Ngày 19-03-2023
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thánh Giuse, bạn trăm năm Đức Maria dành cho những người không thể đến nhà thờ 20/3/2023
Giáo Hội Năm Châu
02:13 19/03/2023

BÀI ĐỌC 1 2Sm 7:4-5a,12-14a,16

Bài trích sách Sa-mu-an quyển thứ hai.

Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng:

“Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này:

Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.

Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.

Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.

Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 Rm 4:13,16-18,22

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.

Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.

Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.

Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.

Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.

Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Tv 83:5

Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện

họ luôn luôn được hát mừng Ngài.

TIN MỪNG Mt 1:16,18-21,24a

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.

Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.

Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.

Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”

Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.

Đó là Lời Chúa.
 
Dám yêu với tất cả rủi ro
Lm. Minh Anh
14:12 19/03/2023

DÁM YÊU VỚI TẤT CẢ RỦI RO
“Giuse đã thực hiện như lời sứ thần truyền”.

Nghệ thuật Kitô giáo có khuynh hướng mô tả thánh Giuse như một cụ già. Tuy nhiên, một ngoại lệ rất nổi bật là bức “Giuse” của El Greco, một nghệ sĩ Tây Ban Nha, mô tả Giuse là một thanh niên cơ bắp, đáng tin cậy; trẻ Giêsu quấn lấy chân ngài. Điều này phù hợp với ngữ cảnh Tin Mừng và tính cách của Giuse; một người trẻ mạo hiểm, ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.

Kính thưa Anh Chị em,

‘Dám yêu với tất cả rủi ro’, đó cũng là những gì Tin Mừng ngày lễ thánh Giuse tiết lộ. Tình yêu luôn đòi hỏi mạo hiểm, và chuyện tình Giuse - Maria cũng không nằm ngoài quy luật đó! “Maria đã thụ thai”. May thay, nhờ sự can thiệp của sứ thần, Giuse đã yêu với ‘đôi mắt mở to’, ‘đôi tai mở rộng’, để ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ khi chàng “chỗi dậy, thực hiện như lời sứ thần truyền”.

Thông thường, cuộc sống không như chúng ta tưởng; đặc biệt trong yêu đương, thật khó để đi từ logic ‘phải lòng một ai’ sang logic một ‘tình yêu trưởng thành!’. Nhưng chính xác là, khi những hoài bão xem ra kết thúc, thì chính tại ngõ cụt ấy, tình yêu đích thực bắt đầu bước vào! Thực tế, tình yêu không phải là những gì chúng ta kỳ vọng được người kia đáp ứng, phù hợp với trí tưởng tượng; thay vào đó, nó có nghĩa là tôi lựa chọn một cách hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm cho cuộc sống của người kia với bất cứ điều gì xảy ra. Đây là trải nghiệm cũng là bài học đắt giá của Giuse! Chàng đã đón nhận Maria với ‘đôi mắt mở to’, vì ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.

Trải nghiệm của Giuse cũng có thể là trải nghiệm của bạn và tôi; đó là một mối nguy có thể tồn tại trong hành trình tâm linh của bất cứ người nào! Khi mọi thứ yên ả, công việc xuôi may, cuộc sống tôi như đang thăng hoa; nhưng khi mọi thứ trở nên tồi tệ, đớn đau, nhục nhã… phủ lên tôi như quầng mây xám, liệu Chúa còn yêu tôi không? Và bấy giờ, Giuse, tấm gương cho chúng ta. Hãy vững tin vào Chúa! Giuse không dễ nản lòng, vì Giuse đã ‘dám yêu với tất cả rủi ro’.

Vậy nhờ đâu Giuse có thể tin? Một lương tâm trong sạch! Tin Mừng nói, “Giuse là người công chính”. Giuse yêu Maria, nhưng sự thật quá khắc nghiệt để có thể vượt qua; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Nhưng, với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới lấy Maria làm vợ để ly hôn trong lặng lẽ. Và Thiên Chúa nhìn thấy sự trung thực này, Ngài thổ lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của người thiếu nữ. Một thông điệp ngắn trong mơ đủ để thuyết phục trái tim Giuse, và Giuse đã đón nhận tất cả với sự ngạc nhiên!

Thánh Bernard viết, “Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại ngày xưa bị bán sang Ai Cập, bạn sẽ nhận ra rằng, thánh Giuse không chỉ nhận được tên của ông mà còn nhận được sự trong trắng, vô tội và ân phúc của ông nữa! Giuse Cựu Ước ‘giỏi đọc’ giấc mơ; Giuse Tân Ước ‘giỏi tin’ giấc mơ. Giuse Cựu Ước đã ‘tích trữ ngũ cốc’ cho một dân; Giuse Tân Ước ‘trông coi Bánh Hằng Sống’ cho cả thế giới”. Và còn hơn thế, Giuse Tân Ước, người được tiền định, để bảo tồn những gì Thiên Chúa hứa cho dòng dõi Đavít được trường tồn. Bài đọc Samuel và cả Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận, “Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời!”.

Anh Chị em,

Thử hỏi, có ai ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ cho bằng Thiên Chúa? Nhìn lên thánh giá, ‘rủi ro vĩ đại’ của mọi rủi ro, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ của Ngài, một tình yêu cứu độ đòi hỏi mạo hiểm khi phải đánh cược bằng chính cái chết của Con Một. Và ngày nay, Đấng Phục Sinh vẫn đang chấp nhận rủi ro khi trao vào tay chúng ta những gì Ngài chưa hoàn thành. Liệu mỗi người chúng ta có đủ một lương tâm trong sáng, một con tim chính trực, một ý chí ngay lành như thánh Giuse để cùng với Thánh Thần, tiếp tục công việc Chúa Kitô Phục Sinh đã trao?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, đừng để con tìm cho mình bất kỳ một sự an thân nào. Cho con biết ‘mở to đôi mắt’, đầy ngạc nhiên thán phục đón nhận những gì Chúa muốn, để ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:01 19/03/2023

20. Nhờ sự phục tùng của Đức Mẹ Ma-ri-a mà đền bù tai họa do nguyên tổ E-va vi phạm truyền lại.

(Thánh Irenaeus of Lyons)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
16:03 19/03/2023
6. ĐỒNG TIỀN VÀNG TRONG SẮC CẦU VỒNG

Sau trận mưa xuân, bé Lâm Đạt tựa cửa sổ nhìn xa xa, nhìn sắc cầu vòng rất đẹp cách xuất thần, bé Lâm Đạt kêu lên:

- “Mẹ ơi, con nghe có người nói, khi cầu vồng xuất hiện bên chân trời thì có một vài đồng tiền vàng từ phía trên rơi xuống, chỉ có những trẻ em sinh vào ngày chúa nhật mới có thể tìm được nó, chuyện này có thật không? Những trẻ em nào thì nên sinh vào ngày chúa nhật? Nhưng chúng nó nên nói với ai là chúng muốn sinh vào ngày chúa nhật?"

Bà mẹ trả lời:

- “Đúng vậy, trong cầu vòng nhất định có giấu báu vật của thiên quốc, tất cả vàng bạc trên thế giới đều không thể so sánh với chúng nó, nhưng các trẻ em không nhất thiết là phải sinh vào ngày chúa nhật mới có thể được mấy báu vật đó. Điều kiện quan trọng nhất là các em đó phải ngoan hơn các em khác, hơn nữa mọi nơi mọi lúc khi đi dự lễ ngày chúa nhật thì phải lịch sự, nếu con muốn trở thành một em bé như thế, thì con nhất định sẽ được báu vật ấy.”

Bé Lâm Đạt bắt đầu cố gắng học thành bé ngoan, lúc nó ngày càng trở nên đẹp, nó càng thêm vui vẻ và thỏa mãn. Một hôm, cầu vồng lại xuất hiện, mẹ nó nói với nó:

- “Lâm Đạt, con có muốn đi tìm báu vật hoàng kim của thiên quốc không?”

Lâm Đạt trả lời:

- “ Mẹ yêu của con, trước đây con rất là ngu ngốc, bây giờ con hiểu rõ ràng ý nghĩa của mẹ rồi, báu vật mà mẹ nói đó so với vàng bạc càng quý giá và càng quý hiếm hơn.”

- “Thật không, bé con của mẹ?" Bà mẹ nói tiếp: “Đúng như vậy, mẹ nói báu vật của thiên quốc so với tất cả các báu vật trên thế gian rất vĩ đại, đó chính là hạnh phúc chân chính mà nhân loại chúng ta đi tìm. Chúng ta cũng chỉ có thể từ trong tâm hồn chân thiện mỹ, thuần khiết và nhân ái mới tìm được nó.”

(Một trăm câu chuyện)

Suy tư ngắn 6:

Hạnh phúc của thế gian rất là ngắn ngủi, chỉ một vài cốc bia với bạn bè là thấy hạnh phúc; chỉ cần có một áp phe nhiều tiền là hạnh phúc; hoặc chỉ cần có nhà cao cửa rộng là thấy hạnh phúc. Tất cả loại hạnh phúc này đều là phù du nay còn mai mất.

Báu vật bởi trời mà Thiên Chúa tặng cho chúng ta chính là Mình và Máu thánh của Đức Chúa Giê-su, chỉ có ai ăn và uống Bánh Rượu này thì mới có hạnh phúc đời đời với Thiên Chúa ngay cả khi còn ở thế gian này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann: Giáo huấn của Chúa Giêsu tìm cách tha hóa – hay giải thoát?
Vu Van An
13:14 19/03/2023

Trên tờ The Leaven của Tổng giáo phận Kansas City, Kansas [ http://theleaven.org/did-jesus-teaching-seek-to-alienate-or-liberate/], Đức Tổng Giám Mục Joseph Naumann, chủ tịch Ủy ban Phò sinh và Truyền thông của Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ, đã đặt câu hỏi: Did Jesus’ teaching seek to alienate or liberate? [Giáo huấn của Chúa Giêsu tìm cách tha hóa – hay giải thoát?]. Ngài viết như sau:



Tôi trưởng thành vào thập niên 1960. Đó là thời bất ổn dân sự, bạo loạn chủng tộc, biểu tình phản chiến và cách mạng tình dục. Một trong những nhãn dán phổ biến vào thời điểm đó nói rằng: Hãy nghi vấn mọi điều.

Các biến cố xã hội ấy trùng hợp với các phiên họp của Công đồng Vatican II và việc thực hiện sớm của nó. Công đồng đã mang lại sự đổi mới tốt đẹp và rất cần thiết cho nhiều khía cạnh của đời sống Công Giáo. Đáng buồn thay, cũng có một sự giải thích sai lầm nghiêm trọng về công đồng đã tạo ra sự nhầm lẫn về mặt đạo đức. Những ý tưởng độc hại của cuộc cách mạng tình dục len lỏi vào giáo hội.

Một huyền thoại văn hóa vĩ đại đã được truyền bá cho rằng một người không thể hạnh phúc hoặc thỏa mãn trừ khi bạn hoạt động tình dục. Tỷ lệ ly hôn tăng đột ngột trong xã hội và Giáo Hội. Luân lý tình dục truyền thống bị coi là lỗi thời. Đức khiết tịnh bị chế giễu. Những tiếng nói có ảnh hưởng trong Giáo Hội đã tìm cách sử dụng “tinh thần công đồng” để thay đổi việc dạy và thực hành luân lý Công Giáo về tình dục.

Với sự sẵn có và chấp nhận văn hóa của thuốc tránh thai, Thánh Giáo hoàng Phaolô VI đã cảnh báo rằng sự thân mật tình dục bên ngoài giao ước hôn nhân sẽ trở nên phổ biến, và tác hại gây ra cho trẻ em, phụ nữ, nam giới và xã hội sẽ là một thảm họa. Đức Thánh Cha quả là tiên tri. Sinh con ngoài giá thú, phá thai và khiêu dâm trở nên phổ biến. Các bệnh lây truyền qua đường tình dục đạt đến mức đại dịch. Trái ngược với dự đoán của những người ủng hộ tránh thai và phá thai, lạm dụng trẻ em và buôn bán trẻ em đã đạt mức kỷ lục.

Niềm hạnh phúc vô song mà những người ủng hộ điều gọi là tự do tình dục hứa hẹn sẽ không bao giờ thành hiện thực. Thay vào đó, chúng ta nhận thấy ở những người trẻ tuổi mức độ lo lắng, trầm cảm và cô đơn cao đến mức đáng báo động. Nội dung khiêu dâm và các hình thức nghiện tình dục khác đã trở nên tràn lan và biến nhiều người thành nô lệ khi còn trẻ.

Việc làm sáng tỏ luân lý tình dục vẫn tiếp tục trong nhiều thập niên. Trong số những ngụy biện văn hóa, có một quan niệm phổ biến cho rằng hoạt động tình dục đồng tính là lành mạnh và bình thường, chỉ là một lựa chọn lối sống khác.

Trong những năm gần đây, sự nhầm lẫn về văn hóa của chúng ta đã làm nảy sinh ý thức hệ phái tính, khẳng định rằng con người có thể phủ nhận phái tính sinh học của mình. Đáng thương thay, nhiều người trẻ tuổi đã bị áp lực phải trải qua chế độ điều trị nội tiết tố chuyển đổi phái tính và cắt xén cơ thể của họ bằng các cuộc phẫu thuật “chuyển đổi phái tính”.

Thật biết ơn, khi Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II, với giáo huấn mang tính bước ngoặt của ngài về thần học thân xác, đã cho chúng ta một ngôn ngữ mới để nói lên vẻ đẹp của tính dục con người và giúp khôi phục sự lành mạnh về luân lý. Đức Giáo Hoàng Bênêđictô cũng cung cấp giáo huấn rõ ràng trong các lãnh vực quan trọng này. Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nói rõ ràng và mạnh mẽ về sự dữ của việc phá thai và sự nguy hiểm của lý thuyết phái tính.

Tôi lấy làm buồn rằng trong quá trình chuẩn bị cho Thượng hội đồng về tính đồng nghị, đã có một nỗ lực mới của một số người trong giới lãnh đạo giáo hội nhằm khơi dậy sự nhầm lẫn luân lý về tính dục con người. Con đường Đồng nghị của Đức là một thí dụ nổi bật. Ban lãnh đạo Hội đồng Giám mục Đức đã bác bỏ sự sửa sai của Đức Giáo Hoàng Phanxicô.

Đáng lo ngại nhất là tuyên bố của Đức Hồng Y Jean-Claude Hollerich của Luxembourg, người từng khẳng định rằng giáo huấn của Giáo Hội liên quan đến đồng tính luyến ái là sai vì ngài tin rằng nền tảng khoa học-xã hội học của giáo huấn này không còn đúng nữa. Những phát biểu của Đức Hồng Y Hollerich đặc biệt đáng quan tâm vì vai trò lãnh đạo mà ngài được chỉ định làm tổng tường trình viên cho Thượng Hội đồng về Tính đồng nghị.

Gần đây nhất, bài báo của Đức Hồng Y Robert McElroy trên tạp chí Dòng Tên America đã cáo buộc rằng Giáo Hội Công Giáo “chứa đựng các cấu trúc và văn hóa loại trừ khiến quá nhiều người xa lánh Giáo hội hoặc khiến hành trình của họ trong đức tin Công Giáo trở nên vô cùng nặng nề”. Đức Hồng Y McElroy ủng hộ điều mà ngài gọi là sự bao hàm triệt để bao gồm mọi người hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội theo các điều khoản của họ. Nhiệm vụ Chúa Giêsu trao cho các tông đồ là làm cho muôn dân thành môn đệ được hiểu là mở rộng lều hội thánh bằng cách dung túng những hành vi trái ngược với giáo huấn của chính Chúa chúng ta.

Đức Hồng Y McElroy dường như tin rằng giáo hội trong 2000 năm đã cường điệu hóa tầm quan trọng của giáo huấn luân lý về tình dục của mình, và sự bao hàm triệt để đó thay thế lòng trung thành với tín lý, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo huấn luân lý của Giáo hội liên quan đến tình dục con người.

Theo tôi, đây là một lỗi nghiêm trọng và nguy hiểm nhất. Sự hiểu biết của chúng ta về luân lý tính dục ảnh hưởng đáng kể đến đời sống hôn nhân và gia đình. Tầm quan trọng của hôn nhân và gia đình đối với xã hội, văn hóa, quốc gia và Giáo Hội không thể được đánh giá quá cao.

Những người ủng hộ sự bao hàm triệt để trưng dẫn việc Chúa chúng ta liên kết với những người tội lỗi. Trước sự chỉ trích gay gắt của các nhà lãnh đạo tôn giáo, đúng là Chúa Giêsu đã bày tỏ sự quan tâm, lòng trắc ẩn và lòng thương xót đối với những người tội lỗi. Trong mọi trường hợp, Chúa Giêsu cũng kêu gọi những ai muốn trở thành môn đệ của Người phải sám hối và hoán cải.

Chúng ta có phải hiểu lời kêu gọi ăn năn của Chúa chúng ta là nuôi dưỡng nền văn hóa loại trừ hay không? Giáo huấn rõ ràng và đầy thách thức của Chúa Giêsu về hôn nhân hay các hệ quả của dục vọng là nhằm mục đích tha hóa, hay đó là một lời mời gọi tiến tới giải thoát và tự do? Sự bao hàm triệt để có phải là ưu tiên cao nhất của Chúa chúng ta hay không, khi nhiều môn đệ bỏ đi sau bài giảng về Bánh Hằng Sống của Người?

Có ai trong chúng ta nên ngạc nhiên khi lắng nghe những người ở ngoại vi, những người không ở trong Giáo Hội của chúng ta, những người không Công Giáo và thậm chí những người không tin vào Chúa Giêsu, nói rằng nhiều người trong số họ không đồng ý với giáo huấn luân lý phản văn hóa của chúng ta hay không? Điều này có phải có nghĩa là chúng ta nên ăn năn vì đã tạo ra các cấu trúc loại trừ và chấp nhận tinh thần của nền văn hóa thế tục?

Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rõ ràng rằng tính đồng nghị không phải là biểu quyết về tín lý và giáo huấn luân lý. Đức Thánh Cha cũng đã nhắc nhở chúng ta rằng tính đồng nghị là một nỗ lực để lắng nghe Chúa Thánh Thần, chứ không phải tinh thần của thời đại.

Nếu chúng ta cố gắng trở thành môn đệ chân chính của Chúa Giêsu, há điều này không đòi hỏi chúng ta phải phản văn hóa hay sao? Khi mới thành lập Giáo Hội, điều gì đã thu hút mọi người đến với Kitô giáo? Đó có phải là sự bao hàm triệt để không? Chắc chắn, Tin Mừng của Chúa Giêsu đã được cống hiến cho tất cả mọi người, nam cũng như nữ, Do Thái và Dân Ngoại. Tuy nhiên, trong lời mời của Chúa chúng ta luôn có lời kêu gọi ăn năn, không phải tất cả đều được chào đón theo các điều khoản riêng của họ. Các thư tín của Thánh Phaolô hay bài giảng của Thánh Phêrô dịp Lễ Ngũ Tuần nói về sự bao hàm triệt để, hay chúng là lời kêu gọi hoán cải?

Điều đã tin mừng hóa nền văn hóa vào thời kỳ đầu của Kitô giáo một phần là tình yêu triệt để vốn là đặc điểm của các cuộc hôn nhân và gia đình Kitô giáo. Điều đã thu hút nhiều người đến với Kitô giáo là lời chứng của các trinh nữ tử vì đạo! Phụ nữ đặc biệt cảm thấy được lôi cuốn bởi giáo huấn Kitô giáo, một giáo huấn dạy rằng những người chồng nên sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình cho người bạn đời của mình như Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình cho cô dâu của mình là Giáo Hội.

Vào tháng 2, Tổng Giáo phận Kansas City sẽ tổ chức khóa tĩnh tâm Các Vết Thương Trao Ban Sự Sống cho những người con đã trưởng thành của ly dị hoặc ly thân. Những đứa con đã trưởng thành của ly hôn đại diện cho một nhóm thương vong lớn của cuộc cách mạng tình dục.

Khi lắng nghe những người ở ngoại vi, chúng ta nên bao gồm cả việc lắng nghe nỗi đau của những đứa trẻ trưởng thành của ly hôn, những người trẻ tuổi lớn lên mà không có sự hiện diện của một người cha yêu thương, những người nghiện nội dung khiêu dâm khi còn nhỏ và những người bị tổn thương về mặt cảm xúc bởi nền văn hóa tình dục không cam kết [hookup culture].

Tin Mừng buộc chúng ta phải nhìn mỗi người như một người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa. Chúng ta nhìn mỗi người với niềm mong đợi rằng Thiên Chúa đang cố tỏ mình ra cho chúng ta qua họ. Chúng ta tôn kính mỗi con người, vì hết thẩy đều có giá trị to lớn đến nỗi Chúa Giêsu đã hy sinh mạng sống của mình trên đồi Canvê cho mỗi người chúng ta. Vì lý do này, chúng ta đối xử với mọi con người bằng sự tôn kính và tôn trọng cao nhất — bất kể tuổi tác, chủng tộc, sắc tộc, giới tính, thể lực, khả năng trí tuệ hay khuynh hướng tình dục. Điều này không có nghĩa là chúng ta tôn trọng và tôn kính mọi lựa chọn được thực hiện.

Chúng ta thừa nhận mình là những kẻ tội lỗi cần đến lòng thương xót của Thiên Chúa, và vì thế chúng ta tìm cách nồng nhiệt đón nhận những người đồng loại tội lỗi. Chúng ta tôn trọng người khác đủ để mời họ thoát khỏi ách nô lệ của tội lỗi. Sống nhân đức khiết tịnh trong nền văn hóa tình dục hóa thái quá này là một thách thức đối với tất cả chúng ta. Chúng ta sẵn sàng và mong muốn bước đi với những người khác trong việc cố gắng đạt được đức hạnh và đồng hành cùng nhau trên con đường hoán cải liên tục.

Tôi cầu xin để Thượng hội đồng về tính đồng nghị sẽ không vô tình phục sinh và thổi luồng sinh khí mới vào sự hỗn độn luân lý. Nếu chúng ta thực sự lắng nghe Chúa Thánh Thần, tôi tin chắc rằng điều đó sẽ không khiến chúng ta từ bỏ giáo huấn luân lý của mình để ôm lấy tinh thần độc hại của một thời đại bị áp bức bởi chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối.
 
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với các nạn nhân động đất ở Ecuador
Thanh Quảng sdb
18:39 19/03/2023
Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ với các nạn nhân động đất ở Ecuador

Đức Thánh Cha Phanxicô bày tỏ sự gần gũi với các nạn nhân của trận động đất mạnh ở Ecuador và cầu nguyện cho các nạn nhân. Trong Kinh Truyền Tin, vào trưa Chúa nhật 19/3/2023 ĐTC cầu nguyện cho đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và cũng chúc mừng những người cha nhân dịp kỷ niệm "Ngày của Cha".

(Tin Vatican - Linda Bordoni)

Đức Thánh Cha Phanxicô cho biết ngài cầu nguyện cho các nạn nhân của trận động đất làm rung chuyển miền nam Ecuador và miền bắc Peru vào đêm thứ Bảy.

Trận động đất mạnh 6,8 độ richter đã giết chết ít nhất 16 người và khiến nhiều người bị mắc kẹt dưới đống đổ nát. Ước tính có khoảng 381 người bị thương.

Phát biểu trong buổi đọc Kinh Truyền Tin hôm Chúa nhật, Đức Thánh Cha nói ngài gần gũi với dân chúng Ecuador và đoan hứa cầu nguyện cho tất cả những người đã chết hoặc bị thương.

Trận động đất đêm Thứ Bảy cũng làm đổ sập nhà cửa và các tòa nhà từ các vùng ven biển đến vùng cao nguyên.

Các nhà quan sát ghi nhận những tòa nhà đổ nát, đa số là nơi sinh sống của người nghèo, cũ kỹ và không đáp ứng các tiêu chuẩn cho các vùng thường xuyên xảy ra động đất.

Tâm chấn nằm ngoài khơi bờ biển Thái Bình Dương, cách Guayaquil, thành phố lớn thứ hai của Ecuador, khoảng 80 km về phía nam.

Cơ quan cấp cứu của Ecuador báo cáo rằng một số người vẫn bị mắc kẹt dưới đống đổ nát.

Ecuador thường xuyên bị động đất. Vào năm 2016, một trận động đất có tâm xa hơn về phía bắc trên Bờ biển Thái Bình Dương tại một khu vực dân cư thưa thớt của đất nước đã giết chết hơn 600 người. Ở Peru, trận động đất ảnh hưởng từ biên giới phía bắc với Ecuador cho đến bờ biển trung tâm Thái Bình Dương.

Các nhà chức trách ở Peru cho hay có một trường hợp tử vong và nhiều tòa nhà đã bị phá hủy và những bức tường cũ của một doanh trại Quân đội đã sụp đổ ở Tumbes.

Cầu nguyện cho Ukraine

Và như truyền thống sau các bài phát biểu trong giờ Kinh Truyền Tin và trong các buổi tiếp kiến chung hàng tuần, Đức Thánh Cha Phanxicô đã hướng lòng về đất nước Ukraine đang bị chiến tranh tàn phá và nhắc nhở tất cả những người thiện chí cùng cầu nguyện cho quốc gia đang chịu nhiều đau khổ này.

“Chúng ta đừng quên cầu nguyện cho những người dân Ukraine đang tử vì đạo, những người tiếp tục đau khổ vì tội ác chiến tranh!”

Ngày Hiền Phụ

Cuối cùng, sau khi chào đón nhiều ngôn ngữ khác nhau ở Quảng trường Thánh Phêrô, đại diện cho các nhóm khách hành hương và du khách từ khắp nơi trên thế giới, Đức Thánh Cha nói: "Hôm nay chúng ta chúc mừng cho tất cả những người cha": “Xin cho họ tìm thấy nơi Thánh Giuse mẫu gương, sự nâng đỡ, niềm an ủi để sống trọn hảo thiên chức làm cha của mình.”

Và Đức Thánh Cha mời gọi chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Cha: “Lạy Cha chúng con ở trên trời…”
 
Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19/3
Đặng Tự Do
19:58 19/03/2023
Chúa Nhật 19 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay

Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Gioan.

Khi ấy, ra khỏi Đền Thờ, Đức Giêsu nhìn thấy một người mù từ thuở mới sinh. Đức Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là : người được sai phái). Vậy anh ta đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được.

Các người láng giềng và những kẻ trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới nói: “Hắn không phải là người vẫn ngồi ăn xin đó sao?” Có người nói: “Chính hắn đó!” Kẻ khác lại rằng: “Không phải đâu! Nhưng là một đứa nào giống hắn đó thôi!” Còn anh ta thì quả quyết: “Chính tôi đây !”

Họ dẫn kẻ trước đây bị mù đến với những người Pharisêu. Nhưng ngày Đức Giêsu trộn chút bùn và làm cho mắt anh ta mở ra lại là ngày sabát. Vậy, các người Pharisêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Anh trả lời: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy.” Trong nhóm Pharisêu, người thì nói: “Ông ta không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sabát”; kẻ thì bảo: “Một người tội lỗi sao có thể làm được những dấu lạ như vậy?” Thế là họ đâm ra chia rẽ. Họ lại hỏi người mù: “Còn anh, anh nghĩ gì về người đã mở mắt cho anh?” Anh đáp: “Người là một vị ngôn sứ!”

Họ đối lại: “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” Rồi họ trục xuất anh.

Đức Giêsu nghe nói họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Người hỏi: “Anh có tin vào Con Người không?” Anh đáp: “Thưa Ngài, Đấng ấy là ai để tôi tin?” Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây.” Anh nói: “Thưa Ngài, tôi tin.” Rồi anh sấp mình xuống trước mặt Người.

Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói:

Anh chị em thân mến, chào anh chị em,

Hôm nay, Tin Mừng mô tả Chúa Giêsu chữa lành cho một người mù từ thuở mới sinh (x. Ga 9,1-41). Nhưng điều kỳ diệu này được chào đón một cách thê thảm bởi nhiều người hoặc nhiều nhóm khác nhau. Chúng ta hãy nhìn vào các chi tiết.

Nhưng, trước hết tôi muốn nói rằng hôm nay, chúng ta hãy lấy Tin Mừng Gioan và đọc về phép lạ này của Chúa Giêsu. Cách Thánh Gioan kể lại trong chương 9 thực sự rất hay. Chỉ mất hai phút để đọc trình thuật này. Câu chuyện cho chúng ta thấy Chúa Giêsu hành động như thế nào và trái tim con người phản ứng ra sao: trái tim nhân hậu, trái tim nguội lạnh, trái tim sợ hãi của con người, trái tim can đảm của con người. Chương 9 Tin Mừng Gioan. Hãy đọc nó ngày hôm nay. Nó sẽ giúp anh chị em rất nhiều. Vậy thì những cách mà những người này chào đón điều phi thường này là gì?

Trước hết, có các môn đệ của Chúa Giêsu, khi đối mặt với người mù bẩm sinh, đã nói chuyện phiếm và hỏi liệu cha mẹ anh ta hay anh ta có lỗi không (x. câu 2). Họ tìm kiếm một thủ phạm. Và chúng ta đã nhiều lần rơi vào trường hợp này, điều này rất thuận tiện – tìm kiếm thủ phạm hơn là đặt ra những câu hỏi hóc búa trong cuộc sống. Và hôm nay, chúng ta có thể nói: Sự hiện diện của người đàn ông này có ý nghĩa gì đối với chúng ta, trong cuộc đời tôi? Người này đang yêu cầu chúng ta điều gì?

Sau đó, một khi tiến trình chữa lành diễn ra, các phản ứng sẽ tăng lên. Đầu tiên là từ những người hàng xóm tỏ ra nghi ngờ: “Người đàn ông này luôn bị mù. Không thể nào bây giờ anh ấy lại nhìn thấy – không thể nào là anh ấy được! Đó là một người khác” – chủ nghĩa hoài nghi (xem các câu 8-9). Điều này là không thể chấp nhận được đối với họ. Tốt hơn hết hãy để mọi thứ như trước đây để chúng ta không cần phải đối mặt với vấn đề này (xem câu 16). Họ sợ hãi, sợ hãi các nhà cầm quyền tôn giáo và không dám tuyên xưng (x. cc. 18-21).

Trong tất cả những phản ứng này, vì nhiều lý do khác nhau, đã xuất hiện những con tim khép kín trước dấu chỉ của Chúa Giêsu: vì họ tìm thủ phạm, vì họ không biết ngạc nhiên, vì họ không muốn thay đổi, vì họ bị ngăn cản bởi nỗi sợ. Ngày nay có rất nhiều tình huống tương tự. Đứng trước một điều gì đó thực sự là chứng từ của một con người, một sứ điệp về Chúa Giêsu, chúng ta rơi vào tình thế này – chúng ta tìm kiếm một lời giải thích khác, chúng ta không muốn thay đổi, chúng ta tìm kiếm một lối thoát tao nhã hơn là chấp nhận sự thật.

Người duy nhất phản ứng tốt là người mù. Vui mừng được thấy, anh làm chứng về điều đã xảy đến với mình một cách đơn giản nhất: “Trước đây tôi mù, nay tôi thấy” (c. 25). Anh ấy nói sự thật. Trước đây, anh phải đi khất thực để sống qua ngày, chịu nhiều thành kiến của người đời: “Anh nghèo và mù từ lúc mới sinh. Anh ấy phải chịu đựng. Anh ta phải trả giá cho tội lỗi của mình hoặc của tổ tiên anh ta”. Bây giờ được tự do về thể xác và tinh thần, anh ấy làm chứng cho Chúa Giêsu – anh ấy không bịa đặt hay che giấu bất cứ điều gì. “Tôi đã bị mù và bây giờ tôi nhìn thấy”. Anh ấy không sợ những gì người khác sẽ nói. Cả đời anh đã nếm trải vị đắng của việc bị gạt ra ngoài lề xã hội. Bản thân anh ta đã từng trải qua sự thờ ơ, khinh bỉ của những người qua đường, của những người coi anh ta là một kẻ bị xã hội ruồng bỏ, chỉ hữu ích cho việc thực hành bố thí một cách ngoan đạo. Bây giờ được lành bệnh, anh không còn sợ những thái độ khinh miệt đó nữa vì Chúa Giêsu đã ban cho anh đầy đủ phẩm giá của mình. Và điều này rõ ràng, nó luôn xảy ra khi Chúa Giêsu chữa lành cho chúng ta. Ngài trả lại cho chúng ta phẩm giá của chúng ta, phẩm giá của sự chữa lành trọn vẹn của Chúa Giêsu, một phẩm giá phát xuất từ tận sâu thẳm trái tim, chiếm lấy toàn bộ cuộc sống của một người. Và, vào ngày Sabát trước mặt mọi người, Chúa Giêsu đã giải phóng anh ta và cho anh ta nhìn thấy mà không yêu cầu nơi anh ta bất cứ điều gì, thậm chí không một lời cảm ơn, và anh ta làm chứng cho điều này. Đây là phẩm giá của một người cao quý, của một người biết mình được chữa lành và bắt đầu lại, được tái sinh. Sự tái sinh trong cuộc sống mà họ đã nói hôm nay trên “A Sua Immagine”: đó là được tái sinh.

Thưa anh chị em, qua tất cả những nhân vật này, bài Tin Mừng hôm nay cũng đặt chúng ta vào giữa bối cảnh đó, để chúng ta tự hỏi: Chúng ta đang ở trong vị trí nào? Chúng ta sẽ nói gì sau đó? Và trên hết, hôm nay chúng ta sẽ làm gì? Như anh mù, chúng ta có biết nhìn điều tốt và biết ơn những hồng ân mình nhận được không? Tôi tự hỏi mình: Nhân phẩm của tôi ra sao? Nhân phẩm của anh chị em như thế nào? Chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu không, hay thay vào đó chúng ta gieo rắc sự chỉ trích và nghi ngờ? Chúng ta có tự do khi phải đối mặt với những định kiến hay chúng ta liên kết bản thân với những người truyền bá tiêu cực và nói chuyện phiếm? Chúng ta có vui khi nói rằng Chúa Giêsu yêu thương chúng ta, rằng Ngài cứu chúng ta, hay giống như cha mẹ của người mù bẩm sinh, chúng ta có để mình bị giam cầm trong nỗi sợ hãi về những gì người khác sẽ nghĩ không? Những trái tim chai lì không chấp nhận sự thật và không đủ can đảm để nói: “Không, nó phải là thế này”. Và xa hơn, chúng ta đón nhận những khó khăn và sự thờ ơ của người khác như thế nào. Làm thế nào để chúng ta chào đón những người có quá nhiều hạn chế trong cuộc sống? Cho dù đó là về thể lý, giống như người mù này; hay có tính chất xã hội, giống như những người ăn xin chúng ta thấy trên đường phố? Chúng ta chào đón họ như một sự bất tiện hay như một cơ hội để đến gần họ với tình yêu?

Anh chị em thân mến, hôm nay chúng ta hãy xin ơn biết ngạc nhiên mỗi ngày trước những hồng ân của Thiên Chúa và xem những hoàn cảnh khác nhau của cuộc sống, ngay cả những hoàn cảnh khó chấp nhận nhất, như những cơ hội để làm điều tốt, như Chúa Giêsu đã làm với người mù. Xin Đức Mẹ giúp chúng ta trong việc này, cùng với Thánh Giuse, người công chính và trung thành.

Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói thêm như sau:

Anh chị em thân mến!

Hôm qua tại Ecuador, một trận động đất đã khiến nhiều người chết, nhiều người bị thương và thiệt hại đáng kể. Tôi gần gũi với người dân Ecuador và tôi bảo đảm với anh chị em rằng tôi sẽ cầu nguyện cho những người đã khuất và cho tất cả những ai đang đau khổ.

Tôi chào tất cả anh chị em, những người đến từ Rôma và những người hành hương từ nhiều quốc gia – tôi thấy những lá cờ: Colombia, Á Căn Đình, Ba Lan…rất nhiều quốc gia…. Tôi chào những người Tây Ban Nha đến từ Murcia, Alicante và Albacete.

Tôi chào giáo xứ Thánh Raymond Nonnato và Các Thánh Tử Đạo Canada ở Rôma, và giáo xứ Chúa Kitô Vua ở Civitanova Marche; hiệp hội các cộng tác viên Salêdiêng; các thanh niên nam nữ đến từ Arcore, các em ứng sinh Thêm Sức đến từ Empoli và các em đến từ giáo xứ Đức Mẹ Mân Côi ở Rôma. Tôi chào các bạn trẻ của Vô Nhiễm, họ thật tuyệt!

Rất vui được chào đón những người tham gia cuộc thi Marathon Rôma! Tôi xin chúc mừng các bạn vì, được thúc đẩy bởi “Điền kinh Vatican”, các bạn đang biến sự kiện thể thao quan trọng này thành một cơ hội để đoàn kết ủng hộ những người nghèo nhất.

Và hôm nay, chúng ta gửi lời chúc tốt đẹp nhất đến tất cả những người cha! Xin cho họ tìm được nơi Thánh Giuse một mẫu mực, một sự nâng đỡ và an ủi để sống tốt thiên chức làm cha của mình. Và tất cả cùng nhau, vì những người cha, chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa Cha

Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện Danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời.Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hằng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con. Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ. Amen

Anh chị em thân mến, chúng ta đừng quên cầu nguyện cho người dân Ukraine bị vùi dập, những người tiếp tục đau khổ vì tội ác chiến tranh.

Tôi chúc tất cả anh chị em một ngày Chúa Nhật tốt lành. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc anh chị em bữa trưa ngon miệng và xin chào tạm biệt.


Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Sóng gió từ một cuộc phỏng vấn: Đức Giáo Hoàng không nói sẽ loại bỏ luật độc thân linh mục.
J.B. Đặng Minh An dịch
20:47 19/03/2023

Cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha do Infobae - một hãng thông tấn từ Á Căn Đình – thực hiện và được công bố hôm 10 tháng Ba đang gây ra sóng gió. Như thường thấy sau các cuộc phỏng vấn với Đức Thánh Cha Phanxicô, nhiều tin đồn nổi lên. Lần này, tin đồn là Đức Thánh Cha loại bỏ luật độc thân linh mục. Có những phương tiện truyền thông táo bạo với các hàng tít giật gân: luật độc thân linh mục đã bị đảo chính.

Linh mục Thomas Petri, dòng Đa Minh, một nhà thần học luân lý và là phó giám đốc, trưởng khoa giáo hoàng về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội tại các viện nghiên cứu Đa Minh ở Washington, DC, có bài viết nhan đề “No, Pope Francis didn’t really hint that the requirement for priestly celibacy will be lifted”, nghĩa là “Không, Đức Thánh Cha Phanxicô đã không thực sự ám chỉ rằng luật độc thân linh mục sẽ bị loại bỏ.”

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Nhân dịp kỷ niệm 10 năm được bầu vào ngôi Giáo Hoàng, Đức Thánh Cha Phanxicô đã ngồi lại với Infobae - một hãng thông tấn từ Á Căn Đình - để hồi tưởng về triều đại giáo hoàng của ngài và thảo luận về các vấn đề ảnh hưởng đến Giáo hội và thế giới. Trong cuộc phỏng vấn, ngài nói: “Không có gì mâu thuẫn khi một linh mục kết hôn.” Ngài gọi đời sống độc thân linh mục là “một đơn thuốc tạm thời” và nói rằng đó là một đơn thuốc có thể được xem xét lại.

Đức Thánh Cha đã nói rõ ý của ngài qua lời nói của mình. Ngài nói rằng đời sống độc thân là một “đơn thuốc tạm thời” vì “nó không vĩnh cửu giống như việc truyền chức linh mục, vốn là vĩnh viễn.” Các phương tiện truyền thông thế tục và thậm chí một số tổ chức tin tức Công Giáo ngay lập tức đưa ra kết luận rằng Đức Thánh Cha đã sẵn sàng sửa đổi kỷ luật độc thân và ngài thậm chí có thể dỡ bỏ nó.

Tất nhiên, ngài không nói điều đó. Khi luật độc thân linh mục được thảo luận cởi mở tại Thượng hội đồng Amazon năm 2020, Đức Thánh Cha Phanxicô thậm chí đã chọn không đề cập đến luật độc thân trong tông huấn hậu Thượng hội đồng của mình.

Cuộc phỏng vấn tạo cơ hội để suy ngẫm về chức tư tế và đời sống độc thân. Giáo huấn của Giáo hội về đời sống độc thân khác với giáo huấn của Giáo hội về đặc tính không thể xóa nhòa của việc truyền chức và các chức thánh được dành riêng cho nam giới. Đây là những tín điều do Giáo hội dạy cần phải tin để khỏi rơi vào tà giáo hay bất đồng chính kiến.

Chức linh mục là đời đời, đó là điều đã được mọi người tin tưởng cho đến khi đạo Tin lành trỗi dậy vào thế kỷ 16. Giáo Hội luôn sống theo thư Do Thái 7:17 (“Muôn thuở, Con là Thượng Tế theo phẩm hàm Menkixêđê”). Sau khi những người theo đạo Tin lành chỉ trích thừa tác vụ được tấn phong, Công đồng Trentô đã long trọng xác định rằng Thiên Chúa đã mạc khải rằng mọi linh mục đều là linh mục đời đời. Ngày nay, khi các linh mục được giải phóng khỏi các nghĩa vụ của chức linh mục, họ không trở thành giáo dân nữa. Họ chỉ đơn thuần được phép không thi hành các bổn phận và nghĩa vụ của chức tư tế. Họ vẫn là linh mục. Không có linh mục nào từng bị “huyền chức,” bất chấp sự phổ biến của từ ngữ đáng tiếc đó.

Năm 1976, Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý trong sắc lệnh Inter Insignores, nghĩa là “Giữa Những Điều Đáng Lưu Ý”, rằng Giáo hội không có thẩm quyền phong chức cho phụ nữ vì chính Chúa Kitô đã không chọn phụ nữ trong số Mười hai Tông đồ và vì các thánh Tông đồ, những người được trao quyền giảng dạy sau khi Chúa Kitô lên trời, cũng không bao giờ chọn phụ nữ. Tuy không được nêu rõ ràng trong Kinh thánh, đó là một kết luận hợp lý cần thiết từ mặc khải của Kinh thánh và truyền thống.

Chúa Kitô không nhất thiết phải tuân theo các chuẩn mực văn hóa. Các Tông đồ, những người đã dạy nhiều hơn Chúa Giêsu khi còn sống trên đất, đã áp dụng nhiều phong tục Hy Lạp - Rôma thay vì các quy tắc của Môisê. Người Hy Lạp có các nữ tư tế, nhưng các tông đồ vẫn không phong chức cho phụ nữ. Với sự chấp thuận của Đức Giáo Hoàng Phaolô Đệ Lục, Bộ Giáo Lý Đức Tin đã tuyên bố rằng những sự thật này là dứt khoát và chung cuộc: Giáo Hội không thể phong chức cho phụ nữ.

Năm 1994, Đức Gioan Phaolô II tái khẳng định kết luận này trong Tông Thư Ordinatio Sacerdotalis, hay Chức Linh Mục. Một năm sau, Bộ Giáo lý Đức tin lưu ý rằng bức thư của vị thánh giáo hoàng tuyên bố rằng giáo huấn Công Giáo luôn dạy rằng phụ nữ không thể được phong chức. Có thể đến một ngày, như đã xảy ra vào thế kỷ 16, khi một giáo hoàng hoặc một hội đồng đại kết phải long trọng tuyên bố rằng đây là một sự thật được Chúa mặc khải, nhưng hiện tại, đó là một phần của huấn quyền thông thường và phổ quát mà chúng ta phải tin rằng phụ nữ không thể được phong chức kẻo chúng ta trở thành những người bất đồng chính kiến với đức tin Công Giáo.

Luật độc thân linh mục thuộc một phạm trù khác. Mặc dù chương thứ tư của Tin Mừng Luca cho chúng ta biết rằng Thánh Phêrô có một bà mẹ vợ, nhưng lời khuyên của Chúa về việc giữ trinh tiết vì vương quốc (Mt 19:12) đã trở thành quy tắc. Thánh Phaolô lưu ý rằng những người đàn ông độc thân hoàn toàn tận tụy lo việc Chúa (1 Cr 7:32). Độc thân là kỷ luật từ rất sớm.

Mặc dù ngay từ thế kỷ thứ tư đã có các Công Đồng địa phương, chẳng hạn như Công Đồng Elvira, quy định các linh mục phải sống độc thân, nhưng người ta hiểu rằng ngay cả các linh mục đã kết hôn cũng thực hành tiết chế tình dục vì họ phải chuyên tâm thờ phượng Chúa. Đó là sự chuyển tiếp từ Do Thái giáo, vốn hiểu rằng các linh mục phục vụ trong Đền thờ phải kiêng quan hệ tình dục với vợ của họ để tập trung vào Chúa.

Khi Chúa Kitô thay thế cho Đền thờ; và Bí tích Thánh Thể trở thành phương thức thờ phượng thiêng liêng chính, ngay cả những linh mục đã kết hôn trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội cũng có xu hướng thực hành hôn nhân “Josephite” – nghĩa là một cuộc hôn nhân không có quan hệ tình dục - để họ có thể trong sạch và không bị chia cắt trong việc thờ phượng Chúa. Các nhà phê bình hiện đại về chủ nghĩa độc thân đã không thực hiện nghiên cứu của họ. Ngay cả các linh mục đã kết hôn trong những thế kỷ đầu tiên của Giáo hội cũng không còn là chồng theo nghĩa mật thiết vì họ và vợ của họ hiểu được tính ưu việt của việc thờ phượng Thiên Chúa và sự thờ phượng chuyên tâm cần có nơi những người tận hiến để dâng Thánh lễ.

Mặc dù Giáo Hội Công Giáo Rôma ngày nay vẫn có những ngoại lệ đối với tình trạng độc thân các linh mục - chẳng hạn như đối với các linh mục trong Giáo hạt tòng nhân Anh giáo - và mặc dù Giáo hội Đông phương có các linh mục đã kết hôn, nhưng ngay cả các linh mục đã kết hôn ngày nay cũng nhận ra tầm quan trọng, giá trị và tính ưu việt của tình trạng độc thân. Các linh mục độc thân sống như Chúa Kitô đã sống trong thế giới này. Sự độc thân và sự hy sinh của ngài đã mang lại sự sống cho thế giới.

Chắc chắn rằng một ngày nào đó trong tương lai, kỷ luật độc thân có thể biến mất, nhưng điều đó không có nhiều khả năng sẽ xảy ra. Các giáo phái Tin lành có giáo sĩ đã kết hôn có ít ơn gọi hơn nhiều giáo phận và dòng tu Công Giáo. Một giáo sĩ độc thân đã trở thành tiêu chuẩn trong Giáo Hội Công Giáo trong vài trăm năm. Các giáo xứ và giáo phận không sẵn sàng hỗ trợ các gia đình giáo sĩ. Hầu hết các linh mục kiếm được ít hơn mức lương tối thiểu hàng năm, bất kể những lợi ích bổ sung mà họ có thể nhận được - những lợi ích mà hầu hết các giáo xứ và giáo phận không đủ khả năng mở rộng cho một gia đình.

Quan trọng hơn, trong khi các linh mục đôi khi phải vật lộn với đời sống độc thân, và đôi khi họ có thể coi đó là một thử thách trong việc phục vụ Chúa và Giáo hội của Người, thì có rất ít, có lẽ chỉ một số ít, các linh mục tốt sẽ từ bỏ đời sống độc thân trong chức linh mục của họ. Chỉ có những nhà phê bình và những người ngoài cuộc nói với các linh mục rằng các ngài nên kết hôn. Dù hôn nhân là một điều tốt đẹp, nhưng linh mục chúng tôi biết rằng Thiên Chúa còn đòi hỏi nơi chúng tôi nhiều hơn thế.

Nó đòi hỏi một ân sủng nào đó để sống độc thân một cách vui vẻ và trọn vẹn. Sự cần thiết của một ân sủng như vậy bảo đảm rằng các linh mục hoàn toàn tận tụy với Thiên Chúa và chúng tôi được ban ân sủng để tận tụy như vậy trong suốt cuộc đời của mình.
Source:Catholic News Agency
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Ban Truyền Thông Tổng Giáo Phận Hà Nội Khởi Động Khóa Bổ Túc
VietCatholic TV
Nga tang gia bối rối: EU thề cấm vận cho đến khi Putin bị bắt. NATO đánh chặn máy bay Nga ở Estonia
VietCatholic Media
03:04 19/03/2023


1. Sau lệnh bắt giữ Putin, Nga đổi thái độ, sẵn sàng đón nhận “các đề xuất nghiêm túc” về ngoại giao từ phương Tây và Ukraine

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Nga sẽ xem xét “những đề xuất thực sự nghiêm túc” từ các quốc gia phương Tây và Ukraine về khả năng chấm dứt chiến tranh.

“Chúng tôi đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng ta sẵn sàng đón nhận các đề xuất thực sự nghiêm túc từ phương Tây và Ukraine về một giải pháp chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng, nhưng ngôn ngữ như một thứ tối hậu thư là không thể chấp nhận được đối với chúng tôi,” Maria Zakharova cho biết như trên hôm thứ Bẩy.

Bà Zakharova lên án các quan chức Ukraine, trong đó có Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba, không sẵn sàng ngồi vào bàn đàm phán.

Các bình luận của Zakharova được đưa ra sau lệnh bắt giữ Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, và những đồn thổi cho rằng Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov sẽ từ chức. Sau cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, ông Lavrov đã nhiều lần từ chức, không phải vì ông ta phản đối cuộc xâm lược nhưng vì thấy trước các hệ lụy sau khi nhận ra rằng Nga không thể thắng dễ dàng như mong đợi.

Các bình luận của Zakharova được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba hôm thứ Năm nói rằng ông đã thảo luận về công thức hòa bình 10 điểm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với các quan chức Trung Quốc:

Zakharova gọi kế hoạch hòa bình của Zelenskiy là “không gì khác hơn là một tập hợp các tối hậu thư và ra lệnh cho Nga là xa rời thực tế” và tuyên bố mục đích đề xuất của Ông Zelenskiy là “đạt được sự đầu hàng của Nga với sự giúp đỡ của phương Tây.”

Theo bà Zakharova, một phần không thể thiếu trong kế hoạch hòa bình bền vững nên bao gồm việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt và công nhận quốc tế về việc Nga tuyên bố sáp nhập các lãnh thổ Ukraine. Tuy nhiên, Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục cho đến khi Mạc Tư Khoa trao Vladimir Putin cho Tòa án Hình sự Quốc tế, xét xử, và đồng thời rút hết quân đội ra khỏi các lãnh thổ của Ukraine mà họ chiếm đóng trái phép.

Trong khi các quan chức Ukraine cho biết họ sẽ tiếp tục đánh giá khả năng đàm phán hòa bình, Zelenskiy không tính đến khả năng từ bỏ bất kỳ vùng đất nào của Ukraine, cũng như từ bỏ nỗ lực gia nhập NATO và Liên minh Âu Châu.

2. Máy bay chiến đấu của NATO chặn máy bay Nga gần không phận Estonia lần thứ hai trong một tuần

Các máy bay chiến đấu của Anh và Đức đã chặn một máy bay Nga bay gần không phận Estonia hôm thứ Sáu, theo một tuyên bố từ Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh (RAF).

Đây là cuộc chạm trán thứ hai như vậy trong tuần này, khi NATO thực hiện các nỗ lực giám sát chung trên không trong khu vực.

Hai máy bay phản lực Typhoon đã chặn “một máy bay phản lực Tu-134 của quân đội Nga, được NATO gọi là Crusty, đang được hộ tống bởi hai máy bay chiến đấu Sukhoi Su-27 Flanker và một máy bay vận tải quân sự AN-12 Cub,” RAF cho biết..

Tuyên bố cho biết, việc đánh chặn kiểu này không phải là điều bất thường đối với máy bay NATO, nhưng nhiệm vụ giám sát chung trên không là nhiệm vụ đầu tiên đối với hai đồng minh NATO.

RAF mô tả hoạt động này là sự bảo đảm rằng Vương quốc Anh, Đức và các quốc gia NATO khác “sát cánh cùng đồng minh Estonia của họ vào thời điểm căng thẳng này”.

“ Chúng ta nhanh chóng xác định máy bay Nga và sau đó theo dõi nó khi nó bay gần không phận NATO”, Richard Leask, chỉ huy RAF, cho biết trong tuyên bố.

Các nhiệm vụ giám sát trên không giúp NATO xác định bất kỳ máy bay nào cần quan tâm, “bảo đảm chúng ta biết họ là ai” và giữ an toàn cho mọi người trong không phận, Leask tiếp tục.

“Đây là một phần của việc trở thành một phi công chiến đấu và là điều mà chúng ta và các đồng nghiệp người Đức đã cùng nhau huấn luyện để có thể làm được,” viên chỉ huy nói.

RAF được triển khai tại Estonia trong Chiến dịch Azotize, được giao nhiệm vụ bảo vệ chống lại bất kỳ máy bay nào gây lo ngại trong không phận Baltic, tuyên bố của quân đội cho biết. Vương quốc Anh sẽ tiếp quản quyền lãnh đạo từ quân đội Đức vào tháng 4 và các nhiệm vụ chung giữa các đồng minh sẽ tiếp tục được thực hiện cho đến cuối tháng đó.

Hai vụ chặn liên quan đến máy bay NATO trong tuần này diễn ra sau khi công bố đoạn video quay từ trên không tuyệt đẹp cho thấy một máy bay phản lực Nga vo ve và sau đó rõ ràng là va chạm với một máy bay không người lái của Mỹ trên Hắc Hải. Việc máy bay không người lái bị bắn hạ làm nổi bật nguy cơ đụng độ trực tiếp giữa các lực lượng của Nga và NATO trong cuộc chiến đang diễn ra của Mạc Tư Khoa ở Ukraine.

3. Ukraine thề sẽ trục xuất Nga khỏi tất cả các vùng lãnh thổ bị xâm lược nhân kỷ niệm ngày sáp nhập Crimea

Bộ Ngoại giao Ukraine đánh dấu kỷ niệm ngày Nga sáp nhập Crimea hôm thứ Bảy, nói rằng bán đảo này đã “chịu đựng” dưới thời Điện Cẩm Linh trong 9 năm và kêu gọi Nga rời khỏi tất cả các lãnh thổ Ukraine bị xâm lược.

Vào năm 2014, Nga đã xâm chiếm bán đảo Hắc Hải và hoàn thành việc sáp nhập bán đảo này trong vòng vài ngày, tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý bị Ukraine và hầu hết thế giới chỉ trích là bất hợp pháp.

“Trong 9 năm liên tiếp, bán đảo Crimea đã phải chịu đựng dưới chế độ tội phạm của Điện Cẩm Linh, chế độ này đã biến nó thành một tiền đồn quân sự, một khu vực không có tự do và quấy rối, gây hấn và khủng bố chống lại mọi thứ và tất cả những ai có đủ can đảm để chống lại và bảo vệ các quyền và giá trị dân chủ của họ,” Bộ Trưởng Ngoại Giao Ukraine Dmytro Kuleba.

Ông cũng lên án cái gọi là trưng cầu dân ý được tổ chức vào năm ngoái tại các khu vực bị tạm chiếm của các vùng Kherson, Zaporizhzhia, Luhansk và Donetsk của Ukraine. Quá trình đó cũng bị các chính phủ Kyiv và phương Tây lên án là vi phạm luật pháp quốc tế.

“Cả năm 2014 và năm 2022, cuộc trưng cầu dân ý không gây hậu quả gì đối với cấu trúc hành chính-lãnh thổ và biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine,” ông nói. “Việc giải phóng tất cả các vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời khác cũng sẽ diễn ra. Nó chỉ là một vấn đề thời gian.”

Kuleba cảm ơn các đồng minh toàn cầu của Ukraine đã giúp nước này tiến tới giành lại lãnh thổ, bao gồm cả ở Crimea, và cho biết Ukraine sẽ nỗ lực hết sức để trừng phạt Nga và lãnh đạo nước này.

Tại Crimea, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự một sự kiện hôm thứ Bảy tại thành phố lớn nhất của bán đảo, Sevastopol, để đánh dấu lễ kỷ niệm.

4. Công tố viên trưởng của ICC nói Putin sẽ phải ra hầu tòa bất chấp sự phản đối của Nga

Công tố viên trưởng của Tòa án Hình sự Quốc tế nói với CNN rằng ông tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin phải hầu tòa vì những tội ác bị cáo buộc gây ra trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, bất chấp lập luận của Mạc Tư Khoa rằng họ không tuân theo các quyết định của tòa án.

Ông đã phát biểu sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, ban hành lệnh bắt giữ Putin vì cáo buộc âm mưu trục xuất trẻ em Ukraine sang Nga.

Nga đã phản đối quyết định truy nã Putin của ICC.

Nhưng Công tố viên trưởng Karim Khan đã chỉ ra các phiên tòa lịch sử xét xử tội phạm chiến tranh của Đức Quốc xã, cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milošević và cựu lãnh đạo Liberia Charles Taylor, như những ví dụ về những nhân vật dường như không thể chạm tới nhưng cuối cùng phải đối mặt với công lý.

Ông nói: “Tất cả họ đều là những cá nhân hùng mạnh, đầy quyền lực nhưng họ lại phải vào phòng xử án.”

Khan chỉ ra rằng động thái này đã làm nên lịch sử khi đưa Putin trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh truy nã.

Nhiều quan sát viên cho rằng viễn cảnh khả thi nhất là người Nga bắt giữ Putin và trao cho Tòa án Hình sự Quốc tế trước các lệnh trừng phạt và cấm vận kéo dài của phương Tây. Các biện pháp trừng phạt kinh tế thường có tác dụng chậm chạp. Tuy nhiên, người Nga không thể thắt lưng buộc bụng lâu dài. Lệnh bắt giữ Putin của ICC sẽ kích hoạt các cố gắng lật đổ Putin của giới tinh hoa Nga như cách thế duy nhất để cứu nước Nga, cứu những người, từ dân thường cho đến giới kinh doanh, có các lợi ích bị đe dọa do sự cô lập và các biện pháp trừng phạt mà nước Nga phải gánh chịu, và những người đứng trước nguy cơ cũng có thể bị bắt như Putin.

5. Thủ tướng Đức, Olaf Scholz, đã hoan nghênh quyết định của tòa án hình sự quốc tế về việc ban hành lệnh bắt giữ tổng thống Nga, Vladimir Putin.

Scholz nói với các phóng viên tại một cuộc họp báo ở Tokyo rằng điều đó cho thấy “không ai đứng trên luật pháp”.

“Tòa án hình sự quốc tế là cơ quan phù hợp để điều tra các tội ác chiến tranh… Thực tế là không ai đứng trên luật pháp và điều đó đang trở nên rõ ràng ngay bây giờ,” Scholz nói trong cuộc họp báo với thủ tướng Nhật Bản, Fumio Kishida.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã cảnh báo rằng điều quan trọng là phải khẩn cấp cung cấp đạn dược mới cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược của Nga.

“Điều rất quan trọng là chúng ta nhanh chóng cung cấp đạn dược cần thiết cho Ukraine và làm điều đó một cách nhanh chóng,” Scholz nói với các nhà lập pháp tại hạ viện Đức hôm thứ Năm, hứa hẹn hành động tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh Âu Châu vào tuần tới.

Cùng với các đối tác Âu Châu của chúng ta, chúng ta sẽ tiếp tục bảo đảm rằng Ukraine nhận được vũ khí và thiết bị để tự vệ và cầm cự'', Scholz nói.

Ông nói: “Tại Hội đồng Âu Châu, chúng ta sẽ quyết định các biện pháp tiếp theo cùng với các đối tác Liên Hiệp Âu Châu của mình để đạt được nguồn cung liên tục, tốt hơn nữa,” đồng thời cho biết thêm rằng “chúng ta cũng sẵn sàng mở các phương thức mua sắm của mình với các quốc gia khác”.

Scholz nói rằng trong 12 tháng qua, Đức đã hỗ trợ Ukraine gần 15 tỷ đô la để giúp chống lại cuộc xâm lược của Nga, đó là “một khoản tiền đáng kể - nhưng nó phù hợp với đất nước của chúng ta,” ông nói.

Scholz cho biết: “Và sau đó là sự tham gia của Đức vào hỗ trợ toàn diện của Liên minh Âu Châu dành cho Ukraine - chẳng hạn như dưới hình thức viện trợ ngân sách trực tiếp - là 18 tỷ euro (hơn 19 tỷ USD) chỉ riêng trong năm nay”.

Gói trừng phạt của Âu Châu ''tiếp tục gây khó khăn hơn cho Nga trong việc theo đuổi cuộc chiến tranh xâm lược của họ - và chúng ta sẽ tiếp tục gây áp lực trừng phạt'', Scholz nói thêm rằng ''chúng ta sẽ cùng nhau bảo đảm rằng các nước bên thứ ba không tìm thấy kẽ hở trong các biện pháp trừng phạt này.''

Scholz cho biết 27 nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ thảo luận về các vấn đề như khả năng cạnh tranh và năng lượng, cũng như cuộc chiến ở Ukraine, tại Brussels vào thứ Năm và thứ Sáu tới.

6. Quan chức tình báo cho biết Điện Cẩm Linh đã tìm kiếm người thay thế Putin

Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cho biết các biện pháp trừng phạt sẽ tiếp tục cho đến khi Mạc Tư Khoa trao Vladimir Putin cho Tòa án Hình sự Quốc tế, xét xử, và đồng thời rút hết quân đội ra khỏi các lãnh thổ của Ukraine mà họ chiếm đóng trái phép.

Trong bối cảnh đó, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Kremlin Already Searching for Putin's Replacement: Intelligence Official”, nghĩa là “Quan chức tình báo cho biết Điện Cẩm Linh đã tìm kiếm người thay thế Putin.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức tình báo Ukraine cho biết, Điện Cẩm Linh đang tìm kiếm người thay thế Tổng thống Nga Vladimir Putin trong bối cảnh dân chúng ngày càng bất mãn với cuộc chiến Ukraine.

Putin đã phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” của mình ở Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, dự định sẽ giành chiến thắng nhanh chóng trước quốc gia Đông Âu, lúc đó được cho là có quân đội yếu hơn nhiều. Tuy nhiên, khả năng phòng thủ mạnh hơn mong đợi của Kyiv, vốn được hỗ trợ bởi viện trợ quân sự của phương Tây, đã làm giảm lợi ích quân sự của Nga.

Sau hơn một năm chiến đấu, cuộc xâm lược của Nga tiếp tục đình trệ trong khi Ukraine chiếm lại hàng nghìn dặm vuông lãnh thổ trước đây bị xâm lược vào mùa thu năm ngoái. Giao tranh vẫn tập trung ở phần cực đông của đất nước, nơi nỗ lực kiểm soát Bakhmut của Nga đã chậm lại trong những ngày gần đây.

Nga nói chung đã đứng sau Putin trong suốt cuộc chiến, mặc dù đã có những dấu hiệu cho thấy một số người đã trở nên mệt mỏi với nó trong bối cảnh tổn thất ngày càng nhiều. Theo Ukraine, cuộc chiến bị lên án rộng rãi đã khiến phương Tây ban hành các biện pháp trừng phạt làm suy yếu nền kinh tế của Mạc Tư Khoa và dẫn đến cái chết của hơn 160.000 binh sĩ Nga.

Trong bối cảnh sự bất mãn ngày càng tăng, Ukraine hiện tin rằng Điện Cẩm Linh đang tìm kiếm người kế nhiệm Putin.

Andriy Yusov, phát ngôn viên của cục tình báo quân đội Ukraine, cho biết trong một nhận xét gần đây rằng cuộc tìm kiếm diễn ra khi “vòng vây xung quanh Putin đang thu hẹp lại”. Theo Yusov, ngay cả trong biên giới nước Nga, người ta tin rằng Putin ngày càng trở nên “độc hại hơn” đối với vận mệnh của đất nước.

“Trong Điện Cẩm Linh, ngày càng có nhiều bất mãn với những gì đang xảy ra,” Yusov nói. “Có một nhận thức ngày càng ảm đạm về các triển vọng, đặc biệt là thảm họa địa chính trị của chế độ Putin. Do đó, việc tìm kiếm người kế nhiệm Putin đã được tiến hành”.

Ông nói thêm rằng Putin không còn tham gia vào việc lựa chọn người kế vị cuối cùng của mình. Nhận xét của Yusov lần đầu tiên được đăng lên Twitter vào thứ Bảy và được dịch bởi Anton Geraschenko, cố vấn của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ukraine. Yusov không nêu tên bất kỳ ứng cử viên tiềm năng nào có thể thay thế cho Putin.

Nga chưa bình luận công khai về nhận xét của Yusov và vẫn chưa rõ liệu việc thay thế Putin có giải quyết được các vấn đề trong quân đội Nga hay không. Một số nhà phê bình đã khiển trách Putin vì đã phân loại cuộc xâm lược là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” chứ không phải là một “cuộc chiến tranh”, do đó hạn chế khả năng huy động toàn lực quân đội.

Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra những vấn đề khác đối với cuộc xâm lược lung tung, bao gồm những thách thức trong việc duy trì những người lính có động lực tốt, đặc biệt là trong những tháng mùa đông lạnh hơn và các vấn đề với lãnh đạo quân đội.

Các câu hỏi về tương lai của Putin cũng xuất hiện khi Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, phát lệnh bắt giữ Putin với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh vào thứ Sáu. Mặc dù Putin khó có thể bị bắt ngay tức khắc, nhưng lệnh này sẽ hạn chế rất nhiều khả năng đi lại của ông ta, vì hầu hết các quốc gia đều công nhận thẩm quyền của ICC.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

7. Công tố viên trưởng của ICC nói rằng Putin phải chịu trách nhiệm hình sự về việc trục xuất cưỡng bức

Công tố viên trưởng Tòa án Hình sự Quốc tế Karim Khan cho biết có cơ sở hợp lý để tin rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin và Cao ủy phụ trách quyền trẻ em Maria Lvova-Belova của nước này phải chịu trách nhiệm hình sự về việc buộc phải trục xuất hàng trăm trẻ em Ukraine.

Khan cho biết vào thời điểm những đứa trẻ Ukraine được đưa ra khỏi đất nước của chúng, chúng được bảo vệ theo Công ước Geneva lần thứ tư, Khan cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

Theo Mỹ và một số chính phủ Âu Châu, chính quyền của Putin đã thực hiện kế hoạch trục xuất hàng nghìn trẻ em Ukraine sang Nga, thường là tới một mạng lưới hàng chục trại, nơi trẻ vị thành niên trải qua cải tạo chính trị.

“Chúng ta cáo buộc rằng nhiều đứa trẻ trong số này đã được cho làm con nuôi ở Liên bang Nga,” Khan cũng cho biết thêm rằng sự thay đổi luật ở Nga thông qua các sắc lệnh của Tổng thống do Putin ban hành đã giúp những đứa trẻ được nhận nuôi dễ dàng hơn. các gia đình Nga.

Khan nói: “Những hành động này, trong số những hành động khác, thể hiện ý định loại bỏ vĩnh viễn những đứa trẻ này khỏi đất nước của chúng.

Ông kêu gọi trách nhiệm giải trình và để những đứa trẻ được trở về với gia đình của chúng ở Ukraine, đồng thời tuyên bố thêm rằng “chúng ta không thể cho phép trẻ em bị đối xử như thể chúng là chiến lợi phẩm của chiến tranh”.

Khan cho biết Ukraine là “hiện trường vụ án bao gồm một loạt các tội phạm quốc tế bị cáo buộc phức tạp và rộng”, giải thích rằng mặc dù đây là bước đầu tiên trong việc truy tố các tội ác chiến tranh, nhưng ông vẫn tiếp tục theo đuổi các hướng điều tra khác.

8. Nhà ngoại giao Liên Hiệp Âu Châu gọi lệnh bắt giữ của ICC đối với Putin là “quyết định quan trọng của công lý quốc tế”

Người đứng đầu chính sách đối ngoại của Liên minh Âu Châu ca ngợi quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin là “một quyết định quan trọng của công lý quốc tế” và “chỉ là bước khởi đầu” trong một quy trình pháp lý quốc tế nhằm buộc Putin phải chịu trách nhiệm.

“Mức độ nghiêm trọng của tội ác và tuyên bố của ICC đã tự nói lên tất cả,” Josep Borrell, đại diện cấp cao của Liên Hiệp Âu Châu về Chính sách Đối ngoại và An ninh, cho biết hôm thứ Sáu.

“Đây là một quyết định quan trọng của tư pháp quốc tế và của người dân Ukraine. Chúng ta luôn nói rõ tại Liên minh Âu Châu rằng những kẻ chịu trách nhiệm cho hành động xâm lược bất hợp pháp chống lại Ukraine phải bị đưa ra trước công lý,” ông Borrell nói thêm.

Ông cho biết lệnh bắt giữ này “chỉ là khởi đầu của quá trình quy trách nhiệm” cho việc quy trách nhiệm cho Nga và các quan chức khác về tội ác chiến tranh tiềm ẩn ở Ukraine.

9. Điện Cẩm Linh gọi quyết định của ICC là “thái quá và không thể chấp nhận được”

Điện Cẩm Linh đã gọi quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủy viên trẻ em của Nga Maria Lvova-Belova là “thái quá và không thể chấp nhận được.”

“Nga, giống như một số quốc gia, không công nhận thẩm quyền của tòa án này và theo đó, bất kỳ phán quyết nào thuộc loại này đều vô hiệu đối với Liên bang Nga theo quan điểm của pháp luật,” phát ngôn viên Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov viết trên Twitter hôm thứ Sáu..

Dmitry Medvedev, cựu Tổng thống Nga và Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, cũng bác bỏ lệnh này trong một tweet.

Đại sứ Nga tại Liên Hiệp Quốc Vassily Nebenzia cũng lên án ICC là “cơ quan nội bộ có thành kiến, thiên vị và kém năng lực”.

Nebenzia gọi tòa án tội ác chiến tranh là con rối của các nước lớn phương Tây và cho biết vì Nga không phải là một bên tham gia các đạo luật Rome của ICC nên quyết định ban hành lệnh bắt giữ của tòa án là vô hiệu.

Nằm ở The Hague, Hà Lan và được tạo ra bởi một hiệp ước có tên là Quy chế Rome lần đầu tiên được đưa ra trước Liên Hiệp Quốc, ICC hoạt động độc lập. Hầu hết các quốc gia đều là thành viên của hiệp ước — nhưng có những ngoại lệ rất lớn và đáng chú ý, bao gồm cả Nga.

Điều này có nghĩa là để các phiên tòa được tiến hành, các quan chức Nga bị buộc tội sẽ phải được Mạc Tư Khoa giao nộp hoặc bị bắt giữ bên ngoài nước Nga.

10. Lệnh truy nã của ICC đối với Putin là một “lời cảnh tỉnh” đối với những người khác có hành vi lạm dụng, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền gọi quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin là “lời cảnh tỉnh cho những người khác có hành vi lạm dụng hoặc bao che cho họ” trong một tuyên bố hôm thứ Sáu.

“Đây là một ngày trọng đại đối với nhiều nạn nhân của các tội ác do lực lượng Nga gây ra ở Ukraine kể từ năm 2014. Với các lệnh bắt giữ này, ICC đã biến Putin trở thành kẻ bị truy nã và thực hiện bước đầu tiên để chấm dứt tình trạng miễn trừ đã khuyến khích các thủ phạm trong cuộc chiến ở Nga Balkees Jarrah, phó giám đốc tư pháp quốc tế của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết.

ICC đã ban hành lệnh bắt giữ Putin và Maria Lvova-Belova, quan chức trung tâm của kế hoạch bị cáo buộc trục xuất hàng ngàn trẻ em Ukraine sang Nga.

“Các trát đưa ra một thông điệp rõ ràng rằng việc ra lệnh phạm tội hoặc dung túng cho các tội ác nghiêm trọng đối với dân thường có thể dẫn đến một phòng giam ở The Hague. Lệnh của tòa án là lời cảnh tỉnh cho những người khác có hành vi lạm dụng hoặc bao che cho họ rằng ngày ra tòa của họ có thể sắp đến, bất kể cấp bậc hay chức vụ của họ,” Jarrah nói.

Chính phủ Nga không công nhận quyền tài phán của ICC tại The Hague, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết hôm thứ Ba, theo hãng thông tấn nhà nước TASS.

Nga rút khỏi hiệp ước ICC theo chỉ thị do Putin ký năm 2016.
 
Lệnh bắt giữ Vladimir Putin triệt tiêu khả năng Đức Giáo Hoàng thăm Nga. Đức Thánh Cha cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa
VietCatholic Media
05:07 19/03/2023


1. Lệnh bắt giữ Vladimir Putin triệt tiêu mọi kỳ vọng liên quan đến một chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Nga

Trong một diễn biến lịch sử, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Nga Vladimir Putin và ủy viên Nga về quyền trẻ em, Maria Lvova-Belova vì vai trò của họ trong kế hoạch bị cáo buộc trục xuất hàng ngàn trẻ em Ukraine sang Nga.

Với lệnh truy nã này, Putin trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh truy nã, và bị coi là một tên tội phạm bị tầm nã.

Về phương diện Giáo Hội, điều này chấm dứt tức khắc mọi kỳ vọng liên quan đến một chuyến tông du của Đức Thánh Cha đến Nga.

Trong cuộc phỏng vấn mới đây nhất, được công bố hôm 10 tháng Ba, Đức Thánh Cha cho biết ngài vẫn giữ nguyên chủ trương đến thăm Kyiv, nhưng ngài sẽ chỉ làm như vậy nếu có thể đến thăm Mạc Tư Khoa. Chủ trương đó chắc chắn phải thay đổi.

Trong bài viết nhan đề “Ukraine War Anniversary Marks a Very Strange Year in the History of Papal Diplomacy”, nghĩa là “Kỷ niệm chiến tranh Ukraine đánh dấu một năm rất kỳ lạ trong lịch sử ngoại giao của Tòa Thánh,” linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada, cho biết:

Ngay khi bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện của Nga nhằm đẩy mạnh hơn nữa cuộc xâm lược ở Crimea bắt đầu từ năm 2014 – Đức Thánh Cha Phanxicô đã thực hiện một bước phi thường là đích thân đến thăm đại sứ quán Nga tại Tòa thánh. Đại sứ tồn tại chính xác là để được triệu tập trong những trường hợp như vậy. Nhưng thay vào đó, Đức Thánh Cha Phanxicô đã chọn đi đến đó như một người cầu xin, để cầu xin hòa bình. Mong muốn chân thành của Đức Thánh Cha là chấm dứt sự khủng khiếp của chiến tranh đã được thể hiện.

Đó chắc chắn là nguồn cảm hứng cho việc tận hiến nước Nga và Ukraine trên toàn thế giới cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Đức Maria vào ngày 25 tháng 3 năm 2022.

Tuy nhiên, chuyến thăm đầu tiên tới đại sứ quán Nga cũng báo hiệu một điều kỳ lạ. Đức Thánh Cha Phanxicô đã quyết tâm - thậm chí là đã ấn định - về cuộc gặp gỡ với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa, người đứng đầu Giáo hội Chính thống Nga, tin chắc rằng bằng cách nào đó ngài có thể thuyết phục họ từ bỏ chiến tranh. Do đó, ngài miễn cưỡng lên án rõ ràng hành động xâm lược của Nga trong nửa đầu năm 2022, và ngài nhiều lần khẳng định rằng, mặc dù ngài muốn đến thăm Kyiv, nhưng ngài sẽ chỉ làm như vậy nếu có thể đến thăm Mạc Tư Khoa.

Tại sao Đức Thánh Cha Phanxicô lại bị thuyết phục đến mức tin rằng ngài có thể đến Mạc Tư Khoa - và coi đó là điều kiện tiên quyết để đến thăm Kyiv - là một bí ẩn lớn. Năm 1988, Giáo Hội Chính thống Nga - dưới chế độ chính trị tự do hóa của Mikhail Gorbachev - đã không cho phép Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đến thăm trong dịp mừng thiên niên kỷ Kitô giáo Nga. Không bao giờ có khả năng họ sẽ thay đổi suy nghĩ dưới thời Putin giữa cuộc chiến tranh đang nóng bỏng. Tuy nhiên, vì mục đích hành hạ Ukraine, Nga đã treo lơ lửng khả năng gặp Kirill trong nhiều tháng, cho đến khi ông ta rút lui khỏi một cuộc họp liên tôn ở Kazakhstan, nơi ông ta có thể gặp Đức Thánh Cha Phanxicô.

Trong chuyến thăm bất ngờ và đầy cảm hứng tới Kyiv hôm thứ Hai, Tổng thống Joe Biden đã được vinh danh bằng một tấm bảng trên “Con đường của những người dũng cảm” ở thủ đô Kyiv, nhằm vinh danh các nhà lãnh đạo nước ngoài đã đến Kyiv trong chiến tranh.

Trong năm, kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Đức Thánh Cha Phanxicô đã thường xuyên nói về mong muốn đến thăm Kyiv. Nhưng ngài chưa đi.

Biden không nói về chuyến thăm, nhưng ông ấy đã đi. Đó là một hoạt động bí mật phức tạp bao gồm một chuyến tàu xuyên đêm kéo dài 10 giờ từ biên giới Ba Lan. Chưa từng có tổng thống Hoa Kỳ nào đến thăm một vùng chiến sự sôi động mà không có sự hiện diện bảo vệ của quân đội Hoa Kỳ trong hậu trường.

Sự dũng cảm và tình đoàn kết của Biden đã được Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, người đứng đầu Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương ca ngợi, người đã nói với các nhà báo Ý rằng “ quân đội Nga đã kết án tử hình chúng tôi theo đúng nghĩa đen,” nhưng chuyến thăm của Biden và nhiều nhà lãnh đạo khác “mang lại cho chúng tôi hy vọng rằng bản án này sẽ không được thi hành.”

Vì vậy, không có tấm bảng nào trên “Con đường của những người dũng cảm” dành cho Đức Thánh Cha Phanxicô. Đây là điều đáng tiếc.

2. Đức Thánh Cha cử hành sáng kiến 24 giờ cho Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành sáng kiến “24 giờ cho Chúa”, vào lúc 4g30 chiều thứ Sáu, 17 tháng Ba, tại giáo xứ “Đức Mẹ Ân Phúc” ở khu vực Trionfale, gần Vatican. Đây là một sáng kiến của Hội Đồng Tòa Thánh Tái Truyền Giảng Tin Mừng diễn ra hàng năm vào Thứ Sáu và Thứ Bảy trước Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay.

Năm nay là năm thứ chín, và chủ đề cho chương trình 24 giờ cho Chúa năm nay là “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi” (Lc 18:13), lấy ý từ đoạn Phúc Âm dụ ngôn người Pharisêu và người thu thuế.

Đức Giêsu kể dụ ngôn sau đây với một số người tự hào cho mình là công chính mà khinh chê người khác: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, còn người kia làm nghề thu thuế. Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa, vì con không như bao kẻ khác: tham lam, bất chính, ngoại tình, hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con. Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, thậm chí chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: “Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi. Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên.” (Lc 18:9-14)

Cử hành này được đánh dấu bởi việc Chầu Thánh Thể, suy tư cá nhân và lời mời hoán cải cá nhân. Như Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói trong Tông Thư Misericordia et Misera (Lòng Thương Xót và Nỗi Khốn Cùng): “Bí tích Hòa giải cần được tái khám phá và được đặt ở vị trí trung tâm trong đời sống Kitô hữu. Một dịp thuận lợi cho việc này có thể là sáng kiến 24 giờ cho Chúa, một cử hành được tổ chức vào gần Chúa Nhật Thứ Tư Mùa Chay. Sáng kiến này, đã có tại nhiều giáo phận, có giá trị mục vụ rất lớn trong việc khuyến khích một kinh nghiệm nhiệt thành hơn về Bí tích Hòa giải.”

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:

“Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Đức Kitô, tôi cho là thiệt thòi” (Pl 3:7). Đó là điều mà Thánh Phaolô nói với chúng ta trong bài đọc thứ nhất. Và nếu chúng ta tự hỏi đâu là những thứ mà thánh nhân không còn coi là quan trọng trong cuộc sống của mình, và thậm chí sẵn sàng đánh mất để tìm thấy Chúa Kitô, thì chúng ta nhận ra rằng đó không phải là của cải vật chất, mà là một quỹ tài sản “tôn giáo”. Phaolô là người mộ đạo và sốt sắng, công bình và có trách nhiệm (xem các câu 5-6). Tuy nhiên, chính sự mộ đạo này, vốn có thể là nguồn gốc của niềm tự hào và công đức, lại là một trở ngại đối với ngài. Thánh Phaolô nói tiếp rằng: “Tôi đành chịu mất tất cả, coi chúng như rơm rác, để được Chúa Kitô” (c. 8). Mọi thứ đã cho ngài một uy tín nào đó, một danh tiếng nào đó... hãy quên đi, vì đối với tôi, Chúa Kitô quan trọng hơn”.

Những người cực kỳ giàu có về trí óc, và tự hào về những thành tựu tôn giáo của mình, thường tự cho mình là tốt hơn những người khác – điều này xảy ra thường xuyên như thế nào trong một giáo xứ: “Tôi đến từ Công Giáo Tiến hành; Tôi thường xuyên giúp các linh mục; Tôi quyên góp... tất cả là về tôi, tôi, tôi”; quá thường biết bao là mọi người tin rằng mình tốt hơn những người khác; mỗi chúng ta, trong thâm tâm, nên suy ngẫm xem điều này đã từng xảy ra chưa – họ cảm thấy hài lòng vì họ đã tạo được một hình ảnh tốt về mình. Họ cảm thấy thoải mái, nhưng họ không có chỗ cho Chúa vì họ cảm thấy không cần đến Ngài. Và nhiều khi “người Công Giáo tốt”, những người cảm thấy ngay thẳng vì họ tham gia giáo xứ, đi lễ Chúa nhật và khoe mình là người công chính, nói: “Không, tôi không cần gì cả, Chúa đã cứu tôi rồi”. Chuyện gì xảy ra vậy? Họ đã thay thế Thiên Chúa bằng cái tôi của chính họ, và mặc dù họ đọc kinh và thực hiện các việc đạo đức, nhưng họ chưa bao giờ thực sự đối thoại với Thiên Chúa. Họ độc thoại thay cho đối thoại và cầu nguyện. Kinh thánh nói với chúng ta rằng chỉ có “lời cầu nguyện của những người khiêm nhường mới thấu đến các tầng mây” (Hc 35:1), bởi vì chỉ những ai có tâm hồn nghèo khó, và ý thức mình cần được cứu độ và tha thứ, mới được vào diện kiến Thiên Chúa; họ đến trước mặt Ngài mà không khoe khoang công lao của mình, không giả vờ hay tự phụ. Vì không có gì nên họ tìm được tất cả, vì họ tìm thấy Chúa.

Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta giáo huấn này trong dụ ngôn mà chúng ta vừa nghe (x. Lc 18:9-14). Đó là câu chuyện về hai người đàn ông, một người Pharisêu và một người thu thuế, cả hai đều lên Đền thờ để cầu nguyện, nhưng chỉ một người đạt đến trái tim của Thiên Chúa. Ngay cả trước khi họ làm bất cứ điều gì, thái độ thể lý của họ rất hùng hồn: Tin Mừng cho chúng ta biết rằng người Pharisêu cầu nguyện “một mình” ngay phía trước, trong khi người thu thuế “đứng đằng xa, thậm chí không dám ngước mắt lên trời” ( câu 13), vì xấu hổ. Chúng ta hãy suy nghĩ một chút về những thái độ này.

Người Pharisêu đứng một mình. Anh ta chắc chắn về bản thân, đứng thẳng một cách kiêu hãnh, giống như một người được tôn trọng vì những thành tựu của mình, giống như một hình mẫu. Với thái độ này, anh ta cầu nguyện với Chúa, nhưng thực ra anh ta tự cử mừng chính mình. Tôi đến đền thờ, tôi giữ Luật, tôi bố thí… Hình thức, và lời cầu nguyện của anh ấy là hoàn hảo; công khai, anh ta tỏ ra ngoan đạo và mộ đạo, nhưng thay vì mở lòng với Chúa, anh ta lại che đậy những điểm yếu của mình bằng thói đạo đức giả. Quá thường biết bao là chúng ta tạo ra một mặt tiền cho cuộc sống của mình. Người Pharisêu này không chờ đợi sự cứu rỗi của Chúa như một món quà nhưng không, nhưng trên thực tế anh ta đòi hỏi ơn cứu độ như một phần thưởng cho công trạng của mình. “Tôi đã hoàn thành nhiệm vụ của mình, bây giờ tôi yêu cầu phần thưởng của mình”. Người đàn ông này sải bước thẳng đến bàn thờ của Thiên Chúa và ngồi ở hàng ghế đầu, nhưng cuối cùng anh ta đã đi quá xa và đặt mình lên trước cả Thiên Chúa!

Trái lại, người thu thuế đứng xa. Anh ấy không đẩy mình lên phía trước; anh ấy ở lại phía sau. Tuy nhiên, khoảng cách đó, vốn diễn tả tình trạng tội lỗi của anh ấy trước sự thánh thiện của Thiên Chúa, lại giúp anh cảm nghiệm được vòng tay yêu thương và đầy lòng thương xót của Chúa Cha. Chúa có thể đến với anh chính là vì, bằng cách đứng xa, anh đã nhường chỗ cho Chúa. Anh ta không nói gì về mình, anh ta nói với Chúa và cầu xin sự tha thứ. Điều này đúng biết bao, cũng như đối với các mối quan hệ của chúng ta trong gia đình, trong xã hội và trong Giáo hội! Đối thoại thực sự diễn ra khi chúng ta có thể duy trì một khoảng không gian nhất định giữa mình và người khác, một không gian lành mạnh cho phép mỗi người hít thở mà không bị hút vào hoặc choáng ngợp. Chỉ khi đó, đối thoại và gặp gỡ mới có thể thu hẹp khoảng cách và tạo ra sự gần gũi. Điều đó xảy ra trong cuộc đời của người thu thuế: đứng ở phía sau Đền thờ, anh ta nhận ra sự thật rằng anh ta, một kẻ tội lỗi, đứng trước mặt Thiên Chúa như thế nào. “Xa xa”, và bằng cách này, Thiên Chúa có thể đến gần anh ta.

Thưa anh chị em, chúng ta hãy nhớ điều này: Chúa đến với chúng ta khi chúng ta lùi bước khỏi cái tôi tự phụ của mình. Chúng ta hãy suy ngẫm: Tôi có tự phụ không? Tôi có nghĩ rằng tôi tốt hơn những người khác không? Tôi có nhìn ai đó với một chút khinh thường không? “Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa vì Chúa đã cứu con và con không giống như những người không hiểu biết; Con đi nhà thờ, con tham dự thánh lễ; Con đã kết hôn, kết hôn trong nhà thờ, trong khi họ là những kẻ tội lỗi đã ly hôn…”: trái tim anh chị em có như thế này không? Đó là con đường dẫn đến diệt vong. Tuy nhiên, để đến gần Chúa hơn, chúng ta phải nói với Chúa: “Con là kẻ tội lỗi nhất, và nếu con không sa vào ô uế tồi tệ nhất, đó là vì lòng thương xót của Chúa đã nắm lấy tay con. Nhờ Chúa, con còn sống; Nhờ Chúa, con đã không tự hủy diệt mình vì tội lỗi”. Thiên Chúa có thể rút ngắn khoảng cách bất cứ khi nào, với sự trung thực và chân thành, chúng ta trình bày những yếu kém của mình trước mặt Ngài. Chúa đưa tay ra và nâng chúng tôi lên bất cứ khi nào chúng ta nhận ra mình đang “chạm đáy” và chúng ta quay lại với Ngài với tấm lòng chân thành. Chúa là như vậy. Ngài đang chờ đợi chúng ta, trong thâm tâm, vì trong Chúa Giêsu, Ngài đã chọn “xuống vực sâu” bởi vì Ngài không sợ đi xuống ngay cả những vực thẳm nội tâm của chúng ta, chạm đến những vết thương trên xác thịt của chúng ta, ôm lấy sự nghèo khó của chúng ta, chấp nhận những thất bại của chúng ta trong cuộc sống và những sai lầm chúng ta mắc phải do yếu đuối và cẩu thả, mà tất cả chúng ta đều đã mắc phải. Ở đó, trong thâm tâm, Thiên Chúa chờ đợi chúng ta, và Ngài chờ đợi chúng ta cách đặc biệt trong bí tích Sám Hối, khi chúng ta hết sức khiêm tốn đi xin ơn tha thứ, như chúng ta làm hôm nay. Chúa đang đợi chúng ta ở đó.

Thưa anh chị em, hôm nay mỗi người chúng ta hãy xét mình, vì người Pharisêu và người thu thuế đều ở sâu trong chúng ta. Chúng ta đừng trốn đằng sau vẻ giả hình bề ngoài, nhưng hãy phó thác cho lòng thương xót của Chúa bóng tối, lỗi lầm của chúng ta. Chúng ta hãy suy nghĩ về những khốn khổ, những lỗi lầm của chúng ta, cả những điều mà chúng ta cảm thấy không thể chia sẻ vì xấu hổ, điều đó không sao cả, nhưng với Chúa, chúng phải lộ diện. Khi đi xưng tội, chúng ta đứng “xa”, ở phía sau, giống như người thu thuế, để nhìn nhận khoảng cách giữa ước mơ của Thiên Chúa dành cho cuộc đời chúng ta và thực tế chúng ta là ai trong cuộc sống hàng ngày: chúng ta là những người tội lỗi đáng thương. Vào lúc đó, Chúa đến gần chúng ta; Ngài thu hẹp khoảng cách và đặt chúng ta trở lại trên đôi chân của mình. Vào lúc đó, khi chúng ta nhận ra mình lõa lồ, Người sẽ mặc cho chúng ta bộ lễ phục. Đó là, và đó phải là, ý nghĩa của bí tích Hòa giải: một cuộc gặp gỡ lễ hội chữa lành trái tim và để lại cho chúng ta sự bình an nội tâm. Không phải là tòa án của con người để tiếp cận với sự sợ hãi, mà là vòng tay thiêng liêng để tìm thấy sự an ủi.

Một trong những khía cạnh đẹp đẽ nhất của cách Chúa chào đón chúng ta là cái ôm dịu dàng của Ngài. Nếu chúng ta đọc câu chuyện khi người con hoang đàng trở về nhà (x. Lc 15:20-22) và bắt đầu ấp úng nói, người cha không cho phép nói, ông ôm lấy anh ta khiến anh ta không thể nói được. Một cái ôm nhân từ. Ở đây, tôi ngỏ lời với các anh em giải tội của tôi: xin anh em tha thứ mọi sự, luôn luôn tha thứ, không đè nặng lên lương tâm con người; hãy để họ nói về chính họ và chào đón họ như Chúa Giêsu, với cái nhìn âu yếm của anh em, với sự thấu hiểu thầm lặng. Hãy nhớ rằng, bí tích Sám Hối không phải để hành hạ nhưng để ban bình an. Hãy tha thứ tất cả, vì Chúa sẽ tha thứ cho anh em tất cả. Mọi thứ, mọi thứ, mọi thứ.

Trong Mùa Chay này, với tâm hồn thống hối, chúng ta hãy lặng lẽ nói như người thu thuế: “Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!” (câu 13). Chúng ta hãy cùng nhau làm như vậy: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Lạy Chúa, khi con quên Chúa hay thờ ơ với Chúa, khi con thích lời của con và của thế gian hơn lời của Chúa, khi con tự cho mình là công chính và khinh thường người khác, khi con nói xấu người khác, xin Chúa thương xót con, một kẻ tội lỗi! Khi con không quan tâm đến những người xung quanh, khi con dửng dưng trước người nghèo và người đau khổ, kẻ yếu đuối và bị ruồng bỏ, xin Chúa thương xót con là kẻ tội lỗi! Vì những tội lỗi của con chống lại sự sống, vì gương xấu của con đã làm hoen ố khuôn mặt đáng yêu của Mẹ Giáo hội, vì tội lỗi của con chống lại tạo vật, Chúa ơi, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi! Vì sự giả dối của con, sự hai lòng của con, sự thiếu trung thực và chính trực của con, Lạy Chúa, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi! Vì những tội lỗi thầm kín của con, mà không ai biết, vì những cách mà con đã vô tình làm hại người khác, và vì những điều tốt lành con có thể làm nhưng lại không làm, Chúa ơi, xin thương xót con, một kẻ tội lỗi!

Trong thinh lặng, chúng ta hãy lặp lại những lời này trong giây lát, với tâm hồn sám hối và tín thác: Lạy Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi! Và trong hành động sám hối và tín thác này, chúng ta hãy mở rộng tâm hồn để đón nhận niềm vui của một ân sủng thậm chí còn lớn hơn: đó là lòng thương xót của Thiên Chúa.
Source:Dicastero per la Comunicazione - Libreria Editrice Vaticana
 
Lệnh bắt giữ Putin: Quan quân Nga mất tinh thần lũ lượt bỏ chạy, mất 21 xe tăng và 23 xe thiết giáp.
VietCatholic Media
16:12 19/03/2023


1. Tác động kinh hoàng của lệnh bắt giữ Vladimir Putin, quân Nga lũ lượt bỏ xe tăng chạy. Một ngày mất 21 xe tăng và 23 xe thiết giáp.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật 19 tháng Ba, Thứ trưởng Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar cho biết lệnh bắt giữ Vladimir Putin đã có một tác dụng sâu sắc trên chiến trường.

Tưởng cũng nên nhắc lại là hôm thứ Sáu 18 tháng Ba, Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã ra lệnh bắt giữ Vladimir Putin vì các tội ác chiến tranh. Với lệnh truy nã này, Putin trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh truy nã, và bị coi là một tên tội phạm bị tầm nã.

Trong 24 giờ qua, các cuộc giao tranh đã diễn ra tại Bakhmut, Maryinka, Bilohorivka, Avdiivka, Vuhledar và Kamianka.

Trong phạm vi thành phố Bakhmut, 193 quân Nga bị loại khỏi vòng chiến khi cố gắng xuyên thủng phòng tuyến của quân Ukraine. 199 người khác bị thương. Một số bị bắt tại mặt trận.

Đại Tá Serhiy Cherevaty, phát ngôn nhân của Nhóm phía Đông của Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết : “Đối phương tiếp tục cố chiếm thành phố Ukraine này, tấn công vào khu vực định cư. Đặc biệt, chỉ riêng gần Bakhmut hôm nay đã xảy ra 16 vụ hỏa hoạn. Đối phương đã pháo kích vào thành phố và khu vực xung quanh 55 lần. Tổng cộng, 352 cuộc tấn công bằng pháo các loại đã được tung ra vào khu vực Bakhmut từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt và trọng pháo. Hai mươi bảy cuộc đụng độ đã xảy ra trên toàn bộ mặt trận, bốn cuộc không kích đã được thực hiện. 193 kẻ xâm lược đã bị tiêu diệt, 199 người khác bị thương ở nhiều mức độ khác nhau khi cố gắng tấn công bên trong thành phố Bakhmut”.

Đại Tướng Oleksandr Syrskyi, Tư Lệnh Lục Quân, đang chỉ huy các trận chiến bảo vệ Bakhmut, cho biết quân xâm lược Nga đã huy động mọi khả năng có sẵn, hiện đang cố gắng xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Ukraine trên một số trục, trong khi ở một số khu vực, lực lượng của Ukraine đã thành công trong cố gắng tái chiếm lãnh thổ.

Tính chung trên tất cả các mặt trận, trong 24 giờ qua, 710 lính Nga bị loại khỏi vòng chiến. Quân Nga cũng mất đến 21 xe tăng, 23 xe thiết giáp, 8 hệ thống pháo, một hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, và 3 hệ thống phòng không.

Giải thích việc mất một số khí tài chiến tranh lớn như thế trong vòng 24 giờ, các bloggers quân sự Nga cho rằng quân Ukraine đã được trang bị các thứ vũ khí chống thiết giáp hiện đại.

Tuy nhiên, theo các binh sĩ Ukraine, tinh thần quân Nga xuống rất thấp. Giao tranh một lúc là họ bỏ chạy. Nhiều khí tài chiến tranh của Nga, bao gồm một số lớn xe tăng và xe thiết giáp, bị bỏ lại vẫn còn nguyên trong tình trạng hoàn hảo. Có lẽ các tướng lãnh Nga không muốn rơi vào tình cảnh phải trốn tránh suốt đời như Putin. Thậm chí, nếu bị bắt họ sẽ mất tất cả.

Trước các diễn biến phấn khởi này, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ lòng biết ơn đối với quân đội Ukraine đã bảo vệ thành phố Bakhmut khỏi cuộc tấn công dữ dội của Nga.

“Tôi đặc biệt cảm ơn tất cả những người đã bảo vệ Bakhmut ngày này qua ngày khác. Chính xác là những trận chiến đang diễn ra ở đó, ở những khu vực này của Donbas - Vuhledar, Bakhmut, Maryinka, Bilohorivka, Avdiivka và Kamianka - cho phép chúng ta mang lại an ninh cho Ukraine và toàn bộ Âu Châu, cho mọi quốc gia coi trọng tự do và sự toàn vẹn của họ về vùng đất của mình,” Zelenskiy nói.

Tính chung từ ngày 24 tháng 2, 2022 đến 19 Tháng Ba, Lực lượng Vũ trang Ukraine đã loại khỏi vòng chiến 164.910 quân nhân Nga.

Ngoài ra, quân đội Ukraine đã phá hủy 5.332 xe tăng Nga, 6.853 xe thiết giáp, 2.568 hệ thống pháo, 507 hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt, 268 hệ thống phòng không, 305 máy bay, 290 trực thăng, 2.159 máy bay không người lái tác chiến-chiến thuật, 907 hỏa tiễn hành trình, 18 tàu chiến, 5.408 xe chuyển quân và nhiên liệu, và 262 đơn vị thiết bị đặc biệt.

2. Cựu đại sứ nhận định: Putin sẽ bị ám ảnh bởi lệnh bắt giữ cho đến hết đời

Quyết định của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC, đã làm nên lịch sử khi đưa Putin trở thành nguyên thủ quốc gia đầu tiên của một thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc bị phát lệnh truy nã. Các quan sát viên nhận xét rằng trong những ngày tới Putin sẽ ưu tiên tăng cường hệ thống bảo vệ quanh ông ta đã tránh nguy cơ bị đảo chính.

Trong bối cảnh đó, tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Putin Will Be Haunted by Arrest Warrant for Rest of His Life: Ex-Ambassador”, nghĩa là “Cựu đại sứ nhận định: Putin sẽ bị ám ảnh bởi lệnh bắt giữ cho đến hết đời.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Michael McFaul, cựu đại sứ Mỹ tại Nga, dự đoán rằng lệnh bắt giữ Vladimir Putin do Tòa án Hình sự Quốc tế gọi tắt là ICC, ban hành hôm thứ Sáu vì ông ta bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh sẽ theo nhà lãnh đạo Nga đến hết cuộc đời.

“Putin sẽ bị 'ám ảnh trong suốt quãng đời còn lại' vì lệnh bắt giữ này,” McFaul cho biết như trên vào thứ Bảy, đồng thời chia sẻ cuộc phỏng vấn hôm thứ Sáu với người dẫn chương trình NBC News Chuck Todd trên Meet The Press.

Putin từ lâu đã bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh ngay cả trước khi xâm lược Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, nhưng những lời kêu gọi điều tra những tội ác đó đã gia tăng khi chiến tranh bắt đầu ở quốc gia Đông Âu. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, một tổ chức quốc tế tập trung vào nhân quyền, Liên bang Nga đã tham gia vào các vi phạm nhân quyền và đàn áp những người bất đồng chính kiến ở Crimea, bị sáp nhập từ Ukraine vào Nga vào năm 2014.

Todd cho biết hôm thứ Sáu trong cuộc phỏng vấn với McFaul rằng tổng thống Nga có thể sẽ không phải đối mặt với các cáo buộc chừng nào ông còn nắm quyền. Theo Bloomberg, cũng không bảo đảm rằng các nhà lãnh đạo Nga sẽ phải chịu trách nhiệm và bị đưa ra trước công lý theo luật pháp quốc tế, bởi vì ICC dựa vào các quốc gia thành viên của mình để thực hiện các vụ bắt giữ. Và những người bị buộc tội luôn có thể tránh đi du lịch đến các quốc gia nơi họ có thể bị bắt.

Tuy nhiên, McFaul mô tả động thái của ICC là một hành động “mang tính biểu tượng”, mặc dù ông dự đoán Putin sẽ không sớm bị bắt. ICC truy tố những người bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh trong khi Nga không công nhận tòa án này.

Putin đã bị ICC buộc tội bắt cóc và vận chuyển bất hợp pháp trẻ em và thanh thiếu niên Ukraine đến Nga, nơi nhiều em đã được các gia đình Nga nhận nuôi. Lệnh bắt giữ cũng đã được ban hành đối với ủy viên quyền trẻ em của Nga, Maria Alekseyevna Lvova-Belova.

“Chúng tôi muốn nói về những tội ác mà anh ta đã phạm phải. Chúng tôi muốn ghi lại chúng và chúng tôi muốn ngăn chặn những người khác có thể tham gia trong tương lai. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất,” McFaul, người từng là đại sứ Nga tại Mỹ từ năm 2012 đến năm 2014, nói. “Mọi người có thể suy nghĩ kỹ. Người Nga có thể suy nghĩ kỹ về việc phạm những tội ác tương tự ở Ukraine, khi biết rằng ICC đã truy lùng Putin, họ có thể truy nã bạn cùng với ông ta. Vì vậy, tôi nghĩ đó là một điều tốt.”

Ông nói tiếp rằng: “Điều này sẽ ám ảnh Putin trong suốt quãng đời còn lại. Ông ta sẽ bị ICC truy tố đến hết đời. Ông ấy sẽ phải suy nghĩ kỹ về nơi ông ấy muốn đi du lịch trong suốt quãng đời còn lại. Và trong những trường hợp khác, tôi đang nghĩ đến Slobodan Milošević ban đầu khi anh ta bị truy tố vì tội ác chống lại loài người, anh ta đã cười, như thể không có gì to tát. Nó đã trở thành một vấn đề lớn sau khi anh ta bị lật đổ và sau đó cuối cùng anh ta bị bắt.”

Milošević là cựu tổng thống Serbia bị lật đổ năm 2000 sau các cuộc biểu tình rầm rộ ở Belgrade, nổ ra sau khi ông ta phủ nhận kết quả bầu cử tổng thống ngày 24 tháng 9 năm đó. Ông ta thua Vojislav Koštunica, ứng cử viên Đảng Dân chủ của Serbia, và cuối cùng thua cuộc vào ngày 5 tháng 10.

Hai năm sau, anh ta bị buộc tội diệt chủng và tội ác chiến tranh ở Bosnia, Croatia và Kosovo, và bị đưa ra xét xử tại The Hague, Hà Lan. Anh ta chết năm 2006 vì một cơn đau tim khi đang ở trong phòng giam của mình tại trung tâm giam giữ của Tòa án The Hague.

Theo cựu đại sứ Hoa Kỳ tại Nga, cuộc xâm lược toàn diện đang diễn ra vào Ukraine đã ảnh hưởng đến lối sống của Putin. Nhà độc tài Nga lo ngại về sự an toàn của bản thân và do đó có thể hạn chế các hoạt động của ông.

“Từ những gì chúng ta đã thấy, lối sống của ông ta đã bị ảnh hưởng theo nhiều nghĩa. Ông ta không thể di chuyển bằng đường hàng không đến bất cứ nơi nào gần tây nam nước Nga để đến Sochi, chẳng hạn, một trong những địa điểm yêu thích nhất của ông ta. Putin không thể đến đó bằng đường hàng không. Bây giờ ông ta đi du lịch nhiều hơn bằng tàu hỏa. Ông ta lo lắng về sự an toàn của chính mình. Đối với các tác động kinh tế, cố nhiên nó đặt ra những vấn đề liên quan đến việc hỗ trợ lối sống xa hoa của ông ta, nhưng tôi không nghĩ ông ta quan tâm nhiều đến chuyện đó cho bằng những lo ngại về sự an toàn của chính mình.”

Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để bình luận.

3. Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Lệnh bắt giữ Putin là kết quả của những nỗ lực siêng năng của Văn phòng Tổng Công tố, và Văn phòng Tổng thống

Lệnh truy nã quốc tế đối với tổng thống Nga Vladimir Putin là kết quả của những nỗ lực tích cực của Văn phòng Tổng Công tố do Tổng Công tố Andriy Kostin đứng đầu và Văn phòng Tổng thống do Andriy Yermak đứng đầu.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tái hòa nhập các Vùng lãnh thổ bị xâm lược tạm thời của Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết điều này trong buổi truyền hình thời sự quốc gia.

Phó Thủ tướng lưu ý rằng một số quan chức Nga đã công khai khoe khoang rằng họ nhận nuôi những đứa trẻ Ukraine bị trục xuất, phô trương rằng họ đối xử với các em như những nô lệ không công mà không bị trừng phạt. Do đó, lệnh bắt giữ Putin và người được gọi là thanh tra trẻ em Nga Maria Lvova-Belova có mối quan hệ nhân quả rõ ràng.

“Thế giới đã cho thấy rằng mọi người sẽ không đứng ngoài cuộc. Tất cả các nhân vật phản diện sẽ kết thúc trong các nhà giam. Tội ác của chính quyền Nga không thể không bị trừng phạt. Và đây mới chỉ là khởi đầu,” Vereshchuk nói.

Như đã đưa tin, hôm thứ Sáu, ngày 18 tháng 3, các thẩm phán của Tòa án Hình sự Quốc tế đã ban hành lệnh truy nã Tổng thống Nga Vladimir Putin và thanh tra viên trẻ em Nga Maria Lvova-Belova. Họ bị cáo buộc phạm tội ác chiến tranh dưới hình thức bắt cóc và trục xuất bất hợp pháp, bao gồm cả trẻ em, khỏi lãnh thổ của Ukraine bị tạm chiếm.

4. Bản tin tình báo của Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh

Trong bản tin tình báo mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Vương Quốc Anh đã đưa ra nhận định về việc Nga tuyên bố coi Melitopol là thủ phủ của tỉnh Zaporizhzhia. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Phượng.

Vào ngày 3 tháng 3, các nhà chức trách trong phần của tỉnh Zaporizhzhia bị Nga tạm chiếm đã công bố một sắc lệnh tuyên bố thành phố Melitopol bị xâm lược là thủ phủ của tỉnh.

Người đứng đầu tỉnh do Nga bổ nhiệm, Evgeniy Balitskiy, nói rằng đây là biện pháp tạm thời cho đến khi Nga chiếm được thành phố Zaporizhzhia.

Zaporizhzhia là một trong bốn khu vực mà Tổng thống Putin tuyên bố đã sáp nhập thành một phần của Liên bang Nga vào ngày 30 tháng 9 năm 2022.

Nga chưa bao giờ chiếm được thành phố Zaporizhzhia, một trung tâm công nghiệp lớn với 700.000 dân, nằm cách giới tuyến hiện tại khoảng 35km.

Tuyên bố lặng lẽ về một thủ phủ thay thế có khả năng là sự thừa nhận ngầm trong hệ thống của Nga rằng các lực lượng của họ rất khó có thể chiếm được các mục tiêu lớn đã được lên kế hoạch trước đó trong một tương lai gần.

5. Ukraine cho biết SBU 'Sói trắng' đã phá hủy 10 xe tăng Nga trong một đêm

Tờ Newsweek có bài tường trình nhan đề “Ukraine Says SBU 'White Wolves' Destroyed 10 Russian Tanks in One Night”, nghĩa là “Ukraine cho biết SBU 'Sói trắng' đã phá hủy 10 xe tăng Nga trong một đêm.” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Ukraine cho biết đoạn video được công bố hôm thứ Bảy cho thấy lực lượng của họ đã tấn công thành công xe tăng Nga như thế nào chỉ trong một đêm.

Đoạn clip do cơ quan an ninh Ukraine SBU đăng trên Twitter cho thấy toàn cảnh các phương tiện quân sự phát nổ sau khi bị va chạm từ trên cao.

“Chín hay mười? MƯỜI! Đó là số lượng xe tăng Nga đã bị tiêu diệt bởi lực lượng đặc biệt của SBU “Những con sói trắng” chỉ trong một đêm!,” SBU cho biết trên Telegram bên cạnh đoạn clip, tính đến chiều thứ Bảy đã nhận được hơn 47.000 lượt xem.

SBU cho biết một xe bọc thép chở quân cũng bị trúng đạn trong cuộc tấn công theo hướng Donetsk do Nga xâm lược. Đoạn video chưa được xác minh độc lập và vị trí chính xác của các cuộc tấn công được nêu không được đề cập. Newsweek đã gửi email cho Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.

Nó xuất hiện sau khi một video khác lan truyền cho thấy lực lượng Ukraine tấn công một trong những xe tăng T-90 của Nga, được coi là một trong những thiết bị tiên tiến nhất của quân xâm lược.

Cố vấn của Bộ Nội Vụ Ukraine Anton Gerashchenko đã tweet về việc lữ đoàn Vệ binh Quốc gia của nước ông nằm trong số các lực lượng của Ukraine đã “theo dõi và phá hủy niềm tự hào của ngành công nghiệp quốc phòng Nga - xe tăng T90 Proryv”.

Hôm thứ Bảy, Kyiv đã tổ chức các cuộc thảo luận với các quan chức Mỹ về hỗ trợ quân sự sắp tới của Hoa Kỳ, bao gồm cả vũ khí và đạn dược, Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine Andriy Yermak cho biết như trên.

Họ đã thảo luận về “tình hình hiện tại ở mặt trận, các hoạt động chiến đấu ở những hướng khó khăn nhất, cũng như về các nhu cầu cấp thiết của quân đội Ukraine,”

Trong cuộc điện đàm có Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin, người đã nói hôm thứ Năm rằng Ukraine “không có thời gian để lãng phí” trước một cuộc tấn công mùa xuân được dự đoán trước.

Politico đưa tin rằng Austin đã nói rằng Hoa Kỳ phải thực hiện “nhanh chóng và đầy đủ” những gì họ đã hứa với Kyiv. Điều đó bao gồm việc đưa khả năng bọc thép ra chiến trường và bảo đảm quân đội Ukraine được “huấn luyện, cung cấp phụ tùng và hỗ trợ bảo trì mà họ cần”.

Trong khi đó, hôm thứ Bảy, truyền thông Nga đưa tin Vladimir Putin đã đến thăm Bán đảo Crimea do Nga xâm lược 9 năm sau khi tuyên bố xâm lược. Ông đã đến thăm một trường nghệ thuật ở thành phố cảng Sevastopol bên Hắc Hải cùng với thống đốc địa phương Mikhail Razvozhayev, theo những hình ảnh được phát trên TV.

Chuyến thăm của Tổng thống Nga tới bán đảo mà Mạc Tư Khoa sáp nhập bất hợp pháp vào năm 2014 diễn ra một ngày sau khi Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC) phát lệnh bắt giữ ông vì vai trò trong chính sách bắt cóc trái phép trẻ em Ukraine.

6. Khi trận chiến giành Bakhmut đang tàn lụi, người Nga vẫn chưa thắng và người Ukraine vẫn chưa thua

Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ có bài tường trình nhan đề “As The Battle For Bakhmut Winds Down, The Russians Haven’t Won—And The Ukrainians Haven’t Lost”, nghĩa là “Khi trận chiến giành Bakhmut đang tàn lụi, người Nga vẫn chưa thắng và người Ukraine vẫn chưa thua”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Có vẻ như trận chiến giành Bakhmut đang bị đình trệ. Và các lực lượng Ukraine xem ra vẫn bám trụ được trong thành phố, nơi đang là tiền tuyến ở tỉnh Donetsk trong khu vực Donbas, miền đông Ukraine.

Nếu không có một sự đảo ngược kịch tính – chẳng hạn như người Nga tung vào một lực lượng mới đông hơn, hoặc sự suy sụp đột ngột về tinh thần của người Ukraine - trận chiến có thể kết thúc với những điều kiện có lợi cho Kyiv, và sẽ sớm thôi.

Cuộc tấn công của Nga xung quanh Bakhmut “dường như sắp đạt đến đỉnh điểm”, Viện Nghiên cứu Chiến tranh ở Washington, DC cho biết như trên.

Điều đó có thể tạo tiền đề cho cuộc phản công mùa xuân được nhiều người dự đoán của Ukraine.

Cuộc chiến kéo dài 10 tháng ở Bakhmut, với sự tham gia của hàng chục nghìn quân chính quy Nga và lính đánh thuê Tập đoàn Wagner và một số lượng tương tự quân đội Ukraine gồm các lực lượng đặc biệt và cả Địa Phương Quân, có thể đã lên đến đỉnh điểm chỉ vài ngày sau lễ kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh rộng lớn hơn của Nga ở Ukraine, vào ngày 24 tháng 2.

Vào ngày 2 tháng 3, quân đội Nga đã tiến về phía bắc và phía nam của thành phố đổ nát với dân số trước chiến tranh là 70.000 người. Ở phía nam, người Nga đã tìm cách cắt con đường T0504 luồn vào Bakhmut từ phía tây.

Ở phía bắc, quân Nga đã tiếp cận trong phạm vi phóng lựu đạn con đường lớn duy nhất khác vào Bakhmut từ phía tây, T0506.

Việc cắt cả hai con đường có thể khiến hàng nghìn binh sĩ Ukraine bị mắc kẹt — bao gồm lực lượng đặc biệt, Địa Phương Quân và các thành phần của Lữ đoàn cơ giới 92 và 93 — bám vào phần còn lại của Bakhmut đầy đạn pháo.

Nhưng người Ukraine đã ngăn chặn các bước tiến xa hơn của Nga ở phía nam và phản công ở phía bắc. Các kỹ sư Ukraine chạy dọc theo T0506 và đặt một cây cầu bọc thép để thay thế một nhịp cố định mà người Nga đã phá hủy.

Các cuộc giao tranh ác liệt trên T0506—đặc biệt là trong và xung quanh khu định cư Khromove, ngay phía tây bắc Bakhmut—đã khiến cả hai bên phải trả giá đắt.

Hỏa tiễn và pháo binh của Nga đã hạ gục một số phương tiện Ukraine đang chạy nguy hiểm dọc theo T0506 và băng qua cây cầu bọc thép đó để vào Bakhmut. Tổn thất của Ukraine bao gồm một chiếc BTR-4E hiếm và một chiếc xe tăng T-80 của Lữ đoàn 93 với những sửa đổi độc đáo. Bi kịch thay, tổ lái nổi tiếng của T-80 được cho là đã chết trong cuộc tấn công vào xe tăng của họ.

Đến lượt người Ukraine giết hàng chục người Nga. Hoặc thậm chí hàng trăm. Làm nổ tung chúng bằng hỏa lực pháo binh và xe tăng. Gửi máy bay không người lái để thả lựu đạn vào vị trí chiến đấu của họ. Hôm thứ Tư, một đội hỏa tiễn của Lữ đoàn 93 đã bắn hạ một máy bay cường kích Su-25 của Nga có thể do lính đánh thuê của Tập đoàn Wagner điều khiển.

Vào ngày 6 tháng 3, một quan chức NATO nói với CNN rằng cứ một người Ukraine tử vong thì có 5 người Nga đang chết. Nga có thể đã phải hứng chịu một trong những ngày tốn kém nhất của cuộc chiến, vào hôm thứ Bảy, khi các lực lượng Ukraine giết gần 1.100 người Nga trong 24 giờ - theo một tuyên bố táo bạo của bộ tổng tham mưu Ukraine.

Cả hai bên đã cạn kiệt đạn dược, thiết bị hạng nặng và quân đội lành nghề. Nhưng người Nga dường như đã cạn kiệt nặng nề hơn. ISW đưa tin: “Tổn thất về nhân lực, pháo binh và thiết bị trong các trận chiến giành Bakhmut có thể sẽ hạn chế khả năng của Wagner trong việc hoàn thành vòng vây chặt chẽ quanh Bakhmut.”

Điều gì xảy ra tiếp theo phụ thuộc vào nguồn dự trữ mà cả hai bên có thể huy động. Quân đội Nga gần đây đã chuyển Sư đoàn súng trường cơ giới số 2—một phần của Tập đoàn quân xe tăng Cận vệ số 1 lừng danh một thời—vào khu rừng cách Bakhmut 25 dặm về phía bắc.

Một sư đoàn súng trường cơ giới của Nga phải có hàng nghìn bộ binh được huấn luyện và hàng trăm xe tăng và phương tiện chiến đấu hiện đại. Nhưng Sư đoàn súng trường cơ giới số 2, giống như tất cả các đơn vị khác, có lẽ chỉ là lớp vỏ của chính nó trước đây sau khi chịu những thất bại liên tiếp quanh Kyiv và Kharkiv vào năm 2022.

Bộ Quốc phòng Vương quốc Anh thậm chí còn suy đoán rằng các đơn vị Tập Đoàn Quân Xe Tăng Cận Vệ số Một có thể đã phải thay thế hàng trăm phương tiện hiện đại mà họ đã mất bằng những chiếc xe tăng T-62 đã 60 tuổi và hoàn toàn lỗi thời mà Điện Cẩm Linh đã rút khỏi kho lưu trữ dài hạn.

Nếu các đơn vị hiện có khác ở trong tình trạng tương tự như báo cáo của Sư đoàn súng trường cơ giới số 2, lực lượng dự bị có thể không cứu được cuộc tấn công Bakhmut đang chùn bước của Nga.

Ngược lại, người Ukraine đã cố tình giữ lại nhiều lữ đoàn mới nhất của họ đồng thời trang bị lại cho các lữ đoàn kỳ cựu xe tăng và phương tiện chiến đấu do phương Tây sản xuất. Lữ đoàn xe tăng số 4, đóng giữ các vị trí xung quanh Bakhmut, là đơn vị Ukraine đầu tiên triển khai xe tăng Leopard 2 do Đức sản xuất.

Chính những đơn vị Ukraine mới và được trang bị lại này có khả năng sẽ dẫn đầu cuộc phản công mùa xuân của Kyiv. Một cuộc phản công có thể tấn công người Nga khi họ yếu nhất: đã tiêu tốn hàng ngàn sinh mạng và cố gắng sử dụng vũ khí không thể thay thế và — cho đến nay — thất bại trong việc bao vây Bakhmut.

Cuộc phản công cũng sẽ diễn ra trong bối cảnh của lệnh bắt giữ Vladimir Putin của Tòa án Hình sự Quốc tế, gọi tắt là ICC. Các tướng lãnh Nga có lẽ không muốn chịu chung một số phận phải trốn tránh suốt đời các lệnh truy nã.
 
Tòa Thánh vẫn cố gắng vận động hòa đàm giữa Nga và Ukraine. Câu chuyện của những phụ nữ Ukraine
VietCatholic Media
17:16 19/03/2023


1. Tỉnh dòng Đa Minh Ba Lan kết thúc kỷ niệm 800 năm hiện diện và hoạt động

Chúa nhật, ngày 12 tháng Ba vừa qua, Tỉnh dòng Đa Minh tại Ba Lan đã kết thúc Năm thánh mừng kỷ niệm 800 năm hiện diện và hoạt động tại nước này, với thánh lễ tạ ơn trọng thể do cha Bề trên Giám tỉnh Lukasz Wisniewski chủ sự, tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi của dòng ở thành phố Karkow.

Hiện diện tại buổi lễ, cũng có các bề trên của các Tỉnh dòng Đa Minh tại các nước Âu châu khác, như Đức, Áo, Hung Gia Lợi, Tiệp, Slovak, Ukraine, Lithuania, Pháp và Ái Nhĩ Lan, cũng như cha Phụ tá Bề trên Tổng quyền ở Rôma, và đông đảo các tu sĩ và giáo dân.

Thánh lễ này cũng kỷ niệm 800 năm thánh hiến nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Karkow, nơi thánh Giaxintô và các tu sĩ Đa Minh đầu tiên người Ba Lan sinh sống và hoạt động.

Trong bài giảng, cha Giám tỉnh Tỉnh dòng Đa Minh Ba Lan nhận xét rằng vì đoàn sủng Đa Minh đã trải qua nhiều cuộc thử nghiệm, nên đã trở nên một câu trả lời hữu hiệu cho việc công bố Lời Chúa trong nhiều thời đại. Cha cũng nhắc đến ba dấu chỉ chứng tỏ sức sinh động của đoàn sủng này:

Trước tiên là ơn gọi. Những người trẻ trong áo dòng trắng là một dấu hiệu chứng tỏ Chúa tín nhiệm chúng ta và thấy sự cần thiết của ơn gọi Đa Minh trong Giáo hội tại Ba Lan.

Tiếp đến là sự kết thúc tiến trình điều tra cấp giáo phận để phong chân phước cho cha Giaxinto Woroniecki, là một dấu chỉ chứng tỏ con đường của thánh Đa Minh là một con đường chắc chắn để dẫn tới sự thánh thiện.

Dấu chỉ thứ ba là thời đại khó khăn chúng ta đang sống. Một số người gọi đây là một cuộc khủng hoảng. Những biến chuyển về tôn giáo trong xã hội chúng ta rất mau lẹ. Thời kỳ dòng chúng ta được thành lập cũng là một thời kỳ khủng hoảng. Nhưng chúng ta có tiềm năng trở thành một đơn vị để thi hành những trách vụ đặc biệt trong những thời đại khó khăn, ở thế kỷ thứ XIII cũng như thời nay. Vì thế, theo cha, những khó khăn trong ngoài hiện nay không phải là lý do để lo âu, nhưng là một thách đố làm sao để Tin mừng của Chúa Giêsu Kitô được rao giảng một cách đáng tín nhiệm, thanh tẩy những gì không phù hợp với Tin mừng.

Năm thánh kỷ niệm 800 năm Dòng Đa Minh tại Ba Lan được khai mạc ngày 19 tháng Hai năm ngoái, 2022, cũng tại nhà thờ Chúa Ba Ngôi ở Karkow, với sự hiện diện của cha Gerard Timoner, Bề trên Tổng quyền của Dòng.

Xét về mặt nhân sự, với hơn 400 tu sĩ, Tỉnh dòng Đa Minh Ba Lan đứng thứ hai trong Dòng Đa Minh (hay còn gọi là Dòng Anh Em Giảng Thuyết), sau Tỉnh dòng Đa Minh Việt Nam.

2. Tòa Thánh vẫn cố gắng vận động hòa đàm giữa Nga và Ukraine

Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tuyên bố rằng: “Chúng ta vẫn hết sức cố gắng sử dụng tinh thần sáng tạo của chúng ta để tái khởi động những cuộc hòa đàm về hòa bình tại Ukraine”, và bước đầu tiên phải là một cuộc ngưng bắn.

Đức Hồng Y Parolin tuyên bố như trên, hôm 13 tháng Ba vừa qua với giới báo chí, bên lề cuộc họp báo để giới thiệu cuốn sách mới của cha Spadaro, Giám đốc Tạp chí “Văn minh Công Giáo”, với tựa đề: “Bản đồ thế giới của Đức Phanxicô. Vatican và chính trị quốc tế”

Đức Hồng Y Quốc vụ khanh nói: “Tòa Thánh có một cái nhìn khác với mỗi quốc gia, vì đó là một cái nhìn bao quát, đại đồng, và có một lối tiếp cận khác để tìm kiếm hòa bình. Đức Giáo Hoàng Phanxicô muốn đi Mạc Tư Khoa cũng như Kyiv, vì ngài cho rằng một sự phục vụ hòa bình chỉ có thể được thực hiện, nếu gặp được cả hai vị Tổng thống Vladimir Putin và Volodymyr Zekensky”.

Trả lời một câu hỏi khác về vấn đề đối thoại giữa Tòa Thánh và Trung Quốc, Đức Hồng Y Parolin nhắc đến tầm quan trọng của hiệp định đã ký kết giữa Tòa Thánh và Trung Quốc dưới triều đại Giáo hoàng hiện nay. Ngài cho biết có một thái độ hy vọng và một cuộc đối thoại mà cả hai bên đều muốn tiếp tục. Đức Hồng Y nói: “Chúng ta chỉ yêu cầu để các tín hữu có thể là Công Giáo với một liên hệ với Giáo hội hoàn vũ.

Đức Hồng Y cũng nhắc đến cuộc viếng thăm vào cuối tháng Tư tới đây của Đức Cha Stêphanô Chu Thủ Nhân, Giám mục Hương Cảng, đến Bắc Kinh sau nhiều năm trời. Ngài nói: Cuộc viếng thăm này là một sự thực hiện chiều kích tiêu biểu của Giáo hội tại Hương Cảng, là một cây cầu giữa Giáo hội ở Hoa Lục và Giáo hội hoàn vũ, “vì thế đó là một cử chỉ tích cực mà tôi rất hài lòng”.

Được hỏi về việc các giám mục Công Giáo Đức đã bỏ phiếu chấp thuận việc chúc lành cho các cặp đồng tính luyến ái, Đức Hồng Y Parolin nói: “Vấn đề này Tòa Thánh đã bày tỏ lập trường rõ ràng”, và ngài nói là người ta “sẽ tiếp tục đối thoại trong Con đường Công nghị của Giáo hội hoàn vũ”. Và Đức Hồng Y kết luận rằng: “Một Giáo Hội địa phương không thể đưa ra một quyết định như vậy có liên hệ tới kỷ luật của Giáo hội hoàn vũ”.

3. Những phụ nữ lớn tuổi ở lại Ukraine trong chiến tranh chia sẻ câu chuyện về sự kiên cường của họ

Ukraine có một lượng lớn người lớn tuổi — cứ bốn cư dân thì có một người trên 60 tuổi — và hầu hết trong số họ là phụ nữ. Một số người đã sống qua Thế chiến II khi còn nhỏ, và đang thấy cuộc sống của họ bị gián đoạn một lần nữa vào năm 2014 khi Nga sáp nhập Crimea và cuộc xung đột ở miền đông Ukraine bắt đầu.

Khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào tháng 2 năm ngoái, nhiều người trong số những phụ nữ này đã không thể hoặc không muốn rời đi. Trong số 4,8 triệu người Ukraine đã ghi danh tị nạn ở các nước Âu Châu khác kể từ khi chiến tranh bắt đầu, hầu hết là các phụ nữ trẻ và trẻ em, trong khi phụ nữ lớn tuổi ở lại Ukraine.

Dưới đây là một số câu chuyện của họ.

Valentina Tokariova, 85 tuổi, sinh ra ở Nga. Bà đã sống ở Donbas ở miền đông Ukraine trong 60 năm cho đến năm 2014, khi bà trốn sang Kyiv:

Tôi là người Nga bẩm sinh, sinh ra ở Novosibirsk. Vì vậy, trong đầu tôi, tôi vẫn không hiểu chuyện này xảy ra như thế nào và làm sao có thể xảy ra chiến tranh. Tôi nghĩ rằng nó là không thể.

Tôi đến Donbas năm 1962. Lúc đó tôi 23 tuổi và theo một chàng trai trẻ. Anh ấy không đáng để tôi nói với bạn. Chúng tôi sống với nhau bảy năm rồi anh ta bỏ rơi tôi và con trai.

Trong 60 năm, tôi đã sống ở Ukraine. Tôi đã làm việc cả đời cho Ukraine, đây là gia đình tôi, nhà của tôi, đây là đất nước của tôi. Bây giờ tôi là người Ukraine. Tôi coi văn hóa Ukraine là của riêng mình.

Yulia Hermanovska 79 tuổi và sống một mình ở Kyiv kể từ khi chồng bà qua đời cách đây 5 năm:

Tôi bị ung thư giai đoạn bốn. Tôi đã chiến đấu với nó được ba năm rồi, đây là năm thứ tư của tôi.

Bác sĩ của tôi đã di tản vào đúng thời điểm tôi bắt đầu điều trị, vào tháng 2 năm 2022. Cô ấy chỉ quay lại vào tháng Năm. Lúc đó tôi cảm thấy rất tệ, nhưng đến cuối tháng 5, tôi bắt đầu trị liệu chuyên sâu. Giờ tôi cảm thấy khá hơn nhiều rồi! Khi tôi được chẩn đoán vào năm 2020, tôi được thông báo rằng mình sẽ có từ hai đến năm năm.

Tôi luôn thích tiếng Ukraine hơn, nhưng tôi buộc phải nói tiếng Nga vì hồi đó nói tiếng Ukraine không được phổ biến. Nó được coi là ngôn ngữ của dân làng.

Bảy năm rưỡi cuối cùng trong sự nghiệp của mình, tôi làm thủ thư tại Học viện Đại học Quốc gia Kyiv-Mohyla. Khi tôi phỏng vấn xin việc, họ nói với tôi nếu tôi muốn làm việc ở đó, tôi chỉ có thể sử dụng hai ngôn ngữ: tiếng Anh hoặc tiếng Ukraine. Vì vậy, tôi phải chuyển trở lại tiếng Ukraine ở tuổi 50, sau khi đã nói tiếng Nga trong suốt cuộc đời trưởng thành của mình.

Klara Rozkishna, 94 tuổi, đã có 40 năm giảng dạy hóa học ở Donetsk, miền đông Ukraine. Bà sống ở Kyiv với con gái:

Chúng tôi rời Donetsk vào ngày 29 tháng 5 năm 2014. Ngay khi nhìn thấy xe tăng Nga, chúng tôi đi ngay lập tức.

Donetsk từng là một thành phố xinh đẹp. Nơi đây được mệnh danh là thành phố triệu hoa hồng. Người ta sẽ nghĩ đó là thành phố của những người thợ mỏ, nhưng có rất nhiều hoa hồng! Chúng tôi từng sống ở trung tâm thành phố và tôi thích đi bộ dọc Đại lộ Pushkin. Nó rất xanh. Tôi và chồng tôi sống trong một ngôi nhà gần sông Kalmius. Đó là một nơi tuyệt đẹp, rất nhiều hoa!

Chúng tôi từ bỏ mọi thứ chúng ta có ở đó và khóa căn hộ của mình. Chồng tôi mất năm 2009 và được chôn cất ở Donetsk. Tôi thậm chí đã mua một chỗ cho mình ngay bên cạnh anh ấy. Nhưng nghĩa trang đã bị đánh bom. Vì đây không phải là một cuộc chiến. Đây là một lò mổ. Họ là những kẻ man rợ.

Nhưng không sao, Ukraine sẽ thắng - tôi chắc chắn như thế.
 
Thánh Ca
Thánh Vịnh 21
Lm. Thái Nguyên
14:20 19/03/2023

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Đáp ca - TV 21: https://www.youtube.com/watch?v=xX3xtzHfBOU
Hiệp lễ 1- Chúa đã hiến mình: https://www.youtube.com/watch?v=WY2KrQR0wS0
Hiệp lễ 2 : Say tình thập giá: https://www.youtube.com/watch?v=slAjfqvCuUs
Kết lễ : Thập giá niềm tự hào: https://www.youtube.com/watch?v=1qaYXxfq8qM
 
Chúa đã hiến mình
Lm. Thái Nguyên
14:22 19/03/2023

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Đáp ca - TV 21: https://www.youtube.com/watch?v=xX3xtzHfBOU
Hiệp lễ 1- Chúa đã hiến mình: https://www.youtube.com/watch?v=WY2KrQR0wS0
Hiệp lễ 2 : Say tình thập giá: https://www.youtube.com/watch?v=slAjfqvCuUs
Kết lễ : Thập giá niềm tự hào: https://www.youtube.com/watch?v=1qaYXxfq8qM
 
Say tình thập giá
Lm. Thái Nguyên
14:23 19/03/2023

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Đáp ca - TV 21: https://www.youtube.com/watch?v=xX3xtzHfBOU
Hiệp lễ 1- Chúa đã hiến mình: https://www.youtube.com/watch?v=WY2KrQR0wS0
Hiệp lễ 2 : Say tình thập giá: https://www.youtube.com/watch?v=slAjfqvCuUs
Kết lễ : Thập giá niềm tự hào: https://www.youtube.com/watch?v=1qaYXxfq8qM
 
Thập giá niềm tự hào
Lm. Thái Nguyên
14:24 19/03/2023

CHÚA NHẬT LỄ LÁ
Đáp ca - TV 21: https://www.youtube.com/watch?v=xX3xtzHfBOU
Hiệp lễ 1- Chúa đã hiến mình: https://www.youtube.com/watch?v=WY2KrQR0wS0
Hiệp lễ 2 : Say tình thập giá: https://www.youtube.com/watch?v=slAjfqvCuUs
Kết lễ : Thập giá niềm tự hào: https://www.youtube.com/watch?v=1qaYXxfq8qM