“Nầy đây, Ta sáng tạo trời mới đất mới”.
Kính thưa Anh Chị em,
Lời Chúa hôm nay tiết lộ một mặc khải của Thiên Chúa, đó là lời Người hứa về một ‘trời mới đất mới’, một ‘càn khôn mới’. Trong tiếng Hán, ‘càn’ hoặc ‘kiền’ là trời; ‘khôn’ là đất. Với Chúa Giêsu, lời hứa này nên hiện thực. Cụ thể, trong Tin Mừng hôm nay, viên quan nhà vua đã gặp ‘trời mới đất mới’ này; ông gặp được niềm vui, niềm tin và sự sống từ Chúa Giêsu khi Ngài chữa con ông bằng ‘Lời từ xa’. Và như thế, đích thực, Ngài là ‘càn khôn mới’, ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’.
Qua Isaia, Thiên Chúa hứa sẽ tôn tạo lại những gì đã hỏng hóc, gãy đổ; Người sẽ làm lại từ đầu một cái gì mới mẻ, đầy sức sống và trào tràn niềm vui, “Này Ta tác tạo trời mới đất mới”; lời này được hứa khi dân đang bị lưu đày, một viễn ảnh chỉ có trong mơ lúc bấy giờ. Vì chưng, Thiên Chúa, Đấng xót thương, tha thứ hết mọi tội lỗi của dân, một dân biết quay trở về, “Vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng”; đó là một Giêrusalem khiêm hạ, nhận biết Chúa, hân hoan trong ‘trời mới đất mới’.
Thánh Gioan hôm nay tường thuật khá chi tiết việc Chúa Giêsu chữa lành con trai của một quan chức hoàng gia. Ông xin Ngài xuống nhà ông vì con ông sắp chết, nhưng Ngài bảo, “Ông cứ về đi, con ông mạnh rồi”; Tin Mừng ghi, “Ông tin lời Chúa Giêsu nói và trở về”. Một chi tiết thú vị, là cũng tại xứ sở này, Chúa Giêsu đã dành cho một đôi tân hôn phép lạ đầu tay khi Ngài biến nước thành rượu; và có lẽ ít nhiều, viên chức này đã nghe, hoặc lý thú hơn, đã chứng kiến việc xảy ra mà hôm ấy, ông có mặt. Để rồi, dẫu chưa về đến nơi, ông được người nhà cho biết, con ông đã mạnh, và Tin Mừng lại ghi, “Ông và toàn thể gia quyến ông đều tin”. Thật tuyệt vời! Nhờ một người tin, phép lạ đã xảy ra; cả nhà tin, niềm vui vỡ oà. Và như thế, nhà vị quan vui mừng, không chỉ vì con ông sống nhưng mừng vui hơn vì nhận biết Chúa Giêsu, Đấng có khả năng cứu sống; Đấng ấy chỉ có thể là Thiên Chúa hoặc được Thiên Chúa sai đến. Qua đó, chúng ta tin chắc, hôm ấy, đại gia đình ông tràn ngập niềm vui trong ‘trời mới đất mới’, ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’.
Ở đây, không phải bởi viên quan xứng đáng với hồng ân của Thiên Chúa vì đã tin ít nhiều, nhưng chỉ vì một lẽ, Chúa Giêsu là Thiên Chúa xót thương; cũng như lời hứa ‘trời mới đất mới’ không do công nghiệp của dân nhưng do lòng thương xót hải hà của Người. Vì thế, điều quan trọng là chúng ta phải lớn lên trong niềm tin mà không dựa vào bất cứ điều kiện nào. Hãy tưởng tượng, viên quan này không nhận được phép lạ cho con mình, dẫu thế, ông vẫn tin và cả nhà ông đều tin vào Chúa Giêsu thì đó chính là ‘trời mới đất mới đích thực’; ‘càn khôn của những kẻ tin đích thực’, đây chính là ‘không gian đích thực’ Thiên Chúa chờ mong; và đó chính là dấu lạ vĩ đại mà Gioan muốn nói đến, chứ không chỉ việc đứa bé được lành. Nói cách khác, tôi tin vì Chúa là Thiên Chúa; tôi tin, dù phép lạ không bao giờ xảy ra; tôi tin, dẫu thánh giá đời tôi không khi nào được cất bỏ; và tôi vẫn mãi mãi tin, Chúa yêu thương tôi dù bất cứ hoàn cảnh nào; tối tăm nhất, bế tắc nhất, tê liệt nhất.
Anh Chị em,
Chúng ta dễ dàng tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng xót thương, nhân từ, trung tín… nhưng dường như Thiên Chúa không hành động một cách mạnh mẽ và rõ ràng. Trên thực tế, đức tin được lớn lên cách vững vàng sâu sắc nhất lại được sinh ra trong những hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Bởi chính lúc người ta đưa chân đạp tôi ra xa, cũng chính là lúc họ vô tình đẩy tôi đến gần Thiên Chúa. Đức tin ở giữa những khó khăn là dấu chỉ của một đức tin rất đích thực. Hãy khôn ngoan để niềm tin của mình đứng trên nỗi sợ như bà Hannah Hurnard đã làm, như Chúa Giêsu trên thập giá đã làm; đó cũng chính là ‘không gian đích thực’ Thiên Chúa muốn cho mỗi người chúng ta trong Chúa Giêsu. Nói cách khác, Thiên Chúa muốn chúng ta tin vào Người, tin vào tình yêu vô điều kiện của Người ngõ hầu chúng ta được hạnh phúc trong Chúa Giêsu là ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’.
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, con tạ ơn Chúa đã ban cho con đức tin. Xin cho con xác tín rằng, ngay giữa lúc tăm tối nhất của đời con, Chúa có đó, bên con, để con nhận được hạnh phúc đích thực mà Chúa hứa; vì con đang ở trong Chúa, ‘Càn Khôn Đích Thực Của Kẻ Tin’”, Amen.
(Tgp. Huế)
PHÚC ÂM: Ga 5, 1-3a. 5-16
“Tức khắc người ấy được lành bệnh”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Hôm đó là ngày lễ của người Do-thái, Chúa Giêsu lên Giêrusalem. Tại Giêrusalem, gần cửa “Chiên”, có một cái hồ, tiếng Do-thái gọi là Bếtsaiđa, chung quanh có năm hành lang. Trong các hành lang này, có rất nhiều người đau yếu, mù loà, què quặt, bất toại nằm la liệt. Trong số đó, có một người nằm đau liệt đã ba mươi tám năm. Khi Chúa Giêsu thấy người ấy nằm đó và biết anh đã đau từ lâu, liền hỏi: “Anh muốn được lành bệnh không?” Người đó thưa: “Thưa Ngài, tôi không được ai đem xuống hồ, mỗi khi nước động. Khi tôi lết tới, thì có người xuống trước tôi rồi”. Chúa Giêsu nói: “Anh hãy đứng dậy vác chõng mà về”. Tức khắc người ấy được lành bệnh. Anh ta vác chõng và đi. Nhưng hôm đó lại là ngày Sabbat, nên người Do-thái bảo người vừa được khỏi bệnh rằng: “Hôm nay là ngày Sabbat, anh không được phép vác chõng”. Anh ta trả lời: “Chính người chữa tôi lành bệnh bảo tôi: “Vác chõng mà đi”. Họ hỏi: “Ai là người đã bảo anh “Vác chõng mà đi?” Nhưng kẻ đã được chữa lành không biết Người là ai, vì Chúa Giêsu đã lánh vào đám đông tụ tập nơi đó. Sau đó, Chúa Giêsu gặp anh ta trong đền thờ, Người nói: “Này, anh đã được lành bệnh, đừng phạm tội nữa, kẻo phải khốn khổ hơn trước”. Anh ta đi nói cho người Do-thái biết chính Chúa Giêsu là người đã chữa anh ta lành bệnh. Vì thế người Do-thái gây sự với Chúa Giêsu, vì Người đã làm như thế trong ngày Sabbat.
Ðó là lời Chúa.
48. Cứu linh hồn người ta so với việc làm phép lạ thì công phúc càng to lớn hơn.
(Thánh John Chrysostom)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
------------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Thời nhà Tống, Tản văn Âu Dương Đức làm quan chấm thi, nhìn thấy một cử nhân là Lưu Huy viết trên cuộn giấy thi:
- “Trời đất ép, vạn vật mạnh, quái nhân phát”. (1)
Âu Dương Đức nhìn thấy thì không cho là như thế, bèn dùng bút đỏ bôi xóa nó.
Có một thư sinh nhìn thấy liền viết thêm câu thứ tư ở cuối câu bị bôi xóa thành câu châm biếm:
- “Quan thi xóa”. (2)
(Tiếu Tán)
Suy tư 91:
Trời đất mà chèn ép thì vạn vật không thể lớn mạnh, quái nhân lại càng không thể phát lên được, chứ làm gì có chuyện trời đất ép thì vạn vật mạnh và quái nhân phát lên chứ, đúng là bài thi lếu láo, nhưng đó là chuyện thời xưa.
Chuyện thời nay thì ngược lại: con người mạnh, vạn vật hư, trời đất giận.
Có nghĩa là khi con người khám phá ra được vũ trụ, chế tạo ra được những máy móc thiết bị tối tân thì trở thành kiêu ngạo, khi đã có những thứ kỷ thuật hiện đại thì làm ô nhiễm môi trường vạn vật thiên nhiên, rồi từ đó nảy sinh ra chiến tranh, ôn dịch, tội lỗi làm cho trời đất nổi giận...
Người Ki-tô hữu khi nhìn điềm trời đất nổi giận rồi đem đối chiếu với Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su, thì thấy Lời Chúa đúng là hiệu nghiệm, rồi cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho mình được hiệp thông, để biết những điều bí ẩn của vũ trụ mà Đức Chúa Giê-su đã nói trong Tin Mừng, mà có rất nhiều người không biết hoặc biết mà không tin.
Hồng ân này, chúng ta –người Ki-tô hữu- phải tạ ơn hằng ngày trong suốt cuộc đời...
(1) Chữ “phát” đây nghĩa là trổ hết tài năng.
(2) Quan chấm thi xóa.
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Giáo Hội tại Miến Điện đã làm rõ các thông tin sai lệch liên quan đến các bài đăng trên Twitter của Đức Hồng Y Charles Maung Bo.
Twitter đã hủy một trương mục mang tên của Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar. Nhưng chính Đức Hồng Y Bo đã yêu cầu mạng xã hội xóa trương mục, vì nó giả mạo, lợi dụng danh nghĩa của Đức Hồng Y Tổng giám mục.
Thư ký của Đức Hồng Y Bo xác nhận với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng “Đức Hồng Y không có trương mục Facebook hay Twitter và không có bài nào đã được đăng là của Đức Hồng Y”.
Trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình trên khắp Miến Điện và các lực lượng ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự gần đây, các dòng tweet được cho là của Đức Hồng Y Bo đã được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới trích dẫn.
Khi tài khoản Twitter của vị Hồng Y gặp trở ngại nào đó không thấy tiếp tục nữa, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm, nhưng thông tấn xã Fides cho biết, chính vị Hồng Y đã yêu cầu xóa tài khoản.
Thủ đoạn của các trương mục giả mạo là đầu tiên các tuyên bố được đưa ra rất phù hợp với giọng điệu và lập trường của nạn nhân, để đạt được các tin tưởng nhất định. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau sẽ có các biến tướng khác.
Fides lưu ý rằng Đức Hồng Y Bo, hiện cư trú tại Yangon, không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào ngoại trừ các bài giảng vào Chúa Nhật của ngài.
Trong thông điệp gần đây nhất của ngài gửi đến các tín hữu, Đức Hồng Y nói rằng “một Miến Điện mới là có thể, một quốc gia không có xung đột là có thể, để quốc gia này có thể được hưởng vinh quang mà nó xứng đáng.”
“Tôi chia sẻ tình đồng bào sâu sắc với tất cả các bạn trong thời điểm này khi các bạn vật lộn với những sự kiện bất ngờ, gây sốc đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Tôi kêu gọi mỗi người, hãy bình tĩnh, đừng bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đã đổ máu đủ rồi. Đừng đổ máu nữa trên mảnh đất này. Ngay cả trong thời điểm thử thách nhất này, tôi tin rằng hòa bình là con đường duy nhất, hòa bình là có thể. Luôn có những cách thức bất bạo động để thể hiện sự phản đối của chúng ta. Các sự kiện đang diễn ra là kết quả đáng buồn của sự thiếu vắng đối thoại và giao tiếp cũng như các tranh chấp đa dạng về quan điểm. Chúng ta đừng tiếp tục hận thù vào lúc này khi chúng ta đấu tranh cho phẩm giá và sự thật. Cầu xin cho tất cả các nhà lãnh đạo cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện và thúc đẩy cộng đồng phản ứng hòa bình với những sự kiện này. Cầu cho tất cả, xin cho tất cả, tránh những dịp khiêu khích.”
Source:Aleteia
Các bộ phận của Vatican đang chờ đợi sự chỉ đạo từ Đức Thánh Cha Phanxicô để trả lời các tài liệu và đề xuất về Tiến Trình Công Nghị đang được tiến hành ở Đức, các quan chức tại một số bộ của Vatican nói với tờ The Pillar.
Các quan chức trong Giáo triều Rôma cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều để Vatican hành động, đồng thời nói thêm rằng một số những hành động rời bỏ giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội đang được tiến hành ở Đức.
Phát biểu với The Pillar, một quan chức cấp cao của Bộ Giám mục nói rằng “nhiều ý tưởng có vấn đề mà chúng tôi thấy được đề xuất bởi Tiến Trình Công Nghị ở Đức trên thực tế đã xảy ra ở cấp giáo xứ”, bao gồm các nghi lễ chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính và cho những người theo đạo Tin lành được rước lễ.
