Ngày 31-03-2009
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH - Từ ngày 1 đến 15.04.2009
Phó tế: JB Nguyễn văn Định
00:19 31/03/2009
MỖI NGÀY MỘT CÂU KINH THÁNH

Từ ngày 01 đến 15-04-2009

Ngày 01-04-09: Nhưng nay nhờ Đức Kitô là con người bằng xương bằng thịt đã chịu chết, Thiên Chúa cho anh em được hoà giải với Người, để anh em trở nên thánh thiện tinh tuyền… (Col 1, 22)

Phaolô nhấn mạnh đến sự đau khổ nơi thân xác của Đức Kitô. Tôi quyết chết đi cho xác thịt tội lỗi để sống lại với Chúa mỗi ngày.

Ngày 02-04-09: Tin Mừng này đã được rao giảng cho khắp thiên hạ, và tôi, Phaolô,.. đã được trở nên người phục vụ Tin Mừng.(Col 1,23)

Tin Mừng là hồng ân của Thiên Chúa gởi cho toàn thể nhân loại. Tôi phục vụ theo gương Phaolô để đem hy vọng cho mọi người.

Ngày 03-04-09: Giờ đây tôi vui mừng được chịu đau khổ vì anh em, những gian nan thử thách…tôi xin mang lấy vào thân cho đủ mức, vì lợi ích cho thân thể Người là Hội Thánh. (Col 1, 24)

Phaolô sẵn sàng chịu vất vả, khổ cực vì Tin Mừng cho dân ngoại. Hôm nay tôi chu toàn thật tốt sứ vụ của mình trong Hội Thánh.

Ngày 04-04-09: Tôi đã trở nên người phục vụ Hội Thánh, theo kế hoạch Thiên Chúa đã ủy thác cho tôi… (Col 1, 25)

Chúa muốn bạn tha thiết với việc rao giảng Lời Chúa cho mọi người. Tôi cần dồn hết tâm trí và phương tiện sẵn có cho Tin Mừng.

Ngày 05-04-09: Chính vì mục đích ấy mà tôi phải vất và chiến đấu, nhờ sức lực của người hoạt động mạnh mẽ trong tôi. (Col 1, 29)

Phaolô đã chịu nhiều khổ sở và và cương quyết phục vụ Tin Mừng. Bạn hãy cậy nhờ Chúa Thánh Thần giúp sức để hoàn thành sứ vụ.

Ngày 06-04-09: Lời giảng của chúng tôi không sai lầm, không có dụng ý xấu, không nhằm lừa dối ai. (I Tx 2, 3)

Các tông đồ đã dựa vào quyền năng của Thánh Thần rao giảng Tin Mừng. Tôi cần bắt chước các Ngài trong sứ vụ Hội Thánh trao phó.

Ngày 07-04-09: Không bao giờ chúng tôi đã tìm cách để được một người phàm nào tôn vinh, dù là anh em hay người khác. (I Tx 2, 6)

Tinh thần truyền giáo của Phaolô là khiêm nhường tuyệt đối. Xin giúp con luôn tránh mọi tham lam và ẩn mình sau khi phục vụ Chúa.

Ngày 08-04-09: Trong khi chúng tôi có thể đòi hỏi anh em phải trọng đãi, với tư cách là tông đồ của Đức Kitô… chúng tôi đã cư xử dịu dàng, chẳng khác nào mẹ hiền ấp củ con thơ. (I Tx 2, 7)

Phaolô nói về cách sống của hàng giáo sĩ là luôn khiêm tốn phục vụ. Con quyết suy niệm và sống theo Lời Chúa đã dạy trong Phúc âm.

Ngày 09-04-09: Nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được Thần Khí mạc khải, hoặc đã nói, đã viết thư quả quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng để tinh thần giao động..hoảng sợ. (2 Tx 2, 2)

Ngày quang lâm đang đến rất gần, là niềm hy vọng của mọi tín hữu. Tôi hãy chuẩn bị sẵn sàng bằng đổi mới. để vui mừng đón Chúa.

Ngày 10-04-09: Đừng để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Trước đó phải có hiện tượng chối đạo…người gian ác, đứa hư hỏng.(2Tx 2,3)

Bạn thấy những loại người trên đang xuất hiện trước thời Chúa đến? Đừng chần chờ, hãy sám hối, lập công ngay từ bây giờ kẻo trễ.

Ngày 11-04-09: Thật vậy, chỉ có một Thiên Chúa, chỉ có một Đấng trung gian, giữa Thiên Chúa và loài người; đó là một con người, Đức Giêsu Kitô. (I Tm 2, 5)

Đức Giêsu Kitô đã thay mặt Thiên Chúa để làm người cứu độ bạn. Tôi hãy vâng nghe Lời Ngài bằng cách sống và phục vụ mọi người.

Ngày 12-04-09: Vậy tôi muốn rằng người đàn ông hãy cầu nguyện ở bất cứ nơi nào, tay giơ lên trời, tâm hồn thánh thiện, không giận hờn, không xung khắc. (I Tm 2, 8)

Cầu nguyện để Chúa nhận lời cần có tấm lòng trong sạch, tha thứ. Tôi cần xét lại tâm hồn mình mỗi khi giơ tay lên trời cầu nguyện.

Ngày 13-04-09: Những gì anh đã nghe tôi nói trước mặt nhiều nhân chứng thì hãy trao lại cho những người tin cẩn… (2 Tm 2, 2)

Phaolô nói đến ông Ti-mô-thê lúc này lãnh thừa tác vụ giám mục. Cần lưu tâm đến tầm quan trọng của giáo lý các Tông Đồ truyền lại. Trách nhiệm của bạn là làm theo Lời Chúa dạy cùng với Giáo hội.

Ngày 14-04-09: Anh hãy đồng lao cộng khổ như mọi người lính giỏi của Đức Kitô Giêsu. (2 Tm 2, 3)

Người lính giỏi biết tuân lệnh thượng cấp, quên mình xông ra chiến trận. Tôi cần chiụ khổ, chịu nhục, chịu mọi thiêt thòi, chu toàn những Lời Chúa dạy bảo, để là chiến sĩ anh dũng cho Tin Mừng.

Ngày 15-04-09: Anh hãy nhớ đến Đức Kitô, Đấng đã sống lại từ cõi chết, Đấng xuất thân từ dõng dõi Đavit. (2 Tm 2, 8)

Bạn hãy tuyên xưng Đức Kitô là Thiên Chúa đã yêu bạn đến cùng, khi bạn còn là tội nhân. Tôi quyết hăng say học tập, phục vụ và xả thân vì Tin Mừng, cho Đấng đã sống lại cho tôi được sống.

(còn tiếp)

Phó tế: JB Nguyễn văn Định * johndvn@yahoo.com
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:34 31/03/2009
TỊCH DIỆT

N2T


- “Con muốn kết hợp với Thiên Chúa trong khi cầu nguyện.”

- “Điều con muốn đó thực ra rất nhảm nhí.”

- “Tại sao ?”

- “Bởi vì mỗi khi con tồn tại thì Thiên Chúa mất tiêu, mỗi khi Thiên Chúa đến thì con tất nhiên mất tiêu. Cho nên con làm thế nào để ở cùng Thiên Chúa hử ?”


Sư phụ nói tiếp:

- “Theo đuổi sự cô đơn nhé ! Bất luận con ở cùng với ai thì con không phải ở một mình, khi con cùng Thiên Chúa kết hợp thì cũng không phải là con ở một mình; muốn ở cùng Thiên Chúa thì phương pháp duy nhất là triệt để ở một mình, như thế, nguyện Thiên Chúa đến và con sẽ tan chảy trong Ngài.”

(Trích: Huệ nhãn thiền tâm)

Suy tư:

Mong muốn lớn nhất của người Ki-tô hữu là được kết hợp với Thiên Chúa luôn luôn, từng giây từng phút ở với Ngài, như lời thánh vịnh nói: có Chúa ở cùng tôi, tôi chẳng sợ gì.

Nhưng thực tế Chúa Giê-su vẫn ở với họ mọi ngày trong cuộc đời:

- Trong gia đình họ để Ngài trên bàn thờ, treo hình Ngài trên tường làm kiểng cho đẹp mà thôi, vì họ ít khi nhớ đến Ngài, và khi gia đình có chuyện vui buồn thì họ tự mình đi kiếm thú vui bên ngoài, hỏi ý kiến của bạn bè mà không trò chuyện tâm sự với Ngài, xin Ngài giúp đỡ...

- Chúa Giê-su vẫn ở trong tâm hồn họ, nhất là sau khi rước lễ xong, nhưng họ lại để Chúa Giê-su cô đơn trong tâm hồn của họ, họ làm việc, suy tư, vui đùa hình như không còn nhớ đến Ngài nữa.v.v...

Muốn kết hợp với Chúa Giê-su nhưng lại làm ông chủ của Chúa; muốn Chúa Giê-su ở luôn với mình nhung lại để Ngài cô đơn; muốn Chúa Giê-su đồng hành với mình nhưng lại mình đi đường mình đã vạch ra, mặc cho Chúa cản ngăn...

Đại sư nói đúng, nếu không có sự phó thác hoàn toàn cho Chúa thì đừng mời Chúa kết hợp với mình, bởi vì như thế chỉ làm cho Chúa buồn thêm...

Phải tịch diệt cái tôi của mình trước, rồi mời Chúa đến ở với mình.
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:36 31/03/2009
N2T


125. Chúa chúng ta không cần chúng ta làm những việc lớn, hay có những lời bàn rộng lớn hoặc bày tỏ tài năng khôn ngoan, điều mà Ngài vui thich nơi chúng ta chính là sự đơn thuần.

(Thánh nữ Terese of Lisieux)
 
Mỗi ngày một câu Cách Ngôn
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:38 31/03/2009
N2T


70. Cuộc sống cần phải biết chỗ khổ để mà chịu trách nhiệm, thì mới có thể biết hứng thú để chịu trách nhiệm.

 
Bản Án Đức Giêsu
LM Giacôbê Tạ Chúc
05:46 31/03/2009
Bản Án Đức Giêsu

Đã hơn hai ngàn năm qua rồi, nhưng hôm nay những bản án bất công “ GIÊSU” vẫn đầy dẫy trong xã hội. Những con người “Thấp cổ bé họng” vẫn phải ngày đêm quay quắt, lặn lội, đốt nến cầu nguyện cho công lý và sự thật trên quê hương đất nước này.

Lật giở lại vụ án tử hình Chúa Giêsu chúng ta thấy một sự bất công không thể tưởng được, đành rằng đây là con đường cứu độ của Thiên chúa, nhưng chúng ta không thể nào lọai ra bên ngòai trách nhiệm của con người. Phúc âm của thánh Marcô cho chúng ta thấy rõ điều đó: “ Bấy giờ các Thượng tế và tòan thể Thượng Hội Đồng tìm lời chứng buộc tội Đức Giêsu để lên án tử hình, nhưng họ tìm không ra” ( Mc 14, 55 ). Làm sao có thể kết tội Chúa Giêsu được khi mà cả cuộc đời của ngài là hiến thân và phục vụ. Ngài đến để mưu cầu hạnh phúc cho con người. Các thượng tế, kỳ mục và các kinh sư cùng với những Tổng trấn Rôma sợ mất ảnh hưởng trong dân chúng. Họ sợ mất quyền lực và bổng lộc, cái mà họ sợ nhất là dân chúng mất lòng tin nơi họ. Bởi vì họ không sống theo sự thật, họ luôn tìm cách che đậy sự thật, họ đồng lõa với tội lỗi và bóng tối, nên lọai trừ được Đức Giêsu là lọai trừ được một hiểm họa. Giết chết Đức Giêsu họ tưởng như vậy là xong chuyện. Nhưng con người đã sai lầm, một khi giết chết Thiên Chúa con người cũng sẽ tự đào mồ cho chính mình. Ngày ngày những bản án bất công luôn diễn ra trong đời thường, những bào thai vô tội bị chính cha mẹ mình lên án tử khi người ta cho phép phá thai. . Những cha mẹ già trong các viện dưỡng lão là nạn nhân của chính những đứa con mình khi người ta cho phép trợ tử. Dân oan đi khiếu kiện khi họ không còn nhà để ở, đất để làm kế sinh nhai. Ô nhiễm môi trường từ những khai thác và kinh doanh thao túng của con người. Con người lên án tử cho thiên nhiên khi trái đất dần dần nóng lên.

Đức Giêsu chết và bản án của Ngài cũng đã khép lại. Thế nhưng con người vẫn tạo nên những bản án mới trong đời sống của mình. Ước mong sao qua cái chết của chúa Giêsu, con người khám phá ra mầu nhiệm khổ gía trong cuộc đời của minh để cùng nhau xóa đi những án tử bất công trong cuộc đời.
 
Thánh Giá Chúa Treo Cao Để Con Người Được Cứu Độ
Tuyết Mai
16:41 31/03/2009
Thánh Giá Chúa Treo Cao Để Con Người Được Cứu Độ

Lậy Chúa Giêsu, Đấng chịu khổ hình vì nhân loại trần gian chúng con ơi!

Trong ngày chịu nạn của Chúa Giêsu, con chỉ là kẻ bàng quang, đứng xa xa bên ngoài để xem thiên hạ làm gì Chúa!? Con chứng kiến tận mắt xem tất cả mọi nhân vật từ những kẻ quá khích và bạo động, đến những người tuy không theo để dám bênh vực cho Chúa như con đây chẳng hạn, những người công chính đã từng biết Chúa từ lâu như các tông đồ của Ngài và Mẹ của Ngài là Đức Nữ Maria, cùng tất cả mọi người vì hiếu kỳ cũng đến xem thật đông để muốn biết kết cuộc của cuộc đời ông Giêsu này sẽ chết ra làm sao do những ai tra tấn và bằng cách nào!? Và xem thử cái chết của ông có ai đến cứu được hay không? Vâng, thưa lậy Chúa! Tuy con không phải là những con người trực tiếp ra tay tra tấn và đánh đập Chúa, nhưng Chúa ơi! Con đã khóc rất là nhiều vì con người chúng con sống không một chút tình người này! Quả thực khi ấy con chưa được biết Chúa, con chưa tin Chúa, chưa tin vào quyền năng của Chúa, và con thú thật con chỉ muốn xem một tấn bi kịch này chỉ xảy ra chắc duy nhất một lần trong đời của con!?

Ôi Chúa Giêsu Ngài đã làm gì nên tội, ngoài Tình Yêu thương Ngài đã dành ban cho nhân loại chúng con trên trần gian này. Có phải Ngài đã không nhận được một lời nói, một ý thức, một ý chỉ gì gọi là biết ơn và đáp trả, chứ Chúa trông mong gì ở sự đáp đền của con người luôn phản bội của chúng con, ngoài sự lợi dụng danh Chúa để mà chúng con làm những chuyện điêu ngoa, xảo trá, cố ý giết hại anh chị em chúng con, và cho lẫn nhau. Có phải con người nhân loại của chúng con từng xem thường Lời Nói của Chúa quá đấy không? Nếu không sao Chúa phải chịu chết treo vì tội lỗi ngập tràn của chúng con? Nếu không sao Chúa phải chịu xuống trần theo sự vâng phục của Đức Chúa Cha? Nếu không sao Ngài là Con Duy Nhất của Đức Chúa Cha mà lại chịu làm một người phàm trong một thân xác cũng yếu đuối cũng lo sợ phải đổ mồ hôi máu ra vì chúng con?

Trong ngày trọng đại và tang thương này! Con nhìn chung quanh chỉ thấy những bộ mặt đằng đằng sát khí, những bộ mặt năng nổ hung dữ, những bộ mặt trơ trơ đứng nhìn xem Chúa chịu những nhục hình, những bộ mặt hiếu kỳ, nhất nhất không một bộ mặt nào tỏ ra thương xót cho Ngài ngoại trừ một số rất ít là Mẹ của Ngài và những tông đồ đi theo Ngài. À mà trong số 12 tông đồ có ai đã phản Chúa và bán Chúa? Có ai đã chối Chúa đến những 3 lần? Đây có phải là bản tánh rất thường tình, rất dửng dưng, rất bội phản, rất ung dung, và rất hờ hững với những ân tình Chúa dành ban cho chúng con??? Thế cho nên con cứ phải thắc mắc mãi, sao Chúa lại làm thế? Sao Chúa lại phải uống chén đắng và phải gánh tất cả cuộc đời tội lỗi của chúng con? Sao Chúa không giận dữ không phạt thẳng tay chúng con để không còn một mầm sống trên trái đất này!? Nhưng Chúa lại không làm vậy! Vì sao thưa Chúa? Con không thể nào hiểu nổi Chúa ơi! Con không thể nào hiểu cho nổi những suy nghĩ và việc làm của Chúa, mà đối với nhân loại của chúng con là việc làm thật điên rồ, thật là dại dột!? Ai lại phải làm thế bao giờ, mà không phải mắt đền mắt và đăng đền răng!? Mất mạng thì trả mạng chứ ai lại làm giống Chúa như vậy bao giờ, quả chỉ có Chúa duy nhất mới làm được thôi! Vì yêu quá con người tội lỗi của chúng con. Quả Chúa không muốn chúng con tất cả phải sa hỏa ngục đời đời mà sống xa Chúa. Quả Chúa muốn chúng con nên sáng láng đẹp đẽ như những thiên thần trên trời của Chúa, vì tất cả là công trình và những tuyệt tác của Chúa, có phải không thưa Chúa???

Chúng con là những tội nhân có đáng là chi!? Hay Chúa vì không muốn tất cả chúng con bị đày đọa nơi hỏa ngục đời đời kiếp kiếp, mà phải chịu mọi đắng cay nhục nhã mà không một con người nào trên trần thế này có thể chịu đựng nổi như Chúa gánh chịu? Chúa có biết rằng chúng con rất chán ghét Thánh Giá hay không? Vì Thánh Giá là phải từ bỏ, mà con người nặng nề những mê đắm cuộc đời trần gian, thì không một thứ gì chúng con muốn Bỏ cả Chúa ơi! Dù là chúng con phải nhìn thấy Chúa chịu nhục hình một lần nữa! Dù là chúng con phải nhìn thấy Chúa đội mão gai một lần nữa! Dù là chúng con phải nhìn thấy Chúa vác Thánh Giá nặng nề kia lên núi Sọ một lần nữa! Dù là chúng con phải nhìn thấy Chúa bị tra tấn một lần nữa! Dù là chúng con phải nhìn thấy Chúa chịu đóng đinh trên Thập Giá một lần nữa! Và có phải như thế là cứ mỗi một năm chúng con lại chứng kiến một lần nữa Chúa Chịu Nạn vì tội lỗi chúng con, mà chúng con vẫn cố tình tái phạm tội lỗi của mình, để mỗi năm chúng con lại hứa với Chúa là chúng con sẽ cố gắng từ bỏ tội lỗi của mình? Hay chúng con hứa chỉ là để hứa vì có Chúa đã gánh lấy tội lỗi của chúng con, hay chúng con lợi dụng Chúa mà thẩy tất cả những tội lỗi của mình để Thánh Giá của Chúa vác mang trên vai càng nặng nề thêm?

Lậy Chúa Giêsu yêu dấu của chúng con ơi!

Đứng nhìn ngắm 14 Đàng Thánh Giá của Chúa mà con không ngưng được giòng lệ khóc thương cho Chúa! Nhưng Chúa ơi! Con là một trong những đứa con hư hỏng tội lỗi của Chúa, chỉ biết hứa cho qua lần qua lượt ở mỗi chặng đường Chúa té xuống, và vì Chúa đã nhìn thấy con. Có phải vì ánh mắt quá nhân từ của Chúa nhìn con mà làm cho con cảm thấy xấu hổ đã làm Thánh Giá Chúa thêm oằn vai, và như năn nỉ Chúa hãy ôm Thánh Giá của con luôn dùm vì con đây không bỏ được những gì đã quá ăn sâu trong con!? Có phải như thế mà Thiên Chúa đã phải chịu thua và chán ngán tình cảm nhân loại của chúng con? Có phải vì thế mà Chúa đã phải bó tay và chịu xử hình theo thể thức quá nhẫn tâm, quá tàn ác, quá điên dại như loài dã thú của con người?

Lậy Chúa! Ai trong chúng con có thể theo Chúa được chứ!? Ai trong chúng con lại ưa thích Thánh Giá được chứ!? Ai trong chúng con lại muốn bỏ những bả phù hoa mà đi theo Chúa bằng con đường Khờ Dại này!? Cái gì chúng con cũng rên. Cái gì chúng con cũng khóc. Cái gì chúng con cũng muốn có được, thì bỏ làm sao được đây thưa Chúa? Phải thật sự mà nói chúng con nhìn Chúa trong 14 chặng đường chẳng khác nào xem Chúa như một nhân vật của phim ảnh. Chúa nào có thật? Nhiều người chúng con còn tin rằng Chúa dùng quyền phép để chịu đựng những sự tra tấn giã man, chứ con người ai nào chịu nổi!? Chúng con xem Chúa như một nhân vật của một con người nổi tiếng của thời đại xưa kia như một tội nhân được đẩy ra sân vận động trường để đấu với những con sư tử đang đói mà vỗ tay xem ông này sẽ chịu đựng được bao lâu thì vào miệng sư tử!? Chúa ơi, con người tồi tệ của chúng con là vậy Chúa ơi! Con không biết Chúa chết cho chúng con như thế có đáng lắm hay không? Có đủ để cảm hóa tấm lòng chai đá và cứng cỏi của chúng con mềm ra không? Có đủ để chúng con thống hối ăn năn hay không? Có đủ để trái tim chúng con thay đổi nhịp đập trong từng bước đi xiêu vẹo của Chúa? Có đủ để chúng con đổ những giòng lệ ăn năn chừa cải ở những cái ngã quỵ không vững của Chúa? Có đủ để chúng con cùng cảm nhận từng cây roi quất xuống trên thân thể tan nát máu me đầm đìa của Chúa? Có đủ để chúng con biết nhắm mắt lại khi lưỡi đòng đâm thấu xuyên trái tim của Chúa?

Ôi Chúa Giêsu ơi! Khi màn trời được xé ra và tiếng gầm của Trời Cao là những tiếng đau đớn của Chúa Cha nhìn thấy con yêu dấu của Ngài đã phải gánh chịu vì tội lỗi của nhân loại chúng con, chết đi trong một thân xác mà từ đầu cho đến chân không một chỗ nào còn được nguyên vẹn, và không một miếng thịt da nào còn có chỗ lành lặn mà không bê bét đầy những máu me, và không còn một giọt máu hay một giọt nước nào còn đọng trong cơ thể của Chúa, thì xin Chúa cho chúng con ít nhất biết những hành vi và những sự xấu xa trong chúng con, mà từ bỏ để từ nay xin Chúa Giêsu đón nhận chúng con như con chiên lạc được Chúa mang về. Để từ nay chúng con sẽ luôn đi trên con đường ngay thẳng chính trực. Để mỗi năm chúng con cố gắng hơn là làm Thánh Giá Chúa vác có phần nhẹ hơn. Để những tra tấn và những lằn roi do tội lỗi của chúng con có bớt đi. Để Chúa bớt những té ngã đau đớn trên đường lên Núi Sọ. Để Thân Thể của Chúa nên tươi mát nên sáng ngời vì tất cả con cái nhân loại của Chúa đây biết ăn năn sám hối tội lỗi của mình, biết đâu là hạnh phúc thật, biết đâu là Nơi chốn để mà tìm về bên Người Cha nhân từ đang giang tay chờ đợi, vì Thiên Chúa Cha đã cho con Ngài Chết đi và sau ba ngày Ngài đã Phục Sinh lên Trời Ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng, để ngày sau Ngài lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết. Con tin kính Đức Chúa Thánh Thần. Con tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này các Thánh thông công. Con tin phép tha tội. Con tin xác loài người ngày sau sống lại. Con tin Thiên Chúa hằng sống và hằng trị muôn đời, Amen.
 
Rửa chân
LM. Giacôbê Tạ Chúc
16:47 31/03/2009
RỬA CHÂN

Mỗi năm, vào ngày thứ năm trong tuần thánh, các linh mục rửa chân cho những anh chị em giáo dân, những người đại diện cho mười hai Tông Đồ của Chúa Giêsu.

Hồi nhỏ, khi còn là chú bé giúp lễ, mỗi lần giúp lễ, bê thau nước giúp cho cha xứ cử hành nghi thức này. Tôi thấy khi quỳ xuống rửa chân, nước mắt của cha xứ rơi lã chã, có lúc rớt vào vạt áo tôi. Tôi thực sự không hiểu. Lớn lên làm linh mục và mỗi lần cử hành nghi thức rửa chân cho anh em, tôi khóc, nhưng chẳng hiểu. Tôi hỏi Chúa Giêsu, Ngài im lặng. Đọc lại đọan Tin mừng theo thánh Gioan tông đồ: “ Trong một bửa ăn, Ngài đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngòai ra, và lấy khăn mà thắt lưng. Rồi Đức Giêsu đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau “ ( Ga 13, 4 - 5 ). Có lẽ Chúa Giêsu cũng khóc, Ngài là Thiên chúa và là Thầy của các môn sinh, thế mà Ngài lại thực hiện việc làm của một người tôi tớ. Không khóc sao được khi mà những người học trò Ngài hết lòng yêu thương lát nữa đây sẽ cao chạy xa bay để bỏ chúa lại một mình. Phêrô môn đệ được chúa ủy thác trách nhiệm trọng đại lại bai bải chối chúa ba lần. Giuđa người quản lý kinh tế, chăm lo cuộc sống cho anh em, Chúa Giêsu chắc cũng hết mực yêu thương lại rắp tâm bội phản và bán Chúa. Hơn thế nữa, những con dân thành Giêrusalem, bao ơn phúc Chúa đã làm cho họ giờ như chẳng còn gì. Chúa Giêsu khóc và Ngài cũng không hiểu tại sao các môn đệ, những người Do thái và cả nhân lọai không thể biết tình yêu của Ngài.

Chúa Giêsu chấp nhận cuộc khổ nạn và Ngài dạy cho chúng ta con đường phục vụ, khiêm hạ để đón nhận anh em mình: “ Anh em gọi Thầy là Thầy, là Chúa điều đó phải lắm, vì quả thật Thầy là Thầy và là Chúa. Vậy nếu Thầy là Thầy và là Chúa mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau “ ( Ga 13, 13 – 14 ).

Chúa Giêsu đã để lại trong chúng ta một tình yêu cao vời qua nghĩa cử đầy cảm động, các linh mục khi cúi xuống lặp lại cử chỉ đầy yêu thương này cũng sẽ chia trong sứ vụ của những người tôi trung phục vụ cho Tin Mừng của Thầy chí thánh.
 
Chuyện tình có hậu
Lm. Giu-se Nguyễn Văn Nghĩa
23:18 31/03/2009
Hàng năm theo niên lịch phụng vụ, để chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh, Hội Thánh không chỉ dành quãng thời gian mùa Vọng mà còn dành một tuần đặc biệt từ 17-24/12 như thời gian chuẫn bị gần. Tuần đặc biệt này có các bài đọc riêng để giúp tín hữu y thức hơn. Để đón mừng đại lễ Phục Sinh, đón mừng mầu nhiệm Khổ Nạn –Phục Sinh của Đức Kitô thì có những ngày mùa chay thánh và tuần lễ chuẩn bị gần khởi từ chủ nhật thứ V mùa chay. Xin chia sẻ đôi nét suy nghĩ được gợi ý từ hai bài đọc của ngày thứ hai tuần đặc biệt này: bài trích sách tiên tri Đaniel kể về chuyện bà Suzana và bài trích tin mừng thánh Gioan về chuyện người phụ nữ phạm tội ngoại tình bị bắt quả tang.

MẠC KHẢI HÉ MỞ CHUYỆN CÓ HẬU THEO CÔNG LÝ ( Dan.13 )

Thủa còn “làm chú” trong Tiểu Chủng Viện dù phải nghe một bài đọc rất dài, bài trích sách tiên tri Daniel nhưng không ai trong chúng tôi cảm thấy oải vì chuyện kể về bà Suzana vừa hấp dẫn vừa lôi cuốn trí tò mò của các chú thiếu niên đang độ tuổi nhổ giò. Hơn nữa, ai cũng hể hả như vừa theo dõi một cuốn phim hay, một câu chuyện đậm tính bi hài mà lại kết thúc có hậu: kẻ gian ác phải chết còn người vô tội thì được cứu sống. Câu chuyện bà Suzana còn trên môi miệng những chú tinh nghịch trong các giờ chơi những ngày sau đó: nè,cho tao biết cây chò hay cây sồi ? Sự tinh nghịch của chúng tôi cũng có phần do thích thú trước trí thông minh của cậu bé Đanien biết phân biệt điểm khác nhau giữa sự thật và điều dối trá. Sự thật vì chỉ có một nên phải tương đồng còn điều dối trá thì dễ khác biệt. Đây là một trong những chìa khoá giúp các nhà điều tra tìm ra sự thật hoặc phát giác sự giả dối. Hai người gian dối nếu không quá lanh mưu hay lưu manh thì rất dễ lộ tẩy do những khác biệt trong lời khai về một vấn đề hay một sự kiện. Đanien đã khôn ngoan tách hai ông lão dù tóc đã bạc nhưng tuổi mãi ở tầm 35 riêng ra để tra xét. Và thế là sự dối trá đã lộ ra nơi chính lời khai của hai ông. Người thì nói bà Suzana phạm tội dưới gốc cây sồi ông kia lại bảo dưới gốc cây chò. Thú thật khi chọc ghẹo nhau, lũ mới lớn chúng tôi đã tự thú nhận trí tò mò của mình về những chuyện “ rồi ai cũng sẽ biết”. Tuy nhiên phải nhìn nhận điều này rằng tính có hậu của câu chuyện làm ai ai cũng hể hả. Kẻ gian ác, dù là vị vọng hay quyền cao chức trọng cũng phải chết, phải bị nghiêm trị còn người vô tội cần được cứu sống, người thấp cổ bé miệng và người bị bóc lột, bị áp bức cần được giải phóng. Chúa đã thực thi điều ấy và chúng ta đương nhiên phải làm như vậy. Phải có công bình và cần giữ công lý nghiêm minh.

CHUYỆN TƯỞNG NHƯ THIẾU CÔNG MINH NHƯNG CÓ HẬU VÔ CÙNG: ( Gio 8,1-11 )

Trên núi cây dầu, trời vừa tảng sáng, một đoàn người trai gái, già trẻ, lớn chức, bé quyền đủ cả, mặt hí hửng dẫn một chị phụ nữ ngoại tình đến gặp Chúa Giê-su: “ Thưa thầy hạng phụ nữ này theo luật Môsê thì phải ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy thế nào ?”. Thánh Gioan nhận ra đây chính là một mũi tên nhắm hai mục đích mà mục đích chính là Chúa Giê-su. Những tưởng rằng trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan, Chúa Giê-su thế nào cũng bị sập bẫy, một cái bẫy tinh quái, hiểm độc do các luật sĩ và biệt phái giăng ra để thực hiện âm mưu thâm độc của mình. Các ông này không ngần ngại thức trắng đêm để bắt tại trận tội yếu đuối, bất trung của người phụ nữ để làm mồi nhử, hãm hại Chúa Giê-su. Nếu tội của người phụ nữ là một thì tội các ông này phải đáng mười vì đâu phải do yếu đuối như chị phụ nữ kia mà là do lòng nham hiểm ác độc, một sự ác độc nham hiểm tột độ đến nỗi không chừa một thủ đoạn bỉ ổi nào.

Chúa Giê-su cúi xuống lấy ngón tay viết trên đất và khi bị gặn hỏi nhiều lần Ngài đã đứng lên rồi ôn tồn: “Ai trong các ngươi xét mình vô tội hãy ném đá chị này trước đi’. Rồi Ngài lại cúi xuống tiếp tục lấy ngón tay viết lên đất. Không biết Chúa Giê-su viết những gì nhưng chắc chắn khó có ai đọc ra vì trời vừa tảng sáng và khoảng cách giữa Ngài với đám đông chắc không thể gần vì có sự ngăn cách của người phụ nữ, nhất là đám đông đứng đối diện thật khó mà đọc được những gì Ngài viết. Xét theo công lý như cảm nghĩ của con người thì những người có mặt sáng hôm ấy ( trừ Chúa Giê-su ), tất thảy đều phải chết, nhất là những kẻ lòng dạ nham hiểm, ác độc.

Tư tưởng của ta không phải là tư tưởng của các ngươi và đường lối của ta cũng không phải là đường lối của các ngươi. Như trời cao hơn đất bao nhiêu thì tư tưởng của ta và đường lối của ta vượt cao hơn tư tưởng và đường lối các ngươi bấy nhiêu. Mạc khải của Thiên Chúa dần hé mở qua lời của tiên tri Isaia. Mạc khải ấy nay hiện thực và nên hoàn hảo nơi chính Đức Giê-su: kẻ có tội, người gian ác không phải chết. Đám đông hung dữ hôm ấy lẫn người phụ nữ phạm tội ngoại tình đã được cứu sống bằng lòng nhân hậu của Chúa Giê-su. “Ta cũng không kết tội chị hãy về và đừng phạm tội nữa”. Chúa Giê-su không chỉ khoan dung với chị phụ nữ mà còn tế nhị đánh thức lương tri của đám đông hiểm độc bấy giờ. Thánh Gioan đã tường thuật rằng sau khi ngẩng lên nói: “Ai trong các ngươi……” thì Ngài lại cúi xuống viết dưới đất. Giả như lúc bấy giờ sau khi nói, Chúa Giê-su vẫn ngước mắt nhìn chằm chằm vào đám đông thì thử hỏi có được mấy ai tự nguyện rút lui, nhất là người rút lui đầu tiên. Hình như Chúa Giê-su không muốn nhìn, Ngài tế nhị tạo cơ hội cho những người hôm ấy nhìn nhận tôi lỗi mình và rút lui trong danh dự. “ Chúa nhắm mắt làm ngơ, không nhìn đến tôi lỗi của loài người, để họ còn ăn năn hối cải’ ( Kn 11,23 ).Kẻ gian ác đã được cứu sống đúng như lời Chúa đã phán: “Ta lấy mạng sống ta mà thề: Ta đâu muốn cho kẻ dữ phải diệt vong, nhưng là muốn nó bỏ đường tà để được sống”. ( x.Ed 18,23 ).

CHUYỆN TÌNH CÓ HẬU NHƯNG THẬT NGHỊCH LÝ:

Lẽ công minh theo cảm nghĩ của con người, một kết cục có hậu mà thường ai cũng thích khi xem phim hay đọc tiểu thuyết đó là kẻ gian ác phải chết và người công chính được cứu sống. Tuy nhiên đây chỉ là lẽ công minh hay là sở thích của đám đông dân thường. Với các hiền triết, các nhà đạo đức thì dường như có cao hơn một bậc. Nên khoan dung với người có tội, cần lượng thứ cho người gian ác để giúp họ hoán cải, ăn năn. “Buông đao thành Phật. Quay đầu là bờ”. Những lời giáo huấn trong Phật giáo cho ta hay chân lý này. Các quốc gia tiến bộ đã và dần bỏ án tử hình. Án hình giam giữ cũng là một trong những cách thế giúp tội nhân có cơ hội ăn năn và sửa đổi. Kẻ gian ác không bị diệt trừ ngay nhưng cần được giáo huấn để đổi thay.

Tuy nhiên để thực hiện điều này thì một người công chính, duy nhất xứng là công chính đã không được cứu sống. “ Người này đích thực là người công chính” ( Lc 23,47 ). Để kẻ gian ác được cứu sống thì Giê-su Kitô, người công chính đích thực đã phải chết. Chuyện thật nghịch lý nhưng rất đượm tình. Chết cho người công chính thì xưa nay vốn hiếm, ở đây Thiên Chúa lại tự nguỵên hy sinh vì chúng ta là những tội nhân. Tình yêu thật khó lý giải vì Thiên Chúa chính là Tình Yêu. Có nhiều người dễ biện minh rằng nếu ta hành xử như thế thì có thể làm cho nhiều người lạm dụng tình yêu và không chịu đổi thay hay vươn lên. Cũng có thể lắm nhưng ngược với khôn ngoan loài người như Tào Tháo đã quan niệm: thà ta phụ người chứ không để người phụ ta hay thà giết lầm hơn bỏ sót thì với tình yêu đích thật phải chăng phải là thà yêu lầm còn hơn bỏ sót. Dẫu có lầm thì cái lầm trong tình yêu cũng thật đáng yêu vậy.
 
Thư của Thánh Phaolô gửi tín hữu Cô-lô-xê
L.m. An-rê Đỗ xuân Quế o.p.
23:20 31/03/2009
THƯ CỦA THÁNH PHAO-LÔ GỬI TÍN HỮU CÔ-LÔ-XÊ

1. Nội dung bức thư

Thư gửi tín hữu Cô-lô-xê chỉ có 4 chương, nhưng bao hàm những ý tưởng thần học rộng lớn. Truyền thống vẫn liệt kê thư này vào số các thư được viết trong thời kỳ thánh Phao-lô bị giam giữ.

Theo thói thường, thư bắt đầu bằng một công thức phụng vụ (1,1-20) là chào hỏi, tạ ơn vì công cuộc rao giảng Tin Mừng phát triển (1,3-8), cầu xin cho tín hữu (1,9-12), và ca tụng Đức Ki-tô là thủ lãnh vũ hoàn (1,13-20). Chính bài ca này làm cho bức thư nổi bật hẳn lên. Trong chương 1, từ câu 21 đến 23, tác giả chất vấn độc giả và từ đó gợi lên sứ vụ tông đồ, mà mục đích là thực hiện điều bài ca tụng nói trên đề cao, tức là đưa lời Chúa và các nỗi quẫn bách và sự đau khổ của Đức Ki-tô đến chỗ viên mãn, để vinh quang của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi mọi dân tộc (1,24-2,5).

Đoạn 2,6-3,4 là lời kêu gọi cảnh giác. Đây là lý do khiến thánh Phao-lô viết thư này: ngài muốn báo cho giáo đoàn biết mối nguy hiểm đang đe dọa họ, vì có những kẻ mạo danh thầy dạy, đến Cô-lô-xê rao truyền những lý thuyết và lề thói sai lạc. Trong cuộc tranh luận này, thấy nổi lên một bài ca tụng Đức Ki-tô đã toàn thắng các sức mạnh đối nghịch. Chiến thắng ấy, các tín hữu cũng được tham dự, nhờ phép rửa (2,6-15) làm cho họ được tự do đối với mọi hình thức biến họ trở thành nô lệ (2,16-3,4).

Sau đó, thánh Phao-lô khuyên bảo chung (3,5-4,6), dựa vào phép Rửa mà dạy rằng các tín hữu đã rũ bỏ con người cũ, được mặc lấy con người mới mà sự sống tinh tuyền đang thể hiện trong cộng đoàn, qua tác phong cũng như phụng vụ cộng đoàn đó đang cử hành (3,5-7).

Rồi ngài căn dặn cách thức xử trí với mọi người theo các công thức cổ truyền nói về đời sống gia đình và xã hội. Đó là đời sống trong Chúa và vì thế đời sống ấy có một ý nghĩa mới (3,18-4,1). Bức thư kết thúc bằng lời kêu mời tỉnh thức và cầu nguyện (4,2-4), căn dặn cách thức xử trí với người bên ngoài, gửi lời thăm rất nhiều người và nhắn tin để chào từ biệt.

2. Cuộc khủng hoảng ở Cô-lô-xê

2,1 Những điều bức thư cho biết

Bấy giờ thánh Phao-lô đang bị tù. Ngài gửi thư này cho tín hữu Cô-lô-xê. Ngài chưa tới đây bao giờ. Cô-lô-xê cách Ê-phê-xô 200 cây số về phía đông. Khi thánh Phao-lô rao giảng Tin Mừng ở Ê-phê-xô, môn đệ của ngài là Epaphras (Ê-pa-phơ-rát) gốc ở Cô-lô-xê đã thành lập được một giáo đoàn tại đây, cũng như tại Hierapolis (Hi-ê-ra-pô-lít) và Lao-đi-kê-a là hai thị trấn gần đó.

Lao-đi-kê-a là một trong bẩy giáo đoàn Tiểu Á có tên trong sách Khải huyền. Đó là giáo đoàn được thánh Phao-lô viết cho bức thư đề là “gửi tín hữu Ê-phê-xô”. Theo thư Cô-lô-xê thì đang khi bị giam, thánh Phao-lô đã được môn đệ Ê-pa-phơ-rát đến thăm và cho biết về tình hình nguy hiểm ở Cô-lô-xê. Thánh Phao-lô phái ông Ti-khi-cô đến, có lẽ mang theo cả bức thư này (4,7-8; x Ep 6,21) cùng với anh Ô-nê-si-mô (4,9). Hai người làm đại diện đến thăm và săn sóc giáo đoàn đang gặp khó khăn.

2,2 Một cuộc tranh luận gay go về thần học và đạo lý

Thánh Phao-lô đã từng gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, khác hẳn với những chuyện đã xảy ra tại Co-rin-tô và Ga-lát, ở đây vấn đề cá nhân không phải là chính yếu. Mặc dầu đã có nhiều cuộc nghiên cứu, nhưng người ta vẫn chưa biết rõ về các ý tưởng đang được loan truyền ở Cô-lô-xê thời bấy giờ. Thư Cô-lô-xê thường chỉ có những lời ám chỉ về những ý tưởng đó thôi. Nhiều từ ngữ chuyên môn lại càng làm cho các ý tưởng đó thêm tối nghĩa. Không biết đó là chủ trương của phe chống đối hay là dụng ý của thánh Phao-lô (2,18-21.23). Khuynh hướng chung của phe chống đối là muốn qua mặt Tin Mừng. Họ suy nghĩ về các thiên thần, về các kiểu cách hãm mình và tin tưởng vào việc thực thi một số hành vi theo luật định. Họ nghĩ rằng như vậy là làm cho đức tin nên hoàn hảo hơn, tín hữu được hiểu biết cao hơn về các mầu nhiệm và đời sống đạo phù hợp hơn với các khát vọng của mình. Có một cái gì đó giống như lập trường của phe Do thái đã bị thánh Phao-lô đả phá ở Ga-lát, nhưng ở đây cái gì đó có vẻ như đã hơi thay đổi và pha nhiều mầu sắc bí truyền, mở đường cho những khuynh hướng sẽ trở thành thuyết Ngộ đạo sau này. Từ ngữ ở đây cũng có vẻ mới, giống như mấy tác phẩm cuối của bộ Tân Ước và ngoài Tân Ước.

3. Các đặc tính trong thư Cô-lô-xê

Sánh với các thư khác của thánh Phao-lô, thư gửi tín hữu Cô-lô-xê có những nét đặc sắc sau đây:

3,1 Thay đổi từ ngữ

Có những từ ngữ trước đây đã được dùng nhưng bây giờ được mặc cho một nội dung mới như đầu, thân thể mầu nhiệm, kế hoạch, viên mãn, khôn ngoan, phong phú, hiểu biết v.v... Để chỉ các tín hữu, thánh Phao-lô hay dùng chữ “các thánh”.

3,2 Thay đổi lối hành văn

Tác giả ưa dùng nhiều chữ đồng nghĩa, nhiều túc từ, nhiều công thức phụng vụ (1,3.9-20), đôi khi có những chữ tối nghĩa.

3,3 Thay đổi tư tưởng

Những thay đổi này, nhiều khi rất khó nhận ra. Có những thay đổi được nhấn mạnh như Đức Ki-tô phục sinh vinh hiển. Biến cố này có một chiều kích rộng lớn bao trùm cả vũ trụ. Đức Ki-tô là đầu vũ trụ, là đầu Hội thánh, thống trị các quyền lực trên trời dưới đất..

Quan niệm về Hội thánh cũng thay đổi. Ý tưởng về thân thể trong 2 Cr 12 diễn tả sự khác biệt phong phú trong cộng đoàn duy nhất, bây giờ cũng mang thêm ý nghĩa rộng lớn. Các phạm trù không gian được năng dùng hơn các phạm trù thời gian và cánh chung. Nước Trời ở trên ta như một thực tại, làm chủ ta (1,13; 3,1-4). Do đó, thần học về phép Rửa cũng thay đổi nhiều: người thụ tẩy đã chết và sống lại với Chúa Ki-tô. Thư Cô-lô-xê dùng các quan niệm về sự viên mãn, khôn ngoan và soi sáng để thay thế cho các quan niệm nặng tính luật pháp. Tin Mừng trở thành một mầu nhiệm. Tất cả những đặc tính trên đều thấy lặp lại trong thư Ê-phê-xô, vì hai thư này rất gần nhau về văn từ và ý tưởng.

4. Ai là tác giả thư Cô-lô-xê ?

Những điều sau đây có thể giải đáp được câu hỏi nêu trên:

4,1 Các tiêu chuẩn văn chương

Trước hết là các tiêu chuẩn văn chương và thần học, tùy như người ta gán cho chúng tầm quan trọng nào và nhấn mạnh đến những điểm giống cũng nhu khác nhau giữa thư này với các thư khác,.để coi đây là thư do chính thánh Phao-lô viết vào lúc cuối đời hay do một thư ký hoặc môn đệ nào, hay có thể chỉ là tác phẩm của các thế hệ sau, nhưng thuộc môn phái Phao-lô.

4,2 Tương quan giữa thư Cô-lô-xê với các thư khác

Lại có những dữ kịện cho phép xác định các tương quan giữa thư Cô-lô-xê với các thư khác. Cô-lô-xê, Phi-lê-môn và Ê-phê-xô là những thư có cùng một hoàn cảnh. Thánh Phao-lô ở trong tù (Plm 1,9 -10..13.23; Ep 3,1; 4,1; 6,20) cử ông Ty-khi-cô và anh Ô-nê-si-mô đi làm cùng một công việc (Plm 1,12; Ep 6,21-22). Cô-lô-xê lại có những liên lạc với Phi-líp-phê, (một thư khác thánh Phao-lô viết trong thời kỳ bị giam giữ). Tuy nhiên, các yếu tố trên không có tính quyết định, vì người ta có thể nghĩ thư này vay mượn ít nhiều ở thư kia.

4,3 Tính chất cơn khủng hoảng ở Cô-lô-xê

Sau cùng, chính tính chất cơn khủng hoảng ở Cô-lô-xê cũng không được rõ ràng. Khó mà biết được cơn khủng hoảng đó đã xảy ra vào thời kỳ nào. Tác giả ám chỉ các lý thuyết và lề thói sai lạc mà không xác định. Thời gian Ki-tô gíáo nhiễm phải những tư tưởng của thuyết Tiền Ngộ đạo không biết là bao lâu, nên không thể chắc thư này đã được viết vào lúc nào.

Dựa vào các dữ kiện trên, có người đã đề nghị ba giải pháp sau đây:

4,3,1 Ý kiến thông thường

Ý kiến thông thường nhất là coi các thư Cô-lô-xê, Phi-lê-môn, Ê-phê-xô và Phi-líp-phê đã được viết vào cuối thời hoạt động truyền giáo của thánh Phao-lô, khi ngai bị giam lần thứ nhất ở Rô-ma vào khoảng năm 61-63. Thư Cô-lô-xê phác họa lần đầu tiên tư tưởng thần học được khai triển trong thư Ê-phê-xô. Tư tưởng trong thư Ê-phê-xô cao sâu, nhằm bầy tỏ ý nghĩa phổ quát của thập giá và vinh quang của Đức Ki-tô, hầu mặc khải mọi khía cạnh của mầu nhiệm cứu độ trong Hội thánh. Do đó, người ta thấy lối văn và viễn tượng trong thư có khác trước. Giả thuyết cho rằng thư này đã được viết khi thánh Phao-lô bị giữ ở Kai-da-ri-a (năm 58-60) cũng nằm trong một bối cảnh lịch sử tương tự. Đàng khác, cuộc khủng hoảng ở Ga-lát cho thấy tư tuởng trong thư có thể đã biến chuyển khá sớm.

4,3,2 Thời kỳ soạn thư

Trong số những người chủ trương thánh Phao-lô là tác giả thư Cô-lô-xê, nhiều vị lại đặt việc soạn thư này cũng như hai thư Phi-líp-phê và Phi-lê-mon không phải vào giai đoạn cuối, nhưng vào giữa thời gian truyền giáo và trước tác. Theo những người này, thư Cô-lô-xê đã được viết với các thư khác khi thánh Phao-lô đang ở Ê-phê-xô (năm 54-57), nơi có lẽ ngài đã bị giam giữ ít lâu (x 1 Cr 15.32; 2 Cr 1,8-10). Có như thế mới giải thích được những sự liên lạc gần gũi thường xuyên giữa ngài với các giáo đoàn ở trong vùng này. Nhưng như vậy, xem ra lại không tôn trọng quãng thời gian phải có để suy nghĩ và sọan ra bức thư này, cũng như việc tách thư Cô-lô-xê ra khỏi thư Ê-phê-xô.

Kết luận

Độc giả có thể không đồng ý về niên hiệu và tác giả của bức thư, nhưng vẫn đồng ý là thư Cô-lô-xê diễn tả đúng tư tưởng mà thánh Phao-lô thường bày tỏ trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, như các tín hữu được đầy tràn ơn phúc trong Đức Ki-tô. Người là sự công chính của chúng ta (Gl + Rm), là định mệnh, sự sống và sự chết của chúng ta. Hãy coi chừng, đừng dính dáng gì với luật Mô-sê nữa, vì như thế là trở về cảnh nô lệ thuở xưa. Cũng đừng thờ sức mạnh nào khác ngoài Đức Ki-tô. Ở đây, thánh Phao-lô ca ngợi sự tự do của người tín hữu; ngài nói về bí tích Rửa tội như biến cố quyết định giải gỡ người tín hữu ra khỏi mọi sự công chính và quyền lực nào khác, ngoài sự công chính và quyền lục của Đưc Ki-tô. Người đã chết và sống lại một lần cho chúng ta, để mãi mãi chúng ta đuợc kết hợp mật thiết với Người. Đời sống của chúng ta đã được liên kết với đời sống của Người, nên chúng ta được đón nhận sức sống của Người để đối phó với mọi hoàn cảnh.

Đó chính là niềm vui và sự phấn khởi mà thư Cô-lô-xê gửi đến cho chúng ta trong những hoàn cảnh khó khăn và bế tắc.

(viết dựa theo TOB ấn bản 1994 Cerf-Paris, phần dẫn nhập thư Cô-lô-xê)
 
Chết vì yêu
LM Anphong Trần Đức Phương
23:23 31/03/2009
CHÚA NHẬT LỄ LÁ VÀ TUẦN THÁNH, NĂM B

Chúa Nhật Thương Khó, tức là Chúa Nhật Lễ Lá, mở đầu Tuần Thánh. Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay có phần mở đầu đặc biệt kỷ niệm việc Chúa Giêsu long trọng đi vào Thành Thánh Giêrusalem. Chủ tế mặc phẩm phục màu đỏ, làm phép lá và kiệu lá hoặc rước lá trọng thể hoặc đơn giản trước Thánh Lễ, sau đó đọc Bài Phúc Âm (Matcô 11,1-10) ghi lại việc Chúa Giêsu đi vào Thành Thánh Giêrusalem một cách long trọng; trên đường đi có nhiều ngừơi vui mừng hoan hô đón rước Chúa. Sau đó Chủ Tế đọc Lời Nguyện Đầu Lễ và tiếp theo là phần phụng vụ Lời Chúa: Bài Đọc I (Isaia 50,4-7) là “Bài Ca III về Người tôi tớ của Thiên Chúa” đã được giáo huấn để nhẫn nhục chịu đựng mọi hành hà nhục nhã. Trong Bài Đoc II (Philiphê 2,6-11), Thánh Phaolô trình bày việc Chúa Giêsu, dù là Thiên Chúa thật, nhưng đã vâng lời Đức Chúa Cha, hạ mình xuống để trở nên như một con ngừơi nghèo khó, chịu đựng mọi đau khổ và chết nhục nhã trên Thánh Gía để chuộc tội nhân loại. Vì thế Thiên Chúa Cha đã tôn vinh Người lên và mọi loài, mọi vật đều phải kính tôn thờ lạy. Bài Phúc Âm là Bài Thương Khó theo Thánh Matcô (chương14 &15) ghi lại đầy đủ các chi tiết về những đau khổ, nhục nhã Chúa Giêsu đã chịu cho đến chết, chết trên Thánh Giá để chuộc tội nhân loại, sau đó được tháo xác xuống và táng trong mộ đá.

Tuần Thánh là cao điểm của năm phụng vụ để chúng ta sống lại những kỷ niệm cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu: Đặc biệt là Thứ Năm, Thứ Sáu, và Thứ Bảy.

Thứ Năm Tuần Thánh kỷ niệm Chúa Giêsu và mười hai Tông Đồ ăn bữa Tiệc Ly, Bữa Tiệc Tình Thương. Trong giờ phút linh thiêng đó, Chúa Giêsu ban những huấn dụ đặc biệt cho các Tông Đồ về tình đoàn kết và yêu thương nhau, rồi Chúa Giêsu đã cúi xuống rửa chân cho các Tông Đồ để dạy chúng ta bài học phục vụ trong khiêm tốn. Sau đó, Chúa Giêsu lập Bí Tích Thánh Thể và chức Linh Mục (Xin đọc Phúc Âm theo Thánh Gioan từ chương 13 đến 17). Trong Thánh Lễ hôm nay, chúng ta hãy tha thiết cầu xin ơn thánh hóa cho các linh mục, và cầu nguyện cho mỗi người chúng ta thêm lòng sùng kính “Chúa Giêsu hiện diện thực sự trong Bí Tích Thánh Thể,” và xin cho chúng ta luôn noi gương Chúa, hạ mình xuống và yêu thương phục vụ lẫn nhau.

Buổi sáng ngày Thứ Năm Tuần Thánh, tại Nhà Thờ Chánh Tòa, Đức Giám Mục cử hành Thánh Lễ làm phép các Dầu Thánh để đưa về các Giáo Xứ dùng trong Phép Rửa tội, Thêm Sức và xức dầu bịnh nhân. Thánh Lễ làm Phép Dầu Thánh cũng là dịp để các Linh mục toàn Giáo phận trở về Nhà Thờ Chánh Tòa cùng đồng tế với Đức Giám Mục Giáo phận để bày tỏ sự hiệp nhất với Đức Giám Mục và các Linh Mục trong Giáo phận; đồng thời cùng nhắc lại lời tuyên hứa khi chịu chức Linh Mục, trước mặt Đức Giám Mục và toàn thể dân Chúa. Rồi Đức Giám Mục cũng mời gọi Giáo dân cầu nguyện cho chính Ngài và các Linh Mục được ơn Chúa thánh hóa, để dù vẫn mang thân phận yếu hèn của con người, các vị luôn cố gắng sống xứng đáng các chủ chăn trong Hội Thánh Chúa. Tại Hoa Kỳ, để các Linh Mục có thể về đồng tế đầy đủ với Đức Giám Mục, và để Giáo Dân có thể tham dự đông đảo, Thánh Lễ làm Phép Dầu Thánh thường được cử hành vào buổi chiều ngày Thứ Năm một tuần trước Thứ Năm Tuần Thánh.

Thứ Sáu Tuần Thánh kỷ niệm Chúa Giêsu chịu bao sự thương khó và chịu chết trên Thánh Giá để cứu chuộc nhân loại. Hôm nay không có Thánh Lễ, nhưng có nghi thức đặc biệt, thường vào lúc 3 giờ chiều (giờ Chúa Giêsu sinh thì trên Thánh Gía --Xin xem Luca 23,44 và phần chú thích): gồm có việc cử hành Lời Chúa, những lời cầu nguyện, tôn vinh và hôn kính Thánh Giá, và rước Mình Thánh Chúa. Hôm nay, chúng ta ăn chay và kiêng thịt, và dâng nhiều hy sinh hãm mình để đền tội, để cầu nguyện cho những người đau khổ trên thế giới, và cho những người tội lỗi được ơn ăn năn trở về cùng Chúa.

Thứ Bảy Tuần Thánh chúng ta cố gắng giữ im lặng để tưởng niệm việc Chúa Giêsu chịu táng trong mồ và để chuẩn bị tâm hồn long trọng mừng Thánh Lễ Vọng Phục Sinh và Chúa Nhật Đại Lễ Phục Sinh.

Xin Chúa, nhờ lời Mẹ Maria, Thánh Giuse và các Thánh bầu cử, ban muôn ơn phúc lành cho chúng ta, cho gia đình chúng ta và cùng hiệp lời cầu nguyện chung để chúng ta cùng chuẩn bị tâm hồn xứng đáng mừng những ngày thánh sắp tới.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Liên Hiệp Quốc có thể đã châm ngòi cho việc kỳ thị tôn giáo
Viết Chờ
04:29 31/03/2009
Thúc giục việc làm sáng tỏ khái niệm về sự xúc phạm

Geneva, Thụy Sỹ, ngày 30 tháng ba, 2009 (Zenit.org).- Quan sát viên thường trực của Tòa Thánh tại cơ quan Liên Hiệp Quốc nói rằng Tòa Thánh phản đối nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về sự xúc phạm tôn giáo, rằng sáng kiến xem ra có vẻ tốt lành này có thể mang lại những hậu quả tiêu cực.

Đức TGM Silvano Tomasi giải thích rằng vào ngày 26 tháng ba, hội đồng LHQ về nhân quyền đã phê chuẩn một nghị quyết gây nhiều tranh cãi do Pakisan đề xuất. Nhân danh Tổ Chức Liên Đoàn Hồi Giáo, bản nghị quyết diễn tả “mối quan ngại sâu xa” đối với sự xúc phạm tôn giáo thường hay xảy ra, nhưng chỉ đề cập đến Hồi Giáo trong đó.

Đức TGM khẳng định rằng hiện tại cộng đồng Kitô giáo là cộng đồng bị phân biệt đối xử nhất trên thế giới. Ngài nói rằng ý niệm về “xúc phạm tôn giáo” phải được làm sáng tỏ, vì “nó có thể được dùng để bảo vệ những luật lệ chống lại sự phạm thượng mà như chúng ta biết rõ là những luật ấy được sử dụng tại một số quốc gia nhằm tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số, bao gồm cả bạo lực.”

Bản tường trình mới nhất về tự do tôn giáo trên thế giới do tổ chức Hỗ Trợ Giáo Hội Đau Khổ phát hành đã chỉ ra rằng tại Pakistan, khí cụ tồi tệ nhất của sự bách hại tôn giáo là “luật phạm thượng”. Luật này tiếp tục gây ra các con số ngày càng tăng của các nạn nhân, tuyên án tử hình hoặc là bỏ tù đối với những xúc phạm chống lại kinh Koran.

Bản tường trình viết: “Theo vô số các nhà phân tích, thì nó là một trong những công cụ do các người theo trào lưu chính thống Hồi Giáo sử dụng nhằm tấn công các nhóm tôn giáo thiểu số và nhằm lèo lái đất nước tới chỗ Hồi giáo hóa cực đoan.

Sự khoan nhượng tôn giáo

Đức TGM Tomasi nói trên đái phát thanh Vatican rẳng khi bàn về cuộc đấu tranh chống lại sự xúc phạm tôn giáo, thì thách đố bao gồm việc tìm ra một sự cân bằng lành mạnh vốn làm hài hòa sự tự do của một người với sự kính trọng của người đó đối với cảm xúc của người khác, và lộ trình để đạt được mục tiêu này khởi đi từ sự đón nhận những nguyên tắc căn bản về tự do vốn được ghi trong các công ước quốc tế.

Trong bản tường trình của mình cho hội đồng, vị đại diện ĐTC đã đề cập đến sự gia tăng của việc bất khoan dung về tôn giáo, cụ thể là chống lại các nhóm Kitô giáo thiểu số.

Ngài nói: “Nếu chúng ta phân tích tình hình thế giới, thật sự chúng ta thấy rằng, như được trích dẫn trong vài nguồn tại liệu khác nhau, các Kitô hữu là nhóm tôn giáo bị ngược đãi nhiều nhất. Thậm chí có cuộc nói chuyện về việc hơn 200 triệu Kitô hữu thuộc nhiều niềm tin khác nhau đang ở trong những hoàn cảnh rất khó khăn, vì có những cơ cấu pháp luật và văn hóa vốn nhắm đến một sự kỳ thị nào đó chống lại họ.”

Đức TGM Tomasi cũng nêu lên rằng nhiều Kitô hữu ngày nay phải chịu sự kỳ thị thậm chí ngay trong một số quốc gia nơi họ chiếm đa số.

Ngài nói: “Có những trường hợp – bao gồm các bản tuyên bố nghị trường công khai – tấn công những khía cạnh khác nhau của niềm tin Kitô giáo, và điều này có khuynh hướng gạt các Kitô hữu ra bên lề xã hội và ngăn trở họ đóng góp giá trị của mình vào xã hội.”
 
Giáo Dục Cao Đẳng Công Giáo và Thế Giới Thế Tục
Vũ Văn An
07:41 31/03/2009
Giáo Dục Cao Đẳng Công Giáo và Thế Giới Thế Tục

Vụ rắc rối liên quan đến lời mời Tổng Thống Barack Obama tới nói truyện và nhận bằng tiến sĩ danh dự tại Đại Học Notre Dame đã lại một lần nữa làm nổi bật cuộc tranh luận về căn tính của các trường đại học Công Giáo. Lời mời này đã gây ra phản ứng chống đối tức khắc nơi các hiệp hội sinh viên của trường với lý do rất vững là Ông Obama tỏ ra bất chấp giáo huấn minh nhiên của Giáo Hội Công Giáo, ngang nhiên cho áp dụng những biện pháp phà phó thai triệt để, cả trong nước lẫn ngoài nước.

Thèm muốn ngôi thứ

Để hiểu rõ những điều nằm phía sau cuộc chống đối này, ta nên đọc cuốn sách của Anne Hendershott do nhà Transaction Publishers xuất bản hồi tháng Giêng năm nay tựa là “Status Envy: The Politics of Catholic Higher Education," (Thèm muốn Ngôi Thứ: Chính Trị Của Nền Giáo Dục Cao Đẳng Công Giáo). Tác giả vốn là giáo sư về đô thị sự vụ tại The King's College, New York.

Hendershott khởi đầu cuốn sách bằng cách nhắc tới một tiểu luận đã được công bố cách nay hơn 50 năm, trong đó, Đức Ông John Tracy Ellis đặt câu hỏi: trình độ khoa bảng tại các trường cao đẳng và đại học Công Giáo sở dĩ tầm thường có phải là do quá chú trọng tới việc đào tạo về luân lý cho sinh viên hay không? Và bà cho hay: cho đến tận ngày nay, tiếng vang của bài tiểu luận đó vẫn còn rất rõ vì một số trường đại học hiện đang cho rằng căn tính Công Giáo của họ đang trở thành một chướng ngại vật khiến họ không leo lên được bậc thang chót vót của nền giáo dục đại học.

Một cột mốc khác đánh dấu cuộc tranh luận này là tài liệu năm 1990 của Vatican, tựa là "Ex Corde Ecclesiae," (Từ tim lòng Giáo Hội). Tài liệu này nhấn mạnh đến việc phải có một căn tính Công Giáo cho nền giáo dục cao đẳng. Điều chủ chốt trong tài liệu trên là đòi các thần học gia giảng dạy trong các cao đẳng Công Giáo phải có một sự vụ lệnh (mandatum), hay một giấy chứng nhận do vị giám mục sở tại cấp phát, chứng thực rằng việc giảng dạy của họ tuân theo tín lý của Giáo Hội. Tác giả cho hay, nhiều giáo sư tại các đại học Công Giáo đã chống lại đòi hỏi trên và bà kể ra những trường hợp điển hình trong đó các cao đẳng Công Giáo càng ngày càng muốn chiều theo các đòi hỏi của định chế thế tục để được nhìn nhận và có tiếng tăm.

Ngôi thứ

Chính vì thế, nhiều đại học và cao đẳng Công Giáo đã dần dần đánh mất căn tính Công Giáo của mình, vì càng ngày, họ càng có khuynh hướng muốn chiều theo thế giới thế tục để có được ngôi thứ tốt, được xếp hạng cao trên bảng xếp hạng cả vùng, cả nước.

Theo Hendershott, hiện đang có cả một thứ chiến tranh văn hóa xẩy ra liên tiếp trong nền giáo dục cao đẳng Công Giáo. Cuộc chiến tranh này phản ánh một cuộc chiến tranh văn hóa rộng lớn hơn giữa những người quả quyết: không hề có bất cứ một chân lý nào, và những người tin chắc rằng các chân lý đã được mặc khải cho ta và ta cần phải học tập và đem chúng ra áp dụng.

Sau đó, tác giả liệt kê một số trường hợp trong đó các định chế Công Giáo đã cố tình quay lưng, từ bỏ căn tính Công Giáo theo nghĩa hẹp của mình để có được một ngôi thứ tốt trong thế giới phàm tục. Tại nhiều định chế, các lý tưởng và giáo huấn Công Giáo bị coi là những can thiệp không cần thiết vào việc giảng dạy tại trường mình, và các truyền thống trí thức Công Giáo không được dành cho bất cứ ưu thế nào.

Theo Hendershott, trên thực tế, điều trên có nghĩa là ai cố gắng giảng dạy tín lý Công Giáo chẳng sớm thì muộn cũng sẽ bị coi là không thích đáng hay bất khoan dung. Như thế, chủ nghĩa đa nguyên mà nhiều nhân viên giảng huấn Công Giáo ủng hộ thực ra không hề có nghĩa một cuộc đối thoại chân chính giữa giáo huấn Công Giáo và các ý niệm khác, nhưng đúng hơn chỉ tôn trọng những nguyên tắc Công Giáo nào mà trường từng thoả thuận trước đây mà thôi.

Việc thay đổi đường hướng giảng dạy đó lại được đi kèm với việc giáo dân hóa hàng ngũ lãnh đạo các cao đẳng Công Giáo. Nhiều học viện còn chuyển giao hiến chương cũng như cơ sở vật chất cho các hội đồng quản trị độc lập gồm phần đông giáo dân là thành viên, và do đó có được sự độc lập đối với thẩm quyền Giáo Hội, một sự độc lập được luật pháp bảo đảm.

Hendershott nhận rằng một phần, khuynh hướng thế tục hóa này xẩy ra là do các vấn đề liên quan đến luật lệ trong cố gắng tìm kiếm tài trợ của chính phủ. Thành ra, đối với phụ huynh các sinh viên tương lai cũng như đối với các cựu sinh viên, thì các học viện này thường tuyên xưng căn tính Công Giáo của mình, nhưng đối với lãnh vực công, họ dấu bặt cái căn tính kia

Lọc lựa

Hendershott còn kể ra nhiều trường hợp trong đó một số trường đại học cho công bố các mô tả rất khác nhau về chính mình tùy theo họ nhắm loại cử tọa nào. Nhiều trường, trên trang mạng của mình, tuyên bố sứ mệnh (mission statement) của mình một đàng, nhưng đối với những cuộc thăm dò, lại tuyên bố một nẻo các sứ mệnh này.

Theo Hendershott, cả khi các đại học chịu công bố căn tính Công Giáo của mình cho các sinh viên tương lai đi chăng nữa, họ cũng chỉ làm thế theo một cung cách lọc lựa. Bà thấy rằng trong một cuộc duyệt xét hơn 200 bản công bố sứ mệnh và giá trị của các học viện Công Giáo, một số đáng kể đã cố tình hạ thấp mối liên hệ của mình với Đạo Công Giáo.

Thí dụ, một số trường chỉ chọn những phần nào trong căn tính Công Giáo được họ cảm thấy dễ chịu mà thôi. Thêm vào đó, họ còn đưa ra những câu công bố nhấn mạnh đến tính đa phức và đa nguyên trong Giáo Hội.

Họ thường nhắc đến thứ gia tài hay truyền thống Công Giáo đầy mơ hồ chứ không hẳn thứ căn tính tích cực Công Giáo. Với chiều hhướng ấy, khía cạnh nào có dáng dấp truyền thống Công Giáo đều chỉ được họ mô tả như là một trong muôn vàn yếu tố mà sinh viên có quyền tự do chọn lựa.

Hendershott cũng thấy điều này nữa: nhiều cao đẳng Công Giáo luôn duyệt lại các công bố của mình về giá trị và sứ mệnh để từ từ hạ thấp bất cứ căn tính Công Giáo nào. Do đó, dù vẫn nhìn nhận một thứ nền tảng nào đó trong tư cách một học viện Công Giáo, nhưng cùng một lúc lại vẫn ráng cho người ta thấy mình tự lập và sẵn sàng tôn trọng mọi nền văn hóa.

Bà cũng trưng dẫn một cuộc thăm dò toàn quốc đối với 124 nhà quản trị thâm niên của 33 cao đẳng và đại học Công Giáo. Rất nhiều vị trong số này tỏ ra nước đôi về việc có nên coi nền văn hóa Công Giáo hay nền văn hóa của hội dòng đang quản trị trường đó là trổi vượt hay không. Chính cuộc thăm dò này nhận định rằng vì quá chú tâm tới hội dòng đang bảo trợ học viện mà đại học gặp nguy cơ có thể làm ngơ chính Giáo Hội Công Giáo. Tuy thế, vẫn có những trường hợp trừ đáng lưu ý. Hendershott nhắc đến một số các cao đẳng Công Giáo luôn tự hào tuyên xưng căn tính Công Giáo của mình và gắn bó với giáo huấn của Giáo Hội.

Bắt đầu như mới

Hendershott dành phần kết luận của cuốn sách để nói tới chiều hướng tích cực trên. Thực thế, trong mấy thập niên gần đây, nhiều trường cao đẳng mới đã được thành lập và một số trường hiện có đã quay trở lại, gắn bó với Giáo Hội. Mặt khác, một số các định chế Công Giáo vững mạnh cũng đã được các cuộc thăm dò thế tục xếp hạng rất cao về giá trị giáo dục.

Trong khi truyền giảng tín lý Công Giáo mà không cần phải biện hộ, các cao đẳng Công Giáo vững mạnh này đồng thời cũng đã trình bày cho các sinh viên của họ nhiều ý niệm trái ngược, và khích lệ họ sẵn sàng buớc vào cuộc tranh luận với nền văn hóa và các tư duy hiện đại.

Song song với con số càng ngày càng đông các cao đẳng sẵn sàng duy trì một sự gắn bó keo sơn với Giáo Hội Công Giáo, người ta còn thấy tại các học viện khác, con số các sinh viên biết coi trọng đức tin của mình cũng càng ngày càng đông hơn. Hendershott mô tả

nhiều trường hợp trong đó nhờ nhóm sinh viên này làm áp lực, một số đại học đã phải từ từ công bố nhiều hơn căn tính Công Giáo của mình cũng như chịu mời nhiều loại diễn giả khác nhau từ bên ngoài vào nói truyện, chứ không còn khăng khăng chỉ mời những diễn giả nào bất đồng với giáo huấn của Giáo Hội như trước đây nữa.

Một số các vị giám mục cũng chú tâm nhiều hơn tới nội dung giảng dạy tại các trường cao đẳng và đại học và càng ngày càng yêu cầu các trường này phải trung thành với Giáo Hội. Hendershott kết luận bằng cách thêm rằng: việc thế tục hóa nhiều trường cao đẳng Công Giáo, dù một phần do áp lực bên ngoài và do môi trường văn hóa mang lại, vẫn là hậu quả của những người biết rõ mình đang làm gì.

Hendershott cho rằng ta có thể phản công lại việc tuột dốc vào thứ thế tục hóa trên, nhưng điều này đòi những người giữ vài trò quyết định phải tôn trọng sự phong phú trong truyền thống Công Giáo và ra tay tranh đấu để duy trì cho bằng được nền văn hóa Công Giáo. Một cam kết mà tầm quan trọng của nó đã được cuộc tranh cãi hiện nay làm rõ.

Theo cha John Flynn, LC, Zenit 29-03-2009
 
Liệu pháp Reiki không thích hợp trong các cơ sở Công giáo
Phụng Nghi
18:27 31/03/2009
WASHINGTON (CNS) - Phương pháp điều trị bằng Reiki (Linh khí), xuất phát từ Nhật bản, không có căn bản khoa học và không thích hợp khi đem sử dụng tại các bệnh viện, bệnh xá, trung tâm hưu dưỡng Công giáo và do những người đại diện giáo hội. Đó là lời tuyên bố tuần qua của Ủy ban Tín lý thuộc Hội đồng Giám mục Hoa kỳ.

Bản hướng dẫn của Ủy ban cho biết: “Đối với một người Công giáo, tin vào lối chữa trị theo Reiki sẽ tạo ra những vấn đề không thể giải quyết được. Khi chăm sóc sức khỏe của mình và của người khác mà dùng một kỹ thuật không có hậu thuẫn khoa học (hoặc ngay cả đáng tin cậy nữa) thì thường là thiếu khôn ngoan.”

Các giám mục nói rằng kỹ thuật này – người thực hành Reiki đặt tay trên thân chủ -- được coi như kích thích một cách thức “thần linh” để chữa lành, nhưng đối với người Kitô giáo, “đạt được sự chữa lành thần thánh” chỉ đến được qua lời cầu nguyện với Chúa.

Các ngài nói: Một người Công giáo đặt niềm tin vào Reiki “là hoạt động trong lãnh vực mê tín dị đoan.”

Các giám mục Hoa kỳ đã nêu rõ lập trường trong “Bản Hướng dẫn để Xét định Reiki như một Cách thức Trị liệu.” Bản hướng dẫn, có thể đọc được trên trang mạng www.usccb.org/dpp/doctrine.htm, được ủy ban giáo lý soạn thảo, ủy ban này do giám mục William E. Lori thuộc giáo phận Bridgeport (Connecticut) làm chủ tịch.

Bản hướng dẫn đã được Ủy ban Quản trị thuộc Hội đồng giám mục Hoa kỳ chuẩn y trong phiên họp mùa xuân tại Washington hôm 24 tháng 3 vừa qua. Ủy ban Quản trị là cơ quan thẩm quyền của Hội đồng giám mục Hoa kỳ để chuẩn y những lời tuyên bố của ủy ban giáo lý.

Bản hướng dẫn mô tả Reiki là một kỹ thuật chữa bệnh được “khám phá tại Nhật bản vào cuối những năm 1800 do ông Mikao Usui là người nghiên cứu các văn bản Phật giáo.”

“Theo giảng huấn của Reiki, bệnh tật là do một sự phá hủy hay mất quân bình trong “năng lượng cuộc sống” của một người. Một người hành nghề Reiki tạo ra sự chữa lành bằng cách đặt tay vào một vị trí nào đó trên thân thể người bệnh để truyền luồng Reiki (Linh khí), tức là “năng lượng của đời sống vũ trụ” từ người chữa trị vào cho người bệnh.”

Trang mạng của Trung tâm Thế giới phụ trách Huấn luyện Reiki gọi đó là “kỹ thuật để giảm thiểu tâm trạng căng thẳng (stress) và để thư giãn (xả hơi), do đó cũng tạo nên lành bệnh.”

Tuy nhiên, bản hướng dẫn của các giám mục lại nói: “Reiki thiếu các yếu tố đáng tin cậy của khoa học” và “đã không được các cộng đồng khoa học và y học chấp nhận như một lối chữa trị có hiệu quả.”

“Những cuộc nghiên cứu khoa học có uy tín chứng tỏ rằng Reiki thiếu hữu hiệu, xét theo tính cách đáng tin cậy trong giải thích khoa học cũng như khả năng tạo được hiệu quả.”

Năm 2008, sau khi duyệt xét kết quả việc dùng thử Reiki tại một số bệnh viện không chọn lựa, Báo Quốc tế về Chẩn trị kết luận: “Không đủ bằng chứng để cho rằng Reiki là một cách chữa trị có hiệu quả trong bất cứ trạng huống nào. Do đó giá trị của Reiki vẫn còn chưa được chứng minh.”

Bản hướng dẫn của các giám mục cho biết rằng “Reiki thường được mô tả là loại hình “thần thiêng” để chữa bệnh, trái với các thủ tục y khoa thông thường chữa trị bằng các phương tiện vật lý.”

Tuy nhiên, theo bản hướng dẫn, thì có một sự khác biệt cốt yếu giữa cách chẩn trị Reiki và cách chữa lành bằng quyền năng của Chúa như người Kitô giáo tin tưởng.

“Đối với người theo Kitô giáo, đạt được sự chữa lành thần thiêng là do lời cầu xin với Đấng Kitô là Chúa và là đấng cứu chuộc, trái lại Reiki không phải là một lời cầu nguyện nhưng là một kỹ thuật thông truyền từ “sư phụ Reiki” xuống người đệ tử, một kỹ thuật mà khi thông suốt sẽ phát sinh ra các kết quả tiên liệu.”

Bản hướng dẫn nói: Tóm lại, cách chữa trị Reiki “không tìm được sự hỗ trợ cả trong các khám phá của khoa học tự nhiên lẫn trong niềm tin Kitô giáo.”

Các giám mục cảnh báo rằng “có những mối hiểm nguy quan trọng” khi dùng Reiki đối với sức khỏe tinh thần của một người.

“Muốn dùng Reiki, người ta phải ít ra chấp nhận một cách ngấm ngầm những yếu tố trung tâm của thế giới quan làm nền tảng vững chắc cho lý thuyết Reiki, những yếu tố không thuộc về đức tin Kitô giáo và cũng không thuộc về khoa học tự nhiên.”

“Tuy nhiên, vì không có sự biện minh cả từ đức tin Kitô giáo lẫn khoa học tự nhiên, người Công giáo nào đặt niềm tin cậy vào Reiki là hoạt động trong môi trường mê tín dị đoan, một vùng đất hàm hồ, chẳng đức tin mà cũng không khoa học.”

Sự thờ kính Thiên Chúa của con người bị hư hoại bởi mê tín dị đoan, bởi vì nó đưa “cảm thức và thực hành tôn giáo của một người về một hướng sai lạc.”

“Trong lúc có một số người rơi vào mê tín dị đoan vì không biết, nhiệm vụ của tất cả những người giảng dậy nhân danh giáo hội là diệt trừ những sự vô minh như thế càng nhiều càng tốt.”

“Bởi vì liệu pháp Reiki không phù hợp với giảng huấn Công giáo lẫn chứng cứ khoa học, nên không thích hợp cho các tổ chức Công giáo, như các cơ sở chăm sóc sức khoẻ và các trung tâm hưu dưỡng, hoặc cho những người đại diện giáo hội, như các vị tuyên úy, được đề cao hoặc ủng hộ phép điều trị bằng Reiki.”
 
Đức Thánh Cha cầu nguyện cho nông gia
Bùi Hữu Thư
23:06 31/03/2009

Đức Thánh Cha cầu nguyện cho nông gia



VATICAN, ngày 31 tháng 3, 2009
(Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI sẽ cầu nguyện trong tháng Tư cho các nông gia để cho họ được chúc lành với một mùa gặt thật no đầy.

Hội Tông Đồ Cầu Nguyện đã tuyên bố ý chỉ cầu nguyện này được Đức Thánh Cha chọn lựa: “Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành cho công trình của các nông gia bằng một mùa gặt no đầy và gia tăng sự nhậy cảm của những người giầu có hơn đối với thảm trạng đói kém trên thế giới."

Đức Thánh Cha cũng đã chọn ý chỉ cầu nguyện cho mỗi tháng. Vào tháng Tư, ngài sẽ cầu nguyện rằng: “Xin cho các Kitô hữu đang hoạt động trong các miền đất tại đó tình trạng của những người nghèo khó, yếu đuối, phụ nữ và trẻ em bi thảm nhất, trở nên dấu chỉ của niềm hy vọng, qua nhân chứng can đảm của họ cho Phúc Âm của sự đoàn kết và yêu thương."
 
Top Stories
Sehr geehrte Damen, Sehr geehrte Herren (Tâm thư gởi cho nhật báo Bild tại Đức)
Tuấn Nguyễn
05:00 31/03/2009
Sehr geehrte Damen, Sehr geehrte Herren, als

eingeflesichter Bild-Leser habe ich erfahren, dass Bild immer als Erster in der Sache ausführlicher Veröffentlichung von Skandaln um Politik, Wirtschaft, Prominente... Deshalb wende ich heute an Sie, die Bild-Redaktion.

Sicherlich haben Sie vorher nicht gewußt, was seit einigen Monaten im unserem Land Viet Nam passierte und wie die kommunistische Regierung brutal und unmenschlich gegen eigenes Volk vorgegangen ist. Aktuell geht es um die unrechtmäßige Verurteilungen der 8 unschuldigen Katholiken in Hanoi.

Seit 50 Jahren

enteignete das kommunistische Volkkomitee in Hanoi einen großen Teil Grundstücke der Kirchengemeinde Thai Ha (Hanoi) sowie von der Gottes Rettung-Kloster in Hanoi und des Bistums Hanoi. Vor Kürzen haben die Funktionäre des Volkkommitee sogar versucht, diese Grundstücken weiter zu verkaufen, um Geld in eigene Tasche zu treiben. Die Käufer dieser Grundstücke haben aber geplant, direkt vor dem Kloster einen Vergnügungspark mit Night-Club, Discothek sowie Freibad einzurichten.

Das passte nicht zu katholischen Tätigkeiten und führte zu Verärgern der umwohnenden Katholiken, womit sie stinksauer waren und versuchten nun die Grundstücke zurück zu fordern. Dabei versammelten sie sich auf den enteigneten Grundstücken und beteten friedlich zu Gott und Gottes Mutter Maria um Hilfe. Die Funktionäre mögen es nicht und schickten Tausende vollbewaffnete Sicherheitskräfte und Strassengangster dorthin, um die Betende wegzutreiben, dabei gibt es kleine Auseinand!

ersetzung

zwischen Katholiken und Straßengangstern, welche in Wahrheit die verkleiderten Polizisten waren. Höhepunkt war die Stürzung einer maroden Mauer, die unrechtsmäßig auf einem Grundstück aufgebaut wurde.

Auf diesem Grund verhafteten die Polizisten 8 Katholiken (2 Männer und 6 Frauen von 19 bis 60 Jahren alt), um zu wissen, wer die Anführer dieses Aufstands waren, denn die Kommunisten vermuteten, dass sich die Priester der Gottes Rettung-Kloster sowie der Hanoi Bishof Giuseppe Ngo Quang Kiet dahinter standen.

Weil die 8 Gefangene trotz aller

Druckmittel der Behörde nicht einverstanden waren, dass sie von jemandem angestiftet wurden, dieses Aufstand auszuüben, verurteilte ein Gericht in Hanoi sie als verbrecherische Straftäter und einschränkte ihnen alle Tätigkeiten im Alltag. Die 8 Verurteilter legten Berufung ein. Seitdem wurde einer ihrer Rechtsanwälte jeden Tag von den verschiedenen Behörden, vom zuständigen Volkkommitee über Polizei bis zur staatlichen Anwaltsschaft, mit zahlreichen unmenschlichen Methoden terrorisiert. Die Kommunisten versuchte bis zur letzten Sekunde den Rechtsanwalt Le Tran Luat daran zu hindern, sich mit seinen Mandanten in Kontakt zu nehmen. Am Ende beschlagnahmen die Behörde alle Arbeitseinrichtung des Rechtsanwalts sowie verübte Zwangeinladung seiner 80 jährigen Mutter, um ihn unter Druck zu setzen, nicht mehr für die 8 Verurteilter zu vertreten. Am Tag der Berufungsverhandlung in einem anderen Gericht in Hanoi, den 27. 03. 2009, wurde die!

ser

Rechtsanwalt von den Polizisten aus seiner wegen eines Schnellverfahrens geschlossenen Anwaltskanzlei in Sai Gon abgeholt und im Polizeipräsidum festgehalten, so dass er keine Möglichkeit hatte, sich an der Verhandlung teilzunehmen. Auch seine alle Vertreter bekamen Reiseverboten. Am Ende wurden alle 8 Verurteilte genau wie in der ersten Instand verurteilt und galten seitdem als verbrecherische Strafttäter, obwohl der Richter sowie die Ankläger keine konkrete Beweise nachweisen konnten. Natürlich wurden die Grundstücke für immer enteignet und nun machen die Behörde daraus öffentliche Parkanlage, welche noch mehr Störungen für die wochentliche Heilige Messe sowie das alltägliche Leben der katholischen Priester in nahliegender Kirche, Bistum und Kloster veranlasst, da die Strassenstrich, Drogenabhängige die Möglichkeit haben würden, Tag und Nacht ihre Geschäfte direkt vor Augen der Katholiken herumtreiben können.

Als Student bitte ich

Sie darum, dass Sie dieses Ereignis recherchieren und veröffentlichen, damit die Welt wissen kann, was die vietnamesischen Kommunisten mit eigenen Volk umgegangen waren und damit die Bundesregierung dazu bewegt, sich für die Meschenrecht und Freiheit in unserem Land einzusetzen, denn die Bundesrepublik Deutschland hatte schon seit langer Zeit mehr Einflüße auf das kommunistische Land Viet Nam. Sie leben hier in einem Rechtsstaat und wissen genau, wie man sich Freiheit, Demokratie und Menschenwürde wünscht.

Vielen Dank für

Ihre Aufmerksamtkeit und hoffe, dass Ihre Berichtserstattung über dieses Ereignis einen Beitrag zur Befreiung unseres Land von den letzeten verdammten Kommunisten der Welt würden.

Hochachtungsvoll

Tuan Nguyen

(P.S. Zu diesem Geschicht können Sie unter dieser Link alles erfahren: http://vietcatholic.net/News/Html/65498.htm)
 
Chine: Au Vatican, la Commission pour l’Eglise catholique en Chine se réunit pour la seconde fois, du 30 mars au 1er avril
Eglises d'Asie
14:54 31/03/2009
Le 28 mars dernier, le Bureau de presse du Saint-Siège a annoncé que la « Commission pour l’Eglise catholique en Chine » allait se réunir au Vatican du 30 mars au 1er avril 2009. La nouvelle a également été diffusée par Radio Vatican et L’Osservatore Romano. Il s’agit d’une réunion consacrée à « la vie de l’Eglise catholique en Chine », précise le communiqué et cette commission, qui se réunit pour la deuxième fois, examinera « certains aspects de la vie de l’Eglise en Chine » dont des « questions religieuses actuelles et importantes ».

Ces trois journées de travail sur la situation de l’Eglise catholique en Chine, très probablement présidées par le cardinal secrétaire d’Etat Tarcisio Bertone, réuniront plusieurs hauts responsables des dicastères de la curie romaine, des représentants de l’épiscopat chinois, ainsi que des membres de congrégations religieuses chinois ou en lien avec la Chine (1).

Du 10 au 12 mars 2008, la première réunion de cette commission avait examiné les « réactions » et « l’accueil » de la lettre que Benoît XVI avait envoyé aux catholiques chinois le 27 mai 2007. Au lendemain de la réunion, un communiqué du Saint-Siège avait indiqué que les participants avaient rencontré Benoît XVI et « redit leur volonté d’un dialogue respectueux et constructif avec les autorités civiles » chinoises. Les participants avaient particulièrement évoqué « certains aspects importants concernant la mission de l’Eglise comme ‘instrument de salut’ pour le peuple chinois », des questions sur « l’évangélisation » ou encore « le gouvernement des diocèses ». Autant d’expressions qui englobent des réalités particulièrement délicates dans les relations sino-vaticanes (2).

Pour cette deuxième rencontre, nul doute que l’étude des effets de la lettre du pape aux catholiques chinois sera à nouveau à l’ordre du jour. Dans cette perspective, la célébration en grande pompe, le 19 décembre dernier, à Pékin, du 50ème anniversaire des premières ordinations épiscopales illicites sera étudiée (3). Le Saint-Siège n’a pas officiellement ni publiquement protesté contre la célébration de cet anniversaire, mais il est évident que le message que cet événement véhiculait ne pouvait pas plaire au pape et à l’Eglise. Toujours dans cette même perspective, l’élection, qui devrait se tenir dans le courant du second semestre 2009, des présidents de l’Association patriotique des catholiques chinois et de la Conférence des évêques « officiels » sera attentivement examinée. Le cardinal Zen a lancé, le 4 janvier dernier, un appel aux évêques « officiels » reconnus par Rome à cesser d’accepter les compromis avec Pékin (4); les deux élections à venir seront comme un test de la volonté ou de la possibilité laissée à ces évêques de résister aux pressions exercées sur eux par le régime chinois.

(1) Le communiqué du Saint-Siège ne donne pas la liste des membres de cette commission, mais sa composition devrait être sensiblement identique à celle qui s’était réunie en mars 2008. Une trentaine de personnes en font partie. Présidée par le cardinal Tarcisio Bertone, la commission comprend le cardinal William Levada, préfet de la Congrégation pour la doctrine de la foi, et le cardinal Ivan Dias, préfet de la Congrégation pour l’évangélisation des peuples. Mgr Fernando Filoni, actuel substitut pour les Affaires générales de l’Eglise et ancien représentant officieux du Saint-Siège à Hongkong, en sera certainement, ainsi que Mgr Dominique Mamberti, secrétaire pour les relations avec les Etats. Parmi les prélats du Saint-Siège, se trouveront aussi très certainement des prélats qui ont ou ont eu à suivre le « dossier chinois », tels Mgr Claudio Maria Celli, actuel président du Conseil pontifical pour les communications sociales, Mgr Pietro Parolin, sous-secrétaire pour les relations avec les Etats, et Mgr Gianfranco Rota Graziosi, de la secrétairerie d’Etat. Du côté de l’épiscopat chinois, le cardinal Zen Ze-kiun, évêque de Hongkong, et son coadjuteur, Mgr John Tong Hon, devraient être à Rome, ainsi que Mgr Jose Lai Hung-seng, évêque de Macao, Mgr John Hung Shan-chuan, archevêque de Taipei, et Mgr Bosco Lin Chi-nan, évêque de Tainan. Dans l’état actuel des choses, aucun évêque du continent chinois ne siège à cette commission. Enfin, des représentants de congrégations religieuses ou sociétés missionnaires qui ont eu – et continuent d’avoir – des liens avec l’Eglise en Chine seront présents à Rome.

(2) I-Media, 29 mars 2009.

(3) Voir EDA 498.

(4) Voir EDA 499.

(Source: Eglises d'Asie, 31 mars 2009)
 
Chine: Hebei: Mgr Jia Zhiguo a, une nouvelle fois, été arrêté par la Sécurité publique
Eglises d'Asie
16:32 31/03/2009
Tandis qu’à Rome, la Commission pour l’Eglise catholique en Chine entamait sa session de trois jours (1), des sources catholiques chinoises ont fait parvenir à l’étranger la nouvelle de l’interpellation de Mgr Julius Jia Zhiguo, évêque « clandestin » du diocèse de Zhengding, dans la province du Hebei.

Msr Julius Zhiguo, Photo: Ucanews
Dans l’après-midi du 30 mars, cinq policiers sont venus chercher Mgr Julius Jia à sa résidence attenante à sa cathédrale, l’église du Christ-Roi, située dans le village de Wuqiu, localité proche de Shijiazhuang, capitale de la province du Hebei. Selon une source catholique citée par l’agence Ucanews (2), un officiel de la province a déclaré que les autorités étaient « désireuses de rencontrer Mgr Jia » et que, pour cette raison, « le prélat sera[it] absent durant quelques jours ».

Agé de 74 ans, Mgr Julius Jia est une personnalité marquante de l’Eglise catholique dans le Hebei. Il est familier de ce type d’interpellations à répétition par la police ou les Affaires religieuses de la province: depuis janvier 2004, il a ainsi été « soustrait à l’attention de ses fidèles » plus d’une dizaine de fois, la dernière remontant à la période des Jeux olympiques de l’été dernier (3).

Cette fois-ci, il semble que l’interpellation de Mgr Jia ne soit pas à mettre au compte de la volonté des autorités d’empêcher l’évêque d’entrer en contact avec des médias étrangers. Elle semble davantage être liée aux actes posés par Mgr Jia depuis la publication, en juin 2007, de la lettre du pape Benoît XVI aux catholiques chinois. Dans cette lettre, le pape appelait à l’unité de l’Eglise en Chine et, ces derniers temps, Mgr Jia s’appliquait à faire avancer la réconciliation dans le diocèse dont il a la charge.

C’est ainsi que, dans les derniers mois de l’année 2008, Mgr Paul Jiang Taoran, évêque « officiel » du diocèse de Shijiazhuang, avait demandé au pape sa légitimation en tant qu’évêque – ce qui lui a été accordé par Benoît XVI. Mgr Paul Jiang avait été consacré à l’épiscopat sans mandat pontifical le 21 mai 1989 et administrait depuis cette date le diocèse de Shijiazhuang, qui recoupe les frontières du diocèse « clandestin » de Zhengding. En bonne administration de l’Eglise, un même diocèse ne peut compter deux ordinaires (4); Mgr Paul Jiang a donc accepté de considérer Mgr Julius Jia comme l’ordinaire du diocèse, lui-même prenant le titre d’évêque auxiliaire. Selon diverses sources, les deux évêques se seraient rencontrés à plusieurs reprises ces derniers temps et auraient commencé à discuter d’un plan d’action pastorale commun.

Pour les autorités chinoises, l’unité de l’Eglise ainsi acquise n’est pas acceptable. Les Affaires religieuses considèrent que la réconciliation qui s’est faite est due à « des ingérences extérieures » dans les affaires internes de l’Eglise en Chine et que l’unité de l’Eglise en Chine ne peut se faire que selon les instructions et sous la direction du gouvernement chinois. Bien conscientes de la légitimation pontificale donnée à Mgr Paul Jiang, les autorités auraient conçu le plan de faire élire, dans les six mois à venir, un nouvel évêque « officiel », les deux évêques, Mgr Jia et Mgr Jiang, choisissant alors de faire valoir leurs droits à la retraite. Mais, consulté sur ce plan, Mgr Julius Jia a insisté pour dire que seul le pape avait autorité pour nommer les évêques – d’où son arrestation le 30 mars pour « une session de travail » avec les autorités.

Toujours selon les mêmes sources catholiques, Mgr Julius Jia a récemment déclaré que lui et les 150 000 catholiques du diocèse de Zhengding continueront à se montrer fidèles à l’appel du pape pour qu’advienne l’unité entre les communautés « officielles » et « clandestines », même si la fidélité à cet appel devait se traduire par de nouvelles persécutions et des peines de prison supplémentaires. Selon le témoignage d’un proche de l’évêque, Mgr Julius Jia, qui s’attendait à être interpellé par la Sécurité publique, s’est dit prêt « à la prison et au sacrifice pour le bien de l’Eglise du Christ, du diocèse de Zhengding, de [ses] prêtres et de [ses] catholiques ». Ces dernières semaines, la surveillance autour de sa résidence et celle de son vicaire général et de plusieurs de ses prêtres avaient été renforcées.

Par ailleurs, toujours dans la province du Hebei, les catholiques « clandestins » du diocèse de Baoding, un des bastions de leurs communautés, s’apprêtent à célébrer l’anniversaire de la date à laquelle ils ont récupéré le corps de leur évêque, Mgr Joseph Fan Xueyan. Le 13 avril 1992, à la faveur de la nuit, la police déposait son corps, portant des marques de torture et enveloppé dans un sac mortuaire, devant la porte de membres de sa famille. Mgr Fan, évêque « clandestin » de Baoding, avait passé plusieurs dizaines d’années en prison et en camp de travail; libéré, il avait de nouveau été arrêté début 1992.

Enfin, selon d’autres sources, un prêtre « clandestin », le P. Paul Ma, aurait été arrêté ces jours-ci, après avoir célébré la messe à proximité de Donglu, haut lieu de spiritualité mariale en Chine et symbole de la répression des communautés catholiques « clandestines » par les autorités chinoises.

(1) Voir EDA 504.
(2) Ucanews, 31 mars 2009.
(3) Voir EDA 493.
(4) Ordinaire: terme habituellement utilisé pour caractériser l’évêque d’un diocèse qui, par sa fonction, a une responsabilité juridique et a le pouvoir de juridiction dans tous les domaines de la vie ecclésiale.

(Source: Eglises d'Asie, 31 mars 2009)
 
Chine: Dans la période sensible du 50ème anniversaire de la rébellion tibétaine, Pékin instaure la célébration de « la fin de l’esclavage » et annonce la réouverture du Tibet au tourisme
Eglises d'Asie
22:17 31/03/2009
L’agence officielle chinoise Xinhua (‘Chine Nouvelle’) a annoncé, le 30 mars, que le Tibet s’ouvrait à nouveau au tourisme, après plus de six semaines de fermeture totale de la région. Afin d’éviter de nouvelles émeutes pendant la période critique du mois de mars marquant le 50e anniversaire du soulèvement tibétain de 1959 (1), Pékin avait dépêché sur place, dès fin février, des milliers de militaires et de policiers. Une loi martiale de fait avait été instaurée, fermant hermétiquement aux étrangers le Tibet et les régions avoisinantes de peuplement tibétain.

L’autorisation, qui sera accordée aux touristes avec permission spéciale et hors « zones sensibles », ne s’étend pas aux journalistes, les derniers événements ayant montré que la région n’était pas encore aussi « sécurisée et en paix » que l’a affirmé le 30 mars à Xinhua, Bachung, responsable du tourisme au Tibet. Selon l’Agence France-Presse (2) et différentes sources locales, les agences touristiques et les services hôteliers sur place ne seraient pas en mesure de confirmer la date de réouverture. Les communautés tibétaines en exil font mention d’événements récents: un moine battu à mort par des policiers, des soldats chinois attaqués, l’immolation par le feu d’un moine dans le Sichuan, ou encore un attentat à la bombe qui n’a pas fait de victimes (3).

Le 22 mars dernier, une émeute particulièrement importante a cependant été mentionnée par l’agence Xinhua elle-même: une centaine de moines tibétains, provenant essentiellement de la lamasserie de Rabgya, dans le Qinghai, province à forte population tibétaine, ont été arrêtés après l’attaque d’un poste de police. L’agence rapporte que des fonctionnaires « ont été légèrement blessés ». Selon les informations diffusées par le gouvernement tibétain en exil à Dharamsala, en Inde (4), l’émeute a opposé 4 000 personnes à des policiers chinois, en réaction au suicide d’un moine tibétain de Ragya, Zhaxi Sangwu (Tashi Sangpo, en tibétain), qui « appelait à l’indépendance du Tibet ». Le jour même, Gyaincain Norbu, le panchen lama désigné par Pékin (5), a appelé le peuple tibétain à soutenir le Parti communiste chinois. Toujours selon Xinhua, il a déclaré: « Tous les moines et les nonnes devraient faire preuve de patriotisme, respecter la loi et les commandements et étudier attentivement l’essence du bouddhisme. »

Le 28 mars se sont tenues à Lhassa, capitale du Tibet, les cérémonies de « libération de l’esclavage », orchestrées par Pékin pour célébrer la victoire des armées chinoises sur le Tibet en rébellion, en présence d’une foule d’environ 10 000 personnes rassemblées devant le Potala, ancienne résidence du dalaï lama, drapeaux rouges à la main.

A cette occasion, Zhang Qingli, secrétaire local du Parti communiste, a déclaré que le Parti avait mené « des réformes démocratiques sans précédent dans l’histoire de la population des hauts plateaux tibétains » (6). La veille, depuis Pékin, le panchen lama, Gyaincain Norbu, avait remercié le Parti communiste de lui avoir « ouvert les yeux sur ce qui est vrai et ce qui est faux » (7). Cette journée de la « libération de l’esclavage » (littéralement ‘Journée d’émancipation des serfs’) a été créée cette année, à la suite des événements de mars 2008, où d’importantes émeutes sévèrement réprimées par le gouvernement chinois alors en pleine préparation des Jeux olympiques avaient provoqué la mort d’une vingtaine de personnes selon Pékin, plus de 200 selon le gouvernement tibétain en exil, ainsi que des milliers d’arrestations.

Le 29 mars 2009, à Dharamsala en Inde, 10 000 personnes, en réplique à la cérémonie de Lhassa, ont manifesté contre « la propagande chinoise » et « cinquante années de servitude et de répression ». Lors de la date anniversaire du soulèvement tibétain manqué du 10 mars 1959, le XIVème dalaï lama, Tenzin Gyatso, s’était exprimé sur « l’enfer vécu sur terre » des Tibétains depuis l’occupation chinoise (8). De nombreuses manifestations à travers le monde avaient souligné le soutien de la communauté internationale à la cause tibétaine.

(1) Le soulèvement de Lhassa contre les troupes chinoises occupant le Tibet depuis 1950 débuta le 10 mars 1959 à l’initiative des fidèles du dalaï lama et fut réprimé, dans un bain de sang, à partir du 28 mars, le dalaï lama choisissant de fuir en exil en Inde.
(2) Agence France-Presse, 30 mars 2009.
(3) sources: tibet-info.net; freetibet.org; tibet.net; tibetan.fr; buddhistchannel
(4) www.dharamsalanet.com
(5) Le panchen lama est le deuxième chef spirituel du bouddhisme tibétain gelupa (‘école des bonnets jaunes’ à laquelle appartient le dalaï lama, lui-même au sommet de la hiérarchie). Le panchen lama et le dalaï lama participent à la reconnaissance des réincarnations l’un de l’autre.
Lors du décès du Xème panchen lama en 1989 au Tibet, Chadrel Rinpoché, responsable de la lamasserie du panchen lama, entama les recherches pour identifier la nouvelle réincarnation de celui-ci, et communiqua secrètement au dalaï lama les résultats de sa sélection, dont le jeune Gendhun, âgé de 6 ans. En 1995, le dalaï lama reconnut officiellement l’enfant comme le XIème panchen lama. Quelques jours plus tard plus tard, Chadrel Rinpoché était emprisonné et l’enfant porté disparu ainsi que ses proches. En 1996, après enquête de l’ONU, les autorités chinoises déclaraient retenir le panchen lama dans un lieu tenu secret « pour sa sécurité ». A ce jour, aucune information n’a filtré sur le sort du « plus jeune prisonnier politique du monde ».
Gyaincain Norbu est le panchen lama officiel, choisi en 1995 par le gouvernement chinois pour remplacer Gendhun. « En formation » à Pékin, sous étroite surveillance des autorités, il sera très certainement amené à jouer un rôle déterminant après la disparition de l’actuel dalaï lama.
(6) Reuters, 28 mars 2009.
(7) AsiaNews, 29 mars 2009.
(8) « [Les répressions par la Chine] ont jeté les Tibétains dans de profondes souffrances et dans la misère, en leur faisant vivre l’enfer sur terre. Le premier résultat de ces répressions a été la mort de centaines de milliers de Tibétains (…). Aujourd’hui encore, les Tibétains vivent dans la terreur (…). Leur religion, leur culture, leur langue, leur identité sont en voie d’extinction. » Discours du dalaï lama, 10 mars 2009, Dharamsala.

(Source: Eglises d'Asie, 31 mars 2009)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Cộng đoàn Công giáo Việt Nam TGP Melbourne tĩnh tâm mùa Phục sinh
Trần Văn Minh
16:52 31/03/2009
Cộng đoàn Công giáo Việt Nam, khu vực miền Tây thuộc TGP Melbourne sốt sắng tham dự tĩnh tâm, hoà giải đón mừng Đại Lễ Phục sinh Năm 2009.

Melbourne, vào lúc 7 giờ 30 tối, Thứ Ba Ngày 31 Tháng Ba Năm 2009. Tại nhà thờ Our Lady, Giáo xứ Đức Mẹ Hằng Cứu giúp Vùng Maidstone. Rất đông giáo dân Công giáo Việt Nam khu vực Miền Tây thuộc TGP Melbourne đã về tham dự tĩnh tâm và lãnh ơn hoà giải, để dọn mình đón chờ ơn hồng phúc mừng đại lễ Chuá Phục sinh Năm 2009.

Chúng tôi nhận thấy đủ mọi thành phần dân Chuá trong khu vực. Từ cụ ông, cụ bà, có cả các cụ già phải dưạ vào xe đẩy, các vị trung niên, các thanh niên nam nữ, đến các em trong độ tuổi thiếu niên, thiếu nhi, cùng theo gia đình đến để dự tĩnh tâm và hoà giải.

Trong dịp này, Linh mục quản nhiệm Philip Lê Văn Sơn đã mời các linh mục Việt Nam trong Tổng Giáo Phận Melbourne về giúp cha, cùng ban phép hoà giải cho đông đảo giáo dân trong khu vực trách nhiệm cuả ngài.

Ngoài linh mục Brian Cosgriff. Chánh xứ Giáo xứ Đức Mẹ Hằng cứu giúp, chúng tôi còn được quý cha sau đây đến giúp trong ngày tĩnh tâm hoà giải:

Linh mục: Vincent Lê Văn Hưởng Đại chủng viện TGP Melbourne. Và quý linh mục Trần Văn minh, Jos Mai Văn Thịnh, LM. Nguyễn Văn Cao và một cha khách mà tôi chưa biết tên, tất cả gồm 7 linh mục ngồi và đứng giải tội.

Sau bài đọc, Linh mục quản nhiệm Philip Lê Văn Sơn đã đọc lời Chuá cùng chia sẻ với mọi người về ý nghiã về lời cuả Chuá dậy. Sau đó, linh mục đã hướng dẫn mọi người thành tâm hối cải, cùng ăn năn xin Chuá thứ tha tội lỗi mà mọi người đã mắc phạm, để hưởng ân tha thứ cuả Thiên Chuá, Đấng nhân từ và hay thương xót sẽ xoá bỏ mọi lỗi lầm cuả chúng ta.

Sau nghi thức xét mình theo sự hướng dẫn cuả linh mục quản nhiệm Philip Lê Văn Sơn, mọi người cùng nghiêm trang xếp hàng trước các phòng cáo giảng trống để chờ tới lượt mình lên xin lãnh ơn hoà giải.

Bảy linh mục, tại bảy toà cáo giảng, nhưng vì số giáo dân đông, nên cũng phải gần hai tiêng đồng hồ, quý cha mới ban phép hoà giải cho hết số người tham dự.

Ra về mọi người hân hoan vì vưà nhận ơn thứ tha để được giao hoà cùng Chuá và tha nhân đón mừng Đại lễ Chuá Phục sinh Năm 2009.

Melbourne 31/3/2009.
 
Lễ Acies tại Comitium Hải Phòng
Kiến Văn
17:02 31/03/2009
Lễ Acies tại Comitium Hải Phòng

Chiều thứ bảy 28-3-2009 có nhiều hội viên Legio hoạt độn, tán trợ, các em junior thuộc Curia Hải Phòng, An Dương, Thuỷ Nguyên đã trở về nhà thờ Giáo xứ Lãm Hà để dự ngày lễ Acies

Trước phần dâng mình mọi người quỳ gối cầu nguyện lần chuỗi Mân Côi Mùa vui để dâng lên thánh tượng Mẹ Phatima vừa mới cung nghinh tại nhà thờ chính Toà Hải Phòng về Giáo xứ Lãm Hà

Cha linh giám Comitium Gioan Baotixita Vũ Văn Kiện đã nói về ý nghĩa của ngày lễ Acies đó là lên đường ra trận dưới sự hướng dẫn của Nữ Tướng Maria.

Tiếp đến là nghi thức dâng mình cho Đức Mẹ, các hội viên đã tiến lên bàn thờ Đức Mẹ, một tay đặt lên trái tim của mình, tay kia đặt lên Vexillum – hiệu kỳ của Legio, nhiều thành viên đã khóc khi đọc lời dâng mình: Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ, vàmọi sự của con là của Mẹ.

Thánh lễ Tạ ơn do Cha linh giám, ngài đã mời gọi mọi thành viên trong Legio trong gia đình Giáo phận Hải Phòng hãy trung thành với Đức Mẹ nhất là với những lời dâng mình ngày hôm nay, không chỉ trên miệng lưỡi mà phải xuất phát từ lòng yêu mến và cố gắng dấn thân theo Chúa nhờ Mẹ hướng dẫn.

Trong bài chia sẻ Tin Mừng Chúa Nhật thứ năm Mùa Chay Cha linh giám đã nhấn mạnh đến sự hy sinh của Đức Giêsu, đã chết cho nhân loại cũng như sự hy sinh của Đức Mẹ, mỗi người lính của Đức Maria cũng phải hy sinh rất nhiều trong công việc hoạt động tông đồ như hy sinh thời gian, vật chất, hiểu lầm, nguy hiểm trong môi trường hoạt động tông đồ. Càng hy sinh nhiều anh chị em càng cảm thấy có niềm vui và sự bình an của Chúa ban cho anh em. Ngày hôm nay Giáo Hội rất cần những con người hy sinh phục vụ trong công việc tông đồ giáo dân.

Cuối Thánh lễ mọi người đã viếng Thánh Tượng Đức Mẹ Phatima để lĩnh ơn toàn xá.

Trước khi kết thúc Thánh lễ anh thư ký Comitium Giuse Khổng Trung Sơn đã cám ơn Cha linh giám các thành viên Legio trong giáo phận Hải Phòng về tham dự lễ Acies. Cám ơn sự giúp đỡ của mọi người trong Giáo xứ Lãm Hà.

Lạy Mẹ Maria Nữ Tướng Tối cao xin hướng dẫn và đồng hành cho những người lính của Mẹ luôn nhìn lên cờ hiệu của Mẹ bước đi trong niềm tin yêu và phó thác nơi Thiên Chúa, để mỗi ngày những người lính của Mẹ luôn dấn thân phục vụ trong cánh đồng truyền giáo giúp nhiều linh hồn trở về với Chúa.
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Cảnh giác trước thủ đoạn mới của Cộng sản sau phiên tòa phúc thẩm vụ án Thái Hà
Lê Sáng
03:05 31/03/2009
Vụ án Thái Hà đã đi vào lịch sử như một sự kiện khởi đầu cho một giai đoạn mà người dân Việt không chấp nhận sự gian manh đổi trắng thay đen của bộ máy tuyên truyền cộng sản, không chấp nhận những hành vi của những kẻ đại diện nhà nước lại chà đạp lên luật pháp của chính nhà nước ban hành, không chấp nhận hành vi lừa dối, sự gian trá của các chính trị gia cộng sản, không chấp nhận sự chà đạp nhân quyền một cách trắng trợn và hung bạo trong một thế giới văn minh mà cộng sản vẫn rêu giao là đang dẫn dắt quốc gia hội nhập sâu rộng… Vụ án Thái Hà đánh dấu một bước chuyển biến căn bản trong tư tưởng người dân Việt trước bạo quyền cộng sản.

Sau một hồi dùng các thủ đoạn đê hèn, chà đạp lên luật pháp của chính mình ban hành, cộng sản ngày càng lộ mặt gian manh … Các phiên xử sơ thẩm, phúc thẩm vụ án Thái Hà rõ ràng là những “vở tuồng” mà ai cũng biết trước kết thúc. Nhưng một điều cộng sản không ngờ tới là các bị cáo cùng cộng đồng dân Chúa không run sợ mà họ biến các “tấn tuồng tư pháp” này cuộc biểu dương lực lượng của người công chính. Trong số những người đi cổ vũ cho các bị cáo tại phiên toà, người ta thấy có mặt rất nhiều dân oan trong đó có cả nhà sư Thích Đàm Bình … Chính nghĩa có sức thu hút con người bất kể họ theo tôn giáo nào.

Một điều cộng sản cho là nguy hiểm là nhiều người dân sau khi chứng kiến vụ việc đã hiểu ra cách thức đấu tranh bất bạo động, biết cách đoàn kết bảo vệ lẫn nhau chống lại công an, kiên trì giải thích lẽ phải, kiên trì theo đuổi đấu tranh bất bạo động… Họ cũng biết rằng nếu không tranh đấu, không bao giờ cộng sản trả lại nhân quyền cho họ cả …

Theo giới phân tích chính trị độc lập tại Hà Nội, ông Nguyễn Tấn Dũng ngay từ đầu đã muốn giải quyết vụ việc theo chiều hướng đấu dịu. Nhưng không phải ông ta muốn bênh người Công Giáo, hay ông ta ngộ ra chân lý, mà chỉ đơn thuần là ông ta không muốn nhiệm kỳ thủ tướng thêm những rắc rối mà vốn khởi đầu đã không suôn sẻ, trong nội bộ cộng sản việt nam và trên trường quốc tế…

Với bản chất của những kẻ chuyên dùng thủ đoạn đê hèn, các chính trị gia cộng sản cảnh giác với các đối thủ trong đảng không kém với “các thế lực thù địch” bên ngoài. Họ thường không đối mặt trực diện khi tranh đấu nội bộ, cho dù họ đã có đủ tài liệu để kất luận vấn đề… Trước một vấn đề và trước một đối thủ trong đảng, họ vẫn có lối hành sử cứ để hậu quả sảy ra rồi mới chính thức lên tiếng, vừa dễ hạ bệ đối phương, vừa tránh phải “đứng mũi chịu sào” giữ an toàn cho mình…

Vụ việc Thái Hà – Toà Khâm Sứ tuy được thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng quan tâm, nhưng về nguyên tắc nó được “lãnh đạo tập thể” là bộ chính trị chỉ đạo đường lối và giao việc cho Hà Nội. Đây là qui định phân cấp phân quyền mà thực chất là phân chia lãnh địa, quyền lợi giữa các phe nhóm cộng sản …

Nay khi phiên toà phúc thẩm đã kết thúc, mặc dù quan chức cộng sản Hà Nội áp dụng bao nhiêu thủ đoạn không những chẳng hữu hiệu, mà lại càng thúc đẩy giáo dân quyết đi tìm công lý bất chấp việc bị tước đoạt cả quyền hỗ trợ tư pháp từ phía luật sư… Các chính trị gia cộng sản trung ương mới bắt đầu đánh giá lại sự việc. Ông Nguyễn Tấn Dũng chất vấn quan chức Hà Nội về những việc làm thời gian qua của chính quyền Hà Nội, đặc biệt là việc quan chức Hà Nội cắt đất công viên Thống Nhất xây khách sạn Novotel Hanoi on the Park, một việc làm lố bịch và mâu thuẫn với những tuyên bố thu hồi hai khu đất của TGP HN để làm công viên tăng thêm diện tích cây xanh cho Hà Nội… Và vấn đề năng lực lãnh đạo, sự nhạy bén chính trị của đám quan chức Hà Nội được Dũng đặt ra cho những mục đích riêng của ông ta…

Ngay trước phiên toà phúc thẩm, PA 38 - Công an Hà Nội đã cho cán bộ gặp gỡ các linh mục để “bày tỏ sự quan ngại của chính quyền Hà Nội về tình trạng căng thẳng kéo dài của vụ việc Thái Hà – Toà Khâm Sứ”. Hiểu cho đúng thì đây là một chiêu thức nữa được họ đem ra “thử nghiệm”. Không đánh được thì quay sang đàm. Nhưng họ chỉ cho cấp thấp nhất đặt vấn đề đàm phán… Cũng như trước phiên xử phúc thẩm, họ để mấy tên cán bộ tập sự nhãi nhép của toà án Hà Nội đến tận nhà các bị cáo để đặt vấn đề hãy chấp nhận sự vắng mặt của luật sư Lê Trần Luật. Đây là một thủ đoạn của cộng sản nhằm thăm dò các giáo sĩ Công Giáo, thông qua đó để tìm hiểu thêm về nội tình giáo hội Công Giáo Việt Nam trước bạo quyền cộng sản. Việc đàm phán giải quyết căng thẳng nếu có, cũng lại chỉ như những cuộc hội đàm giữa nhà nước với Vatican mà thôi: “Chủ động đặt vấn đề và tiến hành đàm phán, đưa ra các quan điểm giải pháp để thăm dò đối phương… nhưng không tiến tới bất kỳ một thoả thuận nào kể cả thời gian và địa điểm cho lần gặp gỡ sau… “

Mặt khác cộng sản sẽ coi phiên toà phúc thẩm là sự đã rồi, án phúc thẩm có hiệu lực thi hành ngay không thể cải sửa… Trên cơ sở đó cơ quan hành chính sẽ đẩy trách nhiệm sang cơ quan tư pháp, cơ quan cấp trên sẽ đẩy trách nhiệm cho cấp dưới… Một hồi đẩy qua đẩy lại, cộng sản sẽ viện ra lý do nguyên tắc tổ chức, viện ra lý do mâu thuẫn quan điểm giữa các phe nhóm cộng sản… Để thuyết phục người Công Giáo hãy bỏ qua vụ án này… Theo cộng sản, như thế là nó đã thắng, và nó sẽ lại chỉ đạo các cơ quan tuyên truyền rêu rao về “sự cúi đầu nhận tội” của người Công Giáo… Dùng nó để lòe bịp đe doạ dân oan khác…

Công lý, sự thật không thể là cái mang ra thử nghiệm, chờ hậu quả sảy ra để các chính trị gia cộng sản hạ bệ nhau… Người dân không thể là con tin của các thủ đoạn tranh giành quyền lợi, quyền lực giữa các phe phái cộng sản… Nhân quyền lại càng không phải là thứ để chà đạp sau đó xin lỗi một cách lén lút, rồi hoà giải, hoà hợp, xí xoá… Người Công Giáo trong khi thực hành lời Chúa với đức khoan dung Kitô Giáo, cũng cần thận trọng để thuận lời Chúa dạy: “Của Thánh, đừng quăng cho chó; ngọc trai, chớ liệng cho heo, kẻo chúng giày đạp dưới chân, rồi còn quay lại cắn xé anh em".
 
Ngành Vạn Tuế trao tay, phá bỏ đi sợ hãi
Nam Hải
16:48 31/03/2009
Nhiều người Việt Nam còn nhớ khá rõ là, ngày 3-2-1930 chi bộ cộng sản đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam mang tên là đảng Cộng sản Đông dương. Tổ cộng sản lúc ấy cũng chỉ có năm ba ngoe, thuộc hàng vô danh tiểu tốt và hoàn toàn xa lạ với cuộc sinh hoạt chính trị ở Việt Nam. Nhưng chúng thực sự biết lợi dụng lòng dân trong cao trào chống ngoại xâm và đưa ra cái bánh vẽ thật lớn: Giải phóng dân tộc và san bằng bất công trong xã hội. Dân đang bị làm nô lệ cho ngoại bang, nay được giải thoát khỏi đời nô lệ ai không thích. Riêng việc nhà nước cướp hết của của nhà giàu chia cho nhà nghéo thì có mấy ai mà không đi cướp theo!

Tuy miếng mồi béo bở ngon ngọt, nhưng chúng cũng chẳng thu lượm được bao nhiêu hậu thuẫn. Trái lại, khi bước vào động, chúng còn phải đi cậy nhờ đến những tên tuổi như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đỡ đầu, nói hộ chúng vài câu để chúng có cơ hội mà bước vào sinh hoạt với đồng bào. Nhưng chẳng bao lâu sau, hoạt động vì công ích thì không thấy, chỉ thấy những hành động mang tính chất tội ác của chúng vang dội khắp nơi ở trong nước. Đi đến đâu ngưòi ta cũng lắc đầu, lè lưõi, lo sợ khi nói đến tội ác khảo của, giết ngưòi do bọn cán bộ đầu não cộng sản gây ra, dù chưa mấy người nhìn thấy mặt thật của chúng. Ấy là chưa kể đến câu chuyện khá phổ quát trong nhân dân, lúc bấy giờ họ bảo nhau là bọn Vẹm nó có đuôi. Tuy có chuyện đồn đãi ấy, nhưng cũng chưa mấy người giải đáp được thắc mắc là, không biết bọn này có đuôi dài ngắn ra sao mà chúng ác độc đến như thế?

Nếu là một tổ chức đứng đắn khác, khi bị mang tai tiếng là có những hành động độc ác, bất nhân như thế, chắc chắn kẻ lãnh đạo của tổ chức phải dừng tay tội ác lại. Hơn thế, phải nghiêm chỉnh kiểm chứng để chấm dứt những hành động này. Đồng thời, phải chứng minh cho mọi người biết rằng, chúng không có đuôi và cũng không độc ác như người ta thường rỉ tai với nhau về chúng. Kế đến, phải trình báo cho mọi ngươi biết việc lỡ tay giết ngưòi kia chẳng qua chỉ là những lỗi lầm của một vài cán bộ thừa hành, chúng đã bị khai trừ và giao cho công quyền sử lý rồi, vì tổ chức không có chủ trương bạo ác.

Đó là lẽ thường, nhưng Việt Minh cộng sản không hành động theo những lẽ thường tình ấy. Trái lại, Hồ chí Minh là kẻ có chủ trương bạo ác. Đi đến làng mạc nào, khu phố nào chúng đểu dùng chung một sách lược. Kết nạp những thành phần bất hảo của xã hội trong vùng để thủ tiêu và chặt đầu vài ba ngưòi tai mắt để cho dân chúng trong vùng phải hoảng sợ mà tuân theo những chỉ thị của chúng. Những tưởng sách lược này thất bại, ai ngờ Hồ chí Minh đã thành công nhớn bằng chính con đường thủ tiêu và đấu tố này để, trước là cướp được chính quyền, sau là trấn áp toàn bộ đời sống của nhân dân.

Thực vậy, bất cứ nơi đâu, trước khi Việt Minh đặt chân đến, người dân đã trắng mắt lo sợ,bàn tán phưong cách ứng đối nếu một khi phải nhìn thấy chúng. Nên khi nhìn thấy chúng thật, thì trăm người như một đều có chung một định hướng là bỏ chạy. Chạy không kịp thì đều răm rắp mà tuân thủ theo mệnh lệnh của chúng áp đặt. Nhưng cả trong trường hợp đã nằm dưới gọng kìm của chúng quản trị, Việt cộng cũng không từ bỏ con đưòng “sát nhân, khủng nhân”. Trái lại, việc “sát nhân, khủng nhân” được đưa vào kế hoạch chiến lược của đảng, ngõ hầu đạt yêu cầu trong việc trấn áp toàn bộ từ đời sống đến tinh thần trong tất cả moị sinh hoạt thường nhật của người dân.

Nên nếu hỏi rằng, có một ngưòi dân nào ăn no ngủ yên, không lo sợ trong thời Việt cộng, đặc biệt là trong thời đấu tố từ 1953-1955? Có một làng mạc và một khu phố nào không có người bị Việt cộng đấu tố trong thời gian này? Câu trả lời sẽ là không! Không thể tìm ra được. Dân đã thế, ngay trong hàng ngũ cán cộng. Bộ đội của chúng cũng phải biết đấu tố lẫn nhau và rồi, con, cháu thì về làng để đấu tố bố mẹ và họ hàng thân thích của mình. Kết qủa, sau cuộc đấu tố man rợ ấy. Niềm tin giữa con ngưòi với con ngưòi, giữa con người với tôn giáo và xã hội coi như đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Con ngươi sống dưới cái chế độ tàn bạo ấy chỉ còn lại đôi mắt trắng và nhìn nhau bằng sự nghi ngờ, thù hận. Nhưng nếu, toàn thể nhân loại có lên án và nguyền rủa những tội ác của Hồ chí Minh và tập đoán bất nhân Việt cộng đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, thì Hồ chí Minh và tập đoàn Việt cộng lại … giết chó ăn mừng và hồ hởi, phấn khởi vì kế hoạch “sát nhân đã khủng nhân” hoàn toàn thắng lợi, đã giúp chúng nắm trọn lấy bạo quyền.

Với cái chủ rtương ấy của Việt cộng, miền nam Việt Nam cũng bị vạ lây. Khi Tổng Thống Ngô đình Diệm còn sống, bọn việt cộng do Lê Duẩn cầm đầu không có lỗ dung thân. Nhưng ngay khi ông bị sát hại. Cuộc chiến do Việt cộng gây hần mỗi ngày một lan rộng, và đồng bào ta cũng có chung một khuynh hướng. Cứ nghe thấy tin Việt cộng sắp về đốt làng phá xóm là bỏ chạy. Thậm chí sau khi việt cộng đã bị quyét sạch khỏi làng xóm, đồng bào có quay về chốn xưa, nhìn thấy năm ba cái xác của những tên phá làng đốt xóm bị bắn chết thì cũng chỉ hỏi nhau vài câu:

- Ủa, bọn này hổng có duôi mà sao nó ác đức qúa dậy kìa?

Hỏi xong, thu góp lại những thứ còn có thể dùng được để khi cần, quảy quang gánh, tìm cách lên thị thành, sang nơi khác yên ổn mà sinh sống chứ không muốn ở lại chốn xưa nữa, dù chính nơi ấy là nơi chôn nhau cắt rốn của nhiều đời. Kết qủa, làng mạc, ruộng đồng bỏ hoang và dần dần quân đội miền nam cũng không đến những vùng xa xôi hẻo lánh ấy nữa. Nơì ấy trở thành khu da beo, da bò dưới sự kiểm soát của Việt cộng. Như thế, chính sự sợ hãi của ngưòi dân đã giúp vốn cho Việt cộng thành công!

Rồi vào những ngày tháng đầu của năm 1975 cũng thế. Chính sự sợ hãi, biến thành hoảng hốt của nhân dân trong các vùng giao chiến, đã lan tới thành phố, làm mất thành phố rồi mất luôn Sài Gòn vào tay giặc. Từ đó chúng áp đặt lên toàn dân ta những thứ luật lệ phi nhân bản, phi đạo lý, kể cả phi pháp nữa, để chúng mặc tình thao túng vơ vét tài sản của công cũng như tư và người dân mất toàn bộ ý chí phản kháng.

Nay thì sự việc dường như đã ra chiều đổi khác. Những hình thức đối kháng có tình cách cá nhân đã chuyển dần sang tập thể. Một LM Nguyễn văn Lý cô đơn năm nào, nay đã thêm cả một tổ chức của khối 8406, rồi những thành viên trẻ gia nhập và đứng dậy trong đảng Thăng Tiến Việt Nam như Lê thị công Nhân, Nguyễn Phong hay Nguyễn văn Đài. Đó chính là những hạt mầm phá tan sự sợ hãi.

Đến cuộc tập họp hàng ngàn người cầu nguyện trước tượng đài Đức Mẹ, hát Kinh Hòa Bình trước khuôn viên Toà Khâm Sứ vào dịp Noel 2007 phải được coi là một hiện tượng: Tự đứng dậy, tự phà bỏ sợ hãi và tự tái tạo niềm tin. Và nay, sau cái ngày ấy một năm rười, người dân việt Nam không còn nằm chờ ăn bánh vẽ của loài có đuôi nữa. Nhưng sẽ là cuộc đồng hành để đi tìm Công Lý cho đời và cho mình.

Lời tuyên bố của Tổng Giám Mục Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám Mục Hà Nội trước cái gọi là ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vào ngày 20-9-2008, có lẽ, phải được coi là lời công bố khởi đầu cho cuộc phá bỏ sự sợ hãi, rồi tái tạo lại niềm tin của toàn dân và sẽ đưa dân tộc Việt Nam vào một khúc quanh mới của lịch sử.

Thật vậy, dù xét trên bình diện nào đi chăng nữa, người ta chũng chỉ tìm thấy trong lời nói ấy là một qủa cảm, sự chân thật, thẳng thắn và biểu lộ một tấm lòng yêu nước thiết tha của một con dân Việt Nam. Hơn thế, đó không phải chỉ là lời nóí xuông, nhưng sự kiện Ngài săn quần lên qúa gối đi thăm dân bị bão lụt, trước cuộc đấu tố và những lời đe doạ nguy hiểm đến tính mạng phát xuất từ nhà cầm quyền ở Hà Nội, thì phải đựợc kể là một cái dũng trong lòng một chữ nhân đã được chuyển hóa thành hành dộng. Ngài đã chẳng sợ bị giết chết vì đàn chiên thì xá chi đến chuyện đi tù thế cho đàn chiên!

Rồi đến ngày: Hà Nội đi trong tiếng hát” người ta mới có dịp bàng hoàng để thấy hàng hàng lớp lớp người cầm ngành vạn tuế trong tay, như là đi ăn mừng chiến thắng hơn là đưa chân 8 anh hị em giáo dân đồng đạo của mình ra trước tòa án Việt cộng. Sở dĩ có sự kiện “ ra toà” này là vì nhà nươc Việt cộng đã thất bại trong mưu toan cưỡng đoạt khu đất thuộc Nhà thờ Thái Hà, tính chia lô, buôn bán chia chác cho nhau, nên giận cá mà chém thớt bằng cách vồ đại lấy mấy người nào đó, biến họ thành những tội phạm “ phá rôi trật tự cộng cộng” và “phá hoại tài sản của công” với chủ đích: Treo tạm vào cổ họ những bản án, trước là dằn mặt, rửa thù. Sau là hù doạ những người khác để nhà nước sao y bản cũ: "sát nhân, khủng nhân” mà ôm trọn ấy cường quyền bá đạo. Kết qủa, phen này nhà nước nhầm nhỡ nhớn! Bởi lẽ, những người giáo dân này đã không khiếp nhược trước bạo lực. Trái lại, ngành Vạn Tuế trao tay và họ tiến lên vì Công Lý không một chút sợ hãi, e dè!

Trước sức mạnh của ngành Vạn Tuế trao tay, sức mạnh mà nhà cầm quyên Việt cộng cũng không dự trù là sẽ đụng phải, nên đành vuốt giận làm vui, tính đưa ra mấy bản án treo cho có lệ thay vì tống họ vào tù để mong xoa dịu những ngọn lửa đang trào dâng, có thể thui rụi nhà nước, như là một phương cách giải hòa.

Kết qủa, nhà nước Việt cộng đã tính toán sai lầm về ý chí sắt đá của đoàn người đã phá bỏ sợ hãi, đã trao nhau niềm tin, trao nhau ngành vạn tuế. Nên cái bản án mà nhà nươc cho là “hài hòa" kia không có tác dụng hài hòa. Nó không có tác dụng là vì nhà nước không thể trả lời được cái lý do, tại sao kẻ cướp lại có quyền viết giấy phạt cho chủ nhà? Hơn thế, khi người dân đã tháo bỏ sợ hãi mà đi tìm Công Lý thì dĩ nhiên họ phải đi tìm Công Lý đích thực, chứ không phải là thứ Công Lý “Xin… Cho”. Đó chính là lý do trả lời tại sao, nếu Hà Nội Đi Trong Tiếng Hát mới chỉ vang vọng ở Thái Hà và phụ cận vào ngày 08-12-2008 thì ngày 27-3-2007, Hà Nội đã rúng động trên tất cả mọi ngả đường. Đặc biệt là các ngả đường dẫn tới Hà Đông, địa đỉểm được chọn làm nơi xử án phúc thẩm cách Thái Hà những 12 cây số.

Khi chọn địa điểm này, nhà nước Việt cộng đã toan tính rằng: Chọn nơi xa Thái Hà để tách sự kiện ra khỏi Thái Hà, hơn thế, làm nàn lòng những đôi chân đi theo yểm trợ tình thần cho những người đi đòi Công Lý. Kết qủa, chính nhà nước đã giúp vốn cho toàn thành phố, rối cả nước và thế giới được dịp nhìn tận mắt một đoàn người đông đảo lên đến cả năm ngàn ngươi, tay cầm ngành vạn tuế, mặt tươi như hoa nở đi nối gót nhau qua các ngả đường, khu phố để đến Hà Đông hát Kinh Hòa Bình, đòi lại Công Lý. Và nhà nước lại dơ cái bộ mặt thô bạo, vô học bất nhân ra với những hàng hàng lớp lớp công an, bảo vệ, rào cản và chó ngiệp vụ trên đường phố và nơi xửa án. Há họ ngu đến nỗi, không biết rằng, những hình ảnh của đám công an ấy khi đưoc thu hình vào ông kiếng của khách ngoại quốc thì chúng sẽ bị đánh gía như thế nào chăng? Há chúng không biết rằng, đoàn ngưòi đi với ngành vạn tuế trên tay, đi vì mục đích xây dựng và đem lại công lý cho đời, lại có thể tạo ra bất ổn và làm hư hại tài sản của công của tư trên đường đi hay sao? Chính vì không đánh gía được sự thật này, vì chúng đã quen sống trong gian dối, nên mới chường ra ngoài những bộ mặt thô tục, bất nhân như chúng đã làm.

Có một chuyện bên lề là, khi tôi mở máy lên để theo dõi những tin tức và tình hình đang diễn ra ở Hà Nội vào ngày 27-3-2009, một vài người bạn chung sở, dĩ nhiên không phải là ngưòi Việt, nhìn thấy hàng hàng lớp lớp người cầm ngành Vạn Tuế đi như đi hội trên đường phố, họ hỏi tôi:

- Chuyện gì vậy, tại sao bên nưóc mày tổ chức Palm Sunday (Lễ Lá) sớm thế?

- Bố khỉ, ai bảo mày là Lễ Lá đấy. Họ đi ra toà để nghe xử án đấy.

Bốn con mắt của họ mở ra như không nhắm lại được nữa:

- Ông nội, ông bảo cái gì? Họ đi ra tòa án để nghe xử án ấy à? Tao chưa bao giờ nhìn thấy cảnh này xảy ra ở trên thế giới.

- Thì đây cũng là một trong những lần đầu xảy ra ở trên quê hương của tôi. Lần trưóc, cũng đoàn ngươi này đi dự sơ thẩm. Họ chỉ phải đi từ nơi tập trung đến chổ toà án chừng vài cây số thôi. Lần này họ đi bộ chỉ có 12km thôi.

Nghe thế, nó chắp tay trước mặt và cúi đầu xuống thật sâu trước mặt tôi:

- Tao lạy mày thôi Mr Giang, Ông doạ tôi vừa vừa thôi. Có ai lại đi bộ cả 12 cây số để mà tham dự phiên toà bao giờ? Chuyện mày nói nên ghi vào trong những thành tích thuộc kỷ lục của thế giới được đấy! Có phiên toà nào, phòng xử án nào đủ chỗ cho những ngưòi này vào tham dự?

- Vểnh tai trâu lên mà nghe tôi nói đây: Ở cái nước xã hội chủ nghĩa Việt cộng thì cái gì cũng lạ. Trước hết, chỉ có tám ngưòi mặc quần áo như đi nhận vòng hoa chiến thắng dẫn đầu kia là vào hầu tòa thôi. Còn những người này họ đi để hỗ trợ cho 8 ngưòi kia đấy!

- Con xin bái lạy giời thôi giời ạ! Nó bảo chỉ có 8 người bị đưa ra tòa, mà có cả mấy ngàn ngưòi vác cành vạn tuế đi theo để hỗ trợ tinh thần thì chỉ có Giời mới tin lời nó thôi chứ phần con thì xin… chịu! Mà họ bị ra toà về cái tội gi?

- Tội đến chung quanh nhà thờ cầu nguyện và hát kinh hòa bình!

Nghe thế, hai thằng bạn ngoại này qùy ngay xuống trước mặt tôi, rồi cúi đầu gần chạm đất!.

- Con lạy giời, chúng con xin lạy ông Mr Giang luôn thể cho tiện việc !

- Thôi hai con đứng lên đi. Xem cho hết những tấm hình này đi rồì ta sẽ giải thích cho các ngươi về những cái lạ của cái nhà nước Việt cộng này.

Nghe thế, hai người bạn kia chăm chỉ xem lại từng hình ảnh một và sau khi tôi kể lại câu chuyện vì họ đi đọc kinh, đòi lại khu đất đã bị Việt cộng chiếm đoạt, vẽ họa đồ, chia lô bán ra ngoài để lấy tiền bỏ túi. Chúng vung tay ra trưoơc mặt:

- Sao nhà nước không bỏ tù mẹ nó những thằng cướp đất cướp nhà của nhà thờ, của dân chúng đi.

- Nghe cho rõ đây, nhà nước là cái bọn cướp ấy thì ai bỏ tù chúng đây. Và hôm nay cướp xử giáo dân thì dân chúng đi theo mà hỗ trợ tinh thần cho họ đấy!

- Thật…. thật như thế à? Còn những tên công an này là ai? Chúng đi theo đoàn ngưòi để làm gì?

- Công an của kẻ cướp đấy. Chúng đã sẵn sàng ghi tên những ngươi đi hỗ trợ và tối mò đến nhà gọi họ ra đồn công an phỏng vấn, điều tra …. Và sẵn sàng ghép họ vào những tội như làm mất an ninh trật tự hoặc làm hư hại những rào cản trên đường đấy.

- Oh My God!

Tôi nhìn trả lại họ và chuyển những phần bài trong Vietcatholic bằng ngoại ngữ cho họ đọc. Hy vọng họ có thêm chút hiểu biết về những sự thật đang xảy ra ở trên quê hương tôi. Hỉểu những sự thật, những đê tiện của nhà nước đến những nỗi đau thương đầy bi tráng của người dân.

Riêng việc nhà nước ra lệnh cho đám quan tòa u mê kia giữ y bản án treo hôm nào, thật ra, không đi ra ngoài dự trù của tất cả mọi ngưòi. Tuy nhiên, người ta chỉ ngạc nhiên khi các quan toà u mê của cái chế độ ấy tuyên bố miệng rằng: "các ông các bà đòi công lý đến đây là chấm hết. Không còn được kháng cáo kiến đến gíam đốc thẩm để phá án nữa, có chăng chỉ còn đi khiếu nại vì oan ức thôi!”

Chuyện buồn cười chưa. Ở cái nước XHCN Việt cộng ấy cái gì cũng lạ. Tôi có nghe nói là ở đây cũng có đến ba cấp bậc trong hệ thống toà án do chính họ vẽ ra và bị cáo có quyền kháng án đến cả ba cấp tòa án này nếu thấy bản án về mình còn nhiều bất công, chưa được gỡ rối. Nhưng riêng trường hợp cáo buộc 8 giáo dân ở Thái Hà lại có sự kiện bất thường. Bất thường vì càng xử càng thấy mình ngu và rước nhục lây vào người nên quan tòa tự ý tuyên bố chấm dứt, cắt đi một cấp xử phá án cho nó tiện việc sổ sách! Qủa thật, ngoài Việt cộng ra, chẳng có một cái chế độ nào có thể làm được việc “ kinh thiên động địa” đến như thế! Sợ chưa?

Khi cả nước đã trao nhau ngành Vạn Tuế, Công Lý ngự trị mọi nơi, mọi nhà, giặc cộng không cần đánh cũng phải tan.
 
Ông cháu vô tội
Chương Dương
18:26 31/03/2009
“ ÔNG CHÁU VÔ TỘI ”
Thương mến tặng cháu bé mang tấm biển: “ ÔNG TÔI VÔ TỘI ”
và kính tặng bà con giáo dân Thái Hà cùng sự hiệp thông của các cộng đoàn.


Đã quá lâu tôi sống giả nơi này
Nay mới thấy giữa trời: Sự thật !
Tháng ba chớm nắng vàng như mật
Hàng vạn người như nước chảy về đây
Tổ tiên ơi ! Con tỉnh ? Hay say ?
Trước mắt con đây là mơ hay thật
Giữa giăng hàng dùi cui, kẽm sắt, …
Người Thái Hà bình thản hát Thánh Ca
Từ miệng con: Thiên Chúa bay ra
Lời Thiên Chúa- Liều thuốc tiên hằng sống !
Con dân Chúa ngồi im như bất động
Hát Thánh Kinh và Cầu Nguyện Hòa Bình
Từ Nhà Thờ thánh thót tiếng cầu kinh
Lạy Thiên Chúa, ban chúng con: SỰ THẬT
Cho chúng con nghị lực làm người
Cầu Nữ Vương – Công Lý của con ơi
Mẹ Hằng Sống trong đức tin vô tận
Nước mắt ôn hòa, an bình nghe tuyên án
Tám gương mặt thiên thần kiêu hãnh giữa linh thiêng
* *
Ta không thể nào cầm được trái tim
Khi thấy bé chừng ba, bốn tuổi
Mang tấm biển: “ÔNG TÔI VÔ TỘI”
Giữa nắng vàng, roi điện, dùi cui…
* *
Bà con ơi ! Anh chị em ơi
Không thể nói rằng, ta không thể khóc
Hàng vạn người có thể nào bất lực
Cuối chân trời SỰ THẬT lặn mất tăm !
Nước mắt tuôn tràn ta không thể cản ngăn
Giữa hiểm độc sao mặt người đẹp thế !
Các cộng đoàn đều chung một vẻ
Để nhận ra nhau: Công lý – Hòa Bình
Dân Thái Hà vô tội ! sáng lung linh
Có em bé – Người truyền tin của Chúa !

* Tại vườn hoa Hà Đông, sáng ngày 27/3/2009
Tâm tình của một người ngoại đạo
 
Gieo trong lệ sầu, Gặt trong hân hoan
Hạnh Nguyên
22:14 31/03/2009
“Gieo trong lệ sầu. Gặt trong hân hoan”. Đã qua rồi những tháng năm dài chịu: vu khống, áp bức, tù tội, máu chảy; rồi: phân biệt đối xử, cúi đầu chịu nhục và …bịt miệng. Kể từ ngày 27/3/2009, ánh bình minh của Công Lý và Sự Thật đã ló dạng. Người Công giáo Việt Nam những ngày qua thật sự hát Khúc Hoan Ca và Mừng Vui Lên dưới ánh chói loà bất tận của Mặt Trời Công Lý.

Những ngày sau phiên toà phúc thẩm xét xử 8 Giáo dân Thái Hà bị hàm oan, tôi luôn sống trong tâm trạng rộn rã và sự phấn chấn kỳ lạ. Có một cái gì đó thúc giục tôi suy gẫm về những chuyện đã qua:

- Đi theo những bước chân hùng anh của 8 bị can-Giáo dân Thái Hà là “một đoàn người đông đảo không thể đếm được”. Họ đi trong hàng ngũ và rất có trật tự, bước chân đều và đẹp, trẩy hội về Hà Đông. Tôi nhớ đến một địa danh mà 2000 năm trước, Vị Thầy Chí Thánh, Đấng đã vì yêu thương loài người chúng ta mà sẵn sàng phó dâng mạng sống. Đồi Golgotha, nơi những giọt Máu yêu thương cuối cùng của Chúa đổ ra, nơi chứng kiến những giờ phút sau cùng đầy bi lụy của Thầy Giêsu. Chính tại đồi Golgotha, Thầy đã giành lại sự sống cho con người từ tay thần chết Satan.

Từ Golgotha đến Hà Đông. Hà Đông chứng kiến những “bước chân gieo mầm cứu rỗi”. 64 năm rồi, người Công giáo Việt Nam lùi lũi sống trong tăm tối. Nay, ngẩng cao đầu đi trong tiếng hát của Sự Thật.

Bước chân của người Công Giáo Việt Nam không còn đơn độc. Đồng hành với họ là cả một đoàn người yêu chuộng công bằng. Sẵn sàng đấu tranh với bất công. Sẵn sàng góp tiếng nói cho tự do và lẽ phải.

“Đẹp thay những bước chân rão khắp nẻo đường”.

- Nhành lá thiên tuế, song hành với biểu ngữ Công Lý và Sự Thật, luôn được đôi tay giơ cao cùng với khuôn mặt rạng rỡ. Tất cả biểu hiện cho sự can trường, niềm tin chiến thắng, tràn ngập suốt 7 km đường về Hà Đông.

Nhành lá thiên tuế trên tay, đoàn người đang “Chúc tụng Đấng ngự đến nhân danh Đức Chúa”. Cảnh tượng thấy được nơi phiên xử phúc thẩm tại Hà Đông ngày 27/3 làm gợi đến hình ánh Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào Giêrusalem.

Làm sao không nhớ được những cách hành xử bất công và vô cùng trơ trẽn nhằm ngăn cản luật sư Luật thực hành quyền bào chữa cho 8 Giáo dân Thái Hà. Phúc Âm Chúa nhật 29/3 như khẳng định thêm chân lý mà Giáo dân Hà Nội quyết liệt đòi hỏi: Hạt lúa mì rơi vào lòng đất, có thối đi, muôn vàn bông lúa khác, mới nẩy sinh. Luật sư Huỳnh Văn Đông và luật sư Hoàng Cao Sang bào chữa cho các bị can trong phiên toà ngày 27/3 là những bông lúa vàng nẩy sinh từ hạt lúa mì chết đi Lê Trần Luật.

Trong ngày vào thành Giêrusalem, Chúa nói: “Họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ kêu lên”.

Không thể không nói tới thái độ lúng túng, khác thường, có phần run sợ của bộ máy đàn áp chuyên nghiệp trong 2 lần xử 8 Giáo dân. Sức ép các phong trào dân chủ trong nước, nhu cầu thực hành tâm linh (hình ảnh tượng Phật trang nghiêm nơi nhà riêng cựu Tổng Bí thư Đảng Lê Khả Phiêu), vấn đề quyền tư hữu của người dân. Cộng thêm sức ép các phong trào tiến bộ trên thế giới và các tổ chức quốc tế. Chắc chắn một ngày gần đây, người Công Giáo và cả dân tộc Việt Nam sẽ chứng kiến một sự thay đổi trong tinh thần của Công Lý và Sự Thật.

- Sự kiện 8 Giáo dân-bị can đã làm cho người cộng sản VN thật sự choáng váng. Những người chỉ biết tư lợi của đảng trên lợi ích dân tộc. Rồi sẽ không còn hình ảnh kiểu Phongxiô Philatô chỉ biết kết án, xong, rửa tay, vô tội.

- Bộ máy tuyên truyền có định hướng và được tổ chức tốt, đặc biệt là 2 loa Hà Nội Mới và VTV ra rả trước và sau phiên xử: nào là “ngoan cố”, nào là “phải vạch mặt và xử lý nghiêm những kẻ chủ mưu”. Làm cho người ta không khỏi nhớ tới 2 ông Anna và Caipha trong phiên toà xét xử Chúa Giêsu: “Chúng ta còn cần chi đến nhân chứng nữa? Các người đã nghe lời nói lộng ngôn. Các người nghĩ sao?”

Cứ chụp mũ, cứ gán tội: những bài học tuyên truyền được lập đi lập lại, sáo mòn và cũ rích trong thời buổi vô cùng nhạy bén và nhạy cảm này.

Và mai đây, ngày 27/3/2009 tại Hà Đông phải là một điểm son được tô đậm trong lịch sử, để con cháu muôn đời sau biết được khí phách hào hùng nhuốm đầy máu và khổ đau theo những bước chân của tổ tiên đi, đòi Công Lý và Sự Thật.

Người Công Giáo Tổng Giáo phận Hà Nội, thật đáng trân trọng và tự hào.
 
Tin Đáng Chú Ý
Sĩ Quan Việt Sắp Ðược Bổ Nhiệm Làm Hạm Trưởng Chiến Hạm Của HK
Saigon Echo
18:39 31/03/2009
Sĩ Quan Việt Sắp Ðược Bổ Nhiệm Làm Hạm Trưởng Chiến Hạm Của HK

Norfolk - Trước đây người ta thường nghe tin về sự thành công của các sĩ quan người Mỹ gốc Việt trong các binh chủng Không quân hay Bộ binh, Thủy Quân Lục Chiến, nhưng đến nay mới có một sĩ quan Hải quân người Mỹ gốc Việt được tin là sẽ được bổ nhiệm làm Hạm trưởng một chiến hạm của Hoa Kỳ.

Sĩ quan Hải quân Lê Bá Hùng sinh trưởng tại Huế, Việt Nam, là con của cựu sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa là Lê Bá Thông hiện đang cư ngụ tại Virginia, đã tốt nghiệp khóa huấn luyện sĩ quan Hải quân vào năm 1992, và có bằng Cử nhân về kinh tế. Ðầu tiên sĩ quan Hải quân Lê Bá Hùng được bổ nhiệm hoạt động trên chiến hạm USS Tinconderoga có bản doanh tại Norfolk tiểu bang Virginia, khi anh còn đeo lon Thiếu úy. Sau đó anh được chuyển sang phục vụ trên các chiến hạm USS Wasp và USS Huế City đóng tại Mayport tiểu bang Florida, và trở thành sĩ quan chỉ huy trên chiến hạm USS Curtis Wilbur đóng tại thành phố Yokosuka tại Nhật Bản.

Trong thời gian này anh cũng hoạt động trong đệ nhị Hạm đội của Hoa Kỳ, và đã tiếp tục theo học để tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ về nghiên cứu hoạt động từ trường hậu đại học của Hải quân công xưởng. Anh cũng tốt nghiệp văn bằng Tiến sĩ về hành chánh tại đại học quốc tế Touro. Anh từng được trao tặng nhiều huy chương cao quý của Hải quân Hoa Kỳ, và thành hôn với cô Lynn Lê ở Virginia Beach tiểu bang Virginia, họ có với nhau 2 người con.

Tin từ gia đình cho biết anh Lê Bá Hùng sẽ được giao phó chức vụ Hạm trưởng chiến hạm USS Lassen, lễ bàn giao Hạm trưởng sẽ được cử hành vào ngày 23 tháng 4 sắp tới tại căn cứ Hải quân Hoa Kỳ Yokosuka ở Nhật Bản, giữa cựu Hạm trưởng Anthony Simmons và tân Hạm trưởng Lê Bá Hùng. Ðây là một niềm hãnh diện lớn lao cho gia đình và cho cộng đồng người Việt tại hải ngoại.

 
Văn Hóa
Lá dừa Mùa Chay
Nguyễn Trung Tây, SVD
03:59 31/03/2009

Lá dừa Mùa Chay

Lá dừa mùa Chay, Ảnh Nguyễn Trung Tây

Mùa hè Úc Châu, xoài Darwin bán khắp nơi. Ăn xoài xong, tôi ơ hờ quẳng bỏ hột xoài. Bẵng đi một tháng, tôi nhìn thấy hột xoài vẫn nằm lẻ loi ngoài sân vườn. Nhìn hột xoài mốc meo, tôi không còn nhận ra hình dạng trái xoài Darwin to tròn thơm ngát ngày nào. Xót xa cho phận xoài, tôi cúi xuống đào lỗ làm đám tang chôn hột xoài. Rồi quên đi.

Thứ Ba trước ngày thứ Tư Lễ Tro, cha Giám Đốc chủng viện hỏi tôi còn giữ lại những lá dừa Lễ Lá năm ngoái hay không? Cha nhờ tôi đốt lá dừa lấy tro cho ngày Lễ Tro. Tôi đi vô phòng, cầm những lá dừa năm ngoái mang ra sân vườn. Nhìn những cánh lá khô quắt cong queo trên tay, tôi thấy lại lá dừa xanh năm ngoái. Hôm đó tôi mặc áo đỏ Lễ Lá vẩy nước phép lên những cành lá dừa xanh màu lá mạ. Màu xanh năm ngoái tươi vui giờ này đổi sang màu lá úa. Sợi lá dầy cứng năm xưa giờ này gầy ốm khẳng khiu. Nhìn đến là thương cho một kiếp thảo sinh. Tự nhiên tôi mơ ước nếu lá dừa đừng biến đổi màu sắc và hình thể. Tự dưng tôi thương tiếc cho đời lá ngắn ngủi. Bỗng nhiên tôi ngần ngại không muốn nổi lửa đốt lá dừa cháy ra tro.

Cách đây mấy tháng vào lúc nửa đêm bạn tôi gọi điện thoại báo tin thân phụ vừa qua đời. Bác trai tôi vẫn thường xuyên ghé vào thăm hỏi. Bác sinh ra tại phố Hàng Đào Hà Nội, di cư vào Ông Tạ Sài Gòn, sinh viên Sĩ Quan Đà Lạt, bay sang California tu nghiệp hai năm, tham dự hội chợ quốc tế Osaka tại Nhật rồi ở lại tu nghiệp thêm một năm, sau năm 75 quay lại về Bắc cải tạo Hoàng Liên Sơn mười năm, tái định cư tại Melbourne Úc Châu năm 90. Có lần tôi nói,

— Bác sinh ra bọc vải điều, lại có sao Thiên Mã. Cho nên bác đi từ Bắc vào Nam, bốn vùng chiến thuật dấu giầy ghi đậm. Mỹ bác cũng biết. Nhật bác cũng rành. Giờ lại đi Úc. Nhất bác.

— Ừ, bác thấy mình đi cũng nhiều thật. Mà lần nào cũng đi xa.

Nghĩ ngợi khoảng một giây, bác lại nói,

— Không biết lần này thì sao?

Tôi nhận ra ánh mắt bác đăm chiêu,

— Nghĩ đi nghĩ lại, thấy mình đúng là tro bụi…

Bác như đang nói với chính mình,

— Hành trình một đời người cũng đã xong. Hành lý cũng đã gọn gàng!

Tự nhiên bác buông lời gọn, âm tươi,

— Lần này thì lại đi…

Tháng trước tôi ghé vào bệnh viện thăm chồng cô em họ. Nhìn người nằm trên giường bệnh, tôi không nhận ra được khuôn mặt quen thuộc. Những sợi tóc đen dầy cứng giờ đã rụng hết, trơ lại bên trên vầng trán cao khoảng trống mênh mông. Màu da tuổi ba mươi giờ này không còn hồng hào nhưng bủng beo tai tái bởi căn bệnh hiểm nghèo. Dọc theo hai bên cánh tay bệnh nhân cắm sâu những ống chích, một bên dây máu đỏ và thuốc truyền vào, một bên dây nước biển. Tôi ngồi xuống bên giường bệnh muốn lắng nghe nhiều hơn. Nhưng bởi thuốc và bệnh, người bệnh cũng kiệt sức không nói nhiều. Tôi cầm quyển kinh, lúng túng chọn bài Phúc Âm. Cuối cùng, tôi chọn Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).

Sáng Chúa Nhật thánh lễ xong, tôi mang Mình Thánh Chúa đến tư gia cho cụ. Đầu giường nơi cụ nằm có tấm hình cụ ông và cụ bà thời còn trẻ. Trong hình, cụ quấn khăn nhung đen, cần cổ cao thon tròn đều kiềng vàng, má lúm đồng tiền để lộ hàm răng trắng đều, đôi mắt mở lớn long lanh, nhìn đẹp quá. Thấy tôi chăm chú nhìn bức hình, cụ nói,

— Cái hình thời mới di cư vào Nam đấy mà. Khi đó tôi sinh được cháu đầu lòng mới non một tháng. Đấy, cái đứa bé đang ẵm trên tay là nó đấy.

Nói chuyện một hồi, tôi mới biết “cháu đầu lòng mới non một tháng” giờ cũng đã có cháu nội,

— Đây hình mấy đứa chắt nội… Thằng nào giờ cũng lớn tướng cả rồi.

Nhìn hình cụ ngày xưa, tôi không cầm được, bật miệng khen,

— Cụ đẹp quá…

Cụ cười móm mém hai hàm răng,

— Cha nói, thì cũng là một thời hoa khôi trong xóm giáo nhà ta. Nhưng thôi, cũng chỉ là thế gian…

Vâng, thôi, cũng chỉ là thế gian, phận người cũng như phận lá, nhân sinh cũng như thảo sinh, tất cả cũng chỉ là bụi tro rồi sẽ quay về bụi tro. Tôi thôi tiếc xót cho một đời lá dừa, nhưng quyết định nổi lửa đốt lá. Ngọn lửa bừng bừng đốt cháy đổi màu lá úa sang màu nâu, rồi là xám tro, rồi đen tuyền, màu của đất lành dưỡng nuôi.

Thân phụ bạn tôi nhắm mắt lại. Theo lời yêu cầu của người chết, bạn tôi thiêu xác thân phụ. Sau nghi thức làm phép linh cửu tại nghĩa trang, nhân viên nhà quàn chuyển áo quan xuống lò đốt. Cửa lò đóng lại che lấp áo quan. Tới giây phút đó bạn tôi không còn cầm được nước mắt nữa, nhưng ngã gục vào vai tôi khóc nức nở. Chúng tôi quyết định bỏ về. Hôm sau quay lại chỉ để nhận được hũ tro.

Tôi hốt tro đen của lá dừa vô chén. Mang vô nhà nguyện, tôi đặt chén tro giữa cung thánh, chuẩn bị cho nghi thức Lễ Tro ngày mai. Nhìn tro lá dừa, tôi nghĩ tới hũ tro thân phụ người bạn và hũ tro tương lai thật gần của chồng cô em họ. Ngày hôm qua, gia đình nước mắt ngắn dài bàn chuyện hậu sự cho người thân ba mươi tuổi. Mọi người quyết định hỏa táng xác người thân. Tôi ngồi bên giường bệnh, tiếp tục đọc Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai hiền lành, vì họ sẽ được đất hứa làm gia nghiệp (Matt 5:4)…

Người bệnh hôm nay rất tỉnh,

— Xin cha cầu nguyện cho em…

Tôi lúng túng chọn lựa chữ nghĩa,

— Anh sẽ làm lễ… cầu bình an cho chú…

Tôi ngần ngại,

— Cho anh hỏi một câu có được không?

— Cha cứ hỏi…

— Anh cầu nguyện cho chú, nhưng chú có cầu nguyện cho mình hay không?

Người bệnh nói liền,

— Có chứ. Em cầu nguyện với Chúa nếu cho em làm lại, em sẽ sống khác…

— Khác như thế nào?

— Em sẽ thiết tha với cuộc sống nhiều hơn. Cha ơi, ba mươi năm trôi qua nhanh quá!

Ba mươi năm qua trôi nhanh thật. Tuổi ba mươi, có mấy người nghĩ hành trình trần thế sẽ chấm dứt, hành lý phải gọn gàng cho một chuyến đi xa.

Chiều ngày thứ Tư lễ Tro, tôi lại ghé vào nhà cụ, mang theo Mình Thánh Chúa để cụ rước lương thực thiêng liêng. Cụ nhìn tôi cười trơ hai lợi răng,

— Vất vả cha quá!

— Vậy là bác “nợ” cháu một lời kinh rồi nhé.

— Việc gì cứ phải một lời kinh. Tôi là tôi đọc cho cha ba tràng chuỗi mỗi ngày đấy.

— Cám ơn bác.

Tôi xức dấu thánh giá tro lên đầu cụ,

— Hãy nhớ mình là bụi tro…

Rồi tôi cho cụ rước lễ,

— Lạy Chúa, con không đáng Chúa ngự vào nhà con. Nhưng xin Chúa phán một lời thì linh hồn con sẽ lành mạnh.

— Amen.

— Mình Thánh Chúa Kitô,

— Amen.

Chuyện qua chuyện lại, cụ lật từng trang sách thời tây càn ngoài Bắc kể cho tôi nghe,

— Mỗi lần tây càn tổng bên cạnh, thầy u vội vàng đẩy tôi vào sâu trong hầm dưới sàn cung thánh nhà thờ họ giáo. Sống dưới chân Chúa có lần tới cả tuần lễ. Làm thân con gái thời loạn, thật khổ…

Tôi hỏi cụ,

— Tám mươi năm rồi, từ Bắc vô Nam, từ Nam qua Úc, bác có lời hay ý đẹp nào muốn truyền lại cho con cháu hay không?

Cụ mắng yêu tôi,

— Cha đến là khéo nói...

Nhìn thấy tôi ánh mắt thiết tha và thật thà, cụ chép miệng,

— Nhưng thôi, cha hỏi thì nói. Tám mươi năm rồi, tôi vẫn không có điều gì hối tiếc. Của thế gian thì thôi giả lại cho thế gian. Linh hồn của Chúa thì thôi giả lại cho Chúa. Cha thấy, mới tháng trước con cháu mừng sinh nhật linh đình lắm, hành trình tám mươi năm rồi, hành lý giờ đã gói ghém cẩn thận đâu ra đấy. Giá ngày mai Chúa có cất đi, tôi vẫn sẵn sàng. Còn cha, hành lý của cha đã bọc gói tới đâu rồi?

Tôi bước ra ngoài xe, tự hỏi nếu ngày hôm nay Chúa gọi tôi về, hành lý tu sĩ tôi đã sẵn sàng hay chưa?

Nhà dòng Ngôi Lời có phong tục xướng tên cha, hoặc thầy, hoặc nữ tu thuộc đại gia đình Ngôi Lời vào ngày lễ giỗ.

— Hôm nay chúng ta cầu nguyện cho linh hồn Cha Kevin, Thầy Sáu John, Sơ Mary…

Có những người tôi biết mặt, biết rõ.

Cha Kevin lớn tuổi, tính tình vui vẻ, bao dung. Gặp ai cũng cười mở miệng hỏi thăm. Nói chuyện với cha Kevin thì cười không dứt, bởi ngài có biệt tài kể chuyện tiếu lâm. Thế đấy! Buổi chiều vẫn thấy cha ngồi ăn cơm tối. Buổi tối trôi qua. Sáng không thấy cha đi lễ. Gọi điện thoại ngài không trả lời, ngoài lời nhắn văng vẳng từ trong máy. Mở cửa bước vào phòng chỉ để thấy cha Kevin nhắm mắt ngủ yên trên giường, chấm dứt hành trình bẩy mươi hai năm. Một người yêu đời, yêu người, luôn luôn rộng rãi với nhân gian qua nụ cười ân sủng, tôi tin cha Kevin hành lý ngài đã sẵn sàng.

Thầy Sáu John trẻ măng, đụng xe, mang vào bệnh viện, hai tuần sau nhắm mắt từ trần. Từ khi đụng xe cho tới khi mất đi, thầy Sáu John không bao giờ tỉnh lại. Cái tang của thầy Sáu John là một cái sốc dữ dội cho mọi người. Mọi người tham dự tang lễ hoặc sụt sùi hoặc nức nở thương tiếc cho một đời tu sĩ quá ngắn. Chỉ còn mấy tháng nữa thôi, thầy Sáu sẽ bước lên cung thánh. Nhưng chỉ bởi lơ đãng, một mạng người bị bôi xóa để lại bao nhiêu thương tiếc cho người còn sống. Hành trình hai mươi tám năm của thầy Sáu chấm dứt khi xe lật tung, quay mấy vòng trước khi đâm đầu vào lề đường xa lộ. Tôi không biết hành lý thầy Sáu John đã sẵn sàng hay chưa. Nhưng lần ghé thăm thầy trong phòng Cấp Cứu, tôi không thấy trên khuôn mặt nét đau đớn. Thầy nằm đó trên giường bệnh, đôi mắt nhắm lại như người đang ngủ mơ, một giấc mơ về cõi trời nơi đó thầy Sáu với hành lý gọn gàng đang bước tới.

Sơ Mary của tuổi năm mươi thì đặc biệt hơn. Có lần sơ kể tôi nghe,

— Lần đó thật là vớ vẩn, chẳng đâu vào với đâu. Hôm đó thứ Tư ăn chay. Buổi tối, đang dậy Giáo lý Lớp Tân tòng, tự nhiên toát mồ hôi, người lạnh toát, lao đao xiêu vẹo trên đôi bàn chân. Nhìn xuống lớp học, miệng muốn kêu cứu nhưng thở không ra… Thế là ngã té bất tỉnh… Mở mắt ra, thấy mình nằm trong phòng Cấp Cứu. Tưởng bị tim? Hóa ra tại người thiếu nước...

Sơ nói nho nhỏ vào tai tôi,

— Cũng tại hôm đó thứ Tư ăn Chay, Sơ lại không ăn không uống chi nguyên cả ngày. Hèn chi quỵ ngã! Lúc đang nằm trên băng ca xe cấp cứu, Sơ lại lẩn thẩn nghĩ ngợi nếu còn được sống để trở về với cõi trần gian, mình sẽ sống khác, sống thiết tha với mọi người và với mình nhiều hơn…

Vẫn lại cụm từ sống thiết tha mà tôi đã nghe từ miệng chồng cô em…

Yêu người Phi Châu, Sơ Mary xin đổi sang Sudan làm việc với người thổ dân. Trong một lần mắc kẹt giữa hai lằn đạn. Sơ nằm xuống kết thúc hành trình năm mươi năm. Nhà dòng đốt xác Sơ ra tro rải từ trên núi xuống đồng bằng theo lời yêu cầu của người nữ tu Dòng Chúa Thánh Linh. Tôi nhớ hôm tiễn Sơ tại phi trường bay sang Sudan, tôi thấy Sơ chỉ xách theo một vali hành lý. Sơ Mary lúc nào cũng vậy, hành lý nữ tu gọn gàng và sẵn sàng. Nhớ tới Sơ Mary, tôi hay đọc câu kinh,

— Phúc cho ai có lòng thương xót, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương (Matt 5:7)

Có lần chị tôi gọi điện thoại tới. Bà ấy than thở đứa con gái hư hỏng mất nết! Tôi buột miệng hỏi,

— Nó hư làm sao?

— Chị bảo nó học bác sĩ, nó cãi lại mẹ bỏ đi học ngành khác. Mà tưởng học ngành chi béo bổ, hóa ra nó đâm đầu vào ngành báo chí. Mà cậu biết rồi, con bé học giỏi nhất trường, năm nào cũng mang về bằng khen hạng nhất toàn trường. Con với cái, rõ là khổ!

Tiền điện thoại viễn liên không rẻ, nhưng tôi cứ phải tiếp tục nghe điệp khúc “học bác sĩ”, “cãi lại mẹ”, “ học báo chí”, “ơi là khổ” hơn cả tiếng đồng hồ. Tự nhiên tôi cũng thấy thật tình là khổ cho bà chị và cho mình,

— Chị ơi, con chị nó có hành lý của riêng nó. Còn chị, chị đã chuẩn bị hành lý cho mình hay chưa?

— Hành lý? Cậu nói hành lý nào?

Như một phép lạ, người bệnh ba mươi tuổi hồi sinh. Sau một lần giải phẫu theo triết lý còn nước còn tát, cơn bệnh hiểm nghèo bị đẩy lui. Nhận được tin mừng, tôi ghé vào bệnh viện. Người vợ đứng ngay bên giường bệnh nghẹn ngào nói,

— Cô em ruột của anh ấy đang đi hành hương đất thánh. Ngày nào cũng gọi điện thoại về. Em nhờ cô ấy cầu nguyện cho. Cô ấy còn ghé vào cả chỗ Bức Tường Than Khóc nữa. Bệnh của nhà em chỉ có Chúa chữa. Thật đúng là phép lạ!

Tôi ngồi xuống bên cạnh giường người vừa nhận được phép lạ. Tôi lại giở cuốn kinh, đọc lại lời Tám Mối Phúc Thật,

— Phúc cho ai sầu khổ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an (Matt 5:5).

Đọc kinh xong, thấy người hồi phục mắt nhắm lại như thiu thiu ngủ, tôi yên lặng đứng dậy, tính đi về. Nhưng người bệnh đã mở mắt ra, thần sắc rạng rỡ nhìn tôi nhoẻn miệng cười,

— Cám ơn cha đã cầu nguyện cho em…

— Cám ơn Chúa thì đúng nhất… Nhưng cũng đừng có quên, chính chú cũng đã cầu nguyện cho mình.

— Cha nói đúng, hồi xưa em mở miệng ra là nhờ vả người khác cầu nguyện. Riêng mình thì chẳng bao giờ chịu mở miệng cầu nguyện với Chúa.

— Anh nhớ có lần chú nói nếu Chúa cho cơ hội làm lại…

— Em nhớ chứ, em đã cầu nguyện với Chúa nếu cho con sống lại, con sẽ sống khác, sống thiết tha với đời và với mình hơn…

— Anh không hiểu sống thiết tha là sống như thế nào?

Người hồi phục nhìn lên trần nhà rồi nhìn qua khung cửa,

— Hồi trước em chỉ nghĩ tới tiền. Em muốn có thật nhiều tiền để vợ con hạnh phúc, thiên hạ phải nể phục, bởi em tin tưởng vào triết lý, “Miệng kẻ sang có gang có thép!”. Nhưng hai tháng vừa rồi nằm trên giường bệnh, ngày nào em cũng chỉ thấy bóng em một mình đổ dài trên vách tường. Em đau, một mình em chịu. Em khóc, một mình em hay. Nếu em nhắm mắt lại chết đi, vẫn chỉ một mình mình đi. Sáng sáng em thấy cảnh đời vẫn nhộn nhịp tấp nập bên khung cửa. Mặt trời vẫn rộn ràng, chim vẫn hót líu lo, xe bus vẫn dừng lại ngay trước cửa trạm. Tự nhiên em thấy tiếc cho một quãng thời gian ba mươi năm dài em sống không thiết tha với cuộc đời và với mình.

Người hồi phục kết luận,

— Giờ đã sống lại, em cũng sẽ làm lại hành lý cuộc đời.

Tôi nhận ra đôi mắt của người hồi phục long lanh nước mắt.

Trời mùa hè Úc Châu tiếp tục thiêu đốt cư dân tiểu bang Victoria. Chiều hôm nay, bầu khí oi nồng ẩm thấp gọi mời tôi rời bỏ văn phòng bước ra sân vườn. Nhìn xuống, tôi khám phá ra lần đốt lá dừa lấy tro, mình đã làm rớt một cành lá dừa xuống đất. Bốn mươi ngày mùa Chay vừa qua, lá dừa bị bỏ quên vẫn nằm im lìm trên sân vườn, vẫn khô quắn cong queo. Tôi cúi xuống nhặt lên cành lá. Thật bất ngờ, tôi nhìn thấy cây xoài xanh non bé tí ti nhú cao được hơn một gang tay. Gió hè oi nồng thổi nhẹ rung rinh ba chiếc lá non mà tưởng như cây xoài bé con đang giơ tay vẫy chào. Nhìn cây xoài bé tí, tôi không nhận ra hình dạng của hột xoài mốc đen ngày nào. Nhìn cây xoài xanh non, tôi nhận ra trái xoài ngày nào đã đi hết hành trình thảo mộc. Bây giờ cây xoài con mới mở ra ba cánh lá lại đang chập chững những bước đi mới cho một cuộc hành trình mới.

Tôi nhìn lá dừa còn sót lại. Lá dừa đã đi hết hành trình thảo mộc. Giờ này lá dừa cũng đã sẵn sàng hành lý để được hóa thân. Tôi lại nổi lửa đốt lá dừa ra bụi tro. Lần này tôi không mang tro vô nhà nguyện nữa, nhưng rắc chung quanh gốc cây xoài con làm chất màu nuôi dưỡng cây non… Tôi vô nhà nguyện. Quỳ dưới cung thánh, tôi ngẩng lên nhìn Chúa chết lặng lẽ trên cây thập giá. Qua mái vòm trên cung thánh, nắng hè hoàng hôn tiếp tục xiên xiên chiếu sáng một khoảng thân xác loang lổ máu đỏ của Chúa. Chúa trên cây thập giá đã đi hết hành trình ba mươi ba năm. Hành lý Ngài lúc nào mà chẳng gọn gàng, cho nên có tới ba lần Chúa đã tiên đoán trước về cuộc tử nạn của mình. Hôm nay thứ Sáu Tuần Thánh. Chiều nay xác Ngài được tháo xuống, chôn sâu trong mộ. Lung linh trong tia nắng chiều tàn của ngày tử nạn trên đồi Golgotha, tôi nhận ra hình ảnh Phục Sinh của ngôi mộ trống. Tôi lật Phúc Âm thánh sử Mátthêu, đọc tiếp,

Sau ngày Sabát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Maria Mađalêna và một bà Maria khác, đi viếng mộ. Và kìa, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên; diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Ðức Giêsu, Ðấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã sống dậy như Người đã nói” (Matt 28:1-6).

Đến bây giờ tôi mới hiểu, bởi Đức Giêsu đã chết đi, chôn trong mộ, hạt giống đức tin mới bắt đầu nứt vỏ nẩy ra một mầm sống mới, mầm sống Giáo hội. Hai ngàn năm rồi mầm sống Giáo hội tiếp tục vươn cao hóa ra cây Giáo hội ngàn đời xanh tươi. Tự nhiên tôi lại nhớ tới trái xoài Darwin ngọt ngào, hột xoài mốc meo, và cây xoài xanh non ba lá trong sân vườn chủng viện. Ơn trời đổ xuống, tôi cảm nghiệm nhiều hơn về khái niệm và ý nghĩa của Mùa Chay và Mùa Phục Sinh.

www.nguyentrungtay.com
 
William Holman Hunt đã tạo cho mình một loại hình nghệ thuật
Jos Tú Nạc
16:51 31/03/2009
Nhiều người Việt Nam còn nhớ khá rõ là, ngày 3-2-1930 chi bộ cộng sản đầu tiên được tổ chức ở Việt Nam mang tên là đảng Cộng sản Đông dương. Tổ cộng sản lúc ấy cũng chỉ có năm ba ngoe, thuộc hàng vô danh tiểu tốt và hoàn toàn xa lạ với cuộc sinh hoạt chính trị ở Việt Nam. Nhưng chúng thực sự biết lợi dụng lòng dân trong cao trào chống ngoại xâm và đưa ra cái bánh vẽ thật lớn: Giải phóng dân tộc và san bằng bất công trong xã hội. Dân đang bị làm nô lệ cho ngoại bang, nay được giải thoát khỏi đời nô lệ ai không thích. Riêng việc nhà nước cướp hết của của nhà giàu chia cho nhà nghéo thì có mấy ai mà không đi cướp theo!

Tuy miếng mồi béo bở ngon ngọt, nhưng chúng cũng chẳng thu lượm được bao nhiêu hậu thuẫn. Trái lại, khi bước vào động, chúng còn phải đi cậy nhờ đến những tên tuổi như các cụ Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh đỡ đầu, nói hộ chúng vài câu để chúng có cơ hội mà bước vào sinh hoạt với đồng bào. Nhưng chẳng bao lâu sau, hoạt động vì công ích thì không thấy, chỉ thấy những hành động mang tính chất tội ác của chúng vang dội khắp nơi ở trong nước. Đi đến đâu ngưòi ta cũng lắc đầu, lè lưõi, lo sợ khi nói đến tội ác khảo của, giết ngưòi do bọn cán bộ đầu não cộng sản gây ra, dù chưa mấy người nhìn thấy mặt thật của chúng. Ấy là chưa kể đến câu chuyện khá phổ quát trong nhân dân, lúc bấy giờ họ bảo nhau là bọn Vẹm nó có đuôi. Tuy có chuyện đồn đãi ấy, nhưng cũng chưa mấy người giải đáp được thắc mắc là, không biết bọn này có đuôi dài ngắn ra sao mà chúng ác độc đến như thế?

Nếu là một tổ chức đứng đắn khác, khi bị mang tai tiếng là có những hành động độc ác, bất nhân như thế, chắc chắn kẻ lãnh đạo của tổ chức phải dừng tay tội ác lại. Hơn thế, phải nghiêm chỉnh kiểm chứng để chấm dứt những hành động này. Đồng thời, phải chứng minh cho mọi người biết rằng, chúng không có đuôi và cũng không độc ác như người ta thường rỉ tai với nhau về chúng. Kế đến, phải trình báo cho mọi ngươi biết việc lỡ tay giết ngưòi kia chẳng qua chỉ là những lỗi lầm của một vài cán bộ thừa hành, chúng đã bị khai trừ và giao cho công quyền sử lý rồi, vì tổ chức không có chủ trương bạo ác.

Đó là lẽ thường, nhưng Việt Minh cộng sản không hành động theo những lẽ thường tình ấy. Trái lại, Hồ chí Minh là kẻ có chủ trương bạo ác. Đi đến làng mạc nào, khu phố nào chúng đểu dùng chung một sách lược. Kết nạp những thành phần bất hảo của xã hội trong vùng để thủ tiêu và chặt đầu vài ba ngưòi tai mắt để cho dân chúng trong vùng phải hoảng sợ mà tuân theo những chỉ thị của chúng. Những tưởng sách lược này thất bại, ai ngờ Hồ chí Minh đã thành công nhớn bằng chính con đường thủ tiêu và đấu tố này để, trước là cướp được chính quyền, sau là trấn áp toàn bộ đời sống của nhân dân.

Thực vậy, bất cứ nơi đâu, trước khi Việt Minh đặt chân đến, người dân đã trắng mắt lo sợ,bàn tán phưong cách ứng đối nếu một khi phải nhìn thấy chúng. Nên khi nhìn thấy chúng thật, thì trăm người như một đều có chung một định hướng là bỏ chạy. Chạy không kịp thì đều răm rắp mà tuân thủ theo mệnh lệnh của chúng áp đặt. Nhưng cả trong trường hợp đã nằm dưới gọng kìm của chúng quản trị, Việt cộng cũng không từ bỏ con đưòng “sát nhân, khủng nhân”. Trái lại, việc “sát nhân, khủng nhân” được đưa vào kế hoạch chiến lược của đảng, ngõ hầu đạt yêu cầu trong việc trấn áp toàn bộ từ đời sống đến tinh thần trong tất cả moị sinh hoạt thường nhật của người dân.

Nên nếu hỏi rằng, có một ngưòi dân nào ăn no ngủ yên, không lo sợ trong thời Việt cộng, đặc biệt là trong thời đấu tố từ 1953-1955? Có một làng mạc và một khu phố nào không có người bị Việt cộng đấu tố trong thời gian này? Câu trả lời sẽ là không! Không thể tìm ra được. Dân đã thế, ngay trong hàng ngũ cán cộng. Bộ đội của chúng cũng phải biết đấu tố lẫn nhau và rồi, con, cháu thì về làng để đấu tố bố mẹ và họ hàng thân thích của mình. Kết qủa, sau cuộc đấu tố man rợ ấy. Niềm tin giữa con ngưòi với con ngưòi, giữa con người với tôn giáo và xã hội coi như đã hoàn toàn bị tiêu diệt. Con ngươi sống dưới cái chế độ tàn bạo ấy chỉ còn lại đôi mắt trắng và nhìn nhau bằng sự nghi ngờ, thù hận. Nhưng nếu, toàn thể nhân loại có lên án và nguyền rủa những tội ác của Hồ chí Minh và tập đoán bất nhân Việt cộng đã gây ra cho nhân dân Việt Nam, thì Hồ chí Minh và tập đoàn Việt cộng lại … giết chó ăn mừng và hồ hởi, phấn khởi vì kế hoạch “sát nhân đã khủng nhân” hoàn toàn thắng lợi, đã giúp chúng nắm trọn lấy bạo quyền.

Sáu mươi năm lẻ những bức sơn dầu bởi William H. Hunt, một họa sỹ người Anh trong cuộc triển lãm Tội lỗi và Sự Cứu rỗi: Holman Hunt và Pre-Raphaelite Vision (Raffaello Sanzio, 1483 – 1520, Italian painter whose refined elegant style epitomize the humanistic spirit of the high Renaissance, influenced by Perugino, Leonardo da Vinci, and Michelangelo) hiện được triển lãm tại phòng trưng bày nghệ thuật Ontario, không phải là điều dễ dàng đối với người thường thích tới viện bảo tàng thời nay.

Những họa sỹ của trăm năm qua mà tác phẩm của họ hiện chúng ta đang thưởng thức, từ Monet đến Nhóm Bảy Họa sỹ Châu Âu và Bắc Mỹ hiện hành, đã quen thuộc đối với chúng ta để mặc sức tận hưởng, dùng cọ lông để diễn tả và thể hiện dưới dạng tranh vẽ (khi những bức tranh sơn dầu hoàn toàn không trừu tượng) của những sự việc và không gian hiện đại tầm thường. Những bức họa của Hunt, ngược lại, chính xác hiện thực, hướng tới những chi tiết nhỏ nhất của cỏ cây, y phục hoặc trang trí nội thất. Ông thường minh họa những câu chuyện, vì nghệ thuật ít khi đề cập đến, luôn được lấy từ Thánh kinh hoặc của Shakespeare hoặc đôi khi từ những giai thoại luân lý đạo đức. Và mỗi bức tranh tìm ra một bài học được rút ra theo chủ quan kiên định của Hunt từ thời kỳ văn học mid-Victorian (The Victorian age: one characteristic of Victoria literature – especially prose – is the high moral purpose allied to a Romantic technique: languagr is rich and highly ornamental, a reflection of the new “Gothic” architecture with its – to us – tasteless collaboration of design.), ý thức Thiên Chúa giáo về chính và tà.

Nhưng nếu nghệ thuật của Hunt có vẻ xa lạ đối với những cái nhìn của thế kỷ XXI, cái nhìn tổng quát quan trọng này về tác phẩm của ông thì dường như mọi người đều sẽ bị thu hút từ sức quyến rũ thuộc lĩnh vực hội họa từ năm 1800. Và có lẽ đặc biệt đối với những ai tin rằng một điều gì đó quan trọng – ý nghĩa tôn giáo và luân thường đạo lý, hoặc một cảm nhận lịch sử - đã biến mất từ hội họa hiện đại. Hunt chắc hẳn đã tin rằng nền hội họa trong thời kỳ của ông, đã bén rễ trong các nhà Họa sỹ Tiền bối (Old Master: the famous painters especially from the 15th to 18th century – Europe) đã đánh mất phương thức của nó. Từ những năm giữa thế kỷ XIX cho đến khi cái chết của ông vào năm 1910, ông đã cố gắng truy tìm để khôi phục những câu chuyện kể mang tầm vóc của không gian ba chiều trong nghệ thuật, cùng với sức mạnh của nó (đã bị loại bỏ trong nghệ thuật Châu Âu), trong cái nhìn của ông, thời kỳ Phục hưng để truyền đạt chân lý và đạo đức.

Trong số những thành quả lao động của ông là một trong những bức tranh phổ biến rộng rãi nhất đã được trưng bày bất cứ nơi đâu vào thế kỷ của Hunt. Một phiên bản về bức họa “The Light of the World” (Ánh sáng trần gian” – Chúa Jesus phục sinh, chiếc đèn trong tay, gõ cửa một túp lều giữa tăm tối trời đêm – đã đi nhiều nơi thuộc Đế quốc Anh (gồm Canada) vào giữa năm 1905 – 1907, đã cuốn hút những đám đông khổng lồ. Tiếng tăm của bức tranh này đã mở rộng thông qua vô vàn bức điêu khắc, bưu thiếp, và thậm chí trên những cửa sổ thủy tinh (nhiều) màu.

“Lặng nhìn, Ta đứng bên cửa và gõ”: thông điệp của bức họa biểu tượng này rõ ràng và hoàn toàn trong sáng như những gì Hunt đã thực hiện trong 50 năm trước chuyến đi của “The Light of the World”. Sự tìm kiếm của ông cho cái nhìn trong sáng được thể hiện từ những ngày ngồi trên ghế của trường nghệ thuật, khi ông đã đi đến tan tành mộng tưởng với hội họa cổ điển sau đó trong mốt thời trang. Nhưng thời điểm quan trọng trong việc hình thành với tư cách là một họa sỹ bước vào năm 1848 khi ông tham gia vào những lực lượng cùng với những thi sỹ và họa sỹ Anh có cùng khuynh hướng (gồm John Everett Millais và Dante Gabriel Rossetti) để thành lập Pre-Raphaelite Brotherhood. Nhóm này đã chia sẻ một bất đồng về nghệ thuật Châu Âu từ khi Raphael và Renaissance, và đã tuyên thệ một nghệ thuật canh tân của những ý tưởng đạo đúc và tôn giáo.

Vì những phe phái nghệ thuật luôn luôn hành động, Brotherhood chẳng bao lâu đã “tan đàn sẻ nghé”, nhưng Hunt tiếp tục cái nhìn nghệ thuật của mình trong những ngày còn lại. Những bức họa triển lãm đã biệu lộ chiều sâu tuyệt đối về lời cam kết nồng nàn của Hunt. Những biểu tượng phong phú đang Thức Tỉnh Lương Tâm (1853 – 1854), chẳng hạn, với sự chú ý tinh tế đến từng đường ren trên y phục và chi tiết trang hoàng, nắm bắt được thời điểm đúng lúc khi một thiếu phụ bị ràng buộc đột nhiên nhận thức được sự mất phẩm giá từ cái vỗ của tình nhân. Một Isabella tinh tế, và một Pot của Brasil (1866 – 68) dựa trên một bài thơ của Keats, dạy cho chúng ta làm thế nào để thương tiếc một cách đúng đắn và vị tha trước cái chết bất công của người thân. Và vân vân …, thông qua phạm trù đạo đức một cách qui mô đặc biệt, những đề tài tâm lý và Kinh thánh.

Nếu Humt không thành công trong việc phục hồi truyện kể tới một vị trí cao mà nó đã được hưởng trong nền nghệ thuật trung đại – đã không có những người theo ông và vào lúc ông nhắm mắt thì ông đã được xem như người qua đường bởi những người sành sỏi – nghệ thuật trong cách biểu thị này, tuy nhiên, là một lời phát biểu đặc biệt tới sự khao khát của một họa sỹ đã tạo ra một nghệ thuật tâm linh.

(Nguồn “The Catholic Register”)
 
William Holman Hunt đã tạo cho tâm linh một loại hình nghệ thuật
Jos. Tú Nac, NMS
16:54 31/03/2009
WILLIAM HOLMAN HUNT ĐÃ TẠO CHO TÂM LINH MỘT LOẠI HÌNH NGHỆ THUẬT

Sáu mươi năm lẻ những bức sơn dầu bởi William H. Hunt, một họa sỹ người Anh trong cuộc triển lãm Tội lỗi và Sự Cứu rỗi: Holman Hunt và Pre-Raphaelite Vision (Raffaello Sanzio, 1483 – 1520, Italian painter whose refined elegant style epitomize the humanistic spirit of the high Renaissance, influenced by Perugino, Leonardo da Vinci, and Michelangelo) hiện được triển lãm tại phòng trưng bày nghệ thuật Ontario, không phải là điều dễ dàng đối với người thường thích tới viện bảo tàng thời nay.

Những họa sỹ của trăm năm qua mà tác phẩm của họ hiện chúng ta đang thưởng thức, từ Monet đến Nhóm Bảy Họa sỹ Châu Âu và Bắc Mỹ hiện hành, đã quen thuộc đối với chúng ta để mặc sức tận hưởng, dùng cọ lông để diễn tả và thể hiện dưới dạng tranh vẽ (khi những bức tranh sơn dầu hoàn toàn không trừu tượng) của những sự việc và không gian hiện đại tầm thường. Những bức họa của Hunt, ngược lại, chính xác hiện thực, hướng tới những chi tiết nhỏ nhất của cỏ cây, y phục hoặc trang trí nội thất. Ông thường minh họa những câu chuyện, vì nghệ thuật ít khi đề cập đến, luôn được lấy từ Thánh kinh hoặc của Shakespeare hoặc đôi khi từ những giai thoại luân lý đạo đức. Và mỗi bức tranh tìm ra một bài học được rút ra theo chủ quan kiên định của Hunt từ thời kỳ văn học mid-Victorian (The Victorian age: one characteristic of Victoria literature – especially prose – is the high moral purpose allied to a Romantic technique: languagr is rich and highly ornamental, a reflection of the new “Gothic” architecture with its – to us – tasteless collaboration of design.), ý thức Thiên Chúa giáo về chính và tà.

Nhưng nếu nghệ thuật của Hunt có vẻ xa lạ đối với những cái nhìn của thế kỷ XXI, cái nhìn tổng quát quan trọng này về tác phẩm của ông thì dường như mọi người đều sẽ bị thu hút từ sức quyến rũ thuộc lĩnh vực hội họa từ năm 1800. Và có lẽ đặc biệt đối với những ai tin rằng một điều gì đó quan trọng – ý nghĩa tôn giáo và luân thường đạo lý, hoặc một cảm nhận lịch sử - đã biến mất từ hội họa hiện đại. Hunt chắc hẳn đã tin rằng nền hội họa trong thời kỳ của ông, đã bén rễ trong các nhà Họa sỹ Tiền bối (Old Master: the famous painters especially from the 15th to 18th century – Europe) đã đánh mất phương thức của nó. Từ những năm giữa thế kỷ XIX cho đến khi cái chết của ông vào năm 1910, ông đã cố gắng truy tìm để khôi phục những câu chuyện kể mang tầm vóc của không gian ba chiều trong nghệ thuật, cùng với sức mạnh của nó (đã bị loại bỏ trong nghệ thuật Châu Âu), trong cái nhìn của ông, thời kỳ Phục hưng để truyền đạt chân lý và đạo đức.

Trong số những thành quả lao động của ông là một trong những bức tranh phổ biến rộng rãi nhất đã được trưng bày bất cứ nơi đâu vào thế kỷ của Hunt. Một phiên bản về bức họa “The Light of the World” (Ánh sáng trần gian” – Chúa Jesus phục sinh, chiếc đèn trong tay, gõ cửa một túp lều giữa tăm tối trời đêm – đã đi nhiều nơi thuộc Đế quốc Anh (gồm Canada) vào giữa năm 1905 – 1907, đã cuốn hút những đám đông khổng lồ. Tiếng tăm của bức tranh này đã mở rộng thông qua vô vàn bức điêu khắc, bưu thiếp, và thậm chí trên những cửa sổ thủy tinh (nhiều) màu.

“Lặng nhìn, Ta đứng bên cửa và gõ”: thông điệp của bức họa biểu tượng này rõ ràng và hoàn toàn trong sáng như những gì Hunt đã thực hiện trong 50 năm trước chuyến đi của “The Light of the World”. Sự tìm kiếm của ông cho cái nhìn trong sáng được thể hiện từ những ngày ngồi trên ghế của trường nghệ thuật, khi ông đã đi đến tan tành mộng tưởng với hội họa cổ điển sau đó trong mốt thời trang. Nhưng thời điểm quan trọng trong việc hình thành với tư cách là một họa sỹ bước vào năm 1848 khi ông tham gia vào những lực lượng cùng với những thi sỹ và họa sỹ Anh có cùng khuynh hướng (gồm John Everett Millais và Dante Gabriel Rossetti) để thành lập Pre-Raphaelite Brotherhood. Nhóm này đã chia sẻ một bất đồng về nghệ thuật Châu Âu từ khi Raphael và Renaissance, và đã tuyên thệ một nghệ thuật canh tân của những ý tưởng đạo đúc và tôn giáo.

Vì những phe phái nghệ thuật luôn luôn hành động, Brotherhood chẳng bao lâu đã “tan đàn sẻ nghé”, nhưng Hunt tiếp tục cái nhìn nghệ thuật của mình trong những ngày còn lại. Những bức họa triển lãm đã biệu lộ chiều sâu tuyệt đối về lời cam kết nồng nàn của Hunt. Những biểu tượng phong phú đang Thức Tỉnh Lương Tâm (1853 – 1854), chẳng hạn, với sự chú ý tinh tế đến từng đường ren trên y phục và chi tiết trang hoàng, nắm bắt được thời điểm đúng lúc khi một thiếu phụ bị ràng buộc đột nhiên nhận thức được sự mất phẩm giá từ cái vỗ của tình nhân. Một Isabella tinh tế, và một Pot của Brasil (1866 – 68) dựa trên một bài thơ của Keats, dạy cho chúng ta làm thế nào để thương tiếc một cách đúng đắn và vị tha trước cái chết bất công của người thân. Và vân vân …, thông qua phạm trù đạo đức một cách qui mô đặc biệt, những đề tài tâm lý và Kinh thánh.

Nếu Humt không thành công trong việc phục hồi truyện kể tới một vị trí cao mà nó đã được hưởng trong nền nghệ thuật trung đại – đã không có những người theo ông và vào lúc ông nhắm mắt thì ông đã được xem như người qua đường bởi những người sành sỏi – nghệ thuật trong cách biểu thị này, tuy nhiên, là một lời phát biểu đặc biệt tới sự khao khát của một họa sỹ đã tạo ra một nghệ thuật tâm linh.

Nguồn “The Catholic Register”
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền: Gia Đình
Bro. Phạm Ngọc Thạch, cmc.
06:25 31/03/2009

GIA ĐÌNH



Ảnh của Bro. Phạm Ngọc Thạch CMC, Carthage, MO.

Anh em một khí huyết dây

Cũng như người có tay chân khác gì

Ai ơi lấy đấy mà suy

Có câu đường lệ trong thi để truyền.

(Ca dao)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng Ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền