Ngày 24-02-2012
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 3
VietCatholic Network
07:40 24/02/2012
Giữ chay trong hân hoan và hy vọng

Ấn tượng của bạn khi giữ chay là gì? Có phải đó là một cách để than khóc cho tội lỗi của bạn không? Bạn có thấy đó là một nghĩa vụ tôn giáo - một điều mà hễ là người Công Giáo thì phải thực thi không?

Ðức Giêsu muốn việc giữ chay của các môn đệ Ngài khác hoàn toàn với những ấn tượng trên. Thực ra, thay vì là một dịp để than khóc, việc giữ chay là một dịp để vui mừng hớn hở và mong đợi.

Ðức Giêsu phán rằng khi Ngài, là tân lang trong tiệc cưới, được cất đi, các khách dự tiệc cưới, là các môn đệ Ngài, hãy than khóc. Nhưng, Ðức Giêsu cũng đã hứa với chúng ta "Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế".(Mt 28:20). Ngài ở cùng ta bằng nhiều cách: trong Thánh Thần của Ngài, trong Kinh Thánh, trong bí tích Thánh Thể, trong Giáo Hội, trong các vị mục tử, và giữa chúng ta khi chúng ta tập hợp nhau cầu nguyện trong danh Ngài. Trong rất nhiều cách thực sự và đụng chạm được, "tân lang" đang ở với chúng ta! Do đó, người Kitô hữu không nên giữ chay như một dấu hiệu than khóc.

Ðối với con cái Thiên Chúa- tất cả những ai thấu hiểu sự hiện diện của Chúa trong tâm hồn họ - giữ chay liên hệ mật thiết với cầu nguyện. Khi chúng ta từ bỏ chính mình cách này cách khác, chúng ta tìm thấy sự cần thiết phải hành động vì các nhu cầu của người khác. Chúng ta nên một hơn, được tự do hơn khỏi những ràng buộc của thế gian, và gần gũi hơn với sự đói khát Ðức Giêsu trong lòng mọi người. Khi được liên kết với lời cầu nguyện, giữ chay giúp ta chiến thắng tội lỗi và giữ chúng ta chú tâm vào những gì là thiết yếu. Chay tịnh giúp ta xua đi những chia trí để ta nghe tiếng Chúa rõ ràng hơn. Chay tịnh cũng giúp ta đánh giá cao những gì ta có và cầu nguyện thêm cho những người thiếu may mắn hơn. Xa hơn nữa, chay tịnh và lời cầu nguyện dẫn chúng ta đến những nỗ lực cho công lý, hòa bình và lòng thương xót trên thế giới này.

Có thể nào giữ chay một cách hân hoan không? Ðược chứ. Ðúng ra, giữ chay mà đừng thiểu não có lẽ chính là điều mà Ðức Giêsu đề cập trong Bài Giảng Trên Núi "Còn khi ăn chay, anh em chớ làm bộ rầu rĩ như bọn đạo đức giả: chúng làm cho ra vẻ thiểu não, để thiên hạ thấy là chúng ăn chay. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi ăn chay, nên rửa mặt cho sạch, chải đầu cho thơm, để không ai thấy là anh ăn chay ngoại trừ Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả công cho anh." (Mt 6:16-18).

Mùa Chay này sao bạn không thử giữ chay "đầy hân hoan" ? Hãy chọn một hình thức giữ chay hợp lý và cầu xin Thánh Thần hướng dẫn những ý cầu nguyện của bạn. Và luôn luôn nhớ rằng Ðức Giêsu, tân lang, đang ở giữa chúng ta.

"Lạy Chúa Giêsu, xin giúp con giữ chay cách hân hoan trong Mùa Chay này. Xin cho việc giữ chay và lời cầu nguyện của con đem lại nhiều điều tốt đẹp cho những người chung quanh con và cho thế giới".

Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:08 24/02/2012
VỢ BƯNG TRÀ
N2T

Một nhà nghèo nọ có khách đến thăm, chồng vì muốn sĩ diện nên lớn tiếng gọi:
- “Dọn trà ra”.
Bà vợ không chịu được, nên chỉ biết rót trà bưng ra, chồng làm bộ điệu ta đây thuận miệng hét lớn:
- “Đàn ông nhà ngươi đi đâu rồi ?”

Suy tư:
Trong xã hội có những ông chồng không bao giờ thấy nỗi khổ tâm của bà vợ, nên thường hay hạch sách la lối cộc cằn lỗ mãng coi vợ như đứa ở trong nhà; có những người bố không bao giờ nghĩ đến sự nhục nhã của các con với bạn bè của chúng nó, nên cứ sáng xỉn chiều say tối lê lết.
Người đàn ông đạo đức thì trước hết là biết kính sợ Thiên Chúa, sau đó là biết yêu thương vợ con và lo lắng cho gia đình; người đàn ông đạo đức thì không rượu chè cờ bạc và không la cà ở quán nhậu sau giờ làm việc, bởi vì:
“Đừng nhập bọn với quân chè chén say sưa,
với những kẻ chỉ mê ăn mê nhậu.
Bởi vì kẻ say sưa ăn nhậu ắt sẽ phải túng nghèo;
kẻ mơ màng buồn ngủ sẽ khố rách áo ôm”. (Cn 23, 20-21)

Người đàn ông khôn ngoan thì biết đặt gia đình trên tất cả mọi thú vui, bởi vì không có thú vui và hạnh phúc nào cho bằng hạnh phúc gia đình, sách Giảng Viên đã dạy rằng:
“Cùng với người vợ yêu thương,
bạn hãy hưỡng trọn cuộc đời,
hết mọi ngày trong kiếp sống phù du
đã được ban cho bạn dưới ánh mặt trời,
vì đó là phần bạn đáng hưởng trong cuộc đời,
giữa bao công việc khó nhọc bạn làm
dưới ánh mặt trời, trong những ngày của kiếp sống phù du”. (Gv 9, 9)

---------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
04:10 24/02/2012
N2T

10. Ma quỷ thích nhất tâm hồn con người buồn phiền, nhìn thấy tâm hồn buồn phiền thì nó cám dỗ họ buồn rầu thất vọng, để tham cái vui sướng của thế tục.

(Thánh Francois de Assisi)
 
40 bài tĩnh tâm Mùa Chay: Bài 4
VietCatholic Network
07:39 24/02/2012
Mọi người đều có thể hoán cải để quay về với đường lối Chúa.
Ngay cả những kẻ tội lỗi cứng lòng nhất cũng có thể được biến đổi bởi tình yêu thương và sự tử tế. Ðó là bài học trong câu chuyện Ðức Giêsu gặp gỡ người thu thuế tên Lê-vi, cùng ăn uống với ông và những bạn bè tội lỗi của ông. Mọi ngày trong đời Ngài, Ðức Giêsu đã minh họa lời khuyên nhủ của tiên tri Isaia: "đừng chỉ trỏ xét đoán" (Isaia 58:9). Ngài khước từ lên án bất cứ ai. Thay vào đó, ngài chấp nhận họ và tìm phương chữa lành cho tâm hồn họ.

Ðức Giêsu không chùn bước trước tội lỗi của ông Lê-vi. Ðiều quan tâm chủ yếu của Ngài là liệu rằng người này có ăn năn, từ bỏ tội lỗi, và nhận lấy một quả tim mới không. Ðức Giêsu không tránh xa những kẻ "ô uế" hay tội lỗi. Ngài không bao giờ sợ hãi sự tinh tuyền của Ngài bị đe dọa bởi họ. Ngài cũng không tìm cách chứng tỏ mình lành thánh hơn bằng cách vạch ra lỗi lầm của kẻ khác. Thay vào đó, Ngài xô ngã những bức tường chia cách để đem sự tinh tuyền của Phúc Âm đến cho mọi người Ngài tiếp xúc.

Quá thường, khi chúng ta đối diện với hành vi tội lỗi của người khác, đáp trả của chúng ta là rút lui. Biết bao nhiêu người trong chúng ta xa lánh bạn bè hay người thân để có thể "lên án" họ, hay tránh mời những kẻ quen biết vào nhà để những hành vi "xấu xa" của họ khỏi làm phiền ta. Nhiều người trong chúng ta vẫn ôm giận trong lòng và từ chối hợp tác với những kẻ đã có lần xúc phạm đến ta. Nhưng có bao giờ chúng ta tự hỏi liệu những cách thế đó có mang lại sự hoán cải cho những người ta coi là tội lỗi không?

Ðức Giêsu chỉ cho ta cách để đến với tha nhân. Mặc dù Ngài không bao giờ chấp nhận một thứ chân lý nhượng bộ cũng chẳng hùa theo người ta mà lơ là luật Thiên Chúa, Ngài đối xử với mọi người đầy thương xót và tôn trọng, bất kể tội lỗi của họ.

Bạn hãy học cách thức đến với tha nhân và yêu thương họ như Ðức Giêsu đã làm. Bạn đừng xét đoán họ! Duy một điều đáng làm là hãy yêu thương họ với tình yêu của Ðức Kitô và bạn sẽ kinh ngạc trước những hệ quả lớn lao mà bạn có thể thực hiện. Qua tình yêu và sự trung tín với Thiên Chúa mà mọi người có thể nên công chính.

"Lạy Chúa Thánh Linh, xin cho con quả tim của Chúa Giêsu trong Mùa Chay này. Xin hãy để một tình yêu mạnh mẽ và đầy xót thương hướng dẫn con khi con đến với tha nhân, đặc biệt với những ai đang quay mặt đi với Chúa".
Quý vị có thể xem tất cả các videos Mùa Chay tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos
 
Tin Mừng giúp hoán cải
Lm Giuse Nguyễn Văn Nghĩa
10:48 24/02/2012
Chúa Nhật I Mùa Chay B

“Thời kỳ đã mãn và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng”(Mc 1,1..). Nội dung lời rao giảng của Đấng Cứu Thế, Giêsu Kitô thật ngắn gọn mà rõ ràng và đủ đầy ý nghĩa. Đang bước vào Mùa Chay thánh, xin được sẻ chia đôi tâm tình liên hệ đến vế sau lời rao giảng của Chúa Kitô: “Anh em hãy ăn năn sám hối và tin vào Tin Mừng. Thử hỏi rằng phải chăng nhờ ăn năn sám hối nên chúng ta tin vào Tin Mừng hay nhờ tin vào Tin Mừng nên chúng ta sám hối ăn năn?

Để có được câu trả lời mang tính khả tín thì chúng ta cần làm rõ nội hàm của hai từ Tin Mừng. Hai từ Tin Mừng vừa nói lên sứ điệp gieo rắc niềm vui đích thực vừa nói đến chính niềm hạnh phúc, niềm vui trọn hảo. Như thế Tin Mừng ở đây chính là Chúa Kitô, là con người, cuộc đời, các hoạt động và lời giảng dạy của Người. Nước Thiên Chúa đang ở giữa chúng ta. Nước Trời chính là Chúa Kitô và Tin Mừng cũng chính là Người. Và ai thấy Người là thấy Chúa Cha (x.Ga 14,9).

Đến thế gian này sứ mạng chủ yếu của Chúa Kitô là tỏ bày cho nhân loại nhận biết chân dung đích thực của Thiên Chúa tối cao cũng như chương trình ý định của Ngài trên toàn thể thụ tạo, cách riêng trên loài người chúng ta.

Bài đọc thứ nhất trích sách Sáng thế nói đến một Thiên Chúa tự nguyện ký kết giao ước với nhân loại. Người tự nguyện cam kết rằng sẽ không trừng phạt con người: “Ta lập giao ước của ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thuỷ huỷ diệt…”(St 9,11). Thiên Chúa sẽ không bao giờ quên giao ước Người đã lập. Và mọi đường lối của Người đều là yêu thương và thành tín (x.Tv 24). Lòng thành tín của Thiên Chúa đã hiện lộ cách rõ nét khi đến thời viên mãn với công cuộc nhập thể cứu độ của Chúa Kitô.

Để giúp con người từ bỏ tội lỗi, ăn năn sám hối và đổi thay nếu sử dụng phương pháp hù doạ, nghĩa là trình bày các hậu quả xấu xa phải gánh chịu, thi dường như dễ có kết quả tức thời nhưng lại không bền. Bên cạnh đó cái phương pháp này nhiều khi làm méo mó chân dung Thiên Chúa, Đấng tốt lành vô cùng, là Cha nhân hậu, giàu lòng xót thương.

Khởi đầu sứ vụ rao giảng tin mừng, Chúa Kitô đã xác nhận lời tiên tri Isaia ứng vào sứ mạng của mình: “Thần Khí chúa ngự trên tôi, vì chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…” (Lc 4,18-19). Một nội dung chính của Tin Mừng đó là :“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16).

Mùa Chay thánh đã về, đoàn Kitô hữu thường được nghe các vị chủ chăn nói đến chủ đề tội lỗi. Đây là một việc làm chính đáng. Thế nhưng nếu quá chăm chăm dán mắt vào cái được gọi là tội lỗi thì nhiều khi chúng ta sẽ bị lệch lạc trong cái nhìn. Mầu nhiệm tội lỗi chỉ được sáng tỏ khi chúng ta quy chiếu cái nhìn vào Thiên Chúa và tình yêu Người đã dành cho chúng ta. Thiên Chúa, Đấng Tối Cao và giàu lòng xót thương là khởi điểm để chúng ta nhận ra thân phận tội lỗi của mình và cũng là đích đến khi chúng ta nỗ lực ăn năn hoán cải, đổi thay, trở về.

Một thực tế của Mùa Chay: Nơi nơi, xứ xứ đều có lời mời gọi sám hối và các cử hành bí tích Hoà Giải. Chuyện các Kitô hữu Công giáo, cách riêng người công giáo Việt Nam chen nhau đến toà giải tội dịp Mùa Chay là chuyện quá phổ biến, ít ai chối cãi. Các vị mục tử có nơi phải sắp xếp lịch trình hợp lý mới có thể đáp ứng được nhu cầu này của đoàn tín hữu. Thế nhưng có chăng việc xưng thú lỗi lầm ấy chẳng qua là chỉ để thanh thản lương tâm chút nào đó hầu tham dự các Lễ nghi của Tuần Thánh và để đủ điều kiện rước Thánh Thể dịp Phục sinh? Đại Lễ Phục sinh đến thì mọi sự lại trở về như xưa. Mùa Chay vội qua như nó chưa từng đến. Một sự đổi thay mang tính tích cực và lâu bền chỉ có thể đặt trên nền tảng một cảm nghiệm sâu xa về Tin Mừng là tình yêu của Thiên Chúa dành cho chúng ta.

Không phải chúng ta sám hối ăn năn rồi chúng ta mới tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa Tình Yêu, nhưng nhờ tin vào Tin Mừng là Thiên Chúa giàu lòng xót thương thì chúng ta mới thành tâm ăn năn sám hối, thay đổi đời sống cách cụ thể thiết thực và lâu bền. Ước gì chân dung Thiên Chúa Tình yêu được tỏ lộ nơi đoàn tín hữu Kitô, đặc biệt nơi các vị mục tử để nhiều tâm hồn lầm lạc biết ăn năn trở về. Và khi ấy chúng ta có thể nói rằng Mùa Chay không phải là mùa của sầu khổ, đau buồn mà đich thực là Mùa của hồng ân.

Mong sao không chỉ các đấng bậc trong Hội thánh mà cả đoàn tín hữu Kitô nhiệt thành loan Tin Mừng để tội nhân khi “tin vào Tin Mừng, thì biết sám hối ăn năn”. Tin Mừng cần được loan báo ở đây đó là: làm cho kẻ bị giam cầm thoát khỏi xiềng xích ngục tù, làm cho người mù được sáng mắt, trả tự do cho người bị áp bức, làm cho người nghèo hèn, kém phận biết họ được ưu ái, cho người tội lỗi biết họ luôn được đón chờ và thứ tha…
 
Sức mạnh để chiến thắng cám dỗ
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
10:49 24/02/2012
Chúa nhật I mùa chay

Trước khi bắt đầu sứ vụ rao giảng Tin Mừng, Chúa Giêsu được Thánh Thần thúc đẩy đi vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Người cảm thấy đói. Satan xuất hiện, mon men lại gần để cám dỗ. Chúa đã chiến thắng Satan bằng sức mạnh Thánh Thần và Lời Thiên Chúa.

1. Ba cơn cám dỗ

- Cơn cám dỗ thứ nhất phát xuất từ cái đói. Ma quỷ gợi ý cho Chúa Giêsu “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hóa bánh đi” (Mt 4,3). Cơn cám dỗ về bánh nói lên ước muốn căn bản nhất là bản năng sinh tồn của con người. Thân xác với những khát khao thèm muốn luôn đòi hỏi phải được nuôi nấng, chiều chuộng và vỗ về.

- Trong cơn cám dỗ thứ hai, ma quỷ đưa Chúa Giêsu lên thượng đỉnh đền thờ và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy gieo mình xuống coi! Bởi đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4,5). Ma quỷ dùng Tv 91,11 để gợi ý cho Chúa Giêsu nhảy từ nóc đền thờ xuống, xem Thiên Chúa có biểu lộ quyền năng của Người hay không. Cám dỗ thách đố Thiên Chúa biểu lộ quyền năng để tìm vinh quang cá nhân. Đó là bản năng đối kháng lại những giới hạn của cuộc sống nhân sinh. Con người thường muốn quên đi những điều kiện sinh sống giới hạn của mình. Họ muốn cất cánh bay lên cõi thần tiên bằng men rượu, ma túy, lạc thú…

- Trong cơn cám dỗ thứ ba, ma quỷ đem Chúa Giêsu lên một ngọn núi cao và chỉ cho Người thấy các nước thiên hạ và các thứ phú quý, rồi nói: “Tôi sẽ cho ông tất cả những cái ấy, nếu ông sấp mình thờ lạy tôi…” (Mt 4,9). Một cơn cám dỗ đã hằng theo đuổi dân Israel, chẳng những trong thời gian hành trình sa mạc mà cả khi định cư trên đất Palestina. Đó là thờ lạy các tà thần mong được giàu sang, quyền thế, có khả năng thống trị các quốc gia khác. Bản năng thống trị, cái “ý chí quyền lực” nằm sẵn trong mỗi một con người. Người ta thường muốn cai trị và sai khiến những người yếu hơn mình. Xưa dân Do thái đã tạc tượng bò vàng và thờ lạy nó. Ngày nay, ngẫu tượng hay bò vàng chính là tiền tài, danh vọng, lạc thú, vật chất, tiện nghi, sắc dục.

Ba cơn cám dỗ của Chúa Giêsu đều đã bắt đầu bằng chữ “nếu”. Chúng khởi sự bằng một lý luận với những lý do có vẻ chính đáng, hợp lý và đáng ao ước để tấn công vào những đòi hỏi của bản năng con người Giêsu.

Tuy là ba cơn cám dỗ, nhưng vẫn chỉ là một. Bởi trọng tâm của vấn đề chính là gieo rắc sự khủng hoảng của niềm tin. Chúa Giêsu bị cám dỗ nghi ngờ về căn tính Con Thiên Chúa của chính mình. Cả ba Phúc âm Mátthêu, Máccô, Luca đều mô tả cơn cám dỗ ngay sau khi Chúa chịu phép Rửa ở sông Giođan, và có tiếng từ trời phán “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3.17). Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu quay lưng lại với sứ mạng đã nhận từ nơi Chúa Cha (GLTC #394).

Cơn cám dỗ Chúa Giêsu cũng giống như cơn cám dỗ của Ađam và Eva trong bài đọc một (St 2,7-9;3,1-7). Ma qủy gieo sự nghi ngờ và mất niềm tin nơi những kẻ được gọi là con cái Thiên Chúa. Qua bản năng ăn uống thèm khát của thể xác, nó khơi dậy bản năng phản kháng bất tuân lệnh Chúa và sau cùng, con người sa ngã ở “ý chí quyền lực”, bản năng đòi bá chủ và thống trị vì muốn ngang hàng với Thiên Chúa.

Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer. Không vượt qua được cơn cám dỗ, Lucifer đã trở thành Satan.

Thụ tạo đầu tiên trong con người là Ađam và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Và hai Nguyên Tổ này cũng đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ.

Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.

Chúa Giêsu sau khi đã trải qua những cám dỗ và thắng các cám dỗ cũng thấy được điều này, nên Người đã dạy các môn đệ không được coi thường bằng cách dựa vào sức lực, tài trí, và khả năng của riêng mình. Người dạy phải cầu nguyện và xin ơn Chúa Thánh Thần: “Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ. Nhưng cứu chúng con khỏi sự dữ”.

2. Sức mạnh nào giúp vượt thắng cám dỗ?

Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Chúa Giêsu không đi vào hoang địa một mình, nhưng mà Người đi cùng với Chúa Thánh Thần.

- “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)

- “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).

- “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).

Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Chúa Giêsu đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với các thánh trên trời.

Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

3. Cầu khẩn và kêu xin Chúa Thánh Thần bằng cách nào?

- Khi thằng quỷ dâm ô xúi tôi mở những emails lạ, dụ dỗ tôi tò mò đi vào những websites của Trư Bát Giới… Tôi phải mau mắn và thành tâm xin Chúa Thánh Thần soi lòng mở trí để tôi nhận ra rằng: “Ai nhìn người phụ nữ mà thèm muốn, thì trong lòng đã ngoại tình với người ấy rồi. Nếu mắt phải của anh làm cớ cho anh sa ngã, thì hãy móc mà ném đi; vì thà mất một phần thân thể, còn hơn là toàn thân bị ném vào hoả ngục (Mt 5,28-29).

- Khi thằng quỷ gian dối xúi tôi nói dóc, nói xạo, nói quanh co, nói sai sự thật, lừa bịp thiên hạ … tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần ban ơn khôn ngoan để tôi có thể nhớ lời của Chúa Giêsu phán dạy tôi rằng: “Hễ ‘có’ thì phải nói ‘có’, ‘không’ thì phải nói ‘không.’ Thêm thắt điều gì là do ác quỷ mà ra!” (Mt 5,37).

- Khi thằng quỷ kiêu căng, ngạo mạn xúi tôi phê bình chỉ trích người này, xét đoán người kia, lên án người nọ … thì tôi phải lập tức xin Chúa Thánh Thần giúp tôi nhớ rằng: “Anh em đừng xét đoán, thì anh em sẽ không bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án, thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” (Lc 6,37).

- Khi bị thằng quỷ dâm ô xúi tôi ly dị, bỏ chồng, phụ vợ, làm giấy ly dị giả … tôi phải cầu xin với Chúa Thánh Thần ngay để Ngài giúp cho tôi hiểu rằng “[Tôi và người bạn đời của tôi] không còn là hai [nữa], nhưng chỉ là một xương một thịt. Vậy, sự gì Thiên Chúa đã phối hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10,8-9).

- Khi thằng quỷ kiêu căng xúi tôi khoe khoang, tự kiêu tự đại … thì tôi xin Chúa Thánh Thần nhắc nhở cho tôi rằng: “Kiêu hãnh đi liền với ô nhục … kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào” (Cn 11,2; 16,18).

- Khi thằng quỷ giận hờn xúi tôi giận người này, ghét người kia, thù người nọ … thì tôi phải cần đến sự trợ lực của Chúa Thánh Thần, xin Ngài soi sáng để tôi hiểu rằng: “Ai giận anh em mình, thì đáng bị đưa ra toà. Ai mắng anh em mình là đồ ngốc, thì đáng bị đưa ra trước Thượng Hội Đồng. Còn ai chửi anh em mình là quân phản đạo, thì đáng bị lửa hoả ngục thiêu đốt (Mt 5,22).

- Khi thằng quỷ dâm dục xúi bẩy tôi đi ngoại tình, ăn chơi trác táng, quan hệ bừa bãi … tôi phải van nài Chúa Thánh Thần, xin Ngài nhắc nhở cho tôi nhớ rằng: “Thân xác [của con] là Đền Thờ của [Ta đấy nhé! Chớ có làm cho nó ra ô uế!]” (1 Cr 6,19).

Sau khi chịu phép Rửa tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ. Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu! Điều quan trọng là chúng ta có thánh tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!

Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa.

Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.

Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng. Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh. Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.
 
Cám dỗ trong đời sống con người
Lm. Giuse Nguyễn Thành Long
11:20 24/02/2012
Chúa Nhật I Mùa Chay B

Có anh chàng kia lần nào đi xưng tội cũng nồng nặc mùi rượu. Vị linh mục ngồi tòa rất lấy làm khó chịu. Ngài khuyên anh ta cố gắng trước khi đi xưng tội thì đừng uống rượu, nhưng không làm sao anh ta thực hiện được. Anh lấy lý do là trên đoạn đường đến nhà thờ có một quán rượu, nên hễ đi ngang qua đó, anh không thể cưỡng lại được, phải vào làm một xị đã rồi mới đi.

Vị linh mục chỉ cách cho anh : mỗi lần sắp sửa tới quán rượu, thì nhắm mắt lại, nín thở và chạy một hơi thật nhanh qua khỏi quán rượu đó.

Nghe xong, anh ta gật gù tỏ ý tâm đắc, rồi ra về. Thế nhưng, tháng sau anh tới xưng tội, lại nặc mùi rượu. Vị linh mục ngồi toà trước đây nhất quyết không giải tội cho anh. Ngài vặn hỏi :

- Sao con không áp dụng cách cha đã chỉ cho con?

- Thưa cha, con đã áp dụng rồi mà, và đã rất thành công nữa là khác.

- Thế tại sao con vẫn còn đầy mùi rượu?

Anh gãi đầu đáp :

- Cha biết đấy! Theo cách cha chỉ, con nhắm mắt lại, nín thở và chạy một hơi. Khi qua được quán rượu rồi, con mừng quá vì đã thành công tuyệt vời, nên con quay lại thưởng cho mình một xị.

Câu chuyện nói với chúng ta một sự thật: cám dỗ là một thực tại gắn liền với thân phận con người, từ thời tổ phụ Ađam, Evà. Con vật không bị cám dỗ vì chúng không có tự do và ý chí. Chỉ có con người mới bị cám dỗ. Có nhiều thứ cám dỗ. Cám dỗ của thức ăn, cám dỗ của thức uống (rượu, bia), của thuốc lá, của ma tuý; cám dỗ của thú vui nhục dục, của tiền bạc, địa vị, công danh và vô vàn hình thức cám dỗ khác, mà ta vẫn quen gọi là ba thù : ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Các thánh cũng bị cám dỗ triền miên, có khi còn bị cám dỗ dữ dội hơn những người thường nữa là khác. Chúa Giêsu đã xác nhận điều này: “Ma quỷ sẽ sàng các con như sàng gạo”. Chúng sàng cho đến khi lọt khỏi sàng mới thôi. Như thế, có thể nói được rằng các chước cám dỗ không buông tha bất cứ ai. Chúng sẽ bám riết con người cho đến chết. Chính Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ, như Tin Mừng hôm nay mô tả. Mặc dầu Ngài thực sự là Thiên Chúa, nhưng đồng thời Ngài cũng hoàn toàn là con người như chúng ta, nên "Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta" (Dt 4,15). Có điều đặc biệt là dù bị cám dỗ về “mọi phương diện” như chúng ta, nhưng Chúa Giêsu không bao giờ sa chước cám dỗ. Ngài không bao giờ phạm tội. Ngài đã chiến thắng, chiến thắng vẻ vang trước mọi cơn cám dỗ và luôn trung thành đi theo đường lối của Chúa Cha cho đến cùng.

Trong cuộc sống, không ai được miễn trừ cám dỗ. Tuy nhiên, điều chắc chắn là những cơn cám dỗ không nhằm khiến chúng ta sa ngã, nhưng làm cho đời sống đức tin chúng ta được trưởng thành, và trung kiên thi hành ý Chúa. Trong ý nghĩa đó, cám dỗ giúp thanh luyện ý chí, thanh luyện đức tin, đức cậy của chúng ta. Cám dỗ giúp con người chúng ta biết sống khiêm nhường và biết cậy trông vào Chúa cũng như vào ân sủng của Ngài hơn. Cám dỗ còn giúp ta lập công phúc nhờ chiến thắng các cơn cám dỗ đó.

Tắt một lời, những cơn cám dỗ có thể trở nên tuyệt vời trong hành trình nên thánh của người Kitô hữu. Vì thắng vượt được những cơn cám dỗ trong đời, làm cho các Kitô hữu tiến gần tới sự kết hiệp với Thiên Chúa toàn thiện. Niềm vui mỗi lần chiến thắng các chước cám dỗ, là niềm vui lớn lao, niềm vui vĩnh cửu.

Thế nhưng làm thế nào để có thể chiến thắng cám dỗ, vì thực tế số lần ta chiến bại nhiều hơn?

Trước hết cần phải biết mình. Biết mình là thân phận yếu đuối mỏng giòn. Kẻ nào tự phụ mình mạnh mẽ, mình vững vàng, kẻ đó dễ bị vấp ngã nhất. Biết mình có “tử huyệt” nào, điểm yếu nào khiến mình dễ sa ngã nhất. Bởi chưng, mỗi người đều có một “tử huyệt”, một chỗ hiểm riêng. Nơi người nầy là cái miệng tham ăn tham uống, nơi người khác là bệnh háo sắc, hay thói tham danh hám lợi, nơi người khác nữa có thể là lòng ích kỷ, hận thù, ghen ghét, kiêu căng, v.v… Cần phải xác định được đâu là những điểm yếu của mình, những “tử huyệt” của mình để cần canh phòng che chắn. Vì Satan chắc chắn biết rất rõ. Satan biết chính xác điều gì dễ khiến ta vấp ngã và hắn liên tục tìm cách đưa ta vào hoàn cảnh đó. Chính vì thế, thánh Phêrô đã cảnh giác chúng ta: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1Pr 5,8).

Thứ đến là biết Chúa. Biết Chúa là Chúa Tể đời mình để biết cậy dựa vào sức mạnh của Ngài. Cậy dựa vào Ngài bằng cách sống gắn bó vào Ngài. Suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã anh dũng chiến đấu chống mọi cơn cám dỗ và Ngài đã chiến thắng rất vẻ vang. Do đó, nếu biết cậy trông vào Chúa, ta sẽ có sức mạnh để chế ngự cám dỗ.

Đường dây điện thoại nối Thiên đàng với trần thế là đường dây trực 24/24. Thiên Chúa luôn mong muốn ta cầu xin Ngài giúp đỡ trong cuộc chiến chống lại cám dỗ. Chính Ngài đã phán: “Trong ngày gian truân hãy kêu cầu cùng Ta, Ta sẽ giải cứu ngươi, và ngươi sẽ ngợi khen Ta.” (Tv 50,15). Ta có thể gọi đây là lời cầu nguyện có “sóng cực ngắn”, vì khẩn cấp và trực tuyến. Nhiều khi bị cám dỗ tấn công, ta không có thời giờ để dài dòng với Chúa. Ta chỉ kịp kêu lên với Ngài bằng những lời nguyện tắt mà thôi. Đavít, Phêrô, Phaolô, và hàng triệu người khác vẫn cầu nguyện như thế trong lúc gặp thử thách gian truân.

Thực tế trong đời sống hằng ngày, nhiều khi đối diện với cám dỗ, thay vì “nói vâng” với Thiên Chúa, ta lại “nói vâng” với cám dỗ ngay từ đầu, nên ta sa ngã phạm tội, ta thua ngay trên sân nhà là cái chắc. Tất nhiên, để “nói không” với cám dỗ, với ma quỷ không phải là chuyện dễ. “Nói không” với ma quỷ, với cám dỗ, cần phải có ý chí, nỗ lực và Lời Chúa. “Nói không” với cám dỗ cần phải có sự khổ chế, chay tịnh và đặc biệt là cầu nguyện. Cầu nguyện chính là phương thế hữu hiệu nhất để có ơn Chúa trợ giúp.

Vậy nếu Thiên Chúa chờ đợi ta để giúp ta đánh bại sự cám dỗ, tại sao ta lại không chạy đến kêu cầu Ngài thường xuyên hơn? Thành thật mà nói nhiều khi ta không muốn được giúp đỡ. Hay vì ngại mà không dám kêu cầu Chúa, bởi chưng có khi ta đã chiều theo cám dỗ hết lần này đến lần khác. Sự thật thì Thiên Chúa không bao giờ chán nản hay mất kiên nhẫn đối với ta. Cho dẫu một ngày ta có kêu cầu Ngài cả 100 lần đi nữa để chiến thắng một cơn cám dỗ nào đó, thì Ngài vẫn sẵn lòng thương xót mà ban ơn.

Càng bị cám dỗ, ta càng được mời gọi cậy trông vào ơn Chúa hơn. Và mỗi khi ta kiên cường chống trả trước các cơn cám dỗ ta sẽ trở nên giống Chúa Kitô hơn. Phần thưởng lớn lao cũng đang chờ đợi ta: “Phúc thay người biết kiên trì chịu đựng cơn thử thách, vì một khi đã được tôi luyện, họ sẽ lãnh phần thưởng là triều thiên sự sống mà Thiên Chúa hứa ban cho những ai yêu mến Ngài.” (Gc 1,12).

Xin Chúa Giêsu cùng chiến đấu với chúng ta và thông ban Thánh Thần trợ lực, để chúng ta không lùi bước, không ngã gục, không đắm chìm trong tội lụy, nhưng được chiến thắng và được chung hưởng vinh quang với Chúa đến muôn đời. Amen.
 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:24 24/02/2012
ĐÁNH NHAU

N2T


Con trai của thầy giáo và con trai của quan huyện đánh nhau, mỗi lần đánh nhau là con của thầy giáo đều bị thua, về nhà khóc và nói cho mẹ biết, bà mẹ nói:

- “Nhà của họ đều ăn thịt cho nên cường tráng biết đánh nhau, nhà của chúng ta chỉ ăn toàn là đậu hủ nên không có sức lực, thì làm sao có thể địch lại nó chứ ?”

Thầy giáo nói:

- “Té ra là như thế, con trai nè, đừng vội, đợi cúng tế (1) xong thì chắc là báo thù được”.

Suy tư:

Ăn thịt hay ăn đậu hủ chỉ là cái cớ của bà mẹ nói ra, để con trai không đi đánh lộn với con cái hàng xóm nữa mà thôi.

Có những người ăn chay nhưng vẫn cứ nhiều thói hư tật xấu không thay đổi, tâm hồn nặng nề những đam mê, trái lại có những người ăn mặn nhưng tâm hồn họ rất nhẹ nhàng thanh thoát; có những người ăn thịt nhưng tâm hồn thì yếm thế, nhát gan sợ sệt trước những bất công của xã hội, trái lại có những người chỉ ăn đậu hủ nhưng họ rất can đảm dám nói lên sự thật và biết đồng cảm với những người bất hạnh…

Ăn chay hay ăn mặn thì không là gì cả, bởi vì như Thiên Chúa đã dùng miệng tiên tri I-sai-a để nói với chúng ta:

“Này, các ngươi ăn chay để mà đôi co cãi vã,

để nắm tay đánh đấm thật bạo tàn…

“Cách ăn chay mà Ta ưa thích

chẳng phải là thế này sao:

mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc,

trả tự do cho người bị áp bức,

đập tan mọi gông cùm ?

Chẳng phải là chia cơm cho người đói,

rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ;

thấy ai mình trần thì cho áo che thân,

không ngoảnh mặt làm ngơ

trước người anh em cốt nhục ?” (Is 58, 4.6-7)


(1) Khi cúng tế thì có thịt heo, thịt gà.v.v…

----------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi tuần SỐNG một câu Lời Chúa (CN I MC B)
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:09 24/02/2012
CHÚA NHẬT I MÙA CHAY

Tin Mừng: Mc 1, 12-15
“Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”


Anh chị em thân mến,
Hôm nay là chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, bài Tin Mừng hôm nay tuy ngắn, nhưng lại là lời phi lộ cho cuộc rao giảng Tin Mừng của Đức Chúa Giê-su tại trần gian: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Sám hối và tin vào Tin Mừng là hai điều kiện để được cứu độ, và để nhận được sự tha thứ của Thiên Chúa.

“Hãy sám hối...” là lời mời gọi khẩn cấp của Đức Chúa Giê-su, là lời cảnh cáo đầy yêu thương của một Đấng thẩm phán chí công.

Sám hối vì chúng ta là những tội nhân đã phạm không biết bao nhiêu là tội với Thiên Chúa và với anh chị em của chúng ta; sám hối bởi vì mỗi người chúng ta đáng lẽ ra, phải chết ngay từ khi phạm một tội đầu tiên, nhưng vì tình yêu, Thiên Chúa đã kéo dài ngày chung kết để chúng ta được hồi tâm sám hối; sám hối bởi vì không ai là thánh thiện, không ai là sạch tội; sám hối bởi vì tình yêu của Thiên Chúa quá lớn lao thúc bách chúng ta mau trở về với Cha trên trời...

“...và tin vào Tin Mừng” là tin vào Đức Chúa Giê-su, tin vào lời giảng dạy của Ngài, Lời ban sự sống cho những kẻ tin vào Ngài.

Chúng ta là những người có đức tin, đức tin này đã bị “mai một” với bao lo toan trong cuộc sống, đức tin này không được bồi dưỡng vun đắp vì chúng ta quá chú trọng đến cái ăn cái mặc, mà quên mất Thiên Chúa –nguồn mạch của đức tin- đang nuôi nấng và chăm sóc chúng ta bằng hai nguồn lương thực quý báu, đó là Lời Chúa và Mình Máu Thánh của Ngài.

Đức tin đòi hỏi chúng ta phải đặt Thiên Chúa ở vị trí số một trong cuộc sống của mình; đức tin không phải chỉ là đi lễ ngày chúa nhật, cũng không phải chỉ là đón nhận các bí tích hay vài tháng đi xưng tội một lần, nhưng cần phải toả sáng trong cuộc sống của mình bằng những việc lành phúc đức với tha nhân; đức tin này đòi buộc tôi phải thấy Thiên Chúa rất nhân lành trong người anh em mà tôi không thích, có khi còn ghét thậm tệ nữa; đức tin này đòi hỏi tôi phải cúi xuống nâng đỡ người anh em bất hạnh đang đói khổ bên vệ đường...

Tất cả những việc làm đó chính là tin vào Tin Mừng, bởi vì Tin Mừng cũng đồng thời là Đức Ki-tô chịu đau khổ, chịu chết và Phục Sinh. Và, bởi vì Đức Chúa Giê-su đã làm như thế khi rao giảng Tin Mừng ở trần gian.
Tin Mừng không chỉ ở trong nhà thờ, nhưng ở ngay trên mặt trên mày của chúng ta, đó là khuôn mặt vui tươi khi bị đau khổ, đó là lời nói dễ thương khi bị chửi mắng, là nụ cười tươi khi bị hiểu lầm, Tin Mừng là như thế, là trao ban và đón nhận, là hi sinh và yêu thương.

Anh chị em thân mến.
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” là mở đầu cho Mùa Chay Thánh năm nay, và đồng thời thức tỉnh chúng ta –những tâm hồn tội lỗi- biết cải quá tự tân, biết đổi mới con người cũ của mình để cùng chết với Đức Chúa Giê-su và cùng sống lại với Ngài.

Chúng ta có quá nhiều dự định tương lai, có quá nhiều kế hoạch rất cụ thể cho cộng đoàn, nhưng kế hoạch phải làm gì trong mùa chay thì chưa hoàn bị, bởi vì ai cũng nói chung chung: mùa chay là sám hối và ăn năn, nên chúng ta chỉ nhìn thấy mình đang sám hối ăn chay, mà chưa nhìn thấy tha nhân đang đói khổ...

Xin Thiên Chúa ban cho mỗi người trong cộng đoàn chúng ta khi sám hối thì biết bù đắp những đau khổ của Đức Chúa Giê-su nơi những người nghèo, những người bệnh tật và già nua để Tin Mừng mà chúng ta đang tin được toả sáng đến với mọi người.

Xin Mẹ Ma-ri-a luôn gìn giữ chúng ta.
-------------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:10 24/02/2012
N2T

11. Một người nếu không nhổ sạch tận gốc rễ những cám dỗ mà chỉ tránh né bên ngoài, thì khó mà thành công; bởi vì tất cả những cám dỗ mà họ tránh né đó sẽ nhanh chóng trở lại, so với lần trước thì càng nguy hiểm hơn.

(sách Gương Chúa Giê-su)
 
Mỗi tuần một ''Chuyện Rất Ngắn''
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:12 24/02/2012
. HÀNH HẠ NGƯỜI CHẾT
Gia đình người quá cố là đại ân nhân của giáo xứ nọ, đương nhiên cả gia đình đều là người Ki-tô hữu. Con trai ở Mỹ về Việt Nam thăm bà con không may bị tai nạn chết, gia đình đến nhà thờ xin cha làm lễ an táng, cha sở (mới đổi về) phán một câu:
- “Không có sổ rửa tội, không làm lễ an táng…”
Không biết khi cha sở nhận tiền dâng cúng của giáo dân thì có hỏi có sổ rửa tội không ?
Đúng là cha sở có quyền…hành hạ người chết.
----------------
http://www.vietcatholic.net/nhantai
http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby
jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Đức Thánh Cha ghi nhận có niềm hy vọng trong tình trạng 'sẽ trở lại thành tro bụi'
Bùi Hữu Thư
20:40 24/02/2012
Ngài nói qua 'tro bụi' này, Thiên Chúa trở nên hết sức gần gũi

ROME, ngày 23 tháng 2, 2012 (Zenit.org).- Đức Thánh Cha Benedict XVI nói lời tuyên xưng ngày Thứ Tư Lễ Tro "Ngươi là tro bụi và sẽ trở lại thành bụi tro" không chỉ là một lời mời gọi hạ mình khiêm nhường, nhưng cũng là một lời tuyên bố về con đường cứu rỗi.

Đức Thánh Cha suy niệm như vậy vào ngày Thứ Tư trong khi ngài cử hành Thánh Lễ khởi đầu Mùa Chay tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Sabina.

Đề cập đến trình thuật trong sách Sáng Thế về sa ngã của Ađam và Eva và phản ứng của Thiên Chúa, Đức Thánh Cha giải thích: 'Khi [Thiên Chúa] nói với con người, "Ngươi là tro bụi và sẽ trở lại thành bụi tro!' cùng với hình phạt chính đáng Người cũng muốn tuyên bố một con đường cứu rỗi, đó là khi đi qua đất, qua 'cát bụi' đó thì 'xác thịt' mới được nhập thể bởi Ngôi Lời."

Ngài tiếp: "Để phù hợp với viễn cảnh cứu rỗi đoạn văn trong sách Sáng Thế này đã được dùng trong phụng vụ ngày Thứ Tư Lễ Tro: như một lời mời gọi phải thống hối, phải khiêm nhường, và ý thức về tình trạng mỏng dòn của chúng ta, nhưng không phải là để tuyệt vọng, nhưng để chào đón chính sự mỏng dòn của chúng ta, và ý thức rằng Thiên Chúa hết sức gần gũi, và bên kia cái chết, mở ra cho chúng ta con đường của sự sống lại, để tới thiên đàng cuối cùng được tái khám phá."

Đức Thánh Cha nói về sự khả dĩ được tha thứ tùy thuộc "chính ở sự kiện Thiên Chúa, trong Ngôi Con, muốn chia xẻ tình trạng của chúng ta, nhưng không chia xẻ sự hủy hoại của tội lỗi. Và Chúa Cha đã cho Người sống lại bằng quyền năng của Chúa Thánh Thần; và Chúa Giêsu, Ađam mới, trở nên, như thánh Paholô nói, 'thần khí ban sự sống' (1 Corintô 15:45), và là hoa quả đầu tiên của tạo vật mới."

Đức Thánh Cha Benedict XVI kết luận bằng một kinh nguyện để xin cho tất cả chúng ta có thể tìm được đường về "quê thật."

Ngài nói: "Thiên Chúa đã đuổi cha mẹ đầu tiên của chúng ta ra khỏi vườn Địa Đàng, đã gửi Con một xuống thế gian đang bị tàn phá bởi tội lỗi. Thiên Chúa cũng không màng để Con Người chịu khổ nạn, là để cho chúng ta, những đứa con hoang đàng, có thể trở về quê thật, thống hối và được phục hồi nhờ lòng thương xót của Chúa. Xin cho mỗi người chúng ta cũng được như vậy, cho tất cả mọi tín hữu, cho mỗi người biết khiêm nhường và nhận biết nhu cầu để được cứu rỗi."
 
Đức Thánh Cha đề cao các hoạt động bác ái
LM. Trần Đức Anh OP
09:38 24/02/2012
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 đề cao các hoạt động bác ái như một hình thức ưu tiên để truyền giảng Tin Mừng.
Ngài bày tỏ lập trường trên đây trong buổi tiếp kiến sáng 24-2-2012, dành cho ban lãnh đạo Hội Thánh Phêrô Tông Đồ (Circolo di San Pietro), một hội bác ái kỳ cựu ở Roma. Theo thói quen hằng năm, các vị đại diện của Hội, dưới sự hướng dấn của Quận công chủ tịch Leopoldo Torlonia, đến trao cho ĐTC số tiền họ quyên góp được để ngài làm việc bác ái.

Ngỏ lời trong dịp này, ĐTC ca ngợi các hoạt động bác ái của Hội Thánh Phêrô Tông đồ dưới nhiều hình thức: từ các quán phát chẩn cho người nghèo cho đến các quán trọ ban đêm, các gia cư cho gia đình nghèo, sự âm thầm giúp đỡ các bệnh nhân và gia đình họ qua Quán trọ ở Roma (Hospice Fondazione Roma) và cả các hoạt động trợ giúp truyền giáo ở Lào cũng như các chương trình nhận con nuôi từ xa.

ĐTC khẳng định rằng ”Lòng trung thành chân thực của chúng ta đối với Tin Mừng được kiểm chứng qua sự quan tâm và ân cần trợ giúp cụ thể của chúng ta đối với những người nghèo khổ nhất và bị gạt ra ngoài lề xã hội. Sự quan tâm tới tha nhân bao hàm mong ước điều thiện hảo cho họ dưới mọi khía cạnh, thể lý, luân lý và tinh thần”.
Dựa vào tinh thần Sứ điệp mùa chay năm nay với chủ đề ”Chúng ta hay quan tâm đối với nhau, để khích lệ nhau trong bác ái và các việc lành” (Dt 10,24), ĐTC nhấn mạnh rằng: ”Trách nhiệm đối với tha nhân có nghĩa là mong muốn cho họ được điều tốt lành, ước mong cho họ cởi mở đối với tiêu chuẩn của điều thiện; quan tâm đối với người anh em có nghĩa là mở rộng đôi mắt đối với những nhu cầu của họ, vượt thắng tình trạng chai đá của tâm hồn làm cho chúng ta đui mù không thấy đau khổ của người khác. Vì thế, hoạt động từ thiện bác ái trở thành một hình thức ưu tiên để truyền giảng Tin Mừng, dưới ánh sáng giáo huấn của Chúa Giêsu là Đấng coi những điều chúng ta làm cho những người anh em, đặc biệt là những người bé mọn và bị bỏ rơi, là làm cho chính Ngài (Mt 25,40).”

ĐTC nhắn nhủ thêm rằng ”Cần hòa hợp con tim của chúng ta với con tim của Chúa Kitô, để sự nâng đỡ yêu thương dành cho tha nhân được diễn tả qua sự tham phần và chia sẻ một cách ý thức những đau khổ và hy vọng của họ, nhờ đó làm cho lòng từ bi vô biên của Thiên Chúa đối với mỗi người trở nên hữu hình, và đàng khác cũng làm cho niềm tin của chúng ta nơi Chúa được trở nên cụ thể” (SD 24-2-2012)
 
Nhóm làm việc chung Tòa Thánh và Việt Nam họp lần thứ 3
LM. Trần Đức Anh OP
09:40 24/02/2012
VATICAN - Hôm 24-2-2012, Giám đốc Phòng Báo chí Tòa Thánh, Cha Federico Lombardi thông báo:
"Chiếu theo quyết định đã được đề ra vào cuối cuộc gặp gỡ thứ hai của Nhóm làm việc chung Việt Nam - Tòa Thánh tại Vatican trong hai ngày 23 và 24-6-2010, cuộc gặp gỡ thứ 3 của Nhóm Làm Việc sẽ diễn ra tại Hà Nội trong hai ngày 27 và 28-2 tới đây.

"Sau một số cuộc viếng thăm do vị Đại diện không thường trực của Tòa Thánh tại Việt Nam, cuộc họp tới đây sẽ giúp đào sâu và phát triển các quan hệ song phương”.

Cách đây gần 2 năm, vào ngày 26-6-2010, Bộ ngoại giao Tòa Thánh đã ra thông cáo cho biết Nhóm làm việc chung giữa Tòa Thánh và Việt Nam đã nhóm trong hai ngày 23 và 24-6-2010 tại Vatican. 2 vị đồng chủ tọa là Đức Ông Ettore Balestrero, thứ trưởng ngoại giao Tóa Thánh, trưởng đoàn Tòa Thánh, và Ông Nguyễn Quốc Cường, thứ trưởng ngoại giao, trưởng đoàn Việt Nam.

Sau khi duyệt qua những tiến bộ đã đạt được từ khóa họp thứ I của Nhóm làm việc chung, hai phái đoàn đã đề cập đến những vấn đề quốc tế và những vấn đề liên quan đến quan hệ song phương, và Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam...

"Hai phái đoàn đã ghi nhận những phát triển khả quan trong các lãnh vực của đời sống Công Giáo tại Việt Nam, đặc biệt về Năm Thánh. Ngoài ra, cả hai nhắc đến bài diễn văn của Đức Thánh Cha Biển Đức 16 trong dịp các Giám Mục Việt Nam về Roma viếng mộ các Thánh Tông Đồ năm ngoái và Sứ điệp của Đức Thánh Cha gửi Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam nhân dịp Năm Thánh, và cả hai Phái đoàn đồng ý rằng các giáo huấn này của Đức Thánh Cha sẽ được dùng làm hướng đi cho Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam trong những năm tới đây.

"Về quan hệ song phương, hai Phái đoàn đánh giá cao những phát triển tích cực diễn ra từ sau Khóa họp thứ I của Nhóm làm việc chung, đặc biệt là cuộc gặp gỡ giữa Đức Giáo Hoàng Biển Đức 16 và Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết hồi tháng 12 năm 2009. Hai Phái đoàn đã trao đổi sâu rộng về quan hệ ngoại giao song phương. Để đào sâu quan hệ giữa Tòa Thánh và Việt Nam, cũng như những quan hệ giữa Tòa Thánh và Giáo Hội Công Giáo địa phương, như một bước đầu, cả hai bên đã thỏa thuận về việc Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm một vị Đại Diện không thường trú của Tòa Thánh tại Việt Nam.

"Hai Phái đoàn quyết định nhóm khóa họp thứ 3 của Nhóm Làm việc chung tại Việt Nam; ngày nhóm họp sẽ được thỏa thuận qua đường ngoại giao.”
 
ĐTC mời gọi cầu nguyện cho các tín hữu bị bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô tại Á Châu, cách riêng Việt Nam
Linh Tiến Khải
13:41 24/02/2012
Trong tháng 3 tới đây Đức Thánh Cha Biển Đức XVI mời gọi chúng ta hiệp ý với các tín hữu công giáo toàn thế giới cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô, đặc biệt tại Á châu.

Như đã biết, hiện nay trên thế giới có 200 triệu tín hữu Kitô hằng ngày bị kỳ thị, sách nhiễu, bắt bớ và sát hại chỉ vì tin vào Chúa Giêsu Kitô. Họ là nạn nhân của các chính quyền còn theo đuổi chế độ cộng sản độc tài vô thần như các chính quyền Trung Quốc, Bắc Hàn, Cuba và Việt Nam. Họ cũng là nạn nhân của tôn giáo khác trong các nước có đa số dân theo Hồi giáo như các quốc gia A Rập vùng Trung Đông, Indonesia bên Á châu, hay các nước như Phi châu Sudan và miền bắc Nigeria. Họ cũng là nạn nhân của các nhóm Ấn giáo cuồng tín như xảy ra trong nhiều tiểu bang bên Ấn Độ, đặc biệt là bang Orissa. Mỗi năm các vụ tấn kích các làng kitô đặt bom các nhà thờ, ám sát, bắt cóc tống tiền, khiến cho hàng ngàn tín hữu kitô bị sát hại, trong đó cũng có cả Giám Mục, các linh mục tu sĩ nam nữ và giáo lý viên.

Trong các nước vùng Trung Đông đặc biệt thê thảm là tình trạng sống của các tín hữu Irak. Tình hình chính trị bất ổn đã khiến cho hàng trăm ngàn tín hữu kitô phải di cư ra nước ngoài. Trong các quốc gia A rập theo Hồi giáo các kitô hữu là thiểu số bị kỳ thị và bách hại.

Trong bài giảng thánh lễ kết thúc Thượng Hội Đồng Giám Mục đặc biệt cho vùng Trung Đông ngày 24 tháng 10 năm 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nói: ”Có thể áp dụng cho các kitô hữu Trung Đông các lời của Chúa Giêsu: ”Hỡi đoàn chiên nhỏ bé, đừng sợ, vì Cha các con đã vui lòng ban Nước của Người cho các con” (Lc 12,32). Thật vậy, tuy là một thiểu số, các kitô hữu là những người đem Tin Mừng yêu thương của Thiên Chúa đến cho con người, tình yêu thương đã được vén mở cho thấy tại Thánh Địa nơi con người của Đức Giêsu Kitô. Lời cứu độ này được củng cố bởi ơn thánh của các Bí Tích vang lên một cách hữu hiệu, đặc biệt tại những nơi, mà bởi sự Quan Phòng của Thiên Chúa, nó đã được viết ra và là Lời duy nhất có khả năng bẻ gẫy cái vòng luẩn quẩn của báo oán, thù ghét và bạo lực”.

Trong sứ điệp gửi Ngày Hòa bình thế giới 2011, đề ngày mùng 8 tháng 12 năm 2010, Đức Thánh Cha Biển Đức XVI viết: ”Vào đầu năm mới, tôi muốn gửi tới tất cả và từng người các lời cầu chúc an lành, thịnh vương, nhưng nhất là các lời cầu chúc hòa bình. Rất tiếc, năm vừa kết thúc đã bị ghi dấu bởi sự bách hại, kỳ thị, các hành động bạo lực khủng khiếp và sự bất khoan nhượng tôn giáo. Tôi đặc biệt nghĩ tới dân nước Irak thân yêu, đang tiến bước về sự ổn định và hòa giải ước mong, nhưng lại tiếp tục là sân khấu của bạo lực và các cuộc mưu sát. Trở lại trong tâm trí chúng ta các khổ đau của cộng đoàn kitô, đặc biệt là cuộc mưu sát hèn nhát tại nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp trong thủ đô Baghdad ngày 31 tháng 10 vừa qua, khiến cho 2 linh mục và 50 giáo dân bị thiệt mạng, trong khi họ tụ tập nhau để dâng thánh lễ. Các ngày sau đó đã xảy ra các vụ tấn kích khác chống lại các tư gia, gây âu lo sợ hãi giữa cộng đoàn kitô và làm cho nhiều thành phần ước mong di cư ra nước ngoài để tìm kiếm các điều kiện sống tốt đẹp hơn... ”

Bên Á châu, tại Malaysia kitô hữu bị kỳ thị ngay trong việc dùng từ ngữ để gọi Thiên Chúa. Còn tại Indonesia là quốc gia có tới 250 triệu dân, đa số theo Hồi giáo, sự kỳ thị các kitô hữu xảy ra hầu như trong mọi lãnh vực cuộc sống, mặc dù chính quyền đã không bao giờ thừa nhận sự kiện này. Tín hữu kitô không được học tôn giáo trong các trường nhà nước, không thể là nhân viên làm việc cho chính quyền, không có cơ may tiến thân trong các lãnh vực chuyên môn và làm giáo sư trong đại học. Tại một vài nơi các việc thờ phượng chỉ có thể cử hành trong nhà thờ và không được cử hành tại nhà tư.

Riêng tại Việt Nam chính quyền cộng sản, tuy đã trở thành tư bản đỏ và là một tập đoàn tội phạm, chỉ còn tin vào tiền bạc và quyền lực, nhưng vẫn tiếp tục dùng chiêu bài xã hội chủ nghĩa để lừa dối mọi người. Họ huy động quân đội, công an, cảnh sát đập phá các cơ sở tôn giáo, bắt giữ các tín hữu, điển hình là vụ bắt giữ 29 tín hữu công giáo, trong đó có hàng chục thanh niên thuộc hai giáo phận Vinh và Thanh Hóa hồi tháng 4 năm 2011 vừa qua. Họ liên tục sách nhiễu các linh mục tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế. Họ hành hung các các mục sư và tín hữu tin lành, giật sập các nơi thờ tự, cướp đoạt đất đai cở sở của các Giáo Hội, dùng bạo lực để gieo kinh hoàng sợ hãi, trấn áp sự phản đối của mọi người, khống chế hàng lãnh đạo các tôn giáo, ngang nhiên chà đạp mọi quyền con người, nhưng vẫn rêu rao độc lập tự do hạnh phúc.

Trên đây là một vài thí dụ cụ thể giúp chúng ta hiểu tình hình đàn áp bách hại các kitô hữu ngày càng tồi tệ như thế nào. Chính vì thế trong tháng 3 tới này, đáp lời mời gọi của Đức Thánh Cha Biển Đức XVI và hiệp ý với tín hữu công giáo toàn thế giới, chúng ta tha thiết cầu xin Chúa Thánh Thần ban ơn kiên trì cho các tín hữu bị kỳ thị, bắt bớ và sát hại vì Chúa Kitô, đặc biệt tại Á châu và cách riêng tại Việt Nam.
 
Đức Thánh Cha dùng bài giảng Phúc Âm để nói chuyện với các linh mục ‘của ngài’
Bùi Hữu Thư
14:58 24/02/2012
VATICAN (CNS) – Trong vòng 38 phút nói không cần giấy ghi, Đức Thánh Cha Benedict XVI đã trình bầy cho các linh mục của Giáo Phận Rôma một đường lối ngài suy giảng Thánh Kinh cũng như các ưu tiên và cá tính của ngài.

Gọi các linh mục Roma là “các linh mục của tôi,” Đức Thánh Cha hướng dẫn họ ngày 23 tháng 2 trong một bài suy niệm về đức tin, chân lý, hy vọng và khiêm nhường.

Ngồi sau một cái bàn và nói không cần giấy ghi – ngài giải nghĩa những trích dẫn Thánh Kinh bằng tiếng Hy Lạp và các khuynh hướng cận đại về thần học -- Đức Thánh Cha dùng Êphêsô 4:1-16 như một khuôn khổ để suy tư về các vấn đề giáo hội đang phải đối phó và cách thức các linh mục phải đáp ứng với các vấn đề này.

Cho đến năm vừa qua, buổi họp thường niên Mùa Chay của Đức Thánh Cha với các linh mục Rôma là cơ hội để họ đặt câu hỏi với ngài. Nhưng trong năm 2011, ngài chuyển sang hình thức "lectio divina" – cùng nhau đọc một đoạn Thánh Kinh và rồi bình giải hầu như từng giòng để rút tỉa các bài học và những linh ứng.

Hình thức hỏi - đáp thường được Chân Phước Gioan Phaolo II sử dụng trong các buổi họp với các linh mục và chủng sinh, cho ngài có cơ hội để lắng nghe các vấn đề và ưu tư của họ. Vào lúc ban đầu của giáo triều của ngài, Đức Thánh Cha Benedict vẫn giữ truyền thống này; nhưng sau Thượng Hội Đồng Giám Mục năm 2008 về Thánh Kinh, Đức Thánh Cha bắt đầu dùng hình thức "lectio divina" nhiều hơn để Phúc Âm hướng dẫn các cuộc thảo luận với các nhóm giáo sĩ.

Đức Thánh Cha nói với các linh mục Rôma và trong các buổi thảo luận đột xuất "lectio divina" ngày 15 tháng 2 với các chủng sinh Rôma, và tháng 9 với các chủng sinh tại Đức bao gồm các trích dẫn bằng tiếng Do Thái, Hy Lạp hay La Tinh của các đoạn Thánh Kinh, cũng như các bài bình giải của các giáo phụ xưa cổ, nhất là Thánh Âu-gút-tin.

Thông thường, các phụ tá của ngài ít ra cũng soạn trước bản thảo của các diễn văn và bài giảng của Đức Thánh Cha, do đó sự kiện Đức Thánh Cha nói với các linh mục và chủng sinh không cần giấy ghi cho họ cảm nhận rõ ràng hơn về đường lối ngài suy tư và đọc Thánh Kinh và các vấn đề thách đố giáo hội.

Đức Thánh Cha không bỏ qua những khó khăn các linh mục gặp phải ngày nay, nhưng ngài nói ngài và các bạn hữu linh mục phải cố gắng để sống như Thánh Phaolô đã khuyên người dân Êphêsô, “với khiêm nhường và hiền hòa, với lòng kiên nhẫn, và chịu đựng lẫn nhau bằng tình thương yêu."

Đức Thánh Cha dùng danh từ “chúng ta” trong suốt bài nói chuyện, ngài nói cách thức ngài và các linh mục sống cuộc đời mình sẽ xác định khả năng họ giúp đỡ kẻ khác tin vào Chúa Giêsu và vâng theo Thánh Ý Chúa.

Đức Thánh Cha nói: "Nỗi đau khổ lớn lao giáo hội ngày nay tại Âu Châu và Tây Phương đang gánh chịu là sự thiếu thốn ơn gọi linh mục. Nhưng Chúa luôn luôn kêu mời, điều thiếu sót là việc lắng nghe. Ngài bảo các linh mục: “Chúng ta đã nghe theo tiếng gọi của Người, và chúng ta phải luôn luôn chú tâm đến việc Chúa mời gọi người khác, hãy giúp họ lắng nghe và chấp nhận lời mời gọi."

Đức Thánh Cha Benedict XVI nói: Các chủ chăn của giáo hội phải bắt chước đường lối giảng dậy của Thánh Phaolô và khuyến khích mọi người, sử dụng “lời mời gọi âu yếm của một người cha hay người mẹ”, thay vì một dùng “lời răn dậy về luân lý.”

Ngài nói: Các linh mục, giám mục và ngay cả giáo hoàng cũng phải khiêm tốn, đây không có nghĩa là trở thành một cái thảm chùi chân, nhưng phải chấp nhận sự kiện là “chúng ta nhỏ bé” trong khuôn khổ to lớn của sứ vụ -- “Tôi chỉ là một ý tưởng của Thiên Chúa,” – Thiên Chúa trao phó cho mỗi người với một ân sủng đặc biệt vì lợi ích của toàn thể cộng đồng.

Ngài nói: "Những hạ mình khiêm nhường nhỏ bé chúng ta phải chịu đựng từng ngày đều bổ ích, vì giúp chúng ta giữ được thăng bằng giữa việc hiểu biết rằng mình độc đáo và ý thức rằng mình chỉ là một trong hàng tỉ tạo vật cá biệt Thiên Chúa đã tạo dựng và đã mời gọi.

Ngài nói: "Chấp nhận điều này, nhận biết điều này là chấp nhận điạ vị của tôi trong giáo hội”, có nghĩa là công nhận rằng “sự phục vụ nhỏ bé của tôi như một cái gì cao cả dưới mắt Thiên Chúa.”

Đức Thánh Cha nói” "Sự thiếu vắng lòng khiếm tốn phá hủy sự hiệp nhất,” vì nó nuôi dưỡng tính kiêu ngạo, óc tranh đua, và tìm kiếm quyền lực và chối bỏ các ân sủng của người khác.

Một vấn đề lớn lao trong giáo hội hôm nay được Đức Thánh Cha nhấn mạnh là “sự thất học về tôn giáo,” một sự thiếu kiến thức về những gì giáo hội giảng dậy và tại sao.

Ngài nói: "Với tình trạng thất học này chúng ta không thể tăng trưởng, và sự hiệp nhất không thể tăng tiến. Do đó chính chúng ta phải tìm lại được nội dung này như một sự giầu mạnh về tình hiệp nhất – không phải là một tuyển tập các học thuyết và các giới răn, nhưng như một thực tại duy nhất, tự thể hiện được qua chiều sâu và vẻ đẹp của nó.”

Ngài nói: "Chúng ta chỉ sẽ canh tân được giáo hội nếu chúng ta cải tiến được kiến thức và đức tin của giáo dân,” đây là lý do chính tại sao ngài đã tuyên bố Năm Đức Tin, và tại sao việc các người Công Giáo phải biết Giáo Lý của Giáo Hội Công Giáo lại là điều quan trọng.

Đức Thánh Cha nói: Thư gửi tín hữu Êphêsô mời gọi Kitô hữu phải có một đức tin trưởng thành, điều mà nhiều người ngày nay tin rằng có nghĩa là được “thoát khỏi” giáo hội và giáo huấn của giáo hội. Nhưng không có một nền tảng vững chắc cho đức tin và kiến thức về những gì giáo hội dậy dỗ, họ sẽ bị “vùi dập bởi những cơn phong ba của thế giới, bởi những ý tưởng của thế giới (và) bởi sự chuyên chế của truyền thông."
 
Top Stories
Inner Mongolia: campaign of persecution against underground Church
Wang Zhicheng
10:45 24/02/2012
Beijing (AsiaNews) - Chinese police have launched a bitter campaign of persecution against underground Catholic communities in Inner Mongolia. Within weeks, several priests were arrested, others have had to hide to avoid being captured, dozens of communities throughout the territory have no opportunity to participate in the sacraments, and many priests are forced to undergo brainwashing sessions on religious policy, while the seminary has been closed. According to AsiaNews sources in the region, the escalation is due to the general political situation, in an attempt to ensure security ahead of the first important meeting of the National Assembly, scheduled for March 5 next, during which the succession to Hu Jintao and Wen Jiabao, respectively president and prime minister will be decided. But there are also conflicts within the community, linked to the ambiguity of the official bishop, Msgr. Paul Meng Qinglu, approved by the Holy See, but vice-president of the Patriotic Assembly, an organization deemed "to be incompatible with Catholic doctrine."

The underground Catholic community of the Diocese of Suiyuan (Inner Mongolia) counts about 30 thousand faithful with 35 priests and 90 nuns. For a long time, almost 20 years, the community flourished thanks to the general disinterest of the authorities who placed no obstacles as long as the faithful met discreetly in private homes or small buildings.

On 30 January, six priests were arrested at a rally (see 02/02/2012: No news about five underground priests arrested in Inner Mongolia). Among them the rector of the underground seminary, Fr. Joseph Ban Zhanxiong, whose seminary was closed on February 14. All students were forced to return home.

On 31 January the diocesan administrator, Fr. Gao Jiangping, was arrested along with another priest.

The nearly 30 priests who remained free have all gone into hiding to avoid being imprisoned. Since last Sunday, February 19, the faithful have not able to participate in any celebration to avoid the priests being forced from their hiding, given the large presence of security forces.

Meanwhile, four of the priests arrested Jan. 30, were released, but they are forced every day to report to the police and are subjected to indoctrination sessions on the religious policy of the government, akin to brainwashing.

They were also forced to concelebrate a Mass in the presence of the official bishop of Hohhot, Msgr. Meng, and two other priests of the official community. Sources told AsiaNews that the two priests were dragged to concelebrate against their will, "and were physically present, but not praying, not even moving a finger."

The underground community and the Diocese of Suiyuan does not exist according to Chinese government: on the orders of political authorities, its ecclesiastical territory was absorbed by the diocese of Hohhot in the 1980s. The official community consists of about 2 thousand faithful since April 2010 and has a bishop, Msgr. Paul Meng Qinglu, recognized by the government and the Holy See. At his ordination, Msgr. Meng had hoped for a reconciliation with the underground community. But he later participated in the illicit ordination in Chengde (see 20/11/2010 Chengde, eight bishops in communion with Pope participate in illicit ordination) and was appointed vice-president of the Patriotic National (09/12 / 2010 Assembly elects new leadership, causing major harm to the Church). So far it is unclear if after all these gestures he has asked for forgiveness and to be reconciled with the Holy See.

Given the ambiguity of his position, many underground priests prefer not to join the official community and ask questions of the Vatican, which on the one hand, states that the Patriotic Association is "incompatible" with Catholic doctrine (because it wants to build a Church independent of Rome), while on the other, the Holy See accepts the compromise that a bishop linked to the pope participate, moreover in a position of great responsibility, in the same organism.

Some priests of Inner Mongolia say Msgr. Meng is increasingly becoming "political" and following the directions of the Patriotic Association. For others, however, is the government who wants to wipe put the underground community to have a greater control over the entire situation.

The need for greater control is derived from two facts. At the provincial level, last year in Inner Mongolia riots have broken out led by shepherds against mining policy of the government, which pollutes and destroys the land and pastures. Nationally, there is the need for total control for the upcoming meeting of the National Assembly to be held in Beijing in early March. On this occasion, the succession to Hu Jintao and Wen Jiabao should be clear, with the passing of the baton to Xi Jinping and Li Keqiang. Because of this, the regime is cracking down on dissidents, stifling riots, destroying the resistance in Tibet and Xinjiang. And those who also pay are the Catholics (and Protestants) of Inner Mongolia.

(Source: http://www.asianews.it/news-en/Inner-Mongolia:-campaign-of-persecution-against-underground-Church-24069.html)
 
Communications Council President: Church wants to be frank, open
Jose Antonio Varela Vidal
10:52 24/02/2012
Archbishop Celli Notes Pope's Desire to 'Be Where the People Are'

ROME, FEB. 23, 2012 (Zenit.org).- The Church wants to dialogue, to open up in frank communication with today's world, according to the president of the Pontifical Council for Social Communications.

Archbishop Claudio Maria Celli said this when he spoke with ZENIT at a round table Tuesday hosted by the Spanish Embassy to the Holy See. The event was held to analyze the results and experience of Madrid's World Youth Day.

In regard to what Archbishop Celli described as the "anguishing and painful subject of pedophilia," he said that the Holy See has had to reflect on what it means to communicate today. This has resulted in a greater degree of openness and transparency by the Church.

As part of this openness the Vatican's Youtube channel was created, the prelate suggested, adding that the Pope wants the Church to be where the people of today are. Archbishop Celli also referred to a Vatican Twitter feed, "because the Pope wants certain messages and values that are typical of the Church to resound in the context that today is typical in the media."

"There is a desire to dialogue, to open up in a frank, honest and serene communication with today's world," the pontifical council president declared.

When asked about the theme for this year's World Day of Communications, Archbishop Celli explained that "the Pope has taken the subject of silence as an integral part of communication, but not as something negative."

"I must be silent to listen to the other, so that what the other tells me will resound in my heart," he explained. "It's not just a monologue, it's a dialogue and this calls for alternating between silence and word, word and silence."
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Đại biểu Giáo Xứ Việt Nam Paris tham dự khóa học hỏi về Sứ mệnh người CG trách nhiệm
Trần Văn Cảnh
10:33 24/02/2012
Học hỏi về Sứ Mệnh của người công giáo trách nhiệm

Đại biểu Việt nam sinh hoạt với Các Sở Tuyên Úy Ngoại Kiều khác của Ban Mục Vụ Di Dân Pháp


Paris, 18-19 tháng 02 năm 2012. Học hỏi về sứ mệnh của người công giáo trách nhiệm ở Trung Tâm Ánh Quang Orsay, ngoại ô Paris, bốn đại biểu Việt Nam đã sinh hoạt với khoảng 60 đại biểu của mười Sở Tuyên Úy Ngoại Kiều khác ở Pháp.

I. Học hỏi về sứ mệnh của người công giáo trách nhiệm

« Sứ mệnh phục vụ Tin Mừng » là điều căn bản nhất và là nền tảng phải được mọi tín hữu ý thức, bất kể họ là giám mục, giáo sĩ, tu sĩ, hay giáo dân. Đó là lý do khiến Văn Phòng Mục Vụ Di Dân của HĐGM Pháp đã đưa ra đề tài « Những tín hữu trách nhiệm cùng nhau phục vụ Tin Mừng » cho khóa học hỏi dành cho các đại biểu của các cộng đoàn ngoại kiều ở Pháp năm nay ở Orsay. Sứ mệnh này đã được trình bày dựa vào ba nền tảng.

11. Nền tảng thánh kinh

Sáng thứ bảy, 18.02.2012, trách nhiệm hướng dẫn hội thảo tìm ra những sứ mệnh đã được trao cho các tín hữu trách nhiệm qua nền tảng thánh kinh, cha Dominique Fontaine, tác giả tập sách « Đức tin của kytô hữu kể cho các bạn vô thần », đã đặc biệt phân tích và chú giải hai sách tân ước : Phúc Âm thánh Luca, 9,1-10 ; 10, 1-22 và Tông Đồ Công Vụ, 1,12-15 ; 2,1-47.

Ai là những người tín hữu trách nhiệm ? Qua hai tài liệu thánh kinh trên, ba loại người tín hữu trách nhiệm đã được nhận ra sau khi Chúa về trời : trước nhất là 12 tông đồ, rồi các người thân cận của Chúa Kitô, khoảng 120 người. Đó là các Giám mục, giáo sĩ và tu sĩ ngày nay. Sau ngày lễ vượt qua, nhờ ơn Thánh Linh và nhờ lời rao giảng của các tông đồ, số người tiếp nhận lời các tông đồ và xin rửa tội lên đến 3000 người. Đó là các tín hữu giáo dân ngày nay.

Những tín hữu trách nhiệm này có sứ mệnh gì ? Tổng hợp hai tài liệu thánh kinh trên, cha Dominique Fontaine nêu ra những sứ mệnh chính sau đây :

1. Lập lên một giáo hội « ec-clesia » : họ được gọi thoát ra khỏi mình, khỏi nhà mình, để đi ra ngoài, tụ tập lại với nhau.

2. Kiều bào « Diaspora » : kytô hữu cũng như do thái xưa là những kiều bào, sống rải rắc khắp các quốc gia. Giống như những hạt lúa rải rắc khắp các đồng nội được gom góp lại để làm nên một tấm bánh, chúng ta, những tín hữu kytô, kết thành một Thân Thể, Thân Thể Chúa Kytô.

3. Vậy không còn phải phân biệt Hylạp hay Dothái, cắt bì hay không cắt bì, man di, mọi rợ, nô lệ, tự do, nhưng chỉ có Ðức Kitô là tất cả và ở trong mọi người. (Thơ Colossiens, 3,11).

4. Kytô hữu là một tấm bánh, được bẻ ra, để nuôi sống muôn dân : « Rồi Người cầm lấy bánh, dâng lời cảm ơn, bẻ ra, trao cho các ông và nói: "Ðây là mình Thầy, hy sinh vì anh em. Anh em hãy làm việc này, mà tưởng nhớ đến Thầy". Và tới tuần rượu cuối bữa ăn, Người cũng làm nhưvậy và nói: "Chén này là giao ước mới, lập bằng máu Thầy, máu đổ ra vì anh em ». (Luc, 22,19-20).

5. Người trách nhiệm lớn nhất là người bé nhất và là người phục vụ : Anh em thì không như thế, trái lại, ai lớn nhất trong anh em, thì phải nên như người phục vụ. Bởi lẽ, giữa người ngồi ăn với kẻ phục vụ, ai lớn hơn ai? Hẳn là người ngồi ăn chứ? Thế mà, Thầy đây, Thầy sống giữa anh em như một người phục vụ. (Luc, 22, 26-27).

Tổng kết những điều trên, cha D. Fontaine kết luận : « Một sứ mệnh chung, Tất cả cùng nhau ta phục vụ Tin Mừng ».

12. Nền tảng giáo huấn của Công Đồng Vatican II

Sau trưa cùng ngày thứ bảy, để tìm ra « Vai trò và chỗ đứng của những phần tử khác nhau trong Giáo hội », cha Dominique Fontaine đã tiếp tục hướng dẫn các đại biểu học hỏi. Lần này cha đưa ra nền tảng giáo huấn của Công Đồng Vatican II, Hiến chế Tín lý về Giáo Hội (Lumen gentium) và đặc biệt phân tích ba số : 1, 7 và 26.

Chúa Kytô là ai ? Chúa Kitô là Ánh sáng muôn dân,.. Giáo Hội ở trong Chúa Kitô như bí tích hoặc dấu chỉ và khí cụ của sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và của sự hiệp nhất toàn thể nhân loại (LG, 1).

Giáo hội là gì ? Giáo hội là nhiệm thể Chúa Kytô : Khi Con Thiên Chúa chiến thắng sự chết bằng cái chết và phục sinh, trong nhân tính mà Người kết hợp, Người đã cứu chuộc và biến con người thành một tạo vật mới. Người tạo lập cách mầu nhiệm các em Người, tụ họp từ muôn nước thành thân thể Người, bằng cách thông truyền Thánh Thần cho họ.

Tất cả các chi thể tuy nhiều, nhưng chỉ tạo thành một thân thể; cũng thế, các tín hữu hợp thành một thân thể trong Chúa Kitô. Trong việc xây dựng thân thể Chúa Kitô, cần có nhiều chi thể với phận vụ khác nhau. Chỉ có một Chúa Thánh Thần ban những ân sủng khác nhau để làm ích cho Giáo Hội theo sự sung mãn của Ngài và tùy nhu cầu của công việc.

Trong các ân sủng ấy, ơn ban cho các Tông Ðồ đứng hàng đầu : chính Chúa Thánh Thần đặt dưới quyền các ngài cả những người lãnh nhận những ơn đặc biệt. Cũng chính Thánh Thần ấy tự mình hợp nhất thân thể bằng thần lực Ngài và bằng sự liên kết tinh thần các chi thể lại với nhau; như thế Ngài làm phát sinh và thúc bách đức ái giữa các tín hữu. Vì thế, nếu một chi thể nào đau đớn thì tất cả các chi thể khác đều bị đau đớn; và nếu một chi thể nào được vinh dự thì tất cả các chi thể khác cùng chung vui (LG, 7).

Giáo hội gồm những thành phần nào ? Liên kết với nhau làm sao ? Giáo Hội Chúa Kitô thực sự hiện diện trong mọi đoàn thể tín hữu địa phương hợp pháp. Những đoàn thể này, vì hợp nhất với các chủ chăn, nên trong Tân Ước cũng được gọi là Giáo Hội. Thực vậy, trong phần đất mình, mỗi đoàn thể là Dân Tộc Mới được Thiên Chúa kêu gọi trong Thánh Thần và trong sự viên mãn đầy tràn. Nơi các đoàn thể đó, tín hữu được tụ hợp lại nhờ sự rao giảng Phúc Âm Chúa Kitô, và mầu nhiệm Tiệc Ly của Chúa được cử hành "để nhờ Thịt và Máu Chúa, tất cả kết thành huynh đệvà thành một thân thể".

Mỗi lần Giám Mục cử hành nhiệm vụ với cộng đoàn tụ hợp quanh bàn thờ, đó là biểu hiệu đức ái và "sự hiệp nhất của nhiệm thể, và nếu thiếu sự hiệp nhất đó, không thể có ơn cứu rỗi". Chúa Kitô vẫn hiện diện trong các cộng đoàn ấy, dù nhỏ bé nghèo hèn hay tản mác khắp nơi. Và nhờ thần lực Người, Giáo Hội hiệp thành duy nhất, thánh thiện, công giáo và tông truyền (LG, 26).

13. Nền tảng giáo huấn của Hội Đồng Giám Mục Pháp.

« Là Thừa sai ở Ban Mục Vụ Di dân trong Giáo hội Pháp, chúng ta phải làm việc theo nền tảng nào » ? Đó là vấn nạn mà cha Bernard Fontaine, Giám đốc Ban Mục vụ Di Dân đã đặt ra và đã giúp các hội thảo viên tìm câu trả lời.

Dựa vào hai tài liệu giáo huấn của Hội Đồng Giám Mục Pháp do đức cha Claude Dagens biên soạn, là « Thơ chung của HĐGM gửi Giáo dân Pháp » ngày 09.11.1996 và cuốn sách « Dửng dưng tôn giáo, tầm nhìn rõ của giáo hội và việc phúc âm hóa » cũng của đức cha Claude Dagens, xuất bản năm 2010, cha Bernard Fontaine đã tóm tắt những điều căn bản mà HĐGM Pháp đã đưa ra, đặc biệt về trách nhiệm của tín hữu, về quan niệm đề nghị đức tin thay vì giữ gìn di sản đức tin, về Chúa Kytô trung tâm của mầu nhiệm đức tin và về những đường hướng hoạt động mới.

Rối từ đó, nhắc lại những nét đặc trưng của Giáo Hội Pháp hiện nay, từ những thực hiện quan trọng sau Công Đồng Vatican II, qua hình thức tổ chức mới, đến những điểm nóng đang được thực hiện hiện nay, cha Bernard Fontaine đặc biệt nhắc đến 4 sứ mệnh mà Hội Đồng Giám Mục Pháp đã trao cho Ban Mục Vụ Di Dân năm 2006. Bốn sứ mệnh đó là :

1. Thực hiện công việc chuyên gia tư vấn, trong các lãnh vực lập pháp, tư pháp, xã hội, chính trị, kinh tế và văn hóa, cũng như trong các lãnh vực tôn giáo, mục vụ, tùy theo thực tại sống của các ban nhóm liên hệ.

2. Phục vụ công giáo tính, bằng cách khuyến khích các giáo hội địa phương tiếp đón những cộng đồng đặc biệt hầu họ có thể tham gia vào sứ mệnh chung của giáo hội. Sự hiện diện của những cộng đồng gốc ngoại kiều vào giáo hội địa phương có thể được coi như là một ơn sủng, hay một ơn gọi để duy trì những liên lạc với những giáo hội mà họ xuất phát.

3. Nâng đỡ việc phúc âm hóa để được thích hợp hơn với những điều kiện nhân văn và văn hóa của những nhóm khác nhau (thí dụ như những tuyên úy đoàn quốc gia của các di dân, những hội họp và hành hương của những người du hành, sự liên đới và đồng hành với những người gặp khó khăn,…).

4. Nâng đỡ việc đào tạo những nhân viên làm việc mục vụ trong các đội ngũ giáo phận. Tùy vào sự khác biệt của mỗi nhóm, mà ưu đãi phát sinh hay đào tạo những người hoạt động mục vụ mới.

Tóm kết một ngày thứ bảy học hỏi, vào sáng chúa nhật, 19.02.2012, Sơ Christine Kohler đã nêu ra 5 sứ mệnh đã được đề cập đến, hoặc qua các trình bày và trao đổi trong 3 đề tài học hỏi, hoặc trong 5 lời chứng đại diện các đại biểu. Năm sứ mệnh đó là :

• Kytô hữu là một tấm bánh được bẻ ra để nuôi dưỡng muôn dân có sứ mệnh phục vụ

• Sứ mệnh phục vụ căn bản của họ là loan báo Tin Mừng đức Kytô cho tất cả những ai chưa biết Ngài

• Dặc biệt làm việc với giới trẻ, để tìm ra những phương tiện phúc âm hóa mới, phù hớp với đường hướng đề nghị đức tin và nhờ hy vọng

• Trong tinh thần phổ quát công giáo, ky tô hữu có sứ mệnh kể đức tin của mình bằng mọi ngôn ngữ, qua mọi văn hóa, liên kết với những phần tử khác, những nhóm ban khác

• Trong hoàn cảnh riêng của mình, mỗi kytô hữu phục vụ Tin Mừng theo hoàn cảnh của mình, với những sáng tạo của mình về truyền thông, về tổ chức, về sinh hoạt,…

II. Các đại biểu Việt Nam trao lời chứng và góp phần trao đổi

Cùng với việc học hỏi, các đại biểu của các các Sở Tuyên Úy Ngoại Kiều đã sinh hoạt chung với nhau, dâng thánh lễ, cầu nguyện, dùng bữa. Họ cũng đã tích cực nói chứng từ và góp trao đổi.

21 Lời chứng của một giáo dân trong cộng đoàn Việt Nam Paris

Theo đề nghị của cha Tổng Tuyên Úy Việt Nam, Gilbert Nguyễn Kim Sang, Gs Trần Văn Cảnh đã trao « một lời chứng về niềm vui hoạt động mục vụ của mình» cho hơn 60 hội thảo viên mục vụ di dân vào sáng thứ bảy, 18.02.2012. Ông kể :

Đáp lời gọi của cha sở Mai Đức Vinh, ông đã khởi đầu sinh hoạt trong Giáo Xứ Việt Nam Paris từ năm 1980. Cha sở, với nhiều vị khác trong Ban Giám Đốc và nhiều giáo dân khác trong cộng đoàn, đã đưa ra nhiều chương trình hoạt động khác nhau, bao phủ ba lãnh vực chính là : văn hóa, tôn giáo, xã hội và vật chất, xoay quanh ba mục tiêu chính : Giữ gìn thăng tiến văn hóa việt nam, Phục vụ Tin Mừng Kytô trong hòa nhập với Tổng giáo phận Paris và độc lập tài chánh và đào tạo nhân sự. Từ những chương trình ấy, nhiều công việc đã được các tín hữu cộng tác thiết kế, tổ chức, điều hành và thực hiện, trong khoảng trên 30 đơn vị khảc nhau do họ lập ra.

Những sinh hoạt địa phương Paris này dần dà đã lan ra các cộng đoàn việt nam, ngoại kiều hay địa phương khác ở Pháp. Ngay từ năm 1977, khi thành lập Tuyên Úy Đoàn của Các Cộng Đoàn Công Giáo Việt Nam ở Pháp, vị Tổng Tuyên Úy đầu tiên đã là cha Trương Đình Hoè, cha sở Giáo xứ Paris. Nhưng phải đợi đến nhiệm kỳ của cha Mai Đức Vinh, cha sở Paris từ 1980, được bổ nhiệm làm Tổng Tuyên Úy vào năm 1990, thì các sinh hoạt của Tuyên Úy Đoàn đã phát triển hẳn lên, nhờ sự tham gia của những cán bộ ở Paris. Nhiều sinh hoạt của Tuyên Úy Đoàn đã được Paris khởi xướng, từ việc điều hành trung ương, qua mục vụ trưởng thành, đến mục vụ giới trẻ, trong 12 năm, từ 1990 đến 2002.

Được dịp tham dự vào những sinh hoạt đức tin trong Cộng Đoàn Việt Nam ở Paris, rồi trong các sinh hoạt do Tuyên Úy Đoàn tổ chức trên bình diện quốc gia Pháp hay châu Âu, hay ở bất kỳ nơi nào trên thế giới, đó là một niềm vui lớn lao khôn tả. Niềm vui được thấy 3 nét đặc trưng nhất của văn hóa việt nam là hiếu thảo gia đình, liên đới xã hội đồng bào và niềm tin tự nhiên vào Trời đã được đức tin kytô thăng tiến và hoàn hảo hơn. Người kytô hữu có thể nhìn thẳng mặt đồng bào việt nam mình mà nói rằng là công giáo, tôi không hề từ bỏ căn tính việt nam của mình, mà ngược lại, đã làm nó sâu cao hơn, rộng dài và lớn nặng hơn. Niềm vui nữa là thấy rằng mình được dịp đề nghị những áp dụng có văn hóa việt nam vào những sinh hoạt đức tin công giáo. Ở điểm này, sứ mệnh đức tin công giáo và sứ mệnh văn hóa việt nam khắng khít cuốn quyện, chồng chất lôi kéo nhau. Làm sao một tín hữu có thể kiên vững đức tin, nếu không biết văn hóa quê hương việt nam mình ? Đã biết bao người việt nam, nhờ đào sâu và tìm kiếm căn tính văn hóa việt nam mình, đã tìm ra lối vào Tin Mừng Kytô !

22. Bốn đại biểu Việt Nam đã góp trao đổi với các Sở Tuyên Úy Ngoại kiều khác

Sáng chúa nhật, 19.02.2012, cả thời giờ đã được dành cho các Sở tuyên úy ngoại kiều họp riêng, để suy nghĩ riêng. Bốn đại biểu Việt nam, cũng như các đại biểu của các tuyên úy đoàn khác đã suy nghĩ về các cộng đoàn của mình. Nhưng trước khi bày tỏ ý kiến, cả 4 vị đều xác định rõ rằng chỉ dám phát biểu những cảm nghĩ và xác tín cá nhân, chứ không hề dám đại diện hay với tư cách nào khác. Hai vấn đề đã được Ban Mục Vụ Di Dân đặt ra :

Điểm quan trọng nào trong khóa hội thảo đã được bạn ghi nhận và giữ lại để phổ biến trong tuyên úy đoàn của mình ? Bốn đại biểu việt nam đã đưa ra những ý tưởng đã được nêu ra trong các bài trình bày hay lời chứng làm họ lưu ý và ghi nhận sau đây :

• Phải loan báo về Đức Kytô chứ không phải về giáo hội. Chúa Kytô phải là trung tâm của mọi sinh hoạt kytô hữu. Phải làm chứng cho Chúa Kytô, mà đừng coi mình là trung tâm.

• Thực hiện những sinh hoạt nội bộ từng nhóm là tốt. Nhưng phải biết mở ra, đi ra loan báo Tin Mừng cho mọi người, cho hết những ai chưa biết Chúa Kytô. Làm cho Giáo Hội được nhìn ra, làm sao cho người ta tôn trọng đức tin của ta, quyền được tin của ta.

• Tin cậy vào Thánh Linh Chúa hơn là vào sức riêng mình. Tôn kính các bậc đại diện Giáo Hội, ở mọi cấp bậc, từ cha sở giáo xứ, đến giám mục địa phận, Đại diện giáo quyền quốc gia, đến Đại Diện Giáo Hội hoàn vũ ; Và liên lạc thường xuyên với các ngài.

• Cho thêm dầu vào nhưng liên hệ, những truyền thông, những sinh hoạt,.. để cho mọi việc được trơn tru hơn, đễ chấp nhận hơn. Chấp nhận người khác như họ là, chứ không như mình muốn họ là.

• Khuyến khích giới trẻ tham gia vào các sinh hoạt mục vụ, giúp họ lấy sáng kiến và nâng đỡ họ.

Bạn dự kiến thăng tiến thế nào để sống trách nhiệm kytô hữu là phục vụ Tin Mừng ? Bốn đại biểu rất dè dặt, ngay cả đã giới hạn vào ý kiến cá nhân, họ cũng đã chỉ dám nêu ra một gợi ý :

• Bất cứ làm gì, cũng nên làm chung với nhau, hơn là làm riêng một mình, hay riêng nhóm mình, riêng đoàn mình, riêng họ mình, riêng xứ mình.

Trao đổi rất chân tình, hội học rất chăm chỉ, tham dự rất tích cực. Đó là những nét nổi của cuối tuần học hỏi của trên 60 đại biểu đến từ 11 đoàn tuyên úy ngoại kiều trên đất Pháp. Có người đến từ cực nam Nice, Canne, có người đến từ cực tây, Bordeaux, Nantes,…tất cả đều cởi mở, hiệp nhất. Cao điểm của « hiệp nhất, cùng nhau » là thánh lễ tối thứ bảy. Lời hát hiệp lễ vẫn vọng vang, ghi vào lòng nhiều hội thảo viên :

Nhớ Chúa xưa bẻ bánh ra
Theo gương ngài, hiến thân ta
Gieo bình an, truyền chân lý,
Xây đời mới, đời tình ca.


Paris, ngày 19 tháng 02 năm 2012

Trần Văn Cảnh
 
Sinh Viên Công Giáo Hưng Hóa thăm giáo dân H’Mông trên Bản Hẻo
SVCG Hưng Hóa
10:32 24/02/2012
Sinh Viên Công Giáo Hưng Hóa Thăm Bà Con Giáo Dân Dân Tộc H’Mông Trên Bản Hẻo.

Mảnh Đất Lạnh Ấm Tình Người

“Tình thương của Chúa con sẽ ca ngợi tình thương của Ngài suốt năm canh dài, con sẽ ca ngợi con sẽ ca ngợi đến muôn muôn đời”. Vâng chính tình yêu vô bến bờ của Ngài đã ấp ủ, đỡ nâng chúng con, đỡ nâng những tâm hồn yếu đuối, nguội lạnh. Và ngày hôm nay Chúa mời gọi anh em hãy lên đường rao giảng tin mừng, rắc reo tình thương của Chúa trên khắp muôn nơi, làm chứng cho tình yêu của ngài giữa cuộc đời, để sao cho “Đâu có tình yêu thương ở đó có đức Chúa Trời, đâu có tình bác ái Chúa chúc lành không ngơi …”. Đáp lại lời mời gọi của Thiên Chúa, anh chị em SVCG Hưng Hóa đang học tập tại Hà Nội đã lên đường đến với những người con của Chúa nơi mảnh đất núi rừng Yên Bái xa xôi.

Xem hình

Để chuẩn bị cho một mùa chay, với tinh thần bác ái và yêu thương, ngày 19 và 20 tháng 2 năm 2012 vừa qua chúng tôi đã có dịp về giáo xứ Mỹ Hưng thuộc tỉnh Yên Bái, và được sự giúp đỡ của cha xứ Phêrô Nguyễn Đình Đền và giáo dân của nhà xứ Mỹ Hưng chúng tôi đã được đến phát quà (gạo, mì tôm, nước mắm, bột canh ...) cho bà con giáo dân dân tộc H’Mông trên Bản Hẻo.

Không ngại cái lạnh giá của mùa đông, không ngại sự xa xôi hẻo lánh của địa hình, anh em chúng tôi đã lên đường với biết bao niềm vui, xen lẫn hồi hộp khi được đi xa,và còn đặc biệt hơn với nhiệm vụ không ít phần thiêng liêng, cao quý đó là làm bác ái.Với tinh thần bác ái, anh em trong đoàn đã phát huy cao độ niềm hăng say, nhiệt huyết tuổi trẻ của mình để công việc được thực hiện thành công tốt đẹp.

Hơn năm giờ đồng hồ ngồi trên xe. Có thể nói một chặng đường hơn hai trăm cây số cũng đủ để làm chúng tôi thấm mệt, khi chưa đi xa bao giờ. Nhưng khi đặt chân xuống khỏi xe dường như tất cả đã bị xua tan bởi không khí, quang cảnh nơi đây. Tất cả chúng tôi như bị choáng ngợp bởi sự trùng điệp của núi rừng. Điểm dừng chân của chúng tôi tại giáo xứ Mỹ Hưng thuộc tỉnh Yên Bái, xuống xe chúng tôi còn phải đi thêm một đoạn đường nữa mới đến nhà thờ. Giữa núi đồi ấy đó là ngôi thánh đường bé nhỏ được dựng bằng tre nứa. Tuy nhỏ bé đơn sơ nhưng lại thật ấm áp khi nhà thờ đã chật cứng trong Thánh Lễ chiều Chúa Nhật. Đoàn chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp thật thân tình của cha xứ và mọi người nơi đây. Sự thân tình ấy là những nụ cười của mọi người, ánh mắt trìu mến hiền hậu của cha xứ. Qua cuộc trò chuyện không ít sự vui tươi và dí dỏm của cha xứ đã xua tan bầu không khí lạ lẫm và thay vào đó là sự vui vẻ gần gũi giữa mọi người. Được sự giúp đỡ của cha, kế hoạch của chúng tôi đã nhanh chóng được cha sắp xếp một cách hợp lý, để chúng tôi thực hiện tốt chương trình của mình. Một bữa tối thật không thể quên trên mảnh đất giáo xứ Mỹ Hưng. Nhờ có tình yêu của Thiên Chúa đã cho chúng tôi có dịp đến để sẻ chia, để thấu hiểu được cuộc sống, được cảm nhận những tấm lòng của con người của mảnh đất nơi đây…

Sau một đêm được cảm nhận cái giá lạnh của núi rừng chúng tôi cũng đã phần nào hiểu được sự lạnh lẽo, khắc nghiệt của thời tiết nơi đây, từ đó mới thấy được sức sống mạnh mẽ của những con người nơi núi rừng. Sáng hôm sau chúng tôi mới bắt tay vào công việc chính thức của mình. Đó là vào bản Hẻo của người H’Mông để phát quà. Bản Hẻo cách giáo xứ Mỹ Hưng gần 30km. Vì vậy để đến được đây cha xứ đã kêu gọi sự giúp đỡ người dân của giáo xứ để trở chúng tôi đi. Càng ngày tôi càng cảm nhận được một tấm làng thật thà, chất phác và rất nhiệt tình của con người nơi đây. Đến với bản Hẻo, có lẽ đây là lần đầu tiên không chỉ có tôi mà rất nhiều bạn sinh viên đến với bà con dân tộc, chính vì vậy chúng tôi thật sự xúc động của cuộc sống bà con giáo dân nơi đây. Một cuộc sống mà chúng tôi nghĩ chỉ là sự tạm bợ mà thôi, chứ không thể bền chắc được. Nhưng khi đi vào tiếp xúc trò chuyện, cười đùa thì mới thấy ở họ tâm hồn vô cùng trong sáng, cũng như sự khát khao tình ngừời. Bởi đến tới bản đoàn chúng tôi đã nhận được sự đón tiếp rất đông của người dân ở bản. Đến với bản chúng tôi có mang theo 2,5 tấn gạo, và một số thực phẩm khác như: mì tôm, muối, mắm... đây là món quà mà quý ân nhân đã nhờ chúng tôi đem đến sẻ chia cho mọi người. Có thể thấy những món quà được trao đến với những người dân nơi Bản Hẻo nó không những đem đến giá trị vật chất mà còn mang lại một nguồn động viên tinh thần lớn lao. Nó giúp họ cảm nhận được tình người, tình yêu của Thiên Chúa, bởi chỉ tình yêu của Ngài mới đủ sức để thôi thúc con người hãy sống vì nhau, thôi thúc con ngừời đến với con người cho dù gian nan, khó khăn hay cách trở.

Đến với Bản Hẻo chúng tôi còn được tiếp xúc với tiếng nói, phong tục tập quán, với trang phục của người H’Mông. Đó sẽ là những kỉ niệm, những hiểu biết nhiều hơn cho chúng tôi. Giúp chúng tôi hiểu được hơn cuộc sống và bản sắc các dân tộc, anh em của mình.

Ra về trong sự lưu luyến bịn rịn. Chúng tôi đã nhận được nhiều tình cảm thật thà, chất phác nhưng cũng rất chân thành của con người nơi đây, với sự nhắn nhủ quay trở lại của các em nhỏ đã khiến chúng tôi không khỏi niềm xúc động, và thao thức có thêm những lần về lại nơi này.

“Tình thương của Chúa con sẽ ngợi ca suốt đời ... Lạy Chúa! xin Ngài hãy dùng con làm muối men cho Ngài. Nguyện xin Thiên Chúa sẽ mãi luôn đồng hành cùng chúng con để chúng con luôn làm sáng danh Chúa giữa đời!
 
Kontum: Linh mục bị 3 côn đồ chận đánh, đập phá hư xe
VP TGM Kontum
09:49 24/02/2012
Bản tin cho biết theo Văn Phòng Toà Giám Mục Kon Tum báo động hôm Thứ Sáu 24-2-2012:

“Vừa nhận được thông tin từ Giáo xứ kon Hring, thuộc Giáo hạt Đăk Mót, phía bắc Tỉnh Kon Tum thông báo về việc Cha Luy Gonzaga Nguyễn Quang Hoa, linh mục phó xứ Kon Hring, bị 3 tên côn đồ hành hung.

Trưa nay khoảng hơn 11 giờ, thứ Năm, ngày 23.02.2012, Sau khi đi dâng lễ an táng ở làng Kon Hnong, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum về thì bị 3 tên côn đồ người Kinh, tóc xanh tóc vàng đuổi theo đánh Cha ngã xuống xe, Cha vội chạy vào rừng cao su, cũng bị bọn chúng rượt đuổi theo đánh, bị thương ở đầu và cả người, rất may Cha không nặng lắm. Sau đó bọn chúng ra đập phá hỏng xe máy của Cha Hoa ở đường và bỏ đi.

Hiện nay Cha Hoa và Toà Giám Mục Kon Tum vẫn chưa biết do động cơ nào mà bọn chúng đánh linh mục như thế.

Xin anh chị em xa gần hiệp thông cầu nguyện cho Cha Hoa.
 
Vatican và VN hội đàm cải thiện quan hệ
BBC
09:53 24/02/2012
Vatican và VN hội đàm cải thiện quan hệ

LTS: Ngày 20/2/2012 Vietcatholic đã đăng bản tin có tựa đề "Hội đàm vòng 3 Việt Nam- Vatican sắp diễn ra tại Hà Nội". Nay Tòa Thánh Vatican đã chính thức xác nhận tin trên và vòng đàm phán sẽ diễn ra vào hai ngaỳ 27 và 28 tại Hà Nội. Chúng tôi trich đăng bản tin dưới đây của BBC để độc giả có thêm tài liệu.

Tòa Thánh Vatican vừa công bố sẽ có vòng hội đàm mới vào tuần tới với chính quyền Việt Nam nhằm cải thiện quan hệ hai bên vốn được bình luận là căng thẳng vì mâu thuẫn đất đai và tài sản.

Tin của Đài Phát thanh Vatican chiều 24/2/2012 theo giờ Roma chỉ nói ngắn gọn rằng vòng hội đàm mới được lên lịch sau một loạt chuyến thăm của Đ̣ai diện Tòa thánh sang Việt Nam.

Vòng hội đàm này, dự kiến diễn ra tại Hà Nội vào hai ngày 27 và 28 tháng 2 này, có mục đích "tăng cường và phát triển quan hệ song phương".

Đức Cha Federico Lombardi, Giám đốc Văn phòng Báo chí của Vatican được trích lời nói rằng căn cứ vào quyết định có được "sau cuộc gặp lần thứ hai của Nhóm Công tác Tòa Thánh ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2010, thì cuộc họp lần thứ ba của Nhóm Công tác Hỗn hợp" sẽ diễn ra tại Hà Nội tới đây.

Tiến triển rõ rệt nhất từ sau cuộc họp năm 2010 là Tòa Thánh đã có được một Đại diện không thường trú tại Việt Nam từ khoảng giữa năm 2011, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, người Ý.

Để Giáo hội làm gì?


Tuy nhiên, báo chí Âu Mỹ và các hãng tin quốc tế cho rằng cuộc họp tới có mục tiêu cải thiện quan hệ vẫn có nhiều căng thẳng hàng chục năm qua vì đất đai và tài sản.

Hãng AP viết đây là các căng thẳng vì tài sản của Giáo hội bị chính quyền cộng sản tịch thu, và vì một số chủ đề khác nữa.

Các nhà bình luận tin rằng khó khăn chính trong việc lập quan hệ ngoại giao Vatican với Việt Nam chính là việc xác định vị thế và vai trò xã hội của Giáo hội Thiên Chúa giáo La Mã ở quốc gia có tới 7-8 triệu tín đồ Công giáo này.

Tranh chấp đất đai trên thực tế chỉ là bề nổi của vấn đề sâu rộng về một triết lý và quản trị xã hội và làm bật ra câu hỏi khi nào Việt Nam hội nhập quốc tế tới mức bình thường hóa được quan hệ với Vatican.

Trước mắt, quan hệ hai bên được thể hiện ra bên ngoài chủ yếu qua các chuyến viếng thăm.

Gần đây nhất, Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli, Đại diện không thường trực của Tòa Thánh Vatican tại Việt Nam có chuyến thăm tới giáo phận Hưng Hóa từ 23 đến 28 tháng 11 năm ngoái.

Ngài Girelli đã thăm các giáo xứ Sapa và Lào Cai và được quan chức tỉnh Lào Cai "tiếp đón cách trọng thể", theo các trang mạng Công giáo.

Đưa tin về chuyến thăm đó, trang VietCatholic trích lời Tổng Giám mục Girelli nói: "Giáo Hội sẵn sàng cộng tác tích cực với chính quyền trong lãnh vực giáo dục và bác ái từ thiện".

Trong tháng 1/2011, khi đến làm lễ tại La Vang, Đức Hồng Y Ivan Dias, Đặc sứ của Đức Giáo Hoàng của đã nhắc lại thông điệp của Đức Giáo Hoàng Benedict XVI muốn Giáo hội ở trên thế giới có được "điều kiện tự do chính đáng để hoạt động theo sứ mệnh của mình".

Trong hàng giáo phẩm Việt Nam, dù cách ứng xử có khác nhau nhưng quan điểm chung về vấn đề này không có gì khác với tinh thần mà Hồng y Dias nêu ra.

Trước đó, Tổng Giám mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt, người bị phế truất sau tranh chấp đất tại Tòa Khâm sứ cũ với chính quyền thành phố Hà Nội hồi 2007-2009, cũng nói ý tương tự, rằng "Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải ân huệ xin-cho".

Đức Cha Nguyễn Thái Hợp, Chủ tịch Ủy ban Công Lý và Hòa Bình hồi tháng 10/2010 cũng nhấn mạnh các giám mục Việt Nam cần lên tiếng rõ hơn về những vấn đề được coi là nhạy cảm như nhân quyền hay Biển Đông để “đóng góp cho con người và cho dân tộc”.

Về phía Chính quyền Việt Nam, quan hệ với Vatican đã có được sự quan tâm từ các cấp lãnh đạo cao nhất.

Cả Chủ tịch nước nhiệm kỳ trước, ông Nguyễn Minh Triết, và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đều từng đã thăm Tòa Thánh và hội kiến Đức Giáo hoàng Benedict XVI.

Nhưng khó khăn vì hệ thống pháp luật bất cập và không loại trừ cả quyền lợi địa phương trong các tranh chấp đất đai với Giáo hội tại Việt Nam đã khiến quan hệ hai bên trở nên căng thẳng, thể hiện qua các vụ Tòa Khâm Sứ, Thái Hà, Tam Tòa, Đồng Chiêm và Cồn Dầu.

Trong chính quyền Việt Nam hiện nay, quan điểm coi hoạt động tôn giáo trước hết có tính an ninh chính trị hơn là sinh hoạt tín ngưỡng thuần tuý vẫn chiếm ưu thế.

Gần đây nhất, Trung tướng Phạm Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh II được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm làm trưởng ban Tôn giáo Chính phủ.

Hiện đang có các lời kêu gọi từ một số giới vận động ở Hoa Kỳ để Chính quyền Obama đưa Việt Nam trở lại danh sách Các nước cần quan tâm đặc biệt vì thiếu tự do tôn giáo, CPC.
 
Giám mục Hải Phòng suy tư: 'Mong manh'
+ GM Giuse Vũ Văn Thiên
10:10 24/02/2012
Mong manh

“Phù vân quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân” (Giảng Viên 1,2)

Lại một Mùa Chay nữa đang về. Nghi thức khai mạc Mùa Chay mang ấn tượng đặc biệt qua việc xức tro trên đầu các tín hữu. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay như sám hối, cầu nguyện, bác ái, chay tịnh đều nhằm nhắc chúng ta nghĩ về thân phận mỏng giòn của kiếp người.

Một năm vừa qua đi được đánh dấu bằng biết bao sự kiện vui buồn. Có những niềm vui của chiến thắng, thành công. Có những nỗi buồn của tan vỡ, thất bại. Mỗi người tự do lượng giá những gì đã xảy ra. Với cái nhìn đức tin, các tín hữu có thể đón nhận những sứ điệp Chúa nhắn gửi cho nhân loại. Nhìn lại năm đã qua, người viết mời quý Độc giả cùng suy tư về hai chữ “mong manh”, phần nào gồm tóm “sự đời” đã và đang diễn ra.

1- Sự mong manh của quyền lực

Năm 2011 chứng kiến sự sụp đổ của một loạt các nhà độc tài trên thế giới:

– Khởi đi từ sự kiện một anh bán rau trên hè phố tự thiêu vì bị cảnh sát chèn ép, một cuộc cách mạng mang tên “Cách mạng Hoa Nhài” đã ra đời tại Tunisia. Người thanh niên tự thiêu ngày 17-10-2010 có tên là Mohamed Bouazizi. Mục đích của anh nhằm phản kháng việc cảnh sát cấm anh bán hàng trên đường phố. Công chúng tức giận và bạo lực gia tăng sau cái chết của Bouazizi. Tổng thống Zine El Abidine Ben Ali của Tunisia, một nhà độc tài, đã phải từ chức ngày 14 tháng 1 năm 2011, sau 23 năm nắm quyền.

– Ngày 11-2-2011, ông Hosni Mubarak từ chức sau 30 năm ở cương vị tổng thống Ai Cập. Hàng triệu người dân đã đổ ra đường phố và hô vang khẩu hiệu “Ai Cập tự do”. Bầu không khí lễ hội hiện diện tại hầu như mọi con đường, khu phố khắp nước. Biến cố này đưa lịch sử đất nước sang một trang mới. Từ New York (Mỹ) cho đến London (Anh), nhiều người Ai Cập cũng chào đón một kỷ nguyên “hậu Mubarak”.

– Ngày 1-5-2011, tin thủ lãnh Al-Qaeda Bin Laden bị sát hại đã được loan đi. Sinh thời, nhân vật “trùm khủng bố” này đã trở thành nỗi ám ảnh của nước Mỹ, kể từ khi tòa Tháp đôi tại New York bị đánh sập vào ngày 11-9-2001. Tin này được Nhà Trắng xác nhận vào lúc 7 giờ ngày 1-5. Vì những lý do chính trị, ông Bin Laden đã được thủy táng. Nghi thức thủy táng được thuật lại như sau: “Xác ông được trùm vải trắng và đặt trong một cái túi chứa vật nặng để cho chìm hẳn xuống đáy biển. Miệng túi được cột rất chặt. Cái túi được cho trượt xuống biển bằng một tấm ván. Lúc đó là 6 giờ (giờ quốc tế) tức khoảng 12 giờ sau khi Bin Laden chết. Toàn bộ diễn biến lễ thủy táng kéo dài khoảng 50 phút” (trích từ trang WEB “Tin tức 24 giờ”, ngày 5-5-2011).

– Sau 42 năm trên vị trí lãnh đạo quốc gia Lybia, đại tá Gadhafi đã bị giết ngay tại quê hương của mình là thành phố Sirte. Khi nghe tin này, hàng loạt xe hơi trên đường phố tại Tripoli đã đồng loạt kéo còi kèm theo tiếng súng bắn chỉ thiên để ăn mừng. Gadhafi bị lật đổ hồi tháng 8-2011, trong làn sóng nổi dậy lan khắp thế giới Ảrập. Toà án hình sự quốc tế (ICC) cũng đã phát lệnh bắt Gadhafi vì các cáo buộc tội ác chống lại loài người.

Một vài trường hợp điển hình trên đây cho thấy quyền lực trần thế thật là mong manh. Có những người ở vị trí lãnh đạo một quốc gia trong suốt gần nửa thế kỷ. Nếu họ là những bậc minh quân, thì quốc gia ấy được hưởng biết bao điều tốt lành. Nếu họ là những người độc tài, quốc gia ấy phải gánh chịu những hậu quả vô cùng thảm hại. Khi ở địa vị “thế thiên hành đạo” mà họ không biết đặt ích lợi của người dân làm đầu thì ngai vàng của họ sẽ bị lung lay và sụp đổ. Với danh nghĩa “công bộc của dân” mà không biết lo lắng cho dân được hạnh phúc thì chiếc ghế của họ cũng không thể tồn tại lâu dài. Có người nói: “Quyền lực giống như cát trong lòng bàn tay. Càng xiết chặt, cát càng chảy tuột, nếu nhẹ nhàng, cát vẫn còn đó”. Trước tòa Philatô, Đức Giêsu đã tuyên bố: “Ngài không có quyền gì đối với tôi, nếu Trời chẳng ban cho ngài...” (Ga 19,11). Mọi quyền năng từ Trời mà đến, nhưng một khi không thuận ý Trời, thì quyền năng ấy sẽ bị lụn bại. Mọi chức vụ đều nhằm làm đẹp ý dân, nhưng một khi không còn mang lại cho dân hạnh phúc, thì chức vụ ấy sẽ thành vô nghĩa.

2- Sự mong manh của những tiến bộ kỹ thuật

– Người dân Hoa Kỳ, nhất là những ai cư ngụ ở thành phố New York, đã có một thời tự hào về Trung tâm Thương mại Thế giới (World Trade Center), nổi bật với Tòa tháp đôi gồm 110 tầng, được kiến trúc sư người Mỹ gốc Nhật Minoru Yamasaki thiết kế. Khởi công từ 1966 và khánh thành vào 4-3-1973, nó vượt qua chiều cao của tòa Empire State lịch sử, trở thành tòa nhà cao nhất thế giới. Ấy vậy mà biểu tượng của niềm tự hào này đã bị tiêu hủy ra mây khói trong vòng vài phút, trong trận khủng bố do hai chiếc phi cơ Boeing đâm vào, ngày 11-9-2001. Tòa tháp đôi sụp đổ đã mang theo sinh mạng của khoảng 4.000 người. Du khách đến với New York hôm nay chỉ còn nhìn thấy một khu đất hoang tàn, với những phế tích còn lại của Tháp đôi và những dòng chữ tưởng niệm các nạn nhân vô tội do trận khủng bố dã man này.

– Nước Anh và nước Pháp đã từng đi đầu trong công nghệ sản xuất máy bay với chiếc Concorde, là máy bay chở khách siêu âm thương mại thành công nhất. Bay thử lần đầu năm 1969, Concorde bắt đầu được đưa vào phục vụ năm 1976 và có thời gian hoạt động dài 27 năm. Chiếc máy bay này được mang danh là “Chú chim trắng trên bầu trời”, và đã lập được nhiều kỷ lục, gồm thời gian bay 2 giờ, 52 phút và 59 giây giữa New York và London, ngày 7-2-1996. Mặc dù được đánh giá ở mức kỹ thuật hoàn hảo tuyệt đối, ngày 25-7-2000, máy bay Concorde đã gặp phải một tai nạn tại Gonesse, Pháp. Vụ tai nạn đã làm thiệt mạng 100 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn trên khoang cùng 4 người dưới mặt đất. Đây là vụ tai nạn nghiêm trọng đầu tiên và duy nhất của loại máy bay này. Sau vụ khủng bố tại New York ngày 11-9-2001, Concorde đã được cho ngừng hoạt động ngày 24 tháng 10 năm 2003, chuyến bay “về hưu” diễn ra ngày 26 tháng 11 năm ấy. Niềm tự hào của những ai đã tạo ra “chú chim trắng trên bầu trời” dần đi vào dĩ vãng.

– Những ngày đầu năm 2012 này, thế giới kinh hoàng khi nghe tin chiếc tàu du lịch hiện đại và khổng lồ của Italia gặp nạn. Chiếc tàu này mang tên giống như chiếc máy bay Concorde. Tên đầy đủ của nó là Costa Concordia. Con tàu trị giá 750.000 Mỹ Kim đã gặp nạn ngày 14-1-2012 ở khu vực đảo Giglio, miền Tuscany, Italia. Tàu Concordia có trọng lượng 114.500 tấn, đang chở 4.200 hành khách, đã va vào đá ngầm. Biến cố này được giới báo chí gọi là “Tàu Titanic Italia”. Một điều trùng hợp kỳ lạ là sự kiện này xảy ra sau đúng 100 năm, kể từ khi con tàu Titanic gặp nạn. Chiếc tàu Titanic chuyên chở 2.201 hành khách đã bị đắm ngày 15-4-1912 làm thiệt mạng hơn 1.500 người.

Những trường hợp điển hình được nêu trên đây cho thấy dù mạnh mẽ đến đâu, thì khoa học kỹ thuật cũng không bao giờ được coi là hoàn hảo. Dù tối tân hiện đại đến mức nào, thì con người cũng không thể coi những sáng chế tinh vi là tối thượng. Khi đã đạt tới đỉnh cao của công nghệ, người ta bị cám dỗ khước từ Thiên Chúa, thậm chí còn có người báng bổ tự cho mình có thể thay thế Thiên Chúa. Họ tự cho mình có thể làm được mọi sự. Theo họ, Thiên Chúa đã trở thành một nhân vật của huyền thoại, hoặc giả nếu Ngài có hiện hữu thì Ngài cũng không phải là Đấng Toàn năng. Thấy rõ được nguy cơ này, Đức Thánh Cha Bênêđictô đã viết trong Tự sắc về Năm Đức Tin như sau: “So với quá khứ, đức tin ngày nay đang phải chịu một loạt những vấn nạn đến từ não trạng thay đổi, đặc biệt là ngày nay não trạng này thu hẹp lãnh vực những điều chắc chắn hợp lý vào lãnh vực những chinh phục của khoa học và kỹ thuật”. Tuy vậy, vị Cha chung của Giáo Hội khẳng định với chúng ta: “Giáo Hội không bao giờ sợ chứng minh rằng giữa đức tin và khoa học chân chính không hề có xung đột, vì cả hai đều hướng về sự thật, tuy bằng những con đường khác nhau” (Tự sắc Porta Fidei, số 12).

3- Sự mong manh của kiếp người

Ngẫm về sự mỏng manh của kiếp người, tác giả Thánh vịnh đã thốt lên:

“Kiếp phù sinh tháng ngày vắn vỏi,
tươi thắm như cỏ nội hoa đồng,
một cơn gió thoảng là xong,
chốn xưa mình ở cũng không biết mình”
(Tv 103, 15-16)

Những phát minh khám phá trong lãnh vực y khoa, dù rất hiện đại, cũng không thể kéo dài cuộc sống của con người trên cõi dương gian. Kiếp người vẫn mỏng giòn, sớm nở chiều tàn, như đóa phù dung.

– Mong manh giữa sự sống và sự chết. Mỗi năm, cả nước có đến trên chục ngàn người chết vì tai nạn giao thông, hàng ngàn người chết do tai nạn lao động. Tình trạng ngộ độc thực phẩm ngày càng nghiêm trọng đã và đang cướp đi sinh mạng của biết bao người. Có nhiều người còn trẻ đã phải vĩnh viễn ra đi. Biết bao sáng kiến, biết bao quy định, nhưng số người chết vẫn không giảm. Đã nhiều người lên tiếng, nhưng xem ra tình trạng này chưa được cải thiện. Người dân đành phải sống theo kiểu “ai có thân người ấy lo”. Những điều trên đây cho thấy kiếp người thật mong manh, nay còn, mai mất. Mỗi khi ra đường là lo lắng, chỉ khi về tới nhà mới chắc là mình được an toàn.

– Mong manh giữa cái thiện và cái ác. Chỉ một chút nóng giận cũng cướp đi một mạng sống. Chỉ một lý do đơn giản cũng làm mất một cuộc đời. Có những người suốt đời chân chất, ăn ở hiền lành, vậy mà một giây phút không làm chủ được bản thân đã trở thành kẻ giết người. Xã hội hôm nay cho thấy ranh giới giữa thiện và ác thật mong manh. Hậu quả là vợ đốt chồng, con giết cha. Xã hội khá nhiều những người con “nghịch tử”. Sự bất hiếu có nguyên nhân muốn đặt lợi lộc vật chất làm ưu tiên hàng đầu. Xã hội đưa ra nhiều phong trào, nhưng chỉ giống như “ném gạch giữa ao bèo”. Giáo Hội phát động nhiều chiến dịch, nhưng chỉ như “muối bỏ biển”. Liều thuốc có hiệu quả chắc chắn phải là sự cải hóa nội tâm. “Tâm bình, thế giới bình”, chỉ một khi con người có lương tâm ngay thẳng, chân thành hướng thiện, lúc đó họ mới có thể góp phần xây dựng một cuộc sống an bình.

– Mong manh giữa khôn và dại. Gần đây, thành phần những người phải ra trước vành móng ngựa càng ngày càng đa dạng. Họ là quan chức cao cấp, là người mẫu, là diễn viên điện ảnh, là chủ khách sạn, là người cha người mẹ, là trẻ vị thành niên. Ai cũng hối hận nhưng đã quá muộn màng. Trước khi bị bắt, ai cũng nghĩ mình khôn. Sau khi vào tù, mới ngỡ ra mình dại. Những người đang khôn, bỗng trở thành dại trong chốc lát, vì tham vọng, ghen tương và vì lóa mắt trước những cám dỗ vật chất. “Vàng là vật chất tỏa sáng, nhưng không phải bất cứ thứ gì tỏa sáng đều là vàng”. Nhiều người ngẫm ra điều ấy thì thấy mình đã quá dại dột. Làm sao biết mình khôn thực sự? Tác giả Thánh vịnh trả lời: “Kính sợ Chúa là đầu mối khôn ngoan” (Tv 111, 10). Thực thế, khôn ngoan theo kiểu người đời sẽ làm con người hư mất. Khôn ngoan trong ơn nghĩa Chúa sẽ đem lại cho con người vinh quang. Vị Tông đồ dân ngoại cũng đã đúc rút kinh nghiệm quý báu đó cho chính mình: “Chúng tôi không sống theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2 Cr 1, 12).

Thì ra trong “cõi người ta”, cái gì cũng chỉ là tương đối. Quyền lực, danh vọng và của cải chỉ có ý nghĩa khi nó nhằm phục vụ ích chung. Quyền lực được lâu bền nhờ tinh thần phục vụ, thân thế được lưu danh nhờ biết sống vì tha nhân. Đức Giêsu đã nói về quyền lực: “Anh em biết: thủ lãnh các dân thì dùng uy quyền mà thống trị dân, những người làm lớn thì dùng lấy quyền mà cai quản dân. Giữa anh em thì không được như vậy: Ai muốn làm lớn giữa anh em, thì phải làm người phục vụ anh em. Và ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ anh em”. Đức Giêsu đã áp dụng triết lý sống này nơi bản thân Người: “Con Người đến không phải được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20,25-28). Khái niệm “lãnh đạo là người phục vụ” của Tin Mừng đã ảnh hưởng sâu sắc tới nền văn hóa của các nước có truyền thống Kitô giáo.

Khi nhận ra sự mong manh của cuộc đời, chúng ta không bi quan chán nản trước những bất toàn. Khi thấy rõ giới hạn của con người trần thế, chúng ta vươn tới Đấng toàn năng cao cả. Vâng, Thiên Chúa là Đấng trung thành. Ngài luôn hướng dẫn cuộc đời chúng ta và trả công cho chúng ta theo như chúng ta đối xử với anh chị em mình.

+ Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Giáo phận Hải Phòng


(Nguồn: http://hdgmvietnam.org/mong-manh/3700.95.5.aspx)
 
Giáo Xứ Cồn Thoi chầu lượt thay mặt Giáo Phận Phát Diệm
Lê Văn Hào
10:31 24/02/2012
Giáo Xứ Cồn Thoi Phát Diệm Chầu Lượt Thay Mặt Giáo Phận

Theo lịch giáo phận, Chúa nhật VII mùa Thường Niên năm B – ngày 20.2.2012, giáo xứ Cồn Thoi chầu Chúa Giê-su Thánh Thể thay mặt giáo phận.

Để chuẩn bị tâm hồn giáo dân mừng ngày chầu lượt được sốt sắng và lãnh nhận được nhiều hồng ân Chúa Giê-su Thánh Thể, cha xứ An-tôn Đoàn Minh Hải đã khai mạc tuần chầu với Tuần Tam Nhật từ chiều thứ Năm, cùng với việc ban bí tích Hòa Giải suốt tuần qua không kể ngày giờ nào, ngài miệt mài ngồi tòa để đón nhận các tâm hồn.

Xem hình chầu lượt

Ngày chầu lượt được khai mạc với thánh lễ 5h00 sáng, sau đó đặt Mình Thánh Chúa chầu cả ngày. Đỉnh điểm buổi sáng là thánh lễ 10h30 với sự hiện diện của 13 cha và 2 thầy Phó tế trong và ngoài giáo hạt Văn Hải.

Với ơn Chúa và với sự chuẩn bị kỹ lưỡng cả bề trong lẫn bề ngoài của Cha xứ An-tôn, Ban chấp hành xứ và giáo dân trong xứ, ngày chầu đã diễn ra một cách tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của con người. Trước khi bắt đầu thánh lễ lúc 10h30, Cha xứ An-tôn chào mừng quý cha và quý khách đến tham dự ngày chầu lượt của giáo xứ. Ngài nói: “Giờ phút này đây chúng con cảm nhận như một phép lạ Chúa đang thực hiện tại giáo xứ Cồn Thoi này. Phép lạ thư nhất: ngày hôm qua trời còn mưa rét nhưng hôm nay thời tiết tạnh ráo tuy còn lạnh. Phép lạ thứ hai số người kéo về Cồn Thoi đông vô kể có thể đến “5000 người đàn ông không kể đàn bà con trẻ”. Quả là một phép lạ”.

Cùng với sự cảm nhận này, mở đầu bài giảng Cha Giu-se Phạm Ngọc Khuê, Giám đốc Tiểu Chủng Viện đã nói: “Trong tôi giờ này có hai tâm trạng trái ngược nhau: đó là tôi rất vui mừng được về với Cồn Thoi trong ngày chầu Chúa Giê-su Thánh Thể thay mặt giáo phận và được chứng kiến đức tin thật sống động và vững mạnh của anh chị em; thế nhưng tôi lại thấy lo vì chưa bao giờ giảng trước một cử tọa đông người như thế này”. Chính sự khiêm tốn của ngài mà Chúa Thánh Thần đã thổi tới từng tâm hồn một ý tưởng mới về lỗ hổng cuộc đời. Ngài đã khéo léo vận dụng lỗ hổng trong bài Tin Mừng mà 4 người bạn của người bại liệt qua việc dỡ mái nhà để thả người bại liệt xuống vào “lỗ hổng cuộc đời” của mỗi người: lỗ hổng của một đức tin nửa vời, sự gian dối,…Như người bại liệt chui qua lỗ hổng để được chữa lành phần hồn phần xác, mỗi người ki-tô hữu cũng cần chui qua lỗ hổng cuộc đời với một đức tin vững mạnh để Chúa chữa lành và làm mới lại trong ân sủng của Ngài.

Nhìn quang cảnh một biển người dự lễ làm tôi liên tưởng đến khung cảnh của bài Tin Mừng mà thánh Mác-cô tường thuật. Họ cũng giống như những người thành Ca-phác-na-um xưa kéo nhau đến Cồn Thoi để nghe Lời Chúa và lãnh nhận Mình Ngài đến nỗi chật kín cả trong nhà thờ và ngoài sân. Giáo xứ Cồn Thoi vẫn là điểm đến của các xứ khu vực miền duyên hải và của các hạt lân cận.

Buổi chiều vào lúc 3g30, Thánh Thể được cung nghinh quanh khuôn viên Nhà Thờ và kết thúc ngày chầu là thánh lễ tạ ơn do Cha Gioan B. Bùi Văn Kế - chính xứ Mông Hưu chủ tế cùng với Cha xứ An-tôn và thầy Phó tế GB. Lê Văn Hào.

Buổi cung nghinh Thánh Thể thật sốt sắng và ấn tượng. Thay vì như mọi năm khi cung nghinh Thánh Thể đọc kinh, đánh trống, và thổi kèn thì năm nay Cha xứ An-tôn đã soạn những bài suy niệm về Thánh Thể rất ý nghĩa, xen kẽ là những bài hát về Thánh Thể. Mọi người tham dự đều gia tăng lòng sốt mến và xác tín vào Bí tích Tình Yêu.

Ngày chầu Chúa Giê-su Thánh Thể khép lại. Cả giáo xứ tràn ngập niềm vui và bình an, bởi được bao bọc bằng ân sủng, tình yêu và sức sống của Chúa Giê-su Thánh Thể. Cùng với Ngài mọi người hân hoan ra đi làm men, làm muối trong mọi nẻo đường.
Lê Văn Hào

 
Giáo xứ Làng Nam cầu nối yêu thương cho học sinh nghèo
Phạm Hồng Ngự
10:38 24/02/2012
VINH - Nhằm sống tinh thần Mùa Chay một cách cụ thể, ngày 23.02.2012, giáo xứ Làng Nam, tuy không có điều kiện vật chất, nhưng đã đóng góp tinh thần, để cho hơn 200 em học sinh Trường Dân Tộc Bán Trú Phà Đánh II, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An, nhận được những món quà đáng quý.

Xem hình ảnh

Trong sứ điệp Mùa Chay năm 2012 và của Đức Giám mục giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, trong Thư Mục Vụ Mùa Chay 2012, về việc cần biểu lộ tinh thần Mùa Chay bằng những hành động bác ái cụ thể, giáo xứ Làng Nam, tuy không có điều kiện vật chất, nhưng đã cố gắng liên lạc với các ân nhân, để có được 800 kg gạo, 45 bao quần áo cũ và một số bánh kẹo trao tặng cho các học sinh và một số gia đình dân tộc thiểu số ở xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An.

Bên cạnh những món quà mà giáo xứ kêu gọi được trên đây, giáo xứ còn mời được ba vị ân nhân, đến từ quê hương của linh mục quản xứ Antôn Hoàng Trung Hoa, giáo xứ Phú Vinh, cùng đi. Ông G.B Hoàng Văn Thịnh, người dẫn đầu đoàn Bác Ái Phú Vinh, đã trao tặng cho Trường 15.000.000 đồng, để góp phần sửa chữa các lán ngủ cho các em học sinh, và tặng trực tiếp cho mỗi em một cái áo mới.

Trường Dân Tộc Bán Trú Phà Đánh II, cách thành phố Vinh khoảng 230 km; có hơn 200 em học sinh, gồm các lớp từ lớp 1 đến lớp 9. Các em là người dân tộc Khơ Mú và Thái.
 
Ảnh Nghệ Thuật
Trang Ảnh Nghệ Thuật Chiêm/Niệm/Thiền: Chút Nắng Ngày Đông
Nguyễn Hùng
22:16 24/02/2012
CHÚT NẮNG NGÀY ĐÔNG
Ảnh của Nguyễn Hùng
Càn khôn đôi cõi mênh mông
Chút tia nắng ấm, đầu đông giao tình.
(nh)

Click here to go to PhotoArt Meditation Room - Phòng ảnh Nghệ Thuật và Chiêm/Niệm/Thiền
 
VietCatholic TV
Thế giới nhìn từ Vatican 17/02 - 24/02/2012 Giám Mục Tây Ban Nha hy sinh 25% lương bổng cho người nghèo
Thế Giới Nhìn Từ Vatican
14:00 24/02/2012
1. Bài Huấn Dụ trong buổi tiếp kiến chung sáng Thứ Tư hàng tuần

Trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng Thứ Tư 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nói về ý nghĩa của Mùa Chay, bắt đầu từ ngày thứ Tư Lễ Tro. Đức Thánh Cha đã giải thích ý nghĩa của việc thiết đặt 40 ngày Mùa Chay trong lịch Phụng Vụ Giáo Hội Công Giáo và nêu bật rằng 40 ngày này là một thời gian “đổi mới tinh thần”. Ngài nói:

Anh chị em thân mến,

Hôm nay Giáo Hội cử hành ngày thứ Tư Lễ Tro, khởi đầu của hành trình Mùa Chay hướng tới Phục Sinh. Toàn thể cộng đồng Kitô hữu được mời gọi để sống khoảng thời gian bốn mươi ngày này như một cuộc hành hương hoán cải, ăn năn và đổi mới.

Trong Kinh Thánh, số 40 là biểu tượng phong phú. Nó gợi nhớ lại cuộc lữ hành của dân Israel trong sa mạc, một thời gian trông mong, thanh tẩy và gần gũi với Chúa, nhưng đó cũng là thời gian của cám dỗ và thử thách. Nó cũng gợi lên hình ảnh Chúa Giêsu trong sa mạc vào lúc bắt đầu sứ vụ công khai của mình, một thời gian gần gũi sâu sắc với Chúa Cha trong lời cầu nguyện, và cũng là thời gian đối đầu với mầu nhiệm sự ác.

Kỷ luật Mùa Chay của Giáo Hội nhằm giúp đào sâu đời sống đức tin của chúng ta và giúp ta bắt chước Chúa Kitô trong mầu nhiệm vượt qua của Ngài.

Trong 40 ngày này, chúng ta có thể xích lại gần gũi hơn với Chúa bằng cách chiêm ngắm lời Ngài và gương sáng của Ngài, và chinh phục sa mạc của sự khô khan thiêng liêng trong ta, cùng với tính ích kỷ và chủ nghĩa duy vật. Đối với toàn thể Giáo Hội, tôi cầu xin cho Mùa Chay này là một thời gian ân sủng trong đó Thiên Chúa dẫn dắt chúng ta, trong sự hiệp nhất với Chúa Giêsu chịu đóng đinh và sống lại, vượt qua sa mạc để đến với niềm vui và hy vọng của Lễ Phục Sinh.

Tôi chào đón tất cả các tín hữu nói tiếng Anh có mặt ngày hôm nay, trong buổi triều yết chung này, cách riêng là những người từ Anh, Bỉ, Na Uy, Canada và Hoa Kỳ. Tôi chào đón nồng nhiệt cách đặc biệt các tín hữu của giáo xứ Tòng Nhân Đức Mẹ Walsingham nhân dịp anh chị em hành hương đến Tòa Thánh Phêrô. Tôi chào anh chị em tín hữu từ giáo phận Antwerp, và tôi cảm ơn các dàn hợp xướng đã dâng lời khen ngợi Thiên Chúa.

Tôi khấn xin bình an của Thiên Chúa toàn năng tuôn đổ trên anh chị em và cầu chúc anh chị em một Mùa Chay đầy hoa trái thiêng liêng.

2. Lễ Tro tại Vatican

Chiều thứ Tư 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chủ sự cuộc rước sám hối từ nhà thờ thánh Anselmo của dòng Biển Đức tới đền thờ thánh nữ Sabina của dòng Đa Minh nơi ngài đã chủ sự thánh lễ mở đầu Mùa Chay Thánh.

Lúc 4 giờ 30 chiều, Đức Thánh Cha cùng với hơn 30 vị Hồng Y, Giám Mục, các tu sĩ dòng Biển Đức và Đa Minh, trong đó có 2 vị Tổng quyền của 2 dòng liên hệ, đã chủ sự cuộc rước trọng thể trên một quãng đường dài 500 mét, vừa đi vừa hát kinh cầu các thánh, và các bài thánh ca thống hối khác. Lần đầu tiên, Đức Thánh Cha đã đi trên một chiếc xe nhỏ mui trần, có hai Đức Ông thuộc ban nghi lễ phụng vụ tháp tùng, thay vì đi bộ như từ trước đến nay.

Tại Vương cung Thánh Đường thánh nữ Sabina, trên đồi Avventino, có từ thế kỷ thứ 5, Đức Thánh Cha đã chủ sự thánh lễ, trước sự tham dự của các Hồng Y và Giám Mục, linh mục tu sĩ nam nữ và giáo dân, đặc biệt là các vị lãnh đạo Hội Hiệp sĩ Malta.

Trong bài giảng, Đức Thánh Cha đặc biệt diễn giải ý nghĩa của tro bụi, đặc biệt là câu Chúa nói trong sách Sáng thế, được lập lại trong phụng vụ lễ tro “Ngươi là tro bụi và sẽ trở về bụi tro” (St 3,19). Ngài nói:

“Tro là một trong những dấu chỉ vật chất đề cập đến vũ trụ này trong Phụng Vụ”.

Thứ Tư Lễ Tro là một cơ hội để nhắc nhở tất cả mọi người về thân phận mỏng dòn của họ. Chúng ta là bụi tro và sẽ trở về với bụi tro

Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng:

"Bụi tro không nhớ gì đến kỳ công sáng tạo của Thiên Chúa, là việc khai mở hoàn toàn cuộc sống, nhưng nó trở nên một dấu hiệu cho một vận mệnh tàn bạo là cái chết: Ngươi là bụi tro và sẽ trở về tro bụi"

Tuy nhiên, Chúa Kitô đã loan báo một con đường cứu độ, tiến qua đất, qua “bụi tro”, qua thân xác sẽ được chính Ngài nhận lấy. Chính trong viễn tượng cứu độ ấy mà Lời sách Sáng Thế được phụng vụ thứ Tư lễ Tro lấy lại: như một lời mời gọi thống hối, khiêm tốn, ý thức về thân phận hay chết của mình, nhưng không phải để rơi vào tuyệt vọng, trái lại để đón nhận chính trong thân phận hay chết của chúng ta, sự gần gũi vô biên của Thiên Chúa, Đấng qua cái chết, mở cho chúng ta con đường tới sự phục sinh, tới thiên đàng được tìm lại”.

Đức Thánh Cha cũng nhận xét rằng “sở dĩ chúng ta có thể được hưởng ơn tha thứ của Thiên Chúa, là do sự kiện cốt yếu này: chính Thiên Chúa, trong con của Ngài, đã muốn chia sẻ thân phận của chúng ta, không phải sự hư nát do tội lỗi. Chính Thiên Chúa Cha đã cho Con của Ngài được phục sinh nhờ quyền năng của Thánh Linh, và Chúa Giêsu là Adam mới, trở thành “Thần khí ban sự sống” (1 Cr 15,45), là hoa quả đầu mùa của công trình sáng tạo mới.. Vị Thiên Chúa đã trục xuất nguyên tổ khỏi vườn địa đàng, đã sai Con của Ngài xuống trần thế bị tội lỗi tàn phá, để chúng ta, những đứa con hoang đàng của Ngài, có thể trở về quê hương chân thực, trong tinh thần thống hối và được lượng từ bi của Ngài cứu chuộc. Điều đó cũng xảy ra cho mỗi người chúng ta, cho mọi tín hữu, cho mỗi người khiêm tốn nhìn nhận mình cần ơn cứu độ”.

Trong nghi thức bỏ tro sau bài giảng, Đức Hồng Y Jozef Tomko, người Slovak, nguyên Tổng trưởng Bộ truyền giáo, có nhà thờ hiệu tòa là Đền thờ thánh nữ Sabina, đã bỏ tro trên đầu Đức Thánh Cha, trước khi ngài bỏ tro cho các Hồng y và một số tín hữu, trong khi 12 linh mục bỏ tro trên đầu các tín hữu hiện diện.

Cuộc hành trình lên đồi Aventine tiêu biểu cho cố gắng nên thánh của người Công giáo. Truyền thống này đã được Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II phục hồi vào năm 1979.

3. Công Nghị Tấn Phong Hồng Y

Biến cố nổi bật trong tuần qua là Công Nghị Tấn Phong 22 vị Hồng Y. Trong đó có 10 vị thuộc các cơ quan trung ương Tòa Thánh, 9 vị là các Tổng Giám Mục, và Giám Mục cai quản các giáo phận trên thế giới và 3 vị lão thành đã dầy công phục vụ Giáo Hội. Trong buổi lễ Đức Thánh Cha đã giải thích như sau về chức năng của Hồng Y Đoàn:

"Hồng Y Đoàn là để phục vụ Giáo Hội với tình yêu và sức mạnh, với sự thanh sạch và khôn ngoan của các thầy dậy, với năng lực và sức mạnh của các mục tử, với lòng trung tín và can đảm của các vị tử đạo."

Trước khi được tấn phong, các vị đã tuyên thệ trung thành và vâng phục Đức Thánh Cha và các vị kế nhiệm ngài.

Sau đó, Đức Thánh Cha đã trao cho từng vị chiếc mũ Hồng Y, nhẫn và tước hiệu liên kết với một nhà thờ trong giáo phận Rôma hoặc một giáo phận phụ cận.

Nhân dịp này, Đức Thánh Cha đã chuẩn y 7 án phong thánh và thông báo rằng vào ngày 21 tháng 10 tới đây Giáo Hội sẽ có bảy vị thánh mới.

Hai trong số các vị là người Mỹ. Đó là hai Chân Phước Marianne Cope, và Kateri Tekakwitha. Chân Phước Kateri Tekakwitha là một trong số những thổ dân Mỹ Châu đầu tiên gia nhập Thiên Chúa Giáo.

Ngoài ra còn có Chân Phước María del Monte Carmelo của Tây Ban Nha, đấng sáng lập dòng Đức Mẹ Vô Nhiễm chuyên về giáo dục.

Các tín hữu Công Giáo Phi Luật Tân đã hân hoan chào đón vị thánh thứ hai của họ là thánh tử đạo Pedro Calungsod.

Cũng được phong thánh vào ngày hôm đó là các Chân Phước Giovanni Battista Piamarta của Ý, Jacques Berthieu của Pháp, và Anna Schäfer của Đức.

4. Đức Thánh Cha gặp gỡ các vị Tân Hồng Y

Hôm thứ Hai 20 tháng 2, Đức Thánh Cha đã chính thức bế mạc Công Nghị tấn phong Hồng Y với cuộc gặp gỡ 22 tân Hồng Y và các thành viên gia đình của các ngài tại Đại Thính Đường Phaolô đệ Lục của Vatican. Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã chào đón từng vị trong tất cả 22 vị. Một số vị đã nhân dịp này tặng quà lưu niệm cho Đức Thánh Cha.

Đức Thánh Cha nói với các vị như sau:

"Tôi hân hạnh gửi lời chào nhiệt liệt đến các vị nói tiếng Anh mà tôi đã có niềm vui được nâng lên hàng Hồng Y trong công nghị hôm thứ Bẩy."

Sau bài phát biểu của ngài, các vị hồng y mới, cùng với hai thành viên trong gia đình của họ đã được Đức Thánh Cha chào đón. Một tràng pháo tay ròn rã đã được cử tọa dành cho Đức Hồng Y Lucian, Muresan của Rumani, đồng thời là Tổng Giám mục trưởng của Fagaras và Alba Iulia.

Một số vị đã nhân cơ hội này để tặng cho Đức Giáo Hoàng một món quà lưu niệm. Đức Hồng Y George Alencherry New của Ấn Độ đã tặng Đức Thánh Cha một khung ảnh Chúa Giêsu Kitô. Đức Hồng Y Rainer Maria Woelki thì tặng Đức Thánh Cha một tác phẩm điêu khắc bằng gốm hình con gấu mang tính biểu tượng của thành phố Berlin. Trong khi đó, Đức Hồng y Gioan Thang Hán của Hương Cảng thì tặng Đức Thánh Cha bức tranh trích đoạn Tin Mừng.

5. Buổi đọc kinh Truyền Tin

Trong buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 19 tháng 2, Đức Thánh Cha đã nhắc lại Công Nghị Tấn Phong 22 vị Hồng Y, và ngài giải thích lý do tại sao các vị Hồng Y mặc phẩm phục màu đỏ.

Ngài nói:

"Từ bây giờ, các vị cống hiến nhiều hơn để làm việc với tôi trong việc cai quản Giáo Hội phổ quát, và làm chứng cho Tin Mừng đến mức dám hy sinh mạng sống mình: đó là ý nghĩa của màu đỏ trong phẩm phục của các ngài".

Đức Thánh Cha đặc biệt nhấn mạnh rằng các vị tân Hồng Y đã không đến để được phục vụ nhưng là để phục vụ những người khác.

Buổi đọc kinh Truyền Tin đã diễn ra trong ngày lễ kính "Ngai Tòa của Thánh Phêrô". Do đó, Đức Thánh Cha đã nhân dịp này giải thích rằng "ngai" là nơi mà từ đó các vị Giám Mục chủ tọa các nghi lễ và giáo huấn người Công giáo. Vì thế, mà có từ ngữ “nhà thờ chính tòa”.

Ngài nói:

"Ngai của thánh Phêrô là một dấu chỉ của thẩm quyền, nhưng đó là quyền lực của Chúa Kitô, là một quyền lực dựa trên đức tin và tình yêu."

6. Chương trình Truyền Giáo Tại Các Đô Thị

Hôm thứ Tư Lễ Tro, Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa đã đưa ra sáng kiến toàn cầu đầu tiên là chương trình “Mission Metropolis”, nghĩa là “Truyền Giáo Tại Các Đô Thị”.

Trong suốt mùa Chay tại 12 thành phố châu Âu sẽ có các buổi công bố toàn bộ Tin Mừng của Thánh Máccô, cuốn “Tự Thú” của Thánh Augustinô, và các buổi cầu nguyện thống hối.

Đức Hồng Y Peter Erdö, là Tổng Giám Mục Budapest cho biết

"Chúng tôi có một ngày đền tội trong nhà thờ chính tòa nơi sẽ có các cha ngồi tòa giải tội trong suốt ngày hôm đó. Nhiều nhà thờ trong tổng giáo phận Budapest cũng tham gia vào chương trình này để tạo điều kiện cho giới trẻ tham gia."

Đức Tổng Giám Mục Rino Fisichella, người Ý, chủ tịch của Hội đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa cho biết ngài sẽ tham gia với tổng giáo phận Budapest của Hung Gia Lợi. Ngài sẽ đọc các bài Tin Mừng của Thánh Máccô và một phần của cuốn “Tự Thú”.

Đức Hồng Y Peter Erdö cho biết là bên cạnh vị chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Tân Phúc Âm Hóa còn có một số ca sĩ và diễn viên kịch nghệ và điện ảnh tham gia trong chương trình đọc Tin Mừng và đọc sách của Thánh Augustinô. Toàn bộ các buổi đọc sách này được chiếu trên đài truyền hình quốc gia và các đài truyền hình khác.

Bên cạnh đó tổng giáo phận Budapest còn có chương trình đi thăm tất cả các gia đình Công Giáo trong tổng giáo phận.

12 thành phố tham gia chương trình “Truyền Giáo Tại Các Đô Thị” là Barcelona, Lisbon, Brussels, Dublin, Liverpool, Paris, Turin, Warsaw, Vienna và Budapest.

Bên cạnh sứ vụ truyền giáo cho những người chưa biết Chúa, hôm 16 tháng 10 năm 2011, nhân dịp công bố Năm Đức Tin, Đức Thánh Cha đã đặc biệt nhấn mạnh đến nhu cầu tái truyền giáo cho chính những người Công Giáo.

7. Làm thế nào các Giám mục châu Âu và châu Phi có thể làm việc với nhau để thúc đẩy việc Tân Phúc Âm Hóa

Hôm 16 tháng 2, Đức Thánh Cha đã gặp gỡ với 70 vị Hồng Y và Giám Mục tại Hội nghị lần thứ hai của các Giám mục châu Âu và châu Phi.

Trong bài phát biểu của mình, Đức Thánh Cha nhấn mạnh rằng cả hai châu lục cần những người trẻ, quảng đại và dám chịu trách nhiệm về tương lai của họ. Để đạt được điều này, ngài yêu cầu các Giám Mục giúp đào tạo các thế hệ mới.

Đức Thánh Cha nói:

"Trong các xã hội tại châu Phi và châu Âu, có nhiều lực lượng tốt, một số đông đảo tham gia trong các giáo xứ. Họ nổi bật lên bởi sự dấn thân cho sự thánh thiện cá nhân và sứ vụ tông đồ. Tôi hy vọng rằng với sự giúp đỡ của các hiền huynh, họ có thể trở nên tích cực và thiết yếu hơn cho việc Tân Phúc Âm Hóa."

Đây là cuộc hội thảo thứ hai về đề tài này. Đó là một phương cách để thảo luận về những thách thức mà Giáo Hội phải đối mặt. Cuộc hội thảo đã bao gồm cả những phương thức mà châu Phi và châu Âu có thể cộng tác với nhau trong việc thúc đẩy Tân Phúc Âm Hóa.

Đức Hồng Y Peter Erdö Chủ tịch, Hội Đồng Giám Mục châu Âu nhận xét:

"Truyền giáo luôn luôn là giống nhau, nhưng ngày nay, con người và bầu khí đã đổi khác. Tuy nhiên, ngay cả khi xã hội đi theo chiều ngược lại, tất cả các tín hữu, tất cả những người Công Giáo, phải đào sâu niềm tin cá vị của mình. Chúng ta tìm thấy các anh hùng vĩ đại và các vị thánh tuyệt vời ở châu Phi là một ví dụ tuyệt vời về sự phong phú tinh thần."

Đức Hồng Y Peter Turkson Chủ tịch, Hội đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hòa Bình nói thêm:

"Hiệp thông trong Giáo Hội là sự hiệp thông giữa châu Âu và châu Phi. Theo một cách nào đó nó cho thấy châu Phi không đơn độc. Giáo Hội tại châu Phi có những vấn đề của nó, nhưng châu Âu cũng đang phải đối mặt với các vấn đề khác như chủ nghĩa thế tục, chẳng hạn."

Các vấn đề khác cũng đã được thảo luận trong cuộc họp bao gồm cả vai trò của các nhà truyền giáo châu Âu ở châu Phi, vấn đề di dân và tương lai của Giáo Hội ở cả hai lục địa này.

8. Vị Giám Mục trẻ nhất Tây Ban Nha hy sinh 25% chi tiêu hàng tháng trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế

Đức Giám mục Xavier Novell là vị giám mục trẻ tuổi nhất ở Tây Ban Nha đang cai quản khu vực Catalonia. Trong một tuyên bố có tựa đề "Tất cả mọi người chống lại cuộc khủng hoảng", ngài đã tuyên bố cắt 25% chi tiêu của mình để tặng cho các chương trình xã hội.

Ngài nói rằng đó là một quyết định cá nhân của mình, nhưng nói thêm rằng giáo phận của ngài cũng sẽ dành ra 10% ngân sách để giúp đỡ những người bị tổn thương nhất bởi cuộc khủng hoảng kinh tế.

Số tiền chi tiêu hàng tháng của Đức Cha Xavier Novell đã giảm từ 1.200 Euros xuống còn 900 Euros.

Ngài cũng đã mời gọi các vị mục tử khác cũng làm như vậy, trong khi kêu gọi xã hội đóng một vai trò tích cực hơn trong việc giúp đỡ những người túng thiếu.

9. Hơn một 100 anh chị em cựu tín hữu Anh Giáo được Đức Thánh Cha tiếp kiến

Hơn 100 anh chị em cựu tín hữu Anh Giáo là những người nay đã gia nhập Giáo Hội Công Giáo tại giáo xứ tòng nhân đầu tiên là giáo xứ Đức Mẹ Walsingham, Anh quốc đang thăm viếng Rôma.

Anh chị em này đã được Đức Thánh Cha chào đón trong buổi triều yết chung hôm thứ Tư Lễ Tro 22 tháng 2.

Đây có lẽ là lần đầu tiên anh chị em được nhìn thấy Đức Thánh Cha sau khi được đón nhận vào Giáo Hội Công Giáo, theo một quy chế đặc biệt tại Vương quốc Anh. Giáo xứ Đức Mẹ Walsingham đã được chính thức thành lập vào ngày 15 tháng 1 năm 2011 sau khi toàn thể giáo xứ quyết định từ bỏ Anh Giáo để gia nhập Giáo Hội Công Giáo.

10. Đức Thánh Cha tiếp tân đại sứ Uruguay

Hôm 16 tháng 2, Đức Thánh Cha đã tiếp tân đại sứ Uruguay cạnh Tòa Thánh, ông Daniel Edgardo Ramada Piendibene đến trình quốc thư. Vị tân đại sứ đã từng làm việc với các công ty dược phẩm ở Nam Mỹ.

Trong cuộc tiếp kiến với Đức Giáo Hoàng, ông Piendibene đã tặng Đức Thánh Cha một chiếc bầu Uruguay truyền thống được dùng để chứa Yerba Mate là một loại dược thảo đặc biệt của Uruguay và vùng Nam Mỹ.

11. Đức Thánh Cha tiếp tân đại sứ Nam Dương

Hôm 16 tháng 2, Đức Thánh Cha cũng đã tiếp một vị tân đại sứ khác đến trình quốc thư. Đó là đại sứ Nam Dương, ông Budiarman Bahar /bu-đi-ar-man ba-har/. Ông Bahar đã phục vụ cho Bộ Ngoại giao Indonesia từ năm 1977. Ông đã từng phục vụ tại Mexico, Tây Ban Nha, Yemen, Thổ Nhĩ Kỳ, và Úc Đại Lợi.

Indonesia là quốc gia có dân số Hồi giáo lớn nhất thế giới với khoảng 245 triệu người. 86% dân số nước này gắn bó với các hệ phái Hồi Giáo.

12. Đức Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga phàn nàn về vụ cháy một nhà tù tại Honduras

Trong thời gian tham dự Công Nghị Tấn Phong Hồng Y trong tuần qua, Đức Hồng y Oscar Rodriguez Maradiaga của Honduras đã lên tiếng phàn nàn với các cơ quan truyền thông về bi kịch cháy một nhà tù đã giết chết hơn 350 người tại thành phố Comayagua.

"Thật không may, đó là một cái gì đó có thể dự kiến được. Tất cả các nhà tù ở Mỹ Châu Latinh có cấu trúc rất cũ kỹ khiến cho chúng trở nên rất nguy hiểm. Có rất đông tù nhân chen chúc vượt quá khả năng của nhà tù," Đức Hồng Y Oscar Rodriguez Maradiaga, Tổng Giám Mục Tegucigalpa cho biết như trên.

Đức Hồng Y đã kêu gọi cộng đồng quốc tế phải hành động, để các cơ sở hạ tầng của các nhà tù ở Mỹ Châu La tinh được cải thiện.

Ngài nói:

"Tôi hy vọng rằng thảm kịch này, một cách nào đó có thể giúp chứng minh rằng đó là một vấn đề nhân quyền rất cấp bách. Tôi hy vọng chúng ta có thể nhận được sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế để các trung tâm cải huấn và các nhà tù không phải là những cái bẫy chết người.”

Đức Tổng Giám Mục Tegucigalpa cho biết rằng người Công Giáo Honduras đang làm phần việc của họ là giúp đỡ gia đình các nạn nhân, để họ có thể đối phó với thảm kịch này.

Đức Hồng Y nói:

"Đương nhiên, đó là một vấn đề mà giáo phận của Comayagua phải đảm nhiệm sau khi thảm kịch xảy ra. Chúng tôi cũng đã có rất nhiều hỗ trợ từ các Hội Đồng Giám Mục khác. Bước đầu tiên là phải cải thiện những vết thương không thể khắc phục được, nhưng thực sự mà nói đức tin là cách duy nhất chúng tôi có thể giúp họ vượt qua thảm kịch này. "

Đức Giáo Hoàng Bênêđíctô thứ 16 đã gửi một điện thư chia buồn đến Đức Cha Roberto Camilleri Azzopardi, Giám Mục giáo phận Comayagua. Trong điện văn, Đức Thánh Cha kêu gọi cầu nguyện cho những người đã chết hoặc bị thương và hỗ trợ cho các gia đình của họ.


Chương trình video 40 Bài Suy Niệm Mùa Chay

Như bản tin chúng tôi vừa loan, trong buổi tiếp kiến chung hàng tuần vào sáng Thứ Tư 22 tháng 2, Đức Thánh Cha Bênêđíctô thứ 16 đã nói về ý nghĩa của Mùa Chay và mời gọi toàn thể cộng đồng Kitô hữu sống khoảng thời gian bốn mươi ngày này như một cuộc hành hương trong chiêm niệm, hoán cải, ăn năn và đổi mới.

VietCatholic đã thực hiện chương trình video 40 Bài Suy Niệm Mùa Chay. Những bài Suy Niệm này được dịch từ các bài Suy Niệm Mùa Chay của cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng và từ tạp chí The Word Among Us do Catholic News Service (Hội Ðồng Giám Mục Hoa Kỳ) chủ xướng. Tạp chí này chuyên đăng những bài thuyết giảng của các linh mục và Giám Mục Hoa Kỳ.

Quý vị có thể xem tại địa chỉ http://vimeo.com/vietcatholic/videos

Trong phần Phụng Vụ, mỗi ngày chúng tôi đều đăng tải một bài Suy Niệm. Xin quý vị và anh chị em đón xem.