Ngày 16-03-2024
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chịu mục nát
Lm. Minh Anh
14:50 16/03/2024
CHỊU MỤC NÁT
“Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa Chúa Nhật tuần Thương mời gọi chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng vâng phục Chúa Cha tuyệt đối và yêu thương nhân loại đến cùng; cũng là Đấng ‘chịu mục nát’ để cứu lấy nhân loại đó như lời Ngài đã nói, “Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”.

Sự sống mới, sự sống vĩnh cửu chỉ có thể thực hiện bằng cái chết của bản thân qua sự vâng phục, đau khổ và phục vụ. Muối tạo ra vị mặn của nó bằng cách hoà tan trong nước. Một ngọn nến phát sáng bằng cách đốt bấc và sáp của nó tan chảy. Con sò tạo ra viên ngọc vô giá bằng cách biến đổi từ một hạt cát qua một quá trình lâu dài và đau đớn. Cha mẹ hy sinh bản thân để con cái có được cuộc sống tốt đẹp hơn chính họ.

Chúa Giêsu tự nhận là hạt lúa chịu thối rữa, chịu chết để có thể sinh nhiều bông hạt. Qua mọi thời, Ngài vẫn là mẫu gương tuyệt vời cho con người noi theo. Ngay từ đầu, nhờ chấp nhận chết đi khi vâng phục Chúa Cha, “Ngài trở nên nguồn ơn cứu độ vĩnh cửu cho tất cả những ai tùng phục Ngài” - bài đọc hai.

Giêrêmia, hình ảnh báo trước về Chúa Giêsu, cũng là kiểu mẫu cho những ai được gọi để ‘chịu mục nát’. Mặc bao bạo hành, bất công từ những người chống đối mình, chống lại Thiên Chúa, Giêrêmia vẫn đến với dân, nói lời Thiên Chúa cho dân - bài đọc một. Với ông, những linh hồn của dân là nguồn cảm hứng để ông gánh chịu tất cả. Giêrêmia đã làm những gì có thể để dân nhận biết Thiên Chúa là ai. Tuyệt vời thay! Nhờ ông, dân đã trở về và Thiên Chúa đã tha thứ; từ nổi giận, Ngài xót thương, “Vì hết thảy chúng, từ người nhỏ đến người lớn, sẽ biết Ta; và Ta sẽ tha thứ tội ác cho chúng!”.

Cả chúng ta, nếu đem các linh hồn về cho Chúa Kitô là một trong những niềm vui lớn nhất của mình, thì bạn và tôi cũng cần chuẩn bị để ‘chịu mục nát’ và chết đi như Giêrêmia, như Chúa Giêsu; vì lẽ, các linh hồn sẽ không bao giờ đến được với Chúa bằng giá rẻ!

Fulton Sheen từng kể chuyện một linh hồn bất tín, một thiếu nữ kiêu hãnh sa đoạ. Đó là một thách đố! Ngài mạo hiểm xin Chúa gửi đến những thập giá ngài có thể chịu để cứu lấy linh hồn tuyệt vọng này. Và vị Giám mục sớm nhận ra mình phải chịu một chuỗi thất bại đáng kinh ngạc với những vu khống và bất công ập xuống đến mức ‘sắp phải đầu hàng’. Nhưng nhờ ơn Chúa, ngài vượt qua tất cả và dâng mọi sự cho linh hồn này. Một buổi chiều Tuần Thánh, linh hồn vong thân ấy đã đến. Cô xin xưng tội và Fulton Sheen rất được ủi an khi đọc lời tha tội cho cô!

Anh Chị em,

“Nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác”. Trải nghiệm của Giêrêmia, của Fulton Sheen, của Chúa Giêsu… cho biết giá các linh hồn không hề rẻ. Linh hồn của bạn và tôi cũng không hề rẻ; nó rất đắt, đắt đến nỗi ‘Giêsu’ phải mục nát trên thập giá. Liệu bạn và tôi có sẵn sàng trả một giá tương tự để cứu linh hồn mình và các linh hồn Chúa trao? Con cái, cộng đoàn chúng ta, đặc biệt là những người tổn thương có yêu sách về tình yêu và sự quan tâm của chúng ta; nói cách khác, bạn và tôi có dám ‘chịu mục nát’ không?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, không linh hồn nào là rẻ, nhất là linh hồn con. Cho con biết thập giá đời con cũng sẽ sinh nhiều bông hạt như thập giá đời Chúa khi con dám mục nát!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:53 16/03/2024

24. Đối với bí tích Thánh Thể chúng ta nên đạt tới tình yêu và sự sùng bái cao nhất, đó là dùng sự cầu nguyện và suy tư để tôn sùng Thiên Chúa ngự trong Thánh Thể.

(Thánh nữ Osburga)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
20:59 16/03/2024
5. VỊT CÓ THỂ NÓI CHUYỆN

Triều đại nhà Đường, Lục Quy Mông ngụ tại Chấn Trạch có một chuồng vịt.

Một hôm, có một hoạn quan từ kinh thành Trường An đi công tác đến Hàng Châu, ngang qua trước cổng nhà họ Lục, lấy cung bắn con vịt trống đầu màu xanh của ông ta, cổ vịt gảy đứt đôi.

Lục Quy Mông nhìn thấy như thế thì lớn tiếng nói:

- “Ái dà, con vịt ấy biết nói tiếng người đấy, tôi định đem nó vào triều dâng cho hoàng thượng đó. Ngài bắn chết nó rồi, bây giờ chỉ có nước là đem con vịt chết này tiến cung, ngài coi có được không?”

Hoạn quan ấy cuống quýt xin bồi thường một số tiền rất lớn, sau đó hoạn quan ấy hỏi:

- “Con vịt này có thể nói gì vậy?”

Lục Quy Mông trả lời:

- “Nó thường kêu tên của mình.”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 5:

Vịt thì không thể nói tiếng người được, ngoại trừ những con vịt trong những chuyện cổ tích thần thoại, nhưng khi một người mà nói “nổ” quá thì người ta ví họ “nổ như vịt”, tức là tô màu mè quá đáng vào câu chuyện, đó là những người ba hoa chích chòe vậy.

Thời nay không ai tin loài vịt có thể nói được tiếng người, nhưng có rất nhiều người dễ tin vào “tin vịt”, tức là tin những điều không có, những điều bịa đặt, do đó mà Đức Chúa Giê-su đã nghiêm khắc cảnh cáo chúng ta rằng: “Anh em hãy coi chừng, đừng để ai lừa gạt anh em, vì sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến nói rằng: chính Ta đây là Đấng Kitô, và họ sẽ lừa gạt được nhiều người. Anh em sẽ nghe có giặc giã và tin đồn giặc giã...” (Mt 24, 4-7). Và thánh Gioan tông đồ cũng đã cảnh tỉnh chúng ta: “Anh em thân mến, anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không?” (1Ga 4, 1).

Thời nay cũng có nhiều người mang danh Ki-tô hữu nhưng tin vào thầy cúng hơn tin vào các linh mục cho nên họ đã lìa bỏ Thiên Chúa, tin vào lời của các ông bà đồng bóng hơn là tin vào Lời Chúa, cho nên cuộc sống của họ ngập tràn dị đoan bói quẻ không làm sáng danh Thiên Chúa mà lại trở thành gương mù cho người khác.

“Tin vịt” thì luôn là tin đồn tầm bậy, là tin những chuyện không có nên tâm hồn luôn lo sợ bất an, nhưng tin vào lời của Thiên Chúa và thực hành thì sẽ được sự sống đời đời và tâm hồn luôn được bình an.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Nhà Tạm
Lm Vũđình Tường
21:13 16/03/2024
Gọi là nhà tạm bởi nhà đó là nơi cư trú tạm thời, không vĩnh viễn. Một ngày nào đó cũng phải ra đi. Theo dự đoán có lẽ từ 'Nhà Tạm' có từ thời Môisen khi ông dẫn đoàn dân vượt qua samạc tiến vào vùng Đất Hứa. Trên đường đi, Thiên Chúa dậy dân chúng cách thờ phượng, trung thành với Thiên Chúa và cách xử thế với đồng loại. Hướng dẫn, chỉ bảo này được biết đến như là Mười Điều Răn Chúa truyền ghi khắc trên hai thanh đá hình chữ nhật. Chúa ban cho Môisen hai thanh đá này khi ông lên núi thánh cầu xin Chúa dậy bảo dân Ngài. Để tôn kính Lời Chúa, Môisen cho làm căn lều nhỏ gọi là nhà tạm. Trong căn lều tạm đó có một hộp nhỏ gọi là Hòm Bia Thánh, dùng vừa để tôn kính, vừa bảo toàn Lời Chúa. Ngày nay trong thánh đường nơi đặt giữ Mình Máu Thánh Đức Kitô gọi là 'Nhà Tạm'. Theo tục lệ xưa, nhà tạm có Mình Thánh luôn có đèn chầu ngày đêm. Trong thánh đường gần bên nhà tạm có ngọn đèn sáng nhỏ đó chính là nơi nhà tạm và trong nhà tạm đó có cất giữ Mình Thánh Đức Kitô.

Hành trình vào Đất Hứa dân chúng ngủ trong lều tạm, bởi họ biết ngày hôm sau họ sẽ di chuyển đến nơi mới; lều tạm lại được dựng nên, trú ngụ qua đêm, hôm sau lại tiếp tục hành trình. Lời Chúa cũng ngụ trong lều tạm và luôn di chuyển với toàn dân Chúa chọn. Điều này cho thấy những gì ta hiện có đều là tạm bợ, bao gồm cả sự sống của mỗi cá nhân. Nhà tạm trong thánh đường nhắc nhở Kitô hữu cuộc sống trần thế là tạm bợ. Trái đất này là nhà tạm của nhân loại. Một ngày nào đó nhân loại sẽ ra đi, và trái đất cũng ra đi. Mỗi lần ta vào thánh đường; hãy cung kính nhà tạm. Cảm tạ Thiên Chúa nhắc nhở mọi người cuộc sống hiện tại, trần thế là tạm bợ.

Ba môn đệ Đức Kitô khi ở trên núi thánh ngày Chúa biến hình. Các ông rất vui mừng vì khung cảnh rực sáng, thanh bình, đầy hào quang. Các ông vui mừng xin được ở lại đó và các ông cũng chỉ xin làm ba lều tạm. Không phải ba căn nhà, ba biệt thự mà là ba lều tạm, bởi các ông biết dù vinh quang rực rỡ đến mấy, rồi cũng có ngày qua đi. Quả thế, sau khi đàm đạo cùng tổ phụ, Đức Kitô nói với môn đệ xuống lúi. Tạm bợ đến nhanh hơn điều các ông tưởng. Lều là nơi tạm trú, cư ngụ tạm thời bởi các ông biết dù là cảnh thiên nhiên bao la, hùng vĩ, thanh bình, nhưng cũng chỉ là nơi tạm thời, chưa phải nơi vĩnh cửu.

Thánh Gioan 1:14 khẳng định trong chương đầu Phúc Âm của Ngài là Ngôi Lời xuống thế làm Người và ở cùng chúng ta. Thời gian Ngài ở cùng chúng ta có giới hạn bởi sau khi sống lại từ cõi chết Ngài về ngự bên hữu Chúa Cha. Đây mới là nơi vĩnh cửu; đây cũng là nơi Kitô hy vọng được cư ngụ sau khi dời khỏi nhà tạm trần gian. Cuộc Thương Khó của Đức Kitô cũng chấm dứt việc hiến tế chiên bò. Việc tạm thời hiến tế chấm dứt cách vĩnh viễn, nhường chỗ cho việc hiến tế vĩnh cửu của chính Đức Kitô. Ngài dùng chính thân hình mình làm lễ vật dâng tiến Chúa Cha. Việc dâng tiến của Đức Kitô chỉ xảy ra có một lần duy nhất và không bao giờ lập lại. Kitô hữu không còn phải sát tế chiên bò, lừa nữa mà chỉ cần lập lại những gì Đức Kitô thực hiện trong bữa Tiệc Li. Việc lập lại này do chính Đức Kitô phán dậy:

Hãy làm việc này để nhớ đến Ta.

Ngày nay Kitô hiểu đó là Bí Tích Thánh Thể. Vì thế Kitô hữu có thể đến với Đức Kitô trong nhà tạm hàng ngày. Khi về trời Đức Kitô không để cho dân Ngài 'mồ côi' nhưng ban Ngôi Ba Thiên Chúa là Thánh Thần Chúa xuống cư ngụ, chỉ bảo, hướng dẫn Kitô hữu. Điều này có nghĩa Đức Kitô còn cư ngụ trong con tim, tâm hồn Kitô hữu và như thế họ có thể đến gần Chúa đêm, ngày, bất cứ khi nào họ nhớ đến Ngài. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần trong tâm hồn Kitô hữu biến họ trở thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần.

Thời lưu hành, nhà tạm cư ngụ trong lều tạm. Trong lều tạm có khu vực dành riêng cho cộng đoàn đến kính viếng. Khu vực còn lại gọi là khu vực thánh dành riêng cho thầy tư tế, và chỉ riêng thầy tư tế được phép tiến vào khi cử hành các nghi thức phụng vụ thánh. Để phân biệt đâu là khu vực chung cho cộng đoàn và đâu là khu vực chí thánh. Một tấm màn treo ngang từ nóc lều tạm chạm đất cho biết phân biệt giữa hai khu vực. Phong tục này được thực hiện trong thánh điện đền thờ. Phúc âm thánh Matthêu 27:51 thuật lại khi Đức Kitô tắt thở, màn trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên dưới xuống. Đức Kitô tắt thở cũng là lúc màn trong nhà tạm xé hai. Việc màn trong đền thờ xé ra làm hai là dấu chỉ cho biết từ nay bức màn ngăn cách tạm thời giữa thánh điện phân cách nơi cực thánh được vĩnh viễn xé bỏ. Điều này có nghĩa toàn thể đền thờ là nơi cực thánh. Vì thế bước vào nơi cực thánh cần có thái độ kính trọng, nghiêm trang, kính cẩn dành riêng cho nơi thánh. Nơi trước kia dành riêng cho hòm bia thánh, không ai nhìn thấy. Ngày nay nhà tạm thay thế hòm bia thánh trở thành nơi mọi Kitô hữu đều có thể nhìn thấy để tôn kính. Trong thánh điện không còn phân biệt thánh hay thần thiêng, nhưng có phân biệt về trách nhiệm. Vì thế có khu vực giới hạn cho người có trách nhiệm mới được vào.



Để tránh nhà tạm khỏi bị phá hủy hay kẻ hành động bất xứng nên qui luật dành riêng cho nhà tạm khá rõ ràng. Vật dụng phải là vật dụng xứng đáng, bền bỉ. Nhà tạm cần chìa khoá để mở; phải gắn chặt xuống; không dễ dàng di dịch.

TiengChuong.org
 
Sức Mạnh Đôi Bàn Tay
Lm Vũđình Tường
21:35 16/03/2024
Tuần Thánh thường nhắc đến đôi bàn tay. Đôi bàn tay đặc biệt được nhắc đến đó là đôi bàn tay tự rửa tay cho chính mình, và đôi bàn tay rửa chân cho các môn đệ. Đôi bàn tay rửa tay cho chính mình là đôi bàn tay của quan tổng trấn Philatô. Bàn tay rửa chân cho môn đệ là đôi bàn tay của Đức Kitô. Sau ba lần thất bại tìm cách tha Đức Kitô. Philatô đầu hàng bởi, do các thượng tế xúi dục, bên ngoài pháp trường là tiếng la ó, nhộn nhạo, náo động đến gần như loạn của đám đông. Phía trong pháp trường là áp lực nặng nề của thượng tế và thủ lãnh dân chúng, những kẻ quyết tâm giết Đức Kitô. Biết không thể dùng lí lẽ tiến tới, Philatô chùn bước, sai người lấy nước cho ông rửa tay, tuyên bố:

'Ta vô can trong vụ đổ máu người này' Mat 27:24.

Câu nói vỏn vẹn trên, người đọc có thể hình dung ra ba loại bàn tay khác nhau. Đầu tiên là loại bàn tay thoái thác, trốn trách nhiệm. Thứ đến là loại bàn tay vấy máu người vô tội và cuối cùng là loại bàn tay thương xót.

Thứ nhất là bàn tay trốn tránh trách nhiệm. Đại diện nhóm này là Philatô. Ngày nay loại bàn tay này ẩn nấp sau lí luận, nhắm mắt làm ngơ, mặc ai muốn làm gì tuỳ í, miễn sao mình vô can là được. Biết người khác lạm quyền, sai luật, mình không dám đụng đến họ, bởi phải bảo vệ chén cơm manh áo, hạnh phúc gia đình; bởi phe họ mạnh hơn, tiếng nói họ to hơn, cách lí luận của họ vững hơn. Mình là kẻ cơn đơn, yếu thế, nên âm thầm can tâm chấp nhận phận nhỏ, làm ngơ cho thiên hạ mặc tình thao túng.

Thứ hai là bàn tay dính máu người khác. Gọi là dính máu, ăn phần bởi nó là những bàn tay chèn ép, đè nén, đàn áp kẻ cô thân, yêu thế, dân nghèo. Loại bàn tay này chuyên lạm quyền, lộng hành, làm những điều vượt quá trách nhiệm cho phép. Chúng bao gồm các loại bàn tay tra tấn, bàn tay nhục mạ, bàn tay tố cáo, bàn tay bày điều, bịa chuyện làm chứng gian, bàn tay giơ cao kèm theo tiếng la to: 'Đóng đanh nó vào thập giá.' Phải kể kuôn cả bàn tay hành hình, thẩm vấn, đập bàn, đe doạ. Trường hợp Đức Kitô là bàn tay cuốn và đè chặt mạo gai vào đầu Đức Kitô, bàn tay roi quất, tay tát, vả má, bàn tay giật râu, chế diễu, bàn tay cầm búa đóng đinh, bàn tay bốc thăm chia áo Đức Kitô, bàn tay cầm lưỡi đòng đâm cạnh sườn Đức Kitô. Bàn tay vấy máu không ghi rõ tên chủ bàn tay.

Thứ ba là bàn tay xoa dịu nỗi sầu khổ, bi ai. Đây là loại bàn tay, thân thương, trìu mến, bàn tay mang lại ủi an, bàn tay xoa dịu nỗi sầu, bàn tay chia sẻ niềm đau.

Có bàn tay đóng đanh, lại có bàn tay tháo đanh. Có bàn tay xỉ vả lại có bàn tay ẵm bế, vỗ về xác lạnh của con mình, đó là bàn tay của Đức Trinh Nữ. Ngoài các bà phụ nữ quí mến Đức Kitô ra; hai bàn tay trực tiếp liệm xác Đức Kitô là các ông Giuse thành Arimathia và Nicôđêmô.

(Viết đến tên người này, tôi chợt nghĩ tới hoà đồng tôn giáo, qua câu chuyện. Có bao giờ bạn nghe biết có sự hiện diện của một ni cô tham dự táng xác Đức Kitô không? Vị ni cô này thuộc hàng quí tộc, tốt lành, có danh giá, được nhiều người trọng vọng, yêu mến. Vị ni cô này mang theo 70 cân hương (nhang) dùng cho việc ướp xác. Ni cô đó chính là tay phú hộ tên Nicô, đêmô- Gioan 19:39).

Bàn tay trống rỗng.

Đức kitô rửa chân cho môn đệ, hai tay ướt nhẹp. Đôi bàn tay ướt nhẹp của Philatô là đôi bàn tay chạy tội, trốn tránh trách nhiệm. Đôi bàn tay ướt nhẹp của Đức Kitô lại là đôi bàn tay của phục vụ, của khiêm nhường, của ủi an. Ngài biết rõ sau khi Ngài nộp mình, môn đệ sẽ tan tác, lo sầu; Ngài rửa chân cho các ông, mang lại cho các ông niềm hy vọng. Đây cũng là bài học phục vụ như Đức Kitô từng tuyên bố:

'Ta không đến để được phục vụ, mà chính là dấn thân phục vụ mọi người. '

Rửa chân cho môn đệ là việc làm không xảy ra ở bất cứ xã hội nào.

Bàn tay từng thi ơn giờ thành bàn tay tật nguyền. Bàn tay chạm mắt người mù cho anh sáng mắt; bàn tay chạm lưỡi người câm cho anh nói được; bàn tay chạm vào quan tài cô bé của bà goá thành nain (Luke 7:14) và cô được sự sống mới; bàn tay giơ cao hỏi: Ai không có tội hãy ném đá chị phụ nữ ngoại tình này trước đi. Bàn tay chữa lành người què tàn tật, giúp anh đi lại bình thường. Bàn tay nhân ái đó giờ trở thành bàn tay tê liệt, bàn tay lủng, do chiếc đinh quái ác ghim chặt vào thập giá.

Bàn tay lành lặn, nắm chặt mới hy vọng cầm giữ được vật trong tay; bàn tay bị đâm thủng không thể giữ kín vật trong tay. Tay Đức Kitô không những đã bị lỗ đinh đâm thủng, mà còn do sức nặng của thân thể kéo xuống, vết thương tay bị xé toác ra. Trên tay Đức Kitô không còn gì, ngoại trừ vết máu bầm, khô sót lại. Đây chính là bàn tay trao ban tất cả, cho đi tất cả những gì Đức Kitô nắm trong tay. Ngài nắm trong tay vận mạng từng người; Ngài năm trong tay ơn sự sống trường sinh. Ngài trao ban tất cả, trao ban cho nhân loại luôn cả sự sống của chính Ngài.

Cánh tay giang rộng trên thập tự, hai bàn tay xoè ra cho thấy cả hai bàn tay không dính bén sự gì trên đời. Đức Kitô cho nhân loại hết đến độ trong tay Ngài không còn sót thứ gì; kể cả sự sống. Cho như thế là cho trọn vẹn. Trọn vẹn đến độ, trong tim không còn gì. Người lính cầm đòng đâm ngay tim, chỉ chút nước pha máu chảy ra bởi Đức Kitô vừa tắt thở, giọt máu trong tim chưa kịp đông. Bàn tay không, con tim cạn máu, là hình ảnh của cho đi đến tận cùng.

Kitô hữu chân chính đón nhận Đức Kitô không phải chỉ một phần, mà đón nhận toàn phần, tất cả những gì Đức Kitô trao ban.

TiengChuong.org
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại Lễ Acies Legiô Mariae Curia Nữ Vương Mân Côi - tổ chức tại Revesby, Sydney NSW
Khanh Lai
15:17 16/03/2024
Đại Lễ Acies Legiô Mariae Curia Nữ Vương Mân Côi - tổ chức tại Revesby, Sydney NSW

Xem hình ảnh:

Acies được tổ chức hằng năm có vị trí trung tâm của mọi hoạt động Legio Mariae. Các hội viên cần tham dự để bày tỏ sự hiệp nhất và tấm lòng tùy thuộc Mẹ Maria khi lập lời tuyên thệ trung thành dâng mình và tận hiến toàn thân cho Mẹ. “Lạy Nữ vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ” Trên đây là lời dâng mình cho Đức Mẹ được lập lại trong Đại hội Acies diễn ra vào ngày 16-3-2024. Trong ngày này toàn thể Hội Viên sẽ Dâng Mình Cho Đức Mẹ. Chương trình bắt đầu lúc 8.30am, tập trung tại sân Trường Học Revesby rước kiệu và kết thúc lúc 12.30pm.
Acies đã được tổ chức lần đầu tiên ngày 29.03.1931, tức gần mười năm sau khi Legio ra đời. Và từ đó, Acies đã trở thành lễ tiết chính của Legio. Acies, theo La ngữ, có nghĩa là một đạo binh đang xếp hàng dàn trận. Do đó trong ngày lễ này tất cả các hội viên của các Praesidia tại Sydney tập họp về, St. Luke REVESBY số 1 Beaconsfiled St, Revesby NSW 2212. lập lại lời tuyên thệ trung thành với Đức Maria, Nữ Vương của Legio, và để nhận lãnh nơi Đức Mẹ sức mạnh và phúc lành giúp chiến đấu với quyền lực tội ác trong một năm mới.

Ngày nay các anh chị em Legio Mariae nhận mình là đạo binh của Đức Mẹ, cũng xung trận bước vào cuộc chiến đấu chống lại Con Rắn xưa là Satan. (St 3:15). Vì thế, Lễ Truyền Tin như là ngày khởi đầu của Ơn cứu chuộc, là nhắc lại trận chiến muôn thuở. Trong đó, qua lời thưa “Xin vâng” của Đức Maria, Mẹ đã tận hiến dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa và cho những kế hoạch của Ngài.

Kinh khai mạc vào lúc 8giờ30 sáng tại sân trường, sau đó Cha Linh giám trình bày về ý nghĩa ngày lễ Acies là ngày lễ lớn và đầy đủ ý nghĩa nhất của Legio. Lm. Paul Văn Chi Linh Giám đã giải thích chữ Acies nghĩa là mặt trận, và các hiệu kỳ các đội mang hình quân đội La Mã xưa, hôm nay có hơn 650 hội viên quy tụ về đây tham dự, dù chúng ta có 1835 hội viên hoạt động cũng như tán trợ tất cả. Có 13 đội đã xếp hàng đôi theo đội của mình, 4 người đại diện khiêng kiệu Cung Nghinh Nữ Tướng Maria về Thánh Đường St Luke. đoàn rước theo thứ tự như sau:
Thánh Giá Nến Cao, Bình Hương.
Hiệu Kỳ Vexillum
Thừa Tác Viên Thánh Thể
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Vô Nhiễm.
Hiệu Kỳ & Đội Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo.
Hiệu Kỳ & Đội Vương Các Thánh Nam Nữ
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Truyền Tin
Hiệu Kỳ & Đội Đức Bà Là Ngôi Sao Sáng
Hiệu Kỳ & Đội Nữ Vương Truyền Giáo
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Sầu Bi
Hiệu Kỳ & Đội Đức Bà Phù Hộ Các Giáo Hữu
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Thăm Viếng
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Hiệu Kỳ & Đội Nữ Vương Hòa Bình
Hiệu Kỳ & Đội Đức Mẹ Thiên Chúa
Quý Tu Sĩ
Kiệu Nữ Tướng Maria và 2 cha Linh Giám, Lm. Paul Văn Chi, Lm. Trần Văn Trợ. Khi kiệu vào trong Thánh Đường St Luke, Revesby, kiệu Đức Mẹ được an vị bên trái Thánh Đường, MC Phạm Nhiên điều hợp chương trình lên có lời chào mừng Quý Cha Linh Giám, và đọc sơ lược qua chương trình hôm nay. Sau đó MC giới thiệu Anh Trưởng Curia Giuse Lý Ngọc Thuyên, lời chào mừng tất cả tới quý hội viên, và sau đó anh trưởng hội nói sơ qua về hội cũng như con số hội viên. Anh giới thiệu từng đội một vài vị đại diện của đội cầm cờ lên trước tượng Nữ Tướng cúi đầu và mang cờ của mình cắm vào giá đã để sẵn bên phải.
Vài lời huấn từ của Cha Linh giám Lm. Paul Văn Chi nói về hình ảnh Mẹ Maria đạp dập đầu con rắn xưa là Satan. (St 3,15). Vì thế Acies được cử hành vào Lễ Truyền Tin (25/3) như là ngày khởi đầu của Ơn cứu chuộc, là nhắc lại trận chiến muôn thuở. Trong đó, qua lời thưa “Xin vâng” của Đức Maria, Mẹ đã tận hiến dâng trọn đời mình cho Thiên Chúa và cho những kế hoạch của Ngài. Bởi thế, trong tâm tình đó, Cha Linh Giám đã gợi ý trong giờ cầu nguyện đầu giờ như sau: "Thánh Louis de Montfort nói rằng, tận hiến cho Đức Mẹ là dâng trọn đời mình cho Đức Trinh Nữ, để hoàn toàn thuộc về Chúa Giêsu qua Mẹ Maria. Tận hiến cho Đức Mẹ nghĩa là chúng ta dâng hiến cuộc đời mình, công việc, trái tim và khối óc, thân xác và linh hồn, vì mục đích thánh thiện: để Thiên Chúa được tôn vinh nơi chúng ta, nhờ chúng ta và qua chúng ta, theo gương Mẹ Maria. Theo công thức tận hiến của thánh Montfort, ngay cả những gì sở hữu, bên trong và bên ngoài, cả những nhu cầu tốt lành của chúng ta, cả quá khứ, hiện tại và tương lai, đều được phó thác và hiến dâng cho Mẹ Maria qua việc tận hiến cho Mẹ Maria, để Mẹ làm viện Tông Đồ như Mẹ muốn, vì vinh danh Thiên Chúa".

Sau đó là giờ giải lao 30 phút, cho quý ông bà lớn tuổi có thể giải khát và ăn bánh nhẹ.

Sau phần giải lao là Nghi thức dâng mình cho Đức Mẹ. Giây phút đặc biệt nhất của buổi lễ là lúc mọi thành viên xếp hàng 4, tiến về phía Đức Mẹ và đặt tay phải lên Vexillum để lập lại lời tuyên hứa dâng mình cho Đức Mẹ: “Lạy Nữ Vương là Mẹ con, toàn thân con thuộc về Mẹ và mọi sự của con là của Mẹ". Mọi người đã đọc câu Dâng Mình với tất cả ý thức và lòng biết ơn chân thành. Cha Linh Hướng dành ưu tiên cho quý ông bà đi xe lăn, già yếu lên trước, sau đó đến các đội xếp hàng theo sau. Thời gian Dâng Mình cho Nữ Tước Maria kéo dài hơn 1 giờ cho 650 hội viên Tận Hín và Dâng Mình cho Mẹ Maria…

Sau cùng là Thánh Lễ Tạ Ơn do 3 Cha Linh Giám đồng tế: Cha Linh Giám Canut Nguyễn Thái Hoạch, Cha Linh Giám Peter Trần Văn Trợ, và Cha Chủ tế Paul Văn Chi. Mọi người cùng tham dự thánh lễ để tạ ơn Mẹ và khấn cầu bình an để xin Mẹ ban bình an yêu thương để lên đường cùng Mẹ, với Mẹ, và trong Mẹ, loan truyền Tin Mừng yêu thương cho thế giới hôm nay.

Trước khi kết thúc Thánh Lễ mọi người đều cùng đọc kinh Catena. Sau khi kết thúc thánh lễ quý Cha Linh giám cùng chụp hình chung với tất cả anh chị em hội viên. Trong tâm tình tin yêu phó thác nơi Mẹ Maria, tin tưởng với niềm vui luôn dâng trào trong tâm hồn người hội viên Legio.

Khanh Lai tường trình

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Mầu nhiệm tội lỗi dưới ánh sáng cuộc khổ nạn và Phục sinh của Chúa Kitô
Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
21:51 16/03/2024
MẦU NHIỆM TỘI LỖI DƯỚI ÁNH SÁNG CUỘC KHỔ NẠN VÀ PHỤC SINH CỦA CHÚA KITÔ.

Vào tuần Thánh, Mẹ Hội Thánh dẫn đoàn tín hữu đi sâu dần vào trong mầu nhiệm tình yêu của Thiên Chúa được tỏ bày qua cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô. Thập giá Chúa Kitô vừa mạc khải tình yêu cao cả của Thiên Chúa vừa vạch rõ bản chất cũng như mức độ xấu xa của tội lỗi nhân loại. Sau Công Đồng Vaticanô II các nhà luân lý không còn nhìn tội dưới lăng kính luật lệ để phân định tội nặng nhẹ, hầu phục vụ các linh mục giải tội khi làm thẩm phán mà trái lại đào sâu mầu nhiệm tội lỗi dưới ánh sáng của ơn cứu độ. Quả thật người ta chỉ có thể hiểu được tội là gì cách đúng nghĩa nhất trong tương quan với Thiên Chúa, đặc biệt qua mầu nhiệm cứu chuộc. Mặc dù cuốn sách giáo lý Hà Lan có đôi điều phóng thoáng, tuy nhiên chương nói về tội khi khẳng định tội chỉ được cứu xét và trình bày như một điểm đối trọng với ơn cứu độ thì rất thâm thuý. Chính Đức đương kim Giáo Hoàng lúc bấy giờ, Đức Phaolô VI đã từng nhận định:“Theo tôi, chương nói về tội phải được xếp vào các chương hay nhất; ảnh hưởng của chương này rất lớn. Không có gì trong nội dung nghiêm túc của đề tài này đã bị bỏ sót. Người ta đã hoàn toàn vượt qua được thứ luân lý phá hoại của khoa giải đố lương tâm, và đã đề nghị một thông điệp dứt khoát hoàn toàn mới”(Bernard Hearing- La théologie morale – Idées maitresses –Ch. V)

VẤN NẠN THỰC TIỄN

Hàng năm cứ gần đến các đại lễ như Giáng Sinh, Phục Sinh, Kitô hữu Công Giáo chúng ta đặc biệt là Việt Nam hầu như tấp nập kéo nhau đến toà giải tội. Đây là một nét son và cũng là điều tự hào của hàng giáo phẩm, hàng giáo sĩ Việt Nam về đời sống đạo của đoàn chiên mình. Nhiều khi có vị còn lấy đó để khoe mẻ với các đấng bậc từ giáo triều khi cácNgài đến viếng thăm. Thế nhưng đời sống đức tin kiểu tranh nhau đến toà giải tội ấy phải chăng phần lớn đang dừng lại ở hình thức “đạo đức cá nhân chủ nghĩa” là hình thức mà công đồng Vaticanô II cảnh báo: “Cần phải vượt ra khỏi thứ luân lý cá nhân chủ nghĩa. Hoàn cảnh biến đổi sâu rộng và nhanh chóng đòi hỏi cấp bách đừng ai chủ trương một thứ luân lý duy cá nhân mà không lưu tâm hoặc không màng chi tới diễn biến thời cuộc. Bổn phận công bình và bác ái được chu toàn mỗi ngày một hơn là do mỗi người biết, tuỳ theo những khả năng của mình và nhu cầu của kẻ khác mà mưu ích chung, bằng cách cổ võ và trợ giúp những tổ chức công hay tư nhằm cải thiện những điều kiện sống của con người….mỗi người điều phải nhìn nhận và tôn trọng những liên đới xã hội như một trong những nghĩa vụ chính yếu của con người thời nay”(MV số 30).

Quả thực đoàn tín hữu chúng ta hầu như đa số đến toà cáo giải để lo cho phần rỗi của mình, để chu toàn bổn phận luật dạy: “xưng tội rước lễ mùa Phục Sinh”. Nền đạo đức cá nhân chủ nghĩa ấy còn phản ánh qua các thứ tội ta thường xưng như lo ra chia trí, quên đọc kinh sáng tối, bỏ lễ cả, buồn giận con cái, phá chay, không kiêng thịt….Thậm chí có nhiều người còn vương mãi sự áy náy lương tâm về những sự vặt vãnh có tính cách cá nhân ấy. Dù rằng đã được giải thích là được miễn chuẩn giữ luật tham dự lễ Chúa Nhật khi có lý do chính đáng như lỡ đường, chăm sóc bệnh nhân…hoặc bị bất lực về thể lý như bệnh tật, sinh nở…thế mà tín hữu ta vẫn cứ xưng vì không xưng thì không yên lương tâm. Với hàng tu sĩ hay với hàng giáo sĩ có thể khi xét mình xưng tội cũng dễ thường chăm chăm đến những gì luật dạy mang tính cách cá nhân như bỏ giờ kinh phụng vụ, lỗi đức vâng lời, đức khiết tịnh…còn những lĩnh vực xã hội như sự liên đới trong đức công bình và bác ái xem chừng như rất dễ bỏ qua. Một kiểu “Gạn lọc con muỗi mà nuốt chửng cả con lạc đà” (x.Mt 23,24). Đây là một hình thức sống đạo không chỉ là cá nhân chủ nghĩa mà còn vụ luật chẳng khác gì người biệt phái thời Chúa Giêsu.

MỘT CÁI NHÌN VỀ MẦU NHIỆM TỘI LỖI THEO CÁC MỐI TƯƠNG QUAN.

Trở lại vấn đề mầu nhiệm tội lỗi. Như đã nói trên, chúng ta chỉ có thể hiểu sâu hiểu đúng một cách nào đó về tội khi chiêm ngắm tình yêu Thiên Chúa qua mầu nhiệm cứu độ, đặc biệt trong cuộc Khổ Nạn Và Phục Sinh của Chúa Kitô. Chính ngày thứ Năm trong đêm Tiệc ly Chúa Giêsu đã quyết định dứt khoát là hiến mình cho nhân loại khi lập Bí tích Thánh Thể: “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con. Này là máu Thầy, máu giao ước mới và vĩnh cửu sẽ đổ ra cho các con và nhiều người được tha tội” (x.Mt 26,26-28). Với tâm tình đạo đức ta vốn quen nghĩ những lời này là cho nhân loại nói chung mà quên rằng Chúa Giêsu đang nói trực tiếp với muời hai Tông Đồ. “Này là mình Thầy sẽ bị nộp vì các con”. Không biết cả tập thể nhóm Mười Hai đang phạm lầm lỗi gì khiến Chúa Giêsu phải bị nộp. Giả như Chúa Giêsu chỉ nói Ngài sẽ bị nộp vì một trong các con thì ta có thể hiểu bởi Giuđa Iscariô đã thoả thuận bán Thầy cho các Thượng Tế với giá ba mươi đồng hôm trước đó. Đàng này, khi lập Bí tích Thánh Thể Chúa Giêsu nói “vì các con” tức là cả tập thể nhóm Mười Hai (x.Lc 22,19; 1Cr 11,23-25). Xin đừng quên khi ấy Phêrô chưa phản bội chối Thầy và mười người còn lại chỉ bỏ Thầy chạy thoát thân sau một vài giờ. Cần khẳng định với nhau điều này là Chúa Giêsu sẽ bị nộp vì cả nhóm Mười Hai đã phạm tội. Các vị đã phạm những gì? Chắc hẳn không phải bỏ Lễ Chúa Nhật. Cũng không phải vì không giữ chay hay chẳng kiêng thịt. Chúa Giêsu đã từng bênh vực các vị về khoản này (x.Mc 2,18-22). Tương tự thế, cũng không vì các Ngài lười cầu nguyện hay không giữ luật sạch nhơ. Các Ngài có nói tục chửi thề hay làm những sự chẳng nên hay không thì chúng ta không biết. Tuy nhiên Tin Mừng cho ta hay rằng tập thể nhóm Mười Hai đã phạm tội này: Lợi dụng Thầy chí thánh cho mục đích ích kỷ cá nhân là tìm kiếm vinh quang và quyền lực trần thế cho bản thân mình.

Bấy lâu nay theo Thầy Giêsu, các Ngài ôm mộng Thầy sẽ đánh đổ quân thù Rôma và tái lập vương quyền cho Israel. Khi Thầy đã làm vua thì chúng mình ắt sẽ là công hầu bá tước cao trọng. Chúng ta không lạ gì cái đề tài thường gây xích mích giữa các Ngài trong suốt ba năm theo Thầy đó là ai sẽ là quan đầu triều trong hàng nhất phẩm. Thậm chí ngay đêm nay, khi mà Thầy đang bày tỏ những lời tâm huyết như người sắp giã từ trần gian, thế mà các Ngài vẫn mãi loay hoay tranh cãi xem ai là người đứng đầu trong nhóm (x.Lc 22,24-27). Biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem huy hoàng như một vị vua, Con vua Đavit, Đấng nhân danh Chúa mà đến, trong tiếng tung hô của dân chúng chắc hẳn có sự sắp xếp nào đó của nhóm Mười Hai. Gọi các Ngài là kẻ cò mồi, những người xách động quả không oan chút nào. Tin mừng tường thuật các Ngài là những người đầu tiên lấy áo mình rải lối đi cho Chúa Giêsu (x.Mc 11,7). Các Biệt phái hình như phát giác được ý đồ này của các Tông Đồ và họ đã xin Chúa Giêsu ngăn cản các Ngài (x.Lc 19,39). Hẳn trong thâm tâm các Ngài, lần này lên Giêrusalem, vào dịp lễ lớn có đông đảo dân chúng thì đại sự ắt thành công. Lần trước Thầy từ chối vương quyền phải chăng vì hoàn cảnh chưa thuận tiện? (x.Ga 6,1-15). “Thiên thời” thì khó biết, “nhân hoà” đã có, và đây chính là thủ đô, đúng là “địa lợi” rồi. Thời cơ đã chín muồi. Phải chớp lấy ngay! Động cơ vụ lợi của các Tông đồ chính là một nguyên cớ khiến Chúa Giêsu “sẽ bị nộp”.

Chuyện Chúa Giêsu vào thành cách long trọng giữa tiếng hoan hô của dân chúng không thể nào không đến tai các Thượng Tế Do Thái thời bấy giờ. Đúng là tai hoạ sắp giáng xuống trên các ông, những người tuy lãnh đạo về tôn giáo nhưng cũng như đang lãnh đạo dân chúng về mặt đời. Người Do Thái bấy giờ vốn nhìn nhận luật tôn giáo như là luật của quốc gia. Phải dẹp cái ông Giêsu này thôi. Dân chúng theo ông ta mà làm loạn thì đế quốc Rôma sẽ đem quân đội sang trừng phạt. Và chúng mình đây, các Thượng Tế và kỳ mục thế nào cũng bị vạ lây. Nếu may ra còn tính mạng thì cái ghế “chức sắc tôn giáo” sẽ chẳng còn. Vậy “Chẳng thà một người chết đi mà toàn dân được nhờ” (Ga 12,50), nhưng đúng hơn chức vị chúng ta được ổn định và đương nhiên lợi lộc sẽ được bảo đảm.

Cái chết của Chúa Giêsu được cấu thành bởi nhiều nguyên cớ khác nhau. Người không ít lần cố tình vi phạm luật ngày hưu lễ và qua đó khẳng định rằng ngày hưu lễ được lập ra là vì con người chứ không phải ngược lại (x.Mc 2,28). Người đã xem nhẹ luật sạch nhơ kiểu hình thức bên ngoài vì cho rằng chỉ những gì bên trong xuất ra mới làm cho con người nên sạch hay ra nhơ uế (x.Mc 7,14-23). Người đã thẳng thừng vạch mặt thói đạo đức giả và sự mê lầm của các biệt phái và luật sĩ với những lời xem ra rất là chối tai “khốn cho các ngươi” (x.Mt 23,27-32). Ngài đã tự xem mình trên cả đền thờ và thậm chí cho mình ngang hàng với Thiên Chúa, có trước cả Abraham (x.Ga 8,57)…

Các lý do này có phần nào đó khiến những người lãnh đạo trong Do Thái giáo thời bấy giờ muốn giết Chúa Giêsu. Tuy nhiên dựa vào diễn tiến cuộc họp của Thượng Hội Đồng, đặc biệt qua sự kiện người ta tìm đủ cách để cáo gian Chúa thì những lý do ấy chưa đủ tính quyết định cho cái chết của Người. Thậm chí cả đến lý do cho rằng Chúa Giêsu phạm thượng khi tự cho mình là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống cũng chỉ là một trong những lý do mang tính tôn giáo hợp lý được chớp lấy ngay để che đậy nguyên nhân sâu xa là sự hám danh, tham lợi của những kẻ đang có chức có quyền bấy giờ lòng đầy sự đó kỵ ganh tương (x.Mt 27,18). Chúng ta đừng quên cái án tử hình áp đặt trên Chúa Giêsu đã được các vị ấy phán quyết trước khi xét xử. Tương tự như chuyện xét xử ở các quốc gia độc tài, phi nhân, phi dân chủ, khi án đã quyết rồi thì việc xét xử, tố tụng sau đó chỉ là chuyện hình thức không hơn không kém.

Thánh Công Đồng Vaticnô II nhận định: “Tội lối làm hư hỏng nhân loại. Thánh kinh cũng như kinh nghiệm của nhiều thời đại dạy cho gia đình nhân loại biết rằng: tiến bộ tuy là một lợi ích lớn lao của con người, nhưng cũng đem theo một cám dỗ mãnh liệt. Thực vậy, khi bậc thang giá trị bị đảo lộn, khi ác và thiện lẫn lộn, thì cá nhân cũng như tập thể chỉ xét quyền lợi của mình chứ không để ý đến quyền lợi của kẻ khác. Do đó, thế giới chưa phải là nơi có tình huynh đệ thật, và sự gia tăng quyền lực của con người lại đe doạ huỷ diệt chính nhân loại.” (MV số 37)

GẪY VỠ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI ĐẤNG TẠO THÀNH

Chúa Giêsu bị nộp, bị giết chết vì sự ích kỷ, vì danh lợi của các Tông Đồ và của những vị quyền cao chức trọng trong Do Thái giáo thời bấy giờ. Do bởi “tình yêu quy ngã” của con người mà Chúa phải chết. Tội chính là sự quy về mình, lấy mình làm trung tâm. Khi lấy mình làm trung tâm của mọi tình cảm, thái độ, hành vi thì ta đã làm rạn nứt và đứt gãy mối tương quan giữa ta với Đấng Tạo Thành, với tha nhân và với cả vũ trụ thiên nhiên.

Quy về mình, lấy mình làm trung tâm thì chúng ta sẽ cho là đúng những gì hợp với mình, cho là phải những gì có lợi cho mình. Như thế chính lợi ích của mình trở thành thước đo của lẽ phải, của công lý. Lấy chính mình làm tiêu chuẩn của điều phải trái đúng là một chước cám dỗ muôn thuở. Lỗi phạm của tổ tiên loài người khi muốn tự mình phân định điều tốt xấu là do chước cám dỗ này. Và như thế con người đã loại bỏ định hướng của Thiên Chúa, Đấng tác thành nên mọi sự. Chỉ có Chúa và ý định của Người mới là thước đo, là tiêu chuẩn của đúng sai, tốt xấu. Khi lấy mình làm tiêu chuẩn thì con người đã cắt đứt tương quan giữa mình với Thiên Chúa và khi ấy Thiên Chúa như trở thành người gây cản trở cần phải loại bỏ đi. Một vài triết gia thế kỷ ánh sáng như Nietzsche đã từng kêu gào: Thiên Chúa phải chết đi để cho con người được sống. Dĩ nhiên hàm ý là để cho con người được sống theo sự chủ quan vị kỷ của mình. Thiên Chúa theo quan niệm của những người này là như “một kẻ cạnh tranh với con người, vì thế phải loại trừ để trả lại cho con người tầm vóc đầy đủ và sự trưởng thành của nó” (Jean Marie Aubert – Abrégé de la morale catholique – 1987). Chủ nghĩa Macxit cũng hô hào loại bỏ Thiên Chúa để giải phóng con người khỏi tình trạng vong thân. Chủ nghĩa vô thần hiện sinh lại muốn phớt lờ Thiên Chúa để đề cao quyền tự do, tự quyết cách tuyệt đối của cá nhân. “Không còn gì trên trời nữa, chẳng có Sự Thiện, chẳng có Sự Ác, chẳng có kẻ ra lệnh cho tôi, vì tôi là một con người, và mỗi người phải khám phá ra đường đi nước bước của mình” (J.P.Sartre–Les Mousches). Chính khi tự tách mình ra khỏi nguồn sống thì con người đang hướng về sự chết. Sự chết là một trong những hậu quả của tội lỗi. Theo tôi, đây không phải là sự chết thể lý nhưng là một sự đánh mất chính bản thân mình. Vì ai tìm kiếm mình thì sẽ mất. (x.Mt 10,39; Lc 9,24).

GẪY VỠ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI THA NHÂN

Cũng chính vì đặt lợi ích của mình lên trên hết nên con người đã sẵn sàng lợi dụng nhau hoặc triệt hạ kẻ khác khi họ có thể làm hại cho ích lợi của mình. Tha nhân khi ấy không còn là người đồng hành thiết thân như xương bởi xương tôi, thịt bởi thịt tôi (x.St 2,23 ). Tương quan giữa người với người bị phá vỡ. Khi người khác hữu ích cho tôi thì sẽ là “vật sở hữu” của tôi, nếu ngược lại khi trở nên bất lợi hay bất tiện cho tôi thì tha nhân nếu không là lang sói thì cũng là hoả ngục (J.P.Sartre). Khi đặt lợi ích của mình, lợi ích của tập thể, đảng phái, quốc gia của mình lên trên hết thì người ta sẵn sàng thực hiện những hành vi phi nhân, đàn áp, bóc lột kể cả diệt chủng mà lịch sử, đặc biệt những thế kỷ gần đây đã cho ta thấy.

GẪY VỠ MỐI TƯƠNG QUAN VỚI GIỚI TỰ NHIÊN

Được dựng nên để làm chủ vũ trụ vạn vật này, con người được Thiên Chúa trao phó cho việc sử dụng của cải vật chất để tạo hạnh phúc cho mình và tha nhân đồng thời tôn vinh Thiên Chúa. Con người lại đặt các lợi ích trần thế này lên hàng đầu. lấy của cải vật chất làm hạnh phúc tối hậu cho bản thân, vì thế mối tương quan giữa con người và các loài thọ tạo hữu hình đã đổi ngôi, thay vì làm chủ chúng, giờ đây con người quay ra làm nô lệ cho chúng. Hình ảnh đất đai hoá ra cằn cỗi, gai góc minh chứng sự thật này (x.St 3,17-18). Vũ trụ này là cho loài người chứ không riêng gì một ai, một tập thể nào. Khi ích kỷ, lấy lợi ích của mình hay tập thể mình làm điểm quy chiếu thì con người sẽ khai thác các tài nguyên thiên nhiên cách thiếu tôn trọng môi sinh và vì thế cũng thiếu trách nhiệm với đồng loại.

ÁNH SÁNG PHỤC SINH CHIẾU SOI MẦU NHIỆM TỘI LỖI

Đức Kitô đã phục sinh. Một trong những ý nghĩa của mầu nhiệm Phục sinh là dẫn đưa con người tù cõi chết đến cõi sống, từ kiếp nô lệ đến đời tự do. Sống mầu nhiệm phục sinh là “nhờ, với và trong Đức Kitô” chúng ta hãy chết đi cho con người cũ để sống lại với con người mới. Nào chúng ta hãy xem Thánh kinh tường thuật những hiệu quả của ơn Phục sinh nơi các Tông đồ, các môn đệ và đoàn tín hữu thuở ban đầu.

Nỗi sợ hãi dần biến mất: Càng tiếp xúc với Chúa Phục sinh các Tông đồ, các môn đệ càng bớt dần bao nỗi sợ hãi. Không phải chỉ vì các Ngài đang được một Đấng đầy uy quyền bảo đãm an ninh mà trước hết giờ đây các Ngài không còn phải lo mất địa vị, hay chức quyền trần thế vốn xưa nay hằng khao khát. Mộng ước có được một chức quan, một chiếc ghế trong vương quyền mới của Israel nơi các Tông đồ, các môn đệ nay đã dần bị loại bỏ. “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ giải phóng Israel” (Lc 24,21). Không còn hoặc bớt đi sự quan tâm đến ích lợi cá nhân thì nỗi sợ hãi cũng không còn hoặc bớt dần đi.

Trong khi đó các Thượng Tế thì mãi canh cánh lo âu vì cái tin phục sinh của Đức Kitô do những linh canh trình báo. Chính vì sợ mất chức, mất cái ghế trong tôn giáo nên họ đã sẵn sàng đút lót tiền cho binh lính để phao tin thất thiệt. Chúa đã phục sinh vinh quang nhưng cuộc chiến vẫn còn đó. Thần Dữ vẫn tiếp tục dùng những người hám chức hám lợi để xuyên tạc sự thật, nhất là khi phương tiện thông tin lại ở trong tay những kẻ có quyền mà hám danh lợi thì sự tác hại vẫn còn đó với nhiều hậu quả khó khắc phục ngày một ngày hai chẳng hạn tin đồn các môn đệ đến lấy trộm xác Đức Giêsu (x.Mt 28,11-15).

Sự tranh chấp nội bộ về quyền bính: Một chủ đề vốn đã từng gây tranh luận giữa các Tông Đồ gần như cơm bữa trước đây thì nay dường như không còn hoặc ít thấy xuất hiện. Các Ngài quan tâm đến nhau hơn như khi Phêrô và Gioan bị bắt giam trong ngục họ đã chân thành cầu nguyện và hết lòng ca tụng Chúa khi thấy hai ông được thả về (x.Cvtđ 4,1-31). Ngay cả với trường hợp Phaolô, người trước kia đã từng bắt bớ tín hữu Chúa, nay trở lại cũng được các Ngài đón tiếp chân thành sau khi được Banaba đứng ra bảo lãnh (x.Cvtđ 9,26-30).

Sự ích kỷ cá nhân bị loại bỏ: “ Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng…Tất cả tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu” (Cvtđ 2,42-45). Đây là những dòng Thánh Kinh “vàng” tường thuật thời kỳ thật lý tưởng của Hội Thánh sơ khai trong ân sủng của Chúa phục sinh.

“Nếu Thiên Chúa không cho ta biết tội bằng cách giúp ta nhận ra ân sủng thì hoặc ta sẽ bị đẩy tới chổ phủ nhận mình không có tội, hoặc ta sẽ rơi vào tuyệt vọng” (Karl Rahner). Chính ân sủng và lòng thương xót của Thiên Chúa, đặc biệt qua mầu nhiệm khổ nạn và phục sinh của Đức Kitô cho chúng ta cái nhìn đích thực về bản chất của tội. Tội chính là sự “quy về mình” và nó được thúc đẩy bằng quyền lợi thế trần mà con người nỗ lực kiếm tìm. Thực ra con người tìm kiếm chính mình qua những điều thiện hảo hữu hình truớc mắt.

Ân sủng của Thiên Chúa qua mầu nhiệm cứu độ không chỉ đưa con người trở lại vị thế ban đầu thưở tạo dựng mà còn nâng con người lên một tầm cao giá trị mới. Phụng Vụ Thánh Lễ Vọng Phục Sinh, đặc biệt các bài đọc Lời Chúa khẳng định với ta chân lý này. Được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, con người phải là hữu thể hịên hữu với, hiện hữu cùng và hiện hữu cho, nghĩa là trong các mối tương quan hài hoà, hợp lý và phải đạo với Thiên Chúa, với tha nhân và với các loài thọ tạo khác.

Con ngưòi phải hiện hữu trước Thiên Chúa như là tạo vật trước Đấng Tạo Hoá nghĩa là trong tâm tình thần phục. Đức thờ phượng nhắc bảo chúng ta rằng mọi sự chúng ta là, chúng ta có đều do bởi Thiên Chúa. Vì là do bởi Thiên Chúa nên chúng ta phải sống và hoạt động theo thánh ý của Người, đồng thời sẵn sàng trao dâng lại cho Thiên Chúa tất cả như Abraham hiến dâng chính người con một của mình cho Giavê. Khi đến thế gian, Đức Kitô đã thực hiện hành vi cao cả này khi nhìn nhận mọi sự của Người là của Chúa Cha và bởi Chúa Chúa Cha. Lương thực của Người là làm theo ý Đấng đã sai Người (x.Ga 4,34). Và trên Thập giá Người đã trao lại cho Chúa Cha những gì Người đã lãnh nhận khi vào trần gian. “Lạy Cha, Con phó dâng linh hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Đến thế gian, Đức Kitô đã giải thoát chúng ta ra khỏi chước cám dỗ xem tha nhân như là công cụ, như là vật sở hữu hay như kẻ thù. Qua cái chết và sự phục sinh vinh thăng, Người dẫn đưa chúng ta vào một thế giới mà ở đó không còn là nô lệ hay tự do, không còn là Do Thái hay Hy lạp mà tất cả đều là anh em cùng một Cha trên trời, Đấng cho mưa rơi đều trên người công chính lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời mọc lên soi người lành lẫn kẻ tội lỗi (x.Mt 5,43-48). Giữa người với người giờ đây chỉ còn một lề luật mới là anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu thương anh em. Và thái độ yêu thương là “không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,28). Với dấu chỉ tình yêu này chúng ta mới thực sự là người bạn, người môn đệ, người anh em của Chúa Kitô.

Đến thế gian, Chúa Kitô đã phục hồi phẩm giá và vị trí của con người trên các thực tại trần thế. Không nguyên chỉ của cải vật chất mà cả những thể chế luật lệ thậm chí cả những luật lệ tôn giáo cũng đều phải phục vụ con người. Không phải con người được dựng nên là vì ngày sabat mà ngày sabat được lập ra là vì con người. Con người phải làm chủ cả ngày sabat. Con người phạm tội là khi đặt các thực tại ấy lên làm chủ của mình, làm chúa của mình. Chúa Giêsu đã từng khẳng định: “ Không được làm tôi hai chủ” (x.Mt 6,24; Lc 16,13 ).

Thiên Chúa chúng ta tôn thờ là một cộng đoàn tình yêu huớng tha. Chúa Cha sinh ra Chúa Con, yêu thương và trao ban tất cả cho Chúa Con. Chúa Con trao dâng lại tất cả cho Chúa Cha trong sự vâng phục và tình yêu mến. Tình yêu bản vị sống động giữa hai Ngôi cực thánh chính là Chúa Thánh Thần. Theo Đức Bênêđictô XVI, tình yêu như là một cuộc hành trình, môt cuộc xuất hành ra khỏi cái tôi đóng kín hướng vào bên trong để vươn tới tự do qua việc cho đi chính mình (x.TĐ.Thiên Chúa Là Tình Yêu số 6). Loài người được dựng nên giống hình ảnh và là hoạ ảnh của Thiên Chúa. Giáo Lý Công Giáo trình bày: “Đức Kitô,…chính khi mặc khải về mầu nhiệm Chúa Cha về tình yêu của Người, đã biểu lộ cho con người cách rất đầy đủ về chính họ và cho họ thấy ơn gọi rất cao cả của họ” (x. GS 22,1). Trong Đức Kitô “Thánh Tử là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15) (x. 2Cr 4,4), con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Đấng tạo hóa. Trong Đức Kitô. Đấng Cứu Chuộc và Cứu Độ, hình ảnh thần linh, đã bị biến dạng nơi con người vì nguyên tội, nay được phục hồi trong vẻ đẹp nguyên thủy của nó và còn được nên cao trọng nhờ ân sủng của Thiên Chúa (x. GS, 2) (Số 1701).Thay vì phải sống phản ánh tình yêu hướng tha thì con người lại chọn con đường hướng về bản thân. Như thế tội lỗi là tình trạng quy ngã của con người. Khi chọn lấy mình làm trung tâm con người đã phá đổ trật tự các mối tương quan, với Thiên Chúa, với bản thân, với tha nhân và với vũ trụ thiên nhiên.

Qua cái chết khổ giá và sự phục sinh vinh thăng, Chúa Kitô đã trao ban cho nhân loại hồng ân Thánh Thần. Thánh Thần Thiên chúa sẽ làm cho con tim chai đá của ta hoá ra thịt mềm (x. Ed.36,26 ), sẽ khai sáng tâm trí chúng ta nhận biết vị thế của mình trong các tương quan hài hoà của thưở ban đầu. “Anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,23-24).

MỘT CÁI NHÌN VỀ NGUYÊN TỘI

Ngày nay, đặc biệt sau Công đồng Vatican II, nhiều thần học gia đã không còn nhìn nguyên tội như là một sự vấp ngã của một con người, con người đầu tiên. Ngay cả đối với các Kitô hữu có óc phê bình nhận định thì một hành vi của một con người sơ khai thì thật rất khó có thể có tính “quy trách” nặng nề như tội nguyên tổ theo lối trình bày trước đây. Để phạm một tội “nặng” thì phải làm một điều lỗi nặng, trái với luật của Thiên Chúa trong sự hiểu biết hoàn toàn và có tự do đầy đủ. Giả như ngưòi đầu tiên đã làm một điều lỗi nặng nhưng để hội đủ hai yếu tố là tự do hoàn toàn và hiểu biết đầy đủ thì quả thật rất khó hiện thực trong cái hoàn cảnh chưa đáng gọi là “cổ đại” ấy. “ Chúng ta không được quan niệm tội thụ sinh hay tình trạng tội bẩm sinh như một thứ vết nhơ hay như một dấu vết di truyền qua đương sinh sản” (Xavier Thévenot – Les péchés, que peut-on dire?).

Quả thật quan niệm xưa cho rằng Thiên Chúa phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội của cha ông đã bị phê phán bởi các Ngôn Sứ (x.Xh 20,5). Ngôn sứ Edêkiel đã nói rõ ràng con cái sẽ không phải bị ê răng vì cha chúng ăn nho xanh (x.Ed 18,2-4). Trong câu chuyện người mù mà Tin Mừng Gioan tường thuật, Chúa Giêsu đã khẳng định rằng không phải do tội của cha mẹ anh ta mà anh ta bị mù (x.Ga 9,1-40 ). Chuyện do sự vấp ngã của một người tiên khởi mà cả nhân loại phải hứng chịu án phạt đời đời xem chừng không mấy thuyết phục với nhân loại hôm nay mặc dù đã từng một thời gian rất dài đã là một nội hàm đức tin của Kitô hữu. Vì thế, các thần học gia cảm thấy rất hứng thú quay về lại với một kiểu nói của Kinh Thánh, đó là tội thế gian.“Tội thế gian” là một biểu hiện của tính ích kỷ. Trong tin Mừng Gioan ta còn gặp thấy một cách biểu hiện còn tệ hơn nữa của tội thế gian nơi giai cấp tư tế cai trị dân. Đó là sử dụng tôn giáo một cách sai lệch vì ham hố quyền hành và lợi lộc cá nhân. ”( Bernhard Haering ). “Tội của thế gian là tội của những kẻ lạm dụng sức mạnh của mình để tạo một thế đứng thuận lợi cho mình trên những đổ vỡ, đàn áp và khai thác kẻ yếu” (Théodule Rey-Mermet – Croire IV).

Nhiều thần học gia ngày nay có thiên hướng nhìn nguyên tội như là tình trạng “ô nhiễm môi sinh”. Mỗi hành vi tội lối của con người được ví như “mỗi hạt bụi” khiến môi trường sống của con người xét về mặt tâm linh đã dần bớt trong lành. Môi sinh đã ô nhiễm thì thế nào cũng ảnh hưởng xấu đến sự chuyển động của “âm thanh”. Và cách nào đó “tiếng nói của Thiên Chúa nơi tận đáy lòng con người (tiếng lương tâm) ít nhiều bị ảnh hưởng. Cha Karl Rahner quan niệm tội nguyên tổ như một “tình trạng độc hại” của thế giới mà trong đó chúng ta được sinh ra và phải gánh lấy nó. Tình trạng độc hại ấy phát xuất từ đâu, nó tồn tại như thế nào và hiện nay sau công cuộc cứu độ của Đức Kitô thì nó như thế nào?

Chắc hẳn ta không thể quá khích chủ trương loại bỏ những hình ảnh truyền thống trong các trang Thánh Kinh đầu tiên trong việc dạy giáo lý cho các bé thơ, các em thiếu nhi. Mỗi độ tuổi cần có một lối sư phạm thích hợp. Chúng ta vốn nhìn nhận vai trò tích cực của thể văn huyền thoại trong việc giáo dục trẻ thơ. Những hình ảnh như “Rồng- Tiên”, “Ađam-Evà” hay “Ong già Noel” luôn còn đó tính giáo dục. Tuy nhiên khi đã trưởng thành chúng ta cần biết đón nhận chân lý cách ý thức, tự giác và có trách nhiệm.

Cám ơn Mẹ Hội Thánh hiện nay đã không còn hướng dẫn đoàn chiên chỉ bằng các mệnh lệnh, các tín điều, các luật lệ kiểu cách một chiều như trên phán thì dưới phải răm rắp nghe, trên đã dạy thì dưới phải nhất bề tuân giữ. Gần đây, vào những tháng cuối đời, thánh Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II đã mời gọi con cái Chúa nỗ lực đào sâu và tìm hiểu mầu nhiệm tội nguyên tổ sau khi nhìn nhận sự sai lầm trong giáo lý về “lâm bô” ( nơi dành cho các trẻ thơ đã qua đời mà chưa lãnh nhận Bí Tích Thánh tẩy). Tinh thần Công đồng Vaticanô II luôn còn đó : “Vậy trước hết, chúng ta cần cổ võ ngay trong lòng Hội Thánh sự quý mến, tôn trọng và hoà thuận lẫn nhau bằng sự chấp nhận mọi dị biệt chính đáng để luôn luôn có thể đối thoại hữu hiệu giữa những phần tử của một dân Chúa duy nhất, dù là chủ chăn hay các Kitô hữu khác. Thật vậy, những gì liên kết giữa các Kitô hữu còn mạnh hơn những gì chia rẽ : hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự” ( MV số 92 ).

Công trình sáng tạo của Thiên Chúa vẫn đang tiến triển. Chúa đã tạo dựng vũ trụ vạn vật, nhưng công cuộc sáng tạo chưa hoàn tất. Với cái nhìn của cha Pierre Teilhard de Chardin thì vũ trụ vạn vật này đang tiến dần đến chổ viên mãn, hoàn hảo. Đỉnh cao và mức hoàn hảo mà các tạo vật, đặc biệt con người phải tiến tới đó là Đức Kitô. Ngài chính là Trưởng Tử giữa các loài thụ sinh (x.Dt 1,6), là khuôn mẫu của mọi loài thụ tạo.

Được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa, cao cả nhất trong các loài thụ tạo hữu hình, nhưng con người cũng chịu sự chi phối bởi các quy luật tự nhiên mà Thiên Chúa đặt định cho các loài. Con người, xét như là một sinh vật thì vẫn chịu ảnh hưởng bởi sức mạnh của các bản năng. Hai bản năng nền tảng chi phối hoạt động các loài đó là sinh – tồn. Phải sống và tồn tại (lưu truyền sự sống) như là những nhu cầu có tính thúc bách tự nhiên của sinh vật. Để phục vụ cho những nhu cầu căn bản này thì có các bản năng hỗ trợ đó là bản năng hợp đoàn và bản năng thống trị. Để tồn tại và phát triển thì các loài có nhu cầu thúc bách liên hợp với nhau thành đoàn. Ngay cả với loài không có sự sống (duới sinh vật) cũng có hình thức này. Sự tồn tại của các mỏ, quặng cho ta thấy điều này. Những cái gì có điểm chung thường quần tụ với nhau cách nào đó để tồn tại. Với con người thì đây là tính xã hội. Khi đã quần tụ với nhau thì xuất hiện sự cạnh tranh. Trong giới tự nhiên ta thấy có quy luật đấu tranh sinh tồn. Và trong xã hội con người thì việc dành phần hơn để sống, để tồn tại luôn có đó. Để cạnh tranh sinh tồn thì các loài sinh vật như cây cỏ thì dường như tự thân vận động vươn lên để chiếm hữu điều kiện sống như cây cối vươn lên để lấy ánh sáng mặt trời. Với loài động vật thì xem chừng không chỉ tự thân vươn lên hơn đồng loại mà có khi còn tìm cách triệt hạ đối thủ để giữ thế thượng phong hay vị trí độc tôn, độc quyền trong bầy đoàn. Để thực hiện điều này, giới động vật thường sử dụng sức mạnh của mình một cách theo bản năng là như không cưỡng lại được. Với con người thì sự đấu tranh sinh tồn được nâng cao hơn, tinh vi hơn không chỉ bằng sức mạnh mà còn bằng cả những thủ thuật, luật lệ hay thể chế.

Thiên Chúa tặng ban cho con người phần cao quý là linh hồn mà hai cơ năng của nó là trí khôn và ý chí tự do. Chúa cho con người lý trí để nhận biết trật tự đúng và sự tự do để không chỉ ước ao mà còn nỗ lực thực hiện trật tự ấy. Chính khi nhận biết và thực hiện trật tự đúng ấy thì con người sẽ có bình an và hạnh phúc. Đã là người thì tự trong thâm tâm có sự nhìn nhận điều gì phải sự gì trái, cái gì nên làm và điều phải tránh. Thánh Phaolô tông đồ khẳng định với ta điều này qua thư Rôma: “Họ cho thấy là điều gì Luật đòi hỏi, thì đã được ghi khắc trong lòng họ. Lương tâm họ cũng chứng thực điều đó, vì họ tự phán đoán trong lòng, khi thì cho mình là trái, khi thì cho mình là phải” (Rm 2,15). Thế nhưng con người đã sử dụng những ân ban ấy để phục vụ cho lợi ích bản thân cách ích kỷ cá nhân hay ích kỷ tập thể một cách trái với sự nhận biết của lý trí đúng. Thánh Phaolô cũng cảm nghiệm điều này nơi chính bản thân Ngài: “Điều tôi muốn thì tôi không làm, nhưng điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (x.Rm 14,14-24).

Sự vị kỷ do những nhu cầu, lợi ích cá nhân một cách nào đó thúc bách con người làm ngược lại những gì mình nhận biết. Đây chính là một sức mạnh lôi kéo con người đi lệch con đường Thiên Chúa đã vạch ra. Chính những sự thiện hảo đời này một cách nào đó đã lôi kéo con người và giam hãm con người trong cái tôi ích kỷ. Đặc biệt khi tình trạng này lại mang tính tập thể thì con người khó mà thoát ra được. Ai ai cũng thế thì tôi cũng vậy. Ai cũng làm vậy thì tôi phải làm như thế thôi. Bầu không khí vụ lợi có tính tập thể này chính là sự dữ, là tội thế gian. Thoạt sinh ra tôi đã ở trong tội. “Vậy thì sao? Người Do Thái chúng tôi có hơn gì người khác không? Không hơn gì cả! Quả thế, chúng ta đã chứng minh rằng mọi người, Do Thái cũng như Hy Lạp, đều bị tội lỗi thống trị. Như có lời chép rằng: Không ai là người công chính, dẫu một nguời cũng không; chẳng ai có lương tri, chẳng ai tìm kiếm Thiên Chúa. Người nguời đã lìa xa chính lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi; chẳng có một ai làm điều thiện, dẫu một người cũng không. Cửa họng chúng như nấm mồ mở rộng, khéo đẩy đưa ba tấc lưỡi phỉnh phờ. Chúng chứa đầy mồm nọc độc hổ mang, miệng độc dữ điêu ngoa những buông lời nguyền rủa. Chúng nhanh chân đi đổ máu người ta, đi tới đâu cũng gieo tai rắc hoạ. Chúng chẳng biết con đường đưa tới bình an, chẳng thấy cần phải kính sợ Thiên Chúa” (Rm 3,9-18).

Cái gì chưa hoàn thành dẫu có tốt đẹp nhưng vẫn còn đó mặt hạn chế. Công trình tạo dựng từ khởi thuỷ cho đến truớc khi Ngôi Lời nhập thể vì thế vẫn có mặt tồn tại. Mặt tồn tại ở đây là tuy tốt đẹp nhưng chưa hoàn hảo. Theo thần học thì vạn vật được sáng tạo theo khuôn mẫu của Ngôi Lời. Cái hình ảnh dù có trung thực mấy đi nữa thì vẫn còn phiến diện vì không phản ánh đầy đủ đối tượng được phản ánh. Phải chăng nói như vậy là xoá bỏ trách nhiệm của con người “tiền Kitô”. Không, tính quy trách vẫn có đó ngay trong sự tự do của con người. Tuy nhiên mức độ quy trách như thế nào thì chỉ mình Chúa thẩm định. Ai đã được trao ban nhiều thì sẽ bị đòi hỏi nhiều hơn và ngược lại (x.Lc 12,47-48). Chính cái tình trạng còn tồn tại này cộng thêm quyết định tự do của con người nghiêng chiều theo ích kỷ cá nhân đã làm cho môi sinh nhân loại ra u ám. Con người dường như thấy bất lực trước một sức mạnh kìm giữ mình không cho mình vươn lên. Theo tôi đây chính là tội thế gian mà bất cứ ai thoạt sinh ra đều vương phải. “Ngày nay, nhiều nhà thần học gọi tội thọ sinh (tội nguyên tổ ) là tình trạng bất lực căn bản của hết mọi người khi sinh ra, bất lực để định hướng cuộc đời mình bằng cách có một sự lựa chọn căn bản phù hợp với kế hoạch của Thiên Chúa. Tình trạng bất lực “có tính cơ cấu” này phát sinh do con người không bao giờ sống cô độc một mình” (Xavier Thévenot ).

CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ CỦA THIÊN CHÚA TRONG ĐỨC KITÔ LÀM CHO CON NGƯỜI NÊN HOÀN HẢO.

Cách trình bày truyền thống về mầu nhiệm cứu độ thường sử dụng các khái niệm mất và chuộc lại. Chuộc lại thì phải đền bù, như thế có vẻ đượm tính “nhân loại”. Lời ca tụng của chúng ta không thêm gì cho vinh quang của Thiên Chúa và sự băng hoại của chúng ta cũng chẳng thể làm cho vinh quang của Người bị lu mờ hay giảm sút. Khái niệm đền bù, chuộc tội tuy có phần đóng góp không nhỏ trong việc diễn tả mầu nhiệm cứu độ của Đức Kitô, vừa nói lên tính cần thiết của ân sủng vừa cho ta thấy mức độ khôn luờng của tình yêu cứu độ. Thế nhưng khái niệm ấy còn mang dáng dấp nhân loại tính, phát xuất từ những án hình trần thế. Và vì thế nó dễ bị cám dỗ trình bày một Thiên Chúa “thích báo thù”. Ngươi đã phạm đến Ta thì phải đền trả cân xứng. Có gì quý hơn sự sống. Sự sống lại được biểu lộ nơi máu huyết. Vì thế việc dùng máu huyết để làm nguôi cơn giận của các thần minh thật phổ biến nơi nhiều tôn giáo, kể cả Do Thái giáo. Các ngôn sứ đã nói thay Giavê: Ta chán ngấy máu dê bò các ngươi dâng tiến rồi. Hãy trở về, thay đổi đời sống đi. Hãy có tấm lòng nhân với người bất hạnh, kẻ cô thế cô thân (x.Is 1,11).

Đã từ rất lâu, chúng ta vốn quen nhìn công trình cứu độ như một sự tái tạo. Hiểu như thế ta vô tình nhìn công cuộc sáng tạo như đã hoàn tất. Cuộc tạo thành đã xong nhưng đã bị hư hỏng nay phải làm lại. Khái niệm làm lại, sửa lại mà tốt hơn xưa, đẹp hơn xưa thì cũng thật khó hình dung nếu như không đẩy đưa chúng lên hàng mầu nhiệm tức là phải nhận “dù trí khôn không hiểu biết sự gì”. Ân sủng không loại bỏ tự nhiên. Mầu nhiệm dù là siêu lý, vượt quá tầm suy của lý trí nhưng không vô lý. Công trình cứu độ là một khâu ở trong tiến trình sáng tạo. Ngôi Lời Nhập thể chính là đỉnh cao của cuộc tạo thành. Khi vào trần gian, Ngôi Lời đã trở nên một thụ tạo hoàn hảo và đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ cho mọi người (x.Dt 5,8-10 ).

Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI trong bài giảng Thánh Lễ dêm Vọng Phục sinh năm 2006 đã trình bày: “Một nhà thần học người Đức có lần đã nói cách châm biếm rằng phép lạ của một thân xác được hồi sinh – nếu điều này thực sự đã xảy ra, và nhà thần học này đã không tin là đã thật sự xảy ra như thế! – cuối cùng cũng không có gì quan trọng cả, bởi vì không có gì liên hệ với chúng ta. Thật ra, nếu chỉ một con người nào đó được hồi sinh, rồi thôi không còn ai khác nữa, thì sự việc này có liên quan gì đến chúng ta? Nhưng sự phục sinh của của Kitô, quả thật là một cái gì trổi vượt hơn, là một điều khác xa. Sự Phục Sinh của Chúa Kitô - nếu chúng ta có thể sử dụng ngôn ngữ của lý thuyết về sự tiến hoá – là một sự “biến đổi” to lớn nhất, là một cái “nhảy vọt” một cách tuyệt đối đến chiều kích hết sức mới mẻ, đến độ trong suốt lịch sử của sự sống và lịch sử của những phát triển của nó, đã không bao giờ xảy ra: một cái “nhảy vọt” trong trật tự hoàn toàn mới mẻ, có liên quan đến chúng ta và liên quan đến toàn thể lich sử”.

Đức Kitô chính là khuôn mẫu cho nhân loại tiến tới để sống đúng phận của mình như khi được tạo thành. Ngài đã làm gương cho chúng ta khi nhìn nhận những gì Người là, Người có, đều bởi Chúa Cha. Người ý thức lương thực của Người là làm theo ý Cha, tức là để sống, sống dồi dào thì ta phải đi trong đường lối của Thiên Chúa. Người khẳng định rằng Người đến thế gian không phải để được hầu hạ nhưng để hầu hạ người ta và yêu tha nhân đến chổ hiến dâng mạng sống mình (x.Mc 10,45). Người sống và mời gọi chúng ta sống không chỉ là đừng làm cho tha nhân những gì mình không muốn, không thích nhưng phải nỗ lực thực hiện cho tha nhân những gì mình muốn tha nhân làm cho mình (x.Lc 6,31). Cuộc sống, lời giảng dạy của Người, đặc biệt cuộc tử nạn và phục sinh của Người trình bày cho ta một cách thế hiện hữu hoàn hảo trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với các tạo vật khác. Để được hạnh phúc thật, con người phải thay đổi lối sống, cách thế hiện hữu. Đây chính là nội hàm sự tái sinh mà Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô (x.Ga 3,1-22).

Đức Thánh Cha Bênêđictô khẳng định: “Biến cố Chúa Phục Sinh là một “bước nhảy vọt” về phẩm chất trong lịch sử “tiến hoá”, là bước nhảy vọt của sự sống nói chung, tiến đến sự sống mới trong tương lai, tiến đến một thế giới mới; thế giới mới này khởi sự từ Chúa Kitô, đã bắt đầu thấm nhập liên lỉ vào trong thế giới chúng ta đang sống, biến đổi thế giới này và lôi kéo thế giới này đến với thế giới mới”. Khi được tái sinh trong Chúa Kitô, mỗi người chúng ta được tháp nhập vào sự sống mới của Đức Kitô Phục Sinh. Cái tôi của con người cũ, cái tôi vốn nghiêng chiều hướng quy ngã được biến đổi. Cái tôi của con người mới được tái sinh là cái tôi “được bẻ ra, được mở ra, nhờ qua việc được tháp nhập vào trong chủ thể khác, trong đó “tôi” có được sự hiện hữu mới”.

Công trình cứu độ đã làm cho nhân loại được hơn xưa ở các điểm này: Xưa trí khôn con người mãi tự loay hoay kiếm tìm chân lý qua trật tự vũ trụ vạn vật, qua tiếng vọng của lương tri, qua các nhà hiền triết và nhiều sứ giả của Thiên Chúa nhưng vẫn còn bị giới hạn và nhiều thiếu sót. Nay, nhân loại có được chân lý vẹn toàn nơi những lời giáo huấn và đặc biệt nơi cuộc đời, cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Kitô. Xưa nhân loại bị liên đới với một thế giới bị vẩn đục bởi lòng ích kỷ tham lam thì nay thế giới này đã được giải phóng nhờ ân dược của mầu nhiệm cứu độ là Thánh Thần, một Hồng Ân - Ngôi Vị. “Nếu Đức Kitô ở trong anh em, thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác anh em được sự sống mới” (Rm 8,10-11).

Từ nay, nhân loại không còn đơn phương tìm kiếm sự thật để được giải thoát nhưng luôn có Đấng là Thần Chân Lý đồng hành cho đến tận cùng lịch sử, ngày Đức Kitô lại đến trong vinh quang. Thánh Thần chính là Tình Yêu – Bản vị hướng tha giữa Chúa Cha và Chúa Con. Thành Thần không chỉ soi sáng cho chúng ta nhận biết chân lý tức là nhận biết vị thế hiện hữu của chúng ta trong các mối tương quan mà còn làm cho con tim của nhân loại chúng ta biết mở ra như Trái Tim của Đấng bị đâm thâu trên thập giá. Thánh Thần, hồng ân của mầu nhiệm Tử Nạn - Phục Sinh là nguồn ân sủng duyên dáng (charis) có sức hấp dẫn, lôi cuốn chúng ta ra khỏi cái tôi vị kỷ mê lầm. Chính khi chúng ta bị quyến rủ đem tất cả những gì bên trong ra mà phân phát thì mọi sự sẽ nên trong sạch cho chúng ta (x.Lc 11,41).

Là người, không ai nắm trọn vẹn chân lý. Chân lý là điều ta chỉ có thể tiếp cận trong kiếp nhân sinh này. Những dòng suy tư trên cũng chỉ là một nỗ lực nhỏ trong việc tiếp cận chân lý. Mặc dù có thể vẫn có đó nhiều phiếm diện, khiếm khuyết, tuy nhiên theo sự hướng dẫn của Mẹ Hội Thánh như đã nói ở trên “hiệp nhất trong những gì chính yếu, tự do trong những gì nghi ngờ, bác ái trong hết mọi sự”, xin mạo muội trình bày một cái nhìn về mầu nhiệm tội lỗi. Tội lỗi là một mầu nhiệm rất hiện sinh với tâm thức Kitô hữu dù rằng đã và đang có đó chước cám dỗ đánh mất tâm thức này (Đức Phaolô VI).

Là con cái Chúa ai lại không mong được thứ tha tội lỗi. Chúng ta sẽ dễ nhận được ơn tha thứ hơn khi chúng ta nhận rõ cách nào đó chân dung của sự tội. Nhân loại chúng ta đã liên đới với nhau trong sự tội. Nay loài người đã được giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi nhờ công cuộc cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Kitô. Mong sao chúng ta, đoàn con cái Chúa biết tích cực liên đới với nhau, với đồng loại, với vũ hoàn này trong đời sống ân sủng, nghĩa là tích cực dấn thân làm cho môi sinh này nên trong sạch và ấm nồng tình yêu vị tha như lời dạy của Đức Giáo Hoàng Phanxicô (TĐ Laudato si). Dấn thân làm lành mạnh hoá các cơ cấu tổ chức, các thể chế luật lệ là một trong những nghĩa vụ chính yếu của chúng ta, những người đã được tái sinh bằng Thánh Thần. Không ai lên trời một mình. Chỉ loay hoay lo cứu rỗi linh hồn của riêng mình thì vô tình ta tự giam mình trong chế độ nô lệ trước đây. Ước gì nội hàm lời kinh mà Chúa Giêsu truyền dạy: “Lạy Cha chúng con ở trên trời...” mãi là kim chỉ nam không chỉ cho các Kitô hữu mà còn cho tất cả những ai thành tâm thiện chí muốn tìm về nguồn “Chân – Thiện – Mỹ”.

Ban Mê Thuột
 
Church Documents
Thu Trinh 17/3/2024
VietCatholic Media
20:34 16/03/2024
1. Ihnat bị cách chức khỏi chức vụ phát ngôn viên của Không quân Ukraine

Phát ngôn nhân Lực lượng Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine, ông Yurii Ihnat, đã bị cách chức và chuyển sang vị trí khác.

Tư lệnh Không quân Mykola Oleshchuk đã thông báo điều này trên Telegram, theo Ukrinform. Quyết định này có hiệu lực từ ngày Chúa Nhật 17 Tháng Ba.

Oleshchuk không đưa ra bất kỳ lý do nào cho quyết định nhân sự. Ông bày tỏ lòng biết ơn tới Đại tá Yurii Ihnat vì công việc hiệu quả của ông với tư cách là nhà lãnh đạo cơ quan “quan hệ công chúng” của Bộ Tư lệnh Không quân.

Oleshchuk tuyên bố rằng Ihnat sẽ tiếp tục làm việc trong Lực lượng Không quân và sẽ thành công trên cương vị mới.

Đại Tá Yuriy Ihnat tốt nghiệp Học viện Quân đội Quốc gia Hetman Petro Sahaidachnyi, được bổ nhiệm làm phát ngôn nhân của Bộ Tư lệnh Không quân của Lực lượng Vũ trang Ukraine vào năm 2018.

Theo các đồng nghiệp Ukraine, quyết định cách chức viên Đại Tá khỏi chức vụ phát ngôn viên của Không quân Ukraine có thể là do ông lỡ lời vào đầu tháng 3, Yurii Ihnat giải thích rằng do vị trí địa lý cụ thể của Odesa, không phải lúc nào cũng có thể đánh chặn tất cả máy bay không người lái và hỏa tiễn của đối phương. Điều này được coi là một bí mật quốc phòng không thể được phổ biến. Chính vì thế, ngay sau khi Nga tấn công vào Odesa hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Ba, quyết định cách chức Đại Tá Yuriy Ihnat đã được đưa ra.

2. Ba nhà máy lọc dầu ở vùng Samara của Nga bị máy bay không người lái SBU tấn công

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 17 Tháng Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết các nguồn tin tại Nga đã xác nhận rằng cuộc tấn công trong đêm vào các nhà máy lọc dầu của Nga đã có hiệu quả. Máy bay không người lái chiến đấu của SBU tấn công vào ba nhà máy lọc dầu khác của Rosneft ở khu vực Samara vào hôm Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba. Đó là các nhà máy lọc dầu Novokuibyshevsk, Kuibyshev và Syzran. Tổng cộng, các nhà máy lọc dầu này giải quyết khoảng 25 triệu tấn dầu mỗi năm, chiếm gần 10% tổng sản lượng lọc dầu ở Nga.

“SBU tiếp tục thực hiện chiến lược làm suy yếu tiềm năng kinh tế của Nga, điều này cho phép nước này tiến hành chiến tranh ở Ukraine. Mùa 'bavovna', hay mùa nổ tung, tại các nhà máy lọc dầu ở Nga đang diễn ra sôi nổi. Mỗi cuộc tấn công như vậy sẽ làm giảm dòng tiền petrodollar cung cấp cho nền kinh tế chiến tranh của Nga”, ông nói.

Ông cũng nhắc lại rằng đêm 15/3, nhà máy lọc dầu Perviy Zavod ở vùng Kaluga của Nga đã bị máy bay không người lái của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine tấn công.

3. Hơn 60 tòa nhà bị hư hại trong vụ tấn công hỏa tiễn ngày 15/3 của Nga vào Odesa

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 17 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska cho biết 64 tòa nhà đã bị hư hại trong cuộc tấn công bằng hỏa tiễn của Nga vào Odesa hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Ba.

“Sáu mươi bốn ngôi nhà của cư dân Odesa được biết là đã bị hư hại và bốn ngôi nhà tư nhân khác bị phá hủy. Cuộc kiểm tra đang diễn ra. Một trụ sở hoạt động có mặt tại hiện trường. Các dịch vụ tiện ích đang loại bỏ những hậu quả và cùng với các tổ chức và quỹ bác ái giúp che cửa sổ bằng phim và ván ép,” cô nói

Vào ngày 15 tháng 3, quân xâm lược Nga đã tấn công Odesa bằng hỏa tiễn đạn đạo Iskander-M.

Vụ tấn công khiến 21 người thiệt mạng và khoảng 40 người bị thương.

4. Lực lượng phòng vệ phá hủy 2 kho đạn, 11 xe thiết giáp của quân xâm lược ở miền nam Ukraine

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Chúa Nhật, 17 Tháng Ba, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết trong 24 giờ qua, Lực lượng Phòng vệ Ukraine đã tiêu diệt 117 kẻ xâm lược, một hệ thống giám sát video Murom-M, 11 xe thiết giáp, hai kho đạn dược dã chiến và một kho nhiên liệu của đối phương ở phía nam đất nước.

“Lực lượng phòng thủ tiếp tục tấn công các vị trí phòng thủ, và khu vực hậu phương của quân xâm lược. Trong ngày, chúng tôi nhận được xác nhận 117 quân xâm lược đã bị loại khỏi vòng chiến cùng với 2 khẩu pháo; 5 súng cối; 1 hệ thống tác chiến điện tử di động; 1 hệ thống giám sát video Murom-M; và 11 xe thiết giáp”.

Ngoài ra còn có hai điểm chứa đạn dược và một kho nhiên liệu.

Như Ukrinform đưa tin, tổn thất của quân đội Nga tại Ukraine từ ngày 24/2/2022 đến ngày 16/3/2024 lên tới khoảng 429.580 quân, trong đó có 1.160 binh sĩ thiệt mạng và bị thương trong ngày qua.
 
Thủy 17/3/2024
VietCatholic Media
22:49 16/03/2024
1. Thủ đoạn tàn bạo của người Nga trong cuộc tấn công kép vào Odesa

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC có bài tường trình nhan đề “Russia kills rescuers in deadly double strike on Ukraine’s Odesa”, nghĩa là “Nga giết chết những người cấp cứu trong cuộc tấn công kép chết người vào Odesa của Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Nga đã tiến hành các cuộc tấn công hỏa tiễn chết người vào thành phố Odesa ở Hắc Hải vào sáng thứ Sáu, khiến 14 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương.

Sau cuộc tấn công đầu tiên, một nhóm y tế và nhân viên cấp cứu đã đến hiện trường, lúc đó lực lượng của Điện Cẩm Linh đã bắn thẳng vào vị trí bằng một hỏa tiễn khác. Theo các quan chức địa phương, 21 người đã thiệt mạng, bao gồm một nhân viên cấp cứu và một bác sĩ đang giúp đỡ dân thường bị thương trong cuộc tấn công ban đầu.

“46 người khác, trong đó có 7 nhân viên của Cơ quan Dịch vụ Khẩn cấp quốc gia, bị thương. Nga là một quốc gia khủng bố”, Oleh Kiper, nhà lãnh đạo chính quyền quân sự khu vực Odesa, cho biết trong một tuyên bố.

Văn phòng công tố địa phương đã mở thủ tục tố tụng hình sự đối với các cuộc tấn công như một tội ác chiến tranh, vì các công tố viên cho biết chỉ có các tòa nhà dân cư bị tấn công và dân thường phải chịu thiệt hại.

Nga đã tăng cường pháo kích vào Odesa trong tháng này, khi cuộc xâm lược toàn diện của Tổng thống Vladimir Putin kéo dài.

Lần cuối cùng Nga tấn công thành phố cảng - trung tâm xuất khẩu chính của Ukraine - là trong chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy với Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis vào ngày 6/3. Nhân dịp đó, một hỏa tiễn đã rơi cách phái đoàn chính trị cao cấp vài trăm mét.

Vào ngày 2 tháng 3, một máy bay không người lái của Nga đã tấn công một tòa nhà dân cư, khiến 12 người thiệt mạng, trong đó có 5 trẻ em.

2. Putin ngất ngây hạnh phúc trước sự rạn nứt trong liên minh Đức về viện trợ Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin revels in German coalition rift over Ukraine aid”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Liên minh cầm quyền đang công khai tranh cãi với nhau về viện trợ cho Ukraine, khiến Berlin trở thành mục tiêu dễ dàng cho các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga.

Đấu đá nội bộ giữa các đảng phái trong liên minh cầm quyền ba đảng ở Đức không phải là điều mới lạ, nhưng hiếm khi có những rạn nứt rõ ràng đến vậy - và hiếm khi nguy cơ đối với Âu Châu lại cao hơn.

Điểm tranh chấp chính trong những ngày và tuần gần đây là việc Thủ tướng Olaf Scholz kiên quyết từ chối gửi hỏa tiễn tầm xa Taurus tới Ukraine - loại vũ khí mà người Ukraine muốn có để có thể tấn công các mục tiêu sâu phía sau tiền tuyến, chẳng hạn như Cầu Kerch nối Nga và Crimea bị tạm chiếm. Các thành viên của Đảng Xanh và Đảng Dân chủ Tự do, gọi tắt là FDP, là đối tác liên minh của Scholz, đã kiên quyết ủng hộ việc gửi hỏa tiễn. Họ lý luận rằng Ukraine cần hỏa tiễn Taurus để đồng loạt đánh sập tất cả các con đường hậu cần của Nga, và hòa bình sẽ sớm được lập lại.

Sự bất đồng quan trọng đó đã diễn ra một cách công khai đáng kinh ngạc trong những ngày gần đây, tạo ra ấn tượng về sự rối loạn chức năng và chia rẽ, không chỉ làm suy yếu các nỗ lực của Âu Châu đúng vào thời điểm mà sự hỗ trợ của Mỹ dành cho Ukraine bị đặt dấu hỏi. Nó khiến Người Đức đặc biệt là mục tiêu dễ dàng cho các hoạt động gây ảnh hưởng của Nga.

“Hãy xem họ đồng ý về điều gì,” Putin nói về cuộc tranh luận về Taurus của Đức trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông nhà nước Nga được phát sóng trong tuần này. “Chúng tôi đang theo dõi điều này rất chặt chẽ.”

Scholz gần đây đã tăng gấp đôi quan điểm bác bỏ Taurus của mình, lập luận rằng việc cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine sẽ có nguy cơ xảy ra chiến tranh với Nga, bởi vì, ông lập luận, việc đó sẽ đòi hỏi sự tham gia trực tiếp của binh lính Đức.

Scholz nói hôm thứ Tư: “Đó là ranh giới mà tôi không muốn vượt qua với tư cách là thủ tướng. Tôi có trách nhiệm ngăn chặn Đức tham gia vào cuộc chiến này.”

Các chính trị gia trong các đảng thành lập chính phủ liên minh của Scholz đã phản đối tuyên bố đó, cho rằng có những cách giải quyết để tránh sự tham gia trực tiếp của quân đội Đức - và rằng sự khó chịu rất công khai của Scholz, việc ông liên tục nhấn mạnh những gì ông không sẵn sàng làm, là trúng kế của Putin.

Trong một bài tiểu luận gần đây trên tờ Frankfurter Allgemeine Zeitung, nhà lập pháp nổi tiếng của Đảng Xanh Anton Hofreiter đã hợp tác với nhà lập pháp đối lập bảo thủ Norbert Röttgen để chỉ trích gay gắt lối hùng biện của Scholz về Ukraine và việc từ chối gửi hỏa tiễn, cáo buộc ông gieo rắc “nỗi sợ hãi và khủng bố” trong dân chúng..

Họ viết: “Chúng tôi chia sẻ mối lo ngại của thủ tướng về sự leo thang của chiến tranh”. “Nhưng hành động của ông ấy có nguy cơ chính xác là như vậy. Nếu bây giờ chúng ta không kiên quyết ủng hộ Ukraine, Putin sẽ có động lực đi xâm lược các nước khác”.

Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hôm Chúa Nhật, Bộ trưởng Ngoại giao Đảng Xanh Annalena Baerbock bày tỏ sự cởi mở với một giải pháp tiềm năng có thể làm hài lòng tất cả các bên: đó là một cuộc trao đổi hỏa tiễn, trong đó Đức sẽ cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Anh và đến lượt Anh, Anh sẽ gửi hỏa tiễn Taurus và hỏa tiễn Storm Shadow của mình cho Ukraine. “Đó sẽ là một lựa chọn,” Baerbock nói.

Tuy nhiên, vào tối thứ Ba, Scholz dường như đã từ chối lựa chọn này. “Sự rõ ràng của tôi là ở đó,” ông nói trong phòng thủ tướng.

Các chính trị gia FDP cũng đã công khai chỉ trích Scholz. Marie-Agnes Strack-Zimmermann, nhà lãnh đạo ủy ban quốc phòng của Bundestag, hôm thứ Năm đã bỏ phiếu với các nhà lập pháp đối lập bảo thủ ủng hộ đề xuất gửi hỏa tiễn Taurus tới Ukraine - lần thứ hai bà làm như vậy - phá vỡ liên minh của chính mình.

Không có gì bí mật khi Điện Cẩm Linh tìm cách gieo rắc sự chia rẽ ở Âu Châu và Mỹ. Tuy nhiên, gần đây, Scholz và chính phủ của ông đã khiến nhiệm vụ đó trở nên đặc biệt dễ dàng bằng cách truyền đi những nỗi sợ hãi và bất đồng của họ một cách công khai.

Điều đó giúp giải thích tại sao Điện Cẩm Linh rò rỉ âm thanh cuộc gọi trực tuyến bị chặn giữa các quan chức quân sự cao cấp của Đức thảo luận về cách sử dụng hỏa tiễn Taurus, bao gồm cả khả năng xảy ra một cuộc tấn công vào Cầu Kerch, cho phép Putin dễ dàng thao túng cuộc tranh luận trong nước của Đức.

Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước tuần này, ông Putin đã đề cập đến việc cuộc gọi bị chặn. Đề cập đến các sĩ quan Đức, ông nói:

“Trước hết, họ tưởng tượng, tự phấn chấn lên. Thứ hai, họ đang cố đe dọa chúng ta. Đối với Đức, có những vấn đề mang tính chất hiến pháp. Họ có lý khi nói rằng sẽ vi phạm hiến pháp của Cộng hòa Liên bang Đức nếu những chiếc Taurus này đâm vào phần cầu Crimea, mà ngay cả theo hiểu biết của họ là một phần vô điều kiện của Nga.”

Putin dường như đang ám chỉ đến một điều khoản trong luật cơ bản của Đức coi “chiến tranh xâm lược” là vi hiến. Nói cách khác, bạo chúa dường như đang đùa giỡn với Scholz và nỗi sợ hãi tồi tệ nhất của anh ta: rằng người Nga sẽ coi việc sử dụng hỏa tiễn Taurus để bắn trúng cây cầu là hành vi xâm lược của Đức.

Việc Scholz không thể đưa ra một mặt trận thống nhất về viện trợ cho Ukraine trong chính phủ của mình đã đặt ra câu hỏi làm thế nào ông có thể giúp tạo nên một đường lối chung giữa các đồng minh Âu Châu. Scholz đã kêu gọi các đối tác Âu Châu “làm nhiều hơn nữa” để ủng hộ Ukraine, đồng thời nhấn mạnh rằng Đức đã cung cấp nhiều viện trợ quân sự cho Ukraine hơn bất kỳ quốc gia Âu Châu nào khác.

Mặt khác, các nhà lãnh đạo Pháp và Anh cho rằng họ gửi những vũ khí quan trọng thực sự có ích trên chiến trường - bao gồm cả hỏa tiễn tầm xa của riêng họ. Đặc biệt, sự chia rẽ giữa Scholz và Macron gần đây đã trở nên gay gắt đến mức các nhà lãnh đạo cảm thấy buộc phải gặp nhau tại Berlin vào thứ Sáu tuần này, cùng với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk, trong nỗ lực thể hiện sự đoàn kết của Âu Châu.

Lập trường của Scholz về hỏa tiễn Taurus dường như là một phần trong nỗ lực chính trị rộng lớn hơn nhằm thể hiện mình là một “thủ tướng hòa bình” - một nhà lãnh đạo Âu Châu có tư duy nhìn xa trông rộng, người biết cách hỗ trợ người Ukraine trong khi tránh xung đột rộng hơn với người Nga.

Ví dụ, trong một bài đăng trên mạng xã hội tuần này, thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của Đức trong việc hỗ trợ Ukraine một cách mạnh mẽ. Ông nói: “Nhưng chúng tôi cũng có trách nhiệm phải thận trọng và bảo đảm rằng chúng tôi giúp đỡ Ukraine bằng sự hỗ trợ đồng thời ngăn chặn cuộc chiến này trở thành cuộc chiến giữa Nga và NATO”.

Đối với Scholz, người có tỷ lệ tán thành thấp trong lịch sử, việc đi theo đường lối này đã trở thành một phần trong nỗ lực của ông để tồn tại chính trị. Các cuộc thăm dò cho thấy người Đức ủng hộ đường lối của ông đối với hỏa tiễn Taurus, mặc dù nhìn chung ông không được ưa chuộng.

Việc Scholz thúc đẩy được coi là “thủ tướng hòa bình” cũng thể hiện một điều gì đó truyền thống đối với Đảng Dân chủ Xã hội của ông, là đảng theo đuổi mối quan hệ hòa dịu với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.

Câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ của ông có đoàn kết khi ông cố gắng đi theo con đường này hay không, đặc biệt khi một số lời chỉ trích gay gắt nhất đối với đường lối này đến từ các đối tác liên minh của chính ông.

Điều đó được thể hiện rõ trong cuộc tranh luận quốc hội về hỏa tiễn Taurus ở Berlin hôm thứ Năm.

“Nếu chúng ta báo hiệu cho tên tội phạm chiến tranh vô lương tâm Putin rằng chúng ta sợ hãi, rằng chúng ta đang cãi vã với nhau, rằng chúng ta đang khuất phục trước sự tống tiền của hắn và sau đó làm quá ít, thì Vladimir Putin cũng có thể đi đến kết luận rằng ông ta vẫn có thể chịu một đòn trừng phạt cho một bước đi tàn bạo hơn - và nguy cơ này cũng phải được cân nhắc cẩn thận trước tất cả những mối nguy hiểm khác”, Agnieszka Brugger, một nhà lập pháp của Đảng Xanh cho biết.
 
VietCatholic TV
Kyiv được cứu: EU tặng 27 tỷ tiền lời của Nga. Đoàn xe thiết giáp Nga cứu viện bị phục kích nổ tung
VietCatholic Media
02:25 16/03/2024


1. Nhà lãnh đạo NATO nói rằng các thành viên phải chịu trách nhiệm về tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “NATO chief says members are responsible for Ukraine’s ammo shortage”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm thứ Năm 14 Tháng Ba, đã kêu gọi các đồng minh khẩn trương gửi thêm đạn dược tới Ukraine, cảnh báo rằng việc thiếu ý chí chính trị “gây ra hậu quả mỗi ngày trên chiến trường”.

Thông điệp rõ ràng của ông được đưa ra khi Quốc hội Hoa Kỳ tiếp tục chùn bước trước cuộc bỏ phiếu về hàng chục tỷ đô la viện trợ quân sự cho Ukraine trong bối cảnh áp lực từ các đảng viên Cộng hòa cánh hữu, trong khi một phần lớn đóng góp của Liên Hiệp Âu Châu cho Quỹ Hỗ trợ Ukraine sẽ không được thực hiện. dạng tiền mới.

Tổng thư ký NATO cho biết trong cuộc họp báo sau khi công bố báo cáo thường niên của liên minh: “Mỹ, Canada và Âu Châu phải làm nhiều hơn nữa và chúng tôi cần một cam kết lâu dài để cho phép Ukraine lên kế hoạch”.

Ông nói thêm: “Các đồng minh NATO không cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine và điều đó gây ra hậu quả hàng ngày trên chiến trường”.

Stoltenberg cũng cảnh báo rằng đó là một “thách thức lớn” vì “người Nga có thể áp đảo người Ukraine mỗi ngày”.

Ông nói: “Đó là một trong những lý do khiến người Nga có thể đạt được một số tiến bộ trên chiến trường trong những tuần và tháng qua”. “Vì vậy, các đồng minh cần phải đưa ra những quyết định cần thiết để tăng cường cung cấp thêm đạn dược cho Ukraine. “

“Tất nhiên, chúng ta có năng lực, chúng ta có nền kinh tế để có thể cung cấp cho Ukraine những gì họ cần. Đây là vấn đề về ý chí chính trị để đưa ra các quyết định và ưu tiên hỗ trợ cho Ukraine”, ông Stoltenberg nói.

2. Video cho thấy đoàn xe thiết giáp chuyển quân của Nga bị phá hủy trong cuộc tấn công phối hợp

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Video Shows Column of Russian APVs Destroyed in Coordinated Attack”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Kyiv đã công bố đoạn video ghi lại những khoảnh khắc kịch tính khi các phương tiện bọc thép được bảo vệ của Nga bị khuất phục trước một cuộc tấn công phối hợp trên bộ và trên không.

Bộ Quốc phòng Ukraine đã đăng tải 74 giây đoạn phim do máy bay không người lái ghi lại về những gì họ tuyên bố là một hoạt động của Lữ đoàn cơ giới số 47 theo hướng Avdiivka ở khu vực Donetsk.

Các lực lượng Nga đã lấy lại được động lực sau khi chiếm được Avdiivka vào tháng trước, nơi đã giao tranh ác liệt trong nhiều tháng, nhưng hôm thứ Năm, Kyiv đã tuyên bố về một cuộc tấn công có chủ đích vào cái mà họ mô tả là ba chiếc xe chiến đấu bộ binh của Nga.

Các bức ảnh chụp từ trên không từ các góc khác nhau bắt đầu bằng hậu quả của một vụ nổ trên đường với khói bốc lên không trung sau một cuộc tấn công rõ ràng vào một phương tiện khi hai phương tiện khác phóng đi.

Một góc nhìn khác cho thấy một xe chiến đấu bộ binh Bradley do Mỹ cung cấp đang áp sát một xe Nga trên đường vuông góc, trước khi đối đầu trực diện và bắn vào xe đó. Các mục tiêu khác được nhìn thấy đang bị bắn trong video, cho thấy hậu quả rực lửa của vụ nổ.

Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để yêu cầu bình luận về đoạn clip chưa được xác minh, tính đến chiều thứ Năm đã nhận được 54.000 lượt xem.

Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết: “Sự hợp tác thành công của các xạ thủ chống tăng, lính pháo binh, máy bay không người lái FPV và một chiếc Bradley của Mỹ đã không tạo cơ hội cho quân xâm lược tấn công”.

M2 Bradley có khả năng cơ động cao và đủ nhanh để theo kịp áo giáp hạng nặng. Xuất hiện lần đầu tiên trên chiến trường Ukraine vào tháng 4/2023, cho đến nay, hơn 100 chiếc Bradley đã được Mỹ cung cấp cho Kyiv.

Lữ đoàn cơ giới số 47 của Ukraine cũng được cho là được trang bị xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 do Đức cung cấp và vào ngày 23 tháng 2, họ đã công bố một đoạn video lần đầu tiên cho thấy xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ cung cấp tham gia chiến đấu.

Tuy nhiên, hai ngày sau, Nga công bố đoạn video cho thấy chiếc M1A1 Abrams đầu tiên bị phá hủy trong chiến tranh cho đến nay.

Truyền thông nhà nước Nga đưa tin lực lượng Mạc Tư Khoa đã bắn trúng 3 chiếc xe tăng gần Avdiivka, một trong số đó được cho là đã “bị phá hủy hoàn toàn” mặc dù điều này chưa được xác minh độc lập. Mỹ cam kết cung cấp 31 chiếc M1 Abrams cho Ukraine vào đầu năm 2023.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) cho rằng tình trạng thiếu đạn dược của Ukraine do sự chậm trễ trong viện trợ của Mỹ có thể sớm dẫn đến sự đột phá của Nga trên tiền tuyến khi lực lượng Mạc Tư Khoa giữ thế chủ động.

Viện nghiên cứu hôm thứ Tư cho biết Kyiv đang buộc phải phân bổ số lượng đạn dược quan trọng, đặc biệt là đạn pháo và ưu tiên phân bổ dựa trên những khu vực hiện đang phải đối mặt với các cuộc tấn công dữ dội nhất của Nga.

3. Macron cứng rắn từ chối nhượng bộ về khả năng đưa quân đội phương Tây đến Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Hawkish Macron refuses to back down on possibility of Western troops in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nhấn mạnh hơn nữa việc từ chối loại trừ việc gửi quân đến Ukraine trong cuộc phỏng vấn truyền hình dài 30 phút vào khung giờ vàng hôm thứ Năm, trong đó ông một lần nữa trình bày cuộc chiến ở Ukraine như một mối đe dọa hiện hữu.

Ông Macron nói: “Nếu Nga giành chiến thắng, cuộc sống của người dân Pháp sẽ thay đổi”. “Chúng ta sẽ không còn an ninh ở Âu Châu nữa.”

Cuộc phỏng vấn nhằm mục đích thay đổi dư luận Pháp ủng hộ chiến lược mơ hồ về mặt chiến lược của ông, bắt đầu với việc các phóng viên từ các đài truyền hình Pháp TF1 và France 2 yêu cầu Macron làm rõ những tuyên bố của ông từ tháng 2, trong đó ông từ chối loại trừ việc gửi quân bộ binh phương Tây tới Ukraine. Những bình luận này đã gây náo động cả trong và ngoài nước, đồng thời khiến các đối tác NATO hàng đầu của Pháp, bao gồm Hoa Kỳ, Anh và Đức, phải làm rõ rằng họ sẽ không gửi quân.

Macron đáp lại bằng cách lập luận rằng việc đặt ra bất kỳ giới hạn nào về cách phản ứng trước các hành động của Mạc Tư Khoa đồng nghĩa với việc “chọn thất bại”. Tổng thống Pháp đã dành phần lớn thời gian của cuộc phỏng vấn để tranh luận ủng hộ việc duy trì sự mơ hồ, chỉ nói rằng Pháp sẽ không “dẫn đầu cuộc tấn công hoặc chủ động”.

“Tôi đúng khi không nói cụ thể,” Macron nói.

Ông Macron cũng được hỏi về mối quan hệ hiện tại với Putin - người mà ông đã không nói chuyện trong nhiều tháng, ông nói - và nhấn mạnh rằng không nên coi chiến tranh là vấn đề cá nhân.

“Đây không phải là một cuốn tiểu thuyết hay một vở kịch nhiều tập. Khi chúng tôi nói chuyện, đàn ông và phụ nữ đang chết ở Ukraine dưới sự giám sát của Tổng thống Putin”, ông Macron nói.

Đầu tuần này, các nhà lập pháp Pháp ở cả hai viện đã bỏ phiếu ủng hộ một thỏa thuận an ninh trong đó tái khẳng định sự ủng hộ của Pháp đối với nỗ lực của Ukraine trong NATO và cam kết hỗ trợ tài chính và quân sự cho Kyiv.

Nhưng dư luận Pháp dường như không ủng hộ Macron. Trong một cuộc thăm dò của Odoxa, 68% người Pháp được hỏi cho biết nhận xét của Macron về quân đội phương Tây ở Ukraine là “sai”.

Erwan Lestrohan, giám đốc tư vấn của viện bỏ phiếu, nói với POLITICO rằng “phần lớn dân số” lo ngại về việc biến một quốc gia hùng mạnh như Nga thành đối phương.

Giọng điệu ngày càng diều hâu của tổng thống Pháp cũng làm gia tăng căng thẳng giữa Paris và Đức, nơi Thủ tướng Olaf Scholz đã có giọng điệu dịu dàng hơn nhiều khi thảo luận về cuộc chiến.

Hai nhà lãnh đạo sẽ gặp nhau vào thứ Sáu tại Berlin cùng với Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk trong cuộc gặp theo hình thức “Tam giác Weimar” nhằm thể hiện sự đoàn kết.

4. Liên Hiệp Âu Châu tiến tới sử dụng 27 tỷ euro lợi nhuận từ tài sản Nga bị đóng băng cho Ukraine

Các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu sẽ thực hiện một bước quan trọng hướng tới việc tịch thu 27 tỷ euro lợi nhuận được tạo ra từ tài sản nhà nước Nga bị đóng băng ở Âu Châu để giúp tài trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine.

Các quan chức tại Ủy ban Âu Châu sẵn sàng đưa ra điều mà họ tin là một đề xuất có tính pháp lý mạnh mẽ để các quốc gia thành viên xem xét, có thể là trước cuộc họp của các thủ tướng tại Brussels vào thứ Năm tới.

Khoảng 300 tỷ Mỹ Kim thuộc về ngân hàng trung ương Nga đã bị phong tỏa ở phương Tây, phần lớn bằng ngoại tệ, vàng và trái phiếu chính phủ. Khoảng 70% trong số này được nắm giữ tại trung tâm lưu ký chứng khoán trung ương Bỉ Euroclear, nơi đang nắm giữ số tiền tương đương 190 tỷ euro.

Một quan chức cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu cho biết tiền gửi được giữ ở Âu Châu có khả năng tạo ra lợi nhuận sau thuế từ 15 tỷ euro đến 20 tỷ euro từ nay đến cuối năm 2027, tùy thuộc vào diễn biến của lãi suất toàn cầu.

Năm nay, họ dự kiến sẽ tạo ra lợi nhuận từ 2 tỷ euro đến 3 tỷ euro, tùy thuộc vào những thay đổi lãi suất tiềm năng – số tiền sau đó có thể được chuyển thẳng đến Ukraine.

5. Đồng minh của Putin tranh luận về việc tấn công hạt nhân vào 4 nước NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Debates Nuclear Strikes on Four NATO Countries” Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thảo Ly.

Nhà tuyên truyền của Điện Cẩm Linh, Vladimir Solovyov, đã thảo luận với các khách mời trong chương trình truyền hình buổi tối của mình về việc vũ khí hạt nhân của Nga nên nhắm tới các quốc gia NATO nào, thậm chí còn đề xuất một cuộc thi dành cho người xem để quyết định thành phố nào sẽ bị tấn công trước.

Solovyov và những vị khách của ông xuất hiện trên kênh Russia 1, coi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa vào Ukraine là một cuộc chiến chính nghĩa của Nga với phương Tây và trong suốt hai năm xung đột, đã nhiều lần kêu gọi tấn công hạt nhân chống lại các đồng minh của Kyiv.

Đoạn được đăng trên X bởi nhà quan sát và nhà báo Nga, Julia Davis, đã xem lại chủ đề, bắt đầu với Solovyov, một đồng minh của Vladimir Putin, nói rằng Pháp đang tìm kiếm “sự hủy diệt của Nga” cũng như “giải pháp cuối cùng cho Nga”.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người từng tìm cách đàm phán với Putin về cuộc xâm lược toàn diện của ông, đã nổi lên như một trong những nhà lãnh đạo tích cực nhất của phương Tây chống lại Mạc Tư Khoa, từ chối loại trừ sự can thiệp của phương Tây vào Ukraine.

Tuần trước, tờ Le Monde của Pháp cho biết ông Macron đã nói với các nhà lãnh đạo chính trị Pháp rằng liên quan đến việc hỗ trợ Ukraine, “không còn ranh giới đỏ, không còn giới hạn nào nữa”. Trước đó, ông đã bác bỏ những bình luận rằng “không có gì nên bị loại trừ” khi ủng hộ Kyiv chống lại sự xâm lược của Nga.

Điều này đã khiến Solovyov hôm Chúa Nhật phải suy nghĩ về nơi Nga nên tấn công đầu tiên chống lại phương Tây, hỏi ý kiến của ông Andrey Sidorov, phó trưởng khoa chính trị thế giới tại Đại học quốc gia Mạc Tư Khoa.

Sidorov nói: “Vấn đề không phải là có sử dụng vũ khí hạt nhân hay không mà vấn đề là chống lại ai”. “Bạn thường nói về Pháp hoặc Anh.”

Solovyov ngắt lời để liệt kê bốn quốc gia NATO: “Pháp, Đức, Ba Lan hay Anh, đúng không?” trước khi Sidorov tiếp tục: “Có một quốc gia khác gây nguy hiểm…ý tôi là Hợp chủng quốc Hoa Kỳ” bởi vì không giống như các nước Âu Châu khác, “nước này đặt ra mối đe dọa sinh tồn đối với Nga”.

Với việc các chuyên gia truyền hình dự đoán ai có thể vô địch Super Bowl hoặc World Series một cách dễ dàng, Solovyov sau đó đã suy nghĩ về việc Nga nên nhắm đến những thành phố nào của Pháp trước tiên.

“Tôi chỉ không thể quyết định, Paris hay Marseille?” Soloyov sau đó đã đề cập đến Lyon, khi một vị khách xen vào để nói rằng đây là một “thành phố đẹp, họ tổ chức lễ hội lửa ở đó”.

Solovyov tiếp tục: “Chúng ta nên phá hủy cái gì ở Đức cho hỏa tiễn Taurus của họ?” khiến Sidorov bật cười, ông ta nói “Hamburg”, và nói thêm rằng quy mô nhỏ của thị trấn Bavaria mà anh ta đã theo học—Garmisch-Partenkirchen—có nghĩa là nó “không đáng giá một quả hỏa tiễn”.

“Có lẽ chúng ta nên tổ chức một cuộc bình chọn của khán giả,” Solovyov nói. “Họ sẵn sàng tha cho những thành phố nào.”

Khi chia sẻ video, Jake Broe, cựu sĩ quan điều hành hỏa tiễn và hạt nhân của Mỹ, đã đăng trên X: “Solovyov và tất cả các chuyên gia quân sự của họ đều đồng ý rằng Nga có thể tấn công hạt nhân bất cứ ai họ muốn trong cuộc tấn công đầu tiên vào bất kỳ quốc gia NATO nào.

“Lại một ngày nữa trên đài truyền hình quốc gia Điện Cẩm Linh nơi họ thản nhiên nói về việc giết hại hàng trăm triệu người.”

6. Liên Hiệp Âu Châu và NATO nói bầu cử ở Nga sẽ không 'tự do và công bằng'

Hôm thứ Năm, Liên Hiệp Âu Châu và NATO cho biết cuộc bầu cử ở Nga nhằm chứng kiến ông Vladimir Putin tái đắc cử tổng thống sẽ không tự do và công bằng vì Điện Cẩm Linh đã đè bẹp mọi phe đối lập, AFP đưa tin.

Yulia Navalnaya, góa phụ của đối phương quá cố của Điện Cẩm Linh, Alexei Navalny, đã kêu gọi phương Tây không công nhận kết quả cuộc bầu cử tổng thống, bắt đầu vào thứ Sáu 15 Tháng Ba.

Phát ngôn nhân Liên Hiệp Âu Châu Peter Stano cho biết: “Chúng tôi biết, dựa trên hồ sơ theo dõi về cách thức chuẩn bị và tổ chức các cuộc bỏ phiếu ở Nga dưới sự quản lý và chế độ hiện tại của Điện Cẩm Linh, thì điều này sẽ diễn ra như thế nào”. “Không khó để đoán trước rằng đây sẽ là một cuộc bầu cử không có tự do, không có công bằng và dân chủ, và người dân Nga không thực sự có quyền lựa chọn.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng cho biết cuộc bỏ phiếu “ở Nga sẽ không tự do và công bằng. Nó chỉ là trò dân chủ giả hiệu,” ông nói.

“Chúng tôi đã biết rằng các chính trị gia đối lập đang ở tù, một số bị giết và nhiều người phải sống lưu vong, và thực tế là một số người cố gắng ghi danh làm ứng cử viên cũng đã bị từ chối quyền ra ứng cử. Không có báo chí tự do và độc lập ở Nga.”

Cuộc bỏ phiếu kéo dài ba ngày, dự kiến sẽ dẫn đến việc Putin tuyên bố nắm quyền thêm sáu năm nữa, diễn ra sau khi cuộc xâm lược Ukraine của ông đã phá hủy mối quan hệ giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây.

AFP cho biết cả Liên Hiệp Âu Châu và NATO đều lên án quyết định của Nga tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực của Ukraine do binh lính nước này xâm lược và Mạc Tư Khoa tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Ông Stoltenberg nói: “Những nỗ lực của Nga nhằm tổ chức bất kỳ phần nào của cuộc bầu cử ở các khu vực bị tạm chiếm của Ukraine là hoàn toàn bất hợp pháp, vi phạm luật pháp quốc tế”.

Stano cho biết cuộc bỏ phiếu ở những khu vực đó “không được công nhận và sẽ không được Liên minh Âu Châu công nhận”.

Chiến thắng trong cuộc tranh cử ngày 15-17/3 sẽ cho phép Putin ở lại Điện Cẩm Linh ít nhất đến năm 2030, lâu hơn bất kỳ nhà lãnh đạo Nga nào kể từ Catherine Đại đế vào thế kỷ 18.

Không có ứng cử viên đối lập thực sự nào được phép tranh cử. Putin chính thức đối đầu với ba ứng cử viên được Điện Cẩm Linh chấp thuận từ các đảng chính trị trung thành với ông và các chính sách của ông.

7. Công ty quốc phòng Đức Rheinmetall lên kế hoạch xây dựng các nhà máy vũ khí ở Ukraine

Hãng sản xuất vũ khí Rheinmetall của Đức hôm thứ Năm cho biết họ có kế hoạch thành lập ít nhất 4 nhà máy ở Ukraine với mục tiêu đạt doanh thu kỷ lục 10 tỷ euro hay 10,9 tỷ Mỹ Kim trong năm nay, AFP đưa tin.

Chiến tranh Ukraine đã thúc đẩy ngành công nghiệp vũ khí của Đức khi các nước tìm cách tái vũ trang trước mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga và nhu cầu tăng vọt vào năm ngoái đã đẩy Rheinmetall lên chỉ số DAX blue-chip.

Công ty cho biết các nhà máy ở Ukraine - vốn đang bị thiếu hụt đạn dược khi Mạc Tư Khoa giành được lợi thế trên chiến trường - sẽ sản xuất đạn pháo, xe quân sự, thuốc súng và vũ khí phòng không.

“Ukraine hiện là đối tác quan trọng đối với chúng tôi, nơi chúng tôi thấy tiềm năng đạt doanh thu từ 2-3 tỷ euro doanh thu mỗi năm,” Giám đốc điều hành Rheinmetall Armin Papperger cho biết tại buổi trình bày kết quả năm 2023 của công ty.

Tập đoàn có trụ sở tại Duesseldorf - công ty sản xuất các bộ phận của xe tăng Leopard mà Berlin đồng ý có thể được gửi đến Ukraine sau nhiều do dự - đã báo cáo doanh thu kỷ lục 7,2 tỷ euro vào năm ngoái và đang hướng tới mục tiêu đạt 10 tỷ euro vào năm 2024.

Cổ phiếu của công ty đã tăng vọt 5% tại Frankfurt sau khi kết quả được công bố.

Nhà sản xuất thiết bị quân sự lớn nhất của Đức hồi tháng 2 đã công bố thỏa thuận với một công ty Ukraine để sản xuất đạn pháo ở Ukraine.

Lễ động thổ sẽ sớm diễn ra đối với nhà máy – ở một địa điểm không được tiết lộ – và nó sẽ được mô phỏng theo một nhà máy sản xuất đạn dược mà Rheinmetall đang xây dựng ở Đức.

Công ty này đã điều hành một liên doanh ở Ukraine để sửa chữa xe quân sự.

Rheinmetall cũng sẽ xây dựng một nhà máy ở Lithuania, nơi Đức có kế hoạch triển khai thường xuyên một đơn vị quân đội cỡ lữ đoàn để giúp bảo vệ sườn phía đông của NATO.

Công ty cho biết họ đang có kế hoạch tăng cường sản xuất đạn pháo, trong bối cảnh các đồng minh Âu Châu của Ukraine đang nỗ lực tăng sản lượng để có thể cung cấp thêm đạn dược cho Kyiv.

8. Nga bị cáo buộc 'khủng bố chính trị' tại quốc gia NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Accused of 'Political Terrorism' in NATO Country”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức Lithuania hôm thứ Năm đổ lỗi cho Mạc Tư Khoa về vụ tấn công một nhân vật đối lập Nga trong tuần này, gọi vụ việc này là “khủng bố chính trị”.

Vilmantas Vitkauskas, nhà lãnh đạo Trung tâm Quản lý Khủng hoảng Quốc gia Lithuania, đã đưa ra cáo buộc liên quan đến vụ tấn công nhằm vào nhà phê bình Điện Cẩm Linh Leonid Volkov ở Vilnius.

Volkov gần đây từng là trợ lý hàng đầu cho lãnh đạo phe đối lập Nga Alexei Navalny, người qua đời vào tháng trước tại một trại giam ở Bắc Cực đã làm dấy lên cáo buộc về sự liên quan có thể có của Putin. Volkov đã sống ở Lithuania, một thành viên của NATO, kể từ khi sống lưu vong vào năm 2019.

Hôm thứ Ba, Volkov đã bị tấn công bởi một kẻ tấn công được cho là đã xịt hơi cay vào mắt anh và dùng búa đánh anh liên tục. Không có vụ bắt giữ nào được thực hiện, nhưng cơ quan tình báo Lithuania đã đưa ra một tuyên bố sau vụ tấn công, cáo buộc rằng vụ tấn công có thể do Mạc Tư Khoa tổ chức trong một nỗ lực nhằm dập tắt sự phản đối trước cuộc bầu cử tổng thống Nga.

Giám đốc tình báo Darius Jauniskis cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Năm: “Có vẻ như đây là công việc của các cơ quan đặc biệt của Nga, dường như được thực hiện thông qua một số người được tuyển dụng”.

Khi chỉ tay vào Điện Cẩm Linh, Vitkauskas mô tả cuộc tấn công vào Volkov là “chuyên nghiệp, được lên kế hoạch tốt và bất cứ ai thực hiện nó đều đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hoặc nhận được chỉ dẫn rất tốt”.

Ông nói với hãng tin LRT của Lithuania: “Đây là lần đầu tiên một vụ việc gây hấn chính trị, khủng bố chính trị như vậy xảy ra trên đất của chúng tôi”.

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda đã thảo luận về vụ tấn công, và ông không loại trừ khả năng Mạc Tư Khoa có liên quan.

“Tất cả những điều này tạo thành một loạt vấn đề, trong đó rõ ràng là những điều như vậy đã được lên kế hoạch. Chúng ta không nên ngạc nhiên,” Nausėda nói, theo AFP.

Ông nói thêm: “Về phần Putin, tôi chỉ có thể nói một điều: Ở đây không ai sợ ông cả”.

Volkov quyết đoán hơn khi đổ lỗi, cho biết rằng vụ tấn công là “một tội phạm điển hình, rõ ràng từ Putin.”

“Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc và chúng tôi sẽ không đầu hàng”, ông nói. “Khó khăn nhưng chúng tôi sẽ giải quyết được… Thật tốt khi biết tôi vẫn còn sống.”

Khi được các phóng viên hỏi về Volkov hôm thứ Năm, phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov cho biết ông không thể bình luận về một vụ việc xảy ra ở một quốc gia khác trước khi thêm một thông điệp về tổng thống của mình.

“Bạn không nên sợ Putin. Bạn nên tôn trọng và lắng nghe Putin”, Peskov nói thêm.

9. Đồng minh của Putin triển khai xe tăng gần biên giới NATO

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Deploys Tanks Near NATO Border”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Belarus được cho là đã triển khai xe tăng gần biên giới với NATO, trong khi căng thẳng giữa Nga và liên minh chiến lược tiếp tục âm ỉ trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine.

Theo một báo cáo được The Kyiv Post công bố hôm thứ Năm, quân đội Belarus đã “huy động lực lượng dự bị và bắt đầu các cuộc diễn tập quân sự lớn”. Quân đội và thiết bị bao gồm xe tăng từ Lữ đoàn cơ giới cận vệ số 19 của Belarus được cho là đã được triển khai gần biên giới phía tây của đất nước với quốc gia thành viên NATO Lithuania.

Cộng đồng Công nhân Hỏa xa Belarus - một nhóm phản đối các chính sách của Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko, một đồng minh thân cận của Putin - cho biết một đoàn tàu chở đầy thiết bị quân sự và nhân sự đã đến Oshmyany vào tối thứ Tư, một khu vực nằm cách biên giới với Lithuania chưa đầy 15 dặm.

Nhóm này cho biết đoàn tàu đến ga Oshmyany gồm 4 toa chở đầy quân Belarus và 42 toa chở đầy thiết bị, trong đó có 9 xe tăng T-72B. Bộ Quốc phòng Belarus sau đó xác nhận việc triển khai bao gồm xe tăng T-72B và xe chiến đấu bộ binh BMP-2, theo dự án tin tức Hajun của Belarus.

Bộ Quốc phòng Belarus cho biết trong một tuyên bố chia sẻ trên mạng xã hội rằng một cuộc tập trận huấn luyện quân sự đang diễn ra ở khu vực bao gồm Oshmyany cho đến ngày 5 tháng 4. Các cuộc tập trận bổ sung được cho là đang diễn ra ở một số khu vực khác của Belarus, bao gồm một số khu vực ở những khu vực không xa biên giới với Ba Lan, một quốc gia thành viên NATO khác.

“Nhân sự sẽ phải di chuyển đến các khu vực được chỉ định và tiến hành một loạt cuộc tập trận và huấn luyện, bao gồm cả bắn đạn thật”, quân đội Belarus cho biết trong một tuyên bố, theo bản dịch từ The Kyiv Post. “Trong quá trình kiểm tra, việc di chuyển các thiết bị quân sự đã được lên kế hoạch và có thể tạm thời hạn chế việc di chuyển của các phương tiện giao thông dân sự trên các tuyến đường và khu vực công cộng.”

Lukashenko, một tên lãnh dạo chuyên quyền, người đã nhiều lần phải đối mặt với các cáo buộc quốc tế về vi phạm nhân quyền và gian lận bầu cử, vào tháng trước đã cáo buộc Ba Lan âm mưu với Mỹ để thực hiện một “hành động khiêu khích quy mô lớn” mà sau này “đổ lỗi cho Nga và Belarus”. Lukashenko cũng so sánh các đồng minh NATO với nhà lãnh đạo Đức Quốc xã Adolf Hitler vào đầu Thế chiến II.

Bộ trưởng Quốc phòng Belarus Viktor Khrenin dường như đã đưa ra lời đe dọa đối với NATO trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình nhà nước Nga ngay sau đó, nói rằng “Minsk sẽ không khoanh tay đứng nhìn trong trường hợp không phận của họ bị vi phạm” và sẽ bắn hạ bất kỳ máy bay nước ngoài nào “ không cảnh báo.”

Đầu năm nay, Belarus tuyên bố đã áp dụng học thuyết quân sự mới cho phép sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi nhận được một lô hàng vũ khí hạt nhân chiến thuật từ Nga vào cuối năm 2023.

Trong khi đó, NATO hiện đang tiến hành cuộc tập trận quân sự lớn nhất ở Âu Châu trong nhiều thập kỷ. Chiến dịch Steadfast Defender dự kiến sẽ tiếp tục đến tháng 5 và có sự tham gia của hơn 90.000 quân từ tất cả 32 quốc gia thành viên của liên minh. Nga tuyên bố cuộc tập trận thực chất là cuộc diễn tập cho cuộc tấn công do NATO lên kế hoạch nhằm vào lãnh thổ nước này.

10. Putin cho biết việc thiết lập một đơn vị chạy bằng năng lượng hạt nhân trong không gian là ưu tiên hàng đầu.

Hôm Thứ Năm, Vladimir Putin nói trong một cuộc họp với các nhà lãnh đạo Nga rằng ưu tiên hàng đầu là Nga phải giành được vị thế thống trị trong không gian càng sớm càng tốt.

Yury Borisov, nhà lãnh đạo cơ quan vũ trụ Nga Roscosmos, tuần trước cho biết Nga và Trung Quốc đang xem xét đưa nhà máy điện hạt nhân lên mặt trăng từ năm 2033-2035.

Hôm 15 Tháng Hai, Phát ngôn nhân an ninh quốc gia Tòa Bạch Ốc John Kirby nói rằng “mặc dù việc Nga theo đuổi khả năng thống trị không gian đang gây bối rối nhưng không có mối đe dọa trực tiếp nào đối với sự an toàn của bất kỳ ai”.

Ông nói thêm: “Chúng tôi không nói về một loại vũ khí có thể được sử dụng để tấn công con người hoặc gây ra sự hủy diệt vật chất trên Trái đất.”

Một số người lo ngại sẽ tìm cách tung lên không gian các loại vũ khí nhằm hạ gục các vệ tinh của các nước khác trên không gian. Tuy nhiên, Tướng Kirby nói: “Nga có khả năng chế tạo vũ khí chống vệ tinh trên không gian nhưng nó vẫn chưa đi vào hoạt động.”
 
Đức, Pháp, Ba Lan: Putin phải thua. Nổ nhà máy lọc dầu Nga. Đại Sứ Mỹ: Orbán hóa rồ. Nga dội bom Nga
VietCatholic Media
15:03 16/03/2024


1. Tổng thống Pháp nói Ukraine phải đòi lại Crimea để đạt được hòa bình thực sự

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Must Reclaim Crimea to Achieve Real Peace: Macron”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm thứ Năm cho biết Crimea một lần nữa phải được công nhận là một phần của Ukraine để có được “hòa bình lâu dài” trong khu vực.

Ông Macron đưa ra nhận xét này khi thảo luận về cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra của Nga trong cuộc phỏng vấn với các kênh truyền hình Pháp TF1 và France 2.

Nhà lãnh đạo Pháp đã thu hút sự chú ý của quốc tế vào tháng trước sau khi ông nói rằng ông không loại trừ khả năng binh lính phương Tây cuối cùng sẽ được gửi đến Ukraine. Macron đã rút lại quan điểm này một vài ngày sau đó, nhưng sau đó đã nói rằng chủ đề về việc đưa quân phương Tây lên thực địa không nên bị hạn chế.

Nga nhanh chóng lên án tuyên bố ban đầu của Macron về việc binh lính phương Tây trực tiếp tham gia vào cuộc chiến, trong khi phát ngôn nhân của Điện Cẩm Linh, Dmitry Peskov, nói rằng động thái như vậy sẽ dẫn đến “điều không thể tránh khỏi” về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa NATO và Nga.

“Chúng tôi đang làm mọi thứ có thể để giúp Ukraine đánh bại Nga, bởi vì tôi sẽ nói rất đơn giản: Không thể có hòa bình lâu dài nếu không có chủ quyền, nếu không có sự quay trở lại các biên giới được quốc tế công nhận của Ukraine, bao gồm cả Crimea”, ông Macron nói. trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình.

Những bình luận của ông về Crimea có thể sẽ vấp phải sự tức giận từ Điện Cẩm Linh, vì tầm quan trọng của Putin đối với bán đảo này.

Năm 2014, Putin đã xâm chiếm và sáp nhập Crimea từ Ukraine vào năm 2014. Kể từ khi cuộc xâm lược Ukraine hiện tại của ông bắt đầu vào tháng 2 năm 2022, bán đảo này đã trở thành tâm điểm thảo luận chính. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nói rằng một trong những mục tiêu của ông trong cuộc xung đột là đòi lại Crimea và 4 khu vực khác mà Putin đã sáp nhập vào tháng 9 năm 2022.

Putin vẫn khẳng định rằng Crimea thuộc về Nga và các quan chức Điện Cẩm Linh đã nhiều lần tuyên bố rằng việc trả lại lãnh thổ cho Ukraine sẽ không được đưa vào bất kỳ cuộc đàm phán hòa bình nào có thể xảy ra.

Ở một nơi khác trong cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Macron nói rằng nếu Nga thắng cuộc chiến, “sự tín nhiệm của Âu Châu sẽ giảm xuống mức 0”.

“Bạn có nghĩ rằng người Ba Lan, người Lithuania, người Estonia, người Rumani và người Bulgaria có thể giữ hòa bình trong một giây không? Đó là chưa nói đến Moldova, quốc gia ngày nay chưa được thừa nhận là thành viên của Liên minh Âu Châu, và sẽ bị đe dọa bất cứ lúc nào”, Tổng thống Pháp nói.

Macron tiếp tục nhấn mạnh rằng Pháp coi Nga là đối phương do nước ông ủng hộ Kyiv.

“Ngày nay, Nga chắc chắn là đối phương. Chế độ Điện Cẩm Linh là đối phương”, ông Macron nói. “Như tôi đã luôn nói, chúng tôi không tiến hành chiến tranh chống lại Nga và người dân Nga, và chúng tôi đang ủng hộ Ukraine.”

Newsweek đã liên hệ với Điện Cẩm Linh qua email vào tối thứ Năm để bình luận.

Crimea không chỉ có giá trị biểu tượng mà còn có tầm quan trọng về mặt chiến lược vì bán đảo này đóng vai trò là trung tâm hậu cần trung tâm của Nga cho lực lượng quân sự của nước này ở miền nam Ukraine.

Năm vừa qua đã chứng kiến sự gia tăng tần suất các cuộc tấn công của Ukraine ở Crimea. Một trong những cuộc tấn công nổi bật hơn nhằm vào hải quân của Putin trong khu vực xảy ra vào ngày 5 tháng 3 khi một phi đội máy bay không người lái trên biển Magura V5 của Ukraine phá hủy tàu tuần tra Sergey Kotov trị giá 65 triệu Mỹ Kim.

Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự Ukraine, gần đây cho biết các cuộc tấn công vào các vị trí của Nga ở Crimea là màn mở đầu cho một “chiến dịch nghiêm chỉnh” sẽ được tiến hành trên bán đảo.

2. 'Đoàn kết là sức mạnh', Macron, Scholz và Tusk nhấn mạnh khi bộ ba cố gắng vượt qua những tranh cãi trong chiến lược Ukraine

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “‘Unity is strength,’ insist Macron, Scholz and Tusk as trio tries to bury the hatchet over Ukraine strategy”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã một cuộc gặp gỡ đoàn kết ở Berlin vào hôm thứ Sáu trong nỗ lực xoa dịu những căng thẳng kéo dài nhiều tuần giữa Pháp và Đức.

Scholz khẳng định “đoàn kết là sức mạnh” trong khi Macron nhấn mạnh rằng ba nhà lãnh đạo “đoàn kết và quyết tâm” ủng hộ Ukraine trong phát biểu với báo chí sau cuộc hội đàm tại phủ thủ tướng. Các nhà lãnh đạo đã không nhận các câu hỏi phỏng vấn.

Căng thẳng giữa Pháp và Đức về việc hỗ trợ Ukraine đã bộc lộ rõ ràng trong những ngày gần đây và cuộc đàm phán hôm thứ Sáu được coi là cơ hội để hàn gắn mọi thứ. Người ta hy vọng rằng Tusk, người lần đầu tiên tham gia hội nghị thượng đỉnh ba bên kể từ khi trở thành thủ tướng, sẽ giúp hòa giải giữa Scholz và Macron.

Trước cuộc họp, Tusk đã tăng cường hy vọng khi viết rằng điều Ukraine cần là “ít nói và nhiều đạn hơn”, một lời khiển trách rõ ràng đối với Macron. Tổng thống Pháp ngày càng có những lời lẽ diều hâu và tăng cường bình luận về triển vọng gửi bộ binh phương Tây tới Ukraine, nhưng bản thân Paris cũng đang bị chỉ trích vì tỏ ra cứng rắn trong khi lại tụt hậu về viện trợ quân sự thực tế quyên góp cho Kyiv.

Tại Berlin, Macron đã áp dụng giọng điệu hòa giải hơn đối với các đồng minh của mình, nói rằng ba nước cam kết hỗ trợ Ukraine “trong thời gian bao lâu còn cần thiết” nhưng “không bao giờ thúc đẩy leo thang”.

Scholz cho biết các nhà lãnh đạo đã đồng ý mua đạn pháo cho Ukraine trên thị trường toàn cầu, tăng cường sản xuất và sử dụng lợi nhuận thu được từ tài sản bị phong tỏa của Nga để tài trợ cho thiết bị quốc phòng trong tương lai - một sự thay đổi so với quan điểm trước đó của Berlin, nhưng vẫn chưa rõ điều đó sẽ diễn ra như thế nào trong bối cảnh hiện nay. thực hành trên khắp Liên Hiệp Âu Châu.

Các cam kết từ Scholz có thể tăng cường nỗ lực mua đạn pháo cho Ukraine trong bối cảnh khủng hoảng nguồn cung khiến Kyiv phải vật lộn để ngăn chặn các cuộc bắn phá của pháo binh Nga.

Kế hoạch tài trợ cho việc mua 800.000 quả đạn pháo trên thị trường toàn cầu của Tiệp đã huy động đủ kinh phí từ liên minh các thủ đô để mua 300.000 quả đạn và đàm phán thêm 200.000 quả nữa. Bồ Đào Nha hôm thứ Sáu đã trở thành quốc gia mới nhất tham gia với khoản đóng góp 100 triệu euro.

Thủ tướng Đức cũng cho biết tại Berlin rằng một liên minh mới gồm các quốc gia sẽ hợp tác để hỗ trợ Ukraine bằng năng lực pháo binh tầm xa trong khuôn khổ cái gọi là định dạng Ramstein của các quốc gia điều phối viện trợ quân sự đồng minh cho Ukraine.

Trở về sau chuyến đi tới Washington hôm thứ Ba, Tusk nói rằng “bất kể điều gì xảy ra” thì các nhà lãnh đạo đều có “trách nhiệm đối với Âu Châu” và “một Âu Châu mạnh mẽ là điều quan trọng đối với Ukraine”.

3. Nhà máy lọc dầu của Nga bị tấn công bằng máy bay không người lái

Hôm Thứ Sáu, 15 Tháng Ba, Vladislav Shapsha, Thống đốc vùng Kaluga của Nga, cho biết trên Telegram rằng lực lượng phòng không đã bắn hạ 4 máy bay không người lái trong khu vực đặt nhà máy lọc dầu lớn nhất của Kaluga và không có thiệt hại về cơ sở hạ tầng hay thương vong.

Tuy nhiên, hôm Thứ Bẩy, ông cho biết nhà máy lọc dầu Kaluga đã bị hư hại nặng và cáo buộc rằng Ukraine đã tấn công nhà máy này bằng máy bay không người lái vào sáng sớm thứ Sáu.

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba, phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Thượng Úy Andriy Yusov, cho biết vụ tấn công gây thiệt hại làm gián đoạn hoạt động của nhà máy đã do cơ quan gián điệp quân sự thực hiện.

Vùng Kaluga nằm ở phía tây nam của vùng Mạc Tư Khoa.

4. Số người chết trong cuộc tấn công ở Odesa tăng lên 16, hơn 70 người bị thương

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba, phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine, Đại Úy Alyona Lyutnytska, cho biết, một cuộc tấn công bằng hỏa tiễn đạn đạo của Nga đã tấn công cơ sở hạ tầng dân sự ở thành phố cảng Odesa bên bờ Hắc Hải của Ukraine hôm thứ Sáu, khiến ít nhất 16 người thiệt mạng và hơn 70 người bị thương.

Cuộc tấn công xảy ra khi cuộc bầu cử tổng thống Nga đang diễn ra, với hơn 100 triệu người đủ điều kiện bỏ phiếu trong quy trình kéo dài ba ngày gần như chắc chắn bảo đảm sẽ đưa Vladimir Putin trở lại nắm quyền trong nhiệm kỳ sáu năm nữa.

Vùng Odesa đã tuyên bố ngày Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba, là ngày để tang.

Oleh Kiper, thống đốc khu vực cho biết trên truyền hình quốc gia, hai hỏa tiễn Iskander-M của Nga được bắn từ bán đảo Crimea do Mạc Tư Khoa xâm lược đã tấn công một khu dân cư ở Odesa.

Andriy Kostin, tổng công tố Ukraine, cho biết: “Nga tiếp tục khủng bố Odesa… cư dân địa phương, nhân viên y tế và cấp cứu nằm trong số những nạn nhân và bị thương”.

Kiper cho biết thêm, bác sĩ và nhân viên cấp cứu đã thiệt mạng bởi hỏa tiễn thứ hai sau khi lao đến hiện trường để chữa trị cho những người bị thương trong cuộc tấn công đầu tiên.

Ông cho biết có 10 người bị thương nặng. Người dân đổ xô đi hiến máu, khiến các trung tâm y tế phải xếp hàng dài.

Bộ chỉ huy quân sự miền Nam cho biết, một cơ sở giải trí ba tầng đã bị phá hủy và ít nhất 10 ngôi nhà riêng, một đường ống dẫn khí áp suất thấp và các phương tiện cấp cứu bị hư hại trong vụ tấn công.

Mạc Tư Khoa đã nhiều lần phủ nhận việc tấn công vào dân thường ở Ukraine, bất chấp số lượng thương vong và thiệt hại cơ sở hạ tầng cao trong cuộc xung đột.

Trong lần xuất hiện trước hội đồng an ninh Nga, ông Putin đã cáo buộc Ukraine cố gắng phá rối cuộc bầu cử cũng đang được tổ chức tại 4 khu vực bị tạm chiếm của Ukraine mà Mạc Tư Khoa tuyên bố đã sáp nhập, mặc dù lực lượng của nước này chỉ kiểm soát một phần các khu vực đó. Putin cho biết Kyiv đã cố gắng thực hiện một loạt tội phạm có vũ trang nhằm phá hoại cuộc bầu cử và hành động này sẽ không tránh khỏi bị trừng phạt.

5. Lực lượng phòng không đã bắn hạ toàn bộ 27 máy bay không người lái “Shahed” của Nga

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Bẩy, 16 Tháng Ba, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết Lực lượng phòng không đã bắn hạ toàn bộ 27 máy bay không người lái “Shahed” mà quân đội Nga sử dụng để tấn công Ukraine.

Quân đội Nga đã tấn công khu vực Kharkiv và khu vực Donetsk bằng hỏa tiễn S-300 và S-400 cũng như một hỏa tiễn dẫn đường Kh-59 ở khu vực Poltava, trong khi tín hiệu cảnh báo trên không không được kích hoạt trong khu vực.

Vào ban đêm và buổi sáng thứ Bẩy, vùng Sumy bị pháo phòng không, súng cối và pháo bắn phá. Cảnh sát cho biết có 2 người chết, 5 người khác bị thương, nhà cửa và xe hơi bị hư hỏng.

Vào đêm thứ Sáu rạng sáng Thứ Bẩy,, quân đội Nga tấn công Kyiv và khu vực bằng máy bay không người lái. Do các mảnh vụn rơi xuống, cỏ bốc cháy tại một khu đất trống ở một trong các quận của vùng Kyiv, đám cháy đã được dập tắt. Không có người nào bị thương.

6. Đồng minh của Putin nhận xét về luận điệu 'không thể tránh khỏi' trong việc sử dụng vũ khí hạt nhân

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Remarks on 'Inevitable' Use of Nuclear Weapons”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Phát ngôn nhân của Vladimir Putin, Dmitry Peskov, đã đưa ra các nhận xét nhằm hạ thấp cảnh báo hạt nhân mới nhất của tổng thống Nga đối với Hoa Kỳ.

Cuộc xâm lược Ukraine của Nga, được phát động vào tháng 2 năm 2022, đã làm dấy lên mối lo ngại về việc liệu Mạc Tư Khoa có thể triển khai vũ khí hạt nhân hay không nếu cuộc chiến không diễn ra theo hướng có lợi cho họ. Những lo ngại đó càng được thúc đẩy bởi những bình luận từ chính quyền Nga và các chuyên gia truyền thông, những người phần lớn đồng tình với Putin về cuộc xung đột. Các quốc gia khác, bao gồm cả Mỹ, đã cảnh báo chống lại những lời lẽ như vậy trong bối cảnh lo ngại nó có thể làm leo thang xung đột.

Putin đã bổ sung thêm những lo ngại đó bằng những nhận xét mới trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình nhà nước Russia-1 và hãng thông tấn RIA Novosti hôm thứ Ba theo giờ Hoa Kỳ, và thứ Tư theo giờ địa phương Mạc Tư Khoa.

“Chúng tôi sẵn sàng sử dụng vũ khí, bao gồm bất kỳ loại vũ khí nào - kể cả vũ khí hạt nhân mà bạn đã đề cập - nếu đó là vấn đề về sự tồn tại của nhà nước Nga hoặc gây tổn hại đến chủ quyền và độc lập của chúng ta”, ông Putin nói.

Nhận xét của ông đã thu hút sự chỉ trích từ chính quyền Tổng thống Biden, trong đó Thư ký Báo chí Tòa Bạch Ốc Karine Jean-Pierre nói rằng tổng thống Biden “biết” về những bình luận của Putin. Jean-Pierre cho rằng luận điệu hạt nhân của Nga là “liều lĩnh và vô trách nhiệm trong suốt cuộc xung đột này” và rằng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine.

Peskov đã trả lời Jean-Pierre hôm thứ Năm, cáo buộc Tòa Bạch Ốc “cố tình bóp méo bối cảnh và không muốn nghe Tổng thống Putin”.

Ông Putin đang “nói về những lý do có thể khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân là điều không thể tránh khỏi”, Peskov nói.

“Tổng thống của chúng ta đang trả lời các câu hỏi của nhà báo. Đây chính xác là những câu hỏi của nhà báo chứ không phải phát biểu đặc biệt nào của tổng thống. Tổng thống vừa nói về những lý do có thể khiến việc sử dụng vũ khí hạt nhân là không thể tránh khỏi. Đây là những lý do được nêu rõ trong các tài liệu liên quan của chúng tôi, được cả thế giới biết đến”, Peskov nói.

Hôm thứ Hai, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, gọi tắt là DNI, cho biết trong đánh giá mối đe dọa hàng năm rằng Mạc Tư Khoa nắm giữ “kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất và đa dạng nhất” và Nga coi vũ khí nguyên tử của mình là “cần thiết để duy trì khả năng răn đe và đạt được các mục tiêu của mình trong một cuộc xung đột tiềm tàng chống lại Hoa Kỳ và NATO.”

Mối lo ngại về vũ khí hạt nhân đã gia tăng vào tháng trước sau khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói “không có gì phải loại trừ” khi được hỏi liệu phương Tây có nên xem xét gửi quân đến Ukraine hay không, điều này được coi là vượt qua ranh giới đỏ của Putin rằng không có quân đội phương Tây nào được phép chiến đấu ở Ukraine.

Macron sau đó đã làm rõ nhận xét của mình: “Điều này không có nghĩa là chúng tôi đang xem xét khả năng gửi quân đội Pháp đến Ukraine trong tương lai gần, nhưng chúng tôi đang bắt đầu thảo luận và suy nghĩ về mọi thứ có thể làm để hỗ trợ Ukraine, đặc biệt là về vấn đề toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”.

Nghị sĩ Jim Himes, đảng viên Đảng Dân chủ Connecticut, đồng thời là thành viên cao cấp trong Ủy ban Tình báo Hạ viện, cho biết hôm thứ Tư rằng ông không lo ngại về những nhận xét của Putin.

“Bạn biết đấy, bây giờ tôi đã bớt lo lắng hơn rồi,” Himes nói. “Và lý do tôi ít lo ngại hơn là, trước hết, tôi nghĩ chung là chính phủ tin rằng ông ấy sẽ không sử dụng vũ khí hạt nhân trừ khi ông ấy nghĩ rằng sự sống còn của chính ông ấy - sự sống còn của cá nhân ông ấy và sự sống còn của chế độ của chính ông ấy – đang ở mức nguy hiểm.”

7. Đại sứ Mỹ lên án những tư thế 'điên loạn một cách nguy hiểm' của Hung Gia Lợi dưới thời Orbán

Tờ Politico có trụ sở ở Washington DC cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US ambassador condemns Hungary’s ‘dangerously unhinged’ postures under Orbán”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Hôm thứ Năm, 14 Tháng Ba, Đại sứ Hoa Kỳ tại Hung Gia Lợi David Pressman đã chỉ trích “thông điệp chống Mỹ vô cùng nguy hiểm” và “mối quan hệ ngày càng mở rộng với Nga” của Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary.

Trong một bài phát biểu nảy lửa tại Đại học Trung Âu ở Budapest nhân kỷ niệm 25 năm Hung Gia Lợi gia nhập NATO, Pressman cho rằng Thủ tướng Viktor Orbán đang ngày càng cô lập mình với bạn bè và đồng minh bằng cách “nói và làm những điều làm suy yếu lòng tin và tình bạn”.

Pressman nói: “Chúng tôi không thể hiểu cũng như không thể chấp nhận việc thủ tướng xác định Hoa Kỳ là 'đối thủ hàng đầu' của đồng minh Hung Gia Lợi của chúng ta. “Hoặc khẳng định của anh ta rằng chính phủ Hoa Kỳ đang cố gắng lật đổ chính phủ Hung Gia Lợi - theo nghĩa đen là để 'đánh bại' anh ta.”

Ông nói thêm: “Chúng ta không thể bỏ qua khi phát ngôn nhân quốc hội Hung Gia Lợi khẳng định rằng cuộc chiến của Putin ở Ukraine thực sự là do Hoa Kỳ lãnh đạo”.

Vài giờ sau khi bài phát biểu được tổ chức, Orbán đã chia sẻ một video trên X, trước đây gọi là Twitter. Trong video, ông nói về “giai đoạn khó khăn trong quan hệ Mỹ-Hung Gia Lợi”.

Ông nói: “Chính quyền Mỹ mong đợi những điều từ Hungry mà chúng tôi không muốn và không thể cung cấp.

Hung Gia Lợi bị nhiều người chỉ trích vì duy trì quan hệ chặt chẽ với Nga bất chấp việc Ukraine xâm lược. Sự thụt lùi về mặt dân chủ của nước này cũng khiến các thành viên Liên Hiệp Âu Châu khác lo lắng. Vào tháng 9 năm 2022, Nghị viện Âu Châu đã đưa ra tuyên bố nói rằng “Hung Gia Lợi không thể được coi là một nền dân chủ đầy đủ” nữa.

Pressman chê bai việc thiếu đối thoại mang tính xây dựng với Budapest và việc nước này không sẵn lòng giải quyết vấn đề. Thừa nhận rằng các đại sứ “thường không có bài phát biểu như thế này ở các nước đồng minh khác”, ông nhấn mạnh rằng Mỹ hy vọng vẫn có thể hợp tác.

“Với các đồng minh khác mà chúng tôi gắn kết, chúng tôi hợp tác, chúng tôi làm việc cùng nhau - ngay cả khi chúng tôi có những khác biệt. Ở đây, điều đó không có tác dụng – cho đến khi chúng ta hành động,” ông cảnh báo.

“Chúng ta không cần phải đồng ý về mọi thứ và chúng ta sẽ không làm vậy. Chúng tôi thậm chí không cần phải đồng ý về hầu hết mọi thứ,” Pressman nói. “Nhưng rõ ràng là có việc phải làm.”

Văn phòng truyền thông của Orbán không trả lời yêu cầu bình luận.

8. Đồng minh của Putin nói rằng 'hòa bình' Ukraine phụ thuộc vào việc công nhận Zelenskiy là 'Đức Quốc xã'

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Ally Says Ukraine 'Peace' Depends on Recognizing Zelensky as 'Nazi'“. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev đã công bố cái mà ông gọi là “công thức hòa bình mềm mại của Nga” ở Ukraine, trong đó tuyên bố rằng thế giới bắt buộc phải gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là “Đức Quốc xã”. Medvedev cho rằng đó là điều kiện tiên quyết để bắt đầu đàm phán với Nga về hòa bình Ukraine.

Medvedev, hiện đang giữ chức phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và là đồng minh thân cận của Putin, đã cho biết như trên hôm thứ Năm, và nói rằng kế hoạch của ông sẽ cung cấp “cơ sở” để đạt được “sự đồng thuận nhân từ với các bên của cộng đồng quốc tế.”

Cựu lãnh đạo Nga lập luận rằng đề xuất này là một “sự thỏa hiệp hợp lý”, mặc dù nó bao gồm cả yêu cầu Ukraine phải đồng ý “đầu hàng hoàn toàn và vô điều kiện” cũng như “phi quân sự hóa” hoàn toàn. Ông tuyên bố rằng Kyiv bị kiểm soát bởi một “bè lũ phát xít mới” do Zelenskiy, một người Do Thái đứng đầu.

“Toàn bộ lãnh thổ của Ukraine là lãnh thổ của Liên bang Nga,” Medvedev nói, đồng thời tuyên bố rằng hòa bình không thể đạt được nếu không có “sự công nhận của cộng đồng quốc tế về bản chất Đức Quốc xã của chế độ chính trị Kyiv và việc cưỡng chế phi quốc xã hóa” tất cả các cơ quan chính phủ dưới sự kiểm soát của Liên Hiệp Quốc.”

Medvedev cũng yêu cầu Ukraine phải đưa ra “tất cả các khoản bồi thường cần thiết cho Nga, bao gồm các khoản thanh toán cho người thân của các công dân thiệt mạng trên đất nước chúng tôi và các khoản thanh toán cho tổn hại sức khỏe của những người bị thương”. Ông cũng đề nghị cấm Ukraine “tham gia các liên minh quân sự” như NATO “mà không có sự đồng ý của Nga”.

Zelenskiy đã đưa ra kế hoạch hòa bình 10 điểm của riêng mình, bao gồm các hạng mục như rút toàn bộ quân đội Nga và trả lại các vùng lãnh thổ mà Mạc Tư Khoa tuyên bố sáp nhập vào quyền kiểm soát của Ukraine.

Medvedev nói hôm thứ Năm rằng ông trải qua “cảm giác ghê tởm không thể cưỡng lại, nhanh chóng chuyển thành cảm giác xấu hổ vì chủ nghĩa siêu thực tồi tệ” khi xem xét kế hoạch của Zelenskiy.

Medvedev nổi tiếng vì thường xuyên đưa ra những tuyên bố cường điệu trong chiến tranh, bao gồm cả việc liên tục gợi ý rằng Nga sẽ tiến hành các cuộc tấn công hạt nhân vào các quốc gia NATO.

Để lấy cớ phát động cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022, Putin tuyên bố rằng cuộc tấn công quân sự là một phần trong nỗ lực “phi Quốc Xã hóa” Ukraine và bảo vệ quyền lợi của những người nói tiếng Nga.

Cần phải nhấn mạnh rằng Tổng thống Zelenskiy là người Do Thái, nạn nhân của Đức Quốc xã. Đồng thời, có các lực lượng dân quân theo chủ nghĩa phát xít mới như Lực lượng đặc nhiệm Rusich đang chiến đấu trong hàng ngũ của quân Nga.

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Anh lập luận trong một bản cập nhật tình báo rằng Nga đang “đấu tranh để duy trì sự nhất quán trong một câu chuyện cốt lõi” rằng Ukraine bị Đức Quốc xã kiểm soát, trong khi hầu hết cộng đồng quốc tế đều bác bỏ hoàn toàn câu chuyện này.

Nga cũng viện dẫn những lo ngại về việc mở rộng NATO là nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược. Việc mở rộng vẫn diễn ra bất chấp điều đó, với việc liên minh chiến lược chào đón cả Phần Lan và Thụy Điển làm thành viên mới kể từ khi chiến tranh bắt đầu.

9. Putin cáo buộc Ukraine cố gắng phá hoại cuộc bầu cử tổng thống Nga bằng những hành vi 'tội ác'

Hãng thông tấn RIA vừa đăng tải đoạn video ngắn ghi lại cảnh Putin phát biểu tại cuộc họp Hội đồng an ninh Nga. Trong đó, Putin tuyên bố rằng Ukraine đã cố gắng phá vỡ quá trình bầu cử tổng thống ở Nga và gây rối loạn người dân ở khu vực biên giới bằng “một số hành động vũ trang tội phạm”

Hôm thứ Năm Ukraine tuyên bố rằng ba tiểu đoàn thân Ukraine gồm những tân binh từ Nga đã tiến hành một cuộc tấn công mới vào miền nam nước Nga. Putin cho biết nỗ lực đột nhập vào Nga đã không thành công. Ông cho biết những hành vi này sẽ không bị trừng phạt.

10. Belgorod của Nga đã trở thành vùng chiến sự

Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Belgorod Has Become a War Zone”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.

Một quan chức tình báo cao cấp của Ukraine hôm thứ Sáu cho biết khu vực Belgorod của Nga gần biên giới với Ukraine hiện đã trở thành khu vực chiến đấu tích cực sau khi ba nhóm người Nga đào thoát phục vụ trong Lực lượng vũ trang Ukraine tiến hành một cuộc tấn công theo hai hướng vào khu vực này.

“Khu vực Kursk và Belgorod hiện là khu vực diễn ra các hoạt động chiến đấu tích cực. Đây là những gì chúng tôi xác nhận”, Andriy Yusov, phát ngôn nhân của Cơ quan Tình báo Quốc phòng Ukraine, cho biết trong một lần xuất hiện trên truyền hình Ukraine.

Ông phát biểu sau khi Quân đoàn Tự do Nga, Tiểu đoàn Siberia và Quân đoàn Tình nguyện Nga (RDK) - ba đơn vị quân sự tình nguyện liên kết với Ukraine - tiến hành một cuộc đột kích xuyên biên giới vào các khu vực Belgorod và Kursk phía nam Nga.

Belgorod nằm gần biên giới Ukraine và là nơi có nhiều căn cứ quân sự và cơ sở huấn luyện của Nga. Khu vực này đã rung chuyển bởi các vụ nổ và hỏa hoạn bí ẩn trong suốt cuộc xâm lược Ukraine của Putin, chính quyền địa phương thường xuyên báo cáo về các máy bay không người lái trong khu vực. Giao tranh đã gia tăng trong khu vực trong bối cảnh cuộc tấn công được phát động vào thứ Ba.

Yusov nói thêm: “Và như các tình nguyện viên và phiến quân đã tuyên bố, chúng ta đang nói về những công dân Nga, những người không có lựa chọn nào khác, đang bảo vệ quyền công dân của mình bằng vũ khí chống lại chế độ Putin”.

Ba nhóm kêu gọi cư dân Belgorod và Kursk di tản vào hôm thứ Tư, nói rằng họ “buộc phải nổ súng vào các vị trí quân sự ở Belgorod” vì “mỗi ngày, hàng chục người Ukraine vô tội bình thường (chủ yếu là phụ nữ và trẻ em) chết vì pháo kích từ Belgorod.”.”

Họ đưa ra cảnh báo tương tự vào chiều thứ Sáu, nói rằng “trong vòng một giờ tới, một cuộc tấn công lớn sẽ được thực hiện nhằm vào các mục tiêu quân sự ở thành phố Belgorod”.

Thống đốc khu vực Vyacheslav Gladkov cho biết Belgorod cũng bị tấn công bằng hỏa tiễn vào sáng thứ Sáu. Ông cho biết có hai người bị thương do pháo kích.

“Một người đàn ông bị bầm tím ở ngực và gãy nhiều xương sườn; một đội cứu thương đã đưa anh đến bệnh viện thành phố số 2 ở Belgorod. Tất cả các dịch vụ chăm sóc y tế cần thiết đều được cung cấp”, Gladkov nói như trên. “Người đàn ông thứ hai bị mảnh thủy tinh cắt vào mặt. Đội ngũ y tế đang trên đường tới chỗ nạn nhân.”

Thống đốc cho biết 23 khu chung cư ở thành phố Belgorod đã bị hư hại, sân vận động của trường học bị tấn công và cửa sổ của các tòa nhà trường học cũng bị hư hại.

“Tại quận Belgorod, nhiều thiệt hại khác nhau đã được ghi nhận ở một số căn nhà của một tòa nhà chung cư, 5 tòa nhà dân cư tư nhân và hai tòa nhà trung tâm mua sắm. 8 chiếc xe hơi cũng bị hư hỏng”, ông nói.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết các hệ thống phòng không đã bắn hạ 7 hỏa tiễn từ hệ thống hỏa tiễn phóng hàng loạt RM-70 Vampire trên khu vực vào buổi sáng.

Truyền thông địa phương cũng đưa tin cảnh báo không kích vào buổi sáng và các vụ nổ đã làm gián đoạn ngày bỏ phiếu đầu tiên trong cuộc bầu cử tổng thống Nga từ ngày 15 đến 17 tháng 3. Các video lan truyền trên mạng xã hội xuất hiện cho thấy khoảnh khắc cử tri nghe thấy tiếng nổ tại một điểm bỏ phiếu.

11. Người phụ nữ bị bắt vì phá hoại thùng phiếu trong cuộc bầu cử ở Nga

Các nhà điều tra nhà nước Nga ở Mạc Tư Khoa hôm thứ Sáu cho biết họ đã mở vụ án hình sự đối với một phụ nữ đổ thuốc nhuộm màu xanh lá cây vào thùng phiếu để cố gắng phá vỡ cuộc bỏ phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống nước này.

Đoạn phim CCTV do hãng thông tấn nhà nước RIA công bố về vụ việc cho thấy một phụ nữ trẻ gửi phiếu bầu cử của mình trước khi bình tĩnh đổ chất lỏng màu xanh lá cây vào thùng phiếu bằng nhựa trong suốt.

Một cảnh sát được nhìn thấy đã giam giữ cô ấy ngay sau đó trong đoạn phim.

Người phụ nữ, không được nêu tên, sau đó bị buộc tội “cản trở việc thực hiện quyền bầu cử hoặc công việc của các ủy ban bầu cử”, Reuters đưa tin
 
Nhà Trừ Tà: Ai tập Kundalini, xin ngưng ngay! TT. Lithuania: Hitler và Putin là một đồng, một cốt
VietCatholic Media
17:12 16/03/2024


1. Hitler không bỏ cuộc năm 1938 và Putin sẽ không dừng lại ở Ukraine, lãnh đạo Lithuania cảnh báo

Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda cảnh báo hôm thứ Tư rằng có một sự tương đồng lịch sử giữa nhà độc tài Đức Quốc xã Adolf Hitler và nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Nausėda nói khi phát biểu tại Diễn đàn Chiến lược và Quốc phòng Paris ở thủ đô nước Pháp: “Giống như Tiệp Khắc không làm hài lòng Hitler, Ukraine sẽ không làm hài lòng Putin”. “Các nước Baltic hay Ba Lan cũng vậy. Hiện tại không có quốc gia Âu Châu nào an toàn.

Trong một nhận xét nhằm phản bác một cách nhẹ nhàng ý kiến của Đức Giáo Hoàng trong cuộc phỏng vấn cờ trắng, Tổng thống Lithuania Gitanas Nausėda, một người Công Giáo, cho rằng Hitler bị đánh bại vì trong thế chiến thứ hai, không ai nghĩ đến việc giương cờ trắng đối với Hitler.

“Giương cờ trắng đối với Putin là vô dụng,” ông nói. “Nga sẽ không tự ý dừng lại. Nó chỉ có thể bị buộc phải dừng lại”.

Năm 1938, Hitler sáp nhập một phần Tiệp Khắc vào Đức khi tham vọng quân sự của ông ta ngày càng lớn, đỉnh điểm là sự bùng nổ của Thế chiến II. Trong khi đó, Putin đã tiến hành chiến tranh với Ukraine từ năm 2014, sáp nhập trái phép bán đảo Crimea và sau đó cố gắng chiếm các vùng lãnh thổ Ukraine trong một cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu vào năm 2022.

Bình luận của Nausėda được đưa ra khi Putin tuyên bố - một lần nữa - rằng Điện Cẩm Linh “sẵn sàng” cho chiến tranh hạt nhân với phương Tây.

Tổng thống Lithuania nói với khán giả rằng sẽ là một “sai lầm cơ bản” khi tin rằng có thể “xoa dịu” Mạc Tư Khoa bằng cách nhượng bộ lãnh thổ.

Tổng thống Lithuania không đơn độc trong những cảnh báo của mình.

Các quan chức hàng đầu của các nước phương Tây đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về tham vọng đế quốc của Putin mà họ lo ngại có thể vượt xa ra ngoài Ukraine. Thị trưởng Warsaw hôm thứ Tư đã công bố kế hoạch mới nhằm phân bổ 117 triệu zlotys (27 triệu euro) để xây dựng các hầm tránh bom và các biện pháp an ninh khác trong vòng 2 đến 3 năm tới.

Nausėda kêu gọi các nhà lãnh đạo xem xét nghiêm chỉnh mối đe dọa bành trướng của Nga và “ngưng vạch ra ranh giới đỏ cho chính mình”. Ông ca ngợi những nhận xét gây tranh cãi của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng việc đưa quân đội phương Tây vào Ukraine không nên bị “loại trừ”.

Nausėda nói: “Chúng ta cùng nhau mạnh mẽ - nền kinh tế tổng hợp của các nước phương Tây lớn hơn Nga gấp 20 lần”.

Tổng thống Lithuania phát biểu trước khán giả rằng phương Tây phải tiếp tục cung cấp thiết bị và vũ khí cho Ukraine, trong khi các đồng minh cần tăng cường chi tiêu quốc phòng.

Ông hoan nghênh Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng Âu Châu của Ủy ban, nhằm mục đích thúc đẩy các công ty quốc phòng của khối, đồng thời nói thêm rằng Ngân hàng Đầu tư Âu Châu nên mở rộng nhiệm vụ của mình để có thể tài trợ cho các nhà sản xuất vũ khí.

2. Nhật ký trừ tà số 282: Thảm họa Kundalini

Đức Ông Stephen Rossetti là một linh mục ở Giáo phận Syracuse, phó giáo sư nghiên cứu tại Đại học Công Giáo Hoa Kỳ và tích cực tham gia vào mục vụ trừ tà trong 13 năm qua. Trên trang web catholicexorcism.org, ngài có bài viết nhan đề “Exorcist Diary #282: Kundalini Disasters”, nghĩa là “Nhật ký trừ tà số 282: Thảm họa Kundalini”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.

Trong vài tháng qua, một số người đã tìm kiếm sự giúp đỡ của chúng tôi sau khi gặp phải những trải nghiệm tồi tệ khi tập Yoga Kundalini. Họ tuyên bố đã bị Ác linh tấn công do họ đi sâu vào tâm linh của nó, bao gồm cả “sự thức tỉnh Kundalini”. Trải nghiệm này, ban đầu có vẻ giống như một sự thức tỉnh mạnh mẽ, nhưng cuối cùng lại trở thành một cơn ác mộng. Bây giờ họ đang bị ma quỷ hành hạ.

Một người đã viết:

“Tình trạng này đã diễn ra nhiều năm nay. Nó bắt đầu bằng việc tập yoga kundalini và “thức tỉnh kundalini”, người ta nói rằng con mắt thứ ba của bạn sẽ được mở ra. Con đã có một trải nghiệm sắc như dao cạo trong một lần thực hành của mình. Thật là hưng phấn, con run rẩy và hít những hơi thật sâu và cảm giác như với mỗi hơi thở sâu, con đang giải phóng nỗi đau buồn tích tụ nhiều năm. Tuy nhiên, mọi thứ trở nên tồi tệ hơn sau đó những điều huyền bí bắt đầu xảy ra. Con không biết mình có thể chịu đựng được bao nhiêu nữa.”

Tôi đã tra cứu khái niệm này trên internet và đây là những gì một trang tích cực về Kundalini đã viết:

“Thức tỉnh Kundalini là một hình thức làm tỉnh thức tràn đầy năng lượng khiến chúng ta biến đổi về mặt tinh thần, cảm xúc và tâm linh. Bản thân Kundalini là một từ tiếng Phạn có nghĩa là “cô ấy bị cuộn” - nó đề cập đến năng lượng sinh lực nguyên thủy chứa ở đáy cột sống thường được miêu tả là một con rắn. Năng lượng ngoằn ngoèo này, một khi được đánh thức, sẽ di chuyển lên các trung tâm năng lượng (hoặc luân xa) khác nhau của cơ thể và đi vào luân xa đỉnh đầu của bạn, nơi ý thức cao hơn được kích hoạt. Kết quả của nhận thức cao hơn này là sự hiểu biết sâu sắc hơn về tâm hồn, mục đích sống và bản chất của thực tại.”

Như tôi đã được giải thích, trong Yoga Kundalini có một con rắn quấn quanh gốc cột sống (hoặc ít nhất nó là một con rắn ẩn dụ) bò lên cột sống và khi nó chạm đến đầu, sẽ có một sự thức tỉnh mạnh mẽ. Tuy nhiên, những quan niệm như vậy khiến người theo Kitô giáo phải dừng lại: Tại sao tôi lại muốn có một con rắn quấn quanh xương sống mình?

Trong truyền thống Kitô giáo của chúng ta, con rắn là biểu tượng của Ác ma (xem Sáng thế ký chương 3) và trên thực tế, thường có dấu hiệu của quỷ rắn trong các cuộc trừ quỷ. Ví dụ, đôi mắt của người bị quỷ ám có thể có hình dạng ngoằn ngoèo, trở nên sẫm màu, màu vàng và có hình dạng giống mắt rắn; người bị ám có thể trườn trên sàn như một con rắn; và người bị ám có thể rít lên như rắn. Khi tôi ra lệnh cho một linh hồn Python hoặc một con rắn độc ác rời đi, tôi thường nhận được phản ứng mạnh mẽ từ lũ quỷ. Ma quỷ mang hình dạng con rắn và phản ứng khi nhà trừ quỷ ra lệnh cho nó rời đi.

Một người đau khổ khác đã viết cho chúng tôi:

“Sau một thời gian dài thực hành các thần chú, thiền định hàng ngày và tham gia các satsang hàng tuần, con đã có một trải nghiệm ma quỷ rất tồi tệ. Con không hiểu nó là gì. Nhưng con đã có nhiều trải nghiệm siêu nhiên với chúng mà bây giờ con biết là ma quỷ, chẳng hạn như chuyển động của con rắn Kundalini ở cuối cột sống của con. Đôi khi sàn nhà sẽ rung chuyển - theo đúng nghĩa đen. Những trải nghiệm không phải tất cả đều tiêu cực. Trên thực tế – chúng hầu hết đều tích cực. Sẽ có những mùi hương dễ chịu, những cảm xúc và những “trải nghiệm” đặc biệt như chuyến bay của tâm hồn đến “các cõi khác”, những hình ảnh và ánh sáng bên trong. Tôi sẽ không quan tâm đến những thứ này trừ khi tôi cảm thấy nó được đền đáp bằng cách nào đó. Tôi cũng sẽ trải nghiệm sự chữa lành bệnh tật thể chất và những “phép lạ” chẳng hạn như tiền sẽ xuất hiện trong tài khoản của tôi khi tôi cần nó nhất. Bóng tối thường chỉ hiện rõ sau nhiều năm và khi đó sẽ rất khó thoát ra ngoài. Trên thực tế, việc cầu nguyện với những người đang bị ma quỷ bói toán như vậy có thể phải mất một thời gian dài mới có được sự giải thoát hoàn toàn.

Một người đau khổ khác cũng chia sẻ trải nghiệm tương tự của mình:

“Con đã trải qua một giai đoạn rối loạn tâm thần ngắn ngủi, sau đó là sự thức tỉnh Kundalini cực kỳ hỗn loạn gần như đã giết chết con. Sự thức tỉnh Kundalini thật là đau đớn, nhưng sau một vài năm nó đã ổn định và con trải nghiệm niềm hạnh phúc lớn lao trong cơ thể tinh tế của mình và đạt đến một số trạng thái ý thức rất tinh tế trong thiền định. Tuy nhiên, niềm hạnh phúc của con không đến từ Chúa trong Kinh thánh. Bây giờ con biết rằng ma quỷ có thể gợi lên cảm giác xuất thần trong con người.”

Cố gắng tìm kiếm sự thức tỉnh tâm linh và do đó thao túng các sức mạnh tâm linh và “năng lượng” bên ngoài một Thiên Chúa chân chính chỉ đơn giản là lặp lại tội lỗi cổ xưa của Adam và Eva. Con rắn, là Satan, đã hứa rằng nếu họ không tuân theo mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Các ngươi sẽ giống như các vị thần” (St 3:5). Có gì đáng ngạc nhiên khi những phương pháp “khai sáng” ngoại giáo như vậy liên quan đến một con rắn mà cuối cùng trái của nó mang đến sự dữ và đau khổ?

Một số người bị ma quỷ ảnh hưởng do thực hành Yoga Kundalini có một nhóm hỗ trợ không chính thức. Họ đã gửi cho tôi những thông tin sau:

“Nhiều trang web giới thiệu Kundalini như một sức mạnh tinh thần tích cực vốn có ở mọi người, bất kể truyền thống của họ. Họ nói rằng một khi sức mạnh này được kích hoạt thì có thể sẽ có một giai đoạn khó chịu để thanh lọc nghiệp chướng, cuối cùng sẽ trải qua những trải nghiệm tâm linh tích cực. Các trang web này nói rằng các truyền thống thần bí của người theo Kitô giáo, người Sufi, người theo đạo Hindu, đạo Phật, v.v. đều khai thác nguồn gốc cố hữu này. Tuy nhiên, cần nhấn mạnh rằng đây là một lời nói dối lớn. Kundalini không phải là một lực trung lập mà tất cả chúng ta đều chia sẻ với tư cách là con người mà là một linh hồn hay con quỷ xâm chiếm cơ thể, tâm trí và tinh thần của một người.”

Sự giác ngộ đích thực đến từ Đấng thực sự giác ngộ và là nguồn gốc của mọi Chân lý: là Chúa Giêsu. Tôi khuyến khích mọi người cầu nguyện, kỷ luật bản thân và thiền định (sử dụng phương pháp thiền định đích thực của Kitô giáo) giống như những người tập Yoga. Nhưng điểm khác biệt chính là chúng ta đang cầu khẩn Chúa Thánh Thần của Thiên Chúa thật trong thái độ đức tin, vâng phục và khiêm tốn. Chúng ta sẵn sàng đón nhận bất cứ ân sủng nào Chúa muốn ban.

Trái lại, khi người thực hành bước ra khỏi vòng tay bảo vệ của Chúa, các thế lực khác có thể can thiệp và, như kinh nghiệm của chúng ta cho thấy, họ có thể rõ ràng là tà ác.


Source:Catholic Exorcism

3. Trí khôn nhân tạo sẽ nâng cao con người hay khiến tất cả chúng ta trở nên bị vứt bỏ

Caitlin Bootsma trên Aleteia, ngày 25/02/24, tường trình rằng một cuộc hội thảo và triển lãm tại New York Encounter năm nay đã tiết lộ sự mơ hồ và không chắc chắn sâu xa xung quanh kỹ thuật trí khôn nhân tạo, ngay trong số những người sáng tạo ra nó.

Trí khôn nhân tạo ở trên môi của mọi người. “Bạn đã sử dụng nó chưa?” “Làm thế nào nó hoạt động?” “Việc sử dụng nó trong công việc của tôi có hợp đạo đức không?” Hay thậm chí là “Điều gì sẽ xảy ra nếu Trí khôn nhân tạo thay thế chúng ta?”

Mặc dù việc lo ngại trí khôn nhân tạo sẽ tiếp quản có vẻ bị thổi phồng quá mức, nhưng rõ ràng Trí khôn nhân tạo hiện là một phần dường như không thể thay đổi được trong cơ cấu cách chúng ta giao tiếp, phát minh và xây dựng trong xã hội ngày nay. Đó là điều đã tạo nên một cuộc triển lãm mang tên “Trí khôn nhân tạo và tôi” tại Cuộc Gặp Gỡ New York năm nay – một lễ hội văn hóa cuối tuần quy tụ những người Công Giáo và những người tìm kiếm cơ hội “giáo dục, đối thoại và tình bạn” – thật hấp dẫn.

Ngoài ra còn có một hội thảo được phát trực tiếp nhằm đặt nền tảng cho cuộc thảo luận bằng cách đưa ra lời giải thích chung về chức năng của trí khôn nhân tạo. Tham luận viên Jon Stokes, đồng sáng lập và giám đốc sản phẩm tại Trí khôn nhân tạo Có tính Biểu tượng, giải thích rằng ở một khía cạnh nào đó, Trí khôn nhân tạo giống như một công cụ tìm kiếm, nhưng thay vì chỉ đơn giản là tìm kết quả mà người dùng đang tìm kiếm, nó kết hợp các yếu tố lại với nhau.

Ông cũng chỉ ra rằng ngay cả những người tạo ra Trí khôn nhân tạo cũng không thực sự hiểu cách thức hoạt động của kỹ thuật này.

Tác động ngày càng tăng nhanh chóng của Trí khôn nhân tạo

Tác động của Trí khôn nhân tạo đã được cảm nhận rõ ràng. Từ việc tạo ra hình ảnh cho đến toàn bộ bài viết và thậm chí cả phim ngắn, Trí khôn nhân tạo dường như đột nhiên có mặt ở mọi nơi. Nhưng các tham luận viên nhấn mạnh rằng Trí khôn nhân tạo chủ yếu được sử dụng như một công cụ tạo năng suất - giúp con người thực hiện các nhiệm vụ nhanh hơn và hiệu quả hơn. Trí khôn nhân tạo có thể hữu ích nhất trong lĩnh vực “trợ tá”, không thay thế óc sáng tạo của con người mà gia tăng nó.

Stokes và tham luận viên Jennifer Strong, một nhà báo âm thanh đằng sau podcast Shift, giải thích rằng Trí khôn nhân tạo có khả năng cho phép mọi người tiến xa hơn trong chuỗi sáng tạo. Ví dụ, Trí khôn nhân tạo có thể hoàn thành các dịch vụ cơ bản như tạo dòng mã máy tính và viết đề cương, nhưng sau đó vẫn cần có con người chỉ đạo, chỉnh sửa và giám sát sản phẩm cuối cùng.

Trí khôn nhân tạo hướng chúng ta trở lại với con người

Trên thực tế, những giới hạn của trí khôn nhân tạo có thể thực sự giúp chúng ta xác định được điều gì là duy nhất và không thể thay thế trong bản chất con người. Stokes nói, nhân loại cuối cùng là “về mối quan hệ”. Trí khôn nhân tạo có thể tạo ra đủ loại đồ vật, nhưng những đồ vật đó sẽ không bao giờ có ý nghĩa như thứ do người này tạo ra cụ thể cho người khác.

Trí khôn nhân tạo cũng không thể hiểu hoặc tái tạo (ít nhất là chưa) đời sống nội tâm phức tạp của con người. Sau buổi nói chuyện, Aleteia đã đến thăm triển lãm đi kèm và nói chuyện với người điều hành David Bolchini, phó khoa trưởng điều hành tại Trường Tin học Luddy của Đại học Indiana. Ông đưa ra ví dụ về một người đang trải qua đau buồn. Nếu cảm giác đau buồn hoặc cảm xúc cá nhân mãnh liệt khác không thể diễn đạt thành lời chính xác thì Trí khôn nhân tạo sẽ không có cách nào tái tạo được nó.

Nói cách khác, Trí khôn nhân tạo chỉ có thể tạo ra các đối tượng, cuộc trò chuyện và văn bản dựa trên những thứ mà con người đã trải nghiệm và thể hiện lần đầu tiên. Và tất nhiên, bản thân Trí khôn nhân tạo cũng do con người phát minh ra. Một cách để nhìn nhận Trí khôn nhân tạo là nó thể hiện đầy đủ khả năng sáng tạo của con người.

Ảo giác và tin giả

Tuy nhiên, việc lo ngại về Trí khôn nhân tạo là điều hợp lý. Strong đưa ra câu hỏi về đạo đức của trí khôn nhân tạo. Trí khôn nhân tạo thường “gây ảo giác” hoặc tạo ra tin tức giả dựa trên những gì nó ghép lại với nhau, sau đó tự tin trình bày những điều sai trái đó thành sự thật. Bolchini sau đó nhận xét rằng một khi Trí khôn nhân tạo hiểu được điều gì đó về bạn - đúng hay sai - thì nó vẫn tồn tại trên web vĩnh viễn. Hiện chưa có cách hiểu chung về cách loại bỏ thông tin không chính xác. Như Strong khẳng định, nếu “sự thật quan trọng”, làm sao chúng ta có thể phân biệt được điều gì là đúng hay không đúng?

Strong cũng nói rằng lo ngại việc Trí khôn nhân tạo sẽ khiến mọi người mất việc là có cơ sở. “Đây là vấn đề cắt giảm việc làm ngay bây giờ,” cô nói thế. Các công ty đang tìm cách tiết kiệm tiền nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy tiền đang được tái đầu tư vào các dự án mới. Cô nói, “Vì vậy, nếu mọi người cảm thấy lo lắng thì điều đó cũng có lý”.

Ngoài ra, có nguy cơ một số cá nhân sẽ chọn cách cô lập bản thân hơn nữa với xã hội và đắm mình hoàn toàn vào các mô phỏng do Trí khôn nhân tạo tạo ra. Stokes nói rằng một số người sẽ chỉ theo đuổi sự thèm thuồng của mình một cách không kiểm soát mà không liên quan đến thực tại và không có mối quan hệ thực sự nào.

Vì tất cả những lý do này, việc biến Trí khôn nhân tạo thành mục đích cuối cùng sẽ là một sai lầm.

Các lý do lạc quan

Tại triển lãm, khi được hỏi liệu cuối cùng ông lo lắng hay lạc quan hơn về tương lai của Trí khôn nhân tạo, Bolchini nói với Aleteia:

Nó thay đổi từng ngày. Hôm nay tôi lạc quan hơn hôm qua. Bởi vì tôi đã thấy khi tôi giải thích cách Trí khôn nhân tạo thường hoạt động với khách…Tôi thấy mắt người ta sáng lên và có phản ứng, hiểu rằng bên dưới mui xe, đây là những cỗ máy vốn không có tính phép thuật mà là các công cụ xác suất hiểu cấu trúc của ngôn ngữ có thể hoàn thành câu chữ của chúng ta… Càng thấy mọi người chấp nhận điều đó như một sự kiện, tôi càng thấy những lo lắng của họ giảm bớt và sự lạc quan của họ ngày càng tăng.

Dù lo lắng hay lạc quan về tương lai, ban thảo luận va cuộc trưng bày đi kèm đều là những dấu hiệu đầy hy vọng chỉ ra bản chất độc đáo của nhân loại. Chừng nào chúng ta còn suy nghĩ, đặt câu hỏi và thảo luận về những kỹ thuật mới này thì rõ ràng là khả năng sáng tạo của con người vẫn còn là “sân khấu trung tâm” theo cách nói của Stokes.
 
Thánh Ca
TV 88
Lm. Thái Nguyên
21:52 16/03/2024
 
Thánh Ý Chúa
Lm. Thái Nguyên
21:53 16/03/2024
 
Thánh Giuse
Lm. Thái Nguyên
21:54 16/03/2024