Ngày 05-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Thánh Lễ Chúa Nhật Thứ 5 Mùa Quanh Năm 6/2 dành cho những người không thể đến nhà thờ
Giáo Hội Năm Châu
01:12 05/02/2022

BÀI ĐỌC 1 Gr 1:4-5,17-19

Bài trích sách ngôn sứ I-sai-a.

Năm vua Út-di-gia-hu băng hà, tôi thấy Chúa Thượng ngự trên ngai rất cao; tà áo của Người bao phủ Đền Thờ. Phía bên trên Người, có các thần Xê-ra-phim đứng chầu. Các vị ấy đối đáp tung hô:

“Thánh! Thánh! Chí Thánh!

Đức Chúa các đạo binh là Đấng Thánh!

Cả mặt đất rạng ngời vinh quang Chúa!”

Tiếng tung hô đó làm cho các trụ cửa rung chuyển; khắp Đền Thờ khói toả mịt mù. Bấy giờ tôi thốt lên:

“Khốn thân tôi, tôi chết mất!

Vì tôi là một người môi miệng ô uế,

tôi ở giữa một dân môi miệng ô uế,

thế mà mắt tôi đã thấy Đức Vua là Đức Chúa các đạo binh!”

Một trong các thần Xê-ra-phim bay về phía tôi, tay cầm một hòn than hồng người đã dùng cặp mà gắp từ trên bàn thờ. Người đưa hòn than ấy chạm vào miệng tôi và nói:

“Đây, cái này đã chạm đến môi ngươi, ngươi đã được tha lỗi và xá tội.”

Bấy giờ tôi nghe tiếng Chúa Thượng phán:

“Ta sẽ sai ai đây? Ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi thưa: “Dạ, con đây, xin sai con đi.”

Đó là Lời Chúa.

BÀI ĐỌC 2 1Cr 15:1-11

Bài trích thư thứ nhất của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Cô-rin-tô.

Thưa anh em, tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng tôi đã loan báo và anh em đã lãnh nhận cùng đang nắm vững. Nhờ Tin Mừng đó, anh em được cứu thoát, nếu anh em giữ đúng như tôi đã loan báo, bằng không thì anh em có tin cũng vô ích.

Trước hết, tôi đã truyền lại cho anh em điều mà chính tôi đã lãnh nhận, đó là: Đức Ki-tô đã chết vì tội lỗi chúng ta, đúng như lời Kinh Thánh, rồi Người đã được mai táng, và ngày thứ ba đã trỗi dậy, đúng như lời Kinh Thánh.

Người đã hiện ra với ông Kê-pha, rồi với Nhóm Mười Hai. Sau đó, Người đã hiện ra với hơn năm trăm anh em một lượt, trong số ấy phần đông hiện nay còn sống, nhưng một số đã an nghỉ. Tiếp đến, Người hiện ra với ông Gia-cô-bê, rồi với tất cả các Tông Đồ. Sau hết, Người cũng đã hiện ra với tôi, là kẻ chẳng khác nào một đứa trẻ sinh non.

Thật vậy, tôi là người hèn mọn nhất trong số các Tông Đồ, tôi không đáng được gọi là Tông Đồ, vì đã ngược đãi Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng tôi có là gì, cũng là nhờ ơn Thiên Chúa, và ơn Người ban cho tôi đã không vô hiệu; trái lại, tôi đã làm việc nhiều hơn tất cả những vị khác, nhưng không phải tôi, mà là ơn Thiên Chúa cùng với tôi.

Tóm lại, dù tôi hay các vị khác rao giảng, thì chúng tôi đều rao giảng như thế, và anh em đã tin như vậy. Đó là Lời Chúa.

TUNG HÔ TIN MỪNG Mt 4:19

Alleluia. Alleluia.

Chúa nói: Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh

thành những kẻ lưới người như lưới cá. Alleluia.

TIN MỪNG Lc 5:1-11

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Luca.

Khi ấy, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông.

Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp: “Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm.

Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người.

Đó là Lời Chúa.

LỜI NGUYỆN TÍN HỮU

Chủ tế: Anh chị em thân mến! Ơn gọi làm Kitô hữu, làm tông đồ Chúa, là một hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban cho chúng ta. Với tâm tình cảm tạ, chúng ta cùng dâng lời nguyện xin.

1. “Này tôi đây, xin hãy sai tôi”.- Xin Chúa ban ơn trợ giúp các vị Chủ chăn, để các Ngài luôn biết lắng nghe và làm theo ý Chúa, trong sứ vụ chinh phục các linh hồn về cho Nước Trời. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

2. “Này tôi là người thế nào là nhờ ơn Chúa”. - Xin cho các tín hữu hiểu được giá trị của ơn gọi Kitô hữu, để họ tích cực hơn trong việc phát triển đời sống linh ân, hầu đời sống của họ sẽ là lời mời gọi nhiều người đến với Chúa. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

3. “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu và thả lưới bắt cá ”.- Xin cho các vị thừa sai biết noi gương Thánh Phêrô, luôn sống tinh thần khiêm tôn vâng phục các giáo huấn của Hội Thánh, để việc Tông Đồ của các ngài đem lại nhiều vinh quang cho Chúa và lợi ích cho các linh hồn. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

4. “Từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”.- Xin cho mọi người trong cộng đoàn giáo xứ chúng ta ý thức lời mời gọi của Đức Kitô, biết mau mắn cộng tác vào công việc chài lưới thiêng liêng, để Nước Chúa mau trị đến. Chúng ta cùng cầu xin Chúa.

Chủ tế: Lạy Chúa, xin giúp chúng con vượt thắng được bản thân trong việc đóng đinh ý riêng vào Thánh Giá Chúa, để chúng con làm cho cộng đoàn giáo xứ chúng con, trở thành một xứ đạo như lòng Chúa mong muốn. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
 
Một nơi hoang vắng
Lm. Minh Anh
01:16 05/02/2022

MỘT NƠI HOANG VẮNG
“Các con hãy lui vào nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

Blaise Pascal nói, “Mọi vấn đề của nhân loại đều phát xuất từ việc con người không thể ngồi im một mình trong phòng!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Lời Chúa hôm nay nói đến sự cần thiết của ‘căn phòng’ mà Blaise Pascal đề cập; đó là ‘một nơi hoang vắng’ mà người môn đệ của Chúa Giêsu không thể thiếu. Sau chuyến thực tập, các môn đệ hớn hở trở về, kể lại bao điều đã làm được. Họ nghĩ Chúa Giêsu sẽ khen; nhưng không, Ngài thấy họ thấm mệt, nên bảo, “Các con hãy lui vào nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”.

Trời đất ơi, hôm nay chúng ta có cần nghe lại những lời này không? Có lẽ không chỉ nghe, nhưng hãy thưởng thức chúng! Hãy lắng đọng tâm hồn và ‘uống từng lời’ yêu thương này, “Các con hãy lui vào nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Tại một đại hội giới trẻ, một Giám mục Mỹ đã giảng một bài sôi nổi; trong đó, ngài lặp đi lặp lại một câu thần chú, “Giáo Hội cần những Kitô hữu điên rồ!”. Quan điểm của ngài thật rõ, Kitô hữu cần phải đi ngược lại các xu hướng thời đại. Khi làm điều đó, chúng ta trông có vẻ “điên rồ”, nhưng nó lại trông giống Chúa Giêsu. “Điên rồ” khi Kitô hữu trở nên công cụ của Chúa cho tha nhân trong một thế giới ích kỷ; “điên rồ” khi thực hiện công lý trong một thế giới bất công; “điên rồ” khi yêu thương trong một thế giới hận thù; “điên rồ” khi tha thứ trong một thế giới tranh chấp. Và hôm nay, chúng ta cũng “điên rồ” khi cần cho mình ‘một nơi hoang vắng’ trong một thế giới xô bồ hơn bao giờ hết!

Thế giới chúng ta đang là một nơi náo nhiệt quay cuồng; và dường như mọi người đều biến sự bận rộn thành một ‘huy hiệu danh dự’.

“Mọi chuyện thế nào rồi, thưa cha?”; “Khá điên! Khá bận!”, tôi có thể trả lời. Thế nhưng, lời đáp ấy lại mang một thông điệp ngầm, “Tôi đáng giá, vì tôi bận”. Không! Những thứ đó không phải là ‘huy hiệu danh dự’. Chúng là dấu hiệu của một cuộc sống mất cân bằng, một sứ vụ mất cân đối; và một đời sống thiêng liêng mất chiều sâu!

Chúa Giêsu đề nghị chúng ta “lui vào nơi hoang vắng”; nhưng không phải một mình, mà “lui vào” với Ngài, cùng Ngài và trong Ngài. Ngài là hiện thân của sự sảng khoái trong sự hiện diện của Chúa Cha. Chúng ta cần rút lui với Chúa Giêsu, cần ‘sạc lại pin’ với Ngài; cần thoát khỏi chiến hào và được ở một mình với Ngài. “Nghỉ ngơi” ở đây không phải là lười biếng, cũng không là một trạng thái vĩnh viễn; nhưng là tạm thời. Vì lẽ, chúng ta không thể phục vụ liên tục. Nếu không nghỉ ngơi, chúng ta không thể chăm sóc người khác một cách tốt nhất. Không sống chậm lại, chúng ta sẽ chẳng có gì để cho; chẳng ích gì cho ai, và đặc biệt, chẳng ích gì cho Chúa.

Thật thú vị, Salômon, trong bài đọc Các Vua hôm nay, cũng chỉ nghe được tiếng Chúa khi đang nghỉ ngơi. Phải, chính trong giấc điệp mà Chúa đã phán với ông, “Ngươi muốn gì, hãy xin, Ta sẽ ban cho ngươi”. Thật tuyệt vời, Salômon cũng khá “điên rồ” khi xin cho biết lắng nghe; xin biết lắng nghe là xin chính Thiên Chúa. Salômon xin được nghỉ ngơi trong Chúa để có thể lắng nghe Ngài như tâm tình của Thánh Vịnh đáp ca, “Lạy Chúa, thánh chỉ Ngài, xin dạy cho con!”. Chỉ trong yên ắng của ‘một nơi hoang vắng’, chúng ta mới nghe được điều Chúa muốn nói.

Anh Chị em,

“Các con hãy lui vào nơi hoang vắng mà nghỉ ngơi đôi chút!”. Chúa Giêsu biết chúng ta đang mệt mỏi, lo lắng, tính toán với bao dự định trong năm mới. Không ai dám quả quyết, mọi sự sẽ xuôi may và an bình trong những ngày tháng tới. Chúa Giêsu khuyên chúng ta, hãy vào ‘một nơi hoang vắng’; ở đó, lòng kề lòng, Ngài sẽ thầm thì với chúng ta; nói cho chúng ta về tình yêu và kế hoạch của Ngài dành cho từng người. Chúa muốn chúng ta có cái điên của vua Salômon; thay vì xin lợi lộc, ông xin biết lắng nghe. Hãy dừng lại một chút cho lòng mình lắng xuống mỗi khi bắt đầu công việc; dành cho Chúa một chút thời gian khi vừa bắt đầu một ngày sống; hỏi ý Chúa một chút trước khi quyết định một điều gì… Tóm lại, hãy dành cho Chúa một chỗ trong đời sống. ‘Một nơi hoang vắng’ là điểm hẹn tuyệt vời chúng ta cần và Thiên Chúa cũng ưa thích.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa Giêsu, xin quyến rũ con, để con mê say việc tìm cho mình ‘một nơi hoang vắng’ mỗi ngày; vì biết, ở đó, Chúa đang chờ con!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Từ lưới cá đến lưới người
Lm. Thái Nguyên
05:04 05/02/2022


TỪ LƯỚI CÁ ĐẾN LƯỚI NGƯỜI
Chúa Nhật 5 Thường Niên năm C : Lc 5, 1-11

Suy niệm

Sau thất bại ở Nadarét (Lc 4,16-30), Đức Giêsu vẫn có nhiều người đi theo để nghe lời Ngài. Cụ thể là đám đông “chen chúc” bên bờ hồ Ghennêxarét. Chắc họ đã cảm nhận được đôi chút vẻ huyền nhiệm nơi con người Đức Giêsu, nên họ không tìm nghe lời Ngài như nghe một người phàm, mà như nghe “lời Thiên Chúa”. Để cho đám đông đứng trên bờ hồ có thể nghe rõ, Ngài xuống một chiếc thuyền, nhằm thuyền của Simon. Ngài xin ông chèo ra xa bờ một chút, rồi ngồi trên đó để giảng cho dân chúng. Giảng xong, Ngài lại bảo Simon chèo thuyền ra chỗ nước sâu để thả lưới bắt cá. Trước một yêu cầu quá bất ngờ, có lẽ làm cho Simon hơi chột dạ, vì và các bạn đã giặt lưới sau một đêm đánh cá mệt mỏi rã rời mà không được gì. Thế mà Đức Giêsu lại bảo ông chèo thuyền ra tận chỗ nước sâu.

Nước sâu là chỗ nguy hiểm, là chỗ Simon đã gặp thất bại, dù đã kinh nghiệm đầy mình trong nghề lưới cá. Lời yêu cầu của Đức Giêsu quả khó mà nghe theo, vì làm sao có thể thả lưới bắt cá ở đây và vào thời điểm này được, đúng là làm điều không bình thường. Hiểu biết và kinh nghiệm của Đức Giêsu được bao nhiêu về nghề đánh cá, đang khi Simon là người miền biển mà Đức Giêsu là người miền núi; ông làm nghề chài lưới lâu năm trong khi Đức Giêsu chỉ làm nghề thợ mộc. Vẫn biết thế, nhưng có lẽ sự hiện diện của Đức Giêsu đã truyền cảm hứng, và Lời của Ngài đã chiếu sáng trong ông, nên ông mạnh dạn thưa:“Nhưng dựa vào lời Thầy, tôi sẽ thả lưới”. Phải chăng khiêm nhường và vâng phục là bài học đầu tiên mà Đức Giêsu muốn đào luyện các môn đệ mà Ngài sẽ tuyển chọn.

Thế rồi mẻ lưới được kéo lên đầy cá, ngoài sức tưởng tượng, khiến Simon và các bạn kinh ngạc. Ông thấy xấu hổ, đến sấp mặt dưới chân Ðức Giêsu và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!”. Đó cũng từng là kinh nghiệm của Isaia khi được kêu gọi: "Khốn cho tôi, tôi chết mất, vì lưỡi tôi dơ bẩn" (Is 6, 4-6). Nhưng sau khi được than hồng là lửa tình thương Chúa thanh tẩy, ông đã mau mắn xin vâng, ra đi làm ngôn sứ cho Chúa: "Lạy Chúa, xin hãy sai con". Ở đây Chúa cũng trấn an Simon: "Đừng sợ hãi, từ đây các con sẽ là kẻ chinh phục người ta" (Lc 5,10). Dù Simon yếu đuối và lỗi tội, Chúa vẫn tín nhiệm và chọn gọi ông. Tình thương Chúa đã xoay hướng cuộc đời ông hoàn toàn. Ngỡ ngàng trước quyền năng và tình thương của Chúa, Simon và các bạn đã "bỏ mọi sự mà đi theo Ngài" (Lc 5, 11).
Ngày nay, Chúa Giêsu vẫn hiện diện và xin chúng ta tiếp nhận Ngài trên chiếc thuyền cuộc đời mình, để cùng với Ngài ra chỗ nước sâu, nơi mà Ngài sẽ cho ta thấy điều bất ngờ. Ngài mời chúng ta ra khơi, đến với mọi người để chuyển thông cho họ lòng thương xót của Thiên Chúa. Tính cách này mang lại ý nghĩa mới cho sự hiện diện của chúng ta, vì một sự hiện diện thường tình có nguy cơ trở nên vật vờ, nín lặng.

Theo Chúa không khó, nhưng khó là ra khỏi mình. Dù có đi xa ngàn dặm nhưng nếu còn giữ một lối sống xa xưa, vẫn còn bám lấy những mộng ước riêng tư, thì ta vẫn còn ở khởi điểm, chưa thật sự lên đường. Ngoài ra, “lưới cá” có thể dựa vào sức lực và tâm trí của mình, nhưng “lưới người” còn đòi phải cậy dựa hoàn toàn vào Chúa. Bao lâu chưa nhận ra sự hèn kém của bản thân, chưa cảm nghiệm được tình yêu và quyền năng Chúa, thì chưa có sự vâng phục tuyệt đối, nên cũng chưa thể ra đi trong tự do và khó nghèo, để thành người môn đệ đích thực.

Cần để Chúa đào luyện mình trong mọi hoàn cảnh, qua từng giai đoạn, với từng công việc, trong từng biến cố, ta mới thấy an vui và phấn khởi trên bước đường theo Chúa. Thành công hay thất bại không quan trọng, đó chỉ là những đánh giá bên ngoài. Có khi thất bại lại cần thiết cho ta trong công việc tông đồ. Đi quan trọng là bước theo Đức Giêsu trên mọi nẻo đường, bất chấp khó khăn và cả những yếu đuối của mình, để Chúa làm nên những điều kỳ diệu cho con người hôm nay.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã làm nên điều thật lạ,
xoay hướng đời người từ một mẻ cá,
khiến Simon đã sẵn sàng đáp trả,
dám bỏ tất cả mà tiến bước theo Ngài.
Thật ra Simon nào xứng đáng,
trước ân ban thật cao cả vô vàn,
nhưng chỉ vì Chúa muốn chọn lấy ông,
để ông được phúc góp phần vào sự sống.
Chúa chỉ cần môn đệ có tấm lòng,
lòng khiêm nhu và yêu mến cậy trông,
là Chúa làm nên mọi sự từ số không,
biến giấc mơ thành hiện thực bất ngờ,
từ kẻ lưới cá thành kẻ lưới người,
từ biển hồ đến biển cả trần gian,
dù biết bao những sóng gió phủ phàng,
cũng sẽ vượt qua và chu toàn sứ mạng.
Chúng con cũng được mời gọi ra khơi,
để đem lại sự sống mới cho đời,
loan Tin Mừng ân phúc khắp mọi nơi,
dám đi tới với mọi người mọi chỗ.
Xin cho con dám lên đường theo Chúa,
ra khỏi lối sống an phận thủ thường,
khỏi kiểu sống an toàn và sung sướng,
đừng để mình phải bải hoải chán chường,
cũng đừng nấp đằng sau phía hậu trường,
nhưng xuất đầu lộ diện ra sân khấu,
để hoàn thành vai diễn thật thâm sâu,
giống như gương mẫu Chúa sáng ngời. Amen.



 
Người xuống thuyền của Phêrô
Lm. JB Nguyễn Minh Hùng
05:21 05/02/2022

NGƯỜI XUỐNG THUYỀN CỦA PHÊRÔ
CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN NĂM C

Suy niệm bài Tin Mừng này, trong suy nghĩ của tôi vừa có hình ảnh thánh Phêrô đi lưới cá, vừa có hình ảnh cuộc sống từng người hôm nay. Vì thế, tôi để lời Tin Mừng dẫn dắt suy nghĩ của bản thân về Hội Thánh trong đời sống đức tin, nơi đã từng có mặt của thánh Phêrô trong trách nhiệm Giáo hoàng tiên khởi, và có mặt của từng người chúng ta.

Thánh Luca cho biết: Chúa Giêsu thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ. Chúa bước xuống một trong hai. Đây là chi tiết thánh Luca tinh tế nhận ra: Chiếc thuyền mà Chúa bước xuống là thuyền của thánh Phêrô. Tôi tự hỏi, có cần phải ghi thêm chi tiết thuyền của thánh Phêrô? Vì nếu không ghi câu này, Tin Mừng vẫn đủ ý nghĩa? Chắc chắn thánh Luca có dụng ý khi ghi nhận: “Người xuống một chiếc thuyền, THUYỀN ĐÓ CỦA ÔNG SIMON”. Thuyền của Simon chứ không phải của ai khác!

Vậy xuống thuyền của thánh Phêrô, Chúa nhắm điều gì? Hay là thuyền của thánh Phêrô đẹp hơn, bảo đảm hơn, chắc chắn hơn? Tôi không nghĩ đơn giản như thế. Phải có lý do để thánh Luca nhắm tới trong chi tiết này?

Thánh Luca muốn đưa ra một cái nhìn của đức tin.

Chúa Giêsu, trong khi đi rao giảng, đã không viết để lưu giữ bất cứ điều gì. Tin Mừng của Chúa được viết sau khi Chúa về trời mấy chục năm. Đó cũng chính là thời gian các môn đệ của Chúa nói riêng, Hội Thánh nói chung, bắt đầu bôn ba tiếp nối bước chân của Thầy trên cánh đồng truyền giáo.

Các ngài thấy cần ghi lại Lời giảng của Chúa để phục vụ việc rao giảng. Và Tin Mừng chỉ được viết cho từng đối tượng mà các môn đệ phục vụ. Tin Mừng cũng được viết giữa lòng cuộc đời các Kitô hữu. Nó chất chứa, nó phản ánh kinh nghiệm sống, cầu nguyện, suy tư của các Kitô hữu đầu tiên.

Bởi vậy, khi bạn và tôi đọc hay lắng nghe Tin Mừng ấy, thì không phải đọc, không phải nghe như một câu chuyện, nhưng phải khám phá những bí ẩn chất chứa bên trong, khám phá ý nghĩa, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm cầu nguyện và suy tư mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi để lại, và chúng ta được vinh phúc thừa hưởng.

Thánh Luca không khác. Những gì viết ra là những gì thánh nhân phản ánh. Những gì ta đọc thấy đều là tâm tư của lớp lớp Kitô hữu ghi khắc.

Quan trọng tuyệt đối: những gì Thánh Kinh cho biết, cũng là những gì Lời Chúa muốn nói với dân của Chúa.

Do đó thánh Luca, dẫu chép Tin Mừng, vẫn chỉ thụ động trước Thánh ý Chúa. Từng lời của Chúa là giáo huấn mà ta có nhiệm vụ học hỏi và sống.

Bởi đó, chi tiết Chúa bước xuống thuyền của thánh Phêrô chắc không đi ngoài giáo huấn mà Chúa muốn dạy chúng ta. Đó cũng chính là cái nhìn của đức tin mà thánh Luca mời ta suy niệm.

Con thuyền trên biển cả, vốn là hình ảnh của Hội Thánh. Thánh Phêrô chính là vị thủ lãnh đầu tiên của con thuyền Hội Thánh. Chính trên con thuyền và nơi thuyền trưởng Phêrô, Chúa có mặt và vẫn hiện diện để nuôi dưỡng, giáo huấn dân Chúa.

Ý nghĩa này quan trọng. Vì ta vẫn biết, vẫn được nhắn nhủ rằng, Kitô hữu hãy chọn Chúa Giêsu là Đấng hướng dẫn đời mình. Nhưng vấn nạn mà nhiều người đặt ra là: Đúng là phải chọn Chúa làm Đấng hướng dẫn, nhưng có thấy Chúa đâu? Giả như đọc Thánh Kinh, đọc Tin Mừng, thì có biết bao nhiêu vấn đề thời sự mà mình không thể tìm thấy trong Thánh Kinh, trong Tin Mừng. Ví dụ: sinh sản vô tính, thụ thai trong ống nghiệm, vấn đề hạt nhân, và nhiều thử nghiệm của phòng thí nghiệm bị coi là vô luân…

Đúng là Chúa Giêsu không có mặt một cách hữu hình. Đúng là Tin Mừng không có sẵn lời giải đáp cho mọi vấn đề thời sự. Nhưng Chúa Giêsu vẫn tiếp tục hiện diện trong lòng Hội Thánh.

Cũng ngay giữa lòng Hội Thánh, Chúa tiếp tục giảng dạy, giáo huấn dân của Chúa. Đó là lý do lớn, là lời giải đáp tuyệt vời cho hình ảnh Chúa Giêsu bước vào khoang thuyền của thánh Phêrô (chứ không phải bất cứ con thuyền nào khác).

Đó cũng là ý nghĩa rất đẹp cho con thuyền Hội Thánh, dù biển yên hay sóng nổi, dù thăng hay trầm, Chúa vẫn luôn đồng hành cùng Hội Thánh. Chính Chúa lèo lái con thuyền mà tay Chúa tạo ra và chuộc về bằng giá máu của mình.

Đó là lý do khiến người Công Giáo lắng nghe giáo huấn Hội Thánh, cụ thể là vâng phục Giáo hoàng. Tôi nghe giáo huấn của Giáo hoàng không vì Giáo hoàng thông thái. Đức Piô XII; Đức Phaolô VI, Đức Gioan Phalô II… được coi là những nhà thông thái. Nhưng Đức Gioan XXIII đâu phải nổi bật, vậy mà ngài đã làm một cuộc cách mạng cả thể khi triệu tập Công Đồng Vatican II. Từ đó, tôi càng tin chắc, Chúa Kitô vẫn luôn hoạt động.

Lắng nghe các ngài vì trong đức tin, tôi thấy Chúa Kitô ngự trong lòng Hội Thánh, giảng dạy nhờ Hội Thánh. Đây là xác tín quan trọng. Vì Có nhiều người tách biệt giữa Chúa Kitô và Hội Thánh. Họ vẫn la to: “Tôi tin Giêsu, nhưng không tin Hội Thánh. Tôi quý Giêsu nhưng không chấp nhận giáo huấn của Hội Thánh”. Tách biệt như vậy là sai lầm, đi ngược chính Thánh ý của Chúa, vì Chúa đã dùng Hội Thánh để cứu độ loài người.

Tôi rút ra bài học: thánh Luca muốn gieo vào tâm hồn ta những hình ảnh: Hội Thánh vừa là Mẹ, vừa là Thầy yêu thương, dẫn dắt, dạy dỗ, giáo huấn con cái mình. Đó cũng là trách nhiệm loan báo Tin Mừng mà Chúa Kitô trao cho Hội Thánh. Vì khi chăm sóc đoàn con, Hội Thánh đang thực hiện công tác truyền giáo, có Chúa Kitô cùng hoạt động không ngừng.
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:20 05/02/2022
THÁNH KINH VÀ SÁCH THIÊNG LIÊNG (2)

1. Khi chúng ta cầu nguyện là nói chuyện với Thiên Chúa, còn khi đọc Kinh Thánh là nghe lời của Thiên Chúa.

(Thánh Ambrosius)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


------------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:23 05/02/2022
89. HỒN QUAN MÊ CHỨC QUAN

Tương truyền rằng ở phủ Nam Dương, có một thái thú triều Minh chết trong dinh quan. Âm hồn của ông ta không tan, mỗi buổi sáng khi người gác cổng điểm danh thì thấy ông ta đầu đội mũ lông chim, thắt lưng chỉnh tề, khệnh khạng đi đến công đường ngồi ngay chính giữa, nếu có quan sứ hay sai dịch cúi đầu thì ông ta cũng gật đầu đáp lễ bày tỏ tiếp nhận lễ bái, cho đến khi trời sáng thì biến mất.

Giữa năm Ung Chính, có một thái thú họ Kiều đến nhậm chức, nghe chuyện quỷ tác quái thì cười nói:

- “Đây là một người mê chức quan, mặc dù xác đã chết nhưng tinh thần không chết, ta có cách đối phó với nó”.

Thế là thái thú họ Kiều không đợi trời sáng, mặc áo quan phủ vào và vội vàng đi đến công đường ngồi chính giữa. Khi điểm danh, quỷ quan nọ lại đến, nhìn thấy trên ghế công đường đã có người ngồi chểm chệ, nên buộc lòng chần chừ không đến, thở một hơi dài lặng lẽ chạy trốn.

Từ đó về sau, chuyện quỷ quái này tuyệt tích luôn.

(Tự Bất Ngôn)

Suy tư 89:

Chết rồi mà linh hồn vẫn cứ về lãng vãng ở quan phủ, ngồi trên ghế quan, thì đúng là ngay trong chốn âm phủ cũng mê chức tước quyền lực, huống gì là trên thế gian !

Linh hồn ông quan hiện về ngồi trên ghế giữa công đường –ai hiểu sao thì hiểu- nhưng có thể hiểu như thế này: ông ta khi còn sống đã chưa làm tròn bổn phận của một ông quan là chí công vô tư, liêm chính và chăm sóc cho bá tánh, cho nên Thiên Chúa cho linh hồn ông về lại để: Một là nhắc nhở cho những ai làm quan phải hết lòng chăm sóc cho bá tánh, chu toàn bổn phận. Hai là nếu ông được sống lại để làm quan, thì việc trước tiên là ông dạy dỗ bá tánh phải tin có một Thiên Chúa là Đấng yêu thương ngự trên trời; việc thứ hai là ông ta sẽ tận tụy lo cho bá tánh quên ăn quên ngủ, vì ông biết rất rõ họ là những Đức Chúa Giê-su đang chờ ở giúp đỡ...

Có thiên đàng để thưởng người lành, có hỏa ngục để phạt người tội lỗi, và có luyện ngục để thanh luyện các linh hồn sống đức ái chưa đủ khi còn sống.

Không phải linh hồn ông quan mê say chức quan, nhưng là ông về lại để cảnh tỉnh những ai làm quan mà không làm tròn bổn phận của mình...

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


---------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Tuần SỐNG Một Câu Lời Chúa (CN 5 TN)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
06:26 05/02/2022
CHÚA NHẬT 5 THƯỜNG NIÊN

Tin mừng: Lc 5, 1-11

“Họ bỏ hết mọi sự mà theo Người.”


Anh chị em thân mến,

“Vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới” có thể nói đây là câu tuyên xưng đức tin đầu tiên của thánh Phêrô khi ngài tin tưởng vào Đức Chúa Giê-su để mà thả lưới.

Vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được con cá nào, quả thật rất dễ nổi quạu nếu có một ai đó đến thúc giục chúng ta tiếp tục thả lưới, mệt đứ người nhưng thánh Phê-rô cũng nghe lời của Đức Chúa Giê-su để mà thả lưới, kết quả thật không ngờ: cá quá nhiều đến nổi các ngài phải nhờ những thuyền chài bạn đến giúp đỡ...

Cuộc sống làm tông đồ của người Ki-tô hữu cũng giống như cuộc thả lưới của thánh Phê-rô đầy gian khổ nước mắt và có khi cũng đầy máu, nhưng nếu chúng ta bỏ cuộc, nếu chúng ta cứ ỷ lại vào sức riêng mình thì chúng ta cũng sẽ vất vả khi có nhiều người chống đối, khi có nhiều người coi thường đạo giáo của mình và thậm chí bắt bớ và sát hại mình...

“Vâng lời Thầy, con sẽ thả lưới” lưới của chúng ta không bằng dây cước hay bằng sợi ny lon, nhưng được dệt bằng những gương sáng mà chúng ta thực hiện cho tha nhân: phục vụ anh chị em, thăm viếng bệnh nhân, an ủi những người cô đơn... đó chính là những mắt lưới rất sít sao với Tin Mừng để bắt được các loại cá giữa bể trần gian này.

Mệt lắm, nhưng vâng lời Đức Chúa Giê-su dạy chúng ta không nản lòng bỏ cuộc, bởi vì chính Đấng đã trở thành ngư phủ đầu tiên đầy quyền lực và tình yêu đang thúc giục chúng ta tiếp tục thả lưới trong đau khổ và trong thất bại, bởi vì khi chúng ta thực hiện thánh ý Chúa qua hoàn cảnh của cuộc sống thì sự thành công bắt đầu khai hoa rồi vậy.

Anh chị em thân mến,

Tôi đề nghị với anh chị em như thế này: mỗi ngày trước khi bước ra khỏi nhà để đi làm việc, đi đến trường học hay đi chợ, đi shooping thì chúng ta hãy nói với Chúa như thế này : “Vâng lời Chúa, con sẽ thả lưới” có nghĩa là ngày hôm nay chúng ta sẽ vì Chúa mà phục vụ tha nhân, ăn nói nhỏ nhẹ với người mình không thích, giúp đỡ những người thiếu thốn hoặc làm tất cả những gì phù hợp với đức ái cho mọi người, đó chính là cách thả lưới bắt cá của chúng ta, và nơi chúng ta thả lưới không phải là sông ngòi, nhưng là nơi công sở, nơi trường học, nơi chợ búa, nơi siêu thị và ngay trong gia đình của chúng ta.v.v...

Nếu mỗi người chúng ta làm được như thế thì chắc chắn –với ơn Chúa giúp- chúng ta sẽ bắt được nhiều “cá người” về cho Chúa vậy.

Xin Chúa chúc lành cho tất cả chúng ta.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Chiếc Thuyền Bé Bỏng Và Mẻ Cả Diệu Kỳ
LM. Trương Đình Hiền
22:10 05/02/2022
Chiếc Thuyền Bé Bỏng Và Mẻ Cả Diệu Kỳ

(Chúa Nhật 5 TN C 2022)

Khi nghe các trích đoạn Lời Chúa được công bố hôm nay, Chúa Nhật 5 thường niên, chu kỳ năm C, chúng ta có cảm giác đây là Chúa Nhật Truyền Giáo; cho dù liên tiếp các Chúa Nhật trước đó, Lời Chúa đã phần nào giới thiệu các hoạt động của Chúa Giêsu trong giai đoạn khai mạc cuộc đời công khai !

Thật vậy, toàn thể cả ba Bài đọc hôm nay gần như đều quy hướng về ơn gọi và sứ mệnh truyền giáo, loan báo Lời Chúa, loan báo Tin Mừng.

Trước hết, ngay từ Bài đọc 1, trích đoạn sách ngôn sứ Isaia đã cho chúng ta thấy hai điểm quan trọng liên quan đến sứ vụ ngôn sứ, sứ mệnh loan báo Lời Chúa: Thiên Chúa chọn lựa, thánh hóa kẻ được sai đi loan báo Lời và thái độ sẵn sàng đáp trả của người được chọn: Thần Sốt Mến bay đến tôi, tay cầm cục than cháy đỏ mà ngài đã dùng cặp lửa gắp ở bàn thờ. Ngài đặt than lửa vào miệng tôi và nói: “Hãy nhìn xem, than lửa này đã chạm đến lưỡi ngươi, lỗi của ngươi được xoá bỏ, và tội của ngươi được thứ tha”. Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

Thứ đến, Bài đọc hai với trích đoạn thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô, Thánh Phaolô nhắc đi nhắc lại nhiều lần các từ mà nội hàm chất chứa đầy ý nghĩa truyền giáo: “rao giảng”, “rao truyền”, “Tin Mừng”. “tông đồ”…: “… tôi xin nhắc lại cho anh em Tin Mừng mà tôi đã rao giảng cho anh em,… Tôi đã rao truyền cho anh em trước tiên điều mà chính tôi đã nhận lãnh… Tôi vốn là kẻ hèn mọn nhất trong các tông đồ, và không xứng đáng được gọi là tông đồ,… chúng tôi đều rao giảng như thế cả…”.

Trong khi đó, trích đoạn Tin Mừng Luca lại là một bức tranh sống động, một mô tả cụ thể công cuộc rao giảng Tin Mừng của Đức Kitô và việc Ngài chọn lựa, sai các môn sinh tiếp tục thực hiện sứ mệnh truyền giáo của Ngài: Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng….“Đừng sợ hãi: từ đây con sẽ là kẻ chinh phục người ta”. Bấy giờ các ông đưa thuyền vào bờ, và đã từ bỏ mọi sự mà đi theo Người…; và rất đặc biệt, chính Chúa Giêsu đã sử dụng bốn hình ảnh gợi hình sinh động “đẩy thuyền, chỗ nước sâu, thả lưới, bắt cá” để chuyển tải những ý nghĩa thâm thúy liên quan đến sứ mệnh đặc biệt nầy: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”.

“Bối cảnh tổng quan” của sứ điệp Lời Chúa là như thế, nhưng các bài học mà chúng ta có thể “chiết xuất” ra từ đó để áp dụng cho chính mình, cho cộng đoàn mình, cho Giáo hội mình thì phải nói là đa diện và phong phú. Ở đây hôm nay, chỉ xin dừng lại nơi 3 điểm nhấn qua ba nhân vật tiêu biểu được nhắc đến cách đặc biệt qua các trích đoạn Lời Chúa trên: Isaia, Phaolô, Phêrô.

Trước hết, ngôn sứ Isaia đã tự thuật về chính ơn gọi tiên tri của mình qua một thị kiến mà thời điểm được ngài xác định là thời vua Ozias băng hà, tức khoảng năm 740 trước Chúa Cứu Thế; một thời điểm mà toàn dân tộc Israel đang hoang mang, lo sợ trước sự đe dọa của đế quốc Assyria phương bắc. Qua khải thị nầy, Chúa muốn biểu lộ uy quyền vì sự hiện diện và đồng hành của Ngài để củng cố niềm tin cho dân Chúa “tôi nhìn thấy Chúa ngự trên ngai cao, và đuôi áo của Người bao phủ đền thờ. Các Thần Sốt Mến đứng trước mặt Người, và luân phiên tung hô rằng: “Thánh, Thánh, Thánh! Chúa là Thiên Chúa các đạo binh, toàn thể địa cầu đầy vinh quang Chúa”; và kẻ được chọn để loan “Tin Vui” đó, để dân biết “phân định” đúng là chọn lựa đứng về phía Thiên Chúa thay vì những giải pháp trần tục chính là Isaia. Nhưng trước sự chọn lựa nầy Isaia đã khiêm hạ tự nhận mình là kẻ bất xứng: “Vô phúc cho tôi! Tôi chết mất, vì lưỡi tôi nhơ bẩn, tôi ở giữa một dân tộc mà lưỡi họ đều nhơ nhớp, mắt tôi đã trông thấy Đức Vua, Người là Chúa các đạo binh”. Và rồi, chinh Thiên Chúa đã ra tay can thiệp: Ngài đã sai thiên thần dùng than hồng thanh tẩy miệng lưỡi và Isaia đã đáp trả: Và tôi nghe tiếng Chúa phán bảo: “Ta sẽ sai ai đi? Và ai sẽ đi cho chúng ta?” Tôi liền thưa: “Này con đây, xin hãy sai con”.

Hành trình ơn gọi ngôn sứ, ơn gọi Tông đồ luôn là như thế. Mục tiêu chính là loan báo sứ điệp cứu độ của Thiên Chúa và kẻ được chọn cho sứ vụ nầy phải được chính Chúa kêu gọi, thánh hóa; và là người biết khiêm hạ nhìn nhận sứ khiếm khuyết, yếu hèn để đáp trả trong sự vâng phục.

Điều nầy, chúng ta lại gặp cách cụ thể qua ơn gọi và sứ mệnh Tông Đồ của thánh Phaolô mà ngài đã tường thuật khái quát qua trích đoạn thư Côrinto: “vì tôi đã bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Nhưng nay tôi là người thế nào, là nhờ ơn của Thiên Chúa, và ơn của Người không vô ích nơi tôi, nhưng tôi đã chịu khó nhọc nhiều hơn tất cả các Đấng: song không phải tôi, nhưng là ơn của Thiên Chúa ở với tôi. Dù tôi, dù là các Đấng, chúng tôi đều rao giảng như thế cả, và anh em cũng đã tin như vậy”. Ơn gọi tông đồ của Phaolô đã không bắt đầu cách trang trọng nơi đền thờ như Isaia mà lại xảy ra ngay trên đường Damas khi Phaolô đang bắt bớ Hội Thánh của Thiên Chúa. Thế nhưng chính vị “Tông đồ sinh non” và “mạt hạng” nầy lại mang về Thiên Chúa và Hội Thánh những thành quả vĩ đại.

Và cao điểm hay trọng tâm của “câu chuyện truyền giáo, tông đồ, rao giảng…” hôm nay lại xoay quanh “chiếc thuyền của Phêrô” hay với câu Tin Mừng ngắn ngủi nầy của thánh sử Luca: “Hãy đẩy thuyền ra chỗ nước sâu, và thả lưới bắt cá”. Như vậy, chúng ta có thể nói được rằng: câu chuyện truyền giáo và ơn gọi tông đồ đã mở ra một chiều kích mới vừa “thật” hơn, “gần gũi” hơn; nhưng cũng bao la, vĩ đại hơn. Thật hơn, vì Thiên Chúa, Đấng là chủ của mọi công cuộc truyền giáo, là Đấng sai đi, đã không còn hiện diện cách oai phong lẫm liệt giữa các triều thần thánh trên trời như câu chuyện ơn gọi của Isaia; hay quyền uy bí nhiệm nơi cuộc “trở lại của Phaolô” trên đường Damas; mà là một Thiên Chúa nhập thể dấn thân vào đời, đồng hành với nhân loại như cách khắc họa tài tình của Tin mừng Luca: Người xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Simon, và Người xin ông đưa ra khỏi bờ một chút. Rồi Người ngồi trên thuyền, giảng dạy dân chúng. Và Simon, kẻ là chủ của chiếc thuyền đó, nào có phải một kẻ tốt lành, một người tiếng tăm, học thức gì đâu, mà là một người tội lỗi như chính ngài tự nhận: Thấy thế, ông Simon sụp lạy dưới chân Chúa Giêsu và thưa Người rằng: “Lạy Chúa, xin Chúa hãy tránh xa con, vì con là người tội lỗi”.

Vâng, Hội Thánh hôm nay, “chiếc thuyền Phêrô hôm nay” cũng bao gồm toàn “những người tội lỗi như thế” ! Chân lý nầy sẽ nhắc nhở cho những ai đang ảo tưởng rằng “Hội Thánh phải gồm toàn những thánh nhân” và củng cố niềm tin cho những ai đang thất vọng ngã lòng trước bao nhiêu tội lỗi, gương mù gương xấu đang xảy ra hằng ngày giữa cộng đoàn Giáo Hội.

Thế nhưng, chiều kích “thật” và “gần gũi” đó lại mở ra một chân trời vĩ đại bao la của thế giới, một thế giới như một đại dương mênh mông mà hình ảnh “chỗ nước sâu” là một biểu tượng đầy ý nghĩa ! Vâng, công cuộc truyền giáo luôn đòi hỏi một cuộc “đẩy thuyền tra chỗ nước sâu”, một cuộc lên đường, xông pha mà theo ngôn ngữ của Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng đó là “vùng ngoại vi”: “Mỗi Kitô hữu và mỗi cộng đoàn phải nhận ra con đường mà Chúa chỉ cho, nhưng tất cả chúng ta phải vâng theo tiếng gọi của Ngài là ra đi từ vùng đất tiện nghi của mình để đến với mọi vùng “ngoại vi” đang cần ánh sáng Tin Mừng.” (Số 20). Mà “chỗ nước sâu” hay “vùng ngoại vi” đều có chung một hứa hẹn dành cho người “chài lưới người”, cho các tông đồ… đó là sự thử thách, hiểm nguy, bầm dập và cả cái chết, như cảm nhận của chính Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng trong Niềm vui Tin Mừng: “Tôi thà có một Hội Thánh bị bầm dập, mang thương tích và nhơ nhuốc vì đi ra ngoài đường, hơn là một Hội Thánh ốm yếu vì bị giam hãm và bám víu vào sự an toàn của mình. Tôi không muốn một Hội Thánh chỉ lo đặt mình vào trung tâm để rốt cuộc bị mắc kẹt trong một mạng lưới các nỗi ám ảnh và các thủ tục.” (Số 49).

Phải chăng, chính trong ý nghĩa nầy, mà Giáo Hội Việt Nam, Cộng đoàn tu sĩ Đa Minh, thanh thản bình an khi đón nhận cái chết tàn khốc vào chiều cuối năm Tân Sửu vừa qua của một vị linh mục tu sĩ trẻ, cha Giuse Trần Ngọc Thanh, đang truyền giáo tại vùng anh em dân tộc thuộc giáo phận Kontum. Vâng, nếu cha Thanh chọn ở lại môi trường thành phố hoa lệ Sài Gòn, có lẽ cha đã có một cái Tết ấm êm hạnh phúc bên gia đình với những người thân; nhưng vì cha đã chọn “chỗ nước sâu”, “vùng ngoại vi” Kontum nên cha đã có một “lễ dâng tuyệt vời” của đời dâng hiến, một “cái Tết vĩ đại hơn, cao cả hơn”, hạnh phúc viên mãn hơn”, cái Tết trên quê trời hằng sống.

Như vậy, sứ điệp lời Chúa của Chúa Nhật đầu tiên năm Nhâm Dần 2022 gọi mời toàn thể Hội Thánh, mỗi người chúng ta cùng “khăn gói lên đường”, cùng “đẩy thuyền ra chỗ nước sâu”, cho dù thân phận có như một “Isaia miệng lưỡi nhơ bẩn”, một “Phaolô kẻ sinh non” hay “Phêrô ngập tràn tội lỗi”. Chúa có trăm phương ngàn cách để biến những tấm lưới tầm thường, chiếc thuyền bé bỏng hay những tay chài lưới khiếm khuyết để làm nên một “mẻ cá diệu kỳ” ! Cứ yên tâm và mạnh dạn lặp lại lời của ngôn sứ Isaia: “Này con đây, xin hãy sai con”. Amen.

LM. Trương Đình Hiền
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Sứ điệp video của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm năm thứ Hai Ngày Thế Giới Tình Huynh Đệ Nhân Loại
J.B. Đặng Minh An dịch
06:04 05/02/2022


Hôm mùng 4 Tết Nhâm Dần, 4 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp video của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm năm thứ Hai Ngày Thế Giới Tình Huynh Đệ Nhân Loại. Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Anh chị em thân mến,

Trước hết, cho phép tôi được chào, với tình cảm và sự kính trọng, Đại Giáo Trưởng Ahmed Al-Tayyeb, người mà chính xác ba năm trước tại Abu Dhabi, cùng với tôi đã ký Văn kiện Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Sự Chung sống. Trong những năm này, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau như những người anh em với nhận thức rằng, trong khi tôn trọng nền văn hóa và truyền thống của riêng mình, chúng tôi được kêu gọi xây dựng tình huynh đệ như một bức tường thành chống lại hận thù, bạo lực và bất công.

Tôi cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng chúng tôi trên con đường này: Sheikh Mohammed bin Zayed vì sự cam kết kiên định của ông trong vấn đề này; Ủy Ban Cấp Cao Về Tình Huynh Đệ Nhân Loại vì các sáng kiến đa dạng mà Ủy ban đã thúc đẩy ở các khu vực khác nhau trên thế giới; và Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, giúp chúng ta có thể kỷ niệm ngày Quốc tế thứ hai của tình huynh đệ nhân loại hôm nay. Lòng biết ơn của tôi cũng xin gửi đến tất cả các tổ chức dân sự và tôn giáo ủng hộ sự nghiệp cao cả này.

Tình huynh đệ là một trong những giá trị cơ bản và phổ quát, cần thiết cho những mối quan hệ cơ bản giữa các dân tộc, để những người đau khổ hoặc thiệt thòi không cảm thấy bị loại trừ và lãng quên, nhưng được chấp nhận và nâng đỡ như một phần của gia đình nhân loại. Chúng ta là anh chị em của nhau!

Trong tinh thần huynh đệ tương trợ và chia sẻ, tất cả chúng ta phải nỗ lực thúc đẩy nền văn hóa hòa bình khuyến khích phát triển bền vững, khoan dung, hòa nhập, hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết.

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời, không phụ thuộc vào nơi ở và cách chúng ta sống, màu da, tôn giáo, nhóm xã hội, giới tính, tuổi tác, điều kiện kinh tế hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta. Tất cả chúng ta đều khác nhau nhưng đều bình đẳng, và lần đại dịch này đã cho thấy điều đó một cách rõ ràng. Hãy để tôi nói lại một lần nữa: chúng ta không thể được cứu một mình!

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời và nhân danh Thiên Chúa, chúng ta là tạo vật của Ngài phải thừa nhận rằng chúng ta là anh chị em với nhau. Là những tín hữu từ các truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta có một vai trò nhất định. Vai trò đó là gì? Thưa: là giúp anh chị em chúng ta ngước mắt lên trời và hướng lời cầu nguyện lên cùng Chúa. Chúng ta hãy ngước mắt lên trời, vì ai lấy lòng chân thành thờ phượng Thiên Chúa thì cũng yêu thương người lân cận mình. Tình huynh đệ làm cho chúng ta cởi mở với Cha của tất cả mọi người và cho phép chúng ta coi những người khác như anh chị em của mình, chia sẻ cuộc sống, hỗ trợ lẫn nhau, yêu thương và hiểu biết người khác.

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời. Bây giờ là thời điểm thích hợp để hành trình cùng nhau, các tín hữu và tất cả những người có thiện chí. Đừng đợi đến ngày mai hoặc một tương lai bất định. Bây giờ là thời điểm thích hợp để cùng nhau hành trình: các tín hữu và tất cả những người có thiện chí, hãy cùng nhau. Đây là một ngày tốt để mở rộng bàn tay, để kỷ niệm sự hiệp nhất của chúng ta trong sự đa dạng - hiệp nhất, chứ không đồng nhất, hiệp nhất trong sự đa dạng - để nói với các cộng đồng và xã hội mà chúng ta đang sống rằng thời kỳ huynh đệ đã đến. Tất cả phải cùng nhau, vì điều cốt yếu là phải sống đoàn kết với nhau. Vì lý do này, tôi nhắc lại, bây giờ không phải là lúc để thờ ơ: hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã. Điều này không phải là cường điệu; đó là sự thật! Hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã. Chúng ta thấy điều này trong các cuộc chiến tranh nhỏ, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ ba hiện đang diễn ra cục bộ, khi các dân tộc bị tiêu diệt, khi trẻ em đói khát, khi cơ hội học hành của họ bị giảm thiểu… Đó là sự hủy diệt. Hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã.

Đây không phải là thời gian cho sự quên lãng. Mỗi ngày, chúng ta cần nhớ những gì Thiên Chúa đã nói với Tổ Phụ Ápraham: rằng ngước mắt lên trời, ông sẽ nhìn thấy lời hứa của con cháu mình, tức là chính chúng ta (x. Họp mặt liên tôn tại Đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Một lời hứa cũng đã được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta: đó là một tình huynh đệ rộng lớn và tươi sáng như các vì sao trên trời!

Anh chị em thân mến, thưa Đại Giáo Trưởng!

Con đường huynh đệ còn dài và nhiều thử thách, đó là một con đường khó khăn, nhưng nó là cái neo cho sự cứu rỗi cho nhân loại. Chúng ta hãy chống lại nhiều dấu chỉ đe dọa, những thời khắc tăm tối và các não trạng xung khắc với tình huynh đệ; và chấp nhận người khác và tôn trọng căn tính của họ, mời họ tham gia một cuộc hành trình chung. Không phải tất cả đều giống nhau, nhưng là anh chị em, mỗi người đều có cá tính riêng, và sự độc đáo của mình.

Tôi cảm ơn tất cả những ai hành động với niềm xác tín rằng chúng ta có thể sống trong hòa thuận và hòa bình, ý thức được sự cần thiết của một thế giới huynh đệ hơn, vì tất cả chúng ta đều là tạo vật của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau.

Tôi cảm ơn tất cả những người sẽ tham gia hành trình huynh đệ của chúng ta. Tôi khuyến khích mọi người dấn thân vì hòa bình và đáp ứng cụ thể các vấn đề và nhu cầu của những người rốt cùng nhất, những người nghèo và những người không có khả năng tự vệ. Quyết tâm của chúng ta là sát cánh bên nhau, “tất cả là anh chị em”, để trở thành những nghệ nhân hiệu quả của hòa bình và công lý, trong sự hài hòa của những khác biệt và sự tôn trọng bản sắc của mỗi bên. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến bước trên con đường của tình huynh đệ này! Cảm ơn anh chị em.
Source:Holy See Press Office
 
Okara: đám đông vũ trang tấn công nhà thờ Công Giáo
Đặng Tự Do
06:11 05/02/2022


Bốn kẻ phá hoại đã trói người bảo vệ và phá hoại ngôi thánh đường. Cha Khalid Rasheed Asi cho biết “Các thủ phạm muốn gây hoảng loạn, nhưng chúng tôi phải giữ bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện”.

Younus Masih Gill, một thành viên của Nhà thờ Thánh Camillus de Lellis cho biết “Họ ném Thánh Thể ra khỏi nhà tạm, xé và làm ô nhục các sách thánh”. Younus cho biết như trên sau khi một nhóm vũ trang bắt cóc và trói người bảo vệ và xúc phạm ngôi thánh đường ở Okara, một thị trấn cách Faisalabad, bang Punjab, 100 km.

Allahditta Masih, ông từ nhà thờ nói với AsiaNews rằng vào ngày 23 tháng Giêng, anh ta đang ở trong nhà thờ vào khoảng 10h30 tối “4 người đàn ông có vũ trang đứng trước cổng và yêu cầu tôi ra ngoài, nếu không họ sẽ bắn tôi”.

Họ trói anh ta bằng dây thừng, đánh đập và sau đó nhốt anh ta lại. Nadeem Faisal, một trong những cư dân trong khu vực, đã gọi cảnh sát. Khi đến nơi, họ đã giải thoát cho Allahditta và thu thập bằng chứng.

Mục sư Khalil Maqsood và Cha Khalid Rasheed Aasi, giám đốc Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia của Giáo Hội Công Giáo, đã trình báo cáo thông tin đầu tiên cho đồn cảnh sát Saddar, yêu cầu một cuộc điều tra chi tiết.

Younus Masih Gill cũng đã đệ đơn kiện những người không rõ danh tính và nói rằng “mọi người không cảm thấy an toàn sau vụ việc, điều này đã làm xáo trộn sự bình yên của cộng đồng”.

Cha Khalid Rasheed Asi lên án hành động phá hoại và kêu gọi các tín hữu bình tĩnh: “Những kẻ thủ ác muốn gây hoảng loạn, nhưng chúng ta phải giữ bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện để không ai có thể làm hại công đoàn của chúng ta. Cảnh sát đã bảo đảm với chúng ta về sự hợp tác đầy đủ của họ với Giáo Hội và cho biết họ sẽ sớm bắt giữ những kẻ gây án”.
Source:Asia News
 
Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đả kích tin tức bầu cử giả mạo
Đặng Tự Do
06:11 05/02/2022


Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, đã kêu gọi người Công Giáo trang bị cho mình những dữ kiện để chống lại những kẻ tung tin giả và thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử vào tháng Năm.

Theo Đức Cha Pablo Virgilio David của Kalookan, chủ tịch CBCP, cuộc chiến tranh cử thực sự diễn ra trên mạng xã hội chứ không phải tại các buổi diễn thuyết truyền thống.

“Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành nền tảng mới cho các cuộc bầu cử. Vì đại dịch, mọi người đã học cách tương tác trên mạng xã hội. Nó đã trở thành nguồn tin tức, bao gồm cả các tin tức giả và thông tin sai lệch.” Đức Cha đã đưa ra lập trường trên với Facts First, một nhóm các nhà hoạt động chống lại sự dối trá và tin tức giả trên không gian mạng.

Vị giám mục đã nói chuyện với nhóm trong một cuộc nói chuyện có tên “Lời kêu gọi hành động ở Manila” vào ngày 26 tháng Giêng.

Đức Cha David than thở về việc một số chính trị gia đã vũ khí hóa internet bằng cách tung tin giả và thông tin sai lệch để bảo đảm số phiếu bầu.

Ngài nói: “Có rất nhiều tin tức giả trên mạng xã hội, vì vậy chúng ta phải đề cập đến tất cả những sự sai lệch này vì đó là mối quan tâm cấp bách của tất cả công dân và những người ủng hộ sự thật”.

Chúng ta không thể giữ im lặng khi các ứng cử viên tuyên bố chính phủ tốt nhất mà chúng tôi từng có là chế độ độc tài Marcos

Ngài nói: Mọi người Công Giáo, những người được cho là ủng hộ sự thật, phải tham gia cuộc chiến chống lại những thông tin sai lệch như vậy.

Đức Cha David gần đây đã lên án những tuyên bố của những người ủng hộ nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos và con trai của ông hiện đang tranh cử tổng thống, Ferdinand “Bongbong” Marcos, rằng việc áp đặt thiết quân luật trong thời kỳ cai trị của nhà cựu lãnh đạo là một “kỷ nguyên vàng” trong lịch sử Phi Luật Tân.

Các bài đăng gần đây ca ngợi gia đình Marcos về những thành tựu khác nhau như xây dựng bệnh viện lớn nhất đất nước.

Đức Cha David nói: “Chúng ta không thể giữ im lặng khi các ứng cử viên tuyên bố chính phủ tốt nhất mà chúng tôi từng có là chế độ độc tài Marcos”.

Đức Cha Chủ tịch CBCP bảo đảm với mọi người rằng Giáo Hội sẽ luôn ủng hộ sự thật vì nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu là quảng bá sự thật.

“Khi đấu tranh cho sự thật, anh chị em có thể tin tưởng vào chúng tôi như những đồng minh của anh chị em. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thúc đẩy các mục tiêu của các nhóm kiểm tra thực tế bằng cách chia sẻ thành quả công việc của họ.”
Source:UCANews
 
Tiến sĩ George Weigel: Nga, Ukraine và Suy tư về đạo đức
J.B. Đặng Minh An dịch
06:13 05/02/2022


Ít nhất 127,000 quân Nga đang tập trung bao vây 3 mặt của Ukraine và có nguy cơ lao vào một cuộc thế giới chiến tranh.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong bài báo có nhan đề “Russia, Ukraine, and Moral Reckoning”, nghĩa là “Nga, Ukraine và Suy tư về đạo đức”, ông cho rằng lý do cho sự hung hăng của nước Nga ngày nay là vì sau sự sụp đổ của Liên Sô, đã không có một phiên tòa như phiên tòa ở Nuremberg để xử bọn tội phạm cộng sản chống lại loài người.

Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Đã có những cải tiến lớn trong kỹ thuật và công nghệ làm phim kể từ năm 1961, khi Stanley Kramer thực hiện bộ phim Phiên Tòa Nuremberg. Nhưng thật khó để tưởng tượng bất kỳ dàn diễn viên nào ngày nay có thể cải thiện được màn trình diễn phi thường của Spencer Tracy, Burt Lancaster, Maximilian Schell, Marlene Dietrich, Richard Widmark, Judy Garland và Montgomery Clift trong bộ phim truyền hình về phòng xử án hấp dẫn đó, khám phá ý nghĩa của công lý ở Đức— và của thế giới — và sự phân định đạo đức đối với tội ác của Đệ tam Đế chế.

Các phiên tòa ở Nuremberg, kéo dài trong vài năm, không phải là hoàn hảo. Các luật gia và quan chức nhà nước nghiêm túc đã hỏi liệu “công lý của những người chiến thắng” có thể là công lý thực sự hay không, trong khi những người khác đặt câu hỏi về mức độ chính xác trong việc chỉ ra những người kẻ đã phạm vào những tội chưa được luật pháp xác định vào thời điểm họ phạm tội. Trùm mật vụ khét tiếng của Liên Xô Andrey Vishinsky là công tố viên tại phiên tòa đầu tiên ở Nuremberg là điều quá sức kỳ cục; Vishinsky lần đầu tiên được quốc tế chú ý đến với tư cách là công tố viên trong các phiên tòa thanh trừng khét tiếng của Stalin, trong đó hắn kêu gọi “tòa án” xử lý các đồng chí Bolshevik cũ của mình theo những thuật ngữ sau: “Hãy bắn những con chó dại này.... Chúng ta hãy chấm dứt một lần và mãi mãi cho những đứa con lai khốn khổ giữa cáo và lợn, những xác chết hôi thối này...”

Tuy nhiên, dù có sai sót gì trong các phiên tòa ở Nuremberg, những người đàn ông và đàn bà có tội rõ ràng đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi gian ác không thể kể xiết. Các phiên tòa cũng khiến người dân Đức phải đối mặt với những gì đã được thực hiện bởi các quan chức nhà nước và luật gia, những người tuyên bố hành động vì lợi ích của đất nước họ. Đức là một nền dân chủ kiểu mẫu ngày nay vì nhiều lý do; trong đó có sự phân định luân lý không thể tránh khỏi do các phiên tòa ở Nuremberg mang lại.

Không có điều gì giống như một sự phân định pháp lý, chính trị và đạo đức như thế đã xảy ra ở nước Nga thời hậu Xô Viết. Đó là lý do tại sao thi hài của Lenin vẫn được tôn vinh tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa. Đó là lý do tại sao một cuộc khảo sát độc lập vào năm 2021 cho thấy 56% người dân Nga coi kẻ sát nhân hàng loạt Stalin như một “nhà lãnh đạo vĩ đại”. Và đó là một trong những lý do tại sao Vladimir Putin, dường như là tổng thống trọn đời của Nga, tồn tại - và đặt ra mối đe dọa sinh tử đối với hòa bình ở Đông Âu, đặc biệt là ở Ukraine.

Putin đang tiến hành một chiến dịch được dàn dựng cẩn thận để đảo ngược phán quyết của lịch sử trong Chiến tranh Lạnh và khuất phục các “nước cộng hòa” trước đây của Liên Xô cũ nay đã được độc lập. Chiến dịch đó sẽ không thể thực hiện được nếu khi đối diện với sự thật kinh hoàng về quá khứ Xô Viết như người dân Đức buộc phải làm trong các phiên tòa ở Nuremberg, người dân Nga đã xây dựng một nhà nước Nga pháp quyền. Nhưng thay vào đó, điều đã xảy ra là bộ máy cũ của KGB Putin và một nhóm các tên đầu sỏ đã xây dựng một chế độ quân phiệt phi luật pháp, giết các đối thủ chính trị của mình, xâm lược các nước láng giềng, tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch và gây bất ổn lớn trên khắp thế giới, đóng cửa các tổ chức phi chính phủ chuyên tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, và giả dạng là người bảo vệ nền văn minh “Kitô giáo”, tất cả những điều đó người dân Nga đều phải trả giá đắt. Vì không có phiên tòa “Nuremberg của Nga”, một cậu bé mười lăm tuổi ở Nga vào năm 2012 có tuổi thọ thấp hơn ba năm so với một cậu bé mười lăm tuổi ở Haiti.

Sự gây hấn hiện tại của Vladimir Putin đối với Ukraine cũng thể hiện Lời Nói Dối Lớn rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự - một sự giả dối đầy ác ý một phần dựa trên tuyên bố rằng Nga là người thừa kế hợp pháp duy nhất của phép Rửa cho người Đông Slav. Sự kiện hoành tráng đó trên thực tế diễn ra ở Kiev (nay là thủ đô của Ukraine) vào năm 988, khi Mạc Tư Khoa ngày nay vẫn còn là một khu rừng rậm rạp, nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã. Lịch sử tiếp theo của Kitô giáo Đông Slav là vô cùng phức tạp, chắc chắn là như vậy. Nhưng, bất chấp những phức tạp đó, việc Nga tuyên bố là chủ sở hữu và người giải thích duy nhất của lịch sử là điều vô nghĩa về mặt thần học và lịch sử — cũng giống như lập trường của Nga đối với Ukraine kể từ ít nhất là cuối thế kỷ 18 là lập trường của đế quốc, của kẻ xâm lược. Trong hai năm 1932 và 1933, sự xâm lược đó đã trở thành một cuộc diệt chủng, khi, trong Nạn đói diệt chủng Ukarine, thường được gọi là Ukrainian Holodomor, Stalin và các tay sai của hắn ta cố tình bỏ đói ít nhất bốn triệu người Ukraine.

Chế độ Nga của Putin là một mối nguy hiểm đối với người dân Nga và thế giới, và có thể sẽ vẫn như vậy, cho đến khi kiểu suy xét về đạo đức và lịch sử diễn ra ở Đức sau Thế chiến II có thể diễn ra ở Nga. Giáo Hội Chính thống Nga, nơi có nguồn tài nguyên tinh thần to lớn, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra lương tâm quốc gia. Tuy nhiên, Giáo Hội này sẽ không làm như vậy, chừng nào nhà lãnh đạo của nó, là Thượng phụ Kirill, vẫn tiếp tục dạy, như ông đã làm gần đây, rằng điều kiện xã hội hiện tại của đất nước ông là “biểu hiện của lòng thương xót Chúa”, và tiếp tục tuyên bố rằng “Nga là lãnh đạo của thế giới tự do”
Source:First Things
 
Giáo Hội Tây Ban Nha gặp rắc rối rất to sau vụ tấn công nhục mạ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16
Đặng Tự Do
18:10 05/02/2022


Các thống kê khách quan chỉ ra rằng các vụ lạm dụng tính dục xảy ra ở mọi môi trường trong xã hội. Tội lỗi lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ gây ra không quá 1% trong tổng số các vụ lạm dụng. Nạn lạm dụng tính dục xảy ra thường xuyên nhất là trong môi trường gia đình. Tuy nhiên, các kẻ thù của Giáo Hội trong mưu toan đầy ác ý muốn thiết lập phương trình Giáo Hội Công Giáo = Lạm dụng tính dục. Mưu toan đó không phải là dễ dàng mà làm được.

Tuy nhiên, mưu toan ấy gần đây lại được tiếp sức bằng chiêu thức “Ủy ban độc lập điều tra tội lỗi lạm dụng tính dục” do các luật sư Đức cầm đầu. Nói đến từ “luật sư”, ta phải nghĩ ngay đến từ “thân chủ”. Thân chủ là ai? Thưa: là người trả tiền cho luật sư. Có khi nào luật sư lại đi tố cáo thân chủ mình không? Điên à? Cho nên, cái “Ủy ban độc lập” ấy chẳng “độc lập” tí nào. Nó hành động theo ý muốn của “thân chủ”.

Chiêu “Ủy ban độc lập” là một chiêu độc. Nó độc đến mức có thể tấn công cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là người đã thiết lập ra các giao thức chống lại một cách quyết liệt tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Khi nhận ra cả Đức Bênêđíctô cũng bị tấn công, các thế lực chống Công Giáo nhận ra ngay tiềm năng to lớn của chiêu “Ủy ban độc lập” ấy, và phải cấp bách nhân “điển hình tiên tiến” này đại trà ở nhiều nơi trên thế giới để làm câm nín, và “thuần hóa” Giáo Hội.

Tây Ban Nha là một thí dụ. Đức Hồng Y Juan Jose Omella, Tổng giám mục Barcelona và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, gọi tắt là SEC, nhiều lần bác bỏ ý kiến thành lập “Ủy ban độc lập” kiểu Đức vì ngài thấy đó là chuyện nực cười. Các phúc trình do cái “Ủy ban độc lập” ấy đưa ra sớm bị công chúng cho rằng chẳng qua là “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà lại mất một số tiền lớn. Thành ra, ngài không muốn thành lập cái Ủy ban như thế, chứ không phải vì e ngại rằng Ủy ban ấy sẽ lôi ra các tội lỗi của hàng giáo sĩ.

Ngay sau khi vụ tấn công nhục mạ Đức Bênêđíctô nổ ra, liên minh cầm quyền của Tây Ban Nha lập tức đòi các vụ lạm dụng tình dục trong lịch sử tại nước này phải được điều tra. Thủ tướng Pedro Sánchez, của Đảng Công Nhân Xã Hội, với chủ trương bài Công Giáo ra mặt, cho biết ông ta sẽ gặp các nạn nhân bị lạm dụng trước khi quyết định các bước tiếp theo.

Người đứng đầu chính phủ liên minh cai trị Tây Ban Nha cho biết: “Chúng tôi sẽ nói chuyện và hình thành các cơ cấu. Chiều kích con người của vấn đề này là quan trọng.”

Ba đảng cánh tả - Unidas Podemos, ERC và EH Bildu - đã trình đơn yêu cầu thành lập một ủy ban tại Quốc hội Tây Ban Nha để khởi động một cuộc điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo.

Ba bên đã trình bản kiến nghị gọi đây là “những sự kiện đáng ghê tởm” và nói rằng họ coi những nỗ lực mà Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha thực hiện cho đến nay là không đủ.

Trong một tuyên bố được Europa Press trích dẫn, Jaume Asens, chủ tịch nhóm nghị sĩ của Unidas Podemos, giải thích rằng “đây là những sự thật đáng ghê tởm không chỉ là vấn đề đối với các nạn nhân mà còn cả xã hội như một nền văn minh khi đối mặt với sự từ chối của lãnh đạo Giáo hội Tây Ban Nha tuân theo các khuyến nghị của Giáo hoàng trong vấn đề này”.

Ông cáo buộc các giám mục có “thái độ cản trở” đối với một cuộc điều tra độc lập sẽ được thực hiện, như các trường hợp ở Pháp hoặc Đức. Ông lập luận rằng trước thái độ này, ủy ban phải được thiết lập nhằm mục đích biết “toàn bộ sự thật, để đền bù cho các nạn nhân, xác định trách nhiệm và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Asens tuyên bố rằng Hội Đồng Giám Mục “đã giả điếc làm ngơ, đã nhìn theo hướng khác, và điều nghiêm trọng đối với chúng tôi, là ban lãnh đạo giáo hội đã không mở kho lưu trữ của mình, không thông báo dữ liệu về số lượng nạn nhân, đã từ chối trách nhiệm của mình, đã tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của những sự kiện này bằng cách nói về những trường hợp nhỏ”.

Đức Hồng Y Juan Jose Omella, chủ tịch SEC, cho biết vào đầu tháng này sau cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô rằng ngài hy vọng sẽ đưa ra ánh sáng những hành vi lạm dụng gây ra bởi các thành viên của hàng giáo sĩ Tây Ban Nha, cũng như các nam nữ tu sĩ và giáo dân, nhưng nói rằng hiện tại các giám mục không có kế hoạch triệu tập một ủy ban độc lập.

Sánchez là lãnh đạo của Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha. Hai đảng lớn khác, PP và VOX, đã lên tiếng ủng hộ SEC và bác bỏ khả năng này.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho hơn 600 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Chắc chắn rồi. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Những kẻ bày ra chiêu “Ủy ban độc lập” trong mưu toan đưa tội lỗi lạm dụng tình dục ra làm bóng ma để buộc Giáo Hội phải chạy theo các chương trình nghị sự ý thức hệ của họ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thê thảm do họ gây ra.
Source:Crux
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Kỷ niệm ngày Tết với Cha cố Trần Công Nghị tại cơ sở mới.
Trần Mạnh Trác
14:59 05/02/2022
Xem hình

Sau khi cho chúng tôi điạ chỉ mới cuả VietCatholic, Cha Nghị còn nói thêm: "Anh là người đầu tiên được biết văn phòng mới ở đâu, các đứa cháu cuả tôi còn chưa biết đấy!"

Và như thế, trước đây 6 năm khi đi ăn Tết tại LA, chúng tôi đã chứng kiến cảnh 'khai phá' cơ cở mới cuả VietCatholic, và nơi đây đã là căn nhà cuối cùng cuả Cha cố Gioan Trần Công Nghị sau một thời gian dài 50 năm phục vụ cho Chuá và Giáo Hội trong đó có gần 25 năm lãnh đạo cơ quan truyền thông VietCatholic.

Lúc đó ngài vừa mới về hưu sau khi làm chánh xứ cho họ đạo St. Catherine of Alexandria ở bên đảo Catalina. Mọi người đều biết ngài đã về vùng LA nhưng chưa ai biết đích xác là ở đâu.

Hồi đó ngày Tết đến muộn hơn bây giờ. Cũng vào một thời điểm như hôm nay, mà lúc đó người ta mới bắt đầu đi xắm Tết...mọi khu chợ đều tấp nập và các quán ăn cũng chật ních, đến nỗi chúng tôi phải đãi ngài một bữa cơm trưa ở một quán Hàn Quốc gần nhà cuả ngài.

Các quán Hàn Quốc tuy đã rất thịnh hành rồi, nhưng ngài vẫn còn thấy lạ và... khen ngon.

Trở về VietCatholic, lúc đó tất cả chỉ là một mớ hỗn mang, căn nhà chính bên ngoài còn khoá chặt vì người 'ở cũ' chưa dọn ra hết, căn nhà ngang có một số sinh viên (người Nhật) thuê, còn căn chứa đồ ở đằng sau cái hồ tắm thì đang được tu sửa để làm văn phòng và phòng ngủ cho các cha.

Phòng cuả Cha Nghị đã dọn xong, còn mới toanh bao gồm 1 cái giường và 1 cái bàn computers...thế thôi. Một căn phòng khác cũng đang được sơn phết là để dành cho Cha Văn Chi từ Australia sắp dọn qua, theo lời Cha Nghị.

Chiếc phòng khách dùng làm văn phòng thì lớn hơn. Ngay giữa là một bức tượng Đức Mẹ Fatima Khiết Tâm bằng gỗ sồi làm từ Portugal, giống như bức tượng Fatima thánh du đã được đưa qua Việt Nam những năm 1965-1967 (và nay đang ở nhà dòng Đồng Công tại Missouri). Cha cho biết bức tượng là để tặng cho VN, đang chờ giấy phép để đưa đi (cho tới nay hình như sự việc vẫn chưa kết thúc)

Bức tượng, cha Nghị nói, có một đặc điểm thú vị, là nhìn kỹ thì sẽ thấy "Đức Mẹ có răng."

-"ô hay, ai mà không có răng hả Cha?" tôi hỏi.

-"thì anh cứ nhìn mà xem..."

Nhìn từ phiá dưới, thì quả thật, người nghệ sĩ nào đã vẽ 4 chiếc răng cửa nõn nà ngay giữa các làn môi.

"Cái răng cái tóc là góc con người" tôi thêm vào, và Cha con chúng tôi đã có một trận cười vui vẻ...
 
Bênh vực công lý và Giáo Hội
Giáo dục đỉnh cao thái thú
Đinh Quân
22:14 05/02/2022

Lê văn Tám 13 tuổi thần đồng,
Nổi lên rực rỡ ngọn lửa hồng,
Ôm xăng nhảy vào phá kho đạn,
Làm cây đuốc sống thỏa ước mong.

Chú giao liên 14 tuổi Kim Đồng,
Nhiệm vụ thi hành đã làm xong,
Đánh lạc hướng địch giúp đồng chí,
Cứu nguy đại hội đã thành công.

Tiếp nối nhi đồng Nguyễn văn Nên,
13 tuổi đã nổi tiếng khắp miền,
Xông pha giết giặc không ngừng nghỉ,
Tổng cộng ba lần bảy chín tên.

Giáo dục tài giỏi hay như thế,
Sao giờ xuất hiện lắm đứa điên,
Thằng Nguyễn trung Huyên tên máu lạnh,
Đóng đinh đầu bé chẳng buồn phiền.

Nguyễn võ quỳnh Trang vô giáo dục,
Đánh con người tình không tiếc thương,
Roi gậy tàn bạo trên mình bé,
Bé chết đớn đau vẫn coi thường.

Giáo dục ngày nay đã hỏng rồi,
Mười đứa đi học, chín đứa chơi,
Trò chẳng ra trò, thầy cũng thế,
Hai đứa đánh nhau, cả đám cười.

Giáo dục ngày nay đã hỏng rồi,
Chỉ vì lớp trẻ bị bịp thôi,
Đánh Pháp diệt Mỹ oai hùng quá,
Tuổi trẻ tài cao xuất hiện đông.

Cũng vì tuổi trẻ thích nghe thơ,
Của tên hồ tặc say chém giết,
Hay thằng Tố Hữu tên đồ tể,
Khiến cho lớp trẻ sống mộng mơ.

‘Xưa yêu phong cảnh thiên nhiên đẹp,
Mây gió trăng hóa tuyết núi sông,
Nay ở trong thơ nên có thép,
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.’
( hcm với văn nghệ sĩ miền Bắc)
‘Giết giết nữa bàn tay không ngừng nghỉ,
Cho ruộng đồng lúa tốt, thuế mau xong
Cho đảng bền lâu cùng rập bước chung lòng,
Thờ mao chủ tịch, sit-ta-lin bất diệt.’
( đồ tể tố hữu ca ngợi ccrđ )

Mấy lời cảnh báo tà, quyền
Giáo dục dối trá đừng quên chính mình,
Có ngày tuổi trẻ bất bình,
Lôi cổ ông xuống chẳng tình nghĩa chi,
Mau mau suy nghĩ lại đi,
Cải tổ giáo dục không thì chết oan !
Giấc mơ thái thú làm quan,
Cũng là đầy tớ thân tàn mà thôi !

Đinh Quân
(*)Ghi chú : Báo chí truyền thông đã nói nhiều và dư luận quốc tế cũng lên án về 2 vụ giết trẻ em rất dã man
-Nguyễn trung Huyên giết con người tình mới 3 tuổi bằng cách đóng 9 chiếc đinh trên đầu bé.
-Nguyễn võ quỳnh Trang dùng gậy đánh tàn nhẫn con người tình 8 tuổi cho đến chết.
 
VietCatholic TV
Truyền Thông tại Rôma và Hoa Kỳ lên tiếng đòi công lý: Quá nhiều uẩn khúc trong vụ Cha Giuse Thanh
VietCatholic Media
06:01 05/02/2022


1. Truyền thông Công Giáo quốc tế nêu lên những uẩn khúc trong cái chết của Cha Giuse Trần Ngọc Thanh

Asia-News, cơ quan thông tin của Liên Hiệp Các Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, có bài nhan đề “Kon Tum: cattolici vietnamiti chiedono la verità sull'omicidio di p. Thanh”, nghĩa là “Kon Tum: người Công Giáo Việt Nam đòi hỏi sự thật về cái chết của Cha Thanh”.

Bài báo viết như sau:

Vào một đêm trước Tết Nguyên đán, Cha Trần Ngọc Thanh đã bị đâm khi đang thi hành Bí tích Hòa giải. Những nghi ngờ về một động cơ liên quan đến các vấn đề tâm thần: cộng đồng Kitô giáo địa phương đang kêu gọi công lý trong một vụ án gần như hoàn toàn bị phớt lờ trong nước. Vụ giết người diễn ra tại một khu vực truyền giáo, nơi có nhiều nhóm sắc tộc cùng sinh sống.

Sau khi linh mục Dòng Đa Minh Trần Ngọc Thanh bị sát hại, cộng đồng người Việt tại địa phương đang đòi hỏi sự thật về lý do của vụ sát hại, bày tỏ sự buồn bã trước sự đưa tin ít ỏi của giới truyền thông về một sự kiện nghiêm trọng như vậy tại Việt Nam.

Vào ngày 29 tháng Giêng, trước Tết Nguyên Đán, cha Thanh đang ngồi giải tội ngay sau thánh lễ buổi tối tại giáo xứ Đăk Mót thì bị một người có vũ khí xông vào và dùng dao đâm chết. Theo cảnh sát địa phương, kẻ tấn công là một người bị bệnh tâm thần có tên Nguyễn Văn Kiên.

Thông tin chi tiết đã được VietCatholic News đưa tin trong những ngày gần đây. Trong khi một số ít tín hữu còn có mặt trong nhà thờ đang bỏ chạy, thì người phụ trách ca đoàn, thầy Phan Văn Giáo, người ở phía đối diện của nhà nguyện, đã tìm cách ngăn chặn kẻ tấn công và đè anh ta xuống đất với sự giúp đỡ của các giáo dân khác, trước khi anh ta có thể thực hiện một vụ thảm sát. Thầy Giáo sau đó đã sắp xếp đưa linh mục Thanh đến bệnh viện, nhưng linh mục đã chết vì vết thương ở đầu vào khoảng 11 giờ 30 tối hôm đó.

Khu vực diễn ra sự kiện bi thảm này là một khu vực truyền giáo mà sự hiện diện của Giáo Hội vẫn còn trong thời kỳ đầy những khó khăn. Năm 2018, Cha Thành đã được bổ nhiệm quản nhiệm Giáo xứ Đăk Mót, thuộc giáo phận Kon Tum, thuộc miền Trung Việt Nam. Bản thân nhà nguyện, nơi cũng tổ chức các buổi cử hành Thánh Thể, rất nhỏ và chỉ có thể chứa một số ít tín hữu. Tòa giải tội nằm bên cạnh một căn phòng nhỏ.

Phần lớn cộng đồng tôn giáo địa phương thuộc dân tộc Sedang, trong khi kẻ tấn công, Kiên, thuộc dân tộc Kinh, là dân tộc đa số ở Việt Nam. Kiên cho biết anh theo đạo Công Giáo, nhưng hiếm khi đến tham dự Thánh lễ, các nguồn tin địa phương cho biết. Theo VietCatholic News, vụ giết người đã được tính trước. Tuy nhiên, luật sư Lê Quốc Quân cho rằng cần điều tra sâu để xác định Kiên thực sự bị rối loạn tâm thần hay có động cơ khác thực hiện vụ giết người.

Anh nói: “Truyền thông trong nước đang rầm rộ đưa tin về những sự việc nhỏ nhặt như cái chết của chú mèo Trấn Thành, một nghệ sĩ hài nổi tiếng của Việt Nam, nhưng đáng lo là vụ án mạng nghiêm trọng như vậy vẫn chưa tìm ra được chỗ đứng trong các kênh tin tức chính thức”. Anh kết luận: “Lương tâm của các tín hữu đang yêu cầu và đòi hỏi phải lên tiếng, nói lên sự thật để mọi người hiểu được tính chất nghiêm trọng của vấn đề và công lý được thực hiện trong trường hợp này”.

Trong khi đó, các quan chức chính phủ Việt Nam nói rằng người đàn ông đã sát hại dã man Linh mục Giuse Trần Ngọc Thanh vào ngày 29 tháng Giêng là “tâm thần không ổn định”. Nhưng một số người Công Giáo Việt Nam lo sợ rằng vụ giết người có thể nhằm mục đích cảnh báo, nhằm ngăn cản những người truyền giáo Công Giáo đến làm việc tại khu vực Tây Nguyên của đất nước.

Vụ giết người hầu như không được đưa tin trên các phương tiện truyền thông do chính phủ kiểm soát, và Giáo hội đã phải chịu áp lực chính trị nặng nề ở Việt Nam. Theo một tin đồn lan truyền trong làng nơi xảy ra án mạng, Nguyễn Văn Kiên, người đàn ông bị tạm giữ tại hiện trường và bị buộc tội giết người, đã cảnh báo mẹ anh ta rằng nếu bà ấy đi lễ, “sẽ có người phải chết”. Điều này cho thấy vụ giết người đã được tính toán trước.
Source:Asia News

2. Sứ điệp video của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm năm thứ Hai Ngày Thế Giới Tình Huynh Đệ Nhân Loại

Hôm mùng 4 Tết Nhâm Dần, 4 tháng Hai, Tòa Thánh đã công bố Sứ điệp video của Đức Thánh Cha nhân kỷ niệm năm thứ Hai Ngày Thế Giới Tình Huynh Đệ Nhân Loại. Nguyên bản tiếng Ý có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.



Anh chị em thân mến,

Trước hết, cho phép tôi được chào, với tình cảm và sự kính trọng, Đại Giáo Trưởng Ahmed Al-Tayyeb, người mà chính xác ba năm trước tại Abu Dhabi, cùng với tôi đã ký Văn kiện Tình huynh đệ nhân loại vì Hòa bình Thế giới và Sự Chung sống. Trong những năm này, chúng tôi đã đồng hành cùng nhau như những người anh em với nhận thức rằng, trong khi tôn trọng nền văn hóa và truyền thống của riêng mình, chúng tôi được kêu gọi xây dựng tình huynh đệ như một bức tường thành chống lại hận thù, bạo lực và bất công.

Tôi cảm ơn tất cả những người đã đồng hành cùng chúng tôi trên con đường này: Sheikh Mohammed bin Zayed vì sự cam kết kiên định của ông trong vấn đề này; Ủy Ban Cấp Cao Về Tình Huynh Đệ Nhân Loại vì các sáng kiến đa dạng mà Ủy ban đã thúc đẩy ở các khu vực khác nhau trên thế giới; và Đại hội đồng Liên hợp quốc đã ra nghị quyết vào ngày 21 tháng 12 năm 2020, giúp chúng ta có thể kỷ niệm ngày Quốc tế thứ hai của tình huynh đệ nhân loại hôm nay. Lòng biết ơn của tôi cũng xin gửi đến tất cả các tổ chức dân sự và tôn giáo ủng hộ sự nghiệp cao cả này.

Tình huynh đệ là một trong những giá trị cơ bản và phổ quát, cần thiết cho những mối quan hệ cơ bản giữa các dân tộc, để những người đau khổ hoặc thiệt thòi không cảm thấy bị loại trừ và lãng quên, nhưng được chấp nhận và nâng đỡ như một phần của gia đình nhân loại. Chúng ta là anh chị em của nhau!

Trong tinh thần huynh đệ tương trợ và chia sẻ, tất cả chúng ta phải nỗ lực thúc đẩy nền văn hóa hòa bình khuyến khích phát triển bền vững, khoan dung, hòa nhập, hiểu biết lẫn nhau và đoàn kết.

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời, không phụ thuộc vào nơi ở và cách chúng ta sống, màu da, tôn giáo, nhóm xã hội, giới tính, tuổi tác, điều kiện kinh tế hoặc tình trạng sức khỏe của chúng ta. Tất cả chúng ta đều khác nhau nhưng đều bình đẳng, và lần đại dịch này đã cho thấy điều đó một cách rõ ràng. Hãy để tôi nói lại một lần nữa: chúng ta không thể được cứu một mình!

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời và nhân danh Thiên Chúa, chúng ta là tạo vật của Ngài phải thừa nhận rằng chúng ta là anh chị em với nhau. Là những tín hữu từ các truyền thống tôn giáo khác nhau, chúng ta có một vai trò nhất định. Vai trò đó là gì? Thưa: là giúp anh chị em chúng ta ngước mắt lên trời và hướng lời cầu nguyện lên cùng Chúa. Chúng ta hãy ngước mắt lên trời, vì ai lấy lòng chân thành thờ phượng Thiên Chúa thì cũng yêu thương người lân cận mình. Tình huynh đệ làm cho chúng ta cởi mở với Cha của tất cả mọi người và cho phép chúng ta coi những người khác như anh chị em của mình, chia sẻ cuộc sống, hỗ trợ lẫn nhau, yêu thương và hiểu biết người khác.

Tất cả chúng ta đều sống dưới cùng một bầu trời. Bây giờ là thời điểm thích hợp để hành trình cùng nhau, các tín hữu và tất cả những người có thiện chí. Đừng đợi đến ngày mai hoặc một tương lai bất định. Bây giờ là thời điểm thích hợp để cùng nhau hành trình: các tín hữu và tất cả những người có thiện chí, hãy cùng nhau. Đây là một ngày tốt để mở rộng bàn tay, để kỷ niệm sự hiệp nhất của chúng ta trong sự đa dạng - hiệp nhất, chứ không đồng nhất, hiệp nhất trong sự đa dạng - để nói với các cộng đồng và xã hội mà chúng ta đang sống rằng thời kỳ huynh đệ đã đến. Tất cả phải cùng nhau, vì điều cốt yếu là phải sống đoàn kết với nhau. Vì lý do này, tôi nhắc lại, bây giờ không phải là lúc để thờ ơ: hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã. Điều này không phải là cường điệu; đó là sự thật! Hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã. Chúng ta thấy điều này trong các cuộc chiến tranh nhỏ, trong cuộc chiến tranh thế giới thứ ba hiện đang diễn ra cục bộ, khi các dân tộc bị tiêu diệt, khi trẻ em đói khát, khi cơ hội học hành của họ bị giảm thiểu… Đó là sự hủy diệt. Hoặc chúng ta là anh chị em, hoặc mọi thứ sẽ tan rã.

Đây không phải là thời gian cho sự quên lãng. Mỗi ngày, chúng ta cần nhớ những gì Thiên Chúa đã nói với Tổ Phụ Ápraham: rằng ngước mắt lên trời, ông sẽ nhìn thấy lời hứa của con cháu mình, tức là chính chúng ta (x. Họp mặt liên tôn tại Đồng bằng Ur, ngày 6 tháng 3 năm 2021). Một lời hứa cũng đã được thực hiện trong cuộc sống của chúng ta: đó là một tình huynh đệ rộng lớn và tươi sáng như các vì sao trên trời!

Anh chị em thân mến, thưa Đại Giáo Trưởng!

Con đường huynh đệ còn dài và nhiều thử thách, đó là một con đường khó khăn, nhưng nó là cái neo cho sự cứu rỗi cho nhân loại. Chúng ta hãy chống lại nhiều dấu chỉ đe dọa, những thời khắc tăm tối và các não trạng xung khắc với tình huynh đệ; và chấp nhận người khác và tôn trọng căn tính của họ, mời họ tham gia một cuộc hành trình chung. Không phải tất cả đều giống nhau, nhưng là anh chị em, mỗi người đều có cá tính riêng, và sự độc đáo của mình.

Tôi cảm ơn tất cả những ai hành động với niềm xác tín rằng chúng ta có thể sống trong hòa thuận và hòa bình, ý thức được sự cần thiết của một thế giới huynh đệ hơn, vì tất cả chúng ta đều là tạo vật của Thiên Chúa, là anh chị em với nhau.

Tôi cảm ơn tất cả những người sẽ tham gia hành trình huynh đệ của chúng ta. Tôi khuyến khích mọi người dấn thân vì hòa bình và đáp ứng cụ thể các vấn đề và nhu cầu của những người rốt cùng nhất, những người nghèo và những người không có khả năng tự vệ. Quyết tâm của chúng ta là sát cánh bên nhau, “tất cả là anh chị em”, để trở thành những nghệ nhân hiệu quả của hòa bình và công lý, trong sự hài hòa của những khác biệt và sự tôn trọng bản sắc của mỗi bên. Anh chị em thân mến, chúng ta hãy tiến bước trên con đường của tình huynh đệ này! Cảm ơn anh chị em.
Source:Holy See Press Office
 
Bi ai: Ông từ nhà thờ bị trói, Mình Thánh Chúa bị xúc phạm. Gương mù Chính Thống Giáo Nga
VietCatholic Media
06:10 05/02/2022


1. Okara: đám đông vũ trang tấn công nhà thờ Công Giáo

Bốn kẻ phá hoại đã trói người bảo vệ và phá hoại ngôi thánh đường. Cha Khalid Rasheed Asi cho biết “Các thủ phạm muốn gây hoảng loạn, nhưng chúng tôi phải giữ bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện”.

Younus Masih Gill, một thành viên của Nhà thờ Thánh Camillus de Lellis cho biết “Họ ném Thánh Thể ra khỏi nhà tạm, xé và làm ô nhục các sách thánh”. Younus cho biết như trên sau khi một nhóm vũ trang bắt cóc và trói người bảo vệ và xúc phạm ngôi thánh đường ở Okara, một thị trấn cách Faisalabad, bang Punjab, 100 km.

Allahditta Masih, ông từ nhà thờ nói với AsiaNews rằng vào ngày 23 tháng Giêng, anh ta đang ở trong nhà thờ vào khoảng 10h30 tối “4 người đàn ông có vũ trang đứng trước cổng và yêu cầu tôi ra ngoài, nếu không họ sẽ bắn tôi”.

Họ trói anh ta bằng dây thừng, đánh đập và sau đó nhốt anh ta lại. Nadeem Faisal, một trong những cư dân trong khu vực, đã gọi cảnh sát. Khi đến nơi, họ đã giải thoát cho Allahditta và thu thập bằng chứng.

Mục sư Khalil Maqsood và Cha Khalid Rasheed Aasi, giám đốc Ủy ban Công lý và Hòa bình Quốc gia của Giáo Hội Công Giáo, đã trình báo cáo thông tin đầu tiên cho đồn cảnh sát Saddar, yêu cầu một cuộc điều tra chi tiết.

Younus Masih Gill cũng đã đệ đơn kiện những người không rõ danh tính và nói rằng “mọi người không cảm thấy an toàn sau vụ việc, điều này đã làm xáo trộn sự bình yên của cộng đồng”.

Cha Khalid Rasheed Asi lên án hành động phá hoại và kêu gọi các tín hữu bình tĩnh: “Những kẻ thủ ác muốn gây hoảng loạn, nhưng chúng ta phải giữ bình tĩnh và tiếp tục cầu nguyện để không ai có thể làm hại công đoàn của chúng ta. Cảnh sát đã bảo đảm với chúng ta về sự hợp tác đầy đủ của họ với Giáo Hội và cho biết họ sẽ sớm bắt giữ những kẻ gây án”.
Source:Asia News

2. Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân đả kích tin tức bầu cử giả mạo

Chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Phi Luật Tân, gọi tắt là CBCP, đã kêu gọi người Công Giáo trang bị cho mình những dữ kiện để chống lại những kẻ tung tin giả và thông tin sai lệch trước cuộc bầu cử vào tháng Năm.

Theo Đức Cha Pablo Virgilio David của Kalookan, chủ tịch CBCP, cuộc chiến tranh cử thực sự diễn ra trên mạng xã hội chứ không phải tại các buổi diễn thuyết truyền thống.

“Phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành nền tảng mới cho các cuộc bầu cử. Vì đại dịch, mọi người đã học cách tương tác trên mạng xã hội. Nó đã trở thành nguồn tin tức, bao gồm cả các tin tức giả và thông tin sai lệch.” Đức Cha đã đưa ra lập trường trên với Facts First, một nhóm các nhà hoạt động chống lại sự dối trá và tin tức giả trên không gian mạng.

Vị giám mục đã nói chuyện với nhóm trong một cuộc nói chuyện có tên “Lời kêu gọi hành động ở Manila” vào ngày 26 tháng Giêng.

Đức Cha David than thở về việc một số chính trị gia đã vũ khí hóa internet bằng cách tung tin giả và thông tin sai lệch để bảo đảm số phiếu bầu.

Ngài nói: “Có rất nhiều tin tức giả trên mạng xã hội, vì vậy chúng ta phải đề cập đến tất cả những sự sai lệch này vì đó là mối quan tâm cấp bách của tất cả công dân và những người ủng hộ sự thật”.

Chúng ta không thể giữ im lặng khi các ứng cử viên tuyên bố chính phủ tốt nhất mà chúng tôi từng có là chế độ độc tài Marcos

Ngài nói: Mọi người Công Giáo, những người được cho là ủng hộ sự thật, phải tham gia cuộc chiến chống lại những thông tin sai lệch như vậy.

Đức Cha David gần đây đã lên án những tuyên bố của những người ủng hộ nhà độc tài quá cố Ferdinand Marcos và con trai của ông hiện đang tranh cử tổng thống, Ferdinand “Bongbong” Marcos, rằng việc áp đặt thiết quân luật trong thời kỳ cai trị của nhà cựu lãnh đạo là một “kỷ nguyên vàng” trong lịch sử Phi Luật Tân.

Các bài đăng gần đây ca ngợi gia đình Marcos về những thành tựu khác nhau như xây dựng bệnh viện lớn nhất đất nước.

Đức Cha David nói: “Chúng ta không thể giữ im lặng khi các ứng cử viên tuyên bố chính phủ tốt nhất mà chúng tôi từng có là chế độ độc tài Marcos”.

Đức Cha Chủ tịch CBCP bảo đảm với mọi người rằng Giáo Hội sẽ luôn ủng hộ sự thật vì nhiệm vụ của mỗi Kitô hữu là quảng bá sự thật.

“Khi đấu tranh cho sự thật, anh chị em có thể tin tưởng vào chúng tôi như những đồng minh của anh chị em. Tôi tin tưởng rằng chúng ta sẽ thúc đẩy các mục tiêu của các nhóm kiểm tra thực tế bằng cách chia sẻ thành quả công việc của họ.”
Source:UCANews

3. Nga, Ukraine và Suy tư về đạo đức

Ít nhất 127,000 quân Nga đang tập trung bao vây 3 mặt của Ukraine và có nguy cơ lao vào một cuộc thế giới chiến tranh.

Tiến sĩ George Weigel là thành viên cao cấp của Trung tâm Đạo đức và Chính sách Công cộng Washington, và là người viết tiểu sử Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Trong bài báo có nhan đề “Russia, Ukraine, and Moral Reckoning”, nghĩa là “Nga, Ukraine và Suy tư về đạo đức”, ông cho rằng lý do cho sự hung hăng của nước Nga ngày nay là vì sau sự sụp đổ của Liên Sô, đã không có một phiên tòa như phiên tòa ở Nuremberg để xử bọn tội phạm cộng sản chống lại loài người.

Xin kính mời quý vị và anh chị em theo dõi bản dịch sang Việt Ngữ qua phần trình bày của Thụy Khanh

Đã có những cải tiến lớn trong kỹ thuật và công nghệ làm phim kể từ năm 1961, khi Stanley Kramer thực hiện bộ phim Phiên Tòa Nuremberg. Nhưng thật khó để tưởng tượng bất kỳ dàn diễn viên nào ngày nay có thể cải thiện được màn trình diễn phi thường của Spencer Tracy, Burt Lancaster, Maximilian Schell, Marlene Dietrich, Richard Widmark, Judy Garland và Montgomery Clift trong bộ phim truyền hình về phòng xử án hấp dẫn đó, khám phá ý nghĩa của công lý ở Đức— và của thế giới — và sự phân định đạo đức đối với tội ác của Đệ tam Đế chế.

Các phiên tòa ở Nuremberg, kéo dài trong vài năm, không phải là hoàn hảo. Các luật gia và quan chức nhà nước nghiêm túc đã hỏi liệu “công lý của những người chiến thắng” có thể là công lý thực sự hay không, trong khi những người khác đặt câu hỏi về mức độ chính xác trong việc chỉ ra những người kẻ đã phạm vào những tội chưa được luật pháp xác định vào thời điểm họ phạm tội. Trùm mật vụ khét tiếng của Liên Xô Andrey Vishinsky là công tố viên tại phiên tòa đầu tiên ở Nuremberg là điều quá sức kỳ cục; Vishinsky lần đầu tiên được quốc tế chú ý đến với tư cách là công tố viên trong các phiên tòa thanh trừng khét tiếng của Stalin, trong đó hắn kêu gọi “tòa án” xử lý các đồng chí Bolshevik cũ của mình theo những thuật ngữ sau: “Hãy bắn những con chó dại này.... Chúng ta hãy chấm dứt một lần và mãi mãi cho những đứa con lai khốn khổ giữa cáo và lợn, những xác chết hôi thối này...”

Tuy nhiên, dù có sai sót gì trong các phiên tòa ở Nuremberg, những người đàn ông và đàn bà có tội rõ ràng đều phải chịu trách nhiệm về những hành vi gian ác không thể kể xiết. Các phiên tòa cũng khiến người dân Đức phải đối mặt với những gì đã được thực hiện bởi các quan chức nhà nước và luật gia, những người tuyên bố hành động vì lợi ích của đất nước họ. Đức là một nền dân chủ kiểu mẫu ngày nay vì nhiều lý do; trong đó có sự phân định luân lý không thể tránh khỏi do các phiên tòa ở Nuremberg mang lại.

Không có điều gì giống như một sự phân định pháp lý, chính trị và đạo đức như thế đã xảy ra ở nước Nga thời hậu Xô Viết. Đó là lý do tại sao thi hài của Lenin vẫn được tôn vinh tại Quảng trường Đỏ ở Mạc Tư Khoa. Đó là lý do tại sao một cuộc khảo sát độc lập vào năm 2021 cho thấy 56% người dân Nga coi kẻ sát nhân hàng loạt Stalin như một “nhà lãnh đạo vĩ đại”. Và đó là một trong những lý do tại sao Vladimir Putin, dường như là tổng thống trọn đời của Nga, tồn tại - và đặt ra mối đe dọa sinh tử đối với hòa bình ở Đông Âu, đặc biệt là ở Ukraine.

Putin đang tiến hành một chiến dịch được dàn dựng cẩn thận để đảo ngược phán quyết của lịch sử trong Chiến tranh Lạnh và khuất phục các “nước cộng hòa” trước đây của Liên Xô cũ nay đã được độc lập. Chiến dịch đó sẽ không thể thực hiện được nếu khi đối diện với sự thật kinh hoàng về quá khứ Xô Viết như người dân Đức buộc phải làm trong các phiên tòa ở Nuremberg, người dân Nga đã xây dựng một nhà nước Nga pháp quyền. Nhưng thay vào đó, điều đã xảy ra là bộ máy cũ của KGB Putin và một nhóm các tên đầu sỏ đã xây dựng một chế độ quân phiệt phi luật pháp, giết các đối thủ chính trị của mình, xâm lược các nước láng giềng, tiến hành các chiến dịch thông tin sai lệch và gây bất ổn lớn trên khắp thế giới, đóng cửa các tổ chức phi chính phủ chuyên tưởng niệm các nạn nhân của chủ nghĩa cộng sản, và giả dạng là người bảo vệ nền văn minh “Kitô giáo”, tất cả những điều đó người dân Nga đều phải trả giá đắt. Vì không có phiên tòa “Nuremberg của Nga”, một cậu bé mười lăm tuổi ở Nga vào năm 2012 có tuổi thọ thấp hơn ba năm so với một cậu bé mười lăm tuổi ở Haiti.

Sự gây hấn hiện tại của Vladimir Putin đối với Ukraine cũng thể hiện Lời Nói Dối Lớn rằng Ukraine không phải là một quốc gia thực sự - một sự giả dối đầy ác ý một phần dựa trên tuyên bố rằng Nga là người thừa kế hợp pháp duy nhất của phép Rửa cho người Đông Slav. Sự kiện hoành tráng đó trên thực tế diễn ra ở Kiev (nay là thủ đô của Ukraine) vào năm 988, khi Mạc Tư Khoa ngày nay vẫn còn là một khu rừng rậm rạp, nơi sinh sống của các loài động vật hoang dã. Lịch sử tiếp theo của Kitô giáo Đông Slav là vô cùng phức tạp, chắc chắn là như vậy. Nhưng, bất chấp những phức tạp đó, việc Nga tuyên bố là chủ sở hữu và người giải thích duy nhất của lịch sử là điều vô nghĩa về mặt thần học và lịch sử — cũng giống như lập trường của Nga đối với Ukraine kể từ ít nhất là cuối thế kỷ 18 là lập trường của đế quốc, của kẻ xâm lược. Trong hai năm 1932 và 1933, sự xâm lược đó đã trở thành một cuộc diệt chủng, khi, trong Nạn đói diệt chủng Ukarine, thường được gọi là Ukrainian Holodomor, Stalin và các tay sai của hắn ta cố tình bỏ đói ít nhất bốn triệu người Ukraine.

Chế độ Nga của Putin là một mối nguy hiểm đối với người dân Nga và thế giới, và có thể sẽ vẫn như vậy, cho đến khi kiểu suy xét về đạo đức và lịch sử diễn ra ở Đức sau Thế chiến II có thể diễn ra ở Nga. Giáo Hội Chính thống Nga, nơi có nguồn tài nguyên tinh thần to lớn, có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm tra lương tâm quốc gia. Tuy nhiên, Giáo Hội này sẽ không làm như vậy, chừng nào nhà lãnh đạo của nó, là Thượng phụ Kirill, vẫn tiếp tục dạy, như ông đã làm gần đây, rằng điều kiện xã hội hiện tại của đất nước ông là “biểu hiện của lòng thương xót Chúa”, và tiếp tục tuyên bố rằng “Nga là lãnh đạo của thế giới tự do”
Source:First Things
 
Nghiêm trọng: GH tại Đức quyết định phong chức linh mục cho phụ nữ, cho giáo dân bầu Giám Mục
VietCatholic Media
16:25 05/02/2022


Tiến Trình Công Nghị Đức thách thức Giáo Hội công khai ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ

Hôm thứ Sáu, những người tham gia “Tiến Trình Công Nghị” của Giáo Hội Công Giáo Đức đã bỏ phiếu ủng hộ việc phong chức linh mục cho phụ nữ.

CNA Deutsch, đối tác tin tức tiếng Đức của CNA, báo cáo rằng đề nghị phong chức linh mục cho phụ nữ đã được thông qua với 174 phiếu thuận, 30 phiếu chống và 6 phiếu trắng vào ngày 4 tháng 2 trong một phiên họp toàn thể của Tiến Trình Công Nghị Đức, một quá trình tập hợp các các giám mục và giáo dân của đất nước, kéo dài nhiều năm, và gây tranh cãi rất lớn.

Cuộc bỏ phiếu này được xem là một thách thức trực tiếp đối với Vatican, vì nhiều lần Tòa Thánh đã nhấn mạnh rằng Giáo Hội không có quyền phong phụ nữ làm linh mục.

Tài liệu có tựa đề “Phụ Nữ Trong Các Mục Vụ Và Chức Vụ Trong Giáo Hội” cho biết: “Việc phụ nữ tham gia vào tất cả các chức vụ và sứ vụ của Giáo Hội là chuyện đương nhiên, vì thế cần phải biện minh tại sao phụ nữ bị loại trừ khỏi các thừa tác vụ bí tích.”

Cuộc bỏ phiếu diễn ra vào ngày thứ hai của cuộc họp Thượng Hội Đồng Đức, ở Frankfurt, Tây Nam nước Đức. Thượng Hội Đồng Đức là cơ quan ra quyết định tối cao của Tiến Trình Công Nghị.

Thượng Hội Đồng Đức bao gồm các giám mục Đức, 69 thành viên của Ủy ban Trung ương Giáo dân ZdK rất có quyền lực, và đại diện của các bộ phận khác trong Giáo Hội Đức.

Trong một cuộc tranh luận trước cuộc bỏ phiếu, một số diễn giả đã chỉ trích văn bản đề nghị phong chức linh mục cho phụ nữ. Văn bản này được gọi là Tài Liệu Làm Việc, tạo cơ sở cho các cuộc thảo luận tiếp theo trước khi có kết luận cuối cùng của Tiến Trình Công Nghị vào năm 2023.

Các nhà phê bình bao gồm Đức Cha Rudolf Voderholzer của Regensburg, Ông Hanna-Barbara Gerl-Falkovitz, một triết gia đoạt giải Ratzinger năm 2021, và nhà thần học Marianne Schlosser.

Cuộc bỏ phiếu diễn ra một ngày sau khi các thành viên của một nhóm người Đức có tên “Khởi đầu mới” kêu gọi các giám mục trên khắp thế giới lên tiếng chống lại Tiến Trình Công Nghị Đức.

Họ cảnh báo rằng:

“Cuộc ly giáo tiếp theo trong Kitô giáo đang đến gần. Và nó sẽ lại đến từ nước Đức.”

Trước đó, vào hôm thứ Sáu, các thành viên của Tiến Trình Công Nghị Đức đã ủng hộ lời kêu gọi bãi bỏ luật độc thân linh mục trong Giáo Hội Latinh.

Tài liệu kêu gọi việc độc thân của các linh mục là tùy chọn và kêu gọi phong chức linh mục cho các “viri probati”, tức là những người đàn ông đã kết hôn, trưởng thành. Tài liệu gợi ý rằng chủ đề này có thể được thảo luận tại một Thượng Hội Đồng trong tương lai tại Vatican, một cuộc tụ họp long trọng của các giám mục trên thế giới.

Sau đó vào ngày 4 tháng 2, hội đồng đã bỏ phiếu ủng hộ việc tranh luận thêm về một tài liệu kêu gọi các nữ phó tế, với 163 phiếu ủng hộ, 42 phiếu chống và 6 phiếu trắng.

Tiến Trình Công Nghị Đức cũng thông qua một văn bản kêu gọi sự tham gia của giáo dân trong việc lựa chọn các tân giám mục, với 177 phiếu thuận, 24 phiếu chống và 6 phiếu trắng. Cho đến nay quyền bổ nhiệm các Giám Mục là do Đức Thánh Cha quyết định, trừ ra trong một số trường hợp như tại Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa. Những người ủng hộ đề nghị này cho rằng nếu Đảng Cộng sản Trung Quốc có quyền lựa chọn Giám Mục thì người Công Giáo Đức cũng phải có quyền đó. Đề xuất này được 79% giám mục có mặt ủng hộ.

Vào ngày đầu tiên của Tiến Trình Công Nghị, kết thúc vào ngày 5 tháng Hai, các thành viên đã thông qua một “văn bản định hướng”, đặt ra nền tảng thần học của Tiến Trình Công Nghị, cũng như một tài liệu về “quyền lực và sự phân chia quyền lực trong Giáo Hội”.

Các giáo hoàng gần đây, bao gồm cả Đức Giáo Hoàng Phanxicô, đã nhấn mạnh rằng việc truyền chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo là dành riêng cho nam giới.

Trong tông thư Ordinatio sacerdotalis năm 1994, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II viết rằng “Giáo Hội không có thẩm quyền nào để truyền chức linh mục cho phụ nữ và phán quyết này phải được tất cả các tín hữu của Giáo Hội tuân giữ một cách dứt khoát”.

Trong một cuộc họp báo trên chuyến bay vào năm 2016, Đức Thánh Cha Phanxicô đã được hỏi liệu có khả năng phong chức linh mục trong Giáo Hội Công Giáo trong vài thập kỷ tới hay không.

Ngài trả lời: “Về việc phong chức linh mục cho phụ nữ trong Giáo Hội Công Giáo, lời rõ ràng cuối cùng đã được đưa ra bởi Thánh Gioan Phaolô II, và điều này vẫn giữ nguyên như thế”.

Tháng trước, một trang web do Ban Thư ký chung của Thượng Hội đồng Giám mục tại Vatican giám sát đã liên kết với một nhóm vận động cho việc phong chức cho phụ nữ.


Source:Catholic News Agency
 
Tin buồn: Hiệu ứng domino của trò nhục mạ Đức Bênêđíctô, cánh tả Tây Ban Nha đấu tố Giáo Hội
VietCatholic Media
18:09 05/02/2022


1. Vatican dự kiến thâm hụt 30 triệu đô la trong năm 2022

Vatican dự kiến thâm hụt ngân sách lên đến 30 triệu đô la trong năm 2020, với 721 triệu đô la chi vượt quá 691 triệu đô la doanh thu.

Mặc dù mức thâm hụt thấp hơn con số dự kiến là 38 triệu đô la, nhưng sự thiếu hụt tiếp tục sẽ buộc Vatican phải giảm các hoạt động. Và khó khăn phức tạp là sự sụt giảm mạnh về đóng góp cho quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô trên toàn thế giới.

Linh mục Juan Antonio Guerrero Alves, Tổng trưởng Bộ Kinh tế, đã trình bày những con số ngân sách cơ bản cho Vatican News. Ngài nói rằng Bộ Kinh tế Tòa Thánh sẽ sớm đề nghị kế toán đầy đủ các khoản chi tiêu cho các giám mục trên thế giới - và ám chỉ rằng các giáo phận có thể được yêu cầu giúp bù đắp sự thiếu hụt của Vatican. Ngài nói: “Chúng tôi chắc chắn cần một kế hoạch để cải thiện doanh thu.

Cha Guerrero nói rằng các biện pháp cắt giảm chi phí đã cắt giảm mạnh chi tiêu trong Giáo triều Rôma. Nhưng đồng thời ngân sách của Vatican đã mở rộng để bao gồm các tổ chức — mặc dù đó không phải là bộ phận chính thức của Vatican, nhưng “thuộc trách nhiệm tài chính của Tòa Thánh.” Bao gồm trong danh mục này là bệnh viện Bambino Jesus, một số cơ sở, bốn Đền Thờ lớn của Rôma, và các đền thờ ở Loreto, Pompei và Padua. Do sự bao gồm các tổ chức này, ngân sách do Vatican quản lý đã tăng vọt từ 300 triệu euro lên hơn 800 triệu đô la, và Cha Guerrero hy vọng nó sẽ sớm vượt quá 1 tỷ euro.

Về quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô, được quảng bá khắp thế giới để ủng hộ Tòa Thánh, Cha Guerrero đã báo cáo về sự sụt giảm đáng lo ngại trong những năm gần đây. Năm nay, ngài dự đoán số tiền quyên góp sẽ giảm 15%. Trong khi một số sụt giảm có thể là do kết quả của việc khóa cửa Covid, doanh thu của quỹ Đồng Tiền Thánh Phêrô đã giảm 23% trong 5 năm trước đó, cho thấy một xu hướng dài hạn nghiêm trọng. Cha Guerrero nhận xét: “Điều này sẽ khiến chúng ta phải suy nghĩ về các phương pháp khác để kêu gọi sự giúp đỡ của các tín hữu.

Tổng trưởng Ban Thư ký Kinh tế cho biết các khoản chi tiêu của Vatican hiện đang được kiểm soát chặt chẽ, với những cải cách gần đây cung cấp sự bảo đảm về quyền quản lý có trách nhiệm. Ngài cho biết: “Thời của việc thực hiện các hoạt động kinh tế một cách tùy tiện và không có tài khoản đã hết. Tuy nhiên, Cha Guerrero có thể đã làm suy yếu độ tin cậy của tuyên bố đó bằng cách nhấn mạnh rằng một giao dịch bất động sản thảm khốc ở London, vốn là chủ đề chính của một phiên tòa hình sự lịch sử ở Vatican, là “một hoạt động được thực hiện hoàn toàn minh bạch và tuân theo các quy tắc mới nhất dành cho các hợp đồng của Vatican”.
Source:Catholic World News

2. Giáo Hội Tây Ban Nha gặp rắc rối rất to sau vụ tấn công nhục mạ Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16

Các thống kê khách quan chỉ ra rằng các vụ lạm dụng tính dục xảy ra ở mọi môi trường trong xã hội. Tội lỗi lạm dụng tình dục do hàng giáo sĩ gây ra không quá 1% trong tổng số các vụ lạm dụng. Nạn lạm dụng tính dục xảy ra thường xuyên nhất là trong môi trường gia đình. Tuy nhiên, các kẻ thù của Giáo Hội trong mưu toan đầy ác ý muốn thiết lập phương trình Giáo Hội Công Giáo = Lạm dụng tính dục. Mưu toan đó không phải là dễ dàng mà làm được.

Tuy nhiên, mưu toan ấy gần đây lại được tiếp sức bằng chiêu thức “Ủy ban độc lập điều tra tội lỗi lạm dụng tính dục” do các luật sư Đức cầm đầu. Nói đến từ “luật sư”, ta phải nghĩ ngay đến từ “thân chủ”. Thân chủ là ai? Thưa: là người trả tiền cho luật sư. Có khi nào luật sư lại đi tố cáo thân chủ mình không? Điên à? Cho nên, cái “Ủy ban độc lập” ấy chẳng “độc lập” tí nào. Nó hành động theo ý muốn của “thân chủ”.

Chiêu “Ủy ban độc lập” là một chiêu độc. Nó độc đến mức có thể tấn công cả Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 là người đã thiết lập ra các giao thức chống lại một cách quyết liệt tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ.

Khi nhận ra cả Đức Bênêđíctô cũng bị tấn công, các thế lực chống Công Giáo nhận ra ngay tiềm năng to lớn của chiêu “Ủy ban độc lập” ấy, và phải cấp bách nhân “điển hình tiên tiến” này đại trà ở nhiều nơi trên thế giới để làm câm nín, và “thuần hóa” Giáo Hội.

Tây Ban Nha là một thí dụ. Đức Hồng Y Juan Jose Omella, Tổng giám mục Barcelona và chủ tịch Hội Đồng Giám Mục Tây Ban Nha, gọi tắt là SEC, nhiều lần bác bỏ ý kiến thành lập “Ủy ban độc lập” kiểu Đức vì ngài thấy đó là chuyện nực cười. Các phúc trình do cái “Ủy ban độc lập” ấy đưa ra sớm bị công chúng cho rằng chẳng qua là “vừa đá bóng vừa thổi còi” mà lại mất một số tiền lớn. Thành ra, ngài không muốn thành lập cái Ủy ban như thế, chứ không phải vì e ngại rằng Ủy ban ấy sẽ lôi ra các tội lỗi của hàng giáo sĩ.

Ngay sau khi vụ tấn công nhục mạ Đức Bênêđíctô nổ ra, liên minh cầm quyền của Tây Ban Nha lập tức đòi các vụ lạm dụng tình dục trong lịch sử tại nước này phải được điều tra. Thủ tướng Pedro Sánchez, của Đảng Công Nhân Xã Hội, với chủ trương bài Công Giáo ra mặt, cho biết ông ta sẽ gặp các nạn nhân bị lạm dụng trước khi quyết định các bước tiếp theo.

Người đứng đầu chính phủ liên minh cai trị Tây Ban Nha cho biết: “Chúng tôi sẽ nói chuyện và hình thành các cơ cấu. Chiều kích con người của vấn đề này là quan trọng.”

Ba đảng cánh tả - Unidas Podemos, ERC và EH Bildu - đã trình đơn yêu cầu thành lập một ủy ban tại Quốc hội Tây Ban Nha để khởi động một cuộc điều tra về các vụ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên trong Giáo Hội Công Giáo.

Ba bên đã trình bản kiến nghị gọi đây là “những sự kiện đáng ghê tởm” và nói rằng họ coi những nỗ lực mà Hội đồng Giám mục Tây Ban Nha thực hiện cho đến nay là không đủ.

Trong một tuyên bố được Europa Press trích dẫn, Jaume Asens, chủ tịch nhóm nghị sĩ của Unidas Podemos, giải thích rằng “đây là những sự thật đáng ghê tởm không chỉ là vấn đề đối với các nạn nhân mà còn cả xã hội như một nền văn minh khi đối mặt với sự từ chối của lãnh đạo Giáo hội Tây Ban Nha tuân theo các khuyến nghị của Giáo hoàng trong vấn đề này”.

Ông cáo buộc các giám mục có “thái độ cản trở” đối với một cuộc điều tra độc lập sẽ được thực hiện, như các trường hợp ở Pháp hoặc Đức. Ông lập luận rằng trước thái độ này, ủy ban phải được thiết lập nhằm mục đích biết “toàn bộ sự thật, để đền bù cho các nạn nhân, xác định trách nhiệm và điều này sẽ không bao giờ xảy ra nữa.”

Asens tuyên bố rằng Hội Đồng Giám Mục “đã giả điếc làm ngơ, đã nhìn theo hướng khác, và điều nghiêm trọng đối với chúng tôi, là ban lãnh đạo giáo hội đã không mở kho lưu trữ của mình, không thông báo dữ liệu về số lượng nạn nhân, đã từ chối trách nhiệm của mình, đã tầm thường hóa mức độ nghiêm trọng của những sự kiện này bằng cách nói về những trường hợp nhỏ”.

Đức Hồng Y Juan Jose Omella, chủ tịch SEC, cho biết vào đầu tháng này sau cuộc gặp gỡ với Đức Phanxicô rằng ngài hy vọng sẽ đưa ra ánh sáng những hành vi lạm dụng gây ra bởi các thành viên của hàng giáo sĩ Tây Ban Nha, cũng như các nam nữ tu sĩ và giáo dân, nhưng nói rằng hiện tại các giám mục không có kế hoạch triệu tập một ủy ban độc lập.

Sánchez là lãnh đạo của Đảng Công nhân Xã hội Tây Ban Nha. Hai đảng lớn khác, PP và VOX, đã lên tiếng ủng hộ SEC và bác bỏ khả năng này.

Trong tổng số 50 triệu dân Tây Ban Nha, 70% là người Công Giáo. 11% là người vô thần. Như thế, tỷ lệ người vô thần tại Tây Ban Nha thuộc loại cao nhất trong các nước Âu Châu. Tuy nhiên, nói thế cũng chưa đủ, những người vô thần tại Tây Ban Nha khác với những người vô thần ở các quốc gia khác là họ không có khuynh hướng sống chung hòa bình, nhưng quyết liệt “ăn thua đủ”. Nói theo kiểu cộng sản, họ quyết liệt muốn giải quyết vấn đề “ai thắng ai”.

Đó là bối cảnh dẫn đến cuộc nội chiến tại Tây Ban Nha kéo dài từ ngày 17/7/1936 đến 1/4/1939. Trong cuộc chiến này,13 Giám Mục, 4172 linh mục triều và các chủng sinh, 2364 linh mục dòng và các nam tu sĩ cùng với 283 nữ tu đã bị Mặt Trận Bình Dân sát hại. Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã tôn phong 233 vị tử đạo Tây Ban Nha. Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 tôn phong 498 vị. Cho đến nay, Đức Thánh Cha Phanxicô đã tôn phong cho hơn 600 vị tử đạo Tây Ban Nha.

Các vị Giám Mục ở Đức hô hào Tiến Trình Công Nghị thường viện dẫn tội lỗi lạm dụng tính dục của hàng giáo sĩ làm chiêu bài cho các cải cách cấp tiến của họ. Tội lỗi lạm dụng tính dục là một vấn đề nghiêm trọng của Giáo Hội. Chắc chắn rồi. Nhưng tại sao để giải quyết vấn đề này cần phải tái định nghĩa lại hôn nhân? Tội lỗi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ thì có liên quan gì đến việc chúc lành cho các kết hiệp đồng tính? Hay có liên quan gì đến việc cho người Tin lành được rước lễ trong các thánh lễ Công Giáo? Tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ chỉ là chiêu bài cho các Giám Mục Đức tung ra những nghị trình mà họ đã ấp ủ từ lâu.

Những kẻ bày ra chiêu “Ủy ban độc lập” trong mưu toan đưa tội lỗi lạm dụng tình dục ra làm bóng ma để buộc Giáo Hội phải chạy theo các chương trình nghị sự ý thức hệ của họ phải chịu trách nhiệm về những hậu quả thê thảm do họ gây ra.
Source:Crux