Ngày 28-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thứ Năm Tuần Thánh 28/3: Thánh Lễ Tiệc Ly dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:03 28/03/2024

BÀI ĐỌC 1  Xh 12:1-8,11-14

Bài trích sách Xuất hành.

Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Mô-sê và ông A-ha-ron trên đất Ai-cập:

“Tháng này, các ngươi phải kể là tháng đứng đầu các tháng, tháng thứ nhất trong năm. Hãy nói với toàn thể cộng đồng Ít-ra-en:

Mồng mười tháng này, ai nấy phải bắt một con chiên cho gia đình mình, mỗi nhà một con. Nếu nhà ít người, không ăn hết một con, thì chung với người hàng xóm gần nhà mình nhất, tuỳ theo số người.

Các ngươi sẽ tuỳ theo sức mỗi người ăn được bao nhiêu mà chọn con chiên. Con chiên đó phải toàn vẹn, phải là con đực, không quá một tuổi. Các ngươi bắt chiên hay dê cũng được.

Phải nhốt nó cho tới ngày mười bốn tháng này, rồi toàn thể đại hội cộng đồng Ít-ra-en đem sát tế vào lúc xế chiều, lấy máu bôi lên khung cửa những nhà có ăn thịt chiên. Còn thịt, sẽ ăn ngay đêm ấy, nướng lên, ăn với bánh không men và rau đắng.

Các ngươi phải ăn thế này: lưng thắt gọn, chân đi dép, tay cầm gậy. Các ngươi phải ăn vội vã: đó là lễ Vượt Qua mừng Đức Chúa.

Đêm ấy Ta sẽ rảo khắp đất Ai-cập, sẽ sát hại các con đầu lòng trong đất Ai-cập, từ loài người cho đến loài thú vật, và sẽ trị tội chư thần Ai-cập: vì Ta là Đức Chúa. Còn vết máu trên nhà các ngươi sẽ là dấu hiệu cho biết có các ngươi ở đó.

Thấy máu, Ta sẽ vượt qua, và các ngươi sẽ không bị tai ương tiêu diệt khi Ta giáng hoạ trên đất Ai-cập.

Các ngươi phải lấy ngày đó làm ngày tưởng niệm, ngày đại lễ mừng Đức Chúa. Qua mọi thế hệ, các ngươi phải mừng ngày lễ này: đó là luật quy định cho đến muôn đời.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  1Cr 11:23-26

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, điều tôi đã lãnh nhận từ nơi Chúa, tôi xin truyền lại cho anh em: Trong đêm bị nộp, Chúa Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng tạ ơn, rồi bẻ ra và nói: “Đây là Mình Thầy, hiến dâng vì anh em; anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Cũng thế, sau bữa ăn, Người cầm lấy chén rượu và nói: “Chén này là Giao Ước Mới, lập bằng Máu Thầy; mỗi khi uống, anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.”

Thật vậy, cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Ga 13:34

Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới,
là anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em.

TIN MỪNG  Ga 13:1-15

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gio-an.

Trước lễ Vượt Qua, Đức Giê-su biết giờ của Người đã đến, giờ phải bỏ thế gian mà về với Chúa Cha. Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.

Ma quỷ đã gieo vào lòng Giu-đa, con ông Si-môn Ít-ca-ri-ốt, ý định nộp Đức Giê-su. Đức Giê-su biết rằng: Chúa Cha đã giao phó mọi sự trong tay Người, Người bởi Thiên Chúa mà đến, và sắp trở về cùng Thiên Chúa, nên trong một bữa ăn, Người đứng dậy, rời bàn ăn, cởi áo ngoài ra, và lấy khăn mà thắt lưng.

Rồi Đức Giê-su đổ nước vào chậu, bắt đầu rửa chân cho các môn đệ và lấy khăn thắt lưng mà lau.

Vậy, Người đến chỗ ông Si-môn Phê-rô, ông liền thưa với Người: “Thưa Thầy! Thầy mà lại rửa chân cho con sao?” Đức Giê-su trả lời: “Việc Thầy làm, bây giờ anh chưa hiểu, nhưng sau này anh sẽ hiểu.”

Ông Phê-rô lại thưa: “Thầy mà rửa chân cho con, không đời nào con chịu đâu!”

Đức Giê-su đáp: “Nếu Thầy không rửa cho anh, anh sẽ chẳng được chung phần với Thầy.”

Ông Si-môn Phê-rô liền thưa: “Vậy, thưa Thầy, xin cứ rửa, không những chân, mà cả tay và đầu con nữa.”

Đức Giê-su bảo ông: “Ai đã tắm rồi, thì không cần phải rửa nữa; toàn thân người ấy đã sạch. Về phần anh em, anh em đã sạch, nhưng không phải tất cả đâu!”

Thật vậy, Người biết ai sẽ nộp Người, nên mới nói: “Không phải tất cả anh em đều sạch.”

Khi rửa chân cho các môn đệ xong, Đức Giê-su mặc áo vào, về chỗ và nói: “Anh em có hiểu việc Thầy mới làm cho anh em không? Anh em gọi Thầy là ‘Thầy’, là ‘Chúa’, điều đó phải lắm, vì quả thật, Thầy là Thầy, là Chúa. Vậy, nếu Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân cho anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau. Thầy đã nêu gương cho anh em, để anh em cũng làm như Thầy đã làm cho anh em.”

Đó là Lời Chúa
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:02 28/03/2024

3. Khi Thiên Chúa tuyển chọn một người làm một công việc gì đó, thì nhất định Ngài sẽ ban ân sủng cho họ trước, khiến họ có thể hoàn thành công việc ấy của mình.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


-----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:05 28/03/2024
15. ĐO SƯ TỬ BIỂN

Có một người hỏi người bán sư tử biển (hải sư):

- “Bao nhiêu tiền một con?”

Người bán sư tử biển trả lời:

- “Từ trước đến nay hải sư đều đo mà bán.”

Người ấy lớn tiếng nói:

- “Ai lại không biết chuyện ấy, tôi hỏi ông bao nhiêu đồng một tất !?”

(Tiếu lâm)

Suy tư 15:

Không ai cân thịt mà thấy thước để đo nhưng phải dùng cân để cân, cũng không ai đo chiều dài mà lấy cân để đo nhưng phải lấy thước để đo, đó là phép đo lường căn bản của toán học.

Không ai lấy cân để đo lường lòng thương người của người Ki-tô hữu, nhưng phải lấy việc làm cụ thể của họ coi có phù hợp với bác ái của tinh thần Phúc Âm hay không; không ai lấy thước để đo lường lòng mến Thiên Chúa nơi người Ki-tô hữu, nhưng phải lấy việc nghe và thực hành Lời Chúa của họ để “đo” lòng yêu mến ấy... Có nhiều người Ki-tô hữu thường lấy việc đi lễ đọc kinh để đo lòng đạo của người khác, nên họ thường hiểu sai người khác; có một vài người Ki-tô hữu thường đo lòng người khác bằng những việc bố thí của họ, nên thường hối tiếc vì đã lầm.

Sư tử biển vừa to vừa nặng ký nên phải lấy cân tạ mà cân, làm người Ki-tô hữu thì vinh dự vô cùng, nên phải lấy Lời Chúa và các bí tích để điều chỉnh cho phù hợp với danh phận Ki-tô hữu của mình, đó chính là “cân đo” tâm hồn vậy !

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Thứ Sáu Tuần Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
03:12 28/03/2024
THỨ SÁU TUẦN THÁNH

Phê-rô hối cải

Trong cuộc sống của con người, ai dám vỗ ngực nói rằng tôi chưa hề phạm một tội nào? Phê-rô đã chối Chúa, Phê-rô đã phạm tội xem ra còn nặng hơn cả Giu-đa đã bán Chúa ba mươi đồng bạc.

Dùng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh để suy tư về sự hối cải của Phê-rô thì thật là chính đáng, bởi vì hôm nay Đức Chúa Giê-su chịu chết trên thập giá vì tội của Phê-rô và tội của chúng ta. Hơn hai ngàn năm trước ở Giê-ru-sa-lem có một người vác thập giá lên núi Sọ để chịu tử hình, và có một người cúi mặt ăn năn khóc lóc vì tội lỗi của mình, không phải là hai hình ảnh cảm động làm nhức nhối tâm hồn chúng ta sao?

1. Đức Chúa Giê-su nhìn Phê-rô.

Ai cũng phải nhìn để mà thấy đường đi, để ngắm cảnh đẹp, ai cũng phải nhìn để thấy cuộc sống đáng vui tươi và phong phú.

Có cái nhìn thù hận, có cái nhìn yêu thương, có cái nhìn tò mò, có cái nhìn tiếc nuối, có cái nhìn hằn học.v.v...

Đức Chúa Giê-su đã nhìn, Ngài nhìn Phê-rô, cái nhìn của Ngài đối với Phê-rô là cái nhìn yêu thương, cái nhìn trách móc pha lẫn với nỗi buồn, cái nhìn ấy đã làm cho Phê-rô chấn động tâm hồn và nhớ lại lời thầy đã nói: trước khi gà gáy hai lần thì con sẽ chối Thầy ba lần.

Đức Chúa Giê-su đã nhiều lần nhìn chúng ta với ánh mắt buồn bả khi chúng ta cố tình sống trong tội; Đức Chúa Giê-su cũng đã nhìn chúng ta với ánh mắt yêu thương khi chúng ta khước từ tình yêu của Ngài, hoặc khi chúng ta say sưa biện minh cho thái độ sống buông tuồng mất nết của mình.

Ánh mắt của Đức Chúa Giê-su không ở trên trời nhìn xuống, Ngài cũng không từ nơi nhà tạm nhìn ra, nhưng ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt của những trẻ thơ đang xin ăn bên vệ đường, ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt van xin của người bất hạnh, ánh mắt của Ngài chính là ánh mắt của người đang thất vọng vì bị người thân xua đuổi...

2. Chúng ta nhìn tha nhân.

Trong cuộc sống đời thường, có những lúc chúng ta dùng ánh mắt khinh bỉ để nhìn các cô gái điếm, vì họ làm cái nghề dơ bẩn mà xã hội không công nhận; có những lúc chúng ta dùng ánh mắt coi thường để nhìn những người nghèo khó, bởi vì họ thường hay nhờ mình giúp đỡ bố thí; có những lúc chúng ta nhìn anh chị em bằng ánh mắt kiêu ngạo, bởi vì mình được cấp trên khẳng định vì những lời nói và thái độ của mình làm họ vui lòng.

Xã hội hôm nay có quá nhiều cái nhìn soi mói và hận thù, bởi vì xã hội được đặt trên nền tảng dối gian và hưởng thụ, chỉ sống cho mình mà quên mất người bên cạnh, do đó mà Đức Chúa Giê-su lại phải bị đóng đinh nhiều lần trên thập giá vì những cái nhìn soi mói và hận thù của chúng ta đối với tha nhân.

3. Đức Chúa Giê-su đã chết...

Đức Chúa Giê-su đã bị đánh đòn và vác cây thập giá lên đồi Can-vê để chịu đóng đinh và chết trên thập giá, vì cái nhìn thù hận và ghét ghen của các kinh sư và biệt phái.

Khi Đức Chúa Giê-su trút hơi thở cuối cùng trên thập giá, đầu Ngài gục xuống và mắt đóng lại, là lúc mà nguồn ân sủng của Thiên Chúa tuôn tràn trên nhân loại tội lỗi, để cho con mắt đức tin của người lính đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Ngài mở ra, và họ nói: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa.”

4. Cầu nguyện.

Lạy Đức Chúa Giê-su,

Hôm nay là thứ Sáu tuần thánh, Giáo Hội chúng con cử hành mầu nhiệm Chúa bị đóng đinh và chịu chết trên thập giá vì tội lỗi nhân loại và tội lỗi của chúng con là những người Ki-tô hữu là môn đệ của Chúa.

Có nhiều lúc chúng con khi ngắm nhìn Chúa bị đóng đinh trên thập giá mà tâm hồn không có chút gì là cảm thông và kính mến, thậm chí có những lúc chúng con còn vô phép coi thánh giá như là những thứ trang sức tầm thường như những thứ trang sức khác, để che lấp nhửng tội lỗi và những suy nghĩ mờ ám trong tâm hồn chúng con.

Lạy Đức Chúa Giê-su,

Trong ngày hôm nay chúng con tuân giữ luật giữ chay của Giáo Hội, tức là chúng con chỉ ăn một bữa no, chúng con chỉ uống nước lã, để bày tỏ sự giữ chay của mình, nhưng tâm hồn chúng con thì vẫn cứ kiêu ngạo nhìn tha nhân bằng ánh mắt khinh bỉ, tâm hồn chúng con vẫn cứ phê bình người này kẻ nọ, chúng con vẫn cứ cho mình là thẩm phán để kết án tha nhân…

Xin Chúa dạy chúng con biết giữ chay lòng, tức là biết “xé lòng chứ đừng xé áo””như lời Chúa phán dạy qua miệng tiên tri Gio-en, để tha nhân được vui vẻ và bình an vì sự giữ chay thật bên ngoài và bên trong của chúng con. Amen


Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

-------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Tiệc ly - Bữa Tiệc máu
Lm. Nguyễn Xuân Trường
06:47 28/03/2024
TIỆC LY- BỮA TIỆC MÁU

Thánh lễ Tiệc Ly có nghi thức Rửa Chân, nên dễ khiến người ta để ý đến “nước rửa” hơn là “máu đổ”. Trong khi đó, Lời Chúa trong Lễ Tiệc Ly toàn thấy máu là máu. Máu nơi bàn ăn, máu trên cửa nhà. Nghe vậy, có ông lại vui vẻ nghĩ ngay đến món tiết canh Việt Nam! Máu gì vậy?

1. Máu chiên. Bài đọc 1 Chúa bảo dân Do Thái giết chiên ăn bữa Vượt Qua và lấy máu bôi lên khung cửa nhà mình. Máu ấy làm dấu để Chúa vượt qua, nhà sẽ không bị tai ương tiêu diệt.

2. Máu Chúa. Đáp ca và Bài đọc 2 nói về máu Chúa. Đáp ca khẳng định: “Khi nâng chén chúc tụng, ta được dự phần vào Máu Đức Kitô.” Bài đọc 2 nhấn mạnh việc Chúa yêu thương hết mình nên đã trao ban chính Mình Máu Ngài cho nhân loại.

3. Máu lửa. Phúc Âm cho thấy tinh thần nhiệt huyết đầy máu lửa của Chúa Giêsu trong bữa Tiệc Ly: Ngài yêu thương các môn đệ đến cùng. Dù biết rõ môn đệ sẽ phản bội, chối bỏ, chạy trốn Chúa vẫn cứ yêu thương đến nỗi hạ mình xuống rửa chân và trao ban hiến mình cho các môn đệ.

Chúa đã đổ máu cứu độ trần gian. Chúa cũng muốn các môn đệ sống tinh thần nhiệt huyết máu lửa nên Ngài đã dặn dò: “Anh em hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy.” “Anh em hãy làm như Thầy đã làm cho anh em.” Hãy yêu thương nhau như tình máu mủ ruột rà vì chúng ta là con một Cha, anh em một nhà. Amen.
 
Đóng đinh một vị Thần
Lm. Minh Anh
14:59 28/03/2024
ĐÓNG ĐINH MỘT VỊ THẦN
“Chính Tôi đây!”.

Heywood Broun nói, “Không ai luôn nói về Chúa cho bằng những người cho rằng, không có Ngài!”. Một nhà tu đức khác thì bảo, “Không ai biết Chúa Giêsu là Chúa mà lại đóng đinh Ngài! Vậy mà mỗi lần phạm tội trọng, họ đóng đinh Ngài, ‘đóng đinh một vị Thần!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Ghi lại Cuộc Thương Khó, chỉ một mình Gioan có được khẳng định tuyệt vời này của Chúa Giêsu, “Chính Tôi đây!”. Khẳng định đó đưa chúng ta về một sự thật vô cùng quan trọng. Rằng, Ngài là Thiên Chúa! Vì thế, đóng đinh Giêsu, nhân loại ‘đóng đinh một vị Thần!’.

“Chính Tôi đây!”, “Tôi Là!”, hay “Tôi Hằng Hữu!” là những danh xưng chỉ dành cho Thiên Chúa. Chính Ngài đã sử dụng tước hiệu này để tự mặc khải cho Môsê trên núi Sinai. Kitô giáo sử dụng nó để chỉ Đấng tạo dựng muôn loài. Lạ lùng thay, “Chính Tôi đây!” là lời Chúa Giêsu công khai tuyên bố trước quân dữ. Như vậy, chẳng vô tình chút nào, Ngài công khai thần tính của Ngài! Vì lý do đó, Gioan viết, “Nghe thế, họ lùi lại và ngã xuống đất!”. Suy gẫm cuộc khổ nạn của Chúa, chúng ta đừng quên; Ngài là Thiên Chúa bị đóng đinh, Đấng Cứu Độ Thế Giới, một thế giới - trong đó - con người ‘đóng đinh một vị Thần!’.

Thật thú vị! Cũng trong bối cảnh này, Phêrô tuyên bố một lời hoàn toàn ngược lại, một lời ‘không thể phàm nhân hơn’: “Không phải tôi!”. Đó là lời nói dối của ông trước một cô gái. Mỉa mai thay, không phải trước một nữ hoàng, nhưng trước một tớ gái! “Không phải tôi” là ‘nội hàm’ cho tất cả yếu đuối và mỏng giòn nhất của con người. Phêrô đại diện cho bạn và tôi. Khi làm vậy, Phêrô xác nhận sự yếu hèn của bản thân cũng như nhu cầu của mình trước ân sủng và lòng thương xót Chúa. Về điểm này, bạn và tôi nên đồng ý với Phêrô!

Bối cảnh thương khó của Chúa Giêsu đặt liền kề việc Phêrô chối Thầy; và dẫu cái chết của Ngài vẫn xảy ra nếu không có sự chối Thầy của Phêrô; nhưng ảnh hưởng của nó vẫn tác động đến ông. Ngài đã chết thay cho Phêrô, cho tất cả mọi người; nhờ đó, cứu chuộc cả nhân loại. Sự thiếu đức tin và tình yêu của Phêrô không thay đổi được điều đó; nhưng một khi quay trở lại và tin, Phêrô loan báo chân lý này thật xa và thật rộng! Rằng, “Anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ mà đóng đinh Ngài vào thập giá”. Nhưng “Thiên Chúa đã làm cho Ngài sống lại; đặt Ngài làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô!”. Tác phẩm “Thập Giá Chiến Thắng” của Janice Alexander đã diễn tả sự vui mừng của Ngài với đôi mắt mở to, mặt hớn hở, dang rộng đôi tay như một vị Vua đang muốn ôm chầm thế giới!

Anh Chị em,

“Chính Tôi đây!”. Khẳng định của Chúa Giêsu tiết lộ Ngài là Thiên Chúa, Ngôi Lời làm người, sống dưới chế độ luật của con người và chết bởi luật của nó. Ngài chấp nhận cho nó ‘đóng đinh một vị Thần’. Nhưng chính nhờ sự chết và những đau khổ Ngài chịu, nhân loại được công chính hoá. Đó là đường lối khôn ngoan nhiệm mầu của Thiên Chúa. Ngài là vị Thiên Sai mà Chúa Cha đã phán, “Tôi tớ công chính của Ta sẽ công chính hoá nhiều người, sẽ gánh lấy mọi tội ác của họ”- bài đọc một; để “trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời cho tất cả những kẻ tùng phục Ngài” - bài đọc hai. Ngài là Đấng có Thiên Chúa là Cha như Thánh Vịnh đáp ca diễn tả, “Lạy Cha, con phó linh hồn con trong tay Cha!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, mỗi lần phạm tội, con đóng đinh Chúa. Giúp con kiên trì xây dựng lại bản chất thứ hai như Phêrô, đó là khả năng thống hối và quay trở lại!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Nghi thức Tưởng Niệm Cuộc Thương Khó Của Chúa dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
21:54 28/03/2024


BÀI ĐỌC 1  Is 52:13-53:12

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Này đây, người tôi trung của Ta sẽ thành đạt, sẽ vươn cao, nổi bật, và được suy tôn đến tột cùng.

Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa, cũng vậy, nó sẽ làm cho muôn dân phải sững sờ, vua chúa phải câm miệng, vì được thấy điều chưa ai kể lại, được hiểu điều chưa nghe nói bao giờ.

Điều chúng ta đã nghe, ai mà tin được? Cánh tay uy quyền của Đức Chúa đã được tỏ cho ai?

Người tôi trung đã lớn lên tựa chồi cây trước Nhan Thánh, như khúc rễ trên đất khô cằn. Người chẳng còn dáng vẻ, chẳng còn oai phong đáng chúng ta ngắm nhìn, dung mạo chẳng còn gì khiến chúng ta ưa thích.

Người bị đời khinh khi ruồng rẫy, phải đau khổ triền miên và nếm mùi bệnh tật.

Người như kẻ ai thấy cũng che mặt không nhìn, bị chúng ta khinh khi, không đếm xỉa tới.

Sự thật, chính người đã mang lấy những bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta, còn chúng ta, chúng ta lại tưởng người bị phạt, bị Thiên Chúa giáng hoạ, phải nhục nhã ê chề.

Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành.

Tất cả chúng ta lạc lõng như chiên cừu, lang thang mỗi người một ngả.

Nhưng Đức Chúa đã đổ trên đầu người tội lỗi của tất cả chúng ta.

Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng.

Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới?

Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt.

Người đã bị chôn cất giữa bọn ác ôn, bị mai táng với người giàu có, dù đã chẳng làm chi tàn bạo và miệng không hề nói chuyện điêu ngoa.

Đức Chúa đã muốn người phải bị nghiền nát vì đau khổ.

Nếu người hiến thân làm lễ vật đền tội, người sẽ được thấy kẻ nối dõi, sẽ được trường tồn, và nhờ người, ý muốn của Đức Chúa sẽ thành tựu.

Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện.

Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ.

Vì thế, Ta sẽ ban cho nó muôn người làm gia sản, và cùng với những bậc anh hùng hào kiệt, nó sẽ được chia chiến lợi phẩm, bởi vì nó đã hiến thân chịu chết, đã bị liệt vào hàng tội nhân; nhưng thực ra, nó đã mang lấy tội muôn người và can thiệp cho những kẻ tội lỗi.

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2  Hr 4:14-16,5:7-9

Bài trích thư gửi tín hữu Híp-ri.

Chúng ta có một vị Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời, là Đức Giê-su, Con Thiên Chúa. Vậy chúng ta hãy giữ vững lời tuyên xưng đức tin. Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.

Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giê-su đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết. Người đã được nhậm lời, vì có lòng tôn kính.

Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG  Pl 2:8-9

Vì chúng ta, Đức Ki-tô đã tự hạ, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Toàn văn bức thư Đức Giáo Hoàng Phanxicô viết cho người Công Giáo Thánh Địa
Vũ Văn An
17:13 28/03/2024

Kathleen N. Hattrup, trên Aleteia ngày 27/03/24, tường trình nội dung bức thư của Đức Phanxicô gửi các Kitô hữu Đất Thánh nhân dịp Tuần Thánh 2024, trong đó, ngài viết: “Bây giờ, vào đêm trước Lễ Phục sinh này, một Lễ Phục sinh, đối với anh chị em, bị phủ bóng xiết bao bởi cuộc Khổ nạn và, cho đến nay, rất ít xiết bao bởi sự Phục sinh, tôi cảm thấy muốn viết cho anh chị em và nói để anh chị em biết anh chị em gần gũi với trái tim tôi biết dường nào.”

Quả vậy, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã viết một bức thư gửi người Công Giáo Thánh địa, được Vatican công bố vào ngày 27 tháng 3 bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, bao gồm cả tiếng Ả Rập.

Có khoảng 200,000 Kitô hữu thuộc nhiều nghi lễ khác nhau ở Lãnh thổ Israel và Palestine, với một giáo xứ Công Giáo Rôma ở Gaza. Đức Giáo Hoàng đã thường xuyên gọi điện thoại cho giáo xứ đó trong thời gian xảy ra xung đột.

Đức Giáo Hoàng viết: “Trong những thời điểm ảm đạm này, khi dường như những đám mây đen của Thứ Sáu Tuần Thánh bay lơ lửng trên mảnh đất của anh chị em, và quá nhiều nơi trên thế giới của chúng ta bị tổn thương bởi sự điên rồ vô nghĩa của chiến tranh – vốn luôn là một thất bại cay đắng đối với mọi người – anh chị em là những ngọn đèn tỏa sáng trong đêm, những hạt giống tốt lành trong một mảnh đất bị chia cắt bởi xung đột.

Toàn văn bức thư như sau:

Anh chị em thân mến,

Trong một thời gian, anh chị em đã hàng ngày ở trong suy nghĩ và lời cầu nguyện của tôi. Bây giờ, vào đêm trước Lễ Phục sinh này, một Lễ Phục sinh, đối với anh chị em, bị phủ bóng xiết bao bởi cuộc Khổ nạn và, cho đến nay, rất ít xiết bao bởi sự Phục sinh, tôi cảm thấy muốn viết cho anh chị em và nói để anh chị em biết anh chị em gần gũi với trái tim tôi biết dường nào. Hỡi các tín hữu Công Giáo thân yêu đang sống trên khắp Đất Thánh, Tôi ôm hôn tất cả anh chị em, trong sự đa dạng của các nghi lễ của anh chị em. Một cách đặc biệt, tôi ôm lấy những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi thảm kịch vô nghĩa của chiến tranh: những đứa trẻ bị cướp đi tương lai của chúng, những người đang đau buồn và đau đớn, và tất cả những ai thấy mình là nạn nhân của thống khổ và mất tinh thần.

Lễ Phục sinh, trung tâm đức tin của chúng ta, càng có ý nghĩa hơn đối với anh chị em, những người cử hành lễ này ở chính những nơi Chúa chúng ta đã sống, đã chết và sống lại. Lịch sử cứu độ, và thậm chí cả địa lý của nó, sẽ không tồn tại ngoài mảnh đất mà anh chị em đã cư trú trong nhiều thế kỷ. Anh chị em muốn ở lại đó, và điều tốt là anh chị em nên ở lại đó. Cảm ơn vì chứng tá đức tin của anh chị em, cảm ơn vì lòng bác ái hiện hữu giữa anh chị em cảm ơn vì khả năng hy vọng của anh chị em bất chấp mọi hy vọng.

Tôi muốn mỗi người trong anh chị em cảm nhận được tình phụ tử của tôi, vì tôi ý thức được những đau khổ và đấu tranh của anh chị em, đặc biệt trong những tháng gần đây. Cùng với tình cảm của tôi, mong anh chị em cảm nhận được tình yêu của người Công Giáo trên toàn thế giới! Xin Chúa Giêsu, Sự Sống của chúng ta, giống như người Samaritanô nhân lành, đổ trên những vết thương thể xác và tâm hồn của anh chị em dầu thơm an ủi và rượu nồng hy vọng.

Tôi nghĩ lại chuyến hành hương tôi đã thực hiện giữa anh chị em cách đây mười năm, và tôi muốn áp dụng những lời của mình mà cách đây 50 năm, Thánh Phaolô VI – Người kế vị Thánh Phêrô đầu tiên hành hương đến Thánh Địa – đã ngỏ với các tín hữu khắp nơi: “Những căng thẳng tiếp diễn ở Trung Đông, và việc thiếu tiến bộ cụ thể hướng tới hòa bình, là mối đe dọa thường xuyên và nghiêm trọng không chỉ đối với hòa bình và an ninh của các dân tộc đó – và thực sự của toàn thế giới – mà còn đối với những giá trị cực kỳ thân thương, vì những lý do khác nhau, đối với phần lớn nhân loại” (Tông huấn Nobis in Animo).

Anh chị em thân mến, cộng đồng Kitô hữu ở Thánh Địa không chỉ hành động trong nhiều thế kỷ như người bảo vệ những nơi cứu rỗi của chúng ta, mà còn làm chứng lâu dài, qua những đau khổ của chính mình, cho mầu nhiệm Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu. Bằng khả năng trỗi dậy một lần nữa và tiến về phía trước, anh chị em đã tuyên bố và tiếp tục tuyên bố rằng Chúa bị đóng đinh đã sống lại từ cõi chết; mang dấu vết Cuộc Khổ Nạn của mình, sau đó Người hiện ra với các môn đệ và lên trời để đem nhân loại đang bị dày vò nhưng nay đã được cứu chuộc của chúng ta đến trước Chúa Cha. Trong những thời điểm ảm đạm này, khi dường như những đám mây đen của Thứ Sáu Tuần Thánh bay lơ lửng trên mảnh đất của anh chị em, và quá nhiều nơi trên thế giới của chúng ta bị tổn thương bởi sự điên rồ vô nghĩa của chiến tranh – vốn luôn là một thất bại cay đắng đối với mọi người – anh chị em là những ngọn đèn tỏa sáng trong đêm, những hạt giống tốt lành trong một mảnh đất bị chia cắt bởi xung đột.

Đối với anh chị em và với anh chị em, tôi dâng lên lời cầu nguyện này: “Lạy Chúa, Chúa là sự bình an của chúng con (x. Eph 2:14-22). Chúa, Đấng đã tuyên bố là có phúc những ai xây dựng hòa bình (x. Mt 5:9): Xin giải thoát tâm hồn con người khỏi hận thù, bạo lực và tinh thần trả thù. Chúng con noi gương Chúa và noi theo Chúa, những người có lòng thương xót, hiền lành và khiêm nhường (x. Mt 11:29). Ước gì không ai cướp đi niềm hy vọng được sống lại với Chúa trong lòng chúng con. Chớ gì chúng con không bao giờ mệt mỏi trong việc bảo vệ phẩm giá của mọi người nam, nữ và trẻ em, không phân biệt tôn giáo, sắc tộc hay quốc tịch, bắt đầu từ những người dễ bị tổn thương nhất trong chúng con: phụ nữ, người già, trẻ em và người nghèo”.

Anh chị em thân mến, cho phép tôi nói với anh chị em một lần nữa rằng anh chị em không cô đơn; chúng tôi sẽ không bao giờ để anh chị em một mình, nhưng sẽ thể hiện tình liên đới của chúng tôi với anh chị em bằng lời cầu nguyện và lòng bác ái thực tế. Chúng tôi hy vọng sẽ sớm trở lại giữa anh chị em trong tư cách những người hành hương, để đến gần anh chị em, ôm lấy anh chị em, cùng bẻ bánh tình huynh đệ và chiêm ngưỡng những mầm hy vọng dịu dàng nảy mầm từ những hạt giống mà anh chị em đang gieo trong đau đớn và nuôi dưỡng bằng sự kiên nhẫn.

Tôi biết rằng các giám mục, linh mục và tu sĩ luôn ở bên cạnh anh chị em. Tôi chân thành cảm ơn họ vì tất cả những gì họ đã làm và tất cả những gì họ đang tiếp tục làm. Trong lò thử thách đau khổ, ước gì vàng quý giá của sự hiệp nhất được thanh tẩy và tỏa sáng, giữa anh chị em và với anh chị em chúng ta thuộc các giáo phái Kitô giáo khác. Đối với họ cũng vậy, tôi muốn bày tỏ sự gần gũi và khích lệ tinh thần của mình. Tôi giữ tất cả anh chị em trong lời cầu nguyện của tôi.

Tôi chúc lành cho anh chị em và cầu xin sự bảo vệ của Đức Trinh Nữ Maria, nữ tử của quê hương anh chị em Một lần nữa, tôi xin các Kitô hữu trên toàn thế giới bày tỏ sự ủng hộ cụ thể của họ đối với anh chị em và cầu nguyện không mệt mỏi để tất cả người dân trên mảnh đất thân yêu của anh chị em cuối cùng được sống trong hòa bình.

Trong tình huynh đệ,
Rôma, từ Nhà thờ Thánh Gioan Lateranô, Tuần Thánh 2024

Phanxicô


Gặp gỡ một người Israel và một người Palestine cùng lúc với bức thư

Theo Elise Ann Allen, trên Tạp chí Crux ngày 27 tháng 3 năm 2024, Đức Phanxicô đã gặp hai người cha, một người Israel và một người Palestine, mỗi người đều đã mất con do cuộc xung đột đang diễn ra ở Thánh địa và hiện nay họ là bạn bè.

Trước buổi tiếp kiến chung ngày 27 tháng 3, Đức Phanxicô đã gặp gỡ ngắn gọn với Bassam Aramin, một người Palestine, và Rami Elhanan, một người Israel, trước khi bước vào hội trường Phaolô VI của Vatican để phát biểu trước công chúng hàng tuần.

Abir, cô con gái 10 tuổi của Aramin, bị giết bởi một viên đạn cao su do một người lính Israel bắn khi cô bé rời trường học vào năm 2007. Tương tự, Smadar, cô con gái 13 tuổi của Elhanan cũng chết trong một vụ tấn công tự sát của người Palestine ở Giêrusalem năm 1997.

Theo văn phòng báo chí Vatican, tình bạn giữa Aramin và Elhanan đã được kể lại trong cuốn tiểu thuyết Apeirogon của Colum McCann, người đoạt giải Terziani, và đã gặp Đức Phanxicô trong buổi tiếp kiến các nghệ sĩ ngày 23 tháng 6 năm 2023.

Cả hai người đàn ông đều làm việc cùng nhau để thúc đẩy hòa bình và công lý trong khu vực thông qua một hiệp hội có tên là “Vòng tròn cha mẹ”, bao gồm các gia đình Israel và Palestine đã mất người thân do xung đột.

Tổ chức này tuyên bố rằng một trong những nguyên tắc cốt lõi của nó là niềm tin rằng tiến trình hòa giải là điều kiện tiên quyết để đạt được hòa bình bền vững trong khu vực.

Đức Phanxicô đã gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Aramin và Elhanan khi nói: “Họ không nhìn vào sự thù địch của chiến tranh, họ nhìn vào tình bạn của hai người đàn ông quan tâm đến nhau và đã trải qua cùng một vụ đóng đinh”.

Ngài nói: “Chúng ta hãy nghĩ đến chứng từ đẹp đẽ của hai người này, những người đã phải chịu đựng cuộc chiến ở Thánh Địa vì mất đi con gái của họ,” và cảm ơn họ vì chứng tá của họ.

Đức Phanxicô, người đã bất ngờ bỏ qua bài giảng Chúa nhật Lễ Lá và thường phải ngồi trên xe lăn do những vấn đề liên tục ở đầu gối và các vấn đề về đau thần kinh tọa, đã đi bộ vào Đại sảnh Phaolô VI để tiếp kiến vào Thứ Tư và đích thân trình bầy những nhận xét của ngài.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô viết Bài suy niệm Đàng Thánh Giá năm nay
Vũ Văn An
17:27 28/03/2024

Theo Antoine Mekary cuả tạp chí ALETEIA xuất bản ngày 26/03/24, Vị giáo hoàng cuối cùng viết các bài suy niệm cho buổi cầu nguyện hàng năm ở Đấu trường La Mã là Đức Gioan Phaolô II vào năm 2003, hai năm trước khi ngài qua đời.

Văn phòng báo chí Vatican đã công bố các bài suy niệm sẽ được đọc trong Đàng Thánh Giá được cử hành tại Đấu trường La Mã ở Rome vào Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 29 tháng 3, văn phòng báo chí Vatican đã công bố vào ngày 26 tháng 3 năm 2024. Chủ đề của những bản văn, sẽ kèm theo Mười bốn “chặng” đánh dấu hành trình chịu đóng đinh của Chúa Giêsu là: “Cầu nguyện với Chúa Giêsu trên Đường Thập Giá”.

Đây là lần đầu tiên chính Đức Phanxicô viết các bài suy niệm cho việc cử hành truyền thống này, sẽ bắt đầu bên trong Đấu trường La Mã lúc 9:15 tối thứ Sáu.

Vị giáo hoàng cuối cùng tự mình viết các bài suy niệm là Đức Gioan Phaolô II vào năm 2003, hai năm trước khi ngài qua đời.

Kể từ đầu triều giáo hoàng của Đức Phanxicô, những suy tư này thường được viết bởi những người đã sống qua những trải nghiệm đau thương, đặc biệt là những gia đình gặp khó khăn, các tù nhân, người di cư hoặc nạn nhân chiến tranh.

Các bản văn tập trung vào sự đau khổ của Chúa Giêsu

Tòa Thánh nói rằng các bản văn được Đức Thánh Cha viết năm nay “rất có tính suy niệm”.

Các bài suy niệm “sẽ tập trung rất nhiều vào Chúa Giêsu, vào cách Người đã sống qua những khoảnh khắc đó [trong Cuộc Khổ Nạn của Người]. Và từ đó mới có sự mở rộng tới thế giới đau khổ”, đại diện phòng báo chí nói.

Quyết định của Đức Thánh Cha tham gia một cách đích thân hơn vào Đường Thánh giá truyền thống vào Thứ Sáu Tuần Thánh là phù hợp với Năm Cầu nguyện mà Đức Thánh Cha đã thiết lập cho năm 2024, hướng tới Năm Thánh 2025 vào năm tới.

Vẫn còn phải xem liệu Đức Thánh Cha có thể tham dự Đàng Thánh Giá hay không, vì trong những tuần gần đây, ngài thường không thể đọc được các bài phát biểu của mình do tình trạng sức khỏe. Hiện tại, sự hiện diện của ngài được mong đợi.

Tuy nhiên, năm ngoái, ngài đã quyết định không tham dự vào phút cuối vì thời tiết đặc biệt lạnh và nhiều gió cũng như sức khỏe yếu.
 
Tâm tình Đức Thánh Cha Phanxicô gởi các linh mục trong lễ Dầu ngày Thứ Năm Tuần Thánh
Bản dịch Việt Ngữ của J.B. Đặng Minh An
23:00 28/03/2024


Lúc 9 giờ 30, sáng Thứ Năm Tuần thánh, 28 tháng Ba vừa qua, tại Đền thờ thánh Phêrô, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chủ sự lễ Dầu.

Vì đau đầu gối, nên Đức Thánh Cha ngồi chủ tọa thánh lễ. Các phần ở bàn thờ do Đức Hồng Y Angelo de Donatis, Giám quản Giáo phận Roma, chủ sự.

Đồng tế với Đức Thánh Cha, có 45 Hồng Y, 40 giám mục và khoảng 2.000 linh mục, trước sự hiện diện của 2.500 giáo dân tín hữu ngồi đầy thánh đường.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Mọi người trong hội đường đều dán mắt vào Người” (Lc 4:20). Đoạn Tin Mừng này gây ấn tượng mạnh. Nó luôn khiến chúng ta tưởng tượng khoảnh khắc im lặng đó khi mọi ánh mắt đổ dồn về Chúa Giêsu, trong sự ngạc nhiên xen lẫn sự do dự. Tuy nhiên, chúng ta biết điều gì đã xảy ra tiếp theo. Sau khi Chúa Giêsu vạch trần những mong đợi sai lầm của người dân thành phố của Người, họ “rất tức giận” (Lc 4:28), đứng dậy và đuổi Người ra khỏi thành phố. Quả thật họ đã nhìn Chúa Giêsu, nhưng lòng họ không sẵn sàng thay đổi trước lời Người. Họ đã đánh mất cơ hội của cuộc đời.

Tối nay, Thứ Năm Tuần Thánh, sẽ mang lại cho chúng ta một cái nhìn rất khác. Nó liên quan đến Thánh Phêrô, vị Mục Tử đầu tiên của Giáo Cộng đoàn ta. Phêrô ban đầu cũng từ chối chấp nhận những lời “vạch mặt” mà Chúa đã nói với ông: “Con sẽ chối Thầy ba lần” (Mc 14:30). Kết quả là ông “mất dấu” Chúa Giêsu và chối Người lúc gà gáy. Tuy nhiên, sau đó “Chúa quay lại nhìn Phêrô” và ông “nhớ lời Chúa… liền ra ngoài khóc lóc thảm thiết” (Lc 22:61-62). Đôi mắt ông đẫm lệ, trỗi dậy từ một trái tim bị tổn thương, đã giải thoát ông khỏi những quan niệm sai lầm và sự tự tin của mình. Những giọt nước mắt cay đắng đó đã thay đổi cuộc đời ông.

Những lời nói và hành động của Chúa Giêsu trong suốt những năm đó đã không làm thay đổi những mong đợi của Phêrô, là những kỳ vọng rất giống với những mong đợi của người dân Nazareth. Ông cũng đang mong đợi một Đấng Messia chính trị đầy quyền năng, mạnh mẽ và quyết đoán. Bị xúc phạm khi nhìn thấy Chúa Giêsu, bất lực và thụ động trước việc bị bắt, ông nói: “Tôi không biết ông ta!” (Lc 22:57). Điều đó thật đúng biết bao: Phêrô không biết Chúa Giêsu. Ông sẽ chỉ bắt đầu biết Ngài khi, vào thời điểm đen tối của sự chối bỏ thầy mình, ông đã bị khuất phục trước những giọt nước mắt xấu hổ và những giọt nước mắt ăn năn. Và ông sẽ biết Chúa Giêsu thực sự khi “bị tổn thương vì Chúa Giêsu nói với ông lần thứ ba: ‘Con có yêu mến Thầy không?’”, ông sẽ để cho cái nhìn của Chúa xuyên thấu toàn bộ con người mình. Sau đó, từ việc nói: “Tôi không biết ông ấy”, Phêrô đã có thể nói: “Lạy Chúa, Chúa biết mọi sự” (Ga 21:17).

Anh em linh mục thân mến, việc chữa lành trái tim của Phêrô, việc chữa lành vị tông đồ, việc chữa lành vị mục tử, đã xảy ra khi ông đau buồn và ăn năn thống hối, để cho mình được Chúa Giêsu tha thứ. Sự chữa lành đó diễn ra giữa những giọt nước mắt, tiếng khóc cay đắng và nỗi buồn dẫn đến tình yêu được đổi mới. Vì lý do này, tôi cảm thấy cần phải chia sẻ với anh em một vài suy nghĩ về một khía cạnh nào đó của đời sống tâm linh đã bị bỏ quên nhưng vẫn rất cần thiết. Ngay cả từ ngữ tôi sắp sử dụng hôm nay cũng có phần lỗi thời nhưng rất đáng để suy ngẫm. Từ ngữ ấy là sự ăn năn.

Nguồn gốc của thuật ngữ này có liên quan đến việc đâm thấu. Sự thống hối là “một vết đâm vào tâm hồn” gây đau đớn và gợi lên những giọt nước mắt ăn năn. Ở đây, một tình tiết khác về cuộc đời của Thánh Phêrô có thể giúp chúng ta. Trái tim của ông đã bị đâm thủng bởi cái nhìn và lời nói của Chúa Giêsu, Phêrô, bây giờ được thanh tẩy và đốt cháy bởi Chúa Thánh Thần, đã công bố vào ngày Lễ Ngũ Tuần cho cư dân Giêrusalem: “Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (x. Cv 2:36). Những người nghe ông, khi nhận ra cả sự ác họ đã làm lẫn ơn cứu rỗi mà Chúa ban cho họ, đều “đau thấu tim” (Cv 2:37).

Sự ăn năn là như thế: không phải là cảm giác tội lỗi khiến chúng ta chán nản hay bị ám ảnh bởi sự bất xứng của mình, mà là một “sự đâm thấu” hữu ích giúp thanh lọc và chữa lành tâm hồn. Một khi chúng ta nhận ra tội lỗi của mình, tấm lòng của chúng ta có thể được mở ra để đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, nguồn nước hằng sống tuôn trào trong chúng ta và khiến chúng ta rơi nước mắt. Những ai sẵn sàng “lột mặt nạ” và để cái nhìn của Thiên Chúa xuyên thấu tâm hồn họ thì những người ấy sẽ nhận được món quà là những giọt nước mắt đó, dòng nước thánh khiết nhất sau những giọt nước rửa tội. [1] Đây là mong muốn của tôi dành cho anh em, hỡi các anh em linh mục thân mến.

Tuy nhiên, chúng ta cần hiểu rõ ý nghĩa của việc khóc thương chính mình. Nó không có nghĩa là khóc lóc tủi thân, như chúng ta thường bị cám dỗ làm. Chẳng hạn như khi chúng ta thất vọng hay buồn bã vì hy vọng của chúng ta bị thất bại, khi chúng ta cảm thấy bị hiểu lầm, thậm chí có thể bị các linh mục đồng nghiệp và bề trên của chúng ta hiểu lầm. Hoặc khi chúng ta có niềm vui kỳ lạ và bệnh hoạn khi nghiền ngẫm về những điều sai trái đã mắc phải, cảm thấy tiếc cho bản thân, tin chắc rằng chúng ta không được đối xử như chúng ta đáng được nhận hoặc lo sợ rằng tương lai sẽ có thêm những bất ngờ khó chịu. Như Thánh Phaolô dạy chúng ta, đây là “nỗi đau trần thế”, trái ngược với “nỗi đau buồn của Chúa”. [2]

Mặt khác, khóc cho chính mình có nghĩa là nghiêm chỉnh ăn năn vì tội lỗi của chúng ta đã làm Chúa buồn lòng; thừa nhận rằng chúng ta luôn mắc nợ Thiên Chúa, thừa nhận rằng chúng ta đã lạc khỏi con đường thánh thiện và bất trung với tình yêu của Đấng đã hiến mạng sống vì chúng ta. [3] Nó có nghĩa là nhìn vào bên trong và ăn năn về sự vô ơn và thiếu kiên nhẫn của chúng ta, đồng thời thừa nhận một cách đau buồn sự dối trá, không trung thực và đạo đức giả của chúng ta. Thưa anh em, đạo đức giả của giáo sĩ là điều mà chúng ta thường xuyên rơi vào. Chúng ta cần phải chú ý đến thực tế này. Và một lần nữa hướng ánh nhìn của chúng ta về Chúa Giêsu chịu đóng đinh và để cho tình yêu của Người chạm đến chúng ta, tình yêu luôn tha thứ và nâng đỡ, không bao giờ làm thất vọng niềm tin tưởng của những ai trông cậy nơi Người. Vì thế, nước mắt trào ra và chảy xuống má chúng ta, chảy xuống để thanh lọc tâm hồn chúng ta.

Sự ăn năn đòi hỏi nỗ lực nhưng mang lại hòa bình. Nó không phải là nguồn lo âu nhưng là nguồn chữa lành cho tâm hồn, vì nó đóng vai trò như một loại thuốc xoa dịu những vết thương tội lỗi, chuẩn bị cho chúng ta đón nhận sự vuốt ve của Chúa, Đấng biến đổi “tấm lòng thống hối tan nát” (Tv 51:19), một khi đã dịu đi bởi nước mắt. Do đó, việc sám hối là liều thuốc giải độc cho bệnh “xơ cứng tim”, hay chứng cứng lòng thường bị Chúa Giêsu lên án (x. Mc 3:5; 10:5). Vì nếu không ăn năn và đau buồn, trái tim sẽ chai cứng: trước tiên, nó trở nên cứng nhắc, thiếu kiên nhẫn trước các vấn đề và thờ ơ với mọi người, sau đó trở nên lạnh lùng, dửng dưng và không thể xuyên thủng, rồi cuối cùng biến thành đá. Tuy nhiên, giống như giọt nước có thể làm mòn đá, nước mắt cũng có thể dần dần làm dịu đi những trái tim sắt đá. Bằng cách này, một “nỗi buồn vui vẻ” sẽ dẫn đến sự ngọt ngào một cách kỳ diệu.

Ở đây chúng ta có thể bắt đầu hiểu tại sao các bậc thầy về đời sống thiêng liêng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc sám hối. Thánh Bênêđíctô nói rằng, “trong nước mắt và rên rỉ hàng ngày, chúng ta phải xưng thú trong lời cầu nguyện với Thiên Chúa những tội lỗi trong quá khứ của chúng ta”, [4] và nhận thấy rằng trong lời cầu nguyện, “không phải bằng nhiều lời mà chúng ta được ân cần lắng nghe, mà bằng chính chúng ta với tâm hồn trong sạch và những giọt nước mắt ăn năn”. [5] Thánh Gioan Kim Khẩu lưu ý rằng một giọt nước mắt có thể dập tắt ngọn lửa tội lỗi, [6] trong khi Gương Chúa Kitô nói với chúng ta: “Hãy hiến mình cho lòng ăn năn”, bởi vì “do tâm hồn khinh suất và bỏ bê những khuyết điểm của mình, chúng ta không cảm nhận được nỗi buồn của tâm hồn mình”. [7] Sự thống hối là phương thuốc cho vấn đề này, vì nó đưa chúng ta trở lại với sự thật về chính mình, để chiều sâu tâm hồn tội nhân của chúng ta có thể bộc lộ một thực tế vô cùng lớn lao hơn về việc chúng ta được ân sủng tha thứ – niềm vui được tha thứ. Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi Isaac ở Nineveh có thể nói: “Ai quên đi sự vĩ đại của tội lỗi mình là quên đi sự vĩ đại của lòng thương xót Chúa đối với mình”. [số 8]

Anh em thân mến, chắc chắn mọi sự đổi mới nội tâm đều phát sinh từ cuộc gặp gỡ giữa nỗi khốn cùng của con người chúng ta và lòng thương xót của Thiên Chúa, và nó phát triển qua sự nghèo khó về tinh thần, một điều giúp cho Chúa Thánh Thần làm phong phú chúng ta. Ở đây cũng vậy, chúng ta có thể nghĩ đến lời dạy rõ ràng của nhiều bậc thầy tâm linh, trong đó có Thánh Isaac: “Những ai thừa nhận tội lỗi của mình… thì cao trọng hơn những người nhờ lời cầu nguyện của mình mà khiến kẻ chết sống lại. Những người khóc lóc một giờ vì tội lỗi của mình thì vĩ đại hơn những người phục vụ cả thế giới bằng cách chiêm niệm… Những người được ban phước với sự hiểu biết về bản thân thì vĩ đại hơn những người được ban phước nhìn thấy các thiên thần”. [9]

Thưa anh em linh mục, chúng ta hãy nhìn lại chính mình và tự hỏi lòng sám hối và nước mắt đóng vai trò gì trong việc xét lương tâm và cầu nguyện của chúng ta. Chúng ta hãy hỏi liệu năm tháng trôi qua, nước mắt của chúng ta có tăng thêm hay không. Về bản chất, càng lớn chúng ta càng ít khóc. Tuy nhiên, trong đời sống tinh thần, chúng ta được yêu cầu trở nên giống như trẻ thơ (x. Mt 18:3): nếu chúng ta không khóc, chúng ta thoái lui và già đi bên trong, trong khi những người có lời cầu nguyện trở nên đơn sơ và sâu sắc hơn, đặt nền tảng trong việc tôn thờ, và ngạc nhiên trước sự hiện diện của Chúa, lớn lên và trưởng thành. Họ trở nên ít gắn bó với chính mình nhưng gắn bó hơn với Chúa Kitô. Trở nên nghèo khó trong tinh thần, họ đến gần những người nghèo, những người được Thiên Chúa yêu quý nhất. Như Thánh Phanxicô Assisi đã viết trong di chúc của mình, những người mà chúng ta từng giữ khoảng cách giờ đây đã trở thành những người bạn đồng hành thân yêu của chúng ta. [10] Vì vậy, những ai có lòng ăn năn thì ngày càng cảm thấy mình là anh chị em với tất cả những người tội lỗi trên thế giới, gạt bỏ vẻ bề trên và những phán xét khắc nghiệt, nhưng tràn đầy ước muốn cháy bỏng thể hiện tình yêu và đền bù.

Anh em thân mến, một khía cạnh khác của lòng sám hối là tình liên đới. Một trái tim ngoan ngoãn, được giải phóng bởi tinh thần các Mối Phúc Thật, sẽ tự nhiên có xu hướng thực hành lòng sám hối đối với người khác. Thay vì cảm thấy tức giận và gây gương mù trước những thất bại của anh chị em chúng ta, nó khóc vì tội lỗi của họ. Xảy ra một kiểu đảo ngược, trong đó xu hướng tự nhiên là buông thả bản thân và cứng nhắc với người khác bị đảo ngược và nhờ ân sủng của Thiên Chúa, chúng ta trở nên nghiêm khắc với chính mình và có lòng thương xót đối với người khác. Trên hết, Chúa tìm kiếm cho Người nơi những người thánh hiến những người nam nữ than khóc tội lỗi của Giáo Hội và thế giới, và trở thành những người cầu thay cho mọi người. Biết bao chứng nhân anh hùng trong Giáo Hội đã chỉ cho chúng ta điều này! Chúng ta nghĩ đến các tu sĩ sa mạc, ở Đông và Tây; sự chuyển cầu liên tục, trong tiếng rên rỉ và nước mắt của Thánh Grêgôriô thành Narek; lễ dâng của dòng Phanxicô dành cho Tình yêu đơn phương; và rất nhiều linh mục, giống như Cha xứ Ars, đã sống cuộc đời sám hối để cứu rỗi người khác. Anh em thân mến, đây không phải là thơ ca mà là chức linh mục!

Anh em linh mục thân mến, từ chúng ta, những mục tử của Người, Chúa không mong muốn sự khắc nghiệt mà là tình yêu và nước mắt dành cho những ai lạc lối. Nếu tâm hồn chúng ta cảm thấy thống hối, thì những hoàn cảnh khó khăn, đau khổ và thiếu đức tin mà chúng ta gặp hàng ngày sẽ khiến chúng ta đáp lại không phải bằng sự lên án, mà bằng sự kiên trì và lòng thương xót. Chúng ta cần phải thoát khỏi sự khắc nghiệt và buộc tội, ích kỷ và tham vọng, cứng nhắc và thất vọng biết bao, để phó thác hoàn toàn cho Thiên Chúa, và tìm thấy nơi Ngài sự bình tĩnh che chở chúng ta khỏi những cơn bão đang hoành hành xung quanh chúng ta! Chúng ta hãy cầu nguyện, cầu thay và rơi nước mắt cho người khác; bằng cách này, chúng ta sẽ để cho Chúa thực hiện những phép lạ của Ngài. Và chúng ta đừng sợ hãi, vì chắc chắn Ngài sẽ làm chúng ta ngạc nhiên!

Thừa tác vụ của chúng ta sẽ giúp đỡ trong việc này. Ngày nay, trong các xã hội trần tục của chúng ta, chúng ta có nguy cơ trở nên quá khích và đồng thời cảm thấy thiếu thốn, kết quả là chúng ta mất đi nhiệt tình và bị cám dỗ “rút mái chèo”, trú ẩn trong sự phàn nàn và chúng ta quên rằng Thiên Chúa lớn hơn nhiều so với mọi vấn đề của chúng ta. Khi điều đó xảy ra, chúng ta trở nên cay đắng và cáu kỉnh, luôn nói xấu và phàn nàn về mọi việc. Ngược lại, nếu sự cay đắng và thống hối không hướng tới thế gian mà hướng tới tâm hồn chúng ta, thì Chúa sẽ không quên thăm viếng chúng ta và nâng chúng ta dậy. Đó chính là điều mà cuốn Bắt chước Chúa Kitô khuyên chúng ta làm: “Đừng bận tâm đến việc của người khác, và đừng dính líu đến việc của bề trên. Hãy chú ý chủ yếu đến bản thân và khuyên nhủ bản thân thay vì bạn bè. Nếu anh em không được lòng người ta, đừng để điều đó làm anh em buồn; tuy nhiên hãy coi đó là một vấn đề nghiêm trọng nếu anh em không cư xử tốt hoặc cẩn thận như hiện tại”. [11]

Cuối cùng, tôi xin nhấn mạnh một điểm thiết yếu khác: sám hối không phải là công việc của chúng ta mà là một ân sủng, và như vậy, nó phải được tìm kiếm trong lời cầu nguyện. Tâm tình ăn năn là ân sủng của Thiên Chúa và công việc của Chúa Thánh Thần. Để giúp nuôi dưỡng tinh thần sám hối, tôi xin chia sẻ hai lời khuyên. Trước tiên, chúng ta hãy ngừng nhìn cuộc sống và ơn gọi của mình theo khía cạnh hiệu quả và kết quả tức thời, cũng như không bị cuốn vào những nhu cầu và mong đợi hiện tại; thay vào đó chúng ta hãy nhìn mọi thứ theo chiều hướng rộng lớn hơn của quá khứ và tương lai. Quá khứ, bằng cách nhớ lại lòng trung thành của Thiên Chúa – Thiên Chúa thành tín –, hãy nhớ đến sự tha thứ của Ngài và bám chặt vào tình yêu của Ngài. Tương lai, bằng cách hướng tới mục tiêu vĩnh cửu mà chúng ta được kêu gọi hướng tới, mục đích cuối cùng của cuộc đời chúng ta. Thưa anh em thân mến, việc mở rộng tầm nhìn của chúng ta sẽ giúp mở rộng tâm hồn chúng ta, dành thời gian cho Chúa và trải nghiệm lòng thống hối. Lời khuyên thứ hai của tôi tiếp nối từ lời khuyên đầu tiên. Chúng ta hãy tái khám phá nhu cầu trau dồi việc cầu nguyện không phải vì bị bắt buộc và hay vì công việc, nhưng được tự do lựa chọn, yên tĩnh và kéo dài. Thưa anh em, đời sống cầu nguyện của anh em thế nào? Chúng ta hãy trở lại với việc tôn thờ. Anh em có quên tôn thờ Chúa không? Chúng ta hãy trở lại với lời cầu nguyện của trái tim. Chúng ta hãy lặp lại: Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Chúng ta hãy cảm nhận sự cao cả của Thiên Chúa ngay cả khi chúng ta nhìn nhận tội lỗi của chính mình và mở rộng tâm hồn để đón nhận sức mạnh chữa lành của cái nhìn của Ngài. Khi đó chúng ta sẽ tái khám phá sự khôn ngoan của Mẹ Giáo Hội khi lời cầu nguyện của chúng ta luôn bắt đầu bằng lời của người đàn ông nghèo đang kêu lên: Lạy Chúa, xin đến giúp đỡ con!

Anh em thân mến, cho phép tôi kết thúc bằng việc trở lại của Thánh Phêrô và những giọt nước mắt của ngài. Bàn thờ mà chúng ta nhìn thấy phía trên ngôi mộ của Ngài khiến chúng ta nghĩ đến biết bao lần chúng ta, những linh mục, những người hằng ngày nói: “Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn, vì đây là Mình Thầy, sẽ bị nộp vì các con” – đã thất vọng và làm buồn lòng Đấng yêu thương chúng ta đến độ biến đôi bàn tay chúng ta thành dụng cụ cho sự hiện diện của Ngài. Vì vậy, chúng ta nên lặp lại những lời cầu nguyện mà chúng ta nói trong thinh lặng: “Lạy Chúa, với tinh thần khiêm nhường và trái tim thống hối, xin cho chúng con được Chúa chấp nhận”, và “Lạy Chúa, xin rửa con khỏi gian ác và rửa sạch con khỏi tội lỗi”. Tuy nhiên, thưa anh em, về mọi mặt, chúng ta được an ủi bởi sự chắc chắn được nói đến trong phụng vụ hôm nay: Chúa, được thánh hiến nhờ việc xức dầu của Người (x. Lc 4:18), đã đến “để băng bó những tâm hồn tan vỡ” (Is 61:1). Nếu những tấm lòng tan vỡ, chắc chắn họ có thể được Chúa Giêsu băng bó và chữa lành. Cảm ơn các linh mục thân mến vì tấm lòng rộng mở và ngoan ngoãn của anh em. Cảm ơn vì tất cả những nỗ lực và những giọt nước mắt của anh em. Cảm ơn anh em đã mang đến phép lạ của lòng thương xót Chúa. Luôn luôn tha thứ. Hãy thương xót. Hãy mang lòng thương xót của Thiên Chúa đến với anh chị em chúng ta trong thế giới ngày nay. Các linh mục thân mến, xin Chúa an ủi, củng cố và ban thưởng cho anh em. Cảm ơn!

[1] “Giáo hội có nước và nước mắt: nước Rửa tội và nước mắt Sám hối (THÁNH Ambrôsiô, Epistula extra collectionem, I, 12).

[2] “nỗi ưu phiền theo ý Thiên Chúa làm cho chúng ta hối cải để được cứu độ: đó là điều không bao giờ phải hối tiếc; còn nỗi ưu phiền theo kiểu thế gian thì gây ra sự chết” (2 Cô-rinh-tô 7:10).

[3] Xem. Thánh Gioan Kim Khẩu, De compunctione, I, 10.

[4] Luật Dòng, IV, 57.

[5] Như trên, XX, 3.

[6] Xem. De poenitentia, VII, 5.

[7] Ch. XXI.

[8] Bài giảng khổ hạnh (III Coll.), XII.

[9] Bài giảng khổ hạnh (I col.), XXXIV (Hy Lạp).

[10] X. FF 110.

[11] Ch. XXI.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Văn Hóa
Truyền thống Trí thức Công Giáo trong Thế kỷ Hai mươi, Chương hai 2
Vũ Văn An
21:21 28/03/2024

Chương 2: Triết học Công Giáo trong thời kỳ hỗn loạn, tiếp theo



Một người tử đạo vì sự thật

Một người đã lao công theo những đường lối tương tự—và sau đó được Đức Gioan Phaolô II phong thánh như một vị tử đạo—là triết gia và nhà chiêm niệm người Đức Edith Stein. Có lẽ bà sẽ còn quan trọng hơn trong nền văn hóa Công Giáo rộng lớn vì con đường sống mà bà đã theo đuổi — trở lại đạo từ Do Thái giáo, gia nhập tu viện Cát Minh, chết tại Auschwitz — hơn là đối với bất cứ đóng góp lớn nào cho triết học đúng nghĩa. (Tuy nhiên, nên nhớ rằng bà đã bị giết khi mới 50 tuổi, sau nhiều năm trốn tránh sự bách hại của Đức Quốc xã, và có thể còn làm được nhiều hơn thế). Nhưng bà ở trong nhóm lớn những người Đức trẻ tuổi trong tiền bán thế kỷ 20, những người không hài lòng với những gì có thể coi là sự kìm kẹp của trường phái Kant mới đối với triết học học thuật ở đất nước họ. Đối với họ, Husserl đưa ra một điểm khởi đầu mới mẻ mở ra đủ loại khả thể. Như Stein đã mô tả nó sau này:

“Tất cả chúng tôi đều có cùng một câu hỏi trong đầu. Logische Untersuchungen [Những cuộc điều tra luận lý học của Husserl] đã gây chấn động chủ yếu bởi vì nó dường như là một sự đi trệch triệt để ra khỏi chủ nghĩa duy tâm phê phán vốn mang dấu ấn của Kant và tân Kant. Nó được coi là một ‘chủ nghĩa kinh viện mới’... Tri nhận một lần nữa xuất hiện như là sự tiếp nhận, rút các quy luật của nó từ các đối tượng chứ không phải từ sự xác định vốn áp đặt các quy luật của nó lên các đối tượng như khoa phê bình đã nói. Tất cả các nhà hiện tượng học trẻ tuổi đều là những người theo chủ nghĩa hiện thực đã được khẳng định. Tuy nhiên, các Ý niệm [cũng của Husserl] bao gồm một số cách diễn đạt nghe có vẻ rất giống như Bậc Thầy của họ muốn quay trở lại chủ nghĩa duy tâm”. (9)

Stein ban đầu dự định nghiên cứu tâm lý học, điều mà bà dường như đã tin rằng sẽ dẫn đến sự khôn ngoan trong việc hiểu linh hồn con người (psyche, tâm ý). Việc Husserl phá bỏ một chủ nghĩa duy lý khá nông cạn trong tâm lý học hiện đại đã giúp thu hút các sinh viên đến với ông.

Nhưng việc bậc thầy thỉnh thoảng ngã trở lại vào điều cốt yếu từng thu hút các đệ tử theo ông – việc ông sắp xếp lại toàn bộ câu hỏi về nhận thức và thế giới để mở lại những lĩnh vực cũ của kinh nghiệm – đã dẫn đến sự kinh ngạc nơi họ và sau đó là sự khám phá theo những đường hướng khác. Adolf Reinach, một trong những người bạn của Stein, đã khám phá luật như “ngôn từ công cộng”, từ tầm nhìn hiện tượng học, một vấn đề từ nội tại liên quan đến nhiều tâm trí theo cách hiểu thông thường. Bản thân Stein bắt đầu phát triển một chủ đề mà bà nhận thấy vốn đã hiện hữu nơi Husserl nhưng chỉ được đề cập ngắn gọn: cảm giác tương cảm [empathy] của chúng ta đối với người khác. Bất cứ ai nhìn vào sự phát triển về Stein từ quan điểm về cái chết sau này của bà tại Auschwitz và sự phong thánh cho bà bởi đức Gioan Phaolô II có thể bị cám dỗ để nghĩ rằng nghiên cứu về tương cảm của bà dự ứng sự nên thánh sau này. Nó có thể làm được điều đó cách nào đó, nhưng nó cũng là một nỗ lực nghiêm ngặt để hiểu một điều gì khó giải thích bằng thuật ngữ được đưa ra bởi một số triết gia vĩ đại hiện đại, như Descartes, Hume và Kant: Làm thế nào chúng ta biết được cảm xúc nội tại của người khác và tương cảm với họ? Trong “thế giới đời thực”, điều đó xảy ra mọi lúc. Nhưng một cách nào đó, tương cảm còn đưa ra một vấn đề triết học thậm chí lớn hơn là mở rộng tâm trí với thế giới bởi vì nó liên quan đến ít nhất hai tâm trí, hai tâm trí với những vùng nội tâm xa lạ, biệt lập, khó có thể tiếp xúc lý thuyết với một thế giới- chứ đừng nói tới chuyện với nhau-trong phần lớn triết học hiện đại

Do đó, tương cảm là một câu hỏi quan trọng trong một số khía cạnh đối với loại hiện tượng học mà những người theo ông cho là quan trọng nhất nơi Husserl. Edith Stein chỉ mới 25 tuổi khi nộp luận án này, và theo nhiều cách, nó cho thấy điều đó. Nhưng cũng có một tiền ý thức trong cách bà sắp xếp một số phạm trù của Husserl, điều này đã thuyết phục những người chấm thi cho bà đậu ưu hạng [summa cum laude) và Husserl đề nghị bà trở thành trợ tá riêng của ông. Bà luôn đi theo khía cạnh hiện thực trong tư tưởng của Husserl, một định hướng cho thấy tương cảm không chỉ đơn thuần là sự hiểu biết của tôi về người khác thông qua cái nhìn sâu sắc, mà còn là cách thức trong đó sự hiểu biết hỗ tương của chúng ta về nhau là một phần cấu thành cảm thức lớn hơn của chúng ta về bản thân mình trong thế giới. Cách mà những người khác đôi khi có thể hiểu rõ về tôi hơn là tôi hiểu về bản thân mình là một phần thường được trải nghiệm trong diễn trình này.

Như trong các phạm trù hiện tượng học khác, việc tôi hoặc bất cứ cá nhân nào khác có thể nhầm lẫn khi đọc ai đó không làm mất hiệu lực của trực giác hiện tượng học căn bản: cách các cử chỉ thân xác của người khác và các dấu hiệu khác xuất hiện trước mắt tôi tạo nên những yếu tố hiện thực của đời sống nội tâm của chính họ— như của tôi đối với họ. Phần lớn phải được sắp xếp theo lộ trình lớn nhỏ của việc tiết lộ này cũng như các chỉnh sửa có thể xảy ra cho nó nhờ trí nhớ, phân tích, bối cảnh hóa, báo cáo của người khác, v.v. Nhưng những gì chúng ta có ở đây không phải là hai kẻ cô độc không bao giờ có thể thực sự biết nhau, mà là hai tác nhân năng động của sự thật đang hiện diện với nhau và định hình lẫn nhau. Và ngoài trường hợp của hai người như vậy, cái nhìn sâu sắc và ý kiến đóng góp từ nhiều người hơn sẽ giúp xác nhận hoặc phủ nhận những sự thật tự biểu lộ trong những phương thức tương cảm này. Tất cả lý luận này khá vững chắc và, ở một số khía cạnh, mang tính cách mạng và cho thấy nhiều hứa hẹn về một chủ đề quan trọng.

Thật dễ dàng để thấy việc mở ra những nẻo đường liên ngã kiểu này cũng có thể giúp một người nào đó có thể ấp ủ niềm tin tôn giáo một lần nữa. Stein, người lớn lên trong một gia đình Do Thái truyền thống, đã không còn tin lúc mười mấy tuổi đời. Nhưng với sự phát triển trí thức của bà và sự đau khổ về mặt cảm xúc trong Thế chiến thứ nhất—một số người xung quanh Husserl, bao gồm cả Adolf Reinach, đã chết ở mặt trận—con đường cũng mở ra cho sự phát triển tôn giáo. Và điều này bất chấp cuộc đụng độ của Stein với một Husserl khá khó tính, người cuối cùng đã khiến bà phải từ chức. Tuy nhiên, bà đã cho thấy một đánh giá khá tốt và tương cảm về ông: “Người ta phải luôn nhắc nhở mình rằng bản thân ông đau khổ nhất vì ông đã hy sinh nhân cách của mình cho khoa học. [Công việc] đó quá mạnh mẽ và lòng biết ơn mà chúng tôi nợ ông vì nó là không thể đo đếm được, đến nỗi theo quan điểm đó, bất cứ hình thức oán giận bản thân nào thậm chí cũng không nên nảy sinh.” (10) Có lẽ sự oán giận đã không nảy sinh, nhưng nhu cầu tự bảo tồn cuối cùng đã nẩy sinh.

Chiến tranh thế giới thứ nhất đã ảnh hưởng sâu sắc đến Stein trong tư cách vừa là một triết gia vừa là một con người, giống như Chiến tranh thế giới thứ hai (và kinh nghiệm về Chủ nghĩa Quốc xã và Chủ nghĩa Cộng sản) sau này đã ảnh hưởng đến Karol Wojtyła (Đức Gioan Phao-lô II). Trong suốt cuộc đời của mình cho đến thời điểm đó, Edith Stein đã ít nhiều theo bản năng ủng hộ trật tự và kỷ luật gắn liền với yếu tố Phổ ở Đức. Tuy nhiên, có điều gì đó trong cách diễn ra cuộc chiến, hoặc có lẽ đơn giản là sự trưởng thành, đã khiến bà có cái nhìn hoài nghi hơn về chủ quyền quốc gia và sự tự cho mình là đúng của tất cả các đảng phái chính trị. Vào mùa hè năm 1918, bà viết cho em gái mình: “Thiện và ác, nhận thức và ngu dốt trộn lẫn với nhau, và mỗi người chỉ nhìn thấy mặt tích cực của mình và mặt tiêu cực của người khác’. Điều này đúng đối với các dân tộc cũng như các đảng phái.... Cuộc sống quá phức tạp khiến bất cứ ai cũng không thể áp đặt lên nó ngay cả kế hoạch thông minh nhất để cải thiện thế giới.” (11)

Giống như Maritain, bà đã viết một số tiểu luận về nhà nước và chủ quyền, và khi bà quyết định viết Habilitationsschrift của mình, tức học vị tiến sĩ thứ hai thường được yêu cầu để có thể giảng dạy ở các trường đại học châu Âu, bà đã chọn viết về một chủ đề liên quan đến phân tích hiện tượng học về con người và cộng đồng. Tiêu đề tiếng Đức nặng nề của nó, Beiträge zur philosophischen Begründung der Psychologie und der Geisteswissenchaften [Đóng góp cho sự biện minh triết học của tâm lý học và nhân văn], đã được các dịch giả tiếng Anh rút gọn một cách khôn ngoan thành Philosophy of Psychology and the Humanities (Triết lý của Tâm lý học và Nhân văn). (12) Giống như tiêu đề, bản văn không dễ hiểu đối với người không chuyên môn. Nhưng nó cung cấp một số hiểu biết rất độc đáo về tâm lý cá nhân vì nó liên quan đến sự suy nghĩ triết học và sự tham gia vào cộng đồng. Để bắt đầu, Stein viết rằng chúng ta là những tạo vật mang thân xác và thân phận thể lý của chúng ta, đặc biệt là những trạng thái như mệt mỏi hoặc có năng lực, đóng một vai trò quan trọng trong cách chúng ta tri nhận thế giới tại bất cứ thời điểm nào. Chỉ riêng điều này đã là một sự khác biệt quan trọng về mặt hiện tượng học so với tâm trí thuần túy như xuất hiện nơi Descartes hoặc Kant.

Như Stein đã quan sát trong luận văn đầu tiên của mình, tính mang thân xác là một trong những điều kiện để có sự tương cảm. Nhưng nó cũng đóng một vai trò trong cảm thức thuộc về hay không thuộc về một cộng đồng của chúng ta. Đủ loại nhân tố từ bên ngoài định hình tâm lý của chúng ta nên tốt hay xấu. Chúng ta phải khám phá cấu trúc tham gia này để hiểu ý nghĩa của nó đối với tâm ý mang thân xác nhất thiết phải sống trong một hoặc nhiều cộng đồng. Trong những gì có thể là vay mượn từ Scheler, người mà bà biết, Stein chỉ ra rằng Gemütsakte, loại phản ứng cảm xúc đối với các trình bầy cho chúng ta từ bên ngoài, liên quan đến toàn bộ sự đánh giá của chúng ta về giá trị. Một số đối tượng trên thế giới tự trình bầy như chỉ đơn thuần có giá trị thực dụng - chẳng hạn như kỹ thuật. Nhưng những đối tượng khác—con người, gia đình, quốc gia, các hiệp hội thân thiết khác—là những hiện tượng rất khác không thể loại trừ khỏi tầm nhìn.

Bà cũng cố gắng phân loại điều tốt điều xấu trong các con người và cộng đồng. Bà lập luận rằng tâm ý căn bản của mỗi chúng ta là một điều cá biệt và khác biệt giữa người này với người kia. Những thói quen cư trú trong chúng ta là kết quả của cả hành động của chúng ta lẫn của những ảnh hưởng bên ngoài. Chúng ta có thể cố gắng định hướng hành động của mình hoặc thay đổi bản thân dựa trên những hiểu biết sâu sắc, nhưng do bản chất của mình, chúng ta thường không thể làm được điều đó nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài—sự trợ giúp đó cũng nằm ngoài mạng lưới các mối liên hệ tự nhiên của chúng ta. Những mạng lưới đó cũng có thể bị ảnh hưởng khi có điều gì đó từ bên ngoài biến đổi chúng. Vì vậy, con người hay cộng đồng không phải chỉ đơn giản là sự triển khai của các lực lượng tự nhiên; chúng hành động một cách năng động và, ít nhất về nguyên tắc và không liên tục, cởi mở đó nhận những năng lực mới không lường trước được. (13) Stein rút ra nhiều sự phân biệt hữu ích trên đường đi trong truyền thống hiện tượng học tốt nhất, ngay cả khi những điều này phải được khai thác từ một số lời lẽ dày đặc.

Một cách khác trong đó chiến tranh ảnh hưởng đến Stein là đem bà đối diện với thực tại của Thập giá, và những suy nghĩ của bà về tính mang thân xác, cộng đồng và sự biến đổi có thể có liên quan đến việc bà trở lại đạo. Hoặc có lẽ điều ngược lại mới đúng, và ý thức ngày càng tăng của bà về các chân lý Kitô giáo đã ảnh hưởng đến suy tư triết học của bà. Chúng ta không có phương tiện tốt để biết điều gì được ưu tiên hơn; và có lẽ cả hai chỉ đã xảy ra đồng thời. Câu chuyện trở lại đạo của Stein được nhiều người biết đến. (14) Lần đầu tiên nó bắt đầu trở thành khẩn thiết là lúc cô đến thăm vợ của Adolf Reinach ngay sau khi biết tin anh bị giết ở mặt trận. Thay vì an ủi người góa phụ, người, giống như chồng, đã trở thành một Kitô hữu dấn thân, bạn hữu của Reinach thấy mình được bà an ủi: “Đó là lần đầu tiên tôi gặp Thập giá và sức mạnh thần linh mà Thập giá ban cho những người vác nó. Lần đầu tiên, tôi được tận mắt chứng kiến Giáo hội, được sinh ra từ những đau khổ của Đấng Cứu Chuộc mình, chiến thắng nọc độc của cái chết. Đó là lúc niềm không tin của tôi sụp đổ.” (15) Ngoài sự sụp đổ của niềm không tin, Stein còn tình cờ nhặt được một cuốn Tự truyện của Thánh Têrêsa Avila vào năm 1921 khi đang ở nhà người bạn Hedwig Conrad-Martius. Bà đã đọc hết toàn bộ tập sách trong một đêm và đặt nó xuống và nói: “Đây là sự thật.” Sau một thời gian tìm hiểu, bà chịu phép rửa vào ngày 1 tháng Giêng năm 1922.

Có thể nói rất nhiều điều về toàn bộ quá trình trở lại này. Tuy nhiên, đối với các mục đích hiện tại của chúng ta, nó có tác dụng thay đổi một số quan tâm triết học của bà. Giống như Karol Wojtyła, Stein bắt đầu xem xét một số phạm trù hiện tượng học từ một góc nhìn khác, đáng chú ý là những phạm trù liên quan đến hữu thể học và siêu hình học của học thuyết Tôma. Bà đã nghiên cứu một chút về Thánh Tôma và thậm chí còn tạo ra một bản dịch tiếng Đức cuốn Quaestiones Disputatae de Veritate [Các Vấn đề Tranh cãi về Sự thật]. Dọc đường, bà đã bị buộc tội bởi những người theo học thuyết Tôma (về việc tuân thủ nghiêm ngặt) đã đưa các khái niệm và ngôn ngữ hiện tượng học vào một bản văn không chứa đựng cả hai điều. Căn cứ vào bối cảnh của bà, điều này có lẽ đúng, nhưng rõ ràng bà cũng quan tâm đến việc xem hai truyền thống có thể bổ sung cho nhau ra sao.

Vào đúng năm bản dịch xuất hiện, Husserl bước sang tuổi bảy mươi, và Martin Heidegger đã tổ chức một Lễ hội [Festschrift] để vinh danh bậc thầy. Ông mời Stein viết một tiểu luận, và lần đầu tiên bà gửi đi một cuộc đối thoại hư cấu giữa Thánh Tôma và Husserl. Heidegger đã bác bỏ tiểu luận này và yêu cầu bà đóng góp một tiểu luận khác. Bà đã viết một tiểu luận lập luận rằng niềm tin là một loại nhận thức, và hơn nữa, nó là loại nhận thức nêu vấn đề với một cách khái niệm hóa lý trí. Nếu lý trí, như thuật ngữ triết học hiện đại sử dụng, được phép xác định các giới hạn của chính nó, thì mâu thuẫn sẽ nảy sinh. Lý trí thuộc loại đó phải biết những gì ở bên ngoài hoặc ở bên dưới nó và do đó, mặc nhiên, đang dựa vào một số nhận thức mà nó nói rằng nó không thể có. Như Alasdair MacIntyre đã tóm tắt lập luận của Stein: “Nếu lý trí tự nhiên có thể phân định ranh giới của chính nó và nói những gì nằm bên trong và những gì bên ngoài lãnh thổ của nó, thì nó phải có khả năng nhìn chính nó và những hạn chế của nó từ bên ngoài, nghĩa là nó phải, cách nào đó, hoặc vượt các giới hạn mà theo tuyên bố là không thể vượt qua được.” (16)

Stein cho biết thêm, nói rằng lý trí vượt qua một khái niệm bị giới hạn sai lầm không có nghĩa là nó có hoặc có thể có nhận thức đầy đủ. Về điều này, ý tưởng truyền thống về Thiên Chúa cũng hữu ích, cho dù Người có hiện hữu hay không, bởi vì chỉ có Thiên Chúa theo cách hiểu truyền thống mới có thể có nhận thức như vậy. Và dưới ánh sáng của ý tưởng đó, chúng ta có thể thấy rõ hơn rằng chúng ta không làm như vậy. Về điểm này, bà viện dẫn một cái tên quan trọng: “Bây giờ chắc chắn rõ ràng là theo quan điểm của Thánh Tôma thì mục tiêu này là không thể đạt được.” (17) Stein chưa phải là một người theo học thuyết Tôma thành đạt và rõ ràng đang nghiên cứu một số ý tưởng về các cách thức mà hữu thể học và siêu hình học liên quan đến những hiểu biết sâu sắc thực sự của hiện tượng học. Trong hai nghiên cứu nghiêm túc mà bà sẽ hoàn thành trong cuộc sống sau này, đó sẽ là một mục tiêu tiếp diễn.

Hữu thể hữu hạn và vĩnh cửu và sau đó

Khoa học về Thập giá có mối liên hệ với một số tác phẩm của Karol Wojtyła: vị giáo hoàng tương lai đã kiểm tra nhà thần bí Cát Minh, Thánh Gioan Thánh Giá, bằng cách sử dụng các phạm trù của Thánh Tôma; Stein nhìn Thánh Gioan qua lăng kính hiện tượng học. Nhưng Stein, lúc này là Nữ tu Dòng Cát Minh Teresa Benedicta Thánh Giá, đã chuẩn bị cuốn sách này để cử hành lễ Thánh Gioan Thánh Giá vào năm 1942. Bà đã viết nó tại Dòng Cát Minh ở Echt, Hòa Lan, mà không có triển vọng thực sự nào về việc tác phẩm này, được viết bởi một người gốc Do Thái, có thể được xuất bản dưới chế độ Quốc xã. Nó chủ yếu có tính hạnh các thánh và bao gồm một loạt các trích dẫn được kết nối với lời bình luận ngắn gọn, mà nhiều người đã cố gắng khai thác cho các mục đích triết học, nhưng không có gì trong cuốn sách khiến triết học quan tâm nhiều.

Mặt khác, cuốn Finite and Eternal Being [Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu] (có lẽ hoàn thành năm 1937 nhưng mãi đến năm 1950 mới được xuất bản), là một công trình rất nghiêm túc, chắc chắn là đóng góp quan trọng nhất của bà cho triết học. Trong đó, bà thực hiện một số bước cụ thể trong việc cố gắng tích hợp hiện tượng học và học thuyết Tôma, mà cho đến lúc đó, bà từng nghiên cứu nhiều năm. Điều này thể hiện đáng chú ý nhất trong cách bà khái niệm hóa con người nhân bản. Đối với những ý niệm truyền thống về mô thức và chất thể, bà thận trọng thêm yếu tố thứ ba, yếu tính, điều mà ở những cá nhân nhân bản chuyên biệt có những đặc điểm chuyên biệt. (18) Thí dụ được bà sử dụng nổi bật là niềm vui, vốn hiện hữu nơi nhiều người khác nhau mặc dù các đặc điểm chuyên biệt của nó có thể khác nhau trong mỗi trường hợp. Cá tính - ở đây dường như xuất phát từ việc hiện tượng học cẩn thận chú ý đến các điểm đặc thù - được bà đặc biệt nhấn mạnh, một điểm ưu thực sự so với học thuyết Tôma thông thường, vốn có xu hướng đánh mất con người cụ thể trong cuộc thảo luận kỹ thuật.

Thánh Teresa Benedicta cũng tìm cách đi theo chiều hướng siêu hình học của Finite and Eternal Being [Hữu thể Vĩnh cửu], tức Thiên Chúa. Phụ đề của Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu An Attempt at an Ascent to the Meaning of Being [Một Nỗ lực Vươn tới Ý nghĩa của Hữu thể]. Bà viết về Thánh Augustinô như một người tiền nhiệm đã đi trên con đường tương tự. Nhưng như bà đã làm trong luận án về tương cảm, bà nhấn mạnh vai trò của thân xác. Chúng ta không phải là những tâm trí thuần khiết, và thân xác của chúng ta ảnh hưởng đến trải nghiệm và tâm trạng bên trong của chúng ta. Bà tìm ra những yếu tố trong kinh nghiệm đưa chúng ta đến gần với Hữu thể Vĩnh cửu. (19) Tất cả những điều này thật đáng lưu ý và được thực hiện với sự nhạy bén tuyệt vời, nhưng rất có thể đặc điểm nổi bật nhất trong tất cả những điều của bản văn này là một điều đã bị loại bỏ khỏi các phiên bản đã xuất bản trong một thời gian: một bài phê bình dài và rất thành công về một trong những triết gia hiện đại vĩ đại nhất, Martin Heidegger. (20)

Bài phê bình này có hình thức tóm tắt và sau đó đánh giá một số tác phẩm: Being and Time [Hữu thể và Thời gian], Kant and the Problem of Metaphysics [Kant và Vấn đề Siêu hình học], The Essence of Reasons [Yếu tính các Lý lẽ], và What Is Metaphysics? [Siêu hình học là gì?] Khía cạnh ấn tượng nhất của toàn bộ công trình là sự thoải mái mà với nó, Thánh Teresa Benedicta đã khai thác công trình dày đặc và khó khăn của Heidegger, thể hiện một sự hiểu biết và sắc thái có lẽ do mối quan tâm chung của họ đối với các chủ đề khác nhau từng được lan truyền giữa các học trò của Husserl. Những bản tóm tắt này rất đáng đọc như một đóng góp vào việc hiểu Heidegger đã sớm nhìn tới một nhà bình luận rất thông minh được đào tạo trong cùng một môi trường trí thức, đặc biệt là kể từ khi một loại triết học Công Giáo Heidegger đạt tới vị thế nổi bật nào đó vào những năm 1950 và sau đó trong thời cực thịnh của chủ nghĩa hiện sinh trong thế giới thế tục. (21) Một cách nào đó, tác phẩm của ông khai thác các chủ đề của Thánh Augustinô bị khuyết diện trong triết học Công Giáo hiện đại và tập trung vào những trải nghiệm của cuộc sống trong thế giới vắng bóng Thiên Chúa này, mà Thánh Augustinô gọi là “lãnh địa của sự khác biệt” [realm of unlikeness]. Cảm giác lo lắng âm ỉ đánh dấu chủ nghĩa hiện sinh nói chung và việc Heidegger bác bỏ hoàn toàn mọi triết học kể từ Platông trong tư cách “quên khuấy Hữu thể” khiến ông có vẻ mạnh mẽ và sâu sắc như một số nhà tư tưởng khác trong hậu bán thế kỷ. (22)

Chẳng hạn, Stein, nay đang viết từ quan điểm một phần theo học thuyết Tôma, nhận thấy rằng trong Being and Time [Hữu thể và Thời gian], Heidegger tuyên bố rằng Dasein (thuật ngữ của ông dành cho hữu thể nhân bản như là “hiện hữu ở đó”) là loại hữu thể mà yếu tính của nó là hiện hữu: “Điều đó không có nghĩa gì khác hơn là một điều gì đó được tuyên bố dành cho các hữu thể nhân bản mà theo triết học đời đời (philosophia perennis) vốn được dành riêng cho Thiên Chúa” và hữu thể nhân bản “được quan niệm như một vị thần nhỏ”. Đồng thời, bà nhìn thấy một lỗ hổng nghiêm trọng trong cách Heidegger trình bày Dasein: “Việc con người có một thân xác không bị tranh luận, nhưng không có gì nói thêm về điều đó.” (23) Bà cho rằng trình bầy của Heidegger không tự cho là đầy đủ, nhưng bà khẳng định rằng việc bỏ qua thân xác có những hậu quả triết học đối với một số ý tưởng trung tâm trong toàn bộ dự án của Heidegger: “Những xác định căn bản của hữu thể nhân bản—Thí dụ, trạng thái tâm trí, việc bị ném vào thế giới (thrownness) và sự hiểu biết—phải là những khái niệm vô định rất trừu tượng, vì chúng không tính đến tính chuyên biệt của thực thể tâm lý.” (24) Mối quan tâm ban đầu của Stein về vai trò của thân xác đối với sự tương cảm và cộng đồng nhận thấy một lỗ hổng nghiêm trọng ở đây.

Đối với bà cũng như đối với nhiều độc giả, sự phân biệt của Heidegger giữa một cái tôi “hàng ngày” không chân chính và một hữu thể “chân chính” là một trong những phần nổi bật và thuyết phục nhất của phân tích. Bản ngã hàng ngày được định hình bởi “họ”, trong khi bản ngã chân chính một mình và kiên quyết đối đầu với sự thật về “hữu thể đang hướng tới cái chết” của nó. Stein cho phép một sự thật nào đó đối với cách đặt để mọi sự này, nhưng nói thêm rằng “họ” không phải chỉ là một lực lượng của tính không chân chính. Do những loại hữu thể mà chúng ta hiện là, những người khác nuôi dưỡng, bảo vệ và hướng dẫn chúng ta trong diễn trình phát triển sớm nhất của chúng ta, và bản ngã chân chính mắc nợ các cộng đồng khác nhau về chính sự sống của nó và thậm chí cả khả năng phê phán các cộng đồng đó sau này. Ngay cả “sự hiện hữu hướng về cái chết” mà tư tưởng của Heidegger rất coi trọng cũng không đầy đủ nếu cái chết được trình bày như một điều gì đó mà chúng ta không thể biết gì về nó: “Từ thời xa xưa, các hữu thể nhân bản đã tự nhiên gặp phải trải nghiệm về cái chết với câu hỏi về số phận của linh hồn.” (25)

Khi giải quyết câu hỏi này, Stein đưa ra kinh nghiệm bản thân và quan sát hiện tượng học để xem xét:

“Tôi đề cập đến sự kiện này là nhiều người chết nằm ở đó, sau trận chiến, giống như một người chiến thắng: trong sự yên tĩnh uy nghi và bình an sâu sắc. Ấn tượng mạnh mẽ đối với những người sống sót đến nỗi nỗi đau mất mát sẽ phai nhạt so với tầm quan trọng của những gì đã xảy ra. Liệu sự chấm dứt đơn giản của sự sống, sự quá độ từ hiện hữu sang không hiện hữu, có thể mang lại ấn tượng như vậy hay không? Và liệu có thể nghĩ rằng tinh thần đã đóng dấu ấn này trên thân xác không còn tồn tại nữa không?” (26)

Trong đoạn này và nhiều đoạn khác, (27) Stein cho thấy bà là người quan sát nhiều hiện tượng liên quan đến Dasein tốt hơn chính Heidegger, người có tính lược đồ [schematic] và trừu tượng hơn. Tất nhiên, hệ thống của ông vẫn là một thành tựu to lớn, nhưng những quan sát phi hệ thống của bà mở ra những con đường quan trọng chưa bao giờ được khám phá đầy đủ. Những quan sát này về cái chết được phản ảnh trong toàn bộ bản văn, trong đó bà thậm chí còn tranh luận liệu sự lo lắng [Angst] có thực sự được cho là đánh dấu sự hiện hữu chân chính của con người hay không. Trải nghiệm chung của chúng ta về sự thanh tĩnh [calm] và an toàn trong thế giới đôi khi có thể là kết quả của việc chuyển sang sự không chân chính trong việc quên đi tính tử vong của mình, nhưng nó cũng có thể phản ảnh “niềm tin tưởng vào hữu thể”, một hiện tượng tiết lộ điều gì đó về khả năng chúng ta nắm bắt những điều tối hậu bằng trực giác.

Cuốn Finite and Eternal Being [Hữu thể Hữu hạn và Vĩnh cửu] có tính khá truyền thống trong cách hiểu của nó về cách mà các hữu thể được tạo dựng—ngẫu nhiên và không tất yếu—tiếp nhận sự hiện hữu từ Hữu thể Bất tạo—và tuyệt đối và tất yếu—(tức là Thiên Chúa). Một phần ảnh hưởng ngày càng tăng của Heidegger liên quan đến việc ông bênh vực Hữu thể hơn là nghiên cứu khoa học về các hữu thể, các sự vật trong thế giới, điều mà bất chấp những phủ nhận của ông dường như lặp lại quan điểm cũ hơn. Và trên thực tế, Heidegger và những người theo ông là một trường phái phê bình quan trọng chống lại chủ nghĩa duy giản lược kỹ thuật và khoa học. Họ cũng lập luận rằng trong các nhà siêu hình học chẳng hạn như Thánh Tôma, “sự khác biệt hữu thể học” giữa Hữu thể và các hữu thể không hề hiện diện. Điều này có vẻ vô lý. Ở độ cao đó, nhiều trường phái triết học khác nhau hội tụ về thể tuyệt đối. Tuy nhiên, triết học của Heidegger có thêm hiệu quả là khuyến khích việc làm cho ý nghĩa bất ổn vốn có tính phá hoại của phái hậu cấu trúc [poststructuralist]. Nó phá bỏ tính trong sáng cũ của phong trào Ánh sáng, vốn cho rằng mọi sự đều dễ dàng nắm bắt. Nhưng thay vì mở ra những khả thể tâm linh truyền thống, nó đồng thời giới thiệu một điều kỳ lạ không hẳn tựa chặt vào Hữu thể. Người Công Giáo, nói chung, khi họ tiếp xúc với Heidegger, đã cố gắng chấp nhận lối cởi mở hiện sinh mà không có Nỗi lo lắng vực thẳm dường như không thể vượt qua.

Một trong những nỗ lực xuất sắc nhất của một triết gia Công Giáo nhằm vượt ra khỏi Heidegger là tác phẩm God without Being [Thiên Chúa không Hữu thể[ của Jean-Luc Marion, một tác phẩm tìm cách thiết lập lại mối quan hệ Thượng đế-tạo vật thời hậu Heidegger bằng cách bãi bỏ hữu thể ngẫu nhiên-tuyệt đối và các hữu thể-giống như Hữu thể. (28) Và tất cả trong một nền linh đạo sâu sắc và phức tạp bắt nguồn từ các Giáo Phụ và truyền thống huyền nhiệm. Marion là học trò của nhà lãnh đạo phong trào giải cấu trúc [deconstructionist], Jacques Derrida, nhưng ông đã biến tính bất định biểu kiến trong các hiều biết sâu sắc của phong trào này khỏi các khuynh hướng hoài nghi và duy tương đối của nó và hướng tới một quan niệm cho rằng tất cả đều là hồng phúc và là hồng phúc nhưng không của Thiên Chúa—và Thiên Chúa được quan niệm trong căn bản như Tình yêu hơn là Hiện hữu. Nơi ông, những giả định không thể bảo vệ về quyền làm chủ đối với các hữu thể được tạo dựng trong quá khứ là một hình thức tôn thờ ngẫu tượng cần phải bác bỏ. Mặc dù không dễ để đánh giá ở một khoảng cách gần như vậy, nhưng Marion, bất chấp khó khăn của ông, có thể là một trong những nhân vật triết học Công Giáo lâu dài của hậu bán thế kỷ (ông được bầu vào Hàn lâm viện Pháp năm 2008).
 
Church Documents
Thủy 29/3/2024
VietCatholic Media
18:45 28/03/2024
1. Giáo hội Nga tuyên bố cuộc chiến ở Ukraine bây giờ là 'Thánh chiến'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Is Now 'Holy War,' Russian Church Declares”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Giáo hội Chính thống Nga đã thông qua một tài liệu coi cuộc xâm lược toàn diện của Vladimir Putin vào Ukraine là một “Thánh chiến”.

Tuyên bố được đưa ra trong một đại hội của Hội đồng Nhân dân Thế giới Nga, trong đó các nhân vật tôn giáo, chính trị và văn hóa trong nước gặp nhau tại địa điểm Nhà thờ Chúa Kitô Cứu thế ở Mạc Tư Khoa, một tâm điểm của đức tin Chính thống giáo ở Nga.

Nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống Nga, Thượng phụ Kirill, cũng là nhà lãnh đạo hội đồng và là đồng minh của Putin. Ông đã bị chỉ trích vì đưa ra lời biện minh mang tính tôn giáo cho cuộc chiến và không lên án một cách dứt khoát việc giết hại người dân ở Ukraine.

Vào tháng 2 năm 2022, Thượng phụ Kirill nói rằng Ukraine và Belarus là một phần của “thế giới Nga” và gọi những người Ukraine đang tự vệ trước sự xâm lược của Nga là “thế lực của tà ác”, coi cuộc chiến như một cuộc chiến vì tương lai của Kitô giáo.

“Từ quan điểm tinh thần và đạo đức, hoạt động quân sự đặc biệt là một cuộc Thánh chiến, trong đó Nga và người dân nước này đang bảo vệ không gian tinh thần duy nhất của nước Nga thần thánh”, tài liệu công bố hôm thứ Tư cho biết dưới tiêu đề “hoạt động quân sự đặc biệt”, đó là thuật ngữ chính thức của Điện Cẩm Linh để chỉ cuộc xâm lược.

Tài liệu nói tiếp rằng rằng cuộc chiến có mục tiêu “bảo vệ thế giới khỏi sự tấn công dữ dội của chủ nghĩa toàn cầu hóa và chiến thắng của phương Tây, vốn đã rơi vào tay Satan”.

Sau chiến tranh, “toàn bộ lãnh thổ của Ukraine hiện đại sẽ nằm trong vùng ảnh hưởng độc quyền của Nga”, tài liệu nói.

“Khả năng tồn tại của một chế độ chính trị bài Nga thù địch với Nga và người dân nước này trên lãnh thổ này, cũng như một chế độ chính trị được kiểm soát từ một trung tâm bên ngoài thù địch với Nga, cần phải được loại trừ hoàn toàn”, tài liệu nói thêm.

Các đại diện của Giáo Hội Chính thống giáo trên toàn cầu, chẳng hạn như Ủy ban Công vụ Chính thống giáo, gọi tắt là OPAC, có trụ sở tại Hoa Kỳ, đã lên án chiến tranh. Sau khi bắt đầu cuộc xâm lược của Putin vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Giáo hội Chính thống Ukraine đã cắt đứt quan hệ với Giáo hội Chính thống Nga.

Trong tháng này, nhà lãnh đạo Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, Sviatoslav Shevchuk, nói với Newsweek rằng ở những nơi Nga đến Ukraine, “họ tiêu diệt tất cả các tôn giáo khác ngoài Giáo hội Chính thống Nga được kiểm soát tốt và được trang bị vũ khí”.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Đối với quân xâm lược Nga, việc vũ khí hóa tôn giáo là một điều gì đó mới mẻ, là một học thuyết mới. Đó là lý do tại sao chính phủ Ukraine và xã hội tôn giáo Ukraine buộc phải tìm ra những cách khác nhau để bảo vệ chúng ta khỏi việc vũ khí hóa tôn giáo”.

Giáo hội mà ngài đứng đầu có sự hiệp thông hoàn toàn với Vatican và là giáo hội lớn thứ hai về đức tin Công Giáo sau Giáo hội Latinh. Ngài đã đến thăm Washington, DC trong tháng này để mô tả cho các nhà lập pháp Hoa Kỳ, những người đang cân nhắc việc cung cấp viện trợ thêm cho Kyiv, về mức độ phá hủy các tòa nhà tôn giáo do chiến tranh gây ra.

Viện Tự do Tôn giáo có trụ sở tại Kyiv cho biết vào tháng 2 năm 2023 rằng quân đội Nga đã phá hủy, làm hư hại hoặc cướp bóc ít nhất 494 tòa nhà tôn giáo, với con số ước tính ngày nay còn cao hơn nhiều.

Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Đó cũng là một thách thức đối với giáo hội của tôi, không trở thành chiến binh”, đồng thời cho biết thêm rằng mục tiêu là “không rơi vào sự cám dỗ giống như Giáo hội Chính thống Nga đã rơi vào và trở thành một công cụ của hận thù.

2. Putin đưa ra cảnh báo về F-16

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Issues F-16 Warning”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vladimir Putin tuyên bố rằng các lực lượng Nga sẽ phá hủy bất kỳ chiếc F-16 nào được các đồng minh NATO giao cho Ukraine “bất kể những chiếc máy bay ấy ở đâu”, đồng thời nhấn mạnh rằng Mạc Tư Khoa không có ý định tấn công bất kỳ quốc gia nào trong liên minh.

Tháng 8 năm ngoái, Washington cuối cùng đã ủy quyền cho các đồng minh cung cấp cho Kyiv các máy bay do Mỹ sản xuất, với hệ thống điện tử hàng không và radar hiện đại hơn, mang lại khả năng bổ sung cho Không quân Ukraine vốn phụ thuộc vào các máy bay phản lực MiG và Sukhoi thời Liên Xô.

Một nhóm gồm 14 quốc gia đã cam kết cung cấp máy bay và hỗ trợ đào tạo. Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Năm cho biết máy bay sẽ đến Ukraine trong những tháng tới.

Trong chuyến thăm Trung tâm Hàng không Quân đội 344, nơi đào tạo phi công chiến đấu, ở Torzhok, cách Mạc Tư Khoa 260 km về phía Tây Bắc, ông Putin được hỏi liệu phi công Nga có được phép “tấn công các mục tiêu này tại các phi trường của NATO hay không”.

Putin trả lời: “Tất nhiên, nếu chúng được sử dụng từ phi trường của nước thứ ba, chúng sẽ trở thành mục tiêu hợp pháp của chúng ta, bất kể chúng ở đâu.”

Theo một bản ghi trên trang web của Điện Cẩm Linh, ông nói: “Chúng ta sẽ phá hủy máy bay của họ giống như cách chúng ta phá hủy xe tăng, xe thiết giáp và các thiết bị khác của họ, bao gồm cả hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt”.

“Những chiếc F-16 cũng là máy bay mang vũ khí hạt nhân và chúng tôi cũng sẽ phải tính đến điều này khi tổ chức công tác chiến đấu”, nhưng ông nhấn mạnh rằng việc phương Tây bàn giao máy bay cho Ukraine “sẽ không thay đổi bất cứ điều gì trên chiến trường”.

Trong cùng một phiên hỏi đáp, Putin tỏ ra mâu thuẫn với điều này khi bác bỏ khả năng Nga tấn công một quốc gia NATO.

Tổng thống Joe Biden đã cảnh báo vào tháng 12 rằng Putin sẽ tấn công NATO, một quan điểm được chia sẻ bởi các nhà lãnh đạo phương Tây khác và chủ tịch ủy ban quân sự của liên minh, Đô đốc Rob Bauer, người đã phát biểu vào Tháng Giêng về tính không thể tránh khỏi của chiến tranh với Nga.

Vào ngày 17 tháng 3, Putin nói rằng Nga có thể đối mặt với NATO trong một cuộc xung đột toàn diện và rằng “bất cứ điều gì đều có thể xảy ra trong thế giới ngày nay” nhưng thông điệp trái chiều vẫn tiếp tục khi ông bác bỏ viễn cảnh như vậy trong cuộc họp báo.

Putin nói: “Việc có một cuộc tấn công vào một số quốc gia khác, vào Ba Lan, các nước vùng Baltic và những nơi khác là điều hoàn toàn vô lý”.

Nga đã coi cuộc xâm lược toàn diện là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm giữa Mạc Tư Khoa và NATO, và Putin đã lặp lại luận điệu của Điện Cẩm Linh về việc liên minh này gây ra chiến tranh, mặc dù ông một lần nữa bác bỏ những tuyên bố của phương Tây rằng ông sẽ tìm cách tấn công các nước khác sau Ukraine.

Ông lưu ý sự khác biệt về ngân sách quân sự giữa Mỹ, quốc gia chi 811 tỷ Mỹ Kim vào năm 2022 và ngân sách quốc phòng của Nga là 72 tỷ Mỹ Kim.

“Với tỷ lệ này, liệu chúng ta có chiến đấu với NATO không?” ông ta nói, “điều này chỉ là vô nghĩa.” Newsweek đã liên hệ với NATO để bình luận.

3. Mỹ bác bỏ tuyên bố 'vô nghĩa, nặng mùi tuyên truyền' chống Ukraine của Nga về vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa

Trong cuộc họp với các phóng viên hôm thứ Năm, 28 Tháng Ba,, Thiếu tướng John Kirby, điều phối viên truyền thông của Hội đồng An ninh Quốc gia cho biết Mỹ đã chuyển cho cơ quan an ninh Nga một văn bản cảnh báo về một cuộc tấn công cực đoan nhằm vào các cuộc tụ tập lớn ở Mạc Tư Khoa, đó là một trong nhiều cảnh báo đã được cung cấp trước khi vụ tấn công xảy ra. Tướng Kirby nói:

Rõ ràng là Isis phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về vụ tấn công kinh hoàng ở Mạc Tư Khoa vào tuần trước. Trên thực tế, Hoa Kỳ đã cố gắng giúp ngăn chặn cuộc tấn công khủng bố này và Điện Cẩm Linh biết điều này.

Ông đưa ra phát biểu này ngay sau khi các nhà điều tra Nga tuyên bố họ đã phát hiện ra bằng chứng cho thấy các tay súng giết chết ít nhất 143 người trong vụ tấn công tuần trước có liên quan đến “những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine”.

Kirby mô tả các cáo buộc của Nga là “vô nghĩa và tuyên truyền”, đồng thời nói thêm rằng Mỹ đã đưa ra nhiều cảnh báo trước cho chính quyền Nga về các cuộc tấn công cực đoan vào các buổi hòa nhạc và các cuộc tụ họp lớn ở Mạc Tư Khoa.

Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ “tuân theo các thủ tục thông thường và thông qua các kênh đã được thiết lập đã được sử dụng nhiều lần trước đây, đã đưa ra một cảnh báo bằng văn bản cho các cơ quan an ninh Nga”.

Ông nói tiếp rằng các nhà phân tích và quan chức tin rằng Nhà nước Hồi giáo vẫn bị đánh bại tại các thành trì cốt lõi của chúng ở Trung Đông nhưng đã đạt được tiến bộ đáng kể ở Phi Châu và một số khu vực ở Nam Á, giành được lãnh thổ và tài nguyên có thể dùng làm bệ phóng cho một chiến dịch bạo lực cực đoan mới..

Các chính phủ Âu Châu đã nâng mức cảnh báo cao nhất trong nhiều năm sau vụ tấn công vào phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa do phiến quân IS thực hiện vào tuần trước khiến 140 người thiệt mạng.

Vụ tấn công ở Mạc Tư Khoa, hoạt động cực đoan Hồi giáo nguy hiểm nhất từ trước đến nay ở Âu Châu, đã được IS nhận trách nhiệm. Các quan chức tin rằng IS đã lên kế hoạch cho các hoạt động mới chống lại các mục tiêu Âu Châu trong vài năm.

Từ năm 2015 đến năm 2019, khi IS điều hành cái gọi là nhà nước Hồi giáo trên một vùng đất mà chúng kiểm soát ở miền đông Syria và miền tây Iraq, ban lãnh đạo trung ương của nhóm không cần các chi nhánh mới thành lập của mình để tiến hành các hoạt động ở Âu Châu, vì chúng có tất cả các nguồn lực, tiếp cận tân binh, tiền bạc và trại huấn luyện nước ngoài. Điều này dẫn đến một loạt các cuộc tấn công gây chết người ở Pháp và Bỉ.

Tuy nhiên, nhiều năm hoạt động chống khủng bố của lực lượng an ninh địa phương, Mỹ và các nước khác, đã làm suy yếu IS tại các thành trì trước đây của chúng, khiến nhóm này bị chia cắt và yếu đi.

Các quan chức an ninh phương Tây am hiểu IS ở Iraq và Syria cho biết nhóm này đã từ bỏ dự án xây dựng lại cái gọi là nhà nước Hồi giáo nhưng các cuộc tấn công thành công nhằm vào các mục tiêu quốc tế được coi là “tốt cho tinh thần và thương hiệu IS và bù đắp cho những thất bại gần đây.”
 
VietCatholic TV
Làm ơn mắc oán: FSB đổ thừa Anh, Mỹ. Tướng Mỹ: Muốn thắng, Kyiv cần đánh mạnh vào các kho dầu Nga
VietCatholic Media
02:36 28/03/2024


1. FSB tuyên bố Anh và Ukraine đứng sau vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa

Lãnh đạo cơ quan an ninh FSB của Nga, Alexander Bortnikov, tuyên bố mà không có bằng chứng nào, rằng Mỹ, Anh và Ukraine đứng sau vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu, khiến ít nhất 139 người thiệt mạng.

Bortnikov đưa ra lập trường trên trong cuộc gặp gỡ với Putin.

Hôm thứ Tư, ông ta cũng nhận định rằng mặc dù những kẻ đã “ra lệnh” tấn công vẫn chưa được xác định, nhưng những kẻ tấn công đang hướng tới Ukraine và sẽ được “chào đón như những anh hùng”.

“Chúng tôi tin rằng hành động này được chuẩn bị bởi chính những kẻ Hồi giáo cực đoan và tất nhiên là được hỗ trợ bởi các cơ quan đặc biệt của phương Tây, và chính các cơ quan đặc biệt của Ukraine có liên quan trực tiếp đến việc này”, Bortnikov được các hãng thông tấn Nga dẫn lời.

Tuyên bố của Bortnikov được đưa ra bất chấp thực tế là Anh, Mỹ đã báo cho chính quyền Nga và đã thông báo rộng rãi cho công chúng.

Đầu tháng 3, đại sứ quán Mỹ tại Mạc Tư Khoa đã cảnh báo về một cuộc tấn công khủng bố tiềm tàng ở Mạc Tư Khoa và kêu gọi người dân tránh đám đông và chú ý đến môi trường xung quanh.

“Đại sứ quán đang theo dõi các báo cáo rằng những kẻ cực đoan sắp có kế hoạch tấn công vào các cuộc tụ tập lớn ở Mạc Tư Khoa, bao gồm cả các buổi hòa nhạc và công dân Hoa Kỳ được khuyến cáo nên tránh các cuộc tụ tập lớn”, cảnh báo an ninh ngày 7 tháng 3 nêu rõ.

Các buổi hòa nhạc được đề cập cụ thể như một mục tiêu tiềm năng trong cảnh báo an ninh của Mỹ.

Hoa Kỳ đã cung cấp thông tin tình báo cho Nga theo yêu cầu Trách nhiệm Cảnh báo - một yêu cầu của cộng đồng tình báo nhằm thông báo cho các nhóm người Mỹ và không phải người Mỹ về các mối đe dọa tiềm ẩn sắp xảy ra.

Putin nhận được thông tin tình báo vào ngày 7 tháng 3 - cùng ngày nghi phạm khủng bố Shamsuddin Fariddun được nhìn thấy trong một buổi biểu diễn tại phòng hòa nhạc.

Một nhiếp ảnh gia đang chụp ảnh du khách đã chụp được tên quái vật đến từ Tajikistan và sau đó đã nhận ra hắn trên TV.

Một ngày sau, có thông tin tiết lộ rằng đại sứ quán Mỹ và Anh đã đưa ra cảnh báo về một cuộc tấn công nhằm vào “các cuộc tụ tập lớn” ở Mạc Tư Khoa.

Các nhà phân tích tin rằng điều đó đã khiến bọn khủng bố trì hoãn kế hoạch của chúng.

Nhưng ba ngày trước cuộc tấn công vào buổi hòa nhạc ở vùng ngoại ô phía tây Krasnogorsk của Mạc Tư Khoa, hôm 19/3, Putin ngạo mạn đã nói về những lời cảnh báo như sau:

“Nó giống như hành vi tống tiền trắng trợn và có ý định đe dọa và gây bất ổn cho xã hội của chúng ta.”

Tuyên bố của Bortnikov là một chuyện khôi hài. Có ai chủ mưu tấn công khủng bố lại đưa ra cảnh báo trước như thế không?

2. Cựu tướng Mỹ yêu cầu Ukraine 'bỏ qua' lời cảnh báo được cho là của Tổng thống Joe Biden

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US Ex-General Tells Ukraine to 'Ignore' Joe Biden's Alleged Warning”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine nên phớt lờ mọi yêu cầu của Washington về việc ngừng tấn công các cơ sở dầu mỏ ở Nga, Trung tướng Mỹ đã nghỉ hưu Ben Hodges nói.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào các cơ sở năng lượng trên khắp một khu vực rộng lớn của Nga trong những tháng gần đây đã gây thiệt hại cho các cơ sở sản xuất nhiên liệu là chìa khóa cho cỗ máy chiến tranh của Nga cũng như cho hoạt động xuất khẩu của nước này.

Cuộc tấn công bằng máy bay không người lái hôm thứ Bảy vào Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk, nơi sản xuất nhiên liệu cho động cơ phản lực, hỏa tiễn và xe hơi ở vùng Samara, diễn ra sau các cuộc tấn công khác vào cơ sở hạ tầng năng lượng đã ảnh hưởng đến sản xuất xăng dầu.

Chính quyền Nga đổ lỗi cho Ukraine, mặc dù Kyiv thường không chịu trách nhiệm trực tiếp về các cuộc tấn công trên lãnh thổ Nga. Bộ năng lượng Nga cho biết họ đang làm việc với Lực lượng Vệ binh Quốc gia - Rosgvardiya - để tăng cường an ninh cho các nhà máy lọc dầu có hệ thống phòng thủ hỏa tiễn.

Nhưng tuần trước, tờ Financial Times đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã yêu cầu Kyiv tạm dừng các cuộc tấn công vì sợ giá dầu có thể tăng vọt và Mạc Tư Khoa có thể trả đũa bằng các cuộc tấn công nhằm vào cơ sở hạ tầng mà phương Tây dựa vào để cung cấp năng lượng vào thời điểm khó khăn đối với Tổng thống Joe Biden khi ông đang tìm cách tái tranh cử trong năm nay.

Tuy nhiên, Hodges, người từng giữ chức tướng chỉ huy Quân đội Hoa Kỳ ở Âu Châu từ năm 2014 đến năm 2018, khẳng định các cơ sở dầu mỏ ở Nga là mục tiêu quân sự hợp pháp.

“Tôi hy vọng điều đó không đúng, nhưng thật không may, bạn có thể tin vào điều đó,” ông nói với BBC Ukraine khi được hỏi về báo cáo, theo một bản dịch.

Ông nói: “Nếu ai đó từ chính phủ của chúng tôi yêu cầu điều này với người Ukraine thì đây là một khuyến nghị hoàn toàn khủng khiếp. Ukraine phải bỏ qua nó. Các nhà máy lọc dầu là mục tiêu hợp pháp.”

Thomas O'Donnell, một nhà phân tích năng lượng có trụ sở tại Berlin và là thành viên toàn cầu tại Trung tâm Wilson, nói với Newsweek rằng những lo ngại của Washington rằng các cuộc tấn công của Ukraine vào các cơ sở dầu mỏ của Nga có thể làm tăng giá năng lượng ở Mỹ và Âu Châu là vô căn cứ.

Điều này là do nếu Nga không thể lọc tất cả lượng dầu mà họ sản xuất ra thì nước này sẽ phải lựa chọn giữa việc cắt giảm sản lượng dầu hoặc tăng xuất khẩu.

O'Donnell nói: “Vì vậy, điều đó sẽ gây áp lực giảm giá. OPEC và các đối tác đã quyết định tiếp tục cắt giảm khối lượng có hiệu lực cho đến mùa hè và cố gắng tăng giá”.

“Vì vậy, nếu Nga bắt đầu xuất khẩu thêm dầu, điều đó sẽ gây khó khăn cho vấn đề này và gây ra một số xích mích”.

“Cho đến nay tất cả những điều này đang ảnh hưởng đến nội bộ nước Nga, điều này hoàn toàn hợp pháp. Rốt cuộc, Nga đã phá hủy các nhà máy lọc dầu của Ukraine trong năm đầu tiên của cuộc chiến. Vì vậy, công bằng là công bằng, và đây thực sự là vấn đề nhiên liệu cần thiết cho nền kinh tế thời chiến,” O'Donnell nói thêm.

Hodges đã nhiều lần kêu gọi Mỹ và các đồng minh cung cấp cho Ukraine đầy đủ khả năng để tấn công các mục tiêu ở Crimea.

3. Vụ tấn công vào phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa khiến ít nhất 137 người thiệt mạng đã làm dấy lên những lo ngại mới về an ninh cho Thế vận hội Paris, bắt đầu vào ngày 26/7.

Bộ trưởng Nội vụ Pháp, Gérald Darmanin, nói rằng Thế vận hội Paris rõ ràng là mục tiêu khủng bố tiềm năng trong tương lai.

Ông nói với các phóng viên: “Vì chúng ta bảo vệ các giá trị phổ quát và ủng hộ chủ nghĩa thế tục, nên chúng ta đang bị đe dọa đặc biệt, nhất là trong các sự kiện đặc biệt như Thế vận hội”.

Ông nói thêm: “Cảnh sát, hiến binh, cảnh sát, cơ quan tình báo Pháp sẽ sẵn sàng. Chúng tôi có một hệ thống tình báo rất hiệu quả. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng ngăn chặn được việc phát triển các mưu toan.”

Ông cho biết thêm, những nhà lãnh đạo cơ quan tình báo sẽ tổ chức một cuộc họp vào thứ Năm “để thảo luận về tất cả các kết luận về vụ tấn công vào Mạc Tư Khoa”.

Trong một diễn biến có liên quan, Pháp huy động thêm binh sĩ cho đơn vị chống khủng bố sau vụ xả súng tại phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa

Thủ tướng Pháp Gabriel Attal cho biết Pháp sẽ tăng số lượng binh sĩ cho đơn vị Chiến dịch Sentinelle, nhằm giải quyết các mối đe dọa khủng bố.

Attal cho biết thêm 4.000 thành viên quân đội sẽ được bố trí sẵn sàng cho sư đoàn Sentinelle, bên cạnh 3.000 nhân viên quân sự đã được triển khai cho Sentinelle, nơi bảo vệ các địa điểm như nhà ga, nơi thờ phượng, trường học và nhà hát trên khắp đất nước..

Hôm Chúa Nhật, chính phủ Pháp đã nâng cảnh báo khủng bố lên mức cao nhất sau vụ tấn công khủng bố vào phòng hòa nhạc Crocus City ở Mạc Tư Khoa khiến ít nhất 137 người thiệt mạng.

Tổng thống Pháp, Emmanuel Macron, đã cảnh báo Nga không nên đổ lỗi cho Kyiv về vụ thảm sát, nói rằng động thái như vậy sẽ gây “hoang mang” và “phản tác dụng”

4. Chủ nghĩa khủng bố và cuộc chiến vì sự thật ở Mạc Tư Khoa

Đó là tựa đề của một bài nhận định trên tờ Guardian của Anh với nhan đề “Terrorism and the battle for the truth in Moscow”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Đoạn phim về bốn tay súng dường như ủng hộ tuyên bố của Nhà nước Hồi giáo rằng chúng chủ mưu vụ tấn công khủng bố tồi tệ nhất ở Nga trong hai thập kỷ. Nhưng Điện Cẩm Linh đã và đang cố gắng gán ghép cho Ukraine.

Vụ tấn công vào phòng hòa nhạc Crocus gần Mạc Tư Khoa là hành động khủng bố tồi tệ nhất được thực hiện ở Nga trong hơn 20 năm qua. Hơn 130 người đã thiệt mạng sau khi các tay súng xông vào địa điểm vào tối thứ Sáu.

Nhà nước Hồi giáo nhanh chóng nhận trách nhiệm về vụ tấn công và cung cấp thêm đoạn video về vụ thảm sát.

Hôm Chúa Nhật, bốn nghi phạm đã xuất hiện tại tòa án ở thủ đô Nga với cáo buộc có hành vi khủng bố liên quan đến vụ việc. Một người bị xẻo lỗ tai, một người bị móc mắt, và tất cả bọn họ xem ra vừa trải qua những cực hình nên trông họ có vẻ mất phương hướng. Hãng thông tấn nhà nước Tass cho biết những người đàn ông này đã chính thức được xác định là công dân của Tajikistan và bị tạm giam trong hai tháng.

Bất chấp tất cả sức nặng của các bằng chứng chỉ về cùng một hướng, Điện Cẩm Linh vẫn miễn cưỡng không muốn quy trách nhiệm cho nhóm khủng bố IS IS. Vladimir Putin tuyên bố mà không có bất cứ bằng chứng nào rằng Ukraine đã hỗ trợ những kẻ tấn công và đã lên kế hoạch “mở cửa sổ” cho các tay súng trốn thoát.

Phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh cho biết: “Cuộc điều tra vẫn tiếp tục. Chưa có lý thuyết vững chắc nào được công bố. Đây chỉ là vấn đề thông tin sơ bộ.”

Đây là thời điểm nguy hiểm đối với Putin, người có quan hệ chặt chẽ với các cơ quan an ninh Nga và vì chính ông ta hôm 19 Tháng Ba đã bác bỏ các cảnh báo của Anh và Mỹ về một cuộc tấn công khủng bố sắp xảy ra. Đây cũng là thời điểm cơ hội cho ông ta khi ông ta tìm cách khơi dậy sự phẫn nộ của công chúng bằng phản ứng của mình trong những ngày tới.

5. Vương quốc Anh cho biết hai Tập Đoàn Quân mới của Nga phải đối mặt với các vấn đề về huấn luyện, trang bị

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Two New Armies Face Training, Equipment Issues: UK”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo nguồn tin tình báo Anh, hai Tập Đoàn Quân mới của Nga được Mạc Tư Khoa công bố có thể sẽ gặp phải các vấn đề về huấn luyện và trang bị.

Bộ Quốc phòng Luân Đôn nhận định rằng hai Tập Đoàn Quân vũ trang kết hợp mới và 14 sư đoàn, cũng như 16 lữ đoàn, trên lý thuyết có thể được hình thành vào cuối năm 2024, như tuyên bố vào ngày 20/3 của Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.

Nhưng Bộ Quốc phòng tin rằng việc vận hành các nhóm này có vấn đề vì một số lý do, bao gồm cả việc thiếu đào tạo và “thiết bị cũ”.

Các nguồn tin khác tin rằng việc huy động lực lượng liên quan đến việc thành lập các đơn vị chiến đấu sẽ biểu thị hoặc buộc Putin phải thay đổi theo hướng thừa nhận rằng đất nước của ông đang ở trong “tình trạng chiến tranh” thay vì tiến hành một “chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine”.

Không rõ cần bao nhiêu quân để thành lập các đơn vị mới, nhưng Putin được cho là đang chịu áp lực ngày càng tăng trong việc phải có đường lối tích cực hơn trong cuộc chiến chống Ukraine và đưa ra một cuộc tổng động viên toàn diện.

Tổng thống Nga cho đến nay đã tuyên bố “huy động một phần” dân số vào mùa thu năm 2022 và tấn công 300.000 quân nhân dự bị và cựu quân nhân có “các chuyên môn quân sự nhất định và kinh nghiệm liên quan”.

Tình báo quân đội Anh cho biết, mặc dù loại hình, vị trí và thành phần chính xác của các đơn vị mới không được công bố nhưng “rất có thể sẽ có sự kết hợp bao gồm cơ giới, thiết giáp, pháo binh và hậu cần”.

Phân tích tình báo của Bộ Quốc phòng cho biết: “Có khả năng thực tế là những tin tức này có liên quan đến các thông báo trước đó của Bộ Quốc Phòng Nga về kế hoạch nâng cấp lữ đoàn lên sư đoàn”.

“Với những nỗ lực tuyển dụng thành công của Nga, nhiều khả năng các đơn vị sẽ có đủ nhân sự. Tuy nhiên, do trình độ đào tạo hạn chế của Nga, việc sử dụng rộng rãi các thiết bị cũ và các vấn đề về cơ sở hạ tầng, có khả năng các đơn vị này sẽ gặp phải các vấn đề về nguồn lực tương tự”, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Anh nói thêm.

Các nhà quan sát cho biết, các vấn đề thực tế được Bộ Quốc phòng cảnh báo có thể trở nên phức tạp hơn do các câu hỏi về truyền thông và tuyên truyền mà họ nêu ra. Alex Kokcharov, người Nga, nhà phân tích rủi ro tại S&P Global Market Intelligence, cho biết thông báo này có thể báo hiệu rằng Putin có thể tiến hành tổng động viên.

“Tại Nga, Bộ trưởng Quốc phòng Shoigu nói rằng Bộ Quốc phòng sẽ thành lập hai quân đội mới và 30 đơn vị bao gồm 14 sư đoàn và 16 lữ đoàn vào năm 2024,” ông viết trên X,. “Có vẻ như một làn sóng huy động khác sẽ đến vào mùa xuân năm 2024.”

Người dùng X người Ukraine “Natalka” cũng suy đoán tương tự, viết: “Sau khi cuộc bầu cử giả kết thúc (không có gì đáng ngạc nhiên), một làn sóng huy động mới sắp tấn công Nga”.

Một số nhà quan sát mạng xã hội về cuộc chiến cũng suy đoán rằng tuyên bố gần đây của phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov có thể báo hiệu rằng Nga có thể sớm công bố huy động một phần hoặc tổng động viên.

Lần đầu tiên trong cuộc chiến, ông Peskov hôm 22/3 cho biết Nga đang trong “tình trạng chiến tranh” ở Ukraine. Các công dân Nga đã bị kết án vì coi cuộc xung đột là một cuộc chiến hoặc mô tả cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào Ukraine là một cuộc xâm lược, theo các đạo luật nghiêm ngặt được thông qua vào tháng 3 năm 2022 nhằm trấn áp những người bất đồng chính kiến.

Peskov nói rằng Nga đã chuyển từ 'hoạt động quân sự đặc biệt' sang 'tình trạng chiến tranh'. Có thể là một tín hiệu họ đang chuẩn bị cơ sở cho việc huy động thêm”, Oliver Carroll, phóng viên nước ngoài của The Economist, cho biết trên X.

Konstantin Sonin, một nhà kinh tế chính trị gốc Nga của Đại học Chicago, trước đây đã nói với Newsweek rằng một yếu tố ngăn cản Putin tiến hành một cuộc vận động quần chúng rộng rãi là câu chuyện tuyên truyền được thúc đẩy là Nga không tiến hành chiến tranh mà đang tiến hành một chiến dịch hạn chế- hoạt động quân sự quy mô.

Sonin nói: “Đây là những gì anh ta được cung cấp trong các báo cáo của quân đội và cảnh sát, và đây là ngôn ngữ mà anh ta nói với cấp dưới của mình và công chúng”. “Việc công bố huy động một cách công khai sẽ là một sự khởi đầu mạnh mẽ khỏi thế giới quan này, gần giống như vỡ ra từ một bong bóng thông tin.”

6. Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết ông đã nói chuyện với Ngoại trưởng Anh David Cameron về việc hỗ trợ Kyiv và việc tịch thu tài sản bị phong tỏa của Nga.

“Chúng tôi cũng bàn về việc thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc tế với sự tham gia của Ukraine để phát triển các giải pháp thiết thực cho việc tịch thu. Tôi cảm ơn David Cameron vì sự hỗ trợ cá nhân mạnh mẽ và cam kết của ông đối với quá trình này,” ông nói thêm.

7. Nga đối mặt với cơn đau đầu về khí đốt sau cuộc tấn công ở Ukraine

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Faces Major Gas Headache After Ukraine Strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Theo một báo cáo hôm thứ Hai từ tờ Kommersant của Nga, các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các cơ sở năng lượng của Nga đã khiến các công ty dầu mỏ nước này phải giảm sản lượng xăng.

Kể từ khi Putin bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine vào tháng 2 năm 2022, các kho nhiên liệu và nhà máy lọc dầu trên khắp nước Nga đã liên tục bị máy bay không người lái tấn công trong các cuộc tấn công được cho là do Kyiv thực hiện. Ukraine thường không nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công bên trong nước Nga.

Những cuộc tấn công này, ảnh hưởng đến nguồn cung cấp nhiên liệu cho lực lượng xuất khẩu có giá trị của Nga, gần đây đã gia tăng tần suất.

Hôm thứ Bảy, một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái vào Nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk ở vùng Samara đã khiến chu trình sản xuất của nhà máy sản xuất nhiên liệu cho động cơ phản lực, tàu phi trường hỏa tiễn và xe hơi phải ngừng hoạt động.

Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái khác trong những tuần gần đây bao gồm: Ryazan và Pervyy Zavod ở phía nam Mạc Tư Khoa, vùng Rostov cạnh biên giới Ukraine, Nizhny Novgorod, cách thủ đô 300 dặm về phía đông và Kirishi, gần St. Petersburg.

Hôm thứ Hai, Kommersant đưa tin rằng các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái đã ảnh hưởng đến việc sản xuất xăng trong khoảng thời gian từ ngày 13 đến ngày 19 tháng 3, khiến sản lượng này giảm 3,9%. Sản lượng kế hoạch giảm 5,2% so với tuần trước, xuống còn 779,4 ngàn tấn hay 111,3 ngàn tấn/ngày. Mức sản lượng sản xuất thấp nhất là 104,7 ngàn tấn được ghi nhận vào ngày 18/3.

Kommersant đưa tin tổng khối lượng lọc dầu tại các nhà máy lọc dầu của Nga cho đến nay đã giảm 0,5% so với tháng 2 mặc dù con số này vẫn chưa tính đến tác động của các cuộc tấn công ở địa điểm Samara.

Nhà phân tích năng lượng Thomas O'Donnell có trụ sở tại Berlin nói với Newsweek: “Các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine đang có tác động và chúng đang làm giảm lượng tồn kho trước đó”.

O'Donnell, “Một điều khác sẽ xảy ra ở các nhà máy lọc dầu, nơi quá trình sản xuất sơ cấp đã bị tạm dừng do các cuộc tấn công, đó là các bộ phận khác của nhà máy dành cho sản xuất thứ cấp có thể tiếp tục khi họ đưa hàng tồn kho từ các nhà máy khác vào,” O'Donnell, người cũng là thành viên toàn cầu tại Trung tâm Wilson, nói thêm. “Nhưng theo thời gian, nếu người Ukraine tiếp tục như vậy thì nó sẽ suy yếu”.

Tờ Financial Times tuần trước đưa tin rằng các quan chức Mỹ đã kêu gọi Ukraine dừng các cuộc tấn công vào cơ sở của Nga vì việc tấn công vào năng lực sản xuất dầu có nguy cơ đẩy giá lên cao và kích động sự trả đũa từ Mạc Tư Khoa đối với cơ sở hạ tầng năng lượng mà phương Tây dựa vào.

Tính đến thời điểm hiện tại trong năm nay, giá dầu đã tăng 15% lên khoảng 85 Mỹ Kim một thùng, điều này có thể gây khó khăn cho Tổng thống Joe Biden khi ông tìm cách tái tranh cử trong năm nay.

O'Donnell nói với Newsweek rằng nếu người Ukraine thực sự muốn tấn công xuất khẩu dầu, họ sẽ nhắm tới Kho dầu nhiên liệu Novorossiysk ở phía tây Hắc Hải và Kho dầu Primorsk ở cuối Hệ thống đường ống Baltic.

Ông nói: “Đây là hai địa điểm xuất khẩu dầu lớn của Nga và chúng được chứng minh là nằm trong tầm bắn của máy bay không người lái và có lẽ, trong trường hợp Hắc Hải, máy bay không người lái trên biển của họ”. “Nếu họ thực sự muốn cắt giảm nguồn thu từ dầu mỏ của Nga thì họ sẽ tấn công các cảng đó nhưng thực tế thì không - điều đó có thể thể hiện sự tôn trọng những lo ngại của người Mỹ.”

Bloomberg đưa tin, doanh số bán dầu của Nga đã trở nên phức tạp do các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ từ chối nhận dầu thô của Nga được vận chuyển trên các tàu chở dầu do công ty vận tải lớn nhất nước này Sovcomflot điều hành vì sợ vi phạm lệnh trừng phạt của Mỹ.

Kể từ khi bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine, Ấn Độ đã được hưởng lợi từ việc mua dầu của Nga với giá rẻ. Nhưng tuần trước, Reliance Industries của Ấn Độ được cho là đã yêu cầu không vận chuyển nguồn cung cấp bằng tàu chở dầu do Sovcomflot vận hành sau khi hãng này và 14 tàu chở dầu thô bị Bộ Tài Chính Hoa Kỳ trừng phạt vào tháng trước.

Tuy nhiên, Ian Massey, Giám đốc Tình báo Doanh nghiệp, EMEA, tại công ty tình báo an ninh S-RM, cho biết tầm quan trọng của động thái của Reliance là không chắc chắn do hồ sơ theo dõi của Nga về việc giảm nhẹ các biện pháp trừng phạt đối với “đội tàu ngầm” có quyền sở hữu không rõ ràng.

Ông nói với Newsweek: “Ngay cả khi quyết định được báo cáo của Reliance Industries làm giảm đáng kể các chuyến hàng do các tàu Sovcomflot thực hiện tới các cảng Ấn Độ, thì có khả năng Nga sẽ tìm một con đường khác để tiếp cận thị trường”.

8. Nikolai Patrushev, thư ký Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh thân cận của Putin, đã nói rằng Ukraine “tất nhiên” đứng sau vụ tấn công chết người hôm thứ Sáu vào phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa.

Hãng tin SHOT đã đăng một đoạn video về cuộc trao đổi trong đó một phóng viên hỏi Patrushev “Isis hay Ukraine?”. “Tất nhiên là Ukraine,” Patrushev trả lời.

Kyiv đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công mà Nhà nước Hồi giáo đã nhận trách nhiệm.

Vladimir Putin hôm thứ Ba cho biết ông hy vọng các công tố viên sẽ làm mọi thứ để bảo đảm rằng những kẻ tấn công phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu sẽ bị trừng phạt công bằng.

9. Điện Cẩm Linh đã từ chối hỏi liệu họ có tin rằng có mối liên hệ giữa giới lãnh đạo Ukraine và vụ tấn công phòng hòa nhạc ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu khiến ít nhất 139 người thiệt mạng hay không.

Khi được hỏi trong cuộc gọi với các phóng viên liệu có mối liên hệ trực tiếp giữa Ukraine và vụ tấn công hay không, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov nói: “Tôi không có gì để thêm vào những gì đã nói về chủ đề này”.

Peskov nói rằng bình luận của các quan chức Nga về vụ tấn công dựa trên “dữ liệu sơ bộ” và nhà lãnh đạo Ủy ban Điều tra Nga đã báo cáo với Vladimir Putin hôm thứ Hai về cuộc điều tra.

Putin cho biết vụ tấn công được thực hiện bởi những người Hồi giáo cực đoan, nhưng cũng nói rằng những kẻ tấn công đã cố gắng trốn sang Ukraine sau vụ tấn công vào địa điểm Tòa thị chính Crocus. Kyiv đã phủ nhận mọi liên quan đến vụ tấn công.

Các quan chức Mỹ cho biết họ có thông tin tình báo cho thấy chi nhánh Afghanistan, Nhà nước Hồi giáo Khorasan (Isis-K), chịu trách nhiệm, nhưng chính quyền Nga chưa công khai chấp nhận vai trò của nhóm này.

Tám nghi phạm, người bản địa của các nước cộng hòa Trung Á Kyrgyzstan và Tajikistan, cho đến nay đã bị tạm giam trước khi xét xử vì nghi ngờ có liên quan đến các vụ tấn công.

[Phương Thảo]

10. Đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa nói rằng Điện Cẩm Linh đang sử dụng Gershkovich làm 'con tốt để đạt được mục đích chính trị'

Đại sứ Mỹ tại Mạc Tư Khoa đã yêu cầu Nga trả tự do cho phóng viên tờ Wall Street Journal, Evan Gershkovich, người bị Nga cáo buộc làm gián điệp, cho rằng Điện Cẩm Linh đang sử dụng ông và các công dân Mỹ khác làm con tốt.

Reuters dẫn lời đại sứ Lynne Tracy cho biết quyết định mới nhất về việc gia hạn giam giữ trước khi xét xử Gershkovich “đặc biệt đau đớn, vì tuần này đánh dấu một năm kể từ khi Evan bị bắt và giam giữ oan trái”.

“Vụ án của Evan không liên quan đến bằng chứng, thủ tục tố tụng hay quy định của pháp luật. Đó là việc sử dụng công dân Mỹ làm con tốt để đạt được mục đích chính trị, như Điện Cẩm Linh cũng đang làm trong trường hợp của Paul Whelan.”

Whelan bị bắt ở Mạc Tư Khoa vào năm 2018. Anh ta bị kết tội làm gián điệp, một cáo buộc mà chính phủ Mỹ cho là không có căn cứ và bị kết án 16 năm tù vào năm 2020.

Thứ Sáu sẽ đánh dấu kỷ niệm một năm ngày Gershkovich bị bắt ở thành phố Urals của Ekaterinburg. Anh ta đã thất bại trong nhiều lần kháng cáo việc giam giữ, vốn đã được gia hạn nhiều lần. Không có ngày nào được ấn định cho phiên tòa xét xử anh ta.

Tổng thống Nga, Vladimir Putin, cho biết Gershkovich có thể được thả vào một thời điểm nào đó để đổi lấy một tù nhân Nga bị giữ ở nước ngoài, nhưng cho đến nay vẫn chưa có thỏa thuận nào như vậy thành hiện thực.

Gershkovich, tờ báo của ông và chính phủ Hoa Kỳ đều phủ nhận mạnh mẽ các cáo buộc, có mức án lên tới 20 năm tù

11. Mạc Tư Khoa hôm thứ Ba cho biết một người Nga làm việc cho cơ quan an ninh Ukraine đã chết khi một thiết bị nổ mà anh ta sở hữu phát nổ khi bị bắt giữ ở vùng Samara, với cáo buộc anh ta đang lên kế hoạch tấn công.

“Khi hung thủ bị bắt, thiết bị nổ mà anh ta thu giữ đã phát nổ, khiến anh ta bị thương nặng. Cả nhân viên an ninh và dân thường đều không bị thương”, cơ quan an ninh FSB cho biết trong một tuyên bố được các cơ quan thông tấn Nga đăng tải. Tuyên bố này chưa được xác minh độc lập.

12. Máy bay không người lái có thể quyết định cuộc chiến tranh Mỹ-Trung trong tương lai như thế nào

Tờ Newsweek đưa ra câu hỏi trên trong bài tường trình nhan đề “How Drones Might Decide a Future US-China War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Một chuyên gia nói với Newsweek rằng sự gia tăng của các đàn máy bay không người lái có thể sẽ làm biến đổi bất kỳ cuộc xung đột nào trong tương lai giữa Mỹ và Trung Quốc.

“Rõ ràng là máy bay không người lái sẽ đóng một vai trò lớn trong bất kỳ cuộc xung đột Mỹ-Trung nào. Đầu tiên và quan trọng nhất, chúng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong hoạt động tình báo và giám sát – nói cách khác, là định vị mục tiêu. Đúng là cả hai bên đều đã có khả năng giám sát tốt bằng cách sử dụng vệ tinh không gian, nhưng những khả năng này sẽ bổ sung thêm nhiều khả năng hơn nữa”, Lyle Goldstein, giám đốc phụ trách quan hệ Á Châu tại tổ chức nghiên cứu Defense Priorities của Washington, nói với Newsweek trong một cuộc phỏng vấn.

Kịch bản đang phát triển này nhấn mạnh một thực tế quan trọng: công nghệ máy bay không người lái không chỉ là một công cụ mới nổi mà còn là sự thay đổi cơ bản trong sức mạnh quân sự và động lực chiến lược.

Trung Quốc, trong nỗ lực tăng cường năng lực quân sự, đã tích cực đầu tư và phát triển công nghệ máy bay không người lái, một xu hướng đã có động lực kể từ khi bắt đầu xung đột Nga-Ukraine. Động thái chiến lược này nhằm mục đích làm cho việc triển khai máy bay không người lái tiết kiệm chi phí và hiệu quả hơn. Công nghệ máy bay không người lái của Trung Quốc đã được cả Nga và Trung Quốc triển khai, làm nghiêng cán cân theo hướng có lợi cho các hệ thống vũ khí nhỏ và bất đối xứng như máy bay không người lái.

Goldstein tin rằng Trung Quốc sẽ tận dụng khả năng sản xuất máy bay không người lái của mình trong cuộc xung đột ở eo biển Đài Loan.

“Trong kịch bản ở Đài Loan, tôi cho rằng máy bay không người lái sẽ được sử dụng với số lượng lớn để giám sát, gây nhầm lẫn cho lực lượng phòng không cũng như cho mục đích tấn công. Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc cũng có thể coi trọng máy bay không người lái để rà phá bom mìn và chướng ngại vật, cũng như tiếp tế cho các lực lượng dù và trực thăng”, Goldstein nói với Newsweek.

Thị trường toàn cầu về máy bay không người lái quân sự sẽ tiếp tục phát triển trong thập kỷ tới.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Research And Markets, thị trường máy bay không người lái quân sự toàn cầu được dự báo sẽ tăng từ giá trị 10,927 tỷ Mỹ Kim vào năm 2023 lên 17,963 tỷ Mỹ Kim vào năm 2033, tốc độ tăng trưởng hàng năm là 5,10%.

Trong khi đó, các nhà khoa học Trung Quốc tuyên bố đã phát triển được một loại máy bay không người lái mới có thể phân chia thành một đàn máy bay không người lái.

“Mỗi chiếc máy bay không người lái này chỉ có một cánh quạt nhưng có thể bay lượn và di chuyển tự do như một chiếc máy bay không người lái thông thường. Chúng có thể liên lạc với nhau và mỗi người có thể đóng một vai trò cụ thể – chẳng hạn như chỉ huy, trinh sát, theo dõi và thậm chí phát động một cuộc tấn công – trong khi hợp tác để hoàn thành một nhiệm vụ”, tờ South China Morning Post của Hương Cảng đưa tin ngày 19/3.

Mặc dù công nghệ bầy đàn máy bay không người lái đã xuất hiện được một thời gian nhưng vẫn còn hạn chế, nhưng những thách thức kỹ thuật đặt ra do thiếu sự phối hợp giữa các máy bay không người lái đã được các chuyên gia Trung Quốc khắc phục. Theo South China Morning Post, tiến bộ được báo cáo trong công nghệ máy bay không người lái là do Giáo sư Di Chí Vĩ (Shi Zhiwei) từ Đại học Hàng không và Du hành vũ trụ Nam Kinh thực hiện.

Newsweek đã liên hệ với Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington DC để bình luận.

Di và nhóm các nhà nghiên cứu của ông đã đề xuất trong nghiên cứu được bình duyệt công bố vào tháng trước rằng “thiết kế kết hợp và công nghệ tách không khí mang lại khả năng nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc sử dụng máy bay không người lái”.

Nhóm của Di lấy cảm hứng để phát triển công nghệ bầy đàn từ khả năng khí động học tự nhiên của một hạt phong.

“Nhóm của Di cho biết máy bay không người lái lấy cảm hứng từ hạt cây phong có thể được đưa từ phòng thí nghiệm đến dây chuyền sản xuất ở Trung Quốc để cách mạng hóa chiến tranh trong tương lai. Tuy nhiên, điều quan trọng là lắp ráp chúng để đạt được chuyến bay đường dài hiệu quả”, South China Morning Post đưa tin.

Zachary Kallenborn, một thành viên phụ trợ của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đã lập luận trong một bài báo gần đây rằng có một cuộc chạy đua toàn cầu để phát triển các đàn máy bay không người lái.

“Ngày càng có nhiều quốc gia tích hợp nhiều máy bay không người lái vào các đàn máy bay không người lái để liên lạc và hợp tác nhằm hoàn thành các mục tiêu chung. Ít nhất 11 quốc gia đã công bố các chương trình sử dụng máy bay không người lái - từ Armenia và Trung Quốc đến Nam Hàn và Hoa Kỳ.”

Kallenborn viết cho Viện Chiến tranh Hiện đại, một tổ chức nghiên cứu tại học viện quân sự Hoa Kỳ: “Vào tháng 5 năm 2021, Israel đã sử dụng đàn máy bay không người lái Legion-X của Elbit Systems trong cuộc chiến chống lại Hamas.

Goldstein tin rằng một trường hợp sử dụng cụ thể cho đàn máy bay không người lái có thể được triển khai trong bối cảnh eo biển Đài Loan.

“Các đàn sẽ được sử dụng để gây nhầm lẫn tối đa cho lực lượng phòng không, bao gồm cả việc khiến họ nhanh chóng sử dụng tất cả đạn dược của mình vào các mục tiêu giả. Nếu Quân Trung Quốc có thể giành quyền chỉ huy trên không trên Đài Loan bằng chiến thuật bầy đàn như vậy, thì điều này sẽ tạo điều kiện cho các cuộc tấn công đổ bộ tiếp theo thành công”, Goldstein nói với Newsweek.
 
Lukashenko tiết lộ sự thật vụ khủng bố, lật tẩy mưu đồ Putin. Cầu Crimea đã bị cắt đứt với quân Nga
VietCatholic Media
15:15 28/03/2024


1. Kyiv nhận định cầu Crimea đã bị cắt đứt đối với quân đội Nga sau khi Ukraine tấn công

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Crimea Bridge Cut Off to Russian Military After Ukraine Strikes: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo Kyiv, các lực lượng Nga không còn sử dụng cầu Crimea, tuyến đường tiếp tế quan trọng, để bổ sung kho vũ khí và đạn dược của Mạc Tư Khoa tại bán đảo bị sáp nhập và miền nam Ukraine.

Thiếu Tướng Vasyl Maliuk, nhà lãnh đạo cơ quan an ninh SSU của Ukraine, cho biết các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào cây cầu dài 19 km đã làm gián đoạn dòng cung cấp vũ khí cho quân đội Nga, nhưng Mạc Tư Khoa có thể sẽ cố gắng khởi động lại nguồn cung cấp sau khi cây cầu được bảo đảm an toàn về mặt cấu trúc.

Cầu Crimea, còn được gọi là Cầu Kerch, là cầu nối chiến lược quan trọng giữa khu vực Krasnodar của Nga và bán đảo mà Mạc Tư Khoa đã kiểm soát kể từ khi sáp nhập Crimea vào năm 2014. Ukraine đã nhiều lần tấn công vào cây cầu này trong hơn hai năm qua. chiến tranh và cây cầu thường xuyên bị chính quyền đóng cửa.

Trước cuộc tấn công của Ukraine, có tới 46 chuyến tàu chở vũ khí và đạn dược đã đi qua cầu mỗi ngày, nhà lãnh đạo SBU cho biết trong bài phát biểu được truyền thông Ukraine đưa tin. Hiện nay, có tới 5 chuyến tàu đi qua mỗi ngày, 4 trong số đó chở hành khách, Maliuk cho biết. Chuyến thứ năm vận chuyển hàng tiêu dùng nói chung.

Maliuk nói thêm: “Ngày nay đối phương hoàn toàn không sử dụng cây cầu để cung cấp vũ khí và phương tiện hủy diệt”. Một khi chính quyền Nga khôi phục lại cây cầu, “có lẽ họ sẽ lại bắt đầu vận chuyển đạn dược qua cây cầu này”.

Hồi tháng 8 năm ngoái Nga cho biết Ukraine đã phóng hỏa tiễn vào cây cầu. Máy bay không người lái hải quân nội địa của Kyiv được trang bị chất nổ đã tấn công vào cây cầu vào tháng trước.

Chính quyền Nga cho biết vào tháng 10 năm 2022, một quả bom chở trên xe tải đã phát nổ trên cầu. Đoạn phim được chia sẻ rộng rãi trên mạng cho thấy các bộ phận hỏa xa và đường bộ của cây cầu bị hư hại. Ukraine sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ nổ làm hư hại cây cầu vào tháng 7 năm 2023.

Cây cầu Crimea được xây dựng ngay sau khi Nga sáp nhập bán đảo này. Nó đã được đích thân Putin công bố vào năm 2018, khiến cây cầu trở thành mục tiêu tuyên truyền cũng như quân sự hấp dẫn đối với Ukraine.

Vào cuối tháng 2, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, Kyrylo Budanov, đã đưa ra cảnh báo ngầm kêu gọi dân thường không sử dụng đường vượt biển.

Ukraine đã vận động Đức, một trong những nước ủng hộ NATO, gửi hỏa tiễn hành trình tầm xa Taurus để hỗ trợ nỗ lực chiến tranh của Kyiv. Các chuyên gia trước đây đã nói với Newsweek rằng những hỏa tiễn này, có thiết kế đầu đạn hơi khác so với hai hỏa tiễn cùng họ là hỏa tiễn Storm Shadow và SCALP, sẽ là vũ khí hiệu quả hơn để tấn công vào các cây cầu.

2. Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan nói: NATO 'xem xét bắn hạ hỏa tiễn Nga tiếp cận biên giới của mình'

NATO đang xem xét bắn hạ các hỏa tiễn của Nga đi quá gần biên giới của họ, Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Andrzej Szejna nói với hãng truyền thông Ba Lan RMF24.

Szejna nói rằng “Nga nên biết rằng nếu hỏa tiễn di chuyển xa hơn vào Ba Lan, nó sẽ bị bắn hạ. Sẽ có một cuộc phản công.”

Ông nói thêm: “Nhiều ý tưởng khác nhau đang được phân tích trong NATO, bao gồm cả việc bắn hạ những hỏa tiễn như vậy khi chúng ở rất gần biên giới NATO”, ông nói thêm và lưu ý rằng điều này sẽ cần có sự chấp thuận của Ukraine nếu điều đó xảy ra.

Bình luận này được đưa ra sau khi lực lượng vũ trang Ba Lan cho biết Nga đã vi phạm không phận Ba Lan vào lúc 4h23 sáng Chúa Nhật bằng một hỏa tiễn hành trình phóng vào các mục tiêu ở miền Tây Ukraine. Ba Lan là thành viên NATO.

Đại sứ Nga tại Ba Lan, Sergei Andreyev, đã được triệu tập tới Bộ Ngoại giao ở Warsaw để liên quan đến vụ việc nhưng không có mặt. Ông nói với RIA Novosti do nhà nước Nga điều hành rằng điều này là do phía Ba Lan không cung cấp bằng chứng về bất kỳ hành vi vi phạm không phận nào.

Đã có những báo cáo khác về hành vi vi phạm lãnh thổ Ba Lan kể từ khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine hai năm trước.

Theo Bộ tham mưu lực lượng vũ trang Ba Lan, một hỏa tiễn của Nga đã tiến vào không phận của thành viên NATO vào cuối tháng 12.

Vào tháng 4 năm 2023, một vật thể quân sự được tìm thấy trong một khu rừng gần làng Zamość gần thành phố Bydgoszcz phía bắc. Sau đó, nó được cho là hỏa tiễn của Nga.

Vào tháng 11 năm 2022, một hỏa tiễn lạc của Ukraine đã tấn công làng Przewodów của Ba Lan ở phía nam, khiến hai người thiệt mạng và làm dấy lên lo ngại vào thời điểm chiến tranh ở Ukraine tràn qua biên giới.

3. Đồng minh chủ chốt lại làm suy yếu Putin sau vụ thảm sát Mạc Tư Khoa

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Key Ally Undermines Him Over Moscow Massacre”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Nhà lãnh đạo Belarus Alexander Lukashenko đã làm suy yếu đồng minh chủ chốt của ông là Vladimir Putin khi ông nói rằng những người được cho là đã nổ súng vào địa điểm tổ chức âm nhạc Crocus City Hall ở Mạc Tư Khoa vào tuần trước, khiến ít nhất 140 người thiệt mạng, ban đầu đã cố gắng chạy trốn sang Belarus chứ không phải Ukraine - mâu thuẫn với quan điểm chính thức của Điện Cẩm Linh.

Đi ngược lại tuyên bố của Mạc Tư Khoa, Lukashenko hôm thứ Tư cho biết những kẻ bị tình nghi trong vụ tấn công phòng hòa nhạc ngày 22 tháng 3 ban đầu đã cố gắng vượt biên vào Belarus - nơi giáp biên giới Ukraine và Nga - sau khi họ bỏ trốn khỏi hiện trường.

Nhà nước Hồi giáo đã tuyên bố chịu trách nhiệm về vụ tấn công. Đó là vụ tấn công nguy hiểm nhất ở Mạc Tư Khoa trong hơn hai thập kỷ qua - nhưng các quan chức Nga cho biết Ukraine đứng sau vụ xả súng hàng loạt mà không đưa ra bằng chứng cụ thể. Kyiv đã phủ nhận sự liên quan.

“Chúng tôi đã đặt các đơn vị của mình trong tình trạng báo động cao để chuẩn bị cho tình huống chiến đấu,” ông Lukashenko nói trong cuộc họp báo hôm thứ Tư, theo hãng thông tấn nhà nước Belarusian Telegraph Agency hay BelTA. “Kết quả là họ không thể vào Belarus bằng bất kỳ cách nào, và cuối cùng họ bị bắt”

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Kỳ, cho biết trong phân tích mới nhất về cuộc xung đột ở Ukraine hôm thứ Tư rằng gợi ý của Lukashenko rằng những kẻ tấn công đang hướng tới Belarus trước khi các cơ quan đặc biệt của Belarus và Nga buộc họ phải thay đổi hướng đi “hoàn toàn mâu thuẫn với tuyên bố của Putin về kế hoạch trốn thoát của những kẻ tấn công.”

“Putin đã phát biểu trước Liên bang Nga vào ngày 23 tháng 3 sau vụ tấn công khủng bố vào Tòa thị chính Crocus ngày 22 tháng 3, những kẻ tấn công có 'những người liên hệ' đã chuẩn bị một 'cửa sổ' để chúng trốn qua biên giới vào Ukraine, một tuyên bố không có cơ sở và bằng chứng nào cả, đã trở thành trọng tâm trong những cáo buộc vô căn cứ của Điện Cẩm Linh rằng Ukraine có liên quan hoặc chịu trách nhiệm về vụ tấn công”, tổ chức cố vấn cho biết.

Lukashenko là đồng minh thân cận của Putin. Belarus, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, đã duy trì mối quan hệ bền chặt với Nga kể từ khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Trong khi Belarus không trực tiếp tham gia vào cuộc xung đột Ukraine, quân đội Nga đã được phép tập trận trên lãnh thổ Belarus kể từ trước khi bắt đầu chiến tranh. Đất nước này được Nga sử dụng để tiến hành cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24/2/2022.

ISW cho biết ông Putin và các quan chức hàng đầu khác của Điện Cẩm Linh dường như đang gặp khó khăn trong việc duy trì quan điểm về vụ tấn công phòng hòa nhạc. Nó nói thêm rằng điều này cho thấy rằng Điện Cẩm Linh “chưa hoàn toàn tìm ra cách dung hòa các hoạt động thông tin của mình với thực tế về sự thất bại của cơ quan tình báo và thực thi pháp luật”.

Tuy nhiên, các quan chức cao cấp khác của Nga đã nhấn mạnh thêm câu chuyện vô căn cứ của Điện Cẩm Linh cáo buộc Ukraine tiến hành vụ tấn công, đồng thời thừa nhận rằng chính quyền Nga hiện thiếu thông tin quan trọng về vụ tấn công. Các tuyên bố mới xem ra mâu thuẫn với tuyên bố của chính họ và tuyên bố của các quan chức Điện Cẩm Linh khác.

Chính quyền Nga cho đến nay đã bắt giữ 11 người liên quan đến vụ tấn công.

4. Ukraine đưa ra cảnh báo với Nga sau cuộc tấn công của Hạm đội Hắc Hải

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Issues Warning to Russia After Black Sea Fleet Strikes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một giám đốc tình báo Ukraine cho rằng Kyiv đang lên kế hoạch cho một đợt tấn công khác nhằm vào Hạm đội Hắc Hải của Nga và sẽ xảy ra mà không báo trước.

Hạm đội uy tín của Nga đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong suốt cuộc chiến do Vladimir Putin khởi xướng, với tần suất ngày càng tăng trong những tháng gần đây.

Mặc dù có lực lượng hải quân hạn chế nhưng các cuộc tấn công của Ukraine đã buộc Nga phải di dời hạm đội này khỏi Sevastopol ở Crimea, nơi lực lượng này đóng quân một phần.

Kyiv tuyên bố sẽ chiếm lại Bán đảo Crimea đã bị Nga xâm lược từ năm 2014. Họ đã sử dụng hỏa tiễn và thuyền không người lái của hải quân để làm tê liệt Hạm đội Hắc Hải của Nga, với nhiều tàu di chuyển về phía Novorossiysk, một thành phố cảng Hắc Hải thuộc lãnh thổ Nga, nơi đã gây tổn hại Khả năng hoạt động của Mạc Tư Khoa ở phía Tây biển.

Vasyl Maliuk, Giám đốc Cơ quan An ninh Ukraine, gọi tắt là SSU, nói với truyền hình Ukraine rằng các thuyền không người lái của hải quân Sea Baby và Mamai đã tấn công 11 tàu Nga, cảnh báo rằng còn nhiều điều sắp xảy ra.

“Hãy để người Nga chờ đợi vụ nổ tiếp theo”, ông Maliuk nói với chương trình Fakty trên kênh truyền hình ICTV của Ukraine. “Chúng tôi không bao giờ lặp lại hành động của mình, luôn luôn sẽ có bất ngờ, và nếu Nga thay đổi biện pháp phòng thủ chống lại thuyền không người lái của chúng tôi ở đâu đó, chúng tôi sẽ đi trước một bước”.

“Mọi thứ đều đến đúng thời điểm, bạn sẽ thấy mọi thứ,” Maliuk nói thêm, theo Ukrainska Pravda.

Hôm Chúa Nhật, Kyiv cho biết họ đã tấn công hai tàu đổ bộ lớn của Nga là Yamal và Azov, một trung tâm liên lạc ở Sevastopol và các cơ sở hạ tầng khác.

Các tài khoản tình báo nguồn mở và các blogger quân sự Nga đưa tin rằng Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và SCALP phóng từ trên không do phương Tây cung cấp.

Các quan chức Ukraine cho biết các cuộc tấn công đã gây ra nhiều thiệt hại cho Hạm đội Hắc Hải hơn so với báo cáo ban đầu.

Phát ngôn nhân Hải quân Ukraine, Thuyền trưởng hạng ba Dmytro Pletenchuk cho biết trung tâm liên lạc của hạm đội Nga và tàu trinh sát lớp Yury Ivanov là Ivan Khurs cũng bị hư hại.

Trong một thông báo vào chiều thứ Ba, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận có 4 tàu Nga bị tấn công. Chiếc thứ tư là tàu đổ bộ Konstantin Olshansky.

Pletenchuk cho biết, lực lượng Nga gần đây hiếm khi sử dụng hỏa tiễn Kalibr vì căn cứ hải quân ở Sevastopol, mục tiêu của một số cuộc tấn công của Ukraine, là căn cứ duy nhất của Hạm đội Hắc Hải có cơ sở hạ tầng cần thiết để nạp lại các hỏa tiễn này.

Trong bản cập nhật hàng ngày, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, cho biết các cuộc tấn công của Ukraine nhằm vào hạm đội sẽ ngăn cản lực lượng Nga tái triển khai tàu đến Sevastopol và phía Tây Hắc Hải, ảnh hưởng xấu đến khả năng chiến đấu của Nga trong khu vực.

Ukraine được cho là đã đánh chìm hoặc hư hại nặng khoảng 1/3 Hạm đội Hắc Hải và đến năm 2025, người ta dự đoán rằng có tới một nửa số tàu của nước này có thể bị tấn công.

Những tổn thất gần đây khác của Nga bao gồm tàu Caesar Kunikov lớp Ropucha vào tháng 2, tàu Olenegorsky Gornyak vào tháng 8 vào tháng 8 và tàu đổ bộ Novocherkassk vào tháng 12.

5. Hàng trăm ngàn cư dân không có điện sau cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine

Tại Kharkiv và một số khu vực phía đông nam vùng Zaporizhzhia, 200.000 cư dân đã không có điện kể từ các cuộc tấn công hôm thứ Sáu tuần trước nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của đất nước.

German Gerashenko, Bộ trưởng Năng Lượng Ukraine nói với đài truyền hình nhà nước: “Hệ thống điện bị hư hỏng rất nghiêm trọng khiến tất cả người dân và nhà cửa không thể kết nối với lưới điện và có những khu vực trong thành phố bị mất điện kéo dài 4-6 giờ”.

Ông nói: “Ngày nay phương tiện giao thông ngầm đã hoạt động, tuy nhiên… phương tiện giao thông điện ngày nay không hoạt động ở Kharkiv”.

“Vẫn khó để bảo đảm bất kỳ mốc thời gian nào, nhưng chúng tôi đang nói về khoảng thời gian từ 7-10 ngày, có thể là hai tuần chúng tôi có thể khôi phục nguồn điện bình thường cho thành phố. Miễn là không có sự tàn phá mới,” ông nói.

Reuters đưa tin, tình trạng mất điện khẩn cấp cũng đã được áp dụng tại thành phố cảng Odesa ở Hắc Hải của Ukraine.

23.000 cư dân Odesa không có điện tính đến trưa thứ Ba trong khi “hệ thống giao thông gần như đã được khôi phục hoàn toàn”.

Ông cho biết hành lang vận tải Hắc Hải vẫn tiếp tục hoạt động bất chấp các cuộc tấn công.

6. Các vấn đề của Hạm đội Hắc Hải của Nga ngày càng tồi tệ hơn

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Black Sea Fleet Problems Keep Getting Worse”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Trái ngược hoàn toàn với những nỗ lực đầy đau đớn của Ukraine nhằm kiềm chế bước tiến của Nga về phía tây ở miền đông Ukraine, Kyiv đang tấn công Hạm đội Hắc Hải quý giá của Mạc Tư Khoa với thành công đáng kinh ngạc.

Quân đội Ukraine cho rằng bốn trong số các tàu của Nga bao gồm ba tàu đổ bộ lớn, cộng với một tàu trinh sát mà Ukraine đã từng tấn công trước đó – có thể đã bị ảnh hưởng bởi cuộc tấn công hỏa tiễn của Ukraine vào thành phố cảng Sevastopol của Crimea vào hôm Chúa Nhật,.

Nga đã cố gắng củng cố các căn cứ ở Hắc Hải để chống lại máy bay không người lái và hỏa tiễn của Ukraine. Tình báo Anh đánh giá vào tuần trước rằng họ đã sử dụng mồi nhử để gây nhầm lẫn cho những người điều hành Kyiv, và Mạc Tư Khoa đã tuyên bố sẽ tăng cường bảo vệ xung quanh hạm đội của mình bằng súng máy cỡ nòng lớn để bắn hạ các thuyền không người lái của hải quân đang lao tới trước khi chúng tấn công các tàu Nga.

Nhưng quá trình thích ứng của nó diễn ra rất chậm – gây nhiều bất lợi cho Hạm đội Hắc Hải, Marina Miron, một nhà nghiên cứu sau tiến sĩ thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, lập luận.

Bà nói với Newsweek rằng Hạm đội Hắc Hải chỉ có vai trò hạn chế trong việc hỗ trợ Mạc Tư Khoa xâm chiếm Ukraine và vẫn là “điểm yếu hàng đầu” đối với quân đội Nga.

Trong cuộc tấn công mới nhất của Ukraine, Kyiv hôm Chúa Nhật cho biết họ đã tấn công hai tàu đổ bộ lớn của Nga là Yamal và Azov, cùng một trung tâm liên lạc ở Sevastopol, cũng như các cơ sở hạ tầng chưa xác định khác. Các tài khoản tình báo nguồn mở và các blogger quân sự Nga đưa tin rằng Ukraine đã sử dụng hỏa tiễn hành trình Storm Shadow và SCALP phóng từ trên không do phương Tây cung cấp để tấn công cảng Crimea.

Theo hãng tin độc lập Astra của Nga, tổng cộng có 18 hỏa tiễn đã trút xuống Sevastopol và lực lượng phòng không Nga đã đánh chặn được 11 hỏa tiễn trong số đó.

Trong một tuyên bố cập nhật hôm thứ Hai, cơ quan tình báo quân sự Kyiv cho biết họ đã tấn công một trong những nhà máy sửa chữa tàu của Nga ở Sevastopol, nơi tàu Yamal neo đậu. Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết trong một tuyên bố rằng tàu đổ bộ đang trong tình trạng “nghiêm trọng” với một lỗ thủng ở ụ tàu phía trên.

Truyền thông Ukraine dẫn lời Thuyền trưởng Dmytro Pletenchuk, phát ngôn nhân của hải quân Ukraine, cho biết: “Chúng tôi có thể xác nhận rằng cả hai tàu đổ bộ đều bị hư hại”. “Một trong số họ ngay lập tức đi sửa chữa.”

Trích dẫn nguồn tin giấu tên của Hải Quân Nga, hãng tin độc lập Astra của Nga cho biết hai hỏa tiễn đã tấn công tàu trinh sát Ivan Khurs,. Chính quyền Nga ở Crimea đã báo cáo về một cuộc tấn công hỏa tiễn “quy mô lớn” vào Sevastopol vào tối thứ Bảy. Bộ Quốc phòng Nga đã không trả lời yêu cầu bình luận của Newsweek.

Hôm Thứ Ba, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine xác nhận chiếc tàu thứ tư là tàu đổ bộ lớn Konstantin Olshansky đã bị loại khỏi vòng chiến.

Thuyền trưởng Hải quân Ukraine đã nghỉ hưu Andrii Ryzhenko nói với Newsweek rằng tàu Ivan Khurs mang theo các thiết bị dùng để phối hợp và thực hiện các hoạt động với tàu chiến và máy bay của Nga. Miron cho biết thêm, đây là một trong hai loại tàu trinh sát mà Nga sử dụng.

Mức độ thiệt hại đối với các tàu của Hạm đội Hắc Hải của Nga vẫn chưa được xác minh đầy đủ, nhưng các cuộc tấn công dù sao cũng phản ánh mô hình thành công của Ukraine trong việc tấn công vào tài sản của Mạc Tư Khoa xung quanh Crimea.

Hồi tháng 12, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Grant Shapps cho biết Điện Cẩm Linh đã mất 20% Hạm đội Hắc Hải trong 4 tháng trước đó. Trong vài tháng đầu năm 2024, Ukraine đã điều động một loạt tàu, bao gồm một tàu hộ tống trang bị hỏa tiễn, một số tàu đổ bộ và một tàu tuần tra.

Ryzhenko cho biết Nga hiện đã mất tới 1/4 số tàu và tàu chiến ở Hắc Hải. Ông nói, hạm đội của Nga vẫn còn đủ năng lực, nhưng mối đe dọa tiềm tàng từ các thuyền không người lái của hải quân Ukraine đã dồn các tàu này vào khu vực hạn chế của các căn cứ của nước này.

Các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và máy bay không người lái của Ukraine không chỉ giới hạn các tàu đến căn cứ của họ mà còn nhắm vào các căn cứ cách xa vùng biển duyên hải của Ukraine. Mạc Tư Khoa đã di dời tài sản đến Novorossiysk, một thành phố cảng nằm trên lãnh thổ Nga được quốc tế công nhận và xa hơn về phía đông ở Hắc Hải.

Các báo cáo cũng cho thấy Điện Cẩm Linh đang lên kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới tại cảng Ochamchire ở Abkhazia, một khu vực ly khai của Georgia. Điều này sẽ đẩy các tài sản ở Hắc Hải của Nga ra xa bờ biển Ukraine hơn nữa.

Bộ Quốc phòng Anh tuần trước đánh giá rằng Nga có thể đã hạn chế hầu hết các hoạt động ở phía đông Hắc Hải. Với việc các cuộc tấn công của Ukraine tiếp tục gây thiệt hại cho cả các tàu và sự thống trị của Mạc Tư Khoa ở phía Tây Hắc Hải, không rõ liệu Nga có thể bảo vệ Hạm đội Hắc Hải của mình khỏi Ukraine trong vài tháng tới hay không.

7. Kyiv cho biết Nga mất 1030 quân, 11 xe tăng và 9 xe thiết giáp chuyển quân trong một ngày

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Loses 1030 Troops, 11 Tanks and 9 APVs in a Day: Kyiv”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Theo quân đội Kyiv, lực lượng Nga ở Ukraine đã mất hơn 1.000 binh sĩ trong ngày qua khi các cuộc đụng độ tiếp tục diễn ra trên khắp chiến tuyến ở phía đông đất nước bị chiến tranh tàn phá trước các cuộc tấn công dự kiến trong những tháng tới.

Lực lượng vũ trang Mạc Tư Khoa đã mất 1.030 chiến binh trong 24 giờ trước đó, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov cho biết như trên vào hôm Thứ Năm, 28 Tháng Ba. Những số liệu mới nâng tổng số thương vong của Nga được báo cáo ở Ukraine lên 439.190.

Kyiv cũng cho biết lực lượng Điện Cẩm Linh đã mất 11 xe tăng và 9 xe thiết giáp trong ngày qua. Theo thống kê của Ukraine, Nga hiện đã mất hơn 6.900 xe tăng và 13.216 xe thiết giáp chở quân.

Số thương vong thường tăng đột biến trong các trận chiến kéo dài, chẳng hạn như khi Nga phát động cuộc tấn công vào thành phố chiến lược Avdiivka của Donetsk vào tháng 10. Mạc Tư Khoa đã kiểm soát khu định cư này từ giữa tháng 2.

Đầu tháng 3, chính phủ Anh cho biết số thương vong hàng tháng của Nga trong suốt tháng 2 đã đạt mức cao nhất kể từ khi lực lượng Mạc Tư Khoa tiến vào Ukraine vào tháng 2/2022.

Luân Đôn cho biết Nga có thể đã phải hứng chịu hơn 335.000 thương vong trong thời gian này. Bộ Quốc phòng Anh cho biết điều này “gần như chắc chắn phản ánh cam kết của Nga đối với chiến tranh tiêu hao và quy mô lớn”.

Kyiv đang mất đi nguồn lực của chính mình trong cuộc chiến. Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Ba cho biết Ukraine đã mất 15.604 xe tăng và các phương tiện chiến đấu bọc thép khác, cùng với 8.531 khẩu pháo dã chiến và súng cối, kể từ tháng 2 năm 2022.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuần trước cho biết Ukraine đã có khoảng 71.000 người thương vong kể từ Tháng Giêng năm 2024. Con số này rất giống với con số thương vong của Nga do quân đội Ukraine đưa ra. Con số thương vong của Kyiv vào thời điểm đó đưa ra con số thương vong của Nga vào khoảng 72.000 kể từ khi bắt đầu chiến tranh. năm.

Bất chấp tổn thất nặng nề cho cả hai bên, Nga được cho là sẽ tiến hành các cuộc tấn công mới vào hệ thống phòng thủ của Ukraine khi những tháng mùa xuân và mùa hè ấm áp hơn đang đến gần. Nga đã cố gắng bổ sung kho thiết bị và tăng cường sản xuất các hệ thống mới, duy trì các cuộc tấn công vào quân đội tiền tuyến Ukraine.

Ukraine, dựa vào viện trợ của phương Tây để tiếp tục nỗ lực chiến tranh, đang phải vật lộn để duy trì tốc độ hoạt động mà không có lời hứa cụ thể về việc giao hàng trong tương lai từ người ủng hộ lớn nhất của họ là Mỹ.

Gói viện trợ trị giá 60 tỷ Mỹ Kim đã bị trì hoãn tại Quốc hội trong nhiều tháng và biện pháp “tạm dừng ngắn hạn” trị giá 300 triệu Mỹ Kim viện trợ quân sự do Ngũ Giác Đài công bố hồi đầu tháng này sẽ khó làm dịu đi những lo ngại về việc kho đạn dược cạn kiệt của Ukraine sẽ ảnh hưởng đến tiến bộ của Nga như thế nào.

Các lực lượng Nga đã tiến lên một chút gần thành phố Bakhmut bị tàn phá của Donetsk, với giao tranh vẫn tiếp tục từ tiền tuyến phía bắc gần thành phố Kupiansk phía đông bắc xuống các khu vực Kherson và Zaporizhzhia phía nam, viện nghiên cứu Mỹ, Viện Nghiên cứu Chiến tranh, cho biết vào thứ ba.

8. Đồng minh chủ chốt của Putin thị sát tiểu đoàn xe tăng sát biên giới NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin's Key Ally Inspects Tank Battalion Next to NATO Border”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Đồng minh thân cận nhất của Vladimir Putin, Alexander Lukashenko, đã đe dọa hành động quân sự nếu biên giới của Belarus bị xâm phạm trong đòn tấn công mới nhất của ông nhằm vào NATO đang tiến hành tập trận trong khu vực.

Lukashenko, tổng thống hậu Xô Viết duy nhất cho đến nay của Belarus, đã đưa ra nhận xét này trong cuộc thị sát lực lượng của ông ở quận Oshmyany thuộc vùng Hrodno, cách biên giới của thành viên liên minh Lithuania 20 dặm.

“Tôi sẽ nói công khai rằng bất kỳ hành động khiêu khích nào cũng phải bị trấn áp bằng các biện pháp vũ trang,” ông Lukashenko nói hôm thứ Ba, theo hãng thông tấn nhà nước Belarus Belta. “Nếu bạn vi phạm biên giới quốc gia, bạn sẽ bị tiêu diệt. Không ai được phép khoanh tay đứng yên.”

“Bất kỳ hành vi vi phạm biên giới quốc gia đều có thể bị tiêu hủy. Họ chỉ hiểu sức mạnh”, ông nói thêm.

Hãng thông tấn Belta lưu ý trong báo cáo của mình về mức độ của cuộc tập trận Steadfast Defender 2024 của liên minh bắt đầu vào Tháng Giêng và kết thúc vào ngày 31 tháng 5.

Belta đưa tin các tiểu đoàn bộ binh và cơ giới của Đức và Mỹ đã tập trung tại sân tập Pabrade ở Lithuania, cách biên giới Belarus khoảng 9 dặm.

Những thứ này có thể được sử dụng để “thực hiện các hành động khiêu khích…liên quan đến các nhóm phá hoại, trinh sát và các nhóm vũ trang bất hợp pháp”, Belta nói.

Lukashenko nhấn mạnh rằng: “Chúng ta không nên thư giãn. Chúng ta phải chắc chắn rằng nếu chúng ta thư giãn, họ sẽ tấn công chúng ta.”

Newsweek đã liên hệ với chính phủ Lithuania và NATO để bình luận.

Trong một bài đăng trên Substack hôm thứ Hai, nhà phân tích quân sự Konrad Muzyka, từ Rochan Consulting, cho biết các đơn vị của lữ đoàn cơ giới Belarus được bố trí gần khu vực biên giới Lithuania như một phần của hoạt động kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Muzyka lưu ý rằng lực lượng Belarus được triển khai “thiếu khả năng gây ra mối đe dọa quân sự nghiêm trọng cho các thành viên NATO”.

Tuy nhiên, lời lẽ của Minsk chống lại NATO ngày càng trở nên hiếu chiến, với việc Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin hồi tháng 2 tuyên bố rằng quân đội của họ sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nào đi vào không phận của mình.

Ngoài ra, Lukashenko còn tuyên bố, nhưng không cung cấp bằng chứng, vào tháng trước rằng tình báo Mỹ gốc Ba Lan đang chuẩn bị “một hành động khiêu khích quy mô lớn chống lại thường dân Ba Lan, hành động này sẽ bị đổ lỗi cho Nga và Belarus”.

Bộ Ngoại giao Ba Lan nói với Newsweek trong một tuyên bố vào tháng 2 rằng Minsk là “một trong những yếu tố gây bất ổn chính cho tình hình an ninh trong khu vực” và “chỉ những hành động của Minsk mới là nguồn gốc của mọi căng thẳng”.

Lukashenko dựa vào Putin để duy trì quyền lực của mình, đặc biệt là sau cuộc bầu cử gây tranh cãi ở Belarus vào năm 2020, sau đó là một cuộc đàn áp tàn bạo.

Cho đến nay, để tránh sự can dự trực tiếp của Belarus vào cuộc chiến, Lukashenko đã cho phép đất nước của mình được sử dụng làm điểm dàn dựng cho các cuộc tấn công của Nga vào Ukraine và Lukashenko cũng đã mời chào việc triển khai vũ khí hạt nhân do Nga kiểm soát ở Belarus.

Trong khi đó, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ hơn giữa hai nước vào tháng 1 đã làm dấy lên suy đoán về việc liệu Minsk có thể bị buộc phải đóng một vai trò lớn hơn trong cuộc chiến ở Ukraine hay không, bất chấp quốc gia này không được ưa chuộng ở Belarus.

9. Trung Quốc bị buộc tội tấn công mạng quy mô lớn vào đồng minh NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “China Accused of Major Cyber Hack on NATO Ally”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Vương quốc Anh, một thành viên NATO, đã cáo buộc Trung Quốc thực hiện một vụ tấn công mạng lớn nhằm vào các nghị sĩ và dữ liệu cử tri Anh. Ngoại trưởng Vương Quốc Anh David Cameron cho biết như trên.

Tuyên bố của chính phủ Anh về vụ hack cho biết hôm thứ Tư: “Gần như chắc chắn rằng Nhóm Đe dọa Liên tục Nâng cao 31 (APT31) trực thuộc nhà nước Trung Quốc đã tiến hành hoạt động trinh sát chống lại các nghị sĩ Vương quốc Anh trong một chiến dịch riêng biệt vào năm 2021”. “Phần lớn những người bị tấn công đều nổi bật trong việc chỉ trích hoạt động xấu xa của Trung Quốc. Không có tài khoản quốc hội nào bị xâm phạm thành công.”

Các cáo buộc liên quan đến nỗ lực truy cập thông tin nhạy cảm về các nghị sĩ chỉ trích Bắc Kinh và dữ liệu về 40 triệu cử tri.

Tiết lộ này được đưa ra khi hoạt động hack của Trung Quốc đang bị giám sát chặt chẽ trong những tuần gần đây. Tháng trước, các tài liệu đã bị rò rỉ trên nền tảng phát triển nhu liệu nguồn mở GitHub, tiết lộ hoạt động bên trong của một nhà thầu bảo mật tư nhân, tên là Âu Thuận (欧顺). Các tài liệu bị rò rỉ đã thiết lập mối liên hệ giữa công ty và cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc.

Các cáo buộc chính thức của Vương quốc Anh trùng hợp với việc Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với tin tặc Trung Quốc vì tấn công vào cơ sở hạ tầng dân sự.

Bộ Trưởng Ngoại Giao Cameron cho biết các chuyên gia an ninh mạng đã xác định rằng các hệ thống của Ủy ban Bầu cử Vương quốc Anh có thể đã bị một thực thể trực thuộc nhà nước Trung Quốc xâm phạm trong khoảng thời gian từ năm 2021 đến năm 2022.

Đáp lại, Vương quốc Anh đã áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với hai công dân Trung Quốc là Triệu Quan Tông (Zhao Guanzong) và Nghê Cao Bân (Ni Gaobin), và Công ty Khoa học và Công nghệ Vũ Hán Tiểu Thụy Chi (Xiaoruizhi).

Cameron cho biết: “Triệu Quan Tông, thành viên của APT31, hoạt động thay mặt cho Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc … đã tham gia vào các hoạt động mạng nhắm vào các quan chức, tổ chức chính phủ và nghị sĩ ở Anh và quốc tế cho cơ quan tình báo hàng đầu của Trung Quốc”

Phó Thủ tướng Oliver Dowden nhấn mạnh Vương quốc Anh sẽ không dung thứ cho các hoạt động mạng độc hại. Các biện pháp trừng phạt bao gồm phong tỏa tài sản và cấm đi lại. Công ty Khoa học và Công nghệ Vũ Hán Tiểu Thụy Chi bị cấm kinh doanh tại Anh

Dowden cho biết hôm thứ Hai: “Chúng tôi sẽ tiếp tục lên án hoạt động này và yêu cầu chính phủ Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về hành động của mình”.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Anh đã gọi những cáo buộc chính thức này là “nham hiểm”.

Đại sứ quán cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai: “Việc Vương quốc Anh thổi phồng cái gọi là 'các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc' một cách vô căn cứ và việc thông báo các biện pháp trừng phạt hoàn toàn là thao túng chính trị và vu khống ác ý”.

Ngoại trưởng Anh David Cameron đã nêu vấn đề hack với chính phủ Trung Quốc ở cao cấp nhất.

“ Tôi đã nêu vấn đề này trực tiếp với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và hôm nay chúng tôi đã trừng phạt hai cá nhân và một thực thể có liên quan đến nhóm liên kết với nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm tấn công vào các nghị sĩ của chúng tôi,” ông nói.

Cameron nói thêm: “Hoàn toàn không thể chấp nhận được việc các tổ chức và cá nhân liên kết với nhà nước Trung Quốc đã tấn công vào các thể chế dân chủ và tiến trình chính trị của chúng tôi”.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã gọi hành động của chính phủ Anh là “bất hợp pháp”.

“Chúng tôi hy vọng các bên liên quan sẽ ngừng lan truyền thông tin sai lệch, có thái độ có trách nhiệm và cùng nhau bảo vệ hòa bình và an ninh trên không gian mạng.” Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Mao Ninh, cho biết trong cuộc họp báo hôm Thứ Tư.

Cô ta nói rằng Trung Quốc phản đối các biện pháp trừng phạt đơn phương và bất hợp pháp và sẽ bảo vệ vững chắc các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Hôm thứ Hai, chính quyền Tổng thống Joe Biden đã công bố cáo trạng hình sự và các biện pháp trừng phạt đối với nhiều tin tặc Trung Quốc vì đã thực hiện các vụ hack trên quy mô lớn nhằm vào các công ty và quan chức chính phủ Mỹ thay mặt cho cơ quan tình báo dân sự của Trung Quốc.

CNN đưa tin: “Bảy người đàn ông Trung Quốc đã bị truy tố tại tòa án liên bang Hoa Kỳ ở Quận phía Đông của New York và bị buộc tội tham gia vào nỗ lực hack kéo dài nhiều năm dẫn đến 'sự xâm phạm đã được xác nhận và có khả năng xảy ra' đối với dữ liệu của hàng triệu người Mỹ”..

Theo cáo trạng, dữ liệu này có khả năng được sử dụng để phá hoại các thể chế dân chủ của Hoa Kỳ. CNN đưa tin, các lĩnh vực bị tấn công bao gồm cơ sở hạ tầng quan trọng như nhà thầu quốc phòng và Bộ Tài chính Hoa Kỳ, nhấn mạnh mối đe dọa lớn mà các hoạt động này gây ra đối với an ninh quốc gia.

Bộ Tài chính Mỹ công bố các biện pháp trừng phạt đối với hai người đàn ông bị truy tố, đồng thời Bộ Ngoại giao công bố phần thưởng lên tới 10 triệu Mỹ Kim cho thông tin về bảy người đàn ông này.
 
Fides: Chính Thống Giáo Nga ra tài liệu chỉ trích kịch liệt Fiducia. Thứ Sáu Tuần Thánh của Ukraine
VietCatholic Media
17:55 28/03/2024


1. 40 Bài Tĩnh Tâm Mùa Chay 2024 – Thứ Sáu Tuần Thánh 29/3/2024

Isaia 52:13-53:12

Thánh Vịnh 30(31):2, 6, 12-13, 15-17, 25

Do Thái 4:14-16, 5:7-9

Ga 18:1-19:42

Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần. (Dt 4:16)

Niềm tin tưởng mà chúng ta tìm thấy trong thư gửi tín hữu Do Thái hoàn toàn trái ngược với nỗi sợ hãi của Tông đồ Phêrô khi ông chối Chúa Giêsu. Phêrô đang chứng kiến thế giới xung quanh mình sụp đổ – Thầy của ông bị xiềng xích, và các anh em của ông thì chạy tán loạn. Có thể đã từng chứng kiến nhiều vụ hành quyết trước đây nên ông biết câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Có lẽ khi đó, niềm tin được thấy trong sách Do Thái là về sự Phục sinh - niềm tin về việc biết câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Ngược lại, điều chúng ta học được là chính sự đau khổ của Chúa Giêsu đã mang lại cho chúng ta sự dạn dĩ trước mặt Thiên Chúa. Chúa Giêsu cảm nhận được những điểm yếu của con người nơi chúng ta, Ngài đã bị cám dỗ trong mọi cách như chúng ta, tuy nhiên, Ngài vẫn vâng phục ngay cả trong đau khổ.

Hôm nay là Thứ Sáu Tuần Thánh thường được gọi là Good Friday, ngày Thứ Sáu tốt lành, vì nhiều lý do. Thật tốt lành vì tình yêu hoàn hảo của Thiên Chúa đã được thể hiện. Thật tốt lành vì tội lỗi đã bị đánh bại bởi Chúa Giêsu chịu chết một lần là đủ. Nhưng cũng tốt lành vì trong thân xác đầy vết thương, đẫm máu của Vua Cứu Thế, chúng ta thấy được lòng thương xót của Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta muốn nhìn đi chỗ khác, nhưng chúng ta phải nhìn. Nơi thân xác Người, chúng ta thấy được sự gần gũi, lòng thương xót và tình yêu của Người. Nơi thân xác Người, chúng ta thấy việc loan báo Tin Mừng. Chúng ta đứng trước mặt Thiên Chúa trong sự hoàn hảo của Người, nhưng chúng ta không đơn độc. Chúa Giêsu ở với chúng ta trong mọi thăm trầm của cuộc sống.

Hãy cho phép bản thân trải nghiệm ngày này ở cấp độ con người, và nếu nỗi đau, nỗi sầu hay nỗi buồn của chính bạn hiện lên trong đầu bạn, đừng chống lại nó.

Mục đích của Thập Giá không phải là để cho chúng ta một tấm gương đủ lớn để hợp lý hóa kinh nghiệm của chúng ta, nhưng để cho chúng ta thấy lòng thương xót của Thiên Chúa – Ngài sẵn lòng chịu đau khổ với chúng ta.

Chúa Giêsu ở với chúng ta trong mọi sự - kể cả cái chết - vì vậy, chúng ta hãy đến gần Đấng mà Người gọi là Cha, và cầu xin lòng thương xót và ân sủng mà chúng ta cần.

Lạy Chúa Kitô, chúng con kính lạy và ngợi khen Chúa Kitô vì Chúa đã dùng Thánh giá Chúa mà chuộc tội cho thiên hạ. Amen.

2. Các nhà thờ của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương bị phong tỏa ở Donetsk

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk là nhà lãnh đạo của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương cho biết: “Vào đầu năm 2024, những “người Cossacks” của cái gọi là “Cộng hòa Nhân Dân Donetsk” đã phong tỏa tất cả các nhà thờ và các vùng lãnh thổ lân cận, đồng thời không cho phép các tín hữu của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương vào các nhà thờ và lãnh thổ để cầu nguyện và cử hành thánh lễ.”

Lời kêu gọi của các tín hữu lên chính quyền địa phương của “Cộng hòa Nhân Dân Donetsk” về việc niêm phong các nhà thờ và cản trở các hoạt động tôn giáo của những “Người Cossacks” đều không mang lại kết quả nào. Các tín hữu không thể vào nhà thờ hoặc tiến hành các buổi lễ.

Trước những sự kiện này, các linh mục phục vụ trong các nhà thờ này đã bị trục xuất khỏi các vùng lãnh thổ bị tạm chiếm. Ngoài ra, vào ngày 16 tháng 11 năm 2022, các linh mục Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương từ Berdiansk, là Cha Ivan Levytsky và Cha Bohdan Geleta, đã bị cầm tù và vẫn đang bị giam giữ.

Điều đáng chú ý là vào ngày 26 tháng 12 năm 2022, trên lãnh thổ bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia, chính quyền xâm lược đã ban hành cái gọi là lệnh cấm Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương hoạt động và cầm các tổ chức dịch vụ xã hội của Giáo Hội trong vùng bị tạm chiếm của vùng Zaporizhzhia.

Đức Cha cũng than thở về một thực trạng diễn ra ngay cả trong hàng giáo phẩm Công Giáo, theo đó người ta cho rằng người Ukraine không muốn đối thoại để đạt được hòa bình. Nhà lãnh đạo Công Giáo Ukraine nói rằng quốc gia của ngài là “bên tìm kiếm đối thoại” trong cuộc chiến với Nga, nhưng ngài cho biết “Nga không coi Ukraine là đối tượng của đối thoại, và thậm chí còn phủ nhận quyền tồn tại của Ukraine”.

Người Ukraine cũng không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với tự sát. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và dễ thấy. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Mục tiêu đề ra được thể hiện bằng hành động cụ thể.

Trong suy nghĩ của Putin, không có những thứ như Ukraine, lịch sử Ukraine, ngôn ngữ và đời sống cũng như Giáo Hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tế mà chỉ là một “ý thức hệ”. Theo Putin, ý thức hệ về bản sắc Ukraine là “Đức Quốc xã”.

3. Đức Thánh Cha viết bài suy niệm cho Đàng Thánh Giá tại Đấu trường Rôma, Vatican cho biết

Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống vào năm 1985 khi yêu cầu những người khác nhau viết những lời cầu nguyện và suy niệm trên Đàng Thánh Giá cho buổi đi Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh hàng năm tại Đấu trường Rôma ở Rôma. Nhưng vị giáo hoàng người Ba Lan được phong thánh đã tự mình viết chúng vào năm 2000 và Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết định viết chúng trong năm nay. Cử hành này được phát sóng trên toàn thế giới.

Nhà lãnh đạo văn phòng báo chí Vatican cho biết, lần đầu tiên trong triều đại giáo hoàng 11 năm của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn viết những bài suy niệm của riêng mình cho nghi lễ Đàng Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh tại Đấu trường Rôma ở Rôma.

Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí, nói với các phóng viên ngày 26 tháng 3, rằng trong buổi đi Đàng Thánh Giá ngày Thứ Sáu Tuần Thánh 29 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn chủ đề “Cầu nguyện với Chúa Giêsu trên đường thập giá”.

Thánh Gioan Phaolô II bắt đầu truyền thống vào năm 1985 về việc ủy thác việc viết các bài suy niệm cho các Hồng Y và các nhân vật khác trong giáo hội, các nhà văn hoặc nhóm người nổi tiếng, kể cả giới trẻ và nhà báo. Tuy nhiên, chính ngài đã viết những suy tư cho nghi lễ Đấu trường Rôma trong Năm Thánh 2000.

Đức Hồng Y Joseph Ratzinger đã viết các bài suy niệm cho Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2005, chưa đầy một tháng trước khi được bầu làm Giáo hoàng Bênêđíctô XVI. Tuy nhiên, trong suốt triều đại giáo hoàng của mình, mỗi năm ngài giao phó việc soạn thảo cho những người khác nhau.

Các buổi suy niệm năm 2023 tập trung vào chủ đề “Tiếng nói hòa bình trong một thế giới đang có chiến tranh”. Một số cơ quan của Giáo triều Rôma đã xây dựng những lời cầu nguyện và suy niệm dựa trên những nhận xét được đưa ra tại các cuộc gặp với Đức Thánh Cha Phanxicô bởi những người đang phải chịu đựng tình trạng thiếu hòa bình.

Đức Thánh Cha Phanxicô đã yêu cầu người Công Giáo coi năm 2024 là năm cầu nguyện để chuẩn bị cho Năm Thánh 2025.

Bruni nói với các phóng viên rằng việc chọn “cầu nguyện với Chúa Giêsu” làm chủ đề cho Chặng Đàng Thánh Giá là một dấu hiệu cho thấy rằng đó sẽ là “một hành động suy tư và tâm linh với Chúa Giêsu là trung tâm”.

Vatican News cho biết các bài suy niệm sẽ có ít tài liệu tham khảo trực tiếp hơn đến các sự kiện hiện tại so với nhiều ấn bản trước đây khi những người di cư và tị nạn, nạn nhân của nạn buôn người hoặc những người từ các quốc gia có chiến tranh đã giúp viết hoặc truyền cảm hứng cho những suy tư.

Bruni cũng nói với các phóng viên rằng tính đến ngày 26 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô vẫn dự định tham dự buổi lễ. Tuy nhiên, thời tiết và sức khỏe của Giáo hoàng sẽ là yếu tố quyết định. Được xuất viện chỉ 5 ngày trước Thứ Sáu Tuần Thánh năm 2023, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không đến Đấu trường Rôma.

4. Tài liệu của Ủy ban Thần học-Thánh kinh của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa để đáp lại Tuyên bố “Fiducia supplicans”

Thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc có bài tường trình nhan đề “Document of the Synodal Biblical-Theological Commission of the Mạc Tư Khoa Patriarchate in response to the Declaration “Fiducia supplicans”“ nghĩa là “Tài liệu của Ủy ban Thượng Hội Đồng về Thần học-Thánh kinh của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa để đáp lại Tuyên bố “Fiducia supplicans”“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Vào ngày 25 tháng 3, trang web chính thức của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã công bố một tài liệu có tựa đề “Về thái độ của Chính thống giáo đối với thực hành mới về việc chúc lành cho 'các cặp vợ chồng trong hoàn cảnh bất hợp lệ và các cặp đồng giới' trong Giáo Hội Công Giáo Rôma”. Văn bản, được viết theo yêu cầu của Thượng Phụ Kirill bởi Ủy ban Thần học-Kinh Thánh của Thượng Hội đồng Chính Thống Giáo Nga, do Đức Tổng Giám Mục Hilarion Alfeev, Tổng Giám Mục Budapest và toàn Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hung Gia Lợi, chủ trì, trình bày một số cân nhắc nhằm đáp lại tuyên bố Fiducia supplicans, do Bộ Giáo Lý Đức Tin công bố vào ngày 18 tháng 12 năm 2023.

Phần giới thiệu tài liệu của Ủy ban Thượng Hội đồng cho biết: “Những ý tưởng được thể hiện trong tuyên bố 'Fiducia supplicans' thể hiện một sự đoạn tuyệt đáng kể khỏi giáo huấn luân lý Kitô giáo và đòi hỏi sự phân tích thần học”. Phần đầu tiên của văn bản, có tựa đề “Về ý nghĩa ‘cổ điển’ và ‘mở rộng’ của phép lành trong tài liệu này”, bắt đầu từ những cân nhắc trong đoạn 12 và 13 của Fiducia supplicans, khẳng định: “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho Con người không thể là cơ sở để chúc phúc cho các cặp vợ chồng chung sống tội lỗi. Thiên Chúa yêu thương con người nhưng cũng kêu gọi họ nên hoàn thiện: ‘Vậy hãy hoàn thiện như Cha các con trên trời là Đấng hoàn thiện’ (Mt 5:48). “Tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người mời gọi con người quay lưng lại với tội lỗi đang hủy hoại cuộc đời mình. Do đó, việc chăm sóc mục vụ phải kết hợp hài hòa giữa dấu hiệu rõ ràng về việc không thể chấp nhận lối sống tội lỗi với tình yêu dẫn đến sự sám hối”. Và sau đó Đức Tổng Giám Mục Hilarion nói tiếp: “Tuyên bố không nói gì về việc chống lại tội lỗi, từ bỏ lối sống tội lỗi hay giúp đỡ tín hữu chiến thắng tội lỗi về mặt mục vụ.”

Văn bản của lời tuyên bố được diễn đạt khéo léo để người đọc có thể suy ra rằng lối sống tội lỗi không phải là một trở ngại cho sự hiệp thông với Thiên Chúa. Tuyên bố Fiducia supplicans hoàn toàn im lặng về bí tích Sám Hối như nguồn ân sủng thiêng liêng cần thiết cho tất cả những ai muốn sửa chữa mọi điều trong cuộc sống của họ không phù hợp với thánh ý của Thiên Chúa.” Hơn nữa, Ủy ban nhận thấy rằng trong tài liệu được đề cập, cụm từ “các cặp đồng giới” có vẻ khác biệt với cụm từ “các cặp bất quy tắc”, mà cụm từ sau không được định nghĩa trong văn bản.

Phần thứ hai của văn bản do Ủy ban Thượng Hội đồng xuất bản, có tựa đề “Về việc chúc phúc cho 'các cặp đồng giới'“, nhấn mạnh rằng định nghĩa về hôn nhân nêu trong đoạn 4 và 5 của tuyên bố Fiducia supplicans là phù hợp với giáo huấn Chính thống giáo ( “xem tài liệu của Giáo hội Chính thống Nga 'Về các khía cạnh kinh điển của hôn nhân Kitô giáo'“). Đồng thời, Ủy ban Thượng Hội đồng khẳng định rằng Fiducia supplicans tuyên bố khả năng ban phước cho các cặp đồng giới, một điều đi ngược lại với đạo đức Kitô giáo, và trên thực tế, coi họ ngang hàng với việc chung sống ngoài hôn nhân của các cặp vợ chồng khác giới. “Cũng đáng lưu ý là những người ở trong một cuộc kết hợp tội lỗi được gọi là 'người nghèo', như thể khiếm khuyết về đạo đức không bao hàm sự lựa chọn có ý thức và tự do về phía họ. Sự chú ý được chuyển từ việc tội nhân đã đưa ra một quyết định đạo đức sang bản chất cơ cực của hoàn cảnh của anh ta. Trong 'Fiducia supplicans', định nghĩa 'sống chung đồng giới' là tội lỗi đã bị thiếu sót.”

Chuyển sang phân tích các khuyến nghị thực tế về cách thức các phép lành này nên diễn ra, cụ thể là, một cách tự nhiên, không mang tính nghi thức và ngắn gọn, Ủy ban Thượng Hội đồng mô tả chúng là “không kém phần mơ hồ so với các quan điểm thần học mà chúng xuất phát”: “Mối nguy hiểm của Tuyên ngôn Fiducia Supplicans là việc chúc phúc cho những cặp vợ chồng này được hiểu như sự chấp thuận cho việc chung sống mà theo quan điểm chính thống của Kitô Giáo là không hợp pháp. Không chỉ có thế, nó còn chính thức hóa các hành động được cho là ‘tự phát’ như các hình thức phụng vụ đã được thiết lập.”

Phần thứ ba của tài liệu (“Những phản ứng đối với Tuyên bố trong thế giới Công Giáo”) được dành để thể hiện tác động mà tuyên bố Fiducia supplicans đã gây ra trong Giáo Hội Công Giáo. Trong phần kết luận của tài liệu do Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng trình bày, Đức Tổng Giám Mục viết: “Việc hiểu đơn phương và không đầy đủ về tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người được suy ra từ tuyên bố này là nguy hiểm về mặt thần học. Theo cách giải thích này, các khái niệm về tội lỗi và sự ăn năn đã bị loại bỏ một cách hiệu quả khỏi mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, dẫn đến một logic nghịch lý, theo đó những người có mối quan hệ tội lỗi không cần hướng đến sự ăn năn và công việc tâm linh mà chỉ cần hướng tới một số hình thức phước lành với hy vọng nhận được sự 'chữa bệnh' và 'nâng cao'. Tuy nhiên, tuyên bố này không nêu rõ thực tế rằng việc 'chữa lành' và 'nâng cao' ít nhất phải có ý định từ bỏ các mối quan hệ tội lỗi. Trong bối cảnh các tiến trình đang diễn ra trong cộng đồng Kitô giáo, tài liệu này có thể được coi là một bước tiến tới sự công nhận hoàn toàn của Giáo Hội Công Giáo Rôma về “các kết hợp đồng giới” như một chuẩn mực, một điều đã xảy ra ở một số cộng đồng Tin lành. Tất cả các tín hữu, kể cả những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, đều cần được chăm sóc mục vụ. Tuy nhiên, việc chăm sóc mục vụ như vậy không nhằm mục đích hợp pháp hóa lối sống tội lỗi, mà đúng hơn là để chữa lành tâm hồn của những người đau khổ, như đã được viết rất hay trong 'Nền tảng Học thuyết Xã hội của Giáo hội Chính thống Nga'. Mặc dù tuyên bố 'Fiducia supplicans' là một tài liệu nội bộ của Giáo Hội Công Giáo, nhưng Giáo hội Chính thống Nga coi nhiệm vụ của mình là phải phản ứng lại trước những đổi mới cực đoan bác bỏ các chuẩn mực đạo đức Kitô giáo được Thiên Chúa mạc khải. Giáo hội chào đón với tình mẫu tử và lòng bao dung mọi tội nhân xin Giáo Hội Mẹ chúc phúc, nhưng không thể nào chúc lành cho “các cặp đồng tính”, vì điều này có nghĩa là trên thực tế Giáo hội đồng ý với một kết hợp có bản chất tội lỗi.” Đồng thời, Ban Đối ngoại của Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa đã công bố trên trang web chính thức của mình một ghi chú trong đó trình bày tài liệu do Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng soạn thảo và tham chiếu đến toàn văn. Theo Ủy ban Thần học-Kinh thánh Thượng hội đồng trong một ghi chú ngày 20 tháng 2, trong phiên họp toàn thể ngày hôm đó, các thành viên của Ủy ban đã đồng thanh bày tỏ quan điểm tiêu cực về tuyên bố Fiducia supplicans, mà họ đã xem xét theo yêu cầu của Thượng Phụ Kirill..