Ngày 20-03-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh
Lm. Minh Anh
01:03 20/03/2022

KHÔNG CHẤP NHẬN MỘT SỰ TỒN TẠI VÔ SINH
“Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới, ông sẽ chặt nó đi!”.

Người La Mã, đôi khi, buộc tù nhân phải đối mặt với một xác chết, và chịu đựng nó cho đến khi mùi thối tử thi huỷ hoại cuộc sống của người tù. Virgil mô tả, “Người sống và kẻ chết đối mặt nhau, tay trong tay… cho đến nghẹt thở vì thối tha, khi tay họ bị trói buộc; những kẻ khốn khổ kéo dài cuộc sống lê thê và chết! Không có Chúa Kitô, chúng ta bị cùm vào xác chết, tội lỗi! Chỉ ăn năn mới giải thoát chúng ta, vì sự sống và cái chết không thể cùng tồn tại vô thời hạn! Cuộc sống lúc bấy giờ không chỉ là ‘một sự tồn tại vô sinh’ nhưng còn là ‘một cái chết chậm!’”.

Kính thưa Anh Chị em,

Phụng vụ Lời Chúa Chúa Nhật hôm nay cho thấy, Thiên Chúa chẳng những không chấp nhận cái chết, mà Ngài vẫn ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’ nơi con cái Ngài! Ngài là Đấng xót thương, từ bi, luôn muốn con cái Ngài hoán cải, để nó thực sự tự do và trổ sinh hoa trái!

Bài đọc Xuất Hành nói đến một cuộc thần hiện, khi Thiên Chúa tỏ mình cho Môisen. Ngài cho Môisen biết, tiếng ta thán của dân đã thấu đến tai Ngài, Ngài sai ông ra trước Pharaô để giải thoát dân khỏi kiếp nô lệ, Ngài ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’ của Israel nơi đất khách quê người. Bởi lẽ, Ngài là Đấng giữ lời hứa, từ bi, rất mực khoan nhân như Thánh Vịnh đáp ca xác tín, “Chúa là Đấng từ bi và hay thương xót!”. Thánh Phaolô trong bài đọc thứ hai cũng ngăn ngừa chúng ta, “hãy ý tứ kẻo ngã”, nghĩa là hãy sống một cuộc sống sinh hoa kết trái.

Với bài Tin Mừng, cây vả không sinh trái mà ông chủ trong dụ ngôn muốn chặt đi, tượng trưng cho một sự tồn tại vô sinh, không có khả năng cho đi, không có khả năng làm điều thiện! Người làm vườn đứng ra can thiệp, xin ông chủ cho thêm một năm nữa, tượng trưng cho lòng thương xót của Thiên Chúa, Đấng ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’, cũng là Đấng luôn cho con người một cơ hội thứ hai, để mỗi người có đủ thời gian hoán cải. Tất cả chúng ta cần thay đổi, tiến lên một bước. Sự kiên nhẫn và lòng thương xót của Thiên Chúa đồng hành với chúng ta, bất chấp sự cằn cỗi đang có ở đó. Hãy nhớ, Thiên Chúa luôn kiên nhẫn, Ngài làm tất cả những gì có thể để chúng ta tiến bộ trên con đường hướng tới điều tốt. Việc xin hoãn lại của người làm vườn với kỳ vọng cây vả sẽ sinh trái, cho thấy tính cấp thiết của việc thay đổi!

Nếu tinh ý, chúng ta sẽ nhận ra rằng, cây vả được trồng giữa một vườn nho; nói cách khác, nó được ưu tiên! Đó là hình ảnh linh hồn mỗi người chúng ta. Đất mà chúng ta được trồng xuống là ‘đất xót thương’ của Thiên Chúa. Đây là đất giàu nhất, tốt nhất để có thể sản sinh những hoa trái vốn được mong đợi. Ngài ban cho chúng ta ánh nắng, sương đêm và hơi ấm cần thiết cho sự trưởng thành; bên cạnh đó, Ngài cắt tỉa chăm bón chúng ta bằng ân sủng của Thánh Thần. Vì thế, hãy trở nên mạnh mẽ và tự tin để can đảm ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh!’.

Anh Chị em,

Thiên Chúa là Cha, Đấng từ bi nhân hậu! Ngài không thể ngồi yên khi nghe tiếng kêu van của con cái Israel đang sống kiếp nô lệ nơi đất khách quê người; cũng thế, Ngài không ngồi yên khi biết chúng ta, con cái của Ngài đang làm nô lệ cho tội lỗi. Sự nô lệ khiến con tim chúng ta héo hắt và không còn khả năng sinh trái; nói cách khác, chúng ta tồn tại mà vô sinh! “Xin để cho nó một năm nay nữa”; Thiên Chúa là Cha, Đấng từ bi nhân hậu, Ngài kiên nhẫn biết bao và yêu thương chúng ta dường nào, với hy vọng chúng ta sẽ sinh trái. Mỗi ngày, Ngài “cắt tỉa” chúng ta bằng Lời; “bón” chúng ta bằng chính Thịt Máu Chúa Giêsu; “sưởi” chúng ta bằng lửa của Thánh Thần; và “tưới” chúng ta bằng ân sủng của Ngài. Cứ thế, Ngài chờ đợi và tiếp tục chăm bón; bởi lẽ, Ngài ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’ từ linh hồn mỗi người.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con sẽ ‘không chấp nhận một sự tồn tại vô sinh’; để được vậy, xin giúp con cắm rễ thật sâu vào ‘đất xót thương’ của Chúa; giúp con chấp nhận để Chúa cắt tỉa mỗi ngày!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Ngày 21/03: Đời sống Đức Tin thật - Lm. Anthony Nguyễn Hữu Quảng, SDB
Giáo Hội Năm Châu
02:56 20/03/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Lu-ca.

Khi ấy Đức Giê-su nói với dân chúng rằng: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người phong hủi ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành -thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

Đó là lời Chúa
 
Sám Hối: Hồi Chuông Báo Động Cần Thiết
Lm Giuse Trương Đình Hiến
10:57 20/03/2022
Sám Hối: Hồi Chuông Báo Động Cần Thiết
(Chúa Nhật 3 Mùa Chay Năm C 2022)

Đối với dân tộc Israel, có thể nói được, giai đoạn lịch sử quan trọng nhất của họ đó chính là thời gian “40 năm trường hành trong hoang mạc”; đây cũng là giai đoạn mà các ngôn sứ thời Cựu ước đã sánh ví như “thời trăng mật” của Thiên Chúa và dân riêng của Ngài, như cách diễn tả đầy chất lãng mạn của ngôn sứ Hôsê: “Bởi thế, này Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào sa mạc, để cùng nó thổ lộ tâm tình. Từ nơi đó, Ta sẽ trả lại vườn nho của nó, biến thung lũng A-kho thành cửa khẩu hy vọng. Ở đó, nó sẽ đáp lại như buổi thanh xuân, như ngày nó đi lên từ Ai-cập”. (Hs 2,16-17).
Và cũng chính nơi “giai đoạn dặc biệt” nầy, đã gồm tóm mọi giáo huấn, răn dạy căn bản của Thiên Chúa được thể hiện; và mọi sự sửa sai, sám hối, canh tân của dân được thực hành. Hơn nữa, đây là sự kiện vượt thời gian, có giá trị cho cả các thế hệ mai sau, như chính Thánh Phaolô đã xác quyết nơi thư gởi giáo đoàn Côrintô được công bố nơi Bài đọc 2 hôm nay: “tất cả cha ông chúng ta đã được ở dưới áng mây, đi ngang qua biển và tất cả nhờ Môsê mà được thanh tẩy, dưới áng mây và trong lòng biển; tất cả đã ăn cùng một thức ăn thiêng liêng, và uống cùng một thức uống thiêng liêng… Những việc đó đã xảy đến cho họ để làm gương, và đã được ghi chép để răn bảo chúng ta là những người đang sống trong thời đại cuối cùng…”.
Chính vì thế, cuộc hành trình của Mùa Chay của Giáo Hội Chúa Kitô hôm nay luôn được quy chiếu về cuộc “XUẤT HÀNH” của dân Do Thái ngày xưa. Bởi vì chính qua giai đoạn Lịch sử Cứu Độ quan trọng nầy, dân Chúa hôm qua cũng như hôm nay và mãi mãi luôn tìm thấy những chỉ dẫn cần thiết để “vượt qua” kiếp sống ngục tù nô lệ của tội lỗi và dục vọng, của lầm lạc và yếu đuối, của bội nghĩa và bất trung… để tiến về miền “đất hứa” của ân sủng và tự do, của thủy chung và nồng thắm, của tin yêu và hy vọng….
Trong Phụng Vụ Lời Chúa của Chúa Nhật 3 Mùa Chay (Năm C) hôm nay, biến cố Xuất Hành lại được nhắc đến như một minh hoạ cụ thể để dẫn chúng ta vào trọng tâm chính là SÁM HỐI: cuộc sám hối đích thực của con cái Chúa.
Sự “sám hối đích thực” của ngườ Kitô hữu luôn đòi hỏi một sự “diện kiến”, “gặp gỡ”, “đối thoại” với Thiên Chúa Toàn năng trong thái độ khó nghèo khiêm tốn và trong niềm xác tín vào lòng thương xót; để từ đó khởi sự một sự canh tân, đổi đời triệt để liên quan đến cùng đích vĩnh hằng !
Lời Chúa qua trích đoạn sách Xuất Hành vừa được công bố đã vạch ra cho chúng ta ý nghĩa của “sám hối đích thực” qua câu chuyện về cuộc hội ngộ giữa Môsê và Thiên Chúa trong hoang mạc Madian: “Trong những ngày ấy, Môsê chăn chiên cho ông nhạc là Giêtrô, tư tế xứ Mađian. Ông lùa đoàn chiên qua sa mạc, đến núi Horeb là núi của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện ra với ông trong ngọn lửa cháy từ giữa bụi gai...”
Câu chuyện được bắt đầu bằng cuộc đối thoại giữa một chàng Môsê đang trốn chạy như một tên tội phạm nguy hiểm của triều đình Pharaô và tiếng nói kỳ diệu phát ra từ “Bụi gai bốc cháy” giữa hoang mạc. Hình ảnh nầy với mệnh lệnh: “Hãy cởi dép ra…” đã cho thấy một nhân loại yếu đuối, tội lỗi, nhơ bẩn và một Thiên Chúa thánh thiện, uy quyền; và muốn được gặp gỡ Thiên Chúa, muốn được chuyện vãn với Ngài thì tác động đầu tiên phải là “cởi dép”: “Ngươi đừng đến gần đây. Hãy cởi dép ở chân ra, vì chỗ ngươi đang đứng là nơi thánh”.
Với các anh chị em dự tòng sắp lãnh nhận các Bí tích Nhập Đạo, thái độ “cởi dép” chính là những câu trả lời trước khi được nhận lãnh bí tích: Chủ lễ: “Để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa, ông (bà, anh, chị, em, con) có từ bỏ tội lỗi không?”. Dự tòng đáp: “Thưa từ bỏ”. (Nghi thức đơn giản nhập đạo của người lớn)…
Với chúng ta, “cởi dép” chính là trút bỏ cái tôi trần tục, là vứt bỏ những “trang phục” giả hình kệch cởm để trở về với con người đích thực của mình, là uốn nắn, thanh lọc lối sống đạo ỡm ờ, ba phải… để bắt đầu một một đức tin sống động vững vàng…, một mối tương quan “Phụ tử tình thâm” đối với Thiên Chúa và “huynh đệ sắt son” với hết thảy anh chị em !
Tiêu đích của Mùa Chay hay trọng tâm của sám hối nào chẳng phải là tiếng gọi “cởi dép” trước những vùng “đất thánh thiêng” cưu mang sự hiện diện của Thiên Chúa; vùng đất thánh của Phụng vụ, của các Bí tích, của Lời Chúa…, hay vùng đất thánh chính là những con người bằng xương bằng thịt, những mảnh đời khố rách áo ôm… mà chính Đức Kitô đã hơn một lần xác quyết: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25,35-36).
Dĩ nhiên, đây không đơn thuần là một “hành vi nhân bản mang tính khuyến thiện”, để thực hành như một quán tính hay “thời vụ” qua mỗi Mùa Chay; mà là một “lựa chọn” mang tính quyết định cho chính số phận đời đời của mình, như chính Đức Kitô đã khẳng quyết trong trích đoạn Tin Mừng Luca: “Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”.
Chúng ta hôm nay cũng vậy: “Đừng tưởng” mình thánh thiện, vô tội mà dửng dưng với lời gọi mời sám hối của Mùa Chay và của cuộc hành trình hoán cải trong nhịp sống Kitô hữu. Đứng trước sự toàn thánh của Thiên Chúa không ai có thể trịch thượng “mang nguyên đôi dép dơ bẩn” của cuộc đời mình, của “cái tôi” trần trụi, dơ dáng dị hình của mình ! Cũng vậy, đứng trước vẽ đẹp rạng ngời thánh thiêng của mỗi loài thụ tạo, của mỗi một con người “nhân linh ư vạn vật”, không ai được quyền cả gan xúc phạm thân xác lẫn tâm hồn, cuộc sống lẫn nhân cách của anh em đồng loại…
Từ thái độ đầu tiên là “cởi dép” đó, Lời Chúa dẫn dắt chúng ta vào thái độ trọng tâm của “sám hối đích thực”. Sám hối là dám tin vào tình yêu của Thiên Chúa.
Thật vậy, điều cốt yếu của thái độ sám hối Kitô giáo phải đặt trọng tâm vào tình yêu đối với Thiên Chúa, phải là một quy hướng của lòng hiếu thảo tin yêu về chính Ngài, là Đấng giàu lòng xót thương và đầy khoan nhân tha thứ để quyết tâm làm lại cuộc đời trong tin yêu phó thác. Đó chính là thái độ ăn năn sám hối đích thực mà sách giáo lý gọi là "Ăn năn tội vì Chúa"; và đó cũng chính là tiêu đích của câu chuyện kế tiếp của sách Xuất Hành khi Thiên Chúa mạc khải Danh của Ngài và ý định cứu độ của Ngài cho Môsê: “Ta đã thấy dân Ta phải khổ cực ở Ai-cập. Ta đã nghe tiếng chúng kêu than kẻ đốc công áp bức. Ta biết nỗi đau khổ của chúng, nên Ta xuống cứu chúng thoát khỏi tay người Ai-cập và đưa ra khỏi đất ấy đến miền đất tốt tươi rộng lớn, đất tràn trề sữa và mật”.
Quả thật, một Thiên Chúa hằng hữu toàn năng lại chính là Thiên Chúa của tình yêu, của cảm thông, tha thứ, khoan dung và đồng hành.
Sám hối chân thực chính là “dám tin vào tình thương của Chúa để đứng lên trở về”. Trình thuật Tin Mừng về bi kịch Khổ Nạn đã cho chúng ta thấy hai mẫu người đối lập đã dẫn tới hai kết cục khác nhau: Bằng những giọt nước mắt sám hối và vững tin vào ánh mắt nhân từ của Thầy Chí Thánh, cho dù chối Thầy 3 lần, Phêrô vẫn được Thầy thứ tha, đón nhận và tín nhiệm giao cho thánh vụ chăn dắt Giáo hội. Trong khi đó, Giuđa quay lưng lầm lũi bước đi trong bóng tối cô độc của cái tôi kiêu căng và khước từ vĩnh viễn tình thương yêu tha thứ để cuối cùng kết thúc cuộc sống bằng chiếc dây thòng lọng của tuyệt vọng.
Như thế, hành trình sám hối của Mùa Chay thánh, hay cuộc lên đường tiến về Giếng Rửa Tội của các anh chị em Dự tòng, luôn mang dáng đứng của một cuộc “xuất hành mới đầy hy vọng”; hy vọng sẽ đi vào một miền “đất hứa” tâm linh xinh tươi và đầy hoa thơm cỏ lạ của ân sủng, một “mái ấm nhà cha” đầy ắp hạnh phúc và niềm vui của “anh em sum họp một nhà”, một tiệc cưới Phục Sinh bảo đảm hạnh phúc vĩnh hằng mà từ hôm nay mọi người đang tham dự Tiệc Thánh đều “xúng xính hân hoan” trong chiếc áo trắng tinh của những người con Thiên Chúa… !
Chúng ta phải xác tín rằng: sám hối, chay tịnh luôn mang về những hoa quả phúc đức, những trái ngọt thiêng liêng…; hay theo ngôn ngữ của dụ ngôn Tin Mừng về “cây vả không trái”, cho dù hôm nay còn khô chồi trơ trụi, thì nhờ lòng khoan dung của Thiên Chúa, một mai sẽ kết trái đơm hoa: “Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi”.
Với chúng ta, những Kitô hữu, hay với anh chị em dự tòng sắp nhập đạo, nào ai lại muốn đứng im làm “cây vả khô chồi choán đất” trong suốt cả Mùa Chay; và cũng chẳng vui gì khi tiến về mừng đại tiệc Phục Sinh trong “đôi dép cũ mèm” !
Hơn nữa, thế giới nầy vẫn còn đầy dẫy những vụ “Philatô tàn sát ở Galilê” hay những những vụ tai ương hoạn nạn kiểu “mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết”, chẳng khác nào cảnh chết chóc, bom rơi, đạn lạc đang diễn ra từng ngày ở Ukraina, thì sứ điệp “Sám Hối” luôn là hồi chuông báo động cho chúng ta và mọi người không trừ ai trên thế giới. Bởi, như lời xác quyết mạnh mẽ của chính Chúa Giêsu: “Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy”. Amen.

LM. Giuse Trương Đình Hiền

 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
21:05 20/03/2022

21. Nhổ cây gai trong lòng con thì sẽ khiến cho hạt giống tốt của Đức Chúa Giê-su gieo trong mảnh ruộng tốt là tâm hồn con được đâm chồi nẩy lộc, phơi phới sum sê và được mùa thu hoạch.

(Thánh Cyprian)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu
Lm. Minh Anh
23:14 20/03/2022

KHIÊM TỐN, MÁNG THÔNG ƠN KHÔNG THỂ THIẾU
“Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel!”.

Một nhà tu đức nói, “Cánh cửa cuộc đời là cánh cửa của mầu nhiệm; nó trở nên thấp hơn một chút so với người muốn đi qua nó. Chỉ ai biết cúi mình, mới có thể bước qua ngưỡng của nó! ‘Khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu’, điều kiện để hứng nhận ân huệ của Thiên Chúa!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Một lần nữa, Lời Chúa hôm nay minh hoạ cho ý tưởng của nhà tu đức trên, “‘Khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu’, điều kiện để hứng nhận ân huệ của Thiên Chúa!”. Thái độ của tướng quân Naaman trong bài đọc thứ nhất và những người Do Thái thời Chúa Giêsu là một điển hình.

Thời Êlisê, Naaman, một dũng tướng của Syria; tuy nhiên, cùng với danh vọng, quyền lực và danh dự, ông buộc phải sống trong một hoàn cảnh bi đát: bệnh phong cùi! Bộ giáp của ông, thứ đã giúp ông nổi tiếng, trên thực tế, bao phủ một con người yếu ớt, tổn thương và bệnh tật! Chúng ta thường thấy mâu thuẫn này trong cuộc sống mình; đôi khi, những món quà tuyệt vời lại là tấm giáp che chắn những yếu đuối lớn lao. Naaman phải làm theo lời một đứa trẻ, tìm gặp người của Thiên Chúa; và ông phải khiêm tốn đến hai lần. Gặp một sứ giả ‘tầm thường’, qua một cách thức ‘lạ thường’, bởi một bé gái ‘khác thường’ mà lại được một phép lạ ‘phi thường’. Ông đã thốt lên lời tuyên xưng, “Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel!”. Rõ ràng, ‘khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu’ đối với Naaman!

Cũng thế, trong Tin Mừng hôm nay, dân thành Nazareth không thể tin một Đấng Thiên Sai làm thợ mộc, nghèo hèn; vì thế, họ khó chịu với Chúa Giêsu, nhất là khi Ngài cho biết, trong lịch sử, Thiên Chúa từng tỏ ra ưu ái với người ngoại chứ không chỉ với người Do Thái. Họ khó chịu vì đã đặt sự bảo đảm của họ vào di sản và lời hứa của Thiên Chúa qua các tổ phụ; họ nghĩ rằng, vì là Do Thái, nên cách nào đó, Thiên Chúa phải chiếu cố họ hơn những người ngoại. Thiếu khiêm tốn, họ đánh mất ân huệ của Chúa Giêsu; tệ hơn, họ còn muốn xô Ngài xuống vực thẳm!

Cả chúng ta, chúng ta cũng có thể mắc phải sai lầm này khi quên rằng, ‘khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu’ của mọi ân phúc! Chúng ta nghĩ, tôi thuộc nhóm này, nhóm kia; hoặc tôi có chức vụ này, chức vụ nọ… nên cách nào đó, Chúa phải quan tâm tôi nhiều hơn, với lắm đặc ân hơn! Đây chẳng phải là nguyên nhân gây ra sự phẫn nộ trong cuộc sống tôi sao? Chúng ta rất khó chịu khi không được ưu đãi. Chúng ta nghĩ rằng, tôi xứng đáng nhận được nhiều hơn thế!

Anh Chị em,

“Thật tôi biết, không có Thiên Chúa nào khác trên hoàn vũ, ngoài một Thiên Chúa ở Israel!”; vậy mà, khi Con Thiên Chúa vào trần gian, thì Vị ấy quá nghèo hèn, bé nhỏ đến nỗi chính người Israel không thể chấp nhận được! Thật trái khoáy, chính qua con đường nghèo hèn, Thiên Chúa cứu độ con người! Thật là một chướng ngại quá lớn cho những ai không biết cúi đầu! Cũng thế, nếu chúng ta nghĩ, tôi làm cái này, tôi dâng cái kia… thì Chúa phải đáp ứng điều tôi xin. Không phải thế, Chúa yêu thương và cứu độ chúng ta theo cách của Ngài. Vì thế, cần thiết biết bao, để nhận thức rằng, ‘khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu’, điều kiện để hứng nhận ân huệ của Ngài! Mùa Chay, mùa lắng lòng để nghe Lời Chúa, ngắm nhìn thật kỹ cách thức hành động của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, Đấng huỷ mình ra không để cứu chúng ta. Mùa Chay, còn là mùa khát khao Giêsu. Thật ý nghĩa với Thánh Vịnh đáp ca, “Linh hồn con khao khát Chúa Trời, là Chúa Trời hằng sống!”. Chúa Giêsu Hằng Sống đang ước mong chúng ta trở nên khiêm tốn như Ngài; qua đó, chúng ta cũng trở thành những máng thông ơn cho tha nhân!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin thanh tẩy con khỏi mọi ích kỷ, nhục dục, phù phiếm và kiêu căng; cho con ý thức rằng, ‘khiêm tốn, máng thông ơn không thể thiếu’ trong cuộc đời môn đệ của con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐTC Phanxicô Thăm Các Trẻ Em Ukraine Tại Bệnh Viện Nhi Đồng ‘‘Bambino Gesù’’
Lê Đình Thông
09:41 20/03/2022
ĐTC Phanxicô Thăm Các Trẻ Em Ukraine Tại Bệnh Viện Nhi Đồng ‘‘Bambino Gesù’’

Vatican News loan báo vào 16 giờ ngày 19/03, Đức Thánh Cha Phanxicô đã đến thăm 19 trên tổng số 50 trẻ em Ukraine hiện nằm điều trị tại bệnh viện Bambino Gesù, sau khi chạy thoát khỏi Ukraine.

Các em bị các chứng bệnh ung thư, thần kinh hoặc bị trọng thương vì bom đạn của Nga. Họ đã chạy thoát khỏi Ukraine ngay từ những ngày đầu xảy ra chiến cuộc. Ngài đã đến từng giường bệnh, chúc lành cho từng em một.

ĐTC Phanxicô đặc biệt quan ngại đến tình cảnh bi thảm của các trẻ em Ukraine. Thứ tư 16/03 vừa qua, khi gặp gỡ các thanh thiếu niên người Ý đến hành hương ở Đền Thánh Phêrô, ngài đã đọc kinh cầu cho các trẻ em Ukraine, nạn nhân vô tội của cuộc chiến xâm lược do Poutine chủ xướng.

Ngay từ ngày đầu chiến cuộc (24/02) đến nay, hơn 3 triệu người Ukraine, trong số có các phụ nữ và trẻ em, đã thoát khỏi quê hương bị tàn phá, đến tỵ nạn tại các nước châu Âu.

Lê Đình Thông
Paris
 
Lời nguyện thánh hiến Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội
Đặng Tự Do
18:09 20/03/2022


Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con hướng về Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể vì chúng con, và chúng con giao phó dân tộc Ukraine cho Chúa, Đấng đã từng nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14 : 27).

Lạy Chúa, xin lắng nghe tiếng kêu của dân Chúa đây. Xin Chúa hoán cải trái tim của những người đã gây ra đau khổ như vậy cho những người vô tội.

Xin Chúa tăng cường quyết tâm của những người đang làm việc để đưa xung đột đến kết thúc; gần gũi với những người đã bị đuổi khỏi nhà và khỏi quê hương của họ; xin chữa lành những vết thương trong tâm trí của các trẻ nhỏ; xin an ủi những người sợ hãi và những người hoang mang; xin củng cố niềm tin của những tang quyến; xin ban cho những người đã qua đời ơn an nghỉ và niềm vui trong ánh sáng ngàn thu.

Trong cơn hấp hối của chính mình trên thập giá, Chúa đã giao Đức Mẹ cho người môn đệ yêu dấu, và giao người môn đệ ấy và tất cả các môn đệ cho Đức Mẹ chăm sóc (Ga 19:26). Chính nhờ đức tin của Đức Mẹ mà Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, đã đến ở giữa chúng con. Cũng chính đức tin đó đã củng cố Đức Maria khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Chúng con cầu nguyện rằng những người đang đau khổ của Chúa ở Ukraine có thể biết và cảm nhận rằng Đức Maria cũng đang đứng bên họ, trong thời điểm họ gặp đại nạn kinh hoàng này.

Chúa đã ban Đức Maria cho chúng con với tư cách là Mẹ của Giáo hội và là Đấng phù hộ các tín hữu. Với sự tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của lời cầu bầu của Mẹ, phù hợp với truyền thống của Giáo hội Chúa, và trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, các giám mục trên toàn thế giới, và tất cả Dân Thánh của Thiên Chúa, chúng con dâng hiến và giao phó người dân Ukraine cho Mẹ Maria và cầu mong những lời cầu nguyện có thể được kết hợp với lời cầu nguyện của Mẹ khi chúng con đến trước Mẹ bây giờ trong đức tin, đức cậy, và đức mến.

Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con và nâng đỡ những nhà vô địch của hòa bình, công lý và hàn gắn, để vũ khí chiến tranh có thể im lặng và người dân Ukraine có thể biết đến hòa bình mà chỉ có Ngài mới có thể ban tặng.

Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, Đấng Phù Hộ Các Tín Hữu, Mẹ của nhân dân Ukraine, Đức Mẹ Kiev và Thánh Olga, xin cầu cho chúng con.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương soạn
 
Huấn dụ của Đức Thánh Cha trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 20 tháng Ba
J.B. Đặng Minh An dịch
19:07 20/03/2022


Chúa Nhật 20 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Ba Mùa Chay. Bài Tin Mừng của Phụng Vụ ngày hôm nay là một lời mời gọi hãy sám hối.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Lúc ấy, có mấy người đến kể lại cho Đức Giêsu nghe chuyện những người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu đổ ra hoà lẫn với máu tế vật họ đang dâng. Đức Giêsu đáp lại rằng:

“Các ông tưởng mấy người Galilê này phải chịu số phận đó vì họ tội lỗi hơn mọi người Galilê khác sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.

Cũng như mười tám người kia bị tháp Silôác đổ xuống đè chết, các ông tưởng họ là những người mắc tội nặng hơn tất cả mọi người ở thành Giêrusalem sao? Tôi nói cho các ông biết: không phải thế đâu; nhưng nếu các ông không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết y như vậy.”

Rồi Đức Giêsu kể dụ ngôn này:

“Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho mình. Bác ta ra cây tìm trái mà không thấy, nên bảo người làm vườn: ‘Anh coi, đã ba năm nay tôi ra cây vả này tìm trái, mà không thấy. Vậy anh chặt nó đi, để làm gì cho hại đất?’

Nhưng người làm vườn đáp: ‘Thưa ông, xin cứ để nó lại năm nay nữa. Tôi sẽ vun xới chung quanh, và bón phân cho nó. May ra sang năm nó có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó đi.’”

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Chúng ta đang ở trọng tâm của hành trình Mùa Chay, và bài Tin Mừng hôm nay bắt đầu bằng việc trình bày về Chúa Giêsu, khi Ngài đưa ra bình luận về một số tin tức trong ngày. Trong khi ký ức về mười tám người đã chết khi một ngọn tháp đổ sập xuống họ vẫn còn sống động, người ta kể cho Ngài nghe về một số người Galilê mà Philatô vừa mới giết (x. Lc 13: 1). Và có một câu hỏi dường như đi kèm với những sự việc bi thảm này: ai là người chịu trách nhiệm cho những sự kiện khủng khiếp ấy? Có lẽ những người đó tội lỗi hơn những người khác và Thiên Chúa đã trừng phạt họ? Đây là những câu hỏi cũng xuất hiện ngày hôm nay. Khi tin xấu đè nặng lên chúng ta và chúng ta cảm thấy bất lực trước sự dữ, chúng ta thường tự hỏi mình: liệu đó có phải là sự trừng phạt từ Thiên Chúa không? Có phải Ngài đã gây ra một cuộc chiến tranh hay một đại dịch để trừng phạt chúng ta vì tội lỗi của chúng ta không? Và tại sao Chúa không can thiệp?

Chúng ta phải cẩn thận: khi sự dữ đè nặng lên chúng ta, chúng ta có nguy cơ mất đi sự sáng suốt của mình và, để tìm ra câu trả lời dễ dàng cho những gì chúng ta không thể giải thích được, chúng ta xoay qua đổ lỗi cho Thiên Chúa. Và do đó, thói quen rất xấu là sử dụng những lời báng bổ xuất phát từ điều này. Chúng ta thường quy những tai ương và bất hạnh của chúng ta trên thế giới cho Ngài, Đấng luôn để chúng ta tự do và do đó không bao giờ can thiệp áp đặt, mà chỉ đề nghị; Người không bao giờ sử dụng bạo lực nhưng trái lại Ngài đau khổ cho chúng ta và với chúng ta! Thật vậy, Chúa Giêsu từ chối và phản đối mạnh mẽ ý tưởng đổ lỗi cho Thiên Chúa về những điều bất hạnh của chúng ta: những người bị Philatô giết và những người chết khi tháp đổ xuống họ không có lỗi gì hơn những người khác, và họ không phải là nạn nhân của một Thiên Chúa tàn nhẫn và báo thù, một Thiên Chúa như thế không hề tồn tại! Sự dữ không bao giờ có thể đến từ Thiên Chúa bởi vì “Ngài không đối xử với chúng ta như chúng ta đáng tội” (Tv 103: 10), nhưng theo lòng thương xót của Ngài. Đây là phong cách của Chúa. Ngài không thể đối xử với chúng ta bằng cách khác. Ngài luôn đối xử với chúng ta bằng lòng thương xót.

Thay vì đổ lỗi cho Thiên Chúa, Chúa Giêsu nói rằng chúng ta cần nhìn vào bên trong mình: chính tội lỗi đã tạo ra sự chết; sự ích kỷ của chúng ta có thể làm tan vỡ các mối quan hệ; những lựa chọn sai lầm và bạo lực của chúng ta có thể gây ra cái ác. Tại thời điểm này, Chúa đưa ra giải pháp đích thực, đó là sự hoán cải: Ngài nói: “nhưng nếu các ông không sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy” (Lc 13: 5). Đó là một lời kêu gọi khẩn thiết, nhất là trong thời gian Mùa Chay này. Chúng ta hãy chào đón lời mời gọi ấy với một trái tim rộng mở. Chúng ta hãy từ bỏ điều ác, chúng ta hãy từ bỏ tội lỗi đã quyến rũ chúng ta, chúng ta hãy mở lòng đón nhận luận lý của Tin Mừng vì nơi tình yêu và tình huynh đệ ngự trị, thì sự dữ không còn sức mạnh nào nữa!

Nhưng Chúa Giêsu biết rằng việc hoán cải không hề dễ dàng, và Ngài muốn giúp chúng ta ở đây, vì đã có quá nhiều lần chúng ta lặp lại những lỗi lầm và lặp lại cùng một tội lỗi. Chúng ta có thể trở nên chán nản, và đôi khi cam kết làm điều tốt của chúng ta dường như vô ích trong một thế giới mà cái ác dường như thống trị. Vì vậy, sau lời kêu gọi của mình, Chúa Giêsu khuyến khích chúng ta bằng một dụ ngôn kể về sự kiên nhẫn của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Chúng ta phải ghi nhớ sự kiên nhẫn của Thiên Chúa mà Ngài dành cho chúng ta. Chúa Giêsu đưa ra hình ảnh an ủi về cây vả không kết trái đúng mùa, nhưng nó không bị chặt. Ngài cho nó thêm thời gian, thêm một cơ hội khác. Tôi thích nghĩ rằng một cái tên đẹp dành cho Chúa có thể là “Chúa của những cơ hội khác”: Chúa luôn cho chúng ta một cơ hội khác, luôn luôn, luôn luôn. Lòng thương xót của Ngài là như vậy đó. Đây là cách Chúa làm việc với chúng ta. Ngài không cắt đứt tình yêu với chúng ta. Ngài không ngã lòng hay mệt mỏi trao ban cho chúng ta sự tin cậy của Ngài bằng sự dịu dàng. Thưa anh chị em, Chúa tin tưởng vào chúng ta! Chúa tin cậy chúng ta và đồng hành với chúng ta bằng sự kiên nhẫn, sự kiên nhẫn của Chúa với chúng ta. Ngài không nản lòng mà luôn truyền cho chúng ta niềm hy vọng. Thiên Chúa là Cha và chăm sóc anh chị em như một người cha. Là người cha tuyệt vời nhất, Ngài không nhìn vào những thành quả anh chị em chưa đạt được, nhưng nhìn đến những thành quả anh chị em vẫn có thể làm được. Ngài không theo dõi những thiếu sót của anh chị em nhưng Ngài khuyến khích tiềm năng của anh chị em. Ngài không chăm chăm vào quá khứ của anh chị em mà tự tin đặt cược vào tương lai của anh chị em. Điều này là do Thiên Chúa ở gần chúng ta. Chúng ta đừng quên rằng phong cách của Thiên Chúa là sự gần gũi, Ngài gần gũi với lòng thương xót và sự dịu dàng. Bằng cách này, Thiên Chúa đồng hành với chúng ta: gần gũi, thương xót và dịu dàng.

Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Đức Trinh Nữ Maria với tràn đầy hy vọng và lòng can đảm, và khơi dậy trong chúng ta niềm khao khát được hoán cải.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến,

Thật không may, cuộc xâm lược bạo lực chống lại Ukraine không dừng lại, một cuộc tàn sát vô nghĩa, trong đó mỗi ngày đều có sự lặp lại của những vụ tàn sát và sự tàn bạo. Không có lời biện minh nào cho điều này! Tôi cầu xin tất cả những người có liên quan trong cộng đồng quốc tế hãy thực sự cam kết chấm dứt cuộc chiến tàn khốc này.

Tuần này, hỏa tiễn và bom lại rơi xuống dân thường, người già, trẻ em và bà mẹ mang thai. Tôi đã đến gặp những đứa trẻ bị thương đang ở đây, ở Rôma này. Một em bị mất một cánh tay; một em bị thương ở đầu... những đứa trẻ vô tội. Tôi nghĩ đến hàng triệu người tị nạn Ukraine, những người phải chạy trốn bỏ lại tất cả mọi thứ, và tôi cảm thấy vô cùng đau đớn cho những người thậm chí không có khả năng trốn thoát. Biết bao ông bà, những người ốm đau, nghèo khổ phải ly tán với gia đình, bao trẻ em và những người mỏng manh bị bỏ rơi dưới làn bom đạn mà không thể nhận được sự giúp đỡ và tìm được sự an toàn ngay cả trong những hầm trú ẩn của các trận không kích. Tất cả điều này là vô nhân đạo! Thật vậy, nó cũng báng bổ vì nó đi ngược lại sự thánh thiêng của cuộc sống con người, đặc biệt là chống lại cuộc sống con người không có khả năng tự vệ, vốn phải được tôn trọng và bảo vệ, không được loại bỏ, và điều này phải là ưu tiên hàng đầu hơn bất cứ chiến lược nào! Chúng ta đừng quên đó là sự tàn ác vô nhân đạo và báng bổ! Chúng ta hãy cầu nguyện trong thinh lặng cho những người đang đau khổ.

Tôi cảm thấy an ủi khi biết rằng những người bị bỏ lại dưới bom đạn không thiếu sự gần gũi của các vị chủ chăn của họ, những người trong những ngày tang thương này đang sống Phúc Âm của tình bác ái và tình huynh đệ. Tôi đã nói chuyện với một số người trong số họ qua điện thoại trong những ngày này, họ gần gũi với dân Chúa. Cảm ơn các anh chị em thân mến vì chứng tá này và sự hỗ trợ cụ thể mà anh chị em đang can đảm trao ra cho rất nhiều người đang tuyệt vọng! Tôi cũng nghĩ đến vị Tổng Giám Mục mới được bổ nhiệm làm Sứ thần, Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người từ đầu cuộc chiến đã ở lại Kiev cùng với các cộng sự viên của mình và cùng với sự hiện diện của ngài, hàng ngày tôi gần gũi với những người Ukraine tử đạo. Chúng ta hãy gần gũi với dân tộc này, chúng ta hãy đón nhận họ bằng tình cảm, bằng sự cam kết và lời cầu nguyện cụ thể. Và làm ơn, chúng ta đừng quen với chiến tranh và bạo lực! Chúng ta đừng mệt mỏi khi chào đón họ với sự hào phóng như chúng ta đang làm bây giờ, không chỉ trong trường hợp khẩn cấp, mà còn trong những tuần và những tháng tới. Như anh chị em biết, lúc đầu chúng ta làm tất cả những gì có thể để chào đón tất cả mọi người, nhưng sau đó chúng ta có thể quen với nó, và tâm hồn của chúng ta dịu lại một chút, và chúng ta quên điều đó đi. Chúng ta hãy nghĩ đến những người phụ nữ và trẻ em này, những người trong thời gian không có việc làm, phải chia tay chồng, sẽ bị truy lùng bởi những con 'kên kên' của xã hội. Làm ơn, chúng tôi hãy bảo vệ họ.

Tôi mời gọi mọi cộng đoàn và tất cả các tín hữu hiệp nhất với tôi vào Thứ Sáu ngày 25 tháng Ba, Lễ Truyền Tin, cho Hành động Trọng thể Hiến dâng nhân loại, đặc biệt là nước Nga và Ukraine, cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria, để Mẹ là Nữ Vương Hòa bình, có thể giúp chúng ta có được bình an.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người Rôma và những người hành hương đến từ Ý và các quốc gia khác nhau. Đặc biệt, tôi chào các tín hữu từ Madrid, nhóm quốc tế “Agorà degli abitanti della terra”, các bác sĩ và nhân viên cấp cứu của Dịch vụ Cấp cứu 118, Rinnovamento Carismatico Cattolico “Charis” – là tổ chức duy nhất được chính thức công nhận là “Charis”, không ai khác - và các thành viên của Phong trào Focolarê. Tôi chào ca đoàn Piccolo Coro dell'Antoniano di Bologna với ban nhạc từ Polizia di Stato, ca đoàn “Ensemble Vox Cordis” của Fornovo San Giovanni, ca đoàn “San Vincenzo Grossi” của Pizzighettone, những người trẻ tuyên xưng đức tin của Angera, Sesto Calende e Ternate, cuộc hành hương của Giáo phận Asti, và các tín hữu từ Venice và Sassari.

Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật an lành, bữa trưa ngon miệng, xin đừng quên cầu nguyện cho tôi và xin chào tạm biệt.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Trang, Sàigòn: Mừng lễ Thánh Giuse - bổn mạng ngày 19/3/2022
Văn Minh
10:59 20/03/2022
Giáo xứ Tân Trang, Sàigòn: Mừng lễ Thánh Giuse - bổn mạng ngày 19/3/2022

“Người làm chồng hãy nhìn lên tấm gương của Thánh Cả Giuse, biết hy sinh bản thân mà chăm lo cho gia đình của mình”.

Trên đây là lời chia sẻ của linh mục (Lm) Phaolô Nguyễn Quốc Hưng trong thánh lễ mừng kính Thánh cả Giuse, bạn trăm năm Đức Trinh Nữ Maria – Bổn mạng của giáo xứ Tân Trang – giáo hạt Phú Thọ – diễn ra lúc 17g45 thứ Bảy ngày 19/3/2022.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể do Lm Inhaxiô Nguyễn Văn Đức – Chánh xứ Tân Trang – chủ tế. Đồng tế cùng ngài có Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng, ĐCV Thánh Giuse Sài Gòn và Lm Carôlô Vũ Anh Quốc, Dòng Đaminh.

Vì dịch bệnh còn chưa chấm dứt, nến chỉ có các soeur Dòng MTG Thanh Hóa, Hội đồng Mục vụ và đại diện các đoàn thể trong giáo xứ.

Sau bài công bố Tin Mừng, Lm Phaolô Nguyễn Quốc Hưng đã diễn tả nét cao đẹp nơi Thánh Cả Giuse là một người cha hết mực yêu thương chăm lo cho gia đình. Thánh Giuse tuy chỉ là cha nuôi của Chúa Giêsu, nhưng Ngài đã làm tròn bổn phận trách nhiệm của một người cha, đã hết lòng chăm lo dạy dỗ cho Chúa Giêsu trở nên một người con ngoan hiền trong gia đình.

Trong cuộc sống ngày nay, có nhiều các trẻ em đang phải sống trong cảnh mồ côi, thiếu vắng đi tình yêu thương của người cha lẫn mẹ. Và như thế, chúng sẽ là những đứa trẻ phát triển không bình thường về thể lý và tâm lý.

Lm Phaolô quảng diễn tiếp, trong tông thư Patris corde của ĐTC mời gọi: “Chúng ta không sinh ra là cha, nhưng trở thành người cha. Một người không trở thành người cha đơn giản chỉ vì sinh ra một đứa con, nhưng vì đảm nhận trách nhiệm chăm sóc đứa con ấy. Bất cứ khi nào một người nhận trách nhiệm về cuộc sống một người khác, thì một cách nào đó, họ trở thành cha của người ấy”. Vì vậy, mỗi người trong chúng ta, cách riêng người làm chồng hãy nhìn lên tấm gương của Thánh Cả Giuse, biết hy sinh bản thân mà chăm lo cho gia đình của mình.

Thánh lễ tiếp nối với phần phụng vụ Thánh Thể và kết thúc lúc 18g45. Trước khi ban phép lành cuối lễ, Lm Chánh xứ Inhaxiô thay mặt chúc mừng bổn mạng giáo xứ và các ông nhận Thánh Giuse làm quan thầy được nhiều hồng ân và trở nên mẫu gương của Thánh Giuse trong gia đình và môi trường sống của mình giữa dòng đời hôm nay.

Văn Minh
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Học hỏi Tin Mừng Luca 7:
Vũ Văn An
19:22 20/03/2022

Bài Tin Mừng Luca 7:18-23: Câu hỏi của Ông Gioan Tẩy giả và câu trả lời của Chúa Giêsu

18Môn đệ của ông Gioan báo cho ông biết tất cả những việc ấy; ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại, 19sai họ đến hỏi Chúa rằng : “Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?” 20Khi đến gặp Đức Giêsu, hai người ấy nói : “Ông Gioan Tẩy Giả sai chúng tôi đến hỏi Thầy : ‘Thầy có thật là Đấng phải đến không, hay là chúng tôi còn phải đợi ai khác?’” 21Chính giờ ấy, Đức Giêsu chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám, và ban ơn cho nhiều người mù được thấy. 22Người trả lời hai người ấy rằng : “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe : người mù được thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết trỗi dậy, kẻ nghèo được nghe tin mừng, 23và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi.”

(Trích trực tuyến Tin Mừng Luca của Nhóm CGKPV)



Chú thích

Môn đệ của Ông Gioan. Luca đã nhắc đến các môn đệ của Ông Gioan tại 5:33 và sẽ còn nhắc đến một lần nữa ở 11:1. Dường như họ là nhóm người Do Thái ở Palestine từng chịu phép rửa của Gioan, ngoại trừ Công vụ (18:25-26) có nhắc đến Apôlô, người Do Thái ở Alexandria cũng đã chịu phép rửa của Gioan. Những người này sử dụng một hình thức cầu nguyện nào đó và thường xuyên ăn chay. Mc 6:29 gợi ý họ vẫn tiếp tục sinh hoạt tập thể cả sau khi Gioan bị tù đầy và qua đời.

Ông Gioan liền gọi hai người trong nhóm môn đệ lại. Nghĩa là cho vời hai môn đệ tới nhà tù nơi Ông đang bị giam. Ở đây, Luca không nhắc đến việc Gioan bị ngồi tù nhhư Mt 11:2. Cũng khác với Mátthêu, Luca thêm “hai” (môn đệ) chắc chắn để phản ảnh Đnl 19:15: “lời của hai nhân chứng” và điều này giải thích lý do cho việc ngài thêm câu 21 vào câu truyện.

Đến hỏi Chúa. Luca dùng lại tước hiệu ho kyrios ở đây để chỉ Chúa Giêsu trong một trình thuật. Một số bản chép tay chỉ nói đến tên Giêsu mà thôi chứ không có tước hiệu ho kyrios này.

Đấng phải đến. Ho erchomenos, ở đây rõ ràng được dùng như một tước hiệu. Câu hỏi này có ý nói tới câu tuyên bố của Ông Gioan tại 3:16: “đang đến” (erchetai).

Vì việc “đến” của một số nhân vật được mong đợi từng có trong truyền thống Do Thái trước Chúa Kitô, thiết nghĩ nên tìm hiểu xem tước hiệu “Đấng phải đến” này có nghĩa gì đối với Gioan và Luca. Trong bối cảnh này, chắc chắn không phải là vị khách hành hương đến Giêrusalem dự lễ như trong Tv 118:26 (Bản Bẩy Mươi ho erchomenos), được ám chỉ trong Lc 13:35 và sửa đổi tại 19:38. Cũng thế, chắc chắn nó khó được dùng chỉ việc Giavê đến như nghĩa trong Dcr 14:5. Dĩ nhiên, nó phải dùng cho một nhân vật vua chúa mà việc ngự đến đã được Dcr 9:9 nhắc đến. Nó cũng có thể được hiểu như việc đến của một tiên tri, như Môsê, và của các vị Được Xức Dầu như trong 1QS (qumran) 9:11 (“cho tới khi đến của một tiên tri và các vị được xức dầu là Aaron và Israel”). Nó cũng có thể dùng chỉ việc đến của sứ giả Giavê như trong Mk 3:1, người được đồng hóa với Êlia, vị sẽ được sai đến trước “ngày trọng đại và huy hoàng của Chúa” (Mk 3:23). Vấn đề liệu đây có chỉ về việc đến của Con Người cá thể, cánh chung hay không thì vẫn còn có người tranh cãi vì không chắc đã có một niềm tin vào một nhân vật như thế trong truyền thống Do Thái ở Palestine trước thời Chúa Kitô. Nhưng đến thời Tân Ước, việc “đến” của một Con Người cá thể đã được biết đến (xem Mc 8:38; Lc 9:26; Mt 16:27; 25:31), và áp dụng vào Chúa Giêsu, Đấng được nói đến như ho erchomenos trong Dt 10:37.

Nhưng trong ngữ cảnh này, khi Gioan Tẩy giả nói đến ho erchomenos, khó có thể có nghĩa Con Người, một vị vua hay một vị tiên tri kiểu Môsê. Hầu hết các nhà chú giải cho rằng Gioan có ý đến tước hiệu xức dầu. Kiểu giải thích này được nâng đỡ bởi câu 3:15 trong đó, người ta hỏi có phải Ông Gioan là Đấng Mêxia hay không, và một số nhà bình luận cho rằng căn cứ vào câu trả lời, Gioan ngụ ý dành tước hiệu này cho Chúa Giêsu. Tuy nhiên, Cha Fitzmyer cho rằng ngụ ý này không mấy chắc chắn. Nó có thể đúng với Mátthêu vì trong Mátthêu, Gioan Tẩy giả được nghe về các việc làm của Đấng Được Xức Dầu (11:2), một điều do chính Mátthêu sửa đổi nguồn “Q” vì câu 11:19. Chứ kiểu giải thích xức dầu của tước hiệu ho erchomenos không phù hợp với giai đoạn I của phần này trong truyền thống Tin Mừng cũng như ngữ cảnh Luca. Do đó, theo Cha Fitzmyer, khi lời rao giảng có tính cách cánh chung và xức dầu của Gioan (3:7-9, 15-17) được xem xét với điều người ta thấy trong tình tiết này (7:18-23), ta nên hiểu tước hiệu này như là “sứ giả của Giavê”, một Êlia Hồi Sinh (Elias redivivus), một vai trò bị Chúa Giêsu bác bỏ ở đây. Điều này cần phải thừa nhận cho dù có một cảm thức trong đó Chúa Giêsu được coi như ÊliaThứ hai trong Tin Mừng này.

Chữa nhiều người khỏi bệnh hoạn tật nguyền, khỏi quỷ ám. Cả ba thứ này đều liên hệ tới động từ (chữa) khỏi cho thấy người xưa không hề phân biệt giữa bệnh tật thể lý và tình trạng bị qủy ám.

Những điều mắt thấy tai nghe. Chúa Giêsu không trả lời trực tiếp câu Ông Gioan hỏi; thay vì nhìn nhận hay bác bỏ việc mình là ho erchomenos theo nghĩa Elias redivivus, Chúa Giêsu bảo hai môn đệ của ông Gioan về trình bầy cho ông những gì chính họ chứng kiến trực tiếp bằng mắt bằng tai. Câu trả lời của Người sử dụng các cụm từ ám chỉ một số cụm từ trong Isaia (35:5; 26:19; 61:1) ngụ ý muốn nói rằng Người đến như hiện thân của các phước lành đã hứa ban cho con người qua miệng vị tiên tri này. Quả thực câu trả lời của Người như muốn nói: “đúng, tôi đến, nhưng không theo nghĩa của ông tức một nhà cải cách bốc lửa”. Quả thực Chúa Giêsu đả bỏ không nhắc đến ý niệm “báo thù” trong Isaia (29:20; 35:4).

Kẻ nghèo được nghe tin mừng. Tin mừng, euangelizesthai, là chữ Luca rất thích dùng. Ngược lại, Máccô không bao giờ dùng nó còn Mátthêu chỉ dùng một lần (11:5). Luca thì dùng nó 10 lần trong Tin Mừng và 15 lần trong Công Vụ: 7 lần để chỉ lời dạy của Chúa Giêsu (Lc 4:18,43; 7:22; 8:1; 9:6; 16:16; 20:1).



Nhận định

Đây là tình tiết đầu tiên trong ba tình tiết Luca muốn nói về Gioan Tẩy giả và mối liên hệ của vị này với Chúa Giêsu. Tình tiết thứ nhất này (18-23) đề cập tới câu hỏi của Gioan ngỏ với Chúa Giêsu và câu Chúa Giêsu trả lời ngài. Tình tiết thứ hai (24-30) nói về chứng từ của Chúa Giêsu về vai trò và căn tính của Gioan và tình tiết thứ ba (31-35) nói về phán xét của Chúa Giêsu về thái độ của thế hệ Người đối với Gioan và đối với chính Người.

Cha Fitzmyer cho rằng điều khó trong tình tiết này là vấn đề tư cách Mêxia của Chúa Giêsu. Mt 11:1 nói đến “những việc Đức Kitô [Mêxia] làm”. Còn Luca thì không hề nói chi tới tính cách “Mêxia” ở đây. Vì trong các câu 18-22, Chúa Giêsu được mô tả như bác bỏ vai trò Êlia Hồi Sinh, vai trò mà Gioan Tẩy Giả thoạt đầu đã gán cho Người (xem 3:15-18). Thay vì hiểu sứ mệnh của mình như sứ mệnh của một nhà cải cách cánh chung bốc lửa, Chúa Giêsu coi vai trò của mình như hiện thân các phước lành Thiên Chúa hứa ban cho những kẻ bất hạnh của xã hội con người qua miệng tiên tri Isaia. Thọat đầu, Gioan Tẩy Giả coi Chúa Giêsu như Đấng sẽ đẩy xa hơn nữa những gì ông đã bắt đầu “Đấng mạnh thế hơn tôi” (3:16), “Đấng đang đến”. Nhưng nay, Chúa Giêsu cho biết rõ Người không “cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”. Thay vào đó, Người chữa lành, giải thoát, hồi sinh; Người săn sóc người mù, người què, cùi hủi, điếc, câm và thậm chí cả người đã chết, và Người rao giảng tin mừng của Thiên Chúa cho người nghèo. Câu 7:22 có thể được coi như tiếng vang của câu Is 61:1, như được trình bầy tại Lc 4:18.

Về việc tại sao Gioan Tẩy Giả lại phải hỏi Chúa Giêsu về vai trò của Người, Cha Fitzmyer cho hay nhiều giải thích đã được nêu ra. Trong số này, các nhà bình luận từ thời giáo phụ cho tới Phong trào Thệ phản coi việc hỏi này chỉ là hư cấu: người tù Gioan Tẩy giả muốn nhân dịp này củng cố cái hiểu của các môn đệ mình đối với Chúa Giêsu; nhưng sau đó phần đông coi việc hỏi này ít nhất cũng là niềm hoài nghi chớm nở của tù nhân Gioan Tẩy giả về vai trò Chúa Giêsu hiện đang thủ diễn, mà thẳng thừng thì quả là một niềm hoài nghi, do dự hay ngỡ ngàng thực sự khi thấy Chúa Giêsu không phải là loại đấng xức dầu như mình mong muốn. Niềm hoài nghi này không hẳn bác bỏ niềm tin của Gioan coi Chúa Giêsu là đấng xức dầu nhưng hoài nghi vai trò làm vị xức dầu sẵn sàng “cầm nia rê sạch lúa trong sân : thóc mẩy thì thu vào kho lẫm, còn thóc lép thì bỏ vào lửa không hề tắt mà đốt đi”.

Và vì thế, Chúa Giêsu muốn Gioan biết đúng vai trò của Người và cầu mong Ông đừng vì thấy Người không đáp ứng “hoài mong” của Ông mà vấp ngã. Mối phúc ở câu 24 là sứ điệp đặc biệt gửi đến ông và những người có những ý kiến tiên niệm về Người.

Chính vì thế, có tác giả như Jeremy Myers (https://redeeminggod.com/sermons/luke/luke_7_18-23/) đặt tựa cho bài suy niệm tình tiết này là It’s O.K. to doubt Jesus (hoài nghi Chúa Giêsu là điều không sao). Lẽ dĩ nhiên, phải ở một tâm trạng nào mới có thể “hoài nghi” Chúa Giêsu mà không sao. Myers cho rằng đây là niềm hoài nghi của một người bốc lửa, vốn tin tưởng “người mạnh thế hơn mình” sẽ tiếp tục con đường đốn cây, dẹp sạch sân đạp lúa mà mình đã khởi sự. Khi thấy mình ngồi tù, hết đường hoạt động, mà “người mạnh thế hơn mình” liên tiếp không đi theo con đường bốc lửa của mình, thì hoài nghi, thắc mắc, và phúc cho ông, ông đã lên tiếng hỏi và được chính Chúa đích thân trả lời, lái ông về ý niệm Kitô hay Mêxia chân chính.

Myers nhận định rằng “Nhưng điều khích lệ hơn nhiều là cách Chúa Giêsu đáp ứng niềm hoài nghi của người đàn ông này. Chúa Giêsu không trách móc ông. Chúa Giêsu không coi thường ông. Chúa Giêsu không quở trách hay khiển trách ông. Chúa Giêsu chỉ yêu ông thôi, và cho ông những gì ông cần để vượt qua sự nghi ngờ của ông. Người trải qua giai đoạn nghi ngờ này không ai khác chính là Gioan Tẩy giả. Ông là nhà tiên tri vĩ đại nhất trong Cựu ước. Chúa Giêsu nói về ông rằng trong số những người sinh ra bởi phụ nữ từ khi sáng thế cho đến thời điểm đó, không ai vĩ đại hơn Gioan Tẩy Giả”.

Và nếu một con người vĩ đại như thế còn hoài nghi, thì chúng ta là chi mà không hoài nghi. Chỉ có điều khác với Gioan Tẩy giả, khi hoài nghi, ta thường ngưng đọc Kinh Thánh, ngưng cầu nguyện, ngưng đi lại với các đồng đạo Kitô hữu. Gioan Tẩy giả không làm như thế. Khi bắt đầu hoài nhi, khi niềm tin của ông bắt đầu giật giờ ông với tới Chúa Giêsu để có câu trả lời.

Myers cho rằng hoài nghi nở rộ trong bóng tối, giống loài nấm. Nó nở rộ trong cõi đơn côi lạnh lẽo, tối tăm của tinh thần con người. Trong cô đơn, các vấn nạn xem ra lớn lao hơn, khủng khiếp hơn, vô vọng hơn. Gioan Tẩy Giả lúc ấy đang trong ngục tối, nơi nấm lan tràn. Bóng tối nuôi dưỡng hoài nghi. Ánh sáng xua tan nó. Nên lúc hoài nghi hãy chạy tới ánh sáng. Đừng bỏ qua thì giờ với Thiên Chúa. Đừng bỏ bê việc đọc Kinh Thánh. Đừng xa lánh việc tụ tập với các đồng đạo Kitô hữu. Khi hoài nghi, hãy thu nhận càng nhiều ánh sáng càng tốt vào cuộc sống mình. Khi hoài nghi, hãy chạy tới với Chúa Giêsu.

Người đáp ứng ta một cách khoan thai như đã đáp ứng câu hỏi của Gioan Tẩy Giả. Người không trả lời ngay, nhưng tiếp tục chữa lành. Và chính hành động chữa lành này nhắn lời với Gioan. Ngài chữa 4 thứ bệnh để các sứ giả của Gioan thấy bằng tai bằng mắt mà thuật lại cho Gioan nghe, trong đó, nổi nhất là chữa người mù. Gioan cũng là một người mù, mù tinh thần. Ngồi trong tù, không thấy Chúa Giêsu là ai. Đọc Cựu Ước không thông nên hoài nghi vai trò thiên sai của Chúa Giêsu. Chứ Isaia 35:5-6 đã nói rõ “Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ, kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò”. Những điều này đang xẩy ra dưới sự mục kích của các sứ giả.

Khi hoài nghi, đừng tìm cách bác bỏ nó, hãy chạy đến với Chúa Giêsu. Người sẽ giúp ta thấy rõ.

Thái độ coi việc Chúa Giêsu chưa đáp ứng “nguyện vọng” của mình như dấu chỉ Người không phải là Đấng Kitô đúng nghĩa hiện nay vẫn rất phổ thông. Myers nhận định rằng “Đúng, Người nói những điều bạn không hiểu. Người làm những điều bạn không kỳ vọng. Bạn đừng vấp ngã về những điều ấy. Những câu nói khó hiểu và những hành động gây ngạc nhiên không có nghĩa là Người không phải là Đấng Người nói Người là. Chúng chỉ cho thấy bạn chưa biết Người trọn vẹn mà thôi. Nên bạn hãy tiếp tục trở lại để học hỏi nơi Người”.
 
VietCatholic TV
Vị tướng thứ năm, Sư Đoàn Trưởng, của Nga hy sinh. Diễn từ xúc động của TT Zelensky với Thụy Sĩ
VietCatholic Media
03:01 20/03/2022


1. Vị tướng thứ Năm của Nga hy sinh trong vòng 3 tuần

Trong báo cáo vào cuối ngày thứ Bẩy, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Vadym Denysenko cho biết Lực lượng vũ trang Ukraine đã hạ sát vị tướng thứ năm của Nga ở Chornobaivka.

Trung tướng Andrey Mordvichev, sư đoàn trưởng sư đoàn 8 thuộc Quân khu phía Nam của Lực lượng vũ trang Liên bang Nga được tường trình là đã bị thiệt mạng trong cuộc giao tranh hôm thứ Bẩy 19 tháng Ba. Trung tướng Andrey Mordvichev chịu trách nhiệm về tình huống trong miền đông Ukraine.

Trung tướng Andrey Mordvichev là vị tướng thứ năm của Nga bị thiệt mạng trong ba tuần qua. 4 người khác là Thiếu tướng Oleg Mityaev, Thiếu tướng Vitaly Gerasimov, Thiếu tướng Andrei Kolesnikov và Thiếu tướng Andrei Sukhovetsky.

Ông Denysenko nhận xét: “Vị tướng thứ năm trong vòng ba tuần qua… Nga chưa bao giờ mất năm vị tướng trong ba tuần.”

Hôm thứ Bẩy, đài truyền hình nhà nước Nga cũng đã xác nhận tất cả các thành viên trong Bộ Tư Lệnh Lữ Đoàn Dù 331 đã hy sinh, bao gồm Đại tá Sergei Sukharev, Lữ đoàn trưởng; Thiếu tá Sergei Krylov, Lữ đoàn phó.

Ông Denysenko cũng đề cập đến các tổn thất của quân Nga bao gồm 5 xe tăng, 6 xe chiến đấu bộ binh, bốn xe khác và một máy bay không người lái Orlan đã bị tiêu diệt ở Donetsk trong ngày 19 tháng Ba

Riêng về tình hình tại Mariupol, Ông Denysenko cho biết:

“Quân phòng thủ Mariupol tiếp tục cho thấy sự kiên cường và anh hùng đáng kinh ngạc của họ. Hôm nay họ đã phá hủy một xe tăng và hai xe bọc thép chở quân của đối phương. Ngoài ra, với sự trợ giúp của các hệ thống phòng không sẵn có, họ đã phá hủy một máy bay”.

Giao tranh được tin là đang diễn ra rất ác liệt tại thành phố Mariupol. Các quan sát viên nhận định rằng quân Nga đang muốn chiếm cho được Mariupol bằng mọi giá để thiêu hủy các chứng cứ tội ác mà họ muốn gây ra cho người Ukraine.

Một đoàn xe tiếp tế gồm hai xe chở nhiên liệu và bốn phương tiện khác của Nga bị phục kích và phá hủy. Quân đội Ukraine cũng đã phá hủy hai trực thăng Ka-52 - một ở hướng Zaporizhia và một ở khu vực Kiev.

2. Quân Nga dùng tới hỏa tiễn siêu thanh

Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Bảy cho biết họ đã phóng hỏa tiễn Kinzhal siêu thanh nhằm vào một kho đạn dược quân sự ở miền tây Ukraine hôm thứ Sáu, và phá hủy các cấu trúc hạ tầng ở làng Deliatyn của Ukraine.

Kinzhal là tiếng Nga có nghĩa là Dao găm.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Nga cho biết: “Hệ thống hỏa tiễn đạn đạo siêu thanh Kinzhal đã phá hủy một nhà kho lớn dưới lòng đất chứa hỏa tiễn và đạn dược ở làng Deliatyn thuộc vùng Ivano-Frankivsk”

Deliatyn nằm bên ngoài thành phố Ivano-Frankivsk, dọc theo biên giới với Rumani.

Nhiều nguồn tin nói với CNN rằng các vụ phóng có thể nhằm mục đích kiểm tra vũ khí và gửi thông điệp tới phương Tây về khả năng của Nga.

Trước đây, Nga chưa bao giờ thừa nhận sử dụng vũ khí chính xác cao trong chiến đấu. Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti gọi đây là lần đầu tiên Nga sử dụng vũ khí siêu thanh Kinzhal trong cuộc xung đột ở Ukraine.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gọi hỏa tiễn Kinzhal là “vũ khí lý tưởng” bay với tốc độ có thể gấp 10 lần tốc độ âm thanh và có thể vượt qua các hệ thống phòng không.

Hỏa tiễn Kinzhal là một trong những vũ khí mới mà ông Putin đã công bố trong một bài phát biểu cấp quốc gia vào năm 2018.

Hỏa tiễn siêu thanh, giống như hỏa tiễn đạn đạo truyền thống có thể mang vũ khí hạt nhân, trong trường hợp đó, nó có thể bay với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh.

Hỏa tiễn đạn đạo bay chậm hơn nên để đến được mục tiêu mà không bị đánh chặn, nó phải bay cao cao vào không gian theo hình vòng cung. Hỏa tiễn siêu thanh bay quá nhanh nên có thể bay trên quỹ đạo thấp trong khí quyển, và như thế có khả năng tiếp cận mục tiêu nhanh hơn.

Trong khi các quốc gia như Hoa Kỳ đã phát triển được các hệ thống được thiết kế để chống lại hỏa tiễn hành trình và hỏa tiễn đạn đạo, khả năng theo dõi và hạ gục một hỏa tiễn siêu thanh vẫn còn là một câu hỏi.

Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và ít nhất năm quốc gia khác đã và đang nghiên cứu về công nghệ siêu âm. Trung Quốc và Nga, trái ngược với Mỹ, đã tập trung phát triển hỏa tiễn siêu thanh tương thích với vũ khí hạt nhân, theo Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Hoa Kỳ.

Washington đã nêu quan ngại về nỗ lực phát triển công nghệ của Trung Quốc và Nga, đồng thời nói rằng điều đó có thể làm gia tăng căng thẳng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

3. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu trước người dân Thụy Sĩ.

Hôm thứ Bẩy, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã phát biểu trước người dân Thụy Sĩ. Ông cố gắng thuyết phục họ đóng băng tài khoản ngân hàng và các bất động sản của Putin và những người thân cận với ông ta.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Thưa ngài Tổng thống Ignazio thân mến!

Lời chào của tôi đến tất cả những người bạn Thụy Sĩ của Ukraine! Gửi đến tất cả người dân Thụy Sĩ!

Tôi biết ơn các bạn đã hỗ trợ người dân của chúng tôi.

Cảm ơn các bạn đã bảo vệ tự do cùng với tất cả những người coi trọng nó.

Điều này rất quan trọng bây giờ. Ngày nay. Vào một khoảng thời gian đặc biệt.

Và đặc biệt quan trọng - từ các bạn khi khủng bố trở thành ý tưởng quốc gia của một trong những quốc gia lớn nhất trên thế giới, là cơ sở của chính sách đối ngoại của họ.

Khi tội ác khủng bố được thực hiện không phải bởi một số hoặc một nhóm người bị ruồng bỏ và không phải bởi một tổ chức, mà bởi nhà nước. Trong đó có một kho vũ khí hạt nhân.

Khi một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cố tình phá hủy mọi thứ mà Liên Hiệp Quốc được xây dựng, gây ra một cuộc chiến tàn khốc, đẫm máu, vô nghĩa chống lại chúng ta.

Nhưng bây giờ chúng ta có một cơ hội. Một cơ hội để không chỉ cho Nga, mà còn cho bất kỳ kẻ xâm lược nào trên thế giới, bất kỳ quốc gia khủng bố nào biết rằng cuộc chiến sẽ hủy diệt không chỉ nạn nhân, mà là kẻ đã gây ra nó.

Và, có lẽ, đây là cơ hội cuối cùng cho nhân loại để ngăn chặn các cuộc chiến tranh. Chấm dứt tình trạng khủng bố của nhà nước.

Và tôi đang nói với các bạn bây giờ. Thụy sĩ. Một quốc gia có lịch sử hòa bình rất lâu đời. Và một lịch sử thậm chí còn lâu hơn ảnh hưởng trong nhiều lĩnh vực đến các quyết định toàn cầu.

Ngay cả trước khi tôi trở thành Tổng thống, tôi đã nghĩ về cuộc sống của những người Ukraine yêu quý của chúng tôi mà tôi muốn thấy.

Tôi đã thường xuyên đến đất nước của các bạn. Và tôi biết rất rõ các bạn sống như thế nào. Và một ngày nọ, đứng gần lâu đài Chillon, tôi hỏi bạn bè chúng tôi trong cùng một công ty tại sao chúng tôi không thể sống như thế này?

Ước gì chúng tôi có một mức sống như vậy. Trình độ cao. Và với cùng một sự tự do. Trong những cộng đồng thân thiện như vậy. Và với sự tự tin như vậy vào sức mạnh của chính mình.

Và tôi thực lòng muốn người Ukraine sống như người Thụy Sĩ. Để chúng ta có thể cùng nhau quyết định mọi thứ về cuộc sống của chính mình. Về vùng đất của chúng ta. Không mong đợi bất cứ điều gì từ các chính trị gia, những lời không cần thiết, nhưng bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý.

Như thế, chúng ta có thể chắc chắn rằng, bất chấp tất cả các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, nhà nước của chúng ta sẽ trụ vững và vẫn là một nhà lãnh đạo. Một nhà lãnh đạo của sự tin cậy, một nhà lãnh đạo của sự ổn định. Một giấc mơ cho tất cả mọi người là người Ukraine, cũng như người Thụy Sĩ, có thể cảm thấy rằng họ đang sống trong những cộng đồng thực sự quan tâm đến những gì chung cho tất cả mọi người - vì lợi ích của tất cả mọi người.

Có thể đây là tất cả những điều bình thường đối với các bạn. Đối với chúng tôi, đây là những mơ ước. Và đây là con đường chúng tôi đang đi và chúng tôi muốn đi.

Và chúng tôi đã thông qua các luật liên quan. Để tất cả điều này hoạt động. Chúng tôi đã trao cơ hội cho người dân của chúng tôi.

Để chúng tôi từng bước đạt đến mức sống của bạn.

Và chúng tôi đã làm điều đó cho đến ngày đen đủi. 24 tháng 2. Ngày bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga trên đất của chúng tôi, Ukraine.

Và sau đó mọi thứ đã thay đổi.

Nó đã thay đổi đối với mỗi chúng tôi, những người Ukraine. Tôi chắc rằng nó đã thay đổi đối với tất cả người Âu Châu. Và nó đã thay đổi đối với tất cả các nền dân chủ trên thế giới.

Nó cũng đã thay đổi đối với các bạn.

Tôi biết ơn các bạn và nhà nước của các bạn đã hỗ trợ chúng tôi trong thời gian khó khăn như vậy. Tôi biết ơn vì các bạn đã không tránh xa, không nói rằng nó không liên quan gì đến các bạn

Bởi vì, thực tế không thể tránh khỏi là trong thế kỷ 21, giữa lòng Âu Châu, hàng trăm hỏa tiễn và bom đang bay vào các thành phố yên bình.

Không thể tránh khỏi khi quân đội của nhà nước lớn nhất thế giới, dù chỉ về quy mô, đang hướng tất cả tiềm năng chết người của nó để tiêu diệt chúng ta, phá hủy bệnh viện, trường học, nhà thờ, trường đại học, bệnh viện phụ sản, khu dân cư.

Không thể thờ ơ khi con cái bị giết. Tính đến sáng nay, quân đội Nga đã giết hại 112 trẻ em Ukraine.

Và cũng như tôi muốn người Ukraine sống như người Thụy Sĩ... tôi cũng muốn các bạn trở thành và giống như người Ukraine trong cuộc chiến chống lại cái ác.

Vì vậy, tôi có câu hỏi về các ngân hàng của các bạn, nơi cất giữ tiền của tất cả những người gây ra cuộc chiến này.

Thật đau đớn và thật khó khăn. Nhưng nó cũng là một cuộc đấu tranh chống lại cái ác.

Cần phong tỏa hoàn toàn toàn số tài sản của những người này và tài khoản của họ. Đó là một cuộc chiến lớn, và các bạn có thể làm được.

Tôi muốn các bạn trở thành những người Ukraine, những người cảm thấy điếng người như thế nào khi toàn bộ thành phố bị phá hủy, những thành phố yên bình. Bị tiêu diệt theo lệnh của những người thích sống trong các cộng đồng - khác nhau ở Âu Châu, ngay cả trong cộng đồng của các bạn, trong các cộng đồng Thụy Sĩ xinh đẹp, những người thích thú bất động sản ở đất nước của các bạn bằng tiền họ cướp được.

Và sẽ công bằng nếu tước đi đặc ân này của họ. Để tước đoạt những gì họ đang lấy của chúng ta.

Và tôi muốn bạn giống như những người Ukraine trong vấn đề kinh doanh. Đừng làm doanh nghiệp ở Nga bất chấp mọi thứ, bất chấp cuộc chiến này, bất chấp tất cả những đứa trẻ bị sát hại của chúng ta, bất chấp những người bị giết, bất chấp những thành phố bị phá hủy.Thành phố Mariupol của chúng tôi, Mariupol anh hùng, đã bị phong tỏa hoàn toàn trong nhiều tuần. Hãy tưởng tượng - không thức ăn, không nước, không điện. Chỉ dưới những quả bom.

“ Đồ ăn ngon. Cuộc sống tốt.” Đây là khẩu hiệu của Nestlé. Công ty của các bạn từ chối rời khỏi Nga. Ngay cả bây giờ - khi có những mối đe dọa từ Nga đối với các nước Âu Châu khác. Không chỉ với chúng tôi. Khi có cả vụ tống tiền hạt nhân từ Nga.

Và tôi muốn tất cả các bạn, những người Thụy Sĩ, trở nên giống như tất cả chúng tôi, những người Ukraine. Tôi muốn chúng ta không đánh mất cơ hội chung của mình lúc này.

Một cơ hội để lập lại hòa bình, một cơ hội để ngăn chặn bất kỳ cuộc chiến tranh nào trên thế giới.

Từ trái tim của tất cả những người đang chiến đấu cho tự do và chiến đấu cho sự sống, tôi biết ơn các bạn, tôi biết ơn Thụy Sĩ!

Niềm tự hào cho Ukraine!
 
Bắt giữ các du thuyền của Putin, gia đình và bạn bè. Mỹ ra lệnh trừng phạt tổng thống Belarus
VietCatholic Media
05:20 20/03/2022


1. Tây Ban Nha bắt giữ siêu du thuyền trị giá 153 triệu Mỹ Kim của nhà tài phiệt Nga và 'nhiều thứ nữa sẽ đến'

Tây Ban Nha đã bắt giữ một siêu du thuyền trị giá 153 triệu Mỹ Kim gắn liền với Sergei Chemezov, một một cựu điệp viên KGB và là đồng minh thân cận của Tổng thống Vladimir Putin.

“Hôm nay, chúng tôi đã tạm thời tịch thu một chiếc du thuyền của một trong những nhà tài phiệt nổi tiếng nhất của Nga, và sẽ còn nhiều hơn thế nữa”, Thủ tướng Pedro Sánchez cho biết vào cuối ngày thứ Hai trong một cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình LaSexta.

Con tàu Valerie dài 279 foot đã được neo đậu ở Barcelona, nơi du thuyền liên kết với hai nhà tài phiệt Nga khác cũng được cập bến.

Sergei Chemezov cũng đã bị trừng phạt ở Âu Châu và Mỹ.

Tại Úc Đại Lợi, chính phủ Morrison đã áp dụng các biện pháp trừng phạt mới đối với các nhà tài phiệt Nga, bao gồm cả tỷ phú nổi tiếng Roman Abramovich, chủ sở hữu của Millhouse Capital và câu lạc bộ túc cầu Chelsea có trụ sở tại London.

Hôm thứ Hai, Australia đã chỉ định 33 cá nhân, bao gồm giám đốc điều hành của Gazprom, Alexey Miller, và chủ tịch Ngân hàng Rossiya, Dmitri Lebedev. Động thái chống lại Abramovich, một trong những người đàn ông giàu nhất thế giới, đưa Australia sánh ngang với Anh và Mỹ trong việc tịch thu tài sản của người Nga.

Động thái mới nhất của Australia được đưa ra sau cuộc tấn công của Nga vào một căn cứ quân sự sát biên giới Ba Lan ở vùng viễn tây Ukraine. Cuộc tấn công cuối tuần - một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất cho đến nay - đã giết chết ít nhất 35 người và hơn 130 người bị thương. Sự leo thang này đã khiến Nato cảnh báo.

Các quan sát viên ước tính Úc đã tịch thu hàng trăm tỷ của các nhà tài phiệt Nga và lưu ý rằng biện pháp này là cần thiết để tái thiết Ukraine.

Các quốc gia phương Tây đã bắt giữ một số du thuyền trị giá hàng triệu đô la thuộc sở hữu của các nhà tài phiệt Nga trong bối cảnh các lệnh trừng phạt chống lại Moscow về cuộc xâm lược Ukraine.

Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã tiết lộ về các vụ bắt giữ trong cuộc họp báo hàng ngày hôm thứ Ba. Cô cho biết những chiếc du thuyền sang trọng bị tịch thu bao gồm một du thuyền dài 213 foot, tàu thủy 132 foot, một chiếc 469 foot và siêu du thuyền trị giá 578 triệu Mỹ Kim, tất cả đều bị thu giữ ở Ý.

Một chiếc du thuyền trị giá 140 triệu USD cũng đã bị tịch thu ở Tây Ban Nha, trong khi một chiếc thuyền dài 280 foot bị tóm ở Pháp.

Ngoài ra, một khu nghỉ dưỡng trị giá 18 triệu đô la đã bị tịch thu ở Sardinia.

Psaki nói với các phóng viên: “Đó mới chỉ là sự khởi đầu.”

2. Mỹ tung lệnh trừng phạt đối với tổng thống Belarus, nhắm vào gia đình vì cuộc xâm lược Ukraine của Nga

Mỹ đã tung ra các biện pháp trừng phạt đối với tổng thống Belarus và mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với các thành viên trong gia đình ông vào thứ Ba liên quan đến cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Bộ Tài chính đã công bố các biện pháp trừng phạt mới cũng nhằm vào một số quan chức quốc phòng cấp cao của Nga.

Ngoại trưởng Antony Blinken cho biết các động thái này được thúc đẩy bởi “cuộc chiến tranh chống lại Ukraine đã được tính toán trước, phi lý và vô cớ của Tổng thống Nga Vladimir Putin”.

Ông cũng cho biết Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko “ủng hộ và tạo điều kiện cho cuộc xâm lược của Liên bang Nga”.

Belarus, một nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ và là đồng minh của Mạc Tư Khoa, đã cho phép Nga triển khai lực lượng chiến đấu dọc biên giới với Ukraine trước cuộc xâm lược ngày 24 tháng 2.

Tuần trước, ông Lukashenko đã ra lệnh cho quân đội Belarussia ngăn chặn bất kỳ nỗ lực nào nhằm cắt đứt các đường tiếp tế của Nga và “tấn công quân Nga từ phía sau”.

Các lệnh trừng phạt hôm thứ Ba đóng băng tài sản của ông ta, chặn bất kỳ giao dịch nào với các thực thể của Mỹ và cấm anh ta rời khỏi Mỹ.

Các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào vợ và ba con trai của Lukashenko.

3. Sinh viên Công Giáo Ukraine chống lại 'chiến tranh thông tin'

Trường Đại học Công Giáo Ukraine, gọi tắt là UCU, nằm ở Lviv, phía Tây Ukraine, đã tạm ngừng các hoạt động của trường đại học và đang làm việc liên tục để giúp đỡ những người tị nạn rời bỏ nhà cửa, thông báo cho họ về chiến tranh và hỗ trợ cho họ.

“Trường đại học của chúng tôi đã trở thành một nơi trú ẩn, một nơi hỗ trợ. Chúng tôi chăm lo cho sự an toàn của các sinh viên tị nạn và gia đình của họ, cung cấp chỗ ở tạm thời từ ba đến năm ngày cho trẻ mồ côi và người tị nạn, viện trợ nhân đạo ở Ukraine và nước ngoài”, Natalia Starepravo, sinh viên Trường Báo chí và Truyền thông tại UCU cho biết.

Cha Andrii Shestak, Giám đốc Khoa Báo chí và Truyền thông tại UCU, giải thích: “Sinh viên và giáo viên của UCU tích cực báo cáo về những không gian tị nạn có thể có cho những người cần và đồng thời cố gắng cung cấp những điều cơ bản về tư vấn tâm lý và pháp lý”.

Cha Shestak nói với tờ Register, “Đó là chiến tranh - có thật, tàn khốc và tổng lực. Nó được thể hiện rõ ràng và không che giấu được sự hung hăng của Nga vốn đã chín muồi trong suốt 8 năm qua trên lãnh thổ của Ukraine độc lập và bộc lộ rộng rãi hơn những gì chúng ta thấy bây giờ”.

Theo Cha Shestak, cuộc chiến do người Nga gây ra liên quan đến nỗi sợ hãi lâu đời của người Ukraine, những người sau 30 năm độc lập, đang chiến đấu để bảo vệ căn tính và phẩm giá của họ.

Và các sinh viên tại UCU đang làm phần việc của mình để tường thuật cuộc xâm lược và tình trạng nhân đạo đang diễn ra.

“Khi Nga bắt đầu một cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine, chúng tôi nhận ra rằng đó không chỉ là một cuộc chiến - nó còn là một cuộc chiến thông tin. Vì vậy, cộng đồng đại học của chúng tôi đã không lãng phí thời gian. Chúng tôi hiểu rằng nếu những người bảo vệ của chúng tôi ra chiến trường, chúng tôi sẽ ra đi để bảo vệ Ukraine ở hậu phương: trong tình nguyện, trong lĩnh vực thông tin, trong các hoạt động khác,” Cha Starepravo nói.

Đội ngũ truyền thông của trường đại học đang nỗ lực để thông báo cho người dân Ukraine và toàn thế giới về những diễn biến của cuộc chiến.

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 6 tháng Ba, Đức Thánh Cha nói:

Những dòng sông máu và nước mắt đang chảy ở Ukraine. Nó không chỉ đơn thuần là một hoạt động quân sự, mà là một cuộc chiến, gieo rắc chết chóc, tàn phá và đau khổ. Số nạn nhân ngày càng gia tăng, người dân bỏ trốn, đặc biệt là các bà mẹ và trẻ em cũng ngày càng gia tăng. Nhu cầu hỗ trợ nhân đạo ở đất nước đang gặp khó khăn đó đang tăng lên đáng kể.

Tôi thực hiện lời kêu gọi chân thành để các hành lang nhân đạo được bảo đảm thực sự, viện trợ được bảo đảm và tạo điều kiện tiếp cận các khu vực bị bao vây, để cứu trợ thiết yếu cho các anh chị em của chúng ta bị nhậm chìm trong bom đạn và nỗi sợ hãi.

Tôi cảm ơn tất cả những người đang tiếp nhận người tị nạn. Trên hết, tôi khẩn cầu các cuộc tấn công vũ trang chấm dứt và đàm phán - và lẽ phải - sẽ thắng thế. Và luật pháp quốc tế một lần nữa được tôn trọng!

Và tôi cũng xin cảm ơn những nhà báo đã liều mình cung cấp thông tin. Xin cảm ơn các anh chị và các bạn đã sử dụng dịch vụ này! Một dịch vụ cho phép chúng tôi tiếp cận với thảm kịch của quần thể đó và cho phép chúng tôi đánh giá sự tàn khốc của một cuộc chiến tranh. Xin cảm ơn các anh chị và các bạn.


Source:National Catholic Register
 
Cả một đoàn xe của Nga biến mất trưa Chúa Nhật. Tổn thất của Nga sau 24 ngày phiêu lưu quân sự
VietCatholic Media
18:06 20/03/2022


1. Nga chịu tổn thất nặng nề hôm Chúa Nhật 20 tháng Ba

Trong bản báo cáo vào tối Chúa Nhật 20 tháng Ba, Bộ Tư lệnh Lực lượng Hoạt động Đặc biệt của Các lực lượng Vũ trang Ukraine cho biết trưa ngày Chúa Nhật một đoàn xe của quân Nga đã bị phục kích.

“Đây là báo cáo tiếp theo của chúng tôi tới người dân Ukraine. Chúng tôi đã tuyên thệ trung thành với các bạn và chúng tôi đang thực hiện lời hứa của mình: những người lính của Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiêu diệt một đoàn xe khác của Nga.”

Đoàn xe của Nga đang di chuyển trong vùng Kiev đã trúng phải bom và phải chịu thêm một đợt tấn công bằng hỏa tiễn.

Bộ Tư lệnh lưu ý rằng điều này có thể xảy ra do sự hợp tác chặt chẽ với Cục Tình báo của Bộ Quốc phòng Ukraine và Quân đoàn Gruzia.

“Tại địa điểm xảy ra vụ nổ, chúng tôi không còn nhận được bất cứ sức sống nào của đối phương”

Thật là khổ cho những người lính Nga phải chết oan vì tham vọng của Putin; và đau lòng cho các gia đình người Nga có con em bị thiệt mạng trong trận đáng này.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cho rằng tính đến ngày Chúa Nhật 20 tháng Ba, Nga đã mất 476 xe tăng, 1,487 xe bọc thép, 230 hệ thống pháo, 74 hệ thống tên lửa phóng hàng loạt, 44 hệ thống phòng không, 96 máy bay, 118 máy bay trực thăng, 947 xe, 3 tàu, thuyền, 60 tàu chở nhiên liệu, 21 máy bay không người lái chiến thuật, và 12 thiết bị đặc biệt.

Bộ Quốc Phòng Ukraine cho biết dữ liệu đang được cập nhật. Quá trình tính toán phức tạp bởi giao tranh dữ dội.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, trong chuyến thăm ngày thứ Bảy tới đồng minh NATO Bulgaria, đã lên án cuộc xâm lược của Nga là “liều lĩnh và tàn nhẫn.” Ông cho biết Mỹ vẫn chưa thấy Nga huy động thêm lực lượng để bù đắp cho những tổn thất đáng kể trên chiến trường.

Austin nói: “Vì thực tế là họ đã bị đình trệ trên một số mặt trận, nên có thể hiểu rằng Putin sẽ muốn tăng cường khả năng của mình trong tương la. Nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy điều đó.”

2. Ukraine mở cuộc tấn công vào Kherson sau cái chết của Trung tướng Andrey Mordvichev

Các bức ảnh vệ tinh từ Planet Labs PBC do hãng tin AP phân tích cho thấy Ukraine đang cố chiếm lại thành phố Kherson sau khi bị quân Nga chiếm giữ. Căn cứ Không quân và Sân bay Quốc tế Kherson do Nga nắm giữ đã bị quân Ukraine pháo kích liên tục khiến một số máy bay trực thăng và các phương tiện bốc cháy. Những vụ nổ mạnh làm rung chuyển khu vực suốt cả ngày từ hôm thứ Ba.

Kherson cách thủ đô Kiev của Ukraine khoảng 440 km về phía đông nam.

Hôm thứ Bảy, trong cuộc tấn công vào một đài chỉ huy của quân đội Nga, trong sân bay Kherson, quân Ukraine đã hạ sát Trung tướng Andrey Mordvichev, chỉ huy sư đoàn 8 của quân khu miền nam. Trung tướng Andrey Mordvichev là tướng lĩnh Nga thứ 5 bị giết chết trong vòng 23 ngày đầu tiên của cuộc xâm lược do Putin khởi động.

Cái chết của ông xảy ra khi hàng nghìn dân thường cố gắng chạy trốn khỏi một thành phố cảng khác, Mariupol, nơi đã bị bắn phá trong nhiều tuần, và khi Tổng thống Ukraine nói rằng Nga đang cố gắng bỏ đói các thành phố của Ukraine để bắt đất nước ông phải phục tùng.

3. Tổng thống Volodymyr Zelensky cảnh báo Nga: Tiếp tục cuộc xâm lược sẽ gây ra thiệt hại cho Nga trong “vài thế hệ”

Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết tiếp tục cuộc xâm lược sẽ gây thiệt hại cho Nga trong “vài thế hệ”.

Các bình luận trên một phần là phản ứng đối với cuộc mít tinh lớn của Tổng thống Nga Vladimir Putin được tổ chức vào thứ Sáu tại Mạc Tư Khoa. Mặc dù bề ngoài được tổ chức để hỗ trợ lực lượng của Nga, các báo cáo cho biết nhiều người trong số hàng chục nghìn người đứng chật sân vận động Luzhini cho biết họ “bị buộc” phải tham dự.

Trong video, Zelensky cáo buộc Điện Cẩm Linh cố tình tạo ra “một thảm họa nhân đạo” và một lần nữa kêu gọi Putin gặp mình để ngăn chặn đổ máu nhiều hơn.

Các lực lượng Nga đang phong tỏa các thành phố lớn nhất với mục tiêu tạo ra những điều kiện khốn khổ đến mức người Ukraine phải đầu hàng, Zelensky nói. Nhưng ông cảnh báo rằng Nga sẽ phải trả giá cuối cùng.

“Đã đến lúc khôi phục toàn vẹn lãnh thổ và công lý cho Ukraine. Nếu không, chi phí của Nga sẽ cao đến mức bạn sẽ không thể tăng trưởng trở lại trong vài thế hệ nữa, “ông nói.

Tổng thống Zelensky chỉ ra rằng 200,000 người được cho là có mặt tại cuộc biểu tình ở Mạc Tư Khoa là gần bằng số quân Nga tham gia cuộc xâm lược.

Ông Zelensky nói trong đoạn video quay bên ngoài văn phòng tổng thống ở thủ đô Kiev: “Hãy hình dung rằng trong sân vận động đó ở Mạc Tư Khoa có 14,000 xác chết và hàng chục nghìn người khác bị thương. Đó là những chi phí của Nga trong cuộc xâm lược cho đến nay.”

4. Các quan chức Ukraine và Nga đồng ý thiết lập 10 hành lang nhân đạo

Các quan chức Ukraine và Nga đã đồng ý thiết lập 10 hành lang nhân đạo để đưa viện trợ đến và người dân ra ngoài - một từ Mariupol, một số ở xung quanh Kiev và ở khu vực phía đông Luhansk, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết hôm Chúa Nhật.

Cô cũng công bố kế hoạch cung cấp viện trợ nhân đạo cho Kherson, nơi bị lực lượng chiếm giữ.

Vladimir Medinsky, người đã dẫn đầu các nhà đàm phán Nga trong một số vòng đàm phán với Ukraine, cho biết hai bên đang tiến gần hơn đến thỏa thuận về vấn đề Ukraine từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và áp dụng quy chế trung lập. Trong phát biểu của truyền thông Nga, ông cho biết các bên hiện đang ở “nửa chừng” về các vấn đề liên quan đến việc phi quân sự hóa Ukraine.

Nhưng Mikhailo Podolyak, một cố vấn của Zelenskyy, nói rằng đánh giá đó nhằm “kích động căng thẳng trên các phương tiện truyền thông. Các quan điểm của chúng tôi không thay đổi. Ngừng bắn, rút quân và bảo đảm an ninh mạnh mẽ bằng các công thức cụ thể”.

Một dòng tweet khác từ Podolyak đã cảnh cáo như sau:

“Tôi muốn nhẹ nhàng nhắc khéo 'những nhà bình luận tích cực của quá trình đàm phán', những người KHÔNG ở bên trong. Đừng gieo rắc những lời nói dối của bạn ở một đất nước đang có chiến tranh. Các cuộc đàm phán rất phức tạp. Quan điểm của các bên là khác nhau. Đối với chúng tôi, những vấn đề cơ bản là bất khả xâm phạm “.

5. Các cuộc giao tranh tiếp tục trên nhiều mặt trận trên khắp đất nước vào thứ Bảy.

Sáng sớm Chúa Nhật, Nga đã mở các cuộc pháo kích vào các khu dân cư của Kiev, làm ít nhất một người thiệt mạng và 19 người bị thương.

Thiếu tướng Oleksandr Pavlyuk, người đang chỉ huy lực lượng phòng thủ khu vực xung quanh thủ đô Ukraine, cho biết các lực lượng của ông có vị trí tốt để bảo vệ thành phố và thề: “Chúng tôi sẽ không bao giờ bỏ cuộc. Chúng tôi sẽ chiến đấu cho đến cùng. Đến hơi thở cuối cùng và đến viên đạn cuối cùng “.

Thống đốc vùng Zaporizhzhia ở đông-trung Ukraine, Oleksandr Starukh, đã thông báo lệnh giới nghiêm kéo dài 38 giờ tại thành phố đông nam cùng tên sau khi hai vụ tấn công bằng tên lửa vào vùng ngoại ô của nó khiến 9 người thiệt mạng hôm thứ Sáu.

Thị trưởng Mariupol nói với BBC tại thành phố cảng Mariupol bị bao vây, nơi xảy ra một số đau thương lớn nhất của chiến tranh, các cuộc giao tranh trên đường phố đã ngăn cản lực lượng cấp cứu tiếp cận hàng trăm người sống sót bị mắc kẹt bên dưới một nhà hát bị thả bom.

Thị trưởng Vadym Boychenko cho biết các lực lượng Ukraine đang “làm mọi thứ có thể” để giữ vững vị trí của họ, nhưng “lực lượng của kẻ thù lớn hơn của chúng tôi”

Các lực lượng Ukraine và Nga đã chiến đấu tại nhà máy thép Azovstal, một trong những nhà máy lớn nhất ở Âu Châu, Vadym Denysenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết như trên vào chiều Chúa Nhật.

Các bức ảnh đăng trên mạng xã hội cho thấy nhà máy đã bị phá hủy sau nhiều ngày pháo kích. Một báo cáo từ Đài truyền hình Toronto cho biết: “Thường dân đã ẩn náu trong các hầm tránh bom của nhà máy, số phận của họ vẫn chưa rõ”.

“Tôi có thể nói rằng chúng ta đã mất người khổng lồ kinh tế này,” Vadym Denysenko, cố vấn của Bộ trưởng Nội vụ Ukraine, cho biết hôm thứ Bảy trong một bài phát biểu trên truyền hình. “Trên thực tế, một trong những nhà máy luyện kim lớn nhất ở Âu Châu đang thực sự bị phá hủy.”

6. Ukraine cáo buộc quân đội Nga cưỡng bức trục xuất công dân Mariupol đến Nga

Sáng thứ Bẩy 19 tháng Ba, Thanh tra nhân quyền Ukraine Ludmila Denisova đã cáo buộc các lực lượng Nga cưỡng bức vận chuyển công dân Ukraine đến Nga. Trong một bài đăng trên Telegram, cô ấy nói:

Trong những ngày gần đây, hàng nghìn cư dân Mariupol đã bị đưa sang Nga. Đây là những người đến từ quận phiá T6ay của thành phố và hầm trú bom trong tòa nhà của câu lạc bộ thể thao, nơi hơn một nghìn người, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em, ẩn náu trong những trận bom liên miên.

Được biết, những cư dân Mariupol bị bắt đã được đưa đến trại thanh lọc, nơi người Nga kiểm tra điện thoại và tài liệu của người dân. Sau khi kiểm tra, một số cư dân Mariupol đã được vận chuyển đến Taganrog và từ đó bị đưa bằng đường sắt đến các thành phố đang trong tình trạng suy thoái kinh tế ở Nga.

Công dân của chúng tôi đã được cấp giấy tờ yêu cầu họ phải ở một thành phố nhất định. Họ không có quyền rời bỏ nó trong ít nhất hai năm với nghĩa vụ làm việc tại nơi làm việc đã định. Số phận của những người khác vẫn chưa được biết.

Bà cáo buộc Nga vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, bao gồm cả công ước Geneva, và kêu gọi cộng đồng quốc tế gia tăng các biện pháp trừng phạt chống lại Nga.

7. Quân Belarus được tường thuật là sắp mở cuộc tấn công vào Ukraine

Trong tuyên bố vào trưa Chúa Nhật, Bộ Quốc Phòng Ukraine nói:

Các lực lượng phòng thủ của quốc gia chúng tôi đã sẵn sàng để chống trả. Việc quân đội Belarus trực tiếp tham gia vào cuộc xâm lược vũ trang của Nga chống lại Ukraine, đi ngược lại ý chí của binh lính bình thường và đại đa số người dân Belarus, sẽ là một sai lầm chết người đối với Alexander Lukashenko

Bộ Quốc Phòng nhận định rằng, từ hướng Polissia, quân Nga đang cố gắng giành các vị trí trên phần biên giới bị chiếm, mong đợi sự tăng cường của lực lượng dự bị, và đang chuẩn bị tấn công thủ đô Kiev của Ukraine, khi được quân Belarus hỗ trợ.

Những kẻ xâm lược tiếp tục do thám trên không và pháo kích vào các vị trí của Ukraine bằng cách sử dụng máy bay lục quân và pháo binh.

Cuộc bao vây và pháo kích vào thành phố anh hùng Mariupol vẫn tiếp tục.

Thành phố Mariupol vừa bị pháo kích bởi 4 tàu Hải quân Nga. Theo hội đồng thành phố, khoảng 2.357 người đã thiệt mạng trong các cuộc pháo kích của đối phương tính đến ngày 14/3.

Các binh sĩ thuộc Biệt đội Hoạt động Đặc biệt Azov đã anh dũng bảo vệ thành phố.

Lữ đoàn cơ giới biệt lập số 24 mang tên vua Danylo đã phá hủy một nhà kho chứa đạn dược và nhiên liệu của Nga ở vùng Luhansk.
 
Gấp rút đưa Thánh Tượng Mẹ Fatima từ Bồ Đào Nha vào Ukraine. Cung nghinh Đức Mẹ giữa tiếng pháo kích
VietCatholic Media
18:08 20/03/2022


Trước tình cảnh chiến tranh kinh hoàng, thể theo lời yêu cầu của các Giám Mục Công Giáo Latinh và Đông phương của Ukraine, thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã được cấp tốc đưa từ Bồ Đào Nha sang Ba Lan và từ đó sang Ukraine.

Thánh tượng đã rời Fatima vào ngày 14 tháng 3, và được đưa đến Krakow, Ba Lan, quê hương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Sau khi tạm dừng ở đây để anh chị em giáo dân Ba Lan kính viếng và ban tổ chức tìm kiếm cách thế an toàn để đưa vào Ukraine, Thánh tượng Đức Mẹ Fatima đã đi ngược dòng người tị nạn để vào Ukraine trong khi quân Nga bắt đầu pháo kích vào miền Tây Ukraine.

Thánh tượng đã đến Lviv thủ phủ của Công Giáo Ukraine an toàn vào ngày 16 tháng Ba.

Lviv là thành phố lớn nhất ở miền Tây Ukraine và là thành phố lớn thứ sáu ở Ukraine, với dân số 717,500 người. Lviv là một trong những trung tâm văn hóa chính của Ukraine.

Thánh tượng Fatima sẽ ở lại Lviv trong một tháng.

Quý vị và anh chị em đang theo dõi cuộc cung nghinh Thánh Tượng Đức Mẹ Fatima tại Lviv. Tham dự sự kiện trọng đại này không chỉ có các tín hữu Công Giáo mà cả các tín hữu Chính Thống Giáo cũng tham dự rất đông.

Cử hành Phụng Vụ quý vị và anh chị em đang xem thấy đây gọi là Molében, cũng còn được gọi là molieben, là cử hành Phụng Vụ với các lời cầu nguyện khẩn thiết được sử dụng trong Chính Thống Giáo và các Giáo Hội Công Giáo Đông phương khác nhau để kêu cầu Chúa Giêsu Kitô, Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa, hay một vị thánh hoặc một vị tử vì đạo.

Hình thức hiện tại của Molében có nguồn gốc từ văn hóa Slav, nhưng việc sử dụng nó hiện nay phổ biến ở cả Âu Châu và các Giáo Hội Chính Thống Giáo và Công Giáo Byzantine theo truyền thống Slav.

Sau một cuộc rước long trọng quanh nhà thờ, một buổi lễ cầu nguyện Moleben dành cho Mẹ Thiên Chúa được tổ chức, trong đó Đức Tổng Giám Mục nói với các tín hữu: “Hôm nay chúng ta là những nhân chứng về cách Chúa phục hồi Thần Khí Hằng Sống trong lòng mọi người, Thần Hằng Sống mà không ai có thể vượt qua được. Bằng sự quan phòng của Chúa, Ukraine bé nhỏ sẽ đánh bại kẻ thù được cả thế giới khiếp sợ”.

Đức Tổng Giám Mục nhắc nhở những người có mặt về câu chuyện trong Cựu Ước liên quan đến David và Goliath, trong đó dạy rằng sự quan phòng của Thiên Chúa mạnh hơn sức mạnh và quyền hành của con người, và cuối cùng ai ở cùng với Thiên Chúa và Chân lý sẽ là người chiến thắng.

Đức Tổng Giám Mục bày tỏ lòng biết ơn đến những người đã sắp xếp để bức tượng đến với Lviv, nói rằng đây là một sự kiện và cơ hội tuyệt vời để chúng ta dâng lên Mẹ Thiên Chúa những lời cầu nguyện cho hòa bình ở Ukraine. Ngài nhắc nhớ câu chuyện Đức Mẹ hiện ra: “Khi Đức Trinh Nữ hiện ra vào ngày 13 tháng 6 năm 1929, Mẹ nói: 'Thời điểm đã đến khi Thiên Chúa kêu gọi Đức Thánh Cha và các giám mục trên thế giới hiến dâng nước Nga cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ.'“

Ngài tuyên bố: “Mẹ Thiên Chúa đã đến Lviv để cầu nguyện cho chúng ta, cầu nguyện chấm dứt chiến tranh, chấm dứt những vụ giết người do quân đội Nga gây ra. chúng ta cầu nguyện cho sự hoán cải của người Nga, những người đang bị bao phủ bởi bóng tối tâm linh. Chúng ta cầu nguyện xin Chúa thương xót họ và chúng ta. Vào ngày 25 tháng 3, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cung hiến Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria. Xin Chúa ban phước cho chúng ta chấm dứt chiến tranh ngay lập tức. Trái tim vô nhiễm của Mẹ Maria, xin cứu chúng con!”

Điều đáng chú ý là bản sao thứ 13 của bức tượng Đức Mẹ Fatima, được tôn vinh trong nhà nguyện được xây dựng trên địa điểm Đức Mẹ hiện ra, được tạc vào năm 1920 bởi nhà điêu khắc Jose Ferreira Tedin theo chỉ dẫn của Lucia, một trong ba người. những đứa trẻ mà Đức Trinh Nữ Maria đã hiện ra. Trong các lễ kỷ niệm trọng thể, bức tượng này được đội một chiếc vương miện bằng vàng quý giá, ở giữa là viên đạn đã xuyên qua Thánh Giáo hoàng Đức Gioan Phaolô II trong vụ ám sát vào ngày 13 tháng 5 năm 1981, tại quảng trường Thánh Phêrô của Vatican. Thánh Gioan Phaolô II đã tặng viên đạn này như một dấu hiệu của lòng biết ơn đối với Đức Trinh Nữ Maria đã cứu mạng ngài.

Kính thưa quý vị và anh chị em,

Cho đến đầu Thế chiến thứ hai, thông điệp mà Đức Mẹ Fatima ban cho ba trẻ chăn cừu ở Bồ Đào Nha vào năm 1917 chỉ được biết đến một cách đơn giản là cầu nguyện và ăn năn.

Nhưng vào năm 1941, rất lâu sau cái chết của hai thánh Francisco và Jacinto Marto, những trẻ em đã được thấy Đức Mẹ hiện ra, Sơ Lucia dos Santos, đã tường thuật đầy đủ về “bí mật” của cuộc hiện ra.

Sơ ấy cho biết Đức Maria lần đầu tiên cho họ thấy thị kiến về hỏa ngục. Sau đó, Đức Maria thúc giục những lời cầu nguyện cho sự hoán cải của nước Nga, thực hiện yêu cầu “thánh hiến” nhân danh Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ và hứa Đức Mẹ cuối cùng sẽ chiến thắng. Phần thứ ba của bí mật, là chủ đề của nhiều đồn đoán, đã không được tiết lộ cho đến khi Thánh Gioan Phaolô II ra lệnh công bố vào tháng 6 năm 2000.

Sự sùng kính của Thánh Gioan Phaolô đối với Mẹ Maria và đặc biệt là đối với Đức Mẹ Fatima là điều rất rõ ràng. Sau khi bị một tên sát thủ cố ý bắn vào ngày lễ Đức Mẹ Fatima năm 1981, ngài đã ghi công Đức Mẹ là người dẫn đường cho viên đạn để nó không giết được ngài. Ngài đã đặt viên đạn vào vương miện của tượng Đức Mẹ ở đền thờ Fatima.

Hồi phục sau vụ nổ súng, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã đưa văn bản “bí mật thứ ba” của Sơ Lucia đến bệnh viện cho ngài.

Ngài đã ghi âm lại một “Lời nguyện ủy thác” thế giới cho Đức Maria vào tháng 6 năm 1981.

Ba năm sau, vào ngày 25 tháng 3 năm 1984, tại quảng trường Thánh Phêrô, ngài đã đích thân làm điều đó. Mô tả của Vatican về sự kiện này cho biết, “Đức Thánh Cha, trong sự kết hợp thiêng liêng với các giám mục trên thế giới, những người đã được 'triệu tập' trước đó, đã giao phó tất cả những người nam nữ và tất cả các dân tộc cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Mẹ Maria.”

Nhưng một số người sùng kính Đức Mẹ Fatima lập luận rằng việc “thánh hiến nước Nga” do Đức Mẹ yêu cầu vào năm 1917 đã chưa bao giờ được thực hiện đúng cách.

Trước khi qua đời, nữ tu Lucia khẳng định - trong các bức thư đăng trên tạp chí Công Giáo Ý 30 Giorni và trực tiếp gửi cho Đức Hồng Y Tarcisio Bertone - rằng việc thánh hiến đã được thực hiện chính xác vào năm 1984 bởi Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô.

Tại buổi lễ, vị Thánh Giáo Hoàng đã giao phó cả thế giới cho Đức Maria và kêu gọi sự trợ giúp của Đức Mẹ trong việc giải cứu khỏi cái ác, nạn đói, chiến tranh, hận thù và bất công. Ngài yêu cầu các giám mục trên thế giới tham gia với ngài - một chi tiết quan trọng đối với hàng triệu tín đồ Fatima, những người nói rằng Đức Maria muốn việc thánh hiến được thực hiện với hàng giám mục trên thế giới.

Nhưng lời cầu nguyện của vị Giáo Hoàng Ba Lan với Đức Maria không đề cập đến tên nước Nga, và điều đó khiến một số người nghĩ rằng nó đã không được thực hiện một cách chính xác.

Rồi cũng có vấn đề về sự “hoán cải” của nước Nga, một điều mà người ta dễ cho là ám chỉ các nhà cầm quyền cộng sản hoặc một hệ thống chính quyền cộng sản cai trị Liên Xô, đàn áp các cộng đồng Chính thống theo truyền thống của đất nước và đàn áp gay gắt những người Công Giáo và những người khác.

Vào năm 2017, kỷ niệm 100 năm ngày Fatima hiện ra, Đức Tổng Giám Mục Công Giáo Paolo Pezzi của Mạc Tư Khoa nói với Catholic News Service rằng ngài đã thấy sự biến đổi của nước Nga hướng về Chúa Kitô trong cuộc đời của mình.

Ngài nói: “Chúng ta không nên giải thích Đức Mẹ Fatima là người báo trước sự cải đạo của Nga sang Công Giáo, nhưng là hoán cải hướng về Chúa Kitô”.

Từ sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, sau khi chứng kiến những cảnh tàn phá kinh hoàng do quân Nga gây ra, nhiều người tin rằng nước Nga chưa thực sự hoán cải.

Trong một diễn biến hết sức kinh khủng đối với nhiều người, tại nhà thờ chính tòa Chúa Cứu Thế tại Mạc Tư Khoa, Thượng phụ Kirill đã trao cho lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga là tướng Viktor Zolotov một bức ảnh Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba để xin phù hộ cho quân Nga mau thắng trận.

Cử chỉ này của Thượng Phụ Kirill là một cử chỉ quá sức báng bổ. Làm sao Đức Mẹ lại có thể phù hộ cho những kẻ xâm lược giết hại thường dân vô tội như thế.

Đáp lại, tướng Viktor Zolotov nói:

“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”

Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus lắc đầu chán nản nói: “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo “chúc lành”.

Những biến cố như thế khiến nhiều người tin rằng nước Nga chưa thực sự hoán cải.

Sau đây, Xin kính mời quý vị và anh chị em cùng đọc với chúng tôi lời nguyện thánh hiến Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội của Đức Mẹ do Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương soạn:

Lạy Chúa Giêsu Kitô, chúng con hướng về Chúa, Ngôi Lời Thiên Chúa đã hóa thành nhục thể vì chúng con, và chúng con giao phó dân tộc Ukraine cho Chúa, Đấng đã từng nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14 : 27).

Lạy Chúa, xin lắng nghe tiếng kêu của dân Chúa đây. Xin Chúa hoán cải trái tim của những người đã gây ra đau khổ như vậy cho những người vô tội.

Xin Chúa tăng cường quyết tâm của những người đang làm việc để đưa xung đột đến kết thúc; gần gũi với những người đã bị đuổi khỏi nhà và khỏi quê hương của họ; xin chữa lành những vết thương trong tâm trí của các trẻ nhỏ; xin an ủi những người sợ hãi và những người hoang mang; xin củng cố niềm tin của những tang quyến; xin ban cho những người đã qua đời ơn an nghỉ và niềm vui trong ánh sáng ngàn thu.

Trong cơn hấp hối của chính mình trên thập giá, Chúa đã giao Đức Mẹ cho người môn đệ yêu dấu, và giao người môn đệ ấy và tất cả các môn đệ cho Đức Mẹ chăm sóc (Ga 19:26). Chính nhờ đức tin của Đức Mẹ mà Ngôi Lời đã hóa thành nhục thể, đã đến ở giữa chúng con. Cũng chính đức tin đó đã củng cố Đức Maria khi Mẹ đứng dưới chân thập giá. Chúng con cầu nguyện rằng những người đang đau khổ của Chúa ở Ukraine có thể biết và cảm nhận rằng Đức Maria cũng đang đứng bên họ, trong thời điểm họ gặp đại nạn kinh hoàng này.

Chúa đã ban Đức Maria cho chúng con với tư cách là Mẹ của Giáo hội và là Đấng phù hộ các tín hữu. Với sự tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của lời cầu bầu của Mẹ, phù hợp với truyền thống của Giáo hội Chúa, và trong sự hiệp thông với Đức Thánh Cha, các giám mục trên toàn thế giới, và tất cả Dân Thánh của Thiên Chúa, chúng con dâng hiến và giao phó người dân Ukraine cho Mẹ Maria và cầu mong những lời cầu nguyện có thể được kết hợp với lời cầu nguyện của Mẹ khi chúng con đến trước Mẹ bây giờ trong đức tin, đức cậy, và đức mến.

Lạy Chúa, xin hãy lắng nghe lời cầu nguyện của chúng con và nâng đỡ những nhà vô địch của hòa bình, công lý và hàn gắn, để vũ khí chiến tranh có thể im lặng và người dân Ukraine có thể biết đến hòa bình mà chỉ có Ngài mới có thể ban tặng.

Đức Maria, Mẹ của Giáo hội, Đấng Phù Hộ Các Tín Hữu, Mẹ của nhân dân Ukraine, Đức Mẹ Kiev và Thánh Olga, xin cầu cho chúng con.
 
Thánh Ca
Tung Hô Thánh Giuse-Hàn Thư Sinh
Hàn Thư Sinh
16:02 20/03/2022