Ngày 25-04-2008
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:30 25/04/2008
CHỦ NHẬT VI PHỤC SINH

Tin mừng: Ga 14, 15-21

“Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác.”

Bạn thân mến,

Cái mốt của thời nay là nhận người bảo trợ: bảo trợ đi du học, bảo trợ việc làm, bảo trợ cho đi tu, bảo trợ cho cuộc sống.v.v...và nhiều thứ bảo trợ khác nữa. Người ta tìm kiếm người có lòng hảo tâm để bảo trợ những học sinh nghèo, hoặc chơi ngon hơn, tự mình đi tìm kiếm người bảo trợ cho mình, như một số nữ sinh viên đi kiếm các đại gia để bảo trợ cho mình ăn học...

Nhưng, tất cả những người bảo trợ ấy đều không dám bảo trợ cho phần rỗi linh hồn của bạn và của tôi; tất cả những người bảo trợ ấy, có những lúc –không dám nhắc nhở cho người được bảo trợ về đời sống tâm linh, tức là về bổn phận của người Ki-tô hữu, bởi vì chính họ cũng không dám bảo đảm cho đời sống mai sau của mình.

Chúa Giê-su hứa ban Đấng Bảo Trợ đến cho các môn đệ của mình, Đấng Bảo Trợ mà Chúa Giê-su hứa ban chính là Chúa Thánh Thần, là Ngôi Ba Thiên Chúa, Ngài chính là vị bảo trợ cách đặc biệt cho những ai thành tâm kêu cầu Ngài, bởi vì Ngài được phái đến trần gian là bởi Chúa Giê-su cầu xin Chúa Cha, cho nên, chỉ những ai thành tâm tin yêu và đón nhận Chúa Giê-su là Đấng cứu độ thì mới được Đấng Bảo Trợ.

Chúa Thánh Thần sẽ giúp bạn hiểu được lời dạy của Chúa Giê-su, mà đôi lúc bạn mù tịt giữa những học thuyết của loài người; Ngài sẽ hướng dẫn bạn làm thế nào để đi theo con đường của Chúa Giê-su –con đường khổ nạn đưa đến sự sống đời đời- bởi vì con đường bằng phẳng của thế gian thì đưa đến sự chết; và chính Ngài cũng sẽ trở thành nguồn an ủi và hạnh phúc của bạn, nếu bạn thành tâm muốn đón nhận Ngài.

Bạn thân mến,

Mặc dù Chúa Thánh Thần đã cư ngụ ngay trong lòng bạn từ ngày bạn lãnh nhận bí tích Rửa Tội, nhưng Ngài chẳng làm gì cả khi trí khôn của bạn chưa đủ, chỉ khi nào bạn đã biết Ngài là ai, và qua lời cầu khẩn của Giáo Hội- thì Chúa Thánh Thần sẽ được ban cho bạn, để Ngài luôn là người đồng hành và hướng dẫn bạn đi đúng con đường mà Chúa Giê-su đã chỉ cho bạn: con đường trọn lành, tức là con đường nên thánh ở trần gian này.

Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ chúng ta, chứ không phải người giàu có lắm tiền nhiều của cải ở thế gian này, Ngài là Đấng được Chúa Cha phái đến nhờ lời cầu xin của Chúa Giê-su, vậy thì còn ai là người bảo trợ xứng đáng hơn Ngài chứ !

Xin Thiên Chúa chúc lành cho chúng ta.

------------------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mục tử nhân lành
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:31 25/04/2008
MỤC TỬ NHÂN LÀNH

Người mục tử nên chuẩn bị vì đàn chiên của họ mà hiệp lực thỏa đáng, bởi vì họ yêu mến đàn chiên của mình. Họ đem bản thân mình hoàn toàn trao cho mỗi một thành viên mà không so bì tài năng trí lực của họ, cũng không so đo họ đẹp hay xấu, trưởng thành hay ấu trĩ. Họ biết mỗi một người, biết tên của chiên và hiểu những nhu cầu của đàn chiên.

Cho nên, người mục tử phải tiếp đãi mỗi một thành viên, nói với họ một hai câu thể hiện ý của mình, đó là công việc quan trọng của người mục tử. Vì vậy mà việc có thể gọi đúng tên của mỗi một đoàn viên cũng là một việc làm rất quan trọng, bởi vì tên là một mặt đại biểu cho cá nhân hoặc là quá thâm trầm cần thiết đối với họ.

Người mục tử cần phải nói ngôn ngữ của đoàn chiên. Có một số người không thể nói được, bởi vì họ không biết phương pháp thông truyền của đoàn chiên. Điều này hoàn toàn không tỏ rõ với người công tác trong lao tù thì cần nói những lời hạ lưu, mà không là ngôn ngữ thông thường. Cần phải để người khác cảm nhận được người mục tử chân chính thì hiểu rõ đàn chiên, bởi vì chỉ có như thế người mục tử mới có thể bồi bổ cho họ.

Người mục tử nên giữ nguyên ý tưởng sáng tạo linh hoạt và cao độ, bởi vì họ trao phó chính mình cho người khác. Khi anh yêu người, thì anh nhất định có thể sáng tạo và lại sáng tạo. Khi anh và một người nào đó có sự hiểu biết thâm sâu, và nếu họ có nhu cầu, thì anh sẽ dùng phương thức có tính xây dựng để đáp ứng cho họ, hoặc điều mà họ nhu cầu.

Tác giả: Ôn Lập Quang

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb. dịch từ tiếng Hoa.

-------------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://360.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Hãy vì Chúa mà yêu mến tha nhân
LM Inhaxiô Trần Ngà
02:29 25/04/2008
Hãy vì Chúa mà yêu mến tha nhân

(suy niệm Tin Mừng Chúa Nhật 6 phục sinh: Gioan 14,15-21)

Người mẹ đang thoi thóp nhìn năm đứa con khóc thút thít quanh giường, mắt bà nhoà lệ. Cha của chúng đã lìa thế từ lâu, để lại cho bà gánh nặng một mình tần tảo nuôi năm đứa con thơ. Giờ đây lại đến lượt bà nối gót chồng ra đi, vĩnh viễn xa lìa đàn con nheo nhóc. Bà không an tâm chút nào khi thấy lâu nay các con hay kình cãi, tranh chấp nhau từ chuyện nhỏ cho đến chuyện lớn, từ việc chia cá, chia cơm trong mỗi bữa ăn cho đến việc tranh nhau tấm áo manh quần. Đứa nào cũng ích kỷ chỉ nghĩ đến mình mà quên tình anh em ruột thịt. Đứa nào cũng mong chiếm cho được phần hơn mà không màng gì đến quyền lợi các em. Mai đây bà ra đi, ai sẽ là nhịp cầu nối kết chúng lại với nhau trong tình huynh đệ? Ai sẽ là trọng tài phân xử những tranh chấp bất hoà thường xuyên nổ ra giữa chúng?

Tuy nhiên, điều an ủi lớn lao cho bà là mặc dù chúng không thương nhau, nhưng đứa nào cũng thương mẹ; tuy chúng không hề biết hy sinh cho nhau, nhưng nếu vì mẹ thì chúng sẵn sàng hy sinh và làm cho mẹ bất cứ chuyện gì.

Thế nên, cậy dựa vào tình thương chúng dành cho mình, bà lấy chút hơi tàn thều thào mấy lời trăn trối: “Các con yêu của mẹ, mẹ rất buồn, rất khổ tâm khi thấy các con bất hoà bất thuận với nhau. Chốc lát nữa, mẹ sẽ vĩnh viễn xa lìa các con. Nếu mỗi người trong các con còn thương mẹ thì hãy vì mẹ mà thương yêu các anh em mình!”

Nói xong, bà ra hiệu cho từng đứa cúi xuống cho bà hôn lên trán rồi lịm vào giấc ngủ ngàn thu.

***

Chính Chúa Giê-su cũng có cùng tâm trạng đó. Ngài đến thế gian để nhen lửa yêu thương trên mặt đất và Ngài mong mỏi ngày đêm cho lửa ấy cháy lên. Ngài đã truyền cho các môn đệ điều răn mới là hãy yêu thương nhau như Ngài đã hết lòng yêu mến họ. Nhưng ngọn lửa yêu thương Ngài đã nhọc công nhen lên lại hắt hiu như đèn trước gió, dễ dàng bị lòng tham lam ích kỷ hận thù dập tắt đi.

Thế nên, khi sắp lìa bỏ thế gian và các môn đệ là đoàn con thân tín để về cùng Chúa Cha, Ngài nhắn nhủ họ những lời tâm huyết: "Hỡi anh em là những người con bé nhỏ của Thầy, Thầy còn ở lại với anh em một ít lâu nữa thôi.... Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm nầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Gioan 13, 33-35)

Biết rằng xây dựng, vun đắp tình thương giữa người với người là điều rất khó; anh em ruột thịt trong nhà chưa dễ thương nhau, huống là yêu thương người ngoài hay thù địch. May ra vì lòng yêu mến Thiên Chúa là Đấng đã tạo dựng, yêu thương và hiến mình chết thay cho họ, họ mới có thể đền đáp tình thương cao vời của Chúa bằng cách vâng lời Chúa và vì Chúa mà yêu mến tha nhân. Cần phải nại đến lòng yêu mến Thiên Chúa của con người để khuyến dụ con người vì Chúa mà yêu thương nhau.

Trong tâm tình đó, Ngài tiếp: Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ điều răn Thầy truyền... là hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương anh em.

Kế đó, sợ các môn đệ chưa chú tâm đến những lời tâm huyết của mình, Chúa Giê-su lặp lại nội dung trên theo hình thức đảo ngữ: "Ai giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy."

Qua những lời trên, Chúa Giê-su muốn nhấn mạnh với chúng ta rằng nếu chúng ta thực tình yêu mến Chúa thì hãy giữ điều Chúa truyền dạy là yêu mến tha nhân; chỉ những ai giữ luật yêu thương tha nhân mới thực sự là kẻ yêu mến Ngài. Cho dù chúng ta không thể yêu mến người khác vì họ khó thương, thì chúng ta cũng hãy vì lòng yêu thương Chúa mà đón nhận tha nhân như lệnh Chúa truyền.

Đó cũng là tâm tình mà chúng ta thường bày tỏ với Thiên Chúa qua kinh kính mến, xin hãy cùng khấn nguyện với nhau:

“Lạy Chúa, con kính mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành vô cùng; lại vì Chúa thì con thương yêu người ta như mình con vậy. Amen.
 
Nhìn vào ba hình ảnh sống động của Chúa Giêsu
+GM JB Bùi Tuần
07:42 25/04/2008
NHÌN VÀO BA HÌNH ẢNH SỐNG ĐỘNG CỦA CHÚA GIÊSU

(Nhân kỷ niệm 30/4/1975)

Ngày 30 tháng 4 năm 2008 này là dịp thúc đẩy tôi nhìn lại.

Bởi vì đây là kỷ niệm 33 năm biến cố quan trọng của lịch sử Đất Nước tôi (30/4/1975 - 30/4/2008).

Bởi vì đây cũng là kỷ niệm 33 năm thụ phong giám mục của tôi (30/4/1975-30/4/2008).

Riêng đối với tôi, hai kỷ niệm này là rất sâu đậm. Sâu đậm nhất là do đức tin. Tôi đã trải qua thời gian này với đức tin. Niềm tin vào Chúa Giêsu đã soi sáng tôi, đã nâng đỡ tôi.

Cũng đức tin đã cho tôi thấy Chúa rất thương Hội Thánh Việt Nam. Yêu thương này rất phong phú, rất đa dạng.

Ở đây, tôi chỉ xin chia sẻ cái nhìn của riêng tôi về sự Chúa yêu thương chúng ta qua ba hình ảnh Phúc Âm.

- Hình ảnh Chúa Giêsu nhập thể.
- Hình ảnh Chúa Giêsu cứu độ.
- Hình ảnh Chúa Giêsu Thánh Thể.

1/ Làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể

Khi bước vào ngày 30/4/1975, rất nhiều người công giáo đã cảm thấy bầu trời quá mới. Nhiều e ngại đã được đặt ra: Không biết đạo Chúa sẽ còn tồn tại ở Việt Nam được bao lâu nữa?

Nhưng giữa những hoang mang như thế, Chúa Giêsu đã vẫn ở lại với con cái Người. Một trong những cách Người ở lại là làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể.

Noi gương Chúa Giêsu nhập thể, nhiều cá nhân, nhiều nhóm, nhiều cộng đoàn đã sống mầu nhiệm nhập thể một cách cụ thể và sâu sắc.

Như Chúa Giêsu, họ tình nguyện mặc lấy thân phận kẻ hèn mọn.

Họ tình nguyện trút bỏ mọi vinh quang. Họ tình nguyện sống giữa đám đông bình thường. Họ tình nguyện sống như phần đông nghèo túng.

Qua đời sống nhập thể, họ mang đến cho những người xung quanh tình thương và chân lý của Chúa Giêsu.

Chân lý và tình thương của Chúa được toả sáng qua nếp sống của những người sống mầu nhiệm nhập thể. Họ là người của một địa phương rõ rệt. Họ kính yêu gắn bó với mảnh đất mà họ gọi là quê hương của họ. Họ đồng hành một cách khiêm tốn và có trách nhiệm với những chặng đường lịch sử cụ thể. Họ sống trọn vẹn thân phận con người của lịch sử, chỉ trừ những gì là tiêu cực.

Nhờ sống mầu nhiệm nhập thể, họ gần gũi với đồng bào. Gần gũi không phải chỉ bằng sự hiện diện, mà nhất là bằng sự nhạy cảm với những gì xảy ra nơi đồng bào, bằng sự đồng cảm với những gì đồng bào cảm thấy, bằng sự linh cảm với những gì sẽ xảy ra cho đồng bào.

Sự làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể đã đem lại cho Hội Thánh Việt Nam một bộ mặt tươi trẻ của Phúc Âm.

2/ Cùng với sự làm mới lại cách sống mầu nhiệm nhập thể, Chúa cũng đã làm mới lại cách sống mầu nhiệm cứu độ

Mầu nhiệm cứu độ vẫn hoạt động trong Hội Thánh Việt Nam từ lâu rồi. Nhưng biến cố 30/4/1975 đã là cơ hội để mầu nhiệm cứu độ được thời sự hoá với những cái nhìn mới.

Thay vì chủ trương bảo vệ nguyên trạng và đắc thắng, nhiều người nhiều nơi đã được Chúa cho thấy cần phải chủ trương sám hối, canh tân và hoà giải để cứu độ.

Thay vì chủ trương đào sâu hận thù, loại trừ và nghi kỵ, nhiều người nhiều nơi đã được Chúa cho thấy cần phải có thiện chí gần lại bên nhau trong bao dung, kính trọng và yêu thương để được cứu độ.

Những ai sống mầu nhiệm cứu độ đã thấy chính bản thân mình, chính Hội Thánh mình, chính Quê Hương mình có thể cùng nhau nhìn vào những gì chung để cứu độ, như cứu khỏi mọi hình thức sự ác ngăn cản việc thăng tiến con người. Những hình thức sự ác có thể ở khắp nơi, nơi những người ngoài Hội Thánh và cả nơi những người trong Hội Thánh.

Từ 30/4/1975 đến giờ, nhiều nơi đã chứng kiến sự lan rộng của hình ảnh Chúa cứu độ. Chứng kiến không qua lý thuyết, mà qua gặp gỡ và hiểu biết. Không ít giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân đã được đồng bào lương giáo yêu thương. Họ được nhìn như những người cứu độ. Cứu độ về nhiều phương diện, nhưng nhất là về mặt yêu thương, kính trọng. Yêu thương và kính trọng nhau đã cứu khỏi những thành kiến hận thù, nghi kỵ. Nhờ dấn thân yêu thương khiêm tốn, họ trở thành người của tất cả mọi người, không phân biệt lương giáo, có tôn giáo hay không có tôn giáo.

Hiện nay, cuốn sách được bán chay nhất tại địa phương tôi là "Trên cả tình yêu" của Mẹ Têrêsa Calcutta. Những người mua sách phần đông là ngoài công giáo. Họ nhìn Mẹ Têrêsa là con người cứu độ. Đọc xong, họ tìm hình ảnh Mẹ trong địa phương này. Họ đã không ngã lòng. Họ đã tìm thấy một số hình ảnh thân thương đó. Và hình ảnh đó đã đưa tới hình ảnh Chúa Giêsu cứu độ.

Tiếp theo sự đổi mới cách sống mầu nhiệm cứu độ và mầu nhiệm nhập thể, là sự đổi mới cách sống mầu nhiệm Thánh Thể.

3/ Làm mới lại cách sống mầu nhiệm Thánh Thể

Từ biến cố 30/4/1975 đến giờ, tôi thấy tại Hội Thánh Việt Nam có một biến chuyển về cách sống mầu nhiệm Thánh Thể.

Mới ở chỗ:

- Nhiều người tập trung vào Chúa Giêsu trong phép Thánh Thể hơn trước.
- Nhiều người để ý nhiều hơn đến việc sống kết hợp với Chúa Giêsu Thánh Thể.
- Nhiều người thực hiện nhiều hơn việc tạ ơn, sám hối và đền tội với Chúa Giêsu Thánh Thể.
- Nhiều người áp dụng nghiêm túc hơn giới luật yêu thương của Chúa Giêsu Thánh Thể.
- Nhiều người đã sống khiêm tốn bé nhỏ hơn trước, theo gương Chúa Giêsu Thánh Thể.

Sự đổi mới cách sống mầu nhiệm Thánh Thể thường được thực hiện một phần do sự đổi mới cách sống của những tư tế của Chúa. Khi các vị tư tế sống thực sự là người của phép Thánh Thể, thì bầu khí phượng tự, mục vụ sẽ ra khác. Sự kiện đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến bầu khí xã hội.

Ba cách sống trên đây đã trình bày ba hình ảnh sống động của Chúa Giêsu: Chúa nhập thể, Chúa cứu độ, Chúa Thánh Thể. Ba cách sống này là chứng từ về Thiên Chúa chúng ta. Tất nhiên chúng ta sẽ phải đau khổ trên đường làm chứng. Nhưng chúng ta vững tin. Chúa luôn ở với chúng ta. Người đang đổi mới mọi sự theo thánh ý Người.

Xin khiêm tốn cảm tạ Chúa giàu lòng thương xót đến muôn đời.
 
Sự Sống Mới
+ TGM Giuse Ngô Quang Kiệt
07:50 25/04/2008
Chúa nhật 6 Phục sinh

SỰ SỐNG MỚI

I. TẤM BÁNH LỜI CHÚA (Ga 14, 15-21)

Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy. Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em. Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em. Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em. Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy."

II. TẤM BÁNH CHIA SẺ

Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốcThiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.

Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.

Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.

Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: "Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người". Cũng như kiến thức y khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc của nhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loài cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.

Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.

Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.

Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.

Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như như lời Chúa Giêsu nói: " Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến".

Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiện của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta Ở trong người nào tức là ở trong trái tim của người ấy. Ở trong trái tim của ai tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.

Đúng như lời Chúa Giêsu nói: "Thầy sẽ không để anh em mồ côi". Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi, sẽ được tham dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ra đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người đem đến cho ta Chúa Thánh Thần an ủi. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sống sung mãn, sự sống dồi dào.

Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: "Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy". Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó chính là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.

III. TẤM BÁNH HÓA NHIỀU

1- Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí ?

2- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?

3- Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?
 
Đức Giêsu tỏ mình ra cho ai yêu mến Người
Lm Nguyễn Hữu Thy
08:23 25/04/2008
Chúa Nhật VI Mùa Phục Sinh/A

Ðức Giêsu tỏ mình ra cho ai yêu mến Người


(Ga 14,15-21)

Ðức Giêsu tỏ mình ra cho những ai yêu mến Người. Ðó là câu kết của bài Tin Mừng ngày Chúa Nhật hôm nay mà chúng ta vừa nghe. «Ai yêu mến Thầy thì Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ mình ra cho người ấy!» (Ga 14,21). Ðây chính là trọng tâm đức tin Kitô giáo của chúng ta.

Trong cuốn tiểu thuyết thời danh «Cô gái của Hoàng Tử tí hon» của tác giả Antoine de St. Exupéry, có một câu nòng cốt rất được biết đến, một điều bí mật mà con cáo đã tâm sự với chú Hoàng Tử, là: «Với con tim, người ta nhìn thấy rõ hơn. Vì đôi mắt không thể nhìn thấy được điều chính yếu!»

Sự thật của câu nói đó mỗi người trong chúng ta đều đã hơn một lần cảm nhận được. Ai muốn tìm hiểu một người từ xa, sẽ dễ bị lầm lẫn. Chỉ ai thật lòng tiếp cận với những người khác, cảm nghiệm được những tư duy và tình cảm, những lo lắng và những hy vọng, điều buồn khổ và niềm vui, cũng như quá khứ và tương lai của họ, thì người đó mới có thể hòa mình một cách thực sự vào cuộc sống của những người khác được. Vì những người thật tình thương yêu nhau, rất dễ lắng nghe nhau và rất dễ thông cảm với nhau. Vâng, khi người ta thích một người nào đó, thì người ta rất dễ cảm thông với người đó hơn. Ðó cũng chính là ý nghĩa của lời Ðức Giêsu đã nói với chúng ta: Người tỏ mình ra cho ai yêu mến Người.

Vì thế, ai muốn nhận biết Ðức Giêsu, cần phải tìm kiếm Người với cả con tim. Vì chỉ với trí năng mà thôi, người ta chỉ có thể thu tập được những chứng tích lịch sử về Người và tổng hợp được những hiểu biết về thần học. Bao lâu chính trái tim mình còn khép kín, con người sẽ không thể hiểu thấu được «Thánh Tâm Chúa Giêsu », sẽ không thể cảm nhận được những gì đã đưa đẩy Con Thiên Chúa đến trong thế gian, những gì đã khiến Người phải suốt ngày lang thang đây đó trên khắp mọi nẻo đường và trái tim Người khi bị treo trên thập giá đã bị đâm nát ra vì ai! Ở đâu người ta chỉ dạy giáo lý, chỉ trau dồi môn khoa học về tôn giáo, chứ không được kèm theo những kinh nghiệm sống đức tin cụ thể của mình với cả con tim, thì ở đó khó lòng truyền bá đức tin cho người khác được.

Ði tìm kiếm con tim với cả con tim. Dĩ nhiên điều đó không có nghĩa là trong vấn đề đức tin, chúng ta tìm cách loại bỏ trí năng ra. Chúng ta không muốn ngụp lặn trong một thứ đạo đức tình cảm ướt át qua thời, một thứ đạo đức hoàn toàn bằng lòng với những cảm xúc thánh thiện thiếu cơ sở lý trí, như những trào lưu tôn giáo tân thời nặng màu sắc tình cảm hiện đang tuyên truyền quảng cáo rầm rộ. Những gì được giới thiệu trong những học thuyết về hiện tượng tái sinh, về chiêm tinh bói toán, về tướng số, v.v… đều không phải là những điều thuộc về đức tin Kitô giáo. Những gì mà người Kitô hữu chúng ta tin kính, không phải là một sở thích lông bông, vô căn cứ, nhưng là Một-ai-đó, tức Ðức Giêsu Kitô, Ðấng đã sống ở giữa chúng ta với đầy đủ xương thịt, hoàn toàn như một phàm nhân, ngoại trừ tội lỗi. Chính Người là Con Một Chúa Cha và đã được sai đến trong trần gian.

Nếu lãnh vực tôn giáo thần thiêng vượt khỏi khả năng hiểu biết nhân loại, thì điều đó không có nghĩa là chúng ta chỉ nhắm mắt đưa chân, tự giao mình cách mù quáng cho một quyền lực vô ngã nào đó, nhưng là đứng đối diện với một Ngôi Vị, với một Thiên Chúa làm người, có một con tim hằng đập những nhịp đập cho chúng ta.

Nhưng đức tin của chúng ta còn cần phải rõ ràng và cụ thể hơn nữa. Vì trong xã hội, Ðức Giêsu còn có những người anh chị em khác sống giữa chúng ta. Và bằng cớ để chứng minh chúng ta yêu mến Thiên Chúa và Ðức Giêsu thực sự hay không, là qua thái độ chúng ta đối với những người anh chị em của Người như thế nào: tốt hay xấu, yêu thương hay hận thù ghen ghét! Vì «nếu ai nói: tôi yêu mến Thiên Chúa, nhưng lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối. Vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì làm sao lại có thể yêu mến Thiên Chúa là Ðấng họ không trông thấy được» (1Ga 4,20).

Nhiều người trên đường tìm kiếm Thiên Chúa đã tự hỏi: Làm thế nào để tôi có thể tìm gặp được Thiên Chúa? Một điều chắc chắn là đa số những con đường dẫn tới Thiên Chúa đều băng qua những anh em đồng loại của chúng ta. Bởi vì, ai có lòng đối với cận nhân mình, ai biết yêu thương đồng loại, thì cánh cửa cũng luôn rộng mở cho cho người đó nơi Ðấng đã trở thành người Anh Cả của cả nhân loại. Vâng, Người tỏ mình ra cho những ai yêu mến Người trong những người anh chị em của Người. Trong lời tiễn biệt trước khi chịu chết, Ðức Giêsu đã nói lên những lời đầy tâm huyết như sau: «Thầy ban cho chúng con một giới răn mới: Chúng con hãy thương yêu nhau như Thầy đã yêu thương chúng con. Các con hãy thương nhau để thế gian nhận biết rằng chúng con là môn đệ của Thầy!» (Ga 13,34-35; 15,12).
 
Một Câu Chuyện Dài (thơ)
lykhách
10:15 25/04/2008
Một Câu Chuyện Dài
(ý Lc. 15, 11-32)

Ta đang sống những ngày buồn chán
Hồn mây trời bay khắp nẻo nhân gian
Ai giam ta giữa mấy lũy tre làng
Mà không tới chốn mơ màng lạc thú?

Ta sẽ ởđây rồi chết trong ủ rũ
Hay là đi theo giấc mộng viễn du?
Phải ra đi thoát kiếp đời lam lũ
Giang hồ ơi ta chẳng thể chần chừ!

Thưa cha, con lớn khôn đã đủ
Xin chia cho phần hưởng thụ gia tài
Con muốn đi riêng dựng một tương lai
Còn hơn sống mãi hoài trong ngao ngán!

Làng thôn chật giam tuổi xuân buồn nản
Con sẽ đi về ánh sáng thành đô
Ở nơi ấy đông người vui muôn chỗ
Ở nơi này chỉ núi thẳm với đồng khô!

Nước mắt lưng tròng
Người cha già cúi đầu thất vọng
Con ơi biển đời mênh mông
Con chưa hiểu trời cao đất rộng

Bước trần ai vẫn luôn gió sóng
Sẽ cuốn con trong dục vọng sân si,
Nơi phương xa rồi đau yếu những khi
Ai lo lắng mà ra đi như thế?

Người cha già khổđau gạt lệ
Trông theo con dần khuất nẻo đường quê
Rồi từng chiều hôm lặng lẽ ngóng con về
Nắng vàng cũng tái tê
Đổ theo bóng già chờ lê thê cuối ngõ

Ôi phố thị mờ xa khuất sau rặng núi đó
Đứa con tôi còn nhớ lối quay về?!
Nơi thành đô tráng lệ!
Ngựa xe chen chúc, giai nhân xiết kể
Tiền trong tay phải hưởng thụ mọi bề
Rượu phải uống say cho tiêu sầu nhân thế
Đốt đêm thâu cho quên hết cả nẻo về!

Bạn bè ơi tới đây mà nâng chén
Để mừng ngày ta giải phóng đời ta
Trăng sáng làm sao sánh với ánh phố hoa
Với đàn hát bên tửu trà lênh láng!

Rồi cứ thế vung tiền mua bè bạn
Cùng giai nhân đêm suốt sáng truy hoan
Đến một hôm tiền hết tình chẳng còn
Bè bạn bỏ, tửu lầu xa thấp thoáng

Trong cơn đói, đói từng cơn đành đoạn
Mơ bữa cơm ngon nấu gạo trắng canh rau
Miếng dưa cà cắn giòn giã làm sao
Thèm khúc cá nhai cái đầu...ôi hết ý!

“Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí!”
Lúc hết tiền trùng nạn đói liền khi
Nồi cháo heo canh cặn với củ mì
Cũng muốn nuốt nhưng chẳng ai bố thí!

Đêm lén trộm của heo ăn, nằm nghĩ:
Ở nhà cha ta có biết đói là chi
Nhục nhã thay thân một nam nhi
Người chửi rủa, đánh cho cùn phẫn chí!

Trăng thao thức đêm khuya soi một ý
Nhớ cha già sau mấy rặng núi non
Bao năm qua chiếc bóng chắc mỏi mòn
Theo thương nhớ thằng con đầy trác táng!

Hắn quyết chí suốt trong đêm chờ sáng
Ánh bình minh vừa ló dạng đằng Đông
Hắn đứng lên lau nước mắt chảy xuôi dòng
Về! về lại bên cha già mà sống!

Nắng ban mai dịu dàng thơm gió lộng
Cánh chim trời bay lơ lửng trên không
Hắn lúc vui lúc chợt tủi trong lòng
Không biết cha còn mong con trở lại?

Trời về chiều, nắng vàng trên lối trải
Đường làng quê êm ái bóng mây che
Tới đầu thôn chân lữ thứ rụt rè
Nhìn thoáng bóng não nề trong nắng tắt

Hắn lấy tay lau dòng lệ trào bất giác
Ai xa xa nhìn quen mặt như là
Đúng rồi! đúng rồi, chính cha ta
Hắn chạy tới khóc òa và quỵ gối

Cha cha ơi con vềđây tạ tội
Con phạm tới Trời và có lỗi cùng cha
Xin cho con làm tôi tớ trong nhà
Mà trở lại mái nhà xưa đã sống!

Người cha già mắt lệ nhòa bất động
Ôm thằng con phút chốc bỗng nghẹn lời
Con về rồi hả thằng ba ơi...
Rồi nước mắt pha tiếng cười lẫn lộn...

Hãy đứng dậy ôi đứa con gầy ốm
Về với cha, cha chẳng trách gì đâu
Cha đã chờ con bao chiều nắng úa mầu
Con là con cha, trước sau là con mãi!

Vừa tới nhà ông kêu gia nhân lại
Lấy áo hoa, giày mới, nhẫn con ta...
Và ngã ngay con bê béo thật to
Để mừng buổi tiệc trùng phùng khắp ngõ

Trong khói lam, chiều như ngừng lại đó
Tiếng đàn ca rộn rã ngõ đoàn viên
Thằng trưởng trai về tới, đỗi ngạc nhiên
Sao nhà hôm nay rộn ràng vui lắm tiếng?

Hắn đứng ngoài kêu gia nhân hỏi chuyện
Rồi biết ra, hắn phừng lửa giận điên
Hắn quay bước, gia nhân vào mau miệng
Gọi cha già theo nắm áo kéo nghiêng

Hắn một hơi lớn tiếng:
Đấy cha coi, con phải nào không biết chuyện
Cả đời con ngậm miệng
Lao tâm lao lực có nghĩ gì riêng
Con làm cho cha, ngày ba bữa cơm vào miệng
Thân trâu cày trả hiếu nghĩa cùng cha
Có bao giờ cha giết con dê nhỏ để mà
Cho hiếu tử chút chi là vui với bạn?!
Còn thằng út kia, một thằng trác táng
Chia gia tài rồi biền biệt đi hoang

Trở vềđây với ma dại thân tàn
Cha lại mở liên hoan cùng bê béo?!
Hãy vào nhà hỡi đứa con nghĩa hiếu
Cha sinh con ra và rất hiểu lòng ngoan
Tất cả của cha là tất cả của con
Con ở với cha vuông tròn cha biết hết

Nhưng phải mừng vì em con như đã chết
Mà giờ đây lại chỗi dậy về nhà
Là em con cũng là đứa con cha
Con bê béo cũng chẳng qua...vật chất
Hồn phục sinh con người mới sống thật
Của cải cha là tình chân chất con ơi
Phải biết yêu thương và tha thứ như
Trời Vẫn độ lượng từ muôn đời muôn kiếp
Sau núi xa xa sáng vàng non vầng nguyệt
Trời sao thưa ngày luyến tiếc vào đêm
Gió vọng về đâu đó mấy tiếng chim
Về rất trễ đang gọi tìm tổ ấm

Thằng con cả nghe lời cha im lặng
Cầm tay cha cùng dắt bước vô nhà
Nó chẳng thèm ngó đến mặt thằng ba
Lòng vừa giận vừa xót xa thương em nó!
Thằng lãng tử biết anh buồn trước ngõ
Nên ngồi yên trong xó tối rưng rưng
Hai anh em mặt chạm mặt ngập ngừng
Rồi ôm lấy giữa vui mừng cha nó
Nhạc vang lên như dâu về rước ngõ
Rượu tương phùng thơm rõ ý đoàn viên
Ánh trăng khuya đổ bóng khắp một miền
Soi hạnh phúc của bình yên thôn nhỏ.
 
Ông Ronald Reagan: tín hữu Kitô chân chính
Sr. Jean Berchmans Minh Nguyệt
11:39 25/04/2008
ÔNG RONALD REAGAN: TÍN HỮU KITÔ CHÂN CHÍNH

Nhật báo Pháp ”Le Figaro - Người Thợ Cạo”, Thứ Ba 1-6-1993, đăng bài phỏng vấn ông Mikhail Gorbatchev, Cựu Tổng Thống Liên-Xô, về cuốn sách ”Avant-Mémoires / Tiền-Hồi Ký” của ông.

TT Ronald Reagan
Bài phỏng vấn xoay quanh các biến cố chính trị xảy ra tại Cựu Liên-Xô, đặc biệt vụ đảo chánh hụt hồi tháng 8 năm 1991 và những biến chuyển sau đó khiến ông Mikhail Gorbatchev phải từ chức tổng thống Liên-Xô.

Nhắc lại những lý do đưa đến cuộc sụp đổ thảm hại của chủ nghĩa cộng sản vô thần, ông Gorbatchev khéo léo khẳng định rõ ràng vai trò của Đức Thánh Cha Gioan Phaolo II (1978-2005):

- Đức Giáo Hoàng không phải là người ném quả bom đầu tiên chống lại chủ nghĩa cộng sản. . Ngài lưu ý đến vấn đề chính trị nhưng ngài không làm chính trị, bởi vì tôn giáo phải lưu tâm trước tiên đến các vấn đề thuộc phạm vi tôn giáo. .

Ông Gorbatchev xác quyết thêm:

- Những nứt rạn đầu tiên đưa đến cuộc sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản tại Liên-Xô, xuất phát từ chính bên trong Liên-Xô. Liên-Xô không còn năng lực xã hội nữa và vì thế, đất nước bị dậm chân tại chỗ.. Tiếp đến, phải thành thật công nhận vai trò tích cực của ông Ronald REAGAN, cựu Tổng Thống Hoa Kỳ. Sau hai cuộc gặp gỡ tại Genève (Thụy Sĩ) vào năm 1985 và tại Reykjavik (Island) vào năm 1986, ông REAGAN đã tìm cách canh cải đường lối quan hệ với giới lãnh đạo Liên-Xô bấy giờ.. Cần phải lên tiếng ca ngợi ông Ronald Wilson REAGAN (6-2-1911 / 5-6-2004) về điểm này. .

”Cần phải lên tiếng ca ngợi ông Ronald REAGAN”, đó là điều sư huynh Albert Pfleger - người Hungari tu sĩ Mariste - đã làm trong cuốn sách ”Fioretti de la Vierge Marie - Giai thoại về Đức Trinh Nữ MARIA”. Sư huynh giới thiệu Tổng Thống Hoa Kỳ dưới tựa đề: “Ronald REAGAN, Đức Giáo Hoàng và FATIMA”.

Ngày 9-5-1985, nhân chuyến viếng thăm Bồ-Đào-Nha, Tổng Thống Ronald REAGAN đọc diễn văn trước các dân biểu Quốc Hội. Bài diễn văn kết thúc bằng lời lẽ đáng nhớ, xứng hợp với vị Quốc Trưởng Hoa Kỳ theo Kitô Giáo:

Tại Hoa Kỳ cũng như tại Bồ-Đào-Nha, hoặc tại Âu Châu và trên toàn thế giới, chúng ta khám phá ra: Tự Do đáng quý chừng nào! Tự Do thật quan trọng cho việc xây dựng Hòa Bình và phục hồi nhân phẩm.

Niềm tin tưởng vào nhân phẩm xuất phát từ sự thật cuối cùng, làm căn bản cho nền dân chủ, đó là niềm tin tưởng rằng: con người không phải chỉ là phân tử của vũ trụ vật chất, cũng không phải chỉ là sự cấu thành của các nguyên tử. Trái lại, chúng ta tin vào một chiều kích khác, chiều kích thiêng liêng của con người. Chúng ta tìm thấy nơi đó suối nguồn siêu việt cho những yêu sách của tự do con người, để nhắc nhở chúng ta nhớ rằng, những quyền bất khả nhượng đến từ Đấng Thượng Đế cao trọng hơn chúng ta.

Không ai hoạt động nhiều để nhắc thế giới nhớ đến sự thật về nhân phẩm và một sự thật khác: hòa bình và công lý bắt đầu nơi mỗi người, không ai hoạt động nhiều cho bằng Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolo II, Người đã đến Bồ-Đào-Nha cách đây mấy năm, sau cuộc ám sát suýt chết. Đức Giáo Hoàng đã đến FATIMA, nơi Đền Thánh quan trọng của quý vị, để bày tỏ lòng sùng kính đặc biệt của Ngài đối với Đức Mẹ MARIA, để khẩn cầu Trời Cao tuôn đổ ơn tha thứ và lòng thương xót trên mọi người, để cầu nguyện cho Hòa Bình và cho việc nhìn nhận nhân phẩm trên toàn thế giới.

Khi tôi gặp Đức Gioan Phaolo II tại Alaska cách đây một năm, tôi đã có dịp cám ơn ngài về cuộc sống và công việc tông đồ của ngài. Tôi còn dám thưa với ngài rằng, chính trong mẫu người như ngài và chính trong lời cầu của những người khiêm hạ trên thế giới, khiêm hạ như các trẻ chăn chiên Fatima mà mới có quyền hành, lớn hơn quyền hành của mọi quân lực hùng hậu và của mọi quốc trưởng trên thế giới.

Đây cũng là điều người Bồ-Đào-Nha có thể nói với thế giới, bởi vì nét cao cả của quốc gia quý vị nằm trong dân tộc của quý vị.

Người ta có thể nhận thấy điều này trong đời sống thường ngày của các cộng đoàn, các thành phố và đặc biệt trong các ngôi nhà thờ nhỏ, nằm rải rác nơi các làng mạc, thị trấn. Những nhà thờ này nói lên một niềm tin, giải thích cho mọi người hiểu: tại sao con người đòi hỏi phẩm giá và tự do của mình phải được tôn trọng.

Đối với tôi, đó mới là quyền hành thật, đó mới là sự hiểu biết thật về ý nghĩa cuộc đời và tính chất khách quan của lịch sử.

Xin chân thành cám ơn và xin THIÊN CHÚA chúc lành cho quý vị.

(Ông Ronald Wilson REAGAN - cựu Tổng Thống Hoa Kỳ - đã từ giã cõi đời, hưởng thọ 93 tuổi, ngày 5-6-2004).

... ”Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. . THIÊN CHÚA đảo lộn chương trình muôn nước, Người phá tan ý định chư dân. Chương trình Chúa ngàn năm bền vững, ý định của lòng Người vạn kiếp trường tồn. Hạnh phúc thay quốc gia được CHÚA làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp. Từ Trời Cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người. Từ thiên cung Chúa ngự, Chúa dõi theo người thế. Lòng mỗi người, chính Chúa dựng nên, việc họ làm, Chúa thông suốt cả. Vua thắng trận đâu bởi hùng binh, tráng sĩ thoát nguy đâu nhờ dũng lực. Hão huyền thay, mong thắng nhờ chiến mã, nó mạnh đến đâu cũng không cứu nổi người. Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Thánh Vịnh 33,1+10-19).

(Albert Pfleger, ”FIORETTI DE LA VIERGE MARIE”, Mambre Editeur-Diffuseur, 1992 + ”LE FIGARO” 1-6-1993)
 
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần
LM Nguyễn Vinh Gioang
15:48 25/04/2008
Mười truyện đơn sơ về Giáo Lý và Giáo Dục mỗi tuần (32)

311. Những nhận xét của Đức Cha Dupanloup trong tuần tĩnh tâm

Lời ghi chú của Đức Cha Dupanloup trong một dịp cấm phòng đáng cho mọi người công giáo lưu ý, nhất là các linh mục và tu sĩ:

“Tôi đã hành động quá đáng đến nỗi làm thiệt hại đến sức khỏe, đến lòng sốt sắng và không được ích chi cho nền học thức của tôi cả. Tôi cần phải cải thiện lại. Chúa đã soi sáng cho tôi biết điều làm ngăn cản đời nội tâm yên tĩnh và phong phú của tôi là vì tôi đã theo tính tự nhiên, thích hoạt động rộn rã quá đà. Tôi cũng nhận thấy rằng sự thiếu sót đời nội tâm, chính là nguồn mạch phát sinh bao nhiêu khuyết điểm khác, làm cho tôi lo lắng bối rối, khô khan nguội lạnh, chán nản và kiệt sức. Vì vậy, tôi đã quyết tâm xuất toàn lực, luyện tập đời nội tâm còn thiếu sót. Và để đạt được kết quả mong muốn, tôi sẽ nhờ ơn Chúa giúp, chấn chỉnh lại những điểm sau đây:

1). Tôi sẽ để ra nhiều thì giờ hơn một chút để thi hành công tác, và đó là phương pháp giúp tôi khỏi làm vội vàng, hấp tấp.

2). Thường bao giờ tôi cũng có nhiều công tác phải thực hiện, mà lại có ít thời giờ, điều nầy làm cho tôi băn khoăn bối rối, vì vậy, tôi sẽ không để ý nghĩ đến công việc phải làm, nhưng sẽ quan tâm đến thời giờ phải lợi dụng. Tôi sẽ lợi dụng hết thời giờ, không để qua đi vô ích, bằng cách thi hành những việc cần thiết hơn, còn bao nhiêu, tôi sẽ không để tâm lo lắng nữa…” (x. Hồn Tông Đồ)

Một vị giám mục đạo đức, thông thái mà còn than phiền về đời sống nội tâm thiếu sót của mình, thì huống hồ là bạn và tôi!

312. Phần thưởng giáo lý là phần thưởng quý giá nhất!

Ngày kia, một em học sinh công giáo đem phần thưởng môn giáo lý về nhà và khoe thành tích giáo lý nầy cho cha mình.

Vì là người không sốt sắng đạo đức, cha em không vui gì, nên nói với con rằng:

- “Con hãy cố gắng làm sao cho được những phần thưởng về những môn đời vì những môn đời sẽ giúp con mở được cánh cửa để đi vào tương lai.”

Người con nầy, được ơn Đức Chúa Thánh Thần soi sáng, liền trả lời lại một câu rất hay:

- “Thưa cha, cha nghĩ như vậy không đúng. Phần thưởng giáo lý là phần thưởng quý giá nhất vì phần thưởng nầy giúp con mở được cánh cửa nước thiên đàng để vào hưởng hạnh phúc đời đời với Chúa.”

313. “Có một Đấng sẽ chịu vì tôi!”

Khi ở trong tù, đợi phiên bị đem ra đấu trường để cho thú dữ phanh thây, thánh nữ Fêlixitê được người lính canh hỏi:

- “Chị làm sao đủ sức mà chịu được?”

Thánh nữ bình tĩnh trả lời:

- “Trong tôi, có một Đấng sẽ chịu vì tôi. Đấng đó, là Đấng tôi sẵn sàng chết cho Ngài.”

314. Các linh mục quản xứ làm cách nào cho người ngoại đạo được biết Chúa?

Văn sĩ Louis Veuillot đưa ra nhận xét:

- “ Nếu nhóm nhỏ các tín hữu thường đi nhà thờ mà biết sống đạo tình thương bác ái như Chúa dạy, thì họ sẽ thay đổi cả thế giới.”

Và văn sĩ nầy nhắn với các linh mục quản xứ:

- “Nếu các cha làm cho con chiên bổn đạo của mình sống đạo cho thật tử tế, các cha sẽ làm cho người ngoại đạo trở lại.”

315. Tính xấu của chúng ta nuốt sống chúng ta

Tính xấu của chúng ta sẽ nuốt sống chúng ta, sẽ làm cho chúng ta chết.

Khi chúng ta không chịu sửa chừa tính xấu mới ló ra, thì sau nầy chúng ta sẽ bị tính xấu đó làm cho chết.

Bà hoàng hậu độc ác Giêsaben nuôi một bầy chó rất dữ. Ai cũng sợ bầy chó nầy. Nhưng chính bầy chó dữ mà bà hoàng hậu nầy nuôi, đã ăn thịt bà. Bởi vì khi chết, bà bị vất xác ra giữa đồng, và chính bầy chó nầy đến ăn thịt xác bà.

Khi chúng ta không chịu chừa bỏ các tính xấu, thì chính các tính xấu nầy sẽ làm hại đời ta.

Thời Trung Cổ, có một bác thợ rèn rất giỏi: bác rèn được những giây xích bằng sắt rất kiên cố, không ai phá nổi.

Ngày kia, bác bị bắt đi tù. Người ta xích bác lại bằng một sợi giây xích sắt. Bác ngồi quan sát giây xích, tìm cách bẻ gãy để thoát thân. Nhưng bỗng bác thở dài, thất vọng khi biết rằng giây xích sắt nầy là giây xích do bác làm ra!

316. Tập chí can trường mạo hiểm để cho tuổi trẻ được trưởng thành

Có nhiều dân tộc như dân tộc Zoulous, Suazi, Matabélé huấn luyện thanh niên của họ gần tuổi trưởng thành một cách gắt gao. Họ dùng một thứ sơn trắng, khó rửa, phải đến mấy tuần mới phai được, để sơn vào người trẻ, giao cho anh ta một cây giáo, rồi đuổi anh ta vào rừng. Từ lúc đó, người trẻ nầy phải tìm cách tự sống trong vài tuần.

Trong những tuần nầy, anh ta phải theo dõi các dấu vết của thú rừng để săn thịt mà ăn, phải biết cọ xát hai miếng gỗ để lấy lửa, phải tìm cách ẩn núp thật kín đáo vì ai gặp anh ta khi còn lớp sơn trắng thì cũng có thể giết anh ta.

Ai thắng cuộc, trở về lại làng, sẽ được hoan nghênh và được xem là người trưởng thành.

317. Chị thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu sống đời vui vẻ trong hy sinh

Ngày kia, chị thánh Têrêxa đố các chị em trong dòng:

- “Các chị có biết ngày lễ vui mừng của em là ngày nào không?”

Vừa hỏi xong, chị thánh nầy liền nhanh lẹ trả lời:

- ”Đó là ngày Chúa thử thách em nhiều nhất. Đó là ngày Chúa để cho em chịu nhiều đau khổ nhất.”

Một hôm kia, bà bề trên hỏi chị:

- “Sáng nay, sao em vui thế?”

Chị thánh thưa lại một cách thành thật:

- “Dạ, con vừa làm được hai việc hy sinh.”

Chị thánh Têrêxa thú nhận là chị đã tập được một thói quen rất anh hùng, đó là luôn mĩm cười. Chị nói:

- “Tôi đã tập được thói quen mĩm cười trong mọi lúc, trong mọi nơi, trong mọi trường hợp, trong mọi hoàn cảnh.”

318. Cái gì ngăn trở bạn thấy Chúa?

Ngày kia, Đức Hồng Y Wiseman tiếp một người bạn đang còn ở ngoài Đạo Công giáo.

Hai người bàn luận lâu giờ về các điều trong Đạo.

Thấy bạn mình vẫn còn cứng lòng, đức hồng y liền lấy một tờ giáy trắng, viết lên đó một tiếng, rồi lấy một đồng bạc che lại.

- “Bạn thấy gì đây?”

- “Tôi thấy một đồng bạc.”

- “Bạn có thấy gì khác nữa không?”

- “Không.”

Đức hồng y liền cất đồng bạc đi và hỏi:

- “Bây giờ, bạn thấy gì?”

- “Tôi thấy: “Chúa”.

- “Vậy lúc nãy, có cái gì đã làm cho bạn không thấy Chúa?”

Ông bạn luýnh quýnh, không biết trả lời làm sao.

Nhiều kẻ chỉ dùng đôi mắt của mình để thấy tiền bạc, vì thế, họ không còn thấy Chúa, không còn thấy lề luật của Ngài, không còn thấy ân sủng của Ngài.

319. “Nầy con, con đã trở nên thánh chưa?”

Một tu sĩ kia kể về cuộc đời tu của mình như sau.

Lúc 17 tuổi, chàng nói cho cha mình biết chàng muốn đi tu, muốn dâng mình cho Chúa.

Khi biết rõ con của mình muốn đi tu thật, chứ không phải nhẹ dạ, người cha liền trả lời dứt khoát: “Đó là ý Chúa. Cha không thấy có điều gì trở ngại. Nhưng cha chỉ xin con nhớ điều nầy là: con đi tu là để trở nên một vị thánh.”

Và sau đó, cứ mỗi lần đến thăm chàng, người cha vừa vui cười, vừa hỏi chàng một câu như sau: “Nầy con, con đã trở nên thánh chưa?”

320. “Một quốc gia được thành lập thế nào được khi không có Thiên Chúa nâng đỡ?”

Năm 1787, để lập hiến pháp đầu tiên cho Hợp Chủng Quốc, là nước Mỹ bây giờ, các đại biểu họp nhau lại để bàn luận. Trong dịp nầy, đại biểu Franklin đứng lên nói một câu rất cảm động:

- “Thưa các bạn, chúng ta hãy nguyện kinh trước đã. Sống lâu năm, và càng sống thêm, tôi càng nhận rõ điều nầy là: có Thiên Chúa điều khiển mọi sự. Nếu một con chim sẻ không rớt xuống đất khi Thiên Chúa không cho phép, thì một quốc gia được thành lập thế nào được khi không có Ngài nâng đỡ?”
 
Mỗi ngày một câu chuyện (dành cho trẻ em)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:29 25/04/2008
COM NHÁI NHỎ BIẾT SỬA SAI

N2T


Một con nhái nhỏ ở trong một vườn rau.

Một hôm, khi mọi người bận bắt côn trùng, thì nó nhìn nhìn ngọn rau có chồi non. Nhịn không được nên chảy nước miếng, thế là nó ăn vụng một bữa no nê. Nhưng tất cả việc ấy đều bị chuột con nhìn thấy, chuột con cười thầm nhưng không thành tiếng.

Qua mấy ngày sau, chuột con len lén đào một củ cải và muốn chuyển đi, nhưng lại bị con nhái nhỏ nhìn thấy. Con nhái nhỏ lớn tiếng nói: “Đứng lại, không được ăn cắp đồ, bạn mau bỏ xuống bằng không thì tớ la lớn cho mà xem.”

Chỉ thấy chuột con nói một cách hùng hồn đầy lý lẽ: “Bạn la lớn đi, lần trước bạn ăn trộm rau non bị tớ nhìn thấy, kêu mọi người đến đi, tớ sẽ lớn tiếng đem chuyện ấy nói ra cho mà xem.” Con nhái nhỏ nghe xong thì ngẩn người ra, từ từ cúi đầu xuống không lên tiếng. Chuột con lợi dụng cơ hội ấy, lắc la lắc lư rinh củ cải lớn về nhà.

Buổi tối, con nhái nhỏ trở về nhà mà trong lòng bực bội không vui, nhái mẹ cho rằng nó bị bệnh nên vội vàng hỏi nó như thế nào, nhái con lắc đầu không nói. Đêm ấy, nhái con ngủ không được, trong lòng cứ nghĩ lui nghĩ tới chuyện ấy nhiều lần: làm sao đây, mình có nên đem chuyện ăn vụng rau non nói cho mọi người biết, có nên đem chuyện chuột con ăn cắp củ cải nói cho mọi người nghe ?

Sáng hôm sau, cuối cùng nhái con cũng làm một quyết định, nó đi đến trước mặt nhái mẹ nói nhỏ: “Mẹ à, con có làm sai một chuyện, con lén ăn trộm rau non và bị chuột con nhìn thấy, vì con sợ bạn ấy nói cho mọi người biết, cho nên hôm qua khi con phát hiện bạn ấy ăn trộm củ cải nên con cũng không nói ra.”

Nhái mẹ nhẫn nại nghe lời nhái con nói, xoa xoa đầu nó và nói: “Biết sai và có thể sửa đổi là đứa con ngoan, sau này nếu thấy chuột con ăn trộm đồ thì con đừng sợ, phải dũng cảm ngăn chận nó.”

(Trích: Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn)

Gợi ý:

Các em thân mến,

Chúng ta không thể tránh sẽ phạm một vài sai lầm nhỏ hoặc lớn, nhưng khi phát hiện mình làm sai thì phải lập tức và mau mắn sửa lại cho đúng, làm một đứa con ngoan chính là biết sai mà sửa lại cho đúng.

Có nhiều em nhỏ vì sợ bạn bè hăm dọa nên không dám nói ra những việc làm xấu của bạn bè, hoặc là vì sợ mắc cở với bạn bè mà không dám thú nhận những lỗi lầm mình đã phạm.

Chúa Giê-su dạy chúng ta phải đơn sơ như trẻ nhỏ, mà đơn sơ như trẻ nhỏ chính là có thì nói có, không thì nói không, bởi vì nơi trẻ nhỏ không có gì là trí trá âm mưu, trẻ em hoàn toàn tin tưởng vào bố mẹ và những người có trách nhiệm dạy dỗ chúng nó. Do đó mà các em phải biết nghe lời bố mẹ và những người có trách nhiệm đối với các em, bởi vì nếu các em không biết nghe lời những người ấy, thì ảnh hưởng của bạn bè xấu và xã hội sẽ làm cho các em ngày càng chống đối Giáo Hội và nghi ngờ về niềm tin của mình vào Chúa Giê-su đó...

Các em thực hành:

- Biết nhận lỗi khi làm sai.

- Biết hối hận khi phạm tội.

- Biết nói không với bạn xấu và luôn cầu nguyện.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
19:32 25/04/2008
N2T


4. Nguyện vọng thi ân của Thiên Chúa vượt qua kỳ vọng của người lãnh nhận ân.

(Thánh Augustine)
 
Sức mạnh của Đức Tin
Lm Giuse Dương Hữu Tình
22:35 25/04/2008
Chúa nhật VI phục sinh

Sức mạnh của Đức Tin

Trong Thánh lễ Rửa chân tối thứ Năm tuần thánh, chúng ta đaơ được suy ngắm cử chỉ và nhương lời dạy vô cùng thân thương của Chúa. Bởi đó là cử chỉ và những lời dạy cuối cùng trước khi Chúa bước vào cuộc khổ nạn. Tuy nhiên, cử chỉ và những lời vàng ngọc đó không thể kín múc hết được ý nghĩa và bài học quý giá trong một thời gian ngắn, Giáo hội khôn ngoan đạo dành trọn 3 Chúa nhật: V, VI và VII phục sinh để giúp chúng ta có thời gian suy ngắm kỹ hơn những lời dạy này. Đó là lý do Chúa nhật V và VI, chúng ta được suy ngắm gần như trọn chương 14 Phúc âm theo Thánh Gioan và Chúa nhật tới (VII), chúng ta sẽ suy ngắm phần đầu của chương 17.

Trong chương 14, chúng ta có thể dễ nhận ra lời dạy của Chúa gồm hai phần: phần dạy về đức tin (chúng ta đã suy ngắm tuần trước) và phần dạy về đức mến (chúng ta suy ngắm trong tuần này). Tin và Yêu là đề tài chính trong lời dạy của Chúa ở chương 14 Phúc âm thánh Gioan.

Với đức tin, Chúa giúp các Tông đồ và cả chúng ta vượt qua lãnh vực trần thế để bước vào một thế giới khác, thế giới thần linh. Với đức tin, chúng ta có thể vượt qua cuộc sống hữu hạn để bước vào cuộc sống vô hạn. Với đức tin, con người khám phá ra ơn gọi đích thực của ḿnh, đó là ơn gọi làm người và làm con Thiên Chúa, là ơn gọi được sống và sống viên mãn.

Đức tin giúp con người ta thoát khỏi sự tù túng nghèo nàn của thế giới trần thế này bao nhiêu, thì đức mến lại giúp con người tiến sâu hơn vào thế giới thần linh bấy nhiêu. Tin là ngưỡng cửa, mến là cuộc sống. Trong suốt các Chúa nhật: Chúa nhật Phục sinh, Chúa nhật II và III Phục sinh, Giáo hội liên tục cho chúng ta sống lại kinh nghiệm của Giáo hội sơ khai về sự hiện diện của Chúa phục sinh đang đồng hành với ḿnh. Giáo hội muốn làm sống lại niềm tin nền tảng ấy nơi mỗi người chúng ta. Nhưng không chỉ sống lại một niềm tin, Giáo hội còn muốn moăi người chúng ta đồng hành bên Chúa, sống với Chúa, để con tim của đập cùng nḥip với con tim của Người. Bởi thế, theo Đạo đâu phải là theo một mớ lý thuyết trừu tượng hay một hệ thống lý luận tôn giáo, nhưng là theo và sống với một Người, là gắn bó mật thiết với một Người. Đó chính là Đức Giêsu Kitô.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Tiếng ca vàng của Ban Tam ca “The Priests”
Phụng Nghi
09:50 25/04/2008
London (CNA) – Ba linh mục Công giáo miền Bắc Ái nhĩ lan đã ký một hợp đồng thu âm với công ty âm nhạc khổng lồ Sony BGM trị giá gần 2 triệu mỹ kim.

Linh mục Eugene O’Hagan, 48 tuổi, bào đệ của ông là Martin, 45, và bạn học cũ của hai anh em là David Delargy, 44 tuổi, đã ký hợp đồng này tại địa điểm gần các bậc lên xuống của Nhà thờ Chính tòa Westminter. Ba người, đặt tên ban tam ca của họ là “The Priests (Các Linh mục)”, tuyên bố họ sẽ trao tặng số tiền thu được từ âm nhạc này cho cơ quan từ thiện.
Cha Eugene O'Hagan, Martin và David Delargy


Cả ba linh mục đã phát triển tài năng ca hát khi còn theo học trường St. MacNissi’s College ở County Antrim. Nơi đây, ba người được gọi với biệt hiệu “Holy Holy Holy (Thánh, Thánh, Thánh)” vì cùng chia sẻ một nguyện vọng chung là muốn trở thành linh mục. Theo báo Daily Telegraph, họ được học bổng về âm nhạc khi theo học tại trường Irish College ở Roma, và thường trình diễn trong ca đoàn Tòa thánh Vatican.

Cha Eugene nói rằng việc ký kết hợp đồng trị giá 1 triệu bảng Anh này thật “làm nghẹt thở”, nhưng có thể đó là “do Chúa sắp đặt.”

Cha mô tả ban hợp ca của mình có “phong vị rất là Công giáo.” Album khởi đầu của nhóm sẽ gồm các phần thánh lễ La tinh, các ca khúc truyền thống như Ave Maria, Panis Angelicus, và nhạc tuyển trích từ âm nhạc opera cổ điển.

Cha David nói: “Ca hát là điều chúng tôi thực hiện nhiều nhất. Âm nhạc đưa chúng tôi đến với nhiều thính giả hơn. Chúng tôi hát thánh ca, tiếp tục những gì chúng tôi vẫn làm từ trước tới nay.”

Theo hợp đồng, Ban tam ca được có những miễn trừ đặc biệt, cho họ thời gian thực hiện các trách nhiệm mục vụ, như chủ sự các lễ cưới và lễ tang. Cha Matin giải thích về sự miễn trừ này, nói rằng: “Công việc đối với chúng tôi rất là quan trọng. Trước hết và quan trọng hơn hết, chúng tôi là linh mục. Nhiệm vụ sẽ là trọng tâm các chương trình của chúng tôi.”

“Dĩ nhiên, họ không thể xuất hiện trong các buổi trình diễn trên TV vào các sáng Chủ nhật được.” Đó là lời ông Nick Raphael, giám đốc điều hành và quản lý hãng Sony BGM và là người thương thảo trong việc ký kết hợp đồng này. Ông khen ngợi ban hợp ca: “Giọng hát của họ thật tuyệt vời. Tôi cực kỳ phấn khích. Rồi họ sẽ trở thành các siêu sao nổi tiếng toàn cầu.”

Ông cho báo The Telegraph hay rằng các linh mục này “thật sửng sốt về đề nghị thu âm của chúng tôi, nhưng họ rất xúc động. Chúng tôi chưa biết có những linh mục nào khác đã trở thành nghệ sĩ thu thanh cả. Chuyện tương tự nhất mà chúng tôi biết được là The Singing Nun (người Nữ tu Ca hát) ở mãi thập niên 1960.”

Album của ban tam ca “The Priests” được dự trù phát hành vào tháng 11 năm nay. Một đoạn video ngắn của ban The Priests có thể xem được theo đường link: http://link.brightcove.com/services/player/bcpid1456296467?bctid=1519065763
 
Xác thánh Padre Piô năm dấu thánh được trưng bầy cho dân chúng kính viếng
Lm Nguyễn Hữu Thy
12:17 25/04/2008
SAN GIOVANNI ROTONDO - Một trong những vị thánh đương thời được coi là đã làm nhiều phép lạ nhất là Padre Pio. Sau 40 năm hôm qua thi hài thánh nhân lại được trưng bầy cho những người ngưỡng mộ khắp thế giới được đến kính viếng tại nơi ngài đã từng sống và cầu nguyện.

Khách hành hương tới kính xác thánh Piô
Hai mắt nhắm lại và trên khuôn mặt thoát ra một vẻ thanh thản dịu dàng như đang ngủ. Tuy nhiên, Padre Piô đã qua đời từ năm 1968 hưởng thọ 81 tuổi, và kể từ hôm qua, 24.4.2008, thi hài thánh nhân lại được quàn công khai tại vương cung thánh đường San Giovanni Rotondo (miền Nam nuớc Ý) cho dân chúng kính viếng.

Hôm qua có tới 15.000 người tham dự thánh lễ do ĐHY Jose Saraiva Martins cử hành khi thi hài của thánh Piô được đưa ra trưng bầy. Thi hài của thánh Padre Piô được khai quật hôm 3/3/2008 và cho thấy còn trong tình trạng “vừa phải” sau 40 năm chôn cất. Từ ngày đó đến nay một nhóm chuyên gia gồm các bác sĩ y khoa và chuyên ngành hóa chất đã làm việc tận tình để tân tạo thi hài thánh nhân hầu có thể giữ và bảo tồn thi hài được lâu dài hơn trong suốt thời gian 9 tháng trưng bày cho dân chúng đến kính viếng.

Khi còn sinh thời, Padre Piô từng là vị thánh sống của đại chúng người Ý và là một Thầy Dòng lạ lùng của thế kỷ XX:

• cha được in năm dấu đanh (Stigmata) tương tự như Chúa Giêsu khi chịu đóng đanh trên thánh giá, nghĩa là ngực, hai bàn tay và hai bàn chân bị đâm thủng qua, và hằng ngày máu từ các vết thương đó chảy nhỉ ra làm ướt đẫm các khăn băng và cả áo quần, khiến ngài vô cùng đau đớn;

• cha có thể hiện diện một lúc trong nhiều địa điểm khác nhau: Nhiều lần cha vừa có mặt tại Milanô (miền Bắc Ý), vừa có mặt tại Rôma (miền Trung Ý) để cứu vớt những người tự tử, và đồng thời cha lại ngồi giải tội ở Tu Viện của cha tại miền Nam Ý.

Lớp sáp phủ lên mặt thánh Piô hiện tại
Ba vị Giáo Hoàng đã kết án cha là người giả hình đóng kịch. Nhưng năm 2002, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã long trọng cất nhắc cha lên hàng Thánh Nhân.

Theo lời Đức Giám Mục D’Ambrôsiô thì «thi hài thánh Padre Piô hầu như không bị hủy hoại... Tuy nhiên năm dấu đanh trên mình thánh nhân đã hoàn toàn biến mất.»

Thi hài thánh Padre Piô hiện quàn tại San Giovanni Rotondo
Nhưng trước khi được đưa trưng bày công khai cho các tín hữu kính viếng khuôn mắt thánh Padre Piô đã được sửa sang lại bằng chất Silikon như chúng ta thấy trong hình kèm đây, và thi hài thánh nhân cũng đã được xức thuốc. Hiện người ta chỉ nhìn thấy đầu các ngón tay của thánh nhân hơi bị đen. Còn hai chân được mang tất che kín lại.

Cho đến nay đã có khoảng 800.000 tín hữu từ khắp mọi nơi kéo về kính viếng và cầu nguyện bên thi hài thánh Padre Piô.

Lạy thánh Padre Piô, xin cầu cho chúng con!
 
Top Stories
New Russian visa rules create problems for clergy
Catholic World News
10:59 25/04/2008
MOSCOW - Apr. 24, 2008 (Forum 18/CWNews.com) - Religious communities in Russia-- notably including the Catholic Church-- are being adversely affected by new visa requirements, the Forum 18 news service reports.

Visa rules introduced in October 2007 allow foreigners with a business or humanitarian visa-- a category which includes religious work-- to spend only 90 out of any 180 days in Russia. While not targeted at religious communities, the rules are having a harsh impact on many faiths that depend upon foreign clergy.

"Our priests are really, really suffering from this," one Russian Catholic told Forum 18. Over 90% of the Catholic priests serving in Russia are foreign citizens, and many are now forced to spend long periods abroad or even commute into Russia for Sunday Mass.
 
UN secretary-general calls food price rise a global crisis
AP News
11:01 25/04/2008
VIENNA, Austria - A sharp rise in food prices has developed into a global crisis, U.N. Secretary-General Ban Ki-moon said Friday.

Ban said the U.N and all members of the international community are very concerned, and immediate action is needed.

He spoke to reporters at U.N. offices in Austria, where he was meeting with the nation's top leaders for talks on how the United Nations and European Union can forge closer ties.

"This steeply rising price of food — it has developed into a real global crisis," Ban said, adding that the World Food Program has made an urgent appeal for additional $755 million.

"The United Nations is very much concerned, as all other members of the international community," Ban said. "We must take immediate action in a concerted way all throughout the international community."

Ban urged leaders of the international community to sit down together on an "urgent basis" to discuss how to improve economic distribution systems and the production of agricultural products.

(Source: By Veronika Oleksyn, Associated Press Writer)
 
Padre Pio's Body Exhumed, Will be Venerated
Catholic News Service
11:11 25/04/2008
SAN GIOVANNI ROTONDO, Italy (CNS) - Venerating the relics of St. Padre Pio is a reminder that the saints were real men and women who lived for God, said Cardinal Jose Saraiva Martins, prefect of the Congregation for Saints' Causes.

Cardinal Saraiva Martins celebrated Mass April 24 at San Giovanni Rotondo before officially unveiling the new, crystal tomb in which Padre Pio has been reburied.

The display of the body of Padre Pio
Pilgrims will be able to view the body of the Capuchin friar, who died Sept. 26, 1968.

In his homily, Cardinal Saraiva Martins said he wanted to emphasize two things: the meaning of death and the significance of venerating relics.

"That which we will see is a dead body, no longer animated by that breath which God the creator breathed into the primordial clay," he said.

"Facing the mystery of death, we are called to understand that that which we see does not sum up everything about human existence," the cardinal said. "The body is here, but Padre Pio is not just a body. In fact, he who lived in full union with the crucified Jesus now lives in absolute communion with the risen Jesus."

Venerating the body of Padre Pio, he said, believers are called to remember.

"Looking at his mortal remains, we remember all the good he accomplished in our midst through this body. The relics of those who sleep in the Lord -- and of the saints in a special way -- invite us to look toward the future. They call us to renew our faith in the resurrection of the flesh."

The Capuchins of San Giovanni Rotondo and the papal delegate for the saint's shrine, Archbishop Domenico D'Ambrosio, have said the body will be on view at least until September, but perhaps for as long as a year before the crystal will be covered.

The shrine has opened a telephone line -- (39-088) 241-7500 -- which potential pilgrims can use to reserve a date and time for visiting the tomb. Those without reservations will have to stand in line and take a chance on making it inside the crypt between 7 a.m. and 7 p.m.

As of April 23, the friars said, about 750,000 people had made reservations.

Padre Pio's body was exhumed in a service that began late at night March 2 to verify the state of the body and to allow technicians to ensure its long-term preservation.

The friars had said the body was in "fair condition," although the skull and parts of the upper body showed serious signs of decay.

The archbishop and the Capuchins hired Gems Studio, the London-based firm that makes figures for Madame Tussaud's Wax Museum, to create a silicone mask -- including a short moustache and ample beard -- for the body.

"The body is here, but Padre Pio is not just a body. In fact, he who lived in full union with the crucified Jesus now lives in absolute communion with the risen Jesus."

The practice of venerating the bodies of deceased holy men and women is as ancient as the Church. In the earliest centuries,Holy Mass was often celebrated over the tomb of one of the Saints. It proclaims the Christian belief in the redemption of the whole person, body, soul and spirit and the coming resurrection of the body. Such veneration also reveals a deep honor and reverence for those who lived lives conformed to Jesus and who are now in the communion of the saints triumphant, praying for us all.
 
Impact of pope's visit goes beyond his six-day stay, say observers
Catholic News Service
18:36 25/04/2008
WASHINGTON (CNS) -- When Pope Benedict XVI left New York April 20 after his six-day visit to the United States, Catholics were catching their breath from the whirlwind tour and many were trying to figure out what kind of impact the visit would leave in its wake.

The trip -- anticipated since last November -- prompted a fair amount of guesswork about what the pontiff would and wouldn't say. Pope Benedict, not swayed by hearsay, frequently reiterated that the theme of the visit was "Christ Our Hope" and stressed his optimism that the visit would prompt "a time of spiritual renewal for all Americans."

Whether he was addressing international or interreligious leaders, educators, priests and religious, bishops, youths or baseball stadiums full of Catholics, the pope stuck with that message of hope in Christ throughout his various stops.

Overall reviews of the papal visit were positive and then some.

"In general, the visit was a terrific success. He hit a home run every time he went up to bat," said Jesuit Father Thomas Reese, senior fellow at Woodstock Theological Center in Washington.

Pre-trip speculation about whether Pope Benedict would address the clergy sex abuse crisis was put aside from the start when the pope spoke on the plane ride to Washington of being "deeply ashamed" about the scandal. He followed those comments with several other references to the abuse scandal and then a personal meeting with abuse victims.

The pope did "exactly what American Catholics needed and wanted to see" from the person with the highest authority in the church, Father Reese said, adding that the directness will have a positive impact on the church.

"He took the issue seriously, knowing that apologizing once wasn't going to do it," the priest added.

Thomas Groome, director of the Institute of Religious Education and Pastoral Ministry at Boston College, called the pope's visit a "resounding success," where he "did and said all the right things."

In an e-mail to Catholic News Service, Groome said Pope Benedict offered Catholics and other Christians of this country a "new apologetic" for their faith that he described as "one of persuasion rather than legislation," where he encouraged people to follow the "way of Jesus" to find freedom, truth and happiness.

The pope also reached out to young people, making reference to them in homilies and meeting with them on the grounds of St. Joseph's Seminary in Yonkers, N.Y., April 19.

Mike Hayes, associate director of Paulist Young Adult Ministries in New York and managing editor of the Paulist online site BustedHalo.com, said the immediate impact of Pope Benedict's visit might not necessarily be a flood of new vocations despite encouragement in that direction. Instead, he said, more young people will be "interested in connecting with what it means to be Catholic in today's world."

To those who wondered how Pope Benedict would fill Pope John Paul II's shoes, especially with youths and young adults, Hayes has this perspective: "Where (Pope) John Paul was a rock star, (Pope) Benedict might be the audiobook."

Simply put, people came to be with Pope John Paul; they came to listen to Pope Benedict, he told CNS April 24.

Pope Benedict is "very direct, telling people, 'This is where we need to be,'" Hayes said, noting that even though the pope is "not a sound-bite guy" his directness is "something that young people really connect with."

And they weren't just thrilled to see him for the moment either, because, as Hayes pointed out, many young adults have read Pope Benedict's two encyclicals on hope and love and now, of course, they can read his various messages to the U.S. church.

Reading material is certainly one thing Pope Benedict left behind with papal texts available online at: www.uspapalvisit.org, and in a special issue of Origins, the CNS documentary service. As Father Reese pointed out, the pope's substantive speeches and homilies will "require reading and rereading."

The pope also left behind an improved image of himself among U.S. Catholics. Just two weeks before his arrival, only 18 percent of the general public and 37 percent of Catholics said they knew a lot about Pope Benedict.

If the poll were redone now, Father Reese said, "the pope's approval rating should skyrocket."

(Source: Carol Zimmermann /Catholic News Service)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Một linh mục xây sẵn nhà an nghỉ tiền nhân cho giáo dân, Huế
Phêrô Nguyễn Ngọc Giáo
02:46 25/04/2008
MỘT LINH MỤC XÂY SẴN NHÀ AN NGHỈ TIỀN NHÂN CHO GIÁO DÂN

Huế, Việt Nam.-(25.4.2008)

Nhằm giúp giáo dân tiết kiệm được nhiều chi phí trong việc cải táng khi nghĩa trang của giáo xứ sắp có lệnh phải di dời. Một linh mục, đang xây sẵn ngôi nhà có sức chứa gần 5.000 hộp đựng hài cốt, phía sau Thánh đường của khuôn viên giáo xứ.

Chính quyền địa phương đang có dự án nới rộng đô thị để lấy lại di tích lịch sử- văn hoá có tên gọi là Thành Lồi, làm khu du lịch, một công trình kiến trúc, hình thang với 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc trung bình mỗi cạnh từ 350-750 mét, được đắp bằng đất, cao chừng 2-4 mét của người Chăm có từ thế kỷ 15.

Nhà an nghỉ tiền nhân Phường Đúc, công trình đầu tiên của giáo phận Huế.


Di tích nầy đã trở thành hoang phế từ thế kỷ 18, những cư dân địa phương đã biến vùng đất gò đồi này làm khu nghĩa trang, trong đó có khu nghĩa trang của giáo xứ Phường Đúc.

Linh mục Trần Văn Quý, quản xứ Phường Đúc cho biết, nghĩa trang sắp di dời của giáo xứ rộng chừng 6000 mét vuông với hơn 700 ngôi mộ của giáo dân được chôn cất gần Thành Lồi, cách Huế 7 cây số về hướng Tây.

Cha Quý 64 tuổi, đã khởi công xây nhà an nghỉ tiền nhân đầu tiên của giáo phận Huế (từ ngày 26/12/2007 – 11/5/ 2008), với chiều dài 29 mét, rộng 6 mét, cao 16 mét, tổng kinh phí 1,3 tỷ đồng, gồm ba tầng, mái cong theo mô hình đình chùa Á đông, trên đỉnh có Thánh giá và các bức phù điêu nói về Chúa Ba Ngôi, Ngày Phán Xét và mầu nhiệm Năm sự mừng; bên trong có đủ máy móc để bảo quản hài cốt bằng tia cực tím.

Cha Quý đã gặp nhiều khó khăn như chờ giấy phép quá lâu, hoặc từ dự án ban đầu ngài dự trù 800 triệu, do bão giá, vật liệu tăng nhanh, ngân sách hụt, ngài đã viết thư xin giáo dân, ân nhân của ngài trong giáo xứ và các nơi trong và ngoài nước giúp đỡ.

‘’Đây sẽ là nghĩa trang các linh mục giáo phận Huế vì trong tương lai khi nghĩa trang các linh mục Huế ở đồi Thiên Thai có thể sẽ di dời’’, cha Quý nói rằng gian chính giữa Nhà an nghỉ sẽ đặt hài cốt các linh mục, đã từng coi sóc giáo xứ Phường Đúc từ năm thành lập giáo xứ 1658 cho đến nay, cũng như hài cốt của các vị xuất thân từ Phường Đúc..

Ông Gioan Phan Tấn Trọng, chủ tịch hội đồng giáo xứ đánh giá: ‘’việc xây sẵn nhà an nghỉ rất có ý nghĩa cho giáo xứ Phường Đúc, vì năm nay 2008 kỷ niệm đúng 350 năm thành lập giáo xứ’’,.

Lễ hội sẽ được tổ chức trọng thể vào hai ngày 11/5-12/5/2008 là Lễ Chúa Thánh Thần, mừng bổn mạng Giáo xứ với nhiều gian hàng Chợ Quê cũng là dịp khánh thành nhà an nghỉ tiền nhân’’

Ngoài ra, ông Trọng còn cho biết, phía sau vườn, sát chân Thành Lồi, có mộ cha Phêrô Belmonte, dòng tên, chết rũ tù vì đạo ngày 27/5/1700, và 4 ngôi mộ đất của gia đình ông Jean de la Croix, một người được triều đình Huế ưu đãi vì ông đã có công đúc cho vua những khẩu súng đại bác rất đẹp.

Theo lịch sử giáo xứ ghi lại, chính ông Jean de la Croix, một người công giáo Bồ Đào Nha, từ thế kỷ 15 đã thuyết phục được chúa Hiền, chấp thuận cho một vị linh mục đến ở vùng Thợ Đúc ( tức giáo xứ Phường Đúc, ngày nay ).

Cha Quý ( bên trái) và ông chủ tịch giáo xứ Phường Đúc


Ngoài ra, một số giáo dân cho biết trong vùng nghĩa trang của giáo xứ sắp di dời có 12 vị tử đạo Việt Nam, trong đó có 2 vị của giáo xứ Thợ Đúc bị án thảo tượng.

Án thảo tượng là án chung thân do các chúa triều Nguyễn áp đặt lên giáo dân không chịu bỏ đạo, họ bị đưa về cơ sở nuôi voi tại thôn Nguyệt Biều và Thợ Đúc ở Thừa Thiên Huế. Tại đây, hằng ngày họ phải đi cắt cỏ cho voi ăn cho đến khi họ qua đời. Người dân địa phương, Lương cũng như Giáo quen gọi là 12 Ông Cỏ. Năm 1999 Đức tổng giám mục Huế đã giao cho cha Phêrô Quý tôn tạo lại 12 ngôi mộ nầy.

Giáo xứ Phường Đúc từng được chọn làm toà giám mục và đặt đại chủng viện đầu tiên cho giáo đoàn đàng trong (1741-1888).Từ thế kỷ 16 đến nay, giáo xứ Phường Đúc đã cống hiến cho Giáo hội 16 linh mục trong đó có linh mục Thánh Emanuel Nguyễn Văn Triệu, linh mục sử gia công giáo Phan Phát Huờn, linh mục Giuse Phan Thiện Ân nguyên bề trên Dòng Chúa Cứu Thế, hiện là linh hướng Đại chủng viện Hà Nội.
 
Thuật ngữ ''Tử Vì Đạo'' viết thành ''Tử Đạo'', có nên không?
LM Fx Nguyễn Hùng Oánh
07:56 25/04/2008
THUẬT NGỮ “TỬ VÌ ĐẠO” VIẾT THÀNH “TỬ ĐẠO “, CÓ NÊN KHÔNG ?

Trong nước, Đức Cha Phaolo Bùi Văn Đọc chủ trương làm quyển “Từ vựng Công giáo Việt nam”, ngoài nước, VietCatholic “dịch” Từ điển Tôn giáo. Các nhà thông thái Việt nam thấy rõ đã đến lúc phải có Từ điển thống nhất cho Giới Công giáo Việt nam.

Như là hưởng ứng việc làm của các Đấng, tôi xin đóng góp một số suy nghĩ trong cách dùng một ít từ ngữ. Bài nầy xin nói đến thuật ngữ “tử vì đạo” được nói gọn lại là “tử đạo”.

1/ Tử vì đạo

Tiền nhân chúng ta đã dùng ba từ “Tử vì đạo” như một thuật ngữ để chỉ chứng nhân của Chúa Kytô đã tuyên xưng mình chỉ tôn thờ Thiên Chúa, chỉ tôn thờ Chúa Kytô mà thôi và khước từ tôn thờ thần thánh khác trước áp lực của thế quyền đến nỗi bằng lòng chịu chết vì niềm tin nầy.

Trong lá thư Ông Ben Tô Thiện viết cho cha Philipphê Marini ở Roma ngày 25-10-1659, có đoạn viết: “Ơn Đức Chúa Blày (Đức Chúa Trời) blả cỗn (trả công) cho thầy đờy đờy (thầy đời đời) bấy nhiêu mlờy tôy (lời tôi) chép tháng mườy (mười) Igreja (Giáo hội) mà thư nầi (nầy) thì ngài (ngày) lệ Ba thánh Daria cù ôn (cùng ông) thánh Chrisanto tử vì đạo…”.

Hai quyển sách viết của linh mục Bỉnh ở Lisboonne, Bồ đào nha, năm 1822, quyển thứ nhất có nhan đề “Truyện nước Annam Đàng Ngoài chí Đàng Trão (Trong), ngài viết: ‘Nói sự từ khi Tổ Tôn ta biết Đ.C.B (Đức Chúa Trời) mà thờ phượng cũ (cùng) các th’ (thánh) chịu tử vì đạo, và các kẻ nhân đức cũ (cùng) nhiều sự khác …”

Quyển thứ hai, đoạn thứ bảy viết: Nói sự thầy André trẻ tử vì đạo.

Một số kinh chung cho các địa phận:

- Kính lạy Các Thánh Tử Vì Đạo nước Việt nam, ơn Chúa thương đã được sức mạnh đổ máu mình ra vì lòng kính mến Đức Chúa Giêsu….. xin các thánh hợp một lòng cùng rất Thánh Đồng trinh Maria là Nữ vương các Thánh Tử vì đạo.

- Kinh cầu Đức Bà: Nữ vương các Thánh tử Vì đạo (Vị nghĩa xã mệnh giả chi hậu).

- Kinh cầu Tên rất thánh Đức Chúa Giêsu: Chúa Giêsu là sức mạnh Các Thánh tử vì đạo.

2/- Tử đạo

Có khuynh hướng dùng song song thuật ngữ Tử vì đạo và Tử đạo

- Kinh cầu cho các Đấng chân phúc tử đạo Annam được phong hiển thánh (báo Đức Bà Hằng Cứu giúp tháng hai năm 1938, số 32, trang 24).

- Một Đấng Tử vì đạo … chết vì Đức Chúa Giêsu làm vua (báo Đức Bà Hằng Cứu giúp số 33, tháng 3 năm 1938, Hà nội trang 49).

Bây giờ, người ta dùng: Các Thánh tử đạo.

3/ Các sách báo

Eugène Gouin, Dictionnaire Vietnamien, Chinois, Français, Saigon 1957.

Tử: tử đạo = devoir des enfants. Tử đạo = chemin de la mort. Tử đạo (tử vì đạo) = mourir pour la religion.

Marguerite-Marie thiollier, Dictionnaire des religions, Lê Diên dịch, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hanoi, 2001. Dịch Martyre = tử vì đạo, tuẫn đạo (tiếng Hy lạp: martus, -uros, bằng chứng). Tra tấn, khổ hình, cái chết mà một người nào đó gánh chịu để bảo vệ lòng tin tôn giáo của mình.

Nguyễn Đình Diễn, Từ điển Công giáo Anh Việt, Nhà xuất bản tôn giáo, 2002. Martyr dt. Thánh tử đạo, thánh tử vì đạo, thánh chứng nhân (= người thà chịu đau khổ, thậm chí chịu chết hơn là chối bỏ đức tin (faith) hay các nguyên tắc của Kitô giáo).

4/ Cái lý của tiền nhân dùng thuật ngữ Tử Vì Đạo

Từ ngữ TỬ đươc dùng: ngày sinh, ngày tử, giấy khai sinh, giấy khai tử, giờ sinh, giờ tử v.v... Từ ngữ tử là chữ Hán đã được dân ta dùng rộng rãi như chữ nôm.

Từ ngữ ĐẠO đươc dùng: đi đạo, vào đạo, theo đạo, có đạo, đạo Phật, đạo Gia tô, đạo Công giáo như chữ nôm. Vì thế, tiền nhân chúng ta gồm những bậc túc nho, thâm nho đã không nói chết vì đạo là tử đạo mà nói chết vì đạo là tử vì đạo. Dầu Eugène Gouin giải thích từ ngữ “tử đạo có ba nghĩa khác nhau, thật sự chỉ có một nghĩa: tử đạo là con đường chết, hoàn toàn trái với ý nghĩa tử vì đạo. Trong bầu không khí, vua chúa quan quân đi bắt tín hữu của Chúa Kitô, ba chữ tử vì đạo dễ hiểu và như là ba chữ vàng dành cho người công giáo hơn hẵn hai chữ tuẫn đạo vừa khó hiểu vừa không phải là khẩu hiệu giúp người ta sống đạo. Vì thế, tiền bối của chúng ta đã dùng thuật ngữ tử vì đạo.
 
Dòng Ngôi Lời Tỉnh Dòng Chicago sẽ truyền chức linh mục cho 8 ứng viên gốc Việt Nam
VietCatholic
16:06 25/04/2008
CHICAGO - Chúng tôi vừa nhận được thư báo tin của Dòng Ngôi Lời cho biết: vào ngày 24 tháng 5 năm 2008 tại Chicago/Techny,IL Dòng Ngôi Lời, Tỉnh Dòng Chicago được Thiên Chúa thương ban cho thêm 9 tân linh mục, trong đó có 8 tân linh mục Việt Nam và một Trung Quốc. Sau đây là danh sách các tân chức:

Các ứng viên Linh mục Dòng Ngôi Lời khóa 2008
1. L.m. Đinh Xuân Chiến, SVD, bài sai phục vụ tại Hoa Kỳ, Tỉnh Dòng Miền Nam
2. L.m. Đinh Ngọc Ký, SVD, bài sai phục vụ tại Hoa Kỳ, Tỉnh Dòng Miền Tây
3. L.m. Đỗ Thành Michael, SVD, bài sai phục vụ tại nước Mozambique, Phi Châu
4. L.m. Nguyễn Công Anthony, SVD, bài sai phục vụ tại nước Mozambique, Phi Châu
5. L.m. Nguyễn Châu Joseph, SVD, bài sai phục vụ tại Hoa Kỳ, Tỉnh Dòng Miền Nam
6. L.m. Nguyễn Quang Khoa, SVD, bài sai phục vụ tại nước Mexico
7. L.m. Nguyễn Văn Long, SVD, bài sai phục vụ tại Hoa Kỳ, Tỉnh Dòng Miền Tây
8. L.m. Phan Trọng Chinh, SVD, bài sai phục vụ tại nước Paraguay
9. L.m. Chen Zhongxue, SVD, bài sai phục vụ tại nước Trung Quốc / Hồng Kông

Đây là hồng ân và món quà Thiên Chúa ban cho, qua sự khuyến khích, hy sinh, và nâng đỡ về mọi mặt của gia đình quý tân linh mục và rất nhiều quí ân nhân cùng bạn hữu trong bao năm qua và còn tiếp tục nữa. Nguyện xin Thiên Chúa luôn chúc lành cho qúi tân linh mục, gia đình và Nhà Dòng Ngôi Lời.

Dòng Ngôi Lời là một Dòng truyền giáo quốc tế với hơn 6000 linh mục và tu sĩ phục vụ trên 67 quốc gia. Nên những tân linh mục Ngôi Lời này được bài sai đi rao giảng Lời Chúa khắp nơi nơi.

Các bạn trẻ muốn liên lạc tìm hiểu về Dòng Ngôi Lời, xin liên lạc: L.m. Đinh Đức Quang, SVD, Director of Formation, Divine Word Theologate, địa chỉ: 5342 S. University Ave, Chicago, IL 60615, Tel. 626.922.7221, email: QuangDucDinh@aol.com

Lễ Thụ Phong Linh Mục của Thầy Phó Tế Giuse Nguyễn Ngọc Lâm

Ngoài ra chúng tôi cũng được tin vui khác là Thầy Phó Tế Giuse Nguyễn Ngọc Lâm sẽ được thụ phong linh mục vào ngày Lễ Hiện Xuống, 11 tháng 5 năm 2008.

Thầy Lâm sẽ là linh mục Việt Nam thứ hai được thụ phong cho Giáo Phận Saint Augustine, Jacksonville, Florida. Linh mục đầu tiên thụ phong cho giáo phận Saint Augustine là cha Bùi Quang Dũng.

Xin qúi độc giả thêm lời cầu nguyện cho các tân chức được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và chia mừng với gia đình các tân chức.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự Sống Lúc Bốn Tế Bào
Vũ Văn An
06:43 25/04/2008
Sự Sống Lúc Bốn Tế Bào

Rome, 13 tháng Tư, 2008 (Zenit.org).-Linh Mục John Flynn, LC, dựa vào triết học để bênh vực sự sống con người ngay ở giai đoạn đầu hết của nó.

Việc nghiên cứu tế bào gốc bằng cách sử dụng vật liệu lấy từ phôi thai người vẫn tiếp tục được bàn cãi một cách gay cấn. Người ủng hộ việc dùng phôi thai cho rằng trong giai đoạn đầu hết của chúng, người ta không thể coi các tế bào ấy như một con người được. Tuy nhiên, một cuốn sách gần đây do hai triết gia viết lại biện luận ngược lại.

Robert P. George, cũng là thành viên của Uỷ Ban về Đạo Đức Sinh Học của Tổng Thống, và Christopher Tollesen, tránh các biện luận dựa trên tôn giáo và đưa ra một loạt các nguyên tắc khoa học và triết học để bênh vực tư cách người của phôi thai. Trong cuốn “Phôi Thai: Bênh Vực Sự Sống Con Người” (Embryo: A Defense of Human Life) (Doubleday), họ chủ trương rằng tư cách hữu thể nhân bản bắt đầu lúc được dựng thai.

Cuốn sách trên bắt đầu với việc thuật lại câu truyện một bé trai tên Noah, sinh tháng Giêng năm 2007. Cậu được cứu thoát, cùng với nhiều phôi thai đông đá khác, khỏi một thảm họa xẩy ra tại New Orleans năm 2005. George và Tollesen nhấn mạnh rằng ở đây, người ta quả đã cứu mạng sống của Noah, một mạng sống nhân bản, mạng sống mà sau đó đã được cấy vào một tử cung và sau đó được hạ sinh.

Họ nói tiếp, phôi thai người là thành viên sống động của giống người dù là trong giai đoạn đầu hết của phát triển. Nó không phải là một thứ gì đó thuộc cơ phận sinh vật hay một mớ những tế bào mà sau đó sẽ kinh qua một biến đổi căn để. Nếu không bị tai nạn đáng tiếc nào đó, thì hữu thể trong giai đoạn phôi thai kia sẽ phát triển qua giai đoạn bào thai và cứ thế tiến triển mãi.

Theo các tác giả này, vấn đề đặt ra là ở giai đoạn nào ta có thể nhận dạng ra một hệ thống sinh học đơn nhất đang phát triển để trở thành một con người nhân bản hoàn bị. Họ biện luận rằng giây phút quyết định ấy chính là lúc được dựng thai. Một số chuyên gia y khoa tin rằng nó xẩy ra trễ hơn một chút, với việc tạo thành các sắc nhiễm thể thống nhất giữa tinh trùng và trứng. George và Tollesen cho rằng dù gì mặc lòng, phần lớn các nhà phôi thai học hiện nay đều nhất trí rằng trễ nhất thì một cá thể nhân bản đã hiện hữu một khi cơ cấu nhiễm sắc thể đã thành hình.

Họ cho rằng ba điểm chủ yếu sau đây cần phải lưu tâm liên quan đến tư cách người của phôi thai:

-- Từ đầu, nó đã khác biệt với bất cứ tế bào nào của mẹ hay của cha.

-- nó đã có tính nhân bản ngay trong thành phần di truyền (genetic make-up) của nó.

-- Nó là một sinh vật đầy đủ, dù chưa cứng cáp (mature), và nếu được phòng ngừa khỏi bệnh tật hay bạo lực, nó sẽ phát triển qua giai đoạn cứng cáp hơn của một hữu thể nhân bản.

Do đó, hủy diệt phôi thai người, dù là ở giai đoạn đầu hết, để lấy các tế bào gốc mà nghiên cứu hay chữa trị y khoa là cấp giấy phép cho người ta sát hại một giai cấp hữu thể nhân bản để mưu ích cho các giai cấp khác.

Không Phải Chỉ Là Khoa Học

Đứng trước hoàn cảnh ấy, George và Tollesen bác bỏ chủ trương cho rằng nên để các khoa học gia một mình xác định phải làm gì trong các hoạt động nghiên cứu của họ. Hai tác giả này cho rằng vấn nạn trong vấn đề tế bào gốc phôi thai là nhịp bước của kỹ thuật đã đi trước cuộc thảo luận về bản chất và giá trị của phôi thai người.

Họ quả quyết rằng chống đối việc nghiên cứu ấy không đặt ta vào một thứ đối nghịch kiểu khoa học chống lại tôn giáo. Chống đối việc hủy diệt sự sống con người ngay trong giai đoạn đầu hết của nó không cần phải dựa vào các nguyên tắc tôn giáo hay phải tin rằng sự sống ấy đã được phú ban cho một linh hồn.

George và Tollesen cho rằng lý do thuần triết học đã đủ để hướng dẫn ta trong việc xác định điều được phép làm về phương diện đạo đức học đối với phôi thai người. Theo nghĩa này, bênh vực quyền của phôi thai cũng giống như bênh vực người ta chống lại các kỳ thị bất công.

Họ nhìn nhận rằng có nhiều nguyên tắc luân lý khác nhau. Một lý thuyết cần loại bỏ là chủ nghĩa duy hiệu quả (consequentialism), một chủ nghĩa dẫn tới chủ trương cho rằng có những hữu thể nhân bản cần được hy sinh vì lợi ích lớn hơn.

George và Tollesen xây dựng chủ trương đạo đức học của họ trên lý thuyết luật tự nhiên, là lý thuyết dẫn tới kết luận này là làm hại hay hủy diệt một thiện ích căn bản của con người là một điều sai lầm về luân lý. Bởi vậy, nếu một khoa học gia muốn tìm ra cách chữa trị cho một căn bệnh, mà phương pháp sử dụng lại cố ý hủy diệt một mạng sống con người, thì đó là điều không được phép.

Thực vậy, một trong các nhân quyền căn bản mà hầu hết các nhà chủ trương lý thuyết luật tự nhiên đều đồng ý là quyền người vô tội không bị sát hại hay làm cho què cụt một cách trực tiếp. Khả năng con người nhân bản biết lý luận và tự do chọn lựa đã làm chúng ta ra khác biệt và đem lại cho chúng ta một phẩm giá cao hơn bất cứ một sinh vật nào. Hai tác giả này kết luận: cho nên, tấn công vào sự sống con người là tấn công vào phẩm giá của họ, bất kể tuổi tác hay trạng thái phát triển của nạn nhân.

Nhân Vị

Một trong các chương của cuốn sách đề cập tới phản chứng cho rằng dù phôi thai có thể là nhân bản đi chăng nữa, nhưng dù sao nó vẫn không phải là một nhân vị và do đó không có cùng phẩm giá hay quyền lợi của một nhân vị. Hai tác giả trả lời rằng một cái nhìn như thế quả là lầm lỗi, vì nó rơi vào chỗ coi một số hữu thể nhân bản có giá trị thấp hơn các hữu thể nhân bán khác chỉ vì những đặc điểm tùy thể. Các tác giả cho rằng bác khước tư cách nhân vị dựa trên khả năng biết dùng các chức phận tâm lý hay các cơ năng khác sẽ tạo ra nhiều vấn nạn. Liệu ta có được phép giết các trẻ sơ sinh không vì chúng cũng đâu đã có khả năng thi hành các chức năng nhân bản căn bản?

Đúng hơn, ta nên hiểu rằng sự khác biệt định lượng về khả năng không phải là tiêu chuẩn đúng đắn để xác định ra quyền lợi, vì đó chỉ là khác biệt về mức độ. Sự khác biệt thực sự là giữa hữu thể nhân bản và các sinh vật khác không phải là con người. Đó mới là sự khác biệt về loại. Do đó, phôi thai là một người có tiềm năng trưởng thành, giống như các trẻ sơ sinh, các trẻ thơ và thiếu niên vậy.

Hai tác giả này nhấn mạnh thêm rằng các phôi thai đã là các hữu thể nhân bản rồi, chứ không phải chỉ là những tiềm thể nhân bản. Hơn nữa, quyền sống của con người nhân bản không thay đổi tùy theo các giai đoạn phát triển của họ vì đó là quyền nền tảng của mọi con người. “Nó là một quyền trên đó mọi quyền khác được xác nhận, và là dấu chỉ liệu một hữu thể có phải là một hữu thể có giá trị tinh thần hay không”.

Ngụy Biện

Một luận chứng có tính ngụy biện khác cho rằng phôi thai không đáng có giá trị tinh thần vì đa số không cấy được vào tử cung người mẹ hoặc tự động bị đầy ra ngoài. Hai tác giả này cho hay đây là một ngụy biện có tính duy tự nhiên, vì giả thiết rằng điều xẩy ra trong thiên nhiên đều hợp luân lý khi do hành động con người tạo ra. Sự lầm lẫn của lối suy luận đó cũng hiển nhiên khi ta chú ý đến hiện tượng này là theo lịch sử, tử xuất trẻ em vốn rất cao. Trong trạng huống ấy, nguyên việc nhiều trẻ sơ sinh chết yểu đâu có làm cho việc sát hại chúng để gây ích cho người khác trở thành hợp luân được.

Một lối suy nghĩ khác vốn được sử dụng để bênh vực cho việc dùng tế bào phôi thai để nghiên cứu là: hiện có hàng nhiều ngàn phôi thai đông đá không được ai ngó ngàng tới tiếp theo những cuộc điều trị thụ thai nhân tạo, và là những phôi thai không bao giờ có cơ may được cấy để phát triển cho thành người trưởng thành. Nên các khoa học gia có thể sử dụng các tế bào ấy cho việc nghiên cứu tốt lành.

George và Tollesen cho rằng rõ ràng là bất công khi yêu cầu một người, trong trường hợp này là chính phôi thai, phải hy sinh mạng sống mình theo kiểu này. Họ long trọng tuyên bố rằng: “Các hữu thể nhân bản có quyền tinh thần không bị sát hại một cách cố ý để mưu ích cho người khác”.

Quả là một sai lầm lớn khi đầy ải hàng trăm ngàn mạng sống nhân bản vào một thứ ‘lâm bô’ đông đá. Nên hai tác giả này cho hay ta phải chất vấn chính cái diễn trình tạo ra và đông đá các phôi thai trên.

Ta cần phải hướng chú ý của ta tới số phận các phôi thai ấy, nghĩa là không sử dụng các phôi thai này như thể chúng chỉ là các vật liệu sinh học, mà phải nhìn nhận nhân tính của chúng. Những luận chứng này và các luận chứng đầy thuyết phục khác của cuốn sách quả là đáng đọc ở một thời điểm trong đó khoa học đang có nguy cơ vuợt chạy trước suy tư đạo đức học của ta.
 
Về cuộc đời Cha Chính Nguyễn Văn Vinh thuộc giáo phận Hà Nội chết ở trại tù Cổng Trời
Hòa Giang Đỗ Hữu Nghiêm
10:51 25/04/2008
Cha Chính Nguyễn Văn Vinh, Giáo Phận Hà Nội

Bối Cảnh U Ám Thời Chinh Chiến Đầu Thập Niên 1950 tại vùng Đồng Văn, Phủ Lý, Hà Nam Bắc Phần Việt Nam

1.
LM Nguyễn văn Vinh
Đã từ lâu người cựu chủng sinh họ Đỗ tiểu chủng viện Piô XII Hà Nội đã cố tập trung tài liệu để viết về Linh mục Nguyễn Văn Vinh, người cha linh hướng thánh thiện, một vị anh hùng tử đạo kính yêu, đầy kiêu hùng của bản thân cậu, của nhiều người, và của Giáo Hội Việt Nam,.

Đoạn đường cậu di chuyển từ Tiểu chủng viện Thánh Phêrô Hoàng Nguyên, trong vùng Cộng Sản chiếm đóng sang vùng tề (quốc gia không Cộng Sản) sau những ngày hè có nhiều xáo trộn đặc biệt. Hoàng Nguyên thuộc Quận Phú Xuyên, Tỉnh Hà Đông. Tình hình này diễn biến từ tháng Năm đến Tháng Tám năm 1952.

Khu chủng viện và nhiều làng xóm chung quanh đó thuộc Quận Phú Xuyên và Huyện Duy Tiên, Hà Nam đã nằm trong vùng kiểm soát của quân du kích Cộng sản, sau một thời gian ở trong vùng tề của quân đội Liên Hiệp Pháp. Trong lúc rời chủng viện Hoàng Nguyên về làng Hòa Khê, nơi sinh nhau cắt rốn của mình, dưới bộ đồ trắng cậu phải đi vội như chạy, trên đường đá bên kia con sông đào Hòa Khê. Mắt cậu như như dán chặt, trông chừng chiếc máy bay do thám bà già liên tục cứ xà thấp xuống quan sát toàn khu vực.

2. Về đến nhà, cậu chủng sinh thấy Mẹ và hai chú em trai đang vùi đầu chuẩn bị các thứ đồ đạc, thức ăn cho cậu rời làng Hòa Khê. Đạn móc chiê ùng oàng bắn loạn vào vườn, chẻ nát bụi tre làng, bên cạnh nhà. Mẹ vội giục giã con đi sớm ngay vào Đồng Văn để tránh nguy hiểm, không kịp ngó lại những kỷ niệm thời thơ ấu trong thửa vườn đầy luyến thương. Ngay chiều sâm sẩm tối hôm ấy, mẹ con cậu âm thầm mang vào Đồng Văn cho Cha cậu đã chạy vào đó từ trước. Họ khẩn trương chuẩn bị cho cuộc di chuyển của toàn thể gia đình cậu tản cư lên Hà Nội.

Tuy chậm chân thoát ly làng lên thành thị cải thiện cuộc sống gia đình, nhưng đó là cơ hội bắt buộc vì hoàn cảnh chiến tranh, gia đình cậu phải đi, dù tương lai ra sao. Cậu cùng mẹ đầy âu lo vội tìm, đi theo các lối khuất giữa các ruộng ngô khoai hay các bờ ruộng nhô cao khô ráo. Mẹ con cũng đã tới được nơi căn nhà cha cậu tản cư và tạm ngụ cùng với anh Truyền, Phổ đã đi từ trước, và anh Nguyễn. Anh này là con trai con ông Cửu Hoàn, anh ruột cha cậu mà cậu thường gọi là Bác Hoàn.

Đó là một gian nhà lợp vội bằng tre rơm rạ, trống trải mà người ta cất lên và cho thuê ở trạm Đồng Văn, bên vệ đường quốc lộ số 1, đã bị quân du kích Cộng Sản đào nát ở nhiều chỗ theo chữ chi, để “tiêu thổ kháng chiến chống Pháp”. Ban ngày ngoài đường ai nấy đều nhốn nháo, kẻ đi lên người đi xuống, chạy trốn cảnh chiền tranh. Cậu, như con thiêu thân, say mùi thuốc pháo và hơi xăng xe ô tô Ngựa Bay và nhiều hãng khác, chạy trên quốc lộ. Ban đêm, súng móc chiê từ Bót Cống Nhật Tựu gần Sổ Nghệ hay phía sau làng Động Linh, bắn ùng oàng vào các làng bị chiếm đóng nằm hai bên đường quốc lộ số một.

Các toán lính đi tuần ban đêm trên đường trước mái nhà tranh sơ sài mà người ta ngủ bên trong. Qua những khe hở qua phên liếp tre đan, dưới ánh đèn điện vàng khè leo lét, hầu như cả nhà từ bên trong, ai cũng đều ngó xem những toán lính từ đâu trên xe tải nhà binh đổ xuống. Họ đi tuần ngay bên ngoài mặt đường. Người ta nơm nớp lo sợ khi có nhiều tiếng súng lớn nhỏ nổ ran, chung quanh đồn gần đó, khua tan đêm ngủ không tròn giấc.

Từ trạm ga Đồng Văn, một hôm anh Truyền và cậu đi xe đạp trên đường số một đã bị đào chằng chịt, hạn chế việc di chuyển của quân đội Liên Hiệp Pháp và những chuyến ô tô của dân buôn. Hai anh em xuống thăm chị Hợi ở làng Kẻ Sở (Hồng Phú), rồi vòng lên huyện lỵ Phủ Lý vào thăm gia đình anh chị Xã Hòa. Gia đình này đã rủ gia đình ông bà Hàn Tịch cùng tản cư xuống đây. Bà Hàn Tịch là chị ruột của Lý Phẩm, và hai cô chú ấy đều là em họ hai cậu Ở Nam Định, anh Doanh đã phải bỏ nghề dân quân tự vệ tại các bốt (postes) trong các làng vừa bị quân kháng chiến chiếm đóng, để tham gia quân đội Liên Hiệp Pháp, khi vùng tề bị đánh phá chiếm đóng. Anh đang lái xe Jeep cho một viên sĩ quan Pháp, nhưng chuẩn bị đào ngũ để mang gia đình và con cháu tản cư lên Hà Nội. Anh kiếm thuê một miếng đất ở phố Đội Cấn, Khu Ngọc Hà, Hà Nội để nuôi sống gia đình trong những ngày chạy loạn lên Hà Nội.

Đi Hà Nội Lần Đầu Tiên

Cậu đi Hà Nội trước để kịp gia nhập chủng viện. Cha cậu, anh Truyền, anh Phổ và anh Nguyễn trù liệu thu xếp chuyển lên Hà Nội sau. Cha cậu sẽ đến cư ngụ tại số 78 Phố Đội Cấn Khu Ngọc Hà, Hà Nội, chung nhau mở hiệu thuốc Bắc, người góp công kẻ góp của, với cha con ông bà Dần. Ông bà này người thuộc giáo xứ Chằm hạ, mới trúng sổ xố nên có đủ tiền mua nhà ở Hà Nội.

Còn gia đình anh Ngoạn, Nguyễn tạm trú tại nhà anh Ba Khoa, thuê tại gần khu Thái Hà Ấp, cùng với anh Truyền, Phổ, hai anh ruột lớn của cậu. Khi cha cậu lên cư ngụ ở Phố Đội Cấn, ông mở cửa hiệu thuốc làm Đại Lý Nhà Thuốc Đông Hoa để kiếm tiền sống qua ngày.

Khi cha cậu ổn định tại đây, thì mẹ cậu, chị Hợi, anh Truyền, Phổ cũng đến thăm cha cậu tại Hà Nội. Chị ở chơi Hà Nội mấy ngày thăm cha mẹ, các em, rồi trở lại Hồng Phú. Anh Phổ ở lại Hà Nội, học nghề may với anh Ba Khoa, còn mẹ lại đi đi về về nhiều lần sau mới lừa quân du kích trong làng bỏ nhà hẳn đi lên Hà Nội với hai em Trang và Dzong

Gia Nhập Tiểu Chủng Viện Piô XII Hà Nội Sau Hè 1952

Trong bối cảnh ly tán của những người thân trong gia đình, cậu chủng sinh đã chuyển trước lên cư ngụ Quần Ngựa, gia nhập tiểu chủng viện Piô XII, lúc đó đặt cơ sở tại Trường Lacordaire mà chủng viện tiếp quản từ các linh mục thừa sai Paris. Trước đó các thừa sai này (cụ thể là Linh Mục Paul Seitz Kim coi Cô Nhi Viện Thị Xã Kitô Vương, về sau chuyển đến Gò Đống Đa, lối đi xuống thị xã Hà Đông) tiếp nhận từ các linh mục dòng Đaminh chi tỉnh Lyon tại Việt Nam. Cô Nhi Viện vừa tản cư từ cơ sở tại Sơn Tây về Hà Nội.

Thụ Huấn với Linh mục Nguyễn Văn Vinh, cha giáo Pháp Văn và Âm Nhạc

Từ đó, cậu theo học, được xếp vào lớp Đệ Thất, lớp nhỏ nhất trong chủng việc khi đó và từ đó biết chút ít về Linh mục Nguyễn Văn Vinh. Lúc ấy Linh mục mới ở Pháp trở về sau mấy năm du học tại Pháp. Ngoài LM Vinh, con có một số linh mục mới từ bên Pháp về nước: LM Lê Văn Lý, Đình Lưu Nhân, Nguyễn Văn Khiết. Về sau, khi chủng viện vào Nam, thì có thêm các Linh mục Nguyễn Ngọc Oánh, Nguyễn Minh Thông, và Nguyễn Hân Quynh.

Như cậu nghe biết, ngài sinh tại làng Ngọc Lũ, Nam Định, chưa có tư liệu để biết ngày sinh tháng năm sinh của ngài, nhưng chắc là sấp xỉ cùng tuổi với linh mục Lê Văn Lý (1913-1992). Ngọc Lũ là một làng quê gần núi Đọi Đệp, hay Đọi Sơn, gốc gác nổi tiếng của Trống Đồng Ngọc Lũ. Đó cũng là nơi xuất phát nhiều dòng tín hữu tử vì đạo trong thời kỳ cấm đạo (1771-1885). Trong thời gian du học tại Pháp Linh mục Nguyễn Văn Vinh đã gia nhập dòng Biển Đức. Nhưng khi về Hà Nội, cậu chỉ biết Linh mục là một giáo sỹ thuộc địa phận Hà Nội. Linh mục say mê và rất giỏi Violon. Tôi nghe nói là Linh mục đỗ đầu trong các thí sinh trúng tuyển kỳ thi vĩ cầm (violonistes lauréats) ở Conservatoire National Supérieur de Musique de Paris.

Thừa Sai Dépaulis Hương (1876-1950), Đỡ Đầu Linh Mục Nguyễn Văn Vinh

Joseph, Antoine Dépaulis sinh ngày 27/4/1876, tại giáo xứ Thánh Jean Baptiste, ở Rive-de-Gier, hạt La Loire, giáo phận Lyon. Cậu theo trung học tại TCV Montbrison, rồi lên học triết ở chủng viện Lyon, và ở đó ngày 28/5/1896 thầy chịu phép cắt tóc.

Ngày 4/10/1898 Thầy vào chủng viện thừa sai, chịu các chức nhỏ từ 1899-1901 và thụ phong linh mục ngày 23/6/1901. Ngày 24/7/1901, tân linh mục được lệnh sang truyền giáo ở Địa phận Đại Diện Tông Tòa Tây Bắc Kỳ (Hà Nội), Việt Nam.

Sau thời gian học tiếng Việt, Cha Dépaulis được bài sai đi coi xứ Kẻ Bèo (Đồng Bào, nơi công đoàn mà Thánh Théophane Vénard (Thánh Ven) và xứ Kim Bảng, làm phó xứ cho Cha Chalve, đã phụ trách trông coi hai xứ khác.

Năm 1904, GM Hà Nội Gendreau Đông bổ nhiệm ngài làm chính xứ Ngọc Lũ. Chính thời gian ngài quản nhiệm Ngọc Lũ, v à mấy xứ khác lân cận, ngài nhận đỡ đầu cho cậu Nguyễn Văn Vình.

Năm 1920, Linh Mục Dépaulis nhận trách nhiệm làm quản lý Hội Thừa Sài ở Hà Nội. Ngài hết sức tích cực để hoàn thành nhiệm vụ mới. Ngài chuẩn bị các tài nguyên cho tương lai. Ngài điều khiển xây cất trường thử, nhà quản lý và nhà ở mới, hai trường học mới, một cho con trai, một cho con gái trong giáo xứ nhà thờ lớn, một cư xá sinh viên.

Ngài nổi tiếng là một người hăng say hoạt động, có tài quán xuyến công việc xây dựng và tố chức, trong đó có tài âm nhạc. Có thể vì thế thiên tài âm nhạc của ngài đã tác động nhiều đến người con đỡ đầu Nguyễn Văn Vinh.

Năm 1930, hai giám mục Gendreau Đông và Marcou Hành về Pháp, tham dự Đại Hội Hội Thừa Sai Paris. Nhân đó các ngài đem theo 12 chủng sinh Bắc Kỳ cùng đi với các ngài. Linh mục Dépaulis tháp tùng phái đoàn. Linh mục lưu lại Pháp để bồi dưỡng sức khỏe từ tháng 6/1930 đến tháng 3/1931, đồng thời tham gia học hỏi thêm những phương pháp làm tông đồ mới. Trong hai tháng, ngài đã nhiều lần thuyết trình tại các học viện và chủng viện ở Bỉ và Pháp.

Đây là chính thời gian các vị thừa sai miền Bắc chuẩn bị hàng ngũ chủng sinh thành những linh mục đủ tài đức về làm việc cho giáo hội Việt Nam, cụ thể là giáo phận Hà Nội. Về sau trong kế hoạch đó, địa phận Hà Nội có các linh mục Lê Văn Lý, Đinh Lưu Nhân, Nguyễn Văn Khiết, Nguyễn Huy Mai, Nguyễn Hân Quynh, Nguyễn Tiến Dũng, Nguyễn Minh Thông, Nguyễn Xuân Oánh (Hà Nội), Nguyễn Văn Bồng (Thanh Hóa).

Trở lại Hà Nội, ngài phụ tá cho Linh mục Dronet, chính xứ nhà thờ lớn. Từ năm 1931 đến tháng 12/1935, ngài coi sóc việc xây dựng và trang trí nhà thờ Đức Bà Các Thánh Tử Đạo, xây một phòng làm việc, một nhà xứ tiện nghi. Về sau ngài đến cư trú đó năm 1934. Ngài hăng hái tồ chức đoàn nghĩa binh thánh thể, xuất bản một bản tin tiếng Việt, và củng cố đoàn hướng đạo đầu tiên của Hà Nội.

Năm 1936, Linh m ục Dépaulis được bổ nhiệm quản trị một giáo xứ mới được xây dựng quanh ngôi nhà nguyện Thánh Antôn khiêm tốn. Chính ngài đã tậu một thửa đất khá rộng để xây dựng một trung tâm giáo xứ với một nhà thờ, một nhà ở, một phòng làm việc và trường học.

Ngài hăng say xây dựng các công trình để qui tụ các tin hữu trong khu vực và giúp đỡ các người nghèo: Quân Binh Thánh Thể, Hội Vinh Sơn, Công Giáo Tiến Hành, các tập thể thanh niên Việt Nam, các trại hè, v.v…Chủ Nhật ngày 7/5/1939, nhà thờ mới Thánh Antôn được khánh thành.

Tháng 3/1940, ngài được bổ nhiệm làm đại diện của các phái đoàn truyền giáo Bắc Kỷ ở Quỹ Brévié. Tổ chức này có mục đích trợ giúp các trẻ em lai, chủ yếu là Pháp Việt, bị bỏ rơi.

Tháng 3/1945. Cha Dépaulis bị chấn động mạnh do biến cố quân sự Nhật đảo chính Pháp. Trong các tháng tiếp theo, khi Việt Minh nổi dậy, ngài phải chịu nhiều cảnh khốn đốn đau khổ do tinh thần ngoan cố của giới thanh niên và do các biến cố xảy ra..

Một thanh niên đã dám dùng tay đánh ngài. Được cha Khuê, người Việt Nam lúc đó làm phụ tá cho ngài, giúp đỡ tận tình, ngài cố gắng chịu đựng và thích ứng. Ngày 19/1/1946, ngài phải lánh nạn, tạm trú ở các văn phòng trong hãng Shell gần đó ít ngày. Sau đó mới có thể gặp lại Phái Đoàn truyền giáo. Từ lúc đó, ngài mất hết khả năng tự chủ và phải từ nhiệm rồi buộc phải hồi hương về Pháp. Có thừa sai Chabert thuộc phái đoàn truyền giáo Hưng Hóa đi theo ngài đến Marseille ngày 4/6/1948. Từ đó ngài được chuyển đến Montbeton.

Một trong những niềm vui cuối cùng của ngài là Giám Mục Trịnh Như Khuê đến thăm Ngài. Linh mục Khuê, phó xứ cho ngài trước kia, bây giờ được bổ nhiệm Giám Mục Hà Nội. Linh mục Hương Dépaulis chết tại Montbéon, sau nhiều đau đớn kéo dài ngày 3/12/1950

Vài Kỷ Niệm Thâm Tình Với Linh Mục Nguyễn Văn Vinh

Giảng dậy, linh hướng

Hai kỷ niệm nhớ nhất mà tôi có cho đến nay khi được thu huấn Pháp Văn với linh mục ở TCV Piô XII Quần Ngựa, đường Hoàng Hoa Thám, Quận Hoàn Long, Hà Nội. Ngài thường kể truyện khi ngài ngồi trên Métro đi đến mỗi buổi sáng sớm dâng thành lễ ở một nhà thờ nào đó tại Paris, nhiều hành khách cứ tưởng ngài là một phụ nữ nên đã liên tục chào Bonjour Madame, dù họ có thể gặp ngài nhiều lần. Linh mục Nguyễn Văn Vinh có dáng dấp bề ngoài một người dễ thương, yểu điệu, hay faire la petite bouche. Nhưng ẩn dấu trong con người đó ngài lại bộc lộ một tính tình cương nghị sắt đá!

Kỷ niệm khác, cậu chọn ngài làm cha linh hướng. Khi còn nhỏ, cứ mỗi lần lên phòng ngài bàn việc linh hồn, thì ngài hay đùa nghịch. Có ai đó cho biết ngài giỏi vĩ cầm, nhưng câu chưa được chính ngài kéo vĩ cầm cho nghe riêng trong phòng ngài. Cậu thích nhõng nhẽo, thường chui rúc vào dưới áo soutane như con chó cún nhỏ bé dễ thương. Thế rồi khi hết giờ, trước khi ra về, ngài thường cho một hộp sữa đặc có đường mà người ta gửi biếu ngài từ bên Pháp. Mỗi lần có sữa như thế, cậu thường mang về và tối mở ra mút sữa một mình khoái trá bên trong màn.

Cha giáo âm nhạc

Ngài qui tụ một số anh em giỏi nhạc như Nguyễn Văn Hòa (GM Hòa Nha Trang), Nguyễn Văn Đồng (Đồng Bi ton, linh muc tại Cần Thơ), Nguyễn Văn Lệ (Titus Lệ, Nhạc Sĩ Nguyễn Hải Ánh), Vũ Kim Hường (Hường Khé Khò), Vũ Hùng Tôn (Tôn, cháu cha Lai, gốc Thanh Hóa) để huấn luyện và giúp ngài tập hát chung cho chủng sinh.

Ngôi nhà và thửa đất tại Ngọc Lũ, quê hương LM Vinh
Tôi nhớ nhất là những bài “De Profundis”, “Lạy Cha”, “Jam Albae sunt ad Messem”, “Bravo, Bravo!!!”… mà ngài tập cho ca đoàn chủng viện Piô XII hát trong thánh lễ hay các dịp lễ tân. Về sau, khi sang Hoa Kỳ, từ cuối năm 2003, tôi còn thấy những bài đó được thế hệ Vũ Hùng Tôn phổ biến cho nhiều ca đoàn ở hải ngoại, như ở Seattle bang Washington, như ở Ca Đoàn Giáo Xứ La Vang, Cincinnati, bang Kentucky.

Khi Địa phận Hà Nội cho các chủng sinh di cư vào Nam, từ khoảng 14/7/1954, trong số các linh mục được chỉ định vào đi theo chủng viện, theo hiểu biết của người viết, có các Linh mục Đinh Lưu Nhân và Nguyễn Văn Vinh, nhưng cả hai vị đều xin ở lại.

Ở địa phận Hà Nội theo nhận xét của một cựu chủng sinh Hà Nội (Nguyễn Văn Lục), Tổng Giám mục Trịnh Như Khuê có cái may mắn là qui tụ được một số Linh mục trí thức như các linh mục trên. Họ đều là trí thức du học, có thể là bậc thầy của đám bốn tên sau này ở Sàigòn, mà nhiều người gọi tên là “tứ nhân bang”. Nhưng họ có lý tưởng vững chắc, đạo hạnh, can đảm, hy sinh, tuân phục mặc dầu bị bách hại. Trong số bốn vị trên, Lm Vinh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù, hai lần lên Cổng Trời, được thả ra và chết sau đó vài năm. Lm Quynh, Oánh, đều bị quản thúc trên 20 năm.

Trường Hợp Cha Chính Vinh bị bắt giam

Trường hợp LM Nguyễn Văn Vinh bị bắt diễn ra như sau: Khoảng năm 1959, tất cả các trường theo sắc lệnh 234, các tôn giáo đều có quyền mở trường tư thục do tư nhân điều khiển.

[Sắc lệnh 234 đầu tiên về Tôn giáo do Hồ Chí Minh ký ngày 14-6-1955. Ngày 11-6-1964, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký Thông tư số 60-TTg yêu cầu thi hành chính sách tôn giáo theo Sắc lệnh 234

- Điều 3: “Các nhà tu hành ngoại quốc mà Chính phủ ViệtNam Dân chủ Cộng hoà cho phép, thì được giảng đạo như các nhà tu hành Việt Nam.....”,
- Ðiều 5. “Các tôn giáo được mở trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình.”
- Điều 9: “Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục phải dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình giáo dục của Chính phủ có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn học”.
- Điều 13: “Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo”,]


Nhưng nhà nước Cộng Sản chỉ thị cho tất cả các trường học, dù công hay tư, đều phải treo ảnh Hồ Chí Minh trong lớp. Trước giờ học cả lớp đều phải chảo cờ đỏ sao vàng, hát bài tiến quân ca bấy giờ được chọn làm quốc ca.

Chỉ thị của nhà nước được lệnh phải đọc công khai trong nhà trường và nhà thờ. Trung thành với tinh thần sắc lệnh tôn giáo về qui chế tư thục, Linh mục Nguyễn Văn Vinh, với tư cách là cha chính (tồng đại diện) địa phận Hà Nội, chính xứ nhà thờ lớn Hà Nội, đã không cho công bố sắc lệnh này ở nhà thờ, không tháo gỡ thánh giá và treo ảnh lãnh tụ, không chào cờ đỏ sao vàng, thay thế.

Cụ thể là ngài không áp dụng chỉ thị trên cho trường giáo xứ Nhà thờ lớn Hà nội là trường Dũng Lạc.

Lúc đó ngài còn đang được mời dậy La tinh cho các sinh viên ở Trường Đại Học Y Khoa Hà Nội. Khi Chu Ân Lai, Thủ Tướng Trung Hoa đến thăm Hà Nội, ông thấy Linh mục Nguyễn Văn Vinh còn tiếp tục được mời giảng dậy tại Đại Học. Ông liền nói với phái đoàn tháp tùng ông:

“Giờ này mà còn có linh mục được mời giảng dậy Đại Học à!”

Thế là một buổi sáng nọ linh mục Nguyễn Văn Vinh bị bắt dẫn đi, đem tống giam vào nhà Hỏa Lò Hà Nội, một nhà tù khét tiếng độc ác tại Hà Nội, vỉ bất tuân thượng lệnh! Dần dà linh mục bị dẫn giải đem giam ở nhiều trại giam, có thể ở Cầu Giát Quỳnh Lưu Nghệ An, Thanh Cầm Thanh Hóa, Đàn xanh, Ba Sao Nam Hà, Hồng Ca Yên Bái, Trại Ngọc Yên Hòa Phú Thọ, An Thịnh Tuyên Quang, Vinh Quang Vĩnh Phú, Phong Quang Lao Kay, trước khi đến Trại Tù Cổng Trời. Nhiều nhiều nhân vật khí khái đã từng bị kiên giam và biệt giam cho đến chết, mà không tự phản bội chính mình và lý tưởng của mình. Nào là thi sĩ Nguyễn Chí Thiện, nhà văn Vũ Thư Hiên, Nhà văn Nguyễn Hữu Đang. Rất nhiều linh mục đã bị kiên giam và biệt giam nhiều năm trong chin tầng địa ngục Cổng Trời này.

Theo chứng từ của một người tù (Kiều Duy Vĩnh) tại Cổng Trời, thì thành phần tù nhân phần lớn là vì lý do bách hại Công giáo:

“Tôi xin nhắc lại: Tôi không theo đạo Thiên Chúa, và điều ấy có thể đã làm cho tôi sống được đến hôm nay, năm 1994. Vì những người Cộng Sản căm những người theo đạo Thiên Chúa nhất nên tất cả mũi nhọn của nền chuyên chính đều chĩa vào họ.

Thứ nhất là các đấng bậc trong Giáo Hội, rồi đến các tu sĩ cả nam lẫn nữ. (Tôi đã gặp hai bà sơ bị bắt vào xà lim). rồi đến các chánh trương, trùm trưởng, cả đến hội trống hội kèn cũng bị bắt đi tù hàng loạt.

Tôi trông họ hiền lành, ngơ ngơ nói năng chẳng rõ họ mắc tội gì mà bị hành hạ đến như vậy: Họ có mỗi một tội là tin vào Chúa Jê Su. Thế thôi.

Còn tôi, chả hiểu làm sao, tôi thiếu đức tin đó, và điều đó đã cứu tôi sống. Nói thế không có nghĩa là tất cả mọi người công giáo đi tù đều chết hết đâu. Còn chứ. còn anh Thi, anh Thọ, chị Diệp những người trong vụ nổi loạn ở Ba Làng Thanh Hóa năm 1954, còn Nguyễn Công "Cửa" tức Môn, ngư dân vượt biển, còn Nguyễn Hữu Bổn người thôn Vạn Lộc Nam Lộc Nam Đàn...

Tôi có nghe nói lại là khi đọc lệnh tha anh Thi, anh không chịu ra khỏi tù, họ phải lôi anh ra, anh mới chịu ra.

Ngay cả giáo dân họ cũng kiên cường như vậy, thảo nào mà những người Cộng Sản đặt họ lại hàng đầu để tàn sát họ, tiêu diệt họ.

Cho đến hôm nay năm 1994, tôi vẫn mong mỏi gặp lại vài người còn sót lại trong số 72 người đầu tiên lên Cổng Trời mà vẫn chưa gặp lại ai, ngoài 1 người Cộng Sản là anh Nguyễn Hữu Đang.”


Một Hình Ảnh Về Trại Cổng Trời, Nơi Linh Mục Nguyễn Văn Vinh Bỏ Xác Lìa Đời

Có nhiều người tù còn sống ghi chép lại trại tù này. Trong “Đêm Giữa Ban Ngày", Vũ Thư Hiên hồi ức về Trại Cổng Trời như sau.

Cổng Trời là một trại giam ở xa tít mù tắp mãi tận Hà Giang, bên kia Mù Cang Chải, giáp giới Trung Quốc. Cổng Trời đi vào huyền thoại, là nỗi kinh hoàng của người tù. Những ai đã từng sống ở Cổng Trời thậm chí không muốn kể về nó, không phải vì sợ bị công an trừng phạt (nghiêm cấm nói đến bí mật của các trại), mà còn vì sợ người nghe nghĩ mình bịa đặt.

Hình như Tôn Thất Tần đã ở cái trại kinh khủng đó, nhưng ông ngậm tăm. Những người tù nói rằng ai đã lên Cổng Trời mà còn về được coi như sống lần thứ hai....Chế độ giam giữ ở đây rất khe khắt. Hơi một tí là bị”khóa cánh tiên”, bị “hạ huyệ”, còn nếu bị “cùm hộp” thì coi như đời đi tong.

Vũ Thư Hiên đã mô tả ba lối hành hạ “Khóa cánh tiên, Hạ huyệt và Cùm hộp” trong cuốn hồi ký của ông, mà thú nhận chỉ mới được thấy cảnh người bị "khóa cánh tiên" (có người chỉ chịu được vài phút là ngất xỉu, có người chịu được hàng giờ như thi sĩ Nguyễn Chí Thiện,) còn hai lối giết người kinh khủng kia ông chưa được thấy chỉ nghe kể lại.

Một nhân chứng ở trại Cổng Trời cho biết là Linh mục Nguyễn Văn Vinh qua đời vào khoảng năm 1970. Tù nhân trong trại được lệnh đem xác cha đào hố chôn ở một khoảnh rừng gần đó. Về sau, người làng Ngọc Lũ đã tìm cách đào nấm mồ chôn xác ngài. Người ta thu lượm được một phần mùn di cốt và mảnh y phục mà ngài mang khi qua đời, rồi đem về, bảo quản, tôn sùng tại Nhà Thờ Ngọc Lũ, chung với số phận các tiền nhân tử đạo Việt Nam, như đã nói

Một Hình ảnh Khác Về Trại Tù Cổng Trời, Qua Ngói Bút Của Một Số Cựu Tù Nhân Sống Sót Ghi Chép Lai.

Tổ chức ở Nhà Tù Cổng Trời ở miền Bắc Việt Nam, nơi giam giữ cha Nguyễn Văn Vinh, nhiều cha khác và nhiều thành phần khẳng khái bị khép vào tội lật đổ hay âm mưu lật đồ chế độ. Hầu hết tù nhân là những chính trị phạm ngoan cường, những linh mục tu sĩ hay chỉ duy nhất một lần một người tù hình sự cho anh em biết là ở đó có hầm đá, quan tài đá và chôn một người chết ở đó được thỉ thêm một cân lòng trâu. Thế thôi. Không còn biết gì hơn nữa.

Nhưng Khu A, Khu B, Khu C thì có tù nhân biết rõ vì đã lần lượt bị giam ở ở cả ba khu này.

Khu A thì (tính đến 1967) chết gần hết chỉ còn tù nhân Kiều Duy Vịnh và Trần Huy Liệu người Cầu Giát, Quỳnh Lưu. Khu B thì chết ít hơn, Khu C thì phần lớn còn sống trở về.

Đấy là chỉ tính từ thập kỷ 70 trở về sau. Còn 72 người tù đầu tiên lên trại Cổng Trời năm 1960 thì vào khoảng năm 1997, tù nhân họ Kiều chỉ còn gặp lại một mình Nguyễ¬n Hữu Đang, người bị kết án là cầm đầu Nhóm Nhân Văn Giai Phẩm mà thôi. Như thế là trong số 70 người tù kia chẳng còn ai cả.

Coi sóc cả ba khu là một Phó Giám Thị, tù nhân họ Kiều không còn nhớ tên, chỉ nhớ tên đó là xuất thân ở Đức Thọ, Hà Tĩnh cùng quê với cố Hoàng (có hai con trai sinh đôi là Song, Toàn).

Người ta thấy Phó Giám thị như một Quỷ Sứ Đen Đủi hiện hình, lác bạch như mắt này chửi mắt kia, mồm méo sệch. Vì thân tàn ma rại như thế mà bọn Công Sản mới dùng vào việc này bất nhân này. Lúc nào hắn cũng lừ đừ, lầm lủi như ma hiện hình, chợt đến, chợt đi, như muốn rình mò chộp giựt một cái gì đó. Hắn nhìn ai cũng thể như trợn trừng như muốn ăn sống nuốt tươi người ta. Cố Hoàng bảo: "Tôi biết hắn lắm mà. Hắn giết nhiều người lắm đó." Tuy đồng hương, nhưng hắn không hé răng với cố Hoàng bao giờ cả.

Một Mẩu Sinh Hoạt Trong Nhà Lao: “Nhất Nhật Tại Tù, Thiên Thu Tại Ngoại”

Quỷ mắt lác chợt đến, đâm xông vào buồng, sộc vào tận ngóc ngách nhìn soi mói, sờ nắn nếu có gì nghi ngờ, có thể chui ngay xuống gầm sàn nằm, để móc ra một cái gì đó.

Có một lần khi mới lên, tù nhân Trần Huy Liệu thấy hắn vào buồng bèn thắc mắc:

"... Thưa ông."

"Gì?"

"Ăn uống ở đây kém quá, ông cho biết tiêu chuẩn của chúng tôi được như thế nào?"

"Cái gì. Tiêu chuẩn à. Các anh không có tiêu chuẩn gì hết. Cho thế nào ăn thế."

Xong,Phó Giám Thị đi tiếp. Đến lượt Chánh Giám Thị Vũ Đình Nhân nói về số phận của tù nhân. Thế là mọi sự đều đã rõ rang, các tù nhân đành cam chịu.
Mỗi Khu có chế độ đối xử riêng:

Khu A: Hưởng đồng loạt: 12 Kg sắn cộng gạo một tháng, được ngồi chơi trong buồng giam không phải làm gì cả. Cứ ở trong kiên giam suốt ngày đêm. Không được viết thư, không được nhận thư, không sách, không báo, không một mẩu giấy, không một cái bút.

Khu B: Ăn 13 kg 5 đến 15 Kg sắn cộng gạo một tháng. Được ra ngoài hè nhà đan lát, chẻ tăm làm việc vặt. Sáu tháng được viết thư một lần và được nhận thư.

Khu C: Ăn 15 Kg đến 18 Kg sắn cộng gạo một tháng. Được lao động ở sân trại: đánh đá xây trại, xây nhà, thợ mộc thợ nề biết gì làm nấy. Ba tháng viết thư một lần. Được mua thêm sắn, khoai, rong diềng, thịt trâu ăn thêm. Được coi là những tù nhân có phần nào đã chịu cải tạo. Được đối xử khá hơn Khu A và Khu B, tuy vẫn ở trong bốn tường rào và vẫn chịu sự kiểm soát ngặt nghèo.

Nhưng tất cả đều không được gặp người nhà và không được nhận tiếp tế, thăm nuôi.

Theo tù nhân họ Kiều đã nói ở trên: Khu C có một lần được mua sắn về luộc ăn. Say sắn chết mất năm người.

Đầu năm 1965 thì tù nhân họ Kiều được sang Khu C và đến năm 1965 thì anh được về suôi tại Phú Sơn 4, Thái Nguyên.

Ngày Tết Nhâm Dần 1961 tại Cổng Trời

Với cái Tết đầu tiên ở Cổng Trời năm Nhâm Dần 1961, anh được hưởng một cái Tết đặc biệt nhất trong đời anh.

Tết ở Các Trại Dưới.

(Trại Ngọc, Yên Bái; trại Da Thịnh, Tuyên Quang; Phong Quang, Lao Kay; Tân Lập, Phú Thọ; Tân Sơn, Lạng Sơn; và Vĩnh Quang, Vĩnh Phúc... )
Cứ lúc đói là anh Trần Huy Liệu nói chuyện với tù nhân họ Kiều về Cầu Giát Quỳnh Lưu Nghệ An, quê anh về thịt trâu, thịt bò, thịt me (bê), thịt lợn, thịt nghé rồi cá chim, cá thu, cá ngừ, cá dưa, cá cơm, cá cháo. Đời tù vui đáo để là thế mà cũng buồn đến não lòng.

Đầu óc anh thật đơn giản nhưng vô cùng tốt lành. Có lần đứng ở cửa sổ nhìn ra sân trại, anh quay lại bảo với tù họ Kiều: "Chiều nay ăn 'chốc tru'."

Tù họ Kiều ngớ người ra không hiểu, anh nhắc lại: "Chốc" là đầu, "tru" là trâu: đầu trâu.

Anh rất méo mó nghề nghiệp, giảng cho tù họ Kiều biết: "Đừng tưởng 'chốc tru' là toàn xương đâu. Khối thịt ra đấy. Bỏ sừng đi. Còn lại hai phần ba là thịt đấy."

Tù họ Kiều bảo: "Hai phần ba là xương thì có."

Anh cãi: "Cậu đếch biết gì, này lưỡi này tai, này mồm này má, này óc; xương không bao nhiêu đâu."

Và anh nói đúng sự thật, vừ nói xong vừa nuốt nước bọt làm tù họ Kiều thèm lây.

Những tháng rét, các tù nhân ăn sắn độn cơm và ăn lá bắp cải già nấu muối. Tiếu chuẩn nói là 12 kg sắn gạo, nhưng có lẽ chỉ còn độ 9, 10 kg thôi. Tù nhân đi lĩnh gạo ở mậu dịch về làm gì có cân đủ. Về để ở kho, lũ chuột bọ lại xơi hao hụt đi. Ban quản lý trại phân phát cho nhà bếp còn độ 10 kg. Nhà bếp còn giữ lại cháy để nuôi lợn nữa.

Lá bắp cải già đen, nấu trong chảo, hòa thêm muối khiến nước đen sì có vị nồng. Người ngoài trông không dám ăn, nhưng tù nhân ăn ngon lắm. Tù nhân ước mong nhà bếp cho đủ mặn thì tốt quá. Nhưng muối ăn cũng bị hạn chế. Tù nhân thường đổ thêm nước vào canh để cho đồ ăn có vẻ được nhiều hơn.
Và ai húp hết canh rồi, thì mới ăn đến cơm. Những lúc đó tù nhân họ Kiều cứ nghĩ lẩn thẩn, tại sao ở ngoài đời lại phải ăn cơm với thức ăn! Cơm không cũng đã ngon lắm, thế thì cần gì phải có thêm thức ăn nữa.

Cơm ăn nhà bếp đem lên nhà tù rất ít khi còn nóng. Từ nhà bếp lên đến buồng giam, thường người mang cơm phải mất thời gian khoảng hai tiếng đồng hồ. Cơm để trong chảo, rồi xúc ra đổ ra thùng. Sau đó,còn phải cân lại. Cân xong, gánh để ở sân trại. Hôm nào mưa thì để ở hè. Hôm trời rét, cơm canh nguội rất nhanh. Quản Giáo trực lúc đó mới mở cửa từng khu mộ, cho tù nhân ra lấy cơm theo thứ tự.

Khu C trước, rồi Khu B, rồi sau cùng mới đến Khu A. Đến lượt tới Khu A, thì cơm đã nguội ngắt. Đem vào buồng lại phải dằm nát ra để chia đều, cho công bằng. Chia bằng cân tiểu ly tự tạo từng xuất một. Thế là nguội lạnh hết cả. Ăn cơm xong coi như không ăn. Vì ăn vào lại thấy rét thêm. Dường như cơ thể phải tỏa ra năng lượng để hâm nóng cơm canh cho cân bằng với thân nhiệt.

Tù nhân thường phải khoác chăn vào mà ăn, nhưng ăn xong vẫn thấy rét. Đói và rét thường song hành với nhau. Người xưa thường nói: “Cơ hàn thiết thân” là thế. Trong những lúc đói rét đó, tù nhân rất mong Tết đến.

Dù sao chăng nữa, Tết trong các trại tù dưới, bao giờ cũng có bánh chưng. Có khi nhà bếp còn phân phát cả kẹo bánh nữa. Tuy chẳng là bao, nhưng cũng gọi là có thêm. Cũng như bao nhiêu người, mà tù nhân họ Kiều cũng mong Tết đến lắm. Anh thấy thòm thèm một viên kẹo bột dỗ trẻ, như lúc còn thơ ấu.

Tết đến may ra các tù nhân được một bữa no, lại có thêm tí đường. Những ngày lễ Lao Động 1-5, Quốc Khánh 2-9, tù nhân có được ăn thịt trâu, bò, hoặc lợn. Tù hình sự gọi thịt là "mều." Phần ăn có dăm ba miếng thịt, lại thêm mấy miếng lòng, thế là đời tươi rồi.

Tưởng tượng đến những ngày ấy, anh thấy bụng mình đã hơi lưng lửng. Mỗi lần đến Tết, nguyên bữa ăn có cơm, canh, thịt và miếng bánh chưng là anh thấy gần no rồi.

Anh thường luôn nghĩ đến câu:

"Đói ngày giỗ cha, no ba ngày Tết."

Anh dồn cả bánh chưng phát chiều 30 Tết, và tất cả kẹo bánh dành cho sáng mồng một. Ăn vội hết cơm canh thịt xong, anh mới bóc xơi cái bánh chưng. Rồi ngoạm hết cái bánh chưng, anh mới tráng miệng nốt chỗ kẹo bánh, liền một lượt. Anh vươn vai đứng dậy, kể như là hết Tết.

Ở các trại dưới, chỉ có hai ngày Tết, chứ không có ba. Vì sáng mồng ba Tết, các tù nhân đã phải đi làm rồi. Đúng là lao động là vinh quang, tay làm hàm nhai, vì “nhàn cư vi bất thiện”.Trong tù, Tết bắt đầu từ chiều 30. Bữa ăn chiều 30 Tết bao giờ cũng có món lòng trâu, lòng lợn, thêm tí thịt thủ, tý mỡ vào canh lá bắp cải già. Vì buồi sáng 30 Tết, trại bận làm thịt lợn, thịt trâu cho Ban Giám Thị, Ban Chỉ Huy bộ đội kịp gói bánh chưng.

Bữa sáng mồng một Tết, tù nhân được ăn thịt hẳn hoi. Chiều lại ăn cơm rau như thường. Sáng ngày mồng hai,tù nhân còn được ăn một bữa thịt nữa. Chiều mồng hai lại ăn rau có thêm nước luộc thịt. Thế là thường tù nhân nào ăn xong, vẫn thấy còn đói.

Tết ở Cổng Trời Năm Nhâm Dần 1961...

Ở Cổng Trời, khií hậu một năm có hai mùa: Mùa nóng bắt đầu từ đầu tháng Năm; mùa rét từ đầu tháng Chín. Thường mùa nóng ngắn hơn hơn mùa rét. Gọi là nóng, nhưng đêm vẫn phải đắp chăn, vì khí lạnh từ núi đá và tường đất tỏa ra.

Tù nhân Nguyễ¬n Hữu Đang sáu tháng tắm một lần. Anh bảo: "Có ai chết vì không tắm đâu. Cậu xem đấy những anh nghiện thuốc phiện cả đời có tắm bao giờ đâu, chả sao hết."

Anh Đang nói chắc nịch, đúng như đinh đóng cột. Những lúc đói rét, cơ hàn thiết thân, tù nhân mới thấm câu: “Đói cho sạch, rách cho thơm”. Đã đói, làm sao mà sạch được! Thấy đói rét, chỉ mới nhúng tay vào nước, ai cũng còn ngại, còn nói gì đến tắm. Đã rách rưới, mà còn muốn thơm. thật là oái ăm, người xưa thật quá khe khắt với thế hệ con cháu.

Tù nhân họ Kiều nửa tháng không dám rửa chân. Vì nếu rửa chân thì cái lạnh cứ dai dẳng bám lấy đôi bàn chân, dường như mấy ngày không ấm lại được. Cả ngày đêm, lúc nào, tù nhân cũng ngồi co ro trên sàn gỗ, có đi đến đâu mà bẩn, phải rửa! Thậm chí, Trần Huy Liệu cả thàng trời không đánh răng rửa mặt. Mắt anh ta đầy dữ, và mồm vêu ra đầy bựa, thật hôi hám.

Chiều 30 Tết hôm ấy,trời rét cắt da, cắt ruột, cắt thịt. Bầu trời ảm đạm xám xịt, chăng đầy mây. Trại tù im ắng như chết. Tù nhân họ Kiều đứng ở cửa sổ, nhìn qua song gỗ lim, thấy Nguyễ¬n Hữu Đang đứng ở sân trại nói với Phó Giám thị trại Quỷ Sứ người Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Anh lắng nghe lõm bõm:

"Thưa ông, theo tục lệ cổ truyền của Việt Nam thì đến chiều 30 Tết, gia đình nào cũng làm mâm cơm cúng gia tiê, và ở các trại dưới tù cũng đều được cải thiện ăn thêm... Mong rằng ông cũng cho anh em chúng tôi..."

Nhưng có tiếng quát cao giọng ngắt lời Nguyễn Hữu Đang.

"Không có gì cho các anh cả. Biết chưa. Cấm không được đòi hỏi, yêu sách lôi thôi gì... Cho thế nào ăn thế..."

Rồi Quỷ Sứ quay ngoắt ra cổng trại. Chiều 30 Tết năm ấy vẫn lá bắp cải già nấu muối đen sì. Không hơn, không kém, mà vẫn như mọi ngày khác!.

Tết Trong Tù Vẫn có thơ

Thơ gắn liền với bàn tính người Việt Nam. Ở trong tù, thơ là một thú tiêu khiển của những người tù.

Hai ngày Tết trôi qua. Đến sáng ngày mồng ba, Cố Hoàng, một tù nhân có nhiều thâm niên, làm một bài thơ vịnh cái Tết đó, rồi đọc cho tù nhân nghe.
Thơ rằng:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay
Chiều 30 Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn
Khốn nạn thân tôi đến thế này...

Anh vốn ghét những người làm thơ không hay. Thế nhưng, những người làm thơ không hay, lại rất hay làm thơ. Và đã làm thơ thì thế nào cũng níu kéo chia sẻ với một người nào đó để đọc cho nghe. Anh khổ sở vì phải nghe những bài thơ đó. Hồi nhỏ, anh thấy thầy anh ngồi cùng các vị túc nho hay chữ, lúc trà dư tửu hậu có người lên tiếng đùa cợt nói:

"Ai mà nói dối, thì ăn câu đối cụ Nghè Bản"

Mọi người cười ầm lên.

Anh không rõ cụ Nghè Bản là ai và ở đâu. Nhưng suy ra chắc là câu đối của cụ thối lắm nên mới có câu nói cửa miệng đó.

Nó cũng như câu nói của Trạng thơ Cao Bá Quát:

"Câu thơ thi xã, con thuyền Nghệ An."

Đến giờ đây, ở đâu ai cũng làm thơ, thơ hay đến không ngửi được cũng đăng báo, xuất bản thành tập làm khổ người xem, người đọc.

Hình như ở đất nước này, ai ai cũng thích làm thơ. Ngay anh, một người Việt Nam chân chính, anh cũng mắc cái tật ưa làm thơ như ai. Nhưng vì anh là con nhà binh, nên làm thơ chỉ đạt đến trình độ của mấy ông quan võ ngày xưa mà thôi. Nghĩa là:

Con cóc nhảy ra
Con cóc ngồi đấy

Hoặc:

Chẳng phải voi cũng chẳng phải trâu
Ấy là con chó cắn gâu gâu

Rồi anh đọc cho cố Hoàng nghe. Cố sổ toẹt toàn bộ thơ của anh, bảo chẳng ra làm sao cả. Cố nói chỉ có mỗi một câu nghe được là câu:

Ngũ Tử Tư, Ngũ Tử Tư,
Tấm thân chìm nổi đến bao giờ

Cố Hoàng rất hay làm thơ và cũng ngâm lại cho anh nghe. Giọng cố ngâm rất hay, cố lấy làm thích thú lắm. Ra cái điều tâm đắc. Nhưng cố hát còn hay hơn nữa. Cố hay hát lại bài ca tụng các Thánh tử vì đạo của Cha Vinh (địa phận Hà Nội).

Nếu không có mẹ, ở nơi lưu đày...
Xin Mẹ hãy nghe lời con kêu van, khấn cầu đau đớn

và...

Dù gươm chém hay đầu rơi
Lòng vàng đá không hề phai...

Làm cho tù nhân họ Kiều thuộc đến tận bây giờ.

Và cũng như bài thơ Tết Nhâm Dần ở trên, cố cứ ngâm nga mãi, tuy rằng bài thơ không hay, nhưng nó lột tả được toàn bộ sự thật đau xót khốn khổ của cái Tết tù năm đó. Vì không có bài thứ hai, nên anh mạn phép chép lại, các vị cũng lượng thứ cho. Vì cái Tết của tù nhân đúng như vậy đó. Chỉ được ăn một bữa, bữa trưa ngày mồng một Tết thôi. Mà đói vàng mắt ra, vì mãi đến tận một giờ chiều mới được ăn.

Mọi ngày tù nhân ăn khoảng từ 8 đến 9 giờ sáng. Riêng ngày mồng một Tết, các quan còn bận ăn Tết nên không xuống mở cửa sớm. Mãi đến 10 giờ sáng mới xông đất mở cửa nhà bếp. Thế có nghĩa là ba tiếng đồng hồ sau, một giờ chiều tù nhân mới được ăn cơm sáng.

Mười giờ sáng, mở cửa, phát cho mỗi người hai cái kẹo. Lại đóng ngay cửa lại. Sau khi tù khênh cứt đái ra ngoài đổ, tù nhân lại vào buồng ngồi chờ cơm. Trong khi chờ đợi, thì thưởng thức hai cái kẹo ăn dỗ trẻ con. Cả lũ tù phải nhịn đói đến một giờ chiều. Đúng như lời trong thơ tả:

Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy

Và ba miếng thịt lớn bằng ba đốt ngón tay, và, của đáng tội, còn được thêm mấy miếng lòng nữa mà cố Hoàng không chép nhét vào trong bài Thơ Đường đó được.

Bài thơ không được hoàn chỉnh lắm và có thể thất niêm thất luật. Nhưng nó đúng, đúng với sự thật đau xót. Tết vẫn ăn cơm độn sắn, đắng ngắt. Nhưng cái kết không có hậu. Khốn nạn thân anh đến thế này thì thật là mệt quá.

Riêng anh, anh vẫn muốn có một happy end, vẫn muốn có Tiên Điền Nguyễn Du vớt nàng Kiều ở sông Tiền đường lên cho tái hồi Kim Trọng, anh vẫn muốn sống và trở về tự do, về nhà cùng mẹ và vợ con anh, nên anh mạn phép cố Hoàng cho anh sửa lại câu cuối. Cố bảo thì sửa đi. Anh sửa thành:

"Ước đến sang năm khác thế này."

Cố gật đầu bảo: "Thôi cũng được."

Thế là bài thơ đó như sau:

Tết đến Nhâm Dần khốn nạn thay
Chiều ba mươi Tết vẫn ăn chay
Bánh chưng mong đợi thời không có
Thịt lợn vừa tròn ba đốt tay
Buổi sáng mỗi người hai cái kẹo
Bữa trưa dăm miếng thịt trâu gầy
Anh em ngao ngán nhìn cơm sắn
Ước đến sang năm khác thế này.

Có thể là vì câu thơ cuối, mà cố Hoàng thì nằm lì chôn thân nơi đó, còn tù nhân họ Kiều may mắn trở về để viết lại câu chuyện này hôm nay.

Bài Anh Hùng Ca Tử Đạo Của Nhiều Tù Nhân Tín Hữu

Khung cảnh một trại tù Cổng Trời như thế đã là nơi sinh sống muôn thuở của nhưng tù nhân như Linh mục Nguyễn Văn Vinh. Dúng là Cổng Trời là nơi đã đón tiếp biết bao anh hàng liệt sĩ Công giáo về cõi Vinh Phúc. Không có đau khổ vì đức tin kiêu hùng trung kiên, người tín hữu không thể vào chốn vinh quang muôn đới.

Cùng với nhiều tù nhân chia sẻ cùng số phận, nhiều tù nhân, cùng đức tin cũng như ngoài đức tin Công giáo, kể cả kẻ đã bách hại ngài, đã cùng nghe Ca Đoàn tù nhân đau khổ luôn reo ca bài hát Vết Tử Hùng’ của Văn Thi và Tâm Bảo vì đức tin Kitô. Linh mục, tu sĩ, trùm trưởng,… đã anh hùng bất khuất bạo lực, noi gương các thánh tử đạo, noi gương đức Kitô trên đường Thánh Giá

Bài hát đó trở thành bài thánh ca nuôi dưỡng lòng trong kiên, chuẩn bị đưa Linh Mục Nguyễn Văn Vình cùng với bao con người đau khổ nhưng anh hung, vào Nước Trời Vĩnh Cữu. Xứng đáng thay, một linh mục tử đạo kiêu hùng giữa Ca Đoàn Tù Nhân Tử Đạo, hát vang tiếng ca Vết Tử Hùng:

Điệp khúc:

Kìa Ai còn lưu tiếng Thiên Thu
Cương quyết vì Đạo Chúa hiến thân
Lời ai hòa trong gió âm u
Máu ai còn tiếng vang xa gần
Dù Kiếm Sắc Cần chi
Dù gong mang xá gì
Treo gương cho khắp thế soi chung
Trong đau thương chí khí anh hung
Lòng vàng đá không hề chi
Rầy cùng Chúa được vinh phúc trên Cõi Trời


Câu riêng

1. Càng nung nấu nhiều, vàng thêm trong thêm sang tươi.
Gươm giáo kia ai hay chứng lòng sắt son.
Càng đau đớn nhiều càng thêm hoa trên đường mới
Dắt lên chốn Trời cao còn hạnh phúc nào hơn

2. Đời bao tháng ngày lòng cao siêu không vướng chi.
Sung sướng như mây bay dóng đới tối tăm.
Tìm nơi phúc thật hiền nhân xưa kia bền chí
Bước cay đắng trần gian: đường vinh phúc ngàn năm

3. Lòng tin Chúa Trời tình thân yêu khăng khít liên.
Trong gió mưa tân toan vững niềm kính tin
Còn thêm suối lành đoàn hậu sinh nay tìm đến
Dám dâng các tiến nhân lời tha thiết cầu xin


Cậu chủng sinh họ Đỗ đã bao lần nức lòng khi đồng ca bài hùng ca bất diệt đó với các bạn hữu, củng cố thêm niềm tin sắt son vào Ơn Trên giữa những cơn đau khổ triền miên trong dòng đời, phương chi người đó là Kitô hữu. “Ai gieo trong lệ sầu, sẽ gặt trong vinh quang!”

Một Kết Luận: Chuyện Hậu Sự Của Người Dương Thế

Đức Cha Oanh giám mục Kontum dâng thánh lễ tại Ngọc Lũ
Hồi 19h30 ngày 12.10.2007 sau khi bế mạc Đại Hội Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, giám mục Hoàng Đức Oanh, Giáo Phận Kontum, với tư cách nghĩa tử của cha chính Vinh, đã rời Toà Giám Mục Hànội về Giáo Xứ Ngọc Lũ (Hà Nam) cách Hà nội hơn 90 km. Ngọc Lũ là quê hương của cha chính Vinh, nơi lưu giữ di cốt của cha chính Vinh sau khi cải táng.

Hồi 4h30 sáng 13.10.2007 Thánh Lễ đồng tế do Hoàng Đức Oanh Giám Mục Kontum, và linh mục thư ký cử hành tại nhà thờ Ngọc Lũ

Di cốt Cha Chính Vinh tại Nhà Thờ Ngọc Lũ, Nam Định
Một chút di cốt ít ỏi, các mảnh vải áo cha mặc khi chôn cất nay may mắn còn sót lại, một ít mùn đất nghi rằng do xương của cha mục nát tan ra.... Tất cả được thu gom trong các túi nhỏ đặt trong một quan tài bằng kính, được đặt và tôn kính tại gầm bàn thờ bên trái của nhà thờ Giáo Xứ Ngọc Lũ.

Hồi 4h30 sáng 13.10.2007 Thánh Lễ đồng tế do Giám Mục Kontum, và linh mục thư ký cử hành tại nhà thờ Ngọc Lũ để cầu nguyện cho cha chính Vinh và các người đã qua đời của Giáo Xứ Ngọc Lũ. Sau Thánh Lễ Giám Mục đến thăm mảnh đất hơn 07 sào, xưa là nhà của ông bà thân sinh cha chính, năm 1993 đã được bán lại cho một gia đình khác (cũng là người công giáo).

Giám Mục Nghĩa Tử Chủ Tế và người thu hồi di cốt cha Vinh
Anh Phạm Văn Lý, người thông báo những giòng chữ này với một số hình ảnh về buổi lễ đó với một nhúm tro cốt, cùng mọi người có mặt hôm ấy, đều vô cùng bàng hoàng và cảm động, khi quì trước di cốt cha chính..., vị tử đạo khả kính của cộng đồng Dân Chúa Hà Nội cách riêng và của toàn thể giáo Hội Việt Nam nóì chung.

Hãy cầu nguyện và tha thứ cho những kẻ lầm chẳng biết, dù chúng cố ý hành hạ làm khốn người vô tội nhưng một lòng son sắt với đức tin Kitô giáo.
Xin Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Phù Hộ Cho Đoàn Con Đất Việt!

Một Số Tài Liệu Tham Khảo
Tư liệu đặc biệt:
Huynh Hà, Đặc San Huynh Hà. Viết Về Địa Phận Hà Nội. Sàigòn, 2/7/1971, 100t., 21x32cm
Huynh Hà, Kỷ Yếu Huynh Hà. Uống Nước Nhớ Nguồn. HCM, 1996, 224t, 14x21cm.
Huynh Há, Kỷ Yếu Huynh Hà.Tìm Về Cội Nguồn. HCM, 1997. 446t +74t (phụ), 14.5x21cm, nhất là các trang 300-301. Ngân Khánh 7 LM gốc TGP Hà Nội, trong đó có LM Hoàng Đức Oanh.
Bạn Đường, Kỷ Niệm Ba Mươi Năm Bạn Đường (1960-90). Kỷ Niệm Hai Mươi Lăm Năm Giám Mục của GM. Nguyễn Văn Hòa (58 năm Bạn Đường sống bên nhau. HCM, 29.04.2000, 362t, A4, font 14
Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Tổng Giáo Phận Philadelphia. Đặc San Kỷ niệm 25 năm (1975-2000). [Tám Cộng Đoàn].Hoa Kỳ, 19/11/2000 Tông Đồ Mục Vụ Việt Nam (1719 Morris St., Philadelphia, PA. 19145. Tel: 215-755-8369), 184tt., 15x25cm
Huynh Hà, Về Nguồn Huynh Hà. HCM, 4/8/2002, 58t., 14x21cm.
Mậu Hải Chúa Gọi. Hồi Ký. Kỷ niệm 50 năm linh mục và thương thọ bát tuần LM Inhaxiô Mai Xuân Hậu 30/5/2003. Không đề nơi ấn hành, vi tính, 97 trang,15x25cm
Bạn Đường, Kỷ Yếu Kim Khánh Bạn Đường (Giáo Phận Hà Nội), 1953-2003. Sài Gòn, 2004, 329t., A4, in rônêô, font 14. Kỷ Niệm I. Viết về Tràng Tập Hà Nội, II. Hoàng Nguyên Phú Xuyên Hà Đông, III. Piô XII Hà Nội. IV.Thăm Miền Tây II. V.Xây Dựng Nhà Thờ Trung Hải. VI. Sinh hoạt Bạn Đường
Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội: Kỷ Yếu Hà Nội 2004. Mười Lăm Năm Thành Lập Hội Ái Hữu Địa Phận Hà Nội Nam California (1988-2003). USA, NV printing (7775 Westminster Ave., Wesminster, CA 92683), 340tr, A5.
Hồng Nhuệ (Nguyễn Khắc Xuyên), Lược Sử Địa Phận Hà Nội, 1626-1954. Lời tựa, ghi ở Paris ngày 2/9/1994. Lưu hành nội bộ, 576t, 20x29cm + 168t. Ảnh và tư liệu. Nha Trang, 4/3/1999. xviii-628t., 20x29cm
Bùi Đức Sinh: Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.
Quyển I.-(1430-1833). USA, CA [Profess Printing Inc., San Jose, California], 2001, in lần 3, 513t, 15x25cm
Quyển II. – (1820-1911). USA, CA, in lần 3, 2001, 619t, 15x25cm.
Quyển III. – (1900-1975). USA, CA, in lần 3, 2001, 550t, 15x25cm
Nhiều tác giả. Ba Mươi Năm Công Giáo Việt Nam Dưới Chế Độ Cộng Sản 1975-2005. 8.2005, NS Diễn Dàn Giáo Dân & Phong Trào Giáo Dân Việt Nam Hải Ngoại Cơ Sở Dức Quốc, Mỹ và Âu Châu ấn hành, 649t, 16x27cm
Văn Phòng TTK HĐGMVN Giáo Hội CGVN: Niên Giám 2004 (Năm Thánh Truyền Giáo). Nhà XB Tôn Giáo (Nhà In Trần Phú, I HCM), Hà Nội, 2004, 960t, 15x21.5
Văn Phòng TTK H ĐGMVN Giáo Hội Công Giáo Việt Nam: Niên Giám 2005. NXB Tôn Giáo, In lần II, Nhà In Trần Phú, 71-75 Hai Bà Trưng, Quận I, Tp HCM), Hà Nội 2005, 965 trang.

Một Số Websites, Emails Khác:
- Notice biographique du missionnaire Dépaulis au Tonkin, http://archivesmep.mepasie.org/recherche/notices.php?numero=2576&nom=
- Notice nécrologique du missionnaire Dépaulis au Tonkin, http://archivesmep.mepasie.org/recherche/notices_necro.php?numero=2576&nom=DEPAULIS
Toàn Văn Sắc Lệnh 234 về tôn giáo tại nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 14/6/1955 do Hồ Chí Minh ký và ban hành
http://vbqppl.moj.gov.vn/law/vi/1951_to_1960/1955/195506/195506140001/view
- Tran Minh Tien trantien@hcm.vnn.vn; Tài liệu 7:29 am (39 minutes ago to"GM. Tran Xuan Tieu" Oct 16, 2007 7:29 Fw: CHA CHÍNH VINH AM.
- Trong số bốn vị trên, Lm Vịnh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù,... .. 11. Bá cáo của Nguyễn Đình Đầu viết về Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình. www.vnfa.com/anews/0710_093.html - 61k - Cached - Similar pages - Note this
- Hãy nhìn mấy cha thầy ẩn tu ở Thiên An mới bị tịch thâu trên 100 mẫu đất... Lạng quạng là có chầu đi nghỉ mát ở trại Cổng Trời như cha Nguyễn Hữu Lễ ngay.... www.longtien.org/httpdocs/cxphuchung/files/chauvehpho.html - 15k - Cached - Similar pages - Note this
- Tử tù Cổng Trời, bị cởi bị trồng (Cởi Trồng = Cổng Trời)... . Và cũng lắm lúc chính cha ông chúng nó đã bị đàn anh Trung Cộng hống hách, bắt nạt,...
www.ausviet.net/readessay.asp?Title=forum/nnguyen/20080125100004.txt - 45k - Cached - Similar pages - Note this
- Việt Thường: Ghi nhớ về lễ noel hà-nội. ĐOÀN TỤ...
NĂM 1954... ĐỂ CHIA LY HƠN. TỪ ĐẤU TỐ... ĐẾN VU CÁO NHỮNG NGƯỜI MỘ ĐẠO. VẾT DẦU LOANG. MÁU TƯỚI VÙNG CAO. NƯỚC MẮT VÙNG THẤP. NÔ-EN 69 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO.
Chính là từ cái năm 1968 này, các nhà thờ tự nhiên buổi lễ có đông con chiên. Họ đến để cầu nguyện cho con, em, chồng, cha...đã bị "sinh Bắc, tử Nam "....
www.vietthuongonline.com/mainarticles/ghinholenoelhanoi.htm - 66k - Cached - Similar pages - Note this
- Nguyễn Văn Lục: (NVL) Thưa anh Nguyễn Chí Thiện, xin nói thật,... . Tôi có bị giam ở trại tù Phong Quang, Lào cay và tôi đã gặp Vũ Thư Hiên trong vòng ba... phanthanh.multiply.com/reviews/item/74 - 44k - Cached - Similar pages - Note this
- Dữ nhất, theo họ, vẫn là Cổng Trời mà tôi đã nói tới ở trên.... .. Nhìn cảnh những Kiều Duy Vĩnh, Nguyễn Chí Thiện, Lê Trình, Văn Thợ Mộc, Tôn Thất Tần......
www.quocuy.com/forum/viewtopic.php?p=1903&sid=abeefb011df6615e9685ccfd08b48b45 - 70k - Cached - Similar pages - Note this
- Sợ lộ sẽ bị bắt tù, chỉ vì ông mắc tội yêu nước, dám chống đối nhà cầm quyền thực... . Hai cha con về đến nhà trời đã xế trưa, bà Biểu Cô, chị họ ông Woòng,...
vietbay.com/docs/haingoai_truyen1/nguyenthi_vinh1.html - 24k - Cached - Similar pages - Note this
- Ông "Cổng trời"
Lao Động số 83 Ngày 12/04/2007 Cập nhật: 9:37 PM, 11/04/2007. (LĐ) - Dân bản gọi già làng Và Phái Tểnh là ông "cổng trời" không chỉ bởi cái bản của ông "mọc" trên chót vót eo rừng quanh năm mù sương. Ông "cổng trời" còn có nghĩa - người đã mở ra một "cổng trời mới" biến "thủ phủ" ma tuý Mường Lống, một địa bàn di dịch cư phức tạp thành điểm sáng của huyện biên giới Kỳ Sơn (Nghệ An).
Bản ta ngày xưa là thung lũng ma tuý"
- (LĐ) - Dân bản gọi già làng Và Phái Tểnh là ông "cổng trời" không chỉ bởi cái... Còn khoảng thời gian từ 1975 về trước, ông là giáo viên dạy chữ Mông ở Tây...
www.laodong.com.vn/Home/phongsu/2007/4/31668.laodon - 56k - Cached - Similar pages - Note this
- Một thời gian ngắn trước khi cha Nguyễn Văn Lý bị bắt, VC đã tung ra rất nhiều... . trại giam ở miền Bắc. Trại Thanh Cẩm và nhất là trại Cổng Trời chắc chắn...
saigonxua.blog.ca/2007/03/04/on_ca_7889_truy_tan_pha_7843_i_cha_7871_~1847816 - Similar pages - Note this
- KIỀU DUY VĨNH: TẾT Ở TRẠI CỔNG TRỜI
Chỉ nhìn thấy Cha Vinh, Cha Quế vào đó và không thấy hai cha đó ra về nữa mà... Ở Cổng Trời một năm chia làm hai mùa: Mùa nóng b¡t đầu từ đầu tháng Năm;...
www.hungviet.org/ncct/kieuduyvinh_ct2.html - 21k - Cached - Similar pages - Note this
- K. Vĩnh TK21 #98, Tháng 6 1997: Hồi Ức Cuộc Tuyệt Thực Ở Trại Cổng Trời. 1/8 Âm lịch năm 1994
K. Vĩnh 2003-10-25 13:02:01
- Kiều Duy Vĩnh: Đức Thánh Tử Vì Đạo Thứ Hai Mà Tôi Được Gặp. Kiều Duy Vĩnh TK21 #100 Tháng 8 1997
http://vantuyen.net/index.php?view=story&subjectid=6973
2003-10-25 12:48:03
- Trong số bốn vị trên, Lm Vịnh chết trong tù ở trại Cổng Trời, Lm Thông 27 năm tù,... .. Bá cáo của Nguyễn Đình Đầu viết về Tổng Giám mục Nguyễn Văn Bình....
vietcatholic.net/News/Html/52570.htm - 46k - Cached - Similar pages - Note this
Oakland, CA Đỗ Hữu Nghiêm biên soạn xong ngày 17/4/2008.5. Ngày sinh nhật Đức Thánh Cha Biển Đức XVI, nhân chuyến đến thăm Hoa Kỳ ngày thứ hai (15-20/4/2008) tại Washington D.C.
Đây là bản sơ thảo cần nhiều bổ sung chi tiết chính xác. Quý vị nào có những tư liệu liên hệ để hiệu chính, xin vui lòng cung cấp cho người biên soạn theo địa chỉ: email: nghiemdohuu@gmail.com
 
Văn Hóa
Nay, trên hè phố
Nguyễn Trung Tây
01:55 25/04/2008
Nay, trên hè phố

Xưa, Chúa gọi bên bờ Biển Hồ.
Nay, Chúa gọi ngay trên hè phố,
Giữa dòng đời xe cộ ngược xuôi,
Trời trưa hè nắng nung lửa đỏ.

Xưa, ngư phủ Biển Hồ cực nhọc buông thả lưới,
Nguyên đêm dài vất vả, lưng trần thấm mồ hôi.
Bình minh tới, lưới nặng rong rêu vỏ ốc thối!
Bên bờ biển, bất ngờ Chúa hiện ra, Ngài nói,
"Thả lưới nơi mạn nước sâu, ngay bên tay phải".
Thế là khoang thuyền đầy cá, cá bạc, cá vàng.

Nay, con cực nhọc với gánh hàng,
Trên hè phố đôi chân nhịp nhàng
bước chân rảo bước nhanh nhanh.
Chúa nói khẽ, dừng lại, nhìn bên tay phải…
Con nhận ra ông lão người Thượng đang xiêu vẹo những bước chân,
đang cố gắng băng ngang qua mặt đường nhựa.
Xe đạp vẫn phóng tới, xe máy ồn ào nóng nảy rú ga, xe hơi bấm còi khó chịu!
Dừng lại quang gánh hàng rong,
Con chạy tới dẫn “hình ảnh Thiên Chúa”
vượt qua lòng đường nhựa.

Xưa, ngư phủ Biển Hồ lang thang trên mặt sóng tìm kiếm những luồng cá biển,
Nay, con đẩy xe bánh mì, mắt đăm chiêu dõi nhìn tìm kiếm
những tờ giấy thiên hạ gọi là tiền.
Chúa gọi, con nhận ra em bé đang ngồi nhặt cát bỏ vào miệng.
Chúa nói mẹ em mắc bệnh Sida, chết, xác sình thối, dân làng vùi nông bên vệ đường.
Con dừng lại những vòng bánh xe, tặng em ổ bánh mì nướng vàng.
Em bé mồ côi mẹ mở miệng cười tươi, nụ cười thiên đàng,
tay thôi nhặt đất cát, cầm ổ bánh mì thơm,
mở miệng nói cám ơn.
Con cũng nói mình cùng cám ơn Chúa.

Xưa, ngư phủ bán sỉ, ngồi đan lưới,
Nay, con bán lẻ, ngồi đan giỏ cói,
Chúa gọi, con ngẩng lên nhìn
thấy bà lão ăn mày người gầy gò còm cõi.
Con ngừng đan giỏ cói,
bước vô nhà đong chén gạo hoa tặng người cơ bần nghèo đói.

Xưa, ngư phủ bơ vơ trên sóng biển,
Nay, con cũng ngơ ngác giữa biển đời.
Dòng đời sóng nước mênh mông,
Biết đâu là bến, thuyền con cắm sào.
Sông sâu còn có kẻ dò,
Lòng người sâu? cạn?, con dò không ra.
Chúa gọi, “Bước theo ta…”

Bước con nối bước Chúa, con nhận ra
người thương binh cụt một chân ngồi bán trà đá
ngay bên vỉa hè,
trời trưa nắng nung đổ lửa,
Con mua ly trà đá,
Uống cạn một hơi!
Tay sờ túi,
Túi quần rỗng tênh với một lổ hổng không biết từ bao giờ.
Nhìn mặt con đỏ bừng bừng, điệu bộ lúng túng,
người thương binh nói,
— Thôi, tặng chú em.
Con mở miệng lí nhí nói không ra lời.
Tự nhiên muốn khóc, ai nghèo hơn ai?

Xưa, Chúa gọi bên bờ biển Hồ,
Nay, Chúa gọi ngay nơi hè phố.
Dòng đời xe cô ngược xuôi,
Chúa đứng ở ngã ba đường,
tiếp tục gọi, tiếp tục nói...

www.nguyentrungtay.com
 
Thương Chị tôi (Thơ)
Lm. Thiên Ân
02:55 25/04/2008
Thương Chị tôi



Nắng chiều gay gắt đường về

Chị tôi hối hả, tiếng ve gọi mùa

Trán hừng lấp lánh gió đưa

Hạt rơi xuống đất, hạt chưa nẩy mầm.

Chị tôi trông dáng tảo tần

Chợ xa, gạo mới, bao lần chị đi

Thức khuya dậy sớm ngại gì

Đường xa, có xóc có bì lòng tôi.

Chiều nay chị đứng bồi hồi

Chồng đang ở viện, con thôi học bài

Chị ra hỏi lúa hỏi khoai

Xin Trời cho đất cho đai chóng mềm.

Chị tôi không ước gì thêm

Không son không phấn, ấm êm riêng mình

Chị vui với cả gia đình

Bữa trưa bữa tối có tình mẹ con.

Rôma ngày 24.04.2008

Viết tặng người chị gái thân yêu
 
Tâm tình 33 năm nhìn lại biến cố 30-4
LM Phêrô Hoàng Xuân Nghiêm.
10:05 25/04/2008
Tâm tình 33 năm nhìn lại biến cố 30-4

Trong tư cách là người Việt-Nam 33 năm sống xa Tổ quốc, giáo xứ Đức Mẹ Lavang tại Wyoming (tiểu bang Michigan) chúng ta chọn ngày hôm nay làm ngày Ba Mươi Ba Năm Nhìn Lại biến cố 30 THÁNG TƯ: 30/4/1975 –30/4/2008. Với tôi và với nhiều người Miền Nam Việt-Nam đương thời, 33 năm trước, ngày 30 THÁNG TƯ là một đại họa cho nhiều người, cho Đất Nước. 30/4/1975 tôi theo Cha Giuse Cao Văn Cường, rời Nha trang, qua ngã Khánh Dương đi về phiá Tây của Tổ quốc, tìm về giáo xứ Châu Sơn, ở Buôn-mê-thuột để giúp Cha Cường dâng lễ mở tay đầu đời linh mục. Hai anh em chúng tôi đang đèo nhau trên xe honda đi ngang qua thị trấn Buôn-mê-thuột thì đài phát thanh Hà Nội loan tin “Saigon Giải Phóng”. Bộ đội hai bên đường thì như đồng loạt tung mũ tai bèo, tung dép râu lên trời, reo hò vang dậy trong niềm sung suớng hân hoan của đoàn quân chiến thắng, còn chúng tôi thì bàng hoàng trong nỗi nhục của kẻ chiến bại, trong tâm trạng của người dân mất nước. 30 THÁNG TƯ là một biến cố tủi nhục cho tôi lúc đó. Hình ảnh những anh lính bộ đội, đầu đội mũ tai bèo, chân đi dép râu, ốm tong ốm teo thế kia mà đánh thắng được một đội ngũ quân hùng tướng mạnh của Miền Nam. Ức thì thì ức, tủi thì tủi, nhưng nay 33 năm sau, đứng trên địa bàn quốc ngoại nhìn lại biến cố nầy, qua những sử liệu đã được giải mật, chúng ta mới thấy rằng vào thời điểm ấy Việt-Nam đã đến lúc cần đổi ngựa thí xe trên bàn cờ quốc tế. Chỉ tủi nhục một điểm là VN chúng ta sinh ra làm thân nhuợc tiểu, đành trở thành con cờ thí trên một bàn cờ quốc tế đã định vị. Con tốt đã nhập cung, con pháo đầu đã bị lượm đi rồi thì xe, thì tượng cũng trở thành bất khiển dụng, đành đợi xóa bàn làm lại.

Hôm nay ngồi đây nhìn lại biến cố 30 THÁNG TƯ của 33 năm trước, thay vì là một đại họa thì lại là một cơ may vì biến cố vượt biên, vượt biển liên tục trong hai thập niên tiếp theo. Không có biến cố 30 THÁNG TƯ làm sức ép, thì dân Miền Nam sẽ không liều mình đi tìm cái sống trong cái chết mà vượt biên, vượt biển. Nhờ hai thập niên vượt biên, vượt biển ấy mà nay gần 3 triệu người VN đang có mặt trên khắp năm châu bốn biển. Đây là nhân tố tất yếu sẽ kéo dài ranh giới Việt-Nam tỏa rộng đi muôn phương nhờ sự hiện diện của người VN xa xứ. Căn cứ trên tinh thần hiếu học của người VN, kèm theo sự thông minh trong bản tính, chắc chắn bây giờ trong số gần 3 triệu Việt kiều ở cõi ngoài của Tổ Quốc, có ít nhất cũng hơn 300 ngàn người trẻ đã tốt nghiệp đại học, có bằng cấp Giáo sư Đại học, Bác-sĩ, Dược-sĩ, Kỹ-sư, Luật-sư, Kiến-trúc-sư, Kinh-tế-gia, Doanh-gia chuyên nghiệp, chuyên ngành. Họ là những chuyên-viên với những khả-năng thứ thiệt, làm nhân-tố cho một Việt-Nam giàu mạnh về sau trên nhiều lãnh vực chuyên môn. Nhà Nước Việt-Nam trước đây gọi những người vượt biên, vượt biển chúng ta là bọn phản quốc, vọng ngoại nhưng trong khoảng hơn 10 năm trở lại đây, Chế Độ lại ưu ái nhận vơ vào và gọi nịnh chúng ta là “khúc ruột ngàn dặm của Tổ Quốc ở nước ngoài”. .. Cũng là một thực tế và là một thực thể thôi, nhưng nhận hay không nhận là quyền của chúng ta.

Chúng ta cám ơn cộng đồng thế giới đã quảng đại đón nhận chúng ta làm thân tị nạn xa xứ. Là người Công giáo VN ỏ Hoa-Kỳ, chúng ta phải lớn tiếng cảm tạ Chúa đã quan phòng sắp xếp trong biến cố 30 THÁNG TƯ, chúng ta tri ân quốc gia, dân tộc và Giáo hội Công Giáo Mỹ đã quảng đại đón tiếp cộng đồng người Việt đến nhập cư, rồi định cư vĩnh viễn trên đất nước phồn vinh nầy. Hoa Kỳ đã đại lượng đón tiếp chúng ta trong 33 năm qua, chính là một món qùa đắt giá nhất của xứ sở cơ-hội nầy giúp người VN chúng ta hãnh tiến, là tụ điểm để người Việt chúng ta “châu về hiệp phố” mà thể hiện tinh thần công dân của một quốc gia độc lập cho đến nơi đến chốn, rồi từ đó ra công xây dựng cho dân hùng nước mạnh là món quà chúng ta dâng tặng lại để tri ân dân nước Mỹ vậy.

Dịp 33 năm nhìn lại biến cố 30 THÁNG TƯ hôm nay là để tạ ơn Trời, tạ ơn người và riêng là người VN, đây cũng là một cơ hội để chúng ta khẳng định lại với Mẹ Việt-Nam rằng: Chúng con rời khỏi không gian Mẹ Việt-Nam nhưng hồn nước Mẹ Việt-Nam vẫn chưa bao giờ rời khỏi con tim, khối óc của mỗi chúng con.

Đây là căn tính của nỗi ước mơ hằng đeo đuổi tôi suốt 29 năm trường rời xa Quê Mẹ Việt-Nam. Xin qúy vị và anh chị em cùng chia sẻ nỗi niềm của một “EM BÉ VIỆT NAM VÀ VIÊN SỎI” được diễn tả bởi hồn thơ ái quốc Trần Trung Đạo, một thi sĩ quê Quảng Nam:

Bé thơ ơi cuộc đời em viên sỏi
Khóc một lần nước mắt chảy thiên thu.

Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho Chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho Em
Còn viên kẹo thật to nầy. . là phần Bé đấy.

Bên bờ biển Palawan
Có một em bé gái
Tuổi mới chừng lên sáu lên năm
Đang ngồi đếm từng viên sỏi nhỏ
Và nói chuyện một mình
Như nói với xa xăm.

-“Em đến từ Việt-Nam”
Câu trả lời thường xuyên và duy nhất
Hai tiếng rất đơn sơ mà nhiều người quên mất.
Chỉ hai tiếng nầy thôi
Em nhớ kỹ trong lòng
Em chỉ ra ngoài Đông hải mênh mông
Cho những câu hỏi khác.

Mẹ của em đâu?
- Ngủ ngoài biển cả.
Em của em đâu?
- Sóng cuốn đi rồi.
Chị của em đâu?
- Nghe chị chết trên mui.
Ba của em đâu?
Em lắc đầu không nói
- Bé thức dậy thì chẳng thấy ai nữa.

Chiếc ghe nhỏ vớt vào đây mấy bữa
Trên ghe sót lại chỉ dăm người
Lạ lùng thay một em bé mồ côi
Đã sống sót sau sáu tuần trên biển.

Họ kể lại em từ đâu không biết
Cha mẹ em đã chết đói trên tàu
Chị của em hải tặc bắt đi đâu
Sóng cuốn mất người em trai một tuổi.

Kẻ sống sót sau sáu tuần trôi nổi
Đã cắt thịt mình lấy máu thấm môi em
Ôi những giọt máu Việt-Nam
Linh diệu vô cùng
Nuôi sống em
Một người con gái Việt.

Mai em lớn dù phương nào cách biệt
Nhớ đừng bao giờ đổi máu Việt-Nam
Máu thương yêu đã chảy bốn ngàn năm
Và sẽ chảy cho muôn đời còn lại.

Viên kẹo tròn nầy để dành cho Mẹ
Viên kẹo vuông nầy để lại cho Ba
Viên kẹo nhỏ nầy để qua cho Chị
Viên kẹo lớn nầy để lại cho Em
Còn viên kẹo thật to nầy. . là phần Bé đấy.

Suốt tuần nay em vẫn ngồi
Một mình lẩm bẩm
Ngơ ngác nhìn ra phía biển xa xôi
Như thuở chờ Mẹ đi chợ về.

- Thật trễ làm sao
Em tiếp tục thì thầm
Những câu nói vẩn vơ
Mẹ ngày xưa vẫn thường hay trách móc.


Trên đây là nỗi niềm của một trẻ thơ nhưng duới đây là tâm tư của một người trọng tuổi, trong cảnh sầu xa xứ đau thương, vẫn luôn uớc mong sẽ có ngày trở lại như ước mơ “RỒI SẼ ĐỔI TÊN CON” được diễn tả bằng những tâm tư sâu đậm Việt-Nam:

Lòng cha đêm sầu rụng
Trong nỗi đời cô đơn
Vẳng nghe lởi Việt Dũng
Cất gịng ca tủi hờn.
Mẹ đặt tên con:
Nguyễn Thị Saigòn
Đì con: Lê-Tị-Nạn
Đau tên: Vũ-Nhục-Nhằn
Biển Đông dù có cạn
Lòng cha hoài nước dâng
Con buớc đi
Mang tuổi trẻ phong trần
Lạc loài không lý lịch.
Máu của cha tạo nên con xiềng xích
Thuở bào thai đâu mẹ muốn con buồn?
Da con vàng: trời Tây Phương đối nghịch
Nói tiếng người con bị giống nòi khinh
Nỗi thương con cha chỉ biết hận mình
Sao lại dẫn con đi vào viễn xứ?
Lỗi lầm cha hay vòng xoay lịch sử
Đưa con mình vào kiếp sống lưu vong
Được tự do nhưng lại mất giống giòng
Con đâu biết trứng Rồng Tiên chung bọc!
Trời đêm mưa và lòng cha đang khóc
Đời con đi xẻ dọc một đời cha
Người ta cuời khi thấy bóng con qua
Hình dáng Việt mà sao không phải Việt
Cha cúi đầu cuồng quay ảo xiệc
Quê Hương nào dẵn dắt bước con đi?
Óc Tây Phương con đâu biết nghĩ gì
Về Dân Tộc đang lầm than khốn khổ?
Lỗi tại cha? -Mẹ dầm mưa trút đổ
Gọi tên con: Nguyễn Thị Sàigòn
Chiều ‘mít-tinh’ nghẹn lời ca góc phố
Cha gào than đòi lẽ sống cho con
Thắp sáng niềm tin từ vực sâu đáy mộ
Tiếng cuời ai quên nuớc mất hay còn.
Con cố đợi
Cha dẫn con đi đường quê sẽ tới
Một ngày mai hoa nắng huy hoàng
Tượng đất nghênh ngang
Lòng dân mình sẽ đập
Màu đỏ sang vàng
Trời oan khiên phải sập.
Mẹ đổi tên con, tiếng cười reo vang khắp
Trần Tự Do
Lê Dân Chủ
Tên Nhục Nhằn không kèm theo họ Vũ
Một đời con lý lịch sẽ vinh quang.
Máu lòng cha chưa cạn
Hồn vẫn chảy niềm tin
Cha đổi lao tù cho con ánh sáng
Tiếng gào hôm nay thành tiếng hát mai sau.
Hoa sẽ nở từ hạt giống cha đau
Cho con vòng nguyệt quế
Đường con đi: đẹp trời hoa thế hệ
Đến ngàn năm Xuân mãi thắm phương Nam.

(Võ Đại Nam: 10-12-1995)

Tôi thực sự đã rời xa Việt-Nam trong không gian vật lý nhưng hình ảnh đất nước Việt-Nam, Dân tộc Việt-Nam chưa hề rời xa tôi trong tâm tưởng, trong uớc mơ. Tôi bắt gặp tâm tư nầy của tôi trong những giòng suy tư sau đây của một tâm hồn Việt-Nam: “Tôi yêu quê tôi, giải đất chạy dài theo bờ Thái Bình Dương êm đềm và hùng vĩ. Tôi yêu hình ảnh của núi rừng thâm u và cô độc. Tôi yêu dân tộc tôi với một qúa trình lịch sử đầy điêu đứng và không hề nguội lửa đấu tranh. Tôi yêu đồng bào tôi, những người đã cùng tôi chia sẻ một cội nguồn lịch sử, cùng chung những niềm hãnh diện và những nỗi đắng cay... Tôi nghĩ đền hai tiếng Việt-Nam mà lòng cảm thầy bùi ngùi xúc động. Tiếng Việt, người Việt và phong tục Việt được ràng buộc với nhau bởi một sợi dây thiêng liêng mà chỉ có chúng ta mới hiểu được và chỉ có chúng ta sẽ bảo tồn... Bạn trẻ ơi! Dân ta còn đó, hãy cố gắng gìn giữ lại những gì chúng ta còn có. Bạn trẻ của tôi ơi! Chúng ta còn ngồi lại nơi đây, hãy cầm lấy tay nhau mà hẹn với lòng mình: Chúng ta sẽ chiến đấu mãi mãi, chiến đấu với sự nghèo nàn, ngu tối, bệnh hoạn và sẽ tha thứ cho nhau rồi đứng lên cùng ôm chặt lấy nhau cho da Việt-Nam VÀNG, cho máu Việt-Nam ĐỎ”. (Thương Yêu, trong bài tựa đề “TÔI YÊU. .. TÔI YÊU” đăng trong tờ Đất Mới).

VIỆT NAM LÀ TIM, ĐỜI MÌNH LÀ MÁU. Làm sao Tim và Máu lại có thể tách rời? Tâm trạng nầy cần phải được hét to lên “ĐỂ CON NHỚ” như tâm sự của Nhất Tuấn được đăng trên báo Văn Nghệ Tiền Phong ngày nào:

Cùng các anh chị con, mình lạc loài Do-Thái
Để con nhớ, suốt đời con nhớ mãi
Giống Lạc Hồng là giòng dõi Rồng Tiên
Nước Việt-Nam ta cảnh đẹp dân hiền.

Bên Biển Thái: đó giang sơn cẩm tú
Dẫu là Mỹ nhưng con ơi phải nhớ
Mình ở đây ăn gởi nằm nhờ
Mình ở đây mà canh cánh từng giờ
Ngày trở lại quê nhà xưa yêu dấu.
Việt-Nam là tim
Đời mình là máu
Bố dặn con ghi khắc một niềm tin
Máu đi rồi máu phải trở về tim.
Máu sẽ chết nếu chảy ngoài huyết quản.
Nhớ kỹ chưa con lời ta căn dặn
Máu đi máu trở về tim,
Việt-Nam nghèo khó cũng xin trở về.”

(Nhất Tuấn, Văn Nghệ Tiền Phong #169)

Nói như Bảo-Thái trong cuốn sách mang tựa đề “Một Thời Hoàng Tộc” nơi trang 84 rằng: “Tôi đã bỏ nước ra đi, nhưng vẫn mang theo hồn nước trong trái tim mình. Hồn nước tiềm ẩn trong những khúc ca dao, lời mẹ ru từ lúc nằm nôi, trong những điệu hò mái nhì mái đẩy, đầy tình tự quê hương, đã vang vọng lại trên sông núi ở quê nhà và đang vang vọng trong lòng của mỗi một người chúng ta”:

Chiều cbiều trước bến Vân Lâu
Ai ngồi, ai câu, ai sầu, ai thảm
Ai thương, ai cảm, ai nhớ, ai trông?
Thuyền ai thấp thoáng bên sông
Đưa câu mái đẩy chạnh lòng nước non
..”

Tôi cám ơn qúy vị và anh chị em đã cho tôi cơ-hội đặc biệt để chia sẻ với anh chị em Chúa và cũng là đồng bào Việt-Nam chung bọc, rất thân thương của tôi về nỗi niềm ngày càng sâu đậm và xác tín: Tôi rời khỏi Việt-Nam nhưng Việt-Nam chưa bao giờ rời khỏi con tim và khối óc của tôi. Qúy vị và anh chị em có chung cùng tâm trạng nầy với tôi không? Hẹn sẽ gặp nhau trong tâm tình nầy và mãi mãi hãnh diện là người Việt-Nam đang ở cõi ngoài của Tổ Quốc.

Muôn vàn trân trọng
 
Giêsu Đấng Cứu Tinh
Tuyết Mai
10:07 25/04/2008
Giêsu Đấng Cứu Tinh

Lậy Ngài Giêsu Đấng Cứu Tinh!
Là Thiên Chúa Uy Linh,
Là Chúa Chiên Nhân Từ,
Là Nơi con nương tựa,
Ngài là Hạnh Phúc của đời con.

Cuộc đời con bao gian nan,
Cùng cực khổ sở bao khốn khó,
Nuớc mắt không lúc nào ngừng rơi.
Cuộc đời con lắm lúc như giông tố,
Như cơn bão hờn căm,
Như cơn lốc hận thù.

Có Chúa Ngài dậy con nhìn cuộc đời,
Dù bon chen đến mấy,
Cũng chỉ là phù vân.

Lậy Ngài Giêsu, không có Ngài thì con biết theo ai?
Vì "Lời Ngài" nuôi sống Linh Hồn con.
Con như nai khát nước trong sa mạc.
Chúa là Mạch Suối Mát cho đời con.

Lậy Ngài Giêsu, không có Ngài thì con biết theo ai?
Vì không có Ngài con biết đi về đâu?
Con Xin Vâng, nhất quyết đi theo Ngài,
Dẫu đường đời nguy khốn đắng cay thay!

Lậy Ngài Giêsu Đấng Chí Tôn!
Ngày đêm con khát khao trông,
Hồn con luôn mong chờ,
Ngày nao cho con theo Về?
Theo Ngài Về. ...
Thiên Đàng Vương Quốc Dấu Yêu của Cha.

Để đời con thôi gian nan,
Chẳng còn đối phó những nguy khó,
Nước mắt sẽ không còn tuôn rơi.
Để Hồn con như sương ban mai tắm mát,
Như chim líu lo hoan hỉ cả mùa xuân,
Như hoa rộ nở muôn sắc thắm tươi khoe mầu.

Có Chúa Ngài dậy con Tìm Con Đường,
Về Quê Hương Vĩnh Phúc,
Cội Nguồn của Tình Cha Yêu Thương.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Nhặt Lại Tuổi Thơ
Hồng Nhung
00:50 25/04/2008

NHẶT LẠI TUỔI THƠ



Ảnh của Hồng Nhung

”Ba mươi năm… tôi trở về quê mẹ

giật mình khi nhận ra sông

đứa bé nào kia nhặt thóc trên đồng

như nhặt lại tuổi thơ tôi rơi rụng”

(Trích thơ Thu Bồn)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền