Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,
Khi ấy, sau khi chữa lành một người bệnh trong ngày sa-bát, Đức Giê-su tuyên bố với người Do-thái rằng: “Cho đến nay, Cha tôi vẫn làm việc, thì tôi cũng làm việc.” Bởi vậy, người Do-thái lại càng tìm cách giết Đức Giê-su, vì không những Người phá luật sa-bát, lại còn nói Thiên Chúa là Cha của mình, và như thế là tự coi mình ngang hàng với Thiên Chúa.
Đức Giê-su lên tiếng nói với họ rằng: “Thật, tôi bảo thật các ông: người Con không thể tự mình làm bất cứ điều gì, ngoại trừ điều Người thấy Chúa Cha làm; vì điều gì Chúa Cha làm, thì người Con cũng làm như vậy. Quả thật, Chúa Cha yêu người Con và cho người Con thấy mọi điều mình làm, lại sẽ còn cho người Con thấy những việc lớn lao hơn nữa, khiến chính các ông cũng phải kinh ngạc. Chúa Cha làm cho kẻ chết trỗi dậy và ban sự sống cho họ thế nào, thì người Con cũng ban sự sống cho ai tuỳ ý. Quả thật, Chúa Cha không xét xử một ai, nhưng đã ban cho người Con mọi quyền xét xử, để ai nấy đều tôn kính người Con như tôn kính Chúa Cha. Kẻ nào không tôn kính người Con, thì cũng không tôn kính Chúa Cha, Đấng đã sai người Con. Thật, tôi bảo thật các ông: ai nghe lời tôi và tin vào Đấng đã sai tôi, thì có sự sống đời đời và khỏi bị xét xử, nhưng đã từ cõi chết bước vào cõi sống.
“Thật, tôi bảo thật các ông: giờ đã đến -và chính là lúc này đây- giờ các kẻ chết nghe tiếng Con Thiên Chúa; ai nghe thì sẽ được sống. Quả thật, Chúa Cha có sự sống nơi mình thế nào, thì cũng ban cho người Con được có sự sống nơi mình như vậy, lại ban cho người Con được quyền xét xử, vì người Con là Con Người. Các ông chớ ngạc nhiên về điều này, vì giờ đã đến, giờ mọi kẻ ở trong mồ sẽ nghe tiếng người Con và sẽ ra khỏi đó: ai đã làm điều lành, thì sẽ sống lại để được sống; ai đã làm điều dữ, thì sẽ sống lại để bị kết án.
“Tôi không thể tự ý mình làm gì. Tôi xét xử theo như tôi được nghe, và phán quyết của tôi thật công minh, vì tôi không tìm cách làm theo ý riêng tôi, nhưng theo ý Đấng đã sai tôi.”
Đó là lời Chúa
20. Bí tích Thánh Thể làm cho linh hồn gìn giữ được ơn thánh, bởi vì linh hồn giống như thân thể nếu như không thường luôn bổ sung lương thực, thì sẽ dần dần suy yếu mỏi mệt.
(Thánh John of Toulouse)Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")
-----------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
Ngày xưa, bồ tát hóa thân làm vua chim sẻ, từ tâm tế độ chúng sinh.
Có một con hổ ăn thịt người, lần nọ sau khi ăn xong thì bị mắc xương ở kẻ răng, do đó mà nhúc nhích không được, bụng đói muốn đứt hơi.
Vua chim sẻ nhìn thấy thì đại phát từ bi, chui đầu vào trong miệng hổ để mổ xương cứu sống con hổ.
Vua chim sẻ bay lên ngọn cây niệm “kinh Phật” nói:
- “Sát là hung nghiệt, tội ấy rất lớn !”
Và muốn lấy câu này để khuyên con hổ không nên đi sát hại người và súc vật, con hổ nghe xong thì nổi giận nói:
- “Mày vừa mới rời khỏi miệng ta, ta không ăn ngươi thì đúng rồi, giờ lại còn dám nói nhiều lời nữa hả?”.
Vua chim sẻ kinh hoàng bay mất tiêu.
(Cổ kim tiếu sử)
Suy tư 1:
Thương người là chuyện nên làm vì đó là giới luật của Thiên Chúa, giúp đỡ cứu tế người bần hàn đói kém là chuyện nên làm, vì đó là thước đo mức độ yêu Thiên Chúa nơi mỗi người Ki-tô hữu, thương người và giúp người thì phải cộng thêm một sự khôn ngoan sáng suốt để giúp người cho có hiệu quả hơn.
Có người thương người nhưng không sáng suốt nên bị kẻ khác lừa và cuối cùng thì mang hận, và cuối cùng coi người đáng thương như bọn lừa đảo; có người giúp đỡ cứu tế cho người nhưng không sáng suốt nên bị lừa đảo và gây bất bình cho những người cần giúp đỡ...
Đi vào trong miệng cọp để chữa răng cho nó là một việc thiện nhưng thiếu sáng suốt, sự sống còn chỉ là may rủi; cũng vậy, khi Thiên Chúa đã ban cho chúng ta có một tâm hồn biết yêu thương trước những người đau khổ của tha nhân, thì Ngài cũng sẽ ban cho chúng ta ơn khôn ngoan và sáng suốt để làm những công việc bác ái mà không gây chia rẻ giữa mọi người với nhau, đó chính là sự khôn ngoan của người Ki-tô hữu vậy.
Bồ tát hóa thân để cứu người hoặc người hóa thân làm bồ tát để giúp người thì không có gì khác nhau, nhưng sẽ rất khác nhau nếu mỗi người hóa thân là Đức Ki-tô để chia sẻ những khó khăn với người khó khăn, đau khổ với người đau khổ...
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)
--------
http://www.vietcatholic.org
https://www.facebook.com/jmtaiby
http://nhantai.info
“Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ!”.
“Cuộc sống con người là một tiến trình liên lỉ làm quen với những điều không ngờ! Thiếu nhi trìu mến, thiếu niên dễ dạy, 20 hãnh tiến, 30 không mệt mỏi, 40 bốc lửa, 50 mạnh mẽ, 60 nghiêm túc, 70 trầm mặc; 80 đau đớn, thở gấp và đợi chết! Nhưng, ở bất cứ giai đoạn nào, một cuộc sống chỉ có ý nghĩa khi nó ‘trao sự sống và cứu sống!’” - Anon.
Kính thưa Anh Chị em,
Trái ngược hoàn toàn với ý tưởng trên, Thiên Chúa không trải qua một giai đoạn nào! Ngài hằng hữu, hằng sống và đời đời! Ngài là Đấng ‘trao sự sống và cứu sống!’. Lời Chúa hôm nay cho thấy Ngài dịu dàng như người mẹ; kiên định như người cha. Từ các thuộc tính ấy, Gioan đi đến một định nghĩa không thể tuyệt vời hơn, “Thiên Chúa là Tình Yêu!”.
Isaia gợi lên hình ảnh một phụ nữ mang nặng đẻ đau với đứa con thót lọt trong lòng bà, biểu trưng sự ràng buộc giữa Thiên Chúa và con người - bài đọc một. Nếu một phụ nữ không thể quên con mình thì Thiên Chúa càng không thể quên mỗi người chúng ta. “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu!”; tác giả Thánh Vịnh đáp ca đã lột tả cách đơn sơ tất cả những gì trìu mến nhất mà tình yêu của một người mẹ, người cha có thể có đối với con mình.
Nếu về mặt con người, cần một người nam và một người nữ để mang lại một sự sống mới; thì về mặt thiên linh, cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu quá đủ để ban cho chúng ta sự sống thần linh của Ngài. Ngài đã đến thế gian; nhờ Ngài, qua Ngài và trong Ngài, chúng ta có sự sống của Thiên Chúa một cách trọn vẹn! Khi nói đến ‘giờ’ của Ngài, Chúa Giêsu dùng hình ảnh một phụ nữ sắp sinh con; ở đây, Ngài muốn nói, chính qua ‘giờ sinh nở’ tử nạn và phục sinh của Ngài, Ngài ban sự sống mới! Ai mở lòng ra, tức là tin vào Ngài, người ấy sẽ nhận được sự sống này, một sự sống từ trên cao, vĩnh cửu; và sau sự chết, họ đi vào cõi đời đời với Ngài. Vì thế, tất cả các môn đệ Giêsu, thuộc mọi thời, mọi đấng bậc, nam hay nữ, kết hôn hay độc thân, đều được kêu gọi chia sẻ công việc hiến dâng của Ngài; cùng Ngài ‘trao sự sống và cứu sống’ trong thế giới!
Anh Chị em,
“Cho dù người mẹ có quên đứa con mình đã cưu mang, thì Ta, Ta chẳng quên ngươi bao giờ!”. Tìm đâu được một câu nói ngọt ngào và trìu mến đến thế qua ngôn từ nhân loại hay thần minh trên thế gian này? Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành ấy là Cha chúng ta! Cảm nghiệm được tình yêu và hạnh phúc khi được làm con Chúa, không ai trong chúng ta được phép sống tầm thường! Bạn và tôi buộc phải chọn sống một đời sống có ý nghĩa! Vậy, hãy thôi sống lây lất, tiếc nuối ‘thuở lang thang’, thôi ‘sống qua ngày đợi qua đời!’; nhưng tuỳ sức mình, chúng ta tái tạo tình yêu, tái tạo niềm vui, bình an cho mình và cho người khác. Được như thế, bạn và tôi đang cùng Chúa ‘trao sự sống và cứu sống’ vậy!
Chúng ta có thể cầu nguyện,
“Lạy Chúa, dẫu con là ai - 30, 40 hay ‘mấy mươi’ đi nữa, chỉ ‘thở gấp và đợi chết’ - cho con luôn là một ‘vũ khí khủng khiếp’ mở rộng Vương Quốc trong tay Chúa!”, Amen.
(Tgp. Huế)
Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Gioan,
Khi ấy, Đức Giê-su nói với người Do-thái rằng: “Nếu tôi làm chứng về chính mình, thì lời chứng của tôi không thật. Có Đấng khác làm chứng về tôi, và tôi biết: lời Người làm chứng về tôi là lời chứng thật. Chính các ông đã cử người đến gặp ông Gio-an, và ông ấy đã làm chứng cho sự thật. Phần tôi, tôi không cần lời chứng của một phàm nhân, nhưng tôi nói ra những điều này để các ông được cứu độ. Ông Gio-an là ngọn đèn cháy sáng, và các ông đã muốn vui hưởng ánh sáng của ông trong một thời gian. Nhưng phần tôi, tôi có một lời chứng lớn hơn lời chứng của ông Gio-an: đó là những việc Chúa Cha đã giao cho tôi để tôi hoàn thành; chính những việc tôi làm đó làm chứng cho tôi rằng Chúa Cha đã sai tôi. Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, chính Người cũng đã làm chứng cho tôi. Các ông đã không bao giờ nghe tiếng Người, cũng chẳng bao giờ thấy tôn nhan Người. Các ông đã không để cho lời Người ở mãi trong lòng, bởi vì chính các ông không tin vào Đấng Người đã sai đến. Các ông nghiên cứu Kinh Thánh, vì nghĩ rằng trong đó các ông sẽ tìm được sự sống đời đời. Mà chính Kinh Thánh lại làm chứng về tôi. Các ông không muốn đến cùng tôi để được sự sống.
“Tôi không cần người đời tôn vinh. Nhưng tôi biết: các ông không có lòng yêu mến Thiên Chúa. Tôi đã đến nhân danh Cha tôi, nhưng các ông không đón nhận. Nếu có ai khác nhân danh mình mà đến, thì các ông lại đón nhận. Các ông tôn vinh lẫn nhau và không tìm kiếm vinh quang phát xuất từ Thiên Chúa duy nhất, thì làm sao các ông có thể tin được?
“Các ông đừng tưởng là tôi sẽ tố cáo các ông với Chúa Cha. Kẻ tố cáo các ông chính là ông Mô-sê, người mà các ông tin cậy. Vì nếu các ông tin ông Mô-sê, thì hẳn các ông cũng tin tôi, bởi lẽ ông ấy đã viết về tôi. Nhưng nếu điều ông ấy viết mà các ông không tin, thì làm sao tin được lời tôi nói?”
Đó là lời Chúa
Ngày 12 tháng 3 năm 2024, tạp chí The Pillar tường trình rằng Vatican đã đưa ra lời giải thích khẩn cấp hôm thứ Bảy, sau khi Đức Phanxicô kêu gọi người Ukraine “can đảm treo cờ trắng” trong đoạn trích từ một cuộc phỏng vấn trên truyền hình sắp tới, gây ra phản ứng dữ dội từ các quan chức Ukraine và các nhà lãnh đạo Công Giáo.
Nhưng trong khi toán báo chí của Vatican cố gắng xoa dịu những người chỉ trích ngài – và nhấn mạnh vào sự gần gũi của ngài với người dân Ukraine – thì các nhà lãnh đạo Công Giáo ở Ukraine nói rằng ngài đang rơi vào tay cơ quan tuyên truyền của Nga.
Ta biết, ngày 9 tháng 3, Đài phát thanh Télévision Suisse đã công bố các đoạn trong cuộc phỏng vấn đặc biệt với Đức Giáo Hoàng sắp được công bố, trong đó ngài thảo luận về một loạt vấn đề. Trong một phần được xem trước, Đức Phanxicô đã được hỏi về các xung đột hoàn cầu và hy vọng của ngài về hòa bình.
Đức Giáo Hoàng trả lời: “Tôi tin rằng người mạnh mẽ hơn là người nhìn thấy được tình hình, nghĩ đến người dân, có lòng can đảm treo cờ trắng để đàm phán”.
Đức Phanxicô nói, “Chẳng hạn như ngày nay, trong cuộc chiến ở Ukraine, có rất nhiều người muốn làm trung gian hòa giải, phải không? Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn. Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”.
Những nhận xét này đã gây ra một cơn bão giận dữ ở Ukraine và xa hơn nữa, với nhiều người Công Giáo giải thích những nhận xét của Đức Giáo Hoàng như một sự khuyến khích người dân Ukraine chấp nhận một hình thức đầu hàng nào đó trước Nga, nhằm chấm dứt xung đột.
Nga xâm chiếm Ukraine vào năm 2022 và đã phạm nhiều tội ác chiến tranh trong quá trình chiến tranh.
Để đối phó với cuộc khủng hoảng cuối tuần, giám đốc báo chí Vatican Matteo Bruni đã đưa ra một tuyên bố hôm thứ Bảy nhằm cố gắng làm sáng tỏ những lời của Đức Giáo Hoàng, nhấn mạnh rằng Đức Phanxicô thường xuyên nói về Ukraine như một quốc gia “tử đạo” khi đối mặt với cuộc xâm lược và khẳng định sự quan tâm của ngài đối với người dân Ukraine.
Bruni nhấn mạnh rằng khi sử dụng hình ảnh “lá cờ trắng” Đức Phanxicô không có ý ám chỉ người Ukraine nên đầu hàng Nga để có hòa bình.
Thay vào đó, Bruni nói, Đức Giáo Hoàng “chọn hình ảnh do người phỏng vấn đề xuất, để ám chỉ sự chấm dứt thù địch, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với sự can đảm của đàm phán”.
Bruni nói hôm thứ Bảy, sau đó trong cuộc phỏng vấn, Đức Phanxicô đã nói rõ rằng “các cuộc đàm phán không bao giờ là sự đầu hàng”.
Cuộc phỏng vấn đầy đủ sẽ được phát sóng vào cuối tháng này. Nhưng trong khi đó, những nỗ lực của Vatican nhằm bối cảnh hóa những bình luận của Đức Giáo Hoàng đã không làm dịu được những lời chỉ trích từ các nhà ngoại giao Ukraine và các nhà lãnh đạo Công Giáo.
Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đã đưa ra một tuyên bố vào cuối tuần qua thừa nhận rằng cuộc phỏng vấn đầy đủ vẫn chưa được phát sóng và rằng “việc đề cập đến 'cờ trắng' trong cuộc phỏng vấn là một lời kêu gọi đàm phán chứ không phải sự đầu hàng của Ukraine.”
Các nhà lãnh đạo Giáo hội Ukraine cho biết “Trong cuộc đàm đạo, Đức Giáo Hoàng không chỉ nói về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine mà còn về cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Như ngài đã làm nhiều lần, Đức Phanxicô kêu gọi giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bằng thương lượng”.
Nhưng trong khi thừa nhận phản ứng của Vatican, các giám mục cho biết họ “không muốn suy gẫm về tuyên bố của Đức Giáo Hoàng mà dựa trên quan điểm của các nạn nhân trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga”.
“Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với cái chết. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và minh nhiên. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Tuyên bố của Thượng Hội đồng cho biết các mục tiêu đã bày tỏ được thể hiện rõ ràng bằng các hành động cụ thể.
Đề cập đến khái niệm “Russkiy mir” của tổng thống Nga, một hệ tư tưởng về một “nước Nga vĩ đại hơn” được Giáo hội Chính thống quốc gia ủng hộ, các giám mục Ukraine lưu ý rằng “Trong tâm trí của Putin, không có thứ gì như Ukraine, lịch sử, ngôn ngữ và văn hóa Ukraine và đời sống giáo hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tại mà chỉ là một ‘ý thức hệ’. Theo Putin, hệ tư tưởng về bản sắc Ukraine là ‘Đức Quốc xã’”.
“Tội ác chiến tranh ở Bucha, Irpin, Borodianka, Izium và ở những nơi khác bị lực lượng Nga chiếm đóng đã minh họa cho người Ukraine (và cho tất cả những người có thiện chí) mục đích rõ ràng của cuộc chiến này: loại bỏ Ukraine và người Ukraine.”
“Điều đáng nói là mọi sự chiếm đóng của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều dẫn đến việc tiêu diệt Giáo Hội Công Giáo Ukraine, bất cứ Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập nào, đồng thời đàn áp các tôn giáo khác cũng như tất cả các tổ chức và biểu hiện văn hóa không ủng hộ quyền bá chủ của Nga”, thượng hội đồng nói thế, và nhấn mạnh rằng “Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào cả”.
Thượng Hội đồng kết luận, “Bất chấp những đề xuất về nhu cầu đàm phán đến từ đại diện của các quốc gia khác nhau, bao gồm cả chính Đức Giáo Hoàng, người Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng. Họ tin vào tự do và phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng. Họ tin vào sự thật, sự thật của Chúa. Họ tin chắc rằng sự thật của Thiên Chúa sẽ chiến thắng”.
Bình luận “cờ trắng” của Đức Phanxicô là bình luận mới nhất trong một loạt các can thiệp của Vatican sau cuộc xâm lược của Nga.
Trong sáng kiến cao cấp nhất, đặc phái viên hòa bình cá nhân của Đức Thánh Cha Phanxicô, Đức Hồng Y Matteo Zuppi, đã đến thăm nơi mà Vatican coi là bốn trung tâm ra quyết định chính của cuộc chiến: Kyiv, Moscow, Washington và Bắc Kinh.
Vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái, tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskyy tuyên bố ông đã nói chuyện với Đức Giáo Hoàng để bày tỏ “lòng biết ơn vì lời chúc Giáng sinh của ngài tới Ukraine và người dân Ukraine, vì những lời chúc hòa bình của ngài – hòa bình chính đáng cho tất cả chúng ta,” và ông rất “biết ơn Vatican vì đã hỗ trợ công việc của chúng tôi.”
Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã công khai xác nhận sự tham gia của ngài trong việc trao đổi tù nhân chiến tranh, cho thấy rằng ngài đã chuyển các danh sách do chính quyền Ukraine lập cho các quan chức Nga thông qua đại sứ quán Nga bên cạnh Tòa thánh.
Nhưng những sáng kiến hòa bình gần đây của Đức Giáo Hoàng đã được theo sau bởi những sự can thiệp khác gây tranh cãi hơn của Vatican.
Vào năm 2022, Vatican đã mời một phụ nữ Nga và Ukraine sống ở Ý tham gia Đường Thánh Giá Thứ Sáu Tuần Thánh do Đức Giáo Hoàng Phanxicô cử hành – với cả hai người phụ nữ đều giơ cao cây thánh giá tại Trạm Thánh Giá thứ 13.
Trong khi các viên chức Vatican cho biết cử chỉ này nhằm mục đích kêu gọi hòa bình, thì nó được giải thích rộng rãi ở Ukraine là mang lại sự tương đương về mặt đạo đức cho một lực lượng xâm lược và một dân tộc bị áp bức.
Đồng thời, Đức Phanxicô cũng khiến Mạc Tư Khoa tức giận, sau khi ngài công khai tiết lộ rằng ngài đã chỉ trích Thượng phụ Chính thống giáo Nga Kirill trong một cuộc họp video riêng, nói với vị này là đừng trở thành “chàng trai giúp lễ của Putin”.
Nhưng trong nỗ lực giữ cho Tòa thánh luôn sẵn sàng hoạt động như một kênh trung lập cho các cuộc đàm phán hòa bình, Đức Phanxicô cũng tỏ ra lưỡng lự trước những điều đúng và sai tuyệt đối của cuộc xung đột, gọi cuộc xâm lược của Nga là “vô nghĩa, đáng ghê tởm và phạm thượng” và nói về “những hành động dã man, quái đản” của quân đội Nga, đồng thời nói rằng “thật sai lầm khi nghĩ rằng đây là một bộ phim cao bồi có kẻ tốt và kẻ xấu”.
Sự thất vọng liên tục của người Ukraine đối với những cử chỉ của Tòa thánh và những lời nói của Đức Phanxicô được phản ảnh qua việc mức độ tin tưởng vào giáo hoàng của người dân trong nước giảm mạnh - từ 45% vào năm 2020 - khi người Ukraine coi Đức Phanxicô là nhà lãnh đạo tôn giáo đáng tin cậy nhất thế giới - xuống còn 3.1% vào Tháng 5 năm 2023, theo Trung tâm Razumkov, tổ chức nghiên cứu hàng đầu của Ukraine.
Dữ kiện của Razumkov cho thấy hơn một nửa số người Ukraine (59%) hiện có quan điểm tiêu cực về lập trường của Đức Phanxicô về hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, tin rằng ngài đánh đồng nỗi đau khổ của người Ukraine với nỗi đau khổ của người Nga.
Những bình luận “cờ trắng” của Đức Phanxicô có thể sẽ làm rất ít để gia tăng niềm tin vào các mục tiêu ngoại giao của Đức Phanxicô, hoặc sự cảm thông bản thân của ngài với người dân Ukraine vì, ngay cả với những cải chính sau đó của Vatican, chúng vẫn tỏ ra ủng hộ việc Ukraine phải cởi mở đối với việc chấp nhận việc Nga sáp nhập lãnh thổ và con người của Ukraine.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tuyên bố sẽ đòi lại toàn bộ lãnh thổ Ukraine bị chiếm đóng, thậm chí bao gồm cả Crimea, nơi nằm dưới sự kiểm soát của Nga kể từ năm 2014 và, không giống như bốn khu vực được sáp nhập vào thứ Sáu, từ lâu được coi là một phần lãnh thổ của Nga trước khi Liên Xô tan rã.
Đối với nhiều chuyên gia Ukraine, những bình luận của Đức Phanxicô– và cách thức chúng được trình bày – dường như phù hợp với câu chuyện của Nga coi cuộc xâm lược là hợp lý và Ukraine không thể thắng được.
Taras Antoshevskyi, giám đốc Cơ quan Thông tin Tôn giáo Ukraine nói với The Pillar hôm thứ Bảy: “Tôi chú ý cẩn thận đến một số sắc thái bộc lộ nhất định của những cuộc phỏng vấn như vậy”.
Antoshevskyi đặt câu hỏi tại sao “các cuộc phỏng vấn về các sự kiện quan trọng như cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine lại bị trì hoãn đáng kể”, lưu ý rằng “bản chất diễn biến của những sự kiện này đòi hỏi phải bình luận kịp thời, tuy nhiên các cuộc phỏng vấn được thực hiện vào tháng 2, thảo luận về các sự kiện cụ thể trong cuộc chiến, lại được trình bày trong Tháng Ba, giữa những diễn biến mới ở mặt trận.”
“Thật đáng buồn,” Antoshevskyi nói, “đây không phải là một trường hợp cá biệt. Việc trình bày các cuộc trò chuyện một cách muộn màng sẽ tạo ra cảm giác bị thao túng và có khả năng bị lạm dụng.”
“Đối với cử tọa Ukraine, thời điểm này không phù hợp với những câu chuyện do các đặc vụ Điện Kremlin tuyên truyền. Những câu chuyện này vẽ nên một bức tranh về một Ukraine đang thua lỗ, sụp đổ. Việc trì hoãn trình bày các cuộc trò chuyện sẽ khuếch đại các chiến thuật thao túng này.”
Theo Antoshevskyi, thời điểm đưa ra những bình luận của Đức Giáo Hoàng “gây ra sự tức giận của người Ukraine, vì nó thúc đẩy nhận thức cho rằng các điều khoản và khuôn khổ của thỏa thuận không phù hợp”. Ông nói với The Pillar “Tất nhiên là phù hợp với những thông điệp được các nhà tuyên truyền của Điện Kremlin phổ biến”.
Antoshevskyi giải thích rằng mục tiêu của Nga là ngăn cản sự ủng hộ của quốc tế dành cho Ukraine “bằng cách vẽ nên bức tranh về một đất nước đang hỗn loạn, lập luận chống lại sự cần thiết của việc cung cấp vũ khí và phòng thủ chống lại tên lửa của Nga”, khi nước này tập hợp lại để thực hiện hành động tấn công tiếp theo.
Antoshevskyi nói: “Do đó, những lời của Đức Giáo Hoàng, ủng hộ ‘cờ trắng’, có thể bị người Ukraine hiểu là lặp lại tiếng nói tuyên truyền của Điện Kremlin”. “Điều này làm suy yếu đáng kể niềm tin vào Giáo hội nói chung. Điều này đặc biệt đáng lo ngại vì nó nhấn mạnh ảnh hưởng lâu dài của hoạt động tuyên truyền của Nga đằng sau các sáng kiến hòa bình của Vatican.”
Yuriy Pidlisnyy, trưởng khoa khoa học chính trị tại Đại học Công Giáo Ukraine, đồng ý với đánh giá của Antoshevskyi, nói với The Pillar rằng: “Thật đáng tiếc khi ai đó phải giải thích và làm rõ những lời gần đây của Đức Giáo Hoàng lần này - Matteo Bruni.”
“Lời nói cố hữu vốn có ý nghĩa. Khi tôi nghe thấy thuật ngữ 'cờ trắng' được thốt ra trong bối cảnh thời chiến, nó thường có nghĩa là đầu hàng. Pidlisnyy cho biết những từ ngữ như vậy không mang lại cảm giác hy vọng, đặc biệt là đối với người Ukraine, đồng thời chỉ ra rằng “các vụ xả súng, hãm hiếp, trục xuất và diệt chủng” là đặc điểm lịch sử của hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine.
“Do đó, việc Đức Giáo Hoàng sử dụng ngôn ngữ như vậy là cực kỳ thiếu tế nhị, xét đến tầm quan trọng quốc tế của lá cờ trắng.”
“Có lẽ Đức Giáo Hoàng chưa hoàn toàn nắm bắt được điều này,” Pidlisnyy nói, “nhưng những lời nói của ngài, nhấn mạnh cờ trắng và sự thất bại, đặt ngài không đứng về phía những người đau khổ và bị đánh đập, mà đứng về phía những tên cướp trong dụ ngôn về Người Samaritanô nhân hậu.”
Giáo sư nói: “Thế giới nổi lên nhờ những cuộc đàm phán như vậy sẽ là một thế giới được đánh dấu bằng sự hoài nghi hoàn toàn, nơi luật pháp quốc tế cuối cùng đã mất đi hiệu lực của nó. Trong kịch bản này, kẻ mạnh có thể tiến hành các cuộc tấn công và sau đó hợp pháp hóa lợi ích của họ trên bàn đàm phán. Điều này đặt ra những câu hỏi quan trọng về công lý và trách nhiệm giải trình.”
Theo Pidlisnyy, “giống như tất cả các tông đồ, Đức Giáo Hoàng được kêu gọi mang lại đức tin và Tin Mừng, nhưng những tuyên bố như vậy nuôi dưỡng bầu không khí tuyệt vọng hơn là hy vọng”.
Taras Kurylets, nhà nghiên cứu tại Viện Đại kết của Đại học Công Giáo Ukraine, cũng nói với The Pillar rằng những bình luận của Đức Phanxicô, dù cho phép các minh xác của Vatican, tượng trưng cho một hội đồng tuyệt vọng.
Ông nói với The Pillar: “Đức Giáo Hoàng đã không hiểu chúng tôi và vẫn không hiểu được hoàn cảnh của chúng tôi”.
“Có vẻ như ngài tiếp cận giải pháp cho cuộc chiến chống Ukraine từ góc độ của một mục tử tốt bụng: đầu hàng, vì giải pháp thay thế sẽ tồi tệ hơn; bạn đã thua rồi, nên việc kháng cự thêm nữa cũng vô ích và sẽ chỉ dẫn đến nhiều cái chết và sự hủy diệt hơn mà thôi.”
Kurylets nói rằng lời kêu gọi đàm phán của Đức Giáo Hoàng thể hiện sự ngây thơ về mặt ngoại giao: “Bề ngoài, mọi thứ có vẻ bình dị, giống như một câu chuyện cổ tích kết thúc bằng câu ‘và họ sống hạnh phúc mãi mãi’. Tuy nhiên, những hậu quả có thể xảy ra lại hoàn toàn khác”.
Kurylets nói: “Người ta đã thảo luận nhiều về vấn đề này, nhưng dường như cả Đức Giáo Hoàng lẫn nhiều cá nhân trong xã hội phương Tây đều không nắm bắt được nó một cách đầy đủ. Theo thời gian, Liên bang Nga tích lũy sức mạnh, học hỏi từ những sai lầm của mình, xây dựng lại sức mạnh quân sự của mình, nâng nó lên một tầm cao hơn và sự không chắc chắn về nơi nó sẽ tấn công lần thứ hai ngày càng lớn – danh sách này rất dài.”
Kurylets nói: “Theo tôi, người truyền đạt thông tin cho Đức Giáo Hoàng đóng một vai trò quan trọng [trong những bình luận của ngài]. Xem xét vô số sai lầm của Đức Phanxicô về vấn đề Ukraine, có vẻ như cá nhân này là người truyền tải, có thể là một phiên bản loãng hơn của các câu chuyện của Nga. Từ quan điểm của họ, Ukraine đã bị đánh bại rồi”.
Nhưng Kurylets đưa ra một góc nhìn khác về cuộc chiến.
Ông nói: “Chúa có khiếu hài hước. Điều tưởng chừng như vô vọng hôm nay sẽ trở thành chiến thắng vào ngày mai - tất cả chúng ta đều nhớ câu chuyện về Đa-vít và Gô-li-át”
Kurylets nói, “Tôi hy vọng Đức Giáo Hoàng Phanxicô còn sống để chứng kiến chiến thắng của Ukraine trong cuộc chiến bất công này và việc thành lập ‘Tòa án Nuremberg’ mới chống lại kẻ xâm lược”.
Đức Thánh Cha Phanxicô gửi một thông điệp tới những tham dự viên của Hội nghị bảo vệ trẻ em ở Panama, đồng thời kêu gọi các tổ chức của Giáo hội loại bỏ các tình huống nguy hại để những kẻ lạm dụng quyền hành có thể lạm dụng…
(Tin Vatican - Devin Watkins)
“Nhân bản hóa các mối quan hệ trong bất kỳ xã hội nào, kể cả Giáo hội, có nghĩa là làm việc không ngừng để huấn luyện những cá nhân trưởng thành, gắn kết, vững vàng trong đức tin và các nguyên tắc đạo đức, có khả năng đương đầu với sự ác, để làm chứng cho sự thật”.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã đưa ra các đề nghị trong một thông điệp gửi tới những tham dự viên Đại hội Châu Mỹ Latinh lần thứ 3, diễn ra tại Panama vào các ngày 12-14 tháng 3.
Được thúc đẩy bởi Trung tâm Bảo vệ Trẻ vị thành niên (CEPROME), sự kiện này đã quy tụ các đại diện Giáo hội từ khắp khu vực để học hỏi và suy tư về chủ đề: “Tính dễ bị tổn thương và lạm dụng: Hướng tới một cái nhìn rộng lớn hơn về việc phòng ngừa”.
Xóa bỏ tệ nạn lạm dụng
Trong thông điệp của mình, Đức Thánh Cha giao phó cho Chúa những nỗ lực của Giáo hội nhằm xóa bỏ “tai họa lạm dụng trong mọi lĩnh vực của xã hội”.
Ngài nhắc lại buổi tiếp kiến của mình tại Vatican với các thành viên của CEPROME vào ngày 25 tháng 9 năm 2023. Vào thời điểm đó, ngài nhấn mạnh sự cam kết của Giáo hội trong việc khám phá “khuôn mặt đau khổ của Chúa Giêsu nơi mỗi nạn nhân”.
Đức Thánh Cha Phanxicô cũng khuyến khích những tham dự viên hãy cầu nguyện cho sự hoán cải của những kẻ phạm lỗi, kể cả những nạn nhân, đồng thời nỗ lực ngăn chặn mọi hình thức lạm dụng.
Hiểu biết bản tính mong manh dễ bị tổn thương
ĐTC nói thêm, việc xem xét vấn đề bằng con mắt của Chúa giúp chúng ta hiểu rõ hơn về bản tính mong manh dễ bị tổn thương của chính mình.
Ngài nói: “Xem sự yếu đuối của chúng ta để không vênh vang mình là những con người hoàn hảo, là những Kitô hữu trọn vẹn, có khả năng kiểm soát cuộc đời, nói lên con người ta thiếu trưởng thành, đầy lỗi lầm” và “không thể đại diện cho tính thành tín đơn thành mà Chúa Giêsu mong muốn cho chúng ta.”
Đúng hơn, Đức Thánh Cha Phanxicô nói, các Kitô hữu được kêu gọi tìm thấy sức mạnh trong những yếu đuối của mình trong khi tin tưởng vào ân sủng của Thiên Chúa (x. 2 Cor 12:8-10).
Ngài lưu ý, bằng cách tìm thấy sức mạnh và niềm tin tưởng vào Thiên Chúa, “chúng ta có thể đối diện với những mâu thuẫn của cuộc sống và đóng góp cho công ích qua ơn gọi mà chúng ta đã được kêu gọi”.
Loại bỏ các tình huống nguy hiểm để bảo vệ trẻ em
Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp tục kêu gọi Giáo hội loại bỏ tận gốc các tình huống nguy hiểm để tránh không thể lạm dụng người khác.
Ngài nói: “Về mặt phòng ngừa, những nỗ lực của chúng ta chắc chắn phải nhằm mục đích xóa bỏ những tình huống nguy hiểm đề phòng và bảo vệ những người có quyền mà lạm dụng người khác một cách đồi trụy, thiếu lành mạnh.”
Đức Thánh Cha lưu ý rằng bất kỳ xã hội nào không dựa trên các tiền đề của sự liêm chính về mặt đạo đức “sẽ là một xã hội bệnh hoạn”, mà các mối quan hệ của nó cuối cùng sẽ bị biến dạng bởi tính ích kỷ, sợ hãi và lừa dối.
Đức Thánh Cha Phanxicô kết thúc thông điệp của mình gửi Đại hội Châu Mỹ Latinh lần thứ 3 bằng cách mời gọi những người tham dự hãy phó thác “sự yếu đuối của mình cho sức mạnh mà Thiên Chúa trao ban cho chúng ta”.
Tuyên bố của Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine sau cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô do Đài Truyền Thanh và Truyền Hình Thụy Sĩ thực hiện
Chúng tôi vẫn chưa có phiên bản đầy đủ của cuộc phỏng vấn do Đức Thánh Cha Phanxicô đưa ra cho RTS (Radio Télévision Suisse) dường như sẽ chỉ được công bố vào ngày 20 tháng 3. Theo Văn phòng Báo chí Tòa Thánh, việc đề cập đến “cờ trắng” trong cuộc phỏng vấn là lời kêu gọi đàm phán chứ không phải là đề nghị Ukraine đầu hàng. Trong cuộc trò chuyện, Đức Thánh Cha không chỉ nói về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine mà còn về cuộc chiến giữa Israel và Hamas. Như đã nhiều lần thực hiện, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi giải quyết các cuộc xung đột vũ trang bằng thương lượng.
Về vấn đề này, chúng tôi muốn đưa ra những suy nghĩ không phải dựa trên tuyên bố của Đức Thánh Cha mà là quan điểm của các nạn nhân trong cuộc xâm lược Ukraine của Nga. Điều quan trọng là phải hiểu lập trường của hầu hết người Ukraine.
Đối với bất kỳ ai ở Ukraine, điều rõ ràng như chúng tôi đã nêu trong các cuộc gặp với các nhà lãnh đạo Giáo Hội, chính trị gia Hoa Kỳ và cộng đồng người hải ngoại ở Washington, DC, Philadelphia và thành phố New York, là các công dân Ukraine “đã bị thương”, nhưng họ không mệt mỏi và vẫn kiên cường.” Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với tự sát. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và dễ thấy. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy. Mục tiêu đề ra được thể hiện bằng hành động cụ thể.
Trong suy nghĩ của Putin, không có những thứ như Ukraine, lịch sử Ukraine, ngôn ngữ và đời sống cũng như Giáo Hội Ukraine độc lập. Mọi vấn đề của Ukraine đều là những cấu trúc ý thức hệ, có thể bị xóa bỏ. Ukraine không phải là một thực tế mà chỉ là một “ý thức hệ”. Theo Putin, ý thức hệ về bản sắc Ukraine là “Đức Quốc xã”.
Bằng cách gọi tất cả người Ukraine (những người từ chối là người Nga và chấp nhận sự cai trị của Nga) là “Đức Quốc xã”, Putin đã phi nhân tính hóa họ. Đức Quốc xã không có quyền tồn tại, vì thế một khi bị coi là Đức Quốc Xã, người Ukraine không có quyền tồn tại. Họ cần phải bị tiêu diệt, bị giết. Các tội ác chiến tranh ở Bucha, Irpin, Borodianka, Izium và ở những nơi khác bị lực lượng Nga xâm lược đã minh họa cho người Ukraine (và cho tất cả những người có thiện chí) thấy rõ mục đích rõ ràng của cuộc chiến này: đó là loại bỏ Ukraine và người Ukraine. Điều đáng nói là mọi sự xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều dẫn đến việc tiêu diệt các Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và bất kỳ mọi Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập nào, đồng thời đàn áp các tôn giáo khác cũng như mọi thể chế và biểu hiện văn hóa không ủng hộ quyền bá chủ của Nga.
Người Ukraine sẽ tiếp tục tự vệ. Họ cảm thấy họ không có sự lựa chọn. Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào. Ukraine đã đàm phán loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 1994, lúc đó là kho vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, lớn hơn cả Pháp, Anh và Trung Quốc cộng lại. Đổi lại Ukraine nhận được những bảo đảm an ninh liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm cả Crimea) và nền độc lập, là điều mà Putin có nghĩa vụ phải tôn trọng. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 được Nga, Mỹ và Anh ký kết không có giá trị bằng tờ giấy. Vì vậy, điều đó sẽ xảy ra với bất kỳ thỏa thuận nào được “đàm phán” với nước Nga của Putin.
Bất chấp những đề xuất về nhu cầu đàm phán đến từ đại diện của các quốc gia khác nhau, bao gồm cả chính Đức Thánh Cha, người Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và phẩm giá để đạt được một nền hòa bình công bằng. Họ tin vào tự do và phẩm giá con người do Thiên Chúa ban tặng. Họ tin vào sự thật, sự thật của Chúa. Họ tin chắc rằng chân lý của Chúa sẽ thắng thế.
Các giám mục của Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, họp tại Hoa Kỳ:
Ngày 10 tháng 3 năm 2024
+ Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk,
Tổng Giám mục Trưởng của Kyiv-Halych
Giáo chủ Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương
+ Đức Cha Borys Gudziak,
Tổng Giám mục Công Giáo Ukraine Philadelphia
+ Đức Cha Włodzimierz Juszczak,
Giám mục Giáo phận Wrocław—Koszalin
+ Đức Cha Bohdan Dzyurakh,
Giám mục Tông tòa ở Đức và Scandinavia
+ Đức Cha Josaphat Moshchych,
Giám mục Chernivtsi
Source:UGCC
Linh mục Raymond J. de Souza, là chủ bút tập san Công Giáo Convivium của Canada. Trên tờ National Catholic Register, ngài có bài viết nhan đề “Pope Francis Has Ukrainians — Especially Ukrainian Catholics — Worried and Angry”, nghĩa là “Người Ukraine – đặc biệt là người Công Giáo Ukraine – lo lắng và tức giận đối với Đức Thánh Cha Phanxicô”, trong đó ngài trình bày những suy tư về cuộc phỏng vấn tai hại vừa được công bố một phần; và người Công Giáo trên thế giới đang hồi hộp chờ đợi phần hai, lo âu không biết lành dữ thế nào. Phần hai được cho là sẽ được công bố vào ngày 20 Tháng Ba tới đây, vài ngày trước Tuần Thánh, tuần lễ quan trọng nhất trong năm Phụng Vụ.
Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Nhưng đã xảy ra như thế.
Mọi việc tồi tệ không có nghĩa là chúng không thể trở nên tồi tệ hơn.
Tệ hơn nhiều.
Hôm Thứ Bảy, các đoạn trích từ một cuộc phỏng vấn truyền hình sắp tới đã được phát hành, trong đó Đức Thánh Cha kêu gọi Ukraine hãy có “sự can đảm của lá cờ trắng” và “thương lượng trước khi mọi thứ trở nên tồi tệ hơn”. Tin tức về lời khuyên “cờ trắng” đã gây xôn xao khắp thế giới.
Trong vòng vài giờ, điều đó đã gây ra một loạt phản ứng giận dữ từ chính phủ Ukraine và người Công Giáo Ukraine, rằng Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi họ giương cờ trắng đầu hàng.
'Cờ trắng' có ý nghĩa khác
Phát ngôn nhân báo chí của Tòa Thánh đã chuyển sang chế độ kiểm soát thiệt hại khẩn cấp, giải thích rằng việc Đức Thánh Cha sử dụng thuật ngữ “cờ trắng” không có nghĩa là “đầu hàng”, như thông lệ trong bối cảnh chiến tranh. Đúng hơn, Đức Giáo Hoàng muốn nói đến một ý nghĩa khác, ít được biết đến hơn, của “cờ trắng”, cụ thể là “chấm dứt chiến sự, một thỏa thuận ngừng bắn đạt được với sự can đảm của đàm phán”.
Rất ít người tỏ ra bị thuyết phục bởi lời giải thích mới lạ này. Quan điểm phổ biến dường như là “cờ trắng” trong bối cảnh chiến tranh có nghĩa là “đầu hàng”. Quả thực, sau khi giương cờ trắng, các cuộc đàm phán thường diễn ra sau đó là về các điều khoản đầu hàng, cầu xin thế lực chinh phục đồng ý.
Cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha thật tai hại đến mức nỗ lực thanh minh của văn phòng báo chí là không thỏa đáng. Hôm thứ Ba, Vatican đã làm những gì mình làm khi một thảm họa thực sự sắp xảy ra, cụ thể là triệu Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, ra để nói những gì lẽ ra Đức Thánh Cha Phanxicô phải nói ngay từ đầu.
Đức Hồng Y Parolin nói với một tờ báo Ý rằng trách nhiệm phải đổ lên đầu Nga, quốc gia “trước hết phải ngừng bắn”, vì nước này là “kẻ xâm lược” trong một cuộc chiến tranh “bất công”.
“Cuộc chiến chống Ukraine không phải là hậu quả của một thảm họa thiên nhiên không thể kiểm soát mà là do tự do của con người, và chính cái ý chí con người đã gây ra thảm kịch này cũng có khả năng và trách nhiệm thực hiện các bước để chấm dứt nó và mở đường cho một giải pháp ngoại giao”, Đức Hồng Y Parolin nói.
Bài học lịch sử từ Ukraine
Thượng Hội đồng Thường trực của Giáo Hội Công Giáo Đông Phương Ukraine, gọi tắt là UGCC, đã đưa ra một tuyên bố gay gắt vào hôm Chúa Nhật về những nhận xét của Đức Thánh Cha, đồng thời không che giấu nỗi đau của mình.
Tuyên bố nêu rõ: “Người Ukraine không thể đầu hàng vì đầu hàng đồng nghĩa với tự sát. Ý định của Putin và Nga rất rõ ràng và dễ thấy. Mục đích không phải của một cá nhân: 70% dân số Nga ủng hộ cuộc chiến diệt chủng chống lại Ukraine, Thượng phụ Kirill và Giáo hội Chính thống Nga cũng vậy.”
Các giám mục của Giáo hội Ukraine, Giáo Hội Công Giáo Đông phương lớn nhất, sau đó đã đưa ra một bài học lịch sử rõ ràng cho người cha tinh thần của họ ở Rôma:
“Điều đáng nói là mọi sự xâm lược của Nga trên lãnh thổ Ukraine đều dẫn đến việc tiêu diệt các Giáo Hội Công Giáo Ukraine, và bất kỳ mọi Giáo hội Chính thống Ukraine độc lập nào, đồng thời đàn áp các tôn giáo khác cũng như mọi thể chế và biểu hiện văn hóa không ủng hộ quyền bá chủ của Nga.”
Còn có một bài học lịch sử khác cho Đức Thánh Cha Phanxicô về các vấn đề chiến lược. Thượng hội đồng thường trực tự hỏi tại sao có người lại nghĩ rằng Nga sẽ tôn trọng một thỏa thuận thương lượng. Nhiều người đã quên Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 được ký kết bởi Nga, Ukraine, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ. Nhưng người Ukraine thì chưa quên:
“Lịch sử gần đây đã chứng minh rằng với Putin sẽ không có cuộc đàm phán thực sự nào. Ukraine đã đàm phán loại bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình vào năm 1994, lúc đó là kho vũ khí lớn thứ ba trên thế giới, lớn hơn cả Pháp, Anh và Trung Quốc cộng lại. Đổi lại Ukraine nhận được những bảo đảm an ninh liên quan đến sự toàn vẹn lãnh thổ (bao gồm cả Crimea) và nền độc lập, là điều mà Putin có nghĩa vụ phải tôn trọng. Bản ghi nhớ Budapest năm 1994 được Nga, Mỹ và Anh ký kết không có giá trị bằng tờ giấy. Vì vậy, điều đó sẽ xảy ra với bất kỳ thỏa thuận nào được “đàm phán” với nước Nga của Putin.”
Thượng Hội đồng Thường trực kết luận, bác bỏ lời khuyên “cờ trắng” của Đức Thánh Cha, “Bất chấp những đề xuất về nhu cầu đàm phán đến từ đại diện của các quốc gia khác nhau, kể cả chính Đức Thánh Cha, người Ukraine sẽ tiếp tục bảo vệ tự do và nhân phẩm để đạt được một nền hòa bình công bằng.”
Tuyên bố của Thượng hội đồng thường trực được công bố vào hôm Chúa nhật, trong khi nhà lãnh đạo UGCC, Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav Shevchuk, là người thuyết giảng trong Thánh lễ Chúa nhật tại Nhà thờ Thánh Patrick ở New York. Ngài không đề cập đến lời khuyên “cờ trắng” của Đức Thánh Cha, nhưng đưa ra một lưu ý hoàn toàn khác:
“Chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và không đối phương nào có thể đánh bại được chúng ta. Chúng tôi đã trải nghiệm điều này trong suốt hai năm qua - tình yêu, sự quan tâm và bảo vệ lẫn nhau. Cảm ơn anh chị em đã thể hiện tình yêu này qua lời cầu nguyện, hành động và sự hy sinh của anh chị em. Chúng ta đừng bỏ cuộc! Anh chị em hãy bền đỗ. Đừng để ma quỷ hoặc sự tuyên truyền của đối phương chiếm giữ trái tim anh chị em, nhưng hãy cầu nguyện và làm việc, như người tiền nhiệm của tôi là Đức Hồng Y Lubomyr Husar đã truyền dạy chúng tôi. Sự thật của Chúa sẽ chiến thắng; Ukraine sẽ thắng; đừng nghi ngờ điều đó!”
Ý nghĩa của việc tử đạo?
Như thường lệ sau khi gây ra sự xúc phạm ở Ukraine, có thể hy vọng rằng Đức Thánh Cha Phanxicô sẽ nói về sự gần gũi của ngài với “Ukraine đã tử đạo” trong những ngày tới. Chính phát ngôn nhân báo chí Tòa Thánh đã sử dụng cụm từ được ưa chuộng đó.
Nhưng lời khuyên “cờ trắng” đã đưa ra một ánh sáng mới cho chính xác ý của Đức Thánh Cha khi nói về “Ukraine tử đạo”.
Có phải ý của ngài là Ukraine đang phải chịu đựng điều gì đó tương tự như một cuộc tử đạo dưới bàn tay của một kẻ đàn áp bất công không? Hay Đức Thánh Cha Phanxicô muốn nói rằng Ukraine nên cư xử như các vị tử đạo thường làm, nghĩa là không kháng cự trước những kẻ hành quyết họ?
Chắc chắn không phải là Đức Thánh Cha muốn người Công Giáo Ukraine phải tử đạo và bị đẩy xuống hầm trú ẩn một lần nữa, như đã từng xảy ra từ năm 1946 đến năm 1991, nhưng Thượng Hội đồng thường trực lo lắng về điều đó sẽ xảy ra một lần nữa.
Việc sẵn sàng chấp nhận, thậm chí chấp nhận tử đạo – hãy nghĩ đến Thánh Ignaxiô thành Antiôkia – có những tiền lệ đáng kính nhất, khi con chiên bị dẫn đi trong im lặng để làm thịt. Nhưng việc chấp nhận tử đạo không phải là một lựa chọn đối với các cơ quan công quyền có trách nhiệm vì lợi ích chung. Người cha trong gia đình có thể chấp nhận tử đạo; nhưng anh ta không thể từ chối bảo vệ con mình nếu có thể.
Đàm phán để kết thúc điều gì?
Ngoài sự lựa chọn đáng ngạc nhiên là nói về “cờ trắng”, Đức Thánh Cha Phanxicô còn nói về các cuộc đàm phán theo cách giống với những người tiền nhiệm của ngài. Đấng đáng kính Piô 12, chỉ vài tuần trước khi Thế chiến thứ Hai bắt đầu, đã kêu lên: “Không có gì mất mát với hòa bình; mọi thứ đều có thể bị mất đi vì chiến tranh.”
Thánh Gioan Phaolô II kêu gọi một giải pháp ngoại giao thương lượng sau khi Saddam Hussein xâm chiếm và sáp nhập Kuwait.
Theo một nghĩa nào đó, điều đó không gì khác hơn là “cái hàm tốt hơn là chiến tranh” của Winston Churchill. Nhưng Churchill biết rằng “đấu khẩu” với Hitler là không thể; do đó, có bài phát biểu “không bao giờ đầu hàng” của ông. Người ta không thể tưởng tượng làm thế nào Churchill có thể chào đón lời khuyên “cờ trắng” từ Rôma trong Trận chiến nước Anh. Đức Piô 12 chưa bao giờ đề nghị điều đó.
Lời kêu gọi đàm phán cần một số thông số. Sau khi Saddam xâm lược Kuwait, người Kuwait có nên đàm phán các điều khoản để sáp nhập họ không? Hay tiền đề của các cuộc đàm phán là kẻ xâm lược phải trả lại thành quả của sự xâm lược của mình?
Lời kêu gọi đàm phán giữa Ukraine và Nga hiện đang rất khó khăn, dựa trên cuộc phỏng vấn gần đây mà Tucker Carlson thực hiện với Putin - Lời cảnh báo của Đức Hồng Y Husar về việc “tuyên truyền của đối phương chiếm giữ trái tim anh chị em” có thể áp dụng ở đây. Putin đã đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc rằng Ba Lan có thể tránh được sự tàn phá của cuộc xâm lược nếu vào năm 1939 nước này sẵn sàng nhượng lại lãnh thổ của mình trước thời hạn trong các cuộc đàm phán với Đức Quốc xã. Trong cách trình bày như vậy, đàm phán là một hình thức đầu hàng.
Đức Thánh Cha Phanxicô đã bày tỏ sự thông cảm với một số lời biện minh được cho là của Putin về việc xâm chiếm Ukraine. Tuy nhiên, không thể nào ngài lại đang áp dụng cách đọc lịch sử của Putin vào tình hình hiện tại được. Nhưng người Ukraine đang lo lắng – và tức giận.
Source:National Catholic Register
Hồi còn là Tổng Giám mục Buenos Aires, Đức Hồng Y Jorge Bergoglio lúc bấy giờ đã từ chối yêu cầu phỏng vấn sâu rộng của một nhà báo. Ngài giải thích rằng ngài không cảm thấy thoải mái khi thể hiện bản thân trong một hình thức phỏng vấn; ngài đề nghị bất cứ ai muốn hiểu suy nghĩ của ngài sẽ được phục vụ tốt hơn bằng cách đọc các tác phẩm do ngài viết.
Nhưng chuyện đó xưa lắm rồi. Kể từ khi được bầu vào ngôi Giáo Hoàng năm 2013, Đức Thánh Cha Phanxicô không hề tỏ ra ác cảm với những cuộc trò chuyện không có kịch bản. Ngài chắc chắn là vị Giáo hoàng được phỏng vấn nhiều nhất trong lịch sử, với hàng chục cuộc trò chuyện sâu sắc được công bố trong triều đại giáo hoàng của ngài. Cùng với những cuộc phỏng vấn chính thức xuất hiện trên báo và tạp chí, ngài còn tham gia vào các cuộc trao đổi hỏi đáp với đủ loại khán giả. Trên thực tế, các chuyến đi nước ngoài của giáo hoàng hiện nay thường bao gồm các buổi hỏi đáp với các thành viên của cộng đồng Dòng Tên địa phương.
Một số phát biểu đáng nhớ nhất—và gây tranh cãi—của Đức Giáo Hoàng đã được đưa ra trong những cuộc trao đổi ngẫu hứng như vậy. Các cuộc họp báo trên không của ngài (một đặc điểm thường xuyên khác trong các chuyến đi nước ngoài của ngài) đã tạo ra nhiều tiêu đề giật gân. Nhiều cuộc trò chuyện thân thiện của ngài với Eugenio Scalfari quá cố—mà nhà báo vô thần đã sao chép lại từ trí nhớ, không có bản ghi âm hoặc viết tay—đã nhiều lần khiến văn phòng báo chí Vatican rơi vào tình trạng phải kiểm soát thiệt hại. Có lẽ tuyên bố nổi tiếng nhất trong toàn bộ triều đại giáo hoàng của ngài là câu trả lời cho câu hỏi của phóng viên: “Tôi là ai mà phán xét?”
Thông thường, khi một Giáo hoàng—bất kỳ Giáo hoàng nào—phát biểu, ngài sẽ nói từ một văn bản soạn sẵn. Với vô số hàng triệu người đang đọc lời của ngài, độ chính xác là điều quan trọng; ứng khẩu có thể coi là thiếu thận trọng.
Tuy nhiên, ứng khẩu là một đặc điểm nổi bật trong triều đại giáo hoàng của ngài, và Đức Thánh Cha Phanxicô không hề nản lòng trước những làn sóng phẫn nộ mà ngài đã tạo ra bởi những nhận xét công khai thiếu kiểm soát của mình. Vì vậy, khi viết, ngài thường viết một cách bốc đồng. Các quan chức Vatican phàn nàn rằng họ đã bị bất ngờ trước những thông báo quan trọng được đưa ra mà không có sự tham vấn. Ngay cả trong vai trò là nhà lập pháp kinh điển, ngài cũng có thể hấp tấp. Andrea Gagliarducci lưu ý rằng ngài đã ban hành 70 tự sắc đáng kinh ngạc, bổ sung hoặc sửa đổi giáo luật, trong thập kỷ của ngài trên Ngai Thánh Phêrô. Trong một số trường hợp, một tự sắc đã sửa chữa những thiếu sót của một tự sắc khác.
Tất cả chúng ta đều dễ mắc lỗi khi nói quá nhanh. May mắn thay, hầu hết chúng ta không dựa quá nhiều vào những gì mình nói. Ở Buenos Aires, Đức Hồng Y Bergoglio có thể đã có thể phát biểu một cách tự nhiên mà không gây ra nhiều sự tò mò. Ở Rôma, dưới sự giám sát liên tục của giới báo chí, mọi chuyện lại hoàn toàn khác.
Cuối Tháng Giêng vừa qua, chính trong buổi tiếp kiến riêng với các thành viên của đoàn báo chí Vatican, Đức Thánh Cha đã đưa ra câu nói gây ấn tượng mạnh mới nhất của mình. Chắc chắn rồi, điều đó đã đến khi ngài gác lại những nhận xét đã chuẩn bị sẵn của mình và cảm ơn các nhà báo tập hợp vì “sự tinh tế mà các bạn thường thể hiện khi nói về những vụ tai tiếng của Giáo hội”.
Đức Thánh Cha có ý gì khi nói đến sự “tinh tế” trong việc đưa tin về các vụ tai tiếng? Ngài giải thích rằng “có rất nhiều, và tôi thấy ở anh chị em một sự tế nhị tuyệt vời, một sự tôn trọng, một sự im lặng gần như xấu hổ.” (Ở đây “xấu hổ” có thể được dịch là “bối rối.”)
Trong bối cảnh đó, Đức Thánh Cha cám ơn các phóng viên vì đã không đào sâu vào những chi tiết vụn vặt của các vụ tai tiếng. Và điều quan trọng cần ghi nhớ là không phải quốc gia nào cũng chứng kiến mức độ đưa tin bão hòa về các vụ tai tiếng lạm dụng tình dục mà truyền thông Mỹ đã đưa tin trong suốt 20 năm qua. Tuy nhiên, những nhận xét của Đức Giáo Hoàng - giống như rất nhiều nhận xét ngoài kịch bản của ngài - chắc chắn sẽ gây cho ngài một số khó khăn thực sự.
Đầu tiên, Đức Thánh Cha Phanxicô dường như đang khuyến khích các nhà báo không đưa tin về các vụ tai tiếng ở Vatican. Thông điệp đó - dù có được truyền tải có chủ ý hay không - khác 180 độ so với cam kết thường được tuyên bố của Đức Giáo Hoàng về tính minh bạch và tiết lộ đầy đủ.
Thứ hai, Đức Thánh Cha dường như cảm ơn các thành viên được công nhận của đoàn báo chí Vatican – những phóng viên mà công việc của họ đòi hỏi phải tiếp cận thường xuyên với các quan chức Vatican – vì đã duy trì sự im lặng kín đáo liên quan đến các vụ tai tiếng. Phải chăng ngài đang ngầm thừa nhận rằng cho đến nay các nhà báo vẫn chưa gay gắt đặt câu hỏi về sự liên quan của cá nhân ngài trong vụ Zanchetta, vụ bê bối Rupnik, vụ thất bại bất động sản ở Luân Đôn? Phải chăng ngài thậm chí còn ám chỉ rằng trong thời gian còn lại của triều đại giáo hoàng này, những phóng viên giải quyết những vấn đề này một cách “tinh tế” và thậm chí có thể với “sự im lặng xấu hổ/ngượng ngùng” sẽ được đối xử ưu ái chăng?
Đây là một điều khác mà chúng tôi đã học được trong triều đại giáo hoàng này: Khi Đức Thánh Cha Phanxicô nói ứng khẩu, cả ngài lẫn văn phòng báo chí Vatican đều không buồn làm rõ. Thế là những câu hỏi cứ kéo dài hoài.
Source:Catholic World News
Sau cuộc phỏng vấn của Đức Thánh Cha Phanxicô về cuộc chiến ở Ukraine với Đài phát thanh Télévision Suisse, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin thảo luận vấn đề này với tờ báo Ý ‘Corriere della Sera’, đồng thời cho biết có nguy cơ leo thang hạt nhân.
Vatican News đã công bố toàn văn cuộc phỏng vấn Đức Hồng Y Quốc vụ khanh Pietro Parolin của Gian Guido Vecchi, được đăng hôm thứ Ba trên tờ báo Corriere della Sera của Ý.
Hỏi: Thưa Đức Hồng Y, rõ ràng là Đức Giáo Hoàng đang kêu gọi đàm phán hơn là đầu hàng. Nhưng tại sao chỉ đề cập đến một trong hai bên, Ukraine mà không phải Nga? Và há không có nguy cơ lấy sự “thất bại” của bên bị gây hấn làm động lực đàm phán sẽ phản tác dụng hay sao?
Như giám đốc Văn phòng Báo chí Tòa Thánh đã nói, khi trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha vào ngày 25 tháng 2 năm vừa qua, lời kêu gọi của Đức Thánh Cha là “các điều kiện phải được tạo ra cho một giải pháp ngoại giao nhằm theo đuổi một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Rõ ràng là trách nhiệm tạo ra những điều kiện như vậy không chỉ thuộc về một bên mà thuộc về cả hai bên, và đối với tôi, điều kiện đầu tiên chính xác là chấm dứt hành vi gây hấn.
Người ta không bao giờ được quên bối cảnh (của cuộc phỏng vấn), trong trường hợp này là một câu hỏi ngỏ với Đức Thánh Cha. Đáp lời, ngài nói về đàm phán và đặc biệt là lòng can đảm đàm phán, điều không bao giờ có nghĩa là đầu hàng.
Tòa Thánh theo đuổi đường lối này và tiếp tục kêu gọi ngừng bắn - và những kẻ xâm lược phải ngừng bắn trước - rồi mới bắt đầu đàm phán. Đức Thánh Cha giải thích rằng đàm phán không phải là điểm yếu mà là sức mạnh. Đó không phải là sự đầu hàng mà là lòng dũng cảm.
Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến mạng sống con người, đến hàng trăm nghìn sinh mạng con người đã hy sinh trong cuộc chiến ở trung tâm châu Âu này. Đây là những lời áp dụng cho Ukraine cũng như Thánh Địa và các cuộc xung đột khác đang làm khổ thế giới.
Hỏi: Giải pháp ngoại giao có còn khả thi không?
Vì đây là những quyết định tùy thuộc vào ý chí con người nên luôn có khả năng đạt được giải pháp ngoại giao.
Cuộc chiến chống lại Ukraine không phải là kết quả của một thảm họa thiên nhiên không thể kiểm soát được mà chỉ là kết quả của sự tự do của con người. Ý chí tự do của con người đã gây ra thảm kịch này cũng có khả năng và trách nhiệm thực hiện các bước để chấm dứt nó và mở đường cho một giải pháp ngoại giao.
Hỏi: Tòa Thánh có quan ngại về sự leo thang không? Đây là điều mà chính ngài đã đề cập, cho rằng “giả thuyết về sự can thiệp của các nước phương Tây” là một điều đáng sợ.
Tòa Thánh lo ngại về nguy cơ chiến tranh mở rộng. Sự leo thang của cuộc xung đột, sự bùng nổ của các cuộc đụng độ vũ trang mới và cuộc chạy đua vũ trang là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo ngại về mặt này.
Chiến tranh mở rộng sẽ đồng nghĩa với những đau khổ mới, tang tóc mới, nạn nhân mới và sự hủy diệt mới, thêm vào đó là những gì mà người dân Ukraine, đặc biệt là trẻ em, phụ nữ, người già và dân thường, hiện đang trực tiếp trải qua, phải trả giá quá cao cho cuộc chiến tranh bất công này.
Hỏi: Đức Thánh Cha Phanxicô cũng đã nói về cuộc xung đột giữa Israel và Palestine, gợi lên “trách nhiệm” của cả hai bên. Hai tình huống này có điểm gì chung?
Hai tình huống này chắc chắn có điểm chung là chúng đã mở rộng một cách nguy hiểm vượt quá mọi giới hạn có thể chấp nhận được, chúng không thể giải quyết được, chúng gây ra hậu quả ở các quốc gia khác nhau và không thể tìm ra giải pháp nào nếu không có đàm phán nghiêm túc.
Tôi lo ngại về sự thù hận mà họ đang tạo ra. Vết thương sâu thế này bao giờ mới lành được?
Hỏi: Về chủ đề leo thang, Đức Thánh Cha đã nhiều lần nói về mối nguy hiểm của một cuộc xung đột hạt nhân, khi nói rằng, “Tất cả chỉ cần một sự cố.” Đây có phải là nỗi sợ hãi tiềm ẩn của Tòa thánh?Một “sự cố” như ở Sarajevo năm 1914?
Nguy cơ 'trôi dạt' chết người hướng tới chiến tranh hạt nhân là có thật. Chỉ cần nhìn vào mức độ thường xuyên mà một số đại diện chính phủ sử dụng loại đe dọa này. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đây là một tuyên truyền mang tính chiến lược hơn là một lời 'cảnh báo' về một điều gì đó thực sự có thể xảy ra.
Đối với “nỗi sợ hãi tiềm ẩn” của Tòa Thánh, tôi tin rằng nhiều tác nhân khác nhau trong tình huống bi thảm này có thể càng cố thủ hơn vì lợi ích riêng của họ, không làm những gì có thể để đạt được một nền hòa bình công bằng và ổn định.
Lễ giỗ Cha Diệp năm nay được Hội Ái Mộ Cha Trương Bửu Diệp Nam Úc (AMCTBD/NU) tổ chức vào lúc 6 giờ 30 chiều, thứ Hai 11/3/2024 sớm hơn một ngày, vì là ngày nghỉ lễ của toàn Úc châu. Thánh lễ được cử hành tại thánh đường Thánh Maximilian Kolbe, Ottoway, tiểu bang Nam Úc để kính nhớ đến Cha Diệp và tạ ơn Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một vị mục tử nhân lành, luôn chuyển cầu nhiều ơn Chúa cho chúng ta.
Nhắc đến ngày 12/3/1946 ngày Cha Diệp bị tử nạn, tất cả những ai mến mộ Cha Diệp, lương hay giáo, trong nước cũng như khắp nơi trên thế giới đều hướng về Cha và tổ chức tưởng niệm ngày giỗ Cha. Tại Tắc Sậy ở quê nhà, những ngày trước hay sau ngày này, lúc nào cũng có từng đoàn người nối đuôi nhau hành hương về Tắc Sậy, mảnh đất Cha Diệp đã gắn bó gần như trọn đời mục tử cho đến lúc hy sinh chết thay cho đoàn chiên của mình.
Tại thành phố Adelaide thủ phủ tiểu bang Nam Úc, hôm nay cũng có rất nhiều người yêu mến Cha Diệp, thọ ơn Cha Diệp, trong đó có các tín hữu Việt Nam và một số thuộc các sắc tộc bạn, có cả những người không cùng tôn giáo, tất cả đã vào ngồi kín trong nhà thờ, để tham dự thánh lễ. Mặc dù thời tiết mùa hè chiều nay rất nóng bức, nhiệt độ lên tới 40 độ C. Thánh lễ giỗ Cha hôm nay, có sự tham dự của hai nữ tu Anna Hồng Nhạn và Anna Phạm Tú Uyên đến từ Việt Nam, thuộc dòng Mến Thánh Giá Gò Vấp và một vị linh mục khách nữa là cha Mai Văn Sang OFM từ Sydney qua thăm Nam Úc nữa.
XEM VIDEO
XEM HÌNH - PHOTOS
Trước hàng rào cổng nhà thờ treo tấm bảng lớn màu tím với dòng chữ trắng nổi bật “Thánh Lễ Giỗ 78 Cha FX Trương Bửu Diệp” như chào mừng mọi người đến tham dự thánh lễ giỗ hôm nay.
Trước thánh lễ, Ban tổ chức (BTC) đã có vài lời ngắn gọn về cuộc đời đạo hạnh và sự hy sinh của Cha Trương Bửu Diệp, vị mục tử nhân từ đã làm gương sáng cho mỗi người trên con đường phục vụ Chúa và tha nhân.
Sau lời dẫn lễ là thánh lễ đồng tế do Cha Phêrô Trần Trọng Mỹ chủ tế, cùng quý Cha Phaolô Nguyễn Công Trứ (Melbourne), Cha Giuse Đồng Văn Vinh (Perth, Tây Úc), Cha chánh xứ Ottoway Marek Ptak, Cha Roman và Cha Jacek (là 3 linh mục gốc Ba Lan thuộc TGP Adelaide).
Mở đầu thánh lễ là bài ca nhập lễ “Ca khúc Hồng Ân” được ca đoàn hát vang như những lời hân hoan chúc tụng, cảm tạ tình yêu Thiên Chúa khi về Nhà Cha, cùng lúc với đoàn đồng tế cung nghinh tượng Cha TBD tiến lên cung thánh giữa tiếng chiêng trống điểm liên hồi.
Trong phần phụng vụ Lời Chúa của thánh lễ hôm nay, Cha giảng lễ Phaolô Nguyễn Công Trứ đã chia sẻ về gương lành trong suốt cuộc đời của Cha TBD. Một vị mục tử nhân lành mà tầm ảnh hưởng đã vượt xa khỏi Việt Nam. Hiện nay thì hầu như khắp nơi trên thế giới đều biết đến Cha TBD. Cha là hình ảnh của lòng yêu thương tha nhân, đặc biệt với những người nghèo khổ, gặp hoàn cảnh khó khăn, Cha đã lo cái ăn, cái mặc, lo cho các em đi học....
Trong ngày giỗ của Cha Diệp, chúng ta cảm tạ Chúa, tạ ơn Cha Diệp vì qua Cha mà biết bao người đã được ơn lành của Chúa, đến với Chúa, và cũng cầu nguyện để mọi người biết yêu thương tha nhân như Cha Diệp.
Thánh lễ được tiếp nối với những lời nguyện giáo dân cầu cho các mục tử trong Hội Thánh biết nhiệt thành phục vụ tha nhân, và cũng cầu nguyện cho mọi người luôn biết yêu thương chia sẻ trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống, và đặc biệt cầu nguyện cho những hoạt động cổ vũ cho tiến trình tuyên thánh Cha Diệp tiến triển tốt đẹp.
Trước khi thánh lễ kết thúc, ông Nguyễn Hữu Tuất, đại diện Hội AMCTBD Nam Úc đã có đôi lời bằng cả 2 ngôn ngữ Việt-Anh để cảm ơn quý Cha đồng tế, quý cộng đoàn đã hiệp thông cầu nguyện nhân lễ giỗ thứ 78 Cha Diệp. Ông cũng đã cám ơn tất cả những ai đã đóng góp công sức cho lễ giỗ hôm nay và kính mời tất cả, sau thánh lễ sang hội trường Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, phía đầu nhà thờ để cùng dự tiệc hưởng lộc giỗ Cha do Hội Ái Mộ Cha Diệp khoản đãi.
Hội trường được trang trí đẹp mắt với hoa, nến sáng, lư hương và di ảnh tượng Cha Diệp với 2 câu đối rất có ý nghĩa: “Sông cho tha nhân - Chết vì tín hữu”.
Mọi người vừa trò chuyện vừa thưởng thức những món ăn do Hội và nhiều ân nhân tự nguyện đóng góp.
Sau cùng là phần cắt bánh mừng lễ giỗ để mọi người cùng thưởng thức. Chiếc bánh trang trí đẹp mắt với hàng chữ Lễ Giỗ Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp năm thứ 78 để đánh dấu một ngày đặc biệt mang nhiều ý nghĩa đối với những người con thương kính Cha Diệp.
Chương trình lễ giỗ năm thứ 78 Cha Trương Bửu Diệp đã diễn ra thật vui tươi và trang nghiêm trong tinh thần con cái hướng về Cha và hiệp thông cầu nguyện, mong ngày Cha được tôn vinh hàng ngũ các Thánh trên Thiên Quốc.
Xin được gửi lời cảm ơn sâu sắc đến Hội AMCTBD Nam Úc và quý ân nhân đã tổ chức một ngày lễ giỗ thật chu đáo và thành công tốt đẹp.
BTV Văn Khánh ghi nhanh
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Đức Hồng Y Quốc vụ khanh minh định lập trường Tòa Thánh về Ukraine
Tuyên bố của Giáo Hội Công Giáo Ukraine nghi lễ Đông phương về cuộc phỏng vấn cờ trắng của Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhật ký trừ tà số 270: Quỷ cám dỗ và khiêu khích
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
[Lan Vy]
1. Đức Hồng Y Quốc vụ khanh minh định lập trường Tòa Thánh về Ukraine
Đức Hồng Y Pietro Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh, đã minh định lập trường của Đức Thánh Cha Phanxicô về chiến tranh Ukraine và Nga, và kêu gọi giải quyết bằng đường lối ngoại giao.
Trong những ngày vừa qua, có nhiều phản ứng tiêu cực từ phía chính phủ Ukraine và một số nhân vật khác, cả Hội đồng Giám mục Đức, về cuộc phỏng vấn Đức Thánh Cha dành cho đài truyền hình Thụy Sĩ-Ý. Họ cho rằng ngài kêu gọi Ukraine đầu hàng, “giương cờ trắng”, chỉ nói về một phía, mặc dù có lời giải thích ngay của Phát ngôn viên Tòa Thánh, ông Matteo Bruni về vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn dành cho báo “Người Đưa Tin Chiều”, Corriere della sera, ra ngày 12 tháng Ba vừa qua ở Ý, Đức Hồng Y Parolin nói rằng: “Lời kêu gọi của Đức Thánh Cha [trong cuộc phỏng vấn] là hãy tạo điều kiện để có một giải pháp ngoại giao cho cuộc tìm kiếm một nền hòa bình công chính và lâu bền”. Theo nghĩa đó, hiển nhiên là việc kiến tạo những điều kiện như thế không phải chỉ từ một phía, nhưng là cả hai, và điều kiện đầu tiên, theo tôi nghĩ, là chấm dứt sự gây hấn, xâm lăng. Không bao giờ được quên bối cảnh, và trong trường hợp này, bối cảnh là câu hỏi được đưa ra với Đức Thánh Cha, và khi trả lời, ngài đã nói về cuộc thương thuyết, đặc biệt là can đảm thương thuyết, chứ không bao giờ là một sự đầu hàng. Tòa Thánh theo đường hướng này và tiếp tục kêu gọi “ngưng chiến”, và việc ngưng chiến trước tiên phải là những người gây hấn, rồi tiếp đó là mở cuộc thương thảo. Đức Thánh Cha giải thích rằng thương thuyết không phải là yếu đuối, nhưng là sức mạnh. Không phải là đầu hàng, nhưng là can đảm. Và ngài nói với chúng ta rằng chúng ta phải coi trọng hơn sinh mạng con người, đối với hàng trăm ngàn người đã bị hy sinh trong cuộc chiến giữa lòng Âu châu này. Đó là những lời có giá trị đối với Ukraine cũng như cho Thánh địa, và các cuộc xung đột khác đang làm thế giới đẫm máu”.
Trong cuộc phỏng vấn, Đức Hồng Y Parolin cũng bày tỏ “lo âu của Tòa Thánh về nguy cơ lan rộng chiến tranh, nâng cao mức độ xung đột, làm bùng lên những cuộc đụng độ võ trang mới, chạy đua vũ trang, đó là những dấu hiệu bi thảm và đáng lo âu, theo nghĩa đó. Lan rộng chiến tranh có nghĩa là có thêm những đau khổ mới, tang tóc mới, tàn phá mới, thêm vào những điều mà nhân dân Ukraine, nhất là các trẻ em, phụ nữ, người già, và các thường dân, đang phải chịu, trả giá quá đắt đỏ cho cuộc chiến bất công này”.
Về chiến tranh giữa Israel và Hamas, Đức Hồng Y Quốc vụ khanh cho biết ngài đặc biệt lo âu vì sự oán ghét đang bành trướng. “Bao giờ người ta mới có thể chữa lành những vết thương sâu rộng như vậy?” Sau cùng, ngài nói đến nguy cơ chết chóc vì “hạt nhân” không phải là không có. “Chỉ cần xem một số đại diện chính quyền thường xuyên đưa ra những lời đe dọa dùng vũ khí hạt nhân. Tôi chỉ có thể hy vọng rằng đó chỉ là một thứ tuyên truyền chiến lược chứ không phải là một lời cảnh giác về một điều thực sự có thể. Về sự lo sợ sâu đậm của Tòa Thánh, tôi tin rằng lo sợ này là nhiều tác nhân gây ra tình trạng thê thảm này đi tới độ ngày càng khép kín trong những lợi lộc riêng tư và không làm điều họ có thể để đi tới một nền hòa bình công chính và vững bền”.
Những hiểu lầm lời Đức Thánh Cha
Trong số những người hiểu lầm về những lời tuyên bố của Đức Thánh Cha trong cuộc phỏng vấn, đứng đầu là chính phủ Ukraine. Ngoại trưởng nước này đã triệu Đức Tổng Giám Mục Visvaldas Kulbokas, người Lituani, Sứ thần Tòa Thánh tại thủ đô Kyiv đến và nêu các vấn nạn trên đây, đặc biệt là thành ngữ “giương cờ trắng”. Đức Sứ thần giải thích rằng “Cụm từ ‘giương cờ trắng’ là ở trong câu hỏi của ký giả Thụy Sĩ, trong câu trả lời, Đức Thánh Cha nhắc lại thành ngữ đó là để nói rằng “Thương thuyết không bao giờ là đầu hàng”. Giả sử ký giả hỏi Đức Giáo Hoàng về Nga, câu trả lời của ngài có thể sẽ là: “Anh không được giết hại, và không được gửi binh sĩ, bắn các hỏa tiễn và máy bay không người lái đến tấn công Ukraine!”
Đức Sứ thần Tòa Thánh nhắc lại rằng vấn đề thương thuyết mà Đức Giáo Hoàng nói đến cũng đã được thảo luận trong giới chính trị và xã hội ở Ukraine. “Tại nước này, dân chúng đặt câu hỏi đâu là một con đường khác thay vì phải hy sinh lớn hơn. Từ lịch sử của mình, người Ukraine biết rằng sự tùng phục [Nga] như vậy phải trả giá đắt đỏ thế nào. Điều này bao gồm đau khổ bản thân, nhưng cả thảm hại tập thể Holodomor, toàn dân Ukraine chịu cảnh chết đói do Stalin gây ra. Chính vì thế, dân Ukraine đang tự hỏi: “Phải chăng sẽ có thêm nhiều người chết nếu chúng ta tiếp tục chống lại kẻ xâm lăng, hay là có nhiều người chết hơn nếu chúng ta đạt tới một thỏa hiệp? Và nếu chọn giải pháp thứ hai này, thì chọn thỏa hiệp thế nào? Đó không thể là một sự tùng phục”.
Đức Tổng Giám Mục Kulbokas nói thêm rằng sứ mạng của Tòa Thánh là mời gọi đối thoại. “Chúng tôi mời gọi cởi mở và đối thoại giữa các dân nước và Đức Giáo Hoàng muốn nhấn mạnh khía cạnh này. Đối thoại là con đường vượt thắng cả những chướng ngại lớn nhất”.
BRK4LV-News15Mar2024
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Đức Hồng Y O’Malley bị “sốc” vì nhiều linh mục không muốn trở thành giám mục
Linh mục Raymond J. de Souza: Người Ukraine – đặc biệt là người Công Giáo Ukraine – lo lắng và tức giận đối với Đức Thánh Cha Phanxicô
Nhật Ký Trừ Tà số 265: Phá vỡ hợp đồng với Satan
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
[Lan Vy]
1. Đức Hồng Y O’Malley bị “sốc” vì nhiều linh mục không muốn trở thành giám mục
Đức Hồng Y Sean O’Malley, Tổng giám mục Giáo phận Boston, Hoa Kỳ, thành viên Hội đồng chín Hồng Y cố vấn của Tòa Thánh, tuyên bố rằng thật là điều gây “sốc” vì có những linh mục không muốn làm giám mục: 40% những người được chọn đã từ chối việc bổ nhiệm. “Tôi nghĩ họ sợ trách nhiệm do nạn lạm dụng”.
Đức Hồng Y O’Malley thuộc Dòng Capuchino và cũng là Chủ tịch Ủy ban Tòa Thánh bảo vệ trẻ em và những người dễ bị tổn thương. Ngài bày tỏ lập trường trên đây, trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài Vatican, truyền đi hôm mùng 09 tháng Ba vừa qua. Đức Hồng Y nói: “Giả sử thế hệ của tôi được huấn luyện kỹ về việc bảo vệ trẻ em, thì tôi nghĩ lịch sử gần đây của Giáo hội sẽ hoàn toàn khác hẳn. Tôi xác tín rằng nhiều giám mục mới thụ phong trong mười năm qua có cảm thức rất lớn về sự nghiêm chỉnh và trách nhiệm làm người cha, không phải chỉ đối với các linh mục thuộc quyền, nhưng cả với các nạn nhân và với mọi người, và họ thấy việc bảo vệ là một ưu tiên”.
Theo Đức Hồng Y, sự minh bạch là một vấn đề, ví dụ nên loan báo sự từ chức của các giám mục, khi họ trong thực tế bị cách chức. Sự minh bạch thật là quan trọng, và sự tín nhiệm không thể tái lập trừ khi chúng ta có sự minh bạch trên mọi cấp độ trong Giáo hội... Một số người tin rằng điều này đi ra khỏi sự mạng loan báo Tin mừng của chúng ta, nhưng tôi luôn luôn nói, chúng ta không thể thành công trong sứ mạng loan báo Tin mừng nếu chúng ta không được sự tín nhiệm của dân, nếu chúng ta không chứng tỏ cho họ rằng họ quan trọng đối với chúng ta và an ninh con cái của họ là điều ưu tiên đối với chúng ta”.
BRK4LV-News16Mar2024
[Lan Vy]
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Lược thuật các tin chính trong ngày hôm nay của chúng tôi.
Ba nữ tu bị bắt cóc tại Haiti được trả tự do
Các giám mục Hoa Kỳ kêu gọi tiếp tục dấn thân chống phá thai
Phil Lawler: Khi Đức Thánh Cha Phanxicô ứng khẩu
Sau đây là phần tin chi tiết cùng các tin khác.
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em giúp phổ biến rộng rãi chương trình này đến với gia đình, thân quyến và bạn bè xa gần như một cách thức để truyền giáo.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
[Lan Vy]
1. Ba nữ tu bị bắt cóc tại Haiti được trả tự do
Ba nữ tu thuộc Dòng thánh Giuse de Cluny, ở Haiti đã được trả tự do hôm mùng 10 tháng Ba vừa qua, sau năm ngày bị bắt cóc từ cô nhi viện La Madeleine ở Croix-des-Bouquets.
Ngoài ra, báo chí địa phương cho biết cùng ngày 10 tháng Ba, bốn trong số sáu thầy thuộc Dòng các Tu huynh Thánh Tâm đã được trả tự do, nhưng cảnh sát quốc gia Haiti không chắc chắn về tin này. Sáu thầy bị bắt ngày 23 tháng Hai vừa rồi, trong khi đi tới cứ điểm truyền giáo là trường thánh Gioan XXIII ở khu Bicentenaire thuộc thủ đô Port-au-Prince.
Trước đó, ngày 18 tháng Hai, Đức Cha Pierre André Dumas, Giám mục Giáo phận Anse-à-Veau Miragoâne, đã bị thương nặng trong một vụ nổ ở Port-au-Prince. Không có nhóm nào tự nhận là tác giả vụ tấn công Đức Cha. Ngài cũng là Phó Chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti và cảnh sát quốc gia không tìm ra thủ phạm. Hiện nay, Đức Cha Dumas đang được điều trị tại Florida bên Mỹ và đang trên đường bình phục.
Hồi tháng Giêng năm nay, Đức Cha đã tình nguyện làm con tin thay cho sáu nữ tu Dòng thánh Anna, bị bắt cóc cũng ở thủ đô Port-au-Prince. Trong vụ này, Đức Thánh Cha đã kêu gọi trả tự do cho các chị.
Đức Cha Phó chủ tịch Hội đồng Giám mục Haiti luôn phê bình và góp phần bài trừ các băng đảng bất lương hoạt động tại nước này, nhất là ngài chống lại nạn bắt cóc người. Đức Cha gọi đây là một tệ đoan vô nhân đạo và đáng kinh tởm. Ngài cũng tỏ ra nghiêm khắc đối với các giới chính trị tại Haiti và không ngừng kêu gọi họ hãy từ bỏ chủ nghĩa cá nhân để vượt thắng cuộc khủng hoảng về kinh tế, chính trị, và xã hội đang đảo lộn đất nước này.
Mới đây, Đức Cha Dumas đã kêu gọi chuyển giao quyền bính một cách ôn hòa, và nói rằng “xã hội bị tê liệt vì sợ hãi và điều này là một biểu tượng thất bại”.
Trong buổi đọc kinh Truyền tin, trưa ngày 10 tháng Ba vừa qua, Đức Thánh Cha đã kêu gọi cầu nguyện cho dân Haiti và nói rằng: “Tội lo âu và đau buồn theo dõi cuộc khủng hoảng trầm trọng đang đè trên Haiti và những vụ bạo động xảy ra trong những ngày gần đây. Tôi gần gũi với Giáo hội và nhân dân Haiti yêu quý, từ nhiều năm nay bị thử thách vì nhiều đau khổ. Tôi mời gọi anh chị em cầu nguyện, nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, để mọi thứ bạo lực được chấm dứt và tất cả mọi người góp phần làm tăng trưởng hòa bình và hòa giải tại nước này, với sự tái hỗ trợ của cộng đồng quốc tế”.
BRK4LV-NewsUK14Mar2024
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
1. Ukraine phá hủy thiết bị gây nhiễu radar công nghệ cao mới của Nga bằng HIMARS do Mỹ sản xuất
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Destroys Russia's New High-Tech Radar Jammer With US-Made HIMARS”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Lực lượng vũ trang Ukraine đã đánh bại hệ thống tác chiến điện tử của Nga dọc mặt trận Zaporizhzhia với sự trợ giúp của Hệ thống hỏa tiễn pháo binh cơ động cao, gọi tắt là HIMARS, do Mỹ cung cấp.
Lực lượng tác chiến đặc biệt của Kyiv đã đăng đoạn phim lên kênh Telegram của mình hôm thứ Tư về những người điều khiển máy bay không người lái ở Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân của Ukraine phá hủy hệ thống phòng thủ điện tử Palantin của Nga. Theo bài đăng, thiết bị của Mạc Tư Khoa đang tiến hành “trinh sát điện tử” trong khu vực và việc phá hủy hệ thống này sẽ giúp ngăn chặn liên lạc quân sự của Nga trong khu vực.
Video về việc thiết bị Palantin bị phá hủy cũng được hãng tin Pravda của Ukraine chia sẻ lên X. Đoạn clip ghi lại khoảnh khắc hỏa tiễn HIMARS tấn công mục tiêu và dường như phát nổ thành ngọn lửa.
Đại úy Dmytro Lykhovyi, phát ngôn nhân của Nhóm Lực lượng Tavriisk của Ukraine, cũng nói với các cơ quan truyền thông địa phương hôm thứ Tư rằng lực lượng Ukraine đã phá hủy một hệ thống Palantin và một hệ thống tác chiến điện tử Layer ở vùng Zaporizhzhia vào cuối tuần qua.
Theo đánh giá mới nhất của Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, giao tranh vẫn tiếp tục diễn ra dọc theo mặt trận phía tây Zaporizhzhia vào thứ Hai. Một số nguồn tin của Nga cho rằng quân đội Mạc Tư Khoa đã có những tiến bộ giữa các thành phố Robotyne và Verbove, mặc dù ISW không quan sát thấy bất kỳ bằng chứng trực quan nào cho những tuyên bố đó.
Mạc Tư Khoa đã đạt được những bước tiến nhỏ gần biên giới vùng Donetsk và Zaporizhzhia vào cuối tuần qua, theo đoạn phim định vị địa lý được ISW xem xét. Lực lượng vũ trang Ukraine cho biết trong bản cập nhật hàng ngày trên Facebook hôm thứ Hai rằng Nga đã tiến hành 5 cuộc tấn công nhằm vào quân phòng thủ Ukraine gần các thành phố Robotyne, Staromaiors'ke và phía tây bắc Verbove.
ISW đưa tin hôm thứ Hai, Nga cũng đã có những bước tiến được xác nhận dọc theo mặt trận Luhansk ở miền đông Ukraine, bao gồm cả gần các làng Kupyansk, Svatov và Kreminna. Ukraine vẫn nắm quyền kiểm soát Terny trong khu vực và đẩy lùi một số cuộc tấn công của Mạc Tư Khoa vào các vị trí của họ trong thành phố trong cùng ngày.
Ukraine đang nỗ lực thiết lập các vị trí phòng thủ kiên cố mới sau khi Nga nắm quyền kiểm soát thị trấn phía đông Avdiivka vào tháng trước. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết như trên hôm thứ Hai rằng lực lượng của Kyiv đang trên đà xây dựng hơn 1.200 dặm công sự trên ba tuyến phòng thủ. Một số cơ quan truyền thông đưa tin rằng quân đội Nga đã giảm tốc độ sau thành công của Avdiivka do các vị trí phòng thủ của Ukraine.
Lykhovyi nói với truyền thông Ukraine hôm thứ Hai rằng Nga đã đặt mục tiêu tiếp theo là chiếm làng Novomykhailivka, khi Mạc Tư Khoa tiếp tục tiến quân về phía Tây.
2. Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gặp tổng thống và thủ tướng Ba Lan để thể hiện tình đoàn kết với Ukraine trong cuộc chiến chống quân xâm lược Nga và thảo luận cách tăng tài trợ cho NATO trước mối đe dọa đang diễn ra từ Mạc Tư Khoa.
Cuộc gặp tại Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Biden với Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda và Thủ tướng Donald Tusk diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Biden đang thực hiện chiến dịch nhằm vượt qua những thành viên Quốc Hội đang trì hoãn 95 tỷ Mỹ Kim cho vũ khí Ukraine và viện trợ cho Israel.
Lưu ý rằng ba nhà lãnh đạo sẽ phối hợp trước hội nghị thượng đỉnh NATO hàng năm, được tổ chức từ ngày 9 đến ngày 11 tháng 7 tại Washington, Tòa Bạch Ốc cho biết:
Các nhà lãnh đạo đã tái khẳng định sự ủng hộ vững chắc của họ đối với việc bảo vệ Ukraine trước cuộc chiến tranh xâm chiếm tàn bạo của Nga.
Một quan chức Tòa Bạch Ốc cho biết ba nhà lãnh đạo đã kỷ niệm 25 năm Ba Lan gia nhập NATO và sẽ thảo luận về việc “làm sâu sắc thêm mối quan hệ quốc phòng của chúng ta vốn đã trở nên thân thiết hơn trong hai năm qua kể từ khi Nga xâm chiếm Ukraine”.
Duda tạo tiền đề cho cuộc đàm phán bằng cách viết một bài báo cho tờ Washington Post kêu gọi mỗi đồng minh NATO tăng chi tiêu quốc phòng từ 2% lên 3% GDP vì Putin đã chuyển nền kinh tế Nga sang chế độ chiến tranh và đang phân bổ 30 % ngân sách hàng năm để tự trang bị vũ khí.
Ông đã viết:
Việc quay trở lại hiện trạng trước đó là không thể. Tham vọng đế quốc và chủ nghĩa xét lại hung hãn của Nga đang đẩy Mạc Tư Khoa tới một cuộc đối đầu trực tiếp với NATO, với phương Tây và cuối cùng là với toàn bộ thế giới tự do.
BRK4LV-NewsUKEve14Mar2024
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
VietCatholic xin kính chào quý vị và anh chị em trong tình yêu thương của Chúa Kitô và Mẹ Maria.
Lan Vy cám ơn quý vị và anh chị em theo dõi chương trình này. Sau đây là các tin liên quan đến tình hình tại Ukraine
Chương trình của chúng tôi đến đây là hết.
Xin quý vị và anh chị em thêm lời cầu nguyện cho anh chị em Ukraine đang trải qua những giờ khắc thử thách và khó khăn. Và xin cầu nguyện cho linh hồn những người của cả hai bên đã thiệt mạng trong cuộc chiến.
Xin cám ơn và hẹn gặp lại quý vị và anh chị em trong lần phát hình tới.
Laudetur Iesus Christus
Ngợi khen Chúa Giêsu Kitô
3. Những người đào thoát Putin thề sẽ 'giải phóng nước Nga' khi xe tăng lăn bánh từ Ukraine
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Putin Defectors Vow To 'Liberate Russia' As Tanks Roll in From Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Lan Vy.
Các đơn vị quân đội do người Nga thành lập đã tấn công lãnh thổ bên trong nước Nga, ba ngày trước khi các cuộc bỏ phiếu bắt đầu trong cuộc bầu cử dự kiến sẽ chứng kiến Vladimir Putin giữ quyền lực.
Các nguồn tin Ukraine và Nga cho biết các nhóm vũ trang có thể đã tiến vào khu vực Belgorod và Kursk của Nga bằng xe thiết giáp được hỗ trợ bởi hỏa lực súng cối và pháo binh, theo kênh War Gonzo Telegram.
Kênh này dẫn nguồn tin an ninh Nga cho biết, đơn vị có khoảng 50 người, sau khi pháo kích từ phía Nga, họ rút lui về vị trí ban đầu.
Các nhóm dân quân Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn tình nguyện Nga, cả hai đều ủng hộ Kyiv chống lại sự xâm lược của Mạc Tư Khoa, hôm thứ Ba cho biết họ đang “tấn công”. Trong một tuyên bố bằng video, một thành viên giấu tên của Quân đoàn Tự do Nga cho biết: “Chúng tôi không đến để giết, xóa bỏ hay trừng phạt… chúng tôi đến để giải phóng các bạn khỏi nghèo đói”.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Quốc phòng Nga để bình luận.
Cả hai nhóm đều công bố video lên Telegram cho thấy các chiến binh của họ cùng với các phương tiện vũ trang tiến vào các thị trấn ở ít nhất một trong các khu vực biên giới, trong một video có tiếng súng vang lên. Không rõ video được quay ở đâu và khi nào.
Quân đoàn Tự do Nga cho biết trên Telegram rằng lực lượng của họ đã “phá hủy” một xe quân sự bọc thép của Nga tại làng Tyotkino ở vùng Kursk.
Được đăng trên kênh mạng xã hội của mình là cảnh quay ở ghế lái được quay trong bóng tối của một chiếc xe vũ trang đang di chuyển. Bài viết viết: “Xe tăng không sợ bùn”. “Vượt qua Rubicon, vượt qua biên giới.”
Thống đốc khu vực Kursk, Roman Starovoit, cho biết trong một tin nhắn video trên Telegram, cuộc tấn công nhằm vào thị trấn Tetkino, nằm cạnh biên giới Nga với Ukraine. Ông nói: “Một nhóm phá hoại và trinh sát đã cố gắng đột phá. Có đấu súng nhưng không có đột phá.”
Các nhà chức trách ở vùng Belgorod chưa xác nhận bất kỳ cuộc xâm nhập nào qua biên giới khi báo cáo một loạt các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái qua đêm của Ukraine trên khắp khu vực.
Cơ quan An ninh Liên bang Nga phủ nhận thông tin các nhóm dân quân có vũ trang đã tìm cách xâm nhập vào khu vực Kursk và Belgorod, nói rằng họ đã “ngăn chặn một số nỗ lực xâm phạm biên giới quốc gia” kể từ Chúa Nhật, hãng thông tấn nhà nước TASS đưa tin.
Andriy Yusov, phát ngôn viên của cơ quan tình báo quân sự Ukraine GUR, nói với truyền thông Ukraine rằng các nhóm tình nguyện viên Nga không hành động theo lệnh của Kyiv và rằng “trên lãnh thổ Liên bang Nga, họ hành động hoàn toàn tự chủ và theo đuổi các mục tiêu xã hội và các nhiệm vụ phù hợp với chương trình nghị sự chính trị của mình.”
Mùa hè năm ngoái, các cuộc tấn công xuyên biên giới của các chiến binh vũ trang thân Ukraine đã được báo cáo, vụ nguy hiểm nhất xảy ra tại thị trấn Shebekino thuộc vùng Belgorod vào tháng 6.
1. Thiếu tá phi công Ukraine thiệt mạng khi đang tác chiến ở vùng tác chiến phía đông
Thiếu tá Andriy Tkachenko, một phi công chiến đấu người Ukraine, đã thiệt mạng trong một cuộc xuất kích chiến đấu trên khu vực Donetsk.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Hai, 11 Tháng Ba, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat, cho biết “Thiếu tá Andriy Tkachenko anh dũng hy sinh trên bầu trời khu vực Donetsk vào ngày 8 tháng 3 năm 2024 khi đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu”.
Trong một thông báo khác Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân Ukraine bày tỏ lòng tri ân anh hùng Andriy Tkachenko vì đã liều mình lao xuống bắn cháy 4 chiếc xe tăng Nga đang tấn công Lữ Đoàn tại Berdychi. Anh bị phòng không của Nga bắn trúng khi đang lao xuống tiêu diệt chiếc xe tăng thứ năm. Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân đã tìm được xác người anh hùng ở địa điểm máy bay bị rơi.
Andriy sinh ra ở Sambir, vùng Lviv, vào ngày 10 tháng 12 năm 1990. Năm 2002, anh gia nhập Plast, tổ chức trinh sát Ukraine.
Tkachenko sau đó tốt nghiệp Đại học Không quân Quốc gia Kharkiv Ivan Kozhedub vào năm 2012.
“Anh phục vụ ở Ivano-Frankivsk và sau đó ở Kharkiv, trước khi trở lại Ivano-Frankivsk một lần nữa. Kể từ khi chiến tranh bắt đầu vào năm 2014, anh đã thực hiện các phi vụ chiến đấu trong khuôn khổ Chiến dịch chống khủng bố và Chiến dịch của lực lượng chung.”
Đại Tá Yurii Ihnat cho biết thêm, sau cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine, phi công chiến đấu đã hoạt động ở các khu vực hoạt động phía đông và phía nam.
Người anh hùng bỏ lại vợ và đứa con trai sáu tuổi. Lễ tang sẽ được tổ chức tại Ivano-Frankivsk, nơi Andriy Tkachenko đã sống cùng gia đình.
2. Quan chức Nga cho rằng NATO đang diễn tập để xung đột với Mạc Tư Khoa
Tờ Newsweek cho biết như trên bài tường trình nhan đề “NATO Is Rehearsing for Conflict With Moscow: Russian Official”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Theo Thư ký Hội đồng An ninh Nga Nikolai Patrushev, một cuộc chiến sắp tới của NATO với Nga hiện đang được liên minh chiến lược này “tập luyện”.
Một đồng minh thân cận của Putin, Patrushev, người được coi là người kế nhiệm tiềm năng, tuyên bố hôm Chúa Nhật rằng cuộc tập trận quân sự “Người bảo vệ kiên định 2024” của NATO cho thấy liên minh này đã trở nên “ngày càng hung hãn” và đang chuẩn bị cho một “cuộc đối đầu vũ trang với Mạc Tư Khoa, theo hãng truyền thông nhà nước Nga Russia Today, gọi tắt là RT.
Các cuộc tập trận đang diễn ra của NATO dự kiến sẽ tiếp tục đến tháng 5 và sử dụng hơn 90.000 quân từ tất cả 32 quốc gia thành viên của liên minh, bao gồm cả Thụy Điển, quốc gia đã chính thức trở thành thành viên vào hôm thứ Năm 7 Tháng Ba, vừa qua. Các cuộc tập trận đang được tổ chức tại các địa điểm bao gồm các quốc gia có chung đường biên giới với Nga, như Ba Lan và các quốc gia vùng Baltic.
Trong khi NATO nói rằng các cuộc tập trận quân sự đang mô phỏng phản ứng trước một mối đe dọa giả định duy nhất, thì Nga và một số đồng minh lại tuyên bố ngược lại. Patrushev hôm Chúa Nhật cho biết NATO, tổ chức mà ông gọi là “công cụ quan trọng” cho quyền bá chủ của Mỹ, đang sử dụng cuộc tập trận để mô phỏng một “kịch bản” chiến tranh đã được lên kế hoạch với Nga.
Patrushev nói: “Một cuộc đối đầu vũ trang với Nga đang được diễn ra và chắc chắn sẽ làm gia tăng căng thẳng và gây bất ổn cho tình hình thế giới”. “Vai trò hủy diệt của Mỹ trong lịch sử hiện đại là rõ ràng… nó đã gây ra rất nhiều cuộc chiến tranh và xung đột quân sự.”
Maria Zakharova, phát ngôn nhân của Bộ Ngoại giao Nga, đã tố cáo cuộc tập trận này là “có tính chất khiêu khích” và nói rằng chúng “cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả bi thảm cho Âu Châu” ngay sau khi chiến dịch được triển khai vào Tháng Giêng.
Căng thẳng giữa Mạc Tư Khoa và NATO đã leo thang mạnh mẽ trong những tháng gần đây, cũng như lo ngại về cuộc chiến giữa Nga và Ukraine ngày càng phát triển thành một cuộc chiến tranh thế giới do có sự tham gia trực tiếp của liên minh này.
Những lo ngại về việc mở rộng NATO được Putin viện dẫn là một trong những nguyên nhân dẫn đến cuộc xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nhưng Liên minh này chỉ phát triển trong thời kỳ chiến tranh, với sự gia nhập của Phần Lan vào năm ngoái và Thụy Điển vào hôm thứ Năm.
Bất chấp điều đó, Putin vẫn khẳng định rằng ông “không có lý do” và “không có lợi ích địa chính trị” để bắt đầu một cuộc xung đột với NATO, mặc dù một số đồng minh của ông trên các phương tiện truyền thông nhà nước và các quan chức trong chính phủ của ông cho rằng một cuộc chiến với NATO thế nào cũng xảy ra.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã cảnh báo trong phiên điều trần tại Hạ viện vào cuối tháng 2 rằng ông Putin sẽ “không dừng lại” với Ukraine nếu Nga giành được ưu thế trước Kyiv, đồng thời dự đoán rằng một cuộc chiến tranh Nga-NATO sẽ xảy ra sau đó.
“Chúng tôi biết rằng nếu Putin thành công ở đây, ông ấy sẽ không dừng lại”, Austin nói. “Ông ấy sẽ tiếp tục có những hành động quyết liệt hơn trong khu vực… Thành thật mà nói, nếu Ukraine thất thủ, tôi thực sự tin rằng NATO sẽ có chiến tranh với Nga”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đáp lại nhận xét của Austin bằng cách tuyên bố rằng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã phạm phải một “sơ suất theo kiểu Freud” khiến vô tình tiết lộ “kế hoạch” của Mỹ để NATO tấn công Nga.
3. Tổng kho dầu ở khu vực Kursk của Nga nổ tung
Thống đốc khu vực cho biết hỏa hoạn bùng phát tại kho dầu ở tỉnh Kursk sau khi máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ
Theo báo cáo của Kyiv Independent, một đám cháy đã bùng phát tại một kho dầu ở vùng Kursk của Nga sau khi một máy bay không người lái của Ukraine bị bắn hạ trên lãnh thổ của nó, Roman Starovoyt, thống đốc khu vực, cho biết trong tuyên bố hôm thứ Hai, 11 tháng 3.
Starovoyt không đưa ra bất kỳ thông tin nào liên quan đến thương vong hoặc thiệt hại đối với kho dầu.
“Phòng không đang hoạt động ở Kursk. Một máy bay không người lái của Ukraine rơi và bốc cháy trong khuôn viên một kho dầu. Đội cứu hỏa và các dịch vụ khẩn cấp đang làm việc tại hiện trường vụ việc”, Starovoit cho biết trong thông báo chính thức của mình lúc 7:22 sáng giờ địa phương hôm Thứ Hai.
Trang web đưa tin kênh Telegram SHOT của Nga cho biết một chiếc xe tăng nặng 3.000 tấn đã bị hư hại tại kho dầu ở Kursk và một “ngọn lửa lớn” cũng bùng phát tại một đường ống dẫn dầu ở làng Lykhma ở Khu tự trị Khanty-Mansi của Nga. Theo người dân địa phương, đám cháy “có thể nhìn thấy cách hiện trường vài km”.
4. Liên Hiệp Âu Châu đang chống lại hoạt động tuyên truyền chống Ukraine trước cuộc bầu cử nghị viện Âu Châu vào tháng 6.
Các chuyên gia cảnh báo rằng những người ủng hộ Nga đang tràn ngập mạng xã hội với những tuyên bố sai sự thật về cuộc chiến ở Ukraine nhằm tăng cường sự ủng hộ cho các đảng cực hữu và dân tộc chủ nghĩa, AFP đưa tin.
Các tài khoản thân Nga đã tung ra các bài đăng trên Facebook, X và TikTok mô tả người tị nạn Ukraine là tội phạm bạo lực hoặc cho rằng các quan chức chính phủ Kyiv bòn rút viện trợ tài chính do phương Tây gửi đến để mua du thuyền và biệt thự sang trọng cho chính họ. Ở những quốc gia gần xung đột nhất là người tị nạn nhận được phúc lợi nhà nước cao hơn người dân địa phương.
Mục đích của việc tuyên truyền như vậy là làm suy yếu quyết tâm của Liên Hiệp Âu Châu và mang lại lợi ích cho các đảng chống nhập cư ở Đức, Pháp Hà Lan.
Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu cho rằng những thông tin sai lệch như vậy “chắc chắn sẽ đóng một vai trò nào đó” trong cuộc bỏ phiếu kéo dài từ ngày 6 đến 9 tháng 6, khi hơn 400 triệu người Âu Châu chọn một quốc hội mới có nhiệm kỳ 5 năm.
Ông nói: “Khi bạn phóng đại nguy cơ người nhập cư Ukraine, bạn đang cổ vũ cho các đảng chống nhập cư.
5. Đầu tiên, Ukraine bắn hạ hai máy bay radar A-50 của Nga. Sau đó, Nga chuẩn bị A-50 thay thế. Vì vậy, Ukraine tấn công vào nhà máy của mình.
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “First, Ukraine Shoots Down Two of Russia’s A-50 Radar Planes. Then Russia Prepares A Replacement A-50. So Ukraine Targets Its Factory”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Chắc chắn những người lập kế hoạch tấn công Nga ở Kyiv đang cười vui vẻ.
Nga tham chiến ở Ukraine vào tháng 2 năm 2022 với không quá 9 máy bay radar Beriev A-50U/M có thể bay được, giúp mở rộng phạm vi phủ sóng của cảm biến trên tiền tuyến.
Những chiếc A-50 bốn động cơ và 10 hoặc 15 sĩ quan giàu kinh nghiệm điều khiển mỗi chiếc là những tài sản quan trọng và khó thay thế. Đó là lý do tại sao người Ukraine đã dành những nguồn lực khan hiếm để tìm kiếm và tấn công những chiếc máy bay trị giá 350 triệu Mỹ Kim.
Một máy bay không người lái của Ukraine đã làm hỏng một chiếc A-50 trên mặt đất ở Belarus vào năm ngoái. Vào ngày 14 Tháng Giêng, một hỏa tiễn tầm xa của Ukraine đã bắn hạ một chiếc A-50 trên Biển Azov ở miền nam Ukraine. Sáu tuần sau, vào ngày 23 tháng 2, một hỏa tiễn khác của Ukraine đã làm nổ tung chiếc A-50 thứ ba trong cùng khu vực.
Lực lượng không quân Nga nhanh chóng hạ cánh những chiếc A-50 còn sót lại và hối hả thay thế hai hoặc ba chiếc máy bay bị mất. Điều đó có nghĩa là phải phá ít nhất một chiếc A-50 cũ hơn và có thể không còn bay được—trong số vài chục chiếc Beriev được chế tạo vào những năm 1980— để lấy phụ tùng. Người Nga làm điều đó ở thành phố Taganrog của Nga, trên bờ Biển Azov chỉ cách tiền tuyến 80 dặm.
Vì vậy, tất nhiên người Ukraine đã nhanh chóng đánh bom nhà máy Taganrog. Rõ ràng là họ quyết tâm tiêu diệt các A-50 đang ì ạch trước khi người Nga có thể phục hồi chúng. Có vẻ như máy bay thay thế thế hệ tiếp theo cho A-50 là A-100 đã bị thử nghiệm trong nhiều năm và có thể không bao giờ trở thành máy bay tiền tuyến.
Không rõ chính xác điều gì đã xảy ra ở Taganrog và ý nghĩa của nó là gì. Chúng tôi biết người Ukraine đã tấn công vào Tổ hợp Khoa học và Kỹ thuật Hàng không vào cuối ngày thứ Bảy. Chúng ta có thể phỏng đoán, từ các báo cáo của Nga, rằng phần lớn đó là một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái do biệt kích Ukraine điều khiển.
Nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine đã xem xét kỹ lưỡng hình ảnh vệ tinh để hiểu được sự hỗn loạn. Nhóm tập trung vào một tòa nhà tại khu phức hợp Beriev được xác định là cơ sở lắp ráp cuối cùng cho những chiếc A-50 được tân trang lại và các chiến đấu cơ lớn khác.
Gần đây nhất là vào ngày 29 tháng 2, một chiếc A-50 đã đậu bên ngoài nhà kho lắp ráp cuối cùng. Có lẽ chính chiếc A-50 được sơn lại mà truyền thông Nga gần đây đã đưa tin là bằng chứng cho thấy lực lượng không quân Nga, bất chấp việc bị bắn rơi, vẫn có rất nhiều máy bay radar.
Chiếc A-50 tương tự đó không xuất hiện trong hình ảnh sau cuộc tấn công. Điều đó có thể chỉ ra rằng chiếc máy bay đang ở bên trong nhà kho lắp ráp khi máy bay không người lái chở đầy chất nổ của Ukraine lao vào, gây ra thiệt hại rõ ràng trên mái nhà kho.
Frontelligence giải thích: “Nếu máy bay không người lái xâm nhập được mái nhà, trọng tải của máy bay không người lái sẽ đủ để gây hư hỏng cho thiết bị và máy bay bên trong nhà chứa máy bay”.
Nói tóm lại, chúng ta có thể giả định rằng người Ukraine ít nhất đã tiến rất gần đến việc làm hư hại hoặc phá hủy chiếc A-50 thứ tư của họ trong hai năm — và chiếc thứ ba trong vòng chưa đầy hai tháng. Và ngay cả khi máy bay không người lái bắn trượt, chúng vẫn gửi một thông điệp tới lực lượng không quân Nga. Khôi phục tất cả những chiếc A-50 cũ mà bạn muốn. Chúng tôi sẽ săn lùng chúng, từng tên một.
Theo tin mới nhất, Cục Tình Báo Bộ Quốc Phòng Ukraine khẳng định chiếc A-50 vừa nêu đã bị phá hủy hay ít nhất là bị hư hại nặng và còn lâu mới bay lên được.
Lực lượng không quân Nga đã đoán trước một cuộc tấn công của Ukraine vào Khu liên hợp khoa học và kỹ thuật hàng không - và bố trí một khẩu đội hỏa tiễn đất đối không tầm xa liền kề với khu phức hợp.
Nó hoàn toàn thất bại trong việc ngăn chặn cuộc tấn công bằng máy bay không người lái trong đêm.
6. David Cameron nói ông phản đối gửi quân phương Tây đến Ukraine, ngay cả khi chỉ làm nhiệm vụ huấn luyện
Ngoại trưởng Anh David Cameron cho biết ông phản đối việc gửi quân đội phương Tây tới Ukraine, ngay cả khi thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Zeitung của Đức đăng hôm Chúa Nhật, ông Cameron cho biết tốt nhất là nên thực hiện các nhiệm vụ huấn luyện ở nước ngoài. Việc đưa binh lính nước ngoài vào Ukraine sẽ tạo ra mục tiêu cho Nga.
Tháng trước, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết không thể loại trừ khả năng quân đội phương Tây được gửi đến Ukraine. Anh sau đó xác nhận rằng họ đã gửi các đơn vị nhỏ đến Ukraine để hỗ trợ đào tạo y tế, nhưng phát ngôn nhân của thủ tướng Rishi Sunak cho biết nước này không thấy trước việc triển khai quy mô lớn.
Hôm thứ Sáu, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp cho biết hiện tại không có kế hoạch gửi quân chiến đấu, nhưng các đồng minh của Ukraine có thể xem xét các nhiệm vụ huấn luyện hoặc rà phá bom mìn cụ thể.
Ngoại trưởng Ba Lan nói rằng sự hiện diện của lực lượng NATO ở Ukraine “không phải là không thể tưởng tượng được” và ông đánh giá cao tổng thống Pháp vì đã không loại trừ ý tưởng đó. Ngoại trưởng Ba Lan cho biết ông đánh giá cao sáng kiến của Macron “bởi vì Putin sợ chứ không phải chúng tôi sợ Putin”
7. Luân Đôn tặng các xe vi phạm quy định môi trường cho Ukraine
PA đưa tin, những phương tiện của Vương quốc Anh vi phạm quy định về vùng phát thải cực thấp của Luân Đôn có thể được tặng cho Ukraine thay vì bị loại bỏ từ tuần tới.
Người nộp đơn sẽ có thể tặng xe để đổi lấy khoản trợ cấp tương tự dành cho những người lái xe tình nguyện loại bỏ hoặc trang bị thêm phương tiện của họ - lên tới 2.000 bảng Anh - Thị trưởng Luân Đôn Sadiq Khan đã tuyên bố.
Những chiếc xe được quyên góp sẽ được chuyển giao vĩnh viễn cho chính quyền Ukraine vì nhu cầu nhân đạo và y tế.
Cơ sở hạ tầng của Ukraine đã bị hư hại đáng kể trong cuộc xung đột và việc tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở nhiều khu vực đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thị trưởng Kyiv, Vitali Klitschko, được cho là đã viết thư cho người đồng cấp ở Luân Đôn để đề xuất ý tưởng quyên góp xe cộ.
Thị trưởng Luân Đôn cho biết Bộ Giao thông vận tải Luân Đôn đã hợp tác với tổ chức bác ái British-Ukraineian Aid do Anh ghi danh để thực hiện chương trình này với sự hỗ trợ từ đại sứ quán Ukraine.
Từ ngày 15 tháng 3, tổ chức bác ái sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tặng xe cho Ukraine và cung cấp các tài liệu liên quan để người dân Luân Đôn nhận trợ cấp phế liệu của họ.
Dịch vụ xe cứu thương Luân Đôn đang có kế hoạch tham gia nỗ lực bằng cách tặng 50 xe cứu thương đã ngừng hoạt động cho Ukraine.
8. Chính quyền Ukraine cho biết hai người trong đó có một cậu thiếu niên đã thiệt mạng hôm thứ Bảy trong các cuộc tấn công bằng pháo binh của Nga.
Phát ngôn nhân cảnh sát quốc gia Ukraine cho biết một cậu bé 16 tuổi đã thiệt mạng và một người đàn ông 22 tuổi bị thương trong một cuộc tấn công bằng pháo vào thị trấn Chervonohryhorivka.
Cô cho biết một quả bom của Nga đã rơi xuống gần một khu chung cư ở thành phố Kherson phía nam trong đêm khiến một đứa trẻ bị thương. Cô cho biết: “Một cậu bé bảy tuổi bị ảnh hưởng bởi vụ pháo kích đang được giám sát y tế”.
9. Trong khu vực nóng nhất của cuộc chiến Ukraine, người Ukraine có thể triển khai nhiều máy bay không người lái như người Nga triển khai binh lính
Ký giả David Axe của tờ Forbes có trụ sở ở New Jersey, Hoa Kỳ cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “In The Hottest Sector Of The Ukraine War, The Ukrainians Might Deploy As Many Drones As The Russians Deploy Soldiers”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Bất chấp những tổn thất đáng kinh ngạc trong cuộc chiến kéo dài hai năm ở Ukraine, Nga vẫn có nhiều xe tăng, nhiều pháo binh và nhiều quân hơn Ukraine. Thứ mà Nga không có nhiều hơn là máy bay không người lái.
Một số lượng lớn các cuộc tấn công được thực hiện bởi máy bay không người lái góc nhìn thứ nhất, gọi tắt là FPV, chứa đầy chất nổ cho thấy Ukraine luôn dẫn đầu với 300 máy bay không người lái mỗi tháng trong các cuộc tấn công FPV đã được xác nhận.
Kể từ tháng 8, quân đội Ukraine đã ném vào quân đội Nga ít nhất 8.273 chiếc FPV – mỗi chiếc nặng 2 pound và có thể mang 1 pound chất nổ đi xa tới 2 dặm. Người Nga đã ném lại không dưới 6.059 chiếc FPV.
Có thể còn rất nhiều cuộc tấn công của FPV không được báo cáo. Nhưng trong mọi trường hợp, rõ ràng là có một khoảng cách về FPV giữa Ukraine và Nga - một khoảng cách giúp giải thích làm thế nào quân đội Ukraine có thể ngăn chặn cuộc tấn công mùa đông của Nga ở phía tây tàn tích Avdiivka ở miền đông Ukraine.
Quân Nga ném bom lượn vào lực lượng đồn trú Ukraine thiếu pháo binh ở Avdiivka—Lữ đoàn cơ giới số 110 cùng với một số đơn vị trực thuộc—và tấn công hết đợt này đến đợt khác của bộ binh, cuối cùng buộc đơn vị đồn trú phải rút lui về phía tây dưới sự yểm trợ của ba lữ đoàn: Lữ Đoàn 47 cơ giới, Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân và Lữ Đoàn 53 cơ giới.
Quân Ukraine đã từ bỏ tuyến làng đầu tiên cách Avdiivka vài dặm về phía tây và xây dựng lại tuyến phòng thủ của họ ở tuyến làng tiếp theo: Berdychi, Orlivka và Tonen'ke.
Trên địa hình thuận lợi ngập nước, các Lữ đoàn 47, 3 và 53 quay lại đánh trả bằng xe tăng, pháo binh và súng cối—và quan trọng nhất là bằng máy bay không người lái. Rất nhiều FPV. Một blogger quân sự Nga phàn nàn: “Số lượng máy bay không người lái mà lực lượng vũ trang Ukraine có trong khu vực Avdiivka vượt xa bảng xếp hạng”.
Blogger này ước tính rằng các lữ đoàn Ukraine ở phía tây Avdiivka có số lượng máy bay không người lái ngang bằng với quân đội dã chiến của Nga trong khu vực – Tập đoàn quân vũ trang tổng hợp số 2 và 41. Nếu đúng, điều đó có thể có nghĩa là người Ukraine đã dự trữ hàng chục ngàn máy bay không người lái FPV chỉ trong lĩnh vực này.
Toán học ủng hộ khẳng định này. Hợp tác với mạng lưới các xưởng dân sự nhỏ đang phát triển, quân đội Ukraine đã nhanh chóng đẩy mạnh sản xuất FPV vào năm ngoái. Ngày nay, họ thu được ít nhất 50.000 chiếc FPV mỗi tháng với chi phí chỉ vài trăm Mỹ Kim cho mỗi chiếc máy bay không người lái. Mục tiêu của Kyiv là triển khai một triệu FPV trong năm nay.
Các nhà tuyên truyền Nga khẳng định ngành công nghiệp Nga thậm chí còn đang chế tạo nhiều máy bay không người lái hơn Ukraine. Họ đưa ra những con số đáng kinh ngạc: 100.000 hoặc thậm chí 300.000 chiếc FPV mới mỗi tháng.
Đừng rơi vào những lời dối trá. Vâng, đúng là theo nhóm phân tích Frontelligence Insight của Ukraine, ngành công nghiệp máy bay không người lái của Nga lớn hơn “đặt ra một vấn đề phức tạp mà không có giải pháp đơn giản” cho Ukraine.
Nhưng không rõ liệu ngành công nghiệp lớn hơn của Nga có đang tạo ra tác động quan trọng hay không: đưa máy bay không người lái sẵn sàng chiến đấu ra tiền tuyến khi nào và ở đâu họ cần. Đó là lý do tại sao người Ukraine liên tục thực hiện nhiều phi vụ FPV hơn.
Một phần của vấn đề là nhiều máy bay không người lái của Nga được chế tạo kém và do đó không đáng tin cậy. Một phóng viên quân sự Nga đã chỉ ra rằng những chiếc FPV tốt nhất của Nga — chẳng hạn như mẫu “Piranha” và “Ghoul” — được chế tạo bởi những người đam mê sử dụng vốn tư nhân. Piranha và Ghoul có thể đã tấn công và làm bất động cặp xe tăng M-1 Abrams do Mỹ sản xuất của Ukraine.
Tuy nhiên, phóng viên khẳng định những máy bay không người lái được thanh toán bằng quỹ chính phủ và do các nhà thầu quân sự chế tạo “có phẩm chất kém”, dễ bị Ukraine gây nhiễu sóng vô tuyến và có xu hướng “lật ngược khi tiếp cận”. Phóng viên đổ lỗi cho “chủ nghĩa gia đình trị và vận động hành lang” đã làm hư hỏng các doanh nghiệp máy bay không người lái lớn.
Sẽ không có vấn đề gì nếu Nga sản xuất nhiều máy bay không người lái hơn Ukraine nếu máy bay không người lái không hoạt động. Trừ khi và cho đến khi Điện Cẩm Linh cải cách các doanh nghiệp máy bay không người lái của chính phủ, lực lượng vũ trang Ukraine có thể tiếp tục triển khai nhiều FPV tốt hơn.
Và trong khi những chiếc FPV nặng 2 pound có phạm vi hoạt động 2 dặm không thể thay thế hoàn toàn đạn pháo 100 pound có phạm vi hoạt động 15 dặm, thì máy bay không người lái là một giải pháp tạm thời hiệu quả khi lượng pháo binh đang ở mức thấp.
Và hãy nhớ rằng: kho pháo của Ukraine đã ở mức rất thấp kể từ khi Quốc hội Hoa Kỳ ngăn chặn viện trợ tiếp theo của Mỹ cho Ukraine bắt đầu từ tháng 10.
Cuộc khủng hoảng pháo binh Ukraine sắp kết thúc Cộng hòa Tiệp đã môi giới cho một tập đoàn chủ yếu là người Âu Châu mua một triệu quả đạn pháo cho Ukraine, chuyến hàng đầu tiên sẽ được chuyển đi. Và luôn có khả năng các thành viên Quốc Hội Mỹ sẽ nhượng bộ và chấp thuận nguồn tài trợ tiếp theo của Hoa Kỳ - số tiền này có thể chi trả cho một triệu quả đạn pháo khác.
Điều thú vị đối với những người bạn của Ukraine tự do là pháo binh sẽ được bổ sung thêm. Người Ukraine đã tăng cường sản xuất máy bay không người lái FPV và đạt được lợi thế lâu dài về FPV so với người Nga, để giảm thiểu tình trạng thiếu đạn pháo.
Nhưng ngay cả khi tình trạng thiếu đạn pháo đã kết thúc, các xưởng ở Ukraine vẫn sẽ chế tạo hàng chục ngàn máy bay không người lái FPV đáng tin cậy mỗi tháng. Đó là lý do vì sao giải pháp tạm thời cho máy bay không người lái của Ukraine có thể trở thành nguồn cung cấp máy bay không người lái dư thừa và mang lại lợi thế về hỏa lực rất lớn.
1. Tin vui cho Kyiv: Ukraine sẽ có hỏa tiễn Taurus để đánh sập cầu Crimea, chiến tranh sẽ kết thúc
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine Gets Taurus Missile Update”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Các nhà lãnh đạo Đức và Anh đang cân nhắc một thỏa thuận trao đổi mới nhằm trao đổi và sản xuất thêm vũ khí cho Ukraine, trong đó Berlin không trực tiếp cung cấp hỏa tiễn hành trình Taurus được Kyiv yêu cầu, là một bước đi mà Thủ tướng Olaf Scholz đã nhiều lần né tránh vì sợ leo thang căng thẳng giữa NATO với Mạc Tư Khoa.
Ngoại trưởng Anh David Cameron tuần trước bày tỏ sự ủng hộ của Luân Đôn đối với đề xuất này, đề nghị Anh sẽ nhận hỏa tiễn Taurus từ Đức, điều này sẽ giải phóng thêm hỏa tiễn Storm Shadow để gửi tới Ukraine. Hôm Chúa Nhật, Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock – một trong hai đại diện hàng đầu của Đảng Xanh trong liên minh “đèn giao thông” ba đảng do Scholz dẫn đầu – cho biết kế hoạch “trao đổi vòng tròn” là khả thi.
Tờ Spiegel của Đức dẫn lời cô nói: “Có thể nói, trao đổi vòng tròn là một phát minh của Đức”. “Đó sẽ là một lựa chọn. Và chúng tôi đã làm điều đó với các thiết bị khác cách đây một thời gian.”
Hỏa tiễn hành trình Storm Shadow/SCALP của Anh và Pháp lần đầu tiên được cung cấp cho Kyiv vào tháng 5 năm 2023 và chúng đã được sử dụng thành công trong các cuộc tấn công quan trọng nhằm vào các mục tiêu có giá trị cao của Nga.
Ý tưởng về việc trao đổi hỏa tiễn giữa Đức và Anh lần đầu tiên được đưa ra vào Tháng Giêng. Vào thời điểm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius - một thành viên Đảng Dân chủ Xã hội của Scholz - cho biết ông không biết về bất kỳ đề xuất nào như vậy.
Mạc Tư Khoa đã nhiều lần cảnh báo các nước NATO không cung cấp viện trợ quân sự cho Ukraine.
Newsweek đã liên hệ với Bộ Ngoại giao Nga qua email để yêu cầu bình luận về kế hoạch trao đổi hỏa tiễn có thể xảy ra.
Các nhà lãnh đạo và chỉ huy Ukraine từng nói rằng Taurus sẽ tăng cường đáng kể khả năng tấn công tầm xa của quân đội. Đầu đạn mạnh mẽ của nó khiến loại vũ khí này đặc biệt phù hợp để sử dụng chống lại các mục tiêu cơ sở hạ tầng lớn, chẳng hạn như Cầu eo biển Kerch chiến lược nối Crimea bị tạm chiếm với miền Tây nước Nga. Vấn đề đối với hỏa tiễn Taurus là huấn luyện việc sử dụng. Các tin tưởng chung cho rằng quân Anh đang có mặt tại Ukraine để chỉ đạo việc bắn Storm Shadow và SCALP. Họ có thể bắn Taurus một khi Đức giao loại hỏa tiễn này cho Vương Quốc Anh.
Các hỏa tiễn này có tầm bắn khoảng 300 dặm và phần lớn giống với vũ khí Storm Shadow và SCALP về thiết kế và hoạt động. Nhưng Scholz và các đồng minh của ông ở Berlin đã do dự đi theo sự dẫn dắt của Anh-Pháp, vì lo ngại rằng việc cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Kyiv sẽ bị Mạc Tư Khoa hiểu là sự tham gia trực tiếp của Đức vào cuộc chiến.
Scholz đã khiến các đồng minh xấu hổ vào tháng trước khi dường như tiết lộ rằng quân đội Anh và Pháp đang đóng vai trò quan trọng trong việc chỉ đạo các cuộc tấn công bằng hỏa tiễn hành trình của Ukraine.
Scholz nói về Taurus: “Đây là một loại vũ khí có tầm ảnh hưởng rất sâu rộng. Và những gì người Anh và người Pháp đang làm về mặt kiểm soát mục tiêu và hỗ trợ kiểm soát mục tiêu không thể thực hiện được ở Đức.”
Đức lại bị bẽ mặt ngay sau đó khi Nga tiết lộ một cuộc điện thoại được ghi âm của các quan chức quân sự cao cấp thảo luận về khả năng cung cấp hỏa tiễn Taurus cho Ukraine, lưu ý rằng chúng có thể được sử dụng để tấn công Cầu eo biển Kerch.
Trong cuộc gọi đó, các quan chức quân sự một lần nữa cho rằng quân đội NATO đồng minh đã hoạt động trên thực địa bên trong Ukraine.
2. Không quân Ukraine đánh chìm một tầu chở dầu được dùng làm sở chỉ huy Nga
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv hôm Thứ Ba, 12 Tháng Ba, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat đã công bố đoạn phim từ máy bay không người lái cho thấy một sở chỉ huy của Nga, nằm trên một tàu chở dầu, bị phá hủy trong một cuộc tấn công thành công. Đó là đoạn video quý vị và anh chị em đang xém thấy đây.
“Tôi cảm ơn các phi công vì màn trình diễn chiến đấu thành công của họ trước sở chỉ huy của kẻ thù”, ông nói.
Đại Tá Yurii Ihnat cho biết thêm cuộc tấn công thành công này là nhằm trả thù cho Thiếu Tá Andriy Tkachenko. Hôm 8 tháng Ba, anh hùng phi công Andriy đã liều mình lao xuống bắn cháy 4 chiếc xe tăng Nga đang tấn công Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân tại Berdychi. Anh bị phòng không của Nga bắn trúng khi đang lao xuống tiêu diệt chiếc xe tăng thứ năm. Lữ Đoàn 3 Biệt Động Quân đã tìm được xác người anh hùng ở địa điểm máy bay bị rơi.
Người anh hùng bỏ lại vợ và đứa con trai sáu tuổi, đã ra đi trong sự thương tiếc của cả 2 lực lượng không quân và Biệt Động Quân Ukraine.
3. Nhà lãnh đạo NATO: Ukraine gần trở thành thành viên NATO hơn bao giờ hết
Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói trong một cuộc họp báo chung với Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson rằng “đầu hàng không phải là hòa bình” đối với Ukraine, đồng thời nói thêm rằng chỉ có tổng thống Nga mới là người chịu trách nhiệm chấm dứt chiến tranh.
Khi được hỏi liệu Ukraine có sớm nhận được lời mời của NATO hay không, ông nói: “Ukraine sẽ trở thành đồng minh của NATO. Câu hỏi không phải là nếu mà là khi nào. Ukraine giờ đây đã gần trở thành thành viên NATO hơn bao giờ hết”.
Ông cho biết ông tin tưởng rằng “Thụy Điển sẽ là một đồng minh rất cam kết” và ca ngợi năng lực quốc phòng cũng như ngành công nghiệp quốc phòng “đẳng cấp” của nước này.
Stoltenberg nói rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO là quan trọng đối với Thụy Điển, đối với NATO và đối với “cá nhân tôi”. Là một người Na Uy, ông cho biết ông đã theo dõi Thụy Điển trong nhiều năm và không bao giờ dám mơ rằng khi bắt đầu đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký NATO vào năm 2014, ông sẽ giám sát việc gia nhập của Thụy Điển và Phần Lan trong nhiệm kỳ của mình.
Ông nói, điều này “chứng tỏ rằng cánh cửa của NATO đang rộng mở”.
Kristersson nói rằng Thụy Điển hiện là “thành viên đáng tự hào” của NATO và cam kết: “Sự đoàn kết sẽ là ngọn đèn dẫn đường của Thụy Điển với tư cách là thành viên NATO”.
Nhắc lại những bình luận trước đó, ông cho biết Thụy Điển đã “trở về nhà” với NATO và nước này đang bước vào “một kỷ nguyên mới”.
Tuy nhiên, ông cho biết đất nước của ông sẽ không lưu trữ vũ khí hạt nhân trên đất Thụy Điển trong thời bình, một quyết định mà ông cho rằng đang được liên minh “hoàn toàn tôn trọng”.
Tại lễ chào cờ chính thức được tổ chức dưới trời mưa sau, Stoltenberg đã nói tiếng Thụy Điển: “Đối với tất cả người Thụy Điển, tôi nói chào mừng đến với Nato.”
4. Bản đồ chiến tranh Ukraine cho thấy sau chiến thắng ở Avdiivka cuộc tấn công của Nga đã bị khựng lại
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Ukraine War Map Shows Russian Offensive Stalling After Avdiivka Win”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Bước tiến gần đây của lực lượng Nga trên mặt trận phía đông Ukraine dường như đang khựng lại khi các đơn vị chiến đấu của Kyiv thiết lập các tuyến phòng thủ mới sau khi Avdiivka thất thủ vào tháng trước.
Quân đội Ukraine dường như đã tránh được sự sụp đổ đáng sợ của các tuyến phòng thủ địa phương sau khi họ rút khỏi Avdviivka vào tháng 2, sau nhiều năm chiến đấu cam go tại khu định cư kiên cố ở Donetsk ở phía đông đất nước. Lực lượng Nga đã đạt được những bước tiến hạn chế tại các điểm khác dọc theo mặt trận Donetsk, mặc dù điều này không dẫn đến sự đột phá phòng tuyến Ukraine ở đó.
Bản cập nhật tình hình chiến trường hôm Chúa Nhật của Viện Nghiên cứu Chiến tranh cho biết Nga vẫn tiếp tục có “các cuộc giao tranh giành giật từng vị trí” nhưng không đạt được lợi ích đáng kể nào.
Tờ New York Times cuối tuần này đưa tin rằng bước tiến chậm chạp của Nga đã bị sa lầy xung quanh các làng Berdychi, Orlivka và Tonenke ở Donetsk, nơi vùng đất trống bên ngoài Avdiivka khiến các cuộc tấn công trở nên khó khăn hơn. Kyiv được cho là đã điều động một số đơn vị tốt nhất của mình để chống lại cuộc tấn công của Nga ở đây, bao gồm một số đơn vị được trang bị xe thiết giáp và xe tăng do Mỹ sản xuất.
Đại Úy Dmytro Lykhovyi, phát ngôn nhân của nhóm phía đông Tavriisk của Ukraine, nói với truyền hình Ukraine hôm thứ Sáu rằng tình hình ở hướng Avdiivka “đã ổn định và cuộc tiến công của Nga đã thực sự dừng lại”.
Lykhovyi nói: “Quân đội Nga đang thực hiện các hoạt động nhỏ theo hướng này, mang tính chất địa phương”. “Hoạt động tích cực nhất là hướng Novopavlivskiy, nơi quân đội Nga đang tập trung nỗ lực chính sau khi quân Ukraine rút khỏi Avdiivka.”
Mặc dù bước tiến của Nga đã chậm lại nhưng vẫn còn những lo ngại nghiêm trọng về vị thế của Ukraine sau hơn hai năm chiến tranh toàn diện. Các chỉ huy trên chiến trường và lãnh đạo ở Kyiv đã nhiều lần cảnh báo rằng quân đội Ukraine thiếu vũ khí và đạn dược cần thiết để ngăn chặn và đảo ngược những thắng lợi của Nga.
Cả Âu Châu và Mỹ đều không duy trì được nhịp độ hỗ trợ quân sự phù hợp. Các quốc gia thuộc Liên minh Âu Châu vào tháng trước đã đồng ý gói viện trợ mới trị giá 55 tỷ Mỹ Kim cho Kyiv, nhưng không thể cung cấp 1 triệu quả đạn pháo như đã hứa vào năm ngoái.
Gần đây hơn, Cộng hòa Tiệp cho biết họ sẽ huy động đủ kinh phí để mua 800.000 quả đạn pháo để sử dụng ở Ukraine. Thỏa thuận vẫn chưa được thống nhất.
Trong khi đó, ở Mỹ, tình trạng bế tắc đảng phái ở Washington, DC đang chứng tỏ diễn biến đáng lo ngại nhất gần đây đối với nỗ lực chiến tranh của Ukraine. Dự luật viện trợ trị giá 95 tỷ Mỹ Kim được đề xuất nhằm hỗ trợ Ukraine, Israel và Đài Loan, vẫn tiếp tục bị ngăn chặn.
Quân đội Ukraine đã rút khỏi Avdiivka trước sự tấn công của quân Nga, với lý do gói viện trợ của Mỹ bị mắc kẹt là yếu tố chính.
Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã cảnh báo vào tháng 2: “Việc giữ Ukraine trong tình trạng thiếu hụt vũ khí giả tạo, đặc biệt là thiếu hụt đạn pháo và khả năng tầm xa, cho phép Putin thích ứng với cường độ hiện tại của cuộc chiến.
5. NATO di chuyển hỏa tiễn đến gần biên giới Nga
Các nước NATO đang triển khai mô hình phòng không luân phiên đóng tại Lithuania để đáp lại lời kêu gọi từ các quốc gia vùng Baltic muốn tăng cường khả năng phòng thủ của Âu Châu trong khu vực.
Theo Bộ trưởng Quốc phòng Lithuania Arvydas Anušauskas, người đã nói về mô hình phòng thủ tại cuộc họp báo hôm thứ Hai, các hệ thống phòng thủ sẽ đi vào hoạt động ở quốc gia của ông vào cuối năm nay. Tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius vào mùa hè, các nước NATO đã đồng ý tạo ra một hệ thống luân phiên - trong đó các nước đồng minh sẽ triển khai hệ thống phòng không tới các nước vùng Baltic trong một khoảng thời gian.
Anušauskas không nêu rõ nước phương Tây nào tham gia vào đợt lắp đặt hệ thống phòng không đầu tiên ở Lithuania, nhưng nói rằng thiết bị này bao gồm hệ thống hỏa tiễn đất đối không Patriot. Quan chức quốc phòng nói với các phóng viên rằng Patriot được cung cấp bởi một đồng minh Âu Châu chứ không phải Mỹ.
Anušauskas cho biết: “Kỳ vọng là nguyên tắc này sẽ không chỉ xảy ra trong vài tháng mà sẽ bao trùm tất cả các tháng theo lịch của chúng tôi và tăng đáng kể khả năng phòng không của chúng tôi”.
Một số nước Âu Châu đã nêu quan ngại rằng cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine cuối cùng có thể dẫn đến xung đột lớn hơn giữa Mạc Tư Khoa và NATO. Liên minh quân sự này đã thực hiện một số bước để củng cố hệ thống phòng thủ dọc biên giới phía đông trong những tháng gần đây, bao gồm việc tiến hành huấn luyện vào mùa xuân cho hơn 90.000 quân từ tất cả 32 quốc gia thành viên ở các quốc gia có chung biên giới với Nga, chẳng hạn như Liên minh quân sự Nga. Các nước vùng Baltic và Ba Lan.
Lithuania, Latvia và Estonia là một trong những thành viên lớn tiếng nhất của NATO đã thúc giục khối phương Tây chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo của Nga trong khu vực. Ví dụ, Cơ quan Tình báo Đối ngoại của Estonia cho biết Nga đang chuẩn bị cho cuộc chiến chống lại các nước NATO trong vòng 10 năm tới.
Căng thẳng vẫn ở mức cao giữa Mạc Tư Khoa và phương Tây trong suốt cuộc chiến ở Ukraine, nơi được các thành viên NATO rõ ràng ủng hộ. Putin đã đổ lỗi ảnh hưởng của liên minh này đối với chính phủ Ukraine là một trong những lý do khiến đất nước của ông bị “buộc” vào chiến tranh. Putin cũng nói rằng cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm không thể kết thúc cho đến khi Ukraine đồng ý giữ thái độ trung lập.
Điện Cẩm Linh đã cáo buộc phương Tây kéo dài cuộc chiến ở Ukraine bằng cách củng cố khả năng quân sự của Kyiv, đồng thời cảnh báo vào cuối tháng trước rằng NATO sẽ vượt quá giới hạn nếu các thành viên đồng minh gửi quân đội của họ đến chiến đấu ở Ukraine. Mặc dù không có quốc gia NATO nào chỉ ra kế hoạch làm như vậy, nhưng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã nói với các phóng viên vào tháng trước rằng “không nên loại trừ bất cứ điều gì” trong nỗ lực “ngăn cản Nga giành chiến thắng trong cuộc chiến này”.
6. Tình báo Mỹ cảnh báo về việc Bắc Hàn sử dụng vũ khí hóa học
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “US Intel Sounds Alarm on North Korea's Use of Chemical Weapons”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Một báo cáo tình báo mới của Mỹ công bố hôm thứ Hai đã đưa ra cảnh báo về việc Bắc Hàn triển khai vũ khí hóa học, cùng với các mối đe dọa khác từ vương quốc ẩn dật này.
Báo cáo này là bản đánh giá mối đe dọa toàn cầu hàng năm của cộng đồng tình báo Mỹ, do Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia biên soạn. Trong đó thảo luận về các hành động và động thái gần đây của các quốc gia đối kháng với Mỹ, như Trung Quốc và Nga, cũng như tình trạng của một số loại tấn công nhất định, bao gồm tấn công hạt nhân và tấn công mạng.
Trong số các thông tin có trong báo cáo, có thông tin chi tiết về Bắc Hàn, quốc gia Đông Á bị cô lập và vi phạm nhân quyền tàn bạo, khét tiếng với các mối đe dọa thường xuyên chống lại Nam Hàn và Mỹ. Tại một thời điểm, báo cáo lưu ý Bắc Hàn sử dụng vũ khí hóa học trong khi thảo luận về những cách thức mà chúng được sử dụng bên ngoài “các hoạt động quân sự của từng quốc gia” và có thể phát triển trong tương lai.
Báo cáo giải thích: “Việc sử dụng vũ khí hóa học, đặc biệt là trong các tình huống không phải là hoạt động quân sự cấp nhà nước, có thể gia tăng trong tương lai gần”. “Trong thập kỷ qua, các chủ thể nhà nước và phi nhà nước đã sử dụng tác nhân chiến tranh hóa học trong nhiều tình huống khác nhau, bao gồm việc quân đội Syria sử dụng khí clor và sarin chống lại các nhóm đối lập và dân thường cũng như việc Bắc Hàn và Nga sử dụng chất độc hóa học trong các vụ giết người có chủ đích.. Nhiều chủ thể nhà nước hơn có thể sử dụng hóa chất trong các hoạt động chống lại những người bất đồng chính kiến, những người đào thoát và những đối phương được cho là khác của nhà nước; người biểu tình dưới chiêu bài trấn áp tình trạng bất ổn trong nước; hoặc chống lại dân thường hoặc người tị nạn của chính họ.”
Đáng chú ý, Bắc Hàn bị cáo buộc dàn dựng âm mưu ám sát ông Kim Jong-nam, anh trai lãnh đạo Kim Chính Ân, bằng vũ khí hóa học, chất độc thần kinh VX, được hai người phụ nữ vô tình bôi lên mặt ông tại một phi trường ở Mã Lai Á.
Ở những nơi khác, báo cáo cho biết Bắc Hàn và ông Kim sẽ tiếp tục tìm kiếm quan hệ đối tác với các đồng minh nước ngoài quan trọng khi nước này theo đuổi sự ổn định kinh tế, an ninh và sự chấp nhận toàn cầu như một cường quốc hạt nhân, tất cả những điều đó đã bị cản trở bởi “gần hai thập kỷ căng thẳng nghiêm trọng”. Các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và lệnh phong tỏa do dịch bệnh COVID-19 mà nước này tự áp đặt.”
Báo cáo giải thích: “Ngày nay, họ đang theo đuổi mối quan hệ chặt chẽ hơn với Trung Quốc và Nga với mục tiêu tăng cường lợi ích tài chính, hỗ trợ ngoại giao và hợp tác quốc phòng”. “Kim gần như chắc chắn không có ý định đàm phán để loại bỏ chương trình hạt nhân của mình, chương trình mà ông cho là bảo đảm cho an ninh chế độ và lòng tự hào dân tộc. Ngoài ra, Kim có lẽ hy vọng rằng ông có thể sử dụng mối quan hệ quốc phòng đang phát triển với Nga để theo đuổi mục tiêu đạt được sự chấp nhận của quốc tế với tư cách là một cường quốc hạt nhân”.
Là một phần của mục tiêu này, báo cáo lưu ý rằng Bắc Hàn đã cung cấp đạn dược cho Nga để sử dụng trong cuộc xâm lược Ukraine đang diễn ra.
Theo Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, tính đến Tháng Giêng năm 2023, Bắc Hàn ước tính có khoảng 30 đầu đạn hạt nhân và có sẵn vật liệu để chế tạo thêm từ 50 đến 70 đầu đạn nữa.
7. Nhà lãnh đạo NATO: Thụy Điển gia nhập liên minh cho thấy chiến lược chiến tranh Ukraine của Putin đã thất bại
Tổng thư ký NATO, Jens Stoltenberg, nói rằng việc Thụy Điển gia nhập liên minh cho thấy Vladimir Putin “thất bại” trong chiến lược làm suy yếu quốc gia này trong cuộc chiến Ukraine.
Cuộc xâm lược của Điện Cẩm Linh không chỉ khiến các quốc gia trước đây không liên kết là Thụy Điển và Phần Lan phải đặt dưới sự bảo trợ phòng thủ của NATO, mà giờ đây “Ukraine đang tiến gần đến tư cách thành viên NATO hơn bao giờ hết”, ông Stoltenberg nói.
Bình luận của ông, khi đứng cạnh thủ tướng Thụy Điển, Ulf Kristersson, được đưa ra ngay trước khi lá cờ của Thụy Điển được treo trên cột cờ bên ngoài trụ sở Brussels của NATO trong buổi lễ đánh dấu Thụy Điển trở thành quốc gia thành viên thứ 32 của liên minh.
“Khi Putin phát động cuộc xâm lược toàn diện cách đây hai năm, ông ấy muốn có ít NATO hơn và có nhiều quyền kiểm soát hơn đối với các nước láng giềng. Ông ấy muốn tiêu diệt Ukraine với tư cách là một quốc gia có chủ quyền nhưng đã thất bại”, ông Stoltenberg nói
Ông nói thêm: “Nato lớn hơn và mạnh hơn”.
8. Chiến đấu cơ tàng hình F-35A được phép mang bom hạt nhân
Máy bay phản lực tàng hình F-35A do nhiều nước NATO vận hành đã được chứng nhận có thể mang theo vũ khí hạt nhân, trở thành máy bay thế hệ thứ năm đầu tiên được phép lắp những quả bom như vậy.
Russ Goemaere, phát ngôn nhân của Văn phòng Chương trình Hỗn hợp F-35, nói với Breaking Defense rằng chiến đấu cơ tấn công chung F-35A do Lockheed Martin sản xuất đã được phê duyệt để mang bom nhiệt hạch B61-12. Tạp chí kỹ thuật số đưa tin, động thái này có nghĩa là các máy bay phản lực tàng hình đa năng sẽ chính thức có “khả năng kép”, có thể mang cả vũ khí thông thường và hạt nhân.
Điều này khiến F-35A trở thành máy bay thế hệ thứ năm đầu tiên có khả năng hạt nhân, Goemaere nói. Ông nói thêm rằng nước này đã nhận được chứng nhận hạt nhân vào giữa tháng 10, sớm hơn nhiều tháng so với kế hoạch và sẽ mang lại cho “Mỹ và NATO khả năng quan trọng nhằm hỗ trợ các cam kết răn đe mở rộng của Mỹ sớm hơn dự kiến”.
Douglas Barrie, thành viên cao cấp về hàng không vũ trụ quân sự của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế, gọi tắt là IISS, nói với Newsweek rằng máy bay F-35A sẽ là cốt lõi của năng lực máy bay có khả năng kép của NATO.
Barrie cho biết F-35A, được trang bị bom hạt nhân B61-12, sẽ trở thành tiêu chuẩn cho sứ mệnh máy bay có khả năng kép của liên minh, máy bay mới “thay thế các loại máy bay cũ và kém khả năng sống sót hơn”.
Quân đội Hà Lan hồi tháng 11 cho biết những chiếc F-35 của họ đã nhận được “chứng nhận ban đầu” về khả năng răn đe. Nước này chỉ vận hành F-35A.
F-35A là biến thể được sử dụng rộng rãi nhất của dòng F-35. Singapore công bố vào cuối tháng trước rằng họ sẽ mua 8 chiếc F-35A để thay thế phi đội máy bay phản lực F-16 đã cũ.
F-35B, được Thủy quân lục chiến Hoa Kỳ, quân đội Anh và không quân Ý sử dụng, được thiết kế để hạ cánh thẳng đứng và cất cánh trong khoảng cách ngắn. F-35C được chế tạo đặc biệt dành cho các Hàng Không Mẫu Hạm.
Tổng cộng có 18 quốc gia tham gia chương trình F-35. Vào tháng 7 năm 2023, cựu tổng giám đốc Lockheed Martin F-35, Tom Burbage, nói với Newsweek rằng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine đã thúc đẩy một số quốc gia chuyển sang sử dụng F-35 trong một môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng.
Burbage cho biết thêm, một số quốc gia này đã cân nhắc việc mua F-35 trước đầu năm 2022. Ông nói, khi các quân đội lớn và có ảnh hưởng trên toàn cầu chuyển sang sử dụng F-35, “điều đó sẽ giải phóng F-16” cho các lực lượng không quân như của Ukraine.
Những chiếc F-16 “đang dần trở nên 'dư thừa' vì các đơn đặt hàng F-35”, Thống chế Không quân đã nghỉ hưu Greg Bagwell, cựu chỉ huy cao cấp của Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh, gọi tắt là RAF, nói với Newsweek vào thời điểm đó.
Các phi công Ukraine dự kiến sẽ bay lên bầu trời đất nước bị chiến tranh tàn phá này trong vài tháng tới. Tờ New York Times hôm thứ Hai đưa tin Kyiv có thể triển khai chiếc F-16 đầu tiên chống lại Nga vào tháng 7 năm nay.
9. Chuyên gia nhân quyền Liên Hiệp Quốc cho biết chính phủ Nga chịu trách nhiệm về cái chết của Alexei Navalny
Chuyên gia nhân quyền của Liên Hiệp Quốc về Nga cho rằng cái chết của Alexei Navalny là trách nhiệm của Mạc Tư Khoa vì ông này hoặc bị giết trong tù hoặc chết vì bị giam giữ trong điều kiện giống như bị tra tấn.
“Vì vậy, chính phủ Nga phải chịu trách nhiệm, bằng cách này hay cách khác, về cái chết của ông ấy,” Mariana Katzarova nói với Reuters bên lề một sự kiện về các tù nhân chính trị Nga tại Liên Hiệp Quốc ở Geneva.
Giám đốc tình báo Nga trước đó cho biết, Navalny, người chết ngày 16/2 trong nhà tù ở Bắc Cực, đã chết một cách tự nhiên. Điện Cẩm Linh đã phủ nhận liên quan đến cái chết của ông nhưng các nhà lãnh đạo phương Tây cho biết họ buộc Điện Cẩm Linh phải chịu trách nhiệm về việc này.
Katzarova cảnh báo rằng những người bị giam giữ khác ở Nga có thể chịu chung số phận như Navalny, đồng thời nói rằng cô “rất lo lắng” về chính trị gia đối lập Vladimir Kara-Murza, cùng những người khác.
“Kể từ cái chết của Alexei Navalny, không ngày nào trôi qua mà tôi không tự hỏi, tiếp theo Navalny là ai?” cô ấy nói. “Và chắc chắn sẽ có một Navalny tiếp theo, với mức độ đàn áp như thế này.”
10. Nga nhắm đến một mục tiêu mới của Ukraine
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Sets Sights on New Ukraine Target”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo quân đội Ukraine, Nga đang tăng cường các cuộc tấn công vào làng Novomykhailivka của Donetsk, khi Mạc Tư Khoa tăng cường áp lực lên các lực lượng phòng thủ của Ukraine cản đường Nga về phía Tây.
Đại úy Dmytro Lykhovyi, phát ngôn nhân của nhóm lực lượng Tavria của Ukraine được triển khai ở miền đông Ukraine cho biết, các lực lượng Nga đã “hoạt động tích cực hơn” vào hôm thứ Hai xung quanh khu định cư Novomykhailivka, phía nam làng Marinka do Nga kiểm soát.
Nga cũng đã tăng cường hoạt động xung quanh các thị trấn phía tây nam Novomykhailivka, Lykhovyi nói với tin tức Ukraine trong bài phát biểu được truyền thông Ukraine đưa tin.
Yaroslav Chepurny, phát ngôn nhân của Lữ đoàn 79 Dù của Ukraine, nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng giao tranh đang rất căng thẳng và khó khăn xung quanh Novomykhailivka. Ông nói, Nga đang tấn công các vị trí của Ukraine bằng cả bộ binh và xe thiết giáp.
Quân đội Ukraine sáng sớm thứ Hai cho biết lực lượng của họ đã chiến đấu chống lại các cuộc tấn công của Nga ở Novomykhailivka, cũng như các khu định cư lân cận Krasnohorivka và Heorhiivka, ở phía bắc và phía tây Marinka. Ukraine cho biết Kyiv đã ghi nhận 25 cuộc tấn công của Nga vào khu vực tiền tuyến này trong ngày qua.
Lykhovyi nói: “Các lực lượng địch muốn tiến lên và tiếp tục tấn công các làng Novomykhailivka, Heorhiivka và gần thành phố Krasnohorivka”.
Bộ Quốc phòng Nga hôm thứ Hai cho biết họ đã đẩy lùi một cuộc tấn công từ Lữ đoàn 79 Dù xung quanh Novomykhailivka. Mạc Tư Khoa cho biết lực lượng Ukraine đã mất tới 180 chiến binh dọc theo tuyến tiền tuyến này trong ngày qua.
Ukraine hồi đầu tháng cho biết Nga đang tập trung nguồn lực xung quanh Novomykhailivka.
Theo Viện Nghiên cứu Chiến tranh, gọi tắt là ISW, của Mỹ, các đoạn phim được định vị địa lý từ đầu tháng này cho thấy lực lượng Nga đang tiến về hướng Novomykhailivka.
Nga đã tung các nguồn lực vào các tuyến phòng thủ của Ukraine gần thủ phủ khu vực Donetsk, do Mạc Tư Khoa kiểm soát, trong nhiều tháng. Vào giữa tháng 2, các lực lượng Ukraine đã rút khỏi khu định cư chiến lược Avdiivka, ở phía tây bắc thành phố, và các lực lượng Nga đã nhích dần về phía tây trong những tuần kể từ đó.
Nga cũng liên tục tấn công về phía Tây Nam thành phố Donetsk và giành quyền kiểm soát làng Marinka vào tháng 12/2023.
Mạc Tư Khoa cũng đã triển khai cái mà tổ chức nghiên cứu ISW gọi là “chiến dịch tấn công đa trục gắn kết” gần các thành phố phía đông bắc Svatove, Kreminna và Kupiansk – một trung tâm hỏa xa quan trọng.
Vào cuối tháng 2, chỉ huy Lữ đoàn 13 của Lực lượng Vệ binh Quốc gia Ukraine nói với Newsweek Nga đang “có một số thành công” trong lĩnh vực tiền tuyến này.
Các lực lượng Nga đã tiến về phía tây nam khu định cư bị tàn phá Vuhledar, phía tây nam Novomykhailivka, ISW đánh giá hôm Chúa Nhật.
11. Bộ Quốc phòng Belarus bắt đầu cuộc kiểm tra lớn về khả năng sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang
Bộ Quốc phòng Belarus cho biết nước này đã bắt đầu kiểm tra toàn diện khả năng sẵn sàng chiến đấu của các lực lượng vũ trang.
Theo Bộ Quốc phòng, cuộc tập trận sẽ bao gồm việc di chuyển các thiết bị quân sự cũng như huấn luyện nhân viên bắn đạn thật.
Belarus, một đồng minh thân cận của Nga, đã hỗ trợ hậu cần cho Mạc Tư Khoa trong suốt cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine.
Alexander Lukashenko, tổng thống Belarus từ năm 1994, đã ủng hộ cuộc xâm lược của Nga bằng cách cho phép Mạc Tư Khoa sử dụng lãnh thổ của mình để phát động chiến tranh, nhưng phải đối mặt với một nền kinh tế tê liệt và phụ thuộc nhiều vào thương mại với Nga.
12. Kyiv cho biết giải Oscar được trao cho 20 Days in Mariupol là một thành công quan trọng cho thế giới thấy “sự thật về tội ác của Nga”.
Bộ phim do nhà làm phim người Ukraine Mstyslav Chernov đạo diễn, đã giành giải Oscar Phim tài liệu hay nhất tại một buổi lễ ở Los Angeles vào tối Chúa Nhật.
Nó mô tả cảnh giao tranh ác liệt và các cuộc oanh tạc từ trên không của Nga từ bên trong thành phố cảng Mariupol phía nam trong những ngày đầu tiên sau khi Nga tiến hành cuộc xâm lược toàn diện vào năm 2022.
Andriy Yermak, chánh văn phòng của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy, đã ca ngợi chiến thắng – là giải Oscar đầu tiên của Ukraine – vào hôm thứ Hai.
“Thế giới đã nhìn thấy sự thật về tội ác của Nga. Công lý đang chiến thắng”, ông nói.
“Nga đã tấn công Mariupol một cách tàn bạo hơn hai năm trước. Bộ phim '20 Days in Mariupol' mô tả sự thật về chủ nghĩa khủng bố ở Nga”, ông Zelenskiy nói hôm thứ Hai.
Tổng thống Ukraine cảm ơn đội ngũ sản xuất phim và nói rằng điều đó cho phép Kyiv “lên tiếng lớn về cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine”.
Hàng năm, vào Mùa Vọng và Mùa Chay, Đức Hồng Y Raniero Cantalamessa, giảng thuyết viên Phủ Giáo Hoàng có bài giảng tĩnh tâm trước Giáo triều Rôma.
Bài giảng thứ Ba của Đức Hồng Y có tựa đề: Ta là mục tử nhân lành
Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.
Chúng ta tiếp tục suy tư về những câu nói “Ta Là” tuyệt vời của Chúa Kitô trong Tin Mừng Gioan. Lần này Chúa Giêsu không trình bày Người với chúng ta bằng những biểu tượng của những thực tại vật lý vô tri vô giác – bánh, ánh sáng –, nhưng với tính cách con người, cụ thể là người mục tử: Người nói, “Ta là mục tử nhân lành!” Chúng ta hãy lắng nghe lời công bố của Chúa Kitô:
Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. Người làm thuê, vì không phải là mục tử, và vì chiên không thuộc về anh, nên khi thấy sói đến, anh bỏ chiên mà chạy. Sói vồ lấy chiên và làm cho chiên tán loạn, vì anh ta là kẻ làm thuê, và không thiết gì đến chiên. Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Tôi biết chiên của tôi, và chiên của tôi biết tôi, như Chúa Cha biết tôi, và tôi biết Chúa Cha, và tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên. (Ga 10:11-15).
Hình ảnh Chúa Kitô “Mục tử nhân lành” có một vị trí đặc biệt trong nghệ thuật và chữ khắc của Kitô giáo thời tiên khởi. Mở đầu, Người Mục Tử Nhân Lành được trình bày, theo hình thức cổ điển, trong vẻ huy hoàng của tuổi trẻ. Anh ta vác trên vai một con chiên mà anh ta giữ chặt chân của nó. Hình ảnh người mục tử nhân lành của Thánh Sử Gioan được kết hợp với hình ảnh nhất lãm về người mục tử đi tìm con chiên lạc (Lc 15:4-7).
Bối cảnh của đoạn văn về người mục tử nhân lành cũng giống như hai chương trước, đó là cuộc thảo luận với “người Do Thái” diễn ra tại Giêrusalem nhân dịp Lễ Lều. Nhưng chúng ta biết rằng, ở Gioan, bối cảnh ít quan trọng hơn, bởi vì, không giống như các Phúc Âm Nhất Lãm, Thánh Gioan không quan tâm đến việc cung cấp cho chúng ta một trình thuật lịch sử và mạch lạc về cuộc đời của Chúa Giêsu (là điều mà ngài dường như coi là đương nhiên), mà là một tập hợp các câu chuyện về “dấu chỉ” và lời dạy của Thầy. Tuy nhiên, những điều này không bao giờ xuất hiện bên ngoài thời gian và không gian, như xảy ra trong các sách thần học, nhưng chúng cũng được đặt ở những địa điểm và thời gian chính xác (đôi khi chính xác hơn cả các Phúc Âm Nhất Lãm), mang lại cho chúng giá trị “lịch sử” theo nghĩa sâu sắc nhất của thuật ngữ đó.
* * *
Chúng ta hãy đối mặt với sự thật rằng, hình ảnh người mục tử nhân lành và những hình ảnh liên quan đến đàn cừu và đàn chiên ngày nay không thực sự là mô thức thịnh hành. Chúa Giêsu không sợ làm tổn thương sự nhạy cảm của chúng ta và xúc phạm phẩm giá con người tự do của chúng ta khi gọi chúng ta là chiên của Ngài sao? Con người ngày nay khinh thường vai trò của đàn chiên và ý niệm về bầy đàn. Tuy nhiên, họ không nhận ra mình đã trải qua bao nhiêu thực tế trong tình huống mà họ lên án về mặt lý thuyết. Một trong những hiện tượng rõ ràng nhất của xã hội chúng ta là sự đại chúng hóa. Báo chí, truyền hình, internet được gọi là “các phương tiện thông tin đại chúng” không chỉ vì chúng cung cấp thông tin cho đại chúng mà còn vì chúng hình thành nên họ.
Chúng ta để mình bị hướng dẫn một cách uể oải bởi đủ loại thao túng và thuyết phục huyền bí. Những người khác tạo ra các mô hình về hạnh phúc và hành vi, lý tưởng và mục tiêu tiến bộ và mọi người áp dụng chúng; chúng ta đi theo, sợ bị lạc nhịp, bị quy định và rập khuôn bởi quảng cáo. Chúng ta ăn những gì họ bảo, ăn mặc theo yêu cầu của thời trang và nói những gì chúng ta nghe được. Chúng ta bật cười khi xem một bộ phim chạy với tốc độ nhanh, với những người di chuyển từng cơn và bắt đầu, giống như những con rối; nhưng đó chính xác là hình ảnh mà chúng ta sẽ có về bản thân nếu chúng ta nhìn bản thân bằng con mắt phê phán hơn.
Để hiểu Chúa Giêsu tự xưng mình là mục tử nhân lành và gọi chúng ta là chiên của Ngài theo nghĩa nào, chúng ta phải quay lại lịch sử Kinh Thánh. Ban đầu, Israel là một dân tộc chăn chiên du mục. Người Bedouin trên sa mạc ngày nay cho chúng ta ý tưởng về cuộc sống trước đây của các bộ lạc Israel. Trong xã hội này, mối quan hệ giữa người chăn cừu và đàn chiên không chỉ mang tính kinh tế, tức là dựa trên lợi ích. Một mối quan hệ gần như cá nhân phát triển giữa người mục tử và đàn chiên. Ngày qua ngày ở cùng nhau ở những nơi vắng vẻ, không có người sống xung quanh, cuối cùng người chăn chiên biết mọi điều về từng con chiên. Đàn chiên nhận ra tiếng của người chăn cừu, người thường nói to với đàn cừu như thể chúng là người. Điều này giải thích tại sao, để diễn tả mối quan hệ của mình với nhân loại, Thiên Chúa đã sử dụng hình ảnh này, hình ảnh mà ngày nay đã trở nên mơ hồ. Tác giả Thánh Vịnh cầu nguyện: “Lạy Mục Tử nhà Israel, Ngài là Đấng chăn giữ nhà Giuse như chăn giữ chiên cừu” (Tv 80:2).
Với sự thay đổi từ một bộ lạc du mục thành một dân định cư, danh hiệu mục tử được mở rộng thêm cho những người đóng vai trò đại diện cho Thiên Chúa trên trái đất: các vị vua, các linh mục, các nhà lãnh đạo nói chung. Nhưng trong trường hợp này, ý nghĩa biến đổi; nó không còn gợi lên những hình ảnh che chở và an ninh mà còn gợi lên cả sự bóc lột và áp bức. Bên cạnh hình ảnh người mục tử tốt lành, hình ảnh mục tử xấu cũng xuất hiện. Nơi tiên tri Êdekien, chúng ta tìm thấy một bản cáo trạng khủng khiếp chống lại những mục tử xấu xa chỉ nuôi sống mình. Họ ăn sữa và mặc quần áo len, nhưng họ không quan tâm chút nào đến những con chiên mà họ thực sự đối xử “một cách tàn nhẫn và bạo lực” (Ez 34:1ff). Bản cáo trạng chống lại những mục tử xấu này được theo sau bởi một lời hứa: Một ngày nào đó, chính Thiên Chúa sẽ chăm sóc đàn chiên của mình một cách yêu thương:
Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật (Ed 34:16).
Trong Tin Mừng, Chúa Giêsu cũng đề cập đến chủ đề về người mục tử tốt lành và mục tử xấu, nhưng với một điều gì đó mới mẻ: “Ta là mục tử tốt lành!” Ngài nói. Lời hứa của Chúa đã trở thành hiện thực, vượt quá mọi sự mong đợi.
* * *
Ở điểm này, chúng ta phải nhớ lại mục đích ban đầu của chúng ta đằng sau những suy niệm này: một mục đích cá nhân hơn là “mục vụ”, là làm cho Tin Mừng thấm nhập vào đời sống chúng ta, để có thể loan báo Tin Mừng cho thế giới một cách đáng tin cậy hơn.
Bài diễn văn của Chúa Giêsu có hai nhân tố: người mục tử và đàn chiên, nghĩa là từng con chiên (ở số ít). Chúng ta sẽ xác định với nhân tố nào trong hai nhân tố ấy? Nhân kỷ niệm ngày thụ phong giám mục, Thánh Augustinô đã nói với mọi người: “Đối với anh chị em, tôi là giám mục, với anh chị em, tôi là một Kitô hữu!” “Vobis sum episcopus, vobiscum sum christianus.” Và vào một dịp khác: “Đối với anh chị em, chúng tôi giống như những người chăn chiên, nhưng đối với Đấng Chăn Chiên, chúng tôi là chiên như anh chị em”. Do đó, chúng ta hãy gác lại vai trò của mình – một số trong các bạn là những mục tử và tôi là một nhà thuyết giáo, và chúng ta hãy cảm nhận một lần và là những con chiên duy nhất trong đàn. Chúng ta hãy nhớ câu hỏi quan trọng hơn đối với Chúa Giêsu tại Caesarea: “Đối với anh em, Thầy là ai?” như thể Người đã nói: “Hãy quên đi Ta là ai theo ý kiến của mọi người, và tập trung vào chính con”.
Nhà tâm lý học vĩ đại Carl Gustav Jung đã định nghĩa bác sĩ tâm thần là “Người chữa lành vết thương”. Ý nghĩa lý thuyết của ông là bạn cần biết vết thương tâm lý của chính mình để chữa lành vết thương của người khác và việc biết vết thương của người khác sẽ giúp chữa lành vết thương của chính bạn. Trực giác của nhà phân tâm học cũng áp dụng được cho những vết thương tinh thần. Mục tử của Giáo hội cũng là một “người chữa lành vết thương”, một người bệnh phải giúp đỡ người khác được chữa lành.
Chúng ta hãy cố gắng hiểu căn bệnh chính mà chúng ta cần phải điều trị để chữa khỏi bệnh cho người khác là gì. Một điều mà từ đầu này đến đầu kia của Kinh thánh được dạy cho chiên về Thiên Chúa Mục Tử là gì? Nó không phải là sợ hãi! Vào thời điểm này, những lời này chen chúc trong ký ức, bắt đầu từ những lời của Chúa Giêsu: “Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ” (Lc 12:32); “Sao nhát thế, hỡi những người kém lòng tin? “ Người nói với các tông đồ sau khi đã làm dịu cơn bão (Mt 8:26). Chúng ta cũng hãy nhớ lại một số lời quen thuộc trong các thánh vịnh, không phải chỉ là những câu trích dẫn trong Kinh thánh, mà bằng cách biến chúng thành của riêng chúng ta khi chúng ta nghe chúng:
CHÚA là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.
Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.
Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi.
Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.
Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.
Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm (Tv 23:1.4).
CHÚA là nguồn ánh sáng và ơn cứu độ của tôi, tôi còn sợ người nào?
CHÚA là thành luỹ bảo vệ đời tôi, tôi khiếp gì ai nữa? (Tv 27:1).
Vì vậy, chúng ta hãy nói về “cái ác đen tối” của nỗi sợ hãi, nó có sức mạnh rất lớn để cướp đi niềm vui sống của con người. Sợ hãi là điều kiện tồn tại của chúng ta; nó đi cùng chúng ta từ thuở thơ ấu cho đến khi chết. Đứa trẻ sợ nhiều thứ; chúng ta gọi những nỗi sợ ấy là nỗi kinh hoàng trẻ thơ. Thanh thiếu niên đôi khi sợ hãi người khác giới và rơi vào mặc cảm nhút nhát, tự ti. Chúa Giêsu đã nêu đích danh nỗi sợ hãi chính của chúng ta khi trưởng thành: đó là nỗi sợ ngày mai – “chúng ta sẽ ăn gì?” (Mt 6:31); sợ hãi thế gian và những kẻ quyền thế – “những kẻ chỉ giết thân xác chúng ta” (Mt 10:28). Với mỗi nỗi sợ hãi này, Người đều tuyên bố: Nolite timere! “Đừng sợ!” Đây không phải là một lời nói trống rỗng và bất lực, nhưng là một lời hiệu nghiệm và gần như có tính bí tích. Giống như tất cả những lời của Chúa Giêsu, nó thực hiện những gì nó nói; nó không giống như câu nói đơn giản “Hãy can đảm lên!” mà con người chúng ta có thể nói với nhau.
* * *
Nhưng sợ hãi là gì? Chúng ta hãy gác lại nỗi thống khổ hiện sinh mà các triết gia đã thảo luận suốt một thế kỷ rưỡi nay. Hãy nói về những nỗi sợ hãi phổ biến và quen thuộc. Chúng ta có thể nói rằng sợ hãi là phản ứng trước một mối đe dọa đối với con người chúng ta, phản ứng trước một mối nguy hiểm thực sự hoặc một mối nguy hiểm mà chúng ta cảm nhận, từ mối nguy hiểm lớn nhất là cái chết, đến những mối nguy hiểm cụ thể đe dọa sự yên bình, an toàn thể chất hoặc sự an toàn trong thế giới cảm xúc của chúng ta. Sợ hãi là biểu hiện của bản năng tự bảo vệ cơ bản của chúng ta. Tùy thuộc vào việc chúng ta đang đối mặt với những mối nguy hiểm khách quan và thực tế hay những mối nguy hiểm tưởng tượng, chúng ta nói về những nỗi sợ hãi chính đáng và không chính đáng, hoặc thậm chí là chứng loạn thần kinh: chứng sợ bị vây kín, chứng sợ khoảng trống, những căn bệnh tưởng tượng, v.v.
Tâm lý học và phân tâm học cố gắng chữa lành nỗi sợ hãi và rối loạn thần kinh của con người bằng cách phân tích chúng và đưa chúng từ vô thức đến ý thức. Tin Mừng không làm xao lãng những phương tiện này của con người, thực ra Tin Mừng khuyến khích chúng, nhưng bổ sung thêm một điều mà khoa học không thể cung cấp được. Thánh Phaolô viết:
“Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?... Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8:35-37).
Ở đây, sự giải thoát không nằm ở ý tưởng hay kỹ thuật mà ở một con người! “Lời giải đáp” cho mọi nỗi sợ hãi là Chúa Kitô, Đấng đã nói với các môn đệ của Người: “Đừng sợ, Thầy đã thắng thế gian” (Ga 16:33). Khi đó, từ phạm vi cá nhân, Thánh Tông Đồ mở rộng cái nhìn của mình đến viễn cảnh vĩ đại về không gian và thời gian, từ những nỗi sợ hãi nhỏ bé của cá nhân đến những nỗi sợ hãi lớn lao và phổ quát. Ngài viết:
“Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta.”(Rm 8,38-39).
“Dầu là sự chết hay sự sống!” Chúa Kitô đã chiến thắng điều khiến chúng ta sợ hãi nhất trên thế giới, đó là cái chết. Thư gửi tín hữu Do Thái nói về Ngài rằng Chúa Giêsu đã chết để “nhờ cái chết của Người, Người đã tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ”(Dt 2:14-15).
“Dầu là trời cao hay vực thẳm!”, nghĩa là: không phải cái lớn vô cùng là vũ trụ với tỷ lệ ngày càng mở rộng của nó, cũng không phải cái nhỏ vô cùng – nguyên tử – mà chúng ta đã tự mình khám phá ra sức mạnh khủng khiếp của nó. Ngày nay chúng ta tiếp xúc nhiều hơn bao giờ hết với loại nỗi sợ hãi vũ trụ này. Con người hiện đại cảm nhận sâu sắc sự tổn thương của mình trong một thế giới bạo lực và điên loạn. Tương lai của hành tinh chúng ta sẽ ra sao nếu, bất chấp những lời cảnh báo từ Đức Giáo Hoàng và những người có trách nhiệm nhất trong xã hội, chúng ta vẫn tiếp tục tiêu thụ và gây ô nhiễm một cách triệt để?
Khi kết thúc những suy tư triết học của mình về mối nguy hiểm của công nghệ đối với con người hiện đại, Martin Heidegger, gần như bỏ cuộc, đã thốt lên: “Chỉ có một vị thần mới có thể cứu chúng ta!” “Một vị thần” (chữ thường!) là cách thần thoại thông thường để nói về điều gì đó ở trên chúng ta. Chúng ta xóa mạo từ không xác định và nói “Chỉ có Chúa (và chúng tôi biết là Chúa nào!) mới có thể cứu chúng ta!”
Đó không phải là chuyển trách nhiệm của chúng ta lên Thiên Chúa, nhưng tin rằng, cuối cùng, “mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Thiên Chúa” [và những người được Thiên Chúa yêu thương!] (Rm 8:28). Khi đề cập đến Thiên Chúa, thước đo là sự vĩnh cửu. Bạn có thể thất vọng về thời gian, nhưng không phải là vĩnh viễn. Chúng ta, những Kitô Hữu, có lý do mạnh mẽ hơn nhiều so với tác giả Thánh Vịnh để lặp lại, trước những biến động về thể chất và đạo đức của thế giới:
Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu, là sức mạnh của ta.
Người luôn luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ta phải ngặt nghèo.
Nên dầu cho địa cầu chuyển động,
núi đồi có sập xuống biển sâu
(Tv 46:2-3).
* * *
Nhưng chúng ta vẫn chưa tính đến điều an ủi nhất mà Tin Mừng nói với chúng ta về nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta! Sau khi khuyên nhủ các môn đệ bằng cả ngàn cách đừng sợ hãi, Ngài lại làm một việc khác. Kinh Thánh chưa bao giờ nói rằng mục tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đàn chiên của mình. Rằng Người biết chúng, hướng dẫn chúng, chăm sóc chúng, bảo vệ chúng: điều này là có; nhưng không phải là anh ta hy sinh mạng sống của mình cho chúng. Chúa Giêsu đã hứa làm điều đó và Ngài đã làm!
Anh ta đã gánh chịu nỗi sợ hãi của chúng tôi. Tác giả Thư gửi tín hữu Do Thái nói: “Khi còn sống kiếp phàm nhân, Đức Giêsu đã lớn tiếng kêu van khóc lóc mà dâng lời khẩn nguyện nài xin lên Đấng có quyền năng cứu Người khỏi chết.” (Dt 5:7). Tác giả ám chỉ những gì đã xảy ra với Chúa Giêsu trong đêm ở Vườn Giệtsimani. Thánh sử Máccô kể rằng tại Vườn Cây Dầu, Chúa Giêsu “bắt đầu bối rối và đau khổ. Rồi Người nói với các ông: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Hãy ở lại đây mà canh thức” (Mc 14:33-34). Chúa Giêsu cảm thấy cô đơn, bị cắt đứt khỏi xã hội loài người; Ngài yêu cầu các tông đồ hãy ở gần Ngài, ở lại với Ngài.
Thư gửi tín hữu Do Thái cũng nêu bật sứ điệp an ủi chứa đựng cho chúng ta trong trang Tin Mừng huyền nhiệm này:
“Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội. Bởi thế, ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.”(Dt 4:15-16).
Bằng cách tự mình gánh lấy chúng, Chúa Giêsu cũng đã cứu chuộc những nỗi sợ hãi và lo lắng của chúng ta. Kinh thánh nói về ngài: “Nhờ vết thương của Người, chúng ta được chữa lành” (Is 53:5-6; 1 Pr 2:24). Chúa Giêsu thực sự là “người chữa lành vết thương” mà nhà tâm lý học đã nói đến, người bị thương chữa lành vết thương của nhiều người. Ngài đã biến nỗi sợ hãi và đau khổ thành cơ hội để phát triển nhân bản và lòng từ bi.
Nhưng ngay cả điều này cũng không làm cạn kiệt những gì Tin Mừng nói với chúng ta về nỗi sợ hãi của chúng ta. Nếu mọi chuyện kết thúc ở đây thì niềm an ủi của chúng ta vẫn chưa trọn vẹn. Chúng ta sẽ có trước mắt một tấm gương anh hùng và cảm động để noi theo, nhưng không có một bàn tay nào nâng đỡ chúng ta. Nhưng đây là tin vui trọng đại thứ hai của Tin Mừng: người chữa lành vết thương đã sống lại từ cõi chết và nói: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Ngài không chỉ cho chúng ta ví dụ về cách vượt qua nỗi thống khổ; Người đã cho chúng ta phương tiện để vượt qua nó: đó là sự hiện diện và ân sủng của Người. Đối với Thánh Phaolô, người đang phàn nàn về “cái dằm đâm vào xác thịt” của mình, Đấng Phục Sinh trả lời: “Ân sủng của Ta đã đủ cho con rồi!” (2 Côrinhtô 12:9).
Các vị tử đạo đã biến nó - và vẫn còn biến nó thành một trải nghiệm hữu hình. Trong Công vụ các vị tử đạo ở Carthage, bị giết dưới thời Hoàng đế Septimius Severus vào những năm đầu của thế kỷ thứ 3 (một trong những Công vụ đáng tin cậy nhất về mặt lịch sử trong số tất cả các Công vụ về các vị tử đạo!), chúng ta đọc được rằng một trong số họ, tên là Felicitas, đang mang thai vào tháng thứ tám khi cô bị bắt. Trong tù, cô rên rỉ vì đau đớn khi sinh con. Một trong những cai ngục nói với cô: “Nếu bây giờ cô phàn nàn, cô sẽ làm gì khi bị ném cho thú dữ trong đấu trường?” Và cô ấy trả lời: “Bây giờ, tôi là người đau khổ; lúc đó sẽ có người khác chịu khổ thay tôi!”
Chúng tôi có một ví dụ gần gũi hơn với chúng ta. Trong tù và trước ngày bị treo cổ, sau cuộc đảo chính thất bại chống lại Hitler, Mục sư Dietrich Bonhoeffer đã viết những câu thơ này thường được dùng làm thánh ca phụng vụ:
Bởi sức mạnh tử tế được bảo vệ một cách tuyệt vời
chúng tôi chờ đợi với sự tự tin, những gì có thể xảy ra.
Chúng ta ở với Chúa vào ban đêm và buổi sáng
và chắc chắn là vào mỗi ngày mới.
* * *
Trong những bài suy niệm này, chúng ta buộc mình không nói về những gì chúng ta phải làm cho người khác, mà chỉ nói về những gì Chúa Giêsu là và làm cho chúng ta: đồng cảm với đàn chiên, không phải với mục tử. Nhưng chúng ta phải tạo ra một ngoại lệ nhỏ trong dịp này. Bất chấp mọi lời khuyến khích của Tin Mừng, chúng ta không phải lúc nào cũng có khả năng giải thoát mình khỏi sợ hãi và thống khổ; nhưng chúng ta có thể có khả năng giải phóng người khác hoặc giúp họ giải phóng chính họ.
Pascal viết trong cuốn Hồi Ức: “Chúa Giêsu chịu thống khổ cho đến tận thế; chúng ta không được ngủ trong suốt thời gian này. Người tiếp tục đau đớn vì trong chiều hướng vĩnh cửu mà Người đã bước vào, không còn quá khứ nữa, nhưng mọi thứ đều hiện diện một cách bí ẩn, ngay cả đêm của Ngài ở Vườn Giệtsimani. Nhưng Người cũng đang đau đớn theo một cách khác, ít bí ẩn hơn. Người cũng đau đớn trong thân xác huyền nhiệm của mình: nơi những người bị áp bức bởi đau khổ và sợ hãi vì cô đơn, bệnh tật, bách hại, lưu đày và chiến tranh. Bây giờ chúng ta là mắt, miệng và tay của Chúa Kitô. Chúng ta hãy cố gắng mang lại sự an ủi cho một số người trong số họ và chúng ta sẽ nghe Chúa Giêsu phục sinh nói trong lòng mình: “Các con đã làm điều đó cho Ta!” (Mt 25:40). Cả chúng ta nữa, dù là mục tử hay tín hữu đơn sơ, cũng phải là những người chữa lành vết thương, những người bệnh tật đáng thương, tuy nhiên, có thể chữa lành cho người khác.
Tôi kết thúc bằng một giai thoại mà tôi nghĩ là nhiều người biết, nhưng nó giúp chúng ta in sâu vào tâm trí chúng ta hình ảnh Chúa Giêsu, Đấng vác chúng ta trên vai trong những giây phút khó khăn của cuộc đời. Nó kể về một người đàn ông nhìn thấy cả cuộc đời mình trong một giấc mơ. Dưới đây là một bản tóm tắt ngắn gọn của câu chuyện:
Tôi bước đi trên bãi cát ven biển, để lại phía sau không phải là một đôi dấu chân mà là hai đôi. Tôi hiểu rằng đôi thứ hai là bước chân của Chúa Giêsu đang đi bên cạnh tôi và tôi rất vui. Nhưng rồi đến một thời điểm nào đó, đôi thứ hai đó biến mất và chỉ còn thấy dấu chân của hai bàn chân trên cát. Tôi hiểu điều này xảy ra chính xác trong những thời điểm đen tối và khó khăn nhất trong cuộc đời tôi. Tôi than thở và nói: “Lạy Chúa, Chúa đã bỏ con một mình ngay lúc con cần Chúa nhất!” Chúa Giêsu trả lời: “Con ơi, những dấu chân con nhìn thấy là của chính Ta. Con đã ở trên vai Ta! 1.Augustine, Sermo340, 1 (PL 38,1483).
2.Augustine, Expos. in Psalmos, 126, 3.
3.Martin Heidegger, Antwort. Martin Heidegger im Gespräch, Gesamtausgabe, vol. 16,Frankfurt 1975.
4.PassioSanctarumPerpetuae et Felicitatis, XV (Ed. C.J. von Beek, Bonn 1938).
5.Trans. John Brownjohn.
6.B. Pascal, Pensées, 553, ed. Br.
Source:Cantalamessa
1. 40 bài Suy Niệm Mùa Chay 2024 - Thứ Tư Tuần Thứ Tư Mùa Chay
THỨ TƯ 13/3/ 2024
Is 49:8-15
Thánh Vịnh 144(145):8-9, 13B-14, 17-18
Ga 5:17-30
Vì Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.( Is 49:13)
Cuộc sống của chúng ta thường có vẻ bị bao vây bởi những khó khăn, hỗn loạn và đau đớn. Khi chúng ta bước vào Mùa Chay để thực hiện các công việc sám hối, suy ngẫm về cuộc sống của mình và những cách thức mà chúng ta đã không sống theo thánh ý Thiên Chúa dành cho cuộc sống của mình, nó có thể giống như một vùng hoang dã - một thời gian hoang tàn và mất mát.
Tuy nhiên, các bài đọc hôm nay hướng tới niềm hy vọng. Trong bài đọc sách Isaia, Chúa nói:
“Ta đã nhận lời ngươi vào thời Ta thi ân, phù trợ ngươi trong ngày Ta cứu độ…vì Thiên Chúa ủi an dân Người đã chọn và chạnh lòng thương những kẻ nghèo khổ của Người.” (Is 49:8, 13). Chúng ta nghe Chúa so sánh Ngài với một người phụ nữ không bao giờ quên đứa con của mình: “Cho dù chúng có quên đi, Ta cũng sẽ không bao giờ quên con” (Is 49:15). Đây là những lời an ủi mà Thiên Chúa nói với chúng ta, ngay cả trong những lúc đau khổ tột cùng, mời gọi chúng ta vào nơi kiên nhẫn tin tưởng. Bất kể niềm hy vọng như vậy có vẻ xa vời, Chúa hứa rằng Người sẽ thực sự phục hồi cuộc sống của chúng ta, rằng Người sẽ đưa chúng ta đến những nơi tươi mát và cuộc sống mới. “Ta sẽ nói với những kẻ bị tù: ‘Hãy ra đi, những kẻ ở trong bóng tối, hãy lộ diện’ (Is 49:9). Chính nơi Chúa Giêsu mà chúng ta tìm thấy sự viên mãn của niềm hy vọng đổi mới và cuộc sống mới. “Vì Chúa Cha là nguồn sự sống, đã làm cho Chúa Con trở thành nguồn sự sống” (Ga 5:26).
Tuy nhiên, việc tiếp cận niềm hy vọng và sự viên mãn này đòi hỏi chúng ta phải bước một bước – đó là bước tin và lắng nghe Chúa Giêsu, đón nhận Lời Người vào lòng chúng ta. Ngài hứa với chúng ta: “Ai nghe lời Ta và tin vào Đấng đã sai Ta thì được sự sống đời đời” (Ga 5:24).
Tất nhiên, tin và lắng nghe có nghĩa là vừa tin cậy vào những lời hứa của Ngài, vừa sống theo những hàm ý trong lời dạy và lối sống của Ngài. Khi chúng ta tiến đến những tuần cuối cùng của Mùa Chay, chúng ta hãy dành thời gian lắng nghe sâu sắc tiếng nói của Chúa Giêsu, tìm ra niềm hy vọng và những lối sống mới hy vọng mang lại lợi ích cho người khác.
Lạy Chúa Giêsu, xin tuôn đổ trên chúng con niềm hy vọng về lời hứa của Chúa, xin hãy mở rộng đôi tai và trái tim của chúng con để đón nhận và đáp lại lời nói của Chúa trong đức tin và đức cậy. Amen.
2. Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương kêu gọi lạc quyên giúp Thánh địa
Đức Hồng Y Tổng trưởng Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương, Claudio Gugerotti, tha thiết kêu gọi các tín hữu tham gia cuộc lạc quyên truyền thống vào Thứ Sáu Tuần thánh, ngày 29 tháng Ba tới đây.
Trong thư công bố hôm mùng 08 tháng Ba vừa qua, sau khi nhắc đến sự hiện diện của các tín hữu Kitô tại Thánh địa qua dòng lịch sử, vượt thắng bao nhiêu khó khăn và bách hại, nhưng sự hiện diện ấy đang bị đe dọa, Đức Hồng Y Tổng trưởng viết:
“Ngày nay, nhiều người ở Thánh địa không còn chịu nổi nữa, và phải rời bỏ những nơi mà cha ông họ đã cầu nguyện và làm chứng về Tin mừng. Họ rời bỏ tất cả và trốn chạy, vì không thấy hy vọng. Và chó sói hung hãn chia nhau chiến lợi phẩm.
“Các tín hữu Kitô ở Iraq, Syria, Liban và bao nhiêu nơi khác đang hướng về chúng ta và xin chúng ta, nói rằng: “Xin giúp chúng tôi tiếp tục làm lan tỏa tại Phương Đông hương thơm của Chúa Giêsu” (2 Cr 2,15).
Và Đức Hồng Y viết: “Tôi ngỏ lời với anh chị em để tiếng kêu của các tín hữu ấy được lắng nghe và Đức Thánh Cha có thể hỗ trợ các Giáo hội địa phương tìm những con đường mới, những cơ hội có nhà ở, công ăn việc làm, học hành và nghề nghiệp, để họ ở lại và đừng phân tán trong thế giới không được biết đến ở Tây phương, rất khác biệt với tâm tình và cách thức làm chứng đức tin của họ. Nếu họ ra đi, nếu ở Giêrusalem và Palestine họ rời bỏ những dịch vụ thương mại nhỏ nhắm đến các tín hữu hành hương, là những người không còn đến đó nữa, thì Đông phương sẽ mất một phần tâm hồn của mình, và có lẽ sẽ mất mãi mãi. Xin anh chị em hãy làm cho họ cảm thấy con tim liên đới của Giáo hội!”
Phân phối tài trợ
Cùng với thư kêu gọi trên đây, Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương cũng tường trình về kết quả cuộc lạc quyên năm ngoái, 2023, là gần sáu triệu 572.000 Euro và sự phân phối ngân khoản này do Dòng Phanxicô tại Thánh địa thực hiện. Những số tiền đó được dùng vào việc duy trì các cơ cấu mục vụ, giáo dục, bác ái, y tế và xã hội. Các miền được hưởng sự trợ giúp này, là: Giêrusalem, Palestine, Israel, Giordani, đảo Cipro, Syria, Liban, Ai Cập, Ethiopia, Eritrea, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, và Iraq. Nói chung, Dòng Phanxicô tại Thánh địa nhận được 65% số tiền lạc quyên được và phần còn lại được giao cho Bộ các Giáo hội Công giáo Đông phương: Bộ dùng ngân khoản này để huấn luyện các các chủng sinh, nâng đỡ hàng giáo sĩ, các hoạt động học đường, huấn luyện về văn hóa và hỗ trợ các giáo phận ở Trung Đông.
Có hơn hai triệu 376.000 Euro được dành cho việc huấn luyện tại Roma các chủng sinh, linh mục và nữ tu từ Thánh địa, duy trì các học viện và cộng tác văn hóa với Học viện Giáo hoàng Đông phương, cũng ở Roma với một triệu Euro.
3. Tường thuật của CNS về việc Đức Thánh Cha kêu gọi ‘sự can đảm của cờ trắng’ trong đàm phán ở Ukraine
Catholic News Service của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ có bài tường thuật nhan đề “Pope calls for the 'courage of the white flag,' negotiation, in Ukraine”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Việc Đức Thánh Cha Phanxicô sử dụng thuật ngữ “cờ trắng” khi phát biểu trong một cuộc phỏng vấn về cuộc chiến ở Ukraine đã đặt ra những câu hỏi mà văn phòng báo chí Vatican đã cố gắng giải thích. Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, cho biết hy vọng của Đức Thánh Cha “là một giải pháp ngoại giao cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài”.
Khuyến khích các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến của Nga ở Ukraine, Đức Thánh Cha Phanxicô kêu gọi các bên tham chiến hãy có “sự can đảm của lá cờ trắng”, một thuật ngữ thường gắn liền với sự đầu hàng.
Khi được hỏi trong một cuộc phỏng vấn liệu Ukraine có nên đầu hàng hay không và liệu làm như vậy có hợp pháp hóa hành động của cường quốc mạnh hơn hay không, Đức Thánh Cha nói rằng “người mạnh nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng can đảm của lá cờ trắng và thương lượng.”
Cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Thụy Sĩ nói tiếng Ý RSI, được ghi hình vào ngày 2 tháng 2, nhưng các phân đoạn đã được phát hành vào ngày 9 tháng 3 trước khi phát hành đầy đủ dự kiến vào ngày 20 tháng 3.
Một số phương tiện truyền thông Ý đã nhanh chóng lan truyền những câu chuyện về cuộc phỏng vấn ngày 9 tháng 3, trích dẫn sai lời của Đức Giáo Hoàng khi nói rằng “Ukraine nên có can đảm để giương cờ trắng”.
Matteo Bruni, giám đốc văn phòng báo chí Vatican, nói với các phóng viên ngày 9 tháng 3 rằng hình ảnh lá cờ trắng – một thuật ngữ được người phỏng vấn sử dụng khi đặt câu hỏi – đã được Đức Thánh Cha chọn “để biểu thị sự chấm dứt thù địch, một hiệp định đình chiến đạt được nhờ sự can đảm của đàm phán. Hy vọng của ngài là một giải pháp ngoại giao cho một nền hòa bình công bằng và lâu dài.”
Bruni cũng trích dẫn những lời của Đức Thánh Cha Phanxicô khi đề cập đến cuộc chiến Israel-Hamas ở nơi khác trong cuộc phỏng vấn, “nhưng đề cập đến mọi tình huống chiến tranh”, trong đó Đức Thánh Cha nói rằng “thương lượng không bao giờ là đầu hàng”.
Thảo luận về Ukraine, Đức Thánh Cha nói rằng “đàm phán là một từ can đảm”, lưu ý rằng các cuộc đàm phán có thể thực hiện được với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế. Ví dụ, ngài đề cập rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị hòa giải cuộc xung đột.
Đức Thánh Cha nói: “Khi bạn thấy mình bị đánh bại, mọi việc không tiến triển, hãy can đảm để thương lượng”. “Bạn có thể xấu hổ, nhưng cuối cùng bao nhiêu người sẽ chết? Nó sẽ vẫn còn tồi tệ hơn. Hãy đàm phán kịp thời, tìm quốc gia nào đó có thể đứng ra làm trung gian.”
Ngài nói: “Đừng xấu hổ khi đàm phán trước khi mọi việc trở nên tồi tệ hơn”.
Sau khi đọc kinh Truyền Tin ngày 10 tháng 3 với du khách tại Quảng trường Thánh Phêrô, Đức Thánh Cha khuyến khích mọi người cầu nguyện cho hòa bình ở Congo, Thánh địa và Ukraine. “Cầu mong chấm dứt càng sớm càng tốt những hành động thù địch gây ra đau khổ to lớn cho dân thường.”
Khi được hỏi trong cuộc phỏng vấn của RSI về việc sẵn sàng đóng vai trò trung gian hòa giải trong cuộc chiến Nga-Ukraine, Đức Thánh Cha nói: “Tôi ở đây, chấm hết,” và đề cập đến một lá thư ngài gửi cho người Do Thái ở Israel vào ngày 3 tháng 2, trong đó ngài khuyến khích họ hãy làm như vậy. không khuất phục trước chủ nghĩa bại trận và ngờ vực, nhưng “không bao giờ mất hy vọng về một nền hòa bình có thể có được”.
Ngài nói: “Đàm phán không bao giờ là đầu hàng. “Đó là sự can đảm để không khiến đất nước tự sát.”
Andrii Yurash, đại sứ Ukraine tại Vatican, đã gọi cuộc chiến ở Ukraine là chiến tranh thế giới thứ ba trong một bài đăng trên X sau khi bình luận của Giáo hoàng được công bố, và ông hỏi liệu có ai cân nhắc việc giương cờ trắng với Hitler hay không.
Vatican đã nhiều lần đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải giữa Ukraine và Nga, và năm ngoái Đức Thánh Cha Phanxicô đã cử đặc phái viên hòa bình của ngài về Ukraine, Đức Hồng Y Matteo Zuppi của Bologna, Ý, tới Kyiv, Mạc Tư Khoa, Washington và Bắc Kinh để gặp gỡ các nhà lãnh đạo nước ngoài và thúc đẩy tiến trình đàm phán. đàm phán hòa bình về Ukraine
4. Thêm phản ứng trước bình luận “lòng dũng cảm của lá cờ trắng” của Đức Thánh Cha Phanxicô.
Hãng thông tấn AP đưa tin:
Ngoại trưởng Ba Lan, một đồng minh lớn tiếng của Kyiv, và đại sứ Ukraine tại Vatican đều sử dụng phép so sánh trong Thế chiến II để lên án những nhận xét của Đức Giáo Hoàng, trong khi một lãnh đạo của một trong những Giáo Hội Công Giáo của Ukraine hôm Chúa Nhật nói rằng chỉ có sự kiên quyết chống lại sự can thiệp của Nga mới ngăn chặn được một cuộc tàn sát hàng loạt thường dân.
“Để cân bằng thì thế này, Đức Giáo Hoàng nên khuyến khích Putin có can đảm rút quân khỏi Ukraine. Hòa bình sẽ ngay lập tức xảy ra mà không cần phải đàm phán”, Ngoại trưởng Ba Lan Radek Sikorski cho biết như trên.
Trong một bài đăng riêng, Sikorski đã nêu ra sự tương đồng giữa những người kêu gọi đàm phán trong khi “từ chối các biện pháp để Ukraine tự vệ” và “sự xoa dịu” của các nhà lãnh đạo Âu Châu đối với Adolf Hitler ngay trước Thế chiến thứ hai.
Andrii Yurash, đại sứ Ukraine tại Tòa thánh, nói rằng “cần phải rút ra những bài học” từ cuộc xung đột đó. Ông dường như so sánh những bình luận của Đức Giáo Hoàng với những lời kêu gọi “nói chuyện với Hitler” trong khi giương cờ trắng để làm hài lòng ông ta.
Một phát ngôn viên của Vatican sau đó đã làm rõ rằng Đức Giáo Hoàng ủng hộ “việc chấm dứt thù địch và một thỏa thuận ngừng bắn đạt được nhờ sự can đảm của các cuộc đàm phán,” thay vì sự đầu hàng hoàn toàn của Ukraine. Matteo Bruni nói rằng nhà báo phỏng vấn Đức Phanxicô đã sử dụng thuật ngữ “cờ trắng” trong câu hỏi gây ra những nhận xét gây tranh cãi.
“Tôi nghĩ rằng người mạnh nhất là người nhìn vào tình hình, nghĩ đến người dân và có lòng dũng cảm cầm cờ trắng và đàm phán,” Đức Phanxicô nói khi được yêu cầu cân nhắc về cuộc tranh luận giữa những người cho rằng Ukraine nên đồng ý đàm phán hòa bình và những người cho rằng bất kỳ cuộc đàm phán nào cũng sẽ hợp pháp hóa hành động gây hấn của Mạc Tư Khoa.
Cuộc phỏng vấn được ghi hình vào tháng trước với đài truyền hình RSI của Thụy Sĩ và được phát hành một phần vào thứ Bảy, Đức Phanxicô đã sử dụng cụm từ “sự can đảm của lá cờ trắng” khi ngài lập luận rằng Ukraine, đối mặt với một thất bại có thể xảy ra, nên cởi mở với các cuộc đàm phán hòa bình do các cường quốc quốc tế làm trung gian.
Đức Tổng Giám mục Sviatoslav Shevchuk, nhà lãnh đạo Giáo hội Công giáo Đông Phương Ukraine, cho biết hôm Chúa Nhật rằng người Ukraine không có ý định đầu hàng.
“Ukraine bị tổn thương nhưng không bị khuất phục! Ukraine kiệt sức nhưng vẫn đứng vững và sẽ chịu đựng. Hãy tin tôi, việc đầu hàng không bao giờ xảy ra với bất kỳ ai.”
1. Báo cáo cho biết chiến đấu cơ Su-27 của Nga bị bắn hạ trên Belgorod
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russian Su-27 Fighter Jet Shot Down Over Belgorod: Reports”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Hôm thứ Ba, một chiếc Su-27 của Nga đã bị rơi ở khu vực Belgorod phía nam nước Nga, giáp biên giới Ukraine, theo báo cáo địa phương.
Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv sáng Thứ Tư, 13 Tháng Ba, Phát ngôn nhân của lực lượng không quân Ukraine, Đại Tá Yurii Ihnat xác nhận rằng một trong những chiến đấu cơ siêu thanh của Nga đã rơi gần thị trấn Valuyki của Nga hôm thứ Ba.
Các blogger quân sự Nga cũng xác nhận Nga đã mất một chiến đấu cơ Su-27 tại khu vực Belgorod. Đoạn phim lan truyền trên mạng của các blogger quân sự Nga cho thấy những đám khói dày đặc bốc lên bầu trời.
Trong một tuyên bố được đăng lên ứng dụng nhắn tin Telegram vào sáng sớm thứ Ba, Vyacheslav Gladkov, thống đốc vùng Belgorod, cho biết “một vật thể nổ đã được phát hiện và loại bỏ bởi một nhóm kỹ thuật” cùng với Bộ Quốc phòng Nga ở làng Soloti. Thị trấn nằm ở phía tây bắc Valuyki. Gladkov nói: “Không có hậu quả gì cả.”
Bộ Quốc phòng Nga không đề cập đến bất kỳ máy bay nào của họ trong các tuyên bố hôm thứ Ba, nhưng cho biết lực lượng phòng không của nước này đã tiêu diệt 25 máy bay không người lái của Ukraine trên lãnh thổ Nga chỉ trong một đêm, trong đó có 7 chiếc trên khu vực Belgorod.
Trong một tuyên bố khác, Mạc Tư Khoa cho biết họ đã đánh chặn 8 hỏa tiễn Ukraine và một hỏa tiễn chiến thuật trên khu vực Belgorod vào khoảng 7h30 sáng giờ địa phương. Nga sau đó cho biết một máy bay không người lái khác đã bị bắn rơi trên vùng Belgorod vào lúc 9:15 sáng giờ địa phương.
Ukraine cho biết Nga đã mất số lượng máy bay Su-34 và Su-35 ở mức hai con số, nhưng báo cáo về việc Mạc Tư Khoa mất máy bay Su-27 thì hiếm hơn. Su-35 là phiên bản hiện đại hóa của tiêm kích Su-27.
Theo quân đội Mỹ, Flanker thời Chiến tranh Lạnh, hay Su-27 được gọi theo cách nói của NATO, được thiết kế để cạnh tranh với các chiến đấu cơ thế hệ thứ tư của Mỹ.
Trong một tuyên bố sau đó hôm thứ Ba, Bộ Quốc phòng Nga cho biết “các đội quân khủng bố” Ukraine đã “cố gắng xâm chiếm” lãnh thổ Nga dọc biên giới giữa hai nước, bao gồm cả khu vực Belgorod, bằng cách sử dụng xe tăng và xe thiết giáp.
Các phương tiện truyền thông và quan chức Ukraine hôm thứ Ba cho biết các nhóm Nga phản đối Putin, bao gồm Quân đoàn Tự do Nga và Quân đoàn Tình nguyện Nga, đã phát động một “chiến dịch chung”.
Đoạn phim ban đêm do Quân đoàn Tự do Nga đăng tải hôm thứ Ba dường như cho thấy các chiến binh di chuyển trên xe tăng hoặc xe thiết giáp. “Đã vượt qua biên giới,” nhóm nói trong một tuyên bố ngắn gọn.
Nhóm thân Ukraine, Tiểu đoàn Siberia, hôm thứ Ba cho biết họ đang “mang lại tự do và công lý cho vùng đất Nga của chúng tôi”, đồng thời nói thêm rằng “cuộc giao tranh ác liệt đang diễn ra trên lãnh thổ Nga”.
Quân đoàn tình nguyện Nga cũng đăng đoạn phim lên các trang mạng xã hội của họ vào thứ Ba. Nhóm này cho biết: “Các nhà chức trách ở Nga chỉ hiểu ngôn ngữ của vũ lực”. “Đó là lý do tại sao chúng tôi lại tiến vào lãnh thổ Liên bang Nga!”
2. Thảm họa Il-76: 15 người có thể đã chết trong vụ tai nạn máy bay vận tải Ivanovo ở Nga
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Il-76 Disaster: 15 Feared Dead in Russian Transport Plane Ivanovo Crash”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Có tới 15 người được cho là đã thiệt mạng sau khi một máy bay vận tải quân sự của Nga bị rơi ngay sau khi cất cánh hôm thứ Ba.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết, một máy bay chở hàng quân sự Il-76 đã bị rơi vào khoảng 1 giờ chiều theo giờ Mạc Tư Khoa hôm Thứ Ba, khi đang cất cánh cho một “chuyến bay theo lịch trình”.
Chính phủ Nga cho biết có tổng cộng 15 người trên máy bay khi máy bay rơi gần thành phố Ivanovo, phía đông bắc thủ đô Mạc Tư Khoa. Theo Mạc Tư Khoa, có 8 thành viên phi hành đoàn và 7 hành khách trên máy bay vận tải.
Đoạn phim đầy kịch tính lan truyền trên mạng dường như cho thấy chiếc máy bay bốc cháy ngay trước thời điểm va chạm. Chính quyền Nga cho biết “nguyên nhân của thảm họa là do cháy ở một trong các động cơ khi cất cánh”.
Tờ báo nhà nước Nga, Izvestia, đã công bố một bức ảnh được cho là bức ảnh đầu tiên về hiện trường đống đổ nát. Nó dường như cho thấy các bộ phận của một chiếc máy bay trong một khu vực nhiều cây cối, bùn lầy.
Kênh Telegram Shot của Nga, được cho là có liên kết với các cơ quan an ninh Nga, cho biết một số thi thể đã được trục vớt từ hiện trường vụ tai nạn, trích dẫn một nguồn tin giấu tên. Hãng thông tấn Tass do nhà nước hậu thuẫn sau đó đưa tin rằng không có người nào sống sót sau vụ tai nạn.
Phương tiện truyền thông được nhà nước Nga hậu thuẫn đưa tin một đám cháy đã bùng phát gần phi trường Severny, cách Ivanovo vài dặm. Hãng thông tấn nhà nước RIA Novosti dẫn lời thống đốc khu vực cho biết, ngọn lửa đã được dập tắt kể từ đó.
Theo các quan chức khu vực, vụ tai nạn “không ảnh hưởng đến các khu vực đông dân cư của vùng Ivanovo”.
Máy bay Ilyushin Il-76 được thiết kế để vận chuyển quân đội, thiết bị quân sự, vũ khí và các loại hàng hóa khác.
Cuối Tháng Giêng năm 2024, một chiếc máy bay Il-76 khác chở 74 người bị rơi ở vùng Belgorod phía nam nước Nga, giáp biên giới với Ukraine. Khi đó, chiếc máy bay vận tải đang chở 65 tù binh chiến tranh Ukraine. Nga đổ lỗi vụ tai nạn cho Ukraine, điều mà Kyiv chưa bao giờ xác nhận.
Đoạn phim được đăng lên mạng xã hội vào thời điểm đó dường như cho thấy khoảnh khắc chiếc máy bay vận tải bị rơi, ngọn lửa bốc lên rõ ràng trên bầu trời kèm theo những đám khói đen.
Vào tháng 6 năm 2022, một chiếc máy bay Il-76 bị rơi và bốc cháy gần thành phố Ryazan của Nga. Truyền thông nhà nước Nga đưa tin động cơ của máy bay vận tải bị hỏng và 5 người thiệt mạng.
3. Nga sản xuất đạn pháo nhiều gấp ba lần Mỹ và Âu Châu
CNN đưa tin Nga dường như đang trên đà sản xuất số lượng đạn pháo gần gấp ba lần so với Mỹ và Âu Châu cộng lại.
Báo cáo tại Ủy ban quân vụ Thượng viện Hoa Kỳ cho biết: “Nga đang sản xuất khoảng 250.000 quả pháo mỗi tháng, tương đương khoảng 3 triệu quả mỗi năm, theo ước tính tình báo của NATO về sản lượng quốc phòng của Nga,” Các nguồn tin quen thuộc với các nỗ lực của phương Tây nhằm trang bị vũ khí cho Ukraine cũng đưa ra một con số tương tự.
Nói chung, Mỹ và Âu Châu chỉ có khả năng sản xuất khoảng 1,2 triệu quả đạn mỗi năm để gửi tới Kyiv, một quan chức tình báo cao cấp của Âu Châu nói với CNN.
Quân đội Mỹ đặt mục tiêu sản xuất 100.000 viên đạn pháo mỗi tháng vào cuối năm 2025 - chưa bằng một nửa sản lượng hàng tháng của Nga - và thậm chí con số đó hiện nằm ngoài tầm với khi khoản tài trợ 60 tỷ Mỹ Kim cho Ukraine bị đình trệ tại Quốc hội.
Một quan chức cao cấp của NATO nói với CNN: “Những gì chúng ta đang gặp phải hiện nay là một cuộc chiến sản xuất”. “Kết quả ở Ukraine phụ thuộc vào việc mỗi bên được trang bị như thế nào để tiến hành cuộc chiến này.”
Các quan chức cho biết Nga hiện đang bắn khoảng 10.000 quả đạn mỗi ngày, so với chỉ 2.000 quả mỗi ngày từ phía Ukraine. Theo một quan chức tình báo Âu Châu, tỷ lệ này còn tồi tệ hơn ở một số nơi dọc theo mặt trận dài 600 dặm.
4. Nga sắp hết máy bay do thám A-50
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Is Running Out of A-50 Spy Planes”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh.
Ukraine đã nhắm vào các máy bay do thám rất mạnh và rất đắt tiền của Nga. Và họ đã rất thành công khi làm như vậy.
Kyiv đã loại bỏ hai máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không Beriev A-50, gọi tắt là AWACS, khan hiếm của Nga kể từ đầu năm. Ukraine cho biết họ đã hạ một chiếc A-50 trên Biển Azov vào giữa Tháng Giêng, sau đó là chiếc A-50 thứ hai vào cuối tháng 2.
Cuối tuần qua, Ukraine đã vượt qua biên giới vào khu vực Rostov của Nga và được cho là đã tấn công một căn cứ không quân ở thành phố Taganrog có nhiệm vụ sửa chữa máy bay A-50. Thống đốc vùng Rostov báo cáo về một cuộc tấn công “quy mô lớn” bằng máy bay không người lái nhưng cho biết “không có thiệt hại nào đối với cơ sở hạ tầng dân sự của thành phố”. Các quan chức Ukraine và các blogger quân sự Nga cho biết cơ sở máy bay gần thành phố đã bị tấn công.
Nghị sĩ Ukraine Oleksiy Goncharenko nói với Newsweek hôm Chúa Nhật rằng nhà máy Taganrog “bị hư hại nặng nề” và máy bay A-50 gần cơ sở này đã bị phá hủy hoặc bị hư hại đáng kể. Không rõ liệu chiếc máy bay này trước đây có bị hư hỏng hay đang hoạt động.
Tuy nhiên, việc mất ít nhất hai chiếc A-50 vào năm 2024 đã hạn chế tầm nhìn của Nga trên bầu trời và các hoạt động của nước này trên bầu trời Ukraine. Nhiều nhất, Nga được cho là chỉ còn lại 6 chiếc A-50.
Hồi tháng 2, Trung tướng Kyrylo Budanov, nhà lãnh đạo cơ quan tình báo quân sự GUR của Ukraine, cho biết nếu Điện Cẩm Linh mất thêm một chiếc A-50 nữa, nước này sẽ không thể duy trì hoạt động 24/7.
Đã có những dấu hiệu cho thấy những khoảng trống do những chiếc A-50 bị bắn rơi để lại đang được cảm nhận rõ ràng. Vào cuối tháng 2, quân đội Ukraine cho rằng Mạc Tư Khoa đang “cố gắng thay thế” những chiếc A-50 của mình bằng máy bay không người lái trinh sát – mặc dù các chuyên gia gợi ý với Newsweek rằng biện pháp tạm thời này sẽ chỉ đạt được thành công hạn chế.
Sau khi mất chiếc A-50 đầu tiên trong năm nay, Nga vẫn giữ chiếc A-50 thay thế hoạt động trên lãnh thổ Nga với hy vọng ngăn chặn việc mất thêm một chiếc máy bay khác, chính phủ Anh đánh giá như trên vào đầu tháng Hai. Nga cũng có thể đã cho ngừng hoạt động toàn bộ phi đội A-50 của mình sau khi mất chiếc máy bay thứ hai vào tháng 2, chính phủ Anh khi đó cho biết vào đầu tháng 3.
Bộ Quốc phòng Anh gợi ý hồi đầu tháng này rằng Mạc Tư Khoa có thể đang chuyển sang khôi phục các khung máy bay A-50 đã bị hủy hoại để đưa số lượng máy bay hoạt động trở lại. Điều này sẽ đi theo xu hướng Nga khôi phục lại những thiết bị không còn sử dụng nữa, chẳng hạn như rút những chiếc xe tăng cũ nhất ra khỏi kho.
Mỗi chiếc A-50 đều được trang bị một “radar mạnh mẽ hoạt động ngoài tần số của các camera thông thường và có khả năng nhận biết chuyển động của các phương tiện trên mặt đất và trên không chỉ trong một lần quét”, chuyên gia máy bay không người lái Steve Wright có trụ sở tại Anh cho biết.
Frederik Mertens, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Hague, cho biết thêm: “Ở độ cao mà chúng hoạt động, đường chân trời radar của chúng trải dài hơn nhiều so với radar trên mặt đất”.
Còn được NATO gọi với biệt danh Mainstay, A-50 giúp Nga tìm kiếm lực lượng phòng không Ukraine và điều phối các cuộc tấn công do các máy bay khác thực hiện, chẳng hạn như máy bay phản lực thế hệ thứ tư.
Phát ngôn nhân lực lượng không quân Kyiv, Đại tá Yury Ignat cho biết, việc mất đi những chiếc A-50 “làm giảm khả năng của chúng trong việc tiến hành trinh sát radar trên lãnh thổ Ukraine, phát hiện các mục tiêu trên không cũng như phát hiện các hệ thống radar của chúng tôi”.
5. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg xác nhận chưa có kế hoạch gửi quân liên minh tới Ukraine
Khi được hỏi về đề xuất của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron rằng các đồng minh phương Tây không nên loại trừ việc triển khai quân tới Ukraine, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói với các phóng viên báo chí rằng: “Nato chưa có kế hoạch gửi quân tới Ukraine vì cho đến nay NATO không phải là bên tham gia cuộc xung đột; và các đồng minh của NATO cũng vậy”.
Ông Stoltenberg nói rằng chỉ cần một nước NATO gửi quân tới Ukraine, thì điều đó sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ liên minh vì các thành viên của liên minh này bị ràng buộc bởi một hiệp ước phòng thủ tập thể.
Khi được hỏi liệu Macron có phạm sai lầm khi nói về “sự mơ hồ chiến lược” về khả năng triển khai quân đội phương Tây tới Ukraine hay không, ông Stoltenberg nói: “Tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta phải tham khảo ý kiến và chúng ta có đường lối chung đối với những chủ đề quan trọng này bởi vì chúng quan trọng cho tất cả chúng ta.”
Anh, Đức, Thụy Điển, Cộng hòa Tiệp, Ba Lan, Ý và Hung Gia Lợi nằm trong số những quốc gia cho biết họ không xem xét việc gửi bộ binh tới Ukraine sau những bình luận gây tranh cãi của ông Macron vào tháng trước.
Bảo vệ sự mơ hồ về chiến lược của Pháp, Tổng thống Pháp cho biết tại cuộc họp gồm 20 nhà lãnh đạo chủ yếu là Âu Châu ở Paris: “Không có sự đồng thuận nào về việc chính thức hỗ trợ bất kỳ lực lượng bộ binh nào. Điều đó nói rằng, không có gì nên bị loại trừ. Chúng tôi sẽ làm mọi thứ có thể để bảo đảm rằng Nga không thể thắng.”
6. Nga thu lợi từ các cuộc tấn công ở Biển Đỏ của Houthi
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Profiting From Houthi Red Sea Attacks”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga được cho là đang thu lợi từ các cuộc tấn công của Houthi ở Biển Đỏ khi cuộc chiến của Mạc Tư Khoa ở Ukraine và cuộc chiến của Israel với Hamas đều tiếp tục diễn ra ác liệt.
Houthis, một nhóm chiến binh được Iran hậu thuẫn có trụ sở tại Yemen, đã tấn công hành lang vận chuyển hàng hải sầm uất của Biển Đỏ kể từ ngay sau khi Israel tiến hành cuộc tấn công đang diễn ra ở Gaza sau cuộc tấn công bất ngờ ngày 7 tháng 10 của Hamas.
Trong khi đó, Nga đã bị trừng phạt nặng nề kể từ khi xâm lược Ukraine vào ngày 24 tháng 2 năm 2022. Nhiều hàng hóa thường vận chuyển bằng đường bộ qua Nga trên đường từ Á Châu đến Âu Châu đã được chuyển sang tuyến đường Biển Đỏ.
Những biến động đã thúc đẩy các chuyến hàng đường biển bắt đầu thực hiện một lộ trình dài hơn, đi từ Á Châu đến Âu Châu bằng cách đi vòng quanh Phi Châu qua Mũi Hảo Vọng. Tờ Financial Times đưa tin hôm thứ Hai rằng yêu cầu vận chuyển hàng hóa qua Nga bằng hỏa xa đã tăng vọt.
Trong khi các lệnh trừng phạt của Liên minh Âu Châu ngăn chặn việc vận chuyển hàng hóa qua Nga bằng đường bộ thì không có hạn chế nào áp dụng cho việc di chuyển bằng hỏa xa, miễn là hàng hóa không có nguồn gốc từ Nga.
Công ty vận tải DHL của Đức cho biết, các yêu cầu vận chuyển sử dụng công ty hỏa xa Nga, gọi tắt là RZD, thuộc sở hữu nhà nước của Mạc Tư Khoa đã tăng vọt 40% kể từ khi lực lượng Houthi buộc tuyến đường dài hơn trở nên phổ biến vào tháng 12.
DHL nói với The Financial Times: “Các yêu cầu đã tăng lên khoảng 40% kể từ khi bắt đầu xảy ra tình hình ở Biển Đỏ”. “Số lượng áp đảo đang đi qua Nga.”
Tương tự, các công ty vận tải chuyên nghiệp RailGate Europe và Rail Bridge Cargo đều cho biết nhu cầu vận chuyển thương mại đi tuyến hỏa xa của Nga đã tăng hơn 30% sau các cuộc tấn công của Houthi.
Mặc dù các công ty như RailGate Europe tránh giao dịch trực tiếp với RZD, công ty do chính phủ Nga kiểm soát cuối cùng vẫn chịu trách nhiệm về hệ thống hỏa xa và hưởng lợi tài chính từ bất kỳ chuyến hàng nào.
Cả Liên Hiệp Âu Châu và Mỹ đều áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với RZD sau cuộc xâm lược Ukraine. Tuy nhiên, vẫn còn những kẽ hở cho phép hỏa xa được sử dụng hợp pháp để vận chuyển hàng hóa thương mại miễn là các chuyến hàng không xuất phát hoặc dừng ở Nga.
Mặc dù tổng lượng hàng hóa được vận chuyển qua Nga kể từ khi các cuộc tấn công của Houthi bắt đầu vẫn chưa rõ ràng, nhưng bất kỳ khoản lợi nhuận nào mà RZD thu được có thể sẽ được sử dụng, ít nhất một phần, để tiếp tục tài trợ cho cuộc chiến của Nga ở Ukraine.
Lực lượng Houthi thề sẽ tiếp tục tấn công hành lang Biển Đỏ chừng nào Israel tiếp tục tấn công vào Gaza, nơi ngày càng hứng chịu sự chỉ trích và lên án của quốc tế sau cái chết của hơn 30.000 người Palestine được báo cáo.
7. Nga cho biết một nhóm tàu chiến của nước này đã tới Iran để tham gia cuộc tập trận với Iran và Trung Quốc ở Vịnh Oman và Biển Ả Rập.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong một tuyên bố được truyền thông nhà nước trích dẫn hôm thứ Hai rằng cuộc tập trận chung mang tên “Vành đai an ninh hàng hải - 2024” sẽ có sự tham gia của tàu chiến và máy bay.
Bộ này cho biết: “Phần thực tế của cuộc tập trận sẽ diễn ra ở vùng biển Vịnh Oman thuộc Biển Ả Rập”. “Mục đích chính của cuộc diễn tập là nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động kinh tế hàng hải”.
8. Tình báo Mỹ cảnh báo rằng kho vũ khí hạt nhân của Nga tiếp tục mở rộng và hiện đại hóa
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia's Nuclear Arsenal Continues to Expand and Modernize: US Intel”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Theo tình báo Mỹ, Nga đang tiếp tục xây dựng kho vũ khí hạt nhân của mình như một phương pháp răn đe trước những đối phương tiềm tàng.
Trong đánh giá mối đe dọa hàng năm được công bố hôm thứ Hai, Văn phòng Giám đốc Tình báo Quốc gia, gọi tắt là DNI, tuyên bố rằng Mạc Tư Khoa vẫn nắm giữ “kho dự trữ vũ khí hạt nhân lớn nhất và đa dạng nhất” và Nga coi vũ khí nguyên tử của mình là “cần thiết để duy trì răn đe và đạt được mục tiêu của mình trong một cuộc xung đột tiềm tàng chống lại Hoa Kỳ và NATO.”
Báo cáo này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa phương Tây và Nga tiếp tục gia tăng trong bối cảnh cuộc chiến ở Ukraine và khi có những lo ngại xoay quanh khả năng Mạc Tư Khoa sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại Kyiv hoặc các quốc gia thành viên NATO láng giềng. Putin cảnh báo các đồng minh của Ukraine có nguy cơ bắt đầu xung đột hạt nhân nếu họ mở rộng can dự vào cuộc chiến Nga-Ukraine.
Tình báo Mỹ thừa nhận trong báo cáo rằng “việc Mạc Tư Khoa không thể đạt được những chiến thắng nhanh chóng và mang tính quyết định trên chiến trường, cùng với các cuộc tấn công của Ukraine ở Nga, tiếp tục gây lo ngại rằng Putin có thể sử dụng vũ khí hạt nhân”. Văn phòng DNI cũng cho biết Nga đang tiếp tục phát triển hỏa tiễn nguyên tử tầm xa có khả năng mang vũ khí nguyên tử “nhằm xuyên thủng hoặc vượt qua hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ”.
“Nga đang mở rộng và hiện đại hóa hệ thống phi chiến lược lớn và đa dạng, có khả năng mang đầu đạn hạt nhân hoặc thông thường, bởi vì Mạc Tư Khoa tin rằng những hệ thống như vậy cung cấp các lựa chọn để ngăn chặn đối phương và kiểm soát sự leo thang của các hành động thù địch tiềm tàng cũng như chống lại các lực lượng thông thường của Mỹ và Đồng minh,” báo cáo cho biết.
Khi cuộc xâm lược Ukraine của Putin kéo dài, quân đội Nga đã phải gánh chịu tổn thất lớn, bao gồm cả về số thương vong và trang thiết bị. Tình báo Anh trước đó ước tính Mạc Tư Khoa đã mất hơn 335.000 quân kể từ khi bắt đầu cuộc chiến vào tháng 2/2022.
Theo báo cáo của DNI, những tổn thất “rộng lớn” có thể có nghĩa là Mạc Tư Khoa phải đối mặt với “sự phục hồi trong nhiều năm” và trở nên “phụ thuộc nhiều hơn vào khả năng hạt nhân và phản lực không gian để răn đe chiến lược khi nước này nỗ lực xây dựng lại lực lượng mặt đất của mình”.
“Dù thế nào đi nữa, lực lượng không quân và hải quân của Nga sẽ tiếp tục cung cấp cho Mạc Tư Khoa một số khả năng triển khai sức mạnh toàn cầu”.
Báo cáo đánh giá rủi ro cũng được đưa ra khi có nhiều câu hỏi xoay quanh kế hoạch chung của Nga với Trung Quốc nhằm xây dựng một nhà máy điện hạt nhân trên mặt trăng trong thập kỷ tới. Các báo cáo xuất hiện vào tháng 2 rằng Nga đã có được một loại vũ khí chống vệ tinh chạy bằng năng lượng hạt nhân, nhưng các quan chức Mỹ đã bác bỏ lo ngại rằng thiết bị này có thể gây ra tổn hại “vật lý” trên Trái đất. Mạc Tư Khoa cũng phủ nhận các báo cáo liên quan đến loại vũ khí như vậy.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói với Newsweek hôm thứ Hai rằng Washington “biết về kế hoạch của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và của Nga về Trạm Nghiên cứu Mặt trăng Quốc tế”, đồng thời nói thêm rằng Mạc Tư Khoa và Bắc Kinh đã chia sẻ “hàng thập kỷ hợp tác không gian”.
Theo báo cáo của DNI, Trung Quốc và Nga đang hy vọng bảo đảm “sự ổn định chiến lược” với Mỹ bằng cách tăng cường “khả năng vũ khí, bao gồm cả vũ khí phi truyền thống nhằm đánh bại hoặc trốn tránh hệ thống phòng thủ hỏa tiễn của Mỹ”.
9. Ngoại trưởng Liên Hiệp Âu Châu kêu gọi ngành công nghiệp quốc phòng mạnh mẽ hơn để bổ sung kho vũ khí đang cạn kiệt được gửi đến Ukraine
Josep Borrell, đại diện cao cấp của Liên Hiệp Âu Châu về chính sách đối ngoại và an ninh, đồng thời là phó chủ tịch Ủy ban Âu Châu, đã kêu gọi Âu Châu thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của mình để bổ sung kho vũ khí đang cạn kiệt được gửi đến Ukraine.
Trong một tuyên bố, Borrell cho biết: “Chúng ta cần tăng cường cơ sở công nghiệp và công nghệ quốc phòng của mình. Điều này không ai rõ ràng trước cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine của Nga, nhưng giờ đây nó đã trở thành hiểu biết thông thường. Đó là điều kiện tiên quyết nếu chúng ta muốn tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh địa chính trị căng thẳng”.
Borrell lưu ý rằng, sau hai năm xảy ra chiến tranh cường độ cao, trong đó Ukraine được cung cấp vũ khí từ các đồng minh Liên Hiệp Âu Châu, chủ yếu từ kho vũ khí hiện có, những kho vũ khí hiện có này hiện đã cạn kiệt và “xung đột đã phát triển từ cuộc chiến về kho dự trữ thành cuộc chiến sản xuất”.
Ông nói rằng việc sản xuất đạn dược cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, điều mà ông cho là bị hạn chế “không phải do thiếu năng lực sản xuất mà là do thiếu đơn đặt hàng và tài chính”, đồng thời cho biết thêm rằng các nhà lãnh đạo ngành đang nói “hãy đặt hàng và chúng tôi sẽ sản xuất nhiều hơn”.
Borell cũng kêu gọi các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu hợp tác cùng nhau, lưu ý rằng họ “vẫn chưa phối hợp và tổng hợp đủ kế hoạch quốc phòng và mua sắm”.
10. Những chiếc FAB-1500 chết người của Nga có thể thay đổi hình dạng chiến tranh như thế nào
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “How Russia's Deadly FAB-1500s Could Change Shape of War”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Nga vừa ra mắt bom lượn dẫn đường FAB-1500 nâng cấp để hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine, có khả năng gây áp lực mới lên các hệ thống phòng không của Ukraine dọc chiến tuyến.
Đoạn phim chưa được xác minh lan truyền trên mạng dường như cho thấy một quả bom tấn công một tòa nhà nhiều tầng ở một thị trấn tiền tuyến ở miền đông Ukraine. “Cảnh quay hoành tráng về chiếc FAB-1500 tấn công trực tiếp vào mục tiêu ở Krasnohorivka”, một blogger quân sự Nga cho biết vào cuối tuần qua, đề cập đến một thị trấn phía tây thủ phủ khu vực Donetsk do Nga kiểm soát.
FAB-1500 là loại bom lớn nhất trong dòng FAB thời Liên Xô, bao gồm FAB-250 và FAB-500. Loạt bom này là vũ khí cũ thời Liên Xô đã được nâng cấp với bộ dẫn đường để trở thành bom chính xác. Các sửa đổi mới cũng đã bổ sung thêm các cánh bật ra, nghĩa là chúng lướt về phía mục tiêu đã định.
CNN đưa tin hôm Chúa Nhật rằng Mạc Tư Khoa đã bắt đầu triển khai vũ khí nặng 1.550 kg để tấn công các mục tiêu Ukraine.
Nga đã sử dụng rộng rãi FAB-500 nhỏ hơn, bao gồm cả việc phá hủy thị trấn chiến lược Avdiivka ở miền đông Ukraine trước khi lực lượng Ukraine rút khỏi khu định cư vào tháng trước. Các quan chức không quân Ukraine cảnh báo vào tháng 4 năm 2023 rằng Nga đã bắt đầu chuyển đổi bom trên không FAB-500 thành vũ khí giống hỏa tiễn hành trình, bắn ra từ bên ngoài tầm bắn của hệ thống phòng không Ukraine.
Vào thời điểm đó, Tư lệnh lực lượng không quân Ukraine, Trung tướng Mykola Oleschuk cho biết: “Có dấu hiệu chuẩn bị cho việc sử dụng hàng loạt các quả bom nặng 1.500 kg”.
FAB-1500 nặng hơn nhiều so với Bom tấn công trực tiếp chung, hay JDAMS, loại bom dẫn đường được Ukraine sử dụng.
Các chuyên gia cho rằng dù có kích thước lớn nhưng chính độ chính xác của loại bom mới có thể tạo nên sự khác biệt cho Nga. Ivan Stupak, cựu sĩ quan cơ quan an ninh Ukraine, người cố vấn cho ủy ban an ninh, quốc phòng và tình báo quốc gia của quốc hội Ukraine, nói với Newsweek rằng FAB-1500 đang có “tác động đáng kể” đến hệ thống phòng thủ của Ukraine ở Donetsk.
Chuyên gia quân sự David Hambling nói với Newsweek: “Phiên bản hiện tại của FAB-1500 có độ chính xác cao hơn 10 mét, gần như bảo đảm tiêu diệt được các vũ khí lớn”.
Ông nói thêm: “Những loại vũ khí như vậy cũng có tác động đáng kể về mặt tinh thần và những vụ nổ khủng khiếp được nhìn thấy và nghe thấy trên một khu vực rộng lớn”.
Một binh sĩ Ukraine đang chiến đấu ở vùng Donetsk phía đông Ukraine nói với CNN rằng bom FAB-1500 mới gây “rất nhiều áp lực lên tinh thần của binh lính”. “Không phải tất cả các chàng trai của chúng tôi đều có thể chịu đựng được. Mặc dù hiện tại họ ít nhiều đã quen với FAB-500, nhưng FAB-1500 thì tệ quá.”
Hambling lập luận rằng FAB-1500 có thể không phải là vũ khí thay đổi cuộc chơi nhưng chúng “sẽ gây ra thiệt hại thực sự”.
Marina Miron, nhà nghiên cứu sau tiến sĩ thuộc Khoa Nghiên cứu Chiến tranh tại King's College Luân Đôn, cho biết: “Không phải thực tế là chúng có sức tàn phá rất mạnh khiến chúng hoạt động hiệu quả mà là mô-đun điều chỉnh mới đã được nâng cấp gần đây để bảo đảm độ chính xác”.
Frederik Mertens, nhà phân tích của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược The Hague, cho biết thêm, các công sự của Ukraine “có thể bị phá hủy dễ dàng bằng bom máy bay miễn là chúng đủ chính xác”. Ông nói với Newsweek rằng “độ chính xác và tầm xa mới thực sự quan trọng”.
Hambling cho biết, bom lượn mới cung cấp cho máy bay tấn công của Nga khả năng “tấn công các mục tiêu trên mặt đất với độ chính xác cao” với nguy cơ hỏa tiễn phòng không Ukraine hạ gục máy bay phản lực thấp hơn.
Các nhà phân tích cho rằng động thái tốt nhất của Ukraine là di dời các hệ thống phòng không do phương Tây sản xuất đến gần tiền tuyến hơn. Mertens nói với Newsweek rằng những tổn thất máy bay Nga nhiều và gần đây cho thấy Ukraine có thể đã đẩy lực lượng phòng không trên mặt đất, có thể là hệ thống Patriot, đến gần chiến trường hơn để “phục kích” chiến đấu cơ-ném bom của Mạc Tư Khoa.
Nga đã nâng cấp các loại vũ khí không điều khiển của mình bằng một bộ dụng cụ được gọi là UMPK, bổ sung khả năng lướt và dẫn đường cho những quả bom “ngu ngốc”, biến chúng thành vũ khí “thông minh” một cách hiệu quả. Miron nói với Newsweek rằng vào mùa hè năm 2023, một “phiên bản cải tiến” đã xuất hiện giúp tăng độ chính xác và tầm bắn của bom FAB.
Cuối tuần qua, Đại úy Dmytro Lykhovyi, phát ngôn nhân của lực lượng Kyiv hoạt động ở miền đông Ukraine, cho biết Nga đã sử dụng 3 quả bom lượn dẫn đường ở thành phố Myrnohrad của Donetsk.
11. Nga cáo buộc chính quyền Tổng thống Biden can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống
Tờ Newsweek cho biết như trên trong bài tường trình nhan đề “Russia Accuses Biden Administration of Meddling in Presidential Election”. Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Kim Thúy.
Cơ quan Tình báo Đối ngoại Nga, gọi tắt là SVR, hôm thứ Hai cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đang cố gắng can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống sắp tới của Nga.
Không đưa ra bằng chứng, SVR cho biết chính quyền Tổng thống Biden đang sử dụng các tổ chức phi chính phủ để cố gắng tác động đến tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu. Theo cơ quan này, Mỹ tìm cách làm suy yếu kết quả bầu cử bằng cách ngăn cản cử tri đi bỏ phiếu.
Putin dự kiến sẽ giành chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử diễn ra từ thứ Sáu đến Chúa Nhật. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy Putin nhận được sự ủng hộ lớn từ người dân nước mình, nhưng các nhà phân tích phương Tây từ lâu đã cáo buộc Nga gian lận trong cuộc bầu cử.
SVR cho biết trong tuyên bố của mình: “Theo thông tin mà Cơ quan Tình báo Đối ngoại Liên bang Nga nhận được, chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang đặt ra nhiệm vụ cho các tổ chức phi chính phủ của Mỹ là giảm lượng cử tri đi bỏ phiếu”. “Theo sự xúi giục của Washington, các lời kêu gọi đang được lan truyền thông qua các nguồn Internet đối lập để kêu gọi công dân Nga phớt lờ cuộc bầu cử.”
Đầu tháng này, hãng tin độc lập Meduza của Nga đưa tin rằng văn phòng của ông Putin lo ngại rằng cuộc bầu cử tổng thống Nga sẽ không đáp ứng được kỳ vọng của cử tri. Theo Meduza, Điện Cẩm Linh đang thúc đẩy tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu cao để chống lại những cáo buộc phổ biến rằng các cuộc bầu cử ở Nga có gian lận.
SVR gợi ý rằng chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng giảm tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu xuống thấp như một cách để chỉ trích khả năng chiến thắng của Putin là bất hợp pháp, với giả định rằng người Nga sẽ không bỏ phiếu nếu họ tin rằng cuộc bầu cử đã được quyết định trước khi bất kỳ lá phiếu nào được bỏ.
“Kế hoạch này đơn giản theo cách của người Mỹ. Theo tính toán của Washington, việc 'giảm tỷ lệ cử tri đi bầu' sẽ khiến phương Tây có lý do để đặt câu hỏi về kết quả bầu cử”, báo cáo của SVR cho biết.
Ở những nơi khác trong tuyên bố của mình, SVR tuyên bố Hoa Kỳ có kế hoạch sử dụng các phương tiện mạng để tấn công việc bỏ phiếu trực tuyến.
“Với sự tham gia của các chuyên gia công nghệ thông tin hàng đầu của Hoa Kỳ, nó được lên kế hoạch thực hiện các cuộc tấn công mạng vào hệ thống bỏ phiếu điện tử từ xa, khiến không thể kiểm phiếu của một tỷ lệ đáng kể cử tri Nga”.
Tuyên bố của cơ quan tình báo Nga cũng cho rằng nỗ lực của Mỹ nhằm phá hoại cuộc bầu cử có thể gây tác dụng ngược, với lý do tỷ lệ phiếu bầu thấp mà các nhà lãnh đạo Âu Châu như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Ý Giorgia Meloni và Thủ tướng Đức Olaf Scholz nhận được khi họ nhận được phiếu bầu thấp. đã được bầu vào chức vụ.
“Hoặc có thể đây là một ẩn ý tinh vi của người Mỹ đối với Rishi Sunak, người đã khéo léo đảm nhận chiếc ghế Thủ tướng Anh vào năm 2022, bỏ qua cuộc bỏ phiếu chung của người dân. Hiện nay, đương kim thủ tướng đang bằng mọi cách có thể trì hoãn việc tổ chức các cuộc bầu cử quốc hội sớm, kết quả của việc này rõ ràng sẽ khiến ông mất chức vụ”, SVR viết.
12. Một công dân Nam Hàn đã bị bắt ở Nga vì nghi ngờ hoạt động gián điệp.
Thông tấn xã Tass dẫn lời các cơ quan thực thi pháp luật cho biết người đàn ông này đã bị giam giữ ở thành phố viễn đông Vladivostok trước khi được chuyển đến Mạc Tư Khoa cho các “hoạt động điều tra”.
Cơ quan thông tấn nhà nước cho biết đây là trường hợp đầu tiên như vậy xảy ra với một công dân Nam Hàn. Nó không cung cấp bất kỳ chi tiết nào về bản chất của cáo buộc gián điệp.
Nga coi Nam Hàn là một quốc gia “không thân thiện” vì Hán Thành ủng hộ các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Mạc Tư Khoa liên quan đến cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.
Đồng thời, Nga đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Hàn, quốc gia mà Mỹ cho rằng đang cung cấp đạn dược cho Mạc Tư Khoa để sử dụng trong chiến tranh.
Bắc Hàn và Nga đã phủ nhận điều này, mặc dù họ đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự.