Ngày 20-02-2025
 
Phụng Vụ - Mục Vụ
Mỗi Ngày Một Câu Danh Ngôn Của Các Thánh
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:54 20/02/2025

55. Anh hãy hết sức tán tụng ca ngợi Thiên Chúa đi, Ngài siêu việt vượt qua tất cả những lời tán tụng của con người.

(Thánh Thomas Aquinas)

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Mỗi Ngày Một Câu Chuyện
Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.
01:57 20/02/2025
71. BÍ MẬT CỦA LÊN ĐỒNG

Con người ta vì để trừ khử bệnh tật, tà ma ác thần, nên thường làm một việc mê tín gọi là lên đồng.

Ở miền bắc (Trung Quốc), người nữ lên đồng thì gọi là cô đồng, người nam lên đồng thì gọi là ông đồng. Có một ông đồng nọ có một đệ tử, một hôm có người đến mời ông ta lên đồng nhưng không may ông đồng vắng nhà, còn tên đồ đệ thì mới học biết đánh trống xướng ca mà thôi, bởi vì sư phụ chưa truyền cho anh ta bí quyết mời thần linh nhập vào mình, nhưng anh ta cũng vò đầu gắng gượng đi ngồi đồng.

Anh ta vừa hát vừa nhảy nhưng không thấy thần linh nhập vào mình, anh ta nhảy múa loạn xạ và nói những lời tầm phào không ai hiểu gì cả, mặc dù vậy cũng được gia chủ thù lao tiền bạc.

Về đến nhà nhìn thấy ông đồng thì luôn miệng nói:

- “Quá khổ, quá khổ”.

Sau đó đem chuyện lên đồng kể cho sư phụ nghe.

Ông đồng kinh ngạc nói:

- “Đồ đệ, con làm sao mà biết được phương pháp ấy, thầy cũng vẫn thường làm như vậy đó !”

(Tiếu Tán)

Suy tư 71:

Con người ta sức lực và trí óc có hạn nên thường tin vào những chuyện nhảm nhí, mà việc làm phổ thông nhất là lên đồng để tin vào âm hồn và ma quỷ...

Làm những việc dị đoan là chuyện của những người không có đức tin chân thật, và là việc của những người lợi dụng việc tin dị đoan của người khác để kiếm sống, mà việc lợi dụng thần thánh thì dễ “lừa” người khác nhất.

Điều răn thứ nhất trong mười điều răn Đức Chúa Trời có dạy rằng: “Thứ nhất thờ phượng một Đức Chúa Trời và kính mến người trên hết mọi sự”.

Thờ phượng một Thiên Chúa trên hết mọi sự, nhưng có những người Ki-ô hữu thích cùng với bạn bè lên đồng xuống đồng, và có khi cùng với người yêu đi đến chùa lễ phật bằng không thì sợ người yêu giận, họ quên mất điều răn thứ nhất mà Thiên Chúa đã dạy, vì họ không còn tin Thiên Chúa nữa, họ không còn coi Thiên Chúa là Cha trên trời của mình nữa, trái lại họ đã làm một việc mà bất kỳ người con nào cũng không dám làm, đó là bất hiếu không nhìn nhận người sinh ra mình là cha đẻ của mình...

Khi người Ki-tô hữu đi bái lạy bụt thần dưới bất kỳ hình thức nào cũng đều là những đứa con bất hiếu bất kính với Thiên Chúa, và gián tiếp hay trực tiếp phủ nhận Thiên Chúa không phải là Thiên Chúa của mình...

Lên đồng là chuyện bịp bợm của ma quỷ, là phủ nhận Thiên Chúa là cha và nhận ma quỷ là cha của mình, người Ki-tô hữu biết rất rõ điều này.

Lm. Giuse Maria Nhân Tài, csjb.

(Dịch từ tiếng Hoa và viết suy tư)


----------

http://www.vietcatholic.net

https://www.facebook.com/jmtaiby

http://www.nhantai.info
 
Ngày 21/02: Thập Giá – Sự Sống Đích Thực – Lm. Giuse Trần Châu Đông – TGP Melbourne
Giáo Hội Năm Châu
01:58 20/02/2025

Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

Khi ấy, Đức Giê-su gọi đám đông cùng với các môn đệ lại. Người nói với họ rằng: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Vì được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì người ta nào có lợi gì? Quả thật, người ta lấy gì mà đổi lại mạng sống mình? Giữa thế hệ ngoại tình và tội lỗi này, ai hổ thẹn vì tôi và những lời tôi dạy, thì Con Người cũng sẽ hổ thẹn vì kẻ ấy, khi Người ngự đến cùng với các thánh thiên thần, trong vinh quang của Cha Người.”

Đức Giê-su còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực.”

Đó là lời Chúa
 
Mơ ước như Ngài ước mơ
Lm Minh Anh
15:29 20/02/2025
MƠ ƯỚC NHƯ NGÀI ƯỚC MƠ
“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”.

“Tôi ước đủ trung thực để thừa nhận mọi khiếm khuyết; đủ thông minh để phân định lời tâng bốc; đủ cao để đứng trên sự dối trá; đủ mạnh để trân trọng tình yêu; đủ dũng cảm để đón nhận lời chỉ trích; đủ từ bi để hiểu yếu đuối của người khác; đủ sáng suốt để nhận lỗi; đủ khiêm tốn để đánh giá sự vĩ đại; đủ công chính để tận hiến cho Chúa; và đủ quảng đại để nên giống Chúa Kitô, hầu có thể mơ ước như ngài ước mơ!” - G. Taggart.

Kính thưa Anh Chị em,

Giấc mơ của Taggart được gặp lại trong Tin Mừng hôm nay. Nó đặt ra một câu hỏi căn bản, “Bạn có muốn theo Chúa Kitô không?”; nói cách khác, “Bạn có muốn trở nên con người mà Chúa muốn bạn trở thành hầu có thể ‘mơ ước như Ngài ước mơ?’”.

Trừ khi câu hỏi này được trả lời trước, phần còn lại của những gì Chúa Giêsu nói sẽ không ảnh hưởng gì đến bạn và tôi! “Ai muốn theo tôi” tiết lộ rằng, ước muốn đi theo Chúa Kitô thường không phải là bước đầu tiên mà là bước cuối cùng! Bước đầu tiên là hiểu biết sự thật và yêu mến nó; bước thứ hai là làm theo những gì đã chọn; và bước thứ ba, sống và ‘mơ ước như Ngài ước mơ’ - vì lẽ - ân sủng Chúa Kitô đã tác động và bắt đầu biến đổi. Vậy, bạn sẽ “ước” điều gì một khi đã quyết định đi theo Chúa Kitô? Bạn sẽ ước muốn cả những gì Chúa Giêsu tiết lộ tiếp theo, đó là ước ao từ bỏ chính mình, vác thập giá và bước theo Ngài mỗi ngày. Bạn có thực sự ước được điều đó?

Thật dễ dàng để khao khát yêu và được yêu; tất cả chúng ta đều thích những lời tử tế và quan tâm, cả khi cho và khi nhận chúng. Nhưng một khi tình yêu Chúa Kitô đòi hỏi chúng ta hướng đến sự vị tha và hy sinh ở một cấp độ cao hơn - hoặc cao nhất - và nếu bạn làm được thì đây chính là sự hoàn hảo của tình yêu! Nói cách khác, chúng ta được mời gọi để yêu thương mà không cần cân nhắc giá phải trả hay những đòi hỏi mà tình yêu đặt ra. Chúng ta được mời gọi yêu thương cả những gì đau đớn và gai góc một khi đó là ý muốn của Chúa. Ý muốn của Ngài hẳn bao gồm mọi hy sinh, ngay cả cái chết. Và như thế, tình yêu đích thực của chúng ta với Ngài - cuối cùng - là ‘mơ ước như ngài ước mơ!’.

Anh Chị em,

“Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo!”. Việc theo Chúa Kitô của bạn đòi hỏi một sự sẵn sàng đón nhận; thậm chí khao khát tất cả những gì ‘việc đi theo’ đó đòi hỏi! Chính Chúa Kitô và Thánh Thần của Ngài sẽ đặt ước muốn tốt lành ấy trong bạn. Hãy nói “Có” với Ngài, với Thập Giá của Ngài. Cuối cùng, bạn sẽ mãi mãi biết ơn chính mình về những gì đã làm! Và như thế, bạn đã đạt đến mức độ yêu thương mà qua đó, ước muốn hiến thân hoàn toàn cho Ngài mà không tính toán, dè giữ; thậm chí ước muốn cả những hành vi toàn hiến như Ngài, Đấng đã ôm lấy thập giá đời mình mà không do dự vì tình yêu Chúa Cha và tình yêu nhân loại; trong đó, có bạn và tôi!

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, con muốn nên giống Chúa! Dạy con bỏ mình mỗi ngày - từ việc nhỏ cho đến việc lớn - ý Chúa, không phải ý con; hầu con có thể ‘mơ ước như Ngài ước mơ!’”, Amen.

(Tgp. Huế)
 
Yêu kẻ thù
Lm Thái Nguyên
15:36 20/02/2025

YÊU KẺ THÙ
Chúa Nhật 7 Thường Niên năm C : Lc 6, 27-38
Cầu nguyện

Sách Samuel thuật lại chuyện vua Saun dẫn một đạo quân đông tới ba ngàn người đi lùng giết Đavít. Một đêm kia, Saun nằm ngủ mê mệt trong trại thì Đavít đột nhập vào. Người tùy tùng của Đavít thấy đây là dịp may hiếm có nên xúi Đavít giết vua Saun. Nhưng Đavít chỉ lấy cây giáo của Saun, rồi sang phía bên kia hô lớn để Saun biết, và yêu cầu cho người sang lấy lại ngọn giáo. Việc này khiến vua Saun cảm động, và biết rằng Đavít sau này sẽ là người hoàn thành nghiệp lớn.

Đức Giêsu hôm nay dạy ta phải yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét mình. Đây là điều hết sức khó khăn, nhưng với sức mạnh của ý chí và ơn thánh Chúa, chúng ta tin rằng mình sẽ thực hiện được lệnh truyền này mỗi ngày trọn vẹn hơn. Lịch sử đạo cũng như đời, thời nào cũng vẫn có những tấm gương như thế. Hơn nữa, đời sống con người phải có lý tưởng để vươn lên, không thể sống tầm thường, thô thiển theo bản năng tự nhiên. Lý tưởng của chúng ta là hoàn thiện như Cha trên trời, “Đấng vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác”.

Nếu cứ theo bản năng tự nhiên thì ai cũng muốn phục thù, nhưng “Lấy oán báo oán, oán chập chùng”. Khi chọn thái độ báo thù là ta bị thù hận làm nhiễm độc. Trả thù có thể thỏa mãn sự tức giận của ta, nhưng lại làm con tim ta trống rỗng, nhân tính bị hư hại, và nhân cách ra hư hỏng. Khi nuôi lòng hận thù hay muốn trả thù, ta không chỉ tiêu hao nhiều năng lực, làm tổn hại thể chất, mà còn mất đi bình an và hạnh phúc đời mình. Chỉ có ánh sáng mới xoá tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới dập tắt được hận thù. Nếu lòng thù hận làm tiêu hao năng lực thì lòng yêu thương lại tăng cường nghị lực trong ta. Oscar Wilde viết : "Khi Chúa Giêsu dạy hãy tha thứ cho kẻ thù là Ngài không nhằm đến lợi ích của kẻ thù mà nhắm đến lợi ích của chính bản thân ta”.

Yêu thương kẻ thù là trang sức cao cấp của tinh thần, làm cho đời ta thêm cao đẹp, và góp phần làm cho cuộc sống mỗi người thêm cao quí. Nếu ta không sống theo lời Chúa Giêsu dạy, phản ứng dây chuyền của sự ác là hận thù sẽ tăng thêm hận thù, bạo lực sẽ kéo theo bạo lực, và tất cả chúng ta sẽ rơi vào hố diệt vong. Ai cũng muốn tiêu diệt kẻ thù cho hả giận, nhưng biến thù thành bạn mới là cách tiêu diệt kẻ thù một cách trí tuệ nhất. Đó chính là sức mạnh của tình yêu, sức mạnh có tính sáng tạo và cứu độ. Chúa Giêsu đã làm như vậy khi Ngài xin Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, vu khống và nhục mạ mình (x. Lc 23, 34).

Chắc chắn Đức Giêsu không đòi ta yêu kẻ thù như yêu người thân, không thể yêu bằng tình cảm nhưng có thể yêu bằng hành động. Yêu là làm ơn, là chúc phúc, là cho vay mượn. Yêu là cầu nguyện và làm điều tốt cho kẻ thù. Chính những hành động tốt lành sẽ làm ta yên lòng và kẻ thù cũng sẽ mềm lòng. Dù sao cũng phải giải tỏa những bất bình trong lòng mình trước để không còn chấp nhất nữa. Vấn đề không nằm ở kẻ thù mà nằm ở phản ứng của chính mình. Ai cũng có quyền lựa chọn một phản ứng, tại sao không thể lựa chọn một phản ứng tốt hơn?

Thật ra kẻ thù nhiều khi đáng thương hơn đáng ghét, vì hành động vô tình chứ không cố ý, vì không làm chủ nổi mình, vì chỉ nhận thức tới mức độ đó, chưa thể sống tốt hơn… Nếu có cái nhìn hiểu biết và cảm thông như thế, ta sẽ khai phóng được những năng lực tiêu cực trong mình, và có một tâm thế mới để nhìn kẻ thù như người anh em, và tìm cách giao hảo bằng những cử chỉ và thái độ thân thiện. Cố gắng làm như vậy không phải vì giả bộ hay nhượng bộ trước kẻ xấu, nhưng là một nỗ lực thắng vượt tình cảm tự nhiên. Ðó không phải là hành vi của kẻ yếu, nhưng là dấu hiệu của tính quả cảm và lòng bao dung của kẻ mạnh, là người đã vượt khỏi vòng tranh chấp để sống vô chấp.
Thế giới văn minh không phải là những tiến bộ của khoa học hay kỹ thuật bên ngoài, nếu chỉ dựa vào đó thì con người vẫn chưa thành người, nhưng chủ yếu là những chiến thắng của con người trên lòng dạ ích kỷ của mình. Nhân cách của con người phải được nâng cao, phẩm hạnh của con người phải được tỏa sáng, tâm hồn con người phải khao khát sự thiện, thì mới bảo đảm một nền văn minh bền vững.
Hơn nữa, chúng ta còn có lý do và động cơ siêu nhiên trong việc yêu kẻ thù, đó là Thiên Chúa sẽ đối xử với ta như ta đối xử với tha nhân: xét đoán sẽ bị xét đoán, tha thứ sẽ được tha thứ, lên án sẽ bị lên án, cho đi sẽ được cho lại… Còn động cơ nào cao cả cho bằng chính lời hứa của Chúa Giêsu:“Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao". Là con, nên chúng ta phải là hình ảnh sống động của một Thiên Chúa đầy lòng nhân từ, là kiến tạo sự an vui hòa bình cho thế giới ngay xung quanh mình.

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Chúa đã dạy chúng con yêu kẻ thù,
nhưng xem ra làm điều này rất khó,
vì có những tổn thương quá nặng nề,
và kẻ ác dường như vẫn hả hê.
Nhưng nếu con không yêu thương như thế,
thì tâm con vẫn cứ mãi u mê,
nếu con không chiến thắng được hận thù,
thì đời con vẫn chưa là Kitô hữu.
Yêu thương là lý tưởng vươn lên mãi,
không thể dừng ở một mức độ nào,
dù kẻ thù gây thiệt hại ra sao,
con vẫn phải bao dung và nhân hậu.
Yêu kẻ thù không thể bằng tình cảm,
nhưng Chúa mời con yêu bằng hành động,
là làm ơn làm phúc sống hiệp thông,
xin cho họ mọi điều lành điều tốt.
Cho con biết nhìn Chúa trên thập giá,
máu thắm tuôn ra mà vẫn thứ tha,
vẫn chở che những kẻ đang hành hạ,
vẫn xin Cha rộng mở lượng hải hà.
Cuộc đời là một chuỗi những vượt qua,
nhất là những hận thù và tranh chấp,
không để mình vướng vấp những bất hòa,
để mỗi ngày con hoàn thiện giống Chúa Cha.
Xin Chúa làm mềm lại trái tim con,
đừng cứng cỏi để khỏi phải ưu phiền,
nhưng luôn sống trong tâm thái dịu hiền,
hầu giải tỏa mọi oan khiên sầu não. Amen.
Lm. Thái Nguyên


Phúc Âm: Lc 6, 27-38

“Các con hãy tỏ lòng thương xót như Cha các con hay thương xót”.

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Luca.
Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn để rồi được trả lại sòng phẳng.
Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn, và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Ðấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác.
Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Ðấng nhân từ. Ðừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án. Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy”.
 
Tin Giáo Hội Hoàn Vũ
Báo đời Politico: Đức Giáo Hoàng Phanxicô, cảm thấy mình sắp chết, đã hành động để bảo vệ di sản của mình
Vũ Văn An
13:28 20/02/2025

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã hướng đến mục tiêu làm cho Giáo hội trở nên bao trùm hơn, mở ra các vai trò quan trọng cho phụ nữ và những người LGBT+. | Tiziana Fabi/Getty Images


Tác giả: Ben Munster, trên Politco, 17 tháng 2 năm 2025 nhận định rằng Cuộc chiến giành người kế nhiệm Đức Giáo Hoàng Phanxicô có thể sẽ bị chính trị hóa cao độ, đặc biệt là sau cuộc đụng độ gần đây của vị giáo hoàng với Phó Tổng thống Công Giáo Hoa Kỳ JD Vance.

Theo tác giả này, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đang thực sự lo lắng về sức khỏe của mình sau khi phải nhập viện vì viêm phế quản nặng, và đang gấp rút giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trước cuộc chiến giành người kế nhiệm.

Đức Giáo Hoàng đã được đưa vào khoa đặc biệt vào đầu tháng này tại Bệnh viện Gemelli ở Rome vì bị nhiễm trùng đường hô hấp, và kể từ đó, ông đã buộc phải hủy một số lần xuất hiện trước công chúng.

Đây là cuộc khủng hoảng sức khỏe mới nhất đối với vị giáo hoàng 88 tuổi, người đã phải cắt bỏ một phần phổi khi còn trẻ và ngày càng trở nên yếu ớt trong những năm gần đây. Văn phòng báo chí Tòa thánh đã liên tục đưa ra các bản cập nhật và vào thứ Hai cho biết bệnh viêm phế quản của giáo hoàng đã tiến triển thành "nhiễm trùng đa vi khuẩn" với "bệnh cảnh lâm sàng phức tạp".

Theo hai người quen thuộc với vấn đề này, Đức Phanxicô đã phải chịu đựng cơn đau dữ dội và đã bày tỏ sự chắc chắn rằng lần này ngài sẽ không qua khỏi. Vào Chúa Nhật, các bác sĩ tại Gemelli đã khiến giáo hoàng đau khổ khi cấm ngài đọc bài giảng Kinh Truyền Tin buổi sáng thường lệ, mà ngài hiếm khi vắng mặt, ngay cả khi nằm viện, một trong những người đó và một người thứ ba cho biết. Hiện tại, ngài đang hành động hoàn toàn theo "lệnh của bác sĩ", một trong số họ cho biết.

Đức Giáo Hoàng ban đầu đã từ chối nhập viện nhưng được thông báo chắc chắn rằng ngài có nguy cơ tử vong nếu ở trong phòng của mình tại Vatican, người thứ hai nói thêm.

Khi sức khỏe của ngài xấu đi trong tháng qua, Đức Phanxicô cũng đã hành động để hoàn thành các sáng kiến quan trọng và bổ nhiệm những nhân vật có thiện cảm vào các vị trí chủ chốt, sau một triều giáo hoàng mang màu sắc tiến bộ được đánh dấu bằng những chia rẽ về ý thức hệ cay đắng.

Kể từ khi trở thành giáo hoàng vào năm 2013, Đức Phanxicô đã hướng đến mục tiêu làm cho Giáo hội trở nên bao trùm hơn, mở ra các vai trò quan trọng cho phụ nữ và những người LGBT+. Trong khi điều đó đã gây ra phản ứng dữ dội từ nhiều người bảo thủ, những người theo chủ nghĩa tự do phàn nàn rằng các cải cách vẫn chưa đủ. Trong khi đó, những nỗ lực của giáo hoàng nhằm chấm dứt tình trạng lạm dụng trẻ em tràn lan của các giáo sĩ đã mang lại những kết quả trái chiều.

Việc kế vị giáo hoàng sẽ mang tính chính trị

Vào ngày 6 tháng 2, trước khi nhập viện, ngài đã gia hạn nhiệm kỳ của Hồng Y người Ý Giovanni Battista Re với tư cách là niên trưởng của Hồng Y đoàn, một vai trò sẽ giám sát một số công tác chuẩn bị cho một mật nghị có thể diễn ra, cuộc họp bí mật quyết định việc lựa chọn một giáo hoàng mới. Động thái này, gây tranh cãi khi bỏ qua một cuộc bỏ phiếu theo lịch trình về vị niên trưởng tiếp theo của các Hồng Y cấp cao, nhằm đảm bảo rằng quá trình này diễn ra theo mong muốn của Đức Phanxicô, những người này cho biết.

ĐHY Re, một nhà điều hành lâu năm của Vatican, đã quá già để tự mình tham gia vào mật nghị. Tuy nhiên, ngài sẽ là nhân vật chủ chốt trong các cuộc thảo luận kín thường diễn ra trước mật nghị. Một trong những người này cho biết việc Đức Phanxicô chọn ngài làm niên trưởng thay vì một ứng viên trẻ hơn cho thấy ngài muốn giữ một khuôn mặt thân thiện trong vai trò này, người sẽ bảo vệ di sản của ngài.

"Việc chuẩn bị cho mật nghị quan trọng hơn vì đó là nơi diễn ra hoạt động vận động hành lang", người này cho biết.

Trước mật nghị năm 2013 bầu ngài làm giáo hoàng, bản thân Đức Phanxicô được cho là đã hưởng lợi từ ảnh hưởng của một nhóm Hồng Y đã quá già để tham gia vào các thủ tục nhưng vẫn có ảnh hưởng đến kết quả.

Việc ĐHY Re tiếp tục giữ vai trò này cũng sẽ chứng kiến ngài thực hiện nghi lễ tang lễ cho Đức Phanxicô nếu ngài qua đời. Vị Giáo hoàng đã nói đùa riêng rằng Re sẽ "tử tế" với ông hơn những ứng viên khác, một người thứ hai cho biết thêm.

Văn phòng báo chí của Tòa thánh từ chối bình luận.

Trước khi sức khỏe của ngài chuyển biến xấu đi, Đức Phanxicô đã điều hướng một thời điểm nhạy cảm về mặt chính trị. Đầu tháng này, ngài đã đưa ra lời khiển trách đặc biệt đối với cách mô tả Ordo Amoris của Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance, một khái niệm thần học liên quan đến tình yêu mà Vance đã sử dụng để biện minh cho chính sách di cư của Tổng thống Donald Trump. Sự phản đối của vị giáo hoàng đã gây ra cơn thịnh nộ từ Nhà Trắng, làm dấy lên viễn cảnh về một cuộc chiến kế vị mang tính chính trị cao nếu Đức Phanxicô qua đời.

"Họ đã ảnh hưởng đến chính trường châu Âu, họ sẽ không gặp vấn đề gì khi ảnh hưởng đến mật nghị", một người quan sát chặt chẽ về chính trị Vatican cho biết, ám chỉ đến chính quyền Trump. "Họ có thể đang tìm kiếm một người ít đối đầu hơn".

Vào thứ Bảy, Đức Giáo Hoàng cũng đã đẩy nhanh động thái cải cách chưa từng có của mình để bổ nhiệm một nữ tu, Sơ Raffaella Petrini, làm người kế nhiệm và nữ thống đốc đầu tiên của Thị quốc Vatican, tuyên bố rằng nhiệm kỳ của Petrini sẽ bắt đầu vào ngày 1 tháng 3. Ngày đó sớm hơn một số người mong đợi và gây ra sự lo lắng về sức khỏe của ngài trong số các đồng minh, theo một quan chức cấp cao của Giáo hội. Tuy nhiên, đó cũng có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên: thống đốc hiện tại, Hồng Y Fernando Vérgez Alzaga, sẽ bước sang tuổi 80 vào ngày hôm đó, khiến ông không đủ điều kiện đảm nhiệm vai trò này.

Ngay cả khi Đức Phanxicô sống sót sau căn bệnh mới nhất của mình, các nhà quan sát coi đây là một bước ngoặt có khả năng xảy ra khi Đức Phanxicô chuyển trọng tâm từ việc đạt được tiến triển trong cải cách sang việc khóa chặt nó.

Một quan chức Vatican cho biết: "Ngài có thể không qua đời bây giờ nhưng tất nhiên cuối cùng ngài sẽ qua đời". "Tất cả chúng ta đều chết - và ngài là một người đã 88 tuổi với các vấn đề về phổi".
 
Sự thay đổi thảm khốc của phong trào ủng hộ sự sống sau phán quyết Roe
Vũ Văn An
14:06 20/02/2025



Peter Laffin, trên Washington Examiner, ngày 17 tháng 2 năm 2025 nhận định: Tổng thống Donald Trump có thể đi vào lịch sử như là điều tuyệt vời nhất từng xảy ra với phá thai hợp pháp tại Hoa Kỳ.

Đó là bởi vì Trump, bằng cách bịt miệng những nhà lãnh đạo ủng hộ sự sống và bảo vệ quyền phá thai của các tiểu bang sau những nỗ lực lật ngược phán quyết Roe kiện Wade, đã tạo ra một môi trường chính trị mà hoạt động phá thai hợp pháp đã phát triển mạnh mẽ. Hai năm rưỡi sau sự sụp đổ của Roe, quyền phá thai chưa bao giờ được bảo vệ nhiều hơn ở hầu hết các tiểu bang, và sự ủng hộ của công chúng đối với phá thai hợp pháp chưa bao giờ mạnh mẽ hơn thế.

Trong khi đó, ảnh hưởng chính trị của phong trào ủng hộ sự sống đang ở mức thấp nhất mọi thời đại. Các nhà lãnh đạo của phong trào này đã bị khuất phục bởi một vị tổng thống nổi tiếng, người thường xuyên coi thường chủ nghĩa chính thống ủng hộ sự sống, và chiến lược chính trị của phong trào này thiếu sự khôn ngoan cần thiết để thành công ở nước Mỹ hậu Roe. Ngay cả trong Đảng Cộng hòa, nơi mà nó có được quyền lực rộng lớn hơn, thì ảnh hưởng của phong trào này cũng bị giảm đi rất nhiều.

Và mặc dù về mặt kỹ thuật vẫn còn thời gian để ngăn chặn quyền phá thai đạt được sự bảo vệ pháp lý không thể đảo ngược trên toàn quốc, giống như cách một đội bóng bầu dục bị mất ba lần chạm bóng trong hiệp thứ tư về mặt kỹ thuật có cơ hội tập hợp và giành chiến thắng, phong trào ủng hộ sự sống phải sử dụng một chiến lược hoàn toàn khác và tuyển dụng một nhóm lãnh đạo hoàn toàn khác để giành được sự ủng hộ của công chúng vô cùng hoài nghi.

Sự thật

Với uy tín to lớn của mình, phong trào ủng hộ sự sống luôn mạnh dạn nói lên sự thật về tính thánh thiêng của sự sống chưa chào đời. Kể từ khi thành lập vào cuối những năm 1960 để phản đối các nỗ lực tự do hóa luật phá thai của tiểu bang, phong trào này đã rao giảng sự thật ở mọi địa điểm có thể tưởng tượng được: trên vỉa hè, trên đường phố, trong các cơ quan lập pháp tiểu bang và tại Điện Capitol Hoa Kỳ, trên các tấm chắn và trên các chương trình tin tức truyền hình (khi họ được phép tham gia), trong các hộp bình luận trên internet và hơn thế nữa.

Vấn đề, tất nhiên, luôn là giới hạn cố hữu đối với tỷ lệ phần trăm những người bị thuyết phục bởi sự thật về sự sống chưa chào đời. Kể từ năm 1973, niềm tin rằng phá thai nên là bất hợp pháp trong mọi trường hợp, vốn là lập trường mặc định của phong trào ủng hộ sự sống, chưa bao giờ được một phần tư số người ủng hộ.

Điểm cao nhất là vào năm 2009, khi Gallup phát hiện ra rằng 23% có quan điểm này. Tính đến tháng 5 năm 2024, con số đó đã giảm mạnh xuống còn 12%.

Tuy nhiên, mặc dù có mức ủng hộ thấp, trong nhiều thập niên, phong trào này đã có ảnh hưởng lớn trong chính trường Đảng Cộng hòa. Thông qua sự huy động và niềm đam mê tuyệt đối, cơ sở ủng hộ sự sống của Đảng Cộng hòa đã trở thành khối không thể thiếu đối với các ứng cử viên hy vọng giành chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ. Đối với những người hy vọng vào Đảng Cộng hòa ở mọi cấp chính quyền, việc thành công trong việc theo đuổi phong trào ủng hộ sự sống là một lợi ích lớn. Ngược lại, việc vượt qua nó phải trả giá rất đắt.

Ảnh hưởng đang suy yếu

Tuy nhiên, kỷ nguyên ảnh hưởng của phong trào trong Đảng Cộng hòa đã qua. Ngoài những tổn thất đáng kinh ngạc trong hầu hết các sáng kiến bỏ phiếu của tiểu bang kể từ khi Dobbs kiện Tổ chức Y tế Phụ nữ Jackson đưa vấn đề phá thai trở lại với người dân, bao gồm cả ở các tiểu bang đỏ như Montana, Kansas và Missouri, thì sức hấp dẫn của phong trào này đã bốc hơi trong Đảng Cộng Hòa của Trump.

Sự bất hòa giữa tổng thống và phong trào ủng hộ sự sống đã bộc lộ ra công chúng trong cuộc bầu cử khi cả hai bên mặc cả về ngôn ngữ trong chương trình nghị sự phá thai của Đảng Cộng Hòa.

Vào tháng 7 năm 2024, Marjorie Dannenfelser, chủ tịch của Susan B. Anthony Pro-Life America, đã đưa ra cảnh báo với Trump về việc làm suy yếu ngôn ngữ, gọi động thái này là "tính toán sai lầm" sẽ khiến liên minh giữa Đảng Cộng Hòa và các nhà hoạt động ủng hộ sự sống bị "suy yếu nghiêm trọng".

Cuối cùng, Trump đã cắt bỏ các mục tiêu được các nhà hoạt động ủng hộ sự sống trân trọng nhất khỏi chương trình nghị sự, bao gồm cả lời kêu gọi sửa đổi hiến pháp để cấp quyền bảo vệ nhân cách cho thai nhi. Trump, háo hức hạ thấp cam kết của mình đối với một mục đích không được ưa chuộng, đã đạt được mọi thứ ông muốn từ các "cuộc đàm phán", và cộng đồng ủng hộ sự sống không nhận được gì.

Không chỉ không có hậu quả nào đối với Trump, mà Dannenfelser thậm chí còn đưa ra một tuyên bố dường như ca ngợi phiên bản cuối cùng: "Đảng Cộng hòa vẫn ủng hộ mạnh mẽ sự sống ở cấp quốc gia".

Tình tiết này là tiền thân của một chiến dịch đầy rẫy những tà thuyết ủng hộ sự sống của Trump và các đồng minh của ông, mà chiến dịch của Trump không phải chịu bất cứ hậu quả nào. Vance, trên chương trình Face the Nation của CBS, đã hứa rằng họ sẽ không sử dụng Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm để chặn quyền tiếp cận mifepristone và Trump sẽ phủ quyết bất cứ luật quốc gia nào bảo vệ sự sống chưa chào đời. Trump đã đăng trên Truth Social rằng chính quyền của ông sẽ "tuyệt vời cho phụ nữ và quyền sinh sản của họ".

Trump thậm chí còn cần phải được thuyết phục để đích thân bỏ phiếu chống lại Tu chính án 4 của Florida, nhằm lật ngược lệnh cấm phá thai sáu tuần của tiểu bang. Vào tháng 8 năm 2024, Trump tuyên bố rằng ông "phản đối" luật phá thai của Florida, nói rằng, "Tôi nghĩ lệnh cấm sáu tuần là quá ngắn — phải có thêm thời gian. Tôi đã nói với họ rằng tôi muốn có thêm nhiều tuần nữa." Ông ấy cuối cùng đã bỏ phiếu ủng hộ lệnh cấm kéo dài sáu tuần, viện dẫn lập trường "cực đoan" của đảng Dân chủ là lý do của mình — chứ không phải niềm tin của ông vào sự thánh thiêng của sự sống.

Đối với tất cả những vi phạm này và hơn thế nữa, Trump không phải chịu hậu quả chính trị nào và hành động như thể ông không sợ chúng ngay từ đầu.

Con đường phục hồi

Vận mệnh chính trị của phong trào ủng hộ sự sống sẽ không thay đổi cho đến khi nó thích nghi với thực tại chính trị của thời kỳ hậu Roe. Để trở thành một thế lực khả thi trong nền chính trị Hoa Kỳ một lần nữa, phong trào này phải nhận ra rằng địa điểm chính của cuộc chiến này không còn là tòa án nữa mà là tại các cuộc bỏ phiếu. Điều này có nghĩa là phải nhấn mạnh vào việc thu hút mọi người đến với mục đích này, điều này đòi hỏi nhiều hơn là sức mạnh thô bạo của một lập luận thực sự.

Tất nhiên, sự thật về tính thánh thiêng của sự sống không bao giờ được làm loãng đi. Nhưng để giành chiến thắng trong một cuộc chiến chính trị thì không chỉ đơn giản là "đúng". Thông thường, những lập luận tốt nhất không giành chiến thắng trong các cuộc bầu cử — nhiều lần chúng đã thua.

Thật vậy, việc thúc đẩy sự sống ở nước Mỹ hậu Roe không phải là vấn đề giành chiến thắng trong một cuộc tranh luận mà là giành chiến thắng trong cuộc thi về mức độ phổ biến. Những người ủng hộ quyền được sống phải đưa ra lập trường của mình không chỉ thuyết phục mà còn hấp dẫn.

Một nơi mà phong trào có thể tìm kiếm cảm hứng về cách tốt nhất để giành được sự hoán cải là nghiên cứu các nhà truyền giáo Ki-tô giáo thành công.

Giám mục Robert Barron của Winona-Rochester, Minnesota và là người sáng lập Word on Fire, một thừa tác vụ Công Giáo dành riêng cho việc truyền bá tin mừng đã rất thành công trong việc thu hút những người trở lại đạo, thường nhấn mạnh đến nhu cầu truyền bá tin mừng thông qua cái đẹp.

ĐC Barron thường thúc giục những người theo ngài cân nhắc cách họ có thể truyền bá tin mừng theo kiểu dạy chơi bóng chày. Để truyền tình yêu bóng chày cho ai đó, ngài thường nhận xét, đưa họ đến sân bóng chày nơi họ có thể ngắm nhìn màu xanh hùng vĩ của sân và nghe tiếng gậy đánh bóng là một chiến lược tốt hơn là đưa cho họ một cuốn sách luật.

"Bạn không bắt đầu bằng luật bóng bay trong sân", ngài nói trong một cuộc phỏng vấn của NPR. "Bạn bắt đầu bằng vẻ đẹp của trò chơi. Hãy xem mọi người chơi. Hãy nhìn vào nhịp điệu. Hãy nhìn đường cong đó, đó là một cú ném đẹp. … Chỉ khi đó họ mới muốn biết về nó.”

May mắn thay, mục đích của sự sống không thiếu vẻ đẹp để giành được trí tưởng tượng của công chúng: hình ảnh những đứa trẻ xinh đẹp và cha mẹ của chúng, những câu chuyện truyền cảm hứng về những người mẹ đạt được nhiều hơn vô số lần họ mất bằng cách chọn sự sống, chứng kiến niềm vui của những gia đình đông con có cuộc sống tràn ngập tình yêu và sự sung túc.

Để thực hiện một sự thay đổi mang tính chiến lược, phong trào ủng hộ sự sống phải cùng nhau thừa nhận rằng họ đang thua cuộc trong cuộc đấu tranh để chuyển đổi phần lớn người Mỹ sang mục đích của mình. Một số người sẽ phản đối sự thừa nhận này, chỉ ra một vài chiến thắng đạt được trong các sáng kiến bỏ phiếu của tiểu bang vào tháng 11 năm 2024.

Nhưng ngay cả những "chiến thắng" này cũng xứng đáng được đánh dấu sao [asterisk]. Ví dụ, tại Florida, nơi biện pháp bỏ phiếu thách thức lệnh cấm sáu tuần của tiểu bang đã thất bại, 57% người dân đã bỏ phiếu chống lại lập trường ủng hộ sự sống. Ngưỡng của tiểu bang để sửa đổi hiến pháp thông qua các sửa đổi bỏ phiếu là 60%.

Rõ ràng, những gì đang được thực hiện không hiệu quả. Phong trào ủng hộ sự sống phải thích nghi trước khi quyền phá thai được quy định trong hiến pháp tiểu bang trên khắp nước Mỹ. Thời gian đang trôi qua.
 
Tổng giám mục Ukraine đến thăm Hoa Kỳ, kêu gọi các chính trị gia bỏ qua tuyên truyền thân Nga
Vũ Văn An
16:33 20/02/2025

Quân nhân Ukraine khiêng quan tài của đồng chí Andrii Neshodovskiy trong lễ tang tại nghĩa trang ở Kyiv, Ukraine, thứ Bảy, ngày 25 tháng 3 năm 2023. (Nguồn: Evgeniy Maloletka/AP.)


Charles Collins, giám đốc điều hành của Crux, ngày 20 tháng 2 năm 2025, tường trình rằng Trong khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ủng hộ Nga trong cuộc chiến chống lại Ukraine, Tổng giám mục Sviatoslav Shevchuk của Giáo Hội Công Giáo Hy Lạp Ukraine đang đến thăm Hoa Kỳ.

Phát biểu trên nền tảng truyền thông xã hội Truth Social của mình, Trump gọi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là "kẻ độc tài".

"Ông ta từ chối tổ chức bầu cử. Ông ta đang ở vị trí thấp trong các cuộc thăm dò thực sự của Ukraine. Làm sao bạn có thể lên cao khi mọi thành phố đều bị phá hủy?" Trump nói.

Nhiệm kỳ năm năm của Zelensky dự kiến kết thúc vào tháng 5 năm 2024, nhưng cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào tháng 2 năm 2022 đã khiến ông phải hủy bỏ cuộc bầu cử do bạo lực và gián đoạn từ chiến tranh.

Trump tuyên bố tổng thống chỉ có tỷ lệ chấp thuận 4 phần trăm, nhưng một cuộc thăm dò của BBC cho thấy ông có sự ủng hộ của 57 phần trăm người Ukraine.

Tổng thống cũng dường như đổ lỗi cho Ukraine về cuộc chiến, nói rằng "bạn không bao giờ nên bắt đầu nó. Bạn có thể đã đạt được một thỏa thuận."

Khi đến thăm Hoa Kỳ, Shevchuk đã ủng hộ nhà lãnh đạo đất nước mình và cảnh báo chống lại tuyên truyền, chẳng hạn như tuyên bố rằng Nga phải hành động chống lại sự mở rộng của NATO.

"Nếu ai đó tin rằng sự mở rộng của NATO là nguyên nhân gây ra chiến tranh, thì họ đang mù quáng tuân theo các câu chuyện và tuyên truyền của Nga. NATO không tồn tại vào thế kỷ XVII hay XVIII, và Liên Xô cũng không lo ngại về an ninh trong thời kỳ Holodomor”, vị tổng giám mục chính phát biểu tại Washington D.C. vào ngày 18 tháng 2.

Từ 7 đến 10 triệu người Ukraine đã chết đói trong giai đoạn 1932 đến 1933 tại quốc gia khi đó là thành viên của Liên Xô sau khi Liên Xô lấy đi phần lớn ngũ cốc của họ và đưa ra những thay đổi thảm khốc đối với ngành công nghiệp ngũ cốc của khu vực này.

Nhiều học giả cho rằng Joseph Stalin đang cố gắng chấm dứt phong trào giành độc lập của Ukraine thông qua các chính sách của mình, điều này sẽ biến Holodomor thành một cuộc diệt chủng.

“Tôi không phải là chính trị gia hay người của công chúng; tôi là một giáo sĩ được giao phó nhiệm vụ trông coi, cầu nguyện và hướng dẫn những người của Chúa - những đứa con đau khổ nhưng đáng kính của Chúa, những người tìm kiếm hòa bình và đòi hỏi công lý”, Shevchuk phát biểu.

Đức Hồng Y Borys Gudziak của Philadelphia đã có mặt tại cuộc họp ở D.C. và kêu gọi mọi người hãy tin tưởng vào Chúa.

“Đừng lo lắng về các chính trị gia. Đừng lo lắng về các cuộc họp ở đâu đó xa xôi. Hãy tin rằng Chúa ở nơi đau đớn. Người lau khô nước mắt của những ai đang khóc. Người ủng hộ những ai đang bị ngược đãi. Sự thật của Chúa sẽ chiến thắng. Chúng tôi, những người Ukraine, đã trải qua quá nhiều phép lạ để không tin", ngài nói.

Trump đã nhận được sự chỉ trích tại Hoa Kỳ về những phát biểu của ông về Ukraine.

Phát biểu trên Twitter, cựu phó tổng thống của ông, Mike Pence, đã gửi đoạn phim tin tức từ Fox News với tiêu đề, "Nga xâm lược Ukraine trong cuộc tấn công lớn nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II".

"Thưa Tổng thống, Ukraine không 'bắt đầu' cuộc chiến này. Nga đã phát động một cuộc xâm lược tàn bạo và vô cớ, cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Con đường đến với hòa bình phải được xây dựng trên sự thật", Pence nói.
 
Kiểm tra sự kiện: Bình luận của Trump về Ukraine phản ảnh các điểm nói chuyện của Điện Kremlin
Vũ Văn An
17:02 20/02/2025

Tổng thống Donald Trump trả lời câu hỏi tại khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago của ông. Nhà Trắng / flickr


Tờ The Moscow Times (*), ngày 20 tháng 2, 2025, cho hay: Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã đưa ra một số tuyên bố về Ukraine và cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào quốc gia này trong những ngày gần đây, rất giống với lời lẽ của Điện Kremlin.

Những lời khẳng định này đã làm gia tăng nỗi lo ngại rằng Trump, người đang thúc đẩy chấm dứt cuộc chiến kéo dài ba năm, có thể cố gắng gây sức ép buộc Kyiv phải đưa ra những nhượng bộ lớn mà không đòi hỏi nhiều sự đáp trả từ Moscow.

Tờ Moscow Times xem xét các tuyên bố của Trump và cách chúng so sánh với các điểm nói chuyện của Điện Kremlin — cùng với sự thật đằng sau những tuyên bố:

Trump đổ lỗi cho Ukraine về chiến tranh

“Tôi nghĩ tôi có đủ khả năng chấm dứt cuộc chiến này và tôi nghĩ mọi chuyện đang diễn ra rất tốt đẹp. Nhưng hôm nay tôi nghe thấy, ‘Ồ, thôi được, chúng ta không được mời.’ Vâng, các người đã ở đó ba năm rồi. Các người không bao giờ nên bắt đầu cuộc chiến. Các người có thể đã đạt được một thỏa thuận,” Trump cho biết hôm thứ Ba sau các cuộc đàm phán giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga tại Ả Rập Saudi.

Tuyên bố rằng Ukraine hoặc phương Tây, chứ không phải Nga, chịu trách nhiệm cho cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine là điều mà Putin đã nhắc lại nhiều lần kể từ ngày 24 tháng 2 năm 2022. Trong bài phát biểu trước người dân Nga tuyên bố cuộc xâm lược, Putin liên tục đổ lỗi cho Ukraine đã kích động điều mà ông gọi là "chiến dịch quân sự đặc biệt" của Nga.

"Để đạt được mục tiêu của riêng mình, các nước NATO hàng đầu ủng hộ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan và tân Quốc xã ở Ukraine", Putin nói. "Bạn và tôi không còn cơ hội nào khác để bảo vệ nước Nga và người dân của chúng ta ngoài cơ hội mà chúng ta buộc phải sử dụng ngày hôm nay. Hoàn cảnh đòi hỏi chúng ta phải hành động quyết đoán và ngay lập tức".

Lối suy nghĩ này đã được lặp đi lặp lại bởi những tiếng nói ủng hộ Nga trên Telegram và phương tiện truyền thông nhà nước, cũng như bởi cả Putin và Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Lavrov trong các cuộc phỏng vấn của họ với chuyên gia phân tích cực hữu người Mỹ Tucker Carlson.

Tuy nhiên, cũng giống như năm 2014, chính Nga là nước bắt đầu cuộc chiến bằng cách xâm lược Ukraine ba năm trước.

Trump đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Tổng thống Volodymyr Zelensky

“Khi họ muốn có một chỗ ngồi tại bàn, bạn có thể nói rằng người dân phải có, chẳng phải người dân Ukraine sẽ phải nói rằng, ‘Bạn biết đấy, đã lâu rồi chúng ta không có cuộc bầu cử nào.’ Đó không phải là vấn đề của Nga. Đó là điều đến từ tôi và cũng đến từ nhiều quốc gia khác nữa,” Trump nói hôm thứ Ba để đáp lại sự tức giận về việc chính quyền của ông tham gia các cuộc đàm phán với Nga về vụ việc của Kyiv.

Ngày hôm sau, ông tiến thêm một bước nữa, gọi Zelensky là “một nhà độc tài không có bầu cử”.

Việc Ukraine tổ chức bầu cử là một trong những yêu cầu chính của Moscow, vì Putin có thể tin rằng một chính phủ Ukraine mới sẽ dễ bảo hoặc dễ chấp nhận hơn nhiều so với mong muốn của Moscow.

Vào tháng 5 năm 2024, Putin nói rằng nhiệm kỳ của Zelensky đã hết hạn và Ukraine cần phải tổ chức một cuộc bầu cử, một tuyên bố đã được nhắc lại nhiều lần để đặt câu hỏi về tính hợp pháp của Zelensky với tư cách là một nhà lãnh đạo.

Zelensky đã được bầu vào nhiệm kỳ năm năm vào tháng 4 năm 2019, với 73% số phiếu bầu trong vòng hai. Ukraine đã lên kế hoạch tổ chức một cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2024, nhưng Zelensky vẫn tiếp tục tại vị vì hiến pháp của nước này cấm tổ chức bầu cử theo luật thiết quân luật.

Reuters đưa tin trong tháng này rằng chính quyền Trump sẽ thúc đẩy các cuộc bầu cử mới ở Ukraine sau một thỏa thuận ngừng bắn. Theo Reuters, các quan chức Hoa Kỳ đã nêu vấn đề bầu cử với Kyiv kể từ năm 2023.

Một nguồn tin của chính phủ Ukraine nói với Reuters rằng "[Putin] đang giăng bẫy, tuyên bố rằng nếu Ukraine không tổ chức bầu cử, sau này ông ta có thể bỏ qua mọi thỏa thuận".

"Theo quan điểm của tôi, Trump đang phản ứng với... phản hồi của Nga", một cựu quan chức phương Tây nói với Reuters. "Nga muốn thấy Zelensky chấm dứt".

Tỷ lệ ủng hộ '4%' của Zelensky

“Chúng ta đang ở trong tình huống mà chúng ta chưa có cuộc bầu cử nào ở Ukraine, nơi chúng ta có thiết quân luật, về cơ bản là thiết quân luật ở Ukraine, nơi mà nhà lãnh đạo ở Ukraine, ý tôi là, tôi ghét phải nói điều này, nhưng tỷ lệ ủng hộ của ông ấy đã giảm xuống còn 4%,” Trump nói khi được hỏi về cuộc bầu cử ở Ukraine.

Trump không đưa ra bằng chứng nào để hỗ trợ cho con số 4%.

Một cuộc khảo sát vào tháng 2 năm 2025 do Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv thực hiện cho thấy Zelensky vẫn giữ được sự tin tưởng của 57% số người được hỏi, tăng năm điểm so với tháng 12. Ngoài ra, 37% cho biết họ không tin tưởng ông ấy, trong khi 6% trả lời rằng khó có thể nói được.

(*) Theo mô tả của chính tờ báo, The Moscow Times đang gặp rắc rối lớn: Văn phòng Tổng Công tố viên Nga coi The Moscow Times là một tổ chức “không được mong muốn”, hình sự hóa công việc của tờ báo và đặt các nhân viên của tờ báo ở thế sẵn sàng bị truy tố. Điều này tiếp theo việc dán nhãn hiệu “đặc vụ nước ngoài” cho tờ báo.
 
Các giám mục kêu gọi đoàn kết sau các cuộc tấn công kinh hoàng ở Đức và Áo
Đặng Tự Do
17:17 20/02/2025


Các giám mục ở Đức và Áo đã phản ứng trước các cuộc tấn công chết người riêng biệt làm rung chuyển cả hai quốc gia. Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner của Salzburg mô tả vụ bạo lực này là “nỗi kinh hoàng khát máu, vô thần”.

Tại Villach, Áo, một cậu bé người Áo 14 tuổi đã bị giết vào thứ Bảy, ngày 15 tháng 2, bởi một người tị nạn Syria 23 tuổi trong vụ việc mà chính quyền phân loại là một cuộc tấn công của người Hồi giáo. Năm người khác bị thương trong vụ việc.

Trong một vụ việc khác vào thứ năm, ngày 13 tháng 2, tại Munich, Đức, một người tị nạn Afghanistan 24 tuổi đã lái xe đâm vào đám đông đang tham dự một cuộc biểu tình của công đoàn lao động. Ba mươi bảy người bị thương, bao gồm cả trẻ em. Một bà mẹ 37 tuổi và đứa con 2 tuổi của bà sau đó đã tử vong vì thương tích.

Kêu gọi đoàn kết thay vì chia rẽ, chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo đã viết trên mạng xã hội rằng hành động tàn bạo được chứng kiến ở cả Villach và Munich “không có quốc tịch, không có khuôn mặt và không có màu da”, theo CNA Deutsch, cơ quan đối tác tiếng Đức của CNA.

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising đã chủ trì một buổi lễ tưởng niệm liên tôn vào tối Thứ Hai tại Nhà thờ Đức Bà Munich. “Hôm nay chúng ta đứng đây không nói nên lời trước hành động bạo lực khủng khiếp này”, Đức Hồng Y phát biểu trong buổi lễ, nơi quy tụ đại diện của nhiều tôn giáo.

Vị giám mục người Đức nhấn mạnh rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ đóng vai trò là “ngôi nhà cho tất cả người dân Munich, đặc biệt là những người sợ hãi, bị đe dọa, bị thương, nghi ngờ và những người tìm kiếm sự an ủi”.

Đức Hồng Y lưu ý rằng ký ức về các nạn nhân “sẽ không bao giờ phai nhạt, ánh sáng của họ vẫn tiếp tục tỏa sáng giữa chúng ta” khi những ngọn nến được thắp lên cho người mẹ và đứa con đã khuất, CNA Deutsch đưa tin.

Thủ hiến bang Bavaria Markus Söder và Thị trưởng Munich Dieter Reiter cũng có bài phát biểu tại buổi lễ kết thúc.

Các cuộc tấn công đã làm gia tăng các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư và an ninh ở Áo và Đức. Các vấn đề chính trị gây tranh cãi cũng làm nổi bật sự chia rẽ trong Giáo hội ở Đức, nơi cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử liên bang vào ngày 23 tháng 2.


Source:Catholic News Agency
 
Lạy Chúa tôi: Những tiếng kêu thảng thốt vang lên trên khắp thế giới khi chứng kiến một phụ nữ đồng tế trong thánh lễ đại trào với các Giám Mục và linh mục
Đặng Tự Do
17:18 20/02/2025


Phải chăng một người phụ nữ đã 'đồng tế' trong thánh lễ của một tổng giám mục ở Brazil?

Việc vướng vào vụ tai tiếng nghiêm trọng trong Giáo hội liên quan đến Thánh lễ nhậm chức tại tổng giáo phận mới của mình có lẽ không phải là điều mà Đức Tổng Giám Mục Odelir José Magri nghĩ đến vào tuần trước.

Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra vào ngày 13 tháng 2, khi hình ảnh và video về một Thánh lễ tại Tổng giáo phận Chapecó, Brazil xuất hiện, trong đó một người phụ nữ mặc áo alba và dây stola tham gia vào đoàn rước lễ mở đầu, ngồi gần các linh mục khác, và sau đó rước lễ từ bàn thờ.

Vụ việc đã được đưa tin rộng rãi trên báo chí Công Giáo ở Brazil và nước ngoài, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Những tiếng kêu thảng thốt vang lên trên khắp thế giới: Lạy Chúa tôi!

Người phụ nữ trong câu chuyện là ai? Chuyện gì đã thực sự xảy ra? Và tổng giáo phận nói gì về điều đó?

Tờ Pillar Catholic giải thích như sau trong bài báo có nhan đề “Did a woman ‘concelebrate’ at an archbishop’s Mass in Brazil?” nghĩa là “Phải chăng một người phụ nữ đã 'đồng tế' trong thánh lễ của một tổng giám mục ở Brazil?”.

Đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Odelir José Magri là ai?

Vị tổng giám mục 61 tuổi này được thụ phong vào năm 1992 với tư cách là một nhà truyền giáo Comboni. Ngài đã phục vụ bốn năm tại Cộng hòa Dân chủ Congo, và trở về Brazil vào năm 1996, đảm nhiệm các vị trí trong nhà dòng của mình cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục của Sobral, Brazil vào năm 2010. Phương châm giám mục của ngài là “Hãy đến với Ta, và Ta sẽ làm cho các người trở thành những người đánh cá người.”

Chỉ hai năm sau, ngài được cử đến Giáo phận Chapecó ở tiểu bang Santa Catarina, miền nam Brazil.

Vào tháng 11 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng Giáo phận Chapecó lên thành tổng giáo phận, vẫn giữ Magri làm người lãnh đạo, nhưng hiện tại ngài là tổng giám mục.

Thánh lễ chính thức thành lập tổng giáo phận diễn ra vào ngày 13 tháng 2, và tại đó, người phụ nữ nói trên, hiện được xác định là Vivian de Oliveira, đã có màn ra mắt gây tranh cãi.

Vivian de Oliveira là ai?

Theo trang Linkedin của cô và các tài liệu chính thức từ tiểu bang Santa Catarina, Vivian Schwanke de Oliveira là một giáo viên tiểu học.

Cô dường như đã được bổ nhiệm làm mục sư của Giáo hội Anh giáo Episcopal Brazil, gọi tắt là AECB, vào tháng 9 năm 2024 và hiện được liệt kê trên trang web của tỉnh Thượng Uruguay thuộc AECB với tư cách là thành viên của nhóm mục vụ.

AECB là tỉnh thứ 19 của Cộng đồng Anh giáo toàn cầu. Đây là Giáo hội Kitô giáo lâu đời nhất ở Brazil sau Giáo Hội Công Giáo, được thành lập vào thế kỷ 19 thông qua một hiệp ước giữa Bồ Đào Nha, cường quốc thực dân lúc bấy giờ, và Vương quốc Anh. AECB cho phép phụ nữ được thụ phong linh mục và hiện do một nữ giám mục lãnh đạo, Marinez Rosa dos Santos Bassotto.

Chính xác thì de Oliveira đã làm gì trong Thánh lễ?

Theo Tổng Giám mục Magri, de Oliveira đã tham dự Thánh lễ như một “cử chỉ đại kết”, và ngài đã cảm ơn cô vì điều đó.

Một mục sư Tin Lành khác cũng có mặt, mặc dù ông chọn ngồi trên ghế dài, cùng với các giáo dân.

Ngược lại, De Oliveira tham gia vào đoàn rước và ngồi cùng một nhóm linh mục bên phải bàn thờ. Có khoảng 80 linh mục đồng tế Thánh lễ.

Không rõ từ những hình ảnh và video của Thánh lễ liệu de Oliveira có ý định đồng tế trong Thánh lễ hay không nhưng cô ấy rõ ràng đã ngồi chung với các linh mục đồng tế.

Trong buổi truyền chức, khi tất cả các linh mục đồng tế cùng với giám mục chủ trì giơ tay, cô không có mặt trong cảnh quay, nên không rõ liệu cô có cố gắng tham gia vào buổi truyền chức hay không, vốn là một phần thiết yếu trong nỗ lực đồng tế.

Tuy nhiên, cô đã cùng các linh mục xung quanh tham gia rước lễ, tiến đến bàn thờ và rước lễ.

Rõ ràng là Đức Tổng Giám Mục Magri biết về sự hiện diện của de Oliveira giữa các linh mục khác - ngài đã thừa nhận cô trong bài giảng của mình.

Tuy nhiên, không rõ liệu ngài có chứng kiến cô tham gia Bí tích Thánh Thể hay không, vì chính vị giám mục đang trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu vào thời điểm đó và quay lưng về phía bàn thờ.

Giáo hội nói gì về những tình huống này?

Điều 908 quy định rằng “Các linh mục Công Giáo bị cấm đồng tế Thánh Thể với các linh mục hoặc thừa tác viên của các Giáo hội hoặc cộng đồng giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.”

Sổ tay hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về Đại kết do Bộ thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo công bố nêu rằng “trong một buổi lễ phụng vụ Công Giáo, các thừa tác viên của các Giáo hội và Cộng đồng giáo hội khác có thể có vị trí và danh dự phụng vụ phù hợp với cấp bậc và vai trò của họ, nếu điều này được đánh giá là mong muốn”.

Tuy nhiên, văn bản này nằm trong phần dành riêng cho “Chia sẻ trong Phụng vụ Phi Bí tích”. Phần dành riêng cho việc chia sẻ trong Phụng vụ Bí tích không cho phép sự hiện diện của các thừa tác viên không phải Công Giáo.

Tổng giáo phận đã nói gì về vấn đề này?

Tổng giáo phận đã đưa ra một tuyên bố trên trang web của mình sau Thánh lễ. Tuyên bố này khá mơ hồ, nhưng cho biết rằng tổng giám mục đã thông báo cho tòa Sứ thần Tòa Thánh về “hoàn cảnh của sự việc riêng lẻ này liên quan đến hành vi vi phạm vô ý các chuẩn mực phụng vụ”.

Trong tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Magri tiếp tục khẳng định lại “cam kết của mình đối với sự chính thống về giáo lý và sự chính thống về phụng vụ”, hứa sẽ “nỗ lực để tránh những sai lầm trong tương lai”.

Bản thân Vivian de Oliveira dường như không bình luận gì về vụ việc, và Vatican cũng không lên tiếng.


Source:Pillar
 
Úc ủng hộ Ukraine khi Trump là người dẫn đầu cuộc đàm phán rác rưởi
Vũ Văn An
17:23 20/02/2025

Thủ tướng Anthony Albanese đã gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào năm 2023. (ẢNH EPA)


Tess Ikonomou của Canberra City News, ngày 21 tháng 2, 2025 cho hay: Úc đang đi chệch hướng so với Hoa Kỳ về cách đạt được hòa bình ở Ukraine sau khi Donald Trump phát động một cuộc tấn công dữ dội vào nhà lãnh đạo Volodymyr Zelenskiy của nước này.

Ông Trump đã chỉ trích tổng thống Ukraine là "kẻ độc tài không có bầu cử" và tuyên bố sai sự thật rằng Kyiv đã "bắt đầu" cuộc chiến tranh với Nga.

Tổng thống Hoa Kỳ đã tuyên bố sai rằng tỷ lệ ủng hộ của ông Zelenskiy đã giảm xuống còn bốn phần trăm và ngụ ý rằng Ukraine đã đánh cắp hàng tỷ đô la từ đất nước của ông.

Trong một lời khiển trách mạnh mẽ, Lãnh đạo phe đối lập Peter Dutton cho biết Úc cần phải ủng hộ Ukraine.

Ông nói với đài phát thanh 2GB rằng "Suy nghĩ cho rằng Tổng thống Zelenskiy hoặc người dân Ukraine đã bắt đầu cuộc chiến này, hoặc bằng cách nào đó họ phải chịu trách nhiệm cho cuộc chiến, là hoàn toàn sai lầm".

"Nhưng Úc nên mạnh mẽ và tự hào cùng với người dân Ukraine. Đây là một nền dân chủ, và đây là cuộc chiến vì nền văn minh.

"Vladimir Putin là một tên độc tài giết người và chúng ta không nên nhường cho hắn một tấc đất nào".

Thủ tướng Anthony Albanese tái khẳng định sự ủng hộ của quốc gia.

"Úc sát cánh cùng Ukraine trong cuộc đấu tranh của họ, đó là cuộc đấu tranh không chỉ vì chủ quyền quốc gia của họ, mà còn là cuộc đấu tranh để bảo vệ luật pháp quốc tế", ông nói với các phóng viên tại Whyalla vào thứ năm.

Khi được hỏi liệu ông Zelenskiy có phải là một tên độc tài không, Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles trả lời "không".

"Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine để họ có thể giải quyết cuộc xung đột này theo các điều khoản của họ", ông nói với Sky News.

Úc đã cam kết viện trợ hơn 1.5 tỷ đô la cho Ukraine kể từ cuộc xâm lược của Nga vào ngày 24 tháng 2 năm 2022.

Khi được hỏi liệu chính phủ có cân nhắc việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của Úc đến Ukraine hay không, ông Marles cho biết vấn đề này chưa được thảo luận.

"Còn rất nhiều nước phải chảy qua cầu trước khi chúng ta đến được thời điểm đó", ông nói.

Trong một lời đe dọa nhắm vào tổng thống Ukraine, ông Trump đã cảnh báo rằng ông "tốt hơn hết là nên hành động nhanh chóng" để đạt được một thỏa thuận hòa bình với Nga "nếu không ông sẽ không còn đất nước nào nữa".

Giáo sư Peter Dean, từ Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ của Đại học Sydney, cho biết Úc cần phải lên tiếng chỉ trích những lời lẽ hoa mỹ khi chúng "hoàn toàn sai sự thật".

"Ông ấy (Trump) đang cố gắng khiến Hoa Kỳ ngừng hỗ trợ Ukraine và một cuộc chiến tranh đang diễn ra, không bao giờ kết thúc và ông ấy đang cố gắng khiến người châu Âu phải trả tiền cho an ninh châu Âu", ông nói với AAP.

"Chúng ta cũng phải chờ xem mọi chuyện thực sự diễn ra như thế nào trên thực tế".

Giáo sư Dean cho biết trong khi Úc và Hoa Kỳ có sự thống nhất rất chặt chẽ về nhiều vấn đề, thì ông Trump lại theo đuổi chính sách đối ngoại "Nước Mỹ trên hết".

"Những gì chúng ta đang thấy ở đây là một chút khác biệt giữa quan điểm của Donald Trump về thế giới và sự đồng thuận lưỡng đảng của Úc về chính sách quốc tế trên thế giới", ông nói.

Đồng chủ tịch Liên đoàn các tổ chức Ukraine của Úc Kateryna Argyrou chỉ trích những bình luận của ông Trump là "gây sốc và kinh hoàng".

"Tổng thống Trump dường như bị cuốn vào tuyên truyền của Nga, đây là một tình huống rất nguy hiểm đối với Ukraine", bà nói.

"Những bình luận của ông ấy hoàn toàn xa rời thực tế và là mối quan ngại lớn.

"Ukraine có quyền được hưởng chủ quyền và độc lập và cần có vị trí hợp pháp tại bàn đàm phán".

Trong vòng chưa đầy một tuần kể từ khi ông Trump có cuộc trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, lời lẽ của tổng thống Hoa Kỳ đã làm căng thẳng mối quan hệ với các quốc gia châu Âu không đồng tình với cách tiếp cận của ông nhằm chấm dứt xung đột.
 
Tài Liệu - Sưu Khảo
Khuôn mặt yêu thương kẻ thù
Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
21:20 20/02/2025
Khuôn mặt yêu thương kẻ thù

Trong đời sống yêu thương người làm ơn, người quen biết, người tốt với mình là điều thường, cùng dễ dàng không có vấn đề gì, cùng xem ra hợp tình hợp lý. Nhưng Chúa Giesu lại dạy bài giáo lý khác, trái ngược hẳn:

“Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình.”

Vậy đâu là khuôn mặt bài giáo lý “ yêu thương kẻ thù “ như Chúa Giesu dạy trong phúc âm ( Lc 6,27-38), và có thể sống áp dụng thực hành trong đời sống được không?

Trong đời sống xã hội con người chúng ta thường mời nhau khi có kỷ niệm dịp mừng vui, như kỷ niệm ngày sinh nhật, ngày thành hôn, mừng ngày thượng thọ… Ai được mời tham dự thường suy nghĩ cần phải mang tặng quà gì cho tương xứng. Nhiều khi suy nghĩ mãi mà không tìm ra được ý tưởng gì.

Ngày vui mừng kỷ niệm, được mời tham dự, khách thường có món quà tặng gì đáp lễ tương hợp với món quà, mà trước đó họ đã tặng cho mình. Món quà phải có hình thức cùng nội dung coi được. Nó không được trội vượt hơn món quà trước đó họ đã tặng mình. Vì nếu không, mình sẽ bị cho là kẻ cả chơi trên tay trên nước, là người khoe khoang. Như vậy không tốt!

Nhưng nếu món quà tặng nhỏ bé kém, thì có thể bị chê cười là hà tiện ăn người, không biết kém cách sống chơi ở đời …như thế thật xấu hổ, không vui mất thể diện! Và như thế không được!

Nếu món quà tặng chỉ hướng theo khía cạnh tương xứng phù hợp về phía cho thể diện mình thôi thì không diễn tả nói lên được tâm tình thân tình vui mừng của mình cho người có kỷ niệm mừng vui. Vậy món quà tặng cần tương hợp với người được tặng quà, mà họ mong muốn, mà họ cần dùng là tốt xứng hợp hơn hết. Như thế món quà tặng cần gói ghém mang nhiều ý nghĩa nội dung tâm tình hơn là hình thức bắt buộc vẻ bề ngoài.

Chúa Giesu qua bài giáo lý “yêu thương kẻ thù” nêu ra cung cách lối sống: Thực thi nhiều hơn ta có thể nghĩ. Cho đi nhiều hơn ta nghĩ tưởng, đó là sự công bằng. Nơi mỗi người còn ẩn chứa nhiều điều hơn mình đang là, đang có.

Con người cần phải cho đi, phải trao tặng, không phải vì sẽ nhận lại được. Đó là một cung cách thái độ nếp sống tinh thần tâm linh. Và cũng là điều khác thường, có chút vẻ xa lạ trong nếp sống thông thường của nhân gian. Nếp sống tâm linh tinh thần này nghiêng ngả khi bên trái, khi bên phải, lên hay xuống, như chiếc bàn cân có độ mức dao động cho tới khi đạt tới mức độ trọng lượng quân bình ngang bằng.

Bài giáo này đề ra nguyên tắc căn bản cho đời sống tinh thần tâm linh. Đó không phải là một siêu thị, hiệu tiệm cửa hàng buôn bán nghiêng thiên về lợi nhuận bất kể ai là khách hàng. Nhưng mang tương quan ý nghĩa qua nếp sống con người với nhau, để hình ảnh tình yêu Thiên Chúa được cảm nhận lộ diện rõ ra.

Thiên Chúa trao tặng con người không đặt ra giới hạn điều kiện nào, sự sống con người, nguồn thực phẩm nuôi sống, cơ hội khung cảnh sinh sống, và qua Chúa Giesu Kito Thiên Chúa đã trao tặng chính tình yêu của Ngài là món quà tặng cho con người trần gian, mà không đòi hỏi được đền trả lại tương xứng. Con người cũng không thể làm món quà gì tương xứng khác được để có chiều đối trọng cân bằng. Con người chỉ có thể đón nhận món quà cao quý vô giá đó, và tiếp tục cho đi thôi.

Trong dòng lịch sử nhân loại xưa nay luôn hằng có những con người thực thi nếp sống bác ái dấn thân cho người khác mà không phân biệt những người đối diện là người như thế nào.

Mẹ Thánh Teresa thành Calcutta bên nước Ấn Độ đã từ bỏ nếp sống tiện nghi bên Âu châu tình nguyện sang sống giữa những người nghèo khổ bị bỏ rơi trong xã hội. Mẹ thành lập Dòng nữ Bác ái đi thu góp chăm nuôi săn sóc những người nghèo khốn trẻ em người lớn bị hất hủi bỏ rơi sống lang thang bên lề xã hội. Cho họ có quần áo mặc, nơi ăn chốn ở, thuốc uống lúc còn sống và an táng khi họ qua đời.

Mẹ và Dòng của Mẹ muốn mang lại cho họ chút ánh sáng niềm vui, niềm an ủi hy vọng về giá trị con người trong bước đường khốn cùng của đời sống bất hạnh, mà họ đang phải chịu đựng.

Mẹ và các Nữ Tu dòng bác ái Teresa làm việc trao tặng giúp cho mọi người đơn côi nghèo khổ, không phân biệt họ là ai, không nghĩ đến sự đền trả tương xứng.

Mẹ và Dòng của Mẹ dấn thân cho việc giúp đỡ người nghèo khổ không đặt màng đến sự thành công, hay được chú y vỗ tay ca ngợi. Nhưng nội dung chất lượng tình yêu qua cung cách với người cần được giúp đỡ mới là trung tâm điểm chính yếu. Chính Mẹ Teresa đã đề ra phương châm làm việc dấn thân trao tặng: “Không phải sự thành công, nhưng là sự trung thành trong Đức tin vào Thiên Chúa mới quan trọng.”

Nhu cầu cần thiết cho đời sống của người khác, của người đối diện là động lực thôi thúc. Nó có sức truyền cảm hứng bùng phát lên năng lượng cho lòng can đảm, lòng trắc ẩn. Vì thế họ ra đi sống dấn thân, ra tay quảng đại giúp đỡ như có thể làm được, mà không phân biệt cùng tính toán so đo hơn thiệt.

Lm. Daminh Nguyễn ngọc Long
 
VietCatholic TV
Giữa những hoang mang: Boris Johnson lên tiếng. NATO có đủ lực lượng, phương tiện để bảo vệ Ukraine
VietCatholic Media
03:02 20/02/2025


1. Boris Johnson giải thích với Âu Châu: Tổng thống Donald Trump chỉ đang cố gắng gây sốc cho các bạn

Cố gắng hết sức để bênh vực cho Tổng thống Trump, Boris Johnson kêu gọi các nhà lãnh đạo Âu Châu không nên hiểu theo nghĩa đen khi Ông Donald Trump đổ lỗi cho người Ukraine về cuộc xâm lược của Nga vào đất nước họ.

Hôm thứ Ba, Tổng thống Donald Trump đã chế giễu Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy là một nhà đàm phán kém và “cực kỳ bất tài”, đặt vấn đề không chính xác về tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Zelenskiy, thậm chí đổ lỗi cho Kyiv về cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào năm 2022.

Sự việc diễn ra sau khi Hoa Kỳ và Nga bắt đầu các cuộc đàm phán trực tiếp về việc chấm dứt chiến tranh — mà không có sự tham gia của Ukraine.

Johnson, cựu thủ tướng Anh, người từng là đồng minh trung thành của Ukraine trong khi cũng ca ngợi Tổng thống Donald Trump, đã lên tiếng bảo vệ tổng thống Hoa Kỳ vào hôm thứ Tư. Ông đã lên tiếng chống lại một số tuyên bố mới nhất của Tổng thống Donald Trump — nhưng cho biết các quốc gia Âu Châu nên coi chúng là một phần của một nước cờ đàm phán chứ không phải là một lập trường nghiêm chỉnh.

Johnson cho biết: “Khi nào thì người Âu Châu chúng ta mới ngừng chỉ trích Ông Donald Trump và bắt đầu giúp ông ấy chấm dứt cuộc chiến này?

“Tất nhiên Ukraine không phải là bên gây chiến. Nói như thế thì khác nào cho rằng Mỹ đã tấn công Nhật Bản ở Trân Châu Cảng.

“Tất nhiên một quốc gia đang trải qua một cuộc xâm lược bạo lực không nên tổ chức bầu cử. Không có cuộc tổng tuyển cử nào ở Anh từ năm 1935 đến năm 1945. Tất nhiên, tỷ lệ ủng hộ Zelenskiy không phải là 4 phần trăm. Trên thực tế, tỷ lệ này cũng tương đương với tỷ lệ người Mỹ ủng hộ Tổng thống Donald Trump.”

Nhưng cựu Thủ tướng nói thêm: “Những tuyên bố của Tổng thống Donald Trump không nhằm mục đích chính xác về mặt lịch sử mà nhằm gây sốc cho người Âu Châu để họ hành động”.

Kể từ khi rời nhiệm sở vào năm 2022, Johnson đã vận động những người Cộng hòa hàng đầu tiếp tục ủng hộ Ukraine. Ông đã dùng bữa tối với Tổng thống Donald Trump để thảo luận về Ukraine và gặp tổng thống Hoa Kỳ tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hòa.

Tuần trước, ông cáo buộc các nhà lãnh đạo Âu Châu là “kẻ hèn nhát” khi phản ứng lại các cuộc đàm phán Nga-Mỹ và kêu gọi họ “dũng cảm và hành động” trong giai đoạn mới nhất của cuộc xung đột.

Hôm thứ Tư, Johnson lập luận rằng sự can thiệp của Tổng thống Donald Trump sẽ thúc đẩy toàn Âu Châu hành động sử dụng tài sản bị đóng băng của Nga “để trả cho Ukraine và đền bù cho Hoa Kỳ vì sự hỗ trợ của nước này”.

Ông hỏi: “Tại sao Âu Châu lại ngăn cản việc giải ngân tiền mặt của Putin cho Ukraine?”

Tổng thống Joe Biden trước đây đã yêu cầu Liên Hiệp Âu Châu tịch thu khoảng 300 tỷ của Nga vào trao thẳng số tiền ấy cho Ukraine. Tuy nhiên, một quyết định như vậy cần có sự đồng thuận của tất cả các nước trong Liên Hiệp Âu Châu. Slovakia và Hung Gia Lợi, hay còn gọi là Hungary, nhất quyết phản đối viện cớ lo sợ khả năng xảy ra thế chiến thứ 3.

Mới hôm Thứ Tư, 19 Tháng Hai, phát ngôn nhân của chính phủ Hung Gia Lợi cho biết, Hung Gia Lợi sẽ ngăn chặn gói trừng phạt thứ 16 của Liên Hiệp Âu Châu nếu khối này từ chối miễn trừ cho Thượng phụ Kirill của Mạc Tư Khoa và cấm Hung Gia Lợi sử dụng các sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Đây là một ví dụ nữa về việc Budapest chặn các biện pháp trừng phạt đối với nhà lãnh đạo Giáo hội Chính thống giáo Nga. Thượng phụ Kirill, tên thế tục là Vladimir Gundyayev, đã công khai ủng hộ cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine và được coi là đồng minh thân cận của Điện Cẩm Linh. Tình báo kinh tế Liên Hiệp Âu Châu cho rằng Thượng phụ Kirill sở hữu số tài sản kếch xù lên đến 4,5 tỷ Mỹ Kim. Đó là số tiền riêng của ông ta. Tuy nhiên, Liên Hiệp Âu Châu muốn đóng băng các tài khoản của Kirill vì số tiền trong các tài khoản của ông ta gấp nhiều lần con số 4,5 tỷ Mỹ Kim mà các nguồn tin tình báo cho rằng ngoài tiền của ông ta còn có tiền của trùm mafia Vladimir Putin, Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu, và các quan chức khác đưa cho Kirill giữ giùm.

[Politico: Boris Johnson to Europe: Trump’s just trying to shock you]

2. Kiểm tra thực tế: Liệu Hoa Kỳ có trao 350 tỷ đô la cho Ukraine như Tổng thống Donald Trump tuyên bố không?

Trước khi loan tin này, chúng tôi muốn lưu ý với quý vị và anh chị em rằng theo các thăm dò của chúng tôi, khoảng 77% số khán thính giả của VietCatholic là những người ủng hộ Tổng thống Trump, và nhiều người không muốn chúng tôi loan tải những tin họ cho là bất lợi cho Tổng thống Trump. Chúng tôi biết như thế.

Tuy nhiên, chúng tôi có nghĩa vụ phải loan tin trung thực. Chúng tôi không muốn đánh lừa quý vị và anh chị em. Vì thế, quý vị và anh chị em có thể thấy chúng tôi đã làm nhiều biện pháp rất mất thời gian như chúng tôi phải nghe các diễn văn của Tổng thống Trump, đánh máy ra những gì ông ấy nói, dịch ra tiếng Việt và để quý vị nghe chính giọng nói của ông ấy. Tất cả các công việc ấy mất rất nhiều thời gian.

Một lần nữa, xin nhắc lại chúng tôi biết khoảng 77% số khán thính giả của VietCatholic là những người ủng hộ Tổng thống Trump. Chúng tôi hoàn toàn không có chủ trương chống Tổng thống Trump. Làm như thế là vô cùng dại dột. Nhưng, chúng tôi phải loan tin trung thực. Chúng tôi không thể đánh lừa quý vị. Sự thật đôi khi mất lòng. Xin thông cảm.

Tổng thống Donald Trump đã chỉ trích Volodymyr Zelenskiy trên mạng xã hội vào thứ Tư sau khi tổng thống Ukraine nói rằng Tổng thống Donald Trump đang “sống trong không gian thông tin sai lệch của Nga”.

Ukraine đứng ngoài cuộc theo dõi các cuộc đàm phán giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga tại Ả Rập Xê Út, trong khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump cho biết họ đang có động thái chấm dứt chiến tranh giữa hai nước láng giềng Âu Châu.

Tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba đã nói, mà không trích dẫn nguồn tin, rằng tỷ lệ người Ukraine ủng hộ Tổng thống Zelenskiy chỉ có 4 phần trăm. Zelenskiy cáo buộc Tổng thống Donald Trump đã khuất phục trước “thông tin sai lệch” từ Nga trong các bình luận. Trong các bình luận được đưa ra sau phát biểu của Zelenskiy, Tổng thống Donald Trump đã lên mạng xã hội để nói rằng tổng thống Ukraine đã “thuyết phục Hoa Kỳ chi 350 tỷ đô la”. Đó là một tuyên bố không được chứng minh bằng bằng chứng.

Tổng thống Donald Trump cho biết vào hôm thứ Tư rằng: “Hãy nghĩ xem, một diễn viên hài thành công khiêm tốn, Volodymyr Zelenskiy, đã thuyết phục Hoa Kỳ chi 350 tỷ đô la để tham gia vào một cuộc chiến không thể thắng được, một cuộc chiến không bao giờ cần phải bắt đầu, nhưng là một cuộc chiến mà nếu không có Hoa Kỳ và 'TỔNG THỐNG DONALD TRUMP', ông ta sẽ không bao giờ có thể giải quyết được.”

Sự thật là không có bằng chứng nào cho thấy Hoa Kỳ đã chi hoặc cam kết 350 tỷ đô la cho Ukraine.

Tổng thanh tra đặc biệt cho Chiến dịch Atlantic Resolve, gọi tắt là OAR, là cơ quan giám sát của Hoa Kỳ đối với khoản chi tiêu này, tuyên bố Quốc hội đã phân bổ hoặc cung cấp theo cách khác gần 183 tỷ đô la cho Ukraine và OAR, trong đó 130,1 tỷ đô la đã được cam kết và 86,7 tỷ đô la đã được giải ngân, trong khoảng thời gian từ năm tài chính 2022 đến năm 2024.

Nguồn tài trợ này cũng bao gồm hỗ trợ an ninh cho các đồng minh NATO ở các quốc gia đối tác, vì vậy không phải toàn bộ số tiền này đều được phân bổ để sử dụng cụ thể cho Ukraine.

Tổng thống Donald Trump đã từng đưa ra con số 350 tỷ đô la trước đây, đề cập đến nó trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 12 năm 2024 trên “Meet The Press”.

Hơn nữa, các phân tích đã chỉ ra rằng một phần chi tiêu cho Ukraine cuối cùng lại quay trở lại Hoa Kỳ. Theo báo cáo của The Washington Post, nguồn tài trợ để trang bị vũ khí cho Ukraine đã được chuyển vào mục đích thay thế trong nước hoặc chế tạo vũ khí mới cho kho vũ khí của Hoa Kỳ đã được gửi đến Ukraine, thông qua các nhà sản xuất của Hoa Kỳ.

Tổng thống Donald Trump cũng tuyên bố không chính xác rằng Hoa Kỳ đã chi nhiều hơn 200 tỷ đô la cho Ukraine so với Âu Châu, trích dẫn sai lời Zelenskiy khi nói rằng một nửa số tiền mà Quốc hội phân bổ là “mất tích” và nói rằng hàng triệu người đã thiệt mạng trong cuộc xung đột giữa hai quốc gia, một con số không được chứng minh bằng các bằng chứng hiện tại.

Tuyên bố của Newsweek:

Theo dõi chi tiêu của Quốc hội cho Ukraine cho thấy họ đã phân bổ gần 183 tỷ đô la kể từ cuộc xâm lược của Nga. Phân tích cho thấy một số khoản tài trợ này cuối cùng đã quay trở lại Hoa Kỳ, để bổ sung vũ khí và thiết bị quốc phòng trong nước mà Hoa Kỳ đã cung cấp cho Kyiv. Một số khoản tài trợ không được chuyển trực tiếp cho Ukraine mà cho các đối tác quốc phòng của NATO. Do đó, tuyên bố của Tổng thống Trump là sai sự thật.

[Newsweek: Fact Check: Did the US Give $350B to Ukraine, as Trump Claims?]

3. Lực lượng phương Tây nhỏ hơn có thể bảo đảm an ninh ở Ukraine, Guardian đưa tin

Các nguồn tin quốc phòng Anh nói với tờ Guardian vào ngày 18 tháng 2 rằng một lực lượng quân đội phương Tây tương đối nhỏ có thể bảo đảm an ninh cho Ukraine trong trường hợp ngừng bắn với Nga.

Trước đó, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nói với tờ Guardian rằng các đối tác Âu Châu sẽ cần phải điều động 100.000 đến 150.000 quân ở tiền tuyến của Ukraine để ngăn chặn hiệu quả Nga.

Các nguồn tin quốc phòng giấu tên của Anh cho biết, một lực lượng gìn giữ hòa bình do Âu Châu đứng đầu có thể dựa vào tình báo, giám sát và theo dõi tầm xa để thực thi lệnh ngừng bắn thay vì điều động một số lượng lớn quân trên bộ.

Các nguồn tin cho biết lực lượng này có thể lên tới hàng chục ngàn người, hoặc thậm chí ít hơn.

Trong một kịch bản thay thế được đề xuất, hoạt động giám sát tầm xa sẽ thay thế hoàn toàn quân đội Âu Châu.

Các nguồn tin quân sự khác của Anh cho biết trong kịch bản có khả năng xảy ra nhất, Anh sẽ đóng góp một hoặc hai lữ đoàn vào nỗ lực gìn giữ hòa bình của Âu Châu tại Ukraine. Một lữ đoàn bao gồm vài ngàn binh lính.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu sẽ họp tại Pháp vào ngày 19 tháng 2 cho một hội nghị thượng đỉnh cao cấp về an ninh Ukraine. Cuộc họp này là hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp thứ hai về chủ đề này mà Paris đã tổ chức trong tuần này và diễn ra một ngày sau khi các quan chức Hoa Kỳ và Nga họp để đàm phán tại Saudi Arabia, loại trừ hoàn toàn Ukraine và Âu Châu.

Trong cuộc họp với Mỹ tại Arab Saudi, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết Mạc Tư Khoa sẽ không chấp nhận việc điều động bất kỳ quân đội NATO nào ở Ukraine sau thỏa thuận ngừng bắn.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron là nhà lãnh đạo trong đề xuất điều động quân đội Âu Châu trên bộ như một biện pháp bảo đảm an ninh thay thế cho Ukraine. Thủ tướng Anh Keir Starmer đã ra tín hiệu sẵn sàng điều động quân đội Anh như một phần của kế hoạch như vậy.

Các quốc gia Âu Châu tham gia có thể sẽ gửi từ 25.000 đến 30.000 binh sĩ tới Ukraine, tờ Washington Post, gọi tắt là WP đưa tin vào ngày 17 tháng 2, trích dẫn các nguồn tin giấu tên quen thuộc với các cuộc thảo luận.

Các nguồn tin từ Anh không xác nhận con số này trong khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, nhưng cho biết với tờ Guardian rằng một lực lượng có quy mô như vậy có khả năng cao hơn so với con số mà Zelenskiy đề xuất.

Starmer sẽ tới thăm Washington, DC vào tuần tới, nơi ông dự kiến sẽ thúc giục Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cung cấp thêm các bảo đảm an ninh cho Kyiv để hỗ trợ nỗ lực gìn giữ hòa bình của Âu Châu.

Tổng thống Donald Trump đã nhiều lần nói rằng ông muốn Âu Châu chia sẻ gánh nặng tài trợ và giám sát an ninh Ukraine.

[Kyiv Independent: Smaller Western force could guarantee security in Ukraine, Guardian reports]

4. Vance nói Zelenskiy “nói xấu” Tổng thống Donald Trump, gọi đó là phản tác dụng

Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance đã chỉ trích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vào ngày 19 tháng 2, cho rằng những phát biểu công khai của ông về Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump là phản tác dụng.

Vance nói với DailyMail rằng: “Ý tưởng cho rằng Zelenskiy sẽ thay đổi suy nghĩ của tổng thống bằng cách nói xấu ông ấy trên phương tiện truyền thông đại chúng - bất kỳ ai biết tổng thống đều sẽ nói với bạn rằng đó là một cách đối phó tồi tệ với chính quyền này”.

Bình luận của ông được đưa ra sau khi Zelenskiy bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Donald Trump rằng sự ủng hộ của ông trong số người Ukraine đã giảm xuống còn 4%, nói rằng tổng thống Hoa Kỳ đã bị thông tin sai lệch của Nga đánh lừa. Tổng thống Donald Trump đưa ra bình luận này như một lập luận về lý do tại sao Ukraine nên tổ chức bầu cử trong tương lai gần.

Nói cho công bằng, tuyên bố của Vance cho rằng Tổng thống Zelenskiy đang đi nói xấu Tổng thống Trump để áp lực Ông Trump thay đổi suy nghĩ của mình là một cáo buộc không có cơ sở. Tổng thống Zelenskiy rõ ràng chỉ muốn bảo vệ mình sau cáo buộc hoàn toàn sai trái rằng ông ấy chỉ được 4% người dân Ukraine ủng hộ. Tổng thống Zelenskiy hoàn toàn có quyền bảo vệ danh thơm tiếng tốt của mình, và ông làm điều ấy một cách nhã nhặn.

Cuộc thăm dò ngày 19 tháng 2 của Viện Xã hội học Quốc tế Kyiv, gọi tắt là KIIS cho thấy 57% người Ukraine tin tưởng Zelenskiy, tăng năm điểm so với tháng 12.

Vance bác bỏ lời khẳng định đó, khẳng định rằng lập trường của Tổng thống Donald Trump về Ukraine không bị ảnh hưởng bởi các câu chuyện của Nga. “Ông Donald Trump rất am hiểu về địa chính trị và đã giữ lập trường cứng rắn về vấn đề này trong một thời gian dài”, ông tuyên bố.

Ông cũng ám chỉ rằng Zelenskiy đã nhận được “lời khuyên tồi” về cách đối phó với chính quyền Tổng thống Donald Trump và được bảo rằng ông “không làm gì sai” trong ba năm qua.

“Rõ ràng là chúng tôi yêu người dân Ukraine. Chúng tôi ngưỡng mộ lòng dũng cảm của những người lính, nhưng rõ ràng chúng tôi nghĩ rằng cuộc chiến này cần phải kết thúc nhanh chóng”, Vance nói thêm.

Sự việc diễn ra sau lời chỉ trích mới nhất của Tổng thống Donald Trump đối với Zelenskiy, khi ông gọi nhà lãnh đạo Ukraine là “kẻ độc tài” trong bài đăng trên Truth Social, cáo buộc Tổng thống Zelenskiy từ chối tổ chức bầu cử.

Tuyên bố của Tổng thống Donald Trump phớt lờ thực tế là hiến pháp Ukraine cấm bầu cử trong thời gian thiết quân luật, vốn đã có hiệu lực kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Nga bắt đầu vào năm 2022.

Trước đó, Tổng thống Donald Trump đã đề xuất Ukraine nên tổ chức một cuộc bầu cử mới, ngụ ý rằng sự lãnh đạo của Zelenskiy là một yếu tố kéo dài chiến tranh.

[Kyiv Independent: Vance says Zelensky 'badmouthing' Trump, calls it counterproductive]

5. Macron sẽ đến thăm Washington vào tuần tới, Waltz nói

Cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz cho biết vào thứ Tư rằng Tổng thống Pháp Emmanuel Macron sẽ đến Washington vào tuần tới.

Macron đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp “không chính thức” với các nhà lãnh đạo thế giới chỉ vài ngày trước tại Paris để thảo luận về an ninh Âu Châu và những thách thức do chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt ra. Tổng thống Donald Trump và Macron đã có một cuộc trò chuyện “thân thiện” nhưng ngắn gọn ngay trước hội nghị thượng đỉnh, POLITICO đưa tin vào thứ Hai.

Thủ tướng Anh Keir Starmer cũng sẽ đến thăm vào tuần tới, Waltz cho biết trên Fox News. Văn phòng của Starmer đã xác nhận chuyến thăm vào đầu tuần này.

Chuyến đi này diễn ra sau những lời chỉ trích ngày càng tăng của Tổng thống Donald Trump đối với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy vì đã không làm nhiều hơn để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine sớm hơn. Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Hai, Tổng thống Donald Trump gọi Zelenskiy là “nhà độc tài không có bầu cử”, khi các nhà lãnh đạo Âu Châu ngày càng lo sợ rằng Tổng thống Donald Trump sẽ đứng về phía Putin thay vì lợi ích của các đồng minh lâu năm ở Âu Châu.

Tuần trước, các phái viên của Tổng thống Donald Trump tham dự Hội nghị An ninh Munich, bao gồm Phó Tổng thống JD Vance, đã làm dấy lên mối lo ngại trong số các nhà lãnh đạo Âu Châu về việc đàm phán một giải pháp cho cuộc chiến ở Ukraine mà không có Âu Châu — và có khả năng không có Ukraine.

Nhưng Waltz bác bỏ ý kiến cho rằng Âu Châu đang bị bỏ lại phía sau.

“Chúng tôi đã có bảy viên chức nội các ở Âu Châu, tại Munich để nói chuyện với các đồng minh Âu Châu của chúng tôi,” ông nói trên “America Reports,” trước khi bình luận về chuyến thăm sắp tới của Pháp và Vương quốc Anh. “Chúng tôi đang tham gia vào mọi phía.”

Waltz nói thêm rằng ông lạc quan về cơ hội đạt được thỏa thuận hòa bình về Ukraine và ông vừa nói chuyện với các nhà lãnh đạo Âu Châu từ Pháp, Anh và Đức, những người sẵn sàng “tăng cường” và nhận được sự bảo đảm an ninh cho đất nước.

Waltz cho biết: “Chúng tôi hoan nghênh Âu Châu, chúng tôi đã yêu cầu họ trong nhiều năm qua hãy hành động và đóng góp nhiều hơn không chỉ cho quốc phòng của chính họ mà còn cho quốc phòng của Ukraine”.

[Politico: Macron to visit Washington next week, Waltz says]

6. Nga, Hoa Kỳ kết thúc đàm phán hòa bình Ukraine tại Saudi Arabia Nga cho biết các cuộc tranh luận ‘không tệ’

Một phái đoàn Nga do Ngoại trưởng Sergey Lavrov dẫn đầu đã gặp một phái đoàn Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu, đây là cuộc tiếp xúc chính thức trực tiếp đầu tiên giữa hai bên kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

Phát biểu sau các cuộc đàm phán, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce cho biết cuộc họp là “một bước tiến quan trọng”, nhưng nói thêm: “Một cuộc gọi điện thoại được tiếp theo bằng một cuộc họp sau đó vẫn là không đủ để thiết lập hòa bình lâu dài”.

Trong cuộc họp báo ngày Thứ Tư, 19 Tháng Hai, Ngoại trưởng Sergey Lavrov cho biết cuộc gặp giữa Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Putin đã được thảo luận, nhưng khó có thể diễn ra vào tuần tới như đã từng đồn đoán trước đó.

Tuy nhiên, nhà đàm phán Hoa Kỳ Mike Waltz nhấn mạnh rằng Tổng thống Donald Trump quyết tâm thúc đẩy các cuộc đàm phán về một thỏa thuận hòa bình tiềm năng ở Ukraine một cách rất nhanh chóng, đồng thời nói thêm rằng “một cuộc chiến tranh không hồi kết ở Âu Châu là điều không thể chấp nhận được đối với Tổng thống Donald Trump”.

Theo Lavrov, các nhóm đàm phán riêng biệt từ Hoa Kỳ và Nga sẽ bắt đầu trao đổi về vấn đề Ukraine “vào thời điểm thích hợp”.

Những người tham dự cuộc họp tại Riyadh cũng quyết định khôi phục nhân sự tại đại sứ quán để thực hiện các phái đoàn ngoại giao tiếp theo.

Rubio cho biết: “Chúng ta cần phải có các phái đoàn ngoại giao năng động có thể hoạt động bình thường để có thể tiếp tục các kênh này”.

Trả lời câu hỏi về sự vắng mặt của Âu Châu tại Ả Rập Xê Út, Rubio nói rằng “không có ai bị gạt ra ngoài ở đây”.

Ông nói thêm rằng “một số điều rất tích cực cho Hoa Kỳ, cho Âu Châu, cho Ukraine, cho thế giới” có thể xuất hiện, nhưng “cuộc xung đột” trước tiên phải chấm dứt.

Rubio cho biết: “Để chấm dứt xung đột, mọi bên liên quan trong xung đột đó phải chấp nhận một vài điều gì đó, phải chấp nhận được một vài điều gì đó đối với họ”.

“Hôm nay là bước đầu tiên của một hành trình dài và khó khăn, nhưng rất quan trọng”, ông nói thêm.

Lavrov nói với Reuters rằng Nga và Hoa Kỳ cũng đã có các cuộc đàm phán riêng về hợp tác kinh tế, bao gồm cả giá năng lượng toàn cầu.

Ông nói thêm rằng cuộc gặp gần đây giữa Nga và Hoa Kỳ đã “bác bỏ” logic của các cuộc đàm phán dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden.

“ Có một logic mới mà ở đó chúng ta cần phải thảo luận và hiểu những gì chúng ta đồng ý và nếu có sự khác biệt, chúng ta cần phải hiểu chúng là gì”.

Mặc dù Hoa Kỳ và Nga họp mà không có sự tham gia của Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelenskiy cũng sẽ tới Saudi Arabia vào tuần này.

NBC đưa tin rằng Hoa Kỳ có ý định tổ chức một cuộc họp song phương với Nga, sau đó là một cuộc họp song phương với Ukraine và kết thúc bằng các cuộc đàm phán chung.

[Kyiv Independent: Russia, US conclude Ukraine peace talks in Saudi Arabia, Kremlin advisor says they were 'not bad']

7. Chính quyền Tổng thống Donald Trump cập nhật cho đồng minh NATO về quân đội Hoa Kỳ ở Đông Âu

Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm thứ Ba cho biết ông đã nhận được sự bảo đảm từ Hoa Kỳ rằng Washington sẽ không giảm sự hiện diện của quân đội tại Ba Lan hoặc dọc theo sườn phía đông của NATO.

Trong khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump chưa công bố kế hoạch rút quân khỏi khu vực, họ đã nhấn mạnh rằng Âu Châu phải chịu trách nhiệm lớn hơn cho an ninh của chính mình. Quan điểm này đã làm dấy lên mối lo ngại trong số các đồng minh NATO về cam kết của Washington đối với các nghĩa vụ quốc phòng lâu dài của mình.

“Không có lo ngại nào về việc Hoa Kỳ sẽ giảm mức độ hiện diện tại quốc gia chúng tôi, rằng Hoa Kỳ sẽ rút lui khỏi trách nhiệm hoặc trách nhiệm chung đối với an ninh của khu vực Âu Châu này”, Duda nói với các phóng viên ở Warsaw.

“Ngược lại, tôi hy vọng rằng nhờ những nỗ lực mà Tổng thống Donald Trump đang thực hiện hiện nay, cuộc chiến ở Ukraine sẽ chấm dứt.”

Bình luận của tổng thống Ba Lan được đưa ra trong bối cảnh Âu Châu đang bất ổn về cuộc chiến đang diễn ra giữa Nga và Ukraine, cũng như sự tham gia của Hoa Kỳ vào cuộc xung đột này, khi các quan chức Mỹ chuẩn bị gặp gỡ các đối tác Nga.

Vào cuối tuần, các quan chức Liên minh Âu Châu và Vương quốc Anh đã làm việc trên một gói trị giá hàng tỷ đô la để tăng cường an ninh trong khu vực.

Duda, người từ lâu có mối quan hệ thân thiện với Tổng thống Donald Trump, đã phát biểu với các phóng viên sau khi gặp Tướng Keith Kellogg, đặc phái viên Hoa Kỳ về Ukraine và Nga, vào thứ Ba.

Duda cho biết đánh giá của ông dựa trên các cuộc trò chuyện trong những ngày gần đây với Kellogg và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, người mà ông đã tiếp đón tại Warsaw vào tuần trước.

Ông kêu gọi người Ba Lan “giữ bình tĩnh” trước sự thay đổi trong các ưu tiên dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Hoa Kỳ đã điều động quân tới Ba Lan sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, nhưng đã tăng cường điều động và hiện diện lâu dài tại đó sau khi Nga xâm lược toàn diện Ukraine vào năm 2022.

Trong những ngày gần đây, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã bắt đầu thay đổi chiến thuật, với Ngoại trưởng Marco Rubio và Phó Tổng thống JD Vance nằm trong số các quan chức hàng đầu kêu gọi Âu Châu đóng vai trò lớn hơn trong an ninh của lục địa này, thay vì Hoa Kỳ.

Vào cuối tuần, Rubio đã khen ngợi Lithuania, một quốc gia thuộc Liên Xô cũ có chung biên giới với Nga, vì đã cam kết tăng chi tiêu quốc phòng.

Ngoại trưởng cho biết: “Tôi đánh giá cao sự tận tâm của Lithuania trong việc thúc đẩy các ưu tiên chung của chúng ta và lập trường mạnh mẽ của các bạn chống lại các chế độ độc tài, đặc biệt là Trung Quốc và Nga”.

Tổng thư ký NATO Mark Rutte đã phát biểu vào thứ năm rằng “rõ ràng” chi tiêu quốc phòng cần phải được tăng lên, nếu không sẽ không thể bảo vệ các quốc gia trong khối trong vòng bốn hoặc năm năm.

Bản thân Tổng thống Donald Trump đã cam kết chấm dứt chiến tranh giữa Nga và Ukraine, bắt đầu gần đúng ba năm trước khi quân đội Nga xâm lược nước láng giềng có chủ quyền của họ. Trước lễ nhậm chức, Tổng thống Donald Trump cho biết ông có thể chấm dứt chiến tranh trong vòng một ngày.

Gần một tháng sau khi chính quyền Tổng thống Donald Trump lần thứ hai lên nắm quyền, các quan chức hiện đang họp với những người đồng cấp từ Mạc Tư Khoa tại Saudi Arabia, trong khi vẫn giữ khoảng cách với các quan chức Ukraine.

Một kế hoạch đã được thảo luận để đạt được lệnh ngừng bắn giữa Ukraine và Nga, bao gồm việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình của Trung Quốc và Brazil tới Ukraine, trong khi các quan chức Nga cho biết họ sẽ không chấp nhận quân đội dưới bất kỳ lá cờ nào vào nước này.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov, sau cuộc hội đàm hôm thứ Ba: “Đó là một cuộc trò chuyện rất hữu ích. Chúng tôi lắng nghe nhau, và chúng tôi đã nghe thấy nhau.”

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy phát biểu tại Thổ Nhĩ Kỳ: “Chúng tôi muốn mọi thứ đều công bằng và không ai quyết định bất cứ điều gì sau lưng chúng tôi”.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth phát biểu tại một cuộc họp báo hôm thứ Năm: “Chúng tôi kỳ vọng vào những người bạn của mình—và chúng tôi nói điều này để đoàn kết—là các bạn phải chi nhiều hơn cho quốc phòng, cho đất nước của mình, trên lục địa đó, với sự hiểu biết rằng quân đội Hoa Kỳ và người dân Hoa Kỳ luôn sát cánh cùng các bạn, như chúng tôi đã làm ở NATO.”

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Tammy Bruce, trong một thông cáo báo chí: “Tổng thống Donald Trump muốn chấm dứt việc giết chóc; Hoa Kỳ muốn hòa bình và đang sử dụng sức mạnh của mình trên thế giới để đưa các quốc gia lại gần nhau hơn. Tổng thống Donald Trump là nhà lãnh đạo duy nhất trên thế giới có thể khiến Ukraine và Nga đồng ý với điều đó.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ hôm thứ Ba cho biết chính quyền đã đồng thanh với Nga về việc bắt đầu đàm phán chấm dứt xung đột ở Ukraine “càng sớm càng tốt”, đồng thời thừa nhận rằng “một cuộc gọi điện thoại tiếp theo là một cuộc họp” không phải là tất cả những gì cần thiết để thực hiện điều đó.

[Newsweek: Trump Admin Gives Update to NATO Ally About US Troops in Eastern Europe]

8. Hội nghị thượng đỉnh thứ hai về cuộc khủng hoảng Ukraine được lên kế hoạch vào thứ Tư

Các nhà lãnh đạo Âu Châu và thế giới khác đang có kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp lần thứ hai tại Paris vào thứ Tư khi áp lực ngày càng gia tăng nhằm đưa ra phản ứng thống nhất trước kế hoạch gây chia rẽ của Ông Donald Trump nhằm chấm dứt chiến tranh ở Ukraine.

Một nhóm nhỏ các nhà lãnh đạo — bao gồm những người từ Pháp, Đức, Ý, Tây Ban Nha, Ba Lan, Đan Mạch và Vương quốc Anh — đã tập trung tại thủ đô nước Pháp vào thứ Hai, sau khi bị sốc vì quyết định của Tổng thống Hoa Kỳ Tổng thống Donald Trump đàm phán với Putin và bỏ rơi họ.

Cuộc họp mới nhất chưa được xác nhận chính thức nhưng có khả năng sẽ diễn ra, hai quan chức Âu Châu cho biết vào tối thứ Ba. “Hiện tại chúng tôi không thể chỉ ra bất cứ điều gì”, một phát ngôn viên của chính phủ Pháp cho biết khi được hỏi về cuộc họp.

Theo Reuters, hãng tin đầu tiên đưa tin về diễn biến này, ngoài những người tham dự cuộc họp hôm thứ Hai, các nước Liên Hiệp Âu Châu gồm Lithuania, Estonia, Latvia, Cộng hòa Tiệp, Hy Lạp, Phần Lan, Rumani, Thụy Điển và Bỉ cũng như Canada và Na Uy ― cả hai đều là đồng minh của NATO ― cũng được mời tham dự cuộc đàm phán hôm thứ Tư.

Nỗ lực do Pháp dẫn đầu vào thứ Hai nhằm thể hiện mặt trận thống nhất về vấn đề Ukraine trước nỗi lo sợ ngày càng tăng về ý định của Tổng thống Donald Trump đã thất bại vì họ không đồng thanh được về việc cử quân đội để giám sát thỏa thuận hòa bình có thể xảy ra.

Hoa Kỳ và Nga đã có cuộc hội đàm song phương tại Saudi Arabia trong 4,5 giờ vào thứ Ba, trong đó Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đã đồng thanh thành lập các nhóm đàm phán cao cấp để thảo luận về việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine.

Cả Ukraine và Âu Châu đều không có đại diện tại bàn đàm phán.

[Politico: Second crisis Ukraine summit planned for Wednesday]

9. ‘Nga sẽ cố gắng chia rẽ chúng ta’ — Kallas nói về cuộc đàm phán Mỹ-Nga tại Saudi Arabia

Các Ngoại trưởng Âu Châu và nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại Liên Hiệp Âu Châu Kaja Kallas đã nói chuyện với Ngoại trưởng Hoa Kỳ Marco Rubio sau cuộc hội đàm giữa Hoa Kỳ và Nga tại Riyadh, Kallas cho biết trên X vào ngày 18 tháng 2.

Một phái đoàn Hoa Kỳ đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và trợ lý tổng thống hàng đầu Yuri Ushakov tại Riyadh vào ngày 18 tháng 2 để bắt đầu các cuộc đàm phán về việc chấm dứt chiến tranh, cuộc họp chính thức đầu tiên giữa hai bên kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện bắt đầu. Ukraine đã bị loại hoàn toàn khỏi các cuộc thảo luận.

“Nga sẽ cố gắng chia rẽ chúng ta. Chúng ta đừng rơi vào bẫy của họ. Bằng cách hợp tác với Hoa Kỳ, chúng ta có thể đạt được một nền hòa bình công bằng và lâu dài — theo các điều khoản của Ukraine,” Kallas viết trên X.

Không có quyết định cụ thể nào được công bố sau cuộc hội đàm giữa Hoa Kỳ và Nga, nhưng việc loại Ukraine khỏi cuộc họp đã gây lo ngại ở Kyiv và Âu Châu.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không có quyết định nào về tương lai của Ukraine có thể được đưa ra nếu không có sự tham gia của Ukraine.

Vào ngày 16 tháng 2, Rubio tuyên bố rằng các cuộc đàm phán ở Riyadh là bước thăm dò đầu tiên chứ không phải là đàm phán chính thức và rằng Ukraine và Âu Châu sẽ tham gia khi các cuộc thảo luận chính thức bắt đầu.

[Kyiv Independent: 'Russia will try to divide us' — Kallas on US-Russia talks in Saudi Arabia]

10. Trợ lý của Tổng thống Donald Trump nêu ra 4 nguyên tắc chính để đàm phán với Putin về Ukraine

Trong lần xuất hiện trên Fox News vào sáng Chúa Nhật, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz của Tổng thống Donald Trump đã nêu ra bốn nguyên tắc chính trong các cuộc đàm phán với nhà độc tài Vladimir Putin về việc chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine.

Tổng thống Donald Trump đang thúc đẩy một thỏa thuận với Putin để chấm dứt cuộc chiến đang diễn ra, bắt đầu gần ba năm trước khi Mạc Tư Khoa phát động cuộc xâm lược toàn diện vào nước láng giềng Đông Âu.

Vào thứ Tư, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Putin và sau đó nói rằng, có “khả năng lớn để chấm dứt cuộc chiến khủng khiếp và đẫm máu đó”. Tổng thống Donald Trump cho biết ông cũng đã nói chuyện riêng với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy qua điện thoại vào thứ Tư, nhưng thực tế là Zelenskiy không có mặt trong cuộc gọi với Tổng thống Donald Trump và Putin đã làm dấy lên lo ngại rằng Ukraine và các đồng minh Âu Châu của nước này sẽ không có tiếng nói đầy đủ trong cách thức diễn ra các cuộc đàm phán hòa bình này.

Cuộc điện đàm giữa Tổng thống Donald Trump và Putin báo hiệu sự thay đổi trong nỗ lực do Hoa Kỳ dẫn đầu nhằm cô lập Putin về cuộc xâm lược Ukraine và đường lối “không liên quan gì đến Ukraine mà không có Ukraine” của chính quyền Tổng thống Biden.

Shannon Bream của Fox News đã hỏi Waltz trên Fox News Sunday rằng, “Với cái giá mà người dân Ukraine phải trả, tại sao họ lại không có một chỗ ngồi trực tiếp tại bàn đàm phán, đặc biệt là nếu Zelenskiy nói rằng bất cứ điều gì bạn đưa ra, ông ấy sẽ không cảm thấy bị ràng buộc trừ khi họ tích cực, trực tiếp tham gia vào các cuộc đàm phán này?”

Waltz không trả lời câu hỏi của Bream. Thay vào đó, ông nói rằng người Ukraine đã “chiến đấu anh dũng” trong cuộc chiến mà Hoa Kỳ và Âu Châu đã hỗ trợ “nhưng Hoa Kỳ chắc chắn đã gánh chịu phần lớn sự hỗ trợ đó trong nhiều năm. Nhưng bây giờ Tổng thống Donald Trump đã nói rõ rằng nó cần phải chấm dứt.”

Sau đó, ông tiếp tục chia sẻ bốn nguyên tắc chính sẽ thúc đẩy các cuộc đàm phán hòa bình.

“Thứ nhất, phải chấm dứt chiến tranh vĩnh viễn, chứ không phải chấm dứt tạm thời. Thứ hai, điều này không thể chấm dứt trên chiến trường. Điều này đã biến thành một cỗ máy xay thịt con người theo kiểu Thế chiến thứ nhất,” Waltz nói. “Thứ ba, tôi đã nói về cách thức cấu trúc viện trợ của chúng ta phải thay đổi. Sau đó, thứ tư, chúng ta đang nói về sự hội nhập kinh tế trong tương lai như là trọng tài tốt nhất của hòa bình.”

Trước đó trong cuộc phỏng vấn, Waltz đã đề cập đến việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đang đàm phán với Zelenskiy về việc tham gia vào quan hệ đối tác kinh tế với Hoa Kỳ để bảo đảm an ninh cho họ và đòi lại hàng tỷ đô la viện trợ cho Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Biden.

Waltz cho biết: “Tôi không nghĩ có sự bảo đảm an ninh nào tốt hơn việc đồng đầu tư với Tổng thống Donald Trump”.

Tổng thống Donald Trump trả lời một phóng viên vào thứ năm rằng “Tất nhiên là họ sẽ làm vậy”, khi được hỏi liệu Ukraine có được tham gia đàm phán hay không. “Ý tôi là, họ là một phần của nó. Chúng ta sẽ có Ukraine, chúng ta sẽ có Nga, và chúng ta cũng sẽ có những người khác tham gia nữa”.

Phát ngôn nhân Điện Cẩm Linh Dmitry Peskov trả lời phỏng vấn đài truyền hình nhà nước Nga hôm thứ năm, theo Reuters, “Bằng cách này hay cách khác, tất nhiên Ukraine sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán”, đồng thời nói thêm, “Sẽ có một cuộc đối thoại song phương giữa Nga và Mỹ, và một cuộc đối thoại liên quan đến sự tham gia của Ukraine”.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trả lời phỏng vấn Kristen Welker của NBC News trên chương trình Meet the Press vào sáng Chúa Nhật rằng: “Tôi sẽ không bao giờ chấp nhận bất kỳ quyết định nào giữa Hoa Kỳ và Nga về Ukraine, không bao giờ”, đồng thời nói thêm rằng, “Đây là cuộc chiến ở Ukraine, chống lại chúng tôi và là tổn thất về người của chúng tôi”.

Zelenskiy viết trên X, vào thứ sáu rằng Nga “không muốn kết thúc chiến tranh và tiếp tục leo thang căng thẳng toàn cầu”.

Tướng quân đội Hoa Kỳ đã nghỉ hưu Jack Keane nói với Paul Gigot của Fox News trên The Journal Editorial Report vào thứ Bảy rằng ông tin rằng Putin “sẵn sàng chấp nhận một thỏa thuận hòa bình và ngừng bắn vào một thời điểm nào đó, nếu thỏa thuận này ổn với ông ấy. Nhưng ông ấy không từ bỏ mục tiêu chiến lược của mình là lật đổ chính phủ ở Ukraine và tiếp quản đất nước”.

Ông nói thêm: “Tôi nghĩ điều sẽ xảy ra là có khả năng ông ấy sẽ không thực hiện mục tiêu lật đổ chính phủ Ukraine cho đến khi Tổng thống Donald Trump không còn là tổng thống nữa”.

Có thông tin cho biết Hoa Kỳ và Nga sẽ có cuộc hội đàm tại Saudi Arabia vào tuần tới.

Khi Bream hỏi Waltz vào Chúa Nhật rằng liệu ông có thể xác nhận báo cáo đó không, cố vấn an ninh quốc gia cho biết, “Tổng thống Donald Trump đã đích thân khởi xướng các cuộc đàm phán đó với Tổng thống Putin, và chúng tôi sẽ tiếp tục các cuộc đàm phán đó trong những tuần tới, và ông ấy đã sẵn sàng hành động nhanh chóng để chấm dứt cuộc xung đột này, và chúng tôi sẽ tập hợp mọi người lại với nhau khi thích hợp.”

[Newsweek: Trump Aide Lays Out 4 Key Tenets to Talks With Putin Over Ukraine]
 
Lạy Chúa tôi: Những tiếng kêu vang lên khi một phụ nữ đồng tế với các GM, LM trong thánh lễ đại trào
VietCatholic Media
17:16 20/02/2025


1. Nhà chức trách bắt giữ 10 kẻ giết hại một linh mục người Miến Điện

Nhà chức trách địa phương ở Miến Điện đã bắt giữ 10 kẻ đã sát hại dã man linh mục Donald Martin Ye Naing Win, thuộc Tổng giáo phận Mandalay, vào ngày 14 tháng Hai vừa qua, trong giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức nơi cha coi sóc.

Hơn 5.000 người đã tham dự thánh lễ an táng vị linh mục do Đức Tổng Giám Mục Marco Tin Win chủ sự, tại nhà thờ Đức Mẹ Hồn Xác lên trời. Trong thánh lễ, Đức Cha đã đọc điện văn chia buồn của Tòa Sứ thần Tòa Thánh, cũng như của Hội đồng Giám mục Miến Điện. Trong bài giảng, Đức Tổng Giám Mục mời gọi các tín hữu hãy tỉnh thức, vì bạo lực chỉ mang lại chết chóc và tàn phá, và luôn luôn là một thất bại. Ngài cũng tha thiết kêu gọi tất cả các nhóm võ trang và những người khác can dự cuộc xung đột, hãy từ bỏ khí giới và tiến theo con đường hòa bình và hoà giải.

Cộng đoàn địa phương đã yêu cầu được biết những nguyên do của vụ sát hại cha Donald, một linh mục tận tụy giúp đỡ tha nhân, tổ chức các lớp học cho các trẻ em trong giáo xứ Đức Mẹ Lộ Đức, nơi cha làm cha sở đầu tiên và có khoảng 40 gia tấn Công Giáo. Vì nội chiến tại nước này, và các cuộc tản cư, các trường học đóng cửa, không có giáo viên, nên chỉ có những lớp học không chính thức do các linh mục, tu sĩ và giáo lý viên tìm cách giúp đỡ các trẻ em và người trẻ học hành.

Vùng này cũng không có quân đội chính phủ và do Lực lượng Bảo vệ dân chúng, gọi tắt là PDF kiểm soát. Lực lượng này chiến đấu chống lại nhà nước quân phiệt của Miến Điện.

Lực lượng Bảo vệ dân chúng được yêu cầu điều tra về các nhóm võ trang đã sát hại cha Donald và đã bắt giữ khoảng 10 người ở làng Gyi Taw, nơi cha bị giết.

2. Các giám mục kêu gọi đoàn kết sau các cuộc tấn công kinh hoàng ở Đức và Áo

Các giám mục ở Đức và Áo đã phản ứng trước các cuộc tấn công chết người riêng biệt làm rung chuyển cả hai quốc gia. Đức Tổng Giám Mục Franz Lackner của Salzburg mô tả vụ bạo lực này là “nỗi kinh hoàng khát máu, vô thần”.

Tại Villach, Áo, một cậu bé người Áo 14 tuổi đã bị giết vào thứ Bảy, ngày 15 tháng 2, bởi một người tị nạn Syria 23 tuổi trong vụ việc mà chính quyền phân loại là một cuộc tấn công của người Hồi giáo. Năm người khác bị thương trong vụ việc.

Trong một vụ việc khác vào thứ năm, ngày 13 tháng 2, tại Munich, Đức, một người tị nạn Afghanistan 24 tuổi đã lái xe đâm vào đám đông đang tham dự một cuộc biểu tình của công đoàn lao động. Ba mươi bảy người bị thương, bao gồm cả trẻ em. Một bà mẹ 37 tuổi và đứa con 2 tuổi của bà sau đó đã tử vong vì thương tích.

Kêu gọi đoàn kết thay vì chia rẽ, chủ tịch Hội đồng Giám mục Áo đã viết trên mạng xã hội rằng hành động tàn bạo được chứng kiến ở cả Villach và Munich “không có quốc tịch, không có khuôn mặt và không có màu da”, theo CNA Deutsch, cơ quan đối tác tiếng Đức của CNA.

Đức Hồng Y Reinhard Marx của Munich và Freising đã chủ trì một buổi lễ tưởng niệm liên tôn vào tối Thứ Hai tại Nhà thờ Đức Bà Munich. “Hôm nay chúng ta đứng đây không nói nên lời trước hành động bạo lực khủng khiếp này”, Đức Hồng Y phát biểu trong buổi lễ, nơi quy tụ đại diện của nhiều tôn giáo.

Vị giám mục người Đức nhấn mạnh rằng Nhà thờ Đức Bà sẽ đóng vai trò là “ngôi nhà cho tất cả người dân Munich, đặc biệt là những người sợ hãi, bị đe dọa, bị thương, nghi ngờ và những người tìm kiếm sự an ủi”.

Đức Hồng Y lưu ý rằng ký ức về các nạn nhân “sẽ không bao giờ phai nhạt, ánh sáng của họ vẫn tiếp tục tỏa sáng giữa chúng ta” khi những ngọn nến được thắp lên cho người mẹ và đứa con đã khuất, CNA Deutsch đưa tin.

Thủ hiến bang Bavaria Markus Söder và Thị trưởng Munich Dieter Reiter cũng có bài phát biểu tại buổi lễ kết thúc.

Các cuộc tấn công đã làm gia tăng các cuộc tranh luận về vấn đề nhập cư và an ninh ở Áo và Đức. Các vấn đề chính trị gây tranh cãi cũng làm nổi bật sự chia rẽ trong Giáo hội ở Đức, nơi cử tri sẽ đi bỏ phiếu cho cuộc bầu cử liên bang vào ngày 23 tháng 2.


Source:Catholic News Agency

3. Lạy Chúa tôi: Những tiếng kêu thảng thốt vang lên trên khắp thế giới khi chứng kiến một phụ nữ đồng tế trong thánh lễ đại trào với các Giám Mục và linh mục

Phải chăng một người phụ nữ đã 'đồng tế' trong thánh lễ của một tổng giám mục ở Brazil?

Việc vướng vào vụ tai tiếng nghiêm trọng trong Giáo hội liên quan đến Thánh lễ nhậm chức tại tổng giáo phận mới của mình có lẽ không phải là điều mà Đức Tổng Giám Mục Odelir José Magri nghĩ đến vào tuần trước.

Nhưng đó chính xác là những gì đã xảy ra vào ngày 13 tháng 2, khi hình ảnh và video về một Thánh lễ tại Tổng giáo phận Chapecó, Brazil xuất hiện, trong đó một người phụ nữ mặc áo alba và dây stola tham gia vào đoàn rước lễ mở đầu, ngồi gần các linh mục khác, và sau đó rước lễ từ bàn thờ.

Vụ việc đã được đưa tin rộng rãi trên báo chí Công Giáo ở Brazil và nước ngoài, đặc biệt là trên các mạng xã hội. Những tiếng kêu thảng thốt vang lên trên khắp thế giới: Lạy Chúa tôi!

Người phụ nữ trong câu chuyện là ai? Chuyện gì đã thực sự xảy ra? Và tổng giáo phận nói gì về điều đó?

Tờ Pillar Catholic giải thích như sau trong bài báo có nhan đề “Did a woman ‘concelebrate’ at an archbishop’s Mass in Brazil?” nghĩa là “Phải chăng một người phụ nữ đã 'đồng tế' trong thánh lễ của một tổng giám mục ở Brazil?”.

Đầu tiên, Đức Tổng Giám Mục Odelir José Magri là ai?

Vị tổng giám mục 61 tuổi này được thụ phong vào năm 1992 với tư cách là một nhà truyền giáo Comboni. Ngài đã phục vụ bốn năm tại Cộng hòa Dân chủ Congo, và trở về Brazil vào năm 1996, đảm nhiệm các vị trí trong nhà dòng của mình cho đến khi được bổ nhiệm làm giám mục của Sobral, Brazil vào năm 2010. Phương châm giám mục của ngài là “Hãy đến với Ta, và Ta sẽ làm cho các người trở thành những người đánh cá người.”

Chỉ hai năm sau, ngài được cử đến Giáo phận Chapecó ở tiểu bang Santa Catarina, miền nam Brazil.

Vào tháng 11 năm 2024, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nâng Giáo phận Chapecó lên thành tổng giáo phận, vẫn giữ Magri làm người lãnh đạo, nhưng hiện tại ngài là tổng giám mục.

Thánh lễ chính thức thành lập tổng giáo phận diễn ra vào ngày 13 tháng 2, và tại đó, người phụ nữ nói trên, hiện được xác định là Vivian de Oliveira, đã có màn ra mắt gây tranh cãi.

Vivian de Oliveira là ai?

Theo trang Linkedin của cô và các tài liệu chính thức từ tiểu bang Santa Catarina, Vivian Schwanke de Oliveira là một giáo viên tiểu học.

Cô dường như đã được bổ nhiệm làm mục sư của Giáo hội Anh giáo Episcopal Brazil, gọi tắt là AECB, vào tháng 9 năm 2024 và hiện được liệt kê trên trang web của tỉnh Thượng Uruguay thuộc AECB với tư cách là thành viên của nhóm mục vụ.

AECB là tỉnh thứ 19 của Cộng đồng Anh giáo toàn cầu. Đây là Giáo hội Kitô giáo lâu đời nhất ở Brazil sau Giáo Hội Công Giáo, được thành lập vào thế kỷ 19 thông qua một hiệp ước giữa Bồ Đào Nha, cường quốc thực dân lúc bấy giờ, và Vương quốc Anh. AECB cho phép phụ nữ được thụ phong linh mục và hiện do một nữ giám mục lãnh đạo, Marinez Rosa dos Santos Bassotto.

Chính xác thì de Oliveira đã làm gì trong Thánh lễ?

Theo Tổng Giám mục Magri, de Oliveira đã tham dự Thánh lễ như một “cử chỉ đại kết”, và ngài đã cảm ơn cô vì điều đó.

Một mục sư Tin Lành khác cũng có mặt, mặc dù ông chọn ngồi trên ghế dài, cùng với các giáo dân.

Ngược lại, De Oliveira tham gia vào đoàn rước và ngồi cùng một nhóm linh mục bên phải bàn thờ. Có khoảng 80 linh mục đồng tế Thánh lễ.

Không rõ từ những hình ảnh và video của Thánh lễ liệu de Oliveira có ý định đồng tế trong Thánh lễ hay không nhưng cô ấy rõ ràng đã ngồi chung với các linh mục đồng tế.

Trong buổi truyền chức, khi tất cả các linh mục đồng tế cùng với giám mục chủ trì giơ tay, cô không có mặt trong cảnh quay, nên không rõ liệu cô có cố gắng tham gia vào buổi truyền chức hay không, vốn là một phần thiết yếu trong nỗ lực đồng tế.

Tuy nhiên, cô đã cùng các linh mục xung quanh tham gia rước lễ, tiến đến bàn thờ và rước lễ.

Rõ ràng là Đức Tổng Giám Mục Magri biết về sự hiện diện của de Oliveira giữa các linh mục khác - ngài đã thừa nhận cô trong bài giảng của mình.

Tuy nhiên, không rõ liệu ngài có chứng kiến cô tham gia Bí tích Thánh Thể hay không, vì chính vị giám mục đang trao Mình Thánh Chúa cho các tín hữu vào thời điểm đó và quay lưng về phía bàn thờ.

Giáo hội nói gì về những tình huống này?

Điều 908 quy định rằng “Các linh mục Công Giáo bị cấm đồng tế Thánh Thể với các linh mục hoặc thừa tác viên của các Giáo hội hoặc cộng đồng giáo hội không hiệp thông trọn vẹn với Giáo Hội Công Giáo.”

Sổ tay hướng dẫn áp dụng các nguyên tắc và chuẩn mực về Đại kết do Bộ thúc đẩy sự hiệp nhất Kitô giáo công bố nêu rằng “trong một buổi lễ phụng vụ Công Giáo, các thừa tác viên của các Giáo hội và Cộng đồng giáo hội khác có thể có vị trí và danh dự phụng vụ phù hợp với cấp bậc và vai trò của họ, nếu điều này được đánh giá là mong muốn”.

Tuy nhiên, văn bản này nằm trong phần dành riêng cho “Chia sẻ trong Phụng vụ Phi Bí tích”. Phần dành riêng cho việc chia sẻ trong Phụng vụ Bí tích không cho phép sự hiện diện của các thừa tác viên không phải Công Giáo.

Tổng giáo phận đã nói gì về vấn đề này?

Tổng giáo phận đã đưa ra một tuyên bố trên trang web của mình sau Thánh lễ. Tuyên bố này khá mơ hồ, nhưng cho biết rằng tổng giám mục đã thông báo cho tòa Sứ thần Tòa Thánh về “hoàn cảnh của sự việc riêng lẻ này liên quan đến hành vi vi phạm vô ý các chuẩn mực phụng vụ”.

Trong tuyên bố, Đức Tổng Giám Mục Magri tiếp tục khẳng định lại “cam kết của mình đối với sự chính thống về giáo lý và sự chính thống về phụng vụ”, hứa sẽ “nỗ lực để tránh những sai lầm trong tương lai”.

Bản thân Vivian de Oliveira dường như không bình luận gì về vụ việc, và Vatican cũng không lên tiếng.


Source:Pillar
 
Putin mở đại yến ăn mừng. Phản ứng sôi sục ở Ukraine. Nhà máy lọc dầu Samara tan tành trong biển lửa
VietCatholic Media
23:40 20/02/2025


1. Báo cáo về cuộc tấn công bằng máy bay điều khiển từ xa vào nhà máy lọc dầu của Nga ở Samara gây ra hỏa hoạn

Máy bay điều khiển từ xa đã tấn công Nhà máy lọc dầu Syzran ở Tỉnh Samara của Nga vào đêm ngày 19 tháng 2, Thống đốc Vyacheslav Fedorishchev đưa tin trên kênh Telegram của mình.

Người dân đã đăng tải video trên mạng xã hội cho thấy một đám cháy lớn tại nhà máy lọc dầu. Tiếng nổ được báo cáo vào khoảng 2:45 sáng giờ địa phương.

Cuộc tấn công được cho là đã gây ra hỏa hoạn tại nhà máy lọc dầu. Không có thương vong, theo Fedorishchev.

Nhà máy lọc dầu Syzran, nằm cách biên giới Nga-Ukraine khoảng 700 km, hay 430 dặm, được mở cửa vào năm 1942 và thuộc sở hữu của công ty dầu khí nhà nước Nga Rosneft.

Andrii Kovalenko, nhà lãnh đạo Trung tâm Chống thông tin sai lệch của Ukraine, cho biết cơ sở này “có công suất giải quyết 8,9 triệu tấn dầu mỗi năm”.

“Các sản phẩm của nó bao gồm nhiên liệu, dầu hỏa hàng không và bitum,” Kovalenko cho biết khi đưa tin về vụ tấn công.

Ukraine coi các cơ sở dầu mỏ của Nga là mục tiêu quân sự hợp lệ, vì lợi nhuận từ nhiên liệu hóa thạch cung cấp cho cỗ máy chiến tranh của Mạc Tư Khoa. Quân đội Ukraine đã nhiều lần tấn công các nhà máy lọc dầu của Nga bằng máy bay điều khiển từ xa tầm xa.

Theo kênh tin tức độc lập Astra của Telegram Nga, trong vòng chưa đầy hai tháng của năm 2025, ít nhất 17 cơ sở dầu mỏ của Nga đã bị máy bay điều khiển từ xa tấn công.

Vào ngày 17 tháng 2, máy bay điều khiển từ xa của Ukraine do Lực lượng tác chiến đặc biệt và Cơ quan an ninh Ukraine, gọi tắt là SBU điều hành đã tấn công Nhà máy lọc dầu Ilsky ở Krasnodar Krai và trạm bơm dầu Kropotkinskaya ở quận Kavkazsky của Kuban.

Trạm bơm đã ngừng hoạt động do cuộc tấn công.

[Kyiv Independent: Reported drone strike against Russian oil refinery in Samara Oblast causes fire]

2. Tổng thống Donald Trump tấn công Zelenskiy là ‘kẻ độc tài không có bầu cử’ đã lừa dối Hoa Kỳ

Hôm Thứ Tư, 19 Tháng Hai, Tổng thống Donald Trump tiếp tục công kích Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy, khẳng định rằng Hoa Kỳ đã bị lừa chi hàng tỷ đô la để giúp Ukraine tự vệ sau cuộc xâm lược của Nga năm 2022.

“Hãy nghĩ xem, một diễn viên hài thành công khiêm tốn, Volodymyr Zelenskiy, đã thuyết phục Hoa Kỳ chi 350 tỷ đô la, để tham gia vào một cuộc chiến không thể thắng, không bao giờ phải bắt đầu, nhưng một cuộc chiến mà ông ta, nếu không có Hoa Kỳ và 'TỔNG THỐNG DONALD TRUMP', sẽ không bao giờ có thể giải quyết được,” Ông Trump nói. “Một nhà độc tài không có bầu cử, Zelenskiy tốt hơn hết là nên hành động nhanh chóng nếu không thì ông ta sẽ không còn đất nước nữa.”

Cuộc tấn công đáng chú ý của Tổng thống Donald Trump vào vị tổng thống thời chiến – cho thấy Ông Trump đã thổi phồng số tiền viện trợ mà Hoa Kỳ đã cung cấp và khẳng định mà không có bằng chứng rằng một nửa trong số đó đã biến “MẤT” - diễn ra sau khi Zelenskiy nói trước đó vào thứ Tư rằng Tổng thống Donald Trump “bị bao vây bởi thông tin sai lệch” để đáp lại những bình luận của tổng thống vào thứ Ba trong đó ông đổ lỗi cho Ukraine đã gây ra chiến tranh.

Sự việc diễn ra ngay sau cuộc gặp giữa các nhà đàm phán của chính quyền Tổng thống Donald Trump với các quan chức Nga vào đầu tuần này — mà không có sự tham gia của Ukraine — để bắt đầu các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt cuộc chiến mà Nga đã phát động.

[Politico: Trump attacks Zelenskyy as a ‘dictator without elections’ who duped US]

3. Nga vui mừng khi Tổng thống Donald Trump nghiêng hẳn về Điện Cẩm Linh

Nút chai sâm panh bật nắp ở Mạc Tư Khoa sau khi Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump chỉ trích Ukraine và nhà lãnh đạo Volodymyr Zelenskiy vào thứ Tư.

Các quan chức Nga tỏ ra vui mừng trước các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump vào Zelenskiy, thích thú trước sự thay đổi của Mỹ trong mối quan hệ vốn trước đây thân thiết với Kyiv khi Ukraine cố gắng chống lại cuộc xâm lược toàn diện kéo dài nhiều năm của nhà lãnh đạo Nga Vladimir Putin.

Tổng thống Donald Trump bắt đầu cuộc tấn công vào thứ Ba, khẳng định sai sự thật rằng Ukraine đã bắt đầu chiến tranh với Nga và mô tả sai sự thật rằng Zelenskiy có tỷ lệ ủng hộ 4 phần trăm.

Sau đó, ông tiếp tục leo thang vào thứ Tư, chỉ một ngày sau khi nhóm đàm phán của ông ngồi lại với các quan chức cao cấp của Nga tại Ả Rập Xê Út để thảo luận về việc chấm dứt chiến tranh và bắt đầu hợp tác về nhiều chủ đề.

“Một nhà độc tài không có bầu cử, Zelenskiy tốt hơn hết nên hành động nhanh chóng nếu không đất nước sẽ chẳng còn ai nữa”, Tổng thống Donald Trump cảnh báo, cáo buộc nhà lãnh đạo Ukraine đã “thuyết phục” Hoa Kỳ chi hàng tỷ đô la để hỗ trợ quốc phòng.

Điện Cẩm Linh dường như không tin vào may mắn bất ngờ của mình khi Tổng thống Donald Trump về cơ bản chỉ nhắc lại nhiều quan điểm của Mạc Tư Khoa về Ukraine.

Dmitry Medvedev, phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga và cựu tổng thống nước này, đã ủng hộ bài phát biểu chống Ukraine của Tổng thống Donald Trump: “Nếu bạn nói với tôi chỉ ba tháng trước rằng đây là lời của tổng thống Hoa Kỳ, tôi sẽ cười phá lên. @realDonaldTổng thống Donald Trump đúng 200 phần trăm. Gã hề đã phá sản … “

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov không trực tiếp trả lời về lời chỉ trích công khai đầu tiên của Tổng thống Donald Trump đối với Zelenskiy, nhưng bày tỏ sự hài lòng với những phát biểu gần đây hơn của tổng thống Hoa Kỳ về cuộc chiến, nói rằng Tổng thống Donald Trump “hiểu” lập trường của Điện Cẩm Linh.

“Ông ấy là người đầu tiên, và cho đến nay, theo tôi, là nhà lãnh đạo phương Tây duy nhất đã công khai và lớn tiếng nói rằng một trong những nguyên nhân gốc rễ của tình hình Ukraine là đường lối trơ tráo của chính quyền trước đây của Biden nhằm lôi kéo Ukraine vào NATO”, Lavrov nói, lặp lại câu chuyện dài hạn của Điện Cẩm Linh về lý do cho cuộc xâm lược toàn diện vào Ukraine.

“Không có nhà lãnh đạo phương Tây nào từng nói như vậy, nhưng ông ấy đã nói như vậy nhiều lần. Đây đã là tín hiệu cho thấy ông ấy hiểu lập trường của chúng tôi.”

Lavrov cũng cho biết Mạc Tư Khoa và Washington phải “xóa bỏ” di sản của Tổng thống Biden, mà Ngoại trưởng cho biết đã làm xói mòn “mối quan hệ đối tác lâu dài” giữa Nga và Hoa Kỳ

Mối quan hệ ngày càng khăng khít giữa Điện Cẩm Linh và Tòa Bạch Ốc cho thấy cả hai đang trên đường đạt được mục tiêu đó.

Niềm vui rõ ràng của các nhà lãnh đạo Nga trước đường lối mới của Tổng thống Donald Trump đối với cuộc chiến làm nổi bật sự liên kết ngày càng tăng của Mỹ với Điện Cẩm Linh.

Tuần trước, các quan chức Âu Châu đã rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố đàm phán với Nga về cuộc xung đột, trên thực tế đã loại cả Ukraine và Liên Hiệp Âu Châu ra khỏi các cuộc đàm phán và làm đảo lộn cấu trúc an ninh hậu năm 1945 vốn là nền tảng của Âu Châu.

Về phần mình, Putin tiếp tục gây chia rẽ giữa Tổng thống Donald Trump và Liên Hiệp Âu Châu trong bài phát biểu trước giới truyền thông hôm thứ Tư.

“Tất cả các nhà lãnh đạo Âu Châu, tất cả không có ngoại lệ, về cơ bản đã can thiệp trực tiếp vào quá trình bầu cử ở Hoa Kỳ,” Tổng thống Nga cho biết. “Tôi ngạc nhiên trước sự kiềm chế của Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử Tổng thống Donald Trump đối với các đồng minh của mình, những người đã cư xử, nói thẳng ra là, theo cách thô lỗ. Ông ấy vẫn cư xử khá lịch sự với họ.”

[Politico: Russia rejoices as Trump goes full Kremlin]

4. Tình báo phương Tây cho thấy Putin chưa sẵn sàng cho ‘hòa bình thực sự’, NBC News đưa tin

Putin không nghiêm chỉnh trong việc đạt được thỏa thuận hòa bình với Ukraine, NBC News đưa tin vào ngày 18 tháng 2, trích dẫn các quan chức tình báo phương Tây giấu tên và các quan chức quốc hội Hoa Kỳ.

Các phái đoàn Nga và Hoa Kỳ đã họp tại Ả Rập Saudi vào ngày 18 tháng 2 để thảo luận về các bước đi tiềm năng hướng tới đàm phán hòa bình. Ukraine không được mời tham gia các cuộc đàm phán.

Một quan chức quốc hội Hoa Kỳ nói với NBC News: “Chúng tôi không có thông tin tình báo nào cho thấy Putin hiện đang quan tâm đến một thỏa thuận hòa bình thực sự”.

“Ông ấy nghĩ mình đang chiến thắng”, một quan chức phương Tây nói thêm.

Một viên chức tình báo phương Tây cho biết Putin không quan tâm đến thương vong cao trong quân đội Nga. Ông vẫn quan tâm đến việc xâm lược toàn bộ Ukraine và tin rằng Nga có thể tồn tại lâu hơn Ukraine và Âu Châu, các viên chức cho biết.

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump cho biết vào ngày 18 tháng 2 rằng ông “tự tin hơn nhiều” trong việc bảo đảm một thỏa thuận hòa bình sau các cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga tại Riyadh. Ông gọi các cuộc đàm phán là “rất tốt” và tuyên bố Nga đã sẵn sàng bắt đầu tiến trình hòa bình.

Có nguồn tin cho biết Tổng thống Donald Trump muốn bảo đảm lệnh ngừng bắn trong cuộc chiến giữa Nga và Ukraine trước lễ Phục sinh, rơi vào ngày 20 tháng 4. Trong tuần qua, Hoa Kỳ đã có một số động thái nhằm thúc đẩy chương trình nghị sự Nga-Ukraine — một số trong đó đã khiến các quan chức Âu Châu và Ukraine lo ngại.

Các nhà lãnh đạo Âu Châu đã họp tại Paris vào ngày 17 tháng 2 tại một hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp để phản ứng với việc Hoa Kỳ tổ chức các cuộc đàm phán song phương với Nga mà không có Ukraine hoặc Liên Hiệp Âu Châu. Pháp sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh thứ hai vào ngày 19 tháng 2.

[Kyiv Independent: Western intelligence shows Putin not ready for 'real peace,' NBC News reports]

5. Ukraine tập hợp xung quanh Zelenskiy sau cuộc tấn công tàn bạo của Tổng thống Donald Trump

Sau khi Tổng thống Mỹ Ông Donald Trump tấn công nhà lãnh đạo Kyiv Volodymyr Zelenskiy, gọi ông là kẻ bất tài và là “nhà độc tài không có bầu cử” đã lừa Hoa Kỳ chi hàng tỷ đô la tiền hỗ trợ quân sự, các chính trị gia, quan chức và binh lính Ukraine đã lên tiếng bảo vệ tổng thống của họ.

“Ukraine là một quốc gia có chủ quyền! Volodymyr Zelenskiy là Tổng thống Ukraine. Hợp pháp cho đến khi một người khác được bầu. Chỉ có người Ukraine mới có thể quyết định khi nào và trong điều kiện nào họ nên thay đổi chính phủ của mình. Ngày nay, không có điều kiện nào như vậy”, Yulia Tymoshenko, cựu thủ tướng Ukraine và là lãnh đạo của phe đối lập ôn hòa Motherland trong quốc hội Ukraine, cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Tư.

Việc Tổng thống Donald Trump đồng tình và hoàn toàn với quan điểm của Điện Cẩm Linh về Ukraine - vấn đề có tác động to lớn đến cấu trúc an ninh của Âu Châu - đã gây chấn động khắp lục địa, nhưng không nơi nào cảm nhận rõ ràng hơn là ở Kyiv, nơi đã chống lại cuộc xâm lược toàn diện của Nga trong ba năm qua.

Nỗ lực của Tòa Bạch Ốc nhằm gây áp lực buộc Ukraine tổ chức bầu cử trong bối cảnh cuộc chiến đã khiến hàng triệu công dân nước này phải chạy trốn đến các quốc gia khác để bảo đảm an toàn đặc biệt khiến các chính trị gia khó chịu.

Hiến pháp Ukraine cấm tổ chức bầu cử trong thời gian thiết quân luật và chiến tranh đang diễn ra, vì Kyiv không thể bảo đảm sự an toàn và quyền bỏ phiếu của tất cả người dân Ukraine, chẳng hạn như binh lính và người dân sống ở các vùng lãnh thổ bị Nga tạm chiếm.

“Các cuộc bầu cử trong thời chiến là không thể và vô đạo đức vì quân đội của chúng ta sẽ không thể tham gia vào các cuộc bầu cử đó. Và nếu không có họ, các cuộc bầu cử sẽ không bao giờ hợp pháp. Trong thời chiến, việc bắt đầu cuộc đua tranh cử, xé nát đất nước thành các phe phái chính trị là hành động tự sát. Bây giờ, hơn bao giờ hết, chúng ta cần sự thống nhất và ổn định”, Tymoshenko, người phản đối ý tưởng của Zelenskiy về việc cung cấp cho phương Tây quyền tiếp cận các nguồn dự trữ khoáng sản quan trọng khổng lồ của Ukraine, cho biết.

Những người giám sát bầu cử đã rất bối rối về thời điểm đưa ra lời chỉ trích gay gắt về cuộc bầu cử của Tổng thống Donald Trump.

“Đúng vậy, chúng tôi đang tiến hành bầu cử sau chiến tranh và muốn có tất cả các quyết định trước để bảo vệ nền dân chủ của chúng tôi khỏi người Nga và các thách thức nội bộ. Nhưng họ cần an ninh và bảo đảm,” Olga Ajvazovska, giám sát viên bầu cử hàng đầu tại Ukraine cho biết.

Sự can thiệp của Tổng thống Donald Trump thậm chí còn tác động đến cả chiến trường.

“Logic của Tổng thống Donald Trump dựa trên tuyên truyền của Nga. Và thực tế là tổng thống Hoa Kỳ đang truyền đạt điều này là phản đạo đức và phản dân chủ”, người lính Ukraine Vitalii Ovcharenko nói.

'Sinh vật nói dối'

Sau hơn năm năm lãnh đạo Ukraine, trong thời gian đó đất nước này không có hòa bình với nước Nga hiếu chiến ở sườn phía đông, Zelenskiy đã phải đối mặt với những lời chỉ trích trong nước.

Trong khi nghị sĩ Ivanna Klympush-Tsintsadze không ngay lập tức bảo vệ Zelenskiy, một nhân vật cao cấp trong đảng Đoàn kết Âu Châu của Ukraine - người lãnh đạo Petro Poroshenko gần đây đã bị Zelenskiy trừng phạt - đã mô tả những phát biểu của Tổng thống Donald Trump là “không thể chấp nhận được”. Bà đang thúc đẩy tổng thống thành lập một chính phủ đoàn kết và lôi kéo tất cả các đảng phái chính trị vào quá trình đàm phán.

“Đúng vậy, chúng tôi đã nghe những tuyên bố hoàn toàn không thể chấp nhận được của nhà lãnh đạo Hoa Kỳ về việc ai là người bắt đầu cuộc chiến; về việc giải quyết “xung đột ở Ukraine” bằng cách hoàn toàn thỏa mãn “mong muốn” của Putin; về việc thực tế có khả năng buộc Ukraine phải từ bỏ mọi thứ mà chúng ta đã chiến đấu trong 11 năm chống lại nước Nga độc tài hung hăng”, Klympush-Tsintsadze cho biết.

Trên khắp Ukraine, các chính trị gia địa phương đều thẳng thắn bày tỏ quan điểm của mình về các cuộc tấn công của Tổng thống Donald Trump.

“ Chúng ta có thể thích Zelenskiy, hoặc không, chúng ta có thể mắng ông ấy, hoặc khen ngợi ông ấy, chúng ta có thể lên án hành động của ông ấy, hoặc chúng ta có thể hoan nghênh … nhưng ông ấy là Tổng thống CỦA CHÚNG TA,” Borys Filatov, thị trưởng thành phố công nghiệp Dnipro, viết trong một bài đăng trên mạng xã hội.

Filatov nói thêm: “Không một kẻ dối trá nào, dù ở Mạc Tư Khoa hay Washington, hay bất cứ nơi nào, có quyền mở miệng chống lại ông ấy”.

Thống đốc Donetsk Vadym Filashkin - nhà lãnh đạo khu vực này đang ở tuyến đầu phải đối mặt với các cuộc tấn công liên tục của Nga - cho biết người dân Ukraine đã tin tưởng Zelenskiy lãnh đạo đất nước trong cuộc chiến chống lại một cường quốc hạt nhân.

“Trong thời điểm khó khăn như thế này, chúng tôi, người dân Ukraine, phải sát cánh cùng nhà lãnh đạo của chúng tôi, người không nhượng bộ. Giống như tất cả chúng tôi,” Filashkin nói trong một tuyên bố.

Nhóm của Tổng thống Donald Trump cần 'nhiều sự thật hơn'

Đáp lại lời chỉ trích ban đầu của Tổng thống Donald Trump vào tối thứ Ba, khi ông đổ lỗi cho Ukraine về cuộc xâm lược của Nga và tuyên bố sai sự thật rằng tổng thống Ukraine có tỷ lệ ủng hộ 4 phần trăm, Zelenskiy cho biết ông tôn trọng tổng thống Hoa Kỳ - nhưng cũng nói thêm rằng Ông Trump đang bị bao vây bởi thông tin sai lệch.

“Câu chuyện rằng 90 phần trăm của tất cả viện trợ là từ Hoa Kỳ… bạn và tôi hiểu rằng sự thật có chút khác biệt, mặc dù chúng tôi chắc chắn biết ơn sự giúp đỡ này,” Zelenskiy nói. “Đó là lý do tại sao tôi muốn nhóm Tổng thống Donald Trump có nhiều sự thật hơn. Chúng tôi có những con số hoàn toàn khác.

“Tôi biết cho đến nay cuộc chiến đã khiến chúng ta mất 320 tỷ đô la. Người nộp thuế Ukraine đã chi trả 120 tỷ đô la. Hoa Kỳ và Liên minh Âu Châu đã chi trả tổng cộng 200 tỷ đô la. Cho đến nay, Hoa Kỳ đã cung cấp cho chúng ta 67 tỷ đô la viện trợ quân sự và 31,5 tỷ đô la viện trợ ngân sách trực tiếp”, Zelenskiy nói.

Dữ liệu mới nhất từ Viện Kinh tế Thế giới Kiel, đơn vị theo dõi độc lập viện trợ của phương Tây cho Ukraine, cho thấy Zelenskiy gần với sự thật hơn Tổng thống Donald Trump.

Tính đến tháng 2, các nước tài trợ đã cung cấp 267 tỷ euro viện trợ cho Ukraine trong ba năm qua: 130 tỷ euro hỗ trợ quân sự, 118 tỷ euro hỗ trợ tài chính và 19 tỷ euro viện trợ nhân đạo.

“Âu Châu nói chung đã rõ ràng vượt qua Hoa Kỳ về mặt viện trợ cho Ukraine. Tổng cộng, Âu Châu đã phân bổ 70 tỷ euro, hay 72,2 tỷ đô la, cho viện trợ tài chính và nhân đạo cũng như 62 tỷ euro cho viện trợ quân sự. Con số này so với 64 tỷ euro viện trợ quân sự từ Hoa Kỳ cũng như 50 tỷ euro cho các khoản phân bổ tài chính và nhân đạo”, nghiên cứu được công bố tuần trước cho biết.

[Politico: Ukraine rallies around Zelenskyy after Trump’s vicious attack]

6. Budanov cho biết Bắc Hàn đang tích lũy kinh nghiệm quân sự ở Ukraine, cải thiện độ chính xác của hỏa tiễn

Trong một cuộc phỏng vấn được hãng tin The Chosun của Nam Hàn đăng tải vào ngày 17 tháng 2, giám đốc tình báo quân sự Ukraine, gọi tắt là HUR Kyrylo Budanov cho biết Bắc Hàn đang tham gia vào cuộc chiến của Nga chống lại Ukraine để tích lũy kinh nghiệm chiến đấu và hiện đại hóa công nghệ quân sự.

Có tới 12.000 quân lính Bắc Hàn được điều động tới Tỉnh Kursk vào mùa thu năm ngoái để hỗ trợ lực lượng Nga chống lại cuộc tấn công của Ukraine vào đầu tháng 8 năm 2024.

Budanov cho biết: “Mặc dù chịu thương vong nặng nề, lực lượng Bắc Hàn vẫn tích cực tham gia các hoạt động chung với quân đội Nga”.

“Cuộc chiến này đã huy động toàn bộ năng lực quân sự của các quốc gia tham gia. Chỉ có ba quốc gia — Ukraine, Nga và Bắc Hàn — đang tích lũy kinh nghiệm trực tiếp trong chiến tranh toàn diện của thế kỷ 21. Quân đội Bắc Hàn trong tương lai sẽ khác biệt cơ bản so với quá khứ của họ”, Budanov nói thêm.

Theo Budanov, số lượng pháo binh của Bắc Hàn trên chiến trường đã tăng lên và hỏa tiễn của Bắc Hàn cũng trở nên chính xác hơn.

“Ban đầu, độ chính xác của chúng bị lỗi nghiêm trọng, với biên độ sai số từ 500 đến 1.500 mét”, ông nói. “Nhưng các chuyên gia hỏa tiễn Nga đã thực hiện các sửa đổi kỹ thuật, giải quyết vấn đề. Hỏa tiễn hiện chính xác hơn đáng kể và là mối đe dọa lớn hơn nhiều”.

“Bắc Hàn đang sử dụng cuộc chiến này để tích lũy kinh nghiệm chiến đấu và hiện đại hóa công nghệ quân sự của mình”, Budanov nói. “Điều này sẽ có hậu quả lâu dài đối với bối cảnh an ninh ở khu vực Á Châu - Thái Bình Dương”.

Bắc Hàn và Nga đã tăng cường đáng kể mối quan hệ của họ trong ba năm qua, đặc biệt là trong bối cảnh liên kết địa chính trị chống lại các quốc gia phương Tây, đặt ra những thách thức đáng kể đối với sự ổn định quốc tế.

Vào mùa thu năm 2024, Nga và Bắc Hàn đã phê chuẩn một thỏa thuận đối tác chiến lược bao gồm phát triển hợp tác thương mại, khoa học, kỹ thuật và quốc phòng. Tuy nhiên, thỏa thuận không đề cập đến việc điều trị cho những người lính Nga bị thương.

Hợp tác quân sự giữa Mạc Tư Khoa và Bình Nhưỡng cũng sâu sắc hơn vào năm 2024, khi Putin ký hiệp ước phòng thủ chung với Kim vào tháng 6.

Ngay sau đó, Bắc Hàn đã leo thang sự tham gia vào cuộc chiến của Nga từ việc cung cấp vũ khí - bao gồm đạn pháo và hỏa tiễn đạn đạo - sang việc gửi quân lính.

Ukraine đã đưa ra con số thương vong của Bắc Hàn lên tới 4.000 người. Tuy nhiên, Budanov dự đoán rằng Bắc Hàn có thể sớm gửi quân tiếp viện đến Nga, cụ thể là các đơn vị pháo binh và pháo phản lực.

[Kyiv Independent: North Korea gaining military experience in Ukraine, improving its missiles' accuracy, Budanov says]

7. Tổng thống Lithuania công bố kế hoạch 6 điểm hỗ trợ Ukraine, tăng cường an ninh Âu Châu

Tổng thống Lithuania Gitanas Nauseda đã vạch ra kế hoạch hành động sáu điểm vào ngày 19 tháng 2 để hỗ trợ Ukraine và tăng cường an ninh Âu Châu khi Hoa Kỳ gạt Âu Châu sang một bên trong các cuộc đàm phán với Nga nhằm chấm dứt chiến tranh, và ngày càng có nhiều lo ngại rằng các cuộc đàm phán có thể dẫn đến một thỏa thuận bất lợi cho Kyiv.

“Chúng ta phải hành động ngay để hỗ trợ Ukraine và tăng cường an ninh cho Âu Châu. Không còn những lời đàm tiếu nữa — đã đến lúc hành động”, Nauseda viết trên X.

Đề xuất của ông bao gồm các bảo đảm an ninh cho Ukraine, nhấn mạnh rằng “vấn đề tư cách thành viên NATO vẫn phải được thảo luận”. Ông cũng kêu gọi tài trợ ngay lập tức cho vũ khí và đầu tư 10 tỷ euro, hay 10,4 tỷ đô la, vào ngành công nghiệp quốc phòng của Ukraine.

Nauseda nhấn mạnh rằng Nga phải chịu trách nhiệm về tội ác chiến tranh và các lệnh trừng phạt phải được duy trì cho đến khi hành động xâm lược của nước này chấm dứt, tài sản bị đóng băng bị tịch thu và thuế quan đối với hàng nhập khẩu từ Nga và Belarus được áp dụng.

Hơn 300 tỷ đô la dự trữ của ngân hàng trung ương Nga vẫn bị đóng băng ở Âu Châu, bao gồm 191 tỷ euro, hay 198 tỷ đô la, được lưu giữ tại kho lưu ký Euroclear ở Bỉ.

Tổng thống Lithuania cũng đề xuất đẩy nhanh tiến trình gia nhập Liên Hiệp Âu Châu của Ukraine, đặt mục tiêu là năm 2030. “An ninh của Ukraine là một phần của an ninh Âu Châu”, ông viết.

Cả Ukraine và Âu Châu đều không được mời tham dự cuộc đàm phán giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga tại Saudi Arabia vào ngày 18 tháng 2. Động thái này đã gióng lên hồi chuông cảnh báo rằng Hoa Kỳ và Nga có thể đạt được một thỏa thuận về cuộc chiến mà không có sự tham gia của Ukraine hoặc Âu Châu, và một thỏa thuận có thể gây nguy hiểm cho an ninh tương lai của họ.

Tương lai viện trợ của Hoa Kỳ cho Ukraine dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng không chắc chắn.

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Pete Hegseth ngày 12 tháng 2 cũng cho rằng việc Ukraine gia nhập NATO không phải là “kết quả thực tế” của các cuộc đàm phán đang diễn ra và rằng Ukraine có thể không khôi phục hoàn toàn được đường biên giới năm 2014 của mình.

Ukraine vẫn khẳng định rằng cần phải có sự bảo đảm an ninh vững chắc - bao gồm cả tư cách thành viên NATO - để ngăn chặn Nga tái thiết quân đội và có khả năng tiến hành một cuộc xâm lược mới nếu tình hình thù địch tạm dừng.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy trước đây gọi tư cách thành viên NATO là sự bảo đảm an ninh “rẻ nhất” và là chiến thắng địa chính trị cho Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

[Kyiv Independent: Lithuania's president unveils 6-point plan to support Ukraine, strengthen European security]

8. Musk ủng hộ lời chỉ trích cho rằng Zelenskiy “không muốn hòa bình”

Elon Musk bày tỏ sự ủng hộ ngầm cho bài đăng cáo buộc Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy ưu tiên quyền lực và tiền bạc hơn việc theo đuổi hòa bình, trong bối cảnh Hoa Kỳ đang tìm cách đàm phán để chấm dứt chiến tranh với Nga.

“Zelenskiy không muốn hòa bình, ông ta muốn tiền và quyền lực”, một người dùng nền tảng X của Musk viết hôm thứ ba, và Musk đã trả lời bằng biểu tượng cảm xúc “100”, dường như thể hiện sự đồng ý của mình.

Musk là đồng minh chính của Tổng thống Donald Trump khi cả hai tìm cách cắt giảm kinh phí chính phủ liên bang. Nhưng ông cũng ngày càng thể hiện sức ảnh hưởng của mình trên trường quốc tế, lấn sân sang chính trường Âu Châu và ủng hộ các chính trị gia cực hữu từ Vương quốc Anh đến Đức.

Musk trước đây đã từng chỉ trích nhà lãnh đạo Ukraine, chế giễu lời kêu gọi viện trợ từ phương Tây để giúp đất nước ông chống lại cuộc xâm lược của Nga và chế giễu tuyên bố của ông rằng Ukraine là một quốc gia độc lập và không thể bị ép ngồi vào bàn đàm phán với Nga.

Vào những ngày đầu của cuộc chiến, Musk đã tặng hàng ngàn thiết bị đầu cuối hệ thống internet vệ tinh Starlink cho Ukraine để thay thế các dịch vụ truyền thông bị Nga phá hủy và được ca ngợi là một trong những đồng minh quan trọng nhất của Kyiv.

Nhưng câu chuyện đó đã đảo ngược sau khi ông bắt đầu truyền bá những gì mà người Ukraine cáo buộc Musk là tuyên truyền ủng hộ Nga thông qua X. Kể từ đó, ông đã lên án việc cung cấp viện trợ của Hoa Kỳ “mà không có trách nhiệm và không có mục đích cuối cùng” cho Ukraine và là người chỉ trích gay gắt Zelenskiy.

Musk đã bất ngờ xuất hiện trong cuộc gọi giữa Tổng thống Donald Trump và Zelenskiy vào tháng 11 năm ngoái. Hai người đã có một “cuộc trò chuyện bình thường”, với việc Zelenskiy cảm ơn Musk vì đã cung cấp các thiết bị đầu cuối Starlink, theo một quan chức Ukraine vào thời điểm đó.

Các nhà đàm phán của Nga và Hoa Kỳ đã gặp nhau tại Ả Rập Saudi vào thứ Ba. Nhưng Zelenskiy tuyên bố các cuộc đàm phán được tổ chức mà không có sự tham gia hoặc hiểu biết của Kyiv, và quốc gia này không tham gia. Các quan chức Âu Châu cũng bị loại khỏi cuộc họp.

[Politico: Musk backs criticism of Zelenskyy that says he ‘doesn’t want peace’]

9. Saudi Arabia muốn Ukraine được đại diện tại các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Nga, Bloomberg đưa tin

Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman, người cai trị trên thực tế của Ả Rập Saudi, muốn Tổng thống Volodymyr Zelenskiy được đại diện trong các cuộc đàm phán giữa các quan chức Hoa Kỳ và Nga tại Riyadh, Bloomberg đưa tin vào ngày Thứ Tư, 19 Tháng Hai, trích dẫn một người biết về kế hoạch này.

Một phái đoàn Hoa Kỳ do Ngoại trưởng Marco Rubio dẫn đầu đã gặp Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov và các quan chức khác tại Saudi Arabia vào ngày 18 tháng 2, đánh dấu cuộc đàm phán trực tiếp đầu tiên giữa hai nước kể từ khi cuộc xâm lược toàn diện của Mạc Tư Khoa bắt đầu.

Một nguồn tin hiểu biết về công tác chuẩn bị của Saudi Arabia nói với Bloomberg rằng việc loại Ukraine khỏi các cuộc đàm phán không phải là lựa chọn của Saudi Arabia.

Các quan chức Hoa Kỳ và Nga được cho là đã nhấn mạnh với Mohammed bin Salman rằng họ muốn tổ chức cuộc họp mà không có sự hiện diện của người Ukraine. Hoàng tử đã có ý định tóm tắt cho Zelenskiy về vai trò của Ả Rập Xê Út trong việc tổ chức các cuộc thảo luận và các cuộc đàm phán của riêng ông với Mạc Tư Khoa và Washington.

Zelenskiy hoãn chuyến thăm dự kiến tới Saudi Arabia do cuộc đàm phán giữa Nga và Hoa Kỳ

“Chúng tôi không được mời đến cuộc họp Nga-Mỹ này ở Saudi Arabia. Đó là một bất ngờ đối với chúng tôi. Tôi không muốn có bất kỳ sự trùng hợp nào, vì vậy tôi sẽ không đến Saudi Arabia”, Zelenskiy nói sau cuộc gặp với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan.

Zelenskiy cho biết ông đã nói chuyện với bin Salman và lên lịch lại chuyến thăm Riyadh vào ngày 10 tháng 3.

Không có quyết định cụ thể nào được công bố sau cuộc đàm phán giữa Hoa Kỳ và Nga, nhưng việc Ukraine bị loại khỏi cuộc họp đã gây ra sự báo động ở Kyiv và khắp Âu Châu. Zelenskiy đã nhiều lần nhấn mạnh rằng không có quyết định nào về tương lai của Ukraine có thể được đưa ra nếu không có sự tham gia của Ukraine.

Vào ngày 16 tháng 2, Rubio tuyên bố rằng các cuộc đàm phán ở Riyadh là bước thăm dò đầu tiên chứ không phải là đàm phán chính thức, và rằng Ukraine và Âu Châu sẽ tham gia khi các cuộc thảo luận chính thức bắt đầu.

[Kyiv Independent: Saudi Arabia wanted Ukraine represented at US-Russia talks, Bloomberg reports]

10. Máy bay điều khiển từ xa Shahed của Nga nguy hiểm hơn sau khi được cải tiến, theo báo cáo tình báo quân sự

Trong cuộc họp báo tại trung tâm báo chí Kyiv chiều Thứ Tư, Phát ngôn nhân Cục Tình Báo Quân Đội Ukraine, Đại Úy Andriy Yusov, cho biết quân Ukraine đã phát hiện thấy những thay đổi đáng kể ở máy bay điều khiển từ xa Shahed-136 mà Nga sản xuất hàng loạt.

Máy bay điều khiển từ xa Shahed-136, được gọi là Geran-2 ở Nga, hiện có đầu đạn nặng hơn và bộ phận chịu lực bổ sung được lắp trong thiết kế UAV.

Shahed-136 nâng cấp hiện mang đầu đạn 90 kg, gần gấp đôi sức chứa thuốc nổ của phiên bản 50 kg trước đó. Điều này tăng cường đáng kể khả năng phá hủy của nó.

Tuy nhiên, do tải trọng nặng hơn, tầm hoạt động của máy bay điều khiển từ xa đã giảm từ 1.350 km, hay 839 dặm, xuống còn khoảng 650 km, hay 404 dặm, hạn chế phạm vi hoạt động nhưng lại trở nên nguy hiểm hơn trong các cuộc tấn công tầm gần.

Một nhãn dán có dòng chữ “phụ tùng thiết bị nông nghiệp” bằng tiếng Anh và tiếng Trung, với ngày sản xuất là năm 2024, được tìm thấy trên một ăng-ten được sử dụng trong máy bay điều khiển từ xa.

Nga ngày càng sử dụng nhiều thiết bị điện tử do Trung Quốc sản xuất để thay thế các phụ tùng của phương Tây, bao gồm cả chip mạch quan trọng.

Nga đã điều động hàng ngàn máy bay điều khiển từ xa Shahed giá rẻ nhưng hiệu quả do Iran thiết kế chống lại Ukraine kể từ mùa thu năm 2022.

Máy bay điều khiển từ xa loại Shahed thường được sử dụng để tấn công các thành phố và cơ sở hạ tầng của Ukraine.

[Kyiv Independent: Russian Shahed drones more dangerous after modifications, military intelligence reports]

11. Ukraine bác bỏ tuyên bố của Putin về cuộc tấn công của Nga từ Kursk

Bộ Tổng tham mưu Ukraine đã bác bỏ tuyên bố của nhà độc tài Vladimir Putin rằng quân đội Nga đã phát động một cuộc tấn công vào Ukraine từ Tỉnh Kursk, phát ngôn nhân Bộ Quốc phòng Ukraine, Chuẩn tướng Oleksii Hromov, cho biết như trên hôm Thứ Năm, 20 Tháng Hai,.

Putin nói với giới truyền thông Nga vào ngày 18 tháng 2 rằng lực lượng Nga đã xâm nhập vào lãnh thổ Ukraine từ Tỉnh Kursk, một tuyên bố mà Chuẩn tướng Oleksii Hromov đã bác bỏ như là một phần của chiến dịch thông tin sai lệch.

Ông cho biết: “Kể từ đầu ngày, 12 cuộc giao tranh đã được ghi nhận ở Tỉnh Kursk, trong đó có ba cuộc vẫn đang diễn ra, còn số còn lại đã bị đẩy lùi”.

Theo Chuẩn tướng Oleksii Hromov, trong một trong những cuộc tấn công, quân đội Nga đã cố gắng tiến về phía biên giới quốc gia của Ukraine.

Ukraine bất ngờ tiến hành cuộc tấn công xuyên biên giới vào Tỉnh Kursk vào tháng 8 năm 2024, ban đầu chiếm được khoảng 1.300 km2, hay 500 dặm vuông, lãnh thổ Nga.

Trong khi lực lượng Ukraine đã mất gần một nửa khu vực đó, họ gần đây đã tiến được 2,5 km, hay 1,5 dặm, trong một cuộc tấn công mới.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine báo cáo vào tháng 2 rằng trong hơn sáu tháng giao tranh ở khu vực này, thương vong của Nga đã lên tới gần 40.000 quân nhân, trong đó có hơn 16.000 người thiệt mạng. 909 người khác đã bị bắt làm tù binh chiến tranh.

Ukraine có thể đang muốn sử dụng chỗ đứng của mình ở Tỉnh Kursk làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán hòa bình tiềm năng.

Lực lượng của Nga ở Tỉnh Kursk đã được tăng cường thêm quân đội Bắc Hàn, được điều động vào mùa thu năm ngoái để hỗ trợ chống lại cuộc tấn công của Ukraine.

Tổng thống Volodymyr Zelenskiy lưu ý rằng cuộc tấn công đã làm gián đoạn khả năng tiến hành các hoạt động quy mô lớn của Nga ở đông bắc và nam Ukraine.

[Kyiv Independent: Ukraine refutes Putin's claims of Russian offensive from Kursk Oblast]