.’’

v

Tiếp tục loạt bài về Đức Gioan-Phaolô I I, chúng tôi sẽ giới thiệu : Chân phước Gioan-Phaolô II và đất nước Việt Nam.

Paris, ngày 25 tháng 4 năm 2011

Lê Đình Thông
 
Khi nào mừng lễ Chúa phục sinh?
Lm. Đaminh Nguyễn Ngọc Long
08:21 25/04/2011
Khi nào mừng lễ Chúa phục sinh?

Trên một tấm thiệp chúc mừng ngày lễ Chúa phục sinh có dòng chữ: „ Xin kính chúc qúy Ông Bà, Anh Chị Em chúc lành và niềm vui mừng mùa lễ Chúa sống lại. Halleluia. Nhưng rất tiếc nơi nhiều người, và cả nơi tôi nữa, trái lại không khí ngày Thứ Sáu Tuần Thánh vẫn lẩn khuất còn đó!“

Đọc dòng chữ này tự nhiên bừng lên trong tâm trí người đọc suy nghĩ thắc mắc: Vậy khi nào mới mừng lễ Chúa phục sinh?

Nếu theo lịch Phụng vụ Gíao Hội quy định hằng năm thì đã rõ ràng: Lễ mừng Chúa phục sinh bắt đầu từ đêm thứ Bảy Tuần Thánh. Trong đêm thánh này, Chúa Giêsu từ cõi chết chỗi dậy đi ra khỏi mồ mả từ trong lòng đất. Ánh sáng Chúa phục sinh tỏa sáng khắp nơi xóa tan bóng tối tội lỗi mang niềm vui, niềm hy vọng đến cho nhân loại!

Đó là tin mừng đức tin ngày lễ Chúa phục sinh.

Nhưng với đời sống con người ở trần gian, phải nơi mỗi người, trong qúa khứ, cũng như hôm nay và ngày mai không đơn giản như lịch trình ấn định về ngày lễ mừng. Vì không phải chỉ mừng lễ theo lịch trình thời điểm đã ấn định, nhưng còn phải cùng muốn mừng lễ cho đời sống tâm hồn của mình nữa.

Đời sống mỗi người là một con đường. Nhưng không phải chỉ có thẳng cùng rộng, mà có nhiều uốn khúc lên xuống, ghồ ghề, nhỏ hẹp, cùng nhiều khi đi vào ngõ cụt, quãng có đầy bóng tối che lấp nữa…

Vào những hòan cảnh như thế, mừng lễ Chúa Phục sinh Halleluia theo như lịch trình ấn định, mà đời sống như vẫn còn trong bóng tối không khí ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên thánh gía, thì đâu có trọn vẹn đầy đủ, tâm hồn đời sống đâu có tiếp nhận cảm được hương vị không khí niềm vui mừng Halleluia ngày lễ mừng Chúa Phục sinh!

Vậy khi nào mừng lễ Chúa Phục sinh?

Câu trả lời cho suy tư thắc mắc này chắc sẽ nhiều cùng khác biệt nhau. Lễ phục sinh với nhiều người xảy đến cho đời sống, sau khi họ đã trải qua nhiều kinh nghiệm đau thương thử thách trong đời sống.

Với nhiều người lễ phục sinh diễn ra trong bầu khí yên tĩnh, không có gì ồn ào lôi kéo chú ý từ bên ngoài.

Chúa Giêsu sống lại từ cõi chết cũng trong đêm khuya thanh vắng không một ai biết đến. Nên Thiên Chúa cũng trao tặng con người sự sống lại ngay trong chính giữa đời sống, mà rất nhiều khi ta không ngờ tới:

- Dấu vết niềm hy vọng bừng lên giữa hoàn cảnh đang trải qua hoài nghi lúng túng trong vòng lo âu thất vọng

- Dấu vết của một sức mạnh nổi bọt sôi lên trong người, khiến tâm trí cùng làn da thớ thịt bừng tỉnh trở nên khoẻ mạnh hăng hái, giữa quãng đường sống chán chường mệt mỏi hầu như chỉ muốn buông xuôi đầu hàng.

-Dấu vết sự nhẹ nhàng khoan khoái từ trong tâm hồn toát lan ra tận mọi đường gân cốt mạch máu trong người, giữa quãng thời điểm như có hòn đá vô hình nào đè nặng trong người, khiến tâm trí cùng thân thể trở nên nặng nề, và lúc này đã lăn rơi ra ngoài!

-Dấu vết sự an ủi khiến tâm trí rộn lên niềm tin tưởng cậy trông, lạc quan, giữa khoảnh khắc đang lâm vào vòng đau khổ, bi quan như lâm vào ngõ bí đường cùng.

Mỗi người mừng lễ phục sinh trong đời sống của mình theo cách thức khác nhau, như có thể.

Ngày xưa, lúc Chúa Giêsu sống lại, Thiên Thần Chúa hiện đến báo tin cho Maria Madalena: Chúa đã sống lại không còn nằm trong mồ nữa!

Ngày nay, Thiên Thần Chúa đến báo tin mừng phục sinh cho con người chúng ta trong đời sống dưới nhiều hình thái khác nhau.

Có thể là nụ cười của một em bé ngây thơ hướng sự chú ý của ta đến sự sống động muôn mầu sắc của đời sống trong thiên nhiên.

Cũng có thể là một người nào đó, mà ta gặp gỡ trong đời sống, mang đến sự thân thiện, sự thông cảm, an ủi giúp đỡ cho ta.

Cũng có thể Thiên Thần phục sinh một cách nhẹ nhàng âm thầm nào đó, cầm tay vực ta chỗi dậy đứng lên đi tiếp, và để ta từ từ cảm nhận ra tình yêu thương của Trời cao hằng cùng đồng hành với trong đời sống.

Chúng ta, người tín hữu Chúa Kitô mừng lễ Chúa phục sinh không phải chỉ vì lời đoan hứa cứu độ của Ngài ngày sau cùng đời sống chúng ta. Ngài muố chúng ta sống hôm nay và nơi đây. Giữa cuộc sống hằng ngày Ngài trao tặng con người chúng ta cảm nghiệm cùng kinh nghiệm phục sinh của đời sống.

Thiên Chúa kêu gọi và hằng dẫn đưa con người bắt đầu đời sống mới.

Chúc mừng lễ Chúa Phục sinh 2011

Lm. Đaminh Nguyễn ngọc Long
 
Thượng phụ Jerusalem: Kết quả của ‘Mùa xuân Ả rập’ là không chắc chắn
Phạm Kim An
08:26 25/04/2011
Thượng phụ Jerusalem: Kết quả của ‘Mùa xuân Ả rập’ là không chắc chắn

Hy vọng nỗ lực của người biểu tình sẽ mang lại một tương lai tốt hơn

Jerusalem - Trong khi các cuộc biểu tình chính trị mở rộng tại Trung Đông và Bắc Phi để chấm dứt các chế độ đàn áp là một phát triển tích cực, có một mối quan tâm liên quan đến kết quả cuối cùng, theo Thượng phụ Latinh Fouad Twal ở Jerusalem.

Trả lời cuộc phỏng vấn được đưa lên trang web của Tòa Thượng phụ Latinh ở Giêrusalem đầu tháng này, Thượng phụ bày tỏ hy vọng rằng kết quả sẽ là “vì tương lai tốt hơn và vì công ích".

Ngài nói: “Chúng tôi rất hài lòng với nhận thức của giới trẻ chúng tôi, những người đang nắm vận mệnh và tương lai của họ. Đây là một phong trào không có màu sắc chính trị hay thiên vị tôn giáo đặc biệt. Nó phát xuất từ nhận thức của thanh niên Ả Rập về sức mạnh và sức sống của họ".

Ngài lưu ý rằng "yếu tố của sự ‘sợ hãi’ đã bị phá vỡ về phía người dân, và nó đã thay đổi các bên liên quan: Các chính phủ sợ rằng quần chúng thanh niên, vô số ý kiến và niềm tin, đang đứng dậy".

