Ngày 11-04-2021
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Một điều gì đó vĩ đại hơn
Lm. Minh Anh
02:11 11/04/2021
MỘT ĐIỀU GÌ ĐÓ VĨ ĐẠI HƠN
“Đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay kể lại cho chúng ta một lúc hai lần hiện ra của Chúa Phục Sinh; lần thứ nhất, Tôma “Điđymô” không có mặt để nhìn thấy Ngài, ông không tin; Ngài lại phải hiện ra lần nữa. Tôma thật bướng bỉnh! Nhưng ngạc nhiên thay, Đấng Phục Sinh lại muốn dùng con người bướng bỉnh này để giúp chúng ta hiểu được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’.

Tôma đã thấy Chúa, ông được mời thọc ngón tay vào lỗ đinh, xỏ bàn tay vào cạnh sườn Ngài; và Tôma đã không nói, ‘Đúng là Chúa đã sống lại!’ Không! Tôma đã vượt xa hơn, vượt quá sự hiểu biết cần thiết ấy, để nói, “Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!”. Tuyệt vời! Tôma, người đầu tiên trong số các tông đồ tuyên xưng thần tính của Chúa Kitô sau phục sinh, và Tôma yêu mến Ngài trọn đời. ‘Một điều gì đó vĩ đại hơn’ đó là mặc khải về một Thiên Chúa xót thương, luôn tha thứ.

Không thể gần gũi hơn, Chúa Phục Sinh tự đặt mình trong một khoảng cách rộng vừa một bàn tay hoặc một ngón tay để Tôma có thể dễ dàng chạm đến Ngài. Ngài mời người môn đệ đang nghi ngờ này đến sát bên Ngài để chạm vào Thánh Tâm đầy xót thương của Ngài; hầu không chỉ hết nghi ngờ về thân xác phục sinh của Đấng Cứu Độ, nhưng còn không nghi ngờ gì nữa về một Thiên Chúa giàu lòng xót thương, điều mà Ngài hứa khi tha tội. Cùng Tôma, chúng ta cũng hãy đến sát Ngài trong khoảng cách chỉ vừa một bàn tay ấy; đồng thời, hãy nhìn qua cạnh sườn rộng mở của Ngài để thấy cho được ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, một trái tim quá yêu thương mọi linh hồn.

Không chỉ muốn chạm đến trái tim Ngài, chúng ta sẽ làm ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’; đó là mời Chúa Giêsu chạm vào trái tim chúng ta. Như những người phung cùi đã phơi trần thân thể biến dạng của họ cho Chúa Giêsu chạm đến và chữa trị, chúng ta cũng trao cho Ngài linh hồn biến dạng của mình, xin Ngài chạm vào và chữa lành. Hãy để “ngón tay thánh” của Ngài chạm đến những gì cần được cảm hoá bởi ân sủng Ngài, đặc biệt qua Bí tích Hoà giải; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’, cũng là điều Ngài khát khao. Hãy đem trái tim khát khao của Ngài đến với các linh hồn. Phải, các linh hồn cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ mà Ngài hằng khao khát, và đó là công việc của chúng ta.

Nhật ký của chị Faustina viết, “Con gái của Ta, hãy nói với cả thế giới về lòng thương xót không thể tưởng tượng được của Ta. Ta mong Lễ Lòng Chúa Thương Xót là nơi nương tựa và chở che cho mọi linh hồn, nhất là cho những tội nhân đáng thương. Vào ngày đó, chính vực thẳm của lòng thương xót dịu dàng của Ta được mở ra; Ta tuôn đổ cả đại dương ân sủng cho linh hồn nào đến gần suối xót thương của Ta. Linh hồn đi xưng tội và rước lễ sẽ được thứ tha mọi tội lỗi và mọi hình phạt. Ngày đó, tất cả các cơn lũ thần thánh sẽ mở ra; dòng chảy ân sủng được mở ra”. Từ lúc chị qua đời, 1938, những mặc khải riêng cho chị bắt đầu được đọc và chia sẻ, nhưng một số người đã đặt câu hỏi về tính xác thực của chúng. Vì vậy, ngày 06/3/1959, các tác phẩm của Faustina đã bị Văn Phòng Toà Thánh đưa vào danh sách “cấm”; tuy nhiên, năm 1965, với sự cho phép của cùng một Văn Phòng Toà Thánh, Đức Tổng Giám Mục Karol Wojtyła, giáo phận Kraków, Ba Lan, đã bắt đầu cung cấp thông tin; chị Faustina và các bài viết của chị đã toả sáng. Tiến trình này kết thúc ngày 15/4/1978 với việc Bộ Giáo Lý Đức Tin, Rôma, ban hành một sắc lệnh mới, cho phép phổ biến tài liệu của nữ tu Faustina và lòng sùng kính mới đối với Lòng Chúa Thương Xót. Sau đó, bởi sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa, ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ đã xảy ra, chỉ 6 tháng sau, Tổng Giám mục Karol Wojtyła được bầu làm giáo hoàng, đó là Đức Gioan Phaolô II. Hơn hai thập kỷ sau, ngày 30/4/2000, Faustina được chính Đức Gioan Phaolô II phong hiển thánh; nhân dịp này, ngài thiết lập lễ Lòng Thương Xót cho Giáo Hội hoàn vũ vào ngày thứ tám Tuần Bát Nhật Phục Sinh hàng năm.

Anh Chị em,

Thật đáng kinh ngạc, tự tay Chúa Giêsu Phục Sinh chọn ra một trong những giáo hoàng vĩ đại nhất để giới thiệu những mặc khải này với thế giới; từ đó, những thông điệp này đã trở thành một bữa tiệc chung cho tất cả mọi người. Phần chúng ta, hãy đến với Ngài là suối nguồn xót thương dù chúng ta là ai, tình trạng linh hồn chúng ta thế nào, tội lỗi, sốt mến; lơ là hay đạo đức… Đừng để mình chết khát khi ở bên mạch suối sự sống của Ngài; ấy là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ Ngài đang mong đợi. Cuộc đời luôn có gì đó hơn, nhưng sự Phục Sinh của Đức Kitô và lòng thương xót của Ngài thì không thể có ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’ được nữa. Chúng ta hãy chọn lựa và sống cho cái tuyệt đối đó: lòng thương xót Thiên Chúa nơi Đức Kitô. Ước gì lòng thương xót của Ngài chạm đến chúng ta, biến chúng ta thành những khí cụ xót thương của Ngài cho anh chị em bên cạnh mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con tin Lời Chúa, linh hồn con không sợ hãi khi đến gần Chúa, dẫu tội con đỏ tươi và lớn đến cỡ nào, lòng thương xót Chúa vẫn lớn hơn, đậm hơn. Đừng để con khát khao điều gì khác ngoài Chúa, và khát cả những linh hồn cho Chúa; ấy cũng là ‘một điều gì đó vĩ đại hơn’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Thứ Hai 12/4: Khiêm tốn lắng nghe, để tìm ra chân lý sống - Linh mục Trần Châu Đông
Giáo Hội Năm Châu
02:25 11/04/2021

Video sẽ bắt đầu từ 7g tối ngày 11-April-2021 theo giờ Việt Nam


Hôm nay thứ 2, sau CN thứ II PS - lời Chúa mà Giáo Hội mời gọi chúng ta lắng nghe và suy niệm, được trích từ sách Phúc Âm theo thánh Gioan 3:1-8!

Với chủ đề: KHIÊM TỐN LẮNG NGHE, ĐỂ TÌM RA CHÂN LÝ SỐNG!

Giờ đây xin mời mọi người, chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, để chúng ta bước vào giờ suy niệm.

Nhân danh Cha, và Con, và Thánh Thần… Amen!

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan:

Trong nhóm Pha-ri-siêu, / có một người tên là Ni-cô-đê-mô, / một thủ lãnh của người Do Thái./ Ông đến gặp Đức Giêsu ban đêm./ Ông nói với Người: /“ Thưa Thầy, chúng tôi biết: /Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. / Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm. / Nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.”/ Đức Giêsu trả lời: / “Thật, tôi bảo thật ông: / không ai có thể thấy Nước Thiên Chúa, /nếu không được sinh lại bởi ơn trên.” / Ông Ni-cô-đê-mô thưa: /“ Một người đã già rồi, làm sao có thể sinh ra được?/ Chẳng lẽ người đó có thể trở vào lòng mẹ lần thứ hai để sinh ra sao?” / Đức Giêsu đáp: “Thật, tôi bảo thật các ông:/ không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi Nước và Thần Khí. /Cái gì bởi xác thịt mà sinh ra, thì là xác thịt;/ còn cái gì bởi Thần Khí mà sinh ra, thì là Thần Khí./ Ông đừng ngạc nhiên vì tôi đã nói: / các ông cần phải được sinh lại bởi ơn trên./ Gió muốn thổi đâu thì thổi:/ ông nghe tiếng gió, nhưng không biết gió từ đâu đến và thổi đi đâu. /Ai bởi Thần Khí mà sinh ra thì cũng vậy.”

SUY NIỆM:

Con người từ đâu mà đến? Ta được sinh ra để làm gì? Tương lai của ta sẽ thế nào? Điều gì sẽ xảy ra sau khi ta lìa cõi thế này?... Hay những câu hỏi tương tự như thế này, dường như là vấn nạn muôn thuở cho tất cả những ai sống và làm kiếp con người trên dương gian.

Thánh Augustinô trong cuốn tự thú, ngài cũng đã từng có những suy tư tương tự: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con, lòng con khắc khoải cho tới khi con được nghỉ yên trong Chúa.”

Kính thưa quý OBACE, khắc khoải, kiếm tìm, hy vọng - đây cũng là thái độ của ông Nicôđêmô, mà Tin mừng theo Thánh Gioan hôm nay thuật lại cho chúng ta biết - Nicôđêmô vốn là một chức sắc trong giới lãnh đạo tôn giáo Do thái, nhưng ông không giống như những người khác, ông luôn ưu tư về thân phận và chung cục của cuộc đời con người.

Không những thế, ông còn có một cái nhìn tích cực về Đức Giêsu:“Thưa Thầy, chúng tôi biết: Thầy là một vị tôn sư được Thiên Chúa sai đến. Quả vậy, chẳng ai làm được những dấu lạ Thầy làm, nếu Thiên Chúa không ở cùng người ấy.”

Hơn thế nữa, ông còn nhận ra sự yếu đuối của mình và muốn được biến đổi. “Một người đã già rồi, làm sao có thể thay đổi được?”

Cụm từ “đã già rồi,” ở đây muốn nói lên những kinh nghiệm sống, những thói quen, hay những kiến thức đã hình thành nơi ông. Nhưng nơi ông Ni-cô-đê-mô chúng ta thấy một con người khao khát tìm chân lý cho cuộc sống của mình. “Làm sao có thể thay đổi được?” Một câu hỏi ông đặt ra để xin Chúa Giêsu hướng dẫn cho ông. Ông luôn khiêm nhường trước mặt Chúa, và để Ngài hướng dẫn tìm ra chân lý sống cho mình.

Thưa ACE, Băn khoăn, khắc khoải của Nicôđêmô hôm nay, đã giúp chúng ta hiểu ra được những mặc khải rất quan trọng của Đức Giêsu: “Không có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không được sinh ra bởi Nước và Thần Khí”. Qua lời mặc khải trên, Chúa Giêsu đã nhấn mạnh tới hai điểm rất quan trọng:

Điểm thứ nhất là: “Thần Khí”- Được ám chỉ về Chúa Thánh Thần (Ngôi Ba TC) - Trong trình thuật tạo dựng trong sách sáng thế ký viết: “Thần Khí Chúa bay là là trên mặt nước.”

Điểm thứ hai là: “Nước” – Được thể hiện qua Bí Tích Rửa Tội. Nhờ phép rửa tội, chúng ta đã được tái sinh và sống bằng sự sống thần linh với Chúa, chúng ta nhìn bằng cái nhìn của Chúa, chúng ta mặc lấy chính những suy nghĩ của Chúa và yêu thương bằng chính tình yêu của Ngài.

Kính thưa quý OBACE,

Băn khoăn, khắc khoải, lo lắng về thân phận mình là rất điều rất tốt. Thế nhưng: làm thế nào để ta sống cho đúng với ơn gọi làm người và làm con Chúa?

Sau khi được thanh tẩy bởi Nước và thần khí qua Bí tích Rửa Tội. Chúng ta đã được trở nên một tạo vật mới. Thế nhưng, đã biết bao lần chúng ta lại để mình chìm đắm trong đam mê, lầm lạc của tội lỗi. Tấm áo trắng tinh tuyền mà chúng ta mặc trong ngày Rửa Tội, liệu có còn trắng, hay đã ngả màu theo dòng thời gian?

Sinh lại bởi Nước và Thánh Thần, đây là điều kiện kiên quyết, để giúp ta được vào Nước Trời. Nhưng để sinh lại được, chúng ta phải từ bỏ rất nhiều. Sự sinh lại, không chỉ một lần là đủ, nhưng là sinh lại mỗi ngày, phải cởi bỏ con người cũ, để trở nên như trẻ thơ – hoàn toàn chấp nhận lệ thuộc vào Thiên Chúa - khước từ ý muốn tự cứu lấy mình bằng những cố gắng, hay những lý lẽ và phương tiện riêng của mình.

Thánh sử Gioan mô tả việc ông Nicôđêmô đến gặp Chúa Giêsu vào ‘ban đêm’ hẳn phải có lý do của nó. Rồi sau lần gặp gỡ này, thánh sử còn cho ông Nicôđêmô xuất hiện them một lần nữa, đó là vào lúc mai táng Chúa Giêsu. / Ông cùng với ông Giôxép đem theo 100 cân mộc dược trộn với trầm hương để tẩm liệm xác Chúa. / Như thế, được gặp gỡ Chúa, Nicôđêmô đã biến đổi con người cũ của mình. / Ông biến đổi từ chỗ đến gặp Chúa trong bóng tối vì sợ nghi kị / bởi ông là thủ lãnh dân Do Thái / đến việc ông can đảm bước ra ánh sáng, / sẵn sàng đi theo Chúa, / dành cho Chúa những gì quý báu nhất trong ngày mai táng. / Và trên hết là, ông đã nhận ra được Giêsu Kitô, / Ánh sáng đã đến thế gian.

Sống trong 1 xã hội vô thần, vậy thử hỏi liệu chúng ta có dám vượt qua được những trở ngại, những thách đố, hay những định kiến… để đến tìm gặp Chúa như Niccôđêmô đã từng làm hay không?

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, xin ban Thần Khí của Ngài để giúp sức cho chúng con biết sống tốt hơn mỗi ngày. Amen!
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:28 11/04/2021

72. Linh hồn ơi, nếu ngươi có thể nhìn thấy các thiên thần rất vui mừng cùng cầu nguyện với chúng ta, vui vẻ biết bao ở bên chúng ta khi chúng ta suy niệm, rất thận trọng tìm cách giúp chúng ta kiên trì làm việc thiện, và hoàn toàn mong muốn chúng ta mãi mãi được cứu độ.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:32 11/04/2021
12. QUẢ ĐẤM Ở KINH THÀNH

Con trai mới từ kinh thành trở về nhà nói rằng trong kinh thành mọi thứ đều rất đẹp.

Buổi tối, trời trăng sáng rực, con trai bèn nói:

- “Ở đây không có gì đẹp, kinh thành có nhiều mặt trăng hơn ở đây”.

Phụ thân nổi giận nói:

- “Chỉ có một mặt trăng mà thôi, chứ có quỷ nào nữa?” -

Nói xong thì đánh cho nó một thoi.

Con trai vừa khóc vừa nói:

- “Ai lạ gì quả đấm của ba, nhưng quả đấm ở kinh thành có sức mạnh hơn của ba nhiều !”

(Tiếu Đắc Hảo)

Suy tư 12:

Chỉ có một mặt trăng mà thôi nhưng ánh sáng chiếu khắp mặt đất, thành thị nhiều mặt trăng nhưng chỉ chiếu sáng có một vùng nhỏ mà thôi, vì đó không phải là mặt trăng nhưng là đèn điện.

Chỉ có một Thiên Chúa mà thôi nhưng Ngài đã làm được tất cả mọi sự, con người ta dù có tài giỏi đến đâu thì cũng chỉ giỏi trong một chừng mực nào đó, bởi vì con người là loài tạo vật chứ không phải là Thiên Chúa.

Nhưng thời nay có những người tự cho mình là toàn năng như Thiên Chúa, nên đã “phán” những lời làm mất uy tín giáo hội và mất uy tín cá nhân mình, lại còn làm dao động đức tin nơi những người tin vào Thiên Chúa, họ tự cho mình là người toàn năng trong vấn đề đức tin và luân lý, họ cho mình là người bề trên của anh chị em nên họ đã đánh mất chính mình…

Quả đấm của ba (Thiên Chúa) thì con không lạ gì vì Ngài rất nhân từ và yêu thương con, nhưng quả đấm của người khác (thế gian) thì mạnh mẽ làm tổn thương tâm hồn và thân xác của con, bởi vì họ không có tình người, không có đức tin và nhân cách thì lại càng tệ hơn…

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Bức tượng Chúa Kitô lớn nhất thế giới được tân trang
Đặng Tự Do
02:38 11/04/2021


Bức tượng Chúa Kitô mang tính biểu tượng của Brazil sẽ bước sang tuổi 90 vào tháng 10 sắp tới. Những người phục chế muốn chỉnh trang để bức tượng trông đẹp nhất trước khi tổ chức sinh nhật

Marcos Signe, một công nhân đang làm việc trong dự án chỉnh trang này cho biết:

“Đó là một đặc ân khi được làm việc ở đây. Nhiều người muốn được công việc này nhưng mấy ai có được, được treo trên bức tượng là một đặc ân. Có thể nhìn ngắm quang cảnh xung quanh, tôi rất vui khi được làm việc ở đây”.

Cristina Ventura, kiến trúc sư của dự án chỉnh trang này nói:

“Mỗi lần tôi nhìn ra ngoài, điều đó thật thú vị.”

Hơn 40 người đang làm việc để trang điểm cho bức tượng bao gồm các kỹ sư, kiến trúc sư và các nhà địa chất. Tất cả là nhằm bảo đảm bức tượng sẽ đứng vững trong 90 năm nữa.

Tượng Chúa Giêsu Kitô của Brazil là một bức tượng nghệ thuật kiến trúc ở Rio de Janeiro, Brazil, được tạo ra bởi nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski và được xây dựng bởi kỹ sư người Brazil Heitor da Silva Costa, phối hợp với kỹ sư người Pháp Albert Caquot. Nhà điêu khắc người Romania Gheorghe Leonida đã tạo hình khuôn mặt. Được xây dựng từ năm 1922 đến năm 1931, bức tượng cao 30 mét, không kể bệ bên dưới cao 8 mét. Hai tay duỗi rộng 28 mét.

Bức tượng nằm trên đỉnh núi Corcovado cao 700 mét trong Công viên Quốc gia Rừng Tijuca nhìn ra thành phố Rio de Janeiro. Là biểu tượng của Kitô Giáo trên toàn thế giới, bức tượng cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa của cả Rio de Janeiro và Brazil, và được xếp vào danh sách một trong bảy kỳ quan của thế giới.
Source:Reuters
 
Mẹ bề trên dòng Biển Đức ở Missouri thoát chết, đạn bắn cách gang tấc
Đặng Tự Do
02:39 11/04/2021


Trong Mùa Chay vừa qua, các nữ tu ở một tu viện ở vùng nông thôn Missouri đã bị tấn công nhiều lần. Nghiêm trọng nhất là một viên đạn ghim vào bức tường phòng ngủ của bề trên dòng. Vì thế, các nữ tu đang gây quỹ cho một hàng rào an ninh, trong khi các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đang điều tra những vụ xả súng này.

