Ngày 22-02-2011
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Chỉ làm tôi Chúa mà thôi
LM Inhaxiô Trần Ngà
09:12 22/02/2011
Chúa Nhật 8 thường niên (Mat-thêu 6, 24-34)

Chúa Giê-su dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mat-thêu 6,24)

Làm tôi Tiền Của thật là tai hại

Tiền Của được xem như là vị “Thần Tài”. Nó có thể biến con người thành kẻ gian ác.

- Thành những tên trộm cướp:

Ăn cướp khắp mọi nơi: cướp trong nhà, cướp ngoài phố, cướp đường, cướp chợ, cướp biển (hải tặc), cướp rừng (lâm tặc)…

Ăn cướp đủ mọi thứ: cướp tiền bạc, cướp vợ chồng người, cướp tài sản, cướp nhà, cướp đất, cướp ruộng vườn, cướp quyền, cướp nước.

- Thành những kẻ sát nhân, giết người để cướp lấy tài sản của người. Vì tranh chấp gia tài, anh em một nhà có thể quay ra đâm chém lẫn nhau; vì cần tiền tiêu vặt, có những trẻ vị thành niên thản nhiên cắt cổ cả ông bà ngoại để moi tiền.

- Thành kẻ buôn lậu: buôn người qua biên giới đến những quốc gia khác hoặc buôn bán ma túy, bạch phiến… đầu độc bao người.

- Thành những người lừa đảo để thủ lợi, với những trò lừa đảo rất tinh ma quỷ quái được bày ra để phỉnh gạt người khác lấy tiền.

- Vì đồng tiền, người ta có thể bán tất cả, kể cả những tài sản thiêng liêng cao quý của dân tộc và đất nước: có những người lạm quyền bán nước cho ngoại bang; có những cha mẹ bán con cái làm nô lệ tình dục cho người nước ngoài; có những phụ nữ tự bán thân cho những người trác táng khắp nơi trên thế giới…

Thế mới biết làm tôi tớ cho Thần Tài thật hết sức tai hại, làm hại cho bản thân cũng như cho xã hội và thế giới.

Làm tôi Thiên Chúa đem lại phúc lợi cho nhiều người

Trong khi đó, có những người tự nguyện làm tôi tớ Thiên Chúa để phục vụ tha nhân, để trở nên khí cụ hòa bình và yêu thương của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Những vị nầy được thế giới ngưỡng mộ kính yêu vì đã mang lại phúc lợi cho nhiều người.

- Albert Schweitzer là một bác sĩ, nhà triết học, thần học người Đức, sau mang quốc tịch Pháp. Nghe tiếng Chúa thôi thúc trong tâm hồn, ông đã từ bỏ ghế giáo sư đại học Strasbourg, bỏ công việc tìm tòi khảo cứu khoa học, bỏ thú vui tiêu khiển say mê nhất đời là thú chơi đại phong cầm để ra đi hiến thân phục vụ các bệnh nhân tại các vùng ma thiêng nước độc ở Gabon, Châu Phi suốt 50 năm cho đến khi thở hơi cuối cùng.

Thế giới đánh giá cao sự nghiệp phục vụ của Bác sĩ Albert Schweitzer. Ông được vinh dự nhận giải thưởng Nobel hòa bình năm 1952. Ngày 4-9-1965, khi ông lìa đời tại Lam-ba-rê-nê, cả thế giới thương tiếc ông. Ngay cả Albert Einstein, một danh nhân bậc nhất của thế kỷ 20 đã nhìn nhận “Bác sĩ Albert Schweitzer là một vĩ nhân vĩ đại nhất của thế giới buồn thảm này.”

- Mẹ Tê-rê-xa Calcutta: Mẹ dâng hiến đời mình làm tôi tớ Chúa phục vụ những người cùng khốn trên khắp thế giới.

Ngày 10-2-1979, khi Mẹ được nhận giải thưởng Nobel hòa bình, báo Paris-Match viết: “Người ta đã tặng thưởng một vị thánh.”

Ngày 5-9-1997, Mẹ Têrêxa qua đời tại Calcutta, Ấn Độ. Chính phủ Ấn Độ tổ chức an táng Mẹ Têrêxa theo nghi thức quốc táng, một vinh dự từ trước tới nay chỉ dành cho các lãnh tụ hàng đầu của đất nước có nhiều công trạng với quốc gia.

Xin được làm tôi tớ Chúa đến trọn đời

Ngay cả Mẹ Maria, dù được chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, vẫn nhìn nhận mình là tôi tớ thấp hèn của Thiên Chúa, luôn vâng phục thánh ý Chúa như Mẹ đã tuyên xưng: “Nầy tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như Lời Chúa truyền”;

Ngay cả Chúa Giê-su, dù là Thiên Chúa Ngôi Hai, nhưng đã tự nguyện làm tôi tớ Thiên Chúa Cha, sẵn sàng vâng phục Chúa Cha trong mọi sự cho dù phải đón nhận cái chết đau thương trên thập giá (Philipphê 2, 6- 10);

thì chúng ta vốn là thụ tạo thấp hèn của Chúa, xin được tự nguyện làm tôi tớ trung thành của Thiên Chúa đến trọn đời.
 
Bài giảng của ĐGH Gioan-Phaolô II về Lòng Thương Xót
Trầm Thiên Thu
09:21 22/02/2011
Lòng Thương Xót: Tặng phẩm Phục sinh

“Đừng sợ! Ta là Đầu và là Cuối. Ta là Đấng Hằng Sống, Ta đã chết, và nay Ta sống đến muôn thuở muôn đời; Ta giữ chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:17-18).

Chúng ta nghe những lời an ủi này trích từ sách Khải huyền, mời gọi chúng ta hướng mắt nhìn về Đức Kitô để cảm nghiệm sự hiện diện của Ngài làm chúng ta an tâm. Đói với mỗi chúng ta, bất kỳ tình trạng nào của Ngài, dù đó là điều phức tạp nhất và kịch tính nhất, Đấng Phục Sinh lặp lại: “Đừng sợ! Ta đã chết trên Thập giá nhưng nay ta sống vĩnh hằng; Ta là Đầu và là Cuối, và là Đấng Hằng Sống”.

“Là Đầu” nghĩa là nguồn của mọi sinh vật và hoa quả đầu mùa của mọi thụ tạo; “là Cuối” nghĩa là sự kết thúc cuối cùng của lịch sử; “Đấng Hằng Sống” nghĩa là nguồn sống vô tận đã chiến thắng sự chết vĩnh viễn.

Nơi Đấng Mêsia, bị đóng đinh và phục sinh, chúng ta nhận biết các đặc điểm của Con Chiên bị đóng đinh trên đồi Golgotha, Đấng cầu xin tha thứ cho những người hành hạ Ngài và mở cửa Thiên Đàng cho các tội nhân biết ăn năn; chúng ta nhìn khuôn mặt của Vua Vĩnh Hằng, Đấng có “chìa khoá của Tử thần và Âm phủ” (Kh 1:18).

Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương! (Tv 118:1). Chúng ta hãy sở hữu sự cảm thán của tác giả Thánh vịnh mà chúng ta hát trong phần Đáp ca: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương”. Để hiểu hết sự thật của các từ này, chúng ta hãy để phụng vụ hướng dẫn tới trung tâm của sự kiện Cứu Độ, điều kết hợp Sự Chết và Sự Phục Sinh của Đức Kitô với cuộc đời chúng ta và với lịch sử thế giới. Mầu nhiệm của Lòng Thương Xót đã thay đổi tận gốc số phận của nhân loại. Đó là mầu nhiệm được mạc khải trọn vẹn về Tình Yêu của Chúa Cha, Đấng không rút lại sự hy sinh của Con Một Ngài vì để cứu độ chúng ta.

Trong Đức Kitô đau khổ và chịu nhục nhã, những người tin và những người không tin có thể cảm phục sự thống nhất bất ngờ, liên kết Ngài với tình trạng nhân loại hơn cả những gì có thể tưởng tượng. Ngay cả sau khi Con Chúa phục sinh, Thập giá “nói và không bao giờ ngừng nói về Chúa Cha, Đấng tuyệt đối thành tín với Tình Yêu Vĩnh Hằng của Ngài dành cho nhân loại.. ..Tin vào Tình Yêu này là tin vào Lòng Thương Xót” (Giàu Lòng Thương Xót, 7).

Chúng ta hãy cảm tạ Thiên Chúa về Tình Yêu của Ngài, Tình Yêu ấy mạnh hơn sự chết và tội lỗi. Tình Yêu ấy được mạc khải và được thực hành là Lòng Thương Xót, thúc giục mỗi người đáp lại tình yêu với Đấng bị đóng đinh. Sau tấm gương của Chúa Giêsu, không phải Thiên Chúa yêu thương và những người lân cận của Đấng yêu thương, ngay cả kẻ thù của Ngài, là chương trình sống của những người đã được rửa tội và của toàn thể Giáo hội sao?

Niềm vui lớn lao

Với những tình cảm này, chúng ta cử hành Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh từ Năm Toàn Xá (năm 2000). Chúa nhật thứ II sau lễ Phục sinh được gọi là Chúa nhật Lòng Thương Xót (Divine Mercy Sunday). Đó là niềm vui lớn lao để tôi tham gia với tất cả anh chị em, những khách hành hương thân mến và những tín hữu đến từ nhiều quốc gia để mừng lễ, sau một năm phong thánh cho nữ tu Faustina Kowalska, chứng nhân và sứ giả của Lòng Thương Xót.

Việc tôn kính một nữ tu khiêm nhường trên bàn thờ, một người con của quê hương tôi, không chỉ là quà tặng dành cho đất nước Ba Lan mà còn cho cả nhân loại. Thật vậy, sứ điệp mà thánh nữ đã đam đến là câu trả lời thích hợp và sâu sắc mà Thiên Chúa muốn đưa ra những câu hỏi và sự mong đợi dành cho nhân loại trong thời đại chúng ta, được đánh dấu bằng những bi kịch khủng khiếp. Một ngày nọ, Chúa Giêsu đã nói với nữ tu Faustina: “Nhân loại sẽ không có hòa bình cho đến khi biết tin vào Lòng Thương Xót của Chúa” (Nhật Ký, 300). Ôi Lòng Thương Xót của Chúa! Đây là tặng phẩm Phục sinh mà Giáo hội nhận từ Đức Kitô phục sinh và trao ban cho nhân loại ngay khi khởi đầu thiên niên kỷ thứ ba.

Phúc âm, vừa được công bố, giúp chúng ta lĩnh hội đầy đủ ý nghĩa của tặng phẩm này. Thánh sử Gioan giúp chúng ta chia sẻ cảm xúc của các Tông đồ khi gặp Đức Kitô sau khi Ngài phục sinh. Chúng ta tập trung vào cử chỉ của Thầy Chí Thánh, Đấng truyền can đảm cho những người sợ hãi, làm ngạc nhiên cá môn đệ bằng sứ vụ rao truyền Lòng Thương Xót. Ngài cho họ thấy các dấu đinh và cạnh sườn Ngài, là dấu ấn Cuộc Khổ Nạn, và nói với họ: “Như Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20:21).

Ngay sau đó, “Người thổi hơi vào các ông và bảo: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha, anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23). Chúa Giêsu ban cho họ “quyền tha tội”, một tặng phẩm chảy ra từ các vết thương trên tay chân Ngài, và đặc biệt là cạnh sườn Ngài. Từ đó, một làn sóng của Lòng Thương Xót được đổ ra trên toàn nhân loại.

Chúng ta hãy sống lại giây phút này bằng sức mạnh tâm linh. Hôm nay, Thiên Chúa cũng cho chúng ta thấy các vết thương vinh quang và Thánh Tâm Ngài, nguồn ánh sáng và chân lý vô tận, tình thương và sự tha thứ.

Thánh Tâm Chúa Giêsu

Thánh Tâm Ngài trao ban cho con người mọi thứ: sự cứu chuộc, ơn cứu độ, ơn thánh hóa. Thánh nữ Faustina Kowalska đã nhìn thấy chảy ra từ trái tim Ngài tràn ngập yêu thương, hai luống ánh sáng minh họa thế giới.

Hai luồng ánh sáng đó, như những gì Chúa Giêsu đã nói với thánh nữ, biểu hiện máu và nước (Nhật Ký, 299). Máu nhắc nhớ sự hy sinh trên đồi Golgotha và mầu nhiệm Thánh Thể; nước, theo thánh sử Gioan, khiến chúng ta suy nghĩ về bí tích Rửa tội và tặng phẩm của Chúa Thánh Thần (x. Ga 3:5; 4:14).

Qua mầu nhiệm trái tim đầy thương tích, dòng nước bổ dưỡng của Lòng Thương Xót của Chúa tiếp tục chảy tràn trên con người trong thời đại chúng ta. Đây có thể là những người khao khát hạnh phúc chân thật và vĩnh cửu mới tìm thấy bí mật đó.

Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài

Lạy Chúa, Đấng Cứu Độ duy nhất của chúng con, lời cầu nguyện này gần gũi với rất nhiều tín hữu, diễn tả rõ ràng thái độ chúng con muốn tin tưởng đặt mình vào Tay Ngài.

Ngài đang khao khát được yêu và những người đồng điệu với những tình cảm của Thánh Tâm Ngài biết cách xây dựng nền văn minh yêu thương mới. Một hành động đơn giản của sự từ bỏ cũng đủ để vượt qua những rào cản của bóng tối và sầu muộn, của nghi ngờ và thất vọng. Bằng một cách đặc biệt, hai luồng sáng của Lòng Thương Xót khôi phục sự hy vọng cho những ai cảm thấy bị đè nặng bởi ách tội lỗi.

Lạy Mẹ Maria, Mẹ của Lòng Thương Xót, xin giúp chúng con luôn tín thác vào Con của Mẹ, Đấng Cứu Độ chúng con. Lạy thánh Faustina, xin giúp chúng con ghi nhớ ngày hôm nay với lòng yêu mến đặc biệt. Khi chăm chú mắt nhìn vào khuôn mặt của Đấng Cứu Độ, chúng con muốn lặp lại với Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, con tín thác vào Ngài”, bây giờ và mãi mãi. Amen.
 
Giải pháp nào cho vấn nạn tình dục trước hôn nhân?
LM. Phaolô Nguyễn Văn Tùng
17:57 22/02/2011
GIẢI PHÁP NÀO CHO VẤN NẠN TÌNH DỤC TRƯỚC HÔN NHÂN?

Trong khi thế giới đang chú tâm đến các khía cạnh khoa học, tôn giáo, nhân chủng về việc nhân loại đã có thể dùng những cách thụ thai nhân tạo (test-tube baby) hay “chế” ra con vật khác y như con chính (clonning), thì một vấn đề khó giải khác đã và đang làm cho các bậc phụ huynh ưu tư không ít. Ðó là việc tuổi trẻ và tình dục trước hôn nhân (Pre-marital Sexuality).

Ðây cũng là khó khăn mà chính phủ của các nước trên thế giới đang phải đương đầu và bối rối, vì chính họ cũng chưa tìm được giải pháp cụ thể và có tính cách toàn bộ nào để giải quyết vấn đề. Tong khi đó, những người trẻ, nhất là giới vị thành niên đã và đang tiếp tục bị đầu độc bởi những trào lưu và phương tiện dễ dãi của xã hội. Họ đang là những nạn nhân hơn là kẻ chủ động trong sự suy thoái về luân lý này. Những tranh luận về luân lý cũng như các đề nghị về một giải pháp để đối phó với vấn đề vẫn đang được trình bày.

NHỮNG BIẾN CHUYỂN CỦA XÃ HỘI HÔM NAY

Linh Mục Edward Malloy, giáo sư luân lý của đại học Công giáo thời danh Notre Dame, tiểu bang Indiana, Hoa Kỳ, đã phân biệt 5 biến chuyển chính trong xã hội hiện tại đã làm cho người trẻ “khôn” hơn trong kinh nghiệm về tình dục.

1. Những dễ dãi của việc ngừa thai

Hầu như bất cứ hiệu thuốc tây nào, hay quày hàng thuốc tây trong một thương xá nào ở Mỹ, cũng bầy bán đầy dẫy những phương tiện ngừa thai. Với áp lực của bạn bè (peer pressure), với sự tương đối “an toàn” về hậu qủa và có thể giấu được cha mẹ, người trẻ đã dễ dàng quyết định “thử” mà không cần suy nghĩ. Tuy nhiên, hơn 50 năm sau khi các loại thuốc ngừa thai được phát minh và hàng trăm triệu người đã xử dụng, càng ngày người ta càng nhận thấy những biến chứng phát nguyên từ các viên thuốc này. Hậu qủa của việc xử dụng thuốc ngừa thai có thể đưa đến các bệnh đau tim, đông máu, nhiễm trùng, ung thư, và loạn huyết.

2. Những thay đổi về ảnh hưởng văn hóa

Hoa Kỳ là một quốc gia chịu ảnh hưởng sâu đậm của nền văn minh Kitô giáo nói chung, và các giáo hội Tin Lành (đa số) nói riêng. Từ sự lỏng lẻo dần dần trong luật điều của một số giáo hội nói trên đã ảnh hưởng đến xã hội, để rồi đưa đến sự hỗn loạn về phái tính và tình dục hôm nay, kể cả thảm trạng đồng tính luyến ái. Hơn nữa, Mỹ lại là xã hội trọng đa số (pluralism) và rất tùy quyền quyết định của các cá nhân. Ðiều này đã đưa đến sự kiện các phim ảnh, báo chí, truyền hình, máy vi tính (các mạng lưới) và ngay cả trong những điện thoại cầm tay (iPhone, iPod, iPad…) hình ảnh khiêu dâm được trình bày cũng như bày bán hết sức tự do. Làm sao người trẻ tránh được tính tò mò, khi những hình ảnh này hàng ngày, hàng giờ đập vào mắt họ? Ðã có những chương trình giáo dục tình dục trong các học đường, nhưng chưa ai có thể kiểm chứng được các kết qủa, trong khi đó số “trẻ con sinh con” vần càng ngày càng gia tăng!

3. Vấn đề phụ nữ bình quyền

Khi phụ nữ bắt đầu từ bỏ nề nếp đã có từ bao thế kỷ: đảm đang công việc nội trợ, giáo dục con cái, để nhảy vào “thế giới của đàn ông,” thì vấn đề hạnh phúc gia đình cần được đặt lại. Trong lúc “hồ hởi” đòi quyền bình đẳng trong mọi lãnh vực với nam giới, phụ nữ đã không bỏ qua khía cạnh tình dục. Trong những trường hợp này, người phụ nữ đã lập gia đình, đôi khi chỉ muốn “thử” có một cuộc tình khác; chẳng khác nào một cô gái mới lớn, muốn “thử” nếm mùi vị tình yêu. Ðã có những phương tiện dễ dãi của xã hội bao che các hành động mờ ám, nhưng đôi khi hậu qủa của cuộc phiêu lưu này đã không thể lường trước được như một sự dàn xếp (program) trong máy điện toán (vi tính). Ðây là một trong những lý do chính đưa đến sự đổ vỡ trong đời sống gia đình.

4. Quyền tự quyết của mỗi cá nhân

Không có quốc gia nào trên thế giới (kể cả các quốc gia Tây Âu) đã coi trọng quyền tự quyết của mỗi cá nhân như ở Mỹ. Tự do và quyền tự quyết đã mở rộng đến mức tối đa cho mọi công dân. Ðôi khi các công dân còn có vẻ lấn át chính quyền bằng cách dùng quyền tự quyết của họ. Nhưng chính vì sự tự do qúa trớn này, đã đưa con người đến cá nhân chủ nghĩa mà trọng điểm là tìm thoải mái, an nhàn cho chính mình trước. Con người trở nên ích kỷ và tàn nhẫn. Dĩ nhiên yếu tố tự do tình dục cũng được triệt để lợi dụng, biến quyền tự quyết thành quyền theo khoái lạc chủ nghĩa (hedonism) của mọi cá nhân.

5. Hôn nhân muộn hơn

Khoảng thời gian từ khi người trẻ bắt đầu tuổi dậy thì (puberty) đến khi họ lập gia đình trong thế hệ hiện tại, đã kéo dài lâu hơn các thế hệ trước. Cộng vào đó, các thiếu niên ngày nay cũng vào tuổi dậy thì sớm hơn phụ huynh của họ. Do đó thời gian họ phải “chờ đợi” đã kéo dài cách bất thường và trở nên một thách đố nghiêm trọng đối với giới trẻ hôm nay. Ðặc biệt đối với những người phải sống xa nhà vì lý do học vấn hay nghề nghiệp. Họ đã không có sự yểm trợ trực tiếp của các phụ huynh, và lý tưởng “một tâm hồn trong sạch” đã không còn được xã hội ca tụng, hoặc bị lu mờ bởi các trào lưu vô luân.

NHỮNG TRANH LUẬN LUÂN LÝ

Những biến chuyển nói trên của xã hội đã đủ làm người trẻ hôm nay “chới với,” nhưng các lý do sau đây đã được các kẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân khoái lạc đưa ra, như những viên thuốc độc bọc đường, mới thực sự làm nhiều người trẻ vấp ngã.

1. Tình dục thì tự nhiên và bình thường

Những kẻ chủ trương điều này đã rêu rao là tôn giáo và các nhà đạo đức đã làm cho con người trở nên quá cẩn thận và sợ hãi trước vấn đề tình dục. Họ kết luận rằng nỗi sợ hãi trên sẽ biến mất nếu người ta từ bỏ tôn giáo và cho về “hưu” những nhà đạo đức. Hiển nhiên, những người này đã quên mất yếu tố tinh thần trong con người, mà chỉ chủ trương hưởng thụ về thể xác.

2. Dồn nén sẽ làm tổn thương tâm lý

Nhà phân tâm học Sigmund Freud đã giúp con người hiểu thêm rất nhiều về những chiều kích mới trong đời sống, nhất là ở khía cạnh vô thức (unconscious life). Ông cũng nêu lên sự quan trọng của đời sống tình dục. Tuy nhiên, chính Freud cũng đã tỏ sự hối tiếc vì nhiều người đã diễn nghĩa sai hoặc phóng đại những tư tưởng của ông. Theo ông, vấn đề kỷ luật và tự kềm chế cũng rất quan trọng. Người ta không nhất thiết phải hành động mỗi khi có cơn đòi hỏi của xác thịt. Lý thuyết về sự dồn nén của Freud (nếu vấn đề tình dục không hòa hợp với đời sống của con người, nó sẽ quay trở lại quấy phá dưới nhiều hình thức kỳ quái khác), chỉ để ứng dụng cho một vài dạng của hành vi, chứ không thể áp dụng như một khuôn mẫu cho tất cả.

3. Tình dục trước hôn nhân là cần thiết

Ðó là lý luận của những người cho rằng họ cần phải “thử” nhau trước khi thực sự kết hôn. Họ cũng viện lẽ rằng đa số những cuộc hôn nhân đổ vỡ là vì khả năng tình dục không đồng đều giữa những cặp vợ chồng! Ðiều này chẳng có bằng chứng gì cả. Họ đã quên rằng yếu tố chính của hạnh phúc gia đình là tình yêu, sư chấp nhận và bổn phận đối với nhau. Nếu đặt căn bản của hạnh phúc gia đình vào tình dục, họ sẽ không thể tránh được thất bại, vì có những lúc chính các đôi vợ chồng cũng phải giới hạn việc “ăn nằm” với nhau. Trong trường hợp bệnh hoạn, một phần của thời kỳ mang thai, hay ngay cả lúc một trong hai người có những biến đổi tâm lý và không muốn có tình dục. Ðó là chưa kể trường hợp lúc “thử” thì tốt, đến khi cưới về lại “trục trặc” thì sao?

4. Hôn nhân là sản phẩm của tiểu tư sản

Ðây là quan niệm của những người Cộng sản. Tuy nhiên họ lại đòi quyền định đoạt hôn nhân cho mọi người, nhất là các thành phần đảng viên của họ.

Dù suy luận thế nào, người ta vẫn phải công nhận rằng, cả tôn giáo lẫn xã hội đều thấy cần phải có những định chế về hôn nhân để “ổn định” đời sống thiêng liêng và vật chất của con người trong xã hội, cũng như để bảo vệ giống nòi. Trong lịch sử nhân loại, đã có những sự thay đổi về hình thức của hôn nhân, để rồi nó lại xuất hiện dưới một dạng thức khác. Nhưng hôn nhân vẫn là hôn nhân, cần thiết và không thể xóa bỏ trong xã hội loài người.

QUAN NIỆM VỀ TÌNH DỤC TRONG KITÔ GIÁO

1. Trong Kinh Thánh

Vấn đề tình dục trước hôn nhân hầu như đã không được đề cập tới. Cựu Ước chỉ nói đến tội ngoại tình (Ex. 20:14). Lý do rất dễ hiểu là vào thời đó, trong xã hội của người Do Thái, các phụ huynh đã định đoạt hôn ước cho con cái rất sớm. Ðôi khi người trẻ lập gia đình khi chỉ vừa đến tuổi dậy thì. Thời Tân Ước, thánh Phaolô đã thấy rõ những cảnh hỗn độn về tình dục trong đế quốc Roma, do đó ngài đã dùng tiếng PORNEA, tiếng Hi Lạp, để chỉ những hành động vô luân trong tình dục. Tuy nhiên, người ta có thể hiểu rằng ngài đã dùng tiếng này để ám chỉ cách đặc biệt đến tình dục trước hôn nhân và ngoại tình.

2. Trong Tông Truyền

Kitô giáo luôn luôn kết án tình dục ngoài hôn nhân. Thánh Augustinô, qua kinh nghiệm bản thân, ngài đã nhìn thấy những hậu qủa không hay của lối thực hành đời sống tình dục ngoài hôn nhân. Thánh Thomas Aquinas (Tôma Aquinô) cũng như các nhà lãnh đạo Tin Lành như Martin Luther, John Calvin… đều đồng ý rằng tình dục phải nằm trong khuôn khổ của hôn nhân.

3. Luật tự nhiên

Nếu một đôi thanh niên nam nữ có quan hệ tình dục với nhau thường xuyên, cứ sự thường thì họ sẽ có con. Những đứa trẻ này cần được nuôi dưỡng giáo dục, trưởng thành trong một môi trường tốt đẹp nhất. Môi trường đó không ai có thể cung cấp được, nếu không phải là chính cha mẹ của chúng, những người đang sống trong bí tích hôn nhân.

THỬ TÌM MỘT GIẢI PHÁP

Trước hết người trẻ cần được hướng dẫn về những biến chuyển trong xã hội (có thể dùng 5 biến chuyển của cha Malloy) và những ảnh hưởng của chúng để chính họ sẽ phải tự đặt một mức độ kinh nghiệm cần thiết hầu đối phó với vấn đề. Người trẻ cần hiểu rằng con người là một loài thụ tạo phức tạp nhất, bị ảnh hưởng sâu xa bởi thời gian, hoàn cảnh và tình trạng thể lý. Con người cũng là loài thụ tạo có xã hội, biết dùng cử điệu và dấu hiệu, tín hiệu để truyền thông. Từ cái bắt tay, nụ hôn, đến giao hợp, con người đã đi qua nhiều mức độ tự phát biểu và truyền thông của mình. Tuy nhiên con người không thể dễ dàng tự kềm chế và đặt giới hạn cho mình để dừng lại đúng lúc. Vì đây là vấn đề cảm xúc, rất dễ làm lu mờ những phán đoán chính đáng của lý trí.

1. Người trẻ chưa được hướng dẫn đầy đủ

Tiến sĩ Joseph Boyle, giáo sư triết tại đại học Saint Thomas ở Houston, tiểu bang Texas, cho biết: “Nhiều người Công Giáo đã không nhìn thấy rằng vấn đề luân lý phái tính chẳng phải chỉ là mớ luật lệ cấm đoán đặt ra ở bên lề, nhưng đó là phần trọn vẹn trong cuộc sống của người Kitô. Ðiều đó chưa được hướng dẫn và thấu hiểu.” Nhà đạo đức Dolores Curran cũng thêm: “Chúng ta đã không giúp con em chúng ta đối phó với những áp lực của tình dục trước hôn nhân. Chúng ta đang sống trong một xã hội chất đầy dâm tính mà khẩu hiệu sống là: ‘Muốn được hạnh phúc, phải có đời sống tình dục mạnh.’ Thật là điên rồ cho người Công Giáo khi nghĩ rằng con em chúng ta đã không phải đối diện với những áp lực này.” Bà Curran đã đề nghị mọi xứ đạo hoặc giáo phận cần có những trung tâm, nơi mà những người trẻ phải đối đầu với áp lực của tình dục trước hôn nhân, có thể tìm thấy những sự giúp đỡ. “Chính các phụ huynh cũng cần được huấn luyện để chỉ bảo con em mình về vấn đề tình dục. Chúng ta đã thừa hiểu rằng con em của chúng ta đang gặp khó khăn phải đối phó với vấn đề tình dục trước hôn nhân, nhưng chúng ta đã gỉa điếc làm ngơ.”

2. Ưu tư của vị Chủ Chăn

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề, Ðức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông huấn về gia đình “Familiaris Consorto” đã khuyến cáo các bậc phụ huynh: “Bởi vì cha mẹ đã cho con cái sinh ra đời, họ phải có một bổn phận quan trọng nhất, là giáo dục con cái của họ. Do đó cha mẹ phải nhận rằng chính họ là những nhà giáo dục đầu tiên và trên tất cả đối với con cái. Vai trò giáo dục của họ quyết liệt đến nỗi thật khó tìm được bất cứ điều gì có thể đền bù vào sự thất bại của họ. Cha mẹ phải nhận trách nhiệm tạo bầu khí gia đình đầy linh hoạt trong tình yêu và tôn kính Thiên Chúa và mọi người, để sự phát triển hoàn mỹ về cá tính và xã hội được nẩy nở trong con người. Vì vậy, gia đình là trường học đầu tiên cho tất cả những đức tính xã hội và giáo hội mà bất cứ xã hội nào cũng cần phải có.”

KẾT LUẬN

Ðây không phải là khó khăn có thể đóng khung trong khuôn khổ gia đình, nhưng thực sự nó đã trở nên thách đố quan trọng của xã hội và giáo hội. Ðể đối phó, cần có sự vận động qui mô với sự hợp tác chặt chẽ của gia đình, học đường, và giáo xứ. Sự hợp tác này, cho đến hiện tại vẫn còn được mô tả là chưa đúng mức, nếu không muốn nói là qúa hời hợt. Thành thật mà nói, đa số các bậc phụ huynh người Việt, mặc dù có kinh nghiệm, nhưng việc nói chuyện về tình dục với con cái, đã không được coi như “tốt lành.” Có một bà trong xứ đạo của người Việt kia, đã than phiền rằng cha xứ đã dạy các thanh niên nam nữ trong họ đạo những điều “tục tĩu”, khi những người trẻ này tham dự các lớp giáo lý Chuẩn Bị Hôn Nhân! Vì vậy, chính một số phụ huynh cũng cần phải được đi “huấn luyện” thêm, học hỏi thêm, trước khi họ có thể giúp đỡ con cái của họ.

Về học đường, đặc biệt là các trường Công Giáo, bà Curran đã than phiền rằng: “Các quyển sách giáo khoa về tình dục được dùng trong các trường Công Giáo đã phải dè dặt đến nỗi chúng ta không nói lên được điều gì cả.” Trong khi đó, ở các trường công lập, người ta chỉ chú trọng hướng dẫn người trẻ về các kỹ thuật xử dụng tình dục, nhất là các phương pháp ngừa thai. Vấn đề luân lý đã rất ít khi được đề cập tới. Hiện tại, các trường Công Giáo đã cải tiến khá nhiều về bộ môn mới mẻ này. Tuy nhiên, cứ nhìn vào thống kê các cô gái chưa chồng mà đã sinh con ở tuổi teens (13 -19), tuổi còn ngồi ở trường trung học, càng ngày càng gia tăng, thì đủ hiểu chương trình giáo dục về tình dục của cả nước (Mỹ) đã không thành công.

Ðối với các vị lãnh đạo tinh thần trong những giáo xứ hay cộng đoàn, kẻ viết bài này không dám lạm bàn, vì các ngài đã đã được hướng dẫn khá đầy đủ trước khi thụ phong linh mục, nhất là ở các chủng viện nước ngoài. Nếu còn sót điều gì, thì với mức kiến thức sẵn có, các ngài rất dễ dàng nghiên cứu để am tường hơn và hướng dẫn những thế hệ giáo dân mới.

Tóm lại, các phụ huynh và học đường xem ra chưa thành công trong việc giáo dục người trẻ về vấn đề tình dục trước hôn nhân. Có lẽ người ta lại phải chạy đến với những vị lãnh đạo tinh thần. Chính các ngài, và những chuyên gia được mời, có thể phần nào hỗ trợ phụ huynh và học đường trong công tác giáo dục rất quan trọng này. Hiện nay, đã có nhiều giáo phận và giáo xứ, đang có những chương trình “Mother and Daughter” (Mẹ và Con gái) và “Father and Son” (Bố và Con trai) đặc biệt giúp các phụ huynh hướng dẫn con em của mình đối phó với vấn nạn tình dục trước hôn nhân, gần như nan giải này. Cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa phụ huynh, học đường (ít là những trường Công Giáo) và giáo xứ để giúp những người trẻ vượt qua được muôn vàn khó khăn hiện tại, trong một xã hội đầy dẫy những cám dỗ về tình dục như hôm nay.



 
Mỗi ngày một câu chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:49 22/02/2011
CẬN THỊ

N2T


Nhà nọ làm tiệc thiết đãi bạn bè, trong bàn tiệc có hai người, một người bị mù mắt trái, một người bị mù mắt phải. Một lúc sau có một khách mắt bị cận thị đến đi thẳng vào trong bàn tiệc, nhìn kỷ rất lâu, nhịn không được bèn hỏi nhỏ người cùng bàn:

- “Anh bạn mặt to ngồi bàn trên đó là ai vậy ?”

Suy tư:

Cận thị thì thấy gần mà không thấy xa, viễn thị thì thấy xa mà không thấy gần, đó là cái khổ của người cận thị và viễn thị. Nhưng con người ta khổ nhất là cái tâm bị cận thị, khi cái tâm bị cận thị thì chỉ thấy mình và gia đình mình mà thôi, tức là chỉ thấy gần mà không thấy xa, tức là không thấy người khác, nhất là những người có quyền có thế thì cái tâm lại càng bị cận thị nặng nề hơn:

- Khi cái tâm bị cận thị thì thấy nhu cầu của mình nhiều hơn của người khác, thế là tìm cách cho mình có nhiều quyền lợi, mặc cho người khác thiệt thòi.

- Khi cái tâm bị cận thị thì chỉ thấy con cái mình cần cái này cái nọ, thế là tìm mọi cách để con cái mình có đặc quyền đặc lợi, bất chấp những người khác có điều kiện hưởng những quyền lợi ấy.

- Khi cái tâm bị cận thị thì tất cả những tư tưởng suy nghĩ của họ, đều quanh quẩn ở gia đình, ở bản thân mà thôi, do đó mà nơi công ty cơ quan của họ không tài nào phát triển được, bởi vì cái tâm tư tưởng của họ bị cận thị quá nặng...

Con mắt bị cận thị thì mang kiếng cận, con mắt bị viễn thị thì mang kiếng viễn thị, nhưng cái tâm bị cận thị thì không thể nào mang kiếng cận được, nhưng chỉ có thể dùng tâm hồn yêu thương để nhìn thấy những bất hạnh của người khác vì cái tâm bị cận thị của mình mà chịu đau khổ, oan ức...

Vô phúc cho cộng đoàn tập thể nào mà có vị lãnh đạo bị cận thị tâm hồn. Khó mà tưởng tượng ra cái khổ cái oan của họ. Ha ha ha...

------------------

http://www.vietcatholic.net/nhantai

http://vn.360plus.yahoo.com/jmtaiby

jmtaiby@yahoo.com taibytw@hotmail.com
 
Mỗi ngày một câu danh ngôn của các thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
18:50 22/02/2011
N2T


2. Các bạn không phải cầu sự khoan thứ nơi tôi, nhưng các bạn phải cầu xin sự tha thứ nơi Thiên Chúa.

(Thánh Catharina)
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Động Đất tại Thành Phố Christchurch Tân Tây Lan - Nhà Thờ Lớn Bị Sập
Jos. Vĩnh SA
00:23 22/02/2011
Trận Động Ðất Tại Christchurch Ðảo Nam của Tây Tân Lan

Tin mới nhất. Trận động đất dữ dội vừa xảy ra cách vài tiếng đồng hồ, vào lúc 11 giờ sáng thứ Ba 22/02/2011, giờ địa phương tại Christchurch city, thành phố lớn thứ II thuộc đảo phía Nam của Tây Tây Lan, với mức độ chấn động 6.3 scale rich, khiến cho nhiều nhà cửa và các cao ốc trong trung tâm thành phố bị sụp đổ. Con số tử thương và thương vong chưa được xác định. Cảnh sát cho biết có 2 xe buýt bị đè bẹp bởi đống gạch vụn của cao ốc trên đường Christchurch Street, là nơi có khỏang 20 người còn đang bị mắc kẹt trong cao ốc đã bị sập. Ông Bob Parker thị trưởng của TP Christchurch hiện đang có mặt tại nơi xảy ra trận động đất và sẽ thông báo trên truyền hình ngay khi có tin tức cập nhật. Một chấn động khác xảy ra liên tục tại cảng Kim Cương (Diamond Harbour) 20 cây số cách trung tâm thành phố Christchurch về phía nam vào lúc 01:21 chiều. Rất nhiều xe cứu thương đang hú còi chở những người bị thương đến các bệnh viện. Đã có khỏang trên 150 người bị thương, được đưa tới các bệnh viện gần nhất để cứu cấp.

Tin sơ khởi cho biết đã tìm thấy 65 tử thi trong các đống gạch vụn. Những nơi xảy ra động đất trong thành phố Christchurch: -Latimer Square -Spotlight Mall, Sydeham -Sanitarium, Papanui và chung quanh khu vực nhà thờ “Christchurch Cathedral”.

Tháp chuông và nhà thờ lớn cũng đã bị sụp đổ tan tành. Các phi trường của Tân Tây Lan đã được lệnh đóng cửa. Chính phủ đang điều động cảnh sát và quân đội đến tiếp cứu.

Được biết, hồi tháng 9 năm ngoái, cũng tại vùng này, đã xảy ra một trận động đất với chấn động 7.00 scale rich

 
Giáo hội tại Thái Lan nói về cuộc xung đột biên giới giữa nước này với Căm-Bốt
Tiền Hô
08:57 22/02/2011
Thái Lan, 21 Tháng Hai 2011 (UCANEWS) - Mặc dù lãnh đạo quân đội Thái Lan và Căm-Bốt đã ký một thỏa thuận gồm 8 điểm để chấm dứt cuộc xung đột biên giới gây thương vong, nhưng giới chức Giáo Hội cho biết họ không lạc quan về cách giải quyết vấn đề này.

"Chúng tôi sẽ không thể tiếp cận vào các nguyên nhân cũng như lý do của tình trạng này vì nó là một vấn đề chính trị của hai quốc gia. Chúng tôi sẽ không thể tin vào tình hình hiện nay mặc dù họ đã đồng ý ngừng bắn, chúng tôi cảm thấy mong manh về lệnh ngừng bắn này". "Họ đã đồng ý ngừng bắn nhưng vài giờ sau, họ lại bắt đầu giao tranh nhau một lần nữa", Đức Giám Mục Banchong Chaiyara của Ubon Ratchathani nhận xét như thế.

Giáo phận Ubon Ratchathani nằm trên khu đất biên giới xảy ra xung đột, đã làm chết ít nhất tám người, hàng chục người bị thương và hàng trăm nhà cửa ở hai bên giới tuyến bị thiệt hại.

Hôm 19 Tháng Hai, lãnh đạo quân đội Thái Lan đã đàm phán với phó tổng tư lệnh quân đội Căm-Bốt là Hun Manet, con trai thủ tướng Hun Sen, và thống nhất 8 điểm bao gồm: không tham gia vào các cuộc đụng độ vũ trang, không huy động thêm quân hoặc tiếp viện vũ khí hạng nặng cho tiền tuyến, không đối đầu và xây dựng cơ sở trong khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên hôm qua, phương tiện truyền thông báo cáo cho biết thủ tướng Thái Lan Abhisit Vejjajiva đã bác bỏ thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết, trong khi chờ đợi một cuộc họp cấp ASEAN vào ngày mai. (*Căm-Bốt và Thái Lan đều là thành viên của ASEAN - Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á).

"Những gì chúng ta có thể làm bây giờ là cầu nguyện với nhau để mang lại hòa bình vào xã hội của chúng ta", Đức Giám Mục Banchong nói và lưu ý với lãnh đạo tôn giáo của cả hai quốc gia có liên quan.

Đồng thời, "chúng tôi sẵn sàng chuẩn bị để ứng phó với bất kỳ tình huống xung đột nào có thể xảy ra. Chúng tôi đã chuẩn bị cho giáo dân của mình đang sống tại khu vực này, với tinh thần sẵn sàng hỗ trợ cho những ai tị nạn khỏi cuộc đụng độ". "Chúng tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo của cả hai quốc gia đàm phán và đạt đến thỏa thuận bằng biện pháp hòa bình".

Giới chức Giáo Hội và những người khác nhấn mạnh rằng, thỏa thuận gần đây là thỏa thuận duy nhất giữa quân đội hai quốc gia.

Boonnithi Namboon – viên chức của Trung tâm Hoạt động Xã hội thuộc Giáo phận Ubon Ratchathani nói rằng, mặc dù đã có lệnh ngừng bắn, người ta không tin tưởng vào tình hình và vẫn còn sợ hãi, "Hiện nay, chúng tôi đang trong quá trình tạo gây quỹ tương trợ trong cộng đoàn Công giáo".
 
Con số người Công Giáo được rửa tội trên thế giới đã gia tăng 15 triệu
Bùi Hữu Thư
09:03 22/02/2011
Vatican, ngày 19 tháng 2, 2011 / 01:38 pm (CNA/EWTN News).- Theo thống kê chinh thức mới nhất của Giáo Hội Công Giáo, con số người Công Giáo trên thế giới tiếp tục gia tăng lên hàng triệu. Mặc dầu con số người được rửa tội đã gia tăng, các giới chức trong Giáo Hội cho hay ngoại trừ Á Châu và Phi Châu, vẫn còn “nạn khủng hoảng” về ơn gọi vào đời sống tu trì trên toàn thế giới.

Niêm giám Giáo Hoàng 2011 được trình lên cho Đức Thánh Cha Benedict XVI vào buổi sáng ngày 19 tháng 2 bởi một phái đoàn do “nhân vật thứ hai của ngài” hướng dẫn, là Đức Hồng Y Tarcisio Bertone và các thành viên của Văn Phòng Thống Kê Trung Ương của Giáo Hội.

Cuốn niên giám chứa đựng các dữ kiện về các giáo phận và tổ chức, các cơ sở tôn giáo và văn hóa trên toàn cầu. Một số tin tức về những cải tổ mới mẻ tại các giáo phận và các tổ chức mới được thành lập năm 2010 tuy nhiên vẫn tập trung vào thống kê từ 2008 đến 2009.

Con số nổi bật trong niên giám là sự gia tăng về con số người Công Giáo được rửa tội trong hai năm này.

Trong số 2.956 giáo phận trên thế giới, con số gia tăng 15 triệu từ năm 2008. Con số tổng cộng những người đã rửa tội còn sống trên toàn cầu đã lên tới 1.181.000.000 năm 2009.

Bắc và Nam Mỹ chiếm dưới phân nửa con số này. Người Công Giáo Âu Châu chiếm 24 phần trăm, Phi Châu 15 phần trăm và Á Châu trên 10 phần trăm. Con số còn lại không đầy 1 phần trăm sống tại Úc Đại Dương (Oceania).

Con số gia tăng cho tất cả các đại lục đã không được báo cáo trong tài liệu của Vatican.

Niên giám cũng cho hay con số các giám mục và linh mục gia tăng theo tỷ lệ trực tiếp với con số người Công Giáo trên toàn cầu. Trong số 1,3 phần trăm gia tăng người Công Giáo trên thế giới, có 1,3 phần trăm gia tăng cho cả giam mục lẫn linh mục trong khoảng thời gian từ 2008 đến 2009. Năm 2009 có 5.065 giám mục và 410.593 linh mục.

Thống kê cũng cho hay có một con số gia tăng rõ rệt về linh mục trên tất cả các đại lục ngoại trừ Âu Châu, nơi đây con số linh mục triều và dòng đã suy giảm trong thời gian hai năm được nghiên cứu.

Tuy nhiên, sự gia tăng này có lẽ bị lu mờ bởi điều mà các giới chức trong Giáo Hội gọi là một thống kê đáng lo ngại. Con số các tu sĩ đã khấn hứa đã suy giảm trên toàn cầu gần 10.000 và chỉ còn 729.371 người.

Tuyên cáo của Vatican viết: "Do đó nạn khủng hoảng vẫn còn, ngoại trừ tại Phi Châu và Á Châu là hai nơi có gia tăng.”

Thống kê cũng cho thấy con số các phó tế trên toàn cầu đã gia tăng trên 1.000 người và tổng cộng là 38.155 và con số các chủng sinh cũng gia tăng nhờ con số cao hơn tại Phi Châu và Á Châu. Sự suy giảm được ghi nhận tại Âu Châu và tại tất cả các giáo phận tổng hợp của Bắc và Nam Mỹ.

Niên giám 2011chưa được Nhà Xuất Bản Vatican phát hành nhưng sẽ được phổ biến trong những ngày gần đây.

Theo truyền thống, Đức Thánh Cha sẽ nhận được ba ấn bản đầu tiên có bià bọc vải trắng. Niên giám được phổ biến cho quần chúng có bià mầu đỏ, do đó sách này được mệnh danh là “cuốn sách đỏ của Giáo Hội.”

Theo tuyên cáo của Văn Phòng Truyền Thông Toà Thánh, Đức Thánh Cha cám ơn phái đoàn và tất cả các cộng sự viên cho niên giám và tỏ ý hết sức chú ý đến nội dung của cuốn sách.
 
Đại Hội Thánh Thể Italia lần thứ XXV
Linh Tiến Khải
12:40 22/02/2011
Phỏng vấn Đức Cha Alceste Catella, Giám Mục giáo phận Casale Montferrato, Chủ tịch Ủy ban Phụng vụ của Hội Đồng Giám Mục Italia, về Đại Hội Thánh Thế toàm quốc Italia lần thứ XXV

Trong các ngày 3-11 tháng 9 năm 2011 Giáo Hội Công Giáo Italia sẽ cử hành Đại Hội Thánh Thể toàn quốc lần thứ XXV tại Ancona, trung Italia. Đại Hội có đề tài là ”Lậy Chúa chúng con sẽ đến với ai? Thánh Thể cho cuộc sống hằng ngày”. Ngày 11 tháng 9 Đức Thánh Cha Biển Đức XVI sẽ chủ sự thánh lễ bế mạc Đại Hội Thánh Thể.

Trong sứ điệp gửi tín hữu toàn nước Đức Cha Alceste Catella, Giám Mục giáo phận Casale Montferrato, Chủ tịch Ủy ban Phụng vụ của Hội Đồng Giám Mục Italia, mời gọi tín hữu tham dự Đại Hội bằng cách nỗ lực chuẩn bị tinh thần một cách cụ thể. Trước hết là ý thức trở lại vị thế và tầm quan trọng của Bí Tích Thánh Thể trong đời sống Giáo Hội. Thánh Thể là nơi tín hữu gặp gỡ Chúa Giêsu Kitô phục sinh sống động, và kín múc ơn thánh giúp sống đời chứng nhân cho Chúa Phục Sinh trong mọi môi trường sinh hoạt của cuộc sống thường ngày. Nơi Chúa Giêsu Thánh Thể, Lời và bánh cho cuộc sống hằng ngày, tín hữu tìm thấy câu trả lời cho mọi âu lo của con người ngày nay. Bí Tích Thánh Thể bánh nuôi sống tín hữu hằng ngày cũng trở thành nơi ươm trồng các loại ơn gọi khác nhau: linh mục, tu sĩ, giáo dân tận hiến giữa đời, hôn nhân, và truyền giáo.

Nhiều giáo phận vùng Marche, trung Italia, đã hưởng ứng lời kêu gọi này và tổ chức các ngày học hỏi. Điển hình như ”Hiệp hội giáo dân phạt tạ Thánh Thể” vùng Loreto đã tổ chức buổi hội thảo về đề tài ”Thánh Thể, linh hứng và sức mạnh cho dấn thân giáo dục” ngày 19-2-2011. Trong khi giáo phận Senigallia tổ chức chầu Mình Thánh Chúa ngày đêm tại nhà thờ đan viện các nữ tu Biển Đức, và vương cung thánh đường Thánh Tâm. Giáo phận Fabiano-Matelica tổ chức Tuần Thánh Thể vào tháng 3 tới đây với các buổi chầu Thánh Thể trong mọi giáo xứ. Còn giáo phận Ancona-Osimo thì tổ chức 4 buổi thuyết trình về Bi Tích Thánh Thể, bắt đầu từ ngày 23-2-2011 với đề tài ”Thánh Thể và lễ hội”. Trước đó ngày 20-2 đã có ”Ngày giáo phận lần thứ VII gặp gỡ các ca đoàn phụng vụ”. Ủy ban cố vấn gia đình của giáo phận sẽ tổ chức một đại hội ngày mùng 9 tháng 4 với đề tài ”Tính dục và Thánh Thể”.

Đặc biệt Giáo phân Imola chuyẩn bị tinh thần cho Đại Hội Thánh Thể toàn quốc bằng cách làm sống dậy một truyền thống thánh thiện đã có từ 3 thế kỷ nay: đó là thói quen ”chầu Thánh Thể chuẩn bị cho Mùa Chay”, do các tu sĩ dòng Tên phát động hồi thế kỷ XVII trong nhà thờ thánh nữ Agata do các cha trông coi. Trong các ngày từ 13 tháng 2 tới mùng 8 tháng 3, theo lượt trong mọi giáo xứ, tu viện, hay đền thánh lúc 9 giờ sáng đều có Thánh Lễ và sau đó Mình Thánh Chúa sẽ được đặt cho tín hữu chầu cho tới 6 giờ chiều. Ngày chầu Thánh Thể kết thúc với Thánh Lễ ban chiều.

Ba tuần chầu Thánh Thể sẽ kết thúc với Tam Nhật Thánh Thể 6-8 tháng 3, tại nhà thờ thánh nữ Agata, với sự tham dự của Đức Cha Tommaso Ghirelli, Giám Mục Imola.

Sau đây chúng tôi xin gửi tới qúy vị và các bạn bài phỏng vấn Đức Cha Chủ tịch Ủy ban Phụng vụ của Hội Đồng Giám Mục Italia, về Đại Hội Thánh Thể toàm quốc Italia lần thứ XXV.

Hỏi: Thưa Đức Cha Catella, sứ điệp chuẩn bị cho Đại Hội Thánh Thể toàn quốc Italia lần thứ XXV đề nghị suy tư về sự hữu hiệu của Thánh Thể trong cuộc sống thường ngày. Các tư tưởng, tâm tình và cử chỉ cũng như công việc làm thường ngày có tương quan nào với Bí Tích Thánh Thể hay không?

Đáp: Khi cử hành Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sống các kinh nghiệm chính yếu trong việc xây dựng sự nhân bản của con người, tụ tập nhau như là cộng đoàn, thừa nhận nhau như anh chị em. Trong việc cử hành Bí Tích Thánh Thể chúng ta sống Kinh nghiệm lắng nghe và đối thoại, kinh nghiệm trao tặng, tiếp đón và chia sẻ, không gian, thời gian, bánh, rượu... Tất cả những thứ đó đã là ”cuộc sống”, mở rộng cho sáng kiến của Thiên Chúa. Đó lại không phải là một dự án cho một cuộc sống nhân bản và kitô tràn đầy hay sao?

Hỏi: Trung tâm lộ trình hướng tới Đại Hội Thánh Thể là việc trợ giúp con người nhận ra Chúa Giêsu, Lời và bánh cho cuộc sống thường ngày, trong nhiều sứ điệp khác nhau. Con người cao vượt hơn các nhu cầu của nó. Làm thế nào để giúp nó định hướng ước muốn cuộc sống sung mãn, chân lý và sự thánh thiện của nó, thưa Đức Cha?

Đáp: Sứ điệp, qua đó các Giám Mục mời gọi mọi người tham dự Đại Hội Thánh Thể, nhắc nhớ rằng hình ảnh kinh thánh linh hứng cho đề tài của Đại Hội mặc khải cho biết Chúa Giêsu là bánh từ trời xuống, theo hai kiểu: như là Lời của Thiên Chúa và như là Bánh Thánh Thể, hai cách thế hiện diện của Chúa thành hình trong cùng một bàn duy nhất giao thoa nhau và nâng đỡ nhau. Như thế, việc mục vụ phải dấn thân giúp tín hữu tái khám phá ra sự hiệp nhất của Lời Chúa và Thánh Thể, nếu muốn cho việc cử hành Thánh Thể rộng mở cho cuộc sống thường ngày, cho việc chiêm niệm cũng như cho hoạt động. Chỉ như thế, các kinh nghiệm cuộc sống thường ngày thường vụn vặn và phân tán mới kín múc đựơc ánh sáng mới và khác biệt.

Hỏi: Thưa Đức Cha, như vậy đâu là các con đường giúp con người có ý thức đối với Mầu Nhiệm Thánh Thể?

Đáp: Mười năm sắp tới được đề nghị như là lộ trình dấn thân để giáo dục sống Tin Mừng. Đối với tôi, việc cử hành Bí Tích Thánh Thể là một kiểu mẫu giáo dục đặc biệt và phong phú. Một cuộc sống mục vụ khởi hành từ Bí Tích Thánh Thể và dẫn tới Bí Tích Thánh Thể là một dự án mục vụ mạnh mẽ và hùng biện.

Hỏi: Thế rồi, còn có các thực hành tôn giáo cụ thể có nguy cơ bị đóng kín trong các không gian và thời gian thánh thiêng. Làm thế nào để cho việc cử hành Bí Tích Thánh Thể ngày Chúa Nhật có hiệu qủa cụ thể và sự tiếp nối trong cuộc sống thường ngày, thưa Đức Cha?

Đáp: Các phần khác nhau của việc cử hành phụng vụ thánh thể biểu lộ ý nghĩa và lộ trình của tín hữu trong lịch sử. Trong khi họ sống chiều kích cụ thể của lịch sử với các trạng huống khác nhau của nó, các tín hữu là những người được kêu mời kết hiệp với Chúa và trong viễn tượng của sự hiệp thông được cử hành và sống đó, tìm lại tiêu chuẩn định đoạt và mẫu mực phán đoán, để định vị trí của mình trong lịch sử. Đề tài của Đại Hội Thánh Thể ”Lậy Chúa chúng con sẽ đi tới với ai?” thắp lên trong con tim của người tham dự Thánh Thể ánh sáng và dấn thân cho thấy câu trả lời là ở đó, nơi Chúa Giêsu trao ban Lời, Mình và Máu Người cho chúng ta.

Hỏi: Có lẽ nó là môt đề tài nhỏ hơn, nhưng cũng thật là Mầu Nhiệm được cử hành trong Thánh Thể không thể tách rời khỏi vẻ đẹp của phụng vụ: một vẻ đẹp không được coi như một yếu tố trang hoàng đơn sơ, có đúng thế không thưa Đức Cha?

Đáp: Một buổi cử hành đẹp, khi nó được tham dự với tất cả con người của từng tín hữu với toàn cộng đoàn giáo hội. Và dĩ nhiên, chắc chắn là nó cần được giải thoát khỏi mọi nhạt nhẽo, tầm thường, và các ngẫu hứng xúc phạm tới lương tri và sự tinh tế. Đàng khác, cũng không nên nhượng bộ các thái qúa không thích hợp hay các chủ trương hay đẹp không trung thực. Cần phải đạt sự đơn sơ cao qúy như Công Đồng Chung Vaticăng II dậy.

Hỏi: Đối với các Giám Mục, Bí Tích Thánh Thể cho cuộc sống thường ngày cũng là nơi làm nảy mầm các ơn gọi. Trong cách thức nào thưa Đức Cha?

Đáp: Nếu Bí Tích Thánh Thể thực sự thấm nhuần và hiệp nhất toàn cuộc sống con người, thì nó làm cho cuộc sống trở thành nơi lắng nghe Thiên Chúa và tiếp nhận dự án, mà Thiên Chúa có đối với mỗi một người, và nó cũng là nơi trả lời cho dự án đó. Bí Tích Thánh Thể là nơi trao ban được quan niệm như điều cao qúy nhất. Như thế, việc hiểu cuộc sống như là ơn gọi là kết qủa cần thiết. Và chính từ đó nảy sinh ra mục vụ ơn gọi cụ thể. Dấn thân này là nhiệm vụ của các cộng đoàn kitô, nhưng lôi cuốn cả gia đình vào đó nữa, cũng như tất cả những người giáo dục giới trẻ, các kitô hữu dấn thân trong công việc, trong nghề nghiệp, trong lãnh vực chính trị. Từ việc tham dự vào Bí Tích Thánh Thể, có thể nảy sinh ra một cuộc sống tin tưởng khiêm tốn và đáng tin cậy hay không? Từ phía các linh mục và các tu sĩ? Khi đó thì dự án của Thiên Chúa, ”ơn gọi” tới từ Người được lằng nghe và sống!

Hỏi: Đâu là các bước cụ thể mà các giáo phận Italia có thể chu toàn để chuẩn bị cho Đại Hội Thánh Thể toàn quốóc Italia sẽ khai diễn ngày mùng 3 tháng 9 năm nay tại Ancona?

Đáp: Xem ra có thể là lạ lùng, điều mà tôi đã gợi ý. Tôi đề nghị tìm suy tư và đưa ra các đề nghị cụ thể trong tài liệu công bố hồi năm 1967 về ”Mầu Nhiệm Thánh Thể”. Đây là một chỉ thị liên quan tới việc cử hành mầu nhiệm thánh thể”, trong đó các Giám Mục nhấn mạnh sự cần thiết của một cái nhìn tổng hợp nhưng đầy đủ, có cấu trúc và phẩm trật liên quan tới nhiều khía cạnh khác nhau của mầu nhiệm thánh thể. Trong nhãn quan đó Thánh Lễ chiếm chỗ trung tâm. Nó là việc cộng đoàn cử hành tiệc hiến tế của Chúa Giêsu Kitô và là suối nguồn của lòng sùng mộ Thánh Thể. Và Đại Hội Thánh Thể là thời điểm mạnh của việc sùng mộ Thánh Thể trên bình diện cá nhân cũng như trên bình diện cộng đoàn.

(Avvenire 13-2-2011)
 
Công bố Sứ điệp Mùa Chay 2011 của Đức Thánh Cha
LM Trần Đức Anh OP
12:41 22/02/2011
VATICAN - ĐTC Biển Đức 16 mời gọi các tín hữu tái khám phá và sống trọn ý nghĩa bí tích Rửa tội, dựa theo hành trình phụng vụ Mùa Chay, và vượt thắng lòng ích kỷ.

Trên đây là nội dung Sứ điệp của ĐTC nhân dịp Mùa Chay sắp bắt đầu từ Thứ Tư Lễ Tro 9-3 tới đây với chủ đề ”Cùng với Chúa Kitô anh chị em đã được chôn táng trong phép Rửa Tội, và anh chị em cũng được sống lại với Người” (Xc Cl 2,12). Sứ điệp của ĐTC được ĐHY Robert Sarah, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh Cor Unum (Đồng Tâm), và các vị phụ tá, giới thiệu trong cuộc họp báo sáng hôm ngày 22-2-2011, tại Phòng Báo Chí Tòa Thánh. Hiện diện trên bàn chủ tọa còn có bà Myriam García Abisqueta, Chủ tịch tổ chức bác ái ”Manos Unidas” (Những bàn tay liên kết) tại Tây Ban Nha.

Qua Sứ điệp, ĐTC nhắc nhở rằng ”Bí tích Rửa Tội không phải là một nghi thức quá khứ, nhưng là một cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, ảnh hưởng trên toàn thể của sống của người chịu Phép Rửa, mang lại cho họ sự sống thần linh và kêu gọi họ chân thành hoán cải, một cuộc hoán cải được ân thánh khởi sự và nâng đỡ, đưa họ đạt tới tầm mức trưởng thành của Chúa Kitô. Có một mối liên hệ đặc biệt giữa Bí tích Rửa Tội và Mùa Chay như một thời điểm thuận tiện để cảm nghiệm ơn thánh cứu độ”.

ĐTC lần lượt trình bày sự trợ giúp của các bài Phúc Âm đọc trong 5 chúa nhật mùa chay, để chúng ta tiến đến một cuộc gặp gỡ đặc biệt nồng nhiệt với Chúa, bằng cách đưa chúng ta tiến qua các giai đoạn trong hành trình khai tâm Kitô giáo: đối với các dự tòng, điều này diễn ra trong viễn tượng nhắm lãnh nhận bí tích tái sinh, và đối với những người đã chịu phép Rửa, để họ đạt tới những bước tiến mới có tính chất quyết định trong hành trình theo Chúa Kitô và hiến thân trọn vẹn hơn cho Chúa”.

ĐTC cũng khẳng định rằng: ”Sự dìm mình của chúng ta trong cái chết và sự sống lại của Chúa Kitô qua bí tích rửa tội, thúc đẩy chúng ta mỗi ngày giải thoát con tim của mình khỏi gánh nặng của những sự vật chất, khỏi mối liên hệ ích kỷ với trần thế này, liên hệ ấy làm cho chúng ta trở nên nghèo nàn và ngăn cản không để chúng ta sẵn sàng và cởi mở đối với Thiên Chúa và tha nhân.. . Qua những việc thực hành truyền thống như ăn chay, làm phúc, cầu nguyện, là những biểu hiệu của sự dấn thân hoán cải, Mùa Chay dạy chúng ta sống tình thương của Chúa Kitô một cách quyết liệt hơn”.

”Tóm lại, hành trình Mùa Chay, trong đó chúng ta được mời gọi chiêm ngắm Mầu Nhiệm Thánh Giá, chính là ”trở nên đồng hình với cái chết của Chúa Kitô” (Pl 3,10), để thực hiện sự hoán cải sâu xa trong đời sống chúng ta, để cho hoạt động của Chúa Thánh Linh tác động, như thánh Phaolô trên đường Damasco; quyết liệt qui hướng cuộc sống chúng ta theo thánh ý Chúa; giải thoát chúng ta khỏi tính ích kỷ, vượt thắng bản năng muốn thống trị người khác và cởi mở đối với tình thương của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận tiện để nhìn nhận những yếu đuối của chúng ta, chân thành kiểm điểm cuộc sống để đón nhận ơn thánh canh tân của Bí tích Thống Hối và quyết liệt tiến về cùng Chúa Kitô”.

Và ĐTC kết luận rằng: ”Anh chị em thân mến, qua cuộc gặp gỡ bản thân với Đấng Cứu Chuộc chúng ta và qua chay tịnh, làm phúc, cầu nguyện, hành trình hoán cải tiến về Lễ Phục Sinh dẫn đưa chúng ta đến chỗ tái khám phá phép Rửa của chúng ta. Trong Mùa Chay này, chúng ta hãy tái đón nhận Ơn Thánh mà Thiên Chúa ban cho chúng ta trong lúc này, để Ơn Thánh soi sáng và hướng dẫn mọi hành động của chúng ta”.

Trong cuộc họp báo, ĐHY Sarah, người Guinea Equatoriale, trình bày một số hoạt động cứu trợ của tổ chức Cor Unum, cơ quan bác ái của ĐTC, đặc biệt trong những tháng gần đây và ĐHY nhấn mạnh rằng: ”tại Haiti, Sahel, Mỹ châu la tinh và Carabí, cũng như tại bất kỳ nơi nào khác trên thế giới cần có một sự cứu giúp cụ thể, Giáo Hội Công Giáo luôn đi hàng đầu trong việc cứu trợ cấp thiết. Bao nhiêu lần, trong những trường hợp thiên tai, chúng ta đã nhe ĐTC kêu gọi sự can thiệp vật chất của cộng đoàn Giáo Hội và quốc tế, không phân biệt tín ngưỡng, chủng tộc hoặc chính kiến!” (SD 22-2-2011)
 
Các Giám Mục Hoa Kỳ lên án chính phủ Obama ngưng điều khỏan bảo vệ lương tâm cho các nhân viên y tế
Trần Mạnh Trác
18:17 22/02/2011
Viện dẫn lý do là những chỉ dẫn (guidelines) của nhiều qui tắc bảo vệ lương tâm có từ năm 2008 là "không rõ ràng và có khả năng đi ra ngòai phạm vi ấn định", bà Kathleen Sebelius, bộ trưởng Y Tế đã ban hành những pháp lệnh mới trong đó nhân viên Y tế sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi ghi danh để được bảo vệ lương tâm, hoặc khi khiếu nại rằng quyền lương tâm của mình đã bị xâm phạm.

Các quy tắc 2008 là những pháp lệnh của Tổng thống George W. Bush đã ban hành trong những ngày cuối cùng trước khi ông rời tòa Bạch Cung.

Bà Deirdre McQuade, phó giám đốc về Chính Sách và Truyền Thông của Văn Phòng Phò Sự Sống của Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ, đã lên án việc rút bỏ sự bảo vệ của liên bang cho các nhân viên y tế khi họ phản đối một phương pháp điều trị nào đó trên cơ sở đạo đức

Phát biểu sự thất vọng với những biên pháp mới, bà tuyên bố: "những pháp lệnh ban hành hôm nay đã loại bỏ những giải thích quan trọng có thể giúp việc thực thi các đạo luật liên bang đã có từ lâu để bảo vệ quyền lương tâm của các nhân viên y tế".. .. "Nó cũng loại bỏ những điều khỏan kiểm tra về những người thụ hưởng tiền quỹ liên bang có phù hợp với quy chế hay không."

Hội đồng Giám mục Công giáo Hoa Kỳ đã mạnh mẽ ủng hộ pháp lệnh năm 2008. Lúc đó bà McQuade đã ca ngợi những pháp lệnh đó (2008) như là một "thực hiện rất cần thiết cho những điều luật đã có từ lâu đời", và làm sáng tỏ ý nghĩa của những điều luật hiện hành cũng như làm sáng tỏ cách thức thi hành.

Trong bản thông cáo, Bộ Y tế vẫn nhấn mạnh rằng sự huỷ bỏ một số điều lệ hiện hành không có ý làm tổn thương tới luật bảo vệ quyền lương tâm của các nhà cung cấp chăm sóc sức khỏe.

Phân tích pháp lệnh mới, người ta nhận thấy chúng vẫn duy trì sự bảo vệ quyền lương tâm cho nhân viên y tế trong các lãnh vực liên hệ đến phá thai và triệt sản. Tuy nhiên, chúng bãi bỏ những bảo vệ liên quan đến thụ tinh nhân tạo, tránh thai (bao gồm cả việc làm hư thai bằng hóa chất), và trên những lãnh vực đạo đức khác còn gây tranh cãi.

Vì một số cơ chế thực thi các quyền của nhân viên y tế 'sẽ vẫn còn tại chỗ' bà McQuade cho rằng, những biện pháp mới của chính quyền Obama vẫn còn để dành một số "lý do để hy vọng" mặc dù "có nhiều thất vọng" nói chung.

"Chính quyền cho biết họ sẽ chủ động nâng cao sự nhận thức của các đạo luật lương tâm, sẽ làm việc để đảm bảo có sự tuân hành cho phù hợp, và những tài trợ của chính phủ sẽ phải rõ ràng đòi hỏi việc tuân thủ quyền lương tâm là cần thiết," McQuade lưu ý.

"Chúng tôi mong được làm việc với chính quyền và Quốc hội để đảm bảo rằng những nỗ lực này được thực hiện, nhờ đó, các nhân viên y tế được hưởng sự bảo vệ lương tâm đầy đủ như đáng lẽ họ đã có quyền được hưởng."

Bà McQuade cũng nhắc lại hy vọng của các giám mục là chính quyền Obama sẽ "hỗ trợ những nỗ lực đang có trong Quốc hội nhằm làm sáng tỏ sự bảo vệ lương tâm và làm cho chúng an toàn hơn" thông qua một số dự luật đang được đệ trình như Protect Life Act (Bảo vệ sự sống), No Taxpayer Funding for Abortion Act (không dùng tiền thuế để tài trợ phá thai), và Abortion Non-Discrimination Act. (không phân biệt đối xử trong vấn đề phá thai.)
 
Tin Giáo Hội Việt Nam
Giáo xứ Cà Tang, một ngày đặc biệt
Lm Giuse Nguyễn Hữu An
09:18 22/02/2011
PHAN THIẾT - Lễ tạ ơn kỷ niệm ngày chịu chức linh mục là một nhắc nhớ về hồng ân và sứ vụ.

Xem hình ảnh Lễ Tạ Ơn

Hôm nay 22.2.2011, Lễ Lập Tông Toà Thánh Phêrô, Giáo xứ Cà Tang,Giáo Phận Phan Thiết tổ chức lễ tạ ơn, ghi nhớ 5 năm lãnh tác vụ của 11 linh mục. 5 Linh mục tốt nghiệp khóa VI Đại Chủng viện Thánh Giuse Sài gòn; 6 Linh mục tốt nghiệp khoá bổ túc Đại chủng viện Sao biển Nha trang. Đây cũng là dịp mừng Bổn mạng giáo xứ vừa tròn 1 năm thành lập. Tên Cà Tang nghe rất lạ mang âm hưởng ngôn ngữ “Sắc tộc thiểu số”.

Cha Hạt trưởng,FX Phạm Quyền chủ tế. Cùng đồng tế thánh lễ có các cha bạn bè thân quen. Đông đảo hội viên nhóm lòng thương xót và cộng đoàn giáo dân chung lời tạ ơn.

Lớp linh mục năm 2006 có những nét đặc biệt.

- Đây là đợt phong chức linh mục đông nhất kể từ ngày thành lập giáo phận.
- Có một khoảng cách khá xa về tuổi đời và tuổi tu của các cha mới. Cha trẻ nhất mới ngoài 30, cha lớn nhất ngoài 60. Có cha 16 năm tuổi tu, có cha hơn 40 năm “ăn cơm Nhà Chúa”.
- Có 6 cha đã gần 60 tuổi, hơn 30 năm làm Thầy giúp xứ, 20 năm chờ đợi ngày lãnh nhận thiên chức linh mục. Một hành trình rất dài, kiên trì, bền đỗ, thật đáng khâm phục.
- Cha Quang Hùng là bạn học với Đức Cha Giuse Nguyễn Chí Linh từ thời Tiểu chủng viện.
- Cha Xuân Anh khi làm Thầy giúp xứ đã là nghĩa phụ của Linh mục Phêrô Nguyễn Tấn Luật. Con chịu chức trước bố 4 năm !

Giảng trong thánh lễ, cha Phaolô Hoàng Kim Tốt chia sẽ những tâm tình thân thương với anh em linh mục.

Hôm nay chúng ta có nhiều ý lễ để dâng, để cầu nguyện:

- Cùng với Giaó hội chúng ta mừng kính lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô,
- Lễ bổn mạng của Gx Cà Tang
- Cũng chính ngày hôm nay cách đây 5 năm, 11 Thầy Phó Tế được Chúa chọn nâng lên hàng mục tử, cùng với các chủ chăn trong Giaó hội để lo cho đoàn chiên Chúa Kitô.

Cộng đoàn Phụng vụ và nhất là Gx Cà Tang hiệp thông cùng vơi 11 cha tạ ơn Thiên Chúa trong ngày này.

Khi chọn ngày Lễ Lập Tông Tòa Thánh Phêrô làm bổn mạng cho một Giáo xứ và làm ngày phong chức cho một số linh mục, Đức Giám Mục Giáo phận nhận thấy có mối tương quan, ý nghĩa sâu xa giữa sứ vụ linh mục và ngày lễ cũng như cuộc đời thánh Phêrô Tông Đồ.

Trên internet có đăng tải một câu chuyện vui về “học bạ của Giêsu Nazareth”:

Trường Simêon Nazareth đã gửi cho Ông Bà phụ huynh Giuse và Maria kết quả học lực 15 môn của trò Giêsu, một kết quả không mấy tốt đẹp. Chẳng hạn:

- Môn toán thì không làm được bài nào: toán cộng không biết cộng, cứ khẳng định mình cộng với Cha bằng một; toán nhân cũng vây, chỉ biết nhân bánh và cá lên nhiều lần mà thôi.
- Về văn học thì chẳng có gì sáng sủa, nói cái gì cũng bằng dụ ngôn.
- Môn vệ sinh thì quá tệ: trộn bùn với nước miếng rồi bôi lên mắt người ta
- …

Đó là câu chuyện vui thôi nhưng nó cũng nói lên con người kỳ lạ của Chúa Giêsu.

Mà Chúa Giêsu cũng lạ thật. Ngài đã từng nói rằng: “người khôn xây nhà mình trên đá…, người dại thì xây nhà mình trên cát…” Ấy thế mà hôm nay Chúa Giêsu cho xây cả một tòa nhà Hội Thánh dựa trên ông Simon Phêrô. Qua Thánh Kinh chúng ta thấy Simon Phêrô là hạt cát hơn là tảng đá:

- Mới tuyên xưng Thầy là Đức Kitô, vài phút sau ngăn cản đường lối của Thầy, đến nỗi bị thầy mắng là Satan, hãy xéo đi. (Đúng là hạt cát!). Phút trước còn mạnh dạn đi trên mặt nước, phút sau đã sợ hãi chìm lỉm ! (Thật sự là hạt cát!)

- Trong bữa tiệc ly thì mạnh miệng thề thốt trung thành với Thầy, nào là: “Dầu tất cả có vấp ngã vì Thầy đi nữa, thì con đây cũng chẳng bao giờ vấp ngã”(Mt.26,33); nào là: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy”(Mt.26,35)…Thế nhưng, chuyện gì đã xảy ra đêm hôm ấy ? Tất cả chúng ta đều có thể nhớ rõ…Đêm hôm ấy, không ai bắt ông phải chết với Chúa, cũng không có một quyền bính nào tra hỏi ông; chỉ có mấy đứa đầy tớ của vị Thượng phẩm, một nam hai nữ, gặng hỏi ông mấy câu bâng quơ “người này cũng ở trong nhóm của ông ấy !”…Thế là ông bai bải chối luôn 3 lần: “Tôi không biết người ấy là ai !” Lại còn thề độc nữa chứ ! (Mt.26,69-75). (Hiện nguyên hình là hạt cát!).

Quả thật, tự sức mình, Phêrô chỉ là hạt cát, con người Phêrô là thế đấy !

Hạt cát Phêrô đã phải sa ngã biết bao nhiêu lần trước khi trở nên Đá Tảng rắn chắc…

Thế nhưng, tại sao hạt cát Simon bỗng chốc trở thành Tảng Đá Phêrô ?

- Đó chính là nhờ công trình TỬ NẠN và PHỤC SINH của Chúa Kitô. Vâng, chính Mầu Nhiệm Phục Sinh đã biến đổi con người Phêrô cũng như các Tông đồ, từ những con người yếu hèn, nhát sợ, trở nên những con người can đảm phi thường. Đức Hồng Y Fulton Sheen đã không vô lý khi xác tín rằng: “Sứ điệp Phục Sinh có nghĩa là Thiên Chúa có thể biến đổi một cô gái điếm như Maria Madalena thành người môn đệ, và biến đổi một cây sậy dập nát như Simon thành Tảng Đá Phêrô”.
- Cũng chính là nhờ ở TÌNH MẾN mà Phêrô đã dành cho Thầy mình: “thưa Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy; Thầy biết mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy”…
- Còn chính là nhờ sự TÍN NHIỆM và TÌNH THƯƠNG mà Chúa Giêsu đã dành cho ông: “Hãy chăm sóc đàn chiên của Thầy”. Đây là cơ hội thứ hai, cơ hội ân huệ, cơ hội làm lại cuộc đời. Tựa như một học sinh thi rớt được ưu ái dành cho cơ hội thi lại, Phêrô đã tận dụng cơ hội thứ hai này để trở thành tảng đá. (Nếu chỉ xét trên cơ hội thứ nhất thì Phê rô cũng chỉ như Giuda thôi)

Giáo xứ Cà Tang đây như bao giáo xứ khác, cùng với đoàn chiên trong đó, cũng chỉ là những con chiên lạc giữa hằng bao con chiên khác trong đoàn chiên của Chúa Kitô. Và 11 Anh Em đây, kỷ niệm 5 năm linh mục hôm nay, như hằng bao linh mục khác, cũng ví như những hạt cát trong sa mạc, như những giọt nước giữa biển khơi…

Chúa chọn rồi đó, lên hàng giáo xứ rồi đó, lãnh nhận thánh chức linh mục rồi đó, nhưng để trở thành Đá Tảng rắn chắc của Chúa, không phải một sớm một chiều là có được, càng không phải khi mang trong mình chức danh linh mục, chức vụ này chức vụ nọ là có được.

Xin có mấy tâm tình để nói riêng với 11 Anh Em kỷ niệm 5 năm linh mục, và cũng là nói cho chúng tôi:

Anh Em linh mục chúng ta không thể hơn Phêrô.

- Nếu 5 năm linh mục qua đi trong bình an hạnh phúc, không để lại tiếng xấu nào; làm được công trình này, xây được công trình kia; rửa tội được nhiều người; đem người ta trở lại với Chúa rất đông…thì đó là những điểm son, chúng ta hãy cám ơn Chúa. Thánh Phêrô cũng đã từng đạt được những điểm son như thế: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới” và mẻ lưới đầy ắp cá; đặc biệt hôm nay, ai nói được như Phêrô: “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”…
- Còn nếu 5 năm qua, lòng chúng ta vẫn chưa hạnh phúc bình an; làm cái gì cũng bị chê, bị bôi nhọ, cả bị vu khống nữa; Bầu nhiệt huyết của những năm đầu đời linh mục được tung ra hết cỡ, để thực hiện bao mơ ước ấp ủ trong lòng từ lâu, bị đồng nghiệp bĩu môi, bị giáo dân con chiên kêu trách, có khi bị cả Bề trên hiểu lầm…

Thưa Anh Em, nếu Giuđa không một sớm một chiều mà phản bội, nếu Phêrô không tức khắc thành Tảng Đá rắn chắc, thì chúng ta cũng thế, không thể một sớm một chiều trở thành người mục tử hữu hiệu. Có không ít linh mục sau khi qua đời thì công việc của các ngài mới được chấp nhận, mới được tuyên dương, huống nữa mới chỉ 5 năm ! Tựa như Phêrô, chúng ta vẫn còn rất nhiều cơ hội thứ hai, không phải một cơ hội thứ hai mà thôi, nhưng có thể có cả trăm, cả ngàn cơ hội thứ hai để chúng ta bắt đầu lại. Đó chính là ý nghĩa của chữ sách Tin Mừng của Tin Mừng. Và cũng tựa như Phêrô, ta hãy khiêm tốn phó thác và tin tưởng vào Chúa Giêsu, để tận dụng cơ hội thứ hai mà Ngài ban tặng cho ta.

Với tôi, hiệp thông trong thánh lễ sáng nay,cùng giang tay cầu nguyện, tôi nhớ đến một bài suy niệm về đôi tay linh mục của Lm Đaminh Nguyễn Ngọc Long.

Đôi tay linh mục là dụng cụ Thiên Chúa dùng để chiếu tỏa ban phát chúc lành của Người cho trần gian. Ngày lãnh nhận chức Linh mục, đôi bàn tay của ứng sinh Linh mục được xức Dầu thánh hiến. Đây là dấu hiệu cho phép Linh mục được ban các Bí tích biểu hiệu cho sự gần gũi cùng lòng trung thành của Thiên Chúa với con người.Trong suốt cuộc đời Linh mục, mỗi khi cử hành các Bí tích, ngài đều dùng đôi tay đã xức Dầu thánh hiến mà ban phát.Khi ban Bí tích Rửa tội cho trẻ em, cho người lớn, Linh mục cũng dùng đôi tay múc nước tưới dội trên đầu cùng xức Dầu Thánh cho em bé, cho người lãnh nhận Bí tích rửa tội.Khi dâng Thánh Lễ, linh mục cũng dùng đôi bàn tay cầm Tấm Bánh, Chén rượu lễ giơ lên, cầm Mình Thánh Chúa trao cho người tới tiếp rước Tấm Bánh Thánh Thể Chúa, rồi sau lễ ban Phép Lành kết lễ của Chúa cho tín hữu Chúa.Khi những em bé cùng với cha mẹ lên trước bàn thờ rước lễ, Linh mục cũng dùng bàn tay ban phép lành vẽ hình Thánh gía trên trán cho chúng.Ngày đôi Bạn trẻ dắt tay nhau đến trước bàn thờ Chúa trao cho nhau Bí tích hôn nhân, linh mục cũng giang đôi tay ra đọc lời chúc lành của Chúa cho họ.Trong tòa giải tội, linh mục giơ tay chúc lành đang khi đọc lời tha tội của Giáo Hội cho người đến xin hòa giải cùng Thiên Chúa.Đến thăm người bệnh yếu đau, linh mục dùng bàn tay xức Dầu Thánh xin ơn tha thứ và củng cố sức mạnh tâm hồn đức tin cho người đau yếu.Chưa hết, linh mục còn dùng đôi tay của mình xoa dịu an ủi những người trong bước đường lâm gặp cảnh sầu khổ họan nạn.Đôi tay của linh mục được xức Dầu Thánh hiến ngày chịu chức linh mục cho công việc phụng tự thờ kính Thiên Chúa và phép lành của Người. Và qua đôi tay đó tình yêu thương lòng khoan dung của Thiên Chúa chiếu tỏa đến với con người trong trần gian. Trong mỗi Thánh Lễ, linh mục dang đôi tay đọc lời kinh nguyện Thánh Thể kêu khấn lòng khoan dung của Chúa: “ Chúa đã cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước tôn nhan và phụng sự Chúa”. Lời kinh này không chỉ nói lên tâm tình tạ ơn, nhưng còn nhìn nhận việc tế lễ phụng thờ Thiên Chúa bắt nguồn từ nơi Đấng đã kêu gọi ban cho chức linh mục.Trong lúc truyền chức Linh mục, Đức Giám Mục chủ tế thinh lặng nhân danh Thiên Chúa và Giáo Hội đặt đôi tay trên đầu ứng sinh linh mục.Cử chỉ đặt tay, theo nguồn gồc trong Kinh Thánh Cựu ước là hành động của chúc phúc lành. Cử chỉ này còn mở rộng ra hơn nữa: Không chỉ ứng sinh linh mục nhận được chúc lành. Nhưng chúc lành của Thiên Chúa còn lan tỏa rộng sang tới những người khác từ đôi bàn tay chúc lành của linh mục. Linh mục là người được Thiên Chúa đặt tay chúc lành, và cũng là người dùng đôi tay mang chuyển chúc lành của Thiên Chúa tiếp cho người khác nữa.Trong đời sống con người, ai cũng có những kỷ niệm ghi khắc sâu đậm trong tâm hồn. Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của đôi bạn trẻ nam nữ ngày thành hôn là lời ưng thuận họ trao cho nhau.Kỷ niệm thánh đức sâu đậm của ngày truyền chức linh mục là giây phút thinh lặng lúc đức Giám Mục nhân danh Thiên Chúa đặt tay trên đỉnh đầu truyền chức linh mục. Như thế, đôi tay này gắn liền với việc mục vụ tế tự của Linh mục. Và cũng không kém phần quan trọng trong công việc mục vụ cùng tế tự của linh mục là việc cầu nguyện trong thinh lặng trước mặt Thiên Chúa cho chính mình cùng cho người khác. Cho dù việc cầu nguyện trong thinh lặng với Thiên Chúa vô hình nhiều khi gặp khó khăn nặng nề xác thịt cùng bệnh tật của thân xác, và cả về tinh thần trí khôn nữa. Nhưng có lẽ đó là dịp cơ hội tốt cho linh mục suy nghĩ học hỏi tập sống lòng khiêm nhượng về những công việc mục vụ với chính bản thân mình, với người khác, cùng với những mầu nhiệm của Thiên Chúa trong đời sống ở trần gian.

Hiệp ý tạ ơn với Giáo xứ Cà Tang vừa tròn một tuổi. Hiệp thông với quý anh em ngày kỷ niệm 5 năm sống sứ vụ linh mục. Xin dâng lời cảm tạ Thiên Chúa và xin Chúa thương gìn giữ đời linh mục của anh em chúng ta.

Nghe bản nhạc: Là Linh Mục - Sáng tác: Lm Nguyễn Hữu An, Thơ: Trà Lũ, Trình bày: Ca sĩ Tâm Linh