Ngày 22-04-2019
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Phục sinh 21/4/2019 dành cho những người không thể đến nhà thờ
VietCatholic Network
05:00 22/04/2019
Bài Ðọc I: Cv 10, 34a. 37-43

"Chúng tôi đã ăn uống với Người, sau khi Người từ cõi chết sống lại".

Trích sách Tông đồ Công vụ.

Trong những ngày ấy, Phêrô lên tiếng nói rằng: "Như anh em biết điều đã xảy ra trong toàn cõi Giuđêa, khởi đầu từ Galilêa, sau khi Gioan rao giảng phép rửa: ấy là Chúa Giêsu thành Nadarét. Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu cho Người. Người đi khắp nơi, ban bố ơn lành và chữa mọi người bị quỷ ám, bởi vì Thiên Chúa ở cùng Người. Và chúng tôi, chúng tôi là chứng nhân tất cả những gì Người đã làm trong nước Do-thái, và tại Giêrusalem, Người là Ðấng người ta đã giết treo Người trên thập giá. Nhưng ngày thứ ba, Thiên Chúa đã cho Người sống lại và hiện ra không phải với toàn dân, mà là với chúng tôi là nhân chứng Thiên Chúa đã tuyển chọn trước, chính chúng tôi đã ăn uống với Người sau khi Người từ cõi chết sống lại. Và Người đã truyền cho chúng tôi rao giảng cho toàn dân và làm chứng rằng chính Người đã được Thiên Chúa tôn làm quan án xét xử kẻ sống và kẻ chết. Mọi tiên tri đều làm chứng về Người rằng: Tất cả những ai tin vào Người, thì nhờ danh Người mà được tha tội".

Ðó là lời Chúa.

Ðáp Ca: Tv 117, 1-2. 16ab-17. 22-23

Ðáp: Ðây là ngày Chúa đã lập ra, chúng ta hãy mừng rỡ hân hoan về ngày đó

Hoặc đọc: Alleluia.

Xướng: Hãy cảm tạ Chúa, vì Chúa hảo tâm, vì đức từ bi của Người muôn thuở. Hỡi nhà Israel, hãy xướng lên: "Ðức từ bi của Người muôn thuở".

Xướng: Tay hữu Chúa đã hành động mãnh liệt, tay hữu Chúa đã cất nhắc tôi lên. Tôi không chết, nhưng tôi sẽ sống, và tôi sẽ loan truyền công cuộc của Chúa.

Xướng: Phiến đá mà những người thợ xây loại bỏ, đã biến nên tảng đá góc tường. Việc đó đã do Chúa làm ra, việc đó kỳ diệu trước mắt chúng ta.

Bài Ðọc II: Cl 3, 1-4

"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".

Trích thư Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Côlôxê.

Anh em thân mến, nếu anh em đã sống lại với Ðức Kitô, anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy nghĩ đến những sự trên trời, chứ đừng nghĩ đến những sự dưới đất. Vì anh em đã chết, và sự sống anh em được ẩn giấu với Ðức Kitô trong Thiên Chúa. Khi Ðức Kitô là sự sống anh em xuất hiện, bấy giờ anh em sẽ xuất hiện với Người trong vinh quang.

Ðó là lời Chúa.

Hoặc đọc: 1 Cr 5, 6b-8

"Anh em hãy tìm những sự trên trời, nơi Ðức Kitô ngự".

Trích thư thứ nhất của Thánh Phaolô Tông đồ gửi tín hữu Cô-rintô.

Anh em thân mến, anh em không biết sao?: chỉ một tí men là đã đủ làm dậy men cả khối bột! Anh em hãy tẩy trừ men cũ để nên bột mới anh em là bánh không men. Vì Chiên Vượt Qua của ta, là Ðức Kitô, đã chịu sát tế. Cho nên ta hãy mừng lễ, đừng với men cũ, và men gian tà, ác độc, nhưng là với Bánh không men của lòng tinh tuyền và chân thật.

Ðó là lời Chúa.

Ca Tiếp Liên

Các Kitô hữu hãy tiến dâng

lời khen ngợi hy lễ Vượt Qua.

Chiên con đã cứu chuộc đoàn chiên mẹ:

Ðức Kitô vô tội đã hoà giải tội nhân với Chúa Cha.

Sống và chết hai bên song đấu cách diệu kỳ,

tướng lãnh sự sống đã chết đi, nhưng vẫn sống mà cai trị.

Hỡi Maria, hãy nói cho chúng tôi nghe

bà đã thấy gì trên quãng đường đi?

Tôi đã thấy mồ Ðức Kitô đang sống

và vinh quang của Ðấng Phục Sinh,

thấy các thiên thần làm chứng,

thấy khăn liệm và y phục.

Ðức Kitô là hy vọng của tôi đã phục sinh,

Người đi trước chư vị tới xứ Galilêa.

Chúng tôi biết Ðức Kitô đã sống lại thật từ cõi chết!

Lạy Chúa, Vua chiến thắng, xin thương xót chúng con.

Alleluia

Alleluia, alleluia! - Lễ Vượt Qua của chúng ta là Ðức Kitô đã hiến tế vậy chúng ta hãy mừng lễ trong Chúa. - Alleluia.

PHÚC ÂM: Ga 20, 1-9

"Người phải sống lại từ cõi chết".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Ngày đầu tuần, Maria Mađalêna đi ra mồ từ sáng sớm khi trời còn tối và bà thấy tảng đá đã được lăn ra khỏi mồ, bà liền chạy về tìm Simon-Phêrô và người môn đệ kia được Chúa Giêsu yêu mến, bà nói với các ông rằng: "Người ta đã lấy xác Thầy khỏi mồ, và chúng tôi không biết người ta đã để Thầy ở đâu". Phêrô và môn đệ kia ra đi đến mồ. Cả hai cùng chạy, nhưng môn đệ kia chạy nhanh hơn Phêrô, và đến mồ trước. Ông cúi mình xuống thấy những khăn liệm để đó, nhưng ông không vào trong. Vậy Simon-Phêrô theo sau cũng tới nơi, ông vào trong mồ và thấy những dây băng nhỏ để đó, và khăn liệm che đầu Người trước đây, khăn này không để lẫn với dây băng, nhưng cuộn lại để riêng một chỗ. Bấy giờ môn đệ kia mới vào, dù ông đã tới mồ trước. Ông thấy và ông tin, vì chưng các ông còn chưa hiểu rằng, theo Kinh Thánh, thì Người phải sống lại từ cõi chết.

Ðó là lời Chúa.
 
Những tín hiệu hy vọng từ vụ cháy Nhà Thờ Đức Bà Paris
Lm JB Nguyễn Minh Hùng
05:26 22/04/2019
Nhà thờ Đức bà Paris cháy. Phần mái bị sụp, nhưng vẫn là điều may mắn khi cấu trúc chính của ngôi thánh đường uy nghiêm, đã 850 tuổi này vẫn còn giữ được.

Ngôi thánh đường kiểu gothic này là biểu tượng, không chỉ của niềm tin tôn giáo, mà còn là biểu tượng của văn minh, văn hóa thế giới.

Nó cũng là tài sản không chỉ của Hội Thánh Công Giáo mà còn là tài sản chung của nhân loại.

Cám ơn Chúa, vì trong bất cứ sự mất mát nào, người ta cũng đều nhận ra những cái "được".

- Cái được lớn nhất mà người ta có thể thấy rõ nhất trong vụ cháy này là sự biểu lộ lòng tin ở mức độ cao nhất có thể của các tín hữu và của mọi người chứng kiến.

Tôi đã không thể kiềm nổi cảm xúc của mình khi nhìn thấy hàng hàng lớp lớp người, trong cảnh bất lực trước ngọn lửa hung tàn, đã cùng nhau cất cao tiếng hát, cất cao lời kinh để cầu nguyện.

Trong số đó, lại có quá nhiều người quỳ xuống thống thiết cầu nguyện trong nước mắt.

- Cái được thứ hai mà tôi nhận ra, đó là, chỉ cần một dòng tin "Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy" được gởi đi, thì ngay lập tức có triệu triệu người trên khắp thế giới hướng về trong tinh thần hiệp thông, chung sự chia sẻ, chung một lòng cầu nguyện.

- Cái được thứ ba đó là, lãnh đạo dù ở cấp cao nhất của Pháp quốc, đã thể hiện tình liên đới một cách nhanh chóng.

Những nhà lãnh đạo cấp cao của đất nước văn minh này đã không đứng ngoài cuộc, không cho rằng nhà thờ là của một nhóm tôn giáo nào đó, chứ không phải trách nhiệm của mình. Ngược lại, họ đã thể hiện tinh thần trách nhiệm, tinh thần đùm bọc, tinh thần thương dân ở mức tuyệt vời.

Sẽ khó có ai quên được hình ảnh tổng thống Pháp chấp nhận hủy một cuộc họp quan trọng, để hiện diện ngay tại hiện trường nhằm đôn đốc, động viên tinh thần lính cứu hỏa và an ủi mọi người hiện diện. Ông còn hết lời khen ngợi lính cứu hỏa, khen ngợi tinh thần làm việc của họ.

- Cái được thứ tư là tinh thần hăng say, mọi người như một của đội ngũ cứu hỏa. Đứng trước nhiệm vụ cao cả và cấp tốc mà họ phải hoàn thành, họ không hề chần chờ, không để chậm một giây nào.

Với ngọn lửa được diễn tả là "cháy ngùn ngụt", "cháy dữ dội", cháy đến nỗi khói, tro và tàn lửa của nó bay và rơi vãi khắp thành phố, vậy mà chỉ trong nửa giờ đồng hồ, họ đã có thể làm chủ ngọn lửa quái ác ấy bằng phương pháp dập lửa hiệu quả nhất có thể.

- Cái được thứ năm là, chưa cần có bất cứ một thẩm quyền nào chính thức ký văn bản kêu gọi giúp đỡ, thì đã có nhiều người sẵn sàng bỏ hàng trăm triệu Euro để có thể tái thiết lại nhà thờ. Họ đã tự nguyện một cách đáng khen ngợi...

Những tín hiệu đầy hy vọng trên cho tôi một niềm tin mạnh: trong cuộc đời này vẫn còn đó rất nhiều điều đáng yêu, đáng hy vọng, đáng học đòi, đáng khắc ghi mãi một cách bền lâu như tượng đá, tượng đồng.

Và tôi hy vọng lớn lao rằng, sẽ chẳng bao lâu nữa, thế giới sẽ lại có một ngôi thánh đường giữa kinh đô ánh sáng còn lộng lẫy hơn xưa, thanh thoát hơn xưa...

Sẽ là niềm tự hào của bất cứ ai trên khắp thế giới này, nếu vinh dự được làm du khách đến thăm, dẫu chỉ một lần...

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:39 22/04/2019

147. Nếu ai muốn tắm rửa thì trước tiên phải cởi áo quần không mảnh vải che thân; cũng vậy, ai muốn đi vào cuộc sống tu đức thì trước tiên cũng phải từ bỏ bụi trần, không một hạt bụi; sau đó thiết lập cuộc sống mới trong Thiên Chúa.

(Thánh Nilus the Elder)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
07:44 22/04/2019
95. GÕ BÀN CHUỐC RƯỢU

Có người trước khi mời khách thì nói với đầy tớ:

- Mày không được tự tiện chuốc rượu, nghe ta gõ xuống bàn một cái thì mày chuốc rượu lần nhất”- câu nói này bị một người khách nghe được.

Giữa tiệc, người khách ấy cố ý hỏi:

- “Lịnh đường thọ được bao nhiêu ?”

Chủ nhân đáp:

- “Bảy mươi ba”.

Người khách ấy gõ xuống bàn, nói:

- “Thật hiếm !”

Đầy tớ nghe thấy tiếng gõ xuống bàn, lập tức dâng rượu cho khách.

Qua một lúc sau, người khách ấy lại hỏi:

- “Tôn ông thọ được bao nhiêu ?”

Chủ nhân đáp:

- “Tám mươi tư.”

Khách lại gõ xuống bàn nói:

- “Thật là hiếm có !”

Tên đầy tớ lại đến dâng rượu, chủ nhà phác giác được, bèn lớn tiếng nói với khách:

- “Ngài đừng chú ý đến họ bảy ba hay tám tư tuổi, ngài cũng có thể uống được nhiều cơ mà.”

(Quảng Tiếu phủ)

Suy tư 95:

Mời khách ăn một bữa cơm thân mật mà còn tính với toán thì quả là lòng dạ hẹp hòi, mời khách uống rượu mà vẫn còn tiếc rượu thì thật không hào phóng chút nào.

Thiên Chúa đã dọn ra một mâm cỗ cho linh hồn và thân xác của chúng ta, mà thức ăn thức uống thì toàn là cao lương mỹ vị trên thế gian tìm không có, đó chính là bảy bí tích với nguồn ân sủng vô tận mà Thiên Chúa luôn sẵn sàng đáp ứng theo nhu cầu phần hồn phần xác của chúng ta. Thiên Chúa không hạn chế thức ăn và thức uống, Ngài cũng không dặn dò các tôi tớ mình là linh mục cự tuyệt một ai, nhưng tuỳ theo nhu cầu mà ban phát cho mọi người...

Đây là một hạnh phúc và ân sủng lớn lao mà Thiên Chúa ban cho con người.

Nhưng có một vài người tự hạn chế mình “ăn uống” bí tích, nhất là bí tích Giải Tội và bí tích Thánh Thể, họ tự cho rằng lương tâm không có vấn đề với Chúa và với tha nhân cho nên không cần thường xuyên lãnh nhận hai bí tích ấy, đúng là một nhận định hết sức sai lầm và tội nghiệp...

Người đời còn tính toán khi mời nhau chén cơm ly rượu, nhưng Thiên Chúa không tính toán khi mời gọi chúng ta tham dự bàn tiệc thiên quốc, mà nếu Ngài có tính toán chăng nữa thì cái tính toán ấy vẫn là có lợi cho linh hồn và thân xác của chúng ta.

Sung sướng và hạnh phúc thay cho người Ki-tô hữu.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Yêu thường mà vắng bóng thì ......
Lm. Jb Nguyễn Minh Hùng
20:45 22/04/2019

Khi yêu thương vắng bóng, con người ta trở nên tàn nhẫn. Ai cũng cần tình yêu, ai cũng mong muốn được yêu. Ai cũng biết rằng, không có người nào sống mà đứng ngoài yêu thương, lại có thể sống được...

Nhưng thật lạ lùng, thật oái oăm, thật nghịch lý. Bởi con người cần tình yêu, thì chính họ, lại có lúc đối xử với đồng loại của mình man rợ hơn cả loài thú hoang...

- Những vụ thảm sát hàng loạt ngày càng nhiều; hãm hiếp tập thể cả chục người với chỉ một cô gái yếu ớt cho đến chết; những cán bộ già ấu dâm; cha, ông loạn luân với con gái và cháu gái mình, thậm chí loạn luân trong một thời gian dài, có trường hợp cả hai cha và ông phạm tội với cùng một nạn nhân là ruột thịt của mình...

- Những bạo hành trong gia đình đủ các kiểu: cha mẹ ngược đãi con cái, con cái ngược đãi cha mẹ, vợ chồng ngược đãi nhau, cha mẹ giết con, con giết cha mẹ, anh em sát hại nhau, vợ chồng sát hại nhau.

Có cả những tội ác rùng rợn: giết xong rồi phanh thây, những phần thân thể bị phanh ấy bị quăng vươn vãi nhiều nơi...
Và đâu đó còn có cảnh những bà mẹ, những ông bố sẵn sàng nạo phá thai, sẵn sàng đem bỏ con mình mới sinh ở hố rác, ở dưới cống. Tàn độc hơn, có kẻ còn ném con mới ra đời từ tầng cao của tòa nhà như ném một cái vỏ chai, không một chút xót thương...

- Người ta có thể nhìn thấy cái ác hiện diện mọi nơi mọi chỗ: trên đường phố, ngoài chợ, trong nhà hàng, nơi riêng tư, nơi công cộng, trong gia đình, nơi nhà giam, nơi bệnh viện, nơi công quyền, nơi tòa án, nơi mảnh đất vườn rau của người nông dân hiền lành chất phác, trong lương tâm của người dân, trong lương tâm anh cán bộ, thậm chí trong nhà tu và cả trong lương tâm một số người tu trì...

- Đặc biệt, môi trường giáo dục, cứ tưởng giáo dục thì sẽ khó xuất hiện những hình thức đối xử man rợ với nhau? Nhưng không! Không phải thế.

Khi xem những Clip bạo hành từ trường học, không ai mà không ngỡ ngàng vì mức độ tàn ác của nó. Những kẻ khoác áo ngành giáo dục hoặc những kẻ chỉ mới độ tuổi trăng tròn mà hành động của họ chẳng khác gì hành động của những kẻ đứng rong hàng ngũ khủng bố quốc tế...

Sự tàn bạo trong trường học từ việc thầy cô giáo tấn công học trò, học trò tấn công nhau và tấn công thầy cô giáo trở thành hiện tượng thường xuyên, đáng báo động, đáng xem là hiện tượng dị thường đang trở thành cú đấm, đấm mạnh, đấm thẳng vào hai tiếng "giáo dục" và cả ngành giáo dục.

Càng đau xót hơn, càng thấy rùng mình khiếp sợ hơn khi nghĩ về tương lai. Chuyện gì xảy ra nếu những kẻ mà hôm nay đang mặc chiếc áo thư sinh kia, lại chứa trong lòng đầy "chất ác", sẽ bước chân vào xã hội, sẽ bon chen vì miếng cơm manh áo hằng ngày?

Sao con người mà lại có thể dành cho nhau đầy sự dữ như thế?

Chỉ có thể là do tình yêu vắng bóng trong trái tim của họ.

Yêu thương mà vắng bóng thì đó là môi trường tốt để sự ác có thể tự do tung hoành.

Yêu thương mà vắng bóng thì lòng người chẳng khác loài thú hoang...
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Chư tăng Phật Giáo đến nhà thờ thăm hỏi và chia buồn với người Công Giáo Sri Lanka. Con số thương vong lên cao.
Đặng Tự Do
06:08 22/04/2019
Số người chết đã tăng đáng kể chỉ sau một đêm, lên tới 290 người, cảnh sát cho biết như trên hôm thứ Hai, và cho biết thêm khoảng 500 người khác đã bị thương trong các vụ tấn công vào các địa điểm trên khắp đất nước.

Bộ Ngoại giao Sri Lanka nói rằng ít nhất 36 người nước ngoài nằm trong số những người thiệt mạng. Những quốc gia đã xác nhận công dân của họ đã bị giết bao gồm Hoa Kỳ, Úc, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản và Bồ Đào Nha.

Quan hệ Công Giáo - Phật Giáo

Trong số 290 người bị thiệt mạng, cộng đoàn Công Giáo nhỏ bé tại quốc gia này bị thiệt hại nặng nhất. Chỉ riêng tại đền thánh Antôn, là đền thánh quốc gia của Sri Lanka, ở quận Kochchikade của thủ đô Colombo đã có khoảng 170 anh chị em tín hữu bị thiệt mạng.

Tượng Chúa và trên tường dính đầy máu các nạn nhân ở nhà thờ Thánh Sebastian

Cảnh hoang tàn tại nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo

Cảnh điêu tàn bên trong đền thánh Antôn ở Colombo

Tiếng khóc nghẹn ngào của người Công Giáo ở giáo xứ Thánh Sebastian


Tại đền thánh Antôn, một nhiếp ảnh gia AFP đã nhìn thấy các thi thể nằm trên sàn nhà, được đắp tạm bợ bằng khăn và quần áo. Anh cho biết phần lớn mái nhà thờ đã bị thổi tung đi trong vụ nổ này; gạch, kính và gỗ vụn vương vãi trên sàn nhà - cùng với những vũng máu.

Ngay khi hay tin, một nhóm các chư tăng Phật giáo trong áo cà sa đã đến đền thánh này để thăm hỏi và chia buồn. Sri Lanka là một đất nước có sự đa dạng tôn giáo rất lớn, vượt qua các biên giới chủng tộc.

Theo dữ liệu điều tra dân số hồi năm ngoái 2018, 70.2% người Sri Lanka nhận mình là Phật giáo, 12% theo Ấn Giáo, 9.7% theo Hồi giáo và 7.4% theo Kitô giáo, trong số này rằng 82% các Kitô hữu Sri Lanka là người Công Giáo.

Người Công Giáo tại quốc gia này, với 1.5 triệu tín hữu, được chia thành 1 tổng giáo phận và 11 giáo phận. Sứ thần Tòa Thánh hiện nay là Đức Tổng Giám Mục Phêrô Nguyễn Văn Tốt được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm ngày 22 tháng Ba, 2014.

Tuy là quốc gia chủ yếu theo Phật Giáo, các Kitô hữu chỉ là một thiểu số nhỏ, nhưng đã có 3 vị Giáo Hoàng đến thăm quốc gia này. Đức Giáo Hoàng Phaolô VI là vị Giáo Hoàng đầu tiên thăm đảo quốc này vào năm 1970. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đến thăm vào 24 năm trước đây, tức là vào năm 1995. Đức Thánh Cha Phanxicô là vị Giáo hoàng thứ ba đến thăm đất nước này từ ngày 13 đến 15 tháng Giêng, 2015.

Đức Thánh Cha Phanxicô là vị đã đóng góp rất lớn vào sự hiểu biết chung giữa Phật Giáo và Công Giáo. Thật thế, sau khi kết thúc cuộc nội chiến với Phiến quân Hổ Tamil kéo dài 25 năm 9 tháng và 3 ngày khiến từ 80,000 đến 100,000 người phải thiệt mạng, Sri Lanka rơi vào một tình trạng cô lập. Phần lớn là do cựu tổng thống Mahinda Rajapaksa đã từ chối hợp tác với Liên Hợp Quốc để thực hiện một cuộc điều tra tội ác chiến tranh trong giai đoạn cuối cùng của cuộc chiến kéo dài gần 26 năm từ 22/07/1983 đến 18/05/2009.

Sau một thời gian dài gánh chịu những xung đột về sắc tộc và tôn giáo, người dân Sri Lanka đã chú ý lắng nghe bài diễn văn của Đức Thánh Cha được trực tiếp truyền thanh và truyền hình. Đức Thánh Cha giải thích rằng lý do duy nhất của chuyến tông du của ngài là “để giúp một quốc gia bị tàn phá bởi một cuộc nội chiến hơn một phần tư thế kỷ xây dựng lại và lấy lại sự bình an.” Câu nói này làm nhiều người cảm động bất kể là Phật tử, tín hữu Hồi Giáo, Ấn Giáo hay Kitô hữu. Ngài nói thêm: “Hy vọng của tôi là các nhà lãnh đạo chính trị, tôn giáo và văn hóa ở Sri Lanka, cân nhắc mỗi từ ngữ và hành động của họ xem nó có thể mang lại những điều tốt lành và chữa lành nào, sẽ đóng góp lâu dài cho đời sống vật chất và tâm linh của người dân Sri Lanka ra sao.”

Sau cuộc nội chiến với Hổ Tamil, Sri Lanka còn vướng vào một cuộc xung đột tôn giáo trầm trọng gây ra bởi nhóm Bodu Bala Sena - Buddhist Power Force (“Lực lượng quyền lực Phật Giáo”), gọi tắt là BBS. Nhóm này được thành lập vào năm 2012 với tôn chỉ Sri Lanka phải là một quốc gia Phật Giáo và sẵn sàng bảo vệ “bản sắc Phật giáo Sri Lanka” bằng bạo lực.

Một tuần trước khi Đức Thánh Cha Phanxicô đến Sri Lanka, nhà sư Ashin Wirathu khét tiếng bài Hồi Giáo của Miến Điện đã đến Colombo thúc giục nhóm BBS tẩy chay chuyến tông du của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên, trong video kế bên, chúng ta có thể thấy hằng trăm nhà sư Phật Giáo đã đến dự cuộc gặp gỡ với Đức Thánh Cha và im lặng lắng nghe chăm chú lời kêu gọi sống chung hòa bình vì thiện ích quốc gia và dân tộc của nhà lãnh đạo tối cao của Công Giáo.

Chuyến viếng thăm bất ngờ của Đức Thánh Cha đến một ngôi chùa Phật Giáo vào hôm 14 tháng Giêng, 2015 càng củng cố thêm tình cảm giữa hai tôn giáo.

Chính quyền quy trách nhiệm cho Hồi Giáo cực đoan

Cảnh sát Sri Lanka đã bắt giữ 24 người bị tình nghi có liên quan đến một loạt các vụ đánh bom tự sát tàn khốc tại các khách sạn và nhà thờ vào Chúa Nhật Phục sinh.

Bộ Nội Vụ Sri Lanka đổ lỗi cho nhóm Hồi Giáo cực đoan National Thowheeth Jama’ath, là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ít được biết đến trên thế giới. Hơn hai tuần trước, cụ thể là ngày 4 tháng Tư, một quan chức cảnh sát đã cảnh báo về mối đe dọa đối với các nhà thờ của nhóm này, nhưng chính quyền đã chậm trễ hành động.

Một phân tích pháp y về các bộ phận cơ thể được tìm thấy tại sáu địa điểm xác định rằng 7 tên đánh bom tự sát đã tiến hành các cuộc tấn công tại ba nhà thờ và ba khách sạn. Hầu hết các cuộc tấn công được thực hiện bởi một tên nổ bom tự sát duy nhất, nhưng hai người đàn ông đã tham gia vào vụ tấn công ở khách sạn Shangri-La ở thủ đô Colombo.

Tại khách sạn Cinnamon Grand, tên đánh bom tự sát đã kiên nhẫn chờ đợi trong một hàng dài người chờ đến phiên mình lấy thức ăn trong bữa sáng tự chọn.

Cầm trên tay một chiếc đĩa, người đàn ông, có tên Mohamed Azzam Mohamed, đột ngột bước lên đầu hàng và giật dây kích nổ.

“Một trong những người quản lý của chúng tôi đang chào đón khách là một trong số những người bị giết ngay lập tức,” khách sạn cho biết.

Kẻ đánh bom cũng chết. Các bộ phận cơ thể của anh ta được cảnh sát tìm thấy nguyên vẹn và mang đi.

Giờ giới nghiêm từ hoàng hôn đến bình minh vẫn được thực hiện vào tối thứ Hai rạng sáng thứ Ba tại thủ đô Colombo. Và các dịch vụ nhắn tin và truyền thông xã hội lớn, bao gồm Facebook và WhatsApp, đã bị chính phủ ngăn chặn nhằm chống lại việc lan truyền các thông tin sai lệch.


Source:New York Times
 
Cập nhật các tin tức về ngày Chúa Nhật Phục sinh đẫm máu ở Sri Lanka
Đặng Tự Do
07:54 22/04/2019
Chính phủ Sri Lanka xin lỗi đồng bào đã để xảy ra vụ khủng bố vào ngày Chúa Nhật Phục sinh

Chính phủ Sri Lanka thừa nhận đã không có các hành động cần thiết trước nhiều cảnh báo về một loạt các cuộc tấn công phối hợp nhắm vào các nhà thờ và khách sạn vào Chúa Nhật Phục sinh, và nói rằng họ lo sợ một nhóm khủng bố quốc tế có thể đứng đằng sau bạo lực kinh hoàng này.

Phát ngôn viên của chính phủ, ông Rajitha Senaratne, cho biết nhiều cảnh báo đã nhận được trong nhiều ngày trước vụ tấn công, khiến 290 người thiệt mạng và ít nhất 500 người bị thương. Ít nhất một cảnh báo đã đề cập đến nhóm Hồi Giáo cực đoan National Thowheeth Jama’ath, là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ít được biết đến trên thế giới. Nhóm này trước đây chỉ giới hạn trong phạm vi phá hoại các bức tượng Phật giáo.

Ông Senaratne, cũng là bộ trưởng y tế, cho biết ông không tin rằng một nhóm địa phương có thể hành động một mình. “Phải có một mạng lưới quốc tế rộng hơn đằng sau nó,” ông nói.

Chính phủ Sri Lanka đã tỏ ra quan ngại đặc biệt sau khi khám phá ra nhiều thiết bị gây nổ sau vụ tấn công. Cảnh sát tìm thấy 87 kíp nổ trong một khu vực sửa chữa xe tư nhân thuộc trạm xe buýt chính ở thủ đô Colombo vào hôm thứ Hai. Chín quả bom tự chế đã được phát hiện gần Sân bay Quốc tế Bandaranaike vào tối Chúa Nhật.

“Thất bại không hành động theo các cảnh báo sẽ được điều tra,” ông Senaratne nói. “Chúng tôi đã thấy các cảnh báo và chúng tôi đã thấy các chi tiết được đưa ra,” Bộ trưởng Senaratne nói trong một cuộc họp báo. “Chúng tôi thành thực xin lỗi, trong tư cách một chính phủ chúng tôi phải nói điều này - chúng tôi phải xin lỗi các gia đình và các tổ chức về biến cố này.”

Ông Senaratne cho biết thêm chính phủ sẽ trả mọi chi phí chôn cất những người Sri Lanka bị thiệt mạng.

Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence gọi các vụ nổ tại Sri Lanka là một cuộc tấn công vào Kitô giáo.

Ngay sau vụ nổ bom vào 3 nhà thờ và 3 khách sạn tại Sri Lanka, Hoa Kỳ đã nhanh chóng lên án các hành vi bạo lực này, gọi đó là “các cuộc tấn công khủng bố bạo ngược”.

“Hoa Kỳ lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất các cuộc tấn công khủng bố kinh hoàng ở Sri Lanka đã cướp đi rất nhiều sinh mạng quý giá vào Chúa Nhật Phục sinh này,” tuyên bố của Tòa Bạch Ốc viết.

“Lời chia buồn chân thành của chúng tôi gửi đến các gia đình của hơn 200 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương. Chúng tôi đứng về phía chính phủ và người dân Sri Lanka trong cố gắng đưa ra trước công lý những thủ phạm của những hành động đê hèn và vô nghĩa này,” tuyên bố nói tiếp.

Trong khi đó, Phó Tổng thống Mike Pence đã gọi các vụ nổ nhắm vào các nhà thờ vào ngày Chúa Nhật Phục sinh là một cuộc tấn công vào Kitô giáo và tự do tôn giáo ở khắp mọi nơi. “Potus và tôi đang theo dõi các cuộc tấn công kinh hoàng vào những người dự lễ Phục sinh ở Sri Lanka. Trái tim và lời cầu nguyện của chúng tôi hướng về các nạn nhân và gia đình của họ. Sự tàn bạo này là một cuộc tấn công vào Kitô giáo và tự do tôn giáo ở khắp mọi nơi. Lẽ ra không ai phải sợ hãi khi đến cầu nguyện ở một nơi thờ tự,” ông Pence Pence viết trên Twitter.

Lên án vụ tấn công, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết “Hoa Kỳ gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các gia đình và bạn bè của những người thiệt mạng và mong những người bị thương có thể phục hồi nhanh chóng.”

Ngoại trưởng Sri Lankan cho biết: 9 người nước ngoài đã được báo cáo mất tích và 25 thi thể chưa xác định được là ai đang được quàn tại nhà xác của cơ quan pháp y ở Colombo. Những thi thể này được cho là của người nước ngoài. Ông Pompeo nói rằng một số người Mỹ đã bị ảnh hưởng bởi các vụ tấn công, nhưng không đưa ra con số chính xác.

“Đại sứ quán Hoa Kỳ đang làm việc không mệt mỏi để cung cấp mọi hỗ trợ có thể cho các công dân Mỹ bị ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công và gia đình của họ,” ông nói thêm. Ít nhất 290 người đã thiệt mạng và hơn 500 người khác bị thương trong một loạt tám vụ nổ tại các nhà thờ và các khách sạn cao cấp ở Sri Lanka. Cộng đồng quốc tế đã mạnh mẽ lên án các vụ nổ này. Các nhà lãnh đạo từ Ấn Độ, Vương quốc Anh, Nepal, Liên minh châu Âu và một số quốc gia khác đã bày tỏ lời chia buồn với Sri Lanka.

Tâm tình của sơ Ramoshini Fernando

Nói chuyện với CNN bên ngoài Đền thờ Thánh Antôn, nơi thương vong được ghi nhận là nghiêm trọnh nhất, sơ Ramoshini Fernando cho biết một số bạn bè và anh chị em giáo dân mà sơ quen biết đã chết trong vụ tấn công.

Cha của sơ ở sát bên chỗ bom nổ, và đã phải vào bệnh viện với những vết thương nghiêm trọng từ các mảnh bom

Sơ Fernando cho biết sơ hy vọng tất cả người Công Giáo sẽ hiệp nhất với nhau trong lời cầu nguyện trong các cuộc tấn công. Mặc một chiếc áo choàng màu xanh và cây thánh giá nổi bật, sơ Fernando nói rằng sơ ý thức mình có thể là mục tiêu và không cảm thấy an toàn.

“Tôi không sợ chết,” sơ nói, sơ cho biết đã cống hiến cả đời mình cho đức tin thì không còn gì phải sợ. “Tuy nhiên, giết những người vô tội và các gia đình thì thật là một điều đáng kinh tởm.”

Tấm ảnh cuối cùng

Người dân Sri Lanka đã bày tỏ sự thương tiếc dành cho bà Chaiha Mayadunne, một người dạy gia chánh trên đài truyền hình.

Bà có ba mươi năm kinh nghiệm trong nghệ thuật ẩm thực và trở thành một trong những đầu bếp truyền hình nổi tiếng nhất Sri Lanka. Cô đã học các kỹ thuật nấu ăn quốc tế tiên tiến tại các trường dạy nấu ăn có uy tín ở nhiều quốc gia như Úc, Anh, Singapore, Thái Lan và Ấn Độ. Bà đã xuất bản hai cuốn sách về gia chánh, cuốn đầu tiên vào năm 2001, và cuốn thứ hai là vào năm 2005

Bà và con gái Nisanga Mayadunne đã thiệt mạng trong vụ nổ tại khách sạn Shangri-La, thủ đô Colombo. Ngay trước khi vụ nổ xảy ra, cô con gái đưa lên Facebook tấm hình bên dưới với dòng ghi chú rằng: “Ăn sáng ngày lễ Phục sinh với gia đình”.
 
Phản ứng của Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám Mục Á Châu trước vụ tấn công khủng bố tại Sri Lanka
Đặng Tự Do
16:47 22/04/2019
Các Giáo Hội, các tổ chức và cá nhân đã hiệp cùng Đức Thánh Cha Phanxicô khi ngài lặp lại sự gần gũi về tinh thần và tình cảm của mình với người dân Sri Lanka sau các cuộc tấn công khủng bố vào 3 nhà thờ và 3 khách sạn vào hôm Chúa Nhật Phục sinh.

Trong diễn từ với đông đảo các tín hữu và du khách hành hương đứng chật quảng trường Thánh Phêrô vào hôm thứ Hai trong tuần Bát Nhật Lễ Phục sinh để tham dự buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng, Đức Thánh Cha nói ngài gần gũi với Đức Hồng Y Malcolm Ranjith và Tổng Giáo Phận thủ đô Colombo, và cầu nguyện cho các nạn nhân và những người bị thương. Đức Thánh Cha cũng kêu gọi cộng đồng quốc tế cung cấp những trợ giúp cần thiết cho Sri Lanka. Ngài cũng lên tiếng thúc giục chính phủ các nước đừng ngần ngại lên án những hành động khủng bố và vô nhân đạo không bao giờ có thể biện minh được này.

Trong khi đó, các Giáo hội tại Á châu cũng bày tỏ sự đoàn kết và chia buồn với Giáo hội Sri Lanka.

“Cho phép tôi bày tỏ nỗi buồn chân thành của mình trước thảm kịch đã gây thiệt hại cho cuộc sống của con người vô tội vào đúng ngày chúng ta cử mừng trên thế giới chiến thắng của sự sống và sự thiện đối với cái chết và cái ác,” Đức Hồng Y Charles Bo của Miến Điện, Chủ tịch Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC) đã viết như trên, trong một lá thư gửi Đức Hồng Y Ranjith.

Không có nhóm nào tự nhận trách nhiệm về các vụ nổ bom tự sát ngày 21 tháng 4 giết chết gần 300 người và làm bị thương 500 người khác. Đây là cuộc tấn công nguy hiểm nhất ở đảo quốc này kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến với phiến quân Hổ Tamil vào năm 2009. Trong số những người thương vong có nhiều người nước ngoài.

Hôm thứ Hai, Bộ Nội Vụ Sri Lanka chính thức quy trách nhiệm vụ này cho nhóm Hồi Giáo cực đoan National Thowheeth Jama’ath, là một tổ chức khủng bố Hồi giáo cực đoan ít được biết đến trên thế giới. Tuy nhiên, dựa vào cách thế nổ bom tự sát để tấn công, từ giữa trưa ngày Chúa Nhật, trên các mạng xã hội, người dân Sri Lanka đã cho rằng các nhóm Hồi Giáo cực đoan đã gây ra vụ này. Chính vì thế, lúc 10g30 tối đã xảy vụ đánh bom xăng vào một đền thờ Hồi giáo và các vụ tấn công đốt phá hai cửa hàng của người Hồi giáo ở hai khu vực khác nhau của Sri Lanka.

Đức Hồng Y Malcolm Ranjith đã đưa ra lời kêu gọi người dân Sri Lanka nên bình tĩnh vì “bạo lực sẽ gây thên bạo lực”.

Hôm Chúa Nhật, ngài mô tả các cuộc tấn công là “súc vật và vô nhân đạo” và gửi lời chia buồn đến gia đình của những người chết và bị thương. Ngài cũng kêu gọi các chuyên gia y tế giúp cứu sống những người bị thương.

Đức Hồng Y nói: “Đây là một ngày rất buồn cho tất cả chúng ta.”

“Do đó, tôi muốn bày tỏ nỗi buồn và sự cảm thông sâu sắc nhất với tất cả những gia đình vô tội đã mất những người thân, và cả những người bị thương và bị thiệt hại. Tôi cực lực lên án hành động này. Nó đã gây ra rất nhiều cái chết và đau khổ cho người dân.”

Đức Hồng Y Ranjith cũng kêu gọi chính phủ Sri Lanka tổ chức một cuộc điều tra “rất vô tư, mạnh mẽ và phải tìm cho ra ai chịu trách nhiệm đằng sau những hành vi này.”

Bày tỏ sự nâng đỡ trong tình huynh đệ, Đức Tổng Giám Mục Yangon nói: “Khi tôi dâng những lời cầu nguyện khiêm nhường của mình cho tất cả các nạn nhân của bạo lực vô nghĩa này, tôi cũng cầu nguyện cho những người chăm sóc và các nhân viên cứu trợ.”

“Chúng ta cần phải cầu xin lòng thương xót của Chúa Giêsu phục sinh, Hoàng tử Hy vọng và Hòa bình, ban thêm sức mạnh cho tất cả mọi người thiện chí đang giúp ổn định tình trạng sợ hãi và nghi ngờ xảy ra sau các vụ nổ”.

Trong một thông điệp riêng, Giáo Hội Công Giáo tại Ấn Độ cũng bày tỏ nỗi đau của mình đối với các vụ nổ ở Sri Lanka vào Chúa Nhật Phục sinh.

Đức Hồng Y Oswald Gracias, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), đã viết thư cho Đức Hồng Y Ranjith vào ngày 21 tháng 4 nói rằng Giáo hội ở Ấn Độ đang rất buồn và đau đớn vì các cuộc tấn công.

“Chúng tôi bày tỏ tình liên đới và dâng lời cầu nguyện cho các nạn nhân, gia đình của họ và những người bị thương sau vụ đánh bom các nhà thờ,” Đức Hồng Y Gracias viết. “Vào ngày đại lễ này của niềm hy vọng Phục sinh, anh chị em của chúng tôi ở Sri Lanka đã bị tàn phá bởi bạo lực vô nghĩa này. Chúng tôi cầu nguyện xin Chúa Giêsu Phục sinh ban hòa bình cho anh chị em.”

Tình cảm tương tự đã được thể hiện bởi các cá nhân, các Giáo Hội và các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới. Trong số đó có các Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, Hung Gia Lợi, và Đức, Hội đồng các vị bản quyền Công Giáo ở Thánh địa, Cộng đồng Thánh Egidio, Tổng thống Sergio Mattarella của Ý, Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, và Hội đồng Giáo hội Thế giới.


Source:Vatican News
 
Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám mục Châu Á cam kết xiết chặt tình đoàn kết với Giáo hội Sri Lanka sau các vụ nổ
Thanh Quảng sdb
19:50 22/04/2019
Đức Thánh Cha Phanxicô và các Giám mục Châu Á cam kết xiết chặt tình đoàn kết với Giáo hội Sri Lanka sau các vụ nổ
Đền thờ Thánh Antôn một nơi bị đặt bom ở Srilanka

Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ tình hiệp thông với toàn dân và Giáo hội Sri Lanka sau các cuộc tấn công khủng bố chết người tại 3 nhà thờ và 3 khách sạn vào hôm Chúa Nhật Phục sinh. Các Giáo hội tại Á Châu và nhiều người khác cũng đồng bày tỏ tình hiệp thông.
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với khách hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô ở Rome vào trưa ngày Thứ Hai Phục Sinh, Đức Thánh Cha nói Ngài hiệp thông với Đức Hồng Y Malcolm Ranjith và Tổng Giáo Phận Colombo, thủ đô của Sri Lanka và cầu nguyện cho các nạn nhân bị tử vong và bị thương. Trong khi kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng nhau giúp đỡ những nhu yếu cần thiết cho Sri Lanka, Ngài kêu gọi tất cả hãy đừng ngần ngại lên án những hành động khủng bố, vô nhân đạo không bao giờ chính đáng này.
Ngay ngày hôm trước, Chúa Nhật Phục sinh, sau thông điệp và lời chúc mừng Lễ Phục sinh 'Urbi et Orbi', Đức Thánh Cha đã bày tỏ sự gần gũi sâu xa chân thành của Ngài với cộng đồng Kitô hữu tại Sri Lanka, những người đang tụ tập cầu nguyện và cử hành Mầu nhiệm Phục sinh đã trở thành những nạn nhân của bạo lực tàn nhẫn này.
Ngoài các mục tiêu ở Colombo, Negombo và Batticaloa còn có hai nhà thờ Công Giáo: Đền thờ Thánh Anthony ở thủ đô và Nhà thờ Thánh Sebastian ở Negombo, phía bắc thủ đô Colombo bị tấn công.

Các Giám mục Á châu
Trong khi đó, các Giáo Hội Công Giáo tại Á châu cũng bày tỏ tình đoàn kết và chia buồn với Giáo hội Sri Lanka.
Đức Hồng Y Charles Bo của Myanmar, Chủ tịch Liên đoàn Hội đồng Giám mục Châu Á (FABC), trong một lá thư gửi Đức Hồng Y Ranjith đã viết: Xin cho chúng tôi chia sẻ nỗi thống khổ chân thành của chúng tôi trước thảm kịch gây thiệt hại cho cuộc sống của nhiều người vô tội vào đúng ngày cả thế giới mừng sự sống lại quang vinh của Chúa Giêsu.
Chưa có nhóm nào nhận trách nhiệm về vụ nổ ngày 21 tháng 4, các vụ đánh bom tự sát này đã làm tử vong gần 300 người và làm bị thương 500 người khác – đây là cuộc tấn công lớn nhất ở quốc đảo này từ khi cuộc nội chiến được kết thúc vào năm 2009. Trong số những người tử thương có nhiều người nước ngoài.
Đức Hồng Y Ranjith mô tả các cuộc tấn công thật là "khủng khiếp nhất và vô nhân đạo" và Ngài gửi lời chia buồn đến các gia đình của những nạn nhân bị tử vong lẫn bị thương. Ngài cũng kêu gọi các chuyên gia y tế và thế giới hãy quảng đại cứu trợ...
Đức Hồng Y Bo, Tổng Giám mục Yangon, đề nghị những hỗ trợ huynh đệ đang khi chúng ta dâng lên Thiên Chúa những tâm tình cầu nguyện cho tất cả các nạn nhân của những cuộc bạo lực vô nghĩa này, Ngài cũng cầu nguyện cho những người đang hy sinh chăm sóc và cứu trợ cho các nạn nhân.
Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin lòng thương xót của Chúa phục sinh, Hoàng tử của Hy vọng và Hòa bình, củng cố tất cả mọi người thiện chí cứu giúp hầu giúp ổn định tình trạng sợ hãi và hoang mang do các vụ nổ tác hại đến!
Tại Sri Lanka, hơn 70% trong số 20 triệu người là Phật giáo, với Ấn giáo và Hồi giáo là các nhóm thiểu số lớn chiếm tỷ lệ khoảng 12,6% và 9,7% là Kitô hữu chiếm khoảng 1,5 triệu người, trong số đó người thuộc Giáo Hội Công Giáo chiếm khoảng 6% dân số.

Giáo Hội Công Giáo Ấn Độ
Trong một thông điệp riêng, Giáo Hội Công Giáo Ấn cũng bày tỏ niềm đau của mình trước các vụ nổ ở Sri Lanka vào Chúa Nhật Phục sinh.
Đức Hồng Y Oswald Gracias, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Ấn Độ (CBCI), đã viết thư cho Đức Hồng Y Ranjith vào ngày 21 tháng 4 bày tỏ Giáo hội nỗi đau buồn trước các cuộc tấn công...
Ngài nói: Chúng tôi xin hiệp thông trong tâm tình cầu nguyện cho các gia đình của nạn nhân và những người sống sót sau vụ đánh bom này. Chính trong ngày lễ Phục sinh của niềm hy vọng thì anh chị em ở Sri Lanka bị giết hại bởi những hành vị bạo lực vô nghĩa này. Chúng tôi tha thiết xin Chúa Giêsu Phục sinh ban cho chúng ta sự hòa bình.
Chúng tôi xin được hiệp thông với mọi người, cùng với Giáo hội, và các tổ chức từ khắp nơi trên thế giới trong số có các Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, Hungary và Đức, Pháp, Thánh địa, Cộng đồng Sant'Egidio, Tổng thống Sergio Mattarella của Ý, Tổ chức Trợ giúp cho các Giáo hội cần thiết Thế giới... trong công cuộc cứu trợ.
 
Dự Thảo Tông Hiến mới về Cải Tổ Giáo Triều đặt nặng Truyền Giảng Tin Mừng và Bác ái
Vũ Văn An
23:48 22/04/2019


Theo tin Catholic News Service, trong cuộc họp báo ngày 10 tháng Tư, Ông Alessandro Gisotti, Giám Đốc lâm thời của Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết hội đồng Hồng Y cố vấn của Đức Phanxicô đã hoàn tất dự thảo hiến chế cải tổ Giáo Triều Rôma và dự thảo này sẽ được gửi tới các hội đồng giám mục thế giới, các trưởng cơ quan Giáo Triều, các bề trên các dòng tu và một số giáo hoàng đại học để cho nhận xét và gợi ý gởi về hội đồng Hồng Y cố vấn.

Hội đồng trên có nhiệm vụ tu chính dự thảo và đệ trình Đức Giáo Hoàng vào cuối năm 2019.

Dự thảo hiến chế trên có tên là Hãy Truyền Giảng Tin Mừng (“Praedicate Evangelium”). Nguyên tựa đề này cũng đủ nói lên sự nổi bật của việc cải tổ giáo triều hiện nay.

Thực thế, theo Inés San Martin của tạp chí Crux, “Văn kiện mới của Vatican đặt việc truyền giảng Tin Mừng trước cả vấn đề tín lý” (https://cruxnow.com/vatican/2019/04/22/new-vatican-document-to-put-evangelization-ahead-of-doctrine/). Ký giả này cho rằng một tường trình mới đây của Dario Menor Torres trên tuần san Tây Ban Nha Vida Nueva đã cho thấy một số yếu tố mới trong dự thảo hiến chế cải tổ Giáo Triều Rôma.

Mới mẻ lớn nhất là việc thiết lập một “siêu bộ” lo việc truyền giảng Tin Mừng, có tiềm năng quan trọng hơn cả thánh bộ Giáo Lý Đức Tin mà xưa nay vốn được gọi là “thánh bộ tối cao”.

Có nguồn gốc từ Toà án dị giáo Rôma, cơ quan tín lý trên là thánh bộ lâu đời nhất trong số các thánh bộ Rôma, và những người trong cuộc vẫn gọi nó là Văn phòng Thánh (Holy Office), vì nó có nhiệm vụ ban hành và bảo vệ tín lý Công Giáo và bảo vệ Giáo hội khỏi lạc giáo.

Ngày nay, ngoài việc bảo vệ tín lý, nó còn được giao nhiệm vụ xét xử các linh mục bị buộc tội lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên, với 17 viên chức phụ trách riêng nhiệm vụ này.

Một điều mới lạ trong hiến chế mới là giáo triều sẽ không còn được chia thành các “thánh bộ” (“congregations”) và “các hội đồng giáo hoàng” (“pontifical councils”) vẫn nổi tiếng xưa nay nữa; thay vào đó, tất cả các bộ phận độc lập của Vatican sẽ được gọi là “bộ” (dicastery), một từ ngữ đã từng được áp dụng cho một số cơ quan mới được Giáo hoàng Phanxicô thành lập.

“Siêu bộ” mới để truyền giảng Tin Mừng sẽ là kết quả của việc kết hợp hai cơ quan đã có rồi: Thánh bộ Truyền giảng Tin Mừng cho Các Dân tộc, còn được gọi là Propaganda Fidei, được giao nhiệm vụ giám sát “các lãnh thổ truyền giáo”; và Hội đồng Giáo hoàng Cổ vũ Tân Phúc Âm hóa, được Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI tạo lập vào năm 2010 để đối đầu với sự tục hóa nhanh chóng ở các nước phương Tây.

Tường trình của Menor dựa trên các cuộc phỏng vấn mà ông đã tiến hành với Đức Hồng Y Ấn Độ Oswald Gracias và Đức Hồng Y người Tây Ban Nha Oscar Rodriguez Maradiaga, cả hai là thành viên của Hội đồng Hồng Y Cố vấn của Đức Giáo Hoàng, được thành lập vào đầu triều Giáo hoàng của Đức Phanxicô để giúp cải cách Giáo Triều.

Đức Hồng Y Maradiaga nói với Vida Nueva: “Đức Giáo Hoàng Phanxicô luôn nhấn mạnh rằng Giáo hội có tính truyền giáo. Vì lý do này, điều hợp lý là chúng ta đặt ở vị trí đầu tiên bộ truyền giảng Tin Mừng chứ không phải bộ giáo lý đức tin”.

Đức Hồng Y nói “Bằng cách này, Đức Thánh Cha gửi một tín hiệu quan trọng về cuộc cải cách đến toàn thể dân Chúa”.

Đức Hồng Y Gracias đồng ý.

Vị Hồng Y người Ấn Độ nói với Vida Nueva “Quan điểm chính của Tông Hiến mới là sứ mệnh của Giáo hội có tính truyền giáo. Điều này đặt nó ở trung tâm Giáo hội và mọi việc Giáo Triều làm. Nó sẽ là bộ đầu tiên. Tên của bản văn cho thấy rằng truyền giảng Tin Mừng là mục tiêu chính, trước bất cứ điều gì khác”.

Crux đã có độc quyền truy cập bài báo trước khi ấn bản tuần này đến tay người mua báo vào Thứ Bảy.

Theo tường trình trên tờ Vida Nueva, Đức Phanxicô có thể ký tông hiến mới vào ngày 29 tháng 6, Lễ trọng hai thánh Phêrô và Phaolô.

Phù hợp với những điều Đức Hồng Y Gracias nói với Crux hồi đầu tháng này, bản thảo Praedicate Evangelium đã được gửi đến các hội nghị thế giới của các hội đồng giám mục, các vị đứng đầu các bộ của Vatican và các viên chức khác của Giáo hội để xem xét tài liệu và gửi đề nghị vào cuối tháng Năm.

Kế hoạch là tổng hợp tất cả các đề nghị, thực hiện các sửa đổi cần thiết và để Hội đồng các Hồng Y cố vấn xem xét lại trong cuộc họp ngày 25-27 tháng 6 của các vị.

Ngoài siêu bộ truyền giảng Tin Mừng,người ta cho rằng tông hiến còn quy định việc thành lập một Bộ Bác ái và sáp nhập Thánh bộ Giáo dục Công Giáo và Hội đồng Giáo hoàng về Văn hóa.

Ngoài ra, Ủy ban Giáo hoàng về Bảo vệ Trẻ vị thành niên, do Đức Phanxicô thành lập để hỗ trợ ngài đưa ra các biện pháp mà Giáo hội hoàn cầu có thể thực hiện để ngăn chặn và chống nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục, sẽ trở thành một phần của cấu trúc giáo triều giúp làm cho nó “hữu hiệu hơn”.

Ký giả Menor viết rằng Praedicate Evangelium đặt Giáo Triều phục vụ cả Đức Giáo Hoàng và hợp đoàn giám mục.

Đức Hồng Y Maradiaga nói: “Là những người kế vị các tông đồ, các giám mục không hề có một vị trí giáo hội dưới những người làm việc trong Giáo triều Rôma. Do đó, một khi tông hiến được phê chuẩn, một giám mục từ bất cứ giáo phận nào, dù nhỏ đến đâu, sẽ có quyền phẩm trật y hệt các vị đứng đầu các bộ của Vatican.

Sau khi văn bản được phê duyệt – để thử nghiệm trong 25 năm - các bộ của Vatican sẽ không còn là công cụ để Đức Giáo Hoàng giám sát các giáo hội địa phương nữa, nhưng thực sự sẽ ở đó để phục vụ các giám mục khắp nơi trên thế giới. Họ sẽ không còn là một “cơ quan” ở giữa Đức Giáo Hoàng và hợp đoàn giám mục, mà là một định chế phục vụ cả hai.

Tòa thánh mới để làm từ thiện, sẽ tiếp thu những gì ngày nay được gọi là Văn phòng Giáo hoàng, sẽ đến ngay sau khi Bộ trưởng Ngoại giao và Tu viện Truyền giáo, như một lời nhắc nhở rằng từ thiện cũng là một yếu tố chính của đức tin Công Giáo. Văn phòng này sẽ đưa thức ăn vào từ các khoản đóng góp mà Đức Giáo Hoàng nhận được và cũng bằng cách khai thác vào ngân hàng trung ương của Vatican, Cơ quan quản lý tội phạm của Tòa thánh, hay APSA. (Một tổ chức riêng biệt, Viện Công trình Tôn giáo, thường được gọi là ngân hàng Vatican, nhưng chủ yếu phục vụ các mệnh lệnh và thể chế tôn giáo.)

Bộ mới lo bác ái, 1 bột bộ sẽ bao gồm cơ chế hiện nay gọi là Văn phòng Từ thiện của Đức Giáo Hoàng, sẽ đến ngay sau Phủ Quốc Vụ Khanh và bộ Truyền Giảng Tin Mừng, như để nhắc nhở người ta nhớ rằng bác ái cũng là yếu tố chủ chốt của đức tin Công Giáo. Văn phòng này sẽ "nuôi ăn" từ các quyên tặng Đức Giáo Hoàng nhận được và cũng bằng cách bòn tiền từ ngân hàng trung ương của Vatican, tức Cơ Quan Quản Trị Gia Sản Tòa Thánh vốn gọi tắt là APSA.

Tất cả những cải cách trên là sự tiếp nối các thay đổi đã được thực hiện, như việc sáp nhập các văn phòng truyền thông của Vatican vào Bộ Truyền Thông; và sự hợp nhất của hầu hết các hội đồng giáo hoàng vào hai cơ cấu lớn: Bộ Giáo dân, Gia đình và Sự sống và Bộ Phát triển Con người Toàn diện.

Đức Hồng Y Maradiaga nói rằng tông hiến “cung cấp cho dân Chúa một viễn cảnh cải cách mới và dũng cảm trong tinh thần Phanxicô” và ngài nói thêm tông hiến rút tỉa rất nhiều từ các văn kiệnn lớn đầu tiên của vị giáo hoàng người Argentina, như Evangelii Gaudium, Laudato Si ', và Amoris Laetitia.

Đức Hồng Y Gracias nói với Vida Nueva: “Bản thân tôi cảm thấy hài lòng với kết quả này. Đây không chỉ là một sự thay đổi thẩm mỹ nhưng nó sẽ còn là một động lực thúc đẩy sự thay đổi tâm thức hiện đang diễn ra”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Vọng Phục Sinh 2019
Văn Minh
08:42 22/04/2019
Giáo xứ Vĩnh Hòa: Thánh lễ Vọng Phục Sinh 2019

“Chúng ta hãy khiêm nhường và phó thác mọi sự vào trong vòng tay của Thiên Chúa”.

Trên đây là lời nhắn nhủ của cha Gioakim Lê Hậu Hán, chánh xứ giáo xứ Vĩnh Hòa, giáo hạt Phú Thọ,trong Thánh lễ đêm canh thức mừng Chúa Phục sinh, diễn ra lúc 20g00 thứ Bảy ngày 20.04.2019, do ngài chủ tế.

Tham dự Thánh lễ, có đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ Vĩnh Hòa ngồi kín trong và ngoài sân nhà thờ cùng hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, cha Gioakim cùng cộng đoàn cử hành nghi thức làm phép lửa trước tiền sảnh nhà thờ. Sau đó, cộng đoànlấy lửa từ cây nến Phục sinh thắp sáng cầm trên tay cùng cha chủ tế tiến vào ngôi thánh đường trong niềm vui hân hoan.

Xem Hình

Theo lịch phụng vụ trong đêm canh thức gồm có bốn phần chính:

- Phụng vụ Ánh sáng

- Phụng vụ Lời Chúa

- Phụng vụ Phép Rửa

- Phụng vụ Thánh Thể

Cả bốn phần trên đều nhấn mạnh đến sự sống – sự chết, ánh sáng, tối tăm, sự thánh thiện và tội lỗi của con người. Trong đêm canh thức này, Giáo hội đã diễn tả cuộc đời của Đức Kitô sống giữa nơi trần gian, chia sẻ kiếp phàm nhân cùng nhân loại chúng ta.

Sau bài Tin Mừng, cha xứ Gioakim chia sẻ: Thông thường những ông vua ở trần gianlà những người có quyền lực và được nhiều người phục tùng. Trái lại, Đức Kitô là Vua đã từbỏ trời cao để xuống thế gian,chia sẻ nỗi thống khổ của kiếp con người nơi trần gian, và trở nên đồng hình đồng dạng với chúng ta. Ngàixuống gánh lấy tội lỗi của con người chúng ta, để cho những ai tin vào Ngài thì sẽ không bao giờ phải thất vọng. Bởi vì, Ngài đã từ cõi chết sống lại, từ đây mở ra một trang sử mới, dẫn đưa dân của Ngài vào miền đất không có bạo lực, hận thù, và chém giết lẫn nhau.Qua đây, cha Gioakim ước mong mỗi người tín hữu hãy cảm nhận được tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta, và chúng ta hãy phó thác mọi sự vào trong vòng tay của Ngài.

Sau bài giảng, cộng đoàn thắp sáng cây nến cầm trên tay và cùng nhau lặp lại lời tuyên xưng đức tin khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội. Đồng thời, cha chủ tế rảy nước thánh trên cộng đoàn và hát vang bài “Tôi đã thấy nước”.

Thánh lễ được nối tiếp với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 21g30.

Trước khi ban phép lành, cha xứ Gioakim thay mặt giáo xứ cảm ơn quý chức trong HĐMV, đại diện các đoàn thể cùng mọi thành phần dân Chúa trong những ngày qua đã cùng nhau tổ chức các nghi thức và hiệp dâng Thánh lễ hôm nay được diễn ra trang nghiêm và tốt đẹp bằng một tràng pháo tay của cộng đoàn.

Trước khi ra về, cha xứ trao cho mỗi người đi tham dự Thánh lễ một quả trứng mừng Chúa Phục sinh.
 
Lễ Vọng Phục Sinh 2019 và rửa tội Tân Tòng tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle.
Nguyễn An Quý
15:42 22/04/2019
Lễ Vọng Phục Sinh 2019 và rửa tội Tân Tòng tại giáo xứ Các Thánh Tử Đạo VN Seattle.

Tukwila. Hôm nay thứ Bảy tuần thánh , trời Seattle khá đẹp sau những ngày mưa lạnh kéo dài với thời tiết khá đặc biệt trong năm 2019 của vùng cao nguyên tình xanh khi mùa xuân đến. Giáo xứ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam Seattle cùng với Giáo Hội hoàn vũ kết thúc Tam Nhât Thánh với đêm Vọng Phục Sinh. Chương trình tam nhật thánh tại nhà thờ giáo xứ thường có 2 thánh lễ lúc 4 giờ 30 và 7giờ 30 chiều . Hằng năm lễ Vọng Phục Sinh lúc 7 giờ 30, giáo xứ thường có các anh chị em Dự Tòng được đón nhận các Bí Tích để chính thức gia nhập gia đình Giáo Hội. Năm nay giáo xứ có 20 anh chị tân tòng được đón nhận vào gia đình giáo xứ cách riêng và trở thành con cái Hội Thánh Chúa .

Xem Hình

Đêm canh thức vọng phục sinh được mở đầu bằng nghi thức làm phép lửa. Cha Chánh xứ Đào Xuân Thành chủ tế thánh lễ và chủ sự các nghi thức phụng vụ, cùng đồng tế có cha Phêrô Nguyễn Văn Khải Dòng Chúa Cứu Thế và thầy phó tế Nguyễn Đức Mậu phụ tế thánh lễ .

Giờ canh thức vọng phục sinh bắt đầu, tất cả đèn trong nhà thờ đều tắt. Trước cửa nhà thờ, những người đỡ đầu và các anh chị tân tòng cùng với nghi đoàn gồm các em ban lễ sinh và các vị Thừa Tác Viên Thánh Thể đã tập trung chung quanh một bình lửa khá lớn. Ngọn lửa vừa bùng cháy, Cha chủ sự bắt đầu đọc lời nguyện: “Lạy Chúa, Chúa đã nhờ Con Chúa mà ban cho các tín hữu lửa vinh quang của Chúa, xin Thánh hóa lửa mới này và xin nhờ mầu nhiệm Phục Sinh này, cho chúng con được sốt sắng ao ước những sự trên trời, để chúng con đạt tới ngày sáng láng vĩnh cửu với tâm hồn trong sạch. Nhờ Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con.(mọi người thưa Amen). Đoạn cha chủ tế lấy lửa đốt nến Phục Sinh và bắt đầu làm phép cây Nến Phục Sinh.”.Cha chủ tế kẻ hình Thánh Giá trên cây nến khi kẻ hàng dọc với lời công bố : Chúa Kitô hôm qua và hôm nay, khi kẻ hàng ngang ngài đọc: Nguyên thủy và cùng đích, phía đỉnh hàng dọc là Alpha, phía dưới là Omêga. Bốn góc của hình Thập giá được ghi niên hiệu của năm 2019 theo thứ tự bốn số 2,0,1,9 từ trái sang phải ở phần trên và phần dưới hàng dọc của hình Thập Giá.

Nghi thức được tiếp nối qua phần rước Nến Phục Sinh, biểu tượng của ánh sáng Chúa Kitô. Thầy phó tế cầm Nến Phục Sinh đi vào cửa chính của Thánh Đường, dừng lại và hát câu: “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi giáo hữu đều cất tiếng : “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh được tiến lên hướng Cung Thánh và dừng lại ở giữa với lời công bố lần thứ hai : “Ánh Sáng Chúa Kitô”, mọi giáo dân thưa " Tạ ơn Chúa" Nến Phục tiếp tục tiến lên cung thánh, với lời công bố lần thứ ba: "Ánh sáng Chúa Kitô" mọi người cùng đáp lại : “Tạ ơn Chúa”. Nến Phục Sinh dược cắm vào chân đèn, đoạn ánh lửa được đốt từ nến phục sinh rồi chuyển đốt cho mọi cây nến đang có trong tay toàn thể giáo hữu hiện diện được cháy sáng. Sau khi toàn bộ đèn cầy của giáo dân đã được đốt cháy từ Nến Phục Sinh, cha chủ tế bước lên Cung Thánh và đọc lời nguyện mở đầu nghi thức canh thức Phục Sinh: “Xin Chúa ngự nơi tâm hồn và miệng lưỡi con, để con xứng đáng và đủ tư cách công bố tin mừng phục sinh của Chúa: Nhân danh Cha và Con và Thánhh Thần”. cộng đoàn thưa Amen

Lời nguyện của cha chủ tế kết thúc và, nghi thức phụng vụ lời Chúa được mở đầu với giọng hát vang lên của thầy phó tế:” Hãy vui lên, hỡi ca đoàn Thiên sứ, hãy vui lên, hỡi những mầu nhiệm thánh. Tiếng loa cứu độ, hãy vang khúc mừng Vua Cả khải hoàn. Vui lên hỡi trái đất rực rỡ trong ánh sáng huy hoàng….”

Phần phụng vụ Lời Chúa được tiếp nối qua các Bài Đọc trong cựu ước Mở đầu là Bài đọc I: trích sách Sáng Thế (St 22:1-18 ) kể lại câu chuyện Chúa dựng nên trời đất và cuối cùng là Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh của Ngài có Nam có Nữ với lời phán: Hãy sinh sôi nẩy nở cho nhiều, đầy mặt đất , hãy thống trị tất cả mọi loài …”Bài đọc II: trích Sách Xuất Hành (Xh 14,15 15-15,1) mô tả việc Chúa cho Mosê dẫn toàn dân Irael vượt giữa lòng biển để tránh quân Ai Cập truy bắt. Bài Đọc III: trích sách Tiên tri Isaia (Is 54: 5-14): với đoạn: “Hãy đến cùng Ta và hồn các ngươi sẽ được sống”. kế đến là Đọc IV: bài trích sách tiên tri Êdêkiel ( Ed 36, 16-17a. 18-28) nói lên ý nghĩa: "Ta sẽ đổ trên các ngươi nước trong sạch và sẽ ban cho các ngươi quả tim mới". Kết thúc phần cựu ước, đèn trong nhà thờ được mở sáng lên và ca đoàn hát kinh Vinh Danh, bức màn che trên cung thánh được từ từ hạ xuống, hình ảnh Chúa Phục Sinh hiện tỏ tường cùng với tiếng chiêng trống ngân vang mở đầu dấu hiệu biều tỏ sự vui mừng của toàn thể dân Chúa trong giáo xứ đang hiện diện cùng nhau đón mừng Chúa Phục Sinh một cách long trọng. Phần vụ lời Chúa được tiếp nối với bài Thánh Thư của Thánh Phaolô ( Rm 6,3-11) gởi tín hữu Rôma: "Chúa Kitô, một khi tự trong cõi chết sống lại, Người không chết nữa". Bài Tin Mừng hôm nay Thánh Matthêu giới thiệu câu chuyện về ngày thứ ba kể từ khi Chúa Giêsu bị chôn trong mồ:" Qua chiều ngày Sabbat, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ. Bỗng chốc đất chuyển mạnh vì Thiên Thần Chúa từ trời xuống và đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên đó. Mặt Người sáng như chớp và áo Người trắng như tuyết. Vì thế những lính canh khiếp đảm run sợ và hầu như chết. Nhưng Thiên Thần lên tiếng và bảo các người nữ rằng: "Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay". Hai bà vội ra khỏi mồ, vừa sợ lại vừa hớn hở vui mừng, chạy báo tin cho các môn đệ Người. Và này Chúa Giêsu đón gặp các bà, Người nói: "Chào các bà". Các bà liền lại gần ôm chân Người và phục lạy. Bấy giờ Chúa Giêsu bảo: "Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta".

Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Khải Dòng Chúa Cứu Thế phụ trách giảng lễ : Trong bài giảng ngài nhấn mạnh về tình yêu của Chúa Giêsu đối với nhân lại qua cuộc khổ nạn của Chúa mà giáo xứ vừa cử hành các nghi thúc phụng vụ trong tam nhật thánh vừa qua. Bài giảng khá phong phú với lối trình bày rất sinh động nên đã tạo nên nhiều trận cười thoải mái trong suốt cả bài giảng đài chừng hơn 10 phút, nhất là khi ngài phân tích về sự ý nghĩa của việc cứu độ.

Sau bài giảng lễ là phần nghi thức ban các phép bí tích khai tâm cho 20 anh chị và một số các em nhỏ mà các gia đình muốn được đón nhận bí tích rửa tội trong đêm vọng phục sinh.

Thánh lễ kết thúc sau hơn 3 tiếng đồng hồ. Trước khi kết thúc thánh lễ , cha chánh xứ một lần nữa chúc mừng các anh chị em tân tòng và chúc mừng toàn thể cộng đoàn dân Chúa được tràn đầy niềm vui phục sinh. Mọi người chia tay ra về trong tâm tình tạ ơn của êm vọng Phục sinh.

Nguyễn An Quý
 
Cộng đoàn CGVN tại Hongkong mừng Lễ Chúa Phục Sinh
Ban Truyền Thông
21:18 22/04/2019
Hòa trong niềm vui chung của Giáo hội hoàn vũ, Chúa Nhật ngày 21/04/2019, Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hongkong đã long trọng mừng lễ Chúa Phục Sinh 2019. Thánh lễ do Linh mục Phêrô Lâm Minh chủ tế. Cùng đồng tế là quý linh mục người Việt đang mục vụ tại Giáo phận Hongkong, cùng sự hiện diện của quý tu sĩ nam nữ và đông đảo cộng đoàn dân Chúa người Việt đang mục vụ, sinh sống và làm việc tại Hongkong.

Xem Hình

Mở đầu Thánh Lễ, cha chủ tế đã nói lên niềm vui và tâm tình của ngày lễ Chúa Phục Sinh: “Chúa đã sống lại thật rồi! Alleluia”! và ngài cũng mời gọi mọi người hãy sống trọn vẹn niềm vui đó trong từng phút giây của cuộc sống. Trong bài giảng Tin Mừng Phục Sinh, dẫn đi từ bài “ca tiếp liên”, cha Phêrô một lần nữa gợi lên hình ảnh của niềm vui trong ngày lễ Phục sinh qua khuôn mặt của bà Maria Mác-đa-la, một niềm vui lớn và trọn vẹn. “Cũng như bà Maria, mỗi kitô hữu nhìn thấy tương lai và hy vọng của đời mình, tương lai mà Thiên Chúa dành cho những người công chính là được sống và được hưởng niềm vui với Chúa Phục sinh.”

Tiếp đến, cha chủ tế mời gọi mọi người hãy dành thời gian chiêm ngắm ngôi mộ trống và cầu nguyện nhiều hơn trong mùa Phục sinh này. Vì “khi chiêm ngắm và cầu nguyện với trước ngôi mộ trống, anh chị em mới có thể suy nghĩ về thân phận của mình, nhất là trong một môi trường sống, một thời đại sống xô bồ và nhộn nhịp trên đất Hongkong.” Vì “ngôi mộ trống” chính là một niềm xác tín quyền năng của Thiên Chúa Phục sinh. Một Thiên Chúa đã luôn chiến thắng lịch sử; Một Thiên Chúa đã, đang và sẽ luôn chiến thắng tử thần. Chính vì thế, chúng ta, với tâm hồn reo vui của bà Maria xưa, hãy hân hoan loan tin cho thế biết rằng: “tôi đã gặp gỡ Đức Giêsu là Đấng Hằng Sống. Tôi đã chiêm ngưỡng nấm mồ trống. Tôi đã thấy cuộc chiến thắng khải hoàn của Đức Giêsu Kitô”.

Tiếp đến, cha chủ tế mời gọi mọi người hãy dành thời gian chiêm ngắm ngôi mộ trống và cầu nguyện nhiều hơn trong mùa Phục sinh này. Vì “khi chiêm ngắm và cầu nguyện với trước ngôi mộ trống, anh chị em mới có thể suy nghĩ về thân phận của mình, nhất là trong một môi trường sống, một thời đại sống xô bồ và nhộn nhịp trên đất Hongkong.” Vì “ngôi mộ trống” chính là một niềm xác tín quyền năng của Thiên Chúa Phục sinh. Một Thiên Chúa đã luôn chiến thắng lịch sử; Một Thiên Chúa đã, đang và sẽ luôn chiến thắng tử thần. Chính vì thế, chúng ta, với tâm hồn reo vui của bà Maria xưa, hãy hân hoan loan tin cho thế biết rằng: “tôi đã gặp gỡ Đức Giêsu là Đấng Hằng Sống. Tôi đã chiêm ngưỡng nấm mồ trống. Tôi đã thấy cuộc chiến thắng khải hoàn của Đức Giêsu Kitô”.
Kết thúc bài giảng, cha Phêrô đã mời gọi mọi người tham dự thánh lễ cầu nguyện cho nhau, cho nền hòa bình thế giới và cho sự vững mạnh của Giáo hội.

Sau Thánh lễ, Cha Giuse ban phép lành cho cộng đoàn dân Chúa và cùng cộng đoàn vui liên hoan văn nghệ cũng như thưởng thức các món ăn mang đậm hương vị Việt Nam.

Chị Thủy và nhóm chị em Hồng Kông thăm cha Nghị
Nhân dịp Cha Trần Công Nghị đang có mặt tại Hồng Kong chị Thủy Quyên, chủ tịch Cộng đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hongkong có mời cha đến đồng tế thánh lễ ngày Chúa Nhật Phục Sinh, nhưng Cha nói rất tiếc không thể tới tham dự chung vui được vì cha cũng chủ sự thánh lễ ban sáng và ban chiều Lễ Phục Sinh cho “đoàn chiên” nhỏ bé của cha trên du thuyền Seabourn Sejourn. Do vậy, chị Thủy và nhóm chị em phục vụ của Cộng đoàn có đến thăm Cha tại Habour City, ăn cơm chiều và chụp hình lưu niệm.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Chủ Tế Rửa Tay Hay Rửa Ngón Tay Trong Phần Chuẩn Bị Lễ Vật?
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
20:45 22/04/2019
Chủ Tế Rửa Tay Hay Rửa Ngón Tay Trong Phần Chuẩn Bị Lễ Vật?

Ngay từ năm 1971, trong cương vị là Chủ tịch Uỷ ban Phụng vụ Địa phận Kotum, Lm. Phan Thanh Văn đã biên soạn bài Mục vụ Lễ tế Tạ ơn qua bản “Trình bày Tổng quát về Sách lễ” (Institutio Generalis Missalis Romani)vàtrình bày bài này trong khoá tu nghiệp của các linh muc trẻ thuộc 6 giáo phận miền Trung (tháng Giêng 1971). Ngài viết: “Một chi tiết được bàn cãi nhiều là LAVABO. Ritus servandus dạy rửa rửa hai đầu ngón tay, lavat manus, id est extremitates digitorum pollicis et indicis, rửa đầu hai ngón tay thật ra không tiêu biểu được gì cả. Mặc dù, Bản Trình bày Tổng quát [tức “Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma”= QCSL] còn dạy rửa tay, nhưng ít ra không còn cắt nghĩa là rửa đầu ngón tay cái và ngón tay trỏ” nữa (x. Tạp chí Phụng Vụ,số 2, tháng 02/1971).

Rất tiếc, trong thực hành tại Việt Nam, những lời giải thích của ngài hầu như không mấy ai để ý. Vì thế, nhiều vị chủ tế vẫn chỉ rửa ngón tay và những bình nước hay bát nước đi kèm với hành động rửa này vẫn cứ “nho nhỏ” như xưa.

Đây là lý do chúng tôi muốn trình bày lại vấn đề “Chủ tế rửa tay trong phần chuẩn bị lễ vật” một cách thấu đáo hơn.

Trước đây, Ritus servanduscelebratione in Missae [hay Chữ đỏ của Sách lễ Rôma 1962] (phần VII. 6) dạy rằng khi rửa tay, chủ tế sẽ chỉ rửa hai đầu ngón tay [cái và trỏ] vì chúng chạm vào Mình Thánh (lavat manus, id est extremitates digitorum pollicis et indicis). Nhưng đến năm 1965, việc hiệu đính tạm thời Chữ đỏ của Thánh lễ đã đề nghị bỏ đi câu “tất cả những gì linh mục chủ tế phải làm khi “rửa tay” là chỉ rửa ngón cái và ngón trỏ của cả hai tay” vì nhận thức rằng rửa hai đầu ngón tay thực sự chẳng tiêu biểu được gì cả. Trong Thánh lễ hiện nay, chữ đỏ chỉ đơn giản nói chủ tế rửa tay: “Sau kinh ‘Lạy Chúa là Thiên Chúa, xin thương nhận chúng con…’ hoặc sau khi xông hương, vị tư tế đứng bên góc bàn thờ để rửa tay và đọc thầm: “Lạy Chúa,xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy”, đang khi người giúp lễ đổ nước” (Nghi thức Thánh lễ, 28; QCSL 145).

Nguyên tắc Giáo Luật tổng quát là khi luật thay đổi, thực hành xưa cũ cũng thay đổi theo. Trong trường hợp này, thực hành trước đó theo tinh thần chủ nghĩa tối thiểu của Rôma, nhưng chân lý về dấu hiệu và biểu tượng là BÀN TAY được rửa chứ không chỉ là NGÓN TAY. Theo “Dẫn nhập vào Nghi thức Thánh lễ”, vì các dấu chỉ phụng vụ phải xác thực, trung thực, đơn sơ và rõ ràng, cho nên, hành vi rửa tay cần phải được thể hiện đúng phẩm giá là rửa tay thật sự và thích đáng, rửa một cách chậm rãi cẩn thận và dứt khoát trước mặt toàn thể cộng đoàn. Tức là, chúng ta nên sử dụng một lượng nước nhiều đủ cách hợp lý để rửa cả hai tay chủ tế chứ không phải rửa vài ngón tay và không chỉ đổ chút chút nước cho chiếu lệ.Như thế, các vật dụng hỗ trợ việc rửa tay cũng phải thay đổi theo: tức là cần thiết là phải có một “cái thau nước” đủ lớn để dễ dàng được trông thấy và chủ tế có thể nhúng hai bàn tay vào chứ không thể chỉ là một cái bát nước nhỏ xíu; hoặc nếu rửa theo kiểu đổ nước thì cần dùng riêng một cái bình nước lớn cho việc rửa tay và một bình nước nhỏ thứ hai phục vụ đổ chút ít nước vào chén rượu cũng như để tráng chén. Chỉ như thế, số lượng nước được đổ, hay tiếp nhận, hay ở trong thau mới đáng kể để vị tư tế có thể rửa tay một cách thích hợp và xác thực. Bởi thế, đến lúc này, không nên dùng chỉ một bình nước nho nhỏ cho cả 3 chức năng nữa: hoà nước vào rượu; rửa tay tư tế; và tráng chén (x. Joseph M. Champlin, Bên trong Nhà thờ Công Giáo, 94; Introduction to the Order of Mass (2003), số 51 và 109).

Cũng do xác thực tính của dấu chỉ phụng vụ mà khăn lau tay cũng phải đủ lớn. Khăn lau tay sử dụng để lau khô BÀN TAY chứ không chỉ lau các NGÓN TAY. Sau khi lau khô tay, chủ tế trao khăn lau cho giúp lễ. Tiếp đó, tại nhiều nơi, chủ tế và giúp lễ sẽ cúi đầu chào nhau. Tuy nhiên, chữ đỏ không đề cập đến hành vi này (x. Paul Turner, Let Us Pray, no. 498).

Để kết luận cho phần này, xin nhắc lại lời nhấn mạnh của tác giả Joseph DeGrocco: “Thật không thể biện giải được cho những tư tế nào chỉ rửa các ngón tay, hay tệ hơn nữa là chỉ rửa ngón tay cái và ngón tay trỏ. Cử chỉ khiêm hạ và thanh tẩy này phải thích ứng một cách trọn vẹn với lời nguyện mà vị tư tế đọc thầm [Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm, tội con phạm, xin Ngài thanh tẩy]” (Joseph DeGrocco, A Pastoral Commentaty on the General Instruction of the Roman Missal, 112).

V] BỎ NGHI THỨC RỬA TAY?

Tư tế, trước hết là tôi tớ và là dụng cụ của Chúa Kitô chứ không phải chủ nhân của phụng vụ thánh. Vì thế, ngài không được thêm thắt hay bỏ bớt điều gì theo ý riêng mình khi cử hành Thánh lễ. Cách riêng, đối với nghi thức rửa tay vào lúc kết thúc nghi thức tiến lễ cũng vậy, tư tế không nên bỏ qua không làm. Bởi vì đây là một nghi thức có giá trị giáo lý - thiêng liêng rõ rệt và là một biểu tượng lớn lao. Như phần trên đã giải thích, nghi thức này đã trở thành một dấu hiệu của thanh tẩy nội tâm và sự ngay chính của tâm hồn cũng như diễn tả nhu cầu thanh tẩy của tư tế trước khi bắt đầu Kinh nguyện Thánh Thể.

Việc bỏ không làm nghi thức này có thể phát sinh từ một lý thuyết phổ biến cách đây ít năm về nguồn gốc của nó. Lý thuyết ấy cho rằng nghi thức bắt nguồn từ thực tế là tay tư tế cần phải được rửa sạch khỏi bụi bặm và dơ bẩn đến từ những ổ bánh, từ những thứ hoa màu ruộng đất khác hay từ những vật dụng của đời sống hàng ngày mà tư tế nhận lấy trong Nghi thức Dâng lễ tại những buổi cử hành thời xưa. Tức là, cử chỉ này nhắm đến nhu cầu vệ sinh sạch sẽ hơn là mang một ý nghĩa nào khác. Chỉ sau này, nghi thức rửa tay mới được gán cho một ý nghĩa thiêng liêng. Vì thế, một số người lập luận rằng với sự ra đời của những tấm bánh được chuẩn bị trước như hiện nay, nghi thức này không còn cần dùng nữa. Lý luận đó xem ra sáng sủa và hợp lý, nhưng căn bản là sai nhầm về phương diện lịch sử.

Nghiên cứu sâu hơn các nghi thức thời xưa đã cho thấy nghi thức rửa tay (có từ thế kỷ thứ IV) còn xuất hiện sớm hơn cả việc rước tiến lễ vật. Thậm chí sau đó, thực hành này cho biết chủ tế thường rửa tay trước chứ không phải sau khi nhận lễ vật. Vì thế, nghi thức này luôn luôn có ý nghĩa thanh tẩy thiêng liêng và vẫn giữ nguyên ý nghĩa đó cho đến hôm nay, như Quy chế Tổng quát Sách lễ Rôma xác định: “Sau đó, vị tư tế rửa tay bên cạnh bàn thờ: nghi thức này biểu lộ lòng ước ao được thanh tẩy trong tâm hồn”. Lời của chủ tế đọc đang khi rửa tay cũng giúp chúng ta hiểu rõ ý nghĩa Giáo Hội lồng cho cử chỉ này: “Lạy Chúa, xin rửa con sạch hết lỗi lầm; tội con đã phạm, xin Ngài thanh tẩy” (số 76).

LM Giuse Phạm Đình Ái. SSS

 
Niềm vui của Chúa là thành trì của chúng ta
LM Nguyễn Công Đoan
20:45 22/04/2019
NIỀM VUI CỦA CHÚA LÀ THÀNH TRÌ CỦA CHÚNG TA

Sách Nơ-khê-mi-a kể rằng sau khi dân lưu đầy được trở về Giê-ru-sa-lem, ngày ông Nơ-khê-mi-a và kinh sư Ét-ra tổ chức long trọng công bố lại Luật Giao Ước, toàn dân nghe đọc và giải thích Luật thì khóc lóc.

9Bấy giờ ông Nơ-khe-mi-a, tổng đốc, ông Ét-ra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lê-vi là những người đã giảng giải Luật Chúa cho dân chúng, nói với họ rằng : “Hôm nay là ngày thánh hiến cho ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc.” Sở dĩ ông nói thế là vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. 10Ông Ét-ra còn nói với dân chúng rằng : “Anh em hãy về ăn thịt béo, uống rượu ngon và gửi phần cho những người không sẵn của ăn, vì hôm nay là ngày thánh hiến cho Chúa chúng ta. Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em. (Nkm 8, 9-10)

Tin Mừng Chúa Phục Sinh là Tin Mừng lớn nhất, có sức bật, biến đổi và lan truyền. Hãy nhìn các phụ nữ đã ra viếng mộ từ sáng sớm, được thiên sứ báo tin mừng, họ trở về như thế nào : « Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. » (Mt 28, 8)

1- Niềm vui của Chúa trong Cựu Ước

Để dễ đi sâu vào Niềm Vui của Chúa trong Tân Ước, chúng ta hãy nhìn lại Niềm vui của Chúa được diễn tả thế nào trong Cựu Ước.

Đọc lại từ sách Sáng Thế, chúng ta thấy niềm vui của Chúa khi có con người được mẹ sinh ra. Người đàn bà đầu tiên sinh đứa con đầu tiên thì reo lên : Con người ăn ở với E-và, vợ mình. Bà thụ thai và sinh ra Ca-in. Bà nói : ‘Nhờ ĐỨC CHÚA, tôi đã được một người ‘ (St 4, 1). Khi đứa con thừa tự sinh ra cho ông Áp-ra-ham sau bao năm mỏi mòn trông đợi, thì tiếng cười vang lên trên môi miệng hai ông bà và lan tới mọi người nghe biết, khiến ông đặt tên cho con là I-xa-ác, nghĩa là « CƯỜI » (St 17, 17 ; 18, 9-15 ; 21, 6-7).

Niềm vui lớn hơn nữa khi dòng dõi của Áp-ra-ham được giải thoát khỏi ách nô lệ bên Ai-cập, niềm vui bừng lên thành lời ca, điệu múa :
Bấy giờ ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en hát mừng ĐỨC CHÚA bài ca sau đây…

Nữ ngôn sứ Mi-ri-am, em ông A-ha-ron, cầm lấy trống ; mọi phụ nữ theo bà đi ra, đánh trống và nhảy múa. 21Bà Mi-ri-am xướng lên rằng :
“Hãy hát mừng ĐỨC CHÚA,
Đấng cao cả uy hùng (Xh 15, 1.21).

Ngược với niềm vui của Chúa là niềm vui dân tự mua lấy bằng ngẫu thần tay họ làm ra, đưa tới trác táng :
Ông [A-ha-rôn] lấy vàng từ tay họ trao cho, đem đúc và dùng dao mà gọt đẽo thành một con bê. Bấy giờ họ nói : “Hỡi Ít-ra-en, đây là thần của ngươi đã đưa ngươi lên từ đất Ai-cập.” 5Thấy vậy, ông A-ha-ron dựng một bàn thờ trước tượng con bê, rồi hô to : “Mai có lễ kính ĐỨC CHÚA !”

6Ngay hôm sau, họ dậy sớm, dâng tiến những của lễ toàn thiêu và những lễ vật kỳ an. Dân ngồi xuống ăn uống, rồi đứng lên bày trò vui chơi.

Niềm vui hân hoan bừng lên với tiếng cười rộn rã, khi dân lưu đầy được trở về Đất Hứa :
Khi CHÚA dẫn tù nhân Xi-on trở về,
ta tưởng mình như giữa giấc mơ.
2Vang vang ngoài miệng câu cười nói,
rộn rã trên môi khúc nhạc mừng.

Bấy giờ trong dân ngoại, người ta bàn tán :
“Việc CHÚA làm cho họ, vĩ đại thay !”
3Việc CHÚA làm cho ta, ôi vĩ đại !
Ta thấy mình chan chứa một niềm vui (Tv 126/125, 1-3)

Từ khi có « Nhà Thiên Chúa » thì có niềm vui đi lên Nhà Thiên Chúa :
Vui dường nào khi thiên hạ bảo tôi :
“Ta cùng trẩy lên đền thánh CHÚA !”

Niềm vui này làm nảy sinh lời nguyện chúc bình an và bền vững :
Hãy nguyện chúc Giê-ru-sa-lem được thái bình,
rằng : “Chúc thân hữu của thành luôn thịnh đạt,
7tường trong luỹ ngoài hằng yên ổn,
lâu đài dinh thự mãi an ninh.”
8Nghĩ tới anh em cùng là bạn hữu,
tôi nói rằng : “Chúc thành đô an lạc.”
9Nghĩ tới đền thánh CHÚA, Thiên Chúa chúng ta thờ,
tôi ước mong thành được hạnh phúc, hỡi thành đô. (Tv 122/121, 1.6-9)

Thánh vịnh 104/103 chuyển cho chúng ta niềm vui khi nhìn ngắm công trình tạo dựng của Thiên Chúa:
Suốt cuộc đời, tôi sẽ ca mừng CHÚA,
sống ngày nào, xin đàn hát kính Thiên Chúa của tôi.
34Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả,
đối với tôi, niềm vui của tôi ở nơi CHÚA. (Tv 104/103, 33-34).

Niềm vui của Chúa, niềm vui trong Chúa là niềm vui do ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện và bảo đảm:
Còn những người trú ẩn bên Chúa, ước chi họ đều được hỷ hoan
và reo vui mãi tới muôn đời.
Chúa bảo vệ những người mến yêu Danh Thánh, nhờ Ngài, họ phấn khởi mừng vui.
(Tv 5, 12; x. Tv 9, 15; 14/13, 7; 21/20, 2.7; 33/32, 21; 35/34, 9)

Niềm vui ơn cứu độ theo sau đau khổ trong gian truân:
Xin cho con được nghe tiếng reo mừng hoan hỷ,
để xương cốt bị Ngài nghiền nát được nhảy múa tưng bừng
Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ,
và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con (Tv 51/50,10.14)

Niềm vui sinh con, niềm vui được giải thoát hay niềm vui ngày mùa đều có chung một bước trước đó:
Lạy CHÚA, xin dẫn tù nhân chúng con về,
như mưa dẫn nước về suối cạn miền Nam.
5Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống,
mùa gặt mai sau khấp khởi mừng.
6Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo ;
lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng. (Tv 126/125, 5-6)

Thánh vịnh 131/130 cho chúng ta một chuỗi những tình huống của niềm vui reo hò sau cảnh gian truân:
Ước chi họ dâng lễ tế tạ ơn Chúa,
cất tiếng hò reo, tường thuật việc Chúa làm. (Tv 107/106)

Điều này đưa chúng ta tới tâm tình trẻ thơ trong thánh vịnh 131/130:
2hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
3Cậy vào CHÚA, Ít-ra-en ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm (Tv 131/130, 2-3).

Trong thời sự những năm gần đây có hai bức hình mà tôi vẫn ghi nhớ như sự minh họa thánh vịnh này. Trong một trận động đất bên Nhật, nhân viên cứu hộ thấy có một người phụ nữ phục trên sàn dưới ngôi nhà đã sập. Khi họ nhấc được bà lên thì bà đã chết, nhưng dưới ngực bà đứa con vẫn ngủ yên. Bà đã kịp để lại trên điện thoại di động một tin nhắn cho con : « Nếu con tôi sống sót, xin hãy nói với nó rằng mẹ yêu con lắm ! ». Bức hình thứ hai là trong một cơn lũ lụt bên Mỹ, một nhân viên cứu hộ bồng một bà mẹ người gốc Việt-nam lội qua nước lũ, đưa ra nơi an toàn. Trên tay bà mẹ em bé vẫn ngủ yên.

Niềm vui của Chúa cho chúng ta sự bình an thanh thản trong mọi hoàn cảnh :
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
3Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
4dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46/45, 2-4).

2- Niềm vui của Chúa trong Tân Ước

Trong Tân Ước, Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca cho chúng ta thấy niềm vui sinh con và niềm vui ơn cứu độ ngay ở hai chương đầu.

Niềm vui của các hiền sĩ đã lần bước theo ánh sao, tới Giê-ru-sa-lem bỗng rơi vào mê hồn trận của vua Hê-rô-đê, rồi lại được ánh sao dẫn tới tận nhà để gặp thấy Hài Nhi mà họ tìm bái lạy :
« Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở Phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. 10Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. » (Mt 2, 9-10)

Niềm vui của hai ông bà già Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét và láng giềng cùng thân thich :
« Ông sẽ được vui mừng hớn hở, và nhiều người cũng được hỷ hoan ngày con trẻ chào đời. » (Lc 1, 14)

« Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được đầy tràn Thánh Thần, 42liền kêu lớn tiếng và nói rằng : “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. 43Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? 44Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (Lc 1, 41-44)

« Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà. » (Lc 1, 58)

Niềm vui thiên sứ mời Đức Ma-ri-a đón nhận :
« Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ơn phúc, Đức Chúa ở cùng bà » (Lc 1, 28)

Niềm vui làm Đức Ma-ri-a bật lên tiếng ngợi khen và tấm trí hớn hở vui mừng :
46Bấy giờ bà Ma-ri-a nói :
“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa,
47thần trí tôi hớn hở vui mừng
vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi. (Lc 1, 46-47)

Niềm vui lớn cho toàn dân mà những người chăn chiên đón nhận :
« 10Nhưng sứ thần bảo họ : “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân : 11Hôm nay, một Đấng Cứu Độ u đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa » (Lc 2, 10-11)

Niềm vui làm cho ông Si-mê-ôn thỏa lòng đến nỗi không còn muốn gì khác trên trần gian, chỉ muốn được ra đi :
29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa,
xin để tôi tớ này được an bình ra đi.
30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ “ (Lc 2, 29-30).

Nhưng niềm vui ấy chưa trọn vẹn. Điệu vui còn lẫn cung sầu.

Mát-thêu kể tiếp, ông Giu-se sẽ bị đánh thức giữa đêm khuya để lập tức lên đường « đem Hài Nhi và mẹ người trốn sang Ai-cập… vì vua Hê-rô-đê sắp tìm giết Hài Nhi » (Mt 2, 13). Lu-ca cũng kể tiếp chuyện năm trẻ Giê-su tròn mười hai tuổi : « Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy ? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con ?... Nhưng ông bà không hiểu lời Người đã nói » (Lc 2, 49-50).

Rồi khi Đức Giê-su bắt đầu đi rao giảng, Lu-ca sẽ cho chúng ta thấy lời thiên sứ đã báo cho các người chăn chiên thành sự như thế nào : « Tin mừng cho toàn dân » (Lc 2,10).

« Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau : “Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ !” (Lc 5, 26)

« Mọi người đều kinh sợ và tôn vinh Thiên Chúa rằng : “Một vị ngôn sứ vĩ đại v đã xuất hiện giữa chúng ta, và Thiên Chúa đã viếng thăm dân Người.” 17Lời này về Đức Giê-su được loan truyền khắp cả miền Giu-đê và vùng lân cận » (Lc 7, 16-17)

Nhưng niềm vui ấy lại cũng sớm phủ mây sầu, vì các kinh sư và người Pha-ri-sêu sớm rình rập… « để tìm được cớ tố cáo Người », rồi khi thấy Người chữa kẻ bại tay trong hội đường, ngày sa-bát, « họ đã giận điên lên, và bàn nhau xem có làm gì được Đức Giê-su không. » (Lc 6, 7.11).

Bao giờ niềm vui mới trọn vẹn ?

Tất cả các sách Tin Mừng đều cho thấy rằng niềm vui ấy chỉ trọn vẹn khi bừng lên như mặt trời mọc lên vào sáng ngày thứ nhất trong tuần, sau khi mây sầu đã thành đêm đen cuốn Đức Giê-su vào trong mộ, Người đã trỗi dậy và ra khỏi mồ. Đến đây chúng ta hãy đọc kỹ hơn Tin Mừng Gio-an, vì sách này cho thấy chính Đức Giê-su nói về niềm vui Người đem cho môn đệ mà « không ai lấy mất được » (Ga 16, 22).

3- Niềm vui của Chúa là thành lũy của ta.

Niềm vui của Chúa, không phải niềm vui của bất cứ ai khác. Niềm vui của Chúa Phục Sinh, đã chiến thắng cả thập giá và cái chết, để ở với chúng ta, mãi mãi đầy yêu thương dịu dàng, làm đầy tâm trí và con tim của chúng ta như Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã hát lên :
« Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng Cứu Độ tôi » (Lc 1, 46-47).

Không có thành lũy nào con người xây dựng trên trần gian này có thể cho người ta sự an toàn tuyệt đối. Vạn Lý Trường Thành đã không chặn nổi vó ngựa của Thành Cát Tư Hãn, hay bước tiến quân của Mãn Châu. Nhà họ Vương « thâm nghiêm kín cổng cao tường » cũng chẳng ngăn được bước chân nàng Kiều qua nhà Kim Trọng ban đêm. Bức tường tu viện càng không phải là thành lũy, nó chỉ thách đố người ở trong bốn bức tường và khích cho Xa-tan leo tường vào tấn công, nhất là với các phương tiện thông tin điện tử ngày nay, mà không « bức tường lửa » hay kỷ luật tu viện nào ngăn được.

Thành lũy cuối cùng là lòng con người. Lòng dân Việt đã ngăn được vó ngựa quân Mông Cổ. Tướng nhà Minh đã mở cổng Vạn Lý Trường Thành cho đoàn quân Mãn Châu tiến vào. Lòng dân Việt đã đuổi được quân Mãn Thanh khỏi biên giới. Vì thế Chúa đặt NIỀM VUI làm thành lũy ngay trong lòng chúng ta.

Khi đứa trẻ đang vui sướng, hạnh phúc trong tay mẹ hiền, đố ai dụ được nó theo mình bằng bất cứ một thứ gì trên trần gian này.

Niềm vui của Chúa là niềm vui do chính sự hiện diện của Chúa, Đấng tự ban mình làm kho tàng, làm tất cả của chúng ta, như Chúa đã đề nghị với người thanh niên giàu có trong Tin Mừng (x. Mc 10, 21 ; Mt 19, 21 ; Lc 18, 22). Đó mới là thành lũy an toàn. Khi lòng chúng ta đầy niềm vui của Chúa thì không còn khoảng trống nào cho bất cứ một thứ gì chen vào. Khi Đấng hiện diện với ta và trong ta để cho ta niềm vui, là Đấng đã « chiến thắng thế gian », đã chiến thắng mọi thứ cám dỗ, mọi thứ buồn phiền, lo lắng sợ hãi, thì niềm vui của ta không ai lấy được và không gì đánh đổi được : « Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách » (Hr 2, 18). « Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội » (Hr 4, 15).

Thánh Phê-rô đã tuyên xưng : « Bỏ Thày thì chúng con biết đến với ai, Thầy mới có những lời ban sự sống đời đời » (Ga 6, 68)

Thánh Phao-lô sẽ làm chứng : « Người quả quyết với tôi : “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Đức Ki-tô ở mãi trong tôi. 10Vì vậy, tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối, khi bị sỉ nhục, hoạn nạn, bắt bớ, ngặt nghèo vì Đức Ki-tô. Vì khi tôi yếu, chính là lúc tôi mạnh.” (2Cr 12, 9-10).

Nhưng niềm vui ấy được chính Chúa Giê-su ví như niềm vui của người mẹ sinh con :
« Thật, Thầy bảo thật anh em : anh em sẽ khóc lóc và than van, còn thế gian sẽ vui mừng. Anh em sẽ lo buồn, nhưng nỗi buồn của anh em sẽ trở thành niềm vui. 21Khi sinh con, người đàn bà lo buồn vì đến giờ của mình ; nhưng sinh con rồi, thì không còn nhớ đến cơn gian nan nữa, bởi được chan chứa niềm vui vì một con người đã sinh ra trong thế gian »

Và Chúa cam kết : « Anh em cũng vậy, bây giờ anh em lo buồn, nhưng Thầy sẽ gặp lại anh em, lòng anh em sẽ vui mừng ; và niềm vui của anh em, không ai lấy mất được (Ga 16, 20-22).

Niềm vui của người mẹ là « một con người đã sinh ra trong thế gian », còn niềm vui của môn đệ là được gặp lại để ở mãi với Thầy của mình, Đấng đã trải qua cái chết để thành Chúa Phục Sinh, và không bao giờ sợ cách ngăn nữa, vì « cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người » (Rm 6, 9). Người thật sự là « Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta [Em-ma-nu-en] từng ngày và mãi mãi cho đến tận cùng thời gian. » (Mt 28, 20)

Niềm vui này đi đôi với Bình An, như em bé ở trong tay mẹ, dù nước lũ hay đất rung, núi lở, nhà sập, vẫn cứ bình an. Sự bình an này cũng là của Chúa, không ai trên trần gian này ban cho chúng ta được :
“Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi.” (Ga 14, 27).

Bình an của Chúa giữ cho lòng chúng ta “đừng xao xuyến, đừng sợ hãi”, như lời Thánh vịnh:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
3Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu,
4dầu cho sóng biển ầm ầm sôi sục,
núi đồi có lảo đảo khi thuỷ triều dâng,
ta cũng chẳng sợ gì. (Tv 46/45, 2-4).

Xa-tan chẳng còn lối nào để chen vào làm chúng ta xao xuyến sơ hãi được nữa. Đó là sự bình an thanh thản mà Chúa Giê-su đã sống trong cuộc khổ nạn, khiến đối phương lúng túng (x. Mt 26, 63 ; Mc 14, 60-61 ; Lc 22, 67-69 ; 23, 10), Hê-rô-đê cụt hứng (x. Lc 23, 8-11), Phi-la-tô ngẩn ngơ (x. Ga 19, 9-11).

Niềm vui và bình an của Chúa bảo vệ chúng ta, vì Xa-tan chỉ giỏi trò « nước đục thả câu ». Nước trong thì mọi thứ mồi câu đều bị lộ. Nó là thầy chia rẽ, như người Rô-ma đã nói : « Chia để trị ». Niềm vui và bình an của Chúa giữ lòng chúng ta không bị phân tán vì xao xuyến, buồn sầu, sợ hãi ; nếu cộng đoàn giáo xứ, họ đạo, tu sĩ của chúng ta không chia rẽ, rối ren, thì Xa-tan chỉ đứng ngoài mà khóc.

3.1 Niềm vui và bình an của Chúa Phục Sinh vốn không tách rời nhau, là thành trì của chúng ta. Chúa Phục Sinh đã ban cả hai cùng một trật :
Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói : “Bình an cho anh em !” 20Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (Ga 20, 19-20)

3.2 Niềm vui và bình an của Chúa cho chúng ta sức mạnh để thi hành sứ mạng

Trong bữa Tiệc Ly Chúa đã sai các ông đi : “Không phải anh em đã chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại » (Ga 15, 14)

Nhưng khi Chúa Phục Sinh đến với các ông thì « nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. » Chúa ban cho họ niềm vui và bình an để họ có thể ra đi : « Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. 21Người lại nói với các ông : “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Lý do là vì sứ mạng Chúa trao gắn liền với gian truân thử thách : « Vì anh em không thuộc về thế gian và Thầy đã chọn, đã tách anh em khỏi thế gian, nên thế gian ghét anh em. 20Hãy nhớ lời Thầy đã nói với anh em : tôi tớ không lớn hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em. (Ga 15, 18-20)

Họ như đứa bé sợ ma lấy mền trùm kín, vì nếu « người Do Thái » muốn bắt họ thì cánh cửa nơi họ ở có hơn gì cái mền trên đầu đứa bé ! Vì thế mà khi Chúa đến, Chúa đứng giữa họ, nói với họ rồi cho họ xem tay còn vết đinh, và cạnh sườn còn vết giáo đâm (x. Ga 20, 19-21). Vết đinh vết giáo trở thành dấu vết để nhận diện, xác định căn cước của Chúa Phục Sinh. Chúa cho họ thấy quả thật họ đang gặp lại Người như Người đã hứa, và họ được niềm vui và sự bình an của Chúa Phục Sinh mà không ai lấy mất được. Bây giờ họ hiểu được lời Chúa đã nói : « Thầy nói với anh em những điều ấy, để trong Thầy anh em được bình an. Trong thế gian, anh em sẽ phải gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên ! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33)

Sau khi đã ban niềm vui và bình an, Chúa mới nhắc lại sứ mạng:
Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em ». (Ga 20, 21).

Chúa còn ban thêm một điều Chúa nhắc đi nhắc lại khi nói với họ sau bữa ăn cuối cùng :
Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. 23Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ » (Ga 20, 22-23).

Sứ mạng của họ là đưa người ta vào trong Giao Ước Mới mà Chúa đã công bố trong bữa ăn cuối cùng, khi ban Điều Răn Mới, và thiết lập khi đổ máu và trao hơi thở trên thập giá. Ơn tha tội là hiệu quả sự hiện diện của Thánh Thần để đưa người ta vào Giao Ước Mới (x. Gr 31, 33-34; Ed 36, 22-28).

Thánh Thần biến đổi người ta để có thể sống Giao Ước Mới, và sinh hoa trái ngọt ngào, như thánh Phao-lô giải thích:
Còn hoa quả của Thần Khí là: « Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, 23hiền hoà, tiết độ. Không có luật nào chống lại những điều như thế. 24Những ai thuộc về Đức Ki-tô Giê-su thì đã đóng đinh tính xác thịt vào thập giá cùng với các dục vọng và đam mê. 25Nếu chúng ta sống nhờ Thần Khí, thì cũng hãy nhờ Thần Khí mà tiến bước. » (Gl 5, 22-25)

3.3 Trong Thầy anh em được bình an. Tương quan của chúng ta với Chúa Phục Sinh không chỉ là hiện-diện-đối-diện, nhưng là ở trong, như Chúa đã nói sau bữa ăn cuối cùng:
Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy. 5“Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. 6Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. 7Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. 8Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

9“Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15, 4-9)

Để ở lại trong Chúa, thì phải ở lại trong Tình Yêu của Chúa, mà cách ở lại trong tình yêu của Chúa là ở lại trong Lời Chúa (x. Ga 8, 31) và để cho “Lời Chúa ở lại trong” ta (x. Ga 15, 7). Lời Chúa có thể ví như cuống rốn nối chúng ta với Chúa, và Chúa là LỜI “từ ban đầu vân ở nơi Thiên Chúa”, “ở trong lòng Chúa Cha và hằng hướng về Chúa Cha” (Ga 1, 1.18) nối chúng ta với Chúa Cha.

Các ngôn sứ trong Cựu Ước là những người “đứng trước mặt Thiên Chúa”, như Ê-li-a và Ê-li-sa tự xác nhận (x. 1V 17, 1; 18, 15; 2V 3, 14; 5, 16)

- bản dịch xuôi của chúng tôi [CGKPV] là phục vụ, nhưng như thế là đã giới hạn ý nghĩa âm vang của động từ này -

Thiên Chúa sẽ phán với ngôn sứ Giê-rê-mi-a:
Còn ngươi, ngươi hãy thắt lưng.
Hãy đứng dậy! Hãy nói với chúng tất cả những gì Ta sẽ truyền cho ngươi.
Trước mặt chúng, ngươi đừng run sợ;nếu không, trước mặt chúng, chính Ta sẽ làm cho ngươi run sợ luôn.
18Này, hôm nay, chính Ta làm cho ngươi nên thành trì kiên cố, nên cột sắt tường đồng chống lại cả xứ: từ các vua Giu-đa đến các thủ lãnh, các tư tế và toàn dân trong xứ. (Gr 1, 17-18)

Thánh vịnh 16/15 khẳng định:
Trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi (câu 11).

Chúa Phục Sinh là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta (Mt 28,20), chúng ta không chỉ ở trước mặt Người, ở bên Người, mà ở trong Người nữa. Đời sống của chúng ta là “nhờ Người, với Người và trong Người”.

Trong Cựu Ước kinh sư Ét-ra mời dân đang khóc lóc hãy vui lên, Hội Thánh ngày nay cũng mời chúng ta vui lên ngay giữa Mùa Vọng và Mùa Chay va3w khi công bố lễ Phục Sinh. Lễ Phục Sinh và mùa Phục Sinh là mùa của “Vui sướng tràn trề, hoan lạc chẳng hề vơi”.

Dân Ít-ra-en cho đến nay vẫn mừng lễ Vượt Qua hàng năm để nhớ nguồn gốc của mình. Năm nay trùng hợp với ngày Thứ Sáu và Thứ Bảy Tuần Thánh đúng như Tin Mừng Gio-an.

Chúng ta mừng lễ Phục Sinh cũng là để nhớ mình đã được cứu chuộc bằng giá nào (x. 1Pr 1, 17-19), nhờ thế biết mình là ai và nhớ mình đã cam kết sống như thế nào. Mầu Nhiệm Phục Sinh là khởi đầu cuộc sống của Hội Thánh và của mỗi người chúng ta. Chúng ta gia nhập Hội Thánh và bắt đầu cuộc sống Ki-tô hữu bằng Phép Rửa. Tuyên lại lời hứa khi chịu phép Rửa trong đêm Vọng Phục Sinh, là chúng ta cam kết lại bắt đầu:

Anh em không biết rằng: khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Ki-tô Giê-su, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? 4Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới. 5Thật vậy, vì chúng ta đã nên một với Đức Ki-tô nhờ được chết như Người đã chết, thì chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại.” (Rm 6, 3-5)

Niềm vui của chúng ta có ba chiều, ta vui vì Chúa đã sống lại và đang ở với ta, vui vì chính chúng ta đã được sống lại với Chúa và đang sống đời sống mới, và vui vì niềm hy vọng Chúa sẽ đến đem chúng ta vào trong vinh quang với Chúa.

Thánh Phao-lô đã cho chúng ta thấy và mời gọi chúng ta sống niềm vui ấy trong bức thư viết từ cảnh ngục tù, gởi tín hữu Phi-lip-phê: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng vì Chúa” (Pl 3,1).

“Anh em hãy vui luôn trong niềm vui của Chúa. Tôi nhắc lại: vui lên anh em! 5Sao cho mọi người thấy anh em sống hiền hoà rộng rãi, Chúa đã gần đến. 6Anh em đừng lo lắng gì cả, nhưng trong mọi hoàn cảnh, anh em cứ đem lời cầu khẩn, van xin và tạ ơn, mà giãi bày trước mặt Thiên Chúa những điều anh em thỉnh nguyện. 7Và bình an của Thiên Chúa là bình an vượt lên trên mọi hiểu biết, sẽ giữ cho lòng trí anh em được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su.” (Pl 4, 4-7)

Những lời thánh Phao-lô nhắn nhủ có chút âm vang lời kinh sư Ét-ra kêu gọi dân chúng. Thánh Phao-lô chan chứa niềm vui của Chúa, và nhắc đi nhắc lại lời kêu gọi “vui lên” khi đang chìm trong tăm tối của ngục tù, chứ không phải lúc thịnh vượng vinh quang.

Trong thư Rô-ma, thánh Phao-lô ca khúc khải hoàn và giải nghĩa cho chúng ta nền tảng của niềm vui, bình an và hy vọng:

Đúng thế, tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương laị, hoặc bất cứ sức mạnh nào, 39trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thụ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

Trong thư thứ hai Cô-rin-tô, thánh Phao-lô liệt kê những gian truân Ngài đã trải qua, lúc nào cũng trong vui tươi và tin tưởng:

Nhưng kho tàng ấy, chúng tôi lại chứa đựng trong những bình sành, để chứng tỏ quyền năng phi thường phát xuất từ Thiên Chúa, chứ không phải từ chúng tôi. 8Chúng tôi bị dồn ép tư bề, nhưng không bị đè bẹp; hoang mang, nhưng không tuyệt vọng; 9bị ngược đãi, nhưng không bị bỏ rơi; bị quật ngã, nhưng không bị tiêu diệt. 10Chúng tôi luôn mang nơi thân mình cuộc thương khó của Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân mình chúng tôi. 11Thật vậy, tuy sống, chúng tôi hằng bị cái chết đe doạ vì Đức Giê-su, để sự sống của Đức Giê-su cũng được biểu lộ nơi thân xác phải chết của chúng tôi (2Cr 4,7-11)

Chúng tôi lấy sự công chính làm vũ khí tấn công và tự vệ, 8khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như khi mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm, nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành ; 9bị coi là vô danh tiểu tốt, nhưng kỳ thực chúng tôi được mọi người biết đến; bị coi là sắp chết, nhưng kỳ thực chúng tôi vẫn sống ; coi như bị trừng phạt, nhưng kỳ thực không bị giết chết ; 10coi như phải ưu phiền, nhưng kỳ thực chúng tôi luôn vui vẻ ; coi như nghèo túng, nhưng kỳ thực chúng tôi làm cho bao người trở nên giàu có ; coi như không có gì, nhưng kỳ thực chúng tôi có tất cả. (2Cr 6, 7-10; x. 12, 23-33).

Thánh Phao-lô đã đích thân trải nghiệm rằng “Niềm vui của Chúa là thành trì của chúng ta” và lời thánh vịnh:
Con yêu mến Ngài, lạy CHÚA là sức mạnh của con;
3lạy CHÚA là núi đá, là thành luỹ, là Đấng giải thoát con;
lạy Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con trú ẩn,
là khiên mộc, là Đấng cứu độ quyền năng, là thành trì bảo vệ. (Tv 18/17, 2-3)

Lời thánh vịnh phong vương cũng áp dụng cho chúng ta:
Thiên Chúa là Thiên Chúa của ngài
đã tôn phong ngài vượt trổi các đồng liêu, và xức cho dầu thơm hoan lạc. (Tv 45/44, 8-9).

Giê-ru-sa-lem, ngày thứ Sáu Tuần Thánh 2019,
ngày Dọn Lễ Vượt Qua, 14 tháng Nissan năm 5779 từ khi Tạo Dựng
(x. Ga 19,31)
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chớm Xuân Vườn Nhà
Tấn Đạt
08:27 22/04/2019
CHỚM XUÂN VƯỜN NHÀ
Ảnh của Tấn Đạt

Nào cần hoa nở mới xuân
Lá non nắng biếc sau sân xuân về.
(bt)
 
VietCatholic TV
Phụng Vụ huy hoàng Đêm Vọng Phục Sinh 2019 tại Vatican
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:19 22/04/2019
Lúc 8g30 tối thứ Bẩy 20 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự Thánh Lễ Vọng Phục sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô. Theo truyền thống Phụng Vụ của Giáo Hội trong Đêm Vọng Phục sinh, Đức Thánh Cha đã bắt đầu buổi lễ với nghi thức làm phép lửa và nến Phục sinh.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Trong đêm rất thánh này, đêm Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta đã hoàn tất mầu nhiệm Vượt Qua, tức là từ cõi chết sống lại, Hội Thánh kêu mời con cái ở khắp nơi trên hoàn cầu, cùng họp nhau lại mà canh thức cầu nguyện.

Vậy chúng ta sẽ cùng nhau chăm chú nghe Lời Chúa, và sốt sắng cử hành những bí tích tưởng niệm mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô, với niềm hy vọng sẽ được cùng Người chiến thắng sự chết, và cùng Người luôn sống kết hợp với Chúa Cha.

Rồi ngài đọc lời nguyện sau:

Lạy Chúa, Chúa đã sai Con một đến giãi ánh vinh quang rực rỡ của Chúa vào lòng tín hữu. Xin thánh hoá ngọn lửa mới này, và trong suốt thời gian mừng lễ Vượt Qua, xin cho niềm khao khát Nước Trời cũng bừng lên thiêu đốt lòng chúng con, và thanh tẩy muôn vàn tội lỗi, để mai sau chúng con xứng đáng vào thiên quốc, tham dự lễ ánh sáng muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Sau khi làm phép lửa, Đức Thánh Cha thắp nến Phục sinh,

Vẽ lên trên nếp Phục sinh, Đức Thánh Cha nói

Chúa Kitô hôm qua và hôm nay

Nguyên thủy và cùng đích

Alpha và Oméga

Thời gian là của Chúa

Và mọi thế hệ là của Chúa

Vinh quang và vương quyền là của Chúa

Qua mọi thế hệ cho đến muôn đời

Amen

Khi gắn các nụ đinh, Đức Thánh Cha đọc lời nguyện xin ánh sáng Chúa Kitô sống lại vinh hiển, phá tan u tối trong tâm trí các tín hữu.

Sau đó, cùng với các vị Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục, Đức Thánh Cha rước nến lên bàn thờ.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Những người phụ nữ mang dầu thơm đến ngôi mộ, nhưng họ sợ rằng cuộc hành trình của họ chỉ là vô ích, vì một tảng đá lớn nằm chắn lối vào huyệt mộ. Hành trình của những người phụ nữ đó cũng là hành trình của chính chúng ta; nó giống như hành trình đến ơn cứu rỗi mà chúng ta thực hiện tối nay. Đôi khi, dường như mọi thứ đều bị vấp phải một hòn đá nào đó, chẳng hạn như vẻ đẹp của kỳ công sáng tạo vấp phải bi kịch của tội lỗi; sự giải phóng khỏi chế độ nô lệ vấp phải sự bất trung với giao ước; và những lời hứa của các tiên tri vấp phải sự thờ ơ của người dân. Cũng vậy, trong lịch sử của Giáo Hội và trong lịch sử cá nhân của chúng ta, dường như các bước chúng ta thực hiện chẳng bao giờ đưa chúng ta đến mục tiêu. Chúng ta có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng vỡ mộng là quy luật nghiệt ngã của cuộc sống.

Tuy nhiên, hôm nay chúng ta thấy rằng hành trình của chúng ta không phải là vô ích; nó không vấp phải tảng đá che mộ. Một cụm từ duy nhất làm kinh ngạc những người phụ nữ và làm thay đổi lịch sử: “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” (Lc 24: 5). Tại sao anh chị em nghĩ rằng mọi thứ đều vô vọng, rằng không ai có thể lấy đi bia mộ của chính anh chị em? Tại sao anh chị em lại thối chí và thất bại? Phục sinh là ngày lễ mừng những bia mộ được lấy đi, những tảng đá được lăn qua một bên. Chúa lấy đi cả những phiến đá khó nhất đang nghiền nát hy vọng và những mong đợi của chúng ta như chết chóc, tội lỗi, sợ hãi, và tinh thần thế gian. Lịch sử loài người không dừng lại trước một mộ bia, bởi vì ngày nay nó gặp được “tảng đá sống” (xem 1 Pr 2: 4), là Chúa Giêsu Phục sinh. Chúng ta, trong tư cách là Giáo Hội, được xây dựng trên Ngài; và, ngay cả khi chúng ta chán nản và bị cám dỗ để đánh giá mọi thứ dưới ánh sáng của những thất bại, Ngài đến để canh tân tất cả mọi thứ, lật ngược mọi nỗi thất vọng của chúng ta. Mỗi người trong chúng ta được mời gọi để tái khám phá nơi Chúa Kitô Phục sinh Đấng đang lăn những tảng đá nặng nhất ra khỏi con tim chúng ta. Vì vậy, trước tiên chúng ta hãy tự hỏi: đâu là hòn đá mà tôi cần phải loại bỏ, tên của nó là gì?

Thông thường, điều ngăn cản hy vọng chính là hòn đá chán nản ngã lòng. Một khi chúng ta bắt đầu nghĩ rằng mọi thứ đang trở nên tồi tệ và rằng mọi thứ còn có thể tồi tệ hơn nữa, chúng ta ngã lòng và tin rằng cái chết mạnh hơn sự sống. Chúng ta trở nên yếm thế, tiêu cực và tuyệt vọng. Tảng đá này chồng chất lên phiến đá kia, chúng ta xây dựng trong mình một tượng đài cho sự bất mãn của chính chúng ta: đó là ngôi mộ chôn vùi hy vọng. Cuộc sống trở thành một chuỗi những lời phàn nàn và chúng ta trở nên suy nhược về tinh thần. Một loại tâm lý huyệt mộ thắng thế: mọi thứ kết thúc ở đó, hết còn chút hy vọng sống sót thoát ra nào. Tuy nhiên, ngay lúc đó, chúng ta lại nghe thấy câu hỏi hùng hồn của lễ Phục sinh: “Sao anh chị em lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Chúa không được tìm thấy nơi sự cam chịu. Ngài đã sống lại; Ngài không ở đấy. Đừng tìm kiếm Ngài ở nơi anh chị em sẽ không bao giờ tìm thấy Ngài: Ngài không phải là Chúa của kẻ chết mà là của người sống (x. Mt 22:32). Đừng chôn vùi hy vọng!

Có một tảng đá khác vẫn thường đóng kín trái tim: đó là tảng đá tội lỗi. Tội lỗi quyến rũ; nó hứa hẹn mọi thứ dễ dàng và nhanh chóng, thịnh vượng và thành công, nhưng sau đó chỉ để lại nỗi cô đơn và cái chết. Tội lỗi đang tìm kiếm sự sống giữa những kẻ chết, và kiếm tìm ý nghĩa của sự sống trong những thứ chóng qua. Tại sao anh chị em tìm kiếm sự sống giữa những kẻ chết? Tại sao không quyết định từ bỏ tội lỗi, là thứ giống như một hòn đá chắn ngay trước lối vào trái tim của anh chị em để ngăn không cho ánh sáng của Chúa thâm nhập vào? Tại sao không ưu tiên chọn Chúa Giêsu, là ánh sáng thực sự (x. Ga 1: 9), hơn sự hào nhoáng của giàu sang, sự nghiệp, tự cao tự đại và lạc thú? Tại sao không nói với những điều trống rỗng của thế giới này rằng từ nay anh chị em không sống cho chúng nữa, nhưng là cho Chúa của sự sống?

2. Chúng ta hãy trở lại với những người phụ nữ đã đến ngôi mộ của Chúa Giêsu. Họ dừng lại trong sự kinh ngạc vì tảng đá đã bị lấy đi. Tin Mừng cho chúng ta biết khi thấy các Thiên thần, các bà đứng đó “sợ hãi, và cúi mặt xuống đất” (Lc 24: 5). Họ không đủ can đảm để nhìn lên. Chúng ta cũng làm như thế thường xuyên biết chừng nào? Chúng ta thích co cụm bên trong những thiếu sót của chúng ta, thu mình lại trong nỗi sợ hãi. Thật kỳ lạ, nhưng tại sao chúng ta lại làm như thế? Không hiếm khi là bởi vì khi ủ rũ và khép kín trong chính chúng ta, chúng ta cảm thấy kiểm soát được, vì ở một mình trong bóng tối của trái tim chúng ta thì dễ dàng hơn là mở tung lòng mình ra với Chúa. Nhưng mà, chỉ một mình Ngài mới có thể nâng chúng ta dậy. Một nhà thơ đã từng viết: “Chúng ta không bao giờ biết chúng ta cao đến mức nào, cho đến khi chúng ta được mời gọi để trỗi dậy”(E. Dickinson). Chúa mời gọi chúng ta đứng dậy, vươn đến lời Ngài, nhìn lên và nhận ra rằng chúng ta được tạo ra cho thiên đàng, chứ không phải cho trái đất, cho đỉnh cao của sự sống chứ không phải cho chiều sâu của cái chết: Sao anh chị em lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?

Chúa yêu cầu chúng ta nhìn cuộc sống như Ngài nhìn nó, vì trong mỗi chúng ta, Ngài không ngừng nhìn thấy một hạt giống của vẻ đẹp không thể bị đè bẹp. Đứng trước tội lỗi, Ngài thấy con trai và con gái Ngài được phục hồi; trước cái chết, anh chị em được tái sinh; trong hoang tàn, các con tim được hồi sinh. Vậy thì đừng sợ: Chúa yêu cuộc sống của anh chị em, ngay cả khi anh chị em sợ phải nhìn vào nó và giữ nó. Trong biến cố Phục sinh, Chúa cho anh chị em thấy Người yêu thương cuộc sống đến mức nào: thậm chí đến mức sống hoàn toàn cuộc sống ấy, trải qua đau khổ, bị bỏ rơi, cái chết và địa ngục, để rồi vươn lên khải hoàn ngõ hầu cho anh chị em biết rằng: “Các con không cô đơn; hãy đặt trọn niềm tin của các con nơi Thầy!”

Chúa Giêsu là một chuyên gia trong việc biến những cái chết của chúng ta thành sự sống, những than khóc của chúng ta thành hân hoan nhảy mừng (x. Tv 30:11). Với Ngài, chúng ta cũng có thể trải nghiệm một Pasch, nghĩa là một cuộc Vượt Qua từ sự tập trung vào chính mình đến tình hiệp thông, từ lẻ loi cô độc đến được ủi an, từ sợ hãi đến tự tin. Chúng ta đừng cứ cúi mặt xuống đất trong sợ hãi, nhưng hãy ngước mắt nhìn lên Chúa Giêsu Phục sinh. Ánh mắt của Chúa lấp đầy chúng ta với hy vọng, vì ánh mắt ấy cho chúng ta biết rằng chúng ta được yêu thương vô bờ bến, và dù chúng ta có tạo ra bao nhiêu những thứ lộn xộn, tình yêu của Người vẫn không thay đổi. Đây là một xác tín duy nhất không thể tranh cãi mà chúng ta có trong cuộc sống này: đó là tình yêu của Chúa [dành cho chúng ta] sẽ không bao giờ đổi thay. Chúng ta hãy tự hỏi: Trong cuộc sống của tôi, tôi đang tìm kiếm ở đâu? Tôi đang nhìn chằm chằm vào nghĩa trang, hay đang tìm kiếm Đấng Hằng Sống?

3. “Sao các bà lại tìm Người Sống ở giữa kẻ chết?” Các Thiên thần đã hỏi những người phụ nữ câu hỏi này, và nói tiếp rằng: “Hãy nhớ lại điều Người đã nói với các bà hồi còn ở Galilê” (Lc 24: 6). Những người phụ nữ đó đã mất hy vọng, bởi vì họ không nhớ ra những lời của Chúa Giêsu, lời Ngài đã phán cùng họ tại Galilê. Mất đi ký ức sống động về Chúa Giêsu, họ cứ nhìn vào ngôi mộ. Đức tin luôn cần quay trở lại Galilê, để đánh thức lại tình yêu đầu tiên của mình đối với Chúa Giêsu và lời mời gọi của Người: hãy nhớ đến Người, hãy quay trở lại với Người bằng tất cả tâm trí và con tim của chúng ta. Trở về với một tình yêu sống động của Chúa là điều cần thiết. Nếu không, chúng ta là một “bảo tàng viện” đức tin, không phải là một đức tin Phục Sinh. Chúa Giêsu không phải là một nhân vật của quá khứ; Ngài là một nhân vật đang sống ngày hôm nay. Chúng ta không biết Ngài từ các sách lịch sử; chúng ta gặp gỡ Ngài trong cuộc sống. Hôm nay, chúng ta hãy nhớ lại lần đầu tiên Chúa Giêsu gọi chúng ta như thế nào, cách thức Ngài vượt qua bóng tối của chúng ta, sự phản kháng, và tội lỗi của chúng ta, cũng như cách thức Chúa chạm đến trái tim của chúng ta với những lời của Ngài.

Những người phụ nữ, nhớ ra những gì Chúa Giêsu nói, đã rời ngôi mộ. Phục sinh dạy chúng ta rằng các tín hữu không nán lại nghĩa trang, vì họ được mời đi ra để gặp Đấng Hằng Sống. Chúng ta hãy tự hỏi: Trong cuộc sống của tôi, tôi sẽ đi đâu? Đôi khi chúng ta chỉ đi theo hướng những vấn nạn của mình, rất nhiều những vấn nạn, và chỉ chạy đến với Chúa để cầu cứu. Nhưng khi đó, chính những nhu cầu của chúng ta, chứ không phải là Chúa Giêsu, đang hướng dẫn các bước đi của chúng ta. Chúng ta tiếp tục tìm kiếm Người sống giữa kẻ chết. Hay, biết bao lần, một khi chúng ta đã gặp gỡ Chúa rồi, chúng ta lại quay về với cõi chết, đào bới những hối tiếc, trách móc, đau đớn và bất mãn, mà không để Chúa Phục Sinh thay đổi chúng ta?

Anh chị em thân mến: chúng ta hãy đặt Đấng Hằng Sống vào trung tâm của cuộc sống chúng ta. Chúng ta hãy xin ân sủng không bị cuốn trôi đi bởi dòng triều của biển cả những vấn đề của chúng ta, chúng ta hãy cầu xin ân sủng để đừng bị mắc cạn trên những bãi cát tội lỗi hoặc sụp đổ trên những bờ đá của sự chán nản và sợ hãi. Chúng ta hãy tìm kiếm Người trong và bên trên tất cả mọi thứ. Với Ngài, chúng ta sẽ sống lại.
 
Đau đớn tột độ - Hàng trăm tín hữu Công Giáo Sri Lanka bị thảm sát đúng vào Chúa Nhật Phục sinh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
21:48 22/04/2019
Diễn biến vụ tấn công kinh hoàng ngày Chúa Nhật Phục sinh đẫm máu ở Sri Lanka

Sau 10 năm yên hàn và phát triển tột bực, nền hòa bình quý giá mà Giáo Hội Công Giáo tại Sri Lanka, hay còn gọi là Tích Lan, được hưởng đã bị gián đoạn bởi một biến cố tang tóc kinh hoàng diễn ra vào một trong những ngày thánh thiêng nhất là ngày Chúa Nhật Phục sinh.

Trong cuộc tấn công lớn đầu tiên vào đảo quốc ở Ấn Độ Dương này kể từ khi kết thúc cuộc nội chiến giữa chính phủ và nhóm Hổ Tamil cách đây 10 năm, bom đã nổ suốt ngày Chúa Nhật tại thủ đô Colombo và vùng phụ cận làm chết 207 người và làm bị thương 450 người khác, đã khiến chính phủ phải áp đặt tình trạng khẩn cấp và ban hành lệnh giới nghiêm trên toàn lãnh thổ có hiệu lực ngay lập tức.

Vụ nổ bom đầu tiên diễn ra vào lúc 8 giờ 45 sáng tại khách sạn Shangri La, là khách sạn 5 sao sang trọng nhất ở thủ đô Colombo.

Vào đúng thời điểm đó, vụ nổ bom thứ hai diễn ra tại nhà thờ Công Giáo Thánh Antôn ở quận Kochchikade, phía Bắc thủ đô Colombo. Đây là nơi thương vong được kể là nặng nhất nhưng chưa có con số chính xác.

Nhà thờ Công Giáo Thánh Sebastian ở quận Negambo, phía Bắc thủ đô Colombo, cũng bị tấn công vào cùng thời điểm. 50 anh chị em giáo dân bị thiệt mạng tại đây.

Vụ nổ bom thứ tư diễn ra tại khách sạn Kingsbury, cũng là một khách sạn hạng sang, ở thủ đô Colombo.

5 phút sau khi xảy ra 4 vụ nổ bom trên, vào lúc 8 giờ 50, vụ nổ thứ năm diễn ra tại khách sạn Cinnamon Grand ở thủ đô Colombo.

10 phút sau đó vào lúc 9 giờ sáng, vụ nổ thứ sáu diễn ra tại nhà thờ Zion ở Batticaloa, được nhiều phương tiện truyền thông tường trình là nhà thờ Công Giáo nhưng theo niên giám của tổng giáo phận Colombo, đây có lẽ là một nhà thờ của anh chị em Tin Lành. Ít nhất 25 người bị thiệt mạng trong vụ nổ này.

Trước những diễn biến dồn dập đó, vào lúc 11 giờ 30, Thủ tướng Ranil Wickremeinghe đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh quốc gia và tuyên bố đóng cửa tất cả các trường học trong cả nước trong hai ngày. Tưởng cũng nên biết, Sri Lanka là quốc gia khá đặc biệt trẻ con phải đi học cả 7 ngày trong một tuần.

Trước những hoang mang lan rộng tại Sri Lanka, lúc 12 giờ 15 trưa Chúa Nhật, Tổng thống Maithripala Sirisena đưa ra lời hiệu triệu quốc dân đồng bào, kêu gọi mọi người giữ bình tĩnh.

Cảnh sát và quân đội chiếm giữ các vị trí chủ yếu. Tuy nhiên, vào lúc 1 giờ 45 chiều, bom tiếp tục nổ tại New Tropical Inn ở Dehiwela, gần vườn thú quốc gia. Đây là vụ nổ thứ bảy.

Ba mươi phút sau đó, lúc 2 giờ 15 chiều, cảnh sát đột kích vào một căn nhà ở quận Dematagoda, trong thủ đô Colombo bị tình nghi có liên quan đến các vụ khủng bố, bom phát nổ khiến 3 nhân viên cảnh sát thiệt mạng.

Lúc 2 giờ 20 chiều, chính phủ ra lệnh đóng cửa vườn thú quốc gia ở Dehiwela. Đồng thời ra lệnh chặn đứng các mạng truyền thông xã hội và dịch vụ nhắn tin lớn, như Facebook và WhatsApp, để tránh tình trạng gây hoang mang trong xã hội.

Lúc 2 giờ 45 chiều, chính phủ tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành lệnh giới nghiêm vô thời hạn, có hiệu lực tức khắc.

Trong khi đó, tại Vatican, lúc 12 giờ 20, giờ địa phương Rôma, tức là 3 giờ 50 giờ Colombo, sau khi ban phép lành toàn xá cho các tín hữu, theo thông lệ, Đức Thánh Cha một lần nữa chúc mừng Phục sinh các tín hữu đến từ các nơi trên nước Ý và từ các quốc gia khác, và cám ơn những người đã đóng góp cho việc trang trí bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô và đặc biệt là quảng trường Thánh Phêrô với rất nhiều bông hoa tươi đẹp đến từ Hà Lan và Slovenia. Ngài tỏ vẻ ngạc nhiên khi nhận được hai tờ giấy, thay vì một tờ như thường lệ. Tờ giấy đầu tiên nói về cuộc tấn công khủng bố nghiêm trọng vừa diễn ra.

Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến,

Tôi rất buồn khi vừa biết tin về các cuộc tấn công nghiêm trọng, diễn ra đúng ngày hôm nay, ngày lễ Phục sinh, đã mang đến tang tóc và đau khổ cho một số nhà thờ và những nơi gặp gỡ khác ở Sri Lanka. Tôi muốn thể hiện sự gần gũi trìu mến của mình với cộng đồng Kitô giáo, bị ảnh hưởng khi đang họp nhau trong lời cầu nguyện, và cho tất cả các nạn nhân của bạo lực tàn bạo này. Tôi phó dâng cho Chúa tất cả những người đã thiệt mạng một cách bi thảm và tôi cầu nguyện cho những người bị thương và tất cả những người đau khổ vì sự kiện bi đát này.

Lúc 4 giờ chiều, tất cả các dịch vụ vận chuyển đã dừng lại. Sân bay, bến tàu, bến xe bị phong tỏa trong cố gắng chặn đường rút lui của bọn khủng bố.

Ba mươi phút sau đó, chính phủ tuyên bố đóng cửa tất cả các trường đại học vô thời hạn.

Lúc 5 giờ chiều, Thủ tướng Wickremeinghe họp nội các để phân tích tình hình. Cảnh sát thông báo số người chết đã tăng lên con số 207 người với 450 người bị thương.

7 giờ tối - Cảnh sát tìm thấy một chiếc xe tải dùng để vận chuyển chất nổ.

Bộ du lịch cho biết 32 người nước ngoài thiệt mạng và 30 người khác bị thương.

Lúc 8 giờ 50 - Thủ tướng ra lệnh điều tra lý do tại sao các cơ quan tình báo Sri Lanka thất bại không có phản ứng trước những cảnh báo về nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công.

Lúc 9 giờ 30 tối - Cảnh sát cho biết 13 người bị bắt, tất cả đều là người Sri Lanka.

Một giờ đồng hồ sau đó lại xảy vụ đánh bom xăng vào một đền thờ Hồi giáo và các vụ tấn công đốt phá hai cửa hàng của người Hồi giáo ở hai khu vực khác nhau của Sri Lanka.

Phản ứng của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ

Đức Hồng Y Daniel N. DiNardo, Tổng Giám mục Galveston-Houston và là chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã đưa ra tuyên bố sau nhân danh các Giám Mục Hoa Kỳ về các vụ đánh bom đồng loạt nhắm vào cộng đoàn Kitô hữu thiểu số Sri Lanka vào sáng Chúa Nhật làm ít nhất 207 người thiệt mạng và hơn 450 người bị thương.

Đức Hồng Y DiNardo viết như sau:

Sáng nay tại Sri Lanka, một loạt các vụ đánh bom phối hợp đã giết chết hàng trăm tín hữu trong các nhà thờ Công Giáo và những người khác thuộc mọi tín ngưỡng trong các khách sạn gần đó.

Các nhà thờ bị tấn công là nhà thờ thánh Sebastian ở Negombo, đền thánh Antôn Colombo và nhà thờ Zion ở thành phố phía đông Batticaloa.

Tội ác kinh tởm này nhắm vào các nhà thờ chật cứng những người thờ phượng đang mừng lễ Phục sinh, ngày mà người Kitô giáo trên khắp thế giới kỷ niệm sự sống lại của Vua hòa bình từ cõi chết.

Chúng tôi cầu nguyện cho các nạn nhân và gia đình của họ. Và chúng tôi hiệp với tất cả những người thiện chí trong việc lên án những hành động khủng bố này. Tội ác này không thể dập tắt được hy vọng nơi Chúa Cứu thế Phục sinh của chúng ta.

Nguyện xin Thiên Chúa của hy vọng, là Đấng đã cho Con của Người sống lại, lấp đầy mọi trái tim với khát khao hòa bình.


Source:Reuters