Trong một tuyên bố được gửi qua email cho các phương tiện truyền thông Công Giáo trong tuần này, Dòng Các Nữ Tu Biển Đức của Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ nói rằng vào ngày 24 tháng Ba, “chỉ mới 11 giờ đêm, nhiều nữ tu trong Tu viện đã nghe thấy những tiếng súng lớn. Một số sơ đã thức giấc, nhưng nhanh chóng quay lại ngủ tiếp, vì đáng buồn là chúng tôi đã trở nên quá quen với những quấy động liên quan đến các hoạt động không phù hợp xung quanh tu viện của chúng tôi”.

Tuyên bố cho biết thêm “Vào buổi sáng, mẹ bề trên đã phát hiện ra hai lỗ đạn trong phòng ngủ của mình. Một viên đạn xuyên vào bức tường bên ngoài, đục một lỗ bên dưới bức tranh Thánh Tâm Chúa, và xuyên qua bức tường đối diện, dừng lại trước vòi hoa sen ở phía bên kia.”

Tuyên bố lưu ý rằng Mẹ Cecilia, nữ tu viện trưởng, “ đang ngủ cách quỹ đạo của viên đạn chỉ vài bước chân”.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà dòng bị trúng đạn - trên thực tế, vụ tấn công này đã là lần thứ ba trong Mùa Chay này.

Mẹ Cecilia, nữ tu viện trưởng, nói với The Pillar qua email rằng vụ nổ súng đầu tiên trong Mùa Chay này xảy ra vào ngày 17 tháng 2, vào tối Thứ Tư Lễ Tro. Những phát súng đêm đó dường như đến từ con đường quê chạy dọc theo phía bắc khu nhà của các nữ tu - giống như những phát súng được bắn hôm 24 tháng Ba.

Một vài ngày sau sự kiện Thứ Tư Lễ Tro, “một phát súng khác đã được bắn, dường như đến từ bên trong nhà dòng của chúng tôi, ở bức tường phía tây của nhà thờ”.

Tu viện dòng Biển Đức ở Missouri cũng đã là mục tiêu tấn công vào tháng 8 năm 2019, khi một số phát súng được “bắn vào sân sau của nhà dòng chúng tôi bởi một kẻ đã vào khu nhà, đã ở đây khoảng 45 phút, bắn liên tục trong suốt thời gian đó. Các nữ tu thực sự đã nghe thấy tiếng đạn bay qua đầu họ”, Mẹ Cecilia nói.

Cũng có một sự việc tương tự xảy ra vào năm 2010. Năm đó, một người nào đó đã bắn vào một nhà nguyện Đức Mẹ Lộ Đức, trúng vào thắt lưng bức tượng Đức Mẹ có kích thước bằng người thật.

Ngoài những lỗ đạn trong phòng Mẹ Cecilia, những thiệt hại khác trong các vụ xả súng vào Mùa Chay bao gồm thiệt hại cho một số đồ trang trí xung quanh cửa và một lỗ đạn trên bức tường phía tây của nhà thờ.

Cho đến nay không có nữ tu nào bị thương trong các vụ xả súng.
Source:Pillar Catholic
 
Đức Hồng Y Dolan kêu gọi người Công Giáo trở lại tham dự Thánh lễ Chúa nhật
Đặng Tự Do
02:40 11/04/2021


Trong bài giảng Lễ Phục sinh và trong một chuyên mục cho tờ báo của Tổng giáo phận hôm thứ Tư 7 tháng tư, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã cầu xin những người Công Giáo trở lại tham dự Thánh lễ Chúa Nhật trong Mùa Phục sinh.

“Đúng là trong năm ngoái, chúng tôi đã thận trọng quyết định rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe khẩn cấp có thể chuẩn chước nghĩa vụ do Chúa giao cho chúng ta. Những người dễ bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, chẳng hạn như người già, vẫn có thể được chuẩn chước như trước đây”.

Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo khác đã trở lại các hoạt động công cộng mà không tham dự Thánh lễ, và họ nên trở lại nhà thờ.

“Đối với đa số chúng ta - chúng ta có đi ăn nhà hàng không? Có tham dự các trận túc cầu với trẻ em và các giải đấu thi đấu không? Có đến các cửa hàng, tiệm làm đẹp, có tụ họp với gia đình và bạn bè không? Vậy thì, đã đến lúc trở lại với Thánh lễ”.

Vào tháng 3 năm 2020, tất cả các giáo phận Công Giáo ở Hoa Kỳ đã đình chỉ các thánh lễ công cộng do sự lây lan của COVID-19. Giờ đây tất cả các giáo phận đã mở cửa các nhà thờ trở lại, nhưng chỉ một số các giáo phận đã khôi phục lại nghĩa vụ tham dự các thánh lễ ngày Chúa Nhật, trong đó những người Công Giáo không có triệu chứng và không có nguy cơ cao mắc COVID-19 và không phải chăm sóc các bệnh nhân phải trở lại Thánh lễ Chúa nhật.

Tổng giáo phận New York đã đình chỉ các thánh lễ công cộng vào mùa xuân năm ngoái, nhưng các nhà thờ bắt đầu mở cửa trở lại vào mùa hè. Giải thích về quyết định đóng cửa hồi năm ngoái, Đức Hồng Y Dolan cho biết:

“Chúng tôi không có lựa chọn khác, vì các hướng dẫn sức khỏe khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải đóng cửa các nhà thờ”. Sau khi tổng giáo phận mở cửa trở lại các nhà thờ, các giáo xứ “đã dọn dẹp cẩn thận, vệ sinh, thông gió, giữ khoảng cách và tuân thủ các hạn chế khác” và giáo dân “dần dần bắt đầu quay trở lại”.

“Không cần phải từ từ nữa! Đã đến lúc phải trở lại với Thánh lễ Chúa nhật!” Đức Hồng Y Dolan viết hôm thứ Tư.

Ngài nhận xét rằng Tam Nhật Vượt qua gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh lễ, là tâm điểm của Phụng Vụ.

“Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu trong các Thánh Lễ và trong việc Rước Mình Thánh Chúa. Chúng ta một lần nữa bước vào mầu nhiệm vĩnh cửu, vô tận về sự chết của Ngài trên thập tự giá và sự phục sinh từ cõi chết. Mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật là một sự lặp lại Bữa Tiệc Ly, Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh”.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận đã làm rõ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổng giáo phận New York chưa bao giờ đình chỉ nghĩa vụ tham dự thánh lễ, trong đó người Công Giáo được giáo luật yêu cầu tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, trừ những trường hợp nghiêm trọng khiến họ không thể thực thi nghĩa vụ này.

Người phát ngôn lưu ý rằng dù các thánh lễ công cộng bị tổng giáo phận đình chỉ trong vài tháng do sự lây lan của COVID-19, nghĩa vụ Chúa Nhật vẫn được áp dụng khi các nhà thờ mở cửa trở lại để cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, những lý do “nghiêm trọng” thông thường khiến người Công Giáo không tham dự Thánh lễ Chúa nhật - chẳng hạn như bệnh tật hoặc đang gặp nguy hiểm vì đại dịch COVID-19 - vẫn được áp dụng, và người Công Giáo được tự do không tham dự Thánh lễ vì “một lý do nghiêm trọng”.

“Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người được chủng ngừa và mọi người tham gia vào các hoạt động công cộng ngày càng nhiều hơn, vì thế Đức Hồng Y đang nhắc nhở họ về nghĩa vụ thiêng liêng là tham dự Thánh lễ Chúa Nhật”

Văn phòng tổng đại diện của tổng giáo phận vào tháng Giêng và một lần nữa vào tháng Hai đã nhắc nhở các linh mục rằng bổn phận ngày Chúa nhật vẫn được áp dụng đối với người Công Giáo.

“Vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc khác, người Công Giáo có nghĩa vụ tham gia Thánh lễ và tránh những công việc không cần thiết cũng như những hoạt động làm mất tập trung tinh thần như những gì đã được nêu trong bộ giáo luật,” Cha tổng đại diện Joseph LaMorte đã viết trong một bức thư ngày 18 tháng Giêng năm 2021 gởi cho các linh mục.

Một lá thư hồi tháng Hai từ văn phòng tổng đại diện cho biết rằng việc miễn trừ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật cho giáo dân là “một câu hỏi được lặp đi lặp lại của nhiều linh mục”. Đức Hồng Y Dolan không bao giờ bãi bỏ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật.

Văn phòng tổng đại diện minh xác rằng “Nghĩa vụ tham dự Thánh lễ Chúa nhật luôn luôn được áp dụng. Đó là luật thánh thiêng. Chúng ta đã không tạo ra luật đó và vì thế chúng ta không thể bãi bỏ”.

Văn phòng cho biết, đúng hơn, đại dịch là lý do đủ nghiêm trọng để người Công Giáo không tham dự Thánh lễ, nhưng khi nhiều người Công Giáo đang có các tiếp xúc xã hội nhiều hơn như hiện nay, “chúng ta cần khuyến khích họ quay trở lại với các thánh lễ”.

“Chúng ta đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về việc tham dự Thánh lễ, chỉ có 50% so với một năm trước”, văn phòng cho biết, và lưu ý rằng các mục tử có thể cân nhắc việc đưa vào “các bản tin được phát vào ngày Chúa Nhật để mọi người có thể và chia sẻ với những người ở nhà”.
Source:Catholic News Agency
 
Hãy sống lòng thương xót một cách cụ thể: Đức Thánh Cha chào đón các tín hữu tại buổi đọc kinh Lạy Nữ Vương Thiên Đàng
Thanh Quảng sdb
04:58 11/04/2021
'Hãy sống lòng thương xót một cách cụ thể': Đức Thánh Cha chào đón các tín hữu tại buổi đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”

Đức Thánh Cha Phanxicô đã đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng” với các tín hữu tại Nhà thờ Chúa Thánh Thần (Santo Spirito) ở Sassia, sau khi cử hành Thánh lễ Chủ nhật kính Lòng Chúa Thương Xót.

Trước giờ đọc kinh “Lạy Nữ Vương Thiên Đàng”, ĐTC chào mừng những người tham dự Thánh lễ qua nhiều hình thức khác nhau.

Đức Thánh Cha cũng gửi lời chào đặc biệt đến các tín hữu trong Giáo phận, bao gồm các tín hữu, y tá, tù nhân, người khuyết tật, người tị nạn và di cư, tình nguyện viên bảo vệ dân sự, và các nữ tu đang phục vụ tại bệnh viện Mercy.

ĐTC nói: “Các bạn đang mặc lấy một số tình huống thể hiện lòng thương xót Chúa được hiện thực hữu hình, qua chính việc phục vụ, quan tâm đến những người gặp khó khăn của các bạn.”

Tập chú vào chủ đề đã được quảng diễn trong bài giảng trong Thánh lễ, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, “Tôi hy vọng các bạn luôn cảm thấy các bạn được ban cho lòng thương xót để đến lượt các bạn cũng trao ban cho người khác lòng thương xót.”

ĐTC kết thúc buổi triều yết ngắn gọn của mình bằng lời cầu xin “Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, ban cho cho tất cả chúng ta hồng ân này.
 
Bài Giảng của Đức Thánh Cha trong thánh lễ kính Lòng Chúa Thương Xót tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
05:22 11/04/2021


Ngày Chúa Nhật 11 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ trong một nhà thờ chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là lần thứ hai trong liên tiếp 2 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót tại đây.

Chúa Nhật vừa qua đánh dấu kỷ niệm 21 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 21 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.

Thánh lễ tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia, là nhà thờ được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biến thành đền thánh kính Lòng Chúa Thương Xót của giáo phận Rôma, đã được phát trên truyền hình và livestream vào lúc 10 giờ 30 sáng theo giờ địa phương.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Kiên nhẫn an ủi trái tim đang thất vọng của họ. Sau khi sống lại, đây là cách thế Chúa “phục sinh các môn đệ”. Và các môn đệ, được Chúa Giêsu nâng dậy, đã thay đổi cuộc sống của mình. Trước đây, nhiều lời nói và nhiều gương sáng của Chúa đã không thể biến đổi các môn đệ. Bây giờ, vào ngày Phục sinh, một điều gì đó rất mới mẻ đã xảy ra. Và nó xảy ra như dấu chỉ của lòng thương xót. Chúa Giêsu nâng các môn đệ lên bằng lòng thương xót - nâng các ngài lên bằng lòng thương xót – và các ngài trở nên từ bi sau khi được thương xót. Rất khó trở nên có lòng thương xót nếu một người không nhận ra rằng mình đang được xót thương.

Trước hết các môn đệ được thương xót, qua ba ân sủng: Chúa Giêsu ban cho các ngài ơn bình an, sau đó là Thần Khí, và cuối cùng là những vết thương. Ngay từ đầu, Ngài mang lại cho các môn đệ ơn bình an. Những môn đệ này đã rất đau khổ. Họ đã nhốt mình trong nhà vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và kết cục cũng sẽ như Thầy. Nhưng không chỉ đóng cửa nhà, các ngài còn đóng kín cửa tâm hồn trong sự hối hận. Các ngài đã bỏ rơi và chối Chúa Giêsu. Các ngài cảm thấy mình chẳng có khả năng gì, chẳng được ơn ích gì, và sai lầm. Chúa Giêsu đến và lặp lại hai lần: “Bình an cho anh em!”. Người không mang lại một sự bình an giúp loại bỏ những vấn đề bên ngoài, mà là một sự bình an giúp khơi dậy sự tự tin bên trong. Không phải bình an bên ngoài, mà là bình an trong lòng. Người nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21). Như thể Người đang nói: “Thầy sai anh em đi bởi vì Thầy tin tưởng anh em”. Những môn đệ thất vọng đó được làm hòa với chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu khiến họ chuyển từ hối hận sang sứ mệnh. Trên thực tế, sự bình an của Chúa Giêsu làm phát sinh sứ mệnh. Bình an của Chúa không phải là sự yên tĩnh, nó không phải là sự nhàn nhã, nhưng là sự đi ra khỏi chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu giải thoát khỏi sự khép kín làm tê liệt, và phá vỡ xiềng xích giam giữ trái tim. Và các môn đệ cảm thấy đầy lòng thương xót: họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không lên án họ, không sỉ nhục họ, nhưng tin tưởng vào họ. Vâng, Người tin vào chúng tôi nhiều hơn chúng tôi tin vào chính mình. “Ngài yêu chúng ta nhiều hơn chúng ta yêu chính chúng ta” (xem Thánh John Henry Newman, Suy niệm và Tôn sùng, III, 12:2). Đối với Chúa không ai bất tài, không ai vô dụng, không ai bị loại trừ. Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại một lần nữa: “Bình an cho anh em, là những người quý giá trong mắt Thầy. Bình an cho anh em, là những người quan trọng với Thầy. Bình an cho anh em, là những người có sứ mệnh. Không ai có thể làm điều đó thay cho anh em. Anh em là những người không thể thay thế được. Và Thầy tin vào anh em”.

Tiếp đến, Chúa Giêsu thương xót các môn đệ bằng cách ban Chúa Thánh Thần cho họ. Ngài ban Thánh Thần để các ngài có năng quyền tha tội (xem câu 22-23). Các môn đệ là những người có tội, họ đã chạy trốn bỏ rơi Thầy. Và tội lỗi ám ảnh, cái ác có giá của nó. Tội lỗi của chúng ta, theo Thánh Vịnh (xem 51: 5), luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể hủy bỏ nó một mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể loại trừ, chỉ có Ngài với lòng thương xót mới làm cho chúng ta thoát ra khỏi những đau khổ sâu xa nhất của chúng ta. Giống như những môn đệ đó, chúng ta cần cho phép mình được tha thứ, và nói từ tận đáy lòng: “Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi con”. Hãy mở rộng trái tim để cho phép mình được tha thứ. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là ân sủng Phục sinh để được phục sinh từ bên trong. Chúng ta hãy xin ơn đón nhận Người, đón nhận bí tích tha tội. Và xin ơn để hiểu rằng ở trung tâm của bí tích hòa giải không phải là chúng ta với tội lỗi của mình, mà là Thiên Chúa với lòng thương xót của Người. Chúng ta không đi xưng tội để suy sụp, nhưng để làm cho chúng ta được phục hồi. Chúng ta cần đến bí tích hòa giải rất nhiều, tất cả mọi người đều cần. Chúng ta cần bí tích hòa giải như những đứa trẻ nhỏ, mỗi khi ngã, chúng cần được bố mẹ nâng lên. Chúng ta cũng thường xuyên sa ngã. Và bàn tay của Chúa Cha đã sẵn sàng để giúp chúng ta đứng dậy và tiếp tục bước đi. Bàn tay an toàn và đáng tin cậy này là bí tích hòa giải. Đó là Bí tích nâng chúng ta lên, không để chúng ta nằm trên mặt đất mà khóc trên những sàn cứng của những sa ngã. Đó là bí tích của sự phục sinh, đó là lòng thương xót thuần khiết. Và bất cứ ai nhận được bí tích hòa giải phải làm cho chính mình cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót. Và đây là cách của các cha giải tội khi tiếp nhận lời xưng thú của mọi người: hãy làm cho mọi người cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ mọi sự. Chúa tha thứ mọi sự.

Sau khi sự bình an trong lòng được phục hồi và sự tha thứ nâng các môn đệ đứng dậy, đây là ân sủng thứ ba mà Chúa Giêsu thương xót các môn đệ: Ngài ban cho họ những vết thương. Từ những vết thương đó, chúng ta được chữa lành (x. 1 Pt 2:24; Is 53:5). Nhưng làm thế nào để một vết thương có thể chữa lành chúng ta? Thưa: với lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Tông đồ Tôma, chúng ta chạm vào bằng bàn tay của mình để thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến tận sâu thẳm, rằng Người đã biến vết thương của chúng ta thành của riêng Người, rằng Người đã mang những yếu đuối của chúng ta vào cơ thể của Người. Những vết thương này là những kênh thông thoáng giữa Ngài và chúng ta, là những kênh thương xót đổ xuống trên những đau khổ của chúng ta. Những vết thương này là những con đường mà Thiên Chúa đã mở rộng cho chúng ta để chúng ta bước vào sự dịu dàng của Ngài và chạm vào Nhiệm thể Ngài bằng đôi tay của chúng ta. Và chúng ta không còn chút nghi ngờ nào về lòng thương xót của Người. Bằng cách yêu mến, hôn lên vết thương của Người, chúng ta khám phá ra rằng tất cả những nhược điểm của chúng ta đều được hoan nghênh trong sự dịu dàng của Người. Điều này xảy ra trong mọi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu dâng hiến cho chúng ta Thân thể bị thương và đã phục sinh của Người: chúng ta chạm vào Người và Người chạm vào cuộc đời của chúng ta. Và điều đó làm cho Thiên đường xuống trong chúng ta. Những vết thương phát sáng của Người xuyên thủng bóng tối mà chúng ta mang bên trong. Và chúng ta, giống như Thánh Tôma, tìm thấy Chúa, chúng ta khám phá ra Ngài thân mật và gần gũi, và xúc động khi nói với Ngài: “Lạy Chúa và là Chúa của con!” (Ga 20:28). Và mọi thứ đều bắt nguồn từ đây, từ ơn của người được thương xót. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình của Kitô hữu. Mặt khác, nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta chào đón tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể ban tặng một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.

Các môn đệ cũng vậy: được thương xót, họ trở nên thương xót. Chúng ta thấy điều đó trong bài đọc thứ nhất. Sách Tông đồ Công vụ kể lại rằng “không ai coi tài sản của mình là thuộc về mình, nhưng giữa họ mọi sự là của chung” (4:32). Đó không phải là chủ nghĩa cộng sản, nó là Kitô giáo thuần túy. Và càng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng chính những môn đệ ấy trước đó ít lâu đã cãi nhau về phần thưởng và danh hiệu, xem ai là người trọng nhất trong số họ (x. Mc 10:37; Lc 22:24). Bây giờ họ chia sẻ mọi thứ, họ “chỉ có một lòng một ý” (Cv 4:32). Làm thế nào mà họ thay đổi nhanh như thế? Thưa: Họ nhìn thấy nơi người kia, cùng một lòng thương xót đã biến đổi cuộc đời họ. Họ khám phá ra rằng họ có sứ mệnh chung, họ có chung sự tha thứ và Nhiệm thể của Chúa Giêsu. Ví thế, chia sẻ của cải thế gian gần như là một hệ quả tự nhiên. Đoạn văn sau đó nói rằng “không ai trong số họ thiếu thốn” (câu 34). Nỗi sợ hãi của họ đã tan biến khi chạm vào vết thương của Chúa, giờ đây họ không ngại chữa lành vết thương cho người thiếu thốn. Bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu. Bởi vì có Chúa Giêsu, trong những vết thương của người thiếu thốn.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em có muốn thấy bằng chứng rằng Chúa đã chạm vào cuộc đời anh chị em không? Muốn thấy điều đó, anh chị em hãy tự hỏi xem mình có nghiêng người xuống trên những vết thương của người khác không. Hôm nay là ngày để tự hỏi: “Tôi, là người đã nhận được sự bình an của Thiên Chúa rất nhiều lần, là người đã nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài rất nhiều lần, tôi có thương xót người khác không? Tôi, là người đã nhiều lần được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, tôi có làm gì để nuôi người nghèo không?” Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta đừng có một niềm tin nửa vời, nhận thì được nhưng cho thì không, đón nhận món quà nhưng không tự biến nó thành một món quà. Chúng ta đã được thương xót, chúng ta phải trở nên nhân từ. Bởi vì nếu tình yêu kết thúc trong chính chúng ta, niềm tin sẽ cạn kiệt trong một sự gần gũi vô sinh. Nếu không có những người khác, tình yêu trở thành một thứ hồn lìa khỏi xác. Không có các công việc của lòng thương xót tình yêu sẽ chết (xem Jas 2:17). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho mình được phục sinh nhờ sự bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu nhân từ. Và chúng ta cầu xin ơn để trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin mới sống động. Và cuộc sống mới nhất quán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, là Tin Mừng của lòng thương xót.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Đàng Thánh Giá Mễ Tây Cơ: Chặng thứ Tám - Chúa Giêsu bị các phụ nữ hư hỏng đánh tới tấp
Đặng Tự Do
16:15 11/04/2021


Một Đàng Thánh Giá tại Mễ Tây Cơ đang gây tranh cãi rất lớn khi sửa đổi chặng thứ Tám. Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ thành Giêrusalem than khóc Người, thành Chúa Giêsu bị các phụ nữ theo các trào lưu nữ quyền đánh tới tấp.

Một buổi tái hiện Đàng Thánh Giá thời hiện đại được tổ chức vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở miền nam Mễ Tây Cơ đã thu hút sự chỉ trích trên các phương tiện truyền thông địa phương vì mô tả các nhà đấu tranh nữ quyền đánh đập Chúa Kitô, đến mức đã ngã xuống đất lần thứ tư.

Buổi lễ được tổ chức và phát sóng trên Facebook bởi Life Online Oficial, một phong trào truyền giáo phối hợp với giáo xứ Thánh Giuse ở Ciudad Pemex, Mễ Tây Cơ, thuộc Giáo phận Tabasco.

Các thành viên của Life Online Oficial là những người Công Giáo trẻ tuổi quan tâm đến việc nói về nhiều chủ đề giúp chúng ta trở nên tốt hơn và phát triển trong đức tin của mình, và trình bày đúng đắn các vấn nạn xã hội dưới ánh sáng của huấn quyền Giáo hội.

Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay do Cha Sở Tomás Raymundo Rodríguez chủ sự.

Tại chặng thứ Tám, người kể chuyện nói: “Cách đây gần 2000 năm, Đấng Cứu Rỗi đã gặp một nhóm phụ nữ trên đường phố Giêrusalem khóc thương Ngài. Hôm nay, Chúa trở lại để gặp những người phụ nữ rất khác với những người mà Ngài đã an ủi”.

“Những phụ nữ này bị mắc kẹt trong những nhóm vô lý, đòi hỏi quyền lợi dựa trên sự xúc phạm, phá hủy mọi thứ trên con đường của họ, đấu tranh cho nữ quyền và phẩm giá của phụ nữ, trong khi họ thậm chí không cư xử đàng hoàng”.

“Các phụ nữ này chọn con đường bạo hành, để lại những dấu vết phá hoại. Họ vào nhà thờ để xúc phạm Thánh Thể, để chế nhạo Đức Trinh Nữ Maria”.

Mô tả này ám chỉ đến những vụ việc thường xuyên xảy ra ở Mỹ Latinh trong đó những người theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan tấn công các nhà thờ bằng các hình vẽ và khẩu hiệu ủng hộ việc phá thai.

Một số cơ quan truyền thông Mễ Tây Cơ, những kẻ luôn im lặng trước các vụ tấn công vào nhà thờ, xúc phạm Thánh Thể, và Đức Trinh Nữ Maria, đã chỉ trích Giáo phận Tabasco và đại chủng viện của giáo phận vì Đàng Thánh Giá này. Tuy nhiên, cũng có cơ quan truyền thông đứng đắn hơn ca ngợi Đàng Thánh Giá này nói lên một sự thật hiển nhiên ai cũng thấy trong xã hội Mễ Tây Cơ đang bị tục hóa sâu sắc.
Source:Catholic News Agency
 
Giáo dân trở lại nhà thờ đông đảo ở New York
Đặng Tự Do
16:16 11/04/2021


Sau khi không thể tham dự lễ Phục sinh vào năm ngoái, anh chị em giáo dân đã tham dự đông đảo tại Vương cung thánh đường Thánh Giacôbê Tông đồ ở New York.

Bài ca hát mừng Vinh quang Chúa đã vang lên tại Vương cung thánh đường Thánh Giacôbê Tông đồ vào Chúa nhật Phục sinh - Chúa đã sống lại.

Giữ vững hy vọng là một bài học quan trọng rút ra sau một năm khó khăn, một năm đầy những nỗi đau và mất mát xuất phát từ đại dịch quỷ quái.

Đức Cha Nicholas DiMarzio của Brooklyn nói Currents News: “Hy vọng là một trong các thông điệp của Lễ Phục sinh. Đức cậy dạy chúng ta cách đối phó với tội lỗi và cái chết cũng như điều ác xảy ra trên thế giới”.

Hơn một năm qua là thời kỳ khó khăn cho việc tham dự thánh lễ. Các hạn chế kiểm dịch đã đóng cửa các nhà thờ tại New York trong hơn ba tháng. Khi các nhà thờ cuối cùng có thể mở cửa trở lại, cộng đoàn chỉ còn một phần nhỏ so với những gì trước đây.

Có một nỗi sợ hãi. Các giáo xứ sẽ xây dựng lại đàn chiên của họ như thế nào? Giáo dân sẽ trở lại hay không? Và Tuần Thánh, trong lịch sử luôn có các thánh lễ và các cử hành Phụng Vụ đông đảo giáo dân nhất trong năm, sẽ như thế nào vào năm 2021?

Tuy nhiên, hy vọng đã đến dưới nhiều hình thức trong Lễ Phục sinh này, một trong số đó là những chiếc ghế dài đầy ắp.

Cha Bryan Patterson, Cha sở Vương cung thánh đường Thánh Giacôbê Tông đồ nhận xét rằng: “Được thấy Giáo hội sống lại, đồng thời với việc chúng ta cử hành lễ Phục sinh, là điều rất đáng khích lệ. Và tôi nghĩ đó là một dấu chỉ tuyệt vời và là biểu tượng cho sức mạnh đức tin của chúng ta”.

Vương cung thánh đường đã chật kín hết mức được cho phép theo các quy định hiện hành của thành phố. Mọi người đã đến từ khắp nơi, kể cả những vùng xa xôi như cô Shiloh Frederick đến từ East Flatbush.

Sau khi không được đến nhà thờ vào lễ Phục sinh năm ngoái, cô ấy muốn năm nay cảm thấy đặc biệt hơn.

“Năm nay chúng tôi cảm thấy hy vọng hơn năm ngoái, vì vậy chúng tôi muốn được tham dự trong một nhà thờ phản ánh bầu không khí đó”, cô giải thích.

Vương cung thánh đường đã có đầy đủ các thánh lễ và các cử hành trong suốt Tuần Thánh.

Đức Cha Nicholas DiMarzio nói rằng vẫn cần nhiều cố gắng để quay trở lại mức trước đại dịch, đặc biệt là khi các nhà thờ vẫn bị giới hạn ở một nửa công suất.

“Có vẻ như từ đêm qua và sáng nay, những gì chúng tôi đã nghe được, thật là tốt. Nhưng một lần nữa nhà thờ vẫn không đầy người. Chúng tôi phải giới hạn ở mức 50 phần trăm công suất, vì vậy sẽ mất thời gian cho đến khi tất cả mọi người quay trở lại”.
Source:Net TV
 
Hồng Y Iraq kêu gọi tách biệt tôn giáo và nhà nước một tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng
Đặng Tự Do
16:17 11/04/2021


Một tháng sau chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, một trong những nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của đất nước này đã vạch ra tầm nhìn của mình cho đất nước trong tương lai, đưa ra đề xuất táo bạo về việc thực thi một sự tách biệt chặt chẽ hơn giữa tôn giáo và nhà nước.

Trong một diễn từ về chuyến thăm lịch sử từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Thượng Phụ Chanđê Louis Raphaël Sako đã gọi chuyến đi của Đức Giáo Hoàng là “một cơ hội lý tưởng mà tất cả người dân Iraq phải tận dụng để trở về với bản thân và lòng yêu nước của họ.”

Ngài nói, điều này liên quan đến việc “lật lại quá khứ và mở ra một trang mới cho hòa giải”, củng cố ý thức về tình huynh đệ dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đấu tranh cho hòa bình, xây dựng lại các thể chế đang đổ nát của đất nước và cho phép những người phải di tản trở về nhà của họ.

Phát biểu về tầm quan trọng của tình huynh đệ giữa con người với tư cách là nền tảng của một cuộc chung sống hòa bình, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng “Người Iraq, về nguyên tắc và theo hiến pháp, là những công dân có quyền và nghĩa vụ bình đẳng, và quyền công dân không thể giới hạn ở tôn giáo, tín ngưỡng, khu vực, chủng tộc, hoặc con số”.

“Quyền công dân là quyền phổ quát cho tất cả mọi người”, ngài nói thêm, “Chúng ta phải khám phá những chân trời mới cho đồng bào của chúng ta, để mọi người cảm thấy rằng Iraq là nhà của họ”.

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Sako gợi ý rằng có lẽ bây giờ là lúc “tách tôn giáo ra khỏi nhà nước và xây dựng một nhà nước dân sự, như những gì phương Tây Kitô Giáo đã làm trong một thời gian dài, và như nhà nước Sudan đang làm trong những ngày này!”

Vào ngày 25 tháng 3, chính phủ Sudan và Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan, một nhóm nổi dậy hùng mạnh từ dãy núi Nuba phía nam đất nước, đã ký một văn bản mở đường cho một thỏa thuận hòa bình cuối cùng bằng cách đảm bảo quyền tự do thờ phượng cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước trong một quốc gia từ lâu được cai trị bởi luật sharia.

Iraq, mặc dù không phải là một quốc gia Hồi giáo chính thức, nhưng là một quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shiite, trong nhiều thập kỷ đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo phái, kể cả ở cấp độ quốc gia. Những chia rẽ giáo phái này không được ghi trong hiến pháp Iraq; tuy nhiên, chúng bắt nguồn từ thực tế.

Các tín hữu Kitô trong nước là một thiểu số nhỏ, và họ cũng giống như những dân tộc thiểu số khác, thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, thành kiến và ngược đãi bạo lực, họ thường mô tả tình trạng của họ là một trong những “công dân hạng hai”.

Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng việc tạo ra một nhà nước dân sự hoặc thế tục “không phải là thù địch với tôn giáo, mà là tôn trọng tất cả các tôn giáo, và không bao gồm tôn giáo trong chính trị”.

Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng:

“Tôi nghĩ rằng đây là sự bảo đảm cho việc chung sống hòa bình”.

Tập trung vào lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với tình huynh đệ nhân loại, Đức Hồng Y Sako cho biết ý thức về tình anh em giữa sự đa dạng này là “mục tiêu của tất cả các xã hội và tôn giáo, và nó phải là điểm mấu chốt để bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và hận thù”.

Ngài nói, việc đề cao một thái độ huynh đệ sẽ cho phép Iraq “xây dựng lòng tin giữa chúng ta để chúng ta có thể cùng nhau tiến lên như anh chị em với lòng khoan dung, tình yêu thương và tôn trọng sự đa dạng, và xây dựng một quốc gia hòa bình hơn, công bằng hơn và đàng hoàng hơn trên thế giới”.

Đức Hồng Y Sako nhớ lại những cử chỉ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện trong chuyến đi của ngài để tiếp cận các cộng đồng tôn giáo khác nhau, bao gồm cuộc gặp ngày 6 tháng 3 với Đại Giáo Trưởng Sayyid Ali al-Husayni al-Sistani, là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong thế giới Hồi giáo Shiite, và cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên Đồng bằng Ur.

Qua cuộc gặp gỡ các đại diện từ các cộng đồng tôn giáo khác nhau, Đức Giáo Hoàng đã chứng minh rằng “con người là con cái của Chúa, là anh chị em với nhau. Đức tin là sự bảo đảm cho sự đa dạng của họ, cho tự do và quyền của họ”.

“Không có vấn đề gì đối với mọi cá nhân theo tôn giáo và truyền thống của họ, miễn là họ tôn trọng tôn giáo của các anh em khác; không đối xử với người khác như một tên vô đạo, hoặc một tên phản bội, không loại trừ người khác, hoặc loại bỏ người khác”.
Source:Crux
 
Những cáo buộc Tội Phỉ Báng Tôn Giáo vô cớ
Thanh Quảng sdb
18:59 11/04/2021
Những cáo buộc “Tội Phỉ Báng Tôn Giáo” vô cớ

Faisalabad (theo Thông tấn xã Fides) – ngày 10/4/2021 cho hay: Hai y tá Công Giáo ở thành phố Punjab nước Pakistan, đã chính thức bị buộc tội theo bộ luật hình sự 295 B của Pakistan, một trong những điều khoản của "luật Phỉ báng" khét tiếng về tội xúc phạm tới đạo Hồi.

Thông tấn xã Fides tìm hiểu, thì theo bản Báo cáo Điều tra Đầu tiên (FIR) n. 371/21 c được nộp vào ngày hôm qua, ngày 9/4/2021 cho hay về vụ việc tố tụng của bác sĩ Mirza Mohammad Ali, giám đốc bệnh viện ở Faisalabad.

Vào ngày 8 tháng 4 năm 2021, hai cô y tá Công Giáo tên là Mariam Lal và Navish Arooj đã xé bỏ một quảng cáo ghi các câu được trích từ sách Kinh Koran trong một tủ quần áo. Vị Bác sĩ cho rằng cô y tá Navish Arooj đã xé tờ điều lệ ấy ra và đưa cho cô Maryam, cô y tá này đã giấu nó trong tay khi nhìn thấy một y tá cấp cao khác là Rukhsana, đang tiến về phía cô. Theo yêu cầu của cô y tá Rukhsana, thì cô Maryam đã không đưa ra câu trả lời thỏa đáng nào. Cô Y tá Rukhsana đã lấy lại nhãn quảng cáo đó dán lại và chụp ảnh lại.

Ngày hôm sau, ngày 9 tháng 4, cô y tá Hồi giáo trên đã chia sẻ vấn đề với ban quản lý bệnh viện và thanh tra y tế Faisal Yaqoob. Họ buộc tội cho cả hai cô y tá Công Giáo đã phạm vào tội xúc phạm tới các Kinh Koran, và chính thức nộp đơn tố cáo hai cô y tá Công Giáo vì tội Phỉ báng.

Trong lúc sự việc xảy ra tại bệnh viện, thì một trong những chàng trai trong khu vực là Muhammad Waqas, đã liều mạng đâm cô Maryam bằng một con dao, nhưng may mắn thay, cô Maryam chỉ bị thương ở cánh tay.

Cả hai cô y tá Công Giáo hiện đang bị cảnh sát giam giữ. Ông Kashif Aslam, điều phối viên của các chương trình trong Ủy ban Quốc gia về Công lý và Hòa bình, của Tòa Giám mục Pakistan, nói với Thông tấn xã Fides rằng: "Đây là một cáo buộc hiểm độc nhằm chống lại các phụ nữ Công Giáo; có những vấn đề cá nhân giữa các nhân viên với nhau phải được tìm hiểu và điều tra cẩn thận.

Các tín đồ Công Giáo đều ý thức sự nhạy cảm sâu sắc về những vấn đề này và họ được nhắc nhở phải tôn trọng các tôn giáo khác. Tôi không tin rằng các cô y tá Công Giáo trẻ tuổi này đã mạo hiểm xé bỏ các nhãn hiệu có chứa các câu trong Kinh Koran". Saleem Iqbal, một nhà hoạt động nhân quyền Công Giáo nói với Thông tấn xã Fides rằng: "Thật đáng báo động khi thấy có sự gia tăng việc tố cáo các tín đồ khác về tội phỉ báng vô cớ và cưỡng bức các cô gái thuộc các tôn giáo thiểu số. Đây là trường hợp thứ hai được ghi nhận, năm trước đây cô y tá Công Giáo Tabitha Gill đã bị cáo buộc một tội tương tự trong một bệnh viện ở Karachi (xem Fides, 29/1/2021, 30/1/2021 và 2/2/2021). Bây giờ điều này lại xảy ra ở Faisalabad ". Ông nói thêm: "Chúng tôi kêu gọi các chính trị gia Công Giáo hãy nhanh chóng hành động để bảo vệ người dân vô tội của họ và yêu cầu các tín hữu hãy cẩn phòng những kẻ gài bẫy họ trong những vấn đề như vậy, lợi dụng luật Phỉ báng để giải quyết những tranh chấp và hiềm thù cá nhân ". (AG-PA) (Agenzia Fides, 10/4/2021)
 
Thư ký riêng của Đức Bênêđíctô XVI nói rằng việc xếp hạng giáo hoàng là không thích hợp
Vũ Văn An
20:30 11/04/2021

Bản tin của Inés San Martín, tạp chí Crux Now, Ngày 11 tháng 4 năm 2021:

ROME - Theo Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng của Đức Giáo Hoàng hưu trí Bênêđíctô XVI, điều không thích đáng là "xếp hạng các vị giáo hoàng". Ngài thừa nhận rằng Đức cựu giáo hoàng đã bị giải thích sai không những bởi kẻ thù mà còn bởi cả bạn bè nữa.



Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói, “Mọi người đều biết con người và công trình của Đức Bênêđíctô XVI đã gặp phải sự phản kháng, chống đối và bác bỏ trong một số môi trường. Và không phải vì cách ngài thông đạt, mà đúng hơn vì nội dung giảng dạy chuyên biệt của ngài”.

“Đây là một trải nghiệm không vui cho tất cả những ai theo một đường lối rõ ràng và không ẩn khuất trong việc công bố và bảo vệ đức tin Công Giáo”, Đức Tổng Giám Mục nói tiếp như thế để phân biệt những người chỉ trích này với những người chuyên bán buôn “những rập khuôn và khuôn thước sáo rỗng” về cựu giáo hoàng, người từng là bộ trưởng Bộ Giáo lý Đức tin trong hầu hết triều Giáo hoàng của Thánh Gioan Phaolô II.

Mặc dù Đức Tổng Giám Mục Gänswein không đưa ra các thí dụ, nhưng lúc còn là Hồng Y Joseph Ratzinger, Đức Bênêđictô vẫn thường bị gọi là “Rottweiler (chó dữ) của Thiên Chúa” và “Chó bécdê Đức” của Giáo hội vì những cố gắng của ngài để chống lại phong trào thế tục hóa, thần học giải phóng và chủ nghĩa nữ quyền cấp tiến.

Tuy nhiên, như Đức Thánh Cha Phanxicô thường nói, trong thời gian làm việc tại Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y Ratzinger đã dẫn đầu các nỗ lực của Giáo hội nhằm chống lại nạn giáo sĩ lạm dụng tình dục.

Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói trong một cuộc phỏng vấn với tạp chí Tây Ban Nha Alfa & Omega: “Những bóp méo đó, tạm ngưng trong những năm đầu của triều giáo hoàng của ngài, sau đó đã trở lại với một ý định lừa đảo nhằm bất hợp pháp hóa ngài. Nhưng mọi người đều biết rằng Đức Bênêđíctô XVI không bao giờ cho phép mình bị đặt điều kiện bởi chiến dịch quảng cáo sai lầm này. Sự đồng thuận được tổng quát hóa và mập mờ này chưa bao giờ là tiêu chuẩn định hướng cho công việc của ngài”.

Vị tổng giám mục, người từng đứng đầu Phủ giáo hoàng trong bảy năm đầu tiên của triều giáo hoàng Phanxicô, nói với nhà báo rằng mặc dù có thể hiểu và thứ lỗi được khi cố gắng so sánh các vị giáo hoàng khác nhau để tạo ra một bảng xếp hạng dựa trên thành tích của mỗi vị, nhưng nó cũng "không thích đáng".

Ngài cho rằng, “Nhưng chúng ta phải tự xác tín rằng tiêu chuẩn của việc xếp hạng này không phụ thuộc vào tiếng hoan hô hay một mẫu số chung nào, mà là cách các ngài làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, là người thật và là Thiên Chúa thật, vị cứu tinh duy nhất của thế giới. Mỗi vị giáo hoàng làm như như vậy với những nét đặc thù của mình, với tất cả những khác biệt về tính cách, sự đào tạo trí thức, sự trưởng thành thiêng liêng, di sản kinh nghiệm… Nhưng sự đa dạng này chính là biểu hiện cho thấy không có vị giáo hoàng nào là người kế vị của vị tiền nhiệm, mà là người kế vị của Thánh Tông đồ Phêrô”.

Nhà báo cũng hỏi Đức Tổng Giám Mục Gänswein rằng liệu Đức Phanxicô có thể “hưởng ơn ích gì” từ kiến thức của Đức Bênêđíctô về Giáo hội ở Đức hay không, một Giáo Hội đang kinh qua Con đường Đồng nghị mà vị Giáo hoàng người Argentina đã bày tỏ nhiều dè dặt.

Ngài trả lời: “Các cuộc gặp giữa Đức Giáo Hoàng Phanxicô và Đức Bênêđíctô XVI, nói chung là tại đan viện Mater Ecclesiae, luôn là những cuộc gặp cực kỳ riêng tư. Nhưng bất kể điều này, điều hết sức rõ ràng là tình hình của Giáo Hội Công Giáo ở Đức hiện đang rất căng thẳng và mơ hồ, vốn là một nguồn gốc của mối quan tâm”.
Đức Tổng Giám Mục Gänswein nói thêm, “Bênêđictô XVI nhận thức được tình hình đó ở quê hương của ngài. Ngài tri nhận và nhìn nhận sự thiếu hiệp nhất trong khá nhiều khía cạnh căn bản của đức tin. Thật không may, đang thiếu một phương thức hợp nhất nơi hàng giám mục Đức, đòi phải làm sáng tỏ càng sớm càng tốt để tránh những hậu quả nghiêm trọng cho cả đức tin và Giáo hội ở Đức”.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Xuân Lộc: Ngày Hành Hương Lòng Chúa Thương Xót và Thánh Lễ Mừng Kim Khánh Linh Mục Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo
Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
08:26 11/04/2021
Trong tâm tình tạ ơn dịp mừng Kim Khánh Linh Mục Đức Cha Giuse Đinh Đức Đạo, chiều Thứ Sáu, 9/4/2021, Thánh Lễ Tạ ơn đã được cử hành tại Trung Tâm Hành hương Lòng Thương xót Chúa của Giáo phận nơi Giáo xứ Suối Cát. Đây là địa điểm do Đức Cha Giuse chọn, để theo đó, Đức Cha Gioan Đỗ Văn Ngân, Giám mục Giáo Phận đã sắp xếp, tổ chức để Thánh Lễ Tạ Ơn của Đức Cha Giuse được diễn ra trong bầu khí của ngày hành hương Kính Lòng Chúa Thương Xót dịp mỗi tháng của Giáo phận tại nơi này.

Xem Hình

Vì thế, trong rất đông khách mời đặc biệt tham dự Thánh Lễ hôm nay là những cụ già tại các mái ấm, các bệnh nhân, anh chị em di dân, người nghèo, người đau khổ, thiếu nhi khuyết tật, khiếm thính, khiếm thị…hiện diện buổi chiều này đã làm cho linh đạo lòng Chúa thương xót mà Đức Cha Giuse đã chọn được tỏ lộ, và nổi bật lên ngay nơi này. Vì đây cũng là ngày hành hương Kính Lòng Thương xót Chúa của Hiệp hội LCTX Giáo phận, nên số lượng người tham dự Thánh Lễ Tạ ơn thật đông, ước tính lên đến hơn 7000 người, bao gồm cả các tu sĩ nam nữ, khách mời, thân hữu của Đức Cha Giuse và nhiều anh chị em tín hữu khác.

Trong Thánh Lễ tạ ơn đặc biệt này, Đức Cha Giuse đã chủ tế Thánh Lễ cùng với Đức Cha Gioan, Đức Cha Cố Đa Minh, Đức Ông Vinh Sơn, Cha Tổng Đại Diện, Cha Giám đốc và quý Cha Giáo Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc, quý Cha quản hạt, quý Cha trong giáo phận. Ngoài ra, còn có Cha Giám Đốc Đại Chủng Viện Thánh Giuse –Sài Gòn, quý Cha trong Ban Giảng huấn của Học Viện Công Giáo Việt Nam, và quý Cha đồng hương Bùi Chu - Thức Hóa cũng cùng dâng Thánh Lễ để hiệp ý tạ ơn với Đức Cha Giuse trong dịp mừng này.

Trước khi bắt đầu Thánh Lễ, Đức Cha Giuse đã ngỏ lời xin quý Đức Cha, quý Cha và cộng đoàn, đặc biệt là những thiếu nhi khuyết tật, những cụ già, những người đang gặp đau khổ “cùng dâng lên Thiên Chúa lời lời kinh tạ ơn”; xin Chúa ban mọi ơn lành cho những người đã đồng hành với ngài trong ơn gọi và sứ vụ linh mục, cho mọi người tham dự; và khẩn nài Lòng Thương xót của Chúa tuôn đổ xuống trên những ai đang cần đến.

Đảm nhận bài chia sẻ sau Tin Mừng, Cha Giuse Đinh Văn Huấn, Đặc Trách Phụng tự của Giáo phận đã suy niệm về chủ đề “Đón nhận và sống lòng thương xót của Chúa trong cuộc đời”. Đây là một nội dung liên quan đến Đức Cha Giuse, khi ngài chọn “linh đạo lòng Chúa thương xót làm linh hồn mục vụ của một giám mục chính tòa nhằm canh tân đời sống đức tin dân Chúa và phục vụ con người.” Lý giải việc chọn lựa này, cha giải thích, là vì Đức Cha Giuse muốn “mọi người đi vào tận cung lòng của Thiên Chúa, trái tim Giêsu bị đâm thâu, nơi Đấng xót thương ôm lấy tội nhân, nơi tình yêu sáng tạo mặc thêm phẩm chất xót thương khi con người phạm tội, nơi tình yêu trao ban đón lấy đau khổ vì người mình yêu nơi Chúa tìm gặp ta.” Và vì thế, với sáu năm giám mục, Đức Cha Giuse đã sống lòng thương xót đó qua lời nói và hoạt động của ngài. Cha Giuse tiếp, chính những gì mà Đức Cha đã, đang thể hiện linh đạo lòng thương xót, như là bức tranh tỏa sáng, ngược lại với một thế giới u ám đang bị nền văn hóa vứt bỏ thống trị, để ai đó vẫn còn có thể nghe lời thầm thì của Thiên Chúa “Cha yêu con. Cha yêu con như người mẹ…” Để rồi, trong những mảnh vỡ cuộc đời, yếu đuối bản thân, con người nhận ra “đời mình là thỏi nam châm cần đến lòng Chúa xót thương”, đặc biệt trong đời sống hôn nhân –gia đình ngày nay đang gặp nhiều khó khăn, thách đố, thậm chí trên bờ vực của sự tan vỡ.

Trên con đường của lòng thương xót, Cha Giuse nói tiếp “Đức Cha không chỉ mời gọi chúng ta chiêm ngắm, nhưng còn khao khát lòng thương xót, đến gặp Đấng Phục Sinh, là Đấng giàu lòng xót thương”. Nhưng, chỉ nhờ bởi ơn Chúa Thánh Thần, con người được dìm vào trong sự thật, để nhận ra mình được yêu (x. Ga 15, 9). Và khi gặp được Chúa, chất xót thương sẽ thấm đẫm vào trong lời nói và hành động của con người, thần hóa đời mỗi người. Vì thế, không sai khi mời gọi mọi người nhận ra rằng “Đức Cha Giuse chính là quà tặng quí giá mà Thiên Chúa tốt lành ban tặng ban cho đời mình để tạ ơn Chúa, và biết ơn Đức Cha.”

Kết thúc bài giảng, Cha Giuse đã trích lại lời Chúa nói với Chân phước Angela ở Foligno để nói với mọi người “Tình Cha yêu con không phải là trò đùa”, để rồi mỗi người tự cật vấn bản thân “Chúa yêu ta đến thế, còn tôi và ông bà, chúng ta đã dành cho Chúa một tình yêu nghiêm túc chưa vậy?”

Sau lời nguyện hiệp lễ, Đức Giám Mục Giáo phận đã thay mặt cộng đoàn dân Chúa Giáo phận để dâng lời chúc mừng đến Đức Cha Giuse. Trước hết, ngài bày tỏ niềm vui khi nhận ra những dấu chỉ của ơn phúc, dấu của yêu thương, của phép lạ mà Thiên Chúa trao ban cho con cái giáo phận qua những hiện tượng và khung cảnh thiên nhiên tại buổi chiều này. Tiếp đến, Đức Cha lược lại đôi nét những dấu ấn lịch sử đầy yêu thương và ý nghĩa mà Đức Cha Giuse đã phục vụ, để lại cho Giáo phận – đặc biệt việc “kiện toàn nhân sự” của Giáo phận trong lãnh vực đào tạo các linh mục tương lai của Đại Chủng viện Thánh Giuse Xuân Lộc: từ vai trò Đức Ông Giám đốc ĐCV đến Đức Cha, Giám Đốc Đại Chủng viện. Và trong vai trò làm giám mục Giáo phận, Đức Cha Giuse đã từng làm cho bao tâm hồn chạm được tới lòng thương xót của Thiên Chúa nhờ các bài nói chuyện đầy tâm huyết với các hội đoàn, hiệp hội…Chất lòng thương xót mà Đức Cha Giuse đã, đang thể hiện, như Đức Giám Mục nhắc đến, được thấy rõ ngay tại trong Thánh Lễ Tạ ơn này, khi các thiếu nhi khiếm thị, khuyết tật đảm nhận tuyên bố Lời Chúa, và hát lễ với hai ca đoàn thiếu nhi thật đơn sơ và hồn nhiên. “Tất cả đều là ý muốn của Đức Cha Giuse”. Vậy nên, nhờ bởi “Đức Cha đã gắn bó với lòng thương xót của Chúa Cha, nên có thể nói, Đức Cha đã trao ban cho chúng con bài học Nhận, sống lòng thương xót của Chúa”. Sau cùng, Đức Giám Mục Giáo phận mong rằng mọi con cái Giáo phận được cùng với Đức Cha Giuse cảm nghiệm được mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa trên Đức Cha; xin được cùng chung tâm tình với Đức Cha Giuse muôn đời ca ngợi Chúa. Lời ngợi ca Thiên Chúa vì mọi người được hưởng ơn phúc nhờ bởi cùng “dầu thánh” mà Đức Cha được lãnh lấy từ Bí tích Rửa Tội, dầu thánh đã thánh hiến Đức Cha trước đây để làm linh mục của Chúa, để tấn phong ngài lên giám mục, và cũng từ dầu thánh đó, Đức Cha đã thánh hiến bao người và làm cho nhiều người trên nên con cái đích thực của Chúa.

Đáp từ lại lời chúc mừng của Đức Giám Mục Giáo phận, Đức Cha Giuse đã thốt lên “Tất cả chỉ là lời cảm tạ” vì những kỳ công Người đã làm trên cuộc đời ngài. Đức Cha đặc biệt cám ơn Đức Cha Giáo phận, Đức Cha Cố Đa Minh trong những tri ân chân thành sâu xa nhất. Ngài cũng cám từng thành phần quý Cha trong giáo phận, những cha ngoài giáo phận đang hiện diện vì có liên hệ với Ngài, Cha Đặc Trách Hiệp hội Lòng Chúa Thương Xót, giáo xứ và các hội đoàn của Giáo xứ Suối Cát, các ban ngành, hội đoàn đã cộng tác để Thánh Lễ tạ ơn được diễn ra tốt đẹp. Đức Cha cũng dâng lời cám ơn lên Đức Thánh Cha Phanxicô vì đã nhận được sứ điệp chúc mừng và phép lành của ĐTC trong ngày mừng Kim Khánh Linh Mục; cám ơn ĐHY Tagle- Tổng trưởng Thánh Bộ Truyền Giảng Tin Mừng; ĐTGM Marek Zalewski, Đại diện Toà thánh không thường trú tại Việt Nam, khi các ngài gửi lời chúc mừng đến Đức Cha Giuse. Ngoài ra, Đức Cha cũng cám ơn cách đặc biệt đến những con người mà Đức Cha thường gọi là những người đang đau khổ: là những cụ già, bệnh nhân, thiếu nhi khuyết tật, những người đau khổ tinh thần, người nghèo, anh chị em di dân đã cùng Đức Cha hiệp dâng Thánh Lễ, là niềm vui cho ngài. Và ngài nhắc đến cách đặc biệt khi cám ơn gia tộc, thân hữu ruột thịt dù vắng mặt không thể hiện diện; cám ơn Ban điều hành, quý cha giáo và sinh viên của Học viện Công Giáo và cùng mọi thành phần anh chị em tín hữu đang tham dự và hiệp thông trực tuyến trên các phương tiện truyền thông.

Thánh Lễ Tạ Ơn mừng kỷ niệm Kim Khánh Linh Mục của Đức Cha Giuse quả thật là hồng ân tiếp nối hồng ân không chỉ trên Đức Cha Giuse, nhưng còn là của Giáo phận Xuân Lộc và của từng người.

Nt. Teresa Ngọc Lễ, O.P
 
Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Nhà An Dưỡng Phaolô Nguyễn Thanh Hoan
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
08:55 11/04/2021
Hôm nay 10.4.2021, Tu đoàn Nam Bác Ái Chúa Kitô Tôi Tớ, tổ chức Thánh Lễ Đặt Viên Đá Đầu Tiên Xây Dựng Nhà An Dưỡng Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, tại Thôn Láng gòn 1, xã Tân xuân, Hàm tân, Bình thuận.

Đức cha Giuse Đỗ Mạnh Hùng chủ tế và giảng lễ.

Lúc 09g30, sau khi Đức Cha Giuse làm phép tượng Thánh Giuse, đoàn đồng tế tiến về bàn thờ với sự hiện diện và hiệp thông của quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân ân nhân, quý khách và bằng hữu xa gần.

Xem Hình

Khi cộng đoàn an tọa, cha Antôn Nguyễn Văn Thành, Giám đốc đào tạo, đại diện Tu Đoàn, chào mừng Đức cha, quý cha, quý tu sĩ và quý khách, ngài cũng toát lược sự hình thành Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót tại mãnh đất này.

Sau đó Đức cha chủ sự nghi thức làm phép diện tích đất xây dựng và làm phép viên đá đầu tiên rồi đặt vào nền móng.

Đức cha Giuse khởi sự thánh lễ.

Điểm nhấn đầu tiên trong bài giảng của Đức Cha Giuse là thông tin về việc Đức Giáo Hoàng Phanxicô quyết định thiết lập Ngày Quốc tế Ông bà và Người cao tuổi vào Chúa Nhật thứ Tư của tháng Bảy. Ngài dẫn lời của Đức Giáo Hoàng rằng: “Tuổi già là một hồng ân và ông bà là mắt xích kết nối các thế hệ khác nhau, để truyền kinh nghiệm sống và đức tin cho người trẻ. Tuổi già là một kho tàng quý giá, lưu giữ những ký ức về cội nguồn, về văn hóa…”

Tuy nhiên, trong xã hội hôm nay với hai tiêu chuẩn chọn lựa: lợi nhuận và hưởng thụ. Điều gì có lợi thì tôi làm, điều gì không có lợi tôi không làm. Cái làm cho tôi thoại mái thì tôi chọn, phải hy sinh vất vả thì tôi khước từ. Trước hai tiêu chuẩn chọn lựa như thế, người già có nguy cơ bị bỏ rơi, bởi vì họ không còn có sức khỏe và không có khả năng làm ra của cải vất chất. Đồng thời họ trở nên gánh nặng cho gia đình và xã hội khi phải chăm sóc vất vả.

Nêu lên những thực trạng xã hội như thế, Đức Cha Giuse đã suy niệm trong ánh sáng của Lời Chúa rằng: Chúa Giêsu phục sinh mang lại cho con người một giá trị mới toàn vẹn. Trước hết để phục sinh Chúa Giêsu đã sẵn sàng đón nhận cuộc thương khó và hy sinh chết trên thập giá vì sự sống vĩnh cửu cho nhân loại. Bên cạnh đó, từ bài đọc một, trích sách Công vụ Tông đồ, nói về việc ông Phêrô và Gioan, nhân danh Chúa Giêsu phục sinh, chữa lành một người què từ lúc mới sinh đang ăn xin bên vệ đường. Anh què này từ lúc mới sinh đã là người khuyết tật, không làm gì ích lợi cả. Từ đây anh có một cuộc sống mới, anh có thể vui tươi đứng lên, đi lại, hòa nhập với cộng đoàn. Anh có thể làm việc để tự sinh sống lo cho bản thân. Sự sống mà Chúa Giêsu phục sinh mang lại thì vượt lên trên vật chất, vượt lên trên những của bố thí thường ngày. Chúa Giêsu đã trả lại cho anh phẩm giá của một con người, anh sẽ được yêu thương và tôn trọng.

Từ những suy niệm trên, Đức Cha Giuse gợi nhớ hình ảnh Đức Cha cố Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, một con người sống chứng tá tình yêu Chúa Giêsu phục sinh. Khi cảm nhận được những nỗi đau khổ của những người nghèo, Đức Cha Phaolô đã thành lập Tu đòan Nam và Tu đoàn Nữ Bác ái Chúa Kitô Tôi Tớ. Đức Cha Phaolô đã được đánh động bởi hình ảnh Chúa Giêsu khiêm tốn, quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Chúa Kitô đã phục vụ, rửa chân như một người tôi tớ. Và Đức Cha Phaolô đã muốn Tu Đoàn mà ngài lập ra tiếp tục công việc phục vụ của Chúa Kitô tôi tớ như thế.

Cuối bài giảng, Đức Cha Giuse nói lên ý nghĩa sâu xa của việc thành lập và xây dựng nhà An dưỡng này. Ngài nói rằng: “Việc thành lập và lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng Nhà An Dưỡng Phaolô Nguyễn Thanh Hoan hôm nay, là một cố gắng của Tu Đoàn Nam Chúa Kitô Tôi Tớ để kỷ niệm 25 năm thành lập Tu Đoàn. Đây là một quyết tâm thực hiện việc khiêm tốn phục vụ những người nghèo, đặc biệt là những người già cả, neo đơn. Nhà An Dưỡng này mang tên Đức cha Phaolô, vị Sáng lập Tu Đoàn sẽ là một lời khích lệ và nhắc nhở các thành viên luôn tiếp tục phát triển “đặc sủng phục vụ người nghèo như Chúa Kitô tôi tới” mà Đức cha Phaolô đã để lại”.

Cuối thánh lễ, trong lời cảm ơn, cha Phaolô Hồ Phi Chỉnh, Tổng phụ trách Tu Đoàn, đã dâng tất cả hành trình xây dựng và những tháng ngày hoạt động tương lai cho Thánh Giuse để ngài bảo trợ và chở che. Cha Tổng phụ trách đã thay mặt anh em, dâng lên Thiên Chúa lời tạ ơn với muôn điều kỳ diệu Ngài đã ban ngang qua đặc sủng Tu Đoàn. Đồng thời ngài cũng dâng lên Đức Cha Giuse, quý cha, quý tu sĩ, quý thân nhân và ân nhân, quý khách và bằng hữu lời cảm ơn chân thành vì đã đồng hành với Tu Đoàn trong hành trình thực thi sứ vụ bác ái của Tin mừng.

Ước mong ngôi Nhà An Dưỡng mang tên Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, “đặc sủng phục vụ người nghèo như Chúa Kitô tôi tới” mà Đấng Sáng Lập đã để lại, là nơi chia sẻ yêu thương, nơi chăm sóc người già cả, neo đơn và bệnh tật, nơi đón nhận những cảnh đời bất hạnh trong xã hội hôm nay.

Lm Giuse Nguyễn Hữu An
 
Tuần Cửu Nhật và Mừng Kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Sydney.
Diệp Hải Dung
09:33 11/04/2021
Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney tổ chức tuần Cửu Nhật kính Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo đoàn Thánh Tử Đạo Giuse Lê Đăng Thị Fairfield từ Thứ Sáu Tuần Thánh 02/04/2021 và kết thúc vào ngày Chúa Nhật 11/04/2021 mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót Năm Thánh Giuse tại nhà thờ Our Lady of Mount Carmel, Mt. Pritchard - Sydney.

Suốt 9 ngày của Tuần Cửu Nhật trong những giờ nguyện kinh cầu nguyện Lòng Chúa Thương Xót, Cha Linh hướng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót FX Nguyễn Văn Tuyết đã lồng vào những bài chia sẻ theo chủ đề riêng của từng ngày đặc biệt năm nay là năm của Thánh Giuse và Cha dâng Thánh lễ tạ ơn.

Xem Hình

Trưa Chúa Nhật 11/04/2021 rất đông giáo dân đã đến nhà thờ Our Lady of Mount Carmel Mt. Pritchard Sydney tham dự mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót. Năm nay vì đại dịch cúm Tàu chưa dứt hẳn, nên Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót cũng hạn chế không rước kiệu để giữ an toàn cho mọi người. Kiệu Thánh tượng Lòng Chúa Thương Xót được đoàn Phụng
vụ cung nghinh rước từ cuối Thánh đường lên an vị trên cung thánh và Cha Linh hướng FX. Nguyễn Văn Tuyết xông hương kiệu Thánh tượng, sau đó đại diện Ban Chấp Hành đọc sơ lược tiểu sử về Lòng Chúa Thương Xót. Kê tiếp Cha Linh hướng ngỏ lời chào mừng tất cả mọi người đồng thời Cha giới thiệu Cha Trần Văn Trợ và qúy Hội Đồng Mục Mục Vụ trong Cộng Đồng hiện diện tham dự Thánh lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót hôm nay.

Trong bài giảng Cha Nguyễn Văn Tuyết nhắc lại lời Đức Thánh Cha Bênê đictô 16: Chúa Giêsu không chỉ là Đấng công bố Lòng Chúa Thương Xót nhưng chính là Lòng Thương Xót. Gặp gỡ Đức KiTô cũng có nghĩa là gặp Lòng Thương Xót Của Chúa. Câu chuyện Tôma cũng đưa ra một bài học và lời cảnh giác rất rõ qua lời tuyên bố của Chúa Giêsu “ Phúc cho những ai không thấy mà tin” (Ga. 20: 29)

Trước khi kết thúc Thánh lễ, anh Trần Anh Vũ Chủ tịch CĐCGVN TGP Sydney lên ngỏ lời chúc mừng Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney. Hôm nay trong bầu khí thật vui tươi, Cộng Đồng Công Giáo Tổng Giáo Phận Sydney mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót. Chúng con xin thay mặt cho Hội Đồng Mục Vụ bày tỏ lòng chân tình biết ơn chúc mừng đến Cha Linh hướng FX. Nguyễn Văn Tuyết, Ban Chấp Hành đã tổ chức Đại Lễ mừng kính Lòng Chúa Thương Xót thật sốt sắng và long trọng. Xin chân thành chúc mừng và cảm ơn.

Kế tiếp bà Agatha Nguyễn Thị Kim Nhẫn Phó Nội Vụ Phong Trào Lòng Chúa Thương Xót TGP Sydney ngỏ lời cám ơn quý Cha, quý quan khách, quý ân nhân và mọi người đã không quản ngại cùng đến tham dự Thánh lễ và hiệp chung lời cầu nguyện cho Phong Trào. Đặc biệt cám ơn Ban Mục Vụ Giáo đoàn Fairfield đã tận tình giúp đỡ trong Tuần Cửu Nhật vừa qua tại Giáo đoàn và qúy Ban Mục Vụ Giáo Đoàn Mt. Pritchard đã giúp cho Phong Trào có phương tiện tổ chúc mừng kính Đại Lễ Lòng Chúa Thương Xót và cám ơn Ca đoàn Thánh Mẫu La Vang Cabramatta.

Diệp Hải Dung
 
Giữa Thời Đại Dịch Covid-19. Một Nhà Thờ Mới Xây Cất Kính Lòng Thương Xót Chúa. 11.4.2021
Lm Francis Lý văn Ca
14:22 11/04/2021
Giữa Thời Đại Dịch Covid-19 - Một Nhà Thờ Đang Được Xây Cất Để Tôn Kính Lòng Thương Xót Chúa,

Giáo Họ Vĩnh Điền, Giáo Xứ Kẻ Mui, Giáo Phận Hà Tĩnh, Việt Nam.


Nhân dịp lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa, xin chia sẻ với Quý Đọc Giả về dự án xây cất Nhà Thờ để Tôn Kính Lòng Thương Xót Chúa cho Giáo Họ Vĩnh Điền, thuộc Giáo Xứ Kẻ Mui, Giáo Phận Hà Tĩnh…

Dự án được dự trù hoàn thành và sẽ khánh thành vào dịp lễ Kính Lòng Thương Xót (LTXC) vào năm 2022 - ngày Chủ Nhật Kính LTXC: 24.4.2022. Nhưng vì đại dịch Covid-19 có thể ngày dự trù sẽ phải dời lại.

Ngày 21.1.2020 Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP, Nguyên Giám Mục Chính Toà và Tiên Khởi của GP Hà Tĩnh… đã đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường với Thánh Hiệu Phanxicô Xaviê, Giáo Họ Vĩnh Điền, thuộc Giáo Xứ Kẻ Mui, Giáo Phận Hà Tĩnh, theo dự trù là ngôi thánh đường nầy sẽ hoàn thành… và sẽ được khánh thành bởi Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp OP… cho dù năm nay *2021* Ngài đã 75… theo Giáo Luật, là Ngài đã về hưu ngày 19 tháng 3 vừa qua. Theo như sự thỉnh cầu trong ngày đặt viên đá đầu tiên xây Nhà Thờ Mới nầy là Ngài sẽ làm phép ngôi Nhà Thờ Mới nầy để ‘Dâng Kính Lòng Thương Xót của Chúa’. Nếu điều kiện tài chánh cho phép, thì ngôi thánh đường sẽ được khánh thành vào dịp lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chủ Nhật 24.4.2022. Đính kèm trong bài viết nầy là đường link dẫn vào bài viết về ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây ngôi thánh đường của giáo họ Vĩnh Điền, ngày 21.1.2020 của Giáo Phận Mới Hà Tĩnh, Việt Nam.

http://giaophanhatinh.net/giao-ho-vinh-dien-thanh-le-dat-vien-da-khoi-cong-xay-dung-thanh-duong-moi-9289

Nhà Thờ Hiện Tại Giáo Họ Vĩnh Điền, GX Kẻ Mui. GP Hà Tĩnh.
Ngôi Nhà Thờ cũ của GH.VĐ vẫn còn đó… bây giờ là Nhà Kho chứa vật liệu xây cất ngôi thánh đường mới trong tương lai… Các thánh lễ cuối tuần hay ngày thường được cử hành tại nhà một giáo dân gần đó…

Ăn Mày Thời Đại Mới - Sau Thời Đại Dịch

Mỗi tuần, tôi chơi Tennis đã hơn 36-37 năm nay… nhận thấy… nơi sân tennis… có những thùng rác chứa những ve chai… lon nước ngọt mà các cầu thủ quần vợt vức bỏ vào đó…. Mỗi lần đi ngang qua… tôi nhìn thấy những thùng rác (bins)… rồi tình cờ trên tivi… tôi nhìn thấy… quảng cáo… 1 chai hay 1 lon nước… đổi lấy 10 cents… tôi bèn nghĩ ra cách ‘ăn mày’ bằng việc xin ‘Manager’ quản lý sân Tennis… cho phép tôi ‘nhặt’ những lon hay chai nước ngọt nầy cho ‘Charity Mission - Bác Ái Truyền Giáo’… Ông ta đồng ý cho tôi được ‘collect’ những đồ phế thải đó bắt đầu từ nay… ‘Good ideal as he said (Ben) to me’.

Thế là mỗi thứ 2, sau hay trước khi chơi Tennis tôi sẽ đi nhặt ở những thùng rác… những lon hay chai nhom… để tiếp tục cho chương trình đang xây cất dở dang ngôi thánh đường của GH. Vĩnh Điền… Bây giờ mà đi gỏ cửa các nhà tư nhân, hay cửa hàng… tôi cảm thấy ngại ngùng và bị ‘dị ứng’ nếu như người ta ‘sorry- thời gian đại dịch Covid-19… làm ăn thua lỗ… quán xá ế ẩm…’ thì ngại lắm chi bằng làm ‘ăn mày ở kiếp nầy hơn là ăn mày ở kiếp sau… sẽ không còn cơ hội nữa…’ cho nên tôi không ngại ngùng làm ‘khất sĩ’ ở kiếp nầy… vẫn còn cơ hội… khi sức khỏe còn cho phép ở tuổi 70-71… đang nghỉ ‘hưu non’.

Ngôi Nhà Thờ dâng kính LTXC đang xây dở dang vì đại dịch Covid-19… hy vọng một năm nữa vào ngày lễ Kính Lòng Thương Xót Chủ Nhật 24.4.2022, nếu Chúa thương nhờ sự giúp đỡ của Ân Nhân Xa Gần và Thu Lượm Ve Chai - Khất Sĩ’ Ngôi Nhà Thờ Mới sẽ hoàn thành tốt đẹp như lòng mong ước như sự ‘Tín Thác vào sự Quan Phòng Kỳ Diệu của Thiên Chúa’.

Qua kinh nghiệm bản thân hay gia đình, đức tin của chúng ta từng trải qua những thăng trầm: lúc thì chúng ta tin một cách nhanh chóng dễ dàng, lúc thì lưỡng lự ngờ vực... Có trải qua phân vân do dự chúng ta sẽ dễ cảm thông với những ai kém hoặc gặp nhiều khó khăn lúc phải tin và sống đạo. Sống đạo, giữ đức tin, không phải việc cá nhân, riêng tư, mạnh ai nấy sống. Đức tin như máu huyết trong cơ thể con người, lưu thông nuôi dưỡng toàn diện cơ thể. Niềm tin vào Đức Kitô phục sinh phải được cảm xúc, cảm giác, cảm nghiệm trong khung cảnh hiệp thông của một cộng đoàn. Họ đang ở chung cùng nhau, trong cuộc sống giáo đoàn, Chúa luôn hiện diện với họ. Đúng như lời Chúa phán: “Nơi nào có hai hay ba người hội lại cầu nguyện thì có Ta ở giữa”.

Chúa Kitô phục sinh đã đổi mới các tông đồ, qua cuộc sống cộng đoàn, đức tin của chúng ta cũng được triển nở. Như các tông đồ xưa, chúng ta cũng đang sống hợp đoàn trong đức tin. Tuy Chúa không hiện ra nhãn tiền như xưa nữa, nhưng Ngài vẫn ngự giữa chúng ta, sống và hành động để củng cố đức tin chúng ta. Mặc dù chúng ta không thấy Ngài, nhưng đó lại là diễm phúc, như lời Chúa nói với Thomas hôm nay: "Phúc cho những ai không thấy mà tin".

Giữ vững đức tin, vun trồng và phát triển đức tin là việc rất quan trọng của đời sống người tín hữu Công Giáo tại thế. Cũng như thánh Thomas, chúng ta không thấy Chúa, không tiếp xúc trực tiếp với Ngài. Ngài không hiện ra dạy dỗ chúng ta nhưng chỉ có đức tin làm cho chúng ta chấp nhận và thực hành lời Ngài dạy trong Tin Mừng và qua Giáo Hội. Theo gương thánh Thomas chúng ta tránh một đức tin tình cảm, đức tin mơ hồ. Tin mà không biết tại sao mình tin. Đức tin đặt căn bản trên Lời Chúa và lời dạy của Giáo Hội. Để được vậy, cần phải tìm hiểu và học hỏi. Đó là ý nghĩa cuộc đời của mỗi người tín hữu khi còn tại thế. Cuộc đời của chúng ta sẽ bị thử thách về đức tin, chẳng hạn như: chúng ta không thấy Chúa, không tiếp xúc trực tiếp được với Ngài, Ngài cũng không hiện ra dạy dỗ chúng ta. Nhưng chỉ có đức tin dạy cho chúng ta biết rằng: Ngài ở khắp mọi nơi, biết hết mọi sự, chỉ có đức tin dạy cho chúng ta chấp nhận và thực hành lời Ngài dạy trong Phúc Âm và Qua Giáo Hội.

Ngôi nhà thờ đang xây dở dang
Thật vậy, nhờ Giáo Hội hữu hình chúng ta biết được sự hiện diện vô hình của Thiên Chúa và Thiên Chúa còn mạc khải cho từng người trong chúng ta qua những dấu chỉ riêng biệt như: lúc cầu nguyện hoặc đi hành hương, cbúng ta thấy Thiên Chúa dường như ở gần bên. Khi đọc một đoạn Kinh Thánh chúng ta thấy như có liên quan đến đời sống của chúng ta. Những lần đi du ngoạn, trước vẽ đẹp hùng vĩ của núi non, của thiên nhiên làm sao chúng ta dám từ chối sự hiện hữu của Đấng Tối Cao. Lời Chúa chúc phúc cho chúng ta: “Phúc cho những kẻ không thấy mà tin”. làn cho chúng ta vững tin hơn, vì “Lời Chúa là Chân Lý hay Sự Thật” sẽ làm cho chúng ta được cứu rỗi khi cuộc hành trình đức tin của chúng ta kết thúc trong thời điểm của cái chết. Để thể hiện điều học hỏi trong kho tàng Kinh Thánh hôm nay, khi đi lễ Chủ Nhật, chúng ta hãy chú ý lắng nghe Lời Chúa. Đồng thời, tin có Chúa ngự trong Phép Thánh Thể. Chúng ta cầu xin Chúa ban thêm đức tin cho chúng ta để đứng vững trong thế giới hôm nay.

Trong một đoạn Tin Mừng, sau khi Chúa Kitô sống lại, Ngài đã nói với Phêrô những lời tâm huyết sau đây: "Con yếu đuối chối Thầy 3 lần. Bây giờ Thầy giúp con chỗi dậy và trở nên vững mạnh lại. Phần con, phải ra sức làm cho anh em con cũng được nên mạnh..." Thật vậy, đó là sứ điệp Phục Sinh, cũng như Madalêna, như các tông đồ xưa cho dù họ kém tin, sau khi được Chúa Kitô củng cố đức tin, họ đã mạnh dạn đem đi loan báo Tin Mừng sống lại. Phần chúng ta, với niềm tin sắt đá và trái tim quả cảm, với đôi tay luôn rộng mở và với nụ cười luôn tươi nở trên môi, chúng ta hãy tạo lại niềm tin và sức mạnh cho những anh chị em đang dần mất đức tin trong thế giới hưởng thụ nầy. Thánh lễ và các tư tưởng trong các bài đọc hôm nay tạo cho chúng ta dịp để tôi luyện lại niềm tin của chính mình, mọi phần tử trong gia đình vằ đại gia đình của Cộng Đoàn-Xứ Đạo của chúng ta hôm nay.

Chúng ta đang sống trong một thời đại tiến hóa về khoa học, điện tử, nếu không có những chứng cớ khả nghiệm thì niềm tin tôn giáo có thể hiểu biết sai lầm tựa như tin vào tử vi, bói toán. Nhưng chúng ta có thể chịu nỗi khi Chúa Giêsu hiện ra trực tiếp với mỗi người như chính Ngài đã hiện ra với Thomas hôm nay không? Sách thánh hôm nay đã thuật lại: Thánh Thomas đã sụp lạy và tuyên xưng: "Lạy Chúa tôi, lạy Chúa Trời tôi". Phần thưởng đời sau dành cho những ngưòi không thấy mà tin sẽ lớn lao cao trọng hơn những kẻ đã thấy mới tin. Vì không thấy mà tin đòi hỏi một sự tìm kiếm không ngừng để hiểu biết và một sự can đảm, trung thành để vượt thắng mọi cản trở, gây nghi ngờ. Đó là phần thưởng cho người sống đức tin trong thời đại hôm nay.

Mô hình Nhà Thờ


Mỗi lần Chúa hiện ra Ngài đều chúc bình an. Đây không phải là lời chào thông thường nhưng là lời ban ơn phúc. Ơn bình an nầy chỉ thực sự hưởng được trọn vẹn khi biết thi hành sứ mệnh Chúa Phục Sinh phán dạy hôm nay: Đó là con người được giao hòa với Thiên Chúa qua bí tích hòa giải. Đây cũng là dịp để Anh Chị Em kiểm điểm lại xem đã lãnh nhân bí tích hòa giải trong Mùa Phục Sinh như luật buộc mỗi năm ít là một lần không? Đây cũng là dịp để Cộng Đoàn dân Chúa hiểu được quyền tha tội mà Chúa ban cho các tông đồ. Nói theo kiểu giáo lý là Chúa đã trao ban cho các tông đồ - ngày nay là các linh mục của Chúa - quyền cầm buộc và tháo gỡ, sau khi Ngài từ cõi chết sống lại.

Một nhận xét nữa của Gioan: Chiều ngày thứ nhất trong tuần, nhà của các tông đồ đều “Cửa đóng then gài”. Tám ngày sau đó, “Cửa vẫn đóng then vẫn gài”. Lý do vì sợ người Dothái. Chúa Giêsu đã hiện ra và nói: "Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Chúng ta được sai đi giữa anh chị em, trong nghề nghiệp, trong cảnh vực của đời sống hằng ngày...Chúng ta được Ngài sai đi, không nhân danh cá nhân nhưng vì danh Chúa Kitô, Ngài sống và hoạt động trong chúng ta. Chúng ta trở thành môi miệng của Ngài, là nhiệm thể của Ngài, để nói lên tình yêu của Chúa Cha trên trời. Ngày Chủ Nhật, ngày đầu tuần, còn gọi là ngày của Chúa, Đức Kitô hiện ra đứng giữa các tông đồ. Đây phải chăng là một sự tình cờ hay ngẫu nhiên? Trong tuần, chúng ta cũng như những giáo hữu thời tiên khởi, bận sống, bận công ăn việc làm, bản thân và gia đình, không có giờ, không thể mỗi ngày đến tham dự thánh lễ Cộng Đoàn-Xứ Đạo được. Nhưng qua bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta thấy, chính lúc giáo hữu đến gặp nhau, chính buổi hội họp, đoàn tụ thì Chúa đã đến đứng giữa họ.

Sau thời đại dịch Covid-19, tôi có thể nói tại Tiểu Bang ‘Tây Úc’; chúng tôi cảm thấy ‘Tiểu Bang của chúng tôi may mắn nhất’ trong các tiểu bang trên toàn nước Úc… Nững nạn nhân của đại dịch Covid-19 rất ít... Những người ở nước khác vào Tiểu Bang hay những người Úc đi về Perth từ nước ngoài hay từ các Tiểu Bang khác đến Perth đều bị ‘cách ly an toàn’ cho dân cư trong Tiểu Bang Perth.

Dịp lễ Phục Sinh vừa qua, Giáo Hội tại Perth đã ‘Hồi Sinh’ sau một năm Đại Dịch Covid-19. Từ Nhà Thờ Chính Toà đến các Giáo Xứ… theo tôi được biết giáo dân đã trở về đông đảo tham dự các Lễ Nghi Tuần Thánh - Tam Nhật Vượt Qua. Cảm tạ ơn Phục Sinh của Giáo Dân tại Perth - Kể Cả Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Tiểu Bang Tây Úc cũng Hồi Sinh - sau Mùa Đại Dịch Covid-19 kinh hoàng - trong Mùa Phục Sinh năm nay 2021. Alleluia! Alleluia! Alleluia!

Lm Francis Lý văn Ca - Perth, Tây Úc

Lễ Kính Lòng Thương Xót Chúa - 11.4.2021.
 
Gặp Mặt Cộng Đoàn Lòng Thương Xót Của Thiên Chúa tại Giáo Phận Đà Nẵng , năm 2021
Tô-ma Trương Văn Ân
16:46 11/04/2021
1. Nguồn gốc Cộng đoàn và Thánh lễ Kính Lòng Thương Xót ( LTX) Chúa:

Năm 1980, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II ban hành Thông điệp Thiên Chúa Giàu Lòng Thương Xót. Ngày 23/4/1995, Ngài đã cử hành Chúa Nhật Kính Lòng Thương Xót Chúa ngay tại Trung Tâm Lòng Chúa Xót Thương được thiết lập cho giáo phận Rôma tại thánh đường Chúa Thánh Thần ở Sassia; đến ngày 30/4/2000 dịp Năm Thánh Cứu độ, Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong nữ tu Faustina ( Người nhận Sứ điệp và loan truyền Sứ điệp Lòng Thương Xót của Thiên Chúa ) lên bậc hiển thánh và chính thức thiết lập và ấn định ngày lễ kính Lòng Thương Xót Chúa vào Chúa Nhật II Phục Sinh trong toàn thể Giáo Hội Công Giáo. Từ đó việc sùng kính Lòng Thương Xót Chúa (LTXC) phát triển sâu rộng trên khắp Giáo hội hoàn vũ.

Xem Hình

Tại Việt Nam, cách riêng tại Giáo phận Đà Nẵng, phong trào sùng kính Lòng Thương Xót Chúa, bắt đầu từ năm 2001 đến nay.

2. Gặp mặt Cộng Đoàn và Thánh lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót tại Giáo phận Đà Nẵng năm 2021:

Lúc 15 giờ ngày 11 / 4 / 2021, Chúa Nhật II Phục Sinh. Cộng đoàn Lòng Chúa Thương Xót của các Giáo xứ và Giáo họ trong toàn Giáo phận Đà Nẵng đã qui tụ về nhà thờ Chính Tòa để cùng dâng những Kinh nguyện lên Thiên Chúa giàu lòng thương xót, thương xót đến mỗi người, cùng nhau chia sẻ cảm nhận Chúa xót thương bản thân mình, và lòng thương xót ấy, mỗi người phải lan tỏa đến với anh chị em.

Cha Phan-xi-cô Xa-vi-ê Nguyễn Thanh Vũ, SJ - Quản xứ Hòa Minh Gp Đà Nẵng, đã có bài nói chuyện với Cộng đoàn LTX. Cha đã dẫn chứng từ nhiều đoạn Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước được Mạc khải, để Cộng đoàn thấy và cảm nhận được Lòng thương xót của Thiên Chúa. Cha cũng mời gọi mỗi người tín thác nơi Thiên Chúa, thể hiện qua việc yêu thương chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong đời sống gia đình và thái độ sống nhân ái, bao dung tha thứ với người chung quanh, “ Phúc cho ai biết xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương “ (đây là mối phúc thứ năm, trong Bài giảng tám phúc của Chúa Giê-su).

Cao điểm của ngày gặp mặt là Thánh Lễ Kính Lòng Chúa Thương Xót do Đức Giám Mục Giáo phận Chủ sự. Đức Cha Stê-pha-nô Tri Bửu Thiên – Giám mục Giáo phận Cần Thơ, trong dịp đi họp Hội đồng Giám mục Việt Nam đã thăm và đồng tế trong Thánh lễ này.

Trong Thánh lễ, Đức Cha chủ tế đã chia sẻ với Cộng đoàn phụng vụ ý nghĩa hình ảnh Lòng Chúa Thương Xót, những Sứ điệp Chúa Giê-su truyền cho Thánh Faustina ghi lại và loan truyền, những tấm gương lòng thương xót của nhiều vị Thánh. Trong đó có Thánh Giáo hoàng Gioan Phao-lô II đã tha thứ và đến nhà tù thăm anh Ali Agca - người đã ám sát Ngài vào ngày 13/5/1981 tại quảng trường Thánh Phê-rô. Tất cả những tấm gương đó phản ảnh một phần dung mạo Lòng thương xót của Thiên Chúa mà mỗi người phải noi theo.

Cuối Thánh lễ, Cha Bonaventura Mai Thái- Tổng Đại diện, đã Đại diện Cộng đoàn Giáo phận cám ơn Đức Cha stê-pha-nô, cách đặc biệt cám ơn Đức Giám Mục Giáo phận trong ngày kỷ niệm 5 năm (12/4/2016-2021) Đức Cha nhận trách vụ Giám mục Giáo phận Đà Nẵng. đồng thời Cha Tổng đã Đại diện Cộng đoàn xin lỗi Đức Cha vì những lỡ lầm thiếu sót, xin Lòng thương xót Chúa tha xóa cho mỗi người. Những bó hoa tươi dâng lên hai Đức Cha, biểu lộ tâm tình tri ân các Đức Cha của cộng đoàn dân Chúa Giáo phận.

Đức Cha Stê-pha-nô đã nói lên niềm vui khi tham dự Thánh lễ dịp đặc biệt, trang trọng và sốt sắng, biểu lộ niềm tin vào Đức Ki-tô, của dân Chúa Giáo phận Đà Nẵng. Niềm tin cần tỏa sáng bằng việc làm yêu thương, đầy lòng thương xót trong gia đình, nơi mỗi người đang sinh sống và làm việc.

Đức Giám Mục Giáo phận cũng chia sẻ tâm tình, niềm hạnh phúc trong trách vụ, trong ơn gọi hiện tại và sự cộng tác của mỗi thành viên trong cộng đoàn dân Chúa với Đức Cha trong tình yêu mến, xây dựng cộng đoàn hiệp nhất – sống đức tin và loan báo Tin Mừng. Qua đó, tạo nên những giá trị đẹp nhất, lan tỏa tình thương và lòng thương xót của Thiên Chúa. Mỗi người cảm nhận được hạnh phúc, niềm vui và sự an bình. Đức Cha còn cho biết năm nay Ngài gần tròn 64 tuổi ( 16.6.1957-2021) và 14 năm thụ phong Giám mục ( 3.12.2007-2021).

Tô-ma Trương Văn Ân
 
Văn Hóa
Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật
Vũ Văn An
00:25 11/04/2021

Trong tiếng Việt, có nhiều từ điển diễn tả cách nói năng của người ta. Chúng tôi xin kể ra đây một số cách nói quen thuộc dùng để che dấu sự thật, làm lệch lạc sự thật, hoặc cản trở người khác nhận ra sự thật, lãnh hội sự thật, làm chậm “bước đi” của sự thật, nghĩa là những điều tiêu cực đối với sự thật:



Nói bóng nói gió: Nói xa xôi hiểu ý ở ngoài lời.

Nói cạnh nói khóe: Nói gần nói xa để châm chọc, đả kích.

Nói chặn: Nói trước để ngăn ngừa điều người ta sắp nói, sắp làm.

Nói chua: Nói chanh chua nhằm làm người ta khó chịu.

Nói dóc: Nói khoác lác và bịa đặt cho vui hay để ra vẻ ta đây. Chỉ được cái nói dóc!

Nói dối: Nói sai sự thật một cách cố ý, nhằm che dấu điều gì.

Nói điêu: Nói những điều không có thật về người khác. Đừng nói điêu cho người khác.

Nói gần nói xa: Nói gần gần xa xa, chứ không nói thẳng. Nói gần nói xa, chẳng qua nói thật: nói thẳng cho rồi! Tác phong học gọi nói thẳng là quả quyết. Chúa Kitô nhấn mạnh điều này khi đưa ra nguyên tắc căn bản: Có nói có, không nói không, thêm bớt đều là ma qủy. Khi Philatô hỏi: Ông có phải là Vua không, Người đáp: Ông nói đúng, tôi là vua (Ga 18:37). Khi Công Nghị Do Thái hỏi; Vậy ra Ông là Con Thiên Chúa? Người đáp: Các ông nói đúng, chính là tôi (Lc 23:6). Sự thật thẳng thừng. Không xa gần gì cả. Nếu Ngưòi biết xa gần bóng gió, ví von, có thể Người đã thoát nạn. Như: còn tùy các ông hiểu vua (Con Thiên Chúa) là gì, nếu... thì không phải, nếu...thì có thể.

Nói gở: Nói ra những lời cho là có thể báo trước hoặc đưa đến việc chẳng lành.

Nói hớt: Nói trước lời mà người khác chưa kịp nói.

Nói hươu nói vượn: Nói khoác lác, không thật, không thực tế.

Nói kháy: Nói xa xôi để khích bác, trêu tức.

Nói khoác: Nói những điều quá xa sự thật, quá xa những điều mình thấy hoặc làm, để người ta phuc mình.

Nói lái: Nói khác đi một tổ hợp hai ba âm tiết bằng cách chuyển đổi phần vần hay phần phụ âm đầu, hoặc phần thanh điệu, có thể có đổi cả trật tự các âm tiết, để bông đùa hoặc chơi chữ, châm biếm. Như chuyện đem hình Bác Hồ ra lộng kiếng là nói lái cụm từ liệng cống.

Nói lảng: Nói sang chuyện khác, cốt để tránh chuyện đang nói.

Nói láo: Nói những chuyện nhảm nhí, không đứng đắn (người Bắc), nói dối (người Nam).

Nói leo: Nói chen vào chuyện của người trên khi không được hỏi đến.

Nói lóng: Nói bằng cách chen vào một số từ ngữ với nghĩa quy ước mà chỉ một nhóm ít người biết riêng với nhau.

Nói mát: Nói dịu nhẹ như khen, nhưng thật ra là mỉa mai, chê trách.

Nói mò: Nói một cách hú họa, không căn cứ. Thầy bói nói mò.

Nói móc: Nói nhằm châm chọc điều không hay của người khác một cách cố ý.

Nói ngang: Nói trái với lẽ phải, thiếu thiện ý trong việc bàn bạc, làm cản trở công việc. Đã không làm lại còn nói ngang. Đôi khi thêm: nói ngang bứa, hoặc, nói ngang phè (ngang hết chịu nổi).

Nói ngoa: Nói phóng đại, xa sự thật

Nói nhăng nói cuội: Nói nhảm nhỉ, vu vơ. (Nhăng là quấy quá nhảm nhí; cuội là Chú Cuội trên Cung Trăng vốn bị coi là Tổ Nói Láo, nên phải ngồi ôm cây trên Mặt Trăng như câu ca dao bình dân: “Bắc thang lên đến tận mây, Hỏi sao Cuội phải ấp cây cả đời? Cuội nghe hỏi thế Cuội cười, Bởi hay nói dối nên ngồi ấp cây”. Người ta cũng nói: hứa nhăng hứa Cuội, tán nhăng tán Cuội.

Nói (dối) như Cuội: Cuội nổi tiếng về tài nói dối. Vì bố mẹ chết sớm, Cuội được ông chú bà thím mang về nuôi nấng. Ngay từ thuở nhỏ, Cuội đã có trí thông minh, hóm hỉnh và biết cách nói dối tài tình. Đã nhiều phen, Cuội lừa dối làm ông chú bà thím tức lộn ruột đến phải bắt Cuội bỏ rọ ngâm sông. Nhưng nhờ tài nói dối, Cuội đã lừa được kẻ chui vào rọ chết thay cho mình... Đúng là nói dối như Cuội.

Nói như Ông Bành Tổ: Bành Tổ là người đời Đường đời Nghiêu (Trung Quốc) được Vua Nghiêu phong ở đất Bành Thành, có tiếng là người sống lâu đến bẩy trăm tuổi. Nên việc gì cũng biết cũng thông. Nhưng kiểu nói Nói như Ông Bành Tổ ám chỉ một người còn ít tuổi nhưng cứ huênh hoang như mình đã lịch lãm như người sống đã 7 trăm năm (thực ra những lời họ nói đáng ngờ, sai sự thật).

Nói như trạng: Trạng nguyên là người bao năm đèn sách, bao lần lều chõng đi thi và đỗ đầu kỳ thi đình, nên rất thông tuệ, uyên bác. Tuy nhiên, nói như trạng ám chỉ người có vốn hiểu biết ít ỏi, nhưng cứ hợm hĩnh coi mình như ông tiến sĩ.

Nói như thánh phán: Thánh là hiện thân của cõi siêu nhiên, thần bí, đứng trên con người; do đó phán gì chả đúng, nói gì cũng linh nghiệm. Tuy nhiên, nói như thánh phán ám chỉ cũng phàm phu tực tử như ai nhưng lại nói như thể biết đủ điều huyền nhiệm bí ẩn. Kiểu nói khác: nói thánh nói tướng.

Nói như Vẹm: Vẹm là chữ chỉ Việt Minh Cộng Sản: do chữ Việt Minh viết tắt V.M, được người Pháp đọc là VEM. Người ta thuật lại, khi nghe tin Hồng Y Karol Wojtyla được bầu làm Giáo Hoàng lấy hiệu là Gioan Phaolô II, toàn dân Ba Lan đổ tuôn ra đường phố mở hội ăn mừng. Chính phủ Cộng sản Ba Lan hết sức bối rối, họp hành liên miên tìm một lối phản ứng khéo léo. Cuối cùng, Tổng Bí Thư Đảng là Edward Gierek phải cùng với Chủ Tịch Nước là Henryk Jablonski và Thủ Tướng Chính Phủ Piotr Jaroszewics gửi một điện văn chúc mừng trong đó có một câu mập mờ nhưng họ rất ưng ý là “Lần đầu tiên trong lịch sử, một người con của dân tộc Ba Lan được bầu vào chức vụ cao nhất của Giáo Hội...”. Sau đó, Nhà Nước Cộng Sản, qua viên cựu thứ trưởng ngoại giao, Joseph Winiewics, đã dùng Tuần san Văn nghệ, Literatura, do Nhà Nước tài trợ, giải thích câu đó cho thế giới hay như sau: “chúng ta cần nhấn mạnh rằng cái trí óc đó và cái nhân cách đó đã được lên khuôn trong một xứ Xã hội Chủ nghĩa...”. Còn tờ Kultura thì trâng tráo hơn: “Điều không nghịch lý nhưng hợp lý đơn thuần là Ba Lan Xã Hội Chủ Nghĩa đã hiến cho thế giới vị Giáo Hoàng đầu tiên người Ba Lan của mình”. Tờ báo này lý luận: dù đã có truyền thống Công Giáo lâu đời, Ba Lan chưa bao giờ sản xuất được một Giáo Hoàng trước thời cộng sản! Đúng là láo khoét như Vẹm! Thực tế là chỉ mấy năm sau, cái chế độ xã hội chủ nghĩa ấy đã do chính cái sản phẩm ấy làm cho tiêu tan. (Xem James Oram, The People’s Pope, pp. 183-185).

Nói như vẹt: Nói nhưng không hiểu điều mình nói, chỉ lặp lại điều người khác nói như con vẹt.

Nói phách: Nói khoác lác, vẻ kiêu căng tự phụ.

Nói quanh: Nói không đi thẳng vào vấn đề, để tránh nói sự thật.

Nói trống không: Nói mà không nêu rõ đối tượng muốn nói đến; nói một cách vô lễ, thiếu những từ ngữ xưng hô cần thiết.

Nói tục: Nói những lời thô tục thiếu thanh nhã. Kiểu khác: nói tục nói tĩu.

Nói vu: Bịa đặt truyện xấu gán cho người nào đó để làm mất danh dự, uy tín. Đây là một trong những khí giới mà kẻ hèn nhát hay dung để bôi tro trát trấu lên kẻ vô tội sau khi không làm hại họ được cách nào khác hơn. Khí giới này cũng từng được dùng nhân danh chân lý trường cửu. Đó là trường hợp Tổng Giám Mục Marcel Lefèbre và các đồ đệ của ông (hiện có hàng triêu trên thế giới, trong đó có cả một số nhân vật Việt Nam như nhóm The Warning Trumpet của Ông Trương Tiến Đạt, San Jose, Mỹ). Vị Tổng Giám Mục nay đã qua đời này là người không chấp nhận Công Đồng Vatican II, nhưng lại vẫn tự nhận là Công Giáo Rôma. Gần đây nhất, nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày phong chức trái phép cho 4 Giám Mục của nhóm, đồ đệ muộn màng của ông là Giám Mục hồi hưu Salvador L. Lazo, DD của giáo phận San Fernando, đã gửi cho Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II một bức thư. Đầu đề bức thư như sau: Kính đệ Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, Giám Mục Rôma và Đại diện Chúa Giêsu Kitô, Kế vị Thánh Phêrô, Thủ lãnh Các Tông đồ, Chủ chăn Tối cao của Giáo Hội Hoàn vũ, Thượng phụ Giáo chủ Phương Tây, Giáo chủ Ý Đại Lợi, Tổng Giám Mục và Đô chủ Giáo phận Rôma, Quốc trưởng Vatican. Nhưng dù trong suốt bức thư, lúc nào cũng ‘cung kính’: Thưa Đức Thánh Cha, vị Giám Mục hồi hưu này (năm 1993, sau 23 năm làm Giám Mục) đã nói vu Giáo Hội Công Giáo sau Công Đồng Vatican II như sau: “Con theo Rôma vĩnh cửu, Rôma của các Thánh Phêrô và Phaolô. Con không theo cái thứ Rôma Tam Điểm... Cũng không theo cái thứ Rôma Duy tân (modernist)... Con nhất quyết không phục vụ cái thứ Rôma đang bị bè Tam Điểm kiểm soát, chúng là đại diện của Lucifer, Thủ lãnh ma qủy”. Chỉ vì, theo vị Giám Mục này, cái Giáo Hội này đã bãi bỏ Thánh Lễ cổ truyền bằng tiếng Latinh mà ông cho là Lễ Misa chính Chúa Giêsu đã thiết lập trong Bữa Tiệc Ly. Một học sinh trung học bây giờ cũng hiểu chính Chúa Giêu thiết lập bí tích Thánh Thể trong đêm bị nộp, nhưng chắc chắn không bằng tiếng Latinh! Ông còn cho rằng Bộ Nghi Lễ Mới (Novus Ordo Missae) là một pha chế hỗn tạp của Đức Ông Annibale Bugnini, một người theo phe Tam Điểm. Sáu mục sư Thệ Phản giúp Đức Ông Bugnini chế tạo ra nó. Ông quên rằng Bộ Nghi Lễ đó đã được soạn thảo trong tinh thần Hiến chế Sacrosanctum Concilium của Công Đồng Vatican II, một Công Đồng của toàn thề Giáo Hội Công Giáo. Vu khống, dù nhân danh bất cứ điều gì, cũng vẫn chỉ là vu khống (Xem The Catholic Guardian, August 1998, pp.15-18).

Nói vụng: Nói riêng với nhau về những điều không hay, không tốt của người khác.

Nói xấu: Nói sau lưng về những điều không hay, không tốt của người khác nhằm bôi nhọ, giảm uy tín của họ.

Nói xỏ: Nói xa xôi, nhằm châm chọc một cách ác ý.

(Các chữ liệt kê lấy của Minh Tâm, Thanh Nghị, Xuân Lâm, Từ Điển Tiếng Việt; Viện Ngôn Ngữ Học, Kể Chuyện Thành Ngữ, Tục Ngữ).

Kỳ tới: Đèn Soi Bước Con Đi
 
VietCatholic TV
Tượng Chúa Kitô lớn nhất thế giới được tân trang. Mẹ bề trên dòng Biển Đức thoát chết trong gang tấc
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
02:37 11/04/2021


1. Bức tượng Chúa Kitô lớn nhất thế giới được tân trang

Bức tượng Chúa Kitô mang tính biểu tượng của Brazil sẽ bước sang tuổi 90 vào tháng 10 sắp tới. Những người phục chế muốn chỉnh trang để bức tượng trông đẹp nhất trước khi tổ chức sinh nhật

Marcos Signe, một công nhân đang làm việc trong dự án chỉnh trang này cho biết:

“Đó là một đặc ân khi được làm việc ở đây. Nhiều người muốn được công việc này nhưng mấy ai có được, được treo trên bức tượng là một đặc ân. Có thể nhìn ngắm quang cảnh xung quanh, tôi rất vui khi được làm việc ở đây”.

Cristina Ventura, kiến trúc sư của dự án chỉnh trang này nói:

“Mỗi lần tôi nhìn ra ngoài, điều đó thật thú vị.”

Hơn 40 người đang làm việc để trang điểm cho bức tượng bao gồm các kỹ sư, kiến trúc sư và các nhà địa chất. Tất cả là nhằm bảo đảm bức tượng sẽ đứng vững trong 90 năm nữa.

Tượng Chúa Giêsu Kitô của Brazil là một bức tượng nghệ thuật kiến trúc ở Rio de Janeiro, Brazil, được tạo ra bởi nhà điêu khắc người Pháp Paul Landowski và được xây dựng bởi kỹ sư người Brazil Heitor da Silva Costa, phối hợp với kỹ sư người Pháp Albert Caquot. Nhà điêu khắc người Romania Gheorghe Leonida đã tạo hình khuôn mặt. Được xây dựng từ năm 1922 đến năm 1931, bức tượng cao 30 mét, không kể bệ bên dưới cao 8 mét. Hai tay duỗi rộng 28 mét.

Bức tượng nằm trên đỉnh núi Corcovado cao 700 mét trong Công viên Quốc gia Rừng Tijuca nhìn ra thành phố Rio de Janeiro. Là biểu tượng của Kitô Giáo trên toàn thế giới, bức tượng cũng đã trở thành biểu tượng văn hóa của cả Rio de Janeiro và Brazil, và được xếp vào danh sách một trong bảy kỳ quan của thế giới.
Source:Reuters

2. Mẹ bề trên dòng Biển Đức ở Missouri thoát chết, đạn bắn cách gang tấc

Trong Mùa Chay vừa qua, các nữ tu ở một tu viện ở vùng nông thôn Missouri đã bị tấn công nhiều lần. Nghiêm trọng nhất là một viên đạn ghim vào bức tường phòng ngủ của bề trên dòng. Vì thế, các nữ tu đang gây quỹ cho một hàng rào an ninh, trong khi các cơ quan thực thi pháp luật địa phương đang điều tra những vụ xả súng này.

Trong một tuyên bố được gửi qua email cho các phương tiện truyền thông Công Giáo trong tuần này, Dòng Các Nữ Tu Biển Đức của Đức Maria, Nữ Vương Các Thánh Tông Đồ nói rằng vào ngày 24 tháng Ba, “chỉ mới 11 giờ đêm, nhiều nữ tu trong Tu viện đã nghe thấy những tiếng súng lớn. Một số sơ đã thức giấc, nhưng nhanh chóng quay lại ngủ tiếp, vì đáng buồn là chúng tôi đã trở nên quá quen với những quấy động liên quan đến các hoạt động không phù hợp xung quanh tu viện của chúng tôi”.

Tuyên bố cho biết thêm “Vào buổi sáng, mẹ bề trên đã phát hiện ra hai lỗ đạn trong phòng ngủ của mình. Một viên đạn xuyên vào bức tường bên ngoài, đục một lỗ bên dưới bức tranh Thánh Tâm Chúa, và xuyên qua bức tường đối diện, dừng lại trước vòi hoa sen ở phía bên kia.”

Tuyên bố lưu ý rằng Mẹ Cecilia, nữ tu viện trưởng, “ đang ngủ cách quỹ đạo của viên đạn chỉ vài bước chân”.

Đây không phải là lần đầu tiên nhà dòng bị trúng đạn - trên thực tế, vụ tấn công này đã là lần thứ ba trong Mùa Chay này.

Mẹ Cecilia, nữ tu viện trưởng, nói với The Pillar qua email rằng vụ nổ súng đầu tiên trong Mùa Chay này xảy ra vào ngày 17 tháng 2, vào tối Thứ Tư Lễ Tro. Những phát súng đêm đó dường như đến từ con đường quê chạy dọc theo phía bắc khu nhà của các nữ tu - giống như những phát súng được bắn hôm 24 tháng Ba.

Một vài ngày sau sự kiện Thứ Tư Lễ Tro, “một phát súng khác đã được bắn, dường như đến từ bên trong nhà dòng của chúng tôi, ở bức tường phía tây của nhà thờ”.

Tu viện dòng Biển Đức ở Missouri cũng đã là mục tiêu tấn công vào tháng 8 năm 2019, khi một số phát súng được “bắn vào sân sau của nhà dòng chúng tôi bởi một kẻ đã vào khu nhà, đã ở đây khoảng 45 phút, bắn liên tục trong suốt thời gian đó. Các nữ tu thực sự đã nghe thấy tiếng đạn bay qua đầu họ”, Mẹ Cecilia nói.

Cũng có một sự việc tương tự xảy ra vào năm 2010. Năm đó, một người nào đó đã bắn vào một nhà nguyện Đức Mẹ Lộ Đức, trúng vào thắt lưng bức tượng Đức Mẹ có kích thước bằng người thật.

Ngoài những lỗ đạn trong phòng Mẹ Cecilia, những thiệt hại khác trong các vụ xả súng vào Mùa Chay bao gồm thiệt hại cho một số đồ trang trí xung quanh cửa và một lỗ đạn trên bức tường phía tây của nhà thờ.

Cho đến nay không có nữ tu nào bị thương trong các vụ xả súng.
Source:Pillar Catholic

3. Đức Hồng Y Dolan kêu gọi người Công Giáo trở lại tham dự Thánh lễ Chúa nhật

Trong bài giảng Lễ Phục sinh và trong một chuyên mục cho tờ báo của Tổng giáo phận hôm thứ Tư 7 tháng tư, Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York đã cầu xin những người Công Giáo trở lại tham dự Thánh lễ Chúa Nhật trong Mùa Phục sinh.

“Đúng là trong năm ngoái, chúng tôi đã thận trọng quyết định rằng cuộc khủng hoảng sức khỏe khẩn cấp có thể chuẩn chước nghĩa vụ do Chúa giao cho chúng ta. Những người dễ bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, chẳng hạn như người già, vẫn có thể được chuẩn chước như trước đây”.

Tuy nhiên, nhiều người Công Giáo khác đã trở lại các hoạt động công cộng mà không tham dự Thánh lễ, và họ nên trở lại nhà thờ.

“Đối với đa số chúng ta - chúng ta có đi ăn nhà hàng không? Có tham dự các trận túc cầu với trẻ em và các giải đấu thi đấu không? Có đến các cửa hàng, tiệm làm đẹp, có tụ họp với gia đình và bạn bè không? Vậy thì, đã đến lúc trở lại với Thánh lễ”.

Vào tháng 3 năm 2020, tất cả các giáo phận Công Giáo ở Hoa Kỳ đã đình chỉ các thánh lễ công cộng do sự lây lan của COVID-19. Giờ đây tất cả các giáo phận đã mở cửa các nhà thờ trở lại, nhưng chỉ một số các giáo phận đã khôi phục lại nghĩa vụ tham dự các thánh lễ ngày Chúa Nhật, trong đó những người Công Giáo không có triệu chứng và không có nguy cơ cao mắc COVID-19 và không phải chăm sóc các bệnh nhân phải trở lại Thánh lễ Chúa nhật.

Tổng giáo phận New York đã đình chỉ các thánh lễ công cộng vào mùa xuân năm ngoái, nhưng các nhà thờ bắt đầu mở cửa trở lại vào mùa hè. Giải thích về quyết định đóng cửa hồi năm ngoái, Đức Hồng Y Dolan cho biết:

“Chúng tôi không có lựa chọn khác, vì các hướng dẫn sức khỏe khôn ngoan đòi hỏi chúng ta phải đóng cửa các nhà thờ”. Sau khi tổng giáo phận mở cửa trở lại các nhà thờ, các giáo xứ “đã dọn dẹp cẩn thận, vệ sinh, thông gió, giữ khoảng cách và tuân thủ các hạn chế khác” và giáo dân “dần dần bắt đầu quay trở lại”.

“Không cần phải từ từ nữa! Đã đến lúc phải trở lại với Thánh lễ Chúa nhật!” Đức Hồng Y Dolan viết hôm thứ Tư.

Ngài nhận xét rằng Tam Nhật Vượt qua gần đây đã nhấn mạnh tầm quan trọng của Thánh lễ, là tâm điểm của Phụng Vụ.

“Chúng ta nhận ra Chúa Giêsu trong các Thánh Lễ và trong việc Rước Mình Thánh Chúa. Chúng ta một lần nữa bước vào mầu nhiệm vĩnh cửu, vô tận về sự chết của Ngài trên thập tự giá và sự phục sinh từ cõi chết. Mỗi Thánh Lễ Chúa Nhật là một sự lặp lại Bữa Tiệc Ly, Thứ Sáu Tuần Thánh và Lễ Phục Sinh”.

Một phát ngôn viên của tổng giáo phận đã làm rõ với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, rằng tổng giáo phận New York chưa bao giờ đình chỉ nghĩa vụ tham dự thánh lễ, trong đó người Công Giáo được giáo luật yêu cầu tham dự Thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc, trừ những trường hợp nghiêm trọng khiến họ không thể thực thi nghĩa vụ này.

Người phát ngôn lưu ý rằng dù các thánh lễ công cộng bị tổng giáo phận đình chỉ trong vài tháng do sự lây lan của COVID-19, nghĩa vụ Chúa Nhật vẫn được áp dụng khi các nhà thờ mở cửa trở lại để cử hành Thánh lễ. Tuy nhiên, những lý do “nghiêm trọng” thông thường khiến người Công Giáo không tham dự Thánh lễ Chúa nhật - chẳng hạn như bệnh tật hoặc đang gặp nguy hiểm vì đại dịch COVID-19 - vẫn được áp dụng, và người Công Giáo được tự do không tham dự Thánh lễ vì “một lý do nghiêm trọng”.

“Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người được chủng ngừa và mọi người tham gia vào các hoạt động công cộng ngày càng nhiều hơn, vì thế Đức Hồng Y đang nhắc nhở họ về nghĩa vụ thiêng liêng là tham dự Thánh lễ Chúa Nhật”

Văn phòng tổng đại diện của tổng giáo phận vào tháng Giêng và một lần nữa vào tháng Hai đã nhắc nhở các linh mục rằng bổn phận ngày Chúa nhật vẫn được áp dụng đối với người Công Giáo.

“Vào các ngày Chúa Nhật và các ngày Lễ Buộc khác, người Công Giáo có nghĩa vụ tham gia Thánh lễ và tránh những công việc không cần thiết cũng như những hoạt động làm mất tập trung tinh thần như những gì đã được nêu trong bộ giáo luật,” Cha tổng đại diện Joseph LaMorte đã viết trong một bức thư ngày 18 tháng Giêng năm 2021 gởi cho các linh mục.

Một lá thư hồi tháng Hai từ văn phòng tổng đại diện cho biết rằng việc miễn trừ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật cho giáo dân là “một câu hỏi được lặp đi lặp lại của nhiều linh mục”. Đức Hồng Y Dolan không bao giờ bãi bỏ nghĩa vụ ngày Chúa Nhật.

Văn phòng tổng đại diện minh xác rằng “Nghĩa vụ tham dự Thánh lễ Chúa nhật luôn luôn được áp dụng. Đó là luật thánh thiêng. Chúng ta đã không tạo ra luật đó và vì thế chúng ta không thể bãi bỏ”.

Văn phòng cho biết, đúng hơn, đại dịch là lý do đủ nghiêm trọng để người Công Giáo không tham dự Thánh lễ, nhưng khi nhiều người Công Giáo đang có các tiếp xúc xã hội nhiều hơn như hiện nay, “chúng ta cần khuyến khích họ quay trở lại với các thánh lễ”.

“Chúng ta đang đối mặt với vấn đề nghiêm trọng về việc tham dự Thánh lễ, chỉ có 50% so với một năm trước”, văn phòng cho biết, và lưu ý rằng các mục tử có thể cân nhắc việc đưa vào “các bản tin được phát vào ngày Chúa Nhật để mọi người có thể và chia sẻ với những người ở nhà”.
Source:Catholic News Agency
 
Phóng sự đặc biệt: Lễ Lòng Chúa Thương Xót tại Rôma, bài giảng cảm động của Đức Thánh Cha 11/04/2021
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
07:25 11/04/2021


Ngày Chúa Nhật 11 tháng Tư, Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh, Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót, Đức Thánh Cha Phanxicô đã dâng thánh lễ trong một nhà thờ chứa thánh tích của cả Thánh Faustina Kowalska và Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II.

Đây là lần thứ hai trong liên tiếp 2 năm, Đức Thánh Cha Phanxicô dâng thánh lễ Lòng Chúa Thương Xót tại đây.

Chúa Nhật vừa qua đánh dấu kỷ niệm 21 năm lễ tuyên thánh cho Thánh Faustina, và cũng là 21 năm ngày Đức Gioan Phaolô II thiết định trong toàn thể Giáo Hội Chúa Nhật kính Lòng Thương Xót vào Chúa Nhật thứ Hai Mùa Phục sinh.

Thánh lễ tại nhà thờ Santo Spirito in Sassia, là nhà thờ được Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II biến thành đền thánh kính Lòng Chúa Thương Xót của giáo phận Rôma, đã được phát trên truyền hình và livestream vào lúc 10 giờ 30 sáng theo giờ địa phương.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các môn đệ nhiều lần. Kiên nhẫn an ủi trái tim đang thất vọng của họ. Sau khi sống lại, đây là cách thế Chúa “phục sinh các môn đệ”. Và các môn đệ, được Chúa Giêsu nâng dậy, đã thay đổi cuộc sống của mình. Trước đây, nhiều lời nói và nhiều gương sáng của Chúa đã không thể biến đổi các môn đệ. Bây giờ, vào ngày Phục sinh, một điều gì đó rất mới mẻ đã xảy ra. Và nó xảy ra như dấu chỉ của lòng thương xót. Chúa Giêsu nâng các môn đệ lên bằng lòng thương xót - nâng các ngài lên bằng lòng thương xót – và các ngài trở nên từ bi sau khi được thương xót. Rất khó trở nên có lòng thương xót nếu một người không nhận ra rằng mình đang được xót thương.

Trước hết các môn đệ được thương xót, qua ba ân sủng: Chúa Giêsu ban cho các ngài ơn bình an, sau đó là Thần Khí, và cuối cùng là những vết thương. Ngay từ đầu, Ngài mang lại cho các môn đệ ơn bình an. Những môn đệ này đã rất đau khổ. Họ đã nhốt mình trong nhà vì sợ hãi, vì sợ bị bắt và kết cục cũng sẽ như Thầy. Nhưng không chỉ đóng cửa nhà, các ngài còn đóng kín cửa tâm hồn trong sự hối hận. Các ngài đã bỏ rơi và chối Chúa Giêsu. Các ngài cảm thấy mình chẳng có khả năng gì, chẳng được ơn ích gì, và sai lầm. Chúa Giêsu đến và lặp lại hai lần: “Bình an cho anh em!”. Người không mang lại một sự bình an giúp loại bỏ những vấn đề bên ngoài, mà là một sự bình an giúp khơi dậy sự tự tin bên trong. Không phải bình an bên ngoài, mà là bình an trong lòng. Người nói: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.” (Ga 20:21). Như thể Người đang nói: “Thầy sai anh em đi bởi vì Thầy tin tưởng anh em”. Những môn đệ thất vọng đó được làm hòa với chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu khiến họ chuyển từ hối hận sang sứ mệnh. Trên thực tế, sự bình an của Chúa Giêsu làm phát sinh sứ mệnh. Bình an của Chúa không phải là sự yên tĩnh, nó không phải là sự nhàn nhã, nhưng là sự đi ra khỏi chính mình. Sự bình an của Chúa Giêsu giải thoát khỏi sự khép kín làm tê liệt, và phá vỡ xiềng xích giam giữ trái tim. Và các môn đệ cảm thấy đầy lòng thương xót: họ cảm thấy rằng Thiên Chúa không lên án họ, không sỉ nhục họ, nhưng tin tưởng vào họ. Vâng, Người tin vào chúng tôi nhiều hơn chúng tôi tin vào chính mình. “Ngài yêu chúng ta nhiều hơn chúng ta yêu chính chúng ta” (xem Thánh John Henry Newman, Suy niệm và Tôn sùng, III, 12:2). Đối với Chúa không ai bất tài, không ai vô dụng, không ai bị loại trừ. Hôm nay Chúa Giêsu lặp lại một lần nữa: “Bình an cho anh em, là những người quý giá trong mắt Thầy. Bình an cho anh em, là những người quan trọng với Thầy. Bình an cho anh em, là những người có sứ mệnh. Không ai có thể làm điều đó thay cho anh em. Anh em là những người không thể thay thế được. Và Thầy tin vào anh em”.

Tiếp đến, Chúa Giêsu thương xót các môn đệ bằng cách ban Chúa Thánh Thần cho họ. Ngài ban Thánh Thần để các ngài có năng quyền tha tội (xem câu 22-23). Các môn đệ là những người có tội, họ đã chạy trốn bỏ rơi Thầy. Và tội lỗi ám ảnh, cái ác có giá của nó. Tội lỗi của chúng ta, theo Thánh Vịnh (xem 51: 5), luôn ở trước mặt chúng ta. Chúng ta không thể hủy bỏ nó một mình. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể loại trừ, chỉ có Ngài với lòng thương xót mới làm cho chúng ta thoát ra khỏi những đau khổ sâu xa nhất của chúng ta. Giống như những môn đệ đó, chúng ta cần cho phép mình được tha thứ, và nói từ tận đáy lòng: “Lạy Chúa, xin thứ tha tội lỗi con”. Hãy mở rộng trái tim để cho phép mình được tha thứ. Sự tha thứ trong Chúa Thánh Thần là ân sủng Phục sinh để được phục sinh từ bên trong. Chúng ta hãy xin ơn đón nhận Người, đón nhận bí tích tha tội. Và xin ơn để hiểu rằng ở trung tâm của bí tích hòa giải không phải là chúng ta với tội lỗi của mình, mà là Thiên Chúa với lòng thương xót của Người. Chúng ta không đi xưng tội để suy sụp, nhưng để làm cho chúng ta được phục hồi. Chúng ta cần đến bí tích hòa giải rất nhiều, tất cả mọi người đều cần. Chúng ta cần bí tích hòa giải như những đứa trẻ nhỏ, mỗi khi ngã, chúng cần được bố mẹ nâng lên. Chúng ta cũng thường xuyên sa ngã. Và bàn tay của Chúa Cha đã sẵn sàng để giúp chúng ta đứng dậy và tiếp tục bước đi. Bàn tay an toàn và đáng tin cậy này là bí tích hòa giải. Đó là Bí tích nâng chúng ta lên, không để chúng ta nằm trên mặt đất mà khóc trên những sàn cứng của những sa ngã. Đó là bí tích của sự phục sinh, đó là lòng thương xót thuần khiết. Và bất cứ ai nhận được bí tích hòa giải phải làm cho chính mình cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót. Và đây là cách của các cha giải tội khi tiếp nhận lời xưng thú của mọi người: hãy làm cho mọi người cảm nhận được sự ngọt ngào của lòng thương xót của Chúa Giêsu, Đấng đã tha thứ mọi sự. Chúa tha thứ mọi sự.

