Ngày 06-03-2018
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thi ca suy niệm Chúa nhật tuần 4 Mùa Chay
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
09:45 06/03/2018
Chúa Nhật 4 MÙA CHAY. B
(Ga 3, 14-21)
THẬP GIÁ


Lữ hành sa mạc hoang vu,
Đám dân phạm tội, dập trù oán than.
Môi-sen treo rắn lên ràn,
Người nào rắn cắn, cầu van khỏi liền.
Con Người sẽ phải treo lên,
Ai tin được sống, cõi thiên muôn đời.
Chúa sai Con Một từ trời,
Xả thân cứu độ, mọi người trần gian.
Ai tin Con Chúa thiên nhan,
Nguồn ơn Thập giá, trao ban sống đời.
Không tin danh Chúa rạng ngời
Chịu phần án phạt, một đời gian nan.
Chúa là nguồn sống thương ban,
Đi trong sự thật, ơn ban bởi trời
Chối từ nguồn sáng trong đời,
Đi trong bóng tối vào nơi thảm sầu.

Đỉnh cao của ơn cứu độ đó là thập giá Chúa Kitô. Xưa Môisen treo con rắn lên trong hoang địa, để những ai bị rắn cắn mà nhìn lên rắn đồng sẽ được cứu khỏi. Chúa Giêsu vâng ý Chúa Cha, hiến dâng mình làm lễ hy tế trên thập giá để cứu mọi người. Những ai tin vào Chúa sẽ có sự sống đời đời. Tin vào Chúa là tin vào công trình cứu độ của Ngài.

Chương trình cứu độ của Thiên Chúa xảy ra trong lịch sử của loài người. Từ khi tổ tiên sa ngã phạm tội, con người đã lần bước trong bóng đêm của tội lỗi. Thiên Chúa không ngừng mời gọi và dẫn dắt trở về. Qua các biến cố trong lịch sử cứu độ, Chúa đã sai các tổ phụ, các tiên tri và sau cùng sai chính Con Một của Ngài để mang ánh sáng cứu độ giải thoát con người. Chính Chúa Giêsu đã nhập thể hoá thân làm người. Ngài đã dâng hiến thân mình làm hy tế xóa tội trần gian. Chúa còn hiện diện thực sự qua các Bí Tích để mang ơn cứu độ cho chúng ta.

Chúa không sai Con Ngài giáng trần để luận phạt mà là để cứu độ. Rất nhiều người chưa nhận biết Chúa. Rất nhiều người chối từ Chúa. Chúa vẫn hóa thân len lỏi vào cuộc sống con người qua hình ảnh của những kẻ bần cùng, những người đói khổ, nghèo nàn, cô đơn, góa bụa và bệnh hoạn tật nguyền. Chúa chiếu dọi ánh sáng qua những kẻ thấp hèn nhất. Chính họ là hình ảnh của Chúa.

Ánh sáng của Chúa đến thế gian nhưng thế gian không muốn tiếp nhận ánh sáng. Con người đã nhiều lần từ chối ân huệ của Thiên Chúa. Chúa vẫn kiên nhẫn đợi chờ với lòng yêu thương. Tình yêu của Chúa không vơi giảm cho dù con người tệ bạc và phản bội. Chúa luôn sẵn lòng mở rộng cánh tay đón những người con phung phá và tội lỗi trở về.

Trong Mùa Chay Thánh, mỗi người chúng ta hãy dừng lại đôi phút gẫm suy về tình yêu Chúa. Đã biết bao lần chúng ta sa ngã phạm tội, biết bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ và biết bao lần chúng ta đã phản bội lời thề hứa, mùa chay là dịp thuận lợi cho chúng ta trở về. Trở về với nguồn tình yêu là Cha nhân hiền. Ngài giang tay trên thập giá, trong khi chờ đón chúng ta để ôm ấp và tha thứ. Xin ánh sáng của Chúa chiếu dọi vào tâm hồn để chúng ta nhìn nhận được lòng yêu thương vô bờ của Chúa.

THỨ HAI, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 4, 43-54).
ĐỨC TIN


Về miền Ga-lí-lê-a,
Đoàn dân đón tiếp, ngợi ca danh Người.
Một người quan chức đến nơi,
Xin Thầy cứu chữa, đôi lời van lơn.
Con trai đau liệt xanh dờn,
Còn đang hấp hối, lên cơn từng hồi.
Viên quan xót dạ khúc nhôi,
Lạy Thầy đến gấp, bồi hồi xót xa.
Chúa rằng ông hãy về nhà,
Con ông mạnh khỏe, hải hà Chúa thương.
Gia nhân đến đón trên đường,
Báo tin con mạnh, thần lương chữa lành.
Ông tin quyền phép Thánh Danh,
Thân bằng quyến thuộc, lòng thành tri ân.
Tuôn tràn đổ xuống hồng ân,
Muôn vàn phúc lộc, thế nhân hưởng nhờ.

THỨ BA, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 5, 1-3a. 5-16).
LÀNH BỆNH


Chúa lên Giê-rú-sa-lem,
Đến Bét-sai-đa, vào xem thoáng mau.
Mù lòa què quặt yếu đau,
Liệt lào bất toại, cùng nhau nguyện cầu.
Cái hồ nhỏ bé hơi sâu,
Một người đau liệt, nằm lâu đợi hờ.
Hơn ba mươi tám năm chờ,
Không ai giúp đỡ, xuống bờ hồ ngay.
Mỗi khi nước động lạ thay,
Ai mà xuống trước, cầu may chữa lành.
Chúa thương cứu chữa bình sanh,
Đứng lên vác chõng, thực hành ngay đi.
Những người Do-thái so bì,
Vào ngày Sa-bát, làm chi việc này?
Quyền năng Chúa chữa tỏ bày,
Bảo tôi vác chõng, là Thầy Giê-su.

THỨ TƯ, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 5, 17-30).
Ý CHA


Cha Ta làm việc không ngừng,
Ta luôn năng động, tôn xưng Danh Người.
Số người Do-thái dụ khơi,
Tìm xem bắt bẻ, mọi lời truyền rao.
Tố rằng phạm thượng thiên cao,
Ngang hàng Thiên Chúa, khơi mào quyền uy.
Phạm ngày Sa-bát phụ tùy,
Xưng mình Con Chúa, thực thi chữa lành.
Giê-su mạc khải thánh Danh,
Thi hành thiên ý, phúc lành Ngôi Con.
Chúa Cha yêu mến sắt son,
Mọi người thán phục, Chúa Con xuống đời.
Hy sinh mạng sống cứu người,
Chết đi sống lại, cao vời chí nhân.
Trao quyền xét xử gian trần,
Kính tôn một Chúa, thông phần vinh quang.

THỨ NĂM, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 5, 31-47).
SÁCH THÁNH


Chúa Cha làm chứng cho Ta,
Chứng minh xác thực, từ Cha trên trời.
Gio-an nhân chứng cho Người.
Là cây đèn sáng, soi đời trần gian.
Các ngươi vui hưởng thời gian,
Sai Ta bằng chứng, chứa chan ơn lành.
Hoàn thành công việc Cha ban,
Xuống trần mạc khải, sẻ san gọi mời.
Các ngươi chưa thấy mặt Người,
Cũng chưa nghe tiếng, từ trời phán ra.
Không tin vào Đấng là Ta,
Ta làm rạng sáng, danh Cha muôn đời.
Các ngươi dựa chứng người đời,
Khảo tra Sách Thánh, Ngôi Lời chứng minh.
Môi-sen tố cáo luận hình,
Chính Người đã viết, tường trình cứu sinh.

THỨ SÁU, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 7, 1-2.10.25-30).
THIÊN SAI


Chúa không đi lại trong vùng,
Sợ người Do-thái, đang lùng bủa vây.
Mừng ngày Lễ Trại nơi đây,
Anh em trẩy hội, có Thầy cùng đi.
Giê-su kín đáo lo chi,
Có người tìm giết, xầm xì khấu tâu.
Ông này xuất xứ từ đâu?
Mọi người biết rõ, từ lâu trong làng.
Đấng Ki-tô tới vẻ vang,
Chẳng ai thấu tỏ, lối đàng Người đi.
Chúa vào giảng đạo từ bi,
Phát ngôn lớn tiếng, sợ chi người làng.
Cha Ta sai đến mở đàng,
Trình bày chân lý, nhẹ nhàng phát huy.
Kêu mời dân chúng nghĩ suy,
Ý Cha thể hiện, thực thi cứu đời.

THỨ BẢY, TUẦN 4 MÙA CHAY
(Ga 7, 40-53).
ĐẤNG KITÔ


Nhóm dân kháo láo về Người,
Ông này là Đấng, từ trời hạ sinh.
Tiên tri cao cả cung đình,
Ki-tô Đấng Thánh, giáng sinh làm người.
Đám đông tranh luận đôi lời,
Be-lem phố nhỏ, nơi Ngài xuất thân.
Ga-li-lê Chúa ở gần,
Không ai biết rõ, thành phần ra sao?
Bất đồng ý kiến lao xao,
Số người định bắt, ra vào lắng lo.
Nhóm thầy Thượng tế thăm dò,
Cùng phe Biệt phái, theo phò ghét ghen.
Chê bai, dò thám, bon chen,
Hận thù giận dữ, phận hèn tiểu nhân.
Yêu thương cứu độ gian trần
Chúa đành hiến mạng, tinh thần phó dâng.
 
Suy niệm Tin Mừng Chúa nhật IV Mùa Chay – năm B
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
21:54 06/03/2018
Mừng Vui Và Bước Tiếp

(Ga 3,14-21)

Phụng vụ Chúa Nhật IV Mùa Chay với chủ đề (Lætare – Mừng vui lên). Phụng Vụ của Giáo hội đang từ màu tím chuyển sang màu hồng mời gọi chúng ta tận hưởng trước niềm vui Phục Sinh : "Mừng vui lên, Giê-ru-sa-lem ! Tề tựu cả về đây, hỡi những ai hằng mến yêu Thành ! Các bạn đang sầu khổ, nào hớn hở vui mừng và hân hoan tận hưởng, nguồn an ủi chứa chan." (Ca nhập lễ) Hay lời của Thánh vịnh gia : "Tôi vui mừng khi người ta nói với tôi : Chúng ta sẽ tiến vào nhà Chúa. Vui lên nào…... ".

Những lời trên diễn tả niềm vui thiêng thánh ngập tràn của dân Chúa. Mừng vui lên, hỡi những người trước kia ở trong sầu khổ vì coi thường lời Chúa, bất trung, tội lỗi và nhạo báng các tiên tri nên mất nước, lâm vào cảnh nhà tan cửa nát phải đi lưu đầy, nay được trở về tái thiết quê hương. Mừng vui lên, vì Chúa dừng cơn thịnh nộ đổ xuống trên dân, nay được thay bằng lòng từ bi và tha thứ, " Chúa thúc đẩy tâm hồn hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư, nhà vua ra lệnh truyền rao khắp đất nước, và ban chiếu chỉ rằng: Đây hoàng đế Cyrô, vua xứ Ba-tư tuyên bố : Ai trong các ngươi thuộc về dân Chúa? Thiên Chúa sẽ ở với nó, và nó hãy tiến lên " (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).

Sao không thể vui, không thề mừng được. Vì trước kia, dân phạm tội khiến đền thờ Chúa bị quân thù đốt cháy, tường thành Giêrusalem bị phá huỷ, các lâu đài và mọi đồ vật quý giá bị hỏa thiêu. Nay họ "được kêu gọi tái thiết đền thờ Giêrusalem, được mời gọi đón nhận lại Thiên Chúa đến ở giữa họ, đón nhận sức mạnh của tình yêu và tha thứ" (x. 2 Sb 36, 14-16. 19-23).

Chúa là niềm vui, là hạnh phúc của dân Chúa. Chúa luôn muốn dân Chúa sống vui và sống hạnh phúc. Một người ốm đau bệnh tật cả về tinh thần lẫn thể xác sẽ sống không vui và sống hạnh phúc được. Cho dù tội lỗi có thể làm cho họ xa Chúa, mất niềm tin và trông cậy vào Chúa. Tội có thể đẩy đưa họ đến bờ sông Babylon đi chăng nữa, Thiên Chúa vẫn tiếp tục nói với họ : "Lưỡi tôi dính vào cuốn họng, nếu tôi không nhớ đến ngươi" (Tv 136,6). Và món quà làm cho dân Chúa thỏa mãn niềm vui là Thiên Chúa yêu thương loài người đến nỗi "đã ban Con Một Người" (Ga 3,16).

Quả thật, Thiên Chúa dựng nên con người, ban bố những giới răn, không phải như những ách trói buộc, nhưng là như nguồn tự do, để con người cư xử khôn ngoan, sống theo công lý và hoà bình, biết đặt tin tưởng nơi tha nhân và cùng nhau thực hành các việc công chính dựa theo ý của Chúa để vui sống hạnh phúc.

Chúng ta ngày hôm nay thì sao ? Chúng ta đang trên hành trình cùng với Chúa Giêsu bước trong "hoang địa". Ðây là quãng thời gian chúng ta lắng nghe tiếng Chúa và cũng để vạch trần mặt nạ của những cám dỗ trong lòng chúng ta. Ở phía chân trời của hoang địa này chúng ta thấy nổi lên cây thập giá. Thập giá Chúa Kitô là đỉnh điểm của tình yêu đem lại ơn cứu độ cho chúng ta. Chính Chúa Giêsu khẳng định : "Như ông Môsê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy, để ai tin vào Người thì được sống muôn đời" (Ga 3,14-15).

Khi sánh ví mình như con rắn được Môse giương lên trong sa mạc, Chúa Giêsu gợi cho chúng ta nhớ tới con rắn trong vườn địa đàng (St 3, 1-5). Nếu con rắn trong địa đàng xuất hiện đang lúc loài người đang ở đỉnh cao hạnh phúc, thì con rắn đồng trong sa mạc xuất hiện giữa cảnh cơ cực của những người tha hương vừa thoát khỏi kiếp nô lệ cho người Aicập.

Nếu con rắn trong địa đàng là hiện thân của tội lỗi và sự dữ, thì con rắn đồng trong sa mạc là “tin mừng” cho những kẻ ngước nhìn lên nó.

Nếu con rắn trong địa đàng hủy diệt mọi tương quan tốt đẹp giữa con người với Thiên Chúa, thì con rắn đồng trong sa mạc mang lại niềm hy vọng vì nhận ra lòng thương xót của Chúa.

Và nếu con rắn trong địa đàng gieo sự chết vào thế giới loài người, thì con rắn đồng trong sa mạc lại có khả năng trao ban sự sống.

Như vậy, hình tượng của hai con rắn Cựu Ước hoàn toàn trái nghịch nhau. Tuy nhiên, dù trái nghịch, hai con rắn Cựu Ước chẳng những không mâu thuẫn nhau, mà hậu quả do con rắn trong địa đàng gây nên, sẽ được con rắn đồng trong sa mạc báo trước ngày chữa trị. Bởi hậu quả của con rắn thứ nhất gây nên chỉ toàn đổ vỡ, mất mát, ô nhục, sẽ được con rắn thứ hai bổ túc bằng cách cho thấy sự sống bắt đầu phát sinh, hạnh phúc bắt đầu ló dạng và niềm vui cứu chuộc bắt đầu tỏa sáng.

Bởi do con rắn trong địa đàng, nhân loại đã phạm tội. Vì tội, nhân loại đáng được “Đấng Cứu độ đời đời” (bài ca Exultex - đêm Phục sinh), thì con rắn đồng trong sa mạc làm trọn vai trò của mình là báo trước ơn cứu độ đời đời ấy.

Khi nhắc lại: “Như Môisen giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ được giương cao như vậy” (Ga 3, 14). Chúa Giêsu ám chỉ lúc mình được giương cao trên thập giá, ai đang ở trong hiểm nguy của tội lỗi, nhìn lên Người với lòng tin thì sẽ được cứu độ như Gioan nói: "Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ " (Ga 3,17).

Nếu ngày xưa ai nhìn lên con rắn đồng sẽ được cứu sống, thì ngày nay thập giá Chúa Kitô chính là ơn cứu độ trọn vẹn cho những ai tin (x.Ga 3, 15). Hình bóng cũ thoáng qua đã được hoàn tất bằng thực tại mới sống động và vững bền. Chúa Kitô mãi mãi là Đấng Cứu độ duy nhất của trần gian (x.Dt 13, 8).

Tình yêu Thiên Chúa là vô biên và Người đã ban Con Một để chuộc tội con người. Phần chúng ta, mỗi người cũng phải chịu trách nhiệm về mình, phải nhìn nhận chính tội của mình để ơn tha thứ của Thiên Chúa, đã thể hiện trên Thập giá.

Hãy để Thiên Chúa yêu thương chúng ta, đáp lại chúng ta yêu mến Ngài, và như thế chúng ta bước tiếp hành trình Mùa Chay Thánh với niềm vui. Chúng ta sẽ nhận lãnh niềm vui lớn lao tràn trề vào Lễ Vượt Qua sắp tới.

Chúa là niềm vui của chúng con, xin cho chúng con cảm nghiệm được niềm vui ơn cứu chuộc mà Chúa mang lại cho chúng con nhờ cái chết và sự phục sinh của Chúa. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
ĐGH nói rằng Thiên Chúa chỉ tha thứ nếu chúng ta tha thứ cho người khác.
Giuse Thẩm Nguyễn
15:49 06/03/2018
(Vatican News) Trong thánh lễ vào sáng Thứ Ba, ĐGH Phanxicô nhấn mạnh đến việc chúng ta thú nhận tội lỗi của mình và tha thứ cho những người khác để được Thiên Chúa thứ tha.

Thiên Chúa sẽ chỉ tha cho chúng ta khi chúng ta tha thứ cho kẻ khác mà không còn sự cay đắng nào.Trong bài giảng thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Casa Santa Marta ở Vatican, ĐGH Phanxicô lại một lần nữa trở lại đề tài ưa chuộng của ngài là sự tha thứ. Ngài cảnh báo cho chúng ta về nguy cơ tự cho phép mình thành nô lệ của thù hận. Ngài cũng nhắc lại cho các tín hữu nhớ rằng điều kiện tiên quyết để được Thiên Chúa tha thứ là thú nhận chúng ta là những tội nhận.

Tôi đã phạm tội.

Qua bài đọc Thứ Nhất từ sách ngôn sứ Da-ni-en, ĐGH nhắc đến A-da-ri-a, người đã bị ném vào lò lửa vì đã nhất định không chối bỏ Thiên Chúa, không phàn nàn với Chúa vì những đau khổ phải chịu, cũng không đỗ lỗi cho Chúa vì lòng trung thành của ông. Nhưng thay vào đó, ông tiếp tục rao truyền sự vĩ đại của Thiên Chúa và vạch ra cội nguồn của điều ác, nhận biết rằng Thiên Chúa luôn cứu chữa dân người nhưng tiếc thay họ đã phạm tội. ĐGH chỉ ra rằng tự kết tội mình là bước đầu tiên tiến gần đến sự tha thứ.

ĐGH nói rằng tự kết tội mình chứ không phải kết tội những người khác là phần khôn ngoan của người tín hữu. Đó là thái độ mà ĐGH mời gọi khi đến với bí tích hòa giải. Thiên Chúa nhân lành đã ban cho tôi quá nhiều nhưng tiếc thay là tôi đã phạm tội. Tôi đã chống lại Thiên Chúa và tôi cầu xin ơn cứu rỗi.

Thiên Chúa biện minh cho tôi.

ĐGH nhớ lại câu chuyện của một bà khi xưng tội đã cố gắng biện minh cho mình và đã kể ra một loạt bao nhiêu tội lỗi của bà mẹ chồng. Cha giải tội đã cắt ngang và yêu cầu bà hãy bắt đầu xưng thú tội lỗi riêng của bà thôi.

Hướng về A-da-ri-a, ĐGH nói rằng Thiên Chúa yêu thương tấm lòng thống hối ăn năn và rằng những ai tin tưởng vào Thiên Chúa sẽ không bao giờ bị thất vọng. Một tấm lòng tan nát, thống hối ăn năn nói lên sự thật với Thiên Chúa. Và ĐGH nói rằng việc Thiên Chúa làm là bịt miệng chúng ta, như người cha nhận hậu bịt miệng đứa con hoang đàng. Ngài không để cho anh ta nói, nhưng ôm ấp anh ta trong vòng tay yêu thương, tha thứ tất cả cho anh.

Thiên Chúa tha thứ nếu chúng ta biết thứ tha.

ĐGH Phanxicô mời gọi các tín hữu đừng cảm thấy xấu hổ khi thú nhận tội lỗi của mình, chắc chắn rằng Thiên Chúa biện minh cho chúng ta bằng cách tha thứ cho chúng ta, không phải chỉ một lần, mà luôn luôn tha thứ nhưng với điều kiện là chúng ta tha thứ cho những người khác. ĐGH thừa nhận rằng không phải dễ gì để tha thứ bởi vì sự thù hận đã làm tổ trong lòng chúng ta, luôn để lại một vị đắng. Chúng ta thường hay kể lể than van về những chuyện mà người khác đã làm đối với chúng ta.

Hãy coi chừng lòng hận thù

ĐGH cảnh báo các tín hữu hãy coi chừng kẻo biến thành nô lệ của lòng hận thù. Ngài kêu gọi mọi người hãy ghi nhớ hai điều. Chúng ta cần ca ngợi Thiên Chúa và nhìn nhận tội lỗi của chúng ta và điều thứ hai là Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta bẩy mươi lần bẩy, nêu chúng ta tha thứ cho những người khác.

Giuse Thẩm Nguyễn
 
Tin cập nhật về việc Đức Hồng Y George Pell trước Tòa Án Melbourne
Vũ Văn An
16:17 06/03/2018
Ba ngày trước phiên tòa ngày 5 tháng Ba chính thức nghe các nhân chứng cung khai để Tòa có đủ bằng chứng quyết định có tiến hành vụ xử Đức Hồng Y hay không, Công Tố Viên Mark Gibson đã rút lại một cáo trạng chính khi người khiếu nại chủ chốt của cáo trạng này qua đời hồi đầu năm nay.

Tuy nhiên, đó chỉ là một trong nhiều cáo trạng mà cho tới nay con số chính xác là bao nhiêu và các chi tiết của chúng như thế nào, thì chưa được công bố.

Phiên tòa mở màn ngày 5 tháng Ba sẽ kéo dài 4 tuần để nghe các nhân chứng với sự hiện diện của Đức Hồng Y Pell. Và phiên toà này sau đó mới quyết định liệu các công tố viên có đủ bằng chứng để tiến hành một vụ sử có bồi thẩm đoàn hay không để xử các lời cáo buộc lạm dụng chống lại Đức Hồng Y.

Tưởng cũng nên nhắc lại: công tố viện rút lại cáo trạng do Damian Dignan khởi tố không hẳn chỉ vì người này qua đời đầu năm nay mà còn vì luận điểm của Ruth Shann, luật sư của Đức Hồng Y Pell. Bà cho rằng Dignan không đáng tin vì các cáo buộc của anh ta có “hiệu quả domino” theo nghĩa nhiều người khác đã tiếp xúc với cảnh sát, vì anh ta đưa ra lời tố cáo sau điều gọi là lạm dụng gần 40 năm trời và sau khi đọc các trường hợp khác trên báo chí.

Theo Associated Press ngày 5 tháng Ba cho hay chứng từ của những người được coi là nạn nhân đã bị cấm không được đăng tải và phòng xử đã không đón tiếp công chúng và các phương tiện truyền thông. Các chứng từ của họ sẽ diễn tiến trong hai tiếng đồng hồ trước khi tòa tạm nghỉ cho tới sáng thứ Ba.

Công Tố Viên Mark Gibson, trước đó, đã cho Thẩm Phán Belinda Wallington hay các nguyên cáo sẽ cung cấp bằng chứng qua đường nối video.

Đức Hồng Y Pell được cảnh sát và Luật Sư Paul Galbally hộ tống khi ngài bước qua một nhóm truyền thông lớn để vào khu vực rà xét an ninh của tòa án. Ngài im lặng bước vào, mặc dù cho nhân viên an ninh hay ngài không phản đối việc bị khám xét trên áo khóac mầu lợt, áo sơ mi mầu đen và quần dài cũng mầu đen.

Các nhân viên an ninh khác giữ cho công chúng đứng cách xa Đức Hồng Y 76 tuổi im lặng ngồi ở phòng đợi của tòa án tại thành phố lớn thứ hai của Úc, nơi ngài từng là tổng giám mục.

Luật sư Richter của ngài cho hay cảnh sát có 21 lời khai của nhân chứng do bên bênh vực cung cấp có lợi cho Đức Hồng Y. Luật Sư Richter nói rằng “Những tài liệu này chắc chắn có liên quan tới những vụ cho là vi phạm. Tôi biết việc này không phù hợp với công tố viện vì chúng sẽ bào chữa cho Đức Hồng Y”.



Đức Hồng Y chưa đưa ra lời bào chữa nào. Nhưng các luật sư của ngài đã cho Tòa hay ngài sẽ chính thức bào chữa mình vô tội nếu có lệnh bị xét xử.

Ngài im lặng suốt 25 phút nghe nhân chứng vào sáng thứ Hai, 5 tháng Ba, khi Công Tố Viên Gibson sửa ngày tháng và lời lẽ trong các cáo buộc.

Một biến cố nhỏ diễn ra hôm thứ Hai cho thấy có sự thiên vị từ phía Tòa đối với Đức Hồng Y: Luật sư Richter trích dẫn tuổi tác và tình trạng sức khỏe của Đức Hồng Y như là lý do tại sao nên cho phép ngài được tháp tùng bởi 1 người trợ giúp. Luật Sư nói với Thẩm Phán Wallington rằng ông hiểu công tố viện “có sự chống đối, vì người trợ giúp đó là 1 linh mục, dù tôi không thể hiểu được việc này”. Nhưng Công Tố Viên Gibson đáp lại rằng “điều ấy hoàn toàn không đúng”.

Tuy nhiên, ngược lại, tòa lại cho phép một nhân chứng của bên nguyên được tháp tùng bởi điều được Công Tố Viên Mark Gibson mô tả là “con chó trợ giúp”. Luật sư Richter nói rằng “tôi luôn nghĩ chó là dành cho trẻ em hay người rất già thôi chứ”. Nhưng Thẩm Phán Belinda Wallington trả lời rằng “không, chó cũng dành cho những người dễ bị tổn thương và bị chấn thương”.

Tháng trước, các luật sư của Đức Hồng Y đã nói với tòa rằng các lời tố cáo phát sinh từ những xôn xao dư luận (publicity) quanh vụ điều tra cả nước về việc lạm dụng trẻ em cách nay 3 năm.

Nữ luật sư của ngài, Ruth Shann, nói rằng người khiếu nại đầu tiên tiếp cận cảnh sát năm 2015, 40 năm sau những điều bị coi là tội phạm, vì phản ứng trước các tường trình của truyền thông về Ủy Ban Hoàng Gia điều tra Các Đáp Ứng Định Chế đối với Việc Lạm Dụng Tình Dục Trẻ Em.

Ủy Ban Hoàng Gia của Úc, một thẩm quyền điều tra cao cấp nhất trong nước, đã bắt đầu điều tra từ năm 2012 về việc Giáo Hội Công Giáo và các định chế khác đã giải đáp ra sao việc lạm dụng tình dục trẻ em ở Úc trong 90 năm qua. Cuộc điều tra này đã công bố phúc trình cuối cùng của họ tháng Mười Hai vừa qua. Và không có lời tố cáo nào buộc Đức Hồng Y Pell phạm tội ấu dâm cả.

Năm 2016, Đức Hồng Y Pell làm chứng trước Ủy Ban bằng đường nối Video về thời gian ngài làm linh mục và giám mục tại Úc. Ngài không đích thân tham dự vì lý do sức khỏe.

Nữ Luật Sư Shann nói rằng người khiếu nại đầu tiên đã mở ra cả một chuỗi biến cố khiến nhiều người khác lên tiếng tố cáo Đức Hồng Y. Không ai trước đó đã khiếu nại với bất cứ ai cả.

Sau nhiều năm bị coi là che đậy và im lặng của Giáo Hội đối với tai tiếng ấu dâm, các nạn nhân của lạm dụng và những người ủng hộ họ hoan nghênh việc truy tố Đức Hồng Y Pell, coi đây như một thay đổi khổng lồ trong cách xã hội đáp ứng cuộc khủng hoảng.
 
Cung hiến nhà thờ chính tòa mới nhất nước Mỹ
Đặng Tự Do
17:52 06/03/2018
Hôm 3 tháng Ba, giáo phận Knoxville đã khánh thành ngôi thánh đường mới nhất của Hoa Kỳ trong một thánh lễ đặc biệt kéo dài gần 4 giờ, trong đó hàng giáo sĩ và giáo dân vui mừng không chỉ vì có ngôi thánh đường lộng lẫy mới tinh nhưng còn vì sự phát triển vượt bậc của Giáo Hội ở miền Nam Hoa Kỳ.

Mở đầu buổi lễ, Đức Giám Mục Richard Stika đã chào mừng hàng ngàn người tham dự buổi lễ, ngài xoa tay nói về kỳ công này như sau: “Hay quá, chúng ta đã thực hiện được.”

Năm vị Hồng Y, 21 giám mục, hơn 100 linh mục, 58 phó tế, và 39 tu sĩ nam nữ đã tham dự thánh lễ cùng với hàng ngàn người Công Giáo ở miền Đông Tennessee.

Nghi lễ cung hiến có sự tham dự của các tu sĩ và giáo dân từ khắp nơi trên lãnh thổ Hoa Kỳ, và thậm chí từ nhiều nước khác trên thế giới.

Các vị Hồng Y có mặt bao gồm: Đức Hồng Y Stanisław Dziwisz, Tổng giám mục đã nghỉ hưu của Krakow, Ba Lan và đã từng là thư ký riêng lâu năm của Đức Gioan Phaolô II; Đức Hồng Y William Levada, Tổng trưởng về hưu của Bộ Giáo lý Đức tin; Đức Hồng Y Timothy Dolan của New York; Đức Hồng Y Daniel DiNardo của Galveston-Houston, chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; và Đức Hồng Y Justin Rigali, Tổng giám mục Philadelphia và cũng từng là một cư dân Knoxville. Bên cạnh đó còn có Đức Tổng Giám Mục Christophe Pierre, sứ thần Tòa Thánh tại Hoa Kỳ.

Giáo phận Knoxville thuộc giáo tỉnh Louisville. Cả bảy giám mục trong giáo tỉnh đã tham dự.

Đức Hồng Y Dziwisz đã làm phép bức tượng của Thánh Gioan Phaolô, là vị thánh đồng bảo trợ của Giáo phận Knoxville, tại lễ cung hiến nhà thờ mới. Đức Hồng Y Ba Lan cũng tặng hai di tích của vị thánh cho giáo phận, bao gồm một dây stola mà Thánh Gioan Phaolô thường sử dụng.
Souce: Catholic Herald - America’s newest cathedral dedicated
 
Top Stories
Vietnamese Archbishop dies during ad limina visit
J.B. An Dang
19:04 06/03/2018
In a non-precedent situation, an archbishop of Vietnam has died during his ad limina visit in Vatican. Archbishop Paul Bùi Văn Đọc of Saigon passed away on Tuesday March 6, 2018 just a day after being received by Pope Francis along with his fellow prelates.

The Archbishop got stroke after presiding a Mass with the concelebration of 31 other Vietnamese bishops, at the Basilica of St. Paul Outside The Wall at 11am Tuesday morning. Despite efforts of doctors and nurses, he died later at San Camillo hospital of Rome.

Bishops of the Episcopal Conference of Vietnam have been in Italy since Friday March 2, after a short visit at The Society of Foreign Missions of Paris (short M.E.P). As previously scheduled, Vietnamese bishops still have some meetings with Vatican dicasteries.

The deceased prelate had been the President of the Episcopal Conference during the term 2013-2016. He was born on November 11, 1944 in Da Lat, a mountainous province in the Central Highlands of Vietnam. In 1956, he started his priesthood study at a seminary in Saigon. He followed his advanced studies in philosophy and theology at the Pontifical Urbaniana University in Rome, from 1964 to 1970, before being ordained as a priest of Dalat Diocese on December 17, 1970. He then served as the Rector of Minh Hòa Major Seminary of the diocese from 1975 before being appointed the Vicar General in 1995. During this time, he also served as part-time professor of theological doctrine at seminaries of Saigon, Hà Nội and Huế (1986–2008).

Pope John Paul II appointed him Bishop of My Tho on March 26, 1999. He received his episcopal consecration on the following May 20 from Archbishop Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn of Saigon.

