Ngày 23-02-2022
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Ngày 24/02: Hãy có muối ở trong mình và sống hòa thuận với nhau -Lm. Antôn Nguyễn Thế Nhân, SSS
Giáo Hội Năm Châu
02:57 23/02/2022

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Ai cho các con (uống) một ly nước vì lẽ các con thuộc về Ðấng Kitô, thật Thầy bảo các con: kẻ đó sẽ không mất phần thưởng đâu. Nhưng nếu kẻ nào làm cớ vấp phạm cho một trong những kẻ bé mọn có lòng tin Thầy, thà buộc thớt cối xay vào cổ người ấy mà xô xuống biển thì hơn.

“Nếu tay con nên dịp tội cho con, hãy chặt tay đó đi: thà con mất một tay mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai tay mà phải vào hoả ngục, trong lửa không hề tắt. Và nếu chân con làm dịp tội cho con, hãy chặt chân đó đi: thà con mất một chân mà được vào cõi sống, còn hơn là có đủ hai chân mà phải ném xuống hoả ngục. Và nếu mắt con làm dịp tội cho con, hãy móc mắt đó đi, thà con còn một mắt mà vào nước Thiên Chúa, còn hơn là có đủ hai mắt mà phải ném xuống hoả ngục, nơi mà dòi bọ rúc rỉa nó không hề chết và lửa không hề tắt. Vì mọi người sẽ bị ướp bằng lửa.

“Muối là vật tốt, nhưng nếu muối ra lạt, các con lấy gì mà ướp nó cho mặn lại được? Các con hãy có muối ở trong mình và sống hoà thuận với nhau”.

Đó là lời Chúa
 
Tham lam tâm linh
Lm. Minh Anh
05:25 23/02/2022

THAM LAM TÂM LINH
“Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta!”.

Một ngày mới, có người kia dâng lên Chúa một lời cầu nguyện thật ‘sốt sắng’, “Lạy Chúa, cho đến hôm nay, con đã làm mọi sự thật tốt. Con không mất bình tĩnh, không tham lam, gắt gỏng, ích kỷ hoặc quá nuông chiều bản thân. Nhưng trong vài phút nữa, con sẽ ra khỏi giường và từ đó, có lẽ, con sẽ cần rất nhiều trợ giúp của Chúa; xin đừng để bất cứ đứa nào hơn con! Amen”.

Kính thưa Anh Chị em,

“Xin đừng để bất cứ đứa nào hơn con!”, thật khó để tưởng tượng một lời cầu nguyện ‘không thể chân thành hơn!’. Đó cũng là điều Tin Mừng hôm nay tiết lộ, một ‘cực đoan thánh thiện’, một ‘cảm giác sốt mến’; đúng hơn, một ‘tham lam tâm linh’ nơi Gioan, người được mệnh danh là “Con của Thiên Lôi”. Gioan đã nói một điều, xem ra, rất thiếu tự chủ, “Chúng con thấy có người nhân danh Thầy mà trừ quỷ; chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta!”.

Phải hơn người khác! Đó là bản chất của con người. Bị tinh thần này điều khiển, chúng ta dễ dàng suy nghĩ và hành động rất thế tục và lắm lúc, không lường trước được hậu quả. Cụ thể, chính tướng “Con của Thiên Lôi” đã từng buột miệng một câu khiến Chúa Giêsu tái mặt, “Thầy có muốn chúng con khiến lửa từ trời thiêu huỷ chúng không?”; cũng như hôm nay, “Chúng con đã cố ngăn cản, vì người ấy không theo chúng ta!”. Rõ ràng, Gioan đang đi theo một chủ nghĩa có tên là “Độc Quyền”. ‘Chủ nghĩa độc quyền’ được định nghĩa như một xu hướng nghĩ rằng, một điều gì đó chỉ tốt khi tôi làm; hoặc tôi biết, hoặc nghĩ rằng, chỉ tôi mới biết điều gì là đúng! Thế nhưng, đó chỉ là một dạng ‘tham lam tâm linh’; trong đó, chúng ta rất khó để vui mừng và ủng hộ những việc tốt của người khác. Đây là một cám dỗ nguy hiểm, nhưng lại rất phổ biến!

Những người trừ quỷ đang làm một việc rất tốt là xua đuổi một con quỷ nhân danh Chúa Giêsu, nhưng họ chỉ có một tội, “vì người ấy không theo chúng ta”. Với Gioan, đây là thứ “tội” không thể chấp nhận, phải trừ nó như trừ tà. Thật mỉa mai! Rõ ràng, tinh thần thế tục, phe nhóm đã xâm thực trọn tâm trí “người môn đệ Chúa Giêsu yêu” biết chừng nào! Một Kitô hữu lý tưởng luôn tìm kiếm những công việc của Thiên Chúa ở mọi nơi và trong mọi người; mong cho Nước Ngài được thiết lập và mở rộng. Vì thế, chúng ta phải vui mừng khôn xiết mỗi khi chứng kiến hoạt động đó ở bất cứ nơi đâu, với bất cứ người nào. Vậy, nếu ghen tị với người khác vì điều tốt họ làm, hoặc nếu thấy mình đang xới cho ra sai lỗi nơi những gì người khác làm, thì chúng ta phải biết rằng, xu hướng ‘tham lam tâm linh’ này là tội của tôi, chứ không của ai khác!

Thật thú vị, người anh, ‘con cùng cha Thiên Lôi’ của Gioan, Giacôbê, có lẽ, đã trải nghiệm thế nào là sai lầm của cái được gọi là ‘tham lam tâm linh!’. Cuối đời, Giacôbê đã đưa ra những lời khuyên trong thư của mình hôm nay, “Nhưng này đây, anh em huênh hoang với những lời khoác lác. Mọi kiểu, huênh hoang như thế đều xấu xa. Vậy ai biết điều lành mà không làm, thì mắc tội”. Và dĩ nhiên, ‘Ai thấy điều lành nơi người khác mà không vui mừng thì mắc tội nặng hơn!’. Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta sống khiêm nhường, nghèo khó, như Thánh Vịnh đáp ca nhắc nhở, “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!”.

Anh Chị em,

Đáp lại với tinh thần thế tục của Gioan, Chúa Giêsu nói, “Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta!”, phán quyết của Ngài thật xác đáng. Phải chăng Chúa Giêsu nhận ra, đây cũng là ‘một thứ quỷ’ nơi người môn đệ, một thứ quỷ vốn phải loại trừ. Bởi lẽ, Ngài luôn đọc tất cả hành động của con người với một trái tim bác ái; đánh giá của Ngài luôn được tô màu bởi ‘đôi kính tích cực’ khi Ngài chỉ tìm những điều tốt nhất trong mỗi người. Mọi hành động của Ngài được diễn giải bằng tình yêu. Vậy, chúng ta hãy cầu xin cho mình biết đánh giá người khác với một trái tim bác ái, một ‘trái tim Tin Mừng’ như Ngài; biết tìm những điều tuyệt vời mà Thiên Chúa đang làm trong thế giới, và biết vui mừng với những gì Ngài đang làm qua anh chị em mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con biết tham lam yêu mến Chúa ngày một hơn; mỗi khi con đố kỵ, cho con ý thức rằng, đây là tội của con, một tội có tên ‘tham lam tâm linh’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Xem quả thì biết cây
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
05:30 23/02/2022
“Xem quả thì biết cây”
CN 8 C

Trong các chuyện về Cọp, câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” thật đặc sắc.

Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!Cọp không hiểu, tò mò hỏi:– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.Cọp nghe nói, mừng lắm.Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.

Với trí khôn, con người là thụ tạo cao cả nhất trong muôn loài tạo vật. Hiểu biết thật quan trọng, nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.

Giáo huấn trong phần 3 của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc vàng giúp việc phân định hành vi tốt xấu của con người: “Xem quả thì biết cây”. Một hành động là tốt khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

Theo kinh nghiệm thông thường về trồng trọt, cây giống tốt sẽ sinh trái tốt. Chúa Giêsu dạy, muốn phân định một ngôn sứ giả hay thật đừng chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời. Hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả cuộc sống lâu dài và sâu thẳm từ trong tâm hồn.Chúa Giêsu khẳng định rõ hơn: “Ở bụi gai, không có nho mà hái? Trên cây găng không có vả mà bẻ?”. Và Ngài kết luận: “Cây tốt sinh trái tốt và ngược lại cây xấu sinh trái xấu”; “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt”. Đó là khuôn thước phân định để nhận biết tốt xấu. Cây xấu là những việc làm dù có vẻ tốt nhưng xuất phát từ động cơ xấu. Chúa dùng những lời khiển trách nặng nề gọi đó là “giả hình, mồ mả tô vôi, sói đội lốt chiên”. Để phát hiện những loại “cây xấu” ấy, Chúa dạy hãy nhìn vào những hoa quả của chúng. Việc làm trở thành xấu vì xuất phát từ tâm địa gian manh, tham lam, vị kỷ. Hoa quả tốt phát sinh từ “cây tốt” là tình yêu: nếu chúng ta có làm được mọi sự mà thiếu đức ái thì cũng chẳng ích lợi gì (x. 1Cr 13,1tt).

Ngày nay, người ta chán ngán nhiều người trong xã hội nói quá hay mà làm chẳng ra làm sao. Nhiều từ ngữ, nhiều tuyên bố kiểu đao to búa lớn, nghe rất kêu nhưng nội dung rỗng tuếch được lập đi lập lại hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đài phát thanh, tivi, các chương trình quảng cáo, các bài giảng, bài báo, trong các mẩu đối thoại, những cuộc nói chuyện... Nhiều người lầm tưởng những người nói hay như vậy là những người tốt. Nhưng Chúa Giêsu đã cho một nguyên tắc phân định rất thực tiễn để biết được ai tốt ai xấu: Cứ xem quả thì biết cây. Để biết một người là tốt hay xấu, phải nhìn vào hành động của họ, chứ không chỉ nghe lời họ nói. Lời nói hay chỉ có thể chứng minh được sự thông minh và lanh lợi, khả năng suy nghĩ sâu xa hay nông cạn của người đó, chứ không nói lên được tính đạo đức, tình yêu thương, lòng quảng đại, cao thượng, ngay thẳng, trong sáng, can đảm của họ.

Bài đọc 1 trích sách Huấn ca cũng đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo của sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi họ. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay”.Thánh Giacôbê có kinh nghiệm về những hậu quả của lời nói trong đời sống của cộng đoàn ngài phụ trách, kinh nghiệm về sự khó khăn trong việc làm chủ miệng lưỡi, nên ngài viết: “Cái lưỡi thì không ai chế ngự được” (Gc 3,8), “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (3,2), và đừng có huênh hoang vì “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (3,2). Đồng thời ngài cũng cho thấy sự cần thiết phải làm chủ miệng lưỡi mình, vì “từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (3,10).

Lời nói thể hiện con người: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 6). Nguyên nhân sâu thẳm của lời nói phát xuất từ bên trong, do tâm ý mà có. Vì thế, để có thể nói những gì tốt lành và hữu ích đòi hỏi ta phải chỉnh sửa và thanh lọc từ bên trong của lòng mình. Điều quan trọng nhất là có được tấm lòng yêu thương. Khi có một tấm lòng thực sự biết thương yêu mọi người, tự nhiên người ta biết cách phải nói như thế nào cho thích hợp và sinh ích lợi cho người nghe.

Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Ngài nói: “lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Miệng thường nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu bên trong là những tư tưởng tốt đẹp, sẽ hướng đến những việc thiện hảo. Còn tư tưởng xấu sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa, có khi độc ác. Như thế, làm chủ miệng lưỡi không dừng lại ở việc kiểm soát lời nói “uốn lưỡi bảy lần” nhưng còn phải lưu tâm đến việc thay đổi từ trong suy nghĩ, trong tình cảm dành cho người khác, cho cộng đoàn. Thực hành điều này sẽ làm cho lời nói “thật” hơn, vì nó xuất phát từ trong lòng: bụng nghĩ sao nói vậy, nhưng lời đó đầy yêu thương! Để cho “lòng đầy”, chúng ta “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Muốn nói ra những điều tốt đẹp, xây dựng, yêu thương, thì phải biết nghe trước đã. Nghe Lời Chúa, để cho tư tưởng của Chúa, cách suy nghĩ của Chúa, lòng yêu thương của Chúa ngấm vào nơi sâu xa của mình, rồi chúng ta sẽ phân định, sẽ chọn lựa, sẽ nói những điều cao đẹp. “Lắng nghe bằng trái tim” là chủ đề của “Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022”. Lòng người có Chúa, đầy Chúa thì chúng ta hay nói về Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành từ Chúa.

Sách Châm ngôn thường bàn về việc sử dụng lời nói của người khôn ngoan. Tác giả ca tụng những người dùng lời nói để khuyên nhủ kẻ khác: “Miệng kẻ khôn ngoan gieo rắc sự hiểu biết” (Cn 15,7). “Nếu muốn Hội Thánh là nơi chúng ta tái khám phá ý nghĩa sâu xa của bản chất con người, của những con người mà căn tính thâm sâu là hiệp nhất với nhau, thì trước hết, chúng ta phải là một cộng đoàn, trong đó chúng ta sử dụng ngôn từ với lòng kính trọng và tinh thần trách nhiệm” (Timothy Radcliffe).

Lời nói có ảnh hưởng lớn đối với gia đình và xã hội, đối với phần rỗi của chúng ta và phần rỗi của kẻ khác (Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang).

Lời nói đối với gia đình: Gia đình nào được bằng an hạnh phúc, trong ấm ngoài êm, là nhờ chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh chị em có những lời nói hiền lành, nhịn nhục, lễ độ, cao thượng, trong sạch; có những lời nói thúc giục và khuyên bảo nhau làm lành, lánh dữ; có những lời đọc kinh cầu nguyện chung với nhau trong gia đình để thờ phượng Chúa.

Lời nói đối với xã hội: Sống trong xã hội, hằng ngày chúng ta phải liên lạc với đủ mọi hạng người: kẻ quen, người lạ; kẻ thương, người ghét; kẻ thông cảm, người ác cảm. Trong khi giao tiếp với họ, chúng ta làm sao tránh hết được mọi va chạm vì bá nhân bá tánh, trăm người trăm tính. Nhưng nếu trong khi sống chung giữa xã hội, chúng ta biết dùng lời nói nhã nhặn, lễ độ, ôn hoà, khiêm tốn, thì làm sao mà sinh ra cãi cọ hoặc đổ vỡ được: một sự nhịn, mua được chín sự lành; lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói đối với phần rỗi của chúng ta: Lời nói làm chúng ta dễ phạm tội mất lòng Chúa : tội phạm đến đức yêu người (nói lời vô lễ, to tiếng với nhau, cãi cọ nhau, chưởi bới nhau, nói xấu nhau, xúi nhau làm bậy,...); tội phạm đến đức công bình (đổ hô, bỏ vạ, cáo gian, nói lời chứng dối,...); tội phạm đến đức trong sạch (nói tục, nói nhớp, nói lời hai ba ý, nói chuyện hoa tình, nói lời dụ dỗ người khác phạm tội về giới răn thứ sáu,...); tội phạm đến đức vâng lời (cằn nhằn bề trên, cãi lại bề trên, nói xấu bề trên, nói láo với bề trên,...); tội phạm đến Giáo Hội (công kích Giáo Hội, nói xấu Giáo Hội, chỉ trích Giáo Hội,...); tội phạm đến Chúa (nói phạm thượng, nói lời chối Chúa vì hổ thẹn, nói lời bỏ Chúa vì sợ hãi,...).

Lời nói đối với phần rỗi của kẻ khác: Có kẻ không chịu tha thứ vì bị người khác xúi giục cứ trả thù; có kẻ sa vào tội dâm ô vì bị người khác dùng lời nói quyến rũ; có kẻ cắp trộm, tham nhũng vì bị kẻ khác xúi giục, bày vẻ cho cách làm; có kẻ bỏ Chúa vì bị kẻ khác xúi giục chạy theo vật chất tiền tài danh vọng chóng qua ở đời này.

Khi tâm hồn thực sự yêu mến, biết ơn Chúa, chúng ta sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng việc làm đạo đức và cử chỉ biết ơn Thiên Chúa. Khi lòng đầy tràn tình yêu thương, trắc ẩn, chúng ta thể hiện ra bên ngoài bằng những việc làm yêu thương cách cụ thể. Khi lòng chứa đầy những điều tốt đẹp thì từ ánh mắt, cử chỉ, việc làm chúng ta sẽ thể hiện sự tốt đẹp, thiện chí và yêu thương với anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa, Chúa dạy nguyên tắc vàng để phân định “Xem quả thì biết cây”. Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.

Chỉ khi nào con biết dùng những lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung để đem lại an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ thì tâm hồn con mới thực sự trong sáng và cao đẹp.

Khi biết dùng những lời lẽ tốt lành, con mới biết mình là người sống trong Chúa và Chúa sống trong con.

Xin cho con biết tha thiết sống hiệp nhất với Chúa và khao khát lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm con, để tiếng Chúa nói trở thành lời con nói ra ngoài môi miệng.

Xin cho con xác tín luôn luôn, lời nói việc làm của con chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt tươi khi con biết siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đời sống của con chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” khi con được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa vì Lời Chúa là lời yêu thương và Mình Chúa là Bí tích tình yêu.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình yêu để hoa trái con đem lại lợi ích cho mọi người. Amen.
 
Xem quả biết cây
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
05:35 23/02/2022
CHÚA NHẬT VIII THƯỜNG NIÊN

XEM QUẢ BIẾT CÂY

Hc 27,5-8; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã suy niệm về giới răn yêu thương kẻ thù, hôm nay chúng ta tìm hiểu về những thái độ đối xử với nhau trong cộng đoàn. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca giới thiệu với chúng ta một loạt những giáo huấn của Chúa Giêsu như là những danh ngôn hay những “lời” theo kiểu khôn ngoan về thái độ của người môn đệ đích thực: mù dắt mù sao, trò hơn thầy chăng, lấy cái rác mà không lấy cái xà trong mắt, xem quả biết cây, lòng đầy miệng mới nói ra.

1- Hành xử theo Thiên Chúa

Việc sửa lỗi huynh đệ cho nhau thật là cần thiết và tốt đẹp khi nó là cách thức để thể hiện lòng bác ái và giúp nhau hoán cải. Nhưng chúng ta phải cảnh giác trước cám dỗ cho mình là thẩm phán hay quan tòa của người khác trong việc xét đoán hay sửa lỗi cho người anh em.

Quả thế, một trong những cám dỗ mà chúng ta thường gặp khi sống trong cộng đoàn, đó là thường nghiêm khắc với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình; muốn sửa lỗi cho người khác nhưng lại không sửa lỗi chính mình. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.”

Để việc sửa lỗi huynh đệ có kết quả tốt đẹp, chúng ta phải luôn tự xét mình bằng một sự tự phê chân thành nhằm loại trừ mọi thái độ giả hình, kiêu ngạo, coi mình hoàn hảo và hơn người như người Pharisêu.

Bởi lẽ, tính kiêu ngạo và giả hình là hai thứ bệnh nguy hiểm làm cho chúng ta mù lòa về chính mình, không biết mình cũng là những tội nhân cần đến lòng thương xót Chúa, và thường dễ dàng kết án người khác. Vì thế, trước khi sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần phải khiêm tốn sửa lỗi mình. Trước khi lấy cái rác trong mắt người khác, chúng ta cần phải lấy cái xà trong mắt mình.

Chúa Giêsu muốn chúng ta học hỏi cách thế của Thiên Chúa đã không đối xử với chúng ta như những quan tòa nghiêm khắc, nhưng như người cha yêu thương. Thiên Chúa không luận phạt nhưng rộng lòng tha thứ và cho chúng ta những cơ hội để hoán cải, làm lại cuộc sống tốt hơn. Đó là thái độ mà chúng ta cần học nơi Người.

2- Lòng đầy miệng mới nói ra

Chúa Giêsu hôm nay đưa ra một quy luật nhân quả: “Lòng đầy miệng mới nói ra. Xem quả biết cây.” Thật vậy, thiện căn hệ tại lòng ta và sự độc ác, xấu xa cũng hệ tại lòng ta. Lòng trí con người là trung tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo hay xấu xa tội lỗi.

Theo ý nghĩa đó, bài đọc I đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo về sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan như có thử lửa mới biết bình thợ gốm, hay xem quả thì biết cây (x. Hc 27,4-7).

Những gì chúng ta nói ra là những gì chúng ta suy nghĩ và ước muốn trong lòng. Mỗi ngày, chúng ta thường đề cập đến điều gì nhiều nhất? Có lẽ, chúng ta nói nhiều về tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, điện thoại, ăn uống, thể thao, dụ lịch... nhưng chúng ta lại ít nói về những giá trị tinh thần như bác ái, tình liên đới, huynh đệ, tôn trọng người khác, hiệp nhất, yêu thương và trách nhiệm... Chúng ta càng ít nói về Thiên Chúa, về những điều cao cả khác. Chúng ta thử trắc nghiệm xem mình đang quan tâm đến điều gì nhiều nhất. Chúa Giêsu nói về những gì bên trong của con người được phản chiếu qua lời nói và biểu lộ bên ngoài: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy miệng mới nói ra.”

Người còn thêm một tiêu chuẩn khác: đó là quy luật nhân quả, nhìn quả thì biết cây: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng vậy, không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây.” Vì thế, để chủ quan sai lầm khi đánh giá một người, chúng ta cần phải tìm hiểu lời nói, thái độ và hành động, cũng như cả ý hướng và động lực thúc đẩy của họ.

Vậy đâu là trái tốt để người ta nhận ra nơi người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Đó chính là thực hành các mối phúc mà chúng ta đã suy niệm trong Chúa Nhật VI vừa rồi: như yêu thương kẻ thù, cho mà không đòi nhận lại, không xét đoán, không kết án người khác như là quan tòa hay như cảnh sát, mà không có hoán cải chính mình trước, hay ít ra, cố gắng làm một điều tốt để hoàn thiện mình. Điều này được áp dụng cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, nhưng đặc biệt cho những ai có bổn phận hướng dẫn người khác, như các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các bề trên trong các cộng đoàn, giáo xứ.

3- Nội tâm hóa Tin Mừng

Từ một con tim cằn cỗi không thể nào có thể phát ra những lời hay ý đẹp cũng như có những hành động cao thượng. Vì thế, chúng ta cần có một tiến trình nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng mỗi ngày. Nghĩa là chúng ta suy niệm Lời Chúa, đưa các giá trị đó vào trong chính mình, biến các giá trị Tin Mừng thành tiêu chuẩn sống để suy nghĩ, chọn lựa, và hành xử của chúng ta. Đó là tiến trình nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng. Nhờ đó chúng ta có những phẩm chất và được tin mừng hóa nơi bản thân.

Chúng ta chỉ có thể thực hiện tiến trình nội tâm hóa này với sự cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa hằng ngày trong thinh lặng. Cuộc sống hôm nay đang trở nên quá ồn ào với nhiều âm thanh, nhiều thông tin và phương tiện. Con người chìm ngập trong những thứ âm thanh đó, nên đánh mất khả năng thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa.

Xin Chúa cho chúng ta biết thinh lặng để nhận ra sự hiện diện và lắng nghe Lời Chúa như Ábraham ngồi dưới cây sồi Mamrê đàm đạo với Thiên Chúa, hay như chị Maria ở Bêtania luôn biết ưu tiên ngồi bên chân Chúa với một thái độ lắng nghe và một trái tim tràn trề lòng mến. Amen.

ĐCV Vinh Thanh - Nghệ An

http://nguoinguphu.blogspot.com/
 
Hãy tự sửa mình trước khi sửa lỗi anh em
Lm Đan Vinh
07:11 23/02/2022


CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN C

Hc 27,4-7; 1 Cr 15,54-58; Lc 6,39-45

HÃY TỰ SỬA MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM

I. HỌC LỜI CHÚA

1. TIN MỪNG: Lc 6,39-45

39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: "Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. 41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? 42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em ! 43 "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. 44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho ! 45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

2. Ý CHÍNH:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy môn đệ 3 điều:

- Phải biết tự sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi tha nhân.

- Xem quả biết cây: Chính hành động sẽ chứng minh người tốt hay kẻ xấu.

- Lòng người giống như một cái kho. Môn đệ Đức Giê-su cần chứa nhiều Lời Chúa trong lòng để từ đó sẽ phát sinh lời nói và việc làm tốt.

3. CHÚ THÍCH:

- C 39-40: + Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?: Trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 15,14), câu này nhắm đến các đầu mục dân Do thái là các Kinh sư và người Pha-ri-sêu: Họ là những người lãnh đạo tinh thần của dân nhưng đã bị thói kiêu căng, tự mãn làm cho nên mù lòa, không phân biệt được trong Luật Mô-sê điều nào là chính yếu và điều nào tùy phụ khi dạy dỗ dân chúng. Còn trong Tin Mừng Lu-ca, câu này nhằm dạy các môn đệ Đức Giê-su phải biết phân biệt đâu là điều chính yếu đâu chỉ là điều tùy phụ để khỏi bị lầm lạc khi dạy dỗ tha nhân. Những kẻ ăn nói khoác lác, giả hình chỉ nhất thời lừa được một số người nhẹ dạ cả tin, nhưng sớm muộn con người thật của họ cũng bị lộ ra và họ sẽ phải chuốc lấy hậu quả tai hại khôn lường.

- C 41-42: + Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?: Người ta thường chặt chẽ trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong lời chê. Một trong những tội con người thường vấp phạm là thích xét đoán ý trái và kết án tha nhân. Môn đệ Chúa cần tránh "bới lông tìm vết" khi chỉ trích các khuyết điểm nhỏ bé nơi anh em. Nhưng hãy quan tâm tu sửa "cái đà" kiêu căng tự mãn, đạo đức giả nơi bản thân trước, hầu mắt mình nên trong sáng đế sửa lỗi anh em cách tốt đẹp.

- C 43-45: + "Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt: Các môn đệ chỉ sinh ra hoa trái tốt đẹp, nếu năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Những ai có tính ích kỷ kiêu ngạo thường hay xét đoán ý trái, kết án tha nhân. Chúng sớm muộn cũng sẽ bị chết trong bóng tối gian ác của lòng mình. + Thật vậy, xem quả thì biết cây. Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra: Tư tưởng chứa đầy trong lòng sẽ phát lộ ra qua lời nói và hành động, nên người ta chỉ cần dựa vào lời nói việc làm của một người mà nhận ra họ có phải môn đệ đích thực của Đức Giê-su không.

4. CÂU HỎI:

1) Câu “Mù dắt mù” của Đức Giê-su trong hai Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nhắm tới những đối tượng nào?

2) Khi nói “Cái rác trong mắt anh em” và “Cái xà trong mắt của mình”, Đức Giê-su muốn dạy môn đệ điều gì trong giao tiếp xã hội?

3) Để lời nói việc làm có thể phát sinh hoa trái tốt đẹp thì người ta cần làm gì?

II. SỐNG LỜI CHÚA

1. LỜI CHÚA:

Chúa phán: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt anh em !” (Lc 6,41-42).

2. CÂU CHUYỆN:

1) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA KẺ NÓI HAY NHƯNG LÀM KHÔNG HAY:

Triệu Quát là con trai của Triệu Xa - một danh tướng thời Chiến Quốc. Thời trai trẻ Triêu Quát để tâm nghiên cứu học hỏi rất nhiều binh thư. Quát là một người thông minh, lại có năng khiếu về các đề tài quân sự, nên thường chiến thắng trong các cuộc tranh luận, kể cả đối với cha anh là Triệu Xa. Từ đó Triệu Quát sinh ra kiêu ngạo, cho mình là người giỏi nhất thiên hạ. Tuy nhiên ông bố Triệu Xa của anh ta lại rất lo cho tương lai của con trai, ông đánh giá Triệu Quát chỉ là hạng người ăn nói giảo hoạt, ưa nói thánh nói tướng: "Sau này nước Triệu không nên cho nó cầm quân, kẻo nó sẽ làm cho quân đội bị đại bại !".

Quả thật, về sau khi quân Tần kéo sang xâm lược, vua Triệu cử Triệu Quát thay thế Liêm Pha làm đại tướng, chỉ huy quân đội chống lại quân địch. Lạn Tương Như dù đang ốm cũng lên tiếng phản đối như sau: "Triệu Quát chẳng qua chỉ là thứ mọt sách và không có kinh nghiệm vận dụng binh pháp vào thực tế, nên không thể nắm quyền chỉ huy ngoài mặt trận được". Mẹ của Triệu Quát cũng đến xin vua Triệu đừng phong Quát làm đại tướng. Nhưng vua Triệu không nghe, vẫn cử Triệu Quát ra tiền tuyến nghênh địch. Hậu quả là 40 vạn quân Triệu chỉ trong một thời gian ngắn đã bị quân Tần tiêu diệt hoàn toàn, bản thân Triệu Quát cũng bị chết thảm.

Cha mẹ của Triệu Quát đã hiểu rõ con trai mình không thể đảm nhận được việc lớn là điều binh khiển tướng. Nhưng vua Triệu lại cố chấp, khi chỉ dựa vào lời nói của Triệu Quát để đánh giá anh là bậc kỳ tài trong thiên hạ, và trao phó cho anh trách nhiệm lớn lao. Kết quả không chỉ Triệu Quát bị hại mà còn liên quan đến tính mạng của 40 vạn quân. “Mù dắt mù” thì việc bị lăn cù xuống hố chỉ là chuyện sớm muộn.

2) HÃY SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI ĐỦ ĐIỀU KIỆN SỬA LỖI ANH EM:

Trong một tu viện kia có một tu sĩ trẻ đã phạm một tội nặng, lập tức các tu sĩ trong cộng đoàn liền họp nhau lại để kết tội anh ta. Họ cử người đi trình báo sự việc với cha Bề Trên và mời ngài đứng ra làm quan tòa xét xử. Cha Bề Trên liền đeo một túi cát sau lưng, trên túi có nhiều lỗ thủng khi đến nhà hội. Trên đường đi có nhiều cát từ túi bị rơi vãi phía sau. Khi có người thắc mắc tại sao lại để cát rơi như vậy thì được cha trả lời: "Tôi cũng là người có nhiều tội lỗi mà không tự nhận thấy tội mình, đang khi người khác đều thấy. Thế mà anh em lại bảo tôi làm quan tòa kết tội một người anh em sao !" Nghe vậy, các tu sĩ trong cộng đoàn đều cảm thấy xấu hổ và bỏ ý định kết án anh tu sĩ trẻ mà chỉ yêu cầu anh sửa lỗi.

Ai trong chúng ta cũng có thói hay xét đoán và kết án tha nhân. Nhưng Đức Giê-su lại dạy chúng ta đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét. Đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa kết án. Muốn sửa lỗi anh em thì trước hết cần khiêm tốn nhận biết lỗi mình để tu sửa, giống như lấy đi cái xà ra khỏi mắt mình, rồi mới thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

3) CẦN XÉT MÌNH VÀ SÁM HỐI ĐỂ NGÀY MỘT HOÀN THIỆN HƠN:

Một người kia có thói quen hút thuốc và trong nhà có nuôi một con vẹt làm thú cưng. Một ngày kia anh thấy con vẹt của anh cứ ho khù khụ. Anh liền mang con vẹt đến bác sĩ thú y xin chữa bệnh ho cho con vẹt. Sau khi khám kỹ, bác sĩ tuyên bố con vẹt không bị bệnh gì cả. Sở dĩ nó ho khù khụ là do bắt chước những cơn ho của ông chủ. Bấy giờ người ấy mới biết mình đang bị bệnh ho cần chữa trị chứ không phải con vẹt. Từ khi anh quyết tâm cai thuốc và uống thuốc trị hết bệnh ho, thì con vẹt của anh cũng không còn ho khù khụ như trước nữa !

Những kẻ đạo đức giả thường hay lên mặt phê bình sửa lỗi người khác, còn người đạo đức thực sự thì khiêm tốn tìm ra các thói hư của mình để tu sửa ngày một nên hoàn thiện hơn trước khi sửa lỗi tha nhân trong sự kín đáo và đầy tình thương.

4) NGUYÊN NHÂN TÊ GIÁC NÊN TỐT LÀ DO NHẬN RA SỰ THẬT CỦA MÌNH:

Ngày xưa có một chú tê giác luôn nghĩ mình có mặt đẹp nên thường chê bai khuyết điểm của các con vật khác, nhất là các con có sừng trên đầu. Thế nhưng tê giác lại không biết chính nó cũng đang có một cái sừng mọc trên chiếc mũi khiến mặt nó trông thật xấu xí. Các con vật khác tuy biết điều này, nhưng không con nào dám nói rõ sự thật cho tê giác biết.

Một hôm, tê giác đang uống nước ở một dòng suối thì nghe thấy lũ chim chích choè thi nhau hót líu lo trên cành cây gần đó. Tê giác rất bực mình nên thét to: "Lũ chim xấu xa kia có câm miệng đi không? Chúng bay không thấy ông đang uống nước ở đây hay sao?". Lũ chim chích choè không chịu thua, con đầu đàn lên tiếng cãi lại: "Bộ ông nghĩ ông đẹp lắm sao? Ông thử soi mặt mình trên mặt nước thì biết". Tê giác nghĩ bụng: "Soi thì soi. Ai mà không biết ta có khuôn mặt đẹp nhất !". Nhưng khi nhìn xuống mặt nước, tê giác nhà ta giật mình khi nhìn thấy một chiếc sừng quái dị đang nằm chình ình ngay trên mũi mình. Khi biết mình còn xấu hơn nhiều con vật có sừng khác, tê giác cảm thấy xấu hổ. Từ đó, mỗi khi di chuyển, nó luôn cúi gằm mặt xuống đất và luôn tìm ẩn nấp trong các lùm cây, không muốn chường mặt ra cho các con vật khác xem thấy. Nhưng do không thể trốn mãi được vì ngày nào cũng phải ra dòng suối uống nước và phải đi kiếm thức ăn. Cuối cùng nó đành chấp nhận sự thật về bộ mặt xấu xí có sừng của mình để đối diện với các con vật khác. Cũng từ ngày đó, tê giác kiêu hãnh và ưa chỉ trích trước đây đã biến thành anh tê giác rất hiền hòa dễ thương.

Tê giác trong câu chuyện trên đã thay đổi nên tốt nhờ biết chấp nhận sự thật của mình để không phê phán các loài vật khác theo suy nghĩ chủ quan của mình. Cũng nhờ biết chấp nhận sự thật về mình, nên tê giác không còn mang mặc cảm tự ti, e sợ bị các con vật khác đánh giá sai về mình nữa.

3. SUY NIỆM:

1) PHẢI TRÁNH BỆNH MÙ QUÁNG TÂM HỒN:

“Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” là một thực tế thường xảy ra trong cuộc sống. Vì thế người mù luôn cần được người sáng mắt trợ giúp để đi đúng hướng và không bị vấp ngã hay bị lạc đường. Về mặt tâm linh người mù tâm hồn nếu không có người hướng dẫn sẽ dễ có quyết định sai lạc, vừa gây hại cho bản thân lại vừa gây thiệt hại cho tha nhân. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người bị mù tâm linh lại không nhận ra mình đang bị mù. Chính do thói xấu tự mãn kiêu ngạo khiến người ta luôn coi mình là trung tâm của xã hội, suy nghĩ của mình là chân lý, và đánh giá người khác theo tầm nhìn hạn hẹp của mình. Đây chính là nguyên nhân của những kẻ độc tài gây ra bao nỗi đau khổ bất hạnh cho nhân loại. Về mặt xã hội, người “hữu tài vô hạnh” có thể trở thành những quan tham. Nhưng ngược lại: kẻ có đức mà không có tài cũng dễ bị thất bại làm hỏng việc lớn khi lãnh đạo một tập thể lớn nhỏ, như người ta thường nói: “Nhiệt tình cộng với ngu dốt là phá hoại”.

2) PHẢI TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC:

"Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới" (Lc 6,41). Người ta thường hà tiện trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong lời chê. Có thể nói: một trong những tội con người hay phạm là thói xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ sai quấy cho người khác, nhất là cho những kẻ mình không ưa.

Người xưa có câu: "Việc người thì sáng, việc mình thì quáng", nên việc nhìn lại mình để tự kiểm cần phải làm hằng ngày. Nhất là đối với những ai đang giữ vị trí lãnh đạo cộng đoàn. Hãy năng cầu nguyện như thánh Au-gút-ti-nô:

"Lạy Chúa Giê-su, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con".

Nhờ biết mình hèn yếu dễ sai lỗi nên con sẽ không dám xét đoán và kết án anh em.

Nhờ biết mình hay che đậy và giả hình nên con sẽ cảm thông và tha thứ anh em.

Nhờ biết mình háo thắng, thích được khen, nên con sẽ tránh chê trách anh em.

3) HÃY TỰ SỬA MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI THA NHÂN:

Người ta dễ phát hiện ra khuyết điểm lỗi lầm dù nhỏ bé của người khác mà không nhận ra lỗi lầm dù lớn lao của mình. Nguyên nhân là do chúng ta có tính ích kỷ tự mãn nên dễ bị mù quáng khi xét đoán người khác.

- Lời Chúa hôm nay dạy: Đừng vội kết án anh em khi chính mình đầy những khuyết điểm, như người đời thường nói: “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người !”. Tuy nhiên nếu đang nắm giữ nhiệm vụ làm cha mẹ phải giáo dục con cái trong gia đình, làm thày dạy phải hướng dẫn học sinh nơi học đường hoặc làm người lãnh đạo trong môi trường xã hội, thì để lời sửa dạy có sức thuyết phục, đòi chúng ta phải tu sửa khuyết điểm của mình trước khi răn dạy kẻ khác.

- Cần ưu tiên sửa lỗi của mình: Một nhà thần bí Ấn độ đã phát biểu kinh nghiệm sau nhiều năm làm việc như sau: "Tôi là một nhà cách mạng từ khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu xin với Chúa là: "Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để con cải tạo thế giới nên tốt hơn".

Nhưng khi tới tuổi trung niên, tôi nhận ra nửa cuộc đời đã qua đi rồi mà tôi vẫn chưa cải tạo được thế giới, nên tôi thay đổi lời cầu: "Lạy Chúa, xin cho con hoán cải những người con gặp gỡ tiếp xúc”.

Bây giờ khi đã về già và sắp kết thúc cuộc đời, tôi thấy mình cũng vẫn chưa biến đổi được ai, nên nhận ra mình thật khờ dại và đã thay đổi lời cầu như sau: "Lạy Chúa, xin cho con được ơn hoán cải chính bản thân con".

Giả như ngay từ khi còn trẻ tôi đã ý thức về sự bất lực của mình như thế, thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời cách vô ích ! ".

4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ?:

- Tránh xét đoán ý trái cho người khác: Trong cuộc sống, khi chuyện trò với bè bạn, chúng ta thường khoe những điều tốt về bản thân hoặc người thân để tự đề cao mình hay gia đình mình, và hay nói xấu chê trách những người chúng ta có ác cảm. Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dạy về vấn đề xét đoán nói xấu tha nhân như sau: “Những ai phán xét, nói xấu anh chị em mình thì họ đích thực là kẻ giả hình, vì họ không đủ can đảm nhận ra các thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình”. Đức Giê-su trong Tin Mừng hôm nay cũng dạy các môn đệ: “Sao anh lại có thể nói với người anh em: "Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra", trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em ! (Lc 6,42).

- Hãy xét đoán ý tốt cho tha nhân: Khi phê phán chỉ trích kết án một người nào là chúng ta đã biểu lộ sự ác cảm đối với họ. Trái lại, đối với những người có thiện cảm, chúng ta sẽ dễ dàng xét đoán khoan dung và bào chữa lỗi lầm cho họ. Do đó, chúng ta hãy xin Chúa gia tăng tình thương trong lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ đối xử khoan dung và hóa giải được thù hận bằng sự quảng đại tha thứ. Biết lấy ơn báo oán để biến tha nhân nên bạn hữu của mình.

4. THẢO LUẬN:

Hiện tại có người nào đang thù ghét và hay phê phán nói xấu bạn, kể cả khi bạn làm điều tốt không? Bạn sẽ làm gì để sống Lời Chúa dạy về sự quảng đại tha thứ và đối xử tốt để biến thù thành bạn?

5. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp chúng con sống theo Lời Chúa là “Lời có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành” (2 Tm 1,16–17); Xin cho chúng con có đôi mắt của Chúa, để nhìn anh em như một hồng ân và là quà tặng của Chúa ban cho; Xin ban cho chúng con trái tim của Chúa, để chúng con luôn sống yêu thương với lòng bao dung tha thứ và biết xót thương tha nhân. Cuối cùng xin cho chúng con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng để chúng con nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt người đời. Amen.
 
Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên – C
LM. Antôn Nguyễn Văn Độ
09:46 23/02/2022
Xem quả biết cây

Suy Niệm Chúa Nhật VIII Thường Niên – C

(Lc 6, 39-45)

Người ta có nhiều cách ví von để kết luận về một hệ lụy tất yếu nào đó, chẳng hạn như : cha nào con ấy, thầy nào trò ấy, rau nào sâu ấy. Còn Chúa Giêsu xác định : “Cứ xem trái thì biết cây” (x. Lc 6:44). Nhận định của Chúa Giêsu có thể áp dụng vào mọi trường hợp trong cuộc sống.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca và Tin Mừng Thánh Luca ghi lại những danh ngôn hay những “lời” đầy khôn ngoan về thái độ của người môn đệ đích thực như : “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy” (x. Hc 27, 5-8 (Hl 4-7). “Mù dắt mù sao, trò hơn thầy chăng, lấy cái rác nơi người mà không lấy cái đà trong mắt anh, xem quả biết cây, lòng đầy miệng mới nói ra” (x. Lc 6,39-45).

Từ những lời Kinh Thánh trên, chúng ta có được chân dung của người môn đệ chân chính, hay cụ thể hơn là người kitô hữu đích thật của Chúa Giêsu. Cái rác, cái đà hay chuyện ngụ ngôn về một cây tốt sinh trái tốt Chúa Giêsu kể dạy rõ chân lý này (Lc 6,39-42). Ai nghe và vâng giữ Lời Chúa, đồng thời đem ra thực. Người ấy sẽ trung thành với niềm tin, cho dù khó khăn xảy đến, thậm trí đối diện với bắt bớ nữa. Bởi “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính” (Hc 27,6). Lửa chính là thứ đùng để luyện sành.cái hay của câu trên là ở vế sau"gian nan người công chính". Gian nan ở đây chính là những khó khăn, gian truân vất vả mà ta bắt gặp trong cuộc sống.

Tại sao “gian nan thử người công chính?” Cuộc sống là một hành trình dài với nhiều khó khăn, không phải lúc nào cũng thuận lợi như ta mong đợi. Chính khó khăn ấy là môi trường tốt nhất để rèn người nên công chính. Trái lại, người nào nghe mà không tuân giữ và hành động theo Lời Chúa thì khi bách hại xảy đến, họ khó đứng vững, thậm chí có nguy cơ mất đức (x. Lc 6,43-49).

Khi nói “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi” (Lc 6,39-40). Chúa Giêsu muốn nói, người môn đệ Chúa phải học và theo Chúa trước khi tự xưng mình là thầy hoặc lãnh đạo người khác. Vì chưa thuộc bài hoặc thực hành lời Thầy Giêsu dậy đã đi dẫn dắt người khác thì nguy hiểm cho bản thân và cả những người thụ giáo.

Chúa Giêsu nói tiếp : “Lòng đầy miệng mới nói ra. Hãy xem quả biết cây” (Lc 6,45). Đúng là thiện căn ở tại lòng ta. Sự xấu xa cũng hệ tại lòng ta. Lòng trí con người là trung tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo cũng như xấu xa, tội lỗi.

Theo ý nghĩa đó, Bài đọc I đề cập đến “lời nói phát ra từ miệng lưỡi” được coi như một tiêu chuẩn đo lường khôn ngoan để đánh giá con người: Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan như Sách Huấn Ca dạy: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (x. Hc 27,5-6).

Chúa Giêsu cũng nói lời tương tự : “Cứ xem trái thì biết cây” (Lc 6,44). Chúng ta biết loại cây nhờ xem quả hay ăn quả của nó. Nhiều người biết được chúng ta là ai, bản chất, tính cách của chúng ta như thế nào nhờ nhìn vào đời sống và nghe lời chúng ta nói. Giống như cây khế không thể sinh quả cau được, cách cư xử bên ngoài của chúng ta là màn hình qua đó những động cơ và những giá trị bên trong của chúng ta lộ ra.

Khi nói : “Người hiền, bởi tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện, kẻ dữ, bởi tích đầy lòng cs nên phát xuất điều ác : vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra” (Lc 6,45). Chúa Giêsu muốn nói về những gì bên trong của con người được phản chiếu qua lời nói và biểu lộ ra bên ngoài. Quả thật, những gì chúng ta nói ra là những điều chúng ta đã suy nghĩ và ước muốn trong lòng. Chúa Giêsu nói tiếp : “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng vậy, không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Nhân quả là như thế.

Vậy chúng ta tự hỏi, đâu là trái tốt để người ta nhận ra nơi người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Thưa, từ một con tim cằn cỗi không thể nào có thể phát ra những lời hay ý đẹp cũng như có những hành động cao thượng được. Để có quả tốt, chúng ta cần có cái tâm tốt. Vì thế phải thực hành các mối phúc mà Chúa đã dạy chúng ta trong Chúa Nhật VII vừa rồi: như yêu thương kẻ thù, cho mà không đòi lại, không xét đoán, không kết án người khác, trước khi sửa lỗi người khác phải sửa lỗi chính mình, hay ít ra, chúng ta cố gắng làm một điều tốt lành để hoàn thiện mình. Amen.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
 
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
17:56 23/02/2022

24. Ai nghe Lời Chúa mà vẫn cứ tham lam luyến tiếc phú quý hoặc hư vinh của thế gian, thì giống như người ăn nhiều mà không thấy no đủ.

(Thánh Gregory pope)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Trích dịch từ tiếng Hoa trong "Cách ngôn thần học tu đức")


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:01 23/02/2022
5. THẦY GIÁO MÙ

Có người mời thầy giáo dạy chữ cho con, nói:

- “Hoàn cảnh gia đình thanh hàn, có chỗ nào thất lễ thì xin thầy bỏ qua”.

Thầy giáo nói:

- “Không cần phải khách sáo, tôi thì sao cũng được”.

Hỏi:

- “Mỗi ngày trà thô cơm nhạt, được chứ?”

Đáp:

- “Được”.

Hỏi:

- “Mỗi ngày quét sân, mở cửa cổng, xin thầy làm giùm, được chứ?”

Đáp:

- “Được”.

Hỏi:

- “Người nhà và con nít muốn mua một vài đồ dùng lặt vặt, cũng nhờ thầy giáo chạy mua giùm, được chứ?”

Đáp:

- “Được”.

Chủ nhà rất phấn khởi nói:

- “Nếu như thế thì thật quá tốt”.

Thầy giáo nói:

- “Tôi cũng có một câu cần phải nói, xin ngài đừng trách”.

Chủ nhân hỏi ông ta câu gì, thầy giáo đáp:

- “Tôi thật xấu hổ, từ nhỏ không có học hành gì cả”.

Chủ nhân không tin, nói:

- “Thầy quá khiêm tốn ạ”.

Thầy giáo nói:

- “Không dám nói dối, tôi xác thực một chữ cái cũng không biết đọc”.

(Nhất Tiếu)

Suy tư 5:

Thời nay có những gia sư (thầy dạy kèm ở nhà) là sinh viên, có những thanh niên chưa kiếm được việc làm chính thức, nên làm gia sư bất đắc dĩ để chờ cơ hội...

Có những chủ nhân đối đãi tốt với gia sư, coi người thầy dạy kèm cho con mình là người thân trong nhà, và có những chủ nhân coi đồng tiền của mình lớn hơn nhân cách và trí tuệ của gia sư, cho nên có những lời nói khiếm nhã, những hành động bất lịch sự...

Có những gia sư khiêm tốn chỉ dạy những gì mình đã học, và không làm những gì mình không biết; có những gia sư ba hoa khoác lác, lại còn lợi dụng lòng tốt của gia đình học trò để làm những chuyện không chính đáng...

Bây giờ làm gia sư như thế nào, thì ngày mai làm thầy giáo chính thức sẽ như thế đấy.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.org

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://nhantai.info
 
Đạo đức thật hay giả
Lm. Thái Nguyên
21:26 23/02/2022



ĐẠO ĐỨC THẬT HAY GIẢ
Chúa Nhật 8 Thường Niên năm C : Lc 6,39-45

Suy niệm

Tác giả sách Huấn Ca cho biết lời nói của một người có giá trị bộc lộ sự thật, cho người ta biết được điều hay điều dở nơi người ấy: “nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 4-7). Điều này rất đúng khi lời lẽ thốt ra cách hồn nhiên, chân thành, chưa bị ngụy trang hay uốn nắn bởi những toan tính quanh co. Thực tế thì khó xét lòng người, nhưng nếu để xét lòng mình thì giáo huấn trên thật chính xác.
Hãy xét xem tôi thường nói những chuyện gì? Nói nhiều về điều gì thì chứng tỏ tôi quan tâm nhiều về điều ấy, hay nói cách khác tôi đã bị ám ảnh bởi điều ấy. Tôi thường phê bình chỉ trích hay nâng đỡ khích lệ? Điều này giúp tôi biết mình là người hẹp hòi hay rộng lượng; là người gây xáo trộn hay kiến tạo bình an. Khi nói về bản thân, giọng điệu của tôi ra sao? Điều này cho thấy tôi kiêu căng hay khiêm tốn.

Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy vấn đề phức tạp không phải là người khác mà là bản thân ta: "Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới". Ai cũng dễ chủ quan, thấy cái rác trong mắt người mà không thấy cái xà trong mắt mình. Ai cũng thích sửa dạy người khác, nhưng lại không thích người khác sửa dạy mình; muốn thay đổi người khác nhưng không muốn thay đổi chính mình. Chúng ta hay nóng lòng về tình trạng sai sót của người khác, nhưng bản thân mình có khi còn tệ hơn. Giáo huấn của Chúa Giêsu cho thấy: lo sửa người là kẻ đạo đức giả, lo sửa mình mới là người đạo đức thật.

Người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Cũng từ đó mà ta thường rất hà tiện trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong tiếng chê. Một trong những tội con người dễ phạm nhất là hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ sai cho người khác. Đang khi đó thì lại chạy trốn chính mình, không đủ can đảm để nhận sự thật về mình. Càng có địa vị, càng thành công, càng có uy tín, ta càng khó thấy những nhược điểm của mình, và càng khó chấp nhận sự góp ý của người khác. Sống trong cảnh mù tối về bản thân, nhưng lại mong dẫn dắt thiên hạ, điều đó quả là một mối họa!

Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những chuyên gia tìm ra tội người khác và phê phán họ. Nhưng những kẻ phê phán không phải là những người cải tạo thế giới, mà thường làm hư hại thêm. Khi muốn sửa lỗi người khác là ta muốn chiến thắng sự xấu trong thế gian, nhưng nếu ta không chiến thắng sự xấu trong mình thì ta vẫn thất bại. Điều này đòi ta phải sám hối và hoán cải, nghĩa là nhận ra mình là tội nhân. Tâm tình đó mới đưa ta lại gần anh em mà không còn thái độ kẻ cả. Chúng ta có bổn phận sửa lỗi cho nhau, nhưng vì biết mình luôn có thể lầm lỗi nên ta làm với tâm tình yêu thương và khiêm tốn.

Để cuộc sống được quân bình và triển nở tươi tốt ta hãy thường xuyên đặt mình trước mặt Chúa, xin Chúa soi sáng cho ta thấu rõ về bản thân của mình. Biết đón nhận sự sửa dạy, ta mới biết sửa dạy; biết thay đổi bản thân ta mới biết thay đổi người khác. Hãy phê bình mình trước khi phê bình anh em. Nhiều sự tranh chấp và ngổn ngang trong gia đình cũng như trong cộng đoàn là vì ta không biết nhận lỗi mà cứ đổ lỗi. Chỉ có thể sửa lỗi cho người khác khi ta không tự hào về mình, không còn bị thúc đẩy bởi tham vọng muốn thống trị.

Không có gì làm ta mù quáng cho bằng để ý đến lỗi lầm của người khác. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng mất công tìm trái vả nơi bụi gai, hay tìm trái nho nơi bụi rậm. Nơi cây nào thì tìm trái của cây ấy. Bài học này có thể áp dụng cho việc đánh giá về người khác và về chính bản thân mình. Chúng ta chỉ thực sự là người tốt khi biết sống từ tâm, biết cảm thông và đón nhận mọi người trong mọi tình trạng của họ. Ai cũng cần có thời gian và ơn thánh để đổi mới dần dần.

Tình yêu thương là điều cốt yếu để cải hóa mình và cảm hóa tha nhân. Vì thế, từ gia đình đến bên ngoài, lúc nào chúng ta cũng cần sống tốt với nhau, nhìn tốt về nhau, để đem lại an bình và hạnh phúc cho nhau. Chỉ như vậy ta mới góp phần đắc lực để xây dựng một thế giới mới, thế giới của hòa bình, yêu thương và huynh đệ, là chính Nước Thiên Chúa.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Bản thân con dễ chủ quan và thiển cận,
vì nhìn theo lăng kín và góc độ của mình,
nên không tránh được sai lầm và lệch lạc,
nhất là khi vội vàng mà xét đoán tha nhân.
Cái xà trong mắt mình thì không thấy,
lại thấy cái rác trong mắt của anh em,
cái sai của mình thì cho là nhỏ,
còn cái sót của người lại biến nó thành to,
để rồi từ đấy con chỉ lo sửa dạy,
lúc nào cũng muốn được làm thầy,
ra vẻ ta đây là hoàn hảo,
ra giọng chỉ bảo và chê bai khinh thị.
Chúa cho như vậy là người đạo đức giả,
vì bản thân vẫn chưa được cải hóa,
chưa ra sao mà đã tự nâng cao,
lo sửa người mà chẳng biết sửa mình,
có khi cũng chẳng biết chính mình,
vẫn vô tình trong lối sống vô minh,
nếu có quyền hành mà dẫn dắt người ta,
thì chắc hẳn gây ra nhiều tai họa.
Lạy Chúa, xin cho con biết con,
biết con yếu đuối lỗi lầm,
nên đừng khe khắt hiểu lầm anh em,
biết con che đậy giả hình,
nên cần chân thật sống tình yêu thương,
biết con cũng thích phô trương,
nên cần ăn ở khiêm nhường đơn sơ,
biết con hay sống bâng quơ,
nên cần sốt sắng phụng thờ Chúa luôn,
để nhờ ơn Chúa tràn tuôn,
đời con đổi mới khơi nguồn tin yêu. Amen.
 
Một phẩm giá vô giá
Lm. Minh Anh
23:36 23/02/2022

MỘT PHẨM GIÁ VÔ GIÁ
“Ai cho các con một ly nước vì lẽ các con thuộc về Đấng Kitô, Thầy bảo thật các con, kẻ đó sẽ không mất phần thưởng!”.

Nhà thần học G. K. Chesterton nói, “Thiên Chúa đã ban ‘một phẩm giá vô giá’ cho mỗi người, một phẩm giá để hưởng sự sống đời đời trên thiên đàng! Không ai trên thiên đàng có thể nói, “Tôi đã đặt mình ở đây!”; cũng không ai ở hoả ngục có thể nói, “Chúa đã đặt tôi ở đây!”. Địa ngục là lời khen ngợi tuyệt vời của Thiên Chúa đối với tự do của con người. Một lời khen? Đúng, bởi Thiên Chúa đang nói với những người đang ở đó, “Bạn thật đáng kể! Tôi rất tôn trọng bạn. Chọn từ chối Tôi, hãy chọn địa ngục; nếu bạn muốn, Tôi sẽ để bạn đi!””.

Kính thưa Anh Chị em,

Đúng như Chesterton nói, “Thiên Chúa đã ban ‘một phẩm giá vô giá’ cho mỗi người”. Không chút nghi ngờ, lời hứa của Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay tiết lộ sự thật mà Chesterton khẳng định, mỗi chúng ta có ‘một phẩm giá vô giá!’, đến nỗi, ‘Ai cho các con dù chỉ một ly nước…, kẻ đó sẽ không mất phần thưởng!’.

Mỗi người chúng ta là vô giá, vì Thiên Chúa đã ban cho một phẩm giá nội tại vốn được xác định và nâng cao khi chúng ta được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và được mang tên Ngài. Cách hoàn hảo, Thiên Chúa nhập thể và nhập thế trong Chúa Kitô, Đấng đã lấy máu châu báu chuộc lấy chúng ta. Vì thế, khi tái sinh trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, chúng ta mặc lấy Chúa Kitô, và mang một hình ảnh trọn hảo của Thiên Chúa. Tắt một lời, nhờ Chúa Kitô, chúng ta được trở nên con Thiên Chúa. Vì thế, sẽ không ngạc nhiên khi Chúa Giêsu bảo đảm phần thưởng cho bất cứ ai phục vụ con cái Ngài vì vinh quang Ngài, dù đó chỉ là một ly nước lã!

Mang hình ảnh Thiên Chúa còn là một trách nhiệm! Chúng ta phải sống xứng với phẩm giá của mình; đồng thời, cho người khác thấy chúng ta xứng với hình ảnh Thiên Chúa mình đang mang. Chúng ta có trách nhiệm với bản thân cũng như với cả “những người bé mọn”; “bé mọn” vì tuổi tác, vì mới mẻ, chưa trưởng thành trong đời sống Kitô hữu, hoặc ngay cả “bé mọn” do yếu đuối hoặc những khó khăn. Chúa Giêsu cảnh báo chúng ta về việc có thể cản đường, một khi hành vi của chúng ta khiến họ nghi ngờ hoặc chán nản việc sống đức tin. Hình ảnh “thớt cối xay” muốn nói, sẽ tốt hơn để lãnh lấy nó nếu chúng ta trở nên dịp tội cho những người này; vì lẽ, mỗi người trong họ cũng có ‘một phẩm giá vô giá’. Mặt khác, phần thưởng lớn lao đang chờ đợi những ai nêu gương tốt cho “những người bé mọn” này! Nếu tôi yêu họ chỉ bằng một nửa so với Chúa Giêsu, thì việc tránh nêu gương xấu có lẽ sẽ dễ dàng hơn nhiều!

‘Một phẩm giá vô giá’ thì không gì có thể so sánh! Trong bài đọc hôm nay, Giacôbê cảnh báo hạng giàu có, vốn hay coi thường phẩm giá người nghèo. Người giàu thường ức hiếp những kẻ bé mọn, “Các ngươi đã lên án và giết chết người công chính”; án phạt Chúa dành cho họ còn khủng khiếp hơn việc cột cối xay mà xô xuống biển. Chúa sẽ phân xử cho người nghèo, vì “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó, vì Nước Trời là của họ!” như lời Thánh Vịnh đáp ca.

Anh Chị em,

“Mỗi người là vô giá!”. Thử hỏi trên trần gian này, làm sao có thể tìm ra một người giống bạn, dẫu chỉ là dấu vân tay! Những điều thấy được đã không thể thay thế, phương chi là linh hồn mỗi người. Vậy mà, Thiên Chúa không lẫn lộn, Ngài chăm bẵm sự sống đời này và đời sau của từng người. Dẫu thế, Chúa Giêsu vẫn căn dặn chúng ta, nếu cần mất những phần thân thể vì sự sống đời đời thì cũng phải hy sinh, bởi lẽ, linh hồn là vô giá. Điều này có nghĩa là phải can đảm để cắt đi những gì khiến chúng ta không xứng đáng nhận lấy những hồng ân vô giá Thiên Chúa đã chuẩn bị. ‘Cắt nó đi! Ngay lập tức!’. Chúa Giêsu khá cực đoan; nhưng, như một bác sĩ giỏi, Ngài buộc như thế. Hãy tự hỏi, điều gì trong tôi đang phương hại đến ‘một phẩm giá vô giá’ của tôi và của anh chị em tôi? Cụ thể, điều Chúa Giêsu muốn tôi loại khỏi cuộc sống là gì?

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin cho con hiểu rằng, mỗi chúng con có ‘một phẩm giá vô giá’, một phẩm giá để hưởng sự sống đời đời quý giá! Đừng để con trở thành kẻ ngáng đường cho bất kỳ ai!”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Giáo phận Mễ Tây Cơ than thở về những vụ giết người, cố gắng làm tắt tiếng các nhà báo
Đặng Tự Do
05:23 23/02/2022


Linh mục Martín Lara Becerril, phát ngôn viên của Giáo phận Querétaro, hôm thứ Tư đã than thở về vụ sát hại các nhà báo ở Mễ Tây Cơ và nỗ lực bịt miệng họ, đồng thời khuyến khích những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông hãy có “lòng can đảm lớn”.

Tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, Cha Becerril nói rằng “thật là xấu hổ khi ở một quốc gia dân chủ như Mễ Tây Cơ lại có những cái chết và bạo lực chống lại các nhà báo.”

Vị linh mục người Mễ Tây Cơ nói rằng “một nhà báo hoàn thành một chức năng trong xã hội, đó là thông báo.”

Ngài nhấn mạnh: “Thực sự là một điều đáng ghê tởm khi người ta muốn làm câm lặng tiếng nói của các phóng viên, thường là những tiếng nói phản biện.”

Theo báo chí Mễ Tây Cơ, ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất đối với các nhà báo, với 30 vụ giết người, riêng năm 2022 có sáu vụ.

Ba năm đầu nhiệm kỳ của López Obrador cũng là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 100,000 vụ giết người.

Một nhóm các nhà báo đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 15 tháng 2 tại Quốc Hội liên bang để đòi công lý.

Ngày hôm sau, trong cuộc họp báo buổi sáng của López Obrador, một nhóm nhà báo đã quyết định không đặt câu hỏi để thể hiện sự phản đối và đoàn kết với các đồng nghiệp bị sát hại của họ.

Nhân dịp đó, nhà báo Rodolfo Montes nói với Tổng thống Mễ Tây Cơ, “chúng tôi muốn sống”.

López Obrador cũng đã gây ra một cuộc tranh cãi khi tiết lộ trong một cuộc họp báo ngày 11 tháng 2 các thông tin hoàn toàn riêng tư liên quan đến thu nhập cá nhân của nhà báo Carlos Loret de Mola, là ký giả đã công bố các báo cáo về lối sống xa hoa của con trai tổng thống, là José Ramón López Beltrán, người đang sống ở Houston, và chỉ ra một xung đột lợi ích liên quan đến công ty dầu Pemex thuộc sở hữu của chính phủ.

Loret de Mola đã trả lời trên phương tiện truyền thông xã hội, và chỉ ra rằng López Obrador, là người mà ký giả này mô tả là “một nhà độc tài đầy tham vọng”, “bị dồn vào chân tường” vì “ông ta không biết cách thoát khỏi vụ bê bối liên quan đến con trai mình.”

Nhà báo Mễ Tây Cơ nói rằng thông tin do López Obrador tiết lộ “khiến tôi gặp rủi ro vì thu nhập thực sự của tôi đã bị thổi phồng và sai lệch. Đây là điều cực kỳ nghiêm trọng. Nó khiến tôi dễ dàng trở thành nạn nhân cho bọn bắt cóc đòi tiền chuộc và các bọn cướp nhan nhãn trên đường phố. Đó là một tội ác.”

Nhiều phương tiện truyền thông Mễ Tây Cơ và quốc tế đã chỉ trích thái độ của López Obrador đối với công việc của các nhà báo.

Tờ Washington Post, nơi Loret de Mola là một nhà báo đóng góp cho các chuyên mục, đã tweet vào ngày 11 tháng 2 rằng “chúng tôi lên án sự leo thang những sự gièm pha, lăng mạ và sử dụng dữ liệu bí mật từ chính phủ Mễ Tây Cơ để tấn công Carlos Loret de Mola… Nhà nước và các cơ quan chức năng phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận và báo chí”.

Tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, người phát ngôn của Giáo phận Querétaro nhấn mạnh mong muốn “khuyến khích các nhà báo” đang phải đối mặt với bạo lực mà họ phải gánh chịu ở đất nước này.

“Công việc này của giới truyền thông là điều cần thiết trong xã hội và sự phục vụ của họ với tư cách là những người truyền thông là rất cần thiết. Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi”

“Sự thật là tiêu chí cơ bản của phương tiện truyền thông tin tức và tôi mời các bạn truyền đạt nó với sự can đảm tuyệt vời”.

Cha Becerril sau đó đã phó dâng những nhà báo bị sát hại “và gia đình của họ cho Lòng Chúa Thương Xót, và chúng tôi vô cùng tiếc thương về những mất mát này”.
Source:Catholic News Agency
 
Người Công Giáo ở Uganda đột nhiên mất hàng loạt nhà thờ
Đặng Tự Do
05:24 23/02/2022


Những người Công Giáo từ Giáo xứ Đức Mẹ Của Các Mục Tử Thánh Thiện ở Maryjje, ở miền trung Uganda đang lo lắng về việc mất nhà thờ và tất cả tài sản sau khi một trong những gia đình đã hiến đất cho nhà thờ hàng trăm năm trước bắt đầu muốn chiếm lại.

Giáo xứ này là một trong số hàng trăm nhà thờ Công Giáo ở quốc gia Đông Phi tiếp tục mất nhiều diện tích đất được hiến tặng do không có giấy tờ hợp lệ.

Trong một số trường hợp, các nhà thờ đã bị phá bỏ và các giáo dân bị đuổi ra khỏi các khu nhà ở, thu hút sự lên án trên toàn quốc từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền, chính trị gia và Tổng thống Yoweri Museveni. Cư dân cũng đã chiếm lại đất của các tôn giáo khác, bao gồm Anh giáo, Người theo phái Ngũ tuần, và Kitô phục lâm.

Giá đất trong những năm qua đã tăng phi mã khiến nhiều người muốn chiếm lại những mảnh đất đã hiến cho nhà thờ để bán lấy tiền. Tình hình tồi tệ đến mức các nhà lãnh đạo sợ rằng Giáo Hội sắp mất gần hết nhà thờ, và điều này có thể ảnh hưởng đến giáo dân, những người sẽ buộc phải đi bộ hàng km trước khi có thể tìm được một ngôi nhà thờ khác để thờ phượng.

Mulajje, giáo xứ Công Giáo lâu đời thứ hai trong Giáo phận Kasana-Luweero, được thành lập cách đây một thế kỷ sau khi những người tốt bụng hiến đất. Kể từ đó, giáo xứ đã phát triển và thậm chí còn xây dựng trường học, nhiều trung tâm y tế để phục vụ cư dân.

Đức Cha Paul Ssemogerere của Kasana-Luweero cho biết một trong những gia đình đã hiến hơn 60 mẫu Anh cho giáo xứ đã đòi lại 45 mẫu Anh thông qua các thủ tục thưa kiện ở tòa án. Ngài cho biết việc thiếu tài liệu thích hợp đã dẫn đến việc mất đất.

Đức Cha nói: “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho việc để mất những khu đất này, vì chúng tôi đã không làm giấy tờ hợp lệ sau khi những mảnh đất này được tặng cho chúng tôi.”

Những người hiến đất ban đầu là các tín hữu thuần thành. Tuy nhiên, hôn nhân khác đạo đã dẫn đến tình trạng là con cháu họ ngày nay có thể không còn là người Công Giáo nữa. Trong các trường hợp như thế, họ quyết liệt muốn thu hồi lại vì biết rằng không có tài liệu pháp lý ghi lại việc hiến tặng ban đầu. Khó khăn là chi phí xây dựng các tòa nhà trên các khu đất ấy đôi khi gấp nhiều lần giá đất vào thời điểm được hiến tặng. Tất cả giờ đây như xây nhà trên cát.
Source:Crux
 
Hãy dừng lại việc xuống địa ngục này, các giám mục của Haiti cầu xin
Đặng Tự Do
05:25 23/02/2022


Các giám mục Haiti đã kêu gọi các băng đảng vũ trang hạ vũ khí vì người dân Haiti đang kiệt quệ “thực sự không thể chịu được nữa.”

Hội đồng Giám mục Haiti đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các thành phần chính trị và các băng nhóm có vũ trang ngăn chặn đất nước rơi vào hỗn loạn.

Trong một tài liệu gửi tới tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, các Giám Mục viết: “Khoảnh khắc mà chúng ta đang sống, cực kỳ nghiêm trọng và đặc biệt quyết định bước ngoặt lịch sử không thể đảo ngược này của chúng ta. Điều đang bị đe dọa là hiện tại và tương lai của chúng ta, và do đó, bản thân sự tồn tại của chúng ta với tư cách một dân tộc, một quốc gia, một nhà nước. Chúng ta phải đưa ra những quyết định can đảm và hiệu quả”.

Ngày 7 tháng 2 lẽ ra đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Jovenel Moïse. Nhưng ông đã bị ám sát trong đêm mùng 6 rạng ngày 7 tháng 7 năm ngoái 2021, tại tư gia của mình. Đất nước kể từ đó được điều hành bởi Ariel Henry, được vị tổng thống quá cố chọn làm thủ tướng, nhưng có những lo ngại rằng sự kết thúc của nhiệm kỳ có thể tạo cớ để thách thức quyền lực mỏng manh của ông Henry.

Bạo lực đã gia tăng đáng kể ở nước này trong những tháng gần đây, với tội phạm ma túy và bắt cóc. Sự đau khổ còn tăng thêm vào tháng 8 bởi một trận động đất 7.2 độ richter, cướp đi sinh mạng của hơn một nghìn người và khiến người dân rơi vào cảnh đói nghèo hơn nữa. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đáp ứng với một gói khẩn cấp để cung cấp lều, thực phẩm, nước uống, thuốc men và sửa chữa khẩn cấp các nhà xứ, cũng như giúp đánh giá thiệt hại trong 600 tòa nhà. Vào năm 2022, gói viện trợ thứ hai để hỗ trợ tái thiết đã được bảo đảm.

“Haiti thân yêu của chúng ta đang vượt qua một giai đoạn khó khăn trong lịch sử của nó,” các giám mục viết. “Cuối cùng thì ai sẽ là người ngăn cản việc đất nước rơi xuống địa ngục? Người Haiti thực sự không thể chịu được nữa. Họ mệt mỏi, tơi tả, và kiệt quệ”.

Họ nói thêm, đây không phải là lúc “để chia rẽ, mất đoàn kết, bất đồng, bất hòa và huynh đệ tương tranh, tranh giành quyền lực, theo đuổi lợi ích cá nhân, ích kỷ và nhỏ nhen một cách vô liêm sỉ”.

Thay vào đó, các giám mục kêu gọi sự thống nhất và đưa ra lời kêu gọi đối với tất cả các nhân vật chính trên chính trường, “rằng họ cần đạt được sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể để tạo ra một lối thoát dứt khoát khỏi cuộc khủng hoảng.”
Source:Aleteia
 
Ukraine cần sự đoàn kết của các bạn, nhà lãnh đạo Công Giáo nghi lễ Đông phương nói trong cuộc gặp gỡ với các đại sứ cạnh Tòa Thánh
Đặng Tự Do
05:26 23/02/2022


Trong lời kêu gọi gửi tới các đại sứ của Liên minh Âu Châu, nhà lãnh đạo của Công Giáo nghi lễ Đông phương, gọi tắt là UGCC, lưu ý rằng “Giáo hội của chúng tôi đã có kinh nghiệm phục vụ trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine và khu vực Crimea bị chiếm đóng. Các linh mục của chúng tôi đã không rời bỏ người dân của họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, bây giờ khi chúng tôi thấy các nhà ngoại giao và chính trị gia khác nhau rời khỏi Kiev, vị trí nguyên tắc của Giáo hội chúng tôi là ở bên cạnh người dân của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo UGCC nói thêm rằng đời sống tôn giáo ở Ukraine cũng không nằm ngoài cuộc tấn công thông tin của Nga, và nhấn mạnh rằng “cuộc đối đầu giữa các tôn giáo và giữa các hệ phái đang diễn ra ở đất nước chúng tôi”. Ngài nhấn mạnh lời cầu nguyện buổi sáng tại Nhà thờ Thánh Sophia vào Ngày Thống nhất Quốc gia, “là một cử chỉ nói lên sự đoàn kết tinh thần của nhân dân chúng tôi và những người đại diện cao nhất của các tôn giáo và giáo phái khác nhau. Theo nghiên cứu thống kê mới nhất, xã hội Ukraine tin tưởng nhất vào các Giáo Hội và các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, Giáo hội có sứ mệnh đặc biệt là trung tâm của sự hiệp nhất toàn dân tộc chúng tôi”.

Đối với việc phục vụ của UGCC trong thời điểm căng thẳng này, - Đức Tổng Giám Mục nói, - Giáo hội của chúng tôi vẫn ở bên những người của mình. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi. “Để làm được điều này, UGCC đã tạo ra một mạng lưới đoàn kết để gần gũi với những người đang gặp khó khăn cùng cực”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav yêu cầu cộng đồng quốc tế đừng quên Ukraine, và lưu ý rằng đất nước này “cần sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế” và nhắc lại cuộc điện đàm gần đây với Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc thế giới cầu nguyện cho Ukraine.

“Chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha, những nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh, nhiều Hội đồng Giám mục Âu Châu và các tổ chức quốc tế khác của Giáo Hội Công Giáo vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và sự đánh thức ý thức của cộng đồng quốc tế”.

Trong bối cảnh của cuộc chiến thông tin chống lại Ukraine,Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nói sự thật”. “Thông tin sai lệch gây ra thiệt hại lớn cho đất nước chúng tôi, danh tiếng và sự phát triển kinh tế. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu các bạn hãy là tiếng nói sự thật về Ukraine”.
Source:UGCC
 
Bài Giáo lý Hàng tuần của Đức Phanxicô: ý nghĩa và giá trị tuổi già
Vũ Văn An
16:56 23/02/2022


Theo tin Tòa Thánh, Thứ tư ngày 23 tháng 2, 2022, tại Hội trường Thánh Phaolô VI, Đức Giáo Hoàng Phaolô đã bắt đầu loạt bài giáo lý mới của ngài về tuổi già, hôm nay, ngài nhấn mạnh tới khía cạnh ý nghĩa và giá trị của tuổi đời này. Nhân dịp này, Đức Phanxicô tỏ lòng buồn rầu đối với tình hình ở Ukraine và kêu gọi dành Thứ tư Lễ tro sắp tới làm Ngày Ăn Chay cho Hòa Bình. Sau đây là nguyên văn bài giáo lý của ngài dựa vào bản Tiếng Anh do Tòa Thánh cung cấp.



Anh chị em thân mến, chào anh chị em buổi sáng!

Chúng ta đã hoàn tất loạt bài giáo lý về Thánh Giuse. Hôm nay chúng ta bắt đầu con đường giáo lý nhằm tìm kiếm sự linh hứng trong Lời Chúa về ý nghĩa và giá trị của tuổi già. Chúng ta hãy suy gẫm về tuổi già. Trong một vài thập niên, tuổi đời này liên quan tới một "loại người mới" thực sự, đó là những người cao niên. Chúng ta chưa bao giờ nhiều như vậy trong lịch sử nhân loại. Nguy cơ bị loại bỏ thậm chí còn thường xuyên hơn: chưa bao giờ nhiều như bây giờ, chưa bao giờ có nguy cơ bị loại bỏ như bây giờ. Người lớn tuổi thường bị coi là “một gánh nặng”. Trong giai đoạn đầu của bi kịch đại dịch, chính các ngài là những người phải trả giá đắt nhất. Các ngài là thành phần yếu đuối nhất và bị bỏ quên nhất: chúng ta không thấy các ngài nhiều khi các ngài còn sống, thậm chí chúng ta không thấy các ngài khi các ngài qua đời. Tôi cũng tìm thấy bản Hiến chương này nói về các quyền lợi của người cao niên và các bổn phận của cộng đồng: hiến chương này đã được các chính phủ hiệu đính, chứ không được chính Giáo hội hiệu đính, nó là một điều thuộc quyền thế tục. Biết người cao niên có quyền là một điều tốt, một điều đáng lưu ý. Ta nên đọc nó.

Cùng với vấn đề di dân, tuổi già là một trong những vấn đề cấp bách nhất mà gia đình nhân loại phải đối đầu vào thời điểm này. Nó không chỉ là một sự thay đổi về lượng; sự thống nhất của các tuổi đời đang bị đe dọa: nghĩa là, điểm quy chiếu thực sự cho sự hiểu biết và đánh giá toàn bộ cuộc sống của con người. Chúng ta tự hỏi: liệu có tình bạn, có sự liên minh giữa các lứa tuổi đời khác nhau hay không hay sự xa cách và bác bỏ chiếm ưu thế?

Tất cả chúng ta đang sống trong một hiện tại trong đó, trẻ em, người trẻ, người lớn và người cao niên cùng chung sống với nhau. Tuy nhiên, tỷ lệ đã thay đổi: các ngài đã trở thành số đông và ở nhiều khu vực rộng lớn trên thế giới, tuổi thơ được phân bổ với số lượng nhỏ nhoi. Chúng ta cũng đã nói về mùa đông nhân khẩu. Một sự mất cân bằng kéo theo nhiều hệ quả. Nền văn hóa thịnh hành chỉ coi người trẻ mới là một mẫu hình duy nhất, nghĩa là một cá nhân tự tạo luôn luôn trẻ trung. Nhưng liệu có đúng là tuổi trẻ chứa đựng trọn vẹn ý nghĩa của cuộc sống, trong khi tuổi già chỉ đơn giản tượng trưng cho việc làm nó ra trống rỗng và mất mát? Có đúng như vậy không? Chỉ có tuổi trẻ mới có ý nghĩa trọn vẹn về cuộc đời, còn tuổi già là làm cho sự sống ra trống rỗng, mất mát? Sự tôn vinh tuổi trẻ như là độ tuổi duy nhất xứng đáng với việc hiện thân lý tưởng của con người, đi đôi với sự khinh miệt tuổi già, coi nó mong manh, xuống cấp hoặc khuyết tật, là hình ảnh nổi bật của chủ nghĩa toàn trị thế kỷ XX. Chúng ta có quên điều này không?

Việc kéo dài sự sống có một tác động về cơ cấu đối với lịch sử của cá nhân, gia đình và xã hội. Nhưng chúng ta phải tự hỏi: phẩm chất tâm linh và ý thức cộng đồng của nó có nhất quán với sự kiện này hay không? Có lẽ người cao niên phải xin lỗi vì sự cố chấp sống sót của các ngài gây hại cho người khác? Hay các ngài có thể được vinh danh vì những hồng phúc các ngài mang lại ý nghĩa cho cuộc sống của mỗi người? Thực thế, trong việc trình bầy ý nghĩa của cuộc sống - và chính trong điều gọi là nền văn hóa "phát triển" – người ta đề cập rất ít tới tuổi già. Tại sao? Vì nó được coi là độ tuổi không có nội dung đặc biệt để cung hiến, cũng như không có ý nghĩa riêng để sống. Hơn nữa, thiếu sự khuyến khích đối với những người tìm hiểu các ngài và thiếu sự giáo dục để cộng đồng nhìn nhận các ngài. Nói tóm lại, đối với độ tuổi mà hiện nay là một phần quyết định của không gian cộng đồng và kéo dài đến một phần ba cuộc đời mỗi người, thì đôi khi có những kế hoạch, nhưng không phải là những dự án cho cuộc sống của các ngài. Kế hoạch chăm sóc, có; nhưng không phải kế hoạch giúp các ngài sống cho trọn vẹn. Và đó là việc thiếu suy nghĩ, thiếu trí tưởng tượng, thiếu óc sáng tạo. Theo suy nghĩ này, điều tạo ra khoảng trống là người già là phế liệu: trong văn hóa vứt bỏ này, người cao niên giống như các phế liệu.

Tuổi trẻ thì đẹp, nhưng tuổi trẻ vĩnh viễn là thứ ảo giác vô cùng nguy hiểm. Già cũng quan trọng - và đẹp đẽ- cũng quan trọng như trẻ. Chúng ta hãy nhớ điều đó. Liên minh giữa các thế hệ nhằm khôi phục tính nhân bản cho mọi lứa tuổi của đời sống, là hồng phúc đã mất của chúng ta và chúng ta phải lấy lại nó. Phải tìm lại nó, trong nền văn hóa vứt bỏ này và trong nền văn hóa trọng năng suất này.

Lời Chúa có rất nhiều điều để nói về liên minh này. Ngay vừa rồi, lúc khởi đầu buổi yết kiến, chúng ta đã nghe lời tiên tri của Gioen: “Các trưởng lão của các ngươi sẽ mơ những giấc mơ, các người trẻ của các ngươi sẽ thấy các thị kiến” (3:1). Có thể giải thích như thế này: khi người già chống lại Thánh Thần, chôn vùi ước mơ trong quá khứ thì người trẻ không còn nhìn thấy được những sự việc cần phải làm để mở ra tương lai. Mặt khác, khi người già truyền đạt ước mơ của các ngài, người trẻ sẽ thấy rõ họ phải làm gì. Những người trẻ nào không còn tra vấn các giấc mơ của người già, trái lại tiến bước theo các viễn kiến vượt quá tầm mắt của họ, sẽ đấu tranh để thực hiện hiện tại và tương lai của họ. Nếu ông bà rơi trở lại buồn tủi tiếc nhớ, thì người trẻ sẽ loay hoay nhiều hơn với chiếc điện thoại thông minh của họ. Màn hình có thể vẫn sáng, nhưng đời sống sẽ tàn lụi trước hạn kỳ. Há đó không phải là hậu quả nghiêm trọng nhất của đại dịch chính trong sự sự mất mát của người trẻ đó sao? Người già có những nguồn lực sống đã sống mà các ngài có thể gợi lại bất cứ lúc nào. Liệu các ngài sẽ bàng quang nhìn những người trẻ mất viễn kiến hay các ngài sẽ đồng hành với họ bằng cách sưởi ấm các giấc mơ của các ngài? Đứng trước các giấc mơ của người già, người trẻ sẽ làm gì?

Sự khôn ngoan của cuộc hành trình dài nhằm đồng hành với tuổi già cho đến khi nó chấm dứt phải được trải nghiệm như một cung ứng ý nghĩa cho đời sống, chứ không như một sức trì trệ của sinh tồn. Nếu tuổi già không được phục hồi lại phẩm giá của một đời sống xứng đáng với con người, thì nó buộc phải khép lại trong một sự chán nản cướp mất tình yêu của mọi người. Thách thức của nhân loại và nền văn minh này đòi hỏi sự cam kết của chúng ta và ơn trợ giúp của Thiên Chúa. Chúng ta hãy cầu xin Chúa Thánh Thần. Với những bài giáo lý về tuổi già này, tôi muốn khuyến khích mọi người đầu tư suy nghĩ và tình cảm của họ vào những hồng phúc mà tuổi già mang lại và vào những giai đoạn khác của đời sống. Tuổi già là một hồng phúc cho mọi giai đoạn của cuộc sống. Nó là hồng phúc già dặn, khôn ngoan. Lời Chúa sẽ giúp chúng ta biện phân ý nghĩa và giá trị của tuổi già; Xin Chúa Thánh Thần cũng ban cho chúng ta những giấc mơ và thị kiến mà chúng ta cần.

Và tôi muốn nhấn mạnh, như chúng ta đã nghe trong lời tiên tri của Gioen, lúc đầu, rằng điều quan trọng không những chỉ là người già chiếm vị trí khôn ngoan mà các ngài vốn có, chiếm vị trí lịch sử sống trong xã hội, mà còn trong cuộc chuyện trò, trong việc các ngài nói với người trẻ. Người trẻ phải nói chuyện với người già, và người già phải nói chuyện với người trẻ. Và cây cầu này sẽ là việc chuyển giao khôn ngoan trong nhân loại. Tôi hy vọng rằng những suy gẫm này sẽ hữu ích cho tất cả chúng ta, để thực hiện thực tại được tiên tri Gioen nói tới, rằng trong cuộc đối thoại giữa người trẻ và người già, người già có thể cung cấp các giấc mơ và người trẻ có thể tiếp nhận và thực hiện chúng. Chúng ta đừng quên rằng trong cả gia đình và nền văn hóa xã hội, người cao niên giống như gốc rễ của cây: các ngài có tất cả lịch sử ở đó, và người trẻ như hoa và quả. Nếu nước cốt này không lên, nếu “nước giọt” này, - có thể nói như thế - không từ rễ đi lên, hoa quả sẽ không bao giờ có thể triển nở. Chúng ta đừng quên bài thơ mà tôi đã nhiều lần nói: "Mọi điều cây có mà triển nở được đều bắt nguồn từ những gì nó chôn vùi” (“... mọi điều cây có mà triển nở được đều sống nhờ những gì nó chôn vùi”, Francisco Luis Bernárdez). Mọi thứ đẹp đẽ mà một xã hội có đều liên quan đến cội rễ của người già. Vì lý do này, trong những bài giáo lý này, tôi muốn làm nổi bật hình ảnh của người cao niên, để ta hiểu rõ rằng người già không phải là phế liệu: các ngài là một phước lành cho xã hội. Cám ơn anh chị em.

Lời kêu gọi đặc biệt

Sau bài Giáo lý trên, Đức Phanxicô đã có lời kêu gọi đặc biệt sau đây:

"Trái tim tôi rất đau đớn trước tình hình đang trở nên tồi tệ hơn tại Ukraine. Bất chấp các cố gắng ngoại giao của mấy tuần qua, viễn ảnh báo động ngày một gia tăng đang mở ra. Giống như tôi, nhiều người khắp thế giới đang cảm thấy xao xuyến âu lo. Một lẩn nữa, hòa bình của mọi người đang bị đe dọa bởi quyền lợi phe phái. Tôi muốn kêu gọi những ai có trách nhiệm chính trị hãy rà xét lương tâm một cách nghiêm túc trước mặt Thiên Chúa, Đấng vốn là Thiên Chúa của hòa bình, chứ không phải Thiên Chúa của chiến tranh; Đấng là Cha của mọi người, chứ không phải của một số người, Đấng muốn chúng ta là anh chị em, chứ không phải kẻ thù. Tôi cầu xin cho mọi bên liên hệ tự chế bất cứ hành động nào thậ chí có thể gây đau khổ thêm cho dân chúng, làm mất ổn định việc chung sống giữa các dân tộc và đem luật quốc tế tới chỗ tranh chấp.

Và bây giờ, tôi muốn kêu gọi mọi người, có tín ngưỡng hay không. Chúa Giêsu dạy chúng ta rằng sự vô nghĩa ma quái của bạo lực phải được đáp ứng bằng vũ khí của Thiên Chúa, tức lời cầu nguyện và ăn chay. Tôi mời gọi mọi người biến ngày 2 tháng Ba, Thứ Tư Lễ Tro, thành ngày Ăn chay cầu cho Hòa Bình. Tôi khuyến khích các tín hữu sẽ tận tình đặc biệt chuyên chăm cầu nguyện và ăn chay vào ngày đó. Xin Nữ vương Bình an gìn giữ thế giới khỏi cảnh điên khùng của chiến tranh.
 
Đức Thánh Cha công bố ngày 2 tháng 3 là ngày cầu nguyện và ăn chay cho Ukraine
Thanh Quảng sdb
17:58 23/02/2022
Đức Thánh Cha công bố ngày 2 tháng 3 là ngày cầu nguyện và ăn chay cho Ukraine

Đức Thánh Cha Phanxicô chia sẻ nỗi niềm đau xót về tình hình ở Ukraine và công bố “Ngày Ăn chay vì Hòa bình” vào Thứ Tư Lễ Tro mùng 2/3/2022.

(Tin Vatican)

Trong buổi tiếp kiến chung hôm thứ Tư (23/2/2022), Đức Thánh Cha Phanxicô đã kêu gọi khẩn thiết cho hòa bình ở Ukraine, ĐTC chia sẻ mối đe dọa chiến tranh đã gây ra “nỗi đau to lớn trong trái tim tôi”.

“Bất chấp những nỗ lực ngoại giao trong mấy tuần qua, Đức Thánh Cha nói, viễn cảnh ngày càng đáng báo động” làm cho nhiều người trên khắp thế giới lo sợ...

ĐTC nhấn mạnh: “Một lần nữa hòa bình lại bị đe dọa bởi các lợi ích phe phái” ngài kêu gọi những người “ có trách nhiệm chính trị hãy suy xét lương tâm mình một cách nghiêm túc trước Thiên Chúa, là Thiên Chúa của hòa bình chứ không phải chiến tranh, là Cha của tất cả chứ không riêng gì của một số người, Người muốn chúng ta là anh em chứ không phải kẻ thù!”

ĐTC cầu mong “tất cả các bên liên quan hãy tránh bất kỳ hành động nào có thể gây ra đau khổ nữa cho người dân, làm mất ổn định cuộc sống hài hòa giữa các quốc gia và làm cho luật pháp quốc tế trở nên bất ổn.”

Ngày Cầu nguyện và Ăn chay cho hòa bình

Kết thúc buổi Tiếp kiến chung, Đức Thánh Cha đã mời gọi mọi người cùng hiệp thông trong ngày 2 tháng 3, Thứ Tư Lễ Tro, là Ngày Ăn chay vì Hòa bình.

ĐTC nói: “Tôi kêu mời các tín hữu cách đặc biệt hãy cầu nguyện và ăn chay trong ngày đó, tha thiết khấn xin Nữ Vương Hòa bình gìn giữ thế giới khỏi rơi vào cảnh lầm than của chiến tranh.”

Nga và các lệnh trừng phạt

Khi mối đe dọa chiến tranh ló hiện ở Đông Âu, Hoa Kỳ đã tìm cách gây áp lực lên Nga bằng cách tăng cường các lệnh trừng phạt.

Mỹ, Liên minh châu Âu, Anh, Úc, Canada và Nhật cũng đã lên kế hoạch đóng cửa các ngân hàng và nước Đức đóng băng dự án đường ống dẫn khí đốt từ Nga.

Ngoại trưởng Anh bà Liz Truss cho biết Anh quốc sẽ cấm vận sản phẩm của Nga bán tại London, quyết định này diễn ra sau khi Nga đưa quân vào các vùng ly khai ở miền đông Ukraine.

Hôm thứ Hai 21/2/2022, ông Putin đã công nhận các vùng đất ở vùng Donbas giáp biên giới với Nga, làm gia tăng những lo ngại cho phương Tây về một cuộc chiến tranh có thể bùng nổ.

Ukraine chuẩn bị

Theo quân đội Ukraine, một binh sĩ đã thiệt mạng và sáu người bị thương trong các cuộc pháo kích gia tăng của lực lượng ly khai thân Nga xử dụng các loại pháo hạng nặng trong 24 giờ qua.

Quân đội cũng cho biết chính phủ Ukraine đã bắt đầu tổng động viên những công dân trong độ tuổi 18-60 vào lực lượng dự bị theo sắc lệnh của Tổng thống Volodymyr Zelenskiy.

Những cuộc họp bị gián đoạn

Khi tình trạng gia tăng hiện nay, Nhà Trắng cho biết một cuộc hòa đàm có thể có giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Putin, nhưng "chắc chắn" không phải là một lựa chọn vào lúc này, vì chiến tranh leo thang xung đột với Ukraine trong một hội nghị thượng đỉnh như vậy.
 
Sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng – thủ đoạn bất kể đạo lý của cấp tiến Đức
J.B. Đặng Minh An dịch
20:52 23/02/2022


Tờ National Catholic Register có bài nhận định nhan đề “The Abuse of Abuse”, nghĩa là “Sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng”. Nguyên bản tiếng Anh có thể xem tại đây. Dưới đây là bản dịch toàn văn sang Việt Ngữ.

Sự tàn bạo của các cuộc tấn công nhắm vào Đức Bênêđíctô XVI sau khi báo cáo được công bố không được chứng minh bởi các bằng chứng thực tế trong báo cáo, và có vẻ đúng thời điểm một cách kỳ lạ khi chúng ta liên hệ đến Tiến Trình Công Nghị Đức gần đây.

Giáo sĩ lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên là một tội ác kinh hoàng. Đó là một tai tiếng nghiêm trọng đến nỗi nó đã hoàn toàn làm suy yếu lòng tin của nhiều tín hữu nơi các nhà lãnh đạo Công Giáo của họ. Nó cũng đã làm tổn hại sâu sắc đến khả năng của Giáo hội trong việc thực hiện sứ mệnh truyền giáo căn bản của mình là cứu rỗi các linh hồn.

Đó là lý do tại sao thật đáng lo ngại khi thấy vấn đề này được lèo lái một cách bất kể đạo lý bởi một số người Công Giáo cấp tiến. Giáo hội phải tiếp tục cố gắng tìm ra các giải pháp đích thực để chống lại lạm dụng tình dục, hỗ trợ các nạn nhân bị lạm dụng, trừng phạt những kẻ lạm dụng tình dục, và học hỏi từ những sai lầm trước đây. Nhưng ngược lại, những người Công Giáo này khai thác nó như một công cụ để thúc đẩy các chương trình nghị sự mâu thuẫn với các giáo lý đã được thiết định của Giáo hội - như trong trường hợp bất đồng chính kiến về giáo lý hiện đang được vận động một cách công khai bởi “Tiến Trình Công Nghị” có quá nhiều vấn đề của Giáo hội Đức.

Đáng lo ngại không kém là việc những người Công Giáo này sẵn sàng lợi dụng tai tiếng lạm dụng để miệt thị một số nhà lãnh đạo của Giáo hội, nặng nề hơn những người khác có những thế giới quan nhất định phù hợp hơn với họ.

Ví dụ rõ ràng nhất là lời chỉ trích nhắm vào Đức Giáo Hoàng danh dự Bênêđíctô thứ 16 - của một số quan chức trong Giáo hội Đức và từ nhiều phương tiện truyền thông – gây ra bởi báo cáo do công ty luật Westpfahl Spilker của Đức công bố vào tháng trước sau khi điều tra việc giải quyết các vụ lạm dụng tình dục của Tổng giáo phận Munich. Báo cáo của họ kết luận rằng Đức Bênêđíctô XVI “có thể bị buộc tội có hành vi sai trái” vì đã giải quyết bốn vụ ở Tổng giáo phận Munich và Freising từ năm 1977 đến năm 1982, khi ngài đang phục vụ ở đó với tư cách là tổng giám mục của tổng giáo phận này.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây của EWTN News nhằm bảo vệ Đức Bênêđíctô XVI, Đức Tổng Giám Mục Georg Gänswein, thư ký riêng lâu năm của Đức nguyên Giáo hoàng, đã đề cập đến một câu nói mà một số người Công Giáo Đức đã đặt ra để mô tả những gì đang diễn ra khi vấn đề lạm dụng tình dục bị khai thác để tạo ra những thay đổi giáo lý rộng lớn, và để phỉ báng các nhà lãnh đạo Giáo hội có quan điểm không phù hợp với các chương trình nghị sự cấp tiến: Họ mô tả chính xác đó là “sự lạm dụng tai tiếng lạm dụng”.

Như Đức Tổng Giám Mục Gänswein cũng đã chỉ ra, mức độ tàn bạo của các cuộc tấn công nhắm vào Đức Bênêđíctô sau khi báo cáo được công bố không được chứng minh bằng các bằng chứng thực tế trong báo cáo, liên quan đến cáo buộc cho rằng ngài đã giải quyết sai.

Tuy nhiên, việc sửa sai các cáo buộc này chẳng giúp ích được gì nhiều về mặt giảm thiểu tác hại gây ra do những cáo buộc bị phóng đại quá lớn của báo cáo này.

Các sự kiện chính xác dường như không quan trọng đối với những người “lạm dụng tai tiếng lạm dụng”, họ sẵn sàng chà đạp sự thật nhằm thúc đẩy các chương trình nghị sự về tín lý của họ khi một số người trong Giáo hội ở Đức thực hiện một chiến dịch phóng đại tương tự nhằm chống lại Đức Hồng Y Rainer Woelki của Köln sau cuộc điều tra về lịch sử của tổng giáo phận trong việc giải quyết các hành vi lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ. Ngược lại, những nhân vật như Hồng Y Reinhard Marx, tổng giám mục đương nhiệm của Munich, đã được tránh khỏi những phản ứng gay gắt tương tự từ những người cấp tiến bất kể mức độ dính líu của những nhân vật này trong các trường hợp lạm dụng giáo sĩ đã bị giải quyết sai.

Sự đối xử hoàn toàn khác biệt này dường như không liên quan gì đến việc các giám mục Đức này đã giám sát các hồ sơ lạm dụng tình dục của giáo sĩ trong giáo phận của họ một cách tương đối tốt hay kém cỏi.

Thay vào đó, nó có vẻ liên quan trực tiếp đến việc họ được đánh giá là đang ở phía bên nào, phản đối hay ủng hộ các chương trình nghị sự có khả năng ly giáo mà “Tiến Trình Công Nghị” của Đức hiện đang trong quá trình chính thức tán thành.

Cũng cần lưu ý rằng, mặc dù những người ủng hộ Tiến Trình Công Nghị khẳng định tiến trình của họ được khởi xướng đặc biệt nhằm tìm ra những con đường mới để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục và khôi phục lòng tin trong Giáo hội, nhưng các ưu tiên hàng đầu của nó - chẳng hạn như việc phong chức cho phụ nữ, chấp thuận đồng tính luyến ái và bãi bỏ luật độc thân linh mục - đã đứng đầu danh sách các thèm khát cấp tiến được ấp ủ trong nhiều thập kỷ trước khi có bất cứ ai đó tuyên bố rằng bằng cách này cách khác các thay đổi đó có thể phục vụ như một biện pháp sửa chữa cho sự lạm dụng.

Ngày càng có nhiều sự phản đối chống lại những trình bày sai lệch này.

Trong các bình luận trên tờ National Catholic Register, Đức Hồng Y Gerhard Müller, nguyên tổng trưởng Bộ Giáo lý Đức tin, đã đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ về “các cuộc tấn công và phỉ báng cá nhân” do các nhà lãnh đạo Giáo hội Đức bất đồng chính kiến gây ra, và ngài kêu gọi Đức Giáo Hoàng Phanxicô và “Hồng Y đoàn” phải kiềm chế “Tiến Trình Công Nghị.”

Về phần mình, Vatican đã công khai bảo vệ thành tích của Đức Bênêđíctô với tư cách là nhà lãnh đạo đã được chứng minh trong cuộc chiến chống lạm dụng, và Đức Tổng Giám Mục Gänswein đã tiết lộ trong cuộc phỏng vấn trên EWTN rằng Đức Thánh Cha đã gọi cho Đức Giáo Hoàng danh dự để bày tỏ sự kinh hoàng về những tuyên bố chống lại Đức Bênêđíctô và sau đó đã viết một lá thư cá nhân cảm động để hỗ trợ.

Xin nhắc lại những gì đã nêu ở phần đầu của bài bình luận này: Lạm dụng tình dục trẻ vị thành niên do các giáo sĩ gây ra là một tội ác kinh hoàng đòi hỏi sự cảnh giác và những cải cách liên tục.

Việc nhận ra đặc điểm ý thức hệ của vụ phỉ báng nhắm vào Đức Bênêđíctô sau khi công bố kết quả điều tra của Munich, không cách nào giảm thiểu được những tổn thất mà sự lạm dụng của hàng giáo sĩ và sự che đậy những tội lỗi này gây ra cho những đứa trẻ là nạn nhân.

Và với sự rõ ràng của nhận thức muộn màng sau khi mọi sự đã xảy ra, chắc chắn là Đức Bênêđíctô, cũng như hầu hết tất cả các nhà lãnh đạo Giáo hội cùng thế hệ với ngài, có thể và lẽ ra phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết vấn đề lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ trong thời gian làm Tổng giám mục Munich và sau đó.

Thật vậy, đây là trọng tâm cá nhân của Đức Bênêđíctô ngay cả bây giờ.

Trong khi phần phụ lục đính kèm lá thư phúc đáp của Đức Bênêđíctô đối với báo cáo ở Munich bác bỏ kết luận của các nhà điều tra về hành động của ngài và các cáo buộc chống lại ngài, vị giáo hoàng danh dự đã tập trung nhận xét của riêng mình về nỗi buồn và sự xấu hổ của ngài với tư cách là một nhà lãnh đạo Giáo hội vì tác hại sâu sắc và khó giải trừ do tội lỗi lạm dụng tính dục và thậm chí vì đã không nỗ lực mạnh mẽ hơn trong việc thanh trừng tệ nạn sâu xa này khỏi đời sống của Giáo hội. Ngài than thở: “Trong tất cả các cuộc họp của tôi, đặc biệt là trong nhiều chuyến tông du của mình, với các nạn nhân bị lạm dụng tình dục bởi các linh mục, trước hết tôi đã thấy những hậu quả của một lỗi lầm đau buồn nhất”.

“Và tôi hiểu rằng bản thân chúng ta bị cuốn vào lỗi nghiêm trọng này bất cứ khi nào chúng ta bỏ qua nó hoặc không đối diện với nó với quyết tâm và trách nhiệm cần thiết, là điều quá thường xuyên đã xảy ra và tiếp tục xảy ra. Trong những cuộc gặp gỡ đó, một lần nữa tôi chỉ có thể bày tỏ với tất cả những nạn nhân bị lạm dụng tình dục sự xấu hổ sâu sắc, nỗi buồn sâu sắc và lời cầu xin tha thứ chân thành của tôi.”

Một kết luận tinh thần và thực tế về tai tiếng lạm dụng tình dục giáo sĩ phải hướng dẫn những cải cách tiếp tục trong Giáo hội, chứ không phải là một tinh thần bất đồng chính kiến được che đậy mỏng manh nhằm phá bỏ niềm tin cơ bản của đức tin Công Giáo của chúng ta.
Source:National Catholic Register
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
LM Thái Quốc Bảo được bổ nhiệm làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô
Người Việt
09:58 23/02/2022
LM Thái Quốc Bảo được bổ nhiệm làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô

GARDEN GROVE, Californina (NV) – Linh Mục Thái Quốc Bảo vừa được Giám Mục Kevin Vann, giám mục Giáo Phận Orange, bổ nhiệm làm chánh xứ nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô (Nhà Thờ Kiếng), Garden Grove, theo thông cáo báo chí của giáo phận gởi ra hôm Thứ Ba, 22 Tháng Hai.

“Tôi tạ ơn Chúa với sứ vụ mới được tin tưởng trao phó. Tôi rất biết ơn Đức Cha Vann và Hội Đồng Tư Vấn của ngài tin tưởng tôi trong mục vụ mới này,” Linh Mục Thái Quốc Bảo được trích lời nói.

Đây là lần đầu tiên một linh mục gốc Việt đảm nhận vai trò này tại giáo phận có đông giáo dân gốc Việt nhất hải ngoại.

Giám Mục Kevin Vann ghi nhận ông có một thời gian đáng ghi nhớ với Linh Mục Bảo tại giáo xứ Thánh Cecilia mấy năm trước (khi đang tĩnh dưỡng sau một cuộc giải phẫu).

Giám mục được trích lời nói: “Thời gian tôi lưu lại đó không những cho tôi biết rõ về cha Bảo, mà còn thấy tình thương yêu của cha, là một cha xứ, dành cho giáo dân của mình. Trước tiên là tôi thấy khả năng làm việc của cha Bảo với những giáo dân người Việt Nam, người Châu Mỹ La Tinh, và người Mỹ tại giáo xứ Thánh Cecilia, một giáo xứ gồm nhiều sắc tộc như tại giáo xứ nhà thờ Chính Tòa.”

Linh Mục Thái Quốc Bảo, 51 tuổi, hiện là chánh xứ nhà thờ Thánh Cecilia, Tustin, sẽ làm chánh xứ nhà thờ chính tòa thay thế Linh Mục Christopher Smith nghỉ hưu, bắt đầu từ ngày 1 Tháng Bảy.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô là ngôi nhà tâm linh của giám mục Giáo Phận Orange và là trung tâm thờ phượng Công Giáo tầm cỡ quan trọng thuộc miền Tây Hoa Kỳ.

Nhà thờ này được thánh hiến vào năm 2019, sau khi Giáo Phận Orange mua lại tất cả các cơ sở vật chất trong khuôn viên năm 2021. Nhà thờ này lúc đó gọi là Crystal Cathedral, do cố Mục Sư Robert H. Schuller sáng lập và điều hành.

Linh Mục Thái Quốc Bảo thụ phong ngày 7 Tháng Sáu, 2003, nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Anh, và biết chút tiếng Tây Ban Nha và tiếng Ý.

Linh mục từng là quản nhiệm các giáo xứ Thánh San Francisco Solano (2003-2005), Thánh Anthony Claret (2005-2007), nhà thờ Holy Family, nguyên Chính Tòa (2009-2012), và giáo xứ Đức Mẹ La Vang (2012-2015).

Linh mục từng là quản xứ giáo xứ Thánh Cecilia (2015-2017) và là linh mục chánh xứ giáo xứ này từ 2017 đến nay.

Ngài cũng từng là quản xứ giáo xứ La Purisima trong vòng sáu tháng đầu năm 2020.

Ngoài ra, LM là thành viên Hội Đồng Quản Trị cơ quan từ thiện Orange Catholic Foundation của giáo phận, và từng phục vụ hai nhiệm kỳ trong Hội Đồng Nhân Sự Linh Mục của giáo phận, cũng như đảm nhiệm nhiều vai trò khác.

Vẫn theo thông cáo báo chí của giáo phận, Linh Mục Thái Quốc Bảo sinh ra tại Sài Gòn, Việt Nam, là người Mỹ gốc Việt thứ tư làm chánh xứ một nhà thờ chính tòa tại Mỹ.

Ba người trước đây từng là chánh xứ nhà thờ chính tòa là Đức Ông Lê Xuân Thượng, Tổng Giáo Phận Galveston-Houston, Texas; Linh Mục Phạm Văn Hanh, Giáo Phận Corpus Christi, Texas; và Linh Mục Đồng Minh Quang, Giáo Phận Oakland, California.

Linh Mục Thái Quốc Bảo tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp Sài Gòn (1992) với bằng cử nhân điện toán, cử nhân triết học, Đại Chủng Viện Mount Angel ở Oregon (1998), thạc sĩ thần học, Đại Chủng Viện Saint John ở Camarillo, California, và ông cũng có thạc sĩ thần học về tâm linh, trường Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Aquinas (có tên gọi tắt là trường Angelicium) tại Roma, Ý.

Giáo Phận Orange có tới 1.3 triệu giáo dân trong 57 giáo xứ, năm trung tâm mục vụ, và 35 trường học. Đây là một trong 10 giáo phận lớn nhất và có nhiều sắc dân, cộng đồng Công Giáo nhiều nhất Hoa Kỳ. Giáo phận kết hợp người Công Giáo khắp Orange County để có đời sống đức tin sống động hòa nhập vào đời sống thường nhật của cộng đồng và đời sống linh thiêng của giáo hội. (Đ.D.)
 
Vẻ vang Dân Việt: linh mục Việt Nam được bổ nhiệm làm Rector nhà thờ chính tòa rất lớn ở miền Tây Hoa Kỳ
Đặng Tự Do
16:24 23/02/2022


Hôm 22 tháng Hai Đức Cha Kevin Vann, Giám Mục giáo phận Orange đã bổ nhiệm cha Thái Quốc Bảo, hiện đang là Linh mục chính xứ nhà thờ Thánh Cecilia, ở thành phố Tustin, kế nhiệm cha Christopher Smith làm Rector nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô.

Trong Giáo Hội Công Giáo, Rector là người giữ chức vụ lãnh đạo một cơ sở giáo hội, có thể là một tòa nhà cụ thể — chẳng hạn như nhà thờ, đền thờ, chủng viện, trường đại học, bệnh viện, hoặc một cộng đồng các giáo sĩ hay các nam nữ tu sĩ.

Bộ Giáo luật 1983, dành cho Giáo Hội Công Giáo Latinh, đề cập rõ ràng những trường hợp đặc biệt của chức vụ Rector:

Rector của các chủng viện, thường được dịch là Linh mục Giám đốc chủng viện (Giáo luật số 239 và 833 số 6)

Rector của các nhà thờ không phải là nhà thờ giáo xứ, hiệp hội hoặc dòng tu, thường dịch là Linh mục quản đốc (Giáo luật số 556 và 553)

Rector của các trường đại học Công Giáo, thường được dịch là Linh mục hiệu trưởng (Giáo luật số 443 triệt 3 số 3 và 833 số 7)

Cha Smith sẽ nghỉ hưu bắt đầu từ ngày1 tháng 7 sau khi ngài tròn 70 tuổi. Ngài sẽ hoàn tất nhiệm kỳ 10 năm vừa làm Linh mục Đại diện Đức cha vừa làm Linh mục quản đốc nhà thờ Chính Tòa. Nhà thờ Chính Tòa được thánh hiến vào năm 2019, sau khi Giáo phận Công Giáo Orange đã mua lại tất cả các cơ sở vật chất trong khuôn viên này vào năm 2012 từ vị cố mục sư khả ái Robert H. Schuller, là người lãnh đạo mục vụ Crystal Cathedral.

Dưới sự lãnh đạo của cha Smith từ năm 2012, nhà thờ Chính Tòa ngày nay, trước đây từng được biết đến với tên gọi là Nhà thờ Kiếng, đã được cập nhật hoàn thiện toàn bộ đúng theo nhu cầu lễ nghi Công Giáo giáo phận Orange, bao gồm các sắc tộc khác nhau như những người giáo dân Mỹ, Mỹ Châu La Tinh, Phi Luật Tân, Samoan, Hàn Quốc và người Việt chúng ta.

Cha Thái Quốc Bảo, 51 tuổi, thụ phong linh mục ngày 7/6/2003, nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Anh và biết chút tiếng Mễ và tiếng Ý. Khi nhận được nhiệm vụ mới này, ngài nói: “Tôi tạ ơn Chúa với sứ vụ mới được tin tưởng trao phó. Tôi rất biết ơn Đức Cha Vann và Hội đồng Tư vấn của ngài đã tin tưởng nơi tôi trong mục vụ mới này.”

Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Bảo đã phục vụ tại nhiều nhà thờ trong giáo phận Orange trước khi được bổ nhiệm là Cha sở giáo xứ thánh Cecilia từ năm 2017. Trong vòng 6 tháng đầu tiên năm 2020, ngài cũng kiêm nhiệm Quản xứ giáo xứ La Purisima.

Cha Bảo còn là thành viên của Hội Đồng Quản Trị cơ quan bác ái Orange Catholic

Đức Cha Vann ghi nhận ngài đã có một thời gian đáng ghi nhớ tại giáo xứ Thánh Cecilia với cha Bảo mấy năm trước, khi ngài đang tĩnh dưỡng sau một cuộc giải phẫu. Ngài nói: “Thời gian tôi lưu lại đó không những cho tôi biết rõ về cha Bảo, mà còn thấy tình thương yêu của cha, là một cha xứ, dành cho giáo dân của mình. Trước tiên là tôi thấy khả năng làm việc của cha Bảo với những giáo dân người Việt Nam, người Mỹ Châu La Tinh, và người Mỹ tại giáo xứ Thánh Cecilia, một giáo xứ gồm nhiều sắc tộc như tại giáo xứ nhà thờ Chính Tòa.”

Cha Bảo, sinh ra tại Sài Gòn, là người Mỹ gốc Việt thứ tư được làm Linh mục quản đốc của một nhà thờ Chính Tòa ở Hoa Kỳ. Các vị khác là Đức Ông Lê Xuân Thượng, tổng giáo phận Galveston-Houston, Cha Phạm Văn Hanh, giáo phận Corpus Christi và Cha Đồng Minh Quang, giáo phận Oakland.

Cha Bảo tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp Sài Gòn vào năm 1992 với bằng cử nhân điện toán, cử nhân triết học tại Đại chủng viện Mount Angel ở Oregon vào năm 1998, thạc sĩ thần học tại Đại chủng viện Thánh Gioan ở Camarillo, California, và cha cũng có bằng thạc sĩ thần học về tâm linh tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Aquinas hay còn gọi là Angelicium tại Rôma.

Vài nét về Giáo phận Công Giáo Orange:

Giáo phận Orange có tới 1 triệu 300 ngàn người Công Giáo trong 57 giáo xứ, 5 trung tâm mục vụ và 35 trường học tư Công Giáo. Giáo phận còn là một trong 10 giáo phận lớn nhất và có nhiều sắc dân, cộng đồng Công Giáo nhiều nhất Hoa Kỳ. Giáo phận kết hợp người Công Giáo khắp quận Cam để có đời sống đức tin sống động hòa nhập vào đời sống thường nhật của cộng đồng và đời sống linh thiêng của Giáo hội. Dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục Giáo phận là Đức Cha Kevin Vann, giáo phận thực hiện các hoạt động mục vụ nhằm tạo dựng và nâng đỡ những giáo xứ và học đường năng động và đầy sức sống để đón chào tất cả mọi người sống Phúc Âm với một đức tin, niềm vui, lòng bác ái và sự đoàn kết hiệp nhất.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, ngôi nhà tâm linh của Đức Giám Mục giáo phận quận Cam, đã được thánh hiến ngày 17/7/2019, rộng 37 mẫu, gồm: Trung tâm mục vụ Tòa Giám Mục, ngôi nhà thờ Chính Tòa, tòa nhà Arboretum, Linh Đài Đức Mẹ La Vang, trung tâm văn hóa, tòa nhà cao tầng, nghĩa trang, trường học, giáo xứ và các cơ sở khác nữa.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Bác sỹ Alexandre Émile Jean Yersin Ân nhân của Việt Nam
Phó tế Phạm Bá Nha
11:25 23/02/2022
Bác sỹ Alexandre Émile Jean Yersin Ân nhân của Việt Nam

Thụy Sỹ 1863- Việt Nam 1943


Alexandre Émile Jean Yersin là bác sĩ y khoa, độc thân, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp và Việt Nam. Ông được nhắc đến như là người đồng phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis). Ông cũng là người khám phá Cao nguyên Lâm Viên và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương. Ông được người dân xóm Cồn gọi bằng cái tên thân thuộc: "Thầy Năm".

Thiếu thời

1. Yersin sinh 1863 tại Thụy Sĩ, là con út trong gia đình có ba người con. Họ là thành viên Giáo hội Tin Lành Cải cách Tổng Vaud. Mẹ ông là hậu duệ của những người Huguenot ở Cévennes phải đào thoát khỏi nước Pháp để tránh bị bức hại tôn giáo. Cha ông Alexandre (1825-1863), giáo viên môn khoa học tự nhiên, kiêm nhiệm chức quản đốc kho thuốc súng, và say mê nghiên cứu các loại côn trùng. Bị xuất huyết não, qua đời chỉ ba tuần lễ trước khi Yersin ra đời. Mẹ ông một mình nuôi ba con (Émilie, Franck, và Alexandre)

Tốt nghiêp trung học, 1883 Yersin đến Lausanne học y khoa, rồi sang Marburg, Đức, tiếp tục theo đuổi ngành học của mình. Năm 1885, ông đến Pháp, nghiên cứu y học tại Hôtel-Dieu de Paris. Năm 1886, ông gia nhập viện nghiên cứu của Louis Pasteur tại Trường Sư phạm Paris (École Normale Supérieure) và tham gia việc phát triển huyết thanh ngừa bệnh dại. Năm tuổi 25, nhận văn bằng Tiến sĩ Y khoa với luận án Étude sur le Développement du Tubercule Expérimental (Nghiên cứu về sự phát triển của bệnh lao bằng thực nghiệm), Yersin sang Berlin theo học lớp vi trùng học kỹ thuật. Trở về Paris, Yersin xin nhập quốc tịch Pháp. Ông gia nhập Viện Pasteur, Paris,mới lập 1889

Đến Đông Dương

Nhà khoa học trẻ đầy triển vọng này không chịu hài lòng với môi trường học thuật ở Paris. Năm 1890, Yersin rời Pháp để đến Đông Dương. Phải đợi đến 26 tuổi, Yersin thấy biển lần đầu tiên. Yersin viết cho mẹ, "Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con thấy chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và đời mà không đi thì còn gì là đời".Yersin nhận nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe cho hành khách và thủy thủ đoàn trên tàu Volga, 67 hành khách. Năm sau, Yersin được thuyên chuyển sang tuyến hàng hải mới mở Sài Gòn- Hải Phòng.

Năm 1891, Yersin xin thôi việc ở Messageries, đến sống tại Nha Trang. Ông cho dựng một ngôi nhà gỗ ở Xóm Cồn, và mở một phòng khám. Ông Năm Yersin được người dân ở đây gọi như thế. Ông chữa bệnh miễn phí cho người nghèo. Muốn tìm một con đường bộ vào Sài Gòn, Yersin đi ngựa đến Phan Rí, ông tìm ra cao nguyên Di Linh.Với mục tiêu tìm một con đường bộ từ Nha Trang ven Biển Đông băng qua dãy Trường Sơn để đến sông Mekong phía bên kia. Ngày 23.9.1892, đoàn thám hiểm, dưới sự lãnh đạo của Yersin khởi hành từ Nha Trang ra Ninh Hòa rồi lên Ban Mê Thuột. Ba tháng sau, đoàn Stung Treng đến bên bờ sông Mekong. Yersin cùng các bạn về Phnom Penh. Theo bản đồ ông chuyển về Paris. Yersin về Pháp, theo học ở Đài Thiên văn Montsouris. Năm 1892, Yersin gia nhập đoàn y sĩ hải ngoại. Sau 28 năm phục vụ, 1920 ông về hưu với cấp bậc Đại tá Quân y.

Tháng 6.1893, được sự ủy thác của Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan, Yersin tổ chức đoàn thám hiểm theo đường bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh, cuối cùng khám phá Cao nguyên Lâm Viên. Đến năm 1899, tại vùng đất được Yersin khám phá, Toàn quyền Paul Doumer cho thiết lập một khu nghỉ dưỡng cho người Âu châu, sau trở thành Đà Lạt.Yersin chuẩn bị cho chuyến thám hiểm thứ ba, chuyến đi dài nhất và nhiều tham vọng nhất, với dự định mở một con đường mới từ Trung Kỳ sang Lào, khác với con đường của Pavie qua Điện Biên Phủ. Cuối năm 1893, 54 người và toán lính tập, Yersin từ Biên Hòa lên Đà Lạt, đi tiếp đến cao nguyên Đắk Lắk, vào Attopeu ở nam Lào, rồi đi theo hướng đông ra biển. Yersin đến Đà Nẵng vào ngày 17.5.1894.

Nghiên cứu bệnh dịch hạch

Nguy hiểm bệnh dịch bộc phát ở miền Nam Trung Hoa và lan truyền xuống Đông Dương. Tháng 5.1894, dịch phát mạnh ở Hồng Kông, gây tử vong cao. Nhà cầm quyền thuộc địa cử Yersin đến Hồng Kông để nghiên cứu.

Ngày 15.6.1894, Yersin đặt chân đến Hồng Kông, trông thấy xác người chết vì dịch hạch trên đường phố, giữa vũng nước, trong khu vườn, trên ghe thuyền. Ba ngày trước đó, Kitasato đã đến Hồng Kông cũng để nghiên cứu bệnh dịch. Với sự hỗ trợ dồi dào từ người Anh, Kitasato lập một phòng thí nghiệm trong Bệnh viện Kennedy Town, Yersin chỉ được phép đến quan sát nhóm Kitasato làm việc. Năm ngày sau, ông quyết định hoạt động độc lập. Với sự trợ giúp của Vigano, một người Ý sống ở Hồng Kông, Yersin làm việc trong một cái lán bằng tre phủ rơm với vài xác chết có được nhờ Vigano, người Anh trông coi nhà xác, và Yersin xác định được nguyên nhân của bệnh dịch. Sau khi toán khoa học gia người Nhật ra đi, người Anh muốn giữ Yersin ở lại Hồng Kông nhưng ông từ chối.

Yersin là người đầu tiên chứng minh rằng trực khuẩn hiện diện ở chuột bệnh và người bệnh là một, nhờ đó ông đã giải thích được phương thức truyền bệnh. Cũng trong năm ấy, khám phá này được cộng tác viên Émile Duclaux gửi đến Viện Hàn lâm Khoa học Pháp trong bài báo nhan đề La Peste Bubonique de Hong-Kong (Bệnh dịch hạch ở Hồng Kông).

Từ năm 1895 đến 1897, Yersin nghiên cứu thêm về bệnh dịch hạch. Năm 1895 ông trở lại Viện Pasteur ở Paris và cùng với Émile Roux, Albert Calmette và Armand Borrel đã điều chế ra huyết thanh chống bệnh dịch hạch đầu tiên. Cùng năm đó, ông trở về Đông Dương và lập một phòng thí nghiệm nhỏ tại Nha Trang để sản xuất huyết thanh, (năm 1905 viện này trở thành một chi nhánh của Viện Pasteur). Năm 1896, ông thành lập trại chăn nuôi Suối Dầu, nuôi ngựa để sản xuất huyết thanh.

Năm 1896, Yersin đến Quảng Châu, được phép tiêm huyết thanh được điều chế tại Nha Trang cho một chủng sinh đang mắc bệnh tại đây. Ông trở thành người thầy thuốc đầu tiên cứu sống một bệnh nhân dịch hạch. Yersin tiếp tục cuộc hành trình chống bệnh dịch hạch bằng huyết thanh với những điểm đến kế tiếp là Hạ Môn, Formosa (nay là Đài Loan), rồi Macao. Song, khi đến Bombay, Yersin đối diện với một môi trường phức tạp hơn nhiều, người bệnh từ chối vào bệnh viện cách ly vì ở đó không tuân thủ hệ thống đẳng cấp, loài chuột phát triển mạnh bởi vì người dân không chịu sát sinh, Đi từ Bombay, Yersin quyết định trở về Nha Trang trong năm 1898. Với sự hỗ trợ từ Toàn quyền Doumer, ông xây dựng Viện Pasteur Nha Trang. Rồi ông mua một khu đất rộng 500 héc-ta ở Suối Giao (nay là Suối Dầu) để làm nông nghiệp và chăn nuôi. Ông cho trồng cây cà-phê Liberia, các loại cây thuốc, cây coca để sản xuất cô-ca-in sử dụng trong ngành dược, tuyển chọn nhiều loại thực vật và động vật từ khắp nơi trên thế giới để nuôi trồng tại đây, biến nó thành một cộng đồng nông nghiệp và khoa học với một trạm xá phục vụ cư dân trong vùng. Trong thời gian này, sản xuất huyết thanh chống dịch cho bò là nguồn thu nhập chính của Yersin. Trung tâm thí nghiệm này về sau trở thành viện thú y đầu tiên ở Đông Dương.

Là người đầu tiên nhập giống cây cao su về trồng tại Việt Nam, Yersin trở thành chủ một đồn điền cao su lúc đầu rộng khoảng 100 hec-ta, kiếm tiền đủ để nuôi sống Viện của ông. Ông liên lạc với André Michelin, người sáng lập tập đoàn Michelin, một trong những hãng sản xuất bánh xe lớn nhất thế giới. Nhờ cách làm hiệu quả và suy nghĩ quyết liệt nên lợi tức gia tăng đáng kể, ông gởi tiền vào Hongkong and Shanghai Bank và mua các loại cổ phiếu.

Yersin thích biết mọi thứ, ông là chuyên gia về nông học nhiệt đới, nhà vi trùng học, nhà dân tộc học, nhiếp ảnh gia, rồi nghiên cứu khí tượng. Ông mua máy điện lượng kế, làm một con diều thật lớn thả lên độ cao một ngàn mét để đo điện khí quyển và dự đoán giông bão. Ông muốn giúp những người dân chài thường khi bị mất tích trên biển mỗi lúc có lốc xoáy vụt đến. Yersin thuyết phục Fichot, một kỹ sư thủy văn phục vụ trong hải quân và rất say mê thiên văn học, đến sống với ông trong ngôi nhà lớn ở Xóm Cồn với kính thiên văn và máy quan tinh được lắp đặt trên sân thượng để cùng nhau nghiên cứu khí tượng.Trong những ngày cuối đời, Yersin gắn bó với niềm đam mê mới: văn chương. Ở tuổi tám mươi, ông lại học tiếng Latin, tiếng Hy Lạp, và biên dịch những tác phẩm của Phèdre, Virgile, Horace, Salluste, Cicéron, Platon, và Démosthène

Năm 1902 Toàn quyền Paul Doumer, trước khi rời Đông Dương, mời Yersin từ Nha Trang ra Hà Nội để mở một trường Y, một bệnh viện, và một trung tâm vệ sinh. Với Trường Y, "ước tính việc xây dựng sẽ tốn một triệu rưỡi francs

Yersin được bổ nhiệm làm hiệu trưởng đầu tiên của École de Médecine de l’Indochine (Trường Y Đông Dương), là tiền thân của Đại học Y Hà Nội

Ông thiết lập giáo trình theo hình mẫu đại học Pháp – sáng khám bệnh ở bệnh viện, chiều dành cho lý thuyết – đích thân ông giảng dạy trong các giờ vật lý, hóa học, và phẫu thuật.Trường khai giảng ngày 1.3.1902, năm học đầu tiên có 29 sinh viên, 15 người. Sau hai năm, khi mọi thứ đã vào guồng, Yersin xin từ nhiệm, và trở về Nha Trang

Trong thời gian diễn ra Chiến tranh thế giới thứ hai, ngày 1.3.1943, Yersin từ trần tại nhà riêng ở Nha Trang, ông để lại di chúc, "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống.

Di sản

Từ khi còn là một sinh viên, Yersin tỏ lòng ngưỡng mộ David Livingstone, Yersin đã dành trọn đời mình để thực hiện giấc mơ ấy. Năm 1891, khi đặt chân đến Nha Trang, Yersin yêu mến vùng đất này, và quyết định lưu trú tại đây. Ông sống gần gũi với cư dân trong vùng, và tận tụy giúp đỡ những ngư dân nghèo khó trong xóm chài.] Ông sống trong một ngôi nhà cổ ba tầng, trên tầng thượng ông đặt kính thiên văn để quan sát báo bão cho làng chài. Khi có bão, ông gọi dân làng đến trú ngụ ở nhà ông, và cung cấp thực phẩm cho họ

Yersin khám bệnh miễn phí cho người nghèo. Ông viết cho mẹ, "Mẹ hỏi con có thích ngành y không. Có và không. Con rất vui được chữa trị cho những người đến nhờ con khám, nhưng con không muốn biến y học thành một cái nghề, nghĩa là con sẽ không bao giờ có thể đòi một người bệnh trả tiền vì đã chữa bệnh cho người đó. Con coi y học là thiên chức, là mục vụ. Đòi tiền để chữa trị cho bệnh nhân thì chẳng khác nào nói với người đó rằng: tiền hay mạng sống."

Yersin trân trọng những đóng góp của các phụ tá người bản địa, yêu quý họ, và quan tâm đến đời sống của họ. Ngoài vi khuẩn Yersinia pestis được đặt tên để vinh danh Yersin, có nhiều địa danh tại Việt Nam được đặt tên theo ông.

Tọa lạc bên trong khuôn viên viện Pasteur Nha Trang là Bảo tàng Alexandre Yersin, nơi lưu trữ nhiều kỷ vật của Yersin. Công viên Yersin nằm dọc theo bờ biển Nha Trang, với tượng Yersin cao 4m, là một thắng cảnh của thành phố. Phần mộ của Yersin tại Suối Dầu (cách Nha Trang 20 km) hằng năm có nhiều người đến viếng. Theo tập quán đối với người có công và được nhiều người yêu quý, người dân xây cho ông một miếu thờ. Một ngôi trường - khởi công xây dựng năm 1927 và khai giảng năm 1935 - được đặt theo tên Yersin để vinh danh ông. Lycée Yersin, độc đáo của Đà Lạt]Tại thành phố này, cũng mang tên ông còn có Công viên Yersin, và một ngôi trường thành lập năm 2004, Đại học Yersin. Yersin được trao tặng Bắc Đẩu Bội tinh, huân chương cao quý nhất của nước Pháp

Tác phẩm ''Peste et choléra'' (Dịch hạch và thổ tả) của nhà văn Patrick Deville nói về cuộc đời của Yersin đoạt giải Femina năm 2012, ]Hội Ái mộ Yersin, được thành lập năm 1992 với hơn 700 hội viên, với mục đích hoạt động giúp đỡ người nghèo và trẻ em khuyết tật cũng như truyền bá về thân thế và sự nghiệp của Yersin, là tổ chức phi chính phủ duy nhất ở Việt Nam nhận Huân chương Lao động. Từ năm 2000, Lãnh sự quán Pháp tại Hồng Kông và Macau hằng năm cấp học bổng Alexandre Yersin cho sinh viên là cư dân tại hai lãnh thổ này của Trung Quốc đến Pháp tham gia chương trình cao học.

Ngày 20.9.2013, kỷ niệm 150 năm ngày sinh của Yersin, Tổng công ty Bưu chính Pháp đã phối hợp với Viện Pasteur Paris, Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp và Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức lễ phát hành hai mẫu tem chung Việt Nam và Pháp về Alexandre Yersin. Ngày 22.9. 2014, nhân kỷ niệm 151 năm ngày sinh của Alexandre Yersin, tại Nha Trang diễn ra lễ công bố quyết định truy tặng "Công dân Việt Nam danh dự" cho Yersin, đồng thời tổ chức triển lãm bộ sưu tập tem "Bác sĩ Alexandre Yersin - người công dân danh dự Việt Nam"

Chuyện bên lề

• Từ khi sống xa nhà, Yersin thường xuyên viết thư cho mẹ và chị. Với khoảng 1 000 bức thư, chúng ta biết nhiều chi tiết về cuộc đời cống hiến của ông, cũng có thể nhận thấy nét hóm hỉnh của nhà khoa học trong lá thư ông gởi từ Hồng Kông, "Con còn nhiều điều nữa muốn thưa với mẹ, nhưng có hai xác chết đang chờ con. Họ muốn ra nghĩa địa cho sớm. Tạm biệt mẹ thân yêu. Mẹ rửa tay sau khi đọc thư này kẻo bị lây dịch hạch, mẹ nhé.

• Tháng 11 năm 1920, khi đáp tàu Paul Lecat đi Marseille, Yersin bị ngăn không được vào phòng ăn trên tàu vì không đeo cà vạt. Ông quay về phòng rồi trở lại, hỏi người phục vụ, "Chiếc cà vạt này cậu có chấp nhận không?", vừa nói vừa chỉ tay vào cổ áo nơi ông đeo tấm huân chương Bắc Đẩu bội tinh.

• Yersin biết tiếng Việt, thứ tiếng Việt thực dụng, hiệu quả, nhưng không mấy tinh tế. Ông "thường sử dụng từ người ta cho cả ba ngôi số ít lẫn số nhiều, dùng cho cả người lẫn con vật.

• Yersin yêu trẻ, ông thường chiếu phim cho trẻ em Xóm Cồn xem. Một hôm, chúng đánh vỡ chậu hoa, ông bảo người giúp việc: "Đừng rầy đánh, người ta sợ."

• Có lần ông lái xe trên đường, một người dân đi bộ bất cần lao vào xe ông, gây tai nạn. Xe hư. Ông xuống xe băng bó, xin lỗi và trả xe cho chính phủ. Đi xe đạp. Vì theo ông : Người dân nước này chưa quen luật lệ. Mình đi xe đạp, có va chạm, không gây thương vong.

• Bao người thích qua Pháp hưởng thụ. Ông đi ‘ngược dòng’ thích ở lại VN và di chúc cho cộng sự viên : ‘đừng mang xác tôi về nước khác’. Đám táng của ông kéo dài cả cây số.
 
VietCatholic TV
Khí phách anh hùng của linh mục trước cảnh lầm than của dân: Công Giáo Uganda mất hàng loạt nhà thờ
VietCatholic Media
05:22 23/02/2022


1. Giáo phận Mễ Tây Cơ than thở về những vụ giết người, cố gắng làm tắt tiếng các nhà báo

Linh mục Martín Lara Becerril, phát ngôn viên của Giáo phận Querétaro, hôm thứ Tư đã than thở về vụ sát hại các nhà báo ở Mễ Tây Cơ và nỗ lực bịt miệng họ, đồng thời khuyến khích những người làm việc trong lĩnh vực truyền thông hãy có “lòng can đảm lớn”.

Tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, Cha Becerril nói rằng “thật là xấu hổ khi ở một quốc gia dân chủ như Mễ Tây Cơ lại có những cái chết và bạo lực chống lại các nhà báo.”

Vị linh mục người Mễ Tây Cơ nói rằng “một nhà báo hoàn thành một chức năng trong xã hội, đó là thông báo.”

Ngài nhấn mạnh: “Thực sự là một điều đáng ghê tởm khi người ta muốn làm câm lặng tiếng nói của các phóng viên, thường là những tiếng nói phản biện.”

Theo báo chí Mễ Tây Cơ, ba năm đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Andrés Manuel López Obrador là thời kỳ bạo lực nhất đối với các nhà báo, với 30 vụ giết người, riêng năm 2022 có sáu vụ.

Ba năm đầu nhiệm kỳ của López Obrador cũng là thời kỳ bạo lực nhất được ghi nhận trong lịch sử Mễ Tây Cơ, với hơn 100,000 vụ giết người.

Một nhóm các nhà báo đã tổ chức một cuộc biểu tình vào ngày 15 tháng 2 tại Quốc Hội liên bang để đòi công lý.

Ngày hôm sau, trong cuộc họp báo buổi sáng của López Obrador, một nhóm nhà báo đã quyết định không đặt câu hỏi để thể hiện sự phản đối và đoàn kết với các đồng nghiệp bị sát hại của họ.

Nhân dịp đó, nhà báo Rodolfo Montes nói với Tổng thống Mễ Tây Cơ, “chúng tôi muốn sống”.

López Obrador cũng đã gây ra một cuộc tranh cãi khi tiết lộ trong một cuộc họp báo ngày 11 tháng 2 các thông tin hoàn toàn riêng tư liên quan đến thu nhập cá nhân của nhà báo Carlos Loret de Mola, là ký giả đã công bố các báo cáo về lối sống xa hoa của con trai tổng thống, là José Ramón López Beltrán, người đang sống ở Houston, và chỉ ra một xung đột lợi ích liên quan đến công ty dầu Pemex thuộc sở hữu của chính phủ.

Loret de Mola đã trả lời trên phương tiện truyền thông xã hội, và chỉ ra rằng López Obrador, là người mà ký giả này mô tả là “một nhà độc tài đầy tham vọng”, “bị dồn vào chân tường” vì “ông ta không biết cách thoát khỏi vụ bê bối liên quan đến con trai mình.”

Nhà báo Mễ Tây Cơ nói rằng thông tin do López Obrador tiết lộ “khiến tôi gặp rủi ro vì thu nhập thực sự của tôi đã bị thổi phồng và sai lệch. Đây là điều cực kỳ nghiêm trọng. Nó khiến tôi dễ dàng trở thành nạn nhân cho bọn bắt cóc đòi tiền chuộc và các bọn cướp nhan nhãn trên đường phố. Đó là một tội ác.”

Nhiều phương tiện truyền thông Mễ Tây Cơ và quốc tế đã chỉ trích thái độ của López Obrador đối với công việc của các nhà báo.

Tờ Washington Post, nơi Loret de Mola là một nhà báo đóng góp cho các chuyên mục, đã tweet vào ngày 11 tháng 2 rằng “chúng tôi lên án sự leo thang những sự gièm pha, lăng mạ và sử dụng dữ liệu bí mật từ chính phủ Mễ Tây Cơ để tấn công Carlos Loret de Mola… Nhà nước và các cơ quan chức năng phải bảo đảm quyền tự do ngôn luận và báo chí”.

Tại cuộc họp báo ngày 16 tháng 2, người phát ngôn của Giáo phận Querétaro nhấn mạnh mong muốn “khuyến khích các nhà báo” đang phải đối mặt với bạo lực mà họ phải gánh chịu ở đất nước này.

“Công việc này của giới truyền thông là điều cần thiết trong xã hội và sự phục vụ của họ với tư cách là những người truyền thông là rất cần thiết. Hãy can đảm lên, đừng sợ hãi”

“Sự thật là tiêu chí cơ bản của phương tiện truyền thông tin tức và tôi mời các bạn truyền đạt nó với sự can đảm tuyệt vời”.

Cha Becerril sau đó đã phó dâng những nhà báo bị sát hại “và gia đình của họ cho Lòng Chúa Thương Xót, và chúng tôi vô cùng tiếc thương về những mất mát này”.
Source:Catholic News Agency

2. Người Công Giáo ở Uganda đột nhiên mất hàng loạt nhà thờ

Những người Công Giáo từ Giáo xứ Đức Mẹ Của Các Mục Tử Thánh Thiện ở Maryjje, ở miền trung Uganda đang lo lắng về việc mất nhà thờ và tất cả tài sản sau khi một trong những gia đình đã hiến đất cho nhà thờ hàng trăm năm trước bắt đầu muốn chiếm lại.

Giáo xứ này là một trong số hàng trăm nhà thờ Công Giáo ở quốc gia Đông Phi tiếp tục mất nhiều diện tích đất được hiến tặng do không có giấy tờ hợp lệ.

Trong một số trường hợp, các nhà thờ đã bị phá bỏ và các giáo dân bị đuổi ra khỏi các khu nhà ở, thu hút sự lên án trên toàn quốc từ các nhà lãnh đạo tôn giáo, các nhà hoạt động nhân quyền, chính trị gia và Tổng thống Yoweri Museveni. Cư dân cũng đã chiếm lại đất của các tôn giáo khác, bao gồm Anh giáo, Người theo phái Ngũ tuần, và Kitô phục lâm.

Giá đất trong những năm qua đã tăng phi mã khiến nhiều người muốn chiếm lại những mảnh đất đã hiến cho nhà thờ để bán lấy tiền. Tình hình tồi tệ đến mức các nhà lãnh đạo sợ rằng Giáo Hội sắp mất gần hết nhà thờ, và điều này có thể ảnh hưởng đến giáo dân, những người sẽ buộc phải đi bộ hàng km trước khi có thể tìm được một ngôi nhà thờ khác để thờ phượng.

Mulajje, giáo xứ Công Giáo lâu đời thứ hai trong Giáo phận Kasana-Luweero, được thành lập cách đây một thế kỷ sau khi những người tốt bụng hiến đất. Kể từ đó, giáo xứ đã phát triển và thậm chí còn xây dựng trường học, nhiều trung tâm y tế để phục vụ cư dân.

Đức Cha Paul Ssemogerere của Kasana-Luweero cho biết một trong những gia đình đã hiến hơn 60 mẫu Anh cho giáo xứ đã đòi lại 45 mẫu Anh thông qua các thủ tục thưa kiện ở tòa án. Ngài cho biết việc thiếu tài liệu thích hợp đã dẫn đến việc mất đất.

Đức Cha nói: “Chúng tôi phải chịu trách nhiệm cho việc để mất những khu đất này, vì chúng tôi đã không làm giấy tờ hợp lệ sau khi những mảnh đất này được tặng cho chúng tôi.”

Những người hiến đất ban đầu là các tín hữu thuần thành. Tuy nhiên, hôn nhân khác đạo đã dẫn đến tình trạng là con cháu họ ngày nay có thể không còn là người Công Giáo nữa. Trong các trường hợp như thế, họ quyết liệt muốn thu hồi lại vì biết rằng không có tài liệu pháp lý ghi lại việc hiến tặng ban đầu. Khó khăn là chi phí xây dựng các tòa nhà trên các khu đất ấy đôi khi gấp nhiều lần giá đất vào thời điểm được hiến tặng. Tất cả giờ đây như xây nhà trên cát.
Source:Crux

3. Hãy dừng lại việc “xuống địa ngục” này, các giám mục của Haiti cầu xin

Các giám mục Haiti đã kêu gọi các băng đảng vũ trang hạ vũ khí vì người dân Haiti đang kiệt quệ “thực sự không thể chịu được nữa.”

Hội đồng Giám mục Haiti đã đưa ra một tuyên bố kêu gọi các thành phần chính trị và các băng nhóm có vũ trang ngăn chặn đất nước rơi vào hỗn loạn.

Trong một tài liệu gửi tới tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ, gọi tắt là ACN, các Giám Mục viết: “Khoảnh khắc mà chúng ta đang sống, cực kỳ nghiêm trọng và đặc biệt quyết định bước ngoặt lịch sử không thể đảo ngược này của chúng ta. Điều đang bị đe dọa là hiện tại và tương lai của chúng ta, và do đó, bản thân sự tồn tại của chúng ta với tư cách một dân tộc, một quốc gia, một nhà nước. Chúng ta phải đưa ra những quyết định can đảm và hiệu quả”.

Ngày 7 tháng 2 lẽ ra đánh dấu sự kết thúc nhiệm kỳ của Tổng thống Jovenel Moïse. Nhưng ông đã bị ám sát trong đêm mùng 6 rạng ngày 7 tháng 7 năm ngoái 2021, tại tư gia của mình. Đất nước kể từ đó được điều hành bởi Ariel Henry, được vị tổng thống quá cố chọn làm thủ tướng, nhưng có những lo ngại rằng sự kết thúc của nhiệm kỳ có thể tạo cớ để thách thức quyền lực mỏng manh của ông Henry.

Bạo lực đã gia tăng đáng kể ở nước này trong những tháng gần đây, với tội phạm ma túy và bắt cóc. Sự đau khổ còn tăng thêm vào tháng 8 bởi một trận động đất 7.2 độ richter, cướp đi sinh mạng của hơn một nghìn người và khiến người dân rơi vào cảnh đói nghèo hơn nữa. Tổ chức Trợ Giúp Các Giáo Hội Đau Khổ đã đáp ứng với một gói khẩn cấp để cung cấp lều, thực phẩm, nước uống, thuốc men và sửa chữa khẩn cấp các nhà xứ, cũng như giúp đánh giá thiệt hại trong 600 tòa nhà. Vào năm 2022, gói viện trợ thứ hai để hỗ trợ tái thiết đã được bảo đảm.

“Haiti thân yêu của chúng ta đang vượt qua một giai đoạn khó khăn trong lịch sử của nó,” các giám mục viết. “Cuối cùng thì ai sẽ là người ngăn cản việc đất nước rơi xuống địa ngục? Người Haiti thực sự không thể chịu được nữa. Họ mệt mỏi, tơi tả, và kiệt quệ”.

Họ nói thêm, đây không phải là lúc “để chia rẽ, mất đoàn kết, bất đồng, bất hòa và huynh đệ tương tranh, tranh giành quyền lực, theo đuổi lợi ích cá nhân, ích kỷ và nhỏ nhen một cách vô liêm sỉ”.

Thay vào đó, các giám mục kêu gọi sự thống nhất và đưa ra lời kêu gọi đối với tất cả các nhân vật chính trên chính trường, “rằng họ cần đạt được sự đồng thuận rộng rãi nhất có thể để tạo ra một lối thoát dứt khoát khỏi cuộc khủng hoảng.”
Source:Aleteia

4. Ukraine cần sự đoàn kết của các bạn, nhà lãnh đạo Công Giáo nghi lễ Đông phương nói trong cuộc gặp gỡ với các đại sứ cạnh Tòa Thánh

Trong lời kêu gọi gửi tới các đại sứ của Liên minh Âu Châu, nhà lãnh đạo của Công Giáo nghi lễ Đông phương, gọi tắt là UGCC, lưu ý rằng “Giáo hội của chúng tôi đã có kinh nghiệm phục vụ trong cuộc chiến ở miền đông Ukraine và khu vực Crimea bị chiếm đóng. Các linh mục của chúng tôi đã không rời bỏ người dân của họ trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Do đó, bây giờ khi chúng tôi thấy các nhà ngoại giao và chính trị gia khác nhau rời khỏi Kiev, vị trí nguyên tắc của Giáo hội chúng tôi là ở bên cạnh người dân của chúng tôi”.

Nhà lãnh đạo UGCC nói thêm rằng đời sống tôn giáo ở Ukraine cũng không nằm ngoài cuộc tấn công thông tin của Nga, và nhấn mạnh rằng “cuộc đối đầu giữa các tôn giáo và giữa các hệ phái đang diễn ra ở đất nước chúng tôi”. Ngài nhấn mạnh lời cầu nguyện buổi sáng tại Nhà thờ Thánh Sophia vào Ngày Thống nhất Quốc gia, “là một cử chỉ nói lên sự đoàn kết tinh thần của nhân dân chúng tôi và những người đại diện cao nhất của các tôn giáo và giáo phái khác nhau. Theo nghiên cứu thống kê mới nhất, xã hội Ukraine tin tưởng nhất vào các Giáo Hội và các tổ chức tôn giáo. Vì vậy, Giáo hội có sứ mệnh đặc biệt là trung tâm của sự hiệp nhất toàn dân tộc chúng tôi”.

Đối với việc phục vụ của UGCC trong thời điểm căng thẳng này, - Đức Tổng Giám Mục nói, - Giáo hội của chúng tôi vẫn ở bên những người của mình. Đây là nhiệm vụ quan trọng nhất của chúng tôi. “Để làm được điều này, UGCC đã tạo ra một mạng lưới đoàn kết để gần gũi với những người đang gặp khó khăn cùng cực”.

Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav yêu cầu cộng đồng quốc tế đừng quên Ukraine, và lưu ý rằng đất nước này “cần sự đoàn kết của cộng đồng quốc tế” và nhắc lại cuộc điện đàm gần đây với Đức Hồng Y Parolin, Quốc vụ khanh Tòa Thánh và lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Phanxicô về việc thế giới cầu nguyện cho Ukraine.

“Chúng tôi biết ơn Đức Thánh Cha, những nỗ lực ngoại giao của Tòa Thánh, nhiều Hội đồng Giám mục Âu Châu và các tổ chức quốc tế khác của Giáo Hội Công Giáo vì sự ủng hộ của họ đối với Ukraine và sự đánh thức ý thức của cộng đồng quốc tế”.

Trong bối cảnh của cuộc chiến thông tin chống lại Ukraine,Đức Tổng Giám Mục Sviatoslav nhấn mạnh tầm quan trọng của việc “nói sự thật”. “Thông tin sai lệch gây ra thiệt hại lớn cho đất nước chúng tôi, danh tiếng và sự phát triển kinh tế. Đó là lý do tại sao tôi yêu cầu các bạn hãy là tiếng nói sự thật về Ukraine”.
Source:UGCC
 
Báo chí Rôma lên tiếng về hai vụ gần đây ở Việt Nam. Vẻ vang: Lm Việt lãnh đạo nhà thờ chính tòa Mỹ
VietCatholic Media
16:22 23/02/2022


1. Fides - Á Châu /Việt Nam - Các quan chức nhà nước làm gián đoạn Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Hà Nội cử hành

Hà Nội (Thông tấn xã Fides) - Những người Công Giáo thuộc Tổng giáo phận Hà Nội đã vô cùng ngạc nhiên và bàng hoàng khi các quan chức chính quyền ập vào một nhà thờ ở tỉnh Hòa Bình và làm gián đoạn Thánh lễ do Đức Cha Giuse Vũ Văn Thiên, Tổng Giám Mục Hà Nội cử hành. Như đã được tường trình với Fides, vụ việc xảy ra vào ngày Chúa Nhật 20 tháng Hai tại giáo xứ Vụ Bản, nhà thờ lớn nhất thị trấn, có sức chứa hơn một trăm người.

Một số quan chức Việt Nam đội mũ bảo hiểm, không rõ vì lý do gì đã làm gián đoạn thánh lễ 10 giờ sáng do Đức Tổng Giám Mục cử hành. “Thật là khó chịu và lo lắng khi thấy nghi lễ bị gián đoạn bởi sự hiện diện của một số quan chức nhà nước”, một thông báo từ Tổng giáo phận Hà Nội cho biết, và đề cập đến sự phẫn nộ của cộng đồng địa phương. Các nhân viên an ninh mặc thường phục đã làm gián đoạn nghi lễ phụng vụ. Được dẫn đầu bởi người đứng đầu chi bộ địa phương của Đảng Cộng sản, họ đã tiến đến bàn thờ, giở giọng kẻ cả ra lệnh cho Đức Tổng Giám Mục ngay lập tức dừng nghi lễ và giải tán cộng đoàn. Không rõ tại sao các quan chức nhà nước lại can thiệp và làm gián đoạn thánh lễ. Đức Tổng Giám Mục Giuse đã cử hành Bí Tích Thánh Thể vào Chúa Nhật thứ bảy Mùa Thường Niên cùng với các linh mục khác trong giáo phận nhân dịp “Ngày Truyền Giáo Tổng Giáo Phận”. Các linh mục đồng tế và anh chị em giáo dân đã làm hết sức mình để bảo vệ Đức Tổng Giám Mục Giuse và yêu cầu các quan chức nhà nước rời khỏi nhà thờ, để nghi thức kết thúc. Sau sự việc đáng tiếc này, Thánh Lễ lại tiếp tục trở lại, mặc dù cả cộng đoàn choáng váng và chấn động. Người Công Giáo ở Hà Nội và các tín hữu của các tôn giáo khác ở Việt Nam đã lên án sự vi phạm trắng trợn nhân quyền và tự do thờ phượng. Cha Phêrô Nguyễn Văn Khải, tu sĩ Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, nói: “Lần đầu tiên, tôi thấy các quan chức chính quyền địa phương đến gần bàn thờ và làm gián đoạn Thánh lễ mà không đợi kết thúc, như họ đã từng làm trước đây. Lần đầu tiên chúng ta thấy họ đối xử với các linh mục bằng bạo lực, không tôn trọng các thừa tác viên thánh chức. Đây là một hành động tàn bạo và bất hợp pháp. Đây là sự báng bổ và phạm thánh trắng trợn.”

Theo một báo cáo công bố những ngày gần đây của Ủy ban Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ, gọi tắt là USCIRF, Việt Nam tiếp tục là “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” về tự do tôn giáo, vì tuy nó cho phép công dân thực hành tôn giáo của họ một cách tự do, nhưng báo cáo lưu ý “cuộc đàn áp của chính phủ tiếp tục là một thực tế khắc nghiệt đối với các nhóm tôn giáo độc lập và không đăng ký”. Ngoài ra, các nhà chức trách tiếp tục bắt các tín hữu và những người ủng hộ tự do tôn giáo phải chịu những án tù dài hạn. (SD-PA) (Agenzia Fides, 22/2/2022)
Source:Fides

2. Các quan chức đảng gây rối thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Hà Nội chủ sự

Asia-News, cơ quan thông tin của Hội Giáo Hoàng Truyền Giáo Hải Ngoại, cho biết như sau:

Các quan chức đảng gây rối thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Hà Nội chủ sự

Hành động đe dọa đã xảy ra tại một giáo xứ ở tỉnh Hòa Bình trong Thánh lễ do Đức Tổng Giám Mục Vũ Văn Thiên cử hành vào Chúa Nhật vừa qua, Ngày Truyền giáo. Rúng động trước vụ việc, các tín hữu đã bảo vệ Đức Cha để ngài có thể tiếp tục cử hành phụng vụ.

Hà Nội (AsiaNews) - VietCatholic đưa tin rằng tại Việt Nam, một thánh lễ vào ngày Chúa Nhật do Đức Tổng Giám Mục Giuse Vũ Văn Thiên của Hà Nội cử hành đã bị các quan chức chính phủ làm gián đoạn vào Chúa Nhật vừa qua.

Vụ việc xảy ra tại nhà thờ lớn nhất huyện Vụ Bản, tỉnh Hòa Bình, khi các quan chức chính quyền đội mũ bảo hiểm, dẫn đầu là bí thư chi bộ địa phương tiến lên bàn thờ.

Đức Tổng Giám Mục Vũ Văn Thiên đang chủ sự Thánh lễ lúc 10 giờ sáng, đánh dấu Ngày Truyền giáo của Tổng giáo phận. Các quan chức quát tháo yêu cầu vị giám mục ngay lập tức ngừng các nghi lễ và giải tán các tín hữu.

VietCatholic cho biết các cha đồng tế và anh chị em đã làm hết sức mình để bảo vệ Đức Tổng Giám Mục và đưa những kẻ gây rối ra khỏi nhà thờ.

Sau khi trật tự được vãn hồi, thánh lễ lại tiếp tục, nhưng hành động đe dọa này khiến giáo dân địa phương lặng người và hoang mang. Cha Nguyễn Văn Khải, một cựu phát ngôn viên của Dòng Chúa Cứu Thế, nhận xét rằng “Lần đầu tiên, tôi thấy các quan chức chính quyền địa phương đến gần bàn thờ và làm gián đoạn Thánh lễ mà không đợi kết thúc, như họ đã từng làm trước đây”.

Sự việc xảy ra sau vụ giết cha Giuse Trần Ngọc Thanh, một nhà truyền giáo dòng Đa Minh tại tỉnh Kon Tum. Cộng đồng địa phương vẫn đang mong mỏi cái chết của ngài được làm sáng tỏ.
Source:Asia News

3. Vẻ vang Dân Việt: linh mục Việt Nam được bổ nhiệm làm Rector nhà thờ chính tòa rất lớn ở miền Tây Hoa Kỳ

Hôm 22 tháng Hai Đức Cha Kevin Vann, Giám Mục giáo phận Orange đã bổ nhiệm cha Thái Quốc Bảo, hiện đang là Linh mục chính xứ nhà thờ Thánh Cecilia, ở thành phố Tustin, kế nhiệm cha Christopher Smith làm Rector nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô.

Trong Giáo Hội Công Giáo, Rector là người giữ chức vụ lãnh đạo một cơ sở giáo hội, có thể là một tòa nhà cụ thể — chẳng hạn như nhà thờ, đền thờ, chủng viện, trường đại học, bệnh viện, hoặc một cộng đồng các giáo sĩ hay các nam nữ tu sĩ.

Bộ Giáo luật 1983, dành cho Giáo Hội Công Giáo Latinh, đề cập rõ ràng những trường hợp đặc biệt của chức vụ Rector:

Rector của các chủng viện, thường được dịch là Linh mục Giám đốc chủng viện (Giáo luật số 239 và 833 số 6)

Rector của các nhà thờ không phải là nhà thờ giáo xứ, hiệp hội hoặc dòng tu, thường dịch là Linh mục quản đốc (Giáo luật số 556 và 553)

Rector của các trường đại học Công Giáo, thường được dịch là Linh mục hiệu trưởng (Giáo luật số 443 triệt 3 số 3 và 833 số 7)

Cha Smith sẽ nghỉ hưu bắt đầu từ ngày1 tháng 7 sau khi ngài tròn 70 tuổi. Ngài sẽ hoàn tất nhiệm kỳ 10 năm vừa làm Linh mục Đại diện Đức cha vừa làm Linh mục quản đốc nhà thờ Chính Tòa. Nhà thờ Chính Tòa được thánh hiến vào năm 2019, sau khi Giáo phận Công Giáo Orange đã mua lại tất cả các cơ sở vật chất trong khuôn viên này vào năm 2012 từ vị cố mục sư khả ái Robert H. Schuller, là người lãnh đạo mục vụ Crystal Cathedral.

Dưới sự lãnh đạo của cha Smith từ năm 2012, nhà thờ Chính Tòa ngày nay, trước đây từng được biết đến với tên gọi là Nhà thờ Kiếng, đã được cập nhật hoàn thiện toàn bộ đúng theo nhu cầu lễ nghi Công Giáo giáo phận Orange, bao gồm các sắc tộc khác nhau như những người giáo dân Mỹ, Mỹ Châu La Tinh, Phi Luật Tân, Samoan, Hàn Quốc và người Việt chúng ta.

Cha Thái Quốc Bảo, 51 tuổi, thụ phong linh mục ngày 7/6/2003, nói thông thạo tiếng Việt, tiếng Anh và biết chút tiếng Mễ và tiếng Ý. Khi nhận được nhiệm vụ mới này, ngài nói: “Tôi tạ ơn Chúa với sứ vụ mới được tin tưởng trao phó. Tôi rất biết ơn Đức Cha Vann và Hội đồng Tư vấn của ngài đã tin tưởng nơi tôi trong mục vụ mới này.”

Sau khi được thụ phong linh mục, Cha Bảo đã phục vụ tại nhiều nhà thờ trong giáo phận Orange trước khi được bổ nhiệm là Cha sở giáo xứ thánh Cecilia từ năm 2017. Trong vòng 6 tháng đầu tiên năm 2020, ngài cũng kiêm nhiệm Quản xứ giáo xứ La Purisima.

Cha Bảo còn là thành viên của Hội Đồng Quản Trị cơ quan bác ái Orange Catholic

Đức Cha Vann ghi nhận ngài đã có một thời gian đáng ghi nhớ tại giáo xứ Thánh Cecilia với cha Bảo mấy năm trước, khi ngài đang tĩnh dưỡng sau một cuộc giải phẫu. Ngài nói: “Thời gian tôi lưu lại đó không những cho tôi biết rõ về cha Bảo, mà còn thấy tình thương yêu của cha, là một cha xứ, dành cho giáo dân của mình. Trước tiên là tôi thấy khả năng làm việc của cha Bảo với những giáo dân người Việt Nam, người Mỹ Châu La Tinh, và người Mỹ tại giáo xứ Thánh Cecilia, một giáo xứ gồm nhiều sắc tộc như tại giáo xứ nhà thờ Chính Tòa.”

Cha Bảo, sinh ra tại Sài Gòn, là người Mỹ gốc Việt thứ tư được làm Linh mục quản đốc của một nhà thờ Chính Tòa ở Hoa Kỳ. Các vị khác là Đức Ông Lê Xuân Thượng, tổng giáo phận Galveston-Houston, Cha Phạm Văn Hanh, giáo phận Corpus Christi và Cha Đồng Minh Quang, giáo phận Oakland.

Cha Bảo tốt nghiệp Đại Học Tổng Hợp Sài Gòn vào năm 1992 với bằng cử nhân điện toán, cử nhân triết học tại Đại chủng viện Mount Angel ở Oregon vào năm 1998, thạc sĩ thần học tại Đại chủng viện Thánh Gioan ở Camarillo, California, và cha cũng có bằng thạc sĩ thần học về tâm linh tại Giáo Hoàng Học Viện Thánh Thomas Aquinas hay còn gọi là Angelicium tại Rôma.

Vài nét về Giáo phận Công Giáo Orange:

Giáo phận Orange có tới 1 triệu 300 ngàn người Công Giáo trong 57 giáo xứ, 5 trung tâm mục vụ và 35 trường học tư Công Giáo. Giáo phận còn là một trong 10 giáo phận lớn nhất và có nhiều sắc dân, cộng đồng Công Giáo nhiều nhất Hoa Kỳ. Giáo phận kết hợp người Công Giáo khắp quận Cam để có đời sống đức tin sống động hòa nhập vào đời sống thường nhật của cộng đồng và đời sống linh thiêng của Giáo hội. Dưới sự lãnh đạo của Đức Giám Mục Giáo phận là Đức Cha Kevin Vann, giáo phận thực hiện các hoạt động mục vụ nhằm tạo dựng và nâng đỡ những giáo xứ và học đường năng động và đầy sức sống để đón chào tất cả mọi người sống Phúc Âm với một đức tin, niềm vui, lòng bác ái và sự đoàn kết hiệp nhất.

Nhà thờ Chính Tòa Chúa Kitô, ngôi nhà tâm linh của Đức Giám Mục giáo phận quận Cam, đã được thánh hiến ngày 17/7/2019, rộng 37 mẫu, gồm: Trung tâm mục vụ Tòa Giám Mục, ngôi nhà thờ Chính Tòa, tòa nhà Arboretum, Linh Đài Đức Mẹ La Vang, trung tâm văn hóa, tòa nhà cao tầng, nghĩa trang, trường học, giáo xứ và các cơ sở khác nữa.