Sau khi sự bình an trong lòng được phục hồi và sự tha thứ nâng các môn đệ đứng dậy, đây là ân sủng thứ ba mà Chúa Giêsu thương xót các môn đệ: Ngài ban cho họ những vết thương. Từ những vết thương đó, chúng ta được chữa lành (x. 1 Pt 2:24; Is 53:5). Nhưng làm thế nào để một vết thương có thể chữa lành chúng ta? Thưa: với lòng thương xót. Trong những vết thương đó, giống như Tông đồ Tôma, chúng ta chạm vào bằng bàn tay của mình để thấy rằng Thiên Chúa yêu thương chúng ta đến tận sâu thẳm, rằng Người đã biến vết thương của chúng ta thành của riêng Người, rằng Người đã mang những yếu đuối của chúng ta vào cơ thể của Người. Những vết thương này là những kênh thông thoáng giữa Ngài và chúng ta, là những kênh thương xót đổ xuống trên những đau khổ của chúng ta. Những vết thương này là những con đường mà Thiên Chúa đã mở rộng cho chúng ta để chúng ta bước vào sự dịu dàng của Ngài và chạm vào Nhiệm thể Ngài bằng đôi tay của chúng ta. Và chúng ta không còn chút nghi ngờ nào về lòng thương xót của Người. Bằng cách yêu mến, hôn lên vết thương của Người, chúng ta khám phá ra rằng tất cả những nhược điểm của chúng ta đều được hoan nghênh trong sự dịu dàng của Người. Điều này xảy ra trong mọi Thánh lễ, nơi Chúa Giêsu dâng hiến cho chúng ta Thân thể bị thương và đã phục sinh của Người: chúng ta chạm vào Người và Người chạm vào cuộc đời của chúng ta. Và điều đó làm cho Thiên đường xuống trong chúng ta. Những vết thương phát sáng của Người xuyên thủng bóng tối mà chúng ta mang bên trong. Và chúng ta, giống như Thánh Tôma, tìm thấy Chúa, chúng ta khám phá ra Ngài thân mật và gần gũi, và xúc động khi nói với Ngài: “Lạy Chúa và là Chúa của con!” (Ga 20:28). Và mọi thứ đều bắt nguồn từ đây, từ ơn của người được thương xót. Từ đây bắt đầu cuộc hành trình của Kitô hữu. Mặt khác, nếu chúng ta dựa vào khả năng của mình, vào hiệu quả của các công trình và dự án của chúng ta, chúng ta sẽ không tiến xa được. Chỉ khi chúng ta chào đón tình yêu của Thiên Chúa, chúng ta mới có thể ban tặng một điều gì đó mới mẻ cho thế giới.

Các môn đệ cũng vậy: được thương xót, họ trở nên thương xót. Chúng ta thấy điều đó trong bài đọc thứ nhất. Sách Tông đồ Công vụ kể lại rằng “không ai coi tài sản của mình là thuộc về mình, nhưng giữa họ mọi sự là của chung” (4:32). Đó không phải là chủ nghĩa cộng sản, nó là Kitô giáo thuần túy. Và càng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta nghĩ rằng chính những môn đệ ấy trước đó ít lâu đã cãi nhau về phần thưởng và danh hiệu, xem ai là người trọng nhất trong số họ (x. Mc 10:37; Lc 22:24). Bây giờ họ chia sẻ mọi thứ, họ “chỉ có một lòng một ý” (Cv 4:32). Làm thế nào mà họ thay đổi nhanh như thế? Thưa: Họ nhìn thấy nơi người kia, cùng một lòng thương xót đã biến đổi cuộc đời họ. Họ khám phá ra rằng họ có sứ mệnh chung, họ có chung sự tha thứ và Nhiệm thể của Chúa Giêsu. Ví thế, chia sẻ của cải thế gian gần như là một hệ quả tự nhiên. Đoạn văn sau đó nói rằng “không ai trong số họ thiếu thốn” (câu 34). Nỗi sợ hãi của họ đã tan biến khi chạm vào vết thương của Chúa, giờ đây họ không ngại chữa lành vết thương cho người thiếu thốn. Bởi vì ở đó họ nhìn thấy Chúa Giêsu. Bởi vì có Chúa Giêsu, trong những vết thương của người thiếu thốn.

Anh chị em thân mến,

Anh chị em có muốn thấy bằng chứng rằng Chúa đã chạm vào cuộc đời anh chị em không? Muốn thấy điều đó, anh chị em hãy tự hỏi xem mình có nghiêng người xuống trên những vết thương của người khác không. Hôm nay là ngày để tự hỏi: “Tôi, là người đã nhận được sự bình an của Thiên Chúa rất nhiều lần, là người đã nhận được sự tha thứ và lòng thương xót của Ngài rất nhiều lần, tôi có thương xót người khác không? Tôi, là người đã nhiều lần được nuôi dưỡng bằng Mình Máu Thánh Chúa Giêsu, tôi có làm gì để nuôi người nghèo không?” Chúng ta đừng thờ ơ. Chúng ta đừng có một niềm tin nửa vời, nhận thì được nhưng cho thì không, đón nhận món quà nhưng không tự biến nó thành một món quà. Chúng ta đã được thương xót, chúng ta phải trở nên nhân từ. Bởi vì nếu tình yêu kết thúc trong chính chúng ta, niềm tin sẽ cạn kiệt trong một sự gần gũi vô sinh. Nếu không có những người khác, tình yêu trở thành một thứ hồn lìa khỏi xác. Không có các công việc của lòng thương xót tình yêu sẽ chết (xem Jas 2:17). Anh chị em thân mến, chúng ta hãy để cho mình được phục sinh nhờ sự bình an, sự tha thứ và những vết thương của Chúa Giêsu nhân từ. Và chúng ta cầu xin ơn để trở thành chứng nhân của lòng thương xót. Chỉ bằng cách này, đức tin mới sống động. Và cuộc sống mới nhất quán. Chỉ bằng cách này, chúng ta mới có thể loan báo Tin Mừng của Thiên Chúa, là Tin Mừng của lòng thương xót.
Source:Libreria Editrice Vaticana
 
Tranh cãi đau lòng về Đàng Thánh Giá Mexico - Nơi thứ Tám: Chúa bị các phụ nữ cực đoan đánh tới tấp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:12 11/04/2021


1. Đàng Thánh Giá Mễ Tây Cơ: Chặng thứ Tám - Chúa Giêsu bị các phụ nữ hư hỏng đánh tới tấp

Một Đàng Thánh Giá tại Mễ Tây Cơ đang gây tranh cãi rất lớn khi sửa đổi chặng thứ Tám. Chúa Giêsu an ủi các phụ nữ thành Giêrusalem than khóc Người, thành Chúa Giêsu bị các phụ nữ theo các trào lưu nữ quyền đánh tới tấp.

Một buổi tái hiện Đàng Thánh Giá thời hiện đại được tổ chức vào Thứ Sáu Tuần Thánh ở miền nam Mễ Tây Cơ đã thu hút sự chỉ trích trên các phương tiện truyền thông địa phương vì mô tả các nhà đấu tranh nữ quyền đánh đập Chúa Kitô, đến mức đã ngã xuống đất lần thứ tư.

Buổi lễ được tổ chức và phát sóng trên Facebook bởi Life Online Oficial, một phong trào truyền giáo phối hợp với giáo xứ Thánh Giuse ở Ciudad Pemex, Mễ Tây Cơ, thuộc Giáo phận Tabasco.

Các thành viên của Life Online Oficial là những người Công Giáo trẻ tuổi quan tâm đến việc nói về nhiều chủ đề giúp chúng ta trở nên tốt hơn và phát triển trong đức tin của mình, và trình bày đúng đắn các vấn nạn xã hội dưới ánh sáng của huấn quyền Giáo hội.

Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay do Cha Sở Tomás Raymundo Rodríguez chủ sự.

Tại chặng thứ Tám, người kể chuyện nói: “Cách đây gần 2000 năm, Đấng Cứu Rỗi đã gặp một nhóm phụ nữ trên đường phố Giêrusalem khóc thương Ngài. Hôm nay, Chúa trở lại để gặp những người phụ nữ rất khác với những người mà Ngài đã an ủi”.

“Những phụ nữ này bị mắc kẹt trong những nhóm vô lý, đòi hỏi quyền lợi dựa trên sự xúc phạm, phá hủy mọi thứ trên con đường của họ, đấu tranh cho nữ quyền và phẩm giá của phụ nữ, trong khi họ thậm chí không cư xử đàng hoàng”.

“Các phụ nữ này chọn con đường bạo hành, để lại những dấu vết phá hoại. Họ vào nhà thờ để xúc phạm Thánh Thể, để chế nhạo Đức Trinh Nữ Maria”.

Mô tả này ám chỉ đến những vụ việc thường xuyên xảy ra ở Mỹ Latinh trong đó những người theo chủ nghĩa nữ quyền cực đoan tấn công các nhà thờ bằng các hình vẽ và khẩu hiệu ủng hộ việc phá thai.

Một số cơ quan truyền thông Mễ Tây Cơ, những kẻ luôn im lặng trước các vụ tấn công vào nhà thờ, xúc phạm Thánh Thể, và Đức Trinh Nữ Maria, đã chỉ trích Giáo phận Tabasco và đại chủng viện của giáo phận vì Đàng Thánh Giá này. Tuy nhiên, cũng có cơ quan truyền thông đứng đắn hơn ca ngợi Đàng Thánh Giá này nói lên một sự thật hiển nhiên ai cũng thấy trong xã hội Mễ Tây Cơ đang bị tục hóa sâu sắc.
Source:Catholic News Agency

2. Sau khi không thể tham dự lễ Phục sinh vào năm ngoái, anh chị em giáo dân đã tham dự đông đảo tại Vương cung thánh đường Thánh Giacôbê Tông đồ ở New York

Bài ca hát mừng Vinh quang Chúa đã vang lên tại Vương cung thánh đường Thánh Giacôbê Tông đồ vào Chúa nhật Phục sinh - Chúa đã sống lại.

Giữ vững hy vọng là một bài học quan trọng rút ra sau một năm khó khăn, một năm đầy những nỗi đau và mất mát xuất phát từ đại dịch quỷ quái.

Đức Cha Nicholas DiMarzio của Brooklyn nói Currents News: “Hy vọng là một trong các thông điệp của Lễ Phục sinh. Đức cậy dạy chúng ta cách đối phó với tội lỗi và cái chết cũng như điều ác xảy ra trên thế giới”.

Hơn một năm qua là thời kỳ khó khăn cho việc tham dự thánh lễ. Các hạn chế kiểm dịch đã đóng cửa các nhà thờ tại New York trong hơn ba tháng. Khi các nhà thờ cuối cùng có thể mở cửa trở lại, cộng đoàn chỉ còn một phần nhỏ so với những gì trước đây.

Có một nỗi sợ hãi. Các giáo xứ sẽ xây dựng lại đàn chiên của họ như thế nào? Giáo dân sẽ trở lại hay không? Và Tuần Thánh, trong lịch sử luôn có các thánh lễ và các cử hành Phụng Vụ đông đảo giáo dân nhất trong năm, sẽ như thế nào vào năm 2021?

Tuy nhiên, hy vọng đã đến dưới nhiều hình thức trong Lễ Phục sinh này, một trong số đó là những chiếc ghế dài đầy ắp.

Cha Bryan Patterson, Cha sở Vương cung thánh đường Thánh Giacôbê Tông đồ nhận xét rằng: “Được thấy Giáo hội sống lại, đồng thời với việc chúng ta cử hành lễ Phục sinh, là điều rất đáng khích lệ. Và tôi nghĩ đó là một dấu chỉ tuyệt vời và là biểu tượng cho sức mạnh đức tin của chúng ta”.

Vương cung thánh đường đã chật kín hết mức được cho phép theo các quy định hiện hành của thành phố. Mọi người đã đến từ khắp nơi, kể cả những vùng xa xôi như cô Shiloh Frederick đến từ East Flatbush.

Sau khi không được đến nhà thờ vào lễ Phục sinh năm ngoái, cô ấy muốn năm nay cảm thấy đặc biệt hơn.

“Năm nay chúng tôi cảm thấy hy vọng hơn năm ngoái, vì vậy chúng tôi muốn được tham dự trong một nhà thờ phản ánh bầu không khí đó”, cô giải thích.

Vương cung thánh đường đã có đầy đủ các thánh lễ và các cử hành trong suốt Tuần Thánh.

Đức Cha Nicholas DiMarzio nói rằng vẫn cần nhiều cố gắng để quay trở lại mức trước đại dịch, đặc biệt là khi các nhà thờ vẫn bị giới hạn ở một nửa công suất.

“Có vẻ như từ đêm qua và sáng nay, những gì chúng tôi đã nghe được, thật là tốt. Nhưng một lần nữa nhà thờ vẫn không đầy người. Chúng tôi phải giới hạn ở mức 50 phần trăm công suất, vì vậy sẽ mất thời gian cho đến khi tất cả mọi người quay trở lại”.
Source:Net TV

3. Hồng Y Iraq kêu gọi tách biệt tôn giáo và nhà nước một tháng sau chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng

Một tháng sau chuyến thăm lịch sử của Đức Thánh Cha Phanxicô đến Iraq, một trong những nhà lãnh đạo Công Giáo hàng đầu của đất nước này đã vạch ra tầm nhìn của mình cho đất nước trong tương lai, đưa ra đề xuất táo bạo về việc thực thi một sự tách biệt chặt chẽ hơn giữa tôn giáo và nhà nước.

Trong một diễn từ về chuyến thăm lịch sử từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 3 của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Thượng Phụ Chanđê Louis Raphaël Sako đã gọi chuyến đi của Đức Giáo Hoàng là “một cơ hội lý tưởng mà tất cả người dân Iraq phải tận dụng để trở về với bản thân và lòng yêu nước của họ.”

Ngài nói, điều này liên quan đến việc “lật lại quá khứ và mở ra một trang mới cho hòa giải”, củng cố ý thức về tình huynh đệ dân tộc, tôn trọng sự khác biệt, đấu tranh cho hòa bình, xây dựng lại các thể chế đang đổ nát của đất nước và cho phép những người phải di tản trở về nhà của họ.

Phát biểu về tầm quan trọng của tình huynh đệ giữa con người với tư cách là nền tảng của một cuộc chung sống hòa bình, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng “Người Iraq, về nguyên tắc và theo hiến pháp, là những công dân có quyền và nghĩa vụ bình đẳng, và quyền công dân không thể giới hạn ở tôn giáo, tín ngưỡng, khu vực, chủng tộc, hoặc con số”.

“Quyền công dân là quyền phổ quát cho tất cả mọi người”, ngài nói thêm, “Chúng ta phải khám phá những chân trời mới cho đồng bào của chúng ta, để mọi người cảm thấy rằng Iraq là nhà của họ”.

Về vấn đề này, Đức Hồng Y Sako gợi ý rằng có lẽ bây giờ là lúc “tách tôn giáo ra khỏi nhà nước và xây dựng một nhà nước dân sự, như những gì phương Tây Kitô Giáo đã làm trong một thời gian dài, và như nhà nước Sudan đang làm trong những ngày này!”

Vào ngày 25 tháng 3, chính phủ Sudan và Phong trào Giải phóng Nhân dân Sudan, một nhóm nổi dậy hùng mạnh từ dãy núi Nuba phía nam đất nước, đã ký một văn bản mở đường cho một thỏa thuận hòa bình cuối cùng bằng cách đảm bảo quyền tự do thờ phượng cho tất cả mọi người, đồng thời đảm bảo sự tách biệt giữa tôn giáo và nhà nước trong một quốc gia từ lâu được cai trị bởi luật sharia.

Iraq, mặc dù không phải là một quốc gia Hồi giáo chính thức, nhưng là một quốc gia chủ yếu theo Hồi giáo dòng Shiite, trong nhiều thập kỷ đã bị ảnh hưởng bởi chủ nghĩa giáo phái, kể cả ở cấp độ quốc gia. Những chia rẽ giáo phái này không được ghi trong hiến pháp Iraq; tuy nhiên, chúng bắt nguồn từ thực tế.

Các tín hữu Kitô trong nước là một thiểu số nhỏ, và họ cũng giống như những dân tộc thiểu số khác, thường phải đối mặt với sự phân biệt đối xử, thành kiến và ngược đãi bạo lực, họ thường mô tả tình trạng của họ là một trong những “công dân hạng hai”.

Trong tuyên bố của mình, Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng việc tạo ra một nhà nước dân sự hoặc thế tục “không phải là thù địch với tôn giáo, mà là tôn trọng tất cả các tôn giáo, và không bao gồm tôn giáo trong chính trị”.

Đức Hồng Y Sako nhấn mạnh rằng:

“Tôi nghĩ rằng đây là sự bảo đảm cho việc chung sống hòa bình”.

Tập trung vào lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô đối với tình huynh đệ nhân loại, Đức Hồng Y Sako cho biết ý thức về tình anh em giữa sự đa dạng này là “mục tiêu của tất cả các xã hội và tôn giáo, và nó phải là điểm mấu chốt để bác bỏ chủ nghĩa cực đoan và hận thù”.

Ngài nói, việc đề cao một thái độ huynh đệ sẽ cho phép Iraq “xây dựng lòng tin giữa chúng ta để chúng ta có thể cùng nhau tiến lên như anh chị em với lòng khoan dung, tình yêu thương và tôn trọng sự đa dạng, và xây dựng một quốc gia hòa bình hơn, công bằng hơn và đàng hoàng hơn trên thế giới”.

Đức Hồng Y Sako nhớ lại những cử chỉ mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện trong chuyến đi của ngài để tiếp cận các cộng đồng tôn giáo khác nhau, bao gồm cuộc gặp ngày 6 tháng 3 với Đại Giáo Trưởng Sayyid Ali al-Husayni al-Sistani, là một trong những nhà lãnh đạo có ảnh hưởng nhất trong thế giới Hồi giáo Shiite, và cuộc gặp gỡ của Đức Thánh Cha với các nhà lãnh đạo tôn giáo trên Đồng bằng Ur.

Qua cuộc gặp gỡ các đại diện từ các cộng đồng tôn giáo khác nhau, Đức Giáo Hoàng đã chứng minh rằng “con người là con cái của Chúa, là anh chị em với nhau. Đức tin là sự bảo đảm cho sự đa dạng của họ, cho tự do và quyền của họ”.

“Không có vấn đề gì đối với mọi cá nhân theo tôn giáo và truyền thống của họ, miễn là họ tôn trọng tôn giáo của các anh em khác; không đối xử với người khác như một tên vô đạo, hoặc một tên phản bội, không loại trừ người khác, hoặc loại bỏ người khác”.
Source:Crux