Ngày 18-04-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:36 18/04/2012
TIẾT KIỆM KHÔNG NỔI
N2T

Có người nọ muốn làm một cái bàn, bèn mời thợ mộc đến thương lượng, nói:
- “Có cách gì làm một cái bàn to như thế này mà tiết kiệm được gỗ không ?” ông ta vừa nói vừa đưa tay đưa chân vẻ kiểu cái bàn.
Thợ mộc suy nghĩ một chút rồi nói:
- “Nếu đem cái bàn kê gần cột trụ của bức tường thì cái bàn chỉ cần làm hai chân, tiết kiệm được một vài thanh gỗ”.
Sau khi thương lượng xong, thợ mộc bèn đóng một cái bàn rất tiện dụng.
Một tối nọ, trăng sáng rất đẹp, ông ta muốn thưởng thức đêm trăng đẹp nên đem cái bàn kê ngoài sân, nhưng bất luận là kê như thế nào thì cái bàn vẫn không thể đứng vững, chỉ có cách là mời thợ mộc đến, nói:
- “Cái bàn tiện dụng như thế, tại sao đem ra ngoài thì không dùng được ?”
Thợ mộc đáp:
- “Ở trong nhà thì có thể tiết kiệm, ra ngoài thì không thể tiết kiệm như thế được”.

Suy tư:
Tiết kiệm thì khác với bủn xỉn keo kiết.
Có người giảm tiền ăn uống để đem số tiền tiết kiệm ấy giúp cho người nghèo; có người tiết kiệm tiền bạc để góp công xây dựng nhà thờ; có người tiết kiệm ăn mặc để lo cho con cái học hành.v.v…
Người Ki-tô hữu biết rằng tiết kiệm tiền bạc là điều tốt, nhưng tiết kiệm lời nói thì tốt hơn, bởi vì khi tiết kiệm được lời nói là có thêm nhiều bạn bè.
Tiết kiệm lời nói thì tốt, nhưng làm việc thiện nhiều thì tốt hơn, bởi vì khi làm việc thiện nhiều là chúng ta đã giới thiệu đức bác ái của người Ki-tô hữu cho mọi người.
Làm việc thiện nhiều thì tốt, nhưng cầu nguyện nhiều thì tốt hơn, bởi vì cầu nguyện làm nảy sinh tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm lời nói, nảy sinh làm việc thiện và tất cả những điều tốt lành khác…
---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:37 18/04/2012
N2T

5. Không nên nương tựa vào cây sậy bị gió thổi ngã.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Là chứng nhân Chúa Phục Sinh
Lm Giuse Nguyễn Hưng Lợi DCCT
06:03 18/04/2012
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH, năm B
Lc 24, 35-48

Chúa Giêsu Phục Sinh ban cho chúng ta sự sống mới, chia sẻ quyền năng Phục Sinh của Ngài cho mỗi người chúng ta, và cho nhiều người khác qua mỗi người chúng ta.Chúa Nhật III Phục Sinh cho chúng ta thấy rõ uy quyền của Đấng Phục Sinh và qua chúng ta, Ngài mời gọi từng người chúng ta trở nên nhân chứng cho Ngài.

Tin mừng của thánh Luca cho hay các môn đệ khi thấy Chúa Phục Sinh hiện ra, họ tưởng là ma. Lần nào cũng vậy khi Chúa Phục Sinh hiện ra để minh chứng cho các môn đệ Ngài đã sống lại thì các môn đệ vẫn nghĩ là họ đang thấy ma. Nỗi ám ảnh ấy vẫn luôn là sự hoàng đối với các Ngài. Do đó, Chúa Phục Sinh đã luôn bền bỉ, kiên nhẫn để giúp các môn đệ ra khỏi nỗi ám ảnh kinh khủng ấy. Chúa Phục Sinh đã mời các môn đệ xem tay, chân bị đóng đinh của Ngài và đụng vào người của Ngài để cho các môn đệ hiểu rõ rằng Ngài đã sống lại thật, Ngài đang hiện diện bằng xương bằng thịt trước mặt các Ông. Chúa Phục Sinh khi hiện ra ở bờ hồ Tibêriat, Ngài đã nướng cá và ăn cá nướng để các môn đệ biết Ngài đã sống lại thật. Ngài là người thật chứ không phải là hình bóng của ma như họ nghĩ tưởng. Khi các môn đệ chưa được Chúa Thánh Thần củng cố đức tin, họ cứ tưởng Chúa Phục Sinh là ma. Nhưng khi Chúa Thánh Thần đổi mới, tác động các Ngài, các môn đệ mới nhận ra Chúa Phục Sinh thật.

Chúa vẫn đến với chúng ta, nhưng nhiều khi chúng ta tưởng Chúa là bóng ma, tưởng Chúa là người nào thực xa lạ bởi vì Chúa đến với chúng ta một cách thật bất ngờ. Chúa đến với con người một cách không ai hay ai biết vì cuộc đời chúng ta đang chao đảo như con thuyền tròng trành vì gió đánh ngược. Chúa đến với chúng ta khi chúng ta tưởng Ngài sẽ không đến được. Chúa mời gọi con người làm chứng nhân cho Ngài.

Chúng ta làm chứng nhân cho Chúa Phục Sinh giữa một nhân loại có nhiều nơi còn bạo hành, còn chiến tranh, còn hận thù. Chúng ta là chứng nhân cho sự an bình của Chúa Phục Sinh.

Chúng ta làm chứng nhân cho niềm vui giữa một nhân loại còn đang chạy theo vật chất, tìm kiếm lợi nhuận mà sống khép kín ích kỷ chỉ biết mình. Chúng ta là chứng nhân cho niềm vui của Chúa Phục Sinh.

Chúng ta làm chứng nhân cho sự thăng tiến giữa một thế giới còn nhiều nơi kẻ lớn ức hiếp người thấp cổ bé họng. Chúng ta là chứng nhân cho sự vượt thắng và tiến lên để tìm thấy hạnh phúc thật sự.

Do đó, làm chứng nhân cho Đức Giêsu là dùng chính đời sống của mình để chứng tỏ quyền năng của Đấng Phục Sinh biến đổi và tác động trên chúng ta. Làm chứng cho Đức Giêsu Phục Sinh chính là để Ngài dùng chúng ta nói với những người khác.
Câu chuyện nói về Đấng Phục Sinh là câu chuyện thực khó tin nếu con người không có đức tin, không được Chúa Thánh Thần tác động và hướng dẫn soi sáng.

Nói như Đức Giám Mục Duval của nước Pháp trong một lá thư mục vụ gửi cộng đoàn dân Chúa trong Giáo phận của Ngài, Đức Cha viết :” Dù con người phát biểu khéo léo đến đâu, những tư tưởng trừu tượng cũng khó làm cảm động được lòng người. Nhưng những con người sống động, có khả năng làm cảm động lòng người, những người đó hãy xung phong bước ra. Hãy để cho chân lý trào ra từ cuộc sống của mình, và hãy làm cho quyền năng của mình tương xứng với món quà mà mình trao tặng bằng tình yêu. Lúc đó mọi người sẽ lắng tai nghe, và bình minh của những ngày tươi sáng sẽ bùng lên trên bầu trời của chúng ta “.

Lay Chúa nhờ mầu nhiệm Vượt Qua, Chúa đã làm cho tâm hồn chúng con tươi trẻ lại, và chan chứa niềm vui vì được làm con Chúa. Xin cho chúng con hằng giữ mãi niềm vui Chúa ban, và nắm chắc hy vọng được Phục Sinh vinh hiển ( Lời nguyện nhập lễ, lễ Chúa nhật III Phục Sinh ).

GỢI Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Tại sao các môn đệ lại nghĩ Chúa Phục Sinh là ma ?
2.Làm sao để người khác nhận ra rằng Chúa đã sống lại ?
3.Làm chứng bằng lời nói và bằng việc làm, đâu là cần thiết hơn ?
4.Tại sao Chúa Phục Sinh lại ăn ?
5.Chúa Phục Sinh mời gọi các môn đệ xem tay và chân, sờ vào thân xác của Ngài để làm gì ?
 
Tin và làm chứng cho Chúa
LM. Đan Vinh
08:22 18/04/2012
CHÚA NHẬT III PHỤC SINH B
Cv 3,13-15.17-19 ; 1 Ga 2,1-5a ; Lc 24,35-48

TIN VÀ LÀM CHỨNG CHO CHÚA

1. BÁC TÀI XẾ TẮC-XI LÀM CHỨNG CHO CHÚA:

Một vị linh mục sau chuyến du lịch Đài Bắc trở về đã thuật lại một cách truyền giáo của một bác tài xế xe tắc-xi tại đây như sau:

“Ngày nọ, tôi đón tắc-xi từ khách sạn đi sang trung tâm thành phố Đài Bắc mua quà lưu niệm. Tôi rất ngạc nhiên khi thấy trong xe có dán một tờ giấy ghi mấy dòng chữ như sau: “Bạn có thể thấy một vài quyển sách về tôn giáo ở hộc bên hông xe. Trong khi xe đang chạy, bạn có thể đọc sách và nếu thích, bạn có thể mang sách theo khi rời khỏi xe mà không phải trả tiền mua sách”. Tôi tò mò tìm hộc sách và thấy một chục cuốn sách mỏng bằng tranh, nội dung về cuộc đời Đức Giê-su in trên giấy trắng khá đẹp, một ít sách truyện tranh các thánh và các danh nhân tôn giáo, một ít cuốn là những mẩu chuyện sống đức tin giữa đời thường... Ngoài ra, phía trên kính chiếu hậu trước mặt tài xế cũng có treo một ảnh Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp nhỏ. Tôi mở lời hỏi bác tài xế:

- Này bác tài, xin vui lòng cho biết: Hành khách đi xe của bác có ai quan tâm đến hộc sách đạo của bác không?

- Ồ, có chứ! Có nhiều người đã lấy ra xem, và có người còm cầm theo mang về nhà nữa.

Tôi hỏi tiếp:

- Bác có cảm tưởng gì khi thấy người ta đọc sách đạo do bác giới thiệu?

- Tôi cảm thấy rất vui anh à! Anh biết không: tôi là người tín hữu công giáo nhưng không có nhiều giờ để đi lễ nhà thờ. Vì tôi phải luôn chạy xe kiếm sống. Do đó, đây là cách làm công tác tông đồ của tôi. Tôi rất mừng vì đã có thể làm được hai việc một lúc: Vừa lái xe nuôi gia đình lại vừa rao giảng Tin Mừng mà không bị mất thêm thời giờ. Tôi nghĩ rằng tôi đang làm một việc thật tuyệt vời!

2. ANH EM SẼ LÀ CHỨNG NHÂN CỦA NHỮNG ĐIỀU NÀY: Tin mừng Chúa Nhật hôm nay cho thấy Chúa Giê-su Phục Sinh đã hiện đến với các Tông Đồ đang bị giao động. Sau khi trấn an các ông, Người đã chứng minh cho các ông thấy Người không phải chỉ là bóng ma, nhưng là con người bằng xương bằng thịt thực sự, qua việc ăn uống trước mặt các ông. Cuối cùng sau khi các ông đã tin Người đã từ cõi chết sống lại, Đức Giê-su chỉ thị cho các ông và cho mọi tín hữu sau này: “Chính anh em sẽ là chứng nhân của những điều này”(Lc 24,48).

3. PHẢI LÀM CHỨNG NHƯ THẾ NÀO ? :

Ngày nay các tín hữu chúng ta dù không thấy Chúa, nhưng vẫn có thể thi hành sứ mệnh làm chứng cho Người bằng các phương thế như sau:

+ Làm chứng bằng việc thuật lại cho người khác về cuộc đời và lời rao giảng của Đức Giê-su như bà Maria Mác-đa-la đã làm (Ga 20,18). Việc truyền đạt này mọi tín hữu đều có thể làm, nhưng khó thuyết phục được người nghe tin theo (x. Lc 24,11).

+ Làm chứng bằng cách để Chúa ngỏ lời với người khác qua miệng chúng ta: Đức Giê-su đang sống và hiện diện nơi ta, và ta có bổn phận chia sẻ sự xác tín, niềm vui và bình an hạnh phúc mình đang cảm nghiệm được cho tha nhân. Cách làm chứng này đã được Nhóm Mười Một Tông đồ áp dụng. Sau khi đón nhận ơn Thánh Thần, Tông đồ Phê-rô đã rao giảng và làm chứng về Đức Giê-su như sau: “Chính Đức Giê-su đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại. . Về điều này tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống. Đó là điều anh em đang thấy đang nghe…” (Cv 2,32-33). Cách làm chứng hùng hồn đầy xác tín này của Tông Đồ Phê-rô đã thuyết phục được tới ba ngàn người xin tòng giáo (x. Cv 2,41).

+ Làm chứng bằng lối sống hy sinh quên mình, vị tha bác ái noi gương cộng đòan tín hữu thời Hội Thánh sơ khai như sách Công vụ thuật lại: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kính sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tùy theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được tòan dân thương mến. Và Chúa cho cộng đòan mỗi ngày thêm những người được cứu độ” (Cv 2,42-47).

+ Cuối cùng, làm chứng cho Đức Giê-su bằng việc sẵn sàng chịu bách hại vì đức tin, quyết không hèn nhát bước qua thập giá để khỏi chết, noi gương các anh hùng tử đạo. Nhờ đó, các thánh Tử đạo đã được gọi là các “Chứng nhân đức tin”. Đây là phương cách truyền giáo rất hữu hiệu như lời Téc-tuy-li-a-nô khẳng định: “Máu các vị Tử đạo là hạt giống phát sinh các Ki-tô hữu”.

4. LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Mỗi lần hiện ra với các môn đệ, Chúa đều dùng Kinh Thánh để giúp các ông tìm ra thánh ý Thiên Chúa và giải thích cho các ông về con đường “Qua đau khổ vào vinh quang”, đồng thời chứng minh Chúa đã thực sự sống lại từ cõi chết, đúng như lời Thánh kinh. Xin giúp chúng con ý thức giá trị của Lời Chúa trong việc sống đạo và truyền đạo, hầu khi gặp bất cứ biến cố vui buồn sướng khổ nào trong cuộc sống, chúng con cũng biết tìm kiếm thánh ý Chúa. Xin cho chúng con biết năng hội hiệp nhau học sống Lời Chúa hằng tuần, biết lắng nghe Lời Chúa khi dự lễ, để nhờ lời Chúa hướng dẫn, đức tin của chúng con sẽ ngày càng lớn lên và nhờ ơn Thánh Thần tác động, chúng con sẽ chu tòan được sứ mệnh Chúa trao cho Hội Thánh: “Chính anh em là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,48). -AMEN.

LM ĐAN VINH
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha ghi dấu ngày sinh nhật thứ 85 bằng việc suy niệm về 2 vị thánh
Bùi Hữu Thư
11:13 18/04/2012
Ngài ghi nhận việc ngài sanh và chịu phép rửa vào ngày Thứ Bẩy Tuần Thánh

VATICAN, 16, tháng 4, 2012 (Zenit.org).- Sinh nhật thứ 85 của Đức Thánh Cha Benedict XVI được ghi dấu bằng một ngày có nhiều nghi thức, thăm viếng và lễ hội. Vào dịp này, Đức Thánh Cha chủ sự Thánh Lễ trong nhà nguyện Pauline Chapel của cung điện Tông Đồ, có sự tham dự của một số giới chức và giám mục Bavaria, các vị này sau đó được ngài tiếp kiến riêng.

Để chào mừng ngài, Đức Hồng Y Angelo Sodano, chủ tịch Hồng Y Đoàn đã cám ơn Đức Thánh Cha về lòng ưu ái ngài đã dành cho việc phục vụ cho tình yêu.

Đức hồng y tiếp, không phải là một sự tình cờ về sự việc tông huấn đầu tiên của ngài (Deus Caritas Est) là một thánh ca tình yêu chính là Chúa, như một tình yêu phải làm cho tất cả mọi chủ chăn sống động, và được mời gọi để cho ánh sáng của Chúa chiếu soi trên thế giới và cũng thế, đem lại sự ấm áp của tình yêu Người.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nhắc đến hai vị thánh người Pháp, đã hiện diện trong hành trình thiêng liêng và mục vụ lâu dài của ngài: thánh có thị kiến Bernadette Soubirous, và thánh khất thực hành hương Benedict Joseph Labre của thế kỷ 19.

Đức Thánh Cha cũng nói về Thứ Bẩy Tuần Thánh. Chính vào ngày này, vào đêm vọng Phục Sinh ngày 16 tháng 4, 1927, Joseph Ratzinger đã sinh ra và chịu phép rửa. Ngài nói về Thứ Bẩy Tuần Thánh như một ngày thinh lặng và dường như thiếu vắng Thiên Chúa, là ngày chờ đợi Chúa Phục Sinh. Đức Thánh Cha đã luôn luôn coi ngày này như chìa khóa cho bài đọc của đời ngài, trước và sau khi được bầu làm giáo hoàng.

Về thánh Bernadette, ngài ca ngợi vị thánh về sự trong sạch của trái tim và khả năng thấy được Mẹ Thiên Chúa, và trong vị thánh có phản ảnh sự huy hoàng và thiện hảo của Thiên Chúa. Chính là nhờ trái tim không bị ô nhiễm của cô bé gái thành Lộ Đức mà Mẹ Maria mới có thể hiện ra, và nói với thế kỳ đó và sau đó nữa.

Do đó, Thứ bẩy Tuần Thánh và vị thánh có thị kiến của Lộ Đức, đã luôn luôn đối với Đức Thánh Cha là một dấu chỉ về điều tất cả chúng ta phải làm, về khả năng của một cái nhìn của trái tim, để có thể thấy được những gì là thiết yếu.

Sự thiết yếu này nằm ở chỗ Đức Mẹ chỉ cho Bernadette: một nguồn suối nước hằng sống và trong sạch, là hình ảnh của sự thật đã được ban cho chúng ra qua đức tin, và một dấu chỉ của sự tưởng nhớ đến đời sống trong sạch của con người không tội lỗi.

“Ánh sáng của Đấng Phục Sinh làm cho tôi vững dạ tiến bước."

Benedict Joseph Labre, là vị thánh thứ hai được Đức Thánh Cha nhắc đến, là một khách hành hương tới các đền thánh Âu Châu, hầu như trong suốt cuộc đời, và không làm gì khác hơn là làm chứng tá cho những gì quan yếu. Vì sự bao la của các cuộc hành hương của mình, thánh Labre chính thật là một vị thánh Âu Châu, nhưng trên hết, đây là một vị thánh, trên danh nghĩa của tình thân hữu trong Chúa, đã có thể phá bỏ tất cả mọi ranh giới.

Suy niệm về Thứ Bẩy Tuần Thánh và phép rửa của ngài, Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: "Đời sống trở thành một quà tặng thật sự nếu theo đó người ta cũng có thể làm một lời hứa mạnh hơn bất cứ sự rủi ro nào có thể đe dọa mình, và nếu được nhận chìm trong một sức mạnh bảo đảm rằng được làm một con người là điều tốt lành.”

Theo nghĩa này, Phép Rửa là biểu tượng của một sự tái sinh, của sự tin chắc trong chân lý là một sự tốt lành được thể hiện, vì lời hứa mạnh hơn những đe doạ, nhờ sự kiện chúng ta được tiếp nhận vào gia đình mới của Thiên Chúa.

Sau đó Đức Thánh Cha nói ngài cảm thấy đang đi trong đoạn đường cuối của cuộc đời: "Tôi không biết những gì đang chờ đợi tôi. Tuy nhiên ánh sáng của Chúa Phục Sinh mạnh hơn bóng tối và sẽ giúp cho tôi vững tin tiến bước."

Để kết luận, Đức Thánh Cha Benedict XVI chân thành cảm ơn tất cả những ai tiếp tục để cho ngài cảm nhận được lời 'xin vâng' Thiên Chúa qua đức tin của họ.
 
Đức tin của chúng ta là một đức tin chiến đấu và không hề sợ hãi
Phaolô Phạm Xuân Khôi
08:39 18/04/2012
Dưới đây là bản dịch bài giàng của Đức Cha Daniel R. Jenky, C.S.C., Giám Mục Peoria, Illinois, vào Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2012. Ngài nhấn mạnh: “làm một Kitô hữu không bao giờ dễ dàng và nó không giả thiết là dễ dàng! Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ luôn luôn yêu những gì thuộc về chúng, và sẽ luôn luôn ghét chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng bảo trước, chúng đã ghét Thầy, thì chúng chắc chắn sẽ ghét các con. Nhưng đức tin của chúng ta, khi được sống cách trọn vẹn, là một đức tin chiến đấu và một đức tin không hề sợ hãi.”

Chỉ có một lý do cơ bản tại sao Kitô giáo tồn tại và lý do đó là sự kiện Đức Chúa Giêsu Kitô thật sự đã sống lại từ nấm mồ.

Các môn đệ không bao giờ mong chờ sự Phục Sinh. Các chứng từ nhất trí của tất cả bốn sách Tin Mừng là cái chết khủng khiếp của Chúa Giêsu trên thập giá đã hoàn toàn làm tiêu tan tất cả hy vọng của các ông về Chúa Giêsu và về sứ điệp của Người. Người đã chết, và thế là hết. Các ông không còn tìm kiếm gì nữa, và cũng không còn mong đợi gì nữa.

Các ông đã yêu Người quá nhiều, trong cái nhỉn cùa các ông, Chúa Giêsu là một Đấng Thiên Sai thất bại. Cái chết của Người dường như hoàn toàn cướp đi bất cứ ý nghĩa lâu dài nào không những của giáo huấn mà ngay cả những phép lạ của Người.

Và rõ ràng là các ông đã run sợ về số phận khủng khiếp của Người, dưới bàn tay Công Nghị và người Rôma, có thể dễ dàng trở thành số phận khủng khiếp của các ông. Vì vậy, các ông trốn tránh, run rẩy khiếp sợ, nấp đằng sau những cửa sổ đóng kín và những cánh cửa khóa khóa chặt.

Khi Đức Kitô Phục Sinh bất ngờ hiện ra giữa các ông, phản ứng của các ông là sửng sốt nghi ngờ. Các ông đơn thuần không thể tin ở mắt mình.

Thực tại chỉ rất từ từ bắt đầu thâm nhập ý thức của các ông khi Chúa Giêsu đưa ra bằng chứng về sự Phục Sinh của Người. Người đã cho thấy những vết thương trên tay, chân, và cạnh sườn Người. Chúa Giêsu còn cho các ông chạm vào Người. Người bẻ bánh và ăn với các ông. Và chỉ sau đó các ông mới có thể tự mình thừa nhận điều xem ra hoàn toàn không thể được - một người thật sự đã chết đã sống lại thật! Đấng Chịu Đóng Đinh giờ đây đứng trước mặt các ông là Chúa Phục Sinh, vinh hiển và chiến thắng của các ông.

Việc Người trỗi dậy từ nấm mồ hoàn toàn có thật giống như việc Người chết trên thập giá. Sự Sống Lại là bằng chứng biểu hiện quyền năng vô song của Thiên Chúa Toàn Năng. Sự kiện không thể tránh được của việc Phục Sinh xác nhận mọi lời Chúa Giêsu đã từng nói và mọi công việc Chúa Giêsu đã từng làm.

Tin Mừng là sự thật. Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế đã được hứa của dân Israel. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ thế gian. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Không có lời giải thích nào khác cho Kitô giáo. Nó đáng lẽ đã chết và hoàn toàn biến mất khi Đức Kitô chết và được mai táng, ngoại trừ cho một sự thực rằng Đức Kitô đã sống lại thật, và rằng trong thời gian 40 ngày trước khi Lên Trời, Người đã tiếp xúc qua lại với các Tông Đồ và các môn đệ, và trong một dịp ngay cả với hàng trăm kẻ đã theo Người.

Bài Đọc Tin Mừng hôm nay cho ngày Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này được lấy từ Chương 16 của Tin Mừng Thánh Marcô. Nó kết thúc với một mệnh lệnh từ môi miệng Chúa Giêsu, được ban cho các môn đệ của Người, cho toàn thể Hội Thánh, cũng được ban cho anh chị em và tôi tụ họp ở đây hôm nay: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo"

Chúng ta đã nghe trong Bài Đọc Thứ Hai hôm nay từ sách Tông Đồ Công Vụ rằng cùng một Công Nghị đã lên án Chúa Giêsu đã ngạc nhiên trước sự mạnh dạn của Thánh Phêrô và Thánh Gioan. Trong khi biết rằng các ông là những kẻ thất học và bình thường, họ nhận ra các ông như bạn đồng hành của Chúa Giêsu. Họ cảnh báo các ông không bao giờ bao giờ được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy hoặc nói với bất cứ ai nữa.

Tuy nhiên, các kỳ lão và luật sĩ cũng có thể đã cố gắng để xoay ngược triều sóng, hoặc ngăn chặn trận tuyết lở. Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã thấy Đức Kitô Phục Sinh bằng cặp mắt của mình. Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã được đầy Thánh Thần. Các ông hỏi xem có phải là điều đúng “trước mặt Thiên Chúa không khi chúng tôi nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa. Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.”

Thánh Phêrô vàThánh Gioan cùng tất cả các Tông Đồ, bắt đầu trước hết tại Giêrusalem trong xứ Giuđêa và xứ Galilêa, và sau đó đến tận cùng trái đất, đã công bố sự Phục Sinh và Tin Mừng cho tất cả mọi người mà các ông đã gặp.

Theo chứng từ rõ ràng của Thánh Kinh, các Tông Đồ đã từng là những người bình thường - như anh chị em và tôi. Đức tin của của các ngài đã không phải luôn luôn mạnh mẽ. Các ngài đã lầm lỗi. Các ngài đã phạm tội. Các ngài thường sợ hãi và bối rối.

Nhưng việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh đã thay đổi tất cả mọi sự về các môn đệ đầu tiên này, và biết Chúa Phục Sinh cũng phải thay đổi tất cả mọi sự về chúng ta.

Anh chị em biết, làm một Kitô hữu không bao giờ dễ dàng và nó không giả thiết là dễ dàng! Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ luôn luôn yêu những gì thuộc về chúng, và sẽ luôn luôn ghét chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng bảo trước, chúng đã ghét Thầy, thì chúng chắc chắn sẽ ghét các con.

Nhưng đức tin của chúng ta, khi được sống cách trọn vẹn, là một đức tin chiến đấu và một đức tin không hề sợ hãi. Căn cứ vào quyền năng của việc Phục Sinh, không có gì trong thế gian này, và không có gì trong hỏa ngục, mà chung cuộc có thể đánh bại một Hội Thánh duy nhất, thật sự, thánh thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Thiên Chúa.

Trong hai ngàn năm qua, những kẻ thù của Đức Kitô chắc chắn đã cố gắng hết sức. Nhưng hãy nghĩ về điều ấy. Hội Thánh sống sót và thậm chí phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ bị đàn áp khủng khiếp, trong những ngày của Đế Quốc Rôma.

Hội Thánh thoát khỏi những cuộc xâm lăng của dân man di. Hội Thánh vẫn tồn tại sau nhiều làn sóng Thánh Chiến của Hồi Giáo. Hội Thánh sống sót thời đại cách mạng. Hội Thánh sống sót chủ nghĩa Quốc Xã và Cộng Sản.

Và trong quyền năng của Phục Sinh, Hội Thánh sẽ sống sót sự thù ghét của Hollywood, ác ý của các cơ quan truyền thông, và sự tàn ác gian dối của kỹ nghệ phá thai.

Hội Thánh sẽ sống sót sự tham nhũng cố hữu và bất tài tuyệt đối của chính quyền tiểu bang Illinois của chúng ta, và thậm chí cả thái độ khinh thị có tính toán của Tổng thống Hoa Kỳ, các viên chức được chỉ định trong Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh, cùng đa số hiện nay của Thượng Viện liên bang.

Nguyên xin Chúa thương xót linh hồn của những chính trị gia làm bộ là Công Giáo trong Hội Thánh, nhưng trong cuộc sống công cộng của họ, lại như Giuđa Iscariot, phản bội Chúa Giêsu bằng cách bỏ phiếu và sẵn sàng hợp tác với những điều tự bản chất là ác.

Là Kitô hữu chúng ta phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình, nhưng là Kitô hữu chúng ta cũng phải đứng lên bênh vực những gì chúng ta tin và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cho Đức Tin. Những ngày mà trong đó chúng ta hiện đang sống đòi phải có một đạo Công Giáo anh hùng, không phải Công Giáo ngẫu nhiên. Chúng ta không còn có thể là những người Công Giáo một cách tình cờ, nhưng thay vào đó phải là những người Công Giáo bằng xác tín. Trong gia đình riêng của chúng ta, trong các giáo xứ của chúng ta, nơi chúng ta sống và nơi chúng ta làm việc - giống như thế hệ tông đồ đầu tiên - chúng ta phải là chứng nhân mạnh bạo cho Quyền Làm Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải là một đạo binh những người Công Giáo không hề biết sợ, sẵn sàng hiến tất cả mọi sự chúng ta có cho Chúa, là Đấng đã hiến tất cả vì phần rỗi chúng ta.

Hãy nhớ rằng trong quá trình lịch sử, các chính quyền khác đã cố gắng buộc các Kitô hữu phải chui rúc và ẩn nấp chỉ trong phạm vi các nhà thờ của họ như các môn đệ đầu tiên bị nhốt trong nhà Tiệc ly.

Vào cuối thế kỷ thứ19, Bismark đã khai mào "Kultur Kamp,” một cuộc chiến tranh Văn hóa, chống lại Hội Thánh Công Giáo Roma, bằng cách đóng cửa tất cả các trường học và bệnh viện, tu viện và đan viện Công Giáotrong Đế quốc Đức.

Clemenceau, có biệt danh là "kẻ ăn linh mục," đã cố gắng làm cùng một điều như thế ở Pháp trong thập niên thứ nhất của thế kỷ 20.

Hitler và Stalin, vào những thời điểm nhân đạo hơn của họ, chỉ cho phép một số nhà thờ được mở cửa, nhưng không chấp nhận bất cứ sự cạnh tranh nào với nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, dịch vụ xã hội, và chăm sóc y tế.

Trong việc vi phạm rõ ràng Tu Chính Án Thứ Nhất của chúng ta, Barack Obama - với chương trình cấp tiến, phò phá thai và thế tục cực đoan của ông, giờ đây xem ra có ý đi theo một con đường tương tự.

Bây giờ sự thể đã xảy ra như thế ở Mỹ đến nỗi đây là một cuộc chiến mà chúng ta có thể thua, nhưng trước tòa phán xét đáng kính sợ của Thiên Chúa Toàn Năng, đây không phải là một cuộc chiến mà bất cứ tín hữu Công Giáo nào vẫn có thể còn đứng trung lập.

Mùa thu này, mọi người Công Giáo giữ đạo phải bỏ phiếu, và phải bỏ phiếu theo lương tâm Công Giáo của mình, hoặc vào mùa thu năm sau các trường Công Giáo, các bệnh viện Công Giáo, các Trung tâm Công Giáo Newman của chúng ta, tất cả các việc thừa tác vụ của chúng ta -- chỉ trừ những ngôi nhà thờ của chúng ta-- có thể bị đóng cửa dễ dàng. Bởi vì không một cơ sở Công Giáo, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể hợp tác với sự dữ tự bản chất là việc giết chết sự sống của người vô tội trong bụng mẹ.

Không có một cơ sở phục vụ Công Giáo nào - và vâng, thưa Tổng Thống, vì các trường học và bệnh viện Công Giáo của chúng tôi là các cơ sở phục vụ - có thể vẫn còn trung thành với Quyền Làm Chúa của Đức Kitô Phục Sinh và Tin Mừng Sự Sống vinh quang của Người nếu các cơ sở này bị bắt buộc phải trả tiền cho việc phá thai.

Giờ đây hãy nhớ lại cái gì đã là kinh nghiệm đổi đời, là điều hoàn toàn biến đổi các môn đệ đang sợ hãi và run rảy này thành những tông đồ chẳng còn biết sợ hãi và anh hùng. Các ngài đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Các ngài đã tôn kính vết thương thánh của Người. Các ngài đã ăn uống với Người.

Đó không phải là những gì chúng ta cùng làm ở đây với nhau, sáng hôm nay trong Thánh Lễ diễu hành hàng năm của nam nhân này sao?

Đây là ngày thứ bảy của Bát Nhật Phục Sinh, một Lễ Trọng rất cao cả và trung tâm của đức tin Công Giáo của chúng ta, mả ngày Phục Sinh được cử hành vừa trọn tám ngày, và mùa Phục Sinh được cử hành cách vui mừng như 50 Ngày Đại Lễ Phục Sinh. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã trỗi dậy từ nấm mồ -- đang ở giữa chúng ta. Lời Thánh của Người dạy chúng ta chân lý. Mình và Máu Thánh của Người trở nên lương thực và thức uống của chúng ta.

Đức Kitô Phục Sinh là Chúa Vĩnh Cửu của chúng ta; Đầu của Thân Thể Người, là Hội Thánh; vị Thượng Tế của chúng ta; Thầy của chúng ta; vị Chỉ Huy của chúng ta trong cuộc chiến đáng chiến đấu này.

Chúng ta không có gì để sợ hãi, nhưng chúng ta có một thế giới để chinh phục cho Người. Chúng ta không có gì để sợ hãi, vì chúng ta có một số phận vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúng tôi không có gì để sợ hãi, dù đất có thể động, vương quốc có thể mọc lên và xụp xuống, ma quỷ có thể dữ tợn, nhưng Thánh Michael Tổng Lãnh Thiên Thần, và tất cả các đạo binh thiên quốc, chiến đấu thay cho chúng ta.

Bất kể điều gì xảy ra trong thời điểm chóng qua này, vào cuối thời gian và lịch sử, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa và Chúa Giêsu là Chúa, đến muôn thủa muôn đời.

Christus vincit! Christus regnat! Christus imperat!

Đức Kitô chiến thắng! Đức Kitô hiển trị! Đức Kitô truyền lệnh!


+ GM. Daniel R. Jenky, C.S.C., Giám Mục Peoria, Illinois
 
Một số câu hỏi về phụng vụ và lời giải đáp của cha Edwad McNamara
Nguyễn Trọng Đa
08:09 18/04/2012
Có mấy kinh khẩn cầu Thánh Linh trong Kinh nguyện Thánh Thể I?
Người Rước lễ đang khi mắc tội trọng có bị vạ tuyệt thông không?
Được nhìn thừa tác viên khi Rước lễ không?

ROMA - Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô, giáo sư Phụng vụ tại Đại học Regina Apostolorum (Nữ vương các thánh Tông đồ), Roma.

Hỏi: Khi tôi đã theo dõi ĐTC Biển Đức XVI cử hành Thánh Lễ trên truyền hình, tôi nhận thấy rằng trong Lễ Quy Rôma, dường như Ngài đã đọc phần kinh Khẩn cầu Thánh Linh hai lần: “Lạy Cha rất nhân từ, Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận...” và "Lạy Chúa, xin thương ban phúc, chấp nhận..." Các linh mục mà tôi nhìn thấy đọc Kinh nguyện này chỉ chúc phúc cho các lễ hiến dâng ở đầu Kinh nguyện Thánh Thể, và sau đó đọc kinh Khẩn cầu Thánh Linh ở cuối Kinh nguyện. Như vậy phải chăng có sự khác biệt giữa cử chỉ của ĐTC và các linh mục ở vùng Trung Tây của Mỹ sao? - M.S., bang Illinois, Mỹ

Đáp: Thật sự tôi nghĩ rằng ĐTC chỉ đơn giản hoàn thành các chữ đỏ dành cho Lễ Quy Rôma, hoặc Kinh nguyện Thánh Thể I.

Trong phần đầu của Kinh nguyện, bản văn nói: “(Linh mục dang tay đọc:) Lạy Cha rất nhân từ, Nhờ Đức Giêsu Kitô, Con Cha, Chúa chúng con, (Chắp tay, đọc:) Chúng con khẩn khoản nài xin Cha thương nhận (Làm một dấu thánh giá trên cả bánh và chén thánh khi đọc:) Và ban phúc + cho những của lễ hiến dâng, Của lễ thượng tiến, Của lễ hy sinh tinh tuyền và thánh thiện này.”

Như vậy, cử chỉ này, nói cho đúng, không phải là một kinh Khẩn cầu Thánh Linh, nhưng là một cử chỉ ban phúc. Sự nhầm lẫn của độc giả chúng tôi có thể phát sinh từ cách ĐTC sáp hai bàn tay lại trước khi ban phúc. Nó cũng giống như một số linh mục chuyển trực tiếp từ việc dang tay đến cử chỉ ban phúc mà quên sáp hai tay lại.

Ở phần sau của Kinh nguyện, chúng ta có một kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự thánh hiến, trong đó chữ đỏ nói: “(Linh mục sáp hai bàn tay lại, đặt trên lễ vật và đọc:) Lạy Chúa, xin thương ban phúc, chấp nhận, chuẩn y, làm cho những lễ vật này được hoàn hảo và đẹp lòng Chúa, hầu trở nên cho chúng con Mình và + Máu Con chí ái của Chúa, là Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con.”

Một số nhầm lẫn cũng có thể phát sinh do sự khác biệt giữa Lễ Quy Rôma và các Kinh nguyện Thánh Thể khác. Trong các Kinh nguyện Thánh Thể khác, kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự thánh hiến được đi kèm với việc linh mục trước tiên dang tay ra trên lễ vật và sau đó làm dấu thánh giá.

Khi phụng vụ được cải cách, Lễ Quy Rôma hầu như không thay đổi, mặc dù có một số sửa đổi trong văn bản và cử chỉ. Tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể khác, mặc dù dựa trên các văn bản cổ, là các bài soạn mới, và các cử chỉ đã được chủ yếu tiêu chuẩn hóa.

Ở trên tôi nói "kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự thánh hiến”, vì tất cả các Kinh Nguyện Thánh Thể có hai kinh Khẩn cầu Thánh Linh, hoặc lời mời gọi Chúa Thánh Thần. Kinh Khẩn cầu Thánh Linh thứ hai thường được xem là "kinh Khẩn cầu Thánh Linh của sự hiệp thông", vì nó khẩn cầu Chúa Cha gửi Chúa Thánh Thần đến nối kết các Kitô hữu trong sự hiệp nhất. Trong Lễ Quy Rôma, lời khẩn cầu này là mặc nhiên; còn trong các Kinh Nguyện Thánh Thể khác, nó là minh nhiên.

Kinh Khẩn cầu Thánh Linh thứ hai này không đi kèm với một cử chỉ diễn tả sự khẩn cầu, và do đó ít được chú ý hơn như trong kinh Khẩn cầu Thánh Linh thứ nhất.

***

Nói thêm về việc từ chối cho Rước lễ

Liên quan đến câu hỏi từ chối một người nào đó được Rước Lễ (xem ngày 27-3) là câu hỏi về hậu quả của người rước lễ bất xứng:

Hỏi: “Một người đàn ông có gia đình bỏ vợ mình và sống với một phụ nữ khác thì không được Rước lễ. Tuy nhiên, nếu ông cố ý Rước lễ đang khi mắc tội như thế, ông có bị vạ tuyệt thông không? Nếu có, và sau đó ông sám hối, ông cần phải làm gì để có được hòa giải?"

Đáp: Bất kỳ ai cố tình và cố ý Rước lễ trong tình trạng tội trọng thì phạm thêm tội phạm thánh và không tôn trọng đối với Chúa Kitô. Tình trạng tinh thần của họ càng thêm trầm trọng bởi một hành vi ý thức về việc xem thường Bí tích. Sự gia tăng của ân sủng, vốn thường sẽ tích luỹ cho một người Rước Lễ, bị mất mãi mãi và thực sự được chuyển thành một động lực cho sự kết án người ấy.

Tuy nhiên, người ấy không chính thức bị vạ tuyệt thông. Con đường của bí tích hòa giải vẫn còn mở.

Khi người ấy xưng thú tội lỗi, người ấy không chỉ xưng các tội đã làm cho mình mất đời sống ân sủng, nhưng còn xưng việc Rước lễ cách bất xứng nữa.

Khi đưa ra việc đền tội, linh mục cần chú ý đến tội đặc biệt này, và có thể quy định một hành động cụ thể về đền tạ Thánh Thể, miễn là việc ấy có thể được thực hành nhanh chóng và đơn giản.

Ở đây chúng ta đang nói về tội cố ý trong việc Rước Lễ. Chúng ta không đề cập đến các trường hợp đặc biệt, như khi một người trong giây lát đã phạm tội và đã không kịp xưng tội trước Thánh Lễ, và trong Thánh lễ này người ấy buộc hoặc ước muốn hợp lý được Rước lễ. Đây có thể là trường hợp của một linh mục, phó tế hay thừa tác viên khác, thường phải Rước lễ trước mặt cộng đoàn.

Nếu điều này xảy ra, người ấy có thể ăn năn tội cách trọn, vốn bao hàm cam kết xưng tội càng sớm càng tốt. Như thế người ấy không phạm một tội khi Rước lễ, và thực sự phát triển trong ân sủng.

Một độc giả Nhật hỏi: "Cha suy nghĩ gì về việc tiếp xúc bằng mắt giữa linh mục (hay phó tế hoặc thừa tác viên cho Rước lễ) và người rước lễ. Tôi được dạy rằng người ta có thể tiếp xúc bằng mắt. Vì đã phục vụ một thời gian trong một đan viện kín, tôi không còn biết chắc như vậy nữa. Có thể không có câu trả lời chính đáng, nhưng tôi quan tâm nhiều đến suy nghĩ của cha."

Đáp: Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng một chỉ dẫn như thế đặt nhiều gánh nặng cho thừa tác viên. Chức năng chính của người này là đảm bảo rằng Mình thánh được trao trong một cách trang nghiêm xứng đáng, cho dù trên lưỡi hoặc trong tay, và đảm bảo rằng Mình Thánh được nuốt đi.

Người tín hữu đến gần cung thánh để Rước Chúa, chứ không để gặp thừa tác viên cho Rước lễ. Một số người nhìn thừa tác viên; một số người khác nhắm mắt khi rước lễ trên lưỡi. Nếu xảy ra việc tiếp xúc bằng mắt, thì cũng tốt thôi, nhưng tôi thấy không có lý do đặc biệt nào để cố gắng hoàn thành nó.

Nguyễn Trọng Đa
 
Cùng nhau làm nhân chứng cho Chúa Kitô Phục Sinh
Bùi Hữu Thư
11:13 18/04/2012
Điện văn gửi các vị lãnh đạo các giáo Hội Đông Phương

ROME, ngày 16/4/2012 (Le Monde vu de Rome) – Đức Thánh Cha Benedict XVI khẳng định: “chứng tá chung” (témoignage commun) được tất cả các Kitô hữu làm cho Chúa Kitô có thể nâng đỡ đức tin và niềm hy vọng của họ, nhất là tại những nơi họ bị bách hại.

Thay mặt Đức Thánh Cha, thực vậy Hội Đồng Giáo Hoàng về việc cổ võ cho sự hiệp nhất Kitô hữu đã gửi một điện văn cho các vị lãnh đạo các Giáo Hội Đông Phương (chefs des Eglises d’Orient) sử dụng niên lịch Julien (le calendrier julien) và cử hành Lễ Phục Sinh vào ngày Chúa Nhật 15 tháng 4.

Đức Thánh Cha Benedict XVI cầu mong rằng, ”được canh tân bởi nhân chứng chung trong sự thật và tình yêu”, sự loan tin Chúa Kitô Phục Sinh “tăng cường đức tin của tất cả mọi Kitô hữu và làm sống lại niềm hy vọng của họ - nhất là tại những miền trên thế giới, nơi họ là nhạn nhân của sự bạo hành -, mang lại bình an và nâng đỡ tất cả những ai đang đau khổ vì bệnh tật, bất công, đói khát và nghèo khó.”

Ngài nhắc lại lời thiên thần truyền cho các phụ nữ đã đến Mộ Thánh Chúa Kitô buổi sáng Chúa Nhật Phục Sinh: “Xin đừng sợ hãi: Ta biết các bà đi tìm Giêsu, kẻ bị đóng đinh. Người không còn ở đây như Người đã nói. Hãy đến xem nơi Người đã nằm” (Mt 28, 5-6).

Đức Thánh Cha khẳng định: “Việc tuyên bố về sự Phục Sinh của Chúa Giêsu chứng tỏ rằng sự chết không làm chủ được sự sống của nhân loại, và mặc khải được sự trọn vẹn của tình yêu Thiên Chúa.”

Ngài nói đến niềm hy vọng của ngài về sự hiệp nhất về phương diện chứng tá: “Ngày nay, các Kitô hữu được mời gọi để loan truyền sứ điệp hy vọng này cho những người nam và nữ của thời đại chúng ta, và việc loan truyền này sẽ vang vọng mạnh hơn khi chúng ta có thể cùng nhau loan truyền.”

Đức Thánh Cha nhắc rằng: “Các nỗ lực để cổ võ cho sự hiệp nhất các Kitô hữu được đặt nền tảng trên những lời cầu của Chúa Giêsu xin Chúa Cha: “Xin cho chúng nên một (...), để cho thế gian tin rằng, Cha đã sai con” (Ga 17,21) ».
 
ĐTC: những bài viết của Ngài luôn là một cuộc hành trình
Jos. Tú Nạc, NMS
10:47 18/04/2012
Vào đêm trước ngày sinh nhật của ĐTC Benedict XVI, Tổng Giám mục Liverpool Patrick Kelly đã chia sẻ với Bà Veronica Scarisbrick một vài suy nghĩ liên quan đến những bài viết của ĐTC Benedict.

Trong cuộc phỏng vấn này, Tổng Giám mục Kelly đã nhận xét mức độ về những trước tác và những bài giảng của Đức Thánh Cha giản di một cách dị thường nhưng luôn là một cuộc hành trình.

Trong số những đoạn trích mà ngài đánh giá cao là duy nhất mà ở đó ngài nói không bao giờ được nghe thấy bất kỳ điều gì lại gợi hình về Chúa Trời Ba Ngôi như vậy.

Đó là khi Đức Thánh Cha phát biểu những lời: “Con Một Thiên Chúa đã nhảy vọt lên với đôi chân của người,” ngài chỉ ra đó là một hình ảnh với cả hai lộng lẫy và táo bạo.

Cơ duyên này là Thanh Lễ đánh dấu sự khởi đầu nhiệm kỳ Giáo Hoàng Thánh Phê-rô của Ngài vào ngày 24 tháng Tư năm 2005. Đây là một bản dịch Anh ngữ của đoạn trích trong bài giảng được đề cập tới:

“ Nhân loại này – mỗi người trong chúng ta – là con chiên lạc trong sa mạc mà chẳng biết lối về. Con Một thiên Chúa đã nhảy vọt với đôi chân của Người và từ bỏ sự Vinh Quang của Thiên Đàng để ra đi tìm kiếm con chiên ấy và dấn thân cho nó, tất cả là con đường tới Thánh Giá. Người vác nó trên đôi vai của mình, và cưu mang nhân loại chúng ta: Người cưu mang tất cả chúng ta – người là vị Mục Tử Nhân Hiền, người mà đã khiêm hạ đời mình cho con chiên ấy.”

Được hỏi nếu ngài tin vào một trong số những dấu chỉ xác tín tiêu chuẩn của Địa vị Giáo Hoàng có thể nằm trong sự sáng suốt thuộc niềm tin của Đức Thánh Cha không, Tổng Giám mục trả lời:

“Tôi nghĩ đó là một phẩm chất gấp đôi, tôi đã được đặc ân gặp Ngài hơn vài năm cách đây … và tôi nghĩ ai đó diễn tả điều ấy một cách tuyệt vời khi họ nói: ‘Ngài bình ổn trong đức tin của Ngài và trong thần học của Ngài.’ Bất cứ điều gì đi chăng nữa vấn đề ấy đối với Ngài không bao giờ sợ hãi nơi mà một cuộc thảo luận có thể dẫn đến … có rất nhiều cảm giác của Đức Hồng y Newman tất nhiên người mà được Đức Thánh Cha ban phép lành. Tôi thiết nghĩ cảm xúc về bài viết của Đức Hồng y Newman đó là bất cứ khi nào mà bạn đấu tranh với một nghi vấn trước sự tận cùng, cuối cùng bạn sẽ không thấy bóng tối. Bạn vẫn có thể ý thức được một cuộc hành trình phía trước mà vẫn có ánh sáng y như như trong dòng chữ bất hủ của Ngài: ‘Hãy dẫn dắt ân cần ánh sáng, Người hãy lôi cuốn con …’ tôi nghĩ đó là tâm linh.”
 
ĐTC: Bị bách hại nhưng vẫn luôn cầu nguyện, sống hiệp nhất và can đảm loan báo Lời Chúa
Linh Tiến Khải
11:16 18/04/2012
Điều Giáo Hội xin trong lời cầu nguyện dâng lên Thiên Chúa không phải là lời xin được bảo vệ, được tha khỏi bị thử thách, khổ đau. Nó không phải là lời cầu được thành công, mà chỉ là lời cầu xin có thể loan báo Lời Chúa với lòng thẳng thắn, với sự tự do và với lòng can đảm (x. Cv 4,29).

Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã nói như trên với hơn 50.000 tín hữu và du khánh hàng hương năm châu tham dự buổi gặp gỡ chung tại quảng trường thánh Phêrô sáng thứ tư 18-4-2012. Bên cạnh các đoàn hành hương bắc Mỹ và Âu châu, cũng có nhiều đoàn hành hương đến từ các nước Á châu như Indonesia, Thái Lan, Sri Lanka và một phái đoàn 31 người đến từ Việt Nam do bốn cha dòng Đa Minh hướng dẫn. Từ Phi châu có phái đoàn Nam Phi, trong khi từ châu Mỹ Latinh có phái đoàn các nước Mêhicô, Argentina, Perù và Brasil.

Trong bài huấn dụ Đức Thánh Cha đã tiếp tục trình bầy giáo lý về lời cầu nguyện trong Thánh Kinh Tân Ước. Trong sách Công Vụ thánh sử Luca thuật lại sự kiện đoàn Tông Đồ đã cùng Đức Maria tụ họp nhau trong Nhà Tiệc Ly cầu nguyện chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống không phải là một biến cố lẻ loi, bởi vì sự hiện diện và hoạt động của Chúa Thánh Thần liên tục hướng dẫn và linh hoạt con đường của cộng đoàn kitô. Nhưng ngoài biến cố lớn lao này, thánh sử Luca còn kể lại các lần ùa nhập ngoại thường khác của Chúa Thánh Thần. Một trong những lần đó là ”lễ Ngũ Tuần nhỏ” xảy ra trong một giai đoạn khó khăn tột đỉnh của cuộc sống Giáo Hội khai sinh. Chương 3 sách Công Vụ kể lại vụ hai Tông Đồ Phêrô và Gioan cho một người què đi được nhân danh Chúa Giêsu Kitô (Cv 3,1-10), khiến hai vị bị bắt vì đã loan báo sự Phục Sinh của Chúa cho toàn dân (Cv 3,11-26). Sau một vụ xử nhanh chóng, các vị được trả tự do, ra về, kể lại cho các anh chị em khác biết những gì đã phải chịu vì làm chứng cho Chúa Giêsu Phục Sinh. Thánh Luca ghi lại lời cầu nguyện dài nhất của Giáo hội trong Tân Ước và kết thúc như sau: ”Họ cầu nguyện xong, thì nơi họ họp nhau rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31). Đức Thánh Cha ghi nhận thái độ nền tảng quan trọng của tín hữu Giáo Hội thời khai sinh như sau:

Đứng trước hiểm nguy, khó khăn, đe dọa, cộng đoàn kitô tiên khởi không tìm phân tích xem phải phản ứng thế nào, tìm các chiến thuật, tự vệ làm sao, dùng các biện pháp nào, nhưng cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa trước cơn thử thách.

Lời cầu nguyện ấy có đặc thái là sự hiệp nhất và đồng tâm của toàn cộng đoàn, đang đương đầu với tình trạng bị bách hại vì Chúa Giêsu. Thánh Luca dùng từ ”homothumadon - tất cả cùng nhau” ”đồng tâm” để nêu bật lời cầu nguyện kiên trì và đồng tâm ấy (x. Cv 1,14; 2,46). Sự đồng tâm này là yếu tố nền tảng của cộng đoàn kitô tiên khởi, và phải luôn luôn là yếu tố nền tảng đối với Giáo Hội. Như thế, nó không phải chỉ là lời cầu nguyện của Phêrô và Gioan đang gặp nguy nan, mà là của toàn cộng đoàn, bởi vì những gì hai Tông Đồ sống không chỉ liên quan tới các vị, mà liên quan tới toàn thể Giáo Hội. Trước các bách hại phải chịu vì Chúa Giêsu, cộng đoàn không những không sợ hãi và không chia rẽ, mà còn hiệp nhất sâu xa trong lời cầu nguyện, như là một người duy nhất, để khẩn nài Chúa. Có thể nói đó là điềm lạ đầu tiên xảy ra khi các tín hữu bị thử thách vì lòng tin: sự hiệp nhất được củng cố, thay vì bị thương tổn, bởi vì nó được nâng đỡ bởi một lời cầu nguyện không thể lay chuyển nổi. Giáo Hội không được sợ hãi sự bách hại phải chịu trong lịch sử, nhưng, như Chúa Giêsu trong vườn Giệtsêmani, luôn luôn tin tưởng nơi sự hiện diện, sự trợ giúp và sức mạch của Thiên Chúa được khẩn nài trong lời cầu nguyện.

Tiếp tục bài huấn dụ Đức Thánh Cha nói: Cộng đoàn kitô xin gì nơi Thiên Chúa trong lúc bị thử thách này? Họ không xin bằng an cho sự sống trước bách hại, cũng không xin Chúa đánh trả lại những người đã bỏ tù Phêrô và Gioan; mà chỉ xin được ”loan báo Lời Chúa với tất cả sự thẳng thắn” (x. Cv 4,29), nghĩa là cầu xin đừng mất đi sự can đảm của đức tin, can đảm loan báo đức tin.... Tuy nhiên, trước hết cộng đoàn kitô tìm đọc các biến cố dưới ánh sáng đức tin qua Lời Chúa giúp hiểu được thực tại của thế giới. Cộng đoàn khởi hành bằng việc nhớ lại và khẩn cầu sự cao cả vô biên của Thiên Chúa, khẩn cầu Đấng Tạo Hóa, vì biết rằng mọi sự đến từ Người và mọi sự ở trong tay Người. Tiếp đến là nhìn nhận những gì Chúa đã làm trong lịch sử là luôn luôn gần gũi dân Người, lo lắng cho họ và không bỏ rơi các thụ tạo.

Tới đây thì thánh vịnh 2 được trích dẫn và đọc trong hoàn cảnh khó khăn mà Giáo Hội đang sống lúc đó. Đây là thánh vịnh cử hành việc đăng quang của vua Giuđa, nhưng quy chiếu về biến cố Đấng Cứu Thế đến, mà không gì, không sự nổi loạn, bách hại, đàn áp nào của con người có thể chống lại được: ”Sao chư dân lại ồn ào náo động? Sao vạn quốc dám bầy kế viễn vông? Vua chúa trần gian cùng nổi dậy, vương hầu khanh tướng lập mưu đồ chống lại Đức Chúa, chống lại Đấng Người đã xức dầu phong vương” (Cv 4,25). Chính khi đọc Thánh Kinh là Lời Chúa, cộng đoàn có thể nói với Chúa trong lời cầu nguyện của mình: ”Đúng thế, trong thành này... họ đã cùng nhau toa rập chống lại tôi tớ thánh của Ngài là Đức Giêsu, Đấng Ngài đã xức dầu, để thực hiện tất cả những gì quyền năng và ý muốn của Ngài đã định trước” (Cv 4,27). Điều đã xảy ra được đọc dưới ánh sáng của Chúa Kitô, là chìa khóa giúp hiểu biết cả sự bách hại nữa. Thập Giá luôn luôn là chìa khóa cho sự Phục Sinh... Và ở đây người ta cũng tìm thấy ý nghĩa kinh nghiệm bách hại, mà cộng đoàn kitô tiên khởi đang sống. Cộng đoàn đầu tiên này không phải là một hiệp hội đơn thuần, mà là một cộng đoàn sống trong Chúa Kitô. Vì thế điều xảy ra cho cộng đoàn là phần chương trình của Thiên Chúa. Cũng như Chúa Giêsu các môn đệ cũng găp chống đối, hiểu lầm và bách hại. Và Đức Thánh Cha giải thích điểm này như sau:

Chính vì thế lời xin mà cộng đoàn kitô Giêrusalem thưa lên với Chúa trong lời cầu không phải là lời xin được bảo vệ, được tha khỏi bị thử thách, khổ đau. Nó không phải là lời cầu được thành công, mà chỉ là lời cầu xin có thể loan báo Lời Chúa với lòng thẳng thắn, với sự tự do và với lòng can đảm (x. Cv 4,29).

Rồi cộng đoàn xin cho việc loan báo đó được bàn tay Thiên Chúa đi kèm để cho các vụ khỏi bệnh, các dấu chỉ và điềm thiêng được thực hiện (x.Cv 4,30), nghĩa là lòng lành của Thiên Chúa được hữu hình như sức mạnh biến đổi thực tại, hoán cải tâm trí, cuộc sống con người và đem đến sự mới mẻ triệt để của Tin Mừng.

Đức Thánh Cha nói thêm trong bài huấn dụ: sau cùng Thánh Luca ghi nhận ”nơi họ họp nhau cầu nguyện rung chuyển; ai nấy đều được tràn đầy Thánh Thần và bắt đầu mạnh dạn nói lời Thiên Chúa” (Cv 4,31). Nơi đó rung chuyển nghĩa là đức tin có sức mạnh biến đổi trái đất và thế giới. Cùng Thần Khí đã nói qua Thánh vịnh 2 trong lời cầu nguyện của Giáo Hội ùa nhập vào trong nhà, và tràn đầy con tim của tất cả những người đã khẩn cầu Chúa. Đó là hoa trái của lời cầu nguyện chung, mà cộng đoàn kitô dâng lên Thiên Chúa: việc đổ Thần Khí xuống, ơn của Chúa Phục Sinh Đấng hỗ trợ và hướng dần việc tự do can đảm loan báo Lời Chúa, thúc đẩy các môn đệ Chúa ra đi mà không sợ hãi đem Tin Vui đến tận cùng thế giới.

Đức Thánh Cha kết thúc bài huấn dụ như sau: Anh chị em thân mến chúng ta cũng phải đem các biến cố của cuộc sống thường ngày vào trong lời cầu nguyện của chúng ta để tìm ý nghĩa sâu thẳm của chúng. Như cộng đoàn kitô tiên khởi, chúng ta cũng phải để cho mình được soi sáng bởi Lời Chúa.

Qua việc suy niệm Thánh Kinh, chúng ta có thể học nhìn thấy Thiên Chúa hiện diện trong cuộc sống, cả trong những lúc khó khăn, và tất cả, kể cả những điều không thể hiểu được, đều là phần của một chương trình tình yêu cao siêu hơn, trong đó chiến thắng cuối cùng trên sự dữ, tội lỗi và cái chết thực sự là chiến thắng của sự thiện, của ơn thánh, của cuộc sống của Thiên Chúa.

Cũng như cộng đoàn kitô tiên khởi, ước chi lời cầu nguyện giúp chúng ta đọc lịch sử cá nhân và lịch sử tập thể trong viễn tượng đúng đắn và trung thành hơn, trong viễn tượng của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng muốn canh tân lời cầu xin ơn Thánh Thần, Đấng sưởi ấm con tim và soi sáng trí tuệ để nhận ra Chúa thực hiện các lời khẩn cầu của chúng ta như thế nào, theo ý muốn yêu thương của Người, chứ không theo các tư tưởng của chúng ta.

Trước khi cất kinh Lậy Cha và ban phép lãnh tòa thánh cho mọi người, Đức Thán Cha đã chào các tín hữu bằng nhiều thứ tiếng khác nhau và chúc tất cả những ngày hành hương Roma sốt sắng và bổ ích.
 
ĐTC: Cầu Nguyện để vượt qua những thử thách với lòng can đảm
Phaolô Phạm Xuân Khôi
19:45 18/04/2012
“Chúng ta phải biết đem các biến cố của cuộc sống hàng ngày của mình vào trong lời cầu nguyện, để tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn của chúng,” nhờ đó, ”chúng ta sẽ có thể sống với lòng thanh thản, can đảm, và niềm vui trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời.”

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý thứ 30 về cầu nguyện của ĐTC Bênêđictô XVI ban hành trong buổi triều yết chung ngày Thứ Tư 18 tháng 4 năm 2012 tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Lần này ĐTC nói về lời cầu nguyện của Cộng Đồng Kitô hữu tiên khởi trong Sách Tông Đồ Công Vụ sau khi Thánh Phêrô và Gioan bị bắt và được trả tự do vì rao giảng Đức Kitô Phục Sinh.

* * * * *


Anh chị em thân mến,

Sau những ngày Đại Lễ, giờ đây chúng ta trở lại với bài giáo lý về cầu nguyện. Trong buổi triều yết trước Tuần Thánh, chúng ta đã ngừng lại ở hình ảnh Đức Trinh Nữ Maria, hiện diện giữa các tông đồ trong cầu nguyện lúc mong chờ Chúa Thánh Thần ngự đến. Một bầu khí cầu nguyện đi kèm theo những bước đầu tiên của Hội Thánh. Lễ Hiện Xuống không phải là một biến cố cô lập, vì sự hiện diện và hành động của Chúa Thánh Thần hướng dẫn và làm sinh động một cách liên tục con đường của cộng đồng Kitô hữu. Thực ra, trong sách Tông Đồ Công Vụ, Thánh Luca, không những chỉ nói về việc hiện xuống cả thể của Chúa Thánh Thần xảy ra trong Nhà Tiệc Ly năm mươi ngày sau lễ Vượt Qua (x. Cv 2:1-13), mà còn tường thuật về những cuộc hiện xuống đặc biệt khác của Chúa Thánh Thần, là Đấng trở lại trong lịch sử của Hội Thánh. Và hôm nay tôi muốn ngừng lại ở điều đã được gọi là “Lễ Hiện Xuống nhỏ”, xảy ra ở sau một giai đoạn khó khăn trong đời sống Hội Thánh thời sơ khai.

Sách Tông Đồ Công Vụ cho chúng ta biết rằng, sau khi chữa lành một người bất toại ở Đền Thờ Giêrusalem (x. Cv 3:1-10), Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã bị bắt (Cv 4.1) vì công bố việc Phục Sinh của Chúa Giêsu cho toàn thể dân chúng (x. Cv 3,11-26). Sau một phiên tòa ngắn, các ngài đã được trả tự do, các ngài đến cùng các anh em mình và cho họ biết hai ngài đã phải chịu đau khổ vì làm chứng về việc Phục Sinh của Chúa Giêsu như thế nào. Vào lúc ấy, Thánh Luca kể, “họ cùng nhau một lòng dâng lời lên cùng Thiên Chúa” (Cv 4,24). Ở đây Thánh Luca ghi lại lời cầu nguyện rất phong phú của Hội Thánh mà chúng ta tìm thấy trong Tân Ước, ở cuối lời cầu nguyện đó, như chúng ta đã được nghe, “nơi mà họ đã đang tụ họp cùng nhau bị rung chuyển, và tất cả đều được đầy Thánh Thần, cùng mạnh dạn công bố Lời Chúa” ( Cv 4:31).

Trước khi xét đến lời cầu nguyện xinh đẹp này, chúng ta ghi nhận một thái độ quan trọng căn bản: trước sự nguy hiểm, khó khăn, đe dọa, các Kitô hữu của cộng đồng tiên khởi không cố gắng phân tích xem phải phản ứng ra sao, tìm các chiến thuật nào, phải tự bảo vệ hay dùng biện pháp nào, nhưng trước thử thách họ bắt đầu trong cầu nguyện, tiếp xúc với Thiên Chúa.

Và lời cầu nguyện này có đặc tính gì? Đây là một lời cầu nguyện thống nhất và đồng tâm nhất trí của toàn thể cộng đồng, phải đối diện với một hoàn cảnh bị bách hại vì Chúa Giêsu.

Trong bản Hy Lạp nguyên thủy, Thánh Luca sử dụng từ “homothumadon” - “tất cả cùng nhau”, “đồng tâm nhất trí” - một thuật ngữ xuất hiện trong các phần khác của Sách Tông Đồ Công Vụ để nhấn mạnh về lời cầu nguyện kiên trì và thống nhất này (x. Cv 1:14, 2:46). Sự đồng tâm nhất trí này là yếu tố quan trọng của cộng đồng tiên khởi và luôn luôn là điều căn bản của Hội Thánh. Khi ấy, nó không những chỉ là lời cầu nguyện của Thánh Phêrô và Thánh Gioan, là những vị đã thấy mình gặp nguy hiểm, nhưng của cả cộng đồng, vì kinh nghiệm của hai Tông Đồ không chỉ lien quan đến các ngài, nhưng đến toàn thể Hội Thánh. Đối diện với cuộc bách hại vì Chúa Giêsu, cộng đồng không những không sợ hãi và không bị phân chia, nhưng hiệp nhất một cách sâu xa trong cầu nguyện, họ hành động như một người để kêu cầu cùng Chúa. Tôi có thể nói rằng đây là phép lạ đầu tiên xảy ra khi các tín hữu bị thử thách vì đức tin của mình: sự hiệp nhất được tăng cường, thay vì bị tổn thương, bởi vì được hỗ trợ bằng việc kiên tâm cầu nguyện. Hội Thánh không cần phải sợ sự bách hại là điều cần phải trải qua trong lịch sử của mình, nhưng luôn luôn tín thác, như Chúa Giêsu trong vườn Cây Dầu, trong sự hiện diện, sự giúp đỡ và quyền năng của Thiên Chúa, được cầu khẩn trong cầu nguyện.

Hãy đi một bước nữa: cộng đồng Kitô hữu xin Thiên Chúa điều gì trong lúc thử thách này? Họ không xin Ngài sự an toàn của đời sống trước cơn bách hại, hoặc xin Chúa trả thù những kẻ đã bắt giữ Thánh Phêrô và Thánh Gioan, nhưng chỉ xin Ngài cho phép họ “rao giảng với hết lòng can trường” Lời Chúa (x. Cv 4:29), có nghĩa là xin Ngài vui lòng đừng để họ mất long can đảm về đức tin, lòng can đảm tuyên xưng đức tin. Nhưng trước đó, họ tìm cách hiểu sâu xa hơn những gì đã xảy ra, cố gắng đọc các biến cố theo ánh sáng đức tin và làm cho nó thành của riêng mình qua Lời Chúa, là điều làm cho chúng ta giải đoán được thực tại của thế giới.

Trong lời cầu nguyện dâng lên Chúa từ cộng đồng để nhớ lại và cầu khẩn sự cao cả và bao la của Thiên Chúa: “Lạy Chúa, là Ðấng tạo thành trời đất, biển khơi và muôn loài trong đó” (Cv 4:24). Đây là lời cầu khẩn Đấng Tạo Hóa, chúng ta biết rằng tất cả mọi sự đều đến từ Ngài, rằng tất cả mọi sự đều ở trong tay Ngài. Chính trong ý thức này mà chúng ta tìm thấy sự chắc chắn và lòng can đảm: tất cả mọi sự đều đến từ Ngài, tất cả mọi sự đều ở trong tay Ngài. Sau đó, họ nhận ra Thiên Chúa đã hành động trong lịch sử thế nào – cho nên họ bắt đầu với việc tạo dựng và tiếp tục trong lịch sử - Ngài đã gần gũi với dân Ngài thế nào để tỏ mình là một Thiên Chúa quan tâm đến loài người, không nghỉ ngơi và không bỏ rơi con người, tạo vật của Ngài. Và ở đây họ nhắc đến Thánh Vịnh 2 một cách rõ ràng, được đọc trong ánh sáng của hoàn cảnh khó khăn mà Hội Thánh đang sốngvào thời điểm ấy. Thánh Vịnh 2 mừng lễ đăng quang của vua nước Giuđa, nhưng nó được đề cập đến một cách tiên tri, về việc Đấng Thiên Sai đến, mà không cuộc nổi loạn, bách hại, hay ngược đãi nào của loài người có thể làm được gì để chống lại Người: “Tại sao Dân Ngoại lại nổi giận, và dân chúng bày chuyện viển vông? Vua chúa thế gian cùng đứng lên và các lãnh chúa đều hợp lại, chống lại Chúa và Ðấng Được Xức Dầu của Ngài.” (Cv 4,25). Thánh Vịnh đã nói về điều này, một cách tiên tri, về đề tài Đấng Cứu Thế và cuộc nổi loạn ấy chống lại quyền năng cao cả của Thiên Chúa, là điều đặc trưng trong suốt lịch sử. Chỉ bằng cách đọc Thánh Kinh, là Lời Chúa, cộng đồng có thể thưa cùng Thiên Chúa trong kinh nguyện của mình: “Vì thật sự chúng đã kết hợp trong thành này để chống lại Thánh Tớ của Ngài, Chúa Giêsu, là Ðấng Ngài đã xức dầu,… để thực hiện tất cả những gì mà trong quyền năng và sự khôn ngoan của Ngài, Ngài đã tiền định phải xảy ra” (Cv 4,27). Các biến cố được đọc trong ánh sáng của Đức Kitô, Đấng là chìa khóa để hiểu ngay cả việc bách hại, và trong ánh sáng của Thánh Giá, điều luôn là chìa khóa để hiểu biến cố Phục Sinh. Việc chống lại Chúa Giêsu, Cuộc Khổ Nạn và Cái Chết của Người, được đọc lại qua Thánh Vịnh 2, như việc thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa Cha để cứu độ thế gian. Và đây là ý nghĩa của kinh nghiệm về cuộc bách hại mà cộng đồng Kitô hữu tiên khởi đã trải qua. Cộng đống tiên khởi này khôngđơn thuần chỉ là một hội đoàn, nhưng một cộng đồng sống trong Đức Kitô. Điều xảy ra cho Người là một phần của kế hoạch của Thiên Chúa. Như đã điều ấy xảy ra cho Chúa Giêsu thế nào, thì các môn đệ cũng gặp phải sự chống đối, hiểu lầm và bách hại như thế. Trong cầu nguyện, việc suy niệm về Thánh Kinh theo ánh sáng của mầu nhiệm Đức Kitô, giúp chúng ta đọc thực trạng hiên nay trong lịch sử cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện trong thế gian, luôn luôn theo cách của Ngài.

Đó chính là lý do tại sao lời cầu xin mà cộng đồng Kitô hữu tiên khởi ở Giêrusalem đã công thức hóa để thưa cùng Thiên Chúa khi cầu nguyện không phải là xin được bảo vệ, được thoát khỏi cơn thử thách và đau khổ, đó cũng không phải cầu xin cho thành công, nhưng chỉ để công bố Lời Chúa cách “parrhesia”, nghĩa là, thẳng thắn, với sự tự do, với lòng can đảm (x. Cv 4:29).

Rồi họ xin thêm rằng việc công bố này được kèm theo bởi bàn tay Thiên Chúa, là bàn tay thực hiện các việc chữa lành, các dấu lạ và các việc kỳ diệu (Cv 4:30), nghĩa là để cho người ta thấy sự tốt lành của Thiên Chúa, như một động lực có thể biến đổi thực tại, thay đổi tâm hồn, trí khôn, cuộc sống con người và mang lại sự mới mẻ hoàn toàn của Tin Mừng.

Ở cuối lời cầu nguyện - Thánh Luca viết – “nơi họ tụ họp bị rung chuyển, và tất cả đều được đầy Chúa Thánh Thần, và mạnh dạn công bố Lời Thiên Chúa” (Cv 4:31); nơi ấy bị rung chuyển, có nghĩa là đức tin có sức mạnh biến đổi trái đất và thế giới. Chúa Thánh Thần, Đấng đã nói qua Thánh Vịnh 2, trong lời cầu nguyện của Hội Thánh, đã tràn vào nhà và đổ đầy tâm hồn tất cả những ai kêu cầu Chúa. Đó là kết quả của lời cầu nguyện tình mà cộng đồng Kitô hữu dâng lên Thiên Chúa: sự tuôn đổ Thánh Thần, hồng ân của Đấng Phục Sinh, là Đấng đã nâng đỡ và hướng dẫn việc công bố cách tự do và can đảm Lời của Thiên Chúa, là Đấng thúc đẩy các môn đệ của Chúa đi ra đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất mà không sợ hãi.

Anh chị em thân mến, chúng ta cũng thế, chúng ta phải biết đem các biến cố của cuộc sống hàng ngày của mình vào trong lời cầu nguyện, để tìm kiếm ý nghĩa sâu xa hơn của chúng. Và như cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, chúng ta cũng để cho mình được Lời Chúa soi sáng. Qua việc suy niệm Thánh Kinh, chúng ta có thể học để thấy rằng Thiên Chúa đang hiện diện trong cuộc đời của mình, và cũng hiện diện trong những lúc khó khăn, và rằng tất cả mọi sự - kể cả những điều không thể hiểu được - là một phần của một kế hoạch yêu thương cao cả hơn, trong đó chiến thắng cuối cùng trên sự dữ, tội lỗi và cái chết thật sự là lòng nhân lành, ân sủng và sự sống của Thiên Chúa.

Cũng như cộng đồng Kitô hữu tiên khởi, việc cầu nguyện giúp chúng ta đọc lịch sử cá nhân và tập thể của chúng ta trong một viễn cảnh công bằng hơn và trung tín hơn, là viễn cảnh của Thiên Chúa. Và chúng ta cũng muốn đổi mới lời cầu nguyên của mình bằng cách cầu xin hồng ân Chúa Thánh Thần, để hồng ân này sưởi ấm lòng chúng ta cùng soi sáng tâm trí chúng ta để nhận ra Thiên Chúa đáp lại lời cầu xin của chúng ta theo ý muốn yêu thương của Ngài như thế nào, chứ không theo ý tưởng của chúng ta. Được dẫn dắt bởi Thần Khí của Đức Chúa Giêsu Kitô, chúng ta sẽ có thể sống với lòng thanh thản, can đảm, và niềm vui trong tất cả mọi hoàn cảnh của cuộc đời, và chúng ta có thể cùng với Thánh Phaolô khoe khoang rằng: “những gian khổ, khi biết rõ rằng gian khổ tạo ra kiên nhẫn, và kiên nhẫn đưa đến chịu đựng, và chịu đựng đưa đến hy vọng”: Hy vọng này “không làm chúng ta thất vọng, vì tình yêu của Thiên Chúa đã được đổ vào tâm hồn chúng ta, qua Chúa Thánh Thần mà Ngài đã ban cho chúng ta” (Rm 5:3-5). Cảm ơn anh chị em.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ

http://giaoly.org/vn
 
Mừng 7 năm ngày Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI kế vị ngai toà Thánh Phêrô
Gioan Lê Quang Vinh
21:37 18/04/2012
Sau khi Đức Chân Phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II được Chúa gọi về, vị Hồng Y Niên trưởng của Hồng Y đoàn của giáo triều Rôma được bầu làm Giáo Hoàng thứ 265 của Hội Thánh Công Giáo. Đó là Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, người Đức, 78 tuổi. Ngài lấy tông hiệu Benedicto XVI. Lúc đó là 18 giờ 4 phút giờ Rôma ngày 19 tháng 4 năm 2005.

Bày năm đã đi qua kể từ ngày Đức Benedicto đăng quang trên ngai toà Thánh Phêrô. Bảy năm ấy, vị Giáo hoàng “tôi tớ đơn sơ và khiêm nhường của Thiên Chúa” như lời đầu tiên Ngài tuyên bố, đã cai trị Hội Thánh trong thời kỳ nhiều thử thách về mọi mặt và nhiều biến động của một thế giới đa chiều.

Bảy năm là một thời gian đẹp. Con số 7 là con số hoàn hảo trong Kinh Thánh, từ công trình sáng tạo bảy ngày trong sách Sáng thế, bảy ơn Chúa Thánh Thần trong sách Isaia cho đến lời tung hô bảy đặc tính của Thiên Chúa trong cuốn sách cuối cùng của Kinh Thánh, sách Khải Huyền (7, 12).

Vì thế, trong ngày kỷ niệm bảy năm trên ngai toà Phêrô của người Cha chung, có lẽ chúng ta nên nhìn vào Giáo Hội là Mẹ của mình để ca tụng quyền năng của Chúa Kitô là Đầu Nhiệm thể Giáo Hội và là Đấng đã thực hiện công trình Cứu chuộc nhiệm mầu và hoàn hảo.

Trong thời gian có nhiều dịp nhớ đến Đức Thánh Cha với các chuyến tông du, với sinh nhật của Ngài, rồi ngày kỷ niệm..., dân Chúa nhớ hoặc hát lên bài hát “Này Con là Đá”, trong đó có câu “trên viên Đá này Ta xây Giáo Hội muôn đời kiên trung”. Có người cho rằng nguyên bản là “Giáo Hội muôn đời vinh quang”, nhưng có những lúc Giáo Hội không vinh quang trên trần thế này, cho nên hát Giáo Hội muôn đời kiên trung thì đúng hơn.

Thật ra nói Giáo Hội muôn đời vinh quang là hoàn toàn chính xác. Khi Chúa Giêsu trao quyền cai quản Hội Thánh cho Phêrô, Người không hứa hẹn danh vọng và quyền lực của thế gian, điều mà chính Người đã từ chối khi đi vào thế gian này. “Này Phêrô, con là Đá, trên viên Đá này Thầy sẽ xây dựng Hội Thánh của Thầy. Dù quyền lực hoả ngục cũng không làm gì được”.

Vinh quang của Hội Thánh chính là được cùng chia sẻ những thống khổ và cuộc Tử Nạn hồng phúc của Đấng Phu Quân chí Thánh. Thánh Phaolô đã xác nhận: “Vinh quang của ta là Thánh Giá Đức Kytô’. Và vinh quang thật sự của Hội Thánh sẽ tỏ hiện huy hoàng trong ngày Cánh chung.

Đức Thánh Cha là vị Đại diện Chúa Kitô và cũng là biểu tượng của Hội Thánh. Chắc chắn vinh quang của triều đại Ngài cũng không đi ra ngoài quỹ đạo của con đường lên Golgotha. Mặc dù Chúa ban cho Hội Thánh một khu đất nhỏ với diện tích chưa đầy nửa cây số vuông trên một ngọn đồi để lập quốc gia cho dễ hoạt động ở trần gian, và mặc dù Chúa cũng ban uy tín cũng như danh dự để vị Đại diện Người cùng đồng hành với thế giới con người. Nhưng bản chất của con đường Cứu rỗi vẫn là thập giá hy tế.

Do đó, những đau khổ và những bách hại dưới nhiều hình thức mà Đức Thánh Cha phải gánh chịu trong suốt 7 năm triều đại Ngài là dấu chỉ của một niềm hy vọng kiên trung vào lời Đức Kytô quả quyết: “Thầy đã thắng thế gian”.

Trong một xã hội mà cái đẹp và cái tốt bị che mờ đi quá nhiều, con người thường bị cám dỗ đi tìm ẩn náu nơi các phù hoa. Họ tìm đến những màu cờ sắc áo xa lạ với lý tưởng Kitô giáo. Cứ nhìn những trang Facebook hay những blog của người trẻ thời đại này sẽ thấy được điều ấy. Chọn cho mình một avatar là biểu hiện của các thế lực chống đối Thiên Chúa chẳng hạn, có khi chỉ là vô tình, nhưng cũng có thể cho thế gian thấy là người ta gián tiếp biểu lộ sự nghi ngờ vinh quang của Hội Thánh.

Hai ngàn năm đã đi qua. Bao vương triều dù vững mạnh cũng đã sụp đổ. Chưa có thể chế trần gian hay vương triều đất nước nào tồn tại 2000 năm và chưa có quyền bính nào truyền liên tục đến 265 đời như ngai toà Thánh Phêrô. Lời Tả quân Lê văn Duyệt nhắc nhở vua Minh Mạng ngày trước hẳn nhiều người còn nhớ: “Tây Sơn chém giết người Công giáo, Tây sơn mất ngôi. Vua xứ Pégou (Miến điện) vừa đuổi các linh mục ra khỏi nước, liền bị xô khỏi ngai vàng”. Và Tả quân còn nói rằng bao lâu ông còn sống, nhà vua không được cấm Đạo.

Thiên Chúa luôn ra tay bênh đỡ dân Ngài “cho khỏi tay lũ ác nhân hãm hại, thoát bọn tử thù tứ phía bủa vây” (TV.17,9), nhưng cách Ngài hành động không phải bao giờ cũng giống nhau. Ngài muốn dân Ngài phải tin tưởng, dù đi qua thung lũng tối tăm cũng không sợ hãi (x.TV.23), và không bám vào các quyền lực khác để mong có chỗ đứng an thân.

Mừng 7 năm người Cha chung trên ngai toà Phêrô cũng là mừng vì những năm tháng biến động đã không “làm chuyển rung” Hội Thánh Chúa. Dù hôm nay người ta lên án Giáo Hội, người ta đe doạ người tin Chúa, người ta hành hung các mục tử, nhưng sự vững vàng của triều đại Thiên Chúa là dấu chỉ củng cố đức tin cho mỗi người chúng ta.

Xin cùng tạ ơn Chúa và cầu nguyện cho Đức Thánh Cha. Xin cùng cầu nguyện cho Giáo Hội hoàn vũ và cách riêng Giáo Hội Việt Nam. Xin cho những thử thách, bách hại chóng qua đi, xin cho người tín hữu chỉ theo Chúa, không quay nhìn những biểu tượng khác để xa lìa Giáo Hội, và xin cho những ai đã quay lưng với Giáo Hội, bắt tay với quyền lực để làm công cụ chống phá Giáo Hội, được quay về cùng một mối, “để nên một đàn chiên có một chủ chăn”.

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Hội Thánh, xin Mẹ gìn giữ Đức Thánh Cha của chúng con, Đấng mà “Chúa đã lập với Người một giao ước bình an, để Người đứng đầu coi sóc thánh điện, lãnh đạo dân, và ban cho Người chức tư tế cao cả tồn tại đến muôn đời” (Hc. 45, 24)

 
Top Stories
L’archevêché de Hanoi réclame une enquête sur les violences qui ont conduit à la destruction d'un futur orphelinat et l'agression d'unprêtre
Eglises d'Asie
08:40 18/04/2012
Eglises d'Asie, 17 avril 2012 - Très tôt dans la matinée du 14avril, dans une paroisse du diocèse de Hanoi, une troupe d'individus d'origineinconnue a détruit un établissement destiné à accueillir des orphelins. Leprêtre responsable de cet établissement a été sauvagement frappé, a perduconnaissance et a été transporté à l'hôpital. Dès le lendemain 15 avril, a étépublié un communiqué signé du chancelier de l'archevêché de Hanoi. On y trouvele récit des faits et de « l'agressionbrutale» perpétrée contre le prêtre par un groupe d'individus qualifiés de « voyous ». Pour le récit des faits,nous suivons de près ce communiqué mis en ligne sur le site de l'archidiocèsede Hanoi (1).

Le P. Nguyen Van Binh, curé dela paroisse de Yên Kiên avait acheté un terrain de 500 m², situé sur leterritoire d'une autre paroisse, Go Cao (dans le district de Chuong Mydépendant de la ville de Hanoi). Il y avait fait construire une maison avecl'intention d'y accueillir de jeunes orphelins de la région.

À 9 heures du matin, le 14avril 2012, on vint l'avertir que la maison avait été démolie très tôt dans lamatinée. Il se rendit alors sur les lieux. Sur place, il a été agressé parsurprise par une bande de voyous qui l'ont frappé sauvagement et laissé inanimésur le sol. Le communiqué de l'archevêché précise qu'il s'agit là du récitrapporté par la victime elle-même. A la suite de son agression, le père Binh souffredu tympan, d'écoulement de sang à l'intérieur des oreilles, d'ecchymoses sur levisage. Il se plaint aussi de maux de tête et de douleurs au ventre.

Grâce à l'archevêché de Hanoiet au conseil paroissial de Yên Kiên, il a pu être transporté dans des établissementshospitaliers spécialisés de la capitale où il a reçu des soins d'urgence et aété soumis à divers examens. Le prêtre est actuellement soigné à l'archevêchéde Hanoi. Son état de santé s'est quelque peu amélioré.

Selon le communiqué de l'archevêché,les coups féroces assénés sans motif par le groupe de voyous constituent uneviolation de la loi, une atteinte brutale à la dignité humaine. Cet acteinacceptable et dépourvu d'humanité a bouleversé et rempli d'indignation lesprêtres et les laïcs. Il a semé l'inquiétude et le trouble dans l'esprit desfidèles des diverses communautés catholiques de Chuong My. Telle est laconclusion du communiqué de l'archevêché.

L’'archevêque de Hanoi a envoyéune lettre à la Sécurité publique du district de Chuong My, lui demandant demener une enquête rapide et de faire toute la lumière sur cette affaire, afinque soit mis un terme à ces pratiques sauvages et que plus personne n'ensouffre désormais. La dignité humaine se doit d’être respectée, a soulignél'archevêque.

Des détails supplémentaires ontété donnés par d'autres sources qui ont offert une version des faits légèrementdifférente. Elles insistent davantage sur la présence d'agents de la Sécuritépublique aux côtés de la troupe de « voyous ». Selon l’une de ces versions, legroupe des « casseurs » serait arrivé le premier et aurait commencéla destruction de la maison. Les forces de la Sécurité publique auraient suiviun peu plus tard et étaient présentes au moment où le prêtre est arrivé sur leslieux et a été agressé. Des forces de police avaient été placées également autourdes lieux où se sont déroulés les faits. On rapporte aussi que la police estintervenue auprès du personnel de l'hôpital, pour empêcher que les brutalitéscommises sur le prêtre soient révélées.

Le projet et la construction del'orphelinat était placés sous la responsabilité d'une association caritativelocale nommée « famille agadè ». Selon un témoin, une femme et deux enfantsétaient présents dans le bâtiment au moment des faits.

(1) Lecommuniqué a paru le 15 avril à l'adresse suivante : http://tgphanoi.org/
(2) le 14avril, quelques heures après les faits, une première dépêche a été mise enligne sur le site des rédemptoristes. Elle a été ensuite reprise parVietcatholic. News à l'adresse suivante : http://vietcatholic.net/News/Html/97205.htm.Le même site a mis en ligne un peu plus tard une seconde dépêche sur cetteaffaire : http://vietcatholic.net/News/Html/97205.htm

(Source: Eglises d'Asie, 17 avril 2012)
 
Pope: the Church should not fear persecution, because she trusts in God’s help
AsiaNews
08:35 18/04/2012
Benedict XVI returns to devote general audience catechism to prayer. The first Christian community, persecuted, unites in prayer and does not ask God to ensure their safety, but the courage of faith. An example to follow in our personal lives, God is present in our lives, even in difficult moments, and everything, even things that are incomprehensible, is part of a plan of love.

Vatican City (AsiaNews) - The Church "should not fear persecution which forced to suffer in history", but "trust always in the presence, in the help and the power of God invoked in prayer", which should always be "in accord", as was that of the first Christian community, who, despite being persecuted", did not ask for their lives to be spared ", or for God to punish those who afflicted them, but "not to lose the courage of faith, the courage to announce".

Following the Easter holidays, Benedict XVI returned to devote his general audience catechesis to prayer, focusing today on the "little Pentecost," recounted in the Acts of the Apostles. An episode which the Pope says, also indicates the way forward in our own lives. "Like the first Christian community", we too, must allow ourselves be enlightened by the word of God, we learn to see that God is present in our lives, even in their difficult times, and that everything, even things incomprehensible, are part of a design of love.

The 25 thousand people who had come to the audience had birthday and anniversary greetings in several languages - and even in song - for the Pope's 85th birthday and the seventh anniversary, April 19, of the beginning of his pontificate. Benedict XVI asked them for prayers so that "I may persevere in my service to Christ and the Church. "

In today's catechesis, the Pope was inspired by the story of Peter and John who were imprisoned after the healing of a paralytic, because they had announced the resurrection of Jesus. Following their release they told the other apostles what had happened. And "all unanimously raised their voice to God." "In the face of danger, difficulties and threats, the first Christian community does not try to carry out an analysis or draw up strategies on how to defend themselves, on measures to be taken, rather they join in prayer. A unanimous and united prayer. This something that should always be fundamental to the Church. The community is not afraid and does not become divided. This is the first miracle that takes place when believers are tested for their faith: the unity is strengthened rather than compromised ".

At this time of trial, in fact, the Church does not seek "safety in the face of persecution, but that it may be granted to boldly proclaim the word of God, it prays not to lose the courage to proclaim the faith, but first try to read events in the light of faith", until it sees in the passion, death and resurrection of Jesus" the key to understanding persecution. "

"And here we also find the meaning of the persecution that the early Christian community is experiencing; this first community is not a simple association, but a community that lives in Christ, so what happens is part of God's plan . As it happened to Jesus, the disciples also encountered opposition, misunderstanding, persecution. In prayer, meditation on Sacred Scripture in the light of the mystery of Christ helps us to read the present reality within salvation history which God realizes in the world, always in His own way. "

At the end of the prayer of the apostles, "the place where they were gathered together was shaken, and they were all filled with the Holy Spirit. It trembled: faith has the power to transform the earth and the world."

"Like the first Christian community - Benedict XVI concluded - prayer helps us to read personal and collective history in a just perspective that is faithful to God. We too want to renew the request of the gift of the Holy Spirit, that warms the heart and enlightens the mind, to recognize how the Lord realizes our prayers according to His loving will and not according to our ideas. Led by the Spirit of Jesus Christ, we will be able to live with serenity, courage and joy in all of life's situations and with St. Paul boast in our sufferings, knowing that tribulation brings patience, patience brings tested virtue and tested virtue, hope: the hope that does not disappoint, because the love of God has been poured into our hearts through the Holy Spirit Holy that was gifted to us. "
 
Church says Vietnamese Catholic priest beaten by ‘thugs,’ would-be orphanage destroyed
AP
08:58 18/04/2012
Church says Vietnamese Catholic priest beaten by ‘thugs,’ would-be orphanage destroyed

HANOI, Vietnam — A Catholic priest in Vietnam was beaten unconscious by a group of “thugs” following the destruction of a house he intended to turn into an orphanage, the church said in a statement.

The Rev. Nguyen Van Binh had built the house on a piece of land he purchased near his church in Chuong My District outside Hanoi, the Office of the Hanoi Archdiocese said in a statement posted on its website..

It said Binh, who wanted to turn the site into an orphanage, visited the house last weekend and found it had been destroyed and was then attacked and knocked unconscious by a group of men at the site. He suffered a torn eardrum and pains in his head and stomach. He was treated at hospitals and is currently recovering at the Archdiocese.

“The unjustified brutal act of beating by the group of thugs is in violation of the laws, grossly insulting human dignity and is unacceptable,” the statement said.

It added that the Archbishop of Hanoi has asked Chuong My District police to investigate the case.

A police official, who spoke on condition of anonymity citing policy, said officers were probing the incident, but declined to give more details.

The incident has added to the uneasy relations between Hanoi and the church, which has been calling for the communist government to return church land confiscated decades ago.

Hanoi also does not have formalized relations with the Vatican and insists on having final approval on any clergy appointments. There are 6 million Roman Catholics in Vietnam, the second largest Catholic community in Southeast Asia after the Philippines

By Associated Press
 
Chine: Retour des tensions à la veille d’une nouvelle ordination épiscopale en présence d’un évêque excommunié
Eglises d'Asie
10:24 18/04/2012
Jeudi 19 avril, à 9 h 00 du matin, le P. Joseph Chen Gong’ao sera ordonné évêque du diocèse de Nanchong, dans la province du Sichuan, un siège vacant depuis 2004. Cette consécration sera reçue selon toute probabilité en présence du P. Paul Lei Shiyin, évêque illégitime de Leshan, frappé d’excommunication depuis son ordination sans mandat pontifical le 29 juin dernier.

Le P. Lei, à la tête pour le Sichuan, de l’Association patriotique des catholiques chinois (CPA), n’en est pas à son premier geste de défi à Rome. Outre sa propre ordination reçue sans autorisation du Saint-Siège, il a déjà participé, alors qu’il était frappé d’excommunication, à la consécration épiscopale du P. Luo Xuegang à Yibin en novembre dernier.

Interrogé par l’agence Ucanews sur l’éventualité de sa présence à la cérémonie d’ordination du 19 avril, le P. Lei aurait répondu : « Et pourquoi n’irais-je pas ? C’est la même question que [pour Yibin] et ma réponse est toujours la même ».

Quant au futur évêque du diocèse de Nanchong (1), le P. Joseph Chen Gong’ao qui bénéficie de l’approbation papale depuis 2002, il a été choisi comme candidat à la fonction épiscopale par l’Eglise officielle de Chine en 2010. Agé de 47 ans, le P. Chen, jouit d’une réputation de prêtre à l’apostolat actif, apprécié de sa communauté. Le siège épiscopal de Nanchong étant vacant, le P. Chen en est l’administrateur diocésain depuis plusieurs années, une fonction qu’il cumule avec le rectorat du séminaire catholique du Sichuan. Il est également membre de l’Association patriotique des catholiques chinois (CPA) dont il dirige la section de Nanchong.

De nombreux évêques dont le mandat a été approuvé par le pape devraient être présents à cette ordination qui se place d’ores et déjà comme une nouvelle démonstration de force du gouvernement chinois vis-à-vis du Saint-Siège. Selon l’agence Ucanews, une source proche du Vatican a fait part des graves conséquences qu’engendrerait la présence du P. Lei à cette cérémonie : « Cette année, il est très important qu’intervienne un véritable changement dans la politique du parti communiste chinois [envers l’Eglise]. Le P. Lei ne doit absolument pas risquer de rendre cette situation pire encore en posant des actes ouvertement en opposition à la loi de l’Eglise et aux désirs profonds des catholiques».

Par ailleurs, des informations émanant de sources locales et confirmées par l’agence Ucanews font état de la libération par les autorités le 8 avril dernier, dimanche de Pâques, de deux évêques appartenant à l’Eglise 'clandestine', Mgr Peter Shao Zhumin, évêque coadjuteur de Wenzhou dans le Zhejiang, et Mgr Peter Jing Lugang évêque coadjuteur de Nanyang dans le Henan.

Mgr Shao Zhumin était détenu depuis quatre semaines dans le diocèse de Leshan à la tête duquel se trouve le P. Lei, qui a été la seule personne autorisée à lui rendre visite. Le prétexte à son emprisonnement avait été selon les autorités, « la grande inquiétude » suscitée par sa participation à une ordination épiscopale 'clandestine' à Tianshui dans le Gansu en 2011, une démarche considérée comme un action de rébellion ouverte vis à vis de Pékin.

Mgr Peter Jing Lugang, quant à lui, a été emprisonné pour assister à des séances de « rééducation politique », du jeudi 5 avril au matin au dimanche 8 avril au soir, soit pendant toute la durée du Triduum pascal qu’il a été dans l’impossibilité de célébrer. L’évêque, dont les démêlés avec les autorités sont récurrents, est particulièrement surveillé depuis qu’en juin dernier, Mgr Zhu auparavant évêque ‘clandestin’ du diocèse de Nanyang a choisi de rejoindre le clergé officiel.

Les deux évêques auraient subi durant leur détention d’importantes pressions afin qu’ils acceptent de s’inscrire à l’Association patriotique des catholiques chinois (CPA), instance dénuée de toute légitimité au sein de l’Eglise de Chine mais courroie de transmission de la politique de Pékin sur les communautés dites 'officielles'.


Selon certaines sources ecclésiastiques, la multiplication des emprisonnement de prêtres et d’évêques n’appartenant pas au CPA pour des « sessions de travail », ainsi que la vague de consécrations épiscopales illicites, s’expliqueraient par la préparation du congrès du Parti communiste chinois en octobre prochain, pour lequel Pékin souhaiterait s’assurer de la loyauté d’une grande majorité de membres de ses organisations religieuses officielles.

(1) Avec ses 7,3 millions d’habitants, Nanchong est une cité importante du Sichuan. Le diocèse dont elle dépend compte 80 000 catholiques, 13 prêtres et 11 religieuses.

(Source: Eglises d'Asie, 18 avril2012)
 
Citing doctrinal problems, Vatican announces reforms of US nuns' group
Francis X. Rocca
16:38 18/04/2012
VATICAN CITY (CNS) -- Citing "serious doctrinal problems which affect many in consecrated life," the Vatican announced a major reform of an association of women's religious congregations in the U.S. to ensure their fidelity to Catholic teaching in areas including abortion, euthanasia, women's ordination and homosexuality.

Archbishop J. Peter Sartain of Seattle will provide "review, guidance and approval, where necessary, of the work" of the Leadership Conference of Women Religious, the Vatican announced April 18. The archbishop will be assisted by Bishop Leonard P. Blair of Toledo, Ohio, and Bishop Thomas J. Paprocki of Springfield, Ill., and draw on the advice of fellow bishops, women religious and other experts.

The LCWR, a Maryland-based umbrella group that claims about 1,500 leaders of U.S. women's communities as members, represents about 80 percent of the country's 57,000 women religious.

The announcement from the Vatican's Congregation for the Doctrine of the Faith came in an eight-page "doctrinal assessment," based on an investigation that Bishop Blair began on behalf of the Vatican in April 2008. That investigation led the doctrinal congregation to conclude, in January 2011, that "the current doctrinal and pastoral situation of LCWR is grave and a matter of serious concern, also given the influence the LCWR exercises on religious congregation in other parts of the world."

Among the areas of concern were some of the most controversial issues of medical and sexual ethics in America today.

"While there has been a great deal of work on the part of LCWR promoting issues of social justice in harmony with the church's social doctrine, it is silent on the right to life from conception to natural death, a question that is part of the lively public debate about abortion and euthanasia in the United States," the doctrinal congregation said. "Further, issues of crucial importance in the life of the church and society, such as the church's biblical view of family life and human sexuality, are not part of the LCWR agenda in a way that promotes church teaching."

The Vatican also found that "public statements by the LCWR that disagree with or challenge positions taken by the bishops, who are the church's authentic teachers of faith and morals, are not compatible with its purpose."

According to the Vatican, such deviations from Catholic teaching have provoked a crisis "characterized by a diminution of the fundamental Christological center and focus of religious consecration."

But the congregation's document also praised the "great contributions of women religious to the church in the United States as seen particularly in the many schools, hospitals, and institutions of support for the poor, which have been founded and staffed by religious over the years," and insisted that the Vatican "does not intend to offer judgment on the faith and life of women religious" in the LCWR's member congregations.

During his tenure as the Holy See's delegate, which is to last "up to five years, as deemed necessary," Archbishop Sartain's tasks will include overseeing revision of the LCWR's statutes, review of its liturgical practices, and the creation of formation programs for the conference's member congregations. The archbishop will also investigate the LCWR's links to two outside groups: Network, a Catholic social justice lobby; and the Resource Center for Religious Institutes, which offers legal and financial expertise to religious orders.

The doctrinal assessment grew out of the Vatican's "Apostolic Visitation of Religious Communities of Women in the United States," a study of the "quality of life" in some 400 congregations, which began in December 2008. The visitation's final report was submitted in December 2011 but has not yet been published.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ Niêm 100 Năm Hàn Mặc Tử tại giáo xứ Việt Nam ở Paris
Trần Văn Cảnh
08:38 18/04/2012
Kỷ Niêm 100 Năm Hàn Mặc Tử Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt Dâng Lễ Lòng Chúa Thương Xót Cầu Cho Hàn Mặc Tử Tại Gxvn Paris

KỶ NIỆM 100 NĂM HÀN MẶC TỬ, 1912-2012 (Bài 1 : Lễ cầu cho Hàn Mặc Tử)

Chủ nhật 15.04.2014, Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Giám mục Địa phận Bắc Ninh, Tổng thư ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã ghé thăm Giáo xứ Việt nam Paris và dâng lễ với cộng đoàn. Cùng đồng tế với ngài, có 8 cha khác, trong đó có 5 cha sinh viên Việt nam đang tu học tại Paris và 3 cha thuộc Ban Giám Đốc Giáo Xứ : Đức Ông Mai Đức Vinh, cha Đinh Đồng Thượng Sách và cha Trần Anh Dũng. Đây là lần thứ hai mà Giáo Xứ Việt Nam Paris được hân hạnh Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt đến thăm. Cách đây ba năm, thứ bảy, 18 tháng 7 năm 2009, ngài đã tới viếng thăm Giáo Xứ Paris và Họ Đạo Bắc Ninh tại Pháp.

Xem hình

Mở đầu thánh lễ, Đức Ông Giuse Mai Đức Vinh, Giám đốc Giáo xứ, đã ngỏ lới chào mừng Đức cha Cosma, cám ơn ngài, vì, trên đường mục vụ đi giảng phòng cho các cha sinh viên Âu châu ở Thuỵ Sỹ, đã ghé thăm Giáo xứ Việt nam Paris, chủ tế thánh lễ, chia sẻ Lời Chúa và khai mạc Ngày Văn Hóa mừng sinh nhật 100 năm của thi sỹ Hàn Mặc Tử do Giáo xứ tổ chức, vào dịp sinh nhật thứ 22 của Thư viện Giáo Xứ Việt Nam Paris. Cả cộng đoàn đã vỗ tay chào mừng Đức cha Cosma.

Đáp lời, Đức cha Cosma, có khẩu hiệu giám mục là « Tình thương và sự sống » tỏ lòng vui mừng được cử hành thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót với GXVN Paris. Ngài xin mọi người, trong niềm vui mùa Phục Sinh và trong niềm vui đã được Chúa Thương Xót, hãy cùng ngài, xin Chúa cho chúng ta, là những người đã được Chúa Thương Xót, biết thể hiện Lòng Chúa Thương Xót đối với mọi người. Và đặc biệt hôm nay, giáo xứ chúng ta tổ chức ngày nhớ đến sinh nhật 100 năm nhà thơ Hàn Mặc Tử, chúng ta hãy cầu nguyện cho ông được Chúa Thương Xót và cho tất cả những người cần đến Lòng Chúa Thương Xót, nhất là những người bệnh phong cùi, và đặc biệt ở trại Quy Hòa, nơi mà nhà thơ đã ở và đã qua đời.

Trong thánh lễ, với tinh thần hiệp nhất và với tâm tình tôi trung, con thảo, Đức Cha đã dâng lời cầu nguyện cho những đấng bậc trong Giáo phận Bắc Ninh đã ra đi : Đức Cố Hồng Y Phaolô-Giuse Phạm Đình Tụng, Đức Cố Giám Mục Giuse Nguyễn Quang Tuyến,.. cùng các ân nhân, Ông Bà Cha Mẹ anh chị em trong giáo phận Bắc Ninh đã qua đời…Đặc biệt trong ngày lễ Lòng Chúa Thương Xót và Giáo Xứ Việt Nam tổ chức Ngày Văn Hóa, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của Hàn Mặc Tử, Đức cha cũng dâng lời cầu cho linh hồn Phanxicô của nhà thơ công giáo danh tiếng này.

Chia sẻ Lời Chúa, Đức cha Cosma đã nhắc đến Tin Mừng Gioan, 20, 19-31 chủ nhật hôm nay và nhấn mạnh đến ba điểm.

Thứ nhất là « Lòng Chúa Thương Xót ». Chúa thương xót Tôma cứng lòng tin. Chúa thương xót Phêrô đã chối Thầy, thương xót các tông đồ đã bỏ thầy. Chúa thương xót tất cả chúng ta.

Năm 2000, Đức Gioan Phaolô II đã long trọng tuyên bố: "Trên khắp thế giới, Chúa Nhật thứ 2 sau Phục Sinh sẽ được gọi là Chúa Nhật Lòng Thương Xót Chúa" và ban hành Thông điệp « Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót ». Giáo dân Việt Nam có lòng sốt sắng và sùng mộ « Lòng Chúa Thương Xót ». Đức cha đã dâng lễ tối hôm qua tại nhà thờ Tân Định với khoảng 3000 người. Sáng hôm nay ở Trung Tâm Mục Vụ Sài Gòn thánh lễ lòng Chúa Thương Xót có khoảng 15.000 người tham dự. Có một nhóm làm việc rất mạnh để cổ động và phổ biến « Lòng Chúa Thương xót ». Đức cha đang dự trù xây cất một đền « Lòng Chúa Thương Xót » gần sân bay Nội Bài.

Điểm thứ hai là sứ mệnh mang Lòng Chúa Thương Xót đến cho mọi người. Khi chịu chức linh mục (ngày 05.06.1976) cách đây 36 năm, Đức cha đã được một người bạn tặng bức ảnh Chúa chiên lành, vẽ người mục tử vác chiên lạc đã tìm được trên vai. Ngài rất cảm động vì đã được Chúa Thương Xót và có ý tưởng nhất tâm, là linh mục là phải mang Lòng Thương Xót Chúa đến cho mọi người. Hôm nay, được mời tham dự lễ « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », làm ngài nhớ lại việc Chúa dun dủi để Đức Tổng Giám Mục Nguyễn Văn Bình đề nghị ngài đi làm mục vụ cho người phong cùi. Ngài đã nhận lời ngay vì nghĩ rằng đấy là những người cần đến tình thương. Ngài đã đến trại phong, liên lạc, thăm viếng, gặp gỡ và giúp đỡ họ. Điều kiện sinh sống của họ rất là thiếu thốn, chật vật và khổ sở. Mỗi gia đình, vợ chồng, cha mẹ, con cái chỉ được một mảnh chiếu. Nhưng cái khổ nhất của những người bệnh phong là mặc cảm bị bỏ rơi, không được ai thăm viếng, không được tin tức gia đình. Họ rất cơ đơn. Một bà lão mất năm 74 tuổi. Khi vào đây 17 tuổi. Từ năm 17 tuổi đến năm 74 tuổi ở trại phong không có tin gì không được ai trong gia đình đến thăm viếng. Một ông cố và người con chết, có báo tin cho gia đình, nhưng chẳng ai vào thăm. Một bà cụ, gọi là bà cụ Sáu, được tôi mang Mình Thánh Chúa, nói với tôi rằng bà rất vui, vì được Chúa thương,… Đức cha đã làm việc mục vụ 16 năm ở trại phong cùi này, trại Thanh Bình, quận 2, Sài Gòn, từ 1986 đến 2002. Khi làm giám mục, ngài tìm lại thánh giá mà ngài đã làm cho các em giúp lễ trong trại phong. Ngài đã lấy thánh giá gỗ này làm thánh giá giám mục (Và ngài đã chọn khẩu hiệu giám mục là Tình thương và Sự sống). Khi ngài trở lại đây làm lễ thì các bổn đạo phong đã nhận ra thánh giá gỗ này và họ rất cảm động.

Điểm thứ ba là xã hội Việt Nam vô cảm hiện nay cần Lòng Chúa Thương Xót. Xã hội ngày nay người ta thờ ơ với nhau. Trước đây, khi du học tại Pháp, Đức cha thấy có Secours Catholique kêu gọi người ta, giúp đỡ người ta chỗ ngủ, bữa ăn. Ở Việt nam hiện nay không được như vậy. Ở trong lãnh thổ Bắc Ninh mấy chuyện mới xẩy ra làm cho người ta nghĩ rằng có nhiều người rơi vào tình trạng gọi là vô cảm. Một đứa con trai gần 18 tuổi ăn cướp tiệm vàng, rồi giết hai vợ chồng chủ, giết cả đứa con lớn 18 tuổi ; may thay đứa con 8 tuổi trốn dưới gầm bàn được thoát nạn ; Mà rồi đứa con trai giết người này chẳng có thái độ ân hận gì cả, coi như đó là chuyện thường tình. Cách đây hơn một tháng, một em bé giúp lễ trong một xứ đạo địa phận Bắc Ninh có một chiếc xe đạp mới, được một đứa trẻ khác khác lớn hơn rủ đến nhà chơi. Đứa trẻ lớn này chĩ độ 14 tuổi, đã giết em giúp lễ nhỏ rồi ném xác xuống ao, cướp xe đạp. Hôm sau nó đi học bình thường như không có gì xẩy ra. Mấy bữa sau xác em bé nổi lên, người ta mới điều tra và khám phá ra đứa trẻ giết người. Rồi mới đây, một cặp vợ chồng làm ăn thất bại, đến xin ở nhờ gia đình anh vợ. Sống chung, hai gia đình có sự lộn xộn, cãi cọ nhau. Người chồng ở nhờ đã giết người vợ và một đứa con 4 tuổi của ông anh. Người ta sống với nhau không còn có gì là tình thương nữa. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thấy và đã bảo rằng « Đất nước này cần một trái tim ».

Kết luận, Đức cha xin mọi người, trong thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót hôm nay, hãy cầu nguyện. Xin cho mỗi người có một trái tim. Xin Chúa thay đổi cái xã hội việt nam vô cảm hôm nay, không còn biết trắc ẩn, không còn biết thương nhau. May thay, không phải tất cả người Việt Nam đều vô cảm. Vẫn còn những nữ tu lo cho các em bé khuyết tật, mồ coi, phong cùi. Là Kytô hữu, chúng ta phải biết thương yêu nhau, trước hết thương yêu nhau trong gia đình, rồi từ đó mang tình thương đến hàng xóm láng diềng, bạn bè, lan ra khắp giáo xứ và lan ra khắp xã hội. « Giáo hội là Thiên Chúa có trái tim của bà mẹ và là bà mẹ có trái tim của Thiên Chúa ». Xin Chúa cho chúng ta, trong giáo xứ này và trong toàn giáo hội, có trái tim của bà mẹ và trái tim của Thiên Chúa.

Nhân ngày « Kỳ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử », người đã được hưởng Tình Thương của Chúa, chúng ta cũng nhớ đến ông, cầu nguyện cho ông và cho những người bị bệnh phong khác.

Trong phần lời nguyện giáo dân, một lời nguyện đặc biệt đã được dâng lên Lòng Chúa Thương Xót : « Thánh giá gỗ đeo trên ngực Đức Cha Cosma là do những người phong tại trại cùi Quả Cảm (Bắc Ninh) làm ra. Đó là biểu tượng sự giao hòa giữa đức tin, đức mến trong đức cậy. Trong thánh lễ mở đầu ngày văn hóa, kỷ niệm 100 ngày sinh của Hàn Mặc Tử, cộng đoàn giáo xứ nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho vị giám mục người cùi ; và các con cái của người được bàn tay dịu hiền của các nữ tu công giáo chăm sóc tại các trại cùi Quy Hòa , nơi thi nhân cất lời ngợi ca các nữ tu dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi người phong, trại cùi Quả Cảm nơi quê hương quan họ, trại cùi Di Linh, quê hương thứ hai của đức cha Cassaigne, trại cùi Bến Sắn của các nữ tu dòng Bác Ái, các trại cùi và các công trình bác ái của Giáo hội trên quê huơng yêu dấu. Chúng ta cùng cầu nguyện ».

Sau khi đã dùng cơm chung với cộng đoàn giáo xứ, Đức cha Cosma đã đến không gian văn hóa, khai mạc Ngày Văn Hóa thứ 22 do Thư Viện Giáo xứ tổ chức, để kỷ niệm sinh nhật thứ 100, 1912-2012, của thi sỹ Hàn Mặc Tử.

Lời Kết

Trong khuôn khổ nhỏ bé của mình, Giáo xứ Việt Nam đã nghĩ đến văn hóa công giáo việt nam một cách thiết tha và đã thực hiện một chương trình « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » tương đối đầy đủ. Qua Thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót, Giáo xứ đã cử hành « Lễ cầu cho Hàn Mặc Tử ». Sau thánh lễ, qua chương trình văn hóa, giáo xứ được nghe hát bài tình sử « Hàn Mặc Tử », được nghe diễn thuyết về « Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử », được nghe cảm tưởng về « Thơ Tin, Cậy, Mến của Hàn Mặc Tử », được nghe cảm tưởng chung về « Ngày văn hóa Hàn Mặc Tử », được nghe và xem « Hàn Mặc Tử, người lữ hành dưới trăng ».

Với sự hiện diện chủ tế thánh lễ và tham dự khai mạc chương trình văn hóa của Đức cha Cosma Hoàng Văn Đạt, Tổng Thơ Ký Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, phải chăng Giáo Xứ Việt Nam Paris đang cùng Giáo Hội Việt Nam khắp nơi « Kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử » ?

Có phải Giáo xứ và các giáo dân Việt Nam đã thấy hay đang mong ước thấy « Những Hàn Mặc Tử mới đang lớn lên » ?

Paris, ngày 18 tháng 04 năm 2012

Trần Văn Cảnh
 
Họp mặt thường niên Caritas Phan Thiết lần IV
Caritas Phan Thiết
10:58 18/04/2012
“Nguyên tắc 5 K gồm Kiến thức – Kỹ năng – Kinh nghiệm – Kinh phí - Kinh nguyện là hành trang cần thiết cho người làm trong công tác Bác ái xã hội – Caritas”, Đức Cha Giuse Vũ Duy Thống đã nhắn nhủ với các tham dự viên trong ngày Họp Mặt Thường Niên Caritas Phan Thiết lần thứ 4 tại Giáo xứ Vinh Tân hôm nay 16/4/2012.

Xem hình ảnh



Về tham dự Ngày Họp Mặt có 348 tham dự viên là ban điều hành Caritas của các giáo xứ - giáo họ, và đại diện các dòng tu, tổ chức, cơ sở hoạt động bác ái trên khắp Giáo phận Phan Thiết. Trong số đó, hạt Hàm Tân tham dự đông nhất với 219 đại biểu (23/31 đơn vị); tiếp đến là hạt Đức Tánh 57 đại biểu (16/30 đơn vị); hạt Hàm Thuận Nam 33 đại biểu (9/13 đơn vị); hạt Phan Thiết 25 đại biểu (11/25); và hạt Bắc Tuy với 10 đại biểu (4/5 đơn vị).



Xem hình ảnh



Cha Phêrô Nguyễn Đình Sáng, Giám đốc Caritas Phan Thiết khai mạc với lời chào mừng Đức Cha Giuse, Giám Mục Giáo Phận, Cha Tổng Đại diện, cha hạt trưởng Giáo hạt Hàm Tân, cha Chưởng Ấn Giáo phận, quý cha Đặc trách Caritas các giáo hạt, Quý Cha trong hạt Hàm Tân, Quý tu sĩ và Anh Chị Em tham dự viên. Cha tuyên bố khai mạc Ngày Họp Mặt Thường Niên Caritas Phan Thiết lần thứ 4. Đây là dịp để tổng kết đánh giá tình hình sinh hoạt của Ban BAXH- Caritas Giáo xứ- Giáo phận trong năm qua. Đồng thời để học tập về các linh đạo liên quan đến Caritas. Cũng cố mối liên kết hiệp thông của những người làm công tác bác ái trong Giáo phận.



Đức Cha Giuse bắt đầu lời huấn từ bằng lời chào chúc thân thương đến mọi người. Ngài lấy hình ảnh bàn tay đầy đủ với năm ngón tay để diễn tả sự liên kết chặt chẽ và cần thiết đối với người làm bác ái xã hội – Caritas khi phục vụ anh chị em, nhất là những người nghèo cả về vật chất lẫn tinh thần. Nguyên tắc 5K ứng với mỗi ngón tay là: Kiến thức – Kỹ năng – Kinh nghiệm – Kinh phí - Kinh nguyện. Đức Cha cũng cám ơn những người làm công việc bác ái xã hội - Caritas đã là nhịp cầu, là bàn tay xoa dịu nỗi đau và trong những việc phục vụ âm thầm đã mang Tình yêu Chúa đến với những anh chị em gặp đau khổ. Đây cũng là cách Loan Báo Tin Mừng hữu hiệu và thuyết phục đến với anh chị em lương dân. (Xem huấn từ của Đức Cha Giuse)



Cha Tổng đại diện chúc mừng Ngày Họp mặt Caritas Phan Thiết và cám ơn bài huấn từ súc tích và rất ý nghĩa của Đức Cha Giuse. Đây có thể bắt nguồn từ việc Đức Cha đã sống và nghiền ngẫm khẩu hiệu khi được thụ phong Giám Mục của mình: “Caritas Christi Urget nos" (Tình yêu Chúa Kitô thúc bách tôi).



Tiếp theo là phần thuyết trình các đề tài: Linh đạo Caritas do Cha Giám đốc Caritas Phan Thiết hướng dẫn; Bác ái phục vụ con người toàn diện do cha GB Nguyễn Hồng Uy (đặc trách Caritas hạt Hàm Tân) trình bày; Linh đạo bảo vệ sự sống – chôn cất thai nhi do cha Giuse Nguyễn Hữu An, PGĐ Caritas Phan Thiết thuyết trình.



Từ những gợi ý này, giờ buổi chiều, tham dự viên chia theo 5 giáo hạt để thảo luận và đưa ra những đóng góp, ý kiến thiết thực cho hoạt động Caritas Phan Thiết trong năm tới. Các giáo hạt đều rất sôi nổi đóng góp ý kiến về các lãnh vực: đào tạo nhân sự qua các chương trình tĩnh huấn; cách gây quỹ cho giáo xứ và giáo phận; phát triển hoạt động bảo vệ sự sống bằng việc gây ý thức cho cộng đồng, hướng dẫn các chị em lầm lỡ và chôn cất thai nhi (Caritas Phan Thiết đã và đang xây dựng 2 nghĩa trang chôn cất thai nhi tại Kim Ngọc và Hòa Vinh, tại Lagi có nghĩa trang do các soeurs MTG Nha Trang phụ trách); khuyến khích các giáo xứ thành lập và làm lễ ra mắt hội Caritas;. v.v. và nhiều vấn đề liên quan.



Buổi họp mặt kết thúc với giờ Chầu Thánh Thể.



Đức cố Hồng Y FX Nguyễn Văn Thuận viết: “Bác ái là nối dài tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại” (Đường Hy Vọng 792). Mỗi thành viên Caritas cũng luôn ý thức rằng “Chỉ có việc phục vụ anh chị em mới mở mắt cho tôi thấy điều Thiên Chúa làm cho tôi và Người đã yêu tôi thế nào” (Thông điệp Thiên Chúa là Tình yêu số 18).



BÀN TAY TRÁI CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC CARITAS

Bài nói chuyện tại ĐH Caritas Phan Thiết lần 4 (Vinh Tân 16/4/2012)



Xin được cùng với cha tổng đại diện, cha quản hạt và quý cha gởi đến các thành viên Caritas giáo phận nhà lời chào mừng đặc biệt của buổi họp mặt hôm nay.



Cho đến sáng nay, tôi được cho biết là Caritas Giáo phận có cuộc gặp gỡ mà không biết gọi tên là gì, chỉ khi đặt chân đến đây mới biết là một cuộc gặp gỡ lớn. Nét lớn ấy được nhận ra trên khuôn mặt các vị: một số vị tôi đã gặp trong đại lễ Lòng Thương Xót hôm qua, một số khác lại được gặp gỡ ở đó đây. Nếu như hôm qua cuộc gặp gỡ đa số là nữ giới, hôm nay thì con số rất cân bằng cả nam lẫn nữ chia đều cho hai phía. Nét lớn ấy tôi cũng nhận thấy trên trang phục của các thành viên tham dự, cứ như là một Dòng mới vậy. Các nữ tu, có người trong tu phục, có người ẩn thân dưới trang phục mới của Caritas giáo phận, khiến tôi cũng cảm thấy phấn khích. Và nét lớn thứ ba nữa là tôi mường tượng chỉ có cha giám đốc Caritas và tôi thôi, nhưng đến đây được gặp cha Tổng đại diện, cha hạt trưởng, nhất là quý cha đặc trách Caritas giáo phận và quý cha Toà giám mục. Những nét lớn ấy hoà quyện thành một vòng tròn, làm thành niềm vui lớn. Và chúng tôi biết ngoài quý cha ngồi ở đây, còn có quý cha ngồi ở dưới kia nữa… Thôi thì chúng ta chào nhau bằng một tràng pháo tay…



Tối hôm qua tôi hỏi cha giám đốc Caritas là nhiệm vụ của tôi hôm nay thế nào? Phải nói gì? Ngài chỉ cười bằng nụ cười muôn thuở hiền từ. Thôi thì mình cũng đành phải hiểu nhiệm vụ của mình. Hôm nay gặp gỡ tất cả anh chị em xin chia sẻ đôi nét về công tác của người làm việc trong Caritas, khỏi phải định nghĩa Caritas như thế nào, mỗi người làm việc trong Caritas cũng hiểu rồi. Danh Thiên Chúa cũng được gọi là Caritas “Thiên Chúa là Tình Yêu” và mỗi người hít thở được cũng như chia sẻ được với mọi người trong cuộc sống này là đang thể hiện tinh thần caritas đấy. Nhưng để làm công tác của những chuyên gia dấn bước trên đường Caritas thì phải tuân thủ vài điều cần thiết. Vẫn biết mỗi khi thực hiện công tác caritas là biết cúi xuống với những nỗi đau của người khác, biết chia sẻ phận số của những người kém may mắn, và biết đem lòng quảng đại của mình, kín múc từ tình yêu của Thiên Chúa mà tuôn đổ cũng như trao gởi cho những người xung quanh mình.



Nhưng cần ghi nhớ năm điểm nhỏ, rất dễ nhớ. Chúa Giêsu lúc sinh thời đã nói “khi tay phải làm phúc bố thí thì đừng cho tay trái biết”. Tại sao vậy? Hai tay cùng một con người mà sao tay phải lại không cho tay trái biết được. Biết hay không là khi hai bàn tay cùng nhìn nhau (úp vào nhau), còn khi mở ra và trao đi thì hai bàn tay không còn nhìn nhau nữa. Tay phải cứ việc từ con tim mình mà trao đi, còn tay trái cũng có định luật của nó. Và hôm nay chỉ muốn chia sẻ những định luật từ bàn tay trái thôi. Bàn tay trái có 5 ngón, biểu trưng năm chữ ‘K’ làm nên nhiệm vụ của người thi hành công tác Caritas.



- Chữ ‘K’ đầu tiên là ‘Kiến Thức’. Tất nhiên, các thành viên Caritas Việt Nam cũng như thế giới, hoặc giáo phận nhà, hoặc tại các giáo xứ đều là những chuyên gia làm việc bác ái, không thể không nói đến một số chuyên môn nào đó mà phải nắm vững trong khi thi hành nhiệm vụ. Vẫn biết Thiên Chúa là Tình Yêu, một khi thực thi lòng bác ái với anh chị em kém may mắn là khi chúng ta thực thi giới luật yêu thương của Thiên Chúa, nhưng chúng ta cũng đang vận hành những bước của công tác Caritas, để tấm lòng của chúng ta đụng chạm đến những nỗi đau của những người khác được và cũng thông qua đó chúng ta còn gởi trao tình yêu của Thiên Chúa đến cho người ta nữa. Vì vậy, kiến thức ở đây là những điều học tập cần thiết về cơ bản cũng như linh đạo của Caritas. Sáng nay, cha giám đốc Caritas sẽ chia sẻ với ông bà anh chị em ‘linh đạo của người làm công tác Caritas’, đó chính là lúc vun bồi những kiến thức cần thiết cần ghi nhận trong công tác Caritas.



- Chữ ‘K’ thứ hai là ‘Kỹ Năng’. Gì thì gì, làm gì cũng cần có những kỹ năng, thuận mua vừa bán, trao đổi, gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, hoặc chào đón cũng vẫn phải có những kỹ năng trong đó, huống chi chúng ta gởi trao những món quà cho anh chị em đồng loại trong những lúc cần thiết. Không phải chỉ gửi trao cho người thiếu thốn một gói quà là đã đủ, mà làm thế nào để khi trao gói quà đó còn gói ghém cả con tim, ‘một tấm lòng’, thì đây là một kỹ năng mà anh chị em được mời gọi phải trau dồi trong khi thi hành công tác. Tôi thấy có nhiều người, nhất là những người lâm cảnh túng thiếu, khi nhận được món quà người ta cảm thấy hân hoan lắm, bởi vì ở đây, một mặt là nâng đỡ đời sống, mặt khác là được an ủi trong lòng nữa. Ông bà chúng ta vẫn nói: “cách cho quý hơn của cho”. Của cho dù có lớn, mà cho như kiểu thí cô hồn thì ở đó món quà sẽ buồn lắm. Trái lại, món quà về trọng lượng có khi chẳng thấm tháp gì, nhưng được trao bằng sự trân trọng thì ở đó người ta gặp được một tấm lòng. Chỉ có điều này thôi cũng đòi hỏi phải có những kỹ năng được trau dồi bằng những khoá huấn luyện của Caritas và những thực nghiệm hằng ngày. Đó là chữ ‘K’ thứ hai.



- Chữ ‘K’ thứ ba là ‘Kinh Nghiệm’. Mới bước chân vào Caritas có lẽ chúng ta còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng trải qua thời gian chúng ta sẽ được tích luỹ nhiều kinh nghiệm thêm. Kinh nghiệm có thể do những người khác, những người đã được thụ huấn, những người đã gia nhập lâu năm chia sẻ lại cho những anh chị em mới chân ướt chân ráo bước vào. Nhưng kinh nghiệm thường là được tích luỹ lâu đời nhờ vào những phong trào, những hội Caritas đón nhận như một thứ gia bảo của hội đoàn mình truyền lại cho tất cả mọi thành viên. Để rồi khi đón nhận những kinh nghiệm ấy cùng với sự trui rèn đời sống cho phù hợp với người trao kẻ nhận, thì lúc ấy công tác của Caritas mới đạt được hiệu quả, nhất là thông qua hiệu quả về nhân bản, giúp người ta nhận ra hiệu quả lớn hơn trong đức tin, nhận ra Thiên Chúa là Tình Yêu.



- Chữ ‘K’ thứ tư rất thực tế chính là ‘Kinh Phí’. Làm việc Caritas đòi hỏi phải có kinh phí, vì nếu không có kinh phí thì không làm được. Ví dụ như buổi họp mặt hôm nay không có kinh phí không tổ chức được, muốn đi giúp đỡ một nơi đang cần sự giúp đỡ của chúng ta không thể đến bằng đôi tay không. Đến bằng tấm lòng hoặc chỉ bằng sự nâng đỡ an ủi thôi cũng khó mà đánh giá. Chính vì vậy, cùng với tấm lòng, cùng với sự trân trọng còn phải có món quà để lại. Chính món quà ấy trở thành ước mơ cũng như giấc mơ của những người làm công tác Caritas. Tóm lại, phải có kinh phí để chuyển từ kinh phí ấy trở thành những món quà mà trao cho những đối tượng chúng ta được mời gọi để phục vụ. Chẳng phải nói đâu xa, ví dụ anh chị em đi phục vụ những người bị lũ lụt tại tỉnh nhà hay toàn quốc mà chỉ đến bằng tấm lòng với lời an ủi có lẽ cũng tốt thôi, nhưng một khi có những món quà hữu hình gởi trao cho từng nhà, có khi là gói mì, gói bột ngọt, một kí gạo. .. thì lúc bấy giờ chữ ‘Caritas’ kia mới thành một chữ cụ thể vun bồi cho đời sống vật chất của tất cả anh chị em chúng ta gặp gỡ và thông qua đó nâng đời sống của họ lên một tầm cao hơn. Đó là chữ ‘K’ thứ tư.



- Và đối với người công giáo, chữ ‘Caritas’ là cả một danh hiệu bao gồm từ danh xưng của Thiên Chúa đến mọi sinh hoạt của đời sống gắn liền với giới luật yêu thương, nên cần có chữ ‘K’ thứ năm, chính là ‘Kinh Nguyện’. Làm việc Caritas mà không cầu nguyện thì khó lòng đạt được kết quả. Bởi vì chúng ta không làm một mình mà làm với Hội Thánh. Mà Hội Thánh chính là gia đình của Thiên Chúa Ba Ngôi, là dân Chúa Cha, là thân mình Chúa Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần, nên một khi làm trong tư cách người công giáo thì cầu nguyện không phải là chuyện bên lề, mà là hơi thở làm cho công tác Caritas trở thành sinh động. Vẫn biết mỗi lần làm công tác Caritas chúng ta muốn thông qua đó để cho đối tượng tiếp cận chúng ta đọc được những điều xa gần về bóng dáng của Thiên Chúa. Muốn được như thế, cần phải có kinh nguyện khởi đầu, kinh nguyện khi đang làm và kinh nguyện kết thúc. Kinh nguyện khởi đầu xin ơn soi sáng, khi thực thi xin ơn bền bỉ và khi kết thúc là tạ ơn cùng với tất cả mọi người, người cho cũng như người nhận. Và chính ở đây niềm vui đã trở thành niềm vui lớn, bởi vì niềm vui không chỉ của người cho thôi, mà là tổng số niềm vui của người cho và người nhận góp lại.



Vâng, với năm chữ ‘K’ dễ nhớ ấy, xin khép lại những giây phút gặp gỡ khai mạc hôm nay. Xin kính chào cha Tổng, cha hạt, quý cha cùng toàn thể quý vị. Chúc Đại Hội thành công mỹ mãn.



GM. Giuse Vũ Duy Thống
 
Phong chức Linh mục và Phó tế tại nhà thờ Tân An, GP Mỹ Tho
LM Giuse Nguyễn Tuấn Hải
11:07 18/04/2012
LONG AN - Vào sáng ngày Thứ Tư 18 tháng 04 năm 2012 tại nhà thờ Tân An, số 380 Quốc Lộ 1A, P.4, Tp. Tân An, tỉnh Long An, Đức Cha Phaolô đã chủ sự thánh lễ phong chức linh mục cho Thầy Phó tế Tôma Nguyễn Hoàng Duy, sinh năm 1983, thuộc Giáo xứ Văn Hiệp, Thị trấn Hiệp Hòa, Huyện Đức Hòa, Tỉnh Long An; và phong chức phó tế cho Thầy Phêrô Nguyễn Thành Danh, sinh năm 1978, thuộc Giáo xứ Cái Mây, Xã Hòa Khánh, Huyện Cái Bè, Tỉnh Tiền Giang. Hai Thầy thuộc thuộc Khóa IX Đại Chủng Viện Thánh Giuse – Sài Gòn.

Xem hình ảnh

Nhà thờ Tân An khá nổi bậc ở thành phố Tân An với khuôn viên rộng lớn được trồng nhiều cây kiểng đẹp. Kiến trúc Nhà thờ được xây dựng để hội nhập văn hóa theo kiểu Á Đông hiện đại. Ngày 12 tháng 3 năm 2000, Đức Cha Phaolô cử hành thánh lễ đặt viên đá đầu tiên; đến ngày 20 tháng 12 năm 2000, Đức Cha Phaolô cung hiến và khánh thành vào dịp kết thúc Năm Thánh 2000. Cha Sở đương nhiệm cũng là Cha Quản Hạt Tân An, Cha Giuse Nguyễn Văn Nhạn, và Cha phó là Cha Luy Huỳnh Thanh Tân, chăm lo mục vụ cho khoảng 3800 giáo dân trong Giáo xứ.

Đây là lần đầu tiên Đức Cha Phaolô phong chức linh mục và phong chức phó tế tại nhà thờ Tân An mới này. Hai Thầy được phong chức linh mục và phó tế lần này, cùng khóa với 4 Tân Linh mục được Đức Cha Phaolô phong chức tại nhà thờ Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, vào ngày 26 tháng 03 năm 2012 vừa qua. Đức Cha muốn phong chức riêng ở từng tỉnh để giáo dân trong vùng dễ dàng đến tham dự thánh lễ, và để khuyến khích ơn gọi linh mục và tu sĩ dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội ở mỗi tỉnh.

Trước giờ cử hành thánh lễ, Ban Tổ Chức lễ ở Giáo xứ Tân An đã vui mừng chào đón Đức Cha, quí Cha và quí khách. Vào khoảng 9 giờ 30, đoàn đồng tế được rước từ Nhà Xứ di chuyển ra trước tiền đàng, đi lối giữa Nhà thờ và tiến lên cung thánh. Trong khi đó, ca đoàn cùng rộn rã hát bài ca nhập lễ “Ước mơ đời tận hiến”: “Đường đi lên nhà Chúa, Chúa ơi! Cung thánh Ngài ngời bao huyền diệu,… có Chúa làm gia nghiệp đời con nguồn hạnh phúc con trông cậy Ngài.”

Đồng tế trong thánh lễ với Đức Cha có 86 linh mục gồm có: Đức Ông Phêrô Trần Văn Hòa, Cha Tổng Đại Diện (TĐD), Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện (ĐCV) Thánh Giuse, quí Cha trong và ngoài Giáo phận, quí Cha bạn cùng lớp đến từ các giáo phận khác; đặc biệt có sự hiện diện của 4 tân linh mục cùng lớp vừa được chịu chức vào ngày 26 tháng 03 năm 2012 vừa qua.

Hiện diện trong thánh lễ có một số khách mời của Thầy Phó tế Tôma và Thầy Phêrô, sự tham dự của quý Sơ và quí Dì thuộc các Dòng Mến Thánh Giá (MTG) Tân An, MTG Chợ Quán, MTG Thủ Thiêm, Dòng Phaolô Mỹ Tho, Dòng Phaolô Sài Gòn,… quý thầy ĐCV Thánh Giuse, quý thân nhân, ân nhân, các giáo dân ở các giáo xứ nơi các tiến chức từng phục vụ,… Số người tham dự thánh lễ khoảng 600 người.

Sau khi làm dấu thánh giá đầu thánh lễ, Đức Cha Phaolô chào Cha TĐD, Cha Giám Đốc ĐCV Thánh Giuse, quí Cha Hạt Trưởng, đặc biệt 2 Cha Hạt Trưởng của tỉnh Long An, quí cha trong và ngoài Giáo phận, quí nam nữ tu sĩ, và anh chị em giáo dân. Đức Cha cũng có lời chào đặc biệt đến gia quyến của tiến chức linh mục và phó tế. Đức Cha nói lên niềm vui mừng để cảm tạ Thiên Chúa, vì đã ban cho Giáo phận có thêm những người dấn thân phục vụ Chúa và Giáo hội. Sau đó, Đức Cha mời gọi cộng đoàn cầu nguyện cho các tiến chức và hướng ý cộng đoàn cùng sám hối khi dâng thánh lễ.

Trong phần phụng vụ lời Chúa, sau khi một thầy phó tế đọc Tin Mừng xong, phần nghi thức truyền chức linh mục và phó tế bắt đầu. Trong phần tuyển chọn, ứng viên phó tế được xướng tên và được hỏi công khai về tư cách xứng đáng trước, rồi đến ứng viên linh mục. Cha Phêrô Hồ Bản Chánh, Trưởng Ban Tu sĩ-Chủng sinh của Giáo phận, xin Đức Cha phong chức phó tế và linh mục cho từng ứng viên. Khi Đức Cha thẩm vấn công khai Cha Phêrô về sự xứng đáng của từng ứng viên, Cha Phêrô đã xác nhận các ứng viên được coi là xứng đáng. Sau đó, Đức Cha tuyên bố tuyển chọn các ứng viên lên chức phó tế và linh mục. Sau mỗi lời tuyên bố của Đức Cha thì cộng đoàn đều đáp: “Tạ ơn Chúa.”

Sau bài giảng, Đức Cha lần lượt cử hành nghi thức chính phong chức phó tế và linh mục. Đức Cha đặt tay truyền chức và đọc lời nguyện phong chức, từng tiến chức được Đức Cha đặt tay trên đầu nói lên việc thông ban Thánh Thần, và lời nguyện thánh hiến làm cho các tiến chức được chọn tham dự vào sứ mạng của Chúa Kitô. Sau khi Đức Cha đặt tay, tất cả các linh mục đồng tế cũng lần lượt đặt tay trên tân linh mục Tôma như dấu chỉ nhận vào linh mục đoàn Giáo phận.

Trong phần nghi thức diễn nghĩa, tân linh mục thay dây stola chéo bằng dây stola thẳng, và linh mục nghĩa phụ đã giúp tân linh mục mặc áo lễ. Tân Phó tế Phêrô mang dây stola chéo. Đức Cha xức Dầu Thánh trên hai bàn tay của tân linh mục Tôma nói lên sự tham dự đặc biệt vào chức tư tế của Chúa Kitô. Tiếp theo, Đức Cha trao Bánh Rượu và hôn bình an cho tân linh mục. Vài linh mục đại diện cũng hôn bình an tân linh mục Tôma.

Kết thúc nghi thức phong chức, Đức Cha xướng Kinh Tin Kính. Sau đó, thánh lễ tiếp tục như thường lệ. Tân linh mục Tôma cùng đồng tế với Đức Cha và quí Cha trong thánh lễ, tân phó tế Phêrô phục vụ bàn thờ.

Sau lời nguyện hiệp lễ, Ông Hoàng, Chủ Tịch HĐMV Giáo xứ Tân An – đại diện các thành phần dân Chúa – tri ân Đức Cha đã yêu thương phong chức cho tân linh mục Tôma và tân phó tế Phêrô. Ông nói lên niềm vinh dự được Đức Cha đến phong chức phó tế và linh mục tại tỉnh nhà Long An, nhờ đó giáo dân có thể đến dự lễ phong chức đông đảo để cầu nguyện cho các tân chức. Ông cũng bày tỏ niềm hy vọng rằng, sau thánh lễ này sẽ có nhiều thanh niên nam nữ trong tỉnh Long An, sẵn sàng dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội trong ơn gọi linh mục và tu sĩ.

Ông cũng cám ơn quí Cha, quí nam nữ tu sĩ và quí khách. Ông nói rằng, Đức Cha và quí Cha đã mang lại cho cộng đoàn phụng vụ bầu khí thánh thiện chưa từng có. Sự hiện diện của quí Cha đem lại cho giáo dân sự bình an và hạnh phúc, vì họ biết có các mục tử luôn yêu thương, đồng hành, và dẫn dắt họ trên hành trình đức tin.

Trong phần chúc mừng tân linh mục Tôma và tân phó tế Phêrô, ông Chủ Tịch HĐMVGX Tân An cho biết thêm: Trong quyển “Lịch hiệp thông năm 2012” của Giáo phận Mỹ Tho có danh sách linh mục đoàn Giáo phận là 121 linh mục. Ngày 26 tháng 03 năm 2012 vừa qua, Đức Cha phong chức cho 4 Cha mới, và hôm nay Cha Tôma vừa được thụ phong; nâng số linh mục lên 126 linh mục. Và ông bày tỏ niềm vui bằng những lời chúc mừng đến tân linh mục. Sau khi ông Chủ Tịch HĐMVGX vừa dứt lời thì những tràng pháo tay vang lên, 3 đóa hoa tươi được dâng tặng cho Đức Cha và 2 tân chức.

Tiếp theo, Cha mới Tôma Nguyễn Hoàng Duy đã đại diện cho 2 tân chức nói lên lời tri ân Đức Cha, Cha Giám Đốc ĐCV, quí Cha Hạt Trưởng, Cha đặc trách Tu sĩ-Chủng sinh, đặc biệt Cha Sở và Cha phó Giáo xứ Tân An, Quí Dì Dòng MTG Tân An, HĐMVGX Tân An, cùng Ca đoàn, Ca đoàn, Cha Chưởng nghi và quí Thầy giúp lễ, các giáo dân ở các giáo xứ đã từng phục vụ, các cấp chính quyền tỉnh Long An,…

Trong phần đáp từ cuối thánh lễ, Đức Cha nói lên niềm vui vì thấy quí Cha và giáo dân tham dự thánh lễ đông đảo, thánh lễ được tổ chức rất tốt đẹp. Đức Cha đã không nghĩ quí Cha và giáo dân đi đông; vì đây lễ phong chức lần thứ 2 trong năm và chỉ có một linh mục, so với khi phong chức lần trước ở tỉnh Đồng Tháp vừa qua thì có 4 Cha được phong chức, nhưng quí Cha đã bày tỏ tình hiệp thông và yêu thương rất tốt. Nói chung, Đức Cha rất hài lòng về quí Cha vì các ngài đã nỗ lực rất nhiều. Đức Cha cũng cho biết thêm, trước đây ơn gọi trong tỉnh Long An nhiều, dồi dào cho Giáo phận. Có những Giáo xứ đi tu đông và có truyền thống ơn gọi như Lương Hòa Hạ, Lương Hòa Thượng, nhưng những năm gần đây ơn gọi của tỉnh Long An giảm nhiều so với 2 tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Đức Cha nói, theo ý kiến của nhiều người thì nơi nào đời sống giàu có lên thì ơn gọi giảm. Tỉnh Long An gần Sài Gòn nên dễ phát triển nhanh hơn so với 2 tỉnh còn lại, nhưng Đức Cha cũng động viên anh chị em đừng ngã lòng, mà hãy tích cực hướng dẫn và giúp đỡ con cái trong việc dấn thân cho Chúa và Giáo hội, để phục vụ anh chị em theo gương mẫu Chúa Kitô chí thánh.

Thánh lễ đã diễn ra rất long trọng, thánh thiêng và sốt sắng. Thánh lễ kết thúc vào lúc 11g15. Các tân chức chụp hình lưu niệm với Đức Cha và quí cha tại các bậc tam cấp của cung thánh. Cầu chúc các tân chức luôn được tràn đầy hồng ân Thiên Chúa trong sứ vụ mới vừa lãnh nhận.

Bài giảng lễ phong chức linh mục và phó tế của Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc:
(Cv 8, 26-40; Ep 4, 1-7. 11-13; Lc, 35-44)

Anh chị em rất thân mến,

1. Hôm nay, Giáo phận Mỹ Tho chúng ta lại có Thánh lễ phong chức linh mục, không những vậy mà còn phong chức phó tế nữa. Tôi cử hành Thánh lễ này tại nhà thờ Tân An là một trong những nhà thờ lớn và quan trọng của giáo phận Mỹ Tho chúng ta, để anh chị em giáo dân các giáo xứ trong Tỉnh Long An có điều kiện thuận lợi tham dự Thánh lễ phong chức cách đông đủ và tích cực hơn. Đồng thời đây cũng là cơ hội để cổ võ ơn gọi linh mục nơi giới thanh niên Công giáo trong vùng. Vậy linh mục là ai? Linh mục làm gì? Có lẽ mọi người Công giáo đều biết, nhưng biết một cách mơ hồ, không rõ ràng. Đây là cơ hội để chúng ta hiểu biết thêm, nhờ đó chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa và Giáo Hội.

2. Linh mục trước hết là người được Thiên Chúa kêu gọi và tuyển chọn qua và nhờ Giáo Hội, để được tham gia sứ vụ Tông đồ của Giáo Hội một cách đặc biệt hơn các giáo dân khác, trở thành những “thừa tác viên chuyên nghiệp” trong việc rao giảng Tin Mừng Tình Yêu của Thiên Chúa. Công việc đặc thù của linh mục là rao giảng về Chúa, nói về Chúa, giới thiệu Chúa cho mọi người, tìm mọi cách để càng ngày càng có thêm những người biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa. Linh mục là “ngôn sứ”, sứ giả của Chúa Giêsu Ngôi Lời của Thiên Chúa đã xuống thế làm người để mạc khải Thiên Chúa cho nhân loại, cứu độ loài người, ban cho họ ơn tha tội và được thông phần Sự sống của Thiên Chúa. Linh mục là người chuyên môn rao giảng Lời Chúa, để cho mọi người được lắng nghe, đón nhận và đem ra thực hành.

3. Trên bình diện tự nhiên, linh mục cũng là người phàm, tâm lý bình thường, con người bằng xương bằng thịt với những bản năng và xu hướng, những nhu cầu thực tế của mọi con người, hoàn toàn giống như anh chị em. Nhưng được Thiên Chúa chọn để nói về những điều siêu phàm, vượt lên trên con người, vượt lên trên thế giới giác quan. Dĩ nhiên, vì sống ở trần gian, nên linh mục cũng phải nói chuyện trần gian nữa, nhưng đó không phải là nội dung chính, là chuyên môn của các ngài. Nói theo kiểu Á Đông: Trong tương quan giữa Thiên, Địa và Nhân - Thiên Chúa, Trần Thế và con người; linh mục là con người ở trên mặt đất, mà phải biết về Trời và chỉ dẫn cho người khác biết Ý Trời, Mệnh Trời. Linh mục được chọn để nói về Thiên Chúa, Đấng vô hình, mà không ai thấy bao giờ. Quả thật đây là một sứ mạng mà người tây phương gọi là “mission impossible”, “sứ vụ bất khả thi”.

4. Anh chị em hãy cầu nguyện cho linh mục thật nhiều, vì chỉ có Trời mới giúp cho linh mục nói về Trời, chỉ có Thiên Chúa mới giúp cho linh mục nói về Thiên Chúa được thôi. Linh mục phải có Thần Trí của Thiên Chúa, Ánh sáng của Thiên Chúa, sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa, thì mới có thể giúp cho giáo dân khám phá ra Thánh Ý của Thiên Chúa, và cố gắng sống phù hợp với Ý muốn của Ngài. Nhưng có một điều hết sức quan trọng mà linh mục nào cũng phải xác tín, đó là Lời Kinh Thánh, tuy sử dụng ngôn ngữ của loài người, đã được Chúa Thánh Thần linh hứng, nên là Lời Chúa, chứa đựng và diễn tả Thánh Ý của Thiên Chúa. Đoạn sách Công Vụ các Tông đồ nhắc cho các phó tế, linh mục và cả giám mục nữa tầm quan trọng của Lời Kinh Thánh (x. Cv 8,26-34). Linh mục là “người rao giảng Lời Chúa”. Chính nhờ Lời Chúa mà sứ vụ bất khả thi của linh mục trở thành khả thi.

5. Nhờ Kinh Thánh mà chúng ta biết được Chúa Giêsu. Ai không biết Kinh Thánh thì cũng không biết Chúa Giêsu. Không biết Chúa Giêsu, thì Thiên Chúa vẫn rất xa vời đối với chúng ta. Trái lại biết Chúa Giêsu, thì Thiên Chúa trở nên gần gũi, vì Chúa Giêsu là Đấng Emmanuel, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta, là Đấng nối kết Đất Trời, đưa chúng ta trở về với Thiên Chúa, thậm chí còn đưa chúng ta vào lòng của Thiên Chúa, vào trong Tình Yêu của Thiên Chúa.

6. Linh mục còn là “tư tế của Chúa Trời’, thông phần một cách đặc biệt vào vai trò Tư Tế của Chúa Giêsu, Người đã dâng lên Thiên Chúa chính mạng sống, cuộc đời và bản thân mình, làm hy tế, làm của lễ hy sinh vô tì tích, để lãnh nhận ơn tha tội, giải thoát và cứu sống cho loài người. Linh mục là thừa tác viên cử hành Hy tế của Chúa Giêsu, là người dọn bàn tiệc Lời Chúa và Mình Máu thánh Chúa, để nuôi sống các người nhà của Chúa, các tín hữu Kitô, các môn đệ của Chúa ở trần gian. Linh mục là người quản gia trung tín mà Chúa đặt lên để coi sóc Gia đình của Chúa ở trần gian. Linh mục là người tôi tớ của Thiên Chúa, giống như Chúa Giêsu, Đấng đã tự coi mình là Tôi Tớ, được Chúa Cha sai đến không phải để được phục vụ mà là để phục vụ và hiến mạng sống làm giá cứu chuộc nhiều người. Linh mục là người quản lý và phân phát “lúa thóc”, các Bí tích, các của ăn thiêng liêng để nuôi sống Dân Chúa.

7. Linh mục vừa giốâng như người Thầy, không phải là Thầy dạy chữ hay thầy dạy nghề, nhưng là thầy dạy “sống đức tin”. Dạy cho giáo dân biết Chúa, tin Chúa và yêu Chúa, dạy cho giáo dân cầu nguyện, tiếp xúc với Chúa, gặp gỡ Chúa, dạy cho giáo dân đem lời Chúa ra thực hành, thực thi Ý Chúa ở giữa lòng đời. Vì nhiệm vụ này, linh mục được gọi là “Thầy Cả”. Linh mục còn giống như một người cha, không phải là người cha theo thể lý, nhưng là người cha thiêng liêng, tinh thần, mà rất nhiều người cần tới. Ngài là hình ảnh của “Thiên Chúa Cha giàu lòng thương xót”. Linh mục còn là người “anh trưởng” giống như Chúa Giêsu là “Trưởng Tử của Thiên Chúa’ có nhiệm vụ dẫn đầu toàn thể nhân loại trong hành trình vượt qua thế gian, trở về cùng Thiên Chúa. Linh mục sẽ sống gần gũi và huynh đệ với giáo dân hơn, khi ý thức là trong các buổi cử hành phụng vụ, linh mục xưng hô với các tín hữu là anh chị em.

Cầu chúc cho các tân chức sống tốt đẹp cả ba tư cách thầy dạy, người cha, người anh hay người bạn của các tín hữu, và hăng say loan báo Tin mừng Tình Yêu của Thiên Chúa cho mọi người.

† Phaolô BÙI VĂN ĐỌC
Giám mục Mỹ Tho
 
Văn Hóa
Ban Mục vụ Gia đình: Chung kết Cuộc thi “Viết về Cha”
Văn Chiến & Ảnh: Văn Chức
10:40 18/04/2012
Sống chữ hiếu theo truyền thống dân tộc cũng chính là giữ giới răn thứ tư trong mười điều răn của Đạo Thiên Chúa. Ðây là nét đẹp của người Công giáo Việt Nam.

Với mong muốn góp phần khơi gợi và làm lan tỏa giá trị nhân bản, nếp sống gia đình mà đạo hiếu rất được quan tâm, đặc biệt trong xã hội ngày nay, khi mà những giá trị nhân sinh đang bị khủng hoảng, xói mòn... Cuộc thi Chung kết “Viết và Thuyết Trình Về Cha” đã diễn ra tạiTrung Tâm Mục Vụ Tổng Gíao Phận Sài Gònlúc 14g30 ngày 14/04/2012.

Đến tham dự cuộc thi, có Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp - Giám mục Giáo phận Vinh kiêm Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình HĐGMVN, cha Tổng Đại diện TGP TPHCM GB Huỳnh Công Minh, cha Cha Luy Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Ban Mục vụ Gia đình TGP Sài Gòn, 6 vị giám khảo thuộc 3 giáo phận khác nhau cùng hơn 100 tham dự viên.

Tổng cộng có 21 thí sinh đến từ nhiều miền của đất nước như: Hà Nội, Thừa Thiên Huế, Nha Trang, Xuân Lộc, Kontum, Sài Gòn, Cần Thơ, Cà Mau... Các thí sinh đã trình bày bằng cả trái tim, để lại cho người tham dự những cảm xúc dạt dào, yêu thương dành cho người cha của mình. Không ít lần tham dự viên và thí sinh cùng nghẹn ngào, xúc động khi các thí sinh nói về hình ảnh người cha tuyệt vời hay chưa hoàn thiện, dù còn hiện diện hay đã khuất núi:

- Người cha tuyệt vời

Có những cha đã hy sinh cả cuộc đời cho con cái, làm đủ mọi nghề cho con cái ăn học thành người, đã cùng con băng rừng lội suối mấy ngày trời để đưa con ra huyện học hành... Để tỏ lòng tri ân công ơn của cha, qua bài thờ “Cha mình” thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hương đã diễn tả:

Cánh cò cõng nắng còn mòn mỏi
Cha cõng tháng ngày đổi cái ăn
Mai sau hết cảnh nhọc nhằn
Con nên người tốt công danh giữa đời

Khi nói về phương pháp giáo dục con cái của cha mình, thí sinh Nguyễn Thị Bình Tâm đã kể về “Những nguyên tắc vàng của cha tôi”:

1. Luôn có mặt trong bữa cơm gia đình
2. Luôn có mặt trong giờ kinh gia đình
3. Luôn có mặt trong giờ ngủ

Lúc đầu bản thân tác giả rất khó chịu, nhưng dần theo năm tháng, những nguyên tắc này đã ăn sâu vào suy nghĩ và cách sống của chị và gia đình chị, để rồi hiện nay, vấn đề không phải là “giờ ăn, giờ ngủ, giờ kinh sách” mà điều quan trọng là “luôn có mặt”.

- Người cha đau khổ

Thế nhưng vẫn có những người cha chịu thương chịu khó, ước mong tạo điều kiện tốt cho con cái nên người, nhưng sóng gió cuộc đời cứ mãi đeo bám và không chịu buông tha. Cảm thương hoàn cảnh gia đình và đặc biệt nhớ về người cha, nhân ngày giỗ 21 năm, anh Nguyễn Minh Thông (khuyết tật) ở Đà Nẵng, đã nhờ em gái mình trình bày bài thơ “Phận làm cha”:

Chúa trao bổn phận làm cha
Lao khổ làm ăn nuôi cả nhà
Không trách không than khi chạy vạy
Chẳng buồn chẳng tủi lúc bôn ba

Cảm động thay, khi anh A Lăng Tạo - Dân tộc C’tu, hiện là sinh viên năm cuối Đại học Kỹ thuật TP.HCM đã thổn thức khi nói về cha: Vào năm 1998, khi con được nhận giấy báo nhập học cấp 2 tại huyện, đó cũng là vào mùa mưa lũ tràn về, đường đi đến trường phải mất 3 ngày đi bộ, trên con đường rừng quanh co, hiểm trở ấy, và biết bao đồi dốc, sông suối hung dữ, cha vẫn dẫn con đến huyện học, vì mong ngày mai đời con tươi sáng, đến bây giờ con vẫn còn nhớ lời cha năm nào “cha mẹ không biết chữ, thì con phải biết chữ con ạ, để sau này con bớt khổ”.

Anh Phạm Lê Anh Kiệt (khiếm thị bẩm sinh), sinh viên Đại học Khoa học Huế đã xóa đi sự tự ti mặc cảm, khẳng định mình tàn nhưng không phế khi viết bài thơ “Tảo mộ” để tưởng nhớ về người cha đã quá cố, dù chỉ bằng sự tưởng của mình:

Chiều xuân nhạt nhạt nắng trở chiều
Bên đồi thanh vắng gió hiu hiu
Thao thức nắm mồ hay màu áo?
Cỏ rộn chân trời bóng liêu xiêu
Con nghĩ về cha con biết yêu
Xuân qua xuân lại có bao nhiêu
Cuộc đời lam lũ qua sương gió
Mưa nắng chở che bốn năm chiều

- Người cha chưa hoàn hảo

Bên cạnh đó, thực trạng gia đình không thiếu những người cha “chưa hoàn hảo” như say rượu, bất tài, ỷ lại... Thế nhưng, hình ảnh người cha vẫn luôn in sâu vào tâm trí người con, với mong ước:

Càng cố quên thì lại càng nhớ! Thí sinh Nguyễn Thị Thúy Hằng không ngần ngại kể về người cha bê tha, rượu chè của mình. Chị đã nhiều lần cố quên đi người cha của mình, nhưng càng cố quên thì trái tim càng u uất, nặng nề và không thể quên được... Để rồi, khi má chị ốm, cha chị đã đã thức dậy thật sớm để nấu cháo cho vợ, lo các công việc trong gia đình thường ngày của vợ con... Lúc đó, sau 25 năm chị mới nhận ra những điều tốt đẹp của người cha. Nghĩ lại, ngoài lúc say rượu ra, cha chị cũng chịu khó và có óc sáng tạo, lại khéo tay và có hiếu với bà nội.

Ngược lại, thí sinh Nguyễn Thanh Tùng qua bài dự thi “Thư gửi ba” đã viết: “. ..Con ghét bia rượu! Con ghét cái mùi hôi hám đó!” - Anh đã từng nhiều lần hét lên như thế mỗi khi ba say...

Rồi như truyện cổ tích: Ba bỏ rượu và trở thành Ủy viên giáo họ - chức vụ đầu tiên trong cuộc đời ba tại giáo xứ. Giờ đây anh tự hào về ba, và cảm nghiệm trong lòng lời tạ ơn Thiên Chúa.

- Người cha tinh thần

Đối với Công giáo, người cha tinh thần, người cha thiêng liêng vẫn luôn để lại những dấu ấn tốt đẹp cho những người con. Tuy không có công sinh nhưng có công dưỡng... Nữ tu Maria Catarina Phan Thị Linh - Dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Giáo phận Huế, đã đi xe lửa từ Huế vào Sài Gòn, với ước mong được bày tỏ lòng lòng tri ân đối với đấng sáng lập Hội Dòng, Đức cha Eugène Maria Joseph qua bài thơ “Lặng thầm bên cha”:

Lặng nhìn cha vùi sâu trong lòng đất
Một cuộc đời vẹn nghĩa khúc yêu thương
Hai ba tuổi đã hăng hái lên đường
Gieo chân lý tình thương vào đất Việt

Tri ân cha! Tâm tình người con nhỏ
Ước mong đời bỏ ngỏ lối yêu thương
Gieo tin yêu đến khắp mọi nẻo đường
Cho cuộc sống tràn tình thương nhân ái

- Cha là ngọn núi Thái Sơn

Anh Phạm Duy ở Cẩm Mỹ, Đồng Nai đến cổ động cho thí sinh Nguyễn Thị Thanh Hương bộc bạch: Lắng nghe các bài thi, đặc biệt các bài trình bày về người cha đã khuất núi, tôi thật xúc động và nhớ về công ơn của cha mình! Thế nhưng, ơn sâu nghĩa nặng này mấy ai hiểu thấu! Bài thơ “Cao dần một ngọn Thái Sơn” của thí sinh Bùi Văn Bồng, đã giúp chúng ta hiểu rằng - Chỉ qua năm tháng, hình ảnh người cha mới mới đi sâu và lớn lên trong lòng người:

Trong lòng con núi Thái Sơn
Dánh hình cao ngất, gió vờn mây bay
Núi cao thêm mỗi tháng ngày
Cứ theo tâm tưởng đắp dày công cha

Nhận xét về cuộc thi, Đức cha Phaolô trình bày: “Có bài báo đã phân tích - Giới trẻ ngày nay có nhiều thách đố, căng thẳng, xung đột với cha của mình! Vì vậy, cuộc thi đã giúp cho người trẻ nhận thức được “người cha” phải là “cái nóc”, là “núi Thái Sơn” trong tâm trí họ”. Ngài cầu chúc, chất lượng cuộc thi ngày càng đa dạng và tốt hơn.

Trong giờ giải lao, cả hội trường đã sôi động hẳn lên với những tiết mục thật bất ngờ và đặc sắc của Ảo thuật gia Hoàng Thiên và tiếng hát của ca sĩ Thanh Sử.

Lúc 17g45, sau khi Ban Giám khảo họp để cân nhắc lại kết quả sơ bộ. Ban Tổ Chưa đã công bố kết quả như sau:

Thể loại Văn:

Giải nhất - Thí sinh Nguyễn Thanh Tùng với bài dự thi “Thư gửi ba”
Giải nhì - Thí sinh Nguyễn Thị Bình Tâm với bài dự thi “Nguyên tắc vàng của cha tôi”
Giải ba đồng hạng - Thí sinh Nguyễn Thành Công với bài dự thi “Cha tôi”
Giải ba đồng hạng - Thí sinh Bùi Đức Dương (Dân tộc Mường) với bài dự thi “Bố tôi”

Thể loại Thơ:

Giải nhất - Thí sinh Nguyễn Thi Thanh Hương với bài dự thi “Cha mình”
Giải nhì - Thí sinh Phạm Lê Anh Kiệt (khiếm thị) với bài dự thi “Tảo mộ”
Giải ba - Thí sinh Phan Thị Linh với bài dự thi “Lặng thầm bên cha”

Cuộc thi khép lại lúc 18g00, mọi người ra về mang theo những tâm trạng, những suy nghĩ khác nhau về người cha của mình. Xin một lòng tri ân:

Ơn nghĩa mẹ cha thắm cuộc đời
Dù con bay nhảy đến muôn nơi
Tình cha muôn thuở hằng soi lối
Ơn nghĩa mẹ hiền sáng trăng trôi.
 
Cảm tưởng về những buổi thuyết trình ''Viết về Cha Mẹ''
Hoàng Hạc
10:45 18/04/2012
Ngày tôi chuẩn bị nghỉ hưu (năm 2011), người phụ trách trang Gia Đình báo Công Giáo Và Dân Tộc đề nghị tôi đến dự buổi thuyết trình Viết Về Cha tại Trung Tâm Mục Vụ Tổng Giáo Phận TP. HCM (TTMV) tại 6 bis Tôn Đức Thắng Quận 1, như một hoạt động bình thường chị giới thiệu cho một người sẽ không còn trách nhiệm với xã hội nữa, và sẽ là “tỉ phú thời gian” ở thì tương lai.

Buổi đầu tiên, tôi khám phá thí sinh đủ mọi lứa tuổi, từ học sinh cấp 3 đến cựu công chức ngoài 60! Và bài viết nào cũng rất mộc mạc, chân tình kể về người Cha trong gia đình.

Tháng 03 năm 2012 vừa qua, tôi trở lại TTMV lần nữa để nghe thuyết trình Viết Về Mẹ, và ngày 14/ 4 thêm một buổi thuyết trình Viết Về Cha. Năm nay, tôi lắng nghe chăm chú hơn và quan sát kỹ hơn. Cũng như năm trước, những bài viết về Mẹ hay Cha cũng đều mộc mạc, đơn giản như bất cứ đứa con nào kể về cha mẹ mình. Hình ảnh người Cha hay Mẹ thật gần gũi đến độ khiến người nghe giật mình tự hỏi: “Sao giống ba, mẹ mình ở nhà quá… Như thế cũng đáng tự hào khi mình có một người cha, người mẹ như vậy!”

Vâng, người cha nào cũng tần tảo nuôi con ăn học, người mẹ nào cũng nhẹ nhàng chăm sóc con. Thế nhưng những việc làm, những hy sinh, những trăn trở cho cuộc sống vẹn toàn, miếng cơm manh áo cho con quá bình thường, thậm chí như được xem một “quy luật”, một “sự tất yếu” để những đứa con không nhận ra công lao và tình thương của Cha Mẹ. Đến những buổi thuyết trình, như một lần nhìn lại và cảm thấy ta, những đứa con, thật vô tâm và dường như đứng bên ngoài cuộc sống của hai đấng sinh thành. Rồi, sau buổi nghe thuyết trình, đứa con quay về và nhìn lại cha mẹ nhận ra ta đang có một báu vật, mà từ lâu ta đã mãi mê tìm kiếm những phù phiếm đâu đâu…

Những người tham gia thuyết trình kể về cha mẹ mình thật đơn sơ. Một người mẹ không biết chữ, một người cha luôn thất bại nhưng đã dạy cho con cái biết thế nào là lẽ sống trên đời, biết sống nhân ái và mang cho con một cuộc sống đầy đủ. Trong mắt người đời, người cha, người mẹ đó không ở một vị trí để mọi người cầu cạnh, chúc tụng, nhưng họ đã thành công khi mang lại cho xã hội những đứa con thành đạt, những công dân tốt, gương mẫu, những đứa con hiếu đạo. Nhìn một cách công bằng, những bậc cha mẹ tưởng thất bại, tưởng nghèo khó đó đã rất thành công và giàu có trong tâm hồn.

Phần lớn thí sinh đến từ buổi thuyết trình chẳng quan tâm lắm đến giải thưởng. Hỏi nhiều người giá trị các giải thưởng ai cũng ngơ ngác. Họ đến buổi thuyết trình như một cơ hội nói về cha mẹ của mình. Thế thôi!

Họ đến từ nhiều miền đất nước. Từ Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kontum, Cần Thơ, Cà Mau… Họ đi từ rất sớm với bao tốn kém… chỉ để một lần được chia sẻ về người cha, người mẹ của mình, được một lần nói lên niềm tự hào có cha, có mẹ yêu thương.

Cũng có người trách cha sao ham mê rượu, bia để gia đình như một bể khổ. Thế rồi từ cái rất bình thường, thậm chí rất tồi tệ đó, họ phát hiện nét đẹp của người cha: Vẫn toàn trách nhiệm với vợ con và sống vì điều đó nếu không có sự can thiệp của ma men. Những bài viết tố cáo tệ nạn rượu bia một cách nhẹ nhàng khiến những bậc làm cha hay sắp làm cha cũng một lần nhìn lại mà có sự lựa chọn cho cuộc sống gia đình.

Nhiều thí sinh ở xa thuê cả xe 20, 30 chỗ ngồi… Có thí sinh “mang” cả “tứ đại đồng đường” đến để nghe họ thuyết trình về người cha, người ông, người cụ… trong gia đình, một cách đầy tự hào. Với họ, sân khấu Vietnam’s Got Talent hay Vietnam Idol đều thua xa cái bục thuyết trình trong hội trường Trung Tâm Mục Vụ!

Cuộc thi không phân biệt tôn giáo, dân tộc nên có cả những người dân tộc Mường, Cơ-tu, Phật tử và cả đảng viên đảng Cộng sản! Cũng phải thôi, ai lại không có cha mẹ và muốn nói về cha mẹ mình?

Báo chí cảnh báo về tình trạng xuống cấp đạo đức xã hội bắt đầu từ những phân hóa trong gia đình. Có nhiều cách để xây dựng lại cội nguồn văn hóa Thờ Cha Kính Mẹ hay đạo làm con của truyền thống Việt Nam. Viết về cha mẹ hẳn không ngoài mục đích đó. Và thật tự hào khi là người Công Giáo, nhận ra nơi Trung Tâm Mục Vụ những người âm thầm như những con ong cần mẫn đang thắp sáng lên ngọn lửa yêu thương, đạo đức trong gia đình mà bắt đầu bằng cái nhìn của những đứa con về Cha Mẹ mình với lòng biết ơn và yêu mến. Họ chẳng khác những con đom đóm đang mang chút ánh sáng cho đời.
 
Nhân dịp lễ giỗ 100 năm: Thơ Tin Cậy Mến của Hàn Mạc Tử
Lê Đình Thông
15:41 18/04/2012
THƠ TIN CẬY MẾN CỦA HÀN MẶC TỬ

Thư viện giáo xứ VN Paris kỷ niệm 100 năm Hàn Mặc Tử
Năm nay, nhóm Thư viện Giáo Xứ thắp 100 ngọn bạch lạp, kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của thi sĩ Hàn Mặc Tử (1912-2012). Cảo thơm lần giở trước đèn. Thay cho phong tình cổ lục là thơ văn Hàn Mặc Tử rải rác trong các tác phẩm, từ Lệ Thanh thi tập, Gái quê, Đau thương, Xuân Như ý đến Thượng Thanh Khí, Cẩm Châu Duyên, Chơi giữa mùa trăng. Giáo sư Đỗ Mạnh Tri, người có công in Hàn Mặc Tử anh tôi trong tủ sách Tin Nhà, vừa bàn về Thinh lặng và siêu thoát trong thơ Hàn Mặc Tử. Chúng tôi mạo muội đưa ra vài ghi nhận về vần thơ tin, cậy, mến của Hàn Mặc Tử.

Trong bài ‘‘Đức Tin trong hồn thơ Hàn Mặc Tử’’, giáo sư Đặng Tiến cho rằng: ‘‘Kiến trúc toàn bộ thơ Hàn Mặc Tử đều vang dội lời truyền giảng của Phúc âm (…) Người đọc gặp lại những chủ đề cương lĩnh của Kinh thánh: một vũ trụ ngây thơ đổ vỡ vì nguyên tội, những khổ hạnh của thân xác như một kinh nghiệm của Mơ ước và Huyền diệu; để vươn tới một thế giới sáng láng, ngoài hư linh, thế giới của Phục sinh, của Khải huyền. Ba giai đoạn đó là cơ cấu của đời thơ Hàn Mặc Tử. Vũ trụ Gái quê đã sụp đổ trong Đau thương mà nhà thơ đã chịu đựng đề đợi sống lại trong mùa Xuân Như ý.’’[1]

Bài viết của chúng tôi gồm 5 phần:

1) Tổng quan về Hàn Mặc Tử;
2) Đức tin của nhà thơ;
3) Niềm trông cậy vào ơn phước cả;
4) Lòng mến Chúa yêu người trong thơ Hàn Mặc Tử;
5) Vần thơ nhập thể.

Trong mỗi phần tin, cậy, mến, chúng tôi đều dẫn chứng bằng một đoản văn và một bài thơ tiêu biểu, trích trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử do thi sĩ Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu[2], để tránh tình trạng tam sao thất bản (三抄七板).

Đức Cha Hoàng Văn Đạt S.J. và LM Đinh Đồng Thượng Sách


I - TỔNG QUAN VỀ HÀN MẶC TỬ:

Hàn Mặc Tử, tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 tại Lệ Mỹ, cũng gọi là Tam Tòa; khu vực công giáo ở Đồng Hới. Theo học giả Thái Văn Kiểm[3], cuộc đời thơ của Hàn Mặc Tử gồm bốn giai đoạn:

- Nhà thơ cổ điển: Bài Đường thi khởi nghiệp của Hàn sáng tác năm 15 tuổi, ký tên Minh Duệ Thị, tiêu biểu cho giai đoạn cổ điển:

Vội vàng chi lắm nhạn lưng mây
Chầm chậm cho mình giữ mối giây[4]
Về đến Thần Kinh khoan nghỉ đã
Ghé miền Gia Hội tỏ tình ngay
Suốt năm canh mộng hồn mê mỏi
Chỉ một lòng son muốn giãi bày
Này nhạn, ta còn quên chút nữa
Con tim non nớt tặng nàng đây.


- Vào làng báo: Theo Thái Văn Kiểm, Hàn Mặc Tử ‘‘mướn một căn phòng trên tầng gác nhà số 107 rue d’Espagne - Saigon (năm 1955 đổi tên thành đường Lê Thánh Tôn), sống với một số bạn bè vong mệnh[5] mà tất cả chi phí đều do Hàn đài thọ’’.

- Nhà thơ lãng mạn: Năm 1936, Hàn Mặc Tử xuất bản tập thơ mới đầu tay mang tựa đề Gái quê, trong đó có bài thơ năm chữ Tình quê:

Trước sân anh thơ thẩn
Đăm đăm trông nhạn về
Mây chiều còn phiêu bạt
Lang thang trên đồi quê
Gió chiều quên ngừng lại
Giòng nước quên trôi đi
Ngàn lau không tiếng nói
Lòng anh dường đê mê
Cách nhau ngàn vạn dặm
Nhớ chi đến trăng thề
Dầu ai không mong đợi
Dầu ai không lắng nghe
Tiếng buồn trong sương đục
Tiếng hờn trong lũy tre
Dưới trời thu man mác
Bàng bạc khắp sơn khê
Dầu ai trên bờ liễu
Dầu ai dưới cành lê
Với ngày xuân hờ hững
Cố quên tình phu thê
Trong khi nhìn mây nước
Lòng xuân cũng não nề


- Nhà thương phung Qui Hòa: Ngày 20-9-1940, xe hồng thập tự đưa Hàn đến nhà thương phong Qui Hòa, ở phía đông nam Qui Nhơn, do các nữ tu dòng Phanxicô Thừa sai Đức Mẹ (Franciscaines Missionnaires de Marie) trông nom. Hàn mang số 1134. Theo ông Nguyễn Văn Xê làm việc ở trại phung, lúc nhập viện, Hàn Mặc Tử ‘‘gắng gượng lắm mới đứng lên được, đầu gối run run bước từng bước một, tay bám vào xe cho khỏi ngã. Mẹ Juetta nói với Hàn: ‘‘Mau đưa tay cho mẹ đỡ’’. Mẹ bước tới, xốc đỡ người bệnh một cách nhẹ nhàng. Đến giường số 3, mẹ nhìn hồ sơ và nói. ‘‘Trí, đây là chỗ của con’’. (…) Thấm thoắt Trí vào Qui Hòa được ba tuần lễ. Nhờ các nữ tu Phanxicô tận tình chăm sóc, bệnh tình Trí thuyên giảm rõ rệt. Đêm 10-11-1940, tôi trực với mẹ Juetta và sœur Julienne. Chúng tôi thăm Trí ba lần. Lần thứ ba khoảng 3 giờ, sœur Julienne cho biết từ giờ đến sáng thì Trí sẽ chết. Ngày 11-11-1940, Trí tắt thở. Tôi thu dọn ‘‘di sản’’ của Trí có cuốn sách 200 trang của Rousseau, di cảo La pureté de l’âme. Tôi suy nghĩ về sự khiêm nhường: Trí không nói một câu tiếng Pháp. Lúc nào tôi cũng là người thông ngôn’’.[6]

Trong ba tháng cuối đời, Hàn Mặc Tử trước tác một đoản văn bằng tiếng Pháp kèm theo bản dịch tiếng Việt, đề tặng các nữ tu Phanxicô. Sau đây là bản tiếng Việt, in trong tập Chơi giữa mùa trăng của Hàn Mặc Tử[7]:

‘‘Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, mang cho tôi xin một tràng hoa.
Tôi muốn tắm trong đại dương ánh sáng, trong biển hồn kính mến thiêng liêng.
Nhiều phép lạ bởi trời đưa xuống, người thế gian nghẹn ngào vì cảm mộ khi quan chiêm công trình thần bí Đấng Tối Cao.

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, có thấy chăng hào quang tỏ dần, màu sắc trắng tuyết, hình thể đồng trinh, linh hồn hiển hiện giữa loài người ? Lòng vội ngỡ là hồn á thánh, thơ tinh túy nguyện cầu - dáng bốc lên thành hương thơm, thanh khí, mà xuống trần gian chịu kiếp làm người !

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy hoan hô mẹ và các chị dòng thánh Phanxicô xuống giữa loài người mà an ủi chúng tôi, những kẻ trầm luân yếu đuối, bệnh tật hủi phong.

Tôi muốn cao ngâm những lời ca ngợi đầm khát khao trong suối ngọt ngào khi các chị, các mẹ cất tiếng hát: Chúa cứu tôi, Chúa cứu tôi !

Tôi muốn trọn đời ngưỡng mộ vẻ trắng trong nguyên vẹn, nguồn tươi, ánh sáng, thơ vì tất cả là hình tượng của:

LINH HỒN THANH KHIẾT

Hỡi các thiên thần, thiên thần của Chúa, thiên thần bình an và hoan lạc, hãy tung hoa hồng, hoa súng, tiếng hát thanh tao, hơi nhạc đẫm hương và tưới tràn trên đức hạnh, can đảm cùng hạnh phúc xuống cho những người hầu Chúa.

Phanxicô TRÍ

Tạ ơn Chúa
đêm thứ tư 24 octobre 1940’’[8]


Đoản văn ký tên Phanxicô Trí là sự kết hợp giữa nét ‘‘hàn mặc’’ thánh nhân và ‘‘cơn lâm lụy’’ của phàm nhân thi sĩ.

Về bút hiệu Hàn Mặc Tử, tác giả Phạm Chí Thiện kể lại rằng ‘‘trong đời thi sĩ của Nguyễn Trọng Trí, thi nhân tuần tự lấy những bút hiệu: Minh Duệ Thị, Phong Trần, Lệ Thanh, Hàn Mạc Tử và sau cùng là Hàn Mặc Tử:

‘‘Một hôm, thi sĩ Quách Tấn vừa chê vừa đùa:

- Tướng anh mảnh khảnh thế ni, chịu sao nổi cảnh phong trần mà ước ?

Thi nhân mới lấy chữ đầu của sinh quán (Lệ Mỹ) và chữ đầu của chính quán (Thanh Tân) ghép lại thành Lệ Thanh.

Ít lâu sau, Quách Tấn lại chê khéo:

- Bộ anh ngó dễ thương mà cái hiệu Lệ Thanh nghe cũng yếu điệu thục nữ quá ! Âu là tôi gọi là cô Lệ Thanh cho thêm duyên.

Nguyễn Trọng Trí làm thinh và ít lâu sau, người ta thấy ông đổi lại là Hàn Mạc Tử (Hàn Mạc là bức rèm lạnh). Nhưng, Quách Tấn lại nói kháy nữa:

- Kể cũng ngộ thật. Tránh kiếp phong trần, lại đi làm khách hồng nhan. Sợ kiếp hồng nhan đa truân, lại đi làm kiếp ‘‘rèm lạnh’’. Tránh lờ chun vào lưới. Sao mà lẩn thẩn quá thế ?

Nguyễn Trọng Trí nổi xung hầm hừ:

- Anh này thật đa sự Không biết đặt cái ‘‘đếch’’ gì cho vừa lòng anh ?

Quách Tấn cười và nói rất ý nhị, dí dỏm:

- Đã có rèm thì thêm bóng nguyệt vào. Hỏi còn cảnh nào nên thơ bằng ?

Tinh ý, Nguyễn Trọng Trí khoái trá, giằng bút vạch thêm ‘‘vành trăng non’’ trên đầu chữ a thành hiệu Hàn Mặc Tử (翰墨子). Chỉ thêm một dấu (ă) mà ý nghĩa đã biến hẳn: chữ ‘‘Hàn’’(寒) trước kia có nghĩa là ‘‘lạnh’’, nhưng rồi ghép với chữ ‘‘mặc’’ (mực) thì trở thành nghĩa là ‘‘bút’’ (翰).

Nguyễn Trọng Trí sửa xong, rồi nói một câu bất tử:

- Đã có bóng trăng rọi vào, thì từ nay danh tôi cũng cũng như văn chương của tôi sẽ mỗi ngày mỗi rạng ngời như bóng trăng!’’[9]


Tác giả Thiện Nam Nguyễn Bá Tin diễn nghĩa bút hiệu của anh mình như sau: ‘‘Bút hiệu Hàn Mặc Tử, trước hết vì anh tự nhận là nhà thơ nghèo nàn: chữ Hàn của anh là nghèo, không phải là lạnh: chữ Mặc là thỏi mực, ngụ ý tao nhân mặc khách.

Anh Trí vốn ngưỡng mộ triết gia Mặc Địch (墨翟)thời Chiến Quốc, nổi tiếng chủ trương thuyết Kiêm Ái (兼愛), nên anh cũng tự nhận thuộc môn phái Mặc Địch, thương yêu hết mọi người. Chữ Mặc Tử khi ghép đôi mới có ý nghĩa là môn đồ Mặc Địch. Chữ Hàn Mặc Tử nói lên ý nghĩa một thi sĩ nghèo nàn, nhưng tình thương rộng rãi bao la’’.[10]


Nhà văn Buffon cho rằng: ‘‘Văn là người’’. Bút hiệu của Hàn diễn tả ý nguyện ‘‘Kiêm Ái’’; còn công trình văn học của nhà thơ thể hiện ‘‘tin cậy mến’’. Nói khác đi, thơ Hàn Mặc Tử là thi ca đối thần (poésie théologale), vì hồn thơ luôn hướng về Thiên Chúa.

II - ĐỨC TIN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ:

2.1. Tổng quan về đức tin:

‘‘Trong các ân huệ của Thiên Chúa, anh em cứ tha thiết tìm những ơn cao trọng nhất. Nhưng đây tôi xin chỉ cho anh em con đường trổi vượt hơn cả.’’ (1 Cr 12,31). Trong văn bộ (corpus) thánh Phaolô, thánh nhân thường sử dụng các thuật từ tin, cậy, mến, vừa là danh từ: πίστις (pistis), ἐλπίς (elpis), ἀγάπη (agapè), lại vừa là động từ: πιστεύω (pisteuo), ελπίζω (elpizo), ἀγαπάω (agapáô). Theo thánh Thomas d’Aquin, ‘‘tin, cậy mến là các nhân đức nhằm vâng phục thánh ý Chúa, nên được gọi là đối thần’’[11].

Đức tin đồng nhất với κῆρυγμα (kerygma), có nghĩa là thuyết giảng (prédication), cao rao (proclamation à voix haute), người tín hữu làm chứng cho việc Chúa chịu chết và sống lại: ‘‘Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu.’’ (1 Tx 4,14). Tin cậy mến có liên hệ khắng khít với nhau. Theo thánh Augustinô, ‘‘Không có tình yêu nếu không có hy vọng. Ngược lại, không thể có hy vọng nếu không có tình yêu. Sau cùng, nếu không có tình yêu và hy vọng thì cũng không có đức tin.’’[12]

2.2. Đức tin trong văn xuôi Hàn Mặc Tử:

Hàn Mặc Tử đã chuyển hóa đức tin tôn giáo thành sự tin tưởng vào sứ mệnh của nhà thơ: ‘‘Đức Chúa Trời đã tạo ra trăng, hoa, nhạc, hương là để cho người đời hưởng thụ, nhưng người đời u mê, phần nhiều không biết tận hưởng một cách say sưa, và nhân đấy, chiêm nghiệm lẽ mầu nhiệm, phép tắc của Đấng Chí Tôn. Vì thế, trừ hai loài trọng vọng là thiên thần và loài người ta, Đức Chúa Trời phải cho ra đời một loài thứ ba nữa: loài thi sĩ. Loài này là những bông hoa rất quí và rất hiếm, sinh ra đời với một sứ mạng rất thiêng liêng: phải biết tận hưởng những công trình châu báu của Đức Chúa Trời đã gây nên, ca ngợi quyền phép của Người, và trút vào linh hồn người ta những nguồn khoái lạc đê mê, nhưng rất thơm tho và rất tinh sạch. Bởi muốn cho loài thi sĩ làm tròn nhiệm vụ ở thế gian này, nghĩa là tạo ra những tác phẩm tuyệt diệu, lưu danh lại muôn đời. Người bắt chúng phải mua bằng giá máu, luôn luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình.’’[13] Với đức tin công giáo, Hàn Mặc Tử cao rao tin, cậy, mến bằng những vần thơ.

Ý kiến của Hàn Mặc Tử cho rằng thi sĩ ‘‘luôn có một định mệnh tàn khốc theo riết bên mình’’ nhắc lại thuyết tài mệnh tương đố (才命相妒) trong truyện Kiều, hoặc câu nói của triết gia công giáo Blaise Pascal :‘‘Con người ‘‘linh ư vạn vật’’ nhận biết sự bất hạnh, khác với cỏ cây’’ (la grandeur de l'homme est grande en ce qu'il se connaît misérable. Un arbre ne se connaît pas misérable). Sau này, Hàn Mặc Tử nói đến mật đắng trong kiếp sống, mật ngọt trong thơ văn là muốn nói đến định mệnh éo le của nhà thơ: ‘‘Thi nhân đã đổ hết bao nhiêu nguồn máu lệ, đã từng uống mật đắng trong khi miệng vẫn tươi cười sốt sắng.’’[14]

Định mệnh tàn khốc và giá máu của nhà thơ đi đôi với sự cô liêu, buồn bã. Nhưng để đền bù, nhà thơ có cả mùa xuân ấm áp hằng ủ ấp trong lòng: ‘‘Thi sĩ rơi xuống cõi đời, bơ vơ, bỡ ngỡ và lạ lùng. Không có lấy một người hiểu mình. Thi sĩ đã ngất ngư trong khi nuốt hết khí vị thanh tao của mùa xuân ấm, của tất cả những lương thực ngon ngọt mĩ vị làm bằng hương báu, làm bằng nhạc thiêng, làm bằng rượu say, làm bằng châu lệ.’’[15]

Hàn Mặc Tử sử dụng các thuật từ ‘‘ngất ngư’’, ‘‘nuốt hết’’, hoặc là ‘‘ăn’’ trong Lang thang:

Trời hỡi nhờ ai cho khỏi đói
Gió trăng có sẵn làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng
Để trả thù duyên kiếp phũ phàng ?[16]


Thơ của Hàn Mặc Tử là vần thơ nuốt chữ (nghĩa), là cắn thơ, là nuốt trăng, là cắn cắn cắn cắn, nghĩa là nhai ngấu nghiến nỗi xót xa khổ lụy, khiến hơi thở đứt quãng, đớn đau:

Anh nuốt phứt hàng chữ
Anh cắn vỡ lời thơ
Anh cắn cắn cắn cắn
Hơi thở đứt làm tư!

- Tôi toan hớp cả ráng trời
Tôi toan đớp cả miếng cười trong khe.

- Có ai nuốt ánh trăng vàng,
Có ai nuốt cả bóng nàng tiên nga?


Giáo sư Bùi Xuân Bào đã gọi cách dụng ngữ trong thơ Hàn là ‘‘khẩu cảm’’[17]. Theo ý chúng tôi, thơ Hàn Mặc Tử không chỉ là ‘‘khẩu cảm’’, nhưng còn là giác quan hóa thi tứ. Vì ngoài vị giác còn là thị giác, thính giác, khứu giác và xúc giác.

2.3. Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử:

Ngoài văn xuôi, Hàn Mặc Tử diễn tả đức tin qua nhiều bài thơ như Nguồn thơm, Điềm lạ, Xuân đầu tiên, Đêm xuân cầu nguyện. Bài Nguồn thơm có câu:

Tôi van lơn, thầm nguyện Chúa Giêsu
Ban ơn xuống cho mùa xuân hôn phối


Theo học giả Thái Văn Kiểm, ‘‘Xuân Như Ý là mùa xuân của sáng thế ký, lúc mà vũ trụ sơ khai, linh khí của Thượng đế chập chờn trên nước’’. Mùa xuân vĩnh viễn đó đầy rẫy những lời nguyện cầu của thánh kinh, hương lạ mê ly, âm thanh mầu nhiệm, tất cả chìm ngập trong bể hào quang và trong tinh hoa của thi vị.

‘‘Lòng tin tưởng ở Thượng đế đã chứng giám, an ủi cho những nỗi thống khổ của Hàn Mặc Tử và giúp cho thi tài được hoàn toàn thành tựu. ‘‘Mùa xuân như ý được xem như tập thơ có giá trị hơn hết trong tất cả những thi phẩm của Hàn. Bài Ave Maria cũng đủ chứng minh điều đó.’’[18]


Thái Văn Kiểm trong Un grand poète vietnamien: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên trong Tuyển tập Hàn Mặc Tử và Nguyễn Bá Tin trong Hàn Mặc Tử anh tôi đều cho rằng tên bài thơ là Ave Maria. Quách Tấn trong Đôi nét về Hàn Mặc Tử lại cho rằng bài trường thi 8 chữ này là Thánh nữ Đồng trinh. Bản hợp xướng của nhạc sư Hải Linh lấy tên Tầu lạy Bà là muốn chuyển nhạc đề từ vầng trăng khuyết lẻ loi của thi nhân sang trăng rằm chung khúc ngất ngây, nốt nhạc chắp cánh cho phượng hoàng bay bổng, chiêm ngắm triều thiên Đức Mẹ Chúa Trời.

Về xuất xứ bài thơ, Quách Tấn cho rằng ‘‘một đêm Tử nằm mộng, thấy Đức Mẹ Maria lấy ngành dương nhúng nước thánh rảy khắp mình Tử, Tử cảm thấy ‘‘mát đến ớn lạnh’’. Cho nên khi cầm viết viết được, Tử soạn bài Thánh nữ Đồng trinh để tạ ơn Đức Mẹ.’’ [19]

Tác giả Nguyễn Bá Tín lại cho rằng:

-‘‘Từ ngày anh suýt chết ngoài bờ biển Qui Nhơn, anh thu mình lại, sống nội tâm, trầm mặc xa vắng. Bài Ave Maria mà anh đã xuất thần sáng tác, có những lời tạ ơn nồng nàn tha thiết’’.

- ‘‘Anh nói: Phượng Trì, cái tên thật là tuyệt, nghe như bay lên cao, bay lên cao, hay quá. Hai tiếng đó đã tạo cho anh một ý niệm bay về trời mà trong bài thơ Ave Maria ở đoạn cuối, anh lặp lại bốn lần một cách tha thiết.’’

- ‘‘Bốn chữ song lộc triều nguyên, Hàn Mặc Tử mượn trong khoa tử vi đẩu số có từ đời Đại Tống bên Tầu, nói về đại quý cách của người được trời ban nhiều ân sủng cao trọng không ai bằng: Song lộc là Hóa Lộc và Lộc Tồn đều là phúc lộc tinh. Hóa lộc nói về lợi lộc trần thế và vinh quang. Lộc tồn là sao thiên lộc, lộc bởi trời vô tận, có một ý nghĩa thiêng liêng gồm ơn phù trợ và cứu giải. Ngoài ra còn ban ơn thông tuệ và văn chương uyên thâm quán thế. Triều là hướng về, chầu về. Nguyên là bản mệnh. Hàn Mặc Tử rất thích bộ sao này, vì chính anh cũng có bộ sao đó trong bản số. Suốt bài thơ, anh không bày tỏ một lời nào bi lụy có thể làm mất đi nét trong sáng huyền diệu’’.[20]


Bài Ave Marie là kinh Kính mừng:‘‘lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn’’; lại vừa là lời kinh Tin kính, ‘‘tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ, tung hô câu đường hạ ngớp châu sa.’’

Ave Maria

Như song lộc triều nguyên ơn phước cả
Dâng cao dâng thần nhạc sáng hơn trăng
Thơm tho bay cho đến cõi Thiên đàng
Huyền diệu biến thành muôn kinh trọng thể.
Và Tổng lãnh Thiên thần quỳ lạy Mẹ
Tung hô câu đường hạ ngớp châu sa
Hương xông lên lời ca ngợi sum hòa
Trí miêu duệ của muôn vì rất thánh.
Maria! Linh hồn tôi ớn lạnh
Run như run thần tử thấy long nhan
Run như run hơi thở chạm tơ vàng
Nhưng lòng vẫn thấm nhuần ơn trìu mến.
Lạy Bà là Đấng tinh tuyền thánh vẹn
Giàu nhân đức, giàu muôn hộc từ bi
Cho tôi dâng lời cảm tạ phò nguy
Cơn lâm lụy vừa trải qua dưới thế.
Tôi cảm động rưng rưng hai dòng lệ
Dòng thao thao như bất tuyệt của nguồn thơ
Bút tôi reo như châu ngọc đền vua
Trí tôi hớp bao nhiêu là khí vị
Và trong miệng ngậm câu ca huyền bí
Và trong tay nắm một vạn hào quang
Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan
Tấu lạy Bà, Bà rất nhiều phép lạ.
Ngọc Như Ý vô tri còn biết cả
Huống chi tôi là Thánh thể kết tinh
Tôi ưa nhìn Bắc đẩu rạng bình minh
Chiếu cùng hết khắp ba ngàn thế giới.
Sáng nhiều quá cho thanh âm vời vợi
Thơm dường bao cho miệng lưỡi khong khen
Hỡi Sứ thần Thiên Chúa Gabriel
Khi người xuống truyền tin cho Thánh nữ
Người có nghe xôn xao muôn tinh tú
Người có nghe náo động cả muôn trời?
Người có nghe thơ mầu nhiệm ra đời
Để ca tụng bằng hương hoa sáng láng
Bằng tràng hạt, bằng Sao Mai chiếu rạng
Một đêm xuân là rất đỗi anh linh.
Đây rồi! Đây rồi! Chuỗi ngọc vàng kinh
Thơ cầu nguyện là thơ quân tử ý
Trượng phu lời là Tông đồ triết lý
Là Nguồn Trăng yêu mến Nữ Đồng Trinh
Là Nguồn Đau chầu lụy Nữ Đồng Trinh
Cho tôi thắp hai hàng cây bạch lạp
Khói nghiêm trang sẽ dâng lên tràn ngập
Cả Hàn giang và màu sắc thiên không
Lút trí khôn và ám ảnh hương lòng
Cho sốt sắng, cho đê mê nguyền ước.
Tấu lạy Bà, lạy Bà đầy ơn phước
Cho tình tôi nguyên vẹn tợ trăng rằm
Thơ trong trắng như một khối băng tâm
Luôn luôn reo trong hồn, trong mạch máu
Cho vỡ lở cả muôn ngàn tinh đẩu
Cho đê mê âm nhạc và thanh hương.
Chim hay tên ngọc, đá biết tuổi vàng
Lòng vua chúa cũng như lòng lê thứ
Sẽ ngây ngất bởi chưng thơ đầy ứ
Nguồn thiêng liêng yêu chuộng Mẹ Sầu Bi.
Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì! Phượng Trì!
Thơ tôi bay suốt một đời chưa thấu,
Hồn tôi bay đến bao giờ mới đậu
Trên triều thiên ngời chói vạn hào quang?


Ave Maria là bản trường ca tám chữ. Khác với kinh Kính mừng gồm hai đoạn đối xứng:

- đoạn 1 nói về trăng tròn phước cả của Đức Mẹ;

- đoạn 2 trở về với thân phận phàm nhân tội lỗi.

Ave Maria của Hàn Mặc Tử là hành trình nhân thế với bao khổ lụy, thương đau. Nhà thơ là Thánh thể kết tinh, dâng nhạc thơ tấu lạy Đức Bà. Nhờ có đức tin, thơ của Hàn tuy ‘‘cấu, cào, nhai ngấu nghiến; thịt da sượng sần và tê điếng’’ nhưng luôn vững niềm cậy trông.

Chất liệu Ave Maria là trăng (sáng hơn trăng, trăng rằm, nguồn trăng); là sao (song lộc, bắc đẩu, tinh đẩu, sao mai); là ánh sáng (sáng hơn trăng, hào quang, sáng nhiều quá, hào quang); là ngọc ngà châu báu (châu ngọc, ngọc như ý, chuỗi ngọc).

Ave Maria là kinh thơ tụng ca Thánh mẫu (muôn kinh, huyền diệu, nhân đức, từ bi, cảm tạ, phò nguy, huyền bí). Trong bài thơ, tác giả định nghĩa kinh thơ là:

nguồn trăng (siêu việt) + nguồn đau (nhân thế) = nguồn thơ

Tác giả sử dụng kỹ thuật láy âm (assonance) và điệp tự (répétition), vừa tạo nhạc tính, lại vừa là lời thở vắn than dài của nhân thế: run như run (hai lần), dòng thao thao, đây rồi đây rồi, tấu lạy Bà, lạy Bà, trong hồn, trong mạch máu, cho vỡ lở, cho đê mê. Ngoài ra là phép cân xứng (symétrie) và sánh đôi (parallélisme): song lộc, hai dòng lệ, hai hàng cây bạch lạp.

Phượng trì ! Phượng trì ! Phượng trì ! Phương trì ! là phượng hoàng bay miết, được lập lại bốn lần, như tiếng gõ cửa của định mệnh, âm hưởng giống như bốn nốt nhạc của bản giao hưởng số 5 của Beethoven.

Khi viết: Tôi no rồi ơn võ lộ hòa chan, Hàn Mặc Tử so sánh ơn trời với võ lộ (雨露) là sương mai ướt sũng. Sách Lã Thị Xuân Thu (呂 氏 春 秋) có câu: Tuyết sương vũ lộ thì, tắc vạn vật dục hĩ (雪 霜 雨 露 時, 則萬 物 育 矣) (Khai xuân luận 開 春 論).

Thân phận phàm nhân còn được cực tả qua ngũ quan:

- khứu giác (odorat): thanh hương, thơm tho, hương xông lên, thơm dường bao;

- thính giác (ouïe): thần nhạc, nghe xôn xao, reo trong hồn;

- thị giác (vue): sáng hơn trăng; sáng nhiều quá;

- vị giác (goût): miệng lưỡi khong khen, trong miệng ngậm câu ca;

- xúc giác (toucher): chạm tơ vàng, nắm một vạn hào quang.

Hàn Mặc Tử cho những vần thơ nhân thế nương náu trong đức cậy.

ca đoàn gx VN Paris hợp xướng bài Ave Maria
Ca đoàn Giáo Xứ hợp xướng Ave Maria, Đà Lạt Trăng Mờ (thơ: Hàn Mặc Tử. Nhạc & hòa âm: Hải Linh)

III - ĐỨC CẬY TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ:

3.1. Tổng quan về đức cậy: Trong văn bộ thánh Phaolô, từ ngữ elpis có ý nghĩa tương đồng với cậy trông trong sách Bảy mươi (Septante) của Cựu ước. Nói chung, đức cậy (espérance) là đợi chờ ngày mai, được gặp gỡ, kết hiệp cùng Thiên Chúa và Chúa Kitô phục sinh: ‘‘Chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong thì không còn là trông mong nữa.’’ (Rm 8,24) Niềm hy vọng vào cuộc sống trường sinh còn là cậy trông đổi mới, mong ước trường sinh.

3.2. Đức cậy trong văn xuôi Hàn Mặc Tử:

Khi đưa ra ‘‘Quan niệm thơ’’, Hàn Mặc Tử bày tỏ niềm cậy trông vào Thiên Chúa: ‘‘Thi sĩ chỉ có thể trút hết hận tình với Đức Chúa Trời, kể lể hết niềm đau thương với Người, dâng cho Người những bài thơ sáng láng anh hoa, thế mới là mãn nguyện. Vì Đức Chúa Trời đã tạo ra thơ ở thế gian này, nhưng thi sĩ là người khát khao vô tận, cứ nhất định muốn hưởng cái thơ trên cái thơ khác nữa. Chỉ có Đức Chúa Trời mới làm vừa lòng thi sĩ.’’[21]; vì nhà thơ ‘‘phải lấy Đức Chúa Trời làm chân lý, làm tiêu chuẩn cho văn thơ. Văn thơ không phải bởi không mà có.’’[22]

Quan niệm thơ của Hàn Mặc Tử khác biệt với Huy Cận:

Hỡi Thượng đế, tôi cúi đầu trả lại
Linh hồn tôi là một kiếp đi hoang

hoặc Chế Lan Viên:

với tôi tất cả đều vô nghĩa.

3.3. Đức cậy trong thơ Hàn Mặc Tử:

Niềm trông cậy của Hàn Mặc Tử được diễn tả tượng trưng qua vầng trăng. Trong tiếng Pháp, thuật từ ‘‘khuynh hướng tượng trưng’’ (symbolisme) do tiếng latinh symbolictum (symbole de foi). Hàn Mặc Tử viết nhiều về trăng. Trăng giãi sáng văn thơ của Hàn: văn xuôi có Chơi giữa mùa trăng; văn vần có nhiều bài, từ Uống trăng, Sáng trăng, Ngủ với trăng, Một miệng trăng, Say trăng, Rượt trăng, Trăng vàng trăng ngọc, Vầng trăng; đến Trăng mờ Đà Lạt.

Hàn Mặc Tử yêu trăng cũng là dễ hiểu, vì nhà thơ ‘‘yêu chuộng Mẹ Từ Bi’’ là Đấng ‘‘đẹp như mặt trăng’’. Trăng có trong Cựu ước và Tân ước. Sách Diễm ca (còn gọi là Nhã ca) chép rằng:

‘‘Kìa Bà nào đang tiến lên như rạng đông,
đẹp như mặt trăng, rực rỡ như mặt trời,
uy hùng như đạo binh xếp hàng vào trận.’’ (Dc 6,10)


Theo Thánh vịnh, ‘‘Chúa đặt vầng trăng để đo thời tiết. Fecit lunam in tempora’’ (Tv 104,19). Vì Thiên Chúa đã phán: ‘‘Phải có những vầng sáng trên vầng trời để phân rẽ ngày với đêm.’’ (St 1,14)

Trong Tân ước, ba Phúc âm nhất lãm (Mt 27,45; Mc 23,44; Lc 23,44) cũng như Phúc âm theo thánh Gioan (Ga 19,28) đều thuật lại việc Đức Giêsu chịu chết và sống lại. Theo niên lịch phụng vụ, lễ Phục sinh được định vào chủ nhật thứ nhất tiếp theo vầng trăng tròn phục sinh (pleine lune pascale), để tưởng niệm việc Đức Kitô chịu chết vào ngày thứ sáu 7 tháng 4 năm 30.

Năm 1983, tạp chí khoa học Nature công bố công trình nghiên cứu của hai nhà vật lý thiên văn C.J. Humphreys và W.G. Waddington của Đại học Oxford, dựa trên sách Công vụ Tông đồ: ‘‘Mặt trời sẽ trở nên tối tăm, mặt trăng hóa thành máu, trước khi ngày của Chúa đến.’’ (Cv 2,20). Màu đỏ được giải thích bằng việc ánh sáng lướt qua trên bầu khí quyển, hấp thụ cụm mây xanh. Từ năm 26 đến 36, hiện tượng nguyệt thực quan sát được ở Jérusalem nhằm ngày 3 tháng 4 năm 33, ngày Đức Kitô chịu chết.

Trong tập Gái quê, Hàn sáng tác 7 bài thơ nói về trăng. Qua tập Đau thương là 17 bài thơ trăng. Hành trình trăng của Hàn Mặc Tử cũng là hành trình thơ. Bài thơ cuối đời nói đến cái chết của nhà thơ là trăng tròn thụ nạn:

Một mai kia ở bên khe nước ngọc
Với sao sương, anh nằm chết như trăng
Không tìm thấy nàng tiên mô đến khóc
Đến hôn anh và rửa vết thương tâm.


Trong số các thi phẩm của Hàn Mặc Tử, Đà Lạt Trăng mờ là thơ trăng toàn bích, nói lên niềm cậy trông của thi nhân trong phút thiêng liêng vừa hé mở:

Đà Lạt Trăng Mờ

Đây phút thiêng liêng đã khởi đầu.
Trời mơ trong cảnh thực huyền mơ
Trăng sao đắm đuối trong sương nhạt
Như đón từ xa một ý thơ.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem trời giải nghĩa yêu.
Hàng thông lấp loáng đứng trong im
Cành lá in như đã lặng chìm
Hư thực làm sao phân biệt được
Sông Ngân Hà nổi giữa màn đêm.
Cả trời say nhuộm một màu trăng
Và cả lòng tôi chẳng nói rằng
Không một tiếng gì nghe động chạm,
Dẫu là tiếng vỡ của sao băng.


Trong tập hồi ký ‘‘Đôi nét về Hàn Mặc Tử’’, nhà thơ Quách Tấn kể lại rằng:

- mùa xuân năm 1933, nhân được nghỉ phép, Hàn Mặc Tử cùng gia đình bà Bùi Xuân Lang lên Đà Lạt thăm tôi (tr. 16).

- Dạo cảnh Đà Lạt lúc ban đêm cũng là một kỳ thú. Những con đường quanh co, khi lên cao, khi xuống thấp, nhiều khi đường chồng lên nhau. (tr.26)

- Đến bờ hồ, nhìn xuống mặt nước, chúng tôi mới nhớ là đêm trăng. Mặt hồ lóng lánh. Và vầng trăng dưới nước trông trong sáng gấp mấy lần vầng trăng ở trên mây. Tử nói:

- Cứ xem bóng trăng cũng biết nước hồ Đà Lạt trong đến ngần nào.

Tôi tiếp:

- Theo tôi, chỉ có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương mới đáng gọi là nước. Nước ở các sông các hồ, dù trong đến đâu, sâu đến đâu, sắc xanh cũng có phần lợt lạt. Duy có nước hồ Đà Lạt và nước sông Hương là đượm đà màu nước biển.

Từ trầm ngâm hồi lâu rồi nói:

- Không có cảnh thì khó có thơ, mà đứng trước cảnh đẹp quá, thơ nghĩ cũng không ra được. (tr.27)


Chúng tôi đương nói chuyện thì dường như có một luồng ánh sáng từ trong hồ bay ra và thoáng nhẹ ở trước mắt. Chúng tôi chú mục: một đám sương lớn bằng một chiếc chiếu chõng, nổi lềnh bềnh trên mặt hồ. Sương mỗi lúc mỗi vun cao và lan rộng, phản chiếu ánh trăng sáng hụt cả bốn bên.

Chúng tôi có cảm giác là trời đất đã tan thành thủy tinh và chúng tôi đương đứng lơ lửng giữa hư vô. Tôi nói khẽ cùng Tử:

- Mình đương chìm vào mộng, hay mộng đương lắng vào mình?

- Hư thực, phân biệt làm sao được! Nhưng chớ nói nhiều… Hãy lắng nghe… Dường như có tiếng thì thầm từ đáy hồ vọng đến. Tôi không mơ đâu nhé! Hãy lắng nghe…

Rồi sương tan dần, và dần dần mặt trăng trở lại. Tử nói:

- Cảnh thật huyền mơ! Tiếng lòng lẫn cùng tiếng tạo vật. Con người hòa hẳn vào thiên nhiên.

Và tuy Tử sống với Đà Lạt không được nhiều ngày, song vẻ đẹp huyền diệu của non sông ảnh hưởng vào thơ Tử sau này không ít. Tử có bài Đà Lạt Trăng Mờ. (tr.28-30)[23]


Học giả Thái Văn Kiểm chuyển ngữ Đà Lạt Trăng Mờ là ‘‘Đà Lạt, sous la lune diaphane’’.[24] Trong La pureté de l’âme, Hàn Mặc Tử cũng dùng chữ (lumière) diaphane. Dịch giả Hélènr Péras và Vũ Thị Bích dịch là Lune voilée à Dalat.[25]

Mỗi bài thơ trăng của Hàn là một khắc khoải, đợi trông. Trong bài Chơi giữa mùa trăng, thi nhân viết:

‘‘Tôi bỗng thấy chị tôi có vẻ thanh thoát quá, tinh khôi, tươi tốt và oai nghi như pho tượng Đức Bà Maria là Đấng tinh tuyền chí thánh. Tôi muốn sốt sắng, quỳ lạy mong ơn bào chữa.’’

Phần kết luận đoản văn Chơi giữa mùa trăng nói lên niềm trông cậy, đợi chờ:

‘‘ - Không không, chị ơi, rồi ánh sáng đêm nay sẽ tan đi, ta sẽ buồn thương và nhớ tiếc. Em muốn bay thẳng lên trời để tìm ánh sáng muôn năm thôi.’’[26]

Hàn Mặc Tử còn viết đoản văn Ra đời, Nhà thơ gom ánh nguyệt trong bản sonate ‘‘Ánh Trăng’’ (Clair de lune), sáng soi từng thi tứ:

‘‘Cho mau lên dồn ánh nguyệt vào đây
Lời thơ ta sẽ sáng trưng như thất bảo.’’


Đối với nhà thơ, vầng trăng tin cậy mến linh thiêng, cao giá:
Lạy Chúa tôi, vầng trăng cao giá lắm
Xin ban ơn bằng cách sáng thêm lên
Ánh thêm lên cho không gian rất đẫm
Linh hồn thơ mát rợn với hương nguyền
.

Đức tin và niềm trông cậy chắp cánh càng khiến thơ Hàn Mặc Tử thăng hoa với lòng mến Chúa, yêu người tha thiết.

IV - ĐỨC MẾN TRONG THƠ HÀN MẶC TỬ:

4.1. Tổng quan về đức mến:

Trong cổ ngữ Hy lạp, ἀγάπη (agapè - đức mến) do động từ ἀγαπάω (agapáô) có nghĩa là tiếp rước với tình bằng hữu, xử sự với lòng cảm mến. Trong sách Septante, agapè diễn tả tình yêu Thiên Chúa đối với loài người (Đnl 4,37), của loài người đối với Thiên Chúa (Xh 20,6). tình yêu lứa đôi (St 24,67), tình phụ tử (St 22,2), tình đồng loại, nghĩa đồng bào (Lv 19,18-34).

Theo thánh Phaolô:

- ‘‘Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.’’ (1 Cr 13,4-7).

-‘‘Hiện nay, đức tin, đức cậy, đức mến, cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.’’ (1 Cr 13,13)

Đức mến có ý nghĩa rộng hơn tình bạn. Vì đức mến là yêu mến mọi người, cho dù thân phận có khác nhau. Thánh Phaolô dùng chữ agapè nói đến tình yêu mọi người, tứ hải giai huynh đệ.

Thánh nhân sử dụng định từ ἀγαπητός (agapētos: yêu dấu) để chỉ định các tín hữu (Rm 1,7), động từ αγαπάω (agapao: yêu) để nhắc nhở người tín hữu đều được Chúa yêu thương (Rm 8,37). Đức mến là chung của cộng đoàn (1 Th 4,9) nhưng còn là riêng tư của mỗi người (1 Co 14,1). Sự phân biệt giữa chung và riêng của tình yêu cho phép ta tìm hiểu đức mến trong thơ Hàn Mặc Tử trong tình cảm riêng tư.

4.2. Đức mến trong văn xuôi Hàn Mặc Tử:

Hàn Mặc Tử đã bày tỏ quan niệm về đức mến bàng bạc khắp các sáng tác. Sau đây là một số trích đoạn tiêu biểu:

4.2.2. Apagè: ‘‘Thấy người đói rách thì thương, Rách thường cho mặc đói thường cho ăn’’ (Nguyễn Trãi):

Nguyễn Bá Tín thuật lại vài mẩu chuyện về lòng bác ái của Hàn Mặc Tử:

- ‘‘Anh không hề hờn giận ai, rất dễ quên, những gì anh đã làm thiệt hại cho người khác, và ngược lại cũng không nhớ ai đã làm gì thiệt hại cho anh.’’

- ‘‘Nghe nói, hồi ở Saigon, anh tự xem như có bổn phận lo lắng cho tất cả như triết gia Mặc Địch thời Chiến quốc chủ trương thuyết Kiêm Ái. Anh nói: Tụi nó đói nhăn răng ra mà để dành tiền làm chi’’.

- ‘‘Mẹ tôi thì quán xuyến hơn, thỉnh thoảng lưu ý đến áo quần anh, bà cho tôi biết có nhiều bộ đồ mới biến đâu mất, kể cả bộ đồ nỉ nâu, anh thừa hưởng của anh Mộng Châu để lại. Tôi hỏi Bùi Tuân, hắn hời hợt: ’’Có lẽ để giúp một vài người bạn vừa đi tù về.’’[27]

Câu nói: ‘‘Có lẽ để giúp một vài người bạn vừa đi tù về’’ chứng tỏ Hàn Mặc Tử đã làm theo lời Chúa dạy: ‘‘Nào những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từ thuở tạo thiên lập địa. Vì xưa ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các người đã cho uống, Ta là khách lạ, các người đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc,; Ta đau yếu, các người đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.’’ (Mt 25,34-36).

Hàn Mặc Tử ‘‘không hề hờn giận ai, rất dễ quên những gì anh đã làm thiệt hại cho người khác, và ngược lại cũng không nhớ ai đã làm gì thiệt hại cho anh’’, làm được bấy nhiêu là Hàn đã thực hiện bài ca đức mến của thánh Phaolô: ‘‘Ðức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù, không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.’’ (1 Cr 13,4-7).

Thi nhân còn thể hiện đức mến theo nghĩa hẹp (stricto sensu), nghĩa là tình yêu lứa đôi.

4.2.2. Apagè: ‘‘Trăm năm vẫn một lòng yêu, Và còn yêu nữa rất nhiều em ơi’’ (Hàn Mặc Tử):

- ‘‘Lòng ta hừng hực mỗi khi nắng hanh lên. Ấy là dấu hiệu mùa thơ đã chín. Gặt hái cho mau, kẻo ngọn thơ càng cao, người thơ càng điên dại. Nàng ơi, hãy mượn lưỡi liềm của trăng non mà hái, xin đừng dẫm lên bờ lòng ta.

-‘‘Một đêm say rượu nhớ Nàng Khách đã khóc sưng vù đôi mắt, và từng giọt lệ đã vô tình nhỏ vào ly rượu; có ai ngờ nhớ khách đến cuồng tâm dại trí nhúng cả mảnh hình Nàng trong rượu rồi mê man, vừa uống vào lòng cả rượu, cả nước mắt và cả bóng dáng xinh tươi của Nàng!’’[28]

-‘‘Tôi say tình cũng như tôi say trăng, say người thục nữ, say kinh cầu nguyện, say trời tương tư. Tình không những châu lưu trong khí huyết hồn tôi, tình còn lưu lộ ra làn da nong nóng, hồng đào như trứng gà so. Tình còn trút ra ở đầu mày, cuối mắt, đằng môi. Và thiết tha chưa, lời nói bằng hơi thôi đã bối rối vì mê…’’[29]


Ÿ ‘‘Tôi đã sống mãnh liệt và đầy đủ. Sống bằng tim, bằng phổi, bằng máu, bằng lệ, bằng hồn; Tôi đã phát triển hết cả cảm giác của tình yêu. Tôi đã vui, buồn, giận, hờn đến gần đứt sự sống.’’[30]

4.3. Đức mến trong thơ Hàn Mặc Tử:

Trong Hàn Mặc Tử anh tôi, tác giả đã thuật lại mối tình lặng lẽ của Hàn với một thiếu nữ Huế, nhà ở thôn Vĩ Dạ:

‘‘Năm 1936, anh về hội chợ Huế, gặp chị Kim Cúc mà cả hai đều rụt rè e thẹn. Anh Trí mang sách Gái Quê tặng các em chị, nhưng lại không dám trao cho chị. Chị Cúc kể lại và ân hận về thái độ rụt rè đó: ‘‘Càng tội nghiệp hơn là hôm sau anh xuống Vĩ Dạ đứng trước cổng hồi lâu rồi lặng lẽ bỏ đi’’. Cho đến khi anh đau nặng hồi 1939, chị Cúc còn gởi cho anh một phiến ảnh cỡ 6x9. Chị mặc áo dài lụa trắng như những cô gái Huế thời bấy giờ đứng trong vòm cây xanh mát. Anh làm ngay bài ‘‘Đây Thôn Vĩ Dạ’’.[31]

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh kể lại rằng thân phụ Hoàng Thị Kim Cúc là chánh sở Đạc điền ở Qui Nhơn. Khi Hàn Mặc Tử vào Saigon làm báo, Kim Cúc theo gia đình về thôn Vĩ Dạ.

Theo Nguyễn Bá Tín, ‘‘năm 1939, Hoàng Cúc nhận được hung tin nói trên từ Hoàng Tùng Ngâm. Nàng chuẩn bị một số tiền định gửi cho Hàn Mặc Tử uống thuốc nhưng không dám gửi. Nàng bèn gửi cho Hàn Mặc Tử một bức ảnh chụp cảnh nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát. Nhận được ảnh, Hàn Mặc Tử rất vui. Chàng liền làm ngay bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ’’. Trong Un grand poète vietnamien: Hàn Mặc Tử, học già Thái Văn Kiểm đã chú thích như sau: ‘‘Vĩ Dạ: quartier mandarinal et aristocratique de Huế’’ (Vĩ Dạ: thôn quan lại, hoàng phái xứ Huế).

Đây thôn Vĩ Dạ là thơ mới bảy chữ, gồm ba khổ:

- khổ 1:

câu 1: Sao anh không về thăm thôn Vĩ ? Giới thiệu không gian (thôn Vĩ). ‘‘Về’’, vì tuy không đi chung một chuyến đò mà tưởng như đã thân quen, người viễn khách về lại chốn cũ.
câu 2: Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên: nói đến thời gian, vào lúc hừng đông.
câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc: không gian thu hẹp là vườn cau, khóm trúc.
câu 4: Lá trúc che ngang mặt chữ điền: Người thôn nữ e ấp núp sau cành trúc, che ngang khuôn mặt tiểu thư khuê các, giống như tấm hình ‘‘nàng mặc áo lụa dài trắng đứng dưới vòm cây xanh mát’’.

Tác giả gieo vần gián cách, minh họa cho sự khắc khoải đợi trông.

Khổ 1 có 17 chữ vần bằng, 11 chữ vần trắc nên hơi thơ thoảng nhẹ như sương mai.

-Câu 1: tác giả sử dụng một lần chữ ‘‘anh’’; câu 10 một lần chữ ‘‘em’’. Còn lại là bốn chữ ‘‘ai’’, mỗi lần mang ý nghĩa khác nhau:
- câu 3: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc (ai: thôn nữ).
- câu 7: Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó (ai: người lái đò).
- câu 12: Ai biết tình ai có đậm đà (‘‘ai’’ đầu là viễn khách; ‘‘ai’’ sau là thôn nữ).

khổ 2:

-câu 5: Gió theo lối gió / mây đường mây. Cách ngắt câu: 4 rồi 3 chữ, tạo thành tiết tấu nhịp nhàng. Cách ngắt câu còn nói lên sự chia lìa, tan tác của mây và gió, của viễn khách và thôn nữ.
-câu 6: Dòng nước buồn thiu / hoa bắp lay. Nước sầu trôi lờ lững, bắp sầu nên nhẹ lay.
-câu 7: Vườn ai mướt quá xanh như ngọc. Tác giả biến sông Hương thành sông Trăng. Nhà thơ hỏi con thuyền liệu có xuôi dòng, chở kịp vầng nguyệt bạch, là người viễn khách hóa thân, vật vờ trên sông Hương, về kịp thăm thôn Vĩ, và cũng là thôn nữ ?
-câu 8: Lá trúc che ngang mặt chữ điền: Khuôn mặt thôn nữ chữ điền e ấp sau cành truc la đà.

Số chữ vần trắc chỉ còn là 9. Tác giả tăng thêm vần bằng là tăng niềm nhớ nhung da diết, tăng nỗi u hoài day dứt không nguôi.

khổ 3:

-câu 9: Mơ khách đường xa / khách đường xa. ‘‘Khách đường xa’’ lặp lại hai lần, réo rắt nhạc sầu mong đợi.
-câu 10: Áo em trắng quá nhìn không ra. Lần đầu và cũng là lần cuối, thi nhân gọi người thôn nữ là ‘‘em’’.
-câu 11: Ở đây sương khói mờ nhân ảnh. Thời gian chuyển thành sương khói hoàng hôn. Vì viễn khách không về thăm thôn Vĩ, thôn nữ chỉ còn là nhân ảnh nhạt nhòa, hay nói đúng hơn là tâm ảnh.
-câu 12: Ai biết tình ai có đậm đà. Chữ ai lập lại hai lần là cung thương hồ cầm. Tuy không gặp nhau, viễn khách và thôn nữ cùng chia nhau chữ ai, sầu ai oán.

Số chữ vần trắc chỉ còn 7 khiến câu thơ nghe như tiếng thở dài não nuột.

Đây thôn Vĩ Dạ

Sao anh không về chơi thôn Vĩ ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên
Vườn ai mướt quá, xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông Trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay ?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà.

Tác giả có lần thổ lộ: ‘‘Vườn thơ tôi rộng rinh không bờ bến. Càng đi xa là càng ớn lạnh.’’ Vườn thôn Vĩ Dạ có bờ tường cách ngăn. Còn vườn thơ Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử rộng rinh làm ta ớn lạnh. Hồn thơ Hàn Mặc Tử vượt thời gian và vượt cõi không gian.

Năm 2011, nhà xuất bản Arfuyen dịch thơ Hàn Mặc Tử sang tiếng Pháp, lấy thôn Vĩ đặt tên cho toàn tập: Le hameau des roseaux. Dịch giả đã chuyển hóa thôn Vĩ sang thôn sậy, có lẽ vì sậy buông xõa như tóc mây, không khác gì hoa bắp. Tên bài thơ được dịch là Voici le Hameau des Reoseaux.

Đây thôn Vĩ Dạ được coi là tuyệt bút. Tuy thi nhân không về thăm thôn Vĩ, nhưng hồn thi nhân còn lưu lạc đất Thần Kinh. Ngày nay, có con đường ở thôn Vĩ mang tên Hàn Mặc Tử. Và trong tâm hồn nhân thế vẫn khắc ghi những bài thơ thần bút của thi nhân.

Linh mục Thi sĩ Cung Chi và nhóm Thư viện Giáo xứ

Thay kết luận: Vần thơ nhập thể:

Đỗ Phủ nhủ lòng: ‘‘Thơ chưa làm kinh động lòng người thì chết chưa yên.’’ (Ngữ bất kinh nhân, tử bất hưu (语不惊人, 死不休). Thơ tin cậy mến của Hàn Mặc Tử thực sự làm kinh động lòng người. Mỗi câu mỗi chữ đều dính cân não, đều tràn huyết lệ:

Ta muốn hồn trào ra đầu ngọn bút
Mỗi lời thơ đều dính não cân ta.


Trong bài Ave Maria, nhà thơ nhận mình là Thánh thể kết tinh. Ý tưởng này lại càng làm nổi bật ý nghĩa nhập thể: ‘’Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.’’ (Ga 1,14).

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh thi sĩ Hàn Mặc Tử, chúng tôi có bài Đường thi, xin chép lại sau đây để nói lên tâm tình biết ơn của một kẻ hậu sinh yêu thơ họ Hàn:

Vần thơ nhập thể (poésie incarnée)
Vần thơ nhập thể nhẹ hơi sương
Trí não trào dâng quá lạ thường
Khắc khoải linh hồn tràn huyết lệ
Mê man xác thịt rướm đau thương
Niềm tin chất ngất thơ mầu nhiệm
Cậy mến miên man dạ vấn vương
Kỷ niệm trăm năm Hàn Mặc Tử
Thuyền trăng thấp thoáng bến sông Hương.


Thư viện Fels (Paris), ngày 13 tháng 3 năm 2012

Lê Đình Thông

--------------------------------------------------------------------------------

[1] Đặng Tiến, Đức tin trong thơ Hàn Mặc Tử, Saigon, Văn, (bán nguyệt san) 01/06/1071.

[2] Tuyển tập Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên tuyển chọn và giới thiệu, Hà Nội, nhà xuất bản Văn học, 1987.

[3] Thái Văn Kiểm, Un grand poète vietnamien: Hàn Mặc Tử, Saigon, Ed. France-Vietnam, 1950.

[4] Bản của Chế Lan Viên chép là: Chầm chậm cho mình giữ mối giây (sđd, tr. 42). Bản của Thái Văn Kiểm (sđd, tr 34) chép là: Chầm chậm cho mình gởi mối giây.

[5] Bạn bè vong mệnh (亡命): bạn bè trốn tránh hoạn nạn.

[6] Nguyễn Văn Xê, Nhớ Hàn Mặc Tử, trong Quách Tấn, Đôi nét về Hàn Mặc Tử, Paris, nhà xuất bản Quê Mẹ, 1988, tr. 181.

[7] Hàn Mặc Tử, Chơi giữa mùa trăng, Paris, Lá Bối, 1977, tr. 71.

[8] Chúng tôi chép lại bản tiếng Pháp do Hàn Mặc Tử sáng tác để tiện việc tra cứu hoặc đối chiếu giữa nguyên bản tiếng Pháp và tiếng Việt:

‘‘Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaïté, apportez-moi une couronne.

Je veux me baigner dans l’océan de lumière et d’amour divin.

Car ici-bas s’accomplissent des miracles qui tiennent les hommes muets d’admiration en contemplant l’œuvre mystique du Très-Haut.

Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaïté, voyez-vous cette lumière diaphane qui se précise, cette blancheur de neige, cette forme immaculée, cette âme apparue au monde ? Je crois au premier abord que c’est l’esprit des saints, la poésie, la quintessence de la prière, qui au lieu de s’exhaler en Parfum et en Éther, prend la modeste résolution de se faire créature ?

Anges du ciel, anges de Dieu, anges de paix et de gaïté, applaudissez: car ce sont les mères et les sœurs de saint François d’Assise qui descendent au monde pour calmer les douleurs et les peines des faibles mortels, des malades et des lépreux tels que nous sommes. Ô Thérèse d’Avila !

Je veux chanter des louanges, me désaltérer de leurs douces paroles quand elles chantent: Hosanna ! Hosanna !

Je veux toujours admirer cette blancheur immaculée, cette fraîcheur, cette lumière, car tout cela est l’emblème de la

PURETÉ DE L’ÂME

Anges du ciel, anges de Dieu, anges de gaïté, lancez des roses et des nénuphars, des chants mélodieux et des notes embaumées et versez avec effusion les vertus, le courage et le bonheur, parmi les servantes de Dieu.

François TRÍ

Deo Gratias

Nuit de mercredi

24 octobre 1940’’

[9] Phạm Công Thiện, ‘‘Thể truyện ký nhân đọc quyển Hàn Mạc Tử của Trần Thanh Mại’’, trong Quách Tấn, sđd, tr.198.

[10] Thiện Nam Nguyễn Bá Tín, Hàn Mặc Tử anh tôi, Paris, nhà xuất bản Tin, 1990, tr. 49.

[11] Saint Thomas d’Aquin, Somme théologique, tome 2, Paris, Cerf, 1984, tr. 377.

[12] Saint Augustin, Œuvres de saint Augustin, 9, 1ère série: Opuscules IX, Exposés généraux de la foi, Paris, Desclée de Brouwer et Cie, Enchiridium/sive de fide, spe et charitate, tr. 115.

[13] Hàn Mặc Tử, ‘‘Quan niệm thơ’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 34-35.

[14] Hàn Mặc Tử, ‘‘Ra đời’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 61.

[15] Ibid.

[16] Tuyển tập Hàn Mặc Tử, tr. 95.

[17] Bùi Xuân Bào, ‘‘Thi ảnh khẩu cảm trong thơ Hàn Mặc Tử’’, trong tập san Khoa học nhân văn (tập II), Saigon, tr. 163-172.

[18] Thái Văn Kiểm, sđd, tr. 43.

[19] Quách Tấn, sđd, tr. 45-46.

[20] Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 39, 79, 81.

[21] Hàn Mặc Tử, ‘‘Quan niệm thơ’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 37.

[22] Sđd, tr. 40.

[23] Quách Tấn, sđd.

[24] Thái Văn Kiểm, sđd, tr. 24

[25] Hàn Mặc Tử, La Hameau des Roseaux, Paris, Ed. Arfuyen, 2001, p. 59.

[26] Chơi giữa mùa trăng, tr. 15-17.

[27] Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 18, 31, 32.

[28] Hàn Mặc Tử, ‘‘Kêu gọi’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 28.

[29] Hàn Mặc Tử, ‘‘Tình’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr. 47.

[30] Hàn Mặc Tử, ‘‘Thơ’’, trong Chơi giữa mùa trăng, tr.55.

[31] Nguyễn Bá Tín, sđd, tr. 50.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chầu Thánh Thể
Diệp Hải Dung
21:13 18/04/2012
CHẦU THÁNH THỂ
Ảnh của Diệp Hải Dung, (Australia, hình chụp tại Trung Tâm Bringelly, Sydney)
Tình thương của Chúa bao la
Để Mình Máu Thánh nuôi ta hàng ngày
Xác không lương thực hao gầy
Đời không tình Chúa đắng cay u sầu..
(Trích thơ của Trương Hoàng)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền