Ngày 07-04-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thiên Chúa quì gối!
LM. Nguyễn Hữu Thy
00:05 07/04/2009
Thứ Năm Tuần Thánh /B

Thiên Chúa quì gối!



(Sh 12,1-8,11-14; Ga 13,1-15)

Người ta có thể nói rằng hôm nay, Thứ Năm Tuần Thánh, là một sự kéo dài mầu nhiệm Giáng Sinh. Vâng, với bài tường thuật về việc rửa chân cho các môn đệ của Ðức Giêsu, chúng ta có thể nối liền với ý nghĩa của mầu nhiệm Giáng Sinh. Vì trong lễ Giáng Sinh chúng ta cử hành mầu nhiệm: Thiên Chúa đã trở thành phàm nhân. Thiên Chúa đã hạ mình xuống, xuống thật sâu và trở thành một phàm nhân, trở thành một người trong chúng ta và như chúng ta, trừ ra tội lỗi. Thiên Chúa đã tự làm cho mình thành bé nhỏ.

Hôm nay chúng ta đã nghe tường thuật về hành động cụ thể của Ðức Giêsu: Người đã quì gối để rửa chân cho các môn đệ. Qua bài tường thuật của Phúc Âm Gioan, chúng ta biết được Thiên Chúa đã sống thân phận con người như thế nào và Người đã tự trở nên bé nhỏ ra sao. Trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá chúng ta được nghe tường thuật: Ðức Giêsu đã tiến vào giáo đô Giê-ru-sa-lem không phải bằng chiến mã oai hùng của đoàn kỵ binh hay bằng xe kỵ mã, nhưng bằng con lừa bé mọn, con vật thuộc quyền sử dụng của hạng thứ dân. Thế nhưng, nay nó là con vật của niềm hy vọng vào đấng Thiên Sai.

Qua màn bi kịch rửa chân cho các môn đệ của Ðức Giêsu, thánh sử Gioan đã tóm tắt việc Thiên Chúa tự trở nên bé nhỏ dưới những điều kiện nào. Với hành động rửa chân cho các môn đệ, Thiên Chúa đã chỉ cho ta thấy Người quan niệm việc dấn thân phục vụ con người với tất cả tình yêu thương phải được cụ thể hóa như thế nào. Nói một cách cụ thể: Việc phục vụ cận nhân không chỉ bằng lời nói suông, nhưng phải bằng hành động tích cực cụ thể.

Hành động cụ thể xưa kia của Ðức Giêsu đã được các môn đệ hiểu ngay. Thực ra, công việc rửa chân cho chủ nhà và các người khách mời hoàn toàn là công việc của những kẻ tôi tớ mà thôi. Và ngày xưa, việc rửa chân là rất cần thiết, tương tự như việc rửa tay ngày nay vậy. Bởi vì những người đồng thời với Ðức Giêsu thường đi lại bằng chân không hay mang dép. Trên đường đi từ nhà mình cho tới nhà người hàng xóm thì chân đã dính đầy bụi bặm rồi. Vì thế, bên cạnh cửa dẫn vào nhà luôn có những cái chum đựng nước sẵn để cho khách tự rửa chân hay do một đứa nô lệ đảm trách công việc thấp hèn đó. Một người Do-thái tự do không bao giờ làm việc đó, cả đến một người Do-thái nô lệ cũng không làm việc đó nữa. Công việc rửa chân là phận sự chỉ dành cho những đứa nô lệ ngoại đạo mà thôi.

Bởi vậy, là một dấu chỉ của lòng tôn kính và biết ơn đặc biệt khi một người học trò sau bao năm sống chung với vị sư phụ đã mang nước rửa chân cho ông. Một người chủ nhà khi muốn bày tỏ lòng tôn kính đặc biệt đối với một vị thượng khách, ông cũng đưa nước rửa chân cho vị thượng khách của mình. Chúng ta chắc hẳn hãy còn nhớ cảnh một người đàn bà tội lỗi đã lấy nước mắt và tóc mình để lau chân cho Chúa. Nhân dịp đó Ðức Giêsu đã trách người Pha-ri-sêu chủ nhà, kẻ đã mời Người: «Ta đến nhà ngươi, nhưng ngươi chẳng đưa nước cho Ta rửa chân.»

Chúng ta thử quan sát một cách hết sức cụ thể hành động rửa chân, để biết được sự việc phải xảy ra như thế nào. Trước hết, để mở giày hay dép ra và để rửa sạch chân, người ta phải cúi thấp xuống, phải cong lưng xuống. Các bắp cơ ở lưng phải căng ra và rồi kéo xuống bắp cơ ở hai chân. Vì thế trong tuổi già, khi chân đã chồn và lưng đã mỏi, thì đó là cả một công việc vô cùng vất vả khó khăn.

Vì thế, trong thực tế, việc rửa chân cho ai có nghĩa là phải qùy gối dưới chân người đó. Xưa kia, đó là cử chỉ bày tỏ thái độ tôn kính và vâng phục. Hành động đó không còn là cử chỉ chào kính lịch sự nữa, nhưng là thái độ phục vụ.

Nhưng việc Ðức Giêsu cúi xuống và ngồi chồm hổm để rửa chân cho các môn đệ của Người: Ðó cả là một việc phục vụ thấp kém nhất, đến nỗi các môn đệ không bao giờ dám chờ đợi hay nghĩ tới. Trong một vài bức ảnh do các nhà họa sĩ vẽ mô tả việc Ðức Giêsu rửa chân cho môn đệ, chúng ta thấy Phêrô trong một trạng thái hoàn toàn vừa sửng sốt vừa hoảng sợ khi Ðức Giêsu muốn rửa chân cho ông. Ðiều đó muốn nói lên rằng: «Không thể được! Làm sao lại có thể như thế được!» Nhưng đó lại là sự thật. Thiên Chúa đã hạ mình xuống làm phàm nhân, đã không xuất hiện trước một màn biểu diễn nơi công cộng hay trong một cuộc đấu khẩu hoặc bình luận thuần túy lý thuyết. Thiên Chúa tỏ mình ra một cách hết sức cụ thể, gần gũi và thực tế.

Ðiều Ðức Giêsu làm cho Phêrô cũng có liên quan đến chúng ta! Phêrô đã cảm nghiệm và nhìn thấy được điều Ðức Giêsu muốn làm cho mình. Ðó là một điều quá cụ thể trước mắt ông, động đến ông và nhất là động chạm đến thẩm cung của tâm hồn ông. Vì thế, theo phản ứng tự nhiên của bản năng, trước hết ông đã từ chối. Thật ra, đứng vào hoàn cảnh của Phêrô, chúng ta cũng không thể phản ứng khác được. Chúng ta chối từ và rút lui, vì chúng ta không thể chấp nhận được sự đảo lộn giai cấp đang xuất hiện trước mắt: Chủ trở thành tớ, tớ lại trở nên chủ, sư phụ trở thành học trò, học trò lại trở nên sư phụ!

Như Phêrô, tất cả chúng ta đều có những «đôi chân» không chỉ của thể xác, nhưng còn của linh hồn, mà với bất cứ giá nào chúng ta cũng không hề muốn Ðức Giêsu rửa sạch cho. Ðó là những đôi chân của những bóng đêm đen tối, của những lỗi lầm và của những dan díu đầy tội lỗi của chúng ta. Những đôi chân dơ bẩn đó, mặc dù chúng ta thường không đủ khả năng để tự rửa sạch được, chúng ta cũng không muốn để ai giúp chúng ta rửa cả, kể cả Thiên Chúa. Với những điểm nóng, quá nóng đó, chúng ta thường tìm cách tránh né các cuộc gặp gỡ có tính cách cứu độ với Ðức Giêsu. Bởi vì, sự cứu độ đòi hỏi con người phải đổi mới cuộc đời, phải thay đổi kiểu sống lệch lạc của mình. Tuy nhiên, Thiên Chúa đã trở thành con người, không phải để ngồi trên ngai vàng cai quản muôn dân, song là để rửa sạch chân cho chúng ta, chân bên ngoài và chân thầm kín. Ðó chính là cách thức Thiên Chúa bày tỏ tình yêu vô cùng của Người đối với chúng ta. Ðiều Ðức Giêsu đã làm nơi các môn đệ, là dấu chỉ vĩnh cửu sự hy sinh của Người.

Nhưng đó chưa phải là tất cả. Ðiều cuối cùng và là điều quan trọng nhất trong buổi chiều nay, chính là sự tạ ơn, là bí tích Thánh Thể. Trong buổi chiều nay, Ðức Kitô đã hy sinh đời Người cho chúng ta. Và câu trả lời của người Kitô hữu về những gì Ðức Giêsu đã làm và đã bày tỏ cho chúng ta trong chiều Thứ Năm Tuần Thánh là tiếng thưa «vâng» Amen và Halleluia, cũng như: Hãy làm điều Người đã làm, để luôn tưởng nhớ đến Người, mãi cho đến tận thế.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:08 07/04/2009
CỐ CHẤP

N2T


- “Con không biết ngày mai sẽ có chuyện gì xảy ra, cho nên con hy vọng sớm chuẩn bị trước.”

- “Con chỉ sợ ngày mai, nhưng không biết nguy cơ của ngày hôm qua vẫn đầy dẫy như vậy.”


(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Con người ta ai cũng muốn biết ngày mai sẽ có chuyện gì xảy ra cho mình, chuyện vui hay chuyện buồn, cho nên họ tìm mọi cách để đoán biết vận mạng tương lai ngày mai của mình, mà quên mất những chuyện của ngày hôm qua nếu chưa giải quyết được thì sẽ ảnh hưởng đến ngày mai, và có khi ảnh hưởng đến cả tương lai của mình nữa.

Chuyện tốt xấu của ngày hôm qua rất có ảnh hưởng đến ngày mai, bởi vì có thể nói ngày hôm qua là gieo nhưng ngày mai thì gặt, gieo hạt giống xấu thì gặt những bông lúa xấu, gieo giống tốt thì gặt được những hạt lúa no đầy vàng óng ánh...

Người Ki-tô hữu không coi thường chuyện ngày hôm qua, nhưng thường xét mình về những chuyện mà mình đã làm, để chuyện của ngày mai càng tốt hơn khi họ biết phó thác trong bàn tay quan phòng của Thiên Chúa...

Như thế mới không là cố chấp.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:09 07/04/2009
N2T


132. Anh tuy đã thuộc về thượng giới, thì phải trăn trở vì thấy mình sống trong dơ bẩn mà cảm thấy nhục nhã.

(Thánh Bernardus)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:10 07/04/2009
N2T


77. Yêu, không thể đơn độc tồn tại, bản thân nó hoàn toàn không có ý nghĩa. Yêu, cần phải có hành động, hành động mới có thể làm cho yêu phát huy công năng.

 
Suy Niệm Tam Nhật Vượt Qua 2009
Lm Jos Tạ Duy Tuyền
07:51 07/04/2009
Thứ Năm Tuần Thánh

Xin rửa sạch những bất trung, phản bội

Sự bất trung và phản bội là những yếu đuối của bản tính con người. Sự bất trung và phản bội cũng là cách sống của kẻ “ăn cháo đá bát”, của kẻ thiếu trách nhiệm với bản thân và gia đình. Chúa Giê-su trong thân phận làm người, Ngài cũng nếm cảnh trần trụi của tình người thay trắng đổi đen, của sự vô ơn và phản bội của thế gian. Ngài cũng hiểu nỗi đau của sự bị bỏ rơi, của sự vô ơn của kẻ Ngài đã từng thi ân. Ngài đã từng tiếc nuối cho kẻ vì danh lợi thú mau qua mà bán rẽ nhân phẩm của mình, vì chút bổng lộc mà bán đứng anh em. Ngài đã từng ước mơ: “thà nó đừng sinh ra thì hơn”. Nhưng cuộc đời hôm qua và hôm nay vẫn còn đó những con người lòng chai dạ đá đã bán đứng anh em, đã phản bội gia đình, đã bán rẻ phẩm giá của mình để đạt được danh lợi thú dơ bẩn ở đời. Nước mắt của tình đời thay trắng đổi đen. Nước mắt của sự cô đơn, bị phản bội và bỏ rơi vẫn rơi trong kiếp người vốn dĩ là bể khổ, càng khổ thêm vì những người thân thiết nhất lại phản bội lẫn nhau.

Vợ chồng phản bội nhau. Anh em chơi xấu nhau. Đồng loại lừa dối nhau đó là những cách sống đang làm cho thế gian đã gian dối lại càng dối gian thêm. Đó là cách sống đang giết chết tình người, đang gặm nhấm con tim của đồng loại.

Thánh lễ hôm nay vẫn gọi là thánh lễ tiệc ly. Vì nó gợi nhớ lại bữa tiệc cuối cùng của Chúa Giê-su và các môn sinh. Tiệc chia tay đã buồn lại buồn thêm bởi sự ngăn cách tình người. Một trong anh em sẽ phản bội. Một trong anh em sẽ chối Thầy. Và đêm nay anh em sẽ vấp phạm vì Thầy. Quả thực là buổi chia tay thật buồn. Buồn vì giờ chia tay đã gần. Càng buồn hơn vì sự phản bội, bỏ rơi của các môn sinh. Thế nhưng, tình yêu Chúa vẫn mãi mãi tín trung. Ngài vẫn tiếp tục yêu họ cho đến cùng. Ngài đã thực hiện một dấu chỉ tuyệt vời của tình yêu thẳm sâu và lòng tha thứ bao dung qua hành vi rửa chân cho các môn sinh. Một hành vi mà chẳng ai hiểu được. Một hành vi mà Phê-rô cảm thấy không ổn chút nào! “Không đời nào Thầy lại rửa chân cho con sao?”. Thế nhưng, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục cúi xuống rửa chân cho các ông. Ngài không nhằm rửa sạch bên ngoài mà là thanh tẩy cõi lòng các ông. Ngài muốn rửa đi những lem lấm bụi đời, những toan tính trần thế. Ngài muốn dùng tình yêu để thanh tẩy tâm hồn các ông mỗi ngày thêm mới, thêm đẹp hơn. Ngài muốn thanh tẩy tâm hồn các ông khỏi những mưu đồ bất chính, những thói đời giả tạo, những kỳ vọng viễn vông. Bao lâu nay các ông theo Chúa nhưng lại nuôi dưỡng tham vọng quyền bính và bổng lộc trần gian.

Sự tranh giành vị trí đã xảy ra. Kẻ đòi ngồi bên tả. Kẻ đòi ngồi bên hữu. Một vương quốc mà chia rẽ thì đâu còn tồn tại. Chúa rửa chân để các ông cũng sẽ rửa chân cho nhau. Kẻ làm lớn hãy dùng tình yêu để phục vụ. Hãy dùng tình yêu để hoán cải lòng người. Hãy dùng tình yêu để sửa lỗi cho nhau. Chính Chúa đã làm gương. Dù biết rằng Giu-đa phản bội. Dù biết rằng Phê-rô sẽ chối mình. Dù biết rằng các môn đệ sẽ bỏ Thầy trong lúc gian nguy. Việc Chúa làm lúc này để các ông mãi ghi khắc trong tim về tình yêu của Thầy. Cho dù đôi chân của các ông có bước tới tận bùn sâu của lầm lỗi, Chúa vẫn tha thứ. Chúa vẫn tiếp tục cúi xuống rửa sạch vết nhơ tội lỗi cho các ông. Chúa vẫn cho các ông cơ hội để làm lại cuộc đời, vì tình yêu của Ngài là tình yêu thuỷ chung, sắt son vẹn tuyền.

Như vậy, bài học mà Chúa muốn dạy các môn sinh chính là: “Hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu tha thứ có thể rửa xoá đi những thù hận, có thể làm sạch mọi vết nhơ của hiểu lầm, bất trung và phản bội. Một tình yêu khiêm cung thẳm sâu để có thể cúi xuống phục vụ những con người sẽ bỏ mặc mình trong gian nguy, sẽ chối bỏ mình trong hiểm nguy, sẽ bán đứng mình vì một chút bổng lộc trần gian. Thế mà, Thầy chí Thánh đã làm như vậy! Ngài còn mời gọi chúng ta hãy noi gương Ngài mà “Yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Yêu như Thầy là mặc lấy tâm tình của Thầy để có lòng bao dung, độ lượng với nhau, để có thể tha thứ và tha thứ mãi mãi khôn cùng.

Ước gì những nghĩa cử cao đẹp mà Thầy Chí Thánh Giê-su đã làm luôn tồn tại nơi gia đình ky-tô hữu chúng ta. Gia đình cần có lòng bao dung để tha thứ và đón nhận nhau. Gia đình cần có sự khiêm tốn để có thể cúi xuống phục vụ những con người đang hành hạ mình, đang đầy đoạ mình bởi thiếu trách nhiệm và đạo đức. Gia đình cần có tình yêu phục vụ để rửa sạch những toan tính phản bội, những nhẹ dạ tội lỗi của các thành viên trong gia đình.

Ước gì từng người chúng ta đừng phản bội lẫn nhau chỉ vì những mối tình bất chính, những đam mê tội lỗi. Ước gì mỗi người chúng ta biết sống cao đẹp qua đời sống trung tín, thuỷ chung. Ước gì tình yêu như Thầy Giê-su sẽ làm cho các gia đình luôn ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trong tình Chúa, tình người. Amen

Thứ Sáu Tuần Thánh

Ba cách đón nhận cái chết khác nhau

Chúa Giêsu đã từng nói: “Được cả thế gian, mà phải thiệt mất mạng sống, nào có ích gì”. Thực vậy, có những người khi sống đã được cả thế gian, nhưng cuối đời họ đã đánh mất tất cả. Mất cả danh dự. Mất cả bổng lộc. Mất cả người thân và cuối cùng là mất cả mạng sống.

Cuối năm 2006, toàn thể thế giới đều nghe nói về ba cái chết của ba nguyên thủ ba quốc gia. Ba người ba cá tính, ba cung cách lãnh đạo khác nhau. Trước cái chết của họ, có kẻ khóc, có người vui. Có kẻ ngậm ngùi thương tiếc, có kẻ khai rượu ăn mừng. Điểm chung của họ là được cả thế gian nhưng rồi họ cũng ra đi tay trắng như bao người khác.

Người thứ nhất đó là tổng thống Chilê, Ausgusto Pinochê đã qua đời ngày 10/12/2006. Ông đã cai trị nước Chi Lê từ năm 1973 đến 1990. Các tổ chức nhân quyền của Chi Lê đã ước lượng dưới quyền thống trị của ông, có ít nhất 2,100 người bị xử tử vì lý do chính trị, hơn 1,100 tù nhân bị mất tích và khoảng 10,000 tù nhân bị tra tấn trong những trại tù bí mật ở trong nước. Ông đã bị toà án quốc tế truy tố năm 1998 về tội diệt chủng. Ngày an táng của ông, Đức Hồng Y Karmelic đã cầu xin Thiên Chúa “quên đi những lầm lỗi của Augusto Pinochê”.

Người thứ hai đó là tổng thống Geral Ford, tổng thống thứ 38 của Hoa Kỳ. Ông đã an nghỉ vĩnh viễn vào ngày 26/12/2006. Cuộc đời ông không có gì vẻ vang, không có chiến tích đánh đông dẹp tây, nhưng ông được nhìn nhận là người ôn hoà. Ông đã có một hành động thật phi thường là tha thứ cho cựu tổng tống Nixon khỏi bị truy tố. Ông đã nói rằng: Ông tha thứ cho Nixon vì quốc gia Hoa Kỳ chứ không phải vì bản thân Nixon.

Cuối cùng là cái chết của nhà độc tài Sadam Hussen, cựu tổng thống Iraq. Ông đã bị kết án treo cổ tử hình vì tội giết người vô tội. Ông là một người đã được trời ban cho mọi vinh hoa phú qúy trần gian, nhưng khi chết chỉ có một dây thòng lòng quốn quanh cổ. Dù rằng, ông không chấp nhận bản án, không chấp nhận cái chết nhục nhã này, nhưng định mệnh đã lấy đi mạng sống của ông khỏi trần gian.

Ba nhân vật này đã đi vào cái chết khác nhau. Có người bình thản ra đi. Có người ra đi nhưng vẫn ôm trong lòng những ray rức lương tâm. Có người ra đi trong bất mãn tột cùng. Và như vậy, cuộc đời chỉ có giá trị khi mình biết sống để phục vụ sự sống. Cuộc đời sẽ bị người đời khinh chê nếu chỉ biết gieo vãi sự chết chóc và kinh hoàng. Sự ra đi trong thanh thản bình an hay lo âu sợ hãi cũng tuỳ thuộc vào cuộc sống của chúng ta: nhân đức hay tội lỗi, công bình hay gia dối, hiền lành hay gian ác.

Cách đây hơn hai ngàn năm, trên đồi Golgôtha, có ba tử tội đã bị kết án tử hình trên thập tự giá. Ba tử tội, tuy sinh không cùng năm nhưng lại chết cùng ngày, cùng tháng. Ba tử tội đã đi vào cái chết thật khác nhau.

Người thứ nhất bên tả đã oán hận phận số của mình. Cuộc đời của anh chỉ biết giết người và cướp của. Cuộc đời anh chỉ lo gom góp cho bản thân, chỉ nhằm phục vụ bản thân, cuối cùng anh đã ra đi tay trắng trong uất hận đau thương.

Người thứ hai bên hữu đã đón nhận cái chết trong khiêm tốn, ăn năn. Anh đã hoang phí cuộc đời để chạy theo ảo ảnh trần gian. Thế nhưng, anh đã kịp ăn năn về cả một quá khứ lầm lạc. Anh đã chấp nhận cái chết khổ hình như một hình phạt xứng với tội lỗi của mình. Anh ra đi trong an bình của người biết sám hối ăn năn.

Ở chính giữa là thập giá Chúa Giêsu. Chúa đi vào cái chết như của lễ đền tội cho nhân sinh. Chúa chấp nhận cái chết vì loài người và để cứu rỗi loài người. Chúa đã chịu khổ hình không do lầm lỗi của mình mà vì vâng phục thánh ý Chúa Cha. Chúa đã chết vì tình yêu đối với nhân loại, đến nỗi đã trở thành khuân mẫu cho mọi tình yêu. Vì “không có tình yêu nào cao qúy hơn tình yêu dám chết thay cho bạn hữu”.

Hôm nay thứ sáu tuần thánh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu. Khi mang thân phận của một con người như chúng ta, Chúa Giêsu đã sống một đời để phục vụ con người, và Ngài cũng đón nhận cái chết vì con người. Thế nên, tình yêu của Ngài đã thành bất tử trên trần gian. Thập giá không còn là nỗi ô nhục mà là một cuộc khải hoàn vinh quang.

Đó chính là sứ điệp ngày thứ sáu tuần thánh mà Chúa đang mời gọi chúng ta, muốn trở môn đệ của Chúa hãy vác khổ giá mà buớc theo Chúa. Hãy sống một đời biết cho đi. Hãy biết dùng khả năng của mình mà phục vụ sự sống cho đồng loại. Và hãy biết hiến thân mình để đem lại hạnh phúc cho tha nhân, vì chưng: “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”. Amen

Lễ Đêm Vọng Phục sinh

Thiên Chúa vẫn hằng sống

Đã có một thời người ta tưởng rằng: “Thiên Chúa đã chết”. Đã có một lần người ta lên tới cung trăng rồi bảo rằng: “Chẳng có Thiên Chúa đâu cả!”. Và cũng có một thời người ta cho rằng: khoa học tiến bộ sẽ là nấm mồ chôn vùi Thiên Chúa. Nhưng rồi cho dù nhân loại có tốn bao nhiêu giấy mực, có tốn bao nhiêu công sức bỏ vào các công trình nghiên cứu đồ sộ để loại trừ Thiên Chúa. Thiên Chúa vẫn hiện diện. Thiên Chúa vẫn hằng hữu. Thiên Chúa vẫn hiện diện trong thế giới quanh ta và trong lòng mỗi người chúng ta. Thiên Chúa vẫn hiện diện như là một sự thật hiển nhiên mà chẳng có gì có thể che lấp được. Sự thật hiển nhiên đó được chứng tỏ qua các tôn giáo, qua các lễ nghi thờ tự phong phú nơi các dân tộc qua mọi thời đại. Có thể nói “nơi nào có con người là nơi đấy có những cách biểu lộ niềm tin vào Thiên Chúa khác nhau”. Thế nên, niềm tin vào Thiên Chúa đã gắn liền với bản tính con người. Con người là loài vật duy nhất có khả năng nhìn nhận Thiên Chúa và bày tỏ những hình thức tôn thờ Ngài. Đó là một chân lý mà không ai có quyền bác bỏ nơi anh em của mình. Đó là quyền tự do bất khả xâm phạm của con người mà những ai có lương tri đều phải nhìn nhận và tôn trọng.

Cách đây hơn hai ngàn năm, những quan chức Do Thái đạo lẫn đời đã từng tưởng rằng: cái chết của Chúa Giê- su sẽ kết thúc mọi lời rao giảng của Ngài, kết thúc mọi công trình mà Ngài đã xây dựng trong suốt ba năm rao giảng Tin mừng. Chính những người Do Thái tưởng rằng sau cái chết của Giê su thì mọi sự sẽ tan rã như thân xác của Ngài cũng sẽ tan rã theo quy luật của thiên nhiên. Thế nhưng điều đó đã không xảy ra. Cửa huyệt đã bị bật tung. Huyệt lạnh chỉ còn tấm khăn liệm. Thân xác của Ngài không tan rã nhưng đã phục sinh và hiện ra với nhiều người. Sự Phục sinh của Ngài đã quy tụ lại tất cả các môn đệ trở về với mái nhà xưa, mái nhà tiệc ly, mái nhà của tình thầy trò, của tình hiệp nhất bằng hữu. Các tông đồ hôm qua đang tan nát cõi lòng vì Thầy đã chết hôm nay họ lại bừng lên một sức sống mới khi nghe tin Chúa đã sống lại. Sức sống mới đó càng trào dâng khi chính các ngài đã nhìn xem thấy Thầy sống lại và hiện ra với họ. Sức sống mới đó càng mãnh liệt hơn khi chính họ được nghe Chúa nói: “Tại sao các ngươi lại đi tìm kẻ sống nơi kẻ chết. Chúa đã sống lại”.

Vâng, Chúa đã sống lại, chúng ta hãy vui lên. Ưu sầu hãy đổi thành niềm vui. Thất vọng hãy nhường lối cho hy vọng được trồi sinh. Các tông đồ sau khi nhìn thấy nấm mồ đã bị bật tung, các ngài đã quên đi sợ hãi, quên đi ưu phiền để đem niềm vui Phục sinh đến cho anh em của mình. Lời rao giảng:”Chúa đã chết và đã sống lại” đã trải rộng khắp muôn nơi và đến tận cùng trái đất. Bất chấp mọi hiểm nguy, mọi đe doạ của các thế lực bạo quyền, các tông đồ vẫn trung thành với lời rao giảng về Chúa đã sống lại. Thánh Phê-rô thì bảo rằng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hay vâng lời vua quan trần thế”. Thánh Phaolo thì nói rằng: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Kyto đang sống trong tôi”. Chính vì những xác tin đó mà các ngài đã vượt qua mọi sợ hãi, mọi gian nguy kể cả phải đi vào phong ba bão táp, tù đầy và bị giết, các ngài vẫn hiên ngang, vì tin rằng Chúa đã sống lại đó là niềm hy vọng và vui mừng của chúng ta, vì nếu chúng ta cùng chịu đóng đinh với Người, chúng ta cũng sẽ được sống lại với người.

Ước gì niềm tin Phục sinh sẽ thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn. Xin cho chúng ta dám làm chứng cho tin mừng Phục sinh của Chúa bằng đời sống lắng nghe và thực thi lời Chúa trong cuộc sống thường ngày. Amen
 
Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô (3)
Vũ Văn An
09:36 07/04/2009
Hồi cuối trong Phúc Âm Máccô

III. Chúa Giêsu và Các Tư Tế (Mc 14:53-72)

Biết bao biến cố lớn lao xẩy đến trong xã hội làm chúng ta rúng động: anh em nhà Kennedy bị ám sát, người đầu tiên trên mặt trăng, phi thuyền Challenger nổ tung, chiến tranh vùng Vịnh… Chúng làm ta chú ý một tuần, hai tuần, ba tuần… rồi rơi vào dĩ vãng như những truyện xẩy ra tự bao giờ. Nhưng khi nhìn trở lui 2000 năm, tới cái tuần lễ đầy ắp biến cố về Chúa Giêsu trước khi Người chết trên thánh giá và sống lại, ta thấy đó là biến cố có tầm quan trọng đời đời. Nó tiếp tục tác động lên đời ta một cách mạnh mẽ, ngày lại ngày. Nếu ta tin chứng cớ của Thánh Kinh, thì ta biết rằng các biến cố của tuần lễ đó là tụ điểm của thời gian và không gian. Bởi thế ta cần học hỏi và thấu hiểu các biến cố này.

1. Vụ Xử Chúa Giêsu

1.1 Sau khi bị bắt tại vườn Diệtsimani và bị các môn đệ bỏ trốn, giờ đây Chúa Giêsu bị mang ra xử. Trước nhất bởi các lãnh tự tôn giáo của Israel. Sau bởi nhà cầm quyền dân sự La-Mã. Các lãnh tụ tôn giáo vốn tìm cách giết Người đã lâu. Nhưng Máccô không ghi lại việc Chúa bị đem tới Annas, bố vợ thầy cả thượng phẩm. Thay vào đó, Chúa bị đưa thẳng tới Caiphas. Xem Mc 14:53-54. Chúa ra trước thượng hội đồng. Phêrô theo xa xa và lẻn vào ngồi chung với lính canh.

1.2 Thượng hội đồng gồm thầy cả thượng phẩm, các thượng tế, luật sĩ và trưởng lão (72 nhân viên cộng với viên chức và cố vấn). Một đám khá đông. Chúa Giêsu đứng trước mặt họ. Còn Phêrô thì ngồi ở một góc, sưởi ấm. Một đêm xuân lạnh. Hai biến cố xẩy ra cạnh nhau. Máccô thích tương phản các biến cố, dĩ nhiên vì một lý do. Lý do này sẽ trở nên rõ hơn sau này. Phiên xử diễn qua 2 giai đoạn:

(1) Nhân Chứng Làm Chứng. Xem Mc 14:55-59. Khởi đầu, nhiều chứng trái ngược nhau, mãi sau mới có một chứng “nghe được”: tôi nghe hắn bảo sẽ phá hủy đền thờ và xây lại trong 3 ngày. Thực ra kết quả vụ án đã được quyết định từ lâu rồi. Cho nên vụ án này quả là một trò hề bất hợp pháp ngay từ đầu. Trước nhất vì tổ chức trong đêm trong khi luật lệ Do Thái buộc bất cứ vụ hình sự nào trước các tư tế phải được tổ chức lúc ban ngày. Thứ hai, họp tại nơi không đúng chỗ. Thượng hội đồng chỉ họp tại phòng dành riêng cho mục đích này, và chỉ họp ở đó mới thành sự (valid). Cuộc họp lần này lại họp tại dinh thầy cả thượng phẩm. Thứ ba, Thượng hội đồng không được tuyên án cùng ngày với ngày xử. Trường hợp này, bản án đạt tới ngay lập tức, nói đúng hơn đã có sẵn từ trước.

Lời chứng về việc phá đền thờ đúng sự thật chút đỉnh. Lúc khởi đầu sứ vụ, lúc đuổi bọn con buôn khỏi đền thờ, Chúa Giêsu có nói: cứ phá đền thờ này đi, ta sẽ xây lại trong 3 ngày (Ga 2:19). Nhưng Ga 2:22 thêm ngay: đền thờ Người nói đây chính là thân xác Người, đâu phải đền thờ bằng đá! Nhưng cái chút sự thực kia cũng chẳng có giá trị gì không những vì lý do vừa rồi mà còn vì có những chứng khác nói ngược lại như Máccô đã thêm: “Nhưng ngay ở điểm này, lời chứng của họ cũng không ăn khớp với nhau”. Các tư tế lâm ngõ bí. Không tìm ra căn bản pháp lý để kết tội Chúa Giêsu.

(2) "Ông có phải là Đấng Kitô không?"

Caiphas phải lên tiếng, tìm cách buộc Người phải tự kết tội mình. Xem Mc 14:60-61. Sao ông không trả lời? Chúa vẫn im lặng. Isaia (53:7) từng tiên báo: “Người bị áp bức và hành khổ, nhưng Người không mở miệng; Người bị dẫn đi giết như chiên, và Người im lặng như cừu trước thợ xén lông, không hề mở miệng”. Caiphas vô cùng tức giận trước thái độ lặng im ấy, hắn lấy Danh Thiên Chúa buộc Người phải trả lời như phúc âm Mátthêu (26:63) ghi lại: Nhân Danh Thiên Chúa Hằng Sống, tôi truyền cho ông phải nói! Nói gì? Xem Mc 14:61-65. Ông có phải là Đấng Kitô, Con của Đấng đáng chúc tụng không? Đúng. Các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Tối Cao và đến trong mây trời. Thầy cả thượng phẩm xé áo: phạm thượng, cần gì chứng với cớ nữa. Và bọn họ kết án tử cho Người.

Nhiều nhà phê bình Thánh kinh và một số học giả cấp tiến cứ khăng khăng cho rằng Chúa Giêsu không bao giờ tự cho mình là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Họ bảo rằng các môn đệ của Người đã gán cho Người tước hiệu ấy. Ta chỉ cần chỉ cho họ đoạn này. Nhiều đoạn khác, Người cũng đã xưng mình là Đấng Kitô và là Con Thiên Chúa, nhưng không đoạn nào rõ hơn đoạn này, vì Người bị chất vấn nhân danh Thiên Chúa. Không úp mở, Người xác nhận: đúng, tôi là đấng Kitô, Con Thiên Chúa. Không một chút hàm hồ.

Phần còn lại nhắm vào chính thầy cả thượng phẩm: các ông sẽ thấy Con Người ngồi bên hữu Đấng Tối Cao mà đến trong mây trời! Nghĩa là không đến như cứu tinh mà như một quan án để phán xét những kẻ như Caiphas. Lúc ấy, mới rõ mười mươi ai phạm thượng!

2. Sự Ác Xổ Lồng

2.1 Và rồi chuyện thực sự lạ xẩy ra. Thánh Máccô cho hay ngay lúc bản án được tuyên, cái thắng tạm hãm sự thù hận của các tư tế bỗng như đứt hẳn, cơn giận của họ hoàn toàn xổ lồng như thác lũ, bất chấp luật lệ, không còn gì chặn được họ nữa. Họ trút cơn giận lên Chúa Giêsu: nào khạc nhổ, nào bịt mắt, nào đấm vào mặt… 750 năm trước, Isaia (50:6) từng nói: Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt cho người ta phỉ nhổ.

2.2 Từ ngoài sân, Phêrô theo dõi và lắng nghe. Ông không bao giờ quên được cảnh tượng này. Trong thư thứ nhất của mình, Phêrô viết như sau: Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe, nhưng một bề phó thác cho Đấng Xét xử công bằng (I Pr 2:6). Kitô hữu có thể có được thái độ này lúc bị hạ nhục, hành khổ không, có biết phó thác cho Đấng xét xử công minh không?

3. Phêrô Chối Thầy

3.1 Phêrô anh hùng rơm và sau đó bỏ trốn như thế nào ta đã biết. Nhưng giờ đây ông trở lại, tính chuộc lỗi chắc. Kết quả ra sao xem Mc 14: 66-72. Tớ gái: anh thuộc phe với người Nagiarét kia? Đâu có! Tớ gái khác: anh này thuộc phe ông ta. Đâu có! Rồi một người khác: anh Galilê này chắc chắn thuộc phe ông ta. Tôi thề không phải. Ngay lúc ấy, gà gáy lần thứ hai. Phêrô nhớ lại, bèn ra ngoài khóc thảm thương. Anh hùng rơm đã mất hẳn.

3.2 Thánh Máccô cho ta một tương phản giữa việc Chúa Giêsu phản ứng khi bị buộc phải thề (nhân danh Chúa) và việc Phêrô bị áp lực phải thề. Chúa Giêsu xác nhận mình là Con Thiên Chúa. Phêrô chối mình không phải môn đệ Con Thiên Chúa. Tiếng gà gáy lần thứ hai khiến ông tỉnh ngộ trong đau dớn vật vã khóc than. Ở đây ta thấy nghệ thuật của Thánh Máccô: ngài luôn luôn sử dụng lối tương phản để làm nổi câu truyện, tăng hiệu quả của câu truyện nhất là lúc nói đến yêu và ghét.

3.3 Sự thù ghét của các lãnh tụ tôn giáo như đám mây nhầy nhụa sự ác. Đám mây ấy làm họ bỏ qua dễ dàng cả luật lệ lẫn truyền thống, công lý lẫn chính trực, để nhất định tận diệt Chúa Giêsu. Người vô tội, họ biết thế; nhưng họ vẫn không một chút lương tâm, không một chút do dự đem người vô tội này đến cái chết. Tâm hồn đen tối của họ đầy nọc độc ghen tương phát sinh ra khạc nhổ, tấn công vũ lực, chế nhạo khinh mạn. Họ là những kẻ độc ác, dữ tợn thuộc loại du đãng hè phố ngày nay. Phía kia là Phêrô, một người thực sự yêu Chúa, quyết tâm bảo vệ Chúa, nhưng chỉ vì thiếu đức tin nên đã không bền vững đến cùng. Ông đã dùng lời thề mà chối phắt Chúa.

4. Sự Thất Bại của Xác Thịt

4.1 Thánh Máccô đặt hai hoạt cảnh trên cạnh nhau để ta hiểu rõ hơn rằng chúng đều có một chủ đề chung này: bản chất lọc lừa của điều Thánh Kinh gọi là “xác thịt”. Dù các lãnh tụ tôn giáo kia bề ngoài là người của Chúa, mà thực tâm, họ là người của xác thịt, với các tham vọng xác thịt nhằm tiền tài, danh giá và quyền lực. Họ nghĩ như thế gian vốn nghĩ rằng: muốn gì thì dùng mọi thủ đoạn mà chiếm lấy, và sẵn sàng tiêu diệt bất cứ ai gây trở ngại. Khi Chúa Giêsu gây trở ngại, họ trả đũa bằng láo khoét, hành tỏi, chế nhạo, mạ lị, gây thương tổn và bạo lực. Xác thịt quả đang hoành hành.

4.2 Tuy nhiên, Thánh Máccô cũng muốn chứng tỏ rằng tình yêu của Phêrô cũng không hơn gì lòng thù hận của các tư tế và luật sĩ. Giống như lòng thù hận kia, tình yêu của Phêrô cũng phát sinh và tùy thuộc xác thịt, nghĩa là các tài nguyên phàm nhân. Gặp giờ nguy biến, tình yêu của một người bạn như thế quả chẳng ích lợi gì đối với Chúa Giêsu hơn lòng thù ghét và khinh miệt của thù địch. Tình yêu và lòng thủy chung không có nghĩa gì khi dựa vào cái nền móng lung lay của ý chí xác phàm.

4.3 Nhiều giáo hội Kitô giáo ngày nay vẫn dựa vào những khôn ngoan cũng như các phuơng pháp xác thịt, trần đời để thừa hành các thừa tác vụ của mình, tiến hành các công việc phúc âm hóa... Họ thuê các cố vấn, các chuyên viên y như các đại công ty bên ngoài, tạo ra các cơ cấu tổ chức vĩ đại và phẩm trật quản trị tân tiến với chủ chiến thuật và chiến lược tiếp thị và quảng cáo. Thay vì xây dựng hội thánh trên mô thức Thánh Kinh, họ dùng các mô thức phàm trần rồi dán vào đó vào đây một vài câu Thánh Kinh để “kitô hóa” cái tổ chức trần thế, xác thịt đó. Họ quả đã thay thế việc phục dịch Chúa và uy quyền của Chúa bằng những chiến dịch tranh đấu và gửi thư trực tiếp (direct-mail campagnes). Nhiều Kitô hữu cả hai phía, tân và thủ cựu, ráng thay đổi thế giới bằng chiến tranh ý thức hệ; trong khi Chúa bảo ta phải thay đổi nó bằng tình yêu.

4.4 Quyền lực xác thân không làm được gì. Chỉ khi nào sự yếu đuối xác thân dựa vào quyền lực và khôn ngoan của Thiên Chúa. Đây là bài học thật hay rút ra từ cái thất bại ê chề của Phêrô. Chính Phêrô cũng học được bài học đó, và bởi vậy ông đã khóc thật thảm thương. Thi sĩ Tôcáchlan Charles Mackay (1814-1889) có bài thơ hay về việc này:

Ồ, anh rơi nước mắt,

Cám ơn anh đã chạy dài.

Dù anh rỉ rả trong đêm,

Anh sẽ rạng rỡ dưới ánh mặt trời.

Cầu vồng nào rực rỡ

Nếu mưa từ chối rơi;

Mắt nào không thể khóc

Là mắt buồn hơn tất cả.

Phêrô quả đã thất bại. Nhưng thất bại của ông không phải là kết thúc. Ông đã học được bài học mà thánh Phaolô tóm gọn trong thư Philiphê (Pl 3:3): (chúng ta là) những người thờ phượng bằng Thánh Thần Thiên Chúa, tìm vinh quang trong Chúa Giêsu Kitô, và không đặt tin tưởng nơi xác phàm”
 
Công nghĩa
Lm Vũđình Tường
14:37 07/04/2009
Thứ bốn thảo kính cha mẹ. Điều này không dễ thực hiện vì hoàn cảnh cuộc sống, nhất là tại các quốc gia kĩ nghệ. Tổ chức xã hội, công ăn việc làm và luật lệ khiến việc thảo kính cha mẹ đã khó trở nên khó thực hiện hơn. Luật lệ có cái hay và cái dở của nó. Luật lệ đóng vai trò tháo một đầu buộc một đầu. Luật giúp bảo vệ người này lại trói buộc người khác. Chính vì thế mà thảo kính thuê trở thành một nghề làm ăn phát đạt nơi những quốc gia kĩ nghệ. Nơi mà cả gia đình phải vật lộn với cuộc sống, không thể coi sóc cha mẹ nên thuê người làm thay.

Chúng ta hay nhắc đến công cha, nghĩa mẹ. Việc hiếu nghĩa có một vị thế khá vững vàng trong truyền thống dân tộc. Khá vững không có nghĩa là không bao giờ lung lay. Quả thế, công cha, nghĩa mẹ ngày nay đang lung lay từ ngọn tới rễ. Nhiều gia đình thuê người khác làm công việc thảo kính.

Có trường hợp điều răn thứ tư hầu như dành riêng cho con trẻ nhiều hơn là người lớn. Dành riêng cho con trẻ vì chúng cần được giáo dục cho biết điều răn Chúa dậy. Người lớn biết điều đó nhưng vì hoàn cảnh, vì công ăn việc làm không thể thực hiện được. Việc thảo kính cha mẹ được trao phó cho người khác thảo kính dùm còn mình lo kiếm thêm tiền thuê người thảo kính.

Ngược dòng lịch sử

Những năm được mệnh danh là cải cách văn hoá. Đội lốt, ngụy trang từ đánh tư bản để lại lịch sử dân tộc những vết thẹo ngàn đời không thể tẩy xoá. Vì muốn giữ được một phần gia sản, ít ra là một góc vườn cho cháu có chỗ trú mưa mà con cần phải đấu cha.

Xin cha thông cảm.

Vì vườn rau mẹ từng vun trồng nếu không tố mẹ thì con sẽ mất cả mẹ lẫn vườn rau.

Xin mẹ hiểu cho.

Cả con cái lẫn cha lẫn mẹ đều bấm bụng cắt ruột, tai giả điếc, mắt giả đui để con trả công cha, đền nghĩa mẹ theo tình thế bắt buộc. Cả cha lẫn mẹ lẫn con cái suốt đời sống với nỗi đau do hoàn cảnh xã hội gây nên.

Nơi các quốc gia kĩ nghệ vợ chồng, con cái ngày kẻ đi làm, người đi học, bố mẹ ở nhà bơ vơ, không yên tâm. Nơi ở tốt lành dưỡng già cho cha mẹ là viện dưỡng lão. Nơi đó người ta chăm sóc chu đáo hơn, chuyên nghiệp hơn như vậy tốt cho cha mẹ hơn ở tuổi già. Nghĩ như thế rất phải vì những người này được huấn luyện làm công việc đó, nghề của họ và là nơi họ kiếm cơm.

Viện dưỡng lão

Gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão con cái ở nhà cảm thấy yên tâm hơn vì có người coi sóc cha mẹ thay mình. Trong khi đó cha mẹ cảm nghiệm, ngăn cách, chia lìa. Sống gần nhau nhưng không thể gặp nhau. Nhớ đến nhau nhưng không sao lại gần. Cuộc sống viện dưỡng lão gần như là sống nhờ lòng bố thí, hưởng chút tình của công nhân do trách nhiệm, vì đồng lương nuôi sống gia đình ban cho. Bố thí là cho đi. Bố thí mang ý nghĩa thương hại nhiều hơn là cho do lòng yêu mến. Nhân viên làm vì trách nhiệm hơn là tình thương. Để cho người khác thương hại cha mẹ mình thì khó có thể gọi là đền ơn, đáp nghĩa. Công cha nghĩa mẹ đáp lại bằng vật chất, nơi ăn chốn ở đàng hoàng chỉ là một phần. Hãy nhớ lại của cải vật chất trong đời các ngài đã làm ra cao tựa núi. Thật vậy, thử tính nhẩm cũng rõ những món tiền tiêu cho gia đình nếu được ghi lại sẽ có con số khổng lồ.

Tránh cảnh màn trời

Viện dưỡng lão không phài là tổ ấm vì nơi đó không ấm cúng. Nơi đó che mưa, che nắng. Nơi đó chu cấp nhu cầu vật chất cần thiết. Nơi đó có người hầu hạ, sai bảo. Nơi đó giúp tránh cảnh màn trời, chiếu đất. Viện dưỡng lão không phải là tổ ấm vì nơi đó thiếu tình yêu.

Viện dưỡng lão có nhiều vật chất nhưng nghèo tinh thần.

Viện dưỡng lão ngày cũng như đêm lúc nào cũng có nhiều người nhưng sống ở đó lại thấy cô đơn. Cô đơn vì thiếu người thân.

Chung quanh rất đông người nhưng vẫn thấy lẻ loi. Lẻ loi vì gặp toàn người xa lạ. Vắng bóng người mình yêu.

Được ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhưng vẫn thấy thèm. Thèm nghe tiếng nói non dại của lũ cháu, tiếng cười dòn của trẻ thơ.

Y tá, bác sĩ chăm sóc đầy đủ mà lòng vẫn chai đá. Chai đá vì khát nghe tiếng khóc thuỷ tinh của cháu chắt.

Được chăm nom cẩn thận, chu cấp đầy đủ mà vẫn thiếu. Thiếu tình thương ruột thịt.

Nằm chăn êm, nệm ấm nhưng vẫn thấy giá buốt trong lòng. Giá buốt vì thiếu lời nói ngọt ngào, vòng tay ấm cúng.

Mái ấm

Các cụ thiếu mái ấm gia đình. Gia đình là tổ ấm vì nơi đây ông bà, cha mẹ, con cháu yêu thương đùm bọc, nâng đỡ chia ngọt, xẻ bùi. Viện dưỡng lão không có những yếu tố đó.

Tuổi già sống bằng thương yêu con cháu.

Tuổi muốn con cháu gần bên.

Vui thấy con mạnh khoẻ.

Vui thấy cháu lớn lên.

Viện dưỡng lão không cung cấp nhu cầu cần thiết đó.

Lo được vật chất nhưng thiếu tinh thần.

Tinh thần ở tuổi già quan trọng hơn vật chất.

Ghét của, mê tiền

Tuổi già thường chê của cải, vật chất, không ham nhà cao, cửa rộng. không thích vườn to, ao sâu. Tuy nhiên một số lại mê tiền, tham tiền. Mong có nhiều tiền nhưng không tiêu tiền. Tìm cách cất chỗ này, dấu chỗ nọ. Dấu rồi quên không nhớ dấu ở đâu. Cất rồi mất cũng chẳng hay. Ai lấy mất cũng chẳng cần biết nhưng lại mê tiền.

Vì sao? Vì lòng trống vắng, thiếu tình thương. Vì trống vắng nên phải tìm cách khoả lấp khoảng trống. Mong mỏi được tình thương con cháu dành cho. Tuổi già không được nghe lời nói yêu thương, thiếu bàn tay vỗ về, thèm cái nhìn trìu mến, lời dỗ ngọt ngào nên dùng tiền hy vọng điền vào khoảng trống, mong khoả lấp khoảng trống tình yêu của con cháu.

Thảo kính

Nếu gia đình không thể chăm sóc cha mẹ thì tiện dưỡng lão là cách tốt nhất giúp cha mẹ an ủi tuổi già. Nhiều người mong mỏi được vào những nơi đó còn không được. Đúng vậy, có nhiều trường hợp đơn xin phải chờ, chờ đến lúc người đó mất mà vẫn chưa đến lượt, vẫn còn phải chờ vì không đủ chỗ. Gởi cha mẹ vào viện dưỡng lão giúp giải quyết được nhiều vấn nạn cho gia đình. Giải quyết được vấn đề an sinh cho cha mẹ. Còn một vấn đề quan trọng viện dưỡng lão không thể cung cấp. Đó là tình yêu. Món ăn tinh thần không thể thiếu, cần hơn cả vật chất. Mang tình yêu nồng ấm đến cho cha mẹ nơi viện dưỡng lão là cách tốt nhất sống tinh thần điều răn thứ tư. Thảo Kính Cha Mẹ. Hạnh phúc và may mắn thay cha mẹ nào sống viện dưỡng lão mà có con cháu thường xuyên thăm viếng.

Ước mong các bậc phụ huynh có cha mẹ trong viện dưỡng lão với khả năng tạo cơ hội cho chính mình và cho con, cháu gặp ông bà và cha mẹ thường xuyên gặp nhau.

Hãy nhớ trước khi chết Đức Kitô làm một việc hết sức ý nghĩa là nói với người môn đệ yêu quí.

Gioan, đây là mẹ con. Gn 19,27.

Từ lúc đó Gioan đưa bà Maria về nhà chăm sóc. Đức Kitô không trao Mẹ cho ai khác nhưng trao cho người môn đệ mình yêu quí. Phải chăng Ngài đặt nặng chữ tình vì biết người môn đệ kia không phải chỉ chu cấp cho Mẹ nơi ăn, chốn ở mà còn sống bằng chân tình, bằng yêu thương.

TÌM BÀI CŨ:

Suy Niệm: http://www.stmarksinala.net.au/suyniem.html

Truyện ngắn: http://www.stmarksinala.net.au/truyen.html

Hình ảnh: http://www.stmarksinala.net.au/Photos.html
 
''Này là chén Máu Thầy''
+ TGM Giuse Ngô quang Kiệt
15:18 07/04/2009
Thánh lễ làm phép Dầu Thánh (Mt 26, 26-29)

(Bài giảng tại Nhà thờ Hà Thao 07-04-2009)

Mỗi khi dâng lễ đến phần truyền phép, tất cả chúng ta đều cung kính ngất ngây trong bầu khí linh thiêng. Riêng các linh mục xúc động sâu xa, vì mầu nhiệm Mình Máu Thánh chạm đến cuộc đời các ngài.

Khi đọc lời truyền phép: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà uống. Vì này là chén Máu Thầy. Máu giao ước mới và vĩnh cửu. Sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội. Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Các linh mục như được ngồi trong căn phòng Tiệc Ly. Được Chúa rửa chân. Được Chúa trao cho chén thánh.

“Hãy cầm lấy mà uống”. Đây là chén thân tình. Chúa trao cho linh mục uống chén của Chúa. Phải yêu thương quí mến lắm mới cho uống chung chén. Thật cảm động biết bao. Thân phận cát bụi được đồng bàn với Chúa uy linh. Con người tội lỗi được uống chén của Đấng Thánh Thiện. Kiếp nô lệ được nâng lên thành bạn hữu. Cầm chén của Chúa trong tay, các linh mục không thể không nhớ lại lời Chúa: “Từ nay Thầy không còn gọi anh em là tôi tớ, nhưng là bạn hữu của Thầy”(Ga 15,15). Thật vinh dự cho linh mục được là bạn hữu của Chúa. Bạn hữu được chạm chén đã là hạnh phúc. Nhưng còn hơn thế nữa, linh mục được uống chung chén với Chúa. Đó là một tình thân sâu xa tha thiết không bút nào tả xiết.

“Vì này là chén Máu Thầy”. Đây là chén dâng hiến. Máu tượng trưng cho sự sống. Trao tặng chén máu là dâng hiến sự sống. Sự sống phát sinh sự sống. Chúa trao cho các linh mục chén Máu của Chúa để các linh mục được sự sống của Chúa. Để các linh mục sống bằng sự sống của Chúa. Và để các linh mục phát triển sự sống của Chúa. Phát triển bằng quên mình phục vụ như Lời Chúa dạy: “Ai tìm sự sống mình thì sẽ mất. Ai hi sinh mạng sống mình vì Ta và vì Phúc âm thì sẽ được sự sống đời đời”(Mc 8,35). Dâng hiến chính bản thân mình. Đó là nền tảng của văn hóa sự sống sẽ làm phát triển sự sống.

“Máu giao ước mới và vĩnh cửu”. Đây là chén giao ước. Chén giao ước gợi lên phong tục “uống máu ăn thề”. Những người đồng tâm kết ước nhỏ một giọt máu của mình vào chén rượu thề. Máu của họ hòa trộn vào nhau để thề hứa sống chết có nhau. Họ trở thành một cộng đồng sinh mệnh. Khi trao cho linh mục chén giao ước, Chúa Giêsu cũng muốn linh mục ký kết giao ước với Chúa. Chúa muốn linh mục hòa máu mình vào dòng Máu Thánh của Chúa. Chúa muốn linh mục đồng cam cộng khổ và đồng sinh đồng tử với Chúa.

“Sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội”. Đây là chén cứu độ. Máu Chúa đổ ra không phải để báo oán, nhưng để tha tội. Để cho những tấm áo được giặt trong Máu Con Chiên sẽ trở nên trắng ngần hơn tuyết. Khi trao chén Máu Thánh, Chúa mời gọi linh mục hãy tiếp tục công việc của Chúa. Hãy như Chúa tha thứ kể cả khi bị treo trên thánh giá vẫn xin tha cho những kẻ làm hại mình, vẫn tha thứ cho người trộm lành, vẫn hoán cải được viên sĩ quan ngoại đạo và những người chứng kiến phải đấm ngực cúi đầu hối hận.

“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đây là chén tưởng niệm. Chúa mong muốn các linh mục hãy tiếp tục công việc của Chúa nơi trần gian. Tiếp tục không chỉ là dâng lễ trên bàn thờ. Nhưng phải là dâng hiến chính bản thân mình. Mỗi cuộc đời linh mục phải là cuộc đời của Chúa Giêsu. Mỗi hình ảnh linh mục phải là hình ảnh của Chúa Giêsu. Làm sao để người tín hữu nhìn thấy linh mục là nhìn thấy Chúa Giêsu.

Để thực hiện điều đó, hằng năm Giáo hội mời gọi các linh mục long trọng tuyên hứa lại. Để linh mục nhớ lại ngày nhận chén thánh. Để linh mục nhớ lại chén thánh Chúa trao là chén thân tình Chúa nhận linh mục là bạn hữu. Là chén dâng hiến để linh mục dâng chính thân mình. Là chén giao ước để linh mục đồng sinh đồng tử với Chúa. Là chén cứu độ để cuộc đời linh mục luôn luôn tìm tha thứ. Là chén tưởng niệm để cuộc đời linh mục rập khuôn cuộc đời của Chúa.

Trong tâm tình đó giờ đây các linh mục sẽ nhắc lại lời thề hứa khi chịu chức. Chúng ta hãy hợp ý với các ngài, cầu nguyện cho các ngài. Và nhất là hãy yêu thương cộng tác với các ngài để giúp các ngài chu toàn nhiệm vụ linh mục rất cao quí nhưng cũng rất nhiều khó khăn này.
 
Suy niệm Lễ Phục Sinh: Ngôi mộ là điểm khởi đầu hay là điểm cuối?
LM. Inhaxiô Trần Ngà
16:50 07/04/2009
Suy niệm Lễ Phục Sinh: Ngôi mộ là điểm khởi đầu hay là điểm cuối?

Ngôi mộ là điểm cuối của cuộc đời?

Đối với người vô thần, thì ngôi mộ là điểm tận cùng của một kiếp người. Nơi đây vua cũng như dân, tướng cũng như quân, bậc anh hùng cũng như tên vô lại, người quyền quý cũng như kẻ cơ bần… đều phải vùi mình xuống, mục nát đi và trở thành cát bụi. Theo quan điểm nầy, ngôi mộ là điểm tận cùng của kiếp người, là dấu chấm hết cho tất cả sự nghiệp.

“Trăm năm còn có gì đâu?

Chẳng qua một nấm cỏ khâu xanh rì”. (Nguyễn Du)

Ngôi mộ là cửa đưa xuống âm ty?

Theo quan niệm của một số người khác, tuy ngôi mộ không phải là điểm tận cùng, là điểm kết thúc của kiếp người, nhưng được xem là một cánh cửa hãi hùng: cửa đưa xuống âm ty hay vào chín tầng địa ngục.

Ngôi mộ không còn là cửa tử nhưng là cửa sinh.

Bằng cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giê-su đã bật tung cửa mồ sống lại, đẩy lùi quyền lực sự chết đang bao trùm thế giới.

Người biến ngôi mộ là điểm cuối của đời người trở thành cửa ngõ dẫn vào cõi trường sinh; Người khiến cho cửa mồ đã từng há rộng nuốt lấy bao người xuống cõi âm ty trở thành cổng chào hân hoan tiếp đón nhân loại vào thiên quốc; Người đã biến đau thương của sự chết thành niềm hoan lạc của ngày phục sinh; biến ngày cuối của kiếp sống trần gian trở thành ngày thứ nhất trong đời sống mới!

Từ đây ngôi mộ không là cửa tử nhưng là cửa sinh, đưa muôn người vào đời sống vinh quang bất diệt.

Phục sinh với Chúa Giê-su

Để cho ngôi mộ không còn là điểm tận cùng bi đát nhưng trở thành ngõ vào cuộc sống vinh quang thì trước hết chúng ta hãy gắn bó với Chúa Giê-su như chi thể liên kết với thân mình và vững tin vào Người như lời Người mời gọi: “Ta là sự sống lại và là sự sống. Ai tin Ta thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Hễ ai sống mà tin Ta sẽ không chết bao giờ”. (Gioan 11, 25)

Vậy thì cùng với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy giã từ ngôi mộ giam nhốt chúng ta lâu nay trong tội lỗi. Cùng với Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta hãy cởi bỏ những giây băng, những khăn trùm đầu, những tấm vải liệm ràng buộc gò bó chúng ta bấy lâu nay để vùng đứng lên bước vào đời sống mới. Cụ thể là chúng ta hãy từ bỏ những đam mê tội lỗi vốn trói buộc chúng ta và làm cho đời sống tâm linh chúng ta giẫy chết.

Chúa Giê-su là Đầu của chúng ta đã khải hoàn bước vào thiên quốc, là thân mình của Người, chúng ta chắc chắn sẽ được cùng Người tiến vào cõi vinh quang bất diệt.

Vậy ngay hôm nay, chúng ta hãy bắt đầu ngày thứ nhất của cuộc đời mới với Chúa Giê-su bằng tiếng reo alleluia và với niềm vui tràn ngập tâm hồn.

Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
 
“Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ cho đến cùng”
+ GM F.X. Nguyễn Văn Sang
16:51 07/04/2009
BÀI GIẢNG LỄ THÁNH HIẾN DẦU TẠI GIÁO XỨ ĐAN CHÀNG, TỈNH HƯNG YÊN 07/04/2009

Hôm nay là ngày vui mừng của Giáo phận Thái Bình: chúng ta tụ họp nhau ở đây trong đại gia đình Giáo phận để hiệp thông với nhau trong tình cha - con huynh - đệ, một giáo phận có Giám Mục lớn tuổi đã tận hiến cuộc đời trên gần 30 năm trong chức vụ, và 20 năm cho Giáo phận, khác nào một người cha trong gia đình. Người cha đó kết hiệp với những con cái của mình, gồm các Linh mục như cánh tay nối dài những ước muốn quyết định làm cho Giáo phận được hưng thịnh.Các ngài được sắp xếp ở những đại phương khác nhau trong tinh thần hiệp nhất, yêu mến để làm đầy đủ trách nhiệm của mình đối với đoàn chiên.

Trong số các Linh mục, có những người là học trò cũ của Người. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, một chữ là đi học, mà nửa chữ cũng là đi học, huống chi có những năm dài được lĩnh hội những kiến thức đầy đủ cho việc mục vụ, hoặc ở trong chủng viện hoặc ở trường đời. Có những Linh mục đã được chính Người đặt tay trên đầu mà sinh ra trong những hoàn cảnh khác nhau để trở nên những người hướng dẫn đoàn chiên trẻ trung, hy sinh bác ái đem tình thương đến cho mọi người.

Đoàn ngũ những tu sĩ nam nữ, các dòng tu do chính Đức Giám Mục sáng lập hoặc mời về phục vụ trên mảnh đất đồng chua nước mặn, đã tỏ ra hết mực hy sinh, đóng góp vào thân thể Giáo phận được hưng thịnh tới ngày nay. Và lớp lớp anh chị em giáo hữu đơn sơ, chân thành, đạo đức theo truyền thống của Dòng Đaminh, đã không ngại đổ mồ hôi nước mắt, hiến tặnh tinh thần và vật chất, hôm nay đây cũng hợp thành triều thiên vây quanh Đức Giám Mục.

Ôi ! Sự hợp thành tuyệt vời như lời Thánh vịnh đã nói: “Anh em kết hợp tốt đẹp biết bao, như dầu thơm chảy xuống đầu ông A-a-ron, chảy xuống tràn lan tới tận gấu áo...”. Một sự hiệp thông cấu kết không gì có thể chia rẽ hoặc phá hoại được. Mặc dầu những khó khăn cản trở, thử thách như chính Chúa Giêsu trong đêm bị trao nộp, có thể còn có cả sự có góp phần của chính các môn đệ như Phêrô chối Chúa và Giuđa phản bội. Song Chúa Giêsu, như lời Kinh thánh diễn tả, chắc đã phải hết sức cố gắng gạt bỏ ý riêng mình, chấp nhận chén đắng để cầm lấy tấm bánh biểu dương cho chính bản thân của Thiên Chúa làm người đầy vinh quang hoàn hảo. Nhưng Ngài cũng sẵn sàng bẻ ra (chịu thương khó hết sức) trao cho các môn đệ (hiến thân trọn vẹn cho các ngài), không giữ lại chút gì như lời Thánh Gioan ghi lại: “Người đã yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ cho đến cùng”.

Hôm nay chúng ta cũng thực hiện sự hiệp thông cao cả đó trong đại gia đình Giáo phận, trong sự hy sinh lớn lao của mỗi người để hiệp nhất với nhau chia sẻ một tấm bánh và một ly rượu là Mình và Máu Thánh Chúa.

Hôm nay cũng là sự biểu dương sự hiệp nhất giữa mọi người, nhất là là các Linh Mục giữa Giáo Hội là Mẹ mà Đức Giám Mục là đại diện. Giáo Hội đã được sinh ra từ cạnh lương long của Chúa mà từ đó phát sinh ra các Bí tích là nguồn cứu rỗi cho nhân loại. Các Bí tích đó là phương tiện dồi dào Giáo Hội dùng để ban ơn cứu rỗi cho thế gian, đã được trao vào tay các Linh Mục, kể cả các Linh Mục thừa tác do Bí tích Truyền Chức và các Linh Mục cộng đồng là toàn thể người Kitô hữu đã được chịu phép Rửa Tội. Mọi người thực hành các Bí tích đó trong Giáo Hội nhân danh Giáo Hội, kết hợp với Giáo Hội. Không ai có thể thực hành các Bí tích mà lại không nhân danh và theo ý Giáo Hội, nếu không sẽ không có hiệu quả như chúng ta đã biết.

Hôm nay Đức Giám Mục thay mặt Giáo Hội làm phép và thánh hiến các dầu thánh để làm các Bí tích trong đạo, từ Bí tích Rửa Tội cho đến Bí tích Xức Dầu. Tất cả đều thể hiện lòng thương xót của Chúa đối với nhân loại và trao ban cho các Linh Mục thừa tác cũng như cộng đồng nhân danh Chúa mà đem Ơn Cứu Độ cho mọi người như trong kinh Thầy Cả Thượng Phẩm đã nói tới: “Chúa lại đi qua giữa thế gian, mà giảng dạy, mà tha thứ, mà nối dây kết hiệp giữa quả tim Thiên Chúa với quả tim loài người”.

Vậy hôm nay là ngày vui của toàn thể Giáo phận, nhất là chúng ta sắp chứng kiến việc các Linh Mục lặp lại lơì hứa khi chịu chức để trung thành với sứ mạng cao cả của Chúa luôn hy sinh đem Ơn Cứu Độ cho thế gian. Vậy chúng ta hãy sốt sáng tham dự lễ nghi và cầu nguyện cho các ngài trong niềm hy vọng và yêu thương.
 
Rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa !
LM. An Mai, CSsR
16:58 07/04/2009
Rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa !

Gần 2000 năm nay, Thập Giá vẫn là một mầu nhiệm đối với con người. Không là mầu nhiệm sao được khi mà nhìn lên đấy, người ta thấy một Con Người chịu chết treo trên ấy một cách nhục nhã. Không nhục nhã sao được khi thân hình tiều tụy và bị đòn roi đánh tơi tả trước khi chết. Chết rồi mà cũng chẳng được yên khi bị quân lính lấy lưỡi đòng đâm thâu !

Chẳng ai hiểu được một con người chết như vậy trên Thập Giá. Thật sự thì Con Người ấy có nói nguyên nhân cũng như ý nghĩa cho cái chết ấy nhưng con người cố tình không hiểu và không đón nhận Mầu Nhiệm ấy trong đời mình. Con Người ấy đã nói đi nói lại bao lần về cái chết của Con Người ấy. Con Người ấy sinh ra trong cuộc đời này chỉ vì yêu và cuối cùng chết cũng vì yêu.

Nhìn lên thập giá ấy, nhiều người cho rằng đó là sự điên rồ. Và những người tin Con Người chết treo trên cây thập giá ấy cũng bị gọi là điên rồ.

Chính cây thập giá ấy đã làm cho nhiều người vấp ngã. Cũng chính cây thập giá ấy mà nhiều người được cứu độ.

Con Người chịu chết treo trên cây thập giá cũng vì yêu. Con đường của Con Người chịu chết treo trên thập giá ấy chính là con đường của tình yêu và những ai tin và theo Con Người ấy cũng chẳng có con đường nào khác ngoài con đường của tình yêu.

Yêu và chết một cách nhục nhã vậy mà gọi là mầu nhiệm !

Mầu nhiệm thật đấy chứ ! Vì nếu chết cho những con người gọi là công chính, là hoàn thiện thì chẳng còn gọi là mầu nhiệm nữa. Mầu nhiệm ở chỗ là chết cho, chết vì những con người tội lỗi, những con người bất toàn. Mầu nhiệm càng dẫn con người vào đường nẻo của nhiệm mầu và khó hiểu.

Chỉ những ai dám sống vì yêu và chết vì yêu như Con Người treo trên thập giá mới được vào hưởng vinh quang như Con Người khi còn sống đã tuyên bố.

Tôi có quen một người, xem ra người ấy khá đạo đức vì ngày mỗi ngày người ấy vẫn miệt mài ngồi dưới chân Chúa cả tiếng đồng hồ sau khi tham dự Thánh Lễ. Một lần kia, nói chuyện về thập giá, người ấy than vãn sao Chúa trao thập giá nặng quá cho người ấy. Tôi mới hỏi thật là khi ngồi dưới chân Chúa cầu nguyện cái gì ? Người ấy không trả lời. Tôi nói rằng tôi quen ngắm thứ bốn của tràng chuỗi Năm Sự Thương xin người ấy nhắc lại, người ấy đọc là:

- Thứ bốn thì ngắm: Chúa Giêsu vác thánh giá, ta hãy xin cho được vác thánh giá theo chân Chúa !

Tôi hỏi người đó rằng vẫn thường xuyên lần chuỗi, vẫn thường xin cho mình được vác thánh giá theo Chúa hay không hay chỉ là xin theo thói quen của lời ngắm thứ bốn của Mầu Nhiệm Năm Sự Thương. Khi tôi hỏi như vậy, người ấy không nói gì nữa. Thì ra là qua câu hỏi của tôi, người ấy chợt nhận ra rằng mình vẫn xin đấy nhưng mà hình như mình chưa sống lời mà mình xin. Và thậm chí, đơi khi bi đát ở chỗ là ta chỉ đọc như một cái máy chứ ta không suy, không gẫm.

Thật ra, nhân cơ hội nhắc người bạn về chuyện thưa xin này cũng chính là cơ hội nhắc nhớ mình. Đôi lúc trong cuộc sống, mình cũng từng xin với Chúa nhiều điều nhưng rồi mình cũng chưa sống điều mà mình xin ấy. Nhiều lần nhiều lúc mình suy nghĩ cũng hay, mình nói cũng hay lắm nhưng mình có dám sống mầu nhiệm thập giá trong đời mình hay không ? Hay là mình chỉ hát, chỉ nói nơi đầu môi chót lưỡi mà thôi.

“Nhìn lên thấy mình không bằng ai, nhìn xuống thấy mình còn hơn nhiều người”. Câu nói cổ xưa của ông bà ta để lại. Ta có thể đảo ngược câu nói ấy một chút: Nhìn lên thì ta thấy thánh giá mà Chúa gửi cho ta quá nặng ! Nhưng nhìn xuống ta thấy thánh giá mà Chúa gửi cho ta còn nhẹ hơn của nhiều người. Nếu ý thức được như vậy, ta chỉ còn một chuyện là xin Chúa ban thêm sức để ta đủ sức vác thập giá đời mình chứ không càm ràm, không than trách Chúa nữa.

Như người bạn ấy, đôi lúc bạn thấy thánh giá mà Chúa đang gửi cho bạn là quá nặng, quá sức bạn nhưng trong cõi lắng đọng của lòng mình, thánh giá mà Chúa gửi vừa sức của bạn đấy ! Nhiều lần nhiều lúc trong cuộc đời, do cuộc đời này quá nhiều náo động, quá nhiều xôn xao để bạn không nhận ra rằng bạn hạnh phúc hơn nhiều người với thánh giá mà Chúa đang gửi cho bạn. Nhìn xung quanh bạn, nhiều người vác thánh giá nặng hơn bạn mà mà không biết đấy thôi !

Trở lại vấn đề của thập giá. Mình thừa ý thức và thừa hiểu rằng thập giá chính là mầu nhiệm và trong đời sống kitô hữu của mình phải noi theo mầu nhiệm mà Chúa đã nêu gương và đã sống. Kitô hữu phải noi theo rồi huống hồ là tu sĩ, là linh mục. Nhất là linh mục, nhớ lại lời mời gọi của giám mục chủ phong trong lễ trao sứ vụ linh mục lại càng đậm nét hơn về mầu nhiệm thập giá: “Con hãy nhận lễ vật của dân thánh mà dâng lên Thiên Chúa. Con hãy ý thức việc con làm, noi theo điều con thực hiện, và rập đời sống con theo khuôn mẫu thánh giá Chúa”.

Nói thì dễ, hứa cũng dễ nhưng để sống đời mình rập theo khuôn mẫu thánh giá Chúa không phải là chuyện dễ. Phải cầu nguyện, phải xin ơn và phải luyện tập mới có thể sống được mầu nhiệm đau khổ ấy.

Những ngày này, Giáo hội đang chìm sâu trong mầu nhiệm Thập Giá, Giáo hội một lần nữa Giáo hội được nhắc lại và mời gọi rập đời mình theo khuôn mẫu thánh giá Chúa.

Chỉ những ai nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu trong mầu nhiệm thánh giá mới được đồng hưởng vinh quang mà Cha Ngài đã hứa ban cho những ai sống mầu nhiệm ấy.
 
Nhật ký 24 giờ cuối cuộc đời Chúa Giêsu
Lm Giacôbê tạ Chúc
17:48 07/04/2009
NHẬT KÝ 24 GÌƠ CUỐI CUỘC ĐỜI CHÚA GIÊSU

5 giờ 00 chiều ngày thứ năm tuần thánh:

Chúa Giêsu từ biệt Đức Mẹ

Con thấy Chúa và Mẹ khóc, hơn ba mươi năm trong mái ấm gia đình, cơm lành canh ngọt, thắm đượm tình yêu mẫu tử. Giờ đây chia lìa mẹ con, ôi thật xót xa cả cõi lòng, mẹ nhìn con đi mà đôi mắt rớm rớm lệ. Chúa Giêsu bước đi trong tê tái cõi lòng, Mẹ ơi mẹ có thấu chăng ?

6 giơ00 chiều thứ năm:

đến nhà Tiệc ly

Nơi đây sẽ mang nhiều kỷ niệm của một đời ân sủng và sự cứu rỗi, Chúa mòn mỏi đợi chờ các môn đệ.

7 giờ 00 tối thứ năm:

Bữa tiệc ly với các môn đệ

Cũng một bữa ăn nhưng hôm nay con thấy sao khác lạ, ánh mắt Chúa mãi vò võ kiếm tìm, Phêrô đến chưa ? Giuđa, Gioan, Anrê, Giacôbê và cả Giuđa Iscariô nữa ! Tất cả đã có mặt rồi chứ, chúng ta thánh hóa bữa ăn nhé.

8 giờ 00 tối thứ năm:

Tiệc thánh Thể

Con thấy bàn tay Chúa run run cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao ban cho các môn đệ. Rượi cũng thế, Chúa dặn các môn đệ hãy ghi nhớ điều này.

9 giờ 00 tối thứ năm:

giờ hấp hối đầu tiên tại vườn cây dầu.

Con thấy Chúa thật tội nghiệp, Chúa lê lết đi, mồ hôi và nước mắt lăn dài. Chúa muốn các môn đệ thức với Chúa.

10 giờ 00 tối thứ năm:

giờ hấp hối thứ hai tại vườn cây dầu

Mồ hôi và máu của Chúa bắt đầu tuôn đổ, cơn xao xuyến và nỗi lo sợ tràn ngập tâm hồn chúa. Ôi nhân lọai sao quá hững hờ.

11 giờ 00 tối thứ năm:

giờ hấp hối thứ ba của chúa

Nghĩ đến những cực hình mình sẽ chịu, bao sỉ nhục Chúa trãi qua, ruột gan của chúa rối bời, các môn đệ đâu, giờ họ đang ngủ.

12 giờ 00 đêm:

Chúa Giêsu bị bắt

Thật không thể nào tin được, đang đêm mà họ vẫn đi tìm bắt chúa, một cảnh náo lọan xảy ra, các môn đệ bỏ chạy, để Chúa một mình giữa phong ba bão táp.

1 giờ 00 sáng thứ sáu tuần thánh:

Chúa ngã ở suối cedron.

Quân lính xô Chúa ngã, chúng kéo Chúa lên, những tảng đá va mạnh vào đầu Chúa, con nghe ngàn muôn nổi tái tê.

2 giờ 00 sáng thứ sáu:

xử án tại nhà Anna

Anna là nhạc phụ của caipha, có lẽ ông cũng chẳng biết nên xử thế nào với Chúa Giêsu.

3 giờ 00 sáng thứ sáu:

xứ án tại nhà Caipha.

Ông này làm Thượng tế, chính ông đề nghị giết Chúa Giêsu để cứu dân chúng.

4 giờ 00 sáng thứ sáu:

Chúa Giêsu trong tay quân dữ.

Sau khi xét hỏi, Caipha giao chúa Giêsu cho quân lính. Bắt đầu trận mưa đòn dồn dập, Thân Thể Chúa máu me đầm đìa.

5 giờ00 sáng thứ sáu:

Họ giam chúa Giêsu trong ngục

Ôi con Thiên Chúa đã đành trút bỏ hết mọi vinh quang, giờ đây mang lấy tấm thân của người nô lệ.

6 giờ00 sáng thứ sáu:

Họ điệu chúa Giêsu đến với Caipha và Philatô

Ông Thượng Tế và Tổng Trấn đứng ra xét xử chúa, con người trở nên mê muội khi dám xử án Đấng là Chúa tể mọi loài.

7 giờ 00: trước mặt Tổng Trấn Philatô

Philatô biết chúa vô tội, thế mà ông vẫn lạnh lùng để cho Chúa phải chết.

8 giờ 00: Baraba một tên đầu trộm đuôi cướp thì được tha, còn chúa Giêsu chịu dánh đòn.

9 giờ 00: Chúa Giêsu đầu đội mũ gai, trên vai Thập giá tiến ra pháp trường.

10 giờ 00: Chúa Giêsu vác Thập Giá lên đồi Calvê giữa những tiếng hò la của dân chúng.

11 giờ 00 trưa: những nhát búa, những chiếc đinh lạnh lùng đóng tay chân Chúa vào thập giá, ôi con người, tội lỗi biết là dường nào.

12 giờ 00 – 14 giờ 00: Chúa Giêsu qùăn quại trong cơn hấp hối, giờ của bóng tối trùm vây.

15 giờ 00: Giờ sinh thì, Chúa Giêsu tắt thở trên cây Thập giá, một người lính lấy lưỡi đòng đâm cạnh nương long của chúa, tức thì máu và nước chảy ra.

16 giờ 00: mai táng chúa Giêsu trong mộ. Ông Giô-xép là người đã mai táng xác chúa, Nicôđêmô thì đem mộc dược và trộn với trầm hương để tẩm liệm cho Chúa.

Hai mươi bốn giờ đã qua, lạy Chúa xin cho con sống và hành động theo tấm gương của Chúa.
 
Lời hứa không giữ được
Tuyết Mai
17:49 07/04/2009
Phêrô thưa lại: "Tại sao con lại không theo Thầy ngay bây giờ được! Con sẽ liều mạng sống con vì Thầy". Chúa Giêsu nói: "Con liều mạng sống vì Thầy ư? Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần". (Ga 13, 21-33. 36-38).

Làm con người thì từ khi có trí khôn cho đến bây giờ, trong chúng ta đã có mấy ai giữ được lời hứa? Nhất là giữ được lời hứa ngay cả chính người thân thương của mình? Quả không sai, dù chúng ta có thương người thân của chúng ta mấy đi chăng nữa, nhưng hình như lời hứa lắm lúc trở thành một lời hứa lèo, hứa cuội, hứa để làm vừa lòng người, nhưng thực tế khi đụng đến công ăn việc làm và rất nhiều lý do hẳn khó có thể trách cứ chúng ta cho được vì không thể nào nhớ cho nổi!? Như sinh nhật của vợ của chồng, người yêu, cha mẹ, anh chị em, của bạn bè thân thiết chẳng hạn. Ngoài miệng thì chúng ta cũng lẻo lắm là nói không cần ai nhớ đến sinh nhật của mình cả! Nào là lớn hết và già cả rồi! Nhưng thử đến ngày sinh nhật mà không ai nhớ đến để gởi cho tấm thiệp chúc mừng, hay gói quà gói bánh, hay mời đãi ăn nhà hàng, thì xem thử mặt mày có ủ dột hay không thì biết liền, phải không thưa anh chị em?.

Đấy là mới chỉ có nói đến sinh nhật mà thôi! Chưa cần phải nói đến những lời hứa quan trọng thật mà chúng ta còn không nhớ, hay theo thời gian lời hứa của chúng ta trở thành lu mờ chăng? Như người yêu thề thốt với nhau anh đi cùng lắm một năm anh sẽ trở về cưới em!? Hay con cái ra đi đến một phương trời xa xăm cách trở thề hứa với cha mẹ là trễ lắm là một năm con sẽ trở về thăm cha mẹ, nhưng rồi một năm, hai năm, đằng đẵng một lá thư cha mẹ cũng chẳng thấy, thế là cha mẹ cứ ngỡ rằng thằng con yêu dấu của mình chắc đã mất tích hay đã chết ở phương trời xa xăm diệu vợi nào rồi! Và rồi ngay cả Phêrô tông đồ gần gũi Thầy và yêu kính Thầy nhất trên đời, cũng hứa với Thầy của mình là dầu ai vấp phạm vì Thầy chứ con thì không hay không bao giờ? Ấy vậy mà Chúa đã nói với ông Phêrô rằng: "Thật, Thầy nói thật cho con biết: trước khi gà gáy, con đã chối Thầy ba lần". Thoảng nghe Thầy bảo mình như vậy liền đã dứt dạt mà hứa với Thầy là ông sẽ không bao giờ làm vậy!

Còn chúng ta đây thì sao thưa anh chị em!? Có phải chúng ta cũng chẳng hay ho gì hơn tông đồ Phêrô xưa hay không? Đi theo sát bên Thầy bao nhiêu năm trời, tình nghĩa đậm đà biết là bao nhiêu, thế mà vì sợ đã dám chối Thầy mình đến những 3 lần. Xem sự việc của Thánh Phêrô có phải Chúa Giêsu muốn cho chúng ta thấy rằng con người thì luôn yếu đuối và sợ sự khốn khổ gian nan. Khi cuộc sống còn thanh bình sung sướng thì theo Chủ đến bao lâu cũng được, nhưng khi gặp gian khổ thì lập tức chúng ta trở mặt, như Thánh Phêrô đã đối với Thầy Giêsu của mình xưa chăng? Mà có phải chẳng phải riêng gì Thánh Phêrô đã chạy tứ tán vì Thầy bị bắt? Và vì có phải không một ai muốn bị vạ lây? Thường ngày thì Thầy đi đâu tất cả tông đồ theo Thầy đi đó! Bởi Thầy đem đến cho họ bình an, no đủ, không mọi lo lắng trên đời. Thầy thường ngày được bao nhiêu người bu quanh để nghe Thầy giảng dậy. Tất cả theo Thầy vì lý do gì? Có phải theo Thầy để được mọi người trọng vọng và nể nang, bởi mang tiếng là môn đệ của Thầy? Theo Thầy để được hy vọng làm được những lợi ích riêng vì danh của Thầy? Như Giuđa chẳng hạn.

Thời xưa và thời nay thật lòng dạ con người không có khác nhau. Thời xưa những tiền bối của chúng ta cũng lợi dụng danh Chúa mà buôn thần bán thánh. Thời nay chúng ta cũng vẫn lợi dụng danh Chúa mà làm tư lợi riêng. Lợi dụng danh Chúa để làm mọi người tin tưởng mà buôn bán mà làm lợi cho túi tiền của mình, chứ Chúa nào có trong tâm hồn và tấm lòng của chúng ta?? Chúa chỉ được cao rao trên môi trên miệng khi còn trong khuôn viên nhà thờ hay nhà Chúa. Chứ bước ra khỏi thì tâm địa của chúng ta thật còn tởm hơn là dân ngoại. Điêu ngoa, xảo trá, lừa bịp, mồm năm miệng mười, có nói không, không nói có, vu khống, kết án, nói xấu lẫn nhau, và còn nhiều nhiều nữa!.

Chúa của chúng ta còn bị chúng ta đặt để sau cả tiệc tùng vui nhậu. Chúa của chúng ta còn đặt để sau cả những ngày shopping có hàng sale. Chúa của chúng ta còn phải sau cả những giờ làm OT để kiếm thêm tiền. Chúng ta thoái thác những giờ thờ phụng Thiên Chúa cho rất nhiều những lý do những cớ mà chúng ta đặt ra để làm giảm bớt đi lỗi tội đối với lương tâm chai đá của chúng ta. Ngay cả ăn cắp chúng ta cũng lấy cớ mà làm được vì Lậy Chúa nhà con nghèo, con của con thiếu thứ này thiếu thứ kia mà con thì không có tiền mua. Muốn vợ chồng của người ta thì cũng lấy cớ là vợ chồng của con mê cờ bạc và say khướt tối ngày. Ôi thôi, khi chúng ta để cho ma quỷ cám dỗ và khuất phục chúng thì chúng sẽ dậy cho chúng ta từ chối Chúa không những 3 lần mà còn cả những nghìn lần chứ không phải là ít? Cho nên chuyện Thánh Phêrô chối Chúa Giêsu có 3 lần thì đã là bao, so với sự thề thốt và hứa cuội hứa lèo với Chúa, suốt cả cuộc đời của chúng ta, thì đã là bao????

Ước mong trong Tuần Thánh này, chúng ta xin với Đức Chúa Thánh Thần ban thêm ơn cho chúng ta nhận biết tội lỗi của mình đã làm đã gây cho Chúa Giêsu sự đau khổ và Chết một cách tang thương trên Thập Giá để Cứu Độ nhân loại tội lỗi của chúng ta. Bao nhiêu năm trời chúng con sống trên trần gian này, chúng con cũng đã biết bao nhiêu lần thề hứa với Chúa nhưng chúng con đã không giữ lời. 10 Điều Răn Chúa dậy, sao chúng con cảm thấy khó giữ quá! Phạm đi rồi phạm lại. Tái phạm vào tội cũ và không bao giờ chừa bỏ được Chúa ơi! Xin Chúa thương giúp sức chúng con sa tránh được tội vì con người chúng con thì yếu đuối và bạc nhược lắm lắm Chúa ơi! Chúa sẽ phải chịu Khổ Hình vì chúng con cho đến bao giờ. ...????
 
Giờ Thánh Thứ Năm Tuần Thánh
Giáo phận Đà Lạt
18:03 07/04/2009
GIỜ THÁNH THỨ NĂM TUẦN THÁNH

Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24)

I. KHAI MẠC

1. Hát kính Thánh Thể.

2. Lời nguyện mở đầu của chủ sự hay người hướng dẫn:

“Anh em hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy, hiến tế vì anh em” (1Cr 11,24)

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời Chúa mà chúng con vừa nghe, đưa chúng con vào Mầu nhiệm Hiến tế của Chúa, Mầu nhiệm mà Hội Thánh cử hành trong những ngày thánh này. Chúa muốn trao gửi cho các tông đồ và chúng con chính bản thân của Chúa. Chúa muốn chia sẻ sự sống của Chúa cho chúng con và mời gọi chúng con biết chia sẻ chính mình mỗi khi cử hành Mầu nhiệm Thánh Thể.

Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng con tin thật Chúa đang hiện diện khiêm tốn và đích thực trong dấu chỉ tấm bánh. Chúng con thờ lạy và ngợi khen Chúa, chúng con chúc tụng, tri ân cảm tạ và yêu mến Chúa. Xin Chúa quy tụ chúng con lại bên Chúa, như Chúa đã quy tụ các tông đồ trong bữa Tiệc Ly. Xin ban cho chúng con Thánh Thần để soi lòng mở trí chúng con biết lắng nghe, yêu mến và đón nhận Lời Chúa trong giờ cầu nguyện này cũng như trong đời sống thường ngày.

Đêm nay, tưởng nhớ việc Chúa thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục thừa tác, chúng con muốn đến với Chúa trong tâm tình ngưỡng mộ, chúc tụng tôn vinh và cảm tạ tri ân. Nguyện xin Chúa tuôn đổ sức sống mới cho tất cả các thành phần dân Chúa, đặc biệt cho hàng linh mục là những thừa tác viên của Mầu nhiệm Thánh Thể và của Lời Chúa, để trong năm nay, năm mà Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã chọn chủ đề về Giáo Dục Gia đình, chúng con biết chiêm ngắm Chúa chính là vị Thầy đích thực dạy chúng con về sự chia sẻ, sống quảng đại, hy sinh quên mình để mưu ích cho tha nhân.

Xin “mở mắt đức tin” cho chúng con để chúng con nhận ra Chúa đang đồng hành với chúng con trên mọi nẻo đường của cuộc đời, như Chúa đã đồng hành với hai môn đệ trên đường Emmau vào buổi chiều Phục Sinh và giải thích Kinh Thánh cho họ. Xin làm cho trái tim chúng con bừng cháy lên như cảm nghiệm bừng cháy của hai môn đệ làng Emmau (x. Lc 24,32). Nhờ Mầu nhiệm Thánh Thể và sức mạnh thánh hóa của Lời Chúa, xin Chúa đào tạo và huấn luyện chúng con thành những tín hữu biết sống tình tương thân tương ái, đùm bọc lẫn nhau và nhiệt tâm cầu nguyện. Amen.

II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA, SUY NIỆM VÀ CẦU NGUYỆN

3. Lời dẫn trước khi đọc Lời Chúa:

Trong bầu khí thánh thiện của đêm nay, Chúa quy tụ chúng ta ở lại bên Chúa như các môn đệ tại bàn Tiệc Ly. Đêm nay, chúng ta cùng canh thức với Chúa, lắng nghe và đáp trả tình yêu Chúa. Xin cho giờ cầu nguyện, tôn thờ, chúc tụng, cảm tạ và chiêm ngưỡng Thánh Thể trong đêm thánh này được ánh sáng Lời Chúa toả chiếu. Xin Chúa Thánh Thần ngự đến mở trí soi lòng, chiếu dọi vào tâm hồn chúng ta khuôn mặt và giáo huấn của Đức Giêsu, Đấng đã chết và phục sinh vì chúng ta và đưa chúng ta tới sự thật trọn vẹn.

4. Hát: “Lắng nghe Lời Chúa”

5. Bài đọc I: 1Cr 11,23-27


“Thật vậy, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: trong đêm bị nộp, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy, hiến tế vì anh em; anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Cũng thế, cuối bữa ăn, Người nâng chén và nói: “Đây là chén Máu Thầy, Máu đổ ra để lập Giao Ước Mới; mỗi khi uống, anh em hãy làm như Thầy vừa làm để tưởng nhớ đến Thầy. Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết. Vì thế, bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa”

6. Suy niệm và cầu nguyện (1):

Nam: Suy niệm

Các kitô hữu thời kỳ đầu cử hành Thánh Thể trong một bữa ăn chiều, tại các tư gia. Họ chia sẻ của ăn của uống cho nhau, rồi sau đó lập lại nghi thức Chúa Giêsu đã làm trong bữa Tiệc Ly để tưởng nhớ đến Ngài. Tiệc huynh đệ agapé đi trước, sau đó mới cử hành Thánh Thể.

Việc này không phải lúc nào cũng tốt đẹp. Những người khá giả hơn thì đến sớm, chọn chỗ tốt hơn và chỉ biết ăn uống; và như thế là không còn bầu khí chia sẻ huynh đệ, một điều cần thiết cho cử hành Thánh Thể.

Thánh Phaolô nhắc lại cho các tin hữu Côrintô tầm quan trọng của việc cử hành bữa tôi của Chúa. Và đây là dịp để ngài xen vào trong lá thư của ngài trình thuật về việc lập Bí tích Thánh Thể, trình thuật mà ngài đã nhận được từ truyền thống, vì chính ngài đã không có mặt lúc đó.

Trong trình thuật này, trình thuật mà chúng ta vừa nghe, thánh Phaolô nhắc lại cho các tín hữu Côrintô về việc Chúa Giêsu thiết lập Bí tích Thánh Thể như báo trước cái chết cứu chuộc và sự phục sinh của Ngài.

Điều mà thánh Phaolô nhấn mạnh ở đây là Tiệc Thánh Thể liên kết với cái chết của Chúa Giêsu, cái chết đem lại ơn cứu độ. Trong đêm bị nộp, trước hết Chúa Giêsu đã thực hiện hành vi bẻ bánh. Tất cả các bản văn tường thuật việc thiết lập Thánh Thể đều nhấn mạnh đến hành vi này, đến nỗi sau này, người ta đã gọi Tiệc Thánh là “Lễ bẻ bánh”. Tại sao Chúa Giêsu lại bẻ bánh? Có phải chỉ để trao cho mỗi môn đệ một phần chăng? Không phải thế! Hành vi này không những biểu thị một sự chia sẻ mà còn biểu thị ý nghĩa sát tế nữa. Bánh là chính Thân Mình Chúa Giêsu. Qua việc “bẻ bánh”, Chúa Giêsu đã bẻ chính Mình Ngài, theo ý nghĩa lời ngôn sứ Isaia đã tiên báo về người tôi tớ Thiên Chúa: Người phải tan nát vì tội lỗi chúng ta (x. Is 53,5).

Thánh Phaolô hiểu cái chết của Chúa là một hiến tế vì nhân loại và sự hiến tế này có giá trị cứu chuộc. Thịt máu biểu thị toàn thể con người. Chén nhắc nhở giao ước mới mà tiên tri Giêrêmia đã loan báo: “Này sẽ đến ngày – sấm ngôn của Đức Chúa – Ta sẽ lập với nhà Israel và nhà Giuđa một giao ước mới… Đây là giao ước Ta sẽ lập với Israel – sấm ngôn của Đức Chúa. Ta sẽ ghi khắc vào dạ chúng, sẽ khắc vào tâm khảm chúng lề luật của Ta… Ta sẽ là Thiên Chúa của chúng và chúng sẽ là dân của Ta” (Gr 31,31.33).

Đối với người kitô hữu, giao ước mới này đã được đóng ấn bằng máu Chúa Giêsu đổ ra. Nó bao hàm sự tôn trọng những đòi hỏi của Tin mừng, bắt đầu bằng đòi hỏi của tình yêu huynh đệ. Vì vậy, chúng ta không thể đến với Thánh Thể mà trong lòng còn chất chứa hận thù, ngay cả chuyện thờ ơ với những người xấu số cũng không được.

Quên lãng người nghèo khó khổ đau trong cử hành Thánh Thể là quên lãng Đức Kitô, Đấng đã trở nên nghèo khó và đau khổ. Và như thế là hoàn toàn không xứng hợp. Chính điều này đã khiến cho thánh Phaolô phải viết: “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa”.

Cử hành Thánh Thể để “chia sẻ Thánh Thể”. Cách nói này nhắc nhở một trật những điều này: Chúa Giêsu đã chia sẻ sự sống của mình với con người, cho tới chỗ chấp nhận một cái chết bất công; bánh thánh được chia sẻ giữa các tín hữu trong cử hành; bất cứ đời sống nào được Tin mừng nuôi dưỡng đều là một đời sống chia sẻ. Đây là một trong những lý do khiến cho Thánh Thể còn được gọi là “trọng tâm và tột đỉnh của đời sống Giáo Hội”, vì chia sẻ là một trong những thái độ Tin mừng cơ bản nhất. Trong Thông điệp Giáo Hội từ Thánh Thể, Đức Gioan Phaolô II viết: “Hồng ân Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài mà chúng ta lãnh nhận khi rước lễ hoàn tất cách sung mãn tuyệt vời những ước muốn hiệp nhất huynh đệ đang ngự trị trong tâm hồn con người, đồng thời nâng cao kinh nghiệm về tình huynh đệ gắn liền với việc tham dự chung vào cùng một bàn tiệc Thánh Thể, đến một mức độ vượt trên mức độ của một kinh nghiệm thuần túy đồng bàn của con người” (số 24).

Nữ: Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu, chúng con cảm tạ Chúa vì Chúa đã trao ban cho Hội Thánh một hồng ân vô giá là Bí tích Thánh Thể, trong đó Chúa trao ban Thân Mình cho chúng con. Chúng con nhớ rằng thân thể Chúa là thân thể của Đấng đã bị đóng đinh, mà cũng là Thân Thể Giáo Hội có sứ mệnh hiến ban mình cho thế gian được sống. Hai thân thể đó qui hướng về nhau. Chúa mời gọi chúng con coi Thánh Thể là trọng tâm của đời sống, liên kết chúng con với tặng phẩm là cả con người của Chúa.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Xin đừng để cho những cử hành phụng vụ của chúng con trở thành tầm thường, nhạt nhẽo vô hồn.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Xin cho chúng con biết quý trọng ân sủng Chúa ban là được cử hành Thánh Thể. Xin cho chúng con biết tham dự hết mình, biết lắng nghe lời Chúa, biết chia sẻ tấm bánh được trao ban.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

X/ Xin giúp chúng con khi tham dự Thánh Thể biết chia sẻ với mọi người, không quên lãng một ai. Xin cho chúng con được thấm nhuần hành động hiến tế của Chúa ngõ hầu thế gian được sống.

Đ/ Xin tình yêu Chúa biến đổi chúng con.

Thinh lặng. (Đêm nay, cần nhiều giây phút thinh lặng đễ chiêm ngắm Chúa Giêsu trong cuộc khổ nạn)

7. Chúc tụng và tung hô:

Người hướng dẫn: Giờ đây, chúng ta cùng chúc tụng tung hô Chúa:

X/ Chúc tụng Chúa đã hết tình yêu thương nhân loại.

Đ/ Đó là niềm hy vọng cho chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã hiến tế Thân Mình vì chúng con để chúng con được sống

Đ/ Đó là sức mạnh và nguồn sống của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã ban Lời hằng sống cho chúng con

Đ/ Đó là nguồn ánh sáng của chúng con

X/ Chúc tụng Chúa đã thanh tẩy chúng con bằng thập giá của Chúa

Đ/ Đó là nguồn ơn cứu độ chúng con

X/ Chúc tụng Chúa là sự sống và là sự sống lại của chúng con

Đ/ Đó là nguồn vui và hạnh phúc của chúng con

8. Hát về Thánh Thể hay về Tình yêu Chúa.

9. Bài đọc 2: Ga 15,1-13


"Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.

Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.

Đây là điều răn của Thầy: anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình”

10. Suy niệm và cầu nguyện (2):

Nam: Suy niệm

Cây nho là hình ảnh truyền thống của Thánh Kinh. Chúa Giêsu dùng hình ảnh cây nho, cành nho và người trồng nho để nói đến một tương quan liên vị: Ngài là cây nho đích thật, các môn đệ của Ngài là những cành nho và Chúa Cha là người trồng nho.

Người trồng nho có nỗi nhọc nhằn và có cả niềm vui. Niềm vui của người trồng nho là thấy được những nhánh nho sai trái và ngọt ngào. Nỗi nhọc nhằn của người trồng nho là chăm sóc, cắt tỉa các nhánh nho.

Nhánh nho có quả ngọt và sai trái cũng như có thể có nguy cơ bị héo khô, cằn cỗi. Những nhánh nho có quả ngọt và sai trái là những nhánh nhận được nhựa sống từ thân nho.

Từ hình ảnh này, Chúa Giêsu mời gọi các môn đệ hãy gắn bó mật thiết với Ngài, hãy ở lại trong tình thương của Ngài. Tình thương của Chúa ví như nhựa sống của thân nho. Ở lại trong Chúa Giêsu làm cho đời người môn đệ sinh hoa kết trái. Ở lại trong Chúa Giêsu làm vui lòng Chúa Cha.

Với lời mời gọi hãy ở lại trong tình thương của Chúa, ta gặp thấy một khao khát của Chúa. Chúa Giêsu khao khát chúng ta khao khát Ngài. Chúa chờ đợi chúng ta yêu mến Ngài. Chúa muốn chúng ta làm bạn với Ngài.

Một khi chúng ta trở nên bạn hữu của Chúa thì đó là lúc Chúa trao ban cho chúng ta giới răn yêu thương. Tình thương và sự chia sẻ trong cuộc đời người môn đệ là hoa trái nhận được từ tình bạn với Chúa.

Nữ: cầu nguyện

Giờ đây, chúng ta cùng hiệp lời cầu nguyện cho các gia đình:

X/ Lạy Chúa, xin cho các gia đình biết gắn bó với Chúa như cành nho gắn liền với thân nho– để sinh hoa kết trái là các việc lành phúc đức.

Đ/ Lạy Chúa, xin Chúa ở lại với chúng con.

X/ Chúa đã hằng thảo kính cha mẹ và được cha mẹ mến yêu - Xin cho các gia đình chúng con được êm ấm thuận hòa, thấm nhuần tình tương thân tương ái

X/ Từ nguyên thủy, Chúa dựng nên loài người có nam có nữ - xin cho những ai sống trong bậc vợ chồng được trọn đời chung thủy với nhau.

X/ Chúa đến không phải để được phục vụ, nhưng để phục vụ và hy sinh mạng sống cho muôn người - xin dạy chúng con biết quên mình phục vụ anh chị em và lưu tâm đến người đau khổ khó nghèo.

X/ Còn những gia đình đang gặp thử thách - xin cho họ được nâng đỡ nhờ tình thương của Chúa.

11. Cầu nguyện bằng một bài hát thích hợp…

12. Lời cầu nguyện của chủ sự hay người hướng dẫn.


Lạy Chúa Giêsu, trong bài ca thứ tư về người tôi tớ Giavê (Is 53,3-5), ngôn sứ Isaia đã phác họa hình ảnh về người tôi tớ mà cả cuộc đời là sống cho người khác và vì người khác, sống cho tình yêu và chết cho tình yêu:

Người bị đời khinh khi ruồng rẫy,
phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.
Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn,
bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.
Sự thật, chính người đã mang lấy
những bệnh tật của chúng ta,
đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta,
còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt,
bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.
Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội,
bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm;
người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an,
đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành
” (Is 53,3-5).

Xin Chúa cho chúng con biết chiêm ngắm cuộc thương khó của Chúa và khắc ghi vào lòng lời của Chúa: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13). Trong mỗi gia đình chúng con, xin dạy chúng con biết yêu thương nhau bằng trái tim của Chúa, biết tha thứ cho nhau với tấm lòng của Chúa, biết quan tâm đến nhau với ánh nhìn của Chúa, để các gia đình chúng con làm trổ sinh nhiều hoa trái thánh thiện và tỏa lan ra đến hết mọi người.

Lạy Chúa Giêsu, chúng con tạ ơn Chúa đã ban Thánh Thần để nhắc nhớ và dẫn chúng con vào sự thật toàn vẹn. Xin Chúa huấn luyện chúng con mỗi ngày để chúng con biết sống trọn vẹn lễ nghĩa gia phong, sống đùm bọc lẫn nhau trong tình thương thân tương ái. Amen.

13. Hát: “Xin Chúa dạy con”

III. KẾT THÚC

Lời nguyện kết thúc của chủ sự hay người hướng dẫn:

Lạy Cha, chúng con dâng lên Cha tâm tình cảm tạ tri ân. Cha đã ban cho nhân loại Con Một Cha là Đấng Cứu Độ Trần gian. Ngài đã trao ban Thịt Máu mình làm lương thực thiêng liêng để chúng con được sống sự sống của Cha. Xin Cha ban cho chúng con một trái tim khao khát, khao khát đến với Con Một Cha để được ở lại trong tình thương của Ngài. Amen.

Ban Giáo Lý và Phụng Vụ GP Đà Lạt - Mùa Chay Thánh 2009
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Trận động đất kinh hoàng ở Italia làm 150 người chết và nhiều nhà thờ di tích lịch sử tôn giáo bị tàn phá
Thiên Ân
06:04 07/04/2009
AQUILA, Italia - Cơn động đất với cường dộ địa chấn mạnh 6,3 độ Richter đã xẩy vào rạng sáng ngày 6/4/2009 làm 150 người chết, 1.500 người bị thương và khoảng 100.000 trở thành vô gia cư phải sống màn trời chiếu đất. Rất nhiều ngôi nhà tại L'Aquila đã bị sập hoàn toàn, trong khi vô số những chiếc xe hơi bị mảnh vỡ đè nát nằm rải rác khắp thành phố.

Lực lượng cứu hộ Italia vẫn còn đang tiêp1 tục làm việc suốt ngày đêm hôm thứ hai và sang đêm thứ ba để tìm kiếm dấu hiệu của sự sống trong đống đổ nát khắp thành phố L'Aquila. Lực lượng cứu hộ đã đưa được hơn 60 người còn sống sót ra khỏi đống đổ nát của những ngôi nhà sập.

Những người sống sót và bị mất nhà cửa được đưa tới sống tạm trong các khách sạn hoặc khu lều bạt mới dựng tại thành phố này. Aquila là thành phố được hình thành từ thời Trung Cổ vào thế kỳ thứ 13, cách Roam chừng 100 cây số về hướng Đông Bắc trên những sườn đồi thoai thoải.

Đức Giáo Hoàng Benedictô XVI đã cầu nguyện cho "các nạn nhân, đặc biệt các trẻ em" và đã gửi điện văn chia buồn với Đức TGM Aquila.

Tuy không phải là những địa danh du lịch như Roma, Venice hay Florence, nhưng Aquila thời danh vì có những lâu đài cổ và những thánh đường kiến trúc theo nhiều đường nét kiểu cách khác nhau như Romanesque, Gothic, Baroque and Renaissance... và những thánh tích này đã bị thiệt hại gồm ngay cả Vương Cung Thánh đường Santa Maria di Collemaggio xây àằng đá mầu đỏ và mầu trắng, nơi đây có mồ chôn vị thánh sáng lập là Giáo hoàng Celestinô V, vị thánh thế kỉ thứ 13 và là vị Giáo hoàng duy nhất trị vì từ Aquila.

Toà Tháp chuông nhà thờ San Bernardino xây vào thế kỷ 16 và Nhà thờ vòm Thánh Augustinô kiểu Baroccô cũng đã bị xụp đổ.

Aquila tiếng Latinh và tiếng Ý có nghĩa là "con phượng hoàng" được xây vào năm 1240 bởi hoàng đế Roma là Fredericô II. Chim phương hoàng bay cao cũng là biểu hiệu trên các di tích của hoàng đế và cũng phản ánh thành phố hãnh diện vì cao độ 2,300 bộ trên mặt nước biển.

Khoảng 5.000 nhân viên cứu hộ được huy động tới hiện trường, trong khi các bệnh viện địa phương đang kêu gọi sự chi viện của những bác sĩ và y tá trên khắp Italia. Thủ tướng Silvio Berlusconi ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh cho huy động nguồn lực của cả nước để đối phó với hậu quả của thảm họa tại L'Aquila.

Có từ 3.000 đến 10.000 ngôi nhà tại L'Aquila bị sập hoặc hư hại nặng trong động đất. Thành phố được hình thành từ thế kỷ 13 có dân số khoảng 70.000 người này vốn được coi là kho báu về kiến trúc cổ của Itlay. Tuy nhiên nhiều nhà thờ và lâu đài cổ tại đây đã bị tàn phá toàn bộ hoặc một phần trong cơn địa chấn hôm qua.

Một quan chức Bộ Văn hóa Italy là Giuseppe Proietti nhận định: "Thiệt hại nghiêm trọng hơn những gì chúng tôi có thể hình dung. Khu trung tâm lịch sử của L'Aquila đã bị tàn phá nặng nề". Trong khi đó, thành phố này cũng từng chứng kiến nhiều trận động đất mạnh trong lịch sử và phần lớn khu trung tâm được xây dựng lại sau cơn địa chấn năm 1703.

Italia nằm trên mảnh đứt gãy của địa chất nên từng hứng chịu những trận động đất mạnh trong quá khứ. Tháng 10/2002, địa chấn từng làm 30 người thiệt mạng, gồm 27 học sinh và giáo viên, ở thị trấn cổ San Giuliano di Puglia. Năm 1997, trận động đất tại miền trung nước này cũng làm chết 13 người. Trận động đất đẫm máu nhất gần đây ở Italy xảy ra ngày 23/11/1980 tại khu vực Irpiona, gần Naples, khiến 2.570 người chết, 8.850 người bị thương và 30.000 người
 
Đức Thánh Cha nói Đức Kitô là một thực tại chắc chắn trong đời sống
Bùi Hữu Thư
16:26 07/04/2009

Đức Thánh Cha nói Đức Kitô là một thực tại chắc chắn trong đời sống



Suy niệm về “Định mệnh bất biến” của hành trình đời sống

VATICAN ngày 6, tháng 4, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói với một phái đoàn giới trẻ từ Madrid, nơi sẽ tổ chức Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới năm 2011, “Mặc dầu đời sống có nhiều bất trắc, không có gì mơ hồ về định mệnh của mỗi con người.

Đức Thánh Cha nói về Đức Kitô hôm nay như “đích điểm của đời sống và lịch sử nhân loại” khi ngài tiếp giới trẻ từ Tổng Giáo Phận Madrid, do Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Antonio María Rouco Varela hướng dẫn.

Đức Thánh Cha nói với họ: "Hãy đi theo bước chân của Chúa Kitô. Người là cùng đích, là đường và là phần thưởng của các con.”

"Đời sống chắc chắn là một hành trình. Nhưng không phải là một chuyến đi vô định không có một định mệnh bất biến; chuyến đi đưa dẫn đến Chúa Kitô, cùng đích của đời sống và lịch sử của con người. Trên chuyến đi này các con sẽ gặp Người, Đấng hy sinh mạng sống vì tình yêu, và mở cho các con cánh cửa của đời sống vĩnh cửu."

Đức Thánh Cha khuyến khích giới trẻ khám phá nơi thánh giá “tình yêu vô bờ bến của Chúa Kitô": "Chúa Kitô hiến mình cho mỗi người trong các con và yêu thương các con một cách cá biệt. Hãy đáp trả tình yêu của Chúa Kitô bằng cách dâng cho Người đời sống của các con một cách yêu thương."

Ngài cũng khuyến khích giới trẻ “được tạo dựng trong đức tin đem lại ý nghiã cho đời sống và tăng cường niềm tin của họ,” và loan báo Chúa Kitô cho bạn hữu, “để cho họ cũng được biết Người và tuyên xưng Người là Chúa trong cuộc đời họ."

Ngài nói, "Người trẻ hôm nay cần khám phá đời sống mới phát xuất từ Thiên Chúa, để được no đầy bởi chân lý bắt nguồn từ Đức Kitô, Đấng đã chết và sống lại và là Đấng Giáo Hội tiếp nhận như một kho tàng cho tất cả mọi người."

Đức Thánh Cha Benedict XVI cũng nhấn mạnh sự quan trọng của các biến cố tại Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới vì là biểu hiệu cho sự sinh động và trẻ trung vĩnh cửu của Giáo Hội,” và đại hội “giúp cho người trẻ cảm nhận được rằng họ là thành viên của Giáo Hội, được hiệp thông toàn vẹn với các vị chủ chiên và người kế vị Thánh Phêrô."

Đức Thánh Cha khuyên, "Hãy cầu nguyện chung với nhau, hãy mở cửa cho các giáo xứ, các hội đoàn và phong trào để cho họ cũng cảm thấy thoải mái như ở nhà trong Giáo Hội, nơi họ được yêu thương bằng chính tình yêu của Chúa. Hãy tuyên xưng và sống đức tin bằng một nỗi hân hoan vô bờ, vì đây là một quà tặng của Chúa Thánh Thần.

"Bằng cách này trái tim của các con và bạn hữu sẽ được chuẩn bị để mừng đại lễ của giới trẻ và tất cả sẽ cảm nhận được một ý niệm mới về giới trẻ của Giáo Hội."

Tuần Thánh

Suy niệm về Tuần Thánh, bắt đầu ngày Chúa Nhật, Đức Thánh Cha nói, “mầu nhiệm cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Kitô được tràn đầy bởi những gì vượt quá tất cả sự khôn ngoan và hiểu biết của con người, đó là tình yêu Chúa được thể hiện nơi Đức Kitô."

Ngài nói, "Hãy học nơi Người, Đấng đến không để phục vụ mà để phục vụ, và để ban sự sống mình như giá chuộc cho nhân loại."

Đức Thánh Cha tiếp: "Đây là đường lối yêu thương của Chúa Kitô, được đánh dấu bằng dấu chỉ của thập giá vinh quang, trên đó Chúa Kitô được nâng cao trước mặt mọi người, với trái tim rộng mở, để cho tất cả thế gian nhìn thấy, qua bản tính hoàn toàn con người, tình yêu cứu chuộc chúng ta.

"Như thế thánh giá trở nên chính dấu chỉ của đời sống, vì trên đó Chúa Kitô vượt thắng tội lỗi và cái chết qua việc tự hiến thân mình.

"Chính vì vậy chúng ta phải ôm lấy và yêu mến thánh giá Chúa, như thánh giá của chúng ta, tiếp nhận sức nặng của thánh giá như Simon người Cyrênê để tham gia vào công việc duy nhất có thể cưú chuộc tất cả nhân loại."

Đức Thánh Cha kết luận, "Trong Phép Rửa bạn được ghi dấu bằng thánh giá của Chúa Kitô và bạn trực thuộc hoàn toàn về Người. Xin hãy làm cho mình luôn luôn xứng đáng hơn với thánh giá này và không bao giờ cảm thấy xấu hổ vì dấu hiệu cao cả của tình yêu này."
 
Đức Giáo Hoàng: Đức bác ái còn hơn lòng thương người.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:40 07/04/2009
Đức Thánh Cha kêu mời sự Chiêm Ngắm Thánh Giá như là Nguồn Mạch Hy Vọng.

VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng hành động bác ái Kitô hữu, còn hơn lòng thương người (philanthropy), là một hình thức rao giảng Tin Mừng, dựa trên những giá trị Tin Mừng và sự ao ước chia sẻ những giá trị đó với những kẻ khác.

Đức Giáo Hoàng đã nói điều này hôm nay trong một bài huấn đức dành cho các thành viên Câu-Lạc-Bộ Thánh Phêrô, một tổ chức bác ái Roma, trong một buổi tiếp kiến trong Sảnh Đường các Đức Giáo Hoàng của Lâu Đài Tông Tòa.

Chủ tịch bác ái, công tước Leopold Torlonia, dâng tặng Đức Thánh Cha Đồng Tiền Phêrô quyên góp năm nay trong các giáo xứ thành Roma.

Đức Thánh Cha đã tỏ bày sự biết ơn cho cử chỉ này, cử chỉ ngụ ý “một sự tham gia cụ thể trong cố gắng kinh tế mà Tông Toà thực hiện hầu đáp ứng những nhu cầu khẩn cấp ngày càng gia tăng của Giáo Hội, cách riêng trong nhưng xứ nghèo nhất trên địa cầu.”

Hành động bác ái Kitô hữu, ngài nói “không hẳn là hành động thương người, dầu hữu ích và đầy công nghiệp,” nhưng là một “hình thức đặc biệt rao giảng Tin Mừng, trong ánh sáng huấn giáo của Chúa Giêsu, Đấng sẽ xem bất cứ điều gì chúng ta làm cho các anh chị em chúng ta như là làm cho chính mình Người.”

Đức bác ái Kitô hữu vượt xa sự giúp đỡ vật chất, ngài nói thêm, vì nó làm cho thấy rõ, và tôi có thể nói hầu như là sờ mó được, một đàng là lòng thương xót vô cùng của Chúa đối với mỗi con người và, đàng khác, đức tin của chúng ta trong Người.”

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã giải thích rằng đức bác ái này hệ tại “việc hài hoà cái nhìn của chúng ta với cái nhìn của Chúa Kitô, tấm lòng của chúng ta với tấm lòng của Người.” Ngài nói thêm, “Bằng cách này, sự nâng đỡ yêu thương cống hiến cho những kẻ khác được chuyển dịch thành sự tham gia và sự chia sẻ với những người yêu đuối nhất và những kẻ bị loại ra bên lề xã hội.”

Vì Tuần Thánh đã đến gần, Đức Giáo Hoàng mời cử tọa của ngài “sống lại cách mãnh liệt” những mầu nhiệm này như là một “dịp thuận lợi hầu tái khẳng định và thanh lọc đức tin của anh chị em, mở lòng anh chị em chiêm ngắm Thánh Giá là một mầu nhiệm của tình yêu vô cùng từ đó rút ra sức mạnh biến đời sống anh chị em thành một quà tặng cho các anh em.”

Ngài nói tiếp, “Từ Thánh Giá nẩy sinh niềm vui và sự bình an tâm hồn, biến chúng ta thành những chứng nhân của niềm hy vọng này, niềm hy vọng mà chúng ta thấy rất cần trong những thời gian này của cơn khủng hoảng kinh tế lan rộng và khái quát hóa.”

Được trao nhiệm vụ

Câu Lạc Bộ Thánh Pherô là một thể chế bác ái được xây dựng tại Roma trong năm 1869 bởi sáng kiến một nhóm giới trẻ thuộc giới quí tộc và tầng lớp trung lưu cao cấp của thành phố, họ muốn làm một cử chỉ trung thành với Đức Giáo Hoàng—đáp lại những vụ tấn công chống-giáo sĩ của thời đại—qua báo chí và những cử chỉ công khai.

Tuy nhiên, khi tiếp kiến họ lần đầu tiên. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã ủy thác cho họ, như là sứ vụ đầu tiên của họ, đức bác ái đối với những người nghèo nhất thành Rome

Điều này được hoàn thành, cách riêng trong những lúc khó khăn Thế Chiến II, đã hơn 100 năm nay, công việc bác ái này được biết giữa những người Roman như là “món xúp của Đức Giáo Hoàng.”

Hiện nay, câu-lạc-bộ phân phát tới 50,000 phần ăn hằng ngày cho những người nghèo cũng như cho những người vô gia cư.
 
Giáo hội cần hàng giáo sĩ thánh thiện.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:42 07/04/2009
VATICAN (Zenit.org).- Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khuyến khích các Giám Mục Argentine tiếp tục sứ vụ rao giảng Tin Mừng của mình, đưa các linh mục và giáo dân tới chỗ hiểu biết và yêu mến Chúa đầy đủ hơn hầu họ trở nên những chứng nhân cho thế giới.

Đức Giáo Hoàng đã nói điều này với một nhóm giám chức, dẫn đầu bởi Tổng Giám Mục Alfonso Delgado Evers of San Juan de Cuyo, khi các ngài đến Rome trong cuộc thăm viếng theo lệ năm năm của các ngài, đây là nhóm thứ hai Argentine năm nay.

Đức Thánh Cha đã khẳng định rằng điều khẩn cấp là thực thi một hành động phúc âm hoá trải rộng và sâu sắc,” tại Argentine và trong tất cả các nước. Ngài đã nói rằng việc phúc âm hóa không phải hệ tại “ việc truyền thông hay là dạy một giáo lý mà thôi, mà phải công bố Chúa Kitô, mầu nhiệm về Ngôi Vị của Người và tình yêu của Người.”

Ngài đã nhắc các giám mục về thông điệp “Evangelii Nuntiandi” của Đức Phaolô VI, giải thích việc phúc âm hóa, trước hết, là minh chứng, một cách đơn giản và trực tiếp, về Thiên Chúa do Chúa Giêsu Kitô mạc khải qua Chúa Thánh Thần.”

Đức Thánh Cha đã nhấn mạnh: “Ta phải luôn luôn nhớ răng phương cách thứ nhất của việc phúc âm hóa là chứng từ của sự sống mình. Sự sống thánh thiện là một quà tặng quí báu mà anh em có thể cống hiến cho các cộng đồng của anh em trên con đường đổi mới thật sự Giáo Hội.”

Ngày nay, “hơn bao giờ hết,” ngài nói, sự thánh thiện “ là một đòi hỏi hiện diện mãi mãi, bởi vì con người thời đại chúng ta cảm giác nhu cầu khẩn cấp của một bằng chứng rõ rệt và hấp dẫn thuộc một cuộc sống nhất quán và gương mẫu.”

“Không gì tốt đẹp hơn là biết Người và truyền cho những kẻ khác tình bạn của ta với Người,” ngài nói

Công bố Tin Mừng

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định rằng sự công bố “rõ rệt và minh nhiên” về Chúa Kitô như Đấng Cứu Độ nhân loại, được gài vào trong sự tìm kiếm hứng thú chân lý, vẻ đẹp và sự tốt lành đặc điểm hóa con người.”

Hơn nữa, ngài nói, sự công bố này “không nên áp đặt,” nhưng phải xuất ra “từ ba tình yêu: Yêu Lời Chúa, Yêu Giáo Hội và yêu thế giới.”

Để hoàn thành điều này, Đức Giáo Hoàng xin các giám mục, một đàng, “dễ dàng hoá sự tiếp xúc với Kinh Thánh cho tất cả các tín hữu” và, đàng khác, “cổ võ tinh thần hiệp thông và trung thành với Huấn Giáo, cách riêng trong những kẻ có nhiệm vụ truyền thông đầy đủ sứ điệp Tin Mừng.”

Đức Thánh Cha cũng xin các giám mục “chú ý cách riêng tới các linh mục,” bởi vì “những thách đố của thời hiện tại đòi hỏi nhiều hơn bao giờ các linh mục nhân đức, đầy tinh thần cầu nguyện và hy sinh, với một sự đào tạo vững chắc và dâng hiến cho việc phục vụ Chúa Kitô và Giáo Hội qua sự thực thi bác ái.”

Ngài nói tiếp: “Linh mục có trách nhiệm lớn là xuất hiện không đáng trách trong cách sống của mình trước các tín hữu, bằng cách theo Chúa Kitô cách chặc chẽ với sự ủng hộ và khuyến khích của các tín hữu, hơn hết với sự cầu nguyện, sự hiểu biết và sự yêu mến thiêng liêng của mình.”

Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiểu biết vai trò mà người giáo dân được kêu gọi nắm giữ trong nhiệm vụ này. Người giáo dân, ngài nói, “ phải luôn ý thức hơn về ơn gọi của mình, như những thành phần sống động của Giáo hội và như những môn đệ và thừa sai đích thực của Chúa Kitô trong mọi sự.”

Ngài đã nói thêm, “Biết bao nhiêu điều hữu ích có thể được chờ đợi, cũng cho xã hội dân sự, từ sự hồi sinh của một hàng giáo dân trưởng thành, những kẻ tìm kiếm sự thánh thiện trong những việc trần thế của họ, trong sự hiệp thông đầy đủ với các mục tử của họ và vững bền trong ơn gọi tông đồ của họ là nên chất men tin mừng trên thế giới.”
 
Tình yêu định nghĩa cuộc hành trình của con người.
Đ.Ô Nguyễn Quang Sách
17:47 07/04/2009
Đức Giáo Hoàng khẳng định Thánh Giá Chúa Kitô là chìa khóa cho thành công và hòa bình.

VATICAN Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI khẳng định rằng tình yêu, một sự hiến mình thật sự như được minh chứng trên Thánh Giá Chúa Giêsu, cho sự sống có ý nghĩa, và sự vắng bóng tình yêu mang lại sự trống rỗng và tình trạng buồn chán.

Đ Giáo Hoàng nói điều này trong một bài giảng sáng nay trong thánh Lễ Chúa Nhật Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô. Ngài làm phép nhành cọ (palm) và những cành oliu và chủ sự cử hành phụng vụ.

Đức Thánh Cha đã giải thích rằng Chúa Giêsu, Vua đi vào thành Jerusalem trong một cuộc khải hoàn, đến thiết lập một kiểu vương quốc mới.

Vương quốc này, ngài nói, “đi ngang qua thánh giá.” Ngài nói thêm, “Bởi vì Chúa Giêsu hiến mình hoàn toàn, Người có thể như Đấng Phục Sinh tùy thuộc mỗi người và làm cho mình hiện diện cho tất cả.”

Đức Thánh Cha ghi nhận rằng vương quốc Chúa Kitô cũng “phổ quát” và “ không có biên giới nữa.”

Điều này là có thể, ngài nói, “bởi vì đó không phải là một vương quốc chính trị, nhưng chỉ dựa trên sự gắn bó tự do của tình yêu--một tình yêu mà, về phần mình, đáp trả tình yêu của Chúa Giêsu kitô tình yêu đã hiến mình cho tất cả.”

Ngài nói tiếp: “Tính phổ quát bao hàm mầu nhiệm thập giá---sự chiến thắng chính mình chúng ta, sự vâng phục đối với lời phổ quát của Chúa Giêsu Kitô trong Giáo Hội phổ quát.

‘Tính phổ quát luôn luôn là một sự khắc phục chính chúng ta, một sự từ bỏ một điều gì thuộc về chúng ta. Tính phổ quát và thánh giá đi chung. Chỉ bằng cách này hoà bình có thể được xây dựng.”

Tính vị tha

Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã khẳng định: “Kẻ nào muốn có sự sống của mình cho chính mình, chỉ sống cho chính mình, vắt mọi sự cho chính mình và khai thác mọi sự có thể--họ là kẻ mất mạng sống mình.

“Điều đó gây buồn bực và thành trống rỗng. Chỉ khi từ bỏ chính mình, chỉ trong quà tặng vị tha của cái ‘Tôi’ vì cái ‘Anh,’ chỉ trong cái ‘Vâng’ cho sự sống lớn hơn, chính xác là sự sống của Chúa, sự sống chúng ta trở thành đầy đặn và rộng rãi hơn,”

Ngài nói thêm: “Tình yêu, trên thực tế, có nghĩa là bỏ chính bạn phía sau, là thí mạng bạn, là không muốn giữ chặt cái gì cho chính bạn, nhưng trở thành giải thoát khỏi bạn; không quan tâm với bạn-- điều gì sẽ trở thành của bạn—nhưng nhìn trới trước, tới kẻ khác--tới Chúa và những người Chúa gởi đến cho tôi.

“Chính nguyên lý tình yêu này định nghĩa cuộc hành trình của con người, một lần nữa chính đó là sự tương tự với mầu nhiệm thánh giá, với mầu nhiệm sự chết và phục sinh mà chúng ta gặp trong Chúa Kitô.”

Đức Giáo Hoàng nhấn mạnh rằng tiếng “Vâng “này với Chúa phải được lập lại mỗi ngày, cách riêng khi “chúng ta muốn bám riêt với cái ‘Tôi’” này. Ngài nói thêm, “Không có sự sống thành công nào mà không có hy sinh.”

Sự cầu nguyện thật sự

Dầu sự đó là khó, ngài khẳng định, chúng ta có thể cầu nguyện như Chúa Giêsu, Đấng “cảm thấy bị lôi kéo xin cho mình khỏi sự khủng khiếp thương khó.”

Đức Thánh Cha đã tiếp tục: “Trước mặt Chúa chúng ta không nên chạy núp dưới những câu đạo đức, trong một thế giới bắt -phải tin. Cầu nguyện cũng có nghĩa là tranh đấu với Chúa.”

“Cuối cùng,” ngài nói, “vinh quang Thiên Chúa, sự thống trị của Chúa, ý muốn của Chúa luôn luôn quan trọng hơn và chân thật hơn những ý nghĩ và ý muốn của tôi.”

Đức Thánh Cha nói thêm: “Và điều này là điều thiết yếu trong sự cầu nguyện của chúng ta và trong đời sống của chúng ta: hiểu biết trật tự đúng của thực tại, chấp nhân nó bên trong; tin tưởng nơi Chúa và tin rằng Người đang làm điều đúng; hiểu biết rằng ý muốn của Người là chân lý và là tình yêu; hiểu biết rằng sự sống của tôi sẽ là một sự sống tốt nếu tôi có thể học sống phù họp với trật tự này.

“Sự sống, sự chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu là sự bảo đảm cho chúng ta có thể thật sự tin tưởng vào Chúa. Chính bằng cách này mà Nước Người được thực hiện.”
 
Golgotha - Chuyện ngày xưa - Hình ảnh hôm nay
Quảng Trọng Hiển
18:26 07/04/2009
"Ngày xưa, trên đồi Golgotha - Mẹ đứng nhìn bên thánh giá" hay là "Xưa trên núi Can-vê, Mẹ dâng con cứu đời ...."

Các bài hát trong mùa Chay gợi cho người công giáo một hình ảnh đau thuơng: Đức Mẹ đứng nhìn con bị đóng đinh trên một ngọn đồi hoang vắng với background xám xịt như chuyển mưa...Các phim ảnh thường dựng lên 3 cây thánh giá contre soleil để lấy bóng đen thánh giá.. ..

Thực tế, núi Calvê hay Núi Sọ, đồi Golgôtha v.v... bây giờ nằm trong khu vực Nhà thờ Mộ Thánh Chúa (Holy Sepulchre) ở trong thành Jerusalem. Khu vư.c này là khu vực rất nhạy cảm - dễ xảy ra xích mích giữa các phe phái.. . Ky tô giáo với nhau.

Đồi Cal vê, tiếng Anh gọi là Calvary, chính xác hiện tại là một cái lỗ tròn nằm dưới bàn thờ thuộc quyền cai quản của Chính Thống Giáo - là nơi cây thánh giá Chúa chịu đóng đinh đã được dựng lên cách nay hơn 2000 năm -chung quanh còn vết tích núi đá ngày xưa.

Khu vực Mồ Thánh - Holy Sepulchre


Dưới bàn thờ Can vê (Calvary) - là nơi dựng cây thánh giá Chúa chịu đóng đinh


Tượng Đức Mẹ Sầu Bi ở giữ bàn thờ bàn thờ Cal vê của Chính Thống Giáo Hy Lạp và Công giáo


Nhìn kỷ sẽ thấy bàn thờ Cal vê ngay chính giữa - hai bên là núi đá đồi Cal vê ngày xưa


Người hành huơng có thói quen hôn kính nơi dựng thánh giá dưới bàn thờ


Đá Cal vê, dưới chân giá đèn, trong lồng kiếng


Trên bàn thờ là hình Chúa tử nạn


Vết nứt ở núi đá Cal vê được cho là do trận động đất gây ra khi Chúa chết


Ngôi mộ Chúa Giêsu - hiện tại là bàn thờ chính trong khu vực Holy Sepulchre!


Chịu khó sắp hàng đợi khoảng 45 phút sẽ vào được bên trong


Chịu khó sắp hàng đợi khoảng 45 phút sẽ vào được bên trong


Tảng đá nơi tẩm liệm Chúa Giêsu


Tảng đá nơi tẩm liệm Chúa Giêsu


Tảng đá nơi tẩm liệm Chúa Giêsu


Bức tranh diễn tả cảnh Chúa chịu nạn ngày Thứ Sáu Tuần Thánh - phía sau tảng đá liệm xác Chúa


Cảnh ngôi mộ Chúa Giêsu nhìn từ trên cao


Cảnh ngôi mộ Chúa Giêsu nhìn từ trên cao


Nhìn thẳng từ phía trước


Trước khi vào đến ngôi mộ Chúa Giêsu là một căn phòng nhỏ có di tích tảng đá chắn mộ Chúa - có thắp 2 cây nến


Trước khi vào đến ngôi mộ Chúa Giêsu là một căn phòng nhỏ có di tích tảng đá chắn mộ Chúa - có thắp 2 cây nến


Ngôi mộ Chúa Giêsu ngày nay là bàn thờ chánh trong khu vực Holy Sepulchre ở Jerusalem - phòng này có diện tích chừng 2m x 1m
 
Top Stories
Lenten Sermon: The Holy Spirit, Soul of Christian Eschatology
Father Cantalamessa
00:32 07/04/2009
"There Is No Gift More Beautiful Than Spreading Hope"

VATICAN CITY, APRIL 6, 2009 (Zenit.org).- Here is the fourth Lenten sermon for 2009 by Capuchin Father Raniero Cantalamessa, preacher of the Pontifical Household, which he gave Friday at the Vatican in the presence of Benedict XVI and the Curia.

"We too, who have the first fruits of the Spirit, even we are groaning inside ourselves, waiting with eagerness" (Romans 8:23).

The Holy Spirit, Soul of Christian Eschatology

1. The Spirit of the promise

Let us listen to the passage from the eighth chapter of the Letter to the Romans which we want to meditate on today: "And not only that: we too, who have the first-fruits of the Spirit, even we are groaning inside ourselves, waiting with eagerness for our bodies to be set free. In hope, we already have salvation; in hope, not visibly present, or we should not be hoping -- nobody goes on hoping for something which is already visible. But having this hope for what we cannot yet see, we are able to wait for it with persevering confidence" (Romans 8:23-25).

In the Scriptures we find the same tension between promise and fulfillment with regards to the person of Christ as with regards to the person of the Holy Spirit. Just as Christ was first promised in the Scriptures, then later made manifest in the flesh, and then awaited in his second coming, so also the Spirit, once "promised by the Father," was poured out at Pentecost, and is now once again awaited and invoked "with indescribable moaning" by mankind and all creation, who, having tasted the first fruits, await the fullness of this gift.

During this period of time that spans from Pentecost to the Parousia, the Spirit is the strength that pushes us forward, that keeps us on the path, that doesn't allow us to become a "sedentary" people, that makes us sing the "psalms of ascension" with a new enthusiasm: "What joy when they told me: we will go up to the house of the Lord!" He is the one who creates the momentum and, so to say, gives wings to our hope; what is more, he is the very principle and soul of our hope.

Two authors speak to us about the Spirit as "promise" in the New Testament: Luke and Paul. But, as we will see, there is an important difference. In the gospel of Luke and in the Acts of the Apostles it is Jesus himself who speaks of the Spirit as "the Father's promise." He says, "I will send my Father's promise upon you;" "While at table with them, he had told them not to leave Jerusalem, but to wait there for what the Father had promised. 'It is,' he had said, 'what you have heard me speak about: John baptized with water but, not many days from now, you are going to be baptized with the Holy Spirit'" (Acts 1:4-5).

What is Jesus talking about when he calls the Holy Spirit the Father's promise? Where is it that the Father made this promise? It could be said that the entire Old Testament is a promise of the Spirit. The work of the Messiah is constantly presented as being fulfilled in a new universal pouring out of God's Spirit upon the earth. Looking at what Peter says the day of Pentecostshows that Luke thinks particularly about Joel's prophecies: "In the last days -- the Lord declares -- I shall pour out my Spirit on all humanity" (Acts 2:17).

It is not only these prophecies. How can we not also think about what we read in the other prophets? "Until the spirit is poured out on us from above" (Isaiah 32:15). "I shall pour out my spirit on your descendants" (Isaiah 44:3). "I shall put my spirit in you" (Ezekiel 36:27).

With regards to the content of the promise, Luke highlights, as he often does, the charismatic aspect of the gifts of the Spirit, in particular the gift of prophecy. The Father's promise is the "strength from on high" that will make all disciples capable of bringing salvation to the ends of the earth. However he does not ignore the deeper, sanctifying and salvific aspects of the Spirit's actions, such as the remission of sins, the gift of a new law and of a new covenant, as can be taken from the juxtaposition he creates between Sinai and Pentecost. Peters words: "The promise that was made is for you" (Acts 2:39) refer to the promise of salvation, no just the promise of prophecy or some other charisms.

2. The Spirit as first fruit and pledge

As we move from Luke to Paul, we enter into a new perspective, theologically much deeper. He lists numerous objects of the promise: justification, divine sonship, inheritance; but what summarizes everything else, the object of the promise par excellence is the Holy Spirit himself who he calls both "promise of the Spirit" (Galatians 3:14) and "Spirit of the promise" (Ephesians 1:13).

The Apostle introduces two new ideas into the concept of promise. The first is that God's promise does not depend on the observance of the Law, but on faith on thus on grace. God doesn't promise the Spirit to those who observe the law, but rather to those who believe in Christ. "How was it that you received the Spirit -- was it by the practice of the Law, or by believing in the message you heard? If the inheritance comes by the Law, it no longer comes through a promise" (Galatians 3:2,18).

In Paul it is precisely through the concept of promise that the theology of the Holy Spirit is tied to the rest of his thought and it even becomes a concrete demonstration of his thought. Christians well know that it is after the preaching of the Gospel they first experienced the Holy Spirit, not because they subjected themselves to a more faithful observance of the law. The Apostle can base himself on a well-known fact.

The second new concept is a bit disconcerting in a way. It is as if Paul wants to nip in the bud any temptation to be overly "enthusiastic," saying that the promise is not yet fulfilled … at least fully! In this regard, there are two very revealing concepts that are applied to the Holy Spirit: first fruits (aparchè) e deposit (arrabôn). The first concept is present in our text of Romans 8, the other is found in the Second Letter to the Corinthians. "We too, who have the first-fruits of the Spirit, even we are groaning inside ourselves, waiting with eagerness for our bodies to be set free" (Romans 8:23). "It is God who gives us, with you, a sure place in Christ and has both anointed us and marked us with his seal, giving us as pledge the Spirit in our hearts" (2 Corinthians 1:21-22). "It is God who designed us for this very purpose, and he has given us the Spirit as a pledge" (2 Corinthians 5:5).

What is the Apostle trying to say? That the fulfillment worked by Christ has not exhausted the Holy Spirit. In a unique contrast he says, "we possess. .. in expectation," we possess and we await. It is precisely because that which we possess is not yet fullness, but only a first fruit, a foretaste that hope is born in us. What is more, the desire, the longing, the expectation grows even more intense than they were because now we know what the Holy Spirit is. The coming of the Holy Spirit has, in a manner of speaking, fanned the flame of human desire.

This happens the same way it happened with Christ: His coming has fulfilled all the promises, but has not ended the wait. The wait has restarted, under the form of waiting for his return in glory. The title of "the Father's promise" puts the Holy Spirit at the very heart of Christian eschatology. Therefore we can't accept the statements of certain authors without reservations. According to these authors, "in the Judeo-Christian construct, the Spirit was primarily the strength of the future world, and in the Hellenistic-Christian construct it is the strength of the superior world." Paul demonstrates that the two concepts don't necessarily contradict each other, but can rather coexist together. In him the Spirit is, at the same time, both a reality of the superior, divine world and the strength of the world to come.

In the journey from first fruits to fullness, the first fruits will not be thrown away to make space for the fullness; rather the first fruits will themselves turn into the fullness. We will keep what we already have and we will acquire that which we do not now possess. It will be the Holy Spirit himself who will expand in fullness.

The theological principle "grace is the beginning of glory," applied to the Holy Spirit means that the first fruits are the beginning of the fulfillment, the beginning of glory, part of it. There is no need, in this case, to translate arrabôn, as "pledge" (pignus), rather just as deposit (arra). The pledge is not the beginning of the payment, but rather something that is given in lieu of payment. Once payment has been made, the pledge is returned. A deposit does not function in the same manner. The deposit is not returned when full payment is made, rather payment is completed. It is itself part of the payment. "If God has given us as a pledge the love through his Spirit, when the whole reality is given to us, will the pledge be taken away? Certainly not, but it will complete what he has already given."[1]

The love of God that we sample, thanks to the deposit of the Spirit, is therefore of the same quality as that we will have in eternal life, but not of the same intensity. The same thing should be said about possessing the Holy Spirit.

A deep transformation has taken place, as we can see, in the meaning of the feast of Pentecost. In the beginning, Pentecost was the feast of the first fruits,[2] that is, the day when the first fruits of the harvest were offered to God. Now it is still the feast of the first fruits, but the first fruits that God offers humanity, in his Spirit. The roles of giver and beneficiary have been reversed, in perfect accord with that which occurs, in all fields, in passing from law to grace, from salvation as a work of man, to salvation as God's free gift.

This explains how the interpretation of Pentecost as a feast of the first fruits has so strangely had almost no influence in the Christian feast of Pentecost. St. Irenaeus made an attempt in this direction, saying that the day of Pentecost "The Spirit offered the Father the first fruits of all people,"[3] but this would have almost no following in Christian thought.

3. The Holy Spirit soul of Tradition

The patristic age, unlike all the other aspects of pneumatology, does not significantly contribute to the concept of the Spirit as promise. This is due to the little interest that the Church Fathers have in the historical and eschatological perspective, compared to the ontological. St. Basil has a nice text on the role of the Spirit in the final consummation. He writes, "Even at the moment of the Lord's awaited manifestation from the heavens, the Holy Spirit will not be absent. … Who could so ignore the good things God prepares for those who are worthy as not to understand that event the crown of the just ones is a grace of the Holy Spirit."[4] However, if we read closely, the Saint only says that the Holy Spirit will have an active part in the final phase of human history, when we will pass from time to eternity. What is missing is any reflection on what the Holy Spirit already does, now, in time, to spur humanity toward its fulfillment. What is lacking is the sense of the Holy Spirit as a catalyst, a driving force of God's people, on route toward the homeland.

The Spirit drives believers to be vigilant in waiting for Christ's return, teaching the Church to say "Come, Lord Jesus" (Revelation 22:20). When the Spirit says Marana-tha with the Church, it is like when he says Abba in the heart of the believer: we should understand that he makes it be said, that he becomes the Church's voice. In fact the Paraclete could not cry out Abba on his own, because he is not the Father's son, and he could not cry out Marana-tha, "Come, Lord," because he is not Christ's servant, but rather "Lord" on par with him, as we profess in the creed.

Jesus says of the Paraclete, "He will make known to you the things to come" (John 16:14): That is, he will disclose the knowledge of the new order of things that comes from the Resurrection. Thus the Holy Spirit is the stimulus of Christian eschatology, the one who keeps the Church facing forward, toward the return of the Lord. This is just what current biblical and theological thought has tried to highlight. Moltmann writes that the new existence, inspired by the Spirit, is already eschatological, without waiting for the final moment of parousia, in the sense that it is the beginning of a life that will fully manifest itself only when the manner of existence determined by the Spirit is established, no longer held hostage by the flesh. The Spirit is not promise in only a static sense, but also the force of the promise, he who make us grasp the possibility of liberation, who makes the chains feel even heavier and more intolerable, and thus drives us to break them.[5]

This Pauline vision of the Holy Spirit as a promise and first fruit allows us to discover the true sense of the Tradition of the Church. Tradition is not primarily a collection of things that have been "transmitted," but rather, it is in the first place the dynamic principle of transmission. What is more, it is the very life of the Church, in as much as it unfolds in fidelity to Jesus Christ, driven by the Spirit under the guide of the Magisterium. St. Irenaeus writes that revelation is "like a precious deposit held in a valuable vase, that thanks to God's Spirit, renews itself always and even renews the vase that holds it."[6] The valuable vase that renews itself along with what it contains is precisely the preaching of the Church and Tradition.

Because of this, the Holy Spirit is the soul of Tradition. If the Holy Spirit is removed or forgotten what remains is just dead letter. If, as St. Thomas Aquinas says, "Without the grace of the Holy Spirit even the precepts of the Gospel would be letter that kills," what can we say about Tradition?

Tradition is, therefore, a force of permanence and conservation of the past, but it is also a force of innovation and growth; it is both memory and anticipation. It is like the wave of apostolic preaching that advances and propagates throughout the centuries.[7] The wave cannot be understood without movement. Freezing tradition in a certain moment of history would mean making it a "dead tradition," no longer a "living tradition" as St. Irenaeus calls it.

4. The Holy Spirit makes us abound in hope

With his encyclical on hope, the Holy Father Benedict XVI points out the practical consequence that comes from our meditation: hope, hope always, and if we have already hoped a thousand times in vain, return and hope again! The encyclical's title "Spe Salvi" (In Hope We Have Been Saved) is taken right from the Pauline verse we have commented on. It begins with these words: "According to the Christian faith, 'redemption' -- salvation -- is not simply a given. Redemption is offered to us in the sense that we have been given hope, trustworthy hope, by virtue of which we can face our present: The present, even if it is arduous, can be lived and accepted if it leads toward a goal, if we can be sure of this goal, and if this goal is great enough to justify the effort of the journey."

A certain equivalence and interchangeability is established between hoping and being saved, just as also between hoping and believing. The Pope writes, "Faith is hope," thus confirming, from a theological perspective, the poetic intuition of Charles Péguy, who begins his poem on the second virtue with the words, "The faith I prefer, says God, is hope."

Just as we distinguish two types of faith, the "fides quae creditur" and the "fides qua creditur," that is, the things believed and the very act of believing, the same applies to hope. There is objective hope that indicates the thing hoped for, eternal life, and there is subjective hope, which is the very act of hoping for that thing. This second thing is a driving force, and internal catalyst, and extension of the soul, an opening of oneself toward the future. One of the early Church fathers called it, "A loving migration of the spirit toward that which it hopes for."[8]

Paul helps us discover the vital relationship that there is between the theological virtue of hope and the Holy Spirit. He ties all three theological virtues back to the action of the Holy Spirit. He writes: "In fact, by virtue of the Spirit, we wait for justice from faith which is the object of hope; since in Christ Jesus it is not being circumcised or being uncircumcised that can effect anything -- only faith working through love."[9]

The Holy Spirit thus appears to us as the wellspring and the strength of our theological life. It is due to him, in particular, that we can "be abounding in hope." A bit later in the Letter to the Romans the Apostle writes, "May the God of hope fill you with all joy and peace in your faith, so that in the power of the Holy Spirit you may be rich in hope" (Romans 15:13). "The God of hope," what an unusual definition of God!

Hope has been sometimes been called the "poor relation" among the three theological virtues. There has been, it is true, a movement of intense reflection on the theme of hope, even to the point of creating a "theology of hope." But what has been lacking is a reflection on the relationship between hope and the Holy Spirit. Yet we cannot understand the peculiarity of Christian hope and its distinction from every other idea of hope, if we do not see it within its intimate relationship with the Holy Spirit. He is the one that makes the difference between the "principle of hope" of Ernst Bloch and the theological virtue of hope. The theological virtues are such not only because they have God as their end, but also because they have God as their principle; God is not only their object, but also their cause. They are caused, infused, by God.

We need hope to live and we need the Holy Spirit to hope! Every moment is a good one to hope, but above all the time of tribulation, the Apostle writes: "Knowing that affliction produces endurance, and endurance, proven character, and proven character, hope, and hope does not disappoint, because the love of God has been poured out into our hearts through the holy Spirit that has been given to us" (Romans 5:3-5). Hope is the most necessary virtue in this time of crisis for the world and of tribulation for the Church.

One of the principle dangers in the spiritual life is that of discouragement when faced with the repetition of the same sins and the seemingly useless cycle of resolution and relapse. Hope saves us. It gives us the strength to start over again, to believe each time that it will work, the strength of true conversion. In this way, God's heart is moved and he will come to our aid with his grace.

The poet of hope goes on to say, or has God say: "Faith does not surprise me, says God. I shine so much through my creation. Charity does not surprise me, says God. Those poor creatures are so unhappy that, unless they have a heart of stone, how could they not have charity toward one another. … But hope, says God, that is what surprises me. That these poor children see how things are going and that they believe that it will get better tomorrow. This is shocking. It must be that my grace is truly an incredible force."[10]

We cannot be satisfied with keeping hope just to ourselves. The Holy Spirit wants to make us planters of hope. There is no gift more beautiful than spreading hope at home, in the community, in the local and universal Church. It is like certain modern products that clean the air, making the whole room smell beautiful.

I end this series of Lenten meditations with a text from Paul VI that summarizes many of the points I have touched on: "We have asked ourselves may times … what need do we see, in the first and final analysis, for this our blessed and beloved Church. We should say it in an almost fearful and prayerful way, because it is his mystery and his life, you know it: the Spirit, the Holy Spirit, animator and sanctifier of the Church, her divine breath, the wind in her sails, her unifying principle, her interior source of light and strength, her support and consolation, her source of charism and song, her peace and her joy, her pledge and prelude of blessed and eternal life. The Church needs his perennial Pentecost; she needs fire in her heart, word on her lips, and prophecy in her vision… The Church needs to recover the desire, the taste, and the certainty of her truth."[11]

By the merit of his passion and death, the Resurrection gives to all us, the Holy Easter, a renewal of his Spirit.

----
[1] St. Augustine, Sermons, 23, 9 (CC 41, p. 314).
[2] Cfr. Numbers 28:26; Leviticus 23:10.
[3] St. Ireneus, Adv. Haer., III, 17,2; cf. also Eusebius of di Cesarea, On Easter, 4 (PG 24, 700A).
[4] St. Basil, On the Holy Spirit, XVI, 40 (PG 32, 141A).
[5] Cf. J. Moltmann, Lo Spirito della vita, Brescia 1994, pp. 18. 92 s. 190.
[6] St. Ireneus, Adv. Haer. III, 24, 1.
[7] H. Holstein, La tradition dans l'Eglise, Grasset, Parigi 1960 (Trad. ital. La tradizione nella Chiesa, Vita e Pensiero, Milano 1968.
[8] Diadocus of Fotica, Chapters, Introduction (SCh 5, p.84).
[9] Galatians 5:5-6; cfr. Romans 5:5
[10] Ch. Péguy, Le porche du mystère de la deuxième vertu, in Œuvres poétiques complètes, Gallimard, Paris 1975, pp. 531 ss.
[11] Paul VI, Discours at the general audience of 29 November 1972 (Insegnamenti di Paolo VI, Tipografia Poliglotta Vaticana, X, pp. 1210s.).


(Source: © Innovative Media, Inc. http://www.zenit.org/article-25584?l=english)

 
Vietnam: Parish celebrates Palm Sunday with a blood drive
Emily Nguyen & Maria Vu Loan
01:26 07/04/2009
Parishioners give blood
Young children with Palm leaves
Palm Sunday has come and gone, but Catholics from Dong Tien parish, archdiocese of Saigon will long remember this Palm Sunday of April 5, 2009. On that day, they came to their church not only to celebrate Mass but also to make sacrifice in response to their pastor, Fr. JB Tran Thanh Cao's call to participate in a local blood drive.

Although this was the first time Dong Tien parish has tried to organize so that both events would take place simultaneously, the out-pouring support from participants who were eager to come to do both was very impressive, so encouraging that made organizers especially Fr. Cao beaming with pride and hopeful that the tradition can be carried on for many years to come.

The parish has marked the celebration with the traditional procession around the church, with many young children joining for the first time with excitement since they got to hold Palm leaves which were transformed into many artistic designs by Sisters of the Cross Lovers. The adults who were eligible for blood donation were then instructed to either head for the Blood Drive vans parked outside parish center. Many of them were young men and women who said they donated to make their Easter celebration this year more meaningful with actions rather than just a mere holiday celebration with prayers.

The blood drive at Dong Tien parish on 2009 Palm sun day was proven to be a success that made everyone feel so good about themselves. It was unclear whether the success was due to the advantage of having many people gathering for the Palm Sunday celebration or just because many had wanted to be in communion with Jesus’ sacrifice by giving the gift of life: blood.
 
Japon: La crise économique amène le gouvernement à inciter les travailleurs immigrés brésiliens et péruviens à quitter le pays
Eglises d'Asie
15:00 07/04/2009
Le 1er avril dernier, le gouvernement japonais a lancé un programme d’aide au retour au pays pour les immigrés brésiliens et péruviens venus s’installer au Japon depuis une vingtaine d’années au nom d’une politique d’immigration choisie et qui se retrouvent sans travail du fait de l’actuelle crise économique.

Venus du Brésil et du Pérou, ces immigrés sont les descendants d’émigrés japonais partis en Amérique latine à différentes époques du XXème siècle (après la crise de 1929 et 1945-1946), fuyant la pauvreté au Japon. Une ou deux générations plus tard, leurs descendants ont fait le chemin inverse, invité par un Japon en proie à une crise de dénatalité aiguë et se trouvant en manque de main-d’œuvre; ils ont trouvé à s’employer dans les secteurs demandeurs d’une main-d’œuvre peu ou semi-qualifiée. En recourant aux Nikkeijin (‘deuxième génération’) et en favorisant ainsi une définition ethnique de la « nipponitude », le gouvernement japonais évitait d’ouvrir la conception japonaise de l’identité, sans pour autant se donner les moyens d’intégrer culturellement des immigrés ayant du sang japonais dans leurs veines mais n’appartenant pas à la culture japonaise.

Ces derniers mois, du fait de la brutalité de la récession économique, des milliers de Nikkeijin ont perdu leur emploi dans l’industrie automobile ou électronique. Selon le ministère des Affaires sociales, du Travail et de la Santé, le nombre des immigrés qui se sont inscrits auprès des services de placement des chômeurs a été multiplié par onze. Le gouvernement a donc décidé de proposer aux immigrés d’origine japonaise qui sont sans travail de quitter le Japon en étant doté d’un pécule de 300 000 yens (2 300 euros), augmenté de 200 000 yens par personne à charge. La contrepartie est que ceux qui bénéficieront de la prime au retour ne pourront plus jamais prétendre revenir travailler au Japon. « Ce programme a été mis en place pour répondre à un problème social croissant », a justifié Yamashita Hiroshi, haut fonctionnaire du ministère.

Le taux de chômage est en hausse très rapide au Japon. De janvier à février 2009, il est passé de 4,1 % à 4,4 % de la population active et les économistes prédisent qu’il dépassera les 5 % d’ici à la fin de l’année. En incitant les immigrés brésiliens et péruviens venus au Japon avec des contrats spécifiques à quitter le pays, le gouvernement poursuit des objectifs à court terme qui semblent en contradiction avec sa volonté d’entrouvrir le pays à l’immigration étrangère afin de compenser le vieillissement de la population. En 2006, les immigrés brésiliens, avec environ 300 000 personnes, représentaient la troisième communauté étrangère au Japon, après les Coréens et les Chinois; les immigrés péruviens formaient le cinquième groupe, avec quelque 60 000 personnes.

Avec les immigrés philippins (1), ces communautés brésiliennes et péruviennes présentent la particularité d’être très majoritairement chrétiennes – et catholiques pour la plupart d’entre elles. Leur présence au Japon avait ainsi contribué à changer le visage de l’Eglise catholique au Japon, en doublant le nombre des fidèles. Sur un million de catholiques au Japon, on comptait ainsi, ces dernières années, près de 500 000 catholiques étrangers, qu’ils soient lusophones, hispanophones ou anglophones (2). On peut penser que si la politique de retour au pays amène au départ d’un nombre conséquent de ces immigrés, le visage de l’Eglise au Japon en sera, à son tour, changé.

(1) Dans un contexte de vieillissement de la population active, le gouvernement japonais a signé en 2004 un accord avec le gouvernement philippin afin de faciliter, en l’encadrant soigneusement, l’immigration au Japon d’infirmiers et de personnels de soin philippins.

(2) Voir EDA 135 (Dossier: « Les travailleurs étrangers au Japon »).

(Source: Eglises d'Asie, 7 avril 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Người Công giáo và giáo dục Kitô giáo trong môi trường xã hội hôm nay
+ ĐHY Gioan B. Phạm Minh Mẫn
00:49 07/04/2009
Lời Chủ Chăn tháng 5.2009

1. Người Công giáo và niềm tin kitô giáo

Dựa vào Lời Chúa trong Sách Thánh cũng như trong đời sống của Giáo Hội Chúa Giêsu Kitô, người công giáo tin rằng Đấng Tối Cao, Đấng Chí Thánh Chí Tôn, là Thiên Chúa nhất thể tam vị. Tin rằng Ngôi Cha là Tình Yêu. Tin rằng Thiên Chúa Cha yêu thương loài người đến độ gởi Người Con Một là Đức Giêsu Kitô, là hiện thân Tình Yêu, đến làm người sống với loài người, để những ai tin vào Người Con nầy thì được sống muôn đời. Tin rằng Chúa Cha cũng gởi Thánh Thần của Ngài, là Thần Khí sự sống và là nguồn lực Tình Yêu, đến với mọi người, để những ai đón nhận Thánh Thần thì được sống dồi dào.

Cốt lõi niềm tin kitô giáo là xác tín Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng yêu thương. Và vì yêu thương, Ngài ban cho ta cả kho tàng hồng ân cứu độ. Hồng ân trọng đại nhất là Người Con Một và Thánh Thần của Ngài, cùng Lời Chúa và các Nhiệm tích. Do đó, người công giáo chân chính là người cảm nhận những gì mình có, - sự sống và đạo làm người, gia đình cùng mọi sự an lành và mọi điều thiện hảo trong cuộc sống -, là quà tặng của Người Cha đầy lòng thương yêu. Đối với người công giáo, sống niềm tin kitô giáo là đáp trả lại tình thương vô biên của Cha trên trời với tấm lòng thảo kính tuân hành ý Ngài. Tôn ý của Ngài là người người sống yêu thương chan hoà trong gia đình, coi mọi người anh em đồng bào và đồng loại là con một Cha, là anh em một nhà, và chia sẻ cho nhau mọi hồng ân Chúa ban cho, trước tiên là hồng ân đức tin, là cánh cửa mở vào kho tàng hồng ân cứu độ.

2. Người Công giáo và luật của Đạo Chúa

Luật tối thượng của Đạo Chúa là mến Chúa yêu người. Luật nầy trước tiên được ghi khắc ngay trong bản chất con người được Thiên Chúa tạo thành theo hình ảnh của Ngài là Tình Yêu. Luật thành văn đến sau, nhằm giúp con người ý thức về nguồn gốc của mình là con Cha trên trời, về bản chất của mình là yêu thương.

Ngay từ thời sơ khai của Giáo Hội công giáo, cách đây 20 thế kỷ, nhiều người trong xã hội bấy giờ đã nhận ra các tín hữu tiên khởi hợp thành một cộng đoàn yêu thương và cộng sinh, nhờ thế mà trong cộng đoàn không có ai thiếu thốn, đói khổ, bị bỏ rơi. Cách đây gần 500 năm, khi ông bà tổ tiên đón nhận Đạo Chúa mới đến trên đất nước Việt Nam, đồng bào chúng ta đã chứng kiến Đạo Chúa là sức sống mới, là sức mạnh của tình yêu mới nối kết các tín hữu tiên khởi trong tình huynh đệ tương thân tương trợ và đùm bọc lẫn nhau. Và vì thế, họ đặt tên cho Đạo mới là Đạo yêu thương. Ngày nay, cũng chính nhờ sức mạnh của tình yêu mới đó, có những cộng đoàn công giáo ngay trong Thành phố nầy, cùng chung sức khắc phục cách có hiệu quả tình trạng nô lệ sự dữ và tội lỗi, tình trạng suy thoái trầm trọng của đời sống luân lý và đạo đức trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Nay, tại những cộng đoàn đó, mọi người sống trong tình liên đới huynh đệ, trong một hoà khí tự do và an lành hơn. Những nơi đó, trước đem lại sự sợ hãi cho cộng đồng, nay trở thành điểm tựa đáng tin cho nhiều người.

Từ đó, người ta không còn dừng lại ở định nghĩa người công giáo là người đi nhà thờ, song người công giáo là người cảm nhận được Cha trên trời yêu thương, đồng thời là người biết sống tình huynh đệ liên đới với mọi người, không phân biệt giai cấp người giàu hay nghèo, sang hay hèn, học thức hay thiếu học, bạn hay thù, lành hay dữ.

3. Người Công giáo và hai loại tình yêu trong cuộc sống gia đình và xã hội

Cách đây 2 năm, nhân chuyến viếng thăm Trung Quốc, tôi có dịp gặp gỡ và trao đổi với một số chức sắc trong cộng đồng dân Chúa tại Trung Quốc. Các vị đó có nêu lên một vấn đề trong lịch sử truyền giáo tại Trung Quốc, và phân ra hai loại nhà truyền giáo. Loại một là những nhà truyền giáo quan tâm tìm hiểu văn hoá bản xứ, trân trọng văn hoá đó, và góp phần tạo khả năng và thuận lợi cho việc phát huy nền văn hoá đó. Loại hai là những nhà truyền giáo không quan tâm tôn trọng văn hoá bản xứ, đồng thời áp đặt trên người dân bản xứ những gì xa lạ từ thế giới bên ngoài. Loại nầy bị coi là một chướng ngại cho sự phát triển của đạo Chúa cũng như của Giáo Hội công giáo nơi bản xứ.

Tôi có chia sẻ những suy nghĩ và nhận định của tôi: lịch sử và cuộc sống xác minh rằng trong gia đình cũng như ngoài xã hội, xưa cũng như nay, có hai loại tình yêu thương. Loại một là tình yêu tôn trọng và đồng cảm, mở đường và trợ lực cho sự tăng trưởng của đối tượng được yêu thương. Loại hai là tình yêu mang tính gia trưởng, chuyên chế và áp đặt đối với đối tượng được yêu thương. Loại hai nầy làm đình trệ sự phát triển của đối tượng được yêu thương, dù là con người hay gia đình hay dân tộc.

4. Người Công giáo bước theo Đức Giêsu Đấng cứu độ, để đi đến sự sống mới

Trong cuộc đời tại thế, Đức Giêsu đã loan Tin Mừng cứu độ và phục vụ cho sự sống con người. Vào cuối đời, Ngài đã tự nguyện đón nhận khổ nhục và cả cái chết của kiếp trần ai. Từ đó, nhờ sức mạnh vô biên của tình yêu thương, Ngài đã biến khổ nhục và cái chết của kiếp người, từ một nhục hình và một ngõ cụt, trở thành cửa ngỏ dẫn mọi người vào con đường cứu độ đưa đến sự sống mới, sự sống dồi dào trong tự do và hạnh phúc lâu dài.

Bước theo con đường cứu độ Chúa đã mở ra, người công giáo cũng cần phải tự nguyện trải qua cái chết ngay trong kiếp sống nầy, để đi đến sự sống mới. Chết ngay trong kiếp sống nầy, cốt yếu là chết đi cho lòng tham sân si là tà tâm, để mở rộng chánh tâm cho tình yêu mới được lớn lên và toả sáng. Tình yêu mới mà Chúa đổ vào lòng ta, mang tính vị tha và liên đới, quảng đại và bao dung đối với mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Khi thoát khỏi động cơ ích kỷ hẹp hòi của lòng tham sân si, tình yêu mới sẽ là tình huynh đệ vị tha và liên đới, sẽ không còn mang tính đối kháng là tính đưa đến thái độ phân biệt đối xử và thù nghịch giữa những người anh em đồng bào và đồng loại.

5. Người Công giáo Việt Nam chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 tại Việt Nam

Để chuẩn bị cử hành Năm Thánh 2010 kỷ niệm 350 năm hình thành Giáo Hội công giáo trên đất nước chúng ta, và 50 năm thiết lập hàng giáo phẩm Việt Nam, người công giáo VN, thừa hưởng truyền thống đạo hiếu của dân tộc VN, đồng thời đã đón nhận niềm tin kitô giáo, vừa là quà tặng của Cha trên trời, vừa là gia sản vô giá cha ông chúng ta để lại, cần chung sức đền đáp công ơn nầy.

Đền đáp, một mặt, bằng cách dành thời gian nhìn lại, dưới ánh sáng niềm tin kitô giáo, những nếp nghĩ và thái độ ứng xử, những cách nói và lối hành văn, cả trong kinh sách từ xưa, nay không còn phù hợp với nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương, đồng thời nhận ra những thiếu sót, những lệch lạc, những sai trái, đối với tôn ý của Cha trên trời, đối với luật Chúa dạy sống bác ái huynh đệ, đối với mọi người là con một Cha và anh em một nhà, để điều chỉnh và bổ sung, đền bù và đổi mới. Vả lại, con đường sám hối và đổi mới là con đường vượt qua những bất cập, những giới hạn nhân loại, để tìm đến nguồn ánh sáng và sức sống mới từ Tin Mừng cứu độ Chúa Giêsu Kitô. Đó cũng là con đường thắp sáng lên trên đất nước Việt Nam ngọn lửa tình yêu cứu độ mà Đức Giêsu đã mang vào thế giới nầy từ gần 2000 năm nay.

Đền đáp, mặt khác, bằng cách tích cực tham gia đời sống và sứ vụ mà Chúa Kitô đã trao cho Giáo Hội của Ngài. Sự hiện hữu của Giáo Hội Chúa Kitô trên trái đất nầy là vì xã hội loài người, vì sự sống của mọi người, của mọi dân tộc. Do đó, sứ vụ của Giáo Hội là bước theo Chúa Kitô yêu thương và phục vụ cho sự sống và phẩm giá của mọi người anh em trong cộng đồng dân tộc cũng như cộng đồng thế giới hôm nay. Sứ vụ đó còn là tạo khả năng và thuận lợi cho mọi người mở rộng tâm trí và đổi mới hướng sống của mình, từ quy ngã và duy vật chất đến hướng thượng và hướng tha.

6. Người Công giáo chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ trong xã hội hôm nay

Trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, chu toàn sứ vụ yêu thương và phục vụ mà Chúa Kitô trao cho Giáo Hội, cơ bản là nỗ lực góp sức xây bốn viên đá nền hay bốn trụ cột cho những ngôi nhà gia đình và xã hội đang được xây lên trên trái đất còn ngổn ngang nhiều gian dối và bất công, nhiều hận thù và bạo lực, nhiều thiếu hụt và đói khổ về mặt vật chất, tinh thần cũng như tâm linh.

Bốn viên đá nền hay bốn trụ cột đó là bốn giá trị nền tảng từ Tin Mừng Chúa Kitô. Bốn giá trị nền tảng từ Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô là: một là chân lý, hai là công lý, ba là tình bác ái huynh đệ liên đới và đại đồng, bốn là sự an bình và hoà bình. Xây bốn trụ cột đó có nghĩa là chung sức thể hiện cùng chiếu toả đủ cả bốn giá trị nền tảng đó, trong đời sống gia đình, đời sống giáo hội, và đời sống xã hội hôm nay. Bốn giá trị nền tảng đó sẽ là bốn trụ cột vững chắc chống đỡ những mái nhà nhân loại.

Lịch sử loài người xác minh bốn trụ cột được xây bằng chất liệu những giá trị nền tảng từ Tin Mừng cứu độ của Chúa Kitô, có khả năng bảo đảm cho ngôi nhà gia đình trở nên một mái ấm vững chắc, cho ngôi nhà dân tộc cũng như ngôi nhà thế giới đượm tình huynh đệ tương thân tương trợ và trở nên vững bền trong chân lý, công lý và hoà bình. Lịch sử các chế độ trong xã hội loài người tự cổ chí kim cũng xác minh những trụ cột được xây bằng những sản phẩm do tham vọng hay trí khôn của con người sáng chế ra qua các thời đại, đều không làm cho những ngôi nhà được xây lên trên mặt đất nầy mang tính trường tồn trong tự do, an bình và hạnh phúc thật.
 
Ngày Giới Trẻ tại Hải Phòng
Tòa GM Hải Phòng
03:32 07/04/2009
Chúng ta đã đặt hy vọng nơi Thiên Chúa Hằng Sống” ( 1 Tm 4,10).

Để hiệp thông với các bạn trẻ nhân ngày Giới trẻ thế giới lần thứ 24, tức là ngày Lễ Lá, tại nhà thờ chính tòa Hải Phòng, Cha chính xứ và Ban Mục vụ giới trẻ Giáo xứ chính tòa đã tổ chức buổi, cầu nguyện và giao lưu với các các bạn trẻ thuộc các xứ họ nội thành Hải Phòng. Buổi gặp gỡ khai mạc lúc 8h45, với tâm tình cầu nguyện và những tiết mục thánh ca. Gần 2000 bạn trẻ đã tham dự ngày gặp gỡ này.

Đức Giám mục Hải Phòng cũng hiện diện trong buổi giao lưu này. Trong phần huấn dụ, Ngài dựa trên Sứ điệp ngày giới trẻ thế giới lần thứ 24 của Đức Thánh Cha để mời gọi các bạn trẻ sống niềm hy vọng trong những hoàn cảnh cụ thể hôm nay. Con người không thể sống mà không có niềm hy vọng. Thiếu niềm hy vọng, cuộc sống này sẽ trở thành địa ngục. Không có niềm hy vọng, con người bước đi mà không biết mình đi đâu. Nhắc lại giáo huấn của Đức Thánh Cha, Đức Giám mục kêu gọi các bạn trẻ công giáo hãy là những chứng nhân của niềm hy vọng. Mỗi bạn trẻ hãy là một ngọn đuốc chiếu soi ánh sáng của niềm hy vọng giữa một xã hội còn quá nhiều khoảng tối. Những khoảng tối cụ thể trong xã hội hôm nay là tệ nạn xã hội, suy đồi luân lý, không tôn trọng công bằng và sự thật…

Với 2 câu chuyện ngắn ngọn và giàu ý nghĩa tượng trưng, Đức Giám mục đã mời gọi các bạn trẻ hy vọng nơi Thiên Chúa:

1-Câu chuyện bốn ngọn nến: bốn ngọn ấy mang tên hòa bình, tình yêu, trung thành và hy vọng. Nếu như ngày nào đó 3 ngọn nến kia phụt tắt, mà còn lại niềm hy vọng thì sẽ có thể thắp sáng lại cách dễ dàng từ ngọn nến đó.

2-Câu chuyện về chiếc kính: các bạn trẻ cần nhìn gần để cảm nhận hạnh phúc mình đang có; cần nhìn xa để chuẩn bị tương lai, để vươn xa, vươn cao hơn trong cuộc đời.

Các bạn trẻ đã diễn tả sứ điệp hy vọng bằng những hình ảnh tượng trưng đặc biệt: từ những nụ cười đa dạng, xuất phát từ những hoàn cảnh khác nhau bức tranh của cuộc đời: từ nụ cười móm mém dễ thương của một cụ già đến nụ cười hồn nhiên trong sáng của một em bé; từ nụ cười của người mẹ bên nôi đến nụ cười của người nông phu trên đồng lúa; từ nụ cười của các bạn nam nữ thanh niên nơi học đường đến nụ cười của người công nhân lấm lem dầu mỡ trong hãng xưởng; từ nụ cười của một bệnh nhân SIDA đến nụ cười của một bệnh nhân phong cùi. Sứ điệp của những hình ảnh này là lời mời gọi các bạn trẻ trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng hãy vui lên, hãy đặt niềm hy vọng nơi Thiên Chúa. Những bài thánh ca xen lẫn những chứng từ chia sẻ càng làm cho buổi gặp gỡ thêm sinh động và ý nghĩa.

Thánh lễ được tổ chức vào hồi 11h00. Ngỏ lời trong bài chia sẻ Lời Chúa, Đức Cha Giuse đã nhấn mạnh: “Các bạn hãy sống như những chứng nhân của niềm hy vọng. Các bạn hãy cố gắng để gia đình, xã hội và Giáo Hội hôm nay có thể đặt để niềm hy vọng nơi sự trưởng thành và thiện chí của các bạn, vì các bạn là những người chủ tương lai của đất nươc, của dân tộc và của Giáo Hội”.

Buổi gặp gỡ ngắn gọn mà sâu lắng, đơn sơ mà sốt sắng. Các bạn trẻ ra về trong niềm hân hoan vui mừng. Chúng ta hãy cầu nguyện cho mỗi bạn trẻ tham dự cuộc gặp gỡ này đều trở nên những chứng nhân mang niềm hy vọng cho cuộc sống cụ thể hôm nay.
 
Thánh Lễ Truyền Dầu tại Tổng Giáo Phận Hà Nội
Lê Danh – Ngọc Huấn
15:16 07/04/2009
HÀ NỘI - Tổng Giáo phận Hà Nội nằm trên địa bàn thủ đô Hà Nội và tỉnh Hà Nam, Nam Định, Hà Tây, Hòa Bình, Hưng Yên. Thực tế hiện có nhiều linh mục phải coi sóc cùng lúc nhiều giáo xứ, việc đi lại rất khó khăn nên phần nào cũng làm hạn chế đến công tác mục vụ. Thánh Lễ Dầu theo truyền thống Giáo Hội Công giáo thường tổ chức vào sáng ngày thứ Năm Tuần Thánh, nhưng do một số khó khăn thực tế tại Tổng Giáo phận Hà Nội, nên Đức Tổng Giám mục Giuse đã chính thức chọn ngày thứ Ba trong Tuần Thánh để cử hành Thánh lễ đặc biệt này.

Thánh lễ Truyền Dầu được cử hành long trọng trong sự chủ sự của Đức Tổng Giám Mục Giuse cùng với Đức cha phụ tá, linh mục đoàn và đông đảo bà con giáo dân trong hạt Phú Xuyên. Trong Thánh lễ Truyền Dầu năm nay, linh mục đoàn Tổng Giáo Phận Hà Nội vắng mặt Đức giám mục Phaolô Lê Đắc Trọng - nguyên giám mục phụ tá TGP Hà nội, linh mục Phaolô Phạm Thừa Huấn vì sức khỏe yếu, và 11 linh mục đang tu học tại nước ngoài là các linh mục Giuse Vũ Đức An, Giuse Nguyễn Văn Diễm, Giuse Tạ Xuân Hoà, Giuse Vũ Quang Học, Giuse Nguyễn Quốc Hùng, Phêrô Nguyễn Phú Hùng, Alphongso Phạm Hùng, Giuse Trần Đình Sơn, Giuse Đỗ Văn Tuyến, Hòa, Giuse Đào Hữu Thọ, Antôn Nguyễn Văn Thắng.

Dầu là một trong những chất liệu được sử dụng trong khi cử hành các bí tích do chính Chúa Giê-su thiết lập. Giáo Hội cử hành lễ Dầu là muốn gắn liền ơn bí tích với cuộc Khổ nạn của Chúa Giê-su. Bên cạnh đó, Thánh lễ Dầu còn diễn tả sự hiệp thông và vâng phục của các linh mục trong giáo phận với vị chủ chăn của mình.

Thánh lễ Truyền Phép Dầu cũng là ngày các linh mục tuyên hứa lại lời thề ước trung thành với sứ vụ của mình và với đấng bản quyền. Đây là dịp bày tỏ tình hiệp thông sâu sắc nhất trong năm phụng vụ của toàn TGP. Tuy nhiên vì điều kiện địa bàn TGP rộng lớn nên việc giáo dân từ khắp TGP quy tụ về nhà thờ Chính Tòa gặp nhiều khó khăn. Để tạo điều kiện cho anh chị em giáo dân các nơi có thể tham dự vào dịp đặc biệt này, trong mấy năm qua, Bề trên TGP Hà nội đã thay đổi địa điểm dâng Thánh lễ mỗi năm một nơi theo từng hạt trong TGP.

Chia sẻ trong thánh lễ, Đức Tổng Giám Mục đã diễn tả sự kết hiệp sâu sắc của Đức Giêsu trong bí tích Thánh Thể với đời sống linh mục: “Khi nhấn mạnh tới các môn đệ: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, Chúa Giêsu mong muốn các linh mục hãy tiếp tục công việc của Chúa nơi trần gian. Tiếp tục không chỉ là dâng lễ trên bàn thờ. Nhưng phải là dâng hiến chính bản thân mình. Mỗi cuộc đời linh mục phải là cuộc đời của Chúa Giêsu. Mỗi hình ảnh linh mục phải là hình ảnh của Chúa Giêsu. Làm sao để người tín hữu nhìn thấy linh mục là nhìn thấy Chúa Giêsu.

Để thực hiện điều đó, hằng năm Giáo hội mời gọi các linh mục long trọng tuyên hứa lại. Để linh mục nhớ lại ngày nhận chén thánh. Để linh mục nhớ lại chén thánh Chúa trao là chén thân tình Chúa nhận linh mục là bạn hữu. Là chén dâng hiến để linh mục dâng chính thân mình. Là chén giao ước để linh mục đồng sinh đồng tử với Chúa. Là chén cứu độ để cuộc đời linh mục luôn luôn tìm tha thứ. Là chén tưởng niệm để cuộc đời linh mục rập khuôn cuộc đời của Chúa”.

Kết thúc bài chia sẻ của mình, Đức Tổng Giám mục mời gọi cộng đoàn dân Chúa: “Chúng ta hãy hợp ý với các linh mục và cầu nguyện cho các ngài. Và nhất là hãy yêu thương cộng tác với các ngài để giúp các ngài chu toàn nhiệm vụ linh mục rất cao quí nhưng cũng rất nhiều khó khăn này”.

Tham dự thánh lễ hôm nay, có những giáo dân chưa từng dự thánh lễ truyền phép dầu bao giờ nên họ vừa thấy lạ vừa cảm động. Đặc biệt trong nghi thức toàn thể linh mục trong TGP đứng chung quanh vị chủ chăn để nhắc lại lời tuyên hứa của mình và lời mời gọi của Vị Chủ Chăn đối với giáo dân hãy cầu nguyện và nâng đỡ các linh mục trong sứ vụ của các ngài. Sự họp mặt của mọi thành phần dân Chúa trong thánh lễ đại triều đặc biệt này như muốn diễn tả giáo phận là một mái ấm gia đình mà Ðức Tổng Giám mục như một người cha. Mọi người hiệp nhất với người cha chung của giáo phận như cành với cây, như các chi thể trong một thân thể để cùng chung chia niềm vui cũng như nỗi buồn trong tình liên đới và tương thân tương ái. Lễ Dầu cũng là dịp để mỗi người, với tư cách là "dân đã được xức dầu", nhìn lại ơn gọi đời mình, và từ đó làm nổi bật căn tính của ơn gọi mình trong tác vụ mà Chúa đã giao phó.

Tình hiệp thông trong TGP Hà Nội lâu nay đã là một nét nổi bật mà ai cũng có thể nhận ra. Đức TGM đã không ít lần cảm tạ Thiên Chúa thay cho toàn dân về hồng ân cao cả này. Thánh lễ hôm nay càng thắt chặt hơn tình hiệp thông ấy trong toàn TGP từ vị Chủ Chăn cho đến những giáo dân bé nhỏ nhất nơi miền quê xa xôi.
 
Bế mạc Khóa Chuẩn bị Hôn Phối 28 tại GXVN Paris
Trần Văn Cảnh
16:43 07/04/2009
Paris. Tối thứ sáu 03 tháng 04 năm 2009, Ban Mục Vụ Hôn Nhân & Gia Đình của Giáo xứ Vìệt nam Paris đã làm lễ bế mạc tổng kết khóa chuẩn bị hôn phối thứ 28, với sự hiện diện đầy đủ của 18 học viên và 11 giảng viên.

Khai giảng từ ngày 27.03.2009, các học viên đã đều đặn và đầy đủ dành sáu buổi tối đến tham dự 10 bài học và tổng kết bế mạc. Các học viên là những anh chị sau đây: Giuse Nguyễn Bảo Thịnh - Nguyễn thị Thanh Loan, Cyrille Đỗ Duy Hiếu - Elisabeth Phạm Ngọc Anh Thùy, Antoine Nguyễn Đan - Marie Brèce Christine, Đào Jean - Trần Catherine, Tuấn - Như, Nguyễn Xuân Chương - Marie Phạm Thị Quỳnh Trang, Đaminh Lê Quang Hải - Đỗ Phương Anh, Pierre Trần Quốc Dũng - Jeanne Nguyễn Thị Đông Hải, Phêrô Nguyễn Văn Hậu - Lucie Nguyễn Thị Minh Phượng.

Về ban giảng huấn, đặc biệt khóa 28 này đã tiếp đón hai giảng viên mới. Đó là thầy Vũ Đình Khiêm và cô Ngô Thị Kim Đào. Hai vị đã thay Thầy sáu Nguyễn Văn Thạch để phụ trách môn « Sống Đạo trong gia đình ». Không kể hai giảng viên mới, tầt cả 9 giảng viên cũ cũng đã đến tham dự buổi tổng kết bế mạc. Đó là: Đức Ông Mai Đức Vinh, Cha Đinh Đồng Thượng Sách, Giáo sư Trần Văn Cảnh, Bác sĩ Tạ Thanh Minh, Giáo sư Tạ Thanh Minh Khánh, Luật sư Lê Đình Thông, Bác Sĩ Nguyễn Ngọc Đỉnh, Giáo sư Nguyễn Văn Nhơn và Bác sĩ Bích Hiền.

Hình 1: Lễ bế giảng Khóa Chuẩn bị Hôn phối thứ 28, tối thứ sáu, 03 tháng 04 năm 2009

Hình 2: Ban giảng huấn (từ trái qua phải): Thầy Nhơn, Thầy Đỉnh, Cô Đào, Cô Minh Khánh, Thầy Khiêm, Cha Sách, Đức Ông Vinh, Thầy Cảnh, Thầy Thông, Cô Bích Hiền, Thầy Minh

A. Các học viên chia sẻ cảm nghĩ về khóa chuẩn bị hôn phối 28

Mở đầu buổi tổng kết, Gs Trần Văn Cảnh mời các học viên vắn gọn, nói ra cảm tưởng và nhận xét của mình về khóa học, hoặc đưa ra những đề nghị cải tiến. Đại cương, ba cảm nghĩ quan trọng đã được các học viên phát biểu:

Trước nhất là sự ngạc nhiên thú vị được học hỏi về những đề tài không ngờ đến. Đa số các học viên chỉ chờ đợi được nghe nói về giáo lý hôn nhân và với các cha, các sơ. Thực tế họ đã được như vậy. Mà hơn nữa, họ được nghe nói đến những quan niệm văn hóa gia đình truyền thống việt nam được hiện đại và thực tế hóa, được khám phá những lãnh vực mới về y học, luật học, tài chánh, quản trị, giáo dục. Chẳng những họ được tiếp xúc với các cha, mà còn được học hỏi với các bác sĩ, luật sư, giáo sư chuyên môn. Đó là ý tưởng của anh Hiếu và chị Anh Thùy. Theo anh chị cho biết đã học được nhiều điều chưa biết, lại còn có thêm một thủ bản, để sau này, khi cần dến, đã có sẵn tài liệu để tra cứu. Đó cũng là ý nghĩ của anh Hải và chị Phương Anh, vì chẳng những đã được học thêm về giáo lý đạo, mà còn được hiểu hơn về luật hôn nhân, về giáo dục gia đình, về tương giao vợ chồng, về xã hội học. Anh Chương và chị Quỳnh Trang nhận định rằng đây là cơ hội hai người cùng được học hỏi những điều mình đang sắp làm, thành ra tạo dịp cho hai người trao đổi, chia sẻ và đối thoại. Anh chị đặc biệt nhắc đến bài học về đời sống đạo trong gia đình. Anh Đan và chị Christine thấy rằng khóa học đưa ra nhiều hướng học hỏi và suy nghĩ phong phú và hữu ích. Qua những hướng này, đôi bạn sẽ cùng nhau chia sẻ để tìm ra một hướng chung, cùng dắt nhau đi. Anh chị xin nồng nàn cám ơn ban giảng huấn da đđồng hành soi đường.

Thứ đến, lớp học khóa này gồm một số người chưa có kinh nghiệm sống đức tin công giáo. Nhân dịp này, người có đạo cũng như chưa có đạo, đều nhận ra rằng mình đã học thêm được về đức tin, về đời sống hôn nhân và gia đình công giáo qua những khía cạnh cụ thể của cuộc sống. Chị Minh Phượng và Anh Hậu đều thấy rằng khóa học đã giúp họ hiểu nhiều hơn về đạo, một trong hai người đang học đạo và chuẩn bị lãnh phép rửa tội, người kia chưa chịu phép thêm sức, đang học thêm giáo lý, và cả hai sẽ chuẩn bị lãnh bí tích hôn phối. Như vậy họ đang chuẩn bị lãnh năm phép bí tích: Rửa tội, Thêm sức, Mình thánh Chúa, Giải tội và Hôn Phối. Cả lớp học vỗ tay mừng anh chị.

Chị Phương Anh và anh Hải, Chị Catherine Trần và anh Jean Đào, chị Ngoan và anh Thịnh, Chị Như và anh Tuấn đều chia sẻ những tâm tình của anh chị Hậu và Minh Phượng. Và đặc biệt nhấn mạnh đến một số lời đã được nghe trong khóa học: Lời 1: Nếu vợ chồng hòa thuận, sinh con và dậy chúng nên người, cần cù làm ăn thịnh vượng, thì có nhiều bảo đảm được tào khang, chung thủy. Lời 2: Vợ chồng thương nhau không phải là chỉ để nhìn nhau, mà nhất là cùng nhau tao đổi để đồng hành, đi cùng một hướng, cùng xây hạnh phúc, cùng giáo dục con. Lời 3: Chia sẻ và cầu nguyện giúp mình hiểu nhau, tìm được thống nhất, tránh được những rạn nứt, những cách ly. Đặc biệt cảm tưởng của anh Thịnh có nhiều suy nghĩ chín chắn và làm nhiều người chú ý. Anh « cám ơn các cha và các cô bác đã dành thời giờ đến dậy chúng con về đời sống gia đình tốt đẹp. Qua khóa học này con đặc biệt khám phá những điều sau đây:

Sự chia sẻ giữa hai người thật là cần thiết, đặc biệt là sự chia sẻ thời giờ cho nhau, nó cần thiết hơn sự chia sẻ về tiền của.
Đừng bao giờ nói xấu về gia đình mình hay gia đình bạn, mà chỉ nên nói điều tốt.
Con trai cần phải khoan dung, chứ đừng nóng nảy, gắt gỏng. Rồi tùy theo hoàn cảnh mà cư xử cho phải đạo.
Trong gia đình, con được thấy 2 gương gia đình của chị con và anh con hòa thuận, hạnh phúc.
Bạn con có tinh thần xã hội, tham gia sinh hoạt trong một số nhóm trẻ trong giáo xứ.
Nhưng sợ đám cưới, con khắc khoải không biết gia đình mình sẽ ra sao ? Con cứ đặt hoài cho mình câu hỏi « Làm sao để có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc, gia đình đầm ấm » ?
Con thấy rằng các bài học mà các cha và các thầy cô đã trao cho chúng con thật rất tốt đẹp. Để tiếp tục công việc tốt đẹp này, con nghĩ chúng con nên xin các ba má chúng con chia sẻ cho chúng con về kinh nghiệm sống vợ chồng và sống cha mẹ của các ngài.
Nhiều người đã vỗ tay tán đồng những cảm nhận của anh Thịnh.

Ngoài ra, vấn đề khả năng ngôn ngữ khác nhau: đa số nói và hiểu được cả hai tiếng việt và pháp. Nhưng, vài ba người không hiểu, hay hiểu rất ít tiếng việt. Nhưng tất cả đều ghi nhận cách trình bày rõ ràng với nhiều câu chuyện và kinh nghiệm thực tế của các giảng viên, rồi giữa các học viên, họ đã dịch ngay cho nhau, hoặc chính các giảng viên, đa số các vị đều giảng song ngữ, làm cho những buổi học thành thú vị và hấp dẫn. Xin cứ tiếp tục như vậy.

Sau cùng, từ hai cảm nghĩ trên, trong lời phát biểu của mình, tất cả các học viên đều bày tỏ tâm tình biết ơn với đức ông giám đốc, với các các cha và các thầy cô. Anh Tuấn bày tỏ rằng khi bé ở nhà được cha mẹ dậy về đạo nghĩa, lớn lên đến trường được học chữ học nghề. Trong khóa chuẩn bị hôn nhân này, được học sống đời sống hôn nhân gia đình, một điều chưa bao giờ được dậy bảo. Xin cám ơn các cha và các thầy cô. Anh Dũng chia sẻ tâm tình cám ơn các cha và các thầy cô và đặc biệt nhắc đến nhu cầu anh em cùng khóa nên kết giao và giúp đỡ lẫn nhau. Để thực hiện điều này, anh đề nghị mời các cha và các anh chị em cùng khóa đi dùng cơm tối chung sau buổi tổng kết này. Lời phát biểu sau cùng của một học viên tóm gọn những tâm tình và cảm nghĩ trên: « Các bạn con đã nói hết những điều con muốn nói rồi. Vậy, con cũng nghĩ như họ và xin tóm tắt. Sau 6 tuần lễ theo học khóa chuẩn bị hôn nhân, con rất ngạc nhiên. Các thầy cô giảng bài không nhiều quá, không ít quá, mà vừa đủ. Giảng bài có bác sĩ, luật sư, giáo sư chuyên môn, con rất lấy làm lạ. Nhưng học rồi, hôm nay con mới hiểu. Con hiểu rằng đời sống gia đình rất là quan trọng, rất là đa tạp, bao gồm rất nhiều khía cạnh. Con cũng đã đọc hết các bài viết của tất cả các thầy cô, con khám phá ra rằng mình có trong tay những tư tưởng và tư liệu quí giá. Từ nay, con có thể xử dụng tư liệu của các thầy cô mà xử dụng trong cuộc sống, mà trích dẫn cho bạn bè. Con xin cám ơn các cha và tất cả các thầy cô ».

B. Các giảng viên và học viên trao cho nhau những bí quyết hạnh phúc gia đình

Sau phần chia sẻ cảm nghĩ về khóa học, sang phần chia sẻ bí quyết cá nhân về hạnh phúc gia đình, Gs Cảnh xin mọi người hiện diện chia sẻ bí quyết làm sao bảo vệ hạnh phúc gia đình, trước những khủng hoảng và nguy hiểm chia ly của đời sống hôn nhân và gia đình hiện nay (1). Ông xin mọi người lắng nghe, có thể hỏi để hiểu rõ hơn, mà không được nhận định hay phê bình. Lần lượt 29 bí quyết của 29 người hiện diện đã được chia sẻ để « Bảo vệ hạnh phúc gia đình » như sau:

Đức ông Vinh: Cùng nhau sống đức tin. Lấy nhau làm đối tượng cho lời cầu nguyện mỗi ngày.
Cha Sách: Nhịn nhục, tha thứ và chạy đến với nhau.
Bs Minh: Trong tất cả những điều mà đôi vợ chồng làm, thì nên hợp ý hai người với nhau, để làm chung.
Gs Minh Khánh: Sống đức tin, cầu nguyện, chia sẻ đời sống đạo.
Gs Cảnh: Sống chân thành như mình là và bàn hỏi với bạn mọi điều trước khi quyết định.
Ls Thông: Hãy bám chặt lấy Chúa, lấy cộng đoàn, lấy gia đình và lấy nhau.
Bs Đỉnh: Khi đụng cham, xích mích, nên thinh lặng, nghĩ lại và cầu nguyện. Rồi để người đàn bà nói câu cuối cùng.
Gs Nhơn: Phải nghĩ đến tương lai, nên có con để tăng cường liên hê. Sống nhẫn nhục nhường nhịn nhau.
Bs Hiền: Tôn trọng lẫn nhau. Yêu thương tất cả mọi người.
Thầy Khiêm: Ghi tên Giêsu trên trán bạn mình, để nhìn thấy hình ảnh Chúa.
Cô Đào: Khi mình hiểu mình có tình yêu thánh giá, thì mỗi ngày sẽ theo gương Chúa Giêsu, dám bỏ mình, chết cho người mình yêu.
Minh Phượng: Đùng có gây lộn
Hậu: Đừng có gây lộn
Quỳnh Trang: Chia sẻ
Chương: Phải đồng thuận
Dũng: Phải công bằng về tiền bạc và việc làm. Biết xin lỗi và cám ơn. Sống đức tin.
Đông Hải: Phải biết đón nghe và tôn trọng nhau. Vợ không phải là máy đẻ hay người làm.
Catherine Trần: Nhường nhịn và chia sẻ, đừnglảm nhảm
Jean Đào: Đừng lảm nhảm, nhưng nhường nhịn và chia sẻ
Hải: Chịu đựng và tha thứ.
Phương Anh: Tránh nói lời xúc phạm, tránh uốn lộn nhau.
Hiếu: Nhịn nhục nhau, Đi về một hướng.
Anh Thùy: Nên bỏ bớt cái tôi, biết tập luyện cái tốt và bỏ cái xấu, Biết chiều sở thích người mình thương.
Ngoan: Chia sẻ và quan tâm săn sóc lẫn nhau
Thịnh: Tìm bình an giữa hai người
Đan: Cùng nhau đi về một hướng, bên cạnh và hoà nhịp với nhau.
Christine: Communiquer, pardonner, prier.
Tuấn: Làm sao cho mình luôn là người hấp dẫn với người mình yêu.
Như: Chăm sóc, yêu thương và chịu đựng nhau.

C. Các học viên nhận chứng chỉ tốt nghiệp khóa học

Sau những lời chia sẻ về bí quyết cá nhân bảo vệ hạnh phúc gia đình của các giảng viên và học viên cho nhau, lần lượt, theo tên gọi, các học viên đã được gọi lên lãnh chứng chỉ đã tham dự khóa chuẩn bị hôn nhân ở Giáo xứ Việt Nam Paris. Với chứng chỉ này, các anh chị học viên có thể xin các cha sở khắp nơi cử hành Lễ Cưới cho mình.

Đức ông Giám Đốc mời cha Sách và luật sư Thông trao chứng chỉ mãn khóa cho các học viên. Tất cả 18 học viên nghe tên mình, lần lượt tiến đến lãnh chứng chỉ.

D. Tập tài liệu về « Trắc nghiệm hôn nhân » và « Dự án giáo dục con cái »

Ngài ra, để như một yếu tố giúp tiếp tục và giữ lại những kỷ niệm của khóa học, Gs Cảnh đã chuẩn bị và trao tặng mỗi vị giảng viên cũng như học viên một tập tài liệu gồm hai phần.

Phần một là một loạt câu hỏi « Trắc nghiệm hôn nhân ». Qua 125 câu hỏi về những khía cạnh khác nhau của cuộc sống hôn nhân và gia đình, hai bạn có thể trao đổi để biết những dị biệt và những tương đồng. Biết những dị biệt để ý thức sự khác biệt hầu tìm cách giải quyết mà đi đến thống nhất. Biết những tương đồng hầu tăng cường hòa thuận mà cùng nhau đi về một hướng, trên một con đường.

Phần hai là 8 « Dự án giáo dục con cái » mà tám cặp anh chị đã cùng nhau bàn thảo viết chung, như một « bài làm », trong môn « Giáo dục con cái ». Nhiều ít mỗi dự án đều nêu ra những lãnh vực đức tin, luân lý, đức dục, trí dục, nghề nghiệp,…. Nhiều ít, mỗi dự án đều minh nhiên hay mặc nhiên nhắc đến những phương pháp tâm lý phát sinh, gương sáng, cắt nghĩa và chỉ dẫn, theo dõi, thưởng phạt, yêu thương,…Nhưng mỗi dự án đều có một sắc thái riêng. Đựa vào mục tiêu gần hay chính, tám dự án được thiết kế như sau:

Phải chăm chỉ học hành,
Làm sao để con trở thành người tốt ?
Dậy con thành người hữu ích và có nề nếp gia đình
Comment élève-t-on nos en fants (dans la foi et la prière) ? (Làm sao giáo dục con cái trong đức tin và cầu nguyện )
Dậy con trong gia đình công giáo
Mục tiêu làm một học trò giỏi
Dậy con hiếu thảo
Hướng con cái biết tiêu tiền hợp lý.

LỜI KẾT

Trong thơ chung về « Môi trường giáo dục gia đình công giáo », viết ngày 05.12.2008, Hội đồng giám mục Việt Nam đã đặc biệt báo động về những khủng hoảng gia đình hiện nay: « Là người Việt Nam, chúng ta tự hào về một truyền thống gia đình trên thuận dưới hòa, trong đó lòng hiếu thảo có vị trí quan trọng đối với đời sống gia đình và xã hội. Có thể nói đó là một yếu tố căn bản để con người có thể thành nhân và thành tài. Nhưng truyền thống tốt đẹp đó đang có nguy cơ bị xói mòn và mai một.

Có những gia đình đang trở thành một thứ quán trọ thay vì là tổ ấm yêu thương.
Có nhiều người cao tuổi bị con cái bỏ rơi, không nơi nương tựa.
Nạn bạo hành gia đình còn khá phổ biến, đặc biệt nhiều phụ nữ chưa được tôn trọng và yêu thương xứng đáng với phẩm giá con người.
Tỷ lệ ly hôn ngày càng gia tăng và hậu quả là những trẻ em thất học, trẻ em bỏ nhà đi bụi đời ngày càng nhiều.
Những phương tiện thông tin đề cập thường xuyên đến nhiều vụ việc tội phạm mà cả nạn nhân và hung thủ đều là vị thành niên. Phần lớn những em này đều xuất thân từ những gia đình bất hòa, ly tán và đổ vỡ.
Cùng với những mâu thuẫn và khủng hoảng gia đình, những con số thống kê cho thấy nạn phá thai càng ngày càng nghiêm trọng, ngay cả nơi những em còn ở độ tuổi học trò.
Cùng với những hậu quả tất yếu về thể lý, hành động phá thai đã để lại những vết thương tâm lý thê thảm nơi đương sự và những người có liên quan (1) ».

Sau đó, để chữa trị cái khủng hoảng giáo dục hiện nay, Hội Đồng Giám Mục đã đề nghị một số thực hành giáo dục, đặc biệt là giáo dục gia đình, « vì gia đình là trường học đầu tiên, nơi hình thành nhân cách và là nơi định hướng cho tương lai của một con người ». Các ngài đã đưa ra sáu chiều hướng:

Gia đình và việc giáo dục đức tin.
Gia đình và việc giáo dục đức ái.
Gia dình và việc dạy con cái sống theo lương tâm và sự thật.
Gia đình và việc giáo dục các đức tính nhân bản.
Gia đình và sứ mạng tôn trọng, bảo vệ sự sống.
Năm Thánh Phaolô và giáo dục gia đình.

Có lẽ chiều hướng thứ nhất liên quan đến việc giáo dục đức tin là quan trọng hơn cả cho các gia đình công giáo. Các ngài viết: «Cha mẹ được mời gọi để biến tình thương con cái thành dấu chỉ hữu hình cho chúng nhận ra được tình yêu của Thiên Chúa là "nguồn gốc mọi tình phụ tử trên trời đưới đất" (Ep 3,15)» (Tông Huấn Gia Đình, số 14). Thiên chức làm cha mẹ nhắn nhủ những bậc phụ huynh có trách nhiệm thông truyền đức tin cho các thế hệ kế tiếp. Chính cha mẹ là những giáo lý viên đầu tiên cho con cái. Hãy giới thiệu cho con cái biết Thiên Chúa ngay khi con còn bé qua những lời nguyện bập bẹ đơn sơ và cử chỉ đơn giản (làm dấu Thánh Giá, vòng tay, cúi đầu...). Những lời cầu nguyện ngắn gọn, những nội dung giáo lý căn bản, những câu chuyện lấy từ Thánh Kinh, nếu được cha mẹ ân cần chỉ bảo, sẽ tạo nơi các em một nền tảng giáo lý vững chắc và một đời sống thiêng liêng sâu đậm sau này. Trách nhiệm của cha mẹ không dừng lại ở đó, mà còn thể hiện qua việc hướng dẫn, nhắc nhở con em mình đi học giáo lý, tham gia các hội đoàn đạo đức để trưởng thành hơn trong đời sống đức tin ».

(http://v3.hdgmvietnam.org/Default.aspx?tabid=75&ctl=ViewArticleDetail&mid=431&ArticlePK=316)

Paris, ngày 07 tháng 04 năm 2009

 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Góp một bàn tay
Lữ Giang
20:24 07/04/2009
Từ trước đến nay, các nhà phân tích đều nhận định rằng các chế độ cộng sản và độc tài thường dùng ba thứ sau đây để khống chế quần chúng, đó là Đói (Hunger), Sợ (Fear) và Dốt (Ignorance).

Liên Hiệp Quốc và cộng đồng quốc tế chủ trương rằng muốn đưa dân chúng của các nưóc ra khỏi ba thứ gọng kìm nói trên, điều cần thiết là phải nâng cao mức sống và dân trí của họ lên. Nỗ lực này cũng sẽ giúp đất nước dần dần phát triển và tiến tới dân chủ.

MỤC TIÊU THIÊN NIÊN KỶ

Chúng ta nhớ lại, trong Tuyên Ngôn Thiên Niên Kỷ của Liên Hiệp Quốc tại Hội nghị thượng đỉnh Thiên Niên Kỷ diễn ra từ ngày 6 đến 8.9.2000, được 189 quốc gia chấp thuận, cộng đồng quốc tế đã đưa ra “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” (Millennium Development Goals) phải đạt được vào năm 2015 nhằm loại trừ nạn nghèo đói trên thế giới. Những mục tiêu này được tóm lược như sau:

-1.- Loại bỏ nạn nghèo đói cùng cực của gần 1 tỷ người trên thế giới.
-2.- Cung cấp nền giáo dục phổ thông cho 872 triệu người mù chữ.
-3.- Kiến tạo sự bình đằng giữa nam giới và nữ giới. Tài liệu cho biết 70% người nghèo là phụ nữ, nhưng họ lại đảm trách 66% công việc làm.
-4.- Bảo đảm sức khỏe cho trẻ em và các bà mẹ. Hàng năm có 11 triệu trẻ em dưới 5 tuổi phải chết vì các thứ bệnh có thể chữa trị được.
-5.- Bảo đảm sức khỏe của các bà mẹ: hàng năm có 500.000 bà mẹ phải thiệt mạng khi sinh con.
-6.- Chống vi khuẩn HIV và các tật bệnh khác. Hiện nay trên thế giới có 42 triệu người bị bệnh liệt kháng, trong đó có hơn 20 triệu là người Phi Châu.
-7.- Yểm trợ an sinh cho 2,4 tỷ người không được săn sóc y tế và 1,2 tỷ người không có nước trong lành để uống.
-8.- Củng cố sự cộng tác toàn cầu bằng cách đưa ra các luật lệ thương mại bình đẳng đối với các nước nghèo.

Tám mục tiêu này đã được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc bổ sung trong phiên họp lần thứ 62, vào tháng 10 năm 2007. Nhưng chương trình “giải phóng con người” này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Ngày 9.12.2008 tổ chức Lương Nông Quốc Tế (FAO) đã công bố bản tường trình năm 2008 về nạn đói trên thế giới. Bản phúc trình cho biết giá cả thực phẩm leo thang trong năm nay đã khiến cho số người đói tăng thêm 40 triệu nữa. Và hiện nay trên thế giới có 963 triệu người phải chịu cảnh thiếu dinh dưỡng. Ông Jacques Diouf, Giám Đốc tổ chức FAO, cho biết: để có thể loại trừ nạn đói này mỗi năm phải có ngân khoản 30 tỷ mỹ kim, tức 8% ngân khoản mà các nước kỹ nghệ tân tiến đã yểm trợ cho nghành nông nghiệp của họ. Mặc dù khi đưa ra “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ”, cộng đồng quốc tế đã đồng loạt quyết tâm loại trừ nạn đói đến hạn chót là cuối năm 2015 tới đây, bằng cách đóng góp 0,7% lợi tức quốc gia cho qũy chống nghèo đói, nhưng đa số các quốc gia, kể cả các cường quốc kinh tế, đã không giữ lời hứa.

Ông Robert B. Zoellick, Chủ Tịch Ngân Hàng Thế Giới cảnh báo rằng tác động của cuộc khủng hoảng này sẽ kéo theo hàng trăm triệu người trên khắp thế giới sống dưới mức nghèo đói. Lý do là ngân sách viện trợ nhân đạo của nhiều nước sẽ phải bị cắt giảm để lo cho các vấn đề bức thiết trong nước của họ trước khi ban phát cho các mục đích khác.

Riêng tại Việt Nam, ngày 21.5.2002, Thủ Tướng Chính Phủ đã phê duyệt "Chiến lược toàn diện về tăng trưởng và xoá đói giảm nghèo" và Việt Nam đã được đánh giá cao về những nổ lực xóa đói giảm nghèo. Thống kê của Liên Hiệp Quốc cho thấy tỷ lệ nghèo hơn 60% từ năm 1998 đã giảm xuống còn 18,1% vào năm 2004. Tỷ lệ giảm nghèo này phần lớn nhờ vào tăng trưởng kinh tế song song với những trợ giúp của Liên Hiệp Quốc trong nhiều kế hoạch giảm nghèo cho người dân.

Tuy nhiên, theo tài liệu thống kê của Việt Nam, đến cuối năm 2006, cả nước còn có 61 huyện (gồm 797 xã và thị trấn) thuộc 20 tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 50%, trong đó trên 90% là đồng bào dân tộc thiểu số, sống phân tán, thu nhập thấp (bình quân 2,5 triệu đồng/người/năm). Chính phủ Việt Nam đã đặt ra các mục tiêu như: Giảm tỷ lệ hộ nghèo của 61 huyện xuống dưới 40% vào năm 2010 (theo chuẩn nghèo được quy định năm 2005), cơ bản không còn hộ dân ở nhà tạm, cơ bản hoàn thành việc giao đất, giao rừng... Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống mức ngang bằng mức trung bình của tỉnh vào năm 2015, của khu vực vào năm 2020. Tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo, tập huấn, huấn luyện sẽ tăng từ 25% năm 2010 lên trên 40% năm 2015, trên 50% năm 2020.

Tỷ lệ nhgèo trong cả nước trong những năm gần đây được báo cáo là đã giảm xuống chỉ còn 14%. Nhưng hôm 17.10.2008, ông Lê Bạch Hồng, Thứ Trưởng Bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội đã cảnh báo rằng số hộ có tình trạng nghèo đói sẽ tăng lên như mức vào năm 2004, tức đạt tới mức khoảng 16% hay 17% trên khắp nước. Theo ông Hồng, tình trạng lạm phát cũng như đà tăng trưởng kinh tế trì trệ đã trực tiếp góp phần vào việc gia tăng số hộ nghèo này.

Hôm 16.10.2008, trong kỳ họp thứ 4 Quốc Hội khóa XII, Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết tỉ lệ tái nghèo của cả nước hiện đang tăng, và chỉ tiêu giảm nghèo đạt được năm nay thấp hơn kế hoạch.

Theo cảnh báo mới nhất của chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc thì số hộ nghèo cần quan tâm không nằm ở các thành phố mà là vùng sâu vùng xa, đặc biệt tại khu vực sinh sống của người dân tộc thiểu số.

Thứ Trưởng Lê Bạch Hồng cho biết chính sách cho vay, trợ giúp người dân tộc ít người thật ra rất khó mà thi hành rốt ráo. Ông Y Súp, một người sắc tộc Jharai cho biết: “Điều đó thì tôi thấy chưa đi đến đâu hết. Cụ thể họ nói như vậy nhưng đâu có được như vậy đâu. Không nên trông cậy quá nhiều vào những trợ giúp này mà phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình nếu muốn bước những bước vững chắc về phía trước.”

Vào đầu tháng tư vừa qua, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập Hàng Giáo Phẩm Giáo Hội Việt Nam, LM. Nguyễn Ngọc Sơn, Tổng Thư Ký Ủy Ban Bác Ái Xả Hội (UBBAXH) - Caritas Việt Nam - đã viết một bài khá dài nói về “Giáo hội Việt nam và sứ mạng phục vụ con người trong lĩnh vực bác ái xã hội 50 năm qua”.

Nội dung bài này gồm 3 phần chính sau đây:

- Sơ lược hoạt động bác ái xã hội của Giáo Hội Việt Nam từ 1960-2009
- Tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay
- Định hướng hoạt động bác ái xã hội trong thời gian tới.

Bài này có thể giúp cho chúng ta thấy rõ hơn tình trạng xã hội Việt Nam hiện nay và Giáo Hội Công Giáo đã hoạt động dưới chế độ cộng sản như thế nào, từ đó chúng ta có thể chọn một hướng đi thích hợp để góp phần vào việc giải thoát những người nghèo khổ và bị áp bức ở trong nước. Vì thế, chúng tôi xin ghi lại dưới đây những điểm chính của bài nói trên.

HOẠT ĐỘNG TỪ 1960 - 1975

Sở dĩ LM. Nguyễn Ngọc Sơn đã chọn thời điểm 1960 vì ngày 24.11.1960 ĐGH Gioan XXIII đã chính thức thiết lập Hàng Giáo phẩm Việt Nam. Nhưng Linh mục nói rằng về mặt xã hội, thời điểm quan trọng có lẽ phải tính từ ngày 20.7.1954, ngày ký hiệp định Genève chia đôi đất nước.

Hiệp định Genève đã dẫn đến cuộc di cư của khoảng 800.000 người, trong đó có 650.000 người Công Giáo, từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam, làm cuộc sống của người dân ở cả hai miền có những xáo trộn và thay đổi lớn lao.

Cuộc chiến tranh tương tàn kéo dài từ 1960 đến 1975 gây nên những thiệt hại gấp nhiều lần so với cuộc chiến Pháp-Việt. Hơn 1 triệu người chết, 2,5 triệu người goá bụa, trên 2 triệu trẻ em mồ côi và hơn 1 triệu thương phế binh. Hàng triệu tấn bom đạn và hàng trăm ngàn tấn chất độc rải xuống đồng ruộng, rừng cây làm nghèo tài nguyên thiên nhiên và gia tăng tình trạng nghèo đói của con người. Chiến tranh còn tàn phá tâm hồn người Việt nặng nề hơn nữa.

1.- Hoạt động của Giáo Hội miền Bắc

Hoạt động bác ái xã hội công khai của giáo hội miền Bắc trong thời kỳ này không được tổ chức vì nhiều nguyên nhân như sự nghi ngại của chính quyền, thiếu các phương tiện, thiếu nhân sự chuyên môn do nhiều linh mục, tu sĩ đã di cư vào miền Nam. Sau cuộc vận động cải cách ruộng đất (1955-1956), nhằm đánh đổ toàn bộ giai cấp địa chủ, hầu như toàn bộ tài sản của các giáo phận, giáo xứ như ruộng đất, vườn tược bị Nhà Nước tịch thu và các cơ sở bác ái xã hội như viện mồ côi, nhà dưỡng lão, trường học bị tiếp quản, phải ngưng hoạt động. Do nghi ngờ về lập trường chính trị của người Công giáo, nhiều hoạt động bị theo dõi chặt chẽ nên tín hữu chỉ tập trung vào việc dự lễ, đọc kinh.

Tuy nhiên, trong thời kỳ này, nhiều hoạt động bác ái xã hội tự nguyện và âm thầm vẫn được thực hiện trong nội bộ xứ đạo hay trong giáo phận như nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, tàn tật, giúp đỡ những gia đình nghèo khổ, neo đơn, dạy học cho những người mù chữ. Tổng kết về giáo dục và các cơ sở xã hội miền Bắc như sau: Giáo phận Hải Phòng có 40 trường nam với 4.865 học sinh, 29 trường nữ với 2.900 học sinh và 2 cơ sở từ thiện với 160 người; Bắc Ninh có 4 cơ sở từ thiện; Phát Diệm có 42 trường nam với 12.465 học sinh và 42 trường nữ với 6.233 học sinh, 2 cơ sở từ thiện với 25 người; Vinh có 110 trường, 9 cơ sở từ thiện (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 180-205).

2.- Hoạt động của Giáo Hội miền Nam

Do các Giám Mục miền Nam được thôi thúc bởi tinh thần dấn thân của Công đồng Vatican II mới được tổ chức tại Rôma từ 1962-1965, cũng như chính quyền tôn trọng tự do tôn giáo, nên hoạt động bác ái xã hội ở miền Nam mạnh mẽ và phong phú hơn:

a) Hoạt động bác ái: Năm 1965, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã thành lập tổ chức Caritas Việt Nam và Đức Cha Phạm Ngọc Chi làm chủ tịch. Từ năm 1966, Caritas được thành lập tại các giáo phận miền Trung (5 giáo phận), miền Nam (6 giáo phận) để trực tiếp giúp đỡ những người nghèo, các nạn nhân xã hội, nạn nhân thiên tai, nạn nhân chiến tranh. Nhiều cơ sở xã hội được các dòng tu xây dựng để nuôi dưỡng các trẻ mồ côi, tàn tật (như Ttrường Câm Điếc Lái Thiêu (Bình Dương), các người già yếu, các bệnh nhân phong cùi [trại phong Bến Sắn (Bình Dương), Thanh Bình (Thủ Thiêm), Di Linh (Đà Lạt)]. Tổng kết miền Nam có 435 cơ sở xã hội

b) Hoạt động giáo dục: hầu như xứ đạo nào cũng có trường tiểu học, ở vùng đông dân cư có trường trung học cơ sở (đệ nhất cấp), trung học phổ thông (đệ nhị cấp) thậm chí cả đại học như ở Đà Lạt (viện Đại học Đà Lạt), Sài Gòn (Đại học Minh Đức). Nhiều linh mục, tu sĩ dạy trong các trường Công giáo cũng như các trường của Nhà Nước. Các trẻ em, sinh viên nghèo hiếu học thường nhận được học bổng từ các tổ chức của Giáo Hội. Riêng tại Sài Gòn, Giáo hội Công giáo có hơn 300 trường tư thục lớn nhỏ từ cấp mẫu giáo đến đại học. Một số dòng tu đã mở các trường tư thục rất nổi tiếng.

Tổng kết: từ năm 1961-1975, Giáo hội Công giáo miền Nam có 145 trường Trung học với 62.324 học sinh và 1.060 trường tiểu học với 209.283 học sinh (riêng tại giáo phận Sài Gòn có 56 trường trung học với 30.748 học sinh và 338 trường tiểu học với 91.870 học sinh) (x. Việt Nam Công giáo Niên giám 1964, tr. 506).

Năm 1972, tổ chức COREV được thành lập nhằm giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh ổn định đời sống trong những làng định cư mới, như các làng Đồng Tâm ở Bình Thuận.

HOẠT ĐỘNG TỪ 1975-1990.

1.- Tình trạng xã hội Việt Nam

Sau khi đất nước thống nhất, hàng triệu người trước đây đã bỏ làng quê, tìm sống yên ổn trong các thành thị, nay muốn trở về quê hương để làm ăn sinh sống đã tạo nên nhiều thay đổi ở một số vùng nông thôn. Hơn nữa, Nhà Nước muốn chuyển một bộ phận dân chúng trong những tỉnh thành có mật độ dân số cao như Sài Gòn, Hà Nội, Bùi Chu, Nam Định, Ninh Bình đến những vùng thưa vắng như Cao Nguyên, Tây Nguyên để phát triển kinh tế. Đây là chính sách di dân đến các vùng kinh tế mới.

Ngoài ra, do chính sách nhân đạo của cộng đồng quốc tế cũng như do những cuộc chiến tranh biên giới giữa Việt Nam – Trung Quốc (1979) và Việt Nam – Campuchia (1978-1979), nhất là do những cuộc cải tạo công thương nghiệp, đánh tư sản mại bản đã tạo nên một làn sóng di tản lớn với hàng triệu người Việt đi đến nhiều nước trên thế giới. Nhiều người đã bỏ tất cả tải sản, người thân, để ra đi bất chấp những nguy hiểm lớn lao như bị đói khát, hãm hiếp, bão tố, cướp bóc trên đường vượt biên, nhất là bằng đường biển (họ là những “thuyền nhân” Việt Nam). Những ký ức hãi hùng đó in đậm trong tâm hồn người Việt khiến họ giữ mãi lòng hận thù cho đến hôm nay. Đó cũng là những vết thương xã hội cần chữa trị bằng tình yêu của Chúa Kitô.

Nền kinh tế tập trung, bao cấp do Nhà nước Xã hội Chủ nghĩa hoạch định không thành công đã dẫn đến tình trạng nghèo khổ, khoa học kém phát triển, Việt Nam bị cô lập đối với thị trường thế giới. Hậu quả chiến tranh để lại rất nặng nề: gần 40% dân chúng ở trong tình trạng nghèo đói, trên 5 triệu người tàn tật, mồ côi, 2 triệu người goá bụa nghèo khổ. Số người thất nghiệp và không được đào tạo tay nghề rất lớn. Trong khi đó, đồng ruộng bị bỏ hoang vì bom mìn, vì chất độc màu Da Cam, vì thiếu phân bón, giống tốt... đã dẫn đến tình trạng thiếu lương thực trong vài năm đầu của thời kỳ này: dân chúng phải ăn độn khoai sắn, bo bo.

Nhiều tệ nạn xã hội tồn tại và phát triển hơn cả thời kỳ chiến tranh như mại dâm, nghiện ngập ma tuý, phá thai. Sự xung đột âm ỉ giữa hai ý thức hệ diễn ra gay gắt trong xã hội, nhất là ở miền Nam.

2.- Hoạt động của Giáo Hội Việt Nam

Giáo Hội Việt Nam cũng chịu nhiều hậu quả từ những sai lầm, xung đột về ý thức hệ trên đây: nhiều linh mục phải đi học tập; một số dòng tu phải bị giải thể, các cơ sở xã hội, trường học Công giáo được Nhà Nước tiếp quản. Hàng ngàn linh mục, tu sĩ giáo viên trở thành những thợ thủ công làm mành trúc, giỏ mây, nón lá thay vì đứng trên bục giảng. Hoạt động của Caritas Việt Nam bị đình chỉ trên toàn quốc (1976), các cán sự xã hội bàn giao cơ sở cho những người tiếp quản, nhiều trẻ em mồ côi, tàn tật trong các cơ sở đó buộc phải rời cơ sở để bước vào đời. Giáo Hội Việt Nam hầu như không có những hoạt động bác ái xã hội chính thức nào trong thời kỳ này.

Tuy nhiên, Giáo Hội vẫn luôn đồng hành với dân tộc. Các vị lãnh đạo Giáo Hội mời gọi người tín hữu nhận ra ý nghĩa của các biến cố lịch sử để can đảm ở lại và xây dựng đất nước. Các tín hữu Công giáo vẫn thực hiện lòng bác ái, tiếp tục cứu giúp những người nghèo đói, bệnh tật, mồ côi, goá bụa qua những hoạt động cụ thể nhưng âm thầm trong phạm vi giáo xứ hay giáo phận. Những lớp học tình thương vẫn được các dòng tu lặng lẽ mở ra để nâng đỡ những học sinh nghèo. Từ 1986, các trường mẫu giáo do các nữ tu phụ trách mọc lên hầu như ở khắp các thành phố lớn để giúp đỡ phụ huynh có điều kiện lao động trong các xí nghiệp, cơ quan cũng như để giáo dục trẻ thơ.

HOẠT ĐỘNG TỪ 1990-2010.

1.- Xã hội Việt Nam

Sau những biến cố ở Liên Xô và một số nước Đông Âu, Đảng Cộng Sản Việt Nam đã chủ trương đổi mới toàn diện trong hệ thống kinh tế xã hội, từ một nền kinh tế quốc dân (tự cung tự cấp) đã chuyển sang nền kinh tế nhiều thành phần đến nền kinh tế thị trường; từ chính sách Nhà Nước độc quyền trong mọi lĩnh vực đã chuyển sang chủ trương “Nhà Nước và nhân dân cùng làm” trong lĩnh vực giáo dục, văn hoá, y tế, xã hội; từ chủ trương chuyên chế sang chủ trương pháp chế; từ chính sách khép kín chuyển sang chính sách mở rộng đối thoại với các nước trên thế giới.

Kết quả là nền kinh tế Việt Nam có nhiều bước phát triển vượt bậc, từ một nước phải nhập khẩu lương thực đã tiến tới việc xuất khẩu lúa gạo và nhiều mặt hàng nông sản, dệt may, cơ khí. Xã hội đang từng bước thay đổi và hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh đó lại là những vấn đề xã hội lớn cần phải giải quyết như sự chênh lệch giữa người giàu và người nghèo ngày càng gia tăng, nạn tham nhũng khá phổ biến trong nhiều lĩnh vực, sự trì trệ trong việc cải cách hành chính, nền giáo dục hình thức và thụ động, nhiều tệ nạn xã hội cần giải quyết như nghiện ma tuý, thuốc lá, rượu, phá thai, mại dâm, tai nạn giao thông và nhiều dịch bệnh phải phòng chống như HIV/AIDS, cúm gia cầm, tâm thần, lao phổi.

2.- Hoạt động của Giáo Hội Việt Nam

Về hoạt động giáo dục: Trong tình hình đổi mới của đất nước, chính quyền chủ trương xã hội hoá việc giáo dục. Nhưng Nhà Nước chỉ cho phép cá nhân người Công giáo chứ chưa cho phép Giáo Hội Công giáo mở một trường học nào với tư cách pháp nhân, dù rằng nhiều tổ chức nước ngoài đã đến mở các trường quốc tế ở Việt Nam từ cấp mẫu giáo cho đến đại học. Tổng kết năm 2007, Giáo Hội Việt Nam đang phục vụ tại 883 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương.

Về hoạt động từ thiện, bác ái, người Công giáo, nhất là các tu sĩ, đang điều hành hoặc làm việc tại 123 trạm xá, bệnh viện, 13 trại phong, trung tâm tâm thần, người nghiện ma tuý và nhiễm HIV/AIDS, 169 cơ sở khuyết tật, cô nhi viện, nhà dưỡng lão, 80 trung tâm di dân, lưu xá cho sinh viên học sinh và nhà mở cho các bà mẹ đơn hành. Sự tham gia về mặt xã hội như thế là tương đối ít so với nhu cầu xã hội.

Ở Việt Nam, nhu cầu về công tác từ thiện xã hội rất cao, nhưng nhiều tín hữu Công giáo dường như chỉ nghĩ đến việc đóng góp, giúp đỡ chút ít về vật chất, mà không hiểu được rằng công tác xã hội bao gồm việc thăng tiến con người toàn diện và phát triển cộng đồng nên họ cần được đào tạo kỹ lưỡng để biết tổ chức các hoạt động này cho hiệu quả hơn.

Nhiều ủy ban đã được Hội Đồng Giám Mục thiết lập để lo các công tác bác ái xã hội như UBBAXH (2000), Ủy ban Gia đình, Ủy ban Thanh niên, Ủy ban Di dân (2005), Ủy ban Truyền thông Xã hội (2006) với nhiều hoạt động cụ thể và tích cực. Đặc biệt, Giáo Hội Việt Nam vừa được Nhà Nước cho phép tái lập Caritas Việt Nam (7-2008) và mở rộng hoạt động bác ái xã hội đến từng giáo phận, giáo xứ.

Rất nhiều những tổ chức tự nguyện của các dòng tu cũng như các cá nhân trong nước cũng như kiều bào Công giáo nước ngoài đã có những hoạt động thiết thực để giúp đỡ những người nghèo khổ, bệnh tật, các nạn nhân thiên tai trong thời kỳ này.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐÁNG LƯU TÂM

- Muốn thay đổi và phát triển xã hội Việt Nam, chúng ta phải quan tâm nghiên cứu kỹ lưỡng con người Việt Nam hiện đại để thấy rõ những mặt mạnh và yếu.

- Theo báo cáo của Chương trình Phát triển LHQ, năm 2006, Chỉ số phát triển con người (HDI: Human Development Index): Việt Nam xếp hạng 109/177. Đây là chỉ số tổng hợp gồm 3 thành phần: tuổi thọ, mức độ phổ cập giáo dục và thu nhập bình quân đầu người.

- Xét về Tổng Sản lượng Nội địa (GDP: Gross Domestic Product): Việt Nam xếp hạng 122/177 nước

- Chỉ số Nghèo đói (HPI: Human Poverty Index): Việt Nam cũng đang ở mức 45/90 nước đang phát triển.

- Chỉ số Ghi nhận Tham nhũng (CPI: Corruption Perceptions Index): Việt Nam xếp thứ 121/180 nước.

- Cả nước còn tới 11.058 hộ không có nhà ở; gần 23% số hộ ở nhà tạm, đơn sơ; 22% số hộ chưa được dùng điện; mới chỉ có 12,7% số hộ được dùng nước máy; 16,5% số hộ ở nông thôn có phương tiện sản xuất.

- Dân số Việt Nam dưới 35 tuổi là 63,42%, tính theo cơ cấu dân số năm 2006. Tính đến thời điểm 30.9.2007, cả nước có 15.686.200 học sinh đang theo học 3 cấp phổ thông. Tỷ lệ học sinh giảm dần qua mỗi lớp hay cấp: từ 6.860.300 học sinh học cấp I, đến cấp II còn 5.803.300 học sinh (84,6%), đến cấp II chỉ còn 3.021.600 học sinh (tức 44%). Số học sinh bỏ học tương đối cao do nhiều nguyên nhân và hoàn cảnh: khó khăn về kinh tế gia đình, học phí cao, phải lao động sớm, thiếu trường lớp, thiếu giáo viên tận tâm, nhất là thiếu chương trình nhất quán.

CHỌN MỘT HƯỚNG ĐI TỚI

UBBAXH - Caritas Việt Nam hết sức quan tâm đến các vấn đề xã hội ở Việt Nam và quyết tâm liên kết với mọi thành phần trong xã hội để xây dựng và phát triển cộng đồng dân tộc.

UBBAXH - Caritas Việt Nam không chủ trương xây dựng nhiều cơ sở bác ái để giải quyết các vấn đề xã hội nhưng cổ vũ linh đạo bác ái (x. Nội quy, Điều 1) như là nền tảng để giải quyết các vấn đề này. UBBAXH - Caritas Việt Nam tin cậy vào nội lực của đồng bào Việt Nam.

ooOoo

Hôm 17.10.2008, nhân Ngày Quốc Tế Xóa Đói Giảm Nghèo LHQ, ông Ban Ki-moon, Tổng Thư Ký LHQ đã nói: “Đói túng lấy đi phẩm giá của người nghèo...” Ông nhấn mạnh rằng thực hiện các cam kết trong Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ không phải là vấn đề nhân đạo mà là một bổn phận trong tiến trình gặt hái nhân quyền cho toàn thể nhân loại.

Với “Những Mục Tiêu Phát Triển Thiên Niên Kỷ” mà cộng đồng thế giới đã đưa ra, chúng tôi mong rằng người Việt hải ngoại sẽ tích cực hơn trong việc góp phần “giải phóng con người” ở trong nước.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Đặc Ngữ Công Giáo (14): Ngắm và các phong tục Ngắm trong phụng vụ mùa chay
Nguyễn Long Thao
00:37 07/04/2009
Đặc Ngữ Công Giáo (14): Ngắm và các phong tục Ngắm trong phụng vụ mùa chay

Kinh sách Công Giáo Việt Nam dùng nhiều từ Ngắm. Ví dụ: Ngắm Bẩy Sự, Ngắm Đàng Thánh Giá, Ngắm Lễ, Ngắm Đứng, Ngắm 15 Sự Thương Khó, Ngắm Nhân Sao. Ngắm Nhân Tài. Ngắm Đàng Thánh Giá, Khi Ngắm bấy nhiêu sự… Trong phạm vi bài này, chúng tôi tìm hiểu từ Ngắm và các tập tục trong nghi thức Ngắm.

Ngắm 吟: Từ Nôm lấy dạng từ Ngâm 吟 trong Hán Việt, có nghĩa là nhìn kỹ, gẫm suy. Ngắm cũng có âm khác là Ngẫm. Miền Bắc dùng từ Ngắm, miền Nam dùng từ Ngẫm hay Gẫm. Cả hai đều có nghĩa là suy nghĩ kỹ. Từ Ngâm trong Hán Việt có nghĩa là đọc chậm, có ngân nga như ngâm thơ, ngâm vịnh. Do vậy từ Ngắm xuất phát từ từ Ngâm cũng có nghĩa là vừa ngắm nhìn vừa ngân nga như Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu. Trong kinh sách Công Giáo, có ba loại ngắm chính là Ngắm Lễ, Ngắm 15 Sự Thương Khó và Ngắm Đàng Thánh Giá. Riêng Ngắm Đàng Thánh Giá thì trên thế giới nơi nào cũng có nên chúng tôi chỉ nghiên cứu tập tục Ngắm Lễ và Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu là hai loại ngắm đặc thù của Công Giáo Việt Nam

Ngắm Lễ: Trước Công Đồng Vatican II, thánh lễ được cử hành bằng tiếng La Tinh. Khi Linh Mục cử hành thánh lễ, các cô học trò đọc những lời diễn giải nghi thức đó. Vì đọc theo cung giong ngân nga nên gọi là Ngắm Lễ. Ví dụ, khi Linh Mục đọc kinh Tin Kính, các cô học trò ngắm:

“Thầy đọc kinh tin kính: Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu, tôi tin thật những điều Chúa Giêsu đã truyền cho Hội Thánh. Tôi sẵn lòng đổ máu tôi ra mà làm chứng. Tôi hợp một ý cùng thầy cả mà xưng ra tôi tin kính Chúa tôi cùng tin những lời Hội Thánh dậy, dù sống chết thì hợp một ý cùng Hội Thánh mà tin cho vững bền như là vậy”

Cung giọng ngắm thì ngân nga trầm bổng và để có thể ngân nga, người ta thêm các âm í i/ í ì/ ì i ì/. Ví dụ phần nhập lễ, các cô học trò ngân nga như sau: Lậy I Chúa tôi Í, I.- Bao nhiêu lễ Ê làm ÀM ngày AY hôm nay Í I.- Khắp cả A VÀ À thiên hạ Í I. – Thì Ì xin dâng cho Chúa Í I. v. v… Trên đây là cung giọng ngắm lễ mùa Vui hay mùa Mừng, khác cung giọng mùa Thương. Mùa Vui là mùa Sinh Nhật, Mùa Hiện Xuống. Mùa Mừng là mùa Phục Sinh. Ba mùa này cung giọng bớt thảm não ngân nga hơn Mùa Thương tức mùa Chay Thánh. Ngắm lễ không có bài bản ghi dấu nốt nhạc nhất định, chỉ được bà quản dậy thế nào, các cô học trò ngắm như vậy. Họ học thuộc lòng không cần mở sách nên cung giọng rất đều. Ngày nay phong tục ngắm lễ đã biến mất. Chúng tôi ghi lại đây nét đại cương như một chứng liệu lịch sử văn hóa Công Giáo cần được nghiên cứu đầy đủ để giới thiệu với giới trẻ ngày nay.

Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu: Ngắm được diễn ra trong tuần thánh, là nghi thức giúp giáo dân suy nghĩ về cuộc tử nạn của Chúa Cứu Thế. Ngắm 15 Sự Thương Khó còn gọi là Ngắm Đứng vì người đọc đứng trước bàn thờ trước cung thánh ngân nga những lời suy niệm. Tác giả các bài Ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu là cha Alexandre de Rhodes. Cha viết trong Lịch Sử Đàng Ngoài như sau:

Để cho họ khỏi bị thiệt thòi, thì chúng tôi đã chia các mầu nhiệm thương khó làm 15 đề tài chính. Cứ sau khi đọc chung mười kinh chuỗi hạt thì ngắm một đoạn và suy niệm một trong 15 sự thương khó, sau mỗi lần như thế thì lại tắt một trong 15 ngọn nến sáng theo tục lệ trong giáo hội Roma. Trong nghi lễ, họ khóc lóc, kêu gào và rên rỉ tỏ lòng thương mến những thống khổ và cái chết của Chúa Cứu Thế, người lân cận cũng đến nghe.

Trước năm 1954 nghi lễ ngắm 15 Sự Thương Khó được tổ chức vào các ngày Thứ Tư, Năm, Thứ Sáu Tuần Thánh. Tại các giáo xứ miền Bắc, nghi thức diễn ra như sau:

Người ta đặt một cái bàn phủ khăn trắng ở vị trí chỗ giáo dân lên rước lễ trong nhà thờ. Sau bàn là một vì kèo gọi là kèo ngắm cao độ 3 hay 4m trên đó cắm 15 ngọn nến tượng trưng cho 15 ngắm sự thương khó. Sau mỗi ngắm, người ta tắt đi một ngọn nến. Trên bàn có đặt cây thánh giá nhỏ được che màn trắng, hai bên có hai cây nến. Trước thánh giá là một kệ nhỏ để sách ngắm, cũng có hai cây nến để hai bên. Sách thường là sách viết tay bằng chữ nôm hay chữ quốc ngữ.

Vào khoảng kinh kính mừng thứ 8, bồi tế gõ mõ ra lệnh, trống khẩu đáp lại, đoàn rước từ cuối nhà thờ rước viên chức tiến lên bàn ngắm. Dẫn đầu đoàn rước là người cầm trống khẩu vừa đi vừa điểm 3 tiếng trống: hai nhặt, một khoan. Sau đó đến 4 hay 6 người cầm bát bảo và hai bồi tế chia làm hai hàng đi lên. Viên chức lên ngắm thường mặc áo thụng màu thanh thiên, đầu đội khăn xếp, chân đi hài. Đến bàn ngắm, thì giáo dân đã đọc xong 10 kinh, bồi tế gõ mõ, hai bồi tế và viên chức ngắm bái qùy. Một hồi chiêng trống và nhịp trắc nổi lên, viên chức bắt đầu ngắm. Trong lúc ngắm người cầm trống khẩu đệm nhẹ ba tiếng: hai nhặt một khoan. Cách đệm trống này trong ngôn ngữ hát chầu gọi là chầu ấm đám. Ngắm xong, chiêng trống và đội đánh trắc ở cuối nhà thờ nổi lên một hồi, bồi tế gõ mõ, đoàn rước bái qùy và rước viên chức ngắm xuống cuối nhà thờ. Giáo dân lại đọc 10 kinh kính mừng. Chú giúp lễ tắt một ngọn nến trên vì kèo ngắm. Đến kinh thứ 8 đoàn rước lại rước viên chức khác lên ngắm. Ngày xưa chỉ có đàn ông được để cử lên ngắm và coi đó là một vinh dự nên hàng xứ thường chia 15 ngắm cho các chức việc, các hội đoàn, các người có công lao hay danh vọng trong giáo xứ.. Trước năm 1954 nhiều ông không biết chữ, nhưng thuộc lòng một số ngắm, do vậy bài ngắm vẫn diễn ra một cách trôi chảy. Sau mỗi phiên ngắm, giáo dân có tục lệ phẩm bình, chấm điểm các người lên ngắm xem ông nào ngắm hay. Vì nguyên nhân này mà trong các xứ đạo ngày xưa có tục thi Ngắm Nhân Tài.

Ngắm Nhân Tài: Ngắm thi. Ở miền Bắc trước năm 1954, một số giáo xứ lớn có phong tục thi ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu để xem ai, họ nào có người ngắm hay nhất. Ngắm Nhân Tài diễn ra vào ba ngày cuối của tuần thánh, nhưng lồng vào đó tinh thần thi đua. Trong khi ngắm có vị giám khảo cầm trống chầu. Viên chức ngân nga hay, giám khảo điểm trống khen thưởng, nếu ngắm sai, phạm các lỗi như không cúi đầu, không bái gối khi đọc tới danh thánh Chúa Giêsu, giám khảo gõ ra tang trống. Nguyên tắc này giống nguyên tắc cầm chầu trong các phiên chầu hát tại các đình làng ngày xưa. Ngày nay, lễ nghi ngắm 15 sự thương khó đã đơn giản nhiều, nhất là ở hải ngoại, không còn ngắm nhân tài nữa và các bà cũng lên ngắm. Người lên ngắm chỉ mặc áo trắng, đội khăn tang. Cung giọng cũng bớt ngân nga và không còn đội chiêng, trống, trắc làm cho sinh hoạt giáo xứ rộn lên trong Tuần Thánh.

Ngắm Dấu Đanh: Trong các xứ đạo ngày xưa, vào hồi 10 giờ sáng thứ Tư tuần thánh, giáo dân đến nhà thờ Ngắm Năm Dấu Đanh. Gọi là Ngắm 5 Dấu Đanh vì đó là 5 bài suy niệm ngắn về năm dấu đanh trên thân xác Chúa Giêsu. Cách ngắm và cung giọng cũng gần giống như ngắm 15 Sự Thương Khó nhưng bớt ngân nga hơn. Theo tục lệ, ngắm thứ nhất thường dành cho thầy giúp xứ, còn 4 ngắm kia được phân chia cho giáo dân. Sau đây là phần dẫn nhập và nội dung ngắm thứ nhất trong Ngắm Năm Dấu Đanh:

Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ba mươii kinh Lậy Cha cùng năm kinh Kính Mừng chia ra làm sáu phần. Thứ nhất thì ngằm: Khi quân dữ bắt chân tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá mà đóng đanh sắt bằng mũi đau đớn lắm, máu chảy xuống dòng dòng. Khi ngắm sự ấy thì nguyện năm kinh Lậy Cha, lậy ơn Đức Chúa Giêsuchịu đóng đanh chân tảvì chúng tôi đi đàng trái, cùng nguyện một kinh Kính Mừng thương Đức Mẹ đau đớn trong lòng, như phải đóng đanh vậy. Xin cho chúng tôi chừa đi đàng trái, là chớ làm tội lỗi mất lòng Đức Chúa Giêsu nữa. Amen.

Ngắm Đứng: Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu. Vì viên chức lên ngắm đứng trước bàn thờ nên Ngắm 15 Sự Thương Khó Đức Chúa Giêsu còn được gọi là Ngắm Đứng.

Ngắm Nhân Sao: Trong Tuần Thánh, sau khi ngắm 15 sự thương khó Đức Chúa Giêsu, nhiều giáo xứ còn có nghi thức Ngắm Nhân Sao hay còn gọi là Hỏi Nhân Sao. Ngắm Nhân Sao là tìm hiểu tại sao linh hồn Chúa Giêsu chịu mọi sự thương khó. Gọi là Nhân Sao hay Hỏi Nhân Sao vì khi ngắm, giáo dân chia làm hai bè. Một bên hỏi, một bên thưa. Sau đây là là câu đầu tiên của Ngắm Nhân Sao:

Nhân Sao Đức Chúa Giêsu chịu thằng Giuda bán? Ta chịu bán cho được chuộc tội con.

Nhân sao Đức Chúa Giêsu cầu nguyện lâu làm vậy? Ta cầu cùng Đức Chúa Cha kẻo qưở phạt con…


Ngắm Rằng: Trong các xứ đạo ngày xưa, vào hồi 10 giờ sáng thứ Tư và thứ Sáu tuần thánh, giáo dân đến nhà thờ ngắm. Thứ Tư Ngắm Năm Dấu Đanh, thứ Sáu Ngắm Rằng. Hai loại ngắm có sự liên hệ. Ngắm Dấu Đanh mô tả vắn tắt về suy niệm các dấu đanh, Ngắm Rằng là quảng diễn sự suy niệm cách rộng rãi hơn. Do vậy nhiều đoạn văn trong Ngắm Dấu Đanh được lập lại trong Ngắm Rằng. Gọi là Ngắm Rằng vì câu đầu trong phần suy niêm được bắt đầu bằng chữ Ngắm Rằng. Sau đây là phần đầu của Ngắm Rằng:

Phép lần hạt năm dấu thánh Đức Chúa Giêsu ba mươi kinh Lậy Cha cùng năm kinh Kính Mừng chia ra làm sáu phần. Thứ nhất thì ngằm: Khi quân dữ bắt chân tả Đức Chúa Giêsu vào Thánh Giá mà đóng đanh sắt bằng mũi đau đớn lắm, máu chảy xuống dòng dòng. Ngắm Rằng Đức Chúa Giêsu là con thật Đức Chúa Trời….

Cung giọng Ngắm Rằng giống Ngắm Năm Dấu Đanh đều không ngân nga dài dòng như Ngắm 15 Sự Thương Khó, chỉ ngâm một chút ở cuối câu.

Nguyện Ngắm: Nguyện 愿: từ Hán Việt có nghĩa là cầu xin, xin điều mong muốn. Ngắm: từ Nôm lấy dạng từ Ngâm 吟 trong Hán Việt có nghĩa là nhìn kỹ. Ngắm cũng có âm khác là Ngẫm. Miền Bắc dùng từ Ngắm, miền Nam dùng từ Ngẫm hay Gẫm. Vì vậy có từ Nguyện Gẫm. Nguyện Ngắm hay Nguyện Gẫm là cầu nguyện bằng suy niệm.
 
Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Ghếtsêmani
Đặng Văn Hảo
16:25 07/04/2009

Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Ghếtsêmani



Trong ngôn ngữ hàng ngày, chúng ta vẫn hiểu “hấp hối” là gần chết và sẽ.. . chết ngay.

Nhưng tại sao các nhà chú giải Thánh Kinh gọi những giờ phút Chúa Giêsu ở trong vườn Ghếtsêmani là "Cơn hấp hối trong vườn Ghếtsêmani” (“The Agony in the Garden Gethsemane “). Trên thực tế thì chúng ta đã hiểu là Chúa Giêsu chỉ hấp hối trên cây thập tự. Còn trong vườn Ghếtsêmani thì Chúa Giêsu chỉ lo buồn đến nỗi đổ mồ hôi máu nhưng chưa đến mức độ gần.. . chết. Vì nếu Chúa đã “hấp hối” trong vườn cây dầu, rồi lại “hấp hối” trên cây thập tự, thì không lẽ Người phải gần chết.. . hai lần sao ?

Hay là chữ “hấp hối” trong kinh sách chú giải của tiếng Việt đã hiểu hơi sai đoạn Thánh Kinh này ?

Cái giờ phút Chúa Giêsu trong vườn Ghếtsêmani trước khi bị nộp mình chịu chết trên cây Thánh Giá đều được cả ba sách Thánh Kinh Nhất Lãm mô tả lại. Đó là Luca đoạn 22; Matthêu đoạn 26 và Marcô đoạn 14.

Chữ Gethsemane tiếng Do thái chỉ có nghĩa là "ép dầu". Tiếng Việt dịch là vườn Cây Dầu. Đây là một khu vườn nằm ngoại ô thành Giêrusalem, vì thời đó có luật cấm không được trồng cây trong thành Giêrusalem, vì phân bón của cây sẽ làm cho Thành ra ô uế, không xứng đáng là nơi để tế lễ Thiên Chúa. Chắc Chúa Giêsu và các môn đệ cũng thường đến khu vườn này, nên Giuđa biết rõ chỗ này mà đưa quân dữ tới bắt Chúa.

Để hiểu rõ về "trạng thái" của Chúa Giêsu lúc đó, tưởng chúng ta phải hiểu thêm ý nghĩa của chữ agony trong bản văn.

Chữ agony trong Thánh Kinh là từ nguyên ngữ của tiếng Hy Lạp là agonia. Thời đó chữ này có nghĩa nói về khoảng thời gian các lực sĩ làm nóng người trước khi ra tranh đua những trận đấu trong Olympics. Khi các lực sĩ làm nóng các bắp thịt, gân cốt, cho nó đổ mồ hôi ra như tắm này, gọi là agonia.

Riêng thánh Luca trong đoạn 22:43-44, ngài đã dùng chữ agonia này để nói thời gian Chúa chuẩn bị chết và trong bản dịch Anh ngữ của The New American Bible (bản dịch chính thức Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ chấp thuận) cũng có dùng lại chữ đó với nguyên văn cả câu như sau:

"And to strengthen him an angel from heaven appeared to him. He was in such agony and he prayed so fervently that his sweat became like drops of blood falling on the ground" (Lc 22:43-44 ).

Bản dịch trong cuốn Lời Chúa Cho Mọi Người của Nhóm Phụng Vụ Các Giờ Kinh dịch sang Việt ngữ (2007) là:

"Bấy giờ có thiên sứ tự trời hiện đến tăng sức cho Người. Lòng xao xuyến bồi hồi, nên Người càng khẩn thiết cầu xin. Và mồ hôi Người như những giọt máu rơi xuống đất."

Và bản văn dịch của cha Nguyễn Thế Thuấn từ nguyên ngữ Hy Lạp (1976) là:

"Một thiên thần tự trời hiện đến với Ngài, mà thêm sức cho Ngài; lâm chiến, Ngài cầu nguyện càng khẩn thiết hơn, và mồ hôi Ngài như máu nặng giọt rỏ xuống đất."

Cả hai bản dịch không nhắc tới chữ “hấp hối” này.

Đi tìm định nghĩa chữ “hấp hối” - agony, ta thấy có một tự điển bằng tiếng Anh nói những nghĩa sau đây:

Agony Meaning and Definition

1. (n.) Paroxysm of joy; keen emotion.

2. (n.) Violent contest or striving.

3. (n.) Pain so extreme as to cause writhing or contortions of the body, similar to those made in the athletic contests in Greece; and hence, extreme pain of mind or body; anguish; paroxysm of grief; specifically, the sufferings of Christ in the garden of Gethsemane.

4. (n.) The last struggle of life; death struggle.

http://thinkexist.com/dictionary/meaning/agony/

Trong "Từ Điển Thuật Ngữ Báo Chí Công Giáo" của Việt Catholic, tác giả Nguyễn Trọng Đa đã dịch phần định nghĩa chữ Agony sang tiếng Việt như sau:

Agony

"Thống khổ, nỗi đau cực điểm; hấp hối. Thống khổ của Đức Kitô là đau cực điểm đến nỗi mồ hôi của Người nhỏ xuống đất như những giọt máu lớn (Lc 22:44). (Từ nguyên Hi lạp ag_nia, chiến đấu, đau đớn.)"

http://vietcatholic.net/News/Clients/ReadArticle.aspx?ID=63904

Vậy, nếu hiểu chữ "hấp hối" trong tiếng Việt Nam là trạng thái của con người vật lộn để sống, hay vật lộn với những đau khổ dằn vặt về thân xác hay tâm hồn trước khi chết, thì chữ "hấp hối" trong những kiểu cắt nghĩa chung là “Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Ghếtsêmani”, không những không đi xa, mà còn rất là sát nghĩa với nguyên bản thánh kinh bằng tiếng Hy Lạp, tức là nói đến "khoảng khắc thời gian" Chúa chuẩn bị trước khi chết.

Chúng ta hãy cùng tim hiểu và phân tích thêm:

1) Chúa Giêsu đã biết trước cái chết của Ngài phải chết như thế nào.

Ngay hai câu đầu của đoạn 26, thánh Matthêu đã cho chúng ta biết:

“Khi Ðức Giêsu giảng dạy tất cả những điều ấy xong, Người bảo các môn đệ của Người rằng: "Anh em biết còn hai ngày nữa là đến lễ Vượt Qua, và Con Người sẽ bị nộp để chịu đóng đinh vào thập giá". (Mt 26:1-2).

- “Chịu đóng đinh vào thập giá ": Thập giá là một hình phạt vừa dùng để tra tấn, hiểu theo nghĩa là đày đọa, làm cho thân xác thật đau đớn trước khi chết, vừa dùng để giết những tội nhân phạm tội nặng ví dụ như tội phản quốc hay theo kháng chiến quân. Hình phạt này có từ thời Phoenicians và ở Mesopotania, sau này người Rôma "kiện toàn" hình phạt này hơn. Không có người Rôma nào bị hình phạt kiểu này cả. Hình phạt này gồm phần bị đánh đòn nhừ tử trước công chúng, sau đó bị đóng đinh vào hai miếng gỗ nối lại với nhau thành hình chữ T hoặc chữ X, hoặc nối nhiều cây thành giàn với nhau để treo được nhiều người. Và thường tội nhân bị treo như thế phải đau đớn đến vài ngày mới chết. Nguyên do chết thường là bị nghẹt thở vì chân tay bị căng ra. Do đó tội nhân thường dùng chân mình bị đóng đanh ở dưới mà đẩy cả người lên để lấy hơi thở. Đó là lý do chúng ta thấy đoạn thánh kinh của thánh Gioan có nói đến chuyện quân lính đánh gãy chân những người cùng bị treo với Chúa Giêsu, để họ không thể lấy hơi thở, như vậy sẽ mau chết hơn. (Jn 19:32)

2) Chúa Giêsu biết "Giờ" của Ngài đang đến

Trong câu Matthêu 26:18 Chúa Giêsu nói đến “Giờ Ta đang đến gần". Thánh Gioan cũng dùng chữ "Giờ " này rất nhiều lần. Các nhà chú giải Thánh Kinh đã cắt nghĩa cái "Giờ " này có ý nghĩa rất đặc biệt, vì Chúa Giêsu đã nhắc đến nhiều lần. Đó là "thời gian": Chúa Giêsu bị bỏ rơi, bị phản bội, đến khi bị chết trên Thập Giá. (Jn 2:4; 7:6,8,30; 8:20; 12:23; 13:1; 2:1)

3) Chúa Giêsu phải chiến đấu với cái chết trong bản tính của con người.

Chúng ta hãy cùng đọc lại đoạn TK của Thánh Matthêu nói về lúc Chúa ở trong vườn Ghếtsêmani.

"Bấy giờ Ðức Giêsu đi cùng với các ông đến một thửa đất gọi là Ghếtsêmani. Người nói với các môn đệ: "Anh em ngồi lại đây, trong lúc Thầy đi đến đàng kia cầu nguyện”. Rồi Người đưa ông Phêrô và hai người con ông Dêbêđê đi theo. Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến. Bấy giờ Người nói với các ông: "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy". Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện rằng: "Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha. Rồi Người đến chỗ các môn đệ, thấy các ông đang ngủ, liền nói với ông Phêrô: "Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái,nhưng thể xác lại yếu đuối". Người lại đi cầu nguyện lần thứ hai và nói: "Lạy Cha, nếu chén này không thể rời khỏi con, nhất định con phải uống, thì xin cho ý Cha được thể hiện”. Rồi Người lại đến, thấy các môn đệ vẫn đang ngủ, vì mắt họ nặng trĩu. Người để mặc các ông mà đi cầu nguyện lần thứ ba, nói lại cũng một lời đó. Bấy giờ Người đến chỗ các môn đệ và nói với các ông: "Lúc này mà còn ngủ, còn nghỉ sao? Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Ðứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới ! " (Mt 26:36-46)

Phúc âm Thánh Matthêu mô tả rõ:

a) “ Người bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến.” (Mt 26:37). Trong tiếng Anh thì dùng thì quá khứ là: "began to be grieved and distressed."

Đây là một kiểu nói rất mạnh trong tiếng Hy Lạp(Mc 14:33). Chúng ta đang nghe thuật lại biến cố của Con Thiên Chúa trong những giờ phút yếu đuối nhất của bản tính con người. Tối hôm đó, không ai khác vào khu vườn này ngoài Chúa Giêsu và mấy môn đệ thân tín. Nhưng các môn đệ thì ngủ lì, chỉ có mình Chúa cô đơn. Kiểu nói trong quá khứ của đoạn TK mà thánh sử đã kể lại "chính kinh nghiệm của Chúa" này. Có thể là những chi tiết dằn vặt nội tâm này là do chính Chúa Giêsu, sau khi Ngài sống lại, kể cho các thánh tông đồ nghe. Cũng giống như chúng ta đã trải qua một cuộc vượt biển kinh hoàng, bây giờ ngồi kể lại cho người thân nghe những cảm xúc như thế nào đã xảy ra: sợ, thất vọng,.. .. Chắc chắn là khi các thánh sử lặp lại những lời Chúa Giêsu kể lại hết những diễn biến này, là để giúp chúng ta biết rõ sự đau khổ thân xác và tâm hồn của Chúa Giêsu. Chính Chúa Giêsu đây cũng phải chịu những đau khổ như con người chúng ta chịu.

b) "Tâm hồn Thầy buồn đến chết được.” (Mt 26:38)

Đây là một câu trích lại trong Cựu Ước, nói lên sự than khóc của con người khi không còn thấy Thiên Chúa (TV 42:4). Đây là lần đầu tiên chúng ta được nghe Chúa Giêsu bộc lộ những cảm xúc thầm kín nhất và cũng có thể nói là bi quan nhất của Ngài với những người bạn thân thiết. Rằng Ngài buồn đến chết được. Trong ngôn ngữ hằng ngày ta vẫn nói với bạn bè trực tiếp hoặc qua cellphone là: "bồ ơi tui buồn.. . thúi 'guột' ". Có người buồn thì đi tìm những thú vui khác để quên đời. Thánh Luca trong phần này nói các môn đệ buồn quá nên.. . đi ngủ. (Lc 22: 45). Ở đây Chúa quá buồn vì ai cũng bỏ rơi Ngài. Ngài rất cô đơn !

Đây cũng là giây phút căng thẳng nhất trong cuộc đời của Chúa mà ta được nghe kể lại. Vì nó liên quan đến chương trình Cứu Độ của Ngài cho nhân loại. Một phần Ngài vừa là TC tình nguyện để hy sinh xuống thế gian để cứu nhân loại. Nhưng Ngài cũng vừa là con người, vẫn còn là một thanh niên rất trẻ, mới 33 tuổi, ham sống chứ chưa muốn chết. Thánh Luca đã nói: là Ngài đã “in such agony” vừa buồn vừa sợ, đến nỗi mồ hôi Ngài chảy ra như những giọt máu rơi xuống đất.

Nhiều thánh nhân khi suy niệm về đoạn phúc âm này, đã có những cảm nhận là Chúa đã thực sự yêu con người chúng ta một cách nhưng không, vô điều kiện. Vì "nếu" (theo sự suy luận của con người): Ngài là TC, thì Ngài chỉ cần búng tay một cái là xong chuyện. Nhưng Ngài cũng đang mang bản tính con người, có buồn, có sợ, nhất là cũng có suy nghĩ là không biết cái chết của mình có xứng đáng cho những người đang lâm le phản bội Ngài hay không ? Tác giả Ronald Rolheiser trong bài viết “Agony in the Garden, Understanding the Passion of Jesus” đã dùng những chữ "Lose the resentment". http://www.americancatholic.org/Newsletters/CU/ac0208.asp

Hay nói nôm na theo kiểu mấy ông “tùm” trong nhà thờ Việt Nam của chúng ta là "vừa phải làm vừa bị chúng chửi !". Ở đây Chúa Giêsu vừa phải chết, vừa bị con người phản bội. Họ không biết ơn Ngài, không có yêu Ngài trở lại. Nhưng Chúa Giêsu vẫn làm mà không hề than vãn.

"Mồ hôi Ngài như máu nặng giọt rỏ xuống đất": tức là có cả nước và máu. Hiện tượng này thánh Gioan cũng đã lặp lại khi Chúa bị tên lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Ngài, cũng có máu và nước chảy ra (Jn 19: 34). Máu tượng trưng cho sự sống. Chúa đã yêu thương nhân loại nên đã phải đổ máu chết cho tội của chúng ta. Nước để Ngài rửa sạch chúng ta trong Chúa Thánh Thần.

Có nhiều kinh nghiệm kể lại từ những người canh thân nhân người chết hấp hối: có những trường hợp có người bị dằn vặt quằn quại vì đau đớn rất lâu, “cha đến xức dầu rồi, mà.. . cả tháng sau cũng chưa chết.”

Thánh kinh đã cho chúng ta thấy cơn hấp hối của Chúa Giêsu đã bắt đầu ngay từ lúc Ngài vào vườn cây dầu để phấn đấu với sự sống và sự chết.

Ngài biết là nếu Ngài không chết thì nhân loại sẽ không được cứu rỗi, và không bao giờ có Phục sinh.

c) "Người đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống"

Chữ "sấp mặt xuống" ở đây rất khác thường so với thói quen của người Do Thái khi cầu nguyện là đứng và giang tay ra. Hình ảnh bức tranh mà chúng ta thất Chúa Giêsu quì bên tảng đá thiên về nghệ thuật hơn là thực tế. Phúc âm nói rõ Chúa sấp mặt xuống. Như vậy là Ngài đã thực sự quá lo buồn, quá sợ hãi. Có giả thuyết cho là bản tính loài người của Ngài lúc đó đang sợ chết, đang sợ các môn đệ không thể tiếp tục sứ mạng của Ngài, và nhất là trong thân phận gần như tuyệt vọng của con người, Ngài sợ cả đến Thiên Chúa Cha cũng bỏ rơi Ngài.

d) Những thử thách:

-"Cha ơi, nếu được, xin cho chén này rời khỏi con. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha."

-“Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu đuối. “

Hai câu TK trên cho ta thấy Chúa còn phải chiến đấu với những cơn cám dỗ xảy đến cho Ngài và các môn đệ nữa. Trong bản văn bằng tiếng Hy Lạp thì có hai chữ nói về sự cám dỗ là: Peirasmos là những khuynh hướng xấu muốn đến phá huỷ chúng ta. Dokimazo là những khó khăn thử thách mà chúng ta cần phải vượt qua để nên tốt hơn.

- Chúa Giêsu càng cho chúng ta thấy bản tính yếu đuối của thân xác con người. Chúa đang bị cám dỗ, xin Chúa cha "cất chén đắng" này đi. Bản tính con người của Ngài là muốn bỏ cuộc, muốn xuôi tay. Trong Cựu Ước "chén đắng" thường chỉ một định mệnh, một phán quyết. Chúa Giêsu sợ quá xin Đức Chúa Cha đừng để Ngài phải chết.

- Những “cám dỗ” của các môn đệ trong đoạn TK này là gì ?

Thưa, có thể là:

1) Các môn đệ bị cám dỗ đi ngủ thay vì cầu nguyện.

2) Các môn đệ muốn bỏ Chúa.

3) Phêrô sẽ chối Thầy.

4) Thầy và trò tí nữa đây sẽ bị chính quyền tới bắt đi.

Chúa vừa khuyên các môn đệ hãy tỉnh thức cầu nguyện, vừa tự nhủ với mình là phải chiến đấu đến cùng trong giờ phút quyết định này. Ngài cũng sợ nhưng chưa bỏ cuộc ! Thánh Luca dùng chữ agonia tức là chuẩn bị cho cái gì quan trọng sắp xảy ra. Có nhiều người hấp hối rồi.. . tắt thở. Nhưng cũng có người hấp hối mà không chết, trái lại họ càng mạnh mẽ và can đảm để sống hơn. Nhiều bệnh nhân đã qua những cơn bệnh hiểm nghèo,.. . "tưởng chết đến nơi", nhưng vì ‎ý chí, vì niềm cậy trông vào Thiên Chúa mà họ đã được sống.

Trong trường hợp của Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Giệt-sê-ma-ni, sở dĩ chúng ta có thể suy niệm những đoạn Thánh Kinh trên như vậy, vì chính Chúa Giêsu, sau khi sống lại, Ngài cũng đã xác nhận với các môn đệ trên đường Emmau, là "nào Đấng Ki Tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế rồi mới vào trong vinh quang của Người sao ?"

Tức là Chúa Giêsu đã phải bị bỏ rơi, bị phản bội và bị bắt.. .. (Lc 24:13-35)

Nhưng đây cũng mới chỉ là phần "warming up", mới chỉ là đoạn đầu của Cuộc Thương Khó của Chúa. Sau cơn hấp hối trong vườn, Ngài không còn lo sợ nữa, vì Ngài đã thắng mọi cơn cám dỗ và thử thách. Ngài đã cầu nguyện xin vâng theo Thánh Ý của Chúa Cha là "uống chén đắng này".

Ngài đã cam đảm, sẵn sàng chấp nhận những đau khổ khác sắp tới: là kẻ phản bội đến bắt và cái chết cực hình trên Thập Giá:

“Này, đến giờ Con Người bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi. Ðứng dậy, ta đi nào! Kìa kẻ nộp Thầy đã tới! "
 
Tin Đáng Chú Ý
Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội
John McCain
16:48 07/04/2009
QUAN HỆ VIỆT NAM-HOA KỲ

Bài nói chuyện của Thượng Nghị sỹ John McCain tại Học viện Ngoại giao Việt Nam tại Hà Nội ngày 07/04/2009

Đã hơn năm năm kể từ chuyến thăm Việt Nam gần đây nhất của tôi, và dịp trở lại này gợi cho tôi nhớ về những tiến bộ phi thường mà Việt Nam đã đạt được trong những năm gần đây. Đói nghèo đã giảm nhanh chóng, thương mại đang gia tăng, mức sống đã được nâng lên, và Việt Nam đã bình thường hoá quan hệ không chỉ với Hoa Kỳ mà với hầu hết các nước trên thế giới. Có lẽ biểu tượng của tiến trình này - và biểu tượng cho triển vọng tương lai của Việt Nam trên trường quốc tế - là vai trò thành viên của Việt Nam hiện nay trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tôi tin rằng sự thiện chí ở cả Việt Nam và Hoa Kỳ nhằm gác lại quá khứ và mở ra một tiến trình từng bước bình thường hoá quan hệ ngoại giao và thương mại giữa hai nước đã có tác động tới sự phát triển vượt bậc này. Chúng ta đã bắt đầu thận trọng với sự hợp tác trong việc tìm kiếm những người Mỹ mất tích. Sự hợp tác đó, cùng với việc Việt Nam rút quân khỏi Campuchia và sự kết thúc của Chiến tranh Lạnh, đã cổ vũ cho một luồng sinh khí mới ở Đông Nam Á, cho phép Hoa Kỳ dỡ bỏ cấm vận thương mại năm 1994 và bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1995. Bạn của tôi, ngài Pete Peterson, đã được Tổng thống Clinton cử làm Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội năm 1996. Hoa Kỳ cũng dỡ bỏ các hạn chế thương mại Jackson-Vanik đối với Việt Nam năm 1998 và ký hiệp định thương mại song phương với Việt Nam hai năm sau đó – một trong những hiệp định thương mại song phương bao quát nhất mà hai nước từng thương lượng. Năm 2003, lần đầu tiên sau gần 30 năm, một tàu chiến của Hoa Kỳ, tàu USS Vandergrift, đã cập cảng Sài Gòn ở thành phố Hồ Chí Minh. Đó là con tàu của hoà bình. Cách đây ba năm, Hoa Kỳ trao cho Việt Nam Quy chế Quan hệ Thương mại Bình thường Vĩnh viễn, mở đường cho Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới. Cũng trong năm đó, Việt Nam đón Tổng thống Bush tham dự Hội nghị Thượng định Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại Hà Nội.

Đó là một loạt những bước phát triển nổi bật và hai nước chúng ta đã cùng chung bước trên con đường dài đó. Và có lẽ chúng ta đã không tiến được xa đến vậy nếu như không có sự ủng hộ của những người Mỹ đã từng phục vụ ở Việt Nam trước đây, cũng như sự cam kết của các quan chức Việt Nam mong muốn xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho dân tộc mình. Hoa Kỳ và Việt Nam đã bước ra khỏi quá khứ. Mỗi nước đã tìm ra, trong một kỷ nguyên mới, một chỗ đứng của tình hữu nghị dành cho kẻ thù năm xưa.

Giờ đây, công việc bình thường hoá quan hệ khó khăn nhất đã lùi lại phía sau. Tôi tin rằng, đã đến lúc chúng ta chuyển từ việc bình thường hoá quan hệ song phương sang hiện đại hoá những liên kết giữa hai nước cho tương xứng với vị thế ngày càng tăng của Việt Nam ở khu vực và trên thế giới. Chúng ta không nên chỉ tự thoả mãn với thành công và để cho mối quan hệ hệ ở mức bão hoà. Đã đến lúc cần có bước đi mới.

Việc tiếp tục củng cố mối quan hệ giữa hai nước không nên chỉ vì sự chuyển đổi kinh tế chưa từng thấy của Việt Nam và tiến bộ vượt bậc trong quan hệ giữa hai nước trong hai thập kỷ qua, mà còn vì sự chuyển dịch sức mạnh kinh tế mang tính lịch sử từ phương Tây về châu Á. Mỗi năm qua đi, châu Á lại càng trở nên thịnh vượng hơn so với phần còn lại của thế giới mà sự lớn mạnh của Trung Quốc là minh chứng rõ rệt. Chính vì hiện tượng này, một số chuyên gia đã cáo chung cho thế kỷ của Hoa Kỳ và tuyên bố đây là “thế kỷ của châu Á”. Tuy nhiên, cách gọi như vậy đi theo tư duy “được ăn cả, ngã về không,” một kiểu tư duy mà bắt rễ từ quá khứ. Thế lực của Hoa Kỳ và châu Á không loại trừ lẫn nhau và chúng ta cũng không muốn để xảy ra như vậy. Nếu lãnh đạo của cả hai châu lục nắm lấy cơ hội sẵn có trong chân lý cốt tử này, chúng ta có thể bước sang một kỷ nguyên chưa từng biết tới: một thế kỷ 21 của cả Hoa Kỳ và châu Á. Và trong kỷ nguyên này, tôi tin rằng Việt Nam sẽ đóng một vai trò hết sức quan trọng.

Những đổi mới kinh tế của Việt Nam năm 1986 đã tạo ra động lực cho tăng trưởng kinh tế, hạt nhân then chốt của sự thay đổi. Sự tăng cường mở cửa đối với thương mại của Việt Nam đã giúp hàng triệu người Việt Nam thoát khỏi đói nghèo. Đất nước các bạn đã vươn lên từ bờ vực của nạn đói vào những năm 1980 trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai và sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Trong một thập kỷ từ 1992 đến 2002, mức nghèo đói ở Việt Nam đã giảm đi gần một nửa. Có lẽ Việt Nam đã đưa được nhiều người dân thoát ra khỏi đói nghèo hơn và nhanh hơn bất kỳ nước nào khác trong lịch sử, trừ Trung Quốc. Tiến bộ bất ngờ này là kết quả của những đổi mới trong đó có sự kết hợp giữa các nguyên lý của thị trường tự do với sự cần cù và sáng tạo của dân tộc Việt Nam.

Tuy vậy, ngày nay, trong cuộc suy thoái toàn cầu, chúng ta nghe đâu đó ở Hoa Kỳ và châu Á những lời chỉ trích toàn cầu hoá và thúc giục quay trở lại với những chính sách cô lập kinh tế vốn đã từng thất bại và sẽ không những làm cho phục hồi chậm chạp hơn mà còn làm cho cuộc khủng hoảng hiện nay thêm sâu sắc. Chúng ta không nên nghe theo họ. Họ vẫn đang sống với quá khứ, và khi không học được bài học nào của quá khứ, họ đang lãng mạn hoá một tương lai của thế giới mà ở đó sự tiến bộ của nhân loại sẽ bị chặn lại bằng sự chối bỏ những thay đổi và cơ hội không thể cưỡng lại nhờ lưu thông hàng hoá và dịch vụ tự do hơn bao giờ hết trong một nền kinh tế toàn cầu. Người lại, chúng ta đi theo con đường tự do đó vì nó là con đường tốt nhất đem lại thịnh vượng hơn nữa cho tất cả chúng ta. Các thị trường mở từng là động lực cho sự thịnh vượng của nhân loại hàng thế kỷ qua và chúng sẽ tiếp tục là động lực nếu chúng ta kiếm tìm những cơ hội mà chúng đem lại.

Ở Hoa Kỳ, cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính toàn cầu đã cỗ vũ cho những người theo chủ nghĩa bảo hộ. Ảnh hưởng của họ thể hiện rõ trong đạo luật “Mua hàng Mỹ” mới thông qua gần đây và sự phản đối ngày càng tăng đối với các hiệp định thương mại tự do. Chính quyền mới, và những dân biểu trong Quốc hội như chúng tôi thấy rõ sự điên rồ trong việc đi ngược lại tiến trình toàn cầu hoá phải tỏ rõ quyết tâm hơn nữa bác bỏ luận điểm của họ. Chúng ta phải tiến mà không lui. Bước tiến này gồm cả tìm kiếm những cách thức mới để tăng cường quan hệ thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đồng thời mở rộng những lợi ích của thương mại tự do với các nước ASEAN khác. Khi Việt Nam có những tiến bộ lớn hơn trong các vấn đề về lao động, chúng tôi sẽ hoàn tất Hiệp ước Đầu tư Song phương với Việt Nam và đưa Việt Nam vào Chương trình GSP, một chương trình miễn thuế cho nhiều mặt hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển. Và hai nước cũng sẽ cùng tham gia hiệp định tự do thương mại đa phương Đối tác Liên Thái Bình Dương.

Chống lại những thế lực phản đối toàn cầu hoá cũng đòi hỏi Việt Nam có những hành động nhất định. Bằng việc củng cố nền cai trị bằng luật pháp và một xã hội cởi mở hơn, nền kinh tế năng động của các bạn sẽ còn thịnh vượng hơn nữa. Bằng hiện đại hoá hạ tầng và theo đuổi những nguyên tắc về môi trường trong sạch, Việt Nam có thể giành thêm những lợi ích mà hệ thống kinh tế toàn cầu đem lại. Tôi cho rằng, những bước đi đó không chỉ là mong muốn mà còn cần thiết.

An ninh và tăng trưởng kinh tế có mối liên hệ mật thiết, và nguy cơ đối với hoà bình là nguy cơ cho sự thịnh vượng. Sự thiết lập các mối liên hệ và các chuyến thăm của tàu chiến Hoa Kỳ tới các cảng của Việt Nam là những bước đi tích cực và đúng hướng. Tuy nhiên, như thể hiện trong vụ xâm hại của các tàu Trung Quốc với tàu U.S.S. Impeccable, chúng ta đang đối mặt với những thách thức an ninh mới trong khu vực. Hoa Kỳ từ lâu đã ủng hộ quan điểm tự do đi lại trên toàn thế giới và sự tự do này phải bao gồm cả ở Nam Trung Hoa hay Biển Đông. Chúng tôi có lợi ích trong lưu thông đường biển tự do trong khu vực và trong việc giải quyết hoà bình những tranh chấp ở Hoàng Sa, Trường Sa và các vị trí khác.

Hợp tác quốc phòng được củng cố giữa Hoa Kỳ và Việt Nam phục vụ lợi ích cả hai bên. Song phương và phối hợp với các đồng minh và đối tác khác của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á như Philippines, Singapore và Indonesia, chúng ta cần tìm nhiều phương thức khác nhau để mở rộng quan hệ. Chúng ta cần phối hợp để tăng cường trao đổi thông qua hiệp định Huấn luyện và Trao đổi Quân sự ký năm 2005 tiếp tục các cuộc đối thoại về việc Việt Nam tham gia các hoạt động gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc. Những bước đi này cần diễn ra trong bối cảnh đối thoại mở rộng giữa lãnh đạo hai nước về cách thức chúng ta nhìn nhận về môi trường chiến lược trên toàn châu Á.

Quân đội Việt Nam từ lâu đã nổi tiếng về sự kiên cường. Khi cải cách nền kinh tế và đạt được tốc độ tăng trưởng liên tục thuộc hàng cao nhất giới, nền kinh tế Việt Nam đã trở thành mô hình cho nhiều nước phát triển trên toàn cầu. Nhờ thắt chặt quan hệ với kẻ thù xưa và khôn khéo trong vai trò tại Hội đồng Bảo an, Việt Nam đã chứng tỏ được ảnh hưởng ngoại giao toàn cầu của mình. Tôi tin rằng, Việt Nam đang có cơ hội để tiếp tục những thành tựu của mình bằng việc theo đuổi những tiến bộ trong lĩnh vực chính trị và xã hội.

Sự thay đổi này – bao gồm mở các quyền tự do xã hội, cho phép tự do ngôn luận rộng rãi hơn, trả tự do cho tất cả các cá nhân bị cầm tù vì thể hiện chính kiến của mình một cách hoà bình, cải thiện nhân quyền, và mở rộng phạm vi hoạt động chính trị - sẽ có tầm vóc lịch sử. Khoan dung với những quan điểm khác nhau là biểu hiệu của sức mạnh, không phải điểm yếu, và nếu có một nét nào đó dân tộc Việt Nam đã thể hiện trong những thập kỷ qua, đó chính là sức mạnh. Thế giới đã từng lưu ý về những dấu hiệu về biến đổi chính trị ở Trung Quốc, từ bầu cử ở địa phương cho tới nền lập pháp tự chủ hơn và nền tư pháp liêm khiết và độc lập hơn. Bằng những bước tự do hoá chính trị mạnh mẽ hơn, Việt Nam có cơ hội không chỉ theo kịp những thành tựu đó mà còn vượt qua chúng. Việt Nam có thể trở thành một mô hình để các nước khác noi theo. Và Việt Nam sẽ đảm bảo rằng, theo thời gian, quan hệ với Hoa Kỳ được gắn kết không phải trên cơ sở còn biến động của các lợi ích chung về kinh tế và an ninh, mà trên nền tảng của những giá trị chung.

Những nhà lãnh đạo Việt Nam là những người gìn giữ những thành tựu phi thường mà chỉ trong một thời gian ngắn đã chuyển đổi cả một nền kinh tế và một dân tộc. Quý vị có trách nhiệm bảo vệ và mở rộng những thành quả đó, như các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ có trách nhiệm cổ vũ cho những tiến bộ của xã hội Mỹ. Thế kỷ trước, dù với những cuộc chiến và gian lao chưa kể hết, chắc chắn sẽ được coi là vĩ đại trong các giai đoạn của lịch sử vì sự vượt lên của tự do trên sự kìm kẹp, thịnh vượng trên sự đói nghèo, quyền của mọi người trên những đặc quyền của thiểu số. Tuy nhiên, nhiệm vụ này vẫn chưa hoàn thành, ở cả Washington và Hà Nội. Lịch sử đã trao nhiệm vụ thúc đẩy hơn nữa tiến bộ của loài người vào tay chúng ta; vào những nhà lãnh đạo của thế giới có trách nhiệm giúp chúng ta vượt qua những khó khăn hiện nay mà không từ bỏ niềm tin vào những nguyên lý và thực tiễn đã từng đưa vận mệnh của nhân loại vượt lên trên những khát vọng của các thế hệ đi trước. Đó chính là trách nhiệm chung của chúng ta, và đó là một vinh dự mà tôi mong chờ, như tôi mong chờ vinh dự hôm nay được nói chuyện với một thế hệ những nhà lãnh đạo mới của đất nước này, những người cùng với thế hệ lãnh đạo mới ở đất nước tôi, sẽ viết nên một chương mới tốt đẹp hơn trong lịch sử quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Ngã Ba
lm. Nguyễn Trung Tây
06:21 07/04/2009

NGÃ BA



Ảnh của Lm. Nguyễn Trung Tây

Đường nào đường rộng?

Lối nào thênh thang?

Giữa ngã ba đường,

Bơ vơ con ngóng!

(Nguyễn Trung Tây)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền