PHÚC ÂM: Ga 11, 45-57
“Ðể quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, trong những người đến thăm Maria và đã chứng kiến việc Ngài làm, có nhiều kẻ đã tin vào Chúa Giê-su. Nhưng trong nhóm có kẻ đi gặp người biệt phái và thuật lại các việc Chúa Giêsu đã làm. Do đó, các thượng tế và biệt phái họp công nghị, và nói: “Chúng ta phải xử trí sao đây? Vì người này làm nhiều phép lạ. Nếu chúng ta để mặc người ấy làm như thế, thì mọi người sẽ tin theo và quân Rôma sẽ kéo đến phá huỷ nơi này và dân tộc ta”. Một người trong nhóm là Caipha làm thượng tế năm đó, nói với họ rằng: “Quý vị không hiểu gì cả! Quý vị không nghĩ rằng thà một người chết thay cho dân, còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt”. Không phải tự ông nói điều đó, nhưng với danh nghĩa là thượng tế năm ấy, ông đã nói tiên tri rằng Chúa Giêsu phải chết thay cho dân, và không phải cho dân mà thôi, nhưng còn để quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác về một mối. Bởi vậy, từ ngày đó, họ quyết định giết Người. Vì thế Chúa Giêsu không còn công khai đi lại giữa người Do-thái nữa. Người đi về miền gần hoang địa, đến thành phố tên là Ephrem, và ở lại đó với các môn đệ. Khi đó đã gần đến Lễ Vượt Qua của người Do-thái. Có nhiều người từ các miền lên Giêrusalem trước lễ, để được thanh tẩy. Họ tìm Chúa Giêsu; họ đứng trong đền thờ và bàn tán với nhau: “Anh em nghĩ sao? Người có đến hay không?” Còn các thượng tế và biệt phái đã ra lệnh rằng nếu ai biết Người ở đâu, thì phải tố cáo để họ bắt Người.
Ðó là lời Chúa.
“Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm;
vì việc nào mà các ông ném đá tôi?”.
Kính thưa Anh Chị em,
Càng đến gần Tuần Thánh và thứ Sáu Thánh, chúng ta cảm nhận sự căm ghét người Do Thái dành cho Chúa Giêsu ngày càng gia tăng. Ghét Chúa Giêsu, muốn ném đá Ngài đến chết vì Ngài đã nói thật về căn tính của mình, làm những điều tốt đẹp Chúa Cha dạy là một hành động cực kỳ phi lý; nhưng đây là những gì đã xảy ra, một ‘thực tế phải đối mặt’ của Con Đức Chúa Trời vốn phải mang kiếp phàm nhân để nói cho người trần về Thiên Chúa của nó.
Lạ lùng thay! Càng bị chống đối gay gắt, càng đến gần cái chết, Chúa Giêsu thấy càng phải cấp bách nói cho các lãnh đạo tôn giáo những chân lý của Cha Ngài. Mới nghe qua, nhiều người tưởng như Chúa Giêsu muốn chết. Không! Là con người, Ngài cũng sợ đau khổ và sợ chết nhưng Ngài buộc phải nói tất cả ‘những chân lý cứu sống’ ấy. Đó chính là sứ mạng, cũng là lý do Ngài được sai đến; và đó cũng là ‘thực tế phải đối mặt’ mà Chúa Giêsu nhất định không chịu lùi bước dù phải chết.
Bài đọc Giêrêmia hôm nay cho thấy vị ngôn sứ ‘được’ người đương thời tặng cho cái tên “Lão tứ phía kinh hoàng” vốn cũng có một ‘thực tế phải đối mặt’ như Chúa Giêsu; những người chống đối ông hò hét, “Chúng ta hãy tố cáo nó, chúng ta hãy tố cáo nó”. Nhưng như Chúa Giêsu, ông không sợ hãi; trái lại, một chỉ cậy trông vào Chúa, “Chúa ở cùng tôi như người lính chiến hùng dũng”. Thánh Vịnh đáp ca cũng hoà theo tâm tình của vị ngôn sứ, “Trong cơn đại hoạ, tôi đã cầu khẩn Chúa, tôi đã kêu xin Thiên Chúa của tôi”.
Là Kitô hữu, chúng ta được mời gọi bước theo Chúa Giêsu, sống đúng căn tính và sứ mạng của mình. Như Chúa Giêsu, sống trong thế gian, nhưng chúng ta không thuộc về thế gian; chân chúng ta chạm đất nhưng lòng chúng ta tìm kiếm những thực tại trên trời. Là con cái Thiên Chúa, chúng ta không thể để thế giới vật chất lôi cuốn mình; không chạy theo những gì mà thế gian mải mê tìm kiếm. Chúng ta không thể sống buông thả như thể không có ngày sau; và đây chính là một cuộc chiến không bao giờ ngơi nghỉ, một ‘thực tế phải đối mặt’ của người môn đệ Chúa Giêsu.
Sự thật của vấn đề là, càng đến gần Chúa, chúng ta sẽ càng gặp sự bắt bớ và thù hận. Thật dễ dàng để nghĩ rằng, nếu chúng ta ở gần Thiên Chúa và cố gắng nên thánh thì mọi người sẽ yêu mến và khen ngợi chúng ta. Không đâu! Hãy nhìn vào Chúa Giêsu, ai gần Thiên Chúa như Ngài, ai thánh thiện như Ngài; thế mà, ‘thực tế phải đối mặt’ của Ngài là chống đối và vu khống gần như hằng ngày. Phải chấp nhận thực tế đó, chúng ta cũng sẽ không hơn gì Ngài.
Đối mặt với thập giá, chúng ta có thể cảm thấy choáng váng, hoảng loạn và sợ hãi. Nhưng hơn lúc nào hết, đây là lúc cần phải mạnh mẽ đứng lên và giữ cho được sự khiêm tốn. Thế nhưng, cần nhận thức sâu sắc về tất cả những gì Thiên Chúa đã phán và tỏ bày, chính điều này sẽ giúp chúng ta có thêm khả năng tin cậy Ngài trong mọi sự. Thật dễ dàng để tin cậy Chúa khi cuộc sống dễ dàng; nhưng thật khó để cậy tin Ngài khi thập giá trở nên một ‘thực tế phải đối mặt’ khá nặng nề.
Anh Chị em,
Nếu tên gọi “Cá Hồi” có một ý nghĩa thú vị nhất định, thì tên gọi “Giêsu” càng có một ý nghĩa tuyệt vời hơn! “Giêsu” có nghĩa là “Cứu Chúa”, một tên gọi đã nói hết ý nghĩa cứu độ. Muốn các thế hệ sau được sinh tồn, cá hồi phải nhảy, phải lội ngược dòng. ‘Cứu Chúa Giêsu’ cũng khát mong nhân loại này được sinh tồn đời đời, Ngài phải nói tất cả sự thật về Chúa Cha, về nguồn gốc và sự sống thật của con người. Và đó là lý do, cũng là ‘thực tế phải đối mặt’ Ngài phải chịu trước các nhà lãnh đạo đương thời, những người đã dành cho Ngài một án tử. Là môn đệ Chúa Giêsu, hiểu được chân lý của Lời Ngài, hiểu được cái chết của Ngài, chúng ta không thể đứng ngoài cuộc. Chúng ta cũng phải chấp nhận đối mặt với thực tế của bản thân, gia đình và xã hội; chấp nhận ‘lội ngược dòng’, ‘nhảy lên trên’ những suy nghĩ, ước muốn thế tục để sống đúng ơn gọi của con cái Thiên Chúa.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, càng đến gần ngày tưởng niệm cuộc thương khó và cái chết của Chúa, xin giúp con nhìn thấy trong cuộc đấu tranh với thập giá hàng ngày của con sự hiện diện và sức mạnh của Ngài; cho con nhìn thấy mục đích Chúa dành cho con giữa những ‘thực tế phải đối mặt’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu
Mc 11,1-10; Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mc 14,1-15.47.
Hôm nay, chúng ta bước vào Tuần Thánh với Lễ Lá, là tuần cao điểm của năm phụng vụ. Trong tuần đặc biệt này, Giáo Hội tưởng nhớ và cử hành mầu nhiệm thương khó, tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng đã vâng lời Chúa Cha, chịu chết trên thập giá để cứu độ loài người.
Khi nói về tính lịch sử, có nhiều người cho rằng những biến cố này không có tính lịch sử, chỉ do sự thêu dệt huyền thoại của các Tông Đồ và Giáo Hội sơ khai. Trong giới chuyên môn, đại diện cho những người phủ nhận tính lịch sử của Tin Mừng là Rudolf Bultmann (1884-1976), một nhà thần học Tin Lành người Đức. Ông cho rằng chúng ta không biết gì về Đức Giêsu lịch sử, mà chỉ biết một Đức Giêsu của niềm tin do các Tông Đồ truyền lại. Giữa Đức Giêsu lịch sử và Đức Giêsu niềm tin có một bức tường. Các trình thuật về con người Đức Giêsu đã được các môn đệ huyền thoại hóa và thêu dệt nên. Đức Giêsu chỉ sống lại trong Keryma của Giáo Hội v.v…
Tư tưởng này đã được phổ biến cả trong lĩnh vực văn chương và phim ảnh. Cách đây không lâu, bộ phim “The De Vinci Code” được dàn dựng theo cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Mỹ Mel Gifson. Cuốn tiểu thuyết này hư cấu một lịch sử của Đức Giêsu hoàn toàn khác với Tin Mừng và cho rằng đây mới là câu chuyện thật về Chúa Giêsu. Còn những gì được Giáo Hội dạy từ xưa tới nay là bịa đặt, thêu dệt, không có tính lịch sử đáng tin cậy.
Đức Giáo Hoàng Biển Đức XVI đã trả lời cho những vấn nạn và chống lại những trào lưu này qua cuốn sách Đức Giêsu thành Nadarét. Trong đó, ngài minh chứng rằng các Tin Mừng kể lại cuộc đời và sứ vụ, đặc biệt cuộc tử nạn, cái chết và phục sinh của Chúa Giêsu là những biến cố có thật đã xảy ra trong lịch sử nhân loại, chứ không phải do con người tưởng tượng hay huyền thoại hóa.
Chúng ta cũng có thể quy chiếu vào chứng tá của các sử gia ngoại giáo cổ xưa để tìm thấy những chứng cớ đáng tin cậy về điểm này. Chẳng hạn sử gia Giuse Flavius cho rằng vào khoảng năm 27 SCN, có một người tên là Giêsu ở Nadarét bị giết chết ở ngoài thành Giêrusalem. Chỉ cần dựa vào những chứng tá này cũng đủ để chúng ta khẳng định rằng: Các sự kiện của Chúa Kitô mà Giáo Hội cử hành là những biến cố có thật, biến cố lịch sử đã xảy ra. Các sách Tin Mừng ghi chép lại để giúp chúng ta tin vào Chúa Giêsu. Thánh Gioan kết thúc Tin Mừng của ngài bằng việc nói rằng: Những gì được viết ra để cho anh em tin và được cứu độ.
Tuy nhiên, với tư cách là người Kitô hữu, khi cử hành các biến cố Tuần Thánh, chúng ta chỉ dừng lại ở những biến cố thuần túy lịch sử, nghĩa là chỉ tưởng nhớ lại những biến cố đó thôi, hay chỉ kỷ niệm như tưởng niệm biến cố chiến tranh thế giới lần thứ II kết thúc, hay biến cố lập quốc.
Về điểm này, thánh Augustinô phân biệt rất ý nghĩa giữa việc kỷ niệm và cử hành một biến cố khiến chúng ta phải quan tâm. Ngài nói: “Theo cách thức kỷ niệm một biến cố, chúng ta không làm gì khác hơn là dành một ngày trong năm để tưởng nhớ và long trọng cử hành chính biến cố đó. Theo cách thức cử hành mầu nhiệm, chúng ta không chỉ tưởng nhớ một biến cố, nhưng còn cử hành theo cách thức mà chúng ta hiểu ý nghĩa của nó vì chúng ta và biến cố đó làm cho chúng ta trở nên thánh thiện” (CSEL 34,1,170).
Thánh Lêô Cả làm sáng tỏ hơn ý nghĩa này khi cử hành các biến cố nhập thể, tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô: “Những người con cái của Giáo Hội đã được sinh ra với Chúa Kitô trong sự sinh ra của Người, cũng như họ đã chịu đóng đinh với Người trong cuộc khổ nạn của Người, và được phục sinh với Người trong sự phục sinh của Người” (PL 54,213)
Theo ý nghĩa đó, biến cố tử nạn và phục sinh của Chúa Kitô mà chúng ta cử hành trong Tuần Thánh có sự liên hệ hiện sinh với mỗi người chúng ta và khi cử hành những biến cố này chúng ta được tham dự vào trong chính các biến cố đó.
Một mặt, vì Chúa Giêsu chịu đau khổ, chết và phục sinh để cứu độ mỗi người chúng ta. Nên nhờ việc cử hành này, nhờ quyền năng Chúa Thánh Thần tác động, Chúa Giêsu tiếp tục đổ máu ra trên bàn thờ để sinh ơn cứu độ cho chúng ta và cho toàn thế giới. Như thế, mầu nhiệm thập giá được hiện tại hóa trong sự cử hành của Giáo Hội.
Mặt khác, khi suy ngắm về những thái độ của con người gây nên vụ án Chúa Giêsu: như một Giuđa phản bội, ham tiền và sống hai mặt, một Phêrô bồng bột yếu đuối chối thầy ba lần, một dám đông lòng dạ hay thay đổi, một nhóm Biệt Phái và Luật Sỹ mưu mô lật lọng, một Philatô vô trách nhiệm, bạc nhược trước áp lực đám đông… Khi soi mình trong những nhân vật này, chúng ta thấy mình nơi họ và rồi chúng ta được mời gọi biết hoán cải, trở về với Tin Mừng, sống thánh thiện và biết yêu mến Chúa hơn.
Ước gì qua việc cử hành phụng vụ trong Tuần Thánh này mang lại cho chúng ta một sự biến đổi tận căn khi ý thức về trách nhiệm của mình trong cái chết của Chúa, đồng thời cảm nghiệm được lòng thương xót Chúa, Đấng đã chết và phục sinh để cứu độ chúng ta. Amen!
ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An
http://nguoinguphu.blogspot.com/
Bài Thương Khó
C. Vừa tảng sáng, các thượng tế hội nghị với các kỳ lão, luật sĩ và toàn thể công nghị. Họ đã trói Chúa Giêsu và giải nạp Người cho Philatô. Philatô hỏi Người:
S. “Ông có phải là vua dân Do-thái không?”
C. Chúa Giêsu đáp:
J. “Ông nói đúng!”
C. Và các thầy thượng tế cáo Người nhiều điều. Philatô lại hỏi Người rằng:
S. “Ông không trả lời gì ư? Hãy coi họ tố cáo Ông biết bao nhiêu điều!”
C. Nhưng Chúa Giêsu không trả lời gì thêm, khiến Philatô ngạc nhiên. Vào mỗi dịp lễ, quan có thói quen phóng thích cho dân một người tù tuỳ ý họ xin. Bấy giờ trong khám có tên Baraba bị giam cùng với những kẻ phiến loạn, vì chúng đã giết người trong cuộc khởi loạn. Dân chúng tiến lên Philatô xin ân xá theo như quan quen làm. Vậy Philatô hỏi:
S. “Các ngươi có muốn ta phóng thích cho các ngươi Vua dân Do-thái không?”
C. (Vì quan đã biết rõ do lòng ghen tương mà các thượng tế nộp Người). Nhưng dân xin quan phóng thích Baraba cho họ. Philatô bảo dân chúng rằng:
S. “Các ngươi muốn Ta làm gì cho vua dân Do-thái?”
C. Nhưng chúng lại kêu lên:
S. “Ðóng đinh nó đi!”
C. Philatô đáp lại:
S. “Người này đã làm gì nên tội?”
C. Song chúng càng la to hơn:
S. “Ðóng đinh nó đi!”
C. Sau cùng Philatô muốn vừa lòng dân, liền tha Baraba và trao Chúa Giêsu cho chúng đánh đòn và đóng đinh vào thập giá. Quân lính điệu Người vào sân tiền đường và tập họp cơ đội lại. Chúng mặc áo choàng đỏ cho Người, rồi quấn một vòng gai đặt trên đầu Người. Ðoạn chào Người rằng:
S. “Tâu Vua dân Do-thái”.
C. Rồi chúng lấy cây sậy đánh đầu Người, khạc nhổ vào Người và quỳ gối triều bái Người. Khi đã nhạo cười Người, chúng lột áo choàng đỏ ra, mặc y phục lại cho Người và chúng điệu Người đi đóng đinh vào thập giá. Chúng gặp một người qua đường, tên là Simon, quê ở Xyrênê, là thân phụ của Alexanđrô và Rôphô vừa ở ngoài đồng về, chúng bắt ông vác đỡ thập giá cho Người. Chúng điệu Người đến nơi kia gọi là Golgotha, nghĩa là Núi Sọ. Chúng cho Người uống rượu pha mộc dược, nhưng Người không uống. Chúng đóng đinh Người vào thập giá, rồi chúng chia nhau áo Người bằng cách bắt thăm xem ai được phần nào.
Vào lúc giờ thứ ba, chúng đã đóng đinh Người vào thập giá. Và có bản án ghi rằng: Vua dân Do Thái! Và cùng với Người, chúng đóng đinh hai tên trộm cướp vào thập giá, một đứa bên hữu, một đứa bên tả Người. Như vậy là ứng nghiệm lời Thánh Kinh rằng: Người đã bị liệt vào số những kẻ gian ác. Những người qua đường sỉ nhục Người, lắc đầu và nói:
S. “Kià! Kẻ phá đền thờ Thiên Chúa và xây lại trong ba ngày: hãy tự cứu mình xuống khỏi thập giá đi!”
C. Các thượng tế với các luật sĩ cũng nhạo báng Người và nói với nhau:
S. “Nó đã cứu được những kẻ khác mà không tự cứu mình! Bây giờ Ðấng Kitô Vua Israel, hãy xuống khỏi thập giá đi để chúng ta thấy mà tin nào!”
C. Cả những kẻ cùng chịu đóng đinh với Người cũng lăng nhục Người. Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín, tối tăm bao trùm toàn thể lãnh thổ. Và đến giờ thứ chín, Chúa Giêsu kêu lớn tiếng rằng:
J. “Eloi, Eloi, lema sabachtani!”
C. Nghĩa là:
J. “Lạy Chúa con, lạy Chúa con, Tại sao Chúa bỏ con!”
C. Có mấy người đứng đó nghe thấy liền nói rằng:
S. “Kìa, nó gọi Elia!”
C. Bấy giờ có kẻ chạy đi nhúng miếng bông biển đầy dấm và cuốn vào cây sậy và đưa lên cho Người uống mà rằng:
S. “Hãy đợi xem Elia có đến đem nó xuống không?”
C. Nhưng Chúa Giêsu kêu một tiếng lớn và trút hơi thở.
(Quỳ gối thinh lặng thờ lạy trong giây lát)
Màn trong đền thờ xé ra làm đôi từ trên xuống dưới. Viên sĩ quan đứng trước mặt Người thấy Người kêu lên và trút hơi thở như thế, liền nói rằng:
S. “Ðúng người này là Con Thiên Chúa!”
"Lạy Cha, xin tha cho chúng" (Lc 23, 34). Đó là lời đầu tiên mà trên thánh giá Chúa Giêsu thốt lên.
Tha thứ, từ ngàn xưa là đề tài lớn của Thánh Kinh. Lịch sử cứu độ là lịch sử ghi đậm nét tình yêu tha thứ của Thiên Chúa. Thiên Chúa tha thứ cho loài người, để họ còn có thể ngẩng đầu lên trông chờ Đấng Cứu Độ, có thể mở lòng ra đón nhận ơn cứu độ. Đó là cách Thiên Chúa cứu rỗi loài người.
Đến lượt mình, Chúa Giêsu, không ngừng thực hành và công bố quyền năng tha thứ. Chúa còn dạy loài người phải biết tha thứ cho nhau. Lời dạy này rõ ràng nhất nơi kinh Lạy Cha.
1. CHÚA GIÊSU KHÔNG NGỪNG CÔNG BỐ ƠN THA THỨ.
Lời tha thứ trên thánh giá như một tổng kết của một đời Chúa Giêsu tha thứ cho trần thế. Tin Mừng nhiều lần cho thấy Chúa Giêsu công bố ơn tha thứ cho con người. Và con người đã từng nhận lãnh hiệu quả rõ rệt của ơn tha thứ ấy.
Chúa tha cho người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình. Chúa bao dung với hết các tông đồ và đoàn môn đệ trong những năm tháng huấn luyện họ. Chúa mời gọi tông đồ Giuđa ở lại với ơn tha thứ khi Chúa "báo động" hành động tội lỗi của ông: "Con muốn làm gì thì làm đi" (Ga 13, 27). Chúa tha thứ cho thánh Phêrô. Chúa sẵn sàng chữa lành đầy tớ của thượng tế khi anh này bị thánh Phêrô chém đứt tai. Chúa tha cho người trộm cùng chịu đóng đinh thập giá...
Và chính lời cầu xin Chúa Cha tha thứ mà chúng ta đang bàn, là lời công bố ơn tha thứ cho tất cả mọi kẻ hãm hại Người.
Không chỉ tha thứ, Chúa Giêsu còn dạy ta phải biết tha thứ cho nhau: Xin Cha tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Hay: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5, 44).
Hay dụ ngôn về người đầy tớ được chủ tha hết mọi khoản nợ, nhưng người đầy tớ lại không tha cho những khoản nợ của bạn mình. Ông chủ giận cho lính hành hạ người đầy tớ ấy cho đến khi anh ta trả hết nợ (x. Mt 18, 23-35).
Và đòi hỏi phải tha "bảy mươi lần bảy" (Mt 18, 22) mà Chúa Giêsu đưa ra là lời dạy ta phải tha thứ luôn luôn, tha thứ đến kỳ cùng. Có nghĩa là, trong khi làm việc, ta có thể nghỉ ngơi. Nhưng tha thứ thì không bao giờ được phép dừng.
Từ đó, ta thấy tình yêu tha thứ của Chúa Giêsu là cánh cửa mở mà không biết đóng. Người sẵn sàng đón nhận bất cứ ai đang chiến đấu với tội lỗi, với sự dữ. Người mong chờ con người đến với mình để công bố, để trao ban ơn tha thứ cho họ. Chúa Giêsu sẵn sàng tha thứ như tấm lòng của Thiên Chúa, muôn ngàn đời vẫn có đó, “muôn ngàn đời vẫn trọn tình thương” (Tv 136, 2).
2. ƠN THA THỨ QUAN TRỌNG TRÊN MỌI THỨ QUAN TRỌNG.
Lời đầu tiên ngay sau khi chịu treo trên thánh giá không phải là bất cứ lời nào quay về bản thân, mà là lời "đi ra" khỏi bản thân của Đấng Cứu Thế: "Lạy Cha, xin tha cho chúng".
Nói lời tha thứ trước khi nói bất cứ lời nào để đi vào cái chết, Chúa Giêsu cho thấy tâm hồn, cõi lòng, trái tim Ngài tràn ngập chúng ta. Chúng ta ưu tiên trên mọi thứ ưu tiên mà Chúa nhắm đến, dẫu sự sống không còn nhiều.
Nói lời tha thứ đầu tiên, trước khi quan tâm bất cứ điều gì, Chúa Giêsu còn cho thấy, tha thứ là quan trọng, là cần thiết vô cùng cho con người. Đó cũng là hành động nhắc ta: Tha thứ là vấn đề cơ bản trước hết và trên hết mọi vấn đề mà một đời làm người, ta phải tìm, phải múc lấy bằng được từ chính hy tế của Chúa.
Qua lời đầu tiên trên thánh giá, “Xin tha cho chúng”, Chúa Giêsu còn như muốn ta ý thức: Tha thứ, trên hết là một ơn ban đến từ Thiên Chúa, do Thiên Chúa. Bởi đây là một lời nguyện. Vì qua hình thức cầu nguyện, Chúa Giêsu cho thấy, tha thứ là một ơn ban đến từ Thiên Chúa.
Dù Thiên Chúa sẵn sàng ban cho con người, khi con người cần đến, nhưng ơn tha thứ, với hình thức cầu nguyện của Chúa Giêsu, là ơn mà con người phải kêu xin Thiên Chúa.
Chúng ta cảm nhận, khi trao sự tha thứ, thì người tha thứ vui, và người được tha thứ cũng vui. Ta vui mừng, vì có một Thiên Chúa luôn nhìn đến thân phận của ta. Ta vui mừng, vì trước mặt Chúa, ta không hề không có giá trị nào. Ta vui mừng, vì mãi mãi, bằng tình yêu tha thứ của Người, Thiên Chúa bảo vệ ta.
Thiên Chúa tha thứ. Niềm vui nội tại nơi chính bản thân Người, chắc chắn không nhỏ. Người say sưa tha thứ cho con người. Người trung thành với chỉ một đường lối, là sẵn sàng yêu thương tha thứ. Từ ngàn đời, Thiên Chúa đã tha thứ. Cho đến muôn đời, Thiên Chúa vẫn tiếp tục tha.
Tha thứ chính là niềm vui vô bờ của Đấng tạo thành và cứu chuộc chúng ta.
Lúc 9g sáng ngày thứ Sáu 26 tháng Ba, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, người vừa được Đức Thánh Cha Phanxicô tấn phong Hồng Y hôm 28 tháng 11 năm ngoái, đã có bài thuyết giảng Mùa Chay thứ tư tại Đại Thính Đường Phaolô Đệ Lục ở Vatican. Trong bài giảng này, Đức Hồng Y Giảng Thuyết Viên Phủ Giáo Hoàng đã tập trung vào chủ đề “Chúa Giêsu thành Nagiarét: một bản thể”
Tóm tắt:
Theo Đức Hồng Y, mầu nhiệm Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi không phải điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con người cho bằng khẳng định Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng yêu thương và hiến dâng chính Ngài vì tôi, một tạo vật khốn khổ và vô ơn. Chúa Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi chúng ta bước vào mối quan hệ cá vị với Ngài. Đây là trọng tâm của bài giảng Mùa Chay tuần này và cũng là bài giảng sau cùng trong Mùa Chay năm nay.
Vị Hồng Y chỉ ra rằng, trong hai thiên niên kỷ qua, các nhà thần học, các Công Đồng của Giáo hội và các Giáo phụ đã đi đến việc xác lập rằng Chúa Giêsu có hai bản tính, là ‘con người thật’ và ‘Thiên Chúa thật’, nhưng hai bản tính ấy kết hợp trong một bản thể duy nhất. Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.
Vị Hồng Y Dòng Anh Em Hèn Mọn khiêm tốn thừa nhận rằng đây cũng là trường hợp của ngài. “Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!”
Đức Hồng Y cho rằng ngài thiếu kinh nghiệm của Thánh Phaolô, kinh nghiệm của một cuộc gặp gỡ cá vị với Chúa Giêsu trên đường đến Đamát.
Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật - chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da Vinci, Napôlêon - là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu, Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:
Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc này, đến với cuộc gặp gỡ cá vị mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).
Quan niệm hiện đại về sự tôn trọng và phẩm giá của con người bắt nguồn từ việc con người mang trong mình hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm này có thể được hiểu trong bản chất của Thiên Chúa Ba Ngôi, đó là tình yêu. Chúng ta có được bản sắc của mình như một con người không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”
Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô. Và khi mối quan hệ này được thực hiện, những khổ nạn như đau khổ, túng quẫn, bắt bớ, đói kém, trần truồng, hiểm nguy, hoặc gươm giáo - như Thánh Phaolô đã đề cập - sẽ không tách rời chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô. Là một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu thương, vị Tông đồ Dân ngoại mời gọi chúng ta nhìn vào tất cả những nguy hiểm và khổ nạn này, bao gồm cả đại dịch Covid-19 hiện tại, dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi, vì “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?”
Bản tiếng Anh và các ngôn ngữ khác có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trong bài suy niệm cuối cùng này, chúng ta dự định đi sâu vào sự thật rằng Chúa Giêsu thành Nagiarét còn sống! Ngài không phải là ký ức của quá khứ; Ngài không chỉ là một nhân vật, nhưng là một bản thể. Chắc chắn, Ngài sống ‘bởi Thánh Linh’, nhưng cách sống này mạnh hơn cách sống khác ‘bởi xác thịt’, vì nó cho phép Ngài sống bên trong chúng ta, không phải bên ngoài hay bên cạnh chúng ta.
Khi xem xét lại tín lý này, chúng ta đã đi đến nút thắt nối hai đầu lại với nhau. Như tôi đã nói ở phần đầu, Chúa Giêsu, ‘con người thật’ và Chúa Giêsu, ‘Thiên Chúa thật’, giống như hai cạnh của một hình tam giác, và đỉnh là Chúa Giêsu ‘một bản thể’. Chúng ta hãy nhớ lại một cách vắn tắt tín điều về sự hiệp nhất bản tính của Chúa Kitô đã bắt nguồn như thế nào. Công thức ‘một bản thể’ áp dụng cho Chúa Kitô có từ thời Tertullian, nhưng phải mất hơn hai thế kỷ suy ngẫm để hiểu ý nghĩa thực sự của điều đó và làm thế nào nó có thể được dung hòa với tuyên bố rằng Chúa Giêsu là người thật và là Thiên Chúa thật, nghĩa là ‘thuộc hai bản tính’.
Một giai đoạn quan trọng là Công đồng Êphêsô năm 431, nơi danh hiệu của Đức Maria Theotokos, đấng đã sinh ra Thiên Chúa, được xác định. Nếu Đức Maria có thể được gọi là ‘Mẹ Thiên Chúa’, mặc dù chỉ sinh ra bản tính con người của Chúa Giêsu, thì điều đó có nghĩa là trong Chúa Kitô, nhân tính và thần tính tạo thành một bản thể duy nhất. Tuy nhiên, mục tiêu cuối cùng chỉ đạt được tại Công đồng Chalcedon vào năm 451, với công thức mà chúng ta muốn trích dẫn ở đây trong phần liên quan đến sự hợp nhất của Chúa Kitô:
Noi theo các Thánh phụ, tất cả chúng tôi đồng thanh dạy
chỉ có một và cùng một Chúa Con, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta [..],
các thuộc tính của mỗi bản tính vẫn được nguyên vẹn
và gặp gỡ nhau trong một bản thể và một ngôi vị duy nhất
Nếu việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa Nicê mất một thế kỷ, thì việc chấp nhận hoàn toàn định nghĩa thứ hai này đã kéo dài hàng thế kỷ tiếp theo, cho đến ngày nay. Chỉ nhờ vào định hướng thuận lợi gần đây đối với đối thoại đại kết, người ta mới có thể khôi phục lại sự hiệp thông giữa cái được gọi là Giáo hội Nestoriô và Đơn Nhất Tính của Đông phương và Giáo hội Chính thống. Trong hầu hết các trường hợp, người ta nhận thấy rằng sự khác biệt nằm ở thuật ngữ hơn là tín lý. Tất cả đều phụ thuộc vào ý nghĩa được gán cho từ ‘bản tính’ và ‘bản thể’ hoặc ‘ngôi vị’
Từ tính từ ‘một’ đến danh từ ‘bản thể’
Một lần nữa, khi đã bảo đảm được nội dung bản thể luận và khách quan của tín lý này, để hồi sinh nó, giờ đây chúng ta cần làm nổi bật các chiều kích chủ quan và hiện sinh của tín lý đó. Thánh Grêgoriô Cả nói rằng Kinh thánh ‘phát triển cùng với những người đọc nó’ (cum legentibus crescit). Điều tương tự cũng nên áp dụng cho tín lý. Tín lý là một ‘cấu trúc mở’: và nó ngày càng lớn mạnh và phong phú hơn, theo thước đo là Giáo hội, được Chúa Thánh Thần hướng dẫn, khi trải nghiệm những vấn đề mới và đối mặt với những nền văn hóa mới.
Thánh Irênô đã nói điều đó với tầm nhìn ngoại thường vào cuối thế kỷ thứ hai, khi ngài viết rằng một sự thật được mạc khải ‘giống như một loại rượu mùi có giá trị được đựng trong một cái bình có giá trị. Nhờ Chúa Thánh Thần, sự thật này ngày càng trẻ ra và làm trẻ lại cái bình đựng nó”. Giáo hội có thể đọc Kinh thánh và tín lý theo cách luôn luôn mới, bởi vì chính tín lý được làm mới bởi Chúa Thánh Thần! Đó là bí mật tuyệt vời và đơn giản đằng sau tuổi trẻ lâu năm của Truyền thống và do đó, của những tín lý là biểu hiện cao nhất của Truyền thống. Một học giả vĩ đại về tín lý Kitô Giáo của thế kỷ trước, Jaroslav Pelikan đã viết rằng “Truyền thống là đức tin sống động của người chết, chủ nghĩa duy truyền thống là đức tin chết của người sống”.
Ngoài ra, tín điều về Chúa Kitô ‘một bản thể’ là một cấu trúc mở và nó có thể đáp ứng những nhu cầu mới của đức tin, không giống với những nhu cầu của thế kỷ thứ năm. Ngày nay, không ai phản đối việc Chúa Kitô là ‘một người’. Như chúng ta đã thấy lần trước, có một số người phủ nhận bản tính ‘Thiên Chúa’ của Ngài và thích nói rằng Chúa Kitô là một con người ‘trần thế’, trong đó Thiên Chúa cư ngụ hoặc tác động một cách siêu phàm. Tuy nhiên, không ai phủ nhận rằng Chúa Giêsu là một người duy nhất.
Yếu tố quan trọng nhất liên quan đến tín điều Chúa Kitô là ‘một bản thể’, không nằm nhiều trong tính từ ‘một’ như trong danh từ ‘bản thể’. Thực tế rằng Chúa Giêsu Kitô là ‘một và cùng một (unus et idem), không quan trọng cho bằng Ngài là một ‘bản thể’. Điều này đòi hỏi phải khám phá và tuyên bố rằng Chúa Giêsu Kitô không phải là một ý tưởng, một vấn đề lịch sử hay chỉ là một nhân vật, mà Ngài là một bản thể và là một bản thể sống động! Đây là điều còn thiếu và là điều chúng ta cần tránh nhất để Kitô Giáo không bị giản lược thành một ý thức hệ hay đơn giản chỉ là thần học.
Mục tiêu liên tục của chúng ta là làm sống lại tín lý, bắt đầu lại từ nền tảng Kinh thánh của tín lý này. Vì vậy, chúng ta hãy ngay lập tức chuyển sang chính Kinh thánh. Chúng ta hãy bắt đầu từ trang Tân Ước tường thuật ‘cuộc gặp gỡ cá vị’ nổi tiếng nhất với Chúa Phục Sinh từng xảy ra trên trái đất này: đó là cuộc gặp gỡ của Tông đồ Phaolô. ‘Saulô, Saulô, sao ngươi bắt bớ ta?’ ‘Ngài là ai?’ ‘Ta là Chúa Giêsu, người mà ngươi đang bắt bớ! “ (x. Cv 9: 4-5). Thật là một ánh sáng mạnh mẽ! Hai mươi thế kỷ sau, ánh sáng đó vẫn chiếu rọi Giáo hội và trên thế giới. Nhưng chúng ta hãy đọc chính cách thánh nhân mô tả sự kiện này:
Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Đức Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Người, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Đức Kitô và được kết hợp với Người. Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa vào đức tin được biết Người. (Phi; 3:7-10)
Tôi gần như ngượng ngùng khi dám thêm kinh nghiệm ít ỏi của mình vào kinh nghiệm của vị Tông đồ. Nhưng chính Phaolô, với câu chuyện của mình, đã khuyến khích ta làm điều đó, chính xác là để làm chứng cho ân sủng của Thiên Chúa. Trong khi nghiên cứu và giảng dạy Kitô học, tôi đã tự mình nghiên cứu khá nhiều về khái niệm ‘bản thể’ trong thần học, về các định nghĩa và những cách giải thích khác nhau về khái niệm này. Tôi đã biết những cuộc thảo luận bất tận về bản thể hay ngôi vị duy nhất của Chúa Kitô trong thời đại Byzantine, những phát triển hiện đại của khái niệm này liên quan đến chiều kích tâm lý của con người, với vấn nạn theo sau là cái ‘Tôi’ của Chúa Kitô, vốn đang được tranh luận trong thời nghiên cứu thần học của tôi. Theo một nghĩa nào đó, tôi biết mọi thứ về con người của Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Chúa Giêsu một cách cá vị!
Chính đoạn thư này của Thánh Phaolô đã giúp tôi hiểu được sự khác biệt. Trên hết là câu: ‘được biết Người.’ Đại từ đơn giản đó - ‘Người’ (auton) - đối với tôi dường như chứa đựng nhiều sự thật về Chúa Giêsu hơn là toàn bộ các quan điểm về Kitô học. ‘Người’ có nghĩa là Chúa Giêsu Kitô ‘bằng xương bằng thịt.’ Nó giống như gặp một người trực tiếp, sau khi đã biết bức ảnh của họ trong nhiều năm. Tôi nhận ra rằng tôi biết những sách viết về Chúa Giêsu, các giáo lý và dị giáo về Chúa Giêsu, các khái niệm về Chúa Giêsu, nhưng tôi không biết Ngài, với tư cách là một người đang sống hiện diện ở đây và bây giờ. Ít ra thì tôi đã không biết Người theo cách đó khi tôi tiếp cận Người qua các nghiên cứu lịch sử và thần học của tôi. Cho đến lúc đó tôi đã có một sự hiểu biết vô vị về con người của Chúa Kitô. Một mâu thuẫn về mặt thuật ngữ và là một nghịch lý, nhưng, than ôi, thường xuyên làm sao!
Ngôi vị là trong mối quan hệ
Suy ngẫm về khái niệm ngôi vị trong Chúa Ba Ngôi, thánh Augustinô trước tiên và thánh Tôma Aquina sau ngài, đã đi đến kết luận rằng ‘ngôi vị’, trong Thiên Chúa, có nghĩa là mối quan hệ. Chúa Cha là như thế trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Con: tất cả bản thể của Ngài đều bao gồm trong mối quan hệ này, vì Chúa Con là như vậy trong mối quan hệ của Ngài với Chúa Cha. Tư tưởng hiện đại đã xác nhận sự sáng suốt này. Như nhà triết học Hegel đã viết: ‘Nhân cách đích thực bao gồm việc phục hồi bản thân bằng cách lao vào người khác.’ Một người là một người đang trong hành động mở lòng với một người ‘khác’ thông qua sự so sánh lẫn nhau mà qua đó họ có được nhận thức về bản thân. Trở thành một người là tình trạng ‘ở trong mối quan hệ.’
Điều này đặc biệt áp dụng cho các ngôi vị thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi, là ‘những mối quan hệ thuần túy’, hoặc theo thuật ngữ thần học là ‘mối quan hệ tồn tại’; tuy nhiên điều này cũng áp dụng cho mọi người trong cõi được tạo thành. Con người được đề cập không được biết trong thực tế của người ấy trừ khi nhập vào ‘mối quan hệ’ với họ. Đó là lý do tại sao Chúa Giêsu không thể được biết đến như một bản thể, trừ khi ta bước vào mối quan hệ cá nhân từ một cái ‘Tôi’ đến ‘Người’, với Ngài. ‘Đức tin không kết thúc với các định nghĩa, nhưng với các sự vật,’ như thánh Tôma Aquina đã nói. Chúng ta không thể hài lòng với việc tin vào ‘một bản thể’ như một công thức, nhưng chúng ta cần tiếp cận với người đó và thông qua đức tin và lời cầu nguyện, ‘chạm’ vào điều ấy.
Chúng ta cần tự hỏi mình một câu hỏi nghiêm túc: Chúa Giêsu là ai đối với tôi? Ngài là một bản thể hay một nhân vật? Có một sự khác biệt lớn giữa hai điều này. Nhân vật - chẳng hạn như Giuliô Xêxa, Leonardo da Vinci, Napôlêon - là người mà bạn có thể viết và nói nhiều tùy thích, nhưng không thể nói chuyện được với họ. Thật không may, đối với đại đa số Kitô hữu, Chúa Giêsu là một nhân vật, không phải là một bản thể. Ngài là chủ đề của một tập hợp các tuyên bố tín lý, học thuyết và dị giáo; một nhân vật mà chúng ta tưởng nhớ khi chúng ta cử hành phụng vụ, chúng ta tin rằng nhân vật ấy thực sự hiện diện trong Bí tích Thánh Thể, v.v. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn ở mức độ tin tưởng khách quan, mà không phát triển mối quan hệ hiện sinh với Người, thì Người vẫn ở bên ngoài chúng ta, Người chạm vào tâm trí chúng ta mà không sưởi ấm trái tim chúng ta. Dù thế nào đi nữa, Người vẫn ở trong quá khứ; thậm chí, một cách vô thức, cách xa chúng ta đến hai ngàn năm. Trên nền tảng của tất cả những điều này, chúng ta hiểu tầm quan trọng của lời mời gọi mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã đặt ở đầu Tông huấn Niềm Vui Phúc Âm này:
Tôi mời gọi tất cả các Kitô hữu, ở khắp mọi nơi, ngay lúc này, đến với cuộc gặp gỡ cá nhân mới mẻ với Chúa Giêsu Kitô, hoặc ít nhất là mở lòng ra để Người gặp gỡ họ. Tôi yêu cầu tất cả anh chị em làm điều này không ngừng mỗi ngày. Không ai được nghĩ rằng lời mời này không dành cho mình. (Evangelii Gaudium 3).
Trong cuộc sống của hầu hết mọi người, có một sự kiện nào đó chia cuộc sống ấy thành hai phần, được ghi dấu là “trước” và “sau” sự kiện ấy. Đối với những người đã kết hôn, đó là cuộc hôn nhân của họ, và họ phân chia cuộc sống của họ như thế này: “trước khi kết hôn” và “sau khi kết hôn”; đối với các giám mục và linh mục thì đó là sự thánh hiến hay phong chức của các ngài; đối với những người tận hiến đó là lễ tuyên khấn của họ. Theo quan điểm tâm linh, chỉ có một sự kiện xác định một cách triệt để ‘trước’ và ‘sau’. Cuộc sống của mọi người được phân chia giống hệt như lịch sử vũ trụ: ‘trước Chúa Kitô’ và ‘sau Chúa Kitô’, trước cuộc gặp gỡ cá vị của họ với Chúa Giêsu và sau đó.
Chúng ta có thể nhìn thoáng qua cuộc gặp gỡ này, nghe về điều đó, khao khát điều đó, nhưng chỉ có một cách để trải nghiệm điều đó. Nó không phải là thứ bạn có thể đạt được bằng cách đọc sách hoặc nghe giảng. Chúng ta chỉ có thể đạt được điều đó nhờ tác động của Chúa Thánh Thần! Vì vậy, chúng ta biết ai để cầu xin điều đó và chúng ta biết rằng Người không mong đợi điều gì khác ở chúng ta. Per tesciamus da Patrem, noscamus atque Filium: ‘Xin ban cho chúng con để nhờ Ngài, chúng con có thể biết Chúa Cha và chúng con cũng có thể biết Chúa Con’ để chúng con có thể biết Người qua một trải nghiệm thay đổi cuộc đời.
Chúa Kitô, như một bản thể ‘thần thánh’
Tuy nhiên, chúng ta cần phải tiến thêm một bước nữa. Nếu chúng ta dừng lại ở đây, chúng ta sẽ bỏ lỡ sự mặc khải an ủi nhất được bao hàm trong tín điều về Chúa Kitô là một bản thể ‘thần thánh’. Chúng ta sẽ không bao giờ biết ơn đủ đối với Giáo hội sơ khai vì đã chiến đấu, đôi khi theo nghĩa đen cho đến giọt máu cuối cùng, để giữ vững chân lý rằng Chúa Kitô là ‘một bản thể duy nhất’ và bản thể này không gì khác hơn chính là Con Thiên Chúa hằng sống, một trong ba ngôi vị của Chúa Ba Ngôi. Chúng ta hãy cố gắng hiểu tại sao.
Sự đóng góp hiệu quả nhất và lâu bền nhất của Thánh Augustinô cho thần học là việc sáng lập tín điều Ba Ngôi dựa theo tuyên bố của Thánh Gioan: ‘Thiên Chúa là tình yêu’ (1Ga 4: 8). Tình yêu nào cũng kéo theo một người đang yêu, một người được yêu, và tình yêu hợp nhất giữa họ. Và chính trong những thuật ngữ này, Thánh Augustinô định nghĩa ba ngôi vị thần linh: Chúa Cha là Đấng yêu thương, Chúa Con là người được yêu thương và Chúa Thánh Thần là tình yêu liên kết các Ngài.
Không có tình yêu nào mà không phải là tình yêu dành cho ai đó hay dành cho cái gì đó, cũng như không có kiến thức mà không có cái gì đó cần biết. Không có tình yêu ‘trống rỗng’, không có đối tượng. Do đó, chúng ta có thể tự hỏi; Thiên Chúa yêu ai để tình yêu ấy được định nghĩa là tình yêu? Thiên Chúa có yêu con người không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu chỉ trong vài trăm triệu năm.Thiên Chúa có yêu vũ trụ không? Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa đã yêu trong hàng chục tỷ năm. Và trước đó Chúa yêu ai trong tình yêu của Ngài? Lời giải thích được tiết lộ trong Kinh thánh và được Giáo hội làm sáng tỏ nói rằng Thiên Chúa là tình yêu đến muôn đời, ab aeterno, bởi vì, trước khi có bất cứ điều gì để yêu bên ngoài Ngài, Ngài đã có Ngôi Lời bên trong chính mình, là người Con mà Ngài yêu với tình yêu vô bờ bến, đó là ‘trong Chúa Thánh Thần.’
Điều này không giải thích ‘làm thế nào’ sự hiệp nhất có thể đồng thời là Ba Ngôi (đây là một mầu nhiệm mà chúng ta không thể biết được vì điều đó chỉ xảy ra nơi Thiên Chúa), nhưng nó đủ để chúng ta hiểu “tại sao”, trong Thiên Chúa, sự đa dạng không mâu thuẫn với sự hiệp nhất. Đó là bởi vì ‘Chúa là tình yêu’! Nếu một vị Chúa hoàn toàn là kiến thức hay luật pháp, hoặc hoàn toàn là quyền năng, thì chắc chắn Ngài sẽ không cần phải là ba ngôi (thực tế là điều đó sẽ khiến mọi thứ trở nên phức tạp hơn); nhưng một Thiên Chúa, trên hết mọi sự, là tình yêu, có thể là ba ngôi, bởi vì không thể có tình yêu giữa ít hơn hai người.
Theo quan điểm của tôi, điều bí ẩn lớn nhất và khó tiếp cận nhất đối với tâm trí con người không phải là Thiên Chúa là duy nhất và ba ngôi, mà là Thiên Chúa là tình yêu. Như Henry de Lubac đã viết: ‘Thế giới cần biết: Sự mặc khải Thiên Chúa là tình yêu phá vỡ tất cả những gì thế giới tưởng tượng trước đây về thần thánh’ Điều đó rất đúng, nhưng trên thực tế, chúng ta còn lâu mới rút ra được tất cả những kết luận cần thiết từ cuộc cách mạng đó. Bằng chứng cho điều này là hình ảnh của Thiên Chúa thịnh hành trong vô thức con người là hình ảnh của một hữu thể tuyệt đối, chứ không phải là một tình yêu tuyệt đối; một Thiên Chúa toàn trí và toàn năng và trên hết là một đấng công bình. Tình yêu và lòng thương xót được coi là một biện pháp sửa chữa uốn nắn công lý. Chúng là số mũ, không phải là cơ số.
Chúng ta, những người hiện đại, tuyên bố rằng con người là giá trị tối cao cần được tôn trọng trong mọi lĩnh vực, là nền tảng cuối cùng của phẩm giá con người. Tuy nhiên, nguồn gốc của khái niệm hiện đại này chỉ có thể được hiểu bằng cách bắt đầu từ Chúa Ba Ngôi. Nhà thần học Chính thống Johannes Zizioulas đã nêu bật quan niệm này rất rõ ràng, bằng cách cho thấy sự sinh hoa kết quả và làm phong phú lẫn nhau đạt được trong cuộc đối thoại giữa thần học Latinh và Hy Lạp về Chúa Ba Ngôi. Trong nhiều tác phẩm của mình, ông cho thấy khái niệm hiện đại về con người là một nhánh trực tiếp của học thuyết Ba Ngôi và ông giải thích như thế này:
“Tình yêu là một phạm trù bản thể học bao gồm việc cho người khác có chỗ để tồn tại như tha nhân và có được sự tồn tại của mình trong và thông qua tha nhân ấy. Đó là một thái độ tự hạ mình, một sự trao ban bản thân […]. Đó là điều xảy ra trong Thiên Chúa Ba Ngôi, nơi Chúa Cha yêu thương hiến mình cho Chúa Con và để Người tồn tại như một Người Con. […] Vậy, đây là ý nghĩa của việc trở thành một con người dưới ánh sáng của thần học Ba Ngôi. Nó đòi hỏi một cách tồn tại mà chúng ta có được bản sắc của mình không phải bằng cách xa rời người khác nhưng bằng cách hiệp thông với họ trong và bằng một tình yêu ‘không mưu lợi riêng’ (1Cr 13,5) nhưng bằng lòng hy sinh bản thể của chính mình để giúp người kia tồn tại và trở thành tha nhân. Đó chính xác là cách tồn tại được tìm thấy trên Thập giá của Chúa Kitô, nơi tình yêu thần thánh tự bộc lộ hoàn toàn trong sự tồn tại của chính con người chúng ta.”
Vì vậy, là một Ngôi vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa, Đức Kitô có một mối quan hệ yêu thương với chúng ta, đó là nền tảng cho sự tự do của chúng ta (x. Gl 5, 1). ‘Người đã yêu tôi và xả thân vì tôi’ (Gl 2,20): người ta có thể dành hàng giờ để lặp lại điều này với chính mình trong sự ngạc nhiên không ngừng. Người, là Chúa, đã yêu tôi, một sinh vật vô ơn khốn khổ! Người đã hiến thân - mạng sống của mình, máu của chính mình - cho tôi. Đặc biệt cho tôi! Ta chìm trong vực thẳm kinh ngạc đó!
Do đó, ‘mối quan hệ cá vị’ của chúng ta với Chúa Kitô về cơ bản là mối quan hệ yêu thương. Nó bao gồm cả việc được yêu bởi Chúa Kitô và yêu mến Chúa Kitô. Điều đó áp dụng cho tất cả mọi người nhưng có một ý nghĩa đặc biệt đối với các mục tử của Giáo hội. Sau Thánh Augustinô, nhiều người lặp lại rằng tảng đá mà Chúa Giêsu hứa sẽ thành lập Giáo hội của mình là đức tin của Phêrô, vì Người đã tuyên bố Người là ‘Đấng Mêsia, Con của Thiên Chúa hằng sống.’ (Mt 16:16). Tôi nghĩ rằng chúng ta đang bỏ qua những gì Chúa Giêsu đã nói khi giao nhiệm vụ đó cho Thánh Phêrô: ‘Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không? … Hãy chăm sóc chiên của Thầy!’ (x. Ga 21: 15-16). Sứ vụ mục tử kín múc sức mạnh bí mật từ tình yêu dành cho Chúa Kitô. Đức ái, không thua kém đức tin, khiến người mục tử nên một với tảng đá là Chúa Kitô.
‘Điều gì sẽ ngăn cách chúng ta khỏi tình yêu của Chúa Kitô?’
Tôi muốn kết thúc bằng cách nêu bật hệ quả của tất cả những điều này đối với cuộc sống của chúng ta, vào thời điểm đại nạn cho toàn thể nhân loại như thời điểm hiện tại. Hãy để Tông đồ Phaolô giải thích điều đó cho chúng ta. Trong Thư gửi các tín hữu Rôma, thánh nhân viết:
Điều gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? (Rm 8:35)
Đó không phải là một danh sách trừu tượng và chung chung. Những nguy hiểm và khổ nạn mà thánh nhân liệt kê là những điều mà ngài thực sự đã trải qua trong cuộc đời mình. Ngài mô tả chi tiết về chúng trong Thư thứ hai gửi tín hữu Côrinhtô, nơi ngài thêm vào những thử thách được liệt kê ở đây một thử thách khiến ngài đau khổ nhất, đó là sự chống đối cố chấp từ một số thành viên trong cộng đồng của ngài (x. 2Cor 11: 23ff.). Nói cách khác, vị Tông đồ đã khảo sát trong tâm trí của mình tất cả những thử thách mà ngài đã phải chịu đựng, xác minh rằng không có thử thách nào là quá khó đối với với tình yêu của Chúa Kitô và do đó, kết thúc một cách đắc thắng rằng: ‘Trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta’ (Rm 8:37).
Vị Tông đồ ngầm mời gọi mỗi người chúng ta hãy làm như vậy. Ngài gợi ý một phương pháp chữa lành nội tâm dựa trên tình yêu. Ngài mời gọi chúng ta bộc lộ tất cả những nỗi đau của trái tim, nỗi buồn, nỗi sợ hãi, sự phức tạp, chẳng hạn như khiếm khuyết về thể chất hoặc đạo đức không cho phép chúng ta vui vẻ chấp nhận bản thân như hiện tại, ký ức đau đớn hoặc nhục nhã, sai lầm mà chúng ta phải chịu đựng, sự phản đối vô cảm điếc lác của người khác... Ngài mời gọi chúng ta nhìn tất cả điều này dưới ánh sáng của ý nghĩ rằng Thiên Chúa yêu thương tôi và ngăn chặn bất kỳ suy nghĩ tiêu cực nào, tự nói với chính mình giống như vị Tông đồ: ‘Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?’ (Rm 8:31).
Ngay sau đó, Tông đồ Phaolô nâng tầm mắt khỏi cuộc sống cá nhân của mình để bao quát thế giới xung quanh ngài và hiện sinh của con người nói chung:
Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.(Rm 8: 38-39).
Một lần nữa, ngay cả ở đây cũng không phải là một danh sách trừu tượng. Thánh nhân nhìn vào thế giới ‘của riêng mình’, cùng với những sức mạnh khiến nó trở nên bị đe dọa: cái chết với sự bí ẩn của nó, cuộc sống hiện tại với sự bất định của nó, sức mạnh của các vì sao hoặc của địa ngục đã gây ra rất nhiều nỗi kinh hoàng cho con người thời cổ đại. Một lần nữa, chúng ta được mời làm điều tương tự: hãy nhìn bằng con mắt đức tin vào thế giới xung quanh chúng ta và khiến chúng ta kinh hoàng hơn nữa khi giờ đây con người đã có được sức mạnh để phá vỡ nó bằng vũ khí và sự thao túng của chính mình. Cái mà Thánh Phaolô gọi là ‘chiều cao’ và ‘chiều sâu’ là dành cho chúng ta - trong kiến thức nâng cao của chúng ta về các chiều kích của vũ trụ - cái lớn vô cùng phía trên chúng ta và cái nhỏ vô cùng bên dưới chúng ta. Hiện tại, nguyên tố nhỏ bé vô tận đó là coronavirus, đã khiến cả nhân loại phải quỳ gối trong một năm.
Một tuần sau sẽ là Thứ Sáu Tuần Thánh và ngay sau đó là Lễ Phục Sinh, Chúa Nhật Phục Sinh. Bằng cách sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu không quay trở lại cuộc sống trước đây như Lagiarô, nhưng chuyển sang một cuộc sống tốt hơn, không phải lo lắng. Chúng ta hãy hy vọng điều đó cũng sẽ xảy ra như vậy đối với chúng ta - hãy hy vọng rằng, như Đức Thánh Cha vẫn thường nhắc đến, thế giới có thể trỗi dậy từ ngôi mộ của đại dịch, không giống như trước đây, mà là một thế giới tốt đẹp hơn.
1.Tertullian, Adversus Praxean, 27, 11.
2.Denzinger – Schoenmetzer, Enchiridion Symbolorum, nrs. 301-302.
3.St Gregory the Great, Moralia in Job, XX, 1.
4.St Irenaeus, Adversus Haereses, III, 24,1.
5.Jaroslav Pelikan, The Christian Tradition: A History of the Development of Doctrine, 5 vols. (1973–1990). Chicago: University of Chicago Press
6.St Augustine, De Trinitate, V,5,6.
7.F. Hegel, Lectures on the Philosophy of Religion, Humanity Press, vol. III, New York, 1962, p.25.
8.St Thomas Aquinas, S.Th., II-IIae, q.1, a.2, ad 2.
9.St Augustine, De Trinitate, VI, 5, 7; IX, 22.
10.H. de Lubac, Histoire et Esprit, Aubier, Parigi 1950, ch. 5.
11.J. Zizioulas, L’idea di persona umana deriva dalla Trinità: [Ý tưởng về con người nhân loại từ Chúa Ba Ngôi], Bài giảng tại Milan năm 2015.
Source:Cantalamessa
Các giám mục Công Giáo Nam Hàn đã lên án bạo lực chết người ở Miến Điện khi nhiều người tiếp tục bị giết trong cố gắng đàn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính trên toàn quốc.
Trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp gần đây của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Hàn, gọi tắt là CBCK, các giám mục Nam Hàn bày tỏ sự đoàn kết với nguyện vọng của người dân Miến Điện về việc chấm dứt chế độ quân sự và khôi phục nền dân chủ.
“ Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với anh chị em, nỗi đau và nỗi buồn đã giáng xuống họ trong bối cảnh Miến Điện đang khủng hoảng. Giáo hội Nam Hàn hết sức lo ngại về tình trạng bạo lực và đổ máu gần đây”, tuyên bố viết.
“Rất nhiều người đã đổ máu và chết chỉ vì họ kêu gọi tự do, dân chủ và hòa bình, và một cuộc sống đàng hoàng không ai có thể xâm phạm, đang bị chà đạp”.
Các giám mục cũng đề cập đến các cuộc đấu tranh của người dân Nam Hàn nhằm chấm dứt chế độ độc tài quân sự và trở lại nền dân chủ vào những năm 1980. Cuộc nổi dậy dân chủ năm 1987 ở Nam Hàn đã chấm dứt chế độ quân phiệt kéo dài 6 năm của tổng thống Chun Doo-hwan.
“Nam Hàn đã trải qua một thời kỳ đau thương như Miến Điện, và chúng tôi đã học được qua lịch sử rằng sự đoàn kết của những người bình thường và giản dị có thể tạo ra một thế giới mới”, các giám mục lưu ý.
Các giám mục cho biết các ngài tiếp tục cầu nguyện cho người dân Miến Điện trong mùa chay thánh. “Trong Mùa Chay, chúng ta suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta cũng chia sẻ trong tình liên đới và huynh đệ nỗi buồn đau khôn tả của anh chị em chúng ta ở Miến Điện, những người đang bước trên con đường thập giá”.
Các giám mục cho biết họ hết lòng cầu nguyện rằng nền dân chủ có thể tồn tại thông qua đoàn kết dân tộc và mong muốn của người dân Miến Điện thành hiện thực càng sớm càng tốt thông qua đối thoại cởi mở.
Tuyên bố của các giám mục Nam Hàn được đưa ra sau lời kêu gọi của Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, gửi đến Giáo hội Nam Hàn để được giúp đỡ.
Cảnh sát và binh lính Miến Điện đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo bằng vũ khí bao gồm đạn thật và hơi cay vào những người biểu tình khiến ít nhất 149 người chết và hàng trăm người bị thương trên khắp đất nước.
CBCK đang thu xếp để gửi viện trợ cho người dân ở Miến Điện.
Source:UCANews
Trong số ra ngày 20 tháng Ba, tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ có bài tường thuật sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa.
Tôi có nhiệm vụ buồn phải nói với các bạn rằng một cậu bé 14 tuổi mà bạn chưa từng nghe nói đến, đã chết vì một viên đạn vào đầu.
Tên chú bé ấy là Zin Ko Ko Zaw. Tên của em là Zin Ko Ko Zaw, tiếng Miến Điện có nghĩa là “Ca sĩ nổi tiếng”, phản ánh hy vọng của cha mẹ em khi họ đặt tên cho em lúc vừa mới chào đời.
Em qua đời vào ngày 3 tháng 3 lúc 11:58 sáng theo giờ địa phương trong khi phản đối một cách hòa bình chống lại chế độ quân phiệt Mácxít đang đưa Miến Điện trở lại thời kỳ hỗn loạn và đẫm máu.
Em đang biểu tình cùng bạn bè trên đường phố Myingyan - khu phố dành cho tầng lớp lao động nghèo ở Mandalay. Em đã theo học trường Trung học cơ sở và có lẽ đang học lớp 9 - nếu đại dịch COVID-19 quỷ quái này không cắt ngang việc học của em một năm trước.
Tôi nhìn thấy em ở gần phía trước đám đông biểu tình. Em đang đứng ở nơi mà lẽ ra không ai nên đứng, vì không có gì che chắn. Tôi đã mất dấu em trong đám đông hoảng loạn. Về phần em, em đang rất vui - đó là cái vô tư hồn nhiên của những em bé ngốc nghếch tin rằng bản thân mình bất tử, kiên cường, bất khả xâm phạm. Vài giây sau, chúng tôi nghe thấy phát súng giết chết em.
Tiếng những phụ nữ ré lên. Mẹ của Zin Ko Ko Zaw ngã vật xuống đất. Những người đàn ông không chạy nữa, khuỵu gối xuống, nước mắt tuôn rơi. Bạn bè của em đứng chết trân, không thể rời mắt khỏi cái xác nằm gục, mà trước đó chỉ vài giây vẫn còn là một đứa trẻ còn sống, hồn nhiên, và sôi nổi.
Zin Ko Ko Zaw đã ở đó và lặp lại bất cứ lời ca, nhịp điệu nào mà em nghe thấy những người lớn hát - bằng tiếng Miến Điện hoặc tiếng Anh. Thật trùng hợp, hầu hết các khẩu hiệu chống chế độ quân phiệt Mácxít này ở khắp nơi trong thị trấn đều được viết bằng tiếng Anh - một số trong đó có ngữ pháp và chính tả tốt một cách đáng ngạc nhiên.
Tôi chưa bao giờ thấy ai đó bị bắn và tôi cầu xin Chúa cho tôi không bao giờ phải chứng kiến điều đó nữa. Em là một đứa trẻ với toàn bộ cuộc sống của mình phía trước, nhưng những cụm từ đầy hy vọng này mất hết ý nghĩa khi bạn nhìn thấy một đứa bé đã chết. Em đến với cuộc tuần hành vì em biết có điều gì đó không ổn với cách thức chính phủ đang hành động nhưng chúng ta không thể mong đợi em hiểu rõ hoàn toàn hậu quả của những kẻ gian ác đang có súng trong tay.
Cái chết của Zin Ko Ko Zaw xảy ra hai ngày sau khi nữ tu Ann Rosa Nu Tawng gây xôn xao dư luận trên mạng khi sơ quỳ gối trước một hàng binh lính vũ trang. Họ đang hò hét giận dữ. Quyết tâm lạnh lùng, cứng rắn của sơ là bảo vệ đồng bào của mình tại bệnh viện miễn phí mà sơ điều hành. Là một nhà báo và một người nước ngoài, tôi có thể là một con bò thiêng, nhưng một nữ tu Miến Điện thì có là gì đối với họ? Họ sẽ không ngần ngại nghiền nát sơ ấy để làm gương cho tất cả những ai dám thách thức họ. Tôi đã hứa với Chúa rằng nếu ai đó trong số những binh lính dữ dằn này chạm vào sơ ấy, tôi sẽ cố bảo vệ sơ, bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúa lòng lành vô cùng, Ngài vượt thắng mọi sự và những người lính đã phớt lờ người nữ tu. Tôi chỉ còn là một người quan sát bên ngoài, không có cơ hội để kiểm tra dũng khí của mình.
Tôi nhìn những người lính, nhiều người trong số họ hầu như chưa qua tuổi thiếu niên.
“Tôi sẵn sàng chết để cứu Myanmar”, Sơ Ann Rosa van xin, nhắc đến tên gọi mới của đất nước mà chính quyền quân sự đã đặt cho Miến Điện. “Nhưng xin đừng làm tổn thương những thường dân này. Họ đã không làm gì các anh em. Họ không có vũ khí. Họ không thể là mối nguy hiểm cho các anh em”.
Sơ Ann Rosa là Nữ tu của dòng Thánh Phanxicô Xaviê và là anh hùng mới của tôi. Có lẽ, một ngày nào đó, tôi sẽ tìm cách bắt tay sơ ấy.
Zin Ko Ko Zaw không may mắn như sơ Ann Rosa. Chỉ trong tích tắc của cái bóp cò, em đã biến mất. Không có logic nào mà tôi có thể dựa vào đó để giúp chúng ta hiểu những gì đã xảy ra với Zin Ko Ko Zaw. Nó chỉ đơn giản là không nên xảy ra. Trẻ con không thể bị giết vì bất cứ lý do gì. Một người lính bắn chết đứa trẻ tội nghiệp này và tước đoạt đi khỏi những bậc cha mẹ yêu thương em, những người thầy và những người bạn yêu quý của em này, thì điều này là bất chấp lý trí. Nó bất chấp Luật Tự nhiên. Nó thách thức Chúa.
Tôi loạng choạng về nhà các đó 8km vì không có xe taxi trong những ngày này. Và khi tôi đi bộ một mình qua đám đông hoang mang, khuôn mặt tôi phản ánh sự kinh hoàng và bối rối mà tôi thấy ở họ.
Source:National Catholic Register
Vào ngày lễ Thánh Giuse, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles đã khuyến khích người Công Giáo suy ngẫm về những tính cách đơn sơ nhưng mạnh mẽ của phu quân Đức Maria này.
“Chúng ta mừng kính Thánh Giuse hôm nay vì trong câu chuyện của ngài, chúng ta thấy câu chuyện của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói trong bài giảng của ngài tại Thánh lễ ngày 19 tháng Ba tại Nhà thờ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thiên thần.
“Anh chị em và tôi thuộc về đại gia đình của Chúa. Với Thánh Giuse, chúng ta là một phần của gia đình các anh hùng và các thánh kéo dài từ thời sơ khai đến nay!”
Đức Thánh Cha Phanxicô dành năm phụng vụ này để kính Thánh Giuse. Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh vai trò quan trọng của vị thánh này khi thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19.
Ngài nhận xét rằng Thánh Giuse là một người đàn ông bình thường nhưng cũng là cha nuôi của Con Thiên Chúa và là người cầu bầu đầy quyền thế của Giáo hội. Ngài khuyến khích những người Công Giáo hãy suy ngẫm về tấm gương của thánh nhân.
“Chúng ta thực hiện sứ mệnh của mình, giống như Thánh Giuse đã làm. Bằng cách phục vụ Chúa Giêsu qua công việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong các khu phố, nhà thờ và trường học của chúng ta. Và cách riêng, trong ngôi nhà và gia đình của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.
“Hôm nay, như anh chị em biết, cũng là ngày đánh dấu sự bắt đầu của ‘Năm Amoris Laetitia gia đình’, và Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ về niềm vui của tình yêu trong gia đình chúng ta. Và thật phù hợp khi chúng ta tổ chức lễ mừng gia đình trong năm Thánh Giuse này. Vì Thánh Giuse đã phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa với tư cách là một người chồng và một người chu cấp cho gia đình mình”.
Đức Tổng Giám Mục chỉ ra các biểu tượng gia đình và quan hệ họ hàng thiêng liêng trong suốt Kinh thánh. Ngài nói rằng, như Thiên Chúa đã hứa với Tổ Phụ Áp-ra-ham, toàn thể Giáo hội đã trở thành con cái đức tin qua Chúa Kitô.
Trước tình hình đại dịch đang diễn ra, ngài đã mời gọi những người Công Giáo tìm kiếm sự bảo vệ của Thánh Giuse, cầu xin sự chuyển cầu của ngài và noi gương nhân đức của ngài.
“Vào thời điểm này trong lịch sử của Giáo hội - khi chúng ta sắp đến Lễ Phục sinh thứ hai dưới đám mây đen của đại dịch này, trong thời điểm vẫn còn quá nhiều rắc rối và sợ hãi - Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi chúng ta ‘hãy đến với Thánh Giuse’”.
“Thánh Giuse là người bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, và vì vậy ngài cũng là cha của chúng ta. Thiên Chúa đã giao phó cho ngài việc bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và Người cũng giao cho thánh nhân sự chăm sóc Hội Thánh của Người”.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng Thánh Giuse đặt niềm tin vào những lời hứa của Thiên Chúa và thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa với sự khiêm nhường và can đảm. Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng Thánh Giuse là người không nói tiếng nào trong Tin Mừng, và là một người đơn sơ đáp lại tiếng Chúa bằng sự vâng phục.
Chúa tin cậy vào những người có bản tính khiêm tốn, Người giao cho họ nhiệm vụ xây dựng lại xã hội sau những tác động tiêu cực của đại dịch. Đức Cha nói rằng ngài không chắc thế giới sau đại dịch sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ khác.
“Bài học cho chúng ta là Thiên Chúa hoạt động trên thế giới này, không phải nhờ những người giàu có và quyền thế, mà là 'từ bên dưới.' Thiên Chúa hoạt động qua những người thấp kém và khiêm nhường, qua những người nam nữ bình thường như Thánh Giuse và Đức Maria, sống cuộc đời của họ với lòng trung thành và tình yêu thương”.
“Bất cứ nơi nào chúng ta ở, là nơi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ. Đây là 'lãnh thổ truyền giáo' của chúng ta, đây là nơi chúng ta đóng vai trò của mình trong lịch sử cứu rỗi”.
“Thiên Chúa đang kêu gọi mỗi người chúng ta theo Ngài và phục vụ Ngài - thông qua tình yêu thương mà chúng ta chia sẻ trong gia đình và cộng đồng của mình. Bằng lòng tốt và lòng trắc ẩn của chúng ta, bằng những hy sinh mà chúng ta thực hiện để yêu thương nhau.
Source:Catholic News Agency
Một đám cháy lớn quét qua một trại tị nạn Rohingya ở miền nam Bangladesh hôm thứ Hai, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết một số người, các quan chức và nhân chứng cho biết đây là vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất tấn công khu tạm cư trong những năm gần đây.
Video và hình ảnh cho thấy một ngọn lửa xé toạc trại Balukhali ở Cox's Bazar. Khói đen cuồn cuộn bao trùm lên những mái nhà và những căn lều đang cháy khi mọi người tranh nhau tháo chạy với ít tài sản nhanh tay thu gom được.
“Lính cứu hỏa, những người cứu nạn và các tình nguyện viên đang ở hiện trường để cố gắng kiểm soát ngọn lửa và ngăn chặn nó lan rộng hơn nữa”, Louise Donovan, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Bazar Cox cho biết.
Mohammed Shamsud Douza, quan chức chính phủ Bangladesh phụ trách về người tị nạn, cho biết các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát ngọn lửa.
Những người tị nạn Rohingya trong các trại cho biết nhiều ngôi nhà đã bị thiêu rụi và một số người đã chết, nhưng cả chính quyền và UNHCR đều không thể xác nhận số người chết. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định.
Hơn một triệu người Rohingya sống trong các trại ở miền nam Bangladesh, phần lớn đã chạy trốn khỏi Miến Điện vào năm 2017 sau một cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo mà các nhà điều tra Liên Hợp Quốc cho rằng đã được tiến hành với “ý định diệt chủng”.
Zaifur Hussein, một người tị nạn 50 tuổi đã thoát khỏi đám cháy nhưng mất nhà và đang trú ẩn cùng bạn bè, cho biết ông tin rằng hàng chục người có thể đã thiệt mạng và hàng rào xung quanh các trại khiến việc chạy trốn rất khó khăn.
“Khi chúng tôi ở Miến Điện, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề... chúng đã phá hủy mọi thứ”, ông nói. “Bây giờ nó đã xảy ra một lần nữa”.
Snigdha Chakraborty, giám đốc Bangladesh của Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo, cho biết bà lo lắng về việc thiếu các cơ sở y tế trong khu vực.
“Có nhiều khả năng sẽ có rất nhiều người tử vong vì đám cháy quá lớn”.
Một thủ lĩnh người Rohingya ở Cox's Bazar, một vùng đất giáp ranh với Miến Điện ở đông nam Bangladesh, cho biết ông đã nhìn thấy một số xác chết.
“Hàng nghìn túp lều đã bị thiêu rụi hoàn toàn”, Mohammed Nowkhim nói với Reuters.
Một ngọn lửa lớn khác đã xé toạc khu trại vào tháng Giêng, phá hủy nhà cửa nhưng không gây thương vong.
Onno Van Manen, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Bangladesh cho biết nguy cơ hỏa hoạn ở các trại đông dân cư là rất cao và vụ cháy hôm thứ Hai là vụ cháy lớn nhất cho đến nay.
“Đó là một đòn tàn khốc khác đối với những người tị nạn Rohingya sống ở đây. Chỉ vài ngày trước, chúng tôi đã mất một trong những cơ sở y tế của mình trong một vụ hỏa hoạn khác”, ông nói.
UNHCR cho biết các đối tác nhân đạo đã huy động hàng trăm tình nguyện viên từ các trại gần đó cho các hoạt động hỗ trợ, cũng như các phương tiện và thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
Source:Reuters
Theo các cơ quan cung cấp tin tức Công Giáo, ngày 25 tháng 3 vừa qua, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã ra một Tông Thư (Apostolic Letter) tựa là Candor lucis aeternae (Ánh Quang Trường Cửu) để kỷ niệm 700 năm ngày qua đời của thi hào Ý, Dante Alighieri, tác giả công trình muôn thuở Bi Kịch Thần Thiêng (The Divine Comedy).
Tại sao lại là Dante và tại sao lại là ngày 25 tháng 3, ngày lễ Thiên thần Truyền tin cho Đức Mẹ, khởi đầu diễn trình Nhập Thể? Câu hỏi sau dễ trả lời thôi. Isabella Piro của Vatican News cho hay theo Đức Phanxicô, mầu nhiệm Nhập Thể vốn là "trái tim và gợi hứng đích thực của toàn bộ tập thơ” vì nó thể hiện cuộc trao đổi kỳ diệu qua đó Thiên Chúa bước vào lịch sử chúng ta bằng cách trở thành xác phàm, và nhân tính “được Thiên Chúa mặc lấy, nơi Người, nó tìm được hạnh phúc đích thực”.
Nhưng theo Inés San Martín của tập san Crux, thì 25 tháng 3 là ngày Dante bắt đầu viết Bi Kịch Thần Thiêng.
Bi Kịch ấy và chính bản thân Dante có chi đáng lưu ý mà Đức Phanxicô phải dành cả một Tông Thư để nói đến? Thực ra không riêng ngài, mà nhiều vị Giáo Hoàng tiền nhiệm cũng đã có văn kiện chính thức ca ngợi nhà đại thi hào của Ý này.
Theo Inés San Martín, năm 1921, Đức Bênêđíctô XV công bố cả một thông điệp (encyclical) tựa là In Praeclara Sumorum (giữa nhiều thiên tài nổi danh) để tưởng niệm Dante nhân 600 năm ngày ông qua đời. Năm 1965, Thánh Giáo Hoàng Phaolô VI viết Tông Thư Altissimi Cantus, đánh dấu 700 năm ngày sinh của ông. Chính vị Thánh Giáo Hoàng này đặt và trả lời câu hỏi “Một ai đó có lẽ sẽ hỏi tại sao Giáo Hội Công Giáo, qua ý chí và việc làm của Vị Đứng Đầu Hữu Hình của mình, lại để tâm cử hành hoài niệm về nhà thi sĩ Florence và tôn vinh ông. Câu trả lời khá dễ và có ngay lập tức: Dante Alighieri là của chúng ta bởi một quyền đặc biệt: Của chúng ta, nghĩa là, của Đạo Công Giáo, vì mọi sự đều hít thở tình yêu dành cho Chúa Kitô; của chúng ta, vì ông rất yêu mến Giáo Hội, được ông ca hát ngợi khen; của chúng ta, vì ông nhìn nhận và tôn kính Vị Đại Diện của Chúa Kitô trên trần gian nơi Giám Mục Rôma”.
Theo Isabella Piro, Đức Phanxicô nhấn mạnh đến tính liên quan, phi thời gian và tính sâu sắc về đức tin của Bi Kịch Thần Thiêng. Dù qua đời năm 1321, Dante vẫn nói với chúng ta ngày nay trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc đích thực tức tình yêu vô hạn và đời đời của Thiên Chúa.
Đức Phanxicô cho rằng công trình của Dante là “một phần tạo thành nền văn hóa của chúng ta, đưa chúng ta trở lại với các gốc rễ Kitô Giáo của Âu Châu và Phương Tây. Nó hiện thân cho di sản gồm nhiều lý tưởng và giá trị được Giáo Hội và xã hội dân sự tiếp tục đề nghị” tới tận ngày nay như là “nền tảng của trật tự xã hội nhân ái trong đó mọi người có thể và phải coi người khác như anh chị em”.
Ngài cũng cho rằng có hai cột trụ lớn trong Bi Kịch Thần Thiêng: tức ước nguyện bẩm sinh trong trái tim con người và sự thành toàn trong hạnh phúc do viễn kiến tình yêu Thiên Chúa mang tới. Bởi thế, Dante là một “tiên tri của hy vọng” vì bất chấp mọi biến cố “bi đát, buồn đau và lo âu xao xuyến” ông vẫn không bao giờ “đầu hàng và lui bước” cũng như dẹp bỏ ước nguyện thành toàn và hạnh phúc hay nhẫn chịu bất công, giả hình, cao ngạo của kẻ quyền thế hoặc lòng vị kỷ. Ông luôn động viên nhân loại tự thoát khỏi “khu rừng tối tăm” của tội lỗi để tìm được “nẻo đường đúng” và nhờ thế đạt được “sự viên mãn của sự sống và thời gian trong lịch sử” và “hạnh phúc trường cửu trong Thiên Chúa”. Nẻo đường này có tính “thực tiễn và trong tầm với” của mọi người.
Đặc điểm khác của Bi Kịch Thần Thiêng là Dante đề cao vai trò người đàn bà qua ba nhân vật: Đức Maria, Mẹ Thiên Chúa, đại diện cho đức ái; Beatrice, đại diện cho đức cậy, và Thánh Lucia, đại diện cho đức tin. Ba người đàn bà này tượng trưng cho ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến, đồng hành với Dante trong các giai đoạn khác nhau của cuộc hành trình, chứng minh rằng “chúng ta không được cứu rỗi một mình” nhưng cần sự giúp đỡ của những người “có thể nâng đỡ ta và hướng dẫn ta một cách khôn ngoan thận trọng”.
Nhân dịp này, Đức Thánh Cha kêu gọi các nghệ sĩ hãy “dành cho thơ văn của Dante một tiếng nói, một khuôn mặt và một trái tim, một hình thức, một sắc mầu và một âm thanh, bằng cách bước theo nẻo đường cái đẹp mà ông từng bước qua một cách hết sức tài tình bậc thầy” để có thể truyền bá “một sứ điệp hòa bình, tự do và huynh đệ”, một sứ điệp có liên quan hơn bao giờ hết trong khoảnh khắc lịch sử này “hiện bị che phủ quá dầy bởi các tình huống vô nhân đạo sâu xa và thiếu tin tưởng và viễn ảnh cho tương lai”.
Ínes San Martin cho biết đây không phải là lần đầu tiên, Đức Phanxicô nói đến Dante. Năm 2015, nhân dịp kỷ niệm 750 năm ngày sinh của Ông, Đức Phanxicô đã mời người Công Giáo khắp thế giới đọc Bi Kịch Thần Thiêng mà ngài coi như trước tác quan trọng nhất của nền văn minh Phương Tây và Kitô Giáo.
Thi sĩ Ý, Alessandro Rivali, thì cho rằng Bi Kịch Thần Thiêng là một loại bách khoa từ điển vĩ đại, trong đó, ông trình bầy mọi điều, cho tới lúc đó, người ta biết về con người. Ông là một người ngoại thường, một diễn viên hàng đầu không những theo quan điểm thi ca, mà còn theo quan điểm triết học và thần học. Tại Florence, ông từng được học với các cha Dòng Phanxicô và với các cha dòng Đaminh, nên ông được chuẩn bị hoàn toàn vượt qua tiêu chuẩn thông thường”.
Theo Rivali, Bi Kịch Thần Thiêng đặc biệt có liên quan đến triều Giáo Hoàng Phanxicô: Phần hai của tác phẩm, tức phần Purgatorio (Luyện Ngục), hoàn toàn nói về lòng thương xót, một điều được Đức Phanxicô hết sức nhấn mạnh.
Ínes San Martín cũng nhắc lại việc các vị tiền nhiệm gần đây khác của Đức Phanxicô ca ngợi thi hào Dante. Năm 1997 chẳng hạn, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhận định rằng “Gần 7 thế kỷ sau, nghệ thuật của Dante vẫn gợi lên những xúc cảm cao thượng và các xác tín vĩ đại nhất, và tự chứng tỏ có khả năng khích lệ lòng can đảm và hy vọng, hướng dẫn con người hiện đại trong việc tìm tòi Chân Lý giữa các khó khăn của hiện sinh”.
Đức Bênêđíctô XVI cũng lên tiếng ca ngợi thi hào này, khi ngài còn là một linh mục và viết cuốn sách nổi tiếng Introduction to Christianity (Dẫn Nhập Vào Kitô Giáo) năm 1968. Ngài dùng Bi Kịch Thần Thiêng để giải thích “tai tiếng Kitô giáo”.
Kỳ tới: Nguyên Văn Tông Thư Candor Lucis Aeternae
Đó là lời chia sẻ của Linh mục (Lm) Gioakim Lê Hậu Hán – Chánh xứ Vĩnh Hòa – khi ngài chủ tế hai buổi tĩnh tâm dành cho các em thiếu nhi và cộng đoàn giáo xứ Vĩnh Hòa diễn ra lúc 17g30 thứ Ba, ngày 23 và ngày 24.3.2021.
Xem Hình
Sau bài Tin Mừng, Lm Gioakim đã diễn giảng nét cao đẹp nơi các gia đình người Công Giáo luôn sống theo Thánh Ý của Thiên Chúa. Tuy nhiên, trong đời sống gia đình, những bậc cha mẹ thường rất sợ khi về già phải sống cô độc vì không có người thân ở bên cạnh để chăm sóc, và không có nhà hưu dưỡng lão dành cho các ngài. Trong khi đó, các con cháu thì mải lo công ăn việc làm nên không có thời gian chăm lo cho các cụ già được. Vì vậy, ngay từ bây giờ, chúng ta hãy học tập đi lễ, học tập đọc kinh để làm sao cho được đẹp lòng Thiên Chúa và sống vui vẻ với mọi người. Có như vậy, cuộc đời của người Kitô hữu sẽ không bị cô độc, bởi vì chúng ta luôn có Chúa ở cùng.
Ngày 24.3:
Chia sẻ Tin Mừng Ga 8,31-42 qua dụ ngôn “Nô lệ và tự do”:
Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu nói với người Do Thái biết điều gì đã khiến họ phải làm nô lệ, và điều gì giải thoát họ được tự do. Người nô lệ là người phụ thuộc vào công việc hoặc là phụ thuộc vào một người nào đó. Còn người tự do là người lựa chọn những ân sủng của Thiên Chúa, biết lắng nghe và tuân giữ lời Ngài. Trong thế giới ngày nay, các bạn trẻ thích sự tự do và làm những điều mình muốn. Tuy nhiên, các bạn lại đang bị nô lệ vào chiếc (smartphone) điện thoại thông minh, thích lướt Facebook, xem tivi và chát chít trên máy vi tính...Theo thống kê trong mùa dịch bệnh Covid-19 vừa qua, mỗi ngày các bạn trẻ sử dụng 8 tiếng đồng hồ trên chiếc điện thoại, các trẻ em thì 12 tiếng và người lớn thì 6 tiếng. Qua đây, ước mong mỗi người chúng ta hãy lựa chọn con đường tự do đó là Đức Kitô, và con đường ấy sẽ đưa chúng ta đến sự sống muôn đời, như lời Ngài đã nói: “Kẻ nô lệ thì không được ở trong nhà luôn mãi, người con mới được ở luôn mãi” (Ga 8,35).
Thánh lễ nối tiếp với phần Phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 18g15, cộng đoàn hân hoan lãnh nhận ơn bình an ra đi làm chứng nhân cho Tin Mừng.
Trước thánh lễ, vào khoảng 17g các hội viên Legio đã tham dự giờ kinh khai mạc, lần hạt Mân Côi,sau đó là Nghi thức dâng mình cho Đức Mẹ của mỗi người hội viên.
Xem Hình
Kế đó,Linh mục Linh giám Gioan B. Trần Văn Trí có những lời huấn từ cho các hội viên trong ngày lễ Truyền Tin. Sau đó,ngài cùng tất cả hội viên tiến lên trước bàn thờ Đức Mẹ đặt tay lên Vexillum – Hiệu Kỳ của Legio Mariae đọc dâng mình: “Lạy Nữ Vương là Mẹ con! Toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ”.
Sau khi các hội viên Legio dâng mình xong, Linh mục Gioan B. Trần Văn Trí -Linh Giám đọc lời nguyện dâng mình chung cho tất cả hội viên.
Thánh lễ long trọng mừng Đức Mẹ Truyền tin của hội viên Legio Mariae hôm nay có sự hiện diện của đông đảo cộng đoàn và nhất là có các em thiếu nhi tham dự vì thứ năm hằng tuần buổi chiều 18 g vẫn là thánh lễ dành cho thiếu nhi.
Chia sẻ sau bài Tin mừng, Linh mục Gioan B. mời gọi cộng đoàn chiêm ngắm mầu nhiệm Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô,Ngài đã được Đức Maria cưu mạng, chào đời và trưởng thành như mọi người chúng ta.Thiên Chúa -Đấng từ trời cao quyền năng vô cùng,đã hạ mình xuống tận cùng,chia sẻ với tất cả những người thấp hèn,những người tội lỗi.Biến cố Truyền tin cho Đức Maria đánh dấu một kỷ nguyên cứu độ, kỷ nguyên Thiên Chúa yêu thương con người.Đức Maria là người đã một lòng trung tín với Thiên Chúa,từ lời thưa “xin vâng”khi thiên thần báo tin.Như vậy,là những hội viên Legio,những đạo binh của Đức Mẹ chúng ta sống khiêm tốn phục vụ người khác theo gương Mẹ Maria,qua công tác tông đồ.Vì chính Thiên Chúa đã làm người để chúng ta cũng biết đón nhận người anh em mình,những người đang cần chúng ta chia sẻ giúp đỡ.Chúng ta tập sống“xin vâng”như Mẹ Maria trong cuộc sống hằng ngày,cùng nhau làm sáng danh Chúa,mạnh dạn chống trả mọi cám dỗ của tội lỗi.
Thánh lễ kết thúc vào khoảng 19 giờ trong niềm vui mừng tạ ơn Chúa đã cho các hội viên Legio Mariae được quy tụ nhau trong ngày lễ của Mẹ,ngày khởi phát ra đi làm chứng cho Tin Mừng giữa thế giới hôm nay
Martino Lê Hoàng Vũ
Từ thế kỷ thứ 8. sau Chúa giáng sinh đã có tập tục phụng vụ rước kiệu Lá ngày chúa nhật bắt đầu tuần thánh, trong nếp sống phụng vụ để tưởng nhớ mừng kính Chúa Giêsu Kitô ngày xưa đã cỡi lừa đi vào thành Jerusalem qua ngõ cửa phía Đông đền thờ, và được dân chúng với cành lá trên tay vẫy chào tung hô như một vị Vua, vị Cứu tinh!( Phúc âm thánh Marcô 11, 1-11).
Trước Chúa Giêsu Kitô cả ngàn năm, Tiên Tri Sacharia đã tiên báo về cảnh tượng này:
“„ Nào thiếu nữ Xi-on, hãy vui mừng hoan hỷ!
Hỡi thiếu nữ Giê-ru-sa-lem, hãy vui sướng reo hò!
Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ.“ ( Sách Sacharia 9,9).
Cành lá, mà dân chúng cầm vẫy đón chào, là biểu tượng hình ảnh có từ thời thượng cổ xa xưa diễn tả sự vui mừng, tung hô tôn kính và sự reo mừng chiến chắng. Khi Chúa Giêsu cỡi lừa vào thành Jerusalem được dân chúng cầm cành lá tung hô vạn tuế - Hosiana - như vị Vua, dưới tầm nhìn con mắt của chính quyền đế quốc Roma đang xâm chiếm cai trị nước Do Thái lúc đó, lại là một khiêu khích thách thức quyền hành của họ.
Nhưng việc Chúa Giesu đi vào thành Jerusalem không mang truyền đi tín hiệu ý nghĩa đó, cùng không dừng lại nơi cảnh được tung hô vạn tuế, mà còn có thêm cảnh tượng trái ngược sau đó nữa.
Dân chúng tung hô vạn tuế - Hosiana- Chúa Giêsu như vị Vua, và sau đó chính họ đã lớn tiếng kết án ngài: đóng đinh nó vào thập gía!
Sự gì đã diễn xảy ra?
Hai cảnh đời sống con người Chúa Giêsu Kitô
Phụng vụ ngày chúa nhật lễ Lá diễn tả trước hết cao điểm đời sống Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đã đạt tới đích điểm cao về khía cạnh đời sống con người được đón chào tung hô, và như thế sứ mạng được hòan thành.
Chúa Giêsu tiến vào thành Jerusalem, thủ đô tôn giáo của Do Thái không đi bộ hay đi xe cỡi ngựa của một vị vua với quyền hành quân lính dũng sĩ, như dân chúng mong đợi. Nhưng cỡi trên một lừa con còn non trẻ. Dân chúng reo hò mừng rỡ trải khăn áo dọc đường cầm cành vẫy đón chào ngài như vị Vua chiến thắng.
Nhưng sau đó không bao lâu, Chúa Giêsu lại bị tụt chạm xuống mức điểm tận cùng đời sống: bị hầu hết những người trước đó tung hô vạn tuế bỏ rơi, bị chối bỏ khinh miệt, bị chỉ điểm giao nộp, bị bắt trói như một người tội phạm, không ai biện hộ bảo vệ cho cả: đóng đinh nó vào thập gía!
Rồi sau cùng Chúa Giêsu bị lên án tử hình đóng đinh vào thập gía. Trên thập gía đau đớn quằn quại, Chúa Giêsu đã lớn tiếng kêu than như lời cầu nguyện: “ Lạy Chúa Trời, sao Chúa bỏ rơi con? „ ( Mc 15,34 - Tv 22,2).
Một cái chết đau thương trong cô đơn bị kết án ruồng bỏ! Số phận đời sống của một con người như thế thật qúa thảm thương đau đớn!
Cái chết Chúa Giêsu và bức màn trong đền thờ
Nơi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá ở gần đền thờ Jerusalem là nơi cực thánh thiêng của người Do Thái từ ngàn xưa. Đền thờ được xây dựng rất cao cả huyền bí thánh thiêng để kính thờ Giave Thiên Chúa. Đền thờ chia thành khoang tiền đình và khoang nơi cực thánh. Trước khoang tiền đình có màn trướng ngăn che bên ngoài, và trong đền thờ có thêm màn ngăn che trước nơi cực thánh.
Nơi cực thánh này chỉ có thầy cả thượng phẩm đến phiên tế lễ được bước vào một năm một lần vào ngày lễ đền tội xin Giave tha thứ tội lỗi cho toàn dân - lễ Jom Kippur, như lề luật Mose viết trong kinh thánh cựu ước còn lưu lại. (sách Lêvi 16,29–30- Levi 23,26–32, và sách Dân Số 29,7–11).
Ngày lễ Jom Kippur của người Do Thánh được tính theo niên lịch Do Thái, vào ngày 10. tháng Tisch. Như năm nay 2021 sẽ vào ngày 16. Tháng Chín, nhưng năm 2022 sẽ vào ngày 05. Tháng Mười theo Dương lịch.
Khi Chúa Giêsu chết trên thập gía bức màn trong đền thờ ngăn che nơi cực thánh, như phúc âm Thánh Marcô thuật lại ( Mc 14,38) bỗng dưng rách xẻ ra. Sự việc này diễn tả, qua cái chết của Chúa Giêsu Kitô tầm hướng nhìn lên Thiên Chúa trở nên thông thoáng tự do: Bức màn che nơi cực thánh trong sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô không còn ngăn cách tầm hướng nhìn làm cho xa xôi nữa. Nhưng được mở ra cho thông thoáng nhìn thấy được bằng con mắt. Bức màn trướng ngăn che đó đã cùng bị treo trên thập gía với Chúa Giêsu Kitô.
Có lẽ vì thế, trên thập giá xưa nay thường có một khăn dài mầu tím hoặc mầu trắng được treo vắt ngang hai bên. Hình ảnh này có thể là dấu hiệu biểu tượng như một vành khăn tang đau buồn tưởng nhớ Chúa Giêsu đã chết theo ý nghĩa tập tục văn hóa dân gian.
Nhưng thiết nghĩ nhắc nhớ nhiều hơn đến ý nghĩa biến cố bức màn trong đền thờ Jerusalem nơi cực thánh ngày xưa đã rách xé bỏ làm hai lúc Chúa Giêsu chết trên thập gía cách đây hơn hai ngàn năm.
Lòng tuyên tín của vị sĩ quan
Chúa Giêsu bị kết án là một tử tội chết trên thập gía. Người thân là các môn độ bỏ đi xa ra ngoài ẩn kín vì sợ bị liên lụy, những người qua lại nhìn thấy cảnh tượng đó đầu lắc đầu có người còn buông lời phỉ báng khinh miệt.
Nhưng có một người không làm chuyện nhẫn tâm đó. Trái lại, đã biếu lộ lòng đạo đức của người có lòng nhân đạo, và ăn ăn quay về với lòng tin vào Chúa Giêsu: Viên sĩ quan chỉ huy việc đóng đinh Chúa Giêsu vào thập gía.
Canh gác dưới chân thập gía Chúa Giêsu khi tận mắt nghe nhìn thấy cảnh tượng những sự việc diễn ra lúc Chúa Giêsu chết Ông đã đấm ngực ăn năn biểu lộ lòng tin: „Thật người này là Con Thiên Chúa! „ ( Mc 15,39)
Tuyên tín của thánh sử Marco
Theo tương truyền, Thánh sử Marco viết;phúc âm Chúa Giêsu là học trò hay môn đệ của Thánh tông đồ Phero. Marcô viết lại những gì đã nghe Thánh Phero nói giảng dạy làm nền tảng giáo lý cho Hội Thánh Chúa từ buổi đầu tiên vào trước năm 70 sau Chúa giáng sinh.
Với câu tuyên tín vào Chúa Giêsu của vị sĩ quan chỉ huy dưới chân thập gía Chúa Giêsu: „Thật người này là Con Thiên Chúa! Marco muốn nói lên lòng tin của riêng mình.
Ông tin vào Thiên Chúa, Người trong giờ phút Chúa Giêsu chết trên thập gía đã tỏ dấu chỉ gần gũi, có mặt trong thời gian hiện tại, là Thiên Chúa không còn bị che phủ bởi màn trướng.
Marco không tin vào một Thiên Chúa không đơn giản bài trừ hay cất đi những đau đớn tai ương của con người.
Ông tin nhiều hơn vào một Thiên Chúa hiện diện ngay trong đau khổ buồn thảm lúc Giêsu bị kết án tử hình đóng đinh vào thập gía. Thiên Chúa đó đã không bỏ rơi Giêsu nằm chìm trong lòng đất của sự chết. Nhưng đã cho Giêsu sống lại từ cõi chết.
Thánh sử Marco không muốn ca tụng thập gía là vinh quang. Thập gía là hình ảnh của sự tra tấn hình phạt hãi hùng. Nhưng với sự hy sinh chịu chết của Chúa Giêsu, thập gía trở thành nơi chốn tình yêu Thiên Chúa tỏ hiện mặc khải ra cho con người.
Tình yêu của Thiên Chúa qua sự hy sinh chết trên thập gía của Chúa Giêsu Kitô đã khai mở soi dẫn cho vị sĩ quan canh gác thập gía bừng tỉnh tâm hồn và nói lên: Qủa thật, người này là Con Thiên Chúa!
Qua kinh nghiệm lòng tin này, Thánh sử Marcô không muốn giữ thái độ im lặng. Vì thế Ông đã viết phúc âm tường thuật về cuộc đời Chúa Giêsu Kitô cho nhân loại học hỏi suy niệm về gía trị đời sống tinh thần thiêng liêng.
Chúng ta cám ơn Thánh Marcô về điều này.
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
1. Hà Lan: Cuộc đi bộ trong im lặng tại Amsterdam năm nay buộc phải diễn ra trực tuyến.
Cuộc đi bộ trong im lặng truyền thống qua các đường phố Amsterdam, được tổ chức hàng năm vào tháng Ba, không thể diễn ra theo cách thông thường trong năm nay do những hạn chế liên quan đến coronavirus.
Đó là lý do tại sao từ đêm Thứ Bảy 20 đến đêm Chúa Nhật 21 tháng 3, đã có một loạt các cơ hội trực tuyến, với một buổi cử hành Thánh Thể được truyền trực tiếp và một cuộc rước, để tưởng nhớ phép lạ Thánh Thể năm 1345. Một chương trình đặc biệt, cũng dưới dạng trực tuyến, đã được phát cho những người trẻ. Nó được mở đầu bằng bài phát biểu của Cha Jan Stuyt thuộc Dòng Tên về chủ đề lắng nghe và suy ngẫm về cuộc đời của Cha Frans van der Lugt, người đã tử vì đạo ở Syria.
Sau đó là các buổi hội thảo, thời gian cho việc chầu Mình Thánh Chúa và suy tư do cha tuyên úy giới trẻ Nars Beemster hướng dẫn. Sau đó, những người trẻ đã tham gia Thánh lễ được truyền trực tiếp từ Vương cung thánh đường Thánh Nicholas ở Amsterdam. Cuối cùng là một cuộc rước video ảo. Ban tổ chức viết: “ Thật là vô cùng đáng buồn khi truyền thống Stille Omgang ở Amsterdam bị gián đoạn trong năm nay. Chúng tôi hy vọng rằng sự kiện kỹ thuật số sẽ là công cụ tạo ra sự kết nối khiến chúng ta cảm thấy đoàn kết với nhau trong tình cảnh này nhờ Chúa Giêsu Kitô”.
Source:SIR
2. Cuộc đi bộ trong im lặng tại Hà Lan
Cuộc đi bộ trong im lặng, tiếng Hà Lan là “Stille Omgang”, là một nghi lễ không chính thức của Giáo Hội Công Giáo tại quốc gia này, thay thế cho các cuộc rước kiệu bị cấm sau cuộc Cải cách Tin lành ở Hà Lan vào thế kỷ 16. Trong các cuộc đi bộ trong im lặng này, cuộc đi bộ nổi tiếng nhất là tại thủ đô Amsterdam, vào tháng Ba hàng năm.
Cuộc đi bộ trong im lặng này tưởng niệm Phép lạ Thánh Thể, diễn ra vào ngày 16 tháng 3 năm 1345. Một người đàn ông hấp hối được ban Mình Thánh Chúa và các nghi thức cuối cùng. Tuy nhiên, ngay khi rước lễ, ông bị nôn mửa.
Theo các quy định của phụng vụ vào thời đó, Mình Thánh đã được đưa vào lửa để tiêu hủy, nhưng vẫn còn nguyên vẹn một cách kỳ diệu và được lấy ra từ đống tro tàn vào ngày hôm sau.
Phép lạ này nhanh chóng được công nhận bởi chính quyền thành phố Amsterdam và Đức Giám Mục Utrecht, và một nhà nguyện hành hương lớn, đặt tên là Heilige Stede, nghĩa là “Thánh địa” được xây dựng trên nền ngôi nhà của người quá cố. Con đường từ nhà thờ chính tòa thành phố đến nhà nguyện này được gọi là Heiligeweg.
Ban đầu, anh chị em giáo dân hành hương cá nhân, vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi từ nhà thờ chính tòa thành phố đến nhà nguyện này. Sau cuộc Cải cách Tin lành ở Hà Lan vào thế kỷ 16, mọi cuộc rước sách đều bị cấm, nên thay vì hành hương cá nhân, các tín hữu Công Giáo đi thành từng nhóm như một hình thức rước kiệu nhưng không có các cờ xí, ảnh tượng để khỏi bị bắt bớ.
Ngày thứ Tư đầu tiên sau ngày 12 tháng Ba, Giáo Hội tại Hà Lan mừng lễ Mirakelfeest, nghĩa là Phép lạ Thánh Thể. Sau ngày thứ Tư này, các Cuộc đi bộ trong im lặng sẽ diễn ra từ tối thứ Bẩy đến tối Chúa Nhật ngay sau ngày thứ Tư đó.
Source:Wiki
1. Các giám mục Nam Hàn tố cáo tình cảnh đổ máu ở Miến Điện
Các giám mục Công Giáo Nam Hàn đã lên án bạo lực chết người ở Miến Điện khi nhiều người tiếp tục bị giết trong cố gắng đàn áp các cuộc biểu tình chống đảo chính trên toàn quốc.
Trong một tuyên bố đưa ra tại cuộc họp gần đây của Hội đồng Giám mục Công Giáo Nam Hàn, gọi tắt là CBCK, các giám mục Nam Hàn bày tỏ sự đoàn kết với nguyện vọng của người dân Miến Điện về việc chấm dứt chế độ quân sự và khôi phục nền dân chủ.
“ Chúng tôi bày tỏ tình đoàn kết với anh chị em, nỗi đau và nỗi buồn đã giáng xuống họ trong bối cảnh Miến Điện đang khủng hoảng. Giáo hội Nam Hàn hết sức lo ngại về tình trạng bạo lực và đổ máu gần đây”, tuyên bố viết.
“Rất nhiều người đã đổ máu và chết chỉ vì họ kêu gọi tự do, dân chủ và hòa bình, và một cuộc sống đàng hoàng không ai có thể xâm phạm, đang bị chà đạp”.
Các giám mục cũng đề cập đến các cuộc đấu tranh của người dân Nam Hàn nhằm chấm dứt chế độ độc tài quân sự và trở lại nền dân chủ vào những năm 1980. Cuộc nổi dậy dân chủ năm 1987 ở Nam Hàn đã chấm dứt chế độ quân phiệt kéo dài 6 năm của tổng thống Chun Doo-hwan.
“Nam Hàn đã trải qua một thời kỳ đau thương như Miến Điện, và chúng tôi đã học được qua lịch sử rằng sự đoàn kết của những người bình thường và giản dị có thể tạo ra một thế giới mới”, các giám mục lưu ý.
Các giám mục cho biết các ngài tiếp tục cầu nguyện cho người dân Miến Điện trong mùa chay thánh. “Trong Mùa Chay, chúng ta suy niệm sâu sắc về mầu nhiệm thập giá và sự phục sinh của Chúa Giêsu, đồng thời chúng ta cũng chia sẻ trong tình liên đới và huynh đệ nỗi buồn đau khôn tả của anh chị em chúng ta ở Miến Điện, những người đang bước trên con đường thập giá”.
Các giám mục cho biết họ hết lòng cầu nguyện rằng nền dân chủ có thể tồn tại thông qua đoàn kết dân tộc và mong muốn của người dân Miến Điện thành hiện thực càng sớm càng tốt thông qua đối thoại cởi mở.
Tuyên bố của các giám mục Nam Hàn được đưa ra sau lời kêu gọi của Đức Hồng Y Charles Maung Bo của Yangon, chủ tịch Hội đồng Giám mục Công Giáo Miến Điện, gửi đến Giáo hội Nam Hàn để được giúp đỡ.
Cảnh sát và binh lính Miến Điện đã tiến hành một cuộc đàn áp tàn bạo bằng vũ khí bao gồm đạn thật và hơi cay vào những người biểu tình khiến ít nhất 149 người chết và hàng trăm người bị thương trên khắp đất nước.
CBCK đang thu xếp để gửi viện trợ cho người dân ở Miến Điện.
Source:UCANews
2. Cái chết thương tâm của một em bé Miến Điện
Trong số ra ngày 20 tháng Ba, tờ National Catholic Register của hệ thống truyền hình Công Giáo Hoa Kỳ có bài tường thuật sau. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Hiền Hòa.
Tôi có nhiệm vụ buồn phải nói với các bạn rằng một cậu bé 14 tuổi mà bạn chưa từng nghe nói đến, đã chết vì một viên đạn vào đầu.
Tên chú bé ấy là Zin Ko Ko Zaw. Tên của em là Zin Ko Ko Zaw, tiếng Miến Điện có nghĩa là “Ca sĩ nổi tiếng”, phản ánh hy vọng của cha mẹ em khi họ đặt tên cho em lúc vừa mới chào đời.
Em qua đời vào ngày 3 tháng 3 lúc 11:58 sáng theo giờ địa phương trong khi phản đối một cách hòa bình chống lại chế độ quân phiệt Mácxít đang đưa Miến Điện trở lại thời kỳ hỗn loạn và đẫm máu.
Em đang biểu tình cùng bạn bè trên đường phố Myingyan - khu phố dành cho tầng lớp lao động nghèo ở Mandalay. Em đã theo học trường Trung học cơ sở và có lẽ đang học lớp 9 - nếu đại dịch COVID-19 quỷ quái này không cắt ngang việc học của em một năm trước.
Tôi nhìn thấy em ở gần phía trước đám đông biểu tình. Em đang đứng ở nơi mà lẽ ra không ai nên đứng, vì không có gì che chắn. Tôi đã mất dấu em trong đám đông hoảng loạn. Về phần em, em đang rất vui - đó là cái vô tư hồn nhiên của những em bé ngốc nghếch tin rằng bản thân mình bất tử, kiên cường, bất khả xâm phạm. Vài giây sau, chúng tôi nghe thấy phát súng giết chết em.
Tiếng những phụ nữ ré lên. Mẹ của Zin Ko Ko Zaw ngã vật xuống đất. Những người đàn ông không chạy nữa, khuỵu gối xuống, nước mắt tuôn rơi. Bạn bè của em đứng chết trân, không thể rời mắt khỏi cái xác nằm gục, mà trước đó chỉ vài giây vẫn còn là một đứa trẻ còn sống, hồn nhiên, và sôi nổi.
Zin Ko Ko Zaw đã ở đó và lặp lại bất cứ lời ca, nhịp điệu nào mà em nghe thấy những người lớn hát - bằng tiếng Miến Điện hoặc tiếng Anh. Thật trùng hợp, hầu hết các khẩu hiệu chống chế độ quân phiệt Mácxít này ở khắp nơi trong thị trấn đều được viết bằng tiếng Anh - một số trong đó có ngữ pháp và chính tả tốt một cách đáng ngạc nhiên.
Tôi chưa bao giờ thấy ai đó bị bắn và tôi cầu xin Chúa cho tôi không bao giờ phải chứng kiến điều đó nữa. Em là một đứa trẻ với toàn bộ cuộc sống của mình phía trước, nhưng những cụm từ đầy hy vọng này mất hết ý nghĩa khi bạn nhìn thấy một đứa bé đã chết. Em đến với cuộc tuần hành vì em biết có điều gì đó không ổn với cách thức chính phủ đang hành động nhưng chúng ta không thể mong đợi em hiểu rõ hoàn toàn hậu quả của những kẻ gian ác đang có súng trong tay.
Cái chết của Zin Ko Ko Zaw xảy ra hai ngày sau khi nữ tu Ann Rosa Nu Tawng gây xôn xao dư luận trên mạng khi sơ quỳ gối trước một hàng binh lính vũ trang. Họ đang hò hét giận dữ. Quyết tâm lạnh lùng, cứng rắn của sơ là bảo vệ đồng bào của mình tại bệnh viện miễn phí mà sơ điều hành. Là một nhà báo và một người nước ngoài, tôi có thể là một con bò thiêng, nhưng một nữ tu Miến Điện thì có là gì đối với họ? Họ sẽ không ngần ngại nghiền nát sơ ấy để làm gương cho tất cả những ai dám thách thức họ. Tôi đã hứa với Chúa rằng nếu ai đó trong số những binh lính dữ dằn này chạm vào sơ ấy, tôi sẽ cố bảo vệ sơ, bất kể điều gì có thể xảy ra. Chúa lòng lành vô cùng, Ngài vượt thắng mọi sự và những người lính đã phớt lờ người nữ tu. Tôi chỉ còn là một người quan sát bên ngoài, không có cơ hội để kiểm tra dũng khí của mình.
Tôi nhìn những người lính, nhiều người trong số họ hầu như chưa qua tuổi thiếu niên.
“Tôi sẵn sàng chết để cứu Myanmar”, Sơ Ann Rosa van xin, nhắc đến tên gọi mới của đất nước mà chính quyền quân sự đã đặt cho Miến Điện. “Nhưng xin đừng làm tổn thương những thường dân này. Họ đã không làm gì các anh em. Họ không có vũ khí. Họ không thể là mối nguy hiểm cho các anh em”.
Sơ Ann Rosa là Nữ tu của dòng Thánh Phanxicô Xaviê và là anh hùng mới của tôi. Có lẽ, một ngày nào đó, tôi sẽ tìm cách bắt tay sơ ấy.
Zin Ko Ko Zaw không may mắn như sơ Ann Rosa. Chỉ trong tích tắc của cái bóp cò, em đã biến mất. Không có logic nào mà tôi có thể dựa vào đó để giúp chúng ta hiểu những gì đã xảy ra với Zin Ko Ko Zaw. Nó chỉ đơn giản là không nên xảy ra. Trẻ con không thể bị giết vì bất cứ lý do gì. Một người lính bắn chết đứa trẻ tội nghiệp này và tước đoạt đi khỏi những bậc cha mẹ yêu thương em, những người thầy và những người bạn yêu quý của em này, thì điều này là bất chấp lý trí. Nó bất chấp Luật Tự nhiên. Nó thách thức Chúa.
Tôi loạng choạng về nhà các đó 8km vì không có xe taxi trong những ngày này. Và khi tôi đi bộ một mình qua đám đông hoang mang, khuôn mặt tôi phản ánh sự kinh hoàng và bối rối mà tôi thấy ở họ.
Source:National Catholic Register
3. Đức Tổng Giám Mục Gomez kêu gọi người Công Giáo tin tưởng vào Thánh Giuse trong hoàn cảnh đại dịch coronavirus kinh hoàng hiện nay
Vào ngày lễ Thánh Giuse, Đức Tổng Giám Mục José Gomez của Los Angeles đã khuyến khích người Công Giáo suy ngẫm về những tính cách đơn sơ nhưng mạnh mẽ của phu quân Đức Maria này.
“Chúng ta mừng kính Thánh Giuse hôm nay vì trong câu chuyện của ngài, chúng ta thấy câu chuyện của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói trong bài giảng của ngài tại Thánh lễ ngày 19 tháng Ba tại Nhà thờ Đức Mẹ Nữ Vương Các Thiên thần.
“Anh chị em và tôi thuộc về đại gia đình của Chúa. Với Thánh Giuse, chúng ta là một phần của gia đình các anh hùng và các thánh kéo dài từ thời sơ khai đến nay!”
Đức Thánh Cha Phanxicô dành năm phụng vụ này để kính Thánh Giuse. Đức Tổng Giám Mục Gomez nhấn mạnh vai trò quan trọng của vị thánh này khi thế giới phải đối mặt với đại dịch COVID-19.
Ngài nhận xét rằng Thánh Giuse là một người đàn ông bình thường nhưng cũng là cha nuôi của Con Thiên Chúa và là người cầu bầu đầy quyền thế của Giáo hội. Ngài khuyến khích những người Công Giáo hãy suy ngẫm về tấm gương của thánh nhân.
“Chúng ta thực hiện sứ mệnh của mình, giống như Thánh Giuse đã làm. Bằng cách phục vụ Chúa Giêsu qua công việc bình thường trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Trong các khu phố, nhà thờ và trường học của chúng ta. Và cách riêng, trong ngôi nhà và gia đình của chúng ta”, Đức Tổng Giám Mục Gomez nói.
“Hôm nay, như anh chị em biết, cũng là ngày đánh dấu sự bắt đầu của ‘Năm Amoris Laetitia gia đình’, và Đức Thánh Cha Phanxicô yêu cầu chúng ta phải suy nghĩ về niềm vui của tình yêu trong gia đình chúng ta. Và thật phù hợp khi chúng ta tổ chức lễ mừng gia đình trong năm Thánh Giuse này. Vì Thánh Giuse đã phục vụ kế hoạch của Thiên Chúa với tư cách là một người chồng và một người chu cấp cho gia đình mình”.
Đức Tổng Giám Mục chỉ ra các biểu tượng gia đình và quan hệ họ hàng thiêng liêng trong suốt Kinh thánh. Ngài nói rằng, như Thiên Chúa đã hứa với Tổ Phụ Áp-ra-ham, toàn thể Giáo hội đã trở thành con cái đức tin qua Chúa Kitô.
Trước tình hình đại dịch đang diễn ra, ngài đã mời gọi những người Công Giáo tìm kiếm sự bảo vệ của Thánh Giuse, cầu xin sự chuyển cầu của ngài và noi gương nhân đức của ngài.
“Vào thời điểm này trong lịch sử của Giáo hội - khi chúng ta sắp đến Lễ Phục sinh thứ hai dưới đám mây đen của đại dịch này, trong thời điểm vẫn còn quá nhiều rắc rối và sợ hãi - Đức Thánh Cha Phanxicô đang kêu gọi chúng ta ‘hãy đến với Thánh Giuse’”.
“Thánh Giuse là người bảo trợ của Giáo hội Hoàn vũ, và vì vậy ngài cũng là cha của chúng ta. Thiên Chúa đã giao phó cho ngài việc bảo vệ Chúa Giêsu và Mẹ Maria, và Người cũng giao cho thánh nhân sự chăm sóc Hội Thánh của Người”.
Đức Tổng Giám Mục nhấn mạnh rằng Thánh Giuse đặt niềm tin vào những lời hứa của Thiên Chúa và thực hiện kế hoạch của Thiên Chúa với sự khiêm nhường và can đảm. Đức Cha Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục nhận xét rằng Thánh Giuse là người không nói tiếng nào trong Tin Mừng, và là một người đơn sơ đáp lại tiếng Chúa bằng sự vâng phục.
Chúa tin cậy vào những người có bản tính khiêm tốn, Người giao cho họ nhiệm vụ xây dựng lại xã hội sau những tác động tiêu cực của đại dịch. Đức Cha nói rằng ngài không chắc thế giới sau đại dịch sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn sẽ khác.
“Bài học cho chúng ta là Thiên Chúa hoạt động trên thế giới này, không phải nhờ những người giàu có và quyền thế, mà là 'từ bên dưới.' Thiên Chúa hoạt động qua những người thấp kém và khiêm nhường, qua những người nam nữ bình thường như Thánh Giuse và Đức Maria, sống cuộc đời của họ với lòng trung thành và tình yêu thương”.
“Bất cứ nơi nào chúng ta ở, là nơi Chúa kêu gọi chúng ta phục vụ. Đây là 'lãnh thổ truyền giáo' của chúng ta, đây là nơi chúng ta đóng vai trò của mình trong lịch sử cứu rỗi”.
“Thiên Chúa đang kêu gọi mỗi người chúng ta theo Ngài và phục vụ Ngài - thông qua tình yêu thương mà chúng ta chia sẻ trong gia đình và cộng đồng của mình. Bằng lòng tốt và lòng trắc ẩn của chúng ta, bằng những hy sinh mà chúng ta thực hiện để yêu thương nhau.
Source:Catholic News Agency
4. Nhiều người chết, hàng nghìn ngôi nhà bị cháy rụi trong một trận hỏa hoạn kinh hoàng tại trại tạm cư Rohingya
Một đám cháy lớn quét qua một trại tị nạn Rohingya ở miền nam Bangladesh hôm thứ Hai, phá hủy hàng nghìn ngôi nhà và giết chết một số người, các quan chức và nhân chứng cho biết đây là vụ hỏa hoạn tồi tệ nhất tấn công khu tạm cư trong những năm gần đây.
Video và hình ảnh cho thấy một ngọn lửa xé toạc trại Balukhali ở Cox's Bazar. Khói đen cuồn cuộn bao trùm lên những mái nhà và những căn lều đang cháy khi mọi người tranh nhau tháo chạy với ít tài sản nhanh tay thu gom được.
“Lính cứu hỏa, những người cứu nạn và các tình nguyện viên đang ở hiện trường để cố gắng kiểm soát ngọn lửa và ngăn chặn nó lan rộng hơn nữa”, Louise Donovan, phát ngôn viên của cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc UNHCR tại Bazar Cox cho biết.
Mohammed Shamsud Douza, quan chức chính phủ Bangladesh phụ trách về người tị nạn, cho biết các nhà chức trách đang cố gắng kiểm soát ngọn lửa.
Những người tị nạn Rohingya trong các trại cho biết nhiều ngôi nhà đã bị thiêu rụi và một số người đã chết, nhưng cả chính quyền và UNHCR đều không thể xác nhận số người chết. Nguyên nhân của vụ cháy vẫn chưa được xác định.
Hơn một triệu người Rohingya sống trong các trại ở miền nam Bangladesh, phần lớn đã chạy trốn khỏi Miến Điện vào năm 2017 sau một cuộc đàn áp do quân đội lãnh đạo mà các nhà điều tra Liên Hợp Quốc cho rằng đã được tiến hành với “ý định diệt chủng”.
Zaifur Hussein, một người tị nạn 50 tuổi đã thoát khỏi đám cháy nhưng mất nhà và đang trú ẩn cùng bạn bè, cho biết ông tin rằng hàng chục người có thể đã thiệt mạng và hàng rào xung quanh các trại khiến việc chạy trốn rất khó khăn.
“Khi chúng tôi ở Miến Điện, chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề... chúng đã phá hủy mọi thứ”, ông nói. “Bây giờ nó đã xảy ra một lần nữa”.
Snigdha Chakraborty, giám đốc Bangladesh của Dịch vụ Cứu trợ Công Giáo, cho biết bà lo lắng về việc thiếu các cơ sở y tế trong khu vực.
“Có nhiều khả năng sẽ có rất nhiều người tử vong vì đám cháy quá lớn”.
Một thủ lĩnh người Rohingya ở Cox's Bazar, một vùng đất giáp ranh với Miến Điện ở đông nam Bangladesh, cho biết ông đã nhìn thấy một số xác chết.
“Hàng nghìn túp lều đã bị thiêu rụi hoàn toàn”, Mohammed Nowkhim nói với Reuters.
Một ngọn lửa lớn khác đã xé toạc khu trại vào tháng Giêng, phá hủy nhà cửa nhưng không gây thương vong.
Onno Van Manen, Giám đốc Quốc gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em ở Bangladesh cho biết nguy cơ hỏa hoạn ở các trại đông dân cư là rất cao và vụ cháy hôm thứ Hai là vụ cháy lớn nhất cho đến nay.
“Đó là một đòn tàn khốc khác đối với những người tị nạn Rohingya sống ở đây. Chỉ vài ngày trước, chúng tôi đã mất một trong những cơ sở y tế của mình trong một vụ hỏa hoạn khác”, ông nói.
UNHCR cho biết các đối tác nhân đạo đã huy động hàng trăm tình nguyện viên từ các trại gần đó cho các hoạt động hỗ trợ, cũng như các phương tiện và thiết bị phòng cháy và chữa cháy.
Source:Reuters