Phụng Vụ - Mục Vụ
Lễ Thánh Giuse 19/3/2022 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:59 18/03/2022
19/3 - THÁNH GIUSE, BẠN TRĂM NĂM ĐỨC MARIA
BÀI ĐỌC 1 2Sm 7:4-5a,12-14a,16
Bài trích sách Sa-mu-an quyển thứ hai.
Hồi ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng:
“Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này:
Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi -một người do chính ngươi sinh ra-, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền.
Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi.
Đối với nó, Ta sẽ là cha, đối với Ta, nó sẽ là con.
Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãi trước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi.”
Đó là Lời Chúa.
BÀI ĐỌC 2 Rm 4:13,16-18,22
Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Rô-ma.
Thưa anh em, không phải chiếu theo Lề Luật, mà Thiên Chúa đã hứa cho ông Áp-ra-ham và dòng dõi ông được thế gian làm gia nghiệp; nhưng ông được lời hứa đó, vì đã trở nên công chính nhờ lòng tin.
Bởi vậy, vì tin mà người ta được thừa hưởng lời Thiên Chúa hứa; như thế lời hứa là ân huệ Thiên Chúa ban không, và có giá trị cho toàn thể dòng dõi ông Áp-ra-ham, nghĩa là không phải chỉ cho những ai giữ Lề Luật, mà còn cho những ai có lòng tin như ông.
Ông là tổ phụ chúng ta hết thảy, như có lời chép: Ta đã đặt ngươi làm tổ phụ nhiều dân tộc. Ông là tổ phụ chúng ta trước mặt Thiên Chúa, Đấng ông tin tưởng, Đấng làm cho kẻ chết được sống và khiến những gì không có hoá có.
Mặc dầu không còn gì để trông cậy, ông vẫn trông cậy và vững tin, do đó ông đã trở thành tổ phụ nhiều dân tộc, như lời Thiên Chúa phán: Dòng dõi ngươi sẽ đông đảo như thế. Bởi thế, ông được kể là người công chính.
Đó là Lời Chúa.
TUNG HÔ TIN MỪNG Tv 83:5
Lạy Chúa, phúc thay người ở trong thánh điện
họ luôn luôn được hát mừng Ngài.
TIN MỪNG Mt 1:16,18-21,24a
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mát-thêu.
Ông Gia-cóp sinh ông Giu-se, chồng của bà Ma-ri-a, bà là mẹ Đức Giê-su cũng gọi là Đấng Ki-tô.
Sau đây là gốc tích Đức Giê-su Ki-tô: bà Ma-ri-a, mẹ Người, đã thành hôn với ông Giu-se. Nhưng trước khi hai ông bà về chung sống, bà đã có thai do quyền năng Chúa Thánh Thần. Ông Giu-se, chồng bà, là người công chính và không muốn tố giác bà, nên mới định tâm bỏ bà cách kín đáo.
Ông đang toan tính như vậy, thì kìa sứ thần Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giu-se, con cháu Đa-vít, đừng ngại đón bà Ma-ri-a vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giê-su, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ.”
Khi tỉnh giấc, ông Giu-se làm như sứ thần Chúa dạy.
Đó là Lời Chúa.
LỜI NGUYỆN TÍN HỮU
Chủ Tế: Anh chị em thân mến, chiêm ngắm gương mẫu đức tin tuyệt hảo của Thánh Giuse, chúng ta được thúc bách sống khiêm hạ, thinh lặng cầu nguyện và nhiệt thành vâng phục thánh ý Chúa để tiến tới đỉnh trọn lành. Cùng với Thánh Cả, chúng ta dâng lời nguyện xin:
1. “Giuse đã thực hiện như lời Thiên Thần Chúa truyền”. Xin cho các mục tử trong Hội Thánh biết thinh lặng lắng nghe và thực thi ý Chúa, để nhờ đời sống thánh thiện của các ngài, lòng tin-cậy-mến của dân Chúa ngày càng vững mạnh và thăng tiến. Chúng ta cùng cầu xin Chúa
2. “Trong năm Thánh Giuse - Nhờ lời bầu cử của thánh nhân”. Xin cho mọi thành phần dân Chúa nhiệt thành sống đức tin, nuôi dưỡng tình hiệp thông và cùng nhau xây dựng Giáo Hội thành một gia đình chan chứa lòng thương xót. Chúng ta cùng cầu xin Chúa
3. “Hiệp nhất với Đức Kitô, chúng ta tìm điều Người tìm và yêu điều Người yêu”. Xin cho các tông đồ giáo dân chỉ tìm kiếm và yêu mến điều Chúa muốn, để mọi việc họ làm đều tôn vinh Chúa và mang lại lợi ích thiêng liêng cho các linh hồn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
4. Lạy Thánh Giuse, xin cầu cho chúng con. Xin cho cộng đoàn giáo xứ chúng ta, nhờ lời chuyển cầu của Thánh Cả Giuse, nỗ lực sống đức tin, nhiệt thành làm việc thiện và trở nên chứng nhân của niềm hy vọng cho thế giới ngày nay. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.
Chủ Tế: Lạy Chúa, Chúa đã chọn Thánh Giuse làm cha nuôi Con Chúa và làm bạn của Đức Trinh nữ Maria. Vì lời thánh nhân cầu bầu, xin Chúa ban cho chúng con được hồn an, xác mạnh và biết làm rạng danh Chúa trong mọi công việc hằng ngày. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Cơ hội sám hối tội đời
Lm. Nguyễn Xuân Trường
05:40 18/03/2022
CƠ HỘI SÁM HỐI TỘI ĐỜI
Có người chết! Có người chết! Thế giới nhiều người chết do dịch bệnh, do chiến tranh. Phúc Âm kể những người chết do bị giết, do tháp đổ đè bẹp. Sợ quá! Và Chúa cảnh báo: “Nếu không chịu sám hối, thì các ông cũng sẽ chết hết như vậy.” Chết vì tội. Muốn thoát chết, chúng ta phải sám hối thôi.
1. Nguy Hiểm. Tội gây nguy hiểm chết người. Thánh Phaolô đã nói: “án phạt của tội lỗi là sự chết.” Chúa Giêsu cũng cảnh báo: “nếu không chịu sám hối, thì các ông sẽ chết.” Tội lỗi làm người ta chết cả xác lẫn hồn, chết cả đời này lẫn đời sau. Đã nguy hiểm thì phải tránh xa.
2. Nguy Cơ. Con người tội lỗi nhưng lại có nguy cơ tưởng mình không có tội. Chúng ta thường tưởng thiên hạ tội lỗi, còn mình thì ngon lành lắm. Thậm chí, có người phát động chiến tranh chết chóc mà còn biện minh là mình làm đúng. Nhất là khi điều xấu tràn lan, người ta càng có nguy cơ coi nhiều điều xấu xa là chuyện bình thường, không thấy tội lỗi hay áy náy lương tâm.
Hơn nữa, khi kể dụ ngôn cây vả không trái có nguy cơ bị chặt, Chúa muốn nói rằng: không chỉ làm điều xấu mới phạm tội, nhưng khi người ta không làm điều tốt đã là có tội rồi. Một vị hoàng đế đã nói:“Thế giới chìm trong đau khổ không phải vì tội ác của những kẻ xấu, mà vì sự im lặng của những người tốt.”
3. Cơ Hội. Tội gây nguy hiểm chết người. Phúc đức thay, Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, luôn kiên nhẫn tha thứ và chữa lành. Cho dù chúng ta như cây vả đã 3 năm không sinh trái, thì Chúa như người làm vườn vẫn kiên nhẫn cho ta thêm cơ hội để sám hối, để sinh hoa trái.
Xin tạ ơn Chúa thương cho chúng ta cơ hội để sám hối đổi mới cuộc đời. Xin cho mỗi chúng ta thay vì phán xét người, thì hãy xét mình để nhận ra tội lỗi và những điều thiếu sót, rồi cố gắng làm trổ sinh nhiều hoa trái tin yêu trong đời. Amen.
May Quá, Mình Thoát Nạn! Hay Mình Xứng Đáng?
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
08:49 18/03/2022
May Quá, Mình Thoát Nạn! Hay Mình Xứng Đáng?
(Chúa Nhật III Mùa Chay C)
Có thể nói một trong những đặc tính của thời đại hôm nay đó là tính thời sự. Nhờ phương tiện thông tin ngày càng hiện đại nên tin tức đó đây tức thời được cập nhật qua các phương tiện nghe nhìn. Chỉ ngồi trước màn ảnh truyền hình một lát thì ta có thể biết khá tường tận nhiều sự việc vừa xảy ra trên thế giới. Chịu khó thống kê một chút, thì chúng ta có thể kết luận rằng nhóm “hung tin” hình như đang chiếm thế thượng phong về tần suất được tường thuật, chẳng hạn như: chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sống thần, lũ lụt, khủng bố, hỏa hoạn, bão tuyết…
Trước những tai ương hoạn nạn thì có những phản ứng khác nhau. Có người thì điềm nhiên như sự xảy ra là ở đâu đâu, không liên hệ gì đến mình. Cũng có thể thoặt đầu vẫn có cảm xúc ít nhiều nhưng rồi dần dà nghe thấy quá nhiều tai ương hoạn nạn, nên hóa thành vô cảm. Vô cảm trước hoạn nạn mà tha nhân đang gánh chịu là một thái độ đáng lên án. Thái độ này dễ nhận biết cách nào đó và chẳng ai muốn bị kết án là hạng người vô cảm, vì chính bản thân người vô cảm cũng ít nhiều nhận thấy cái sai trái của mình. Tuy nhiên có một phản ứng thoạt xem ra không đáng trách nhưng thật tai hại. Có thể gọi phản ứng này với câu nói ngoài miệng hay lời thầm trong lòng những người thuộc hạng này: “Hú hồn, may quá, mình vẫn bình yên, mình may mắn hơn! Hay mình đang xứng đáng?”.
“Mình may mắn hơn”. Một câu nói, đúng hơn là một phản ứng rất có thể có nơi nhiều người không bị tai ương hoạn nạn. Trước các biến cố cuộc đời, người ta vốn quen kết luận theo quy luật nhân quả “ở hiền thì gặp lành; làm ác thì chuốc dữ”. Chính vì thế khi một tai ương hay hoạn nạn xảy đến cho người này, người kia, thì người ta dễ quy kết nguyên nhân là do tội, do lỗi của các nạn nhân hay của mẹ cha, ông bà họ trước đây. Chính các tông đồ cũng đã từng hỏi Chúa Giêsu về nguyên nhân khiến cho một người bị mù từ lúc mới sinh mà tin mừng Gioan tường thuật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”(Ga 9,2).
Cũng vì thói quen nhìn các sự kiện theo mối liên hệ nhân quả nên khi những tai ương hoạn nạn không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng ta rất có thể không chỉ nghĩ rằng may quá, mình không vương nạn mà còn có thể tự hào rằng mình đang còn tốt lành, còn đang xứng đáng. Đây quả là một thái độ ít nhiều vừa tắc trách lại vừa đáng trách.
Một tai ương, hoạn nạn xảy ra, có thể là do sự vận động của giới tự nhiên theo quy luật của nó như chuyện hết mưa thì trời lại nắng.., cũng có thể là do tác động của con người như chuyện biến đổi khí hậu bất thường do hiệu ứng nhà kính…, cũng có thể là do lỗi hay tội của người này, tập thể kia gây ra cho chính bản thân họ hay cho tha nhân, chẳng hạn như chiến tranh hoặc nhiều tai nạn giao thông…Là Kitô hữu, chúng ta vốn tin nhận rằng mọi người đều là anh chị em với nhau, có cùng một Cha trên trời thì không thể nào có thái độ vừa tắc trách vừa đáng trách trước các hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đáng gánh chịu đó đây. Trái lại, chúng ta cần phải tích cực liên đới với họ và đồng thời phải biết cảnh tỉnh bản thân để hoán cải, đổi thay ngay hôm nay.
Sống tình liên đới: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một ông chủ vô tình hay một vị thần bàng quan với con dân. Khi mạc khải cho Môsê biết mình là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”, thì Người muốn khẳng định rằng Người mãi đồng hành thiết thân với dân Người tuyển chọn và Người không bao giờ bỏ rơi dân Người. “Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập…”(Xh 3,7-10). Sự liên đới của Thiên Chúa đã nên phổ quát và trọn hảo khi trao ban chính Người Con Một vì nhân loại chúng ta. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3, 16-17).
Sống tình liên đới với tha nhân, đặc biệt trong những hoàn cảnh hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đang gánh chịu, thì trước hết cần ý thức rằng có thể do sự thiếu sót hay do tội lỗi của chính chúng ta đã làm cho tha nhân phải gánh chịu các cảnh bỉ cực ấy. Thứ đến, nếu giả như chúng ta “vô can” trong các hoạn nạn, tai ương ấy thì chuyện “máu chảy, ruột mềm” hay chuyện “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” là chuyện tự nhiên, đương nhiên phải có trong nghĩa tình anh em một nhà, cùng một Cha trên trời. Hơn nữa, trong niềm tin, chính tội lỗi mới là tai ương, hoạn nạn đáng sợ nhất. Noi gương Chúa Kitô, vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta “phải làm việc này mà nhớ đến Người”: đó là dùng chính con người của mình, xác thân mình, máu huyết, sự sống của mình để gánh tội của nhau, để làm cho nhau nên thanh sạch, được sống và sống dồi dào (x.1Cr 11,23-25).
Biết cảnh giác và tỉnh thức để hoán cải: Thánh Tông Đồ dân ngoại lưu ý: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng, kéo ngã” (1Cr 10,12). Trước chuyện một số người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu họ đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng hoặc chuyện mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu đã cảnh báo người đương thời rằng chớ vội quy kết rằng họ có tội hoặc cho rằng mình vô tội hay đang xứng đáng, nhưng phải biết tỉnh thức mà sám hối ăn năn.
“Chưa tận thế đâu”. Một câu nói rất có thể có ích khi nhắc nhớ chúng ta chớ hấp tấp, nóng vội mà quên đi quy luật của thời gian. Tuy nhiên câu nói trên cũng có thể tố cáo sự thiếu cảnh giác và tỉnh thức của chúng ta. Nhiều tổ chức, nhiều chương trình, kế hoạch hay công việc đòi hỏi có thời gian tính. “Dục tốc bất đạt” vốn là kinh nghiệm có từ ngàn xưa. Thế nhưng, trong chuyện sửa sai, nhiều khi không thể để đến ngày mai, vì sẽ không còn có cơ hội hoặc vì hậu quả xấu đã ra trầm trọng, thành tình trạng di căn, khó có thể khắc phục. Đặc biệt trong việc hoán cải tâm hồn thì luôn cần phải làm ngay trong hôm nay, giờ phút này. Xin đừng quên rằng không phải một ngày, không phải một giờ, nhưng có thể chỉ một phút, một giây sẽ quyết định số phận, quyết định hạnh phúc đời đời của bạn, của chính tôi.
Một trong những thái độ sống cần thay đổi đó là sự bàng quang, vô cảm, an phận trước cảnh bỉ cực của tha nhân hoặc tự nhủ: may quá, mình không vương nạn, mình đang xứng đáng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
(Chúa Nhật III Mùa Chay C)
Có thể nói một trong những đặc tính của thời đại hôm nay đó là tính thời sự. Nhờ phương tiện thông tin ngày càng hiện đại nên tin tức đó đây tức thời được cập nhật qua các phương tiện nghe nhìn. Chỉ ngồi trước màn ảnh truyền hình một lát thì ta có thể biết khá tường tận nhiều sự việc vừa xảy ra trên thế giới. Chịu khó thống kê một chút, thì chúng ta có thể kết luận rằng nhóm “hung tin” hình như đang chiếm thế thượng phong về tần suất được tường thuật, chẳng hạn như: chiến tranh, dịch bệnh, động đất, sống thần, lũ lụt, khủng bố, hỏa hoạn, bão tuyết…
Trước những tai ương hoạn nạn thì có những phản ứng khác nhau. Có người thì điềm nhiên như sự xảy ra là ở đâu đâu, không liên hệ gì đến mình. Cũng có thể thoặt đầu vẫn có cảm xúc ít nhiều nhưng rồi dần dà nghe thấy quá nhiều tai ương hoạn nạn, nên hóa thành vô cảm. Vô cảm trước hoạn nạn mà tha nhân đang gánh chịu là một thái độ đáng lên án. Thái độ này dễ nhận biết cách nào đó và chẳng ai muốn bị kết án là hạng người vô cảm, vì chính bản thân người vô cảm cũng ít nhiều nhận thấy cái sai trái của mình. Tuy nhiên có một phản ứng thoạt xem ra không đáng trách nhưng thật tai hại. Có thể gọi phản ứng này với câu nói ngoài miệng hay lời thầm trong lòng những người thuộc hạng này: “Hú hồn, may quá, mình vẫn bình yên, mình may mắn hơn! Hay mình đang xứng đáng?”.
“Mình may mắn hơn”. Một câu nói, đúng hơn là một phản ứng rất có thể có nơi nhiều người không bị tai ương hoạn nạn. Trước các biến cố cuộc đời, người ta vốn quen kết luận theo quy luật nhân quả “ở hiền thì gặp lành; làm ác thì chuốc dữ”. Chính vì thế khi một tai ương hay hoạn nạn xảy đến cho người này, người kia, thì người ta dễ quy kết nguyên nhân là do tội, do lỗi của các nạn nhân hay của mẹ cha, ông bà họ trước đây. Chính các tông đồ cũng đã từng hỏi Chúa Giêsu về nguyên nhân khiến cho một người bị mù từ lúc mới sinh mà tin mừng Gioan tường thuật: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến cho người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”(Ga 9,2).
Cũng vì thói quen nhìn các sự kiện theo mối liên hệ nhân quả nên khi những tai ương hoạn nạn không ảnh hưởng gì đến chúng ta thì chúng ta rất có thể không chỉ nghĩ rằng may quá, mình không vương nạn mà còn có thể tự hào rằng mình đang còn tốt lành, còn đang xứng đáng. Đây quả là một thái độ ít nhiều vừa tắc trách lại vừa đáng trách.
Một tai ương, hoạn nạn xảy ra, có thể là do sự vận động của giới tự nhiên theo quy luật của nó như chuyện hết mưa thì trời lại nắng.., cũng có thể là do tác động của con người như chuyện biến đổi khí hậu bất thường do hiệu ứng nhà kính…, cũng có thể là do lỗi hay tội của người này, tập thể kia gây ra cho chính bản thân họ hay cho tha nhân, chẳng hạn như chiến tranh hoặc nhiều tai nạn giao thông…Là Kitô hữu, chúng ta vốn tin nhận rằng mọi người đều là anh chị em với nhau, có cùng một Cha trên trời thì không thể nào có thái độ vừa tắc trách vừa đáng trách trước các hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đáng gánh chịu đó đây. Trái lại, chúng ta cần phải tích cực liên đới với họ và đồng thời phải biết cảnh tỉnh bản thân để hoán cải, đổi thay ngay hôm nay.
Sống tình liên đới: Thiên Chúa chúng ta tôn thờ không phải là một ông chủ vô tình hay một vị thần bàng quan với con dân. Khi mạc khải cho Môsê biết mình là “Thiên Chúa của Abraham, Thiên Chúa của Isaác, Thiên Chúa của Giacóp”, thì Người muốn khẳng định rằng Người mãi đồng hành thiết thân với dân Người tuyển chọn và Người không bao giờ bỏ rơi dân Người. “Đức Chúa phán: “Ta đã thấy rõ cảnh khổ cực của dân Ta bên Ai Cập, Ta đã nghe tiếng chúng kêu than vì bọn cai hành hạ. Phải, Ta biết các nỗi đau khổ của chúng. Ta xuống giải thoát chúng khỏi tay người Ai Cập…”(Xh 3,7-10). Sự liên đới của Thiên Chúa đã nên phổ quát và trọn hảo khi trao ban chính Người Con Một vì nhân loại chúng ta. “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời…” (Ga 3, 16-17).
Sống tình liên đới với tha nhân, đặc biệt trong những hoàn cảnh hoạn nạn, tai ương mà tha nhân đang gánh chịu, thì trước hết cần ý thức rằng có thể do sự thiếu sót hay do tội lỗi của chính chúng ta đã làm cho tha nhân phải gánh chịu các cảnh bỉ cực ấy. Thứ đến, nếu giả như chúng ta “vô can” trong các hoạn nạn, tai ương ấy thì chuyện “máu chảy, ruột mềm” hay chuyện “một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” là chuyện tự nhiên, đương nhiên phải có trong nghĩa tình anh em một nhà, cùng một Cha trên trời. Hơn nữa, trong niềm tin, chính tội lỗi mới là tai ương, hoạn nạn đáng sợ nhất. Noi gương Chúa Kitô, vâng lệnh Chúa Kitô, chúng ta “phải làm việc này mà nhớ đến Người”: đó là dùng chính con người của mình, xác thân mình, máu huyết, sự sống của mình để gánh tội của nhau, để làm cho nhau nên thanh sạch, được sống và sống dồi dào (x.1Cr 11,23-25).
Biết cảnh giác và tỉnh thức để hoán cải: Thánh Tông Đồ dân ngoại lưu ý: “Ai tưởng mình đứng vững, thì hãy coi chừng, kéo ngã” (1Cr 10,12). Trước chuyện một số người Galilê bị tổng trấn Philatô giết, khiến máu họ đổ ra hòa lẫn với máu tế vật họ đang dâng hoặc chuyện mười tám người bị tháp Silôê đổ xuống đè chết, Chúa Giêsu đã cảnh báo người đương thời rằng chớ vội quy kết rằng họ có tội hoặc cho rằng mình vô tội hay đang xứng đáng, nhưng phải biết tỉnh thức mà sám hối ăn năn.
“Chưa tận thế đâu”. Một câu nói rất có thể có ích khi nhắc nhớ chúng ta chớ hấp tấp, nóng vội mà quên đi quy luật của thời gian. Tuy nhiên câu nói trên cũng có thể tố cáo sự thiếu cảnh giác và tỉnh thức của chúng ta. Nhiều tổ chức, nhiều chương trình, kế hoạch hay công việc đòi hỏi có thời gian tính. “Dục tốc bất đạt” vốn là kinh nghiệm có từ ngàn xưa. Thế nhưng, trong chuyện sửa sai, nhiều khi không thể để đến ngày mai, vì sẽ không còn có cơ hội hoặc vì hậu quả xấu đã ra trầm trọng, thành tình trạng di căn, khó có thể khắc phục. Đặc biệt trong việc hoán cải tâm hồn thì luôn cần phải làm ngay trong hôm nay, giờ phút này. Xin đừng quên rằng không phải một ngày, không phải một giờ, nhưng có thể chỉ một phút, một giây sẽ quyết định số phận, quyết định hạnh phúc đời đời của bạn, của chính tôi.
Một trong những thái độ sống cần thay đổi đó là sự bàng quang, vô cảm, an phận trước cảnh bỉ cực của tha nhân hoặc tự nhủ: may quá, mình không vương nạn, mình đang xứng đáng!
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột
Thiên Chúa luôn đối lập với sự dữ
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
20:14 18/03/2022
THIÊN CHÚA LUÔN ĐỐI LẬP VỚI SỰ DỮ
CHÚA NHẬT THỨ III MÙA CHAY NĂM C
Kể từ khi Nga rải trên nhiều thành phố, nhiều làng mạc, nhiều cơ sở vật chất, kể cả cơ sở tôn giáo và dân sự, đồng thời dội lên đầu người dân Ucraina vô tội, không biết cơ man nào là vũ khí, và là vũ khí tối tân, đã khiến máu đổ, người của cả hai phía từ quân nhân đến dân thường chết hay thương vong, triệu triệu người đói rét, lâm cảnh màn trời chiếu đất, triệu triệu người phải ly tán, phải sống trong bất ổn, trong tâm trạng lúc nào cũng hoang mang, sợ hãi...
Đã có bao nhiêu trường học, cơ sở y tế, cơ sở phúc lợi đổ sập. Đã có quá nhiều trẻ em bị giết chết. Đã có bao nhiêu người mất tích, lạc mất người thân, lạc mất gia đình trong ly loạn, hay trên đường chạy trốn khỏi biên giới...
Chiến tranh luôn là sự tàn bạo hãi hùng, luôn là nổi ám ảnh đớn đau, luôn gây ra thảm cảnh và để lại hậu quả thương đau khó có thể nói hết.
Dù đã qua nửa thế kỷ, hơn ai hết, người Việt thấu nỗi đau của chiến tranh là gì. Người Việt, vì thế càng cảm thông, đoái thương và cầu nguyện thật nhiều cho cảnh bi thương mà đất nước và người dân Ucraina đang hứng chịu.
Giữa những khủng hoảng mà cả thế giới đang chứng kiến, giữa cảnh vô số người lành, người vô tội phải trân mình hứng chịu khổ đau, chúng ta lại nghe trong Chúa nhật thứ III mùa Chay lời đầy xót thương và an ủi của Thiên Chúa.
Nội dung bài đọc I kể chuyện Chúa gọi Môsê. Lúc ấy, người Dothái đang trong thân phận nô lệ cho người Aicập. Họ bị dân Aicập tước đoạt tự do, cũng có nghĩa là tước đoạt phẩm giá cao quý.
Chính trong hoàn cảnh ấy, Thiên Chúa hiện đến cùng ông Môsê từ giữa bụi gai, dưới hình ảnh bụi gai cháy ngùn ngụt mà chính bụi gai không bị thiêu rụi.
Quang cảnh lạ thường khiến ông tò mò chạy đến xem. Càng kỳ diệu hơn, khi ông đến gần, từ giữa bụi gai, Thiên Chúa bắt đầu trò chuyện với ông.
Chúa nói bằng những lời rất con người: "Ta thấy dân Ta phải khổ cực... Ta nghe tiếng chúng kêu than... Ta biết nỗi đau khổ của chúng... Ta xuống giải thoát chúng...".
Bằng cách nói như nhân: "Ta thấy", "Ta nghe", "Ta biết", "Ta xuống", Thánh Kinh vừa cho biết Thiên Chúa là Đấng gần gũi, thấu hiểu, cảm thông với con người, vừa bày tỏ khuôn mặt của Ngài là Đấng giàu lòng xót thương. Chúa luôn khao khát sự cứu độ, sự giải thoát mà mình dành cho con người.
Dẫu ngày ấy, Thiên Chúa muốn ông Môsê đại diện Ngài lãnh đạo toàn dân giải phóng họ về mặt chính trị, kinh tế. Nhưng điều quan trọng mà Thiên Chúa nhắm không dừng ở phương diện chính trị, kinh tế mà là nội tâm con người.
Bằng chứng là thời Chúa Giêsu, Ngài không mấy quan tâm đến chính trị nhưng quan tâm đến việc rao giảng Nước trời, đến sự thống hối ăn năn.
Nghe chuyện tổng trấn Philatô giết người Galilê, Chúa không phản đối sự bất bình về cái ác đang có nơi người kể chuyện cho Chúa, nhưng cũng không muốn họ dừng ở nỗi bất bình, mà mời gọi họ sám hối. Chúa mặc cho lời mời gọi hình thức đe dọa để nhấn mạnh hơn, đòi phải ăn năn quyết liệt hơn: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi cũng bị huỷ diệt".
Hoặc như cây vả không sinh lợi ích, dù Thiên Chúa có kiên nhẫn đợi ngày trở về của kẻ tội lỗi, thì cũng phải đến lúc rời bỏ sự sống.
Trang Lời Chúa chứng minh cách hùng hồn, Thiên Chúa không bao giờ muốn sự dữ, càng không bao giờ làm ra sự dữ. Thiên Chúa mong muốn con người được giải phóng khỏi mọi ràng buộc của cái ác, cái xấu tận trong tâm hồn chứ không chỉ thân xác, cả sự sống đời sau chứ không dừng lại ở đời này.
Hơn nữa, chính Chúa Giêsu chấp nhận đồng hành với ta trong kiếp người, cùng sớt chia về mọi gian nan thử thách, cả cái chết bi ai, nhục nhằn đến tận cùng của kiếp người trong cái chết ấy.
Vì thế, khi đối diện cùng sự dữ, ta phải xác tín:
- Sự dữ và mọi hình thức mà nó gây nên, đều do chính con người. Lòng thù của họ dẫn đến không biết bao nhiêu oan khuất, thê lương: Philatô sát hại nhiều người; những trận bom và tên lửa dữ dội đang tàn phá nhiều nơi vô tội vạ.
- Sự dữ cũng có thể đến từ thiên nhiên. Nhưng nhiều trường hợp, sự cuồn nộ ấy có "góp sức" đáng kể của con người, bởi họ không sử dụng thiên nhiên để phát triển chúng, và mang lại lợi ích cho chính sự sống của họ.
- Sự dữ có thể ập đến do nhiều lý do: thù ghét nhau; con người không thể lường hết những rủi ro; thiếu năng lực; không nhìn thấy hết những bất cập; sự bất toàn của chính mình; hoặc tham lam, ước ao giàu có nhưng không bằng con đường lao động chân chính; những công trình khai phá thiên nhiên, những công trình mà con người nỗ lực dựng xây... không bảo đảm... đã và sẽ còn làm cho biết bao nhiêu người phải chết, phải thương tật, bệnh tật và nghèo đói suốt đời...
Điều quan trọng và cần thiết, khi chứng kiến sự dữ, chúng ta càng phải ăn năn thống hối như Chúa Giêsu dạy: "Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, các ngươi cũng bị huỷ diệt". Hoặc: "Hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!".
Qua sự dữ, Chúa có thể giáo dục ta như người cha dùng roi đánh con mình. Qua sự dữ mà ta kiên trung chịu đựng, đức tin của ta sẽ mạnh mẽ hơn, lòng cậy trông sẽ vững vàng hơn, tình yêu mến sẽ ngày càng hoàn thiện hơn.
Chiến tranh là sự dữ đáng sợ. Chiến tranh xuất phát từ sự tàn ác và ích kỷ của lòng người. Không thể hiểu nổi, vì sao thế giới đã bước vào thế kỷ của nhiều thứ văn minh, nhiều công nghệ làm phát triển nhằm giải quyết xung đột bằng tình yêu, bằng việc xích lại gần nhau, bằng bao nhiêu phương tiện đàm phán và hòa giải mà người ta lại có thể nhẫn tâm đem vũ khí trút lên đầu nhau?
Mọi hình thức chiến tranh, dù quốc tế, quốc gia, sắc tộc, phe nhóm hay gia đình đều là những nguy hiểm mà mỗi chúng ta cần phải loại trừ.
Cùng Đức Thánh Cha, trong nỗi đau mà ngài liên tiếp bày tỏ: “Với nỗi đau tận trái tim, tôi hợp với tiếng nói chung, kêu gọi hãy chấm dứt chiến tranh. Nhân danh Chúa, hãy lắng nghe tiếng kêu của những người đau khổ và chấm dứt các vụ đánh bom và tấn công! …Nhân danh Thiên Chúa, tôi kêu gọi: hãy dừng cuộc thảm sát này!” (Kinh Truyền tin trưa Chúa nhật 13.3.2022), chúng ta không ngừng cầu nguyện cho chiến tranh vãn hồi, máu của mọi người ngừng chảy, các trẻ em, các người già, và nhiều thân phận nhạy cảm khác được bảo vệ.
Chúng ta nguyện xin cho việc đàm phán đi tới thành công, các lãnh đạo các quốc gia và thế giới dẹp bỏ mưu tính lợi lộc cho phe mình, quốc gia mình trong khi làm ngơ trước cái ác, trước sự tàn độc của những kẻ gieo rắc chiến tranh.
Chúng ta nguyện xin cho các lãnh đạo độc tài có chút lòng trắc ẩn để nhìn thấy những khổ đau, nghe thấy những rên xiết, thấm thía máu của bao nhiêu đồng loại mà dẹp bỏ sự kiêu ngạo, sự ích kỷ. Xin cho họ có chút lương tri nhằm tôn trọng sự sống đồng loại, tôn trọng nhiều giá trị lớn lao khác của thế giới, của loài người.
Dám yêu với tất cả rủi ro
Lm. Minh Anh
22:11 18/03/2022
DÁM YÊU VỚI TẤT CẢ RỦI RO
“Giuse đã thực hiện như lời thiên thần truyền”.
Thật lạ, nghệ thuật Kitô giáo có xu hướng miêu tả thánh Giuse như một cụ già. Nhìn vào, người ta tưởng Giuse là ông nội, hơn là cha nuôi của Chúa Giêsu. Một ngoại lệ rất nổi bật là bức “Giuse” của El Greco, một nghệ sĩ Tây Ban Nha. Greco mô tả Giuse là một thanh niên cơ bắp, gân guốc, đáng tin cậy; trẻ Giêsu quấn lấy chân ngài. Điều này sẽ phù hợp với tính cách mô tả của Tin Mừng! Giuse, một người trẻ mạo hiểm, ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ hơn là một cụ già!
Kính thưa Anh Chị em,
‘Dám yêu với tất cả rủi ro’, đó là tính cách của thánh Giuse mà Tin Mừng hôm nay, ngày kính nhớ ngài, tiết lộ. Tình yêu luôn đòi hỏi một sự mạo hiểm! Cuộc tình Giuse và Maria không nằm ngoài quy luật đó, “Maria đã thụ thai”. May thay, nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, Giuse đã yêu với ‘đôi mắt mở to’, ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ khi “thực hiện như lời thiên thần truyền”.
Cuộc sống thường không như chúng ta tưởng tượng. Đặc biệt trong yêu đương, thật khó để đi từ logic phải lòng một ai sang logic một tình yêu trưởng thành. Nhưng chính xác là, khi những hoài bão xem ra kết thúc, thì chính tại ngõ cụt ấy, tình yêu đích thực bắt đầu bước vào! Thực tế, tình yêu không phải là những gì chúng ta kỳ vọng được người kia đáp ứng, phù hợp với trí tưởng tượng; thay vào đó, nó có nghĩa là tôi lựa chọn một cách hoàn toàn tự do để chịu trách nhiệm cho cuộc sống của người kia với bất cứ điều gì xảy ra. Đây là trải nghiệm cũng là bài học đắt giá của Giuse! Giuse đã đón nhận Maria với ‘đôi mắt mở to’, vì ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’.
Trải nghiệm của Giuse cũng có thể là trải nghiệm của chúng ta; đó là mối nguy hiểm có thể tồn tại trong hành trình tâm linh của bất cứ người nào! Khi mọi thứ yên ả, công việc xuôi may, hay khi những người khác đánh giá cao các nỗ lực của tôi, cuộc sống tôi như đang thăng hoa. Nhưng khi mọi thứ trở nên khó khăn, nhục nhã hay đau đớn… phủ lên tôi như quầng mây xám, tôi có thể tự hỏi, liệu Chúa còn yêu tôi không? Hãy tin vào Chúa, và Giuse, tấm gương cho chúng ta; Giuse không dễ nản lòng khi chịu thử thách, vì Giuse đã ‘dám yêu với tất cả rủi ro’.
Vậy nhờ đâu Giuse có thể vượt qua? Một lương tâm trong sạch! Tin Mừng nói, “Giuse là người công chính”. Giuse yêu Maria, nhưng sự thật quá khắc nghiệt để có thể hiểu được; và dẫu quan tâm Maria, Giuse vẫn cảm thấy bị phản bội! Thế nhưng, với một lương tâm trong sạch, Giuse hy sinh ước mơ cưới lấy Maria làm vợ để ly hôn trong lặng lẽ. Và Thiên Chúa nhìn thấy sự trung thực này, Ngài thổ lộ cho Giuse sự thật về sự chính trực của người thiếu nữ. Một thông điệp ngắn trong mơ đủ để thuyết phục trái tim Giuse, và Giuse đã đón nhận tất cả với đôi mắt mở to!
Thánh Bernard viết, “Hãy nhớ đến vị tộc trưởng vĩ đại ngày xưa bị bán sang Ai Cập, bạn sẽ nhận ra rằng, thánh Giuse không chỉ nhận được tên của ông mà còn nhận được sự trong trắng, vô tội và ân phúc của ông nữa. Giuse Cựu Ước giỏi đọc giấc mơ; Giuse Tân Ước giỏi tin giấc mơ. Giuse Cựu Ước đã tích trữ ngũ cốc cho một dân; Giuse Tân Ước trông coi Bánh Hằng Sống cho cả thế giới. Không còn nghi ngờ gì nữa, Giuse mà mẹ Đấng Cứu Rỗi đã đính hôn là một người đàn ông tốt lành và trung thành”. Còn hơn thế, Giuse Tân Ước bảo tồn những gì Thiên Chúa đã hứa cho dòng dõi Đavít được vững bền; bài đọc Samuel và Thánh Vịnh đáp ca hôm nay xác nhận, “Miêu duệ người tồn tại đến muôn đời!”.
Anh Chị em,
Thử hỏi, có ai ‘dám yêu với tất cả rủi ro’ cho bằng Thiên Chúa? Nhìn lên thánh giá, ‘rủi ro vĩ đại’ của mọi rủi ro, chúng ta cảm nhận được tình yêu vô bờ của Ngài, một tình yêu cứu độ đòi hỏi mạo hiểm khi phải đánh cược bằng chính cái chết của Con Một. Và ngày nay, Thiên Chúa vẫn đang chấp nhận rủi ro khi trao vào tay chúng ta những gì mà Đấng Phục Sinh của Ngài chưa hoàn tất. Liệu mỗi người chúng ta có một lương tâm trong sáng, một con tim chính trực, và ngay lành như thánh Giuse để cùng với Thánh Thần, tiếp tục công việc Thiên Chúa đã trao cho mình?
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, xin lấy khỏi con mọi ích kỷ, đừng để con tìm cho mình bất kỳ một sự an thân nào. Cho con biết quảng đại đón nhận những gì Chúa trao, và ‘dám yêu với tất cả rủi ro!’”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Nhà báo Nga xông vào đài truyền hình để phản đối cuộc xâm lược hầu tòa
Đặng Tự Do
06:39 18/03/2022
Marina Ovsyannikova, ký giả tin tức Nga, đã xông vào một studio tin tức của Nga trong buổi phát sóng trực tiếp vào tối thứ Hai, và cảnh báo người dân rằng họ đã bị lừa dối về cuộc xâm lược vào Ukraine và kêu gọi dừng ngay chiến tranh.
Người phụ nữ tóc vàng mặc quần áo đen bước vào khung hình phía sau một xướng ngôn viên đưa tin trong khi giơ tấm biển có nội dung: “Hãy dừng chiến tranh. Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối các bạn.”
Người phụ nữ hô vang “Hãy dừng chiến tranh! Nói không với chiến tranh!” khi người xướng ngôn viên tiếp tục cố gắng hoàn thành một bản tin trước khi máy quay chuyển sang một video clip khác.
Hành động anh hùng của cô đã khiến cô phải ra hầu tòa hôm thứ Ba và đối mặt với cáo buộc hành chính, tờ Novaya Gazeta của Nga đưa tin.
Luật sư của cô, Sergei Badamshin, đã đăng một bức ảnh của cô vào hôm thứ Ba.
Đáng chú ý, các cáo buộc chống lại Ovsyannikova “chưa phải là một vụ án hình sự”, theo Novaya Gazeta.
Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc đã kêu gọi các nhà chức trách Nga phải bảo đảm rằng Marina Ovsyannikova không bị trừng phạt vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết hành động của Marina Ovsyannikova làm gián đoạn bản tin trực tiếp trên Kênh truyền hình nhà nước Nga vào tối thứ Hai để tố cáo cuộc chiến ở Ukraine là “hành động côn đồ”.
Ravina Shamdasani, người phát ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc nói trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Ba rằng các nhà chức trách Nga nên bảo đảm rằng người phụ nữ “không phải đối mặt với bất kỳ sự trả đũa nào vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận”.
Giáo phận Công Giáo đầu tiên của Đức cho phép phụ nữ làm lễ rửa tội
Đặng Tự Do
06:40 18/03/2022
Giáo phận Essen của Công Giáo Rôma đã trở thành giáo phận đầu tiên ở Đức cho phép phụ nữ làm lễ rửa tội, với lý do thiếu linh mục.
Giáo phận cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng Giám mục Franz-Josef Overbeck đã giao nhiệm vụ cho 18 giáo dân —trong đó có 17 phụ nữ - được truyền bí tích gia nhập Giáo Hội tại một buổi lễ cuối tuần qua.
Cho đến nay, chỉ có các linh mục và phó tế - những chức năng mà Giáo Hội Công Giáo dành cho nam giới - mới được phép làm lễ rửa tội.
Bà Theresa Kohlmeyer, người đứng đầu bộ phận tín ngưỡng, phụng vụ và văn hóa của giáo phận cho biết: “Hết lần này đến lần khác, Giáo hội đã thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài trong 2,000 năm qua”.
Biện pháp này chỉ là tạm thời và ban đầu sẽ kéo dài trong ba năm.
Source:ABC News
Giáo phận Mễ Tây Cơ từ chối cho các chính trị gia Công Giáo đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai được rước lễ
Đặng Tự Do
06:40 18/03/2022
Sau khi cơ quan lập pháp bang Sinaloa của Mễ Tây Cơ bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai đến 13 tuần tuổi, Giáo phận Culiacán thông báo rằng các chính trị gia Công Giáo bỏ phiếu ủng hộ luật này sẽ không thể nhận Mình Thánh Chúa và cũng không được làm cha mẹ đỡ đầu.
Trong một tuyên bố, Cha Miguel Ángel Soto Gaxiola, giám đốc Ủy ban Đời sống, Gia đình, Thanh niên và Giáo dân Culiacán, chính thức thông báo rằng các nhà lập pháp Công Giáo đã bỏ phiếu ủng hộ việc phá thai rằng quyết định không cho họ rước lễ là “sự công nhận về mặt khách quan trạng thái không xứng đáng của một người đối với việc rước Mình Thánh Chúa”.
Giáo phận Culiacán thuộc bang Sinaloa và bao gồm thủ đô Culiacán. Sinaloa trở thành bang thứ bảy của Mễ Tây Cơ hợp pháp hóa phá thai.
Trong bức thư gửi cho các chính trị gia Công Giáo, Cha Soto Gaxiola chỉ ra rằng “Ngày nay chúng ta có nhiều người bị tai tiếng bởi sự phản bội công khai giáo huấn của Giáo hội về đức tin và đạo đức bởi những nhà lập pháp tự xưng là 'Công Giáo'.”
Ngài nói tiếp: “Thật vậy, hành động này ra đặt câu hỏi lớn cho các tín hữu: Làm sao một người Công Giáo công khai cổ võ và ủng hộ các chính sách trái với Đời sống lại có thể đến tham dự Thánh lễ và rước lễ?
Tuyên bố cho biết: “Theo giáo huấn của Giáo hội, giá trị của sự sống luôn luôn được bảo vệ từ khi được hình thành cho đến khi chết tự nhiên.”
Tài liệu bác bỏ lời biện minh của những người nói rằng họ “cá nhân họ tin vào sự trái đạo đức của việc phá thai” nhưng ủng hộ “các chính sách công” bao gồm việc hợp pháp hóa nó.
Trích dẫn thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống của Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, tuyên bố nói rằng “đây là một lý thuyết sai lầm, vì 'không có hoàn cảnh nào, không có mục đích nào, không có luật nào có thể hợp pháp hóa một hành vi về bản chất là vô luân, vì nó mâu thuẫn với Luật của Thiên Chúa, được viết trong trái tim mỗi con người, được tự lý trí biết đến và được Giáo hội công bố”.
Bức thư kết luận: “Để trả lời câu hỏi: Một dân biểu hay bất kỳ người nào xưng mình là Công Giáo, trong khi công khai hợp tác hoặc hình thành nên các luật lệ chống lại sự sống, có thể rước lễ không? Chúng tôi nói: Không. Bạn không thể lên Rước lễ. Người đó cũng không được là cha mẹ đỡ đầu hoặc bạn đồng hành của những người khác muốn lãnh các bí tích khác, chẳng hạn như rửa tội”.
Source:National Catholic Register
Một chủng viện Tây Ban Nha mở rộng cửa đón nhận 60 người tị nạn từ Ukraine
Đặng Tự Do
06:41 18/03/2022
Hôm Chúa Nhật, 13 tháng Ba vừa qua, chủng viện của Giáo phận Tarazona đã chào đón 60 người tị nạn từ Ukraine đến cùng với hàng chục tình nguyện viên đã giúp họ thực hiện chuyến đi từ biên giới Ba Lan-Ukraine.
Nhóm những người tị nạn đã được chào đón bởi Đức Cha Eusebio Ignacio Hernández Sola của Tarazona; thị trưởng, Luis José Arrechea; Giám đốc chủng viện, Cha José Luis Sofín; gia đình của các tình nguyện viên; và một nhóm đông đảo dân chúng trong thành phố.
Theo một thông báo từ Giáo phận Tarazona cho biết nhóm người tị nạn này bao gồm phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên và ba nam giới.
Họ sẽ được sắp xếp cư ngụ trong những căn phòng phù hợp với họ và sẽ có hai phòng khách để tụ tập, một phòng trò chơi và một phòng ăn. Ngoài ra, họ sẽ có các khu vui chơi giải trí ngoài trời.
“Mọi nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể để chào đón những người này và làm cho họ cảm thấy như ở nhà. Cần phải làm việc cùng nhau và cộng tác để đi cùng một hướng và giúp đỡ nhiều nhất có thể”, Đức Cha Hernández nói.
Ông cũng cám ơn “mối quan hệ của tình huynh đệ và thiện chí của những tình nguyện viên đã đi và về từ Ba Lan trong thời gian gần như kỷ lục, một cách hoàn toàn vị tha và thể hiện lòng hào hiệp vô bờ bến, để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đang chạy trốn khỏi chiến tranh”.
“Bây giờ phần việc của chúng ta là mang lại cho họ sự ấm áp và tình cảm bởi vì chúng ta đừng quên rằng họ đã phải bỏ lại tất cả mọi thứ ở Ukraine”
Đức Cha Hernández nói rằng khi chiến tranh bắt đầu, ngài tự hỏi “chúng ta ở Giáo phận Tarazona có thể làm gì và vì vậy tôi đã cung cấp các cơ sở vật chất của giáo phận và đặc biệt là chủng viện, và sáng kiến của các tình nguyện viên là quan trọng”.
Nhóm người tị nạn đến Tây Ban Nha nhờ sáng kiến của một số tình nguyện viên từ Tarazona, những người đã tổ chức thu gom thực phẩm, quần áo và vật dụng y tế với ý tưởng đưa các thứ này đến biên giới Ba Lan-Ukraine và đưa những người tị nạn trở về cùng với họ.
Một đoàn xe gồm 3 xe vận tải và 9 xe bán tải rời Tarazona ngày 9 tháng 3. Ba ngày sau, sau khi phân phát hàng viện trợ, đoàn xe trở về Tây Ban Nha với 60 người được đón tại một trại tị nạn ở Warsaw.
Khi đến nơi, các tình nguyện viên và cả những người tị nạn đã cảm ơn những cử chỉ đoàn kết của mọi người và yêu cầu được giúp đỡ nhiều hơn vì “còn nhiều thứ cần thiết, thuốc men, thực phẩm và tiền bạc”.
Source:National Catholic Register
ĐGH mời các Giám Mục, Linh Mục trên thế giới cử hành nghi thức dâng hiến Nga Và Ukraine cho Trái Tim Đức Mẹ
Nguyễn Long Thao
09:39 18/03/2022
Trong một bức thư được gửi khẩn cấp vào ngày 17 tháng 3 cho tất cả các giám mục Hoa Kỳ, Sứ thần Tòa thánh tại Hoa Kỳ, Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, tiết lộ rằng Đức Thánh Cha Phanxicô có ý định mời tất cả các giám mục và linh mục Công Giáo trên khắp thế giới tham gia Đạo luật Tận hiến (Act of Consecration) nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Vô Nhiễm Nguyên Tội Mẹ Maria.
Bức thư do Linh Mục Michael J.K. Fuller, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) và được Tổng giám mục Pierre ký tên, tiết lộ rằng " Đức Thánh Cha dự định mời từng Giám mục, hoặc các chức vị tương đương theo giáo luật, cùng với các linh mục, tham gia vào việc dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Đức Mẹ. Nếu có thể, các nghi lễ nên cử hành vào một giờ tương ứng với 5 giờ chiều giờ Rôma. "
"Trong những ngày tới," lá thư cho biết thêm, "Đức Thánh Cha sẽ gửi một lá thư mời tới các Giám mục, kèm theo bản văn Lời kinh nguyện thánh hiến bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau."
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban hành Đạo luật dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria vào Lễ Truyền tin, ngày 25 tháng Ba, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, sẽ chủ trì việc thánh hiến cùng thời điểm diễn ra tại Fatima, Bồ Đào Nha.
Văn phòng báo chí của Vatican hôm thứ Sáu xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời "các giám mục trên toàn thế giới và các linh mục" cùng tham gia với ngài trong nghi thức thánh hiến và cầu nguyện cho hòa bình.
Bức thư của Sứ thần Tòa thánh cũng tiết lộ rằng một lá thư cũng đang được gởi tới cho các thành viên của đoàn ngoại giao ở Washington, DC mời họ tham dự Thánh lễ do Đức Hồng Y Wilton Gregory, Tổng Giám mục Washington, chủ tế lúc 12 giờ trưa Thứ Sáu, ngày 25 tháng Ba tại Vương cung thánh đường Quốc gia Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Nguyễn Long Thao
Bức thư do Linh Mục Michael J.K. Fuller, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Công Giáo Hoa Kỳ (USCCB) và được Tổng giám mục Pierre ký tên, tiết lộ rằng " Đức Thánh Cha dự định mời từng Giám mục, hoặc các chức vị tương đương theo giáo luật, cùng với các linh mục, tham gia vào việc dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái Tim Đức Mẹ. Nếu có thể, các nghi lễ nên cử hành vào một giờ tương ứng với 5 giờ chiều giờ Rôma. "
"Trong những ngày tới," lá thư cho biết thêm, "Đức Thánh Cha sẽ gửi một lá thư mời tới các Giám mục, kèm theo bản văn Lời kinh nguyện thánh hiến bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau."
Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ ban hành Đạo luật dâng hiến nước Nga và Ukraine cho Trái tim Vô nhiễm Nguyên tội của Mẹ Maria vào Lễ Truyền tin, ngày 25 tháng Ba, tại Vương cung thánh đường Thánh Phêrô ở Vatican. Đức Giáo Hoàng, Đức Hồng Y Konrad Krajewski, sẽ chủ trì việc thánh hiến cùng thời điểm diễn ra tại Fatima, Bồ Đào Nha.
Văn phòng báo chí của Vatican hôm thứ Sáu xác nhận rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã mời "các giám mục trên toàn thế giới và các linh mục" cùng tham gia với ngài trong nghi thức thánh hiến và cầu nguyện cho hòa bình.
Bức thư của Sứ thần Tòa thánh cũng tiết lộ rằng một lá thư cũng đang được gởi tới cho các thành viên của đoàn ngoại giao ở Washington, DC mời họ tham dự Thánh lễ do Đức Hồng Y Wilton Gregory, Tổng Giám mục Washington, chủ tế lúc 12 giờ trưa Thứ Sáu, ngày 25 tháng Ba tại Vương cung thánh đường Quốc gia Đền thờ Đức Mẹ Vô nhiễm Nguyên tội.
Nguyễn Long Thao
Hậu Quả Pháp Lý Của Việc Nước Nga Xâm Lược Ukraine
Lê Đình Thông
11:47 18/03/2022
Hậu Quả Pháp Lý Của Việc Nước Nga Xâm Lược Ukraine
Ngày 16/03, Ông Joan Donoghue, chánh thẩm Tòa Án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ. La Cour internationale de justice - CIJ) đã ra lệnh cho nước Nga phải đình chỉ ngay các chiến dịch quân sự, bắt đầu từ 24/02/2022, trên lãnh thổ Ukraine. Cơ quan tài phán cao nhất của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại La Haye (Hòa Lan) đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sự tàn phá của cuộc xâm lược, đồng thời tán thành quan điểm của Ukraine theo đó sau cùng công lý sẽ thắng lợi. Theo phán quyết của CIJ, nước Nga phải chấm dứt ngay xâm lược và rút quân đội về nước. Tuy nhiên, cơ quan tài phán của LHQ không có phương tiện buộc nước Nga phải tôn trọng phán quyết
Pháp đình quốc tế thiết lập từ năm 1946 đồng thời công bố những biện pháp bảo lưu khẩn cấp (provisional measures - mesures conservatoires) nhằm lưu giữ hiệu lực của phán quyết trong tương lai.
Sự khác biệt giữa Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Hình sự Quốc tế :
Tòa án Công lý Quốc tế có thẩm quyền tuyên xử các quốc gia thành viên LHQ. Còn Tòa án Hình sự Quốc tế xử phạt các cá nhân phạm tội diệt chủng (génocide), tội chống nhân loại (crimes contre l’humanité) và tội ác chiến tranh (crimes de guerre).
a) Tòa án Công lý Quốc tế gồm 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm do Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ biểu quyết. Tòa án Công lý Quốc tế bảo đảm các nguyên tắc độc lập (principe d’indépendance), nguyên tắc vô tự (principe d’impartialité) và nguyên tắc thẩm quyền (principe de compétence). Theo các nguyên tắc này, các phán quyết công bố có quyền lực cưỡng hành (pouvoir coercitif) đối với các quốc gia liên hệ trong hiện tại và tương lai. Tòa án Công lý Quốc tế có thẩm quyền đối vật (compétence ratione materiae) đối với các tội danh : diệt chúng, tội chống lại nhân loại và tối ác chién tranh. Ngày 11/06/2010 còn thêm tội ác xâm lược (crime d’agression).
b) Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC. Tribunal Pénal International - TPI) được thiết lập căn cứ vào Qui chế Roma. Qui chế này ra đời giữa các nuớc thành viên LHQ, họp từ ngày 15/06 đến 17/07/1998. Sau khi 60 nước phê chuẩn, Tòa án Hình sự Quốc tế đã có hiêu lực từ 01/07/2022. Từ ngày 04/03/2016, có 123 nước thành viên LHQ phê chuẩn Qui chế Roma, chấp thuận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tòa án Hình sự Quốc tế không chấp nhận nguyên tắc đặc miễn của nguyên thủ quốc gia. Ngày 02/03, chưởng lý Karim Khan tuyên bố mở hồ sơ liên hệ đền Poutine với tội danh chiến tranh (crimes de guerre), theo điều 8 Qui chế Roma có hiệu lực từ năm 2002. Cuộc điều tra về các hành động của người Nga (agissements russes) được tiến hành trên cơ sở vững vàng. Poutine và các công sự viên của Poutine gây chiến có thể lãnh án tối đa khổ sai chung thân (perpétuité).
Ngày 16/03, tổng thống Joe Biden tuyên bố Poutine là tội phạm chiến tranh (criminel de guerre). Nga vẫn tiếp tục chiến tranh để buộc Ukraine chấp nhận qui chế trung lập. Nhưng Ukraine đã bác bỏ ý kiến này.
Các thiêt hại do cuộc chiến tại Ukraine gây ra :
Cao ủy LHQ về Nhân quyền tại Ukraine công bố số liệu rất thấp so với thực tế : 691 thường dân thiệt mạng (trong số có 50 trẻ em), 1140 người bị thường (trong số có 62 trẻ em).
Về phía Nga, khoảng 12 ngàn lính thiệt mạng. Ngũ giác đài ước lượng có từ 2 ngàn đến 4 ngàn lính Nga thiệt mạng trong 14 ngày giao tranh.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (Organisation internationale pour les migrations), trong ba tuần lễ đầu giao tranh, có khoảng 3 triệu người Ukraine chạy thoát khỏi Ukraine, trong số có 1,4 triệu trẻ em.
Theo tạp chí Forbes, Nga mất khoảng 5 tỷ đô la (4,5 tỷ euros). Trong số 1380 chiến xa tham chiến, 598 đã bị thiêu hủy, 211 lính Nga đào ngũ, 551 bị bắt làm tù binh.
Việc Nga tiếp tục chiến tranh có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Phần lớn lãnh thổ Ukraine là đất bùn đen (tchernoziom) sình lầy khiến xe tăng bị sa lầy. Ngoài ra, việc tiếp vận vũ khí và lương thực cho quân lính cũng vô cùng khó khăn. Các yếu tố này sẽ là trở ngại tam tài : ‘‘thiên bất thời, địa bất lợi, nhân bất hòa’’ cho Poutine và đội quân xâm lược nước Nga tại Ukraine vậy.
Paris, ngày 18/03/2022
Lê Đình Thông
Ngày 16/03, Ông Joan Donoghue, chánh thẩm Tòa Án Công lý Quốc tế (The International Court of Justice – ICJ. La Cour internationale de justice - CIJ) đã ra lệnh cho nước Nga phải đình chỉ ngay các chiến dịch quân sự, bắt đầu từ 24/02/2022, trên lãnh thổ Ukraine. Cơ quan tài phán cao nhất của Liên Hiệp Quốc có trụ sở tại La Haye (Hòa Lan) đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc về sự tàn phá của cuộc xâm lược, đồng thời tán thành quan điểm của Ukraine theo đó sau cùng công lý sẽ thắng lợi. Theo phán quyết của CIJ, nước Nga phải chấm dứt ngay xâm lược và rút quân đội về nước. Tuy nhiên, cơ quan tài phán của LHQ không có phương tiện buộc nước Nga phải tôn trọng phán quyết
Pháp đình quốc tế thiết lập từ năm 1946 đồng thời công bố những biện pháp bảo lưu khẩn cấp (provisional measures - mesures conservatoires) nhằm lưu giữ hiệu lực của phán quyết trong tương lai.
Sự khác biệt giữa Tòa án Công lý Quốc tế và Tòa án Hình sự Quốc tế :
Tòa án Công lý Quốc tế có thẩm quyền tuyên xử các quốc gia thành viên LHQ. Còn Tòa án Hình sự Quốc tế xử phạt các cá nhân phạm tội diệt chủng (génocide), tội chống nhân loại (crimes contre l’humanité) và tội ác chiến tranh (crimes de guerre).
a) Tòa án Công lý Quốc tế gồm 15 thẩm phán, nhiệm kỳ 9 năm do Đại hội đồng LHQ và Hội đồng Bảo an LHQ biểu quyết. Tòa án Công lý Quốc tế bảo đảm các nguyên tắc độc lập (principe d’indépendance), nguyên tắc vô tự (principe d’impartialité) và nguyên tắc thẩm quyền (principe de compétence). Theo các nguyên tắc này, các phán quyết công bố có quyền lực cưỡng hành (pouvoir coercitif) đối với các quốc gia liên hệ trong hiện tại và tương lai. Tòa án Công lý Quốc tế có thẩm quyền đối vật (compétence ratione materiae) đối với các tội danh : diệt chúng, tội chống lại nhân loại và tối ác chién tranh. Ngày 11/06/2010 còn thêm tội ác xâm lược (crime d’agression).
b) Tòa án Hình sự Quốc tế (International Criminal Court – ICC. Tribunal Pénal International - TPI) được thiết lập căn cứ vào Qui chế Roma. Qui chế này ra đời giữa các nuớc thành viên LHQ, họp từ ngày 15/06 đến 17/07/1998. Sau khi 60 nước phê chuẩn, Tòa án Hình sự Quốc tế đã có hiêu lực từ 01/07/2022. Từ ngày 04/03/2016, có 123 nước thành viên LHQ phê chuẩn Qui chế Roma, chấp thuận thẩm quyền của Tòa án Hình sự Quốc tế. Tòa án Hình sự Quốc tế không chấp nhận nguyên tắc đặc miễn của nguyên thủ quốc gia. Ngày 02/03, chưởng lý Karim Khan tuyên bố mở hồ sơ liên hệ đền Poutine với tội danh chiến tranh (crimes de guerre), theo điều 8 Qui chế Roma có hiệu lực từ năm 2002. Cuộc điều tra về các hành động của người Nga (agissements russes) được tiến hành trên cơ sở vững vàng. Poutine và các công sự viên của Poutine gây chiến có thể lãnh án tối đa khổ sai chung thân (perpétuité).
Ngày 16/03, tổng thống Joe Biden tuyên bố Poutine là tội phạm chiến tranh (criminel de guerre). Nga vẫn tiếp tục chiến tranh để buộc Ukraine chấp nhận qui chế trung lập. Nhưng Ukraine đã bác bỏ ý kiến này.
Các thiêt hại do cuộc chiến tại Ukraine gây ra :
Cao ủy LHQ về Nhân quyền tại Ukraine công bố số liệu rất thấp so với thực tế : 691 thường dân thiệt mạng (trong số có 50 trẻ em), 1140 người bị thường (trong số có 62 trẻ em).
Về phía Nga, khoảng 12 ngàn lính thiệt mạng. Ngũ giác đài ước lượng có từ 2 ngàn đến 4 ngàn lính Nga thiệt mạng trong 14 ngày giao tranh.
Theo Tổ chức Di trú Quốc tế (Organisation internationale pour les migrations), trong ba tuần lễ đầu giao tranh, có khoảng 3 triệu người Ukraine chạy thoát khỏi Ukraine, trong số có 1,4 triệu trẻ em.
Theo tạp chí Forbes, Nga mất khoảng 5 tỷ đô la (4,5 tỷ euros). Trong số 1380 chiến xa tham chiến, 598 đã bị thiêu hủy, 211 lính Nga đào ngũ, 551 bị bắt làm tù binh.
Việc Nga tiếp tục chiến tranh có thể sẽ gặp nhiều khó khăn. Phần lớn lãnh thổ Ukraine là đất bùn đen (tchernoziom) sình lầy khiến xe tăng bị sa lầy. Ngoài ra, việc tiếp vận vũ khí và lương thực cho quân lính cũng vô cùng khó khăn. Các yếu tố này sẽ là trở ngại tam tài : ‘‘thiên bất thời, địa bất lợi, nhân bất hòa’’ cho Poutine và đội quân xâm lược nước Nga tại Ukraine vậy.
Paris, ngày 18/03/2022
Lê Đình Thông
Thị trưởng Kiev mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thủ đô Ukraine
Đặng Tự Do
16:05 18/03/2022
Chính phủ Ukraine đã không ngần ngại lên tiếng sẵn sàng để Vatican giúp làm trung gian trong cuộc chiến với Nga.
Hiện thị trưởng của Kiev, thủ đô của đất nước, đã đưa ra lời mời chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thành phố.
Bức thư ngày 8/3 do thị trưởng Vitaly Klitshko ký viết:
“Chúng tôi tin rằng sự hiện diện trực tiếp của nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Kiev là chìa khóa để cứu sống và mở đường dẫn đến hòa bình ở thành phố, đất nước của chúng tôi và hơn thế nữa”.
Bức thư đã bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông vào hôm thứ Ba và tờ Crux đã có thể xác minh tính xác thực của nó một cách độc lập.
Thị trưởng Klitshko cũng nói rằng nếu hành trình đến Kiev không thể thực hiện được, “chúng tôi vui lòng yêu cầu tổ chức một cuộc họp video chung, được ghi lại hoặc phát sóng trực tiếp. Sẽ nỗ lực để đưa Tổng thống Zelenskyy vào cuộc gọi này”.
“Chúng tôi kêu gọi Đức Thánh Cha, với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, hãy thể hiện lòng từ bi của mình, sát cánh với người dân Ukraine bằng cách cùng nhau truyền bá lời kêu gọi hòa bình”
Vatican đã xác nhận rằng bức thư của Klitshko đã được gởi đến Đức Giáo Hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các cố vấn thân cận nhất của ngài đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Tuần trước, hai vị Hồng Y đã được phái đến Ukraine, là Đức Hồng Y Michael Czerny và Đức Hồng Y Konrad Krajewsky. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã thông báo hôm thứ Hai rằng Hồng Y Czerny sẽ trở lại vào ngày thứ Tư.
Bức thư bắt đầu được lưu hành vài phút trước khi Klitshko thông báo lệnh giới nghiêm kéo dài 35 giờ trong thành phố do “tình hình khó khăn và nguy hiểm.” Nó sẽ kéo dài đến 7 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 17 tháng 3.
Đây không phải là lần đầu tiên thị trưởng Kiev mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thủ đô Ukraine. Ông đã phát hành một video vào ngày 5 tháng 3 mời các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới - cụ thể là Đức Giáo Hoàng, Đâi Giáo Trưởng của Al-Azhar, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo sĩ trưởng của Israel và Giáo chủ Chính thống giáo Nga Kirill - đến Kiev.
“Nhân phẩm của con người đang bị đặt câu hỏi,” vị thị trưởng nói trong video bằng tiếng Anh. “Những gì đang diễn ra ở trung tâm Âu Châu chạm đến trái tim của tất cả cư dân trên hành tinh của chúng ta, những người yêu công lý và các giá trị của lòng tốt, bất kể khu vực hay tôn giáo của họ. Tôi thể hiện rõ sự kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo đứng lên và đảm nhận chức năng đạo đức đương nhiệm với họ và tự hào đảm nhận trách nhiệm của các tôn giáo vì hòa bình”.
Sau đó, ông mời tất cả họ đến thăm Kiev và “thể hiện tình đoàn kết của họ với người dân Ukraine”, đồng thời kêu gọi thành phố trở thành thủ đô của “nhân loại, tâm linh và hòa bình”.
Đầu năm nay, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng có ý định đến thăm Ukraine trong năm nay.
“Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ mong muốn Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine. Chúng tôi đã mời ngài và thường xuyên lặp lại điều đó”, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói ngay trước cuộc xâm lược của Nga. “Chúng tôi rất hy vọng. Cử chỉ là rất quan trọng và đến thăm Ukraine sẽ là một cử chỉ rất mạnh mẽ đối với toàn thể nhân loại.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Có một sự nhất trí ở Ukraine, không chỉ giữa những người Công Giáo mà còn giữa những người Chính thống giáo và thậm chí cả những người ngoại đạo, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới hiện nay”.
“Người dân nói rằng nếu Đức Giáo Hoàng đến Ukraine thì chiến tranh sẽ kết thúc. Họ coi cử chỉ chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là một trong những sứ giả của hòa bình. “
Đức Phanxicô đã chứng tỏ là không sợ hãi nếu ngài tin rằng một chuyến thăm có thể giúp mang lại hòa bình: Năm 2015, ngài đến thăm Cộng hòa Trung Phi khi đang có nội chiến và cuối năm nay, ngài dự kiến đến thăm Nam Sudan, nơi đang có một lệnh ngừng bắn được coi là mong manh nhất trong cuộc nội chiến đang diễn ra.
Source:Crux
Top Stories
11-year-old boy fled the Ukraine war on his own
VietCatholic Media
04:06 18/03/2022
1. A military chaplain in Ukraine reports from the front lines
“Russians hunt us down -- they know who we are,” said Fr. Maxim from the besieged city of Kherson.
Amilitary chaplain, Fr. Maxim from the Orthodox parish of the Nativity of the Blessed Virgin Mary in Dariyvka, n. Kherson (Kiyv Patriarchate), shares a heartrending story of the fighting and reality of the Russian occupation of Ukraine.
Fr. Maxim offered an insight into his current extremely difficult ministry in an interview with MarketWatch. When on February 24 it became clear that Ukraine had been attacked, the priest and his friends from the 124th territorial armybattalion gathered at a collection point, where they were assigned automatic weapons. The chaplain recalls that this was a sunny morning and spring was in the air. All were aware, however, that a watershed moment in the history of contemporary Europe had begun.
The Ukrainian soldiers had been aware of the risk of Russian invasion for many months. As soon as they had received arms, their unit was attacked by a squadron of Russian helicopters. A few of Fr. Maxim’s friends sustained injuries. “Those first three days flew by like one. There was no time for sleep, for eating or even for praying,” he told MarketWatch.
“Even though I’m a priest, I have the full moral right to take up arms to defend my people and my family,” argues the chaplain. On the very first day of the fighting his unit was under Grad rocket barrages. Fr. Maxim was also a witness to Russians opening fire on the civilians trying to flee the city.
On the fifth day, however, the valiant chaplain’s unit were finally overwhelmed and forced to retreat to the nearby city of Nikolaev. This is where a new front line was formed. According to Fr. Maxim, the city of Kherson was looted by the Russian troops, who stole civilian cars and ransacked mobile phone stores.
Fr. Maxim himself and some soldiers have remained in the city, where he is in hiding from the Russians. “We know they hunt us down and we know that they know who we are. For the time being, all we can do is wait and keep a low profile,” concludes the priest.
Kherson is a port city of over 300,000 residents. It is situated in the mouth the Dnieper River to the Black Sea. It was clear from the beginning of the war that due to its strategic location, Kherson would be one of the principal targets of the Russians advancing from the Crimea. After a week of heavy fighting, the city was seized by the aggressor on March 2. So far, it is the largest metropolis taken over by the Russians.
Despite repressions and arrests (according to the Ukrainians, the Russians have already imprisoned more than 400 people in town), the residents of Kherson continue to take to the streets to demonstrate against the occupiers. Skirmishes with groups of Ukrainian soldiers take place regularly on the outskirts of the city. The volatile situation and the attitude of the occupiers prevent the evacuation of civilians from Kherson. The Russians are blocking food and medical supplies and have launched an extensive propaganda campaign, replacing the Ukrainian communications media and mobile phone networks with Russian ones.
Source:AleteiaA military chaplain in Ukraine reports from the front lines
2. This 11-year-old fled the Ukraine war on his own
Many people helped him on his way, and the volunteers at the border gave him food and warm clothes.
He was carrying a backpack and a plastic bag, and he had a phone number written on his arm with a pen. His parents had to stay in Ukraine. His mom could not leave her own mother, who required assistance, and his father went off to fight in the war. The family was confronted with a dramatic choice: either to risk the boy’s life in a war-torn country, or to let him escape, alone. They opted for the latter.
On his own
The boy fled Zaporizhzhia, Ukraine, headed towards the border with Slovakia, and then went towards the capital city of Bratislava, where he has relatives. All alone, he covered the distance of about 1,300 kilometers. Slovakia’s Interior Ministry called the brave 11-year-old “last night’s biggest hero.”
He reached his destination safe and sound. On the way, he was helped by many kind people, including the volunteers who fed him at the border. As the Slovak Interior Ministry wrote on social media, “He endeared himself to everyone with his smile, fearlessness and determination worthy of a true hero.”
A true hero
Thanks to the phone number written on his arm and a piece of paper in his passport, it was possible to contact the boy’s relatives, who came to collect him.
Zaporizhzhia, the town the boy escaped from, has recently been the target of ruthless artillery fire. It was there that the Russians first bombed and then took over a nuclear power plant.
Source:AleteiaThis 11-year-old fled the Ukraine war on his own
“Russians hunt us down -- they know who we are,” said Fr. Maxim from the besieged city of Kherson.
Amilitary chaplain, Fr. Maxim from the Orthodox parish of the Nativity of the Blessed Virgin Mary in Dariyvka, n. Kherson (Kiyv Patriarchate), shares a heartrending story of the fighting and reality of the Russian occupation of Ukraine.
Fr. Maxim offered an insight into his current extremely difficult ministry in an interview with MarketWatch. When on February 24 it became clear that Ukraine had been attacked, the priest and his friends from the 124th territorial armybattalion gathered at a collection point, where they were assigned automatic weapons. The chaplain recalls that this was a sunny morning and spring was in the air. All were aware, however, that a watershed moment in the history of contemporary Europe had begun.
The Ukrainian soldiers had been aware of the risk of Russian invasion for many months. As soon as they had received arms, their unit was attacked by a squadron of Russian helicopters. A few of Fr. Maxim’s friends sustained injuries. “Those first three days flew by like one. There was no time for sleep, for eating or even for praying,” he told MarketWatch.
“Even though I’m a priest, I have the full moral right to take up arms to defend my people and my family,” argues the chaplain. On the very first day of the fighting his unit was under Grad rocket barrages. Fr. Maxim was also a witness to Russians opening fire on the civilians trying to flee the city.
On the fifth day, however, the valiant chaplain’s unit were finally overwhelmed and forced to retreat to the nearby city of Nikolaev. This is where a new front line was formed. According to Fr. Maxim, the city of Kherson was looted by the Russian troops, who stole civilian cars and ransacked mobile phone stores.
Fr. Maxim himself and some soldiers have remained in the city, where he is in hiding from the Russians. “We know they hunt us down and we know that they know who we are. For the time being, all we can do is wait and keep a low profile,” concludes the priest.
Kherson is a port city of over 300,000 residents. It is situated in the mouth the Dnieper River to the Black Sea. It was clear from the beginning of the war that due to its strategic location, Kherson would be one of the principal targets of the Russians advancing from the Crimea. After a week of heavy fighting, the city was seized by the aggressor on March 2. So far, it is the largest metropolis taken over by the Russians.
Despite repressions and arrests (according to the Ukrainians, the Russians have already imprisoned more than 400 people in town), the residents of Kherson continue to take to the streets to demonstrate against the occupiers. Skirmishes with groups of Ukrainian soldiers take place regularly on the outskirts of the city. The volatile situation and the attitude of the occupiers prevent the evacuation of civilians from Kherson. The Russians are blocking food and medical supplies and have launched an extensive propaganda campaign, replacing the Ukrainian communications media and mobile phone networks with Russian ones.
Source:Aleteia
2. This 11-year-old fled the Ukraine war on his own
Many people helped him on his way, and the volunteers at the border gave him food and warm clothes.
He was carrying a backpack and a plastic bag, and he had a phone number written on his arm with a pen. His parents had to stay in Ukraine. His mom could not leave her own mother, who required assistance, and his father went off to fight in the war. The family was confronted with a dramatic choice: either to risk the boy’s life in a war-torn country, or to let him escape, alone. They opted for the latter.
On his own
The boy fled Zaporizhzhia, Ukraine, headed towards the border with Slovakia, and then went towards the capital city of Bratislava, where he has relatives. All alone, he covered the distance of about 1,300 kilometers. Slovakia’s Interior Ministry called the brave 11-year-old “last night’s biggest hero.”
He reached his destination safe and sound. On the way, he was helped by many kind people, including the volunteers who fed him at the border. As the Slovak Interior Ministry wrote on social media, “He endeared himself to everyone with his smile, fearlessness and determination worthy of a true hero.”
A true hero
Thanks to the phone number written on his arm and a piece of paper in his passport, it was possible to contact the boy’s relatives, who came to collect him.
Zaporizhzhia, the town the boy escaped from, has recently been the target of ruthless artillery fire. It was there that the Russians first bombed and then took over a nuclear power plant.
Source:Aleteia
Văn Hóa
Đấng Gia Trưởng Tuyệt Vời
Đinh Văn Tiến Hùng
08:57 18/03/2022
Đấng Gia Trưởng Tuyệt Vời
( Quan Thày Gia trưởng - Lễ trọng 19/3 )
*Thiên Chúa đã đặc biệt gìn giữ Thánh Giuse trong sự thanh tịnh vẹn toàn, và xếp đặt cho Người làm bạn xứng đáng của Người Nữ Đồng Trinh mà Chúa đã tuyển chọn làm Mẹ Ngôi Hai trong ý định đời đời. ( Lời Thánh Giêrônimô )
Nêu cao gương sáng cho đời noi theo,
Khiêm nhường- Khiết tịnh- Khó nghèo,
Đón nhận Thiên Chức quyết theo chu toàn.
Ngài được Thiên Chúa thương yêu phó thác,
Làm Dưỡng Phụ Con Thiên Chúa Tối Cao,
Cùng Bạn Đời Trinh Nữ Ma-ri-a.
Suốt đời Ngài luôn tuân hành Thánh ý.
Một tấm gương sáng chói thật tuyệt mỹ,
Đặt niềm tin trong tay Chúa Toàn năng,
Dù khó nghèo lòng vẫn giữ trắng trong,
Như Huệ Trắng vươn cao ngoài nắng đẹp.
Ba lần được hiển linh qua giấc điệp,
Vâng lệnh Sứ Thần Thiên Chúa báo tin,
Đón về nhà Bạn Trinh Nữ dịu hiền,
Người được chọn : Mẹ Ngôi Hai giáng thế.
Hài Nhi đổ hồng ân muôn thế hệ.
Đêm Bê-lem rực sáng một vì sao,
Báo Vị Cứu Tinh nhân loại khát khao,
Ba Bác Học phương Đông tìm thờ lạy.
Chúa Hài Nhi đã hạ mình xuống thế,
Nhận khó nghèo trong hang đá chiên lừa,
Ứng nghiệm lời tiên tri loan báo xưa.
Đêm tuyết rơi, Giu-se được báo mộng.
Vâng lời Sứ Thần đêm đông gió lộng,
Giữa canh khuya Ngài dong duổi hành trình,
Sang Ai-Cập cho Con Trẻ an bình,
Tránh Hê-rót tìm Hài Nhi sát hại.
Suy nghiệm những lời ngôn sứ truyền lại :
“Tiếng kêu than từ Ra-ma vang lên,
Ra-chen mất con khóc lóc ngày đêm”
Sống xa quê Ngài lặng thầm cầu khấn.
“Ta gọi Con Ta từ Ai-Cập trở về”,
Ngài vội vàng đem Thánh Gia về quê,
Giu-Se khi thấy hiểm nguy đã hết.
Đem Thánh Gia trở về Na-za-rét.
Nơi xóm nghèo xa trói buộc phù vân,
Nuôi gia đình nghề thợ mộc thanh bần,
Dưỡng dục Hài Nhi trưởng thành nhân đức.
Tràn Thánh ân Chúa lòng đầy ơn phúc.
Giu-se nguyện dâng hiến cả cuộc đời,
Trong Phúc Âm không ghi lại một lời,
Đấng Dưỡng Phụ thật cao trọng huyền diệu.
Vị Gia Trưởng bao nhân đức ưu việt,
Như Huệ Trắng không vẩn đục bụi trần,
Được đón nhận muôn diễm phúc hồng ân.
Ôi ! Cuộc đời cao cả Vị Đại Thánh !
Đại dịch lan rộng khắp nơi,
Nguyện xin Cha Thánh cầu bầu chở che,
Những người tham vọng tràn trề,
Muốn sống hòa binh trở về chính tâm.
Biển trần dậy sóng mông mênh,
Thuyền đời nghiêng ngả bồng bềnh hiểm nguy,
Con xin Thánh Phụ phù trì,
GIA TRƯỞNG TUYỆT VỜI dẫn đi theo Ngài.
*Phụ dẫn :
THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA: TÔNG ĐỒ THÁNH CẢ GIUSE
Thắng vượt nhiều gian lao thử thách, bà đã cải tổ dòng nữ Cát Minh, đưa trở lại luật phép nhiệm nhặt nguyên thủy. Lập được 17 nữ tu viện, bà đã dâng kính thánh Giuse 13 nhà. Bà cũng giúp đỡ thánh Gioan Thánh Giá lập 13 dòng nam nhặt phép.
Bà đạt đến bậc chiêm niệm cao sâu và nổi tiếng về những thị kiến và xuất thần. Tác phẩm của bà khá nhiều, có giá trị văn chương và nhất là giá trị tu đức, thần bí. Vì thế, năm 1970 bà được phong làm Tiến sĩ Giáo hội, cùng với thánh nữ Catarina, là hai Nữ Thánh Sư đầu tiên của Giáo hội.
Bà đáng được kể vào hàng đệ nhất tông đồ của Thánh Cả Giuse, không phải bằng lời giảng, mà bằng kinh nghiệm và hành động. Trong các sách của bà, bà đều nói nhiều đến ơn lạ Thánh Cả đã xin cùng Chúa cho bà và cho tu hội.
Vì thế, sự sùng ái Thánh Cả Giuse vinh hiển là một gia bảo lưu truyền cho các nhà dòng Cát Minh cho tới ngày nay.
1. Khỏi chứng bất toại
Năm hai mươi tuổi, nữ tu Têrêxa bị bệnh bất toại đã lâu ngày không khỏi, liền lấy lòng trông cậy chạy đến cùng thánh Giuse vinh hiển. Bà thuật lại như sau:
“Thấy mình còn trẻ mà bị bất toại, các thầy thuốc trần gian đưa tôi đến một tình trạng đáng buồn, tôi quyết định kêu đến các thánh trên trời. Tôi xin thánh Giuse vinh hiển làm trạng sư bảo hộ, và ngài đã cứu tôi nhãn tiền.
Cha đáng mến của linh hồn tôi kíp chữa tôi khỏi mọi đau đớn bệnh tật phần xác, cũng như sau này ngài cứu tôi khỏi những nguy hiểm trầm trọng phần hồn, có thể khiến tôi hư mất.
Tôi nhớ không có bao giờ ngài từ chối tôi điều gì, trái lại ngài luôn luôn ban quá sự tôi ao ước. Nơi tôi, Ngài đã làm chói rạng quyền thế và từ tâm của ngài.
Nhờ ngài tôi được hồi phục, tôi đứng lên, tôi đi lại và tôi khỏi hẳn bệnh tê liệt.”
2. Tông đồ Thánh Cả
Vì lòng cảm mến tri ân, bà trở thành tông đồ truyền bá sự tôn sùng Thánh Cả, bà viết:
“Thật là kỳ diệu các ơn phước đủ loại Chúa đã ban dư dật cho tôi, cũng như các nguy hiểm hồn xác Chúa đã giải cứu tôi, bởi công nghiệp của thánh Quan Thầy đáng mến! Dường như Chúa ban cho mỗi Đấng thánh được ơn cứu giúp ta trong một loại vấn đề nào đó. Trái lại, thánh Giuse có thế lực giúp ta trong tất cả mọi trường hợp, kinh nghiệm đã chứng minh như vậy.
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, muốn dùng sự kiện ấy để ta biết rằng: như xưa dưới thế Ngài đã vâng phục thánh Giuse trong mọi sự thế nào, thì nay trên trời, Chúa cũng hạ cố chiều theo mọi ước muốn của thánh nhân như vậy.
Nhiều người, tôi khuyên chạy đến cùng thánh nhân cũng nhận thấy như thế. Các ơn phước lớn lao họ nhận được đã khiến họ thấm nhuần lòng hiếu thảo thâm trầm và tri ân sâu sắc đối với thánh Quan Thầy.”
3. Chết rồi còn tôn vinh Thánh Cả
Bà dâng kính Ngài 13 tu viện trong số các tu viện mà bà thiết lập, đặt tượng ngài trên cổng chính nhà dòng, mỗi tối đem chìa khóa đặt dưới chân tượng, có ý xin ngài canh giữ tu viện và chị em trong nhà.
Sau khi bà qua đời, chị em muốn lấy tên Mẹ sáng lập mà đặt cho nhiều tu viện. Mẹ liền hiện về với Mẹ Đôminica, bề trên nhà Avila mà truyền rằng: “Con hãy trình Bề trên Tỉnh dòng gỡ ngay tên mẹ đi, mà trả cho Thánh Cả các tu viện mẹ đã dâng kính ngài”.
Như vậy, sau khi qua đời, bà còn nhiệt thành làm vinh danh Thánh Cả, mà khi sinh tiền bà đã hết dạ kính yêu.
4. Lời thách đố đáng yêu
Ngày lễ Mông Triệu 1561, trong nhà thờ dòng Đaminh tại Avila, bà bỗng xuất thần và nhận thấy mình mặc một áo trắng tinh ngời sáng. Lại thấy Đức Mẹ đứng bên phải, thánh Giuse đứng bên trái, hai đấng bảo cho biết bà đã được tinh sạch mọi tội lỗi.
Rồi Đức Mẹ cầm lấy tay bà mà nói: “Con ơi, Mẹ rất vui mừng về lòng sùng kính của con đối với thánh Giuse vinh hiển. Điều gì con nhờ ngài xin với Mẹ, sẽ được ban cho hết”.
Ai không tìm được thầy dạy dỗ đường nguyện ngắm, xin hãy chọn ông thánh kỳ diệu này làm thầy hướng dẫn, chắc chắn sẽ không sợ bị lạc đâu!
(Trích trong “Tiểu sử lập dòng” và “Tự truyện” của thánh nữ)
Đinh văn Tiến Hùng
( Quan Thày Gia trưởng - Lễ trọng 19/3 )
*Thiên Chúa đã đặc biệt gìn giữ Thánh Giuse trong sự thanh tịnh vẹn toàn, và xếp đặt cho Người làm bạn xứng đáng của Người Nữ Đồng Trinh mà Chúa đã tuyển chọn làm Mẹ Ngôi Hai trong ý định đời đời. ( Lời Thánh Giêrônimô )
Giu-SeThánh Cả tuyệt vời,
Nêu cao gương sáng cho đời noi theo,
Khiêm nhường- Khiết tịnh- Khó nghèo,
Đón nhận Thiên Chức quyết theo chu toàn.
Ngài được Thiên Chúa thương yêu phó thác,
Làm Dưỡng Phụ Con Thiên Chúa Tối Cao,
Cùng Bạn Đời Trinh Nữ Ma-ri-a.
Suốt đời Ngài luôn tuân hành Thánh ý.
Một tấm gương sáng chói thật tuyệt mỹ,
Đặt niềm tin trong tay Chúa Toàn năng,
Dù khó nghèo lòng vẫn giữ trắng trong,
Như Huệ Trắng vươn cao ngoài nắng đẹp.
Ba lần được hiển linh qua giấc điệp,
Vâng lệnh Sứ Thần Thiên Chúa báo tin,
Đón về nhà Bạn Trinh Nữ dịu hiền,
Người được chọn : Mẹ Ngôi Hai giáng thế.
Hài Nhi đổ hồng ân muôn thế hệ.
Đêm Bê-lem rực sáng một vì sao,
Báo Vị Cứu Tinh nhân loại khát khao,
Ba Bác Học phương Đông tìm thờ lạy.
Chúa Hài Nhi đã hạ mình xuống thế,
Nhận khó nghèo trong hang đá chiên lừa,
Ứng nghiệm lời tiên tri loan báo xưa.
Đêm tuyết rơi, Giu-se được báo mộng.
Vâng lời Sứ Thần đêm đông gió lộng,
Giữa canh khuya Ngài dong duổi hành trình,
Sang Ai-Cập cho Con Trẻ an bình,
Tránh Hê-rót tìm Hài Nhi sát hại.
Suy nghiệm những lời ngôn sứ truyền lại :
“Tiếng kêu than từ Ra-ma vang lên,
Ra-chen mất con khóc lóc ngày đêm”
Sống xa quê Ngài lặng thầm cầu khấn.
Nghe loan tin khi bạo chúa đã mất :
“Ta gọi Con Ta từ Ai-Cập trở về”,
Ngài vội vàng đem Thánh Gia về quê,
Giu-Se khi thấy hiểm nguy đã hết.
Đem Thánh Gia trở về Na-za-rét.
Nơi xóm nghèo xa trói buộc phù vân,
Nuôi gia đình nghề thợ mộc thanh bần,
Dưỡng dục Hài Nhi trưởng thành nhân đức.
Tràn Thánh ân Chúa lòng đầy ơn phúc.
Giu-se nguyện dâng hiến cả cuộc đời,
Trong Phúc Âm không ghi lại một lời,
Đấng Dưỡng Phụ thật cao trọng huyền diệu.
Vị Gia Trưởng bao nhân đức ưu việt,
Như Huệ Trắng không vẩn đục bụi trần,
Được đón nhận muôn diễm phúc hồng ân.
Ôi ! Cuộc đời cao cả Vị Đại Thánh !
Đại dịch lan rộng khắp nơi,
Nguyện xin Cha Thánh cầu bầu chở che,
Những người tham vọng tràn trề,
Muốn sống hòa binh trở về chính tâm.
Biển trần dậy sóng mông mênh,
Thuyền đời nghiêng ngả bồng bềnh hiểm nguy,
Con xin Thánh Phụ phù trì,
GIA TRƯỞNG TUYỆT VỜI dẫn đi theo Ngài.
*Phụ dẫn :
THÁNH NỮ TÊRÊXA AVILA: TÔNG ĐỒ THÁNH CẢ GIUSE
Thánh nữ Têrêxa Giêsu (1515-1582) sinh tại làng Avila nước Tây Ban Nha.
Thắng vượt nhiều gian lao thử thách, bà đã cải tổ dòng nữ Cát Minh, đưa trở lại luật phép nhiệm nhặt nguyên thủy. Lập được 17 nữ tu viện, bà đã dâng kính thánh Giuse 13 nhà. Bà cũng giúp đỡ thánh Gioan Thánh Giá lập 13 dòng nam nhặt phép.
Bà đạt đến bậc chiêm niệm cao sâu và nổi tiếng về những thị kiến và xuất thần. Tác phẩm của bà khá nhiều, có giá trị văn chương và nhất là giá trị tu đức, thần bí. Vì thế, năm 1970 bà được phong làm Tiến sĩ Giáo hội, cùng với thánh nữ Catarina, là hai Nữ Thánh Sư đầu tiên của Giáo hội.
Bà đáng được kể vào hàng đệ nhất tông đồ của Thánh Cả Giuse, không phải bằng lời giảng, mà bằng kinh nghiệm và hành động. Trong các sách của bà, bà đều nói nhiều đến ơn lạ Thánh Cả đã xin cùng Chúa cho bà và cho tu hội.
Vì thế, sự sùng ái Thánh Cả Giuse vinh hiển là một gia bảo lưu truyền cho các nhà dòng Cát Minh cho tới ngày nay.
1. Khỏi chứng bất toại
Năm hai mươi tuổi, nữ tu Têrêxa bị bệnh bất toại đã lâu ngày không khỏi, liền lấy lòng trông cậy chạy đến cùng thánh Giuse vinh hiển. Bà thuật lại như sau:
“Thấy mình còn trẻ mà bị bất toại, các thầy thuốc trần gian đưa tôi đến một tình trạng đáng buồn, tôi quyết định kêu đến các thánh trên trời. Tôi xin thánh Giuse vinh hiển làm trạng sư bảo hộ, và ngài đã cứu tôi nhãn tiền.
Cha đáng mến của linh hồn tôi kíp chữa tôi khỏi mọi đau đớn bệnh tật phần xác, cũng như sau này ngài cứu tôi khỏi những nguy hiểm trầm trọng phần hồn, có thể khiến tôi hư mất.
Tôi nhớ không có bao giờ ngài từ chối tôi điều gì, trái lại ngài luôn luôn ban quá sự tôi ao ước. Nơi tôi, Ngài đã làm chói rạng quyền thế và từ tâm của ngài.
Nhờ ngài tôi được hồi phục, tôi đứng lên, tôi đi lại và tôi khỏi hẳn bệnh tê liệt.”
2. Tông đồ Thánh Cả
Vì lòng cảm mến tri ân, bà trở thành tông đồ truyền bá sự tôn sùng Thánh Cả, bà viết:
“Thật là kỳ diệu các ơn phước đủ loại Chúa đã ban dư dật cho tôi, cũng như các nguy hiểm hồn xác Chúa đã giải cứu tôi, bởi công nghiệp của thánh Quan Thầy đáng mến! Dường như Chúa ban cho mỗi Đấng thánh được ơn cứu giúp ta trong một loại vấn đề nào đó. Trái lại, thánh Giuse có thế lực giúp ta trong tất cả mọi trường hợp, kinh nghiệm đã chứng minh như vậy.
Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, muốn dùng sự kiện ấy để ta biết rằng: như xưa dưới thế Ngài đã vâng phục thánh Giuse trong mọi sự thế nào, thì nay trên trời, Chúa cũng hạ cố chiều theo mọi ước muốn của thánh nhân như vậy.
Nhiều người, tôi khuyên chạy đến cùng thánh nhân cũng nhận thấy như thế. Các ơn phước lớn lao họ nhận được đã khiến họ thấm nhuần lòng hiếu thảo thâm trầm và tri ân sâu sắc đối với thánh Quan Thầy.”
3. Chết rồi còn tôn vinh Thánh Cả
Bà dâng kính Ngài 13 tu viện trong số các tu viện mà bà thiết lập, đặt tượng ngài trên cổng chính nhà dòng, mỗi tối đem chìa khóa đặt dưới chân tượng, có ý xin ngài canh giữ tu viện và chị em trong nhà.
Sau khi bà qua đời, chị em muốn lấy tên Mẹ sáng lập mà đặt cho nhiều tu viện. Mẹ liền hiện về với Mẹ Đôminica, bề trên nhà Avila mà truyền rằng: “Con hãy trình Bề trên Tỉnh dòng gỡ ngay tên mẹ đi, mà trả cho Thánh Cả các tu viện mẹ đã dâng kính ngài”.
Như vậy, sau khi qua đời, bà còn nhiệt thành làm vinh danh Thánh Cả, mà khi sinh tiền bà đã hết dạ kính yêu.
4. Lời thách đố đáng yêu
Ngày lễ Mông Triệu 1561, trong nhà thờ dòng Đaminh tại Avila, bà bỗng xuất thần và nhận thấy mình mặc một áo trắng tinh ngời sáng. Lại thấy Đức Mẹ đứng bên phải, thánh Giuse đứng bên trái, hai đấng bảo cho biết bà đã được tinh sạch mọi tội lỗi.
Rồi Đức Mẹ cầm lấy tay bà mà nói: “Con ơi, Mẹ rất vui mừng về lòng sùng kính của con đối với thánh Giuse vinh hiển. Điều gì con nhờ ngài xin với Mẹ, sẽ được ban cho hết”.
Ai không tìm được thầy dạy dỗ đường nguyện ngắm, xin hãy chọn ông thánh kỳ diệu này làm thầy hướng dẫn, chắc chắn sẽ không sợ bị lạc đâu!
(Trích trong “Tiểu sử lập dòng” và “Tự truyện” của thánh nữ)
Đinh văn Tiến Hùng
Thần học Công Giáo Thế kỷ 20 và Chiến thắng của Maurice Blondel
Vũ Văn An
19:23 18/03/2022
Thần học Công Giáo Thế kỷ 20 và Chiến thắng của Maurice Blondel (1)
(Bài của William L. Portier, Tạp chí Công Giáo Quốc tế Communio Số 38 [Mùa xuân 2011])
“Blondel tìm cách ‘mở ra một chủ trương trong triết học qua đó, ánh sáng mạc khải Kitô giáo có thể tràn vào’”.
Dẫn nhập
Ngày 2 tháng 11 năm 2011 sẽ đánh dấu kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Maurice Blondel. Ông sinh ra tại Dijon trong một gia đình Công Giáo Burgundy lâu đời. Cha ông và chú ông đều là luật sư. Ông học triết học tại École Normale Supérieure [Cao đẳng Sư phạm] từ năm 1881 đến năm 1884 và bảo vệ luận án, L’Action, gây tranh cãi tại Sorbonne ngày 7 tháng 6 năm 1893. Một năm rưỡi sau, vào ngày 12 tháng 12 năm 1894, Maurice Blondel và Rose Royer kết hôn. Họ đã có ba người con. Rose Royer Blondel qua đời ngày 7 tháng 3 năm 1919 trong năm thứ hai mươi lăm cuộc hôn nhân của họ. Sau một năm tại Đại học Lille, Blondel dạy triết tại Đại học Aix en Provence từ năm 1896 đến năm 1927, khi căn bệnh mù lòa buộc ông phải nghỉ hưu. Từ năm 1931 trở đi, nhờ sự giúp đỡ của thư ký và học trò cũ, Nathalie Panis, ông tiếp tục viết với tốc độ phi thường cho đến khi qua đời vào năm 1949 ở tuổi 88. Sau khi ông qua đời, Panis vẫn giữ quyền chăm sóc văn khố của ông tại Aix en Provence (2).
Là một triết gia chuyên nghiệp, Blondel (1861–1949) đã tác động một cách quyết định đến nền thần học Công Giáo thế kỷ XX. Như nhiều người ghi nhận, tác động của ông thường không được khảo sát. Sau bản phác thảo ngắn gọn nhất về triết lý hành động của Blondel, bài tiểu luận này đề cập đến một vấn đề có tính lịch sử hơn: nhà triết học quan trọng này tác động sâu sắc và bền vững ra sao đối với nền thần học Công Giáo thế kỷ 20? (3)
1.Tác động của Blondel đối với nền thần học Công Giáo thế kỷ 20
Năm năm sau khi Công đồng Vatican II kết thúc vào năm 1965, nhà thần học người Canada, Gregory Baum, đã xuất bản một cuốn sách nhằm quan niệm lại nền thần học Công Giáo. Ông đặt tên cho chương mở đầu là “Sự chuyển dịch của Blondel” (4). Gần hai thập niên sau, Hans Urs von Balthasar gọi Blondel là “nhà triết học Công Giáo vĩ đại nhất của thời hiện đại”. Ngài cho rằng L’Action (1893) đã đem lại cho tư tưởng Công Giáo “một khởi đầu mới mang tính quyết định” (5). Nhà thần học Anh giáo John Milbank đã gọi triết học của Blondel, “được hiểu lại như thần học,... có lẽ, là thao tác táo bạo nhất trong tư duy Kitô giáo thời hiện đại” (6).
Vậy Blondel đã thâm nhập ra sao vào nền thần học Công Giáo đương thời? Câu trả lời ngắn gọn trong hai phần là, thứ nhất, Blondel là một người tôn giáo sâu sắc, người có nền triết lý suy tư về chính cuộc sống của mình. Ý định từ đầu đến cuối của ông là triết học của ông phải có liên quan về tôn giáo và thần học. Ông muốn trở thành một nhà triết học thực sự nhưng cũng muốn giải quyết những vấn đề tôn giáo vốn được ông coi là yếu tố cấu thành không thể tránh khỏi của sự hiện hữu nhân bản. Ông viết năm 1886, “Tôi đề nghị nghiên cứu về hành động, vì đối với tôi, dường như Tin Mừng quy cho một mình hành động sức mạnh để biểu lộ tình yêu và vươn tới Thiên Chúa! Hành động là sự dư tràn của trái tim” (7). Tác phẩm cuối cùng của ông có tên là Triết học và Tinh thần Kitô giáo, gồm ba tập. Ông ký hợp đồng viết tập thứ ba một ngày trước khi qua đời.
Thứ hai, triết học Blondel trở thành trung tâm của nền thần học thế kỷ XX qua việc tiếp nhận nó của một nhóm người Công Giáo thuộc giới xã hội và trí thức, cả giáo dân lẫn giáo sĩ, ở thành phố Lyon của Pháp trong những thập niên sau “cuộc tàn sát kép” trong “cuộc khủng hoảng duy hiện đại” Công Giáo (1893–1914) và Đại chiến (1914– 1919). Không kém phần quan trọng trong “trường phái Lyon” này là một nhóm các tu sĩ Dòng Tên người Pháp tại La Fourvière, tức trường thần học Dòng Tên ở Lyon. Đứng đầu nhóm các “tu sĩ Dòng Tên muốn trở thành môn đệ của Blondel” là Henri de Lubac (1896–1991), nhân vật chủ chốt trong nền thần học Công Giáo thế kỷ XX (8). Từ Lyon, ảnh hưởng của Blondel lan rộng trong các mạng lưới của Dòng Tên khắp châu Âu. Trong khoảng thời gian từ năm 1896 đến năm 1913, để đáp lại các nhà phê bình thần học cuốn L’Action, Blondel đã tham gia mạnh mẽ với các nhà thần học về vấn đề siêu nhiên. Cùng với L’Action, chính công việc của ông trong những năm này đã làm thay đổi bộ mặt của nền thần học Công Giáo.
Tiểu luận này lần giở lại sợi chỉ Blondel từ de Lubac và trường phái Lyon, sau đó qua Công đồng Vatican II, và cuối cùng, đến thông điệp Fides et ratio của Đức Gioan Phaolô II. Ở hình thức sơ bộ cần phát triển thêm, tiểu luận này lập luận rằng nhân vật Maurice Blondel nối kết với nhau, trong một trình thuật liên tục, một chuỗi bốn sự kiện hết sức quan trọng mà, vì những lý do khác nhau, thường được coi là những giai đoạn biệt lập trong lịch sử Công Giáo Pháp. Những biến cố này là: 1) cuộc khủng hoảng duy hiện đại, trong đó các hệ luận thần học của tư tưởng Blondel bắt đầu xuất hiện; 2) sự xuất hiện của L’Action française thân phát xít, mà việc Blondel chống đối nó, giữa các năm 1909 và 1913, đã cho thấy rõ các hệ luận chính trị trong tư tưởng của ông; 3) cuộc tranh luận về “triết học Kitô giáo” (1930–1931), một cuộc tranh luận cho thấy rõ mức độ Blondel đã đặt thành vấn đề cho câu hỏi về mối liên hệ giữa triết học và thần học, và là cuộc tranh luận mà Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sẽ nhắc tới trong thông điệp Fides et ratio năm 1998 của ngài; và 4) cuộc tranh cãi về “Thần học mới”, được đưa lên đỉnh điểm bởi việc xuất bản năm 1946 cuốn Surnaturel [Siêu nhiên] của de Lubac, vốn là kết quả của hai thập niên công trình khai triển các hệ luận thần học trong tư tưởng Blondel. Tiểu luận này tập trung vào vai trò của de Lubac như máng chuyển chính qua đó Blondel bước vào nền thần học Công Giáo thế kỷ 20. Vì lý do không gian, tiểu luận này chỉ có thể bàn đến các biến cố thứ hai và thứ ba. Nó kết thúc với việc bàn đến Blondel trong Fides et ratio.
2.Tư tưởng Blondel trong bối cảnh cuộc khủng hoảng duy hiện đại
Khi giới thiệu cuộc khủng hoảng duy hiện đại, cần mô tả ngắn gọn sự phục hưng của tư tưởng trung cổ ở thế kỷ 19 vốn được gọi là “chủ nghĩa tân kinh viện”. Nếu những người bị tố cáo theo duy Hiện đại, trong đó có Blondel, có một điểm chung, thì đó là sự chán ghét và chống đối tư tưởng tân kinh viện, coi nó không thỏa đáng đối với các nhu cầu tôn giáo đương thời (9). Chủ nghĩa tân kinh viện có một chiều kích chính trị không thể tránh khỏi. Điều này giúp giải thích cường độ của cuộc khủng hoảng duy hiện đại và phản ứng dữ dội của Rôma.
Sau năm 1789, Giáo Hội Công Giáo ở châu Âu tự nhốt mình trong cuộc chiến kéo dài với chủ nghĩa tự do chống giáo sĩ như hiện thân trong các quốc gia thế tục hiện đại. Napoléon đã bỏ tù hai vị giáo hoàng vào đầu thế kỷ XIX. Các cuộc cách mạng năm 1848 chứng kiến vụ ám sát thủ tướng của Đức Piô IX và vào năm 1870, khi Chiến tranh Pháp-Phổ buộc quân đội Pháp phải rút quân bảo vệ khỏi Rôma, những người theo chủ nghĩa duy quốc gia Ý đã xông vào thành phố. Đức Piô IX đã phải ẩn náu tại Vatican.
Trong một hành động tự giác chống Chủ nghĩa Duy Hiện đại, người kế vị của ngài, Đức Lêô XIII, với thông điệp Aeterni Patris năm 1879, đã khởi xướng một cuộc phục hưng tư tưởng của Thánh Tôma Aquinô thế kỷ mười ba. Với sự khẳng định lại tính khách quan một cách lớn lao, việc phục hưng tân kinh viện của Đức Lêô sẽ chống lại việc trở lại với chủ quan tính trong triết học hiện đại kể từ thời Descartes, cũng như sự biến động chính trị được cho là nó đã gây ra. Trong những đóng góp của ngài cho tư tưởng xã hội Công Giáo, đặc biệt là trong thông điệp Rerum novarum (1891), Đức Giáo Hoàng Lêô bắt đầu nói rõ bằng các hạn từ truyền thống điều tốt và cùng đích, một trật tự xã hội và chính trị thay thế. Nên nhớ rằng Aeterni Patris và Rerum novarum được viết bởi cùng một vị giáo hoàng như một phần của cùng một dự án. Trong cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại, các vấn đề trí thức và thần học là có thật và quan trọng nhưng chúng được tăng cường bởi nền chính trị cách mạng và phục hồi, và thậm chí cả gia nhập nữa và khó có thể tách rời nỗ lực của Đức Giáo Hoàng Lêô nhằm xích lại gần nền Cộng hòa thứ ba khỏi yếu tố vừa kể.
Một ví dụ bản thân minh họa ý tôi muốn nói về "tính khách quan lớn lao" của tư tưởng tân kinh viện. Các học sinh tiểu học tại Trường Đức Bà Núi Carmel ở Tenafly, N.J., đã thấm nhuần điều đó từ Sách Giáo lý Baltimore. Dựa nhiều theo Chương 3 của Dei Filius, tức Hiến chế Tín lý của Công đồng Vatican I về Đức tin Công Giáo, Sách Giáo lý Baltimore, theo trí nhớ của tôi, đã định nghĩa đức tin là “nhân đức đối thần qua đó chúng ta tin tất cả những sự thật mà Thiên Chúa đã mạc khải về thẩm quyền của Đấng Thiên Chúa mạc khải chúng, Đấng vốn không thể lừa dối và cũng không thể bị lừa dối”. Một định nghĩa bằng khái niệm như vậy trình bầy đức tin theo tính khách quan không qua trung gian. Ngay lúc còn là một đứa trẻ, tôi nhớ lại mình đã từng bối rối với kiểu định nghĩa này và tự hỏi làm thế nào tôi có thể đạt được “thẩm quyền của Thiên Chúa” mà Sách Giáo lý của tôi đã nói một cách dễ dàng như vậy. Ngay cả sự trung gian của Giáo hội, tức, sự hướng dẫn của Sơ Julia và Sơ Rose Clare tại Núi Carmel, điều mà Sách Giáo lý chỉ giả thiết, cũng phải được chiếm hữu một cách chủ quan.
Việc tìm hiểu về sự chiếm hữu lịch sử và chủ quan điều mà Sách Giáo lý gọi là “thẩm quyền của Thiên Chúa” là một dự án thông thường, đến mức chúng ta có thể nói về một người, về Blondel và những người khác bị buộc tội theo Chủ nghĩa duy Hiện đại (10). Tình hình bị làm cho phức tạp bởi sự kiện này là Chủ nghĩa Duy Hiện đại là một thuật ngữ của người ngoài. Không ai trong số các nhà tư tưởng theo quy ước bị gán là “Những người duy hiện đại” sử dụng thuật ngữ này để mô tả bản thân họ.
Với thông điệp Pascendi dominici gregis năm 1907, Đức Giáo Hoàng Piô X đã lên án “Chủ nghĩa duy hiện đại” như là “sự tổng hợp của mọi dị giáo” (đoạn 39). Thông điệp liên kết xu hướng chủ quan của “Những người theo chủ nghĩa hiện đại” với sự hỗn loạn về nhận thức và chính trị từng khiến Giáo hội trở thành đối tượng bị các quốc gia thế tục ở châu Âu bắt bớ. Trong một đoạn văn thuyết phục nhất của nó, khi nói đến việc tình cảm và hành động dẫn đến “sự thật hoàn toàn chủ quan”, thông điệp Pascendi tuyên bố sự thật đó “chẳng có ích gì cho người muốn biết trên hết mọi sự liệu bên ngoài chính họ có một Thiên Chúa mà trong tay Người, một ngày kia, họ sẽ rơi vào hay không” (đoạn 39).
Linh mục Reginald Garrigou-Lagrange, O.P. (1877–1964), nhà tư tưởng tân kinh viện hàng đầu của tiền bán thế kỷ XX, là một người như vậy. Tên tiếng Anh của tác phẩm chính của ngài chỉ đơn giản là Reality [Thực tại] (1946). Sau dấu hai chấm là phụ đề, Một Tổng hợp Tư tưởng của Trường phái Tôma. Người ta có thể đọc Garrigou-Lagrange và nền tân kinh viện của đầu thế kỷ 20 một cách thiện cảm như một sự tái khẳng định tính khách quan khi đứng trước sự hỗn loạn của triết học hậu Kant và nền chính trị hiện đại, được đại diện bởi Cách mạng Pháp, các cuộc cách mạng năm 1848 và Đại chiến (11).
Từ năm 1907 đến năm 1965, Pascendi đã gom các nhà tân kinh viện Rôma như Garrigou và những người bị cáo buộc theo Duy Hiện đại như Blondel lại với nhau trong một lịch sử chung. Đó là “lịch sử cố gắng loại bỏ chủ nghĩa duy hiện đại thần học, bằng kiểm duyệt, sa thải và vạ tuyệt thông — và việc tái xuất hiện các vấn đề không thể đè bẹp bằng các phương pháp như vậy” (12). Aidan Nichols qui “việc kết án ký ức [damnatio memoriae]” mà trường phái Tân-Tôma Rôma phải gánh chịu sau năm 1965, một phần do vai trò làm kẻ thù của Chủ nghĩa duy Hiện đại và việc họ liên kết không thể tránh khỏi “với các cơ chế kiểm soát tín lý được thông điệp [Pascendi] đặt ra” (13).
Garrigou là “một người thuộc trường phái Tôma kiểu mẫu” của thời kỳ này. Trong lịch sử chung của họ, Blondel và sau này là de Lubac đại diện cho cơn ác mộng tồi tệ nhất của Garrigou: sự trở lại của Chủ nghĩa Duy Hiện đại bị Đức Giáo Hoàng Piô X lên án. Từ năm 1913 trở đi, Garrigou “sẽ đeo đuổi Blondel cả công khai lẫn riêng tư cho đến cuối đời ông” (14).
Một sử gia người Pháp gọi cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại là “ma trận trí tuệ của Công Giáo đương thời” (15). Trung tâm của nó là sự tập chú vào một sự kiện hiển nhiên này là nếu thực sự có một sự thật khách quan hoặc mạc khải, thì chỉ có các chủ thể lịch sử mới tiếp nhận nó. Bất kể chúng ta quan niệm các điều kiện của việc chiếm hữu chân lý một cách chủ quan như là kinh nghiệm, giải thích, giải phóng, thực hành sống, phụng vụ, cuộc sống hoặc hành động, việc tìm hiểu chúng vẫn là di sản của chúng ta, chỉ được giải quyết một phần, từ cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại. Và đó là chỗ Blondel bước vào. Ông muốn chứng tỏ mối liên kết bên trong giữa năng động tính sâu sắc nhất của tinh thần con người và sự mạc khải siêu nhiên của Thiên Chúa.
3. Con đường nội tại tính của Blondel
Trong cuốn đầu tiên của Những lời Thú tội, Thánh Augustinô đã nói với Thiên Chúa những lời quả nổi tiếng sau đây, "Chúa đã tạo ra chúng con cho chính Chúa và trái tim chúng con mãi khắc khoải cho đến khi chúng được nghỉ yên trong Chúa". Lối hộ giáo bằng trái tim khắc khoải này của thánh Augustinô đã trở thành tâm điểm văn học của mẫn cảm tôn giáo Pháp ít nhất kể từ thời Blaise Pascal vào thế kỷ XVII. Trong những năm có cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại (1893–1914), đại diện chính của truyền thống nội tâm tính hay con đường nội tại này chính là Maurice Blondel.
Rút tỉa từ Thánh Augustinô và những người thừa kế của ngài cũng như từ triết học Hậu Kant, và nại tới truyền thống cầu nguyện chiêm niệm và huyền nhiệm của Giáo hội, Blondel và những người khác trong cuộc khủng hoảng Duy Hiện đại đã cố gắng trình bày rõ một cách mới mẻ về việc làm cách nào sự thật của Thiên Chúa có thể trở thành sở hữu tinh thần cho các hữu thể nhân bản. Năm 1893, ở tuổi ba mươi hai, ông xuất bản cuốn L’Action, một bản sửa đổi luận án triết học của ông (16).
4. Blondel nói về hành động
Blondel không chỉ nại tới kinh nghiệm tâm lý hay thậm chí luân lý. Thay vào đó, ông tìm lối giải thích triết học chặt chẽ cho tính năng động căn bản của hiện sinh con người, mà ông gọi là “hành động”. Trong 446 trang của cuốn L’Action, người ta không tìm thấy câu định nghĩa đơn giản nào về “hành động”. L’Action là một phân tích hiện tượng luận đầy tham vọng nhằm tìm cách cho thấy tính hợp lý vốn có trong hành động. Phần Dẫn nhập hứa hẹn rằng “chính ý nghĩa của hạn từ và sự phong phú nội dung của nó sẽ được hé mở từng chút một” (17). “Hành động” theo nghĩa của Blondel không phải là bất cứ hành động đặc thù hay tập hợp các hành động nào mà là “hoạt động của tinh thần tại nguồn gốc của nó và trong tính toàn vẹn của việc nó diễn tiến” (18). Hiểu như vậy, hành động không thể bị chứa trong một trật tự tự nhiên khép kín. Qua phân tích của ông, Blondel đã tìm cách “mở ra một vị trí trong triết học qua đó, ánh sáng mạc khải Kitô giáo có thể tràn vào” (19).
Blondel hỏi trong câu mở đầu của cuốn L’Action, “Cuộc sống của con người có ý nghĩa hay không, và con người có một số phận hay không? Tôi hành động, nhưng không hề biết hành động là gì, không hề ước ao được sống.... ” Đối với Blondel, theo một nghĩa nào đó, chúng ta bị lên án phải hành động và những hành động khác nhau của chúng ta đã đặt chúng ta vào một con đường và làm chúng ta trở thành một số loại người nào đó. Những “nhà hiện sinh” sau này sẽ lấy một phần ý niệm này mà cho rằng chúng ta bị lên án phải tự do. Không quyết định đã là quyết định rồi.
Phân tích riêng của Blondel về hiện tượng “hành động” phân biệt “ý chí muốn” (volonté voulante) và “ý chí được muốn” (volonté voulue) hoặc những hành động đặc thù cố ý. “Ý chí muốn” là chuyển vị triết học của Blondel đối với “trái tim khắc khoải” của Thánh Augustinô. Theo phân tích của ông, khát vọng của trái tim là vô hạn, nhưng năng lực của nó có hạn. Ông tự hỏi, “Ít nhất liệu tôi có khả năng hoàn thành điều tôi đã quyết tâm, bất kể đó là gì, như tôi đã quyết tâm về nó hay không? Không. Giữa điều tôi biết, giữa điều tôi muốn và điều tôi làm luôn có một sự chênh lệch không thể giải thích được và làm ta bối rối. Các quyết định của tôi thường vượt quá các suy nghĩ của tôi, các hành vi của tôi vượt quá các ý định của tôi” (20). Thay vì buồn nôn hoặc viễn kiến Sisyphus, các suy nghĩ như vậy đã khiến Blondel kết luận rằng phân tích triết học cho thấy chúng ta cần Thiên Chúa ngay cả khi nó cùng một lúc cho thấy chúng ta không có khả năng đạt tới Thiên Chúa tự sức mình (21). Thay vì theo phương thức chiêm niệm, Blondel quan niệm khả năng tiếp nhận Thiên Chúa của ta là nhờ tính năng động của những gì ta tạo ra và làm (22). Theo ông, phân tích triết học để lại cho chúng ta một quyết định căn bản đi với hay chống lại Thiên Chúa hoặc “thể siêu nhiên”. Đây là một triết học chiếm lĩnh không gian thế tục, tự trị đối với đức tin, nhưng không tách rời khỏi đức tin, và không hoàn chỉnh nếu không xét đến siêu nhiên. Như Michael Kerlin đã tóm tắt cuốn L’Action trong một bài báo được xuất bản sau khi tác giả qua đời, Blondel:
“Cho thấy những cách trong đó, chúng ta tiến lên trong ánh sáng nửa vời bằng những hành động của đức tin tự nhiên qua các vòng tham gia xã hội ngày càng rộng lớn hơn để hình thành bản thân và thế giới của chúng ta. Khi chúng ta biến bất cứ vòng tròn nào trong số này trở thành điểm dừng cuối cùng, chúng ta thấy mình bị đẩy lên phiá trước bởi luận lý học tất yếu của tình huống và việc phân tích của chúng ta. Đó là một chuyển dịch chỉ có thể dừng lại một cách hợp luận lý với phương thức khẳng định khả thể ‘một điều tất yếu’ ở bên ngoài mọi sáng tạo, tưởng tượng và quan niệm của con người” (23).
Trước việc lên án Chủ nghĩa Duy Hiện đại năm 1907, Blondel gọi cách tiếp cận Thiên Chúa này như mục tiêu cuối cùng của đời sống con người là “phương pháp nội tại tính [immanence]”, vì, thay vì nại tới các hình thức bên ngoài của “bằng chứng”, như phép lạ và lời tiên tri, nó tiến hành từ một phân tích về "sự kiện bên trong" hoặc những gì bên trong chúng ta. Theo truyền thống Augustinô và Pascal, ông nhấn mạnh rằng sự mặc khải của Thiên Chúa và khả thể có sự sống siêu nhiên tương ứng với những khao khát sâu sắc nhất của chúng ta và quả thực, với chính tính năng động của “hành động”. Chúng không bị áp đặt từ bất cứ thẩm quyền bên ngoài nào (24).
Còn tiếp
Ghi Chú
1 Tiểu luận này dựa trên Giảng khóa Michael J. Kerlin thường niên thứ hai tại Đại học La Salle vào ngày 22 tháng 3 năm 2010 và dành để tưởng nhớ người bạn của tôi Michael Kerlin (1936–2007).
2 Về cuộc đời của Blondel, xem Oliva Blanchette, Maurice Blondel: A Philosophical Life [Maurice Blondel: Một Cuộc đời Triết học](Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 2010). Blanchette dành tặng cuốn sách của mình cho Nathalie Panis. Xem thêm bảng niên đại trong Henri Bouillard, Blondel and Christianism [Blondel và Kitô giáo], bản tiếng Anh của James M. Somerville (ấn bản tiếng Pháp năm 1961; Washington / Cleveland: Corpus Books, 1969), 218–19 và Jean Lacroix, Maurice Blondel: An Introduction to Man and His Philosophy, bản tiếng Anh của John C. Guinness (New York: Sheed & Ward, 1968), chương 1. Lacroix đích thân biết Blondel và thuộc về mạng lưới mà Étienne Fouilloux gọi là “Trường phái Lyon” thứ hai.
3 Về tầm quan trọng triết học của Blondel, xem Maurice Blondel et la Philosophie Française, Colloque tenu à Lyon [Maurice Blondel và Triết học Pháp, Cuộc Hội thảo Tổ chức tại Lyon, được Emmanuel Gabellieri và Pierre de Cointet chủ biên (Lyon: Éditions Parole et Silence, 2007).
4 Baum cho rằng Blondel đã khởi xướng trong Giáo Hội Công Giáo “một phong cách suy nghĩ mới về mầu nhiệm siêu việt, cứu chuộc trong lịch sử loài người mà chúng ta gọi là Thiên Chúa” (Gregory Baum, Man Becoming: God in Secular Experience [Con người Đang trở thành: Thiên Chúa trong Kinh nghiệm Thế tục] New York: Seabury Press, 1970], 1).
5 Hans Urs von Balthasar, Dare We Hope ‘That All Men Be Saved’? With a Short Discourse on Hell [Chúng ta có dám hy vọng rằng ‘Mọi người đều được cứu’ hay không? Với Ít lời về Hỏa ngục] (ấn bản tiếng Đức 1986/1987; San Francisco: Ignatius Press, 1988), 81, 114. Trích dẫn từ 114, bắt đầu chương 7, có tựa đề “Blondel’s Dilemma” [Thế Lưỡng nan của Blondel].
6. John Milbank, Theology and Social Theory: Beyond Secular Reason [Thần học và Học thuyết Xã hội: Quá bên kia Lý trí thế tục], xuất bản lần thứ 2 (Malden, Mass: Blackwell Publishers, 2006), 319. Trích dẫn này xuất hiện ở gần cuối bài bàn thêm dài mười trang về ý nghĩa thần học của triết học Blondel.
7 Maurice Blondel, The Letter on Apologetics and History and Dogma. Texts presented and translated by Alexander Dru and Illtyd Trethowan [Bức thư về Hộ giáo và Lịch sử cùng Tín điều. Các Bản văn được trình bày và phiên dịch bởi Alexander Dru và Illtyd Trethowan] (Grand Rapids: William B. Eerdmans Publishing Co., 1994), từ cuốn "Dẫn nhập lịch sử và tiểu sử" của Dru, ở trang 33, trích dẫn Carnets Intimes [Nhật ký Riêng tư] của Blondel, tháng 10 năm 1886.
8 Về “Trường phái Lyon,” xem Étienne Fouilloux, “La seconde 'École de Lyon' [‘Trường phái Lyon’ (1919–1939) thứ hai] trong E. Gabellieri và P. de Cointet, eds., Blondel et la Philosophie française [Blondel và Nền Triết học Pháp] (Paris: Parole et Silence, 2007), 263–73. Cụm từ “double hécatombe” [cuộc tàn sát kép] là của Fouilloux ở trang 265. Về các “jésuites blondélisants” [Tu sĩ Dòng Tên đang trở thành đồ đệ của Blondel], xin xem đóng góp của Đức Cha Peter Henrici vào cùng một tập. Peter Henrici, “La descendance blondélienne parmi les jésuites français” (Hậu duệ Blondel nơi các tu sĩ Dòng Tên Pháp] 305–322. Đức Cha Henrici sáng chế ra cụm từ “jésuites blondélisants” ở tr. 310. Các bản dịch xuyên suốt là của riêng tôi. Xem thêm tác phẩm lớn của Henrici Hegel und Blondel, Eine Untersuchung über Form und Sinn der Dialektik in der “Phänomenologie des Geistes” und in der ersten “Action” [Hegel và Blondel, Tìm hiểu Hình thức và Ý nghĩa Biện chứng trong Hiên tượng luận Tinh thần và trong Hành động Đầu hết] (Pullach bei München: Verlag Berchmanskolleg, 1958) và cuộc thảo luận trong Bouillard, Blondel and Christianity [Blondel và Kitô Giáo], 212–13, từ đó trích dẫn này được lấy ra. Chính Đức Cha Henrici đã gợi ý cho chàng trai trẻ Michael Kerlin viết luận án triết học tại Đại học Gregorian về Blondel.
9 Vào ngày 21 tháng 6 năm 1965, sau khi đọc Mầu nhiệm Siêu nhiên, Étienne Gilson đã viết trong một bức thư dài gửi de Lubac, “Bi kịch của chủ nghĩa Duy hiện đại là nền thần học thối nát do các đối thủ của nó phổ biến phần lớn phải chịu trách nhiệm cho những sai sót của nó. Chủ nghĩa Duy hiện đại sai lầm, nhưng sự đàn áp nó được thực hiện bởi những người cũng sai, những người có nền thần học giả mạo nên phản ứng của chủ nghĩa Duy hiện đại là không thể tránh khỏi”. Ông tiếp tục viết, “Tôi chỉ thấy ơn cứu chuộc trong một nền thần học của phái Tôma như cha tri nhận, cùng đồng hành của Thánh Augustinô, Thánh Bonaventura, và các nhà thần học vĩ đại của Phương Đông” (Henri de Lubac, At the Service of the Church: Henri de Lubac Reflects on the Circumstances that Occasioned His Writings [Henri de Lubac Phục vụ Giáo Hội: Henri de Lubac Suy gẫm về các Hoàn cảnh Thúc đẩy Các Bài viết của Ngài], bản tiếng Anh của Anne Elizabeth Englund [ấn bản tiếng Pháp, 1989; San Francisco: Ignatius Press, 1993], 124–26, tại 126).
10 Mặc dù thường được xếp cùng nhóm với những người theo Chủ nghĩa Duy Hiện đại, Blondel, theo lời của Đức Gioan-Phaolô II, là “một trong những người đầu tiên phân biệt những gì đang bị đe dọa trong cuộc khủng hoảng Duy hiện đại và những sai sót liên hệ” (“Một bức thư của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II gửi Giám mục Bernard Panafieu,”ngày 19 tháng 2 năm 1993, Communio 20 [1993]: 722; đăng lại trong số hiện hành). Trong bối cảnh này, Đức Gioan Phaolô II lưu ý rằng “sự trung thành kép của Blondel đối với một số yêu cầu của tư tưởng triết học hiện đại và với Huấn quyền của Giáo hội đã diễn ra với cái giá phải trả là việc không được hiểu và đau khổ, vào chính lúc Giáo hội thấy mình phải đương đầu với cuộc khủng hoảng duy hiện đại ”(sđd).
11 Về Garrigou-Lagrange, xem Richard Peddicord, O.P., The Sacred Monster of Thomism: An Introduction to the Life and Legacy of Reginald Garrigou-Lagrange, O.P. [Con Quái vật Thánh thiêng của Phái Thomist: Dẫn nhập vào Đời sống và Di sản của Reginald Garrigou-Lagrange, O.P.] (South Bend: St. Augustine’s Press, 2005). Peddicord gán cụm từ “quái vật thánh thiêng” (monstre sacré) cho François Mauriac, ở trang 2; và Aidan Nichols, O.P., Reason with Piety: Garrigou-Lagrange in the Service of Catholic Thought [Lý trí với Lòng Đạo đức: Garrigou-Lagrange trong việc Phục vụ Tư tưởng Công Giáo] (Ave Maria, Fla: Sapientia Press, 2008).
12 Fergus Kerr, Twentieth-Century Catholic Theologians: From Neoscholasticism to Nuptial Mysticism (Các Nhà thần học Công Giáo thế kỷ 20: Từ thuyết tân kinh viện đến Huyền nhiệm học Hôn phối] (Malden, Mass: Blackwell Publishing, 2007), 4–5.
13 Nichols, Reason with Piety [Lý trí với Lòng đạo đức], 8.
14 Blanchette, Maurice Blondel, 257. Đức ông Paul Mulla, con đỡ đầu của Blondel, và là giáo sư Nghiên cứu Hồi giáo tại Học viện Phương Đông ở Rôma, nói với Blondel rằng Garrigou thừa nhận ngài chưa bao giờ đọc L’Action. Theo Blanchette, lời cảnh báo của Mulla từ Rôma “liên quan nhiều đến việc Blondel từ chối cho phép bất cứ ấn bản thứ hai nào của L’Action năm 1893 xuất hiện bao lâu ông còn sống...” (284–85). “Mô hình Thomist” là từ Kerr, Twentieth-Century Catholic Theology [Thần học Công Giáo Thế kỷ 20], 10. Nichols gọi Garrigou là một “người thuộc trường phái Thomist nghiêm ngặt”, điều được ông mô tả là “một trường phái Thomist được định nghĩa như chống lại Chủ nghĩa duy Hiện đại Công Giáo” (Reason with Piety, 2, 4).
15 “Cuộc khủng khoảng duy hiện đại tạo nên cái khuôn trí thức của đạo Công Giáo hiện đại chính trong mức độ nó tự xác định đọc lại sứ điệp của đấng thiết lập dưới ánh sáng các nhận thức khoa học của thế kỷ vừa qua” (Étienne Fouilloux, Une Église en qûete de liberté. La pensée catholique française entre modernisme et Vatican II [Một Giáo Hội đi tìm tự do. Tư tuởng Công Giáo Pháp giữa duy hiện đại và Vatican II], 1914–1962 [Paris: Desclée de Brouwer, 1998], 10).
16 Maurice Blondel, Action (1893): Essay on a Critique of Life and a Science of Practice [Action:Tiểu luận về Phê bình Sự sống và Khoa học Thực hành], bản tiếng Anh của Oliva Blanchette (Notre Dame, Ind.: University of Notre Dame Press, 1984). Về luận án và lập luận của nó, xem Blanchette, Maurice Blondel, 43–94.
17 Blondel, Action (1893), 3.
18 Lacroix, Maurice Blondel, 29.
19 Blanchette, Maurice Blondel, 45, 15. Trong ba chương đầu tiên của mình, Blanchette bàn đến việc Blondel bảo vệ luận án của mình, quá trình viết nó và việc bàn tới siêu nhiên trong phiên bản gốc năm 1893 của cuốn L’Action.
20 Blondel, Action (1893), 4.
21 Xem Blanchette, Maurice Blondel, 77–78.
22 Đây là điểm nhấn chính trong giải thích của Milbank trong Theology and Social Theory [Thần học và Lý thuyết xã hội], 219.
23 Michael J. Kerlin, “Maurice Blondel, Philosophy, Prayer, and the Mystical” [Maurice Blondel, Triết học, Cầu nguyện, và Huyền nhiệm] trong Modernists and Mystics [Các Nhà Duy Hiện đại và Các Nhà Huyền nhiệm], chủ biên C. J. T. Talar (Washington, D.C: The Catholic University of America Press, 2009), 76.
24 Siêu nhiên ngụ ý khả thể tương quan với một sức mạnh ân sủng không thể giản lược vào tính chủ quan của chính chúng ta, một ơn phhúc làm trọn và làm hoàn thiện vượt quá khả năng của bản tính ta như chúng ta biết nó, do đó mà gọi là “siêu nhiên”. Liệu phân tích triết học chặt chẽ của Blondel có dẫn đến sự siêu nhiên chuyên biệt Kitô của Kitô giáo hay một khái niệm bất định hơn hay không vẫn còn được tranh cãi nhiều. Trong Blondel and Christianity [Blondel và Kitô giáo], Bouillard lập luận cho điều sau, ở 84–102. Trong bối cảnh của "Lá thư Hộ giáo", Blanchette nhấn mạnh rằng Blondel muốn có "một ý tưởng Công Giáo nghiêm ngặt về siêu nhiên ở đây". Xem Maurice Blondel, 134; về “phương pháp nội tại tính” 136–44; và theo nghĩa trong đó siêu nhiên là “tất yếu”, 139. Balthasar viết về nỗ lực của Blondel trong việc lịch sử hóa tự nhiên, “Không có cách nào khiến ông ta [Blondel] có ý định 'nội tại hóa' mạc khải (như thể nó có thể được giải thích, chẳng hạn, chỉ bằng cách phân tích hành động bên trong của ý thức)” (Hans Urs von Balthasar, The Theology of Karl Barth (Thần học của Karl Barth], bản tiếng Anh của Edward T. Oakes, SJ [ấn bản tiếng Đức 1951; San Francisco: Ignatius Press, 1992], 341).
VietCatholic TV
Cử chỉ anh hùng của các nhân viên cấp cứu Kiev và TT Zelenskiy. Điều kỳ lạ ở Mariupol chiều thứ Năm
VietCatholic Media
03:14 18/03/2022
1. Cử chỉ anh hùng của các nhân viên cấp cứu Kiev và của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy
Hôm thứ Năm 17 tháng Ba, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, đã đến bệnh viện thăm các trẻ em sống sót sau các trận tấn công bằng pháo kích của quân Nga.
Những hình ảnh quý vị và anh chị em đang xem thấy đây là khi ông Zelensky đến thăm một cô gái 16 tuổi bị thương trong bệnh viện ở Kiev hôm thứ Năm và nhận được một số tin tức đáng mừng: Ông là một ngôi sao trên ứng dụng video TikTok.
Sau khi trao cho Katya Vlasenko một bó hoa trắng và hồng khi cô ấy nằm trên giường, Zelensky nói những câu an ủi cô.
Vlasenko đã bị thương khi chiếc xe của gia đình cô bị cháy khi họ chạy trốn khỏi lực lượng Nga. Em nói với tổng thống: “Mọi người ủng hộ tổng thống trên TikTok.” Câu nói khiến tổng thống và các thành viên trong đoàn tùy tùng nở một nụ cười.
“Vậy là chúng ta đã chiếm được TikTok phải không?” ông hỏi.
Vlasenko trả lời: “Tất cả mọi người đều nói về tổng thống, tất cả đều ủng hộ.”
Hai trẻ em đã bị thương sau khi một hỏa tiễn của quân Nga đã tấn công vào một tòa nhà dân cư ở quận Shevchenkivsky của thủ đô Ukraine vào sáng sớm hôm thứ Tư.
Hôm thứ Tư, 16 tháng 3, lúc 06:16, Dịch vụ Cấp Cứu 101 của thủ đô Ukraine đã nhận được tin báo về một vụ sập một tòa nhà dân cư ở quận Shevchenkivsky. Các nhân viên cứu hỏa từ các đơn vị cứu hỏa và cấp cứu gần đó ngay lập tức có mặt tại hiện trường. Khi đến nơi, người ta xác định rằng do mảnh đạn pháo va vào tòa nhà dân cư 12 tầng, đã gây sập tầng 12 và tầng kỹ thuật của tòa nhà, và tòa nhà 9 tầng lân cận bị hư hỏng một phần.
Nhờ lòng can đảm của lính cứu hỏa đám cháy dữ dội đã được nhanh chóng dập tắt nếu không ít nhất 37 người sẽ phải chết thiêu trong lửa. Chính vì thế, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã trao tặng huy chương cho các nhân viên cấp cứu dũng cảm.
Theo thông tin sơ bộ từ lực lượng cấp cứu, chỉ có 2 em bé bị thương và 35 người phải di tản sang nơi khác.
Vào ngày 15 tháng 3, một đám cháy khác bùng phát sau khi một quả đạn pháo trúng một tòa nhà dân cư 10 tầng ở khu Vynohradar ở quận Podilsky của Kiev
Cùng ngày, một cuộc không kích của Nga vào một ký túc xá ở Chernihiv đã giết chết ba đứa trẻ và cha mẹ của chúng.
Khi đào bới trong đống đổ nát, lực lượng cấp cứu đã tìm thấy một gia đình gồm 5 người thiệt mạng: trong đó có 3 đứa trẻ, một trai một gái, cặp song sinh 3 tuổi, em gái 12 tuổi và bố mẹ của chúng. Tất cả đều thiệt mạng do cuộc không kích của Nga vào ký túc xá.
Vyacheslav Chaus, Chỉ huy quân sự khu vực Chernihiv đăng trên Telegram rằng Nga tiếp tục tung ra các cuộc không kích và pháo kích một cách có hệ thống vào trung tâm khu vực, phá hủy cơ sở hạ tầng dân sự. Mới ngày hôm qua, nhà xác của thành phố đã tiếp nhận 53 thi thể công dân Ukraine đã bị Nga giết hại.
Trong một diễn biến mới nhất, chiều ngày 17 tháng Ba, quân Nga đã bắn vào các ngôi nhà dân cư ở làng Lychanka, quận Bucha của vùng Kiev, từ hệ thống phóng hỏa tiễn hàng loạt gọi là Grad, khiến một đứa trẻ hai tuổi đã thiệt mạng và 4 người bị thương.
Hôm thứ Năm 17 tháng 3, Nga đã sử dụng nhiều bệ phóng hỏa tiễn Grad để bắn vào một doanh nghiệp nhà nước ở Irpin và cầu Romanivka bị phá hủy. Hiện số nạn nhân đang được làm rõ.
Lực lượng Nga cũng đã sử dụng nhiều bệ phóng hỏa tiễn Smerch để bắn phá làng Sytniaky gần Makariv. Một thường dân được báo cáo bị thương.
Giao tranh vẫn tiếp tục gần Bucha, Irpin, Makariv và Borodianka.
2. Đại sứ Ukraine tại LHQ chất vấn Đại sứ Nga
Đại sứ Ukraine tại LHQ Sergiy Kyslytsya hôm thứ Năm đã trực tiếp chất vấn Đại sứ Nga Vassily Nebenzia về việc Nga sát hại phụ nữ và trẻ em vô tội ở Ukraine.
Theo CNN, đại sứ Ukraine nói: “Thưa ngài đại sứ, ánh mắt của trẻ em, phụ nữ và người già Ukraine bị người Nga giết hại có lóe sáng trước ông không?” Kyslytsya hỏi tại một cuộc họp của Hội đồng Bảo an.
“Nếu ông nói có, chúng tôi có thể xem xét cách tài trợ để giúp bạn đối phó với căng thẳng chấn thương tâm lý lâu dài gây ra”
“Nhưng bây giờ, hãy tỏ ra lịch sự và dừng ngay các hành động thao túng nghiêm trọng Hội đồng Bảo an. Thật là tục tĩu”.
Nebenzia, không trả lời Kyslytsya, nói sau cuộc họp rằng ông ta không muốn “tham gia vào các cuộc tranh cãi cá nhân”
3. Phép lạ: Vẫn có những người sống sót sau khi từ nhà hát Mariupol bị san bằng
Những người sống sót bắt đầu được tìm thấy vào hôm thứ Năm từ đống đổ nát của nhà hát bị nổ tung, nơi hơn 1,000 người Ukraine, bao gồm cả trẻ em, đang trú ẩn ở Mariupol - nhưng các cuộc giải cứu đã bị cản trở bởi các cuộc không kích tiếp tục diễn ra của Nga.
“Đó là một phép lạ,” Illia Ponomarenko của Kyiv Independent đã tweet. Cô cho biết vào chiều thứ Năm, ít nhất 130 thường dân đã được cứu khỏi đống đổ nát.
Hội đồng địa phương ở Mariupol – là thành phố bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong cuộc chiến kéo dài 3 tuần của Nga - cho biết hơn 1,000 người chủ yếu là phụ nữ và trẻ em đã đến trú ẩn trong nhà hát bị đánh bom vào cuối ngày thứ Tư.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy chữ “Trẻ em” được viết bằng tiếng Nga thật lớn trên vỉa hè phía trước và phía sau nhà hát sang trọng một thời - và truyền hình địa phương đã đưa tin rằng đó là một nơi trú ẩn tập thể chưa đầy một giờ trước vụ tấn công.
Trong khi tòa nhà ba tầng dường như đã bị san bằng, “hầm trú bom vẫn còn nguyên”, cố vấn thị trưởng Petro Andrushchenko nói với Reuters qua điện thoại.
“Bây giờ đống đổ nát đang được dọn sạch. Có những người sống sót,” ông nói và nói thêm rằng họ chưa biết có bao nhiêu người - nhưng chưa tìm thấy xác chết nào 24 giờ sau cuộc tấn công.
Thành viên Quốc hội Ukraine Sergiy Taruta cũng lưu ý trong một bài đăng trên Facebook rằng mọi người đang sống lại và viết, “Cuối cùng là tin tốt từ Mariupol!”
Kyrylenko cho biết các cuộc không kích của Nga cũng đánh vào một khu phức hợp hồ bơi của thành phố Mariupol.
“Bây giờ có phụ nữ, kể cả những người đang mang thai và trẻ em dưới đống đổ nát ở đó. Đó hoàn toàn là khủng bố!” quan chức cho biết.
Lực lượng cấp cứu đã phải vật lộn để đến được hầm trú bom dường như còn nguyên vẹn vì lối vào đã bị phá hủy - và vì các cuộc tấn công vẫn đang diễn ra vào một thành phố mà Hội Hồng Thập Tự quốc tế đã cho là kinh hoàng như “ngày tận thế”.
Hội đồng thành phố cho biết: “Vẫn không thể ước tính được quy mô của hành động khủng khiếp và vô nhân đạo này, bởi vì quân Nga tiếp tục bắn phá các khu dân cư của thành phố” - tuyên bố rằng “trung bình có 50 đến 100 quả bom được thả xuống” mỗi ngày.
Hội đồng cho biết: “Không thể tìm được từ ngữ nào có thể mô tả mức độ tàn ác… Rõ ràng mục tiêu duy nhất của quân đội Nga là diệt chủng người dân Ukraine”.
“Thông tin về các nạn nhân vẫn đang được làm rõ,” hội đồng cho biết trong bản cập nhật mới nhất hôm thứ Năm, nói rằng “chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già” đã ẩn náu ở đó “do bị pháo kích liên tục”.
Vài ngày trước cuộc tấn công, truyền thông địa phương đã quay cảnh phụ nữ và trẻ em chen chúc bên trong tòa nhà tối om với tiếng trẻ sơ sinh khóc. Đoàn làm phim đó cũng ước tính có khoảng 1,000 người ở đó.
Belkis Wille, nhà nghiên cứu xung đột và khủng hoảng cấp cao tại Tổ chức Theo dõi Nhân quyền cho biết: “Điều này làm dấy lên những lo ngại nghiêm trọng về mục tiêu dự kiến của người Nga là gì ở một thành phố nơi dân thường đã bị bao vây trong nhiều ngày”.
Trong bài phát biểu video mới nhất của mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng “máy bay Nga đã cố tình thả một quả bom lớn” xuống nhà hát.
Các binh sĩ và lính cứu hỏa Ukraine đã nói rằng việc những người đó sống sót sau trận pháo kích là một phép lạ.
“Các công dân của Nga! Cuộc phong tỏa Mariupol của các bạn khác gì với cuộc phong tỏa Leningrad trong Thế chiến thứ hai?” Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy hỏi
Văn phòng của tổng thống cũng báo cáo về các cuộc pháo kích và các cuộc không kích trên khắp đất nước trong đêm, bao gồm cả ở các vùng ngoại ô Kalynivka và Brovary của thủ đô Kiev.
Ukraine cho biết các lực lượng Nga đang ngày càng tận dụng pháo binh và các cuộc không kích như một phương tiện tiến công của họ.
Bộ Tổng tham mưu Ukraine nói rằng “kẻ thù, không thành công trong hoạt động trên bộ, vẫn tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và bom vào cơ sở hạ tầng và các khu vực đông dân cư của các thành phố Ukraine.”
Mặc dù có nhiều bằng chứng, nhưng phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm thứ Năm đã bác bỏ vụ đánh bom nhà hát là một “lời nói dối”.
“Các lực lượng vũ trang của Nga không bao giờ ném bom các thị trấn và thành phố,” bà ta nói trong một cuộc họp báo.
Người phụ nữ Nga anh hùng xông vào đài truyền hình để phản đối cuộc xâm lược bị bách hại
VietCatholic Media
06:38 18/03/2022
1. Nhà báo Nga xông vào đài truyền hình để phản đối cuộc xâm lược hầu tòa
Marina Ovsyannikova, ký giả tin tức Nga, đã xông vào một studio tin tức của Nga trong buổi phát sóng trực tiếp vào tối thứ Hai, và cảnh báo người dân rằng họ đã bị lừa dối về cuộc xâm lược vào Ukraine và kêu gọi dừng ngay chiến tranh.
Người phụ nữ tóc vàng mặc quần áo đen bước vào khung hình phía sau một xướng ngôn viên đưa tin trong khi giơ tấm biển có nội dung: “Hãy dừng chiến tranh. Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối các bạn.”
Người phụ nữ hô vang “Hãy dừng chiến tranh! Nói không với chiến tranh!” khi người xướng ngôn viên tiếp tục cố gắng hoàn thành một bản tin trước khi máy quay chuyển sang một video clip khác.
Hành động anh hùng của cô đã khiến cô phải ra hầu tòa hôm thứ Ba và đối mặt với cáo buộc hành chính, tờ Novaya Gazeta của Nga đưa tin.
Luật sư của cô, Sergei Badamshin, đã đăng một bức ảnh của cô vào hôm thứ Ba.
Đáng chú ý, các cáo buộc chống lại Ovsyannikova “chưa phải là một vụ án hình sự”, theo Novaya Gazeta.
Văn phòng nhân quyền của Liên hợp quốc đã kêu gọi các nhà chức trách Nga phải bảo đảm rằng Marina Ovsyannikova không bị trừng phạt vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.
Điện Cẩm Linh hôm thứ Ba cho biết hành động của Marina Ovsyannikova làm gián đoạn bản tin trực tiếp trên Kênh truyền hình nhà nước Nga vào tối thứ Hai để tố cáo cuộc chiến ở Ukraine là “hành động côn đồ”.
Ravina Shamdasani, người phát ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc nói trong một cuộc họp báo tại Geneva hôm thứ Ba rằng các nhà chức trách Nga nên bảo đảm rằng người phụ nữ “không phải đối mặt với bất kỳ sự trả đũa nào vì đã thực hiện quyền tự do ngôn luận”.
2. Giáo phận Công Giáo đầu tiên của Đức cho phép phụ nữ làm lễ rửa tội
Giáo phận Essen của Công Giáo Rôma đã trở thành giáo phận đầu tiên ở Đức cho phép phụ nữ làm lễ rửa tội, với lý do thiếu linh mục.
Giáo phận cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Hai rằng Giám mục Franz-Josef Overbeck đã giao nhiệm vụ cho 18 giáo dân —trong đó có 17 phụ nữ - được truyền bí tích gia nhập Giáo Hội tại một buổi lễ cuối tuần qua.
Cho đến nay, chỉ có các linh mục và phó tế - những chức năng mà Giáo Hội Công Giáo dành cho nam giới - mới được phép làm lễ rửa tội.
Bà Theresa Kohlmeyer, người đứng đầu bộ phận tín ngưỡng, phụng vụ và văn hóa của giáo phận cho biết: “Hết lần này đến lần khác, Giáo hội đã thích nghi với hoàn cảnh bên ngoài trong 2,000 năm qua”.
Biện pháp này chỉ là tạm thời và ban đầu sẽ kéo dài trong ba năm.
Source:ABC News
3. Giáo phận Mễ Tây Cơ từ chối cho các chính trị gia Công Giáo đã bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai được rước lễ
Sau khi cơ quan lập pháp bang Sinaloa của Mễ Tây Cơ bỏ phiếu hợp pháp hóa việc phá thai đến 13 tuần tuổi, Giáo phận Culiacán thông báo rằng các chính trị gia Công Giáo bỏ phiếu ủng hộ luật này sẽ không thể nhận Mình Thánh Chúa và cũng không được làm cha mẹ đỡ đầu.
Trong một tuyên bố, Cha Miguel Ángel Soto Gaxiola, giám đốc Ủy ban Đời sống, Gia đình, Thanh niên và Giáo dân Culiacán, chính thức thông báo rằng các nhà lập pháp Công Giáo đã bỏ phiếu ủng hộ việc phá thai rằng quyết định không cho họ rước lễ là “sự công nhận về mặt khách quan trạng thái không xứng đáng của một người đối với việc rước Mình Thánh Chúa”.
Giáo phận Culiacán thuộc bang Sinaloa và bao gồm thủ đô Culiacán. Sinaloa trở thành bang thứ bảy của Mễ Tây Cơ hợp pháp hóa phá thai.
Trong bức thư gửi cho các chính trị gia Công Giáo, Cha Soto Gaxiola chỉ ra rằng “Ngày nay chúng ta có nhiều người bị tai tiếng bởi sự phản bội công khai giáo huấn của Giáo hội về đức tin và đạo đức bởi những nhà lập pháp tự xưng là 'Công Giáo'.”
Ngài nói tiếp: “Thật vậy, hành động này ra đặt câu hỏi lớn cho các tín hữu: Làm sao một người Công Giáo công khai cổ võ và ủng hộ các chính sách trái với Đời sống lại có thể đến tham dự Thánh lễ và rước lễ?
Tuyên bố cho biết: “Theo giáo huấn của Giáo hội, giá trị của sự sống luôn luôn được bảo vệ từ khi được hình thành cho đến khi chết tự nhiên.”
Tài liệu bác bỏ lời biện minh của những người nói rằng họ “cá nhân họ tin vào sự trái đạo đức của việc phá thai” nhưng ủng hộ “các chính sách công” bao gồm việc hợp pháp hóa nó.
Trích dẫn thông điệp Evangelium Vitae - Tin Mừng Sự Sống của Thánh Giáo Hoàng Đức Gioan Phaolô II, tuyên bố nói rằng “đây là một lý thuyết sai lầm, vì 'không có hoàn cảnh nào, không có mục đích nào, không có luật nào có thể hợp pháp hóa một hành vi về bản chất là vô luân, vì nó mâu thuẫn với Luật của Thiên Chúa, được viết trong trái tim mỗi con người, được tự lý trí biết đến và được Giáo hội công bố”.
Bức thư kết luận: “Để trả lời câu hỏi: Một dân biểu hay bất kỳ người nào xưng mình là Công Giáo, trong khi công khai hợp tác hoặc hình thành nên các luật lệ chống lại sự sống, có thể rước lễ không? Chúng tôi nói: Không. Bạn không thể lên Rước lễ. Người đó cũng không được là cha mẹ đỡ đầu hoặc bạn đồng hành của những người khác muốn lãnh các bí tích khác, chẳng hạn như rửa tội”.
Source:National Catholic Register
4. Một chủng viện Tây Ban Nha mở rộng cửa đón nhận 60 người tị nạn từ Ukraine
Hôm Chúa Nhật, 13 tháng Ba vừa qua, chủng viện của Giáo phận Tarazona đã chào đón 60 người tị nạn từ Ukraine đến cùng với hàng chục tình nguyện viên đã giúp họ thực hiện chuyến đi từ biên giới Ba Lan-Ukraine.
Nhóm những người tị nạn đã được chào đón bởi Đức Cha Eusebio Ignacio Hernández Sola của Tarazona; thị trưởng, Luis José Arrechea; Giám đốc chủng viện, Cha José Luis Sofín; gia đình của các tình nguyện viên; và một nhóm đông đảo dân chúng trong thành phố.
Theo một thông báo từ Giáo phận Tarazona cho biết nhóm người tị nạn này bao gồm phụ nữ, trẻ em, thanh thiếu niên và ba nam giới.
Họ sẽ được sắp xếp cư ngụ trong những căn phòng phù hợp với họ và sẽ có hai phòng khách để tụ tập, một phòng trò chơi và một phòng ăn. Ngoài ra, họ sẽ có các khu vui chơi giải trí ngoài trời.
“Mọi nỗ lực đã được thực hiện trong thời gian ngắn nhất có thể để chào đón những người này và làm cho họ cảm thấy như ở nhà. Cần phải làm việc cùng nhau và cộng tác để đi cùng một hướng và giúp đỡ nhiều nhất có thể”, Đức Cha Hernández nói.
Ông cũng cám ơn “mối quan hệ của tình huynh đệ và thiện chí của những tình nguyện viên đã đi và về từ Ba Lan trong thời gian gần như kỷ lục, một cách hoàn toàn vị tha và thể hiện lòng hào hiệp vô bờ bến, để giúp đỡ những người đang gặp khó khăn đang chạy trốn khỏi chiến tranh”.
“Bây giờ phần việc của chúng ta là mang lại cho họ sự ấm áp và tình cảm bởi vì chúng ta đừng quên rằng họ đã phải bỏ lại tất cả mọi thứ ở Ukraine”
Đức Cha Hernández nói rằng khi chiến tranh bắt đầu, ngài tự hỏi “chúng ta ở Giáo phận Tarazona có thể làm gì và vì vậy tôi đã cung cấp các cơ sở vật chất của giáo phận và đặc biệt là chủng viện, và sáng kiến của các tình nguyện viên là quan trọng”.
Nhóm người tị nạn đến Tây Ban Nha nhờ sáng kiến của một số tình nguyện viên từ Tarazona, những người đã tổ chức thu gom thực phẩm, quần áo và vật dụng y tế với ý tưởng đưa các thứ này đến biên giới Ba Lan-Ukraine và đưa những người tị nạn trở về cùng với họ.
Một đoàn xe gồm 3 xe vận tải và 9 xe bán tải rời Tarazona ngày 9 tháng 3. Ba ngày sau, sau khi phân phát hàng viện trợ, đoàn xe trở về Tây Ban Nha với 60 người được đón tại một trại tị nạn ở Warsaw.
Khi đến nơi, các tình nguyện viên và cả những người tị nạn đã cảm ơn những cử chỉ đoàn kết của mọi người và yêu cầu được giúp đỡ nhiều hơn vì “còn nhiều thứ cần thiết, thuốc men, thực phẩm và tiền bạc”.
Source:National Catholic Register
Binh lính Nga đào ngũ hàng loạt. Tỷ phú Nga thưởng cho ai bắt được Putin.Tin giả về lính Mỹ của Nga
VietCatholic Media
15:28 18/03/2022
1. Tổng thống Ukraine xin Mỹ đừng công bố chi tiết các khoản viện trợ quân sự
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông cảm ơn Tổng thống Mỹ Joe Biden về khoản viện trợ quân sự bổ sung nhưng cho biết Hoa Kỳ không nên nói cụ thể các khoản viện trợ quân sự này bao gồm những gì vì ông không muốn người Nga biết.
“Đây là cách bảo vệ cho chúng tôi,” ông Zelensky nói trong bài phát biểu vào ban đêm của mình trước quốc dân. “Khi kẻ thù không biết họ đang mong đợi điều gì, chúng ta được an toàn. Sau ngày 24 tháng 2, ngày Nga xâm lược, chúng ta cần giữ bí mật để họ không biết chúng ta có những gì để phòng thủ hoặc chúng ta chuẩn bị như thế nào khi đối mặt với các đòn tấn công.”
Ông Zelensky cho biết Nga dự kiến sẽ thấy Ukraine chịu lép vế như vào năm 2014, khi Nga chiếm Crimea mà không có giao tranh, và sau đó ngang nhiên ủng hộ lực lượng ly khai khi chúng giành quyền kiểm soát khu vực phía đông Donbas. Nhưng Ukraine giờ đã là một đất nước khác, với hệ thống phòng thủ mạnh mẽ hơn nhiều, ông nói.
Ông cho biết đây cũng không phải là thời điểm để tiết lộ chiến thuật của Ukraine trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Nga. Tổng thống Zelensky nói: “ Chúng ta cần làm việc trong im lặng nhiều hơn là trên truyền hình, đài phát thanh hay trên Facebook. Tôi coi đó là một cách làm đúng đắn.”
2. Nga sẽ không thắng nổi trong cuộc xâm lược Ukraine vì binh lính đào ngũ quá đông
Theo người dẫn chương trình Sky News, Andrew Bolt, “Người Ukraine vẫn đang tấn công mạnh mẽ vào lực lượng Nga.
“Và một số binh sĩ Nga chỉ đơn giản là bỏ lại xe tăng của họ, bỏ rơi chúng và biến mất.”
“Vì vậy, tôi nghĩ rõ ràng Nga sẽ không thắng trong cuộc chiến này. Nhưng nó vẫn sẽ hủy diệt Ukraine, nếu chúng ta cứ để chuyện này tiếp diễn “.
Trong một diễn biến khác, doanh nhân người Nga đã đặt khoản tiền thưởng 1 triệu Mỹ Kim cho ai bắt được Vladimir Putin nói rằng ông hy vọng mình sẽ “tạo ra một xu hướng” là các doanh nhân khác sẽ bỏ ra một khoản tiền để bắt Putin.
Alex Konanykhin, hiện đang sống ở Hoa Kỳ, nói với người dẫn chương trình của Sky News, Andrew Bolt rằng ông ấy “mất tinh thần và phẫn nộ với những gì Putin đã biến nước Nga trở thành”.
“Nga bây giờ đã trở thành một biểu tượng tập trung của cái ác; Một đất nước ném bom thường dân vô tội, giết chết hàng nghìn người, bắt đầu gây hấn với các nước láng giềng, “ông Konanykhin nói.
“Nó phải được dừng lại… bởi vì Putin có thể leo thang đến một thứ mà nhiều người nghĩ là không thể tưởng tượng được, nhưng tôi có thể bảo đảm rằng nó không phải là không tưởng đối với ông ta”.
“Nếu Putin bị loại khỏi phương trình đó, xung đột có thể tan biến.”
3. Nhà báo Nga, người tổ chức cuộc biểu tình chống chiến tranh trên truyền hình đã bỏ việc, nhưng từ chối lời đề nghị cho tị nạn của Pháp
Một biên tập viên người Nga đã phản đối việc Mạc Tư Khoa xâm lược Ukraine trong một buổi phát sóng bản tin trên truyền hình nhà nước nói rằng cô ấy đã nghỉ việc nhưng không chấp nhận lời đề nghị cho tị nạn của Pháp, và giải thích rằng cô là “một người yêu nước”.
Marina Ovsyannikova, một biên tập viên của kênh truyền hình Kênh Một, đã lao vào phòng thu hình khi xướng ngôn viên đang đọc tin tức buổi tối vào hôm thứ Hai. Cô hét lên: “Hãy ngừng chiến tranh. Hãy nói không với chiến tranh”. Cô ấy cầm một tấm biển ghi : “Đừng tin vào những lời tuyên truyền. Họ đang nói dối các bạn ở đây.” Tấm biển cũng có một dòng chữ bằng tiếng Anh: “Những người Nga chống lại chiến tranh.”
Cô đã bị giam giữ và một tòa án ở Mạc Tư Khoa đã nhanh chóng phạt cô 30,000 rúp. Nhưng mặc dù được trả tự do, cô có thể phải đối mặt với việc truy tố thêm, có nguy cơ phải ngồi tù nhiều năm theo một luật mới rất hà khắc.
Cô ấy nói với kênh truyền hình France 24 từ Mạc Tư Khoa hôm thứ Năm rằng cô ấy đã “nộp tất cả các tài liệu” để xin từ chức khỏi Kênh Một. “Đó là một thủ tục pháp lý,” cô nói.
4. Quân đội Ukraine lo ngại 1,000 tình nguyện viên từ cái gọi là quân đội của Bashar al-Assad và Hezbollah được đưa vào Ukraine.
Quân đội Ukraine đã công bố báo cáo hoạt động hàng ngày tính đến 10h tối theo giờ địa phương, và tuyên bố rằng Nga đang thực hiện các biện pháp để “bù đắp tổn thất nhân lực bằng người nước ngoài” trong khi chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Kiev.
Bộ Quốc phòng cho biết: “Theo thông tin nhận được, quân xâm lược Nga đã đón 1,000 tình nguyện viên từ cái gọi là quân đội của Bashar al-Assad và Hezbollah là những người có kinh nghiệm chiến đấu trong thành phố”.
Các quan chức cho biết họ tin rằng các nỗ lực chính mà lực lượng Nga đang tập trung là duy trì các biên giới đã chiếm đóng trước đây và thực hiện các biện pháp chuẩn bị cho một cuộc tấn công có thể xảy ra vào Kiev.
“Tuy nhiên, những tổn thất gây ra cho quân nhân Nga, tinh thần và tình trạng tâm lý thấp của các sĩ quan và binh lính, cũng như việc thiếu các chỉ huy có kinh nghiệm của các đơn vị chiến thuật khiến họ không thể tiếp tục các hoạt động tấn công trong tương lai gần,” báo cáo cho biết thêm.
Lực lượng Nga tiếp tục phong tỏa một phần thành phố Chernihiv và tiến hành pháo kích vào thành phố trong khi cố gắng bổ sung dự trữ đạn dược và nhiên liệu để tiếp tục các hoạt động tấn công vào các thành phố Sumy và Kharkiv.
Quân đội Nga cũng đang tiếp tục bao vây Mariupol.
5. Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nói chuyện với Tập Cận Bình
Tòa Bạch Ốc cho biết, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ nói chuyện chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào lúc 9 giờ sáng theo giờ miền Đông Hoa Kỳ ngày thứ Sáu 18 tháng Ba.
Theo tuyên bố của Tòa Bạch Ốc:
“Đây là một phần trong những nỗ lực không ngừng nhằm duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”.
“Hai nhà lãnh đạo sẽ thảo luận về sự xung khắc giữa hai nước cũng như cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và các vấn đề khác mà hai bên cùng quan tâm.”
6. Canada sẽ cung cấp cho những người Ukraine chạy trốn khỏi cuộc xâm lược của Nga một giấy phép cư trú tạm thời của Canada trong tối đa ba năm.
Canada, quốc gia có cộng đồng người Ukraine đông đảo sinh sống, đặc biệt là ở trung tâm và phía tây của đất nước, cho biết trong một tuyên bố rằng “Người Ukraine và các thành viên gia đình trực hệ của họ thuộc bất kỳ quốc tịch nào có thể ở lại Canada với tư cách là cư dân tạm thời trong tối đa ba năm.”
Theo Agence France-Presse, các ứng viên phải nộp đơn trực tuyến và cung cấp dữ liệu sinh trắc học của họ dưới dạng dấu vân tay và ảnh.
Người tị nạn Ukraine có thể đồng thời xin giấy phép làm việc và học tập.
Người Ukraine và gia đình của họ đã định cư trên đất Canada cũng sẽ được hưởng lợi từ các biện pháp mới và có thể “gia hạn tư cách du khách hoặc giấy phép lao động trong 3 năm, xin giấy phép làm việc hoặc học tập hoặc gia hạn giấy phép hiện có của họ.”
7. Hàng trăm áo chống đạn bị đánh cắp
Một tổ chức phi chính phủ ở New York đã bị đánh cắp hàng trăm chiếc áo chống đạn sau khi chúng được các mạnh thường quân tặng cho Ukraine khi nước này phải đối mặt với cuộc xâm lược của Nga. Cảnh sát và tổ chức này cho biết như trên.
Cảnh quay camera an ninh từ một cơ sở kinh doanh bên cạnh cho thấy ba chiếc xe tải lần lượt chạy đến và đậu bên ngoài tòa nhà, với những người đàn ông đội mũ trùm đầu mang những chiếc hộp được cho là chứa áo vest và chất chúng lên xe, sau đó lái đi, WNBC-TV của Thành phố New York đưa tin.
Đài truyền hình đưa tin, những chiếc áo khoác này được dự định gửi cho các nhân viên y tế và tình nguyện viên viện trợ nhân đạo ở Ukraine.
Vicki DiStefano, phát ngôn viên của Văn phòng cảnh sát trưởng hạt Suffolk, nơi đã quyên góp phần lớn số áo vest vào tuần trước, cho biết: “Thật là đáng khinh bỉ khi ai đó đột nhập vào một tòa nhà để ăn cắp những thứ thiết yếu nhằm hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nhân đạo này.”
8. Lực lượng Vệ binh Quốc gia bác bỏ các báo cáo của truyền thông nhà nước Nga tuyên bố sai sự thật các thành viên Vệ binh Quốc gia Tennessee bị giết ở Ukraine
Tuyên bố của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ:
Chiều nay, hãng truyền thông Nga “Pravda”, nghĩa là “Sự thật”, đã đưa tin sai sự thật rằng 3 thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Hoa Kỳ ở Tennessee, mà họ gọi là “lính đánh thuê” đã thiệt mạng trong khi chiến đấu ở Ukraine.
Báo cáo của “Pravda” là sai sự thật nghiêm trọng.
“Ba người lính được xác định trong bài báo là thành viên hiện tại hoặc cựu thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee,” theo Văn phòng của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee. “Họ đã tường trình, an toàn và không phải lính đánh thuê Hoa Kỳ bị giết ở Cộng hòa Nhân dân Donetsk, như tiêu đề bịa đặt của bài báo.”
Người ta tin rằng các cá nhân này đã bị truyền thông Nga nhắm tới do các bài báo xuất hiện trên Dịch vụ phân phối thông tin hình ảnh quốc phòng liên quan đến đợt triển khai năm 2018 như một phần của Nhóm huấn luyện đa quốc gia-Ukraine bao gồm các thành viên của Trung đoàn Thiết giáp 278 của Vệ binh Quốc gia Tennessee.
Trong nhiệm vụ năm 2018, hơn 200 binh sĩ đã hỗ trợ Lực lượng vũ trang Ukraine tiếp tục phát triển Trung tâm Huấn luyện Chiến đấu Yavoriv. Nỗ lực này bao gồm việc phát triển đội ngũ, phạm vi và lĩnh vực đào tạo; các yêu cầu về thiết bị và dụng cụ, và một môi trường đào tạo vận hành thực tế.
Tất cả các thành viên của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Tennessee đã trở về an toàn vào năm 2019 sau khi thành công hoàn thành nhiệm vụ.
Để biết thông tin về thông cáo báo chí này, vui lòng gửi email đến văn phòng Hoạt động Truyền thông của Cục Vệ binh Quốc gia tại ng.ncr.ngb-arng.mesg.ngb-media-desk-owner@mail.mil
https://www.nationalguard.mil/Resources/Press-Releases/Article/2970567/national-guard-refutes-russian-state-media-reports-that-falsely-claim-tennessee/
Các ký giả tại Tòa Bạch Ốc phản đối quyết định không gửi máy bay chiến đấu của Ba Lan đến Ukraine
VietCatholic Media
16:02 18/03/2022
1. Báng bổ không thể tưởng tượng: Thượng Phụ Kirill trao ảnh Đức Mẹ cho tướng Nga cầu xin cho quân Nga mau thắng
Tờ Orthodox Times của Chính Thống Giáo thuộc Tòa Thượng Phụ Constantinople đã bày tỏ nỗi buồn rằng việc sử dụng các biểu tượng của Giáo Hội trong các cuộc chiến chinh phục Ukraine của người Nga vẫn tiếp diễn.
Lần này, Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và lãnh đạo Lực lượng Vệ binh Quốc gia Nga Viktor Zolotov đã đặt hy vọng vào một chiến thắng “nhanh chóng” trước người Ukraine nơi hình ảnh của Đức Mẹ Đồng trinh mà Đức Thượng phụ đã trao cho Zolotov trong một buổi lễ hôm Chúa Nhật 13 tháng Ba.
“Chúng tôi tin rằng hình ảnh này sẽ bảo vệ quân đội Nga và mang lại chiến thắng nhanh hơn cho chúng tôi”, quan chức quân sự hàng đầu nói với Thượng phụ Kirill tại Nhà thờ Chúa cứu thế ở Mạc Tư Khoa, trong khi lưu ý rằng “mọi thứ diễn ra không nhanh như chúng tôi mong muốn”.
Người chỉ huy biện minh cho “sự chậm trễ” bởi vì, như ông ta đã lưu ý với Giáo chủ Kirill, “Đức Quốc xã, ý chỉ người Ukraine, đang ẩn náu sau lưng thường dân, người già và trẻ em.”
Như Đức Tổng Giám Mục Chrysostomos của Cyprus gần đây đã nhấn mạnh, “người Nga đầu tiên làm dấu thánh giá và sau đó họ giết người”, tiếp tục khơi dậy đức tin nơi Chúa cho một mục tiêu cuối cùng, được Chính Thống Giáo “chúc lành”.
Trong bài giảng của mình sau Phụng Vụ Thánh, Thượng phụ Mạc Tư Khoa chống lại những người Ukraine, những người mô tả Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa là “Giáo Hội của những kẻ chinh phục”, mà ông cho là báng bổ và xúc phạm.
Đề cập đến số lượng Giáo phận của Giáo Hội Chính Thống ở Ukraine đã quyết định ngừng cầu nguyện cho mình, Thượng phụ Kirill biện minh rằng “việc này được thực hiện vì sợ hãi”.
“Chúng ta phải nhớ rằng tất cả chúng ta đều thuộc về cùng một Giáo hội tông truyền, cùng một Giáo hội được thành lập ở cả Mạc Tư Khoa và Kiev,” ông nói như trên và từ chối chấp nhận quyền tự trị của Giáo hội Ukraine và việc giải phóng Giáo Hội ấy khỏi Tòa Thượng phụ Mạc Tư Khoa.
Ông lại nói về những áp lực bên ngoài và “những thế lực ngoại lai đối với Giáo hội muốn phá hủy sự đoàn kết thiêng liêng của các dân tộc chúng ta. Khi ai đó vì sợ hãi mà không chịu cầu nguyện cho vị Thượng Phụ, thì đây là dấu hiệu của sự yếu hèn. Nó không xúc phạm tôi”
Cuối cùng, đề cập đến chiến tranh, ông nói về “các tiến trình chính trị, mà chúng tôi hy vọng sẽ sớm kết thúc”, và cầu nguyện cho Tổng Giám Mục Onoufriy. Onoufriy là Tổng Giám Mục Chính Thống Giáo Ukraine trực thuộc Tòa Thượng Phụ Mạc Tư Khoa.
Thượng Phụ Kirill cũng nhắc lại lời cầu nguyện của mình xin Chúa bảo vệ tất cả những người trên đất Nga, “hiện bao gồm cả Nga, Ukraine và Belarus”.
Source:Orthodox Times
2. Các ký giả tại Tòa Bạch Ốc phản đối quyết định của Biden không gửi máy bay phản lực chiến đấu của Ba Lan đến Ukraine
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã phải vật lộn để giải thích lý do tại sao chính quyền Biden tiếp tục từ chối đề nghị của Ba Lan gửi máy bay chiến đấu phản lực MiG-29 đến Ukraine bất chấp việc Tổng thống Volodymyr Zelensky liên tục cầu xin các máy bay chiến đấu giúp đất nước của ông đẩy lùi cuộc xâm lược của Nga.
Cô đã được hỏi trong cuộc họp ngắn tại Tòa Bạch Ốc hôm thứ Ba về “chuỗi logic” trong lời giải thích của cô về quyết định của Tổng thống Biden cho rằng việc gửi các máy bay MiG sẽ làm cho Mỹ liên quan “trực tiếp hơn” trong cuộc chiến.
“Đó không phải là đánh giá của tổng thống, hoặc chắc chắn không phải đánh giá của tôi, mà là đánh giá của Bộ Quốc phòng. Và phần lớn đánh giá của họ liên quan đến việc những chiếc máy bay này sẽ cất cánh từ đâu và bạn sẽ đưa chúng vào Ukraine như thế nào,” Psaki trả lời.
“Vì vậy, đó là điều mà họ đang khám phá và thảo luận với một loạt đối tác. Nhưng đánh giá của họ cũng đặc biệt dựa trên việc chuyển giao nó cho Ukraine và điều đó có thể bị nhầm lẫn là leo thang,” Cô Jen Psaki nói.
Tuy nhiên, phóng viên David Sanger của New York Times đã hỏi liệu những chiếc máy bay khởi hành từ căn cứ Ba Lan hay một căn cứ ở Đức có khiến chúng trở thành mục tiêu hay không.
Psaki nói: “Nó có thể được coi là leo thang”.
Psaki sau đó đã bị thúc ép về sự khác biệt giữa việc chuyển giao các hệ thống phòng không có nguồn gốc từ phương Tây cho Ukraine và việc chuyển giao các máy bay Ba Lan.
Bà cho biết việc chuyển giao vũ khí của họ không đòi hỏi phải “cất cánh từ một căn cứ không quân của NATO”.
Nhưng Sanger cho biết các thiết bị quân sự vẫn đến từ các quốc gia phương Tây.
“Đúng,” Psaki nói.
Sanger sau đó hỏi liệu Mỹ có sẵn sàng cung cấp loại hệ thống chống hỏa tiễn mà họ gửi cho Israel để giúp ngăn chặn các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn vào Ukraine hay không.
“Những cuộc thảo luận đó diễn ra tại Bộ Quốc phòng, và chúng tôi đã nói nhiều về việc đánh giá rủi ro vì nó liên quan đến máy bay, nhưng họ đưa ra đánh giá về những gì cần cung cấp để có hiệu quả nhất,” Psaki nói.
Bà cũng nói rằng đang có các cuộc thảo luận giữa các “đối tác” quân sự và quốc phòng về những thiết bị quân sự cần thiết ở Ukraine khi được hỏi liệu Mỹ có đang khuyến khích các đối tác NATO khác chuyển giao máy bay chiến đấu hay không.
Biden đã từ chối đề nghị của Ba Lan về việc gửi máy bay chiến đấu thời Liên Xô đến căn cứ không quân Mỹ ở Ramstein, ở Đức, đáp lại Mỹ sẽ thay thế các máy bay này bằng những chiếc F-16 mới hơn.
Không rõ bằng cách nào những chiếc MiG sẽ được chuyển tới Ukraine - bởi các phi công Ba Lan hay Mỹ.
Tuy nhiên, chính quyền gọi đề xuất này là quá rủi ro vì nó sẽ khiêu khích Nga và có khả năng mở rộng giao tranh.
“Ý tưởng rằng chúng tôi sẽ gửi thiết bị tấn công và có máy bay, xe tăng và xe lửa cùng với phi công Mỹ và phi hành đoàn Mỹ - hãy hiểu như thế, đừng tự đùa, bất kể bạn nói gì, đó được gọi là Chiến tranh thế giới III,” Biden nói với một cuộc họp của các đảng viên Đảng Dân chủ vào thứ Sáu tuần trước tại Philadelphia.
Source:New York Post
3. Thị trưởng Kiev mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thủ đô Ukraine
Chính phủ Ukraine đã không ngần ngại lên tiếng sẵn sàng để Vatican giúp làm trung gian trong cuộc chiến với Nga.
Hiện thị trưởng của Kiev, thủ đô của đất nước, đã đưa ra lời mời chính thức xin Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thành phố.
Bức thư ngày 8/3 do thị trưởng Vitaly Klitshko ký viết:
“Chúng tôi tin rằng sự hiện diện trực tiếp của nhà lãnh đạo tôn giáo thế giới tại Kiev là chìa khóa để cứu sống và mở đường dẫn đến hòa bình ở thành phố, đất nước của chúng tôi và hơn thế nữa”.
Bức thư đã bị rò rỉ cho các phương tiện truyền thông vào hôm thứ Ba và tờ Crux đã có thể xác minh tính xác thực của nó một cách độc lập.
Thị trưởng Klitshko cũng nói rằng nếu hành trình đến Kiev không thể thực hiện được, “chúng tôi vui lòng yêu cầu tổ chức một cuộc họp video chung, được ghi lại hoặc phát sóng trực tiếp. Sẽ nỗ lực để đưa Tổng thống Zelenskyy vào cuộc gọi này”.
“Chúng tôi kêu gọi Đức Thánh Cha, với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần, hãy thể hiện lòng từ bi của mình, sát cánh với người dân Ukraine bằng cách cùng nhau truyền bá lời kêu gọi hòa bình”
Vatican đã xác nhận rằng bức thư của Klitshko đã được gởi đến Đức Giáo Hoàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô và các cố vấn thân cận nhất của ngài đã nhiều lần bày tỏ sự sẵn sàng giúp đỡ bằng mọi cách có thể. Tuần trước, hai vị Hồng Y đã được phái đến Ukraine, là Đức Hồng Y Michael Czerny và Đức Hồng Y Konrad Krajewsky. Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh đã thông báo hôm thứ Hai rằng Hồng Y Czerny sẽ trở lại vào ngày thứ Tư.
Bức thư bắt đầu được lưu hành vài phút trước khi Klitshko thông báo lệnh giới nghiêm kéo dài 35 giờ trong thành phố do “tình hình khó khăn và nguy hiểm.” Nó sẽ kéo dài đến 7 giờ sáng theo giờ địa phương vào ngày 17 tháng 3.
Đây không phải là lần đầu tiên thị trưởng Kiev mời Đức Thánh Cha Phanxicô đến thăm thủ đô Ukraine. Ông đã phát hành một video vào ngày 5 tháng 3 mời các nhà lãnh đạo tôn giáo từ khắp nơi trên thế giới - cụ thể là Đức Giáo Hoàng, Đâi Giáo Trưởng của Al-Azhar, Đức Đạt Lai Lạt Ma, Giáo sĩ trưởng của Israel và Giáo chủ Chính thống giáo Nga Kirill - đến Kiev.
“Nhân phẩm của con người đang bị đặt câu hỏi,” vị thị trưởng nói trong video bằng tiếng Anh. “Những gì đang diễn ra ở trung tâm Âu Châu chạm đến trái tim của tất cả cư dân trên hành tinh của chúng ta, những người yêu công lý và các giá trị của lòng tốt, bất kể khu vực hay tôn giáo của họ. Tôi thể hiện rõ sự kêu gọi các nhà lãnh đạo tôn giáo đứng lên và đảm nhận chức năng đạo đức đương nhiệm với họ và tự hào đảm nhận trách nhiệm của các tôn giáo vì hòa bình”.
Sau đó, ông mời tất cả họ đến thăm Kiev và “thể hiện tình đoàn kết của họ với người dân Ukraine”, đồng thời kêu gọi thành phố trở thành thủ đô của “nhân loại, tâm linh và hòa bình”.
Đầu năm nay, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk của Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương nói rằng Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã từng có ý định đến thăm Ukraine trong năm nay.
“Chúng tôi đã nhiều lần bày tỏ mong muốn Đức Thánh Cha đến thăm Ukraine. Chúng tôi đã mời ngài và thường xuyên lặp lại điều đó”, Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói ngay trước cuộc xâm lược của Nga. “Chúng tôi rất hy vọng. Cử chỉ là rất quan trọng và đến thăm Ukraine sẽ là một cử chỉ rất mạnh mẽ đối với toàn thể nhân loại.”
Đức Tổng Giám Mục Shevchuk nói: “Có một sự nhất trí ở Ukraine, không chỉ giữa những người Công Giáo mà còn giữa những người Chính thống giáo và thậm chí cả những người ngoại đạo, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô là người có thẩm quyền đạo đức quan trọng nhất trên thế giới hiện nay”.
“Người dân nói rằng nếu Đức Giáo Hoàng đến Ukraine thì chiến tranh sẽ kết thúc. Họ coi cử chỉ chuyến thăm của Đức Giáo Hoàng là một trong những sứ giả của hòa bình. “
Đức Phanxicô đã chứng tỏ là không sợ hãi nếu ngài tin rằng một chuyến thăm có thể giúp mang lại hòa bình: Năm 2015, ngài đến thăm Cộng hòa Trung Phi khi đang có nội chiến và cuối năm nay, ngài dự kiến đến thăm Nam Sudan, nơi đang có một lệnh ngừng bắn được coi là mong manh nhất trong cuộc nội chiến đang diễn ra.
Source:Crux
Thánh Ca
Hát về Thánh Giuse – Sáng tác: Dấu Chân – Trình bày: Đình Trinh
Đình Trinh
02:38 18/03/2022