Ngày 14-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Covid-19 Giếng Nước
Nguyễn Trung Tây
03:12 14/03/2020
Bây giờ, nơi công cộng, trong nhà thờ, khu thương xá, ai đó lỡ ho hoặc hỉ mũi ắt xì, những người chung quanh không còn tỏ vẻ ái ngại nói, “Chúa chữa/God bless,” nhưng thay vào đó là những ánh mắt khó chịu. Tệ hơn, nếu người ho khan hoặc ắt xì mang khuôn mặt Trung Hoa, coi chừng dân chúng xúm vào… thế là bầm dập mặt mày! Bây giờ ghét nhau, người ta chỉ cần tung hê bản tin khu thương xá đó có khách nhiễm Covid-19 ghé vào ăn Phở, thế là ế như chùa Bà Đanh. Ứng xử của thế giới văn minh thật nhanh bị thay đổi cũng bởi vi khuẩn Covid-19, một vật thể nhỏ đến nỗi mắt thường không nhìn thấy, nhưng lại có khả năng đóng cửa đường biên giới nhiều quốc gia. Cả thế giới 7 tỉ người thông minh chung tay chặn lại đường lây lan và phát tán của vi khuẩn Covid-19. Nhưng đến thời điểm hiện tại, vẫn chào thua! Bởi thế, công trường Vatican giờ này vắng hoe. Toàn nước Ý, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Hoa Kỳ cấm tất cả những chuyến bay từ Âu Châu, ngoại trừ Anh. Thủ đô Manila “lockdown” trong vòng một tháng (15/3 tới 14/4).

Xã Sơn Lôi vừa mở cửa sinh hoạt bình thường, Việt Nam đang chuẩn bị giai đoạn hậu vi khuẩn Vũ Hán. Nhưng thật bất ngờ, phố Trúc Bạch bị đóng bởi ca nhiễm 17 từ Luân Đôn bay về Hà Nội. Rồi thêm một ca 34 ở Bình Thuận, bay về từ Mỹ. Mới đây, ca 45 ở Tân Bình, Sài Gòn; rồi tin mới nhất, ca 46 của Quận 10, Sài Gòn. Cả hai 45 và 46 đều bị lây nhiễm bởi có liên hệ với ca 34. Ca số 17 của Việt Nam bị so sánh với ca số 31 của Hàn Quốc, người nhà thờ Tân Thiên Địa. Bà này, 61 tuổi, biết mình ho, sốt, nhưng không chịu đi khám bác sĩ hoặc cách ly, vẫn đi tham dự những buổi sinh hoạt đồng đảo tín hữu tham dự. Thế là Daegu của Hàn Quốc trở thành trung tâm dịch Coronavirus, tương tự Vũ Hán của Trung Quốc.

Tất cả những người dính hoặc nghi dính Covid-19, đều bị hoặc được đề nghị cách ly. Những người cố tình khai báo không thành thực tại phi trường bị cư dân mạng ném đá, những cục đá không hề nhỏ và nhẹ.

Bởi tính cách lây lan của Covid-19, nhiều trường học và nhà thờ trên thế giới đã đóng cửa. Học sinh, sinh viên học “online.” Đức Giáo Hoàng dâng lễ, giáo dân tham dự “online.” Chính quyền Philippines mới đây “lockdown” thủ đô Manila; tổng địa phận Manila ra thông báo huỷ bỏ tất cả những thánh lễ, đề nghị giáo dân tham dự thánh lễ Mùa Chay “online.”

Covid-19 cũng tạo ra hiện tượng loạn tin. Chỉ qua một đêm,

— Nhiều thầy lang vườn “chuyên môn về vi khuẩn chủng mới Vũ Hán” tự nhiên xuất hiện dầy đặc trên những trang mạng xã hội. Những toa thuốc vịt được chia sẻ với số lượng chóng mặt. Nghĩ cho cùng, cũng bởi nỗi sợ đi kèm với phương châm “có kiêng có lành.”

— Đi kèm toa thuốc vịt là những bản tin vịt về dịch Covid-19 được viết bởi những trang FaceBook cá nhân mang tính phóng đại, cường điệu, hoặc thật đáng tiếc hoàn toàn bịa đặt! Thí dụ, giờ này Covid-19 đã phát triển hóa ra: Covid-19, “đuôi” vi khuẩn HIV và “chân” Ebola…

Cả hai trường hợp kể trên đã góp phần vào hiện tượng gây hoang mang trong cộng đồng. Từ hoang mang bởi loạn tin dẫn đến hoảng loạn trong thương xá chỉ là một con đường hẻm!

Người phụ nữ xứ Samaria đi ra giếng nước vào giây phút khá bất ngờ. Cô đi một mình và đi vào buổi trưa. Lý do tại sao cô độc hành cuối cùng cũng được Đức Giêsu giải mã, đó là, cô đã có 5 đời chồng và người đàn ông cô đang chúng sống không phải là chồng cô (John 4:18). Tương tự những ca nhiễm Covid-19, người phụ nữ cũng cô đơn trên một đoạn đường đời bởi con vi khuẩn Co 5-1. Cô bị cách ly, bị cô lập, bởi thế cô đi ra giếng nước một mình và vào buổi trưa, thời điểm không ai ra giếng lấy nước, đặc biệt trong bối cảnh sa mạc như vùng Sychar. Nhưng thật bất ngờ, vào giây phút cô đơn bởi bị cách ly, cô gặp Thầy Thuốc ngay bên bờ giếng. Hội ngộ giếng nước với Đức Giêsu đã chữa lành vết thương của người phụ nữ bị cô lập, bị cách ly bởi vi khuẩn Co 5-1.

Covid-19 là một thông điệp Thiên Chúa (đang) gửi đến con người. Dù thông minh, siêu đẳng, tiến bộ, kỹ thuật, không ai trên trần gian có khả năng ngăn chận được cơn dịch toàn cầu viêm phổi chủng mới Corona. Người duy nhất có khả năng ngăn chận và hóa giải được trận dịch Covid-19 chính là Đức Giêsu bên bờ giếng (hoặc là Đấng Tối Cao của riêng độc giả). Qua những lời kinh nguyện, hy vọng thuốc chủng Covid-19 sẽ sớm trở thành một hiện thực.

Nghĩ cho cùng, bài học cho cái cao ngạo của tháp Babel năm xưa vẫn đang lập lại qua đại dịch Covid-19. Bài học đó chính là con người thực chất không phải và chưa bao giờ là đấng sáng tạo, nhưng vẫn chỉ là loài thụ tạo, và vẫn cứ là thụ tạo cho tới những ngày cuối cùng của trái đất. Lời phán của Tổng lãnh Thiên thần Micae khi xưa một lần nữa lại vang dội trong tâm hồn mọi người tín hữu: “Ai bằng Thiên Chúa!” Dưới lăng kiếng niềm tin, “Phúc cho những ai không thấy mà tin” (John 20:29) lại càng thêm giá trị.

Thiết nghĩ, thay vì đưa lên FaceBook hay Twitter những toa thuốc vịt hoặc những bản tin vịt hoặc hình ảnh vịt gây hoang mang, người tín hữu nên tiếp tục reo hạt giống Lời Chúa của Thầy Thuốc Giêsu, Đấng có vị thuốc chữa lành tất cả đại dịch. Ngay cả khi nhà thờ không còn cử hành thánh lễ bởi hoàn cảnh đại dịch, người tín hữu vẫn có thể tham dự thánh lễ “online” và lắng nghe những bài chia sẻ ngập tràn trên những phương tiện truyền thông. Khi đó, chúng ta vẫn đang sống đời sống đức tin, đặc biệt trong Mùa Chay của năm 2020.

Cuộc sống vẫn là một chuỗi dài của những chọn lựa. Mời người tín hữu chọn bước ra giếng nước gặp gỡ Thầy Thuốc chữa vi khuẩn viêm phổi Covid-19.


 
Đừng Bắt Chúa Đợi Chờ Quá Lâu
LM. Trương Đình Hiền
10:28 14/03/2020
Chúa Nhật III Mùa Chay Năm A 2020

Cộng đoàn dân Chúa đang tiến vào trung tâm điểm của Mùa Chay và các anh chị em Dự Tòng trên khắp thế giới đang có những ngày chuẩn bị gấp rút để tiến vào cuộc Tái Sinh thiêng liêng vĩ đại trong mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Kitô qua các Bí tích Gia nhập Kitô giáo mà họ được nhận lãnh trong đêm Vọng Phục Sinh.

Chính với ý nghĩa nầy, phụng vụ Chúa Nhật III Mùa Chay- chu kỳ năm A, với sứ điệp Lời Chúa mang trọng tâm “Nước Hằng Sống”, đang khơi gợi chúng ta hãy biến cuộc hành trình đức tin thành một cuộc “hội ngộ” với chính Thiên Chúa là nguồn mạch sự sống, thành một cuộc “gặp gỡ Đức Kitô” là “Nguồn Nước sống” đích thật.

Theo chỉ dẫn của Lời Chúa, chúng ta cùng nhau suy niệm về chính cuộc “hội ngộ đặc biệt” nầy.

Những ngày nầy bà con các tỉnh thuộc Đồng bằng Sông Cửu Long đang vật lộn với cơn hạn hán và thiếu nước trầm trọng, chẳng khác nào cơn khát vì thiếu nước giữa hoang mạc của dân Israel xưa như tường thuật của sách Xuất Hành được công bố nơi Bài đọc 1.

Từ những cơn khát nước vật chất đó, Lời Chúa muốn nhắc nhở chúng ta về những “cơn khát của thời đại hôm nay” và thái độ ứng xử của đức tin trước những cơn khát nầy.

Thật vậy, ngày hôm nay nhân loại cũng đang bị dày vò bởi nhiều cơn khát cháy bỏng: khát tiền, khát tình, khát hưởng thụ, khát tự do, khát cơm no áo ấm, khát danh vọng chức quyền...; và trong những ngày này, với sự đe dọa của con virus Corona, cả thế giới đang khát sống, khát bình yên, khát sức khỏe…

Ngày xưa, dân Ít-ra-en khi phải đối diện với cơn khát nước điên cuồng nơi hoang mạc, đã liều quay lưng chống đối Mô-sê, nghi ngờ sự hiện diện và đồng hành của Thiên Chúa, quên hết bao nhiêu ơn lành và kỳ công Chúa đã thực hiện trong biến cố Vượt Qua khai mạc cuộc Xuất Hành. Họ quên cả “chiếc gậy của Mô-sê” đã từng dương ra trên biển Đỏ để họ tiến bước ráo chân giữa hai bờ tường nước dựng. Quên cả manna, quên luôn chim cút, quên cột mây che mát, cột lửa dẫn đường, quên hết Thập điều trên núi Sinai…

Thế giới của thời hiện đại cũng đã có những cơn khát của vật chất và hưởng thụ, tiện nghi và giàu có, thành công và quyền lực…để rồi chối bỏ, bất cần Thiên Chúa:

- Ca sĩ nổi tiếng John Lennon: “Đạo Chúa Giêsu đã tàn…chúng ta nổi tiếng hơn Ngài nhiều”.

- Tổng thống Brasil: “Nếu có 500 phiếu bầu thì cả Đức Chúa Trời muốn xóa bỏ chức tổng thống cũng không được…”

- Người xây dựng tàu Titanic: “Nó an toàn đến nổi Đức Chúa Trời cũng không thể nhấn chìm…”

- Diễn viên Marylyn Monroe: “Tôi không cần Chúa Giêsu của ông…”…

Là những người mang danh Kitô hữu…, chúng ta cũng đã bao lần quên mình là Kitô hữu, quên dòng nước rửa tội, quên Chúa Giêsu đang hiện diện trong bí tích Thánh Thể, quên các giới răn và các thực hành luân lý Kitô giáo, quên hết những lời dạy của Tin mừng…

Nhưng Thiên Chúa lại chứng tỏ quyền năng bằng lòng tha thứ; Ngài lại một lần nữa ra tay. Chiếc gậy của Mô-sê có dịp được dương ra để đập vào tảng đá cho mạch nước tuôn trào. Và một sự tuôn trào, không phải chỉ là dòng nước lạnh để làm giản cơn khát nước vật chất, mà là dòng nước hàng sống mang lại sự sống vĩnh hằng, đúng như lời Đức Kitô đã nới với người thiếu phụ Samari trong Tin mừng hôm nay : “và nước tôi cho sẽ sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời”.

Như vậy điều quan trọng còn lại hôm nay chính là hãy mở lòng ra, hãy đến và hãy gặp. Chính người thiếu phụ Samaria hôm nay đã chịu mở lòng ra đối thoại với Chúa, đã chấp nhận để Chúa truy vấn và đã để Lời Chúa xuyên thấu cõi lòng. Và từ đó lại một mạch nước hằng sống đã tuôn trào nơi trái tim tưởng đâu đã cằn khô nơi chị, biến chị trở thành chứng nhân, thành tông đồ để rao giảng đơn sơ chỉ một tin Mừng: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Đằng sau bóng hình của người thiếu phụ Samari may mắn đó, chúng ta còn hấy thấp thoáng bao nhiêu con người khác, một khi đón gặp Đức Kitô, cuộc đời họ cũng tuôn trào một “Dòng Nước Sống”, để biến đổi thành một con người mới: Lê-vi, Gia-kê, Mađalêna…, Phanxico Assisi, F.X, Anrê Phú Yên, Têrêsa CaLcutta…

Quả thật, đức tin luôn là một cuộc khao khát vươn tới, là một sự khó nghèo để được lấp đầy. Điều quan trọng là hãy đến, hãy tiếp cận, hãy gặp gỡ. Điều còn lại là công trình của Chúa Thánh Thần, như lời khẳng định của Thánh Phaolô trong thư gởi cho giáo đoàn Rôma: “Vì lòng mến Chúa đổ vào lòng chúng ta nhờ Thánh Thần là Đấng đã được ban cho chúng ta” (Bđ 2)

Việc “mở lòng và khao khát gặp gỡ Chúa của người thiếu phụ Samari” làm ta liên tưởng tới bức tranh mang tên “ÁNH SÁNG THẾ GIAN” tại nhà thờ Chính Tòa Luân Đôn. Bức hoạ có hình Chúa Giêsu đứng ngoài một cánh cửa với cây lá trường xuân che phủ kín mặt tường quanh cửa, trên cánh cửa không có ổ khóa, cũng không có quả nắm ở ngoài. Nhìn bức hoạ, chúng ta có thể hiểu ngay là Chúa đứng ngoài cửa, Ngài gõ cửa và đứng chờ cho tới khi có ai ra mở cửa cho Chúa vào, ngoài ra không còn cách nào khác có thể đẩy cửa bước vào. Quan trọng là bên dưới bức tranh có một câu của người họa sĩ đã ghi lại: “Lạy Chúa, xin thứ lỗi cho con, vì con đã bắt Chúa phải đứng chờ quá lâu”

Hôm nay, Mùa Chay nầy, cũng thế đối với tôi: “đừng bắt Chúa đợi chờ quá lâu.”

Lm. Trương Đình HIền
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:01 14/03/2020

21. Người mà con phải cứu tế chính là người nghèo, nhưng người làm cho con vui vẻ hồi phục tình giao hảo chính là Thiên Chúa.

(Thánh Christina)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong"Cách ngôn thần học tu đức")


---------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:08 14/03/2020
68. RẤT SỢ “ĐỘT NHIÊN”

Thời nhà Tống, có một hoạn quan tên là Xã Tiệm, bình thường rất thích cùng với các cử nhân tử sĩ giao hảo, và trong đám sĩ tử ấy Xã Tiệm lựa ra mấy câu nói của họ để cho mình sử dụng.

Khi ông ta ở tại Dương Châu và lúc trả sách lại cho bạn bè, chỉ cần nói đến sách khá lớn, thì luôn dùng câu “từ vụ khổng hồng”. (đây là câu của hoạn quan tự nghĩ ra mà nói, từ...vụ...việc...năm...này; khổng...thậm; hồng...đại).

Năm nọ, Tô Đông Pha trên đường đi qua phủ Dương Châu, quận thú Tô Tử Dung đang ngủ trưa, có Xã Tiệm ngồi bên hầu hạ. Không lâu sau, Tô Tử Dung đi ra nghênh đón, Xã Tiệm lập tức đáp lời hỏi:

- “Tương công vì sao cố ý đột nhiên tới”. (đột nhiên: người báo tin có người đột nhiên chết).

Khi Tô Đông Pha cùng với quận thú tương hội, thì hỏi nhỏ tên tiểu quan đang phục vụ tiếp đãi khách:

- “Người ngồi bên cạnh là người nào vậy?”

Đáp:

- “Đó là người hầu hạ họ Xã”.

Đông Pha cười nói:

- “Hôm nay người hầu hạ họ Xã ngồi bên thì không dám ngủ gật, chỉ sợ cái “đột nhiên” của ông ta mà thôi !”

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 68:

Đột nhiên chết hay chết bất ngờ thì đều đem lại sự sợ hãi cho con người, ý nghĩa của đột nhiên và bất ngờ thì giống nhau, cả hai đều có nghĩa là bất ngờ đến và bất chợt đi.

Ai cũng sợ chết bất ngờ và ai cũng sợ tai nạn bất ngờ xảy ra, bởi vì con người ta ít khi mà nghĩ đến cái hậu quả của ngày mai, mà cái hậu quả của ngày mai thì khó mà lường trước được, cho nên ai ai cũng yêu vội sống vàng cho hưởng được cái hôm nay cho đầy đủ, mà không chuẩn bị cho cái bất ngờ sẽ đến...

Người Ki-tô hữu chắc chắn cũng sợ cái bất ngờ mà đến, cho nên họ luôn chuẩn bị tâm hồn để “ngày bất chợt” đến thì họ vẫn bình thản đón nhận: ngày bất chợt đến là ngày khốn khó, ngày tai ương, những tù đày và cả sự chết, bởi vì họ có một “bảo bối” chắc chắn để đón nhận ngày bất chợt đến mà không sợ hãi, đó chính là lời dạy của Đức Chúa Giê-su: “Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chình giờ phút anh em không ngờ, thì Con Người sẽ đến”(Mt 24, 44). Đây là lời của vị đại tiên tri, là lời của Thiên Chúa, là lời hằng sống, cho nên không thể sai lầm và không thể qua đi theo giòng thời gian.

Tô Đông Pha sợ cái “đột nhiên” của tên hoạn quan Xã Tiệm, vì tên hoạn quan ăn nói không đầu không đuôi dễ...mất lòng người khác; còn cái đột nhiên bất ngờ của Đức Chúa Giê-su nói thì không tầm bậy, nhưng sẽ được thực hiện khi chúng ta không ngờ thì nó sẽ đến mà không trì hoãn...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha dâng lễ cầu cho các gia đình
Đặng Tự Do
04:31 14/03/2020
Lúc 7 sáng thứ Bẩy 14 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình và đặc biệt là các bậc cha mẹ để họ có thể đương đầu với tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người rằng chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những ai bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, đó là các gia đình từ ngày này sang ngày khác đều thấy mình ở nhà với con cái vì các trường học đóng cửa, do lý do an ninh, và họ cần đương đầu với một tình huống khó khăn, cũng như phải tìm cách vượt qua. Một cách đặc biệt, tôi cũng nghĩ đến những gia đình có thể có một người khuyết tật trong nhà. Các trung tâm chào đón người khuyết tật đã đóng cửa. Vì vậy, hãy cầu nguyện cho các gia đình đó, để họ không mất bình yên trong thời điểm này và họ có thể thành công trong việc đưa cả gia đình tiến lên với sức mạnh và niềm vui.”

Bài Tin Mừng trong ngày, Dụ ngôn Đứa Con hoang đàng, là một chủ đề tâm đắc thường thấy trong các bài giảng của ngài.

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời lẽ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy nghĩ về những lời nói và cảm xúc của hai nhóm người được trình bày trong Dụ ngôn Đứa con hoang đàng: những người tội lỗi và những người Pharisêu. Tin Mừng nói rằng những người tội lỗi đã đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Người. Những người tội lỗi đã vây quanh Chúa Giêsu trong im lặng. Họ không biết nói những gì. Nhưng sự hiện diện của họ nói với chúng ta rằng họ muốn nghe Lời Chúa.

Còn về phần những người Pharisêu, Tin Mừng nói rằng họ phàn nàn và chỉ trích Chúa Giêsu vì đã làm điều đó. Họ muốn bác bỏ thẩm quyền của Chúa Giêsu. Họ buộc tội Chúa Giêsu, “Ông ấy đồng bàn cùng những người tội lỗi. Ông ấy ô uế.” Phần còn lại của dụ ngôn đã giải thích bi kịch này này.

Những cảm xúc

Nhóm đầu tiên, những người tội lỗi, cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi, cần đến một người hướng dẫn, một mục tử. Và vì vậy, mọi người đến gần Chúa Giêsu vì họ thấy rằng Ngài là một mục tử. Trái lại, các thầy thông luật lại tỏ ra thù ghét họ.

Các thầy thông luật cảm thấy tự mãn. Tôi đã đi học đại học. Tôi đã có một bằng tiến sĩ, tôi có hai bằng tiến sĩ. Tôi biết rất rõ những gì lề luật nói. Thật ra, tôi biết từng lời giải thích của lề luật một cách chi tiết. Họ coi thường người khác, họ coi thường những người tội lỗi.

Người con thứ trong dụ ngôn cảm thấy cần phải thưởng thức thế giới, cần phải ra khỏi nhà. Có lẽ anh ta cảm thấy như đang ở trong nhà tù. Anh ta có sự táo bạo để yêu cầu cha mình ban cho những gì thuộc về phần mình.

Cha của anh không nói gì vì ông là một người cha, một người cha biết cách chịu đựng trong sự im lặng, kiên nhẫn chờ đợi một thời điểm thích hợp. Người Cha cảm thấy đau đớn, nhưng ông dịu dàng và đầy lòng yêu mến. Đôi khi, hành vi này khiến các ông bố trông thật dại dột. Và khi đúng thời điểm đó, người Cha đang chờ đợi, thì thấy anh ta ở đàng xa. Điều này khiêu khích người con trai cả, anh ta trách móc lại chính cha mình, cho rằng ông là người cư xử bất công.

Người con trai cả cảm thấy phẫn nộ. Nhiều lần, phẫn nộ là cách duy nhất làm cho những người này cảm thấy đã nư.

Vấn đề

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng vấn đề là anh không nhận ra sống trong nhà Cha thực sự có nghĩa là gì. Người con trai cả đã hoàn thành nghĩa vụ và công việc của mình, nhưng anh ta không bao giờ bước vào mối quan hệ yêu thương với Cha mình. Thay vào đó, anh ta bất bình với Cha mình, và nói “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”

Anh ta giận đến mức không chịu vào nhà.

Người Cha đi thẳng vào vấn đề: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”.

Đây là điều mà người con trai lớn chưa bao giờ nhận ra. Anh ta sống ở nhà như thể là sống trong một khách sạn, không cảm thấy tình yêu gia đình của cha mình. Thật thú vị khi người cha không nói một lời nào về tội lỗi của đứa con hoang đàng khi nó trở về. Ông chỉ ôm nó vào lòng và thết tiệc ăn mừng. Ông ta phải giải thích điều này với người con trai cả vì trái tim anh ta đã cứng lại do những quan niệm về Cha mình, về tình con thảo, và về cách anh ta nên sống.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng bằng một lời cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta có thể hiểu ra vấn đề.

Vấn đề là sống trong nhà nhưng không cảm thấy mình ở nhà vì không có mối quan hệ cha con, mà chỉ có những mối quan hệ đồng nghiệp làm việc chung với nhau.


Source:Vatican News
 
Từ Ngày 15/03 : Tổng Giáo Phận Paris Tạm Ngưng Các Thánh Lễ Chúa Nhật
Lê Đình Thông
10:04 14/03/2020
Từ Ngày 15/03: Tổng Giáo Phận Paris Tạm Ngưng Các Thánh Lễ Chúa Nhật

Trong thư luân lưu ngày 13/03/2020 của Tổng giáo phận Paris, Đức TGM Michel Aupetit gửi 116 cha xứ, trong số có Giáo Xứ Việt Nam Paris, thông báo việc tạm ngưng cử hành Thánh lễ Chúa Nhật trên địa bàn tổng giáo phận Paris gồm 8 giáo phận: Paris, Créteil, Évry Corbeil-Essonnes, Meaux, Nanterre, Pontoise, Saint-Denis, Versailles. Quyết định này có hiệu lực từ Chúa Nhật thứ 3 mùa chay (15/03/2020) đến khi có lệnh mới. Tại các tỉnh, Thánh lễ được tiếp tục cử hành cho cộng đoàn dưới 100 người.

Quyết định này được đưa ra vào chiều ngày 12/03/2020. Cũng vào thời điểm này, bộ Y tế sơ kết tình hình dịch bệnh, nước Pháp tăng thêm 800 trường hợp nhiễm bệnh và 18 tử vong trong vòng 24 tiếng đồng hồ. Nước Pháp hiện có 3 661 trường hợp nhiễm vi khuẩn và 79 tử vong.

Dân số Paris hiện nay là 2 212 851 người, trong số có 1 548 996 giáo dân, tỷ lệ 70%. Tổng giáo phận hiện có 1296 linh mục, 108 phó tế, 1252 tu sĩ, 2500 nữ tu. Đức TGM Michel Aupetit là TGM Paris. Ngài có 3 vị Giám Mục Phụ Tá là Đức Cha Denis Jachiet, Đức Cha Thibault Verny và Đức Cha Philippe Marsset.

Bản đồ Tổng giáo phận Paris gồm 8 giáo phận

Biện pháp tạm ngưng cử hành Thánh lễ Chúa Nhật và Thánh lễ chiều thứ Bảy được đưa ra sau khi tổng thống Pháp Emmanuel Macron quyết định trường học các cấp từ mẫu giáo đến đại học trên toàn nước Pháp đóng cửa kể từ thứ hai 16/03/2020 đến khi có lệnh mới, để đưong đầu với dịch coronavirus.

Trong thời điểm dịch bệnh, các tín hữu được miễn dự Thánh lễ Chúa Nhật. Các cuộc tập họp trên 100 người cũng bị hủy bỏ liên hệ đến các lớp giáo lý, sinh hoạt Thiếu nhi Thánh thể.

Các Thánh lễ trong tuần có dưới 100 người tham dự vẫn được tiếp tục cử hành. Những vị trên 70 tuổi được yêu cầu ở nhà. Con số dưới 100 người đồng thời được áp dụng cho lễ cưới, lễ rửa tội và tang lễ.

Trong thời gian có dịch bệnh, các thánh đường vẫn rộng mở cho các giáo dân đến cầu nguyện và suy niệm, nhưng các giáo dân được khuyên cáo nên cầu nguyện tại gia.

Các linh mục tiếp tục cử hành Thánh lễ thông hiệp với các giáo dân xin lễ, thăm viếng các bệnh nhân, cho rước Mình Thánh Chúa nếu tình trạng và tuổi tác của người bệnh thích hợp. Việc cử hành bí tích hòa giải được tiến hành, tôn trọng khoảng cách 1 mét.

Tại giáo phận Lyon, Đức Cha Michel Dubost, giám quản tông tòa, cho biết tiếp tục cử hành Thánh lễ Chúa Nhật cho cộng đoàn dưới 100 người. Cứ 1 người ngồi lại có 2 ghế trống ngăn khoảng cách, tránh việc lây lan, và không bắt tay trong nghi thức chúc bình an. Các vị cao niên trên 70 tuổi được miễn dự Thánh lễ Chúa Nhật trong suốt mùa dịch bệnh. Các thừa tác viên trao Mình Thánh Chúa được nhắc nhở rửa tay bằng dung dịch có chất cồn (gel hydro-alcoolique) trước và sau khi thi hành nhiệm vụ.

Trong thư luân lưu gửi các tín hữu, Đức TGM Michel Aupetit nhắc nhở tình huynh đệ, bác ái cần phát huy trong thời điểm hiện nay. Ngài nói của lễ thiêng liêng chính là mỗi người dâng lên Chúa bản thân mình, hiệp nhất với Chúa Kitô và Hội thánh. Năm nay, giáo phận Paris sẽ cử hành 1600 năm ngày sinh của Thánh nữ Genevière, bổn mạng của 8 giáo phận thuộc tổng giáo phận Paris. Ngài mời gọi các giáo dân khấn xin Thiên Chúa, nhờ lời cầu bầu của Thánh nữ Genevière, xua tan dịch bệnh. Từ nay đến lễ Phục sinh, Đức TGM Paris mời gọi các giáo dân ăn chay cầu nguyện mỗi ngày thứ tư.

Lê Đình Thông
 
Các nhà thờ giáo xứ ở Rôma đóng cửa nhưng mở lại ngay sau khi Đức Giáo Hoàng không hài lòng
Đặng Tự Do
16:04 14/03/2020
Sau thỏa thuận với Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Giám Quản Rôma đã hủy bỏ một quyết định trước đó của ngài về việc đóng cửa các nhà thờ tại Rôma. Các nhà thờ giáo xứ, cũng như các trung tâm truyền giáo, giờ đây được phép tiếp tục mở cửa, đồng thời tuân thủ các biện pháp để tránh sự lây lan coronavirus.

Vatican News cho biết giáo phận Rôma đã hành động nhanh chóng để cho phép các nhà thờ trong thành phố được tiếp tục mở cửa. Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi có quyết định ban đầu đóng cửa các nơi thờ phượng để ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Trước đó, giáo phận Rôma đã hủy bỏ tất cả các Thánh lễ có công chúng tham dự cho đến ngày 3 tháng Tư, tức là cho đến tận Chúa Nhật Lễ Lá, để đối phó với sự bùng phát của coronavirus. Đức Hồng Y Angelo De Donatis, Giám Quản Rôma, đã cho biết như trên trong một thông báo được công bố vào tối Chúa Nhật 8 tháng Ba, theo sau một sắc lệnh của chính phủ Ý đình chỉ tất cả các nghi lễ tôn giáo công cộng.

Quyết định này của Đức Hồng Y De Donatis là hợp lý vì thực tế là các Thánh lễ và các phụng vụ khác dành cho công chúng đã bị cấm trên khắp nước Ý.

Tu nhiên, hôm thứ Năm, Đức Hồng Y De Donatis lại đi xa hơn một bước nữa, và tuyên bố thêm rằng tất cả các nhà thờ sẽ phải đóng cửa cho đến ngày 3 tháng Tư, ngay cả cầu nguyện riêng cũng không được.

Quyết định thứ hai này của Đức Hồng Y De Donatis đã vấp phải sự chống đối của Đức Thánh Cha Phanxicô và Đức Hồng Y Konrad Krajewski, quan phát chẩn của Đức Giáo Hoàng.

Trong thánh lễ sáng thứ Sáu 13 tháng Ba tại nhà nguyện Santa Marta, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tỏ ra không hài lòng. Ngài nói:

“Hôm nay tôi cũng muốn cầu nguyện cho các mục tử là những vị phải đồng hành với dân Chúa trong cuộc khủng hoảng này. Xin Chúa ban cho các ngài sức mạnh và khả năng lựa chọn những phương thế tốt nhất để giúp đỡ dân Chúa. Các biện pháp quyết liệt không phải lúc nào cũng tốt. Do đó, chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa Thánh Thần ban cho các vị mục tử ơn phân định mục vụ để các ngài có thể nhận ra được các biện pháp không bỏ mặc những tín hữu thánh thiện, trung tín của Thiên Chúa, nhưng để dân Chúa cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ.”

Chỉ vài giờ sau đó đã xảy ra hành động phản kháng của Đức Hồng Y Konrad Krajewski, là quan phát chẩn của Đức Thánh Cha. Ngài đã đến nhà thờ hiệu tòa của mình để làm điều ngược lại là mở tung cửa nhà thờ Santa Maria Immacolata - Đức Maria Vô Nghiễm Nguyên Tội, trong khu phố Esquiline của Rôma.

Trong một bức thư gửi tín hữu Giáo phận, Đức Hồng Y De Donatis giải thích rằng quyết định đóng cửa các nhà thờ Rôma không được đưa ra bởi “một nỗi sợ phi lý, hay tệ hơn là chủ nghĩa thực dụng không có chút hy vọng nào”, nhưng như một biện pháp ngăn chặn sự lây nhiễm. Tuy nhiên, ngài giải thích, cũng cần phải bảo đảm rằng mọi người không cảm thấy bị cô lập hơn nữa, do đó, các quyết định mục vụ trước đó phải được sửa đổi.

Đức Hồng Y De Donatis cho biết Giáo hội đang dựa vào “sự phân định khôn ngoan của các linh mục”. “Hãy gần gũi với người dân của mình,” ngài thúc giục các linh mục Rôma. “Hãy chắc chắn rằng mọi người đều cảm thấy được yêu thương và đồng hành, xin giúp mọi người nhận thức rằng Giáo hội không đóng cửa với bất kỳ ai, nhưng luôn quan tâm để không ai trong số ‘những người nhỏ bé’ phải liều mạng hoặc bị lãng quên”. Ngài khuyến khích họ mang sự an ủi của các bí tích” đến cho những bệnh nhân và bảo đảm sự giúp đỡ cần thiết cho những người nghèo, đồng thời thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa có thể được để tránh mọi thứ có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe của người khác.

Đức Hồng Y De Donatis cũng khuyến khích việc cầu nguyện trong các gia đình, duy trì truyền thống của cha mẹ và ông bà chúng ta.

Đức Hồng Y Vicar đã kết thúc bức thư của mình bằng cách kêu gọi tất cả các tín hữu của giáo phận hãy tín thác nơi Mẹ Thiên Chúa Tình yêu, Madonna del Divino Amore.

Ý đã bị tấn công rất nặng bởi đại dịch coronavirus. Tính đến chiều thứ Sáu 13 tháng Ba, đã có 1,266 trường hợp tử vong, và 17,660 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Như thế, chỉ trong 24 giờ trước đó, tại Ý, đã có thêm 250 người chết vì coronavirus, và 2,547 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.

Các phương tiện truyền thông tại Ý không loại trừ giả thuyết cho rằng coronavirus là một sản phẩm của phòng thí nghiệm, đã được biến đổi gen để lây lan rất nhanh và công phá tàn khốc cơ thể những người già.

Ý được kể là quốc gia có đông người già nhất tại Âu Châu. Thật thế, trong tổng số 62.4 triệu dân, 22% là những người trên 65 tuổi.

 
Khía cạnh mục vụ trước đại dịch COVID-19
Vũ Văn An
18:42 14/03/2020
Nay thì ai cũng biết rõ về đại dịch COVID-19, lo lắng vì nó, tìm cách phòng chống nó cho mình, cho người thân, cho cộng đồng và nói chung cho mọi người. Điều tiêu cực của COVID-19 là lo sợ phập phồng. Điều tích cực là mọi người nghĩ đến nhau, ngoại trừ một số tranh nhau để mua cho bằng được giấy đi cầu.



Còn về khía cạnh mục vụ. Có thể nói Giáo Hội Công Giáo đi hàng đầu trong đáp ứng đối với đại dịch này. Nhưng đáp ứng này đôi khi đi quá xa đến độ gây sững sờ.

Còn nhớ trước đây mỗi lần có đại dịch, việc đầu tiên người Công Giáo nghĩ tới là “ăn năn thống hối” làm việc “đền tạ” để nài xin lòng thương xót Chúa cứu vớt. Nay thì dường như người ta chỉ chú ý đến phòng ngừa, không rước lễ bằng miệng, không bắt tay lúc chào bình an, không cử hành thánh lễ công cộng, miễn chước tham dự thánh lễ Chúa Nhật, bãi bỏ các thánh lễ dù là thánh lễ Chúa Nhật, thậm chí đóng cửa cả các nhà thờ như quyết định của Đức Hồng Y De Donatis của giáo phận “mẹ” Rôma!

May mắn còn có Đức Phanxicô. Ngài nghĩ ngay đến việc chạy đến Đức Mẹ xin cứu giúp. Tiếc thay, ngài chỉ phó thác Rôma và toàn nước Ý cho sự phù trợ và che chở của Trinh Nữ Diễm Phúc. Tuy nhiên, lời cầu nguyện tha thiết của ngài cũng có thể có nghĩa bao trùm cả thế giới. Ta hãy nghe lại lời cầu nguyện ấy:

“Lạy Mẹ Maria, Mẹ luôn chiếu soi trên hành trình của chúng con như dấu chỉ của ơn cứu độ và niềm hy vọng. Chúng con phó thác chúng con cho Mẹ, là Sức khỏe của các bệnh nhân.

Dưới chân Thánh giá, Mẹ đã hiệp thông trong nỗi thống khổ của Chúa Giêsu, với một đức tin kiên vững.

Lạy Mẹ, là Phần Rỗi của dân thành Rôma, Mẹ biết điều chúng con cần và chúng con chắc chắn rằng Mẹ sẽ ban cho chúng con, để giống như ở Cana miền Galilê, niềm vui và lễ hội sẽ trở lại sau thời gian thử thách này.

Lạy Mẹ của Tình yêu Chúa, xin giúp đỡ chúng con, để chúng con biết vâng theo thánh ý Chúa Cha và làm điều mà Chúa Giêsu phán bảo chúng con.

Ngài là Đấng đã gánh lấy trên mình Ngài các nỗi đau của chúng con và Ngài mang lấy những buồn sầu của chúng con để qua Thánh giá, đưa chúng con đến niềm vui Phục Sinh.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, chúng con tìm nương náu dưới sự che chở của Mẹ. Xin chớ chê chớ bỏ lời cầu xin của chúng con đang trong cơn thử thách, và thân lạy Đức Trinh nữ vinh hiển đầy ơn phúc, xin giải thoát chúng con khỏi mọi hiểm nguy. Amen”.


Đóng cửa các nhà thờ

Điều đáng tiếc là vị đại diện ngài cai quản giáo phận Rôma, trong phản ứng đối với đại dịch COVID-19, đã đi quá trớn đến độ ra lệnh đóng cửa tất cả các nhà thờ trong giáo phận. CNA, trong bản tin ngày 12 tháng 3, loan tin ngài ra lệnh “đóng cửa mọi nhà thờ trong giáo phận cho tới ngày 3 tháng 4”. Kể từ 9 tháng 3, các thánh lễ công cộng đã bị bãi bỏ khắp giáo phận, nhưng các nhà thờ vẫn tiếp tục mở cửa để cầu nguyện riêng, viếng Mình Thánh và xưng tội.

Nhưng kể từ ngày 12 tháng 3, cửa vào các nhà thờ giáo xứ và các nhà thờ khác ở Rôma bị cấm đối với công chúng và giáo dân Công Giáo. Việc cấm này cũng áp dụng cho cả công trường và chính nhà thờ Thánh Phêrô.

Lệnh cấm trên gặp phản ứng tiêu cực bởi một vị giáo phẩm thân cận với “xếp” của Đức Hồng Y De Donatis, tức Đức Hồng Y Krajweski, phụ trách công việc bác ái riêng của Đức Phanxicô.

Thực thế, tạp chí Crux ngày 13 tháng 3, tường trình rằng vị phụ tá nói trên của Đức Phanxicô đã bất tuân lệnh bằng cách mở cửa nhà thờ do ngài làm “cha sở theo tước hiệu”, tức Nhà thờ Santa Maria Immacolata thuộc khu Esquiline của Rôma với lời tuyên bố như sau: “Đây là một hành vi bất tuân, đúng, chính tôi đã đặt Bí Tích Cực Thánh ra ngoài và mở cửa nhà thờ của tôi. Nó [việc đóng cửa] không diễn ra thời phátxít, nó không diễn ra thời Nga hay Xôviết thống trị ở Ba lan- các nhà thờ đâu có đóng cửa”.

Ngài nói thêm “đây là một hành vi nên đem lại can đảm cho các linh mục khác... Tổ ấm luôn phải mở cửa cho con cái. Tôi không biết liệu người ta có tới hay không, bao nhiêu người, nhưng tổ ấm của họ mở cửa sẵn”.

Người ta thấy rõ lòng can đảm của Đức Hồng Y Krajweski đã được khuyến khích bởi chính “xếp” của ngài. Vì theo Crux, ngày 13 tháng 3, trong thánh lễ buổi sáng, Đức Phanxicô nói rằng "các biện pháp quyết liệt không luôn luôn tốt”. Ngài nói thêm “chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần ban cho các mục tử khả năng biện phân mục vụ, để các ngài tìm ra các biện pháp không bỏ dân trung thành của Thiên Chúa một mình, để Dân Thiên Chúa cảm thấy được đồng hành bởi các mục tử của họ và rút tỉa được sự cảm kích từ Lời Thiên Chúa, các bí tích, và lời cầu nguyện”.

Tạp chí Crux trước đó 3 ngày cũng đã nhắc lại lời kêu gọi của Đức Phanxicô ngỏ cùng các linh mục hãy " đi ra ngoài" để an ủi người bệnh và hỗ trợ các nhân viên y tế, trái với lời khuyên của chính phủ Ý là mọi người nên ở trong nhà.

Ngài nói: “Uớc mong các linh mục có can đảm đi ra ngoài, tới với người bệnh, mang đến cho họ sự an ủi của Thiên Chúa, và đem cho họ Mình Thánh Chúa” cũng như bầy tỏ tình liên đới với các nhân viên y tế đang vất vả đấu tranh với nạn dịch COVID-19.

Mở cửa lại các nhà thờ

Có lẽ vì những phản ứng trên, mà theo CNA, các nhà thờ ở Rôma có thể mở cửa lại cho các tín hữu đến cầu nguyện riêng. Thực vậy, sau non một ngày ra lệnh đóng cửa các nhà thờ khắp giáo phận Rôma, Đức Hồng Y De Donatis đã duyệt lại lệnh trên bằng cách để tùy các cha xứ quyết định việc này.

Ngài viết “mọi biện pháp phòng ngừa của Giáo Hội phải xét đến không những thiện ích chung của xã hội dân sự, mà còn cả thiện ích độc đáo và qúy giá là đức tin, nhất là đức tin của những người thấp bé nhất”.

Ngài giải thích rằng việc cấm vào mọi nhà thờ trong giáo phận trong 3 tuần lễ có thể tạo ra “cảm thức mất an toàn lớn lao hơn” nơi người Công Giáo trong thời khủng hoảng này.

Bởi thế, lệnh trên “đã được sửa đổi, đặt trách nhiệm cuối cùng của việc vào các nơi thờ phượng trong tay các linh mục và mọi tín hữu, để không đặt dân chúng vào bất cứ nguy hiểm lây nhiễm nào nhưng đồng thời tránh dấu hiệu ngăn cấm thể lý vào các nơi thờ phượng bằng cách đóng cửa nó, một điều có thể gây hoang mang và một cảm thức bất an lớn lao hơn”.

Tóm lại tình thế hiện nay là các tín hữu được miễn tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật (cho tới 3 tháng 4), nhưng họ có thể đến các nhà thờ giáo xứ để cầu nguyện riêng. Các nhà thờ không phải của giáo xứ và các cơ sở tôn giáo khác vẫn đóng cửa đối với công chúng.

Miễn đi lễ Chúa Nhật

Còn về thánh lễ công cộng, điều rõ ràng là tại Ý, đã có quyết định miễn cho các tín hữu khỏi bổn phận tham dự thánh lễ Chúa Nhật. Tại Hoa Kỳ, mặc dù có khuyến cáo không nên có những cuộc tụ họp đông quá 250 người, nhưng theo tạp chí The America, chỉ một số giáo phận như Seattle, Providence và mọi giáo phận tại Pensylvania đã chính thức ngưng việc cử hành các thánh lễ công cộng nói chung. Tại Úc, dù chính phủ khuyên không nên có những cuộc tụ tập nào quá 500 người, nhưng chưa có quyết định nào ngưng cử hành các thánh lễ cả. Đức Tổng Giám Mục Anthony của Sydney mới ra thông cáo cho hay trong vòng tuần tới, ngài sẽ công bố các biện pháp mới để đáp ứng lời khuyên của Chính Phủ Úc.

Nhân dịp này, nhà giáo luật học Edward Peters giải thích nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ lúc có các dịch bệnh. Theo ông, nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật được các điều 1246-1248 Bộ Giáo Luật qui định (xem Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo các số 2180-2183). Nghĩa vụ này buộc lương tâm tín hữu.

Tuy nhiên, Giáo Luật dự liệu 3 trường hợp tín hữu không buộc phải tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật: bất khả, miễn chước, hay đủ lý do bào chữa (excuse).

Không ai buộc phải làm điều không thể làm được. Nếu thánh lễ bị hủy bỏ ở nơi mình cư ngụ, người ta không buộc phải vất vả đi tìm và tham dự thánh lễ ở một nơi khác. Chỉ cần mình thực hành một hình thức phụng vụ nào khác thay thế như đọc Kinh Thần Vụ (điều 1174) hoặc dành một số giờ thích đáng để cầu nguyện (điều 1248).

Dù Peters cho rằng xem lễ truyền hình có thể là điều tốt nhưng tự nó không thay thế nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ. Tuy nhiên, các nhà thờ Ý và cả Đức Phanxicô cũng đang cho chiếu trực tiếp các thánh lễ cho công chúng.

Về miễn chước, Peters cho hay: nghĩa vụ thờ phượng Thiên Chúa hàng tuần phản ảnh thiên luật trong Mười Điều Răn, nhưng nghĩa vụ tham dự Thánh Lễ Chúa Nhật thuộc chức năng luật Giáo Hội, nên có thể được miễn chước bởi Giám Mục giáo phận theo điều 87. Thêm vào đó, giáo luật điều 1245 còn ban quyền cho cha xứ được miễn chước nghĩa vụ này đối với những người thuộc giáo xứ hay đang hiện diện trong giáo xứ.

Điều 90 khuyên các vị có thẩm quyền phải xem xét cẩn thận thiện ích thiêng liêng của bề dưới, tính trầm trọng của luật được miễn chước và các hoàn cảnh khác khi nghị bàn việc miễn chước. Tuy nhiên, các hoài nghi về việc đủ lý do đứng đàng sau việc miễn chước được giải quyết bằng cách cho miễn chước.

Đủ lý do bào chữa thì cần giải thích nhiều hơn. Phần lớn điều này liên quan đến các cá nhân. Trong số các lý do lâu nay từng được nhìn nhận để đủ lý do bào chữa (khác với miễn chước) việc khỏi phải tham dự Thánh Lễ bắt buộc là chính mình mắc bệnh. Việc lượng định lý do này hoàn toàn thuộc cá nhân trước mặt Thiên Chúa và trong tương quan với người khác. Nhiều bệnh có tính lây lan, gây nguy hiểm cho người khác. Không hẳn vì bác ái cho bằng vì công bằng, ta nên tránh không tham dự thánh lễ dù là thánh lễ bắt buộc.

Tóm lại nếu mắc bệnh nặng đến nỗi không tham dự Thánh Lễ hay bệnh lây lan có thể gây nguy hiểm cho người khác, tín hữu có đủ lý do bào chữa việc không tham dự thánh lễ bó buộc.

Nhưng trường hợp COVID-19 có khác, theo Peters. Vì trong trường hợp này, người ta có thể nhiễm vi khuẩn này từ lâu nhưng không biết là mình mắc bệnh. Trong trường hợp này cá nhân phải phán đoán ra sao trong việc thấy mình đủ lý do bào chữa việc không tham dự thánh lễ bắt buộc. Không hẳn thuộc dạng thứ nhất vì không thấy mình bị bệnh mà chỉ lo mình bị bệnh; cũng không phải dạng thứ hai là biết mình có thể lây cho người khác.

Theo Peters, nếu chỉ lo mình bị lây bởi người khác, thì không đủ lý do bào chữa. Nhưng nếu mối lo này được “hỗ trợ” bởi các nhân tố khác như tuổi già hay có những biến chứng y khoa tiềm tàng (tiểu đường, thai nghén), thì đủ lý do bào chữa, dù mình không mắc bệnh.

Nếu không có lý do đặc biệt để nghĩ mình sẽ lây cho người khác, thì không đủ lý do để bào chữa. Nhưng các nhân tố làm gia tăng cơ hội gây bệnh cho người khác như có người nhà mắc bệnh hay làm việc với hoặc cạnh người mắc bệnh có thể khiến đủ lý do để bào chữa, mặc dù hiện mình vẫn khỏe.

Rước lễ thiêng liêng

Đối với Patti Armstrong, bãi bỏ Thánh Lễ là điều hết sức hệ trọng vì Thánh lễ vốn là "nguồn mạch và tột đỉnh của đời sống Kitô hữu. Những bí tích khác cũng như các thừa tác vụ và các hoạt động tông đồ đều gắn liền với bí tích Thánh Thể và qui hướng về đó. Thật vậy, phép Thánh Thể Chí Thánh chứa đựng tất cả của cải thiêng liêng của Giáo Hội, đó là chính Chúa Kitô, Người là mầu nhiệm Phục Sinh của chúng ta" (Sách Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo, số 1324).

Nhưng trong hoàn cảnh COVID-19, nếu không thể tham dự Thánh Lễ, bà khuyên nên rước lễ thiêng liêng. Nhờ việc này, ta biểu lộ đức tin của ta vào sự hiện diện thực sự của Chúa Kitô trong Bí tích Thánh Thể và xin Người kết hợp với chúng ta.

Sau đây là lời kinh rước lễ thiêng liêng của Thánh Anphonsô thành Liguori:

Lạy Chúa Giêsu của con,
Con tin rằng Chúa hiện diện trong Bí Tích Cực Thánh.
Con yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và ước ao được rước Chúa vào linh hồn con.
Vì lúc này con không thể tiếp rước Chúa về phương diện bí tích, xin Chúa ít nhất hãy vào linh hồn con cách thiêng liêng.
Con ôm lấy Chúa như thể Chúa đang ở đó và con xin kết hợp trọn thân con với Chúa.
Xin Chúa đừng để con rời xa Chúa.
Amen
.



Khía cạnh tâm linh

Linh mục Nguyễn Trung Tây (http://www.vietcatholic.net/News/Home/Article/254991: Covid -19 Biến Hình) và linh mục Nguyễn Ngọc Sơn (http://vietcatholic.net/Media/Taysachbuitran.pdf) đã liên kết đại dịch COVID-19 với việc tẩy rửa tâm hồn nhân dịp Mùa Chay 2020 do sự kiện nhờ đại dịch này, chúng ta có thói quen tốt lành là rửa tay một cách thành khẩn và kỹ càng. Nếu cũng thành khẩn và kỹ càng như thế đối với linh hồn, chắc chắn Thiên Chúa xót thương sẽ đoái nhìn nhân loại tội lỗi.

Có người nhận xét thêm: không có những buổi phạt tạ như xưa, nhưng ngày nay, không riêng người Công Giáo mà gần như khắp thế giới đều đã đang tự thực hành một thứ “phạt tạ” nào đó qua việc tự hạn chế đi lại, tham gia hội hè đình đám, tự hạn chế tiêu dùng dù là các nhu yếu phẩm. Nhiều cuộc tụ tập vui chơi lớn như các cuộc thi đấu thể thao, trình diễn âm nhạc đã được hủy bỏ dù gây rất nhiều thiệt hại cho ban tổ chức. Nước nào cũng thắt lưng buộc bụng, dồn hết tài nguyên lo đối phó với đại dịch này... Một hy sinh lớn đang được mọi người “hoan hỉ” đón nhận. Phải chăng đây cũng là một dấu chỉ tích cực nẩy sinh từ một nền văn hóa tôn thờ tiêu thụ xưa nay. Chính vì thế không lạ gì, giữa bầu khí lo âu của đại dịch COVID-19, Đức Hồng Y Krajewski, người thân tín của Đức Phanxicô, cho rằng nhờ đại dịch này, người ta biết tôn trọng sự sống hơn.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Lễ giỗ Cha Trương Bửu Diệp Tại Melbourne
Trần Văn Minh
00:59 14/03/2020
Melbourne, Vào lúc 2 giờ chiều Thứ Bảy Ngày 14/3/2020. Tại Nhà thờ Our Lady vùng Maidstone, Melbourne. Thánh lễ đồng tế giỗ Cha Trương Bửu Diệp nhân 74 năm ngày mất của cha, do Hội Bác Ái Cha Trương Bửu Diệp tổ chức thật trọng thể và được mọi người có cả những người Úc trong Tiểu Bang về hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho Cha Trương Bửu Diệp sớm được Giáo Hội công nhận trong tiến trình phong thánh.
Hội Bác ái Cha Diệp

Xem hình

Ban tổ chức các vị nữ mặc áo dài vàng, quý vị nam mang cà vạt vàng có in logo của hội. Như mọi lần, tấm băng rôn chào mừng ngày giỗ được treo trước tiền đình ngôi thánh đường để cho mọi người qua lại đều thấy. Rất tiếc, năm nay ngày lễ giỗ cha bị ảnh hưởng bởi dịch phổi Wu Hán Trung quốc, nên vâng lời kêu gọi của giáo quyền TGP Melbourne, ban tổ chức đã tổ chức lễ giỗ gọn hơn mọi năm.

Bàn thờ di ảnh Cha Trương Bửu Diệp làm bằng gỗ với hoa đèn được đặt bên cạnh tòa giảng với lư hương và cặp đèn cao. Ca đoàn Nữ Vương của Cộng đoàn Việt Nam thuộc giáo xứ phụ trách phần thánh ca giúp buổi lễ thêm sốt sắng và long trọng hơn.

Như đã tường trình, vì số người về dâng lễ có những người trẻ và cả người Úc nên trong phần giới thiệu cũng dùng song ngữ Việt Anh để giới thiệu về tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp. Phần giới thiệu do ông Trịnh Hùng và cô Xuân trình bày cùng được Thầy Đạt chiếu trên màn ảnh. Rước đoàn đồng tế, từ Thánh giá nến cao cho đến các thừa tác viên đọc sách, đều mặc đồng phục rước quý cha lên bàn thờ.

Thánh lễ do Linh mục Trần Ngọc Tân chủ tế cùng Cha Trần Minh Hiếu đồng tế. Trong bài chia sẻ, Linh mục chủ tế đã nói về tiểu sử của Cha Trương Bửu Diệp, một người đã sống hết mình kể cả hy sinh mạng sống của mình theo gương Chúa Giêsu cho đoàn chiên, nên cha được Chúa cho cha chìa khóa kho tàng ân sủng ban phát, để chia sẻ các ơn mà ai đến với cha cũng được ban cho. Cha nổi tiếng đến nỗi hình cha tại Việt Nam được gắn trên xe đò, trên ghe thuyền bất kể chủ các phương tiện trên là lương hay giáo.

Thánh lễ kết thúc, sau khi bà Hội Trưởng Đỗ Thị Nhơn và cô Phương Thanh lên cám ơn quý cha và toàn thể mọi người đã về dâng lễ để cầu cho Cha Trương Bửu Diệp sớm được tuyên chân phước. Sau phép lành cuối lễ, mọi người lên nhận qùa của Hội Bác Ái Cha Trương Bửu Diệp. Mọi người nhận quà và ra về. Vì như đã nói ở trên, Ban Tổ chức của hội đã phải rút ngắn chương trình vì dịch bệnh mà Tòa Tổng Giám Mục đã cảnh báo không được tổ chức trong các buổi lễ cho đến khi nào dịch bệnh chấm dứt.
 
Thánh lễ trực tuyến -Livestream - tại giáo phận San Jose, Bắc California
Lm.Đinh Đức Hảo
18:21 14/03/2020
Thánh lễ trực tuyến từ San Jose

Lần đầu tiên trong lịch sử Giáo hội địa phương tại San Jose, các nhà thờ của 54 xứ đạo trong toàn Giáo phận không có Thánh lễ chung cho dân tham dự ít là trong vài tuần lễ. Sự lan tràn đáng ngại của dịch bệnh Coronavirus đã là nguyên nhân. Tại vùng Seattle, nơi đầu tiên tại Mỹ xác nhận có người bị dịch bệnh do Coronavirus, các nhà thờ cũng tạm thời đóng cửa. Đức Giám Mục Oscar Cantú của San Jose đã chuẩn miễn việc tham dự Thánh lễ cho mọi người Công Giáo tại vùng thung lũng trong thời gian này. Tuy nhiên Giáo phận San Jose và một số nhà thờ trong vùng sẽ có Thánh lễ Chúa Nhật trực tuyến (livestream), hoặc Thánh lễ được thu lại (recorded) như sau:

Trực tuyến (Livestream) www.facebook.com/DioceseSanJose

- Giáo phận San Jose (mỗi sáng Chúa Nhật)

10:00 am (tiếng Anh) - Chủ tế: Đgm. Oscar Cantú

12:00 pm (tiếng Việt) - Chủ tế: Lm. Đinh Đức Hảo

Thu hình (Recorded) www.dmlv.org

- Giáo xứ Đức Mẹ La Vang.

LM. Đinh Đức Hảo
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giọt Lệ Vũ Hán
Lê Đình Thông
12:11 14/03/2020
Nhân xem youtube Người phụ nữ Vũ Hán phẫn nộ :
‘‘Tôi không thể sống thế này nữa !’’


Có bà mẹ nghẹn ngào tố giác
Nơi thành đô tan tác đau thương
Lời bà đanh thép can trường
Vạch ra tội ác tỏ tường cộng nô.

Dịch Vũ Hán là do họ Tập
Bắt dân lành bỏ xác phơi thây
Trung ương sống chết mặc bay
Dân tình ngậm đắng nuốt cay tháng ngày.

Đảng cộng sản chất đầy tội ác
Bóc lột dân kiếm chác ngọc ngà
Toàn là một lũ gian tà
Tự do Dân chủ chỉ là tào lao.

Các quan chức nhà cao cửa rộng
Còn dân lành bị tống xà lim
Bao nhiêu xác chết lặng chìm
Hồn oan vất vưởng biết tìm nơi đâu !

‘‘Tôi ủng hộ tuyến đầu Hương Cảng
Và Đài Loan, Tây Tạng hô to
Mưu cầu Độc lập Tự do
Toàn dân đòi hỏi ấm no cửa nhà’’.

Phải lật đổ gian tà cộng sản
Cùng nhau làm cách mạng dân quyền
Quyết tâm lật đổ chính chuyên
Độc tài đảng trị cường quyền sạch trơn !

Lê Đình Thông
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Nụ Cười Sơn Nữ
Dominic Đức Nguyễn
11:17 14/03/2020
NỤ CƯỜI SƠN NỮ
Ảnh của Dominic Đức Nguyễn

Nụ cười sơn nữ trên ngàn
Hồn nhiên thanh thản bạc vàng cũng thua.
(bt)
 
VietCatholic TV
Tín hữu Ý mở vòi nước, kinh ngạc thấy rượu chảy ra như phép lạ Cana. ĐTC cầu nguyện cho các gia đình
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
16:23 14/03/2020
Tính cho đến chiều thứ Bẩy 14 tháng Ba, số người chết vì coronavirus, hay COVID-19 trên toàn thế giới vẫn tiếp tục tăng vọt ở mức kinh hoàng với 5,619 người chết, và số người nhiễm bệnh lên đến 150,648 người. Như thế, chỉ trong 24 giờ đã có thêm 635 người thiệt mạng vì coronavirus, và 15,830 trường hợp nhiễm bệnh mới được xác nhận.

Hoa Lục vẫn đang dẫn đầu con số thương vong với 3,189 người chết, và 80,824 trường hợp nhiễm bệnh.

Kế đến là tại Ý với 1,266 người chết, và 17,660 trường hợp nhiễm bệnh. Như thế, chỉ trong 24 giờ của ngày thứ Sáu, tại Ý, đã có thêm 250 người chết vì coronavirus, và 2,547 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận. Nếu tình hình cứ diễn tiến ở mức này, chỉ trong ít tuần nữa, con số thương vong tại Ý sẽ vượt qua con số thương vong tại Hoa Lục.

Tiếp theo là Iran với 611 người chết, và 12,729 trường hợp nhiễm bệnh.

Tại Hoa Kỳ, phản ứng của các Giám Mục Mỹ trước dịch bệnh được ghi nhận là rất khác nhau.

Tại giáo phận San Jose, phía bắc California, nơi có đông đảo người Việt Nam, Đức Giám Mục Cantu, cho biết:

“Ưu tiên hàng đầu của Giáo phận chúng ta là sức khoẻ và sự an toàn của các gia đình, trẻ em, và những ai dễ bị lây bệnh trong cộng đồng. Với đầy sự thận trọng, chúng tôi đã quyết định đóng cửa mọi trường học của giáo phận kể từ hôm nay, thứ Sáu, 13 tháng Ba, cho đến thứ Sáu, 27 tháng Ba.

Thêm vào đó, tôi yêu cầu tất cả các giáo xứ, họ đạo, và các nhà nguyện trong Giáo phận San Jose tạm ngưng tất cả các Thánh lễ chung, kể từ thứ Bảy, 14 tháng Ba, cho tới khi có thông báo mới. Các nghi lễ Rửa tội, lễ Hôn phối, lễ An táng có thể được cử hành, nhưng chỉ giới hạn cho những người trong gia đình. Các lớp Giáo lý cũng sẽ tạm ngưng cho tới khi có quyết định mới.

Tất cả những cuộc tụ họp của các xứ đạo cũng tạm ngưng cho tới khi có thông báo mới.

Với những quan tâm nói trên, tôi miễn chuẩn việc tham dự Thánh lễ cho mọi người Công Giáo trong Giáo phận San Jose trong giai đoạn này”.

Trong một tuyên bố ngày 12 tháng Ba từ Tổng giáo phận Washington, Đức Tổng Giám Mục Wilton Gregory tuyên bố rằng để đáp lại các khuyến nghị về sức khỏe cộng đồng từ các nhà lãnh đạo chính quyền địa phương liên quan đến sự lây lan của coronavirus, các thánh lễ dành cho công chúng trong tất cả các giáo xứ, các điểm truyền giáo và các trường Đại Học của giáo phận sẽ bị đình chỉ từ thứ Bảy, 14 tháng Ba, cho đến khi có thông báo mới. Đám cưới và đám tang có thể tiến hành nhưng nên giới hạn trong phạm vi gia đình.

Một ngày sau khi có thông báo này của Đức Cha Wilton, ông Jackie Hayes, giám đốc truyền thông cho Đền thánh Quốc gia Hoa Kỳ, đã xác nhận với Thông tấn xã Catholic News, gọi tắt là CNA vào hôm thứ Sáu 13 tháng Ba, là bất chấp thông báo của Tổng Giám mục Wilton Gregory, các Thánh lễ dành cho công chúng, và các hoạt động khác như giải tội sẽ tiếp tục hoạt động như bình thường.

Tại Ohio, Raleigh, và Lexington, các Giám Mục tuyên bố chuẩn chước nghĩa vụ tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật cho những người già và những ai đau yếu nhưng các ngài sẽ không đình chỉ các thánh lễ.

Tại Texas, Đức Cha Joseph Strickland, Giám mục giáo phận Tyler, không đình chỉ thánh lễ mà còn khích lệ các linh mục tổ chức các cuộc rước kiệu chung quanh các nhà thờ.

Ngài viết:

“Tôi kêu gọi mọi linh mục Công Giáo hãy hướng dẫn một cuộc rước kiệu Thánh Thể quanh nhà thờ của anh em vào khoảng thời gian thuận tiện trước Lễ Thánh Giuse, ngày 19 tháng Ba, để ăn năn, và cầu khẩn bàn tay chữa lành của Chúa Kitô xua trừ coronavirus, và cầu xin cho tất cả mọi người có thể nên con cái xứng đáng của Thiên Chúa, và môn đệ của Chúa Giêsu Kitô, Con Ngài.”

Tờ Aleteia, nghĩa là Chân lý tỏ tường, và Thông tấn xã CNA, cho biết các tín hữu tại giáo xứ Settecani Cantina, ở thành phố Castelvetro di Modena, cách Rôma 420 km về phía Tây Bắc, đã báo cho cha sở của họ khi thấy sự lạ là khi mở vòi nước ra, họ thấy không phải là nước nhưng là một thứ rượu vang hảo hạng. Sự lạ này diễn ra trong một giờ. Nhiều người vui vì được trải nghiệm một điều giống như phép lạ Tiệc Cưới Cana, và hy vọng đây là dấu chỉ dịch bệnh sắp đến hồi kết thúc.

Tuy nhiên, thị trưởng thành phố Castelvetro di Modena đã ra một thông báo cho biết sự lạ này là do một cái van tại nhà máy rượu Lambrusco Grasparossa di Castelvetro bị hỏng khiến rượu chảy ngược vào hệ thống cấp nước của thành phố. Ông cáo lỗi cư dân trong vùng và cho biết rượu mà họ hứng được từ vòi nước là thứ rượu vang hảo hạng, uống được, không nên đổ đi.

Trong bầu không khí lo ngại ngày càng tăng này, Đức Thánh Cha Phanxicô đã gửi khoản đóng góp 100,000 Euro cho Caritas Ý. Ngài đã quyên góp thông qua Bộ Phục vụ Phát triển Nhân bản Toàn diện, là cơ quan của Tòa Thánh nhằm cổ vũ tình liên đới đối với những người nghèo và những ai dễ bị tổn thương nhất.

Ông Matteo Bruni, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết:

Sáng thứ Năm, tại Hội trường Thượng Hội Đồng Giám Mục cũ, một cuộc họp liên bộ bất thường đã diễn ra, dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, với sự có mặt của tất cả các nhà lãnh đạo của Giáo triều Rôma.

Mục đích của cuộc họp là bàn về sự phối hợp giữa các chức năng của các bộ, và các suy tư liên quan đến các nhân viên Tòa Thánh trong bối cảnh thực hiện các biện pháp nhằm ngăn chặn sự lây lan của coronavirus.

Về vấn đề này, cuộc họp đi đến quyết định rằng các bộ và các cơ quan trung ương Tòa thánh khác cũng như các cơ quan của quốc gia Thành Vatican sẽ vẫn mở cửa để bảo đảm các dịch vụ thiết yếu cho Giáo hội toàn cầu, phối hợp với phủ Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đồng thời áp dụng tất cả các quy định về sức khỏe và các cơ chế linh hoạt công việc được thiết lập và ban hành trong những ngày gần đây.

Đức Thánh Cha dâng lễ cầu cho các gia đình

Lúc 7 sáng thứ Bẩy 14 tháng Ba, Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử hành thánh lễ tại nhà nguyện Santa Marta để cầu nguyện cho những bệnh nhân nhiễm coronavirus, các nhân viên y tế, và những ai đang phải đau khổ vì trận dịch kinh hoàng này.

Trong thánh lễ này, ngài cầu nguyện cách riêng cho các gia đình và đặc biệt là các bậc cha mẹ để họ có thể đương đầu với tình huống khó khăn này.

Mở đầu thánh lễ Đức Thánh Cha đã nhắc nhở mọi người rằng chúng ta hãy tiếp tục cầu nguyện cho những ai bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh này.

Đức Thánh Cha nói:

“Hôm nay, tôi muốn cầu nguyện cách riêng cho các gia đình, đó là các gia đình từ ngày này sang ngày khác đều thấy mình ở nhà với con cái vì các trường học đóng cửa, do lý do an ninh, và họ cần đương đầu với một tình huống khó khăn, cũng như phải tìm cách vượt qua. Một cách đặc biệt, tôi cũng nghĩ đến những gia đình có thể có một người khuyết tật trong nhà. Các trung tâm chào đón người khuyết tật đã đóng cửa. Vì vậy, hãy cầu nguyện cho các gia đình đó, để họ không mất bình yên trong thời điểm này và họ có thể thành công trong việc đưa cả gia đình tiến lên với sức mạnh và niềm vui.”

Bài Tin Mừng trong ngày, Dụ ngôn Đứa Con hoang đàng, là một chủ đề tâm đắc thường thấy trong các bài giảng của ngài.

PHÚC ÂM: Lc 15, 1-3. 11-32

“Em con đã chết nay sống lại”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Luca.

Khi ấy, những người thâu thuế và những người tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng. Thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: “Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng”. Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này:

“Người kia có hai con trai. Ðứa em đến thưa cha rằng: “Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con”. Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả tiền của mình trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ, phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của, thì gặp nạn đói lớn trong miền đó và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó mới hồi tâm lại và tự nhủ: “Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói! Tôi muốn ra đi, trở về với cha tôi và thưa người rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha”. Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy lại ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu. Người con trai lúc đó thưa rằng: “Lạy cha, con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha; con không đáng được gọi là con cha nữa”. Nhưng người cha bảo các đầy tớ: “Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu; hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng, vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”. Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

“Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: “Ðó là em cậu đã trở về và cha cậu đã giết con bê béo, vì thấy cậu ấy trở về mạnh khoẻ”. Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào, nhưng anh trả lời: “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”. Nhưng người cha bảo: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy”.

Bài giảng của Đức Thánh Cha

Những lời lẽ

Đức Thánh Cha Phanxicô đã suy nghĩ về những lời nói và cảm xúc của hai nhóm người được trình bày trong Dụ ngôn Đứa con hoang đàng: những người tội lỗi và những người Pharisêu. Tin Mừng nói rằng những người tội lỗi đã đến gần Chúa Giêsu để nghe lời Người. Những người tội lỗi đã vây quanh Chúa Giêsu trong im lặng. Họ không biết nói những gì. Nhưng sự hiện diện của họ nói với chúng ta rằng họ muốn nghe Lời Chúa.

Còn về phần những người Pharisêu, Tin Mừng nói rằng họ phàn nàn và chỉ trích Chúa Giêsu vì đã làm điều đó. Họ muốn bác bỏ thẩm quyền của Chúa Giêsu. Họ buộc tội Chúa Giêsu, “Ông ấy đồng bàn cùng những người tội lỗi. Ông ấy ô uế.” Phần còn lại của dụ ngôn đã giải thích bi kịch này này.

Những cảm xúc

Nhóm đầu tiên, những người tội lỗi, cảm thấy cần đến ơn cứu rỗi, cần đến một người hướng dẫn, một mục tử. Và vì vậy, mọi người đến gần Chúa Giêsu vì họ thấy rằng Ngài là một mục tử. Trái lại, các thầy thông luật lại tỏ ra thù ghét họ.

Các thầy thông luật cảm thấy tự mãn. Tôi đã đi học đại học. Tôi đã có một bằng tiến sĩ, tôi có hai bằng tiến sĩ. Tôi biết rất rõ những gì lề luật nói. Thật ra, tôi biết từng lời giải thích của lề luật một cách chi tiết. Họ coi thường người khác, họ coi thường những người tội lỗi.

Người con thứ trong dụ ngôn cảm thấy cần phải thưởng thức thế giới, cần phải ra khỏi nhà. Có lẽ anh ta cảm thấy như đang ở trong nhà tù. Anh ta có sự táo bạo để yêu cầu cha mình ban cho những gì thuộc về phần mình.

Cha của anh không nói gì vì ông là một người cha, một người cha biết cách chịu đựng trong sự im lặng, kiên nhẫn chờ đợi một thời điểm thích hợp. Người Cha cảm thấy đau đớn, nhưng ông dịu dàng và đầy lòng yêu mến. Đôi khi, hành vi này khiến các ông bố trông thật dại dột. Và khi đúng thời điểm đó, người Cha đang chờ đợi, thì thấy anh ta ở đàng xa. Điều này khiêu khích người con trai cả, anh ta trách móc lại chính cha mình, cho rằng ông là người cư xử bất công.

Người con trai cả cảm thấy phẫn nộ. Nhiều lần, phẫn nộ là cách duy nhất làm cho những người này cảm thấy đã nư.

Vấn đề

Đức Thánh Cha Phanxicô giải thích rằng vấn đề là anh không nhận ra sống trong nhà Cha thực sự có nghĩa là gì. Người con trai cả đã hoàn thành nghĩa vụ và công việc của mình, nhưng anh ta không bao giờ bước vào mối quan hệ yêu thương với Cha mình. Thay vào đó, anh ta bất bình với Cha mình, và nói “Cha coi, đã bao nhiêu năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn; còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn điếm nay trở về, thì cha lại sai làm thịt con bê béo ăn mừng nó”

Anh ta giận đến mức không chịu vào nhà.

Người Cha đi thẳng vào vấn đề: “Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con”.

Đây là điều mà người con trai lớn chưa bao giờ nhận ra. Anh ta sống ở nhà như thể là sống trong một khách sạn, không cảm thấy tình yêu gia đình của cha mình. Thật thú vị khi người cha không nói một lời nào về tội lỗi của đứa con hoang đàng khi nó trở về. Ông chỉ ôm nó vào lòng và thết tiệc ăn mừng. Ông ta phải giải thích điều này với người con trai cả vì trái tim anh ta đã cứng lại do những quan niệm về Cha mình, về tình con thảo, và về cách anh ta nên sống.

Lời cầu nguyện của Đức Thánh Cha

Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc bài giảng bằng một lời cầu nguyện, xin Chúa cho chúng ta có thể hiểu ra vấn đề.

Vấn đề là sống trong nhà nhưng không cảm thấy mình ở nhà vì không có mối quan hệ cha con, mà chỉ có những mối quan hệ đồng nghiệp làm việc chung với nhau.


Source:Vatican News