Ngày 20-03-2018
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh tại một nhà tù gần Vatican
Đặng Tự Do
11:19 20/03/2018
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều Thứ Năm Tuần Thánh trong một nhà tù gần Vatican và sẽ rửa chân cho 12 tù nhân.

Trong một thông cáo đưa ra hôm 20 tháng Ba, ông Greg Burke, giám đốc Phòng Báo Chí Tòa Thánh, cho biết năm nay Đức Thánh Cha sẽ cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly chiều ngày 29 tháng 3 tại nhà tù Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng) của Rôma.

Trước Thánh lễ, lúc 4h chiều, Đức Giáo Hoàng sẽ thăm những người bị bệnh trong nhà tù. Ngài sẽ cử hành Thánh Lễ và rửa chân cho 12 tù nhân trong tu viện trung tâm của nhà tù, và sau đó sẽ gặp một số tù nhân trong Khu 8 của trại giam. Khu này được thiết kế để làm nơi cư trú được bảo vệ cho các tù nhân bị kết án về tội phạm tình dục và các tù nhân khác là những người có thể bị nguy hiểm khi sống chung với các tù nhân khác.

Nhà tù Regina Coeli là một tu viện cũ được xây dựng vào những năm 1600, và đã hoạt động liên tục cho đến nay từ những năm 1890. Mặc dù chính phủ cho biết sức chứa của nhà tù này không quá 600 tù nhân, nhưng các cuộc điều tra dân số hàng tháng kể từ tháng 3 năm 2017 đã cho thấy bình quân có tới hơn 900 người bị giam giữ nơi đây. Hơn một nửa số tù nhân không phải là người Ý.

Nhà tù chỉ cách quảng trường Thánh Phêrô không đến 1600m.

Ngay từ đầu triều giáo hoàng của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành Phụng vụ Chiều Thứ Năm Tuần Thánh hàng năm ở những nơi đặc biệt đau khổ. Các vị tiền nhiệm trước đó của ngài thường cử hành Thánh Lễ tại Đền Thờ Thánh Phêrô hay Đền Thờ Thánh Gioan Latêranô để đông đảo dân chúng có thể tham dự được.

Vào năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ Tiệc Ly Thứ Năm Tuần Thánh đầu tiên trong cương vị Giáo Hoàng tại trung tâm giam giữ trẻ vị thành niên Casal del Marmo ở Rôma, nơi ngài rửa chân cho những người trẻ phạm tội cả nam lẫn nữ. Năm sau, đó ngài chủ sự thánh lễ và rửa chân tại một cơ sở phục hồi chức năng cho người già và người khuyết tật ở ngoại ô Rôma. Vào năm 2015, ngài đã tới nhà tù chính Rebibbia của Rôma, nơi ngài cử hành Thánh Lễ cho các tù nhân nam với sự tham dự của các phụ nữ trong một nhà giam phụ nữ gần đó. Năm 2016, ngài cử hành Thánh Lễ với người tị nạn ở một trung tâm phía bắc Rôma. Và, vào năm ngoái 2017, ngài đã đến một nhà tù ở Paliano, cách Rôma gần 80km.
Source: Catholic Herald Pope to celebrate Holy Thursday Mass in Rome prison
 
Giáo Hội Công Giáo Úc tổ chức Công Đồng lần đầu tiên trong 80 năm.
Nguyễn Long Thao
11:37 20/03/2018
Giáo Hội Công Giáo Úc, được sự phê chuẩn của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, sẽ tổ chức một Công Đồng vào năm 2020 để thảo luận về đường hướng tiến lên trước những thách thức mà Giáo Hội Úc phải đối diện trong xã hội hiện đại.

Các đại biểu của 34 giáo phận Úc sẽ họp trong hai phiên khoáng đại vào năm 2020 và năm 2021 để phân tích sâu sắc hơn, học hỏi thêm các vấn đề liên quan đến Giáo Hội và tìm cách đối thoại. Tiến trình này bắt đầu từ ngày lễ Phục Sinh năm 2018, phác họa chương trình nghị sự cho Công Đồng.

Trong một bản tuyên bố của Hội đồng Giám mục Úc, Đức Tổng Giám Mục Mark Coleridge của Brisbane, Chủ tịch Ủy ban Giám Mục, cho biết cuộc họp "sẽ là một cơ hội độc nhất để mọi người đến với nhau và bằng mọi cách lắng nghe Thiên Chúa nói với chúng ta, và đặc biệt lắng nghe lẫn nhau, cùng nhau nhận ra những gì Thiên Chúa đang đòi hỏi chúng ta ở thời điểm này - thời gian mà Giáo hội Úc đang phải đối diện với những thách thức nghiêm trọng. "

Đức TGM nói thêm: "Chúng tôi thực hy vọng việc chuẩn bị và tiến hành Công Đồng là thời điểm để tất cả các thành phần của Giáo hội lắng nghe và đối thoại với nhau để cùng nhau khám phá điều ta có thể trả lời câu hỏi:" Bạn nghĩ gì về điều Thiên Chúa đang hỏi chúng ta ở Úc? "

Khi phê chuẩn việc tổ chức Công Đồng, Đức Thánh Cha Phanxicô cũng tán thành việc các giám mục bầu Giám mục Timothy Costelloe của Perth làm chủ tịch Công Đồng. Đức Tổng Giám Mục nói: "Tôi khuyến khích tất cả mọi người Công Giáo, dù sốt sắng hay thất vọng, hãy nắm lấy cơ hội này để nói lên điều trong tim óc mình."

Một loạt các cuộc họp lập kế hoạch cho Công Đồng đã diễn ra, trong đó những người đầy nhiệt huyết trên khắp nước Úc đã chia sẻ những hy vọng của họ cho Giáo hội.

Các giám mục của Úc đã cho phát động một trang web về Công Đồng để giúp mọi người hiểu rõ hơn về cách họ có thể tham gia vào quá trình thảo luận. Trang web này tại plenarycouncil.catholic.org.au.

Các quyết định được đưa ra sau Công Đồng sẽ có tính ràng buộc đối với Giáo Hội Công Giáo ở Úc với điều kiện được sự chấp thuận của Toà Thánh.

Tưởng cũng nên nói thêm Giáo Hội Công Giáo có đặc ngữ Công Đồng, tiếng Latin gọi là Plenus, có nghiã là toàn thể, tiếng Anh là Plenary. Công Đồng có hai loại, Công Đồng Chung cho toàn thể Giáo Hội, như Công Đồng Vatican II. Công Đồng Miền được tổ chức tại một quốc gia. Công Đồng ở Úc lần này là Công Đồng Miền.

NguyễnLong Thao
 
Các cử hành Phụng Vụ trong Tuần Thánh tại Vatican và Giêrusalem
Đặng Tự Do
11:57 20/03/2018
Chúa Nhật Lễ Lá

Lúc 6h30 sáng ngày 25 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Chúa tại Giêrusalem, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa là Giám Quản Tòa Thượng Phụ Công Giáo Nghi Lễ La Tinh tại Thánh Điạ Giêrusalem sẽ cử hành Lễ Lá với các linh mục dòng Phanxicô trong đoàn Hiệp Sĩ Quản Thủ Thánh Mộ.

Ngay sau khi thánh lễ vừa chấm dứt, các tín hữu hành hương sẽ lũ lượt kéo lên Núi Ôliu để chuẩn bị cho cuộc rước truyền thống từ đây tiến về Giêrusalem bắt đầu lúc 2 giờ chiều. Cuộc rước này là để diễn lại việc Chúa Giêsu khải hoàn tiến vào thành Giêrusalem. Đoàn rước vừa đi vừa hô vang “Hôsana” bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau tạo nên một cảnh tượng rất hoành tráng và cảm động.

Bethlehem và Ramallah là những khu vực thuộc lãnh thổ Palestine. Anh chị em giáo dân Công Giáo tại đây muốn tham dự thánh lễ tại Giêrusalem phải xin phép nhà chức trách quân sự Do Thái. Một số lớn đơn xin dự lễ tại Giêrusalem thường bị bác bỏ. Chính vì thế, cha Francesco Patton, trưởng đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ, bề trên dòng Phanxicô tại Giêrusalem, sẽ cử hành Lễ Lá tại nhà thờ Hiện Ra ở đồi Canvê vào chiều tối thứ Bẩy 24 và một thánh lễ sáng Chúa Nhật tại nhà thờ Phục Sinh tại Bethlehem.

Trong khi đó, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành Lễ Lá tại Quảng trường Thánh Phêrô vào lúc 10h sáng Chúa Nhật 25/3. Đây cũng là Ngày Giới Trẻ Thế Giới cấp giáo phận lần thứ 33.

Buổi lễ bắt đầu với nghi thức làm phép lá diễn ra tại chân cây tháp bút ở giữa Quảng trường và cuộc rước lá diễn ra tiếp theo đó với sự tham dự của đông đảo các bạn trẻ của giáo phận Rôma. Thánh Lễ sẽ được diễn ra tại trước tiền đình Đền Thờ Thánh Phêrô.

Thứ Năm Tuần Thánh

Lúc 9h30 sáng thứ Năm 29 tháng Ba, Đức Thánh Cha sẽ cử hành Lễ Dầu tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Trong thánh lễ dầu các linh mục lặp lại những lời hứa các ngài đã tuyên thệ khi thụ phong linh mục. Sau đó, các loại dầu được làm phép để dùng trong suốt năm khi thực hiện các Bí Tích Rửa Tội, Thêm Sức, Phong Chức Linh Mục, và Bí tích Xức Dầu.

Lúc 4h chiều, Đức Thánh Cha sẽ đến thăm và cử hành Thánh Lễ Tiệc Ly tại nhà tù Regina Coeli (Nữ Vương Thiên Đàng) của Rôma cách Vatican khoảng 1600m.

Trong khi đó, tại Thánh Điạ Giêrusalem, nơi Chúa Giêsu đã trải qua những giờ phút cuối đời của Ngài, lúc 8h sáng thứ Năm 29 tháng Ba, tại nhà thờ Mộ Thánh, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa cử hành thánh lễ Tiệc Ly ngày thứ Năm Tuần Thánh. Trong Thánh Lễ, Đức Thượng Phụ cũng lặp lại nghi thức rửa chân. Sau đó, ngài làm phép các loại dầu thánh cho các bệnh nhân và cho các tân tòng, và dầu thánh hiến.

Lúc 9 giờ tối, cha Francesco Patton, trưởng đoàn Hiệp Sĩ Thánh Mộ chủ sự đêm canh thức cùng với Chúa Giêsu tại vườn Giệtsimani được trực tiếp truyền hình trên nhiều kênh truyền hình thế giới.

Thứ Sáu Tuần Thánh

Lúc 8 giờ sáng ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa, Đức Tổng Giám Mục Leopoldo Girelli là sứ thần Tòa Thánh tại Palestine và Israel và hơn 200 linh mục sẽ cử hành thánh lễ Suy Tôn Thánh Giá tại nhà thờ Mộ Thánh.

Vào lúc 11 giờ sáng, các hiệp sĩ Thánh Mộ và anh chị em tín hữu sẽ đi đàng Thánh Giá trên chính con đường Chúa đã đi để lên đồi Golgotha.

Các nghi thức tưởng niệm cuộc khổ nạn của Chúa Kitô tại Thánh Địa Giêrusalem trong ngày Thứ Sáu Tuần Thánh đạt tới cao điểm với một nghi thức được nhiều người trông đợi đó là tang lễ của Chúa Kitô.

Đây là một nghi thức rất thịnh hành từ thời Trung Cổ ở nhiều quốc gia Âu Châu. Nhưng ở Giêrusalem, ngay tại nơi Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết trên thánh giá, nghi thức này có một ý nghĩa đặc biệt.

Ngay từ chiều tối đoàn rước tiến bước chậm chạp trong tiếng nhạc trầm buồn, u sầu trong đền thờ Thánh Mộ. Thỉnh thoảng đoàn lại dừng ở các nhà nguyện khác nhau trong đền thờ để suy niệm.

Trong khi đó, tại Vatican, lúc 5 giờ chiều ngày thứ Sáu 30 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ cử hành nghi thức Suy Tôn Thánh Giá tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Cha Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng sẽ giảng trong buổi cử hành Phụng Vụ này.

Lúc 21:15 tại hí trường Côlôsê, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự buổi đi đàng thánh giá trọng thể và ban phép lành Tòa Thánh cho những ai tham dự.

Thứ Bẩy Tuần Thánh

Lúc 7h30 sáng thứ Bẩy 31 tháng Ba, Đức Tổng Giám Mục Pierbattista Pizzaballa sẽ cử hành thánh lễ Vọng Phục sinh tại đền thờ Chúa Phục sinh. Việc cử hành sớm như thế là để chắc chắn rằng Giáo Hội Mẹ tại Giêrusalem luôn là người đầu tiên công bố Tin Mừng Phục Sinh trong bài Vinh Tụng Ca hát mừng chiến thắng của Chúa Kitô trên sự chết và tội lỗi.

Tại Vatican, lúc 8h30 tối Thứ Bảy Tuần Thánh, Đức Thánh Cha sẽ chủ sự Thánh Lễ Vọng Phục sinh bên trong Đền Thờ Thánh Phêrô.

Chúa Nhật Phục Sinh

Lúc 10h15 sáng Chúa Nhật 1 tháng Tư, Đức Thánh Cha sẽ cử hành thánh lễ Phục sinh tại Đền Thờ Thánh Phêrô. Tiếp theo đó, từ ban công chính của đền thờ, ngài sẽ đọc thông điệp Phục sinh Urbi et Orbi gởi dân thành Rôma và toàn thế giới cùng nghi thức ban phép lành kèm theo ơn toàn xá cho tất cả các tín hữu hiện diện tại quảng trường thánh Phêrô cũng như những anh chị em tín hữu trên thế giới, theo dõi qua các đài phát thanh, truyền hình và các phương tiện truyền thông mới trong đó có mạng lưới điện toán toàn cầu miễn là họ tuân giữ các qui tắc và hội đủ các điều kiện luật định, nghĩa là xưng tội, rước lễ, cầu nguyện theo ý Đức Thánh Cha và từ bỏ mọi quyến luyến đối với tội lỗi.
 
ĐGH Phanxicô: Ngắm nhìn Tượng Chúa Chịu Nạn chữa lành trái tim bị nhiễm độc của chúng ta.
Giuse Thẩm Nguyễn
16:06 20/03/2018
(Vatican News) Trong bài giảng vào Thánh Lễ sáng thứ Ba 20/3/2018 tại nhà nguyện Casa Santa Marta, ĐGH Phanxicô mời gọi chúng ta nhìn lên Tượng Chúa Chịu Nạn khi chúng ta cảm thấy thất vọng và mệt mỏi trên đường đời. Lời của ĐGH phản ánh từ bài đọc thứ nhất, sách Dân Số (21, 4-9). Dân chúng đã tức giận vì cuộc hành trình dài và chán ngấy với món ăn vô vị mỗi ngày. Họ phàn nàn về thức ăn và nói rằng họ sẽ chết trong sa mạc này vì Chúa và ông Mose đã đưa họ ra khỏi đất Ai-Cập.

Chúng ta quên sức mạnh của Thiên Chúa

ĐGH Phanxicô đã so sánh những người Ít-ra-en phàn nàn về cuộc hành trình này với những ai đã bắt đầu theo Chúa nhưng sau bỏ cuộc khi gặp thử thách. Chính vào những giây phút khó khăn này, họ kêu trách “Thôi đủ rồi, tôi bỏ cuộc, tôi trở lại con đường cũ”. Người ta bắt đầu hồi tưởng về quá khứ, về thịt, về hành, về gia vị và về những thứ tuyệt vời khác… mà ma quỷ đang cố bày ra trước mắt họ. Một khi chúng ta cảm thấy cái nóng của ngày trên hành trình hoán cải, thì cũng chính là lúc ma quỷ làm cho chúng ta bị quyến rũ bởi những thứ mà chúng ta đã bỏ lại phía sau. ĐGH mời gọi chúng ta hãy hiểu một một phần “ký ức bệnh hoạn” là như thế nào. Đó là lòng tiếc nuối lệch lạc về một quá khứ tù đày bởi vì dân Israel đã ăn những thức ăn dành cho kẻ nô lệ và họ đã là nô lệ ở Ai Cập.

Những trái tim bị nhiễm độc

Những con rắn đã cắn người và làm cho họ bị nhiễm độc là hình ảnh bên ngoài của những trái tim bị nhiễm độc. Vì thế Thiên Chúa đã bảo ông Mô-sê làm một con rắn bằng đồng và treo nó lên một cây cột. Con rắn này sẽ chữa lành cho những ai bị rắn cắn mà nhìn lên nó. “Đó là lời tiên báo: đó là hình ảnh Chúa Kitô trên Thánh Giá.”

Vì những vết thương của Ngài, những vết thương của chúng ta được chữa lành.

ĐGH nói tiếp “và đây là chìa khóa ơn cứu chuộc của chúng ta, chìa khóa để có kiên nhẫn trên hành trình cuộc đời, chìa khóa để vươt qua thử thách nơi xa mạc: Hãy nhìn lên Tượng Chúa Chịu Nạn”. Tất cả những việc chúng ta cần phải làm là ngắm nhìn Chúa Giê-su và những thương tích của Ngài, “Vì những ai bị thương tích đã được chữa lành.” ĐGH giải thích rằng có nhiều Tượng Chúa Chịu Nạn rất đẹp vì nó diễn tả vinh quang của cây thánh giá và vinh quang của sự sống lại.

ĐGH kết thúc bài giảng của ngài bằng việc kể lại thời thơ ấu của mình. Vào một ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngài cùng với bà nội tham gia một cuộc rước nến tại giáo xứ. Khi một tượng Chúa chết bằng đá cỡ người thật được rước qua, bà cụ bảo ngài quỳ xuống. Bà nói “Hãy nhìn kìa,…nhưng ngày mai Ngài sẽ sống lại!” Và rồi “khi bà cụ nghe tiếng chuông nhà thờ vang lên báo tin Chúa đã sống lại, mắt cụ bỗng lệ nhòa vì lúc đó bà cụ đang chiêm ngắm vinh quang của Chúa Kitô.”

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Top Stories
Centinaia di suore vietnamite negli Usa per completare gli studi
Asia-News
05:39 20/03/2018
Organizzazioni private, anche straniere, possono partecipare al sistema educativo del Paese. Finora il governo non ha mai concesso permessi ad organizzazioni private affiliate alla Chiesa. In alcuni casi, le suore possono gestire asili nido e centri per l'infanzia in grandi città, se le autorità locali chiudono un occhio.

Hanoi (AsiaNews) – Le migliori università ed istituti di formazione della Chiesa statunitense accolgono con gioia centinaia di suore vietnamite. Negli ultimi due anni, più di 200 religiose si sono recate negli Usa per completare i loro percorsi di studio.

Suor Teresa Nguyễn, studentessa di dottorato delle Amanti della Santa Croce, racconta che con grande impegno nuove suore, la maggior parte delle quali provenienti dall’arcidiocesi di Hà Nội (nord del Vietnam), stanno conseguendo il titolo accademico di dottore in Studi biblici, teologici, filosofici ed in Educazione ed Assistenza pastorale.

Le religiose che ricevono un’educazione in America possono aiutare a migliorare la formazione all'interno della Chiesa e della vita religiosa in Vietnam. Tuttavia, il loro contributo all'istruzione della società in generale potrebbe esser ancora limitato dal severo controllo del governo.

Organizzazioni private, incluse quelle straniere, possono partecipare al sistema educativo in Vietnam. Recenti statistiche mostrano che 163 università ed istituti, oltre a 223 scuole medie, di cui 50 inferiori e 30 superiori, sono privati. Tuttavia, finora il governo non ha mai concesso permessi ad organizzazioni private affiliate alla Chiesa.

In alcuni casi, le suore vietnamite possono gestire asili nido e centri per l'infanzia in grandi città, se le autorità locali chiudono un occhio. Nelle aree remote del Paese, ciò è in qualche modo impossibile.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Tân Trang, Sàigòn: Mừng lễ bổn mạng
Văn Minh
10:23 20/03/2018
“Người làm chồng hãy nhìn lên tấm gương cả Thánh Giuse, bỏ đi cái tôi của mình, hy sinh bản thân vì người khác, để trèo lái con thuyền đi đến bến bờ bình an”.

Trên đây là lời chia sẻ của cha Giuse Đinh Văn Thọ, chánh xứ giáo xứ Tân Trang, giáo hạt Phú Thọ, TGP Sài Gòn trong Thánh lễ mừng kính Thánh cả Giuse, bạn trăm năm Đức Maria – bổn mạng của giáo xứ Tân Trang, cũng là bổn mạng của cha chánh xứ.

Xem Hình

Thánh lễ trọng thể đã diễn ra lúc 17g30 thứ Ba ngày 19.03.2018, do ngài chủ sự. Hiện diện trong Thánh lễ, có quý soeur Dòng MTG Tân Lập, Dòng MTG Thanh Hóa, quý vị trong HĐMVGX, quý vị khách mời, các Đoàn thể Công Giáo Tiến hành, cùng đông đảo bà con giáo dân trong giáo xứ cùng đến hiệp dâng.

Trước Thánh lễ, đại diện các Hội đoàn cùng cha chủ tế có cuộc cung nghinh tượng Thánh Giuse bên ngoài tiền sảnh của giáo xứ, và đi ngang qua Linh Đài Đức Mẹ và Thánh Giuse, cộng đoàn cùng nhau dừng lại đọc một kinh Lạy Cha, một kinh Kính Mừng, và cầu xin Chúa thương ban cho Giáo hội luôn được bình an.

Đầu lễ, cha xứ Giuse chúc mừng quý ông nhận Thánh Giuse làm quan thầy đã cùng nhau qui tụ về giáo xứ hiệp dâng Thánh lễ tạ ơn hôm nay bằng một tràng pháo tay của cộng đoàn. Đồng thời, mời gọi mỗi người hãy noi gương theo nhân đức sống khiêm nhường của thánh nhân.

Chia sẻ Tin Mừng, cha Giuse mời cộng đoàn cùng nhau nhìn lên tấm lôgô của năm phụng vụ 2018 được treo trên cung thánh, chính giữa là một cây thánh giá, xung quanh được bao bọc bởi ngọn lửa cháy sáng, và phía bên dưới là hình ảnh một gia đình. Khi nói đến gia đình, người ta nghĩ ngay trong đó sẽ có cha mẹ và các con cháu, bậc làm cha mẹ thì vất vả sớm khuya lo cơm ăn áo mặc cho con của mình. Riêng đối với cha mẹ người Kitô giáo, ngoài việc lo cơm áo gạo tiền ra còn phải lo truyền dạy đức tin cho con cháu của mình nữa. Tuy nhiên, gia đình không tránh khỏi những lúc khó khăn sóng gió trong cuộc đời. Những lúc như thế, người làm chồng hãy nhìn lên tấm gương cả Thánh Giuse, bỏ đi cái tôi của mình, hy sinh bản thân vì người khác, để trèo lái con thuyền đi đến bến bờ bình an.

Thánh lễ tiếp nối với lời nguyện tín hữu cùng với lễ vật được vị đại diện cùng cha chủ tế dâng lên Thiên Chúa với tấm lòng thành kính.

Sau lời nguyện hiệp lễ, ông Chủ tịch HĐMVGX đại diện cộng đoàn giáo xứ đã có những lời chúc mừng bổn mạng cha chánh xứ, được ơn khôn ngoan và tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa.

Đáp lời, một lần nữa cha chánh xứ ngỏ lời chúc mừng bổn mạng quý cha cố Giuse Thanh, cha cố Giuse Niệm, quý soeur các nhà Dòng, quý ông trong giáo xứ. Qua đây, cũng cảm ơn quý chức trong HĐMCGX, chính quyền các cấp trong quận Tân Bình, UBND phường 08, đã gởi lẵng hoa và đến chúc mừng, cùng mọi thành phần dân Chúa trong giáo xứ đã cộng tác cách này cách khác và lo cho ngày bổn mạng của giáo xứ được trang nghiêm và tốt đẹp.

Thánh lễ kết thúc lúc 18g30. Sau Thánh lễ, cộng đoàn giáo xứ đọc kinh trước tượng đài Thánh cả Giuse ngoài sân nhà thờ, và cầu xin Thánh Giuse cầu bầu cho giáo xứ luôn sống trong tinh thần hiệp nhất yêu thương.

 
Hình ảnh tĩnh tâm mùa chay tại Gx ĐMHCG Garland TX
Trần Mạnh Trác
15:46 20/03/2018
Xem hình ảnh
Thứ Hai ngày 19 tháng 3 hôm qua, Gx ĐMHCG ở Garland TX đã khai mạc 3 ngày tĩnh tâm mùa chay với vị giảng phòng là Lm DCCT Phêrô Nguyễn Văn Khải, đang du học tại Roma.

Cha Khải là người đầu tiên được thụ phong linh mục tại nhà thờ Thái Hà Hanoi sau cuộc chia đôi đất nước năm 54 và sau biến cố 75, từng là phát ngôn viên cho DCCT trong cuộc tranh đấu tại Thái Hà và ngài tiếp tục đóng góp tiếng nói bênh vực cho Công Lý và Sự Thật trong những biến cố quan trọng khác như Toà Khâm Sứ, Bauxit và gần đây là Formosa.

Không rõ vì sáng kiến cuả cha xứ Phaolô Nguyễn Tất Hải lấy 1 ngày giảng phòng là điều kiện đền tội cho muà Phục Sinh, hay là vì tăm tiếng sẵn có cuả vị thuyết giảng, mà nhà thờ Gx ĐMHCG với sức chứa 1500 người đã chật ních, người ta phải xếp thêm ghế ở ngoài sảnh đường để cho giáo dân theo dõi bài thuyết giảng qua hệ thống truyền hình.

Chúng tôi quan sát có nhiều nhân vật ‘chính trị’ quanh vùng cũng tới tham dự, nhưng nếu mục đích cuả những người đó là để nghe được những tiếng nói tranh đấu thì có lẽ họ sẽ phải thất vọng, bởi vì trong suốt 2 tiếng đồng hồ thuyết giảng, cha Khải không hề đả động một chút chính trị nào.

Bài giảng cuả ngài, dựa theo câu chuyện thánh kinh người phụ nữ ngoại tình, (cũng là đề tài cuả cuộc giảng phòng tại Gx Thánh Tâm ở Carrollton năm ngoái) đã chuyên chú vào việc mục vụ cho tội nhân: thế nào là tội, thế nào là lòng nhân lành cuả Chuá, và thế nào là hối cải.

Với một giong văn bình dân, kèm theo những thí dụ dí dỏm về cuộc sống đời thường, và đôi khi chêm vào những kinh nghiệm bản thân ‘ngộ nghĩnh’cuả một người lớn lên ở miền Bắc trong chế độ Cộng Sản, cha Khải đã thu hút cử toạ theo dõi một cách chăm chú và vui cười…cho đến phút chót.

Như những lần phóng sự cho một biến cố kéo dài nhiều ngày, chúng tôi sẽ tiếp tục update hình ảnh sau mỗi ngày, xin quí độc giả nhớ trở lại xem.
 
Văn Hóa
Tùng phục thẩm quyền cai trị: Bài giảng thứ tư Mùa Chay Năm 2018 của Cha Cantalamessa
Vũ Văn An
22:11 20/03/2018
‘Mỗi người hãy tùng phục các thẩm quyền cai trị”

1. Sợi tơ chính từ trên rơi xuống

Khi trình bày các đặc điểm, hay các nhân đức, tỏa sáng trong đời sống của những người được tái sinh trong Thần Khí, Thánh Phaolô, sau khi nói về đức bác ái và đức khiêm nhường, giờ đây, ngài nói về sự vâng lời trong chương 13 của thư gửi tín hữu Rôma:

“Mỗi người phải phục tùng chính quyền, vì không có quyền bính nào mà không bởi Thiên Chúa, và những quyền bính hiện hữu là do Thiên Chúa thiết lập. Như vậy, ai chống đối quyền bính là chống lại trật tự Thiên Chúa đặt ra, và kẻ nào chống lại sẽ chuốc lấy án phạt” (Rm 13: 1tt).