Ngài nói: “Mặt khác, chúng tôi phải công nhận rằng luôn luôn có cái không biết và điều không chắc chắn, do các phong trào nổi dậy mang lại. Không ai biết điều gì sẽ xảy ra sau đó. Chúng tôi hy vọng nó sẽ vì tương lai tốt hơn và công ích".

Vai trò của Kitô hữu

Về vai trò của các Kitô hữu trong "Mùa xuân Ả Rập”, Thượng phụ khẳng định rằng họ “không nên ở bên rìa của các phong trào ấy".

Ngài phát biểu: “ Như chúng tôi đã nói tại Thượng Hội Đồng hồi tháng 10-2010, Kitô hữu cần cảm thấy mình là công dân 100%, như đồng bào Hồi giáo của mình. Họ phải tham gia vào đời sống của đất nước mình, nếu các phong trào trên là vì lợi ích tập thể. Tôi không thích nhìn thấy Kitô hữu đứng bên ngoài các phong trào ấy, bởi vì đây cũng là đất nước của mình. Họ không nên cảm thấy mình sống trong một “khu biệt cư” (ghetto) ngay trên đất nước mình".

Thượng phụ Twal nói tiếp: “Đối với Kitô hữu ở Đất Thánh, chúng ta phải nhớ rằng tình hình chính trị ở đây là cực kỳ tế nhị và rất khác với các nước khác. Không hề có công thức kỳ diệu hay một phép lạ nào. Tình hình mỗi quốc gia là rõ ràng độc đáo và duy nhất”.

Ngài nói: "Giáo Hội Jerusalem có một nhiệm vụ đặc biệt, và phải hợp tác trong một nền hòa bình công bằng và lâu dài, qua các can thiệp của mình, các định chế và trường học của mình. Rõ ràng là Israel ngày nay phải nghe thấy cuộc biểu tình đông đảo, thông qua các hành động phản đối tại các nước Ả Rập láng giềng”.

Theo ngài, "nếu các cuộc biểu tình hàng loạt của giới tuổi đã gây ra các phong trào theo kiểu riêng của họ, tất cả các nước, kể cả Israel nên thận trọng. Thách thức đối với chúng tôi - Giáo Hội Công Giáo và các lãnh đạo tôn giáo - là làm thế nào hướng dẫn họ cách đứng đắn".

Trợ giúp từ phương Tây

Thượng phụ Twal đã nói rõ về mối quan hệ giữa các giáo hội ở phương Đông và phương Tây, khi ngài khẳng định rằng "đó cùng là một Giáo hội, đối mặt với các thách thức tương tự cho thanh niên, gia đình, nghề nghiệp..."

Thượng phụ gợi ý rằng một sự truyền đặc tính của Kitô hữu từ phương Tây tới sẽ không chỉ "trao thêm vitamin cho Giáo Hội ở Đất Thánh, nhưng mà có thể là đôi bên cùng có lợi".

Ngài khẳng định: “Kitô hữu đến từ phương Tây không chỉ đơn giản giúp Giáo Hội chúng tôi. Họ nên tự xem mình là một phần của Giáo Hội này, vốn là Giáo Hội Mẹ. Họ nên cảm thấy có trách nhiệm cho tương lai của Kitô hữu đang sống tại Đất Thánh". (Zenit 24-4-2011)

Phạm Kim An
 
Sáu năm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI
Linh Tiến Khải
21:49 25/04/2011
Phỏng vấn ông George Weigel về 6 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI

Cách đây 6 năm, lúc 17 giờ 50 phút chiều ngày 19-4-2005, mật nghị Hồng Y đã bầu Đức Joseph Ratzinger làm Giáo Hoàng thay thế Đức Gioan Phaolô II, với tên hiệu là Biển Đức XVI. Chuông đền thờ thánh Phêrô đã rộn rã reo vui. Lúc 18 giờ 40 phút cửa bao lơn chính giữa đền thờ đã rộng mở và Đức Hồng Y Jorge Arturo Medina Estevez, trưởng đẳng Phó tế đã loan báo tên của vị Tân Giáo Hoàng. Mười phút sau đó Đức Thánh Cha Biển Đức XVI ngỏ lời với hàng trăm ngàn tín hữu tụ tập tại quảng trường thánh Phêrô. Ngài nói: ”Anh chị em thân mến, sau Đức Gioan Phaolô II vĩ đại, các Hồng Y đã bầu tôi, là một người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa. Tôi được an ủi bởi sự kiện Chúa biết làm việc và hành động cả với những dụng cụ không đầy đủ, và nhất là tôi xin phó thác cho lời cầu nguyện của anh chị em”.

Phát biểu về sáu năm giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI Đức Hồng Y Roger Etchegaray nguyên Chủ tịch Hội Đồng Tòa Thánh Công Lý và Hòa Bình nói cần phải lấy lễ phong Chân Phước cho Đức Gioan Phaolô II để đóng khung cho việc lượng định sáu năm đầu triều đại giáo hoàng này. Đức Ratzinger là vị Giáo Hoàng đầu tiên trong lịch sử chủ sự thánh lễ phong Chân phước cho vị tiền nhiệm của mình, và đã từng là một trong các cộng sự viên thân tín nhất của vị ”Giáo Hoàng đền từ xa”. Đức Hồng Y Etchegaray và Đức Ratzinger đã quen biết nhau từ thời Công Đồng Chung Vaticăng II, một vị trong tư cách là Chủ tịch các Giám Mục âu châu, vị kia như Tổng Giám Mục giáo phận Muenchen và là thần học gia trẻ tuổi nổi tiếng, từng đề cập tới các vấn đề lớn của Âu châu.

Có người chỉ biết Đức Ratzinger vì các tác phẩm thần học của người, nhưng giờ đây họ biết hoạt động của người như là một mục tử hướng dẫn đoàn chiên Chúa giữa các cơn bão táp. Sau khi được bầu làm Giáo Hoàng, Đức Ratzinger trở thành một cha sở: Giáo Hội đã khám pha ra một chủ chăn, chứ không phải chỉ là một thần học gia tên tuổi và thế giới là điểm tham chiếu không thể khước từ được. Đức Ratzinger là một cha sở vì người đã tự định nghĩa như là ”một người thợ khiêm tốn trong vườn nho của Chúa”. Trong bài giảng Lễ Lá vừa qua Đức Thánh Cha đã nói tới sự khiêm hạ của Thiên Chúa, là Đấng đã lựa chọn thập giá để biểu lộ tình yêu của Người trong hình thái bề ngoài. Đức Thánh Cha cũng theo các con đường đó.

Một cách thanh thản nhưng cương quyết, người đặt các khoảng cách giữa Giáo Hội và các cấu trúc của các ý thức hệ và của một quan niệm thuần túy địa lý chính trị. Người đã nhắm tới điều chính yếu và đã theo dấu vết chính lộ của Chúa Kitô để dẫn toàn thể Giáo Hội đến chỗ suy tư về các vấn đề lớn đang lay động thế giới như: việc hội nhập mọi người, đặc biệt là giới trẻ trong một xã hội ngày càng đa văn hóa hơn; việc bảo vệ cơ cấu hôn nhân và gia đình cả trước các giá trị của luân lý sinh học; ý thức tinh thần trách nhiệm gia tăng của các quốc gia giầu đối với các nước nghèo.

Theo Đức Hồng Y Etchegaray, việc so sánh Đức Ratzinger với Đức Gioan Phaolô II, như có người vẫn làm, là điều vô nghĩa. Vì mỗi vị đều có cá tính và nền văn hóa riêng, nhưng cả hai đều mang cùng một truyền thống và sự tiếp nối của Giáo Hội, là các giá trị vượt qúa con người cụ thể của từng vị. Trong cuộc phỏng vấn dành cho ông Peter Seewald có một đoạn quan trọng: đó là Đức Thánh Cha ”muốn rằng ngày nay Giáo Hội tự đặt mình dưới một cuộc thanh tẩy nền tảng...” Đó là làm cho con người trông thấy Thiên Chúa và nói sự thật với họ. Sự thật về các mầu nhiệm của Việc Tạo Dựng. Sự thật về cuộc sống con người. Sự thật về niềm hy vọng của chúng ta vượt ngoài cuộc sống trên trần gian này. Tất cả có thể tổng kết trong tư tưởng sau đây: ”Kitô giáo luôn ở trong tình trạng bắt đầu trở lại”. Sự liều lĩnh đó của đức tin, chúng ta có thể tiếp nhận vào ngày mùng 1 tháng 5 tới đây từ cuộc sống của vị tiền nhiệm của người là Đức Gioan Phaolô II và từ chính Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, là người luôn đối thoại với Đức Wojtila, trong cách thế riêng của người, một cuộc đối thoại trên khung cửi của sự thánh thiện.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn một số nhận định của ông George Weigel, thần học gia, về 6 năm Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI.

Giáo sư George Weigel là một trong các nhà thần học lớn của Hoa Kỳ và là tác giả cuốn tiểu sử của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tựa đề ”Chứng nhân hy vọng” là cuốn sách nổi tiếng bán chạy nhất thế giới, và cuốn ”Sự lựa chọn của Thiên Chúa” về việc Đức Ratzinger lên ngôi Giáo Hoàng. Theo giáo sư, trên bình diện trí thức và tinh thần Đức Thánh Cha Biển Đức XVI tiếp nối Đức Gioan Phaolô II, nhưng người cũng là một người dậy dỗ giáo lý đích thật biết đặt để tín hữu công giáo trước các thách đố của thời đại ngày nay.

Hỏi: Thưa giáo sư Weigel, đâu là các đường nét hướng dẫn triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI?

Đáp: Đức Thánh Cha Biển Đức XVI là một người dậy dỗ giáo lý tuyệt vời. Người đã nhắc nhớ Giáo Hội về sự phong phú của gia tài thần học của mình, là điều quan trọng trong một thời đại được định tính bởi khuynh hướng hiện diện khoe mình và thiếu gốc rễ trí thức. Người đã dậy cho tín hữu biết vẻ đẹp của phụng vụ. Và Đức Thánh Cha đã cương quyết giải thoát Giáo Hội khỏi sự thối nát, đặc biệt là khỏi thảm cảnh lạm dụng tính dục trẻ em. Trong dấn thân đối với thế giới Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI là người mạnh mẽ bênh vực tự do tôn giáo, và người đã hướng cuộc đối thoại công giáo hồi giáo tới vấn đề đích thật của lúc này là quyền tự do tôn giáo và việc tách rời quyền bính chính trị khỏi quyềm bính tôn giáo trong các quốc gia thuộc thế kỷ XXI.

Hỏi: Theo giáo sư, đâu là kiểu làm việc mục vụ của Đức Thánh Cha?

Đáp: Người ta nhận ra kiểu làm mục vụ của Đức Thánh Cha trong các chuyến công du tại Hoa Kỳ và tại Anh quốc, nơi Đức Thánh Cha đã gặp gỡ các nạn nhân của các vụ giáo sĩ lạm dụng tính dục trẻ em. Người đã cùng cầu nguyện và khóc với họ. Cả việc dậy giáo lý cũng thuộc kiểu làm mục vụ của Đức Giáo Hoàng. Đức Thánh Cha biết rằng trí tuệ con người cũng như linh hồn và con tim của nó cần được dưỡng nuôi.

Hỏi: Định nghĩa của Đức Thánh Cha về tình bạn giữa đức tin và khoa học đã góp phần khâu lại trực giác về sự tách biệt giữa các người của khoa học và các người của đức tin như thế nào, thưa giáo sư?

Đáp: Đức Thánh Cha đã tiếp tục tiến trình xích lại gần nhau giữa đức tin và khoa học, do Đức Gioan Phaolô khởi xướng. Nhưng vấn đề thực sự là vực sâu ngăn cách giữa Giáo Hội và khoa học của đời sống. Ở đây nỗ lực vĩ đại là tái tạo hình hài cho điều kiện nhân loại, bằng cách xây dựng và tái xây dựng việc là người: đó là điều sáng rỡ. Và đây là một vấn đề thuộc trật tự của siêu hình và của luân lý, nhưng không có cái nào trong cả hai được đánh giá cao trong thế giới các khoa học sự sống của thế kỷ XXI.

Hỏi: Thưa giáo sư Weigel, trong bài giảng đầu tiên, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nhấn mạnh tính cách bất khả xâm phạm của sự sống con người. Tại sao người lại cấp thiết làm điều này như thế?

Đáp: Đây là một thí dụ cho thấy sự tiếp nối với vị tiền nhiệm của người là Đức Gioan Phaolô II. Âu châu đang chết vì sự hiếm muộn không có con cái mà nó tự áp đặt cho chính mình. Phá thai được coi như một giải pháp cho các vấn đề của con người trên toàn thế giới. Và trong một vài trường hợp như tại Trung quốc chẳng hạn, việc kiểm soát dân số do nhà nước áp đặt. Các người già bị coi như là một vấn đề khác cần phải giải quyết, chứ không phải là các bản vị con người cần được săn sóc. Và điều tự nhiên là Đức Thánh Cha phải lên tiếng về các vấn đề đó, từ giảng đài đòi buộc sự chú ý của thế giới.

Hỏi: Cái gì đã cho thấy khía cạnh nhân bản trong sáu năm đầu triều đại giáo hoàng của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI?

Đáp: Đó là một người dễ thương, có lòng thương xót và tình bác ái linh mục.

Hỏi: Thưa giáo sư, trên đây giáo sư đã nhấn mạnh sự liên tục giữa Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và Đức Gioan Phaolô II. Thế thì đâu là các yếu tố của sự liên tục này?

Đáp: Hai triều đại giáo hoàng này đang đưa tới một điểm cao sự phát triển của Giáo hội đã bắt đầu với Đức Giáo Hoàng Leo XIII. Các vị đã đặt ra cho Giáo hội các thách đố của ”Công Giáo theo tinh thần Tin Mừng”. Một Giáo Hội truyền giáo, trong đó tất cả và mọi người đều đươc đo lường dựa trên phần đóng góp của họ cho công tác rao truyền tin Mừng ”trong chiều sâu” của thế kỷ XXI, như Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã viết trong Tnog thư ”Bước vào ngàn năm mới”.

(Avvenire 19-4-2011)
 
Lễ Phục Sinh canh tân điều kiên là người và là nền tảng của Giáo Hội
Linh Tiến Khải
11:02 25/04/2011
CASTEL GANDOLFO - Trưa thứ hai 25-4-2011 Đức Thánh Cha đã đọc kinh Lậy Nữ Vương Thiên Đàng với mấy ngàn tín hữu và du khách hành hương tại sân nhà nghỉ mát Castel Gandolfo. Ngỏ lời với mọi người ngài nêu bật rằng sự Phục Sinh của Chúa ghi dấu việc canh tân điều kiện của con người và là nền tảng của Giáo Hội.

Đức Thánh Cha nói: Chúa Kitô chiến thắng cái chết, do tội lỗi gây ra, và đem chúng ta trở về với sự sống bất tử. Từ biến cố đó nảy sinh ra toàn cuộc sống của Giáo Hội và cuộc sống của kitô hữu. ”Chúa Kitô đã sống lại. Người đã sống lại thật”: đó là lời chào mà tín hữu kitô trao cho nhau trong mùa Phục Sinh. Lời chào này là một lời tuyên xưng đức tin và là một dấn thân của cuộc sống.

Tiếp đến Đức Thánh Cha đã nhắc lại lời Chúa Giêsu phục sinh nói với các phụ nữ và khích lệ mọi người loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Ngài nhắc lại lời của Đức Giáo Hoàng Phaolô VI nói rằng toàn Giáo hội ”nhận được sứ mệnh loan báo Tin Mừng và công tác của từng người quan trong đối với tất cả”. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa và ngày càng trở thành các chứng nhân đích thật của Người. ”Như thế, trong lời cầu nguyện, trong việc thờ lậy, Thiên Chúa gặp gỡ con người... Chỉ khi chúng ta biết hướng tới Thiên Chúa, cầu khấn Người chúng ta mới có thể khám phá ra ý nghĩa sâu xa hơn của cuộc sống chúng ta, và con đường thường ngày được soi sáng bởi ánh sáng của Chúa Phục Sinh”.

Đức Thánh Cha cũng nhắc tới ngày 25-4 là lễ kính thánh sử Marcô, người loan báo Ngôi Lời và viết ra các giáo lý của Chúa Kitô. Thánh nhân cũng là Bổn Mạng của thành phố Venezia nơi Đức Thánh Cha sẽ viếng thăm mục vụ trong hai ngày mùng 7 và mùng 8 tháng 5 tới này. Sau cùng Đức Thánh Cha đã xin Mẹ Maria giúp từng người trung thành chu toàn sứ mệnh Chúa Phục Sinh đã giao phó trong tươi vui.

25 tháng 4 cũng là ”Ngày của các trẻ em nạn nhân của bạo lực” do hiệp hội Meter phát động. Đức Thánh Cha đã khích lệ mọi thành phần giáo hội dấn thân chống lại tệ nạn bạo hành, khai thác và thái độ thờ ơ đối với tệ nạn này trong xã hội. Ngài nói: tôi khích lệ các thành viên hiệp hội tiếp tục công tác phòng ngừa và gây ý thức bên cạnh các tổ chức giáo dục: tôi đặc biệt nghĩ đến các giáo xứ, các nhân viên và các thực tại khác của Giáo Hội quảng đại dấn thân đào tạo các thế hệ mới (SD RG 25-4-2011)
 
Rabbi Do Thái giáo kêu gọi ăn mừng lể phong chân phước của đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II
Trần Mạnh Trác
15:33 25/04/2011
Tiến sĩ Michael Berenbaum là một Rabbi, một Văn hào, một Giáo sư Đại Học, và một nhà làm phim ảnh, ông từng giữ chức phó giám đốc của Ủy Ban đặc biệt của Tổng Thống về Holocaust, mới đây đã lên tiếng kêu gọi mọi người Do Thái hãy ăn mừng sự kiện Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II được phong Chân Phước. Ông viết:

"Không có mấy lần trong hai nghìn năm qua mà người Do Thái đã rơi lệ trước cái chết của một vị Giáo Hòang, vậy mà khi đức Gioan Phaolô II qua đời, tôi và nhiều người Do Thái đã khóc. "

"Tiếp tục những công việc của cố Giáo hoàng Gioan XXIII đã làm để cải thiện quan hệ giữa người Công giáo và người Do Thái, Ngài đã làm hơn bất cứ vị Giáo hoàng nào trong lịch sử. Cho nên người Do Thái phải vui mừng trong ngày phong chân phước của đức Gioan Phaolô II vào ngày Chủ nhật 01 Tháng Năm tới. "

Ông lược kể những công lao của Đức Giáo Hòang Gioan Phaolô II với người Do Thái như sau:

"Đức Gioan Phaolô II đã đưa những việc như đương đầu với phong trào diệt chủng người Do Thái (Shoah), và chống lại chủ nghĩa Bài Do Thái, lên làm trung tâm điểm của giáo triều của ngài. Ngài đã nâng cao quan hệ giữa người Công giáo La Mã và người Do Thái đến một độ cao mới trong sự tôn trọng lẫn nhau. Cũng giống như vị tiền nhiệm là Giáo Hoàng Gioan XXIII, Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã trực tiếp chứng kiến và cảm thương tới những nạn nhân Holocaust và đã tự đảm nhận lấy trách nhiệm là không để các ký ức về sự kiện này bị phai nhạt đi. Cả hai vị đã thay đổi lịch sử và tổ chức mà họ lãnh đạo, là một tổ chức bảo thủ và rất kín đáo khó thay đổi là Giáo Hội Công Giáo. "

"Trước khi làm Giáo Hòang, đức Gioan Phaolô II đã là một thanh niên Balan trẻ từng chứng kiến sự kiện Shoah (phong trào diệt chúng Do Thái) và sự kiện 3 triệu người Do Thái tại Ba Lan đã bị giết hại qua đại nạn Holocaust. Sau chiến tranh, những nơi thịnh vượng cũ của cộng đồng Do Thái đã trở thành những khu ổ chuột lớn. Là một sinh viên trẻ, Karol Wojtyla đã làm bạn với nhiều người Do Thái, và họ vẫn giữ tình thân ái với nhau trong suốt cuộc đời dài của ngài. Khi còn là một linh mục thụ trẻ, ngài nhiều lần được yêu cầu rửa tội cho những trẻ em có gốc Do Thái, đó là những đứa trẻ được những gia đình Ba Lan nuôi dưỡng và che chở qua nạn Shoah. Vì cha mẹ Do Thái của chúng không trở về, các gia đình Ba Lan đã muốn nhận chúng làm con nuôi của mình và muốn truyền bá đức tin cho chúng. Vào những trường hợp như thế, vị Giáo Hoàng tương lai đã đòi hỏi phải thông báo cho các trẻ em đó biết về nguồn gốc Do Thái của mình và chỉ sau đó chúng mới có thể được rửa tội. Đó là một hành động can đảm về chính trị, tôn giáo và mục vụ tại Ba Lan thời hậu chiến lúc bấy giờ, và đây cũng là một hành động tôn trọng sâu sắc đến bản sắc của người Do Thái."

"Với cương vị Giáo Hoàng, đức Gioan Phaolô II đã công nhận quốc gia Israel. Ngài đã đi tới một đền thờ Do Thái để cầu nguyện và cư xử với các Rabbi và giáo đòan Do Thái giáo tại La Mã bằng tất cả các nghi thức tôn kính của tôn giáo..."

"Vào tháng ba năm 2000, Giáo hoàng Gioan Phaolô II viếng thăm Israel - thăm Nhà Nước và Đất Thánh. Ngay từ thời điểm ngài đến sân bay Ben-Gurion cho đến khi ngài rời Israel, thật là rõ ràng trước mắt người Công giáo La Mã và người Do Thái, và trước các phương tiện truyền thông quốc tế, rằng đây là một cử chỉ phi thường của hòa giải để xua đuổi bóng tối của hai thiên niên kỷ bài xích do thái, và xua đuồi cái bóng ma khổng lồ của đại nạn Holocaust. "

....

"Vị giáo hòang đã xác định rằng người Công giáo La Mã phải hành động khác, cư xử khác và có một quan điểm khác. Là nhân chứng cho vụ thảm sát Holocaust, ngài đến để sửa sai. Ngài đã có những bước đi quan trọng nhất để đảm bảo rằng tất cả quyền hạn của giáo hoàng được dùng để chống lại chủ nghĩa Bài Do Thái. Nền thần học của ngài là khá đơn giản: chủ nghỉa Bài Do Thái là một tội chống lại Thiên Chúa. Là phi Kitô giáo. "

"(Sự hiện diện của Ngài) là lời chào mừng đến tất cả người Do Thái và người ta có thể cảm nhận sức mạnh của niềm hân hoan trong những cách biểu lộ mà người Israel đã chào đón Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Ngay cả những giáo sĩ Do Thái chính thống cực đoan, phản đối và kết án bất cứ điều gì liên quan đến đại kết và bị đầu độc bởi những câu chuyện truyền kỳ về những đối đầu giữa các linh mục và giáo sĩ Do Thái, cũng đã tỏ ra rất ấn tượng về chuyến viếng thăm của đức Giáo hoàng tại văn phòng của vị niên trưởng các giáo sĩ Do Thái tại Israel. "

Sau khi không quên liệt kê các khiếu nại của người Do Thái xảy ra trong triều đại của đức Gioan Phaolô II như việc họ chống lại nỗ lực phong chân phước cho đức Giáo hoàng Piô XII, như việc họ đòi hỏi mở Văn Khố Vatican từ Thế chiến II, như việc họ phản đối việc phong thánh cho Giáo hoàng Leo IX, và phản đối việc đón tiếp Yasir Arafat và Tổng thống Kurt Waldheim đến Vatican, tiến sĩ Michael Berenbaum kết luận:

"Tuy nhiên, tất cả những điều đó không thể làm lu mờ các chất lượng của triều đại giáo hoàng của Ngài. Ngài đã chứng minh rằng lòng mộ đạo chân thật là không kết tội một tín ngưỡng khác hay là miệt thị hoặc coi thường quyền thờ phượng của người khác...Những hành vi của ngài sẽ là một mô hình cho người Do Thái và Hồi giáo cũng như là một tấm gương sáng cho các nhà lãnh đạo tôn giáo khác."
 
Top Stories
40 Christians detained in Beijing
CatholicCulture
08:49 25/04/2011
April 25, 2011 - Police in Beijing detained 40 members of an underground Protestant church on Easter Sunday.

“The past five years, every year, the degree of persecution increased, from the perspective of how many churches were persecuted, how many Christians were arrested, sentenced, abused or tortured,” said Mark Shan of China Aid.

“There are people still in jail, and priests still in jail,” noted Joseph Kung of the Cardinal Kung Foundation. “Bishops are still in jail, we do not know where they are. We don't even know whether they are still alive.”

“The police still find them out and once they find them out, without any notice they will just simply barge in and take the priests away, take the parishioners away and sometimes take the sacraments away and so forth,” he added. “So there really is no freedom for the underground Catholic church in China.”

(Source: http://www.catholicculture.org/news/headlines/index.cfm?storyid=10098)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo phận Kontum mừng Ngày Người Cha Công Giáo
+GM Micae Hoàng Đức Oanh
08:42 25/04/2011
Kontum, ngày 24 tháng 04 năm 2011

MỪNG NGÀY NGƯỜI CHA CÔNG GIÁO 2011

Kính gửi: Các người cha trong giáo phận,

Anh em thân mến,

Tạ ơn Chúa đã cho Giáo phận chúng ta có những ngày truyền thống dành cho mỗi giới gặp nhau và cùng nhau học hỏi và trao đổi theo ánh sáng Lời Chúa và giáo huấn của Mẹ Hội Thánh. Ngày truyền thống của anh em năm nay lại là dịp để mỗi thành viên chúng ta được soi sáng cùng đồng hành với nhau trên con đường tin yêu phục vụ và loan báo Tin Mừng. Rất tiếc năm nay, chúng tôi bận tham dự họp Khóa I/HĐGMVN tại Sàigòn, nên không đến chúc mừng và tham dự với anh em. Chúng tôi xin hiệp thông cầu nguyện và gửi lời chào đến hai cha linh hướng cùng tất cả người cha trong Giáo phận. Chúng tôi xin chia sẻ đôi điều tâm tình.

1. Về thành quả của những ngày gặp gỡ trước đây?

Anh em thân mến,

Đã hơn 10 lần tổ chức ngày truyền thống cho người cha! Gặp gỡ, trao đổi, cầu nguyện là một hồng ân Chúa ban và đem lại cho bản thân, gia đình cũng như xứ họ và giáo phận nhiều thành quả tốt đẹp. Mỗi lần gặp gỡ là mỗi lần anh em được lên tinh thần và càng ý thức hơn trọng trách của mình trong sinh hoạt gia đình và Hội Thánh địa phương. Nhưng hình như chỉ mới sôi động trong dịp gặp nhau, rồi sau đó lại lắng dịu và cuộc sống cứ trôi đi. Đây là dịp để chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá cũng như rút tỉa các kinh nghiệm.

2. Ngày người cha, ngày lên đường.

Anh em thân mến,

Mỗi lần tổ chức Ngày truyền thống phải là một dịp tiến tới và vươn cao. Năm nay, qua việc học tập Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa, chúng tôi đề nghị anh em nên dành nhiều thời giờ để suy tư, góp ý cho những việc làm cụ thể có sức tác động mạnh mẽ trên đời sống gia đình và xứ họ.

2.1. Vấn đề điều hành :

a) Trong gia đình :
Là một cột trụ, người cha có ảnh hưởng to lớn tới việc hình thành nhân cách con cái và chịu trách nhiệm lớn tới hạnh phúc gia đình. Dựa vào Lời Chúa và giáo huấn của Mẹ Hội Thánh, anh em hãy quan tâm mọi thành viên gia đình cách tích cực với tình yêu mến. Với tinh thần kỷ luật nghiêm túc cho chính bản thân, người cha sẽ đào tạo con cái nên những con người phát triển quân bình trưởng thành. Gương sống là một yếu tố quyết định cho hạnh phúc tương lai con cái và gia đình, vì “lời nói lung lay, gương bày lôi kéo”.

b) Trong xứ họ :
Hạnh phúc của người có đạo là được gặp nhau, gặp Chúa để cùng Chúa ra đi phục vụ. Hiệp thông với nhau và cùng nhau xây dựng xứ họ phải là một ưu tiên trong đời sống của người cha Công giáo. Anh em hãy hình thành những cuộc gặp gỡ qua thăm viếng cách riêng các người cha đang gặp khó khăn về tinh thần cũng như vật chất trong xứ họ. Phải chăng nên thực hiện một cuộc rà soát lại các gia đình tại các xứ họ để rồi tìm cách sống mầu nhiệm hiệp thông cách thiết thực và tích cực hơn.

2.2. Vấn đề giáo dục và đào tạo.

Đặc biệt những người cha tìm cách đẩy mạnh công cuộc giáo dục đào tạo giới trẻ qua các hình thức như Gia đình ơn gọi, Gia đình Phanxicô Xaviê, Thiếu Nhi Thánh Thể. Đây sẽ là những sinh hoạt thổi Sinh Khí mới cho đời sống gia đình và xứ họ. Hãy biến gia đình và xứ họ thành những tiền chủng viện và những tiền đệ tử viện. Có những con người mới sẽ có sức sống mới đáp ứng nhu cầu mục vụ và truyền giáo thật hữu hiệu.

Anh em rất thân mến,

Nguyện xin Thánh Thần Chúa – qua sự bầu cử của Thánh Giuse bổn mạng – soi sáng và đổ muôn hồng ân xuống anh em trong ngày gặp gỡ này.

Hiệp thông trong lời cảm tạ và tôn vinh Chúa Kitô Phục Sinh. Alleluia!

Giám Mục Giáo Phận Kontum.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giáo Hội Công Giáo có quan tâm đến công bằng xã hội không?
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
15:55 25/04/2011
GIÁO HỘI CÔNG GIÁO CÓ QUAN TÂM ĐẾN CÔNG BẰNG XÃ HỘI KHÔNG?


Ngày 2/5/1991, Chân Phúc (Á Thánh) Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho công bố tông huấn (Encyclical) xã hội thứ ba của Ngài; tông huấn mang tựa đề “Centesimus Annus” (Ðệ Bách Chu Niên), để kỷ niệm một trăm năm ngày tông huấn xã hội thời danh “Rerum Novarum” (Về những điều mới lạ hay ‘Tân Vụ’) đã được ÐGH Lêo XIII ban hành ngày 15/5/1891.

Việc Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II cho công bố tông huấn xã hội mới nhất này đã được Tòa Thánh loan tin sớm và đã tạo nhiều sự tò mò, mong mỏi và phỏng đoán của nhiều người ở thời kỳ đó. Họ đã muốn biết Đức Thánh Cha (ĐTC) sẽ nói gì, dạy gì, nhất là sau những biến đổi lịch sử ở Ðông Âu. Ðây là điều ÐTC muốn làm: Tái xác định những huấn dụ của ÐGH Lêo XIII và kỷ niệm một trăm năm tông huấn Rerum Novarum.

ÐTC đã nói ngay trong phần mở đầu: “Có thể nói rằng con đường của tông huấn Rerum Novarum qua qúa trình lịch sử đã được ghi nhận bởi những tài liệu được viết ra để tỏ sự kính trọng đồng thời để áp dụng (những huấn dụ ấy) vào các hoàn cảnh đương thời. Cũng trong một chiều hướng đó cho lễ kỷ niệm đệ bách chu niên...Tôi ước mong, trước hết và trên hết, bày tỏ lòng ghi ơn của toàn thể giáo hội đối với vị Giáo Hoàng vĩ đại và “tài liệu bất tử” (chữ của ÐGH Piô XI) của Ngài. Tôi cũng muốn chứng tỏ rằng những năng lực thiết yếu nảy sinh từ cội nguồn đó đã không bị soi mòn qua thời gian, nhưng càng ngày càng được tăng sinh lực.” (No. 1).

Hai điểm quan trọng nhất được nhiều người cùng đồng ý là Ðức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã chính thức và hoàn toàn chối bỏ Xã Hội Chủ Nghĩa kiểu Cộng Sản, đồng thời nghiêm chỉnh cảnh cáo những lạm dụng đã và đang xảy ra trong Tư Bản Chủ Nghĩa kiểu Tây Phương.

Những điểm chính yếu này đã được nhắc lại nhiều lần qua ba phần chính của tông huấn: Đọc lại tông huấn Rerum Novarum; quan điểm đương thời về “những điều mới lạ” đang vây quanh chúng ta hôm nay; và “một cái nhìn về tương lai khi chúng ta đang tiến đến ngưỡng cửa thiên kỷ thứ ba của lịch sử Kitô giáo, nhiều bất trắc, nhưng cũng đầy hứa hẹn.”

THẾ KỶ CỦA RERUM NOVARUM

Ðể hiểu hơn về các huấn dụ của ÐTC Gioan Phaolô II trong tông huấn mới, thiết tưởng nên có một cái nhìn tổng quát về những giáo huấn xã hội trong suốt hơn thế kỷ vừa qua. Người ta có thể chia các giảng dạy của giáo hội Công Giáo về công bằng xã hội hơn 100 năm qua thành hai thời kỳ chính. Thời kỳ đầu, từ ÐGH Lêo XIII (1878-1903), đến ÐGH Piô XII (1939-1958), với sự ủng hộ hoàn toàn hệ thống kinh tế thương mãi tự do của các quốc gia Tây phương. Thời kỳ sau, từ ÐGH Gioan XXIII (1958-1965) đến ÐGH Gioan Phaolô II (1978-2005), với những dấu chỉ cho thấy giáo hội đã dè dặt hơn và đang cố tìm một giải pháp cho các vấn đề khó khăn kinh tế cũng như những bất công xã hội, đặc biệt trong các quốc gia đang mở mang.

Thời kỳ 1891-1961

Mặc dù đang ủng hộ các cơ cấu xã hội và hệ thống kinh tế tư bản lúc bấy giờ, nhưng tông huấn Rerum Novarum của ÐGH Lêo XIII đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của giáo hội đối với lớp người nghèo khổ, các tầng lớp lao động trong xã hội. Ðây là một thời điểm quan trọng, đánh dấu sự kiện giáo hội đã chọn thế đứng về phía những người nghèo và đang bị áp bức. ÐGH Lêo XIII đã thay mặt họ đòi hỏi một sự cải tổ để xã hội được công bằng hơn. Tuy nhiên Ðức Lêo XIII đã không chính thức tuyên bố “giáo hội đứng về phía những người nghèo.” Ngài đã đặt căn bản cho mọi thay đổi trên sự thăng bằng và ổn định trong xã hội. Ngài kêu gọi thay đổi “từ thượng tầng cơ sở trở xuống” nhưng không khuyến khích những cuộc chống đối bạo động. Ngài không muốn các công nhân người Công Giáo tham gia những phong trào nghiệp đoàn ngoài Công Giáo để tránh bị lợi dụng. Trong trường hợp xã hội có thể bị hỗn loạn nếu thay đổi, Ngài muốn mọi người tạm thời chấp nhận sự thua thiệt. Ðây là tông huấn đầu tiên của một vị giáo hoàng trong thời cận đại, lên tiếng bênh đỡ những người nghèo khổ, đang bị lạm dụng sức lao động. Tông huấn này đã gây một ảnh hưởng vô cùng sâu rộng và trở thành tài liệu căn bản cho các tông huấn xã hội khác của những vị giáo hoàng về sau này.

Các giảng dạy về công bằng xã hội đã không có gì thay đổi quan trọng dưới thời hai ÐGH Piô X và Bênêdictô XV. Đến năm 1931, ÐGH Piô XI đã ban hành tông huấn “Quadragesimo Anno” (đệ Tứ Thập Chu Niên) để kỷ niệm 40 năm tông huấn Rerum Novarum. Ðức Piô XI đã thách đố các cơ cấu xã hội tư bản cách mạng cách mạnh mẽ hơn, đồng thời Ngài nói rằng giáo hội phải đi tiên phong trong các cuộc vận động nhằm thay đổi chính trị, xã hội. Năm 1938, ÐGH Piô XI lại viết thêm tông thư (Apostolate Letter): “Firmissimus” (chữ này có nhiều nghĩa, xin tạm dịch là Mạnh Nhất hay Trung Tín) nhắn nhủ những người Công Giáo đang bị bách đạo ở Mexico, theo đó Ngài dạy rằng trong trường hợp khẩn thiết, các cuộc chống đối và phản kháng có thể chấp nhận được.

ÐGH Piô XII dường như đã làm chậm lại các thay đổi của những ÐGH tiên nhiệm. Ngài đã chú tâm nhiều đến sự nguy hiểm của chủ nghĩa Cộng Sản và chọn đứng về phía các quốc gia dân chủ Tây Âu. Sự đóng góp chính của Ngài vào các giảng dạy về công bằng xã hội là quyền sở hữu cá nhân phải lệ thuộc vào quyền tổng quát của tất cả mọi người về những tài nguyên trên thế giới.

Như vậy, trong khoảng 70 năm, từ 1891 đến 1961, sự giảng dạy về công bằng xã hội của giáo hội Công Giáo đã tỏ ra rất mạch lạc và dường như không có các thay đổi bất ngờ. Trên lý thuyết, giáo hội vạch ra một đường lối “thứ ba” ngoài cộng sản và tư bản. Nhưng trong thực tế, giáo hội đã đứng hẳn về phía kinh tế tự do của các quốc gia Tây Phương (Tây Âu và Bắc Mỹ). Trong khi chỉ trích ý thức hệ tư bản cấp tiến, giáo hội đã kịch liệt đả phá xã hội chủ nghĩa cách có hệ thống và hiệu lực hơn nhiều.

Thời kỳ 1961-1991

Khởi đi từ ÐGH Gioan XXIII với tông huấn “Mater et Magistra” (Mẹ và Thầy) năm 1961, sự thay đổi đã bắt đầu. Ngài đã thay đổi mục tiêu giảng dạy của giáo hội và kêu gọi canh tân các xã hội theo kiểu mẫu của những xã hội Tây Phương. Ðây là bước quan trọng đưa giáo hội xa dần các thế lực của phe cực hữu đã muốn chống lại những thay đổi về cơ cấu (cơ chế) xã hội.

Công Ðồng Vatican II (1962-1965) cũng đã chú trọng nhiều về vấn đề đói kém trên toàn cầu. Công lý đã được coi như trọng tâm của cả hai vấn đề đói kém và hòa bình. Công Ðồng còn đề nghị một hệ thống kinh tế mới trên toàn thế giới, trong đó các quốc gia nghèo sẽ được chia sẻ đồng đều, không những chỉ về hàng hóa, nhưng cả về quyền lực nữa. Trên tất cả, Công Ðồng đã chấp nhận từ bỏ những đặc ân, nếu cần, để ánh sáng Tin Mừng được chiếu tỏa cách trung thực và hiệu lực hơn.

Tông huấn “Populorum Progressio” (Sự phát triển của các dân tộc) năm 1967 của ÐGH Phaolô VI, đã kêu gọi sự phát triển trọn vẹn nhân bản của từng cá nhân và tất cả các dân tộc. Ngài đã cực lực chống lại những cuộc bạo động, mặc dù có lúc dường như Ngài đã đồng ý rằng, trong trường hợp khẩn thiết, sự phản kháng và chống đối có thể chấp nhận được. Dù sao, Ngài đã không cho biết rằng giới nghèo khổ và bị bóc lột là thành phần chính có thể làm thay đổi các cơ cấu xã hội.

Năm 1968, tại Medellin thuộc nước Columbia, Nam Mỹ Châu, các Ðức Giám Mục thuộc Châu Mỹ La Tinh (từ Mexico đến Trung và Nam Mỹ Châu) đã họp thượng hội đồng và tuyên bố hoàn toàn đặt giáo hội đứng về phía những người nghèo đang bị áp bức (Preferential Option for the Poor – Chọn lựa ưu đãi cho người nghèo). Các ngài đã cho việc liên kết với lớp người nghèo và những người bị đẩy ra ngoài lề xã hội (Marginalized) như là bổn phận của họ và của cả giáo hội ở Châu Mỹ La Tinh. Ðặc biệt nhất, các ngài đã chọn chương trình “Khai tâm” (Conscientization) để giáo dục và vận động toàn bộ quần chúng trên lục địa này.

Ba năm sau, 1971, ÐGH Phaolô VI đã viết tông thư “Octogesimo Adveniens” kỷ niệm đệ Bát Thập Chu Niên (80 năm) của tông huấn Rerum Novarum. Ngài đã nhìn nhận rằng các vấn đề khó khăn kinh tế cần phải được giải quyết bằng đường lối chính trị. Nhấn mạnh đến tầm quan trọng trong sự tham gia của mọi giới vào các quyết định và đổi thay của xã hội. ÐGH Phaolô VI còn chấp nhận sự cần thiết của phương pháp qui nạp cho những khó khăn xã hội, mặc dù điều này sẽ đưa đến đa số chủ nghĩa (Pluralism). Tuy nhiên, theo Ngài, ở những phần khác của trái đất, các giáo hội địa phương không buộc phải theo phương pháp này, họ có thể chọn một phương pháp khác.

Thượng Hội Ðồng Giám Mục Thế Giới tại Roma năm 1971 đã ra tuyên ngôn “Công lý trên thế giới,” minh định rằng công lý là chiều hướng thiết định cho việc rao giảng Tin Mừng. Thượng Hội Ðồng đã đặt câu hỏi về huyền thoại “phát triển” và nhìn nhận rằng giáo hội phải thực thi công lý trước trong đời sống và cơ cấu của giáo hội.

Năm 1975, ÐGH Phaolô VI lại công bố tông huấn “Evangelii Nuntiandi” (tạm dịch: Phúc Âm hóa thế giới hiện đại) chấp nhận chữ “giải phóng” (liberation) với ý nghĩa thần học tương quan tới công cuộc rao giảng Tin Mừng “giải phóng” của Chúa Cứu Thế. Ngài cũng nhấn mạnh đến khía cạnh văn hóa của sự giải phóng, sự cần thiết của việc cải đổi trong hệ thống tư tưởng cũng như trong các cơ cấu chính trị và kinh tế.

Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh nhóm họp lần thứ hai tại Puebla, Mexico, năm 1979, các ÐGM đã đồng ý với những huấn dụ của Ðức Phaolô VI trong tông huấn Evangelii Nuntiandi, cũng như hợp nhất với ÐTC Gioan Phaolô II trong những bài giảng của Ngài nhân chuyến viếng thăm Mexico của ÐTC cùng dịp đó.

Hai tông huấn đầu của ÐTC Gioan Phaolô II, “Ðấng Cứu Thế” (Redemptor Hominis) 1979 và “Giàu Lòng Từ Tâm” (Dives in Mesericordia) 1980, cũng như trong bài diễn văn tại Ðại Hội Ðồng Liên Hiệp Quốc, ĐTC đã trình bày chủ thuyết Nhân Bản Toàn Diện (Integral Humanism) của Ngài. Theo đó, tinh thần không chống lại vật chất, công bằng xã hội phải đặt lên hàng đầu và bác ái là trọng tâm của mọi sự, nhưng không thể bị coi là phụ thuộc cho công lý. Ngài đã công kích chương trình “phát triển” đương thời (chương trình này đã bị cho là một hình thức của sách lược thực dân mới, Neo-colonialism) là nguyên nhân của những bất công, nghèo đói, làm suy sụp các nền văn hóa cổ truyền và thảm họa cho nền kinh tế thế giới.

Năm 1981, kỷ niệm 90 năm tông huấn Rerum Novarum, ÐTC Gioan Phaolô II lại công bố tông huấn “Lao Động” (Laborem Exercens) nhấn mạnh đến việc liên kết với giới người nghèo khổ và những người đang bị áp bức. Họ đã được cổ võ đứng dậy để vượt qua những khó khăn đang áp đặt lên họ. ÐTC cũng nêu sự quan trọng của các nghiệp đoàn và công cuộc đấu tranh bảo vệ quyền lợi của các nhân công. Tuy nhiên, Ngài đã nêu rõ rằng đấu tranh cho công lý chứ không phải chống lại các giai cấp khác trong xã hội.

Tông huấn xã hội thứ hai “Sollicitudo rei socialis” (tạm dịch là Quan Tâm Xã Hội) được ÐTC Gioan Phaolô II cho công bố năm 1987, để kỷ niệm 20 năm tông thư Phát Triển Các Dân Tộc (Populorum Pogressio) của ÐGH Phaolô VI. ÐTC, đã trực tiếp kêu gọi các quốc gia giàu mạnh nên có “những hành động cụ thể” để giúp phát triển và tạo mối cân bằng giữa kẻ giàu và người nghèo.

TÔNG HUẤN ÐỆ BÁCH CHU NIÊN VÀ TƯ BẢN CHỦ NGHĨA

Tông huấn “Đệ Bách Chu Niên” của ÐTC Gioan Phaolô II đã nêu những ưu, khuyết điểm của chủ nghĩa tư bản kiểu Tây Phương:

Những ưu điểm

Chủ Nghĩa Tư Bản (CNTB) được khen ngợi là có sự sáng tạo. Như một hệ thống, CNTB đã coi nhân lực là nguồn tài nguyên chính. CNTB có khả năng nhìn thấy trước những nhu cầu, đồng thời sự sản xuất có tổ chức đã trở nên “nguồn mạch của sự thịnh vượng.” Căn bản của cộng đồng thương mãi hiện thời là “sự tự do nhân bản thể hiện trong lãnh vực kinh tế” đã được ÐTC nhìn thấy và cho như là một ưu điểm của CNTB. Giáo hội cũng chấp nhận “vai trò hợp lệ của việc thu lợi tức” trong CNTB, vì “khi một xí nghiệp tạo được nguồn lợi tức, điều này có nghĩa các thành phần sản xuất đã được xử dụng cách chính đáng và việc điều hòa các nhu cầu nhân bản đã thể hiện đúng đắn.”

Những khuyết điểm

Khuyết điểm đầu tiên của CNTB, theo tông huấn, là sự lơ là đối với các thành phần không sản xuất. ÐTC phản đối sự kiện đang xảy ra ngay cả tại các nước Tây Phương giàu mạnh rằng sự nghèo khổ đang đổ lên đầu những kẻ bị đẩy ra ngoài lề xã hội: những người bệnh tật, già yếu, những người thất nghiệp, tị nạn và di dân. Ðiều này đưa tới sự cần thiết của việc qui luật hóa các hoạt động thương mại. CNTB càng lơ là hơn đối với sự nghèo khổ trên thế giới, nơi đại đa số dân chúng đang lâm cảnh lầm than. Trong khi chủ nghĩa cộng sản đang tàn lụi thì nguy cơ của một “ý hệ tư bản cấp tiến” có thể sẽ thành hình. Ý hệ này sẽ bỏ mặc những tầng lớp nghèo đói đó hay trao phó sự giải quyết về họ, cách mù quáng, cho các lực lượng thương mãi tự do.

CNTB còn gặp khuyết điểm khác là thần tượng hóa nền thương mãi. Ðôi khi những nhu cầu được nhận diện trong CNTB chỉ đến từ những kẻ có khả năng tiêu thụ, và tài nguyên chính chỉ đến từ những kẻ có thể bán và mua. “Nhưng còn rất nhiều nhu cầu nhân bản khác đã không có chỗ đứng trên thương trường.”

Về các món nợ quốc tế, ÐTC nói rằng các quốc gia “chủ nợ” đã sai lầm khi bắt buộc các quốc gia nghèo phải thanh toán các món nợ, khi điều đó sẽ đưa đến cảnh “đói khổ lầm than cho toàn thể dân chúng.” Ngài kêu gọi các nước giàu hãy hoãn lại hoặc tha bớt những món nợ cho các nước nghèo. Tuy nhiên, ÐTC cũng ghi nhận việc này đã và đang được thực hiện ở một vài nơi.

Vẫn còn những lạm dụng trong CNTB, lạm dụng sức lao động của nhân công và của xã hội. “Làm chủ kiểu này không có công lý và biểu hiệu sự lạm dụng trước mặt Chúa và loài người.” CNTB còn phạm khuyết điểm là quá thiên về chủ nghĩa vật chất (Materialism), để “vật chất cai trị dân chúng.” Hậu quả đưa đến là những thái độ chạy theo tiêu thụ chủ nghĩa (Consumerism), lối sống đó sẽ đưa dân chúng đến những tai hại về tinh thần và thể chất. Ngài còn tố giác các nhà tài phiệt đã tạo ra những “nhu cầu gỉa tưởng” do sự mua chuộc các cơ sở truyền thông để vận động (quảng cáo) và đầu độc dân chúng.

NHẬN ÐỊNH

Nhìn vào toàn bộ lịch sử những giáo huấn của giáo hội Công Giáo về công bằng xã hội trong hơn 100 năm qua, người ta không thể không nhìn thấy hai điểm nổi bật: Thứ nhất, sự quan tâm sâu xa của giáo hội đến tầng lớp nghèo đói và cô thế trong các xã hội, đồng thời nghiêm khắc chỉ trích những hệ thống xã hội đã đưa họ đến cảnh lầm than như vậy. Thứ hai, giáo hội đã bênh đỡ những quyền lợi cá nhân trước những khuynh hướng tập đoàn.

Trong thời kỳ 1891-1961, mặc dù phải đối phó với chủ nghĩa Cộng sản đang hăm dọa nhuộm đỏ cả thế giới, giáo hội, qua những huấn dụ và vận động đã giúp đạt được những mục tiêu công bằng xã hội cần thiết như lương căn bản của công nhân, số giờ làm việc trong một tuần lễ, quyền thiết lập nghiệp đoàn và quyền đình công bãi thị... Tuy nhiên những thành quả này hầu hết chỉ xảy ra tại những nước kỹ nghệ Âu Mỹ. Trong khi đó, các quốc gia thuộc đệ tam thế giới, đặc biệt tại Châu Mỹ La Tinh, cả lục địa này đã bị bóp nghẹt bởi một thiểu số cầm quyền và bọn đại tư bản trên thế giới.

Thời kỳ 1961-1991 và hiện tại

ÐGH Gioan XXIII đã thực sự quan tâm đến Châu Mỹ La Tinh. Ngài e rằng nếu không sớm có một giải pháp tích cực thì cả lục địa này sẽ phải lọt vào tay những người Cộng sản. Ngài kêu gọi sự canh tân xã hội theo kiểu mẫu của các xã hội Tây Phương. Nhưng bọn tài phiệt, với sự cấu kết của thiểu số cầm quyền, đã biến chương trình phát triển thành một chính sách thực dân mới có lợi cho họ. Bất công, tù đày, áp bức vẫn dẫy đầy mà giải pháp toàn bộ hầu như không thể đưa đến kết quả nhanh chóng như nhiều người mong ước.

Trong khi đó, khối CS quốc tế luôn sẵn sàng yểm trợ và cung cấp võ khí cho những ai muốn phát động chiến tranh giải phóng. Nhưng châu Mỹ La Tinh là vùng có đa số dân chúng theo Công Giáo, họ không thể dễ dàng “bỏ đạo” để theo cộng sản được. Vì vậy đã có một vài linh mục thân cộng, tìm cách Phúc Âm hóa hay Kitô hóa thuyết cộng sản của Karl Marx (Các-Mác), nhưng trong thực tế, họ đã cộng sản hóa Kitô giáo. Một cách hết sức nông nổi, họ đã lý luận rằng qua Kinh Thánh, (sự kiện Chúa Giêsu đánh đuổi bọn buôn bán, đổi chác trong khuôn viên đền Thánh), Chúa đã cho phép dùng bạo động để lật đổ các chính quyền. Ðáng buồn thay, một vài nhà lãnh đạo cao cấp trong các giáo hội địa phương, vì quá hăng say thực thi tinh thần “Chọn lựa ưu đãi cho người nghèo” của hội đồng Medellin, dường như đã lọt vào bẫy của những kẻ đang đóng vai ngư ông thủ lợi.

ÐTC Gioan Phaolô II đã nhìn thấy nguy cơ đó, có lẽ từ trước khi Ngài đăng quang Giáo Hoàng. Vì vậy, chỉ mấy tháng sau khi lên ngôi, ÐTC đã qua Mexico khai mạc và cùng thảo luận với Thượng Hội Ðồng Giám Mục Châu Mỹ La Tinh tại Puebla. Ngài đã khuyến cáo hội đồng về những sai lầm của giải pháp dùng bạo động để mong đạt tới công bằng xã hội, mà không để ý tới những chân lý của Ðức Tin Công Giáo; chân lý về Chúa Kitô, chân lý về giáo hội và về con người (diễn văn khai mạc tại Puebla).

Trong tông huấn Ðệ Bách Chu Niên, nhắc đến đệ tam thế giới, ÐTC đã nói rằng cuộc cách mạng dân chủ toàn diện, đã xóa tan chủ nghĩa CS ở Ðông Âu, nên là một bài học cho các “nhà thần học giải phóng.” Những người đang cố gắng tìm kiếm “sự dung hòa bất khả thể giữa Marxism (thuyết Mác-xít) và Kitô giáo,” như là một giải pháp cho những khó khăn trong các quốc gia nghèo đói.

Công bằng xã hội là vấn đề ngàn đời, là cuộc đấu tranh liên tục giữa kẻ dữ và người lành, giữa thiện và ác. Mỗi thời, mỗi nơi đều có những khó khăn, đều có những vấn đề nan giải. Giáo Hội Công Giáo, trong hơn trăm năm qua, đã đóng vai chủ chốt, không phải để giải quyết mọi vấn đề, nhưng để thay mặt cả nhân loại đòi hỏi những quyền lợi chính đáng của con người, nhất là của những người đang phải lao động lầm than, thiếu tiếng nói và không thế lực. Sự kiện người Do Thái thỉnh thoảng vẫn than phiền vì ÐGH Piô XII đã không cực lực lên tiếng bênh đỡ họ trong Thế Chiến thứ hai (tuy rằng điều này không đúng) đã cho thấy ảnh hưởng to lớn của giáo hội, qua những huấn dụ của các Ðức Giáo Hoàng, trên cuộc sống của toàn nhân loại.

LM Phaolô Nguyễn Văn Tùng

 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Thuyền Câu
Nguyễn Ngọc Liên
21:08 25/04/2011
THUYỀN CÂU
Ảnh của Nguyễn Ngọc Liên
Thuyền chài, thuyền lái, thuyền câu
Biết thuyền nhân nghĩa ở đâu mà tìm.
(Ca dao)
Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền