Ngày 02-03-2020
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
19:37 02/03/2020
13. Giả sử khi em có dũng khí mới chiến đấu, thì em có công lao gì chứ? (Thánh Terese of Lisieux)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức"


-------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.
19:47 02/03/2020
60. NHÁT GAN TƯỞNG LÀ HĂNG HÁI

Trương Lượng đi xuống thành Kiến An, đột nhiên có binh lính của tràn xuống Cao Lệ xuống chém giết.

Trương Lượng lâu nay là người nhát gan, nay thấy việc như thế thì sợ hãi nói không ra lời, chỉ có ngẫn người ra ngồi lì trên ghế.

Tướng sĩ thấy tình trạng như thế thì cho rằng Trương Lượng đã có dự kiến nên không mảy may sợ hãi, cho nên phấn chấn đánh nhau với quân Cao Lệ, cuối cùng thì binh Cao Lệ đại bại và rút lui, tướng sĩ trở về kiệu báo cáo với Trương Lượng, ông ta vẫn ngồi trên ghế hai chân duỗi thẳng run cầm cập !

(Cổ kim tiếu sử)

Suy tư 60:

Nếu Trương Lượng run cầm cập bỏ chạy thì quân lính đã bị thua thảm hại, nhưng có lẽ vì quá sợ không dám chạy nên đã làm cho tướng sĩ có cái nhìn tốt về ông mà hăng hái đánh nhau chuyển bại thành thắng...Có người rất nhát gan nhưng vẫn làm bộ không sợ hãi nên đã vượt qua thử thách, có người can đảm hăng hái nhưng hay tính toán hơn thiệt nên trở thành nhát gan và thua thảm hại.

Nhưng trong đời sống tinh thần tu đức của người Ki-tô hữu thì không như thế, có người bình thường thì rất sợ nhậu nhẹt rượu chè, đĩ điếm, gái trai, nhưng vì sợ bạn bè cười nhạo là cù lần, là quê mùa nên đã trở thành “hăng hái” tham gia mọi việc không nên tham gia ấy, họ sợ bạn bè cười nhạo hơn là sợ mất ơn nghĩa với Thiên Chúa, cho nên họ đã thua trận trước cám dỗ...

Sợ hãi trước những cám dỗ là chuyện nên có, nhưng đừng vì sợ hãi để rồi nghe theo bạn bè xấu để trở nên hăng hái làm chuyện xấu xa. Đó là chuyện không bao giờ xảy ra cho người Ki-tô hữu.

Sợ hãi vì những cám dỗ là chuyện thường có đối với những tâm hồn ngay thẳng yêu mến Thiên Chúa, nhưng cám dỗ là thước đo “trình độ” yêu mến của mình đồi với Thiên Chúa và tha nhân trong cuộc sống đời thường...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài. csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------------

http://www.vietcatholicnews.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Người dám tự xưng là Chúa xuống thế lần thứ hai phải quỳ xin lỗi vì đưa coronavirus vào Nam Hàn
Đặng Tự Do
15:51 02/03/2020
Hôm thứ Hai 2 tháng Ba, người sáng lập một tà giáo được xem là một ổ dịch gây ra sự bùng phát nhanh chóng dịch bệnh coronavirus ở Nam Hàn đã xin lỗi vì sự lây lan của căn bệnh và tuyên bố sẽ hợp tác hoàn toàn với các nỗ lực của chính phủ nhằm chống lại dịch bệnh này.

“Thay mặt cho các tín hữu Shincheonji, tôi thành thật xin lỗi công chúng,” ông Lý Vạn Hy (Lee Man-hee -이만희) nói trong một cuộc họp báo được tổ chức bên ngoài Hán Thành.

“Chúng tôi không cố ý gây ra điều này, nhưng nhiều người đã bị nhiễm bệnh.”

Ông đã quỳ xuống trước các phóng viên và những người tham dự giữa cuộc họp báo ở quận Gia Bình (Gapyeong – 가평군), cách Hán Thành khoảng 60 km về phía đông, trong khi một số người biểu tình hét lớn những lời lăng mạ và những khẩu hiệu yêu cầu ông Lý phải chịu trách nhiệm.

Trong cuộc họp báo này ông Lý đã tái khẳng định rằng giáo phái của ông sẽ cung cấp đầy đủ các nhân vật lực để hỗ trợ cho cuộc chiến đấu chống lại dịch bệnh này.

Nhà lãnh đạo 88 tuổi nói thêm “Chúng tôi biết rằng các cơ quan y tế đã thực hiện mọi nỗ lực để kiểm soát căn bệnh này. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để hỗ trợ cho các biện pháp kiểm soát dịch bệnh do chính phủ lãnh đạo với tất cả các nguồn lực của chúng tôi.”

Tuyên bố của ông Lý được đưa ra một ngày sau khi chính quyền thủ đô Hán Thành cho biết họ đã đệ đơn kiện ông Lý và các nhà lãnh đạo khác của giáo phái Shincheonji khác về tội giết người và gây thương tích. Chính quyền thủ đô cáo buộc giáo phái có hành động cản trở các thành viên tiếp cận với các cơ quan y tế, và điều này đã dẫn đến các trường hợp tử vong.

Một số thành viên của giáo phái cũng đã đưa ra các cáo buộc tương tự. Họ giải thích rằng ông Lý tự xưng mình là Chúa xuống thế làm người lần thứ hai, nên không muốn thấy quá đông đảo các tín hữu của ông lại là những người bị nhiễm coronavirus, vì e rằng điều này làm mất uy tín của ông.

Các phương tiện truyền thông tại Nan Hàn nói chính ông Lý cũng bị nhiễm coronavirus. Vì thế, trong cuộc họp báo này, một đại diện của giáo phái Shincheonji đã lên tiếng khẳng định ông Lý đã trải qua kiểm tra, và kết quả xét nghiệm là âm tính với coronavirus.

Trước đó, chính quyền thành phố Deagu cũng đã có hành động pháp lý chống lại giáo phái Shincheonji vì cản trở các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh do chính phủ lãnh đạo. Các nhà lãnh đạo giáo phái này bị cáo buộc cung cấp các thông tin sai lệch.

170 nhân viên cảnh sát đã được bố trí tại cuộc họp báo vì lo ngại sự phẫn nộ của dân chúng có thể dẫn đến bạo động.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Nam Hàn, gọi tắt là KCDC, tổng số ca nhiễm coronavirus tại Nam Hàn đã lên đến 4,212 trường hợp vào ngày thứ Hai, với 3,801 bệnh nhân cư ngụ tại thành phố Daegu. Đặc biệt, 57 phần trăm người nhiễm bệnh là các thành viên của tà giáo Shincheonji ở Daegu. Đến nay đã có 26 người chết vì coronavirus tại Nam Hàn.

Hôm thứ Bảy, Bộ Tư pháp cho biết khoảng 3,600 thành viên Shincheonji đã vào Nam Hàn từ Trung Quốc trong khoảng thời gian từ ngày 1 tháng 7 năm 2019 đến ngày 27 tháng 2 năm 2020. Trong số đó, 42 thành viên đã đi từ thành phố Vũ Hán, là tâm chấn của dịch bệnh COVID-19 virus.

Giáo phái Shincheonji được thành lập bởi ông Lý Vạn Hy vào năm 1984 và hiện đang có trên dưới 210,000 tín đồ tại Nam Hàn.

Truyền thông địa phương trước đó đưa tin rằng giáo phái này đã thành lập một chi nhánh ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, vào năm ngoái.

Theo thông tấn xã Yonhap, người em ông Lý Vạn Hy bị bịnh tâm thần và được điều trị trong khoa tâm thần của bệnh viện Daenam tại Cheongdo, là quê hương của ông Lý.

Đám tang ông này lôi cuốn hàng ngàn tín đồ giáo phái Shincheonji tham dự suốt trong ba ngày từ 31 tháng Giêng đến 2 tháng Hai. Trong dịp này, nhiều thành viên từ Trung Quốc cũng về tham dự và đã gây ra tình trạng lây nhiễm.

Các quan chức của thành phố Daegu cho biết ban đầu giáo phái khai báo rằng họ chỉ có 3,474 thành viên tại chi nhánh ở Daegu. Tuy nhiên, cuộc điều tra của cảnh sát sau đó cho thấy tại Daegu, giáo phái Shincheonji thực ra có đến 9,336 thành viên.

Lãnh đạo của giáo phái, ông Lý Vạn Hy, người luôn tự xưng mình là Chúa Giêsu xuống thế lần thứ hai, cho biết tất cả các cuộc tụ họp của giáo phái đã bị đình chỉ sau khi các cơ quan y tế cho rằng những người của giáo phái ông chiếm hơn hai phần ba trong số tất cả các trường hợp nhiễm coronavirus được xác nhận ở Nam Hàn.

Ông Lý tố cáo coronavirus là một “hành động của quỷ” nhằm kiềm chế sự phát triển của giáo phái ông.

Với các đơn kiện của thủ đô Hán Thành và thành phố Daegu, có nhiều khả năng là ông Lý sẽ bị bắt và giáo phái của ông sẽ bị xóa sổ.


Source:Yonhap
 
Tĩnh tâm Giáo triều: Mosê, một mẫu gương về tình bạn thân thiết với Thiên Chúa
Thanh Quảng sdb
17:07 02/03/2020
Tĩnh tâm Giáo triều: Mosê, một mẫu gương về tình bạn thân thiết với Thiên Chúa

Đức Thánh Cha Phanxicô gửi thư cho Cha Pietro Bovati, cha giảng phòng cho tuần Tĩnh tâm dành cho Giáo triều, với đề tài Mosê, mẫu gương về tình bạn thân thiết với Thiên Chúa.
(Tin Vatican)

Vì Đức Thánh Cha đang cảm cúm, nên ngài tham dự tuần Tĩnh tâm tại chỗ ở của ngài nơi nhà lưu xá thánh nữ Matta, nhưng ngài đã gửi một bức thư cho cha Pietro Bovati Dòng Tên là cha giảng phòng và các tham dự viên tuần tĩnh tâm giáo triều tại Ariccia. Trong lá thư, Đức Thánh Cha Phanxicô viết ngài cầu nguyện và ban phép lành cho tất cả…
Đức Thánh Cha viết tôi đồng hành cùng tất cả... Tôi sẽ lắng nghe và suy niệm các bài giảng từ phòng của tôi, tôi cám ơn cha Bovati, tôi cầu nguyện cho cha và xin cha cũng cầu nguyện cho tôi.
Chủ đề của cuộc Tĩnh tâm giáo triều năm nay là: Mosê, mẫu gương của một tình bạn thân thiết cùng Thiên Chúa.

Ngày 1: Tiếp nhận sự mặc khải thiêng liêng
Cha Bovati, Thư ký của Ủy ban Kinh thánh Giáo hoàng, đã chia sẻ suy tư đầu tiên của mình vào tối Chúa Nhật, cha giới thiệu chủ đề: Bụi cây bị cháy (Xh 3: 2) - Cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người dưới ánh sáng của sách Xuất hành, Tin Mừng Matthêu và lời cầu nguyện của Thánh vịnh.
Cha nói với các thành viên của Giáo triều Rôma đang qui tụ tại nhà tĩnh huấn ở Ariccia rằng câu chuyện về Mosê trong Cựu Ước là một lời mời lui vào thinh lặng để tiếp thu lời mặc khải của Thiên Chúa.

Mô hình cầu nguyện
Theo cha Bovati thì Mosê đã luôn dành một thời gian mỗi ngày trong lều trại để cầu nguyện và lắng nghe tiếng Chúa đang hiện diện cùng ông.
Lời cầu nguyện đích thực là một cuộc trực diện với ngọn Lửa thần thiêng, mời gọi ông thực hiện sứ mệnh tiên tri của mình.
Cha Bovati cho biết cha đã chọn Mosê như một biểu tượng, một mẫu gương cho tất cả các nhân viên của Giáo triều trong cuộc Tĩnh tâm Mùa Chay năm nay; vì Mosê đã vâng lời Chúa, đã ra đi... Ngài đã cởi bỏ dép ra trước bụi cây cháy để nhìn nhận rằng ngài không được rời đi nơi khác! Cũng vậy, chúng ta sẽ không có con đường, hướng đi hay sở thích nào khác ngoài Chúa Kitô.

Ngày 2: Hành trình của khát vọng
Sáng thứ Hai, cha Bovati tập trung bài suy niệm của cha dựa vào các bài đọc từ sách Xuất Hành 2:1-10; Phúc âm Mathêu 1: 18-25; và Thánh vịnh 139.
Cha Bovati một lần nữa tập trung chủ đề vào việc cầu nguyện của Mosê trong lều trại, mà cha mô tả là một hành trình của khát vọng...
Khi Mosê bước vào lều, một cột mây đã phủ xuống lối vào, như là một dấu hiệu cho thấy Chúa đang hiện diện với ông…
Điều này, theo cha Bovati, đã làm đảo lộn ý tưởng được lưu hành rộng rãi trong dân gian cho là lời cầu nguyện của chúng ta là những lời ta hướng về Chúa. Nhưng lời cầu nguyện đích thực về cơ bản là một cảm nghiệm tiên tri, trong đó con người lắng nghe tiếng Chúa trong thinh lặng...

Bị đốt nhưng không bị tiêu hủy
Cha Bovati tiếp tục quảng diễn kinh nghiệm của Moseê về bụi gai đang bốc cháy nhưng không bị tiêu hủy đi...
Cha nói đó là hình ảnh con người với tất cả sự mong manh, yếu đuối và khốn khổ của nó - giống như bụi gai - được rực sáng nhờ lửa.
Đây không chỉ là một hình ảnh đơn thuần nói cho chúng ta ý thức về sự sưởi ấm, đổi mới nhiệt thành cho tâm hồn chúng ta… Nhưng cũng nói lên cho chúng ta một xác tín: chúng ta được ngọn lửa Giêsu như một món quà, hầu chúng ta có thể sưởi ấm trái đất, và tôi mong ước ngọn lửa đó được cháy sáng lên!...
 
Y chang phim Tầu, các nhà buôn Trung Quốc đang rao bán thuốc giải coronavirus trên Amazon
Đặng Tự Do
19:12 02/03/2020
Trong khi số người nhiễm coronavirus đã lên tới hơn 80,000 và số người thiệt mạng ngấp nghé con số 3,000, ký giả Jeffrey Dastin của thông tấn xã Reuters cho biết Amazon đang phải vật lộn một cách vất vả để loại bỏ khỏi mạng bán lẻ lớn nhất thế giới này các loại “thuốc giải coronavirus” made in China.

Cho đến nay, các khoa học gia chưa ai dám công bố đã tìm ra được phương dược chữa trị coronavirus. Do đó, theo Amazon các loại “thuốc giải coronavirus” chỉ là giả hiệu. Quý vị và anh chị em đừng mua.

Nguyên bản tiếng Anh: “Amazon bars one million products for false coronavirus claims”, “Amazon cấm một triệu sản phẩm quảng cáo láo là diệt được coronavirus”

Amazon.com đã cấm hơn một triệu sản phẩm được bán trong những tuần gần đây vì đã quảng cáo không đúng sự thật là có thể chữa trị hoặc bảo vệ người tiêu dùng chống lại coronavirus, công ty nói với Reuters hôm thứ Năm 27 tháng Hai.

Hệ thống truyền hình CNBC ghi nhận nỗ lực của Amazon nhằm xóa khỏi thị trường trực tuyến những mặt hàng được quảng cáo là sẽ giúp ngăn chặn sự lây lan của coronavirus. Tuy nhiên, CNBC cảnh báo rằng vẫn còn hằng hà sa số các loại “thuốc giải coronavirus” được bày bán trên Amazon.

Công ty đã thông báo cho các thương nhân trong tuần này rằng họ đã gỡ bỏ các danh sách khoác lác rằng sản phẩm được rao bán là một phương dược điều trị, hoặc ngăn ngừa coronavirus, trong một email CNBC nhận được.

Tuần trước, CNBC cũng đã báo cáo rằng Amazon là một trong số những công ty công nghệ cao đã gặp Tổ chức Y tế Thế giới tại văn phòng của Facebook, ở Menlo Park, California trong cuộc thảo luận về cách ngăn chặn thông tin sai lệch liên quan đến coronavirus trên web site của họ. Các tác nhân xấu đã cố gắng kiếm tiền từ những nỗi sợ hãi xung quanh coronavirus. Trên Amazon, những người bán hàng đã cung cấp những cuốn sách làm dấy lên nỗi sợ về virus, trong khi các sản phẩm vitamin C ngày càng bán chạy như tôm tươi vì các báo cáo sai lệch cho rằng vitamin này có thể chữa được coronavirus.

Mặc dù Amazon đã thực hiện các bước cần thiết để loại bỏ một số danh sách đề cập đến coronavirus, CNBC đã tiến hành một số điều tra nhanh và tìm thấy vẫn còn cơ man các trường hợp bỏ qua các quy tắc này, bao gồm các loại thuốc được quảng cáo là giết chết coronavirus.

Amazon cũng loại bỏ hàng chục ngàn giao dịch từ các thương nhân mà họ cho biết đã cố gắng để nâng giá bất chính đối với khách hàng. Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới đã phải đối mặt với sự dò xét đối với các mặt hàng liên quan đến sức khỏe trên mạng của mình, và đầu tuần này, khi chính quyền Ý tung ra một cuộc điều tra về việc tăng giá trên internet đối với các mặt hàng như nước rửa tay diệt khuẩn và khẩu trang y tế trong nỗ lực của quốc gia này chống lại sự bùng phát lớn nhất ở Âu Châu.

Coronavirus đã gây ra ít nhất 2,797 cái chết trên toàn cầu. Các ca nhiễm mới được báo cáo trên khắp thế giới hiện vượt quá số trường hợp nhiễm bệnh tại Trung Quốc đại lục, nơi căn bệnh giống như cúm này được cho là đã phát sinh hai tháng trước từ một chợ bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã phải đóng cửa các trường học, hủy bỏ các sự kiện và dự trữ các loại vật tư y tế để ngăn chặn sự lây lan của virus.

Một trang web so sánh giá cả đã đưa ra các ví dụ gần đây về sự tăng vọt giá cả cao gấp nhiều lần mức bình thường đối với các khẩu trang y tế bán trên Amazon được sản xuất bởi tập đoàn công nghiệp 3M của Hoa Kỳ.

Một thương nhân hôm thứ Năm đã ra giá một gói 10 mặt nạ N95 với giá 128 Mỹ Kim, một phóng viên của Reuters đã nhìn thấy khi xem qua các tùy chọn trên Amazon. Con số này tăng so với mức giá trung bình của chính thương nhân này. Theo trang web theo dõi camelcamelcamel.com, chỉ mới gần đây thôi, chính thương nhân ấy đã bán gói khẩu trang y tế này với giá 41.24 đô la. Trong cùng ngày, phóng viên của Reuters quay lại trang bán gói khẩu trang này thì được biết mặt hàng này đã hết hàng, dù được bán với giá cắt cổ như thế.

Trang web theo dõi camel cũng ghi nhận một trường hợp, trong đó một thương nhân khác đã bán một gói 2 khẩu trang y tế với giá 24.99 đô la vào đầu tuần này, tăng gấp 4 lần so với mức giá trung bình gần đây là 6.65 đô la trên Amazon.

“Không có chỗ cho việc nâng giá bất chính trên Amazon,” một phát ngôn viên của công ty này tuyên bố, trích dẫn chính sách của công ty theo đó thông tin sản phẩm phải chính xác và Amazon có thể gỡ bỏ các quảng cáo gây tổn hại đến niềm tin của khách hàng, kể cả khi thương nhân nâng giá cao hơn đáng kể so với giá gần đây được cung cấp trên hoặc bên ngoài Amazon.

Tuy nhiên, Amazon từ chối xác định ngưỡng chính xác theo đó giá cả một mặt hàng được coi là không công bằng.

Công ty cho biết họ đã theo dõi các đột biến về giá cả và các quảng cáo sai trái bằng cách kết hợp giữa việc đánh giá tự động, qua các giải thuật điện toán, và cả bằng việc duyệt xét của các nhân viên trên các danh sách các hàng hóa.


Source:CNBC

Source:Reuters

 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Sự Tự do của Kitô hữu, Khảo luận của Martin Luther 1
Vũ Văn An
18:44 02/03/2020
TỰ DO CỦA KITÔ HỮU
(Khảo luận của Martin Luther)

Nhiều người coi đức tin Kitô Giáo là điều dễ dàng, và không ít người đặt nó vào vị trí các nhân đức. Họ làm thế vì chưa cảm nghiệm được đức tin, và chưa nếm được sức mạnh lớn lao của đức tin. Người ta không thể viết tốt về nó hay hiểu được điều đã được viết về nó ngoại trừ đã có lúc nào đó cảm nhận được sự can đảm mà đức tin đem tới cho một con người khi họ bị thử thách đè nặng. Nhưng những ai dù chỉ mới nếm qua được nó cũng không bao giờ có thể viết, nói, suy niệm, hoặc nghe đủ về nó. Nó là “giếng nước hằng sống trào dâng, đem lại sự sống đời đời” như Chúa Kitô đặt tên cho nó trong Gioan 4:14.

Còn với tôi, dù không giầu có chi về đức tin để huênh hoang và biết rõ kho lẫm của mình thật ít ỏi, tuy nhiên tôi vẫn hy vọng rằng mình đã nắm được chút ít đức tin, tuy vẫn còn bị tấn công bởi rất nhiều cám dỗ lớn lao và đa dạng; và tôi hy vọng rằng tôi có thể thảo luận về nó, nếu không tao nhã hơn, thì chắc chắn cũng vào trọng điểm hơn những người duy chiểu tự và những người tranh luận khéo léo từng làm từ trước đến nay, nhưng thậm chí không hề hiểu cả những điều họ viết.

Để dọn đường trơn tru hơn cho người ít học, là người duy nhất tôi muốn phục vụ, tôi xin trình bày hai mệnh đề sau đây liên quan tới sự tự do và ách nô lệ của tinh thần:

Kitô hữu là ông chủ hoàn toàn tự do của mọi người, không lệ thuộc ai.
Kitô hữu là đầy tớ hoàn toàn tùng phục mọi người, lệ thuộc mọi người.

Hai mệnh đề trên xem ra mâu thuẫn với nhau. Tuy nhiên, nếu có thể hợp lại với nhau, chúng sẽ phục vụ mục đích của chúng ta cách tuyệt vời. Cả hai câu đều là tuyên bố của chính Thánh Phaolô, người đã viết trong 1Cr 9:19: “Tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người” và trong Rm 13:8: “anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái”. Do chính bản chất của nó, tình yêu sẵn sàng phục vụ và lệ thuộc kẻ được yêu. Bởi thế, Chúa Kitô, dù là Chúa muôn loài, đã “sinh ra từ người đàn bà, sinh ra dưới lề luật” (Gl 4:4), và bởi thế, cùng một lúc, là người tự do lẫn đầy tớ, “mang hình Thiên Chúa” lẫn “mang hình tôi tớ” (Pl 2:6-7).

Tuy nhiên, ta hãy bắt đầu với một điều xa hơn với chủ đề của ta, nhưng hiển nhiên hơn. Con người có bản chất kép, vừa tinh thần vừa thể xác. Theo bản chất tinh thần, mà người ta vốn gọi là linh hồn, họ được gọi là con người tâm linh, con người bên trong hay con người mới. Theo bản chất thể xác, mà người ta vốn gọi là thân xác, họ được gọi là con người xác thịt, con người bên ngoài hay con người cũ; về những con người này, Thánh Phaolô viết như sau trong 2 Cr 4:16: “Dù con người bên ngoài của chúng tôi có tiêu tan đi, thì con người bên trong của chúng tôi ngày càng đổi mới”. Vì tính đa phức về bản chất này, Thánh Kinh mới quả quyết những điều mâu thuẫn nhau về cùng một con người vì hai con người trong cùng một con người này mâu thuẫn nhau, “vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt” như thư Galát 5:17 vốn dạy.

Trước nhất, ta hãy xét con người bên trong để xem xem một Kitô hữu chính trực, tự do, và đạo hạnh, nghĩa là một người tâm linh, một người mới, và một người bên trong, trở nên điều họ là ra sao. Điều hiển nhiên là không điều gì ở bên ngoài lại có bất cứ ảnh hưởng nào đối với việc sản sinh ra sự chính trực hay sự tự do của Kitô hữu cả. Chỉ duy một luận điểm mà thôi cũng cung cấp đủ chứng cớ cho mệnh đề vừa nói. Linh hồn nào được ích lợi gì khi thân xác khỏe khoắn, tự do, và linh hoạt, và ăn, uống và hành động tùy ý thích? Vì trong các phương diện này, cả những người nô lệ tội lỗi không hề có Chúa cũng rất hả hê. Mặt khác, sức khỏe kém hay bị cầm tù, bị đói, bị khát hay bất cứ tai họa bên ngoài nào khác nào có làm hại chi tới linh hồn? Ngay những người có Chúa hơn cả, và những người tự do nhờ lương tâm trong sáng, cũng bị những điều này làm cho khốn khổ. Không một điều nào trong số này đụng tới sự tự do hay ách nô lệ của linh hồn. Chẳng giúp gì cho linh hồn khi thân xác được trang trí bằng phẩm phục thánh của linh mục hay được cư ngụ tại nơi thánh hoặc bận bịu với các nhiệm vụ thánh thiêng, hay cầu nguyện, ăn chay, kiêng một số loại thực phẩm nào đó, hay làm bất cứ việc gì có thể làm bởi thân xác và trong thân xác. Sự chính trực và sự tự do của linh hồn đòi một điều khác hẳn vì những điều vừa nhắc có thể được làm bởi bất cứ người ác đức nào. Những việc như thế không sản sinh được gì ngoại trừ những kẻ giả hình. Mặt khác, thân xác cũng không gây hại cho linh hồn nếu nó phải mặc quần áo thế tục, cư ngụ tại các nơi không được thánh hiến, ăn, uống như mọi người khác, không cầu nguyện lớn tiếng, và sao lãng những việc trên đây vốn được những kẻ giả hình thực hành.

Hơn nữa, dành dụm mọi loại công việc, thậm chí cả chiêm niệm, suy niệm, và mọi điều linh hồn có thể làm, cũng vô ích. Chỉ một điều, một điều duy nhất mà thôi, cần thiết cho cuộc sống Kitô hữu, cho sự chính trực, và sự tự do. Điều duy nhất ấy chính là lời hết sức thánh thiện của Thiên Chúa, là tin mừng của Chúa Kitô, như chính Chúa Kitô đã nói trong Gioan 11:25: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống”; và trong Gioan 8:36: “nếu người Con có giải phóng các ông, các ông mới thực sự là những người tự do”; và trong Mátthêu 4:4: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra”. Như thế, ta hãy coi là chắc chắn và hoàn toàn được xác minh rằng linh hồn không cần gì khác ngoài Lời Thiên Chúa và rằng nơi nào thiếu Lời Chúa nơi ấy không hề có trợ giúp nào cho linh hồn. Nếu có Lời Thiên Chúa, nơi ấy giầu có và không còn thiếu thốn gì vì đây là Lời sự sống, là chân lý, ánh sáng, bình an, chính trực, cứu rỗi, hân hoan, tự do, khôn ngoan, sức mạnh, ơn thánh, vinh quang, và mọi phúc lành không thể tính toán được. Đó là lý do khiến tiên tri trong toàn bộ Thánh Vịnh 119 và nhiều nơi khác nữa khát mong và luyến tiếc Lời Thiên Chúa và sử dụng nhiều tên để mô tả Lời ấy.

Đàng khác, không còn tai họa khủng khiếp nào bị cơn thịnh nộ của Chúa giáng xuống con người cho bằng cơn đói khát được nghe Lời Người như chính Người đã nói trong Amos 8:11. Cũng thế, không còn lòng thương xót nào lớn hơn việc Người gửi Lời Người xuống, như ta đọc thấy trong Thánh Vịnh 107:20: “Người gửi lời Người xuống, và chữa lành họ, cùng giải thoát họ khỏi bị hủy diệt”. Mà Chúa Kitô cũng không được sai đến thế gian vì bất cứ thừa tác vụ nào khác ngoại trừ thừa tác vụ Lời. Hơn nữa, toàn bộ đẳng cấp thiêng liêng, mọi tông đồ, giám mục và linh mục, đều chỉ được kêu gọi và bổ nhiệm cho thừa tác vụ Lời mà thôi.

Qúi vị có thể thắc mắc “như vậy Lời Chúa là gì, và nên sử dụng Lời này ra sao, vì lời Chúa thì nhiều lắm?” Tôi xin thưa: Thánh Tông Đồ đã giải thích điều này trong thư Rôma 1. Lời đây là tin mừng của Thiên Chúa liên quan tới Con của Người, Đấng đã thành xác phàm, đã chịu thống khổ, đã sống lại từ cõi chết, và được hiển vinh nhờ Chúa Thánh Thần, Đấng thánh hóa. Rao giảng Chúa Kitô là nuôi sống linh hồn, làm nó ra chính trực, giải phóng nó, và cứu rỗi nó, miễn là nó tin lời rao giảng. Theo Rm 10:9, chỉ có đức tin mới là việc sử dụng có tính cứu rỗi và có hiệu quả Lời Thiên Chúa: “nếu anh chị em dùng miệng lưỡi tuyên xưng Chúa Giêsu là Chúa và tin thật trong lòng rằng Thiên Chúa đã làm Người trỗi dậy từ cõi chết, anh chị em sẽ được cứu rỗi”. Xa trước đó “Chúa Kitô là cùng đích của lề luật, để mọi người có đức tin đều được công chính hóa” (Rm 10:4). Ngoài ra, Rm 1:17 còn cho hay “Ai nhờ đức tin nên công chính sẽ được sống”. Không thể tiếp nhận hay trân qúi Lời Thiên Chúa bằng bất cứ việc làm nào nhưng chỉ bằng đức tin mà thôi. Cho nên, điều rõ ràng là linh hồn chỉ cần Lời Thiên Chúa để được sống và được chính trực thế nào, thì nó cũng chỉ được công chính hóa nhờ đức tin mà thôi chứ không nhờ bất cứ việc làm nào như thế; vì nếu nó có thể được công chính hóa nhờ bất cứ điều gì khác, thì nó đâu cần đến Lời, và do đó, đâu cần tới đức tin.

Đức tin này không thể hiện hữu song song với việc làm, nghĩa là, nếu đồng thời cho rằng mình được công chính hóa nhờ việc làm, bất kể việc làm này có đặc tính gì, vì như thế cũng không khác gì là “nhẩy khập khiễng hai chân” (1V 18:21), là vừa thờ Baal vừa hôn chính tay mình (Gióp 31: 27-28), một việc, như chính Gióp nói, vốn là tội ác đáng trừng phạt. Cho nên, lúc qúi vị bắt đầu tin, qúi vị học được rằng mọi sự trong qúi vị đều đáng chê trách, đều tội lỗi, và đáng trừng phạt như Thánh Tông Đồ từng viết trong thư Rm 3:23: “Vì mọi người đều phạm tội và bị tước mất vinh quang Thiên Chúa” và “không ai là người công chính, không, không một ai cả. Người người đã lìa xa chánh lộ, chỉ biết theo nhau làm chuyện suy đồi” (3:10-12). Khi đã học được điều đó, qúi vị sẽ biết qúi vị cần Chúa Kitô, Đấng đã chịu thống khổ và đã sống lại vì qúi vị để nếu qúi vị tin vào Người, thì nhờ đức tin này, qúi vị sẽ trở nên con người mới bao lâu tội lỗi của qúi vị được tha thứ và qúi vị được công chính hóa nhờ công phúc của một người khác là một mình Chúa Kitô mà thôi.

Bởi thế, vì đức tin này chỉ có thể thống ngự trong con người bên trong, như Rm 10:10 dạy, “vì con người tin thật trong lòng nên họ được công chính hóa” và vì chỉ có đức tin mới công chính hóa được, nên rõ ràng con người bên trong không thể nào được công chính hóa, được tự do hay được cứu rỗi nhờ bất cứ việc làm hay hành động bên ngoài nào, và những việc làm này, bất kể tính chất chúng như thế nào, cũng không dính dáng gì tới con người bên trong cả. Đàng khác, chỉ có sự vô thần và bất tín trong lòng, chứ không có việc làm nào khác, làm họ trở thành đầy tớ tội lệ và đáng trừng phạt của tội lỗi. Do đó, mọi Kitô hữu phải lưu tâm trước hết tới việc đặt mọi tin tưởng ra ngoài việc làm và mỗi ngày mỗi củng cố một mình đức tin mà thôi và nhờ đức tin mà lớn lên trong nhận thức, không phải về việc làm, mà về Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã chịu thống khổ và đã sống lại vì họ, như Thánh Phêrô vốn dạy trong trong chương cuối thư thứ nhất của ngài (1Pr 5:10). Không việc nào khác làm nên một Kitô hữu. Bởi thế, như Thánh Gioan đã tường thuật ở Ga 6:28, khi người Do Thái hỏi Chúa Kitô họ phải làm gì “để thể hiện công việc của Thiên Chúa”, Người đã gạt qua một bên mọi việc làm bị Người coi là dư thừa và chỉ gợi ý một việc, đó là “Công việc của Thiên Chúa là anh em tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6:29); “vì trên Người, Thiên Chúa Cha đã đóng ấn của Người” (Ga 6:27).

Cho nên, đức tin chân thực vào Chúa Kitô là kho tàng khôn sánh, đem theo nó ơn cứu rỗi trọn vẹn và cứu con người khỏi mọi sự ác, như Chúa Kitô đã quả quyết trong chương cuối Tin Mừng Máccô 16:16: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được cứu rỗi; nhưng ai không tin sẽ bị kết án”. Isaia chiêm niệm kho tàng này và đã tiên báo về nó trong chương 10: “Chúa sẽ tạo ra trên lãnh thổ một lời nhỏ nhưng rất chi phối, và lời này sẽ tràn đầy sự chính trực” (xem Is 10:22). Như thể ông muốn nói: “đức tin, vốn là sự nên trọn tuy nhỏ nhưng trọn vẹn của lề luật, sẽ đổ đầy tín hữu một sự công chính lớn lao đến nỗi họ không cần điều gì khác nữa để được chính trực”. Trong Rm 10:10, Thánh Phaolô cũng nói thế: “người tin thật trong lòng, sẽ nhờ đó được công chính hóa”.

Nếu qúi vị hỏi làm sao lại có việc chỉ một mình đức tin mới công chính hóa và đem lại cho ta một kho tàng ơn phúc lớn lao không cần việc làm trong khi biết bao việc làm, biết bao nghi lễ và luật lệ đã được truyền kê trong Thánh Kinh, thì tôi xin thưa: trước hết, xin hãy nhớ những điều đã nói, tức là, chỉ có đức tin, chứ không phải việc làm, mới công chính hóa, giải phóng và cứu rỗi; ta sẽ làm cho điều này rõ ràng hơn sau này. Ở đây, ta phải nhấn mạnh rằng toàn bộ Thánh Kinh của Thiên Chúa được chia thành hai phần: các giới răn và các lời hứa. Dù giới răn dạy những điều tốt, các điều được dạy này không được thực hành ngay khi chúng được giảng dạy, vì giới răn dạy ta điều phải làm nhưng không cho ta sức mạnh để làm việc đó. Chúng nhằm dạy con người biết mình, để qua chúng, họ có thể nhận ra sự thiếu khả năng của họ trong việc làm điều tốt và rất có thể sẽ thất vọng về khả năng của mình. Chính vì thế chúng được gọi là Cựu Ước, và quả đã tạo nên Cựu Ước. Thí dụ, giới răn “Ngươi không được thèm muốn” (Xh 20:17) là giới răn muốn chứng minh rằng mọi người chúng ta đều có tội, vì không ai tránh được việc thèm muốn, bất kể họ đấu tranh chống lại nó ra sao. Cho nên, để không thèm muốn và làm trọn giới răn này, con người phải thất vọng về chính mình, và tìm sự trợ giúp mà họ không tìm thấy nơi đâu trong chính họ cũng như trong bất cứ ai khác, như đã quả quyết trong Hs 13:9: “Hỡi Israel, sự hủy diệt là của riêng ngươi, sự trợ giúp ngươi chỉ có nơi Ta”. Ta xử sự với một giới răn thế nào thì cũng xử sự như thế với mọi giới răn khác, vì ta cũng đều không giữ được bất cứ giới răn nào.

Nay, khi con người nhờ các giới răn mà học được việc biết thừa nhận sự bất lực của mình và lo lắng về việc làm sao mình có thể thỏa mãn lề luật, vì lề luật phải được chu toàn đến nỗi một chấm một phẩy cũng không được để mất, nếu không, con người sẽ bị kết án không còn hy vọng, đây là lúc, thực sự khiêm hạ và bị giản lược thành số không dưới chính mắt họ, họ không tìm được điều gì trong chính họ nhờ đó họ được công chính hóa hay được cứu rỗi. Đến đây, phần thứ hai của Sách Thánh đến giúp ta, tức các lời hứa của Thiên Chúa vốn công bố vinh quang của Người; lời hứa này nói rằng “nếu bạn muốn chu toàn lề luật chứ không ham muốn, như lề luật đòi hỏi, hãy đến, hãy tin vào Chúa Kitô nơi Người, ơn thánh, sự chính trực, bình an, tự do, và mọi sự đã được hứa hẹn cho bạn. Nếu bạn tin, bạn sẽ có đủ mọi sự; nếu bạn không tin, bạn sẽ thiếu mọi sự”. Điều bạn không thể hoàn thành bằng cách cố gắng chu toàn mọi việc làm tốt theo lề luật, rất nhiều và hoàn toàn vô ích, bạn sẽ chu toàn nhanh chóng và dễ dàng nhờ đức tin. Thiên Chúa, Cha chúng ta, đã khiến mọi sự lệ thuộc đức tin để bất cứ ai có đức tin đều sẽ có mọi sự, và ai không có đức tin sẽ không có gì hết. Như đã có lời quả quyết trong thư Rôma 11:32: “Thiên Chúa đã giam hãm mọi người trong tội không vâng phục, để thương xót mọi người” (Rm 11:32). Như thế, các lời hứa của Thiên Chúa đem lại điều các Giới Răn của Thiên Chúa đòi hỏi và chu toàn điều lề luật truyền lệnh để mọi sự thuộc về một mình Thiên Chúa, cả các giới răn lẫn việc chu toàn chúng. Một mình Người truyền lệnh, một mình Người chu toàn. Do đó, các lời hứa của Thiên Chúa thuộc về Tân Ước. Quả thực, chúng là Tân Ước.

Vì các lời hứa của Thiên Chúa này là những lời thánh thiện, chân thực, công chính, tự do và bình an, đầy tốt lành, nên linh hồn nào bám vào chúng bằng một đức tin vững vàng sẽ kết hợp với chúng một cách mật thiết và hoàn toàn tan hòa bởi chúng đến nỗi không những được dự phần vào sức mạnh của chúng mà còn được bão hòa và say ngất bởi chúng nữa. Nếu một cái đụng của Chúa Giêsu cũng đủ chữa lành bệnh, thì cái đụng thiêng liêng dịu dàng nhất này, sự tan hòa của Lời này sẽ thông truyền cho linh hồn mọi sự vốn thuộc Ngôi Lời xiết bao hơn nữa. Do đó, đấy là lý do tại sao nhờ đức tin mà thôi không cần việc làm, linh hồn được công chính hóa, biến thành chân thật, bình an, tự do, đầy rẫy mọi chúc phúc, và thực sự trở thành con cái Thiên Chúa như Ga 1:12 viết “Nhưng với những ai... tin vào danh Người, Nguời sẽ ban cho năng lực để trở thành con cái Thiên Chúa”.

Từ những điều nói trên đây, ta dễ dàng thấy từ nguồn nào, đức tin đã dẫn khởi được một năng lực lớn lao như thế và tại sao việc làm tốt hay mọi việc làm tốt cộng lại không thể bằng nó. Không việc làm tốt nào có thể dựa vào Lời Thiên Chúa hay sống trong linh hồn, vì một mình đức tin và Lời Chúa đang thống trị trong linh hồn.

Y hệt như chiếc bàn ủi nóng rực sáng như lửa nhờ sự kết hợp của lửa với nó, Lời cũng ban bố các đặc tính của nó như thế cho linh hồn. Như thế, rõ ràng các Kitô hữu có mọi thứ họ cần trong đức tin và không cần đến việc làm nào để công chính hóa mình; và nếu họ không cần một việc làm nào, họ cũng không cần lề luật; và nếu họ không cần lề luật, thì chắc chắn họ thoát khỏi lề luật. Đúng là “lề luật không được đặt để cho người công chính” (1Tm 1:9). Điều này có ý nói tự do của Kitô hữu, đức tin của chúng ta, không xui khiến ta sống lười biếng hay xấu ác nhưng làm cho lề luật và việc làm trở thành không cần thiết cho sự chính trực hay cứu rỗi của bất cứ ai.

Đó là năng lực thứ nhất của đức tin. Bây giờ, ta hãy khảo sát năng lực thứ hai. Một chức năng khác của đức tin là nó vinh danh người nó tín thác một cách tôn kính và tôn trọng cao nhất vì nó coi người này chân thật và đáng tin cậy. Không có vinh dự nào ngang bằng với việc lượng giá sự chân thật và đáng tin cậy ta dùng tôn vinh người ta tín thác. Liệu ta có thể gán cho ai điều gì cao hơn sự chân thật, chính trực và tốt lành? Một đàng, không cách nào trong đó ta tỏ lòng khinh miệt lớn hơn đối với một ai đó cho bằng coi anh ta sai lạc, xấu xa và hoài nghi họ như ta thường làm khi ta không tin tưởng họ. Cho nên, khi linh hồn tín thác mạnh mẽ vào các lời Chúa hứa, nó coi Người chân thật và chính trực. Không điều gì trổi vượt hơn thế có thể gán cho Thiên Chúa. Việc thờ phượng Thiên Chúa cao nhất chính là ta gán cho Người sự chân thật, sự chính trực, và bất cứ điều gì khác nên gán cho người được tín thác. Khi việc này được thực hiện, linh hồn thuận theo thánh ý Người. Lúc ấy, nó sáng danh Người và để mình được Thiên Chúa mặc tình đối xử vì, bám chặt vào các lời hứa của Thiên Chúa, nó không còn hoài nghi chi nữa Đấng vốn chân thật, công chính và khôn ngoan sẽ làm, sẽ sắp đặt và cung cấp mọi sự một cách tốt đẹp.

Nhờ đức tin, một linh hồn như thế há lại không vâng nghe Thiên Chúa trong mọi sự hay sao? Còn giới răn nào một sự vâng nghe như thế lại không chu toàn trọn vẹn? Còn sự chu toàn nào trọn vẹn hơn sự vâng nghe trong mọi sự? Tuy nhiên, sự vâng nghe này không được thực hiện qua việc làm mà là qua một mình đức tin mà thôi. Một đàng, còn có sự nổi loạn nào lớn hơn chống lại Thiên Chúa, còn sự ác xấu nào lớn hơn, còn sự khinh miệt Thiên Chúa nào lớn hơn bằng việc không tin tưởng các lời Người hứa hẹn? Vì điều này là chi nếu không phải biến Thiên Chúa thành người nói láo hay hoài nghi Người chân thật? tức là, gán sự chân thật cho bản thân mình và gán dối trá và phù phiếm cho Thiên Chúa? Há một người làm như thế không bác bỏ Thiên Chúa và đặt Người thành một ngẫu tượng trong tâm hồn mình? Rồi, các việc làm thực hiện trong sự xấu xa như thế thì có gì tốt, dù là việc làm của các thiên thần và các tông đồ? Cho nên, Thiên Chúa rất đúng trong việc bao gồm mọi sự, không phải vào sự giận dữ hay thèm muốn, mà vào sự bất tín, để những ai tưởng tượng rằng họ chu toàn lề luật bằng cách thực hiện các việc làm khiết tịnh và thương xót do lề luật đòi hỏi (các nhân đức dân sự và nhân bản) thì được cứu rỗi. Họ được bao gồm vào tội bất tín và một là phải xin sự thương xót hoặc bị kết án một cách phải lẽ.

Tuy nhiên, khi Thiên Chúa thấy chúng ta coi Người chân thật và bằng đức tin tận cõi lòng, dành cho Người niềm vinh dự lớn lao Người đáng được, Người sẽ dành cho chúng ta vinh dự lớn lao bằng cách coi chúng ta chân thật và chính trực vì cùng một đức tin của chúng ta. Đức tin tạo sự thật và chính trực bằng việc dành cho Thiên Chúa điều vốn thuộc về Người. Bởi thế, đến lượt Người, Thiên Chúa vinh danh sự chính trực của ta. Thật đúng và chính đáng là Thiên Chúa chân thật và công chính và ai coi Người và tuyên xưng Người như thế cũng là người chân thật và công chính. Thành thử, Người nói trong 1Sm 2:30: “Ai tôn vinh Ta, Ta sẽ tôn vinh nó, còn ai khinh thường Ta, sẽ bị khinh thường”. Thánh Phaolô cũng nói như thế trong Rm 4:3 rằng “Ông Ápraham đã tin Thiên Chúa, và vì thế được kể là người công chính” vì nhờ đức tin, ông dành vinh dự hoàn hảo nhất cho Thiên Chúa, và vì cùng một đức tin như thế, đức tin của chúng ta cũng được kể cho chúng ta là chính trực nếu chúng ta tin.

Kỳ sau: Phúc lộc khôn sánh thứ ba của Đức Tin
 
Thánh Giuse Có Phải Là Bổn Mạng Của Hội Thánh Việt Nam Không?
Lm. Giuse Phạm Đình Ái, SSS
21:18 02/03/2020
Thánh Giuse là quan thầy của GH Việt Nam?

Nhiều người vẫn thắc mắc rằng Thánh Giuse có còn là bổn mạng của GH Việt Nam nữa không vì không thấy ghi trong Lịch Phụng Vụ. Câu trả lời thật đơn giản, Thánh Giuse đã là và vẫn là bổn mạng của toàn thể GH Việt Nam. Khẳng định này dựa trên thực hành hằng trăm năm qua và vào những bằng chứng sau:

[1] Tông Hiến Apostolatus Officium, được ban hành ngày 23/12/1673 bởi Đức Giáo Hoàng Clemente X, châu phê thỉnh nguyện của Công đồng Đàng Ngoài họp tại Dinh Hiến / Phố Hiến (14/02/1670) dưới sự chủ tọa của Đức Cha Lambert de la Motte. Công đồng này chính thức xin nhận Thánh Giuse làm quan thầy địa phận Đàng Ngoài tức làm bổn mạng Giáo Hội xứ Bắc (“patron de ce Royaume” nếu hiểu nghĩa hẹp thì chỉ là xứ Bắc, nhưng nếu hiểu theo nghĩa rộng thì phải hiểu là cả xứ Bắc lẫn xứ Nam;[1]

[2] Tông Hiến Sacrosancti Apostolatus, được ban hành ngày 17/08/1678 bởi Đức Giáo Hoàng Innocentê XI đáp ứng thỉnh nguyện của ba vị Đại diện Tông toà là các Đức cha Lambert de La Motte (Đàng Trong), Pallu (Đàng Ngoài) và Cotolendi (Nam Kinh). Qua Tông Hiến này, Thánh Giuse được tôn nhận là quan thầy các giáo phận truyền giáo Trung Hoa (với cả Đàng Trong, Đàng Ngoài, Lào, Đại Hàn, Hung Nô).[2]

[3] Thư chung của HĐGM Việt Nam gửi Công đồng dân Chúa nhân dịp Hội nghị Thường niên diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 6 – 11/10/1997, trong đó, nhất trí xác nhận Thánh Cả Giuse là quan thầy Giáo Hội Việt Nam. Nên lưu ý, vào lúc này, Các Thánh Tử Đạo VN đã là quan thầy của GH Việt Nam rồi (1990).

[4] Lịch Phụng Vụ của một số giáo phận hiện nay. Chẳng hạn Lịch PV của GP Hải Phòng ghi: Thánh Giuse là bổn mạng Giáo Hội Hoàn Vũ và Giáo Hội Việt Nam (19/03), còn Các Thánh Tử đạo VN là quan thày đệ nhị của Giáo Hội Việt Nam; Lịch PV của GP Hưng Hóa ghi: Thánh Giuse là quan thầy chung của HT và riêng Giáo Hội Việt Nam (19/03), còn Các Thánh Tử đạo VN là bổn mạng Giáo Hội Việt Nam (24/11); Thông Báo của Tòa TGM Hà Nội ra ngày 10/03/2019 ghi rằng: “Thánh lễ trọng mừng kính Thánh Giuse, Bạn Trăm năm Đức Trinh Nữ Maria, Quan Thày Hội thánh, Giáo hội tại Việt Nam, Giáo tỉnh Hà Nội và Tổng Giáo phận Hà Nội….[3]

Các Thánh Tử Đạo VN là quan thầy của GH Việt Nam?

Các Thánh Tử Đạo VN cũng là bổn mạng của GH Việt Nam, vì ngày 14/12/1990, theo đơn xin của Hội đồng Giám mục Việt Nam, Toà Thánh đã chấp nhận việc chọn Thánh Anrê Dũng Lạc, linh mục, và các Bạn tử đạo, làm quan thầy toàn thể Giáo Hội tại Việt Nam và được mừng kính vào ngày 24/11.[4] Ngày này đã được ghi vào lịch phụng vụ của tất cả các giáo phận.

Nhiều bổn mạng cho một quốc gia?

Một quốc gia, một giáo phận, một nhà dòng, một giáo xứ hay thậm chí một cá nhân có thể nhận hơn một Thánh bổn mạng và đây là một thực hành bình thường trong GH. Đối với những quốc gia có hơn một Thánh quan thầy, thì: [i] Hoặc là các vị được chọn làm quan thầy cùng một lúc, như trường hợp của Italia, Thánh Phanxicô Atxixi (tuyên thánh năm 1228) và Thánh Cataria Siena (tuyên thánh năm 11461) được đặt làm đồng bổn mạng của Italia vào năm 1939; [ii] Hoặc là nếu đã có Thánh bổn mạng rồi thì vẫn có thể đặt thêm một vị Thánh quan thầy nữa mà không bỏ các bổn mạng trước; và vị được chọn sau sẽ gọi là đồng bổn mạng hay bổn mạng đệ nhị của quốc gia đó. Chẳng hạn, GH Úc có quan thầy từ ban đầu là “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu”. Sau khi nữ tu Mary MacKillop được phong thánh vào ngày 17/10/2010, GH Úc đã loan báo rằng “Đức Mẹ Phù Hộ Các Giáo Hữu” vẫn là bổn mạng của nước Úc cùng với vị Thánh đầu tiên của nước Úc là bổn mạng thứ II (24/01/ 2013).[5] Trong Lịch Phụng Vụ quốc gia của nhiều nước có hơn một bổn mạng thường ghi đầy đủ ngày lễ của các Thánh bổn mạng của nước họ với xác định rõ bổn mạng đệ nhất/ bổn mạng chính và bổn mạng đệ nhị. Ví dụ như trong Lịch Phụng Vụ của Ái Nhĩ Lan: Thánh Patrick (lễ trọng mừng vào ngày 17/03) được ghi là bổn mạng chính; còn Thánh Brigid (lễ kính vào ngày mùng một tháng Hai) và Thánh Columba (lễ kính vào ngày 09/06) đều ghi là bổn mạng đệ nhị của đất nước này.

Kết Luận

Căn cứ vào những dữ kiện trên và theo kinh nghiệm của các quốc gia có hơn một thánh quan thầy, chúng ta không có lý do gì để không tiếp tục tôn nhận Thánh Giuse là bổn mạng của Giáo Hội Việt Nam sau khi HĐGM xin nhận thêm Các Thánh Tử đạo VN là quan thày của Giáo Hội Việt Nam. Chúng ta xác định rằng: 1- Thánh Giuse là bổn mạng đệ nhất/ bổn mạng chính của Giáo Hội Việt Nam; 2- Các Thánh Tử đạo VN là quan thày đệ nhị của Giáo Hội Việt Nam. Xác định này nên được ghi rõ vào Lịch Phụng Vụ của tất cả các giáo phận tại VN như một số giáo phận đã thực hiện.

[1] http://www.simonhoadalat.com/DIAPHAN/MUCVU/2004/mv0204/04CongDongDinhHien.htm

[2] Ibid.

[3] https://www.tonggiaophanhanoi.org/thong-bao/tong-giao-phan/15303-thong-bao-le-thanh-giuse-quan-thay-tong-giao-phan-ha-noi-2019.html

[4] Sắc lệnh số Prot. CD 878/90, x. Notitiae 26 (1990) 710.

[5] Staff Writers, “St Mary of the Cross MacKillop Named Second Patron of Australia”: “Our Lady Help of Christians remains a patron of Australia together with the just-announced second patron, St Mary of the Cross MacKillop.” (January 24, 2013) từ https://www.catholicweekly.com.au/st-mary-of-the-cross-mackillop-named-second-patron-of-australia/
 
VietCatholic TV
Mùa Chay là thời điểm tắt tivi, rời bỏ điện thoại di động để kết nối chúng ta với Tin Mừng.
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:26 02/03/2020
Sáng thứ Tư Lễ Tro 26 tháng Hai, Ðức Thánh Cha Phanxicô đã tiếp kiến chung khoảng hơn 10,000 tín hữu hành hương tại quảng trường Thánh Phêrô. Tuy số tín hữu không đông lắm, nhưng các giới chức y tế của Vatican khuyên dời địa điểm tiếp kiến ra Quảng trường, trước tình trạng Italia đang bị dịch Corona đe dọa, nhất là ở miền bắc nước này. Italia đứng thứ ba trong số những nước có nhiều người bị nhiễm Coronavirus.

Ðầu buổi tiếp kiến, mọi người đã lắng nghe một đoạn Lời Chúa, trích từ Tin Mừng theo thánh Luca (4,1) kể lại: “Chúa Giêsu, đầy Thánh Linh, rời sông Giordan và được Thánh Linh hướng dẫn vào hoang địa, trong 40 ngày, chịu ma quỉ cám dỗ. Ngài không ăn gì trong những ngày ấy”.

Vì đúng vào Thứ Tư Lễ Tro, nên trong bài huấn giáo, Ðức Thánh Cha đã tạm gác loạt bài về các Mối Phúc, để trình bày về ý nghĩa Mùa Chay.

Ðức Thánh Cha nói:

“Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

“Hôm nay chúng ta bắt đầu hành trình Mùa Chay, hành trình 40 ngày tiến về Lễ Phục Sinh, hướng về trọng tâm của năm phụng vụ và đức tin. Ðó là một con đường đi theo Chúa Giêsu, là Ðấng, vào đầu sứ vụ, đã lui vào hoang địa 40 ngày để cầu nguyện và ăn chay, chịu ma quỉ cám dỗ. Hôm nay, tôi muốn nói với anh chị em về ý nghĩa thiêng liêng của hoang địa.

“Chúng ta hãy tưởng tượng mình đang ở trong một hoang địa, một sa mạc. Cảm tưởng đầu tiên là cảm giác bị thinh lặng lớn lao bao trùm: không có những tiếng ồn, ngoài gió và hơi thở của chúng ta. Vì thế, hoang địa là nơi được tách rời khỏi những tiếng ồn ào huyên náo bao quanh. Ðó là sự vắng bóng của lời nói để nhường chỗ cho một Lời khác, Lời Chúa, như gió nhẹ mơn trớn con tim (Xc. 1 V 19,12). Hoang địa là nơi của Lời Chúa. Thực vậy, trong Kinh Thánh, Chúa thích nói với chúng ta trong hoang địa. Trong hoang địa Chúa trao cho Ông Môsê 10 giới răn. Và khi dân Chúa xa lìa Ngài, Thiên Chúa phán: “Này đây Ta sẽ quyến rũ nó, đưa nó vào hoang địa và nói với con tim nó. Nó sẽ trả lời Ta, như trong những ngày nó còn trẻ” (Hs 2,16-17). Trong hoang địa có sự thân mật với Thiên Chúa, tình yêu của Chúa. Mỗi ngày, Chúa Giêsu thích lui vào nơi thanh vắng để cầu nguyện (Xc. Lc 5,16). Chúa dạy chúng ta cách tìm Chúa Cha, Ðấng nói với chúng ta trong hoang địa.”

Ðức Thánh Cha khẳng định rằng: “Mùa Chay là thời điểm thuận tiện để dành chỗ cho Lời Chúa. Ðó là thời điểm tắt tivi và mở Kinh Thánh ra. Ðó là mùa rời bỏ điện thoại di động để nối chúng ta với Tin Mừng. Ðó là thời gian từ bỏ những lời nói vô ích, những chuyện tầm phào, ngồi lê đôi mách, kể chuyện người khác, để thân thưa thân mật với Chúa. Ðó là thời điểm để dấn thân thực hiện một sự thanh tẩy lành mạnh cho tâm hồn. Chúng ta sống trong một môi trường bị ô nhiễm vì quá nhiều những lời nói bạo lực, bao nhiêu lời nói xúc phạm và tai hại, mà các mạng càng phóng lớn hơn. Chúng ta chìm đắm trong những lời trống rỗng, quảng cáo, những sứ điệp lén lút. Chúng ta quen nghe mọi sự về mọi người và có nguy cơ lâm vào tình trạng trần tục bóp nghẹt con tim. Chúng ta khó phân biệt được tiếng Chúa nói với chúng ta, tiếng nói của lương tâm, của sự thiện. Chúa Giêsu, khi kêu gọi chúng ta vào hoang địa, Ngài mời gọi chúng ta hãy lắng nghe những gì đáng kể. Chúa trả lời ma quỉ cám dỗ Ngài: “Con người không phải chỉ sống bằng cơm bánh, nhưng bằng mọi lời xuất phát từ miệng Thiên Chúa” (Mt 4,4).

“Chúng ta cần lời Chúa như cơm bánh, và hơn cả cơm bánh nữa, giúp chúng ta nói với Thiên Chúa: cầu nguyện. Vì chỉ khi một mình trước Thiên Chúa, chúng ta mới thấy rõ những xu hướng của tâm hồn và từ bỏ thái độ nước đôi của tâm hồn. Ðó là hoang địa, nơi sự sống, chứ không phải là nơi chết chóc, vì đối thoại trong thinh lặng với Chúa, tái mang lại cho chúng ta sự sống.”

Ðức Thánh Cha nói thêm rằng: “Chúng ta hãy thử nghĩ lại một nơi hoang địa. Hoang địa là nơi chỉ có những điều thiết yếu. Chúng ta hãy nhìn cuộc sống của mình: bao nhiêu điều vô ích quanh chúng ta! Chúng ta theo đuổi hàng ngàn sự vật có vẻ cần thiết, nhưng thực tế chúng không cần. Thật là tốt nếu chúng ta giải tỏa được bao nhiêu điều dư thừa, để tái khám phá những điều quan trọng, đáng kể, để tìm lại khuôn mặt của người ở bên cạnh chúng ta! Và Chúa Giêsu cũng nêu gương cho chúng ta về điều đó qua việc ăn chay. Ăn chay là biết từ bỏ những điều phù du, dư thừa, để đi vào điều cốt yếu. Ðó là tìm kiếm vẻ đẹp của một cuộc sống đơn sơ hơn.”

“Sau cùng, hoang địa là nơi cô tịch. Cả ngày nay, gần chúng ta có bao nhiêu hoang địa. Ðó là những người cô độc và bị bỏ rơi. Bao nhiêu người nghèo và người già ở cạnh chúng ta và sống trong thinh lặng, không gây ồn ào, bị gạt ra ngoài lề, bị gạt bỏ! Nói về họ không phải là điều ăn khách. Nhưng hoang địa dẫn chúng ta đến với họ, tới bao nhiêu người phải im tiếng, họ đang âm thầm xin chúng ta trợ giúp. Hành trình hoang địa Mùa Chay là một hành trình bác ái đối với những người yếu thế nhất.”

Và Ðức Thánh Cha kết luận rằng: “Cầu nguyện, chay tịnh, làm việc bác ái: đó chính là hành trình trong hoang địa Mùa Chay.

“Anh chị em thân mến, với lời ngôn sứ Isaia, Thiên Chúa đã hứa thế này: “Này đây Ta sẽ thực hiện một điều mới mẻ, Ta sẽ mở một con đường trong hoang địa” (Is 43, 19). Trong hoang địa, một con đường được mở ra dẫn chúng ta từ sự chết đến sự sống. Chúng ta hãy cùng Chúa Giêsu tiến vào hoang địa, và chúng ta sẽ đi ra, được nếm hưởng Phục Sinh, quyền năng tình thương của Thiên Chúa đổi mới cuộc sống. Sẽ xảy ra cho chúng ta, như cho các hoang địa, nở hoa vào mùa xuân, làm nảy mầm bất chợt, từ “không gì cả”, những mầm non và những cây cối. Hãy can đảm lên, chúng ta hãy theo Chúa Giêsu vào trong hoang địa: nơi Chúa, các hoang địa của chúng ta sẽ nở hoa.”

Sau bài giáo lý bằng tiếng Ý trên đây, như thường lệ, sáu linh mục lần lượt tóm lược trong các ngôn ngữ chính cùng với lời nhắn nhủ và chào thăm của Ðức Thánh Cha.

Khi chào nhóm tín hữu nói tiếng Arập, Ðức Thánh Cha nhận thấy có nhiều người đến từ Iraq. Ngài ứng khẩu cho biết ngài đã cầu nguyện cho nhân dân Iraq, cho hòa bình tại nước này. Nhân dân Iraq đã chịu bao nhiêu đau khổ và Ðức Thánh Cha nhắc đến sự kiện trong chương trình của ngài có dự án viếng thăm Iraq.

Sau cùng, Ðức Thánh Cha nói bằng tiếng Ý:

“Tôi muốn tái bày tỏ sự gần gũi của tôi với các bệnh nhân bị nhiễm Coronavirus và các nhân viên y tế đang săn sóc, cũng như với các chính quyền dân sự và tất cả những người đang dấn thân giúp đỡ các bệnh nhân và chặn đứng bệnh dịch này.”

Ðức Thánh Cha chào thăm các thành viên phong trào Focolare Tổ Ấm, các nữ tu dòng Thừa sai Nữ tỳ Chúa Thánh Linh. Ngài cũng nhắc đến các nhân viên hãng hàng không Air Italy bị phá sản, và cầu mong tình trạng công ăn việc làm của họ có thể tìm được giải pháp công bằng, trong niềm tôn trọng các quyền của mọi người, đặc biệt của các gia đình.

Với các bạn trẻ, người già, các bệnh nhân và các đôi tân hôn, Ðức Thánh Cha nhắn nhủ rằng: “Hôm nay Thứ Tư Lễ Tro, Chúa chỉ cho chúng ta con đường đức tin cần theo. Anh chị em hãy để cho mình được Thánh Linh hướng dẫn trong con đường hoán cải này, để tái khám phá niềm vui của đức cậy trông Kitô giáo.
 
Tổng thống Trump kêu gọi dân chúng Hoa Kỳ bình tĩnh sau cái chết đầu tiên tại Mỹ vì coronavirus
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
04:28 02/03/2020
Cái chết đầu tiên do coronavirus trên đất Mỹ đã được xác nhận tại tiểu bang Washington. Các quan chức y tế cho biết như trên hôm thứ Bảy 29 tháng Hai. Diễn biến này xảy ra sau một loạt các trường hợp nhiễm bệnh không rõ nguồn gốc, chứng tỏ căn bệnh này đang lan rộng trên đất Mỹ.

Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi người Mỹ đừng hoảng sợ.

Các quan chức y tế cho biết người đàn ông chết ở tiểu bang Washington chưa hề đến bất cứ điểm nóng nào trên toàn cầu. Chi tiết này cho thấy mầm bệnh này hiện đang lan rộng trong cộng đồng.

Cái chết xảy ra ở Quận King, nơi đông dân nhất ở tiểu bang có thủ phủ là Seattle, một thành phố với hơn 700,000 người, các quan chức nói với AFP.

Nạn nhân ở độ tuổi 50 và có “tiền sử bệnh án”, Jeff Duchin, nhân viên y tế công cộng của Seattle và Quận King cho biết.

“Thật là một ngày buồn ở tiểu bang của chúng ta khi chúng ta biết rằng một người Washington đã chết vì COVID-19”, Thống đốc tiểu bang Washington Jay Inslee nói trong một tuyên bố, khi ông gửi lời chia buồn tới những người thân yêu của nạn nhân.

Thống đốc Inslee tuyên bố tình trạng khẩn cấp về coronavirus, tháo khoán các quỹ tài trợ cho các cơ quan nhà nước và cho phép sử dụng Vệ binh Quốc gia Washington, nếu cần thiết.

Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Tòa Bạch Ốc, tổng thống Trump nói rằng “nhiều trường hợp khác ở Hoa Kỳ rất có khả năng xảy ra”, nhưng ông nói thêm rằng “những người khỏe mạnh sẽ có thể phục hồi hoàn toàn”.

“Đất nước của chúng ta đã chuẩn bị cho mọi tình huống”, ông Trump nhấn mạnh, trong khi kêu gọi “giới truyền thông, các chính trị gia và mọi người khác có liên quan đừng làm gì để kích động thêm sự hoảng loạn”.

Ông đã có một giọng điệu thận trọng hơn hôm thứ Sáu, khi ông đưa ra cáo buộc đảng Dân chủ đang chính trị hóa virus và coi dịch bệnh là một “trò lừa bịp” của đảng Dân chủ.

Tiểu bang Washington cũng đã báo cáo vào hôm thứ Bảy, trường hợp nhiễm coronavirus đầu tiên tại Mỹ của một nhân viên chăm sóc sức khỏe và người này đã là ổ dịch đầu tiên cho sự bùng phát có thể xảy ra ở một viện dưỡng lão.

Các tiểu bang Oregon và California cũng xác nhận vào cuối tuần trước, những trường hợp bệnh nhân Hoa Kỳ bị nhiễm coronavirus mà không hề đi du lịch nước ngoài hoặc tiếp xúc với bất kỳ ai được xác nhận đã nhiễm bệnh.

Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Chống Dịch Bệnh của Hoa Kỳ, gọi tắt là CDC, cho biết: “Mặc dù vẫn còn nhiều điều để tìm hiểu về các tình huống đang diễn ra ở California, Oregon và Washington, nhưng thông tin sơ bộ làm tăng mức độ lo ngại về mối đe dọa trước mắt đối với một số cộng đồng ở Hoa Kỳ”.

Tổng thống Trump cho biết ông sẽ gặp các nhà lãnh đạo của các tập đoàn dược phẩm lớn tại Tòa Bạch Ốc vào ngày thứ Hai để thảo luận về các phương pháp điều trị và nỗ lực phát triển kháng sinh chống lại virus.

Tổng thống cho biết đến nay hệ thống y tế công cộng Hoa Kỳ đã phát hiện 22 trường hợp nhiễm coronavirus. Kết hợp với các bệnh nhân được hồi hương từ nước ngoài, tổng số người nhiễm bệnh trên đất Mỹ hiện nay là khoảng 70 người.

“Chúng ta sẽ thấy nhiều trường hợp hơn”, Bộ trưởng Y tế Alex Azar nói trong cuộc họp báo của Tòa Bạch Ốc.

“Nhưng điều quan trọng cần nhớ là, đối với đại đa số các cá nhân mắc phải coronavirus, họ sẽ gặp các triệu chứng từ nhẹ đến trung bình.”

Tổng thống và các quan chức khác cũng tuyên bố lệnh cấm hoàn toàn đối với việc qua lại với Iran, nơi đang là điểm nóng lây lan nhanh chóng của căn bệnh này và khuyến khích người Mỹ tránh du lịch đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng như ở Ý và Nam Hàn.

Phó Tổng thống Mike Pence, được tổng thống Trump giao phó lãnh đạo các nỗ lực chống lại virus, nói rằng lệnh cấm du lịch từ Iran đã được mở rộng để bao gồm bất kỳ công dân nước ngoài nào đến thăm nước cộng hòa Hồi giáo này trong vòng 14 ngày qua.

Tổng thống Trump cũng nói rằng Hoa Kỳ đã sẵn sàng hỗ trợ Iran trong việc ngăn chặn dịch bệnh coronavirus và “tất cả những gì họ phải làm là lên tiếng yêu cầu chúng ta”.

Đây không phải là người Mỹ đầu tiên chết vì coronavirus. Một công dân Mỹ đã chết vì coronavirus vào đầu tháng Hai tại tâm chấn của dịch bệnh là thành phố Vũ Hán, của Trung Quốc, đại sứ quán Mỹ đã xác nhận vào thời điểm đó.


Source:France 24