Phần còn lại của bản văn này, trong đó ngài nói về thanh kiếm và thuế má, cùng với các bản văn khác của Tân Ước về cùng một chủ đề (xem Tt 3: 1, 1 Pr 2: 13-15), rõ ràng cho thấy: Thánh Tông Đồ không nói về thẩm quyền nói chung và về mọi thứ thẩm quyền, nhưng chỉ nói về thẩm quyền dân sự của nhà nước. Thánh Phaolô đang xử lý với một khía cạnh đặc thù của việc vâng lời đặc biệt có liên quan vào thời điểm ngài đang viết và có lẽ với cộng đồng mà ngài viết cho.

Đó là lúc, giữa lòng Do Thái Giáo ở Palestine, cuộc nổi loạn của phái nhiệt thành chống lại Rôma đang phát triển, một cuộc nổi loạn kết thúc một vài năm sau đó bằng cuộc tàn phá Giêrusalem. Kitô giáo được khai sinh từ Do thái giáo; nhiều thành viên của cộng đồng Kitô hữu ở Rôma là các người trở lại từ Do Thái Giáo. Câu hỏi về việc có phải tuân phục nhà nước Rôma hay không cũng là một vấn đề gián tiếp cho cả các Kitô hữu nữa.

Giáo hội tông truyền đang phải đối diện với một sự lựa chọn có tính quyết định. Thánh Phaolô, giống như tất cả các soạn giả khác của Tân Ước, giải quyết vấn đề dưới ánh sáng thái độ và lời nói của Chúa Giêsu, đặc biệt là những lời của Người về việc trả thuế cho Caesar (xem Mc 12:17). Vương quốc do Chúa Giêsu thuyết giảng "không thuộc thế giới này", nó không có bản chất quốc gia hay chính trị. Do đó, nó có thể tồn tại dưới bất cứ chế độ chính trị nào, chấp nhận các lợi điểm của nó (như quốc tịch Rôma) mà cả luật lệ của nó nữa. Tóm lại, vấn đề được giải quyết theo ý nghĩa của việc vâng lời nhà nước.

Sự vâng lời nhà nước là kết quả và là một khía cạnh của sự vâng lời toàn vẹn và quan trọng hơn mà Thánh Tông Đồ gọi là "vâng lời Tin Mừng" (xem Rm 10:16). Lời khuyên răn nghiêm khắc của Thánh Tông Đồ cho thấy rằng đóng thuế và chu toàn nghĩa vụ đối với xã hội nói chung không chỉ là một nghĩa vụ công dân mà còn là một nghĩa vụ luân lý và tôn giáo. Nó là một yêu cầu của giới luật yêu người lân cận. Nhà nước không phải là một thực tại trừu tượng; nó là cộng đồng của những con người tạo ra nó. Nếu tôi không đóng thuế, nếu tôi làm hỏng môi trường, nếu tôi vi phạm luật giao thông, là tôi làm hại và tỏ thái độ khinh thị đối với người lân cận của tôi. Về điểm này, người Ý chúng tôi (và có lẽ không chỉ chúng tôi mà thôi) cần thêm một số câu hỏi nữa để xét lương tâm mình.

Tất cả những điều này, như chúng ta thấy, rất có liên quan, nhưng chúng ta không thể giới hạn cuộc thảo luận của chúng ta về sự vâng lời vào khía cạnh vâng lời nhà nước mà thôi. Thánh Phaolô chỉ ra chỗ để các Kitô hữu thảo luận về sự vâng lời, nhưng ngài không nói với chúng ta mọi điều có thể nói về nhân đức này chỉ trong bản này mà thôi. Ở đây, ngài rút ra các hậu quả của các nguyên tắc đã được trình bày trước đây trong thư gửi tín hữu Rôma và trong những chỗ khác, và chúng ta cần phải tìm kiếm những nguyên tắc đó để có được một cuộc thảo luận hữu ích và có liên quan đối với chúng ta ngày nay về sự vâng lời.

Chúng ta cần phải khám phá ra sự vâng lời "căn bản", sự vâng lời từ đó tất cả các loại vâng lời khác phát sinh ra, bao gồm việc vâng lời các cơ quan dân sự. Đó là một sự vâng lời áp dụng cho tất cả chúng ta - người giám sát và cấp dưới, tu sỹ và giáo dân - và nó là sự vâng lời quan trọng nhất. Nó điều chỉnh và nên năng lực cho mọi loại vâng lời khác. Nó không phải là sự vâng lời của một con người đối với những con người khác, mà là của một con người đối với Thiên Chúa.

Sau Vatican II, có người đã viết, "Nếu có vấn đề vâng lời ngày nay, thì đó không phải là vấn đề ngoan ngoãn đối với Chúa Thánh Thần – Đấng mà mọi người đều cho rằng mình sẵn sàng vâng lời - nhưng đúng hơn là vấn đề vâng lời hàng giáo phẩm, lề luật, thẩm quyền trong biểu thức nhân bản của nó". Tôi tin rằng điều đó đúng. Nhưng chúng ta phải bắt đầu với sự vâng lời đối với Thiên Chúa và với Thánh Linh của Người chính là để có thể biến sự tuân phục luật pháp và thẩm quyền hữu hình thành cụ thể một lần nữa.



Sự vâng lời Thiên Chúa giống như "sợi tơ chính từ trên rơi xuống" nâng đỡ chiếc mạng nhện đẹp đẽ lơ lửng trên hàng rào. Rơi từ trên xuống bằng sợi tơ chính nó sản xuất ra này, nhện xây dựng một màng nhện rất hoàn hảo và căng thẳng ở mọi góc. Một khi công việc của nhện đã hoàn thành, sợi tơ chính được sử dụng để xây dựng màng nhện này không bị loại bỏ nhưng vẫn còn tại chỗ. Thực thế, sợi tơ chính là sợi giữ cho toàn bộ việc dệt của nhện kết hợp với nhau; không có nó mọi thứ sẽ sụp đổ. Nếu một trong những sợi ngang bị đứt (có lần, tôi đã thử việc này), con nhện liền vội vã nhanh chóng sửa lại chiếc màng của mình, nhưng nếu sợi tơ chính từ trên cao rơi xuống bị đứt, thì con nhện di chuyển đi chỗ khác vì không có gì có thể làm hơn được.

Một điều tương tự như thế cũng xảy ra với mạng lưới vâng lời trong xã hội, trong một dòng tu, và trong Giáo hội. Mọi người trong chúng ta đều sống trong một mạng lưới vâng lời, được dệt chặt chẽ với nhau, đối với các thẩm quyền dân sự và các thẩm quyền giáo hội - trong trường hợp Giáo Hội, đối với bề trên ở địa phương, với giám mục, với Bộ Giáo Sĩ hoặc Bộ Tu Sĩ, và với Đức Giáo Hoàng. Sự vâng lời Thiên Chúa là sợi tơ chính từ trên rơi xuống: mọi thứ đều được xây dựng xung quanh nó, nhưng nó không thể bị lãng quên sau khi việc xây dựng toàn bộ đã kết thúc. Nếu không, mọi thứ sẽ sụp đổ và người ta không còn hiểu tại sao họ nên vâng lời.

2. Sự vâng lời của Chúa Kitô



Điều tương đối đơn giản là khám phá ra bản chất và nguồn gốc của sự vâng lời trong Kitô Giáo: chúng ta chỉ cần hiểu khái niệm đặc biệt về sự vâng lời mà theo đó Chúa Giêsu đã được định nghĩa trong Thánh Kinh như "Đấng vâng lời". Chúng ta nhanh chóng khám phá ra rằng khi làm như thế, nền tảng thực sự của sự vâng lời trong Kitô Giáo không phải là ý tưởng vâng lời mà là hành động vâng lời. Đây không phải là nguyên lý trừu tượng lấy của Aristotle mà theo đó "cấp dưới phải tùng phục cấp trên" nhưng thay vào đó, là một biến cố. Nó không được thấy trong "lý lẽ đúng đắn" mà trong nội dung cơ bản của Tin Mừng (kerygma), và nền tảng của nó là Đức Kitô "đã vâng lời cho đến chết" (Pl 2: 8), và "Dầu là Con Thiên Chúa, Người đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục; và khi chính bản thân đã tới mức thập toàn, Người trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Người "(Dt 5: 8-9).

Trung tâm sáng láng làm sáng tỏ toàn bộ cuộc thảo luận về sự vâng lời trong Thư gửi tín hữu Rôma, là Rm 5:19: "Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính”. Bất cứ ai biết vị trí của công chính hoá trong Thư gửi tín hữu Rôma đều có thể hiểu vị trí của sự vâng lời!

Chúng ta hãy tìm hiểu bản chất của hành vi vâng lời này, một hành vi mà trên đó, trật tự mới đã được đặt căn bản; nói cách khác, chúng ta hãy cố gắng hiểu sự vâng lời của Chúa Kitô là gì. Khi còn là một trẻ em, Chúa Giêsu đã vâng lời cha mẹ Người; sau đó, khi đã thành người trưởng thành, Người tuân phục Luật Môsê, Thượng Hội Đồng, và cả Philatô. Tuy nhiên, Thánh Phaolô không nghĩ đến bất cứ sự vâng lời nào trong số sự vâng lời này. Thay vào đó, ngài nghĩ đến sự vâng lời của Chúa Kitô đối với Chúa Cha.

Sự vâng lời của Chúa Kitô được coi là phản đề chính xác của sự bất tuân nơi Ađam: "Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính" (Rm 5:19, xem 1Cr 15:22). Nhưng Ađam đã không vâng lời ai? Chắc chắn không phải cha mẹ ông, nhà nước, hay luật pháp. Ông không vâng lời Thiên Chúa. Tận nguồn gốc của mọi bất tuân là sự bất tuân đối với Thiên Chúa, và ở nguồn gốc của mọi vâng lời là vâng lời Thiên Chúa.

Sự vâng lời tràn đầy cuộc sống của Chúa Giêsu. Trong khi Thánh Phaolô và Thư gửi người Do thái nhấn mạnh vai trò của vâng lời trong cái chết của Chúa Giêsu, thì Thánh Gioan và các Tin Mừng Nhất Lãm đã làm loãng hình ảnh đó bằng cách nhấn mạnh đến vị trí của vâng lời trong cuộc sống của Chúa Giêsu, trong sinh hoạt hàng ngày của Người. Chúa Giêsu đã nói trong Tin Mừng theo Thánh Gioan rằng "lương thực của Thầy là làm theo ý Đấng đã sai Thầy", và "Tôi luôn làm những gì làm đẹp lòng Người" (Ga 4:34, 8:29). Cuộc đời của Chúa Giêsu như thể được hướng dẫn bởi một con đường rực sáng được hình thành bởi những lời viết về Người trong Thánh Kinh. "Có lời viết rằng.. . . Có lời viết rằng.. . " Đây là cách Người vượt qua các cám dỗ trong sa mạc. Chúa Giêsu thu thập trong Thánh Kinh các kiểu nói "phải như thế" (dei), những kiểu nói vốn điều hướng cả đời của Người.

Sự vĩ đại trong đức vâng lời của Chúa Giêsu được đo lường một cách khách quan "bằng những điều Người từng phải chịu" và một cách chủ quan bằng tình yêu và sự tự do mà Người vốn dùng khi vâng lời. Sự vâng lời con thảo được điển hình hóa ở mức cao nhất nơi Người. Ngay trong các giây phút khắc nghiệt nhất của Người, khi Chúa Cha trao cho Người sự thống khổ để uống cạn, tiếng kêu con thảo của Người không bao giờ rời khỏi môi miệng Người: "Cha ơi! Thiên Chúa của Con ơi, Thiên Chúa của Con ơi, sao Chúa nỡ bỏ rơi Con?", Người kêu lên như thế từ trên thập giá (xem Mt 27:46), nhưng, theo Thánh Luca, Người đã nhanh chóng nói thêm những lời này " Cha ơi, con phó linh hồn con trong tay Cha!"(Lc 23:46). Trên thập giá "Chúa Giêsu phó mình Người cho Thiên Chúa, Đấng đã bỏ rơi Người" (bất kể việc Chúa Cha bỏ rơi này có nghĩa gì). Sự vâng lời cho đến chết của Người là "Đá tảng cứu rỗi của chúng ta".

3. Vâng lời như Ơn Thánh: Phép Rửa



Trong chương thứ năm của Thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô trình bày với chúng ta Chúa Kitô như người đứng đầu những người vâng lời, đối nghịch với Ađam, là người đứng đầu của những kẻ bất tuân. Trong chương tiếp theo, tức chương 6, Thánh Tông Đồ cho thấy cách thức qua đó, chúng ta bước vào thực tại của biến cố này: đó là qua phép Rửa. Trước nhất, Thánh Phaolô đưa ra một nguyên tắc: nếu qúy vị tự ý đặt mình dưới quyền tài phán của một ai đó, thì qúy vị hẳn có nghĩa vụ phải phục vụ và vâng lời họ.

“Anh em không biết sao? Khi đem thân làm nô lệ để vâng phục ai, thì anh em là nô lệ của người mà anh em vâng phục: hoặc làm nô lệ tội lỗi, thì sẽ phải chết; hoặc làm nô lệ phục vụ Thiên Chúa, thì sẽ được nên công chính?” (Rm 6:16).

Bây giờ, khi đã thiết lập ra nguyên tắc này, Thánh Phaolô nhắc nhớ sự kiện này: các Kitô hữu thực sự tự ý đặt mình dưới quyền tài phán của Chúa Kitô vào ngày họ chấp nhận Người làm Chúa trong phép Rửa: "Trước kia anh em làm nô lệ tội lỗi, nhưng nay anh em đã hết lòng vâng theo quy luật đạo lý đã đào tạo anh em. Anh em đã được giải thoát khỏi ách tội lỗi mà trở thành nô lệ sự công chính” (Rm 6: 17-18). Với phép Rửa, có sự thay đổi chủ nhân, thay đổi vương quốc: từ tội lỗi qua công bình, từ bất tuân đến tuân phục, từ Ađam đến Chúa Kitô. Phụng vụ phép Rửa đã bày tỏ tất cả điều này trong các tuyên xưng tương phản của nó: "Tôi từ bỏ - tôi tin".

Như thế, vâng lời là điều thiết yếu trong đời sống Kitô hữu: đó là hệ luận thực tiễn và cần thiết của ngôi vị Chúa Tể của Đức Kitô. Sẽ không có ngôi Chúa Tể nào hiện hữu nếu không có sự vâng lời của một con người. Trong phép Rửa, chúng ta chấp nhận một vị Chúa, một Kyrios, nhưng là một vị Chúa "vâng phục", một người trở nên Chúa chính nhờ sự vâng lời của Người (xem Pl 2: 8-11), một người mà quyền Chúa Tể được minh chứng, có thể nói như thế, bằng sự vâng lời. Sự vâng lời ở đây không hẳn chỉ việc tùng phục như nó có vẻ là: vâng lời một vị Chúa như thế có nghĩa trở nên giống như Người, bởi vì chính nhờ sự vâng lời cho đến chết, Người đã chiếm được danh hiệu Chúa, vượt trên mọi danh hiệu khác (xem Pl 2: 8-9).

Từ điều trên, chúng ta khám phá thấy: trước khi là một nhân đức, vâng lời là một ơn phúc, trước khi là luật lệ, nó là ơn thánh. Sự khác biệt giữa hai điều này là luật lệ cho chúng ta biết phải làm gì trong khi ơn thánh ban cho chúng ta khả năng làm những gì chúng ta được truyền làm. Trên hết, vâng lời là việc làm của Thiên Chúa trong Chúa Kitô, sau đó được nêu làm gương cho các tín hữu để đến lượt họ, họ có thể diễn đạt nó trong đời sống của họ bằng cách bắt chước trung thành. Nói cách khác, chúng ta không những có nghĩa vụ phải vâng lời, mà bây giờ chúng ta còn có ơn thánh để vâng lời!

Như thế, sự vâng lời của Kitô Giáo bắt nguồn từ phép Rửa; trong phép Rửa, mọi Kitô hữu đều "được cung hiến" cho đức vâng lời, và theo một ý nghĩa nào đó đã thực hiện “lời khấn hứa” đó. Việc khám phá lại sự kiện chung đối với mọi người và được đặt nền trên phép Rửa này đáp ứng một nhu cầu thiết yếu cho người giáo dân trong Giáo hội. Vatican II đã công bố nguyên tắc "ơn gọi nên thánh phổ quát" cho dân Chúa (Lumen Gentium 40). Và vì không có sự thánh thiện nào mà lại không có đức vâng lời, nên nói rằng mọi người đã chịu phép Rửa đều được kêu gọi nên thánh cũng giống như nói mọi người đều được kêu gọi vâng lời.

Kỳ sau: Vâng Lời Như Một "Bổn Phận": Noi Gương Chúa Kitô