Ngày 05-04-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Muôn đời Thiên Chúa xót thương
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
00:40 05/04/2024
MUÔN ĐỜI THIÊN CHÚA XÓT THƯƠNG

“Thiên Chúa giàu lòng thương xót là Đấng mà Đức Giêsu Kitô đã mạc khải cho chúng ta biết là Cha: Chính Người là Con Thiên Chúa đã tỏ lộ và cho chúng ta biết Cha nơi chính bản thân mình” (thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót, số 1).

Suy niệm từ Cựu sang Tân Ước, không có trang nào của Thánh Kinh không gợi lên, không nêu cao tình yêu thương xót của Thiên Chúa. Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã thể hiện Thiên Chúa chính là Đấng giàu lòng thương xót. Thiên Chúa xót thương và chăm sóc nhân loại, nhưng không phải nhân loại chung chung, mà tình yêu thương xót ấy thể hiện cụ thể trên từng người một.

1. Thiên Chúa xót thương trong tạo dựng và cứu chuộc.

Chính vì tình yêu thương xót, Thiên Chúa đã tạo dựng con người cách độc đáo, đầy “trách nhiệm”, và là sự thông chia chính mình, thông chia chính sự sống, thông chia quyền bá chủ của mình.

Thiên Chúa tạo dựng họ không giống bất cứ cái gì, nhưng là mang chính hình ảnh của Người. Thánh Kinh diễn tả “tâm trạng” của Thiên Chúa thật cảm động: Người tạo dựng mọi vật xem ra quá dễ dàng, chỉ cần “Thiên Chúa phán…(mọi vật) liền có…” (St 1, 1tt).

Đến khi phải tạo dựng loài người, không phải “phán”, “liền có” nữa. Kinh Thánh cho thấy, Thiên Chúa như nghĩ ngợi lắm, cân nhắc lắm. Người như đặt vào công trình tạo dựng cuối cùng này tất cả trách nhiệm, tất cả chiều sâu suy tư, tất cả nỗi niềm của bản thân.

Thiên Chúa tự ngỏ với chính mình: “Chúng ta hãy làm ra con người theo hình ảnh chúng ta, giống như chúng ta, để con người làm chủ cá biển, chim trời, gia súc, dã thú, tất cả mặt đất và mọi giống vật bò dưới đất” (St 1, 26).

Và kết quả vô cùng đẹp, vô cùng đáng quý: “Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh mình, Thiên Chúa sáng tạo con người theo hình ảnh Thiên Chúa, Thiên Chúa sáng tạo con người có nam có nữ. Thiên Chúa ban phúc lành cho họ…” (St 1, 26-28).

Khi lòng dạ con người bội phản, vì xót thương, Thiên Chúa lại trao ban tình yêu cứu chuộc. Người đã không vì tội của loài người mà hủy diệt họ. Thay vì hủy diệt, Thiên Chúa cứu họ đời đời. Thiên Chúa không bao giờ thay lòng đổi dạ trong tình yêu thương xót của Người:
“Ta đã yêu thương ngươi bằng mối tình muôn thuở, nên Ta vẫn dành cho ngươi lòng xót thương” (Gr 31, 3). Hay:“Núi có dời có đổi, đồi có chuyển có lay, tình nghĩa của Ta đối với ngươi vẫn không thay đổi” (Is 54,l0).

Con Một của Thiên Chúa là chính ơn cứu chuộc, là bằng chứng về sự sống, để nhân loại tiếp tục được sống. Thánh Phaolô đã phải ngỡ ngàng trước tình yêu của Đấng Toàn năng dành cho loài thụ tạo phản trắc:
“Khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5, 6-8).

Chúa Kitô còn khẳng định mạnh mẽ hơn, để đòi chúng ta tin Người, để nhờ tin, chúng ta được cứu: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” (Ga 3, 16-17).

Đó là một tình yêu dâng cao ngút ngàn, lên đến đỉnh điểm khi quyết hiến trao Con Một cho trần thế. Từ ngàn xưa, Thiên Chúa đã một lòng xót thương. Đến muôn đời Thiên Chúa vẫn thủy chung thương xót.

Ban Con Một là một quyết định không thể tả, không còn quyết định nào bằng.“Đến như Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta” (Rm 8, 32a), thì Thiên Chúa còn tiếc gì với chúng ta. “Một khi Người đã ban Người Con đó, Lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta?” (Rm 8, 32b).

Từ nay Thiên Chúa tự hiến chính mình nơi Người Con Một. Từ nay Thiên Chúa hiện diện gần gũi, cụ thể giữa loài người nơi Người Con Một. Từ nay Thiên Chúa đã thân hành xóa khoảng cách đến không còn khoảng cách: Bởi từ nay, nơi Người Con Một, Thiên Chúa, đã “cắm lều” ở giữa loài người.

Bởi vậy, khi công bố về tình yêu cao dâng đến vô bờ của Thiên Chúa, Chúa Kitô đã nói bằng những lời thắm thía: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi…”. Cũng như khi chúng ta diễn tả: “Tôi vui đến nỗi tôi đã….”. Liên từ “đến nỗi” là liên từ diễn tả sự vỡ òa, diễn tả sức mạnh lan tràn, diễn tả nỗi niềm lớn hơn điều mà mình có thể nói ra, có thể bộc lộ. Nó diễn tả sự lớn lao hơn nhiều, mà giới hạn của ngôn từ đã không thể cho biết hết.

Thiên Chúa “yêu đến nỗi”, nghĩa là lòng yêu của Thiên Chúa đã ngút ngàn, không còn cách nào khác, không còn bất cứ một giới hạn nào. Tình yêu ấy, một tình yêu “đụng trần” đã trao dâng đến đỉnh điểm, đã là một lực mạnh trên mọi sức mạnh, vượt thắng mọi sức mạnh.

Thiên Chúa “yêu đến nỗi” là yêu đến tận cùng. Vì thế, để diễn tả sự cùng tận của tình yêu ấy, hành động hiến trao Con Một là hành động quá đỗi, không gì bằng, không còn gì khác hơn, không thể có gì thay thế.

Cảm nghiệm được tình yêu ngàn đời như một của Thiên Chúa, thánh Phêrô say sưa, sung sướng giảng về Chúa Kitô, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa như một đam mê không thể cưỡng, như một đòi buộc không thể bỏ qua:
“Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi” (Cv 2, 23-24).

Vô vàn những lần Thiên Chúa thể hiện Người là Đấng đầy lòng xót thương. Trọn cả dòng lịch sử cứu độ, là trọn cả dòng lịch sử khắc ghi đậm nét tình yêu thương hãi hà của Thiên Chúa.

Đó là một tình yêu ngàn đời không đủ lời chúc tụng. Đó là một tình yêu núi không thể đo, biển không thể lường. Đó là một tình yêu dù giàu sức tưởng tượng cũng không thể tưởng nghĩ. Đó là một tình yêu dũng mãnh, bền bỉ, trung thành, bao dung, đầy ắp, vời vợi, đằm thắm, trào tràn, cuồn cuộn, dịu ngọt, luôn luôn trao ban, luôn luôn đi bước trước, luôn luôn tín thành, luôn luôn hiến dâng…

2. Chúa Kitô xót thương loài người.

Thông điệp Thiên Chúa giàu lòng thương xót (TC gltx) nói về Chúa Kitô: “Khi trở thành tình thương nhập thể, tình thương được biểu lộ với một sức mạnh đặc biệt đối với những người đau khổ, những người bất hạnh và những người tội lỗi, Đức Kitô, Đấng hoàn tất làm cho Chúa Cha hiện diện và cũng mạc khải đầy đủ hơn Chúa Cha là Thiên Chúa ‘giàu lòng thương xót’” (số 3).

Bởi Thiên Chúa, từ ngàn xưa, đã không bao giờ rút lại tình yêu thương xót, vì thế, Chúa Kitô, Đấng là Thiên Chúa làm người đã thể hiện mọi nơi, mọi thời tình yêu thương xót không mệt mỏi ấy.

Nhiều lần, Tin Mừng cho thấy Chúa Kitô tỏ lòng thương xót như thế. Người mời gọi kẻ nhọc nhằn hãy đến để được Người sớt chia ưu tư, thống khổ của họ: “Hãy đến cùng Ta, hỡi những ai mang gánh nặng nề, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho” (Mt 11, 28).

Chúa nhìn thấy sự đói của những người theo Chúa. Đã hơn một lần, Chúa hóa bánh ra nhiều để nuôi dưỡng họ (x. Mt 14, 13–21; Mt 15, 32-39; Ga 6, 1-15).

Chúa xót xa trước những cảnh đời sống trong bệnh tật. Chúa chữa lành cho họ, như đã từng chữa lành cho người phụ nữ bệnh loạn huyết mười hai năm (x. Mt 9, 20-22), chữa người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9, 1-41)…

Chúa xót xa trước giọt nước mắt đớn đau của người mẹ khóc con, của người chị khóc em, như trường hợp Chúa cho đứa con của bà góa thành Naim hay cho Lazarô sống lại (x. Lc 7,11-17; Ga 11, 1-45)… Chúa chạnh lòng trước bệnh tật đớn đau của đầy tớ ông đội trưởng (x. Mt 8, 5-13), hay cái chết của con gái ông trưởng hội đường (x. Mc 5, 21-43)…

Chúa lập tức chữa lành cho tên lính bị thánh Phêrô chém đứt tai mà không cần bất cứ một điều kiện nào, dù lúc đó, Chúa đang bị người ta lên án và sẽ giết chết Chúa ngay sau đó (x. Ga 18, 10-11).

Đến giây phút cuối đời, lúc mà Chúa phải chết thảm trên thánh giá, Chúa vẫn đầy lòng xót thương đối với người trộm cùng bị đóng đinh (x. Lc 23, 39-43)…

Chúng ta không thể kể hết những lần Chúa tỏ tình yêu xót thương đối với con người. Đặc biệt cả cuộc đời, từ vâng lệnh Chúa Cha, nhập thể, sống nơi trần gian, chết cay đắng, sống lại vinh quang, vinh thăng trên trời… đều là tình thương tự nguyện của Chúa Ngôi Hai dành cho chúng ta, một tình thương không thể chứa đựng nơi mọi mỹ từ của loài người, khi phải diễn tả tình thương ấy.

Tình yêu dẫn đến cái chết cho người mình yêu đã lớn. Một tình yêu tự nguyện ném mình vào cái chết càng lớn lao khôn xiết. Dù vâng lệnh Thánh ý tuyệt đối, trước sau gì, Chúa Giêsu vẫn thể hiện mạnh mẽ tình yêu của chính Chúa cho trần thế chúng ta: Chúa tự nguyện đến cùng trong sự tự hiến chính mình:

“Sở dĩ Chúa Cha yêu mến tôi, là vì tôi hy sinh mạng sống mình để rồi lấy lại. Mạng sống của tôi, không ai lấy đi được, nhưng chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình. Tôi có quyền hy sinh và có quyền lấy lại mạng sống ấy. Đó là lệnh của Chúa Cha mà tôi đã nhận được” (Ga 10, 17-18).

Vì lòng xót thương, trên thánh giá, lời Chúa Kitô “xin Cha tha cho chúng…” (Lc 23, 34), đâu chỉ là lời dành cho những kẻ đang đùng đùng sát khí dưới chân thánh giá.

Nếu nhập thể là để cứu độ, và bây giờ, vinh thăng trên trời, ngự bên hữu Chúa Cha là để chuyển cầu cho ta, để đưa ơn cứu độ của ta đạt đến vĩnh cửu, thì lời “xin Cha tha cho chúng” là, và phải là lời muôn đời Chúa Kitô chuyển cầu cho tất cả chúng ta.

Chúng ta quá đỗi hạnh phúc vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô dành cho chúng ta. Chính nhờ tình yêu thương xót, Chúa Kitô là trạng sư tuyệt đối, đời đời trước tòa Thiên Chúa.

Vì tình yêu thương xót, Chúa Kitô đã trút bỏ hoàn toàn. Trút bỏ cả cuộc đời, trút bỏ cả mạng sống vẫn chưa làm đủ. Đến lúc trao hơi thở sau hết, lại còn tiếp tục trao dâng cả đến giọt máu cuối cùng, khi “một người lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Người. Tức thì, máu cùng nước chảy ra” (Ga 19, 34).

Trái Tim mở ra là để nhân loại hạnh phúc ngụp lặn trong biển tình yêu vời vợi ấy. Dòng máu cứu chuộc trở thành nguồn sự sống và sức sống cho tất cả mọi người thiết tha tìm đến. Trái Tim của Thiên Chúa làm người không đòi cho mình bất cứ điều gì, bây giờ lại thuộc về chúng ta tất cả. Chúa thương xót chúng ta.

Nhưng không dừng ở đó. Trái Tim Chúa Kitô mở ra, không chỉ cho thấy sự mạnh mẽ, dữ dội của tình yêu nơi Chúa Kitô dành cho loài người. Hình ảnh Trái Tim mở ra, gợi lại cho chúng ta lời tiên tri Hôsê từ xa xưa: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8).
Lòng Thiên Chúa chứa đầy yêu thương. Thiên Chúa đã yêu. Mãi mãi cứ yêu. Ngàn đời tình yêu Thiên Chúa vẫn không cùng. Vì thế, Trái Tim Chúa Kitô vừa khắc sâu tình yêu của Thiên Chúa, vừa bộc lộ đến vô cùng tình yêu chan chứa, chứa đầy trong Trái Tim Thiên Chúa.
Làm sao có thể nói hết tình yêu thương xót của Thiên Chúa và của Chúa Kitô. Chỉ xin được nhìn ngắm bài học của lòng thương yêu ấy, để chúng ta cũng sống tình người bằng lòng bác ái, vị tha, đón nhận, cảm thông… giữa người cho nhau, vì nhau trong cõi đời này…

3. Nỗ lực của chúng ta sống lòng xót thương.

Người Kitô hữu cần thể hiện tình yêu thương xót bằng chính việc thực thi lòng xót thương của mình. Lời mời gọi sống tình yêu thương xót là một trong những lời mời gọi triệt để nhất của Tin Mừng. Càng suy niệm Tin Mừng, chúng ta càng nhận ra giáo huấn về việc thực thi lòng xót thương là vô cùng cụ thể.

Chẳng hạn, có lần đám đông hỏi thánh Gioan tẩy giả: “Chúng tôi phải làm gì đây?”, thì được trả lời: “Ai có hai áo, thì chia cho người không có; ai có gì ăn, thì cũng làm như vậy” (Lc 3,11).

Còn Chúa Giêsu khẳng định giúp đỡ anh chị em là giúp đỡ chính Chúa: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han…. Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 31 - 46).

Chúa muốn chúng ta phải quảng đại, phải biết luôn mở rộng vòng tay, mở rộng cửa trái tim. Chúa muốn chúng ta không tiếc thời giờ, tài năng và vật chất khi anh chị em xung quanh cần đến.

Trên bình diện ngôn từ, chúng ta quảng đại cho đi những lời động viên, khen ngợi, ủi an, sớt chi nỗi niềm và đừng phê phán, đừng chỉ trích. Hãy thể hiện sự đồng cảm. Cần biết bản thân cũng đầy thiếu sót, lỗi lầm để không trở thành "quan tòa" lên án anh chị em. Tôi nhớ, có lần đọc được ở đâu đó lời này, đáng để chúng ta ngẫm nghĩ: “Xin đừng phê phán tôi vì tôi phạm tội khác hơn bạn”.

Trên bình diện đời sống, bắt đầu sự sống mỗi ngày bằng những món quà nhỏ mọn: một nụ cười, một cái bắt tay, một sự thân thiện, một cái nhìn trìu mến, một cử chỉ thật lòng… Hãy tận tâm hy sinh, tận tâm phục vụ. Hãy hy sinh âm thầm, phục vụ lặng lẽ…

Hãy cố gắng:
Không bực mình khi bị làm phiền;
Không càm ràm khi chạm phải điều gì khó chịu;
Không sửng cồ, nóng nảy khi bị khiêu khích;
Không gây bất hòa khi đối diện với hoàn cảnh không mong muốn;
Không thể hiện bức bối khi đối diện với người, với hoàn cảnh không vừa ý.
Không khoe khoang bản thân;
Không tìm tư lợi;
Không để bụng oán ghét;
Không hận thù dù với ai, với bất cứ hoàn cảnh nào...

Ngược lại, mọi nơi, mọi lúch chúng ta hãy học tinh thần cảm thông, chịu đựng, đón nhận, khoan dung, mực thước, nhịn nhục, tha thứ, nhẫn nại, suy nghĩ điều tích cực, suy đoán điều có lợi cho đối phương...

Chúng ta đừng quên, cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi phát triển ngày càng mạnh là nhờ lòng quảng đại của từng thành viên trong cộng đoàn ấy. Ngày nay, nếu chúng ta sống bên cạnh nhau, luôn biết không chỉ xem “mọi sự đều là của chung” (Cv 4, 32), mà còn hiến mình xây dựng Nước Chúa tại nơi mình sống, ngay trong cộng đoàn mình hiện diện, sẽ càng làm gia tăng biết bao lợi ích thiêng liêng cho chính bản thân, cho mọi thành viên và cho cả cộng đoàn.

Một cuộc sống tuyệt vời, một cuộc sống đáng sống sẽ diễn ra nếu mỗi người đều thực thi tình yêu thương xót bằng chính lòng quảng đại của mình.

Chỉ cần từng người nỗ lực thực thi lòng thương xót mà Thiên Chúa và Chúa Kitô đã đi bước trước và thể hiện, thì chắc chắn, mọi nơi, mọi lúc sẽ chỉ tràn ngập những điều tốt đẹp, tràn ngập niềm vui sống, tràn ngập tình yêu dành cho sự sống.

Hãy thực thi lòng thương xót bằng thể hiện sự quảng đại ngay bây giờ, ở đây, ngày hôm nay.
Hãy cấp tốc làm cho tình yêu thương xót của Chúa được thể hiện bằng mỗi phút giây.
Hãy thể hiện sự quảng đại của chính chúng ta cách liên tục, không dừng lại, không ngơi nghỉ, không mệt mỏi.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
02:58 05/04/2024

10. Như thân xác rời khỏi linh hồn thì không thể cử động, chúng ta rời xa ân sủng của Thiên Chúa thì cũng không thể lập được công trạng gì.

(Thánh Bernard)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:01 05/04/2024
22. TÉ DẬY KHÔNG NỔI

Có một người đi bộ, vì không cẩn thận nên té xuống đất, vừa lồm cồm đứng dậy thì lại té nữa, thế là thở một hơi dài nói:

- “Nếu biết sớm phải té lần nữa thì vừa rồi khỏi đứng dậy thì tốt hơn !”

(Tiếu lâm)

Suy tư 22:

Ngã té thì đứng dậy, nhưng nếu bị gãy chân vẹo xương sống thì hết đứng dậy nổi, đó là chuyện tự nhiên thuộc sức khỏe của mỗi người, nhất là những người già cả, đau xương sống...

Té là ngã xuống đất, ai cũng có té xuống đất một lần trong cuộc sống làm người, và té cũng có ý nghĩa sâu xa của nó, nói theo tôn giáo, té là phạm tội, là ngã xuống trong vũng bùn hắc ám đau khổ của tội.

Đức Chúa Giê-su đã ngã xuống đất ba lần khi vác thập giá lên núi Sọ để chịu đóng đinh, nhưng Ngài đã cố gắng đứng dậy vác thập giá đi nốt đoạn đường cứu chuộc còn lại; thánh Phê-rô đã té một lần trong đêm Đức Chúa Giê-su -thầy của ngài bị bắt- cái té này nặng nề đến nỗi suốt đời ngài không thể quên; ông Giu-da Ít-ca-ri-ốt đã té một lần -bán thầy mình là Đức Chúa Giê-su ba mươi đồng bạc- và ông té luôn không đứng dậy nữa.

Ba nhân vật đều té ngã xuống đất: Đức Chúa Giê-su té ngã nhưng vẫn đứng lên dù ngã ba lần, Ngài đã yêu thương nhân loại và hy sinh đến cùng để nhân loại được sống; thánh Phê-rô đã ngã té (phạm tội) một lần, nhưng vì yêu thương Đức Chúa Giê-su và vì tội lỗi của mình nên ngài đã khóc lóc và đứng lên, nên được Đức Chúa Giê-su trao ban sứ mạng làm tông đồ trưởng; ông Giu-đa Ít-ca-ri-ốt đã ngã té một lần nhưng té luôn vì ông ta không có lòng trông cậy vào tình thương của Đức Chúa Giê-su...

Mỗi ngày chúng ta đều có ngã té (phạm tội) làm mất lòng Thiên Chúa và tha nhân, nhưng mỗi lần phạm tội là mỗi lần chúng ta quyết tâm đứng lên, vì có Thiên Chúa ở cùng chúng ta. Quyết tâm đứng lên sau khi phạm tội là điều mà Thiên Chúa thích nhất nơi chúng ta, những con người tội lỗi. Chúng ta gọi đó là sự cố gắng.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


--------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 06/04: Chứng nhân Tin Mừng Phục Sinh – Lm. Phaolô Nguyễn Trọng Thiên, SVD
Giáo Hội Năm Châu
03:52 05/04/2024

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô,

Sau khi sống lại vào lúc tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giê-su hiện ra trước tiên với bà Ma-ri-a Mác-đa-la, là kẻ đã được Người trừ cho khỏi bảy quỷ. Bà đi báo tin cho những kẻ đã từng sống với Người mà nay đang buồn bã khóc lóc. Nghe bà nói Người đang sống và bà đã thấy Người, các ông vẫn không tin.

Sau đó, Người tỏ mình ra dưới một hình dạng khác cho hai người trong nhóm các ông, khi họ đang trên đường đi về quê. Họ trở về báo tin cho các ông khác, nhưng các ông ấy cũng không tin hai người này.

Sau cùng, Người tỏ mình ra cho chính Nhóm Mười Một đang khi các ông dùng bữa. Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng, bởi lẽ các ông không chịu tin những kẻ đã được thấy Người sau khi Người trỗi dậy. Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo.”

Đó là lời Chúa
 
Giữ cho lửa nồng nàn
Lm. Minh Anh
15:21 05/04/2024
GIỮ CHO LỬA NỒNG NÀN
“Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”.

Trong “Leadership”, “Thuật Lãnh Đạo”, Vance Havner viết, “Hãy để cuộc sống bạn toả sáng; không phải với những ánh chớp mà là với ngọn lửa nồng nàn! Chúa thích các vì sao hơn sao chổi; Ngài thích ngọn nến giữ cho lửa nồng nàn hơn là một pháo sáng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Tin Mừng hôm nay chứng tỏ “Thiên Chúa thích ngọn nến nồng nàn hơn là một pháo sáng!”. Tóm tắt các sự kiện phục sinh của Chúa Giêsu và với ‘phần kết dài hơn’ của mình, Marcô tiếp tục gay gắt với các tông đồ, “Người khiển trách các ông không tin và cứng lòng”. Tất nhiên, không chỉ các tông đồ, mà cả chúng ta, bạn và tôi cần có một con tim ‘giữ cho lửa nồng nàn!’.

Dù được báo trước về cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Thầy, các tông đồ vẫn không tin Chúa Giêsu sống lại; hoặc có tin, cũng chỉ nửa vời! Maria Mađalêna, một nhân chứng rất đáng tin; hai môn đệ Emmaus hầu chắc đã nói tất cả sự thật. Bonagura Jr. nhận xét, “Trong thời đại ngày nay, việc dạy giáo lý kém hoặc nó không còn tồn tại, một nền văn hoá thế tục khắc nghiệt, sự thù nghịch đối với Công Giáo, tổn thương hoặc mất mát, tai tiếng do tội lỗi của các tín hữu hoặc tội lỗi của chính mình… chính những điều đó có thể làm lu mờ trí tuệ con người và cả chúng ta, khiến chúng ta mất đức tin. Đức tin như ngọn lửa trong tim, mỗi người cần trau dồi nó trong cuộc sống bằng cách ‘giữ cho lửa nồng nàn’ mỗi ngày!”.

Cuộc đấu tranh của các tông đồ là cuộc đấu tranh của những ngọn lửa trong tim. Quà tặng đức tin chỉ như ngọn lửa nhỏ mà chúng ta thường bất cẩn ‘chường ra trước gió’; chính sự bất cẩn ấy khiến lửa bị dập tắt trước khi kịp bùng lên. Mục tiêu của việc theo Chúa là để lửa ấy rực cháy. Và nó có thể! Bạn có thể để nó rực cháy đến mức không gì có thể dập tắt. Điều cần nhớ là, Chúa Giêsu tiếp tục đi về phía chúng ta cho đến khi bạn và tôi mở mắt! Bài đọc một hôm nay là một bằng chứng. Các tông đồ, nguyên là những người từ chối tin - nay đã ‘mở mắt’ - công bố sự Phục Sinh của Thầy với một lòng tin sắt đá, hiên ngang, “Những gì tai đã nghe, mắt đã thấy, chúng tôi không thể không nói ra!”.

Anh Chị em,

“Thiên Chúa thích ngọn nến nồng nàn hơn là một pháo sáng!”. Cách thức gìn giữ ánh nến bên trong này liên quan đến cách thức chúng ta chăm sóc tia lửa vốn đã có ở đó, bắt đầu bằng các việc làm tốt lành nhỏ nhất. Tại một đại học Ba Lan, một bạn trẻ hỏi Đức Phanxicô, “Ở trường con có nhiều bạn vô thần, con sẽ nói gì để thuyết phục họ?”. Ngài trả lời, “Con chỉ nói một điều gì đó thôi sao? Không! Con hãy bắt đầu sống và họ sẽ hỏi con, ‘Tại sao bạn sống như vậy?’”. Đừng chường ngọn lửa ra trước gió với chỉ những tia chớp loé sáng; hãy tập trung cao độ vào nó bằng cầu nguyện, phục vụ và nó sẽ bùng cháy. Hãy xác tín, Chúa Phục Sinh đang sống trong tôi, phục vụ tha nhân qua tôi và như một đáp trả, bạn sống trong tâm tình tạ ơn mà không cần tận mắt nhìn thấy Ngài. Thật ý nghĩa với tâm tình Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, con xin tạ ơn Ngài vì đã đáp lời con!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa không cần con loé sáng, Chúa thích con ‘giữ cho lửa nồng nàn’ bắt đầu bằng những hành vi yêu thương nhỏ nhất, và con sẽ rực cháy, cháy hết mình!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 2 PS)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:04 05/04/2024
CHÚA NHẬT II PHỤC SINH

Tin Mừng: Ga 20, 19-31

“Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”


Anh chị em thân mến,

Hôm nay chúa nhật thứ hai phục sinh, tin mừng hôm nay rất phong phú, có những sự kiện liên quan đến đức tin của chúng ta, đó là Đức Chúa Giê-su lập bí tích Giải Tội trao quyền tha tội cho các tông đồ, và câu chuyện “cứng lòng tin” của thánh Tô-ma tông đồ. Tuy nhiên, tôi tin chắc rằng, trong chúa nhật này sẽ có rất nhiều bài chia sẻ rất hay và ý nghĩa của các linh mục về vấn đề của thánh Tô-ma và về bí tích Giải Tội cho giáo dân, do đó, tôi chỉ xin chia sẻ ngắn gọn về một vấn đề mà trong cuộc sống ai cũng tìm kiếm và mong gặp, đó là sự bình an của Thiên Chúa.

1. Bình an – Quà tặng của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh.

Những người đi xa về thường có quà tặng cho gia đình, cho người thân, bè bạn, quà tặng ấy chính là sự chia sẻ chân tình của người xa quê hương, nay về lại trong tình thương của gia đình của mọi người.

Đức Chúa Giê-su đã chết và đã sống lại, niềm vui này, dù không quà tặng, cũng vẫn là niềm vui lớn lao nhất của các thánh tông đồ và của các phụ nữ đạo đức thánh thiện, niềm vui này được nhân lên gấp bội khi Đức Chúa Giê-su hiện ra với các Tông Đồ và trao ban món quà chí tình của Ngài: bình an cho các con. Vâng, sự bình an chính là quà tặng đẹp nhất, hạnh phúc nhất của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, Ngài đã đi vào cõi chết và đã trở lại với vinh quang của Thiên Chúa, và món quà Bình An này xứng hợp với quà tặng của một vị Thiên Chúa.

“Bình an cho các con” – khi mà tâm hồn của các tông đồ hoang mang lo lắng buồn vui lẫn lộn về sự việc Chúa chết và sống lại, thì lời chúc lành của Đức Chúa Giê-su rất hợp thời và đúng lúc để củng cố đức tin và đem lại an bình cho tâm hồn của các ông.

“Bình an cho các con” – sự bình an này không giống bình an của người đời ban tặng, sự bình an của người đời là giả tạo, là tạm bợ và sẽ không tồn tại, bởi vì người đời chỉ dựa vào của cải vật chất để trấn an tâm hồn đầy những bất an. Người ta thường chúc nhau được bình an, nhưng không ai tìm được bình an trong cuộc sống, người giàu có thì cảm thấy bất an khi đêm về vì sợ kẻ trộm; người có địa vị thì sợ kẻ khác chiếm đoạt, lật đổ; người mạnh khoẻ thì sợ đau ốm.v.v... tất cả đều ở trong trạng thái mất bình an.

Chỉ có bình an của Chúa mới làm cho chúng ta được hạnh phúc, bởi vì không ai đem những thứ vô giá trị làm quà tặng, nhưng phải quý và có giá trị, quà tặng của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh -sự bình an- là món quà vô giá mà Chúa ban tặng cho các tông đồ và cho chúng ta, những người tin.

“Bình an cho các con” – thế giới như đang sống trên một lò lửa – lò lửa chiến tranh, nước này đánh nước nọ, quốc gia này hù doạ quốc gia kia, tổ chức này bắt cóc lật đổ ám sát tổ chức nọ, và do đó mà thế gian chưa có bình an, cho nên sự bình an của Đức Chúa Giê-su ban tặng cho các tông đồ sau khi sống lại ấy, ngày hôm nay vẫn luôn còn giá trị đích thực cho nhân loại, cho những tâm hồn khắc khoải tìm kiếm bình an đích thực trong cuộc sống.

2. Hoa quả của Bình An.

Có nhân thì có quả, có làm việc thì mới có mà ăn, có cày cấy mới có cơm gạo...

Có tranh chấp thì có cãi cọ và sinh ra hận thù, có ghét ghen thì sinh ra mưu mô hại người... đó chính là chuyện nhân quả mà hằng ngày chúng ta đều thấy và biết, việc lành cũng như việc xấu, mọi thứ đều có nhân quả của nó.

Hoa quả của bình an, nhưng phải là bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, đó chính là yêu thương, là tha thứ, là bao dung, là quảng đại, là khiêm tốn, là nhẫn nại và nhịn nhục.v.v...

Khi trong tâm hồn chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Giê-su Phục Sinh, thì chúng ta rất biết thông cảm với người làm chúng ta bực mình; khi tâm hồn của chúng ta có sự bình an của Đức Chúa Giê-su, thì chúng ta rất dễ dàng cảm thông với những người không yêu mến chúng ta, chúng ta sẽ khiêm tốn hơn trong lời nói, trong cử chỉ và thái độ của mình... Hoa quả của bình an là như thế, nó chính là tình yêu của Đức Chúa Ki-tô thúc bách chúng ta làm việc thiện, thúc bách chúng ta vì anh em mà phục vụ như chính Ngài đã phục vụ, như các thánh tông đồ đã phục vụ Hội Thánh và phục vụ cho đến “hi sinh tính mạng vì bạn hữu của mình...”.

Anh chị em thân mến,

Bình an này, chính Đức Chúa Giê-su đã hứa với các tông đồ trong bữa tiệc ly –chiều thứ năm- trước khi đau khổ và chịu chết, Ngài hứa: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không như thế gian ban tặng”. Không như thế gian ban tặng có nghĩa là Ngài đem chính tinh thần của Ngài đặt vào trong tâm hồn, trong quả tim của các tông đồ, để khi các ngài sống và làm việc, thì chính sự bình an này sẽ làm cho mọi người nhận ra Đức Chúa Ki-tô Phục Sinh trong con người của các tông đồ.

Con người ta ai cũng thích có bình an trong tâm hồn, nên luôn cầu chúc cho nhau được bình an, đó là một việc làm tốt đẹp, nhưng sẽ không có bình an thật, nếu tâm hồn chúng ta không có tinh thần Phục Sinh của Đức Chúa Ki-tô, tức là tinh thần tích cực đổi mới con người cũ của chúng ta.

Xin Đức Mẹ Ma-ri-a, Đấng đã vui mừng hoan hỉ vì con mình –Đức Chúa Giê-su- đã phục sinh, luôn ban cho chúng ta được ơn bình an của Chúa trong cuộc sống đời thường.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Chúa Nhật 2 Phục Sinh Kính Lòng Chúa Thương Xót 7/4 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
20:21 05/04/2024

BÀI ĐỌC 1  Cv 4:32-35

Bài trích sách Công vụ Tông Đồ.

Các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giê-su đã sống lại. Và Thiên Chúa ban cho tất cả các ông dồi dào ân sủng.

Trong cộng đoàn, không ai phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, lấy tiền, đem đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tuỳ theo nhu cầu.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  1Ga 5:1-6

Bài trích thư thứ nhất của thánh Gio-an tông đồ.

Anh em thân mến, phàm ai tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, kẻ ấy đã được Thiên Chúa sinh ra. Và ai yêu mến Đấng sinh thành, thì cũng yêu thương kẻ được Đấng ấy sinh ra.

Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình yêu thương con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người.

Quả thật, yêu mến Thiên Chúa là tuân giữ các điều răn của Người. Mà các điều răn của Người có nặng nề gì đâu, vì mọi kẻ đã được Thiên Chúa sinh ra đều thắng được thế gian. Và điều làm cho chúng ta thắng được thế gian, đó là lòng tin của chúng ta.

Ai là kẻ thắng được thế gian, nếu không phải là người tin rằng Đức Giê-su là Con Thiên Chúa? Chính Đức Giê-su Ki-tô là Đấng đã đến, nhờ nước và máu; không phải chỉ trong nước mà thôi, nhưng trong nước và trong máu. Chính Thần Khí là chứng nhân, và Thần Khí là sự thật.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Ga 20:29

Ha-lê-lui-a. Ha-lê-lui-a.
Chúa nói: Này anh Tô-ma, vì đã thấy Thầy, nên anh mới tin. Phúc thay những người không thấy mà tin.
Ha-lê-lui-a.

TIN MỪNG  Ga 20:19-31

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do-thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”

Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em.”

Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ.”

Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến. Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!”

Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”

Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”

Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”

Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép trong sách này. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người.

Đó là Lời Chúa.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nghiên cứu mới cho thấy những thay đổi trong Giáo Hội Công Giáo Hoa Kỳ trong 50 năm qua
Vũ Văn An
13:11 05/04/2024

Tạp chí Crux, ngày 5 tháng 4 năm 2024, cho hay: Trong 50 năm qua, Giáo Hội Công Giáo tại Hoa Kỳ đã chứng kiến rất nhiều thay đổi. Các trường học ở giáo xứ ngày càng nhỏ hơn, ngày càng có ít nam giới trở thành linh mục và việc đi nhà thờ cũng giảm đi.



Một nghiên cứu mới đã xem xét những thay đổi này và chúng đã ảnh hưởng như thế nào đến người Công Giáo trong nước.

FutureChurch (FC) đã ủy quyền cho Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng về Tông đồ (CARA) thực hiện nghiên cứu này để khám phá các đặc điểm của giáo xứ, giáo hội và kinh tế xã hội ở 11 giáo phận từ năm 1970 đến năm 2020.

CARA, liên kết với Đại học Georgetown, là viện nghiên cứu hàng đầu thực hiện các nghiên cứu khoa học xã hội về Giáo Hội Công Giáo.

Một số phát hiện cấp quốc gia của báo cáo mới bao gồm tổng số giáo xứ trên toàn quốc đã giảm 9% từ năm 1970 đến năm 2020; trong cùng khoảng thời gian 50 năm đó, dân số nói chung đã tăng 65% và tổng dân số Công Giáo tăng 46%; từ năm 1970 đến năm 2020, tổng số linh mục trên toàn quốc đã giảm 40%, và về các bí tích trên toàn quốc, các lễ rửa tội giảm 57%; Hôn nhân Công Giáo giảm 78%; và tang lễ Công Giáo giảm 14 phần trăm.

Báo cáo của CARA cho thấy một số mối tương quan giữa các yếu tố kinh tế xã hội và sự tăng trưởng hay suy giảm của các giáo xứ bao gồm việc 9 trong số 11 giáo phận được đưa vào nghiên cứu, số giáo xứ có liên quan tích cực đến cả quy mô dân số Công Giáo và dân số da trắng của giáo phận.

Để so sánh, số lượng giáo xứ có mối liên hệ tiêu cực với quy mô dân số gốc Tây Ban Nha/Latino trong 9 giáo phận và với số người sống dưới mức nghèo khổ ở 8 giáo phận.

Trong mười giáo phận, tỷ lệ trung bình người dân dưới mức nghèo khổ, người thất nghiệp, người da đen/người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha/La tinh ở những khu vực lân cận nơi giáo xứ đóng cửa cao hơn ở những khu vực lân cận nơi giáo xứ mở cửa.

Các giáo phận được sử dụng cho cuộc khảo sát là các tổng giáo phận Baltimore, Chicago, Detroit, Miami, New Orleans, New York, Philadelphia và St. Louis; cũng như các giáo phận Bridgeport, Cleveland và Memphis.



Báo cáo cho thấy một số mối tương quan giữa các yếu tố kinh tế xã hội và sự tăng trưởng hay suy giảm của các giáo xứ, bao gồm cả chín trong số 11 giáo phận được đưa vào nghiên cứu, số giáo xứ có liên quan tích cực đến cả quy mô dân số Công Giáo và dân số Da trắng ở giáo phận.

Bằng cách so sánh, báo cáo cho thấy số giáo xứ có liên quan tiêu cực đến quy mô dân số gốc Tây Ban Nha/Latino trong 9 giáo phận và với số người sống dưới mức nghèo khổ ở 8 giáo phận.

Trong mười giáo phận, tỷ lệ trung bình người dân dưới mức nghèo khổ, người thất nghiệp, người da đen/người Mỹ gốc Phi và người gốc Tây Ban Nha/La tinh ở những khu vực lân cận nơi giáo xứ đóng cửa cao hơn ở những khu vực lân cận nơi giáo xứ mở cửa.

FutureChurch là một tổ chức phi lợi nhuận Công Giáo có trụ sở tại Cleveland, Ohio, được thành lập vào năm 1990. Được nhiều nhà quan sát coi là có khuynh hướng tự do hơn, tổ chức này ủng hộ việc thảo luận cởi mở về việc chấm dứt luật độc thân bắt buộc như một yêu cầu đối với chức linh mục giáo phận, thúc đẩy phụ nữ nắm quyền lãnh đạo Giáo hội và thúc đẩy sự tham gia của giáo dân vào mọi cấp độ đưa ra quyết định của Giáo hội. Nó tuyên bố nó đang duy trì tinh thần của Vatican II trong đời sống của Giáo hội, và đã tích cực ủng hộ ý tưởng của Đức Thánh Cha Phanxicô về một Giáo hội đồng nghị hơn.
 
Đức Phanxicô và sự sụp đổ của Kitô giáo khổ hạnh
Vũ Văn An
16:33 05/04/2024
Richard A. Spinello là Giáo sư Thực hành Quản lý tại Học viện Boston (Boston College) và là thành viên của khoa phụ trợ tại Chủng viện St. John ở Boston. Ông là tác giả của Thông điệp của Đức Gioan Phaolô II: Giới thiệu và Bình luận Sự huy hoàng của Hôn nhân: Tầm nhìn của Thánh Gioan Phaolô II về Tình yêu, Hôn nhân, Gia đình và Văn hóa Sự sống.



Ngày 26 tháng 3 vừa qua, trên tạp chí The Catholic Thing, ông nhận định rằng: Một trong những chủ đề phổ biến trong triều giáo hoàng của Đức Phanxicô là việc tối thiểu hóa những hành vi bất thường về tình dục hoặc “tội lỗi dưới dây thắt lưng”. Ít nhất ba lần ngài đã tuyên bố rằng những tội này ít nghiêm trọng hơn nhiều so với những tội khác như hận thù hay đố kỵ.

Tại một cuộc gặp gỡ với các tu sĩ Dòng Tên Bồ Đào Nha, Đức Phanxicô đã than thở rằng Giáo hội vẫn nhìn điều gọi là “tội lỗi xác thịt” bằng một “kính khuếch đại” giống như Giáo hội đã “làm từ lâu đối với điều răn thứ sáu”. Ngài cho rằng, những tệ nạn khác, chẳng hạn như bóc lột công nhân, nói dối và gian lận, hầu như bị bỏ qua trong khi “tội lỗi dưới thắt lưng thì có liên quan”. Đức Phanxicô tiếp tục giải thích rằng những tội lỗi này đòi hỏi sự nhạy cảm và sự chăm sóc mục vụ một cách sáng tạo. Vì sự phức tạp của chúng, không có giải pháp đơn giản hay nhất dạng nào như sống một lối sống khiết tịnh.

Vài năm trước, trong một cuộc phỏng vấn dài bằng một cuốn sách do Dominique Wolton thực hiện, vị giáo hoàng này cũng truyền đạt một thái độ ngộ đạo về những vi phạm tình dục: “Có một mối nguy hiểm lớn đối với những người thuyết giáo, và đó là việc chỉ lên án đạo đức – thứ lỗi cho tôi – 'dưới dây thắt lưng.'” Ngài tiếp tục nói rằng so với tội hận thù và đố kỵ “tội xác thịt là tội nhẹ nhất, vì xác thịt yếu đuối”. Theo quan điểm này, những tội lỗi nguy hiểm nhất “là tội lỗi của tinh thần” hay “thiên thần thuyết” [angelism], tức tội kiêu ngạo và phù phiếm.

Đức Phanxicô đề cập đến sự ngưỡng mộ của ngài đối với một vị Hồng Y đã tâm sự với ngài rằng ngay khi có ai đó nhắc đến những tội lỗi này “dưới thắt lưng”, ngài ngay lập tức trả lời: “Tôi hiểu, chúng ta hãy tiếp tục”. Bằng cách này, hối nhân hoặc giáo dân sẽ nhận ra rằng “có những lỗi lầm khác còn quan trọng hơn nhiều”.

Người ta tự hỏi vị Hồng Y này sẽ nói gì với một thanh niên bị vướng vào thói hư coi văn hóa khiêu dâm, như nhiều người ngày nay, vì sự thôi thúc này một khi được thỏa mãn có thể dễ dàng phát triển thành một nỗi ám ảnh tê liệt, phá vỡ sự tự chủ trưởng thành của một người. Như Thánh Tôma đã nói với chúng ta, “tư dục, nếu được nuông chiều, sẽ thu thập sức mạnh.”

Có nhiều người Công Giáo tiến bộ với thái độ thù địch theo phản xạ đối với học thuyết luân lý tình dục của Giáo hội, những người đồng ý với nỗ lực của Đức Giáo Hoàng nhằm tối thiểu hóa thực tại của tội lỗi tình dục nghiêm trọng. Họ phàn nàn rằng nỗi ám ảnh của Giáo Hội Công Giáo về tội lỗi tình dục đã làm Giáo hội mất quan tâm đối với các tệ nạn xã hội được đề cập. Trong một bài báo của Washington Post về bài phát biểu của Đức Phanxicô với các tu sĩ Dòng Tên của ngài, David Gibson đã chỉ trích các nhà lãnh đạo Giáo hội Hoa Kỳ vì sự tập trung như tia laser của họ vào “thần học vùng xương chậu” và vì đã “bị giam cầm trong não trạng chiến tranh văn hóa”.

Thái độ dễ dãi của vị giáo hoàng này được phản ảnh trong các trước tác như Amoris laetitia, Fiducia supplicans, và các câu trả lời cho nhiều Dubia (thắc mắc) khác, vốn lặp lại cùng một lý luận rối rắm về sự yếu đuối của xác thịt.

Nguyên tắc này chắc chắn tạo cơ sở cho những thay đổi mục vụ mới được tìm thấy trong Fiducia supplicans, vốn tránh bất cứ sự đề cập nào đến “tội trọng” hoặc nhu cầu “sám hối” khi thảo luận về “các cuộc kết hợp bất hợp lệ”. Nếu rối loạn tình dục không phải là những vi phạm nghiêm trọng như vậy, thì có gì là không đúng đắn khi ban phước cho những cuộc kết hợp đồng tính và bất hợp lệ không sống theo lý tưởng hôn nhân một vợ một chồng, bất khả tiêu?

Tính không chính thống này không những nói lên sự vi phạm triệt để các giáo huấn của những người tiền nhiệm của vị giáo hoàng mà còn tượng trưng cho một sự rút lui khỏi “Kitô giáo khổ hạnh”. Nhà triết học vĩ đại người Ý Augusto Del Noce đã tiên đoán rằng đạo Công Giáo cấp tiến cuối cùng sẽ nhượng bộ trước “sự tấn công khiêu dâm” của xã hội bằng cách bác bỏ các tín lý thánh thiêng của Giáo hội về khổ hạnh và hành xác.

Đúng như dự liệu, những người cấp tiến đã nhiệt tình lập luận rằng các đức tính “riêng tư” như khiết tịnh và trong sạch đã được nhấn mạnh quá mức, đặc biệt là kể từ thời kỳ Phản Cải cách; rằng nền luân lý “sợ tình dục” [sexophobic] này vừa lỗi thời vừa áp chế.

Để chứng thực các chủ trương này, họ dựa vào các trụ cột của nền văn minh, khoa học và xã hội hiện đại, những nền tảng khuyến khích đạo đức tình dục phóng khoáng hơn. Do đó, “Chủ nghĩa duy khoa học” [Scientism] và “chủ nghĩa duy xã hội học” [sociologism], dựa trên một nền tảng mỏng manh, thay thế trật tự siêu việt của tự nhiên và luân lý.

Del Noce đã dự ứng sự phân chia các đức tính này và mối liên hệ của nó với sự xói mòn dần dần của Kitô giáo khổ hạnh. Điều lấp đầy khoảng trống là một “Kitô giáo thế tục hóa” phù hợp hơn với nền văn hóa tự do, hậu hiện đại của chúng ta.

Trong thời điểm mới này của Kitô giáo, các nhân đức xã hội và chính trị (như bác ái), nhằm mục đích thăng tiến thân phận con người, đã quét sạch những nhân đức thụ động và riêng tư như khiết tịnh và thanh khiết.

Do đó, chúng ta hiếm khi nghe vị giáo hoàng này nói về khiết tịnh và sự trong sạch, cũng như những nhân đức này không tìm thấy chỗ đứng trong các tài liệu như Amoris laetitia. Đức Giáo Hoàng Phanxicô hết lời ca ngợi New Ways Ministry, một nhóm thẳng thắn khẳng định lối sống đồng tính luyến ái, nhưng không nói gì về Courage, nhóm kêu gọi sự khiết tịnh phù hợp với giáo huấn của Giáo hội.

Đối với Đức Giáo Hoàng và những người cấp tiến khác, cuộc chiến bảo vệ hôn nhân và gia đình truyền thống hay ngăn chặn tình trạng lăng nhăng tràn lan được coi là ít cấp bách hơn nhiều so với nhu cầu giúp đỡ người nghèo và người bị đàn áp.

Tuy nhiên, nhiều điều kỳ lạ xảy ra khi Giáo hội mất đi sự gắn kết và chỉ tập trung vào các nhân đức công cộng hoặc xã hội. Khi người nghèo và những người bị đàn áp (ví dụ, người châu Phi) bám vào đạo đức tình dục truyền thống, họ sẽ bị gắn nhãn hiệu màu đỏ của sự kỳ thị đồng tính. Kết quả là họ bị những người Công Giáo cấp tiến đối xử một cách nghi ngờ và trịch thượng. Do đó, việc phân chia các nhân đức hóa ra lại gây chia rẽ một cách nghịch lý và cuối cùng làm suy yếu ngay cả sứ mệnh công bằng xã hội của Giáo hội.

Người ta hơi nghi ngờ rằng vị giáo hoàng này đã đưa Giáo hội đến gần hơn với một phiên bản Kitô giáo bị thế tục hóa với tầm nhìn rời rạc và giản lược về nhân đức cũng như sứ mệnh của Giáo hội. Sự phát triển này là một thảm kịch không thể giảm khinh bởi vì một Kitô giáo khổ hạnh bảo tồn và phát huy mọi nhân đức là Kitô giáo đích thực duy nhất.

Kitô giáo khổ hạnh đã bám rễ sâu vào mảnh đất của truyền thống Tông đồ, được chứng kiến bởi vô số vị thánh và các vị tử đạo, và được chính Chúa Giêsu khẳng định, Đấng đã lên án ngay cả điều mà Đức Gioan Phaolô II gọi là “cái nhìn tư dục” như một hình thức “ngoại tình trong lòng” (Mt 5:27).

Những người cấp tiến có thể lập luận rằng họ sáng suốt hơn về những vấn đề này, nhưng ánh sáng của họ lại là thứ tạo ra quá nhiều bóng tối.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Lễ Truyền Tin
Đinh văn Tiến Hùng
15:28 05/04/2024
*LỄ Truyền Tin*
(Lễ Truyền Tin 8/4/24- Lễ Trọng)

Theo truyền thống của Giáo hội, Lễ Truyền tin được cử hành chính xác vào ngày 25 tháng 3, đúng 9 tháng trước lễ Giáng sinh 25 tháng 12. Tuy nhiên, Lễ Truyền tin năm nay 2024 lại rơi vào Tuần Thánh vì vậy Giáo hội theo nghi lễ Rôma không cử hành lễ này vào ngày 25 tháng 3.

Dù vậy, phụng vụ Lễ Truyền tin được phép dời sang một ngày trong tuần tiếp theo nếu không trùng với lễ trọng. Tuy nhiên, sau Tuần Thánh là Tuần Bát Nhật Phục sinh, bởi vậy Lễ Truyền tin phải lùi thêm một tuần nữa.
Năm 2024, Lễ Truyền Tin chính thức được chuyển từ ngày 25 tháng 3 sang Thứ Hai, ngày 8 tháng 4.
Tất cả các bài đọc phụng vụ và lời nguyện của Lễ Truyền tin (25/3) được sử dụng vào ngày 8 tháng 4.

. Tin mừng: Lc 1, 26-38
26 Khi ấy, bà Ê-li-sa-bét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Ga-li-lê, gọi là Na-da-rét, 27 gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giu-se, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Ma-ri-a.
28 Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.”
29 Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì.
30 Sứ thần liền nói: “Thưa bà Ma-ri-a, xin đừng sợ, vì bà được đẹp lòng Thiên Chúa. 31 Này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su.
32 Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người.
33 Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.”
34 Bà Ma-ri-a thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra thế nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng?”
35 Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ toả bóng trên bà; vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.
36 Kìa bà Ê-li-sa-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng, 37 vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.”
38 Bấy giờ bà Ma-ri-a nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Người thực hiện cho tôi như lời sứ thần nói.” Rồi sứ thần từ biệt ra đi.

KINH TRUYỀN TIN
* Xướng: Đức Chúa Trời sai Thánh Thiên Thần truyền tin cho Rất Thánh Đức Bà Maria.
Đáp: Và Rất Thánh Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời.
Đáp: Tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người.
Đáp: Và ở cùng chúng con.

Kính mừng….. Thánh Maria……

Xướng: Lạy Rất Thánh Đức Mẹ Chúa Trời, xin cầu cho chúng con.
Đáp: Đáng chịu lấy những sự Chúa Kitô đã hứa.

LỜI NGUYỆN:
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa ban ơn xuống trong linh hồn chúng con là kẻ đã nhờ lời Thánh Thiên Thần truyền, mà biết thật Chúa Kitô là con Chúa đã xuống thế làm Người, thì xin vì công ơn Chúa chịu nạn chịu chết trên cây Thánh Giá, cho chúng con ngày sau khi sống lại được đến nơi vinh hiển, cũng vì công nghiệp Chúa Kitô Chúa chúng con -Amen


KÍNH MỪNG MARIA

*KÍNH chào Trinh Nữ hiển vinh,
Ngôi Hai bỏ chốn thiên đình cao sang,
Hạ sinh trần thế nghèo nàn,
Chọn Bà làm Mẹ vinh quang hơn người.

MỪNG đón hạnh phúc tuyệt vời,
Nhờ ơn cứu độ loài người đổi thay,
Lời nguyền tha tội từ đầy,
Này E-Và Mới tràn đầy hồng ân.

MARIA trinh tuyết vô ngần,
Một lời thề hứa ‘Xin Vâng’ vẹn toàn,
Đồng công cứu chuộc nhân gian,
Cùng con Thiên Chúa hoàn toàn hiến dâng.

ĐẦY tràn muôn phúc bội phần,
Từ tay Thiên Chúa nguốn ân cứu đời,
Chắp tay con nguyện xin Người,
Tuôn ơn lành xuống như trời đổ mưa.

ƠN Mẹ con nói sao vừa,
Ngàn lời ca tụng vẫn chưa thỏa lòng,
Đời con chỉ biết cậy trông,
Phó trong tay Mẹ xác thân tâm hồn.

PHÚC thay những lúc cô đơn,
Về nương bóng Mẹ là nguồn ủi an,
Cuộc đời dù lắm gian nan,
Không còn đau khổ với hàng lệ rơi.

ĐỨC Maria Mẹ Chúa Trời,
Trạng Sư quyền thế muôn đời ngợi ca,
Người là Từ Mẫu giao hòa,
Cầu xin Thiên Chúa thứ tha loài người.

CHÚA thương nhân loại Mẹ ơi !
Mặc thân xác xuống làm người trần gian,
Cùng Mẹ nhận sống nghèo nàn,
Chết trên Thập Giá ơn ban cứu đời.

TRỜI cao giáng phúc muôn nơi,
Mưa hồng ân xuống đất trời hoan ca,
Gieo nguồn nắng ấm chan hòa,
Làm cho trần thế nở hoa reo mừng.

Ở đời cuộc sống mông lung,
Biển trần giông tố chập chùng vây quanh,
Thuyền con lạc lối bồng bềnh,
Mẹ là Sao Sáng lộ trình dẫn đưa.

CÙNG con ngày tháng sớm trưa,
Ủi an phù trợ nắng mưa ân cần,
Đời con biết bao lỗi lầm,
Mẹ luôn che chở tấm thân mọn hèn.

BÀ được Thiên Chúa nâng lên,
Xác hồn thanh khiết ngự trên thiên đình,
Loài người muôn vật cúi mình,
Tôn vinh Mẹ Chúa hiển vinh muôn đời.

Lời nguyện

Lạy Chúa, Chúa đã cho Con Một Chúa mặc lấy xác phàm trong lòng Đức Trinh nữ Maria để cứu độ loài người. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin cho chúng con luôn sẵn sàng đón rước Chúa Kitô là sự cứu rỗi và bình an của chúng con, để cuộc đời chúng con tràn ngập niềm vui và hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Chúa hằng sống và hiển trị muôn đời. Amen.

(*)Ghi chú :
Việt Nam xưa nơi các họ đạo mỗi buổi trưa khi nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên, dù đang làm việc ngoài đồng hay ở nhà, đều ngưng công việc đọc kinh Truyền tin. Nay ở nước ngoài vì hoàn cảnh xã hội, truyền thống tốt đẹp này không còn giữ được. Thật đáng tiếc!
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương Ba 2
Vũ Văn An
19:23 05/04/2024

Chương ba: Thần học và những thống khổ của thời hiện đại, tiếp theo



Học thuyết Tôma về Tuân thủ Nghiêm ngặt

Hệ thống Tôma nào bị nền thần học mới – và sau đó là một số nhóm cấp tiến phát sinh từ Công đồng Vatican II – chống lại? Rất khó để gán nó cho bất cứ con người đặc thù nào. Garrigou-Lagrange dường như nằm trong danh sách của hầu hết mọi người. Các tác giả Rôma của các sách giáo khoa thần học bằng tiếng Latinh cũng thường xuất hiện trong bản cáo trạng, đặc biệt là Louis Billot, Dòng Tên. Bất kể công lý của việc gán một nền thần học khá hạn hẹp và độc đoán cho bất cứ cá nhân nào hoặc cho toàn bộ phong trào nào có ra sao, các nhà thần học mới hơn có cơ sở lịch sử và thần học quan trọng để coi các khái niệm, nguyên tắc và giả định căn bản trong học thuyết Tôma mà họ gặp phải như khuôn khổ thống trị lúc đó cho các nghiên cứu thần học Công Giáo. Như chúng ta đã thấy trong các chương trước về triết học, một trong những lời buộc tội mạnh mẽ nhất có thể được đưa ra đối với hình thức đặc biệt này của chủ nghĩa Tân Tôma là, trong khi tìm cách chống lại các quan niệm khác nhau về lý tính, nhận thức luận và đạo đức bắt nguồn từ điều bị nhiều người ngày nay coi như một sự ngạo mạn đáng ngờ của phong trào Ánh sáng, chính những người Công Giáo chống đối đã chấp nhận một số giả định của phong trào Ánh sáng làm cho học thuyết Tôma của họ khác với học thuyết của Thánh Tôma - thực sự, là một loại chủ nghĩa duy lý hiện đại. Điều này có thể chứng minh nhiều cách bằng tài liệu.

Có lẽ bằng chứng mạnh mẽ nhất về một phản ứng thái quá nào đó đối với các mối đe dọa của thuyết duy hiện đại phát xuất từ chính Vatican. Sau sự sáng chói và cởi mở của Đức Lêô XIII đối với các trào lưu hiện đại khác nhau, người kế vị của ngài đã nhanh chóng chuyển sang một lập trường rất khác. Đức Piô X, một người chân thành nhưng đơn giản hơn nhiều với những quan tâm mục vụ mạnh mẽ, chỉ 5 năm sau khi khai màn triều giáo hoàng của ngài (1907) đã ban hành Danh mục các Sai lầm, Lamentabili Sane Exitu [Với các hậu quả thực sự đang tiếc], ngay sau đó là một thông điệp, Pascendi Dominici Gregis [chăn dắt Đoàn chiên Chúa], tìm cách đẩy lùi nhiều “thuyết duy hiện đại” đe dọa cả bên trong lẫn bên ngoài Giáo hội. Năm 1910, ngài thiết lập lời thề trung thành cho các giáo sĩ, Sacrorum Antistitum [phản đề của thánh thiêng], và vào năm 1914, Tòa thánh ban hành Hai mươi bốn luận đề trong triết học Tôma mà các nhà triết học và thần học Công Giáo (những người dựa trên cơ sở triết học để phân tích thần học của họ) duy trì. (14) “Thuyết duy hiện đại” là một vấn đề thực sự đối với Giáo hội bởi vì nhiều khái niệm đương thời khác nhau về siêu hình học, đạo đức, tâm lý học và các lĩnh vực khác vào đầu thế kỷ 20 rất khó hoặc không thể dung hòa với đạo Công Giáo. Dù sao chúng cũng không phải là những điều hoàn toàn chắc chắn như tư tưởng hậu hiện đại sau đó đã chỉ ra. Tuy nhiên, ngay việc liệt kê các tài liệu của giáo hoàng và mục tiêu của chúng cũng là để thấy, ít nhất khi nhìn lại, rằng các công cụ được sử dụng để đối diện với vấn đề rất có thực này có thể có một số tiện ích đối với kỷ luật của Giáo hội nhưng không thực sự phù hợp với việc giải quyết thách thức trí thức. (15)

Thí dụ, Lamentabili đưa ra sáu mươi lăm luận đề đáng bị lên án. Hầu hết những điều này, cách này hay cách khác, đều đụng đến vấn đề đang ngày càng gia tăng trong các nghiên cứu Kinh thánh mà vào thời điểm đó, dường như đặt việc phân tích các bản văn theo phương pháp phê bình-lịch sử chống lại truyền thống và giáo huấn của Giáo hội. Phương thức phê bình-lịch sử đã và đang được sử dụng cho Công Giáo, nhưng nó cũng có những hạn chế mà, theo nhiều cách, thực sự có thể gợi ý việc cần phải có một cộng đồng tin tưởng—như chính các học giả cũng hiểu rõ hơn vào cuối thế kỷ này.(16) Các giả định duy tự nhiên trong những nghiên cứu như vậy có xu hướng hạ giá các khái niệm như sự mặc khải thần linh, ơn linh hứng, thiên tính của Chúa Kitô, việc Thiên Chúa thiết lập Giáo hội và các niềm tin tiền hiện đại khác, các điều, nếu được xử lý đúng cách, hoàn toàn có thể bảo vệ được. Nhưng Lamentabili đưa ra bản cáo trạng của mình chủ yếu dưới hình thức kỳ lạ của những mệnh đề phủ định như thế này: “4. Ngay cả bằng những định nghĩa tín điều, huấn quyền của Giáo hội cũng không thể xác định được ý nghĩa đích thực của Kinh thánh.” Những người Công Giáo trung thành không thể chấp nhận những mệnh đề tiêu cực như vậy, một tiêu cực kép mà ngay cả nhiều triết gia trung thành—Étienne Gilson, hầu như không phải là người duy hiện đại chống học thuyết Tôma, trong số họ—và các nhà thần học đã tìm thấy một cách tiếp cận kỳ lạ chỉ dựa trên cơ sở luận lý học. Quan điểm căn bản của tài liệu được tóm tắt trong mệnh đề cuối cùng bị lên án: “65. Công Giáo hiện đại chỉ có thể dung hòa với khoa học chân chính nếu nó được biến đổi thành một Kitô giáo không có tín điều; có nghĩa là, thành một đạo Thệ phản rộng rãi và cấp tiến.”

Vài tháng sau, Đức Piô X đã giải quyết vấn đề một cách chi tiết hơn trong Pascendi Dominici Gregis [Chăn dắt Đoàn chiên của Chúa]. Trong thông điệp này, ngài trả lời toàn bộ các giả định duy tự nhiên. Nhưng thậm chí, ngài còn tiếp nhận ý niệm cho rằng tôn giáo bắt nguồn từ kinh nghiệm và tình cảm cá nhân. Điều này, có lẽ, đã trở thành mấu chốt của cuộc tranh luận giữa những người theo thuyết Tôma nghiêm khắc, những người bảo vệ quan niệm thần học khoa học đã có được sự chắc chắn, và những nhà thần học mới hơn, những người coi ước muốn tự nhiên về Thiên Chúa, thuộc loại này hay loại khác, và tình yêu giữa người trong cộng đồng vừa như một phần không thể tránh của thần học, vừa như con đường bình thường hơn để qua đó, các tín hữu đến với đức tin (chính Thánh Tôma đã nói ở một số chỗ rằng ít người có khả năng, cơ hội hoặc thời gian để trở thành triết gia và nhà thần học theo nghĩa chặt chẽ). Những người theo học thuyết Tôma đã và vẫn đúng khi cho rằng một đức tin không có những chân lý lâu đời và đáng tin cậy thì không phải là một đức tin cho lắm, và những chân lý đó không thể bị giới hạn tiên nghiệm bởi những giả định vốn có tính duy giản lược và đáng nghi ngờ. Nhưng toàn bộ Kinh thánh cho thấy rằng, ngay cả khi chính Thiên Chúa là người viết, thủ tục thông thường của Người cũng không phải là tiến hành theo cách của các chuyên luận thần học và triết học. Người kêu gọi tâm và trí của dân Người. Cả hai yếu tố đều cần thiết và trong thế kỷ 21 vẫn chưa tìm thấy sự cân bằng hữu ích nào cho hầu hết người Công Giáo, những thành viên của một Giáo hội ngay từ đầu đã tự hào về việc chấp nhận cả đức tin lẫn lý trí.

Pascendi tạo ấn tượng ở đâu cũng thấy các mối đe dọa: những người duy hiện đại bên ngoài Giáo hội, những người duy hiện đại bên trong Giáo hội, khoa học, nhân chủng học và chính trị. Trong suy nghĩ tổng thể của đức Piô rất khó đánh giá khi nhìn lại Tầm ý nghĩa của phạm trù cuối cùng. Ở Đức, Kulturkampf (“chiến tranh văn hóa”) của Bismarck chống lại Giáo hội vẫn còn nguyên trong ký ức. Chính phủ Pháp dưới thời Émile Combes vừa đặt các dòng tu ngoài vòng pháp luật và hầu như đã đặt toàn bộ Giáo hội Pháp dưới sự kiểm soát của nhà nước. Những gì xảy ra ở Pháp vào thời điểm đó đã gây ra hậu quả nghiêm trọng trên khắp châu Âu và quá thế nữa. Ở Ý, Đức Giáo Hoàng là “tù nhân của Vatican” kể từ khi Vittorio Emanuele xâm chiếm các Quốc gia thuộc quyền Giáo hoàng (1870) và thu nhỏ quyền tài phán chính trị của giáo hoàng chỉ còn là Leonine hoặc Thị Quốc Vatican, phá hủy gần 500 nhà dòng và phân tán hơn 12,000 tu sĩ. (17) Và rõ ràng là Đức Piô X muốn cảnh cáo các giám mục của mình về một phong trào tiềm ẩn hướng tới dân chủ trong chính Giáo hội: “Hãy lưu ý ở đây, thưa các huynh đệ đáng kính, sự xuất hiện của học thuyết nguy hiểm nhất sẽ làm cho giáo dân trở thành nhân tố tiến bộ trong Giáo hội” (đoạn 27).

Đây không phải là một đánh giá hoàn toàn sai lầm về các vấn đề Công Giáo, tuy nhiên nó có thể tỏ ra độc đoán hoặc duy ưu tú ở các quốc gia dân chủ. Khá nhiều những điều vô nghĩa đầy tính duy cảm về “dân Chúa” xuất hiện sau Công đồng Vatican II, khi rõ ràng là điều thường xuất hiện trong việc trao quyền cho một hàng ngũ giáo dân chưa được chuẩn bị khó lòng là bất cứ điều gì được người Công Giáo—hay Thệ phản—trong quá khứ có thể coi là đức tin và luân lý Kitô giáo. Ngoài ra, sau Công đồng Vatican II, các giáo sĩ bất đồng chính kiến bắt đầu sử dụng các phương tiện truyền thông như một đồng minh công khai để gây sức ép với các thẩm quyền Giáo hội, điều mà Đức Piô X cũng đã lường trước. Tất nhiên, Đức Phaolô VI là nạn nhân dễ thấy nhất của một chiến dịch truyền thông. Một ngày sau khi ngài ban hành thông điệp Humanae Vitae năm 1968, tái khẳng định các lệnh cấm ngừa thai của truyền thống Công Giáo (và có lúc cả Thệ Phản nữa), một quảng cáo nguyên trang xuất hiện trên tờ New York Times có chữ ký của nhiều giáo sĩ. Chiến thuật này trở nên rắc rối đến nỗi vào năm 1990, khi ban hành một tài liệu về vai trò của thần học gia trong Giáo hội (Donum Veritatis [ơn phúc chân lý]), Vatican đã yêu cầu họ hạn chế sử dụng các phương tiện truyền thông và thay vào đó, chấp nhận một con đường đối thoại chậm hơn và yên tĩnh hơn hướng tới sự thật. Tất nhiên, lời đề nghị đã vấp phải sự phẫn nộ giận dữ.

Chỉ riêng giọng điệu của Pascendi mà thôi cũng đã khiến người ta khó mà thích cho được, bất kể sự thật cứng rắn và dự ứng các vấn đề của nó. Chẳng hạn, không hoàn toàn sai lầm khi nó nói một cách hùng hồn rằng nhiều người trong số những người chỉ trích Công Giáo đã thực sự tiến hành theo “một triết lý vay mượn từ sự phủ định Thiên Chúa, và một tiêu chuẩn bao gồm chính họ” (đoạn 34). Nhưng việc vội vàng mô tả bất kứ kinh nghiệm bản thân nào về tôn giáo như có tính duy chủ quan đã làm suy yếu rất nhiều lòng mộ đạo và lòng sùng kính phổ biến của Công Giáo. Và hình ảnh của nó về những kẻ bất đồng chính kiến đồi trụy và quỷ quyệt không lưu ý tới thẩm quyền của Giám Mục Rôma không được hoan hô một thế kỷ sau và trông không đẹp đẽ bao nhiêu vào thời điểm nó xuất hiện. Ngoài ra, ngay cả khi các thành phần “bất khả tri và duy nội tại [immanentist]” (đoạn 34) bị loại trừ một cách hợp lý, thông điệp dường như đặt toàn thể Giáo Hội Công Giáo, như John Henry Newman đã thể hiện một cách xuất sắc, chống lại ý tưởng cho rằng các học thuyết có thể được phát triển, nghĩa là, xây dựng theo nhiều cách khác nhau mà không từ bỏ kho tàng đức tin nguyên thủy. Pascendi dường như chỉ nhìn thấy mối nguy hiểm trong sự thay đổi hoặc phát triển dưới bất cứ hình thức nào và do đó, dường như đề xuất một Giáo hội tĩnh tụ tự hào bỏ qua sự tham gia với thế giới hiện đại — tức là thế giới mà trong đó, người Công Giáo và Giáo hội đang sống.

Nhưng còn khó biện minh hơn nữa là tài liệu tiếp theo vài năm sau đó, khi những lời thề trung thành và các quan điểm triết học bắt buộc được Rôma áp đặt. Pascendi đã đặc biệt khổ công chỉ ra rằng các mục tiêu của những “nhà cải cách” theo thuyết duy hiện đại trong Giáo hội, những người chuyển Thánh Tôma về quá khứ của triết học trong việc đào tạo tại chủng viện và sẽ thay đổi đặc tính phẩm trật của Giáo hội, là đặc biệt nguy hại vì họ đại diện cho một kẻ thù bên trong. Ngay cả sự độc thân của linh mục cũng sẽ bị bãi bỏ. Để chống lại thứ Công Giáo tiếp tay cho ngoại thù này [fifth column], một mạng lưới những người cung cấp thông tin được gọi là Sodalitium Pianum (Hiệp hội Piô, trong tiếng Pháp gọi là La Sapinière) đã ra đời, chủ yếu ở Ý và Pháp, và tiếp tục tồn tại cho đến thập niên 1920, với mục tiêu báo cáo những giáo sĩ không đáng tin cậy cho Rôma. Khi Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô XV được bầu vào năm 1914, ngài đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng Văn phòng Thánh [Bộ Giáo lý Đức tin ngày nay] có một hồ sơ về ngài và ngài đã giải tán Hiệp hội này. Pascendi lặp lại những lời của Đức Lêô XIII về tầm quan trọng của siêu hình học Kinh viện và nghiên cứu đúng đắn về khoa học, nhưng sau đó quay qua lệnh chỉ bổ nhiệm những người trung thành với quan điểm đó — điều mà Đức Lêô chưa bao giờ đề xuất — và loại bỏ những người không trung thành. Các sách và tạp chí “duy hiện đại” phải bị tách xa khỏi các chủng sinh. Đức Lêô cũng đã cảnh cáo về những điều này, nhưng không phải với những mệnh lệnh sâu rộng như vậy. Các cơ quan kiểm duyệt để ngăn chặn việc xuất bản các sách tôn giáo không đáng tin cậy đã được trao nhiều quyền hạn. Và như thể điều này vẫn chưa đủ, các hội nghị của linh mục hoặc giáo dân, những người có thể giải quyết các vấn đề liên quan đến Giáo hội phải được giữ ở mức tối thiểu và “Ủy ban Giám sát Giáo phận” được thành lập. Các giám mục và người đứng đầu các dòng tu được hướng dẫn báo cáo trong vòng một năm về việc họ thực hiện các quy tắc này và ba năm một lần sau đó.

Do đó, Lời thề chống duy hiện đại được ban hành vào tháng 9 năm 1910, được duy trì cho đến năm 1967, bắt đầu: “Tôi kiên quyết chấp nhận và chấp nhận từng và mọi định nghĩa đã được đặt ra và tuyên bố bởi cơ quan có thẩm quyền giảng dạy không sai lầm của Giáo hội” và tiếp tục, “ đặc biệt là những chân lý chính đối lập trực tiếp với những sai lầm hiện nay”. Những sự thật này, trong căn bản, có năm: sự hiện hữu của Thiên Chúa có thể được biết đến dưới ánh sáng của lý trí tự nhiên; các dấu hiệu thần linh — phép lạ và lời tiên tri—là bằng chứng chắc chắn về nguồn gốc thần linh của Kitô giáo; Giáo hội và quyền lực Phêrô là định chế thần linh; các tín điều cấu thành kho tàng thần linh của đức tin không thể thay đổi ý nghĩa của chúng; và đức tin đó không phải là một tình cảm trào dâng lên từ trái tim mà là “sự thuận ý thực sự của trí hiểu đối với sự thật nhận được khi nghe từ một nguồn bên ngoài”. Đã có và vẫn có những lập luận xác đáng cho mỗi điểm này, mặc dù điểm cuối cùng, khi được giải thích quá nghiêm ngặt, trong yếu tính, sẽ loại trừ gần như toàn thể nhân loại khỏi việc sở hữu đức tin chân chính. Thí dụ, điểm đầu tiên thường được ủng hộ bởi Aristốt, Thánh Phaolô và Thánh Tôma Aquinô –ba nhân vật chắc chắn rất khác nhau, nhưng là những người có các ý tưởng vốn không được các triết lý phản siêu hình hiện đại đơn giản khai thác. Phần còn lại của lời thề, trong yếu tính, phủ nhận rằng các phương pháp phê bình lịch sử hiện đại có thể đưa ra một cách chân chính sự phân chia giữa sự thật lịch sử và bản văn Kinh thánh, cách giải thích nó trong truyền thống, hoặc bản chất của đức tin đã được các Giáo phụ thiết lập từ lâu.

Tất cả những điều này cũng khá đúng, được hiểu một cách đúng đắn, nhưng lời thề đã tạo ấn tượng thậm chí không muốn biết làm thế nào những phương pháp này có thể tiếp tục được biện minh hoặc được truyền bá trong bối cảnh đương thời:

“Vì vậy, tôi kiên quyết giữ vững đức tin của các Giáo phụ, và sẽ giữ nó cho đến hơi thở cuối cùng của cuộc đời tôi, liên quan đến đặc sủng vững vàng của sự thật, vốn hiện hữu, đã hiện hữu và sẽ luôn hiện hữu trong sự kế thừa của các giám mục từ các tông đồ; không phải để những gì được duy trì là những gì có vẻ tốt hơn hoặc phù hợp hơn với nền văn hóa của mỗi thời đại, mà để chân lý tuyệt đối và không thể thay đổi được các tông đồ rao giảng ngay từ đầu có thể không bao giờ được tin hoặc hiểu theo cách khác.

“Tất cả những điều này tôi cam kết sẽ tuân giữ một cách trung thành, trọn vẹn và chân thành, đồng thời luôn canh chừng chúng, không bao giờ rời xa chúng dù trong việc giảng dạy hay trong bất cứ cách nào bằng lời nói hay bằng văn bản. Tôi hứa như vậy, tôi thề như vậy, vì vậy xin Chúa giúp tôi [v.v.]. (Pius X, Tự sắc Sacrorum Antistitum)

Mục tiêu trung thành là mục tiêu đúng đắn, nhưng khó mà nói được rằng các phương tiện được đề xuất và cách thức phát biểu chúng đều đúng đắn như nhau, và việc minh nhiên từ chối cố gắng nói theo cách để người ta có thể nghe được trong nền văn hóa đương thời đã dọn đường cho một vụ bùng nổ. Khi tại Công đồng Vatican II, như sẽ thấy dưới đây, Giáo hội quyết định thực hiện một nỗ lực nghiêm túc để tiếp xúc với nền văn hóa hiện đại, thì kết quả lại là một chủ nghĩa cực đoan đối nghịch nhằm biến nền văn hóa đó thành một cây gậy để đo lường — và đôi khi đánh bại — Đạo Công Giáo.

Các vấn đề với não trạng pháo đài càng trở nên rõ ràng hơn trong 24 luận đề của học thuyết Tôma do Vatican công bố năm 1914. Như chúng ta đã thấy trước đây, có rất nhiều học thuyết Tôma, và một số khá sáng tạo và phong phú, thậm chí cho đến tận thế kỷ 21. Giống như Aristốt và Platông sẽ không bao giờ bị loại bỏ khỏi triết học, điều tương tự cũng có thể nói về Thánh Tôma và Thánh Augustinô trong triết học và thần học Công Giáo. Bộ Giáo dục “đề xuất” những luận đề này như những cách thích hợp để hiểu Thánh Tôma, nhưng những người khác coi động thái này như nói lên các nguyên tắc phải được “áp đặt”, đặc biệt đối với các chủng sinh đang chuẩn bị sơ bộ cho việc học thần học đúng nghĩa. Hầu hết chúng là một kiểu đọc tiêu chuẩn các nguyên tắc của Aristốt và Thánh Tôma, nhưng thật khó biết tại sao 24 nguyên tắc này đã được chọn. Bảo đảm ý niệm cho rằng có một “sự khác biệt hữu thể học” giữa Hữu thể của Thiên Chúa và hữu thể thụ tạo của các tạo vật có vẻ quan trọng đối với những người muốn phân biệt Thánh Tôma với Duns Scotus hoặc Suârez hoặc để tránh thuyết phiếm thần và những mớ hỗn độn siêu hình khác, nhưng chúng dường như pha mình một cách không cần thiết vào trận chiến chống thuyết duy hiện đại. Luận đề 22 lập luận một cách hợp lý rằng chúng ta biết Thiên Chúa, không phải bằng trực giác tức thời, nhưng bằng cách từ từ tìm hiểu bản chất của Thiên Chúa thông qua một thứ giống như Năm Con Đường của Thánh Tôma. Tuy nhiên, Luận đề 15 dường như gợi ý rằng “sự phú hồn” [ensoulment] không xảy ra cho đến khi bào thai đạt đến một giai đoạn phát triển nào đó—đúng với sinh học thời trung cổ của Thánh Tôma, nhưng là một vấn đề đối với các cuộc đấu tranh chống phá thai của Công Giáo hiện nay. Étienne Gilson và những người khác vào thời điểm đó, những người không thể bị buộc tội theo duy hiện đại, coi toàn bộ thao tác này là không đúng với Thánh Tôma.

Dù sao, toàn bộ sự phát triển này dưới thời Đức Piô X trong việc tìm cách chống lại thuyết duy hiện đại bằng các nguyên tắc Kinh viện và hạn chế ngay cả những nguyên tắc này vào những đề xuất gây tranh cãi đã tạo hậu cảnh cả cho việc phát triển hữu hiệu nền thần học của học thuyết Tôma trong thế kỷ 20 lẫn cho la nouvelle théologie [Nền Tân thần học], một cái tên có tính bác bỏ công trình của cả một nhóm các nhà thần học—Maurice Blondel, Marie-Dominique Chenu, Yves Congar, Jean Daniélou, và Henri de Lubac—của Reginald Garrigou-Lagrange. (18) Họ, cùng với nhà thần học vĩ đại Hans Urs von Balthasar, đã trả đũa sự ác ý này; von Balthasar gọi triết học và thần học duy lý mỏng manh mà ngài đã học ở chủng viện là “học thuyết Tôma mùn cưa”. Von Balthasar là một người trình bầy nổi bật quan điểm cho rằng điều đang được nghiên cứu không phải là Thánh Tôma Aquinô đích thực, mà là một Chủ nghĩa Kinh viện Baroque đầy tính phòng thủ và hợp lý hóa quá mức bắt nguồn từ những cuộc đấu tranh của Francisco Suârez chống lại phong trào Cải cách: “khi cảm giác đối với vinh quang Thiên Chúa đã mất đi— vinh quang đó tràn ngập toàn bộ Mạc khải nhưng không được chủ nghĩa duy lý khái niệm tri nhận, hoặc liên quan đến điều mà nó giữ im lặng, hoặc điều mà nó loại bỏ hoàn toàn bằng phương pháp”. Và, theo ngài, phương thức thực hiện thần học này “hủy tiêu kinh nghiệm về thực tại và giam hãm tư duy trong một lĩnh vực được đặc trưng bởi những dự đoán đơn thuần, có tính yếu tính, bởi trò chơi phân tích và tổng hợp các khái niệm, và do đó bởi sự đối lập chủ quan bên trong của hành vi tư duy (noesis) và nội dung của tư duy (noema).” (19) Tuy nhiên, không những von Balthasar mà cả Chenu và de Lubac đã chú ý rất nhiều đến Thánh Tôma và tìm cách trình bày tác phẩm của ngài một cách đầy đủ hơn mà, theo một thời trang, có thể được coi là một phần của sự đổi mới học thuyết Tôma mà Đức Lêô XIII đã khuyến khích.

Vào thời điểm đó, la nouvelle théologie một phần bị nhầm lẫn với loại thuyết duy hiện đại phủ nhận nhiều điều không thể thiếu đối với đức tin Công Giáo và niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa vốn được hiểu theo truyền thống Do Thái giáo và Kitô giáo. Nhưng nhìn lại, điều này đã được chứng minh là một việc đồng nhất hóa sai lầm. Các nhân vật chính được trưng dẫn ở trên đã chứng tỏ là rất quan trọng đối với sự hiểu biết chính thống về Công đồng Vatican II— tức nền “thông diễn liên tục” mà Joseph Ratzinger (Bênêđictô XVI) thường nói đến. Một nhóm cấp tiến hơn—Karl Rahner theo một số tâm trạng nào đó, Hans Küng trong hầu hết các khía cạnh, và một số nhóm khác với các mức độ dị thống khác nhau—dường như số phận không cho đóng một vai trò lâu dài trong tư tưởng Công Giáo, mặc dù Rahner, từng là một nhân vật vĩ đại vốn thống trị tư tưởng và nghiên cứu tại chủng viện và có ảnh hưởng lớn ở Vatican II, có thể tiếp tục có một số ý nghĩa. Ngược lại, những nhân vật người Pháp lãnh đạo nền thần học mới vẫn có thể có tầm quan trọng như cách hiểu cân bằng hơn về Vatican II.

Một trong những chủ đề phụ trong cuộc xung đột giữa thần học của phái Tôma nghiêm ngặt và các hình thức thần học mới hơn là mối liên hệ giữa các sự thật vượt thời gian và sự mặc khải lịch sử. Tất nhiên, những người theo học thuyết Tôma có xu hướng trở thành quán quân cho một nền thần học có tính khoa học và được đặt nền tảng trên các loại suy tư khách quan, phi thời gian trong siêu hình học Hy Lạp cổ điển. Các nhà thần học mới hơn, dựa vào các Giáo phụ và các nhánh khác trong truyền thống, đã nhấn mạnh hơn tới công việc của Thiên Chúa trong lịch sử, như được chứng minh trong Kinh thánh và đời sống của Giáo hội, và sự cần thiết Giáo hội phải tìm ra một cách trả lời cho các câu hỏi đặt ra cho Giáo Hội trong mọi thời đại. Cuộc tranh cãi có thể phức tạp hơn bởi sự kiện này là các người Thệ Phản cấp tiến trong nhiều thập niên đã chỉ trích việc “Hy lạp hóa” Kitô giáo như không trung thành với Tin Mừng, do đó khiến các nhà thần học mới hơn dường như đang đi theo con đường mà các người Thệ phản đã đi với những kết quả không mấy hài lòng, theo quan điểm Công Giáo. Trong Bài giảng nổi tiếng ở Regensburg năm 2006 của ngài, Đức Bênêđictô XVI—một trong những nhà tư tưởng lỗi lạc về khía cạnh lịch sử của các sự vật khi còn là một thần học gia học thuật—đã chỉ trích ba giai đoạn của diễn trình “giải trừ Hy Lạp hóa”: bởi Luther, nổi tiếng nhất là việc ông này bác bỏ lý trí; bởi Kant, trong việc ông này định đề đức tin như lý lẽ bên ngoài; và bởi Harnack, khi ông này tuyên bố rằng “các bổ sung” Hy Lạp vào Tin Mừng là có sau này và bất hợp pháp. Có lẽ khi nhìn lại quá trình thế kỷ 20, Đức Bênêđíctô—trớ trêu thay, một người theo trường phái Augustinô hơn là một người theo trường phái Tôma—đã coi cả lịch sử lẫn phi thời gian như những yếu tố thiết yếu của một Kitô giáo trọn vẹn luôn cần được hòa giải hơn nữa khi những vấn đề mới xuất hiện. (20)

Sẽ rất hữu ích nếu xem xét kỹ điều mà các người theo học thuyết Tôma xưa hơn cho rằng nền thần học mới đang phủ nhận. Trong bài tiểu luận sắc bén của mình “Thần học mới đang đi về đâu?”, (21) Garrigou-Lagrange đưa ra một số cáo buộc chuyên biệt. Trước tiên, ngài đề cập đến cuộc tranh cãi, hiện diện trong nhiều tác giả, cho rằng thần học phải liên tục thay đổi để hiện hành ngõ hầu không trở thành một thần học sai lầm. Có hai cách để hiểu tuyên bố này. Một cách dường như ngài không nhìn thấy: đó là khi những câu hỏi mới nảy sinh hoặc những cách diễn đạt cũ có thể bị hiểu sai, thì thần học phải tìm ra một phương thức thay đổi cách trình bày mà không làm thay đổi bản chất. Cách kia được ngài chộp lấy: giả sử, nếu các khái niệm như tự nhiên, con người, bản thể, ngẫu nhiên, biến đổi bản thể, Sự Hiện diện Thực sự, tội lỗi, ân sủng, v.v., không phải là “bất biến từ căn bản” theo nghĩa chúng được khai triển trong Thánh Tôma, dựa vào những phạm trù của Aristốt, thì làm sao có những chân lý bất biến trong đạo Công Giáo? Và làm sao một nhà thần học nổi tiếng có thể nói, “Việc khẳng định được phát biểu trong chúng vẫn còn”? Đây là một điểm tế nhị trong thần học sau này bởi vì, khi công bố Vatican II, Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII đã nói rõ ràng rằng ngài hy vọng các chân lý lâu đời của đức tin sẽ vẫn còn nhưng bằng cách thay đổi cách diễn đạt, chúng có thể được trình bày theo một hình thức phù hợp hơn với thời hiện đại. Các nhà triết học hiện đại về ngôn ngữ có thể ủng hộ Garrigou-Lagrange ở đây vì những thay đổi trong ngôn ngữ không dễ phân biệt với những thay đổi trong tư duy.

Garrigou-Lagrange đích danh chỉ trích Maurice Blondel vì đã đề xuất rằng chân lý nên được tìm kiếm trong “sự phù hợp của tâm trí và cuộc sống” thay vì “sự cân bằng [adequation] của trí hiểu và thực tại” – công thức Kinh viện cũ. Ngài viết tiếp: “Thật nguy hiểm khi nói: ‘Ý tưởng thay đổi, lời khẳng định vẫn còn.’ Nếu ngay cả ý tưởng về sự thật cũng thay đổi, thì những lời khẳng định không còn đúng theo cùng một cách, cũng như theo cùng một ý nghĩa”. Hơn nữa, sự thay đổi này sẽ làm thay đổi ý nghĩa của thần học:

“Thần học không gì khác hơn là một kinh nghiệm tâm linh hay tôn giáo tìm được biểu thức trí thức của nó.” Và vì vậy, hãy làm theo những khẳng định như: “Nếu thần học có thể giúp chúng ta hiểu được linh đạo, thì linh đạo, trong những trường hợp tốt nhất, sẽ làm cho các phạm trù thần học của chúng ta bùng nổ, và chúng ta buộc phải hình thành các loại thần học khác nhau.... Vì mỗi linh đạo vĩ đại tương ứng với một nền thần học vĩ đại.” Điều này có nghĩa là hai nền thần học có thể đúng, ngay cả khi luận điểm chính của chúng mâu thuẫn và đối lập nhau hay không? Câu trả lời sẽ là không nếu người ta tuân theo định nghĩa truyền thống về sự thật. Câu trả lời sẽ là có nếu người ta chấp nhận định nghĩa mới về chân lý, được quan niệm không liên quan đến hữu thể và các quy luật bất biến, mà liên quan đến các trải nghiệm tôn giáo khác nhau. Những định nghĩa này chỉ tìm cách hòa giải chúng ta với thuyết duy hiện đại.

Đây không phải là một khẳng định dễ đánh giá. Rõ ràng là có và có thể có những loại thần học khác nhau không mâu thuẫn với những chân lý căn bản của đức tin: chẳng hạn như Thánh Tôma và Thánh Bonaventura, Newman và Ratzinger. Nhưng như những phát triển tiếp theo cho thấy, có những nền thần học nhanh chóng từ một hoặc hai điểm đổi mới trở thành không mạch lạc và bất chính thống. Garrigou-Lagrange buộc tội một nhà văn gần đây vì đã gọi học thuyết Tân Tôma và những tuyên bố mạnh mẽ của Ủy ban Giáo hoàng về Kinh thánh là “một hàng rào an toàn chứ không phải là một câu trả lời”. Ngài phản bác rằng nền thần học mới đã đặt nhiều hơn một thành viên “vào con đường hoài nghi, hoang tưởng và dị giáo”.

Có những hiểu biết thông sáng trong lời phê phán mạnh mẽ này. Chẳng hạn, địa ngục dường như là một trong những khái niệm không còn “hiện hành” nữa và do đó, không còn đúng nữa. Nơi các quan điểm đa dạng chiếm ưu thế, các cái nhiên thay thế sự thật thực chất. Một số nhà thần học đã nghi ngờ về một Ađam nguyên tổ. Những người khác đã thách thức cách hiểu cổ điển về Thập giá như ơn cứu chuộc và thay thế nó, theo phong cách Hegel, bằng khái niệm về một khoảnh khắc trong diễn trình biến hóa của thế giới hướng tới một Đấng Kitô vũ trụ; một diễn trình như vậy cho phép các thuật ngữ Kitô giáo được giữ lại trong khi thay đổi ý nghĩa của chúng. Sự Hiện diện Thực sự và việc biến đổi bản thể được định nghĩa lại và không còn thực chất nữa mà chỉ mang tính biểu tượng. Kết cục là: “Vì vậy, ngưng bảo vệ định nghĩa Truyền thống về Chân lý bằng cách cho phép nó thành ảo tưởng, lúc đó, cần phải thay thế người theo thuyết bảo sinh [vitalist] và biến hóa. Điều này sau đó dẫn đến Thuyết duy tương đối hoàn toàn và là một sai lầm rất nghiêm trọng.” Garrigon-Lagrange trích dẫn lời kết luận của Đức Piô XII: “Nếu chúng ta chấp nhận một ý kiến như vậy [tức là, điều vị giáo hoàng này lo lắng là nền thần học mới], thì điều gì sẽ trở thành những tín điều không thể thay đổi của Đức tin Công Giáo; và điều gì sẽ trở thành sự thống nhất và ổn định của Đức tin đó?” Có nhiều điều mà Garrigou-Lagrange và Đức Piô X lầm về thần học mới, và có nhiều điều trong thần học đó có giá trị để giải quyết chính xác một số vấn đề mà các vị lo lắng. Nhưng ghi chép lịch sử cũng cho thấy “tính thống nhất và ổn định” mà các vị tìm cách duy trì sau đó đã bị phá hoại bởi những người cho là họ khoác áo thần học mới.

 
Church Documents
Thuy News 05/04/2024
VietCatholic Media
04:17 05/04/2024
6. Nga đang lặp lại sai lầm lúc bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Is Repeating Its Mistakes From Start of Ukraine War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine đã ca ngợi thành công gần đây của mình trong việc tiêu diệt một loạt xe tăng và xe thiết giáp của Nga gần thành trì Avdiivka trước đây của Ukraine đang bị bao vây, minh họa cho một chiến lược của Nga tiếp tục lặp lại những sai lầm khiến Mạc Tư Khoa phải trả giá đắt trong những tuần đầu của cuộc chiến, bất chấp các vấn đề lãnh thổ lợi ích gần đây.

Kyiv hôm thứ Năm cho biết lính dù thuộc Lữ đoàn dù số 25 của nước này đã ngăn chặn một cuộc tấn công “quy mô lớn” của Nga gần làng Tonenke, phá hủy một số lớn xe tăng và xe chiến đấu bộ binh ngay phía tây Avdiivka. Lữ đoàn, trong một tuyên bố riêng, nói đơn giản rằng họ đã “phá hủy một đoàn thiết bị của đối phương”.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Mỹ theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Ukraine, đã mô tả cuộc tấn công của Nga xung quanh Tonenke là “cuộc tấn công cơ giới hóa quy mô tiểu đoàn đầu tiên” của Mạc Tư Khoa kể từ khi Điện Cẩm Linh bắt đầu cuộc tấn công vào Avdiivka vào tháng 10 năm ngoái. Một tiểu đoàn xe tăng Nga thường có tới 30 xe.

Mới tuyên bố giành được Avdiivka vào giữa tháng 2 — là chiến thắng lớn đầu tiên của Nga kể từ chiếm được Bakhmut vào tháng 5 năm 2023 — việc mất quá nhiều phương tiện trong một lần tấn công là lời gợi nhớ lại những lỗi ban đầu và tổn thất thiết giáp cao ngất trời mà Mạc Tư Khoa phải gánh chịu trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện hai năm trước.

Bryden Spurling, lãnh đạo nghiên cứu cao cấp về quốc phòng và an ninh của chi nhánh Âu Châu của RAND think tank, cho biết: “Có một số điểm tương đồng giữa cuộc tấn công này của Nga gần Tonenke và những cuộc tấn công của Nga vào thời kỳ đầu chiến tranh”.

Ông nói với Newsweek: “Điều đáng ngạc nhiên là đội quân ở Tonenke chủ yếu sử dụng một con đường duy nhất và dường như không sử dụng bãi đất trống ở hai bên và phân tán lực lượng ra”.

Ông nói thêm rằng các tổ lái của Nga có thể đã lo lắng về địa hình lầy lội hoặc mìn nhưng họ vẫn bị buộc phải tiến lên. “Dù thế nào đi nữa, đây cũng là những tổn thất đáng kể về xe tăng và xe chiến đấu bộ binh”.

Thiếu tá Victor Tregubov, một nhà báo và biên tập viên người Ukraine hiện đang phục vụ trong quân đội Ukraine, nói với Newsweek: “Gần Tonenke, chúng tôi đã chứng kiến những sai lầm gần như tương tự từ phía họ như ở gần Vuhledar năm trước”.

Vuhledar, một thị trấn nhỏ ở miền nam Ukraine, là nơi xảy ra các cuộc đụng độ dữ dội trong vài tuần vào đầu năm 2023. Các quan chức Ukraine nói với The New York Times vào thời điểm đó rằng đây là “trận chiến xe tăng lớn nhất trong cuộc chiến cho đến nay”.

Các nhà phân tích trước đây đã nói với Newsweek rằng những thất bại về mặt tổ chức và lập kế hoạch đã cản trở các cuộc tấn công bằng thiết giáp đầu tiên của Nga trong cuộc tấn công đầu tiên vào năm 2022. Sự đứt gãy trong chuỗi chỉ huy, huấn luyện kém và thương vong ban đầu nặng nề đã khiến rất ít binh sĩ Nga có thể huấn luyện thế hệ lái xe tăng tiếp theo.

Kể từ đó, Nga đã đốt cháy kho vũ khí xe tăng của mình. Vào tháng 2, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, ước tính rằng Mạc Tư Khoa đã mất hơn 3.000 xe tăng trong hai năm chiến tranh - nhiều hơn toàn bộ lực lượng xe thiết giáp đang hoạt động trước chiến tranh của nước này.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã đặt ngành công nghiệp quốc phòng khổng lồ của mình vào tình thế sẵn sàng chiến đấu, giúp bổ sung lực lượng xe tăng của họ trong khi vẫn phải hứng chịu các cuộc tấn công liên tục từ lực lượng Ukraine. Putin cho biết hồi đầu năm nay rằng sản lượng xe tăng nội địa của Nga đã tăng gấp 5 lần kể từ tháng 2 năm 2022. Điện Cẩm Linh cũng đã rút những chiếc xe tăng cũ ra khỏi kho và tái sử dụng những phương tiện cũ để vận chuyển và kích nổ chất nổ xung quanh mục tiêu.

Tregubov, nhà báo Ukraine chuyển sang làm lính, nói: “Họ biết rằng họ có ưu thế về trang bị và có thể liều lĩnh”.

Spurling, nhà phân tích của RAND cho biết thêm: “Họ dường như ít quan tâm đến tổn thất nhân sự và ném các đơn vị vào phòng tuyến của Ukraine nhằm cố gắng làm kiệt sức quân phòng thủ Ukraine và tìm ra điểm yếu”.

Các nhà phân tích quân sự nhìn chung đồng ý rằng Nga phần lớn đã đánh giá lại một số chiến thuật ban đầu của mình. Spurling cho biết, Điện Cẩm Linh đã tiến hành cuộc tấn công “không chuẩn bị kỹ lưỡng và quá tự tin”, khi các xe thiết giáp của họ vướng vào các cuộc phục kích của Ukraine mà không có đủ sự hỗ trợ của bộ binh để che chắn cho chúng.

7. Quan chức Putin khuyên người Nga tự bảo vệ mình trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Official Tells Russians To Fend For Themselves Amid Drone Attacks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Người dân ở khu vực bị tấn công bằng máy bay không người lái sâu nhất trên lãnh thổ Nga kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine đã được cảnh báo rằng lực lượng phòng không có thể không thể bảo vệ họ trước các cuộc tấn công trong tương lai.

Kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, Nga đã hứng chịu nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhằm vào Mạc Tư Khoa cũng như các kho đạn và nhà máy lọc dầu trên khắp đất nước có liên quan đến nỗ lực chiến tranh. Chính quyền Nga đổ lỗi cho Ukraine về các vụ tấn công, là điều mà Kyiv hiếm khi tuyên bố chịu trách nhiệm.

Trong vụ việc mới nhất, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào cộng hòa Tatarstan của Nga hôm thứ Ba được cho là đã tấn công các khu công nghiệp sản xuất máy bay không người lái Shahed do Iran thiết kế mà Mạc Tư Khoa sử dụng rộng rãi trong cuộc xâm lược của mình.

Phản ứng trước các cuộc tấn công, nhà lãnh đạo Tatarstan, Rustam Minnikhanov, gợi ý rằng hệ thống phòng không thường được ca ngợi là có khả năng bảo vệ dân chúng khỏi các mối đe dọa trên không có thể không giúp ích gì cho họ.

“Bạn không nên mong đợi hệ thống phòng thủ hỏa tiễn sẽ hoạt động - nó giải quyết các nhiệm vụ khác,” ông nói trong bình luận được Đài Âu Châu Tự do đưa tin mà không nêu rõ các nhiệm vụ khác là những gì.

Ông nói thêm: “Chúng ta phải tự mình quyết định mọi doanh nghiệp, mọi đô thị, mọi thành phố”. Ngài nói: “Đấng toàn năng đã cho một cơ hội, hãy thức dậy đi các bạn, không ai sẽ bảo vệ chúng ta ngoài chính chúng ta”.

Đoạn video được chia sẻ trên các kênh Telegram dường như cho thấy khoảnh khắc một máy bay thể thao A-22 gây ra một quả cầu lửa khổng lồ ở Yelabuga, cách biên giới Nga với Ukraine hơn 900 dặm về phía đông và cách Mạc Tư Khoa khoảng 600 dặm về phía đông.

Một khu ký túc xá phức hợp được xây dựng cho nhân viên đặc khu kinh tế và sinh viên tại trường cao đẳng địa phương đã bị hư hại. Nó nằm cách xưởng lắp ráp máy bay không người lái vài trăm mét.

Được biết cũng có một cuộc tấn công vào một nhà máy lọc dầu ở Nizhnekamsk. Công suất hàng năm của nhà máy là 8 triệu tấn dầu, chiếm 2,6% tổng công suất lọc dầu hàng năm của Nga. Các mục tiêu dầu mỏ ở Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề trong những tháng gần đây.

Phát ngôn nhân tình báo Ukraine Andriy Yusov nói với Radio Liberty rằng không có vũ khí do nước ngoài sản xuất nào được sử dụng trong các cuộc tấn công.

Hãng tin độc lập tiếng Nga Verstka cho biết các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái mới nhất có nghĩa là vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương ở Nga đã mở rộng thêm 195.000 km2 lên 1.350.000 km2.

Khu vực này rộng hơn 520.000 dặm vuông - gần bằng diện tích của Alaska và bao gồm bảy thành phố có dân số hơn 1 triệu người.
 
Cẩm Yến 06/04/2024
VietCatholic Media
17:55 05/04/2024
1. Cựu ủy viên hội đồng thành phố Hoa Kỳ trốn sang Nga để tham chiến ở Ukraine

Tờ Guardian cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Fugitive former US city councillor enlists with Russia for war in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Cẩm Yến.

Wilmer Puello-Mota, bị truy nã vì tội lạm dụng hình ảnh tình dục trẻ em, đã trốn sang Nga sau khi dường như tình nguyện tham gia tấn công Avdiivka

Một cựu ủy viên hội đồng thành phố và thành viên lực lượng vệ binh quốc gia Massachusetts đang bị Mỹ truy nã vì tội lạm dụng tình dục trẻ em đã bỏ trốn khỏi đất nước và gia nhập quân đội Nga chiến đấu ở Ukraine. Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cho biết như trên hôm Thứ Sáu.

Wilmer Puello-Mota, 28 tuổi, cựu ủy viên hội đồng thành phố Holyoke, Massachusetts, mất tích vào ngày 7 tháng Giêng, hai ngày trước khi anh ta dự kiến ra hầu tòa ở Rhode Island vì sở hữu những hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em và cản trở công lý.

Tuần này, Puello-Mota xuất hiện trở lại tại một trung tâm nhập ngũ ở vùng Khanty-Mansiysk của Nga ở phía tây Siberia, nơi anh ta được ghi lại trên phim đang ký một hợp đồng quân sự, ngồi trong một căn phòng được trang trí bằng những bức ảnh của Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng, Sergei Shoigu

“Một người Mỹ đã ký một hợp đồng quân sự tại trung tâm yêu nước ở Khanty-Mansiysk,” Zakharova nói.

Trước khi ký hợp đồng với quân đội Nga, Puello-Mota dường như đã chiến đấu với tư cách tình nguyện viên bên cạnh quân đội Nga trong thời gian Mạc Tư Khoa chiếm được thị trấn Avdiivka của Ukraine vào tháng 2.

Tháng đó, các kênh ủng hộ chiến tranh của Nga đã lan truyền đoạn phim về một nhân vật mờ trong quân phục chiến đấu đang cắm cờ Mỹ trên đống đổ nát của một thành phố Ukraine để ủng hộ Nga.

“Tôi đến đây để cắm cờ Mỹ như một dấu hiệu của tình bạn và sự ủng hộ cho tất cả những điều mà mọi người đang phải chịu đựng ở đây”, người trong video nói với khuôn mặt mờ mịt.

“Tôi cảm thấy tự hào khi được ở đây.”

Một quan chức Nga chúc mừng Puello-Mota.

Một tờ báo có trụ sở tại Massachusetts cho biết những người biết Puello-Mota đã nhận ra giọng nói của anh ta trong clip.

Xuất hiện để xác nhận việc tham gia trận chiến giành Avdiivka, Puello-Mota trong đoạn clip hôm thứ Tư mô tả cuộc giao tranh trước đây ở Ukraine là một phần của nhóm bán quân sự quốc tế Pyatnashka thân Nga.

“Tôi chắc chắn sẽ làm điều đó một lần nữa,” người ta nghe thấy anh ta nói.

Puello-Mota bị bắt lần đầu tiên vào năm 2020 sau khi cảnh sát ở Rhode Island phát hiện những hình ảnh khiêu dâm của một cô gái chưa đủ tuổi vị thành niên trên điện thoại của anh ta. Theo tài liệu của tòa án, anh ta khai với cảnh sát rằng anh ta nghĩ cô gái này 22 tuổi và sau đó mới biết rằng cô ta 17 tuổi.

Sau đó, anh ta bị buộc tội giả mạo, làm hàng giả và cản trở hệ thống tư pháp sau khi anh ta được cho là đã nói với một trong những chỉ huy của mình tại Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts rằng cáo buộc hình ảnh lạm dụng tình dục trẻ em ở Rhode Island là giả mạo.

Puello-Mota là cựu thành viên của Đội chiến binh số 104 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Không quân Massachusetts, theo cơ quan truyền thông Masslive của Hoa Kỳ.

Sau khi không tham dự phiên tòa, văn phòng tổng chưởng lý Rhode Island đã đưa ra tuyên bố cho biết Puello-Mota đã lên chuyến bay của hãng hàng không Thổ Nhĩ Kỳ đến Istanbul vào ngày 7 tháng Giêng.

Tòa án cho biết vào thời điểm đó: “Không rõ nơi ở của anh ta từ địa điểm đó”.

Puello-Mota đã không trả lời yêu cầu bình luận.

Trang Facebook của anh hiện có hình ảnh Puello-Mota trong trang phục quân sự đầy đủ đang điều khiển máy bay không người lái trong khi anh liệt kê công việc hiện tại của mình là với Bộ Quốc phòng Nga.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Nga đã đưa ra một loạt những luật mới nhằm thu hút công dân nước ngoài gia nhập hàng ngũ của mình. Các công dân từ Cuba, Syria, Nepal và Serbia đều đã được triển khai về phía Nga trong cuộc chiến.

Nhưng rất hiếm khi chiến binh từ Liên Hiệp Âu Châu, Anh hay Mỹ gia nhập quân đội Nga. Ít nhất hai người Anh được cho là đang chiến đấu cùng lực lượng Nga ở Ukraine.

Các blogger ủng hộ chiến tranh thân cận với quân đội và truyền thông nhà nước Nga hôm thứ Năm không đề cập đến tình trạng chạy trốn của Puello-Mota ở Mỹ, thay vào đó coi việc đào tẩu của anh ta như một cơ hội tuyên truyền cho Mạc Tư Khoa.

“Will phục vụ trong lực lượng vũ trang Hoa Kỳ, nhưng sau khi nhận ra điều gì đang thực sự xảy ra ở Ukraine, anh ta đã tham gia cuộc chiến với tư cách tình nguyện viên vài tháng trước. Cùng với những người Nga, anh ấy đã kề vai sát cánh giải phóng Avdeevka”, Zakharova nói.

Bà ta nhấn mạnh rằng “Puello-Mota tin tưởng sâu sắc vào sự cần thiết phải hỗ trợ Nga và ngưỡng mộ sự kiên trì và chủ nghĩa anh hùng của những người lính của chúng tôi”.

2. Nga cho biết 20 binh sĩ phi trường Morozovsk thiệt mạng hoặc bị thương

Các quan chức Nga hôm thứ Sáu tuyên bố rằng cuộc tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào căn cứ không quân Morozovsk ở Nga đã khiến 20 binh sĩ thiệt mạng hoặc bị thương. Thống đốc Rostov Vasily Golubev cho biết như trên và bảo đảm những người bị thương sẽ được chăm sóc và hỗ trợ về mọi mặt.

Các blogger quân sự Nga có nguồn tin từ các quan chức an ninh cũng cho biết cuộc tấn công đã phá hủy ít nhất 6 máy bay quân sự và làm hư hại nặng 8 chiếc khác. Một số phàn nàn rằng các hệ thống phòng không quanh căn cứ không quân Morozovsk đã bị kéo đi bảo vệ các nhà máy lọc dầu khiến phi trường không được bảo vệ đúng mức.

Trong khi đó, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov, tiếp tục khẳng định Nga đã chặn được hơn 40 máy bay không người lái của Ukraine, mà không nêu tổn thất về nhân mạng và thiết bị.

3. Thống đốc Ukraine cho biết cuộc không kích của Nga vào Zaporizhzhia của Ukraine khiến 2 người thiệt mạng, 6 người khác bị thương

Nga đã tấn công cường tập vào Ukraine trong ngày Thứ Sáu, 5 Tháng Tư, để trả đũa vụ tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào căn cứ không quân Morozovsk và căn cứ không quân Engels.

Thống đốc khu vực chiều thứ Sáu cho biết một cuộc không kích của Nga nhằm vào thành phố Zaporizhzhia ở miền nam Ukraine đã khiến 2 người thiệt mạng và 6 người khác bị thương.

Ivan Fedorov nói thêm trên Telegram rằng một cậu bé chín tuổi và mẹ cậu nằm trong số những người bị thương. Hình ảnh được thống đốc đăng tải cho thấy một quán cà phê có cửa sổ vỡ vụn.

Một loạt vụ nổ đã được báo cáo tại thành phố Zaporizhzhia hôm thứ Sáu.

4. Bác sĩ không biên giới nói cuộc tấn công hỏa tiễn của Nga 'phá hủy hoàn toàn' văn phòng của họ

Tổ chức nhân đạo Bác sĩ không biên giới, gọi tắt là MSF, hôm thứ Sáu cho biết, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào thị trấn Pokrovsk do Ukraine nắm giữ đã “phá hủy hoàn toàn” văn phòng của tổ chức này trong thị trấn.

MSF cho biết họ “lên án cuộc tấn công vào văn phòng, nơi hỗ trợ hỗ trợ nhân đạo y tế khẩn cấp”.

“Cuộc tấn công vào văn phòng của chúng tôi không phải là một vụ việc cá biệt. Vincenzo Porpiglia, điều phối viên khẩn cấp của MSF ở Ukraine cho biết, việc phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự đã là dấu ấn của cuộc chiến này trong một thời gian dài”.

Cảnh sát Ukraine cho biết có 5 thường dân bị thương trong cuộc tấn công.

5. Mạc Tư Khoa cho biết máy bay không người lái của quân đội Ukraine tấn công nhà máy hạt nhân, không phát hiện thiệt hại nghiêm trọng nào

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Nga Maria Zakharova cáo buộc máy bay không người lái của quân đội Ukraine đã tấn công nhà máy hạt nhân Zaporizhzhia nhưng không gây ra thiệt hại nghiêm trọng nào.

Trước đây, cả hai bên đều cáo buộc nhau pháo kích vào nhà máy, khiến cả 6 lò phản ứng của bên nào đều không hoạt động.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Bẩy, 6 Tháng Tư, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết cáo buộc của Nga là không đúng sự thật và nhằm mục đích bôi nhọ quân đội Ukraine.

6. Bộ Ngoại giao Nga cho biết hôm thứ Sáu rằng Nga đã triệu tập đại sứ Nam Hàn để phản đối các lệnh trừng phạt của Hán Thành đối với các cá nhân và pháp nhân Nga.

Nam Hàn đã áp đặt lệnh trừng phạt đối với hai tàu Nga mà nước này cho rằng đang chở hàng hóa quân sự tới Bắc Hàn. Hán Thành hôm thứ Ba cho biết họ cũng đã trừng phạt hai tổ chức của Nga và hai công dân Nga có liên quan đến các chương trình hạt nhân và hỏa tiễn của Bình Nhưỡng.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết Nga coi quyết định của Nam Hàn là một động thái không thân thiện và sẽ đáp trả vào thời điểm thích hợp.

7. Bộ Quốc phòng Đức hôm nay cho biết rất có thể Nga đứng đằng sau những vụ xáo trộn ảnh hưởng đến việc định vị GPS ở khu vực Baltic.

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cho biết: “Sự gián đoạn dai dẳng đối với hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu rất có thể bắt nguồn từ Nga và dựa trên sự gián đoạn trong phổ điện từ, bao gồm cả những sự gián đoạn bắt nguồn từ tỉnh Kaliningrad”.

Diễn biến này xảy ra sau khi các máy bay bay qua khu vực Baltic đang báo cáo số lượng tín hiệu GPS bị mất hoặc bị giả mạo ngày càng tăng - và Nga được coi là thủ phạm nhiều khả năng nhất.

Các đợt mất sóng - được gọi là gây nhiễu GPS - đã xảy ra thường xuyên kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine vào năm 2022. Tình trạng gây nhiễu dường như tập trung xung quanh vùng ngoại ô Kaliningrad của Nga - một khu vực quân sự quan trọng đối với Mạc Tư Khoa.

Các trường hợp phá GPS do phi công báo cáo “đã gia tăng đều đặn kể từ Tháng Giêng năm 2022”. Vấn đề dường như đang trở nên tồi tệ hơn.

“Trong hai tháng đầu năm 2024, EVAAIR ghi nhận số lượng báo cáo ngừng hoạt động GPS tăng cao. Theo số liệu tuyệt đối, chúng tôi đã nhận được 985 vụ ngừng hoạt động GPS so với 1.371 vụ trong cả năm 2023,” Eurocontrol cho biết và nói thêm rằng số sự việc trong hai tháng đầu năm nay nhiều hơn gần bảy lần so với hai tháng đầu năm 2023.

Vào tối Chúa Nhật vừa qua, một hồ sơ tình báo nguồn mở trên X,, có tên là Markus Jonsson nói rằng việc gây nhiễu GPS ở khu vực Baltic đã diễn ra “trong 47 giờ liên tục, khiến đây là lần hoạt động dài nhất từ trước đến nay” ảnh hưởng nghiêm trọng đến “1.614 máy bay”, nhưng con số thực tế có thể cao hơn.

8. Thống đốc khu vực Nga vào bệnh viện sau vụ tấn công bằng dao

Thống đốc tỉnh Murmansk, Andrei Chibis, đang được điều trị y tế tại bệnh viện trung tâm thành phố Apatity-Kirov ở Apatity, vùng Murmansk, Nga.

Thống đốc vùng Murmansk xa xôi phía bắc của Nga đã phải vào bệnh viện hôm thứ Sáu sau khi bị một người đàn ông đâm, phát ngôn nhân của ông cho biết.

Andrey Chibis, 45 tuổi, bị đâm vào bụng vào tối thứ Năm bên ngoài một trung tâm văn hóa ở thị trấn Apatity, nơi anh đang tổ chức một cuộc họp.

“Bây giờ anh ta đang trong tình trạng hậu phẫu. Còn quá sớm để đưa ra dự đoán về sự hồi phục của anh ta và sẽ mất bao lâu”, Liliya Sechkina nói với đài truyền hình nhà nước Nga.

Chibis cho biết trong một video đăng trên Telegram từ giường bệnh của anh ta vào sáng sớm thứ Sáu rằng anh ta đã “sống lại” sau cuộc phẫu thuật và các bác sĩ đã cứu sống anh ta.

Các nhà điều tra cho biết kẻ tấn công đã bị giam giữ và dự kiến sẽ trải qua “cuộc kiểm tra tâm thần”. Họ nói thêm: “Trong quá trình thẩm vấn, người đàn ông giải thích rằng anh ta thực hiện vụ tấn công vì cảm thấy không thích thống đốc, mặc dù anh ta không biết cá nhân ông ta”.

Chibis là thành viên của đảng cầm quyền Nước Nga Thống nhất của Putin và đã cai trị vùng Murmansk từ năm 2019. Ông bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt vào năm 2022 vì ủng hộ cuộc tấn công Ukraine của Điện Cẩm Linh.
 
VietCatholic TV
Hô hào đảo chính Putin vì vụ khủng bố. NATO gây quỹ 100 tỷ cho Ukraine. Kyiv thề thổi bay cầu Crimea
VietCatholic Media
03:56 05/04/2024


1. Trong một báo cáo Kyiv chọc tức Nga về kế hoạch phá hủy cầu Crimea

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Bridge Destruction Plan Teased by Kyiv in Report”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine được tường trình đã tuyên bố rằng họ đang âm mưu cho nổ tung cầu Crimea và việc phá hủy biểu tượng xâm lược của Nga là “không thể tránh khỏi”.

Cây cầu Kerch dài 19 km nối Crimea với Nga đã từng là mục tiêu trong hai cuộc tấn công lớn liên quan đến Kyiv trước đây.

Một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào tháng 7 năm ngoái đã làm hư hại đoạn đường song song với đoạn hỏa xa được Nga sử dụng để vận chuyển thiết bị quân sự. Vào tháng 10 năm 2022, một vụ nổ đã khiến nhiều đoạn đường rơi xuống nước. Nga cho biết vụ nổ là do một quả bom được tuồn lậu vào một chiếc xe tải gây ra.

Cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là GUR, cho biết họ đang âm mưu thực hiện nỗ lực tấn công thứ ba. Một quan chức Ukraine giấu tên nói với tờ báo Anh, The Guardian, “Chúng tôi sẽ thực hiện việc đó vào nửa đầu năm 2024” và rằng Kyiv đã có “hầu hết các phương tiện để thực hiện mục tiêu này”.

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, trước đây đã hứa sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới vào các vị trí của Nga ở Crimea và cầu Kerch, hé lộ về một “chiến dịch nghiêm chỉnh” sẽ sớm được triển khai trên bán đảo này.

Việc phá hủy vĩnh viễn cây cầu có thể buộc lực lượng Nga phải tiếp tế cho quân xâm lược bằng đường bộ qua miền nam Ukraine bị tạm chiếm một phần, qua các khu vực Kherson và Zaporizhzhia. Điều này có thể làm suy yếu các cuộc tấn công của Nga vốn đã có động lực kể từ khi chiếm được Avdiivka ở tỉnh Donetsk.

The Guardian cho biết, việc tấn công vào cây cầu là một phần trong kế hoạch được Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phê duyệt nhằm “giảm thiểu” sự hiện diện của hải quân Nga ở Hắc Hải, nơi Ukraine đã đánh chìm các tàu đổ bộ và tàu lớn trong những tháng gần đây.

Những cuộc tấn công vào Hạm đội Hắc Hải đã đẩy phần lớn Hải quân Nga từ thành phố cảng Sevastopol xa hơn về phía đông tới Novorossiysk.

Tờ báo này đưa tin, vũ khí của phương Tây sẽ cho phép Ukraine phá hủy cây cầu dễ dàng hơn. Trong bối cảnh đó, ông Zelenskiy đã nhiều lần đề nghị Đức cung cấp hỏa tiễn tầm xa Taurus KEPD-350, một trong những hệ thống vũ khí hiện đại nhất của quân đội Đức.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuần trước đã nhắc lại lời từ chối của ông trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo Märkische Allgemeine, trong đó ông nói rằng ông muốn “ngăn chặn sự leo thang của chiến tranh giữa Nga và NATO”.

Tuy nhiên, Gustav Gressel, thành viên chính sách cao cấp tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Âu Châu nói với Newsweek vào tuần trước rằng quyết định của Scholz chỉ làm cho cuộc chiến kéo dài hơn. Ông cũng nói rằng trao Taurus cho Ukraine thì cũng giống như những gì Vương quốc Anh và Pháp đã trao cho Ukraine thôi.

“Quan điểm cho rằng Scholz sẽ tránh được một cuộc chiến tranh NATO-Nga bằng cách không cung cấp một loại thiết bị nào – dù là xe tăng hay Taurus – là hoàn toàn vô lý. Trên thực tế thì điều ngược lại mới đúng”, Gressel nói.

2. Hai máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của Nga làm tăng thêm quyết tâm của NATO

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Năm cho biết, hai máy bay ném bom chiến lược TU-95MS của Nga đã thực hiện chuyến bay kéo dài 5 giờ theo lịch trình trên vùng biển trung lập ở vùng biển Barents và Na Uy.

Phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Nga, Trung tướng Igor Konashenkov cho biết: “Ở một số giai đoạn nhất định của tuyến đường, các máy bay ném bom chiến lược đã bị kè sát bởi các chiến đấu cơ của NATO.

Vụ dương oai diệu võ mới nhất của Nga diễn ra trong bối cảnh NATO đang họp về cách thức viện trợ dài hạn cho người Ukraine. Nó còn làm tăng thêm quyết tâm của NATO.

3. Putin phải đối mặt với nỗi xấu hổ mới vì thất bại trong vụ khủng bố

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Faces Fresh Embarrassment Over Terror Failure”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Chính phủ Mỹ đã thông báo cho các quan chức Nga về kế hoạch đe dọa tấn công Tòa thị chính Crocus, hơn hai tuần trước khi những kẻ khủng bố xông vào địa điểm tổ chức buổi hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa và giết chết 144 người. Công hàm của Mỹ nêu đích danh phòng hòa nhạc Crocus là địa điểm sẽ xảy ra vụ khủng bố.

Báo cáo của The Washington Post cũng đặt thêm câu hỏi về lời giải thích của Vladimir Putin về vụ tấn công khủng bố và sai sót an ninh ở Nga, nơi bất cứ phản đối nào cũng có thể dẫn đến án tù dài hạn, tuy nhiên, với rất ít trở ngại, các tay súng có thể vào một tòa nhà, bắt đầu nổ súng và đốt cháy nó.

Một nhánh của Nhà nước Hồi giáo cho biết họ đã thực hiện vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Nga trong hai thập kỷ vào ngày 22 tháng 3, và các quan chức Mỹ nói rằng Nhà nước Hồi giáo-Khorasan phải chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Kevin Riehle, tác giả cuốn “The Russian FSB: A Concise History of the Federal Security Service”, nghĩa là “Cơ quan An ninh Liên bang Nga: lịch sử ngắn gọn về dịch vụ An ninh Liên bang”, nói với Newsweek: “Vụ tấn công khủng bố tại Tòa thị chính Crocus ở Mạc Tư Khoa cho thấy mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa với phương Tây đã sa sút đến mức nào.”

Riehle, giảng viên nghiên cứu tình báo và an ninh tại Đại học Brunel ở Luân Đôn, cho biết thêm: “Chính phủ Hoa Kỳ và Vương quốc Anh đã cố gắng chia sẻ thông tin tình báo chống khủng bố, nhưng FSB lại phớt lờ nó”. Ông cho rằng điều này là “điềm báo xấu cho an ninh Nga trong tương lai”.

Mikhail Khodorkovsky sinh ngày 26 Tháng Sáu, 1963, từng là người giàu nhất nước Nga trước khi lên tiếng chống lại Vladimir Putin và thành lập nhóm Open Russia, nghĩa là nước Nga cởi mở, với chủ trương thân phương Tây. Ông bị tịch thu tài sản và bị bỏ tù từ năm 2003 cho đến khi được Putin ân xá vào này 20 Tháng Mười Hai, 2013, sau một thập niên tù tội. Ông hiện đang sống lưu vong ở Luân Đôn và thành lập Trung tâm Dossier nhằm điều tra các hành vi phi pháp của Putin.

Khodorkovsky cho rằng Cơ quan An ninh Liên bang Nga, gọi tắt là FSB, đã tỏ ra có hiệu quả một cách tàn nhẫn trong việc bắt giữ những kẻ khủng bố trong vụ tấn công phòng hòa nhạc Crocus. Như thế, tại sao sau khi đã được Anh, Mỹ cảnh báo, FSB đã không bắt nhóm này trước khi chúng có cơ hội ra tay. Ông bày tỏ mối hoài nghi rằng chính Putin mong muốn những vụ khủng bố như thế xảy ra như ông ta đã làm hồi năm 1999.

Khodorkovsky nhấn mạnh rằng ở Mạc Tư Khoa, người dân chỉ cần tụ tập đông đảo trong vòng 5 phút là đặc vụ Nga có mặt ngay lập tức. Vậy tại sao, một tiếng đồng hồ sau khi những tên khủng bố tấn công phòng hòa nhạc Crocus, các cơ quan an ninh Nga mới kéo đến hiện trường. Tất cả những điều này chứng minh rằng Vladimir Putin cố tình để cho vụ khủng bố xảy ra để mưu cầu những lợi ích chính trị như ông ta đã từng làm hồi 1999.

Vladimir Putin đã bác bỏ những cảnh báo của Hoa Kỳ ba ngày trước các cuộc tấn công là “tống tiền” và cùng với các quan chức Nga khác và những người ủng hộ Điện Cẩm Linh, đưa ra tuyên bố về sự liên quan của phương Tây và Ukraine mà không đưa ra bằng chứng.

Sergei Naryshkin, nhà lãnh đạo Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga, hôm thứ Ba cho biết các cảnh báo của Mỹ là “quá chung chung”, nhắc lại những gì Giám đốc Cơ quan An ninh Liên bang FSB Alexander Bortnikov đã nói vào tuần trước về việc thu thập thông tin chung chung khiến không thể có hành động được.

Tuy nhiên, các quan chức Mỹ lại phản đối điều này khi nói với The Washington Post rằng Mạc Tư Khoa đã được thông báo rằng Tòa thị chính Crocus là mục tiêu tiềm năng. Thông tin này được chuyển tới Nga vào ngày 6 Tháng Ba, một ngày trước khi Đại sứ quán Mỹ tại Mạc Tư Khoa đưa ra cảnh báo vào ngày 7 Tháng Ba, khuyên công dân Mỹ tránh đến những nơi tụ tập đông người.

Washington thường chia sẻ cảnh báo khủng bố với nước ngoài, theo chính sách được gọi là “nghĩa vụ cảnh báo”. Tuy nhiên, việc cung cấp thông tin cho đối thủ là điều bất thường vì điều này có thể tiết lộ cách thu thập thông tin tình báo, và có khả năng gây rủi ro cho các nguồn.

Tờ Washington Post cho biết có những dấu hiệu cho thấy chính phủ Nga đã xem xét nghiêm chỉnh cảnh báo của Washington ít nhất là ban đầu, với việc FSB tuyên bố một ngày sau khi nhận được thông tin rằng họ đã ngăn chặn một cuộc tấn công của Nhà nước Hồi giáo vào một giáo đường Do Thái ở Mạc Tư Khoa.

Tuy nhiên, không rõ tại sao an ninh không được tăng cường và duy trì sau cảnh báo ban đầu. Tờ báo cho biết các quan chức Mỹ đã suy đoán một lý do có thể là các cơ quan an ninh của Nga cho rằng thông tin này không chính xác sau khi không thấy có cuộc tấn công nào trong những ngày ngay sau cảnh báo ngày 7 Tháng Ba.

Trong một diễn biến cho thấy người Nga choáng váng trước tiết lộ mới nhất của The Washington Post đến mức nào, và nghi ngờ Putin ra sao, các cơ quan truyền thông nhà nước Nga như RBC, TASS và Izvestia đều đưa tin về tuyên bố của The Washington Post. Cho đến nay Điện Cẩm Linh chưa phản hồi.

4. Bộ Ngoại giao Nga nhận định NATO đã quay trở lại tư duy Chiến tranh Lạnh.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Maria Zakharova nói với các phóng viên: “Hôm nay, trong mối quan hệ với Nga, khối NATO đã quay trở lại bối cảnh Chiến tranh Lạnh”.

Bà cho biết liên minh này không có chỗ đứng trong một “thế giới đa cực”.

Diễn biến này xảy ra sau khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hô hào thành lập một quỹ viện trợ cho Ukraine 100 tỷ. Nhà lãnh đạo NATO nói rằng Ukraine cần những viện trợ 'có thể đoán trước' và ổn định bất chấp các dao động vì chính trị nội bộ của các quốc gia cung cấp viện trợ.

Đến cuộc họp của các bộ trưởng NATO sáng Thứ Tư, Jens Stoltenberg, tổng thư ký của liên minh, đã đề xuất thay đổi cách chuyển viện trợ cho Ukraine.

Ông cho biết các quan chức hiện nay sẽ thảo luận về cách NATO có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc điều phối trang thiết bị quân sự cho Kyiv và các bộ trưởng sẽ thảo luận về một gói kéo dài nhiều năm.

NATO với tư cách là một tổ chức ban đầu tránh xa việc hỗ trợ trực tiếp cho Kyiv các tài nguyên quân sự gây sát thương, khi một nhóm liên lạc do Mỹ dẫn đầu đảm trách các nỗ lực phối hợp này.

Nhà lãnh đạo NATO cho biết: “Ukraine có những nhu cầu cấp thiết – bất kỳ sự chậm trễ nào trong việc cung cấp hỗ trợ đều gây ra hậu quả trên chiến trường như chúng ta đang nói”. “Vì vậy, chúng ta cần thay đổi động lực hỗ trợ của mình.”

Ông nói thêm:

Chúng ta phải bảo đảm sự hỗ trợ an ninh đáng tin cậy và có thể dự đoán được cho Ukraine trong thời gian dài để chúng ta ít dựa vào những đóng góp tự nguyện mà dựa nhiều hơn vào các cam kết của NATO, ít hơn vào những lời đề nghị ngắn hạn và nhiều hơn vào những cam kết nhiều năm.

Do đó, các bộ trưởng sẽ thảo luận về cách NATO có thể đảm nhận nhiều trách nhiệm hơn trong việc điều phối thiết bị quân sự và huấn luyện cho Ukraine, gắn chặt vấn đề này trong khuôn khổ NATO mạnh mẽ. Chúng tôi cũng sẽ thảo luận về cam kết tài chính nhiều năm để duy trì sự hỗ trợ của chúng tôi.

Các đồng minh NATO cung cấp 99% tất cả các hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Vì vậy, làm nhiều hơn dưới sự chỉ đạo của NATO sẽ khiến những nỗ lực của chúng ta ngày càng hiệu quả hơn.

Khi được hỏi về đề xuất của mình, ông Stoltenberg từ chối đi vào chi tiết nhưng cho biết các đồng minh đang thảo luận về cách thể chế hóa sự hỗ trợ trong khuôn khổ NATO và cách làm cho điều đó dễ dự đoán hơn.

5. Tàu chở hạt nhân của Nga bị giữ tại cảng NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia-Linked Ship With Nuclear Load Held at NATO Port”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một tàu chở hàng đi từ St. Petersburg, Nga đến Hoa Kỳ đã bị giữ tại Rostock, cảng Baltic lớn nhất của Đức, trong nhiều tuần sau khi uranium và gỗ bị trừng phạt của Nga được phát hiện trên tàu.

Tờ Ostsee Zeitung của Đức đưa tin hôm thứ Năm rằng Atlantic Navigator II, một con tàu dài 633 feet mang cờ Quần đảo Marshall khởi hành từ St. Petersburg đã buộc phải ghé cảng vào ngày 4 tháng 3 do chân vịt của nó bị hư hỏng.

Sau khi tiến hành kiểm tra như một phần của việc giám sát việc tuân thủ các hạn chế ngoại thương, các nhân viên hải quan Đức đã giữ con tàu sau khi phát hiện ra rằng nó đang vận chuyển hàng hóa bị trừng phạt trị giá 40 triệu euro hay 43 triệu Mỹ Kim, bao gồm gỗ bạch dương và uranium đã được làm giàu cho các nhà máy điện hạt nhân của Hoa Kỳ.

Các quan chức hải quan cho biết số gỗ này đến từ các nhà máy gỗ của một nhà tài phiệt người Nga nằm trong danh sách trừng phạt của Liên minh Âu Châu.

Liên minh Âu Châu đã áp đặt lệnh cấm vận đối với gỗ của Nga nhằm đáp lại quyết định xâm lược Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin vào tháng 2 năm 2022. Các hạn chế này có hiệu lực vào tháng 7 năm 2022 và cấm nhập khẩu gỗ viên, gỗ xẻ và các sản phẩm gỗ khác từ Nga.

Washington vẫn chưa trừng phạt uranium hoặc gỗ của Nga. Tuy nhiên, vào tháng 12, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật cấm nhập khẩu uranium của Nga. Vào năm 2022, các nhà máy điện hạt nhân của Mỹ đã nhập khẩu khoảng 12% uranium từ Nga.

Một cuộc điều tra đã được tiến hành và con tàu chở hàng sẽ vẫn ở cảng Rostock trong khi chờ tiến triển của cuộc điều tra.

“Do trên tàu có hàng hóa bị Liên Hiệp Âu Châu trừng phạt nên tàu đã nhận được lệnh tạm giữ từ hải quan. Do đó, việc rời cảng bị cấm”, Falk Zachau, nhà lãnh đạo cảng Rostock, nói với tờ báo.

“Hàng hóa trên tàu, giống như tất cả hàng hóa được đưa vào Liên Hiệp Âu Châu, phải chịu sự giám sát của hải quan. Là một phần của hoạt động giám sát này, chúng tôi đặc biệt kiểm tra việc tuân thủ các hạn chế đối với hoạt động ngoại thương, bao gồm cả các lệnh trừng phạt đối với Nga. Các cuộc điều tra hiện tại vẫn đang tiếp diễn”, cơ quan hải quan ra lệnh bắt giữ tàu cho biết.

Chủ tàu đã nộp đơn khiếu nại việc bắt giữ tàu.

Bất chấp các biện pháp trừng phạt áp đặt lên Mạc Tư Khoa để đáp trả cuộc chiến, hàng tấn gỗ của Nga vẫn tiếp tục xâm nhập trái phép vào thị trường Liên Hiệp Âu Châu, Hiệp hội quốc tế các nhà báo điều tra đối tác ở Âu Châu cho biết vào tháng 3.

6. Kyiv cho biết Nga mất gần 1.000 hệ thống pháo binh trong tháng 3

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Lost Almost 1,000 Artillery Systems in March: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, do mối lo ngại sâu sắc về tình trạng thiếu hụt đạn pháo của Ukraine, Kyiv đã ưu tiên tập trung vào việc phá hủy số lượng lớn nhất các hệ thống pháo binh của Nga trong một tháng vào tháng 3, để tránh tình trạng Nga giành được ưu thế quá lớn về pháo binh.

Nga đã mất 976 hệ thống pháo binh vào tháng trước, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố đăng trên mạng xã hội hôm thứ Tư. Kyiv nói thêm: “Các chiến binh Ukraine đã làm rất tốt.

Pháo binh và đạn dược để duy trì hoạt động của các hệ thống này là một phần quan trọng trong cuộc chiến trên bộ kéo dài hơn 25 tháng ở miền đông và miền nam Ukraine.

Trong số liệu cập nhật do quân đội Ukraine công bố hôm thứ Tư, Kyiv cho biết lực lượng Nga đã mất tổng cộng 11.142 hệ thống pháo binh kể từ tháng 2 năm 2022. Con số này bao gồm việc mất 30 hệ thống pháo binh trong 24 giờ trước đó, Ukraine cho biết.

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết Ukraine đã mất 8.629 khẩu pháo dã chiến và súng cối trong hơn hai năm chiến tranh.

Trong khi các hệ thống pháo binh luôn nằm trong danh sách mong muốn cung cấp của Kyiv từ những người ủng hộ phương Tây, thì ưu tiên trong nhiều tháng là đạn dược để giữ cho hệ thống này hoạt động và hữu ích. Các quan chức Ukraine và các nhà phân tích phương Tây cho biết các hoạt động của Ukraine đã bị hạn chế do nạn đói đạn pháo khi lực lượng Nga tiến về phía tây.

Các chiến binh của Kyiv được cho là chỉ có khả năng bắn khoảng 20% số đạn mà quân đội Nga có thể sử dụng.

Các đồng minh NATO đã nỗ lực tìm cách duy trì hoạt động của pháo binh ở Kyiv, nhưng điều đó tỏ ra là một yêu cầu cao. Liên minh Âu Châu đã thừa nhận vào tháng trước rằng họ sẽ không đáp ứng được thời hạn đã đặt ra vào năm trước để giao 1 triệu viên đạn cho Ukraine vào cuối tháng 3 năm 2024.

Khối này cho biết vào giữa tháng 3 rằng họ sẽ cung cấp hơn 500.000 viên đạn vào cuối tháng và 1 triệu viên đạn trước khi hết năm.

Tháng trước, CNN đưa tin Mạc Tư Khoa có thể sẽ sớm sản xuất số lượng đạn pháo gấp ba lần lượng đạn pháo mà Mỹ và Âu Châu có thể sản xuất. Một quan chức cao cấp của NATO nói với mạng lưới: “Những gì chúng ta đang gặp phải hiện nay là một cuộc chiến về sản xuất”.

Chính phủ Tiệp đang dẫn đầu nỗ lực cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine từ bên ngoài Âu Châu. Đức cho biết hôm thứ Ba rằng họ sẽ đóng góp 180.000 quả đạn cho sáng kiến này.

7. NATO đã có cách để ai làm Tổng thống Mỹ giờ đây sẽ ít quan trọng hơn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO May Have Solved Its Trump Problem”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Các báo cáo cho biết, NATO đang vạch ra các kế hoạch mới có thể giúp liên minh 75 tuổi này vượt qua chính sách đối ngoại “Nước Mỹ trên hết” đang nổi lên của cựu Tổng thống Donald Trump, người có thể bảo đảm nhiệm kỳ tổng thống thứ hai vào tháng 11.

Tờ Financial Times đưa tin rằng hôm thứ Tư, các ngoại trưởng NATO đã thảo luận về đề xuất Phái đoàn đại diện cho Ukraine do Tổng thư ký sắp mãn nhiệm Jens Stoltenberg đưa ra, trong đó sẽ điều phối khoản tài trợ khoảng 100 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv.

Tờ Financial Times và Politico cũng đưa tin rằng 32 thành viên liên minh đang cân nhắc việc chịu trách nhiệm tập thể đối với nhóm hỗ trợ viện trợ quân sự Ramstein do Hoa Kỳ lãnh đạo - nhóm mà trong trường hợp cựu Tổng thống Trump tái đắc cử có thể bị giải tán hay có thể bị mắc kẹt hàng vài tháng trong các tranh cãi liên quan đến các dự luật tài trợ.

Tờ Financial Times đưa tin Stoltenberg muốn kế hoạch chi tiết mới được thực hiện trước hội nghị thượng đỉnh tháng 7 của liên minh tại Washington, DC. Ông dự kiến sẽ rời khỏi vị trí lãnh đạo NATO vào mùa thu này, sau khi nhiệm kỳ của ông được kéo dài vì chiến tranh ở Nga.

Nhà lãnh đạo NATO tiếp theo – được nhiều người dự đoán là đương kim Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte – có thể phải vật lộn với nhiệm kỳ thứ hai của cựu Tổng thống Trump. Cựu tổng thống vẫn công khai chỉ trích liên minh xuyên Đại Tây Dương và các thành viên quan trọng nhất của liên minh này, đồng thời ông sẵn sàng ủng hộ tầm nhìn về chiến thắng của Ukraine mà phần lớn các đồng minh đều chia sẻ.

Ngay cả khi Tổng thống Joe Biden bảo đảm được một nhiệm kỳ khác, ông ấy có thể phải đối mặt với sự phản đối của một số thành viên Quốc Hội, những người hiện nay đã thể hiện rõ ảnh hưởng của họ, khi chặn khoảng 61 tỷ Mỹ Kim tài trợ cho Ukraine bất chấp những lời cầu xin liên tục từ Kyiv và các thủ đô Âu Châu để giải ngân khoản tiền này.

Một quan chức ngoại giao Âu Châu giấu tên nói với Newsweek rằng thực tế tàn khốc về hành động gây hấn của Nga ở Ukraine là “hồi chuông báo động” thực sự đối với NATO.

Quan chức này cho biết: “Điều này xảy ra trước khi Trump 2.0 thực sự trở thành một tương lai khả thi”. “Tôi muốn nói rằng nhiệm kỳ mới đầy tiềm năng của cựu Tổng thống Trump đang đẩy nhanh quá trình đó và nhấn mạnh tầm quan trọng của khả năng phòng thủ của chính Âu Châu.”

Tuy nhiên, việc Tòa Bạch Ốc của cựu Tổng thống Trump giám sát một cuộc chiến lớn ở Âu Châu sẽ là một ẩn số. Quan chức này nói thêm: “Nhiệm kỳ mới tiềm năng của ông ấy cũng nằm trong bối cảnh tình hình chiến tranh thực tế nên lời nói của ông ấy càng có sức nặng hơn”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với CNN vào tháng 2, rằng ông không tin những lời đồn đại rằng cựu Tổng thống Trump đứng về phía Nga. Putin “đã giết chết tất cả các giá trị mà chúng tôi bảo vệ ngày nay”, “Đó là lý do tại sao tôi không thể hiểu làm thế nào Donald Trump có thể đứng về phía Putin. Vì vậy, đối với tôi, đó là một điều không thể tin được.”

Dù dưới thời Trump hay Tổng thống Biden, Ukraine cần có kế hoạch dài hạn. Oleksandr Merezhko, thành viên quốc hội Ukraine và chủ tịch ủy ban đối ngoại của nước này, nói với Newsweek: “Tôi không biết liệu ý tưởng này có liên quan đến kết quả có thể xảy ra của cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ hay không vì hiện tại nó không thể đoán trước được”

“Đồng thời, đối với tôi, ý tưởng đưa định dạng Ramstein vào tầm ngắm của NATO có vẻ khá hợp lý và khả thi. Nó sẽ mang lại cho Ukraine sự ổn định và khả năng dự đoán cao hơn về viện trợ quân sự bất chấp những thay đổi chính trị ở các quốc gia thành viên NATO. Ngoài ra, quyết định này sẽ tăng cường tình đoàn kết xuyên Đại Tây Dương trong NATO”.

Merezhko nói: “An ninh của Ukraine không thể chỉ phụ thuộc vào một quốc gia”. “Chúng tôi thực sự cần sự đoàn kết xuyên Đại Tây Dương ở đây.”

8. Mélanie Joly, ngoại trưởng Canada, cho biết khi đến trụ sở NATO rằng “Putin nghĩ rằng ông ấy sẽ chia rẽ chúng tôi; bây giờ chúng tôi mạnh mẽ hơn bao giờ hết.”

Cô nói: “Chúng tôi cũng biết rằng chúng tôi phải tiếp tục đầu tư vào việc hỗ trợ quân sự và các cấp cho Ukraine”.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh David Cameron nói tất cả các nước nên 'chi hơn 2%' GDP cho quốc phòng

Đến cuộc họp của các bộ trưởng NATO, Ngoại trưởng Anh David Cameron đã kêu gọi các đồng minh tăng cường chi tiêu quốc phòng.

“Điều quan trọng nhất chúng ta có thể làm để bảo đảm liên minh này tiếp tục phát triển và củng cố là bảo đảm rằng tất cả chúng ta chi hơn 2% GDP cho quốc phòng. Hiện nay có nhiều quốc gia đang làm điều đó nhưng chúng ta cần mọi quốc gia đều làm điều đó.

Thành thật mà nói, đó là điều tốt nhất chúng ta có thể làm để bảo đảm hội nghị thượng đỉnh NATO ở Washington vào mùa hè này thành công và đó cũng là cách tốt nhất để chuẩn bị cho cuộc bầu cử Mỹ vào mùa thu, bất kể kết quả của chúng ra sao”.

9. Kyiv cho rằng Hạm đội Hắc Hải của Nga trải qua 'tháng tồi tệ'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet Suffered 'Bad Month'—Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kyiv cho biết Hạm đội Hắc Hải của Nga đã trải qua một “tháng tồi tệ”, sau khi lực lượng Ukraine tấn công một loạt tàu Nga đóng xung quanh bán đảo Crimea do Nga kiểm soát.

“Hạm đội Hắc Hải của Nga tiếp tục gặp khó khăn”, Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Đầu tháng 3, Ukraine đã sử dụng máy bay không người lái hải quân Magura V5 tự sản xuất để tấn công vào tàu tuần tra Sergei Kotov gần eo biển Kerch ở phía đông Crimea. Ukraine cho biết các cuộc tấn công đã làm hư hại phần đuôi tàu, bên phải và bên trái trước khi tàu chìm.

Cuối tháng, lực lượng không quân Kyiv cho biết lực lượng của họ đã tấn công ba tàu đổ bộ của Nga, cũng như tàu trinh sát Ivan Khurs, tại cảng Sevastopol trên Hắc Hải, nơi Nga đóng quân một phần Hạm đội Hắc Hải. Ukraine cho biết 4 tàu bị bắn trúng nhưng không cho biết chúng đã bị phá hủy hoàn toàn hay chưa.

“Các chiến binh Ukraine đã làm rất tốt,” Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine nói trong bài đăng trên mạng xã hội.

Trong hơn hai năm, Ukraine đã nhắm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga, tấn công – và thường thành công – vào các tàu có giá trị cao đang di chuyển hoặc neo đậu quanh Crimea. Mạc Tư Khoa đã kiểm soát vùng lãnh thổ mà họ sáp nhập từ Ukraine trong một thập kỷ và đã sử dụng nó để phối hợp và tiến hành các cuộc tấn công vào đất liền. Kyiv đã cam kết giành lại Crimea.

Ukraine đã sử dụng hỗn hợp máy bay không người lái, bao gồm máy bay không người lái cải tiến của hải quân, hỏa tiễn do phương Tây cung cấp và hỏa tiễn chống hạm sản xuất trong nước để tiêu diệt lực lượng mà các quan chức Ukraine ước tính có khoảng 1/3 Hạm đội Hắc Hải.

Nga, trái ngược với thành công vang dội trước hệ thống phòng thủ trên đất liền của Ukraine, dường như không được trang bị đầy đủ để đối phó với các mối đe dọa do chiến thuật của Ukraine gây ra đối với các tài sản ở Hắc Hải. Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu, hồi tháng 3 tuyên bố rằng Hạm đội Hắc Hải sẽ nhận được súng máy cỡ nòng lớn để sử dụng chống lại máy bay không người lái đang bay tới, đồng thời bổ sung thêm các nhân viên sẽ trải qua khóa huấn luyện “ngày đêm” chống lại các phương tiện không người lái.

Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các mồi nhử hiện đang được sử dụng tại các căn cứ ở Hắc Hải và Nga đã cố gắng ngụy trang các tàu của mình bằng sơn và những hình bóng khó hiểu.

Các hoạt động của Kyiv đã buộc Nga phải di dời nhiều tài sản của mình ở Crimea đến Novorossiysk, một căn cứ xa hơn về phía đông trên Hắc Hải thuộc vùng Krasnodar của Nga.

Bộ Quốc phòng Anh nhận xét vào cuối tháng 3: “Do nguy cơ bị Ukraine tấn công ngày càng tăng tại cảng quê hương truyền thống Sevastopol của họ, cảng Novorossiysk hiện đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ những tài sản quý giá nhất của Hạm đội Hắc Hải”.

Bộ này cũng cho biết Nga hiện đang sử dụng sà lan để bảo vệ hạm đội ở Novorossiysk trước các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái.

Các báo cáo cho thấy Mạc Tư Khoa đang đặt nền móng cho một căn cứ ở Hắc Hải ở khu vực Abkhazia ly khai của Georgia, thậm chí còn cách xa vùng biển duyên hải của Ukraine hơn.

Nhưng Nga vẫn chiếm ưu thế trên phần lớn Hắc Hải, ngay cả khi nước này bị hạn chế ở góc tây bắc gần Ukraine nhất vì các cuộc tấn công của lực lượng Kyiv, Đại úy Hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andrii Ryzhenko nói với Newsweek vào đầu tháng 3.
 
Định mệnh: Lặp lại y chang sai lầm lúc bắt đầu xâm lược, Nga thảm bại dưới tay Lữ Đoàn 25 Dù Ukraine
VietCatholic Media
15:08 05/04/2024

1. Nga đang lặp lại sai lầm lúc bắt đầu cuộc xâm lược Ukraine.

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Is Repeating Its Mistakes From Start of Ukraine War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Ukraine đã ca ngợi thành công gần đây của mình trong việc tiêu diệt một loạt xe tăng và xe thiết giáp của Nga gần thành trì Avdiivka trước đây của Ukraine đang bị bao vây, minh họa cho một chiến lược của Nga tiếp tục lặp lại những sai lầm khiến Mạc Tư Khoa phải trả giá đắt trong những tuần đầu của cuộc chiến, bất chấp các vấn đề lãnh thổ lợi ích gần đây.

Kyiv hôm thứ Năm cho biết lính dù thuộc Lữ đoàn dù số 25 của nước này đã ngăn chặn một cuộc tấn công “quy mô lớn” của Nga gần làng Tonenke, phá hủy một số lớn xe tăng và xe chiến đấu bộ binh ngay phía tây Avdiivka. Lữ đoàn, trong một tuyên bố riêng, nói đơn giản rằng họ đã “phá hủy một đoàn thiết bị của đối phương”.

Viện Nghiên Cứu Chiến Tranh Hoa Kỳ, gọi tắt là ISW, một cơ quan cố vấn của Mỹ theo dõi chặt chẽ cuộc xung đột ở Ukraine, đã mô tả cuộc tấn công của Nga xung quanh Tonenke là “cuộc tấn công cơ giới hóa quy mô tiểu đoàn đầu tiên” của Mạc Tư Khoa kể từ khi Điện Cẩm Linh bắt đầu cuộc tấn công vào Avdiivka vào tháng 10 năm ngoái. Một tiểu đoàn xe tăng Nga thường có tới 30 xe.

Mới tuyên bố giành được Avdiivka vào giữa tháng 2 — là chiến thắng lớn đầu tiên của Nga kể từ chiếm được Bakhmut vào tháng 5 năm 2023 — việc mất quá nhiều phương tiện trong một lần tấn công là lời gợi nhớ lại những lỗi ban đầu và tổn thất thiết giáp cao ngất trời mà Mạc Tư Khoa phải gánh chịu trong giai đoạn đầu tiên của cuộc xâm lược toàn diện hai năm trước.

Bryden Spurling, lãnh đạo nghiên cứu cao cấp về quốc phòng và an ninh của chi nhánh Âu Châu của RAND think tank, cho biết: “Có một số điểm tương đồng giữa cuộc tấn công này của Nga gần Tonenke và những cuộc tấn công của Nga vào thời kỳ đầu chiến tranh”.

Ông nói với Newsweek: “Điều đáng ngạc nhiên là đội quân ở Tonenke chủ yếu sử dụng một con đường duy nhất và dường như không sử dụng bãi đất trống ở hai bên và phân tán lực lượng ra”.

Ông nói thêm rằng các tổ lái của Nga có thể đã lo lắng về địa hình lầy lội hoặc mìn nhưng họ vẫn bị buộc phải tiến lên. “Dù thế nào đi nữa, đây cũng là những tổn thất đáng kể về xe tăng và xe chiến đấu bộ binh”.

Thiếu tá Victor Tregubov, một nhà báo và biên tập viên người Ukraine hiện đang phục vụ trong quân đội Ukraine, nói với Newsweek: “Gần Tonenke, chúng tôi đã chứng kiến những sai lầm gần như tương tự từ phía họ như ở gần Vuhledar năm trước”.

Vuhledar, một thị trấn nhỏ ở miền nam Ukraine, là nơi xảy ra các cuộc đụng độ dữ dội trong vài tuần vào đầu năm 2023. Các quan chức Ukraine nói với The New York Times vào thời điểm đó rằng đây là “trận chiến xe tăng lớn nhất trong cuộc chiến cho đến nay”.

Các nhà phân tích trước đây đã nói với Newsweek rằng những thất bại về mặt tổ chức và lập kế hoạch đã cản trở các cuộc tấn công bằng thiết giáp đầu tiên của Nga trong cuộc tấn công đầu tiên vào năm 2022. Sự đứt gãy trong chuỗi chỉ huy, huấn luyện kém và thương vong ban đầu nặng nề đã khiến rất ít binh sĩ Nga có thể huấn luyện thế hệ lái xe tăng tiếp theo.

Kể từ đó, Nga đã đốt cháy kho vũ khí xe tăng của mình. Vào tháng 2, Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Anh, ước tính rằng Mạc Tư Khoa đã mất hơn 3.000 xe tăng trong hai năm chiến tranh - nhiều hơn toàn bộ lực lượng xe thiết giáp đang hoạt động trước chiến tranh của nước này.

Tuy nhiên, Mạc Tư Khoa đã đặt ngành công nghiệp quốc phòng khổng lồ của mình vào tình thế sẵn sàng chiến đấu, giúp bổ sung lực lượng xe tăng của họ trong khi vẫn phải hứng chịu các cuộc tấn công liên tục từ lực lượng Ukraine. Putin cho biết hồi đầu năm nay rằng sản lượng xe tăng nội địa của Nga đã tăng gấp 5 lần kể từ tháng 2 năm 2022. Điện Cẩm Linh cũng đã rút những chiếc xe tăng cũ ra khỏi kho và tái sử dụng những phương tiện cũ để vận chuyển và kích nổ chất nổ xung quanh mục tiêu.

Tregubov, nhà báo Ukraine chuyển sang làm lính, nói: “Họ biết rằng họ có ưu thế về trang bị và có thể liều lĩnh”.

Spurling, nhà phân tích của RAND cho biết thêm: “Họ dường như ít quan tâm đến tổn thất nhân sự và ném các đơn vị vào phòng tuyến của Ukraine nhằm cố gắng làm kiệt sức quân phòng thủ Ukraine và tìm ra điểm yếu”.

Các nhà phân tích quân sự nhìn chung đồng ý rằng Nga phần lớn đã đánh giá lại một số chiến thuật ban đầu của mình. Spurling cho biết, Điện Cẩm Linh đã tiến hành cuộc tấn công “không chuẩn bị kỹ lưỡng và quá tự tin”, khi các xe thiết giáp của họ vướng vào các cuộc phục kích của Ukraine mà không có đủ sự hỗ trợ của bộ binh để che chắn cho chúng.

2. Cú gọi với Nga, 'có tính chất hăm dọa' đang trở thành vấn đề ngoại giao khiến Pháp đau đầu

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “The ‘menacing’ call with Russia that’s turning into a diplomatic headache for France”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Pháp và Nga đang tranh cãi về nội dung cuộc điện đàm cao cấp hiếm hoi giữa Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Và những thông tin trái chiều trong cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ hôm thứ Tư đang nhanh chóng trở thành một vấn đề ngoại giao khó chịu đối với Paris.

Trong khi Paris nói rằng cuộc gọi này chỉ dành riêng cho cuộc chiến chung chống khủng bố thì Điện Cẩm Linh tuyên bố các bộ trưởng cũng thảo luận về các cuộc đàm phán có thể có về cuộc chiến ở Ukraine. Mạc Tư Khoa cũng tận dụng cơ hội này để đưa ra những lời đe dọa không che giấu đối với Pháp.

Sau cuộc gọi, Nga ám chỉ cáo buộc rất xa vời rằng cơ quan mật vụ Pháp có liên quan đến vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước ở Mạc Tư Khoa mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố nhận trách nhiệm. Mạc Tư Khoa đang cố gắng đổ lỗi cuộc tấn công này cho Ukraine mà không có bằng chứng.

“Chế độ Kyiv sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của những người ủng hộ phương Tây. Chúng tôi hy vọng rằng, trong trường hợp này, các cơ quan mật vụ của Pháp không đứng sau vụ việc này”, ông Shoigu nói trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng hôm thứ Năm.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích cái mà ông gọi là “những bình luận mang tính chất thêu dệt và đầy đe dọa” từ người Nga. Một quan chức Pháp được POLITICO liên hệ hôm thứ Năm đã phủ nhận toàn bộ thông tin từ Mạc Tư Khoa.

Một tuyên bố trước đó từ Bộ lực lượng vũ trang Pháp cho biết, trong cuộc điện đàm, Lecornu đã kêu gọi Nga chấm dứt việc “thao túng” vụ tấn công khủng bố ở Mạc Tư Khoa, đồng thời nói thêm rằng “Pháp không có thông tin nào cho thấy vụ tấn công có liên quan đến Ukraine”.

Trận bóng bàn giữa Paris và Mạc Tư Khoa nhấn mạnh mối quan hệ chua chát giữa hai nước khi ông Macron chuyển từ tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho cuộc chiến sang kêu gọi Ukraine chiến thắng Nga và cảnh báo rằng quân đội phương Tây có thể được triển khai tới Ukraine.

Pháp cũng đang phải đối mặt với các cuộc tấn công thông tin ngày càng gia tăng của Nga, nhắm vào vợ của Macron là Brigitte Macron và cáo buộc Pháp và Ba Lan lên kế hoạch chia cắt Ukraine.

Cựu Tổng thống Pháp François Hollande khuyên chính phủ Pháp “không nên liên lạc với Nga”.

“Bạn có thấy cách Nga thao túng các cuộc thảo luận này và gợi ý rằng Pháp có thể đã hỗ trợ các cuộc tấn công ở Mạc Tư Khoa không?” ông Hollande nói trên đài phát thanh France Inter.

Nga cũng tuyên bố rằng Lecornu và Shoigu đã thảo luận về các cuộc đàm phán tiềm năng về Ukraine, một tuyên bố đã nhanh chóng bị một quan chức Pháp khác phủ nhận.

Một quan chức được giấu tên để thảo luận về một vấn đề nhạy cảm cho biết: “Mục tiêu của cuộc gọi chỉ là thảo luận về trào lưu khủng bố và thông tin cho rằng Pháp sẵn sàng đàm phán về Ukraine là hoàn toàn sai sự thật”.

Theo thông tin của Pháp, Lecornu đề nghị tăng cường trao đổi giữa Pháp và Nga trong cuộc chiến chống khủng bố vào thời điểm Pháp phải đối mặt với các mối đe dọa khủng bố gia tăng trước Thế vận hội Olympic Paris và khi cuộc chiến của Israel ở Gaza vẫn tiếp diễn.

Hôm thứ Tư, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và đặc phái viên hiện tại tại Li Băng, Jean-Yves Le Drian, đã tố cáo điều mà ông gọi là việc Nga sử dụng cuộc gọi này một cách “không thành thật và không thể chấp nhận được” trên Sud Radio.

“Đó là sự thao túng cực độ. Chúng ta phải đối mặt với sự thao túng hoàn toàn và đáng buồn là việc sử dụng trào lưu khủng bố cho mục đích tuyên truyền,” ông nói.

Cuộc gọi giữa bộ trưởng quốc phòng Pháp và Nga là cuộc trao đổi đầu tiên giữa hai người kể từ tháng 10 năm 2022, và được Lecornu khởi xướng theo yêu cầu của Macron.

3. Macron nói ông 'không nghi ngờ gì' Nga sẽ nhắm vào Thế vận hội Paris

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm cho biết ông “không nghi ngờ gì” về việc Nga sẽ tấn công vào Thế vận hội Paris vào mùa hè này.

Khi được phóng viên hỏi về mối đe dọa của Nga đối với Thế vận hội, ông Macron nói: “Tôi không nghi ngờ gì về bất cứ điều gì, kể cả về mặt thông tin”.

Bình luận của ông, được đưa ra tại một sự kiện ở Paris nhân dịp khánh thành trung tâm thể thao dưới nước Thế vận hội mới, là sự thừa nhận rõ ràng nhất cho đến nay về các mối đe dọa từ nước ngoài đối với an ninh của Thế vận hội.

Macron gần đây đã áp dụng lập trường cứng rắn hơn trong cuộc chiến, thề rằng Mạc Tư Khoa phải bị đánh bại, mặc dù ông đã nói rõ rằng Pháp không có ý định xúi giục hành động thù địch chống lại Nga. Đầu tuần này, Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne cho biết Pháp sẽ đề xuất các biện pháp trừng phạt ở cấp độ toàn Liên Hiệp Âu Châu đối với những kẻ đứng sau việc phát tán “thông tin sai lệch”.

Diễn biến này xảy ra khi Pháp và Nga đang tranh cãi về nội dung cuộc điện đàm cao cấp hiếm hoi giữa Bộ trưởng Lực lượng vũ trang Pháp Sébastien Lecornu và Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Những thông tin trái chiều liên quan đến cuộc trò chuyện kéo dài hàng giờ đồng hồ hôm thứ Tư đang nhanh chóng trở thành một vấn đề ngoại giao khó chịu đối với Paris.

Paris nói rằng cuộc gọi này chỉ dành riêng cho cuộc chiến chung chống khủng bố mà Pháp quan tâm vì sắp tổ chức Thế vận hội. Nhưng Điện Cẩm Linh lại tuyên bố rằng các bộ trưởng cũng thảo luận về các cuộc đàm phán có thể có về cuộc chiến ở Ukraine. Mạc Tư Khoa cũng tận dụng cơ hội này để đưa ra những lời đe dọa không che giấu đối với Pháp.

Nga ám chỉ rằng cơ quan mật vụ Pháp có liên quan đến vụ tấn công khủng bố hồi tháng trước ở Mạc Tư Khoa mà nhóm Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố nhận trách nhiệm. “Chế độ Kyiv sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không có sự đồng ý của những người ủng hộ phương Tây. Chúng tôi hy vọng rằng, trong trường hợp này, các cơ quan mật vụ của Pháp không đứng sau vụ việc này”, ông Shoigu nói trong một tuyên bố của Bộ Quốc phòng hôm thứ Năm.

Hôm thứ Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chỉ trích cái mà ông gọi là “những bình luận mang tính chất thêu dệt và đầy đe dọa” từ người Nga.

Cựu Tổng thống Pháp François Hollande không giấu được sự bực tức với chính phủ Pháp trên đài phát thanh France Inter. Ông nói:

“Các ông không thấy cách Nga thao túng các cuộc thảo luận này và gợi ý rằng Pháp có thể đã hỗ trợ các cuộc tấn công ở Mạc Tư Khoa sao? Tôi đã nói với các ông cả ngàn lần, từ nay đừng nói chuyện với bọn Nga nữa”

4. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói: Chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa để giúp Ukraine

Kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng NATO, tổng thư ký liên minh Jens Stoltenberg nói với các phóng viên rằng tình hình trên chiến trường ở Ukraine vẫn nghiêm trọng và Ukraine cần thêm lực lượng phòng không và hỗ trợ.

Ông nói, chúng ta cần phải làm nhiều hơn nữa và nói thêm rằng sự hỗ trợ cần phải được thực hiện trên cơ sở lâu dài hơn.

Ông cảnh báo, nếu không huy động thêm sự hỗ trợ, có nguy cơ Nga sẽ chiếm được nhiều lãnh thổ hơn.

Ông nói, người Ukraine đã chứng tỏ rằng họ có khả năng sử dụng cực kỳ cao các thiết bị do các đồng minh NATO cung cấp.

Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, cho biết các đồng minh cần làm hai việc: huy động thêm sự hỗ trợ cho Kyiv trong những ngày và tuần tới, đồng thời bảo đảm rằng chúng ta có thể thiết lập một khuôn khổ mạnh mẽ hơn, vững chắc hơn trong thời gian dài, hỗ trợ đúng thời hạn, do đó viện trợ có thể tiếp tục trên cơ sở dễ dự đoán hơn.

Nhà lãnh đạo NATO nhắc lại rằng giới lãnh đạo quân sự của liên minh đã được giao nhiệm vụ đưa ra một cơ cấu, cơ cấu này sẽ phải được củng cố bằng một cam kết tài chính. Ông từ chối đi vào chi tiết hơn về kế hoạch huy động 100 tỷ Euro cho Ukraine.

Khi được hỏi về việc Ukraine yêu cầu tăng cường phòng không, Jens Stoltenberg cho biết các đồng minh hiểu được sự cấp bách.

Ông nói, giờ đây, các đồng minh sẽ quay lại và xem xét kho hàng của họ để xem liệu có cách nào để cung cấp thêm hệ thống hay không, bao gồm cả Patriot.

Nhà lãnh đạo NATO cho biết, một phần là vấn đề về hệ thống và một phần là vấn đề cung cấp các hỏa tiễn đánh chặn.

Dư luận chung của các phóng viên có mặt tại cuộc họp mừng sinh nhật thứ 75 của NATO là một bầu không khí đoàn kết, tin tưởng và lạc quan.

5. Ngũ Giác Đài bảo vệ tốc độ vận chuyển vũ khí vì Ukraine lo ngại đã quá muộn

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Pentagon defends pace of weapon shipments as Ukraine worries it’s too late”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngũ Giác Đài đang biện hộ cho việc cung cấp vũ khí đều đặn cho Ukraine ngay cả khi các quan chức ở Kyiv nói rằng sự hỗ trợ đến quá chậm - và có thể đã quá muộn để giúp xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Ukraine.

Hôm thứ Tư, POLITICO nêu chi tiết những lời chỉ trích từ các quan chức cao cấp Ukraine, những người nói rằng họ không thể bảo vệ tiền tuyến được nữa: “Hiện tại không có gì có thể giúp Ukraine”, một quan chức nói.

Các quan chức cho biết, phương Tây không có công nghệ để giúp Ukraine và họ cũng chưa gửi vũ khí đủ nhanh. Một sĩ quan cao cấp cho biết, mặc dù các chiến đấu cơ F-16 sắp ra mắt đều được chào đón nhưng chúng sẽ hữu ích hơn một năm trước. Các máy bay ban đầu dự kiến sẽ đến Ukraine vào cuối năm 2023 và giờ đây chúng dự kiến sẽ đến vào cuối mùa xuân sau khi quá trình đào tạo phi công hoàn tất.

Bộ Quốc phòng cũng muốn quá trình này diễn ra nhanh hơn nhưng lập luận rằng việc này đang tiến triển là có lý do chính đáng.

Phát ngôn nhân Ngũ Giác Đài, Thiếu Tướng Pat Ryder, cho biết: “Mặc dù việc đưa F-16 đến Ukraine sớm hơn là lý tưởng nhưng việc này vẫn cần phải được thực hiện đúng cách và chúng tôi tin rằng chúng vẫn sẽ mang lại sự tăng cường đáng kể cho sức mạnh không quân của Ukraine khi chúng đi vào hoạt động”.

Phát ngôn nhân của Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby cho biết hơn một năm trước rằng chỉ riêng máy bay phản lực sẽ không đủ để thay đổi cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kyiv, và các quan chức Ukraine nói với POLITICO rằng sự chậm trễ đã khiến chúng không còn phù hợp trên chiến trường do bản chất thay đổi nhanh chóng của chiến tranh.

Tướng Pat Ryder nhấn mạnh rằng số lượng lớn binh sĩ của Nga cũng “đặt ra một mối đe dọa ghê gớm”, nhưng ông lập luận rằng các hệ thống vũ khí tiên tiến của phương Tây kết hợp với lực lượng lành nghề và tinh thần của Ukraine đang giúp san bằng sân chơi. Ông lưu ý rằng Hoa Kỳ đã hỗ trợ khoảng 74,6 tỷ Mỹ Kim kể từ khi cuộc xâm lược bắt đầu.

Nhưng Ukraine dường như đang có những động thái ngày càng cấp bách, một dấu hiệu cho thấy mọi việc không được suôn sẻ cho lắm. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã hạ độ tuổi nhập ngũ tối thiểu từ 27 xuống 25 trong tuần này, đồng thời sa thải một trợ lý cao cấp và một số cố vấn trong một cuộc cải tổ chính phủ khác.

Doug Klain, một thành viên Hội đồng Đại Tây Dương, cho biết, sự chậm trễ trong việc nhận được F-16 và Hệ thống hỏa tiễn chiến thuật quân đội từ Washington chỉ là hai ví dụ về “việc kéo Tòa Bạch Ốc đến nơi mà các đồng minh của chúng ta đã ở trong nhiều tháng là khó khăn đến mức nào. Chúng tôi đã thấy rằng nỗi lo sợ của họ về sự leo thang đã bị thổi phồng quá mức.”

Ngũ Giác Đài đang có kế hoạch gửi một số ATACMS cũ tới nước này, có thể di chuyển 100 dặm và mang theo đầu đạn chứa hàng trăm quả bom chùm, và họ đã bí mật gửi một số vào tháng 9.

Nhưng các quan chức Ukraine nói rằng có một điều có thể tạo ra sự khác biệt hiện nay: Họ muốn có thêm hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot để bảo vệ trước các cuộc không kích gần đây của Nga, và họ muốn có chúng ngay hôm qua.

“ Ukraine là quốc gia duy nhất trên thế giới tự bảo vệ mình khỏi các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo gần như hàng ngày. Do đó, các hệ thống Patriot ngày nay nên hoạt động ở Ukraine và không được cất giữ trong nhà chứa máy bay”, theo một tài liệu nội bộ của chính phủ Ukraine gửi hôm thứ Năm, đặt ra các điểm thảo luận cho các quan chức Ukraine, mà POLITICO thu được. “Việc chuyển giao hệ thống Patriot cho Ukraine là vấn đề ý chí chính trị chứ không phải khả năng vật chất.”

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Tư cho biết các đối tác chưa gửi đủ hệ thống phòng thủ hỏa tiễn Patriot tới Kyiv và đưa ra yêu cầu tăng cường phòng không trước cuộc gặp với Ngoại trưởng Antony Blinken hôm thứ Năm.

Đất nước này có một số hệ thống Patriot do Mỹ, Đức và Hà Lan đóng góp - tất cả những hệ thống này chỉ được bố trí xung quanh Kyiv. Kuleba cho biết các đối tác hiện có hơn 100 hỏa tiễn Patriot và các quan chức hàng đầu khác nói rằng Ukraine không thể tự mình sở hữu thêm hệ thống này.

6. Bốn người thiệt mạng trong cuộc tấn công bằng máy bay không người lái ở Kharkiv

Hãng tin AP đưa tin quân đội Nga đã tung ra nhiều đợt máy bay không người lái Shahed tấn công Kharkiv trong đêm. Thống đốc khu vực Oleh Syniehubov cho biết 4 người thiệt mạng và 12 người bị thương.

Nga đã tấn công thành phố lớn thứ hai của Ukraine bằng ít nhất 15 máy bay không người lái, một số chiếc đã bị lực lượng phòng không bắn hạ.

Ba nhân viên cấp cứu đã thiệt mạng khi Nga tấn công một tòa nhà nhiều tầng bị hư hại trong cuộc tấn công trước đó. Sáu người bị thương tại địa điểm đó. Một tòa nhà 14 tầng khác bị máy bay không người lái tấn công, khiến một phụ nữ 69 tuổi thiệt mạng.

Kharkiv đã trở thành mục tiêu thường xuyên của quân đội Nga trong những tuần gần đây. Thành phố phía đông này nằm sát biên giới với Nga và đã bị tấn công bằng cả hỏa tiễn đạn đạo và máy bay không người lái.

Một cuộc tấn công hỏa tiễn quy mô lớn gần đây nhằm mục đích gây thiệt hại đáng kể cho cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine đã khiến phần lớn Kharkiv chìm trong bóng tối và tình hình ở đó vẫn đang được ổn định.

“Mỗi biểu hiện khủng bố của Nga một lần nữa chứng minh rằng kẻ khủng bố đất nước chỉ xứng đáng có một điều - một tòa án,” nhà lãnh đạo nhân quyền Ukraine, Dmytro Lubinets, đăng trên Telegram để phản ứng lại vụ tấn công.

7. Kuleba kêu gọi Blinken tìm cách cung cấp thêm Patriots

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và “thúc giục các đối tác Mỹ của chúng ta tìm cách cung cấp thêm các hệ thống phòng không 'Patriot' càng sớm càng tốt.”

Kuleba cũng lưu ý rằng họ “đã thảo luận về các bước tiếp theo trong những ngày và tuần tới để mở khóa viện trợ bổ sung của Mỹ cho Ukraine.”

Ông cho biết:

Tôi rất vui được gặp Ngoại trưởng Blinken tại Brussels để bày tỏ lòng biết ơn của tôi đối với Hoa Kỳ vì tất cả sự hỗ trợ của nước này đối với Ukraine kể từ khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga.

Tôi đã thông báo với Bộ trưởng Blinken về việc Nga gia tăng khủng bố trên không nhằm vào các thành phố và cộng đồng Ukraine, bao gồm cả việc sử dụng hỏa tiễn đạn đạo, đồng thời kêu gọi các đối tác Mỹ của chúng ta tìm cách cung cấp thêm các hệ thống phòng không “Patriot” càng sớm càng tốt.

Tôi biết ơn Bộ trưởng đã hành động ngay lập tức để đáp lại lời kêu gọi này.

Chúng tôi cũng thảo luận về các bước tiếp theo trong những ngày và tuần tới để mở khóa viện trợ bổ sung của Hoa Kỳ cho Ukraine.

Cuộc họp của Hội đồng NATO-Ukraine hôm nay đã chứng minh rằng tất cả các đồng minh NATO đều nhận ra vấn đề này cấp bách đến mức nào. Tất cả chúng ta đều cần nó được giải quyết càng sớm càng tốt.

Tại Brussels, ngoại trưởng Mỹ tuyên bố Ukraine sẽ gia nhập NATO.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng Ukraine cuối cùng sẽ trở thành thành viên NATO, đồng thời nói thêm rằng sự ủng hộ dành cho nước này là “vững chắc” giữa các quốc gia thành viên.

“Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO. Mục đích của chúng tôi tại hội nghị thượng đỉnh là giúp xây dựng cầu nối giữa các thành viên đó”, Blinken nói với các phóng viên ở Brussels hôm thứ Năm.

8. Cameron của Vương quốc Anh nói với Âu Châu: Chúng ta hãy gây áp lực lên Chủ tịch Hạ viện Johnson về vấn đề Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “UK’s Cameron tells Europe: Pressure House Speaker Johnson on Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ngoại trưởng Anh David Cameron hôm thứ Năm kêu gọi các đồng nghiệp Âu Châu gây áp lực lên Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Mike Johnson để phê duyệt viện trợ quân sự cho Ukraine.

“Điều quan trọng là chúng ta cần phải nói chuyện qua điện thoại, hoặc trong trường hợp của tôi là trực tiếp gặp Chủ tịch Johnson tại Hạ viện để thông qua dự luật tài trợ bổ sung đó,” Cameron nói với các phóng viên sau khi kết thúc cuộc họp kéo dài hai ngày giữa các bộ trưởng ngoại giao NATO.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ rằng các ngoại trưởng Âu Châu có vai trò thực sự trong việc đó”. “Quốc hội lắng nghe những gì người khác nói và những gì nước Mỹ có thể làm. Tôi nghĩ điều có thể thay đổi nhiều nhất câu chuyện về Ukraine sẽ là 60 tỷ Mỹ Kim chảy từ Mỹ sang Ukraine.”

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã công khai gây áp lực với các thành viên Quốc Hội tại Hạ viện trong nhiều tháng để thông qua gói viện trợ Ukraine. Johnson hứa rằng dự luật sẽ được đưa ra biểu quyết tại Hạ Viện Hoa Kỳ sau khi tái nhóm vào ngày 9 Tháng Tư tới đây.

Cameron, người trước đây đã tới Mỹ để yêu cầu cung cấp viện trợ cho Ukraine, đã vẽ ra một kết quả ảm đạm có thể xảy ra đối với Âu Châu - một kết quả trong đó Ukraine không chiếm ưu thế và Âu Châu bị chia rẽ.

Cameron nói “có một tương lai rất khác nếu Ukraine bị đánh bại đặc trưng bởi sự cổ vũ cho Mạc Tư Khoa, Bắc Kinh, Tehran, Bình Nhưỡng”.

“Và NATO và Âu Châu phải đối mặt với một tương lai bất an, nghi ngờ lẫn nhau về việc liệu chúng ta có thực sự đứng lên bảo vệ các đồng minh của mình hay không.”

Lời cầu xin hai phần trăm

Cameron cũng kêu gọi Âu Châu tăng gấp đôi nỗ lực để đạt mức chi tiêu 2% GDP cho quốc phòng - một chương trình nghị sự quan trọng của cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump khi ông một lần nữa tranh cử vào Tòa Bạch Ốc.

Ông nói: “Chúng ta cần - đặc biệt là những người đang thiếu 2% - cần gặp các thủ tướng và tổng thống của họ và thúc đẩy họ có được những khoản ngân sách đó”.

Ngoại trưởng Anh, cựu thủ tướng được đưa trở lại chính phủ vào năm ngoái, cũng kêu gọi các nước NATO khác đẩy nhanh công việc gửi vũ khí sắp hết hạn sử dụng tới Ukraine. Ông nói: “Những vũ khí đó nên được trao cho Ukraine - không tốn kém và phải ngừng hoạt động ở nước chúng ta”.

Cuối cùng, Cameron kêu gọi các đồng minh phương Tây “ép buộc” các bộ tài chính của họ sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga - “dù là thông qua các khoản vay hợp vốn hay thông qua trái phiếu hay bất kỳ phương tiện cần thiết nào để giúp đỡ ở Ukraine”.

9. Ngoại trưởng Đức nói rằng các thủ đô sẽ được yêu cầu tìm kiếm hệ thống phòng không

Ngoại trưởng Đức, Annalena Baerbock, nói tại trụ sở NATO rằng “chúng tôi đã nghe rõ ràng những gì ngoại trưởng Ukraine nói và tôi cũng muốn nhấn mạnh, chúng tôi thấy những gì đang xảy ra ở Ukraine, nhận ra rằng các bạn cần phòng không ngay bây giờ.”

Cô nói thêm: “Chúng tôi sẽ kêu gọi Âu Châu một lần nữa rằng mọi người phải kiểm tra xem lực lượng phòng không của họ ở đâu, họ có thể cung cấp những gì cho Ukraine”.

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba khi phát biểu cùng với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, cho biết ông đã đến Brussels trong bối cảnh “các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái liên tục chưa từng có”.

“Tôi không muốn làm hỏng bữa tiệc… bữa tiệc sinh nhật, nhưng thông điệp chính của tôi hôm nay sẽ là Patriots,” ông nói.

Kuleba nói thêm:

Việc cứu mạng người Ukraine, cứu nền kinh tế Ukraine, cứu các thành phố Ukraine phụ thuộc vào sự sẵn có của Patriot và các hệ thống phòng không khác ở Ukraine.

Ông cũng nhấn mạnh rằng “việc cung cấp Patriot phụ thuộc vào các đồng minh, họ có rất nhiều trong kho”.

10. NATO mời Ukraine dự tiệc sinh nhật nhưng không có cam kết mới về tư cách thành viên

Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Năm đứng một mình giữa đám đông các nước láng giềng của Nga tụ tập để kỷ niệm ngày thành lập NATO đúng 75 năm trước.

Đối với Kuleba, bữa tiệc sinh nhật của liên minh chỉ nhấn mạnh việc loại Ukraine khỏi câu lạc bộ mà họ rất muốn gia nhập và những yêu cầu khẩn cấp của họ đối với các nước tập hợp về vũ khí để chống lại các cuộc tấn công chết người của Nga.

Kuleba nói với các nhà báo: “Tôi đến đây trong bối cảnh Nga tiếp tục có các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái chưa từng có nhằm vào Ukriane”. “Tôi không muốn làm hỏng bữa tiệc, bữa tiệc sinh nhật. Nhưng thông điệp chính của tôi hôm nay sẽ là Patriots,” ông nói thêm, đề cập đến hệ thống chống hỏa tiễn do Raytheon có trụ sở tại Hoa Kỳ sản xuất.

Ukraine lần đầu tiên chính thức nộp đơn xin làm thành viên vào tháng 9 năm 2022, vài tháng sau cuộc xâm lược toàn diện của Putin. Nhưng đã có sự phản đối mạnh mẽ từ Hoa Kỳ và Đức, khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy khó chịu chỉ vài giờ trước khi hội nghị thượng đỉnh Vilnius NATO bắt đầu vào năm ngoái.

Tại hội nghị thượng đỉnh ở thủ đô Lithuania, các nước thành viên đã đồng ý rằng họ “sẽ có thể đưa ra” lời mời tới Kyiv “khi các đồng minh đồng ý và các điều kiện được đáp ứng”. Tuy nhiên, hai nhà ngoại giao NATO nói rằng không có tín hiệu nào từ Mỹ hay Đức cho thấy họ sẵn sàng thay đổi lập trường.

Chính thức, cánh cửa đã mở cho Ukraine.

“Khi chúng tôi chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh ở Washington, chúng tôi đang hợp tác để củng cố con đường đưa Ukraine trở thành thành viên NATO. Điều này quan trọng đối với an ninh của Ukraine và an ninh của chúng tôi”, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói khi ông chủ trì cuộc họp chung giữa Kuleba với các thành viên liên minh ngay sau khi cắt bánh sô cô la sinh nhật NATO.

Khi được hỏi về lộ trình trở thành thành viên của Ukraine, ông Stoltenberg nói với các nhà báo hôm thứ Tư rằng “tất cả các đồng minh đều đồng ý rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên; tất cả các đồng minh đều đồng ý rằng chúng ta cần tiếp tục đưa Ukraine đến gần hơn với tư cách thành viên NATO.”

Nhưng thiếu động lực ngoại giao để tìm ra ngôn ngữ bổ sung ngoài cam kết thờ ơ năm ngoái về việc Ukraine gia nhập NATO - một ngày nào đó.

Stoltenberg đã tìm được cơ hội tốt cho Ukraine khi nói rằng NATO có thể tiến nhanh hơn nhiều so với Liên minh Âu Châu, một tổ chức khác mà Kyiv muốn tham gia.

“ Tất nhiên, ở Liên minh Âu Châu, khi bạn được mời, có thể phải mất nhiều năm mới được mời trở thành thành viên. “Khi ở NATO, khi bạn được mời, điều đó sẽ xảy ra ngay sau đó.”

Ngoại trưởng Estonia Margus Tsahkna - quốc gia ủng hộ Ukraine nhiều nhất - thừa nhận rằng tư cách thành viên của Kyiv sẽ không phải là ưu tiên hàng đầu tại hội nghị thượng đỉnh tháng 7, do tình hình giao tranh gay gắt trên thực địa.

Tsahkna nói với POLITICO: “Chúng tôi đang tạo ra một cây cầu và cuối cùng Ukraine sẽ trở thành thành viên của NATO”. “Nhưng bây giờ chúng tôi phải tập trung vào tình hình hiện tại.”

Đối với các đồng minh NATO thông cảm hơn, chẳng hạn như Ba Lan, Anh và Pháp, “cây cầu” đó là tập trung vào việc tăng cường hơn nữa khả năng tương tác quân sự giữa Ukraine và NATO - một chỉ số quan trọng cho thấy khả năng tham gia của Kyiv trong tương lai.

Pháp đã đưa ra ý tưởng gửi quân nhân tới Ukraine vì mục đích huấn luyện, trong khi các bộ trưởng NATO cũng đồng ý để tổ chức này có vai trò lớn hơn trong việc điều phối huấn luyện quân đội Ukraine.

Nhưng hiện tại, Ukraine đang ở bên ngoài nhìn vào, trong khi các cựu thành viên khác của đế chế Liên Xô - từ các nước vùng Baltic đến Ba Lan, Rumani và các nước khác đều ăn mừng sự ổn định do tư cách thành viên NATO mang lại.

Ngoại trưởng Ba Lan Radosław Sikorski nói: “Khi NATO được thành lập, đất nước của tôi, Ba Lan, đã bị mắc kẹt ở bên trái. “Thật không may, Nga lại đang tiến bước.”

Ngoại trưởng Lithuania, Gabrielius Landsbergis, cho biết thành công của đất nước ông sau khi gia nhập NATO có thể khiến nước này trở thành mục tiêu hấp dẫn đối với Nga.

Ông cho biết “chiến thắng vĩ đại nhất” của NATO là chiến thắng trong Chiến tranh Lạnh, cho phép đất nước của ông “tái xuất hiện với tư cách là một quốc gia độc lập và có chủ quyền trên bản đồ Âu Châu. Thật không may, có thể những trận chiến lớn nhất của NATO vẫn còn trong tương lai và chúng ta phải chuẩn bị rất kỹ cho điều đó.”
 
Vị HY nào sẽ là Giáo Hoàng tương lai? Hồng Y Parolin có thực sự là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá không?
VietCatholic Media
18:04 05/04/2024

1. Hồng Y Parolin có thực sự là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá không?

Ed Condon của Catholic Pillar có bài nhận định nhan đề “Is Parolin actually papabile?”, nghĩa là “Hồng Y Parolin có thực sự là ứng viên Giáo Hoàng sáng giá không?”Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Tuần này chứng kiến các báo cáo được rút ra từ một cuộc phỏng vấn dài được viết thành một cuốn sách khác của Đức Thánh Cha Phanxicô, lần này trình bày chi tiết những hồi ức của chính Đức Thánh Cha về chính trị mật nghị trong 2 năm 2005 và 2013.

Khi Đức Thánh Cha tiếp tục thảo luận về các mật nghị, quá khứ và tương lai, sự chú ý bắt đầu tập trung vào những người có khả năng dẫn đầu trong việc kế vị ngài, bất cứ khi nào ngày đó có thể đến.

Với sự đồng thanh ban đầu xung quanh các ứng cử viên “cánh tả” và “cánh hữu” cho mật nghị bầu cử tiếp theo, một số người bắt đầu tự hỏi liệu Đức Hồng Y Pietro Parolin có thể trở thành Hồng Y đồng thuận của “trung tâm hợp lý” và đưa ra một giải pháp thay thế cho một cuộc đối đầu gây chia rẽ trong Nhà nguyện Sistina hay không.

Nhưng cơ hội của “Giáo hoàng Parolin” là bao nhiêu?

Trong một cuộc phỏng vấn dài được viết thành một cuốn sách với nhà báo Tây Ban Nha Javier Martinez-Brocal, xuất bản tuần này, Đức Phanxicô nhắc lại rằng sau cái chết của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, ngài nhận thấy mình là người được một nhóm Hồng Y yêu thích, những người đã đề cử ngài là một ứng cử viên cản trở nhằm ngăn chặn việc dồn phiếu cho Đức Hồng Y Joseph Radinger.

Theo lời kể của Đức Phanxicô, các Hồng Y, những người mà ngài từ chối nêu tên nhưng được nhiều người cho là nhóm “St. Gallen,” đã đề cử ngài, lúc bấy giờ là Hồng Y Bergolio, trong nỗ lực ngăn chặn Đức Ratzinger giành được đa số 2/3 cần thiết để được bầu.

Theo lời Đức Giáo Hoàng, kế hoạch - mà ngài nói rằng ngài không dự phần - không nhất thiết là để bảo đảm cuộc bầu cử của chính ngài, mà là để ngăn chặn người sẽ trở thành Bênêđíctô XVI thực hiện đủ các vòng bỏ phiếu để buộc các ứng cử viên mới phải được xem xét. Đức Phanxicô cho biết ngài không cho phép nêu tên mình vì ngài không nghĩ đây là thời điểm thích hợp cho cuộc bầu cử có thể xảy ra của ngài và rằng Đức Bênêđíctô là một vị giáo hoàng “chuyển tiếp” cần thiết giữa ngài và Thánh Gioan Phaolô II.

Là lịch sử, câu chuyện kể rất thú vị. Mặc dù nó cũng đúng lúc, và đây là cuộc phỏng vấn gần đây nhất trong số những cuộc phỏng vấn như vậy mà Đức Phanxicô, 87 tuổi, đã đưa ra về tiến trình bầu giáo hoàng, đồng thời phủ nhận rằng ngài có bất kỳ kế hoạch nào để thay đổi nó.

Những cuộc phỏng vấn này cũng diễn ra khi các Hồng Y ở Rôma và những nơi xa hơn đã bắt đầu suy nghĩ nghiêm chỉnh về mật nghị bầu Giáo Hoàng tiếp theo.

Và, với vị thế người dẫn đầu ngày càng quan trọng đối với kết quả cuối cùng, các ứng cử viên đang được âm thầm xem xét sớm hơn và nghiêm chỉnh hơn những gì người ta nghĩ trước đây.

Danh sách các ứng cử viên tiềm năng đã bắt đầu hình thành, với Đức Hồng Y Matteo Zuppi, chủ tịch hội đồng giám mục Ý và là đặc phái viên hòa bình của Đức Giáo Hoàng, được nhiều người coi là ứng cử viên hàng đầu của phe “trung tả”, cùng với Đức Hồng Y Mario Grech, là tổng thư ký Thượng Hội Đồng, được một số người coi là cấp tiến một cách cực đoan và là ứng cử viên “làm nền” để khiến Hồng Y Zuppi có vẻ ôn hòa hơn.

Đức Hồng Y Peter Erdö của Budapest từ lâu đã được coi là một ứng cử viên tiềm năng được yêu thích trong phe “bảo thủ” hơn của Hồng Y Đoàn, nhưng bản thân vị Hồng Y này được nhiều người coi là kín tiếng trong việc trở thành người phát biểu hoặc bị lôi kéo vào chính trường Vatican.

Gần đây hơn, một số người đã bắt đầu đề xuất Đức Thượng Phụ Latinh của Giêrusalem, Đức Hồng Y Pierbattista Pizzaballa, như một nhân vật mới nổi trong các cuộc tranh cử trước mật nghị, khi ngài thu hút được sự chú ý toàn cầu trong bối cảnh cuộc chiến ở Gaza, mặc dù không rõ liệu uy tín mới được tìm thấy của ngài có phải chỉ là một “thời điểm truyền thông” hay thực sự có ảnh hưởng sâu rộng trong Hồng Y Đoàn.

Tuy nhiên, giữa tất cả các cuộc thảo luận về khả năng có thể, tên tuổi của Đức Hồng Y Pietro Parolin vẫn tiếp tục được nhắc đến như một khả năng lâu năm. Với tư cách là Ngoại trưởng Vatican, ít nhất là về mặt lý thuyết – ngài là thành viên cao cấp thứ hai của giáo hội, với một khả năng bao quát tất cả các cơ quan và ngóc ngách của Vatican về các vấn đề của Giáo hội toàn cầu.

Những người ủng hộ ngài chỉ ra rằng ngài cũng là một nhà ngoại giao được đào tạo và có tính cách - một phẩm chất mà các Hồng Y có thể đánh giá cao khi đến Cơ Mật Viện. Họ có thể có lý.

Giám mục đoàn toàn cầu vẫn bị chia rẽ rõ ràng về nhiều vấn đề cốt lõi của giáo hội học - đặc biệt là tình trạng của Giáo hội ở Đức, Tiến Trình Công Nghị đang diễn ra, và sự phản đối trên toàn lục địa đối với Tuyên ngôn Fiducia Supplicans từ các giám mục Phi Châu.

Đối với nhiều người, Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đã đưa ra dấu hiệu thực tế đầu tiên về quan điểm của ngài trong phiên họp thượng hội đồng vào tháng 10 năm ngoái.

Trong các phiên họp kín, Đức Hồng Y đã đưa ra điều mà những người tham dự gọi là sự can thiệp “mạnh mẽ và rõ ràng”, kêu gọi những người tham gia nhấn mạnh sự trung thành với mặc khải của Thiên Chúa, như được huấn quyền của Giáo hội giải thích, trong quá trình trò chuyện của họ, đồng thời ca ngợi nguyên tắc đồng nghị và tầm quan trọng của quá trình này.

Đối với nhiều thính giả, Hồng Y Parolin đã đặt ra một số ranh giới rõ ràng xung quanh một tiến trình đồng nghị mà nhiều người cho là không nhận ra giới hạn thực sự nào đối với tiềm năng cải cách của chính nó, và họ thích những gì họ nghe được.

Trong khi đó, ở Rôma, các vòng cải cách và tái cơ cấu giáo triều đã khiến các ban ngành và các Hồng Y tổng trưởng của họ cảm thấy không chắc chắn về bản thân và sự tin cậy lẫn nhau.

Các quan chức ở các bộ liên tục báo cáo rằng tinh thần xuống thấp và ít sự tin tưởng giữa các bộ, và có cảm giác chung rằng bất kỳ hoạt động nào của bộ, dù bình thường đến đâu, cũng có thể bất ngờ gây ra sự can thiệp mạnh mẽ từ Đức Phanxicô. Thật vậy, chính cơ quan của Đức Hồng Y Parolin đã chứng kiến các văn phòng ngoại giao của mình được Đức Giáo Hoàng bổ sung (hoặc phá vỡ) trong những dịp đáng chú ý.

Trong khi các nhân viên của Vatican không được tham gia bỏ phiếu trong mật nghị, thì các nhà lãnh đạo của họ có quyền đó, và mong muốn có một giáo hoàng để giáo triều “tiếp tục công việc” có thể là một yếu tố thực sự - và Hồng Y Parolin nổi lên như nhân vật duy nhất có thể phát biểu những nguyện vọng thay mặt họ.

Với bối cảnh được sắp đặt theo cách này, cuộc tranh luận diễn ra, các Hồng Y có thể thấy Đức Hồng Y Parolin là một người hòa giải đáng tin cậy và là một giải pháp thay thế hấp dẫn cho một cuộc cạnh tranh kéo dài giữa các ý thức hệ đối thủ khi đến thời điểm bỏ phiếu.

Sau những bình luận gần đây của Đức Phanxicô về việc Đức Bênêđíctô đưa ra một “sự chuyển tiếp cần thiết” giữa Đức Gioan Phaolô II và ngài, nhiều người đã đề nghị Đức Hồng Y Parolin, ở tuổi 69 nhưng từng có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng trong quá khứ, có thể hoàn thành vai trò tương tự, đưa ra một thời gian yên tĩnh sau triều đại giáo hoàng năng động và tự phát, nhưng thường mang tính cá nhân của Giáo hoàng Phanxicô.

Thay vì ép buộc một cuộc đối đầu giữa các thế hệ tại mật nghị tiếp theo, với việc các Hồng Y được yêu cầu lựa chọn giữa việc bầu chọn một giáo hoàng cấp tiến bộ hay bảo thủ với nhiệm vụ giải quyết các cuộc chiến ý thức hệ đang sôi sục một lần và mãi mãi, những người ủng hộ Đức Hồng Y Parolin đang lặng lẽ đề xuất một giai đoạn giảm leo thang của giáo hoàng.

Như họ thấy, đó là niềm hy vọng tốt nhất để tránh một sự vi phạm mang tính thời đại trong hiệp thông Công Giáo từ một nơi nào đó như Đức, hoặc sự rạn nứt chết người trong sự thống nhất về giáo lý của Giáo hội và sự trượt nhanh theo hướng liên bang hóa và tan rã mà Anh giáo toàn cầu đã chứng kiến trong thời gian gần đây.

Nói như vậy, nhiều người có thể kết luận rằng triều đại giáo hoàng Parolin là đầy thuyết phục.

Nhưng bất kể sức hấp dẫn của ngài với tư cách là một người được coi là trung dung và có thể là người hòa giải, Hồng Y Parolin không thiếu những người chỉ trích, những người cũng sẽ cân nhắc trước và trong bất kỳ mật nghị nào trong tương lai. Và đối với một số người trong số họ, quan điểm cốt lõi cho rằng Giáo hoàng Parolin là một loại nhân vật trầm lặng, đang chuyển tiếp theo khuôn mẫu của Đức Bênêđíctô XVI là lập luận tốt nhất chống lại ý tưởng về Giáo Hoàng Parolin.

Trong khi Hồng Y Parolin, với uy tín không thể nghi ngờ của mình, đã cố gắng vượt lên trên nền chính trị cá nhân thường cay đắng vốn đã thống trị những người trong quỹ đạo của Đức Phanxicô - cả trong và ngoài sự ủng hộ của Giáo hoàng - thì một số người lại coi ngài là người vượt lên trên cuộc xung đột, đến mức bị tách ra.

Các nhà phê bình thường chỉ ra thủ đoạn tài chính hỗn loạn trong chính cơ quan của ngài, bị vạch trần trong phiên tòa tài chính gần đây của Vatican, và mức độ mà Đức Hồng Y Parolin dường như không nắm bắt được những gì các cấp phó của ngài đang làm.

Hơn nữa, họ nói, ngài tỏ ra do dự, đến mức tỏ ra không sẵn lòng, thách thức những người có vấn đề và những thực hành trong bộ phận của mình - đặc biệt là cựu Hồng Y sosituto bị kết án Angelo Becciu và người kế nhiệm ngài trong văn phòng đó là Tổng Giám mục Edgar Peña Parra.

Một số hoài nghi về khả năng được bầu làm Giáo Hoàng của Đức Hồng Y Parolin nói rằng sự so sánh với Đức Bênêđíctô XVI thực sự tỏ ra quá thích hợp, và rằng trong khi vị giáo hoàng tiền nhiệm có thể là nguồn gốc của sự ổn định thần học, thì rối loạn chức năng và tham nhũng của giáo triều vẫn lan tràn dưới sự giám sát của ngài, kết thúc bằng cái gọi là Vatileaks.

Những người khác, bao gồm cả những người thân cận với Phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, chỉ ra vụ kiện vẫn đang tiếp diễn chống lại bộ này do cựu kiểm toán viên Vatican, Libero Milone, đưa ra như bằng chứng cho thấy Đức Hồng Y Parolin không có khả năng - hoặc không muốn - giải quyết các vấn đề trước khi chúng trở thành vụ bê bối công khai.

Milone cáo buộc rằng ông đã bị Hồng Y Becciu buộc phải rời khỏi văn phòng của mình, người đã tuyên bố vào thời điểm đó rằng ngài đang hành động với tư cách là sostituto, và đã khởi kiện lên tòa án Vatican (hiện đang kháng cáo) sau nhiều năm tìm cách giải quyết bên ngoài tòa án thông qua Văn phòng của Hồng Y Parolin, nhưng vô ích.

Nếu mối lo ngại là Đức Hồng Y Parolin có thể chứng minh là một giáo hoàng “không ra tay” cuối cùng, thay vì nắm chắc tay lái của bộ máy Vatican, thì ý nghĩa tương tự cũng xuất hiện trong đường lối có thể xảy ra của ngài đối với sự chia rẽ trong Giáo hội.

Trong khi một số giáo sĩ cao cấp nói riêng rằng họ rất ấn tượng trước sự can thiệp của ngài tại thượng hội đồng, thì có mối lo ngại rằng một giáo hoàng quá hòa giải sẽ cho phép sự chia rẽ âm thầm sâu sắc và củng cố hơn là hàn gắn.

Trong các cuộc thảo luận về các dự thảo tài liệu tại thượng hội đồng trước đó, một nhân vật cao cấp đã nhắc lại với The Pillar, rằng Đức Hồng Y Parolin đã được yêu cầu xem xét danh sách “các ranh giới đỏ” do các Hồng Y cao cấp trình bày về các vấn đề khác nhau trong giáo huấn của Giáo hội mà họ khẳng định không thể làm suy yếu. “Nhưng chúng ta phải cho họ thứ gì đó,” vị linh mục nhớ lại câu nói của Hồng Y Parolin.

Khi sự chia rẽ trong Giáo hội ngày càng gia tăng giữa các giám mục ở Tây Âu (đáng chú ý nhất là Đức) và các nơi khác trên thế giới, như Phi Châu, thì một câu hỏi mở là chính sách xoa dịu lẫn nhau sẽ hấp dẫn đến mức nào khi được đưa ra biểu quyết trong mật nghị.

Xa hơn nữa, danh tiếng của Hồng Y Parolin với tư cách là một nhà ngoại giao là điều phổ biến, nhưng hầu như không được mọi người tôn vinh. Dưới thời Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y đã điều phối việc nối lại quan hệ ngoại giao của Vatican với Trung Quốc, và là kiến trúc sư trưởng của thỏa thuận gây nhiều tranh cãi Vatican-Trung Quốc về việc bổ nhiệm các giám mục đại lục.

Đức Hồng Y Parolin từ lâu đã thu hút sự chỉ trích gay gắt về thỏa thuận này, mà các nhà phê bình cho rằng đã khiến các giáo dân, linh mục và giám mục phải rơi vào tình cảnh sống hay chết phụ thuộc vào sự thương xót của Đảng Cộng sản và hầu như không làm được gì để thực sự thúc đẩy việc truyền giáo ở Trung Quốc.

Vào năm 2020, ngài trả lời câu hỏi về cuộc đàn áp Kitô giáo ở Trung Quốc bằng một câu hỏi đầy hoài nghi “Nhưng cuộc đàn áp nào?” trong điều có lẽ đã trở thành câu nói nổi tiếng nhất của Hồng Y Parolin - bao gồm cả một số Hồng Y anh em của ngài.

Đối với nhiều người đang cản trở cơ hội trở thành giáo hoàng của Hồng Y Parolin, khả năng và sự sẵn lòng của ngài trong việc thỏa thuận với Trung Quốc có thể là một dấu hiệu quan trọng cho thấy khả năng tồn tại của ngài trong Cơ Mật Viện.

Tuy nhiên, trong khi Đức Hồng Y gần đây đã đưa ra một giọng điệu công khai thận trọng hơn về những tiến bộ mà thỏa thuận đã thực sự đạt được cũng như thiện chí của chính phủ Trung Quốc, thì các quan chức và Hồng Y của Vatican đã nói với The Pillar trong những tuần gần đây rằng Đức Hồng Y Parolin vẫn kín đáo thách thức việc bào chữa của mình cho thỏa thuận và khẳng định việc giao tiếp với Trung Quốc là ưu tiên quan trọng nhất đối với Giáo hội ngày nay.

Đó có thể là nhận định riêng tư hợp lý để Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh đưa ra, nhưng nếu không có tiến bộ rõ ràng cho thấy những nỗ lực của ngài, hoặc một lập luận thuyết phục hơn những gì ngài dường như sẵn sàng đưa ra cho đến nay, thì điều đó khó có thể được chấp nhận rộng rãi trong mật nghị.

Xét một cách cân bằng, các lập luận ủng hộ và chống lại Parolin đều nêu bật điểm mạnh nhất của ngài trong bất kỳ nỗ lực nào để trở thành một ứng cử viên trung dung, “bên thứ ba” trong cuộc bầu cử giáo hoàng trong tương lai - là ngài được nhiều người biết đến.

Các nhà phê bình và những người ủng hộ đều đồng ý rộng rãi về trình độ chuyên môn của ngài cho công việc, hồ sơ theo dõi và các đặc tính có thể có của ngài với tư cách là một giáo hoàng tiềm năng, ngay cả khi họ không đồng ý về mức độ hấp dẫn của một triển vọng mà họ thấy.

Trong một Hồng Y Đoàn gồm những người tương đối xa lạ, hơn bao giờ hết trong thời kỳ hiện đại, sự quen thuộc - hoặc ít nhất là nhận thức về sự quen thuộc - có thể là một tài sản mạnh mẽ. Nhưng rất khó để đánh giá mức độ ủng hộ dành cho Đức Hồng Y Parolin, đặc biệt là trong các vòng bỏ phiếu quan trọng đầu tiên.

Giả sử một cuộc đối đầu giả định giữa một cặp ứng viên dẫn đầu bên trái và bên phải, không ai trong số họ có thể giành được đa số 2/3 trong ba vòng bỏ phiếu đầu tiên, thì câu hỏi sẽ trở thành: liệu Hồng Y Parolin có thể hiện đủ mạnh mẽ để thuyết phục một trong hai bên bỏ phiếu không? hỗ trợ ngài như một sự thỏa hiệp?

Nhưng ngay cả nếu ngài làm vậy, toán học trong hội nghị có thể chỉ mang lại cho ngài một cơ hội hẹp để tranh cử.

Chẳng hạn, nếu ngài nhanh chóng thu hút được hơn một nửa tổng số phiếu bầu và có vẻ đang có xu hướng tiến triển, thì ngài có thể kết thúc cuộc bầu cử vào ngày bỏ phiếu thứ 3. Nhưng nếu ngài tỏ ra trì trệ ở khoảng một nửa số phiếu, cho thấy ngài không thể giành được 2/3 số phiếu cần thiết mà vẫn chặn được một trong những người dẫn đầu trước đó một cách hiệu quả, thì ngài có thể thấy mình bị coi là một con ngựa vô tình rình rập từ phía sau. Một ứng cử viên bất ngờ thực sự có thể xuất hiện.

Là một nhà ngoại giao thực sự, Đức Hồng Y Parolin có lẽ đã biết tất cả những điều này. Câu hỏi thú vị hơn có thể chứng minh là ai, nếu có, ngài sẽ giúp nâng cao nếu mọi việc diễn ra theo cách này.


Source:Pillar
2. Nhật ký trừ tà số 285: Giuđa bị quỷ ám như thế nào?

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Exorcist Diary #285: How did Judas get Possessed?”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 285: Giuđa bị quỷ ám như thế nào?”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kinh Thánh cho rằng Giuđa đã bị quỷ ám. Tin Mừng Luca và Gioan đều nói: “Rồi Satan nhập vào Giuđa” (Lc 22:3) và “Satan nhập vào ông” (Ga 13:27). Để làm cho vấn đề trở nên rõ ràng hơn, Tin Mừng Thánh Luca sử dụng cùng một mô tả về việc người đàn ông bị quỷ ám: “Có nhiều quỷ nhập vào anh ta”. Như vậy, người bị quỷ ám là người bị ma quỷ “nhập vào” và Giuđa là một người như vậy.

Giuđa dường như không bị chiếm hữu hoàn toàn cho đến khi có hành động phản bội Chúa Giêsu cuối cùng, mặc dù trước đó ông ta đã ở dưới sự thống trị của Satan. Tin Mừng Thánh Gioan kể: “Ma quỷ đã xúi giục Giuđa… nộp Người” (Ga 13:2). Nhưng chỉ đến phút cuối cùng, khi hắn chính thức phản bội Chúa Giêsu thì “Satan mới nhập vào người”. Trong khi tất cả chúng ta đều bị Ma Quỷ cám dỗ phản bội Chúa Giêsu theo cách riêng của mình, thì Giuđa dường như đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sự cám dỗ của Satan....

Chúng ta thấy trong cuộc đời của Giuđa một số động lực khiến ai đó dễ bị cám dỗ hơn và cuối cùng có thể dẫn đến sự chiếm hữu: Thứ nhất, Giuđa dường như đã vĩnh viễn sống trong tội lỗi nghiêm trọng. Tin Mừng Gioan mô tả ông là “một tên trộm... và thường trộm những đóng góp” dành cho người nghèo (Ga 12:6). Thứ hai, người ta có thể suy đoán từ hành động phản bội Chúa Giêsu rằng ông không có niềm tin vào Con Thiên Chúa. Thứ ba, cuối cùng, anh ta đã thực hiện hành vi nghiêm trọng là chính thức và cố tình phản bội Chúa Giêsu. Ba bước này chắc chắn là một cách để bị quỷ ám: không có đức tin, vĩnh viễn phạm tội trọng, sa vào những cám dỗ của Satan và phản bội Chúa Giêsu trong đời sống mình.

Sự chiếm hữu của ma quỷ không lấy đi ý chí tự do của một người và Giuđa vẫn phải chịu trách nhiệm về tội lỗi của mình. Trên thực tế, một số người bị quỷ ám đã thay đổi cuộc sống của họ và bắt đầu sống một cuộc sống gương mẫu: Thánh lễ hàng ngày, xưng tội thường xuyên, siêng năng cầu nguyện hàng ngày và sống một đời sống nhân đức. Cuộc thử thách bị quỷ ám và cuối cùng đạt tới sự giải thoát trong Chúa Kitô có thể là nguồn thánh hóa lớn lao, khi từ bỏ chính mình cho Chúa Giêsu và tin tưởng vào Ngài. Một số vị thánh được phong thánh được tường trình đã trải qua cảm giác bị quỷ ám như một phần của thập tự giá mà Chúa ban cho họ.

Điều đau buồn nhất trong câu chuyện của Giuđa Iscariot là hành động tuyệt vọng cuối cùng của ông. Thay vì quay lại với Chúa Giêsu, như Phêrô đã làm sau ba lần chối Chúa, có vẻ như Giuđa đã quay lưng lại với lòng thương xót của Thiên Chúa và tự kết liễu đời mình. Có thể Giuđa đã ăn năn trong những giây phút cuối cùng của mình, một điều mà chúng ta sẽ không bao giờ biết được, tuy nhiên lời tuyên bố của Chúa Giêsu thật đáng lo ngại: “Thà nó đừng sinh ra thì hơn” (Mc 14:21).

Đến một lúc nào đó, tất cả chúng ta đều phải đối mặt với sự thật rằng chúng ta là những người tội lỗi và đã đóng đinh Chúa Giêsu. Trong Tuần Thánh năm nay, một lần nữa chúng ta lại thấy sự lựa chọn căn bản của đời sống con người: đó là chọn niềm hy vọng của Thánh Phêrô hoặc sự tuyệt vọng của Giuđa.

Khi chúng ta nhìn lên Chúa Kitô chịu đóng đinh, chúng ta hãy cầu nguyện lời cầu nguyện cổ xưa của Chúa Giêsu dành cho các tu sĩ thế kỷ thứ 3 và thứ 4: “Lạy Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ có tội”.