Ngày 11-04-2013
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Biển trống
Lm Vũđình Tường
04:55 11/04/2013
Đối với ngư phủ biển trống chính là ra đi trong hy vọng, trở về thất vọng vì tôm còn lẩn khuất hang sâu, cá vẫn thảnh thơi bơi lội biển khơi. Biển trống đồng nghĩa với trắng tay. Đây chính là kinh nghiệm của các môn đệ Đức Kitô. Các ông chài lưới suốt đêm đến sáng, mệt rã người ra mà khoang thuyền vẫn trống. Giá lạnh, đói rét, mệt mỏi, chán nản, lại một đêm vất vả mà thu hoạch chẳng có chi.

Trước đó không lâu các tông đồ đã trải qua kinh nghiệm mồ trống. Hôm nay các ông lại có kinh nghiệm biển trống. Mộ trống hay biển trống có nghĩa là không tìm được điều muốn tìm. Có nhiều giả thuyết khác nhau giải thích biển trống. Hoặc là do biển động nên cá đi trốn, hoặc do con nước thay đổi nên không đúng con nước. Thời tiết thay đổi bất thường cũng khiến cho cá thay đổi lối sống và ngay cả số lượng cá bị giảm thiểu vì bắt nhiều hơn số cá sinh sản ra. Giải đáp cho một trống xem ra phức tạp hơn nhiều. Một là có thể ai đó lấy xác đi. Không ai nghĩ được Đức Kitô sống lại từ cõi chết. Điều này ngoài sự tưởng tượng của người phàm. Vì ngoài sức tưởng nên khi nói đến sống lại từ cõi chết người ta sẵn sàng bác bỏ í tưởng đó. Có người còn cho là điên rồ khi tin có sự sống lại từ cõi chết.

Có sự trùng hợp, không phải do ngẫu nhiên, mà do tiền định giữa mộ trống và lỗ hổng tối đen trong vũ trụ. Cả hai đều tối đen. Tối đến độ nhìn vào thấy toàn đen. Cả hai đều trống rỗng. Cả hai đều liên quan đến lịch sử hình thành sáng tạo, tạo dựng. Cả hai đều huyền diệu ngoài sự hiểu biết của con người. Ngoài đen tối người ta nhìn thấy gì? Để biết ít nhiều trong bóng đen cần tìm hiểu những gì xuất phát từ tối đen. Những gì từ tối đen ra ánh sáng tự bản chất có mâu thuẫn. Mâu thuẫn nội tại là một thực thể, không có câu trả lời thoả đáng. Đâu là hợp lí của những khám phá khoa học khi họ tìm thấy từ trong tối đen phát sinh ra ánh sáng. Nói cách khác ánh sáng đến từ bóng tối. Trật tự và hệ thống hoá phát sinh nhờ vào rối loạn, bề bộn, xô bồ. Từ trong tối đen trống rỗng phát sinh đời sống sinh động tràn đầy.

Các khoa học gia giải thích lỗ hổng đen còn sót lại trong vũ trụ là kết quả của việc tự nhiên phát nổ, từ đó biến hoá trong việc hình thành và sự sống của mọi loài trong vũ trụ. Mộ trống là dấu chỉ còn sót lại của việc tái sáng tạo đời sống tâm linh, linh hồn con người. Đây là kế quả của việc Đức Kitô sống lại từ cõi chết, tạo lập một thế giới tâm linh mới. Thắc mắc làm sao trong tối có sáng, trong chết có sự sống là điều huyền bí trong vũ trụ, là mầu nhiệm cho người tin vào Đức Kitô Phục Sinh. Những người tin vào Đức Kitô Phục Sinh, tâm hồn bằng yên, cuộc sống thoải mái bằng lòng với cái giới hạn của mình. Những người không tin vào sự sống lại còn khắc khoải tìm câu trả lời. Càng cố gắng tìm tòi họ càng lún sâu vào lỗ hổng đen trong vũ trụ.

Các tông đồ chài lưới suốt đêm đến sáng tay trắng. Không gặp Đức Kitô trợ lực, ban ơn họ vất vả mà không thu hoa lợi, họ sống từ hy vọng đi đến thất vọng. Gặp Ngài niềm thất vọng tiêu tan, thay vào đó là hoàn toàn, mĩ mãn. Từ kinh nghiệm gặp gỡ nơi biển vắng dẫn đến kinh nghiệm nơi mộ trống. Đức Kitô sống lại từ cõi chết nhưng mắt họ không nhìn thấy mà chỉ nhìn thấy khi nào Ngài cho phép thấy, ngoài ra nhìn mà không thấy.

Các khoa học gia cố gắng giải thích lịch sử, nguồn gốc vũ trụ. Họ không tìm được bằng chứng gì nơi lỗ hổng đen tối; họ đi tìm bằng chứng ở đất đá, phún xuất thạch, vẩn thạch rải rác, phát xuất từ lỗ hổng đen, vương vãi khắp vũ trụ. Câu chuyện mộ trống cho biết ai còn tiếp tục nhìn vào mộ trống sẽ không gặp được Ngài. Ngài đã ra kỏi mồ. Muốn tìm gặp Đức Kitô cần tìm bên ngoài mộ. Ngoài mộ thì trời đất bao la biết bắt đầu từ đâu. Câu trả lời thấy trong các lần hiện ra. Thành tâm tìm kiếm Đức Kitô sẽ gặp Ngài nơi các bà mang tâm tình bác ái, gặp Ngài nơi người làm vườn, người đánh cá, người khách bộ hành, anh chị công nhân. Đức Kitô Phục Sinh ẩn hiện trong con người giầu nghèo, sang hèn, cao thấp, già trẻ. Ai thành tâm tìm kiếm sẽ nhìn thấy Ngài.

Lm Vũđình Tường

TiengChuong.org
 
Chúa Phục Sinh luôn ở cùng Giáo Hội
Lm. Giuse Vũ Tiến Tặng
08:47 11/04/2013
Giáo Hội hoàn vũ vừa mới có vị chủ chăn mới. Đó chính là Đức Thánh Cha Phanxicô, vị giáo hoàng thứ 266 kế vị thánh Phêrô. Trong viễn cảnh này, chúng ta nghe bài Tin Mừng của Chúa Nhật thứ ba Phục Sinh trong bầu khí tràn đầy niềm phấn khởi để suy niệm về màu nhiệm Giáo Hội, Hiền Thê không tì vết của Đức Kitô.

Chính Ngài đã thiết lập Giáo Hội theo ý định riêng của mình qua việc chọn và gọi Mười Hai Tông Đồ, đặc biệt là sự đặt nền móng của cộng đoàn này trên nền tảng thánh Phêrô, Đại Diện của Người trong việc chăn dắt tất cả các chiên con, chiên mẹ trong đoàn. Ngài luôn luôn ở cùng các Tông Đồ như đã hứa cho đến ngày tận thế. Sự hiện diện này cũng được thể hiện trong bài Tin Mừng hôm nay khi mà các ông có ý định cùng với Phêrô đi đánh cá.

Gọi và chọn 12 Tông Đồ

Để thực hiện kế hoạch mà Chúa Cha trao phó, Đức Giêsu đã gọi Mười Hai Tông Đồ. Các ông đã ở cùng Ngài để nghe Ngài giảng dậy, chứng kiến những việc Ngài làm và nhất là để thực hiện lệnh truyền : « Như Cha đã sai Thầy và Thầy cũng sai anh em ». Chúng ta thấy rằng chính Ngài chọn họ theo như ý mình muốn chứ không phải là các môn đệ đã chọn Ngài.

Các Tông Đồ vốn là những người không mấy trí thức. Đức Giêsu đã huấn luyện họ trong những năm tháng rao giảng công khai. Ngài dậy dỗ họ bằng những dụ ngôn, giúp họ mở lòng ra để hiểu biết nghĩa Kinh Thánh. Trong thời gian ấy, họ cũng được chứng kiến các phép lạ mà Ngài thực hiện như chữa lành bệnh tật, xua đuổi thần ô uế, trừ quỷ, đặc biệt họ được Ngài dậy cách cầu nguyện, được chiêm ngắm Ngài cầu nguyện và được học hỏi cung cách yêu thương nhân loại cho đến cùng. Đức Giêsu còn nêu gương bằng cách sống với các môn đệ như một người phục vụ, đồng thời mời gọi họ yêu thương nhau như chính Ngài đã yêu thương họ.

Các Tông đồ cần sự đào tạo này của Thầy mình để có được một đức tin vững vàng và trưởng thành. Nhất là đức tin này sẽ giúp họ vượt qua được những nghịch cảnh xảy ra như khi chứng kiến cuộc khổ nạn tang thương và các chết nhục nhã trên thập giá của Ngài vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh. Chính vì vậy, sau khi sống lại, Đức Giêsu đã hiện ra nhiều lần với họ. Thánh Gioan Tông Đồ đã nói với chúng ta về điều này trong Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay và ghi nhận rằng đây là lần hiện ra thứ ba. Những lần hiện ra ấy Đức Giêsu Phục Sinh tiếp tục giúp họ củng cố đức tin và tái khẳng định sứ mệnh mà Ngài đã trao phó.

Hiện diện trên thuyền

Các Tông Đồ hầu hết làm nghề chài lưới. Họ có thói quen ra khơi đánh bắt cá như trình thuật trong Tin Mừng của thánh Gioan hôm nay. Họ cần thuyền để hành nghề. Hình ảnh này giúp chúng ta liên tưởng đến Giáo Hội, Hiền Thê của Đức Kitô. Ngài luôn luôn hiện diện trên con thuyền này. Ngài ở trên thuyền để giảng dậy dân chúng. Ngài ở trên thuyền để trấn an họ khi giông tố nổi lên. Ngài hiện diện trên thuyền để cùng với các tông đồ ra khơi đánh bắt cá, có nghĩa là thi hành sứ vụ. Ở buổi tiếp kiến cuối cùng trong triều đại giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI cũng đã đề cập đến hình ảnh thân thương này khi ngài chia sẻ : « Tôi đã cảm thấy như thánh Phêrô với các Tông Đồ trong con thuyền trên hồ Galilêa: Chúa đã cho chúng ta biết bao nhiêu ngày có mặt trời và gió mát hiu hiu, những ngày trong đó đã đánh được đầy cá; nhưng cũng có những lúc trong đó nước động và gió ngược, như trong suốt lịch sử của Giáo Hội và xem ra Chúa ngủ. Con thuyền Giáo Hội không phải của tôi, không phải của chúng ta, nhưng là của Chúa, và Người không để cho nó chìm. Chính Chúa điều khiển nó, chắc chắn cả qua các người mà Người đã chọn, bởi vì Người đã muốn như thế ».

Xây dựng Hội Thánh trên nền tảng Phêrô

Giáo Hội là của Chúa Kitô. Ngài đã muốn xây dựng trên viên đá sống động là Phêrô : « Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết : anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực của tử thần sẽ không thắng nổi » (Mt 16, 18). Đức Giêsu còn nhắc lại lời này một lần nữa cho Phêrô trong Tin Mừng hôm nay. Thật đẹp đẽ biết bao khi được nghe lời này trong bối cảnh phục sinh, khi Phêrô và các môn đệ khác có ý định đi đánh cá, khi họ làm theo lệnh của Chúa Kitô Phục Sinh để có được một mẻ cá lạ, khi họ cùng ăn bánh và cá nướng với ngài trên bãi biển. Đặc biệt lời trao phó này được lặp đi lặp lại ba lần sau mỗi lần khẳng định của Phêrô là ông yêu mến Ngài, thay cho ba lần trước mà ông đã chối Thầy mình. Trong bối cảnh ấy Đức Giêsu trao quyền chăn dắt chiên con chiên mẹ trong đoàn cho Phêrô.

Đức Giêsu Phục Sinh luôn ở cùng chúng ta. Chính Ngài đã quy tụ chúng ta trong lòng Giáo Hội, trong cộng đoàn phụng vụ để nghe Lời Chúa và tham dự bàn tiệc Thánh thể vào mỗi Chúa Nhật, Ngày kỷ niệm Ngài sống lại. Qua buổi cử hành này, Ngài tiếp tục củng cố đức tin cho mỗi người để chúng ta có thể làm chứng cho Tin Mừng và phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy trở nên những viên đá sống động trong công trình xây dựng nhiệm thể Chúa Kitô.
 
Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
09:41 11/04/2013
Chúa Nhật III Phục Sinh C

Bị điệu ra giữa Thượng Hội Đồng, bị chất vấn rằng vì sao không chấp hành lệnh nghiêm cấm không được giảng dạy nhân danh Giêsu nữa, Phêrô và các Tông đồ đã khẳng khái trả lời: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cvtđ 5,32). Câu trả lời thật tuyệt vời. Hầu như tất cả những ai đã tin vào Thiên Chúa đều phải “tâm phục, khẩu phục” trước câu nói này.

Căn cứ bài Tin mừng thánh Gioan (Ga 21,1-19) mà Giáo hội cho trích đọc trong Chúa Nhật III mùa Phục Sinh năm C, xin cùng nghe và có đôi suy nghĩ về những lời từ miệng của Đấng Phục Sinh. Xin được ghép những lời của Chúa Kitô trong lần tỏ mình ra trên biển hồ Tibêria thành bốn cặp lời hữu quan, mang tính biện chứng như sau:

1. “Này các anh, có gì ăn không?” – “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”.

Các anh có gì ăn không? Một lời cầu xin ư? Đúng vậy. Rất nhiều nhu cầu của tha nhân đang vọng vang bên tai chúng ta. Đó không chỉ là nhu cầu lương thực vật chất mà còn nhiều nhu cầu thiết yếu khác về tinh thần, tâm linh. Người ta không chỉ sống đúng nhân phẩm bằng cơm bánh mà còn bằng nhu cầu học hành, đi lại, nói năng, suy nghĩ, kết hội… Chắc hẳn thế nào các môn đệ cũng nhớ lại lời Thầy Chí Thánh trước đây: “Chính anh em hãy cho họ ăn” (Lc 9,13). Có người thầm thỉ, nói đúng hơn là than thở: “Chúa ơi, Chúa dựng nên mọi sự đều tốt đẹp, thế mà sao còn qua nhiều người đói khổ như ở Sômali, ở Haiti…còn quá nhiều người bị áp bức, chịu cảnh bất công nơi này nơi kia trên thế giới và ngay cả chung quanh con?” Chắc hẳn Chúa sẽ trả lời rằng: “Con ơi, Ta đã làm rồi đó. Ta đã dựng nên con. Đó là điều rất tốt đẹp” (x.St 1,31).

Chúng ta cũng đã từng phân trần: “Tài mọn, sức yếu như con làm sao kham nỗi? Hoàn cảnh thế sự lại quá khó khăn, Chúa biết đấy, một con én không làm nên mùa xuân.” Thế nhưng Chúa vẫn cứ gợi ý, ra lệnh hay mời gọi: “Cứ thả lưới!” Các ngư phủ lành nghề ngày xưa đã làm điều nghịch thường: thả lưới giữa ban ngày. Cách đó ba năm Simon đã được một mẻ cá lạ lùng chất đầy hai thuyền nặng gần chìm và hôm nay ngài cùng với các bạn lại được một mẻ cá không kém: 153 con cá lớn, nghĩa là bắt gần hết cá dưới biển vì theo quan niệm thời bấy giờ thì dưới biển chỉ có 153 loại cá. Ngạn ngữ Tây: “Les paresseurs sont ceux qui toujours veulent faire quelque chose”(Những người lười biếng là những người luôn muốn làm một sự gì đó). Xin đừng mộng mơ! Xin chớ ngồi mà ước muốn suông hoặc chỉ biết chấp tay cầu nguyện! Hãy thả lưới dù trời đã sáng!

2. “Anh em hãy đến mà ăn!” – “Đem ít cá mới bắt được tới đây!”

“Hãy đến mà ăn!” Lời mời gọi của Chúa Cứu thế nhắc nhớ chúng ta rằng mọi người đều cần đến lương thực bởi trời. Mọi hiện hữu ở đời đều do bởi Thiên Chúa. Không có ơn Chúa thì chúng ta không thể làm được sự gì tốt đẹp (x.Ga 15,5). Đến với Chúa để kín múc nguồn sống, để nhận lấy năng lực yêu thương, phục vụ, trao ban. Đấng Cứu Độ không muốn chúng ta đến với Người với đôi bàn tay trắng. Dù có thể làm được mọi sự, nhưng Người cũng đã từng muốn cần đến năm chiếc bánh và hai con cá nhỏ (x.Mt 14,17). Hằng ngày đến với Người qua bàn tiệc Lời, bàn tiệc Thánh Thể, chúng ta đã mang gì để dâng cho Người?

3. “Con có yêu mến Thầy hơn những người này không?” – “Hãy chăn dắt chiên (chiên con và chiên mẹ) của Thầy”

Vì yêu Chúa Kitô nên chúng ta sẵn sàng đảm nhận phần việc của Người. Nhờ yêu Chúa Kitô nên chúng ta mới có khả năng chăn dắt các chiên lớn bé của Người. Không ai dại dột giao trứng cho ác. Người ta chỉ ký thác người thân yêu cho kẻ đáng tin cậy. Và người đáng tin, đáng cậy nhất đó là người yêu mến mình hết sức, hết lòng. Biết chăn dắt đàn chiên với cả tấm lòng yêu mến thì mới xứng là mục tử. Không có tình yêu thì không thể chuyên chăm dẫn đàn chiên đến đồng cỏ xanh và dòng suối mát. Không có tình yêu thì không thế can đảm chống trả sói dữ và liều mạng sống vì đàn chiên. Không có tình yêu thì chẳng thể quan tâm chắm sóc chiên gầy, chiên bệnh tật hoặc vất vả đi tìm con lạc và cả những chiên đang ở ngoài đàn.

4. “Anh sẽ phải dang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn.” – “Hãy theo Thầy”

Dưới đóa hoa hồng thường lấp ló những cành gai. Thập giá là hệ quả như tất yếu của tình yêu. Đường tình yêu là đường thập giá. “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo.”(Lc 9,23). Vấn đề đặt ra là bạn, tôi, chúng ta muốn theo ai? Đã quyết đinh theo Chúa Kitô thì không có con đường nào khác, ngoài con đường Người đã đi. Xin đừng quá chăm chú đến khúc gỗ sần sù. Đường Chúa đi là đường yêu thương. Khi đã lao mình vào biển tình yêu, hết lòng vì người mình yêu, hết tình vì người yêu mình, thì những khúc gỗ sần sù kia dù có ê vai nhưng rồi sẽ trở thành ách êm ái, gánh nhẹ nhàng. (x.Mt 11,29-30)

Có ai yêu thương chúng ta như Đấng đã phó ban Người Con Một, vì hạnh phúc chúng ta? Có ai đầy quyền uy cao cả cho bằng Đấng đã dựng nên cả đất trời và đưa chúng ta từ chốn hư vô đến hiện hữu ở đời này? Vì thế, thái độ vừa chính đáng vừa khôn ngoan và phải đạo là: “Phải vâng lời Chúa hơn là vâng lời người ta.”
 
Hãy chăn dắt chiên của Thầy
Lm Giuse Đinh lập Liễm
17:55 11/04/2013
CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH C

HÃY CHĂN DẮT CHIÊN CỦA THẦY

A. DẪN NHẬP

Sau khi sống lại, Đức Giêsu tiếp tục hiện ra với các môn đệ. Việc hiện ra với các môn đệ đều nhằm một mục đích nào đó chứ không phải cứ hiện ra khơi khơi, thích hiện ra thì hiện. Theo bài Tin mừng hôm nay, đây là lần thứ ba Đức Giêsu hiện ra với các môn đệ sau ngày Phục sinh. Trong khi các môn đệ còn ở trong tâm trạng hoang mang, vui buồn lẫn lộn thì Chúa hiện ra để củng cố niềm tin cho các ông, trao ban cho các ông một sứ vụ mới: trao quyền lãnh đạo cho Phêrô và trao cho các ông sứ mạng đi truyền giáo.

Qua phép lạ mẻ lưới lạ lùng, Đức Giêsu muốn báo cho các ông biết trước Giáo hội của Ngài sẽ được phổ biến khắp nơi dưới quyền lãnh đạo của Phêrô và không quyền lực nào có thể làm cho tan rã vì Giáo hội của Ngài được xây trên nền tảng vững chắc. Vì danh Chúa, các ông phải mạnh dạn tuyên xưng đức tin và bảo vệ Giáo hội: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”(Cv 5,29).

Bài học mà Chúa dạy các môn đệ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài, chứ không dựa vào khả năng chuyên môn của mình. Trong việc thi hành chương trình cứu dộ, Chúa dùng các ông như những dụng cụ tầm thường nhưng dụng cụ ấy lại hữu hiệu khi biết vâng theo ý Chúa và nhiệt tình cộng tác dưới sự hướng dẫn của Ngài.

Ngoài ra, qua bí tích rửa tội, chúng ta đã trở nên những thành viên trong Giáo hội, mỗi người đều được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, xóm làng và cộng đồng, tùy theo khả năng và hoàn cảnh của từng người. Hôm nay chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với chúng ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù chúng ta không cảm thấy.

B. TÌM HIỂU LỜI CHÚA

+ Bài đọc 1: Cv 5,27-32.40-41

Sau khi chữa lành một số bệnh nhân, các Tông đồ bị các vị thượng tế và hội đồng cố vấn bắt giam, nhưng được giải thoát một cách lạ lùng. Phêrô cùng các Tông đồ khác lại xuất hiện và rao giảng cho dân chúng trong Đền thờ. Các ngài lại bị điệu đến Thượng hội đồng để hạch hỏi và xét xử. Phêrô trả lời cách quả quyết: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Lời biện hộ của Phêrô có thể làm cho ngài bị kết án tử hình, nhưng Gamaliel, một tiến sĩ luật, đã can thiệp và các ngài được tha sau khi bị đánh đòn.

Nhưng vị thủ lãnh các Tông đồ luôn kiên quyết bảo vệ quyền tự do của các Kitô hữu đối với quyền bính đời này, không gì có thể ngăn cản các ngài giảng dạy và loan báo Tin mừng về Đức Giêsu; các ngài vui mừng vì được coi là xứng đáng bị khổ nhục vì danh Đức Kitô, xác tín về đời sống chứng nhân của mình và trở nên mạnh mẽ vì Chúa Thánh Thần luôn ở với các ngài.

+ Bài đọc 2: Kh 5,11-14

Thánh Gioan kết thúc thị kiến thứ nhất về Con Chiên Thiên Chúa, tượng trưng cho Đức Giêsu, bằng một nghi lễ phụng vụ, trong đó vũ trụ hiệp cùng các thiên thần ngợi khen tung hô quyền năng vô hạn của Con Chiên đã bị sát tế. Hình ảnh Con Chiên cũng gợi lên con chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông. Bị sát tế, nhưng từ nay đã trỗi dậy, Con Chiên được vô số các thiên thần tung hô như vị vua và Thiên Chúa: “Xin chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và bái phục Đấng ngự trên ngai và Con Chiên đến muôn thở muôn đời”.

+ Bài Tin mừng: Ga 21,1-19

Đoạn cuối của Tin mừng Gioan tập trung kể lại câu chuyện thánh Phêrô nhận lãnh chức vụ thủ lãnh tối cao của các Tông đồ. Lúc đó các môn đệ gồm 7 người sinh sống tại Galilê, nơi lao động thường xuyên của các ông…. Sau mẻ cá lạ lùng, Đức Giêsu Phục sinh trao cho thánh Phêrô chức vụ chủ chăn. Vì thánh Phêrô đã ba lần chối Thầy nên Đức Giêsu cũng ba lần đòi ông tuyên xưng lòng yêu thương. Ba lần hỏi như thế để khẳng định một tình yêu mạnh mẽ, dứt khoát (bù lại ba lần chối) để Đức Giêsu trao cho Phêrô trách nhiệm thật cao quí và cũng thật nặng nề: ”Lãnh đạo toàn thể Giáo hội” mà vị lãnh tụ tiên khởi về sau đã phải trả giá bằng cuộc tử đạo (+64) thời Néron để nên giống Thầy mình.

Địa vị tối thượng trao cho Phêrô là một thể chế chứng tỏ tình yêu của Đức Kitô đối với loài người, và nếu vị chủ chăn thật sự yêu thương đoàn chiên của mình thì dấu chỉ tình yêu của Đức Kitô đối với nhân loại sẽ được bầy tỏ cho thế giới.

C. THỰC HÀNH LỜI CHÚA: Sứ mệnh làm chứng cho Chúa

I. MỘT MẺ LƯỚI LẠ LÙNG

1. Tâm trạng của các môn đệ

Sau khi Đức Giêsu chịu tử nạn, các môn đệ tỏ ra hoang mang lúng túng, có ông tỏ ra thất vọng trước ý đồ của mình như hai môn đệ đi làng Emmau. Nhưng sau khi Đức Giêsu hiện ra với họ thì tâm trạng của họ lúc này trở nên khó tả: buồn vì cuộc tử nạn của Thầy mình, vui vì thấy Thầy mình đã sống lại, nhưng vẫn còn hoang mang vì sự hiện diện của Thầy sống lại không còn thường xuyên như xưa nữa, mà có lúc ẩn lúc hiện. Trong cái tâm trạng vui buồn và hoang mang lẫn lộn đó, các ông bèn rủ nhau đi đánh cá cho khuây khỏa và để kiếm gì để ăn chứ ! Các ông theo Phêrô, xuống thuyền đánh cá, nhưng suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào. Kinh nghiệm đánh cá của Phêrô cũng chẳng giải quyết được gì.

2. Đức Giêsu hiện ra lần thứ ba

Trong lúc hiện ra lần thứ nhất với các môn đệ (Ga 19,23) các ông đều nhận lấy từ nơi Thầy những ơn là: sự bình an, sứ mạng, ơn Thánh Thần, ơn “tha tội cho ai thì kẻ ấy được tha”(Ga 19,23). Phêrô và Gioan không có vai trò gì trổi vượt. Lần hiện ra thứ hai với các môn đệ (Ga 19,24-29), Tôma chứ không phải là Phêrô hoặc Gioan nhận được sự chú ý của Thầy. Chính Tôma, tuyên xưng: ”Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con”! mà Thầy Giêsu đã chúc lành cho những người không thấy mà tin”(Ga 19,29). Rồi đến lần hiện ra thứ ba với các môn đệ (Ga 21,1-19), xem ra hai ông Phêrô và Gioan tìm kiếm điều hai ông đã đạt được. Các ông được thấy Thầy các ông trong sự sống và hoạt động hoàn toàn mới: tất cả qui về tập thể mà các ông là thành viên và các ông chính là người đứng đầu điều khiển mọi sự trong hậu trường.

3. Một mẻ lưới kỷ lục

Sáng sớm, Đức Giêsu đứng trên bãi biển, các ông từ thuyền trông thấy, nhưng không nhận ra Ngài. Ngài hỏi các ông câu hỏi thường thức như người ta quen hỏi các người đi đánh cá: Có kiếm được gì ăn không ? Các ông đồng thanh trả lời: ”Thưa không”. Ngài bảo họ: ”Cứ thả lưới bên phải thuyền thì sẽ có cá đấy”. Họ thả lưới, và kết quả là mẻ lưới của các ông đầy cá. Lúc đó các ông mới nhận ra Ngài. Và do đó, các ông nhận thức rằng mẻ lưới đầy cá là do quyền năng của Chúa, chứ không do sự chuyên nghiệp của các ông vì các ông đã thất bại suốt một đêm trắng.

Các ông kéo lưới vào bờ và đếm được 153 con cá lớn mà lưới vẫn không rách. Lưới không rách là hình ảnh Giáo hội, sự hiệp nhất không bị phá vỡ do số nhiều (Mt 13,47-50), những con cá là hình ảnh giáo hữu đã chinh phục cho Chúa bằng lời giảng dạy của các Tông đồ.

Còn về vấn đề 153 con cá lớn, theo thánh Giêrônimô, một học giả Thánh Kinh, thì con số 153 có nghĩa là các nhà chuyên khảo cứu về cá lúc bấy giờ biết được 153 loại cá khác nhau. Như vậy thì 153 có nghĩa là các Tông đồ bắt được rất nhiều cá chứ không nhất thiết là 153 con. Nếu con số 153 mang ý nghĩ như vậy, thì Chúa muốn các Tông đồ phải đi rao giảng Tin mừng cứu độ cho cả thế giới và như vậy con số 153 là biểu tượng con số đông đảo những tân tòng, những người lãnh nhận đức tin sau này.

II. PHÊRÔ LÀM THỦ LÃNH GIÁO HỘI

1. Đức Giêsu chọn Phêrô làm thủ lãnh

Để qui tụ mọi dân tộc, mọi giống nòi về một Giáo hội duy nhất, điều Đức Giêsu muốn là phải có một người dẫn dắt đoàn chiên như lòng Chúa ước mong, người đó không ai khác, lại chính là Phêrô – vị Tông đồ có không ít những lỗi lầm. Chúng ta thấy là, để được Đấng Phục sinh long trọng xác nhận tư cách là thủ lãnh để lãnh nhận sứ mệnh tông đồ đặc biệt thì tiên quyết không phải là “văn hay chữ tốt”, “tài đức vẹn toàn” mà chỉ được gói gọn trong hai chữ “yêu mến” mà thôi: ”Phêrô, con có yêu mến Thầy không” ?

Thật ra đây chính là điều kiện nền tảng để có thể chu toàn sứ mệnh mà Chúa trao phó, bởi không có lòng yêu mến, công việc của người mục tử cũng như của tất cả chúng ta dù thành công cũng chỉ điểm tô, đánh bóng cho cá nhân của mình; trái lại, với lòng yêu mến, chúng ta sẽ thấy bất cứ công việc nào cũng mang đến một giá trị cao cả không chỉ cho chính đương sự mà còn mưu ích cho nhiều người.

Chính vì thế, Đức Giêsu đã phải hỏi Phêrô đến ba lần – có thể là sự gợi nhớ ba lần ông chối Thầy mà cũng có thể theo thói quen thời đó, để chính thức ủy thác cho ông nhiệm vụ chăm sóc đoàn chiên. Với nhiệm vụ này, Phêrô đã chu toàn. Phêrô đã đi theo Thầy của mình trong quãng đời còn lại và đã lấy cái chết của mình để làm chứng về Thầy. Phêrô đã tham dự vào sứ mệnh của Thầy tức là tham dự vào cái chết và sự Phục sinh của Chúa, đồng thời hiến dâng mạng sống mình cho anh em, cho đoàn chiên mà hôm nay chính Đức Giêsu - Đấng Phục sinh, đã trao phó cho ngài.

2. Con người thủ lãnh Phêrô

* Yêu Chúa tận tình

Ai cũng biết tính tình của Phêrô là nóng nảy, vụt chạc, nghĩ sao nói vậy. Liên hệ đến tính tình nóng nảy của ông là sự cứng đầu của ông. Trong bài đọc 1 trích từ sách Công vụ tông đồ, chúng ta thấy rõ một hình ảnh khác của Phêrô, không phải chỉ là một Phêrô đã ăn năn hối cải, nhưng còn là một con người mới, một tạo vật mới, rất can trường.

Ông rất cứng đầu vì tình yêu Chúa Kitô. Khi Phêrô bị điệu ra trước thầy cả thượng phẩm để bị tra hỏi vì đã rao giảng nhân danh Đức Giêsu, Phêrô không chút sợ hãi mà tuyên xưng rằng:”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người phàm”(Cv 5,29). Sau này Phêrô đã xin được đóng đinh vào thập giá, nhưng để khác với Thầy vì cảm thấy mình không xứng đáng, Phêrô đã xin treo ngược đầu xuống. Có tình yêu nào sánh được với ngọn lửa tình yêu của Phêrô dành cho Đức Giêsu không ?

* Yếu đuối và gan dạ

Chúng ta thấy trong con người Phêrô có pha trộn sự yếu đuối và can đảm, gan dạ. Ông yếu đuối vì đã chối Chúa nhưng ông trở nên gan dạ sau khi đã chỗi dậy.Tôi tin chắc rằng Phêrô không bao giờ quên sự kiện ông đã chối Đức Giêsu. Tuy nhiên, tôi hồ nghi không biết lỗi lầm này có ảnh hưởng đến ông hay không, giống như một số người đã bị ám ảnh vì những tội lỗi của họ.Ông đã học được một bài học vĩ đại từ sự vấp ngã của mình. Ông nhận ra rằng ông không được can đảm giống như ông đã nghĩ về mình. Khi học được một bài học, thì đó là một điều tốt đẹp và bổ ích hơn, so với khi được dạy một bài học. Một khi chúng ta rút ra được kinh nghiệm từ một lần vấp ngã, thì lúc nhắc lại sự vấp ngã này, thì chắc chắn càng khơi gợi lòng biết ơn, hơn là tự buộc tội bản thân mình.

Và Phêrô cũng học hỏi được một sự thật tuyệt vời về Đức Giêsu. Ông nhận ra rằng bất chấp những lần ông chối Ngài, Ngài vẫn cứ yêu thương ông. Chính tình yêu đó đã dẫn đưa Phêrô quay trở lại với cuộc đời. Thật là một kinh nghiệm tuyệt vời, khi vẫn được yêu thương ngay trong tình trạng yếu đuối và tội lỗi. Khi người ta đươc yêu thương vì sự tốt lành của mình, thì điều đó không có gì là vĩ đại cả. Nhưng khi được yêu thương trong tình trạng xấu xa, đó mới quả thật là một tình yêu bao la. Và đó là một ân sủng.

Phêrô có sự gan dạ, để lại chỗi dậy sau khi vấp ngã. Chúng ta có thể hình dung ra rằng ông là một nhà lãnh đạo rất tốt, một nhà lãnh đạo có ý thức về sự yếu đuối của bản thân mình. Kinh nghiệm này đã loại trừ nơi ông thói tự hào và tin tưởng một cách mù quáng vào những năng lực riêng của bản thân, đồng thời, làm cho ông có khả năng thấu hiểu được sự yếu đuối của người khác (McCarthy).

3. Phêrô can đảm thi hành sứ mệnh

Sau khi Đức Giêsu về trời, Phêrô sang Rôma lãnh đạo giáo đoàn và thiết lập tòa thánh ở đó. Phêrô đến Rôma giữa lúc hoàng đế Néron đang ra tay bách hại các tín hữu Chúa Kitô. Ông vua này sai thủ hạ đi đốt nhà dân chúng sống trong các khu ổ chuột tồi tàn để xây dựng nhà mới cho khang trang hơn. Khi dân chúng nổi lên chống đối, thì Néron đổ tội đốt nhà ấy cho các Kitô hữu và ra lệnh bắr bớ những ai theo đạo, kết án tử hình và xử tử tại khu hí trường ở thủ đô Rôma. Một số khá đông tín hữu đã trở thành miếng mồi ngon cho lũ sư tử đói khát vồ xé, một số khác thì bị chết trong các cuộc thi giác đấu, số còn lại thì bị lên giàn hỏa thiêu hay bị đóng đinh chân tay vào thập giá… Trước tình thế nguy hiểm ấy, cộng đoàn ở Rôma đã khuyên Phêrô cấp thời cải trang chạy trốn khỏi thành.

Nhưng khi ra được ngoài thành, Phêrô gặp thấy một người mặc áo trắng đang đi ngược chiều vào thành. Ông nhận ra đó là Đức Giêsu, ông lên tiếng hỏi: ”Thầy đi đâu” (Quo vadis) ? Đức Giêsu đáp: ”Thầy đi vào thành Rôma để chịu đóng đinh thêm một lần nữa”. Sau đó, Ngài biến mất. Phêrô hiểu ý Chúa muốn ông quay vào thành để chịu chết vì danh Chúa, và ông đã làm theo lời Chúa. Ông bị bắt, bị kết án tử hình và bị giam chung với các tín hữu sắp bị hành hình. Ông đã động viên an ủi họ và giúp họ giữ vững đức tin. Sau cùng, ông đã lãnh nhận lấy cái chết trên thập giá theo gương Thầy mình.

III. SỨ MỆNH LÀM CHỨNG CHO CHÚA

1. Phải biết nhận ra Chúa

Thật là mâu thuẫn đến độ khó hiểu vì cùng một Con Người Giêsu đã đến trong thế gian, đã sinh sống trên đất Galilê, đã chịu khổ hình đến chết và nay đã sống lại, hiện ra nhiều lần với nhiều người đương thời, thế thì tại sao xưa cũng như nay có kẻ tin người không, kẻ phục người chối bỏ ? Dĩ nhiên, có sự trái ngược này không do Chúa không hiện diện khắp mọi nơi, nhưng do nơi cách thức mà con người sử dụng để tìm kiếm sự hiện hữu của Thiên Chúa. Nói khác đi, ai biết tìm Chúa đúng cách thì dù Ngài có khuất dạng họ vẫn nhận ra, trái lại kẻ không biết cách tìm Chúa dù Ngài có hiện ra một bên cũng chẳng thấy được Ngài…

Muốn nhận ra được Chúa hiện diện trong đời mình, phải có một quả tim nhạy cảm trong tình yêu, một tâm hồn muốn thao thức tìm Chúa. Nhưng trong thực tế, rất nhiều người rất hững hờ với sự hiện diện của Chúa. Họ không tìm thấy sự hiện diện của Chúa là vì họ hững hờ, không muốn tìm ra Chúa.

Truyện: Chỉ vì vô tình.

Một bề trên tu viện Công giáo đến tìm một ẩn sĩ Ấn giáo tại chân núi Hy mã lạp sơn và trình bầy về tình trạng bi đát của tu viện ông: Trước kia tu viện này là một trung tâm thu hút nhiều khách hành hương. Nhà thờ lúc nào cũng vang tiếng hát của giáo dân từ khắp nơi đến. Trong tu viện không còn chỗ nhận thêm người vào tu hằng ngày đến gõ cửa nữa. Thế mà bây giờ tu viện chẳng khác nào một ngôi chùa hoang phế. Nhà thờ vắng lặng, tu sĩ leo teo mấy người, cuộc sống thật là buồn tẻ. Vị bề trên hỏi ẩn sĩ Ấn giáo cho biết nguyên do nào hay lỗi lầm nào đã đưa tu viện tới tình trạng hiện nay. Tu sĩ Ấn giáo ôn tồn bảo: ”Các tội đã và đang xẩy ra trong cộng đoàn đó là tội vô tình”. Và ông giải thích: ”Đấng Cứu Thế đã cải trang thành một người trong quí vị, nhưng quí vị không nhận ra Ngài”

Nhận được lời giải đáp, vị bề trên hớn hở trở về tu viện. Ông tập họp mọi người lại và loan báo cho họ biết Đấng Cứu Thế đang cải trang thành một người trong nhà. Các tu sĩ đều mở to đôi mắt và quan sát nhau. Ai là Đấng Cứu Thế cải trang vậy ? Nhưng có điều chắc là một khi Ngài đã cải trang thì không ai có thể nhận ra Ngài được. Mỗi người trong họ đều có thể là Đấng Cứu Thế.

Vậy là từ đó mọi người đều đối xử với nhau như với Đấng Cứu Thế. Chẳng bao lâu, bầu khí yêu thương huynh đệ, sức sống và niềm vui đã trở lại với tu viện. Từ khắp nơi người ta lại tìm đến tu viện để tĩnh tâm và cầu nguyện. Nhiều người trẻ cũng đến xin gia nhập cộng đoàn (Trích trong Món quà Giáng sinh).

2. Làm cho nhiều người trở lại với Chúa

Chính trong ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống, Phêrô đứng lên cùng với mười một Tông đồ giảng cho dân chúng một bài rất hùng hồn (x. Cv 2,14t). Nghe xong bài đó, dân chúng bị cảm kích đến cực độ nhao nhao hỏi: ”Chúng tôi phải làm gì” ? Phêrô bảo: ”Hãy hối cải và mỗi người hãy chịu thanh tẩy nhân danh Đức Giêsu Kitô để được tha thứ tội lỗi, và các ngươi sẽ được ơn Chúa Thánh Thần”.

Qua bí tích rửa tội, mỗi người công giáo được gọi để sống và làm chứng cho đức tin trong gia đình, hàng xóm và cộng đồng. Có nhiều hình thức để làm chứng cho đức tin bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng cách sống đức tin, bằng việc từ thiện bác ái, bằng việc rao giảng Tin mừng…

Thiên Chúa hằng hiện diện giữa chúng ta. Chính những khi các Tông đồ cảm thấy thất đảm sợ hãi sau cuộc tử nạn của Thầy mình, thì Chúa ở giữa họ: Chúa đồng hành với họ trên đường đi Emmau, Chúa hiện ra với họ khi họ không bắt được cá. Chúng ta cầu xin Chúa cho ta cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa và được nhận thức rằng Chúa hiện diện với ta trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời mặc dù ta không cảm thấy.

Truyện: Gương bày lôi kéo.

Một cô xướng ngôn viên đài phát thanh ở tỉnh kia tự nhiên đến xin học đạo với một Linh mục. Nguyên nhân thúc đẩy cô theo đạo, như cô kể, là nhờ sống gần gia đình công giáo tốt mà cô thấy hấp dẫn và đánh động: họ sống đầm ấm yên vui, giữ đạo chân thành, thân thiện với hàng xóm. Gia đình này không những đã tìm được hạnh phúc cho chính họ, cho vợ chồng con cái an vui, mà còn làm chan hòa hạnh phúc đó sang người lối xóm. Không giảng đạo mà cụ thể đã lôi kéo người khác đến với Chúa.

3. Phải dựa vào quyền năng Chúa

Bài học mà Chúa muốn dạy các Tông đồ hôm nay là các ông phải tùy thuộc vào ơn Chúa và quyền năng của Ngài. Các ông phải nhận thức rằng dù mình là thuyền chài chuyên nghiệp cũng không nhất thiết bắt được cá. Cái dụng cụ mà Chúa dùng để thi hành công cuộc cứu độ không tùy thuộc vào tài năng và sự hiểu biết của con người, nhưng tùy thuộc vào sự cộng tác của loài người với ơn Chúa. Quyền năng Chúa Phục sinh đã biến đổi các Tông đồ. Trước đó các ông còn sợ hãi trốn tránh.

Bài trích sách Công vụ tông đồ hôm nay ghi lại việc các ông trả lời công nghị: ”Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29). Là chứng nhân, các Tông đồ phải nói lên sứ điệp đã lãnh nhận dù sứ điệp đó không được hưởng ứng, mà còn bị đe dọa đến tính mạng.

Trong việc chọn Phêrô làm thủ lãnh các Tông đồ, thủ lãnh Giáo hội, Đức Giêsu không dựa vào những điều kiện như “văn hay chữ tốt” hoặc “tài đức vẹn toàn” mà chỉ dựa theo con người biết “yêu mến” và tuân theo ý Chúa như những dụng cụ hữu hiệu. Do đó, trong khi tham gia vào trong công cuộc rao giảng Tin mừng, chúng ta đừng cậy dựa vào sức mình mà chỉ cậy dựa vào ơn Chúa như những dụng cụ trung thành.

Trong toán học, chúng ta biết tầm quan trọng của vị trí con số “không” trong tương quan với dấu chấm thập phân: số “một” càng bị nhiều số “không” ngăn cách nó xa dấu chấm thập phân thì giá trị của nó càng thấp. Thí dụ: 000.0001.

Tuy nhiên nếu số một đứng đầu thì sau đó càng có nhiều số “không” chừng nào thì giá trị của nó càng cao chừng nấy. Thí dụ: 1.000.000.

Chúa chính là số một. Khi ta đặt Chúa hàng đầu trước những công việc của ta thì ta càng làm nhiều chừng nào, giá trị chúng càng cao chừng nấy. Ngược lại, Chúa càng xa tâm trí ta chừng nào thì công việc ta làm càng ít giá trị chừng nấy (Frank Mihalic).



 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sức khoẻ cuả Đức Thánh Cha Benedict XVI yếu kém nhưng không có bệnh
Trần Mạnh Trác
16:10 11/04/2013
"Sức khỏe của ĐTC Benedict XVI đang nhanh chóng xấu đi", theo lời bà Paloma Gomez Borrero, một phóng viên Tây Ban Nha nổi tiếng chuyên viết về Vatican, trong dịp ra mắt một cuốn sách cuả bà ở Madrid.

Tin này đã được loan đi nhanh chóng trên các hệ thống truyền thông tiếng Tây Ban Nha.

Bà Paloma Gomez Borrero đã không nêu tên bất kỳ một căn bệnh cụ thể nào, hoặc trích dẫn một nguồn tin nào ngoài việc quan sát rằng ĐTC Benedict XVI tỏ ra yếu cách hiển nhiên trong cuộc gặp gỡ với Đức Giáo Hoàng Francis tại Castel Gandolfo. Bà thêm rằng có "một cái gì đó rất nghiêm trọng đang xảy ra."

Mọi người đã đều biết rằng Đức Giáo Hoàng-danh dự Benedict đã sụt cân đáng kể trong những tuần qua, việc đi lại mỗi ngày mỗi khó khăn hơn, và một mắt đã bị mờ đi rất nhiều, thêm vào đó, Ngài cũng có một tiền sử bệnh lý về tim mạch.

Nhưng Cha Federico Lombardi, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết rằng ĐTC Benedict không hề bị nhiễm bệnh. Những dấu hiệu về thể chất là "những liên hệ với tuổi tác."

Cha Lombardi nhấn mạnh rằng Đức Thánh Cha Benedict XVI "không có bất kỳ loại bệnh nào" và "điều này đã được chứng nhận bởi bác sĩ của Ngài."

Cha Lombardi cũng lên tiếng chỉ trích bà Gomez-Borrero, người mà ngài đã được biết nhiều năm, là "tung ra những tin suy đoán sau khi nhìn thấy hình ảnh của một Đức Giáo Hoàng Biển Đức mệt mỏi."

"Nhưng nói rằng Ngài có bệnh là một việc làm thiếu suy xét. Không có cơ sở cho việc này ", Cha Lombardi nói.

"Như chúng ta đã biết, ĐTC Benedict XVI đã rất năng động trong triều đại giáo hoàng, và do đó Ngài đang trả giá bằng những đau nhức của một người cao tuổi làm việc quá độ," Cha Lombardi nói thêm.

ĐTC Benedict XVI đã từ chức trước ngày sinh nhật 86 sau khi trị vì được 8 năm. Trong lúc tại triều, Ngài đã thực hiện nhiều cuộc công du cũng giống như Chân Phước Gioan Phaolô II đã làm trong khoảng thời gian tương đương, nhưng ở độ tuổi lớn hơn.

Ngài hiện đang lưu ngụ tại dinh muà hè Castel Gandolfo, và sẽ trở về Vatican sau khi tu viện Mater Ecclesia được sửa xong vào tháng Năm.

Đức Giáo Hoàng Francis đã viếng thăm Đức Thánh Cha Benedict XVI và nói chuyện với Ngài nhiều lần qua điện thoại. Cả hai vị duy trì một mối quan hệ thân mật và gần gũi.
 
“Thật là tốt đẹp khi có thể tin vào tình yêu”
Bùi Hữu Thư
03:48 11/04/2013
Bài giảng của Đức Thánh Cha Phanxicô

ROME, 10 tháng 4, 2013 (Le Monde vu de Rome) - Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích: “Thật là tốt đẹp khi có thể tin vào tình yêu.” Thiên Chúa đã yêu thế gian nhiều đến nỗi tặng ban Người Con duy nhất để cho bất cứ ai tin vào Người Con sẽ không phải chết, mà sẽ được sống đời đời.”: đoạn Phúc Âm này Đức Thánh Cha đã giảng trong Thánh Lễ 7 giờ sáng ngài dâng tại Nhà Nguyện Thánh Mác-Ta.

Theo Radio Vatican, tham dự Thánh Lễ của Đức Thánh Cha có các Hồng Y Angelo Sodano và Angelo Comastri, và nhân viên Hãng Thánh Phêrô và bà Anna Maria Cancerllieri, Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Ý, cùng các thân nhân trong gia đình bà.

Đức Thánh Cha nhấn mạnh: “Thiên Chúa cứu chúng ta bằng tình yêu của Người: chính tình yêu này đã thúc đẩy Người gửi Con Một xuống thế gian để trở nên một người trong chúng ta, cùng đồng hành với chúng ta, và cứu rỗi chúng ta.”

Nhưng Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Ơn phúc này có nghĩa gì? Được cứu rỗi có nghĩa là gì?” Ngài trả lời: điều này có nghĩa là tái khám phá “phẩm giá chúng ta đã đánh mất”, phẩm giá của “những người con cái Thiên Chúa”, có nghĩa là “tái khám phá ra niềm hy vọng.”

Phẩm giá này dẫn đưa tới “cuộc gặp gỡ cuối cùng với Người, đó là con đường của sự cứu chuộc, con đường thật tuyệt đẹp (…). Đó là được cứu rỗi bởi tình yêu”.

Đức Thánh Cha tiếp: “Nhưng vấn đề là đôi khi chúng ta lại muốn tự cứu mình, và “chúng ta tin rằng chúng ta có thể làm được như vậy”, chẳng hạn khi chúng ta xây dựng sự an toàn của chúng ta trên “tiền bạc.”

Đức Thánh Cha nói: “Chúng ta tự nhủ: Tôi tin rằng khi tôi có tiền thì không có vấn đề gì cả… Tôi có phẩm giá của một người giầu có.”

Tuy nhiên, ngài nhận xét “điều này không đủ”, ngài trích dẫn dụ ngôn của người có nhiều vựa lúa đầy tràn: “Tôi sẽ xây thêm một vựa lúa khác để có thể ngủ yên và sống thanh bình.” Và Chúa nói với anh ta: “Anh điên rồi! Ngay tối nay anh sẽ chết.”

Đức Thánh Cha nhận xét rằng một sự cứu mình như vầy là sai lầm: “đây là chỉ một sự cứu rỗi tạm thời.”

Đôi khi, vì “hãnh diện”, vì “kiêu ngạo” chúng ta tưởng mình “hùng mạnh”: chúng ta che đậy “sự nghèo nàn, và tội lỗi của chúng ta bằng sự hãnh diện và kiêu ngạo.”

Nhưng thế nào là sự cứu rỗi thật sự? “Đó là phẩm giá Thiên Chúa tái ban cho chúng ta nhờ vào niềm hy vọng Chúa Kitô đã mang lại cho chúng ta ngày Phục Sinh”: “Ngày hôm nay chúng ta hãy làm một hành động của đức tin: “Lạy Chúa, con tin. Con tin vào tình yêu của Chúa. Con tin là tình yêu Chúa đã cứu chuộc con. Con tin là tình yêu Chúa đã ban cho con phẩm giá con không có. Con tin rằng tình yêu Chúa ban cho con niềm hy vọng.”

Vì, Đức Thánh Cha tiếp, “chỉ có tình yêu Thiên Chúa” mới có thể ban cho chúng ta phẩm giá đích thực và niềm hy vọng đích thực: “Tin vào tình yêu là điều tốt đẹp.”

Đức Thánh Cha đã đề nghị lời nguyện này: “Lạy Chúa, con tin vào tình yêu Thiên Chúa. Và chúng con mở lòng chúng con ra vì chính đó là tình yêu: tình yêu đổ đầy trong chúng con và làm cho chúng con cũng yêu mến kẻ khác.”
 
Các giám mục Hàn Quốc: Những đe dọa của Bắc Triều Tiên nhắm vào mục đích tăng thêm viện trợ.
Jos. Tú Nạc, NMS
08:41 11/04/2013
MANILA (CNS) – Chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Hàn Quốc cho biết những đe dọa hung hăng gần đây của Bắc Triều Tiên có thể là một nỗ lực tăng viện trợ nước ngoài trong khi vẫn một mực tự hào.

“Đó là giả định của chúng tôi rằng họ muốn tận dụng một số hỗ trợ tài chính từ nước ngoài mà không thừa nhận tính tự hào hay lòng tự trọng của họ,” Giám nục Phê-rô Kang U Il của Cheju, Nam Triều Tiên, nói với Catholic News Service hôm 9 tháng 4 qua email.

Ngài cho biết các giám mục Công Giáo “rất lấy làm đáng tiếc” trước những mối đe căng thẳng gây nên bởi Bắc Triều Tiên làm cho “cả thế giới khó chịu và lo lắng.”

Mặc dù Hàn Quốc vẩn “biểu hiện sự bình tĩnh và yên ổn,” nhưng họ cảm thấy khó chịu với bầu khí leo thang hiện nay giữa hai miền Triều Tiên, Giám mục Kang nói. Người dân Nam Triều Tiên có thể rất quen với các luận điệu đe dọa ấy, nhưng “họ không thể phủ nhận khả năng đụng độ quân sự bất ngờ.”

Cá nhân giám mục đã kêu gọi người dân Hàn Quốc cầu nguyện cho hòa bình trên bán đảo này. Ngài dâng lời nguyện mà ngài đã soạn để cầu xin lòng thương xót cho một “đàn chiên đáng thương” mà hành động của chính quyền Bắc Triều Tiên đang gây ra đói khát, khổ đau và lôi kéo người dân tới bạo lực và cái chết.

Giám mục Kang nói Bắc Triều Tiên có thể đang đe dọa chiến tranh bởi vì họ không tài nào khôi phục lại nền kinh tế và ngoi lên từ “tình trạng cơ bần” mà không có những đầu tư nước ngoài, nhưng cần đề duy trì “tính tự trọng hay tự tôn” của dòng họ Kim. Hệ tư tưởng và triết lý ưu việt lịch sử và văn hóa Hàn Quốc được chủ trương bởi lãnh đạo Bắc Triều Tiên và những người tiền nhiệm của ông ta đã chiếm ưu thế trải qua 60 năm sau chiến tranh Triều Tiên, ngài nói.

Tuy nhiên, triết lý của sự cô lập và nền kinh tế tự trị này chỉ là “nền kinh tế bị phá hủy hoàn toàn của họ,” để lại miền Bắc khổ đau cùng chung số phận với những đất nước xã hội chủ nghĩa khác mà nền kinh tế của họ bỉ sụp đổ tan tành, Giám mục Kang nói.

“Tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải kiên nhẫn trong xem xét để giải quyết đối với những người dân (Bắc Triều Tiên), những người đã bị cô lập từ bao lâu với thế giới hiện đại.” Ngài nói thêm.

Ngài cũng kêu gọi “hết mực từ tâm” trong khi miền Bắc tỏ ra “ngoan cố một chiều” trong những mối quan hệ đối ngoại. Họ chưa bao giờ trải qua trật tự dân chủ hiện đại trong lịch sử cận đại của mình,” Giám mục giải thích.

Ngài nói ngài nhìn thấy “con đường bạo lực lộ ra yêu cầu của họ trước thế giới” như bằng chứng của tình trạng tuyệt vọng rằng họ không thể tồn tại.
 
Ấn tượng về Đức Giáo hoàng Phanxicô
Nguyễn Quốc Huy, Ofm. chuyển dịch
17:25 11/04/2013
Những suy nghĩ của một chủng sinh của Tổng Giám mục Bergoglio

Đây là bản dịch “suy tư” của Luis Montesano, một chủng sinh năm thứ tư ở Buenos Aires.

Khi thánh Ignatio thành Loyola khám phá ra Đức Giêsu Kitô và để cho Người chiếm đoạt, ngài ước ao từ bỏ mọi sự, đi đến Đất Thánh và sống ở đó như Đức Giêsu đã sống, nghĩa là đi đến những nơi Người đã đi, và tìm kiếm những con người mà Ngài đã gặp. Vì thế, ngài đã từ bỏ cuộc sống của người quí tộc và sự nghiệp quân sự đầy hứa hẹn, và đi học thần học tại Paris, để cuối cùng thực hiện cuộc hành trình tới những Nơi Thánh đó.

Tuy nhiên, thánh Ignatio đã không bao giờ có thể thực hiện được ước nguyện của mình vì Chúa đã chuẩn bị cho ngài những con đường khác. Thực vậy, Chúa muốn ngài thành lập dòng Tên gồm những người bạn học mà ngài đã gặp trong thời gian theo học ở Paris. Công trình này của Thiên Chúa, được những con người thực hiện, sẽ là một trong những dụng cụ mà Chúa Quan phòng dùng để đem Tin Mừng đến tận cùng trái đất. Vì thế, với sự trợ giúp của biết bao nhà truyền giáo đã trao phó cuộc đời cho Đức Giêsu Kitô, Giáo hội lan rộng một cách đáng kể từ Châu Âu sang Châu Á, và từ Châu Âu tới Châu Mỹ.

Ở vùng cực Nam Châu Mỹ, cụ thể là tại những vùng ranh giới xa xôi nhất của công cuộc phúc âm hóa khởi sự từ năm 1492, đức tin đã lớn mạnh, được khuôn đúc và trưởng thành, với sự giúp đỡ của các tu sĩ dòng Tên, trong số họ có một vị kế nhiệm thánh Phêrô, Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Ngài được thụ phong linh mục lúc 33 tuổi, và là giám mục phụ tá giáo phận Buenos Aires lúc 56 tuổi. Năm 1998, ngài được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục giáo phận Buenos Aires và năm 2001 được phong làm hồng y bởi Đức Gioan Phaolô II.

Tôi có may mắn được gặp ngài nhiều lần khi ngài còn là Tổng Giám mục Buenos Aires. Năm 2000, tôi tham dự cuộc họp của các giáo lý viên tại Buenos Aires, dưới sự chủ toạ của Đức Jorge Bergoglio. Sau các buổi thảo luận, cầu nguyện và thánh lễ, ngài đến gần mỗi một giáo lý viên, chào hỏi họ và trò chuyện vui đùa với họ. Ấn tượng ngài để lại là một con người đơn sơ, bộc trực, dễ trao đổi.

Sau đó, tôi đã gặp ngài ở đại học Công Giáo Argentina, nơi tôi đang học luật. Đức Bergoglio là chưởng ấn của đại học này, và ngài đến tham dự một vài nghi lễ của nhà trường. Sau khi tốt nghiệp cử nhân, chúng tôi có cơ hội nói chuyện với ngài và ngài nhắc nhở chúng tôi rằng chúng tôi có bổn phận trở nên những người phục vụ, đem tất cả những gì chúng tôi đã lãnh nhận được vào việc phục vụ xã hội. Tôi nghĩ rằng đây cũng là tính cách của Đức Giáo hoàng Phanxicô: ngài không giữ lại điều gì cho bản thân, ngài không lo nghĩ khi người ta nghĩ tốt hay xấu về ngài, bao lâu ngài có thể đem hết tài năng của mình vào việc phục vụ những người thiếu thốn nhất.

Tôi cũng muốn chia sẻ một giai thoại nói lên một trong những tính cách của ngài khi còn là một linh mục: lấy Đức Kitô làm trung tâm. Một dịp kia, tôi làm việc với nhóm “Đêm Từ Thiện” thuộc một giáo xứ Đức Mẹ Guadalupe ở Buenos Aires. “Đêm Từ Thiện” là một hoạt động được tổ chức ở Buenos Aires: mỗi giáo xứ, mỗi tuần một lần, ra đi phân phát thực phẩm cho những người sống trên đường phố và nhất là đem Đức Kitô đến cho họ. Đức Bergoglio luôn luôn rõ ràng về thứ tự hoạt động: đầu tiên là chầu Thánh Thể, sau đó ra đi để gặp gỡ Đức Kitô nơi những người nghèo sống trên các đường phố, để phân phát chút gì cho họ ăn, để nói chuyện với họ, cuộc nói chuyện cho phép chúng tôi mang Đức Kitô đến cho những con người đó. Một dịp kia, chúng tôi muốn mở rộng thêm bán kính hoạt động “Đêm Từ Thiện” của giáo xứ, để đến với nhiều người hơn. Qua cha xứ, Hồng y Bergoglio đã nói với chúng tôi rằng: “Chớ vội vàng. Đây không phải là thức ăn nhanh, nhưng trình tự là trước tiên Đức Kitô, sau đó Đức Kitô và cuối cùng Đức Kitô”. (Điều này có nghĩa là Đức Kitô trong khi chầu Thánh Thể, Đức Ki-tô nơi người nghèo và mang Đức Ki-tô đến cho người nghèo). Tôi nghĩ rằng Đức Giáo hoàng Phanxicô sẽ quan tâm đặc biệt tới những người nghèo khổ nhất, để mang Đức Kitô đến cho họ. Một cách nào đó, đối với Hồng Y Bergoglio, vùng ngoại biên của tổng giáo phận Buenos Aires chính là trung tâm. Bây giờ tôi nghĩ rằng, đối với Đức Giáo hoàng Phanxicô, trung tâm của Giáo Hội sẽ là vùng ngoại biên, những cảnh túng quẫn cùng cực ít người quan tâm đến.

Cuối cùng, tôi muốn chia sẻ với quí vị một vài ấn tượng tôi có được khi tôi có thể nói chuyện riêng tư với Hồng Y Bergoglio khi vào chủng viện. Thư ký của ngài là người lên lịch hẹn. Trước tiên, cuộc gặp gỡ được thư kí của ngài lên lịch, vị này bảo tôi: “Cho tôi số điện thoại di động để sắp xếp ngày giờ, nhưng rất có thể đức hồng y gọi trực tiếp cho thầy mà không cho tôi biết”. Quả vậy, ngày hôm sau điện thoại tôi reo lên và chính là hồng y Bergoglio. Hình như thư kí của ngài có biết sau khi ngài nói chuyện với tôi. Đây là một đặc điểm thuộc về nhân cách của ngài: ngài điều hành nhiều việc cách trực tiếp, không qua những người trung gian, và điều này chắc chắn mang lại cho ngài nhiều tự do hành động. Trong nhiều trường hợp, điều này cũng tạo nên nơi ngài là một con người không thể đoán trước được.

Tôi rất bồn chồn khi đi gặp vì đây là lần đầu tiên tôi nói chuyện với một vị hồng y. Khi đến nơi, tôi gặp một linh mục, bận áo sơ mi cổ côn màu đen, quần đen, và mang một đôi giày mòn đế. Ngài mang thánh giá trước ngực, chắc chắn đó là thánh giá mà Đức Giáo hoàng Phanxicô đang mang bây giờ. Sau khi nói chuyện đùa với tôi, cuộc đối thoại trở nên thoải mái, ân cần như thể một người cha nói chuyện với đứa con trai của mình. Ngài lắng nghe tôi một cách chăm chú và cho rồi thỉnh thoảng góp lời nhận xét. Tôi có ấn tượng đặc biệt về lòng sùng kính Đức Maria, thánh Giuse và Bí tích Thánh Thể của ngài. Tôi cũng có ấn tượng về sự ưa thích toà giải tội của ngài. Ngài nói với tôi rằng một linh mục không thể quên toà giải tội, không có điều gì khẩn cấp và quan trọng hơn việc ngồi toà giải tội trong chương trình của một linh mục, vì đây chính là nơi Thiên Chúa sẵn lòng ban phát sự thương xót của Ngài. Ngài nói rằng ngài sẽ phó thác ơn gọi của tôi cho Đức Trinh Nữ Cực Thánh và cho tôi một tấm hình thánh Giuse mà kể từ ngày đó, tôi đã cầu nguyện mỗi ngày. Ngài xin tôi phó dâng ơn gọi của tôi và thừa tác vụ của ngài cho thánh cả Giuse. Ngày hôm nay, tôi cầu nguyện cùng thánh Giuse cho Đức Giáo hoàng Phanxicô.

Ngày 13 tháng 3 vừa qua, ngày Đức Bergoglio được bầu làm Giáo hoàng, bởi Chúa quan phòng, tôi đang ở Buenos Aires (chủng viện nơi tôi học cách Buenos Aires 50 km), đi dạo quanh các nhà sách để mua cho thư viện đại chủng viện, nơi đây, nếu Chúa muốn, tôi sẽ làm việc trong năm nay. Khi nghe tin có khói trắng, chúng tôi đi đến đại học Công Giáo Argentina nơi chúng tôi có thể xem hồng y Tauran loan báo. Không thể tin vào những gì mắt thấy tai nghe, lập tức chúng tôi ôm chặt nhau và lắng nghe chăm chú những lời của đức tân Giáo Hoàng. Chúng tôi biết rằng có sẽ có một thánh lễ ở vương cung thánh đường Buenos Aires lúc 7 giờ tối, thế là chúng tôi tới đó. Nhà thờ đầy ắp và dân chúng (người trẻ, gia đình và các trẻ em, người lớn tuổi) tràn ngập hơn nủa công trường Plaza de Mayo. Thánh lễ tạ ơn đầu tiên đầy cảm xúc. Tại đó chúng tôi bắt đầu nhận thức rằng việc chọn đức Bergoglio làm Giáo hoàng là một lý do của niềm vui đối với Giáo hội hoàn vũ, nhưng nó là một sự chúc lành đặc biệt cho giáo hội Argentina. Kể từ ngày 13 tháng 3, nhiều người đã trở lại tham dự Thánh Lễ (sau nhiều năm không tham dự), các toà giải tội đầy người và các hoạt động của Giáo hội trở thành những tin tức trên các phương tiện truyền thông ở Argentina. Tôi nghĩ rằng đây là một cơ hội cho cho nhiều người trở về với Giáo hội và được giao hòa với Thiên Chúa.

Việc bầu chọn Đức Bergoglio cũng tạo nên niềm vui lớn lao trong chủng viện. Niềm vui phải được hướng dẫn bởi một trách nhiệm nặng nề, như một vị giám mục đã nói với anh em chủng sinh chúng tôi. Việc bầu chọn Đức Giáo hoàng Phanxicô đặt chúng tôi dưới “kính lúp” của nhiều phong trào và các Giáo hội địa phương khắp trên thế giới. Ngày nay Giáo hội dõi nhìn về Rô-ma như thường lệ, nhưng cũng quan sát Argentina nữa. Tôi thiết nghĩ đó là điều khiến chúng tôi làm việc nhiều hơn và tốt hơn, cầu nguyện nhiều hơn và đặt bản thân chúng tôi là một Giáo hội dưới sự bao bọc của Mẹ Maria, Đấng từ Lujan đang dõi nhìn và chúc phúc cho Giáo Hội Argentina.

---

Luis Montesano sinh ra ở Buenos Aires vào năm 1983. Anh là một luật sư và có bằng tiến sĩ Luật. Năm 2011, anh vào đại chủng viện thánh Giuse ở La Plata (Buenos Aires) và hiện đang học năm thứ tư ở chủng viện này. Trước đây, anh là một giáo lý viên, là thành viên của nhóm thừa tác vụ mục vụ Đại Học, thành viên của các nhóm trẻ khác, và dạy các môn luật và đạo đức tại đại học Công Giáo Argentina và đại học Austral ở Buenos Aires.

Nguyễn Quốc Huy, Ofm. chuyển dịch
 
Hội nghị về tế bào gốc người lớn tại Vatican
Vũ Văn An
22:59 11/04/2013
Hội Nghị Quốc Tế lần thứ hai về tế bào gốc người lớn tại Vatican đã khai mạc vào ngày hôm qua 11 tháng 4 năm 2013. Đây là dịp để các khoa học gia, các bác sĩ và bệnh nhân chia sẻ không những các tiến bộ trong ngành nghiên cứu tế bào gốc người lớn mà còn cả tiềm năng của nó trong việc biến đổi cách chăm sóc sức khỏe ngày nay nữa.

Theo Bác Sĩ Robin Smith, cuộc tranh luận đạo đức về việc sử dụng tế bào gốc phôi thai đã làm tê liệt các tiến bộ trong lãnh vực tế bào gốc người lớn, tức ngành nghiên cứu các mẫu tế bào gốc lấy từ người lớn. Bác sĩ Smith hiện là chủ tịch của Quĩ “Stem for Life” cũng như tổng giám đốc của “Neostem”, một cơ quan hàng đầu trong việc phát triển phương pháp chữa trị bằng tế bào.

Việc dùng tế bào gốc, nhất là tế bào gốc người lớn, để chữa trị hiện là cách để tái sinh các tế bào đang chết trong cơ thể một người mắc các chứng bệnh suy nhược như Alzheimer, Parkinson, hay Đa Xơ Cứng (Multiple Sclerosis). Bác Sĩ cho hay: “Tháng 11 năm 2001, chúng ta đã phát động Hội Nghị Tế Bào Gốc đầu tiên. Kể từ đó, toàn thế giới đã thức tỉnh. Nhờ cải thiện các kết quả lâm sàng, chúng ta có thể cứu hàng trăm triệu cuộc sống. Ta không nói tới việc thuốc thang mà là nói về việc chữa chạy tim mạch bằng tế bào gốc người lớn. Tái cấy các tế bào này vào các cơ phận đã hư hỏng quả đã quay ngược lại thời gian. Trong chỉ có 17 tháng, chúng ta đã được chứng kiến nhiều tiến bộ tuyệt vời trong việc điều trị chứng bạch cầu (leukemia)”.

Tuy nhiên, công trình nghiên cứu tế bào gốc mới chỉ bắt đầu được hiểu gần đây. Hội nghị trước đây không có cả ban điều hợp để bàn về các lợi ích trong việc dùng tế bào gốc chữa trị các chứng đa xơ cứng và tiểu đường. Bác Sĩ Smith cho hay tại Hoa Kỳ, 245 tỷ dollars đã được chi tiêu cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường, là chứng có thể gây nên mù lòa, đột quị và cắt bỏ tay chân, là bệnh “chỉ mỗi ngày một tệ hơn”.

Bà nói thêm: “Điều trị bằng tế bào có tiềm năng viết lại lịch sử bệnh tật. Tế bào gốc người lớn là điều tất cả chúng ta đều nhất trí; chúng rất tinh tuyền về đạo đức. Ta có thể nắm điều có trong ta và đưa nó trở lại chính cơ thể của mình”.

Đối với bà, mục đích của hội nghị là để gợi hứng cho thay đổi và cổ vũ sự thật và các hứa hẹn phía sau khoa tế bào gốc. “Chúng tôi hy vọng có thể cho thấy rằng từ nay các bạn sẽ không còn phải chọn lựa giữa khoa học và đức tin nữa”.

Tìm hy vọng

Điều hợp ngày đầu của hội nghị là phóng viên tin tức của NBC, Meredith Vieira, người, đang cùng chồng và là ký giả kỳ cựu Richard M. Cohen, chiến đấu với chứng đa xơ cứng của Cohen. Veira cho hay: quyết định tham dự hội nghị “là một chọn lựa bản thân”. Trong một lúc xúc động khi đọc tham luận, Veira thú nhận: “tôi không phải chỉ là một ký giả đi tìm câu trả lời; tôi là người vợ đi tìm hy vọng”.

Bất chấp sự kiện hiện chưa có điều trị nào sẵn sàng cho những ai mắc chứng đa xơ cứng tiệm tiến thời kỳ thứ hai, nhưng “điều trị bằng tế bào vẫn cho ta nhiều hy vọng”. Tiếp tục chủ đề hy vọng, Cohen muốn nhấn mạnh tầm quan trọng của nó, bất chấp điều này “nó đang mông lung, khó nắm bắt và khó duy trì. Khi tôi được định bệnh cách nay 40 năm, bác sĩ thần kinh của tôi chỉ lẳng lặng nói: ‘xin lỗi anh’ và không bao giờ nói tới bất cứ kế hoạch chữa trị nào. Lúc ấy chưa hề có phương pháp chữa trị nào cho chứng đa xơ cứng cả. Ngày nào cũng khó thức giấc để nhìn vào kiếng soi. Chúng tôi không còn là những con người trước đây nữa về cả điều mình làm và mình là. Chúng tôi bị tấn công không phải chỉ trong thân xác; mà còn trong tinh thần, trong cách mình nhìn mình, mình tự quí mình, mình tự tin mình, mình muốn ra ngoài và cố gắng có một tương lai. Quả là một trách vụ khó khăn”.

Cohen quả quyết tin rằng phương pháp điều trị bằng tế bào gốc người lớn chính là tương lai. Ông thú nhận không còn tới lui với bác sĩ thần kinh cũng như các phương pháp điều trị cố hữu nữa, chỉ vì “những phương pháp này không còn đáng kể bao nhiêu. Tôi xem sét chứng đa xơ cứng và công trình đang được thực hiện trong phương pháp điều trị bằng tế bào gốc người lớn thì thấy thật tuyệt vời. Tất cả chúng ta đều sẽ tìm cách điều trị bằng tế bào”.

Bác sĩ Saud A. Sadiq, một bác sĩ thần kinh từng nghiên cứu sâu rộng nguyên nhân của chứng đa xơ cứng mong tìm phương pháp điều trị, là vị đầu tiên trong ban điều hợp lên tiếng. Dựa vào bối cảnh Vatican của hội nghị, ông bình luận về tầm quan trọng của đức tin trong việc chống bệnh tật. Ông cho rằng “tôi là người mạnh mẽ tin vào đức tin và tôi dùng đức tin ất để khuyên nhủ các bệnh nhân của tôi […] khi họ bắt đầu mất hy vọng. Khi gặp những giờ phút đen tối, khi thấy những bệnh nhân như Richard [Cohen], ta đều có thể rút tỉa được hy vọng từ đức tin để tiếp tục (sống). Tôi cũng nhận được hứng khởi và hy vọng từ các bệnh nhân của mình”

Một thay đổi mẫu mực trong y khoa

Bác sĩ Richard Burt, trưởng ngành miễn dịch trị liệu tại Phân Khoa Y Học của Đại Học Northwestern ở Chicago phát biểu rằng hiện đang có “sự thay đổi mẫu mực” nhờ dùng tế bào gốc người lớn để trị bệnh. “Đây là lối trị liệu chỉ cần một lần, ngược với lối trị bệnh y khoa liên tục”. Bác Sĩ Burt nói tiếp rằng lối trị liệu bằng tế bào gốc người lớn rất an toàn vì không sử dụng các phương pháp như xạ trị, đồng thời còn tạo ra cả một hệ thống miễn dịch hoàn toàn mới.

Hai bệnh nhân được Bác Sĩ Burt điều trị bằng tế bào gốc là Roxane Julia Beygi và Jim Danhakl đã chia sẻ với các tham dự viên các kinh nghiệm tích cực của họ sau khi nhận được sự trị liệu bằng tế bào gốc người lớn. Beygi cho rằng các phương pháp y khoa hiện nay chỉ làm các nan đề của bà nhân thừa lên, như khó đi lại, chóng mặt, và mất cả định hướng. “Từ ngày được cấy tế bào, cuộc sống của tôi đã thay đổi. Tôi đang nghĩ nên dự khóa học nào hay đại học nào. Thậm chí còn quan tâm tới cả việc phải mặc thứ quần áo gì. Tôi nghĩ tới tương lai. Vì tôi đang có một tương lai”.

Danhakl, người từng là phi công chiến đấu của Hải Quân trong 25 năm, đề cập tới cuộc chiến đấu của ông và niềm hy vọng ông có được nhờ cách trị liệu của Bác Sĩ Burt. “Trước đây, tôi từ chỗ chạy marathon trở thành chỉ có thể đi bộ được chừng 200 tới 300 bộ Anh. Khi bạn bị cướp mất sự sống như hế, quả khó mà còn hy vọng. Đến lúc gặp Bác Sĩ Burt, tôi vốn đi xe lăn rồi bị liệt giường. Thường xuyên bị bất tỉnh, nhìn gì cũng thấy hai hình, nghe thì lúc được lúc không. Bạn hữu cũ tới thăm để nói lời giã biệt, khiến tôi nghĩ ‘thế là xong’.

Danhakl thêm rằng trong vòng hai tuần được điều trị bằng tế bào gốc người lớn, ông bắt đầu bước được những bước đầu tiên. Trong vòng một tháng, ông bắt đầu bước mà không cần đến vật chống đỡ nữa và nay thì hoàn toàn bình thường rồi. Dù thỉnh thoảng vẫn còn đau ở bàn chân, nhưng Danhakl cho hay cái đau ấy chẳng đáng kể gì so với lúc ở cửa tử thần.

Sau khi cám ơn Bác Sĩ Burt đã cứu sống ông, Danhakl bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy cách điều trị này chưa được khắp thế giới biết đến. Ông bảo: “thủ tục này đang cứu sống nhiều người, như tôi và Roxane. Tôi nghe người ta nói tới chứng đa xơ cứng nhưng lại bảo chưa có phương pháp điều trị, nên tôi muốn hỏi ‘tại sao không loan báo điều này từ đỉnh núi?’”.

Kết thúc phiên họp đầu tiên trong ngày, Neil Warma, tổng giám đốc và là chủ tịch của “Opexa Therapeutics”, trước nhất, thú nhận rằng ông không thấy có sự nối kết nào giữa Vatican và khoa học khi điều hợp cuộc hội nghị ba ngày này. Sau khi làm quen với hội nghị trước, Warma cho hay: ông “đánh giá cao cách tiếp cận của Vatican đối với giáo dục. Thế giới cuối cùng đã ý thức được tiềm năng của việc dùng tế bào trị bệnh”.

Warma cũng giải thích các lợi ích của Tcelna, tức phương pháp miễn dịch trị liệu dành cho chứng đa xơ cứng, bằng tế bào T (T-cell) tức tế bào lymphô (bạch huyết cầu không hạt trong nguyên sinh chất). Ông bảo T-celna “có tiềm năng thoả mãn các nhu cầu đáng kể của y khoa cho đến nay chưa được thỏa mãn nơi cộng đồng đa xơ cứng nói chung”.

Tclena sử dụng chính các tế bào riêng của bệnh nhân, cô lập các tế bào T nơi bệnh nhân, phát triển chúng rồi cấy chúng trở lại nơi bệnh nhân. Warma nói rằng “các tế bào của chính bệnh nhân hành động như chất thuốc” để tái tạo các tế bào hư hỏng.

Mặc dù Tcelna mới qua giai đoạn thứ hai của thử nghiệm lâm sàng, Warma cho rằng chỉ còn một thời gian ngắn nữa, nó sẽ được phổ biến khắp nơi. “Cuộc hội nghị hôm nay là một bước đầy ý nghĩa khi đem các phương pháp trị liệu tới cho các bệnh nhân đang cần đến chúng”

Zenit 11 tháng 4, 2013
Còn 1 kỳ
 
Top Stories
'Pacem in Terris': fifty years on...
ViS
10:07 11/04/2013
Thursday 11th of April 2013 marks half a century since Blessed John XXIII published his encyclical 'Pacem in Terris'.

This encyclical, which as the Latin title indicates focuses on peace on earth, called for social and international peace. With this document which can be perceived as John XXIII's last testament, published as it was only a couple of months before his death, he broke new ground.

In fact he addressed it is not as tradition dictated to the hierarchy, clergy and Catholic faithful but – to all men of good will… However this was not John XXIII's first document focusing on social justice. This Pope, had already written a social encyclical by the title of 'Mater et Magistra'.

Veronica Scarisbrick brings you an interview with Professor of Catholic Social Teaching at the Pontifical University of Saint Thomas here in Rome Dominican Alejandro Crosthwaite who explains the connection between that first document and 'Pacem in Terris'.
 
Pope Francis greets US Papal Foundation
Vatican Radio
10:07 11/04/2013
Vatican Radio 2013-04-11-- “The needs of God’s people throughout the world are great” remarked Pope Francis, addressing the US based Papal Foundation Thursday in the Clementine Hall, “your efforts to advance the Church’s mission are helping to fight the many forms of material and spiritual poverty present in our human family, and to contribute to the growth of fraternity and peace”.

The Foundation gathers lay Catholic men and women from across the United States, who each year gift the Holy Father a 'wish list', in short the funds to carry out or sponsor charitable works that are particularly dear to him. On Thursday the Foundation members - who are known as Stewards of St. Peter - met with the Holy Father and presented him a donation to fund projects throughout the world.

The stewards were led by their chairman, Cardinal Donald Wuerl, Archbishop of Washington D.C., who greeted Pope Francis on their behalf outlining what the Foundation had achieved over the past year:

The Papal Foundation awarded support to over 100 programs and projects in 2012. Grants and scholarships totaled 8,575,500 and reached around the world. From major seminaries in India to retreat centers in Colombia, kitchens, clinics and schools in Tanzania, Burundi and Congo as well as homes for the elderly in Romania and restoring churches for the faithful in Ukraine.

But all of these projects are chosen by the Pope himself, constituting his very own ‘wish list’ that is drawn up each November and presented to the Foundation’s board for approval.

On Thursday Pope Francis told them: “In these years, you have contributed significantly to the growth of local Churches in developing countries by supporting, among other things, the continuing formation of their clergy and religious, the provision of shelter, medical assistance and care to the poor and needy, and the creation of much-needed educational and employment opportunities”.

ADDRESS OF THE HOLY FATHER

To the Members of the Papal Foundation
Dear Friends,

I am pleased to meet the members of The Papal Foundation during your pilgrimage to Rome, and I thank Cardinal Wuerl for his kind words. I very much appreciate your prayers as I begin my ministry as the Bishop of Rome and pastor of the universal Church. In the twenty-five years that have passed since the Foundation was established, you and your associates have helped the Successor of Saint Peter by supporting a number of apostolates and charities especially close to his heart. In these years, you have contributed significantly to the growth of local Churches in developing countries by supporting, among other things, the continuing formation of their clergy and religious, the provision of shelter, medical assistance and care to the poor and needy, and the creation of much-needed educational and employment opportunities.

For all of this, I am deeply grateful. The needs of God’s people throughout the world are great, and your efforts to advance the Church’s mission are helping to fight the many forms of material and spiritual poverty present in our human family, and to contribute to the growth of fraternity and peace. May the fiftieth anniversary of the Encyclical Pacem in Terris, which falls today, serve as an incentive for your commitment to promoting reconciliation and peace at every level. During this Easter season, when the Church invites us to give thanks for God’s mercy and the new life we have received from the risen Christ, I pray that you will experience the joy born of gratitude for the Lord’s many gifts, and seek to serve him in the least of his brothers and sisters.

The work of The Papal Foundation is above all one of spiritual solidarity with the Successor of Peter. I ask you, then, to continue to pray for my ministry, for the needs of the Church, and in a particular way for the conversion of minds and hearts to the beauty, goodness and truth of the Gospel. With great affection I commend you and your families to the intercession of Mary, Mother of the Church, and cordially impart my Apostolic Blessing as a pledge of joy and peace in the Risen Lord.

 
Vietnam: Le procès en appel des 14 jeunes chrétiens aura lieu le 24 avril
Eglises d'Asie
11:10 11/04/2013
Un communiqué du Tribunal de grande instance de Hanoi, publié le 3 avril 2013, a annoncé que la date du 24 avril prochain a été retenue pour le procès en appel des 14 jeunes chrétiens du Nghê An et de Thanh Hoa (13 catholiques et un protestant) condamnés à diverses peines de prison ferme le 9 janvier dernier.

L’audience se tiendra dans les locaux du tribunal populaire de la province du Nghê An. Alors que le communiqué officiel parle du « procès de Hô Duc Hoa [ premier sur la liste ] et des autres accusés », la presse officielle titre en première page, anticipant sur la sentence: « procès en appel de Hô Duc Hoa et de ses complices ».

Lors du premier procès, le 9 janvier dernier, les trois jeunes gens nommés Paulus Lê Van Son, Hô Duc Hoa et Dang Xuân Diêu, avaient été les plus lourdement condamnés, avec 13 ans de prison assortis de cinq ans de résidence surveillée. Un quatrième accusé avait écopé de huit ans de prison, un autre de six ans, deux autres de cinq ans, deux autres de quatre ans et quatre autres de trois ans. Le quatorzième prévenu, lui aussi condamné à la prison, avait bénéficié d’un sursis.

À leur sortie de prison, tous seront assignés à résidence pour une durée de plusieurs années, allant de deux à cinq ans. Le chef d’accusation retenu pour l’ensemble du groupe était ainsi énoncé: « participation à des activités visant au renversement du pouvoir populaire ». Le communiqué de Hanoi indique que le procès en appel se référera à la même accusation.

La salle d’audience, selon le communiqué, sera ouverte au public. En réalité jusqu’ici, les simples citoyens ou les journalistes indépendants n’ont jamais pu assister directement ce type de procès. Cependant on peut penser que des pressions internationales vont s’exercer sur les autorités vietnamiennes durant les jours précédant l’audience.

Grâce à l’action persévérante d’un groupe de parents et d’amis, le sort des accusés préoccupe aujourd’hui non seulement de nombreuses associations humanitaires comme Human Rights Watch ou Amnesty International, mais aussi les ambassades de nombreux pays étrangers.

Le 14 mars dernier, les quatorze jeunes gens ont pu rencontrer les représentants des ambassades d’Australie, des États-Unis, de la Grande-Bretagne, du Canada, de la Norvège et de la Confédération helvétique. Ceux-ci ont pu écouter de la bouche des détenus la réalité des faits qui leur étaient reprochés, le récit de leurs arrestations illégales, et le compte rendu du procès des 8 et 9 janvier derniers (1).

(Source: Eglises d'Asie, 11 avril 2013)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Tu viện Phanxicô-Đakao tiếp sức mùa thi năm 2013
Hoàng Xuân Lộc
09:48 11/04/2013
Theo một thông báo mời đây của Tu viện Phanxicô-Đakao thuộc Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam thì vào đầu tháng 7 nhiều em thí sinh tập trung về Thành phố Saigòn để dự kỳ thi Đại học. Để tạo điều kiện cho các em có nơi nghỉ ngơi chú đáo trong các ngày thi tại thành phố, Tu viện Phanxicô-Đakao ở tại: 3 Mai Thị Lựu ( 50 Nguyễn Đình Chiểu), Phường Đakao, Quận 1, Saigòn, có dành ra một ít phòng để cho các em trú ngụ nghỉ ngơi.

Anh chị em có con em tham dự kỳ thi Đại học năm 2013 tại Thành phố HCM, có địa điểm thị tại các Quận 1, Bình Thạnh, nếu muốn trú ngụ tại Tu viện Phanxicô, xin đăng ký tại Thầy Hoàng Xuân Lộc theo địa chỉ email:< fxlocdng@yahoo.ca> hoặc phone: 01228 556 787 (càng sớm càng tốt).

Khi đến trú ngụ nếu có thể được xin các em đem theo:
- CMND,
- Giấy Báo thi,
- Giới thiệu của Cha xứ, hay một anh chị PSTT gần đó (nếu có).

Các địa điểm thi:
- Tr. THCS Võ Trường Toản
- Tr. THCS Trần Văn Ơn
- Tr. THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm
- Tr. PTTH Trưng Vương
- Tr. THCS Hà Huy Tập (Bình Thạnh)
- Tr. PTTH Võ Thị Sáu (Bình Thạnh)
- Tr. DH XH & NV.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
HRW: ’Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt phải đạt kết quả cụ thể’
Thanh Phương - RFI
09:58 11/04/2013
Trong một thông cáo đề ngày hôm qua, 09/04/2013, tổ chức bảo vệ nhân quyền của Mỹ Human Rights Watch cho rằng chính quyền Việt Nam nên nhân cơ hội Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt sắp tới để trả tự do cho các tù chính trị và cam kết ngưng truy bức các blogger, các nhà hoạt động nhân quyền và những người chỉ trích ôn hòa khác.

Đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt lần thứ 17 sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 12/04 tới. Trong thông cáo hôm qua, ông Brad Adams, giám đốc châu Á của tổ chức HRW nói: "Chính phủ Việt Nam đã tiến hành nhiều vụ xử chính trị do họ cố ngăn chận phong trào đối lập đang gia tăng. Chính phủ Mỹ phải nhân cơ hội này nói rõ là phía Việt Nam cần tiến hành các cải tổ nghiêm chỉnh để cải thiện tình trạng nhân quyền, nếu không sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề, trong đó có việc gây tổn hại quan hệ với Hoa Kỳ".

Theo Washington, mục tiêu của đối thoại nhân quyền Mỹ - Việt là đạt những kết quả cụ thể theo hướng thu hẹp sự khác biệt giữa các tiêu chuẩn nhân quyền của quốc tế với các chính sách và cách thực thi nhân quyền ở Việt Nam. Human Rights Watch đề nghị "Hoa Kỳ nói rõ rằng nếu Việt Nam muốn được xem là một đối tác quốc tế có trách nhiệm, nước này phải ngay lập tức có những tiến bộ vững chắc trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế về nhân quyền."

Human Rights Watch nhắc lại là trong năm 2012, ít nhất 40 người đã bị kết án tù trong những phiên xử không theo đúng tiêu chuẩn quốc tế về xét xử công bằng. Đáng báo động hơn nữa, đã có thêm ít nhất 40 người bị kết án trong các phiên xử chính trị chỉ trong sáu tuần đầu của năm 2013.

Đặc biệt, trong những tháng gần đây đã có một chiến dịch trấn áp những tiếng nói chỉ trích trong vấn đề sửa đổi Hiến pháp Việt Nam, bắt đầu dường như với vụ bắt giữ luật sư Lê Quốc Quân ngày 27/12/2012 và trong đợt sách nhiễu trong tháng 2 và tháng 3 nhắm vào những người chỉ trích như nhà báo Nguyễn Đắc Kiên và nhà hoạt động Phật giáo Lê Công Cầu. Ngày 08 và 09/04, hai blogger Bùi Thị Minh Hằng và Nguyễn Chí Đức bị côn đồ tấn công mà công an không hề can thiệp.

Human Rights Watch cũng nhắc đến trường hợp của tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu, 66 tuổi, bị bắt giam trở lại từ năm 1982 và tình trạng sức khoẻ gần đây đã suy giảm nghiêm trọng.

Giám đốc châu Á HRW nhấn mạnh rằng: "Chính phủ Việt Nam cần phải thấy rằng không thể giải quyết được những vấn đề to lớn về xã hội và chính trị bằng cách bỏ tù tất cả những người chỉ trích".

Nhân dịp sửa đổi Hiến pháp, Human Rights Watch kêu gọi chính quyền Việt Nam cải tổ luật pháp, đặc biệt là sửa đổi hoặc hủy bỏ những điều khoản hình sự hóa quyền tự do ngôn luận, đối lập ôn hòa và quyền thành lập công đoàn.

(Nguồn: RFI)
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Buồn vui đời giáo hoàng
Vũ Văn An
00:19 11/04/2013
Buồn vui đời giáo hoàng
Vũ Văn An2/28/2013
________________________________________
Ngài vòng quanh Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô lần cuối cùng trên chiếc giáo hoàng xa. Ngài vẫy tay lần chót với đám đông đang nhiệt liệt hoan hô. Và một cách sâu sắc chưa từng thấy, Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XVI đã ban những lời từ biệt đối với thế giới trong một bài diễn văn chân thành, đôi lúc tiếc nuối làm nổi bật cái giá làm giáo hoàng, và nhiều tia hạnh phúc của nó.

Tám năm làm giáo hoàng của ngài có những lúc “hân hoan và đầy ánh sáng”, đôi lúc giống con thuyền chở Thánh Phêrô và các Tông Đồ trên Biển Galilê, được hưởng nhiều ngày nắng ấm, gío hiu hiu và đầy cá. Đức Giáo Hoàng nói thế với hàng chục ngàn người trong buổi triều yết chung được di chuyển từ thính đường thông thường qua Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô ngợp nắng để có thể tiếp đón đoàn người đông đảo. Ngài nói thêm: “Nhưng cũng có những thời điểm trong đó mặt nước nổi sóng và gió quật ngược dòng. Dường như Chúa thiếp ngủ”.

Đức Bênêđíctô, năm nay 85 tuổi, sẽ từ nhiệm vào ngày thứ Năm, chấm dứt triều đại giáo hoàng vào lúc 8 giờ tối. Vào buổi sáng, ngài sẽ gặp các vị hồng y có nhiệm vụ bầu người kế vị ngài vào một ngày trong tháng tới. Lúc 5 giờ chiều, một trực thăng sẽ đưa ngài tới dinh mùa hè ở Castel Gandolfo, nơi người ta chờ mong ngài sẽ vẫy tay với những người chào đón và tuyên bố ít lời. Đúng 8 giờ 1 phút tối, ngài sẽ mang danh hiệu “giáo hoàng hưu trí”.

Các chức sắc của Giáo Hội cho hay 150,000 đã tụ tập tại Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô vào hôm thứ Tư. Họ vẫy cờ, vỗ tay và hô to “Benedetto” dưới bầu trời trong xanh, trong khi Đức Giáo Hoàng, vận đồ trắng, khoác áo choàng, nói với họ chủ yếu bằng tiếng Ý nhưng cũng đưa ra một số nhận định ngắn bằng các ngôn ngữ khác. Giáo hoàng xa thỉnh thoảng dừng lại để Đức Giáo Hoàng hôn các trẻ thơ được đưa đến cho ngài. Trong phần tư riêng nhất của bài diễn văn, Đức Bênêđíctô đã làm mọi người thấu hiểu một sự thật hết sức thực đối với bất cứ nhân vật tên tuổi nào của thế giới, nhất là những vị giáo hoàng: đời tư không còn hiện hữu nữa, một lời nhắn được coi như lời cảnh báo đối với người kế nhiệm ngài.

Nhắc lại ngày ngài được bầu làm giáo hoàng 19 tháng Tư năm 2005, Đức Bênêđíctô cho hay ngài đã lãnh một công việc mãi mãi. Ngài nói: “Người đảm nhiệm thừa tác vụ của Phêrô không còn cuộc sống tư riêng nữa. Ngài mãi mãi và trọn vẹn thuộc về mọi người, thuộc về toàn thể Giáo Hội. Có thể nói, chiều kích tư riêng hoàn toàn bị lấy mất khỏi đời ngài”. Và điều ấy, theo ngài, sẽ không thay đổi dù nay ngài đã rời thừa tác vụ và hướng về một đời cầu nguyện, không còn tông du, không còn gặp gỡ, không còn tiếp tân và hội nghị vốn lấy đi quá nhiều khỏi đời sống một vị giáo hoàng. Đức Bênêđíctô nhấn mạnh: “Sẽ không có chuyện trở lại cuộc sống riêng tư”, nhưng ngài sẽ phục vụ Giáo Hội “một cách mới mẻ”.

Làm mặt hồ gợi sóng trong những năm thời Đức Bênêđíctô là việc lây lan các tai tiếng lạm dụng tình dục liên hệ tới các linh mục, những bước hẫng gây phẫn nộ cho một số người Do Thái Giáo, Hồi Giáo và Anh Giáo, và việc rò rỉ đầy tai hại các tài liệu nội bộ của Vatican. Gần đây nhất, các tường trình của báo chí Ý cho hay: cuộc điều tra của ba vị hồng y về việc rò rỉ tài liệu cho thấy nhiều chi tiết chung quanh việc thối nát của các chức sắc Vatican.

Đức Bênêđíctô, vị giáo hoàng đầu tiên gần 600 năm nay tự ý từ nhiệm, đã nhắc lại lời giải thích đã đưa ra trong lời tuyên bố ngày 11 tháng 2. Ngài nói: “Trong những tháng gần đây, tôi cảm thấy sức mạnh của tôi đã giảm đi”. Ngài cầu xin Thiên Chúa giúp ngài thực hiện quyết định này “không phải vì lợi ích riêng của tôi, mà là lợi ích của Giáo Hội”. Ngài cho hay: ngài hoàn toàn ý thức được sự nghiêm trọng và mới mẻ khi quyết định như thế, “nhưng hoàn toàn với một thanh thản sâu xa của nội tâm”.

Người tầm thường

Trên đây là tường thuật ngày 27 tháng 2 của Tờ New York Times. Thực ra, buồn vui của vị giáo hoàng còn ôm lấy cả những người tầm thường, rất tầm thường. Trước nhất, họ là những người “không bao giờ lộ diện, chỉ ở hậu trường, trong im lặng, trong dấn thân hàng ngày, với một tinh thần đức tin và khiêm hạ” trong giáo triều Rôma, họ vốn là “sự nâng đỡ chắc chắn và đáng tin cậy đối với tôi”. Họ cũng là “những người tầm thường” không phải quốc vương, lãnh đạo tôn giáo, lãnh đạo văn hóa thế giới, “đã viết cho tôi một cách đơn thành phát xuất từ trái tim và cho tôi cảm nhận tình âu yếm của họ, một tình âu yếm phát sinh từ việc chúng ta cùng nhau hiện hữu trong Chúa Giêsu Kitô, trong Hội Thánh. Những người này không viết cho tôi như viết cho một ông hoàng hay một nhân vật vĩ đại mà họ không biết. Họ viết như anh chị em, như con cái nam nữ, với một cảm thức của tình gia đình thân ái. Ở đây ta rờ mó thấy điều làm nên Hội Thánh, không phải một tổ chức, không phải một hiệp hội vì mục tiêu tôn giáo hay nhân đạo, nhưng là một cơ thể sống động, một cộng đồng anh chị em trong Nhiệm Thể Chúa Giêsu Kitô, Đấng hợp nhất tất cả chúng ta. Cảm nhận Giáo Hội cách này, cách gần như lấy tay đụng vào sức mạnh chân lý và tình yêu của Người, quả là nguồn hân hoan, vào một thời buổi nhiều người nói đến suy thoái”.

Cảm thức ấy đem lại niềm vui bao la, vì “giáo hoàng quả có anh chị em, có con cái nam nữ khắp thế gian, và ngài cảm thấy an ổn trong vòng hợp thông, vì ngài không còn thuộc mình ngài nữa, mà là thuộc về mọi người và mọi người quả thuộc về ngài”.

Chính vì thế mà ngài tiếp tục “đồng hành với Giáo Hội trên con đường cầu nguyện và suy tư”. Buồn vui, lúc nào cũng “tận hiến cho Chúa và Hiền Thê của Người, điều mà từ trước đến nay tôi luôn cố gắng sống hàng ngày và sẽ sống mãi mãi”.

Những lời ấy đã vang lên lần cuối cùng vào lúc 6 giờ 30 giờ tối ngày 28 tháng hai năm 2013 ở Castel Gandolfo với các cư dân của thị trấn và qua họ tới toàn thể thế giới rằng: “Tôi rất sung sướng được ở với anh chị em. Xin cám ơn tình bạn mà anh chị em dành cho tôi. Hôm nay khác với những ngày khác, vì từ sau 8 giờ tối tôi không còn là Giáo Hoàng Roma nữa, mà chỉ là một người lữ hành bình thường thôi. Nhưng với tất cả sức lực, các suy tư và lời cầu nguyện, tôi vẫn phục vụ Giáo Hội. Chúng ta hãy cùng nhau tiến bước trong niềm tín thác nơi Thiên Chúa và tình yêu của Người. Xin cám ơn anh chị em, và chúc anh chị em một đêm an lành”. Người lữ hành là người mãi mãi sẽ đồng hành cùng anh chị em mình, những người cũng yếu hèn như mình.

 
Mười điều răn cho các ký giả viết về Vatican
Vũ Văn An
00:23 11/04/2013
Mười điều răn cho các ký giả viết về Vatican
Vũ Văn An3/1/2013
________________________________________
Đức Bênêđictô XVI đã chính thức trở thành giáo hoàng hưu trí, hay nguyên giáo hoàng, không hẳn giáo hoàng danh dự như có người gọi. Ngài từ giã ngôi vị trong một thái độ thanh thản đến gây ngạc nhiên. Có người nói đến nỗi buồn vui đời giáo hoàng của ngài, nhưng ngày cuối cùng trong ngôi vị giáo hoàng của ngài được báo chí ghi nhận là thanh thản, và ngài nói đến niềm vui nhiều hơn nỗi buồn. Thực vậy, trong diễn văn sau cùng với hồng y đoàn, những vị sẽ chọn bầu người kế nhiệm mình, Đức Bênêđíctô nói tới niềm vui. Đáp lời từ biệt của Đức Hồng Y Sodano, niên trưởng hồng y đoàn, khi nhắc tới biến cố Emmau, Đức Bênêđíctô cho hay: “quả là một niềm vui khi được sóng bước với anh em trong những năm qua, dưới ánh sáng sự hiện diện của Chúa Phục Sinh”. Và niềm vui này sẽ được ngài trân quí mãi trong “lòng tôn kính và vâng lời vô điều kiện của tôi” đối với một người “trong anh em, trong hồng y đoàn, sẽ là giáo hoàng tương lai”.

Chưa hết, trong sứ điệp cuối cùng gửi lên twitter, vì khuôn khổ 140 nét (characters) không cho phép ngài nói nhiều, Đức Bênêđíctô đã chọn chỉ nói tới niềm vui: “cám ơn các bạn vì tình yêu và nâng đỡ của các bạn. Mong các bạn luôn cảm nhận được niềm vui phát sinh từ việc đặt Chúa Kitô làm tâm điểm đời mình”.

Hiểu được tâm tình của một giáo hoàng hay nói chung hiểu được tâm tư Giáo Hội Công Giáo (sentire cum ecclesia) không đơn giản và một chiều như nhiều người tưởng tượng cho dù đó là những thần học gia “uyên bác” như Hans Kung. Trong một bài viết cho tờ New York Times gần đây, Kung chỉ biết vẽ ra một hình ảnh hết sức buồn thảm về Giáo Hội hiện nay: thiếu linh mục đến thảm họa tại Châu Âu, Châu Mỹ La Tinh và Châu Phi; hàng loạt người tiếp tục rời bỏ Giáo Hội để đi vào cái ông gọi là ‘rời cư nội bộ’, nhất là tại các xứ đã kỹ nghệ hóa; mất lòng kính trọng trông thấy đối với các giám mục và linh mục; tha hóa đặc biệt nơi giới trẻ và thất bại không tích nhập họ vào Giáo Hội. Đối với ông, Giáo Hội sau Đức Bênêđíctô XVI cần một vị giáo hoàng không còn cưỡng bức các giám mục phải rón rén “đi theo đường hướng của phe phản động” trái lại biết áp dụng dân chủ theo mẫu Giáo Hội sơ khai. Kung cảnh cáo rằng: nếu cơ mật viện sắp tới chọn một giáo hoàng đi theo đường cũ, thì Giáo Hội sẽ không bao giờ cảm nhận được mùa xuân mới, trái lại sẽ rơi vào thời kỳ băng giá mới với nguy cơ càng ngày càng trở thành một giáo phái không được ai lưu ý.

Đến những người như Kung mà còn có những “mách nước” như thế cho thời kỳ chuyển tiếp (interregnum) của Giáo Hội, huống hố là những ký giả và bình luận gia thế tục bình thường. Chính vì thế, Elizabeth Lev của ZenitNews đã có bài “Mười Điều Răn Khi Tường Trình Về Vatican”.

1) Ngươi phải bỏ thiên kiến riêng ở ngoài cửa: Người ta thường thấy Al Quaeda được đối xử tôn trọng hơn Đức Bênêđíctô và Giáo Hội Công Giáo nói chung. Bạn có thể bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội về nhiều vấn đề, nhưng bạn đâu có thể để cho nghị trình riêng của bạn xác định ra phóng sự của bạn được. Tường trình về các biến cố thế giới khác, bạn đâu có thể lồng các ý niệm riêng vào đó, thế thì tại sao bạn lại lồng chúng khi tường trình về Giáo Hội Công Giáo? Nếu tập chú của bạn chỉ là kiểm soát sinh đẻ, hôn nhân đồng tính và phá thai và ngôi vị giáo hoàng nên thay đổi giáo huấn ra sao, thì có lẽ bạn nên về nhà cho rồi. Bạn đồng ý hay bất đồng ý đâu có thực sự là vấn đề. Nhiệm vụ của bạn là hiểu và tường trình, cho biết bối cảnh và giúp khán giả hay độc giả cảm nhận được bức tranh lớn hơn. Đức Bênêđíctô XVI lãnh đạo 1.2 tỷ thành viên của Giáo Hội Công Giáo trong 8 năm, thu hút các đám đông hàng triệu người trong các cuộc tụ tập khắp thế giới và đem sứ điệp hy vọng và yêu thương tới những vùng xa xôi nhất của trái đất. Lý lịch của Đức Giáo Hoàng là một lý lịch hết sức ấn tượng, ngài đáng được người ta tôn trọng.

2) Ngươi phải sắm cho mình một cuốn tự điển: Xem ra cái vốn chữ nghĩa của hầu hết các ký giả tường trình về Vatican không chứa đựng được bao nhiêu từ ngữ: tai tiếng, thối nát và lạm dụng tình dục là những từ ngữ tạo thành cái ao rất hẹp và rất tù đọng khiến cho việc cứ tiếp tục rút tỉa từ đó chứng tỏ người ta thật nghèo trí tưởng tượng. Có lần, người ta đã bông đùa rằng tựa đề các cuốn phim đấm đá (action movie) thường chỉ gồm hai chữ lấy từ một danh sách rất hạn chế: Die Hard (khó chết), Maximum Risk (Nguy Cơ Tối Đa), First Blood (Máu Đầu), Raw Deal (Xử Bạo). Thì ở đây, xem ra các đầu đề liên quan đến tin tức Giáo Hội chỉ quanh quẩn lấy từ hoặc danh sách A: tai tiếng tình dục, ấu dâm, ghét phụ nữ hay danh sách B: giáo hoàng, giáo hội, người Công Giáo, các giám mục, các linh mục. Điều này khiến Sylvester Stallone với rất ít vốn liếng chữ nghĩa trông giống như Shakespeare. Những ngôn từ thực sự mô tả được bản chất Giáo Hội Công Giáo mà người ta thỉnh thoảng nên chêm vào không thiếu: cảm thương, tha thứ, tin mừng, cứu chuộc, bác ái, khiêm nhường, phụng sự và chữa lành có thể là một khởi đầu thuận gió xuôi buồm.

3) Ngươi phải lắng nghe: Các nhà báo có tiếng là người biết lắng nghe, nhưng không hiểu sao khi đụng tới Vatican, người nào xem ra cũng ngễnh ngãng một cách có chọn lựa. Khi Đức Giáo Hoàng nói rằng ngài quyết định từ nhiệm sau khi đã cầu nguyện và suy tư vì lợi ích của Giáo Hội, thì phần lớn giới truyền thông đã chỉ nghe như ngài nói đến che đậy, đến bệnh tật chí tử, hoặc đến một ông già đơn thuần bỏ cuộc. Khi ngài nói đến đức tin và lý trí tại Regensburg, nhiều người trong giới truyền thông nghe như “chống Hồi Giáo” nên đâm ra phản ứng chống lại cách giận dữ. Khi Đức Bênêđíctô nói tới áo mưa ngừa thai và đánh thức cảm thức luân lý, nhiều người chỉ nghe việc nhìn nhận liên hệ đồng tính. Giống Dante, Platon hay Lincoln, lời lẽ của Đức Bênêđíctô chỉ rất phong phú khi nào người ta biết lắng nghe.

4) Ngươi phải tường trình, đừng bóp méo: Hàng triệu người không có khả năng đích thân theo dõi các biến cố đó, nhiều người hơn nữa không có cơ hội lựa lọc các đài hay theo dõi hàng ức triệu “blog” để lượm lặt tin tức. Trách nhiệm của những người hiện diện ở đó phải tường trình cách minh bạch và chính xác. Nhiều người rất quan tâm tới những gì thực sự đang diễn ra ở đó, và sẽ rất biết ơn đối với một tường thuật không thiên lệch. Đây là thời điểm khá bất an cho người Công Giáo, với việc đức giáo hoàng từ chức và những đường nước chưa được khám phá ở đàng trước. Nếu một độc giả ở phương trời xa xôi không có phương tiện thông tin đã chọn bạn làm tai mắt cho họ ở Rôma, thì quả là vô trách nhiệm xiết bao nếu bạn chỉ trình bày những lươn lẹo mưu mô thay vì minh bạch rõ ràng. Bạn đừng nói chỉ có vài ngàn người tới tham dự thay vì 150,000 người, và không nên tìm tòi vài người kêu ca giữa hàng ngàn những người thiện tâm chân thành. Hãy tường trình điều đang xẩy ra, hãy chia sẻ tin tốt cũng như tin xấu một cách chính xác, và đừng lạm dụng lòng tin mà độc giả đặt nơi bạn bằng cách cho họ uống độc dược hoài nghi vô căn cứ.

5) Ngươi hãy đem bộ mặt thích đáng lại cho việc mình làm: Điều răn này đặc biệt nhằm các nhá báo Công Giáo là những người tự cho mình là chứng tá của đức tin và chuyên gia trong Giáo Hội. Hành động như những người sẵn sàng chà đạp người khác để nổi bật, để tiến thân không có gì là tốt đẹp cả. Nếu mù quáng vì tiếng tăm mà quên mất rằng mình luôn là chứng tá cho niềm vui và đức bác ái của Chúa Kitô, là ta đã chểnh mảng trong nghĩa vụ căn bản nhất khi đại diện cho Giáo Hội. Đoàn quay phim, những người đưa tin, các phóng viên và mọi người ta gặp trong công việc ta làm với giới truyền thông coi ta như đại diện cho Giáo Hội Công Giáo, và điều này cần được phản ảnh trong mọi việc ta làm. Lên tiếng trước công chúng, với khung vòm Nhà Thờ Thánh Phêrô ở phía sau, ta phải luôn nhớ rằng ta có trách nhiệm đầu tiên và trước hết đối với sự thật, trong cách ta xử sự với các vị trong hàng giáo phẩm, những vị vốn đang cố gắng giúp ta và giúp nhau.

6) Ngươi đừng tìm cách trở thành sao sáng: Cơ mật viện không phải là việc của phóng viên, ở đây không hề có những người tạo ra vua, nếu không phải là Chúa Thánh Thần. Tự quan trọng hóa mình là điều không có chỗ đứng trong một cơ mật viện. Huênh hoang đưa ra nghị trình và ý thích riêng chỉ làm mất thì giờ độc giả hay thính giả và tạo nhiều sức nóng hơn là ánh sáng. Đức Giáo Hoàng mới là sao sáng, dù ngài vẫn nhấn mạnh chỉ có Chúa Kitô mới là sao sáng. Đức Giáo Hoàng mới là lý do tại sao có biến cố được truyền thông lưu ý. Và chính biến cố Đức Bênêđíctô từ nhiệm và một tân giáo hoàng sắp xuất hiện mới là biến cố đem lại công ăn việc làm cho ta, chứ không phải ta tạo ra biến cố ấy.

7) Ngươi đừng lấy tai tiếng đền đáp lòng đại lượng: Thứ Năm tuần trước, người ta thấy hết xe búyt nhỏ này tới xe buýt nhỏ nọ chở các nhà báo tới các dinh thự của Vatican. Họ có dịp được thăm viếng Casa Santa Marta, nơi các hồng y cư ngụ dịp bầu tân giáo hoàng, thậm chí cả nơi Đức GH Bênêđíctô XVI sẽ cư ngụ sau khi từ Castel Gandolfo chuyển vào nội thành Vatican. Họ được vào nhiều nơi hơn phần đông các nhân viên của Vatican khi được giới thiệu cách vận hành của “Vatican kỳ bí” từ khách sạn tới dược phòng và ngân hàng của nó. Nhưng ngày hôm sau, đâu là các hàng tít báo? Không hề có những hàng như “thời đại mới trong mối liên hệ của Vatican với truyền thông”, ngược lại chỉ có những bóng gió và đồn nhảm kiểu “vận động đồng tính” và tống tiền. Được ăn những món sơn hào hải vị trên bàn ăn Vatican, phần đông các ký giả này đã mang gì về cho các độc giả của họ trong các bao đựng đồ ăn cho chó? Phải chăng chỉ là sương sẩu để gặm!

8) Ngươi đừng làm sống lại những từ ngữ lỗi thời: Những chữ như “ly giáo” vừa không thích đáng vừa chẳng giúp ích chi. Ly giáo chỉ việc tách ly ra khỏi Giáo Hội, hậu quả là có hai đầu, một đầu giáo hoàng một đầu người ta thường gọi là ngụy giáo hoàng do cơ mật viện thứ hai, bất hợp lệ bầu ra. Điều này chẳng ăn nhập gì tới những điều đang xẩy ra ở đây. Cứ hoài hoài nhắc tới “cuộc khủng hoảng” lạm dụng tình dục là kiểu nói khác hiện hoàn toàn vô nghĩa. Cuộc khủng hoảng này đã xẩy ra vào năm 2001, hơn 10 năm nay rồi. Từ lúc đó, Giáo Hội đã đưa ra nhiều chỉ dẫn và thanh lọc đến nỗi từ trung bình khoảng 50 vụ một năm trong các thập niên 70 và 80, chỉ còn vào khoảng 7 lời tố cáo vào năm 2010 trong số 39,000 vị linh mục của Hoa Kỳ. Nếu có định chế nào đã cho thế giới biết đã có sự xoay chuyển tình thế, thì đó chính là Giáo Hội Công Giáo. Nói tới khủng hoảng do đó chỉ chứng tỏ là thiếu trung thực.

9) Ngươi không nên áp dụng cái lối “affirmative action” (định ra hạn ngạch) vào Giáo Hội: Giáo Hội là hoàn vũ nhưng không cần phải định ra hạn ngạch (quota). Người Công Giáo có mặt khắp thế giới. Chỉ cần bước vào một Giáo Hoàng Đại Học, bạn sẽ thấy đủ mầu da, ngôn ngữ và văn hóa, đa dạng như mầu vẽ của Raphael. Giáo Hội từng bầu giáo hoàng từ Châu Phi (Milziade 311-314), và từ Châu Á (John V từ Syria 685-686) trước khi tìm ra Châu Mỹ rất lâu. Cho nên ý niệm cho rằng Giáo Hội nên bầu một tân giáo hoàng chỉ căn cứ vào mầu da hay đặc điểm thể lý là điều phi lý và không cần thiết.

10) Ngươi không được quên tuổi hay vẻ đẹp: Giáo Hội từng hiện diện đã lâu và đã chứng kiến nhiều vị giáo hoàng bị bắt, bị thất sủng và bị sát hại, nhiều lần bị xâm lăng, bách hại và hoàn toàn mất lãnh thổ. Giáo Hội cũng đã sống thoát một cuộc cải cách và một cuộc trỗi dậy (Risorgimento) và hiện vẫn còn ở đây. Trước mỗi đại họa, Giáo Hội luôn tạo ra được một điều tốt đẹp bất kể đó là tác phẩm nghệ thuật, một công trình kiến trúc đồ sộ hay cuộc đời vinh hiển của một vị thánh. Nhà Thờ Thánh Phêrô hoàn thành thời cải cách, tượng Pietà hoàn thành trong một triều đại thối nát nhất của thời Phục Hưng, và Thánh Maximilian Kolbe đã nở rộ chính vào thời Diệt Chủng. Giáo Hội biết rằng khó khăn rồi sẽ chấm dứt, nhưng chính vào những thời điểm bị áp lực lớn nhất, những viên kim cương đẹp đẽ nhất của ta đã được gọt dũa nên.

Zenit, 28 tháng 2, 2013.
 
Bộ mặt Giáo Hội sắp tới
Vũ Văn An
00:27 11/04/2013
Bộ mặt Giáo Hội sắp tới
Vũ Văn An3/3/2013
________________________________________
Ở phía Tây Nam Rôma có ngôi nhà thờ nhỏ tên là Santa Maria in Palmis, nhưng tên thông thường được nhiều biết hơn chính là Nhà Thờ Lạy Chúa, Chúa Đi Đâu (Domine Quo Vadis). Tên sau do tương truyền Thánh Phêrô gặp Chúa Kitô trên đường chạy trốn cuộc bách hại tại Rôma. Thánh Phêrô hỏi : “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?”. Chúa trả lời “đi Rôma chịu đóng đinh lần nữa”. Dù nguồn gốc thực sự của tên này ra sao, câu truyện gặp Chúa Kitô của Thánh Phêrô đã trở nên quen thuộc: nó kết thúc với việc đảo ngược kế hoạch ban đầu của người lãnh đạo đoàn tông đồ. Những gì khác đã thuộc về lịch sử.

Nhưng khi Giáo Hội đang chuẩn bị mừng Phục Sinh và việc bầu chọn vị kế nhiệm mới của Thánh Phêrô, câu hỏi xưa kia lại vang lên một cách mạnh mẽ, không phải chỉ riêng đối với ngôi vị giáo hoàng mà còn đối với mọi người chúng ta nữa. Vì vào lúc này, ta không dễ gì biết chắc Giáo Hội sẽ đi về đâu. Điều ta biết chỉ là với việc từ nhiệm của ngài, Đức Bênêđíctô đã tách chức vụ ra khỏi người đảm nhiệm. Ít nhất, ngài cũng đã tạo ra một không gian để ta suy nghĩ, một cơ hội để ta nghe Chúa Kitô hỏi ta: Các Con Đi Đâu? Riêng đối với chúng ta, vấn đề không chỉ là “Ta đang đi về đâu?” mà còn là “Ta muốn đi về đâu?”.

Qua hành động từ nhiệm, Đức Bênêđíctô nhắc ta nhớ rằng người cầm đầu Giáo Hội là Chúa Kitô. Đây không phải là kiểu nói đạo hạnh mà là một hành vi đức tin sâu sắc. Trong thời buổi khó khăn, Giáo Hội rất bị cám dỗ chỉ biết lo lắng tới thành công hay sống sót. Làm như thế, Giáo Hội tự chứng tỏ mình không khác chi bất cứ định chế nhân bản nào khác. Nó đã quên mất nguồn gốc và mầu nhiệm riêng của mình, quên mất cái phép lạ hàng ngày của mình trong sinh hoạt và trong các bí tích, quên mất thực tại của mình như là “vương quốc của Chúa Kitô đang hiện diện trong mầu nhiệm”. Cùng với việc Đức Giáo Hoàng lui vào cuộc cấm phòng Mùa Chay trong cầu nguyện, suy gẫm và im lặng, toàn thể Giáo Hội cũng nên theo gương ngài bằng cách dành thì giờ để Chúa Thánh Thần chuẩn bị ta cho việc bầu cử và tiếp nhận vị kế nhiệm ngài. Đây cũng là thời điểm để ta nhìn nhận và thấu hiểu điều có thể gọi là “nỗi sầu buồn của Giáo Hội”.

Chấp nhận nỗi sầu buồn

Thánh Inhã thành Loyola không phải là người đầu tiên nhận diện sự “sầu buồn” và “an ủi”, nhưng ngài dạy ta dùng chúng như trường học nơi Thiên Chúa dạy dỗ ta. Một trong những cái nhìn thấu suốt của Cuốn Linh Thao không phải là trốn chạy sự sầu buồn mà là quan tâm tới nó. Thiên Chúa hành động ngay cả lúc héo khô, đau đớn và tối tăm. Người thách thức ta bằng chính các nỗi sợ, các kình chống và các mất tự do của ta, đôi khi rất sâu xa và tế vi. Bất kể ta yêu Giáo Hội nồng nàn bao nhiêu, khó mà không cảm thấy ta đang sống trong thời kỳ đầy sầu buồn, ít nhất cũng theo quan điểm Âu Châu và Bắc Mỹ. Nhưng điều đó không làm ta sao lãng những điều tốt đẹp đến ngạc nhiên, những dấn thân và làm chứng can đảm của biết bao “những người Công Giáo tầm thường”, một dấu chỉ Chúa Thánh Thần luôn trung trinh. Thiển nghĩ sau đây là ba sầu buồn đang đè nặng lên Giáo Hội Phương Tây vào lúc này: sự lãnh đạo của hàng giáo phẩm; vết thương lạm dụng; và nỗi tiếc thương. Dĩ nhiên, ba sầu buồn này có liên hệ với nhau.

Lãnh đạo: Dù số tín hữu giảm đi có thể thực sự là do việc thế tục hóa của nền văn hóa, nhưng nó cũng vẫn có thể là triệu chứng sầu buồn bên trong cấu trúc định chế của Giáo Hội. Đây là một sầu buồn tế vi vì người Công Giáo vốn có trực giác hiểu và tôn kính bản chất phẩm trật của Giáo Hội mình. Sự sầu buồn này có lẽ ít liên hệ tới cơ cấu đúng nghĩa cho bằng tới việc thế tục hóa phẩm trật. Vì càng ngày, các giám mục và các linh mục càng thấy mình hành động như những ông tổng giám đốc, với một niềm tự tin lạ lùng trong việc kết án và ra kỷ luật, trong việc thăng tiến bộ lông phụng vụ giật lùi của họ, hơn là sống thực các bí tích cử hành.

Như Công Đồng Vatican II và các vị giáo hoàng liên tiếp từ đó đến nay vẫn dạy, Giáo Hội không phải là một công ty, nhưng là một hiệp thông của Chúa Thánh Thần; kỷ luật của nó không phát sinh từ cưỡng bức, sợ sệt, đe dọa và bách hại, nhưng từ tình yêu của Chúa Kitô, từ sứ mệnh, từ dân và từ chân lý của Người. Tình yêu này có nghĩa lãnh đạo luôn luôn phải có lòng tôn trọng người khác, tôn trọng các đặc sủng và phẩm giá của họ; nó luôn luôn phải khởi đầu bằng việc giả định họ có thiện ý. Xét cho cùng, chỉ có sự lãnh đạo như thế mới là nguồn ơn thánh cho cộng đoàn, mới thu thập được các hồng phúc để phục vụ toàn thể Nhiệm Thể Chúa Kitô và cuộc đấu tranh chống sự ác.

Vết thương lạm dụng: Ta cần nhìn nhận nỗi sầu buồn sâu xa và vết thương trong trái tim Giáo Hội không chỉ do cuộc khủng hoảng lạm dụng gây ra mà còn do cung cách giải quyết cuộc khủng hoảng này nữa. Ta cần phải nhìn nhận rằng không phải các kẻ thù của Giáo Hội đã vạch ra vết thương này, nhưng là Chúa Thánh Thần, Thần Khí sự thật. Cũng chính Chúa Thánh Thần này ban ơn để ta hành động cách liêm chính.

Không thể giải quyết lạm dụng bằng cách tuân theo các thủ tục mà thôi, dù các thủ tục này rất cần thiết. Một diễn trình chỉ có tính pháp chế sẽ không bao giờ thỏa đáng cả. Mưu toan đổ lỗi cho người khác hay cho nền văn hóa buông thả của thế tục không phải chỉ là một hành vi chối tội nguy hiểm; nó là một cái tội chống lại các nạn nhân và chống lại Chúa Thánh Thần, Đấng hằng bào chữa cho họ. Dù có tính bản thân cao độ, lạm dụng có ý nói tới một thất bại định chế và nền văn hóa giáo hội vốn hỗ trợ cho nó. Chỉ với một lòng thống hối sâu xa và khiêm nhường biết khởi đầu và biết ước muốn một hồi tâm bền đỗ trong linh hồn và trong nền văn hóa của Giáo Hội ta mới có được sự chữa lành và canh tân thực sự.

Giáo Hội phải tự đòi lại mình như là thân thể Chúa Kitô, chứ không phải là một loại tổ hợp quốc tế. Ở đây, Giáo Hội phải tự tin chính mình. Giáo Hội cần sử dụng chính các tài nguyên thiêng liêng, bí tích và tưởng tượng của mình; Giáo Hội cần một hồi hướng sâu xa. Chỉ khi nào làm được điều này, Giáo Hội mới thực sự làm chứng cho thế giới, một thế giới đang rất cần một đường lối khác.

Tiếc thương: Ta sống trong một Giáo Hội đang tiếc thương. Hiện đang có cảm thức mất mát một điều gì. Không hẳn chỉ là mất mát mầu nhiệm hay siêu việt, như có người nghĩ, một mất mát rất cần được phục hồi, nhưng còn là mất mát sự thân tình bí tích và sự tôn kính quen thuộc từng lên đặc điểm cho đặc tính “một nhà” đầy tính nhập thể với thiên đàng và trần gian. Đối với một số người, có thể đó là sự mất mát an toàn và vinh quang quá khứ; đối với một số người khác, đó có thể là một tương lai bất thành mà người ta đã thoáng thấy bóng dáng tại Công Đồng Vatican II, những cơ hội để lỡ mất hay những hạt giống không bao giờ đơm bông. Với thế hệ trẻ hơn, đó có thể là một điều họ chưa bao giờ được ban cho nhưng biết là mình đã lỡ hụt.

Tiếc thương có thể sản sinh ra giận dữ đối với những ai ta có cảm tưởng họ lấy mất của ta điều gì. Người ta có thể khám phá ra điều này trong hình thức giận dữ lạ lùng đang lên dấu ấn cho Giáo Hội Phương Tây vào lúc này. Ta thấy nó trong những tranh luận nội bộ giữa nhiều trường phái khác nhau, trường phái nào cũng cho là mình có câu trả lời cho các vấn đề của chúng ta, nhưng nó được đặc biệt nhắm vào việc đối kháng nền văn hóa thế tục, như thể chính thế giới thế tục đã phản bội Giáo Hội và cướp mất sứ mệnh của Giáo Hội. Giận dữ khiến ta không còn nhìn thấy điều tốt nơi người khác; nó khiến ta không nhận ra sự thiện lớn lao và những ý nguyện cao thượng của nền văn hóa hiện nay, không nghe thấy những khát vọng sâu xa hơn, không nhìn nhận những nỗi sợ sệt và những lắng lo xao xuyến thẳm sâu của nó, và không nhìn nhận cuộc tìm kiếm riêng của nó. Chỉ có sự giận dữ đối với việc mất mát và hạ giá thánh thiêng sự sống nhân bản, đối với việc áp bức người nghèo, đối với việc hủy diệt sáng thế và làm ngơ đau khổ mới phục vụ Tin Mừng của Chúa Kitô.

Giây phút quyết định trong cuộc hồi hướng của Thánh Augustinô là khi ngài nhớ lại lời các thiên thần nói ở ngôi mộ trống: “tại sao các chị lại đi kiếm người sống giữa những người chết?” Một Giáo Hội sống nhờ phục sinh không cần phải khóc thương tiếc nhớ; nó cần bước theo Chúa phục sinh với một đức tin hân hoan, thanh thản và không thể lay chuyển, dọc những nẻo đường vô danh của lịch sử. Nó mang theo mình lời công bố của Phục Sinh: “mọi thời gian đều thuộc về Người”. Bất chấp thời đại có đen tối bao nhiêu, Giáo Hội cũng không thể bước lui; Giáo Hội không bao giờ được đánh mất những con mắt Phục Sinh của mình: với chúng, Giáo Hội nhìn thấy cái sung mãn của sự sống ơn thánh ngay nơi hoang địa.

Một mẫn cảm mới

Nếu có thể dừng lại và dành ra chút thời gian, ta sẽ thấy: những nghi thức tẩm liệm do truyền thông thế tục (và một vài tiếng nói nội bộ) cử hành chỉ liên hệ tới các bệnh hoạn riêng của họ chứ không phải của thực tại trong Giáo Hội ta. Giáo Hội ta vẫn đang sống và sự sống đang đến một cách vừa quen thuộc vừa mới mẻ; một mẫn cảm thiêng liêng và đạo đức mới đang thành hình. Sự mẫn cảm này không sợ phải rút tỉa từ những giếng sâu lòng đạo đức cổ truyền của Giáo Hội để khám phá ra các hình thức mới mẻ. Nhiều người, cả đi nhà thờ lẫn không đi nhà thờ, cả già lẫn trẻ, ước ao da diết có được một đời sống và một quan điểm có tính bí tích, một quan điểm Công Giáo, có thể chữa lành các tha hóa sâu xa đang thống trị cuộc sống hậu hiện đại của ta, một quan điểm tạo ý nghĩa cho việc ta là ai, mục đích của ta là gì và đâu là trách nhiệm của ta đối với việc trân quí thế giới mà Thiên Chúa đã ban cho ta. Những người này thấy mình ở trong Giáo Hội giống như ở trong nhà mình; họ chờ mong Giáo Hội tái khám ra sự tự do cũng như khả năng sáng tạo (generativity) của mình trước thế giới thế tục. Cả thế giới thế tục cũng chờ mong một Giáo Hội mà họ có thể tin được cho dù họ không muốn bước vào.

Thoát ra được chủ nghĩa qui Âu Châu hay qui Mỹ Châu, thoát ra được các nỗi sợ sệt và sầu buồn của mình, ta mới có thể nhận ra Chúa Thánh Thần đang chuẩn bị tương lai cho ta. Ta sẽ bắt đầu từ đâu? Một lần nữa, câu hỏi “Lạy Chúa, Chúa đi đâu?” không phải là điểm xấu để bắt đầu. Chúa Kitô quả đang trên đường trở lại Rôma.

Tòa Phêrô: Ngôi vị giáo hoàng là hồng ân Chúa ban cho Giáo Hội, nhưng nó cần tiếp tục biến đổi nếu muốn thể hiện trọn vẹn sức phục vụ của nó. Nó từng bị giam hãm trong một giáo hội học cực kỳ bảo thủ (ultramontane) và một thứ thi hành quyền bính gần như thế tục, quân chủ. Dù ở cực thịnh, nó hết sức hữu hiệu và mang tính tiên tri, nhưng nó cũng có thể làm nghèo sự sống của Giáo Hội. Mọi vị giáo hoàng từ Công Đồng Vatican II đến nay đều ý thức được nhu cầu phải khai triển một nền thần học trọn vẹn hơn về ngôi vị giáo hoàng. Cả Đức Phaolô VI lẫn Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô đều đã giúp ta “xì hơi” tính kỳ bí (mystique) của nó. Riêng Đức Gioan Phaolô II, dù cho thấy quyền lực phi thường, đôi khi có tính tiên tri của nó, đã không sợ dẫn khởi một suy tư thần học về nó. Việc này cần được tiếp tục. Với việc này, cần có cuộc cải tổ Giáo Triều Rôma, không hẳn về phương diện cơ cấu, nhưng về triết lý sống (ethos). Nó cần bớt chiều kích cai trị để đặt nặng chiều kích phục vụ. Tính phụ trợ (subsidiarity) không phải chỉ là một nguyên tắc quan trọng đối với mối liên hệ giữa các cơ cấu thế tục; nó cũng là một nguyên tắc quan trọng đối với Giáo Hội nữa. Như Đức Piô XII từng nhận định, bất chấp bản chất phẩm trật của Giáo Hội, nguyên tắc này vẫn có thể áp dụng vào sinh hoạt của Giáo Hội. Thực vậy, nó từng có mặt ngay từ buổi ban đầu, như Thánh Phaolô đã chứng tỏ. Chức vụ của Thánh Phêrô cần duy trì một nền thần học nghiêm chỉnh và lâu bền về hợp đoàn tính (collegiality), được diễn dịch thành thực hành hữu hiệu và tìm được biểu thức rõ ràng trong giáo luật. Công Đồng đã đặt được các nền móng, nhưng toàn bộ tòa nhà thì còn lâu mới hoàn tất.

Tính hợp đoàn: Cần phải đem lại cho tính hợp đoàn các cơ cấu hữu hiệu trong đời sống giáo hội địa phương. Chỉ bằng cách này, ta mới thể hiện trọn vẹn ơn phúc của cơ cấu phẩm trật trong Giáo Hội và khả năng của nó trong việc cung cấp lãnh đạo cho các nền văn hóa quốc gia và địa phương. Đức GH Gioan Phaolô II nói tới “nền linh đạo hiệp thông” cũng như sự canh tân và hồi hướng của việc sử dụng sức mạnh của nó để phục vụ. Điều này nếu không xẩy ra, thì uy quyền chỉ mỗi ngày một giảm trong Giáo Hội mà thôi.

Với việc triển khai tính hợp đoàn, ta cần chú ý tới ơn phúc và đặc sủng của những vị được bổ nhiệm làm giám mục. Các vị phải là những người đem lại sự lãnh đạo có ý nghĩa và có tính sáng tạo và điều này hàm nghĩa: các ngài cần biết sử dụng mọi ơn phúc của dân Chúa. Các ngài cần có khả năng giúp cộng đoàn bám chặt lấy sứ mệnh chính của họ là làm chứng cho Tin Mừng của Chúa Kitô, hơn là để họ rơi vào chia rẽ và tranh cãi những chuyện không cốt yếu hay giá trị bị cường điệu hóa của nó.

Trên bình diện quốc tế, quốc gia và địa phương, Giáo Hội cần phải mỗi ngày một hiểu hơn cách thế làm sao tăng cường và nuôi dưỡng được đời sống nội tâm của mình trong khi vẫn thoả mãn được các đòi hỏi của nền văn hóa thế tục. Điều này hiển nhiên đòi phải có sự trong sáng và tinh thần trách nhiệm nhiều hơn, được phản ảnh trong triết lý hành động và luật lệ của Giáo Hội. Trên hết, giám mục không nên chứng tỏ mình là nhà quản trị kiểu tổng giám đốc cho bằng là nhà lãnh đạo tinh thần và mục vụ biết chăm lo. Thực ra ơn phúc quản trị vốn đã có trong cộng đoàn rồi, nhất là nơi hàng ngũ giáo dân, nên giám mục không nên ngần ngại sử dụng các tài năng đó một cách trọn vẹn, coi chúng như là thành phần trong thừa tác vụ của mình. Ngài phải có một cái hiểu sâu sắc và cảm thương đối với các linh mục và giáo dân của mình, những vật lộn và các hoàn cảnh sống của họ, nuôi dưỡng họ bằng ánh sáng Chúa Kitô và sự an ủi mãi mãi có tính sáng tạo của Chúa Thánh Thần.

Thực thế, ngài cần chứng tỏ tình yêu trên đối với mọi người trong giáo phận, sẵn sàng không những để kêu gọi họ vươn tới sự thật của Chúa Kitô, mà còn bênh đỡ họ khỏi mọi lực lượng đang làm họ thiệt hại hay đang áp bức họ. Trên hết, nhất là trong bối cảnh văn hóa hiện nay, ngài cần là người dám lên tiếng một cách bình thường về Thiên Chúa và mọi sự việc của Người.

Nền thần học: Chắc chắn nay đã đến lúc để lại phía sau cái thứ tranh cãi sai lầm và vô bổ về Công Đồng Vatican II và nền giải thích liên tục hay gián đoạn về nó. Hiện nay, ta đang ở thời điểm của một cuộc sở dụng (appropriation) công đồng như mới, mà các kho tàng của nó ta mới chỉ khởi đầu khám phá. Xét về cả vấn đề giải thích cũng như thực hành, một phần của vấn đề nằm ở chỗ nền thần học sau Vatican II đã không theo kịp các cái nhìn thấu suốt của Công Đồng. Đôi khi Công Đồng thoáng nhìn ra một sự thật nhưng lại thiếu một nền thần học để khai triển nó hoặc để thăm dò các hệ quả của nó. Từ thời Công Đồng, xem ra sinh khí và tính sáng tạo thần học trong Giáo Hội đã giảm đi. Nhu cầu này cần được tái tạo, và cả tính Giáo Hội trong thần học nữa.

Chuyện quá thông thường ngày nay là vì “rời cư” tới đại học, thần học đã đánh mất cảm thức phục vụ của mình, không những đối với học thuật mà còn đối với Giáo Hội và sứ mệnh của Giáo Hội nữa. Nó cần lấy lại sự tự do và quyền hợp pháp riêng của nó ngay trong khuôn viên, mà không phải hy sinh các thể tài của nó cho các vị thần của lý trí thế tục. Thần học không được để mình quên rằng chỉ trong phục vụ mầu nhiệm Chúa Kitô và Giáo Hội của Người, nó mới tránh được sự rỗng tuếch kia.

Ta cần khám phá hay khám phá lại mối liên hệ mới giữa các đặc sủng của thần học và các đặc sủng của huấn quyền, cả của địa phương lẫn của Rôma. Trước nhất, cần có một nền thần học rõ ràng hơn và hữu hiệu hơn về sensus fidelium (cảm thức đức tin). Nó vốn không phải chỉ là việc thụ động tán thành chân lý Kitô Giáo nhưng còn là sự khôn ngoan tích cực biểu lộ qua việc sống và làm chứng cho chân lý ấy nữa. Không thế, Giáo Hội sẽ không bao giờ có được một nền thần học trưởng thành về hàng ngũ giáo dân hay thể hiện được trọn vẹn sự hữu hiệu nơi huấn quyền của mình. Nếu Giáo Hội không tín nhiệm thần học, không tin tưởng sứ mệnh và các rủi ro của nó, thì thần học sẽ thất bại trong trách vụ tin mừng của nó. Nó sẽ không còn nắm được các ý niệm của nền văn hóa hiện sống nữa. Trước các nền văn hóa này, nó sẽ trở thành i-tờ-rít khiến không ai hiểu nổi, vì không nắm đủ phương tiện cần thiết để nói tới những vấn đề phức tạp của thời đại với cái nhìn thấu suốt, với lý lẽ, nhân tính, sự hiểu biết và sự thật.

Thoáng nhìn Giáo Hội tương lai

Thọat nhìn, những điều trên xem ra chỉ là những quan tâm nội bộ, nhưng nếu không có chúng, các ơn phúc mà Chúa Kitô và Chúa Thánh Thần ban cho toàn bộ cộng đoàn sẽ luôn luôn vô hiệu quả. Xuyên suốt Công Đồng Vatican II là viễn kiến về một Giáo Hội cơỉ mở, biết chú ý tới những phương cách trong đó Chúa Thánh Thần hành động trong mọi khía cạnh của cố gắng con người, trong mọi truyền thống chính trị, văn hóa và tôn giáo của nó. Ở tâm điểm viễn kiến ấy của Công Đồng là một giáo hội sinh động nhưng đơn giản hơn, biết sống thực mầu nhiệm Ba Ngôi. Sự lạ lùng trong đời sống bí tích đã đổi mới Giáo Hội này và làm nó bớt tính định chế đi và tăng tính huyền nhiệm quen thuộc của nó nơi sự hiện diện, nơi những con người và nơi sự hiệp thông. Đây là một giáo hội nơi sự hiệp thông được biểu lộ không phải qua việc rút lui khỏi đau khổ, khỏi bạo lực và bất công vốn là đặc điểm của thế giới, mà qua tình liên đới yêu thương sâu xa với thế giới này; một sự hiệp thông trong yêu đương, chủ yếu nhằm phục vụ người nghèo, người yếu đuối, người bị bỏ quên và bỏ rơi. Ở đây, chủ nghĩa qui Âu Mỹ trong Giáo Hội phải nhường chỗ cho một giáo hội đang xuất hiện tại thế giới đang phát triển, tức thế giới, vào cuối triều đại giáo hoàng sắp tới, sẽ bao gồm đa số các chi thể của Giáo Hội.

Giáo Hội phải dành tiếng nói để họ nói lên các quan tâm của họ, những quan tâm thường khá khác biệt so với các quan tâm của Phương Tây thế tục. Giáo Hội cần lên tiếng phản kháng bóc lột để bảo vệ các quyền kinh tế và xã hội, nhất là các quyền căn bản liên quan tới sự sống con người, tới quyền của phụ nữ và trẻ em. Nay đã tới lúc Giáo Hội phải khám phá ra giọng nói tiên tri của mình nhân danh thế giới đang phát triển, nhất là các viễn kiến về công bằng môi sinh và việc chăm sóc các tài nguyên tự nhiên mà mọi thành viên của gia đình nhân loại được quyền vui hưởng và trân quí lúc này và trong tương lai như các hồng phúc của Thiên Chúa Hóa Công. Giáo Hội này không sợ thế giới; cũng không sợ phải nghèo trước thế giới, vì biết mình không cần quyền lực thế gian để hoàn thành các mục tiêu của mình. Nó sẵn sàng hiến mình cho phục vụ, dù được nhìn nhận hay không; nó không bận tâm tới chính mình hay sự sống còn của mình, nhưng lấy nhu cầu và tương lai nhân loại làm trách vụ riêng.

Đây là một giáo hội theo chân Chúa Kitô nhập thể và phục sinh đi vào mọi chiều sâu của lịch sử và những khoảng trống trong trái tim con người, và luôn luôn với một trái tim đầy yêu thương. Sống bằng chân lý của Chúa Kitô, giáo hội này hiểu thấu và trân quí hồng ân tối cao của sự sống nơi mọi con người nam nữ, bất kể nòi giống, tôn giáo, địa vị, bậc sống. Nó hân hoan trong mọi cơ cấu, bất kể là nhân bản hay thánh thiêng, miễn là chịu để cho sự sống, mọi sự sống, có dịp nở rộ. Khi sống như thế, Giáo Hội đã sống đời sống bí tích của mình cách sâu xa nhất, được ban phát miễn phí hay không cần hợp đồng cho một thế giới mà linh hồn đang từ từ chết khát. Một giáo hội như thế sẽ giảng dạy các giáo huấn và giới răn Tin Mừng một cách đầy thế giá. Các giáo huấn và giới răn ấy thực ra chỉ là chia sẻ các tài nguyên của sáng thế ra sao, sống đơn giản hơn về vật chất và phong phú hơn về tâm linh ra sao trong liên đới với mọi người nam nữ, biết tôn kính thân xác riêng của ta và thân xác người khác như thế nào, biết bác bỏ ra sao mọi phương cách nhằm phương tiện hóa và thú vật hóa sáng thế và lẫn nhau.

Công Đồng hiểu rõ chỉ có thứ giáo hội biết sống thực tính tự hủy (kenosis) của tình yêu và nỗi hân hoan của tự hiến mới có thể thể hiện được viễn kiến trên. Đối với một giáo hội như thế, thế tục hóa không còn là một đe dọa mà là một kêu mời. Đó không phải là một giáo hội ảo tưởng hay một giáo hội sống trong một nền đạo đức nhân đạo đầy viễn mơ.

Theo chân Chúa Kitô chịu đóng đinh, giáo hội như trên không thể đánh giá thấp thực tại của thế giới đang bị thương tổn của ta, nhưng nó không sợ chịu đau khổ vì và với thế giới; sống với mọi thực tại thảm thương của tội lỗi, nhưng hiểu sự chiến thắng âm thầm hơn của hy vọng, của yêu thương và ơn thánh, chấp nhận “lao công và làm việc” trong vườn nho Chúa cho tới lúc Người đến. Trên hết, hình thức giáo hội mà Công Đồng thoáng nhận ra là một giáo hội biết rõ rằng dù cả trong thời điểm thế giới thế tục công khai bác bỏ Thiên Chúa, và mặc nhiên làm ngơ Người, Người vẫn luôn hiện diện.

Cần một giáo hội khiêm nhường, tự do, huyền nhiệm mới nhìn ra điều trên, mới bước vào cả bóng đêm nơi Thiên Chúa dấu mặt hoặc bị vứt bỏ. Bước được cái bước vừa kể, trong cả các Thứ Bẩy Tuần Thánh của thế giới thế tục, giáo hội ấy mới tìm ra Người ở nơi bất ngờ nhất; giáo hội này sẽ khám phá thấy: nhiều người vẫn còn mang tên Người và nghe tiếng Người. Họ đang chờ đợi quá lâu để Giáo Hội tìm ra họ.

Ước mong sao trong lúc Giáo Hội đang bầu chọn vị giáo hoàng mới, ta sẽ không sợ phải yêu Giáo Hội này, yêu nó như nó hiện là, như nó muốn nó là và như Thiên Chúa muốn nó là. Ước mong sao ta thoáng nhìn ra sự cao cả của trái tim và sứ mệnh của Giáo Hội.

Theo James Hanvey, S.J., hiện giữ ghế Giáo Sư Lo Schiavo về tư tưởng xã hội Công Giáo tại ĐH San Francisco (tạp chí America, 28-2-2013).
 
Chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An
00:30 11/04/2013
Chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI
Vũ Văn An3/5/2013
________________________________________
Bất kể nhận định ngược xuôi thế nào về vị giáo hoàng hưu trí, không ai không nhận ngài là vị giáo hoàng chữ nghĩa, chứng tỏ rõ ràng nhất qua các thông điệp, qua vai trò thần học gia, qua bộ sách ba cuốn về Chúa Giêsu và qua các sứ điệp lúc đọc kinh Truyền Tin của ngài.

Thiên Chúa của tình yêu và bác học

Linh mục Drew Christiansen S.J., cựu chủ bút Tạp Chí America, cho rằng hầu hết các bức chân dung về Đức Bênêđíctô XVI đều nhấn mạnh ngài là một học giả. Ai đã đọc các thông điệp của ngài chắc chắn phải đồng ý như thế. Chúng đầy những trích dẫn từ các giáo phụ và tiến sĩ Giáo Hội. Nhưng không như tuyên bố của các vị giáo hoàng hiện đại khác, các thông điệp của Đức Bênêđíctô XVI còn đầy những trích dẫn của các tác giả thế tục, cổ thời cũng như hiện đại, như Plato, Cicero, Nietzsche, Marx và Dostoevsky. Ngài sử dụng truyền thống trí thức và nghệ thuật của Phương Tây để chuyên chở viễn kiến đức tin của ngài cho cả Giáo Hội lẫn thế giới.

Trước tác của Đức Bênêđíctô thiếu những câu để đời của Đức Phaolô VI, như “phát triển là tên mới của hòa bình” và “văn minh tình thương”, cũng như thiếu cái viễn kiến địa chính trị (geopolitical) vĩ đại của Đức Gioan Phaolô II với những lời lẽ đã gây hứng cho cuộc cách mạng tại Trung Âu. Điều được ngài trình bày là một cái hiểu hết sức tổng nhập về đức tin và đời sống Kitô Giáo, bằng một lối văn rõ ràng và chính xác, phát xuất từ trái tim. Tuy nhiên, giáo huấn xã hội của ngài quả là đổi mới, thậm chí triệt để nữa trong các đề nghị của nó.

Thông điệp đầu tiên, “Thiên Chúa Là Tình Yêu” mô tả mầu nhiệm tình yêu Thiên Chúa giữa lòng cuộc sống Kitô hữu. Vào chính thời điểm các nhà tân vô thần xem ra thắng thế, ngài quyết định viết về tình yêu, vốn là tâm điểm của viễn kiến Kitô Giáo. Ngài cho rằng tình yêu nhân bản, nhất là kết hợp tính dục, dự ứng trước sự trường sinh bất tử, một cần thiết cho việc hiến mình và ước nguyện toàn thành trong Thiên Chúa. Ngài định nghĩa cuộc sống làm môn đệ như là việc “hiệp thông” với Chúa Kitô và trong Chúa Kitô với mọi Kitô hữu, và quả quyết sự hợp nhất có tính yếu tính giữa tình yêu Thiên Chúa và tình yêu tha nhân.

Phần thứ hai của thông điệp giải thích rằng việc Giáo Hội phục vụ bác ái, trong đó có công trình tranh đấu cho công lý, cùng với việc công bố Tin Mừng và cử hành phụng vụ chính là tâm điểm của đời sống Giáo Hội. Ấy thế nhưng các cảnh giác của ngài về cung cách tiến hành các việc bác ái do Giáo Hội Công Giáo bảo trợ khiến người ta lo âu đối với viễn ảnh tập quyền không cần thiết của Vatican. Tháng giêng năm 2012, các lo âu này càng gia tăng khi Vatican đưa ra các luật lệ liên quan tới trách nhiệm của các giám mục đối với các cơ quan bác ái dưới quyền các ngài và đặt các cơ quan có tính quốc tế dưới sự giám sát của Giáo Triều.

“Spes Salvi”, thông điệp thứ hai của Đức Bênêđíctô, là thông điệp hơi khó đọc nhưng rất có giá trị về phương diện mục vụ. Thông điệp khởi đầu với một suy niệm về đoạn văn “Đức tin là bản chất của những điều ta hy vọng” (Dt 11:1). Sau luận chứng dài chống lại chủ đề “Đấng Thiên Chúa thất bại”, tức cái huyền thoại tiến bộ vật chất, đặc biệt được lý thuyết Mácxít của thế kỷ 19 và 20 truyền bá, ngài trở về với kinh nghiệm bản thân để suy tư về các niềm hy vọng đang nở rộ của một đời người. Ngài cho rằng con người cần cả “niềm hy vọng lớn” nơi Thiên Chúa lẫn “các niềm hy vọng nhỏ” vốn đi theo chu kỳ sống của họ. Hơn nữa, mỗi thế hệ đều được mời gọi đóng góp cho sự tiến bộ của nhân loại. Tuy nhiên, niềm hy vọng tối hậu của ta chỉ được thể hiện nơi Chúa Kitô: trong Người, ta được chia sẻ tình yêu vô điều kiện của Thiên Chúa.

Phần ba cuối cùng của “Spes Salvi”, chiếm tới một phần ba văn kiện, được dành để nói tới việc thực hành đức hy vọng. Trọn phần này đáng ta kính cẩn xem sét, nhất là trong Mùa Chay. Tiết cuối cùng về phán xét chung rất đáng lưu ý vì đã có một giọng rất nâng cao tâm hồn khi đề cập tới một đề tài bình thường rất đau buồn: “Cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô là hành động phán xét dứt khoát. Trước cái nhìn của Người, mọi giả dối đều tan biến”.

“Caritas in Veritate” là thông điệp xã hội đầu tiên và đầy đủ của Đức Bênêđíctô XVI. Soạn giữa lúc thế giới gặp khủng hoảng tài chánh và tiếp sau việc hoàn cầu hóa nhanh chóng, thông điệp năm 2009 này kêu gọi phải có một thẩm quyền để điều hòa các giao dịch tài chánh quốc tế cũng như một cơ cấu quản trị có tính hoàn cầu nhiều hơn. Nó cũng kêu gọi phải có một nền kinh tế đặt căn bản trên lòng tin (trust) cũng như phải có những mô thức kinh tế mới, phối hợp được động lực kiếm lời với việc đóng góp cho ích chung. Để trả lời các hiểu lầm do “Deus Caritas Est” gây ra, ngài cho hay phải coi các cải cách cơ cấu như một thứ “bác ái chính trị”, một thứ bác ái không thua gì thứ bác ái trực tiếp phục vụ tha nhân.

Các thông điệp của Đức Bênêđíctô không dễ đọc, nhưng độc giả nào chịu tỉ mỉ nghiên cứu, sẽ thấy chúng rất bổ ích. Đôi lúc, nền thần học của ngài có tiềm năng gợi hứng rất lớn. Nền thần học ấy thực ra ôn hòa hơn là các nhà phê bình của ngài thường nghĩ. Và nhiều điểm trong giáo huấn xã hội của ngài hoàn toàn có tính cấp tiến.

Một vị giáo hoàng nhân bản Kitô Giáo

Theo tiến sĩ Tracey Rowland, khoa trưởng Học Viện Gioan Phaolô II tại Melbourne về Hôn Nhân và Gia Đình, và là thành viên của ban biên tập Tạp Chí Communio do Đức HY Ratzinger đồng sáng lập, Đức HY Joseph Ratzinger có lần cho rằng ngài mang nợ rất nhiều đối với Henri de Lubac và Hans Urs von Balthasar, coi họ như những cố vấn trí thức. Khi còn là chủng sinh, ngài thấy việc đọc cuốn Catholicism của Lubac không những giúp ngài nối kết một cách mới mẻ và sâu sắc hơn với tư duy của các giáo phụ mà còn là một “phương cách mới mẻ nhìn vào thần học và đức tin đúng nghĩa”. Ngài cũng thấy một cái hiểu mới mẻ về sự hợp nhất giữa Giáo Hội và Thánh Thể trong cuốn Corpus Mysticum của Lubac, và điều này giúp ngài đào sâu tâm thức của Thánh Augustinô. Giáo hội học và nhân học qui Kitô của Lubac đã ảnh hưởng mạnh tới các thông điệp thứ hai và thứ ba của ngài, tức các thông điệp “Spe Salvi” và “Caritas in Veritate,”. Còn việc ngài đặc biệt nhấn mạnh như Balthasar tới cái đẹp siêu việt đã xuất hiện trong nhiều ấn phẩm của ngài đến nỗi trong tương lai, chắc chắn ngài sẽ được tưởng niệm như là vị giáo hoàng của đầu thế kỷ 21 quyết liệt chống lại chủ nghĩa phàm tục hóa phụng vụ (liturgical philistines).

Cùng với Lubac và Balthasar, một cố vấn chủ yếu khác của Ratzinger là Romano Guardini. Karl Rahner mô tả Guardini là “nhà nhân bản học Kitô Giáo đã dẫn người Công Giáo Đức ra khỏi khu biệt cư trí thức và văn hóa để bước vào hế giới hiện đại”. Theo Ratzinger, nhờ Guardini, ngài hiểu rằng yếu tính của Kitô Giáo “không phải là một ý niệm, hay một hệ thống tư tưởng, cũng không phải là một kế hoạch hành động. Yếu tính đó là một ngôi vị, đó chính là Chúa Giêsu Kitô”. Nguyên tắc này đã được cô đọng trong “Dei Verbum” hiến chế năm 1965 của Vatican II mà chính Ratzinger đã góp phần soạn thảo. Nó cũng tạo nên chủ đề chính trong thông điệp đầu tiên của ngài, tức “Deus Caritas Est”. Thần học phụng vụ của Guardini cũng được đem vào tông huấn năm 2007 “Sacramentum Caritatis”. Còn lối giải thích Thánh Kinh của Guardini thì được lồng vào tông huấn “Verbum Domini” năm 2010. Theo Ratzinger, Guardini nhìn nhận rằng “phụng vụ là môi trường đích thực và sống động của Thánh Kinh và ta chỉ có thể hiểu được Thánh Kinh trong bối cảnh sống động mà từ đó nó đã xuất hiện. Không được nhìn các bản văn Thánh Kinh, tức cuốn sách vĩ đại của Chúa Kitô, như những sản phẩm văn học của một số luật sĩ nào đó làm việc tại bàn giấy, mà đúng hơn chúng là lời lẽ của chính Chúa Kitô được nói lên trong lúc cử hành Thánh Lễ”.

Còn về quan tâm đối với các nhân đức đối thần tin, cậy, mến, thì Đức Bênêđíctô chịu ảnh hưởng triết lý của Josef Pieper (1904-1997). Ngài vốn thừa nhận rằng các trước tác của ngài về các nhân đức đối thần chính là các cố gắng đem triết lý thâm sâu của Pieper vào lãnh vực thần học. Tác phẩm viết trước khi làm giáo hoàng của ngài The Yes of Jesus Christ: Spiritual Exercises in Faith, Hope and Love là để kính tặng Pieper nhân sinh nhật thứ 85 của ông. Chính Pieper là người đầu tiên đã giúp hai tổng giám mục Krakow và Munich-Freising gặp gỡ nhau.

Trong các văn kiện huấn quyền của Đức Bênêđíctô XVI, ta ít tìm thấy các tuyên bố tín lý đáng kể, mà đúng hơn là một tổng hợp hùng hồn các cái nhìn thấu suốt, rút tỉa từ 2 ngàn năm bác học Công Giáo, nhằm mục đích dõi sáng cho căn bệnh tâm linh đương thời. Ta thấy nơi Đức Bênêđíctô XVI cả ảnh hưởng Inhã của Lubac và Balthasar, ảnh hưởng trường phái Tôma của Pieper, ảnh hưởng qui Kitô nơi Thánh Bonaventura của Guardini, ảnh hưởng mẫn cảm phụng vụ của Dòng Bênêđíctô, lẫn lòng sùng kính Đức Mẹ của vùng Bavaria và nay cuộc gặp gỡ với nền linh đạo hoang địa của Dòng Cát Minh, thật gần gũi với Đức Gioan Phaolô II.

Dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI, Giáo Hội rất diễm phúc có được người con của vùng Bavaria. Người con này, dọc cuộc sống luôn cố gắng gặp gỡ và làm quen với những tâm trí vĩ đại nhất trong Giáo Hội thời ngài, đã dùng các kho báu trí thức và văn hóa của Giáo Hội để phục vụ chủ nghĩa nhân bản Kitô Giáo.

Chúa Giêsu của một vị giáo hoàng

Linh mục Daniel J. Harrington, S.J., giáo sư và chủ tịch Khoa Nghiên Cứu Thánh Kinh tại Trường Thần Học Weston của Dòng Tên, cho hay: các sách của Đức Bênêđíctô XVI viết về Chúa Giêsu khẳng nhận cả các nguyên tắc trong hiến chế “Dei Verbum” của Công Đồng Vatican II lẫn sự thách thức đối với các học giả thánh kinh và các nhà thần học ngày nay. Cuốn thứ nhất đề cập tới các biến cố trong các Tin Mừng, từ lúc Chúa Giêsu chịu phép rửa cho tới lúc Người hiển dung. Cuốn thứ hai tập chú vào các biến cố Tuần Thánh. Cuốn thứ ba đề cập tới các trình thuật tuổi thơ trong các Tin Mừng. Chưa bao giờ một vị giáo hoàng đang cai trị lại viết những cuốn sách như thế cho quảng đại quần chúng và hoan nghênh các lời phê phán đối với chúng.

Hồi còn trẻ, Joseph Ratzinger đã viết phần chính cho “Dei Verbum”, văn kiện của công đồng năm 1965 về mạc khải thánh, và suốt nhiều năm sau đó, đã tiếp tục quan tâm tới mối liên hệ giữa Thánh Kinh và thần học. Ngài chủ tọa các phiên họp của Ủy Ban Giáo Hoàng về Thánh Kinh. Năm 1993, Ủy ban này đã cho công bố văn kiện “Giải Thích Thánh Kinh trong Giáo Hội”. Năm 2010, theo yêu cầu của Thượng Hội Đồng năm 2008 về Thánh Kinh trong đời sống và sứ mệnh Giáo Hội, ngài cho công bố tông huấn “Verbum Domini”. Đây là một tóm lược đầy đủ các giáo huấn gần đây của Giáo Hội Công Giáo về Thánh Kinh và cách giải thích nó. Phần quan trọng trong gia sản làm thần học gia và làm giáo hoàng của ngài là cố gắng minh xác và khích lệ việc nghiên cứu Thánh Kinh và các áp dụng mục vụ của nó.

Có thể coi văn thể trong các cuốn sách của Đức Giáo Hoàng về Chúa Giêsu là chú giải thần học. Ngài tiếp cận Tin Mừng không chỉ như lời lẽ của các tác giả nhân bản mà hơn hết còn là lời lẽ của Thiên Chúa nữa. Ngài thường dùng các phương pháp và thành quả của khoa phê bình lịch sử mà ngài lặp đi lặp lại nhiều lần là “không thể thiếu được”. Tuy nhiên, ngài cũng đồng thời nhấn mạnh rằng chỉ xác định ý nghĩa của bản văn trong ngữ cảnh nguyên thủy của nó mà thôi không đủ. Do đó, ngài đặt nặng tầm quan trọng của việc hiểu các bản văn Thánh Kinh về phương diện tâm linh hay thần học. Khi theo đuổi chương trình chú giải thần học, ngài kết hợp việc chú giải Tin Mừng theo lịch sử với các tiền lệ trong Cựu Ước, các tầm nhìn thấu suốt về thần học của giáo phụ, các quan tâm thần học thời cận đại, các thực hành phụng vụ và cảm nghiệm đương thời.

Ngay ở đầu cuốn thứ nhất, Đức Giáo Hoàng xác định rõ các nguyên tắc giải thích Tin Mừng của ngài. Ngài chủ trương rằng chân dung Chúa Giêsu trong Tin Mừng là một chân dung đáng tin, đáng làm đối tượng thích đáng để nghiên cứu và tôn sùng. Đối với ngài, “Chúa Giêsu lịch sử” chính là Chúa Giêsu trong Tin Mừng. Ngài coi Chúa Giêsu này là chìa khóa để giải thích toàn bộ Sách Thánh, và do đó, ngài đọc toàn bộ Sách Thánh theo quan điểm Kitô học và qui điển học. Và dù ngài quan tâm tới ngữ cảnh lịch sử của Chúa Giêsu, nhưng quan tâm chính của ngài khi viết về Chúa Giêsu là ý nghĩa thần học của Người.

Các cuốn sách của Đức Giáo Hoàng về Chúa Giêsu, do đó, không phải là những cuốn tiểu sử về Người hay những bình luận có tính chú giải hoặc một khảo luận có tính hệ thống về Kitô học. Trái lại, chúng là một hình thức thần học Thánh Kinh hay chú giả thần học, một loạt các suy niệm bác học về các tình tiết khác nhau của Tin Mừng. Chúng tự do sử dụng các đoạn văn trong Cựu Ước làm phương tiện hiểu các bản văn Tân Ước. Chúng giải thích Thánh Kinh bằng chính Thánh Kinh và thích ứng chúng theo các hệ luận phụng vụ và bí tích của các bản văn Tin Mừng. Tóm lại, chúng minh họa cách một độc giả có học thức cao của Tin Mừng áp dụng các nguyên tắc của “Dei Verbum” và nhiều văn kiện hiện đại khác của Công Giáo về Thánh Kinh.

Đức Bênêđíctô XVI có tiếng yêu âm nhạc, do đó, phương pháp thần học của ngài thường được ví như một bản hòa tấu trong đó các nhạc cụ khác nhau đã hoà điệu với nhau để tạo nên một hợp xướng tuyệt diệu. Thiển nghĩ muốn đọc các cuốn sách của Đức Bênêđíctô về Chúa Giêsu, chúng như thế nào ta phải tôn trọng chúng như thế, chỉ có thế ta mới hưởng được bản hòa tấu thần học và học hỏi được bậc thầy về sáng tác và điều khiển.

Dẫn nhập người khác vào Chúa Kitô

Người cuối cùng bàn về chữ nghĩa của Đức Bênêđíctô XVI là linh mục James Martin, S.J., một biên tập viên tự do của tạp chí America. Theo linh mục Martin, một trong các khía cạnh ít được tường trình nhưng lại lôi cuốn nhất dưới triều giáo hoàng của Đức Bênêđíctô XVI là loạt bài huấn từ lúc đọc Kinh Truyền Tin của ngài. Khi nào ở Rôma, vào mỗi trưa các Thứ Bẩy, Đức Giáo Hoàng thường xuất hiện ở ban-công Phòng Giáo Hoàng, đối diện với Công Trường Nhà Thờ Thánh Phêrô, để cùng đám đông nguyện lời kinh cổ điển là Kinh Truyền Tin. Đây là thói quen của các vị giáo hoàng đã có từ thời Đức Gioan XXIII, dù các vị giáo hoàng khác sử dụng dịp này cách khác. Đối với Đức Bênêđíctô, lúc đọc Kinh Truyền Tin là lúc tốt nhất để ta suy niệm về bài đọc Tin Mừng Chúa Nhật, về một vị thánh có liên hệ tới Tin Mừng (như một tông đồ chẳng hạn), về một vị mới được phong thánh, về một ngày lễ gần kề hay về lúc khởi đầu một mùa phụng vụ. Thỉnh thoảng, ngài dùng dịp này để nhận định về một biến cố nào đó trong đời sống Giáo Hội, như việc kết thúc thượng hội đồng giám mục gần đây. Nói chung, các sứ điệp lúc đọc Kinh Truyền Tin đều là những bài giảng lễ ngắn.

Giống như trong ba cuốn sách về Chúa Giêsu Thành Nadarét cũng như các ấn phẩm khác của ngài, các bài giảng lúc đọc Kinh Truyền Tin của Đức Bênêđíctô XVI cho chúng ta thấy những điểm nổi bật nhất của Đức Giáo Hoàng: một thần học gia sáng chói mà điểm mạnh nhất là làm cho Tin Mừng, các truyền thống trong Giáo Hội, các giáo phụ và đời sống các thánh trở thành quen thuộc đối với tín hữu thời nay. Nơi Đức Bênêđíctô XVI, ta tìm thấy bậc thầy Kitô Giáo lôi cuốn nhất: một con người, nhờ nhiều thập niên nghiên cứu và cầu nguyện, đã thấm nhiễm hoàn toàn điều mình học hỏi đến nỗi có khả năng chuyển giao nó một cách hết sức sáng sủa. Một lợi ích khác trong các sứ điệp này là độ ngắn của chúng. Không nhiều hơn 4 hay 5 đoạn, chúng thật dễ nghe đối với đám đông và dễ thẩm thấu đối với bất cứ ai đọc chúng sau đó.

Một thí dụ là bài suy niệm trong buổi đọc kinh Truyền Tin ngày 27 tháng Giêng năm 2013, về bài đọc trích từ Tin Mừng Thánh Luca (4:14-21), khi Chúa Giêsu giảng dạy tại hội đường Nadarét. Đức Giáo Hoàng trình bày một suy nghĩ ngắn về những lời cảm kích của Chúa Giêsu: “Hôm nay lời Sách Thánh này đã ứng nghiệm khi các bạn nghe nó”. Đoạn Tin Mừng này cũng thách thức chúng ta “hôm nay”. Trước nhất, nó làm chúng ta suy nghĩ cách phải sống ngày Chúa Nhật, ngày để nghỉ ngơi và ngày dành cho gia đình, ra sao. Trên hết, nó là ngày dành cho Chúa, bằng cách tham dự Thánh Thể, qua đó, ta được nuôi dưỡng bằng Thân Thể và Máu Thánh Chúa Kitô và bằng Lời ban sự sống. Thứ hai, đối với thời giờ bị đa phức hóa và lo ra của ta, đoạn Tin Mừng này mời gọi chúng ta tự vấn xem liệu ta có khả năng lắng nghe nữa hay không. Trước khi có thể nói về Thiên Chúa và nói với Thiên Chúa, ta phải lắng nghe Người. Phụng vụ của Giáo Hội chính là “trường” để ta học việc lắng nghe Chúa này, Đấng đang nói với ta.

Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng nói với ta rằng mọi giây phút đều là “ngày” thuận tiện để ta hồi tâm. Mọi ngày đều có thể trở thành hôm nay của cứu rỗi, vì cứu rỗi là câu truyện luôn tiếp diễn cho Giáo Hội và cho mọi môn đệ của Chúa Kitô. Đó là ý nghĩa Kitô Giáo của kiểu nói carpe diem: hãy nắm lấy ngày Thiên Chúa kêu gọi bạn để ban cho bạn ơn cứu rỗi.

Trong các thông điệp, các cuốn sách, các bài giảng lễ và nhất là các sứ điệp lúc đọc kinh Truyền Tin, người ta thấy tâm điểm thừa tác vụ của Đức Giáo Hoàng: ước muốn dẫn nhập con người vào Chúa Kitô. Giống bất cứ mục tử tốt lành nào, ngài luôn cố gắng “thực tại hóa” bản văn, nghĩa là làm cho chúng trở thành quen thuộc, có liên quan. Giống bất cứ thần học gia tốt lành nào, ngài luôn rút tỉa từ truyền thống phong phú của Giáo Hội (ở đây, ngài nói tới Phép Thánh Thể; ở những chỗ khác, ngài sẽ trích dẫn các giáo phụ). Và, cũng giống bất cứ học giả tốt lành nào, ngài không cưỡng được việc sử dụng chút ít Hy Ngữ!

Xuyên suốt qua các sứ điệp Truyền Tin của Đức Giáo Hoàng là lòng say mê muốn truyền đạt con người của Chúa Giêsu cho thính giả. Người ta có cảm tưởng rằng đây là điều ngài vui thích hơn cả: viết và nói về Chúa Kitô.
 
Thông Báo
Cáo phó: Thân mẫu Linh mục Cao sơn Thân, S.J., qua đời tại Đồng Nai
Tang gia
08:46 11/04/2013
Cáo Phó:
Trong niềm tin vào Chúa Phục Sinh
gia đình xin kính báo:
Bà cố Maria Vũ Thị Mừng
(nhũ danh Cao văn Thức)
sinh quán tại Du Hiếu, Nam Định
đã được Chúa gọi về ngày 4 tháng 4 năm 2013 tại Hố Nai, Đồng Nai.
Hưởng thọ 84 tuổi.

Thánh lễ An táng đã được cử hành ngày 8 tháng 4 năm 2013 tại giáo xứ Bùi Chu, giáo phận Xuân Lộc.
Tang gia đồng kính báo.

Ghi Ơn:
Anh chị em trong gia đình chúng con xin hết lòng ghi ơn
Đức Hồng Y Gioan Baotixita, Đức Cha Toma, Đức Cha Cosma, Quý Linh mục,
Quý Tu Sỹ Nam Nữ, Quý Tín Hữu và Thân Nhân, Bằng Hữu
đã đến kính viếng, gửu lời chia buồn và cầu nguyện cho linh hồn Maria, là Mẹ của chúng con vừa qua đời.
Chúng con xin chân thành tri ân và xin Chúa trả công bội hậu cho Toàn Thể Quý Vị.

Đại diện, Lm. Cao Sơn Thân, S.J
cùng tang quyến.