Ngày 01-04-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Theo Chúa vào trong vinh quang ngang qua Thập giá
Lm. Đan Vinh
21:34 01/04/2020


Chúa Nhật Lễ Lá A

- Kiệu Lá: Mt 21,1-11

- Thánh Lễ : Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 27,11-54

I. HỌC LỜI CHÚA

1A. TIN MỪNG KIỆU LÁ: Mt 21,1-11

(1) Khi thầy trò đến gần thành Giê-ru-sa-lem và tới làng Bết-pha-ghê, phía núi Ô-liu, Đức Giê-su sai hai môn đệ (2) và bảo: “Các anh đi vào làng trước mặt kia, và sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh. Các anh tháo dây ra và dắt về cho Thầy. (3) Nếu có ai nói gì với các anh, thì trả lời là Chúa cần đến chúng. Người sẽ gởi lại ngay. (4) Sự việc đó xảy ra như thế để ứng nghiệm lời ngôn sứ: (5) Hãy bảo thiếu nữ Xi-on: Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa, lưng lừa con, là con của một con vật chở đồ”. (6) Các môn đệ ra đi và làm theo lời Đức Giê-su đã truyền. (7) Các ông dắt lừa mẹ và lừa con về, trải áo choàng của mình trên lưng chúng, và Đức Giê-su cỡi lên: (8) Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường, một số khác lại chặt nhành chặt lá mà rải lên lối đi. (9) Đám đông, người đi trước, kẻ theo sau, reo hò vang dậy: “Hoan hô Con vua Đa-vít ! Chúa tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa ! Hoan hô trên các tầng trời”. (10) Khi Đức Giê-su vào Giê-ru-sa-lem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau: “Ông này là ai vậy?” (11) Đám đông trả lời: “Ngôn sứ Giê-su, người Na-da-rét, xứ Ga-li-lê đấy”.

1B. TIN MỪNG TRONG THÁNH LỄ: Mt 27,11-54

2. Ý CHÍNH PHỤNG VỤ CN LỄ LÁ:

Phụng vụ CN Lễ Lá gồm hai phần:

Phần đầu lễ, bài Tin Mừng diễn tả cuộc khải hoàn của Đức Giê-su như một ông vua ngồi trên lưng lừa khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, giữa những tiếng hoan hô tưng bừng của mọi người: ” Hoan hô con Vua Đa-vít! Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa! Hoan hô trên các tầng trời”.

Nhưng rồi Tin mừng trong thánh lễ thuật lại buổi xử án Đức Giê-su và cuộc khổ hình Người phải vác cây thập giá lên Núi Sọ, chịu đóng đinh giữa hai tên trộm cướp như một kẻ tội đồ. Người vô tội nhưng đã chịu hình phạt thập giá đau thương nhục nhã của một tử tội để đền tội thay cho mọi người chúng ta.

3. CHÚ THÍCH:

- C 1-6: + Thầy trò đến gần Giê-ru-sa-lem: Theo Tin Mừng Gio-an (x Ga 12,1), sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su tới Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem khỏang gần 3 cây số vào buổi chiều, và thầy trò đã đến ở trọ qua đêm tại Bê-ta-ni-a trong nhà ba chị em Mác-ta Ma-ri-a và La-da-rô. + Tới làng Bết-pha-ghê: Giữa Bê-ta-ni-a và Giê-ru-sa-lem có làng Bết-pha-ghê, nằm dưới chân núi Ô-liu về phía Đông. + Sẽ thấy ngay một con lừa mẹ đang cột sẵn đó…: Câu này nói lên tính siêu việt nơi con người Đức Giê-su: Ngài có cái nhìn thấu suốt không gian thời gian, thấu suốt tâm can con người (x. Mt 9,4; Lc 7,39-40). + Một con lừa mẹ đang cột sẵn đó, có con lừa con bên cạnh: Chỉ Tin Mừng Mát-thêu mới nói đến con vật là lừa mẹ và lừa con. Còn ba Tin Mừng kia chỉ nói đến một con lừa tơ chưa một lần sử dụng, như dành riêng cho công việc linh thánh này. + “Chúa cần đến chúng”: Chủ lừa chắc là chỗ quen biết trước nên Đức Giê-su căn dặn môn đệ trả lời như vậy. Từ “Chúa” ở đây ám chỉ ông chủ lừa này đã tin Người là Đấng Thiên Sai.

- C 7-9: + Một đám người rất đông lấy áo mình trải xuống mặt đường: Dân chúng ở đây phần lớn là những người từ xứ Ga-li-lê lên Giê-ru-sa-lem dự lễ Vượt Qua. Họ nghỉ trong các quán trọ trên đường vào Thành, hoặc tạm trú trên sườn núi Cây Dầu. Những người này phấn khởi ra đón vị Vua Thiên Sai mà họ hy vọng sẽ giúp họ chống lại ách thống trị của ngoại bang. Họ lấy áo lót đường và chặt cành cây Ô-liu trải trên lối đi để bày tỏ lòng trọng kính Đức Giê-su như một vị Vua Thiên Sai theo phong tục Cận Đông thời bấy giờ. + Con vua Đa-vít: Dân chúng đã tin Đức Giê-su là Đấng Thiên Sai, là “Con Vua Đa-vít” khi họ thấy Người làm cho hai người mù được sáng mắt (x. Mt 20,30), và truyền cho La-da-rô chết bốn ngày sống lại (x. Ga 11,45). Đó là dấu chỉ thời đại Thiên Sai đã bắt đầu (x. Is 29,18-19; 25,7-9). + Hoan hô: Dân chúng nô nức theo sau và phấn khởi hoan hô Người bằng lời hoan hô được ghi trong Thánh Vịnh 118 (x. Tv 118,25-26).

4. HỎI ĐÁP:

- HỎI 1: Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem mấy lần trong đời của Người?

ĐÁP: Đọc Tin Mừng Mát-thêu, ta có cảm tưởng Đức Giê-su chỉ lên Giê-ru-sa-lem một lần duy nhất trong cuộc sống trần gian. Nhưng thực ra, Người đã lên Đền thờ ít là 5 lần quan trọng: Lần 1 khi mới sinh được 40 ngày (x. Lc 2,22-24). Lần 2 năm 12 tuổi, trẻ Giê-su theo cha mẹ lên Đền thờ (x. Lc 2,42). Lần 3,4,5: Trong gần 3 năm rao giảng Tin Mừng, mỗi năm Đức Giê-su đều lên Đền thờ dự lễ Vượt Qua (x. Ga 2,13; 5,1; 12,12), và vào nhiều lễ khác (x. Ga 7,10.14; 10,22-23).

- HỎI 2: Tại sao Người không cưỡi ngựa mà lại dùng lừa?

ĐÁP: Đức Giê-su ngồi trên lừa con chưa mang ách và chưa ai cưỡi cho thấy Người là Đấng Thiên Sai. Vì lừa mẹ ám chỉ dân Do thái đã từng mang ách của Luật Mô-sê (x. Cv 15,10), còn lừa con ám chỉ dân ngoại chưa từng mang ách, giờ đây sẽ được mang ách êm ái và gánh nhẹ nhàng của Đức Ki-tô (x. Mt 11,29-30). Người cưỡi trên mình lừa thay ngựa để nói lên sự khiêm tốn và hiếu hòa của Vua Thiên Sai. Bên Do thái, các bậc vua chúa quan quyền thường dùng lừa thay vì dùng ngựa. Như hoàng tử Áp-sa-lon đã chết thảm khi đang cưỡi lừa (x. 2 Sm 18,9).

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA: “Kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi, hiền hậu ngồi trên lưng lừa” (Mt 21,5).

2. CÂU CHUYỆN:

1) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG TỘT ĐỈNH CỦA CHÚA GIÊ-SU:

Vào một ngày Chúa Nhật nọ, BOB lái xe đưa vợ đi mua sắm một số đồ cần dùng. Hai vợ chồng bàn nhau vào một tiệm cầm đồ bình dân để tìm mua hàng rẻ. Bà chủ tiệm chỉ cho họ một số hàng quá hạn cần thanh lý. Bà vợ của BOB cầm lên xem một cây Thánh giá đã cũ, rồi ghé tai chồng nói nhỏ: “Đây là cây Thánh giá bằng bạc đắt tiền mà sao bà chủ tiệm lại để giữa các món hàng rẻ tiền này?” Sau đó, hai vợ chồng đã mua được cây Thánh giá ấy với giá chỉ một đôla ! Về đến nhà, BOB liền mang cây Thánh giá ra lau chùi sạch sẽ. Một lát sau, cây Thánh giá cũ kia đã trở nên bóng lộn và giá trị đã tăng lên cả trăm đôla ! Rồi BOB trân trọng đặt cây Thánh giá kia lên bàn. Sau đó cậu con trai của BOB đi học giáo lý về. Cậu chăm chú nhìn cây Thánh giá và tự nhiên hai giọt nước mắt từ từ lăn trên gò má. BOB rất ngạc nhiên trước thái độ của con trai và hỏi cậu nguyên nhân tại sao khóc như thế? Bấy giờ cậu bé trả lời như sau: “Thưa ba, hôm nay ở nhà thờ con học giáo lý về cây Thánh giá của Chúa Giê-su. Con biết Chúa Giê-su vì yêu thương nhân loại, nên đã sẵn lòng chịu chết trên cây Thánh giá, để đền tội thay cho chúng ta. Vì thế khi nhìn thấy cây Thánh giá này, con liền nghĩ đến tình thưong của Chúa thật quá lớn lao, và dù con đã cố kìm nén lại mà tự nhiên nước mắt cứ chảy ra !”.

2) MỖI NGƯỜI ĐỀU GÓP PHẦN VÀO VIỆC ĐÓNG ĐINH CHÚA GIÊ-SU:

Danh hoạ Rembrandt, người Hoà Lan, sống vào thế kỷ 17, đã để lại nhiều bức tranh nổi tiếng, trong đó nổi tiếng nhất là bức tranh "Ba cây thập giá".

Chiêm ngưỡng tác phẩm, hầu như ai cũng chú ý vào ba cây thập giá ở trung tâm: giữa hai cây thập giá của hai tên gian phi, thập giá của Chúa Giê-su đã nổi bật. Dưới chân thập giá là một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ sự hận thù ganh ghét... tác giả như muốn nói rằng: mọi người đều góp phần vào việc đóng đinh Chúa Giê-su trên cây thập giá.

Khi quan sát đám đông, người ta thấy một gương mặt dường như bị mất hút trong bóng tối, nhưng chỉ cần một vài nét cũng đủ để các nhà chuyên môn nhận ra đó là khuôn mặt của danh hoạ Rembrandt là tác giả bức tranh.

Tại sao giữa đám đông đằng đằng sát khí muốn thảm sát Chúa Giê-su, mà Rembrandt lại chèn thêm khuôn mặt của mình vào? Câu trả lời duy nhất có lẽ là do ông đã ý thức về tội lỗi của mình. Rembrandt như muốn thú nhận chính ông khi phạm tội cũng đã gián tiếp hành hình và treo Chúa Giê-su trên cây thập giá.

3) TÌNH YÊU CỦA CHÚA TRỔI VƯỢT HƠN TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI PHÀM:

Môn đệ của một vị đạo sĩ kia muốn từ bỏ thế gian, nhưng anh ta xem ra còn quyến luyến với tình cảm gia đình nên nói với đạo sĩ: "Vợ con của con rất thương yêu con, nên chắc sẽ không bằng lòng cho con thoát tục theo thầy đâu".

Nghe vậy, vị đạo sĩ muốn chứng minh cho anh chàng biết sự thật nên đã dạy cho anh một kỹ năng chết giả. Sau khi thực tập thuần thục, vị đạo sĩ bảo anh hãy về nhà áp dụng kỹ thuật chết giả này. Quả thật, anh ta đã áp dụng tuyệt vời bài học chết giả bằng việc nhắm mắt xuôi tay và ngừng thở, nhưng vẫn có thể nghe được tiếng khóc than của vợ con và người thân trong gia đình.

Ngày hôm sau, vị đạo sĩ đến để phân ưu cùng tang quyến. Sau giây phút tưởng niệm người quá cố, ông bảo với vợ con đang khóc thương người mới qua đời như sau: "Tôi có bí quyết để cứu sống người này, nếu có ai sẵn lòng chết thay thì anh ta sẽ sống lại".

Bấy giờ anh chàng giả chết rất ngạc nhiên khi nghe từng người trong gia đình anh nêu ra các lý do để từ chối chết thay anh. Sau cùng anh lại càng ngạc nhiên hơn nữa khi nghe chính người vợ nghĩa thiết của anh đã tóm lại quyết định của mọi người trong gia đình như sau: "Tôi nghĩ là không ai đồng ý chết thay cho chồng tôi đâu. Thực ra dù không có anh ta, thì chúng tôi vẫn có thể sống được ! ".

3. SUY NIỆM:

1) ĐẠO Công Giáo LÀ ĐƯỜNG VÀO VINH QUANG QUA THẬP GIÁ:

Người tín hữu là người chấp nhận đi trên Con Đường của Chúa Giê-su: Là đòi phải bỏ đi ý riêng của mình để vâng theo ý Thiên Chúa muốn như lời cầu của Chúa Giê-su với Chúa Cha: “Lạy Cha, nếu được, xin cho con khỏi uống chén này. Nhưng đừng theo ý con mà xin vâng ý Cha”, và như Người đã dạy các môn đệ: “Ai muốn theo tôi phải từ bỏ mình, vác thập giá mình hằng ngày mà theo tôi”. Mỗi người tín hữu chúng ta cần ý thức rằng: Ai đi Con Đường Giê-su sẽ không được dừng lại lúc Chúa khải hoàn vào thành Giêrusalem với cành lá, quần áo trải thảm trên đường, và đám đông hoan hô… nhưng phải trung thành theo Chúa trên đường thập giá, kết thúc trên Núi Sọ, chịu chết ô nhục giữa hai tên trộm cướp như một kẻ đại gian đại ác.

- Trên đường lên Giê-ru-sa-lem mọi người đều đi theo Chúa và đều là môn đệ của Chúa. Nhưng trên đường lên Núi Sọ thì chỉ còn ít người đi theo Chúa. Có những người đã phản nộp Thầy như Giu-đa, có người chối bỏ Thầy như Phê-rô. Còn những môn đệ còn lại thì đều hèn nhát bỏ Thầy mà chạy trốn…

2) TÔN VINH CHÚA GIÊ-SU LÀ VUA THIÊN SAI:

- Bài Tin Mừng khi rước lá thuật lại việc Đức Giê-su khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem như một vị Vua Thiên Sai, được dân chúng theo sau hoan hô như đón mừng một ông vua khải hoàn vào thành, hầu ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Gia-ca-ri-a. Vào thời Đức Giê-su, nhiều người Do thái đang chờ mong Đấng Thiên Sai đến để lãnh đạo dân đánh đuổi quân Rô-ma ra khỏi bờ cõi Do thái và thiết lập một Triều Đại Mới, giống như triều đại của vua Đa-vít và vua Sa-lô-mon xưa. Nhưng thực ra sứ mệnh cứu thế của Đức Giê-su không phải như dân Do thái đang trông đợi. Người là Đấng Thiên Sai nhưng là ông Vua “Mục Tử tốt lành, hiền hậu và khiêm nhường”. Người đã xưng mình là Vua trước mặt quan Tổng Trấn Phi-la-tô, khi hai tay đang bị trói, thân thể bị đòn đánh tan nát; khi phải đứng trước tòa án như một tội nhân. Danh hiệu Vua của Chúa Giê-su được ghi bằng dòng chữ viết tắt “INRI” gắn trên cây thập giá, nghĩa là: “Giê-su Na-da-rét Vua dân Do thái”.

- Đức Giê-su chính là Vua nhưng không phải như một ông Vua trần tục, đòi được người khác hầu hạ, nhưng là ông Vua Mục Tử Tốt Lành, hiền hậu và khiêm nhường:

+ Là Vua Mục Tử: Người biết rõ đàn chiên, yêu thương mọi con chiên và chăm sóc từng con, nhất là sẵn sàng đi tìm những con đi hoang, băng bó những con bị thương tích, âu yếm và vác chúng trên vai mà đưa về đàn. Ngày nay Người yêu thương đàn chiên Hội Thánh và yêu đến tột cùng, khi thiết lập bí tích Thánh Thể để ở với Hội Thánh mọi ngày và trở nên lương thực thần linh nuôi dưỡng Hội Thánh. Người cũng nêu gương khiêm nhường cho chúng ta, và mời gọi chúng ta hãy học nơi Người sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng.

+ Là Vua Hòa Bình: Người không ngồi trên ngựa chiến uy quyền khải hoàn vào thành thánh Giê-ru-sa-lem, nhưng khiêm tốn ngồi trên con lừa. Người đến không để kết án và trừng phạt tội nhân, nhưng để yêu thương, tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối ăn năn như tha tội người trộm lành trên cây thập tự. Người là Vua Mục Tử bảo vệ đàn chiên và sẵn sàng chịu chết để cho chiên được sống và sống dồi dào.

Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để đáp lại tình thương vô biên của Vua Giê-su?

3) ĐÁP LẠI TÌNH THƯƠNG CỨU ĐỘ CỦA VUA GIÊ-SU:

Một số việc các tín hữu chúng ta cầm thực hiện để trở thành môn đệ của Chúa Giê-su và xứng đáng được Chúa Cha đón nhận vào Nước Trời đời sau:

+ Siêng năng cầu nguyện: Lý do Tông đồ Phê-rô sa ngã và hèn nhát chối Thầy ba lần là vì đã quá tự tin vào sức riêng hơn là tin cậy vào ơn Chúa giúp, đã ăn uống no say và không theo lời Thầy dạy:” Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”.

+ Luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha: Khi gặp rủi ro, bệnh tật và những điều trái ý cực lòng, chúng ta hãy vâng theo ý Chúa Cha. Tránh đi coi bói toán, tin vào bùa phép và các thứ mê tín khác… Hãy xin Chúa thêm sức mạnh giúp chúng ta chấp nhận những đau khổ không thể tránh khỏi, coi đau khổ gặp phải như phương thế đền tội mình và góp phần cứu rỗi anh em.

+ Tránh cố tình phạm tội như Giu-đa, vì sẽ bị phạt chung số phận với ma quỷ như lời Chúa phán: “Khốn cho kẻ nộp Con Người. Thà nó đừng sinh ra thì hơn”.

+ Sẵn sàng tha thứ cho những kẻ có lỗi với mình như lời kinh Lạy Cha, noi gương Chúa Giê-su đã tha thứ cho ông Phê-rô sau khi ông chối Thầy ba lần; Hãy năng cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ thù ghét làm hại mình noi gương Chúa Giê-su đã xin Cha tha cho những kẻ làm khốn mình.

+ Luôn giữ bình tĩnh và dùng tình thương để hoán cải kẻ thù, noi gương Chúa Giê-su đã ứng xử với Giu-đa khi anh ta đến hôn mặt để nộp Người cho kẻ thù.

+ Kiên nhẫn chịu đựng khi bị khích bác, noi gương Chúa Giê-su đã im lặng chịu đựng trước những lời hò hét đả đảo của đám đông cuồng nộ.

+ Thực lòng sám hối và tin yêu Chúa noi gương kẻ trộm lành trên cây thập tự khi trách bạn: “Mi chịu cùng một án, mà mi chẳng sợ Thiên Chúa sao? Phần chúng ta, bị như thế này là đích đáng, vì xứng với tội ta đã làm. Còn ông Giê-su này đâu có làm điều gì xấu?” và cầu xin Chúa Giê-su: “Lạy ông Giê-su. Khi nào về Nước Ngài, xin nhớ đến tôi cùng”. Chúa Giê-su đã lập tức tha tội và ban ơn cứu độ cho anh khi phán: “Ta bảo thật. Ngay hôm nay anh sẽ được ở trên Thiên Đàng với Ta”.

+ Sau cùng, mỗi người chúng ta hãy quyết tâm loại trừ tính ganh ghét những ai hơn mình, để tránh phạm thêm tội ác khác như các đầu mục Do Thái xưa đã ganh ghét giết hại Chúa Giê-su.

4. THẢO LUẬN:

Trước đau khổ thập giá gặp phải do bản thân, người khác và do hoàn cảnh tự nhiên gây ra, chúng ta phải ứng xử thế nào để thể hiện đức tin vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa noi gương Đức Giê-su?

5. NGUYỆN CẦU:

LẠY CHÚA GIÊ-SU.

Trong những ngày Tuần Thánh này: Vì Chúa đã lấy thịt mình mà nuôi dưỡng chúng con, xin giúp chúng con năng nhớ đến những người nghèo khó để nhường cơm xẻ áo cho họ. Vì Chúa đã xao xuyến buồn sầu trong vườn Cây Dầu, xin giúp chúng con sẵn lòng chấp nhận chén đắng gặp phải trong cuộc sống. Vì Chúa đã bị kết án bất công, xin giúp chúng con dám lên tiếng bênh vực công lý. Vì Chúa đã chịu xỉ nhục nhạo cười, xin giúp chúng con biết nhẫn nhịn chịu đựng tha nhân. Vì Chúa đã vác cây thập giá nặng nề, xin giúp những ai đang đau khổ trên giường bệnh, biết sẵn sàng vác Thánh giá mà theo chân Chúa. Vì Chúa đã bị lột áo và chịu đóng đinh tay chân vào thập giá, xin giúp chúng con biết đóng đinh tính xác thịt mình vào thập giá Chúa. Vì Chúa đã giang tay chịu chết trên thập giá, xin giúp chúng con biết luôn cầu nguyện điều tốt cho tha nhân. Vì Chúa đã phục sinh vinh quang, xin cho chúng con biết đón nhận mọi sự xảy đến cho mình với niềm cậy trông phó thác vào tình thương quan phòng của Thiên Chúa… Nhờ đó, sau này chúng con hy vọng sẽ được tham phần vào hạnh phúc với Chúa trong Nước Trời muôn đời.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON
 
Bạn chọn thái độ nào?
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
22:41 01/04/2020

Chúa Nhật Lễ Lá A
Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14–27,66

Với Chúa Nhật Lễ Lá, chúng ta bước vào Tuần Thánh, là tuần cao điểm của năm phụng vụ, để cử hành và tưởng niệm cuộc Khổ nạn và Phục sinh vinh hiển của Đức Giêsu, Chúa chúng ta. Nếu chúng ta để ý, chúng ta thấy Phụng vụ của Lễ Lá có sự mâu thuẫn:

Trước thánh lễ, đó là nghi thức rước lá: nghi thức diễn tả thái độ vui mừng và nồng nhiệt của dân Do Thái đón tiếp Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem: họ cầm lá trong tay, rồi còn lấy áo mình trải cho Chúa Giêsu đi, một cử chỉ rất nồng nhiệt như chào đón một vị vua hay Đấng Cứu Thế.

Tuy nhiên, khi bước vào thánh lễ, các bài đọc lại diễn tả toàn là những sự đau khổ của Chúa Giêsu, đặc biệt trong bài Thương Khó.

Đây là sự tương phản mà Giáo Hội có dụng ý muốn diễn tả qua Phụng vụ này để làm nổi bật sự mâu thuẫn của thái độ hay thay đổi của con người. Sự mâu thuẫn này bắt nguồn từ lòng dạ của con người, từ trái tim của mỗi người chúng ta: mâu thuẫn giữa lời nói và việc làm, mâu thuẫn trong thái độ sống, giữa lời tuyên xưng niềm tin và đời sống cụ thể.

Sự thay lòng đổi dạ này là sự kiện lịch sử đã xảy ra trong vụ án Giêsu, mà Giáo Hội truyền lại cho chúng ta để chúng ta khám phá ý nghĩa của nó và giúp chúng ta sống tốt đức tin mình hơn.

1- Thái độ của người Do Thái

Trước hết, thái độ và lòng dạ của dân Do Thái: Đây là thái độ mâu thuẫn và bất nhất của họ đối với Chúa Giêsu: chỉ trong mấy ngày trước, khi Chúa vào thành Giêrusalem, họ vui mừng, tung hô, hò reo, tôn vinh Chúa là Con Vua Đavít, nhưng sau đó mấy ngày, chính họ là những người hô to: “Đóng đanh nó đi, giết nó đi.” Đó là thái độ bất nhất!

2- Thái độ mâu thuẫn của các môn đệ

Thứ đến là thái độ của các môn đệ, trong đó có thái độ của Phêrô, một môn đệ thân tín nhất của Chúa Giêsu, trước đó, ông hùng hổ dám tuyên bố với Chúa rằng ai đến bắt Chúa thì phải bước qua xác ông. Vậy mà chỉ sau đó một thời gian ngắn, một cô gái hỏi: “Ông có phải là môn đệ Đức Giêsu không?” Phêrô đã chối đành đạch ba lần rằng: “Tôi không biết Người ấy.” Ôi người nhát đảm quá!

Một Giuđa mới ngày hôm trước ngồi ăn với Chúa, gần gũi với Chúa, thầy thầy, con con, nhưng ngày hôm sau, ông đã bán rẻ Chúa với giá 30 đồng bạc. Ông dùng nụ hôn là nghĩa cử yêu mến để làm dấu cho người ta bắt Chúa. Bên ngoài đạo đức, bên trong là dao găm, nham hiểm! Đồ hai mặt!

3- Thái độ của những người lãnh đạo tôn giáo

Họ là những Luật Sỹ, Kinh Sư hay thuộc nhóm Pharisêu. Họ duy lề luật, cứng nhắc, thành kiến và khó thay đổi trong xác tín, niềm tin của mình. Trước sứ điệp mới mẻ của Chúa Giêsu, họ không chỉ không đón nhận mà còn tìm mọi cách để chống đối Chúa Giêsu. Chính họ là những người đã gây nên vụ án của Chúa Giêsu. Họ là những người đạo đức giả, chạy theo bề ngoài, nhưng tâm địa đầy độc ác và gian thâm.

Tuy nhiên, khi suy niệm cuộc khổ nạn Chúa Giêsu, chúng ta không phải chỉ tưởng nhớ những gì đã xảy ra trong quá khứ, nhưng khi suy niệm những thái độ sống của những nhân vật trên, chúng ta được mời gọi liên hệ đến mình, soi bóng mình trong đó. Cử hành là liên hệ với đời sống chúng ta.

Nếu hiểu như thế, khi suy ngắm những mâu thuẫn của những người Do Thái và các môn đệ đối với Chúa Giêsu, chúng ta cũng khám phá ra chính chúng ta cũng có những thái độ tương tự như thế đối với Chúa. Sự mâu thuẫn luôn có mặt trong cuộc đời và trong đời sống đức tin của mỗi người.

Mới ngày hôm qua chúng ta đọc kinh, xem lễ đạo đức lắm, nhưng hôm nay đã chối Chúa rồi.

Mới hôm qua hứa với Chúa sẽ không phạm tội, nhưng hôm nay đã phạm tội rồi.

Ở trong nhà thờ chúng ta sốt sắng tuyên xưng Chúa là Vua, Đấng Cứu Độ, nhưng ra khỏi nhà thờ, chúng ta lại sống như những người vô đạo, lừa lọc, gian dối với anh chị em mình…

Nhưng chúng ta có thể chọn theo một trong ba thái độ sau:

Thái độ thứ nhất tuyệt vọng : Giống như Giuđa, biết mình phạm tội, nhưng ông đã tuyệt vọng trong tội lỗi, và ông đã đi thắt cổ tự tử. Đó là thái độ tuyệt vọng trước tội lỗi của mình và đánh mất niềm tin vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Thái độ đó đưa đến bế tắc, tự tử.

Thái độ thứ haicố tình ở lỳ trong tội : Những người lãnh đạo tôn giáo lúc bấy giờ, là những người trực tiếp gây ra án chết của Chúa Giêsu, nhưng sau khi Chúa phục sinh, họ vẫn cố tình ở lỳ trong tội, không chấp nhận sám hối, không biết ăn năn để trở về với Chúa.

Thái độ thứ basám hối : Đó là thái độ của Phêrô, ngài ý thức tội của mình, khóc lóc, sám hối, và khiêm tốn nhìn nhận tội lỗi của mình, xin Chúa tha thứ, nhờ đó, từ kinh nghiệm về tội lỗi và sám hối, ông đã trở thành người đứng đầu trong Giáo Hội và hướng dẫn cộng đoàn, nhờ thái độ khiêm tốn và sám hối của mình.

Như thế, tuyệt vọng, ngoan cố, ở lỳ trong tội, hay là sám hối trở về, trong ba thái độ đó, anh chị em chọn thái độ nào? Câu trả lời là tùy thuộc vào quyết định của anh chị em trước mặt Chúa trong Tuần Thánh này. Amen!

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đại dịch Covid-19 và việc nhập thể Thánh Lễ trực tuyến
Vũ Văn An
00:02 01/04/2020
Ít nhất ở Úc và Việt Nam, Đại dịch Covid-19 đã khiến không còn thánh lễ công cộng nữa. Riêng Úc, cả các nhà thờ cũng đã đóng cửa và theo thư mục vụ mới nhất của Đức Tổng Giám Mục Anthony Fisher, thậm chí đến việc cầu nguyện riêng ở đó cũng không được phép.

Ở Hoa Kỳ, tình thế chắc không sáng sủa hơn gì, trong khi quốc gia này hiện đứng hàng đầu con số mắc Covid-19 hơn bất cứ quốc gia nào khác, kể cả Trung Hoa, nếu chỉ căn cứ vào các con số của nhà nước.

Tuy nhiên, chính trong hoàn cảnh đen tối, óc sáng tạo Công Giáo đã đem đến nhiều sáng kiến giúp biểu lộ mầu nhiệm hiệp thông giữa Dân Thánh của Thiên Chúa.



Như ở Hoa Kỳ, chẳng hạn, theo Marnie McAllister, thuộc Catholic News Service, tại giáo phận Louisville, Kentucky, các linh mục cung ứng việc chầu Thánh Thể và xưng tội bằng cách chạy xe qua cũng như phát hình trực tuyến các buổi phụng vụ. Một vài giáo xứ rung chuông nhà thờ hàng ngày vào lúc 10 giờ sáng theo lời yêu cầu của Thống đốc tiểu bang Andy Beshear, như một nhắc nhớ người dân rằng họ không đơn độc. Các giáo dân tham gia “phone trees”, gọi điện thoại thăm hỏi các thành viên dễ bị tổn thương trong giáo xứ. Nhiều người khác tặng thẻ mua đồ tạp hóa, giúp đỡ các gia đình túng thiếu. Với lời kêu gọi của giáo xứ Thánh Bernard, trong vòng mấy giờ, giáo xứ đã thu được $500 thẻ loại này, mấy ngày sau, số tiền này lên đến $2,000.

Các nhà dưỡng lão ở khu vực Louisville cũng tìm ra nhiều cách để giúp các cư dân của họ, những người không thể ra ngoài. Các Nữ Tu Dòng Tiểu Muội Người Nghèo tổ chức các buổi “nửa bingo nửa mân côi” cho các cư dân. Ngoài ra các nữ tu còn có một con chó tới thăm họ thường xuyên. Cha Charles D. Walker, chánh xứ Nhà Thờ Thánh Bernard phát tuyến trực tiếp thánh lễ cho giáo dân, trên bàn thờ, cha đặt cuốn niên giám của nhà trường và cuốn niên giám của giáo xứ “để nhắc nhở tôi rằng anh chị em luôn ở với tôi trong lời cầu nguyện, tôi ở với anh chị em trong lời cầu nguyện. Hàng ngày tôi cầu nguyện cho anh chị em và tôi muốn anh chị em biết điều ấy”.

Nhập thể Thánh Lễ trực tuyến

Colleen Dulle của tạp chí America cũng đề cập đến nhiều sáng kiến tuyệt vời, nhất là liên quan đến việc tham dự Thánh Lễ trực tuyến. Dù đây là phương thế duy nhất hiện nay để “thông công” Phép Thánh Thể, Colleen cho rằng “tôi ít có được bất cứ cảm thức tham gia nào vào Mình Thánh Chúa Kitô... Tôi thấy có một hố phân cách lớn lao giữa việc đi lễ và việc ngồi xem thánh lễ kiểu người ta ngồi xem phim Netflix. Một điều là nếm trước thiên đàng, một điều không là như thế".

Bởi thế, cô tự hỏi “Phải làm sao làm cho các lời cầu nguyện của phụng vụ nhập thể vào căn hộ của chúng ta?”.

Theo cô, câu trả lời có thể tìm thấy trong “sáng kiến” của Nữ Tu Bernadette Reis, F.S.P., vị nữ tu chuyên phiên dịch các Thánh Lễ của Đức Giáo Hoàng sang tiếng Anh. Theo nữ tu này, ngoài việc “nhập thể” các cử chỉ của Thánh Lễ bằng cách ngồi, đứng, qùy và rước lễ thiêng liêng, ta nên tạo ra bầu khí giống như nhà thờ ngay trong nhà mình bằng cách đốt nến, trưng bày ảnh tượng hay tượng chịu nạn, Sách Thánh.

Làm như thế, nữ tu cho hay, ta đã phỏng theo cách Chúa Kitô lấp đầy hố phân cách giữa trời và đất. Bà nói: “chị cần thân xác chị. Và đó chính là đặc ân tuyệt vời đối với tôi, vì đó là nhập thể. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm khi trở nên phàm nhân. Người làm thế với một thân xác”.

Nữ tu nói thêm “Các giáo phụ thực sự đã dạy rằng sự hiện diện của Chúa Kitô trong Bí Tích Cực Thánh cũng đơn thuần có thực chất như thế trong Lời của Người. Và tôi nghĩ chúng ta cần đem thực hành đó trở lại, nhất là trong thời buổi này lúc người ta không những không tới dự Thánh Lễ được mà đến việc tới nhà thờ để cảm nhận Sự Hiện Diện Đích Thựa cũng không được”.

Culleen trích dẫn một người khác, đó là Catherine Addington, một phụ nữ Công Giáo ở tuổi 20, hàng ngày tham dự Thánh Lễ trực tuyến của Đức Phanxicô. Cô này cũng có một ưu tư như Culleen: làm thế nào dị biệt hóa thánh lễ trực tuyến khỏi việc coi các cuốn phim Netflix?

Và giải đáp của Addington là: thay đổi tư thế (disposition) thể lý sẽ thay đổi tư thế tâm linh! Xem phim Netflix, cô ngồi trên sàn nhà và làm nhiều việc khác cùng một lúc (multitasking). Với thánh lễ trực tuyến, cô ngồi trên ghế, tắt điện thoại tự động và đứng lên qùy xuống cùng với cộng đoàn trực tuyến. Làm cùng các cử chỉ thể lý trong lúc cầu nguyện như các người Công Giáo khắp thế giới mang lại cho cô một cảm thức hợp nhất với họ.

Culleen còn tường trình một cảm nghiệm tham dự thánh lễ trực tuyến khác dưới hình thức “hội thoại video Zoom” (video-conference zoom) với một “cộng đoàn” ở Canada. Theo lời khuyên của Nữ Tu Reis và Catherine Addingotn, Culleen tắt điện thoại, đốt 2 cây nến đặt gần laptop, và dành ít phút hồi tâm trước khi thánh lễ bắt đầu. Cô tưởng thánh lễ chỉ diễn ra với một “cộng đoàn” chừng dăm, ba người, không có âm nhạc, đối đáp chắc lôi thôi vì những chậm trễ thông thường của điện thoại. Thế nhưng thực tế không phải vậy, có đến hơn 50 người tham dự, một số đi với gia đình hoặc bạn chia phòng, tụ nhau ở một hộp (box) trên màn ảnh... Các người tham dự thay phiên nhau đọc và “bắt hát”; một phó tế còn công bố Tin Mừng từ phòng khách nhà ông với vợ đứng phía sau.



Culleen dĩ nhiên đứng tại căn hộ của cô ở khu Bronx, New York, và thưa “Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô” đồng nhịp với hàng tá người cách cô đến cả hàng trăm dặm và cô cảm thấy mối nối kết cô hằng mong đợi, một thứ hợp nhất bằng lời, bằng cử chỉ, bằng cầu nguyện và bằng thời gian.

Về tuần thánh sắp tới, Culleen nhắc lại chỉ thị của Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa và Kỷ Luật Bí Tích. Điều các chỉ thị này nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc các người thờ phượng cầu nguyện cùng một lúc: nếu các cử hành phụng vụ được phát hình, tín hữu nên được thông báo giờ phát hình để họ cùng cầu nguyện một lúc.

Tại sao lại cần phải cầu nguyện cùng một lúc? Cha John O’Brien, Dòng Tên, một linh mục chuyên nghiên cứu các giao thoa giữa thần học và các lý thuyết truyền thông và từng cử hành Thánh Lễ trực tuyến cho “Muối Đất Và Ánh Sáng”, một đài truyền hình Công Giáo tại Toronto, giải thích: chúng ta biết có sự khác nhau giữa kairos—thời gian của Thiên Chúa hay vĩnh cửu, và chronos, thời gian đong đếm được, nhưng hai thứ này giao thoa ở điểm nhập thể, khi Thiên Chúa vĩnh cửu quyết định chịu lệ thuộc dòng thời gian của kiếp nhân sinh.

Giáo Hội ưu tiên hóa việc cầu nguyện cùng một lúc trong các thực hành có liên hệ với thời gian, như kinh truyền tin buổi trưa, lễ Vọng Phục Sinh và phụng vụ các giờ kinh. Cha O’Brien cho hay: Mặc dù các buổi cầu nguyện thay đổi theo múi giờ, vẫn “có việc vĩnh cửu nhập vào kiếp nhân sinh khi người ta đến với nhau để cầu nguyện, nhất là theo lối phụng vụ” cùng một lúc. Nói cách khác, các buổi tụ tập để thờ phượng cùng một lúc của chúng ta là một cách thế khác để phản ảnh Mầu Nhiệm Nhập Thể trong việc chúng ta cầu nguyện tại nhà riêng của chúng ta.

Vai trò của hàng ngũ giáo dân

Culleen cũng nhắc lại quan điểm của Katherine G. Schmidt về thánh lễ trực tuyến, một tác giả đã được chúng tôi nhắc đến hôm qua (xem Không gian ảo – môi trường mới để thờ phượng tại http://www.vietcatholic.net/News/Html/255430.htm). Theo Schmidt, “suy nghĩ có hệ thống về việc tham gia của giáo dân vào các thánh lễ trực tuyến sẽ phá vỡ tiềm năng nhị phân trong đó linh mục trở thành nhà sản xuất nội dung còn các tham dự viên giáo dân chỉ đóng vai trò người tiêu thụ thụ động”.

Nhị phân ấy, theo Schmidt, không phải là đặc điểm của phụng vụ, mà cũng không phải là đặc điểm của lãnh vực kỹ thuật số của chúng ta, trong đó, mọi người đều vừa là nhà sản xuất vừa là người tiêu thụ. Cách duy nhất tránh nhị phân này là bao gồm giáo dân vào các vai trò phụng vụ kỹ thuật số, giống như Thánh Lễ Zoom Culleen tham dự trên đây.

Culleen cho hay nhiều nhà chuyên môn cô nói chuyện với đồng ý nay là lúc “tạo cơ hội cho hàng ngũ giáo dân trở nên tự tin trong việc hướng dẫn phụng vụ và cầu nguyện cộng đoàn. Nữ tu Reis cho rằng “tôi tin vào lúc này đây, Chúa chỉ cho chúng ta cần phải sống ra sao cách sống của Giáo Hội sơ khai”. Các Kitô hữu hồi đó không có nhà thờ để đi, chỉ biết tụ họp tại các tư gia để “bẻ bánh”.

Trở lại Tuần Thánh, cả Cha O’Brien lẫn Nữ Tu Reis đều hy vọng người Công Giáo sẽ nghĩ cách để hội nhập các biểu tượng và hành vi của phụng vụ vào việc thờ phượng của họ tại nhà. Dù các thánh lễ trực tuyến Thứ Năm Tuần Thánh sẽ không có phần rửa chân, nhưng các gia đình có thể rửa chân cho nhau. Cha O’Brien cho biết: đây sẽ là trải nghiệm khó quên, rất mạnh mẽ. Không phải ai tham dự Thánh Lễ cũng được rửa chân, nhưng nay, thì ai cũng có thể. Cũng thế việc hôn kính Tượng chịu nạn hôm Thứ Sáu Tuần Thánh, đốt lửa hay cầm nến trong phòng đêm Vọng Phục Sinh cũng nên được tổ chức tại nhà, thậm chí, đốt cả cây nến kỷ niệm ngày cưới, ngày rửa tội hay thêm sức.

Nhưng những người chỉ có một mình như chính Culleen thì sao? Nguyên tắc phụng vụ vốn giả thiết 2 hay 3 người nhân danh Chúa! Cha O’Brien cho hay Chúa đã dự liệu cả: “khi anh em cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện với Cha anh em nơi kín đáo, và Cha anh em nơi kín đáo, Đấng nhìn thấy nơi kín đáo sẽ tưởng thưởng anh em”. Tuy thế, Culleen cho rằng phụng vụ có khác, nhưng ta vẫn có thể hiệp thông với các thánh trên trời và dưới đất khi ta một mình tham dự Thánh Lễ trực tuyến.
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người làm việc trong ngành truyền thông trong trận dịch coronavirus này
Đặng Tự Do
03:21 01/04/2020
Lúc 7 sáng thứ Tư 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người làm việc trong ngành truyền thông trong trận dịch coronavirus này. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người làm việc trong ngành truyền thông. Họ đang làm việc để mọi người không bị cô lập; để trẻ em được giáo dục, để giúp chúng ta chịu đựng được tình cảnh này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung vào cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thầy thông luật về căn tính của Ngài.

PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở lại trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Trong cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu cuối cùng đã đẩy họ vào góc tường, đuối lý đến mức họ quay ra dùng những lời lăng mạ và báng bổ để chống lại Ngài.

Nhưng đối với những người tin vào Ngài, Chúa Giêsu nói: “Nếu các ngươi cứ ở lại trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta” (Ga 8:31). Từ “ở lại” là một từ quan trọng. Chúa Giêsu lặp lại từ ấy rất thường xuyên, kể cả trong Bữa Tiệc Ly.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Chúa không nhấn mạnh vào việc tìm tòi học hỏi: Chúa Giêsu coi đó là điều hiển nhiên. Thay vào đó, điều quan trọng nhất là “ở lại” trong Chúa Giêsu và trong Lời của Ngài.

Quay trở lại một hình ảnh quen thuộc, Đức Thánh Cha nói rằng trở thành một Kitô hữu không phải là vấn đề danh nghĩa, không phải là chuyện có được một thẻ căn cước có nội dung: “Tôi là Kitô hữu”. Bản sắc của Kitô hữu là tình môn đệ. Nếu anh chị em ở lại trong Chúa, trong Lời của Chúa, trong cuộc đời của Chúa, anh chị em sẽ là môn đệ Ngài. Ngược lại, nếu anh chị em không ở lại trong Ngài, thì dù anh chị em có đánh giá cao giáo lý Công Giáo và theo Chúa Giêsu như theo một người tốt lành, thì khi đó anh chị em vẫn không phải là môn đệ của Ngài.

Chính tình môn đệ Kitô giáo làm cho chúng ta tự do. Người môn đệ là người tự do vì họ vẫn ở trong Chúa. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Trở thành môn đệ có nghĩa là để cho bản thân mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là lý do tại sao người môn đệ luôn là một người tôn trọng truyền thống nhưng mở lòng ra với những điều mới lạ, một người tự do, không bao giờ phải tuân theo một ý thức hệ. Người đó luôn ở trong Chúa, chính Thần khí là người truyền cảm hứng cho họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc bài giảng của ngài bằng lời cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu được sự khôn ngoan trong việc ở lại với Ngài và giúp chúng ta hiểu được sự quen thuộc với Thánh Linh, với Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta sự tự do. Điều này là một sự xức dầu, và tình môn đệ là một sự xức dầu. Những người ở lại trong Chúa nhận được sự xức dầu ấy.


Source:Vatican News
 
Chúa Giêsu là một người bạn trung thành, Ngài đồng hành và không bao giờ để ta thất vọng
Thanh Quảng sdb
17:42 01/04/2020
Chúa Giêsu là một người bạn trung thành, Ngài đồng hành và không bao giờ để ta thất vọng

Trong buổi truyền hình triều yết sáng thứ Tư (1/4/2020), Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở chúng ta rằng Chúa Giêsu là một người bạn trung thành và mời gọi chúng ta kêu cầu thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II cầu bầu.

(Tin Vatican)

Trong lời chào và kết thúc cuộc truyền hình triều yết sáng thứ Tư 1/4/2020, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhớ cho tất cả rằng Chúa Giêsu là một người bạn trung thành. Ngài nói Chúa Giêsu đang đồng hành với chúng ta và không bao giờ để chúng ta thất vọng. Trong thập tự giá của Ngài, chúng ta tìm thấy "nguồn trợ lực và an ủi giữa những trăm chiều đau khổ cuộc đời". Bởi thế, ĐTC mời gọi chúng ta cầu xin thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chuyển cầu cho chúng ta, trong đêm sửa soạn kỷ niệm 15 năm ngày Ngài qua đời (2/4).

Chúa Giêsu là người bạn trung thành "người mang đến cho cuộc sống của chúng ta niềm hạnh phúc, ngay cả giữa thời điểm khó khăn này", Người "đồng hành cùng chúng ta và không bao giờ để ta thất vọng". Trong Ngài và với Ngài, chúng ta không đơn côi. Trong thập giá của Ngài, tâm lòng chúng ta tìm được "sự hỗ trợ và an ủi giữa trăm chiều khổ đau cuộc đời".

Với những tâm tình này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các tín hữu thuộc các nhóm ngôn ngữ khác nhau đang theo dõi cuộc trực tuyến này.

Bắt đầu, ĐTC chào hỏi những người nói tiếng Ba Lan, Đức Thánh Cha Phanxicô nhắc nhở cho họ rằng ngày nay, mọi người đang sống trong sợ hãi, đe dọa đến cốt lõi của sự tồn vinh của họ. Tôi mời gọi các bạn hãy hướng lòng về Chúa Giêsu Kitô và xác tín rằng “các bạn không cô đơn, Chúa đồng hành với các bạn và không bao giờ làm các bạn thất vọng". Sau đó, ĐTC mời gọi họ vào thời điểm khó khăn này, hãy phó thác cho "Lòng thương xót của Chúa và sự cầu bầu của Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày Ngài qua đời, mùng 02 tháng 4.

Nhìn về Tuần Thánh, Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời các tín hữu nói tiếng Bồ Đào Nha hãy tìm đến thánh giá mà Chúa Giêsu đã chết và gánh chịu mọi bi thương của nhân loại". Đức Thánh Cha nói chúng ta đừng quên vì những thảm kịch của thời đại chúng ta, mà cuộc khổ nạn của Chúa vẫn tiếp diễn để gánh lấy nỗi đau của nhân loại".

Sau đó, Đức Thánh Cha nói ngài hy vọng rằng qua thập giá của Chúa Kitô, "trái tim của chúng ta sẽ tìm được sự hỗ trợ và an ủi giữa những khổ đau của cuộc sống; Anh chị em hãy ôm lấy thập giá như Chúa đã làm.

Phát biểu đôi lời cho những người nói tiếng Đức, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh rằng trong giai đoạn thử thách này, chúng ta hãy gẫm suy "khuôn mặt của Chúa Chúa đã chết vì chúng ta. Nơi đó, chúng ta có thể nhận ra qua thánh giá, Chúa đã chiến thắng tội lỗi" để trở nên niềm tin yêu hy vọng và niềm vui đích thực cho chúng ta.

Sau đó, bằng tiếng mẹ đẻ của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chào đón các tín hữu nói tiếng Tây Ban Nha, ngài xin họ hãy khám phá ra sự quan phòng của Chúa trong các sự kiện của cuộc sống hàng ngày. Ngài đặc biệt mời họ nhớ rằng trong những khoảnh khắc thử thách và bóng tối này, "tất cả anh chị em chúng ta cùng đau khổ! Hãy nâng đỡ và đồng hành với các nạn nhân, cũng như với những người đang dấn thân giúp đỡ họ bằng tình yêu và lòng quảng đại".

Lời chào cuối cùng, Đức Thánh Cha Phanxicô gửi đến những người nói tiếng Ý, và đặc biệt tới các nhóm, những người đã lên kế hoạch thực hiện cuộc truyền hình ngày hôm nay. Những người này, theo ngài, bao gồm cả một nhóm thanh niên từ Giáo phận Milan ".

Đức Thánh Cha Phanxicô nói với các bạn trẻ: "Chúng con thân mến, mặc dù cuộc hội tụ của chúng con về Rome này chỉ là ảo mà thôi, nhưng Cha cảm thấy cha đang được chào đón và hiện diện hào hứng và náo nhiệt ồn ào giữa chúng con. Cha cũng cám ơn các tin nhắn chúng con gửi cho cha".

Cuối cùng ĐTC kêu gọi họ "luôn sống đức tin với lòng nhiệt thành và đừng mất niềm hy vọng vào Chúa Giêsu, người bạn trung thành, người khỏa lấp cuộc sống chúng ta bằng hạnh phúc, ngay cả trong thời khắc khó khăn đen tối hiện nay".

Chúng ta hãy sống những ngày cuối cùng của Mùa Chay sốt sắng để chuẩn bị cho việc cử hành tuần thánh và lễ Phục sinh, lôi cuốn mọi người đến với nhau và hiệp nhất với Chúa Kitô".
 
Sắc lệnh về lời nguyện mới trong Những Lời Cầu Long Trọng Phụng Vụ Thứ Sáu Tuần Thánh
J.B. Đặng Minh An dịch
17:43 01/04/2020
Trong Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, Tòa Thánh đã yêu cầu các linh mục trên khắp thế giới đọc thêm một lời cầu nguyện mới vào các Lời Cầu Long Trọng, và kêu gọi các ngài dâng các thánh lễ cầu nguyện cho đại dịch coronavirus sớm chấm dứt.

Trước đại dịch coronavirus quá kinh hoàng đã cướp mất mạng sống của gần 50,000 người và làm gần 1 triệu người bị nhiễm bệnh, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã đưa ra một ý cầu nguyện mới trong Những Lời Cầu Long Trọng.

Những Lời Cầu Long Trọng, bắt nguồn từ những lời cầu nguyện cổ kính theo truyền thống của Giáo Hội, được đọc trong Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, để cầu nguyện cho nhiều thành phần khác nhau trong Giáo Hội và xã hội, bao gồm Đức Giáo Hoàng; các Giám Mục, linh mục và phó tế; nam nữ tu sĩ, các tín hữu; giáo lý viên, các Kitô hữu không phải là Công Giáo; người Do Thái; những người không tin vào Chúa Kitô; những người vô thần; những người cai trị các dân nước; và những người có nhu cầu đặc biệt.

Lời cầu nguyện mới có tựa đề là “Dành cho những người bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra đại dịch”. Mỗi Lời Cầu Long Trọng gồm hai phần. Đầu tiên vị chủ tế kêu gọi cộng đoàn chú ý vào những ý tưởng chủ yếu trong lời cầu nguyện mà ngài sắp đọc một cách long trọng. Sau khi cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, vị chủ tế long trọng đọc lời nguyện ấy.

Lời cầu nguyện mới có lời kêu gọi như sau:

“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai phải gánh chịu hậu quả của đại dịch hiện nay, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban sức khỏe cho các bệnh nhân, sức mạnh cho những người chăm sóc họ, an ủi các gia đình và ban ơn cứu rỗi cho tất cả những nạn nhân đã qua đời.”

Sau giây phút cầu nguyện thầm lặng, vị linh mục nói tiếp

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Đấng luôn nâng đỡ sự yếu đuối của con người chúng con, xin đoái thương trước tình cảnh đau buồn mà con cái Chúa phải chịu đựng vì đại dịch này, xin Chúa xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân, ban sức mạnh cho những người chăm sóc họ, chào đón những người đã chết vào chốn bình an của Chúa, và trong suốt thời gian hoạn nạn này, xin Chúa cho tất cả chúng con có thể tìm thấy sự an ủi trong tình yêu thương xót của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Lời cầu nguyện mới được trình bày trong một sắc lệnh được ký bởi Đức Hồng Y Robert Sarah tổng trưởng, và Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, tổng thư ký của của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Sắc lệnh, ký ngày 30 tháng Ba, cho biết: Ngày lễ kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay có một ý nghĩa đặc biệt vì đại dịch khủng khiếp đã làm cả thế giới đau khổ.

“Thật vậy, vào ngày mà chúng ta kỷ niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá, Đấng như một con chiên bị giết đã tự mình gánh chịu đau khổ vì tội lỗi của thế giới, Giáo Hội lên tiếng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha Toàn năng cho toàn thể nhân loại, và đặc biệt cho những người đau khổ nhất, trong khi Giáo Hội chờ đợi trong đức tin niềm vui của sự phục sinh của Phu quân mình.

Vì vậy, Bộ này, dựa trên các năng quyền do Đức Thánh Cha tối cao ban cho, đã sử dụng khả năng được trao liên quan đến Sách lễ Rôma đối với các giám mục giáo phận trong một tình huống cần thiết cho công chúng, đề xuất một ý cầu nguyện được thêm vào các Lời Cầu Long Trọng trong lễ kỷ niệm nói trên, để những lời cầu nguyện của những ai cầu khẩn Ngài trong cơn hoạn nạn có thể đến với Thiên Chúa Cha và do đó, dù trong nghịch cảnh, tất cả họ đều có thể trải nghiệm niềm vui của lòng thương xót của Người”.

Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng đề nghị các linh mục cử hành các thánh lễ ngoại lịch – votive Mass – để “cầu nguyện cách riêng xin Chúa chấm dứt đại dịch này”.

Một sắc lệnh khác đi kèm của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép các Thánh lễ ngoại lịch được cử hành hàng ngày, ngoại trừ vào các ngày lễ trọng như các ngày Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Lễ Phục sinh, Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, Thứ Tư Lễ Tro và Ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn.

Thánh lễ ngoại lịch là một Thánh lễ không theo ngày lễ quy định trong lịch Phụng Vụ và được cử hành cho một ý định đặc biệt.

Theo một bản dịch chưa chính thức trên trang web của Vatican News, Lời nguyện khai mạc – Collect - trong thánh lễ cầu nguyện cách riêng xin Chúa chấm dứt đại dịch này là:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, là chốn nương tựa quan phòng trước mọi hiểm nguy, xin thương nhìn đến chúng con, là những kẻ đặt niềm tin nơi Chúa đang khẩn cầu Chúa trong cơn hoạn nạn, và xin Chúa ban sự an nghỉ vĩnh hằng cho những người quá cố, sự an ủi cho những người đang phải than khóc, sức khỏe cho các bệnh nhân, bình an cho những người đang hấp hối, sức mạnh cho các nhân viên y tế, ơn khôn ngoan cho các chính quyền dân sự và một trái tim biết gần gũi với mọi người với lòng yêu mến để cùng nhau chúng con có thể tôn vinh danh thánh Chúa.


Source:Bộ Phụng Tự
 
Tình Thày nhớ Trò: LM viện trưởng đại học treo ruy băng trắng.
Trần Mạnh Trác
19:26 01/04/2020
Theo linh mục viện trưởng viện đại học Công Giáo Phan Sinh Steubenville ở Ohio (Franciscan University of Steubenville) thì cái nơ mầu trắng biểu hiệu cho nỗi lòng cuả người Cha mong Con. Vì thế mà cha viện trưởng Dave Pivonka, T.O.R (Third Order Regular of St. Francis of Penance, dòng 3 Th. Phanxicô Ăn Năn Tội), đã treo một chiếc nơ trắng ở trước cửa các ngôi nhà nguyện cuả trường Đại học.

“Nó nói lên rằng:’Cha sẽ không bao giờ quên con’”, ngài nói.

Trong cái vắng vẻ cuả nguyện đường, ngài vẫn không thể quên lúc chia tay sau buổi lễ cuối cùng với đám học trò thân yêu, khi chúng lục tục kéo nhau đi nghỉ xuân (Spring break), và rồi biến cố Covid-19 xảy ra, chúng không về nữa. Các bậc thầy cô huynh trưởng bây giờ chỉ còn biết cầu nguyện cho chúng được an toàn, và ngày ngày mong ngóng giống như người Cha Hiền trong Thánh Kinh mong chờ đứa con lưu lạc trở về nhà.

Ngài nghĩ rằng các linh mục giáo xứ bây giờ cũng có cùng một tâm tư như thế, và ngài hy vọng các giáo xứ cũng sẽ gắn lên một chiếc nơ trắng, để báo hiệu cho đàn chiên rằng: ”I Will Never Forget You” (Cha sẽ không bao giờ quên con).

Sau đây là bài viết rất tâm tình cuả ngài, đăng trên CNA





White Ribbons: 'I Will Never Forget You'

By Father Dave Pivonka, TOR

Những chiếc nơ trắng: 'Cha sẽ không bao giờ quên con'

Vào chiều ngày 6 tháng 3, tôi đi dạo quanh khuôn viên của Đại học Tổng hợp Steubenville, nói lời tạm biệt với các sinh viên khi họ bắt đầu đi nghỉ mùa xuân. Vào buổi chiều lạnh lẽo đó, tôi đã không thể tưởng tượng được rằng những học sinh đó sẽ không quay lại trường để kết thúc năm học. Thậm chí còn không thể tưởng tượng hơn nữa, là Đại học của chúng ta, nơi Thánh lễ luôn là trung tâm của cuộc sống khuôn viên cuả trường, cũng ngưng việc cử hành Thánh Thể công khai.

Đáng thương thay, tại Đại học Franciscan, giống như mọi nơi khác, vì sự lan truyền mau chóng trên toàn cầu của coronavirus, đã khiến cho cái việc không thể tưởng tượng được đó trở thành một thực tế mới.

Tôi đã sống với thực tế mới đó hơn hai tuần nay và tôi không hề thích nó. Vì vậy, tuần trước, tôi đã quyết định làm một cái gì đó về nó: Tôi treo một dải ruy băng trắng trên cửa nhà nguyện Đại học của chúng tôi.

Hãy để tôi giải thích.

Thật là đau lòng khi không thể cử hành thánh lễ với sinh viên, giảng viên, nhân viên và gia đình họ. Tôi nhớ tiếng hát và tiếng cười đầy ắp, tiếng khóc của những em bé và phản ứng của các tín hữu. Hơn hết, tôi nhớ lúc rước lễ; Tôi nhớ trao Chúa Giêsu cho những người đói khát muốn đón nhận Ngài.



Tôi hiểu tại sao các giám mục và các nhà lãnh đạo của chúng ta đưa ra quyết định mà họ đã đưa ra. Tôi không đặt câu hỏi về sự cần thiết của những quyết định đó. Giữ khoảng cách xã hội một cách cực đoan, là một điều ác nhưng cần thiết bây giờ.

Cũng giống như thế, giống như tất cà các anh em linh mục của tôi ở khắp mọi nơi, tôi nhớ con chiên của tôi. Tôi mong mỏi ngày chúng tôi có thể tụ họp, để thờ phượng, để lắng nghe Lời Chúa, để rao giảng và tiếp nhận Chúa Giêsu trong Bí tích Thánh Thể.

Tuy nhiên, cho đến ngày đó, tôi muốn những người đàn ông cũng như phụ nữ mà tôi phục vụ biết rằng họ luôn ở bên tôi trong tâm trí và lời cầu nguyện, rằng tôi sẽ không để một ngày trôi qua mà không cấu nguyện cho họ trước mặt Chúa, và tôi không bao giờ có thể quên họ.

Thậm chí quan trọng hơn, tôi muốn họ biết rằng Chúa không bao giờ có thể quên họ. Chúa đã không quên dân cuả Chuá khi họ lang thang trong sa mạc trong 40 năm. Chuá cũng không quên họ dù họ tôn thờ ngẫu tượng, coi thường các giới răn và bị lưu đày ở Babylon. Như vậy thì Ngài cũng sẽ không quên chúng ta bây giờ.



Xin đừng nhầm lẫn: Chúa chúng ta không muốn bị tách khỏi dân của mình như thế này. Chúa Giêsu muốn hiến thân cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta gặp gỡ Ngài qua phụng vụ, trong Giáo hội và trong Bí tích Thánh Thể. Vì thế đây là lúc đưa vào các dải ruy băng trắng.

Ruy băng từ lâu đã là một dấu hiệu của sự tưởng nhớ. Nó nói lên với thế giới cái ý tưởng rằng chúng ta đã không quên một ai đó: một tù nhân, một người lính hoặc một người bạn bị bệnh. Tôi đã buộc một dải ruy băng trắng lên trên cánh cửa Nhà nguyện Chúa Kitô, cũng như Nhà nguyện Portiuncula, ở Đại học Franciscan, để nhắc nhở cộng đồng của chúng ta rằng các linh mục của họ và Thiên Chúa của họ đã không quên họ. Tôi xin mời những người bạn của tôi, là linh mục và giám mục, cũng hãy làm như vậy. Và họ, họ cũng đang mời thêm linh mục và giám mục khác tham gia.

Hy vọng của tôi là khi một người Công Giáo đi bộ hoặc lái xe qua nhà thờ của họ, họ sẽ thấy những dải ruy băng trắng đó và biết rằng các linh mục của họ đang cầu nguyện cho họ và chờ đợi ngày có thể mở những cánh cửa đó để chào đón họ vào bên trong.

Tôi cũng hy vọng, khi họ nhìn thấy những dải ruy băng đó, họ biết rằng Chúa Giêsu cũng đang chờ đợi ngày đó. Chuá khao khát một ngày khi chúng ta có thể tụ tập, và Ngài có thể ở chung với tất cả chúng ta một lần nữa, qua bí tích.

Ngày đó vẫn chưa đến. Giống như người Do Thái ngày xưa, tín hữu Công Giáo đang phải lang thang lâu hơn. Nhưng Chúa Giêsu không để chúng ta mồ côi. Ngài vẫn ở bên chúng ta. Ngài ở cùng chúng ta trong Kinh thánh, đó là Lời của Ngài. Ngài ở cùng chúng ta qua người khác, những người mà chúng ta chung sống, làm việc chung sở hoặc gặp gỡ trực tuyến. Ngài ở với chúng ta trong lời cầu nguyện cả trong im lặng và trong vẻ đẹp của các công trình sáng tạo, đang cất lên những lời ca ngợi Thiên Chuá qua vẻ đẹp cuả mùa xuân cuối cùng cũng đã đến.



Hãy tìm Chúa Giêsu ở tất cả những nơi đó. Hãy tìm Chúa Giê-xu nơi bạn đang ở. Và khi bạn nhìn thấy những dải ruy băng trắng treo trên cửa nhà thờ, hãy nhớ lời hứa của Chúa trong Ê-sai 49:15: Cha sẽ không bao giờ quên con.

Giữa những hỗn loạn và bối rối, và điên rồ, hãy để những dải ruy băng đó là một lời nhắc nhở rằng các linh mục của bạn vẫn còn ở với bạn. Hãy để họ là một lời nhắc nhở rằng Chúa Giêsu vẫn còn ở với bạn. Và hãy để họ là một lời nhắc nhở rằng một ngày nào đó, cuộc lưu đày này sẽ kết thúc, các nhà thờ sẽ mở cửa lại, và các linh mục của bạn sẽ đứng đó, sẵn sàng và chờ đợi để vui vẻ chào đón bạn về nhà.
 
Mặt trận cầu nguyện trong cuộc chiến chống Covid-19
Vũ Văn An
19:33 01/04/2020
Colleen Dulle vừa loan tin Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã chấp thuận hai bản văn phụng vụ mới được dùng trong thời gian đại dịch Covid-19. Bản văn đầu tiên là “Thánh lễ Thời Đại Dịch” và bản văn thứ hai là ý cầu xin đặc biệt dùng trong phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay.

Thánh Lễ Thời Gian Đại Dịch

Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa đã gửi 2 bản văn tới các giám mục thế giới và đã đăng tải chúng trên trang mạng của Thánh Bộ.

Đức Hồng Y Robert Sarah, Bộ Trưởng Bộ Thờ Phượng Thiên Chúa, viết trong sắc lệnh kèm theo bản văn Thánh Lễ rằng “trong những ngày này, trong đó, toàn thế giới đang bị Covid-19 tấn công nặng nề, nhiều lời yêu cầu thánh bộ giúp phương tiện cử hành một Thánh Lễ đặc biệt để nài xin tín hữu chấm dứt đại dịch”.

Ngài viết trong sắc lệnh thứ hai rằng ý cầu nguyện đặc biệt thường được thêm vào các ý cầu nguyện của Thứ Sáu Tuần Thánh “trong tình huống cần thiết nghiêm trọng của công chúng”.

Ngài viết: “Việc cử hành cuộc Khổ Nạn của Chúa vào Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay có một ý nghĩa đặc biệt do đại dịch khủng khiếp đang giáng xuống toàn thế giới. Thực vậy, vào chính ngày chúng ta cử hành cuộc khổ nạn và cái chết sinh ơn cứu chuộc của Chúa Giêsu Kitô trên Thập Giá, Đấng như chiên con bị hiến tế, đã tự mang lấy sự đau khổ và tội lỗi của thế giới, Giáo Hội cất tiếng cầu xin Chúa Cha Toàn Năng cho toàn thể nhân loại, và cách riêng, cho những ai đang chịu đau khổ hơn cả, trong khi chờ đợi trong đức tin niềm vui phục sinh của Phu Quân mình”.

Ý cầu nguyện đặc biệt thêm vào các ý cầu nguyện của Thứ Sáu Tuần Thánh cầu xin “cho tất cả những ai đang chịu các hậu quả của nạn đại dịch này” và xin Thiên Chúa “cảm thương đoái nhìn tình huống buồn sầu của con cái Ngài đang đau khổ vì đại dịch này; làm nhẹ cơn đau của người bệnh; ban sức mạnh cho những người chăm sóc họ; chào đón vào bình an Chúa những người đã qua đời; và, qua thời gian khổ não này, ban ơn để chúng con tìm được an ủi trong tình yêu thương xót của Chúa”.

Bản văn Thánh Lễ thời gian Đại Dịch cũng cầu xin cho những người bị ảnh hưởng: “Xin Chúa đoái thương nhìn đến những người bị ảnh hưởng, ban an nghỉ đời đời cho người đã chết, an ủi người tang chế, chữa lành người mắc bệnh, ban khôn ngoan cho các nhà lãnh đạo của chúng con và ơn can đảm để chúng con vươn tay ra với mọi người trong yêu thương, để cùng nhau chúng con đem vinh quang lại cho danh thánh Chúa”.

Cơ quan PEW: Hơn phân nửa người Hoa Kỳ cầu nguyện cho việc kết thúc Covid-19

Trong khi con số người mắc và chết vì Covid-19 ngày một gia tăng khủng khiếp, cơ quan nghiên cứu PEW thấy rằng việc bùng phát của Covid-19 đã tác động mạnh mẽ lên cuộc sống bản thân của người Hoa Kỳ bằng nhiều cách khác nhau. Gần 90% người trưởng thành Hoa Kỳ nói rằng Covid-19 ảnh hưởng chút đỉnh đến đời sống riêng của họ, trong khi 44% cho rằng nó gây ảnh hửng đáng kể đối với cuộc sống họ.

Covid-19 cũng tác động lên tác phong tôn giáo của người Hoa Kỳ. Hơn phân nửa mọi người trưởng thành Hoa Kỳ (55%) nói họ đã cầu nguyện cho việc kết thúc đại dịch. Đại đa số những người Hoa Kỳ cầu nguyện hàng ngày (86%) và đại đa số Kitô hữu Hoa Kỳ (73%) đã cầu nguyện trong lúc đại dịch bùng nổ, nhưng cũng có những người ít khi hay không giờ cầu nguyện cả (15%) và cả những người không thống thuộc bất cứ tôn giáo nào (24%).

Trong số các người trưởng thành Hoa Kỳ, trong các thăm dò trước đây, nói họ tham dự các buổi phụng vụ ít nhất mỗi tháng 1 hay 2 lần, phần lớn (59%) nay nói họ bớt tham dự do Covid-19 hạn chế. Nhưng điều này không ngăn cản họ tham gia việc thờ phượng tập thể: 57% báo cáo đã xem các buổi phụng vụ trực tuyến.

Cơ quan PEW đã thăm dò 11,537 người trưởng thành Hoa Kỳ trong các ngày từ 19 đến 24 tháng Ba, 2020.



Các người Thệ Phản Tin Lành (Evangelical Protestants) là những người hay nói hơn cả rằng họ cầu xin cho đại dịch chấm dứt (82% nói họ đã làm thế). Một phần trăm tương tự những người da đen theo truyền thống Thệ phản (79%) nói họ đã làm như vậy. Hai phần ba người Công Giáo (68%) và Thệ Phản chính dòng (65%) cũng nói như vậy.

Gần khoảng 1 phần 3 người Do Thái Giáo (35%) nói đã cầu nguyện cho nạn dịch mau qua. Trong khi những người không thống thuộc tôn giáo nào (nones), đặc biệt những người tự mô tả là vô thần và bất khả tri, ít cầu nguyện theo ý hướng này, mặc dù 36% những người coi tôn giáo của họ “không là gì một cách đặc biệt” nói họ đã cầu nguyện với cùng ý hướng.

86% những người nói họ cầu nguyện hàng ngày nói rằng họ đã cầu nguyện đặc biệt cho Covid-19 chóng qua, cũng như 2/3 những người nói họ cầu nguyện mỗi tuần. Phân nửa số người nói họ thỉnh thoảng mới cầu nguyện mỗi tháng đã cầu nguyện để Covid-19 kết thúc, cũng như 15% những người, nói chung, ít khi hay không bao giờ cầu nguyện.

Đàn bà nhiều hơn đàn ông cầu xin chấm dứt việc lan tràn Covid-19, và nhiều người da đen hơn người da trắng cầu nguyện theo cùng ý hướng. Người cao tuổi nhiều hơn người trẻ tuổi nói đã cầu nguyện chođại dịch chấm dứt, và nhiều người Cộng Hòa hơn người Dân Chủ cầu nguyện theo hướng này.



 
LM dòng Đa Minh, giáo sư tiến sĩ vi sinh học ở Mỹ, thấy hy vọng có thuốc chữa Covid-19.
Trần Mạnh Trác
20:36 01/04/2020
Manila, Philippines, ngày 1 tháng 4 năm 2020 ( CNA ).- Trong một bài đăng trên blog, LM Nicanor Austriaco, OP, STD, Ph.D., cho biết ngài thấy có lý do để hy vọng rằng thuốc hydroxychloroquine có thể điều trị coronavirus, còn gọi là COVID-19.

Cha Austriaco là giáo sư sinh học và thần học tại Đại học Providence ở Providence, Rhode Island. Ngài hiện đang bị kẹt ở Philippines khi về thăm bà mẹ.

“Là một nhà sinh vật học phân tử, tôi nhận thấy việc thử nghiệm lâm sàng ở Pháp là khá tốt, dù trong một hoàn cảnh khắc nghiệt,” Cha Austriaco viết.

“Đúng, đó là một thử nghiệm nhỏ, nhưng nếu bạn đọc bản báo cáo, thì thấy rằng nó rất nghiêm túc đối với những gì nó muốn làm, tức là một nghiên cứu thí điểm. Và nó cho thấy rằng HCQ (hydroxychloroquine ) đã rút ngắn một cách đáng kể số thời gian mà một bệnh nhân loại bỏ (virus) ra khỏi cơ thể.”

“Một nghiên cứu độc lập khác từ một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc cũng chỉ ra rằng HCQ có thể ngăn chặn sự sinh sản của virut trong ống nghiệm,” Cha Austriaco nói thêm, đó là một hy vọng nhìn theo góc độ vi sinh học (microbiology).

Trong một email gửi tới CNA, Cha Austriaco lưu ý rằng cả HCQ và một loại thuốc có liên quan khác, CQ (chloroquine ), đã được sử dụng để điều trị bệnh sốt rét trên toàn thế giới, bao gồm cả ở Philippines.

“Chúng cũng được sử dụng để điều trị các bệnh tự miễn dịch như lupus. Vì vậy, chúng ta biết rằng chúng an toàn cho hầu hết mọi người,” Ngài nói. Tuy nhiên, ngài nói thêm, “các loại thuốc ấy chỉ nên dùng dưới sự giám sát của bác sĩ... bởi vì đối với một số người, chúng có thể gây ra các bệnh có hại cho tim.”

Mặc dù FDA đã phê duyệt HCQ để sử dụng cho một số bệnh nhất định, Cha Austriaco lưu ý rằng họ chưa phê duyệt HCQ để điều trị COVID-19, trừ một số trường hợp hạn chế.

Tuy nhiên, nếu cuộc thử nghiệm lâm sàng cuả WHO có tên là SOLIDARITY cho thấy HCQ và CQ có hiệu quả trong việc điều trị COVID-19, thì FDA sẽ phê duyệt cho sử dụng,” Cha Austriaco cho CNA biết như vậy.

Trong bài đăng trên blog, Cha Austriaco lưu ý rằng ngài đặt hy vọng nhiều ở thuốc HCQ vì nó rất rẻ và có sẵn: “Với một đơn thuốc, tôi có thể đi bộ xuống một hiệu thuốc ở Philippines để mua một viên thuốc 200mg với giá PHP85 (tương đương $ 1,30). Tôi biết rằng họ có sẵn bởi vì tôi đã kiểm tra trực tuyến. Và đây là một hiệu thuốc ở trong xóm cuả Manila! Theo nghiên cứu, uống ba viên thuốc mỗi ngày trong sáu ngày sẽ giúp bạn loại bỏ SARS-CoV2. Và với việc sử dụng HCQ ngắn hạn như thế thì các tác dụng phụ là tối thiểu. Tất cả chỉ tốn khoảng 30 đô la.”

Về khả năng có một vắc-xin coronavirus, Cha Austriaco nói với CNA rằng thường mất 12-18 tháng để phát triển vắc-xin, mặc dù chúng ta đã tăng tốc phát triển vắc-xin COVID-19.

“Tôi hy vọng Vắc-xin sẽ là một thuốc chích một lần,” ngài nói thêm, “vì coronavirus này dường như không biến đổi nhanh như cúm, do đó chỉ cần tiêm phòng mỗi năm một lần.”

Cha Austriaco viết rằng về tổng thể, ngài rất lạc quan về việc sử dụng HCQ để điều trị coronavirus.

“Dù rằng những bằng chứng là tối thiểu nhưng đó không phải là một việc gì bất thường trong các cơn đại dịch. Những bằng chứng tối thiểu đó lại thực sự khá vững chắc,” ngài nói.

“Hơn nữa, khi có sự hội tụ giữa hai nghiên cứu in-vitro (trong ống nghiệm) và in-vivo (trên vật sống), thì đó là một dấu hiệu lạc quan. Đặc biệt là khi bạn có một cơ chế hoạt động hợp lý và phù hợp với những gì chúng ta biết về sự sinh sản của virut,” Ngài nói thêm. “... Tôi sẽ cầu nguyện rằng điều này sẽ sinh nhiều hoa trái!”

“Hy vọng chính của tôi là chúng ta đang tận dụng sức mạnh toàn cầu để chống lại đại dịch này với tài năng khéo léo và kiên cường của loài người. Với sự ân sủng của Chúa, chúng ta sẽ thắng.”
 
Tòa án Tối cao Úc sẽ phán quyết vụ kháng án của Đức Hồng Y Pell vào thứ Ba tới
Vũ Văn An
21:40 01/04/2020
Theo Rod McGuirk của hãng tin A.P., Tòa án Tối cao Úc sẽ ra phán quyết vào tuần tới về việc liệu có lật ngược việc kết án Đức Hồng Y George Pell hay không.



Đức Hồng Y Pell, 78 tuổi, đang bị giam một năm do bản án 6 năm vì bị kết tội lạm dụng tình dục 2 ca viên 13 tuổi tại Nhà Thờ Chính Tòa Melbourne đang khi làm Tổng Giám Mục ở đấy cuối thập niên 1990.

Hôm thứ Năm hôm nay, Tòa án Tối cao Úc nói rằng 7 quan tòa của họ sẽ ra phán quyết vào hồi 10 giờ sáng Thứ Ba tới ở thành phố Brisbane. Tòa này đã nghe đơn kháng án của ngài trong 2 ngày 12 và 13 tháng 3.

Phán quyết của Tòa sẽ là cơ hội cuối cùng để vị nguyên bộ trưởng tài chánh của Đức Giáo Hoàng Phanxicô cứu tên tuổi ngài.

Một bồi thẩm đoàn ở toà án địa phương của tiểu bang Victoria đã kết tội Đức Hồng Y Pell về mọi lời buộc tội hồi tháng 12 năm 2018. Hồi tháng 8 năm 2019, Tòa phúc thẩm Victoria đã bác bỏ đơn kháng án của ngài trong phán quyết đa số 2 chọi 1.

Tháng rồi, Bret Walker, luật sự của Đức Hồng Y Pell nói với Tòa án Tối Cao Úc rằng nếu Tòa thấy Tòa Phúc Thẩm Victoria mắc sai lầm khi y án, Đức Hồng Y Pell phải được tuyến bố trắng án.

Công tố viên Kerri Judd thì nói với 7 quan tòa rằng nếu có sự sai lầm, họ nên trả vụ án lại cho tòa phúc thẩm xử lại told. Nếu không, Tòa án Tối Cao nên nghe thêm bằng chứng và tự quyết định xem liệu có nên y án hay không.

Đức Hồng Y Pell bị kết án chỉ dựa trên lời khai của 1 trong 2 ca viên. Ca viên này nay đang ở tuổi 30 có gia đình đàng hoàng.

Anh ta tới cảnh sát lần đầu năm 2015 sau khi ca viên kia chết vì dùng quá liều lượng ma túy ở tuổi 31. Ca viên ấy xác nhận với mẹ là không bị ai lạm dụng tình dục cả. Theo luật tiểu bang, tung tích cả hai ca viên ấy được bảo mật.

Phần lớn phiên xử của Tòa án Tối Cao Úc tập chú vào việc liệu bồi thẩm đoàn có nên có hoài nghi hợp lý về tội trạng của Đức Hồng Y Pell và liệu ngài có đủ thì giờ để lạm dụng tình dục 2 cậu ca viên trong vòng chỉ có 5 đến 6 phút ngay sau Thánh Lễ hay không.
 
Văn Hóa
Video Bài hát Rinascerò Rinascerai về đại dịch Corona chỉ vài ngày đã thu hút 8 triệu người
Roby Facchinetti, (LM John Trần Công Nghị chuyển ngữ)
10:14 01/04/2020
“Rinascerò Rinascerai ”

Tôi sẽ tái sinh Bạn sẽ tái sinh.
Khi mọi thứ qua đi rồi
thì chúng ta cùng nhau sẽ lại ngắm sao trời.
Tôi sẽ tái sinh Em sẽ tái sinh.
Cơn giông tố bao trùm chúng ta.
Nó làm ta lung lay chứ không làm ta gục ngã.
Chúng ta được sinh ra để chiến đấu với số phận
và mỗi lần chúng ta đều đã chiến thắng.
Những ngày này sẽ thay đổi thay đổi ngày thường của chúng ta.
Nhưng lần này chúng ta sẽ học hỏi thêm được một chút.

Tôi sẽ tái sinh Bạn sẽ tái sinh.
Tôi sẽ tái sinh Em sẽ tái sinh.
Được bao phủ bởi trời xanh bao la.
Chúng ta sẽ lại tin tưởng vào Chúa nữa,
nhưng trong thinh lặng chúng ta hít thở không khí mới.
Nhưng thành phố này của tôi làm tôi hoảng sợ.
Chúng ta được sinh ra để chiến đấu với số phận
và mỗi lần chúng ta đều đã chiến thắng.

Tôi sẽ tái sinh Bạn sẽ tái sinh.
Tôi sẽ tái sinh Em sẽ tái sinh.
Tôi sẽ tái sinh, Bạn sẽ tái sinh... ”


Nguyên bản tiếng Italia:
Rinascerò rinascerai
quando tutto sarà finito
torneremo a rivedere le stelle.
Rinascerò rinascerai
La tempesta che ci travolge
ci piega ma non ci spezzerà
Siamo nati per combattere la sorte
ma ogni volta abbiamo sempre vinto noi
Questi giorni cambieranno i nostri giorni
ma stavolta impareremo un po' di più.

Rinascerò rinascerai
Rinascerò rinascerai
Abbracciati da cieli grandi
Torneremo a fidarci di Dio
Ma in silenzio si respira un'aria nuova
ma mi fa paura questa mia città
Siamo nati per combattere la sorte
ma ogni volta abbiamo sempre vinto noi

Rinascerò rinascerai
Rinascerò rinascerai
Rinascerò rinascerai…


Nhạc sĩ Roby Facchinetti hát bài Rinascero Rinascerai
Nhạc sĩ / Ca sĩ Roby Facchinetti khi sáng tác bài hát này đã viết như sau: “Sau khi nhìn thấy hình ảnh những chiếc xe quân sự chở xác những người đồng hương ra khỏi thành phố Bergamo tôi đã bật khóc, đã giận dữ. Và cuối cùng tôi chạy đến bên chiếc đàn piano. Chỉ vài phút sau bài hát “ Rinascerò Rinascerai” (Tôi sẽ tái sinh bạn sẽ tái sinh) đã ra đời" .

Những hình ảnh trong bài hát là của thành phố xinh đẹp hiền hoà Bergamo (cách Milan khoảng 50km ) nơi hứng đại dịch nặng nề nhất nước Ý. Bergamo là giáo phận đầu tuyến Bắc Italia, nơi rất thanh bình, núi rừng cao xanh, làm tôi hồi tưởng lại bao kỷ niệm mà trước đây khi tôi du học tại Roma, trong một mùa Hè năm 1968 tôi đã được gửi tới đến đây 2 tháng trời tập sự mục vụ tông đồ. Bergamo là thành phố nổi tiếng vì đạo đức và từ đó xuất thân nhiều vị Giáo Hoàng.

Bergamo nơi mà chỉ cách đây một thời gian ngắn không có ai biết con Covid-19 là cái gì! Nhưng nay cả một thế hệ đã đã đang mất đi, những hình ảnh trong nhà thờ chật ních những quan tài, ngoài phố xá văng tanh, đôi khi có hình ảnh linh mục kiệu Mình Thánh Chúa trên các nẻo đường ban phép lành cho dân chúng, nơi đây cũng có tới mấy chục linh mục đã qua đời vì dịch bệnh dịch… Bài hát “Tôi sẽ tái sinh Bạn sẽ tái sinh” đang vang vọng lên niềm hy vọng… Nơi mà mai đây mọi người sẽ gạt nước mắt để bắt đầu lại từ đầu... trong bàn tay Quan Phòng yêu thương của Thiên Chúa.

LM John Trần Công Nghị
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Ngừa Đại Dịch
Sr. Huyền Trân
11:29 01/04/2020
NGỪA ĐẠI DỊCH
Ảnh của Sr. Huyền Trân (SSpS)

Mùa dịch Vũ Hán em ở nhà
với bố với mẹ đeo khẩu trang.
Đi tới đi lui nhiệm khuẩn độc!
Khổ em khổ mẹ khổ cả nhà!
(NTT)
 
VietCatholic TV
Tổng thống Trump: 30 ngày tới rất quan trọng với Hoa Kỳ, để tránh cho hàng triệu người phải chết
Giáo Hội Năm Châu
03:28 01/04/2020


Tổng thống Donald Trump vừa có một cuộc họp báo quan trọng tại Tòa Bạch Ốc về tình hình dịch bệnh.

Mở đầu tổng thống nói:

Hôm qua tôi đã thông báo rằng chúng ta sẽ phải nới rộng các quy định về việc giữ khoảng cách an toàn cho đến cuối tháng Tư. Quyết định này dựa trên mô hình cho thấy mức tử vong cao nhất khoảng hai tuần nữa mới đạt đến. Mô hình tương tự cũng cho thấy rằng, bằng cách tuân thủ quyết liệt các quy định này, chúng ta sẽ có thể cứu sống hơn 1 triệu người Mỹ. Quý vị cứ suy nghĩ về điều đó xem: 1 triệu mạng sống của người Mỹ.

Tương lai chúng ta nằm trong tay của chính chúng ta, và những sự lựa chọn và hy sinh mà chúng ta làm sẽ quyết định số phận của con vi khuẩn này và thật đấy, chính là số phận của chiến thắng chúng ta. Chúng ta sẽ có một chiến thắng tuyệt vời. Chúng ta không có lựa chọn nào khác. Mỗi người trong chúng ta đều có một vai trò trong việc chiến thắng cuộc chiến này. Mỗi người dân, mỗi gia đình và doanh nghiệp đều có thể tạo ra sự khác biệt trong việc ngăn chặn loài vi khuẩn này. Đây là nghĩa vụ yêu nước chung của chúng ta.

Thời gian thử thách đang ở trước mắt chúng ta trong 30 ngày sắp tới và đây là 30 ngày rất quan trọng. Chúng ta coi như sẽ phải giải quyết tất cả mọi việc trong vòng 30 ngày này. Điều này quá quan trọng là vì chúng ta sẽ phải trở lại. Nhưng nếu chúng ta càng cống hiến hết mình bao nhiêu bây giờ, thì chúng ta sẽ càng thoát sang phía bên kia của cuộc khủng hoảng sớm chừng đó. Và đó chính là thời điểm mà chúng ta trông đợi.

Nếu chúng ta càng tận hiến ngay từ bây giờ, chúng ta có thể sớm đạt phần thắng trong cuộc chiến và trở lại với cuộc sống của mình. Và đó sẽ là một cuộc sống tuyệt vời - có thể tốt hơn bao giờ hết.

Hôm nay chúng ta đã đạt được một cột mốc lịch sử trong cuộc chiến chống lại coronavirus. Hơn 1 triệu người Mỹ hiện đang được xét nghiệm và được xét nghiệm một cách chính xác - còn nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, thậm chí họ còn không được đến gần mức đó - tính cho đến nay.

Và tôi nghĩ rằng điều mà tôi muốn làm là yêu cầu Bộ trưởng Azar, người đã làm được một việc tuyệt vời, lên đây để nói vài lời về những dữ liệu về chuyện chúng ta đã đạt đến mức to lớn với hơn 1 triệu cuộc xét nghiệm.

Xin mời ông. Cảm ơn ông nhé, Alex.

Bộ trưởng Alex AZAR: Chúng tôi hiện đang cho xét nghiệm gần 100 ngàn mẫu xét nghiệm mỗi ngày, đây cũng là mức mà chưa có quốc gia nào đạt được.

Cuối tuần qua, chúng tôi thật sự đã làm việc để bảo đảm có được 30 triệu viện thuốc hydroxychloroquine và chloroquine từ Sandoz và 1 triệu viên từ Bayer, là những thuốc có tiềm năng trị được COVID-19. Chúng tôi đã cho phép sử dụng các máy khử nhiễm mới của Battelle, mỗi máy có thể khử trùng hàng ngàn mặt nạ N95 cần thiết phải được tái sử dụng mỗi ngày.

Ở New York, bệnh viện với 2,900 giường được xây dựng này đã hoàn tất - Họ đã làm xong việc này trong ba ngày; quý vị có thể nói trong ba ngày rưỡi - tại Trung tâm Javits, nó sẽ được hoàn tất hôm nay.

Hiện có gần 3 ngàn chiếc giường y tế sẽ đi vào hoạt động. Tàu Comfort của Hải quân Hoa Kỳ hôm nay cũng đã đến nơi, được trang bị với 12 phòng phẫu thuật và 1 ngàn giường bệnh. Công việc đã được bắt đầu tại các địa điểm bệnh viện bổ sung tạm thời, bao gồm một cơ sở điều dưỡng có sức chứa 600 giường ở thành phố Brooklyn và trên nhiều tầng của một tòa nhà cao tầng trên đường Wall Street.

Quân đoàn Công binh đã được trao hợp đồng xây dựng những cơ sở chăm sóc thay thế, tại Đại học Tiểu Bang ở Stony Brook, Đại học Tiểu Bang ở Old Westbury và Trung tâm Cộng đồng Westchester. Hôm nay chúng tôi đã gởi 60 xe cứu thương đến thành phố New York. Chúng ta hiện chỉ có tổng cộng 60 chiếc. Chúng tôi đang chờ nhận thêm một số bổ sung, lên đến 190 xe sẽ được gởi đến tại các địa điểm khác nhau.

Ngoài 8 ngàn 100 máy trợ thở mà chúng tôi đã phân phối trong 48 giờ sắp tới, chúng tôi hiện đang phân phối hơn 1 ngàn máy. Chúng tôi sẽ đem 400 máy trợ thở sẽ đến Michigan trong thời gian ngắn, 300 máy đến New Jersey, 150 máy đến Illinois, 150 đến Louisiana và 50 đến Connecticut.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Sau đó, tổng thống Trump cho biết thêm:

Đã có hơn 14 ngàn Vệ binh Quốc gia đã được lệnh xung kích và họ có thể giúp tăng viện cho các tiểu bang cũng như các địa phương nhằm phân phối những thiết bị bảo vệ cá nhân tới những nơi chúng ta cần gởi đi rất nhiều. Chúng tôi hiện đang gởi cả mấy máy bay chất đầy hàng đến đó. Chúng tôi đang chờ 51 kiện hàng từ nhiều địa điểm khác nhau trên khắp thế giới bay đến và chúng cũng sắp hạ cánh Chúng tôi đã có một máy bay chở hàng cỡ lớn đầu tiên hạ cánh vào sáng hôm nay và chúng tôi đang chờ những máy bay như thế từ khắp thế giới bay đến.

Chúng ta cũng đang gởi những thứ mà chúng ta không cần đến những nơi khác. Tôi vừa nói chuyện với Thủ tướng Ý, và chúng ta có thêm năng lực khác. Chúng ta có những sản phẩm bổ sung mà chúng ta không cần đến. Chúng ta sẽ gởi những thứ đáng giá khoảng 100 triệu đô la- toàn vật dụng về phẫu thuật về y tế và về bệnh viện đến Ý. Ông Giuseppe đã rất, rất vui sướng - tôi nói cho quý vị biết thế. Ý đang trải qua một thời điểm rất khó khăn.
 
Giáo Hội tại Thái. Để khỏi chết oan vì virus Tầu, Vua Thái bỏ trốn sang Đức cùng 20 thê thiếp
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
05:11 01/04/2020


Tình hình của Giáo Hội Thái Lan.

Từ ngày 18 tháng Ba, chính phủ Thái đã ra lệnh cách ly trong hai tuần, tức là cho đến cuối tháng Ba. Bốn ngày sau đó, tất cả các trung tâm mua sắm, nhà hàng, quán cà phê ở Bangkok cũng đã bị đóng cửa cho đến ngày 12 tháng 4. Người dân địa phương được yêu cầu ở nhà và chỉ đi ra ngoài trong trường hợp tối cần thiết.

Trong bối cảnh đó, 7 giáo phận và 2 tổng giáo phận đã ra lệnh đình chỉ các thánh lễ và thay vào đó bằng các thánh lễ trực tuyến như quý vị và anh chị em đang xem thấy đây.

Cho đến chiều thứ Tư mùng 1 tháng Tư, con số tử vong tại Thái đã tăng lên đến 10 người và tổng số ca nhiễm được xác nhận lên tới 1,651 người. Cho đến nay, cứ khoảng 1 tuần, số ca nhiễm bệnh tại Thái Lan lại tăng gấp đôi.

Theo thông tấn xã UCANews, nhiều người Thái chưa nhiễm coronavirus nhưng đang bị ảnh hưởng nặng nề từ căn bệnh hiểm nghèo này.

Việc cô lập, nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus, đã đưa một thành phố nhộn nhịp đến chỗ gần như bế tắc. Nó cũng khiến hàng triệu người nghèo không có thu nhập. Hàng triệu người Thái làm việc tại đất nước này dưới dạng không chính thức, nghiã là không có mạng lưới an sinh xã hội, vì vậy họ không đủ khả năng để có thể nghỉ việc lâu dài.

Bên cạnh đó, nhiều người sống và làm việc tại Thái còn phải gửi phần lớn thu nhập của mình cho cha mẹ già ở quê nhà trong các vùng nông thôn, nơi nhiều người dân địa phương sống eo hẹp bằng nghề nông.

Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu những người lao động nhập cư ở Bangkok không nên trở về nhà vì lo họ sẽ làm lây nhiễm virus ra toàn quốc.

Tuy nhiên, nhiều người dân địa phương mới thất nghiệp đã bỏ qua những lời khuyên như vậy, đổ xô đến các bến xe buýt trong đám đông đông đúc với hy vọng bắt được một chuyến xe trở về quê.

Cuộc sống ở Bangkok không dễ dàng gì nếu bạn không có tiền.

Ngay cả trước khi bị cô lập, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu bị tổn thương. Sự bùng phát của loại coronavirus mới gây chết người ở Vũ Hán, Trung Quốc, vào tháng 12 đã khiến hàng triệu khách du lịch hủy bỏ kỳ nghỉ hè ở Thái Lan.

Phần lớn nền kinh tế phi chính thức của Thái Lan xoay quanh lĩnh vực du lịch mang lại cho đất nước khoảng 60 tỷ USD từ 39 triệu du khách năm ngoái và chiếm 20% doanh thu quốc gia.

Vua Thái bỏ trốn sang Đức cùng 20 thê thiếp

Vua Thái Maha Vajirusongkorn, 67 tuổi, được tường thuật đã thuê toàn bộ khách sạn Grand Sonnenbichl với một sự “cho phép đặc biệt” của thành phố Garmisch-Partenkirchen và chính quyền Đức. Tờ Bild của Đức cho biết là với lệnh cách ly hiện nay tại Đức, Vua Thái Maha Vajirusongkorn không thể đến đây nếu không có sự “cho phép đặc biệt”.

Nhà Vua đang cô lập trong khu nghỉ mát với 20 thê thiếp và một nhóm lớn người hầu. Khách sạn được vua Thái bao hết như một ngôi nhà dân cư trong suốt thời gian lưu trú, nghĩa là khách sạn không được nhận thêm bất cứ ai.

Bất kể nguy cơ phải ngồi tù 15 năm vì dám xúc phạm hoàng gia, các phương tiện truyền thông xã hội Thái Lan đã bắt đầu chỉ trích nhà vua vì quyết định bỏ trốn này. Thái có một luật đặc biệt cấm không ai được phê bình nhà vua hay hoàng tộc. Luật này gọi là lèse-majesté, hay luật “khi quân”. Ai vướng vào tội này có thể bị tù tội rất nặng.

Vua Thái đang cách ly an nhàn trong khu nhà nghỉ sang trọng trong khi một số miền của Thái Lan đã bắt đầu bị cách ly khi con số tử vong tăng lên đến 10 người và tổng số ca nhiễm được xác nhận lên tới 1,651 người.

Khách sạn được vua Thái thuê bao nằm trong khu nghỉ mát trượt tuyết của thành phố Garmisch-Partenkrichen, và là khách sạn sang nhất vùng này.

Thực ra, vua Thái sở hữu một nhà nghỉ lớn cách Hồ Starnberg 40km, và là một người thường xuyên đến nghỉ mát trong vùng Bavaria.

Nhưng thay vì lưu lại trong nhà nghỉ của mình, nhà vua đã mướn toàn bộ khách sạn Grand Sonnenbichl vì lo ngại các nhân viên trong nhà nghỉ của ông đã nhiễm coronavirus. Tử vong tại Đức đã lên đến 775 người, trong tổng số 71,808 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Truyền thông Đức báo cáo rằng 119 thành viên trong nhà nghỉ của ông đã được gửi về Thái sau khi bị nghi ngờ nhiễm virus. Ngôi nhà này đang được khử trùng và thay mới nhiều thứ.

Câu chuyện vua Thái đến vùng này đã là đầu đề bàn cãi của tin tức địa phương. Các khách sạn trong khu vực đã buộc phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus chết người này.

Hồi tháng 11 năm ngoái, ông đã trở thành tiêu đề quốc tế sau khi thăng cấp cho Thứ Phi Sineenat Wongvajirapakdi lên chức Trung Tướng Không Quân để rồi sau đó vài tháng đã tước mất chức Thứ Phi của cô và mọi cấp bậc trong quân đội, vì các mâu thuẫn càng ngày càng gay gắt giữa cô này với hoàng hậu Suthida.

Vua Maha Vajirusongkorn lấy hiệu là Rama thứ 10. Ông sinh ngày 28 tháng 7 năm 1952.

Tên đầy đủ của ông có nghĩa là “được trang trí bằng đá quý”.

Ông được giáo dục đầu tiên tại một trường trong cung điện hoàng gia ở Bangkok, sau đó ông theo học ở trường Millfield, một trường nội trú ở Somerset, miền Tây Nam nước Anh.

Sau khi tốt nghiệp ở Anh, ông theo học tại Đại học Quân sự Hoàng gia tại Duntroon ở Canberra, Úc.

Sau khi tốt nghiệp, ông gia nhập quân đội Thái Lan.

Ông đã trải qua khóa đào tạo quân sự cao cấp không chỉ ở Thái Lan, mà còn ở Anh, Mỹ và Úc, và trở thành một sĩ quan không quân có trình độ lái cả máy bay dân sự và quân sự.

Theo BBC, nhà vua vẫn lái chiếc Boeing 737 của riêng mình khi đi ra nước ngoài.


Source:Coronavirus News Live
 
200,000 người có thể chết vì coronavirus tại Mỹ. Tâm sự của các linh mục Ý trước hàng dài quan tài
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
15:54 01/04/2020
Đội ngũ y tế chống dịch của tổng thống Donald Trump ước tính có thể có đến 200,000 người chết vì coronavirus tại Mỹ. Bên cạnh đó là tâm sự của các linh mục Ý tại nhà thờ Thánh Giuse ở Seriate, Bergamo trước hàng dài các quan tài.

Đó là những tin chính chúng tôi sẽ trình bày trong chương trình này. Tuy nhiên, trước hết, xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi các tin quan trọng liên quan đến tình hình Giáo Hội và thế giới trước đại họa coronavirus.

Tính cho đến chiều Thứ Tư 1 tháng Tư, tử vong toàn thế giới lên đến 42,151 người, trong số 858,669 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tử vong toàn thế giới: 42,151 người, trong số 858,669 trường hợp nhiễm coronavirus.

Tình trạng lây lan rộng khắp toàn cầu đã khiến chính quyền các nước phải đưa ra những biện pháp kiểm dịch trên toàn thế giới. Điều này đã khiến mọi người phụ thuộc nhiều hơn vào internet để giao tiếp, làm việc, học hỏi và giải trí.

Việc sử dụng YouTube, Netflix, hội thảo qua Zoom, Facebook, các cuộc gọi điện thoại trên mạng và trò chơi video đã tăng lên đến mức cao chưa từng có, sự căng thẳng về cơ sở hạ tầng internet đang bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới - và lưu lượng truy cập có lẽ đã vượt xa gấp nhiều lần bình thường.

“Đây là chuyện chưa từng xảy ra.” Đó là nhận xét của Thierry Breton, một ủy viên Liên minh Âu Châu, người giám sát chính sách kỹ thuật số và là một giám đốc điều hành của Télécom Pháp. “Chúng ta phải có các biện pháp chủ động,” ông nói và cảnh cáo rằng Internet ở nhiều nơi có thể bị gián đoạn và như thế gây thêm nhiều tổn thất lớn lao về sinh mạng.

Để giải quyết vấn đề, các cơ quan quản lý Âu Châu như Breton đã thúc đẩy các công ty phát trực tuyến như Netflix và YouTube giảm kích thước các videos để chúng không chiếm nhiều bandwidth.

Hệ quả mục vụ chúng ta cần phải lưu ý là khi livestream các thánh lễ, không nên dùng các độ phân giải cao, từ chuyên môn gọi là high resoltions, hay vắn tắt là HD. Anh chị em giáo dân có thể không theo dõi được thánh lễ vì họ không đủ bandwidth để truy cập.

Khác biệt căn bản giữa phát trực tiếp, từ chuyên môn gọi là livestream, và thu trước, hay pre-recorded, là khi ta livestream YouTube chỉ có một phiên bản duy nhất. Thí dụ, nếu ta phát ở mức 1080 pixels, YouTube chỉ có một phiên bản là 1080 pixels. Anh chị em giáo dân có Internet yếu quá không xem nổi. Khi ta đưa lên YouTube theo kiểu pre-recorded, nó có thời gian để tạo ra nhiều phiên bản khác nhau và phân phối cho người xem phiên bản phù hợp với tình trạng Internet của họ. Nếu nhất thiết phải livestream, tốt nhất nên dùng độ phân giải 480 pixels thôi.

Tử vong tại Hoa Kỳ đã lên đến 3,889 người, trong tổng số 188,530 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Trong cuộc họp báo với một không khí rất ảm đạm tại Tòa Bạch Ốc vào chiều thứ Tư, tổng thống Donald Trump và đội ngũ y tế công cộng của ông đã cảnh báo rằng số tử vong tại Mỹ có thể lên đến 200,000 người.

Sau khi hai quan chức cấp cao trong chính quyền, là Anthony Fauci và Deborah Birx, mô tả một tháng Tư đen đầy chết chóc dự kiến có hàng chục ngàn người chết, tổng thống Trump đã cảnh báo đất nước về một địa ngục trần gian tồi tệ trong vài tuần tới.

Đề cập đến những gì sẽ diễn ra tại New York, tổng thống nói: “Họ sẽ phải đối mặt với một khu vực chiến tranh, với lều y tế và các phòng lạnh chất đầy người quá cố ở thành phố New York. Đó là những gì sẽ diễn ra. Chúng ta đang mất đi hàng ngàn người.”

Tổng thống đã đi xa đến mức gọi dự báo 100,000 người chết là một con số rất thấp, và nói thêm ông đã không ru ngủ người Mỹ về cảm giác an toàn giả tạo bằng cách đánh giá thấp căn bệnh này. “Tôi đã nhận ra sự nguy hiểm và tầm mức lây nhiễm của virus này ngay khi dịch bệnh bắt đầu tại Trung Quốc”.

Tử vong tại Ý đã lên đến 12,428 người, trong tổng số 105,792 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Hôm 9 tháng 3 năm 2020, chính phủ Ý do Thủ tướng Giuseppe Conte lãnh đạo đã áp dụng kiểm dịch quốc gia cho đến cuối tháng Ba, hạn chế sự di chuyển của dân chúng ngoại trừ trường hợp tối cần thiết, để đối phó với đại dịch COVID-19 đang gia tăng ở nước này. Các hạn chế bổ sung đã đóng cửa tạm thời các cửa hàng và doanh nghiệp không thiết yếu.

Nay lệnh kiểm dịch này được gia hạn cho đến cuối tháng Tư trước con số tử vong kinh hoàng vì dịch bệnh này.

Thiệt hại nhân mạng của quốc gia 60 triệu người này đã chiếm một phần ba số ca tử vong do căn bệnh này trên toàn thế giới.

Hôm 31 tháng Ba, Ý đã cử hành “ngày tang tóc” đánh dấu một tháng trong đó Ý chứng kiến nhiều người chết vì một thảm họa hơn bất cứ lúc nào kể từ Thế chiến II.

“Coronavirus là một vết đâm làm tổn thương cả đất nước,” nữ thị trưởng thành phố Rôma Virginia Raggi nói sau một phút mặc niệm vào buổi trưa.

“Cùng nhau, chúng ta sẽ vượt qua thảm họa này,” cô nói trong một buổi lễ được tổ chức bên ngoài tòa thị chính thành phố Rôma.

Tử vong tại Tây Ban Nha đã lên đến 8,464 người, trong tổng số 95,923 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Số trường hợp nghiêm trọng tại Tây Ban Nha hiện nay là cao nhất thế giới với 5,607 người đang chống trả với cái chết trong các điều kiện y tế khá bi đát. Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy là của tờ El Pais. Một sân vận động có mái che đã được cải biên thành một bệnh viện dã chiến với các dụng cụ y tế rất nghèo nàn thua xa các quốc gia khác ở Âu Châu. Thủ tướng Pedro Sánchez thuộc đảng Công Nhân Xã Hội được mô tả là người say sưa với ý thức hệ phá thai, ông ta đã cắt giảm các chi tiêu về y tế từ khi lên nắm quyền. Trong bối cảnh đang có những lời kêu gọi Pedro Sánchez nên từ chức từ nhiều phiá trong xã hội Tây Ban Nha, tờ El Pais nói: “Thủ tướng nên cút đi!”. Hiện nay, ông Pedro Sánchez đang tìm cách đổ lỗi tình trạng trầm trọng hiện nay là do các dụng cụ xét nghiệm quá kém mua của Tầu.

Tử vong tại Đức đã lên đến 775 người, trong tổng số 71,808 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Trong khi đó, tử vong tại Pháp đã lên đến 3,523 người, trong tổng số 52,128 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận.

Tâm sự của các linh mục trước hàng dài quan tài

Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là thánh lễ trực tuyến Chúa Nhật Thứ Năm Mùa Chay do Cha Mario Carminati, Cha Marcello Crotti, và các linh mục trong giáo xứ Thánh Giuse, Seriate cử hành.

Cha Mario Carminati, năm nay 64 tuổi, là cha sở giáo xứ Thánh Giuse ở Seriate, trong tỉnh Bergamo, cách Milan 50km về phía Đông Bắc.

Trong bài giảng thánh lễ, Cha Carminati nói ngài như đang nhìn thấy những người, mà ngài và Cha Crotti làm phép xác một ngày trước đó, như vẫn đang ngồi trong những hàng ghế trống không trước mặt.

Chỉ mới mấy tuần trước đó, ngài vẫn còn gặp gỡ họ trong các thánh lễ, trong các buổi đi đàng thánh giá, khi cử hành các bí tích, và trong cả những câu chuyện về coronavirus ở Vũ Hán như thể nó xảy ra ở đâu đó trên trái đất này, xa xôi với chúng ta.

Sáng thứ Bẩy 28 tháng Ba, theo các dàn xếp với Cục Bảo Vệ Dân Sự, ngài biết khoảng gần 8 giờ, quân đội sẽ chở các quan tài đến nhưng ngài và các linh mục khác không biết chắc là có bao nhiêu người thiệt mạng.

“Khi nhìn thấy hàng dài các xe nhà binh, chúng tôi lặng người đi, rồi bật khóc, “ Cha Carminati nói.

“Tôi thật sự không đứng nổi trên đôi chân mình. Tôi xin Cha Crotti làm mọi thứ. Tôi xây xẩm mặt mày không làm nổi. Tôi chỉ có thể cầm bình nước phép cho ngài.”

Cha Carminati nói thêm trước khi xin mọi người cầu nguyện cho những người đã chết: “Họ đều là những người tôi quen biết lâu năm. Thậm chí, có những người là bạn bè thân với tôi từ thời niên thiếu.”

Đoạn video mà quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là một hình thức tưởng niệm những người quá cố của Cha Mario Carminati. Ngài đã đưa lên YouTube những hình ảnh lịch sử của giáo xứ trong đó có nhiều khuôn mặt những người vừa mới qua đời.

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho những người làm việc trong ngành truyền thông trong trận dịch coronavirus này

Lúc 7 sáng thứ Tư 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho những người làm việc trong ngành truyền thông trong trận dịch coronavirus này. Mở đầu thánh lễ được phát trực tiếp từ nhà nguyện Casa Santa Marta, Đức Phanxicô nói:

Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho tất cả những người làm việc trong ngành truyền thông. Họ đang làm việc để mọi người không bị cô lập; để trẻ em được giáo dục, để giúp chúng ta chịu đựng được tình cảnh này.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha tập trung vào cuộc tranh luận giữa Chúa Giêsu và các thầy thông luật về căn tính của Ngài.

PHÚC ÂM: Ga 8, 31-42

“Nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi thực sự được tự do”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu nói với những người Do Thái đã tin nơi Ngài rằng: “Nếu các ngươi cứ ở lại trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta, và sẽ được biết sự thật, và sự thật giải thoát các ngươi”. Họ thưa lại Người: “Chúng tôi là con cháu Abraham, và chưa bao giờ làm nô lệ ai cả. Tại sao ông lại nói “Các ngươi sẽ được tự do”?”. Chúa Giêsu trả lời rằng: “Quả thật, quả thật, Ta bảo các ngươi: Hễ ai phạm tội, thì làm nô lệ cho tội. Mà tên nô lệ không ở mãi trong nhà; người con mới ở vĩnh viễn trong nhà. Vậy nếu Chúa Con giải thoát các ngươi, thì các ngươi sẽ được tự do thực sự. Ta biết các ngươi là con cháu Abraham, thế mà các ngươi lại tìm giết Ta: vì lời Ta không thấm nhập vào lòng các ngươi. Ta nói những điều Ta đã thấy nơi Cha Ta. Còn các ngươi, các ngươi làm điều các ngươi đã thấy nơi cha các ngươi”. Họ đáp lại: “Cha chúng tôi chính là Abraham!” Chúa Giêsu nói: “Nếu thực các ngươi là con cháu Abraham, thì các ngươi làm công việc của Abraham! Nhưng các ngươi đang tìm giết Ta, là người đã nói cho các ngươi biết sự thật mà Ta nghe tự Thiên Chúa. Ðiều đó Abraham đã không làm! Các ngươi đang làm việc của cha các ngươi!” Họ lại nói: “Chúng tôi không phải là những đứa con hoang! Chúng tôi chỉ có một Cha là Thiên Chúa!” Chúa Giêsu nói: “Nếu Thiên Chúa là Cha các ngươi, thì các ngươi yêu mến Ta, vì Ta tự Thiên Chúa mà đến; vì Ta không tự mình mà đến, nhưng chính Ngài đã sai Ta đến”.

Mở đầu bài giảng Đức Thánh Cha nói:

Trong cuộc tranh luận này, Chúa Giêsu cuối cùng đã đẩy họ vào góc tường, đuối lý đến mức họ quay ra dùng những lời lăng mạ và báng bổ để chống lại Ngài.

Nhưng đối với những người tin vào Ngài, Chúa Giêsu nói: “Nếu các ngươi cứ ở lại trong lời Ta, các ngươi sẽ thật là môn đệ của Ta” (Ga 8:31). Từ “ở lại” là một từ quan trọng. Chúa Giêsu lặp lại từ ấy rất thường xuyên, kể cả trong Bữa Tiệc Ly.

Đức Thánh Cha Phanxicô lưu ý rằng Chúa không nhấn mạnh vào việc tìm tòi học hỏi: Chúa Giêsu coi đó là điều hiển nhiên. Thay vào đó, điều quan trọng nhất là “ở lại” trong Chúa Giêsu và trong Lời của Ngài.

Quay trở lại một hình ảnh quen thuộc, Đức Thánh Cha nói rằng trở thành một Kitô hữu không phải là vấn đề danh nghĩa, không phải là chuyện có được một thẻ căn cước có nội dung: “Tôi là Kitô hữu”. Bản sắc của Kitô hữu là tình môn đệ. Nếu anh chị em ở lại trong Chúa, trong Lời của Chúa, trong cuộc đời của Chúa, anh chị em sẽ là môn đệ Ngài. Ngược lại, nếu anh chị em không ở lại trong Ngài, thì dù anh chị em có đánh giá cao giáo lý Công Giáo và theo Chúa Giêsu như theo một người tốt lành, thì khi đó anh chị em vẫn không phải là môn đệ của Ngài.

Chính tình môn đệ Kitô giáo làm cho chúng ta tự do. Người môn đệ là người tự do vì họ vẫn ở trong Chúa. Nhưng điều này có nghĩa là gì? Trở thành môn đệ có nghĩa là để cho bản thân mình được Chúa Thánh Thần hướng dẫn. Đó là lý do tại sao người môn đệ luôn là một người tôn trọng truyền thống nhưng mở lòng ra với những điều mới lạ, một người tự do, không bao giờ phải tuân theo một ý thức hệ. Người đó luôn ở trong Chúa, chính Thần khí là người truyền cảm hứng cho họ.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã kết thúc bài giảng của ngài bằng lời cầu xin Chúa giúp chúng ta hiểu được sự khôn ngoan trong việc ở lại với Ngài và giúp chúng ta hiểu được sự quen thuộc với Thánh Linh, với Chúa Thánh Thần là Đấng ban cho chúng ta sự tự do. Điều này là một sự xức dầu, và tình môn đệ là một sự xức dầu. Những người ở lại trong Chúa nhận được sự xức dầu ấy.


Source:Vatican News
 
Sắc lệnh Bộ Phụng Tự: Thêm một lời nguyện mới trong Những Lời Cầu Long Trọng Thứ Sáu Tuần Thánh
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
20:08 01/04/2020

div>Trong Phụng vụ Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay, Tòa Thánh đã yêu cầu các linh mục trên khắp thế giới đọc thêm một lời cầu nguyện mới vào các Lời Cầu Long Trọng, và kêu gọi các ngài dâng các thánh lễ cầu nguyện cho đại dịch coronavirus sớm chấm dứt.

Trước đại dịch coronavirus quá kinh hoàng đã cướp mất mạng sống của gần 50,000 người và làm gần 1 triệu người bị nhiễm bệnh, Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích đã đưa ra một ý cầu nguyện mới trong Những Lời Cầu Long Trọng.

Những Lời Cầu Long Trọng, bắt nguồn từ những lời cầu nguyện cổ kính theo truyền thống của Giáo Hội, được đọc trong Nghi thức Thứ Sáu Tuần Thánh, để cầu nguyện cho nhiều thành phần khác nhau trong Giáo Hội và xã hội, bao gồm Đức Giáo Hoàng; các Giám Mục, linh mục và phó tế; nam nữ tu sĩ, các tín hữu; giáo lý viên, các Kitô hữu không phải là Công Giáo; người Do Thái; những người không tin vào Chúa Kitô; những người vô thần; những người cai trị các dân nước; và những người có nhu cầu đặc biệt.

Lời cầu nguyện mới có tựa đề là “Dành cho những người bị ảnh hưởng trong thời gian xảy ra đại dịch”. Mỗi Lời Cầu Long Trọng gồm hai phần. Đầu tiên vị chủ tế kêu gọi cộng đoàn chú ý vào những ý tưởng chủ yếu trong lời cầu nguyện mà ngài sắp đọc một cách long trọng. Sau khi cộng đoàn thinh lặng cầu nguyện trong giây lát, vị chủ tế long trọng đọc lời nguyện ấy.

Lời cầu nguyện mới có lời kêu gọi như sau:

“Anh chị em thân mến, chúng ta hãy cầu nguyện cho tất cả những ai phải gánh chịu hậu quả của đại dịch hiện nay, xin Thiên Chúa là Cha chúng ta ban sức khỏe cho các bệnh nhân, sức mạnh cho những người chăm sóc họ, an ủi các gia đình và ban ơn cứu rỗi cho tất cả những nạn nhân đã qua đời.”

Sau giây phút cầu nguyện thầm lặng, vị linh mục nói tiếp

“Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Đấng luôn nâng đỡ sự yếu đuối của con người chúng con, xin đoái thương trước tình cảnh đau buồn mà con cái Chúa phải chịu đựng vì đại dịch này, xin Chúa xoa dịu nỗi đau của các bệnh nhân, ban sức mạnh cho những người chăm sóc họ, chào đón những người đã chết vào chốn bình an của Chúa, và trong suốt thời gian hoạn nạn này, xin Chúa cho tất cả chúng con có thể tìm thấy sự an ủi trong tình yêu thương xót của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.”

Lời cầu nguyện mới được trình bày trong một sắc lệnh được ký bởi Đức Hồng Y Robert Sarah tổng trưởng, và Đức Tổng Giám Mục Arthur Roche, tổng thư ký của của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích.

Sắc lệnh, ký ngày 30 tháng Ba, cho biết: Ngày lễ kỷ niệm cuộc khổ nạn của Chúa vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh năm nay có một ý nghĩa đặc biệt vì đại dịch khủng khiếp đã làm cả thế giới đau khổ.

“Thật vậy, vào ngày mà chúng ta kỷ niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa Giêsu Kitô trên Thập giá, Đấng như một con chiên bị giết đã tự mình gánh chịu đau khổ vì tội lỗi của thế giới, Giáo Hội lên tiếng cầu nguyện với Thiên Chúa Cha Toàn năng cho toàn thể nhân loại, và đặc biệt cho những người đau khổ nhất, trong khi Giáo Hội chờ đợi trong đức tin niềm vui của sự phục sinh của Phu quân mình.

Vì vậy, Bộ này, dựa trên các năng quyền do Đức Thánh Cha tối cao ban cho, đã sử dụng khả năng được trao liên quan đến Sách lễ Rôma đối với các giám mục giáo phận trong một tình huống cần thiết cho công chúng, đề xuất một ý cầu nguyện được thêm vào các Lời Cầu Long Trọng trong lễ kỷ niệm nói trên, để những lời cầu nguyện của những ai cầu khẩn Ngài trong cơn hoạn nạn có thể đến với Thiên Chúa Cha và do đó, dù trong nghịch cảnh, tất cả họ đều có thể trải nghiệm niềm vui của lòng thương xót của Người”.

Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cũng đề nghị các linh mục cử hành các thánh lễ ngoại lịch – votive Mass – để “cầu nguyện cách riêng xin Chúa chấm dứt đại dịch này”.

Một sắc lệnh khác đi kèm của Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích cho phép các Thánh lễ ngoại lịch được cử hành hàng ngày, ngoại trừ vào các ngày lễ trọng như các ngày Chúa Nhật Mùa Vọng, Mùa Chay và Lễ Phục sinh, Tuần Thánh và Lễ Phục sinh, Thứ Tư Lễ Tro và Ngày Lễ Các Đẳng Linh hồn.

Thánh lễ ngoại lịch là một Thánh lễ không theo ngày lễ quy định trong lịch Phụng Vụ và được cử hành cho một ý định đặc biệt.

Theo một bản dịch chưa chính thức trên trang web của Vatican News, Lời nguyện khai mạc – Collect - trong thánh lễ cầu nguyện cách riêng xin Chúa chấm dứt đại dịch này là:

Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, là chốn nương tựa quan phòng trước mọi hiểm nguy, xin thương nhìn đến chúng con, là những kẻ đặt niềm tin nơi Chúa đang khẩn cầu Chúa trong cơn hoạn nạn, và xin Chúa ban sự an nghỉ vĩnh hằng cho những người quá cố, sự an ủi cho những người đang phải than khóc, sức khỏe cho các bệnh nhân, bình an cho những người đang hấp hối, sức mạnh cho các nhân viên y tế, ơn khôn ngoan cho các chính quyền dân sự và một trái tim biết gần gũi với mọi người với lòng yêu mến để cùng nhau chúng con có thể tôn vinh danh thánh Chúa.


Source:Bộ Phụng Tự
 
Thánh Ca
Thánh Ca: Đường Thập Giá – Trình bày: Cẩm Yến
Khắc Thái
20:11 01/04/2020