He was named Coadjutor Archbishop of Saigon on September 28, 2013 by Pope Francis; and on March 22, 2014, he succeeded Cardinal Jean-Baptiste Phạm Minh Mẫn as the third archbishop of the archdiocese, which was created at that title in 1960.
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo họ Thịnh Lạc Thượng: Thánh Lễ Tạ Ơn Và Cắt Băng Khánh Thành Nhà Vượt Lũ Cộng Đồng
Đa minh Nguyễn Tiến Khởi
10:09 06/03/2018
Giáo họ Thịnh Lạc Thượng: Thánh Lễ Tạ Ơn Và Cắt Băng Khánh Thành Nhà Vượt Lũ Cộng Đồng

“Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó,vì Nước Trời là của họ..

Phúc cho ai khát khao nên công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho mãn nguyện.

Phúc cho ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương. Mt 5, 3 - 6

Sáng ngày 5 tháng 3 năm 2018, tại giáo họ Lạc Thượng, xứ Thịnh Lạc thuộc giáo hạt Ngàn Sâu (xã Gia Phố, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã long trọng tổ chức Thánh lễ tạ ơn và cắt bằng khánh thành ngôi nhà vượt lũ cộng đồng. Đây là ngôi nhà nằm trong chương trình hỗ trợ phòng chống lụt bão của Caritas Giáo phận Vinh do Caritas Việt nam tài trợ chính. Thánh lễ do Cha quản hạt Ngàn Sâu Gioan Baotixita Nguyễn Hũy Tuấn, giám đốc Caritas giáo phận Vinh chủ sự cắt bằng khánh thành và chủ tế. về tham dự Thánh lễ có sự hiện diện của đầy đủ Quý Cha trong giáo hạt Ngàn Sâu, Cha quê hương, quý Tu Sĩ nam, nữ, các vị đại diện chính quyền xã Gia Phố và đông đảo bà con giáo dân trong và ngoài giáo xứ.

Là một vùng quê nghèo nằm bên bờ sông Ngàn Sâu bốn mùa khắc nghiệt, Giáo họ Thịnh Lạc Thượng nói riêng và những người dân vùng trũng lũ nói chung luôn phái gánh chịu những hậu quả nặng nề do Thiên tai lũ lụt gây ra. Từ bao đời nay, người dân nơi đây luôn phải vất vả gian nan, nuốt nước mắt vào trong khi bị lũ lụt cuốn trôi cả về người và tài sản. Dường như họ đã quen với câu ;

Lụt đến, lụt đi, lụt lại về

Lụt làm chìm ngập cả làng quê

Tài sản trôi đi, nghèo để lại

Khó khăn, gian khổ cứ bộn bề

Cứ mỗi mùa lũ đến, ai nấy đều thấp thỏm lo âu, lo vì không biết bám víu vào đâu khi những ngôi nhà ở của người dân bị ngập chìm trong biển nước. Mỗi trận lũ lớn luôn là một nỗi sợ hãi kinh hoàng giữa mong manh sống, chết vì không có được nơi trú ẩn an toàn. Chính vì thế mà ngôi nhà vượt lũ cộng đồng đã luôn là một nỗi ước mong, một niềm khát khao của Giáo họ và những người dân lân cận.

Trước thực tế đó, đầu năm 2017, song song với các chương trình hỗ trợ khẩn cấp cũng như chương trình hỗ trợ làm nhà ở cho người dân nghèo vùng lũ, Ban Cariatas giáo phận đã xem xét, khảo sát thực tế và đã hỗ trợ nguồn kinh phí để giáo họ Lạc Thượng thực hiện được ước mơ xây ngôi nhà vượt lũ cộng đồng, một ngôi nhà rất cần thiết thực và quan trọng. Nhận thấy việc xây dựng nhà vượt lũ cộng đồng là điều cần thiết, Cha quản xứ Giu sư Phan Đình Trung, Hội Đồng hương Thịnh Lạc tại Thị trấn Hương Khê và một số nhà hảo tâm đã hỗ trợ thêm nguồn kinh phí để ngôi nhà vượt lũ được khang trang hơn, đảm bảo hơn, rộng rãi hơn nhằm phục vụ nhiều lợi ích hơn.

Sau hơn 8 tháng thi công, mặc dù phải trải qua nhiều khó khăn cả về chủ quan lẫn khách quan, nhưng với sự chỉ đạo sít sao, sự động viên, thôi thúc của Cha quản xứ cùng với sự nổ lực của Ban điều hành cũng như mỗi một người dân trong giáo họ, tất cả đã không quản ngại mọi gian nan vất vả, bất chấp thời tiết mưa gió cùng nhau xây dựng xong ngôi nhà vượt lũ cộng đồng 2 tầng, với diện tích sử dụng trên 400 m2, đẹp, khang trang, đảm bảo mang lại lợi ích cho người dân. Ngôi nhà vượt lũ cộng đồng này được xây trên khu đất trung tâm, gần sát với nhà thờ giáo họ do ông bà Nhạn – Vân dâng cúng. Xây dựng ở đây ngôi nhà này sẽ thuận tiện để trở nên ngôi nhà đa năng vừa là nơi tránh lũ, vừa là trường học giáo lý vừa sử dụng cho các hoạt động cần thiết phục vụ lợi ích người dân.

Từ đây, ngôi nhà vượt lũ cộng đồng này sẽ là nơi trú ẩn an toàn cho hơn 900 người dân trong vùng khi mùa lũ đến. Từ đây những nỗi âu lo, những hoang mang sợ hãi do lũ lụt của người dân nơi đây sẽ được giảm thiểu rất nhiều.

Trong bài chia sẻ tại Thánh Lễ, Cha Phê rô Nguyễn Huy Lưu quản xứ Vĩnh Hội đã cho thấy những lợi ích thiết thực từ ngôi nhà sẽ mang lại cho người dân, bởi Ngài rất thấu hiểu cuộc sống người dân vùng trũng lũ, Ngài đã tỏ ra rất phấn khích trước sự nổ lực của Ban điều hành, của mỗi người dân trọng giáo họ giáo họ Lạc Thượng. Ngài nói; “thật sự có trải qua lũ lụt mới biết nỗi gian nan. Tôi rất cảm phục và chúc mừng giáo họ, chúc mừng cha quản xứ bởi vừa làm xong ngôi Thánh đường khang trang bậc nhất giáo phận nhưng tinh thần không mệt mỏi và tiếp tục xây dựng những công trình như thế này…”

Sau Thánh lễ, Cha quản hạt Gio an Baotixita Nguyễn Huy Tuấn, giám đốc Caritas giáo phận Vinh cũng đã bày tỏ niềm vui, sự cảm kích đối với Cha quản xứ và cộng đoàn giáo họ Lạc Thượng, Ngài nói; “Tôi rất vui và cảm kích trước sự nổ lực của Cha quản xứ và nhất là của cộng đoàn giáo họ trong việc xây dựng ngôi nhà vượt lũ được coi như ngôi nhà ba trong một này. Với nguồn hỗ trợ khá khiêm tốn của Caritas và được coi như là sự khởi đầu để làm động lực thúc đẩy mà giáo họ đã xây được ngôi nhà to đẹp, rộng rãi như thế này. Ngôi nhà này không những là nơi trú ẩn an toàn cho người dân trước sự hung dữ của những trận lụt kinh hoàng mà nó sẽ trở thành mái trường đào tạo đức tin cho thế hệ trẻ, là nơi sinh hoạt, hội họp và nhiều lợi ích khác cho cộng đoàn giáo họ. Tôi xin hết lòng cảm ơn Cha quan xứ, cám ơn hội đồng mục vụ và cộng đoàn giáo họ đã thực hiện chương trình của Cariats một cách tích cực. Chúc mừng giáo họ Thịnh Lạc Thượng với ngôi nhà quý giá này, chúc quý họ luôn kiên vững niềm tin hợn nữa, sống đạo tốt hơn nữa để Tin mừng thêm trổ sinh, Đức tin thêm nảy nở và nước Chúa ngày càng lớn mạnh hơn…”.

Tại Thánh lễ, Cha quản xứ Thịnh Lạc Giu se Phan Đình Trung cũng không giấu được niềm vui trước lợi ích của ngôi nhà mà chính Ngài và cộng đoàn giáo họ đã làm được, Ngài cho biết; “Tôi thật sự rất vui mừng vì sau những năm về coi sóc giáo xứ Thịnh Lạc, được sống và chứng kiến nỗi thống khổ của người dân nơi đây trước những trận lũ lụt kinh hoàng như năm 2010 và gần đây nhất là trận lũ vào tháng 10 năm 2016. Bây giờ giáo họ Thịnh Lạc Hạ và giáo họ Thịnh Lạc Thượng đã có được ngôi nhà vượt lũ để trú ẩn an toàn như thế này, là người Cha, người Mục tử tôi vui mừng lắm vì từ nay mình đỡ lo lắng hơn, yên tâm hơn đối với giáo dân của mình. Hôm nay tôi lại vui hơn và vô cùng xúc động trước sự hiện diện của đầy đủ quý Cha trong giáo hạt, nhất là các Cha tuổi cao như Cha già Hứa ở giáo xứ Vạn Căn, Cha già Tùng ở giáo xứ Gia Phổ, Cha già quê hương. Các Ngài đã quản ngại đường xa, tuổi tác và cộng việc mục vụbộn bề trong mùa Chay Thánh để dành những tình cảm sâu nặng với giáo họ. Tôi xin hết lòng cám ơn Quý Cha, Quý vị ân nhân, quý vị đại biểu và cộng đoàn đã dành cho Cha con chúng tôi những sự ưu ái này…”

Cuối cùng, vị đại diện Hội đồng mục vụ giáo họ đã có những lời bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Cha quản hạt, Quý Cha, tới Văn phòng Carias giáo phận Vinh, Caritas Việt Nam, Quý Tu sĩ, quý vị ân nhân đã đến chia sẻ niềm vui và hiệp dâng Thánh lễ cầu nguyện cho giáo họ.

Thánh lễ khép lại, băng khánh thành được cắt và ngôi nhà với lợi ích ba trong một được đưa vào sử dụng. niềm vui này chắc chắn sẽ còn đọng lại để cộng đoàn giáo họ tiếp tục với những cộng việc mới. Hy vọng sẽ còn có những ngôi nhà vượt lũ ba trong một như thế này đến với những vùng quê lũ lụt.

Đa minh Nguyễn Tiến Khởi



 
Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Giáo Phận Sàigòn, đã qua đời tại Vatican
Nguyễn Long Thao
17:04 06/03/2018
Chiều thứ Ba ngày 6 tháng Ba năm 2018, Đức Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc, Tổng Giám Mục Giáo Phận Sàigòn, đã qua đời tại Vatican.

Theo nguồn tin riêng của VietCatholic thì Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc sáng nay đã chủ sự thánh lễ đồng tế cùng với 31 Giám mục và 40 LM Việt Nam tại vương cung thánh đường thánh Phaolô ngoại thành. Hiện diện trong thánh lễ còn có 30 nữ tu và khoảng 50 giáo dân Việt Nam.

Sau thánh lễ trên đường về taxi, ngài thấy mệt và ngất xủi Sau đó được đưa tới bệnh viện cấp cứu, nhưng sau đó Ngài đã qua đời tại bệnh viện.

Đây là nguồn tin đã được Linh Mục Trần Công Nghị, Giám Đốc VietCatholic chính thức kiểm chứng với gìới chức tại Roma. Có tin tức gì thêm Việtcatholic sẽ thông báo cùng quý vị.

Nguyễn Long Thao
 
Tiểu sử Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc
Đặng Tự Do
20:34 06/03/2018
Trong một trường hợp chưa từng xảy ra, một tổng giám mục của Việt Nam đã qua đời trong chuyến viếng thăm ad limina tại Vatican. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Bùi Văn Đọc của tổng giáo phận Sàigòn đã qua đời vào ngày Thứ Ba, ngày 6 tháng 3 năm 2018 chỉ một ngày sau khi ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô tiếp kiến cùng với các Giám Mục khác trong Hội Đồng Giám Mục Việt Nam.

Đức Tổng Giám Mục đã bị đột qụy sau khi chủ tế Thánh lễ tại Đền Thờ Thánh Phaolô Ngoại Thành vào lúc 11h sáng Thứ Ba, theo giờ địa phương Rôma, tức là 17h giờ Sàigòn. Ngài đã được đưa đi cấp cứu nhưng đã qua đời tại bệnh viện San Camillo của Rôma.

Các Giám Mục thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam đã có mặt tại Ý kể từ ngày thứ Sáu 2 tháng 3, sau chuyến viếng thăm tại Hội Thừa Sai Paris thường được gọi tắt là MEP.

Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc đã làm Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam trong nhiệm kỳ 2013-2016. Ngài sinh ngày 11 tháng 11 năm 1944 tại Đà Lạt, một tỉnh miền núi Tây Nguyên Việt Nam. Năm 1956, ngài bắt đầu cuộs sống tu trì tại Đại Chủng Viện Sàigòn. Sau đó, ngài theo học hai môn triết học và thần học tại Đại học Giáo Hoàng Urbanô ở Rôma, từ năm 1964 đến năm 1970, trước khi được phong chức linh mục tại giáo phận Đà Lạt vào ngày 17 tháng 12 năm 1970. Sau đó, ngài làm Hiệu trưởng Đại Chủng viện Minh Hòa của giáo phận từ năm 1975 trước khi được bổ nhiệm làm Cha Chánh Đại Diện vào năm 1995. Trong thời gian này, ngài còn là giáo sư dạy học thần học tín lý ở các đại chủng viện Sàigòn, Hà Nội và Huế trong thời gian từ 1986 đến 2008.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II bổ nhiệm ngài làm Giám Mục Mỹ Tho vào ngày 26 tháng 3 năm 1999. Ngài đã được Tổng giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn của Sàigòn truyền chức Giám Mục vào ngày 20 tháng 5 cùng năm.

Ngài được Đức Thánh Cha Phanxicô bổ nhiệm Tổng Giám mục Phó của Sàigòn vào ngày 28 tháng 9 năm 2013; và vào ngày 22 tháng 3 năm 2014, ngài đã thay Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong cương vị Tổng giám mục thứ ba của tổng giáo phận.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Giải đáp phụng vụ: Được phép dùng lễ phục màu khi đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể không?
Nguyễn Trọng Đa
09:48 06/03/2018
Giải đáp của Cha Edward McNamara, Dòng Đạo Binh Chúa Kitô (LC), Khoa trưởng Thần học và giáo sư phụng vụ của Đại học Regina Apostolorum (Nữ Vương các Thánh Tông Đồ), Rôma.

Hỏi: Bài trả lời của cha ngày 25-4-2017 về "Màu lễ phục cho việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể” đã giúp con hiểu rất nhiều. Con quan tâm đến khả năng sử dụng các màu phụng vụ khác nhau trong giờ chầu Thánh Thể. Liệu có tài liệu nào nói rằng có thể sử dụng áo choàng không tay (cope) màu xanh lá cây và khăn vai (humeral veil) màu xanh lá cây, trong giờ chầu Thánh Thể ngoài Thánh lễ, trong khi đọc giờ Kinh chiều II của Chúa Nhật mùa Thường niên không? Hoặc mang áo choàng không tay màu tím và khăn vai màu tím trong Mùa Chay chẳng hạn không? - E. C., Orange, New Jersey, Hoa Kỳ.


Đáp: Bài trả lời của tôi ngày 25-4-2017 đã gợi ý cho khả năng này, khi chúng tôi nhắc rằng, trong khi quy định thông thường là lễ phục màu trắng, chính các quy định cũng bao hàm các ngoại lệ có thể có đối với việc đặt Mình Thánh. Thí dụ, khi đặt Mình Thánh trong Thánh Lễ, linh mục sẽ mặc áo lễ và dây các phép của lễ ngày tương ứng. Bởi vì hình thức đặt Mình Thánh không liên quan đến các lễ đặc biệt, nên việc đặt Mình Thánh có thể sử dụng bất kỳ màu sắc phụng vụ nào.

Chúng ta đọc tiếp:

"Trên đây là ngoại lệ phổ biến nhất. Một ngoại lệ khác nữa là, nếu giờ kinh Chiều trọng thể được cử hành khi kết thúc giờ chầu dài. Trong trường hợp này, chủ tế có thể mang dây các phép và áo choàng cùng màu phụng vụ riêng của buổi lễ, và sau đó dùng khăn vai trắng để cầm Mình Thánh ban phép lành. Nếu không, ngài có thể mặc áo trắng cho Giờ Kinh phụng vụ.

“Do các ngoại lệ này, chúng ta không thể nói rằng luật này, vốn nói rằng màu trắng luôn là màu yêu cầu, là một luật nghiêm ngặt. Tuy nhiên, các trường hợp ngoại lệ luôn ở trong bối cảnh của một hành vi phụng vụ khác, được kết hợp cách nào đó với việc đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể.

“Trong trường hợp được nêu ra bởi độc giả trên đây của chúng ta, nếu Giờ Kinh Sáng và Giờ Kinh Chiều diễn ra ngay sau việc đặt Mình Thánh, thì có thể là một sự tùy chọn để đặt Mình Thánh với áo choàng không phải màu trắng.

“Nếu đây không phải là trường hợp, thì sẽ là không đúng khi sử dụng dây các phép hoặc áo choàng không phải màu trắng, để đặt Mình Thánh và chầu Thánh Thể”.

Để làm sáng tỏ hơn câu trả lời này, chúng tôi có thể nói rằng khi một hành động phụng vụ, chẵng hạn Giờ Kinh Phụng Vụ được cử hành trong Giờ chầu, nó thường tuân theo chữ đỏ bình thường của nó, ngoại trừ các khía cạnh có liên quan trực tiếp đến việc chầu Thánh Thể.

Do đó, thí dụ, nếu giờ Kinh Sáng hoặc giờ Kinh Chiều long trọng được cử hành trong khuôn khổ một buổi chầu kéo dài, vốn vẫn còn tiếp tục sau giờ Kinh, linh mục sẽ mang dây các phép và áo choàng không tay, cùng màu với màu phụng vụ thích đáng (màu xanh, trắng, đỏ hoặc màu tím).

Ghế của vị chủ tọa thường được đặt ở một góc độ như thế nào để ngài hướng về Mình Thánh, mà không nhất thiết phải đối diện với dân chúng.

Nếu bàn thờ cần phải được xông hương trong lúc mọi người đọc kinh Benedictus (Chúc tụng Đức Chúa) hoặc kinh Magnificat (Linh hồn tôi ngợi khen), thì sau khi bỏ hương vào tàu hương ở ghế chủ tọa, vị chủ sự và các thừa tác viên sẽ đến trước bàn thờ, bái gối và quỳ xuống, trong khi vị chủ sự xông hương cho Mình Thánh theo cách thông thường. Sau đó, họ sẽ đi tới bàn thờ, quỳ xuống và tiếp tục xông hương bàn thờ. Họ cũng cùng nhau bái gối mỗi lần đi qua trước Mặt Nhật.

Nếu muốn, các lời khẩn cầu kết thúc Giờ Kinh có thể được đọc, khi vị chủ sự và các thừa tác viên đứng trước bàn thờ có Mặt Nhật trên đó.

Việc ban phép lành và giải tán được bỏ qua.

Linh mục và các thừa tác viên bái gối và rút lui.

Về khăn vai, như đã được đề cập trong bài ngày 25-4-2017, có tập tục dùng khăn vai màu đỏ hoặc màu tím, để mang Mình Thánh từ nhà tạm đến bàn thờ trong nghi thức Rước lễ, ngày thứ Sáu Tuần Thánh.

Tuy nhiên, khi nói đến giờ chầu Thánh Thể, như tôi được biết, tập tục là rằng khăn vai nên luôn là màu trắng, cho dù áo choàng không tay có màu phụng vụ khác. (Zenit.org 6-3-2018)

Nguyễn Trọng Đa
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Bình Minh
Diệp Hài Dung
10:44 06/03/2018
BÌNH MINH
Ảnh của Diệp Hải Dung, Australia
(Hình chụp tại Port Kembla Beach NSW Australia)

Bình minh trên biển vắng.
Ánh nắng vàng rực rỡ
Dâng đầy như nỗi nhớ
Em luôn dành cho anh….
(dhd)