“Ngày càng có nhiều cảm giác lo sợ rằng nút chai đã mở ở nhiều nơi”, quan chức này cho biết.
Quan chức này nói rằng mối quan tâm đang gia tăng trong một số cơ quan khác của Giáo triều Rôma, bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Luật, và Bộ Giáo lý Đức tin, rằng trừ khi Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp trực tiếp, người Đức có thể thành công trong việc khởi động những cuộc từ bỏ triệt để các Giáo huấn và thực hành của Giáo hội.
Source:Pillar Catholic
Giáo Hội có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới tính không?
TRẢ LỜI:Không.
Ghi chú giải thích
Trong một số bối cảnh của Giáo hội, các kế hoạch và đề xuất việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới đang được đưa ra. Những dự án như vậy không thường xuyên được thúc đẩy bởi mong muốn chân thành chào đón và đồng hành với những người đồng tính luyến ái, những người được đề nghị những con đường thăng tiến đức tin, “để những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái có thể nhận được sự trợ giúp mà họ cần để hiểu và thực hiện trọn vẹn ý muốn của Thiên Chúa trong cuộc sống của họ” [1].Trên những con đường như vậy, việc lắng nghe lời Chúa, cầu nguyện, tham gia vào các hoạt động phụng vụ của Giáo hội và thực thi bác ái có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc nâng đỡ dấn thân đọc lịch sử của chính mình và tuân thủ tự do và có trách nhiệm đối với lời kêu gọi nhận được trong phép Rửa Tội của người ấy, bởi vì “Thiên Chúa yêu thương mọi người và Giáo hội cũng vậy” [2], bác bỏ mọi sự phân biệt đối xử bất công.
Trong số các hành động phụng vụ của Giáo Hội, các á bí tích có một tầm quan trọng nổi bật: “Đây là những dấu chỉ thiêng liêng giống với các bí tích: chúng biểu thị những hiệu quả, đặc biệt là những hiệu quả thiêng liêng, có được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội. Nhờ các á bí tích này, con người được chuẩn bị để lãnh nhận hiệu quả chính các bí tích, và được thánh hóa trong các dịp khác nhau của cuộc sống” [3]. Do đó, Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo chỉ rõ rằng “các á bí tích không ban ơn Chúa Thánh Thần theo cách mà các bí tích làm, nhưng bằng lời cầu nguyện của Giáo hội, chúng chuẩn bị cho chúng ta đón nhận ân sủng và để chúng ta hợp tác với ơn thánh đó” (# 1670).
Việc chúc phúc thuộc hàng các á bí tích, nhờ đó Giáo hội “kêu gọi chúng ta ca ngợi Thiên Chúa, khuyến khích chúng ta khẩn cầu sự bảo vệ của Người, và khuyên chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Người bằng sự sống thánh thiện của chúng ta” [4]. Ngoài ra, “được thiết lập như một kiểu bắt chước các bí tích, việc chúc phúc trên hết là dấu chỉ của các hiệu quả thiêng liêng đạt được nhờ sự chuyển cầu của Giáo hội” [5].
Do đó, để phù hợp với bản chất của các á bí tích, khi một hành động chúc phúc được cầu khẩn trên các mối quan hệ cụ thể của con người, ngoài ý định đúng đắn của những người tham gia, điều cần thiết là những gì được ban phép lành phải xứng hợp một cách khách quan và tích cực để nhận được và thể hiện ân sủng theo kế hoạch của Thiên Chúa đã ghi khắc trong sáng tạo, và được Chúa Giêsu Kitô mặc khải hoàn toàn. Vì vậy, chỉ những thực tại tự nó xứng hợp nhằm phục vụ những mục đích đó mới phù hợp với bản chất của việc chúc phúc do Giáo hội trao ban.
Vì lý do này, sẽ không hợp luật khi ban phép lành cho các mối quan hệ, hoặc các trường hợp sống chung, thậm chí ổn định, liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân (nghĩa là, bên ngoài sự kết hợp bất khả phân ly của một người nam và một người phụ nữ tự nó mở ra cho việc truyền sự sống), như trong trường hợp kết hiệp đồng giới [6]. Trong các mối quan hệ như vậy, sự hiện diện của các yếu tố tích cực, tự bản thân chúng đã được coi trọng và đánh giá cao, không thể biện minh cho những mối quan hệ này, cũng không thể biến chúng trở thành đối tượng hợp pháp của một sự chúc phúc của Giáo Hội, vì các yếu tố tích cực này tồn tại trong bối cảnh của một kết hiệp không theo kế hoạch của Đấng Tạo Hóa.
Hơn nữa, vì việc ban phép lành trên con người liên quan đến các bí tích, nên không thể coi việc chúc phúc cho kết hiệp đồng tính luyến ái là phù hợp. Điều này là bởi vì chúng sẽ tạo thành một sự bắt chước hoặc một sự tương tự nhất định đối với việc chúc hôn [7] được cầu khẩn trên người nam và người nữ được kết hợp trong Bí tích Hôn phối, trong khi trên thực tế “hoàn toàn không có căn cứ nào để coi sự kết hợp đồng tính luyến ái là tương tự hoặc thậm chí tương đồng xa xôi với kế hoạch của Thiên Chúa cho hôn nhân và gia đình” [8].
Do đó, việc tuyên bố tính chất bất hợp pháp của việc chúc phúc cho kết hiệp đồng giới không phải, và không có ý định, là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi thức phụng vụ và của chính bản chất của các á bí tích như Giáo hội hiểu chúng.
Cộng đồng Kitô hữu và các Mục tử được kêu gọi chào đón với sự tôn trọng và nhạy cảm với những người có khuynh hướng đồng tính luyến ái, và sẽ biết cách tìm ra những cách thức thích hợp nhất, phù hợp với giáo huấn của Giáo hội, để loan báo Tin Mừng một cách trọn vẹn cho họ. Đồng thời, họ phải nhận ra sự gần gũi đích thực của Giáo hội – trong lời cầu nguyện cho họ, trong sự đồng hành với họ và chia sẻ hành trình đức tin Kitô của họ [9] - và đón nhận những giáo lý với sự cởi mở chân thành.
Câu trả lời cho nghi vấn được đề ra không loại trừ các phép lành được ban cho những cá nhân có khuynh hướng đồng tính luyến ái [10], những người biểu lộ ý muốn sống trung thành với các kế hoạch đã được mạc khải của Thiên Chúa như giáo huấn của Giáo hội đã đề xuất. Thay vào đó, câu trả lời cho câu hỏi này tuyên bố tính chất bất hợp pháp của bất kỳ hình thức chúc phúc nào có xu hướng thừa nhận sự kết hiệp của họ như vậy. Trong trường hợp này, trên thực tế, sự chúc phúc sẽ không biểu lộ ý định giao phó những cá nhân như vậy cho sự bảo vệ và giúp đỡ của Thiên Chúa, theo nghĩa đã đề cập ở trên, nhưng là chấp thuận và khuyến khích một lựa chọn và một lối sống không thể được công nhận là xứng hợp một cách khách quan với các kế hoạch được mạc khải của Thiên Chúa [11].
Đồng thời, Giáo hội nhắc lại rằng chính Thiên Chúa không bao giờ ngừng chúc phúc cho mỗi người con lữ hành của Ngài trên thế giới này, bởi vì “chúng ta quan trọng đối với Thiên Chúa hơn tất cả những tội lỗi mà chúng ta có thể phạm” [12]. Nhưng Ngài không và không thể ban phước cho bất kỳ tội lỗi nào: Ngài ban phước cho con người tội lỗi, để anh ta có thể nhận ra rằng anh ta là một phần trong kế hoạch yêu thương của Người và để cho mình được hoán cải bởi Người. Trên thực tế, Ngài “coi chúng ta như chúng ta vốn có, nhưng không bao giờ bỏ chúng ta như chúng ta vốn có” [13].
Vì những lý do đã đề cập ở trên, Giáo hội không có và không thể có quyền chúc phúc cho sự kết hợp của những người cùng giới tính theo nghĩa đã xác định ở trên.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô, tại buổi Tiếp kiến được dành cho Tổng Trưởng của Bộ này là người ký tên dưới đây, đã được thông báo và đồng ý cho công bố Bản phúc đáp nêu trên, với Bản giải thích phụ lục.
Rôma, từ Văn phòng của Bộ Giáo lý Đức tin, ngày 22 tháng 2 năm 2021, Lễ Kính Ngai Tòa Thánh Phêrô, Tông đồ.
✠ Đức Hồng Y Luis F. Ladaria, SI
Tổng trưởng
✠ Giacomo Morandi
Tổng giám mục hiệu tòa Cerveteri
Thư ký
_______________________
[1] Francis, Tông huấn Amoris laetitia, 250.
[2]Thượng Hội Đồng Giám Mục, Văn kiện cuối cùng của Thượng Hội Đồng Giám Mục thường kỳ lần thứ XV, 150.
[3] Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ Thánh Sacrosanctum Concilium, 60.
[4] RITUALE ROMANUM ex Decreto Sacrosancti Oecumenici Concilii Vaticani II instauratum auctoritate Ioannis Pauli PP. Il Issgatum, De bentictionibus, Praenotanda Generalia, n.9.
[5] Thượng dẫn, số 10.
[6] Sách Giáo lý của Giáo Hội Công Giáo, 2357.
[7] Thực ra, lời chúc hôn liên quan đến trình thuật về sự sáng tạo, trong đó lời chúc phúc của Thiên Chúa trên người nam và người nữ có liên quan đến sự kết hiệp sinh hoa trái của họ (x. St 1:28) và sự bổ sung cho nhau (x. St 2: 18-24. ).
[8] Francis, Tông huấn Amoris laetitia, 251.
[9] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư về việc Chăm sóc Mục vụ cho người Đồng tính luyến ái, 15.
[10] Trên thực tế, Benedictionibus trình bày một danh sách mở rộng các tình huống kêu cầu Chúa chúc phúc.
[11] Xem Bộ Giáo Lý Đức Tin, Thư về việc Chăm sóc Mục vụ cho người Đồng tính luyến ái, 15.
[12] Francis, Buổi tiếp kiến chung vào ngày 2 tháng 12 năm 2020, Giáo lý về Cầu nguyện, sự chúc lành.
[13] Thượng dẫn.
Source:Holy See Press Office
Bộ trưởng Y tế và Dịch Vụ Xã Hội của Quebec là Christian Dubé đã lên tiếng chỉ trích Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada về lời khuyên đối với vắc xin của các ngài.
Các giám mục đề nghị người Công Giáo nên “ưu tiên” cho các loại vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna vì chúng có thể “được chấp nhận về mặt đạo đức” hơn những vắc-xin do AstraZeneca và Johnson & Johnson sản xuất.
“Tôi cực lực phản đối tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada”, Dubé nói qua Twitter. “Tôi mời tất cả những người dân Quebec hãy tin tưởng vào các chuyên gia của chúng tôi và những người từ khắp nơi trên thế giới: tất cả các loại vắc xin mà chúng tôi quản lý đều có hiệu quả”.
Tuyên bố của Dubé được xem là sống sượng và có tính chất kích động dư luận chống các Giám Mục Canada. Thực ra, tuyên bố của các ngài không liên quan gì đến vấn đề hiệu quả hay không, các ngài chỉ đề cập đến tính chất hợp luân lý của việc phát triển các loại vắc xin khác nhau.
Christian Dubé có lẽ đang lo lắng cho túi tiền của tập đoàn Johnson & Johnson hơn là sức khoẻ của người dân Quebec. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Canada về vấn đề này.
Các Giám mục Canada khuyên người Công Giáo nên chọn vắc-xin COVID ‘ít liên quan nhất’ đến việc phá thai
Người Công Giáo được chủng ngừa COVID-19 nên chọn loại vắc-xin có “mối liên hệ ít nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai”, các giám mục Canada cho biết hôm thứ Ba, nhưng khi không có lựa chọn hoặc quá khó khăn, các lựa chọn thay thế “có thể được sử dụng với lương tâm ngay lành với ý thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không cấu thành sự hợp tác chính thức với việc phá thai”.
Trong một tuyên bố có tiêu đề “Lưu ý về Mối quan tâm Đạo đức Liên quan đến Vắc xin COVID-19 được phê duyệt hiện nay”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, cho biết vắc xin Moderna và Pfizer được phê duyệt ở Canada “không sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình phát triển và sản xuất vắc xin”.
Mặc dù vắc-xin đã sử dụng “dòng tế bào có nguồn gốc không hợp luân lý” trong khi thử nghiệm, chúng “có thể chấp nhận được về mặt đạo đức để người Công Giáo có thể nhận vì kết nối với phá thai trong tiến trình sản xuất là vô cùng xa”.
CCCB cho biết, vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson có nhiều vấn đề hơn vì chúng “sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình phát triển, sản xuất và kiểm tra xác nhận”.
“Vì vậy, nếu có thể lựa chọn giữa việc nhận các loại vắc xin khác nhau, loại vắc xin có ít kết nối nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai nên luôn được ưu tiên và phải được lựa chọn khi có thể”.
Khi không có sự lựa chọn hoặc nó là “khá khó khăn để có được vắc-xin ưu tiên”, các giám mục nói, “vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và vì những cân nhắc khác, chúng tôi thấy không có gì về mặt đạo đức ngăn chặn bất cứ ai nhận với lương tâm ngay lành vắc xin AstraZeneca hay Johnson & Johnson hoặc những vắc xin khác có thể được chấp thuận dù chúng được phát triển, thử nghiệm và sản xuất theo cách tương tự”.
Đối với câu hỏi liệu có nên chủng ngừa hay không, quyết định này là “một trong vấn đề thuộc về lương tâm cá nhân sau khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe,” các giám mục nói, và “có thể là một hành động bác ái vì nhu cầu chăm sóc cho người khác”.
Bộ Giáo lý Đức tin đã phân biệt “những nghĩa vụ đạo đức khác nhau đối với những người phát triển vắc-xin và những người nhận chúng”, CCCB cho biết. Bày tỏ quan điểm của Vatican, các giám mục kêu gọi các chính phủ “bảo đảm rằng vắc xin COVID-19 được cung cấp không tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức cho người dân Canada”, vì làm như thế không khuyến khích người dân Canada tiêm chủng.
Đức Tổng Giám Mục Vancouver là Đức Cha Michael Miller đã nói với The BC Catholic tuần trước rằng ngài hy vọng sẽ xắn tay áo lên và tiêm chủng khi đến lượt mình và rằng, nếu được lựa chọn, ngài sẽ tránh vắc-xin Johnson & Johnson vì nó có mối liên hệ chặt chẽ hơn với phá thai. Nhưng ngài thừa nhận rằng người Canada không có khả năng được lựa chọn vắc-xin.
Source:BC Catholic
Hồng Y Blase Cupich, người được dự đoán là tổng trưởng Bộ Giám Mục hay Bộ Giáo Sĩ đã lại mâu thuẫn với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, về vấn đề vắc xin. USCCB và một số cá nhân các giám mục Mỹ đã gọi vắc xin Johnson & Johnson là “có vấn đề về mặt đạo đức”.
Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi người Công Giáo nên chọn vắc xin Pfizer và Moderna, chích hai lần, hơn là tiêm một mũi Johnson & Johnson vì nó sử dụng các dòng tế bào được nhân bản từ mô bào thai bị phá bỏ.
Trong tuyên bố hôm 2 tháng Ba, USCCB viết:
Việc phê duyệt vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson để sử dụng ở Hoa Kỳ một lần nữa đặt ra vấn đề liên quan đến sự cho phép về mặt đạo đức việc sử dụng vắc-xin được phát triển, thử nghiệm hay được sản xuất với sự trợ giúp của các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai.
Các loại vắc xin của Pfizer và Moderna đã làm dấy lên lo ngại vì một dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai đã được sử dụng để thử nghiệm chúng. Nhưng những tế bào đó không được dùng trong quá trình sản xuất. Trái lại, vắc-xin Johnson & Johnson đã được phát triển, thử nghiệm và được sản xuất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai làm dấy lên những lo ngại về đạo đức. Bộ Giáo lý Đức tin đã đánh giá rằng ‘trong trường hợp bất khả kháng khi không có sẵn vắc-xin Covid-19 được sản xuất phù hợp về mặt luân lý thì việc nhận vắc-xin Covid-19 sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá bỏ trong quá trình nghiên cứu và sản xuất là điều có thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Tuy nhiên, nếu ta có thể chọn trong số các loại vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả như nhau, thì nên chọn loại vắc-xin có ít kết nối nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai”. Do đó, nếu có khả năng lựa chọn vắc xin, nên chọn vắc xin Pfizer hoặc Moderna thay vì vắc xin Johnson & Johnson.
Trong khi chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng các công ty dược phẩm phải ngừng sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai, trước những đau khổ trên toàn thế giới mà đại dịch này đang gây ra, chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng việc tiêm chủng có thể là một hành động bác ái phục vụ thiện ích chung.
Hồng Y Cupich nói: “Không ai phải lựa chọn, tất cả các loại vắc xin đều chấp nhận được về mặt đạo đức. Tôi không biết lý do họ nói những gì họ đã nói, chúng ta phải nói rõ ràng”.
Source:ABC Chicago
(ChurchPOP – 15/3/2021)
Giáo Hội Công Giáo Anh và xứ Wales, cho hay Thánh bộ Đức tin đã đưa ra một sắc lệnh liên quan đến việc ban phép lành cho các cặp đồng tính.
Bộ Giáo lý Đức tin, Đức Hồng Y chủ tịch Thánh bộ Luis Ladaria và Đức Tổng Giám Mục Giacomo Morandi, thư ký đã ký nhận bản phúc đáp đã được Đức Thánh Cha Phanxicô châu phê.
Sắc lệnh được mở đầu bằng câu hỏi "Liệu Giáo hội có ban phép lành cho đám cưới của những người đồng tính không?"
"Không", tài liệu xác quyết.
Sắc lệnh mở đầu như sau: “Các phép lành gắn liền với các bí tích, theo Giáo hội“ đó là lời mời gọi chúng ta ngợi khen Thiên Chúa, khuyến khích chúng ta khẩn cầu Người bảo vệ chở che, và mời gọi chúng ta tìm kiếm lòng thương xót của Chúa qua sự sống thánh khiết của chúng ta.”
Giáo Hội Công Giáo minh xác Giáo hội tôn trọng quyết định của những người có khuynh hướng đồng tính“ và với lòng trắc ẩn và bén nhạy,” nhìn nhận những hành vi đồng tính là một “lỗi nghiêm trọng”, bị “rối loạn tự bản chất,” và “trong mọi hoàn cảnh Giáo hội không thể chấp nhận.” Thay vào đó, "những người đồng tính được mời gọi hãy sống khiết tịnh." (CCC 2357-2359)
Vì sự kết hợp hôn nhân phải phù hợp với luật tạo dựng của Thiên Chúa, “nên những gì được chúc phúc phải được hợp luật một cách khách quan và xứng đáng lãnh nhận ân sủng của Chúa”.
“Nên không thích hợp để ban phước cho các mối quan hệ, dù hợp luật pháp đời như chỉ kết hôn dân sự, hoặc kết hôn giữa những người đồng tính.”
Sắc lệnh khuyến khích những người đồng tính hãy sống khiết tịnh và thánh thiện. Sắc lệnh cũng mời gọi các linh mục và cộng đồng hãy chào đón, yêu thương, cầu nguyện cho họ và với họ.
“Chính Thiên Chúa không ngừng ban phước lành cho mỗi người chúng ta trong cuộc lữ hành trần thế này, vì đối với Chúa“ chúng ta quan trọng hơn những lỗi lầm mà chúng ta vấp phạm!”
“Nhưng Ngài không và không thể chúc phúc cho tội lỗi: Ngài ban ơn cho người tội lỗi, để họ có thể nhận ra họ là một thành phần trong kế hoạch tình yêu của Chúa và cho phép Chúa thay đổi chúng ta. Trên thực tế, Thiên Chúa ‘nhìn nhận chúng ta như chúng ta là, nhưng Chúa cũng không bao giờ để chúng ta như chúng ta vốn là vậy…”
“Do đó, việc tuyên bố về sự bất hợp pháp của việc ban phép lành cho sự kết hợp giữa những người cùng giới không phải, và không nhằm mục đích là một hình thức phân biệt đối xử bất công, mà là một lời nhắc nhở về sự thật của nghi lễ phụng vụ và về bản chất của các bí tích, như Giáo hội xác tín."
“Giáo hội không có và không thể có quyền ban phép lành cho sự kết hợp của những người cùng giới theo ý nghĩa của định nghĩa ở trên.”
Chỉ vài giờ sau khi Bộ Giáo Lý Đức Tin tuyên bố “KHÔNG”, Giám mục Georg Bätzing đã lên tiếng chỉ trích câu trả lời của Đức Hồng Y Tổng trưởng Luis Ladaria. Thực ra, đó không chỉ là câu trả lời của Đức Hồng Y Luis Ladaria. Đức Giáo Hoàng cũng đồng ý với ý kiến này và truyền công bố.
“Không có câu trả lời dễ dàng nào”, Giám mục Bätzing phản ứng lại trước tuyên bố ‘KHÔNG’ của Vatican đối với các hình thức chúc phúc đồng giới.
Giám mục Georg Bätzing, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Đức, đưa ra lời bình luận trên vào hôm thứ Hai 15 tháng 3, chỉ vài giờ sau khi Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, của Vatican minh định rằng Giáo Hội Công Giáo không có quyền ban các phép lành phụng vụ cho các kết hiệp đồng tính luyến ái.
Giám mục Bätzing nói rằng câu trả lời của CDF đối với câu hỏi về khả năng ban phép lành cho các kết hiệp đồng giới phản ánh “tình trạng giáo huấn của Giáo hội như được thể hiện trong một số tài liệu của Giáo triều Rôma”, CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA, báo cáo.
Ông nói tiếp: “Tại Đức và các nơi khác của Giáo hội trên toàn thế giới, đã có những cuộc thảo luận trong một thời gian về cách thức mà giáo huấn và việc phát triển giáo lý này nói chung có thể được nâng cao với những lập luận khả thi - trên cơ sở những chân lý căn bản của đức tin và luân lý, những suy tư thần học tiến bộ, và cũng là sự cởi mở với những kết quả gần đây hơn của khoa học nhân văn và hoàn cảnh sống của con người ngày nay. Không có câu trả lời dễ dàng cho những câu hỏi kiểu này”.
CNA Deutsch trước đây đã báo cáo rằng Bätzing bày tỏ sự ủng hộ đối với các mối quan hệ đồng giới, nói rằng “chúng tôi cần các giải pháp cho điều này”.
Trong tuyên bố của mình, các Giám mục đã đề cập đến tác động của những can thiệp từ CDF trên “Tiến Trình Công Nghị tại Đức”, một sự kiện kéo dài nhiều năm đưa giáo dân và các giám mục đến việc thảo luận bốn chủ đề chính: việc thực thi quyền lực trong Giáo Hội; luân lý tình dục; chức tư tế; và vai trò của phụ nữ.
Bätzing nói rằng “Tiến Trình Công Nghị” đang tìm cách giải quyết “chủ đề về các mối quan hệ thành công một cách toàn diện, đồng thời cũng xem xét sự cần thiết và giới hạn của sự phát triển tín lý Giáo Hội”.
Ông nói thêm: “Các quan điểm mà Bộ Giáo lý Đức tin đưa ra ngày hôm nay phải và sẽ tự nhiên tìm thấy đường lối của chúng trong các cuộc thảo luận này”.
Trong khi đó, Giám mục Rudolf Voderholzer của Regensburg hoan nghênh tài liệu của CDF.
Trong một tuyên bố ngày 15 tháng 3, ngài nói: “Bộ Giáo lý Đức tin đã nói rõ rằng Giáo hội không có thẩm quyền chúc lành cho các mối quan hệ đồng giới. Đức Thánh Cha Phanxicô đã chấp thuận việc công bố tài liệu và các giải thích kèm theo”.
“Cùng với Đức Giáo Hoàng và các thành viên của Thượng Hội đồng Gia đình năm 2015, tôi cũng nhấn mạnh rằng mọi người, bất kể khuynh hướng tình dục, đều phải được tôn trọng về phẩm giá của mình và phải được đối xử một cách thận trọng, trong khi ‘mọi dấu chỉ của sự phân biệt đối xử bất công’ phải được cẩn thận tránh xa” (Amoris laetitia, 250).
Source:Catholic News Agency
Thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki nói rằng Tổng thống Biden ủng hộ các cuộc hôn nhân đồng giới.
Hôm thứ Hai, Bộ Giáo lý Đức tin, gọi tắt là CDF, đã đưa ra câu trả lời cho câu hỏi về thẩm quyền của Giáo hội trong việc chúc lành cho các kết hiệp đồng giới. CDF nói rằng Giáo hội không có quyền chúc phúc cho các kết hiệp đồng giới hoặc bất kỳ mối quan hệ nào “liên quan đến hoạt động tình dục ngoài hôn nhân”.
Khi được một phóng viên hỏi hôm thứ Hai rằng liệu tổng thống có phản ứng với tuyên bố của Vatican hay không, thư ký báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki cho biết ông không có “phản ứng cá nhân” nhưng tái khẳng định sự ủng hộ lâu dài của tổng thống đối với các kết hiệp đồng giới.
“Tôi không nghĩ ông ấy có phản ứng cá nhân với Vatican, không. Ông ấy tiếp tục tin tưởng và ủng hộ các kết hiệp đồng giới, như các bạn biết đấy. Ông ấy đã có quan điểm đó từ lâu rồi,” Psaki nói.
Ông Biden là tổng thống Công Giáo thứ hai trong lịch sử Hoa Kỳ. Ông ta đã nhiều lần tuyên bố đức tin Công Giáo của mình trước công chúng, và Psaki đã gọi Biden là “một người Công Giáo sùng đạo”.
Trong quá khứ, Biden đã từng phản đối việc xác định lại hôn nhân, đã bỏ phiếu cho Đạo luật Bảo vệ Hôn nhân của liên bang vào năm 1996 định nghĩa hôn nhân là giữa một nam và một nữ. Là ứng cử viên phó tổng thống trong chiến dịch tranh cử năm 2008, Biden tuyên bố phản đối việc “xác định lại về mặt dân sự những gì cấu thành hôn nhân”, theo Reuters.
Đến tháng 5 năm 2012, Biden bắt đầu thay đổi lập trường qua tuyên bố ủng hộ việc xác định lại hôn nhân vài ngày trước khi Tổng thống Obama ủng hộ điều này.
Vào năm 2016, Biden đã tổ chức một lễ cưới đồng giới - một hành động khiến một số giám mục hàng đầu của Hoa Kỳ lên tiếng chỉ trích.
“Khi một chính trị gia Công Giáo nổi tiếng công khai và tự nguyện làm lễ tại một buổi lễ để long trọng hóa mối quan hệ của hai người đồng giới, sự lầm lạc nảy sinh liên quan đến giáo huấn Công Giáo về hôn nhân và các nghĩa vụ đạo đức tương ứng của người Công Giáo. Những gì chúng tôi thấy là một nhân chứng phản chứng, thay vì một nhân chứng trung thành được xác lập trên sự thật”, thông báo trên blog của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, viết như trên bốn ngày sau khi Biden chủ trì buổi lễ.
Tuyên bố được ký bởi Đức Tổng Giám Mục Joseph Kurtz của Louisville, lúc bấy giờ là Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, cũng như các chủ tịch ủy ban hôn nhân và tư pháp trong USCCB lúc bấy giờ, là Đức Cha Richard Malone ở Buffalo và Đức Tổng Giám Mục Thomas Wenski của Miami.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Hoa Kỳ hiện nay, là Đức Tổng Giám Mục Jose Gomez của Los Angeles, gần đây đã đề cập đến lập trường của Biden về hôn nhân như một lập trường mâu thuẫn với giáo huấn của Giáo hội.
Trong một tuyên bố ngày 20 tháng Giêng trong lễ nhậm chức tổng thống của Biden, Đức Tổng Giám Mục Gomez lưu ý rằng “Tổng thống mới của chúng ta đã cam kết theo đuổi một số chính sách có thể phương hại đến đạo đức và đe dọa tính mạng và phẩm giá con người, nghiêm trọng nhất là trong các lĩnh vực phá thai, tránh thai, hôn nhân, và ý thức hệ giới tính”.
Source:Catholic News Agency
Hôm Chúa Nhật 14 tháng 3 là ngày cầu nguyện cho Miến Điện, một ngày sau đó, Đức Hồng Y Charles Bo, là Tổng Giám Mục Yangon và cũng là chủ tịch Liên Hội Đồng Giám Mục Á Châu đã có bài phát biểu sau.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Trước tiên, tôi muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất đến anh chị em vì những lời cầu nguyện của anh chị em cho Miến Điện vào lúc này. Hôm qua chính thức là Ngày Cầu nguyện Toàn cầu hàng năm cho Miến Điện, và hôm nay những người bạn của tôi trong CSW đã tổ chức sự kiện này để gắn kết mọi người lại với nhau, để suy ngẫm và cầu nguyện cho người dân Miến Điện. Tôi không thể ở bên anh chị em 'trực tiếp' do chênh lệch múi giờ, nhưng tôi rất biết ơn vì anh chị em đã cho tôi cơ hội để gửi thông điệp này.
Miến Điện ngày nay đang ở trong một chương khác của bóng tối, đổ máu và đàn áp. Sau một thập kỷ cải cách và mở cửa, trong đó - mặc dù có nhiều thách thức và những đám mây bão tố trên đường - chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi đã nhìn thấy mặt trời bắt đầu mọc trên vùng đất xinh đẹp của chúng tôi và viễn cảnh - dù mong manh hay dễ chao đảo – đã xuất hiện trong một bình minh mới dân chủ, tự do, hòa bình và công lý. Tuy nhiên, ngày nay chúng tôi đã bị đẩy lùi lại hơn một thập kỷ, quay trở lại cơn ác mộng của cảnh quân đội đàn áp, tàn bạo, bạo lực và độc tài.
Kể từ sau cuộc đảo chính vào ngày 1 tháng 2, chúng ta đã chứng kiến lòng dũng cảm, sự dấn thân và sự sáng tạo đáng kinh ngạc của nhân dân chúng ta, thể hiện trên khắp đất nước trong các cuộc biểu tình hàng nghìn người hết ngày này sang ngày khác của họ. Họ đã thể hiện quyết tâm không cho phép nền dân chủ và tự do vốn khó khăn lắm mới giành được, và hy vọng hòa bình của họ bị đánh cắp. Đó là một cảnh ngoạn mục và một nguồn cảm hứng tuyệt vời. Ý thức thống nhất và đoàn kết trong sự đa dạng - với những người thuộc các sắc tộc và các tôn giáo khác nhau đến với nhau vì cùng một mục đích - là điều đáng chú ý.
Nhưng điều đó đã phải đối mặt với những viên đạn, những trận đòn, đổ máu và đau buồn. Rất nhiều người đã bị giết hoặc bị thương trên đường phố của chúng tôi, và hàng ngàn người đã bị bắt và mất tích.
Và ở các tiểu bang sắc tộc của chúng tôi, bao gồm cả những nơi mà các thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết cách đây vài năm, quân đội lại một lần nữa tấn công dân thường, khiến hàng nghìn người phải di dời và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nhân đạo vốn đã tồn tại nhưng giờ đây còn nghiêm trọng hơn.
Tuy nhiên, trong những thời kỳ đen tối, và tăm tối này, chúng ta nghe thấy tiếng Chúa kêu gọi Giáo hội tiếp tục là nhân chứng, là công cụ cho công lý, hòa bình và hòa giải, là tay chân của Ngài trong việc trợ giúp người nghèo và những người đang phải sợ hãi, để chống lại hận thù bằng tình yêu.
Chúng ta nghe thấy giọng nói đó trong sách Tiên Tri Isaia 65: 17-21, bài đọc đầu tiên trong phụng vụ Thánh lễ của Giáo Hội Công Giáo trên khắp thế giới ngày hôm nay. “Ðây Thiên Chúa phán: ‘Này Ta tác tạo trời mới, đất mới; người ta sẽ không còn nhớ lại dĩ vãng, và cũng sẽ không bận tâm đến dĩ vãng nữa. Nhưng các ngươi hãy hân hoan và nhảy mừng cho đến muôn đời trong các việc Ta tác tạo, vì đây Ta tác tạo một Giêrusalem hân hoan và một dân tộc vui mừng. Ta sẽ hân hoan ở Giêrusalem, sẽ vui mừng nơi dân Ta, và từ đây người ta sẽ không còn nghe tiếng khóc lóc và than van nữa. Ở đó sẽ không còn trẻ nhỏ chết yểu... Họ sẽ xây cất nhà cửa và cư ngụ ở đó, sẽ trồng nho và ăn trái nho’”.
Hay những lời đầu tiên của Thánh Vịnh 29 mà chúng ta đọc hôm nay: “Lạy Chúa, con ca tụng Chúa vì đã giải thoát con, và không để quân thù hoan hỉ về con”.
Hay bài Tin Mừng hôm nay - theo Thánh Gioan - kể câu chuyện về một quan chức trong triều mà Chúa Giêsu đã gặp ở Cana, Galilê, có con trai bị bệnh và xin Chúa Giêsu chữa cho. Chúa Giêsu nói: “Hãy về nhà, con trai của ông sẽ sống”.
Trong ba đoạn này, chúng ta nghe thấy thông điệp hy vọng là trọng tâm của đức tin của chúng ta - và chúng tôi, Giáo hội ở Miến Điện, giữ vững thông điệp đó. Chúng tôi sẽ cầu nguyện và làm việc cho một Miến Điện mới được sinh ra từ thảm kịch hiện tại này, một Miến Điện nơi thực sự mọi con người đều có phần như nhau ở đất nước này và quyền bình đẳng đối với các quyền tự do cơ bản, một Miến Điện nơi tôn vinh sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo và nơi chúng ta tận hưởng hòa bình thực sự, một Miến Điện nơi những người lính bỏ súng xuống, lùi lại sau quyền lực và làm những gì mà một đội quân đúng nghĩa phải làm là bảo vệ chứ không phải là tấn công người dân. Một Miến Điện mà Thiên Chúa nói - như Chúa Giêsu đã nói với người cha có đứa con sắp chết trong Phúc âm - “Con ông sẽ sống. Cháu sẽ được sống”. Một Miến Điện vươn lên trở lại từ đống tro tàn.
Làm sao chúng ta đạt được điều đó? Thưa: Bằng đức tin, lời cầu nguyện, tình yêu, đối thoại và lòng can đảm. Bằng cách nói lên sự thật, công lý, tự do, hòa bình và dân chủ.
Và vì vậy chúng tôi cần lời cầu nguyện của anh chị em hơn bao giờ hết.
Xin hãy cầu nguyện cho viễn kiến này của Miến Điện.
Xin hãy cầu nguyện cho những người hiện đang gặp nguy hiểm, đang ẩn náu, di dời, bị cầm tù, bị thương hoặc đau buồn.
Xin hãy cầu nguyện cho các nhà lãnh đạo của phong trào dân chủ của chúng tôi - cho Aung San Suu Kyi và các đồng nghiệp của bà - và cho các nhà lãnh đạo của các quốc gia dân tộc và tất cả các nhà lãnh đạo tôn giáo.
Và xin hãy cầu nguyện cho Tướng Min Aung Hlaing và quân đội, như Chúa đã hoán cải tâm hồn Saolô trên con đường tới Damascus, Ngài sẽ thay đổi trái tim của họ, khiến họ lùi lại và ngăn họ đưa Miến Điện đi sâu hơn vào con đường xung đột, đàn áp và phá hủy.
Xin hãy cầu nguyện - ngay cả bây giờ, sau tất cả những gì chúng ta đã trải qua trong sáu tuần qua - cho kết quả của cuộc bầu cử, trong đó ý chí của người dân được thể hiện rất rõ ràng, được tôn trọng và để Miến Điện tiến tới một con đường dân chủ thực sự, được tháp tùng bởi đối thoại, hòa giải, công lý và hòa bình.
Xin hãy cầu nguyện trong khi Miến Điện, trong Mùa Chay này, một lần nữa phải bước vào cuộc hành trình lên đồi Canvê và Golgotha trong thực tạo, một cuộc hành trình mà chúng tôi đã thực hiện trong suốt bảy thập kỷ qua, để chúng tôi trong tư cách là một quốc gia vẫn có thể sớm nhìn thấy sự hồi sinh của mình, là Lễ Phục sinh của chúng tôi.
Xin Chúa phù hộ cho anh chị em.
Source:Archdiocese of Yangon
Niềm vui đến nhà Chúa
Linh mục Giuse Đinh Văn Thọ chánh xứ Tân Trang trong thánh lễ chia sẻ về ý nghĩa màu tím,màu hồng của áo lễ linh mục mặc.Ngài nói : “ Màu hồng là màu của niềm vui.Chúng ta đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng đã yêu thương chúng ta,dù dịch bệnh,khó khăn thử thách xảy đến,chúng ta vẫn tin tưởng Thiên Chúa luôn đồng hành nâng đỡ.Ngài đã ban Con Một là Đức Giêsu Kitô đến để cứu độ chúng ta.Vì thế, chúng ta hãy vui mừng tạ ơn Chúa”.
Xem Hình
Trong tuần qua,các giáo xứ trong giáo hạt Phú Thọ nhanh chóng trở lại với các sinh hoạt mục vụ,các thánh lễ, chầu Thánh Thể. Và sáng Chúa Nhật hôm nay các em đã đến nhà thờ tham dự thánh lễ và học giáo lý với các anh chị Giáo Lý Viên.
Ngay từ buổi chiều thứ ba 9.3.2021,theo thông báo của Tòa Giám Mục,tại Giáo xứ Tân Trang trước Thánh lễ lúc 17g45 đã bắt đầu Tuần cửu nhật kính Thánh Giuse để cầu nguyện cho giáo xứ và noi theo gương đời sống của thánh nhân.Thánh cả Giuse cũng là bổn mạng của giáo xứ Tân Trang.
Giáo xứ Hòa Hưng : Chúa Nhật 14.3 Mùa Chay đã đi được nửa chặng đường. Hôm nay vào lúc 19g giáo xứ có buổi tĩnh tâm cuối cùng dành cho giới trẻ.(từ 12-14/2).Trong tuần nay giáo xứ có các buổi tâm dành cho người lớn,khai giảng các khóa giáo lý Hôn nhân và dự tòng, Rửa tội cho trẻ em,hầu hết các sinh hoạt được bình thường,tuy nhiên tham gia thánh lễ mọi người đều tuân thủ theo khuyến cáo 5 K của bộ y tế, luôn đeo khẩu trang, ngồi khoảng cách…Cũng vì dịch bệnh Covid,năm nay giáo xứ Hòa Hưng không tổ chức các buổi Giải tội tập trung như những năm trước,các linh mục trong giáo xứ ngồi tòa hằng ngày trước và sau các Thánh lễ.Giáo xứ Vĩnh Hòa và giáo xứ Phú Hòa trong tuần này cũng có những buổi tĩnh tâm cộng đoàn.
Như vậy, đến nhà thờ dự lễ Chúa Nhật sau một tháng ở nhà,mọi người cảm thấy được bình an, được nhe nhàng thư thái trong tâm hồn hơn.
Chị H. giáo xứ Tân Trang bộc bạch niềm vui khi đến nhà thờ, gặp gỡ các em thiếu nhi.Chị là một Huynh Trưởng TNTT nên cả ngày Chúa Nhật dành cho Chúa với công việc dạy giáo lý hơn 20 năm qua.Chị H. chia sẻ : “Tạ ơn Chúa. Tôi nhớ các bạn nhỏ lắm rồi.Chắc các em cũng nhớ mình.Từ hôm tết tới giờ nghỉ phòng dịch,hôm nay tôi lại được lên lớp với các bạn trẻ,tôi dạy là tôi học giáo lý với các bạn nhỏ thôi.”
Ông cụ P. ở giáo xứ Hòa Hưng ngày Chúa nhật được đi lễ lại kể:“Từ hôm Tòa Giám mục thông báo, chúng tôi ở nhà dự lễ online. Nhà chỉ còn hai ông bà già.Các cháu ở nước ngoài dặn chúng tôi,dịch Covid nguy hiểm lắm.Ba mẹ đừng đi đâu hết,người già có bệnh nền mà bị Covid thì nguy hiểm lắm.Vì thế,chúng tôi ở nhà cả ngày, không đi đâu hết, ngay cả ngày Tết.Dự lễ online thấy sao sao đó,cũng buồn,nhưng hoàn cảnh phải chịu thôi”
Tạ ơn với Thánh Giuse.
Trong tuần này, ngày 19.3 lễ trọng kính Thánh Giuse, nhiều nơi trong Tổng Giáo phận mừng lễ bổn mạng,cộng đoàn giáo xứ, dòng tu, nhiều linh mục có bổn mạng Thánh Giuse.Linh mục hạt trưởng Phú Thọ Giuse Phạm Bá Lãm sẽ mừng bổn mạng Thánh Giuse vào sáng thứ sáu 19.3 tại nhà thờ Hòa Hưng. Hiệp thông trong niềm vui đó, trong Giáo hạt Phú Thọ có các giáo xứ Bình Thới, Tống Viết Bường, Đồng Tiến có linh mục chánh xứ mừng bổn mạng thánh Giuse.
Trong Giáo hạt Phú Thọ có 2 giáo xứ bổn mạng Thánh Giuse;giáo xứ Tân Trang và giáo xứ Tân Phú Hòa.Ngoài ra còn có giáo khu mừng bổn mạng Thánh Giuse như giáo xứ Phú Bình có giáo khu Giuse.
Nhiều người giáo dân xem lễ cộng đoàn trở lại là hồng ân Chúa ban qua sự chuyển cầu của Thánh Giuse. Chúng ta học hỏi các gương mẫu hy sinh âm thầm của thánh nhân trong bổn phận của mình.
“Có việc gì khó đều có thánh Giuse”Mọi người Công Giáo đều tin tưởng như vậy khi đến cùng Thánh Giuse để cầu nguyện và xin ơn.Nhất là với những gia đình gặp khó khăn rối rắm,vợ chồng cắng đắng nhau,con cái không nghe lời bố mẹ.Linh mục Hạt Trưởng Phú Thọ nhắc nhở cộng đoàn giáo xứ về lễ Thánh Giuse :“Năm nay, năm đặc biệt tôn kính Thánh Giuse.Ngài là một người cha nhân hậu yêu thương con cái, chắc chắn ngài sẽ chuyển cầu gìn giữ chúng ta qua cơn đại dịch”
Tạm kết :
Linh mục chánh xứ Tân Trang cầu chúc mọi người trong thánh lễ Chúa Nhật màu hồng và cũng là nguyện ước của mỗi người chúng ta.
“Xin cho chúng ta luôn sống trong niềm vui và chúng ta luôn giữ lòng khát khao, yêu mến và sốt sắng tham dự Thánh Lễ trong suốt cuộc đời chúng ta.”
Giáo xứ Phong Ý:
Giáo xứ Phong Ý thuộc Giáo phận Thanh Hóa là một giáo xứ miền núi gồm 13 Giáo Họ trải trên địa bàn 13 xã thuộc huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa. Ngôi nhà thờ Phong Ý được xây dựng từ năm 1900 nên đã xuống cấp nghiêm trọng và không đủ chỗ cho gần 5 ngàn giáo dân sinh hoạt, xung quanh nhà thờ được cơi nới bằng những mái che dã chiến để giáo dân tham dự Thánh lễ những lúc mưa nắng. Cẩm Thủy là một huyện miền núi giáp ranh với tỉnh Sầm Nưa của Lào nên có rất nhiều người dân tộc Mường và Mán (còn gọi là người Dao) sinh sống, một số người kinh chuyền làm nghề chài lưới trên sông Mã, nhưng từ khi thượng nguồn sông Mã được xây dựng thủy điện thì dòng chảy của sông Mã bị chặn lại nên người dân chài chuyển qua nuôi cá lồng.
Xem Hình
Phóng viên Vietcatholic được linh mục Phó xứ J.B. Đỗ Huy Đông dẫn đi thăm một số Giáo họ trong số 13 giáo họ mà hiện nay vẫn chưa có nhà thờ, phải mượn nhà của giáo dân để dâng lễ vào những ngày Chúa nhật và lễ trọng. Gặp ông Giuse Cao Bá Quyền là người dân tộc Dao mà ngôi nhà tuy hết sức đơn sơ nhưng vẫn nhiệt tình cho mượn làm nơi để bà con dân tộc có một nơi tham dự thánh lễ. Ngôi nhà của vợ chồng anh Gioan Đỗ Văn Chiến nằm bên triền dốc của sông Mã tuy nhỏ những tạm gọi là khang trang cũng được cho mượn để làm nơi cộng đoàn tham dự thánh lễ hàng tuần.
Chia sẻ yêu thương với người nghèo và khiếm thị:
Cũng chính vì cần đến những chia sẻ yêu thương đó mà ngày 13 tháng 3, vào dịp Chúa nhật thứ IV mùa Chay, Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh cùng với những thân hữu gồm: Ông Đặng Văn Thanh: Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Y tế Phúc Thịnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa quốc tế Nam Sài Gòn đã ủng hộ 350 triệu đồng; Ông Bà Trần Thiện, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Tiếp vận toàn cầu GLS ủng hộ 200 triệu đồng; Ông bà Dương Ngọc Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BĐS Thuận Việt ủng hộ 50 chiếc xe đạp mỗi chiếc trị giá gần 2 triệu đồng. Nếu không có đợt dịch Covid bùng phát thì chương trình trao quà đã diễn ra từ trước Tết Nguyên đán.
Chiều ngày 13 tháng 3, Giáo xứ Phong Ý hân hạnh đón tiếp ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Ban Dân vận Trung ương; ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng ban Tôn giáo Mặt trận Trung ương và các vị lãnh đạo chính quyền các cấp tỉnh Thánh Hóa; ông Lê Văn Trung Bí thư, ông Phạm Viết Hoài Chủ tịch và ông Vũ Lực Phó Chủ tịch huyện Cẩm Thủy cùng tham dự buổi tặng quà. Mỗi phần quà trị giá 500 ngàn và 500 ngàn đồng tiền mặt được trao cho bà con vạn chài trên sông Mã được đưa lên bờ vào năm 2006, lúc mà ông Lê Đức Thịnh chưa được Đức Giáo Hoàng phong tước Hiệp sĩ Đại Thánh giá, đã trao tặng 400 triệu đồng vận động của bà con giáo dân thuộc Giáo phận Xuân Lộc để giúp đỡ cho người dân vượt qua khó khăn khi đến chỗ ở mới.
Tại nhà xứ Phong Ý, Đoàn tiếp tục trao tặng quà cho bà con lương giáo cùng những người khiếm thị thuộc Hội Người mù huyện Cẩm Thủy và 50 chiếc xe đạp cho các em học sinh nghèo hiếu học.
Tối thứ Bảy, Thánh lễ Chúa nhật thứ IV mùa Chay với sự tham dự của Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh trong phẩm phục Hiệp sĩ Đại Thánh giá và ông Đỗ Văn Phới Phó Trưởng Ban Dân vân Trung ương cũng lãnh đạo chính quyền các Trung ương và địa phương trong đoàn rước vào nhà thờ. Sự hiện diện của các vị đại diện chính quyền trong một thánh lễ Chúa nhật mùa Chay, để cảm nhận được ý nghĩa về mùa Chay và Đức Tin của bà con giáo dân. Như chia sẻ của linh mục Chánh xứ Giuse Phạm Văn Quế: Người Công Giáo gọi cây thập giá là Thánh giá vì đó là “Giá Thánh” mà Chúa Giêsu đã chịu đóng đinh và chịu chết để cứu chuộc cho con người. Đây cũng là dịp để chính quyền các cấp thấu hiểu về Đạo và niềm tin của cộng đoàn, sự hiện diện của chính quyền các cấp trong thánh lễ hôm nay chính là động lực để bà con giáo dân sống Đạo và thực hiện việc góp phần xây dựng tổ quốc ngày càng phát triễn vững mạnh.
Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh nói lời cảm ơn linh quản Chánh xứ là người mà đi bất cứ nơi đâu cũng đã thể hiện Tin mừng tình yêu của Chúa cho bà con lương dân và người nghèo khổ. Hiệp sĩ cũng thay mặt bà con giáo dân chúc quý vị đại diện chính quyền các cấp từ trung ương và địa phương dồi dào sức khỏe và luôn được bình an trong Chúa Kitô.
Ông Đỗ Văn Phới, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương thay mặt lãnh đạo chính quyền các cấp tỏ bày sự xúc động được linh mục Chánh xứ và bà con giáo dân đón tiếp nồng hậu, đồng thời rất vinh dự được mời cùng bà con tham dự thánh lễ hôm nay để cảm nhận được niềm tin của bà con trong đời sống đạo thể hiện kính Chúa và yêu thương mọi người. Ông khẳng định: đồng bào Công Giáo cũng là người công dân Việt Nam, là một bộ phận không thể tách rời trong khối Đại Đoàn kết dân tộc để đưa đất nước ngày càng phát triễn.
Trong phần nghi thức chúc bình an, linh mục Chánh xứ đã đến chúc bình an Hiệp sĩ Đại Thánh giá và lãnh đạo chính quyền để mang lại sự bình an của Chúa.
Buổi chia sẻ yêu thương cho bà con có hoàn cảnh khó khăn tại Giáo xứ Phong Ý, với sự hiện diện của Hiệp sĩ Đại Thánh giá J.B. Lê Đức Thịnh và lãnh đạo chính quyền các cấp tạo một mối tương quan mật thiết giữa chính quyền và giáo xứ Phong Ý, cảm nhận được những khó khăn trong đời sống Đức Tin của các linh mục Chánh và Phó xứ cũng như bà con giáo dân, nhất là nhu cầu cần có những ngôi nhà thờ cho các giáo họ để bà con giáo dân làm nơi sinh hoạt và tham dự thánh lễ hàng ngày khỏi phải đi lại xa xôi vất vả. Tin tưởng rằng trong một ngày không xa những khó khăn của bà con giáo dân sẽ được giải quyết.
Minh Phương
Hôm Chúa Nhật 14 tháng Ba, Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cùng Giáo Hội tại Phi Luật Tân kỷ niệm 500 năm Tin Mừng đến quốc gia Đông Nam Á này.
Ngài đã cử hành thánh lễ ở Đền Thờ Thánh Phêrô với một số đại diện của Giáo Hội Phi Luật Tân, bao gồm cả Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle, tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc trước đây là Tổng giám mục của Manila.
Trong bài giảng, Đức Thánh Cha nói:
Nếu việc nghe Tin Mừng và thực hành đức tin của chúng ta không mở rộng tâm hồn chúng ta và không giúp chúng ta nắm bắt được sự bao la trong tình yêu thương của Thiên Chúa – thì có thể là vì chúng ta thích một lòng đạo u mê, buồn bã và tự ái - đây là một dấu chỉ cho thấy chúng ta cần dừng lại và lắng nghe một lần nữa để có thể rao giảng Tin mừng. Chúa quá yêu chúng ta đến nỗi đã cho chúng ta cả cuộc đời Người. Ngài không phải là một vị thần từ trên cao nhìn xuống chúng ta, thờ ơ, mà là một người Cha nhân từ đã trở thành một phần lịch sử của chúng ta. Ngài không phải là một vị thần thích thú trước cái chết của tội nhân, nhưng là một người Cha quan tâm đến việc không ai bị hư mất. Ngài không phải là một vị thần lên án, nhưng là một người Cha cứu chúng ta với vòng tay an ủi của tình yêu Người.
Bây giờ chúng ta đến với khía cạnh thứ hai: Thiên Chúa đã “ban” Con Ngài. Chính vì quá yêu chúng ta, nên Chúa đã trao ban chính Người; Ngài dâng hiến cho chúng ta cuộc sống của mình. Những người yêu luôn đi ra khỏi bản thân. Đừng quên điều này: những người yêu thương ra khỏi bản thân mình. Đức mến luôn hiến thân, cho đi, làm hao mòn chính mình. Đó là sức mạnh của tình yêu: nó phá vỡ lớp vỏ ích kỷ của chúng ta, thoát ra khỏi các khu vực an ninh được xây dựng cẩn thận của chúng ta, phá bỏ các bức tường và vượt qua nỗi sợ hãi, để cho đi chính mình cách nhưng không. Đó là những gì tình yêu làm: trao đi chính mình. Và đó là cách thức của những người yêu nhau: họ thích mạo hiểm trao ban bản thân hơn là giữ gìn bản thân. Đó là lý do tại sao Chúa đến với chúng ta: bởi vì Ngài “quá yêu” chúng ta. Tình yêu của Người quá lớn nên Người không thể không trao thân cho chúng ta. Khi dân chúng bị rắn độc tấn công trong sa mạc, Thiên Chúa bảo ông Môisê làm con rắn bằng đồng. Tuy nhiên, nơi Chúa Giêsu, được tôn vinh trên thập tự giá, chính Ngài đã đến để chữa lành nọc độc của sự chết cho chúng ta; Ngài đã trở thành tội lỗi để cứu chúng ta khỏi tội lỗi. Thiên Chúa không yêu chúng ta bằng lời nói: Người ban Con của Người cho chúng ta, để ai nhìn vào Người và tin vào Người, thì được cứu độ (x. Ga 3,14-15).
Càng yêu nhiều, chúng ta càng có khả năng cho đi. Đó cũng là chìa khóa để chúng ta hiểu được cuộc sống của mình. Thật tuyệt vời khi gặp gỡ những người yêu thương nhau và chia sẻ cuộc sống của họ trong tình yêu thương. Chúng ta có thể nói về họ những gì chúng ta nói về Thiên Chúa: họ yêu nhau đến mức hiến dâng mạng sống của mình. Điều quan trọng không phải là những gì chúng ta có thể tạo ra hay tích lũy được, chính tình yêu mới là điều giúp chúng ta có thể trao ban.
Đây là nguồn vui! Thiên Chúa quá yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Ngài. Ở đây, chúng ta thấy ý nghĩa của lời mời gọi của Giáo Hội vào Chúa nhật tuần này: “hãy hân hoan vui mừng… hãy hân hoan vui mừng hỡi các người là những kẻ ưu phiền, hãy vui lên và hưởng no đầy nguồn an ủi các ngươi.” (Ca nhập lễ; x. Is 66: 10-11). Tôi nghĩ về những gì chúng ta đã thấy cách đây một tuần ở Iraq: một dân tộc đã phải chịu nhiều đau khổ đã vui mừng và hân hoan, nhờ ơn Chúa và tình yêu thương xót của Ngài.
Đôi khi chúng ta tìm kiếm niềm vui ở những nơi không thể tìm thấy: trong những ảo ảnh tan biến, trong những giấc mơ vinh quang, trong sự an toàn bề ngoài nơi của cải vật chất, trong sự sùng bái hình ảnh của chúng ta, và trong rất nhiều thứ khác. Nhưng cuộc sống dạy chúng ta rằng niềm vui thực sự đến từ việc nhận ra rằng chúng ta được yêu thương một cách nhưng không, biết rằng chúng ta không cô đơn, biết rằng có một người chia sẻ ước mơ của chúng ta và là người, khi chúng ta bị đắm tàu, vẫn ở đó để giúp chúng ta và đưa chúng ta đến bến cảng an toàn.
Anh chị em thân mến, năm trăm năm đã trôi qua kể từ khi sứ điệp Kitô lần đầu tiên đến Phi Luật Tân. Anh chị em đã nhận được niềm vui của Tin Mừng: tin mừng là Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta đến nỗi đã ban Con Ngài cho chúng ta. Và niềm vui này hiện rõ trong con người của anh chị em. Chúng tôi nhìn thấy điều đó trong đôi mắt của anh chị em, trên khuôn mặt của anh chị em, trong các bài hát của anh chị em và trong những lời cầu nguyện của anh chị em, trong niềm vui mà anh chị em mang niềm tin của mình đến những vùng đất khác. Tôi thường nói rằng ở Rôma này, các phụ nữ Phi Luật Tân là “những kẻ buôn lậu” đức tin! Vì đi làm ở đâu họ cũng gieo niềm tin đến đó. Điều này là một phần gen của anh chị em, một “khả năng lây nhiễm” tốt lành, mà tôi mong anh chị em tiếp tục gìn giữ. Hãy tiếp tục mang niềm tin, tin tốt mà anh chị em đã nhận được từ năm trăm năm trước, cho người khác. Vì vậy, tôi muốn cảm ơn anh chị em vì niềm vui mà anh chị em mang lại cho toàn thế giới và cho các cộng đồng Kitô của chúng ta. Tôi nghĩ, như tôi đã đề cập, về nhiều trải nghiệm đẹp đẽ trong các gia đình ở Rôma này - nhưng cũng trên khắp thế giới - nơi sự hiện diện kín đáo và chăm chỉ của anh chị em đã trở thành chứng tá của đức tin. Theo bước chân của Mẹ Maria và Thánh Giuse, vì tình yêu dành cho Chúa, anh chị em đem lại niềm vui đức tin qua sự phục vụ khiêm nhường, kín đáo, can đảm và bền bỉ.
Vào ngày kỷ niệm rất quan trọng này đối với dân thánh của Thiên Chúa ở Phi Luật Tân, tôi cũng muốn kêu gọi anh chị em hãy kiên trì trong công việc truyền giáo - chứ không phải là chiêu dụ tín đồ, là một điều hoàn toàn khác. Lời công bố cho các Kitô hữu mà anh chị em đã nhận được cần được liên tục mang đến cho người khác. Sứ điệp Tin Mừng về sự gần gũi của Thiên Chúa mời gọi chúng ta thể hiện trong tình yêu thương đối với anh chị em của chúng ta. Thiên Chúa mong muốn rằng không ai ra hư mất. Vì thế, Người yêu cầu Giáo Hội quan tâm đến những người đang bị tổn thương và đang sống bên lề cuộc sống. Thiên Chúa quá yêu chúng ta đến nỗi đã hiến thân cho chúng ta, và Giáo Hội cũng có sứ mệnh này. Giáo Hội được kêu gọi không phải để phán xét nhưng để chào đón; không phải để đòi hỏi, nhưng để gieo hạt giống; không phải để lên án, nhưng để mang lại Chúa Kitô, Đấng là sự cứu rỗi của chúng ta.
Tôi biết rằng đây là chương trình mục vụ của Giáo Hội anh chị em: một cam kết truyền giáo liên quan đến mọi người và đến với mọi người. Đừng bao giờ nản lòng khi anh chị em bước đi trên con đường này. Đừng bao giờ sợ loan báo Tin Mừng, phục vụ và yêu thương. Với niềm vui của mình, anh chị em cũng sẽ giúp mọi người nói về Giáo Hội: “Giáo Hội rất yêu thế giới!” Một Giáo Hội yêu thương thế giới mà không phán xét, đẹp đẽ và hấp dẫn biết bao, một Giáo Hội hiến mình cho thế giới. Cầu xin được như vậy, anh chị em thân mến, ở Phi Luật Tân và ở mọi nơi trên trái đất.
Kết thúc buổi cử hành Thánh Thể, Đức Hồng Y Luis Antonio Tagle bày tỏ lòng biết ơn của tất cả người dân Phi Luật Tân về cử chỉ gần gũi của Đức Giáo Hoàng.
Với giọng nói đầy xúc động, vị Tổng trưởng Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc nói với Đức Giáo Hoàng rằng khi những người di cư Phi Luật Tân nhớ ông bà của họ, họ luôn có thể trông cậy vào sự gần gũi của Đức Thánh Cha, như Lolo Kiko của họ.
Đức Hồng Y nói:
Những người di cư Phi Luật Tân ở Rome muốn bày tỏ lòng biết ơn của chúng con vì Đức Thánh Cha đã hướng dẫn chúng con trong buổi cử hành Thánh Thể này để tạ ơn vì đức tin Kitô đã đến Phi Luật Tân, cách đây năm trăm năm. Chúng con muốn bày tỏ cùng Đức Thánh Cha tình con thảo của những người Phi Luật Tân trên 7641 hòn đảo của đất nước chúng con. Có hơn mười triệu người di cư Phi Luật Tân sống ở gần một trăm quốc gia trên thế giới. Họ đã hiệp nhất với chúng ta sáng nay. Chúng con trân trọng sự quan tâm của Đức Thánh Cha đối với chúng con và đối với tất cả những người di cư ở Rôma, được thể hiện một cách nhất quán bởi vị đại diện của Đức Thánh Cha tại Giáo phận Rôma, là Đức Hồng Y Angelo de Donatis nổi tiếng của Ngài và Giám đốc Văn phòng Di cư của Giáo phận, Đức ông Pierpaolo Felicola, và vị Tuyên úy đặc trách Phi Luật Tân là Cha Ricky Gente.
Sự xuất hiện của đức tin Kitô ở đất nước chúng con là ân sủng của Thiên Chúa. Đa số người dân chúng con đã tiếp nhận đức tin Kitô và coi đức tin Kitô là một đặc tính của người Phi Luật Tân, một ân sủng Thiên Chúa ban cho họ. Hiện nay, Phi Luật Tân có số lượng người Công Giáo lớn thứ ba trên thế giới. Đây thực sự là ân sủng của Chúa. Chúng con cho rằng đức tin lâu bền của người dân Phi Luật Tân là vì tình yêu thương, lòng nhân từ và sự trung tín của Thiên Chúa, chứ không phải do bất kỳ công lao nào của chúng con.
Từ năm 1521 đến năm 2021, chúng con đã luôn nhận được hết ân sủng này đến ân sủng khác. Chúng con tạ ơn Chúa vì những người mang ân sủng Chúa đến trong 500 năm này: các nhà truyền giáo tiên phong, các dòng tu, các giáo sĩ, các ông bà, các cha mẹ, các thầy cô giáo, các giáo lý viên, các giáo xứ, trường học, bệnh viện, trại trẻ mồ côi, nông dân, người lao động, nghệ sĩ, và những người nghèo mà của cải của họ là Chúa Giêsu. Nhờ ân sủng của Thiên Chúa, các Kitô hữu Phi Luật Tân đã tiếp tục nhận được đức tin, một trong những nguồn hy vọng khi đối mặt với nghèo đói, bất bình đẳng kinh tế, biến động chính trị, bão, núi lửa phun trào, động đất và thậm chí cả đại dịch hiện nay. Dù phải thú nhận sự thất bại của mình trong việc sống đức tin một cách nhất quán, chúng con cũng ghi nhận sự đóng góp to lớn của đức tin Kitô trong việc định hình nền văn hóa Phi Luật Tân và đất nước Phi Luật Tân.
Món quà phải tiếp tục là một món quà. Nó phải được chia sẻ. Nếu nó được giữ cho riêng mình, nó không còn là một món quà nữa. Nhờ thánh ý tuyệt vời của Thiên Chúa, hồng ân đức tin mà chúng con nhận được hiện đang được chia sẻ bởi hàng triệu người di cư Phi Luật Tân theo Kitô Giáo ở các nơi khác nhau trên thế giới. Chúng con đã rời bỏ gia đình của mình, không phải để bỏ rơi họ, mà là để chăm sóc cho họ và tương lai của họ. Vì yêu họ, chúng con chịu đựng nỗi buồn chia ly. Khi những khoảnh khắc cô đơn đến, những người di cư Phi Luật Tân tìm thấy sức mạnh nơi Chúa Giêsu, Đấng đang đồng hành cùng chúng con, Đấng đã trở thành Hài Nhi (Santo Niño) và được biết đến với cái tên Nazarene (Chúa Giêsu thành Nazareth), đã vác thập giá cho chúng con. Chúng con được bảo đảm về sự chở che của Mẹ Maria và sự phù trợ của các thánh. Khi nhớ gia đình, chúng con hướng về giáo xứ, quê hương thứ hai của chúng con. Khi không có ai để nói chuyện cùng, chúng con đổ tâm hồn vào Chúa Giêsu trong Mình Thánh Chúa và suy ngẫm về lời này. Chúng con chăm sóc những đứa trẻ do chúng con phụ trách như con cái mình, và những người già như cha mẹ của chúng con. Chúng con hát, chúng con cười, chúng con khóc, và chúng con tiến bước. Chúng con cầu nguyện rằng qua những người di cư Phi Luật Tân của chúng con, danh của Chúa Giêsu, vẻ đẹp của Giáo Hội, và công lý, lòng thương xót và niềm vui của Thiên Chúa có thể đến tận cùng trái đất. Ở đây, ở Rôma này, khi chúng con nhớ đến ông bà của mình, chúng con biết rằng chúng con có một Lolo Kiko.
Xin cảm ơn Đức Thánh Cha.
Source:Libreria Editrice Vaticana
1. Đức Mẹ biến đổi hoàn toàn một người chống Giáo Hội
Tờ Legatus, trong số mới nhất, đã kể câu chuyện một người đàn ông được Đức Mẹ chữa lành về phần hồn tại nhà thờ Thánh Andrea delle Fratte ở Rôma.
Leo de Bondt lớn lên trong một gia đình Tin lành ở Hà Lan. Năm 25 tuổi, anh kết hôn với một thiếu nữ Công Giáo và gia nhập Giáo Hội Công Giáo. Tuy nhiên, anh mất hết niềm tin vào Chúa sau khi đứa con gái ba tuổi của anh qua đời vì bệnh bạch cầu vào năm 1972.
Mười lăm năm sau, anh nhìn thấy một bức ảnh mô tả Đức Mẹ Có Tài Có Phép. Đó là một bức tranh trong Đền Thờ Thánh Andrea delle Fratte ở Rome. Bức tranh mô tả một cuộc hiện ra vào thế kỷ 19 của Đức Maria với một người đàn ông Do Thái chống Công Giáo một cách điên cuồng, điều này đã dẫn đến sự cải đạo ngay lập tức của người Do Thái ấy.
De Bondt đã vô cùng xúc động trước hình ảnh và câu chuyện đằng sau bức ảnh này.
“Chính từ giây phút đó, cuộc đời tôi đã thay đổi hoàn toàn,” anh nhớ lại. Đức Trinh Nữ Maria “đã đưa tôi trở lại với Chúa Kitô. Chính Mẹ đã kêu gọi tôi, một người đã sống như một kẻ vô thần trong 15 năm. Tôi lại trở thành người Công Giáo, nhưng lần này như chưa bao giờ, tôi tích cực khám phá những điều kỳ diệu của đức tin Công Giáo”.
De Bondt có lòng sùng kính Đức Mẹ đến mức anh đã thành lập một trang web có tên là MaryPages.com dành riêng để truyền bá lòng sùng kính đối với Đức Mẹ, và hô hào mọi người quay trở lại với Giáo Hội Công Giáo. Anh nói: “Tôi ghét Giáo hội cho đến khi Đức Maria kêu gọi tôi”.
Source:Legatus
2. Hàng giáo sĩ cần phải cảnh giác sau câu chuyện trương mục Twitter của Đức Hồng Y Charles Maung Bo
Giáo Hội tại Miến Điện đã làm rõ các thông tin sai lệch liên quan đến các bài đăng trên Twitter của Đức Hồng Y Charles Maung Bo.
Twitter đã hủy một trương mục mang tên của Hồng Y Charles Maung Bo, Tổng giám mục Yangon, Myanmar. Nhưng chính Đức Hồng Y Bo đã yêu cầu mạng xã hội xóa trương mục, vì nó giả mạo, lợi dụng danh nghĩa của Đức Hồng Y Tổng giám mục.
Thư ký của Đức Hồng Y Bo xác nhận với thông tấn xã Fides của Bộ Truyền Giảng Tin Mừng Cho Các Dân Tộc rằng “Đức Hồng Y không có trương mục Facebook hay Twitter và không có bài nào đã được đăng là của Đức Hồng Y”.
Trong các cuộc đụng độ giữa những người biểu tình trên khắp Miến Điện và các lực lượng ủng hộ một cuộc đảo chính quân sự gần đây, các dòng tweet được cho là của Đức Hồng Y Bo đã được các phương tiện truyền thông trên khắp thế giới trích dẫn.
Khi tài khoản Twitter của vị Hồng Y gặp trở ngại nào đó không thấy tiếp tục nữa, một số phương tiện truyền thông đưa tin rằng quân đội Miến Điện phải chịu trách nhiệm, nhưng thông tấn xã Fides cho biết, chính vị Hồng Y đã yêu cầu xóa tài khoản.
Thủ đoạn của các trương mục giả mạo là đầu tiên các tuyên bố được đưa ra rất phù hợp với giọng điệu và lập trường của nạn nhân, để đạt được các tin tưởng nhất định. Tuy nhiên, chỉ một thời gian sau sẽ có các biến tướng khác.
Fides lưu ý rằng Đức Hồng Y Bo, hiện cư trú tại Yangon, không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào ngoại trừ các bài giảng vào Chúa Nhật của ngài.
Trong thông điệp gần đây nhất của ngài gửi đến các tín hữu, Đức Hồng Y nói rằng “một Miến Điện mới là có thể, một quốc gia không có xung đột là có thể, để quốc gia này có thể được hưởng vinh quang mà nó xứng đáng.”
“Tôi chia sẻ tình đồng bào sâu sắc với tất cả các bạn trong thời điểm này khi các bạn vật lộn với những sự kiện bất ngờ, gây sốc đang diễn ra trên đất nước chúng ta. Tôi kêu gọi mỗi người, hãy bình tĩnh, đừng bao giờ trở thành nạn nhân của bạo lực. Chúng ta đã đổ máu đủ rồi. Đừng đổ máu nữa trên mảnh đất này. Ngay cả trong thời điểm thử thách nhất này, tôi tin rằng hòa bình là con đường duy nhất, hòa bình là có thể. Luôn có những cách thức bất bạo động để thể hiện sự phản đối của chúng ta. Các sự kiện đang diễn ra là kết quả đáng buồn của sự thiếu vắng đối thoại và giao tiếp cũng như các tranh chấp đa dạng về quan điểm. Chúng ta đừng tiếp tục hận thù vào lúc này khi chúng ta đấu tranh cho phẩm giá và sự thật. Cầu xin cho tất cả các nhà lãnh đạo cộng đồng và các nhà lãnh đạo tôn giáo cầu nguyện và thúc đẩy cộng đồng phản ứng hòa bình với những sự kiện này. Cầu cho tất cả, xin cho tất cả, tránh những dịp khiêu khích.”
Source:Aleteia
3. Các viên chức Vatican chờ đợi sự hướng dẫn của Đức Giáo Hoàng về Tiến Trình Công Nghị ở Đức
Các bộ phận của Vatican đang chờ đợi sự chỉ đạo từ Đức Thánh Cha Phanxicô để trả lời các tài liệu và đề xuất về Tiến Trình Công Nghị đang được tiến hành ở Đức, các quan chức tại một số bộ của Vatican nói với tờ The Pillar.
Các quan chức trong Giáo triều Rôma cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều để Vatican hành động, đồng thời nói thêm rằng một số những hành động rời bỏ giáo huấn và kỷ luật của Giáo hội đang được tiến hành ở Đức.
Phát biểu với The Pillar, một quan chức cấp cao của Bộ Giám mục nói rằng “nhiều ý tưởng có vấn đề mà chúng tôi thấy được đề xuất bởi Tiến Trình Công Nghị ở Đức trên thực tế đã xảy ra ở cấp giáo xứ”, bao gồm các nghi lễ chúc phúc cho các kết hiệp đồng tính và cho những người theo đạo Tin lành được rước lễ.
“Ngày càng có nhiều cảm giác lo sợ rằng nút chai đã mở ở nhiều nơi”, quan chức này cho biết.
Quan chức này nói rằng mối quan tâm đang gia tăng trong một số cơ quan khác của Giáo triều Rôma, bao gồm Hội đồng Giáo hoàng về Giải thích Văn bản Luật, và Bộ Giáo lý Đức tin, rằng trừ khi Đức Thánh Cha Phanxicô can thiệp trực tiếp, người Đức có thể thành công trong việc khởi động những cuộc từ bỏ triệt để các Giáo huấn và thực hành của Giáo hội.
Source:Pillar Catholic
4. Huấn đức của Đức Thánh Cha Phanxicô trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay
Chúa Nhật 14 tháng Ba, Giáo Hội trên toàn thế giới cử hành Chúa Nhật thứ Tư Mùa Chay, bài Tin Mừng thuật lại cho chúng ta câu chuyện cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, Chúa Giêsu nói với Nicôđêmô rằng: “Như Môsê đã treo con rắn lên ở sa mạc thế nào, thì Con Người cũng sẽ phải treo lên như vậy, để tất cả những ai tin ở Người, sẽ không bị huỷ diệt, nhưng được sống đời đời. Vì Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình, để tất cả những ai tin Con Ngài thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời, vì Thiên Chúa không sai Con của Ngài giáng trần để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con Ngài mà được cứu độ. Ai tin Người Con ấy thì không bị luận phạt. Ai không tin thì đã bị luận phạt rồi, vì không tin vào danh Con Một Thiên Chúa; và đây án phạt là sự sáng đã đến thế gian, và người đời đã yêu sự tối tăm hơn sự sáng, vì hành động của họ xấu xa. Thật vậy, ai hành động xấu xa thì ghét sự sáng, và không đến cùng sự sáng, sợ những việc làm của mình bị khiển trách; nhưng ai hành động trong sự thật thì đến cùng sự sáng, để hành động của họ được sáng tỏ là họ đã làm trong Thiên Chúa”.
Anh chị em thân mến, chào buổi sáng!
Vào Chúa Nhật thứ tư của Mùa Chay, phụng vụ Thánh Thể bắt đầu với lời mời gọi này: “Hỡi Giêrusalem, hãy vui lên…” (x Is 66:10). Lý do của niềm vui này là gì? Vào giữa Mùa Chay như thế này, đâu là lý do cho niềm vui đó? Bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết: Thiên Chúa “yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một của Người, để ai tin vào Người Con ấy không bị hư mất mà được sống muôn đời” (Ga 3:16). Thông điệp vui mừng này là trọng tâm của đức tin Kitô: tình yêu của Thiên Chúa đã tìm thấy đỉnh cao trong sự ban tặng Con Ngài cho một nhân loại yếu đuối và tội lỗi. Ngài đã ban Con của Ngài cho chúng ta, cho tất cả chúng ta.
Đây là những gì xuất hiện trong cuộc đối thoại trong đêm giữa Chúa Giêsu và ông Nicôđêmô, một phần của thông điệp này cũng được mô tả trong bài Tin Mừng cùng ngày (x Ga 3: 14-21). Nicôđêmô, giống như mọi thành viên của dân Israel, chờ đợi Đấng Mêsia, xác tín rằng Ngài là Đấng mạnh mẽ, Đấng có thẩm quyền phán xét thế gian. Trái lại, Chúa Giêsu thách đố kỳ vọng này bằng cách trình bày Người trong ba hình thức: Con Người được tôn vinh trên thập tự giá; Con Thiên Chúa được sai đến thế gian để cứu rỗi muôn dân; và ánh sáng để phân biệt những người theo đuổi sự thật với những người đứng về phía dối trá. Chúng ta hãy xem xét ba khía cạnh sau: Con người, Con của Thiên Chúa, và ánh sáng.
Chúa Giêsu trình bày Ngài trước hết là Con Người (cc. 14-15). Bản văn ám chỉ trình thuật về con rắn bằng đồng (xem Nm 21: 4-9), theo thánh ý Chúa, được Môisê treo trong sa mạc khi dân chúng bị rắn độc tấn công; ai bị cắn và nhìn con rắn đồng đó thì được chữa lành. Tương tự như vậy, Chúa Giêsu đã được treo lên trên thập tự giá để những ai tin vào Ngài được chữa lành khỏi tội lỗi và được sống.
Khía cạnh thứ hai là của Con Thiên Chúa (cc.16-18). Chúa Cha yêu thương nhân loại đến độ “ban” Con của Người: Người đã ban Con Ngài trong mầu nhiệm Nhập thể trước khi giao nộp Người cho cái chết. Mục đích của sự trao ban của Thiên Chúa là sự sống đời đời của mỗi người chúng ta: thật ra, Thiên Chúa sai Con Ngài đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Chúa Giêsu mà được cứu. Sứ mệnh của Chúa Giêsu là sứ mệnh cứu độ, cứu rỗi mọi người.
Danh xưng thứ ba mà Chúa Giêsu tự trình bày mình là “ánh sáng” (c. 19-21). Tin Mừng cho biết: “Sự sáng đã đến trong thế gian, nhưng người ta yêu bóng tối hơn ánh sáng” (c. 19). Việc Chúa Giêsu đến trong thế gian dẫn đến một sự lựa chọn: ai chọn bóng tối sẽ phải đối mặt với lời kết án, ai chọn ánh sáng sẽ được ơn cứu rỗi. Bản án luôn là hậu quả của sự tự do lựa chọn của mỗi người: bất cứ ai thực hành những điều gian ác luôn tìm bóng tối, cái ác luôn phải được dấu diếm, nó che đậy chính mình. Ai tìm kiếm sự thật, có nghĩa là, những người thực hành những gì là thiện hảo, thì thích ánh sáng chiếu sáng những con đường của cuộc sống. Ai đi trong ánh sáng, ai đến gần ánh sáng, không thể nào lại không làm việc thiện. Đây là điều mà chúng ta được mời gọi thực hiện với sự tận tụy lớn hơn trong Mùa Chay: hãy đón nhận ánh sáng trong lương tâm chúng ta, mở rộng tâm hồn chúng ta trước tình yêu vô bờ bến của Thiên Chúa, trước lòng thương xót đầy dịu dàng và nhân hậu, trước sự tha thứ của Người. Đừng quên rằng Thiên Chúa luôn luôn tha thứ, luôn luôn, nếu chúng ta khiêm nhường cầu xin sự tha thứ. Chỉ cần cầu xin sự tha thứ, và Người sẽ thứ tha. Như thế, chúng ta sẽ tìm thấy niềm vui đích thực và có thể vui mừng trong sự tha thứ của Thiên Chúa, Đấng tái tạo và ban sự sống.
Xin Mẹ Maria Chí Thánh giúp chúng ta đừng sợ để mình bị Chúa Giêsu “ném vào khủng hoảng”. Đó là một cuộc khủng hoảng lành mạnh, cho sự chữa lành của chúng ta: để niềm vui của chúng ta được tràn đầy.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin, Đức Thánh Cha nói tiếp như sau:
Anh chị em thân mến,Mười năm trước, cuộc xung đột đẫm máu ở Syria đã bắt đầu, dẫn đến một trong những thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trong thời đại chúng ta: số người chết và bị thương không kể xiết, hàng triệu người tị nạn, hàng nghìn người mất tích, đất nước bị tàn phá, bạo lực đủ loại và đau khổ vô cùng đối với toàn bộ người dân, đặc biệt là những người dễ bị tổn thương nhất như trẻ em, phụ nữ và người cao niên. Tôi xin lặp lại lời kêu gọi chân thành của mình đối với các bên trong cuộc xung đột: hãy thể hiện những dấu chỉ thiện chí, để một tia hy vọng có thể mở ra cho những người đang kiệt quệ. Tôi cũng hy vọng vào một cam kết dứt khoát và mới mẻ, mang tính xây dựng và đoàn kết, từ phía cộng đồng quốc tế, để một khi vũ khí đã được hạ xuống, cấu trúc xã hội có thể được hàn gắn và có thể bắt đầu tái thiết và phục hồi kinh tế. Tất cả chúng ta hãy cầu nguyện với Chúa rằng nỗi đau khổ lớn lao tại đất nước Syria thân yêu và đang bị dày vò của chúng ta có thể không bị lãng quên, và sự đoàn kết của chúng ta có thể làm sống lại hy vọng. Chúng ta hãy cùng nhau cầu nguyện cho đất nước Syria thân yêu và đang bị dày vò của chúng ta.
Kính mừng Maria đầy ơn phúc, Đức Chúa Trời ở cùng Bà, Bà có phúc lạ hơn mọi người nữ, và Giêsu con lòng Bà gồm phúc lạ. Thánh Maria Đức Mẹ Chúa Trời, cầu cho chúng con là kẻ có tội khi nay và trong giờ lâm tử. Amen.
Thứ Sáu tới, ngày 19 tháng Ba, Lễ Trọng kính Thánh Giuse, sẽ khai mạc Năm Tông Huấn Amoris Laetitia của Gia đình: một năm đặc biệt để lớn lên trong tình yêu thương gia đình. Tôi kêu gọi một động lực mục vụ đổi mới và sáng tạo để đặt gia đình vào trung tâm của sự chú ý của cả Giáo hội và xã hội. Tôi cầu nguyện rằng mọi gia đình có thể cảm nhận được sự hiện diện sống động của Thánh Gia Nazareth trong chính ngôi nhà của mình, để có thể lấp đầy các cộng đồng nhỏ bé trong gia đình chúng ta bằng tình yêu chân thành và quảng đại, một nguồn vui ngay cả trong thử thách và khó khăn.
Tôi xin chào các chàng trai và cô gái của đội bóng rổ, được các gia đình và huấn luyện viên của họ tháp tùng, đang có mặt tại Quảng trường hôm nay. Tốt lắm, cứ tiếp tục như thế nhé, hãy tiếp tục!
Tôi nhiệt liệt chào mừng tất cả các bạn, các tín hữu thân yêu của Rôma và những người hành hương thân mến. Và đặc biệt, tôi chào rất nhiều người Phi Luật Tân, những người đang kỷ niệm năm trăm năm công cuộc truyền giáo ở quốc gia này. Xin gởi những lời chúc tốt đẹp nhất đến anh chị em! Và xin hãy tiếp tục với niềm vui của Tin Mừng!
Chúc anh chị em một ngày Chúa Nhật nhiều may mắn. Xin đừng quên cầu nguyện cho tôi. Chúc bữa trưa ngon miệng và hẹn gặp lại!
Source:Libreria Editrice Vaticana
1. Thanh niên 20 tuổi đập phá 16 bức tượng tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Núi Carmelô
Khi tập trung tham dự Thánh lễ ngày 28 tháng 2 tại Vương Cung Thánh Đường Đức Mẹ Núi Carmelô, các giáo dân đã bày tỏ sự đau buồn sâu sắc nhưng vẫn cầu nguyện cho kẻ đã xúc phạm 16 bức tượng trong khuôn viên giáo xứ của họ vào ngày 26 tháng 2 vừa qua.
“Tôi không biết phải nói gì”, một giáo dân rõ ràng run rẩy và lắc đầu buồn bã sau Thánh lễ 11 giờ sáng Chúa Nhật thường lệ do Đức Ông Michael Cariglio, Cha sở của Vương Cung Thánh Đường cử hành.
Các giáo dân bày tỏ sự đau lòng và phẫn nộ của họ trong các cuộc phỏng vấn với Exponent về cảnh tượng các bức tượng bị phá hủy.
Cảnh sát Youngstown ngay trong ngày hôm đó đã bắt được một nghi phạm, Caleb Vancampen, 20 tuổi, ở Đông Palestine, là người đã thú nhận hành vi phá hoại được thực hiện vào sáng sớm ngày 26 tháng 2. Cảnh sát cho biết nghi can không thể phủ nhận trước các bằng chứng không thể chối cãi từ camera an ninh.
Anh ta bị buộc tội phá hoại với tình tiết gia trọng vào ngày 1 tháng 3 tại Tòa án thành phố Youngstown. Vụ phá hoại đã thu hút được sự đưa tin rộng rãi của các phương tiện truyền thông và gây được sự ủng hộ và quan tâm từ các nhà lãnh đạo cộng đồng.
Đức Ông Cariglio, khi nói chuyện với Exponent vào ngày 1 tháng 3, lưu ý rằng thiệt hại bao gồm hai bức tượng đá granit đã bị chặt đầu và bức tượng bằng sợi thủy tinh nhập khẩu đã bị đập vỡ.
“Chúng tôi lấy các mảnh bị đập vỡ và đặt chúng vào lưu trữ bởi vì chúng tôi không muốn giáo dân nhìn thấy cảnh đau lòng này”, Đức Ông. Cariglio nói. Ngài cũng phủ những tấm vải che phủ lên các bức tượng vẫn còn đứng vững mặc dù đã bị chặt đầu hay chặt tay.
“Thiệt hại ước tính chỉ dưới 100,000 đô la”, Đức Ông Cariglio nói. Ngài đã gặp một đại diện công ty bảo hiểm và cho biết hãng bảo hiểm sẽ trả theo “giá trị hiện tại trừ đi khấu hao”, có nghĩa là “chúng tôi sẽ gặp khó khăn về mặt tài chính.”
“Tất nhiên, số tiền không phải là toàn bộ sự mất mát thực sự”, Đức Ông Cariglio lưu ý, nhưng “đúng hơn là sự xúc phạm bi thảm”.
Đức Cha David Bonnar, Giám Mục Youngstown
Đức Cha David Bonnar đã đến thăm giáo xứ vào ngày vụ phá hoại xảy ra để bày tỏ cảm giác bị tổn thương và hỗ trợ của chính ngài. Đức Ông Robert Siffrin, là Cha Tổng đại diện của giáo phận cũng có mặt.
Sự phá hoại như vậy “thực sự làm đau đớn trái tim chúng ta là những người biết rõ các bức tượng ấy tiêu biểu cho điều gì”, Đức Cha Bonnar nói.
“Thực sự là một cuộc tấn công vào trái tim và linh hồn của người dân khi đức tin của họ không được tôn trọng”. Điều đó càng gây sốc hơn “bởi vì chúng ta sống trong một thung lũng nơi vẫn thường có sự tôn trọng đối với sự đa dạng và tôn trọng đức tin”. Cuộc tấn công như vậy vào các biểu tượng của đức tin “thực sự làm thất vọng và đáng lo ngại”.
Tuy nhiên, Đức Cha Bonnar vẫn hy vọng rằng giáo xứ và cộng đồng Công Giáo lớn hơn sẽ phục hồi. “Niềm tin của người dân ở Youngstown rất kiên cường - nó rất mạnh mẽ”.
Source:Youngstown
2. Bộ trưởng Y tế Dubé của Quebec chỉ trích các giám mục Công Giáo vì đề xuất một số loại vắc xin chấp nhận được về mặt đạo đức
Bộ trưởng Y tế và Dịch Vụ Xã Hội của Quebec là Christian Dubé đã lên tiếng chỉ trích Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada về lời khuyên đối với vắc xin của các ngài.
Các giám mục đề nghị người Công Giáo nên “ưu tiên” cho các loại vắc-xin Pfizer-BioNTech và Moderna vì chúng có thể “được chấp nhận về mặt đạo đức” hơn những vắc-xin do AstraZeneca và Johnson & Johnson sản xuất.
“Tôi cực lực phản đối tuyên bố của Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada”, Dubé nói qua Twitter. “Tôi mời tất cả những người dân Quebec hãy tin tưởng vào các chuyên gia của chúng tôi và những người từ khắp nơi trên thế giới: tất cả các loại vắc xin mà chúng tôi quản lý đều có hiệu quả”.
Tuyên bố của Dubé được xem là sống sượng và có tính chất kích động dư luận chống các Giám Mục Canada. Thực ra, tuyên bố của các ngài không liên quan gì đến vấn đề hiệu quả hay không, các ngài chỉ đề cập đến tính chất hợp luân lý của việc phát triển các loại vắc xin khác nhau.
Christian Dubé có lẽ đang lo lắng cho túi tiền của tập đoàn Johnson & Johnson hơn là sức khoẻ của người dân Quebec. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi tuyên bố của Hội Đồng Giám Mục Canada về vấn đề này.
Source:Montreal Gazette
3. Các Giám mục Canada khuyên người Công Giáo nên chọn vắc-xin COVID ‘ít liên quan nhất’ đến việc phá thai
Người Công Giáo được chủng ngừa COVID-19 nên chọn loại vắc-xin có “mối liên hệ ít nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai”, các giám mục Canada cho biết hôm thứ Ba, nhưng khi không có lựa chọn hoặc quá khó khăn, các lựa chọn thay thế “có thể được sử dụng với lương tâm ngay lành với ý thức rằng việc sử dụng các loại vắc-xin như vậy không cấu thành sự hợp tác chính thức với việc phá thai”.
Trong một tuyên bố có tiêu đề “Lưu ý về Mối quan tâm Đạo đức Liên quan đến Vắc xin COVID-19 được phê duyệt hiện nay”, Hội đồng Giám mục Công Giáo Canada, gọi tắt là CCCB, cho biết vắc xin Moderna và Pfizer được phê duyệt ở Canada “không sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình phát triển và sản xuất vắc xin”.
Mặc dù vắc-xin đã sử dụng “dòng tế bào có nguồn gốc không hợp luân lý” trong khi thử nghiệm, chúng “có thể chấp nhận được về mặt đạo đức để người Công Giáo có thể nhận vì kết nối với phá thai trong tiến trình sản xuất là vô cùng xa”.
CCCB cho biết, vắc xin AstraZeneca và Johnson & Johnson có nhiều vấn đề hơn vì chúng “sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai trong quá trình phát triển, sản xuất và kiểm tra xác nhận”.
“Vì vậy, nếu có thể lựa chọn giữa việc nhận các loại vắc xin khác nhau, loại vắc xin có ít kết nối nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai nên luôn được ưu tiên và phải được lựa chọn khi có thể”.
Khi không có sự lựa chọn hoặc nó là “khá khó khăn để có được vắc-xin ưu tiên”, các giám mục nói, “vì tình trạng khẩn cấp về sức khỏe và vì những cân nhắc khác, chúng tôi thấy không có gì về mặt đạo đức ngăn chặn bất cứ ai nhận với lương tâm ngay lành vắc xin AstraZeneca hay Johnson & Johnson hoặc những vắc xin khác có thể được chấp thuận dù chúng được phát triển, thử nghiệm và sản xuất theo cách tương tự”.
Đối với câu hỏi liệu có nên chủng ngừa hay không, quyết định này là “một trong vấn đề thuộc về lương tâm cá nhân sau khi tham khảo ý kiến của các bác sĩ hoặc các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe,” các giám mục nói, và “có thể là một hành động bác ái vì nhu cầu chăm sóc cho người khác”.
Bộ Giáo lý Đức tin đã phân biệt “những nghĩa vụ đạo đức khác nhau đối với những người phát triển vắc-xin và những người nhận chúng”, CCCB cho biết. Bày tỏ quan điểm của Vatican, các giám mục kêu gọi các chính phủ “bảo đảm rằng vắc xin COVID-19 được cung cấp không tạo ra tình thế tiến thoái lưỡng nan về đạo đức cho người dân Canada”, vì làm như thế không khuyến khích người dân Canada tiêm chủng.
Đức Tổng Giám Mục Vancouver là Đức Cha Michael Miller đã nói với The BC Catholic tuần trước rằng ngài hy vọng sẽ xắn tay áo lên và tiêm chủng khi đến lượt mình và rằng, nếu được lựa chọn, ngài sẽ tránh vắc-xin Johnson & Johnson vì nó có mối liên hệ chặt chẽ hơn với phá thai. Nhưng ngài thừa nhận rằng người Canada không có khả năng được lựa chọn vắc-xin.
Source:BC Catholic
4. Đức Hồng Y Cupich lại mâu thuẫn với Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ
Hồng Y Blase Cupich, người được dự đoán là tổng trưởng Bộ Giám Mục hay Bộ Giáo Sĩ đã lại mâu thuẫn với Hội Đồng Giám Mục Công Giáo Hoa Kỳ, gọi tắt là USCCB, về vấn đề vắc xin. USCCB và một số cá nhân các giám mục Mỹ đã gọi vắc xin Johnson & Johnson là “có vấn đề về mặt đạo đức”.
Các Giám Mục Hoa Kỳ kêu gọi người Công Giáo nên chọn vắc xin Pfizer và Moderna, chích hai lần, hơn là tiêm một mũi Johnson & Johnson vì nó sử dụng các dòng tế bào được nhân bản từ mô bào thai bị phá bỏ.
Trong tuyên bố hôm 2 tháng Ba, USCCB viết:
Việc phê duyệt vắc-xin COVID-19 của Johnson & Johnson để sử dụng ở Hoa Kỳ một lần nữa đặt ra vấn đề liên quan đến sự cho phép về mặt đạo đức việc sử dụng vắc-xin được phát triển, thử nghiệm hay được sản xuất với sự trợ giúp của các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai.
Các loại vắc xin của Pfizer và Moderna đã làm dấy lên lo ngại vì một dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai đã được sử dụng để thử nghiệm chúng. Nhưng những tế bào đó không được dùng trong quá trình sản xuất. Trái lại, vắc-xin Johnson & Johnson đã được phát triển, thử nghiệm và được sản xuất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai làm dấy lên những lo ngại về đạo đức. Bộ Giáo lý Đức tin đã đánh giá rằng ‘trong trường hợp bất khả kháng khi không có sẵn vắc-xin Covid-19 được sản xuất phù hợp về mặt luân lý thì việc nhận vắc-xin Covid-19 sử dụng các dòng tế bào từ bào thai bị phá bỏ trong quá trình nghiên cứu và sản xuất là điều có thể chấp nhận được về mặt đạo đức. Tuy nhiên, nếu ta có thể chọn trong số các loại vắc-xin COVID-19 an toàn và hiệu quả như nhau, thì nên chọn loại vắc-xin có ít kết nối nhất với các dòng tế bào có nguồn gốc từ hoạt động phá thai”. Do đó, nếu có khả năng lựa chọn vắc xin, nên chọn vắc xin Pfizer hoặc Moderna thay vì vắc xin Johnson & Johnson.
Trong khi chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh rằng các công ty dược phẩm phải ngừng sử dụng các dòng tế bào có nguồn gốc từ việc phá thai, trước những đau khổ trên toàn thế giới mà đại dịch này đang gây ra, chúng tôi khẳng định một lần nữa rằng việc tiêm chủng có thể là một hành động bác ái phục vụ thiện ích chung.
Hồng Y Cupich nói: “Không ai phải lựa chọn, tất cả các loại vắc xin đều chấp nhận được về mặt đạo đức. Tôi không biết lý do họ nói những gì họ đã nói, chúng ta phải nói rõ ràng”.
Source:ABC Chicago